Ngày 09-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/01: Sám hối và tin vào Tin Mừng - Suy Niệm: Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:54 09/01/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:35 09/01/2022

37. Nếu như chúng ta bằng lòng kết hợp với Thiên Chúa, thì chúng ta cần phải hết hợp hoàn toàn, kết hợp toàn bộ, tức là tình dục và lệch hướng của chúng ta phải chết đi.

(Thánh John of Cross)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:48 09/01/2022
62. VUA TỰA NHƯ GIÓ MÁT

Năm thứ 58 đời Càn Long, Bách Cúc Khê đảm nhiệm chức án sát sứ tỉnh Triết Giang, ông ta cùng với thái thú Hàng Châu Lý Hiểu Viên vốn đối xử với nhau rất tốt, ngẫu nhiên vì một chuyện nhỏ mà trở thành mâu thuẩn với nhau. Lý Hiểu Viên vì quá phẫn nộ nên một tháng rồi mà không đến tham kiến Bách Cúc Khê, sau đó thì thoái thác cáo bệnh từ quan trở về quê.

Lúc ấy đúng giữa mùa hè nắng gay gắt, Bách Cúc Khê đem tặng cho Lý Hiểu Viên một cái quạt, trên quạt có viết câu thơ:

-“Tôi không phải mùa hè, sao phải sợ;

vua tựa như gió mát, sao không đến”.


Lý Hiểu Viên đọc xong thì vui vẻ mĩm cười, thế là hai người đối xử với nhau tốt như trước.

(Lữ Viên Tùng Thoại)

Suy tư 62:

Giận nhau, đó là chuyện thường ngày trong cuộc sống, không sao tránh khỏi.

Vợ chồng là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” mà vẫn còn giận hờn nhau có khi đưa đến ly dị; cha mẹ và con cái là núm ruột mà vẫn còn giận nhau, có khi đưa đến từ nhau; anh em chị em là thủ túc của nhau mà vẫn còn xâu xé nhau; bạn bè thân nhau như tay chân mà vẫn còn giận nhau, có khi coi nhau như kẻ thù.v.v...

Có người giận nhau một hai ngày, có người giận nhau một hai tháng, có người giận nhau cả năm, và có người giận nhau cả đời.

Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn có cách để cho hai người giận nhau làm hòa với nhau:

- Cách thứ nhất là làm cho tâm hồn của mỗi người luôn áy náy, hối hận.

- Cách thứ hai là làm cho mỗi người nhớ lại những kỷ niệm vui buồn của nhau.

- Cách thứ ba là dùng người này người nọ để cho họ có cơ hội gặp nhau, đối thoại với nhau.

- Cách thứ tư là dùng hoàn cảnh (tai nạn, hiếu hỉ, bệnh hoạn.v.v...) để họ có dịp chăm sóc nhau...


Và còn rất nhiều cách mà Thiên Chúa là Đấng toàn năng và yêu thương “nghĩ” ra, để giúp con người làm hòa và trở nên bạn tốt của nhau mãi. Nếu những cách trên mà không hiệu quả thì còn một “chiêu” cuối cùng nữa, đó là: quỳ trước tượng Thánh Giá có Chúa Giê-su chịu nạn, nhìn lên Ngài và suy đến tình yêu của Ngài đã dành cho mình...

“Chiêu” cuối đó mà không xong nữa, thì hết thuốc chữa, bởi vì tâm hồn đã bị “ung thư” đến kỳ cuối rồi. Đáng sợ thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chủ Động Kiếm Tìm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:06 09/01/2022
Chủ Động Kiếm Tìm

(Thứ Tư sau Chúa Nhật I TN – 1Sm 3,1-10.19-20; Mc 1,29-39)

Kitô hữu chúng ta dưới ánh sáng lời mạc khải tin nhận rằng để sống và hành động tốt đẹp thì phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con biết việc phải làm…” là lời kinh mà hầu như ai cũng thuộc. Tuy nhiên điều chúng ta cần lưu ý là cách thế kiếm tìm thánh ý Chúa. Có thể phân việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa thành hai loại đó là thụ động và chủ động.

Bài đọc thứ nhất trích sách Samuel tường thuật chuyện trẻ Samuel được Thiên Chúa trực tiếp tỏ bày thánh ý của Người và Samuel lắng nghe, đón nhận (1Sm 3,1-10). “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Hình thức Thiên Chúa phán trước và Samuel lắng nghe có thể xếp vào loại “thụ động”. Hình thức này xem ra khá phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo. Bề trên truyền, bề dưới nhận. Bề trên phán, bề dưới tuân theo. Đã từng một thời người ta gọi là “đức vâng phục” khi bề trên bảo gì thì làm nấy, thậm chí đã có thời được minh họa cách quá khích là biểu trồng chuối ngược cũng trồng! Vâng phục cách thụ động xem ra chưa thực sự trưởng thành nếu không muốn nói có nhiều trường hợp là rất “ấu trĩ”. Và dĩ nhiên khi thiếu sự trưởng thành thì tinh thần trách nhiệm bị hạn chế rất nhiều.

Bài Tin Mừng tường thuật một ngày hoạt động của Chúa Giêsu. Đến thăm nhà ông Simon, Chúa Giêsu chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ ông và chữa lành cho dân chúng những chứng bệnh khác nhau và xua trừ nhiều quỷ (x.Mc 1,29-34). Sáng sớm hôm sau, khi trời còn tối, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện để kết hiệp với Cha trên trời và để nhận biết thánh ý của Cha. Chúa Giêsu chủ động tìm kiếm thánh ý Chúa Cha. Tính chủ động thể hiện qua hành vi đi bước trước. Và trong cách thế kiếm tìm cách chủ động thì thánh ý Thiên Chúa không đến với chúng ta cách mình nhiên rõ ràng như trường hợp Thiên Chúa phán với Samuel mà thường là bàng bạc, mặc nhiên như trong trường hợp Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu phải là người quyết định. Dù dân chúng đi tìm Chúa Giêsu và muốn níu kéo Người ở lại thì Chúa Giêsu đã cương quyết: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,28).

Khi chúng ta tự quyết định tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa cách chủ động thì luôn kèm theo tinh thần trách nhiệm. Đây là thái độ sống của người con cái trưởng thành. Sống với tinh thần trách nhiệm quả là không dễ. Chính vì thế mà có đó nhiều người thích nhận được thánh ý Thiên Chúa cách minh nhiên rõ ràng, cách riêng qua ý của bề trên. Quả thật đã làm bề trên thì cũng thích bề dưới vâng lời cách thụ động kiểu “bảo gì, làm nấy”, “sai đâu, đi đó”. Và phải chăng bề dưới cũng bị cám dỗ vâng phục cách thụ động vì một phần được tiếng là ngoan ngoãn nhưng đằng sau đó là sự thiếu trưởng thành, sợ phải gánh lấy trách nhiệm!

Đức Maria là một mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về điều này. Khởi đầu đón nhận lời thiên sứ truyền nhưng vẫn chủ động vì khi chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi thiên sứ: “sự ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện phu thê!” (Lc 1,34). Và Tin Mừng tường thuật sau đó Mẹ đã tích cực chủ động kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa qua nhiều lần thấy các dữ kiện trong cuộc sống thì hằng “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x.Lc 2,19.51). Chúng ta thân thưa với Thiên Chúa: “Abba”. Nhưng Thiên Chúa lại muốn chúng ta sống như những người con trưởng thành, chủ động tìm kiếm ý Cha trên trời và tích cực thực hiện trong tinh thần trách nhiệm. Các nhà tu đức cho chúng ta hay muốn biết ai là người chủ động tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa thì hãy xem họ có chuyên chăm cầu nguyện và cầu nguyện cách cá vị, lâu giờ như thế nào. Và sau khi cầu nguyện, phân định thì quyết ngay việc mình phải làm hay nên làm.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo chống vắc xin chết vì Covid-19
Đặng Tự Do
05:21 09/01/2022


Đức Tổng Giám Mục Kosmas của Aetolia và Acarnania, miền tây Hy Lạp, là một người chống vắc xin rất nổi bật, đã chết vì Covid-19 sau một tháng nhiễm virus. Ngài qua đời ở tuổi 76.

Ngài đã được nhập viện ở Agrinio vào ngày 1 tháng 12 với tình trạng nhiễm trùng Covid-19 trước khi được chuyển đến phòng ICU tại bệnh viện Evangelismos của thủ đô.

Việc chuyển đến phòng ICU của ngài đã gây ra phản ứng từ những người chỉ trích ngài.

Đức Tổng Giám Mục Kosmas là người chỉ trích dữ dội các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, bao gồm việc sử dụng khẩu trang và tiêm chủng.

Trong một bài thuyết giảng vào năm 2020, Đức Cha Kosmas đã đả kích những người không muốn tham dự thánh lễ ở một nhà thờ đông người, và gọi họ là những kẻ “hèn tin” và “không trung thành.”

Năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục Kosmas đã được Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp triệu tập để giải thích về việc “không tuân theo và không tôn trọng quyết định thống nhất của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp” về các biện pháp liên quan đến coronavirus trong thời gian Lễ Phục sinh.

Em gái của ngài, 75 tuổi đã chết vì các biến chứng liên quan đến Covid vào ngày 13 tháng 12. Bà ấy cũng từ chối tiêm phòng.
Source:ekathimerini.com
 
Sự suy giảm tàn phá trong việc thực hành tôn giáo ở những người Ba Lan trẻ tuổi
Đặng Tự Do
05:21 09/01/2022


Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak, tổng giám mục của Gniezno và là Giáo Chủ Công Giáo Ba Lan, cho biết đã có một sự suy giảm “nghiêm trọng” trong việc thực hành tôn giáo trong giới trẻ.

Ngài thừa nhận rằng sự thất bại của hàng giáo phẩm Công Giáo trong việc đối phó với lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ là nguyên nhân chính, và đã kêu gọi Giáo Hội tiếp tục quá trình “thanh lọc” bản thân.

Tuy nhiên, Đức Cha Marek Jędraszewski, tổng giám mục Kraków, đã đặt câu hỏi về cách giải thích của Đức Cha Wojciech Polak, và cho rằng trên thực tế Giáo Hội là “nạn nhân” của đại dịch và việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng của giới trẻ.

Đức Cha Polak chỉ ra dữ liệu được công bố gần đây cho thấy chưa đến 25% thanh niên Ba Lan hiện nay thường xuyên thực hành tôn giáo. Vào đầu những năm 1990, con số này gần như là 70%.

Đức Cha Polak nói trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan Báo chí Ba Lan, gọi tắt là PAP, rằng: “Đây đơn giản là những con số tàn khốc. Một sự đánh giá lại rất mạnh mẽ đang diễn ra trong thế hệ trẻ.”

Khi được hỏi liệu sự thất bại của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên có góp phần vào tình trạng này hay không, Đức Cha Polak xác nhận rằng “không nghi ngờ gì nữa, sự sơ suất của hàng giáo phẩm, những vị không đứng về phía những người bị hại, đã làm suy giảm uy tín của chúng tôi như một cộng đồng Giáo Hội”.

Trong những năm gần đây, một số lượng lớn các vụ lạm dụng tình dục của các giáo sĩ Công Giáo ở Ba Lan đã bị đưa ra ánh sáng, và Vatican đã kỷ luật các giám mục của Ba Lan vì sự lơ là trong việc giải quyết vấn đề này.

Đức Cha Polak nói rằng những tiết lộ như vậy đã “gây ra một cuộc khủng hoảng đức tin sâu sắc” cho nhiều người Công Giáo, khiến một số người trong số họ từ bỏ Giáo Hội hoàn toàn. Viện thống kê của Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan đã quan sát thấy rằng, song song với giảm sút thực hành đạo, ngày càng có nhiều người chính thức rời bỏ đức tin.

