Ngày 18-01-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy đến mà xem
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:41 18/01/2015
Chúa Nhật II THƯỜNG NIÊN, năm B
1Sm 3,3b-10.19 1Co 6,13c-15a.17-20 Ga 1, 35-42

HÃY ĐẾN MÀ XEM

Angele Laly viết :” …Để mời gọi, Chúa Giêsu hầu như không nói.Người chỉ trả lời cho một sự khát vọng và một câu hỏi :” Thầy ở đâu ?”. Người mời gọi vào trong thân tình của Người, vào trong nhà Người, những ai muốn biết Người ở đâu :” Hãy đến rồi sẽ thấy “.Giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, cho anh em là bổn phận và trách nhiệm của tất cả Kitô hữu trên trái đất này ? Nếu Đức Giêsu không được nhiều người nhận biết và tin bởi vì ít người nói, loan báo về Ngài. Bởi vậy, việc loan báo và giới thiệu Đức Giêsu cho anh em là việc làm khẩn thiết và quan trọng đối với người môn đệ của Chúa.Tin Mừng Chúa Nhật II thường niên, năm B, nhắn nhủ mọi người nên bắt chước Anrê chia sẻ với người khác niềm tin của mình vào Chúa Giêsu.

Đọc Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và hết sức khâm phục Anrê, vị tông đồ luôn giới thiệu Đức Giêsu cho người khác. Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay cho thấy Anrê đã gặp Đức Giêsu :” Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia “ ( Ga 1, 41 ), rồi Anrê liền giới thiệu em mình là Phêrô cho Chúa Giêsu. Anrê đã trở nên quen thuộc và được nhiều người biết đến vai trò của mình, khi dân chúng đi theo Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dạy và vì chiều, dân quá đông, các môn đệ đề nghị với Chúa Giêsu giải tán đám đông, để họ tự đi tìm thức ăn, nhưng Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ :” Các con hãy cho họ ăn “. Thế rồi Anrê đã tìm được một cậu bé có ‘” năm chiếc bánh và hai con cá “, Anrê liền đưa cậu bé giới thiệu với Chúa Giêsu. Qua việc giới thiệu cậu bé này, với sự cộng tác của bàn tay con người hay nói đúng hơn, có vật chất : có bánh, có cá. Chúa Giêsu sau khi đã cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa Cha, Ngài đã biến bữa ăn trưa của cậu bé trở thành bữa tiệc tập thể nuôi sống hơn năm ngàn người.Lần cuối cùng khi Chúa Giêsu trở lại Giêrusalem, có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Ngài. Anrê là người đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu. Chắc chắn Chúa Giêsu đã rất hài lòng về Anrê, bởi vì sau đó chính Ngài đã nói : “ phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ khéo mọi người lên với Ta” ( Ga 12,32 ).

Xem như thế, chúng ta thấy vai trò của Anrê thật quan trọng và đáng được ghi nhận để bắt chước Anrê vì nếu Anrê không giới thiệu em mình là Simon Phêrô cho Chúa Giêsu, Giáo Hội làm gì có một Phêrô là thủ lãnh được Chúa tin tưởng, yêu thương đặt lên coi sóc Giáo Hội của Ngài :” Hãy chăm sóc chiên con, chiên mẹ của Ta “. Và nếu không có Anrê giới thiệu cậu bé có “ năm chiếc bánh mì nhỏ và hai con cá “, làm sao có một phép lạ đẹp và hoành tráng như phép lạ Chúa Giêsu đã làm để nuôi sống một đám đông người như thế.

Anrê đã giới thiệu nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Do đó, Tin Mừng của thánh Gioan 1, 35-42 mời gọi mọi Kitô hữu hãy xét lại thái độ, cử chỉ và hành động của mình cách cụ thể hơn : tại sao Kitô hữu lại chưa muốn chia sẻ đức tin của mình cho người khác ? tại sao Kitô hữu lại chưa mau mắn giới thiệu Chúa Giêsu cho người xung quanh, cho bạn bè và cho nhiều người khác ? Quả thực, nếu người môn đệ của Chúa đã tìm gặp Tin Mừng, đã nhận ra Tin Mừng là chính Đức Giêsu thì tại sao họ lại chậm chạp, chứ chưa chóng vánh chia sẻ niềm vui, chia sẻ đức tin cho bạn bè, những người quen biết và nhiều người mình chưa quen biết ? Đây là vấn nạn quan trọng được đặt ra và mỗi người phải tự mình trả lời trước lương tâm, trước mặt Chúa về câu hỏi này, không ai có thể trả lời giúp họ được vấn nạn này. Mọi người đang nhìn vào cách thể hiện đức tin của người môn đệ Chúa và sự chia sẻ đức tin của họ cho người khác là điều rất quan trọng và hết sức hệ trọng. Bài Tin Mừng này là bài học cho mọi Kitô hữu hãy bắt chước việc làm của vị tông đồ Anrê :” giới thiệu Chúa Giêsu và chia sẻ đức tin cho người khác “.
Xung Quanh chúng ta còn biết bao người chưa biết Chúa và còn biết bao người chưa được nghe nói tới Tin Mừng. Chính vì thế, thái độ và việc làm của chúng ta là phải làm chứng cho Chúa Giêsu như Anrê, như các tông đồ xưa và nhiều người khác đã làm. Được phục vụ cho anh chị em lương dân và những anh chị em Dân tộc thiểu số, tôi vẫn cảm nghiệm được việc làm chứng cho Chúa bằng đời sống là cần thiết và việc loan báo Tin Mừng, rao giảng Đức Giêsu là tối ư quan trọng. Bởi, nếu không rao giảng, không chia sẻ đức tin mình có được thì anh chị em lương dân hay anh chị em Dân tộc sẽ không thể nào nhận ra Chúa Giêsu.

Xin mượn lời của Ange Laly để kết thúc bài chia sẻ hôm nay :” Sống dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, chia sẻ sự thân tình của Người, sẽ đem đến cho ta niềm vui, để lại đến lượt chúng ta là những kẻ mời gọi.Nhưng chúng ta có dám nói với những ai đi tìm :” Hãy đến rồi sẽ thấy ! “. Thiên Chúa, cách khiêm tốn, muốn tự mặc khải ngang qua cuộc đời chúng ta và ngang qua các cộng đoàn chúng ta. Đó có phải là những dấu chỉ của Thiên Chúa không ? Những đối thoại của chúng ta sẽ có được sự dồi dào phong phú, nếu mọi người đều muốn sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa và sống trung thành với Lời của Người “.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Làm sao để có thể nhận biết và tin Chúa ?
2.Anrê đã giới thiệu ai cho Chúa Giêsu ?
3.Ai đã giới thiệu với Chúa Giêsu em bé có năm chiếc bánh và hai con cá ?
4.Em bé đó là ai ?
5.Phép lạ đòi hỏi gì nơi mỗi người chúng ta ?
6.Chúa có còn làm phép lạ không ? Phép lạ lớn nhất mỗi người chúng ta đang lãnh nhận là phép lạ nào ?
 
Bỏ nghề chài lưới mà theo Chúa Giêsu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:49 18/01/2015
Chúa Nhật III THƯỜNG NIÊN, năm B
Gn 3, 1-5.10 1 Co 7, 29-31 Mc 1, 14-20

BỎ NGHỀ CHÀI LƯỚI MÀ THEO CHÚA GIÊSU

Jean-Christopher phó tế đã viết :” …Bốn người trên bờ hồ hôm đó cũng như chúng ta bây giờ, luôn tất bật sửa sang lại chài lưới, đến nỗi hầu như chúng ta biến thành những tên tù sai tình nguyện.Chúa Giêsu đến và giải thoát bốn người khỏi những chài lưới của họ.Tóm lại, chỉ bằng một lời, Người mời họ nhắm vào điều cốt yếu:Nước Trời đang đến gần “.Mở đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã rao giảng :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Đây là lời kêu gọi khẩn thiết và quan trọng của Chúa Giêsu đối với mọi người. Bởi vì, sám hối và lòng tin đi đôi với nhau. Người sám hối trở nên bé nhỏ, khiêm tốn, để đặt tất cả niềm tin của mình vào bàn tay nhân từ của Thiên Chúa, vào sự thánh thiện của Ngài, vào hạnh phúc nước trời, vào sự cứu rỗi do Tin Mừng mang đến. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi con người sám hối và tin vào Tin mừng Ngài mang đến.Liền sau lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên : Phêrô và Anrê,Giacôbê và Gioan.

Để mở đầu cho sứ vụ công khai rao giảng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã xin Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình trong dòng sông Giođan. Ngài làm thế để nêu gương khiêm nhượng cho mọi người. Ngài rao giảng :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Bước đầu để có lòng tin thực phải sám hối. Lòng tin khởi đầu bằng sự sám hối.Sám hối và lòng tin như cặp song sinh. Sám hối là điều kiện cần thiết để trở nên tốt hơn. Như thế, sám hối có hai khía cạnh tiêu cực và tích cực. Khía cạnh tiêu cực, sám hối là quay trở về con đường xưa mình đã đi, quay về với chính lòng mình để xem thử những điều gì là đúng, những điều gì là sai, những điều gì là không phù hợp. Khía cạnh tích cực là hướng tới tương lai, quyết tâm đổi mới, sống tốt hơn, đẹp hơn, hoàn thiện hơn, chính vì thế, người sám hối trở nên khiêm tốn :” Người nâng cao những người phận nhỏ và để những người giàu có trở về tay không “ Lc 1, 52-53).Người sám hối khi đó sẽ đặt hết lòng tin tưởng phó thác vào Chúa, vào hạnh phúc nước trời, vào sự công chính, vào ơn cứu độ Tin Mừng Chúa mang đến. Nên, khi tin vào Thiên Chúa, tin vào ơn cứu độ của Ngài, người ta sẵn sàng sám hối và như thế lòng tin càng được nâng cao, niềm tin trở nên vững mạnh hơn. Chúa mời gọi con người, loài người sám hối và tin vào Tin Mừng Ngài mang đến cho nhân loại, mang đến cho mỗi người.

Cái lạ lùng vẫn là Chúa kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài. Chúa kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng. Chương trình cứu chuộc của Chúa không chỉ nguyên Chúa là đủ, nhưng Ngài còn nhờ vào bàn tay nối dài của nhiều người, nhiều môn đệ, nhiều tông đồ.Do đó, nỗi ưu tư hàng đầu của Ngài là tuyển chọn các môn đệ :” Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người “ ( Mc 1, 17 ). Chúa gọi bốn môn đệ trong khi các người này đang bận rộn với công việc thường ngày là đánh bắt cá ở biển. Công việc của các ông lúc đó là kiếm được nhiều cá để bán lấy tiền nuôi sống bản thân, nuôi sống cha mẹ, gia đình của mình. Nhưng từ đây theo Chúa : Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan và sau này các môn đệ khác sẽ chuyển đổi nghề : từ việc đang làm là đánh bắt cá dưới biển, các ông sẽ trở thành những ngư phủ đánh cá người khắp thế giới. Nghe tiếng Chúa gọi, Tin Mừng nói rõ, các ông bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Cuộc đời của các môn đệ từ đây là vâng nghe lời Chúa dạy, các ông đã hăng say đi khắp mọi nơi rao giảng Tin Mừng, đưa nhiều người về với Chúa và về với Giáo Hội. Sở dĩ các ông đã làm được công việc đó, vì các ông đã sống và chia sẻ niềm tin cho những người khác. Tuy nhiên kết quả thế nào, điều đó, do Chúa quyết định :” Lạy Thầy, chúng con vất vả suốt đêm mà chẳng được con cá nào, nhưng vâng lời Thầy, con xi thả lưới “ ( Lc 5, 5 ). Và rồi kết quả thế nào, mọi người đều biết : cũng chiếc lưới đó, cũng ngư phủ đó, nhưng lại kéo lên một mẻ cá ngoài sức tưởng tượng của các ông.

Cái huyền diệu và hết sức ấn tượng, lạ lùng vẫn là có nhiều tâm hồn quảng đại dấn thân rao giảng nước Thiên Chúa. Ngay từ thời các tông đồ, Chúa gọi họ, nghe tiếng Chúa, họ sẵn sàng bỏ mọi sự, bỏ cả cái nghề hái ra tiền để theo Chúa Giêsu. Phải chẳng Đức Giêsu có một lực hấp dẫn đến nỗi làm cho các môn đệ say mê, bỏ mọi sự mà theo Ngài ? Đúng là Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy Tin Mừng là Ngài đang ở giữa họ. Do đó, họ không bám víu những gì sẵn có, đang có, nên bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Họ đã sống niềm tin :” Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại “. Họ đã thực hiện như Gioan Tẩy Giả đã làm: họ trở nên chứng nhân hữu hiệu cho nước Thiên Chúa. Ngày nay, người môn đệ Chúa phải sống cái cốt lõi của Tin Mừng là yêu thương, chia sẻ. Do đó, người môn đệ Chúa, tin và sống Tin Mừng hằng ngày và phải chia sẻ, thực hiện Tin Mừng nơi đời sống của mình bởi vì :” Đức tin không việc làm là đức tin chết “. Jean-Christoper viết tiếp :” Đã từ lâu rồi, chúng ta nghe Tin mừng ? Chúng ta đã làm gì với những chài lưới của chúng ta ?Chúng ta đã lấy những cớ nào để trói chân chúng ta vào đó? Bốn người môn đệ đầu tiên đã biết đứng dậy và đi theo Chúa Giêsu, họ đã dám bỏ lại những gì đã xiềng xích họ.Họ đã không sợ.Họ cũng không suy nghĩ gì, họ để Chúa làm.Và nếu chúng ta cũng để Chúa làm nơi chúng ta thì sao ? Và nếu chúng ta đặt lại những gì chúng ta cho là ưu tiên, và để Chúa đúng vào vị trí của Chúa, vĩ trí hàng đầu ! Mà không quên rằng, để phục vụ Chúa, để gặp được Người, chính là phải phục vụ tha nhân…Chúa Giêsu đang ở trên đường chúng ta đi, Người sáp nhập chúng ta vào công việc của Người : Trở nên những kẻ lưới người “.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ai đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả ?
2.Vai trò của Gioan Tẩy Giả ?
3.Ai đã giới thiệu Simon cho Chúa Giêsu ?
4.Chúa Giêsu đã kêu gọi mấy môn đệ đầu tiên đi theo Ngài ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với giới trẻ Phi tại ĐH Santo Tomas
Vũ Van An
19:12 18/01/2015
Các bạn trẻ thân mến, khi cha tự phát nói, cha hay nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Đúng không? Vì cha đâu có biết nói tiếng Anh. Cho phép cha nói nó nhé? (Vỗ tay. Vâng!). Cám ơn các con nhiều lắm.

Cha này là Cha Mark, một thông dịch viên giỏi.

Trước tiên, hôm nay có tin buồn: Hôm qua khi Thánh Lễ sắp bắt đầu, một mảnh của giàn giáo rơi xuống và khi rơi xuống đã đánh trúng đầu một thiếu nữ làm việc tại khu vực. Và nàng đã qua đời. Tên nàng là Kristel. Nàng làm cho cơ quan và chuẩn bị cho chính Thánh Lễ ấy. Nàng mới có 27 tuổi, trẻ như các con. Nàng làm việc [cho một cơ quan gọi là Sở Cứu Trợ Công Giáo], một thiện nguyện viên. Cha muốn tất cả các con, trẻ như nàng, cầu nguyện giây lát trong im lặng cùng với cha và chúng ta cầu nguyện với mẹ chúng ta, Đức Bà ở trên trời.

Chúng ta hãy cầu nguyện

[Im lặng]

[Kính mừng Maria… ]

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho cha mẹ nàng. Nàng là con gái duy nhất. Mẹ nàng đang từ Hồng Kông tới và cha nàng lên Manila để chờ.

