Ngày 06-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Linh Mục, những tôi tớ loan báo Tin Mừng của Chúa
Đức Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ
01:42 06/01/2023

LINH MỤC, NHỮNG TÔI TỚ LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA CHÚA
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ TẠI NHÀ NGUYỆN RIÊNG DỊP CÁC LINH MỤC:
- PHAOLÔ TRẦN THANH DANH;
- MICAE NGUYỄN VĂN GIANG;
- GB NGUYỄN MINH HÙNG;
- ĐAMINH-TRẠCH CAO XUÂN KHẢI;
- GB TRẦN ĐÌNH PHÙNG
THUỘC GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG KỶ NIỆM 20 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC NGÀY 22.12.2020 (cách đây hai năm).

Nhân dịp Đức Cha Phêrô tròn 24 năm Giám mục (1999 - 6.1 - 2022), người viết xin ghi lại bài giảng của Đức Cha, trước là xin kính dâng Đức Cha như món quà tinh thần, sau là muốn tỏ lòng biết ơn Đức Cha và muốn tự nhắc nhở mình về lời dạy quý báu mà Đức Cha dành cho.

Ân huệ mà chúng ta nhận được là do lòng quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta cảm thấy cần phải bày tỏ lòng biết ơn Ngài và vui mừng, hết lòng tạ ơn Chúa đã ban cho tất cả những ân huệ ấy.

Tạ ơn Chúa, vì đó là bản lĩnh của đời sống tôn giáo, là nền tảng của lòng biết ơn nơi con người.

Chúng ta cảm thấy được đánh động và vui thỏa khi khám phá ra những nền tảng mầu nhiệm từ nơi Thiên Chúa, đặc biệt là sự tốt lành của Thiên Chúa luôn luôn dành cho chúng ta. Nên chúng ta cảm tạ Người.

Nhưng tất cả những điều cao quý ấy, Chúa không chỉ cho chúng ta mà thôi, mà còn cho cả nhân loại.

Và trong những hồng ân Chúa ban cho nhân loại, thiên chức linh mục là đặc ân cao quý nhất.

Để tỏ lòng yêu thương nhân loại, Chúa chuộc tội, Chúa yêu cho tới cùng, yêu mãi mãi. Trong bữa tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền chức Thánh. Hai bí tích này gắn liền với nhau, gắn liền với con người linh mục để phục vụ ơn phần rỗi của toàn nhân loại.

Để có Thánh Thể, phải có người làm ra Thánh Thể. Chỉ có linh mục mới có thể làm ra Thánh Thể. Chúa Giêsu, linh mục duy nhất và đời đời của Thiên Chúa Cha. Chỉ mình Người mới có thể dâng lên của lễ đẹp lòng Chúa Cha và có giá trị đền tội nhân loại.

Chính Người có sáng kiến làm ra bí tích Thánh Thể biểu thị và báo trước hy lễ Người sẽ hiến tế trên đồi Canvê. Đồng thời, truyền cho các tông đồ làm lại để tưởng niệm công cuộc cứu chuộc Người đã thực hiện qua cái chết trên thập giá và sẽ phục sinh vinh hiển

Chính khi ra lệnh cho các tông đồ làm lại các nghi thức Người đã làm trước khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền hành động nhân danh Người và với tư cách của Người.

Với quyền này, các linh mục có thể làm ra Thánh Thể, có thể tái diễn hy lễ thánh giá, có thể tha tội, có thể chuyển tải công phúc Người đã lập cho muôn người qua mọi thời đại và cho cả thế giới.

Chúng ta không biết lấy gì mà tạ ơn Thiên Chúa. Chắc chắn đây là những tư tưởng nổi bật của các cha trong ngày kỷ niệm thụ phong.
Tuy nhiên, đây không chỉ là tâm tình riêng của các cha mà thôi, nhưng là tâm tình của tất cả mọi người. Vì ơn linh mục là ơn mà Chúa ban không chỉ cho linh mục mà là để phục vụ và mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.

Vì Thế, linh mục là người đã được tuyển chọn giữa muôn người, làm những công việc liên hệ tới Thiên Chúa, hầu mưu cầu lợi ích thiêng liêng không phải chỉ cho riêng linh mục nhưng là cho tất cả mọi người.

Vì thế, không ai làm linh mục cho chính mình, nhưng làm linh mục cho mọi người và vì mọi người. Hiểu được điều này nên mọi linh mục phải thuộc nằm lòng điều mà thánh Phaolô đã nêu lên với giáo dân Côrintô: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".

Người muốn nói rằng, Chúa Kitô đã chết thay cho chúng ta, chết để đền tội thay cho loài người. Vì thế, từ nay không ai có quyền sống cho riêng mình nữa mà phải sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.

Đó chính là điều cốt lõi của tình yêu. Tình yêu đáp trả bằng tình yêu. Chúa yêu chúng ta, Chúa đòi chúng ta phải đáp lại tình yêu của Chúa. Tình yêu đơn phương là tình yêu đi vào ngỏ cụt. Đối với mọi người đã vậy. Đối với các linh mục, nghĩ vụ này còn cần thiết hơn nữa. Vì các ngài đã hứa nhận Chúa Kitô làm gia nghiệp đời mình để tiếp tục sứ vụ của Người, xả thân mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.

Chắc chắn mọi linh mục phải luôn luôn nhớ đoạn Tin Mừng thánh Gioan thuật lại biến cố tại biển hồ Tibêria với mẻ cá lạ lùng sau khi vất vả thả lưới mà không bắt được con cá nào. Hình như Chúa muốn nhắc lại cho các tông đồ hiến lễ Người đã thiết lập chiều thứ năm, trước khi Người dâng mình chịu chết trên thánh giá.

Sau mẻ cá lạ lùng ấy, Chúa đã dọn sẵn bánh, cá và rượu, rồi nói với các ông: "Các con hãy đến mà ăn". Rồi người cầm lấy bánh và cá trao cho các tông đồ. Khi các ông dùng xong, Người hỏi thánh Phêrô ba lần: "Phêrô con có yêu mến Thầy không?". Người buộc Phêrô phải trả lời ba lần: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy". Sau mỗi lần nói lên lòng yêu mến của mình, thánh Phêrô được Chúa trao phó nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Người.

Sự kiện này muốn nói các linh mục là môn đệ Chúa Kitô. Không những các ngài phải sống cho Chúa mà còn phải sống cho đoàn chiên mà Chúa trao phó cho các ngài.

Vì yêu thương chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã tự dâng hiến bản thân chịu chết cho chúng ta. Trước tình yêu cao cả ấy, chúng ta cảm thấy được thúc bách phải đáp lại, từ nay chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Mà sống cho Thiên Chúa cũng là sống cho mọi người như thánh Gioan đã quả quyết: "Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà không thương yêu anh em, đó là kẻ nói dối".

Bởi vậy, các linh mục phải dâng hiến đời mình để sống cho Chúa và cho mọi người. Các ngài phải hiến dâng những gì thuộc về mình, hiến dâng cả tài năng, sức khỏe, thời giờ, của cải... để tỏ lòng yêu mến Chúa, đưa mọi người về với Chúa Kitô, để tất cả được nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Vì thế, quy tụ lại đây, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta, khi mừng lễ kỷ niệm thụ phong linh mục, biết trung thành giữ vững và thực hành điều đã hứa với Chúa là quyết tâm theo Chúa trong ngày gia nhập hàng giáo sĩ, để mãi mãi trung thành với tình yêu của Chúa nhằm xả thân phục vụ mọi người.

Với tất cả hồng ân Chúa trao cho chúng ta, từ khả năng, thân xác, linh hồn, các tài năng, vật chất và tinh thần..., chúng ta phải làm lợi cho danh Chúa, cho phần rỗi của mình và anh chị em mà mình được mời gọi phục vụ.

Nên nhớ rằng, Chúa ban cho ai phương diện nào, thì Ngài cũng muốn người đó phải chia sẻ phương diện đó. Nói khác đi, chúng ta không sở hữu những gì chúng ta có, nhưng chỉ là những quản lý. Chỉ có Chúa mới thực sự là sở hữu, mọi thứ đều quy về Người.

Và nếu là quản lý, chúng ta có nhiệm vụ làm theo ý chủ. Mà ý của Chúa là ta phải biết sử dụng những gì Chúa ban cho, trước hết phụng sự Chúa, sau đó là phục vụ anh chị em đồng loại.

Vì thế, hôm nay kỷ niệm thụ phong linh mục, chúng ta hãy nhớ đến những ơn Chúa ban, như làn gió mà chúng ta lãnh nhận, không phải cho riêng cá nhân chúng ta, nhưng để phục vụ mọi người. Bởi vì chúng ta là những người được Chúa sai đi.

Mà sai đi là để rao giảng Tin Mừng, hay nói bằng khiểu nói khác, đó là loan báo Tin Mừng, loan báo tình thương của Chúa. Việc rao giảng là việc rất cấp bách. Vì Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người.

Trên thế giới hiện nay, số người Công Giáo mới chỉ khoảng một phần của nhân loại. Mà chương trình của Chúa là chúng ta phải loan báo Tin Mừng để tất cả mọi người được cứu độ. Vậy mà chúng ta vẫn chưa làm được, chưa loan báo cho đầy đủ. Vì thế, còn phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn.

Bởi tất cả những người chưa biết Tin Mừng là chưa biết được một tin rất vui. Đó là tin được tham dự vào sự sống đời đời, được Thiên Chúa tuyển chọn, được Thiên Chúa chia sẻ chính sự sống của Người.

Vì thế, xin cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng xả thân phục vụ ra đi rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người, nhằm mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Từ đó, chúng ta xứng đáng là những tôi tớ linh mục của Chúa, xứng đáng đạt được điều mà Chúa hứa: "Hỡi những tôi tớ trung tín và khôn ngoan, hãy đến mà hưởng niềm vui của Chủ ngươi".

Bài giảng của Đức Giám Mục PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường
(Lm JB Nguyễn Minh Hùng ghi chép chép và đề tựa)
 
Ngày 07/01: Hễ Người bảo gì, phải làm theo – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
02:36 06/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có Mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, Mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu nói với Mẹ: "Hỡi bà, Tôi với bà có can chi đâu, giờ Tôi chưa đến". Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, phải làm theo". Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái; mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc", và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: "Ai cũng đều đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon cho tới giờ này".

Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana, xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người, và các môn đệ Người tin Người.

Đó là lời Chúa
 
Chúa Hiển Linh tình trao tặng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:41 06/01/2023

CHÚA HIỂN LINH TÌNH TRAO TẶNG

Tình yêu luôn thôi thúc người ta cho đi: yêu ít thì cho ít, yêu nhiều thì cho nhiều, yêu hết mình thì cho đi tất cả. Thiên Chúa là tình yêu nên đã trao tặng Con Một Ngài cho chúng ta. Và Chúa Con đã trao ban cả mạng sống Ngài để cứu độ chúng ta. Thế nên, Chúa hiển linh là sáng lên tình trao tặng.

1. Tình Chúa tặng ban. Chúa Giêsu Giáng Sinh như quà tặng vô giá Thiên Chúa tặng ban không chỉ cho riêng dân Do Thái, mà cho muôn dân bốn phương đông tây nam bắc được diễn tả qua việc các vua chúa (các nhà chiêm tinh, các đạo sĩ) từ phương Đông đến bái lạy Hài nhi Giêsu. Chúa Hiển Linh đã trao tặng ánh sáng vinh quang của Chúa như bình minh chiếu toả trên nhân loại, để mọi người lòng dạ hớn hở và mặt mày rạng rỡ mừng vui hưởng ơn cứu độ.

2. Tình người dâng tiến. Các vua sấp mình thờ lạy và dâng tiến Hài Nhi Giêsu những lễ vật quý giá là vàng, nhũ hương và mộc dược. Trước khi dâng tiến ba lễ vật này, thì các vua cũng đã dâng Chúa thời gian và công sức khi từ phương xa lặn lội đi tìm gặp Chúa. Nhất là khi các vua quyền uy lại sấp mình thờ lạy Hài Nhi bé bỏng thì các vua đã dâng tiến cả con người, cả cuộc đời của mình cho Chúa. Như vậy, chúng ta cần xem tình dâng tiến của mình với Chúa ra sao: Có siêng năng đi lễ? Tham dự lễ có sốt sắng, trang nghiêm cung kính? Có quảng đại công đức, dâng cúng cho Chúa không?

Mừng Lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta nhận thấy tình Chúa trao ban, thấy Chúa nơi người khác, và để Chúa chiếu tỏa sáng lên trong chính bản thân mỗi người. Cách tốt nhất để Chúa hiển linh là sống tình trao tặng tỏa sáng yêu thương. Trong ánh sáng rực rỡ yêu thương như thế, mọi người có thể cảm nghiệm, nhận thấy và thốt lên: Ôi, Chúa đây rồi! Amen.
 
Lê Chúa Hiển Linh
Lm. Nguyễn Kim Long
14:32 06/01/2023
Lê Chúa Hiển Linh

Thưa anh chị em,

- Những ngày cuối năm 2022 vừa qua, thế giới ngậm ngùi chia tay với 2 ngôi sao sáng vừa tắt lịm: ngôi sao vua bóng đá Péle và ngôi sao ĐGH danh dự Bê nê dict 16. Péle với tài năng của mình đã làm cho những người hâm mộ bóng đá say mê, kiếm đuọc nhiều tiền và khi qua đời để lại gia tài khoăng 100 triêu dollars. ĐGH Bê nê dict 16, bằng trí thông minh sáng suốt và niềm tin vững chắc, di chúc cho Giáo hôi và nhân loại, không phải 1 đống tiền, nhưng là những tác phẩm thần học và suy tư đạo đức sâu săc và tuyệt vời. Khi 2 ngôi sao này qua đời và được an táng trong cùng một tuần, rât nhiều người, cảm nhận được gương sáng chiếu tỏa, đã đến kính viếng và tham dự thánh lễ, đặc biệt có những khẩu hiệu muốn phong thánh ngay cho ĐGH Bê nê dict.

- Hôm nay Giáo hội hân hoan mừng Lễ Chúa Hiển Linh, kỷ niệm lại biến cố Hài nhi Giê-su là Thiên Chúa, tỏ mình ra cho nhân loại qua 3 nhà Đạo sĩ Phương Đông theo ánh sao lạ tìm đến tôn thờ. Không biết anh chị em đang ngồi đây, buổi tối, sau khi ở tiệm nails về, có dịp ra sau nhà nhìn lên bầu trời để ngắm xem và đếm các ngôi sao không? Những ai trước đây có đi hướng đạo thì được dậy cho đếm các ngôi sao vào ban tối Với anh chị em, chắc ít khi hoặc không có thời gian luôn vì bận bịu đi làm từ sáng tới tối mời về thì còn thời gờ đâu mà ngắm sao (thậm chí không có đủ giờ ngủ nữa, cho dù ngủ từ 12 giờ đêm tới 7AM).. và rồi có ngắm đi nữa thì cũng chằng bận tâm gì.

- Theo truyền thuyết kể lại, 3 nhà Đạo sĩ có tên: Balthasar, Melchior và Gasper, cũng là các nhà chiêm tinh hay vũ trụ học, chuyên nghiên cứu về những hiện tượng xảy ra trong trời đất, đã phát hiện một ngôi sao lạ xuất hiện trong bầu trời. Sau khi tìm hiểu cẩn thận, các ông biết rằng ngôii sao lạ này báo hiệu một nhân vật quan trọng đã sinh ra và sẽ là vị cứu tinh cho nhân loại. Các ông đã quyết tâm lên đường tìm kiếm. Đây chính là nguồn gốc của Thánh Lễ mà trước đây được gọi là lễ Ba Vua, nhưng hiện nay Phụng vụ đổi là Lễ Hiển Linh.

- Từ truyền thuyết trên và qua tường thuật của trang Tin mừng Thánh Mát-thêu, có lẽ anh chị em cũng như tôi nghĩ là việc 3 nhà Đạo sĩ này tìm đến tôn thờ Chúa sao mà dễ dàng quá dzậy. Thấy ngôi sao lạ, trí tò mò thúc đầy, các ông cuốn gói lên đường liền. Tuy nhiên nếu đọc lại kỹ đoạn Tin mừng, suy tư và tìm hiểu chút lịch sử, anh chị em nhận ra rằng:

1.Đây là một hành trình dài, gian khổ, không biết đi về đâu được thực hiện với lòng trung thành và chân thành.

- 3 nhà Đạo sĩ là những người ngoại đạo, chưa một lần được biết hay nghe nói về Chúa, và hơn nữa, lại là những người giàu có, quyền thế và thông thái. Theo quan niệm bình thường, khi không bị ràng buộc do trách nhiệm và có dư đầy của cải, danh vọng trong cuộc sống, người ta thích ngồi đó ăn chơi, hưởng thụ chứ tội gì phải làm thêm cho vất vả hay rước vào mình những cái phiền phức. Các nhà Đạo sĩ đã không nghĩ như thế, các ông không để cho vật chất và quyền lực cản bước tâm hồn khao khát tìm kiếm chân lý, học biết sự thật.