Đức Cha Polak nói với PAP rằng cách duy nhất để “xây dựng lại uy tín của Giáo Hội” là chứng tỏ rằng “chúng tôi đứng về phía sự thật và chúng tôi chịu trách nhiệm loại bỏ tất cả những tội ác này. Đây không phải là một quá trình thanh lọc dễ dàng, nhưng nó cần thiết để chúng tôi trở nên đáng tin hơn bao giờ hết”.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng quá trình này đã được tiến hành. “Kể từ tháng 6 năm 2019, hơn một chục vụ kiện đã được tiến hành chống lại các giám mục Ba Lan.” Ngài chỉ ra rằng một trang web đặc biệt cũng đã được thành lập để tư vấn cho mọi người về cách báo cáo lạm dụng và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Tuy nhiên, chẩn đoán của Đức Cha Polak đã bị Jędraszewski nghi ngờ. Phát biểu với Đài phát thanh Kraków, Đức Tổng Giám Mục nói rằng đại dịch và công nghệ hiện đại là nguyên nhân chủ yếu.

Đức Cha Jędraszewski, được biết đến như một người có tiếng nói bảo thủ trong Giáo Hội, nói rằng việc đóng cửa các trường học và chuyển sang học từ xa trong hai năm qua đã cản trở “khả năng giao tiếp và phát triển bình thường” của giới trẻ.

Ngài cũng lưu ý rằng trẻ em bây giờ có nhiều khả năng học hỏi mọi thứ từ điện thoại thông minh của chúng hơn là nghe lời cha mẹ hoặc ông bà của chúng, khiến cho khó “truyền đạt những giá trị giúp những đứa trẻ này lớn lên”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Jędraszewski nói: “Giáo Hội đã trở thành nạn nhân của tất cả những gì đang xảy ra. “Các câu trả lời không đơn giản như các dữ liệu sơ sài có thể chỉ ra.”

Các Giám mục Công Giáo lưu ý rằng có một sự “giảm sút có hệ thống” về số lượng trẻ em tham gia các lớp học giáo lý Công Giáo trong trường học, là tùy chọn nhưng được hầu hết học sinh tham dự. Kể từ đó, trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm phá thai, số lượng tham gia các lớp học như vậy thậm chí còn giảm hơn nữa.

Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thấy người Ba Lan - đặc biệt là giới trẻ - có quan điểm ngày càng tự do hơn về các vấn đề như phá thai và quyền LGBT trái ngược với quan điểm của Giáo Hội.
Source:notesfrompoland.com
 
Chính phủ Ấn Độ đã cấp giấp phép cho các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêsa Calcutta được tiếp tục nhận tiền tài trợ từ nước ngoài
Thanh Quảng sdb
05:25 09/01/2022
Chính phủ Ấn Độ đã cấp giấp phép cho các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêsa Calcutta (MC) được tiếp tục nhận tiền tài trợ từ nước ngoài

Bộ Nội vụ Ấn Độ hôm thứ Sáu (7/1/2022) đã cho phép dòng Thừa sai Bác ái tiếp tục nhận tiền nước ngoài theo quy định của FCRA.

(Tin Vatican)

Chính phủ Ấn Độ đã tái cấp giấy phép cho Nhận Tài trợ Bác ái từ Nước ngoài (FCRA) cho Hội Dòng Bác Ái của Mẹ Têrêsa Calcutta (MC), mà Mẹ Têrêsa đã thành lập ở Calcutta nhờ nhận và xử dụng quỹ Bác ái từ các nước trên thế giới.

Sự thay đổi quyết định của Bộ Nội vụ xảy ra vào ngày 7 tháng 1, sau một hai tuần, bộ này từ chối gia hạn cấp giấy phép cho Hội Dòng MC, được đăng ký với chính phủ dưới danh nghĩa MoC. Trong một tuyên bố chính thức vào ngày 27 tháng 12, ông Amit Shah đứng đầu Bộ cho biết: MHA giải thích rằng “trong khi xem xét đơn xin gia hạn của MoC, một số tiền tài trợ đã làm xứt mẹ danh dự cho đất nước! Nhận thấy điểm này, nên đơn xin gia hạn của MoC đã bị từ chối!”

FCRA

FCRA, được ban hành lần đầu tiên vào năm 1976, điều chỉnh các khoản tài trợ từ nước ngoài và đảm bảo rằng những khoản đóng góp đó không gây ảnh hưởng xấu đến chủ quyền, tính toàn vẹn và an ninh nội bộ của Ấn Độ hoặc ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị với bất kỳ nhà nước nào và không phá vỡ sự hòa hợp cộng đồng.

Áp dụng cho tất cả các hiệp hội, nhóm và tổ chức phi chính phủ có ý định nhận các khoản tài trợ nước ngoài vì mục đích xã hội, giáo dục, tôn giáo, kinh tế và văn hóa, đã được sửa đổi vào năm 2010 và 2015 với một loạt các biện pháp. Đăng ký FCRA có hiệu lực trong 5 năm và nó có thể được gia hạn, sau đó nếu họ tuân thủ tất cả các tiêu chí của Bộ. Việc nộp các bản tường trình hàng năm theo các quy định của Thuế Thu nhập là bắt buộc.

Đăng ký cho Hội Dòng (MC) đã được gia hạn khi Quốc hội Vương quốc Anh cũng đang tranh luận để tìm cách liệu chính phủ Anh có đặt ra vấn đề ngăn chặn quỹ Từ thiện cho nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ hay không.

Hôm thứ Năm vừa qua khi Bộ Nội Vụ đã cho phép Hội Dòng (MC) được tiếp tục nằm trong danh sách của 16.908 tổ chức phi chính phủ đăng ký với FCRA để được nhận tài trợ bác ái từ nước ngoài!

Các sơ Dòng Bác Ái của Mẹ Têrêsa (MC) mừng vui…

Người phát ngôn của Hội Dòng (MC) bày tỏ sự vui mừng trước sự chấp thuận cấp giấy phép FCRA. Sơ phụ trách Sunita Kumar nói với UCA News hôm thứ Bảy rằng: “Chúng tôi không bao giờ tưởng được rằng việc xin tái đăng ký của Tổ chức của Hội Dòng chúng tôi có thể bị từ chối! Nhưng nó đã xảy ra! Chúng tôi rất vui vì việc tái cấp giấy phép này…”

Bộ Nội Vụ trước đó cho biết giấy phép của MC có hiệu lực đến ngày 31 tháng 10 nhưng được gia hạn đến ngày 31 tháng 12 cùng với các Hiệp hội khác đang chờ gia hạn.

Một quan chức của MHA cho biết vào ngày 1 tháng 1 năm 2022, Bộ đã từ chối gia hạn đăng ký FCRA cho 179 tổ chức phi chính phủ, trong khi 5.789 hiệp hội không nộp đơn xin gia hạn trước thời hạn ngày 31 tháng 12. Thời hạn cho những tổ chức phi chính phủ phải nộp đơn trước ngày 31 tháng 12 và đơn đăng ký không bị từ chối sẽ được gia hạn đến ngày 31 tháng 3.

Tại bang Tây Bengal, mà thủ đô là Calcutta, nơi Mẹ Teresa thành lập cơ quan truyền giáo và Hội Dòng của mình, có 1.030 tổ chức phi chính phủ đủ điều kiện nhận các khoản tài trợ nước ngoài.

"Vị thánh của được phố cống rãnh!..."

Mẹ Teresa sinh ra được gọi tên là Agnes Gonxha Bojaxhiu, ngày 26 tháng 8 năm 1910, cha mẹ sơ là người Albania tại Skopje, thuộc nước Macedonia ngày nay. Năm 1929, sơ được sai đến Calcutta, với tư cách là một nhà truyền giáo 18 tuổi cùng với các nữ tu của Dòng Nữ tu Loreto của Ireland, mà sơ đã gia nhập vào năm 1931.

Sau đó, sơ đã theo đuổi một mơ ước, thành lập Hội Dòng Thừa sai Bác ái cho riêng mình vào năm 1950. Sơ có quốc tịch Ấn Độ vào năm sau đó. Được yêu mến gọi là "Vị thánh của được phố cống rãnh!..." vì những công việc phục vụ yêu thương vô điều kiện dành cho người nghèo và những người bị bỏ rơi, sơ đã giành được nhiều danh hiệu quốc gia cũng như quốc tế, bao gồm cả giải Nobel Hòa bình năm 1979.

Sơ qua đời tại Calcutta vào ngày 5 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong Chân phước cho sơ tại Vatican, vào ngày 19 tháng 10 năm 2003. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên phong hiển thánh cho sơ ngày 4 tháng 9 năm 2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican. Xác của sơ được chôn cất tại trụ của Hội Thừa sai Bác ái ở Calcutta.
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Đặng Tự Do
07:02 09/01/2022
Chúa Nhật 9 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh mà cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu: Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia. Ngài đi đến bờ sông Giođan và được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Sau khoảng ba mươi năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu không xuất hiện với phép lạ nào đó hay nhào lên bục giảng để giảng dạy. Ngài xếp hàng chung với những người sắp nhận phép rửa từ Thánh Gioan. Bài đáp ca trong phụng vụ hôm nay nói rằng dân chúng đã khiêm tốn đến chịu phép rửa bằng tâm hồn và đôi chân trần của họ. Đó là thái độ tốt đẹp khi chúng ta đến với Chúa với một tâm hồn đơn sơ và đôi chân trần. Và Chúa Giêsu chia sẻ thân phận của chúng, những người tội lỗi, Người xuống với chúng ta: Người xuống sông như xuống với lịch sử bị thương tổn của nhân loại, Người lao vào dòng nước của chúng ta để chữa lành, Người lao xuống với chúng ta, ở giữa chúng ta. Chúa không vượt lên trên chúng ta, nhưng đi xuống về phía chúng ta, với một tâm hồn đơn sơ, với đôi chân trần, giống như mọi người. Người không đi một mình, cũng không đi với một nhóm được đầy thế giá, không, Ngài đi với mọi người. Người thuộc về dân chúng và đi với dân chúng để được rửa tội, đi với những người khiêm nhường.

Chúng ta hãy dừng lại ở một điểm quan trọng: vào lúc Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa, bản văn cho biết “Người đang cầu nguyện” (Lc 3:21). Thật tốt cho chúng ta khi suy ngẫm điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhưng tại sao? Ngài, là Con Thiên Chúa, cũng cầu nguyện như chúng ta à? Thưa: Đúng thế, các sách Tin Mừng lặp lại nhiều lần rằng Chúa Giêsu dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện: vào đầu mỗi ngày, thường là vào ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng... Lời cầu nguyện của Ngài là một cuộc đối thoại, một mối quan hệ với Chúa Cha. Như vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy “hai chuyển động” trong cuộc đời của Chúa Giêsu: một đàng, Người đi xuống hướng về chúng ta, xuống nước sông Giođan; đàng khác, Ngài nâng tầm nhìn và trái tim của mình lên khi cầu nguyện với Chúa Cha.

Đó là một bài học lớn cho chúng ta: tất cả chúng ta đều đắm chìm trong những vấn đề của cuộc sống và trong nhiều tình huống phức tạp, chúng ta phải đối mặt với những khoảnh khắc khó khăn và những lựa chọn kéo chúng ta xuống. Nhưng, nếu không muốn bị đè bẹp, chúng ta cần nâng mọi thứ lên. Và đây chính là điều mà lời cầu nguyện thực hiện, đó không phải là một lối thoát, cầu nguyện không phải là một nghi thức ma thuật hay sự lặp đi lặp lại những câu kinh đã học thuộc lòng. Không. Cầu nguyện là cách để Thiên Chúa hành động trong chúng ta, để nắm bắt những gì Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, để xin cho có sức mạnh ngõ hầu có thể tiến về phía trước. Nhiều người cảm thấy họ không thể tiến bước được và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để đi tiếp”. Chúng ta cũng đã làm điều đó nhiều lần. Cầu nguyện giúp ích cho chúng ta vì nó liên kết chúng ta với Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Người. Vâng, cầu nguyện là chìa khóa mở trái tim chúng ta ra cho Chúa. Cầu nguyện là đang đối thoại với Thiên Chúa, đang lắng nghe Lời Người, đang tôn thờ và trong thinh lặng, phó thác cho Người những gì chúng ta đang sống. Và đôi khi chúng ta cũng kêu lên với Ngài như Ông Gióp, trút ra mọi tâm sự với Ngài. Hét lên như Ông Gióp. Chúa là một người cha, Người rất hiểu chúng ta. Ngài không bao giờ nổi giận với chúng ta. Và Chúa Giêsu cầu nguyện.