[Lạy Cha chúng con ở trên trời]

[Bằng tiếng Anh, trong bản văn soạn sẵn:]

Quả là một niềm vui đối với cha được ở với các con sáng nay. Cha thân chào mỗi người trong chúng con tự đáy lòng cha, và cha cám ơn tất cả những ai làm cho cuộc gặp gỡ này khả hữu. Trong chuyến viếng thăm Phi Luật Tân của cha, cha muốn gặp người trẻ cách riêng, được lắng nghe và nói chuyện với các con. Cha muốn bày tỏ tình yêu thương và các hy vọng của Giáo Hội đối với các con. Và cha muốn khuyến khích các con, trong tư cách công dân Kitô hữu của xứ sở này, hãy hiến thân một cách say mê và trung thực cho công cuộc canh tân xã hội và giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Một cách đặc biệt, cha cám ơn những người trẻ đã dâng lên cha những lời nghinh đón. [kể tên những người trẻ đã lên tiếng] Cám ơn các con rất nhiều.

Và chỉ có một số rất ít đại diện giới nữ nơi chúng con. Quá ít, hỉ?

[cười rộ. Ghi chú: có ba thanh thiếu niên lên tiếng và một thiếu nữ, nói sau người nói đầu tiên, tức người trẻ đã được cứu khỏi đường phố. Thiếu nữ đặt một câu hỏi với Đức Giáo Hoàng, liên quan tới các bất công mà trẻ em phải gánh chịu như đĩ điếm và bị bỏ rơi, Tại sao Thiên Chúa cho phép những chuyện như thế xẩy ra, mặc dù không phải do lỗi của các trẻ em? Và tại sao chỉ có rất ít người giúp đỡ chúng con?]

Giới nữ có nhiều điều để nói với chúng ta về xã hội hôm nay. [Vỗ tay]. Đôi khi chúng ta quá “machistas” (trọng nam khinh nữ) nên không dành chỗ cho nữ giới, nhưng nữ giới có khả năng nhìn sự việc theo một góc cạnh khác với chúng ta, với một con mắt khác. Giới nữ có khả năng đặt những câu hỏi mà nam giới chúng ta không có khả năng hiểu chúng. Hôm nay, hãy nhìn vào sự kiện này. Em gái (Glyzelle) là người duy nhất đặt một câu hỏi mà không có câu trả lời. Và em cũng không thể phát biểu bằng lời, mà đúng hơn bằng nước mắt. Cho nên, khi vị Giáo Hoàng sắp tới mà đến [Manila], thì yêu cầu có nhiều thiếu nữ/phụ nữ hơn về số lượng nghe! [vỗ tay].

Cha cám ơn con, Jun, đã tự nói về con một cách mạnh dạn đến thế. Cái nhân trong câu hỏi của con, như cha đã nói, gần như không có câu trả lời. Chỉ khi nào biết khóc cho những sự việc con nói tới, ta mới có khả năng tiến gần việc trả lời cho câu hỏi đó. Tại sao trẻ em chịu đau khổ nhiều đến thế? Tại sao trẻ em chị đau khổ? Khi trái tim có khả năng tự hỏi mình và biết khóc ta mới hiểu được một điều gì đó.

Có một lòng cảm thương thế gian hoàn toàn vô dụng. Con đã nói đôi điều về điều ấy. Một lòng cảm thương chỉ dẫn ta tới chỗ cho tay vào túi và bố thí một điều gì đó cho một ai đó, cho người nghèo. Nếu Chúa Kitô chỉ có thứ lòng cảm thương ấy thì hẳn Người sẽ bước qua, chào hỏi vài ba người, rồi tiếp tục bước [về nhà Cha]. Nhưng chỉ khi nào Chúa Kitô khóc và có khả năng khóc, Người mới hiểu cuộc sống ta, hiểu những gì đang xẩy ra trong đời ta.

Các trẻ nữ, trẻ trai, người trẻ thân mến, trong thế giới ngày nay, đang rất thiếu khả năng biết khóc. Người bị hất hủi đang khóc. Những ai bị đẩy ra bên lề đang khóc. Những ai bị vất bỏ đang khóc. Nhưng [những ai trong chúng ta đang sống một cuộc sống ít nhiều không có nhu cầu thì không biết khóc]. Một số thực tại ở trong đời, ta chỉ thấy nhờ những con mắt được thanh tẩy bằng nước mắt.

Cha mời mỗi người chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, tôi đã học cách khóc chưa, cách kêu la chưa? [Khi thấy một đứa trẻ đói, một đứa trẻ thèm ma túy ở đường phố, một đứa trẻ không nhà, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị bạo hành, một đứa trẻ bị xã hội lợi dụng, như một nô lệ chưa?] Bất hạnh một điều, có những người khóc vì họ muốn nhiều hơn. Đây là điều đầu tiên cha muốn nói. Chúng ta hãy học cách khóc, như bé gái đã chứng tỏ với chúng ta [chỉ bé gái đặt câu hỏi]. Chúng ta đừng quên bài học này. Câu hỏi vĩ đại tại sao nhiều trẻ em đến thế chịu đau khổ, bé gái vừa hỏi vừa khóc. Và câu trả lời vĩ đại mà ta có thể đưa ra ngày hôm nay là: ta hãy học, thực sự học cách khóc, cách kêu la.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng, đã khóc. Người khóc khi Người thấy người góa phụ nghèo phải chôn đứa con trai. Và người xúc động đến chẩy nước mắt, đến nỗi cảm thương khi Người thấy nhiều đám đông không có mục tử. Nếu các con không học cách khóc, các con không thể là Kitô hữu tốt.

Đấy là một thách đố. Jun và Glyzelle đã đặt ra thách đố này cho chúng ta hôm nay. Và khi các em đặt ra câu hỏi này với chúng ta, tại sao trẻ em đau khổ, tại sao thảm trạng này hay thảm trạng nọ xẩy ra ở trên đời, câu trả lời của chúng ta một là im lặng hai là một lời nào đó phát xuất từ nước mắt ta. Các con hãy can đảm lên. Đừng sợ phải khóc.

Rồi tới Leandros Santos II và câu hỏi của anh. Anh cũng đặt những câu hỏi. Thế giới thông tin. Ngày nay với quá nhiều phương tiện truyền thông, ta quá tải với thông tin. Và điều ấy có xấu không? Không. Điều ấy tốt và hữu ích. Nhưng có một nguy cơ thực sự khi sống theo lối tích lũy thông tin. Ta có nguy cơ trở thành [những người trẻ bảo tàng viện], có mọi sự nhưng không biết phải làm gì. Chúng ta không cần những người trẻ bảo tàng viện, nhưng ta cần những người trẻ khôn ngoan. Các con hỏi cha, “thưa cha, làm thế nào chúng con trở nên [khôn ngoan]? Đây là một thách đố khác. Thách đố yêu thương.



Môn quan trọng nhất các con phải học ở Đại Học là môn nào? Đâu là môn học quan trọng nhất các con phải học ở đời? Là học cách yêu thương. Đây là thách đố mà đời sống đem lại cho các con. Không chỉ tích lũy thông tin mà không học cách sử dụng nó. Nhưng nhờ tình yêu kia, thông tin này sẽ sinh hoa trái.

Muốn được vậy, Tin Mừng đề nghị với ta một con đường thanh thản và tiến tới. Bằng cách sử dụng 3 ngôn ngữ: ngôn ngữ của trí, ngôn ngữ của tâm và ngôn ngữ của bàn tay. Và ba ngôn ngữ ấy, phải sử dụng chúng một cách hòa hợp. Điều các con nghĩ, các con phải cảm nhận được và đem thực hành thứ thông tin xuất hiện trong trái tim các con và thể hiện nó trong việc làm thực sự. Và làm thế một cách hòa hợp. Hãy nghĩ điều các con cảm nhận và điều các con làm. Cảm nhận điều chúng con nghĩ và làm. Làm điều chúng con nghĩ và cảm nhận. Ba ngôn ngữ.

Các con có thể nhắc lại điều ấy không? Nghĩ, cảm nhận và làm. {Giới trẻ nhắc lại ba lần] Và tất cả những điều ấy một cách hòa hợp.

Tình yêu thực sự là yêu và để các con được yêu.[ Để mình được yêu khó hơn yêu]. Đó là lý do tại sao tiến tới tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa lại khó đến thế. Vì ta có thể yêu Người, nhưng điều quan trọng là để Người yêu thương các con. Tình yêu thực sự là mở lòng mình ra đón nhận tình yêu muốn đến với các con, tình yêu luôn tạo ngạc nhiên nơi ta. Nếu các con chỉ có thông tin, thì yếu tố ngạc nhiên sẽ đội nón ra đi. Tình yêu mở lòng các con cho ngạc nhiên và là ngạc nhiên vì nó giả thiết một cuộc đối thoại giữa hai người, [giữa người yêu và người được yêu]. Và ta nói rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa của ngạc nhiên vì Người luôn yêu ta trước nhất và Người chờ đợi ta với một ngạc nhiên. Thiên Chúa làm ta ngạc nhiên.



Ta hãy để ta được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Ta đừng có thứ tâm lý máy vi tính để nghĩ rằng ta biết hết.

Mọi giải đáp đều có trên màn ảnh vi tính, nhưng không có ngạc nhiên thực sự. Trong thách đố yêu thương, Thiên Chúa tự tỏ mình ra qua các ngạc nhiên.

Ta hãy nghĩ tới Thánh Mátthêu, một nhà tài chánh tốt, nhưng ngài làm người khác thất vọng vì đã đánh thuế các công dân của mình, những người Do Thái, để nộp cho người Rôma. Ngài có đầy tiền bạc nhưng vẫn đánh những thứ thuế này. Nhưng rồi Chúa Giêsu đi qua, nhìn ngài, và nói, hãy theo Thầy. Ngài không thể tin được.

Nếu các con có thì giờ, các con hãy đi xem bức tranh Caravaggio vẽ cảnh này. Chúa Giêsu kêu gọi ngài và những người quanh ngài nói: “tên này sao? Hắn phản bội mà? Hắn đâu có tốt”. Và ngài khư khư giữ tiền bạc cho chính ngài. Nhưng sự ngạc nhiên được yêu đã thắng vượt ngài và [ngài theo chân Chúa Giêsu].

Hôm ấy lúc Thánh Mátthêu bỏ nhà ra đi, tạm biệt vợ, ngài không bao giờ nghĩ rằng ngài sẽ trở về mà không có tiền bạc, và lo lắng về việc làm sao có những tiệc tùng lớn, chuẩn bị tiệc tùng cho Đấng đã yêu mình trước, Đấng đã làm Thánh Mátthêu ngạc nhiên với một điều đặc biệt, quan trọng hơn mọi tiền bạc mà Thánh Nhân có.

Các con hãy để Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Đừng sợ các ngạc nhiên. Chúng rung chuyển đất dưới chân các con, chúng làm ta không chắc chắn. Nhưng chúng đẩy ta về phía trước, đúng hướng. Tình yêu chân thực dẫn các con tới chỗ khánh kiệt ở trên đời. [thậm chí có nguy cơ trắng tay].

Ta hãy nghĩ tới Thánh Phanxicô. Ngài chết với hai bàn tay trắng, trắng túi, nhưng với một trái tim đầy tràn. Không phải tuổi trẻ bảo tàng viện, mà là tuổi trẻ khôn ngoan. Muốn khôn ngoan, hãy sử dụng ba ngôn ngữ: nghĩ tốt, cảm nhận tốt và làm tốt. Và muốn khôn ngoan, các con hãy để mình được tình yêu Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Đấy là một đời sống tốt.

Cám ơn các con.

Và người đến với một kế hoạch tốt để chỉ cho ta thấy phải đi đứng trong đời ra sao là Ricky. Với mọi hoạt động, nhiều phương diện cùng đi với người trẻ. Cám ơn Ricky, về những gì con làm, và các bạn của con. Nhưng Ricky này, cha muốn hỏi con một câu hỏi: con và các bạn con sắp sửa cho đi. Cho sự giúp đỡ. Nhưng các con có để cho mình tiếp nhận không? Ricky, hãy trả lời từ tận cõi lòng con đi.

Trong Tin Mừng, ta vừa nghe, có một câu rất đẹp mà đối với cha quan trọng hơn cả. Tin Mừng nói rằng Người nhìn người thanh niên, Chúa Giêsu nhìn anh ta, và yêu mến anh ta. Khi ta thấy một nhóm bạn hữu, Ricky và các bạn của anh ta, ta yêu mến họ nhiều vì họ làm những điều rất tốt. Nhưng câu quan trọng nhất là câu Chúa Giêsu nói, “con chỉ còn thiếu một điều”.

Ta hãy lắng nghe lời đó của Chúa Giêsu trong thinh lặng. Con chỉ còn thiếu một điều. Con chỉ còn thiếu một điều. Con còn thiếu điều gì? Với tất cả những ai Chúa Giêsu rất thương yêu, cha hỏi các con, các con có để người khác cho các con từ kho lẫm của họ, cho chúng con là những người không có các kho lẫm như thế không? Người Xa Đốc, các tiến sĩ lề luật, thời Chúa Giêsu, đã cho người khác nhiều điều, lề luật, dạy dỗ họ. Nhưng họ không bao giờ để người ta cho họ điều gì. Chúa Giêsu đã phải đến để tự để cho mình cảm được lòng cảm thương, được yêu mến. Có bao nhiêu người trẻ trong chúng con được như thế? Các con biết cách cho đi nhưng các con chưa học cách tiếp nhận. Các con chỉ còn thiếu một điều: [bằng tiếng Anh: trở nên người ăn mày. Trở nên người ăn mày] trở nên người ănmày. Đó là điều c`ác con còn thiếu. Học cách ăn mày. Và ăn mày những người ta cho.

Điều này không dễ hiểu. Học cách ăn mày. Học cách tiếp nhận [từ đức khiêm nhường của những người ta giúp đỡ]. Học cách để người nghèo giảng tin mừng cho ta. Những người ta giúp đỡ. Người tàn tật, người mồ côi. Họ có quá nhiều điều để tặng ta. Tôi đã học cách ăn mày cả những điều đó chưa? Hay tôi chỉ cảm thấy tự mãn, và chỉ sẵn sàng dâng tặng một điều gì đó. Các con cho đi và nghĩ các con chẳng cần điều gì. Các con có biết các con cũng là người nghèo không? Các con có biết cảnh nghèo của các con không và nhu cầu cần tiếp nhận không? Các con có để những người các con phục vụ rao giảng tin mừng cho các con không, chịu để họ ban cho các con không? Và đó là điều giúp các con trưởng thành trong cam kết đối với người khác. Học cách dơ bàn tay ra từ chính sự nghèo nàn của các con.

Cha có một số điểm cha đã soạn sẵn. Học cách yêu và học cách được yêu. Có một thách thức đó là thách thức của sự toàn vẹn.

[bằng tiếng Anh, trở lại với bản văn của ngài:]

Điều này không chỉ vì đất nước các con, hơn nhiều nước khác, vốn là nước bị việc thay đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề.

Có một thách thức, quan tâm môi trường. Và cuối cùng, thách thức người nghèo.

[Trở lại tiếng Tây Ban Nha:]

Yêu người nghèo. [Các giám mục của các con muốn các con chăm sóc người nghèo cách đặc biệt trong năm nay]. Các con có nghĩ tới người nghèo không? Các con có cảm nhận với người nghèo không? Có làm điều gì đó cho người nghèo không? Và các con có yêu cầu người nghèo ban cho các con sự khôn ngoan họ vốn có không?

Đó là điều cha muốn nói với các con hôm nay. Xin lỗi, cha chưa đọc những gì cha đã chuẩn bị cho các con. [Nhưng có một câu làm cha an ủi]: Thực tại tốt hơn ý tưởng. Và thực tại mà [các con đề ra] mà tất cả các con có thì tốt hơn tờ giấy cha có trước mặt.

Cám ơn các con rất nhiều.
 
