Ngày 09-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự lạ và sự ảo
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:11 09/01/2011
Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." (Ga 1,33).

1. Sự Lạ

Qua Lịch Sử Cứu Độ, chúng ta được biết có ba biến cố quan trọng mà Chúa Thánh Thần đã tác động. Thứ nhất là quyền năng của Chúa Thánh Thần bao trùm trinh nữ Maria và Maria đã mang thai Con Một Thiên Chúa (Mt. 1,18). Thứ hai là sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, bước lên khỏi nước: Trời mở ra và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người (Mc. 1,10). Thứ ba là Chúa Thánh Thần hiện xuống qua hình lưỡi lửa trên đầu các thánh Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần (Tđcv. 2,3). Khi Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ, Ngài đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến trinh nữ Maria và Maria đã sáng suốt đáp lời xin vâng. Cũng như thiên thần được sai đến báo mộng cho Giuse, Giuse chấp nhận với ý chí hoàn toàn tự do. Đức Maria và thánh Giuse đã tin tưởng, phó thác vào quyền năng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Các Ngài vâng phục theo thánh ý Chúa nhưng các Ngài hoàn toàn có sự chọn lựa với ý chí của mình.

Chúng ta biết Ngôi Ba Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoạt động để thánh hóa và hướng dẫn Hội Thánh ở trần gian qua các ơn linh ứng và soi sáng riêng. Ơn Khôn Ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Theo truyền thống của Giáo Hội và sự thực hành của các tín hữu, mỗi lần bắt đầu một giờ kinh, giờ cầu nguyện hay giờ họp mặt chúng ta đều hát hoặc đọc kinh xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để chúng ta biết việc phải làm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Có một lần tôi tham dự cuộc tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng, lời đầu tiên của cha giảng tĩnh tâm nói là xin qúy ông bà và anh chị em bỏ cái đầu xuống. Tôi nghĩ là cha đó có ý nói là hãy phó thác mọi sự trong Chúa. Đừng lý luận và đừng suy nghĩ gì cứ thả mình theo sự dẫn dắt của người hướng dẫn để cầu nguyện.

2. Ơn Lạ

Chúng ta cần phó thác cuộc đời của chúng ta trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện xin ơn Đặc Sủng là chúng ta đang cầu xin các ơn Khôn Ngoan, ơn Hiểu Biết, ơn biết Lo liệu, ơn Sức Mạnh, ơn Thông Minh, ơn Đạo Đức và ơn Kính Sợ Chúa. Chúng ta biết rằng con đường Chúa đến với loài người là con đường âm thầm và kín đáo. Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ và đến với Chúa qua con đường đức tin. Chúng ta hãy lấy trí khôn mà học hiểu và suy nghĩ về cách sống đạo và con đường theo Chúa. Qua cuộc tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng, có nhiều người cảm nhận là họ đã được Chúa đụng chạm tâm linh. Điều này là có thật. Chúng ta không chối từ những ơn lành Chúa ban cho riêng từng người.

Qua những sự kiện lạ xảy ra nhiều nơi trong quá khứ như những việc phao tin về các sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Connecticut, Georgia, Đức Mẹ khóc chảy máu ở Sacramento, CA; Đức Mẹ hiện ra ở Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, Kiên Giang; tượng Đức Mẹ Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn; Đức Mẹ hiện ra ở Giáo xứ Bạch Lâm, Gia Kiệm; Đức Mẹ phát quang ở Sóc Trăng; Đức Mẹ khóc ở Bảo Lộc … Sự nhiệt thành cầu nguyện và sự đơn sơ phó thác của tín hữu đã tạo ra một phong trào sùng kính ngoại thường. Sự kiện loan tin lạ đã gây nên những hoang mang niềm tin của nhiều người. Đức tin của họ bị chao đảo và không biết thật hư. Thường thì chúng ta phản ứng gay gắt đối với đại diện giáo quyền khi không có sự phát biểu đồng thuận.

Tôi biết vấn đề rất tế nhị và khó khăn khi chia sẻ để viết về biên giới giữa sự linh thiêng và cảm nghiệm hay chứng nghiệm cụ thể, nhất là về vấn đề thực hành đức tin. Tâm tư thôi thúc tôi viết chia sẻ về những Sự Lạ và Sự Ảo. Sự lạ hay phép lạ là những gì xảy ra ngoại thường và vượt trên định luật tự nhiên. Sự ảo có thể là do cảm xúc, ảo giác, ảo tưởng, ảo ảnh, ảo thuật, hư ảo, mê ảo, mê họặc, huyền ảo, hoang tưởng và mê tín dị đoan. Tôi muốn cùng qúy ông bà và anh chị em suy tư một vài sự kiện đang cao trào trong đời sống đạo. Chúng ta thử quan sát và suy nghĩ một chút về các cuộc tĩnh Tâm Canh tân Đặc Sủng, ngành Việt Nam.

3. Lạ Hay Ảo

Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng có rất nhiều ưu điểm nên được phổ biến, nếu Phong Trào thực hành theo sát với sự hướng dẫn của Giáo Hội. Phong trào sẽ giúp người tín hữu chia sẻ cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần một cách đắc lực. Nhưng trong thực hành cụ thể, những cuộc tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng đã rơi vào những sự thái qúa hoặc bất cập về hình thức cầu nguyện. Đôi khi chúng ta qúa chú tâm vào những cảm tình sống đạo, mà đi vào sự lầm lạc chen lẫn. Hoặc đôi khi chúng ta dùng những phương thế mờ mờ ảo ảo và không phân tích rõ nguyên nhân, để lôi cuốn quần chúng tham dự gây nên sự hoang mang.

Có nhiều cuộc tĩnh tâm Đặc Sủng được tổ chức, nhiều người đã có kinh nghiệm và chứng kiến những sự lạ hoặc ảo xảy ra. Phần riêng tôi, tôi chưa học thấy có giáo huấn nào của Giáo Hội dậy về việc Chúa Thánh Thần cho nói tiếng lạ hay té ngã hàng loạt như trong các buổi cầu nguyện của Canh Tân Đặc Sủng, ngành Việt Nam. Chúng ta nên tìm hiểu một chút về nguyên nhân và hậu quả. Để chấp nhận một phép lạ hay sự lạ, Giáo Hội đòi buộc phải qua các xét nghiệm cụ thể và xem xét rất cẩn thận về mọi phương diện tâm lý, sinh lý và vật lý. Chúng ta biết vì có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng chi phối thuộc về con người qua môi trường, bầu khí và tâm sinh lý làm cho chúng ta cảm thấy được ngụp tràn trong linh thiêng. Cảm giác này là có thật và chúng ta cũng tin tưởng là thật.

Một số các linh mục đã làm được phép lạ là xin Chúa Thánh Linh xuống trên nhiều người trong các cuộc tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng và chữa lành. Mọi nơi tổ chức Canh Tân Đặc Sủng, ngoài việc giảng giải, ca hát, tôn vinh và cầu nguyện còn có hai phần phụ, nhưng trở thành chính để lôi kéo tín hữu là đặt tay chữa lành và nói tiếng lạ. Chỉ trong vòng gần hai tiếng đồng hồ, linh mục đã đặt tay cho té ngã cả mấy trăm người. Tôi chứng kiến là có nhiều người đi làm về trễ, rồi ghé qua tham dự đang có nghi thức đặt tay cầu nguyện. Họ cũng té ngã và còn nằm trên đó thiếp đi cả 15 phút, gọi là nghỉ ngơi trong Chúa Thánh Thần. Sự thật là gì? Có ai suy nghĩ để tìm nguyên nhân thế nào? Tất cả những lần tổ chức đều như nhau, cứ tới ngày thứ hai trong ba ngày tĩnh tâm là có giờ nói tiếng lạ, đặt tay té ngã và gọi là chữa lành. Có nghĩa là tổ chức phải có như vậy mới đầy đủ. Có phải Chúa Thánh Linh cũng phải làm việc theo thời biểu đã sắp đặt? Vậy những sự việc lạ xảy ra có đáng tin không hay chỉ là sự ảo? Nhiều người trong nhóm cầu nguyện Thánh Linh nói rằng những người không đồng lòng hoặc không tin thì họ giống như ma qủy đang quấy phá. Thật sự chúng ta không biết rằng có khi ngay chúng ta đang bị ru ngủ giữa ban ngày đó.

4. Sự Kỳ Lạ

Chúng ta đều có tâm tình đạo đức và lòng chân thành hướng về điều tốt. Ai cũng muốn được ơn cải đổi, được ơn chữa lành phần hồn và phần xác. Qua sự đặt tay của linh mục, có nhiều người cứ tưởng là mình được khỏi bệnh ngay lập tức và lấy làm hoan hỉ. Nhưng sau đó một hai ngày, bệnh tình trở lại như cũ mà chẳng dám than vãn với ai và vẫn phải dùng thuốc. Có những người khi nghe nói là có người được khỏi bệnh thì đi truyền rao khắp cả mà không cần kiểm chứng. Sự kiện lạ được tiếp tục loan truyền và nhiều người cứ tin như thật. Có người tuyên dương là các linh mục linh hướng như là bác sĩ đa khoa đại tài, có thể chữa cả tâm linh lẫn thể xác. Với thái độ khôn ngoan, chúng ta phải có quan sát (follow up) xem xét và nhìn xem hậu qủa thực hư thế nào. Chúng ta đang sống trong xã hội có nhiều thay đổi, mê tín, cả tin, có khi thông tin lệch lạc và đưa tin thiếu xót. Chúng ta luôn phải cẩn thận để nhận định và phân tích các sự kiện xảy ra cho rõ ràng.