Chúng ta hãy dùng một hình ảnh đẹp đẽ của Tin Mừng hôm nay, cầu nguyện “mở ra thiên đàng” (xem câu 21). Lời cầu nguyện mở ra thiên đàng: nó cung cấp oxy cho cuộc sống, nó mang lại hơi thở ngay cả khi đang gặp khó khăn và làm cho mọi thứ được nhìn bao quát hơn. Trên hết, cầu nguyện cho phép chúng ta có kinh nghiệm giống như Chúa Giêsu tại sông Giođan: cầu nguyện khiến chúng ta cảm thấy mình như những đứa trẻ được Chúa Cha yêu thương. Đối với chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Cha đã nói như đã nói với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Con là con yêu dấu của Cha” (xem câu 22). Chúng ta bắt đầu được làm con cái Chúa từ ngày Rửa tội, là ngày làm cho chúng ta chìm đắm trong Chúa Kitô và trở nên thành phần dân Chúa, làm cho chúng ta trở nên con cái yêu dấu của Chúa Cha. Chúng ta đừng quên ngày Rửa tội của chúng ta! Nếu bây giờ tôi hỏi mỗi người trong số các bạn: ngày Rửa tội của các bạn là ngày nào? Có thể một số không nhớ nó. Đây là một điều tuyệt vời: hãy nhớ lại ngày làm phép Rửa của chúng ta, bởi vì đó là sự tái sinh của chúng ta, thời điểm mà chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu. Và khi anh chị em trở về nhà - nếu anh chị em không biết - hãy hỏi mẹ, dì hoặc ông bà của anh chị em: “Con được rửa tội khi nào?”, Và tìm hiểu ngày lễ đó để cử hành, để tạ ơn Chúa. Và hôm nay, vào lúc này, chúng ta hãy tự hỏi: lời cầu nguyện của tôi diễn ra như thế nào? Tôi cầu nguyện theo thói quen, tôi cầu nguyện một cách miễn cưỡng, chỉ bằng cách đọc thuộc các công thức, hay lời cầu nguyện của tôi là một cuộc gặp gỡ với Chúa? Tôi là một người tội lỗi, tôi có luôn ở giữa dân Chúa, và không bao giờ bị cô lập không? Tôi có nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa, đối thoại với Ngài, lắng nghe lời Ngài không? Trong số rất nhiều việc chúng ta làm trong ngày, chúng ta đừng bỏ qua việc cầu nguyện: chúng ta hãy dành thời gian cho việc đó, hãy sử dụng những lời khẩn cầu ngắn được lặp đi lặp lại thường xuyên, hãy đọc Tin Mừng mỗi ngày. Lời cầu nguyện mở ra thiên đàng.

Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ đang cầu nguyện cùng Đấng đã làm cho cuộc đời Mẹ trở thành một bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi đau đớn biết được rằng có những nạn nhân trong các cuộc biểu tình nổ ra trong những ngày gần đây ở Kazakhstan. Tôi cầu nguyện cho họ và cho gia đình của họ, và tôi hy vọng rằng sự hòa hợp xã hội sẽ được tìm thấy càng sớm càng tốt thông qua công cuộc tìm kiếm đối thoại, công lý và lợi ích chung. Tôi giao cho người dân Kazakhstan sự bảo vệ của Đức Mẹ, Nữ vương Hòa bình của Oziornoje.

Và tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả anh chị em, những tín hữu đến từ Rôma và những người hành hương từ Ý và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi chào nhóm đến từ Frattamaggiore, gần Napoli.

Sáng nay, theo thông lệ vào ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, tôi đã rửa tội cho một số trẻ em, con của các nhân viên Vatican. Bây giờ tôi muốn mở rộng lời cầu nguyện và phước lành của tôi cho tất cả trẻ sơ sinh đã hoặc sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong thời gian này. Xin Chúa phù hộ cho các em và Đức Mẹ bảo vệ các em.

Và với tất cả anh chị em, tôi khuyên anh chị em: hãy tìm hiểu ngày Rửa tội của mình. Tôi được rửa tội ở đâu? Tôi được rửa tội khi nào? Điều này bạn không được quên, và hãy nhớ ngày đó như một ngày kỷ niệm.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Linh mục cử hành thánh lễ hàng chục ngàn người tham dự, cảnh báo các giám mục Công Giáo đừng dồn ngài vào thế phải nổi loạn
Đặng Tự Do
16:03 09/01/2022


Linh mục Công Giáo gây nhiều tranh cãi, Ejike Mbaka, đã khuấy động một cuộc tranh cãi khác, cáo buộc rằng có một âm mưu giết ngài sau cuộc tranh cãi của ngài với Giáo phận Công Giáo Enugu vào tháng 5 năm ngoái, 2021.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào ngày đó, những người hâm mộ Cha Ejike Mbaka đã phá phách tài sản của Tòa Giám Mục địa phương. Cha Benjamin Achi, giám đốc truyền thông của giáo phận Enugu, mô tả vụ phá phách này là do những người hâm mộ Cha Mbaka bị “thông tin sai lệch” cho rằng vị linh mục đã bị giữ trong Tòa Giám Mục.

“Cha ấy đã xuất hiện trở lại lúc 2:40 chiều, sau khi một đám đông tấn công Tòa Giám Mục vào buổi sáng phá hủy rất nhiều, rất nhiều thứ”.

Những người biểu tình cho rằng Đức Giám Mục Callistus Onaga của Enugu đã mời Cha Mbaka đến tham dự một cuộc họp vào ngày 2 tháng 5 và kể từ đó Cha Mbaka đã mất tích. Họ cho rằng có thể là Đức Cha đã buộc vị linh mục phải rút lui vào nơi nào đó để tĩnh tâm sau các tuyên bố chính trị gây tranh cãi của ngài.

Cha Mbaka không hề mất tích, ngài đã đến Tòa Giám Mục Enugu vào chiều cùng ngày “trong một đoàn xe hộ tống rầm rộ của các tín hữu hâm mộ ngài” sau khi được biết là các giáo dân ủng hộ ngài đã phá phách Tòa Giám Mục vào buổi sáng.

Trong Đêm Giao Thừa, trước hàng chục ngàn người hâm mộ, Cha Ejike Mbaka lại tung ra một tin chấn động.

“Hôm 5 tháng 5 năm ngoái, ngày mà mọi người biểu tình phản đối ở Enugu khi tìm kiếm tôi, đó là đêm mà họ có thể đã giết tôi rồi”

Cha Mbaka đã cáo buộc một cách tinh vi rằng Đức Cha Callistus Onaga, Giám Mục Giáo phận Enugu, nhúng tay vào âm mưu này, mặc dù vị linh mục không đề cập đến tên của những người liên quan trực tiếp hoặc bằng cách nào ngài có được thông tin này.

Vị linh mục cảnh báo Đức Giám Mục không nên đẩy ngài “đến mức nổi loạn”. Vị linh mục cho biết ngài có “hàng ngàn tín đồ” sẵn sàng bảo vệ mình.

Vị giáo sĩ cũng cảnh báo rằng một số linh mục Công Giáo trong giáo phận có liên quan đến “cuộc tấn công” chống lại phong trào Chầu Thánh Thể do ngài thành lập.

Trước đây, Cha Mbaka là người ủng hộ trung thành của Tổng thống Muhammadu Buhari, một người Hồi Giáo. Buhari đã từng ra tranh cử nhiều lần trong các cuộc bầu cử năm 2003, 2007, và 2011 nhưng đều thất bại. Cuộc bầu cử 2011 đã diễn ra trong bối cảnh bạo lực tôn giáo lan rộng, cướp đi sinh mạng của 800 người trên khắp đất nước, khi những người ủng hộ Buhari tấn công các khu định cư của các tín hữu Kitô ở khu vực miền trung của đất nước. Cuộc nổi dậy kéo dài ba ngày xảy ra do những lời bình luận quá khích của Buhari.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vào năm 2015, bất chấp thành tích bất hảo của Buhari trong việc đưa ra các bình luận bài Kitô Giáo, Cha Mbaka đã đứng về phía ông ta. Trong các thánh lễ, ngài đã thúc giục anh chị em giáo dân bỏ phiếu cho Buhari. Ngày 31 tháng Ba, 2015, tổng thống Công Giáo Goodluck Jonathan đã thua trước Buhari.

Sau khi lên cầm quyền, Buhari đã để mặc cho bọn Boko Haram, và bọn Fulani tấn công các tín hữu Kitô trong mưu toan Hồi Giáo hóa đất nước.

Đầu tháng Năm năm ngoái 2021, Cha Mbaka đã đổi chiều, kêu gọi các thành viên Quốc hội Nigeria luận tội Tổng thống Muhammadu Buhari nếu ông ta không từ chức vì tình trạng bất an ngày càng gia tăng ở Nigeria.

Trước đó, Đức Giám Mục Callistus Onaga và các Giám mục Nigeria cũng đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức.

Đáp lại lời kêu gọi của Cha Mbaka, Buhari cáo buộc rằng vị linh mục thay đổi thái độ với ông ta vì tức giận sau khi các hợp đồng với chính phủ đã không được gia hạn.
Source:premiumtimesng.com
 
Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý đã có kết quả âm tính với COVID-19
Đặng Tự Do
16:04 09/01/2022


Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng Giám mục Perugia-Città della Pieve và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã cho kết quả âm tính đối với COVID-19 vào hôm 3 tháng Giêng. Kể từ ngày Giáng Sinh, 25 tháng 12, sau khi xét nghiệm dương tính đối với COVID-19, ngài đã sống biệt lập trong căn hộ của mình ở Tòa Tổng Giám mục Perugia-Città della Pieve.

Trong tuyên bố xác nhận đã qua khỏi, Đức Hồng Y nói:

“Đại dịch không có dấu hiệu kết thúc và trong những ngày này, số lượng các ca nhiễm trùng, thật không may, tiếp tục tăng lên. Đây chắc chắn là một thử thách cay đắng cho tất cả mọi người. Vì vậy, tôi xin lặp lại lời mời gọi anh chị em tham gia chiến dịch tiêm chủng với tinh thần trách nhiệm, để tất cả cùng nhau, đoàn kết, cùng nhau xây dựng những chân trời hy vọng. Vào lúc này, như tôi đã đề cập trong thông điệp cuối năm của mình, tôi cầu nguyện cho những ai, bị đè nặng bởi những khó khăn và đau khổ, khó có thể tự tin đón chờ năm mới. Trước hết, tôi đang nghĩ đến những người trẻ tuổi đã trải qua giai đoạn này với rất nhiều khó khăn; tôi cũng nghĩ đến tất cả những gia đình đang phải vật lộn mỗi ngày để làm sao sống với thu nhập ít ỏi cho đến cuối tháng và bây giờ trở nên trầm trọng hơn bởi chi phí điện nước và khí đốt sưởi ấm mùa đông. Cuối cùng, một ý nghĩ đặc biệt đến những người bệnh tật, người già và những người sống trong cô đơn; những người trong tình trạng bị bỏ rơi, những người vô gia cư và những người cảm thấy bị xã hội từ chối. Đối với tất cả họ, tôi gửi lời chúc huynh đệ của tôi cho một năm 2022 yên hàn và tốt đẹp”.