Bài giảng thánh lễ của ĐTC trước 6 triệu người tại công viên Rizal
J.B. Đặng Minh An dịch
07:06 18/01/2015
Ngày Chúa Nhật 18 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên. Riêng tại Phi Luật Tân, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật Santo Niño - Hài Nhi Thánh - Bổn Mạng của đất nước này. Trong bài giảng thánh lễ trước một cộng đoàn kỷ lục hơn 6 triệu người, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như sau:

"Một hài nhi được sinh ra cho chúng ta, một người con đã được trao ban cho chúng ta" (Is 9: 5). Thật là một niềm vui đặc biệt cho tôi được cử hành Chúa Nhật Hài Nhi Thánh với anh chị em. Hình ảnh Hài Nhi Giêsu đã đồng hành với sự truyền bá Tin Mừng tại đất nước này ngay từ buổi đầu. Trong những chiếc áo choàng của một vị vua, đầu đội vương miện và tay cầm vương trượng, quả địa cầu và thập giá, Hài Nhi Thánh tiếp tục nhắc nhở chúng ta về sự liên kết giữa Vương quốc của Thiên Chúa và mầu nhiệm về sự thơ ấu thiêng liêng. Ngài nói với chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào" (Mc 10:15). Hài Nhi Thánh tiếp tục loan báo cho chúng ta rằng ánh sáng của ân sủng Thiên Chúa đã chiếu dãi trên một thế giới chìm trong tăm tối, để mang Tin Mừng của tự do đến cứu chúng ta khỏi ách nô lệ, và hướng dẫn chúng ta trên những nẻo đường hòa bình, công chính và công lý. Hài Nhi Thánh cũng nhắc nhở chúng ta về ơn gọi loan báo triều đại của Chúa Kitô khắp cùng bờ cõi trái đất.

Trong những ngày này, trong suốt chuyến thăm của tôi, tôi đã lắng nghe anh chị em hát bài hát: "Chúng ta tất cả là con cái Chúa". Đó là những gì Hài Nhi Thánh nói với chúng ta. Ngài nhắc nhở chúng ta về căn tính của chúng ta. Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là các thành viên trong gia đình Chúa. Hôm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng trong Đức Kitô, chúng ta đã trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong Đức Kitô. Chúng ta chính là như thế. Đây là bản sắc của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy một biểu hiện đẹp này khi người dân Phi Luật Tân tập hợp xung quanh những anh chị em bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Thánh Tông Đồ nói với chúng ta rằng vì Thiên Chúa đã chọn chúng ta, chúng ta thật là được chúc phúc dồi dào! Thiên Chúa “trong Ðức Kitô, từ cõi trời, đã thi ân giáng phúc cho ta được hưởng muôn vàn ơn phúc thiêng liêng” (Eph 1: 3). Những lời này có sự cộng hưởng đặc biệt ở Phi Luật Tân, vì đây là quốc gia Công Giáo quan trọng nhất trong khu vực châu Á; tự nó đã là một ân sủng độc đáo của Thiên Chúa, một phước lành đặc biệt. Nhưng đó cũng là một ơn gọi. Những người Phi Luật Tân được mời gọi là những nhà truyền bá đức tin nổi bật ở châu Á.

Thiên Chúa đã chọn và chúc phúc cho chúng ta vì một mục đích: để nên thánh thiện và không chút tỳ ố trước nhan thánh Ngài (Eph 1: 4). Ngài chọn chúng ta, mỗi người trong chúng ta, để là chứng nhân của sự thật và công lý của Ngài trong thế giới này. Ngài đã tạo ra thế giới như một khu vườn xinh đẹp và yêu cầu chúng ta chăm sóc nó. Nhưng vì tội lỗi, con người đã làm biến dạng vẻ đẹp tự nhiên; vì tội lỗi, con người cũng đã phá hủy sự hiệp nhất và vẻ đẹp của gia đình nhân loại chúng ta, tạo ra các cấu trúc xã hội trong đó duy trì sự nghèo đói, dốt nát và tham nhũng.

Đôi khi, trước những vấn nạn, khó khăn và sai lầm xúm lại xung quanh chúng ta, chúng ta bị cám dỗ để đầu hàng. Dường như những lời hứa của Tin Mừng không được thực hiện; những lời hứa ấy dường như là không thật. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng những lời dối trá là, và luôn luôn là, một mối đe dọa lớn đối với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ma quỷ là cha của sự dối trá. Thường thì nó che giấu cái bẫy của mình đằng sau cái vẻ tinh tế, cái quyến rũ của việc được thiên hạ coi là "hiện đại", là "giống như mọi người khác". Nó lôi kéo chúng ta bằng lời hứa của những thú vui phù du, những trò giải trí hời hợt. Và như vậy chúng ta lãng phí những ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta bằng cách sa đà vào những trò phù phiếm; chúng ta phung phí tiền của chúng ta vào cờ bạc và ăn nhậu; chúng ta rút lui vào chính mình. Chúng ta quên là phải luôn luôn hướng sự chú ý của chúng ta vào những điều thật sự là quan trọng. Trong thâm tâm, chúng ta đã quên lưu lại trong tình con thảo với Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến lòng ta quên đi mình là con cái của Thiên Chúa. Trẻ thơ, như Chúa nói với chúng ta, có sự khôn ngoan của chúng, không phải là sự khôn ngoan của thế gian. Đó là lý do tại sao thông điệp của Hài Nhi Thánh rất quan trọng. Ngài nói một cách mạnh mẽ với tất cả chúng ta. Ngài nhắc nhở chúng ta về căn tính của chúng ta, về những gì chúng ta được mời gọi để trở nên gia đình của Thiên Chúa.

Hài Nhi Thánh cũng nhắc nhở chúng ta rằng căn tính này phải được bảo vệ. Hài Nhi Kitô là Đấng bảo trợ của đất nước tuyệt vời này. Khi Ngài đến trong thế gian, chính mạng sống của Ngài đã bị đe dọa bởi một vị vua băng hoại. Chính Chúa Giêsu đã cần phải được bảo vệ. Ngài có một con người trần thế bảo hộ cho Ngài là Thánh Giuse. Ngài đã có một gia đình trần thế là Thánh Gia Nazareth. Như thế, Ngài nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ gia đình chúng ta, và gia đình rộng lớn hơn là Giáo Hội, là gia đình của Thiên Chúa, và cả gia đình trên thế giới này, là gia đình nhân loại của chúng ta. Đáng buồn thay, trong đời của chúng ta, tất cả các gia đình cũng quá thường cần phải được bảo vệ chống lại các cuộc tấn kích quỷ quyệt và các chương trình đi ngược lại với tất cả những gì chúng ta cho là đúng và thánh thiêng, tất cả những gì là đẹp nhất và cao quý nhất trong văn hóa của chúng ta.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chào đón những trẻ thơ, Ngài ôm chúng vào lòng và chúc phúc cho chúng (Mc 10:16). Chúng ta cũng cần phải bảo vệ, hướng dẫn và khuyến khích những người trẻ của chúng ta, giúp họ xây dựng một xã hội xứng đáng với di sản văn hóa tinh thần tuyệt vời của họ. Cụ thể, chúng ta cần phải xem mỗi đứa trẻ như là một món quà được hoan nghênh, trân quý và bảo vệ. Và chúng ta cần phải chăm sóc cho những người trẻ của chúng ta, không cho phép họ bị cướp đi hy vọng và lãnh án phạt sống lang thang trên hè phố.

Chính một Hài Nhi yếu đuối, cần được bảo vệ, là Đấng đã đem lại sự tốt lành, lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa đến trong thế gian. Ngài chống lại sự gian dối và băng hoại là những di sản của tội lỗi, và Ngài đã chiến thắng bằng sức mạnh của thập giá. Giờ đây, vào cuối chuyến viếng thăm của tôi ở Phi Luật Tân này, tôi phó thác anh chị em cho Ngài, cho Chúa Giêsu Đấng đã đến giữa chúng ta như một hài nhi. Xin Ngài làm cho tất cả những con người thân yêu trên đất nước này biết làm việc cùng nhau, bảo vệ nhau, bắt đầu với các gia đình và các cộng đồng của anh chị em để kiến tạo một thế giới công bằng, liêm chính và hòa bình. Xin Hài Nhi Thánh tiếp tục ban phước cho Phi Luật Tân và nâng đỡ các Kitô hữu của quốc gia vĩ đại này trong ơn gọi của mình là trở nên những chứng nhân và những nhà truyền giáo của niềm vui của Tin Mừng, ở châu Á và trên toàn thế giới.

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
 
Đức Thánh Cha Phanxicô thăm vùng Tacloban nơi bị bão tàn phá
VietCatholic Network
08:14 18/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Bẩy 17 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới thăm thành phố Tacloban nơi đã bị trận bão Hải Yến tàn phá nặng nề hồi tháng 11 năm 2013. Đức Thánh Cha đã được chào đón bởi khối người vĩ đại ướt sũng vì phải đứng đợi hàng giờ dưới mưa.

Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ ngoài trời trên một cánh đồng gần phi trường, sau đó sẽ dùng bữa trưa với các nạn nhân của trận bão Hải Yến từng bình địa nhiều căn nhà và khiến 7,300 người hoặc chết hoặc mất tích.

Cảnh sát ước lượng đám đông chào đón Đức Thánh Cha khoảng 150,000 người, và nhiều người khác đứng ở bên ngoài khu vực. Mặc áo mưa bằng nhựa, đám đông hân hoan vỗ tay theo nhịp một bài hát inh ỏi chào mừng Đức Giáo Hoàng, hoan hô vang dội khi nghe tiếng máy bay của ngài đáp xuống.

Dân làng treo biểu ngữ chào mừng Đức Giáo Hoàng trên mũi một tầu chở thép bị trận bão Hải Yến thổi giạt vào bờ, phá đổ nhà cửa, và nay vẫn còn nằm tại chỗ.

Trận mưa hôm nay do cơn bão nhiệt đới Mekkhala đang tới gần đem tới, khiến các nhà cầm quyền phải ngưng các chuyến phà tới Leyte, là thủ phủ của Tacloban, làm nhiều người, cả những người muốn được thấy Đức Giáo Hoàng, không tới được.

Loa phóng thanh nói với đám đông rằng Thánh Lễ, dù đã được cử hành sớm hơn dự định tới 45 phút, nhưng phải rút ngắn vì thời tiết xấu.

Đức Giáo Hoàng mặc chiếc áo mưa mầu vàng phủ trên y phục của ngài khi đến trên chiếc pope mobile từ phi trường tiến vào khán đài. Ngài vẫy tay chào đám đông đang ngây ngất đứng hoan hô. Họ hô to "Papa Francesco, Viva il Papa!" (Đức Thánh Cha Phanxicô, vạn tuế Đức Thánh Cha).

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta có vị thượng phẩm có thiện cảm với các yếu đuối của ta. Chúa Giêsu giống chúng ta. Người sống như ta và như ta về mọi phương diện, chỉ trừ tội lỗi vì Người không phải là người tội lỗi. Nhưng để giống chúng ta hơn, Người đã mang lấy thân phận và tội lỗi chúng ta. Người tự hóa thành người có tội. Đó là điều Thánh Phaolô dạy ta. Và Chúa Giêsu luôn đi trước ta và khi ta trải qua một kinh nghiệm, một thánh giá, Người trải qua trước chúng ta. Và nếu hôm nay, chúng ta thấy mình còn ở đây sau 14 tháng, đúng 14 tháng sau khi trận bão Hải Yến tàn phá, chính là vì chúng ta có sự an toàn nhờ biết rằng chúng ta sẽ không yếu đức tin vì Chúa Giêsu đã ở đây trước chúng ta. Trong cuộc Khổ Nạn của Người, Người đã mang lấy mọi đau đớn của ta. Cho nên, Người có khả năng hiểu chúng ta, như ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất.

Cha muốn kể cho chúng con nghe một điều rất thân thiết với trái tim cha. Lúc ở Rôma, khi cha thấy thiên tai này, cha thầm nhủ mình phải đến đó. Và trong những ngày ấy, cha đã quyết định sẽ tới đây. Nay cha đang ở đây với các con, hơi trễ một chút, nhưng đang ở đây. Cha tới để nói với các con rằng Chúa Giêsu là Chúa. Và Người không bao giờ để ta thất vọng. Các con có thể nói với cha rằng: Nhưng mà thưa cha, chúng con thất vọng vì mất mát nhiều thứ, nhà cửa, sinh kế. Các con nói thế thì đúng thôi và cha tôn trọng tâm tư của chúng con. Nhưng Chúa Giêsu đang ở kia, chịu đóng đinh vào thập giá, và từ đó, Người không để chúng ta thất vọng. Người đã được thánh hiến làm Chúa trên chiếc ngai kia và ở đó, Người trải nghiệm mọi tai ương mà ta đang trải nghiệm. Chúa Giêsu là Chúa. Và Chúa trên thập giá đang hiện diện ở kia vì các con. Ngài nên như chúng ta trong mọi sự. Đó là lý do tại sao ta có một vị Chúa khóc với chúng ta và bước đi với chúng ta trong những giây phút khó khăn nhất trong đời.

Nhiều người trong chúng con quả mất hết mọi sự. Cha không biết phải nói sao với các con. Nhưng Chúa biết phải nói gì với các con. Một số trong các con mất một phần gia đình. Điều duy nhất cha có thể làm là giữ thinh lặng và bước đi với tất cả các con bằng một trái tim thinh lặng. Nhiều người trong các con hỏi Chúa: tại sao, lạy Chúa? Và với mỗi người các con, với trái tim các con, Chúa Kitô trả lời tự đáy lòng Người từ trên thập giá: Cha không có lời nào để nói với các con. Ta hãy nhìn lên Chúa Kitô. Người là Chúa. Người hiểu chúng ta vì Người đã trải qua mọi thử thách mà các con, đã trải qua. Và dưới chân thập giá, còn có Mẹ Người nữa. Ta như đứa trẻ thơ trong những giờ phút có quá nhiều đau đớn đến không còn hiểu nổi gì nữa. Điều duy nhất ta có thể làm là nắm chặt lấy tay Đức Mẹ mà nỉ non “Mẹ ơi”, y hệt một đứa trẻ trong cơn sợ sệt. Có lẽ đó là lời duy nhất ta có thể thốt ra trong những lúc khó khăn, “mẹ ơi”.

Ta hãy dành một phút im lặng với nhau và ngước nhìn lên Chúa Kitô trên thập giá. Người hiểu chúng ta vì Người đã chịu đựng mọi sự. Ta hãy ngước nhìn lên Đức Mẹ và, như đứa trẻ thơ, ta hãy níu lấy tà áo Mẹ và với một trái tim thành thực thưa với Mẹ “Mẹ ơi”. Trong thinh lặng, các con hãy nói với Mẹ các con những gì các con đang cảm nhận trong lòng. Ta hãy biết rằng ta có một Bà Mẹ, là Đức Maria, và người Anh Cả, là Chúa Giêsu. Ta không cô đơn. Ta cũng có nhiều anh chị em mà trong giờ phút thiên tai này họ sẵn sàng tới giúp ta. Và vì vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng cảm thấy như là anh chị em vì chúng ta giúp đỡ lẫn nhau.

Đó là những điều phát xuất từ trái tim cha. Xin các con tha thứ cho cha nếu cha không còn lời nào khác để nói ra. Xin các con vui lòng biết cho rằng Chúa Giêsu không bao giờ để các con thất vọng. Các con nên biết rằng tình âu yếm dịu dàng của Đức Mẹ không bao giờ để các con thất vọng. Và níu lấy tà áo Mẹ cũng như quyền lực xuất phát từ tình yêu Chúa Giêsu trên thập giá, ta hãy tiến lên và cùng nhau tiến bước như anh chị em trong Chúa Kitô.
 
Đức Thánh Cha thăm các trẻ em bụi đời
VietCatholic Network
08:34 18/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tổng giáo phận Manila được thành lập từ năm 1595, hiện có 3 triệu 484 ngàn dân trong đó có 3 triệu 49 ngàn người Công Giáo, tức chiếm 88%.