- Chính tấm lòng chân thành này đã giúp các ông tìm ra dấu chỉ của ánh sao lạ trong bầu trời bao la, cho sức mạnh và can đảm bỏ lại các tiện nghi cuộc sống, trung thành tiến bước một hành trình dài với bao gian khổ, nguy hiểm và có lúc muốn tháo lui vì mất niềm hy vọng. Cuối cùng, họ đã tìm đến không phải một cung điện nguy nga, sang trọng, như có thể họ đã tưởng tượng; nhưng là một chuồng bò tồi tàn, hôi thối, chiêm ngắm và tôn thờ một Hài nhi mang tên Giê-su, một Thiên Chúa giàng sinh làm người, nằm trong máng cỏ giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ. Như vậy, hành trình của 3 nhà Đạo sĩ tìm đến thờ lạy Chúa Hài nhi Giê-su là hành trình của lòng trung thành và chân thành.

- Lễ Chúa Hiển Lình là biến cố Chúa Hài nhi Giê-su tỏ mình ra cho những ai có tâm hồn chân thành, trung thành, không tính toán và hiểm độc Vua Hê-rô-đê và những người biệt phái, dù thông thạo Kinh Thánh, nhưng không nhận biết và không được Chúa Chúa cho biết, vì tâm hồn họ chứa đầy những sự gian ác và tính toán. Thánh Giu-se, Đức Mẹ, các mục đồng và 3 nhà Đạo sĩ được Chúa tỏ mình vì các ngài có một tấm lòng đơn sơ, trung tín và chân thành.

2. Các ông dâng Chúa Hài nhi những món quà quí giá nhất.

- Ba nhà Đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài nhi Giê-su những món quà quí giá của mọi thời đại: Vàng –em bé này là Vua của nhân loại, Nhũ hương – em bé này là Thiên Chúa và Mộc dược – ướp xác em sau này.

Thưa anh chị em,

- Mừng Lễ Chúa Hiển Linh, anh chị em dâng lời chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa, vì yêu thương, đã mạc khải chính mình ra cho con người nhận biết Ngài. Anh chị em được mời gọi khám phá những ngôi sao sáng trong cuộc sống và thực hành lòng chân thành với nhau. Những ngôi sao này đang hiện diện ở mái ấm gia dình qua tấm gương thánh thiện, yêu thương và hy sinh của ông bà, cha mẹ, nơi những anh chị em công khai hoặc âm thầm góp phần xây dựng Giáo xứ, và trong những người quảng đại phục vụ cho cộng đồng nhân loại. Chính những ngôi sao sáng này sẽ chỉ đường và giúp anh chị em găp được Chúa mỗi ngày.

- Anh chị em cũng đừng quên dâng cho Chúa những món quà quí giá của riêng mình. Chắc chắn Chúa Hài nhi không cần tiền,danh vọng, quyên lực, áo quần, bánh kẹo và đồ chơi…. Nhưng Ngài thích những món quà của tình bác ái, sự giúp đỡ và quan tâm anh chị dành cho gia đình, cho con cái và cho giáo xứ.

Xin Chúa Hiển Linh chúc lành cho anh chị em.

LM Nguyễn Kim Long
 
Sức mạnh mềm
Lm Minh Anh
15:23 06/01/2023

SỨC MẠNH MỀM
Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!”.

Giáo sư Joseph Samuel Nye phân biệt sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Sức mạnh cứng dùng vũ lực, quyền uy, mưu lược, đe doạ hoặc mị dân mà cưỡng bức người khác tuân theo, hầu tìm sự đồng nhất bên ngoài; sức mạnh mềm dựa vào các giá trị nhân văn, giáo dục, ngoại giao, truyền thông, nghệ thuật mà thuyết phục người khác đạt được sự đồng thuận bên trong. Sức mạnh cứng làm cứng lòng người, sức mạnh mềm làm mềm lòng người!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay cho biết, có một thục nữ đã áp dụng ‘sức mạnh mềm’ của Samuel Nye đến tuyệt vời. Thục nữ ấy không ai khác là Mẹ Maria! Chỉ một lời nhẹ nhàng, “Con ơi, họ hết rượu rồi”; thế mà, động lòng trời, xiêu lòng Con, dẫu giờ của Ngài chưa đến! Cũng chỉ một lời “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!” thì thầm với gia nhân; thế mà họ răm rắp, không thắc mắc hoặc ngại nhọc, đổ nước đầy các chum. Nước hoá thành rượu, ấm áp lòng người!

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!”. Câu nói tuy gãy gọn nhưng nói lên nhiều điều. Đó là một mệnh lệnh yêu thương Đức Maria nói với những người hầu trong tiệc cưới. Và dù những lời này được nói để mang lại phép lạ đầu tiên, và cũng là dấu chỉ nói lên thần tính của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta có thể tin chắc, Mẹ Maria cũng muốn nói những lời đó cho bạn và tôi. Thật là một mệnh lệnh đẹp đẽ của tình yêu! Khi chúng ta nghe những lời này ngỏ với chính mình, chúng ta nghe chúng như sự hướng dẫn hoàn hảo và liên tục của một người mẹ; Maria, Mẹ chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta thường làm những gì chúng ta muốn; chúng ta bị lôi kéo giằng co bởi những đam mê và ham muốn ngông cuồng; chúng ta đấu tranh với ích kỷ và thường đưa ra những chọn lựa sai lầm. Đây là thực tế đơn giản của tội lỗi mà chúng ta phải đấu tranh mỗi ngày. Nhưng nếu biết nghe lời Mẹ, lời của một ‘sức mạnh mềm’ phát xuất từ trái tim của một người mẹ nói với con, bạn và tôi chắc chắn sẽ có một hướng đi mới trong cuộc đời.

Làm theo ý Chúa trước tiên đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa. Nhưng làm sao để có thể thực hiện tốt điều này? Bởi lẽ, tâm trí chúng ta thường tràn ngập nhiều suy nghĩ và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều thứ; không chỉ những đam mê, cảm giác và cảm xúc rối loạn gây hoang mang mà còn rất nhiều tiếng nói đa dạng và khó hiểu trong chính thế giới đang sống. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi bao điều tốt xấu từ các phương tiện truyền thông, từ những điều đọc được, nghe được; và thậm chí bởi tên ác quỷ khi nó cám dỗ chúng ta ngày này qua ngày khác.

Nếu mỗi ngày chúng ta có thể tìm cách loại bỏ nhiều tiếng nói sai lạc trong cuộc sống và lắng nghe cho được tiếng nói đơn giản, rõ ràng và sâu sắc của Chúa Thánh Thần, thì chúng ta đã thực hiện được bước đầu tiên tốt đẹp. Từ đó, cần phải “làm” điều Chúa muốn. Nghe Chúa nói có thể khó, nhưng làm những gì Chúa dạy có thể khó hơn. Người ta nói, “Con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt!”. Chỉ ý định tốt là chưa đủ; làm theo ý muốn của Chúa với tất cả sức lực mình mới là điều đáng nói.

Anh Chị em,

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!”. Với mệnh lệnh của Đức Mẹ, hôm nay, bạn và tôi suy gẫm về câu hỏi kép này. Thứ nhất, tôi có thể nghe rõ những gì Chúa Thánh Thần muốn tôi mỗi ngày, hay tôi thường lầm lạc và dao động bởi những tiếng nói khác? Thứ hai, tôi thực hiện tốt thế nào những gì Chúa Thánh Thần đòi hỏi nơi tôi? Hãy suy gẫm những lời của Mẹ và nghe nó như một mệnh lệnh yêu thương thực sự từ Mẹ của chúng ta. Đừng quên, những lời này có một ‘sức mạnh mềm’, và bao nhiêu người đã nên thánh nhờ nó!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ, xin nói với con những lời này mỗi ngày. Giúp con lắng nghe tất cả những gì Giêsu, Con của Mẹ, yêu cầu; cho con mềm mỏng làm như Ngài dạy với cả tấm lòng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lửa Trời - Matt 2:1-12
Nguyễn Trung Tây
18:25 06/01/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Lửa Trời - Matt 2:1-12


Khi Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem, theo như thánh sử Mátthêu, những nhà Tu Sĩ Trung Đông ghé vào thành phố Giêrusalem hỏi thăm dân chúng trong kinh thành về tông tích của Đông Cung Thái Tử Giêsu. Theo như những nhà Tu Sĩ Trung Đông, từ phương Đông, họ đã nhìn thấy ánh sao sáng của Hài Nhi mới sinh ra. Và họ tìm đến thủ đô chính trị của Palestine để triều bái Ngài. Nhưng rất tiếc, Đông Cung Thái Tử không sinh ra tại thủ đô Giêrusalem, mà tại thôn làng Bethlehem (Matt 2:1-12). Dựa theo bài Tin Mừng của ngày Lễ Hiển Linh, chúng ta mới biết khi Ngôi Lời nhập thể, đã xuất hiện trên bầu trời một ngôi sao lạ. Ánh sáng ngôi sao lạ chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời mời gọi những nhà Tu Sĩ Trung Đông từ phương Đông lên đường hành hương tìm kiếm tông tích của Hài Nhi Thánh. Khi Ngôi Lời nhập thể, Thiên Đàng rọi sáng ngọn lửa mới chiếu rọi nhân gian đang ngồi trong bóng tối. Mùa Giáng Sinh do đó trở thành Mùa Lửa Trời.

Suy Niệm 1
Hồi xưa, khi thế gian chưa có lửa, người ta sống trong đêm đen bóng tối. Nhưng có lẽ vào một giây phút bất ngờ, nhân loại nhìn thấy sấm sét từ trời cao đánh thẳng vào cây khô. Cây khô bừng cháy phát ra những tia lửa bập bùng soi sáng một khoảng thời gian dài sống trong đêm đen của nhân loại. Gió trời nổi lên đốt thêm sáng ngọn lửa của trời. Lửa sắc lem lẻm lần tìm kiếm đường, bừng bừng đốt sáng rơm khô. Và thế là bắt đầu từ đó người ta học cách phùng mang trợn má thổi rơm đốt lửa. Lửa của sấm sét của trời cao thôi không còn lơ lửng cháy trên không trung, nhưng cháy bập bùng trên mặt đất, soi sáng những khuôn mặt tiền sử bán khai. Đêm đêm buông mình ru ngủ nhân loại, cả bộ tộc ngồi quanh đám lửa cháy. Lửa cháy tí tách ấm áp xua tan băng giá của trời mùa thu và mùa đông. Lửa xua tan hoang dại, chặn bước dã thú hùm beo. Bởi lửa, rắn bò xa, hổ chờn vờn không dám nhảy tới. Bởi lửa, sói hoang lìa bầy nằm ngủ ngoan hiền với con người, biến thành chó con vẫy đuôi mừng gọi. Bởi lửa, gấu không còn đe dọa nhân gian khi màn đêm buông phủ kéo màn. Bởi lửa, thịt tươi không còn đỏ máu, nhưng cháy vàng thơm ngon dưỡng nuôi, khiến bộ óc của con người ngày càng tăng trưởng và phát triển. Óc tăng, chất xám phát triển, nét hoang sơ biến mất, hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người hiện rõ, đậm nét. Lửa tách biệt con người và thú vật. Bởi có lửa, bởi biết giữ lửa cháy âm ỉ tro than, con người thôi không ăn lông ở lỗ. Họ bắt đầu biết chế tạo vũ khí cung tên lẫy nỏ. Thời kỳ đồ đá trôi vào quá khứ nhường ngôi lại cho thời kỳ đồ sắt đồ đồng.

Hồi xưa, có anh chàng thư sinh nhà nghèo, nghèo đến nỗi trong nhà không có một ngọn đèn dầu. Thế là anh chàng bắt đom đóm gom lại làm đèn trời soi sáng những trang sách thánh hiền. Nhờ những ngọn đèn của trời, nhờ những tia lửa đom đóm sáng soi một khoảng không gian của những trang giấy, chàng thanh niên đi thi, đậu Trạng Nguyên, trở về làng vinh quy bái tổ, võng anh đi trước, võng nàng theo sau.

Hồi xưa, Ngôi Trời nhập thể vào trong cung lòng cô thiếu nữ Maria. 9 tháng 10 ngày trôi qua, Ngôi Lời sinh ra biến thành Lửa Trời chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời tối đen. Và bắt đầu từ khi Lửa Trời he hé cặp mắt nhìn ra, đêm đen không còn tăm tối nữa. Hào quang Lửa Trời chiếu sáng rực rỡ nơi nơi. Lửa Trời xua tan băng giá đêm đông của những tâm hồn nát tan và vỡ vụn vì nghi ngờ và thù hận. Lửa Trời xua tan hoang dại của tội lỗi. Lửa Trời chặn đứng bước chân của hoang thú trong tâm hồn nhân loại. Lửa Trời dẫn dắt chó sói hoang dại biến thành chiên cừu hiền lành. Lửa Trời nướng thơm nồng năm ổ bánh mì, chiên cháy vàng hai con cá cho nhân gian. Có lương thực thiên đàng no lòng, chất xám tâm hồn phát triển. Con cháu Adam dần dần lột bỏ làn da Evà, biến thành những con người mới trong Đức Kitô. Bởi có Lửa Trời, thời kỳ đồ đá tội lỗi trôi vào quá khứ, nhường lại ngai vàng cho thời kỳ mùa xuân thiên đàng.

Bởi có Lửa Trời Đom Đóm đốt đèn soi sáng những trang sách của Ngôi Lời, người Kitô hữu miệt mài kinh sách hăm hở lên đường, cố tranh giải Trạng Nguyên trên kinh đô Nước Trời.


Suy Niệm 2
Hài Nhi sinh ra trong Đêm Cực Thánh chính là Ánh Sáng, là Lửa Trời mà các ngôn sứ đã tiên đoán trong Isa 60:1, “Giêrusalem! Hãy đứng lên! Hãy bừng sáng, bởi ánh sáng của ngươi đã xuất hiện. Vinh quang của Thiên Chúa [giờ đây] như bình minh chiếu tỏa rạng ngời trên ngươi”.

Khi Hài Nhi thánh hạ sinh, Lửa Trời đốt sáng cả một cõi trần gian và cả một cõi vũ trụ bao la. Khi Lửa Trời Giêsu nhập thể, tâm hồn của bạn và tôi không còn dầy đặc đêm đen bóng tối nữa.


Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong Mùa Giáng Sinh, xin hãy tiếp tục làm Lửa Trời soi đường dẫn lối con đi trên con đường hành hương về lại với chính mình, với tha nhân, và với Chúa.
□ (Trích Lm Nguyễn Trung Tây, Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)
 
Mẹ Thiên Chúa và tiệc cưới Cana
Lm. Nguyễn Trung Tây
20:48 06/01/2023
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chỉ ba tuần trước khi được Chúa gọi về Đức Bênêđíctô viết thư cho Đức Hồng Y Kasper
Đặng Tự Do
17:29 06/01/2023


Đức Hồng Y Kasper tiết lộ rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết thư cho ngài vào tháng 12 về ‘cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội’

Để tưởng nhớ Đức cố Giáo hoàng, người mà ngài đã biết từ năm 1963, Đức Hồng Y Walter Kasper tiết lộ rằng vào ngày 10 tháng 12, “Đức Giáo Hoàng Danh dự đã ưu ái viết cho tôi một lá thư bày tỏ mối quan tâm chung của chúng tôi trước cuộc khủng hoảng trong Giáo hội.” Đức Hồng Y nói thêm rằng “sự trung thành với nguồn gốc tông đồ ràng buộc và sự chú ý đến những vấn nạn mới của hiện tại” đã “xuất hiện” trong bức thư.

Trong bài tưởng nhớ đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma ngày 5 tháng Giêng, Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích bức tranh biếm họa về Đức Hồng Y Joseph Ratzinger như một Panzerkardinal hay Hồng Y thiết giáp và gọi ngài là “một nhà tư tưởng thần học dịu dàng” với “chiều sâu tâm linh tuyệt vời và khiếu hài hước nhẹ nhàng tinh tế”.

Đức Hồng Y Kasper cũng thừa nhận đã có “những bất đồng công khai” của ngài với Đức Bênêđictô.

“Tuy nhiên, nếu bất cứ ai suy luận từ điều này rằng có sự ghẻ lạnh hoặc thậm chí thù địch, thì người đó hiểu rất ít hoặc không hiểu gì về thần học. Trên thực tế, giống như bất kỳ ngành khoa học nào, thần học cũng phát triển nhờ tranh cãi, và một nhà tư tưởng được tôn vinh nhờ tư duy. Vì vậy, mối quan hệ của chúng tôi luôn được đặc trưng bởi sự tôn trọng lẫn nhau và trên hết là sự bắt nguồn chung trong đức tin của Giáo hội, cũng như trách nhiệm chung đối với sự hiệp nhất của Giáo hội và sự hiệp nhất đại kết lớn hơn của các Giáo hội.”

Đức Hồng Y Kasper, hiện 89 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo từ năm 2001 đến năm 2010. Ngài nói rằng ngài và Đức Bênêđictô XVI tiếp cận các vấn đề “từ những góc độ khác nhau” một phần vì sự khác biệt trong đào tạo thần học của các vị.

“Đức Joseph Ratzinger, với tư cách là một nhà thần học, hoàn toàn được uốn nắn bởi tinh thần của các Giáo phụ của Giáo hội, đặc biệt là của phương Tây, Thánh Augustinô, và bởi thần học của nhà thần học dòng Phanxicô, Thánh Bonaventura,” Đức Hồng Y Kasper nói. “Tôi đến nhiều hơn từ việc nghiên cứu các vấn đề hiện đại, và ngay từ rất sớm trong một bài luận, tôi đã đào sâu sự hiểu biết của mình về tư tưởng của Thomas Aquinas”.
Source:Tablet
 
Tổng thống Biden đến thăm đại sứ quán Vatican để tỏ lòng kính trọng với Đức Bênêđictô XVI
Đặng Tự Do
17:30 06/01/2023


Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Bênêđictô XVI, vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau sáu thế kỷ, sau khi lễ an táng ngài diễn ra trong một buổi lễ tại Vatican.