Chúng ta cứ thử nghĩ xem, mỗi cuộc tĩnh tâm trong giờ cầu nguyện xin ơn nói tiếng lạ, linh mục hướng dẫn cầu nguyện nói tiếng lạ, thế là mọi người đều nói tiếng lạ. Có phải giáo dân là đàn chiên ngây ngô đang họa theo người chủ hay không? Cũng như việc té ngã, tại sao phải có một nhóm người được chuẩn bị để đỡ người té. Linh mục hướng dẫn chắc chắn rằng Chúa Thánh Linh sẽ ban ơn té ngã để cần người đỡ sao! Tựu trung cứ nơi nào có tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng là nơi đó phải có sự lạ. Đây mới thật là sự lạ kỳ, nó giống như mùa Thu về mỗi năm, lá sẽ phải rơi rụng thôi. Chúng ta hãy dùng đầu óc mà suy nghĩ một chút đi. Nhớ rằng, chúng ta đừng mê mẩn phó thác linh hồn và tâm tình sống đạo cho một thần tượng nào cả, ngoài Chúa Giêsu Kitô.

Có những vị hướng dẫn đã đến thi hành nhiệm vụ tĩnh tâm rồi đi, họ sẽ không chịu trách nhiệm về những tháng ngày còn lại trong đời sống đạo của các tín hữu. Những cuộc tĩnh tâm đã để lại những tâm hồn tín hữu đơn sơ, bơ vơ hững hờ, nửa nghi nửa ngờ, thật thật hư hư và không có định hướng. Không biết Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng thuộc ngành Việt Nam, có sự chuẩn bị tài liệu học hỏi, linh đạo bài bản và huấn luyện nhân sự để giúp người tín hữu tiếp tục sống ơn đức tin hay không? Hoặc có khi một vài linh mục đến tĩnh tâm chỉ để khơi động phong trào lên nhất thời, rồi bỏ ngỏ. Các tín hữu cần được trau dồi và hướng dẫn học hiểu Kinh Thánh sâu rộng theo truyền thống của Giáo Hội. Trong các nhóm Cầu Nguyện Thánh Linh, người hướng dẫn cần nắm rõ một số nguyên tắc căn bản để chia sẻ Kinh Thánh. Mỗi lo là tự do giải thích và áp dụng Kinh Thánh có thể sẽ dần dần dẫn chúng ta ra xa ngoài truyền thống của Giáo Hội và đi vào hướng của các anh chị em Tin Lành. Các tín hữu là những người phải đối diện với cuộc sống và nhân chứng hằng ngày.Trong thực tế cuộc sống, có nhiều những cảm giác nhất thời nó tự đánh lừa chúng ta. Chúng ta cố gắng bình tâm và suy nghĩ kỹ càng.

5. Điều Lạ

Có người đặt câu hỏi tại sao lại phải té ngã hay nói tiếng lạ? Câu trả lời phủ đầu là ông bà, anh chị không có đức tin hay yếu đức tin. Các vị hướng dẫn dựa vào thư của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Côrintô (Chương 14) nói về ơn nói tiếng lạ. Chúng ta biết thơ của thánh Phaolô đã viết và góp nhặt lại cách đây gần 2000 ngàn năm trước. Chúng ta nên học hỏi, tìm hiểu kỹ càng về ý nghĩa nội dung, nguồn gốc bản văn và hoàn cảnh, thời điểm loan tin mừng của Thánh Phaolô. Đừng cả tin nơi một vài linh mục giải thích, sắp đặt và tạo bầu khí cầu nguyện để được ơn nói tiếng lạ, mà chúng ta không biết tự mình nói hay do quyền phép nào?

Nói chung, ai trong chúng ta cũng thích muốn điều lạ và cảm giác lạ. Nhiều lần chúng ta xem ảo thuật, chúng ta biết đó chỉ là ảo thuật, không có thật nhưng chúng ta vẫn cứ thích xem và ngưỡng mộ. Qua những cuộc tĩnh tâm Đặc Sủng, tôi có nhận được một số phản ảnh: Có ba anh nói rằng trong khi đặt tay, vị linh mục đã đẩy mạnh trên trán về phía sau. Tôi có nhận hai điện thư từ nơi xa cũng nói như thế và một lá thơ viết tay nói rằng vị linh mục đã đẩy ông ba lần, làm mất thăng bằng và té phải gượng dậy. Ông viết: Con cũng là người bị cha M. sô té. Khi con đang đứng nhắm mắt lại và đứng theo tư thế của người hướng dẫn, thì nghe có bàn tay đặt lên trán con và sô nhẹ một cái, miệng đọc những lời con nghe không hiểu. Con chỉ hí mắt thôi thì thấy cha M., tiếp theo là một cái đẩy nữa mạnh hơn, con bị mất thăng bằng, hai chân bị yếu muốn té ngửa, rồi có một bàn tay nào đó đặt vào lưng con, tiếp theo là một cái đẩy thứ ba mạnh thật mạnh, con dùng một chân chõi ngược về phía sau để chống lại, nhưng khi con dở một chân lên thì lại đẩy tiếp ngã ngửa luôn… Nếu là sự kiện này có thật, quý ông bà và anh chị em nghĩ thế nào khi một tín hữu có lòng chân thành cầu nguyện mà xảy ra như thế?

6. Ước Mơ Lạ

Chúng ta biết rằng trong bất cứ đảng phái, nhóm, hội, phong trào đều có nhiều người ý hạp và đi theo phò. Thực hành tôn giáo cũng rơi vào các phạm trù đó. Giáo Hội đã có những nhóm Cải Cách, nhóm Ly Khai, nhóm ủng hộ Phụ Nữ Linh Mục và các nhóm Tin Lành lớn, nhỏ đều có nhiều người đi theo và không thiếu các nhà tài trợ. Khi gia nhập một phong trào nào đó, chúng ta cần ơn Khôn Ngoan để nhận định và tìm hiểu rõ ràng điều nào thật và sự kiện nào mù mờ hay giả ảo, để giúp sống đạo tốt hơn. Chúng ta biết rằng đôi khi người trong cuộc rất khó để nhận định một cách rõ ràng và sáng suốt một cách khách quan. Chúng ta hãy học hỏi kinh nghiệm nơi Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chúng ta biết rằng để chấp nhận một sự lạ xảy ra một cách tỏ tường, giáo quyền phải kinh qua tất cả mọi chứng nghiệm cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhờ thế, Giáo Hội vẫn kiên vững qua mọi thời đại.

Chúng ta quan sát các tín hữu sống và thực hành đạo trong giáo hội ngày nay. Hàng năm có cả mấy triệu người đi hành hương các nơi thánh như Đất Thánh, Fatima, Lộ Đức, Lavang, Guadalupe… Họ cũng đã dành thời giờ, tiền bạc, hy sinh để đến cầu nguyện nơi thánh thiêng, thế mà con số những người được ơn lạ có là bao nhiêu. Chúng ta có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vậy mà những cuộc tổ chức tĩnh tâm Canh tân Đặc Sủng, nhiều người chỉ cần bỏ ra chút ít thời giờ để tụ họp ca hát ngợi khen, liên đới cầu nguyện, dự thánh lễ và nhận nghi thức đặt tay chữa lành thì sẽ có sự lạ xảy ra ngay cho hầu hết mọi người. Sự lạ do quyền năng của Chúa Thánh Thần hay sự lạ do các linh mục cậy dựa lòng tin yếu kém để qua mắt nhiều người?

Trách nhiệm của các đấng bậc, các linh mục và những người hướng dẫn nếu có ý mị dân hay dùng những cách thế không rõ ràng, lờ mờ, các vị sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa và tha nhân. Cần có cách hướng dẫn thực hành đạo luôn luôn phải trong sáng, tỏ tường, không nên có sự mờ ảo theo cảm tính hay đưa dẫn nhiều người vào sự nghi ngờ đức tin. Chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã kiên nhẫn chờ đợi gần 2000 năm để chuẩn bị Con Chúa xuống trần cứu độ. Chúng ta không thể đốt giai đoạn hay đi đường tắt đến ơn cứu độ. Xin các vị hữu trách rà soát lại cách thực hành và tìm hiểu nguyên nhân của các sự kiện xảy ra khi thi hành tác vụ.

7. Thực Tế

Tôi chưa nói về vấn đề tiền bạc. Hầu như cuộc tĩnh tâm nào cũng quảng cáo là miễn phí nhưng khi mọi người đã tụ họp, thì ban tổ chức sẽ kể lể mọi sự phí tổn và phục vụ, thế là bà con rút ruột rộng rãi quảng đại giúp đỡ. Chúng ta biết mỗi lần tổ chức cần cả trên dưới 10 ngàn đô. Tiền chi thu thế nào tôi không biết nhưng trong vấn đề gây qũy về giáo luật cần rõ ràng sổ sách chi thu. Thù lao cho các linh mục tham dự, ca đoàn, các thứ tiền chuyên chở, ăn ở… đâu cũng cần tiền chi phí cả?

Thịnh hành như Phong Trào Cursillô cũng đã đưa dẫn rất nhiều người trở lại với Chúa và họ cải đổi đời sống. Họ đã sống ngày thứ Tư sau khi đã tham dự khóa Ba ngày. Phong Trào này có hướng dẫn, học hỏi, có bài bản và chia sẻ trong nhóm nhỏ. Họ là những người khiêm nhượng trong thân phận hèn yếu và tội lỗi của mình để tìm nâng đỡ nơi ơn Chúa và lời cầu nguyện của những người anh em. Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn cải đổi đời sống.

Chủ yếu của Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng là chia sẻ của nhóm cầu nguyện giúp sống đạo thành tâm và tốt lành hơn. Trong buổi cầu nguyện có phần dẫn nhập xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, hát ca và ngợi khen tôn vinh Chúa, đọc Kinh Thánh, chia sẻ kinh nhiệm sống lời Chúa và chứng nhân trong cuộc sống hằng ngày, sau là lời nguyện xin ơn riêng. Mục đích của Nhóm cầu Nguyện là quy về sự học biết, yêu mến và tin tưởng vào Chúa Giêsu là trung tâm điểm và là Đấng Cứu Độ trần gian.