Theo thống kê năm 2013, hơn 70% dân số tại thủ đô sống trong tình trạng nghèo đói, trong đó 20% sống ở mức gọi là nghèo cùng cực theo những tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Giáo Hội Công Giáo luôn ở tuyến đầu trên mặt trận chống nghèo đói và chống thất học.

Chỉ riêng tại Manila, Giáo Hội điều khiển 204 cơ sở giáo dục và 38 trung tâm bác ái.

Sau thánh lễ lúc 11:15 sáng thứ Sáu với các Giám Mục, linh mục và tu sĩ Phi Luật Tân tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm của thủ đô Manila, trên đường về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã đến thăm một trung tâm trẻ bụi đời do một linh mục người Pháp coi sóc.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hoạt động này của Đức Thánh Cha không có trong chương trình chính thức. Tại trung tâm trẻ bụi đời TNK-Anak, Đức Giáo Hoàng đã dành một gần một nửa giờ với 320 trẻ em mừng vui được ngài ghé thăm với những bài hát và điệu nhảy, những cái ôm và trao đổi những lời ngắn gọn.

Cha Lombardi cho biết các em được tập trung trong sân của trung tâm để gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô. "Đó là một khoảnh khắc rất cảm động," Cha Lombardi nói. Các em đã tặng Đức Thánh Cha những món quà nhỏ, trong đó có một tượng Đức Mẹ bằng gỗ - một phiên bản thu nhỏ của một tượng Đức Mẹ được đặt trong nhà nguyện của trung tâm, một bức ảnh trong đó các trẻ em nhặt rác đang chầu Mình Thánh Chúa, và một tấm phù điêu làm từ những mảnh giấy màu bởi một em bụi đời.

Trung tâm này được điều hành bởi cha Mathieu, một linh mục người Pháp, và là nơi trú ngụ của 20 trẻ em. 300 trẻ em khác đã được chở từ các nơi khác đến đây để chào đón Đức Giáo Hoàng.

Trung tâm trẻ bụi đời TNK-Anak đã tung ra một chiến dịch viết thư xin Đức Thánh Cha ghé thăm vào cuối tháng chín năm ngoái. Trong một chuyến thăm Vatican vào đầu tháng Mười, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng giám mục Manila, đã cầm theo hàng ngàn lá thư của các trẻ em bụi đời, và một đoạn video về cuộc sống của trẻ em đường phố và trình lên Đức Thánh Cha.

Dù lịch trình của ngài rất bận rộn, vào giờ chót, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ nhận lời ghé thăm các em trước khi dùng bữa trưa tại Tòa sứ thần ở Manila và nghỉ ngơi chốc lát để ban chiều, ngài sẽ có một sinh hoạt rất dài là một cuộc họp với các gia đình tại một sân vận động có mái che mang tên Asia lúc 5:30 chiều.
 
Giây phút cảm động nhất cuộc Tông Du: Một bé gái hỏi ĐTC ''Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?''
Trần Mạnh Trác
18:15 18/01/2015

“Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?" là câu hỏi trong nước mắt cuả bé gái 12 tuổi Glyzelle Iris Palomar đặt ra cho Đức Giáo Hoàng.

Em cùng với một bé trai 14 tuổi tên là Jun Chura là đại diện cho những trẻ bụi đời đang được viện 'Tulay ng Kabataan' nuôi dưỡng, và là một trong nhiều nhân chứng được chọn để trình bày những hiện trạng và thách đố cuả xã hội lên ĐTC, trong buổi gặp gỡ dành riêng cho thanh thiếu niên, tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Santo Tomas.

Sau khi kể hoàn cảnh cuả mình là một bé gái bị bỏ rơi và bị vất ra ngoài lề cuả xã hội. Trong cuộc sống bụi đời ấy em đã chứng kiến nhiều đồng bạn bị cha mẹ bỏ bê đã xa vào những cạm bẫy cuả sự dữ, như nghiện ngập hoặc nạn mãi dâm, em đã không thể đọc tiếp bài dọn sẵn và nhìn lên ĐTC, em đặt câu hỏi:
“Bakit po pumapayag ang Diyos na may ganitong nangyayari?” ("Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?")

"Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?"

Em không thể đọc tiếp, nhắm nghiền mắt lại và nức nở khóc.

Cố gắng lắm, em kết thúc bằng một câu hỏi thứ hai “At bakit konti lang ang tumutulong sa amin?” ("và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế ?")


Người ta đã phải giỗ em trước khi đưa em lên bắt tay ĐGH. Ngài đã đứng dậy, bước xuống nửa đường để ôm em vào lòng.

Hình ảnh một vị Giáo Hoàng cũng rưng rưng nước mắt và em Palomar chôn mặt mình vào lòng cuả Ngài đã lập tức được loan tải rộng rãi trên tất cả các hệ thống truyền thông. Nhiều tờ báo đánh giá đây là giây phút cảm động nhất cuả cuộc Tông Du.

Trong bài giảng, để đáp lời em Palomar, ĐTC đã dùng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, là một việc Ngài làm khi cần bày tỏ những tâm tình cá nhân, Ngài nói:

"Em ấy là người duy nhất đã hỏi một câu hỏi mà không ai có thể trả lời được. Và em ấy cũng đã không diễn tả hết được bằng lời lẽ nhưng đã bằng những giọt nước mắt."

"Tại sao con trẻ có nhiều đau khổ như thế? Tại sao một đứa bé phải chịu đau khổ?" Ngài đặt lại câu hỏi.

"Chỉ khi nào mà một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được," Ngài nói.

Và ĐTC kêu gọi những người trẻ cần phải học cách để mà khóc.

"Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, rằng tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa? Tồi đã khóc cho một ai đó đang bị nghiện ngập chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó bị lộng hành chưa?"

"Đây là điều trên hết mà Cha muốn nói với chúng con: Hãy học để khóc...hãy học, học thực sự để mà khóc, khóc cách nào,"

Ngay cả Chuá Giêsu cũng đã khóc.

ĐTC nhấn mạnh đến cách mà Chúa Giêsu đã phục vụ cho người dân của mình. Ngài đã không sử dụng lòng từ bi của thế gian, như là dừng lại một vài giây để ban phát tiền bạc hoặc những cuả cải vật chất. Nhưng, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Kitô đã dành trọn thời gian để lắng nghe và để thông cảm với người dân của mình.

"Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khóc," Đức Giáo Hoàng nói. "Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăn sóc. "


Chỉ khi nào chúng ta học cách khóc với những ai đang đau khổ là chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu họ và yêu thương họ, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.

"Nếu các con không biết làm thế nào để khóc, các con không thể là người Kitô hữu tốt," Ngài nhấn mạnh.

"Chúng ta hãy học cách khóc, như Glyzelle đã làm gương cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đừng quên bài học này. "
 
Phỏng vấn ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri Lanka
VietCatholic Network
15:58 18/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Thánh lễ tại công viên Rizal của thủ đô Manila - Bài giảng của Đức Thánh Cha
VietCatholic Network
16:40 18/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 15:30 trưa Chúa Nhật 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã cử hành một thánh lễ khổng lồ tại công viên Rizal của thủ đô Manila.

Cũng tại ngay chính công viên này trong chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1995, một kỷ lục chưa có vị Giáo Hoàng nào qua mặt được đã được hình thành: đó là thánh lễ với khoảng 5 triệu người đứng chật công viên và lan rộng ra hàng dặm về mọi hướng.

Các đại lộ đã quá kẹt đến mức Đức Giáo Hoàng phải dùng trực thăng để đến lễ đài trễ hơn một giờ bởi vì đoàn xe của ngài đơn giản là không thể tới gần bàn thờ được.

Lần này ban tổ chức có lẽ rút kinh nghiệm nên tổ chức tốt hơn. Theo ước lượng của chính quyền địa phương 6 triệu người đã tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Công viên Rizal ở thủ đô Manila. Đây là hoạt động cuối cùng của ngài trong 3 ngày viếng thăm Phi Luật Tân.

Lúc 2 giờ rưỡi chiều, Đức Thánh Cha đã rời tòa Sứ Thần Tòa Thánh để đến công viên cách đó 7 cây số, để cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Công viên này có tên chính thức là Rizal, tên của Ông José Rizal, anh hùng quốc gia, vốn là một thi sĩ, văn sĩ và là nhà cách mạng bị người Tây Ban Nha hành quyết vì tội khuynh đảo hồi năm 1896.

Công viên Rizal rộng 60 hécta, có thể chứa được vài triệu người, vào những dịp đại lễ toàn quốc. Đặc biệt trong dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 10, là ngày 15 tháng Giêng năm 1995, có tới 4 triệu tín hữu đến tham dự thánh lễ do thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng cử hành tại đây.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành 45 phút đồng hồ, đi xe díp trắng tiến qua các lối đi của công viên rộng lớn, để chào thăm các tín hữu. Trong số các tín hữu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có tổng thống Aquino và nhiều vị lãnh đạo trong chính phủ. Mọi người đều mặc áo mưa, giống như buổi gặp gỡ ban sáng của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ.

Và cũng như nhiều buổi phụng vụ và gặp gỡ khác, thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành chiều hôm qua cũng có các bài đọc, kinh nguyện, bằng 7 ngôn ngữ của Phi Luật Tân, không kể tiếng Anh và la tinh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha còn có hằng trăm Giám Mục và hàng ngàn linh mục. Phần thánh ca do một ca đoàn rất hùng hậu, với hàng ngàn ca viên ở bên phải của lễ đài.

Ngày Chúa Nhật 18 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên. Riêng tại Phi Luật Tân, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật Santo Niño. Trong bài giảng thánh lễ trước một cộng đoàn kỷ lục hơn 6 triệu người, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như sau:

"Một hài nhi được sinh ra cho chúng ta, một người con đã được trao ban cho chúng ta" (Is 9: 5). Thật là một niềm vui đặc biệt cho tôi được cử hành Chúa Nhật Hài Nhi Thánh với anh chị em. Hình ảnh Hài Nhi Giêsu đã đồng hành với sự truyền bá Tin Mừng tại đất nước này ngay từ buổi đầu. Trong những chiếc áo choàng của một vị vua, đầu đội vương miện và tay cầm vương trượng, quả địa cầu và thập giá, Hài Nhi Thánh tiếp tục nhắc nhở chúng ta về sự liên kết giữa Vương quốc của Thiên Chúa và mầu nhiệm về sự thơ ấu thiêng liêng. Ngài nói với chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào" (Mc 10:15). Hài Nhi Thánh tiếp tục loan báo cho chúng ta rằng ánh sáng của ân sủng Thiên Chúa đã chiếu dãi trên một thế giới chìm trong tăm tối, để mang Tin Mừng của tự do đến cứu chúng ta khỏi ách nô lệ, và hướng dẫn chúng ta trên những nẻo đường hòa bình, công chính và công lý. Hài Nhi Thánh cũng nhắc nhở chúng ta về ơn gọi loan báo triều đại của Chúa Kitô khắp cùng bờ cõi trái đất.

Trong những ngày này, trong suốt chuyến thăm của tôi, tôi đã lắng nghe anh chị em hát bài hát: "Chúng ta tất cả là con cái Chúa". Đó là những gì Hài Nhi Thánh nói với chúng ta. Ngài nhắc nhở chúng ta về căn tính của chúng ta. Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là các thành viên trong gia đình Chúa. Hôm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng trong Đức Kitô, chúng ta đã trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong Đức Kitô. Chúng ta chính là như thế. Đây là bản sắc của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy một biểu hiện đẹp này khi người dân Phi Luật Tân tập hợp xung quanh những anh chị em bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Thánh Tông Đồ nói với chúng ta rằng vì Thiên Chúa đã chọn chúng ta, chúng ta thật là được chúc phúc dồi dào! Thiên Chúa “trong Ðức Kitô, từ cõi trời, đã thi ân giáng phúc cho ta được hưởng muôn vàn ơn phúc thiêng liêng” (Eph 1: 3). Những lời này có sự cộng hưởng đặc biệt ở Phi Luật Tân, vì đây là quốc gia Công Giáo quan trọng nhất trong khu vực châu Á; tự nó đã là một ân sủng độc đáo của Thiên Chúa, một phước lành đặc biệt. Nhưng đó cũng là một ơn gọi. Những người Phi Luật Tân được mời gọi là những nhà truyền bá đức tin nổi bật ở châu Á.

Thiên Chúa đã chọn và chúc phúc cho chúng ta vì một mục đích: để nên thánh thiện và không chút tỳ ố trước nhan thánh Ngài (Eph 1: 4). Ngài chọn chúng ta, mỗi người trong chúng ta, để là chứng nhân của sự thật và công lý của Ngài trong thế giới này. Ngài đã tạo ra thế giới như một khu vườn xinh đẹp và yêu cầu chúng ta chăm sóc nó. Nhưng vì tội lỗi, con người đã làm biến dạng vẻ đẹp tự nhiên; vì tội lỗi, con người cũng đã phá hủy sự hiệp nhất và vẻ đẹp của gia đình nhân loại chúng ta, tạo ra các cấu trúc xã hội trong đó duy trì sự nghèo đói, dốt nát và tham nhũng.

Đôi khi, trước những vấn nạn, khó khăn và sai lầm xúm lại xung quanh chúng ta, chúng ta bị cám dỗ để đầu hàng. Dường như những lời hứa của Tin Mừng không được thực hiện; những lời hứa ấy dường như là không thật. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng những lời dối trá là, và luôn luôn là, một mối đe dọa lớn đối với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ma quỷ là cha của sự dối trá. Thường thì nó che giấu cái bẫy của mình đằng sau cái vẻ tinh tế, cái quyến rũ của việc được thiên hạ coi là "hiện đại", là "giống như mọi người khác". Nó lôi kéo chúng ta bằng lời hứa của những thú vui phù du, những trò giải trí hời hợt. Và như vậy chúng ta lãng phí những ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta bằng cách sa đà vào những trò phù phiếm; chúng ta phung phí tiền của chúng ta vào cờ bạc và ăn nhậu; chúng ta rút lui vào chính mình. Chúng ta quên là phải luôn luôn hướng sự chú ý của chúng ta vào những điều thật sự là quan trọng. Trong thâm tâm, chúng ta đã quên lưu lại trong tình con thảo với Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến lòng ta quên đi mình là con cái của Thiên Chúa. Trẻ thơ, như Chúa nói với chúng ta, có sự khôn ngoan của chúng, không phải là sự khôn ngoan của thế gian. Đó là lý do tại sao thông điệp của Hài Nhi Thánh rất quan trọng. Ngài nói một cách mạnh mẽ với tất cả chúng ta. Ngài nhắc nhở chúng ta về căn tính của chúng ta, về những gì chúng ta được mời gọi để trở nên gia đình của Thiên Chúa.

Hài Nhi Thánh cũng nhắc nhở chúng ta rằng căn tính này phải được bảo vệ. Hài Nhi Kitô là Đấng bảo trợ của đất nước tuyệt vời này. Khi Ngài đến trong thế gian, chính mạng sống của Ngài đã bị đe dọa bởi một vị vua băng hoại. Chính Chúa Giêsu đã cần phải được bảo vệ. Ngài có một con người trần thế bảo hộ cho Ngài là Thánh Giuse. Ngài đã có một gia đình trần thế là Thánh Gia Nazareth. Như thế, Ngài nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ gia đình chúng ta, và gia đình rộng lớn hơn là Giáo Hội, là gia đình của Thiên Chúa, và cả gia đình trên thế giới này, là gia đình nhân loại của chúng ta. Đáng buồn thay, trong đời của chúng ta, tất cả các gia đình cũng quá thường cần phải được bảo vệ chống lại các cuộc tấn kích quỷ quyệt và các chương trình đi ngược lại với tất cả những gì chúng ta cho là đúng và thánh thiêng, tất cả những gì là đẹp nhất và cao quý nhất trong văn hóa của chúng ta.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chào đón những trẻ thơ, Ngài ôm chúng vào lòng và chúc phúc cho chúng (Mc 10:16). Chúng ta cũng cần phải bảo vệ, hướng dẫn và khuyến khích những người trẻ của chúng ta, giúp họ xây dựng một xã hội xứng đáng với di sản văn hóa tinh thần tuyệt vời của họ. Cụ thể, chúng ta cần phải xem mỗi đứa trẻ như là một món quà được hoan nghênh, trân quý và bảo vệ. Và chúng ta cần phải chăm sóc cho những người trẻ của chúng ta, không cho phép họ bị cướp đi hy vọng và lãnh án phạt sống lang thang trên hè phố.