Theo dữ liệu được thu thập bởi mạng trực tuyến “The Seismograph”, nếu tính từ khi bắt đầu đại dịch đến nay, Đức Hồng Y Wilton Gregory là vị Hồng Y thứ 25 có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trong 25 vị Hồng Y nhiễm coronavirus, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti là vị Hồng Y duy nhất bị nhiễm vi rút đến lần thứ hai sau lần nhiễm trùng đầu tiên khiến ngài suýt mất mạng.

Đáng buồn là trong 25 vị Hồng Y nhiễm coronavirus có 3 vị đã chết vì thứ virus quái ác này.

Thứ nhất là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của São Sebastião do Rio de Janeiro, Brazil. Ngài sinh năm 1932 và đã chết từ Covid-19 vào ngày 13 tháng Giêng năm ngoái 2021.

Thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino - Tổng Giám mục hiệu tòa Caracas, Venezuela. Ngài sinh năm 1942 và đã chết vì Covid-19 vào ngày 23 tháng 9 năm ngoái 2021.

Thứ ba là Đức Hồng Y José Freire Falcão - Tổng Giám mục hiệu tòa Brasilia, Brazil. Ngài sinh năm 1925 và qua đời vì Covid-19 vào ngày 26 tháng 9 năm ngoái 2021.
Source:chiesacattolica.it
 
Văn Hóa
Đời Tu Không Là Sự Đổ Vỡ Nhưng Là Hiệp Thông Và Chia Sẻ
Nt. Anna Hiền Linh MTGQN
10:15 09/01/2022
Đời Tu Không Là Sự Đổ Vỡ Nhưng Là Hiệp Thông Và Chia Sẻ

Vào ngày 08.9.2010, trên kênh YouTube đã chiếu lại bộ phim “Des homes et des dieux” hay “Of gods and men” (Con người và thần thánh) của đạo diễn Xavier Beauvois người Pháp; bộ phim đạt giải thưởng lớn tại liên hoan phim Cannes năm 2010. Nội dung được xây dựng trên thực tế cuộc sống của các Đan sĩ Dòng Xitô Tiblirine trên núi Atlas tại Algérie, một nước Bắc Phi có đa số dân chúng theo Hồi giáo.

Algérie và Pháp có mối liên hệ rất nhiêu khê và phức tạp. Đã có một cuộc chiến đầy tai tiếng dưới thời chính phủ của tướng De Gaulle. Người Pháp đã phải nhượng bộ cho người Algérie có hai quốc tịch. Nhưng Pháp vẫn can thiệp vào chiến trường Algérie. Trong chiều hướng ấy, Đan viện Thánh Mẫu Atlas bị ảnh hưởng trầm trọng. Tính mạng bị đe dọa khiến cộng đoàn khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng là câu hỏi: Nên ở lại hay nên đi? Đây là một vấn đề sống chết liên quan đến tính mạng của các anh em nên mọi người cần thảo luận để tìm câu trả lời chuẩn xác nhất. Sau nhiều cuộc tranh luận diễn ra gay gắt và hết sức căng thẳng đến nỗi cộng đoàn hầu như tan vỡ…; cuối cùng nhờ cầu nguyện, các Đan sĩ đã đi đến quyết định chung kết là ở lại, mặc dù tình hình ngày càng nguy kịch.

Bộ phim khá cô đọng, ngôn ngữ đầy biểu tượng và ý nghĩa rất sâu xa. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là nhà đạo diễn đã dàn dựng rất khéo léo và tinh tế. Ngay từ đầu bộ phim, người ta thấy xuất hiện hai câu Thánh Kinh: câu 6 và câu 7 của Thánh vịnh 82: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao, thế nhưng rồi phải chết không khác kẻ phàm nhân, và có ngày sụp đổ như mọi bậc quan quyền.”(TV 82, 6 -7). Chắc chắn, nhà đạo diễn, qua hai câu Lời Chúa này, khai mào cho bộ phim và chuyển tải một thông điệp từ cuộc sống của những tu sĩ, những người đi theo Chúa đã từ bỏ mọi sự, sống siêu thoát như cuộc sống của các Thiên Thần và các Thánh trên trời… Bộ phim chứa đựng nhiều bài học cho đời tu nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn về khía cạnh hiệp thông trong đời sống cộng đoàn của các Đan sĩ. Phải chăng đây cũng là vấn đề nhức nhối của các Dòng tu hiện nay.

Tông huấn Vita Consecrata của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II năm 1996 đã nhấn mạnh chiều kích hiệp thông, hiệp nhất chính là đặc tính cơ bản, là dấu chỉ tròn đầy của Tin mừng tình yêu: “Những con người hiệp nhất với nhau vì đã cùng cam kết bước theo Đức Kitô – sequela Christi – và được thúc đẩy bởi cùng một Thánh Thần, không thể nào không biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin mừng tình yêu, như là những cành của một cây nho duy nhất”. Trong khi đó, John Lozano mô tả: “Cộng đoàn thánh hiến là một nhóm người Kitô hữu được kêu gọi sống độc thân và giao phó đời mình cho nhau để sống thành một cộng đoàn, cùng nhau tìm Chúa và chia sẻ đời sống vật chất với nhau”.

Khi dấn thân vào đời sống tu trì, mỗi người được mời gọi sống trong một tu hội, một Hội dòng nào đó và ơn gọi sống đời Thánh hiến được diễn tả qua đời sống cộng đoàn. Vì thế, mỗi người Tu sĩ được mời gọi dấn thân theo Chúa Kitô là sống, xây dựng và làm thăng tiến đời sống cộng đoàn mà mình đang là thành viên. Chính vì thế, cộng đoàn không thể tách rời khỏi đời sống của người tu sĩ; nhưng mỗi tu sĩ phải thích nghi và đón nhận tất cả các thành viên trong cộng đoàn. Cộng đoàn là một gia đình gồm những người, có thể bất đồng với nhau về mọi phương diện, nhưng được qui tụ nhân danh Đức Kitô và vì lý tưởng dấn thân phục vụ cho Nước Trời. Vì thế, mỗi thành viên phải đón nhận nhau. Một cộng đoàn có Chúa Kitô hiện diện thì không có sự phân biệt, đố kỵ nhau, như lời Thánh Phaolô nói: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3,28). Để có được một cộng đoàn bền vững và phát triển thì cần có sự hiệp nhất và bác ái với nhau:“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây tuyệt hảo liên kết anh em” (Cl 3,12); “Sống đức ái huynh đệ, giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và chị em, nên cũng là “mảnh đất” cho con người triển nở" (x. Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn 35).

Trong đời sống cộng đoàn, nếu mỗi thành viên biết đón nhận và xây dựng cho nhau thì đời sống cộng đoàn sẽ triển nở hơn; và từ sự triển nở đó mỗi thành viên sẽ đi đến hiệp thông trọn vẹn. Đời sống cộng đoàn phải chăng là một nét đẹp giới thiệu cho mọi người thấy được Nước Thiên Chúa đang ngự trị giữa chúng ta. Hiến chương của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn điều 68/1 cũng đã nói đến chiều kích này: “Hình thức tông đồ căn bản nhất là sống đời thánh hiến trong cộng đoàn”. Một cộng đoàn thiếu yêu thương, hiệp nhất sẽ là dấu hiệu phản chứng tình yêu Chúa trong môi trường mình đang phục vụ.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông huấn Đời sống Thánh hiến, đã ân cần lưu ý: “Trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa Phục sinh. Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được thanh luyện nhờ Bí tích Hòa giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin mừng với lòng vâng phục…”.

Toàn thể Giáo Hội đang hiệp thông sống và hành động theo chủ đề của Thượng Hội Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI đó là: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ; và khắp nơi đang nỗ lực triển khai định hướng mục vụ này trong Giai đoạn Thượng Hội Đồng cấp Giáo hội địa phương như tài liệu Cẩm Nang hướng dẫn dã chỉ rõ: “Giai đoạn đầu tiên nầy của Tiến trình Thượng Hội đồng là nền tảng cho tất cả các giai đoạn tiếp theo. Mục đích của giai đoạn giáo phận, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là nhằm cống hiến cho nhiều người, càng nhiều càng tốt, một kinh nghiệm hiệp hành thục sự trong việc lắng nghe nhau và cùng nhau tiến về phía trước, chứ không đơn giản chỉ là trả lời một bảng câu hỏi”.

Khi công bố văn kiện Hậu Thượng Hội Đồng về giới trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “Christus Vivit” (Đức Kitô đang sống - CV). Nơi đây, ngài đã đề nghị nhiều định hướng cho chương trình mục vụ giới trẻ; và trong đó định hướng “Hiệp Hành” chính là điểm quy chiếu quan trọng cho việc thực hiện tiến trình Tân Phúc Âm hoá: “Sự tham gia của giới trẻ đã giúp “đánh thức”mô thức hiệp hành, là một “chiều kích cấu thành của Hội Thánh.” Như thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Hội Thánh đồng nghĩa với Hiệp Hành”, bởi vì Hội Thánh không là gì khác mà chính là việc “cùng nhau bước đi” của đàn chiên trên con đường lịch sử để gặp Đức Kitô”.

Hiệp hành có nghĩa là cùng bước đi với nhau, sát bên nhau trên một con đường; và mục đích của hiệp hành là để gặp gỡ, lắng nghe và tìm ra ý muốn của Chúa. Chính Chúa Giêsu đã cứu chúng ta bằng con đường hiệp hành; Ngài đã từ bỏ trời cao, từ bỏ địa vị cao sang, chấp nhận cái nghèo, chấp nhận sự trần trụi để nhận lấy kiếp phàm nhân, chỉ trừ tội lỗi; Ngài đã cùng ăn uống, cùng chung chia vận mạng với chúng ta. Trên con đường Emmau năm ấy, Chúa đã hiệp hành với hai môn đệ. Lúc này Chúa “hiệp hành” chứ không chỉ đồng hành cách đơn điệu; vì Chúa đang cùng đi với hai môn đệ trên một con đường, Chúa đã gợi chuyện và lắng nghe hai môn đệ tâm sự về nỗi buồn của mình. Chúa không ở xa xa nhưng đang ở sát bên cạnh để lắng nghe, để hiểu, để cảm thông và giúp đỡ. Nhờ hiệp hành mà hai môn đệ đã nhận ra Chúa; nhờ hiệp hành nên hai môn đệ đã thay đổi trạng thái, thay đổi suy nghĩ, thay đổi hướng đi, thay đổi mục đích… Sau khi nhận ra Chúa, nỗi buồn tan biến và niềm vui Phục sinh đã bừng sáng.

Tông huấn Christus Vivit nhấn mạnh: “Mục vụ giới trẻ phải “mang tính hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. Với tinh thần nầy, chúng ta sẽ có thể tiến tới một Giáo Hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo Hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”..

Ngày nay đời sống cộng đoàn các Dòng tu gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng lối sống tự do, hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân theo trào lưu của xã hội. Để có được một cộng đoàn hiệp nhất bình yên và bền vững theo tinh thần của Đức Kitô chúng ta cần phải có tính hiệp hành. Vậy làm sao để thực hiện tính hiệp hành trong đời sống cộng đoàn? Và hiệp hành như thế nào?

Đối với người tu sĩ, tính hiệp hành được thể hiện qua sứ mạng của mình bằng cách hiệp thông với anh chị em mình gặp gỡ hằng ngày, biết lắng nghe và chia sẻ mọi nỗi vui buồn của họ ngay cả những người gây rắc rối, phiền phức cho mình.Trong đời sống cộng đoàn cần hiệp thông với chị em đang sống chung, sống cùng và sống với. Biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông bằng lời cầu nguyện, qua các sinh hoạt chung, các biến cố vui buồn, coi chị em trong Hội dòng là người thân, cùng nhau sống và gắn bó với nhau, bảo vệ, nâng đỡ nhau suốt đời cho đến chết.