Đức Bênêđíctô, người đã trở thành giáo hoàng danh dự sau khi từ bỏ vai trò lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo vào năm 2013, đã qua đời ngày 31 tháng 12 ở tuổi 95.

Biden, người Công Giáo, đã đến thăm Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để ký sổ chia buồn.

“Đó là một vinh dự lớn,” Biden nói sau khi viết vào cuốn sách, cuốn sách được mở trên một chiếc bàn nhỏ với bức chân dung lớn của Đức Bênêđictô ở phía sau.

Biden viết: “Cùng với người Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ, tôi cùng bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô. Ngài là một học giả lỗi lạc và thực sự là một Thánh nhân. Tôi sẽ luôn trân trọng thời gian chúng tôi cùng nhau ở Vatican khi ngài còn là Giáo hoàng để thảo luận về thần học Công Giáo. Ngài là một nhà thần học vĩ đại và tôi đã học được nhiều điều trong vài giờ. Cầu mong linh hồn ngài được yên nghỉ vĩnh hằng bên Chúa”.

Biden nói với các phóng viên cuộc trò chuyện với Đức Bênêđíctô “làm tôi nhớ đến việc quay trở lại lớp thần học.”

“Tôi thấy ngài là người thoải mái và rất lý trí,” Biden nói, đồng thời nói thêm rằng Đức Bênêđíctô có “quan điểm bảo thủ hơn trong lĩnh vực Công Giáo so với tôi.”

Biden cũng cho biết ông đã hỏi về việc tham dự tang lễ của Đức Bênêđíctô nhưng kết luận rằng sự hiện diện của ông sẽ gây quá nhiều phiền phức vì có quá nhiều nhân viên an ninh, các phụ tá Tòa Bạch Ốc, các quan chức khác và nhà báo đi cùng ông.

“Chúng tôi sẽ cản đường,” Biden nói.
Source:Catholic News Agency
 
Cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein làm sáng tỏ vụ Vatileaks
J.B. Đặng Minh An dịch
17:31 06/01/2023


Cuốn sách mà Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein xuất bản cùng với Saverio Gaeta có tựa đề “Không có gì ngoài sự thật”, tiết lộ những năm bên cạnh Đức Bênêđictô XVI và làm sáng tỏ nhiều giai đoạn khác nhau của triều đại giáo hoàng, bao gồm cả vụ tai tiếng Vatileaks.

Dưới đây là bản dịch một trích đoạn liên quan đến vụ Vatileaks.

Ngay khi tôi lật qua cuốn sách Sua Santità, tiếng Ý có nghĩa là Đức Thánh Cha, có chữ ký của nhà báo Gianluigi Nuzzi, tôi nhận ra rằng một số tài liệu được trích dẫn, và thậm chí được chụp ảnh, đã chưa hề được gởi đến qua bất kỳ văn phòng nào khác của Vatican ngoại trừ văn phòng của tôi. Tôi đã đưa chúng cho Đức Giáo Hoàng. Ngài đã ký tắt vào đó và chỉ dẫn cách tiến hành, và tôi đã cất chúng trên giá phía sau bàn làm việc của mình. Vào thời điểm đó, tôi nhớ lại công việc của chúng tôi được tiến hành như thế nào trong phòng thư ký nằm cạnh phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng và hình dung ra rằng về cơ bản, ngoài thư ký thứ hai Xuereb và trợ lý Gabriele, không có ai vào đó.

Để đối mặt trực tiếp với tình hình, theo thỏa thuận với Đức Bênêđictô XVI, tôi đã triệu tập hai người họ vào sáng ngày 21, cùng với bốn nữ giáo dân tận hiến Memores và cả Sơ Birgit. Tôi hỏi từng người xem có giao tài liệu đó không thì họ đều kiên quyết phủ nhận. Vào thời điểm đó, tôi đã rất gay gắt và trực tiếp nói chuyện với Paolo, buộc tội anh ta về hành vi trộm cắp, lợi dụng việc anh ta có một chiếc bàn với máy tính để làm việc trong phòng. Khi túi công văn đến từ Phủ Quốc vụ khanh vào buổi sáng, tôi đã sắp xếp các thứ bên trong và nộp tài liệu cho Đức Giáo Hoàng để ngài đích thân đánh giá; ngài đã đọc, viết ra một số ghi chú và đôi khi yêu cầu làm rõ, và cuối cùng ngài đã trả lại cho tôi mọi thứ cùng với câu trả lời của ngài. Tài liệu và thư vẫn ở một nơi dành riêng trong văn phòng của tôi,

Paolo thường đi cùng chúng tôi, nhưng sau đó cậu ấy thường quay lại để làm công việc của mình. Có chìa khóa thang máy ở hành lang Sixtô V có thể đi lên và đi xuống mà không thu hút sự chú ý và vì trong lúc đó Xuereb cũng đang di chuyển, anh ấy thường có thể bị bỏ lại một mình. Sau này nghĩ lại, tôi nhận ra rằng, sau bữa trưa, anh ấy thường xuyên trở lại văn phòng và rời đi vào khoảng 3 giờ chiều (thông thường, anh ấy đến vào khoảng 7 giờ để dự Thánh lễ), tạo cảm giác rằng anh ấy phải bắt kịp công việc tồn đọng, vì vậy anh ấy đã có thời gian có sẵn cho những thứ của mình. Nhưng anh ấy sẵn sàng phủ nhận hoàn toàn sự thật, thậm chí tỏ ra khó chịu và hỏi tôi làm thế nào mà những nghi ngờ như vậy lại nảy sinh trong tôi.

Sau bữa trưa, tôi vào nhà nguyện và không ngờ gặp anh ở đó. Tôi đến gần anh ấy và yêu cầu anh ấy nói cho tôi biết sự thật về những gì anh ấy đã làm. Đó là thời điểm mà anh ta bắt đầu thừa nhận rằng anh ta đã gặp Nuzzi và đã đưa cho anh ta một số tài liệu. Tôi đã bị sốc bởi tiết lộ này. Việc xác nhận những nghi ngờ cũng là một đòn nặng nề đối với Đức Bênêđíctô, người về mặt tình cảm coi anh ta gần giống như một đứa con trai, cũng như đối với chúng tôi, các thành viên của gia đình giáo hoàng, anh ta thực tế là một người anh em, cũng như một đồng nghiệp trong công việc hàng ngày của chúng tôi. Tôi đã đề nghị với Đức Bênêđíctô bãi chức anh ta, yêu cầu ngài giao cho anh ta một nhiệm vụ khác bên ngoài ngôi nhà của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài chỉ trả lời đơn giản rằng không có chuyện đó.

Mặc dù đối với Đức Bênêđíctô, đó là một sự thất vọng lớn về mặt con người, trên hết là vì Paolo luôn có cơ hội nói chuyện riêng với ngài và làm rõ mọi nghi ngờ, quyết định tha thứ cho bản án của anh ta đã được đưa ra ngay cả trước khi anh ta chính thức xin ân xá, thông qua một lá thư vào đầu tháng 9, khi anh ta đã nhận ra lỗi lầm của mình và cầu xin Đức Giáo Hoàng tha thứ vì đã phản bội lòng tin của ngài. Đức Bênêđíctô đã đích thân trả lời, gửi cho anh ta một cuốn sách Thánh Vịnh với lời chúc phúc của ngài được viết trên trang đầu của cuốn sách.

Tuy nhiên, việc chờ đợi một thời điểm quan trọng về mặt tinh thần được cho là thích hợp để công khai việc ban lệnh ân xá và thời kỳ lễ Giáng Sinh đã được chọn. Vì vậy, vào ngày 22 tháng 12 năm đó, tôi tháp tùng Đức Giáo Hoàng đến doanh trại hiến binh nơi anh ta đang bị giam giữ và sau đó tôi để hai người nói chuyện với nhau. Tôi không bao giờ biết họ nói gì với nhau, nhưng tôi thấy Paolo đã rất cố gắng và tôi có cảm giác rằng anh ấy đã nhận ra hành vi thiếu thận trọng của mình đã gây ra bao nhiêu thiệt hại.

Trong nhiều năm, tôi không có tin tức gì về anh ấy, cho đến giữa tháng 11 năm 2020, bà Ingrid Stampa gọi cho tôi để thông báo rằng Paolo bị ốm nặng và hỏi tôi có thể đến gặp anh ấy được không. Để chắc chắn, tôi đã hỏi vợ anh ấy và cô ấy đã xác nhận mong muốn này. Tôi thấy anh rất tiều tụy và mệt mỏi, nhưng anh rất vui khi gặp tôi. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy muốn được hòa giải hoàn toàn với tôi, chúng tôi đã nói chuyện trực tiếp một cách bí mật và anh ấy yêu cầu tôi cho anh ấy nhận của ăn đàng; sau đó chúng tôi cùng cầu nguyện với vợ và ba đứa con của anh ấy. Vài ngày sau, vào ngày 24 tháng 11 năm 2020, anh ấy qua đời và tôi, Đức Hồng Y Harvey và Đức Tổng Giám Mục De Nicolò đã tham dự Thánh Lễ an táng do Đức Hồng Y Konrad Krajewski chủ sự. Sau đó, chúng tôi đã không bỏ lỡ một số trợ giúp cho gia đình.
Source:Il Messaggero
 
Một số hình ảnh và âm thanh đáng lưu ý từ tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
Vu Van An
18:04 06/01/2023

Đăng trên trang mạng National Catholic Register, ký giả Jonathan Liedl (https://www.ncregister.com/blog/sights-and-sounds-from-benedict-xvi-funeral) ghi nhận một số hình ảnh và âm thanh đáng lưu ý trong Thánh lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô:



Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người mà toàn bộ dự án thần học chỉ tập trung vào con người của Chúa Kitô, đã từng mô tả Chúa Giêsu là Đấng “trong đó tình yêu của Thiên Chúa ngự xuống trên con người”.

Thời tiết tại tang lễ của vị Giáo hoàng uyên bác hôm nay đã cung cấp một minh họa thơ mộng cho sự thật đó - một làn sương mù nhẹ bao phủ Vương cung thánh đường Thánh Phêrô khi Giáo hội hoàn vũ trao phó Đức Bênêđictô cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

“Đám mây thánh, shekinah, là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Đám mây lơ lửng trên Lều Hội Ngộ cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện,” cố Giáo hoàng viết như thế trong Tập Một của bộ ba tác phẩm Chúa Giêsu thành Nadarét của ngài.

Sương mù, tan trong suốt Thánh lễ khi mặt trời buổi sáng ở Rôma ló dạng, cũng gợi nhớ đến việc sử dụng hương truyền thống trong phụng vụ của Giáo hội - và cùng với đó, sự tận tâm không mệt mỏi của Đức Bênêđictô trong việc khôi phục di sản phụng vụ vĩ đại đã bị che khuất trong thời kỳ hỗn loạn, sau Công đồng Vatican II.

Các yếu tố khác về nhân cách và di sản của Giáo hoàng Bênêđíctô được thể hiện trong nghi thức tang lễ - và trong đám đông 50,000 người hành hương đến cầu nguyện cho ngài.

Kinh nguyện Thánh Thể III, trái ngược với Kinh nguyện Rôma dài hơn và cổ xưa hơn, đã được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ của giáo hoàng từ thế kỷ thứ bảy, được sử dụng trong phụng vụ, rõ ràng là phù hợp với sở thích của Đức Bênêđictô.

Ngôn ngữ mẹ đẻ của Đức Giáo Hoàng xuất thân từ xứ Bavaria cũng được thể hiện trong ngôn ngữ của Thánh Lễ, nhưng chỉ trong Kinh Cầu Tín Hữu, trong khi các bài đọc lần lượt được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, và Tin Mừng được đọc bằng tiếng Latinh.



Nhưng mối liên hệ với người Đức cũng khá hiển hiện trong các cách thế khác biệt. Lá cờ Rautenflagge màu xanh và trắng của Bavaria hiện diện khắp nơi trong đám đông, khi những người hành hương từ quê hương của vị giáo hoàng người Đức đầu tiên trong 1,000 năm xuất hiện đông đảo để cầu nguyện và cử hành cuộc đời của nhân vật sinh ra với tên Joseph Ratzinger.

Một nửa phần những hàng ghế đầu ở Quảng trường Thánh Phêrô chật ních người Đức mặc trang phục truyền thống của xứ Bavaria và cầm cờ hiệu có trang trí các biểu tượng của văn hóa và lòng mộ đạo Đức, nhiều người trong số họ là thành viên của các hội huynh đệ Công Giáo địa phương, bao gồm cả hội mà gia đình Ratzinger từng tham gia. Khi Thánh lễ kết thúc, các biểu ngữ có nội dung “Danke Papst Benedikt” (Cảm ơn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô) đã được giương cao, và một ban nhạc kèn đồng của Đức bắt đầu chơi một bài hát tưởng nhớ truyền thống khi các giáo dân chào mừng vị Giáo hoàng đã khuất.

Sự hiện diện của người Đức tại Quảng trường Thánh Phêrô cũng đặc biệt trẻ, khi các gia đình có trẻ nhỏ và nhiều thanh niên hiện diện trong số những người cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô.

Nhưng thiếu một yếu tố của Công Giáo Đức: nhiều giám mục của đất nước. Mặc dù những người như Giám mục Rudolf Volderhozer của Regensburg và Giám mục Stefan Oster của Passau đều có mặt, nhưng những nhân vật như chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing của Limburg, lại vắng mặt một cách đáng chú ý.

Sự hiện diện của rất nhiều người Công Giáo Đức trẻ tuổi cùng với sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo phẩm trật có thể là một dấu hiệu cho thấy mặc dù giới lãnh đạo Giáo hội ở Đức hiện đang đi theo một con đường khác với con đường mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô vạch ra, nhưng tương lai của Công Giáo Đức có nhiều khả năng sẽ ở trong khuôn khổ của ngài.

Người ta tưởng tượng rằng điều này có thể đặc biệt xảy ra nếu Giáo hoàng Bênêđíctô được phong thánh hoặc được công nhận, như nhiều người tin rằng ngài sẽ là tiến sĩ của Giáo hội. Nhiều người trong đám đông hôm nay dường như nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra, khi hô vang “Santo Subito!” (Phong Thánh ngay lập tức!) phát ra một cách tự nhiên từ những người tụ tập, trong khi những người khác giương cao các biểu ngữ truyền đạt cùng một thông điệp. Người ta cũng có thể nghe thấy tiếng hô “Benedetto” sau khi Phụng vụ Thánh Thể kết thúc.

Nói chung, tuy tang lễ của Đức Bênêđictô XVI có thể không huy hoàng tráng lệ như các tang lễ của các vị giáo hoàng trong quá khứ, nhưng nó gói gọn sâu sắc tinh thần của vị Giáo hoàng kính yêu: khiêm tốn, thân mật và tập trung vào tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.
 
Người Công Giáo Đức: Khi qua đời, Đức Bênêđictô XVI sẽ có ‘Tác động mới’ đối với họ
Vu Van An
19:21 06/01/2023

Jonathan L. Liedl, trên rang mạng National Catholic Register ngày 6 tháng 1, 2023 (https://www.ncregister.com/news/german-catholics-in-death-benedict-xvi-will-have-new-impact-upon-church-in-their-homeland) cho rằng dù thông qua việc xem xét lại thần học của ngài hay thông qua sự cầu bầu có thể có từ thiên đàng của ngài, những người Công Giáo Đức tham dự tang lễ của cố giáo hoàng đều nhận thấy vai trò to lớn của người gốc Bavaria trong cuộc khủng hoảng giáo hội đang diễn ra ở đất nước họ.



Thực vậy, Đức Bênêđictô XVI có thể đã yên nghỉ ngày hôm qua, nhưng tác động của ngài đối với Giáo hội thì còn lâu mới kết thúc. Trên thực tế, người Công Giáo Đức hy vọng rằng sự ra đi của Đức Bênêđictô sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về ảnh hưởng của ngài đối với Giáo hội tại quê hương của họ - đặc biệt là vào thời điểm mà Giáo hội ở Đức tiếp tục bị rung chuyển bởi Đường lối Đồng nghị bị chỉ trích nhiều.

Birgit Kelle, phát ngôn viên của New Beginning (Neuer Anfang), một phong trào của người Công Giáo Đức phản đối Con đường Đồng nghị, cho biết: “Việc Đức Bênêđíctô qua đời vào thời điểm khủng hoảng này gợi lên tất cả những cuốn sách của ngài, tất cả những sự thật mà ngài đưa ra, tất cả những điều ngài đã nói với chúng tôi, đặc biệt trong tư cách người Đức. Điều này phải có một tác động mới đối với cuộc thảo luận ở Đức. Bởi vì con người này đại diện cho tất cả những gì [các nhà hoạt động của Con đường Đồng nghị] không muốn.”