Ước mong mỗi người chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta hãy bám chặt lấy Hội Thánh qua kho tàng đức tin trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, qua quyền giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta sẽ hiên ngang đi trong đường chính trực. Chúng ta hãy sống như con cái sự sáng giữa ban ngày. Chúng ta hãy hồi tâm suy nghĩ một chút, đừng để những cảm xúc, tự ái hay sự ngây thơ nghi ngờ chi phối cuộc sống đạo của chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc, giải Nobel, các giám mục và Vatican: ai thắng ai thua?
+ĐHY Trần Nhật Quân
22:44 09/01/2011
Bài viết này của ĐHY Trần Nhật Quân từ Hồng Kông gửi cho AsiaNews ngày 14 Tháng Mười Hai 2010.

(AsiaNews) Chiếc ghế trống trên sân khấu hội trường thành phố Oslo làm tôi nhớ lại hai chiếc ghế trống tại hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục, đó là vào năm 1998, khi lần đầu tiên tôi tham dự Thượng Hội Đồng: một chiếc dành cho Đức Giám mục Duan Ying Ming của Tây An, và một chiếc cho Đức Giám mục phó của ngài. Mãi cho đến Thượng Hội Đồng hai năm về trước, cũng không có một phái đoàn nào từ Trung Quốc được chấp thuận, bởi vì người ta cứ khăng khăng đòi đưa nhóm giám mục bất hợp thức đi dự. Tại Thượng Hội Đồng năm 1998, tôi có nói rằng: "Ở Trung Quốc không có tự do tôn giáo thực sự". Và thật không may, tại Công nghị ngày 19 Tháng Mười Một vừa qua, tôi cũng phải đưa ra một tin xấu đến cho các vị Hồng Y anh em của tôi rằng: "Ở Trung Quốc vẫn không có tự do tôn giáo".

Đại hội lần thứ VIII của các đại biểu Công giáo Trung Quốc "thành công thắng lợi", khi đã ngăn chặn được ông Lưu Hiểu Ba đến nhận giải Nobel Hòa Bình. Các vị lãnh đạo của chúng ta cũng thực sự tự hào về một "thắng lợi" tương tự? Có thực là Trung Quốc đã trở thành một quyền lực kinh tế, nên tự cho phép họ bỏ qua những xấu hổ về nhân quyền hay không? Những ai mời mọc những lợi ích kinh tế cho bạn, họ có tôn trọng bạn trong trái tim của họ hay không? Hãy tỉnh đi! Xin hãy gìn giữ một chút quốc thể của chúng ta, vốn đã nổi tiếng về nền văn minh cổ đại và nghi lễ tinh hoa của mình.

Đức Giáo Hoàng, trong thư gửi cho Giáo Hội tại Trung Quốc năm 2007, đã nhẹ nhàng giải thích bản chất của Giáo Hội Công Giáo, vốn được công nhận bởi tất cả các quốc gia văn minh trên thế giới (xem thư của Đức Giáo Hoàng, Chương 9, đoạn 3). Giáo hội Công giáo được thành lập bởi Chúa Giêsu trên nền tảng là các Tông Đồ, đứng đầu là Thánh Phêrô, và ngày nay phải được hướng dẫn bởi Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô và các giám mục, người kế vị các Tông Đồ. Vì vậy, có thể gọi rằng, các lãnh đạo dân sự của Giáo Hội này, thông qua một hiệp hội đứng trên cả các giám mục, là trái với bản chất của Giáo Hội (xem Thư của Đức Giáo Hoàng, Chương 7, đoạn 1, 3, 5, 6, 7). Dù vậy, một số học giả ở Trung Quốc lại có ý kiến rằng, cần thời gian để uốn nắn hệ thống Giáo Hội đặc biệt tại Trung Quốc nên nó thường không đồng bộ so với Giáo Hội hoàn vũ, vì vậy Giáo Hội tại Trung Quốc có thể có những đặc thù so với Giáo Hội hoàn vũ (xem Báo cáo thường niên về tôn giáo năm 2010 của Học viện Khoa học xã hội tại Trung Quốc).

Thật không thể hiểu là làm thế nào mà Chính phủ Trung ương lại cho phép những gì đừng nên xảy ra lại xảy ra thêm một lần nữa. Hành động phá hoại này chỉ có thể tạo ra một sự bế tắc và để lại những hậu quả để chúng ta chịu đựng chúng. Cảnh sát phải bảo vệ sự an toàn của nhân dân, nhưng họ đã sử dụng bạo lực để hạn chế quyền tự do tôn giáo và hạn chế quyền tự do cá nhân. Đây là một sự ô nhục cho đất nước chúng ta. Cách làm phátxít này và những cách cư xử lưu manh đã đi ngược với chính sách tuyên bố về một xã hội hài hòa. Vì vậy, những gì đã xảy ra là một thất bại đối với Chính quyền của chúng ta.

Giáo Hội có thất bại nào hay không, khi mà có nhiều giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân tham gia vào đại hội này? Chúng ta không thể trả lời là không. Chúng ta không phải như giáo sĩ của Thánh bộ Truyền Giáo, hay như là cha Jeroom Heyndrickx, ngay cả sau vụ việc ở Thừa Đức mà vẫn còn nói rằng các giám mục tham dự cuộc tấn phong bất hợp thức là những anh hùng, là những người chiến thắng.

Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng đã có áp lực rất lớn. Nhưng thực tế là lá thư của Đức Giáo Hoàng đã không được họ tôn trọng và các thông cáo báo chí của Sứ Vụ Giáo Hội tại Trung Quốc đã không được đếm xỉa. Sức mạnh của đức tin đã đi về đâu? Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói rằng, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận thất bại tạm thời, để duy trì đức tin mà không được thỏa hiệp, chấp nhận đau khổ vì đức tin sẽ dẫn đến chiến thắng thực sự. Những lời nói của Đức Thánh Cha đã bị lãng quên rồi sao?

Ngày 1 Tháng Mười Hai, có nghĩa là sau sự kiện ở Thừa Đức và trước đại hội đại biểu Công giáo, trong Kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng nói rằng, chúng ta phải nguyện xin Đức Mẹ trợ giúp các Kitô hữu, trợ giúp cho các giám mục tại Trung Quốc, để họ có thể mạnh dạn làm chứng cho đức tin và đặt niềm hy vọng của họ trong Đấng Cứu Độ mà chúng ta mong đợi. Đấng Cứu Độ mà chúng ta mong đợi không chỉ đề cập đến Lễ Giáng Sinh sắp tới trong năm nay, mà còn cho Đấng Cứu Độ sẽ đến giữa đám mây trên trời để phán xét nhân loại. Nhưng có lẽ các giám mục và linh mục của chúng ta đã không có được cơ hội để nghe những lời này. ..

Lúc này đây, giáo sĩ của Thánh Bộ Truyền giáo và Cha Heyndrickx sẽ nói với tôi rằng: "Ngài ngồi thoải mái trên ghế sofa của ngài mà dám tự cho phép mình lớn tiếng đọc bản kết án anh em mình". Không, đó không phải là sự thật. Tôi biết tôi thay mặt cho vô số các linh mục và tín hữu ở Trung Quốc, giám chức của cả hai bên và của các cộng đồng hầm trú. Họ bị sốc, buồn bã và hoang mang. Họ tự hỏi: "Điều gì đã xảy ra với Giáo Hội của chúng ta thế này?". Có một linh mục đã bày tỏ trên Internet: "Cha Heyndrickx, chúng tôi không phải là người chiến thắng. Chúng tôi là người đau khổ. Cha cứ giữ cho mình những mong muốn đẹp đẽ. Tôi, một linh mục đi trước, tôi thấy sự đau khổ ở khắp mọi nơi. Mong muốn của cha được xây dựng trên những linh mục đau khổ như chúng tôi. Mong muốn của cha càng lớn, chúng tôi phiền muộn càng nhiều. Nó chỉ là như thế".

Trong tình thế mà cảnh sát đã tung ra lực lượng độc ác của mình và thông tin bị bưng bít, chúng ta không biết khi nào thì Tòa Thánh sẽ phạt vạ thực sự và sẽ đưa ra một bản án. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện, xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan. Trong bất kỳ trường hợp nào, làm ơn, đừng làm điều gì tương tự như trường hợp bổ nhiệm Giám mục Phanxicô An Xin Shu của Bảo Định, khi mà qua việc đó thì vẫn không có gì được nói ra.

Trong cuốn sách "Ánh Sáng Thế Gian" của Đức Giáo Hoàng vừa được công bố vào hôm 23 Tháng Mười Một, một đoạn trong đó có thể giúp chúng ta nhìn nhận lại chúng ta. Khi phóng viên hỏi Đức Thánh Cha: "Khi Cha đi sâu về lịch sử, Cha có cảm giác sốc và buồn khi nghĩ đến việc Giáo Hội nhiều lúc đã đi chệch khỏi con đường mà Con Thiên Chúa đã vạch ra không?". Đức Giáo Hoàng trả lời: "Tại thời điểm được đánh dấu bởi các vụ bê bối, chúng ta đã trải nghiệm được cái cảm giác về nỗi buồn bã và đau khổ, khi thấy Giáo Hội đáng thương đến dường bao, và làm thế nào mà các thành viên trong Giáo Hội lại có thể dễ dàng thất bại đang khi đi theo Chúa Giêsu Kitô. Thứ nhất, chúng ta đã cảm nghiệm ra sự hổ thẹn của mình là yếu kém thực sự. Thứ hai, mặc dù vì điều này, Chúa vẫn không từ bỏ Giáo Hội. Ngài bất chấp sự yếu kém thể hiện trong Giáo Hội qua các thành viên, nhưng gia tăng cho Giáo Hội ơn nên Thánh và đó là biểu hiện về sự hiện hữu của Ngài".

Trong mầu nhiệm của Nhiệm Thể, chúng ta hãy cùng chia sẻ gánh nặng của sự thất bại. Có lẽ chúng ta nên nhận ra rằng, chúng ta đã không cầu nguyện đầy đủ cho anh chị em chúng ta khi họ có những khó khăn nghiêm trọng. Vì thế, chúng ta hãy làm việc đền bù với họ!

Lạy Chúa, xin ngự đến và đừng chờ thêm nữa!