Hiến chương điều 40/1 đã lưu ý: “Chị em hãy yêu mến cộng đoàn mà mình đang là thành viên, đem hết sức lực xây dựng cộng đoàn trở thành như một gia đình”. Sống trong một Hội dòng, một cộng đoàn với nhiều thế hệ, nhiều quan điểm, nhiều khuynh hướng, phong tục tập quán khác nhau… làm sao có thể tránh khỏi những lúc “trái gió trở trời”; nhưng chính những lúc như thế, “nhân tố hiệp hành” sẽ là phương thuốc, là cơn gió xuân lành mạnh để “bầu trời” u ám đó được tươi đẹp hơn!

Thế nhưng, cũng không ít người sẽ tự hỏi: “Hiệp hành bằng cách nào?”. Các Đan sĩ dòng Xitô Tiblirine trên núi Atlas trong câu chuyện phim đã kể ở trên đã cho ta thấy: tuy bị chao đảo về thời cuộc, và cộng đoàn lủng củng hầu như sắp tan rã vì những bất đồng ý kiến, nhưng cuối cùng cũng đã tìm ra lời giải đáp là nhờ vào hiệp thông với Chúa bằng lời cầu nguyện, trung tín với bổn phận, lắng nghe, đối thoại và tìm ra ý Chúa trong cộng đoàn của mình.

Bộ phim đã chuyển tải cho chúng ta một bài học quý giá: cộng đoàn của các Đan sĩ gồm nhiều thế hệ già, trẻ khác nhau, khi bắt đầu cuộc tranh luận tưởng chừng như rất khó hòa hợp. Tuy nhiên, trong sự khác biệt ấy, ta thấy được tình hiệp thông huynh đệ qua sự giúp đỡ của người lớn tuổi giúp người trẻ tuổi bằng lời lời động viên, chia sẻ để nhận ra được lý tưởng của mình. Người nhỏ tuổi thì lắng nghe đối thoại, đón nhận nhau… Và một chi tiết rất cảm động mà đạo diễn muốn gửi đến cho người xem là hình ảnh của các anh em chăm sóc giấc ngủ cho thầy Luca sau một ngày làm việc vất vả và còn đọc báo cho thầy ngủ; hay một chi tiết khác: cha Bề trên đến tắt đèn, đắp chăn cho người anh em già yếu, tận tình phục vụ anh em trong cộng đoàn… Những cử chỉ tuy rất nhỏ nhưng rất dễ thương và làm nên một điều rất vĩ đại là xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương và bền vững.

Vâng, hiệp thông là thế đấy; ngoài hiệp thông với Chúa, chúng ta cần hiệp thông với chị em trong cộng đoàn; cần đối thoại cách chân thành khi gặp bế tắc, phục vụ lẫn nhau cách tận tâm, tận tình và tế nhị vì tình yêu dành cho Đức Kitô. Từ bỏ ý riêng để tìm ra ý Chúa qua chị em, biết kiên trì cầu nguyện, kiên trì lắng nghe nhau, kiên trì đối thoại. Đôi khi, trong lòng ta không muốn và không thể nào gặp mặt người chị em đó để nói một câu nhưng vẫn phải kiên trì và quyết tâm đối thoại trong tinh thần xây dựng. Có như thế chúng ta mới trở nên một “cộng đoàn hiệp hành”; vì con đường “hiệp hành” luôn đòi hỏi phải khởi đầu, diễn ra, duy trì và hoàn chỉnh với sự hiệp nhất, hiệp thông!

Trong đời sống cộng đoàn, nếu mỗi người chúng ta quá dửng dưng với người bên cạnh thì chúng ta không thể hiểu và cảm thông cho nhau được; mỗi người với mỗi công việc khác nhau, với những địa vị cấp bậc, lứa tuổi khác nhau… nên ai cũng có những nỗi ưu tư lo lắng riêng.Trong môi trường và hoàn cảnh như thế, nếu chúng ta không thể hiện tiến trình hiệp hành thì chúng ta không thể nào hiểu được, cảm thông được và sẵn sàng chia sẻ cho nhau. Sống trong một cộng đoàn nếu mỗi thành viên không trở thành “chuyên viên hiệp hành”, không cùng đi với nhau và dìu nhau tiến bước, thì cộng đoàn có nguy cơ tan vỡ và sẽ trở một gánh nặng, một “cái ách nặng nề” mà mỗi ngày mình phải vác lấy, phải cam chịu cách bất đắc dĩ; hay văn chương một tí, chỉ là “quán trọ để dừng chân”; vui thì ở lại chơi, buồn thì dứt áo ra đi. Cũng đừng quên, một cộng đoàn dòng tu, nếu không được xây dựng và gia cố mỗi ngày trên “nền tảng hiệp hành” thì cuộc sống nơi cộng đoàn đó sẽ chỉ có chỉ trích, chê bai, kết án…; và đến một lúc nào đó, cộng đoàn trở thành tòa án ngày qua ngày xét xử nhau, và chị em sẽ trở thành những con vật sát tế.

Hiệp hành là thay đổi lối sống, thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi cách nhìn, thay đổi cách nhận xét; không nên đóng khung người khác trong một thành kiến cá nhân; hãy nhìn thấy điều tích cực của người bên cạnh với một con tim tràn đầy tình Chúa để tất cả đều bước đi chung trên một con đường của Đức Kitô và cùng nhau nhìn về một hướng. Có như thế đời sống cộng đoàn mới phát triển một cách bền vững lâu dài và đời tu không phải là một sự đổ vỡ như những gì ta đã từng gặp nhưng là một sự hiệp thông và chia sẻ.

Như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của các dân tộc Phi Châu mà Đức Phanxicô đã lấy lại để ân cần nhắc nhở các bạn trẻ trong tông huấn Christus Vivit: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”, ước gì chúng ta ý thức được tầm quan trọng của tính hiệp hành để mỗi ngày chúng ta xích lại gần nhau, biết lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau bước đi trên con đường Đức Kitô cách mạnh mẽ và xác quyết hơn. Và để được như thế, không gì hơn, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, cho các cộng đoàn đang sống đời thánh hiến, bằng chính những lời cầu cho tiến trình hiệp hành của Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI: “Xin dạy chúng con lối đường phải đi và cách bước đi trên lối đường đó… Đừng để chúng con u mê sa vào nẻo đường lầm cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến. Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con…”.

Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN
 
Lá thư Canada : Mọi Sự Nở Hoa - Trà Lũ
Trà Lũ
21:22 09/01/2022
Lá thư Canada: Mọi Sự Nở Hoa

Chú Trâu bàn giao, chú Cọp nhận trọn vẹn mọi thứ của năm qua: nào các cơn dịch Cô Vít đang biến chứng biến thể, nào chiến tranh Mỹ Tàu Nga và khối Da Đen Da Nâu vẫn đang hầm hừ, nào chiến tranh kinh tế thì đang diễn ra, nào chiến tranh súng đạn thì chưa rõ ràng, nào chiến tranh khí hậu môi trường đang đe dọa cả thế giới. Riêng Canada thì may mắn, Canada vừa được bầu chọn là nơi sống hạnh phúc nhất thế giới nên các quan nhà giầu khắp nơi đang đổ về đây, khối di dân đông nhất là các quan cán bộ CS từ Tàu và VN, tên mới của họ là các ngài Tư Bản Đỏ. Riêng ông anh láng giềng là nước Cờ Hoa thì cũng vậy vậy, mấy nhà quân tử trong làng tôi thì đang lo cho sức khỏe của Cụ Biden, vì tình trạng tuổi già đang khiến cụ lẫn nhiều. Chứng cớ rõ nhất là trong mấy tháng vừa qua cụ đã 3 lần gọi bà phó tổng thống Kamala Marris là tổng thống. Bà phó chỉ có thể lên ghế tổng thống khi tổng thống đương nhiệm băng hà hay bị bãi nhiệm. Báo chí cho biết nhà tiên tri ngoại cảm nổi tiếng quốc tế Craig H. Parker đã báo trước năm con cọp này Cụ Biden sẽ bị bãi nhiệm vì vấn đề sức khỏe. Cái gì sẽ xảy ra đây?

Chuyện thời sự nghe nhức đầu quá. Xin mời các cụ về làng An Lạc của tôi ăn tết sẽ vui hơn. Từ khi làng có ông Từ Hòe thì làng sinh động hẳn lên. Ông hiện ở chung với cụ Chánh tiên chỉ, hai người coi nhau như anh em ruột. Ông vừa nói một điều mà xưa nay ít ai nghĩ tới: Ngày tết thì VN ta có đại sứ về chầu ngọc hoàng, đó là ông Táo, rõ ràng là ông chứ không phải bà. Còn dân da trắng thì không có ông táo đi lên, mà có ông già Noel từ ngọc hoàng đi xuống. Ai cũng nói Ông Già Noel, chứ không hề nói Bà Già Noel bao giờ, nhưng thực sự thì nhiều khi đó không phải là một ông mà là một bà, lý do bộ mũ đỏ to lớn trùm kín cả đầu, và bộ râu quai nón bạc phơ che phủ mặt mũi, cho nên liền ông hay liền bà, ai đóng vai ‘ông già’ cũng được hết. Anh John nghe đến đây thì gật đầu lia lịa, anh bảo: Đúng thế ! Các cụ có nghĩ thế bao giờ không cơ. Cái ông Từ Hòe này giỏi thật, người ta mặc kín như vậy mà ông biết hết bên trong.

Như thông lệ, năm nay ông vẫn dựng cây nêu ở giữa sân. Mọi năm ông giữ việc gói bánh chưng bánh tét cho cả làng, nhưng năm nay ông bảo ông sẽ không gói và nấu nữa vì ông thấy ngoài chợ VN bây giờ bán đầy bánh chưng bánh tét và giò chả ngon tuyệt vời, làng không phải mất công gói và nấu nữa, làng sẽ dành thời gian này để đi làm việc phước thiện, để cúng giỗ ông bà tổ tiên, và để chia sẻ các tin vui chuyện buồn. Cả làng ai cũng đồng ý vì ông nói rất có lý. Phe các bà chỉ còn việc đi chợ tết mua về rồi bầy ra là xong ngay.

Nửa buổi sáng mồng một ai cũng ở nhà để cúng lễ tổ tiên và ăn tết với con cháu. Buổi chiều mới họp làng ở nhà cụ Chánh tiên chỉ. Ôi buổi họp làng này sao mà vui thế. Trong lúc các bà đang bày cỗ tết thì tự nhiên tôi nghe phe các bà phá ra cười như nắc nẻ. Anh John vội bá cáo ngay cho phe liền ông tức các nhà quân tử chúng tôi: Ông Từ Hòe vừa vào bếp lấy hộp quẹt thì các bà liền xin ông chúc tết lấy hên. Ông ta đáp ngay: Tôi chưa kịp nghĩ ra lời chúc, tôi xin đọc lời chúc thấy đăng trong báo tết của hội các người già:

- Chúc các bà năm mới bớt khô khan nguội lạnh

- Chúc các ông năm mới thêm cứng rắn kiên trì

Các bà gật đầu khen hay rồi phá ra cười, cười xong thì quay ra xin ý Cụ Chánh. Cụ cười hà hà rồi bảo: lão xin tán dương lời chúc ấy và xin chúc cả làng năm mới không ai mắc mấy cái bệnh thông thường nhưng đáng ghét này: 3 bệnh cao và 2 bậnh thấp. Dân làng ngơ ngác vì chẳng ai hiểu gì. Cu bèn cắt nghĩa ngay: 3 bệnh cao là: cao máu, cao mỡ, cao đường, 2 bệnh thấp là: thấp khớp và phong thấp.

Nghe xong cả làng ai cũng gật gù: Lời chúc của cụ rất quý. Rồi Chị Ba Biên Hòa quay vào bồ chữ ODP, xin ông chúc tết. Ông liền đáp ngay: tôi cũng xin chúc cả làng năm mới không ai vướng vào 5 cái bệnh mà Cụ chánh vừa kể. Tôi xin chúc cả làng vui vẻ hạnh phúc, có cái tâm vui vẻ hồn nhiên như thời còn bé. Năm con Cọp này làm tôi nhớ tới bao nhiêu kỷ niệm đáng yêu thời thơ ấu. Nhớ nhất hồi tiểu học trong sách giáo khoa có 2 chuyện mà tôi yêu thích và nhớ mãi đến bây giờ.

Thứ nhất là chuyện về trí khôn. Rằng thuở ấy loài người và loài vật có thể nói chuyện với nhau. Bữa đó con cọp đi kiếm ăn thì gặp bác nông dân đang cầy ruộng. Nó hỏi bác: Tôi nghe nói loài người có bộ trí khôn hay lắm, bác có thể cho tôi xem bộ trí khôn của bác được không? Bác nông dân trả lời ngay: Ta để bộ trí khôn ở nhà. Nếu ngươi muốn xem thì phải để ta trói ngươi vào cái gốc cây này đã. Con cọp hỏi tại sao thì bác nông dân trả lời ngay: Ta sợ khi ta về lấy thì ngươi sẽ ăn thịt con trâu của ta. Vì con cọp tò mò muốn xem nên nó bằng lòng cho bác nông dân trói nó vào gốc cây. Trói xong, bác nông dân cười hà hà rồi cầm cây gậy đánh con cọp một trận, vừa đánh bác vừa nói: Đây là cái trí khôn của ta…

Chuyện thứ hai là giúp người thì được đền ơn bội hậu. Rằng buổi kia một con chuột đang đi kiếm mồi thì chẳng may rơi ngay vào chân một con cọp. Con chuột sợ qúa liền chắp tay lạy con cọp mà rằng: Con nhỏ xíu không đáng một miếng ăn của ngài, xin ngài tha mạng để con đi tìm mồi vì con phải nuôi một đàn con. Con cọp thấy nó bé xíu nên gật đầu tha mạng. Con chuột bái lậy rồi chạy đi. Mấy ngày sau trong lúc con chuột này cũng đang đi kiếm mồi thì nó nghe tiếng hổ rống. Nó tò mò chạy tới thì thấy con cọp bị mắc lưới của người thợ săn, con cọp vùng vẫy và gào thét nhưng vô vọng. Con chuột thấy thế liền chạy lại và nói với con cọp: Xin ngài cứ nằm yên, con sẽ cắn đứt mắt lưới, rồi lưới sẽ có một lỗ hổng vừa cho ngài chui ra được. Quả nhiên một lúc sau con cọp chui ra được khỏi lưới và thoát chết. Nào ai có thể ngờ một con chuột nhỏ xíu mà cứu được mạng một con cọp khổng lồ !

Ông ODP đúng là bồ chữ. Ông bảo: Đấy là hai chuyện nhỏ về con cọp. Lớn lên tôi được học bài Nhớ Rừng của Thế Lữ, hay hết sức, nó tả đúng tâm trí của nhà anh hùng Nguyễn Tường Tam bị thực dân Pháp bắt bỏ tù lúc bấy giờ:

Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt

Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua

Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ

Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm



Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan



Ông Từ Hòe thấy có hứng quá bèn xin ngâm trọn bài thơ dài này. Cả làng vỗ tay rất to và rất lâu khen bài thơ đẹp từng lời và hay từng ý, và khen giọng ngâm rất có hồn của ông. Ông được cả làng ca ngợi thì có vẻ thích và cảm động lắm. Ông ODP xin hết ý về chú cọp, rồi ông quay vào cụ B.95: thế bác sống lâu ngòai Bắc như vậy thì chắc biết rõ con cọp con hổ lắm, xin bác nói về nó đi cho dân làng hậu sinh này được nghe. Cụ B.95 vừa lắc đầu vừa nói: Bà lão này gốc nhà quê có được đi đâu và xem cái gì đâu. Xưa ở nhà quê lão chỉ nghe nói tới hai thứ dính tới hổ là cao hổ cốt và dầu cù-là con hổ. Chỉ có nhà giàu mới có tiền mua cao hổ cốt, còn nhà nghèo mà có hộp dầu cù-là vẽ hình đầu con hổ là quý lắm rồi. Ngoài ra dân làng của lão sợ con hổ lắm, lão chưa thấy nó nhưng bố mẹ lão bảo rằng đêm 30 trước tết trời tối như mực, mà con hổ thì mắt nó sáng hơn đèn, đêm 30 tết nó hay về làng bắt lợn, bắt gà, đôi khi bắt cả người nữa, nên dân làng sợ và tôn nó lên bậc Ông, gọi nó là Ông Ba Mươi.

Nghe đến tên Ba Mươi thì ông Từ Hòe góp thêm ý nữa. Rằng ngày xưa ai bẫy được một con cọp thì được quan thưởng ngay 30 quan tiền, còn ai để cho con cọp chạy thoát thì người đó phải phạt đòn 30 roi. Đó là cái gốc con số 30 chỉ con hổ. Ngoài ra, ở miền Nam sau 30/4/75, ai mà trở cờ đi theo VC thì dân xóm đều gọi là ‘tên Ba Mươi’.

Cụ B.95 nghe xong thì thích lắm. Cụ vui vẻ nói ngay: nhờ các bác mà lão học thêm được bao nhiêu điều hay. Anh H.O nói chen vào: Chưa hết đâu cụ ơi. Dân gian thường gọi những bà vợ dữ là ‘ dữ như cọp cái’, những bà nào hay la chồng thì gọi là ‘con cọp gầm’. Ngoài ra ai cũng nể con cọp đực nên mới gọi là Ông Ba Mươi, ta có nghe ai nói Bà Ba Mươi bao giờ đâu ! Tôi có người bạn thân, nó muốn cưới cô bạn gái nhưng bố mẹ không cho vì cô gái tuổi con cọp còn nó tuổi con heo. Bà mẹ đe nó: Mày mà lấy nó thì nó sẽ ăn thịt mày! Thế nhưng nó vẫn lấy và chúng nó đã và đang sống hạnh phúc, vì chúng nó có tình yêu chân thật.

Ông bồ chữ ODP gật gật cái đầu và lên tiếng: Tình yêu chân thật là điều tối quan trọng cho cuộc sống gia đình. Kìa xem nhạc sĩ Văn Cao, một thiên tài âm nhạc, tác giả bài quốc ca VN hiện nay, ban đầu được Bác và Đảng yêu quý, nhưng về sau thất sủng vì đi theo Nhân Văn Giai Phẩm. Ông bị Đảng đá ra ngoài lề cho chết, nhưng ông không chết, ông đã gặp và cưới được cô con gái của địa chủ mà làng vừa đấu tố chết. Cô bị đuổi ra ngoài đường sống lê lết. Ông gặp và đã yêu cô, đã cưới cô làm vợ. Việc tình yêu này làm tôi nhớ lại chuyện cổ, không nhớ trong sách nào. Rằng một cụ già kia sáng ngày mồng một tết mở cửa đi ra đường lấy hên. Vừa ra đường thì ông gặp 3 cụ già rất đẹp lão, mặt ai cũng tươi cười. Ông cho là điềm đại hên nên ông vái chào và mời cả ba cụ vào xông nhà cho ông. Một cụ già lên tiếng: Chỉ một trong 3 chúng tôi là đủ rồi. Đây là cụ Thành Công, đây là cụ Phú Qúy, còn tôi tên là Tình yêu. Ông chủ nhà không biết mời ai, bèn vào nhà hỏi vợ. Bà vợ đề nghị mời cụ Phú Quý. Ông thì muốn cụ Thành Công, còn cô con gái thì muốn cụ Tình Yêu. Ba người bàn một lúc rồi quyết định chiều cô con gái. Cụ Tình Yêu theo chân ông vào xông nhà thì lạ lùng thay cả hai cụ Thành Công và Phú Quý cùng đi theo. Ngạc nhiên, ông chủ nhà hỏi tại sao thì cụ Tình Yêu trả lời; Nếu ông mời cụ Phú Quý hay Thành Công thì chỉ mình cụ ấy vào, nhưng theo thói quen nếu mời tôi là Tình yêu thì 2 cụ kia bao giờ cũng theo tôi vì cả 3 chúng tôi không bao giờ rời nhau cả.

Ông bồ chữ ODP nói ngay: Về mặt tôn giáo thì họ đã chọn Thiên Chúa vì Ngài đã phán: Ta là Tình Yêu. Có tình yêu là có Chúa, là có hết mọi sự. Gương nhạc sĩ Văn Cao rõ ràng nha. Gương danh nhân GS Vũ Quốc Thúc nhập đạo Tình Yêu rõ ràng nha. Hôm nay nói tới tình yêu làm tôi nhớ tới 2 chuyện trong Thánh Kinh mà tôi cho là rất hay vì đề cao việc này. Thứ nhất là chuyện dụ ngôn người lữ hành bị cướp bóc lột và đả thương, người khốn nạn này nằm chờ chết bên ven đường. Có 2 vị cao cấp trong đạo đi ngang trông thấy mà giả tảng làm ngơ và đi tiếp. Rồi một ngoại nhân Samari cũng đi qua, và trông thấy. Ông này đã cúi xuống, đã băng bó cho nạn nạn nhân rồi chở tới quán bên đường nhờ giữ tạm. Ông Samari hẹn đi xong công tác rồi sẽ trở lại cứu tiếp. Ông Samari này mới là người có lòng yêu người, yêu đích thực.

Và chuyện thứ hai là chuyện người con phung phá. Rằng một ông nhà giàu kia kẻ ăn người ở đầy nhà. Ông có 2 cậu con trai. Một buổi kia cậu con thứ xin người cha triệu phú chia gia sản để đi phương xa lập nghiệp. Người cha đã chia gia tài. Và cậu đã ôm hết tiền bạc đi phương xa nhưng không hề lập nghiệp mà vung tay chơi bời trác táng, rồi trắng tay. Cậu trở nên nghèo đói phải đi làm thuê, cậu đói khát đến độ dù thức ăn cho heo cũng không có mà ăn. Cậu chợt tỉnh ngộ, cậu nghĩ tới người cha và quay trở về. Từ xa người cha đã trông thấy cậu thất thểu, rách rưới đói khát. Người cha đã chạy ra ôm chầm lấy cậu, sai gia nhân lấy quần áo mới mặc cho cậu và sai làm tiệc ăn mừng. Người cha không hề giận dữ đuổi cậu đi mà ôm cậu vào lòng. Bài này không phải Chúa kể chuyện người con hư hỏng mà Chúa dạy ta bài học về tình yêu. Chúa cũng yêu ta như vậy và còn hơn vậy gấp bội.

Ôi tình yêu đẹp làm sao. Xưa nay các bài tình ca, các thi phẩm diễm tuyệt đều nói về tình yêu, đều đề cao và ca ngợi tình yêu. Tình yêu đẹp quá. Amor Deus est !

Ông ODP nhìn mọi người, vừa cười vừa nói: Bản chức xin chấm dứt diễn văn bất ngờ đầu năm. Nãy giờ mọi người yên lặng lắng nghe tôi nói như vậy là đủ cho một năm mới rồi. Anh John đâu xin mở kho tiếng cười ra mừng tuổi làng đi. Anh John đáp ngay: Xin tuân lệnh. Sáng nay trước khi đi xông đất tôi có xông sách, và thật hên, năm cọp tôi gặp chuyện ‘cọp xám miền Tây’ tức là chuyện về cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm của cựu hoàng Bảo Đại. Thuở đó ở Miền Nam ai cũng gọi ông ta là ‘ Cọp Xám Cai Lậy’, nghĩa là ai cũng phải sợ ông như sợ cọp. Năm 1952 ông đi kinh lý Bắc Kỳ. Nhân sĩ Bắc kỳ mới tặng ông một bức hoành phi sơn son thiếp vàng, với 4 chữ lớn: Đại Điểm Quần Thần, nghĩa là ngài là một ‘chấm to bầy tôi’. Ai cũng hiểu đây là một lời khen thủ tướng. Khi thủ tướng về tới trong Nam rồi thì có một ông hay chữ kia mới giảng nghĩa rằng: đây là một câu chê ông Tâm theo cách nói lái Bắc kỳ: Đại diểm = Chấm to = chó Tâm, Quần thần = bầy tôi = bồi Tây. Thì ra cái dân Bắc Kỳ hỗn láo dám gọi ngài thủ tướng là chó, là bồi Tây. Nhưng mọi sự đã trễ, mọi nghi lễ đón rước đã xong, hoành phi đã nhận rồi.

Dân làng khen anh John tìm được một câu nói lái lịch sử hay quá. Anh John bảo rằng anh còn một chuyện cười cũng liên hệ tới tình yêu nữa, xin tặng cả làng để cho lòng mọi người nhẹ nhàng. Rằng có một chàng trai văn hay chữ tốt kia, học giỏi mà chưa vợ. Bữa đó anh mời được cô bạn gái mà anh đang thầm yêu đi ăn tiệm. Giữa bữa anh mót đái quá mà không biết phải làm thế nào. Nghĩ một chút và chàng trai đã tìm ra được một câu quả là hay. Anh ta nói thế này với cô bạn: ‘Xin lỗi em, bây giờ anh phải ra ngoài giúp người bạn nhỏ của anh vài phút, rồi vào ngay. Sau này anh sẽ giới thiệu người bạn nhỏ này với em. Bảo đảm gặp nó một lần rồi em sẽ yêu nó suốt đời !

Cả làng nghe xong thì ai cũng phục cái anh chàng thông thái và lém lỉnh này. Các bà các cô thì vừa cười vừa đấm nhau thùm thụp. Các cụ đã thấy tiếng cười đầu năm của làng tôi nhẹ nhàng và ngộ nghĩnh chưa? Cụ B.95 vừa cười vừa nói: Chuyện đầu năm có khác !

Rồi đến phần Cụ Chánh tiên chỉ chúc tết. Cụ chúc làng một năm mới lòng ai cũng đầy Chúa đầy tình yêu, vì Chúa là Tình Yêu. Có Chúa là có tình yêu. Trong thánh lễ ở nhà thờ, cha chủ tế chúc giáo dân nhiều lần: ‘Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum.’ Đúng y như một ông bạn già chí thân của tôi thường bảo:

Có Chúa mọi sự mọi xong

Có Chúa trong lòng, mọi sự nở hoa

Kính chúc các cụ năm con cọp này mọi sự nở hoa.



TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Hiện tượng lạ lùng ở Israel bụi gai bốc cháy như được ghi trong Kinh Thánh, vị trí Núi Sinai
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:20 09/01/2022


1. Hiện tượng lạ lùng ở Israel bụi gai bốc cháy như trong trình thuật Kinh Thánh

Một hiện tượng ánh sáng hiếm thấy khiến một số người suy đoán rằng Núi Karkom là địa điểm thực sự của Núi Sinai trong Kinh Thánh.

Một hiện tượng bất thường, lần đầu tiên được quan sát vào năm 2003, đang thu hút sự chú ý như một lời giải thích cho hiện tượng bụi cây bốc cháy trong Kinh Thánh, được tường thuật như là phương tiện để Thiên Chúa giao tiếp với ông Môisê trong chương 3 của Sách Xuất Hành. Cảnh tượng này liên quan đến ánh sáng rực lửa phát ra từ những tảng đá mà người ta chỉ có thể nhìn thấy đúng góc, vào đúng thời điểm và vào đúng ngày trong năm.

Vị trí của Núi Sinai trong Kinh Thánh đã là chủ đề tranh luận của các chuyên gia trong nhiều thế hệ. Mặc dù có một số địa điểm giống với bối cảnh trong Kinh Thánh, nhưng một trong những ứng viên hàng đầu là Núi Karkom, ở tây nam sa mạc Negev. Tại đó, một hướng dẫn viên du lịch người Israel đã chứng kiến hiện tượng này vào năm 2003.

Tờ New York Times đưa tin rằng người hướng dẫn đã đến thăm địa điểm này vào khoảng ngày đông chí. Khi mặt trời buông xuống thấp trên bầu trời, ánh sáng của nó bắt đầu phản chiếu trên các sườn núi. Tờ báo mô tả những gì người hướng dẫn viên đã thấy như sau:

Vào giữa trưa, khi mặt trời xuống thấp trên bầu trời vào một trong những ngày ngắn nhất trong năm, anh nhìn qua một khe núi sâu và phát hiện ra một vầng sáng kỳ lạ, lập lòe như ngọn lửa, phát ra từ một điểm trên một dốc đá.

Truyền thông Israel nhanh chóng liên hệ ánh sáng rực lửa huyền bí này với bụi cây bốc cháy trong Sách Xuất Hành. Có ý kiến cho rằng hiện tượng này chính là hiện tượng đã được đề cập đến trong Kinh Thánh, và nhiều người cho rằng có thể ông Môisê đã nhìn thấy một ánh sáng tương tự, phản chiếu vào một bụi cây.

Năm nay, các quan chức quân sự đã mở đường cho du khách vào ngày 21 tháng 12 đến một địa điểm hiếm khi mở cửa ngoại trừ vào hai ngày cuối tuần và các ngày lễ. Họ cho phép một nhóm khách du lịch, khách hành hương và những nhà thám hiểm tìm xem họ có thể nhận ra hiện tượng này hay không. Nhiều người cho biết họ thấy hiện tượng đó nhưng không rõ lắm vì không được các quân nhân cho đến gần.

Bên cạnh vầng hào quang ánh sáng này, có những yếu tố khác cho thấy Karkom có thể là Núi Sinai trong Kinh Thánh. Các hình vẽ trên đá cổ có niên đại xung quanh các sự kiện của biến cố Xuất Hành đã được phát hiện trong khu vực, một số giống với phiến đá Mười Điều Răn.

Hơn nữa, ngọn núi nằm ngay trên con đường mà dân Israel sẽ đi từ Ai Cập đến Petra, trong sách Xuất hành. Núi Karkom cũng có một địa điểm, trong đó các nhà khảo cổ đã xác định được một bàn thờ hiến tế được bao quanh bởi phần còn lại của mười hai cây cột. Một số ý kiến cho rằng các cột đá có thể tương ứng với các cột được nêu trong chương 24 của Sách Xuất Hành, khi ông Môisê dựng 12 cột tượng trưng cho 12 chi tộc Israel.
Source:Aleteia

2. Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo chống vắc xin chết vì Covid-19

Đức Tổng Giám Mục Kosmas của Aetolia và Acarnania, miền tây Hy Lạp, là một người chống vắc xin rất nổi bật, đã chết vì Covid-19 sau một tháng nhiễm virus. Ngài qua đời ở tuổi 76.

Ngài đã được nhập viện ở Agrinio vào ngày 1 tháng 12 với tình trạng nhiễm trùng Covid-19 trước khi được chuyển đến phòng ICU tại bệnh viện Evangelismos của thủ đô.

Việc chuyển đến phòng ICU của ngài đã gây ra phản ứng từ những người chỉ trích ngài.

Đức Tổng Giám Mục Kosmas là người chỉ trích dữ dội các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, bao gồm việc sử dụng khẩu trang và tiêm chủng.

Trong một bài thuyết giảng vào năm 2020, Đức Cha Kosmas đã đả kích những người không muốn tham dự thánh lễ ở một nhà thờ đông người, và gọi họ là những kẻ “hèn tin” và “không trung thành.”

Năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục Kosmas đã được Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp triệu tập để giải thích về việc “không tuân theo và không tôn trọng quyết định thống nhất của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp” về các biện pháp liên quan đến coronavirus trong thời gian Lễ Phục sinh.

Em gái của ngài, 75 tuổi đã chết vì các biến chứng liên quan đến Covid vào ngày 13 tháng 12. Bà ấy cũng từ chối tiêm phòng.


Source:ekathimerini.com

3. Sự suy giảm “tàn phá” trong việc thực hành tôn giáo ở những người Ba Lan trẻ tuổi

Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak, tổng giám mục của Gniezno và là Giáo Chủ Công Giáo Ba Lan, cho biết đã có một sự suy giảm “nghiêm trọng” trong việc thực hành tôn giáo trong giới trẻ.

Ngài thừa nhận rằng sự thất bại của hàng giáo phẩm Công Giáo trong việc đối phó với lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ là nguyên nhân chính, và đã kêu gọi Giáo Hội tiếp tục quá trình “thanh lọc” bản thân.

Tuy nhiên, Đức Cha Marek Jędraszewski, tổng giám mục Kraków, đã đặt câu hỏi về cách giải thích của Đức Cha Wojciech Polak, và cho rằng trên thực tế Giáo Hội là “nạn nhân” của đại dịch và việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng của giới trẻ.

Đức Cha Polak chỉ ra dữ liệu được công bố gần đây cho thấy chưa đến 25% thanh niên Ba Lan hiện nay thường xuyên thực hành tôn giáo. Vào đầu những năm 1990, con số này gần như là 70%.

Đức Cha Polak nói trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan Báo chí Ba Lan, gọi tắt là PAP, rằng: “Đây đơn giản là những con số tàn khốc. Một sự đánh giá lại rất mạnh mẽ đang diễn ra trong thế hệ trẻ.”

Khi được hỏi liệu sự thất bại của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên có góp phần vào tình trạng này hay không, Đức Cha Polak xác nhận rằng “không nghi ngờ gì nữa, sự sơ suất của hàng giáo phẩm, những vị không đứng về phía những người bị hại, đã làm suy giảm uy tín của chúng tôi như một cộng đồng Giáo Hội”.

Trong những năm gần đây, một số lượng lớn các vụ lạm dụng tình dục của các giáo sĩ Công Giáo ở Ba Lan đã bị đưa ra ánh sáng, và Vatican đã kỷ luật các giám mục của Ba Lan vì sự lơ là trong việc giải quyết vấn đề này.

Đức Cha Polak nói rằng những tiết lộ như vậy đã “gây ra một cuộc khủng hoảng đức tin sâu sắc” cho nhiều người Công Giáo, khiến một số người trong số họ từ bỏ Giáo Hội hoàn toàn. Viện thống kê của Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan đã quan sát thấy rằng, song song với giảm sút thực hành đạo, ngày càng có nhiều người chính thức rời bỏ đức tin.

Đức Cha Polak nói với PAP rằng cách duy nhất để “xây dựng lại uy tín của Giáo Hội” là chứng tỏ rằng “chúng tôi đứng về phía sự thật và chúng tôi chịu trách nhiệm loại bỏ tất cả những tội ác này. Đây không phải là một quá trình thanh lọc dễ dàng, nhưng nó cần thiết để chúng tôi trở nên đáng tin hơn bao giờ hết”.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng quá trình này đã được tiến hành. “Kể từ tháng 6 năm 2019, hơn một chục vụ kiện đã được tiến hành chống lại các giám mục Ba Lan.” Ngài chỉ ra rằng một trang web đặc biệt cũng đã được thành lập để tư vấn cho mọi người về cách báo cáo lạm dụng và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Tuy nhiên, chẩn đoán của Đức Cha Polak đã bị Jędraszewski nghi ngờ. Phát biểu với Đài phát thanh Kraków, Đức Tổng Giám Mục nói rằng đại dịch và công nghệ hiện đại là nguyên nhân chủ yếu.

Đức Cha Jędraszewski, được biết đến như một người có tiếng nói bảo thủ trong Giáo Hội, nói rằng việc đóng cửa các trường học và chuyển sang học từ xa trong hai năm qua đã cản trở “khả năng giao tiếp và phát triển bình thường” của giới trẻ.

Ngài cũng lưu ý rằng trẻ em bây giờ có nhiều khả năng học hỏi mọi thứ từ điện thoại thông minh của chúng hơn là nghe lời cha mẹ hoặc ông bà của chúng, khiến cho khó “truyền đạt những giá trị giúp những đứa trẻ này lớn lên”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Jędraszewski nói: “Giáo Hội đã trở thành nạn nhân của tất cả những gì đang xảy ra. “Các câu trả lời không đơn giản như các dữ liệu sơ sài có thể chỉ ra.”

Các Giám mục Công Giáo lưu ý rằng có một sự “giảm sút có hệ thống” về số lượng trẻ em tham gia các lớp học giáo lý Công Giáo trong trường học, là tùy chọn nhưng được hầu hết học sinh tham dự. Kể từ đó, trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm phá thai, số lượng tham gia các lớp học như vậy thậm chí còn giảm hơn nữa.

Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thấy người Ba Lan - đặc biệt là giới trẻ - có quan điểm ngày càng tự do hơn về các vấn đề như phá thai và quyền LGBT trái ngược với quan điểm của Giáo Hội.


Source:notesfrompoland.com
 
Phúc hay họa: Linh mục cử hành thánh lễ hàng chục ngàn người tham dự gây áp lực lên Tòa Giám Mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:02 09/01/2022


1. Hãy cầu nguyện rằng Danh Thánh Chúa Giêsu sẽ là lời cuối cùng của bạn

Trong văn hóa Đông phương, nói về cái chết là một điều cấm kỵ, thậm chí nhiều người cho là một điềm gở. Tuy nhiên, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho rằng đó là một thực tại sẽ xảy đến và tờ báo đề nghị độc giả hãy cầu xin Chúa ban cho ân sủng có thể còn hơi sức để thốt ra Thánh Danh Cực Trọng của Ngài trước khi chia tay khỏi thế giới này.

Thánh Danh Chúa Giêsu là một danh xưng quyền năng, một danh xưng dùng để chỉ Ngôi thứ hai của Ba Ngôi Chí Thánh, là Thiên Chúa thật.

Nhiều vị thánh đã chết trong khi kêu tên cực trọng của Chúa Giêsu, và đó thường được coi là cách hoàn hảo nhất để giã từ đời này bước sang đời sau.

Đây là một lời cầu nguyện từ một cuốn sách cầu nguyện được dùng từ thế kỷ 19 để cầu xin Chúa ban cho ân sủng còn hơi sức và lòng trí để kêu Danh Thánh Cực Trọng của Ngài trước khi bạn trút hơi thở cuối cùng.

Nguyện Danh Đáng Yêu của Chúa Giêsu là bản nhạc hằng ngày của linh hồn con và là dấu ấn của trái tim con, và trong cơn hấp hối, trước mồ hôi lạnh của cái chết, xin cho con hướng nhìn lên lần cuối cùng lòng thương xót Chúa, xin cho tiếng thở dài chia tay của linh hồn con là LẠY CHÚA GIÊSU. Amen, LẠY CHÚA GIÊSU ngọt ngào, Amen.
Source:Aleteia

2. Linh mục cử hành thánh lễ hàng chục ngàn người tham dự, cảnh báo các giám mục Công Giáo đừng dồn ngài vào thế phải nổi loạn

Linh mục Công Giáo gây nhiều tranh cãi, Ejike Mbaka, đã khuấy động một cuộc tranh cãi khác, cáo buộc rằng có một âm mưu giết ngài sau cuộc tranh cãi của ngài với Giáo phận Công Giáo Enugu vào tháng 5 năm ngoái, 2021.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào ngày đó, những người hâm mộ Cha Ejike Mbaka đã phá phách tài sản của Tòa Giám Mục địa phương. Cha Benjamin Achi, giám đốc truyền thông của giáo phận Enugu, mô tả vụ phá phách này là do những người hâm mộ Cha Mbaka bị “thông tin sai lệch” cho rằng vị linh mục đã bị giữ trong Tòa Giám Mục.

“Cha ấy đã xuất hiện trở lại lúc 2:40 chiều, sau khi một đám đông tấn công Tòa Giám Mục vào buổi sáng phá hủy rất nhiều, rất nhiều thứ”.

Những người biểu tình cho rằng Đức Giám Mục Callistus Onaga của Enugu đã mời Cha Mbaka đến tham dự một cuộc họp vào ngày 2 tháng 5 và kể từ đó Cha Mbaka đã mất tích. Họ cho rằng có thể là Đức Cha đã buộc vị linh mục phải rút lui vào nơi nào đó để tĩnh tâm sau các tuyên bố chính trị gây tranh cãi của ngài.

Cha Mbaka không hề mất tích, ngài đã đến Tòa Giám Mục Enugu vào chiều cùng ngày “trong một đoàn xe hộ tống rầm rộ của các tín hữu hâm mộ ngài” sau khi được biết là các giáo dân ủng hộ ngài đã phá phách Tòa Giám Mục vào buổi sáng.

Trong Đêm Giao Thừa, trước hàng chục ngàn người hâm mộ, Cha Ejike Mbaka lại tung ra một tin chấn động.

“Hôm 5 tháng 5 năm ngoái, ngày mà mọi người biểu tình phản đối ở Enugu khi tìm kiếm tôi, đó là đêm mà họ có thể đã giết tôi rồi”

Cha Mbaka đã cáo buộc một cách tinh vi rằng Đức Cha Callistus Onaga, Giám Mục Giáo phận Enugu, nhúng tay vào âm mưu này, mặc dù vị linh mục không đề cập đến tên của những người liên quan trực tiếp hoặc bằng cách nào ngài có được thông tin này.

Vị linh mục cảnh báo Đức Giám Mục không nên đẩy ngài “đến mức nổi loạn”. Vị linh mục cho biết ngài có “hàng ngàn tín đồ” sẵn sàng bảo vệ mình.

Vị giáo sĩ cũng cảnh báo rằng một số linh mục Công Giáo trong giáo phận có liên quan đến “cuộc tấn công” chống lại phong trào Chầu Thánh Thể do ngài thành lập.

Trước đây, Cha Mbaka là người ủng hộ trung thành của Tổng thống Muhammadu Buhari, một người Hồi Giáo. Buhari đã từng ra tranh cử nhiều lần trong các cuộc bầu cử năm 2003, 2007, và 2011 nhưng đều thất bại. Cuộc bầu cử 2011 đã diễn ra trong bối cảnh bạo lực tôn giáo lan rộng, cướp đi sinh mạng của 800 người trên khắp đất nước, khi những người ủng hộ Buhari tấn công các khu định cư của các tín hữu Kitô ở khu vực miền trung của đất nước. Cuộc nổi dậy kéo dài ba ngày xảy ra do những lời bình luận quá khích của Buhari.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vào năm 2015, bất chấp thành tích bất hảo của Buhari trong việc đưa ra các bình luận bài Kitô Giáo, Cha Mbaka đã đứng về phía ông ta. Trong các thánh lễ, ngài đã thúc giục anh chị em giáo dân bỏ phiếu cho Buhari. Ngày 31 tháng Ba, 2015, tổng thống Công Giáo Goodluck Jonathan đã thua trước Buhari.

Sau khi lên cầm quyền, Buhari đã để mặc cho bọn Boko Haram, và bọn Fulani tấn công các tín hữu Kitô trong mưu toan Hồi Giáo hóa đất nước.

Đầu tháng Năm năm ngoái 2021, Cha Mbaka đã đổi chiều, kêu gọi các thành viên Quốc hội Nigeria luận tội Tổng thống Muhammadu Buhari nếu ông ta không từ chức vì tình trạng bất an ngày càng gia tăng ở Nigeria.

Trước đó, Đức Giám Mục Callistus Onaga và các Giám mục Nigeria cũng đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức.

Đáp lại lời kêu gọi của Cha Mbaka, Buhari cáo buộc rằng vị linh mục thay đổi thái độ với ông ta vì tức giận sau khi các hợp đồng với chính phủ đã không được gia hạn.
Source:premiumtimesng.com

3. Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý đã có kết quả âm tính với COVID-19

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng Giám mục Perugia-Città della Pieve và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã cho kết quả âm tính đối với COVID-19 vào hôm 3 tháng Giêng. Kể từ ngày Giáng Sinh, 25 tháng 12, sau khi xét nghiệm dương tính đối với COVID-19, ngài đã sống biệt lập trong căn hộ của mình ở Tòa Tổng Giám mục Perugia-Città della Pieve.

Trong tuyên bố xác nhận đã qua khỏi, Đức Hồng Y nói:

“Đại dịch không có dấu hiệu kết thúc và trong những ngày này, số lượng các ca nhiễm trùng, thật không may, tiếp tục tăng lên. Đây chắc chắn là một thử thách cay đắng cho tất cả mọi người. Vì vậy, tôi xin lặp lại lời mời gọi anh chị em tham gia chiến dịch tiêm chủng với tinh thần trách nhiệm, để tất cả cùng nhau, đoàn kết, cùng nhau xây dựng những chân trời hy vọng. Vào lúc này, như tôi đã đề cập trong thông điệp cuối năm của mình, tôi cầu nguyện cho những ai, bị đè nặng bởi những khó khăn và đau khổ, khó có thể tự tin đón chờ năm mới. Trước hết, tôi đang nghĩ đến những người trẻ tuổi đã trải qua giai đoạn này với rất nhiều khó khăn; tôi cũng nghĩ đến tất cả những gia đình đang phải vật lộn mỗi ngày để làm sao sống với thu nhập ít ỏi cho đến cuối tháng và bây giờ trở nên trầm trọng hơn bởi chi phí điện nước và khí đốt sưởi ấm mùa đông. Cuối cùng, một ý nghĩ đặc biệt đến những người bệnh tật, người già và những người sống trong cô đơn; những người trong tình trạng bị bỏ rơi, những người vô gia cư và những người cảm thấy bị xã hội từ chối. Đối với tất cả họ, tôi gửi lời chúc huynh đệ của tôi cho một năm 2022 yên hàn và tốt đẹp”.

Theo dữ liệu được thu thập bởi mạng trực tuyến “The Seismograph”, nếu tính từ khi bắt đầu đại dịch đến nay, Đức Hồng Y Wilton Gregory là vị Hồng Y thứ 25 có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trong 25 vị Hồng Y nhiễm coronavirus, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti là vị Hồng Y duy nhất bị nhiễm vi rút đến lần thứ hai sau lần nhiễm trùng đầu tiên khiến ngài suýt mất mạng.

Đáng buồn là trong 25 vị Hồng Y nhiễm coronavirus có 3 vị đã chết vì thứ virus quái ác này.

Thứ nhất là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của São Sebastião do Rio de Janeiro, Brazil. Ngài sinh năm 1932 và đã chết từ Covid-19 vào ngày 13 tháng Giêng năm ngoái 2021.

Thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino - Tổng Giám mục hiệu tòa Caracas, Venezuela. Ngài sinh năm 1942 và đã chết vì Covid-19 vào ngày 23 tháng 9 năm ngoái 2021.

Thứ ba là Đức Hồng Y José Freire Falcão - Tổng Giám mục hiệu tòa Brasilia, Brazil. Ngài sinh năm 1925 và qua đời vì Covid-19 vào ngày 26 tháng 9 năm ngoái 2021.
Source:chiesacattolica.it