Đặc biệt, Kelle, một nhà báo và tác giả nổi tiếng người Đức, đã trích dẫn sự chống lại thuyết tương đối của Đức Bênêđictô và cam kết của ngài trong việc bảo vệ bản chất không thay đổi của các chân lý đức tin.

Ngược lại, cô cho biết các nhà hoạt động của Con đường Đồng nghị “cố gắng bỏ phiếu cho sự thật” để họ có thể thay đổi Giáo hội cho phù hợp với một chương trình nghị sự tiến bộ, thế tục. Trong số những thay đổi mà Con đường Đồng nghị đòi hỏi, vốn không có tư cách giáo luật, bao gồm việc nỗ lực phong chức cho phụ nữ và sự chấp nhận về luân lý việc làm tình giữa những người cùng giới tính.

Kelle nói với Register, “Chúng tôi không cần thay đổi. Chúng tôi cần đổi mới”.

Johannes và Ferdinand Herder, anh em từ khu vực Munich, những người cũng có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô để dự tang lễ của Đức Bênêđictô, đồng ý cho rằng Đức Bênêđictô sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các tín hữu Đức, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này.

Ferdinand nói, “Ngài đang tìm kiếm sự thật, và sự thật là phi thời gian. Có một di sản lớn mà ngài đã để lại cho chúng tôi và rất nhiều điều chúng tôi có thể tiếp tục khai triển”.

Chỉ trích từ quê nhà

Có lẽ nhận thức được tầm quan trọng mới mà sự ra đi của Đức Bênêđictô mang lại cho di sản thần học của ngài, các phương tiện truyền thông ủng hộ Con đường Đồng nghị của Đức đã chuyển sang chế độ tấn công vị Giáo Hoàng Hưu trí trong những ngày sau khi ngài qua đời - và, ít nhất trong một trường hợp, ngay cả trước khi ngài qua đời.

Tờ báo cánh tả Taz đã phát hành cáo phó cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô vào ngày 30 tháng 12, sau khi vừa có công bố về sức khỏe của ngài đang giảm sút, nhưng trước khi ngài qua đời vào sáng ngày 31 tháng 12. Các ấn phẩm khác của Đức đã nhanh chóng làm mất uy tín của vị giáo hoàng đầu tiên người Đức trong 1,000 năm: tờ Zweites Deutsches Fernsehen, một cơ quan phát tuyến công cộng của Đức, cho rằng: Ngài phải chịu trách nhiệm về một “Giáo hội đang hấp hối” vì đã phản đối những cải cách tiến bộ. Trong khi đó, trang blog “linh đạo” Công Giáo Feinschwarz đã viết rằng “nỗi sợ thay đổi xã hội” là yếu tố thống nhất trong các quan điểm và lập trường thần học của Đức Bênêđíctô trong suốt nhiều năm.

Đối với Kelle, lời giải thích cho những vụ bêu xấu này ngay sau cái chết của Đức Bênêđíctô là điều rõ ràng.

Cô nói, “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đại diện cho chân lý đức tin của chúng tôi. Và tôi nghĩ đó là lý do tại sao họ không muốn nhớ đến ngài và dành cho ngài sự tôn trọng mà ngài xứng đáng.”

Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, một triết gia người Đức và là người đoạt giải thưởng Ratzinger danh giá năm 2021, nói với tờ Register rằng việc chống đối Đức Bênêđictô XVI ở Đức đã được hỗ trợ bởi một phương tiện truyền thông “phóng chiếu hình ảnh của một vị giáo hoàng ngoan cố giáo điều — mà không cần đọc các tác phẩm thần học nổi bật của ngài”. Cô cũng nói rằng “sự ghen tị” giữa các nhà thần học người Đức khác đã khiến Đức Bênêđíctô trở thành một mục tiêu hấp dẫn, một người nào đó mà một học giả đầy tham vọng có thể liên tục tấn công để tạo dựng tên tuổi cho mình.

Rafael Vertsch, gốc Munich nhưng hiện là chủng sinh của Cộng đoàn Thánh Martin ở Pháp, đã chỉ trích điều mà thầy mô tả là những nỗ lực rõ ràng của giới truyền thông nhằm vu khống Đức Bênêđictô để phá hoại di sản của ngài.

Thầy nói với Register sau đám tang, “Mọi người cố gắng đưa ngài vào một ánh sáng tiêu cực. Tôi sẽ đi xa hơn khi nói rằng ngài được yêu mến ở mọi quốc gia hơn là ở Đức”.

Ảnh hưởng lâu dài (và trẻ trung)

Johannes Herder thừa nhận rằng Đức Bênêđíctô chắc chắn có những người chỉ trích ngài ở Đức. Nhưng ông nói với tờ Register rằng những tiếng nói này không nhất thiết đại diện cho cảm nhận của hầu hết người Công Giáo Đức về cố giáo hoàng; chúng chỉ “to hơn”, được khuếch đại thông qua các phương tiện truyền thông và các chiến thuật của nhà tranh đấu.

Ông nói, “Tôi nghĩ mọi người sẽ dần nhận ra di sản và ảnh hưởng của ngài, ngay cả những người không nhận ra điều đó ngay bây giờ”.

Julia Schumer, người đã đến Rome dự tang lễ từ Müllenbach ở miền tây nước Đức, nói rằng trong khi Đức Bênêđictô bị chỉ trích rất nhiều, thì người Công Giáo Đức “thực sự yêu mến ngài”.

Cô giải thích, “Đức Bênêđíctô là giáo hoàng của chúng tôi”.

Nicholas Brüehl, người gốc Holzkirchen, hiện đang học triết học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Rome, nói rằng Đức Bênêđíctô phục vụ như một người trung gian giữa Chúa Kitô, Đấng mà ngài nối kết qua lời cầu nguyện, và người dân Đức.

Brüehl nói với tờ Register: “Ngài hiểu sâu sắc các mầu nhiệm thần linh, và ngài đã diễn dịch điều đó sang ngôn từ của chúng tôi, sang ngôn ngữ Đức”.

Đức cố Giáo hoàng dường như được yêu mến đặc biệt trong giới trẻ Đức, những người vẫn đang thực hành đức tin Công Giáo của họ, một nhóm đặc biệt được đại diện tại Quảng trường Thánh Phêrô để dự tang lễ.

“Thế hệ Ratzinger” là tên được đặt cho phong trào của những người trẻ quan tâm sâu sắc đến tư tưởng của nhà thần học người Đức khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2005, điều này đặc biệt quan trọng ở quê hương Bavaria của ngài. Nhiều người trong số những người được phỏng vấn cho câu chuyện này nói rằng tư tưởng và chứng tá của Đức Bênêđictô tiếp tục là một thứ ánh sáng hướng dẫn cho những người Công Giáo cam kết sống đức tin của họ phù hợp với truyền thống của Giáo hội giữa cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo hội ở Đức.

Gerl-Falkovitz giải thích với tờ Register rằng thần học của Đức Bênêđíctô về mặt định chế sẵn sàng có ảnh hưởng đáng kể trong tương lai, ngay cả khi thế hệ lãnh đạo Giáo hội hiện tại không đánh giá cao ngài.

“Trong các chủng viện thần học, ngài ngày càng được đọc nhiều hơn, mặc dù thế hệ đàn anh vẫn giữ những thành kiến của họ”.

Người bầu cử trên thiên đàng?

Bên cạnh tác động tiềm năng sau khi chết đối với triết lý của ngài, những người Công Giáo Đức đã nói chuyện với Register cũng gợi ý một cách quan trọng khác mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô sẽ tiếp tục hỗ trợ các tín hữu Đức: sự can thiệp trên thiên đàng.

“Bây giờ chúng tôi có một vị thánh xuất thân từ Bavaria cầu nguyện cho chúng tôi,” chủng sinh Thánh Martin, Rafael, nói như thế, mặc dù thầy tự hỏi liệu các vùng khác của Đức có cảm thấy như vậy không.

Johannes Herder cũng cho biết ông hy vọng các tín hữu Đức sẽ hướng về Đức Bênêđíctô như một thánh quan thầy, đồng thời nói thêm rằng ông được an ủi bởi niềm tin rằng, ngay cả giữa những thời điểm khó khăn đối với Công Giáo ở Đức, một vị giáo hoàng rất quan tâm đến sức sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo ở Đức và trên toàn bộ châu Âu trong suốt cuộc đời trần thế của ngài, chắc chắn được kết hợp với Thiên Chúa trên thiên đàng.

“Tôi biết ngay bây giờ ngài là một người chuyển cầu mạnh mẽ trên thiên đàng, bởi vì ngài là người chuyển cầu cho Giáo hội trong thập niên cuối cùng của ngài trên mặt đất”.

Mẹ của hai anh em nhà Herder, bà Erika, nói thêm rằng việc Giáo hội chưa chính thức công nhận Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh không nên ngăn cản người Công Giáo Đức hướng về ngài trong lời cầu nguyện, đặc biệt là trước những thách đố mà Giáo hội tại quê hương ngài đang phải đối đầu.

Bà nói, “Hiện tại ngài chưa được phong thánh, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện cho ngài. Bởi vì chúng ta cần các phép lạ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo họp đại hội thường niên tại Orange County
Văn Lan/Người Việt
11:13 06/01/2023
SANTA ANA, California (NV) – Hội Các Bà Mẹ Công Giáo tổ chức đại hội thường niên tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Giêng, với sự tham dự đông đảo của các bà mẹ Công Giáo tại Orange County.

Đại hội diễn ra với phần giảng phòng chủ đề “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa” do Linh Mục Phạm Sỹ Hanh giảng. Sau đó Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung Tâm Công Giáo, chủ tế trong Thánh Lễ.

Bà Ana Phụng Nguyễn, hội trưởng Trung Ương Tổng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, cho hay: “Hội Các Bà Mẹ Công Giáo mừng hai ngày lễ trong năm, một là ngày 1 Tháng Giêng đầu năm là Đại Hội Thường Niên mừng kính Đức Mẹ Thiên Chúa, hai là tuần thứ tư của Tháng Tám là đại hội mừng Lễ Kính Thánh Monica là Quan Thầy của Tổng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Giáo Phận Orange.”

“Đại hội hôm nay có tất cả 16 chi hội của 16 cộng đoàn Giáo Phận Orange tham dự, bắt đầu khai mạc lúc 1 giờ trưa do Linh Mục Phạm Sỹ Hanh, bề trên Đan Viện Xitô Thánh Giuse, thuyết giảng. Sau đó chúng tôi chia sẻ những điều vừa được nghe giảng, khi có gì thắc mắc không hiểu, có thể hỏi để xin cha giải thích tận tình cho rõ để chúng tôi hiểu biết hơn về những nhân đức của Đức Mẹ, học hỏi để biết về Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, để chúng tôi có thể áp dụng vào trong gia đình và trong đời sống để dạy dỗ con cháu,” bà hội trưởng cho biết thêm.

Linh Mục Phạm Sỹ Hanh khi giảng về chủ đề “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa” có nhắc đến Thánh Nữ Monica, Quan Thầy của Tổng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Giáo Phận Orange. Thánh Nữ Monica có ba người con, trong đó có Augustinô là con trai đầu lòng. Sống trong một gia đình hoàn toàn ngoại giáo, nhưng Thánh Nữ Monica luôn tỏ ra mình là con của Chúa, sống nghe lời Chúa, tuân theo lời của Chúa và luôn giáo dục con cái biết kính Chúa, yêu người.

Augustinô càng lớn càng trở nên người con hư hỏng, dù mẹ cha yêu thương hết mực. Augustinô có trí rất thông minh, nhưng càng thông minh, cậu càng lười biếng và ăn chơi trác táng. Bị trách phạt, Augustinô đâm ra lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy cô, càng đi vào con đường ăn chơi trác táng và trụy lạc. Càng đi học ở xa, sống giữa thành thị, Augustinô càng bị cuốn hút vào những trào lưu xấu và càng hư hỏng. Đau khổ hơn nữa cho Thánh Nữ Monica, con trai Augustinô của mình đi theo bè rối và chống lại đức tin. Rất đau khổ nhưng Thánh Nữ Monica luôn tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa, bà kiên trì cầu nguyện, làm việc lành bác ái.

Lời cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành tha thiết của bà đã được Chúa đoái thương nhậm lời. Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa.

Cuộc đời của Thánh Nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Thánh Monica, một bà mẹ thánh kiên trì và can đảm, là người mẹ gương mẫu, người mẹ đạo đức, thánh thiện và ở nhiều nơi giới hiền mẫu đã chọn Thánh Monica làm bổn mạng của giới mình.

“Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Nữ Monica, xin giúp các bà mẹ Công Giáo luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và từ tâm để luôn mang lại nguồn yêu thương và bầu khí đạo đức thánh thiện trong gia đình của mình,” Linh Mục Phạm Sỹ Hanh giảng.

Trở lại với đời thường, Linh Mục Hanh nói có người ở Việt Nam mới sang Mỹ cho rằng người đàn ông, người chồng Việt Nam trong gia đình ở Mỹ sống “sao thấy khổ quá vì phải theo tôn chỉ ‘Ladies First.’”

“Nhưng xét rằng nếu sống đúng với con tim của người phụ nữ Việt Nam, xét về mặt đời mà nói thì hạnh phúc của các bà trong gia đình là do các bà nắm giữ, khi con cái có khuynh hướng thương mẹ nhiều hơn bố, và ông chồng thì thường chiều chuộng và làm những việc nhà cho các bà, có nhiều trường hợp các ông đi làm về đưa hết tiền cho vợ xoay xở việc gia đình,” linh mục giảng.

“Khi Chúa đưa các cặp nên vợ chồng với nhau, vì lý do nào đó chúng ta không biết hết mọi sự được nhưng bất kỳ một biến cố nào, đặc biệt trong sinh hoạt đời sống gia đình giữa vợ chồng, trong giáo xứ hoặc trong Hội Các Bà Mẹ, Chúa không bao giờ đưa chúng ta lại với nhau mà không có ý đâu, có điều là mỗi chúng ta phải tìm cho ra ý nghĩa đàng sau đó. Tâm của ta phải theo cái tâm của Chúa, với tình thương của Chúa, sẽ biến đổi hoàn toàn mọi sự,” Linh Mục Hanh giảng tiếp.

Bà Ana Trịnh Tuyết Hưng, sinh hoạt tại Chi Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Westminster, cho hay: “Hôm nay là ngày rất đặc biệt, là ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng tôi là con cái trong hội đến tạ ơn Đức Mẹ đã ban cho chúng tôi những người làm mẹ ở trần gian này được những ơn lành, biết dạy dỗ con cái giúp cho gia đình được mọi sự bình an. Đó là về mặt tinh thần, còn về xã hội giúp được tốt lành hơn với những người con ngoan hiền.”

“Qua lời cha giảng phòng, điểm chính là chúng tôi được nhắn nhủ rằng ‘Mặt giáp mặt, tâm hiệp tâm’ để hiểu rằng đời sống người Công Giáo không chỉ riêng về mặt xã hội, mà còn về mặt tinh thần, chúng tôi phải biết liên kết với Chúa và cha của chúng tôi không phải chỉ qua những lời Kinh ở bề ngoài, mà còn phải thực hiện những lời cha dạy để mà sống, tâm đối với tâm, để sống đúng với những gì Chúa dạy trong Phúc Âm,” bà Tuyết Hưng chia sẻ thêm.

Buổi đại hội thật sôi động với những câu hỏi do các bà mẹ đưa ra để hỏi nhờ Linh Mục Phạm Sỹ Hanh giảng phòng giải đáp, nhận được nhiều câu trả lời thú vị để có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày, nhất là làm sao dạy dỗ con cháu nên người. Tất cả chỉ với tình thương, học theo Đức Mẹ Thiên Chúa và Thánh Nữ Monica. [qd]
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh khuôn mặt lễ Ba Vua
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:32 06/01/2023
Hình ảnh khuôn mặt lễ Ba Vua

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Ba Vua ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm đã tìm đến kính viếng hài nhi Giêsu ở Bethlehem.

Lễ mừng kính này tính theo niên lịch Gregoriano, căn cứ trên tường thuật trong phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo 2,1-12., vào ngày 06.01.

Nhưng cũng hằng năm Giáo hội Chính Thống đông phương mừng ngày này 06.và 07. Tháng Một là lễ sinh nhật Chúa Giêsu, tính theo liên lịch Juliano.

Từ thời Công đồng Vaticano II. 1965 ngày lễ mừng kính này trong Giáo Hội Công Giáo có tên phụng vụ là lễ Chúa hiển linh.

Vậy đâu hình ảnh những khuôn mặt trong ngày lễ này theo khía cạch đạo đức niềm tin đạo giáo?

Theo tường thuật, một bên Ba Vua là những nhà bác học ngành thiên văn có xuất xứ từ xa bên phương Đông. Các Vị theo ánh sáng Ngôi sao tìm đường tới hang chuồng xúc vật nơi Hài nhi Giêsu sinh ra, mà các Vị tin tưởng là vị Vua mới chào đời.

Ba nhà thiên văn này là những vị học giả có kiến thức uyên thâm chuyên môn tìm hiểu các ngôi sao trên nền trời. Có thể nói được họ là hình ảnh khuôn mặt của cung cách nếp sống thông thoáng cởi mở trên đường đi tìm hiểu.

Dù có kiến thức sâu rộng chuyên môn, nhưng không phải như thế, mà họ là người nắm chắc biết tất cả. Họ trước sau vẫn là những người trong suốt dọc đời sống cần phải đi tìm hiểu sự chân thật, đi tìm ánh sáng soi dẫn, đi tìm Đấng là nguồn gốc mọi sự cùng ở trên họ.