Tiền Hô chuyển ngữ
 
Hoa Kỳ: Các giám mục đề nghị cầu nguyện tưởng niệm một năm động đất ở Haiti.
Tiền Hô
22:56 09/01/2011
Hoa Thịnh Đốn, 9 Tháng Giêng 2011 (CNA) - Nhân tưởng niệm một năm trận động đất ở Haiti, các vị giám mục Hoa Kỳ đang đề nghị người Công giáo trên khắp các tiểu bang cầu nguyện trong tinh thần cảm thông với quốc gia bị tàn phá.

Ngày 12 Tháng Giêng 2010, thảm họa động đất đã làm chết hơn 200.000 người và hàng triệu người mất nhà cửa. Các giám mục Hoa Kỳ sẽ làm lễ tưởng niệm vào tháng này, các vị khuyến khích người Công giáo nhớ đến Haiti trong lời cầu nguyện và xem xét viện trợ cho họ. Ngoài việc bị các trận động đất tàn phá, người dân Haiti cũng đã phải chịu đựng một trận dịch tả lớn trong những tháng gần đây và nhiều người vẫn còn sống ở nơi trú ẩn tạm thời.

"Haiti và người dân vẫn cần rất nhiều lời cầu nguyện và tương trợ của chúng ta", Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami, Chủ tịch Nhóm Tư vấn Đặc biệt về Haiti, trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết.

"Khi tổ chức tưởng niệm trận động đất ở Haiti, chúng ta hãy tham gia cùng với các giáo xứ, trường học Công giáo, các nhóm giới trẻ, các trường cao đẳng và đại học trên khắp toàn quốc để ghi nhớ sự kiện bi thảm định mệnh của chiều hôm đó, và đó là cách để đáp lại đức tin", Đức Tổng Giám Mục nói hôm 6 Tháng Giêng.

Người Công Giáo được mời gọi tham gia cùng các giám mục để cầu nguyện với Đức Mẹ Guadalupe - Người Mẹ chung Mỹ Châu từ ngày 12 Tháng Giêng, một Thánh Lễ sẽ được cử hành vào cuối tuần của Tháng Giêng. Ngày 22 và 23 là ngày chính thức Quốc gia Quyên góp cho Mỹ Latinh, bao gồm cả Haiti và vùng Caribê. Xin cầu nguyện và đồng hành cùng với anh chị em của chúng ta và anh chị em ở Haiti.
 
Hoa Kỳ: Bản tu chỉnh Thánh Kinh mới nhất sẽ được phát hành vào Thứ Tư Lễ Tro
Tiền Hô
22:56 09/01/2011
Hoa Thịnh Đốn, 8 Tháng Giêng 2011 (CNA / EWTN News) - Bản tu chỉnh mới nhất của "The New American Bible", tức là bản dịch Thánh Kinh của Hoa Kỳ đã được chấp thuận cho xuất bản và sẽ ra mắt vào Thứ Tư Lễ Tro, 9 Tháng Ba 2011. Bản tu chỉnh mới này có sự sửa đổi nhằm mang lại độ chính xác nhiều hơn về từ ngữ, phù hợp hơn với tiếng Anh đương đại, giúp dễ hát và đọc các bài Thánh Vịnh.

ĐHY Francis George, nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc xuất bản vào ngày 30 Tháng Chín 2010 khi ngài còn đương chức chủ tịch. Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ cho biết, phiên bản mới này sẽ thể hiện trong các bản in, âm thanh và định dạng điện tử.

Bản tu chỉnh này là kết quả của những tiến bộ trong việc nghiên cứu các ngôn ngữ Thánh Kinh, từ đó tu chỉnh những từ ngữ trong tiếng Anh. Bản dịch ra đời dựa trên những nguồn văn bản mới được phát hiện và nhiều bản viết tay cổ xưa để biên dịch thành một văn bản chính xác và tốt nhất để sử dụng.

Bản này bao gồm các bản dịch đã sửa đổi lần đầu của Cựu Ước kể từ năm 1970 và phần sửa đổi hoàn thiện của Thánh Vịnh. Từ năm 1994, công việc chính là tu chỉnh hầu hết các sách Cựu Ước và đã hoàn tất vào năm 2001. Công việc tu chỉnh Thánh Vịnh thì bắt đầu từ năm 1991 và đã được tiếp tục sửa đổi trong những năm 2009-2010. Bản này vẫn giữ lại bản Tân Ước năm 1986.

Việc tu chỉnh này thông dịch nhiều từ ngữ hơn so với bản gốc cũ và nhằm mục đích thống nhất hơn trong việc dùng các từ ngữ, thành ngữ tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, đặc biệt là trong ngữ cảnh kỹ thuật, và các quy định mới về phụng vụ ngày nay.

Hơn nữa, bản dịch Thánh Vịnh đã tạo ra vần điệu, nhịp điệu giúp dễ hát nhưng vẫn giữ lại hình ảnh đặc trưng của các văn bản tiếng Do Thái.

Tuy nhiên, bản tu chỉnh "The New American Bible" lần này chỉ được chấp thuận sử dụng cá nhân và công việc nghiên cứu, không được sử dụng trong các Thánh Lễ, Thánh Lễ vẫn phải dùng phiên bản tu chỉnh lần trước của "The New American Bible".
 
Cả triệu giáo dân Phi Luật Tân cung nghinh tượng Chúa Giêsu.
Nguyễn Long Thao
11:12 09/01/2011
Cả triệu giáo dân Phi Luật Tân cung nghinh tượng Chúa Giêsu.

Manilla, Philippines.- Thông tấn xã AP loan tin vào ngày Chúa Nhật 9 tháng 1 năm 2011, cả triệu tín hữu Công Giáo tại thành phố Manila, Phi Luật Tân đã cung nghinh tượng Đức Chúa Giêsu để bày tỏ lòng tôn kính đối với một bức tượng mà họ tin là có năng lực siêu nhiên bí ẩn.

Bức tượng làm bằng gỗ có tên là Black Nazarene được đưa từ Mexico đến Phi Luật Tân vào khoảng năm 1606, tức cách đây 405 năm.

Theo dân địa phương, trong thời gian hơn 400 năm, tượng không hề hấn gì qua các trận hỏa hoạn, động đất và đánh bom dữ dội trong Thế Chiến II tại Phi Luật Tân là bằng chứng cho thấy bức tượng có một năng lực siêu nhiên bí ẩn.

Bức tượng được đặt trên đỉnh một chiếc xe mạ vàng chạy qua các đường phố để đến địa điểm lễ đài là công viên Rizal nơi khoảng 1 triệu người chờ đón ở đó để cung nghinh tượng Chúa Giêsu. Trên đường đến lễ đài, một số người bị thương vì chen lấn để được sờ tay vào bức tượng. Một số người khác bị đau ốm vì thức tham dự đêm canh thức. Chính quyền Phi Luật Tân đã phải huy động một lực lượng cảnh sát là 3500 người để duy trì trật tự an ninh cho buổi lễ này.

Theo AP, đây là một trong những sự kiện tôn giáo lớn và ngoạn mục nhất của cộng đồng người Công giáo tại Phi Luật Tân.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi tái khám phá ra vẻ đẹp của Bí Tích Rửa Tội
Linh Tiến Khải
12:29 09/01/2011
Tôi muốn khích lệ mọi tín hữu tái khám phá ra vẻ đẹp được rửa tội, thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa và tươi vui làm chứng cho đức tin của mình để nó sinh các hoa trái sự thiện và sự hòa hợp.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 9-1-2011, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Trước đó lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ ban Bí Tích Rửa Tội cho 21 trẻ em, con của các nhân viên làm việc trong Tòa Thánh, tại nhà nguyện Sistina ở nội thành Vaticăng.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ, nhất là Phúc Âm thánh Mátthêu, kể lại biến cố Chúa Giêsu cũng khiêm tốn đến lãnh phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả, như các tín hữu khác đến từ khắp nơi trong đất Palestina. Họ đến để lắng nghe lời rao giảng của vị ngôn sứ lớn này, và để nhận lãnh phép rửa như dấu chỉ sám hối tội lỗi. Tuy gọi là phép rửa, nhưng nó không có giá trị bí tích của lễ nghi Rửa Tội các trẻ em được cử hành hôm nay. Vì với cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã thành lập các bí tích và làm nảy sinh ra Giáo Hội. Phép rửa Gioan Tẩy Giả ban là một cử chỉ sám hối, mời gọi con người khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa cho một khởi đầu mới.

Chính vì thế khi thấy Đức Giêsu sắp hàng đến lãnh phép rửa, Gioan Tẩy Giả đã kinh ngạc từ chối, vì ông nhận ra nơi Người Đấng Cứu Thế, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng vô tội, và muốn được Người ban phép rửa cho. Nhưng Chúa Giêsu khuyến khích ông chấp nhận thi hành điều này ”cho trọn sự công chính”. Với kiểu nói này Chúa Giêsu biểu lộ cho thấy Người đến trần gian để thi hành và làm trọn ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chính để vâng lời Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã chấp nhận làm người. Cử chỉ này vén mở cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thật như Chúa Cha, là Đấng hạ mình làm người như chúng ta, và đã chấp nhận hạ mình cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2,7).

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau: đây là cử chỉ của Đấng muốn hoàn hoàn giống như một người trong chúng ta và xếp hàng với người tội lỗi. Người là Đấng vô tội, lại để cho mình bị đối xử như kẻ có tội (x. 2 Cr 5,21), để vác trên vai gánh nặng tội lỗi của toàn nhân loại. Đó là ”người tôi tớ của Giavê” mà ngôn sứ Isaia đã nói tới. Người khiêm tốn, vì muốn thiết lập một sự hiệp thong tràn đầy với nhân loại, vì muốn thực sự liên đới với con người và thân phân của nó. Cử chỉ của Chúa Giêsu diễn tả trước thập giá và việc chấp nhận cái chết cho tội lỗi của con người.