Chính một Hài Nhi yếu đuối, cần được bảo vệ, là Đấng đã đem lại sự tốt lành, lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa đến trong thế gian. Ngài chống lại sự gian dối và băng hoại là những di sản của tội lỗi, và Ngài đã chiến thắng bằng sức mạnh của thập giá. Giờ đây, vào cuối chuyến viếng thăm của tôi ở Phi Luật Tân này, tôi phó thác anh chị em cho Ngài, cho Chúa Giêsu Đấng đã đến giữa chúng ta như một hài nhi. Xin Ngài làm cho tất cả những con người thân yêu trên đất nước này biết làm việc cùng nhau, bảo vệ nhau, bắt đầu với các gia đình và các cộng đồng của anh chị em để kiến tạo một thế giới công bằng, liêm chính và hòa bình. Xin Hài Nhi Thánh tiếp tục ban phước cho Phi Luật Tân và nâng đỡ các Kitô hữu của quốc gia vĩ đại này trong ơn gọi của mình là trở nên những chứng nhân và những nhà truyền giáo của niềm vui của Tin Mừng, ở châu Á và trên toàn thế giới.

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
 
Lịch sử đã được thực hiện! Đức Phanxicô thu hút 6 tới 7 triệu tín hữu Phi Luật Tân
Vũ Van An
19:38 18/01/2015
Theo hãng tin CNA, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rằng lịch sử đã được thực hiện vào Chúa Nhật qua khi từ 6 tới 7 triệu tín hữu Phi Luật Tân đã tham dự Thánh Lễ kết thúc chuyến viếng thăm nước này của Đức GH Phanxicô.

Cha Federico Lombardi nói với các thông tín viên báo chí trong một cuộc họp báo tại Manila vào hôm Chúa Nhật rằng “con số chính thức phổ biến cho chúng tôi là giữa 6 và 7 triệu người”. Đây là “biến cố lớn nhất trong lịch sử các vị giáo hoàng”.

Trong bài giảng lễ, Đức GH Phanxicô nhấn mạnh tới căn tính ta là con cái Thiên Chúa. Ngài kêu gọi phải bảo vệ gia đình chống lại mọi tấn công đang đe dọa nó.

Ngài nói: “đáng buồn thay, trong thời đại ta, gia đình rất thường cần được bảo vệ chống lại các cuộc tấn công hiểm ác và các chương trình đi ngược lại tất cả những điều ta tin là thật và thánh thiêng, tất cả những điều tươi đẹp và cao thượng nhất trong nền văn hóa của ta”.

Đức Phanxicô lên tiếng với hàng triệu người Phi Luật Tân tụ họp tại Quảng Trường Rizal ở Manila trong biến cố cuối cùng của cuộc tông du 5 ngày tại nước này.

Thánh Lễ bế mạc đã đánh dấu biến cố lớn nhất của một vị giáo hoàng trong lịch sử, vượt qua cả Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1995 cũng tại Manila với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã lôi cuốn 4-5 triệu tín hữu tham dự Thánh Lễ bế mạc.

Bất chấp bão táp

Trong lời phát biểu vào cuối Thánh Lễ bế mạc, Đức TGM Soc Villegas, Chủ Tịch HĐGM Phi Luật Tân, nói rằng tình yêu Đức Phanxicô và với nó, đức tin của Giáo Hội Phi gồm 85 triệu chi thể đã tự chứng tỏ là bất chấp bão táp (typhoon-proof)

Ngoài việc vượt qua kỷ lục từ trước đến nay của cuộc thăm viếng Phi năm 1995 của Đức Gioan Phaolô II tại cùng một địa điểm, điều đáng lưu ý là biến cố hôm nay không liên hệ gì tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Điều cũng đáng lưu ý là: trong khi chuyến tông du Phi lần cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II được hiểu như một tạm biệt đối với vị giáo hoàng đã bước vào năm thứ 17 triều đại của mình, thì Đức Phanxicô chủ trì biến lớn nhất lịch sử chỉ trong vòng hai năm sau khi lên ngôi.

Cuối cùng là thời tiết. Manila được đặt dưới cảnh báo bị bão cấp thấp, do đó, Đức Phanxicô phải mặc poncho giống như đám đông. Nhưng cảnh báo ấy chỉ làm tăng cường độ cho khối người “đại dương” ca hát, hoan hô mà có người gọi là “làn sóng Phanxicô”. Họ có mặt tại chỗ hoặc cuốc bộ tới đó trước cả hừng đông.

Khung cảnh đáng lưu ý nữa là Chúa Nhật hôm nay là lễ kính Chúa Giêsu Hài Đồng (Santo Nino) một ngày lễ được người Công Giáo Phi trân quí mừng kính. Vì thế, tín hữu được khuyến khích đem tượng Chúa Hài Đồng tới dự lễ. Nên đã có đến hàng triệu Ninos được giơ lên trong Thánh Lễ cùng với hàng triệu điện thoại di động và tablets thi nhau bấm hình.

Trước Thánh Lễ, Đức GH đã gặp, trong 20 phút, người cha của Kristel Padasas, nhân viên của Sở Cứu Trợ Công Giáo, 27 tuổi, qua đời do một mảnh của giàn âm thanh rơi xuống trúng đầu sau Thánh Lễ hôm trước tại Tacloban.

Em thấy Thiên Chúa trong mắt ngài

Nhiều bản tin đánh đi từ Manila đặt con số người tham dự Thánh Lễ bế mạc của Đức Phanxicô vào khoảng 3 triệu. Nhưng bản tin của BBC cho hay con số đó là 6 triệu người, căn cứ vào phúc trình của các nhân viên thủ đô Manila. Con số này bao gồm những người tham dự Thánh Lễ lẫn những người đứng ở lộ trình quanh Rizal Park.

Theo đài này, bầu khí hết sức phấn khích bất chấp trời mưa to. Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại đây được coi là một thành công lớn. Người ta rất phấn khởi đối với Đức GH và các chủ đề ngài nêu lên: giúp đỡ người nghèo, tầm quan trọng của gia đình, và bảo vệ môi sinh.

Những ai không vào được quảng trường Rizal, vẫn kiên nhẫn đứng dưới dù càng gần địa điểm hành lễ càng hay, mong được thấy Đức GH lúc ngài tới và đi. Một phụ nữ tên Sara nói với BBC rằng trọn gia đình bà từ tỉnh tới đây và ở lại suốt cuối tuần để chắc mẩm được thấy Đức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm được họ coi là lịch sử, một đời người mới có một lần. Một người đàn ông, tên Jocson, cho hay: “chúng tôi ở đây cũng để làm chứng, để đích thân được thấy Đức Phanxicô”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới trên một giáo hoàng xa biến cải từ một kiểu xe buýt nhỏ của địa phương vốn gọi là “jeepneys”.

Đám đông ca hát và hoan hô mỗi lần ngài dừng lại để chào hỏi tín hữu.

Nhiều người cắm trại suốt đêm ở bên ngoài quảng trường mong được là những người đầu tiên vào quảng trường khi cổng mở vào sáng sớm Chúa Nhật.

Một tín hữu tên Chad Soniko nói với BBC “Đây thật là một niềm vui hết sức lớn lao, một hy vọng hết sức lớn đối với đất nước chúng tôi, vì chúng tôi thực sự cần sứ điệp của ngài, chúng tôi cần biến đổi và đó là điều ngài nói với chúng tôi”. Rồi vừa khóc, anh vừa nói thêm “cảm động thực sự, rất thực”.

John Paul Jones 13 tuổi thì thổ lộ “em thấy Thiên Chúa trong mắt ngài”.

Trước thánh lễ, Đức Phanxicô gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo và người trẻ tại ĐH Santo Tomas là ĐH Công Giáo lớn nhất Á Châu.

Ngài mở đầu cuộc gặp gỡ với hơn 20,000 sinh viên bằng cách tưởng niệm người thiếu nữ 27 tuổi qua đời trong lúc ngài thăm Tacloban. Trước đó, cảnh sát tường rình rằng nàng thiệt mạng khi giàn âm thanh đổ xuống sau Thánh Lễ Thứ Bẩy.

Rồi Đức Phanxicô lắng nghe một số trẻ em nói về kinh nghiệm lớn lên của các em ở ngoài đường phố.

Một em, tên Glyzelle Palomar, 12 tuổi, khóc khi kể lại câu truyện của mình và hỏi tại sao Thiên Chúa lại để trẻ em chịu đau khổ như thế.

Xúc động rõ ràng, Đức Phanxicô trả lời “chỉ khi nào biết khóc, ta mới tiến gần tới chỗ trả lời được câu hỏi của con”.

Ngài nói thêm rằng thế giới cần học cách khóc với những người khốn khó. Ngài nói: “những người ở bên lề đang khóc. Những người bị đẩy qua một bên đang khóc. Những ai bị vứt bỏ đang khóc. Nhưng những ai sống một cuộc sống ít nhiều không thiếu thốn, không hề biết cách khóc”.

Tường trình của Reuters

Hãng tin Reuters cho hay Thánh Lễ của Đức Phanxicô tại Manila thu hút được một đám đông kỷ lục từ 6 đến 7 triệu người tham dự. Con số này do Vatican và chính phủ Phi Luật Tân cung cấp. Con số này bao gồm người tham dự ở Rizal Park lẫn người đứng ở các khu vực chung quanh.

Theo hãng tin này, Cha Lombardi nói trong một cuộc họp báo rằng “hiển nhiên, chúng tôi không có khả năng đếm hết mọi người hay kiểm chứng được việc này, nhưng dù sao, chúng tôi thấy quá nhiều người nên tin con số này khả hữu”.

Cha nói thêm: “nếu đúng như thế, và chúng tôi nghĩ là đúng, thì đây là biến cố lớn nhất trong lịch sử các vị giáo hoàng”.

Reuters cũng cho rằng Đức Phanxicô tới quảng trường Rizal, với poncho vàng khoác trên phẩm phục trắng, trên chiếc xe cải biến từ kiểu xe “jeepneys” thông dụng của Phi dựa trên thiết kế kiểu xe quân sự của Mỹ dùng trong Thế Chiến II.

Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô khuyên người Phi Luật Tân tránh xa “các cơ cấu xã hội kéo dài mãi mãi cảnh nghèo, cảnh ngu dốt và nạn tham nhũng”, một chủ đề ngài từng nhấn mạnh khi nói chuyện với TT Benigno Aquino. TT Aquino cũng tham dự Thánh Lễ bế mạc.

Ngài cũng chỉ trích chính sách kiểm soát dân số của chính phủ Phi, cho rằng gia đình hiện đang bị đe dọa bởi “những cuộc tấn công hiểm ác và các chương trình đi ngược lại tất cả những điều chúng ta tin là thật và thánh thiêng”.

Reuters cũng thuật lại buổi gặp gỡ người trẻ tại ĐH Santo Tomas, trong đó, bé gái 12 tuổi tên Glyzelle Iris Palomar nói với Đức GH rằng “Nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Nhiều em trở thành nạn nhân và nhiều điều xấu xa đã xẩy ra cho các em, như ghiền ma túy và đĩ điếm. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều này xẩy ra, dù các trẻ em không có lỗi chi? Tại sao chỉ một số ít người giúp đỡ chúng con?”

Bé gái, vốn được cứu và tìm được nơi trú thân tại một cộng đoàn do Giáo Hội quản trị, đã bật khóc và không thể nói hết bài nói soạn sẵn. Đức GH đã ôm lấy em và sau đó, đã gạt qua một bên bài diễn văn soạn sẵn khi trả lời em.

Ngài trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha quen thuộc và được một thông dịch viên dịch sang tiếng Anh cho đám đông khoảng 30,000 người trẻ tại khuôn viên ĐH Santo Tomas: “Tại sao trẻ em chịu đau khổ? Cha mời mỗi người chúng con tự hỏi mình, ‘tôi đã học cách khóc chưa… khi thấy một một đứa trẻ đói, một đứa trẻ ở đường phố sử dụng ma túy, một đưá trẻ không nhà, một đưa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị bạo hành, một đứa trẻ bị xã hội sử dụng làm nô lệ’?”

Liên Hiệp Quốc cho biết 1.2 trẻ em đang sống ngoài đường phố ở Phi Luật Tân. Còn theo Quĩ Bảo Vệ Trẻ Em, 35.1% trẻ em hiện sống trong cảnh nghèo và gần 33% người Phi Luật Tân sống trong các khu ổ chuột.
 
Top Stories
Pope to Filipinos at Manila Mass: Be missionaries of faith in Asia
Vatican Radio
09:51 18/01/2015
(Vatican 2015-01-18) Pope Francis on Sunday called on Filipinos to be “outstanding missionaries of the faith in Asia” during a mass attended by millions in Manila’s Rizal Park. In his homily, Pope Francis described the Philippines as “the foremost Catholic country in Asia,” saying “this is itself a special gift of God, a blessing,” and a “vocation.”

Pope Francis' Homily:

The Pope recalled that each of us has been chosen by God to be "witnesses of his truth and his justice in this world" and to care for creation. But man, he said, has "disfigured that natural beauty; through sin, man has also destroyed the unity and beauty of our human family, creating social structures which perpetuate poverty, ignorance and corruption."

The Pope warned against the devil, “the father of lies” who hides his snares behind the appearance of sophistication, the allure of being ‘modern’, ‘like everyone else.’ We are distracted, he said, by “ephemeral pleasures and superficial pastimes” and “squander our God-given gifts by tinkering with gadgets,” and “squander our money on gambling and drink.”

On the day the Filipino Church celebrates the "Santo Niño," Pope Francis urged Filippinos to look to the Christ Child, the protector of the Philippines, as their model, and reminded them of the importance of protecting the family. He added, “we need to see each child as a gift to be welcomed, cherished and protected” and recalled that young people need our care so they will not be “robbed of hope and condemned to life on the streets.”

He urged Filipinos to work together to build “a world of justice, integrity and peace.”

Below please find the text of Pope Francis’ Homily at Sunday’s mass in Manila’s Rizal park:

“A child is born to us, a son is given us” (Is 9:5). It is a special joy for me to celebrate Santo Niño Sunday with you. The image of the Holy Child Jesus accompanied the spread of the Gospel in this country from the beginning. Dressed in the robes of a king, crowned and holding the sceptre, the globe and the cross, he continues to remind us of the link between God’s Kingdom and the mystery of spiritual childhood. He tells us this in today’s Gospel: “Whoever does not accept the Kingdom of God like a child will not enter it” (Mk 10:15). The Santo Niño continues to proclaim to us that the light of God’s grace has shone upon a world dwelling in darkness, bringing the Good News of our freedom from slavery, and guiding us in the paths of peace, right and justice. The Santo Niño also reminds us of our call to spread the reign of Christ throughout the world.

In these days, throughout my visit, I have listened to you sing the song: “We are all God’s children”. That is what the Santo Niño tells us. He reminds us of our deepest identity. All of us are God’s children, members of God’s family. Today Saint Paul has told us that in Christ we have become God’s adopted children, brothers and sisters in Christ. This is who we are. This is our identity. We saw a beautiful expression of this when Filipinos rallied around our brothers and sisters affected by the typhoon.

The Apostle tells us that because God chose us, we have been richly blessed! God “has blessed us in Christ with every spiritual blessing in the heavens” (Eph 1:3). These words have a special resonance in the Philippines, for it is the foremost Catholic country in Asia; this is itself a special gift of God, a special blessing. But it is also a vocation. Filipinos are called to be outstanding missionaries of the faith in Asia.

God chose and blessed us for a purpose: to be holy and blameless in his sight (Eph 1:4). He chose us, each of us to be witnesses of his truth and his justice in this world. He created the world as a beautiful garden and asked us to care for it. But through sin, man has disfigured that natural beauty; through sin, man has also destroyed the unity and beauty of our human family, creating social structures which perpetuate poverty, ignorance and corruption.

Sometimes, when we see the troubles, difficulties and wrongs all around us, we are tempted to give up. It seems that the promises of the Gospel do not apply; they are unreal. But the Bible tells us that the great threat to God’s plan for us is, and always has been, the lie. The devil is the father of lies. Often he hides his snares behind the appearance of sophistication, the allure of being “modern”, “like everyone else”. He distracts us with the promise of ephemeral pleasures, superficial pastimes. And so we squander our God-given gifts by tinkering with gadgets; we squander our money on gambling and drink; we turn in on ourselves. We forget to remain focused on the things that really matter. We forget to remain, at heart, children of God. That is sin: [to] forget at heart that we are children of God. For children, as the Lord tells us, have their own wisdom, which is not the wisdom of the world. That is why the message of the Santo Niño is so important. He speaks powerfully to all of us. He reminds us of our deepest identity, of what we are called to be as God’s family.

The Santo Niño also reminds us that this identity must be protected. The Christ Child is the protector of this great country. When he came into the world, his very life was threatened by a corrupt king. Jesus himself needed to be protected. He had an earthly protector: Saint Joseph. He had an earthly family, the Holy Family of Nazareth. So he reminds us of the importance of protecting our families, and those larger families which are the Church, God’s family, and the world, our human family. Sadly, in our day, the family all too often needs to be protected against insidious attacks and programs contrary to all that we hold true and sacred, all that is most beautiful and noble in our culture.

In the Gospel, Jesus welcomes children, he embraces them and blesses them (Mk 10:16). We too need to protect, guide and encourage our young people, helping them to build a society worthy of their great spiritual and cultural heritage. Specifically, we need to see each child as a gift to be welcomed, cherished and protected. And we need to care for our young people, not allowing them to be robbed of hope and condemned to life on the streets.

It was a frail child, in need of protection, who brought God’s goodness, mercy and justice into the world. He resisted the dishonesty and corruption which are the legacy of sin, and he triumphed over them by the power of his cross. Now, at the end of my visit to the Philippines, I commend you to him, to Jesus who came among us as a child. May he enable all the beloved people of this country to work together, protecting one another, beginning with your families and communities, in building a world of justice, integrity and peace. May the Santo Niño continue to bless the Philippines and may he sustain the Christians of this great nation in their vocation to be witnesses and missionaries of the joy of the Gospel, in Asia and in the whole world.

Please don’t forget to pray for me! God bless you !
 
Pope at Mass in Manila : We are called to be God’s children
Vatican Radio
09:52 18/01/2015
(Vatican 2015-01-18) Pope Francis celebrated Mass Sunday in Manila’s Luneta Park for enthusiastic crowds who had braved inclement weather to turn out to see their beloved pope. The head of Vatican Radio’s English Service, Seàn-Patrick Lovett, is traveling with the Pope and sent this report:

So? How many people were there at Pope Francis’ final Mass in Manila’s Luneta Park? According to the Metro Manila Development Authority, or local traffic department, there were 2.5 million along the route from the Nunciature alone, even before you reach the park which can hold another 1.5 million, give or take a few hundred thousand. You do the math.

But, quite frankly – who cares?

It never was a question of quantity so much as quality. And quality there was, in abundance. Especially if you take into consideration the fact it rained the whole day and that many people spent 24 hours in the open air to ensure they found a place at an event that was as much historical as it was liturgical. And what to say about the piety, prayerfulness and devotion of all those millions? When last did you see that many heads bowed in meditation, or that many hands clasped in prayer, or hear that many voices raised in song?

Pope Francis saw. And he heard. And taking his cue from the day’s local Filipino feast of the Santo Niño, the Holy Child, he focussed his reflections during the Homily on the fact that we are all Children of God, all called to be part of God’s Family. The only time he went off-script was to insist: “This is sin: to forget we are God’s children”.

The Pope went on to provide a list of what he called the distractions of the Devil who tempts us with the promise of “ephemeral pleasures and superficial pastimes”, squandering our God-given gifts by “tinkering with gadgets” or spending our money on “gambling and drink”, forgetting to focus “on the things that really matter”. He also used the occasion to call for the protection of the Family against “insidious attacks and programs contrary to all that we hold true and sacred”. Referring to the Gospel reading from Mark Chapter 10, Pope Francis spoke of the way Jesus embraces children, saying that we too need “to see each child as a gift to be welcomed, cherished and protected. We need to care for our young people, not allowing them to be robbed of hope and condemned to life on the street”.

Finally, no report on this last public event of Pope Francis’ visit to the Philippines would be complete without a reference to the music, to the massed choirs and orchestras comprising over 1,000 elements and representing the very best of the nation’s musical talent. This is one case where I sincerely invite you not to take my word for it – but to listen for yourself…
 
Cardinal Tagle thanks Pope for visit to Philippines
Vatican Radio
09:53 18/01/2015
(Vatican 2015-01-18) Cardinal Luis Antonio Tagle, the Archbishop of Manila, thanked Pope Francis for his visit to the Philippines on Sunday. At the conclusion of Mass celebrated by Pope Francis for millions gathered in Manila’s Rizal Park, Cardinal Tagle said his fellow Filipinos would be praying for the Pope and would follow him “to the peripheries” as missionaries of Christ’s light. Pope Francis is due to leave the Philippines on Monday.

Cardinal Luis Antonio Tagle's words of thanksgiving at the conclusion of Mass at Rizal Park in Manila:

Most Holy Father,

In the name of the Archdiocese of Manila, the people who worked tirelessly for your pastoral visit, and the Filipinos whom you have been strengthened in faith these past days, I once again say Thank You. I say “Maraming Salamat po” (Thank you very much) on behalf of the street children, the orphans, the widows, the homeless, the informal settlers, the laborers, the farmers, the fisher folk, the sick, the abandoned elderly, the families of missing persons, the victims of discrimination, violence, abuse, exploitation, human trafficking, the Filipino migrant workers and their families, the survivors of natural calamities and armed conflicts, the non-Christian Catholics, the followers of non-Christian religions, the promoters of peace especially in Mindanao and creation that groans. We say again, “Maraming salamat po, Santo Padre.”

You often end your encounters with people by saying, “I ask you to pray for me.” We promise to pray for you. But we want to assure you that Jesus prays for you. Jesus himself declared to Peter, “I have prayed for you that you own faith may not fail.” (Luke 22:32). Your Holiness, you are blessed. Jesus prays for you. We your beloved Filipinos unite ourselves with Jesus in praying for you to God the Father.

You arrived in the Philippines three days ago. Tomorrow you will go. Every Filipino wants to go with you – not to Rome - but to the peripheries, to the shanties, to prison cells, to hospitals, to the world of politics, finance, arts, sciences, culture, education, and social communications. We will go to these worlds to bring the light of Jesus, Jesus who is the center of your pastoral visit and the cornerstone of the Church. We will go where the Light of Jesus is needed. Here in Luneta, the Qurino Grandstand, where heroes are revered, newly elected presidents take office and popes meet the Filipino faithful, here in a place of new beginnings, send us forth as missionaries of the light. Before you go, Holy Father, send us to spread the light of Jesus. Wherever the light of Jesus shines, you and the Filipino people will always be united. Mabuhay, Santo Padre! Mabuhay si Kristo! Let the light of Christ shine!
 
Pope Manila Mass drew record crowd of 6-7 million: Vatican
Philip Pullella and Rosemarie Francisco
12:16 18/01/2015
MANILA (Reuters) - Pope Francis concluded his trip to Asia on Sunday with an open-air Mass for a rain-drenched crowd in Manila that the Vatican and the government said drew up to seven million people, the largest ever for a papal event.

Vatican spokesman Father Federico Lombardi said the office of the president told the Vatican that between six and seven million attended the Mass in Manila's Rizal Park and surrounding areas.

"We are not able to count all these people, obviously, or to verify this, but in any case, we have seen so many people that we believe that it is possible," Lombardi told a briefing.

"If this is true, and we think it is, this is the largest event in the history of the popes," he said, noting that Pope John Paul drew some five million to the same area in 1995.

The 78-year-old pope, wearing a transparent yellow poncho over his white cassock, was driven through the ecstatic crowd in a "popemobile" modified from a jeepney, the most popular mode of transport in the Philippines which is based on a U.S. military vehicle used in World War II.

He stopped often along the route to kiss children and bless religious statues on the day the Philippines celebrates the feast of the infant Jesus. The faithful, also wearing ponchos, held up rosaries in a forest of uplifted arms as he passed by.

Some people in the capital of Asia's only predominantly Catholic country had waited all night for gates to open at dawn. The gates opened nine hours before the start of the Mass, which was due to last nearly three hours.

In his homily, the pope urged Filipinos to shun "social structures which perpetuate poverty, ignorance and corruption," a theme he stressed when he held talks with President Benigno Aquino on Friday. Aquino attended the Mass.

Francis also took another swipe at the government's population control efforts, saying the family was under threat from "insidious attacks and programs contrary to all that we hold true and sacred."

STREET CHILDREN

The pope's last full day in the Philippines began with an emotional youth gathering at a Catholic university in Manila, where he was moved by a question posed by a 12-year-old girl who had been abandoned.

"Many children are abandoned by their parents. Many of them became victims and bad things have happened to them, like drug addiction and prostitution. Why does God allow this to happen, even if the children are not at fault? Why is it that only a few people help us?" the girl, Glyzelle Iris Palomar, asked him.

The girl, who was rescued and found shelter in a Church-run community, broke down in tears and could not finish her prepared welcome. The pope hugged her and later put aside most of his own prepared speech to respond.

"Why do children suffer?" the Argentine Pope said, speaking in his native Spanish. An aide translated his words into English for the crowd of about 30,000 young people on the grounds of the Church-run university.

"I invite each one of you to ask yourselves, 'Have I learned how to weep ... when I see a hungry child, a child on the street who uses drugs, a homeless child, an abandoned child, an abused child, a child that society uses as a slave'?" he said.

Children can be seen living on the streets of the Philippine capital, as they often do in many poor Asian countries, surviving by begging and picking through garbage in vast dumps.

The United Nations says 1.2 million children live on the streets in the Philippines. According to the Child Protection Network Foundation, 35.1 percent of children were living in poverty in 2009, the last year such data was available. Nearly 33 percent of Filipinos live in slums.

(Source: http://news.yahoo.com/huge-crowds-converge-pope-mass-manila-park-012201739.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình I-nhã Tây Bắc Đức họp mặt mừng Xuân 2015
Trầm Hương Thơ
13:32 18/01/2015
Gia đình I-nhã Tây Bắc Đức họp mặt Mừng Xuân 2015

"Trót cả tấm thân, con cùng Ngài gắn bó,

giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì". TV 62, 9

Trong tâm tình nầy nhóm chúng tôi cùng nhau họp mặt mừng Xuân 2015 cũng để kiểm điểm đời sống một năm qua và xin Chúa cho biết Thánh Ý của Ngài làm hành trang cho năm mới. Vì thế mặc dù thời tiết không thuận tiện, nhưng ACE đã có mặt tại nhà cha linh hướng đúng giờ dự định, qua ly càfé và tách trà ACE gặp lại nhau trong thân tình và yêu thương. Đúng 15 giờ anh nhóm trưởng giới thiệu buổi họp mặt mừng Xuân và bắt đầu dâng lên Chúa

„Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót“

Tiếp đến Lm. Phaolô Phan Đình Dũng giúp cho nhóm của ăn tinh thần với bài huấn đức, đề tài: Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Cha đã đưa chúng tôi suy niệm về "Mầu nhiệm Giáng Sinh" bắt đầu từ khi Thiên Thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria cho đến Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (hôm nay).

Buổi chia sẻ chấm dứt, cha Linh hướng dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho nhóm một năm qua an vui, bình an trong yêu thương của Ngài.

Tiếp theo là giờ Chầu Thánh Thể.

Trong giờ phút linh thiêng và rất tuyệt vời với khung cảnh ấm cúng, Chúa Giêsu đang hiện diện giữa cha Linh hướng và ACE. Mỗi người một tâm sự dâng lên Chúa tất cả. Một giờ để nhìn lại tâm hồn và đời sống của chính mình trong một năm qua. Trong thinh lặng cũng như đã thốt lên những lời thú lỗi xin Chúa thứ tha và ban ơn cho tiếp tục bước vào năm mới sống tốt đẹp hơn.

BỮA TIỆC MỪNG XUÂN:

Sau khi tham dự bàn tiệc Thánh, chúng tôi cùng nhau tham dự bàn tiệc rượu do mỗi ACE đưa đến. Nhìn bàn ăn không thiếu món nào. Từ mứt, kẹo đậu phụng, bánh chuối hấp nước dừa, bánh khoai mì, bánh chưng, bánh ít, xôi, giò, chả, nem nướng, bánh cuốn, thịt gà kho gừng, thịt heo kho trứng với dưa muối, mắm chưng với trứng, canh đậu hủ…các loại trái cây v.v... hương vị ngày Tết là đây.

Sau bữa cơm tối chúng tôi cùng nhau chuyện trò thân mật, hỏi thăm nhau 3 tháng qua…sau đó là vào phần nhận quà Xuân. Cùng chúc nhau qua ly rượu mừng Xuân. Không dễ gì để nhận được quà Xuân (mỗi người cũng đem đến một quà nhỏ). Chúng tôi phải qua một lượt khảo sát câu đố kinh thánh. Năm nay anh Bảo cũng là người điều khiển chương trình nầy và cho câu hỏi, nhưng không kém phần hóc búa vì dùng Cựu Ước và Thánh Vịnh.

Nhưng cũng phục ACE, tất cả 21 phần quà lần lượt đến tay ACE. Riêng tôi cũng muốn chờ đến lần cuối, nhưng khi anh Bảo hỏi “ Ông Abraham dâng Lễ vật gì đầu tiên cho Chúa?” Anh cũng đưa ra 3 đáp án, tôi buột miệng trả lời Isaac, anh cho đúng và nhận quà, nhưng cũng có ACE cho là sai, vì ông Abraham chưa giết con mình, câu nầy để cho mọi người suy nghĩ… Buổi mừng Xuân chấm dứt với lời kinh đêm và phút hồi tâm thật sốt sắng và êm đềm, ACE ở chung quanh đây ra về nhường chỗ cho ACE ở xa ngủ lại, đồng hồ đánh 23 giờ 30.

Sáng Chúa Nhật sau giờ kinh sáng và điểm tâm, chúng tôi cùng nhau họp để bàn về chương trình cho 3 tháng tới, đặc biệt năm nay chúng tôi có một khóa Linh Thao cho nhóm được tham dự đầy đủ, tất cả là hồng ân. Cha dâng Thánh Lễ để cầu xin Chúa cho tất cả được sống đúng với Thánh Ý của Thiên Chúa trong năm mới nầy. Cha cũng đã nhớ cầu nguyện cho tất cả ACE Linh Thao trong nước Đức nầy dù vắng mặt. Trong bài PÂ Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, cha nhắc nhủ mọi người sống xứng đáng làm con Chúa như Chúa đã mong muốn. Cha cho biết “tội chết và tội trọng”. Tội trọng còn được cứu, nhưng tội chết không được tha thứ vì tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta chịu phép rửa tội, đổ nước trên đầu thì trời cũng mở ra và Thần Khí Chúa cũng xuống trên chúng ta. Từ đó chúng ta có dấu ấn của Chúa, chính Chúa Cha đã nói với Chúa con cũng chính là nói với chúng ta. Tất cả ACE cũng có những phút thinh lặng để suy gẫm bài PÂ hôm nay, và chia sẻ với nhau những cảm nghĩ từ trong thâm tâm Chúa đã soi sáng. Tất cả cảm nhận nằm trong tư tưởng có Chúa Ba Ngôi hiện diện trong giờ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cảm thấy mình bất toàn muốn sống xứng đáng làm con Chúa. Theo Chúa qua gương Thánh Gioan biết khiêm hạ, xin Chúa lớn lên và mình phải nhỏ bé. Xin Chúa cho chỉ được yêu Chúa trọn vẹn, không xin gì ngoài khác. Xin cho được kính yêu Chúa và thương yêu mọi người như Chúa đã dạy. Muôn đời tạ ơn Chúa vì đã cho làm con Thiên Chúa, nên chỉ muốn làm cách nào để sống xứng đáng làm con Thiên Chúa.

Thánh lễ chấm dứt, mỗi người một tô phở bò quê hương đậm đà. Cám ơn ACE đã rất chịu khó dù đường xa, trời mưa dầm dề mấy hôm nay nhưng không quản ngại, mang thức ăn đến qúa đầy đủ để ACE thưởng thức. Đặc biệt cám ơn chị Quế đã nấu xôi đậu phụng các chị em ưa thích, lại chịu khó làm bánh cuốn, chưa hết thêm một bánh ngọt táo và hạt điều thật là tuyệt vời, thức ăn Âu Á đều có, một cuối tuần mừng Xuân chắc chắn khó quên. Cuối cùng một số ACE đi đường Emaus đến thăm nhà Dòng Bênedictine tại Bochum chuẩn bị cho khóa linh thao sắp tới. Chúng tôi hẹn nhau ngày họp mặt lần tới tại nhà chị Tươi Warendorf 19.04. 2015.

Cám ơn Chúa đã cho chúng con một cuối tuần thật hạnh phúc, chúng con được Chúa ban cho phần hồn phần xác dư đầy. Cha Phaolô Phan Đình Dũng đến với chúng con đó là món quà thương yêu, quý giá Chúa đã dành riêng cho chúng con trong ngày mừng Xuân, vì Cha linh hướng vẫn đang bệnh, chỉ trong vòng 1 tuần thôi, nghĩ ra việc xin Cha, nhưng trong lòng vẫn nghĩ chỉ được 20% hy vọng thôi, vậy mà trước 2 ngày nhờ tài khéo léo của Cha linh hướng mà Cha Phaolô đã nhận lời đến với nhóm, giúp chúng con một bài huấn đức làm hành trang cho năm mới nầy. Chúng con cũng cám ơn Mẹ Maria đã âm thầm theo dõi, phù giúp chúng con qua lời cầu xin của Cha linh hướng mỗi ngày. Chúng con cũng tin chắc Chúa Giêsu cũng luôn luôn đồng hành với ACE chúng con cho chúng con sức mạnh để củng cố nhóm càng ngày càng lớn mạnh trong Thánh Tâm Chúa, nhờ mỗi Thánh Lễ Thánh Tâm Chúa đầu tháng mà Cha linh hướng đã dâng cầu cho tất cả ACE linh Thao chúng con.

Ánh sáng dịu dàng sau những ngày mưa gió đã chiếu vào căn phòng nhỏ bé ấm cúng làm chúng tôi có cảm tưởng như Chúa đã chiếu ngôi sao của Ngài đến với mỗi tâm hồn ACE chúng tôi và chúng tôi chia tay nhau lên đường bình an để tiếp tục hành trình “đi tìm Chúa” trong cuộc sống hiện tai. Amen.

MTN ghi
 
Thánh Lễ Tạ Ơn mừng 400 Năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
14:33 18/01/2015
Lúc 8g30 sáng Chúa Nhật 18 tháng 01 năm 2015, tại Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, Dòng Tên Việt Nam đã long trọng cử hành Thánh lễ Tạ ơn bế mạc Năm Thánh, kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên đất Việt (18.01.1615-2015).

Hình ảnh

Trước khi bắt đầu thánh lễ, cha Giuse Phạm Thanh Liêm, Giám tỉnh Dòng Tên, giới thiệu với cộng đoàn quý khách hiện diện trong thánh lễ. Có 16 Giám mục đến từ ba Giáo tỉnh: Saigon, Huế và Hà Nội: Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ chủ tế, Đức Tổng Giám Mục FX. Phạm Văn Hồng, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Đức Cha Tôma Aquino Vũ Đình Hiệu, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Đức Cha Giuse Trần Đình Tứ, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước và khoảng 120 linh mục đồng tế.

Đặc biệt có sự hiện diện của Cha Bề trên Cả Dòng Tên Adolfo Nicolas, Quý cha phụ tá Bề trên Cả vùng Châu Á Thái Bình Dương và vùng Châu Âu. Quý cha Chủ Tịch Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Dòng Tên vùng Châu Á - Thái Bình Dương và vùng Tây Âu. Quý cha Giám tỉnh Dòng Tên Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi luật Tân, In-đô-nê-xia, Micronesia và Cha Trưởng sứ vụ tại Cam-pu-chia.

Ngoài ra, còn có sự hiện diện đông đảo của Quý Cha, Quý Bề Trên và anh chị em tu sĩ các Dòng tu nam nữ, Quý ông bà cố, thân nhân của anh em Dòng Tên, Quý ân nhân, thân hữu và anh chị em giáo dân giáo xứ Hiển Linh, trong đó có khoảng 150 em thiếu nhi hiện diện.

Có một chi tiết khá bất ngờ trước đó, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt chủ tế, khi Ngài bước xuống cầu thang máy bay trên chuyến bay Hanoi-Saigon, ngài đã bị ngã và bị bong gân chân phải và phải sử dụng nạng nên không thể đi rước cùng đoàn đồng tế. Ngài đã ngồi khi giảng trong thánh lễ.

Trong bài giảng, Đức Cha Cosma đã dí dỏm nói rằng: “Từ bé đến thời trung học, có lẽ tôi đã ngã đến 100 lần. Lần này, tôi ngã và bị đau chân là để anh chị em thương tôi. Và đây là lần đầu tiên sau 39 năm làm linh mục, tôi được ngồi để giảng.” Đáp lại lời mở đầu dễ thương của ngài là những tràng pháo tay từ lễ đài các cha cho đến mọi người ngồi ở dưới. Đức Cha chia sẻ với thiếu nhi trước, ngài mời gọi các em hãy bắt chước Samuel: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”

Đức Cha Cosma nói tiếp: “Dòng Tên với 400 năm hiện diện tại Việt Nam, khởi đầu chỉ để lo mục vụ cho những người Nhật Bản tị nạn tại Hội An, nhưng rồi thấy văn hóa Việt nam rất gần với Tin Mừng nên các cha Dòng Tên quay sang truyền giáo cho người Việt Nam. Năm 1773 Dòng Tên vắng bóng vì bị Hội Thánh giải thể. Năm 1957, Dòng Tên trở lại Đất Việt và Giáo Hoàng Học Viện Piô X ra đời tại Đà Lạt, mà cựu sinh viên của GHHV Piô X có rất nhiều vị hiện nay là Giám mục, linh mục đang hiện diện nơi đây, đặc biệt có Đức Tân Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội, là sinh viên Giáo Hoàng Học Viện lớp đầu tiên. Năm 2007, Dòng Tên trở thành Tỉnh Dòng tại Việt Nam sau gần 400 năm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh tông đồ An-rê đã dẫn em mình là Phê-rô đến với Chúa Giê-su, cũng chính Ngài dẫn em bé có 5 chiếc bánh và hai con cá đến với Chúa và cũng chính ngài đưa anh chị em Hy Lạp đến với Chúa Giêsu. Thánh Phanxicô Xaviê là người lên đường đưa Tin mừng đến với những nơi chưa ai biết Chúa. Là người Giêsu hữu, noi gương thánh tông đồ An-rê, thánh Phanxicô Xaviê, chúng ta là người dẫn người khác đến với Chúa. Hãy tự hỏi mình như thánh Inhaxiô đã nói với người làm Linh thao cuối tuần thứ nhất: “Tôi đã làm gì cho Đức Kitô? Tôi đang làm gì cho Đức Kitô? Tôi phải làm gì cho Đức Kitô?” Và Đức Cha kết thúc bài giảng bằng cách mời các em thiếu nhi và mọi người cùng đọc “Kinh sáng soi”. Thật là một bài giảng ngắn gọn nhưng mời gọi mọi người tự vấn lại trái tim mình, nhiệt huyết và cả con người của mình.

Sau thánh lễ, cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đã nói lên niềm vui của Anh Em Dòng Tên khi hiện diện trên đất Việt 400 năm qua lời chuyển ngữ của cha Tôma Vũ Quang Trung, và ngài chia sẻ với cộng đoàn bốn điều: Thứ nhất, ngài thành thật xin lỗi vì không nói được tiếng Việt, một loại ngôn ngữ mang giai điệu của âm nhạc. Thứ hai, ngài cảm ơn Đức Cha Cosma và Quý Đức Cha cùng tất cả Quý Cha đã đến tham dự thánh lễ đồng tế hôm nay. Ngài cũng cảm ơn anh chị em tín hữu Việt Nam, những người đã quảng đại hiến dâng chính mình và là những chứng nhân hết sức sống động. Thứ ba, ngài xin mọi người hãy cầu nguyện cho mọi Anh Em Giêsu-hữu, là những người đã hiến mình cho Đức Kitô và chỉ một mình Đức Kitô mà thôi. “Vì khi chúng tôi hiến mình cho Đức Kitô là chúng tôi trao phó chính mình để phục vụ cho anh chị em.” Cuối cùng, ngài mời gọi các bạn trẻ và các em thiếu nhi hãy cộng tác với các Giêsu-hữu để làm một điều gì đó lớn lao hơn cho Thiên Chúa. Đó là nhập đoàn với anh em Giêsu-hữu và cộng tác với họ để đem Tin Mừng đến mọi quốc gia trên thế giới. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy dấn thân cho Đức Kitô, trở nên một Giêsu hữu hay một tu sĩ để phục vụ mọi người.

Sau đó là lời tri ân của cha Bề Trên Giám tỉnh Giuse Phạm Thanh Liêm: “Biến cố 400 năm là hồng ân canh tân thiêng liêng cho Anh Em Dòng Tên Việt Nam trong suốt một năm qua, khởi động tinh thần truyền giáo và cổ vũ ơn gọi Dòng Tên và cũng là dịp tri ân các bậc tiền nhân của Dòng.” Tiếp đến, cha cảm ơn các Đấng bản quyền trên ba miền đất nước đã tạo điều kiện cho Dòng thành lập cộng đoàn hay đón nhận Anh Em đến phục vụ. Cha cũng cảm ơn quý ông bà cố đã quảng đại dâng con mình vào Dòng Tên. Sau cùng, ngài cám ơn quý cộng tác viên, quý ân nhân xa gần và đặc biệt cộng đoàn giáo xứ Hiển Linh đã quảng đại cộng tác tổ chức góp phần giúp cho thánh lễ sốt sắng với tiếng hát, với ban trật tự, coi xe…

Tưởng cũng nên nhắc lại, mừng biến cố 400 năm hiện diện trên đất Việt, trong Năm Thánh vừa qua, Dòng Tên đã tổ chức 4 sự kiện lớn: Thánh lễ khai mạc năm thánh ngày 18.01.2014 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn; các thánh lễ Chúa Nhật ban ơn toàn xá hàng tháng tại các giáo xứ do an hem Dòng Tên phụ trách; các buổi hội thảo chuyên đề và hành hương Năm thánh.

Tôi ngẫm lại, 400 năm đặt chân trên dải đất hình chữ S này, Tỉnh Dòng Tên Việt Nam mới có 8 năm tuổi, cho thấy bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt cho việc hình thành và phát triển Dòng. Mới có 8 tuổi, nhưng ngày hôm nay trong thánh lễ, người ta chứng kiến khách đến tham dự thánh lễ từ Nam chí Bắc, từ trong nước lẫn hải ngoại. Sự hiện diện của Quý Đức Cha đã là một minh chứng hùng hồn rằng: Dòng Tên đã làm và giúp cho Giáo Hội Việt Nam rất rất nhiều. Hôm nay, khoảng 3.000 người thuộc mọi thành phần Dân Chúa đến đây tham dự thánh lễ, để chung chia niềm vui, để tiếp tục cầu nguyện cho các Giêsu-hữu Việt Nam và Dòng Tên trên thế giới ngày một phát triển hơn và thăng tiến hơn trong việc loan báo Tin Mừng và tất cả “Cho vinh danh Thiên Chúa hơn” như câu châm ngôn của Dòng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Đại Nội Vắng
Nguyễn Hùng
22:21 18/01/2015
CHIỀU ĐẠI NỘI VẮNG
Ảnh của Nguyễn Hùng
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
(Trích thơ của Bà Huyện Thanh Quan)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 13/01 – 19/01/2015: Án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Oscar Romero
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:19 18/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các nhà thần học khẳng định Đức Tổng Giám mục Oscar Romero bị giết vì sự thù ghét đức tin

Một ủy ban các nhà thần học được Tòa Thánh bổ nhiệm đã xác nhận rằng Đức Tổng Giám mục Oscar Romero bị giết "vì sự thù ghét đức tin". Nhật báo Avvenire của Ý đã cho biết như trên.

Với quyết định này án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero tiến một bước rất đáng kể. Avvenire nói các nhà thần học do Bộ Phong Thánh bổ nhiệm đã tuyên bố rằng Đức Tổng Giám mục Salvador đã chết như một người tử vì đạo. Đức Tổng Giám mục Romero như thế đủ điều kiện cho việc Chân Phước.

Tháng Tám vừa qua, khi được hỏi về triển vọng trong việc phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài đã chờ đợi kết quả của một cuộc điều tra nghiêm ngặt vào vấn đề là liệu Đức Tổng Giám Mục Romero có phải đã bị giết chết vì hận thù đức tin hay không. Đó là câu hỏi mà ủy ban các nhà thần học vừa có câu trả lời.

Án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero đã vấp phải những quan ngại cho rằng ngài đã bị giết vì tham gia chính trị, chứ không phải vì đức tin của mình. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai thông mọi bế tắc trong tiến trình phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero. Ngài nói rằng Đức Tổng Giám Mục Romero “đáng được phong Chân Phước, tôi không bao giờ hồ nghi về điều đó”.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã bị giết ngay tại Vương Cung Thánh Đường San Salvador trong khi ngài đang cử hành thánh lễ hôm 24/3/1980.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là chứng nhân can đảm đã tố cáo các tội ác dã man của giới quân nhân nước này trong thời gian nội chiến. Cuộc chiến tại El Salvador đã kết thúc với hiệp định ngưng bắn vào năm 1992 chấm dứt 12 năm nội chiến. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, xã hội El Salvador vẫn còn nhiều chia rẽ và bạo lực vì bao nhiêu oan khiên không được giải tỏa. Cái chết của Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là tiêu biểu cho thế giới thấy các thủ đoạn tàn bạo của Biệt Đội Tử Thần do nhóm quân nhân El Salvador dựng lên.

Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia, người trực tiếp nhúng tay vào vụ sát hại Đức Tổng Giám Mục Romero đã di cư sang Mỹ vào giữa thập niên 1980 để chạy tội nhưng y bị bắt và bị đưa ra tòa. Trước tòa án tại California, Alvaro Rafael Saravia không nói một lời nào nhằm bác bỏ hay công nhận trách nhiệm của mình trước cáo buộc đã giết hại Đức Cha Romero. Y cũng không thèm mướn luật sư cãi lại. Tòa án tại California đã trưng ra những bằng cớ không thể phủ nhận được về vai trò trực tiếp giết hại Đức Cha Romero của ông Saravia, vai trò ông này trong Biệt Đội Tử Thần El Salvador cũng như liên hệ giữa ông này và cố đại tá Roberto D'Aubuisson, người đã thành lập đảng ARENA. Tòa đã truyền cho ông Saravia phải đền cho thân nhân Đức Cha Romero 10 triệu Mỹ Kim.

2. Những phản ứng khác nhau tại Ý về vụ thảm sát ở Paris

Tại Ý đã có những phản ứng rất khác biệt về vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris diễn ra hôm thứ Tư 7 tháng Giêng.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý là Đức Hồng Y Angelo Bagnasco đã thách thức các nhà lãnh đạo Hồi giáo có trách nhiệm phải lên án tất cả các hình thái bạo lực chính trị, trong khi một nhà lãnh đạo chính trị dân sự có khuynh hướng bảo thủ đã cho rằng Vatican không nên tiếp tục đối thoại với Hồi giáo.

"Cộng đồng Hồi giáo ôn hòa thực sự phải tránh xa những hình thái bạo lực tàn bạo này," Đức Hồng Y Angelo Bagnasco nói. Ngài cũng nói thêm rằng người dân châu Âu nói chung phải giữ bình tĩnh và nên "khắc phục các nguy cơ phản ứng dữ dội lại với những cuộc tấn công của một thiểu số Hồi Giáo quá khích.”

Trong khi đó, Mattw Salvini, người đứng đầu tổ chức Liên Minh Phương Bắc của Italia nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang "làm hại" Giáo Hội bằng cách cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại với Hồi giáo. "Hồi giáo là một vấn đề," Salvini nói. "Họ đang chém giết, đang cắt cổ họng người ta nhân danh Allah. Đức Giáo Hoàng nên thúc đẩy hòa bình, đúng thế, nhưng ngài cũng nên quan tâm đến những người đang bị sát tế trên toàn thế giới."

Thực ra, một trong những mục tiêu của Tòa Thánh trong các cuộc đối thoại với Hồi Giáo là cố gắng tách các thành phần cực đoan Hồi Giáo ra khỏi khối Hồi Giáo nói chung để cô lập, và do đó hạn chế những tác hại của trào lưu bạo lực Hồi Giáo.

Cộng đồng Hồi giáo trên thế giới đã có những phản ứng trái ngược về vụ thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo.

Tại Vatican, 4 vị giáo trưởng Hồi Giáo tại Pháp là Tareq Oubrou, Azzedine Cami, Mohammed Moussaoui, Djelloul Seddiki đang đi cùng Đức Giám Mục Michel Dubost, chủ tịch Ủy Ban Đối Thoại Liên Tôn của Hội Đồng Giám Mục Pháp, và là Giám Mục giáo phận Evry-Corbeil et Essonnes dự buổi triều yết chung với Đức Thánh Cha hôm 7 tháng Giêng đã lập tức ký vào một tuyên ngôn cùng với Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn cực lực lên án vụ thảm sát.

Trong khi đó, tại Úc Đại Lợi giáo trưởng Junaid Thorne thẳng thừng tuyên bố ủng hộ vụ thảm sát. Ông nói: “Nếu người ta chấp nhận tự do nói không có giới hạn, người ta cũng phải chấp nhận quyền phản ứng lại vô giới hạn”.

3. Boko Haram thảm sát 2,000 người tiêu hủy nhiều nhà thờ Công Giáo

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nói ít nhất 2,000 người đã thiệt mạng, hầu hết là các Kitô hữu, và nhiều nhà thờ bị đốt cháy trong các cuộc tấn công mới nhất của Boko Haram vào một làng Kitô Giáo ở Đông Bắc Nigeria hôm 8 tháng Giêng.

Trước đó, một căn cứ quân sự của quân đội Nigeria ở thị trấn Baga đã bị quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram tràn ngập vào ngày thứ Bẩy 3 tháng Giêng. Quân Nigeria đã phải rút lui sang phía biên giới Cameroon xin lánh nạn.

Hôm 8 tháng Giêng, Boko Haram lại đánh bại một lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia đang trấn đóng tại thị trấn Baga của người Kitô Giáo. Hàng ngàn cư dân của thị trấn và khu vực xung quanh đã chạy trốn.

Cha Patrick Tor Alumuki, một phát ngôn viên của Tổng Giáo phận Abuja, nói với Fides rằng các báo cáo thương vong đã bị chính phủ cố ý giảm bớt đi vì cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Hai sắp tới.

Ngài quan ngại rằng quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram giờ đây đã được tăng cường các tân binh từ các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Libya và Mali.

4. Hàng triệu người Phi tham gia cuộc kiệu tượng Chúa Kitô vác thánh giá tại Manila

Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila, thủ đô của quốc gia Á Châu có đông người Công Giáo nhất.

Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.

Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Bức tượng này được đặt thường xuyên tại nhà thờ Quiapo và hàng năm đúng ngày 7 tháng Giêng thì được rước đi một vòng quanh thủ đô Manila.

Đám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe.

Nhiều người Phi Luật Tân tin rằng bức tượng có sức mạnh chữa lành diệu kỳ và nhiều người thực sự đã được chữa khỏi khiến họ cam kết rằng mỗi năm vào ngày này, nếu còn sống trên đời, họ là tham gia cuộc diễn hành này.

Nhiều người mặc áo T-shirt có hình Chúa Kitô đội mão gai. Isko Moreno, Phó Thị trưởng thành phố Manila, nói với truyền hình ABS-CBN rằng khoảng một triệu người đã tham gia vào lúc bắt đầu cuộc rước, nhưng càng lúc sẽ càng có nhiều người tham gia hơn bức tượng du hành một vòng quanh khu phố cổ của Manila.

5. Đức Tổng Giám mục về hưu Paulinus Costa của Dhaka, Bangladesh qua đời

Đức Tổng Giám mục về hưu Paulinus Costa của Dhaka, Bangladesh, đã qua đời ở tuổi 78 hôm 3 tháng Giêng sau một cơn đau tim. Vị giám mục đang bị bệnh kêu khó chịu sau khi dùng bữa trưa hôm thứ Bảy, ngài được đưa đến bệnh viện và qua đời. Ngài được nhớ đến như là một vị lãnh đạo tôn giáo và tinh thần không chỉ đối với người Công Giáo mà còn đối với tín hữu của các tôn giáo khác ở các quốc gia Nam Á này.

Đức Tổng Giám mục Costa sinh ngày 19/10/1936 tại Rangamatia và được phong chức linh mục ngày 21/12/1963. Sau khi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Rajshahi vào ngày 11/01/1996, ngài được tấn phong Giám mục vào ngày 26/04 cùng năm. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Dhaka vào ngày 09 tháng 7 năm 2005, sau khi Đức Tổng Giám Mục Michael Rozario về hưu. Đức Tổng Giám mục Costa đã nghỉ hưu vào ngày 22/10/2011.

Đức Tổng Giám mục Costa nổi tiếng vì dấn thân của ngài cho sự chung sống hoà bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong một đất nước mà người Hồi giáo chiếm hơn 90 phần trăm dân số. Do những nỗ lực của mình mà ngài được vinh danh với giải thưởng Hòa bình Mahatma Gandhi vào năm 2007 và Hội Trợ giúp Pháp lý Nhân quyền đã trao tặng giải thưởng cho ngài vì những đóng góp đáng kể của ngài để bảo vệ nhân quyền ở Bangladesh.

Trong thư chia buồn, cựu Thủ tướng Bangladesh và là lãnh đạo phe đối lập Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP), bà Khaleda Zia nói rằng Đức Tổng Giám mục Costa có lòng khoan dung với tất cả các tôn giáo. Bà cầu nguyện cho linh hồn quá cố của ngài được bình an đời đời và chuyển lời thương cảm sâu sắc đến gia đình tang quyến, các tín hữu và những người thiện chí.

6. Phái đoàn các Giám mục Quốc tế đến thăm Gaza

Cộng đoàn Kitô hữu của Gaza lại là tâm điểm của chuyến thăm Thánh Địa năm nay của các Giám mục từ khắp Âu Châu, Bắc Mỹ và Nam Phi nhằm hỗ trợ các cộng đoàn Kitô giáo địa phương và sứ vụ của Giáo Hội nhằm phục vụ tất cả mọi người ở Thánh Địa. Chuyến thăm Thánh Địa của các giám mục diễn ra từ ngày 11 đến 15 tháng Giêng năm 2015.

Các Giám mục có thể sẽ thẩm tra những hậu quả lâu dài của chiến dịch quân sự "bảo vệ biên giới" của Israel gây ra cho người dân Dải Gaza với hơn 2,000 nạn nhân, trong đó có hơn 500 trẻ vị thành niên. Sau khi cử hành Thánh Lễ với cộng đoàn Công Giáo, các Giám mục sẽ đến thăm các trường học và bệnh viện Kitô giáo để hỗ trợ cho các giáo viên và nhân viên y tế.

Sau chuyến thăm hai ngày tới Dải Gaza, các Giám mục sẽ đến Sderot, một thị trấn của Israel bị hỏa tiễn từ Gaza bắn trúng trong trong cuộc xung đột. Các ngài cũng sẽ đến thăm thung lũng Cremisan, nơi kế hoạch xây dựng bức tường an ninh của Israel đang đe dọa đời sống của hơn 50 gia đình Kitô hữu Palestine.

Trong số các Giám mục tham gia phái đoàn thăm Thánh Địa năm nay, do Đức Giám Mục người Anh Declan Ronan Lang dẫn đầu, có Đức Tổng Giám Mục Ý Riccardo Fontana, Đức Tổng Giám mục Tây Ban Nha Joan Enric Vives i Sicilia và Đức Giám Mục Stephen Ackermann của Đức.

7. Trường Công Giáo: Các cộng đoàn Đức tin, Kiến thức và Phục vụ

"Tuần lễ Trường học Công Giáo Quốc gia 2015" sẽ được tổ chức ở cấp giáo phận trên khắp Hoa Kỳ từ ngày 25 đến 31 tháng Giêng. Chủ đề năm nay là: "Trường học Công Giáo: Các cộng đoàn Đức tin, Kiến thức và Phục vụ", chú trọng vào việc học tập, xây dựng đức tin và đóng góp vào xã hội trên nền tảng giáo dục Công Giáo.

Trong thông cáo gửi đến hãng Thông tấn Công Giáo Fides thay mặt cho Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đức Cha George Lucas của Omaha, Nebraska, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục cho biết: "Các trường Công Giáo là một khía cạnh quan trọng trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô của Giáo Hội và vì thế là một khía cạnh quan trọng của sứ mạng giảng dạy của chúng ta".

Khoảng 2,1 triệu sinh viên hiện đang học trong gần 6,600 trường học Công Giáo ở các thành phố, vùng ngoại ô, các thị trấn nhỏ và các cộng đồng nông thôn trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Học sinh được hấp thụ một nền giáo dục chuẩn bị cho họ những thách thức của nền giáo dục đại học và môi trường làm việc cạnh tranh. Ước tính có khoảng 99 phần trăm học sinh tốt nghiệp trung học và 85 phần trăm học sinh tốt nghiệp trường Công Giáo học tiếp lên đại học.

8. Đức Tổng Giám mục Niamey nói "Ngày càng có nhiều người trẻ Niger gia nhập phong trào Boko Haram, nhất là ở khu vực Diffa"

Ngày càng có nhiều người trẻ Niger gia nhập phong trào Boko Haram. Lời cảnh báo này đã được đưa ra bởi Đức Cha Michel Cartatéguy, Tổng Giám Mục Niamey, thủ đô của Niger, trong thông điệp đầu năm của ngài. Trong tài liệu gửi đến thông tấn xã Công Giáo Fides, Đức Tổng Cartatéguy đã tường trình về các tuyên bố được đưa ra bởi các nghị sĩ của vùng Diffa, thuộc miền viễn đông Niger, giáp biên giới với Nigeria: "Các nghị sĩ cho biết họ lo ngại về số lượng ngày càng gia tăng những người trẻ Niger, trai cũng như gái, gia nhập vào hàng ngũ của phiến quân Boko Haram".

Đức Cha Cartatéguy nhấn mạnh: "Theo Nghị sĩ Nassirou, giới trẻ của chúng ta ở Diffa được tuyển dụng mỗi ngày, và những người trẻ này hiểu biết về Diffa tốt hơn các thành viên của Boko Haram và có thể chỉ cho chúng các địa điểm để chúng thực hiện các cuộc tấn công".

Một thực tế không thể không thể không đề cập đến là việc Boko Haram đã chiếm được căn cứ của các lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia Baga, trên bờ Hồ Chad, Nigeria. Căn cứ này trên lý thuyết là căn cứ quân đội của Nigeria, Chad, Niger và Cameroon, giờ đây được phiến quân Hồi giáo Boko Haram sử dụng không chỉ để tấn công vào vùng đông bắc Nigeria, mà còn tấn công vào các nước láng giềng, gây ra cuộc xung đột mở rộng trên quy mô khu vực.

Theo Đức Cha Cartatéguy, quan điểm phổ biến ở Niger là hầu hết người trẻ Niger gia nhập hàng ngũ Boko Haram vì lý do kinh tế chứ không vì lý do tôn giáo. Đức Tổng Giám Mục cũng ước tính rằng trong khu vực Diffa hiện nay có 150,000 người tị nạn từ Nigeria và những người tản cư nội địa, do tình trạng bạo lực của Boko Haram gây ra. Tình hình đang trầm trọng hơn do bệnh dịch tả gần đây lây lan trong người tị nạn. Đức Cha nói: "Mặc dù là nước nghèo trong khu vực, nhưng người dân địa phương tiếp tục đón tiếp những người tị nạn với tình huynh đệ và lòng hiếu khách", ngài lấy làm tiếc rằng "báo chí quốc tế nói rất ít về tình hình ở Diffa".

9. Đức Tổng Giám mục của Bangui của Cộng Hoà Trung Phi bị dọa giết trong khi hỗ trợ người tản cư

Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám Mục Bangui, Chủ tịch Caritas Trung Phi, dẫn đầu sứ mạng hỗ trợ cho cư dân trong làng Gbangou, nơi nhiều nhà cửa bị đốt cháy hôm 21 tháng Chín bởi một nhóm anti-Balaka, chống các cựu phiến quân Seleka, trong cuộc nội chiến tàn phá nước Cộng hòa Trung Phi trong những năm gần đây.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Đức Cha Nzapalainga cho biết ngài đã cảm thấy bị xúc phạm "khi thấy con người bị hạ thấp xuống trạng thái của động vật bởi vì họ đã lang thang trong rừng suốt hai tháng mà không có sự trợ giúp nào, không ai can thiệp để hỗ trợ họ, để những người này phải chết".

Nhiệm vụ của Caritas là mang thực phẩm, thuốc men và quần áo cho những người di dời. "Tôi thấy mọi người phải lấy lại phẩm giá của mình. Và tôi đã thấy các cô gái rạng rỡ sau khi mặc quần áo mới", Đức Cha Nzapalainga yêu cầu nhà chức trách quan tâm đến số phận của dân làng dọc theo đường Damara-Bouca.

Trên đường đi trợ giúp, Đức Tổng Giám mục bị dọa giết bởi một lãnh đạo nhóm anti-Balaka, khi ngài cố lấy lại một chiếc xe máy bị đánh cắp. Đức Cha Nzapalainga nhận xét vụ việc: "Qua người đàn ông này, tôi nhìn thấy tất cả người trẻ Trung Phi phiêu bạt, những người cần được giáo dục. Tôi không có gì để chống lại ông ta. Tôi là một vị mục tử sẵn sàng chết vì đàn chiên". Đức Tổng Giám Mục kết luận bằng cách đưa ra lời kêu gọi nhóm anti-Balaka hạ vũ khí và góp phần vào công cuộc tái thiết đất nước.