Và trên con đường đi tìm họ phải nỗ lực cố gắng phấn đấu để vượt qua những khó khăn, những giới hạn vướng trở rào cản. Sau cùng họ hạnh phúc, vì tìm thấy được Vị hướng dẫn cho mình: Thiên Chúa hiện thân nơi hài nhi Giêsu sinh ra trong chuồng xúc vật vùng trời Bethlehem bên nước Do Thái.

Người tín hữu Chúa Kito, dù có đức tin vào Ngài qua làn nước Bí tích rửa tội, trước sau vẫn là người đi tìm Ngài, như ba nhà Thiên Văn ngày xưa. Chúng ta tìm Ngài trong đời sống mình qua những chặng đường đời có bình an, lúc gặp chao đảo thử thách, với những thay đổi hầu như liên tục trong nếp sống đạo đời trong dòng thời gian.

Ba nhà Thiên văn ngày xưa đã không bằng lòng với những kiến thức chuyên môn tìm hiểu học hỏi qua nghiên cứu sách vở. Họ vẫn còn ngưỡng vọng khao khát đi tìm tới nguồn mọi sự hiểu biết. Nguồn đó ở nơi Đấng toàn năng. Và họ có bình an, khi tìm tới được nguồn khao khát.

Thánh Augustino đã có suy tư về lòng khao khát đó: Trái tim tâm hồn con hằng luôn khao khát cho tới khi tìm về nơi bên Thiên Chúa.

Và một bên khác bài tường thuật nói đến Vua Herode, một khuôn mặt đối chọi với Ba nhà thiên văn đi tìm kiếm Vua hài nhi Giêsu mới sinh.

Lúc Chúa Giêsu sinh ra, Herode là vị vua đang trị vì nước Do Thái đóng đô ở Giêrusalem. Là một vị vua cai trị dân được đế quốc Roma đặt lên làm cánh tay cai trị thay cho hoàng đế bên Roma. Lẽ tất nhiên Ông tìm mọi cách củng cố quyền hành sức mạnh trong nước của mình.

Khi nghe ba nhà thiên văn nói đến có vị Vua mới sinh trong đất nước của mình, Ông hoảng hốt lo sợ cho cung ngai của mình. Với Ông quyền lực sức mạnh là bản vị cần thiết. Và bằng mọi cách, ông không thể để địa vị quyền bính của mình bị thách đố làm cho lung lay được. Với Herode quyền hành sức mạnh chính trị là tối thượng. Không có ai trong vương quốc của vua trên vua được.

Vì thế, Ông muốn lợi dụng cơ hội này, nên căn dặn ba nhà thiên văn đang đi tìm vua hài nhi Giesu mới sinh ra, khi tìm được rồi nhớ trở lại báo tin cho ông cùng biết. Nhưng Thiên Chúa đã có con đường khác, không như Herode âm mưu chính trị mong muốn giương bẫy bày ra.

Qua cung cách của Herode ta đọc được: Con người càng xa Thiên Chúa, họ càng lún sâu vào con đường sống ích kỷ chỉ biết đến mình. Và như thế càng thêm mất bình an trong tâm hồn.

Herode là hình ảnh người tìm cách củng cố nắm giữ quyền hành sức mạnh của mình.

Đức cố thánh Cha Benedictô 16. (*16.04.1927 - + 31.12.2022) khi xưa lúc sinh thời đã có suy tư về hình ảnh khuôn mặt của ba vị thiên văn đi tìm kiếm khuôn mặt hình ảnh Chúa Giêsu:

„ Hình ảnh ba nhà Thiên văn đến từ phương Đông, mà vẫn quen gọi là Ba Vua- tượng trưng cho Châu Á, châu Phi và châu u- có mặt trong hang đá Chúa Giêsu giáng sinh nói lên: Trong nước Chúa Giêsu Kito không có sự phân biệt mầu da chủng tộc cùng xuất xứ. Nhân loại qua Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu hợp nhất thành một, nhưng không bị mất sự giầu có thịnh vượng về sự khác biệt.

Ba nhà Thiên văn đi tìm kiếm Chúa từ phương Đông là một khởi đầu. Họ là hình ảnh của sự lên đường của con người tiến tìm về Chúa Giêsu Kito. Đây cũng là hình ảnh của đoàn người đi hành hương trong dòng lịch sử về thánh địa để cầu xin, kín múc nguồn ơn đức của Thiên Chúa từ trời cao.

Ba nhà Thiên văn, có tên gọi là Kaspar, Melchior và Balthasa, đi tìm Vua hài nhi Giêsu, là những khuôn mặt nói lên sự khao khát mong chờ nội tâm tinh thần của con người, cùng đồng thời cũng diễn tả sự chuyển động của đức tin tôn giáo và của lý trí con người hướng về Chúa Giêsu Kitô. „ (Joseph Ratzinger, Papst Benedickt XVI.)

Ngày an táng đức cố thánh cha Benedictô 16., 05.01.2023

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Putin ê ẩm: 20 triệu USD nổ tung trên bầu trời Bakhmut, 810 quân tử trận. Paris cho Kyiv chiến xa
VietCatholic Media
03:09 06/01/2023


1. 20 triệu Mỹ Kim của Putin nổ tung trên bầu trời Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu mùng 6 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua, đã có đến 810 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến. Đây là con số cao thứ ba trong toàn bộ cuộc chiến tại Ukraine.

Con số kỷ lục các binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến trong 24 giờ là 950 người trong ngày thứ Bẩy 29 tháng 10. Con số 840 người là con số cao thứ hai, xảy ra vào ngày 4 tháng 11. Như thế, con số tử trận của quân Nga trong 24 giờ qua là con số cao nhất trong 2 tháng qua.

Giải thích con số thương vong cao của quân Nga, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Nga đối diện với tổn thất cao tại cả hai thành phố Bakhmut và Kreminna.

Tại thành phố Bakhmut trong vùng Donetsk, thương vong của quân Nga bùng nổ khi các đơn vị của họ quyết định rút lui khỏi làng Yakovlivka sau khi 2 kho đạn của Nga nổ tung khiến họ không được tiếp tế.

Trung Đoàn Xe Tăng Cận Vệ số 59 của Nga mất 3 xe tăng khi bỏ chạy khỏi Yakovlivka; trong khi Tiểu Đoàn 148 Trinh Sát của Sư Đoàn 144 súng trường cơ giới của Nga chỉ còn không tới một trung đội chạy thoát. 5 xe chuyển quân của đơn vị này bị mắc kẹt trong băng tuyết. Quân Nga phải chạy bộ. Một số bị bắt sống tại mặt trận, một số chết vì kiệt sức khi cố chạy giữa băng tuyết. Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đó là hình ảnh tiêu biểu trong chiến tranh vào mùa Đông.

Máy bay của không quân Nga miễn cưỡng đến tiếp cứu vì hỏa lực phòng không của quân Ukraine rất dầy đặc. Một chiếc trực thăng Mi-8 trị giá tới 9 triệu Mỹ Kim, đã bay rất thấp để tấn công vào Lữ Đoàn Dù số 71 đang truy kích quân Nga. Một binh sĩ Ukraine đã dùng MANPADS tức là hỏa tiễn đất đối không vác trên vai bắn hạ chiếc máy bay trực thăng này. Những chiếc còn lại bỏ chạy. Một chiếc Sukhoi 25, trị giá 11 triệu Mỹ Kim cũng bị hệ thống phòng không của Lữ Đoàn Pháo Binh số 92 bắn rơi. Trong cả hai trường hợp, các phi công không kịp nhảy ra nên đã chết theo trực thăng và máy bay của họ.

Tại thành phố Kreminna trong vùng Luhansk, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra dữ dội dọc theo xa lộ P66 nối Svatove và Kreminna. Quân Ukraine đã cắt đứt xa lộ này tại 2 thị trấn Chervonopopivka và Ploshchanka. Tất cả xa lộ hiện này trong tầm hỏa lực của quân Ukraine. Hai xe thiết giáp của quân Nga được tường trình đã bị bắn cháy trong cuộc giao tranh tại thị trấn Karmazynivka cách Kreminna 40km về hướng Tây Bắc.

Trong ngày qua, không quân Ukraine đã mở 18 cuộc tấn công nhắm vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Trong 24 giờ qua, 810 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với một máy bay, một máy bay trực thăng, 3 xe tăng, 2 xe thiết giáp, 12 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 14 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung, từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến ngày 5 tháng Giêng, 109.720 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy của quân Nga 3.041 xe tăng, 6.108 xe bọc thép, 2.051 hệ thống pháo, 426 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 215 hệ thống phòng không, 284 máy bay, 271 máy bay trực thăng, 1.844 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 723 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4.759 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 182 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Putin ra lệnh ngừng bắn Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu áp đặt lệnh ngừng bắn ở Ukraine trước Lễ Giáng Sinh Chính thống, được tổ chức vào ngày 7 tháng 1.

Điện Cẩm Linh cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng các lực lượng Nga phải ngừng bắn từ “12:00 trưa ngày 6 tháng Giêng năm 2023 cho đến 24:00 ngày 7 tháng Giêng năm 2023.”

Nó được đưa ra sau khi người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, trước đó vào thứ Năm đã đưa ra lời kêu gọi trên trang web của Chính Thống Giáo Nga kêu gọi “thỏa thuận ngừng bắn Giáng Sinh”.

“Xét đến lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Kirill, tôi chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga áp dụng chế độ ngừng bắn dọc theo toàn bộ giới tuyến của các bên ở Ukraine từ 12:00 trưa ngày 6 tháng Giêng năm 2023 đến 24:00 ngày 7 tháng Giêng, 2023,” Putin nói trong mệnh lệnh.

“Xuất phát từ thực tế là một số lượng lớn công dân theo Chính thống giáo sống trong các khu vực chiến sự, chúng tôi kêu gọi phía Ukraine tuyên bố ngừng bắn và cho phép họ tham dự các buổi lễ vào Đêm Giáng Sinh, cũng như vào Ngày Giáng Sinh.”

Kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, ảnh hưởng của Nhà thờ Chính thống Nga ở nước này đã giảm sút, với một số người ở Ukraine được cho là đã chọn tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, theo lịch Grêgôriô, thay vì lịch Giuliô.

Kirill, 76 tuổi, người đã biện minh cho quyết định xâm lược Ukraine của Putin vào tháng 2 trên cơ sở tinh thần và ý thức hệ, đã kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn “để những người Chính thống giáo có thể tham dự các buổi lễ vào đêm Giáng Sinh và vào ngày Chúa Giáng Sinh.”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov trước đó cho biết Nga chưa nhận được đề nghị ngừng bắn từ chính quyền Ukraine.

Thượng Phụ Kirill kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã biện minh cho cuộc xung đột bằng cách đưa ra những bài phát biểu về Nga với tư cách là một “cường quốc yêu chuộng hòa bình” không tham gia vào “các cuộc phiêu lưu quân sự”.

Vào tháng 6, ông cho biết Nga đang bị “tấn công” trên toàn thế giới vì cảm giác ghen tị, đố kỵ và phẫn nộ. Kirill cho biết ông tin rằng điều này xảy ra vì Nga “khác biệt” với thế giới phương Tây.

Lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ chiến tranh. Vào tháng 9, sau khi Putin tuyên bố huy động một phần ở Nga, Kirill kêu gọi người Nga đừng sợ chết, khi hàng nghìn người bắt đầu chạy trốn khỏi đất nước sang các quốc gia láng giềng để tránh phải nhập ngũ.

“Hãy dũng cảm đi làm tròn nghĩa vụ quân sự. Và hãy nhớ rằng nếu bạn hy sinh mạng sống của mình cho đất nước của mình, bạn sẽ ở với Chúa trong vương quốc, vinh quang và cuộc sống vĩnh cửu của Ngài,” ông nói trong một bài giảng tại Tu viện Zachatyevsky ở Mạc Tư Khoa.

Lệnh ngừng bắn của Putin được đưa ra hơn 10 tháng sau cuộc chiến mà ông khởi xướng, và vài ngày sau khi ông tuyên bố rằng Ukraine từ chối tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Ông nói với một hãng truyền hình nhà nước Nga rằng ông ta “sẵn sàng đàm phán một số kết quả có thể chấp nhận được với tất cả những người tham gia quá trình này.”

3. Zelenskiy nói rằng Nga muốn sử dụng Lễ Giáng Sinh Chính thống “làm vỏ bọc”

Trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng Nga muốn sử dụng Lễ Giáng Sinh Chính thống “làm vỏ bọc” để tiếp tế và ngăn chặn bước tiến của Ukraine ở khu vực phía đông Donbas.

Trong những bình luận đầu tiên của mình kể từ khi Điện Cẩm Linh tuyên bố ngừng bắn tạm thời trong 36 giờ vào dịp Giáng Sinh Chính thống giáo diễn ra vào thứ Sáu và thứ Bảy, Zelenskiy nói bằng tiếng Nga:

“Bây giờ họ muốn sử dụng Giáng Sinh như một vỏ bọc để ít nhất là ngăn chặn bước tiến của những người của chúng ta ở Donbas trong một thời gian ngắn và đưa thiết bị, đạn dược và những người mới bị gọi nhập ngũ đến gần vị trí của chúng ta hơn. Điều này sẽ đạt được điều gì? Chỉ có một sự gia tăng khác về con số thương vong.”

“Mọi người trên thế giới đều biết cách Điện Cẩm Linh sử dụng thời gian tạm nghỉ trong chiến tranh để tiếp tục chiến tranh với sức sống mới. Và để kết thúc chiến tranh nhanh hơn, nó cần một thứ hoàn toàn khác,” Zelenskiy nói.

Ông kêu gọi: “Chúng ta cần các công dân Nga tìm thấy can đảm để giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ hãi đáng xấu hổ trước một người đàn ông ở Điện Cẩm Linh trong ít nhất 36 giờ trong dịp Giáng Sinh. “Nỗi sợ hãi của bạn về anh ta đang phá hủy đất nước của các bạn, vốn cũng đã ở dưới sâu.”

Zelenskiy nói thêm rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc “khi binh lính của các bạn rời đi hoặc chúng tôi đuổi họ ra ngoài”.

4. Nga sản xuất tới 20 hỏa tiễn Kalibr, và khoảng 30 hỏa tiễn Kh-101 mỗi tháng

Liên bang Nga sản xuất 15 đến 20 hỏa tiễn đạn đạo Kalibr và khoảng 30 hỏa tiễn Kh-101 mỗi tháng. Vadym Skibitsky, đại diện của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết như trên

Theo ông, người Nga cũng có hỏa tiễn Kh-22 cũ, trong đó khoảng 160 đơn vị vẫn còn.

Đồng thời, Skibitsky xác nhận rằng Liên bang Nga đã sử dụng kho hỏa tiễn chiến lược của mình.

“Nói chung, theo các văn bản quy định, kho dự trữ chiến lược nên chiếm 30% tổng kho hỏa tiễn. Nhưng họ đã sử dụng tất cả các loại hỏa tiễn dự trữ: Iskander, Kalibr, Kh-101, Kh-555. Tức là họ đã có ít hơn 30% dự trữ. Điều này cho thấy việc họ bổ sung nguồn dự trữ thực sự là một vấn đề nan giải”.

Ông lưu ý rằng không còn nhiều hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal trong quân đội Nga, chúng được sử dụng rất ít.

“Họ không có nhiều hỏa tiễn Kinzhal như vậy. Nếu họ tung ra tất cả, họ sẽ không còn gì để hù dọa thế giới. Bây giờ họ dùng hỏa tiễn Kinzhal để thị uy và đe dọa, nhằm chứng tỏ họ có vũ khí không ai bắn hạ được”.

“Họ duy trì sự căng thẳng về khả năng sử dụng những vũ khí này không chỉ chống lại chúng ta mà còn chống lại các nước Âu Châu khác”, Skibitsky nói.

Về chiến thuật của kẻ thù, ông cho rằng những kẻ xâm lược sẽ thử những đường lối mới. “Nếu họ không có đủ hỏa tiễn cho một cuộc tấn công lớn, họ sẽ kết hợp hỏa tiễn có độ chính xác cao, Kh-22 và S-300 – đặc biệt là ở các khu vực tiền tuyến – và máy bay không người lái kamikaze. Bạn thấy người Nga tích cực sử dụng chúng như thế nào trong hai ngày liên tiếp. Bây giờ họ đang chuẩn bị hỏa tiễn cho cuộc tấn công lớn tiếp theo. Nghĩa là, họ sẽ kết hợp các phương tiện để duy trì tốc độ tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của chúng ta”.

Như đã đưa tin, Phát ngôn nhân Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine Yuriy Ihnat cho biết lực lượng phòng không đã phá hủy 84 máy bay không người lái, tức là 100% số máy bay do Nga phóng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn vào dịp Năm mới vừa qua. Nhìn chung, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt gần nửa nghìn máy bay không người lái của đối phương kể từ tháng 9 năm 2022.

5. Hơn 60% thành phố Bakhmut bị phá hủy, quan chức Ukraine nói

Hơn 60% Bakhmut hiện đã bị phá hủy khi các lực lượng Nga cố gắng tiến vào thành phố ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine nhưng không thành công. Pavlo Kyrylenko, Thống Đốc Donetsk, đã cho biết như trên.

“Dù kẻ thù có cố gắng tiến vào thành phố, nó cũng không thể tiến lên được. Kyrylenko nói với đài truyền hình Ukraine rằng dù họ có tiến bộ đến đâu thì họ cũng đã bị đẩy lùi về vị trí cũ, bên ngoài giới hạn thành phố. Trên thực tế, họ hiện đang ở trong khu vực bị tàn phá triệt để, điều này cũng góp phần vào tổn thất nhân sự to lớn của họ.”

Một số thông tin cơ bản: Bakhmut thường được nhắc đến là phần có nhiều tranh chấp và căng thẳng nhất trên chiến tuyến dài 1.300 km ở Ukraine. Bước tiến của Nga đã khiến thành phố trở thành đống đổ nát, thành một lớp vỏ bốc khói của chính nó trước đây. Số phận này đã nung nấu sức mạnh của Bakhmut như một biểu tượng của sự phản kháng Ukraine - trước các cuộc tấn công tàn khốc của Nga.

Trong bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội vào tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã dành sáu phút trong bài phát biểu dài 25 phút của mình để nói về tình hình xung quanh Bakhmut.

“Năm ngoái, 70.000 người sống ở Bakhmut trong thành phố này. Bây giờ chỉ còn một số thường dân ở lại. Từng tấc đất đó thấm đẫm máu, tiếng súng nổ từng giờ... cuộc chiến giành Bakhmut sẽ làm thay đổi câu chuyện bi thảm về cuộc chiến giành độc lập và tự do của chúng ta.”

Các thành viên của Quốc hội đã đứng dậy và vỗ tay bốn lần khi Zelenskiy kể lại số phận của thành phố.

6. Ngoại trưởng Đức nói: “Làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine có nghĩa là “khuyến khích Putin tiếp tục”.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm thứ Tư kêu gọi các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga, nói rằng việc làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Kyiv có nghĩa là “khuyến khích Putin tiếp tục”.

Baerbock nói trong một cuộc họp báo ở Lisbon: “Thật cay đắng, mọi dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ đang suy yếu đều có nghĩa là khuyến khích Putin tiếp tục”.

“Vì chúng ta muốn cuộc chiến này kết thúc với chiến thắng cho Ukraine, chúng ta phải tự hỏi đi hỏi lại bản thân rằng làm thế nào để có thể giúp Ukraine bảo vệ công dân và cơ sở hạ tầng dân sự của mình tốt hơn,” cô nói thêm.

Ngoại trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine là “cơ bản.”

“Điều này đi đôi với việc tiếp tục tài trợ cho việc tái thiết và cung cấp vật liệu để kích hoạt lại nguồn cung cấp năng lượng, sưởi ấm và nước, đồng thời tránh bị phá hủy thêm”.

7. Macron nói rằng Pháp sẽ cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép hạng nhẹ cho Ukraine trong cuộc gọi với Zelenskiy

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói chuyện với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Tư và cho biết Pháp sẽ cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép hạng nhẹ.

Zelenskiy cảm ơn Macron trên Telegram và cho biết cả hai tổng thống “đã đồng ý hợp tác hơn nữa để tăng cường đáng kể khả năng phòng không và các khả năng phòng thủ khác của chúng ta”.

Theo Điện Elysee, cuộc điện đàm chỉ kéo dài hơn một giờ đồng hồ.

Số lượng chính xác của xe chiến đấu bọc thép hạng nhẹ không được biết và không có ngày giao hàng nào được đề cập.

8. Giám đốc truyền hình nhà nước Nga nói rằng tên của các quan chức chịu trách nhiệm về những cái chết ở Makiivka phải được công bố

Tổng biên tập có ảnh hưởng của mạng nhà nước RT, trước đây là Russia Today, hôm thứ Tư đã hoan nghênh cuộc điều tra của Bộ Quốc phòng Nga về các tình huống xung quanh vụ tấn công chết người của Ukraine nhằm vào quân nhân ở Makiivka, miền đông Ukraine.

“Dựa trên kết quả điều tra về thảm kịch ở Makiivka, các quan chức chịu trách nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết,” Margarita Simonyan nói. “Có vẻ như đây là lần đầu tiên việc này được thực hiện công khai trong toàn bộ chiến dịch quân sự đặc biệt. Tôi hy vọng tên của những người này và mức độ trừng phạt cũng sẽ được công bố,” cô nói.

“Đã đến lúc phải hiểu rằng việc không bị trừng phạt không dẫn đến sự hòa hợp xã hội. Không bị trừng phạt dẫn đến nhiều tội ác hơn. Và hệ quả là sự bất đồng quan điểm của công chúng,”

Tháng trước, Simonyan là một trong những người được nhận giải thưởng nhà nước từ Tổng thống Vladimir Putin. Là một phần của bài phát biểu nhận giải ngắn, Simonyan nói với Putin “cảm ơn vì đã giết những kẻ ăn thịt người,” một ám chỉ người Ukraine. Tại buổi lễ được tổ chức ở Điện Cẩm Linh, ông Putin cũng trao giải thưởng cho bốn quyền thống đốc của các vùng Ukraine bị Mạc Tư Khoa sáp nhập vào tháng 9.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Daniil Bezsonov, phát ngôn nhân của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, đã công khai thách thức các tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov. Theo Daniil Bezsonov, người Nga tỏ ra không hiểu gì về HIMARS. Một quả HIMARS giá hàng trăm ngàn Mỹ Kim. Người Ukraine cũng không có nhiều hỏa tiễn để phóng bừa bãi như thế. Theo ông, quân Ukraine chỉ phóng một quả hỏa tiễn duy nhất. Thương vong kinh hoàng là do lãnh đạo quân đội dùng trường học làm nơi chứa hỏa tiễn và đạn dược. Quân Nga chết nhiều là do hỏa tiễn và đạn dược của chính mình nổ tung sau đó. Đây là vấn đề mà ông cho rằng người Nga phải rút kinh nghiệm.

Trước các chống đối của dư luận xã hội, Konashenkov cho biết Bộ Quốc Phòng Nga đang mở cuộc điều tra về những bất quy tắc tại Makiivka.
 
Dấu chỉ độc đáo xảy ra trong thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô XVI. Toàn cảnh nghi thức hạ huyệt
VietCatholic Media
04:58 06/01/2023


1. Một hiện tượng độc đáo đã xảy ra trong thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Pilgrims Throng St. Peter’s Square for Benedict’s Funeral Mass”, nghĩa là “Những người hành hương xếp hàng rồng rắn tại quảng trường Thánh Phêrô” để dự Thánh lễ An táng của Đức Bênêđictô.

Trong bài tường trình này ông ghi nhận hai điều nổi bật. Thứ nhất, bài Phúc Âm được đọc bằng tiếng Ý kể về “Người Trộm Lành”. Dưới con mắt đức tin, câu Chúa nói với anh ta “Hôm nay, anh sẽ với tôi trên nước thiên đàng” chính là lễ phong thánh đầu tiên trong lịch sử nhân loại, và điều đó tiêu biểu cho một dấu chỉ rõ ràng về việc tuyên thánh trong tương lai của Đức Bênêđíctô.

Thứ hai, Phúc âm tiếp tục nói rằng “bóng tối bao trùm cả vùng đất” nhưng ở Rôma ngày nay “thì ngược lại”. “Trong khi trời có sương mù suốt cả buổi sáng, đột nhiên, như một phần thiêng liêng của buổi lễ phụng vụ tuyệt đẹp trên mặt đất, mặt trời được phản chiếu trong quả cầu vàng trên đỉnh mái vòm của Đền Thờ Thánh Phêrô tại ngày vọng Chúa Hiển Linh này. Điều đó tiêu biểu cho di sản thực sự của Đức Bênêđictô XVI: đó là làm cho toàn thế giới biết đến Dung Nhan của Thiên Chúa.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Sương mù đã buông xuống Rôma vào sáng sớm hôm 5 tháng Giêng, che khuất mái vòm của Đền Thờ Thánh Phêrô, bắt đầu từ từ bốc lên khi những người khiêng chiếc quan tài đơn sơ bằng cây bách của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ra quảng trường Thánh Phêrô trong tiếng vỗ tay kéo dài và xúc động.

Ước tính có khoảng 50,000 người đưa tang đã tập trung tại quảng trường, một số cắm trại qua đêm, để nói lời từ biệt cuối cùng với vị giáo hoàng kính yêu, người đã qua đời ở tuổi 95 vào ngày 31 tháng 12, lễ kính Thánh Giáo hoàng Sylvestrô.

Cờ của Bavaria và Đức với dòng chữ Danke Papst Benedikt! và Santo Subito bay phấp phới trong màn sương khi tiếng chuông tang lễ của Đền Thờ Thánh Phêrô vang lên. Các tín hữu đã cùng nhau lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho linh hồn Bênêđictô trong bầu khí mặc niệm, tôn kính và cầu nguyện.

Sau khi được long trọng rước vào quảng trường qua cửa phía trước Đền Thờ, quan tài được đặt nằm trên một tấm thảm đỏ dưới chân bàn thờ, với một cuốn sách Tin Mừng được đặt trên cùng. Thư ký riêng lâu năm của Đức Bênêđictô, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, sau đó cúi xuống hôn quan tài trước khi ngồi vào hàng ghế đầu, cùng với những người thân cận nhất với Đức Bênêđictô, bao gồm cả các nữ giáo dân tận hiến Memores Domini, những người đã chăm sóc ngài trong nhiều năm.

Một đám rước gồm hàng trăm Hồng Y, giám mục và khoảng 3.700 linh mục đã ngồi vào chỗ của họ. Trong số đó có Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, 90 tuổi, của Hương Cảng, một đồng minh thân cận của Đức Bênêđictô XVI trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho người Công Giáo ở Trung Quốc Cộng sản. Các Hồng Y Sean O'Malley của Boston, Timothy Dolan của New York, Robert McElroy của San Diego và Daniel DiNardo của Galveston-Houston nằm trong số các giám mục Hoa Kỳ tham dự tang lễ trọng thể, cùng với một số thượng phụ Đông phương, trong đó có Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Công Giáo Chaldea của Baghdad, và Đức Hồng Y Bechara Rai, Thượng phụ Maronite của Antiôkia ở Li Băng.

Trong số các đại diện chính thức của nhà nước có Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và một phái đoàn lớn gồm các quan chức Ý do Tổng thống Sergio Mattarella và Thủ tướng Giorgia Meloni dẫn đầu.

Các quốc gia khác đã gửi các quan chức, hoàng gia hoặc đại diện ngoại giao nhưng không phải là phái đoàn chính thức. Hoa Kỳ được đại diện bởi Đại sứ của Tổng thống Joe Biden tại Tòa thánh, Joseph Donnelly.

Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào tiền đình đền thờ ngay trước 9:30 sáng để trở thành vị giáo hoàng đầu tiên cử hành tang lễ của người tiền nhiệm kể từ năm 1802, khi Đức Piô VII đã mang hài cốt của Đức Piô VI về Rôma để cải táng sau khi ngài qua đời và đã được chôn cất vài năm trước đó trong cảnh lưu đày với tư cách là tù nhân của Napoléon.

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức ban đầu, lời nguyện nhập lễ và nghi thức Sám hối. Ba bài đọc sau đó được công bố cho các tín hữu: bài thứ nhất trích Sách Tiên Tri Isaia đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Thánh Vịnh 23 bằng tiếng Latinh, bài đọc thứ hai bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ bằng tiếng Anh và Tin Mừng bằng tiếng Ý.

Bài Tin Mừng kể về “Người Trộm Lành” hoán cải trên cây thánh giá bên cạnh Chúa Giêsu và Chúa công bố sự Phục Sinh với những lời này: “Tôi bảo thật anh: hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng.” Một tập tài liệu Thánh lễ đã được trao cho các tín hữu để họ có thể tham gia phụng vụ tốt hơn.

Với hình ảnh phục sinh của Chúa Kitô phủ phía trước đền thờ, Đức Phanxicô bắt đầu bài giảng ngắn của mình với những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá, “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 12:46) — Đức Giáo Hoàng nói, những lời “tóm tắt” “toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu: một sự phó thác không ngừng trong tay Cha của Người.” Trái ngược với bài giảng của Đức Bênêđíctô tại tang lễ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 2005, trong đó ngài đề cập rõ ràng đến nhiều phẩm chất và thành tích của Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô đã ngầm bày tỏ lòng kính trọng đối với cuộc đời của Đức Joseph Ratzinger bằng những lời này, liên kết ngài với lòng trung thành, chu toàn những đòi hỏi và lòng sùng kính cầu nguyện của đời sống thánh hiến.

“Các tín hữu của Thiên Chúa, quy tụ tại đây, giờ đây đồng hành và phó thác cho Người cuộc đời của vị mục tử của họ,” ngài nói. “Giống như những người phụ nữ ở ngôi mộ, chúng ta cũng đến với hương thơm của lòng biết ơn và dầu thơm của hy vọng, để một lần nữa cho Ngài thấy tình yêu bất diệt,” Đức Thánh Cha kết luận. “Chúng ta muốn làm điều này với cùng sự khôn ngoan, dịu dàng và tận tụy mà ngài đã ban cho chúng ta trong nhiều năm. Cùng nhau, chúng ta muốn nói: ' Lạy Cha, chúng con xin phó thác linh hồn của người trong tay Cha’”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Bênêđictô, người bạn trung thành của Chàng Rể, ước gì niềm vui của bạn được trọn vẹn khi bạn nghe thấy giọng nói của Ngài, bây giờ và mãi mãi!”

Vào cuối Thánh lễ cầu nguyện đơn giản và trang trọng, thánh lễ đầu tiên kể từ thế kỷ thứ sáu dành cho một vị giáo hoàng quá cố đã nghỉ hưu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Lễ Tuyên Dương và Chào Từ Biệt Cuối cùng, sau đó là một phút thinh lặng cầu nguyện. Những tràng pháo tay dài và những lời hô vang của Santo Subito! và Viva il Papa! đã được nghe thấy khi các Hồng Y tập hợp quay trở vào đền thờ.

Cùng lúc đó, tiếng đàn organ trang trọng được chơi và tiếng chuông vang lên khi những người khiêng quan tài nhấc quan tài và khiêng nó đến phía sau bàn thờ, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cúi đầu, đặt tay lên nắp gỗ và ban phép lành. Sau đó, những người khiêng quan tài được bọc bằng cây bách qua cửa chính của đền thờ, rồi Đức Bênêđíctô được chôn cất trong các hang động của Vatican trong một buổi lễ riêng tư.

Những lời tri ân nồng nhiệt dành cho Đức Bênêđictô XVI đã tuôn trào kể từ khi ngài qua đời vào ngày lễ Thánh Sylvestrô. Trong các bình luận cho tờ National Catholic Register, Đức Hồng Y Raymond Burke cho biết ngài tin rằng “di sản lớn nhất của Đức Joseph Ratzinger là giáo huấn của ngài, sự trau dồi và thúc đẩy việc sử dụng Nghi thức Rôma cổ xưa hơn.” Vị Hồng Y người Mỹ, người được Đức Bênêđictô bổ nhiệm làm Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao vào năm 2008, cho biết vị giáo hoàng người Đức quá cố sẽ được “tưởng nhớ vì chiều sâu của giáo huấn và cách thức dễ tiếp cận triệt để mà ngài đã truyền đạt”.

Ambrogio Jonghyu Jeong, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Tòa thánh từ 2016 đến 2018, nói với tờ National Catholic Register rằng sau cái chết của Đức Bênêđictô XVI, “cảm giác mất mát chung của người Công Giáo Hàn Quốc là vô cùng lớn”. Nhà cựu ngoại giao, người đã dịch 7 cuốn sách của Đức Joseph Ratzinger sang tiếng Hàn, nói rằng 9 năm trước cuộc bầu cử của Đức Thánh Cha Phanxicô “đã được hoan nghênh” và ngài “là một loại ngôi sao nhạc pop ở Hàn Quốc.” Trong khi đó, ông nói rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã “dần dần bị lãng quên; nhưng gần đây, vị giáo hoàng thoái vị, đã được phát hiện lại.”

Tác giả người Đức Paul Badde, người đã viết cuốn sách The Holy Veil of Manoppello năm 2018 và thân cận với Đức Bênêđictô, cho biết điều gây ấn tượng nhất cho ông trong tang lễ là bài đọc Tin Mừng về “Người Trộm Lành”. Badde nói, bài đọc đó là “lễ phong thánh đầu tiên trong lịch sử nhân loại,” và điều đó tiêu biểu cho một dấu chỉ rõ ràng về việc tuyên thánh trong tương lai của Đức Bênêđíctô. Sau đó, Badde lưu ý rằng Phúc âm tiếp tục nói rằng “bóng tối bao trùm cả vùng đất” nhưng ở Rôma ngày nay “thì ngược lại”.

“Trong khi trời có sương mù suốt cả buổi sáng, đột nhiên, như một phần thiêng liêng của buổi lễ phụng vụ tuyệt đẹp trên mặt đất, mặt trời được phản chiếu trong quả cầu vàng trên đỉnh mái vòm của Đền Thờ Thánh Phêrô tại ngày vọng Chúa Hiển Linh này. Điều đó tiêu biểu cho di sản thực sự của Đức Bênêđictô XVI: đó là làm cho toàn thế giới biết đến Dung Nhan của Thiên Chúa.”