Quay qua các cha mẹ và những người đỡ đầu Đức Thánh Cha nói: qua phép rửa, con cái anh chị em được tháp nhập vào chính sự sống của Chúa Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, và khi sống lại Người đã chiến thắng cái chết. Vì thế khi dìm mình một cách thiêng liêng trong cái chết và sự sống lại của Người, chúng được giải thoát khỏi tội tổ tông và bắt đầu cuộc sống mới trong ơn thánh, cuộc sống của chính Chúa Giêsu phục sinh.

Con cái anh chị em là một ơn qúy báu của Chúa, Đấng đã dành để trái tim chúng cho Ngài, để có thể làm cho nó tràn ngập tình yêu của Ngài. Qua bí tích Rửa Tội, ngày hôm nay Ngài thánh hóa chúng và mời gọi chúng theo Chúa Giêsu, qua việc thực hiện ơn gọi cá nhân của chúng theo chương trình tình yêu đặc biệt mà Thiên Chúa Cha có trong trí cho từng em. Đích điểm của cuộc hành hương trần thế này sẽ là sự hiệp thông trọn vẹn với Người trong hạnh phúc vĩnh cửu.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nói về dấu ấn của bí tích Rửa Tội như sau: Khi nhận bí tích Rửa tội, các trẻ em này có được một dấu ấn tinh thần không hề phai nhòa, là ”tính cách” ghi dấu luôn mãi sự tùy thuộc của chúng nơi Chúa và khiến cho chúng trở thành các chi thể của mình mầu nhiệm Người là Giáo Hội. Hôm nay khi trở nên thành phần của Dân Chúa, chúng bắt đầu con đường nên thánh và đồng hình dạng với Chúa Giêsu, là một thưc tại được đặt để trong chúng như hạt giống của một cây tuyệt đẹp, cần phải được vun trồng cho nó lớn lên... Các em sẽ được dậy dỗ giáo dục theo sự khôn ngoan của Thánh Kinh và các giáo huấn của Giáo Hội để cho mầm giống đức tin mà hôm nay các em nhận lãnh, lớn lên và để các em có thể đạt sự trưởng thành kitô toàn vẹn.

Tiếp đến là kinh cầu các Thánh và Đức Thánh Cha đã ban bí tích rửa tội cho các em. Trong phần tiến lễ vài anh chị của các em được rửa tội dâng lễ vật lên Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã cho cha mẹ của các em rước Mình Thánh Chúa.

Lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ phòng làm việc của ngài Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha cũng nhắc lại ý nghĩa của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nó kết thúc phụng vụ mùa Giáng Sinh. Mầu nhiệm cuộc sống của Chúa Kitô cho thấy tỏ tường biến cố Người đến trong thân xác là cử chỉ diễn tả tột đỉnh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Có thể nói rằng từ biến cố long trọng này, hành động tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa của Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh sẽ luôn luôn được biểu lộ ra hơn nữa trong sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu, trong giáo huấn của Người, cũng như trong các phép lạ, trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người.

Phúc Âm thánh Mátthêu kể rằng ”vừa lãnh phép rửa xong, Đức Giêsu ra khỏi nước: và này đây, trời mở ra cho Người và Người trông thấy Thần Khí của Thiên Chúa ngự xuống như chim bồ câu và đến trên Người. Và này đây có tiếng từ trời phán: ”Đây là con yêu dấu của Ta: Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Thánh Thần ”ở” trên Con Thiên Chúa và làm chứng về thiên tính của Người, trong khi tiếng của Thiên Chúa Cha đến từ trời diễn tả sự hiệp thông của tình yêu. Phần kết luận cảnh lãnh phép rửa nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã nhận ”sự xức dầu” đích thật này, rằng Người là Đấng Được Xức Dầu, Đức Kitô mong đợi” (Gesù di Nazareth, Milano 2007,47-48)... Người thật là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa Tối Cao. Khi ra khỏi nước của sông Giọcđan, người thiết lập sự tái sinh trong Thánh Thần và mở ra cho những ai muốn khả thể trở thành con Thiên Chúa. Thật thế, không phải tình cở mà mọi tín hữu được rửa tội chiếm được ”tính cách” là con từ tên gọi kitô, là dấu chỉ không thể nhầm lẫn được mà Chúa Thánh Thần ”tái sinh ra” con người từ cung lòng Giáo Hội...

Đức Thánh Cha nói thêm về bí tích Rửa Tội như sau: Các bạn thân mến, bí tích Rửa Tội là khởi đầu cuộc sống tinh thần, tìm thấy sự thành toàn của nó nhờ Giáo Hội. Trong giờ ban bí tích, khi cộng đoàn giáo hội cầu nguyện và phó thác cho Thiên Chúa một người com mới, các cha mẹ và người đỡ đầu dấn thân đón nhận người mới được rửa tội, bằng cách nâng đỡ họ trong việc đào tạo và giáo dục kitô. Đây là môt trách nhiệm lớn lao bắt nguồn từ một ơn lớn lao! Vì thế, tôi muốn khích lệ mọi tín hữu tái khám phá ra vẻ đẹp được rửa tội và thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa cũng như tươi vui làm chứng cho đức tin của mình để nó sinh các hoa trái sự thiện và sự hòa hợp. Sau cùng Đức Thánh Cha phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria các cha mẹ và các giáo lý viên đang chuẩn bị cho con cái họ lãnh bí tích Rửa Tội.

Tiếp đến ngài đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã bầy tỏ tình liên đới với nhân dân Haiti, một năm sau khi bị động đất, nhưng lại bị dịch hạch. Ngài cho biết Đức Hồng Y Robert Sarah Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm đã lên đường viếng thăm dân nước Haiti để nói lên tình liên đới và sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình.
 
Các giám mục tiểu bang Alaska phải chia sẻ linh mục vượt ranh giới các giáo phận
Bùi Hữu Thư
19:03 09/01/2011
ANCHORAGE, Alaska (CNS) – Vì tình trạng thiếu linh mục trầm trọng tại Alaska, đời sống của Cha Nelson Marilag đã trở nên tiêu biểu khi việc chia sẻ linh mục vượt qua ranh giới của các giáo phận tại ba điạ phận Công Giáo của tiểu bang Alaska trở thành một thông lệ.

Trong vòng mười năm qua, nhiều giáo phận Hoa Kỳ đã áp dụng hình thức chia sẻ một linh mục giữa nhiều giáo xứ.

Các giám mục ở Alaska đang thử nghiệm ý kiến chia sẻ các linh mục giữa các giáo phận.

Cha Marilag là một linh mục được Giáo phận Cotabato, Phi Luật Tân cho mượn, và đã được chính thức bổ nhiệm để làm mục vụ trong Tổng Giáo Phận Anchorage. Tuy nhiên, ngài cũng đang giúp đỡ việc phục vụ cho người Công Giáo tại Barrow – là thành phố cực bắc của Hoa Kỳ và là một phần của giáo phận Fairbanks.

Tình trạng có linh mục cùng phục vụ tại hai giáo phận rất hiếm có, nhưng sự sắp xếp được phát triển tại Alaska là một phần của chiến thuật mới được Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Alaska áp dụng để giúp giảm thiểu được hậu quả của nạn thiếu linh mục ngày càng gia tăng.

Việc bổ nhiệm cha Marilag cho hai giáo phận là một cuộc thử nghiệm của kế hoạch mới này. Đức Tổng Giám Mục Roger L. Schwietz, tổng giáo phận Anchorage nói với phóng viên báo Catholic Anchor, tờ báo của tổng giáo phận: “Thật sự là kế hoạch này vẫn còn trong thời kỳ thai nghén, và chúng tôi chưa lo liệu được các chi tiết.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vụ Bản thuộc TGP Hà Nội Chầu Mình Thánh Chúa
Vụ Bản
12:13 09/01/2011
Hòa Bình - Hôm nay ngày 09/01/2011, Giáo xứ Vụ Bản thuộc TGP Hà Nội đã tổ chức Thánh Lễ Chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo Phận
Xem hình ảnh
Mặt dù trời mưa, gió lạnh, đường xa nhưng bà con giáo dân đã kéo về tham dự khá đông đủ, nói là đông đủ nhưng cũng chỉ khoảng hơn 100 người, vì đây là giáo xứ tái thành lập.

Dù chưa có Nhà Thờ, nhưng bà con giáo dân đã trang trí rất trang hoàng tại một gia đình trong giáo xứ, bằng những băng rôn khẩu hiệu và nhừng lá cờ treo khắp quanh nhà. Đúng 7h30, Thầy giúp xứ đã đặt Mình Thánh, Các hội đoàn của các xứ, họ đã thay nhau chầu thật sốt sáng. 11h Cha xứ Gioan Nguyễn Văn Hân đã chủ sự giờ chầu tạ ơn, cất Mình Thánh và dâng Thánh Lễ bế mạc ngày chầu.

Để chuẩn bị cho ngày Lễ trọng đại này Cha xứ đã tổ chức tuần tam nhật. Trong các buổi chiều của tuần tam nhật Ngài đã giải tội, đặt Mình Thánh chầu và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho giáo xứ.

Tưởng cũng nên biết giáo xứ Vụ Bản có khoảng 300 giáo dân, là một giáo xứ đã có từ lậu đời, đã từng có nhà thờ, nhà xứ, đã từng có quý Cha, quý Sr về phục vụ. Tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh nhà thờ hiện nay không còn, đất của giáo xứ nay đã thành trường học. Bà con giáo dân đang rất nỗ lực để có một ngôi Thánh Đường nho nhỏ, để tiện cho việc đọc kinh dâng lễ.

“Tôi quyết chẳng về nhà
Chẳng lên giường nằm ngủ
Chẳng bao giờ chợp mắt khép mi
Khi chưa tìm được một nơi cho Chúa ngự
Một ngôi đền cho Đấng toàn năng nhà Gia-cop”
(Tv 132, 3-5)
 
La Vang: ghi nhận sau Đại Lễ
GB. Trần Thế Vinh
19:32 09/01/2011
La Vang: ghi nhận sau Đại Lễ

Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 và Đại hội Thánh Mẫu La Vang lần 29 đã khép lại cách thành công với dư vị tốt đẹp đọng lại trong mỗi người khách hành hương. Xin cám ơn Giáo Tỉnh Huế nói chung và Giáo Phận Huế nói riêng đã làm hết sức mình để có được thành công ấy, mang lại những ơn ích lớn lao cho cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam. Có thể mỗi người sẽ có một cách cảm nhận riêng sau khi tham dự sự kiện này. Tôi xin chia sẻ một vài cảm nhận cá nhân xung quanh đại lễ.

Thời tiết:

Mưa rả rích suốt ngày đêm và trời khá rét, khiến cho một số hoạt động trong khuôn khổ đại lễ phải điều chỉnh lại địa điểm. "Nắng mưa là chuyện của trời", đây cũng là đặc trưng thời tiết của Miền Trung vào thời gian này, do đó trong những ngày ấy, con cái Mẹ La Vang chỉ biết cầu xin Mẹ ban ơn cho bầu trời thôi mưa chứ không dám hy vọng có một trời quang mây tạnh, đầy nắng ấm. Thời tiết cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hành hương phương xa, ban y tế của đại hội phải hoạt động rất vất vả để phục vụ khách, phần lớn họ bị cảm lạnh, viêm họng, say tàu xe; người già bị thấp khớp, đau cơ... vì chưa thích nghi được với thiết tiết tại đây.

Trật tự:

Ban trật tự của đại lễ rất đông đảo và hoạt động khá tốt, nhờ có họ mà hầu như không sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Một điều rất đáng được nghi nhận về ban trật tự đó là họ có thái độ vừa cương quyết vừa nhã nhặn với khách hành hương. Cương quyết yêu cầu khách hành hương chấp hành theo điều lệnh chung về trật tự, nhưng vẫn nhã nhặn giải thích và hướng dẫn cho họ những điều họ thắc mắc, phản ảnh.

Truyền thông:

Website của TGP.Huế làm rất tốt nhiệm vụ của mình: Mọi thông tin, hình ảnh, lịch trình, bài giảng của các Đức Giám Mục, các bài phát biểu trong mỗi sự kiện đều được website cập nhật, đăng tải đầy đủ và kịp thời. Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo cho giới truyền thông trong và ngoài nước một căn phòng tuy khiêm tốn nhưng đủ điều kiện để tác nghiệp. Nhìn chung, các cộng tác viên truyền thông của các giáo phận/hãng tin đều tích cực trong công việc để kịp thời truyền về giáo phận/hãng tin của mình những tin tức, hình ảnh các diễn biến từ La Vang. Tuy nhiên, người ta chưa thấy có sự giao lưu, thảo luận, san sẻ thông tin, bài viết giữa các nhóm cộng tác viên liên giáo phận/hãng tin. Thậm chí, có trường hợp chen lấn nhau để chụp ảnh sự kiện. Cần hiểu mục đích lớn nhất của truyền thông trong sự kiện La Vang nói riêng và trong Công Giáo nói chung đó là để phục vụ cho Chúa, cho Đức Mẹ, và cho cộng đoàn Dân Chúa, nó khác với truyền thông dân sự mang tính chất cạnh tranh, chụp giựt. Do đó, cùng nhau cộng tác, chia sẻ trong sứ vụ này là điều nên làm.

Phát thanh:

Từ văn phòng Nhà Trung Tâm tại La Vang, có một giọng Nam phụ trách nói trên loa phóng thanh phát trong khu vực linh địa. Người này đọc các thông báo của ban tổ chức, nhắc nhở các lịch trình, giờ lễ, trợ giúp cho các sự cố của khách hành hương như tìm người lạc, đánh rơi giất tờ... có lẽ để thêm phần sôi nổi, ông còn lồng ghép vào đó các chia sẻ ngẫu hứng của mình với khách hành hương, giúp phá vỡ đi tiếng mưa rơi rả rích và không khí tê lạnh tại linh địa. Nói chung, ý hướng là tốt, tuy nhiên, do không kiểm soát được hoạt động của mình nên đôi lúc lại nói hơi nhiều khiến cho những giây phút mà khách hành hương rất cần sự thinh lặng để cầu nguyện thì lại bị tiếng loa phóng thanh chi phối, gây chia trí.

Âm thanh - Ánh sáng:

Góp vào thành công của Đêm Diễn Nguyện và Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh chính là chất lượng âm thanh cùng hiệu ứng ánh sáng. Ban tổ chức đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng về hai mảng quan trọng này. Chất lượng âm thanh khá tốt, đứng tại bất kỳ vị trí nào trên sân lễ rộng lớn như thế mà vẫn nghe được. Phông che - một giải pháp đặc biệt và thông minh đã làm nâng cao thêm chất lượng tiếng hát cho ca đoàn tổng hợp. Trong Đêm Diễn Nguyện, ánh sáng chuyên nghiệp và hài hòa với nội dung kịch bản.

Trang trí:

La Vang được trang trí rực rỡ với những biểu ngữ, lá cờ đủ loại. Nhưng có một số chi tiết trang trí trong khu vực linh địa chưa thật sự phù hợp. Tại quảng trường Mân Côi, các cổng vòm chào mừng (làm bằng hơi) được dựng lên, và nó đã làm cản tầm nhìn rất đẹp đến tháp chuông cổ khi đứng ngoài cổng chính. Đáng tiếc, di tích tháp chuông cổ kính nhưng không được trang trí đúng cách. Thể loại công trình như thế này muốn tôn lên cho đẹp hơn thì cần phải thiết kế giải pháp chiếu sáng mỹ thuật (art lighting applications) chứ không nên dùng những dây đèn LED treo trang trí tự do trên ấy như thế.

Cầu nguyện mọi nơi:

Hàng trăm ngàn người cùng một lúc tề tựu về linh địa La Vang khiến cho linh đài Đức Mẹ luôn luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải, có thời điểm rất khó để tìm một chỗ đứng để cầu nguyện tại linh đài. May thay, trong khuôn viên linh địa La Vang có đặt rải rác nhiều tượng đài Chúa Giêsu và Đức Mẹ, do đó những ai không thể đứng tại linh đài thì lại tập trung vào các tượng đài nhỏ này. Một người đến đứng trước thì chỉ một chốc lát sẽ có thêm hàng chục người đến, từng nhóm, từng nhóm cầu nguyện. Đó là một trong những hình ảnh rất đẹp của đại lễ.

Cổ võ Lòng Thương Xót Chúa:

Nhóm cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa hoạt động rất nhiệt thành trong dịp này. Trong suốt ba ngày đại lễ, họ thường tổ chức nhiều hoạt động như cầu nguyện, đọc kinh lần hạt Mân Côi, thánh lễ... và cấp phát miễn phí cho khách hành hương kinh sách, tranh ảnh Chúa Giêsu, tờ rơi, đèn nến... để cổ võ giáo dân suy tôn Lòng Thương Xót Chúa. Buồn thay, vẫn thấy nhiều người sau khi dùng xong những vật ấy, họ không biết trân trọng giữ gìn mà lại đem vứt bỏ.

Vật giá tăng khủng khiếp:

Nhiều hoạt động diễn ra dày đặc tại đại lễ như: xưng tội, thánh lễ, đọc kinh, đón tiếp, diễn nguyện... cộng với thời tiết mưa dầm và giá lạnh khiến cho người ta rất chóng đói. Vì vậy, ẩm thực trong thời điểm này là một nhu cầu rất cấp thiết. Một số đoàn hành hương chuẩn bị lương thực cho chuyến đi khá chu đáo, thậm chí có đoàn còn đem theo bếp, nồi để nấu ăn tại trại. Tuy nhiên, phần lớn khách hành hương đều phải ra ngoài khu vực linh địa để mua thức ăn tại các hàng quán xung quanh. Đây cũng là dịp để cho những kẻ buôn bán lợi dụng thời cơ đẩy vật giá lên cao khủng khiếp để trục lợi. Ví dụ, một đĩa cơm với món ăn đơn giản lên đến 30.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng (thường ngày khoảng 15.000 đồng), một ổ bánh mì 20.000 đồng (thường ngày khoảng 8.000 đồng), một tô mì tôm pha sẵn 30.000 đồng (thường ngày khoảng 10.000 đồng), nước suối 15.000 đồng một chai (thường ngày khoảng 5.000 đồng)... Bên cạnh đồ ăn thức uống, các vật dụng khác như áo đi mưa, ô dù, dép xốp, thuốc lá... đều bị đẩy giá lên cao từ gấp đôi trở lên mà khách hành hương vẫn phải cắn răng móc hầu bao. Đây là điều đáng buồn trong một tình huống như thế.

Đông đúc rồi vắng lặng:

Buổi trưa của ngày cuối cùng 6/1 của những ngày đại lễ, sau Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh, các đoàn khách hành hương bắt đầu rục rịch thu xếp nhổ trại. Cho đến buổi chiều cùng ngày thì hầu như linh địa đã trở nên vắng bóng người. Mấy ngày, mấy giờ trước thôi, hàng trăm ngàn người đổ về La Vang, thế mà bây giờ họ lại nhanh chóng ra đi. Có thể vì thời tiết khắc nghiệt, có lẽ vì tài chính hoặc cũng có thể sợ bị kẹt xe ra Quốc Lộ 1A hay một lý do riêng tư nào đó nên họ tranh thủ về sớm. Mẹ La Vang vẫn đứng đấy nhìn đoàn con Mẹ lần lượt ra đi. Nhưng chắc chắn Mẹ vẫn hy vọng rằng, đoàn con của Mẹ đang ra khơi chứ không phải ra về để tránh rét. Một linh mục TGP.Huế chia sẻ vui rằng, ngày mai thì nơi đây trở lại thành Giáo xứ La Vang chứ không còn là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang nữa.

Ngày 8 tháng 01, 2011.
 