2. Thượng phụ Mạc Tư Khoa kêu gọi “đình chiến Giáng Sinh”

Thượng phụ Kirill, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, đã kêu gọi ngừng bắn tạm thời trong 36 giờ ở Ukraine để đánh dấu Lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo.

Ông nói: “Tôi, Kirill, Thượng phụ của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột nội bộ với lời kêu gọi ngừng bắn và thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn Giáng Sinh từ 12:00 ngày 6 tháng 1 đến 24:00 ngày 7 tháng 1, để những người Chính thống giáo có thể tham dự các buổi lễ vào Đêm Giáng Sinh và Ngày Giáng Sinh của Chúa Kitô”

Trong một thông cáo báo chí, Tòa Thượng Phụ Constantinope phê bình Thượng Phụ Kirill vì dùng cụm từ “cuộc xung đột nội bộ”. Rõ ràng ông ta muốn ám chỉ rằng Ukraine không phải là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, mà chỉ là một phần của nước Nga.

Kirill là người lớn tiếng ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine, và đã có một bài giảng trong đó ông nói rằng “nghĩa vụ quân sự sẽ rửa sạch mọi tội lỗi”.

Nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga cũng có mối thù với Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã mô tả cuộc xâm lược Ukraine là “chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa đế quốc” của Nga.

Và vào tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã thúc giục Thượng phụ Kirill đừng “trở thành cậu bé giúp lễ của Putin.”

Một số bối cảnh: Vào tháng 11, Chính Thống Giáo Ukraine thông báo rằng họ sẽ cho phép các nhà thờ của họ tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 thay vì ngày 7 tháng Giêng như truyền thống trong các giáo đoàn Chính thống giáo.

Thông báo của Giáo Hội Chính thống Ukraine có trụ sở tại Kyiv đã làm gia tăng rạn nứt giữa Giáo Hội Chính thống Nga và các tín hữu Chính thống giáo khác vốn ngày càng sâu sắc do cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Trong những năm gần đây, một phần lớn cộng đồng Chính thống giáo ở Ukraine đã rời khỏi Chính Thống Giáo phụ thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, một phong trào được thúc đẩy bởi cuộc xung đột mà Nga gây ra ở miền đông Ukraine bắt đầu từ năm 2014.
 
Putin dồn dập tin buồn đầu Năm: Nga mất thêm hai soái hạm. Mỹ, Đức gởi chiến xa hiện đại cho Ukraine
VietCatholic Media
16:11 06/01/2023


1. Hạm đội Nga mất thêm hai soái hạm

Hai tàu lớn của Hạm đội phương Nam của Hải quân Nga - tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov và tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Đô đốc Kuznetsov của Hạm đội Liên Xô - được coi là không thể hoạt động.

Điều này đã được báo cáo bởi Guildhall đề cập đến một nguồn trong cộng đồng tình báo của Ukraine.

“Tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov thuộc Hạm đội Phương Nam của Hải quân Nga đang được sửa chữa sẽ không được đưa vào hoạt động đúng thời hạn. Người ta đã xác định rằng trong số các thành phần của thiết bị trên tàu, chỉ có hệ thống định vị hoạt động bình thường, trong khi không có thiết bị nào khác còn hoạt động được”, nguồn tin cho biết.

Có thông tin cho rằng lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho con tàu đã không vượt qua được các thử nghiệm cần thiết liên quan đến quá trình phóng của nó, trong khi hệ thống bảo vệ bức xạ của con tàu cũng bị lỗi. Người ta phát hiện ra rằng lớp bảo vệ lỗi thời của các thanh than chì, được sản xuất từ năm 1980, đã bị hư hỏng do ăn mòn.

Theo thông tin có sẵn, hầu hết các thành phần có phẩm chất cao bị thiếu do các nhà máy quốc phòng của Nga không thể sản xuất chúng.

Nguồn tin tình báo cũng báo cáo rằng một con tàu khác của Hạm đội Phương Nam, tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Đô đốc Kuznetsov của Hạm đội Liên Xô, cũng đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng.

“Khi chuẩn bị chuyển tàu sân bay từ bến tàu về nhà máy để sửa chữa tiếp, người ta phát hiện ra rằng con tàu không thể tự di chuyển. Người ta đã quyết định kéo con tàu đi, nhưng lại nhận thấy rằng tiêu chuẩn về khả năng sống sót không thể duy trì được do boong bên dưới lớp thứ ba, thân ngoài của con tàu bị ăn mòn sâu, cũng như sự hiện diện của nước trong các hầm tầu. Như thế, có nguy cơ tàu bị lật nghiêng hoặc chìm trong quá trình kéo nên quá trình này bị hoãn vô thời hạn”.

2. Nga có vấn đề về máy bay mới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has a New Plane Problem”, nghĩa là “Nga có vấn đề về máy bay mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết, việc Nga chuyển các máy bay ném bom chiến lược cách xa hàng nghìn dặm tới Viễn Đông sau khi các sân bay của nước này bị tấn công có thể gây ra vấn đề cho hạm đội không quân già cỗi của Mạc Tư Khoa đang chiến đấu ở Ukraine.

Mặc dù Kyiv không trực tiếp nhận trách nhiệm, nhưng họ hoan nghênh và ăn mừng trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ không quân Dyagilev và Engels vào ngày 5 tháng 12. Các cuộc tấn công được cho là đã giết chết 3 binh sĩ Nga và làm hư hại ít nhất một máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 và có thể là một chiếc Tupolev Tu- 95MS.

Các cuộc tấn công đáng chú ý vì chúng đã thọc rất sâu vào lãnh thổ Nga. Căn cứ không quân Engels ở vùng Saratov cách biên giới Ukraine 450 dặm hay 724km, và căn cứ Dyagilevo ở Ryazan, cách biên giới khoảng 400 dặm hay 464km.

Vào ngày 27 tháng 12, một ngày sau khi Engels bị tấn công một lần nữa, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nói rằng Mạc Tư Khoa đã chuyển máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-22M3 đến Primorsky Krai, cách biên giới với Ukraine hơn 5,700 dặm hay 9,173km. Theo công ty tình báo nguồn mở Janes, ước tính có khoảng 6 máy bay Tu-95 đã được chuyển ra khỏi Engels.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Năm rằng Nga “rất có thể” đã phản ứng bằng cách đặt máy bay LRA, tức là các máy bay tấn công tầm xa, của họ cách xa Ukraine.

Mặc dù máy bay vẫn có thể bắn hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không vào Ukraine vì vũ khí có tầm bắn 3,100 dặm hay 4,989 km, nó phải bay một khoảng cách đến 2,600 dặm hay 4,180 km trước khi có thể phóng hỏa tiễn vào ukuk, Bộ Quốc phòng Anh cho biết “hoạt động từ các địa điểm phân tán sẽ gây thêm căng thẳng cho việc bảo trì”.

Các địa điểm xa xôi của chúng cũng sẽ “cạn kiệt hơn nữa số giờ bay hạn chế dành cho những chiếc máy bay già cỗi này”, bản đánh giá hàng ngày nhấn mạnh. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Diễn biến này xảy ra khi Ukraine cảnh báo về các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga và cách thức Nga đã sử dụng lực lượng không quân của mình trong cuộc xâm lược. Kyrylo Budanov, quan chức tình báo quân sự hàng đầu của Ukraine, nói với ABC News rằng Vladimir Putin nên chuẩn bị cho nhiều cuộc tấn công “ngày càng sâu hơn” vào bên trong nước Nga.

Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh nói với Newsweek: “Nga rõ ràng có vấn đề với lực lượng không quân của mình vì họ đã không thể sử dụng một tỷ lệ nhỏ khả năng trên giấy tờ của mình để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine”.

Ông nói: “Đáng lẽ họ phải giành được ưu thế trên không khi bắt đầu cuộc tấn công vào Ukraine và duy trì nó. Thực tế là họ đã chỉ ra rằng lực lượng không quân có cùng các vấn đề về kế hoạch và hậu cần như lực lượng mặt đất của họ, vốn bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng tham nhũng và độ tin cậy cực kỳ kém”.

Ông nói thêm: “Điều này có lẽ đúng không chỉ với các nền tảng chiến thuật mà cả với các nền tảng chiến lược.”

3. Biden xác nhận Mỹ đang cân nhắc gửi xe chiến đấu bọc thép Bradley tới Ukraine

Tổng thống Joe Biden nói rằng Hoa Kỳ đang xem xét gửi xe chiến đấu bọc thép Bradley tới Ukraine.

Khi được hỏi liệu các xe thiết giáp Bradley có “được đặt trên bàn” cho Ukraine hay không, Biden nói với một nhóm phóng viên: “có”.

Bradley là một phương tiện bọc thép được thiết kế để vận chuyển binh lính trên chiến trường. Nó được trang bị một số loại vũ khí khác nhau để bảo vệ tổ lái và tấn công các mục tiêu thù địch.

Một quan chức quốc phòng cho biết Mỹ có thể công bố việc chuyển giao xe tăng Bradley trong gói an ninh tiếp theo của Ukraine.

Đây sẽ là thiết bị quân sự mới đầu tiên mà Mỹ đồng ý gửi tới Ukraine sau chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tới Washington vào cuối tháng trước.

Trong chuyến thăm đó, Mỹ tuyên bố sẽ gửi hỏa tiễn phòng không Patriot tới Ukraine, một trong những hệ thống tiên tiến và quan trọng nhất mà Washington từng cung cấp cho Kyiv.

Nhưng Zelenskiy nói rõ rằng ông vẫn cần nhiều hơn nữa khi cuộc chiến ở Ukraine gần tròn một năm.

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Hoa Kỳ đang lên kế hoạch công bố gói viện trợ mới trong những ngày hoặc vài tuần tới.

Trước đây, Mỹ đã cung cấp các loại xe bọc thép khác cho Ukraine, bao gồm xe bọc thép có khả năng chống phục kích, gọi tắt là MRAP, và xe bọc thép đa dụng. Mỹ cũng trả tiền cho việc tân trang xe tăng T-72 thời Liên Xô.

Hai quan chức quốc phòng cho biết vào thời điểm này, Mỹ chưa sẵn sàng gửi xe tăng M-1 Abrams, bất chấp những yêu cầu nhiều lần của Ukraine.

4. Đức cho biết họ đang làm việc với các đồng minh khi áp lực gia tăng để gửi xe tăng hiện đại tới Ukraine

Đức đã nói rằng họ đang “đồng hành” với các đồng minh phương Tây liên quan đến việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết như trên.

Cô Annalena Baerbock nói với các phóng viên hôm thứ Năm: “Cả Mỹ và Pháp đã cùng nhau xem xét làm thế nào để hỗ trợ tốt hơn cho Ukraine. Chúng tôi ở Đức cũng đang xem xét chúng tôi có thể làm gì hơn nữa cùng với các đồng minh của mình.”

Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Đức cung cấp vũ khí hiện đại để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga, trong đó có xe tăng Leopard và xe tăng Marder.

Khi được hỏi hôm thứ Năm liệu Đức có gửi các phương tiện quân sự hiện đại đến Ukraine hay không, Baerbock nói: ''Chúng tôi sẽ đi cùng với các đối tác của mình'' mà không xác nhận loại vũ khí mới nào mà Đức có thể gửi tới.

Nhận xét của cô lặp lại nhận xét của Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck trước đó vào thứ Năm, là người nói rằng Đức sẽ điều chỉnh việc cung cấp vũ khí theo “nhu cầu của chiến trường”

Áp lực đối với Đức chỉ được khuếch đại khi Pháp thông báo hôm thứ Tư rằng họ sẽ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cung cấp các phương tiện chiến đấu hạng nhẹ cho Ukraine.

Sau cuộc họp ở Quốc Hội, Baerbock cho biết Đức sẽ cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Marder và một hệ thống phòng không Patriot bổ sung.

Marder là xe chiến đấu bộ binh được quân đội Đức sử dụng từ đầu những năm 1970 nhưng liên tục được nâng cấp. Trong khi quân đội Đức đang trong quá trình loại bỏ phương tiện này, hàng trăm chiếc vẫn đang được sử dụng.

Xe chiến đấu bộ binh là một loại xe bọc thép được trang bị vũ khí hạng nặng được sử dụng để di chuyển binh lính xung quanh chiến trường. Nó thường được triển khai cùng với xe tăng chiến đấu chủ lực.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã ca ngợi quyết định “hợp lý” của chính phủ Đức trong việc gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Đây là một quyết định tốt. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, chúng ta ngày càng mở rộng sự hỗ trợ trong hợp tác với các đối tác của mình. Điều hợp lý là chúng ta cũng thực hiện bước này. Ukraine có quyền tự vệ trước cuộc tấn công của Nga và chúng ta có nghĩa vụ giúp nước này làm như vậy”, ông nói.

5. Iran sẽ vượt 'lằn ranh đỏ' với việc cung cấp hỏa tiễn cho Nga - Kuleba

Việc cung cấp hỏa tiễn từ Iran cho Nga sẽ là một “lằn ranh đỏ”, việc vượt qua ranh giới này sẽ dẫn đến việc sử dụng toàn bộ bộ công cụ gây áp lực lên Tehran.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã cho biết như trên.

“Iran đang cung cấp cho Nga các máy bay không người lái mà Nga đang sử dụng để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta. Chúng ta cũng nghe nói rằng Nga và Iran có thể đang đàm phán một hợp đồng cung cấp một số loại hỏa tiễn từ Iran cho Nga. Chúng ta theo dõi quá trình này rất chặt chẽ. Đây sẽ là 'lằn ranh đỏ' mà tốt hơn hết là Iran không nên vượt qua, bởi sau đó toàn bộ công cụ gây áp lực sẽ được sử dụng để ngăn chặn Iran làm điều đó”, ông nói.

Theo Kuleba, thông điệp gửi tới Iran “rất đơn giản”: “Bất kể lợi ích của Iran từ việc hợp tác với Nga trong việc cung cấp vũ khí này là gì, hậu quả tiêu cực của sự hợp tác này sẽ cao hơn và đau đớn hơn nhiều”. Vì vậy, Tehran nên tiếp cận điều này từ một quan điểm rất thực tế.

Bộ trưởng cũng lưu ý rằng bằng cách cung cấp máy bay không người lái cho Nga, Iran đang tham gia vào chiến dịch khủng bố của Nga nhằm “chống lại dân thường của một quốc gia luôn rất thân thiện với người dân Iran”.

“Và cuối cùng, tôi muốn nói rằng việc sử dụng vũ khí chống lại dân thường thực sự là đi ngược lại ý muốn của Chúa. Và đây chính xác là những gì máy bay không người lái của Iran đang được sử dụng. Chúng không được sử dụng để tấn công các vị trí quân đội của chúng ta. Máy bay không người lái của Iran giết dân thường. Máy bay không người lái của Iran phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng ta hoạt động vì lợi ích của dân thường vào giữa mùa đông,” Kuleba nói.

6. Sẽ không có hòa bình lâu dài nếu chế độ chuyên chế lấn át tự do - Stoltenberg

Các đồng minh NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cung cấp thêm vũ khí cho nước này vì không thể có hòa bình lâu dài nếu chế độ chuyên chế lấn át được thế giới tự do.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu trước Hội nghị thường niên của Liên đoàn Doanh nghiệp Na Uy tại Oslo hôm thứ Năm, ngày 5 tháng Giêng.

“Vũ khí – trên thực tế – là con đường dẫn đến hòa bình. Sẽ không có hòa bình lâu dài nếu áp bức và bạo ngược chiến thắng tự do và dân chủ,” ông Stoltenberg nói.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp thêm vũ khí, đồng thời kêu gọi các Đồng minh đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng, loại bỏ sự phụ thuộc vào các chế độ độc tài và sát cánh cùng nhau để bảo vệ tự do và dân chủ.

7. Mỹ cân nhắc huấn luyện lực lượng Ukraine tại Mỹ, Ngũ Giác Đài cho biết

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ đang xem xét đưa người Ukraine tới Mỹ để huấn luyện hệ thống hỏa tiễn Patriot và huấn luyện ở nước ngoài “hoặc kết hợp cả hai”.

“Tôi nghĩ rằng rõ ràng chúng ta đang ở thời điểm trong cuộc chiến này, nơi chúng ta sẽ có thể cung cấp loại hình đào tạo cần thiết để Ukraine có thể duy trì các loại hệ thống đó, để họ có thể tập trung vào việc bảo vệ đất nước của họ và giành lại lãnh thổ,” Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nói.

8. Danilov gọi 'thỏa thuận ngừng bắn Giáng Sinh' của Nga là dối trá và đạo đức giả

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, đã mô tả lời kêu gọi ngừng bắn và thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn trong dịp Giáng Sinh Chính Thống Giáo của Nga là “dối trá và đạo đức giả”.

“Một bầy quỷ nhỏ ở Cẩm Linh liên quan gì đến một ngày lễ của Kitô giáo? Ai sẽ tin những kẻ cặn bã giết trẻ em, bắn phá bệnh viện phụ sản, tra tấn tù nhân? Một lệnh ngừng bắn? Dối trá và đạo đức giả,” Danilov nói.

Trước đó, các phương tiện truyền thông tuyên truyền của Nga đã đưa tin rằng Tổng thống của đất nước khủng bố, Vladimir Putin, được cho là đã ra lệnh áp dụng “chế độ ngừng bắn” trong 36 tiếng đồng hồ từ 12:00 trưa ngày 6 Giêng đến 24:00 ngày 7 tháng Giêng dọc theo toàn bộ giới tuyến giữa hai bên.

Về phần mình, Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, nói rằng một “thỏa thuận ngừng bắn tạm thời” có thể xảy ra đối với Nga sau khi rút quân khỏi các vùng lãnh thổ tạm thời bị xâm lược, bởi vì Ukraine không tấn công lãnh thổ nước ngoài và không giết thường dân, nhưng chỉ tiêu diệt quân xâm lược.

9. Ngoại trưởng Ukraine nói lệnh ngừng bắn đơn phương của Nga không nên được coi trọng

“Ngừng bắn đơn phương” của Nga vào ngày 6 và 7 tháng Giêng nhân dịp Giáng Sinh Chính thống giáo “không thể và không nên được coi là nghiêm túc”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết như trên.

“Tổng thống Zelenskiy đã đề xuất một Công thức Hòa bình rõ ràng gồm mười bước. Nga đã phớt lờ điều đó và thay vào đó lại nã pháo vào Kherson vào đêm Giáng Sinh, phóng hàng loạt hỏa tiễn và máy bay không người lái vào dịp Năm mới”

Denis Pushilin, nhà lãnh đạo thân Nga của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự tuyên bố ở miền đông Ukraine, cho biết lệnh ngừng bắn tạm thời trong 36 giờ của Tổng thống Vladimir Putin sẽ không ngăn được phe ly khai Nga phản ứng trước các hành động quân sự của Kyiv.

Ông ta nói: “Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không đáp trả những hành động khiêu khích của kẻ thù. Chúng ta cũng sẽ không cho kẻ thù một cơ hội nào trong những giờ lễ hội này để cải thiện vị trí của chúng trên tiền tuyến.”

10. Biden nói Putin đang “cố gắng tìm chút oxy” với lệnh ngừng bắn ở Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ sự hoài nghi về lệnh ngừng bắn do Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh ở Ukraine nhân dịp Giáng Sinh của Chính thống vào ngày 6 và 7 tháng Giêng.

“Tôi miễn cưỡng trả lời với bất cứ điều gì Putin nói. Tôi thấy nó khôi hài. Ông ta sẵn sàng đánh bom các bệnh viện, nhà trẻ và nhà thờ vào ngày 25 và ngày đầu năm mới,” Biden nói với các phóng viên hôm thứ Năm.

“Ý tôi là, tôi nghĩ hắn đang cố gắng tìm một ít oxy,”

CNN trước đó đã đưa tin rằng ông Putin đã ra lệnh cho bộ trưởng quốc phòng của ông hôm thứ Năm ra lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong 36 giờ bắt đầu từ trưa ngày 6 tháng Giêng. Việc tạm dừng sẽ cho phép các Kitô hữu Chính thống giáo tham dự các buổi lễ Giáng Sinh, theo một tuyên bố từ Điện Cẩm Linh.

Nhiều Kitô hữu Chính thống kỷ niệm Giáng Sinh vào ngày 6 và 7 tháng Giêng.

11. Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov đánh giá các mối đe dọa ở tiền tuyến: 800 km đặc biệt căng thẳng

Đường tổng thể của các mối đe dọa và mặt trận ở Ukraine là 2.500 km, bao gồm các mối đe dọa tiềm tàng từ biên giới Belarus, trong đó 1.200 km căng thẳng nhất và 800 km đặc biệt căng thẳng.

“Đến nay, tiền tuyến của chúng ta là 2.500 km. Đó là một dòng các mối đe dọa, bắt đầu dọc theo toàn bộ biên giới với Belarus – đó là một mối đe dọa, nó tồn tại, bởi vì thật không may, đây là một quốc gia không thân thiện, sau đó là Nga và các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời. Trong số 2.500 km, 1.200 km là căng thẳng nhất và 800 km là đặc biệt căng thẳng”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã cho biết như trên.

Reznikov nhấn mạnh, phía đông hiện là “điểm nóng” và tình hình “nóng nhất” không chỉ ở Bakhmut. Tuy nhiên, theo ông, người Nga mơ ước Bakhmut có ít nhất một chiến thắng nhỏ mang tính biểu tượng ở đâu đó chính xác theo quan điểm chính trị vì đây là vấn đề của chương trình nghị sự trong nước để chứng tỏ rằng họ đã đến biên giới ở đâu đó.

“ Nhưng Bakhmut là một pháo đài, nó là một biểu tượng, chúng ta nghiêm túc về điều đó, đó là một chốt canh gác,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Reznikov nhấn mạnh lực lượng Ukraine sẽ giữ và giành lại từng mét đất của Ukraine.

Như đã đưa tin, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến thị sát các vị trí của quân đội Ukraine tại Bakhmut vào ngày 20 tháng 12 vừa qua
 
Cuốn Không Có Gì Ngoài Sự Thật của ĐTGM Georg Gaenswein: Vụ Vatileak, lòng nhân từ của Đức Bênêđíctô
VietCatholic Media
17:21 06/01/2023


1. Chỉ ba tuần trước khi được Chúa gọi về Đức Bênêđíctô viết thư cho Đức Hồng Y Kasper

Đức Hồng Y Kasper tiết lộ rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết thư cho ngài vào tháng 12 về ‘cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội’

Để tưởng nhớ Đức cố Giáo hoàng, người mà ngài đã biết từ năm 1963, Đức Hồng Y Walter Kasper tiết lộ rằng vào ngày 10 tháng 12, “Đức Giáo Hoàng Danh dự đã ưu ái viết cho tôi một lá thư bày tỏ mối quan tâm chung của chúng tôi trước cuộc khủng hoảng trong Giáo hội.” Đức Hồng Y nói thêm rằng “sự trung thành với nguồn gốc tông đồ ràng buộc và sự chú ý đến những vấn nạn mới của hiện tại” đã “xuất hiện” trong bức thư.

Trong bài tưởng nhớ đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma ngày 5 tháng Giêng, Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích bức tranh biếm họa về Đức Hồng Y Joseph Ratzinger như một Panzerkardinal hay Hồng Y thiết giáp và gọi ngài là “một nhà tư tưởng thần học dịu dàng” với “chiều sâu tâm linh tuyệt vời và khiếu hài hước nhẹ nhàng tinh tế”.

Đức Hồng Y Kasper cũng thừa nhận đã có “những bất đồng công khai” của ngài với Đức Bênêđictô.

“Tuy nhiên, nếu bất cứ ai suy luận từ điều này rằng có sự ghẻ lạnh hoặc thậm chí thù địch, thì người đó hiểu rất ít hoặc không hiểu gì về thần học. Trên thực tế, giống như bất kỳ ngành khoa học nào, thần học cũng phát triển nhờ tranh cãi, và một nhà tư tưởng được tôn vinh nhờ tư duy. Vì vậy, mối quan hệ của chúng tôi luôn được đặc trưng bởi sự tôn trọng lẫn nhau và trên hết là sự bắt nguồn chung trong đức tin của Giáo hội, cũng như trách nhiệm chung đối với sự hiệp nhất của Giáo hội và sự hiệp nhất đại kết lớn hơn của các Giáo hội.”

Đức Hồng Y Kasper, hiện 89 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo từ năm 2001 đến năm 2010. Ngài nói rằng ngài và Đức Bênêđictô XVI tiếp cận các vấn đề “từ những góc độ khác nhau” một phần vì sự khác biệt trong đào tạo thần học của các vị.

“Đức Joseph Ratzinger, với tư cách là một nhà thần học, hoàn toàn được uốn nắn bởi tinh thần của các Giáo phụ của Giáo hội, đặc biệt là của phương Tây, Thánh Augustinô, và bởi thần học của nhà thần học dòng Phanxicô, Thánh Bonaventura,” Đức Hồng Y Kasper nói. “Tôi đến nhiều hơn từ việc nghiên cứu các vấn đề hiện đại, và ngay từ rất sớm trong một bài luận, tôi đã đào sâu sự hiểu biết của mình về tư tưởng của Thomas Aquinas”.
Source:Tablet

2. Biden đến thăm đại sứ quán Vatican để tỏ lòng kính trọng với Đức Bênêđictô XVI

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Bênêđictô XVI, vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau sáu thế kỷ, sau khi lễ an táng ngài diễn ra trong một buổi lễ tại Vatican.

Đức Bênêđíctô, người đã trở thành giáo hoàng danh dự sau khi từ bỏ vai trò lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo vào năm 2013, đã qua đời ngày 31 tháng 12 ở tuổi 95.

Biden, người Công Giáo, đã đến thăm Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để ký sổ chia buồn.

“Đó là một vinh dự lớn,” Biden nói sau khi viết vào cuốn sách, cuốn sách được mở trên một chiếc bàn nhỏ với bức chân dung lớn của Đức Bênêđictô ở phía sau.

Biden viết: “Cùng với người Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ, tôi cùng bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô. Ngài là một học giả lỗi lạc và thực sự là một Thánh nhân. Tôi sẽ luôn trân trọng thời gian chúng tôi cùng nhau ở Vatican khi ngài còn là Giáo hoàng để thảo luận về thần học Công Giáo. Ngài là một nhà thần học vĩ đại và tôi đã học được nhiều điều trong vài giờ. Cầu mong linh hồn ngài được yên nghỉ vĩnh hằng bên Chúa”.

Biden nói với các phóng viên cuộc trò chuyện với Đức Bênêđíctô “làm tôi nhớ đến việc quay trở lại lớp thần học.”

“Tôi thấy ngài là người thoải mái và rất lý trí,” Biden nói, đồng thời nói thêm rằng Đức Bênêđíctô có “quan điểm bảo thủ hơn trong lĩnh vực Công Giáo so với tôi.”

Biden cũng cho biết ông đã hỏi về việc tham dự tang lễ của Đức Bênêđíctô nhưng kết luận rằng sự hiện diện của ông sẽ gây quá nhiều phiền phức vì có quá nhiều nhân viên an ninh, các phụ tá Tòa Bạch Ốc, các quan chức khác và nhà báo đi cùng ông.

“Chúng tôi sẽ cản đường,” Biden nói.
Source:Catholic News Agency

3. Cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein làm sáng tỏ vụ Vatileaks

Cuốn sách mà Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein xuất bản cùng với Saverio Gaeta có tựa đề “Không có gì ngoài sự thật”, tiết lộ những năm bên cạnh Đức Bênêđictô XVI và làm sáng tỏ nhiều giai đoạn khác nhau của triều đại giáo hoàng, bao gồm cả vụ tai tiếng Vatileaks.

Dưới đây là bản dịch một trích đoạn liên quan đến vụ Vatileaks.

Ngay khi tôi lật qua cuốn sách Sua Santità, tiếng Ý có nghĩa là Đức Thánh Cha, có chữ ký của nhà báo Gianluigi Nuzzi, tôi nhận ra rằng một số tài liệu được trích dẫn, và thậm chí được chụp ảnh, đã chưa hề được gởi đến qua bất kỳ văn phòng nào khác của Vatican ngoại trừ văn phòng của tôi. Tôi đã đưa chúng cho Đức Giáo Hoàng. Ngài đã ký tắt vào đó và chỉ dẫn cách tiến hành, và tôi đã cất chúng trên giá phía sau bàn làm việc của mình. Vào thời điểm đó, tôi nhớ lại công việc của chúng tôi được tiến hành như thế nào trong phòng thư ký nằm cạnh phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng và hình dung ra rằng về cơ bản, ngoài thư ký thứ hai Xuereb và trợ lý Gabriele, không có ai vào đó.

Để đối mặt trực tiếp với tình hình, theo thỏa thuận với Đức Bênêđictô XVI, tôi đã triệu tập hai người họ vào sáng ngày 21, cùng với bốn nữ giáo dân tận hiến Memores và cả Sơ Birgit. Tôi hỏi từng người xem có giao tài liệu đó không thì họ đều kiên quyết phủ nhận. Vào thời điểm đó, tôi đã rất gay gắt và trực tiếp nói chuyện với Paolo, buộc tội anh ta về hành vi trộm cắp, lợi dụng việc anh ta có một chiếc bàn với máy tính để làm việc trong phòng. Khi túi công văn đến từ Phủ Quốc vụ khanh vào buổi sáng, tôi đã sắp xếp các thứ bên trong và nộp tài liệu cho Đức Giáo Hoàng để ngài đích thân đánh giá; ngài đã đọc, viết ra một số ghi chú và đôi khi yêu cầu làm rõ, và cuối cùng ngài đã trả lại cho tôi mọi thứ cùng với câu trả lời của ngài. Tài liệu và thư vẫn ở một nơi dành riêng trong văn phòng của tôi,

Paolo thường đi cùng chúng tôi, nhưng sau đó cậu ấy thường quay lại để làm công việc của mình. Có chìa khóa thang máy ở hành lang Sixtô V có thể đi lên và đi xuống mà không thu hút sự chú ý và vì trong lúc đó Xuereb cũng đang di chuyển, anh ấy thường có thể bị bỏ lại một mình. Sau này nghĩ lại, tôi nhận ra rằng, sau bữa trưa, anh ấy thường xuyên trở lại văn phòng và rời đi vào khoảng 3 giờ chiều (thông thường, anh ấy đến vào khoảng 7 giờ để dự Thánh lễ), tạo cảm giác rằng anh ấy phải bắt kịp công việc tồn đọng, vì vậy anh ấy đã có thời gian có sẵn cho những thứ của mình. Nhưng anh ấy sẵn sàng phủ nhận hoàn toàn sự thật, thậm chí tỏ ra khó chịu và hỏi tôi làm thế nào mà những nghi ngờ như vậy lại nảy sinh trong tôi.

Sau bữa trưa, tôi vào nhà nguyện và không ngờ gặp anh ở đó. Tôi đến gần anh ấy và yêu cầu anh ấy nói cho tôi biết sự thật về những gì anh ấy đã làm. Đó là thời điểm mà anh ta bắt đầu thừa nhận rằng anh ta đã gặp Nuzzi và đã đưa cho anh ta một số tài liệu. Tôi đã bị sốc bởi tiết lộ này. Việc xác nhận những nghi ngờ cũng là một đòn nặng nề đối với Đức Bênêđíctô, người về mặt tình cảm coi anh ta gần giống như một đứa con trai, cũng như đối với chúng tôi, các thành viên của gia đình giáo hoàng, anh ta thực tế là một người anh em, cũng như một đồng nghiệp trong công việc hàng ngày của chúng tôi. Tôi đã đề nghị với Đức Bênêđíctô bãi chức anh ta, yêu cầu ngài giao cho anh ta một nhiệm vụ khác bên ngoài ngôi nhà của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài chỉ trả lời đơn giản rằng không có chuyện đó.

Mặc dù đối với Đức Bênêđíctô, đó là một sự thất vọng lớn về mặt con người, trên hết là vì Paolo luôn có cơ hội nói chuyện riêng với ngài và làm rõ mọi nghi ngờ, quyết định tha thứ cho bản án của anh ta đã được đưa ra ngay cả trước khi anh ta chính thức xin ân xá, thông qua một lá thư vào đầu tháng 9, khi anh ta đã nhận ra lỗi lầm của mình và cầu xin Đức Giáo Hoàng tha thứ vì đã phản bội lòng tin của ngài. Đức Bênêđíctô đã đích thân trả lời, gửi cho anh ta một cuốn sách Thánh Vịnh với lời chúc phúc của ngài được viết trên trang đầu của cuốn sách.

Tuy nhiên, việc chờ đợi một thời điểm quan trọng về mặt tinh thần được cho là thích hợp để công khai việc ban lệnh ân xá và thời kỳ lễ Giáng Sinh đã được chọn. Vì vậy, vào ngày 22 tháng 12 năm đó, tôi tháp tùng Đức Giáo Hoàng đến doanh trại hiến binh nơi anh ta đang bị giam giữ và sau đó tôi để hai người nói chuyện với nhau. Tôi không bao giờ biết họ nói gì với nhau, nhưng tôi thấy Paolo đã rất cố gắng và tôi có cảm giác rằng anh ấy đã nhận ra hành vi thiếu thận trọng của mình đã gây ra bao nhiêu thiệt hại.

Trong nhiều năm, tôi không có tin tức gì về anh ấy, cho đến giữa tháng 11 năm 2020, bà Ingrid Stampa gọi cho tôi để thông báo rằng Paolo bị ốm nặng và hỏi tôi có thể đến gặp anh ấy được không. Để chắc chắn, tôi đã hỏi vợ anh ấy và cô ấy đã xác nhận mong muốn này. Tôi thấy anh rất tiều tụy và mệt mỏi, nhưng anh rất vui khi gặp tôi. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy muốn được hòa giải hoàn toàn với tôi, chúng tôi đã nói chuyện trực tiếp một cách bí mật và anh ấy yêu cầu tôi cho anh ấy nhận của ăn đàng; sau đó chúng tôi cùng cầu nguyện với vợ và ba đứa con của anh ấy. Vài ngày sau, vào ngày 24 tháng 11 năm 2020, anh ấy qua đời và tôi, Đức Hồng Y Harvey và Đức Tổng Giám Mục De Nicolò đã tham dự Thánh Lễ an táng do Đức Hồng Y Konrad Krajewski chủ sự. Sau đó, chúng tôi đã không bỏ lỡ một số trợ giúp cho gia đình.
Source:Il Messaggero