Niềm vui theo những vòng xe lăn
Tâm Phúc
21:50 09/01/2011
Nhìn theo ông Vũ Ly Hương (1954, Hàm Cường, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) hớn hở lăn thử một vòng quanh sân nhà thờ Vinh An trên chiếc xe lăn mới tinh do Caritas Phan Thiết trao tặng nhân dịp Giáng Sinh 2010, chúng tôi vui theo niềm vui của ông và mọi người hiện diện. Giã từ những ngày tháng cam chịu ở một chỗ do bị liệt, những vòng xe lăn mang theo niềm vui bước vào Năm Mới 2011 cho 17 anh chị em khuyết tật và gia đình của họ.

17 người được nhận xe lăn trong dịp này thuộc vùng Hàm Thuận Nam, Bình Thuận là 17 hoàn cảnh thương tâm khác nhau. Có người sinh ra đã phải chịu tật nguyền do chất độc màu da cam như em Ngọc Yến, Quốc Thanh; có người là lao động chính của gia đình nhưng qua một cơn bệnh hay bị tai nạn trở thành trở thành gánh nặng cho gia đình vốn đã quá cơ cực như anh Minh Phúc (1986), anh Nguyễn Văn Trung (1970), chị Trần Thị Ninh (1962)…. Thậm chí trong cơn tuyệt vọng thấy mình không thể hồi phục sau tai nạn, có người đã nghĩ đến cái chết. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Hồ Lệ An:

“Vòng bánh xe lăn ngẫm sự đời

Tâm tư trĩu nặng bóng trùng khơi

Thuở xưa xanh tóc đời hăm hở

Nay tóc rêu phong mỏi chuyện đời”.

Bao ngày tháng phải lê lết thân mình khi cần di chuyển bởi đôi chân bị teo cơ, thế giới của ông Hương, như một số người khuyết tật khác, chỉ quanh quẩn bên chiếc giường hay xung quanh thềm nhà mình. Nhưng giờ đây với chiếc xe lăn, có thể tự mình di chuyển được, tự phục vụ bản thân, họ bắt đầu dự tính bao điều dù là nhỏ nhoi để có thể thay đổi cuộc đời mình. Với đôi tay còn lành lặn, có người nghĩ đến việc bán vé số hay nhận hàng thủ công để kiếm tiền phụ gia đình …

Chị Bích Thủy, bị liệt hai chân, nhẹ nhàng lăn thử xe và vui vẻ nói từ nay mình làm việc nhà sẽ dễ dàng hơn và muốn “đi” đâu cũng tiện lợi. Mẹ Ngọc Yến thì nói có giờ rảnh sẽ tranh thủ đẩy xe chở Yến ra ngoài cho em tiếp xúc với thể giới xung quanh. Còn một bà cụ khi chúng tôi đem xe đến tận nhà trao cho bà thì bà vui mừng đến rơi lệ và đều đầu tiên nhắc đến là từ nay sẽ dễ dàng hơn để được đến nhà thờ dự lễ cùng cộng đoàn.

Với chiếc xe lăn được trao tặng, không chỉ bản thân 17 anh chị em khuyết tật mà cả gia đình họ thật sự vui mừng khi người thân nhận được sự quan tâm chia sẻ của những vị ân nhân mà họ không hề biết mặt. Qua Caritas Phan Thiết, chúng tôi xin gởi lời tri ân đến Quý Ân Nhân, công việc bác ái mà Quý Vị đang thực hiện có ý nghĩa lớn lao trong việc nâng đỡ, khích lệ và đem niềm vui đến những anh chị em khuyết tật, tạo cơ hội cho họ hòa nhập với cộng đồng.
 
Giới Trẻ Miền Bắc học hỏi về Công Đồng Vaticanô II
Lm. Giuse Phạm Thanh Quang (J) CSsR
21:54 09/01/2011
(Tiếp theo, số 7)

NHỮNG THỜI HIỆU ĐÁNG NHỚ CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

22. Thưa cha, xin cha cho chúng con biết về những thời hiệu được xem là quan trọng nhất của Công Đồng Vaticanô II để chúng con dễ nhớ và dễ mường tượng ra sự tiến triển của Công Đồng?

Đề nghị của các bạn thật chính đáng. Các bạn nên chú ý niên hiệu và sự kiện diễn ra nhé. Tổng cộng có 4 kỳ họp, nhưng trước đó đã có những khâu chuẩn bị rất kỹ:

22.1 Ngày 25.1.1959: Tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã loan báo cho các Hồng Y biết về ý định sẽ triệu tập Công Đồng.

22.2 Giai đoạn chuẩn bị:

- Từ 17.5.1959 đến ngày 29.6.1959 (Chuẩn bị xa): Ủy Ban Tiền chuẩn bị được thành lập; những lá thư xin góp ý được gửi đi khắp nơi; Thông điệp “Ad Petri cathedram” (Bên Tòa thánh Phêrô) được gửi đi để nói rõ về mục đich của Công Đồng.

- Từ 5.6.1960 đến 11.9.1962 (Chuẩn bị gần): 15 Ủy Ban và Văn phòng chuẩn bị cho Công Đồng được thành lập; Tông hiến Humanae Salutis (Ơn cứu độ con người) công bố (25.12.1961) quyết định triệu tập Công Đồng vào năm 1962; Ngày 2.2.1962 với Tự Sắc Concilium (Công Đồng) ấn định ngày 11.10.1962 là ngày khai mạc Công Đồng.

- Từ 11.10.1962 đến 8.12.1962: Kỳ họp đầu tiên của Công Đồng. Công Đồng thảo luận về Phụng vụ, Mạc Khải, Truyền thông xã hội, Hiệp nhất Kitô hữu và về Giáo Hội. Tuy nhiên, kỳ họp đầu tiên này không công bố bất cứ một văn kiện nào.

Các bạn biết đó, trong thời điểm này, một biến cố làm cho Hội Thánh mất mát và thương tiếc vô cùng: ngày 3.6.1963 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã từ trần. Song để bù đắp và tiếp nối công trình lớn của Công Đồng còn dở dang, Hội Thánh đã ngay lập tức bầu Đức Giáo Hoàng mới: ngày 21.6.1963, Đức Phaolô VI được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài đã tiếp nối công việc bằng việc chủ trì cuộc họp thứ hai vào ngày 29.9.1963. Người ta bảo, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tiếp nối công trình của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII một cách xuất sắc, thậm chí còn hơn. Các bạn nên nhớ, đây là công trình của Chúa Thánh Thần, nên Ngài có cách của Ngài.

- Từ 29.9.1963 đến 4.12.1963: Kỳ họp thứ hai được diễn ra. Các chủ đề được thảo luận như: Giáo Hội, Giám Mục, Hiệp nhất. Kết thúc kỳ họp thứ hai này, Công Đồng đã công bố Hiến chế về Phụng Vụ thánh, Sắc lệnh về Truyền thông xã hội.

- Từ 14.9.1964 đến 21.11.1964: Kỳ họp thứ ba được nhóm họp. Công Đồng đã thảo luận rất nhiều vấn đề như Đức Maria, nhiệm vụ của các Giám Mục, tự do tôn giáo, người Do Thái, các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Mạc Khải, tông đồ giáo dân, linh mục, các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Giáo Hội trong thế giới ngày nay, truyền giáo, tu sĩ, chủng viện, giáo dục Công Giáo, các Bí Tích. Trong ngày bế mạc, Công Đồng đã công bố Hiến chế về Giáo Hội, sắc lệnh về Hiệp Nhất, sắc lệnh về Công Giáo Đông Phương. Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố “Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội”.

- Từ 14.9.1965 đến 8.12.1965: là thời điểm diễn tiến của kỳ họp cuối cùng của Công Đồng. Cũng trong thời điểm này, ngày 15.9.1965 Thượng Hội Đồng Giám Mục được thành lập với Tông hiến “Apostolica sollicitudo” (Sự chăm lo tông đồ).

Công Đồng đã thảo luận về các chủ đề như tự do tôn giáo, Giáo Hội trong thế giới ngày nay, truyền giáo, các linh mục.

Cuối cùng Công Đồng đã công bố Sắc lệnh về Nhiệm vụ Giám Mục, về canh tân thích nghi đời sống Dòng tu, đào tạo các linh mục; tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Hiến chế về Mạc Khải, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, Sắc lệnh về Tự do tôn giáo, về linh mục, về Truyền giáo, Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Ngày 8.12.1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã long trong đọc diễn văn bế mạc Công Đồng tại Quảng Trường thánh Phêrô.

Trong Khóa họp cuối cùng này, các bạn nên chú ý những điểm son, tinh thần mới của Công Đồng: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã loan báo việc cải tổ Giáo Triều Vatican; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Viện Phụ Athenagoras cùng ban bố một bản tuyên ngôn chung, hủy bỏ vạ tuyệt thông giữa Rôma và Constantinopla để chứng tỏ dấu hiệu của sự hiệp nhất Hội Thánh trong tương lai.

Nói chung, Công Đồng Vaticanô II đã thành công một cách mỹ mãn.

Chúng ta cùng nhau sốt sắng cầu nguyện cho Hội Thánh nhé.

(Còn tiếp)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cha Mẹ bận gì suốt quãng đời thơ ấu của con?
Tuyết Mai
20:32 09/01/2011
Nghĩ cũng phức tạp thật khi chúng ta làm cha mẹ mà bị con cái chúng trách móc hỏi câu: “Cha mẹ bận gì trong suốt quãng đời thơ ấu của con?”. Một câu hỏi mà cần bao nhiêu chục năm mới có thể giải thích và trả lời hết cho các con tôi được. Đó là chúng tôi đã cố gắng hết sức chăm lo đầy đủ cho các con. Trong suốt cuộc đời của chúng lớn lên và ngay cả bây giờ thì vợ chồng chúng tôi sắp xếp để luôn có mặt một người ở nhà, không đi làm để mà lo cho chúng; từng đứa một. Để được như vậy thì gia đình chúng tôi cũng sống trong vất vả và chật vật lắm! Vì trong xã hội của ngày nay gia đình muốn có cuộc sống vừa đủ xài thì phải cần cả hai cùng đi làm, cần hai đầu lương thì mới đủ để trang trải. Ai cũng xấc bấc xang bang, tần tảo, chạy xuôi chạy ngược, để có đủ chi phí mà thanh toán cho những món nợ hằng tháng. Nào là tiền nhà; tiền xe; bảo hiểm xe; tiền xăng, gas, điện, nước, điện thoại; tiền chợ; và mọi thứ vặt vẵn rất cần trong nhà phải có. Làm sao các con chúng tôi hiểu được những khó khăn cha mẹ phải đối phó hằng ngày?.

Đứa con gái lớn nhất nhà của chúng tôi, tuy đã 22 tuổi rồi nhưng còn sống chung dưới mái nhà của chúng tôi. Cháu còn đang đi học bán thời gian, và đi làm bán thời gian, thời giờ còn lại của cháu thường là đi giúp người và giúp đời ở những nơi cần thiện nguyện viên. Cháu lớn của chúng tôi tuy đi ra ngoài nhiều nhưng lại hướng nội, không thích sống riêng bên ngoài. Hình như cháu cũng rất hiểu, thông cảm, và rất thương cha mẹ. Cháu cũng rất biết so sánh giữa mình và các bạn bè cùng trang lứa. Hiểu được cháu rất hạnh phúc khi có cha mẹ lo cho cháu từng li từng tí; ngược lại cháu cũng rất thương và lo lằng cho hai em khi có thể. Phải nói thật đó là những cảm nghĩ của chúng tôi hiểu về cháu là như vậy! Nhưng cũng không hiểu cháu 100% cho được, vì cháu thường rất ít nói, và hay nén lòng. Buồn cha mẹ cách mấy cháu cũng chọn làm thinh mà nuốt cái giận chứ rất ít khi mà trách móc cha mẹ. Chỉ khi nào chúng tôi bước quá mức giới hạn mà cháu không chịu được mới nói ra và giải thích cho cha mẹ hiểu là cháu đã lớn khôn và tự lo liệu được. Lúc này là lúc mà cháu cần phải được nói ra và mong cha mẹ thông cảm để cho cháu chọn làm được những gì cháu muốn, cho tương lai của cháu. Cháu này thì thường trách cứ chúng tôi là ngăn cản chuyện cho cháu làm người lớn như câu: “ở nhà với cha mẹ biết ngày nào khôn?”. Chứ cháu có làm gì sai trái trong gia đình hay ngoài xã hội đâu!. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng tôi cháu gái đầu tiên này!. Tuy đầu óc của cháu hơi chậm chạp trong vấn đề học vấn, nhưng bù lại Chúa đã ban cho cháu tánh tình thật dễ cảm mến đối với tất cả mọi người cháu gặp thường ngày. Từ già cho đến trẻ con, ai cũng dành cho cháu sự thương mến rất chân tình, vì đầu óc của cháu rất trong lành như một thiên thần vậy!. Cháu không biết đua đòi, ít tốn kém, không chải chuốt, không biết đòi một thứ gì cho mình mà phải dùng tiền của cha mẹ; vì cháu biết cha mẹ cũng chẳng có tiền. Ra ngoài thì cháu ăn mặc làm sao để cháu cảm thấy thoải mái và sống rất thật với lòng mình; ai chê cháu cũng chẳng cần; cháu chỉ cầu sống sao để làm mọi người được vui là cháu cảm thấy mãn nguyện rồi!.

Còn cháu thứ hai của chúng tôi có tánh tình mà ông bà mình thường nói là: “cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh”. Có nghĩa tuy cháu có mặt trong nhà nhưng lại luôn hướng ngoại. Khi trường đại học nhận cháu và chính phủ cấp cho cháu học bổng là được nuôi ăn, học, và sống trong trường là cháu đòi được đi ngay. Vì có tánh hay hướng ngoại nên bất chấp những lời dậy dỗ có tính cách sống lành mạnh cho cháu thì cháu không thích nghe. Thích chính mình tự bay nhẩy và tự học lấy kinh nghiệm cho đời mình. Kết quả không được tốt đẹp cho mấy!. Trải qua bao nhiêu cuộc tình. Trải qua bao nhiêu kinh nghiệm đời mà trắng thì hiếm thấy chỉ thấy cuộc đời là một dải mây đen luôn đe dọa. Cũng chẳng phụ cha mẹ được gì dù cháu có đi làm bán thời gian như chị của nó. Khi cháu vui vẻ thì chẳng ai trong gia đình hưởng được gì của cháu, nhưng khi nó bị đời và người ăn hiếp thì cháu đem tất cả những rác rưởi ấy về nhà để đổ đầy trong nhà. Nhưng thưa anh chị em! Có phải làm cha mẹ thì cái lúc con cái chúng cần cái mái ấm gia đình thì chúng ta phải dơ hai bàn tay rộng mở ra mà đón nhận cháu hay không?. Trong thời gian cháu bất mãn với đời và với người, cháu đã thẳng tay đổ đầy lên cha mẹ những bất mãn mà cháu cảm nhận và đã lãnh nhận. Mà người mà cháu đổ thừa nhiều nhất là ba của cháu. Nào là ba thiếu trách nhiệm với cháu suốt quãng thời gian cháu lớn lên; có ý trách là không gần cháu; tuy mang tiếng có ở nhà mà như là không; và v.v.v…….

Có mấy gia đình mà có được một người ở nhà chăm sóc cho con cái?. Thưa đếm trên đầu ngón tay hoặc hoàn toàn là không. Bởi cuộc sống đã đòi hỏi chúng ta là thế!. Ba cháu thất nghiệp đã lâu mà vì lớn tuổi đã không có thể đi làm được nữa vì chẳng ai thèm mướn. Ông quay qua đi học tiếp cũng hy vọng có bằng cấp cao thì họ sẽ mướn; nhưng sau khi có bằng rồi thì cũng chẳng ai thèm mướn ông. Nhờ ông đi học mà đã giúp đỡ các cháu trong vấn đề học hành rất là nhiều vì ông đã lên trước và đã quá quen thuộc với những lớp học trên đại học. Trách nhiệm và trọng trách của người cha trong gia đình rất lớn là vì các ông phải đi làm kiếm tiền mà nuôi vợ nuôi con chứ!. Con tôi nó trách ba nó như thế thì hoàn toàn không đúng, bởi không người cha nào mà ở nhà để nuôi con hay bên cạnh con suốt 24 giờ đồng hồ được, mà không ở nơi công sở ít nhất 8 tiếng một ngày. Có người cha phải cầy một ngày đến hai việc (jobs); cuối tuần lại làm thêm giờ phụ trội (OT). Mà có phải chuyện cháu thích được sống ở riêng bên ngoài là sự lựa chọn của cháu? Chúng tôi phải chìu theo ý của cháu đấy chứ!. Nếu không mai sau cháu sẽ đổ thừa rằng vì chúng tôi mà cháu bị gián đoạn mọi thứ và tất cả đều đi sai không được theo chiều hướng của cháu muốn đi, vì chúng tôi đã cấm đoán cháu.

Thưa anh chị em! Người Mỹ họ nói như thế này: “ Rất ngu dại để được làm cha mẹ, vì không gì chúng ta làm mà con cái chúng không đổ thừa”. Rất đúng như thế! Nhưng không phải thế mà chúng ta không cố gắng từng ngày để dậy dỗ chúng. DẬY và DỖ là hai điều rất quan trọng chúng ta cần phải lưu ý, nhất là lối dậy kiểu VN. Vừa dậy mà vừa đánh là chúng ta đã phạm luật nhất là bên Âu Mỹ này!. Có rất nhiều phức tạp để chúng ta chạm trán với Luật Pháp, nhẹ là mất thời giờ của chúng ta ít nhất cũng mấy tháng trời đi học, nếu không có thể bị bắt nhốt và phạt tiền. Thứ hai chúng ta đã gieo trong đầu óc của con cái là chỉ có cách bạo hành như thế mới là lối đúng để dậy cho con cái chúng nghe và làm theo. Cái hại là chúng sẽ bắt chước y chang như thế để cư xử với gia đình của chúng sau này!. Có gì gọi là hay là đẹp khi con cái lớn lên chúng chỉ nhớ những hành vi xấu xa của cha mẹ dành cho chúng, mà không thù ghét cha mẹ của chúng chứ!?. Thật phải khi chúng ta đối xử với con cái của chúng ta một cách bạo tàn và hung dữ như vậy!. Nếu không đánh đập mà chỉ la hét, đập nhà đập cửa, chén bát nát tan, cũng tạo cho chúng sự khủng hoảng trong đầu cả một đời của chúng; thật tội nghiệp!.

Làm cha mẹ chúng ta phải luôn cố gắng tạo tình thân trong gia đình vì đó là mái ấm của tất cả chúng ta. Sự cố gắng ấy là làm cho mọi thành phần trong gia đình được nên tốt đẹp, trở thành người hữu dụng cho từng cá nhân, cho gia đình, và ngoài xã hội. Ít ai ra ngoài đời thành công, nếu trong gia đình đã và đang xào xáo. Ít người con nào mà thành công khi luôn công kích và cãi lời cha mẹ. Ngược lại cũng có ít cha mẹ không biết dậy dỗ con cái mà chúng lại thành công vì chúng biết gạn lọc những điều hay điều dở chúng học được từ người ngoài và bên ngoài. Dù gì đi chăng nữa! Không ai là tuyệt hảo cả! Chỉ được gọi là tuyệt hảo khi tất cả chúng ta biết nhận lỗi lầm và có thiện chí thay đổi để mọi người được sống trong thuận hòa, bình an, và vui vẻ. Biết thông cảm, chia sẻ, bỏ qua, và tha thứ, chín nhịn làm mười, luôn đứng cùng một khối, thì bảo đảm gia đình ấy luôn sống vững vàng trong những cơn bão tố và mất mát.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Nhau Mộng Mơ - Side By Side
Nguyễn Đức Cung
22:02 09/01/2011
BÊN NHAU MỘNG MƠ – Side By Side

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Bên nhau chia xẻ mặn nồng

Ngọt bùi cay đắng theo dòng đời trôi

Bổng trầm từng nốt ru lời

Dấu yêu tiếng hát đầy vơi ân tình.

(Trích thơ của TTL)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền