Ngày 23-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự mất trí đáng ao ước
Lm. Minh Anh
05:05 23/01/2021
SỰ MẤT TRÍ ĐÁNG AO ƯỚC
“Họ nói, ‘Người đã mất trí’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không thể tin được, một số người thân của Chúa Giêsu coi Ngài như người ‘mất trí’. Vậy mà chi tiết ngộ nghĩnh này lại bất ngờ tiết lộ hành trình đức tin của chúng ta; trên hành trình đó, vì Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể bị người khác coi là mất trí, một ‘sự mất trí đáng ao ước’.

Chúng ta bắt đầu với tiền đề hiển nhiên rằng, Chúa Giêsu hoàn hảo về mọi mặt. Ngài là sự khôn ngoan của Chúa Cha, Ngài là Thiên Chúa; là “Đấng Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai”, thư Do Thái hôm nay xác quyết. Mọi điều Chúa Giêsu nói, mọi việc Ngài làm đều bày tỏ tình yêu hoàn hảo của Ba Ngôi Chí Thánh. Ngài sống cho người khác, vì người khác; với Ngài, không gì quan trọng hơn việc chu toàn thánh ý cứu độ của Chúa Cha và cứu rỗi các linh hồn; Ngài nuôi dưỡng những ai Chúa Cha trao cho Ngài bằng tình yêu và chân lý đến nỗi Ngài đã bỏ mặc việc lo cho chính mình. Ngài đã quá say mê Thiên Chúa và say mê con người. Thái độ hy sinh quên mình này đã thấm nhuần từng giây phút trong cuộc đời trần thế của Ngài mà đỉnh cao là sự hiến dâng trọn vẹn mạng sống trên thập giá. Đúng, dựa trên lý luận và khôn ngoan của loài người, Ngài đã ‘mất trí’.

Đáp lại lời rao giảng của Chúa Giêsu là gì? Tất nhiên, một số người đã chăm chú lắng nghe Ngài với niềm tin và thán phục; họ ngạc nhiên về lời nói và hành động của Ngài; họ có thể nhận ra thần tính toả sáng của Ngài và biết rằng, Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thế giới. Vậy mà Tin Mừng hôm nay còn cho thấy một số khác, trong đó có cả thân nhân của Ngài; họ cho rằng, Ngài ‘mất trí’. Thú vị thay! Đây chính là hành trình đức tin của chúng ta, hành trình của một cuộc sống hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân đến nỗi ‘được’ thế gian coi là ‘mất trí’, một ‘sự mất trí đáng ao ước’.

Nếu ‘mất trí’ được nói về Chúa Giêsu trong sự hoàn hảo của Ngài, thì điều này cũng sẽ được nói về chúng ta nếu chúng ta trở nên giống Ngài. Việc chúng ta đi theo Chúa Giêsu, thực hiện ý muốn thiêng liêng của Ngài trong cuộc sống không phải lúc nào cũng sẽ được người khác chấp nhận. Chẳng hạn, những hành động nhân từ và thương xót đối với những người kém may mắn, cách chung, được mọi người coi là tốt và đạo đức; thế nhưng, nhiều điều chúng ta được tình yêu và lòng thương xót Chúa thúc giục ‘nói và làm’ lại dẫn đến sự chỉ trích của người khác, ngay cả những người trong gia đình. Khi điều này xảy ra, chúng ta không nên ngạc nhiên, tổn thương hoặc cay đắng; ngược lại, hãy bình tĩnh, khoan dung và hiền lành; đừng trở nên tức giận hoặc bất bình. Đúng hơn, hãy vui mừng khi thấy mình đang dõi theo chân Chúa Giêsu và nhớ lại những phán đoán sai lầm những người khác dành cho Ngài; họ còn gọi Ngài là ‘mất trí’, phương chi là chúng ta; hãy coi đó là một ‘sự mất trí đáng ao ước’ và không để người khác ngăn cản việc chúng ta làm theo ý muốn của Thiên Chúa và nên giống Ngài.

Ngày 04 tháng 5 năm 1897, nữ công tước Sophie Charlotte Alenjon đang chủ trì một vũ hội từ thiện ở Paris thì hội trường bốc cháy. Ngọn lửa lan đến những đồ trang trí bằng giấy, vải và những bức tường mỏng manh; chỉ trong vài giây, nơi đây đã trở thành một địa ngục. Trước sự hoảng loạn kinh hoàng diễn ra sau đó, nhiều phụ nữ và trẻ em bị giẫm đạp khi chạy ra ngoài, đang khi các công nhân từ một công trường gần đó lao vào lửa để đưa những người phụ nữ bị mắc kẹt. Một số nhân viên cứu hộ đã tiếp cận nữ công tước, người vẫn bình tĩnh ngồi ở bục chủ toạ; họ giục giã cô đi ra, cô cự tuyệt; nhiều người bảo cô mất trí. Nữ công tước nói, “Vì tước hiệu của tôi, tôi là người đầu tiên vào đây; tôi sẽ là người cuối cùng rời khỏi đây”. Từ chối lời đề nghị giúp đỡ, Sophie Charlotte ở lại và bị thiêu sống cùng với hơn 120 người khác; người gác cổng nói, “Ôi, một ‘sự mất trí đáng ao ước!’.

Anh Chị em,

Hôm nay, hãy suy cứu về bất cứ cách thức nào mà chúng ta có thể trải nghiệm điều tương tự những gì Chúa Giêsu đã trải nghiệm, đã làm, đã đón nhận; hãy suy nghĩ ứng xử quý tộc của nữ công tước Sophie Charlotte; ngẫm xem cách thức mà lòng trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa và sứ mệnh của Người có thể khiến người khác nói ra, nói vào lời này, lời kia hoặc những suy nghĩ chỉ trích của họ. Đừng để mình phải sốc hoặc đắng cay khi điều này xảy ra; thay vào đó, hãy biết, những điều ấy không gì khác hơn là bắt chước cuộc đời Chúa Giêsu và cầu mong cho mình có được một ‘sự mất trí đáng ao ước’. Chúa Giêsu đang chờ đợi, chúng ta hãy gạt bỏ một bên sự khôn ngoan, kể cả sự cao thượng nhân loại để thật sự say mê Thiên Chúa và say mê các linh hồn như Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã bị người khác hiểu lầm và chỉ trích; Chúa đã bị xuyên tạc và đánh giá ngay cả bởi những người thân. Xin giúp con luôn chấp nhận sự bắt bớ và phán xét bất công của anh em con, xin giúp con luôn tìm kiếm Chúa và ý muốn của Chúa trong mọi việc, bất chấp mọi ý kiến sai lầm của người khác; bởi lẽ, con cũng muốn có một ‘sự mất trí đáng ao ước’ vì danh Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN 3B TN : Hãy xin lỗi
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:36 23/01/2021
CN 3B TN : Hãy xin lỗi

“Ơn gọi” thường là đề tài được nhiều linh mục vận dụng nhất khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay. Bởi bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên. Mùa Thường Niên lại thường được xem là mùa Chúa khởi đầu hoạt động công khai thì quả là hợp khi suy tư về ơn gọi, ơn cộng tác với Chúa đi hoạt động.

Nhưng cũng có một đề tài khác, đi trước đề tài ơn gọi, tuy thích hợp cho Mùa Chay, nhưng cũng không kém phù hợp cho những ngày này, đó là đề tài “sám hối”. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Lời giảng đầu tiên của Chúa là như thế, mà có lẽ cũng là đề tài chính cho Chúa Nhật này luôn chăng vì bài đọc I cũng lại là Jona rao giảng sám hối cho dân Ninivê, và chữ nghiêng (như tóm tắt) đầu đoạn Tin Mừng, cũng là : hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ tông đồ của Người bằng lời kêu gọi tha thiết: "Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng" ( Mc 1, 15 ).

Thời đã mãn, nghĩa Kinh Thánh thì khác, nhưng nghĩa ta muốn ứng dụng lại quả phù hợp để chọn đề tài sám hối : thời đã mãn, tức năm Canh Tí đã gần hết, Nước Chúa gần là Tết đến bên, Xuân Tân Sửu ló dạng, anh em hãy sám hối. Cuối năm xét mình hối cải cũng phù hợp, nhưng nhất là ta đang ở cuối tuần lễ cầu cho hợp nhất, mà sám hối lại là nền tảng đặt móng cho toà nhà hợp nhất.

Khi ĐGH Gioan 23 và nhất là ĐGH Phaolo 6 nói về sự phân li trong Kitô giáo : Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành… thì đã lần đầu tiên xuất từ miệng thủ lãnh tối cao của Công Giáo câu này: “lỗi ở cả hai phía.” Đó đã là một bước đại nhảy vọt diễn tả sự sám hối. Tuy 50% : lỗi ở cả hai phía, nhưng đã tiến bộ lắm để đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị, thì nhận lỗi về phía mình luôn.

Giả như năm 1054, năm mà cuộc ly khai Đông và Tây tràn ly nước, giá như lúc đó bên Công Giáo (Tây) cử một nhà ngoại giao mềm mỏng thay cho ĐHY Humberto nóng tính, và bên Đông (Chính Thống) có một người trưởng đoàn khiêm tốn hơn Thượng Phụ Cerularius hơi cao ngạo, thì đâu đến nỗi hai bên ném vạ tuyệt thông cho nhau, và phải đợi đến hơn 900 năm sau, ngày 7-12-1965, tại Roma, ĐGH Phaolo 6 và tại Constantinop, Đức thượng Phụ Athenagoras đã cùng một lúc cất vạ tuyệt thông lẫn nhau.

Còn cuộc ly khai Tây và Tây : Công Giáo và Tin Lành : giả như lúc đó, năm 1517, bảng 95 luận đề của Luther được giáo hội nghiêm chỉnh xét mình sám hối, và Luther cũng không nóng vội lìa xa Hội Thánh, thì đâu xảy ra việc chiếc áo không đường may của Chúa Giêsu bị chia ra thành trăm mảnh. Đúng là lỗi ở cả hai bên, nhưng bên Công Giáo với đa số áp đảo tự nhận mình lỗi 50%, chứ không phải tứ lục 40-60, lỗi bên kia nhiều hơn, đã là bước tiến xa trên con đường sám hối để hợp nhất.

Năm 2000, ĐGH Gioan Phaolô 2 còn mạnh mẽ hơn nhiều khi nhận lỗi về mình, khi đứng ra xin lỗi anh em Chính Thống vì trong quá khứ đã nhiều lần Công Giáo đè nén giáo hội họ, kể cả đè nén bằng vũ lực.

Người Công Giáo tự hào, không phải vì họ không có lỗi, nhưng tự hào vì mình có một vị giáo hoàng đã làm cho lời xin lỗi trở thành chìa khóa mở cánh cửa cho sự hòa giải. Phóng viên Luigi Accattoli trong lúc viết cuốn "Khi Đức Giáo Hoàng ngỏ lời xin lỗi", cho thấy Đức Thánh Cha là hiện thân của sự hòa giải. Dường như ngài là một nhà lãnh đạo biết xoa dịu lòng người bằng lời xin lỗi, ngay cả khi đó không phải là lỗi của chính mình.

Ngay khi còn ở Ba Lan, Đức Thánh Cha, mà ngày ấy còn là Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla đang coi sóc giáo phận Kracovi, trước khi Công Đồng Vatican II kết thúc năm 1965, đã thay mặt Hội Đồng Giám mục Ba Lan gởi một lá thư có nội dung xin lỗi đến Hội Đồng Giám mục Đức. Và qua Hội Đồng Giám mục Đức, Hội Đồng Giám mục Ba Lan cũng ngỏ lời xin lỗi người dân Đức. Lời lẽ trong thư hết sức dịu ngọt: “Chúng tôi tha thứ và xin được tha thứ”. Lẽ ra người Đức phải xin lỗi người Ba Lan mới đúng, vì trong thế chiến thứ hai, chính Đức Quốc xã đã tàn sát người Ba Lan. Nhưng Hội Đồng Giám mục Ba Lan, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla, người mà sau là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Cả), đã lên tiếng trước để xóa bỏ sự thù hận mà chiến tranh gây ra, để hai dân tộc Đức- Ba lan có thể hiệp thông với nhau.

Và vì thế Chúa Nhật 12/3/2000, dưới sự chủ toạ của ĐGH Gioan Phaolô II, 5 vị Hồng Y và 2 giám mục đọc lên 7 lỗi lầm mà Giáo Hội nghĩ là con cái Giáo Hội Công Giáo đã lỗi phạm trong quá trình lịch sử của Giáo Hội.

Những vị đọc những lời nguyện này gồm có Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (sau đó làm giáo hoàng Benedictô 16) xin Chúa và đồng loại tha những lỗi về phục vụ chân lý, Đức Hồng Y Roger Etchegaray về những lỗi lầm chống lại thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, Đức Hồng Y Edward Cassidy về tổn thương hợp nhất và Đức TGM Nguyễn văn Thuận đọc lên những lỗi lầm chống lại công lý và hòa bình, v.v...

ĐGH Phanxicô đương nhiệm thì khỏi sợ là ngài không dám xin lỗi ! Khi một ký giả hỏi ngài, “thưa ngài Bergoglio, ngài tự nhận mình là ai?” ĐGH buột nhanh câu trả lời mà sau đó ĐGH nói không ngờ đúng đến vậy : “tôi là một người tội lỗi.”

Trong đời sống mỗi ngày, ta vẫn thường chứng kiến bao nhiêu rạn nứt dẫn đến chia rẻ: vợ chồng ly dị nhau; hai người bạn đang chơi thân, nhưng vì một lý do nào đó trở thành thù địch; anh em ruột không nhìn nhau nữa; biết bao nhiêu cảnh chém giết, thưa kiện nhau chỉ vì một lời nói gây tự ái, vì của cải, vì đất đai... Những lúc căng thẳng đó, rất cần lời xin lỗi và lòng tha thứ. Đó là những việc cụ thể mà ta có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Chỉ có một tâm hồn sám hối mới có thể hợp nhất và hòa thuận.

Một lần Chúa Giêsu hiện ra với cha Giovani tỏ lòng thương yêu và khen giáo dân của ngài, vì họ làm đẹp lòng Chúa. Cha liền thưa với Chúa:

- Lạy Chúa, chắc là vì họ sốt sắng thờ phượng Chúa?

Chúa lắc đầu, cha hỏi tiếp:

- Có thể là vì họ biết cảm tạ Chúa?

- Cũng không phải thế.

Cha Giovani suy nghĩ một lúc rồi thưa:

- Hay là vì họ biết kêu xin Chúa ban ơn nầy ơn nọ?

Chúa Giêsu cũng lắc đầu nói:

- Con đoán sai cả rồi. Điều mà giáo dân của con làm cho Ta vui lòng nhất là họ biết nài xin mỗi khi cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương tha tội chúng con, vì chúng con là kẻ tội lỗi...

Còn danh hoạ Leonardo da Vinci khi vẽ bức tranh “Bữa Tiệc ly” của Chúa Giêsu, ông có việc cãi vã với một người và đi đến xô xát nhau. Sau đó, ông vào phòng làm việc cầm cọ lên định vẽ gương mặt của Chúa, nhưng ông không phác họa được nét nào. Ngồi mãi không vẽ được, buộc lòng ông phải quyết định làm một việc mà ông tin chắc nó sẽ giúp ông vẽ được gương mặt Chúa... Ông đặt cọ xuống, đi thẳng đến gặp người ông vừa ẩu đả, và làm hòa. Sau đó, ông trở lại phòng làm việc, và vẽ được gương mặt Chúa dễ dàng.

Hãy sám hối vì đã cuối năm và hãy sám hối vì phá vỡ sự hợp nhất Kitô giáo, sự hợp nhất trong gia đình trong gia đình. Hãy thử đi bước đầu : lỗi cả 2 phía đã. Chàng nói : “Em có lỗi, nhưng anh biết anh cũng có lỗi nữa,” để có thể một ngày nào đó chàng nhận lỗi về mình : “tha cho anh vì anh có lỗi với em.”

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Vắng Lời…Trái Tim Chúng Ta Sẽ Băng Giá
LM. Trương Đình Hiền
10:39 23/01/2021
Vắng Lời…Trái Tim Chúng Ta Sẽ Băng Giá

(Chúa Nhật III Thường Niên B 2021)

Lại một lần nữa cả thế giới chứng kiến một vị Tổng Thống Hoa Kỳ đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để chính thức tuyên thệ nhậm chức (như nghi lễ nhậm chức ngày 20.01 vừa qua của ngài Joe Biden, vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ quốc).

Có thể nói được rằng: đất nước Mỹ, xã hội Mỹ, nền chính trị Mỹ được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh, như niềm xác tín của nguyên Tổng Thống Donald Trump, vị Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ mới vừa mãn nhiệm: “Tôi đã thề nguyện trên quyển Kinh Thánh mà mẹ tôi đã dùng để dạy dỗ chúng tôi khi còn nhỏ, và niềm tin đó sống mãi trong trái tim tôi mỗi ngày”. Và chúng ta cũng đừng quên, một trong những điều ấn tượng nhất của Nội Các Tổng Thống D. Trump, đó là “Vào mỗi thứ Tư hằng tuần, tại một căn phòng ở Nhà Trắng, có một nhóm người quyền lực nhất nước Mỹ gặp nhau để cùng học Kinh thánh. Đây có thể nói là sự kiện hy hữu trong vòng 100 năm trở lại đây…. Sở Mật vụ Mỹ không tiết lộ danh tính, nhưng người ta có thể đoán được các thành viên tham gia với những cái tên đầy quyền lực như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos. Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry…”.

Thế nhưng, Tổng Thống Trump và chính quyền của ông đã bị “loại khỏi vòng chiến” trong cuộc đua vào Nhà Trắng từ ngày 3.11.2020 và kết quả chung cuộc đó là ngày 20.01.2021 vừa qua. Người ta bảo: đây là cuộc bầu cử Tổng Thống phức tạp và tai tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Thật vậy, trong sự kiện “bầu cử Tổng Thống Mỹ” vừa qua, hình như đất nước và xã hội Mỹ đã bộc lộ một “mặt trái đầy nham nhở” khiến nhiều người không khỏi thất vọng và lo lắng, giống như tâm trạng của nhiều người khi chứng kiến thảm hoạ “khủng bố tháp đôi ngày 11.9.2001”. Và cũng đã có không ít người đã tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy?”. Và một nữ tín hữu Tin Lành đã có câu trả lời thật dài, với nhiều nguyên do, trong đó phải kể đến nguyên do nầy: “… có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta: 'Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v..., Và chúng ta đã đồng ý !... Điều Kì Lạ... là chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói…”.

Riêng diễn viên Kevin Sorbo, 57 tuổi, được biết đến trong vai diễn những bộ phim bom tấn như “Thiên Chúa không chết” (God’s Not Dead), “Thần Hercules”, “Hành trình huyền thoại” (The Legendary Journey)”… đã nhận định rằng: lý do một nước Mỹ bị tục hoá, bạo lực, khủng bố (do các phong trào BLM, Antifa…)… và xuống dốc trầm trọng về luân lý, đạo đức bởi vì đã đánh mất những “quy chuẩn Kinh Thánh”.

Sở dĩ nêu lên những sự kiện thời sự có liên quan đến Kinh Thánh ở trên vì Chúa Nhật hôm nay được Giáo Hội đặt làm “Chúa Nhật Lời Chúa”; và trong Tự sắc Aperuit Illis (Người mở trí cho các ông), chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng cảnh báo rằng: “Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta”.

Và để đào sâu thêm vai trò của Lời Chúa, Kinh Thánh, Tin Mừng trong nhịp sống đức tin, chúng ta cùng lắng nghe sứ điệp được chuyển tải qua các Bài Đọc vừa được công bố.

Trước hết, trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa hôm nay có thể được quy chiếu vào những lời đầu tiên của Tin Mừng Máccô mà chúng ta vừa nghe: Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Nhưng trước khi đi sâu vào sứ điệp của Lời Chúa mà Tin Mừng Máccô hôm nay khơi gợi, chúng ta lại phải đi qua, phải đón nhận một “TIN KHÁC”, một tin mà theo sách tiên tri Giona (Bđ 1), đã làm cho “người đưa tin” bực dọc chối từ, và làm cho dân thành Ninivê xôn xao sợ hãi…!.

Thật vậy, chúng ta vừa nghe bài đọc 1 công bố với trích đoạn sách Giona, tường thuật về vị tiên tri mang cùng tên gọi, cứng đầu, bất đắc dĩ đã loan báo một “tin buồn dữ dội”: “còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Trước “bản tin giật gân động trời nầy”, toàn dân Ni-ni-vê đồng loạt đứng lên cùng nhau khiêm hạ ăn năn sám hối; và rồi “mùa đông băng giá của lắng lo đau buồn, của án phạt, đổ vỡ đã đi qua” để nhường chỗ cho một “mùa xuân của thứ tha và xót thương chợt đến”. “Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó”. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: Bản tin chết người của Giona hóa ra lại là một TIN MỪNG. Nếu không nhờ cái “tin chết người” nầy, thì làm sao dân Ninivê chuyển đổi, ăn năn sám hối, làm sao họ được thứ tha. Chắc chắn, cũng chính trong ý nghĩa “tin vui về sám hối và thứ tha nầy”, mà khi Đức Ki-tô khi loan báo về “Tin mừng Nước Thiên Chúa”, thì đồng thời Ngài đã kêu gọi một động thái tinh thần cơ bản kèm theo đó là “Sám Hối”: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Nếu đem sứ điệp Tin Mừng nầy mà soi vào cuộc sống đời thường, thì quả thật, mỗi người Kitô hữu đều đã chứng kiến bao nhiêu lần “tin mừng đã đi qua cuộc đời”. Vâng, mỗi một lần từ tòa cáo giải đi ra, không phải là một “Tin Mừng tha thứ” vừa đi qua cõi lòng chúng ta đó sao? Mỗi một lần được đón nhận Mình Thánh Chúa, lại không là một lần đón nhận “Tin Mừng Chúa ngự đến viếng thăm trọng đại” đó sao? Rồi xa hơn một chút, ngày chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép Thêm Sức, ngày chúng ta cử hành bí tích hôn phối để nên duyên vợ chồng, ngày linh mục bước lên bàn thánh, ngày người nữ tu lần đầu tiên cam kết khấn dòng…, nào tất cả không là những “mùa xuân của ân thánh”, những tin mừng ngút ngàn được trao ban? Mà chẳng tìm kiếm đâu xa, mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống, nếu chúng ta biết nhận ra ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa, biết nhận thấy bóng dáng của hồng ân, biết tìm gặp bàn tay nhân ái và quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa chạm đến cuộc đời yếu đuối, tội lỗi, nghèo hèn của chúng ta….thì quả thật “Tin Mừng đã dàn trải cả cuộc đời chúng ta, Tin Mừng đã giăng mắc khắp đường đi lối bước của chúng ta. Một đức tin đúng nghĩa là một đức tin luôn tìm thấy “Tin mừng xuyên qua cuộc sống”. Và đó chính là điều Đức Kitô mang đến, là chính “Tin mừng về Nước Thiên Chúa” mà Đức Kitô đã công bố cách đây 2000 năm và Ngài truyền cho Giáo Hội tiếp tục chuyển tải cho thế giới, cho nhân loại. Vâng, Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, đang ở đây, giây phút nầy, khi ta mở rộng cõi lòng đón nhận sự hiện diện ắp đầy của Thiên Chúa, tình thương cứu độ của Đức Kitô.

Thế nhưng, để có thể biết được Thiên Chúa, để có thể nhận ra Đức Kitô thì không có con đường chắc chắn nào khác ngoài con đường THÁNH KINH, như trải nghiệm của thánh Giáo phụ Giêrônimô mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại trong Tông thư Scripturae Sacrae Affectus (Lòng yêu mến Kinh Thánh): “chỉ vì Kinh Thánh đã dẫn dắt ngài học biết Đức Kitô, bởi lẽ, không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”.

Nói cách khác, cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu, hay cuộc lữ hành miên viễn của nhân loại trên trái đất nầy chỉ có thể được định hướng, dẫn dắt, và tìm thấy ý nghĩa cũng như cùng đích cuối cùng khi biết mở lòng ra đón nhận Lời Chúa, đón nhận Kinh Thánh, như lời Đức Phanxicô lưu ý trong Tông thư Aperuit Illis: “Chúng ta là Kitô hữu, như một dân đang lữ hành trong lịch sử, được nâng đỡ nhờ sự diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Đấng đang nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày dành riêng cho Kinh Thánh không phải là ‘mỗi năm một lần’, nhưng là một lần cho cả năm, vì chúng ta rất khẩn thiết cần phải trở nên gần gũi, mật thiết với Sách Thánh và với Chúa Giêsu phục sinh, Đấng không ngừng bẻ bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể giữa cộng đoàn tín hữu. Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta” (Aperuit Illis số 8).

Và chính vì lẽ đó mà tất cả những ai đã nhận được “mật ngọt dịu dàng của Lời Chúa”, những ai đã từng cảm nghiệm “Tin Mừng xuyên qua chính cuộc đời mình”…, thì phải có trách nhiệm “ra đi”, “chia sẻ”: “Hiệu quả dịu dàng của Lời Chúa thúc đẩy chúng ta chia sẻ với những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời sống thường ngày để diễn tả cho họ sự chắc chắn về niềm hy vọng mà Lời Chúa chứa đựng” (cf. 1 P 3, 15-16) (Apruit Illis số 12).

Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã minh định rằng: Chính thái độ nhiệt tình, quảng đại mau mắn bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cả người thân để lên đường theo Chúa Kitô, đã biến những anh dân chài quê mùa dốt nát xứ Galilê trở nên những Vị Đại Tông đồ ngàn năm bất tử. Thật vậy, nếu 2000 năm trước, những con người như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê…không cảm nhận được vẽ đẹp tuyệt vời của Tin Mừng Nước Chúa, của sứ mệnh cao quý và khẩn thiết “đi chài lưới người”… thì làm gì có Giáo Hội Công Giáo hôm nay? Cũng vậy, chính tại quê hương Việt Nam thân yêu nầy, nếu không có những thừa sai như Stêphanô, Gagelin, Anrê Phú Yên, Anrê Kim Thông, bao nhiêu vị chứng nhân anh hùng, đã dám liều mình chấp nhận mọi đắng cay, thua thiệt, cho đến cả mạng sống, thì làm gì có Giáo Hội Việt Nam, giáo phận Qui Nhơn ! Cái giá cao quý đó không là một chứng từ rõ nét để mỗi người chúng ta hôm nay noi dấu hay sao?

Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay lại vang lên trong những ngày cuối năm Âm lịch, những ngày mà nhiều người đang tất bật xôn xao bận bịu đủ thứ chuyện trên đời. Trong một thế giới đang bị cám dỗ để chạy theo tiền tài, vật chất và những giá trị trần tục chóng qua, thì một lần nữa, lời Thánh Phaolô hôm nay trong Bđ 2, đã vang lên như một lời cảnh báo cần thiết: “bộ mặt thế gian đang qua đi”.

Chắc chắn, đó không là một lời nói “mị dân, phĩnh gạt” để chúng ta sao nhãng những trách nhiệm trần thế; nhưng cốt yếu, để luôn tỉnh táo và xác tín rằng: Chỉ có một điều mãi mãi tồn tại và mỗi ngày đang phát triển, đó chính là Nước Trời, là Đức Kitô, là Thiên Chúa tình yêu vĩnh cửu. Và vì thế, ưu tiên số một mãi mãi vẫn là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, là loan báo “Tin Mừng Cứu độ của Chúa Giêsu”; hay như ước nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Chúa Nhật Lời Chúa nầy: “Ước gì Chúa nhật Lời Chúa có thể làm lớn lên trong dân Chúa lòng sùng đạo và sự chăm chỉ quen thuộc với Thánh Kinh, như tác giả thánh đã dạy trong thời xưa “Lời này ở gần ngươi, Lời ở trong miệng ngươi và trong tim ngươi, để ngươi đem ra thực hành” (Tl 30, 14) (Aperuit Illis số 15). Amen.

LM. Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:28 23/01/2021

29. Chúng ta quyết tâm hối cải, khi tử bỏ những thói quen xấu thì những thói quen xấu ấy sẽ giúp cho chúng ta tu đức nên thánh.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 23/01/2021
44. XƯỚNG CA ĐÁNH NHỊP

Trong các người gác cổng của họ Ngô (nam sắc), đều giỏi về môn ca xướng, nhưng trước mặt quan trưởng thì tất cả đều không dám hát.

Một ngày nọ, Ngô Khúc La và các đồng liêu đọc công văn nơi hiệu quán, đêm sắp đến, bèn gọi những người gác cổng xướng hát, những người gác cổng cừ đùn đẩy cho nhau, và đều nói:

- “Không biết hát”.

Ngô Khúc La giận dữ nói:

- “Không hát thì tất cả đều bị đánh mười hèo nơi mông !”

Nhưng vừa mới đánh mông của vài người gác cổng, thì tất cả đều tranh nhau hát.

Ngô Khúc La cười nói:

- “Được rồi, từ nay trước khi hát thì phải đánh nhịp (phách)”. (1)

Các đồng liêu đều cười ha ha.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 44:

Đánh nhịp là việc làm của ca trưởng để giữ nhịp cho ca đoàn hay ban hát trình diễn trên sân khấu hoặc hát thánh ca trong thánh lễ, cho nên vai trò của người đánh nhịp rất là quan trọng.

Nguyên tắc đánh nhịp thì có sẵn, nhưng cách đánh nhịp của mỗi ca trưởng thì không giống nhau, và nặng về phần trình diễn theo cá tính cộng thêm với cảm xúc của mình: có người khi đánh nhịp thì hai tay như múa, có người khi đánh nhịp thì hai tay giựt giựt dù bài hát không giựt, làm cho khán giả chú ý đến họ mà không chú ý nghe lời của bài thánh ca, họ đã biến thánh lễ thành buổi biểu diễn đánh nhịp của các người đánh nhịp...

Đánh nhịp là để giữ nhịp giữ phách cho ban hát hay ca đoàn hát đúng nhịp phách.

Cũng vậy, các linh mục là những nhạc trưởng đánh nhịp để cho các tín hữu -nói chung- và con chiên trong họ đạo mình -nói riêng- sống đạo cho đúng nhịp phách như ý Thiên Chúa mong muốn, cho nên các nhạc trưởng linh mục này cần phải đào sâu thêm chiều kích của mầu nhiệm ơn cứu độ qua suy tư và kinh nghiệm sống của mình, có như thế mới không làm cho “nhịp, phách” nơi đời sống tâm linh của giáo dân bị lộn xộn, vì cha sở của mình đã đánh nhịp sai nhịp, đánh phách trật phách...

Chỉ có ma quỷ mới làm cho nhịp phách trong đời sống thiêng liêng của chúng ta sai nhịp, bởi vì ma quỷ không bao giờ mong muốn Người Ki-tô hữu kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như lời của Chúa dạy.

(1): 打板phát âm là “ta-ban”, có hai ý: vừa là dùng vật gì đó để đánh người vừa là đánh nhịp, phách.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Biến Cố Đổi Đời
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
21:21 23/01/2021
Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại
Biến Cố Đổi Đời

Suy niệm ngày lễ Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, Đức Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống hỏi và trả lời khi viết : nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp.

Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ?.

Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.

- Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi "tại sao?" đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là Phaolô đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.
- Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận "tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi".
- Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.
- Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.
- Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự

Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: "Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi".

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì "Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô...” ( Pl 3, 7-9).

Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: "vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là "tất cả mọi sự và trong mọi người" (Cl 3, 11).

Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô.

Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi"; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor 11, 23-27).

Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng:"anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài".

Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai... (2 Tim 1, 8-12). Vì Đức Kitô "tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích" (2Tim 2, 9).

Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình "Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy "chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4, 8-9)

Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài "Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi"(Gal 2, 20).

3. Những cú "ngã ngựa" trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo.... Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39)

Nhìn vào biến cố "ngã ngựa" đổi đời của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú "ngã ngựa". Có những cú "ngã ngựa" trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú "ngã ngựa" trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe...

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn "ngã ngựa" chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo chiều gió thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn "ngã ngựa" như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam - Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. "Tội hồng phúc" là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú "ngã ngựa" của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu "ngã ngựa" là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.
 
Thứ Hai 25/1: Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
23:50 23/01/2021


PHÚC ÂM: Mc 16, 15-18

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn văn lời phản bác của Hội Đồng Giám Mục Mỹ bác bỏ tuyên bố của ông Joe Biden và bà Kamala Harris
Đặng Tự Do
00:58 23/01/2021

Năm ngoái để kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade, Tổng thống Trump đã tham gia vào cuộc tuần hành phò sinh. Ông là tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên đích thân phát biểu trong cuộc tuần hành này.

Ông Joe Biden tự xưng mình là người Công Giáo. Nhưng trớ trêu thay vào ngày kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade, 22 tháng Giêng, ông và bà Kamala Harris đã ca ngợi phán quyết này, gọi đó là một sự tiến bộ về quyền và sức khỏe của phụ nữ, đồng thời sẽ luật hóa phán quyết này để mọi tiểu bang đều phải cho phép phụ nữ được tự do phá thai.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ông Joe Biden và bà Kamala Harris, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra tuyên bố sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Trong một tuyên bố hôm nay, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris đã đánh dấu ngày kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade, là điều đã lật ngược tất cả các hạn chế về phá thai trên toàn quốc, bằng cách gọi quyết định này là một sự tiến bộ về quyền và sức khỏe của phụ nữ. Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas, đồng thời là Chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đáp lại như sau:

“Thật là đáng lo ngại và bi thảm trước bất kỳ Tổng thống nào ca ngợi và cam kết luật hóa một phán quyết của Tòa án Tối cao phủ nhận quyền dân sự và là nhân quyền cơ bản nhất của các thai nhi chưa chào đời, đó là quyền được sống, dưới sự ngụy trang của một dịch vụ y tế. Tôi muốn nhân cơ hội này để nhắc nhở tất cả những người Công Giáo rằng Sách Giáo lý tuyên bố rằng: ‘Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi’. Các quan chức nhà nước không chỉ chịu trách nhiệm về niềm tin của chính cá nhân họ mà còn về những ảnh hưởng của các hành động công cộng của họ. Việc nâng phán quyết phá thai Roe lên vị thế của một quyền được bảo vệ và việc loại bỏ các hạn chế của nhà nước về phá thai đã mở đường cho cái chết kinh hoàng của hơn 62 triệu trẻ em vô tội và vô số phụ nữ phải trải qua nỗi đau mất mát, bị bỏ rơi và bạo lực”.

“Chúng tôi đặc biệt thúc giục tổng thống bác bỏ việc phá thai và cổ vũ việc trợ giúp phò sinh cho các phụ nữ và các cộng đồng đang cần được giúp đỡ.”

+ Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann

Chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh



Source:USCCB
 
Tiến sĩ George Weigel: Lòng can đảm của Đức Tổng Giám Mục José Gomez trong ngày nhậm chức của ông Joe Biden
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
05:24 23/01/2021
Trong bài “In unprecedented move, Cardinal Cupich criticizes USCCB statement on Biden”, nghĩa là “Trong động thái chưa từng có, Hồng Y Cupich chỉ trích tuyên bố của USCCB về Biden”, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, viết như sau:

Hồng Y Blase Cupich, tổng giám mục Chicago, đã sử dụng Twitter để đưa ra những lời chỉ trích gay gắt về tuyên bố chính thức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, trong ngày lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Trong một liên khúc 4 Tweets vào hôm thứ Tư, Hồng Y Cupich nói rằng “Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố thiếu cân nhắc vào ngày nhậm chức của Tổng thống Biden. Bên cạnh thực tế là dường như không có tiền lệ để làm như vậy, tuyên bố chỉ trích Tổng thống Biden đã gây ngạc nhiên cho nhiều giám mục, những người đã nhận được nó chỉ vài giờ trước khi nó được phát hành”.

Ông nói thêm: “Tuyên bố được soạn thảo mà không có sự tham gia của Ban Thường Vụ, cũng chẳng có một cuộc tham vấn tập thể là một quy trình bình thường đối với những tuyên bố thay mặt và nhận được sự tán thành của các giám mục Hoa Kỳ”.

“Những thất bại về thể chế nội bộ liên quan phải được giải quyết, và tôi mong muốn được đóng góp vào tất cả các nỗ lực cho mục tiêu đó, để khi được linh hứng từ Phúc âm, chúng ta có thể xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội, và cùng nhau thực hiện công việc chữa lành quốc gia trong thời điểm khủng hoảng này”, Hồng Y Cupich nói.

Những lời chỉ trích công khai đối với USCCB được đưa ra sau khi Hồng Y Cupich công bố một tuyên bố riêng trên trang web của mình không bao gồm những lời chỉ trích ông Joe Biden của USCCB. Điều này diễn ra sau một loạt các phản ứng đối với Hồng Y Cupich từ các giám mục Hoa Kỳ ủng hộ tuyên bố của USCCB.


Trên tờ First Things ngày 21 tháng Giêng, Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và cũng là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến các trục trặc giữa các Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề này.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Archbishop José Gomez: A Profile In Episcopal Courage

By George Weigel

Tổng Giám Mục José Gomez: Một diện mạo về lòng dũng cảm của Giám mục


Trong cuộc họp thường niên của các ngài vào tháng 11 năm ngoái, một số rất đông các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ nhận ra rằng việc Joe Biden được bầu vào chức vụ tổng thống đã đưa Giáo hội đến một điểm đáng quan ngại.

Vị Tổng thống vừa được đắc cử đã nói từ lâu, và với sự chân thành rõ ràng, về những cách thức mà đức tin Công Giáo của ông đã nâng đỡ ông trong những thời điểm đau khổ lớn lao, bao gồm cái chết của người vợ đầu tiên và của con trai ông. Ông thường xuyên tham dự thánh lễ và nổi tiếng là người thích khoe khoang về việc mang theo chuỗi hạt Mân Côi bên mình. Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô, và thường nói về tình cảm của ông dành cho các nữ tu, cũng như viện dẫn học thuyết xã hội của Giáo hội như một nguồn gốc cho các quan điểm chính sách của ông.

Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp ở Thượng viện và tám năm làm phó tổng thống, Biden đã trở thành một người ủng hộ cứng rắn hơn bao giờ hết những cách giải thích cực đoan nhất về chế độ phá thai do phán quyết Roe chống Wade áp đặt lên đất nước vào năm 1973 và được củng cố bởi vụ Planned Parenthood kiện Casey vào năm 1992. Ông là một người ủng hộ nhiệt thành trong vụ Obergefell kiện Hodges, và rất hăng hái với “hôn nhân đồng tính”, và chính ông đã cử hành một đám cưới đồng tính như vậy khi còn là phó tổng thống. Bên cạnh đó không có sự tách biệt rõ ràng giữa các quan điểm chính sách gần đây của ông ta, và quan điểm của những người hô hào LGBT và “lý thuyết giới tính” hung hăng nhất. Hơn nữa, ông ta dường như không biết đến những mối đe dọa mà tất cả những điều này gây ra đối với tự do tôn giáo của các cơ sở Công Giáo và quyền lương tâm của người Công Giáo trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các lĩnh vực khác. Trong chiến dịch tranh cử sơ bộ năm 2020, ông Biden đã đi xa đến mức nói rằng, với tư cách là tổng thống, ông ta sẽ hủy bỏ quyền miễn trừ mua bảo hiểm tránh thai Obamacare (bao gồm một số thuốc phá thai) mà chính quyền sắp mãn nhiệm đã cấp cho Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo, là các nữ tu đã từ chối bao gồm các biện pháp tránh thai và thuốc phá thai trong bảo hiểm y tế cho nhân viên của các chị.

Cuộc họp tháng 11, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đạt được điều mà một giám mục sau này mô tả là một “sự đồng thuận như sấm sét” rằng tình hình đã đến một điểm uốn; một giám mục khác nói rằng cuộc họp kết thúc với một “nhiệm vụ rõ ràng, mạnh mẽ” để hành động. Vậy thì phải làm gì?

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, đã quyết định chỉ định một Nhóm Công Tác Liên Hệ Với Chính Quyền Mới, nhóm này sẽ đề xuất một kế hoạch hành động trước các thách thức chưa từng có đối với sự thống nhất về bí tích và luân lý của Giáo hội. Nhóm Công tác sẽ do phó chủ tịch USCCB, Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Detroit, chủ trì; các thành viên giám mục của nhóm sẽ bao gồm chủ tịch của các ủy ban thường trực USCCB có liên quan; và nhóm sẽ đưa ra các khuyến nghị của mình cho chủ tịch USCCB là Đức Tổng Giám Mục Gomez càng sớm càng tốt.

Trong hai cuộc họp, Nhóm Công tác đã nhanh chóng đạt được sự đồng thuận và đưa ra các khuyến nghị của họ cho Đức Tổng Giám Mục Gomez. Như Đức Cha Gomez sau đó đã báo cáo với các giám mục, Nhóm Công tác đã đề xuất hai sáng kiến. Đầu tiên là một bức thư gửi cho tân tổng thống từ Đức Tổng Giám Mục Gomez, viết với tư cách là một mục tử. Bức thư hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho chính quyền mới trong các lĩnh vực thỏa thuận. Nó cũng sẽ xác định các chính sách của chính quyền, bao gồm phá thai, mà các giám mục tin rằng vi phạm phẩm giá con người, và nó sẽ thúc giục tân tổng thống đánh giá lại lập trường của mình về những vấn đề này. Sáng kiến thứ hai do Nhóm Công tác đề xuất là phát triển một tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục về tính toàn vẹn Thánh thể của Giáo hội.

Điều thứ hai vẫn đang được phát triển — và sẽ được phát triển — nhưng Đức Tổng Giám Mục Gomez đã đồng ý với khuyến nghị của Nhóm Công tác rằng một đường lối đương đầu với tân tổng thống phải được ưu tiên thực hiện càng sớm càng tốt. Thay vì một lá thư, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã quyết định đưa ra một tuyên bố công khai vào ngày ông Biden nhậm chức.

Tuy nhiên, một ngày trước lễ nhậm chức, Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago và Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark, cũng như Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã gây áp lực mạnh mẽ để buộc Đức Tổng Giám Mục Gomez không được đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Đức Tổng Giám Mục Gomez đã chống lại những áp lực đó và dự định đưa ra tuyên bố của mình vào lúc 9 giờ sáng trong ngày nhậm chức, tức là ba giờ trước khi tổng thống mới tuyên thệ. Sau đó, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã can thiệp, yêu cầu trì hoãn việc đưa ra tuyên bố. Cách giải thích bác ái nhất về sự can thiệp chưa từng có này vào hành động được đề xuất của cả một Hội Đồng Giám Mục quốc gia là nó phản ánh mối quan ngại của Vatican rằng tuyên bố Công Giáo đầu tiên về vị tổng thống mới phải đến từ chính Đức Giáo Hoàng (như đã làm ngay sau trưa ngày 20 tháng Giêng, trong một thông điệp chúc mừng nhẹ nhàng). Cũng có thể suy đoán, không phải là vô lý, rằng những người tự nhận là đại diện cho Vatican, và có lẽ cho chính cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã cố gắng để làm Tổng Giám Mục Gomez phải im lặng.

Trong một bài báo trực tuyến được xuất bản ở Mỹ, một quan chức Vatican giấu tên nói rằng Tòa Thánh đã không biết về một tuyên bố sắp xảy ra của Đức Tổng Giám Mục Gomez cho đến vài giờ trước khi lịch trình đưa ra tuyên bố này bị rò rỉ. Người ta tự hỏi ai có thể đưa ra những lo ngại về một tuyên bố như vậy với các quan chức Rôma vào phút cuối và thúc giục sự can thiệp của Vatican vào các vấn đề công chúng sự vụ tại Mỹ? Có ai, ở hai bên bờ Đại Tây Dương, cho rằng sự can thiệp như vậy chính xác là điều mà các truyền thuyết Tin Lành da đen cổ kính (chưa kể phim hoạt hình Thomas Nast) đã cảnh báo hàng thế kỷ? Liệu Tòa Thánh có cố gắng ngăn chặn hoặc trì hoãn hay không việc công bố các tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức (một số vị đã có những phát biểu công khai gần đây rất xa lạ với các vấn đề đã được thiết định trong giáo lý và thực hành Công Giáo)? Tại sao thuyết tân độc tôn giáo quyền Rôma (ultramontanism) chỉ áp dụng cho Hoa Kỳ?

Đây là những câu hỏi thú vị cho tương lai.

Trong sự kiện này, tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Biden hoàn thành bài diễn văn nhậm chức. Đó rõ ràng là một tuyên bố mục vụ, không phải là một tuyên ngôn chính trị. Giọng điệu của nó hoàn toàn tôn trọng và xa lánh chủ nghĩa giáo sĩ trị. Nó ghi nhận lòng mộ đạo được lặp lại và bày tỏ công khai của tân tổng thống trong “thời kỳ chủ nghĩa thế tục đang phát triển và hung hăng trong văn hóa Mỹ”. Tuyên bố cũng cam kết làm việc với chính quyền sắp tới về các vấn đề mà các giám mục đã nêu bật trong ấn bản gần đây nhất trong bản hướng dẫn của các ngài có tựa đề Hình Thành Lương Tâm Cho Các Tín Hữu Công Dân, chẳng hạn như chính sách nhập cư, cải cách tư pháp hình sự, chống phân biệt chủng tộc và trao quyền cho người nghèo. Tuyên bố cũng hoan nghênh “Lời kêu gọi hàn gắn và thống nhất quốc gia của Tổng thống Biden” và đề xuất một cuộc đối thoại với tân tổng thống và tân chính quyền về các bước xây dựng nền văn hóa sự sống ở Hoa Kỳ.

Và tuyên bố đã nêu bật đúng mức tầm quan trọng đạo đức độc đáo của các vấn đề cuộc sống, nhấn mạnh rằng việc cho phép phá thai “không chỉ là vấn đề cá nhân, mà nó còn đặt ra những câu hỏi cơ bản và rắc rối về tình huynh đệ, tình liên đới và sự hòa nhập trong cộng đồng nhân loại”. Do đó, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã viết rằng vấn đề phá thai “là một vấn đề công bằng xã hội”, vì người Mỹ “ không thể bỏ qua thực tế rằng tỷ lệ phá thai cao hơn trong số những người nghèo và các sắc dân thiểu số, và phá thai thường xuyên được sử dụng để loại bỏ những thai nhi có khuyết tật bẩm sinh”.

Theo bất kỳ tiêu chuẩn hợp lý nào, tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez đều là cân bằng và cẩn thận. Nếu không có những tranh cãi nổ ra trước và sau khi tuyên bố được đưa ra, một số người có thể cho rằng tuyên bố này quá cân bằng và quá cẩn thận. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi đã làm người ta chú ý hơn đến lập trường vững chắc, rõ ràng và dứt khoát của tuyên bố về “ưu tiên tối thượng” của các vấn đề cuộc sống — và do đó làm tăng tác động của những phần trong tuyên bố mà các Hồng Y bất đồng ý kiến có thể đã phản đối đến mức họ đã cố gắng đập tan toàn bộ tài liệu này.

Sau đó vào cuối ngày nhậm chức, Đức Hồng Y Cupich đã đưa ra một tuyên bố, theo sau là một loạt các tweet, chê trách tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez là “thiếu cân nhắc”, gây ra một “sự ngạc nhiên đối với nhiều giám mục”, và đó là kết quả của “những thất bại thể chế trong nội bộ” của USCCB. Liệu những bản án khắc nghiệt này có phản ánh ý kiến ở Rôma hay chỉ là ý kiến ở Chicago thì vẫn chưa rõ ràng. Trong mọi trường hợp, họ không chịu suy xét kỹ lưỡng.

Gợi ý cho rằng Đức Tổng Giám Mục Gomez cách nào đó đã hành động độc lập với Hội Đồng Giám Mục và do đó, là vô trách nhiệm, là một gợi ý tự nó là không công bằng và vô trách nhiệm. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục được soạn thảo theo các khuyến nghị của Nhóm công tác mà ngài đã chỉ định vào tháng 11. Những khuyến nghị đó lần lượt phản ánh sự đồng thuận rộng rãi giữa các giám mục được trình bày tại cuộc họp tháng 11 của USCCB. Hơn nữa, trong việc xác định các lĩnh vực thỏa thuận và bất đồng với chính quyền sắp tới, tuyên bố không vượt quá bất cứ điều gì USCCB đã nói trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Gợi ý rằng có một điều gì đó chưa từng có ở đây là làm sai lệch lịch sử. Điều thực sự chưa từng có, như Đức Tổng Giám Mục Gomez đã chỉ ra trong tuyên bố của mình, là hoàn cảnh của một tổng thống Hoa Kỳ, người tuyên xưng mình là một tín hữu Công Giáo sùng đạo và chân thành nhưng lại công khai cam kết tạo điều kiện cho những tệ nạn đạo đức nghiêm trọng. Không thừa nhận sự thật đó và không giải quyết vấn đề đó với tổng thống mới, sẽ khiến các giám mục phải trả giá đắt về phương diện tự trọng của các ngài và đánh mất sự tín nhiệm của công chúng.

Không một giám mục nào tham dự cuộc họp USCCB tháng 11 và lắng nghe cẩn thận những lo ngại được bày tỏ ở đó có thể bị bất ngờ trước nội dung tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez. Tuyên bố phản ánh khá chính xác các chủ đề chính của cuộc họp đó: Có nhiều vấn đề đạo đức nghiêm trọng trong cuộc tranh luận về chính sách công đương thời, nhưng các vấn đề liên quan đến sự sống, như chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, được ưu tiên hơn vì chúng đụng đến những vấn đề cơ bản liên quan đến phẩm giá con người và là những nguyên tắc đầu tiên của công lý. Một số người có thể ngạc nhiên rằng sao Đức Tổng Giám Mục Gomez lại có can đảm viết một lá thư thẳng thắn như vậy cho Tổng thống Biden, và ngài đã làm như vậy sau khi bị hai vị Hồng Y gây sức ép; nhưng bất kỳ sự ngạc nhiên nào như vậy đều tố cáo sự thiếu hiểu biết về người đàn ông này. Đức Tổng Giám Mục Gomez là một người trầm lặng và nhẹ nhàng, không tìm kiếm ánh đèn sân khấu; ngài không phải là một người viết các tweets tài ba; và ngài không thích đối đầu. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn, ngài là một người có đức tin sâu sắc và lòng đạo đức vững chắc, là người đã nhận thức rõ vào tháng 11 rằng tình hình đã đạt đến điểm uốn và rằng uy tín truyền giáo của Giáo hội đang bị đe dọa vì điều đó. Ngài đưa ra một diện mạo về lòng dũng cảm của Giám mục vào thời điểm một vài người khác - những người thực sự là ngoài lề trong bi kịch này - đang đòi hỏi (với hy vọng là người ta không nhận ra được sự tương tự) một sự tái diễn cách tiếp cận nuông chiều đối với các quan chức Công Giáo được Theodore McCarrick ủng hộ từ lâu, đặc biệt là trong cuộc bầu cử năm 2004.

Trong nhiều tháng qua, một sự đồng thuận đã xuất hiện giữa các giám mục Hoa Kỳ, bao gồm hầu như toàn bộ hàng giáo phẩm lãnh đạo USCCB: Duy trì một bề mặt giả tạo về sự thống nhất giữa các giám mục là điều không đáng để phải hy sinh những sự thật mà Giáo hội phải nói ra. Những điều đó bao gồm sự thật về sự toàn vẹn bí tích của Giáo Hội và sự mạch lạc của Thánh Thể; sự thật về phẩm giá và giá trị bất khả xâm phạm của cuộc sống mỗi con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên; sự thật về tự do tôn giáo đầy đủ và các quyền lương tâm của những người từ chối hành động chống lại nhân phẩm; và sự thật về mối quan tâm của Giáo hội đối với sức khỏe tâm linh của các quan chức Công Giáo, những người, với bất kỳ mức độ chủ quan nào, lại đang tạo điều kiện cho những tệ nạn luân lý nghiêm trọng.

Trong bài phát biểu nhậm chức thường gây xúc động của mình, Tổng thống Biden đã kêu gọi chúng ta “chấm dứt cuộc nội chiến giữa màu đỏ và màu xanh” và tuyên bố niềm tin của ông rằng “chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta mở rộng tâm hồn thay vì chai cứng trái tim mình”. Tôi nghi rằng Đức Tổng Giám Mục José Gomez đã được trao cho một bản sao bài diễn văn của tổng thống trước khi ông ấy nói. Nhưng, ơn Chúa quan phòng, tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục vào ngày nhậm chức là một lời mời của một mục tử đối với Tổng thống Biden hãy làm điều đó: hãy mở rộng tâm hồn mình để đón nhận sự trọn vẹn của chân lý Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục, cũng như rất nhiều Hồng Y và giám mục đã ủng hộ ngài, xứng đáng được ghi nhận công lao to lớn vì đã can đảm làm điều đó, và sẽ tiếp tục làm việc để biến điểm uốn này thành một thời điểm đổi mới Phúc âm hóa Công Giáo, bất kể giá cả phải trả.


Source:First Things
 
Sứ điệp ngày Truyền thông Xã hội năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:30 23/01/2021


Hôm 23 tháng Giêng, Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp ngày Truyền thông Xã hội năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề “Hãy đến và xem”. Đó là câu Chúa Giêsu nói với những môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đang muốn biết Ngài ở đâu.

Nguyên bản tiếng Ý và các ngôn ngữ khác có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ

“Hãy đến và xem” (Ga 1,46) Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ

Anh chị em thân mến,

Lời mời gọi “đến và xem”, vốn là một phần trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy cảm xúc giữa Chúa Giêsu với các môn đệ Người, cũng là phương pháp cho mọi sự truyền thông đích thực của nhân loại. Để có thể thuật lại chân lý của cuộc sống, là điều làm nên lịch sử (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54, 24 tháng Giêng 2020), cần phải vượt ra khỏi thái độ tự mãn, cho rằng chúng ta “đã biết” những điều nhất định. Thay vào đó, chính chúng ta cần ra đi và nhìn thấy chúng, dành thời gian với người dân, lắng nghe những câu chuyện của họ và đối diện với thực tế, là điều luôn làm chúng ta ngạc nhiên cách này cách khác. Chân phước Manuel Lozano Garrido[1] khuyên các ký giả đồng nghiệp: “Hãy mở mắt với sự ngạc nhiên trước những gì các bạn thấy, và để cho đôi bàn tay chạm vào sự tươi mát và sinh động của sự việc, để khi người khác đọc điều bạn viết, chính họ cũng có thể chạm vào điều kỳ diệu linh động của cuộc sống.” Do đó, năm nay tôi muốn dành Sứ điệp này cho lời mời gọi “hãy đến và xem”, là điều có thể gợi ý cho mọi truyền thông có ý muốn trở nên rõ ràng và trung thực, trên báo chí, trên internet, trong việc giảng dạy hàng ngày của Giáo hội cũng như trong giao tiếp chính trị hoặc xã hội. “Hãy đến và xem!”. Đây luôn là cách mà đức tin Kitô được truyền đạt, từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên bên bờ sông Giođan và Biển Galilê.

Chạm đến cuộc sống

Trước tiên chúng ta hãy suy nghĩ về vấn đề quan trọng của việc tường thuật tin tức. Những tiếng nói sáng suốt từ lâu đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ các phóng sự điều tra nguyên thủy trên báo chí và truyền hình, trên radio và trên các trang web tin tức đang được thay thế bằng các phúc trình rập khuôn theo một tiêu chuẩn, thường là việc tường thuật nhàm chán. Đường lối này ngày càng ít có khả năng nắm bắt chân lý của sự việc và cuộc sống cụ thể của con người, và càng ít nắm bắt hơn nữa những hiện tượng xã hội quan trọng hoặc những phong trào tích cực ở mức độ cốt yếu của chúng. Cuộc khủng hoảng của ngành truyền thông có nguy cơ đưa đến việc một phóng sự được viết trong các tòa soạn, trước các máy tính của cá nhân hay công ty, và trên mạng xã hội, không bao giờ “chạm đến cuộc sống”, không gặp gỡ con người mặt đối mặt để tìm hiểu các câu chuyện hoặc xác minh một số tình huống tại chỗ. Trừ khi chúng ta sẵn sàng với những cuộc gặp gỡ này, chúng ta vẫn chỉ là những khán giả, bất kể tất cả những sáng kiến kỹ thuật có khả năng làm cho chúng ta cảm thấy chìm đắm trong một thực tại lớn hơn và trực tiếp hơn. Mọi công cụ chỉ hữu ích và quý giá nếu nó thúc đẩy chúng ta ra ngoài và xem những thứ, mà nếu không đi gặp, chúng ta sẽ không biết về chúng; hay để chúng ta có thể đăng trên internet những tin tức không có ở nơi khác; hay cho phép những cuộc gặp gỡ mà nếu không sẽ không bao giờ xảy ra.

Tin Mừng như những câu chuyện tin tức

“Hãy đến và xem” là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với những môn đệ tò mò muốn biết về Người sau phép rửa của Ngài ở sông Giođan (Ga 1,39). Người mời gọi họ tiến vào một mối quan hệ với Người. Hơn nửa thế kỷ sau, thánh Gioan, lúc ấy đã cao tuổi, viết Phúc âm của mình, ngài nhớ lại một số chi tiết “đáng là tin tức”, những điều cho thấy chính thánh nhân hiện diện ở sự kiện ngài đang thuật lại và chứng tỏ tác động của kinh nghiệm đó trên cuộc đời của ngài: “Thánh nhân lưu ý rằng: "Đó là khoảng giờ thứ mười”, tức là bốn giờ chiều (x. c. 39). Thánh Gioan cũng kể rằng, ngày hôm sau, Philipphê kể cho Nathanael về cuộc gặp gỡ với Đấng Mêsia. Người bạn của ông hoài nghi và hỏi: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?” Ông Philipphê không cố gắng thuyết phục ông Nathanael bằng lý lẽ, nhưng chỉ nói với ông cách đơn giản: “Hãy đến và xem” (x. cc. 45-46). Nathanael đi và nhìn thấy, và từ đó cuộc đời của ông được thay đổi. Đức tin Kitô giáo bắt đầu như thế, và cách đức tin được thông truyền là thế này: như một kiến thức trực tiếp, nảy sinh từ kinh nghiệm, chứ không phải từ lời đồn thổi. “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng bởi vì chính chúng tôi đã nghe.” Dân làng đã nói với người phụ nữ xứ Samaria, sau khi Chúa Giêsu dừng chân tại làng của họ (x. Ga 4,39-42). “Hãy đến và xem” là phương pháp đơn giản nhất để biết một tình huống. Đó là sự xác minh trung thực nhất của mọi thông điệp, bởi vì để biết thì chúng ta cần phải gặp gỡ, cần phải để cho người đứng trước mặt chúng ta nói, để chứng tá của họ đến với chúng ta.

Cám ơn sự can đảm của nhiều nhà báo

Nghề làm báo cũng thế, tường thuật về thực tại đòi hỏi khả năng đi đến những nơi mà không ai nghĩ sẽ đi đến đó: một sự sẵn sàng lên đường và một mong muốn được nhìn thấy với sự hiếu kỳ, cởi mở, và nhiệt thành. Chúng ta phải cảm ơn sự can đảm và dấn thân của tất cả những người chuyên nghiệp đó – các nhà báo, nhà quay phim, biên tập viên, đạo diễn, những người thường liều mạng sống khi thực hiện công việc của họ. Nhờ những nỗ lực của họ mà bây giờ chúng ta biết, chẳng hạn như những gian nan của những người thiểu số bị đàn áp ở nhiều nơi trên thế giới; nhiều hành vi ngược đãi và bất công gây ra cho người nghèo và môi trường; và rất nhiều cuộc chiến mà không có họ có lẽ sẽ bị lãng quên. Sẽ là một tổn thất không chỉ cho việc tường thuật tin tức, nhưng cho cả xã hội và cho nền dân chủ nói chung, nếu những tiếng nói này tàn lụi. Toàn bộ gia đình nhân loại của chúng ta sẽ bị nghèo đi.

Nhiều hoàn cảnh trên thế giới của chúng ta, mà thậm chí trong thời điểm đại dịch này còn nhiều hơn nữa, đang mời gọi các phương tiện truyền thông “hãy đến và xem”. Chúng ta có nguy cơ tường thuật về đại dịch này, cũng như tường thuật về mọi khủng hoảng, chỉ đơn thuần qua lăng kính của các nước giàu có hơn, và do đó không nói hết sự thật. Chẳng hạn, trong vấn đề về vắc-xin và chăm sóc y tế nói chung, có nguy cơ loại trừ những dân tộc nghèo hơn. Ai sẽ cho chúng ta biết về việc điều trị được mòn mỏi mong đợi của người dân ở những ngôi làng nghèo nhất của Á châu, Mỹ châu Latinh và Phi châu? Sự khác biệt xã hội và kinh tế ở bình diện toàn cầu có nguy cơ quyết định thứ tự phân phối vắc-xin chống Covid, trong đó người nghèo luôn đứng ở cuối hàng và quyền phổ quát được chăm sóc sức khỏe tuy được khẳng định về nguyên tắc, nhưng trong thực tế lại bị tước bỏ. Nhưng ngay cả trong thế giới của những người may mắn hơn, bi kịch xã hội của những gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói phần lớn vẫn bị che giấu; hàng dài những người không còn cảm thấy xấu hổ khi phải xếp hàng trước các trung tâm bác ái để nhận một gói cứu trợ không có khuynh hướng trở thành tin tức nữa.

Các cơ hội và những nguy hiểm tiềm ẩn của internet

Internet, với cơ man các diễn đạt truyền thông xã hội của nó, có thể gia tăng khả năng tường thuật và chia sẻ, với nhiều cặp mắt nhìn vào thế giới hơn và một dòng lũ các hình ảnh và chứng từ. Công nghệ kỹ thuật số mang lại cho chúng ta khả năng có thông tin trực tiếp và kịp thời, thường rất hữu ích. Chúng ta có thể nghĩ về những trường hợp khẩn cấp nhất định trong đó internet tường thuật tin tức trước nhất, và thông tri các thông báo chính thức. Nó là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với tư cách là người sử dụng và người tiêu thụ. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành nhân chứng của những sự kiện mà các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ không để ý tới, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm những câu chuyện tích cực. Nhờ internet, chúng ta có cơ hội để kể những gì chúng ta thấy, những gì diễn ra trước mắt chúng ta, và chia sẻ với người khác.

Đồng thời, nguy cơ thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội đã trở nên rõ ràng đối với tất cả mọi người. Từ lâu, chúng ta đã biết tin tức và thậm chí cả hình ảnh dễ bị thao túng như thế nào, vì hàng nghìn lý do, thậm chí đôi khi chỉ vì lòng tự ái tầm thường. Điều quan trọng ở đây không phải là xem internet là xấu xa, đe dọa, nhưng trái lại hãy xem đó là một sự thúc đẩy khả năng phân định cao hơn và ý thức trách nhiệm trưởng thành hơn đối với nội dung chúng ta gửi cũng như nhận. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về truyền thông mà chúng ta thực hiện, về thông tin chúng ta chia sẻ, về sự kiểm soát mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện đối với tin tức giả, bằng cách vạch mặt chúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành nhân chứng của sự thật: đi, xem và chia sẻ.

Không gì có thể thay thế được cái nhìn tận mắt

Trong truyền thông, không điều gì có thể thay thế hoàn toàn việc nhìn thấy trực tiếp. Một số điều chỉ có thể học được bằng cách trải nghiệm chúng tận mắt. Trên thực tế, người ta không chỉ giao tiếp bằng những từ ngữ, mà còn bằng mắt, bằng giọng nói và bằng cử chỉ. Sự thu hút của Chúa Giêsu đối với những người gặp Ngài phụ thuộc vào sự thật trong lời rao giảng của Người; nhưng hiệu quả của những điều Người nói không thể tách rời với cách Người nhìn người khác, cách Người đối xử với họ và thậm chí sự im lặng của Người. Các môn đệ không chỉ lắng nghe lời Người, họ còn quan sát Người nói. Thực vậy nơi Người - Logos nhập thể - Ngôi Lời mang lấy một khuôn mặt, Thiên Chúa vô hình để cho mình được nhìn thấy, được nghe và chạm vào, như chính Thánh Gioan đã viết (x. 1 Ga 1,1-3). Lời nói chỉ hiệu quả khi nó được “nhìn thấy”, chỉ khi nó liên quan đến chúng ta qua kinh nghiệm, qua cuộc đối thoại. Vì lý do này, “đến và xem” đã và tiếp tục là điều cần thiết.

Chúng ta hãy nghĩ về bao nhiêu lời hùng biện trống rỗng, ngay cả trong thời đại của chúng ta, trong mọi lĩnh vực của đời sống công cộng, trong thương mại cũng như trong chính trị. Người này hay người kia “nói miên man vô nghĩa... Các lý luận của anh ta như là hai hạt lúa mì ẩn giấu trong hai giạ trấu. Bạn phải tìm kiếm cả ngày để tìm ra chúng, và khi tìm thấy, bạn nhận ra chúng không đáng để tìm kiếm.[2] Những lời đả kích của nhà viết kịch người Anh cũng có giá trị đối với những nhà truyền thông Kitô chúng ta. Tin Mừng của Phúc Âm đã lan rộng khắp thế giới nhờ những cuộc gặp gỡ giữa người với người, từ trái tim đến trái tim, với những người nam nữ chấp nhận lời mời “đến và xem”, và bị đánh động bởi sự “dư dật” tình người tỏa sáng qua cái nhìn, lời nói và cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Mọi công cụ đều có giá trị của nó, và nhà truyền thông vĩ đại là Phaolô thành Tắcsô chắc chắn sẽ sử dụng email và tin nhắn xã hội [nếu có các phương tiện truyền thông đó vào thời ấy]. Tuy nhiên, chính đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái của ngài đã gây ấn tượng với những người đương thời, là những người đã nghe ngài giảng hay may mắn có thời gian ở bên ngài, gặp ngài trong một buổi họp mặt hoặc trong một cuộc trò chuyện riêng. Khi quan sát ngài đang hoạt động ở bất cứ nơi đâu, họ tận mắt chứng kiến tính chân thật và sự hữu ích biết bao cho cuộc sống của họ trong sứ điệp cứu độ, mà nhờ ân sủng Chúa, ngài đã đến rao giảng. Và cho dù không thể gặp trực tiếp người tôi tớ này của Thiên Chúa, các môn đệ được thánh nhân sai đi đã làm chứng cho cách sống của ngài trong Chúa Kitô (x. 1Cr 4,17).

“Trong tay chúng ta có những cuốn sách, nhưng sự thật ở trước mắt chúng ta,” thánh Augustinô [3] đã nói về việc ứng nghiệm những lời tiên tri được tìm thấy trong Sách Thánh. Cũng thế, Tin Mừng trở nên sống động trong thời đại của chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta chấp nhận chứng tá thuyết phục của những người đã thay đổi cuộc sống nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Từ hơn hai thiên niên kỷ qua, một chuỗi các cuộc gặp gỡ như vậy đã truyền tải sức hấp dẫn của cuộc phiêu lưu Kitô. Thành ra, thách đố đang chờ chúng ta là truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con đi ra khỏi chính mình,

và lên đường tìm kiếm sự thật.

Xin dạy chúng con đi và nhìn xem,

xin dạy chúng con lắng nghe,

chứ không ấp ủ những thành kiến,

hay đưa ra những kết luận vội vàng.

Xin dạy chúng con đi đến nơi mà không ai muốn đi,

dành thời gian để hiểu,

chú ý đến những điều thiết yếu,

không bị phân tâm bởi những thứ không cần thiết,

phân biệt vẻ ngoài lừa dối với sự thật.

Xin ban cho chúng con ân sủng để nhận ra nơi cư ngụ của Ngài trên thế giới của chúng con

và sự trung thực để nói với người khác những gì chúng con đã thấy.

Rôma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 23 tháng Giêng năm 2021,

Lễ Vọng Kính Nhớ Thánh Phanxicô Đệ Salê


+ Đức Thánh Cha Phanxicô

[1] Ký giả người Tây Ban Nha, sinh năm 1920 và qua đời năm 1971, được tuyên phong chân phước năm 2010.

[2] WILLIAM SHAKESPEARE, Người lái buôn thành Venice, hồi I, cảnh I.

[3] Bài giảng 360/B, 20.


Source:Holy See Press Office
 
Thư ngỏ gửi Đức Giáo Hoàng Phanxicô về công lý tiền sinh
Vũ Văn An
21:49 23/01/2021

Charles C. Camosy hiện là giáo sư thần học tại Đại Học Fordham. Ông phụ trách mục “Đạo Công Giáo Hồng” cho tạp chí Religion News Service và là tác giả của 5 cuốn sách. Tác phẩm gần đây nhất của ông, tựa là Resisting Throwaway Culture (Phản kháng Nền Văn hóa Vứt bỏ) xuất bản tháng 5 năm 2019 và đoạt giải nhất như là “Nguồn Nguyên lực của Năm” của Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Công Giáo.



Trước các bức xúc hiện nay do cặp bài trùng phò phá thai Biden-Harris gây ra, Camosy viết thư ngỏ với nội dung sau đây, mong vị lãnh đạo của hơn 1 tỷ người Công Giáo hãy vạch mặt người Công Giáo giả mạo lạm dụng danh nghĩa Công Giáo để sát hại thai nhi, bằng cách đặt cuộc đấu tranh phò sinh ở trung tâm triều đại Giáo Hoàng của ngài (xem nguyên văn tại https://www.thepublicdiscourse.com/2021/01/73754/):

Thưa Đức Thánh Cha, Con vốn là người ngưỡng mộ triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha ngay từ đầu, và con vẫn phấn khích trong tám năm qua. Viễn kiến của Đức Thánh Cha đã có tính biến đổi đối với việc phát triển viễn kiến phò sinh của con, đặc biệt khi đề cập đến việc chống lại nền văn hóa vứt bỏ bằng nền văn hóa gặp gỡ và hiếu khách. Và tất nhiên triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha vốn là một triều giáo hoàng có tính biến đổi đối với Giáo hội nói chung — đề cao giáo huấn chính thống của đức tin trong khi đưa ra một kế hoạch mục vụ lấy Tin Mừng làm trung tâm để vừa vươn tay ra với những người mới vừa giữ sự tập chú của chúng ta vào người nghèo.

Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã, một cách tự ý thức, quyết định kết hợp một “sự cân bằng mới”, một sự cân bằng nhấn mạnh đúng đắn đến việc nhìn các vấn đề phò sự sống và phò gia đình truyền thống trong bối cảnh đạo đức và xã hội nhiều hơn, biết dành ưu tiên mới cho người nghèo và người xa lạ trong việc rao giảng và vận động của Giáo Hội Công Giáo. Viễn kiến này có sức mạnh và tiềm năng mang lại sự hợp nhất một cách luôn trung thành sâu xa đối với các giáo huấn của Chúa Kitô, thắng vượt sự phân cực tả-hữu đang tác động lên Giáo hội của chúng ta.

Một số người đã chỉ trích nỗ lực của Đức Thánh Cha trong việc tìm ra sự cân bằng mới đó, đặc biệt khi cho rằng Đức Thánh Cha đang hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc phá thai. Thưa Đức Thánh Cha, căn cứ vào cách các phương tiện truyền thông lớn đã đưa tin về triều đại của Đức Thánh Cha, điều đó có thể hiểu được, mặc dù con từng nhấn mạnh trong cuốn Resisting Throwaway Culture (Phản kháng Nền Văn hóa Vứt bỏ) rằng Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ ra sao đối với vấn đề công lý tiền sinh. Thật vậy, ngay ngày hôm sau khi cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha về sự cân bằng mới được công bố, Đức Thánh Cha đã nói với các bác sĩ sản phụ khoa ở Rome rằng: “Mọi đứa trẻ chưa sinh, dù bị kết án bất công phải bị phá thai, đều có khuôn mặt của Chúa”. Trước một nền văn hóa vứt bỏ từng hối thúc chúng ta nhìn đi lối khác, Đức Thánh Cha đã sẵn lòng coi việc phá thai như “tội ác của Đức Quốc xã đeo găng tay trắng”. Đức Thánh Cha thậm chí còn đi xa đến mức ví việc phá thai với việc thuê một sát thủ để giải quyết cho xong một vấn đề.

Đó là những tuyên bố vô cùng mạnh mẽ. Nhưng, thưa Đức Thánh Cha, con phải trân trọng nhấn mạnh một sự khác biệt đáng kể giữa Đức Thánh Cha và các vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha, những vị cũng đã nói một cách mạnh mẽ về những vấn đề này, ít nhất là vào thời điểm này trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Ngôn ngữ trực tiếp và mạnh mẽ của Đức Thánh Cha trong việc ủng hộ công lý tiền sinh hầu như chỉ luôn luôn xuất hiện trong những nhận xét ứng khẩu hoặc trong những tình huống kém nổi bật. Khi đụng đến những giáo huấn và tuyên bố có thẩm quyền nhất của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha thường đề cập đến việc phá thai, có, nhưng hầu như luôn chỉ là một xem xét thứ yếu hoặc một điều gì đó được đem vào danh sách dài hơn các vấn đề cần giải quyết.

Gần đây nhất, trong một cuộc thảo luận về thông điệp tuyệt vời khác của Đức Thánh Cha tức thông điệp Fratelli Tutti, con đã cho mọi người thấy con thất vọng ra sao khi Đức Thánh Cha thậm chí không đề cập đến vấn đề trẻ em trước khi sinh một chút nào lúc mở rộng một loạt các suy tư nhằm phàn nàn về các nhân quyền không đủ phổ quát. Đây là một sự thất vọng lớn, nhất là vì Đức Thánh Cha không có vấn đề gì khi viện dẫn điều này, tức những người dễ bị tổn thương nhất mang Khuôn mặt của Đấng Kitô, trong các thông điệp khác. Thưa Đức Thánh Cha, con tin việc phục tùng giáo huấn của Đức Thánh Cha, nhưng con cũng chú ý điều này là Đức Thánh Cha vốn hoan nghênh sự bất đồng từ những người trung thành với Đức Thánh Cha và Giáo hội do Đức Thánh Cha lãnh đạo. Và ở đây, con thúc giục Đức Thánh Cha hãy đưa việc Đức Thánh Cha bảo vệ mạnh mẽ những đứa trẻ trước khi sinh vào một vị thế trọng tâm hơn trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Đã đến lúc phải kiên quyết và mạnh mẽ đứng lên bảo vệ phẩm giá của các em trong một nền văn hóa ngày càng coi các em như những thứ dùng một lần rồi vứt bỏ một cách thô bạo.

Chính quê hương Argentina của Đức Thánh Cha đã trở thành chính thể mới nhất hợp pháp hóa bạo lực chống lại các trẻ em trước khi sinh. Như Đức Thánh Cha đã lưu ý trong những lá thư Đức Thánh Cha gửi cho những người phụ nữ phò sinh và những người khác trong cuộc tranh luận gay gắt, quan điểm đúng đắn về mặt khoa học ở đây là có hai sự sống con người cần phải xem xét, chứ không phải một. Điều đáng chú ý, là bộ trưởng y tế (phái nam) — khi bảo vệ dự luật hợp pháp hoá bạo lực khủng khiếp này của tổng thống (phái nam) — đã nói những sự thật mà ông không hiểu: "Ở đây không có hai sự sống như một số người nói. Rõ ràng là có một người đơn nhất còn thể kia chỉ là một hiện tượng. Nếu không phải thế, thì chúng ta đang đối diện với cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất, [vì] hơn một nửa thế giới văn minh cho phép nó".

Cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất. Điều đó, thưa Đức Thánh Cha, là sự thật. Thực thế, phá thai là một cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất. Và nó nhắm vào những người khuyết tật, người nghèo, phụ nữ, sắc tộc thiểu số và nhiều người khác ở bên lề các nền văn hóa khắp thế giới.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh việc phụ nữ thường là nạn nhân thứ hai của việc phá thai ra sao và thật là bất công xiết bao khi chúng ta yêu cầu họ giết con đẻ của họ để có một cảm thức bình đẳng sai lầm. Điều này được phụ nữ Argentina hiểu rõ; họ là những người đã hoàn toàn phản đối việc hợp pháp hóa phá thai ở đất nước của họ. Chưa hết, các phương tiện truyền thông lớn khắp thế giới khi đưa tin đã, một cách sai lệch, cho rằng việc mất công lý tiền sinh là do phụ nữ thúc đẩy chứ không do những người đàn ông quyền lực thực sự chịu trách nhiệm.

Và ở nhiều nơi ngoài Argentina thân yêu của Đức Thánh Cha, ánh sáng trong việc bảo vệ giá trị của những đứa trẻ này ngày càng mờ nhạt. Tổ tiên người Ái Nhĩ Lan của con chắc chắn phải trở mình trong phần mộ của họ khi Ái Nhĩ Lan bác bỏ quyền thừa kế tươi đẹp của công lý tiền sinh. Tiểu Bang New Jersey của riêng con - được lãnh đạo bởi một đảng chính trị tuyên bố muốn bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất - đang cố gắng xóa bỏ hoàn toàn mọi sự công nhận pháp lý đối với sự sống trước khi sinh. Cũng có một nỗ lực tương tự nhằm loại bỏ hoàn toàn những đứa trẻ này của Tân Tây Lan.

Thưa Đức Thánh Cha, con tin Đức Thánh Cha đúng khi kêu gọi một sự cân bằng mới trong giáo huấn của Giáo hội. Con tin rằng Đức Thánh Cha đúng khi dành vài năm đầu tiên trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha để xây dựng việc Giáo hội tập chú vào người nghèo và khách lạ. Nhưng với sự công nhận hợp pháp của số dân số này đang bị đe dọa hơn bao giờ hết — kể cả từ một tổng thống Hoa Kỳ theo Công Giáo mới nhậm chức, người đã cam kết làm suy yếu các thành tựu công lý tiền sinh gần đây — nay là lúc để nâng cao phía bên kia của cán cân. Phẩm giá của những đứa trẻ tội nghiệp này đang bị xóa bỏ một cách có hệ thống trong một cuộc diệt chủng ồ ạt khắp thế giới. Nếu phá thai là điều Đức Thánh Cha nói – nghĩa là giống như một tội ác của Đức Quốc xã đeo găng trắng - thì nay là lúc đặt công lý tiền sinh vào trung tâm triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha.

Điều đáng chú ý là tiếng nói mà Đức Thánh Cha xây dựng trong vài năm qua đã đặt Đức Thánh Cha vào vị trí độc đáo có thể đẩy lùi cuộc tấn công dữ dội mà những đứa trẻ này phải đối đầu. Đức Thánh Cha có thể chứng tỏ một cách chân chính việc cam kết bất bạo động, dành ưu tiên cho những người không có tiếng nói và dễ bị tổn thương, và cung cấp sự chào đón đối với những người bị thiệt thòi nhất sẽ trực tiếp dẫn đến công lý tiền sinh ra sao. Đức Thánh Cha cũng đã chứng minh chúng ta không cần phải lựa chọn giữa điều tốt cho phụ nữ và điều tốt cho những đứa con trước khi sinh của họ như thế nào. Thật vậy, chính nền văn hóa vứt bỏ của chủ nghĩa tiêu thụ đã đặt những đứa trẻ này chống lại sự phát triển rực rỡ của mẹ chúng — thay vì, như cuộc đề kháng phò sinh ở Argentina đã nhấn mạnh một cách đẹp đẽ, yêu thương cả hai.

Thưa Đức Thánh Cha, giờ đây Đức Thánh Cha có một cơ hội quan trọng trước khi ngài dẫn đầu chiến dịch tốt đẹp khắp thế giới nhằm kêu gọi chúng con thực hiện chính điều này. Giờ đây, Đức Thánh Cha hoàn toàn ở vị thế có thể nhấn mạnh việc trẻ em trước khi sinh phải được đối xử y hệt như những đứa trẻ khác theo luật pháp như một vấn đề công lý, nhưng cũng chứng tỏ điều này nhất quán (chứ không đối nghịch) ra sao với việc đối xử với phụ nữ như những người bình đẳng với nam giới. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha có thể lãnh đạo các chiến dịch trên toàn thế giới nhằm kêu gọi tăng cường việc chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ gia đình, bảo vệ khỏi bạo lực và giáo dục cho phụ nữ — đồng thời kêu gọi việc pháp luật bảo vệ bình đẳng đối với con cái của họ, bất kể tuổi tác. Điều này, tình cờ, là một cuộc đấu tranh đầy ấn tượng cho sự viên mãn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, một Tin mừng dành ưu tiên cho cả phụ nữ lẫn trẻ em hơn là và chống lại sự phân cực chính trị tả hữu đầy phá hoại vốn yêu cầu chúng ta phải lựa chọn giữa họ với nhau.

Thưa Đức Thánh Cha, điều trên có vẻ khá bi đát, nhưng tiền cược cao hơn chúng ta tưởng tượng, và giờ đã muộn. Phá thai vốn là “cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất”, nhưng nếu không làm gì cả, các trẻ em trước khi sinh sẽ tiếp tục bị vứt bỏ một cách hợp pháp và bạo lực như những đối tượng hoặc đồ vật ở nhiều nơi trên hoàn cầu. Một lần nữa, việc Đức Thánh Cha sẵn lòng tạo ra sự cân bằng mới trong tám năm qua giờ đây đặt Đức Thánh Cha vào vị thế tốt nhất xưa nay có thể lên tiếng trong tư cách người bênh vực đích thực cho nhóm dân số bị vứt bỏ này. Con cầu xin để Đức Thánh Cha lúc này thấy thích hợp quay về với việc biến công lý tiền sinh thành trọng tâm tập chú trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Sa Châu , Sàigòn : Hội chợ Xuân Tân Sửu 2021
Martinô Lê Hoàng Vũ
10:44 23/01/2021
Vào lúc 7g tối thứ sáu 22.1.2021 tại khuôn viên sân trước nhà thờ,ban Mục vụ giới trẻ giáo xứ Tân Sa Châu, hạt Chí Hòa, Sài Gòn đã tổ chức hội chợ mừng Xuân Tân Sửu 2021.Linh mục chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Triết đã tuyên bố khai mạc hội chợ.Trước đó màn múa lân tưng bừng báo hiệu một ngày vui của giáo xứ dành cho tất cả mọi người,cả những người trong và ngoài giáo xứ.

Xem Hình

Linh mục chánh xứ ngoài những lời cầu chúc Mùa Xuân đến mọi người,ngài cũng cho biết, đồng bào khu phố những người không phải Công Giáo đã hết lời khen ngợi tinh thần vui tươi đoàn kết của những người có đạo.Ngài cũng ước mong qua những sinh hoạt Vui tươi của giáo xứ Tân Sa Châu như là điêm sáng thu hút người khác theo đạo, nhận ra Tin Mừng yêu thương mà Chúa Giêsu.

Được biết, giáo xứ Tân Sa Châu vẫn có những chương trình cụ thể giúp đỡ những người túng thiếu,nhất là ban mục vụ giới trẻ có những chương trình giúp cho các bạn trẻ vui chơi lành mạnh,những chương trình giúp đỡ những người túng thiếu cơ nhỡ, những đồng bào bị bão lũ,thực hành lời dạy của Chúa Giêsu bác ái yêu thương.

Hội chợ có 10 gian hàng, gian hang ăn uống gian hàng trò chơi, tất cả đều mua bằng phiếu. Xen kẽ là các ca khúc vui tươi nhộn nhịp. Và có lẽ thu hút mọi người là lô tô trúng thưởng có nhiều món quà giá trị. Sân nhà thờ lúc này qui tụ rất đông người, các em thiếu nhi và các bạn trẻ tham dự hội chợ, còn có các ông bà cụ cao niên cũng vui chơi với con cháu của mình.

Có tất cả 10 gian hàng được sắp xếp liên tục,. Giáo xứ Tân Sa Châu tổ chức Hội chợ vào các ngày 19 g thứ sáu 22.1.2021 và thứ bảy 23.1.2021 riêng Chúa nhật 24.1.2021 hội chợ diễn ra sáng lúc 7g 30.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Văn Hóa
Truyện ngắn : Bà Năm đi Mỹ
Phan Đức Minh
11:05 23/01/2021
Mấy hôm nay, Bà Năm mất cả ăn, cả ngủ vì chỉ còn 1 ngày nữa thôi, sáng mai là Bà lên máy bay sang Mỹ đoàn tụ gia đình, sống với đứa con gái lớn đã sang sinh sống ở Mỹ dễ chừng hơn 2 chục năm rồi. Lâu lâu nó vẫn gửi thư cho Bà và gửi tiền nữa. Với số tiền 5, 6 trăm đô la mỗi lần nó gửi về, đem đổi ra tiền Việt Nam hơn chục triệu lận. Bà ngồi mà ăn, cúng vô chỗ này, chỗ nọ để lo cho kẻ nghèo khổ, giúp đỡ bà con, chòm xóm, kẻ nhiều người ít, cũng không cách nào cho hết. Bà già rồi, sống với đứa con gái út, hàng ngày chỉ có việc ăn 2,3 bửa rồi đi đây, đi đó, thăm bà con, bè bạn. Về nhà thì mở Ti Vi, coi băng video cải lương, phim hài, phim chưởng… đủ thứ trên đời. Cuộc sống của Bà nghĩ thật sung sướng. Bao nhiêu người già cả ở quanh cái chợ Bà Chiểu, Quận Bình Thạnh nơi đất Sài Gòn này, ước mơ có được một phần cuộc sống của Bà mà đâu có được. Họ phải đầu tắt, mặt tối, chạy xuôi chạy ngược, buôn bán tảo tần nơi lề đường, hè phố, bị công an rượt đuổi chạy có cờ… để kiếm miếng ăn cho no cái bụng thôi mà cũng không nổi.

Bà Năm có đứa con gái vượt biển rồi đi Mỹ mà cuộc đời sướng như thế đó. Người ta bảo “Bà Năm ăn ở phúc đức lắm mới được đứa con gái như thế. Chớ biết bao nhiêu người, sinh con đẻ cái, gái trai cả bầy mà có làm nên cơm cháo gì đâu? “.

Cuộc đời của Bà quả là sướng như tiên ở Sài Gòn rồi còn chi nữa. Bảo đứa con gái út viết thư cho chị nó, Bà cứ bảo nó viết cái tên Sài Gòn, vưà quen, vưà gọn, vưà dễ nghe, chớ đâu lại có cái tên dài lòng thòng…Thành Phố Hồ Chí Minh, nghe mệt thấy mồ.

Mỗi khi nhận được thư của đứa con gái từ Mỹ gửi về Sài Gòn cho Bà, có lúc kèm theo vài tấm ảnh… theo thói quen từ hồi có… “ loại thư Việt Kiều gửi về quê “, Bà lại dúi vào tay người đưa thư mấy ngàn bạc cho người ta vui vẻ, lương tiền nhà nước làm chi đủ sống. Chu cha ! Đất Mỹ đẹp quá trời ! Con Nguyệt, con gái Bà, nói nó ở thành phố San Diego, tiểu bang Ca-li, một thành phố đẹp lắm. Coi những tấm ảnh, Bà thấy thành phố San Diego quả là đẹp thật. Nhà cửa, đồ đạc, xe cộ của con gái Bà sao mà đẹp chi lạ! Hai đứa con trai của nó trong ảnh còn đẹp hơn cả mấy đứa trẻ trong những bức tranh Tầu ôm quả đào tiên nữa lận. Con Nguyệt nó bảo làm thủ tục bảo lãnh cho Bà sang Mỹ ở với nó. Nó bảo Bà già rồi, sang Mỹ khỏi có phải làm ăn chi hết, rồi ít lâu sau thành dân Mỹ, lại có tiền chính phủ nuôi, chỉ ở nhà chơi với cháu thôi. Bà muốn coi cải lương hả? – Băng Video phim Việt Nam, phim Tầu, phim chưởng Hồng Kông nhiều vô số kể. Chẳng thiếu thứ gì. Nó mua, nó thuê về nhà cả thùng lận. Bà tha hồ mà coi. Bà muốn đi Chùa hả? – Nó lái xe Mỹ, xe Nhật êm ru bà rù, chở Bà đi đây, đi đó, chỉ nháy mắt là tới nơi, chớ đâu có phải đi bộ mỏi cả giò, đổ mồ hôi hột hay đi xích lô chạy loạng quà loạng quạng, cứ như muốn ủi vào xe lam, xe đạp, xe Honda, ô tô con, ô tô mẹ, chạy tưới hạt sen, lộn xộn xà ngầu… kinh khủng, muốn chết quá!

Mấy năm trước, khi Ông Cụ còn sống mà ai nói tới chuyện kéo Ông đi Mỹ sống với con gái là Ông chửi toáng cả lên: ” Không có đi đâu cả ! Ở quê nhà với bà con, chòm xóm bạn bè, mồ mả Tổ Tiên không sướng hơn hay sao? Tiền bạc nó gửi về, ngồi mà ăn đến chết cũng không hết. Già cả rồi, sang đó làm nên cái giống chi mà làm? ”

Thế nhưng từ ngày Ông Cụ mất đi, Bà Cụ thấy buồn buồn làm sao ấy. Thiếu người bầu bạn. Đôi khi có cằn nhằn gấu ó với nhau về cái chuyện ” Đi hay ở ” thật đấy, nhưng lúc này Bà Năm mới cảm thấy cô đơn, cô đơn thưc sự. Người già có cái tình yêu thương cũng như nỗi cô đơn của người gia. Thế là càng ngày Bà càng cảm thấy cần phải đi Mỹ để sống với đứa con gái mà Bà từng mang nặng, đẻ đau, rồi còn gian nan về những phen chạy giặc, chiến tranh nữa chớ. Bà phải đi Mỹ để sống với hai đứa cháu ngoại trong ảnh thật dễ thương. Lắm lúc Bà ngồi một mình mà nước mắt rưng rưng, Bà thương đứa con gái hiếu thảo và hai đứa cháu ngoại quá chừng chừng…

Sáng nay, Bà gọi con Lan, đứa con gái út, dậy thật sớm để kịp ra phi trường Tân Sơn Nhất. Máy bay cất cánh lúc 7 giờø sáng nhưng xe đón từ lúc 5 giờ.ø Bà Năm có 2 đứa con gái, con Nguyệt là lớn, vượt biển đi Mỹ đã hơn 2 chục năm. Con Lan là thứ nhì mà cũng là út, lúc ấy còn bé tí ti. Bây giờ con Lan đã lớn tướng rồi, đã vào Đại Học và theo mấy khoá Tiếng Anh.Chị nó bảo ” Sang Mỹ, con Lan sẽ vào Đại Học, tha hồ mà học.” Con Lan đang ở cái tuổi mới lớn, nó còn thích đi Mỹ hơn cả bà Năm nữa, tuy rằng đi Mỹ thì nó phải xa vô số bạn bè, thân thiết, đã từng gắn bó với nhau trong những tháng ngày khốn khổ, gian nan, kinh hoàng nữa chớ. Nó nghĩ lại mới ngày nào đó, vậy mà Chị nó đi Mỹ cũng đã hơn 2 chục năm, mau dễ sợ ! Nó tính trong đầu : sang Mỹ chịu khó mất vài 4 năm thì cũng lấy xong cái B.S. hay B.A. chi đó như Chị nó nói. Học thêm vài năm cũng lấy được cái bằng Master cho nó hách, rồi đi làm. Thế là sẽ có vô số tiền. Nó sẽ đáp máy bay từ Mỹ về Sài Gòn. Lúc đó là đi thẳng cái một, khỏi có… quá cảnh xứ này, nước nọ lôi thôi. Bạn bè của nó kéo cả băng, cả đoàn đi đón. Vui ơi là vui ! Nó sẽ cho tiền những đứa bạn nào nghèo khó, chồng con vất vả đầu hôm sớm mai. Nó sẽ lôi hết bạn bè cũ cùng học lớp 12 với nó ở Sài Gòn, thuê vài cái xe đi chơi khắp mọi chỗ kêu bằng… danh lam, thắng cảnh, quay video, chụp ảnh, đi ăn nhà hàng chết bỏ… cho bõ ghét những ngày… con nít chẳng dám đi đâu hay làm cái gì…

Có tiếng xe pin ! pin ! ở ngoài cổng. Người ta tới đón mẹ con Bà Năm ra phi trường. Bà con, bạn bè lối xóm bu lại, nước mắt ngắn dài, kẻ ở người đi… Ôí! Cảnh biệt ly sao mà buồn thế ! Mẹ con Bà Năm với mấy cái va-li bự chảng, hai cái xách tay nho nhỏ đã lên xe. Một số bà con thân thiết cũng leo lên xe để tiễn mẹ con bà Năm tới tận phi trường. Một số bà con ở lại, vẫy tay từ biệt khi cái xe 12 chỗ ngồi đã từ từ lăn bánh.

Bà Năm cố nhìn lại cái xóm cũ đã gắn bó, sống chết với Bà từ bao nhiêu năm nay. Những dẫy nhà hai bên đường phố chạy thụt lui lại phiá sau cùng những bóng cây, cột đèn, thân thương quá đỗi. Vài chiếc xích-lô đưa khách sớm, dăm cái xe đạp, vài chiếc Honda rồ máy chạy ào ào… Tự nhiên Bà Năm thấy nhớ, thấy thương Sài Gòn quá đi mất thôi. Vậy mà Bà nỡ bỏ nó để đi xa, chẳng biết bao giờ mới trở lại nơi này.

Bác tài xế bấm còi pim ! pim! khi tới chỗ ngã tư đông người lộn xộn làm con Lan giật mình khi còn đang ngủ gà, ngủ gật vì sáng nay nó phải dậy sớm. Xe qua cổng phi trường, vòng qua vòng lại rồi đậu phiá trước một ngôi nhà đông nghẹt những người.

Hai mẹ con Bà Năm đã lọt vào trong căn phòng ” cách ly ” để lạï bên ngoài số bà con, bạn bè thân thiết với bao nhiêu nỗi niềm thương nhớ đến độ sót sa. Thoát được cái cảnh lo sợ bị rạch túi, mất giấy tờ, tiền bạc như thiên hạ vẫn đồn đại, Bà Năm thấy an tâm đỡ khổ. Bà Năm đã già, lẩm cẩm, may mà có con Lan đi theo chớ không dám chết quá. Bà có biết trời trăng, mây nước gì đâu. Hết nạp giấy tờ, kêu tên, rồi nạp tiền đủ thứ linh tinh. Đến chỗ mấy ông, mấy bà công an áo vàng, cầu vai đỏ choé, bà hơi

Phi trường Tân Sơn Nhất – Sài Gòn

run khi thấy họ lục xét, bới tung đồ đạc của mấy người đi trước. Con Lan hích hích cùi chỏ rồi thò tay bấm Bà ” Má để con ! ” Con nhỏ này nó học ở đâu mà bữa nay nó lanh … như quạ.dấm dúi tiền bạc cho đám công an bằng những cái phong bì ” có nhân ” ở bên trong. Kẹt quá, nó dúi đại cả mớ tiền Hồ vào tay bọn công an tỉnh bơ, chẳng còn coi ai ra gì cả. Công việc đi qua nhanh như gió. Cuối cùng một lão công an, mặt lạnh như tiền, hất hàm hỏi ” Bà và Cô có đem theo đô la không? ” – Thưa không ! – Thế còn giữ tiền Việt Nam không? Con Lan lại hích hích cái cùi chỏ vào ba sườn Mẹ nó. Bà Năm lôi trong người ra cái phong bì to bự đựng mớ tiền Hồ còn lại, đưa cho lão công an, miệng líu ríu ” Còn lại mấy trăm ngàn, xin biếu… đồng chí uống cà phê.” Lão công an phì cười khi nhét cái phong bì vào ngăn kéo bàn gần đó nhanh như người ta làm xiệc. Lão ta cười chắc là vì lão ta có đồng chí đồng choé gì với Bà Năm bao giờ đâu…

Hành khách lên xe, ra chỗ máy bay đậu. Ngồi trong máy bay rồi, con Lan buộc dây lưng an toàn cho Mẹ. Sau một hồi gầm gừ, lắc lư, chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam từ từ cất cánh. Bà Năm nhăn mặt vì khó chịu, nôn nao trong người. Ngồi cạnh cửa kính máy bay, Bà Năm thấy phố xá, đồng ruộng quanh vùng Sài Gòn lu mờ, xa dần rồi mất hẳn. Chung quanh chỉ còn là mây trắng xoá, mịt mờ…

Nỗi buồn xa xứ ở đâu tự nhiên kéo đến. Hai hàng nước mắt chạy quanh. Con Lan giương tròn đôi mắt nhìn Mẹ nhưng chắc là nó không làm sao hiểu nổi. Máy bay dừng lại ở Thái Lan để chuyển sang máy bay quốc tế, nghe nói bự lắm. Con Lan lúc này lanh lẹ, dễ thương vô cùng. Nó thương Mẹ nó. Nó lo cho Bà đủ chuyện trong chuyến đi nưả vòng trái đất đầu tiên và chắc cũng là cuối cùng của đời Bà. Mới ăn có một bữa trên máy bay với một bữa ở khách sạn để chờ chuyển máy bay mà Bà Năm đã thấy nhớ món cá lóc nấu canh chua, cá nục kho khô, nhất là điã giá sống… Con Lan cứ ăn tỉnh bơ, ào ào hết sạch. Con gái 17 bẻ gẫy sừng bò còn được, huống hồ năm nay nó đã lớn tướng, dư sức lấy chồng được rồi. Bà lẩm cẩm lo nghĩ vẩn vơ ” Nếu cứ ăn uống hoài kiểu này chắc chết quá ! ” Mà không, con gái Bà nó bảo ở bên Mỹ đồ ăn không thiếu cái chi cả. Chợ Mỹ, Chợ Tầu, chợ Việt Nam có đủ hết. Tha hồ mà làm… bún bò giò heo, bún cá, phở, mì, bánh canh, bánh xèo, chả giò, bánh cuốn… Tự nhiên Bà Năm lại thấy … lên tinh thần.

Người ta hướng dẫn Mẹ con Bà Năm lên cái máy bay to chi lạ. Nghe nói nó chở cả mấy trăm con người và vô số đồ đạc, va-li, thùng, xách, linh tinh. Dễ sợ thật ! Bà thấy hành khách đông vô số kể, ngồi trông tưà tưạ như cái rạp cải lương ở gần Chợ Bà Chiểu thân quen của Bà. Mấy cái màn ảnh chiếu phim cả ngày cả đêm, hoạ hoằn mới cho chúng nó… giải lao nghỉ xả hơi một lúc. Cứ độ 2 tiếng đồng hồ, mấy cô tiếp viên lại đẩy cái xe đi quanh, dọn ăn, dọn uống cho khách. Bà nghe nói ở Mỹ cả chục triệu người béo phị, đi không nổi. Chắc tại họ ăn uống lu bù tối ngày sáng đêm như thế này chăng. Bà ăn đâu có nổi, Chỉ có con Lan là cứ tỉnh bơ như sáo sậu, hết coi phim lại ăn, lại uống. Bà bảo con Lan ” Con ăn nhiều thế, mai mốt béo phị ra thì ai nó thèm lấy ! ” Con Lan phì cười ” Má đừng có lo ! Con biết hết trơn rồi.”

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Mỹ. Con Lan bảo là Phi Trường quốc tế Los Angeles. Bà Năm mệt mỏi nhừ tử cả người, đứng lên muốn hết nổi.Máy bay bay miết, bay hoài, dễ chứng cả ngày lẫn đêm chi đó. Bà Năm thấy cái lối sống ở trên máy bay và chắc cả ở Mỹ nữa nó không đơn giản như ở quê nhà, nơi gần chợ Bà Chiểu. Cái chi cũng máy với móc, lộn xà lộn xộn, không biết đâu mà rờ cả.

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Mỹ. Con Lan bảo là phi

Thành phố San Diego

trường quốc tế Los Angeles. Bà Năm mệt mỏi nhừ tử cả người, đứng lên muốn hết nổi. Con gái Bà, con Nguyệt sẽ lái xe từ San Diego lên đón Mẹ con Bà ngay tại nơi này. Người đâu mà đông thế? Người ta ăn mặc thật là kỳ cục. Cả đời, bây giờ Bà mới thấy người ta ăn mặc chẳng giống dân Sài Gòn của bà tí nào. Đàn ông, con trai thì lắm người mặc áo để phanh cả bộ ngực lông lá tùm lum. Có người ăn mặc đồ lớn như dân Sài Gòn đi ăn cưới.có người chỉ mặc có mỗi chiếc áo ” may-ô ba lỗ ”, có người cởi trần trùng trục đi lại tự nhiên, thoải mái. Đàn bà con gái cũng mặc quần, mặc váy như mấy cô, mấy bà hạng sang ở sài Gòn, nhưng có nhiều người lại mặc váy, quần cụt, ngắn cũn cỡn trông chẳng giống ai. Ở chỗ đông người thế này mà đàn bà con gái chi lạ, cứ như ở trần, ở trên thì vú vê to nung núc, rùng rà rùng rình, để ra cả đống cho người ta coi, ở dưới cứ như là … để ra ngoài hết trơn, cái quần, cái váy ngắn tí teo, lại còn xẻ rạch lên một khúc nữa… Trông dễ sợ quá ! Bà Năm không biết con gái mình, con Nguyệt nó có ăn mặc như thế này không? Nếu nó lại bắt Bà phải ăn mặc như thế nữa thì không biết rồi ra làm sao? Liệu Bà sống nổi hay không Tự nhiên Bà chặc lưỡi … kệ nó tới đâu thì tới, đã đến đất Mỹ thì cũng như… đã leo lên lưng cọp rồi, tụt xuống đâu còn được nữa. Thôi thì …cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem …đất Mỹ xoay vần tới đâu.

Sau khi làm thủ tục giấy tờ này nọ, Mẹ con Bà đẩy xe hành lý ra phiá ngoài. Còn đang ngơ ngác thì con gái Bà, con Nguyệt, đã la lên ” Má ! Má Con đây nè !” Con gái Bà lúc này nó cao, nó to con, nó đẹp như ” đầm ” ấy, Bà nhận ra không nổi. Nó chỉ người đàn ông đứng bên cạnh ” Đây là chồng con. Đây là hai đứa cháu ngoại của Má ! Và đây là bạn bè của con…” Con Lan đứng sau lưng Bà, bây giờ mới đến phiên người ta ôm lấy nó cứng ngắc, hỏi thăm rối rít tít mù, làm cho nó đỏ bừng cả mặt, cả tai …

Mấy cái xe Mỹ, xe Nhật bóng láng đưa Mẹ con Bà Năm về nhà con gái. Bà thấy cái chi cũng lạ. Nhà to và đẹp quá, nhưng không bầy đồ đạc tùm lum tà la như nhà của Bà ở gần Chợ Bà Chiểu. Con rể và con gái Bà chắc hẳn giầu lắm. Hai đứa cháu ngoại thì cứ nhìn Bà mà nói với nhau bằng thứ tiếng gì Bà không hiểu. Chắc là tiếng Mỹ ! Vợ chồng con Nguyệt nói với Bà thì bằng tiếng Việt, còn khi chúng nó nói chuyện với nhau lại bằng tiếng Mỹ chi đó, làm Bà chẳng hiểu chi hết trơn.

Gặp mấy ngày nghỉ cuối tuần, bà con bạn bè người Việt ở gần, nghe tin Bà Năm sang Mỹ, cũng kéo tới thăm. Bà cũng thấy vui vui một chút. Cơm nước bầy ra đầy cả bàn, nhưng Bà ăn sao nó dở ẹt, không bằng món cá bống kho tiêu, cá lóc nấu canh chua của Bà ở Sài Gòn. Chúng nó lấy xe chở Mẹ con Bà đi chơi tùm lum đủ chỗ, đẹp mắt và to lớn, vĩ đại vô cùng. Sạch sẽ nữa chớ, không có tạp nhạp, lộn xộn, dơ dáy như cái xóm cũ của Bà.

Mấy ngày đầu đoàn tụ qua đi. Vợ chồng con Nguyệt đi làm, hai đứa cháu ngoại được đưa đến trường học con nít. Chỉ còn Bà với con Lan ở nhà, cái nhà rộng thinh rộng thang, phòng dưới nhà, phòng trên lầu, đủ kiểu. Chẳng bù với cái nhà của Bà gần Chợ Bà Chiểu, chỉ có một cái phòng để ngủ, một phòng cho khách ngồi chơi, còn lại là nhà bếp với bộ bàn ghế ăn cơm và linh tinh đủ thứ. Ấy vậy mà mới ở Mỹ chưa được một tháng, Bà Năm đã lại thấy nhớ nhung luyến tiếc nếp sống của Bà, một bà già hiền lành, chất phác, ở gần chợ Bà Chiểu. Đến cái ngày con Lan được Chị nó dẫn đi học ở cái trường nào đó xa lắm, phải đi bằng xe hơi, chớ không có đi bộ hay đi xe đạp được đâu. Thế là chỉ còn có một mình Bà ở lại với ngôi nhà to lớn rộng thênh thang mà thôi. Lúc này, Bà thấy quả thiệt là buồn, cái buồn miên man khó tả. Con Lan đã chỉ cho bà cách bật Ti Vi bằng cái… bấm cầm tay. Bật máy lên thì Bà chỉ thấy toàn là...đánh lộn, la hét um xùm. Bật sang kênh khác thì lại bắn súng đùng đùng, máu me tùm lum. Chán quá, Bà tắt máy chẳng buồn lắp phim, coi cải lương với lại chưởng Tầu.... Hết đi ra lại đi vô, Bà đâm ra cứ muốn ngủ gà, ngủ vịt. Mà nằm xuống thì đâu có ngủ được…

Bà từng nghe nói thành phố San Diego là nơi ấm áp mà sao muà lạnh mới sang Bà đã thấy lạnh chi mà lạnh dữ. Ở Sài Gòn, Bà có thấy lạnh bao giờ đâu. Buổi sáng sớm và ban đêm, ở Mỹ, Bà cứ phải mặc cả mớ quần áo, trông to bự trác như hình vẽ Ông già Nô-en vậy. Có bữa con Lan mở Ti Vi, Bà thấy cảnh động đất, mưa lụt, bão bùng, xe cộ tông nhau, người chết, nhà cửa tan tành…Ở Mỹ cái gì đối với Bà cũng vĩ đại, to lớn, dễ sợ, kinh hoàng, dựng tóc gáy, nổi da gà. Nó không yên tĩnh, hiền lành như cái vùng đất chợ Bà Chiểu của Bà. Tối đến vợ chồng con Nguyệt đi làm về. Cả nhà chỉ gặp nhau vào lúc ăn cơm. Ăn xong, ai về phòng người nấy, hay vợ chồng con Nguyệt lại lấy xe đi đâu đến khuya. Bà Năm muốn chơi với hai đứa cháu ngoại. Khốn nỗi hai đứa nhỏ lại chỉ biết nói tiếng Mỹ mà thôi, Bà đâu có hiểu. Còn có con Lan thì nó lo học và làm bài túi bụi. Rảnh một tí, nó mở cái Ti Vi để coi ca nhạc mà kẻ đàn, người hát cứ như đánh vật với nhau, la hét um xùm. Hình như nó bảo nhạc Rốc, nhạc riếc chi đó, nghe đến chóng cả mặt, đau cả đầu. Không thế thì nó lại ôm cái điện thoại nói chuyện với bạn với bè. Nói liên hồi, không biết mệt. Chuyện chi mà nhiều thế?

Bà Năm đau nặng phải vô nằm bệnh viện, lắm lúc mê man rồi lại tỉnh. Vợ chồng con Nguyệt chỉ biết thương Bà, nhưng vẫn không hiểu được Bà Chỉ có con Lan về sau nó hiểu, nó hỏi ” Có phải ở đây Má buồn, Má không chuyện trò được với ai, nhất là với hai đứa cháu ngoại, Má nhớ Quê Hương, bạn bè của Má, Má nhớ mồ mả Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, Má nhớ Chợ Bà Chiểu… nên má đau, má bịnh phải không?” Bà Năm nắm lấy tay nó rồi gật đầu. Con Lan bỗng nhiên mím môi lại, nước mắt chẩy hai hàng ” Sao Má không ở lại Việt Nam với chòm xóm, bạn bè, với Chợ Bà Chiểu của Má? Má không chịu đi Mỹ thì đâu con có đi ! Con nhất định ở với Má cho đến khi nào Má… không còn nữa, Má đi với Ba cơ mà ! ” Rồi nó ôm mặt khóc rưng rức sót thương cho Mẹ, người đã suốt đời khổ cực vì chồng vì con, hình như chẳng có lúc nào để nghĩ đến chính mình… Bỗng bà Năm tỉnh táo, vẫy tay cho vợ chồng con Nguyệt cùng tới gần. Bà nắm lấy tay 2 đứa con gái, nói trong hơi thở nghẹn ngào ” Má chấp nhận rời bỏ tất cả để ra đi vì Má thấy thương con Nguyệt, nó muốn Má được an nhàn, sung sướng lúc tuổi già, nhất là Má thương con Lan, Má hy sinh vì mong cho nó được ăn học nên người và có một cuộc sống tốt đẹp như Chị nó ở đất nước văn minh, giầu có, vĩ đại như thế này. Má già rồi nên không quen, nhưng Má chấp nhận… Má chỉ tiếc một điều là không được chết và nghỉ yên bên cạnh Ba con…”

Nguyệt lúc này mới cảm thấy một nỗi xót xa thật to lớn. Nguyệt đã chịu một phần trách nhiệm trong cái chết của Bà Năm. Vợ chồng Nguyệt đã không làm được một việc mà nhiều gia đình Việt Nam khác đã làm được. Đó là vợ chồng Nguyệt không để ý hay không làm được cái việc : dậy cho 2 đứa con những khi ở nhà với Cha Mẹ, tập nói tiếng Việt. Nếu hai đứa con của Nguyệt nói được tiếng Việt như nhiều đứa trẻ gốc Việt khác thì Bà Năm đã có nhiều giờ phút khuây khỏa, vui chơi, chuyện trò với hai đứa cháu ngoại mà Bà thương hết mình. Đằng này, Bà không làm sao gần gũi được với chúng nó. Khi Bà và hai đứa cháu ngoại gần nhau, thay vì chuyện trò như nhiều gia đình gốc Việt Nam khác, thì lại chỉ biết nhìn nhau như những người xa lạ ở đâu đâu ấy. Nguyệt cũng úp mặt vào hai bàn tay để dấu đi những giọt nước mắt xót thương người Mẹ già đã từ giã tất cả để đến nơi đây sống với mình. Nguyệt thương Mẹ nhưng đã không hiểu được Mẹ. Bây giờ thì mọi sự đã trễ mất rồi, không cách nào làm lại được nữa dù chỉ một lần… Nếu 2 đứa con của Nguyệt nói được tiếng Việt để Bà cháu hủ hỉ với nhau thì… Bà Năm không nói được nữa, Bà đã vĩnh viễn ra đi để được sống với chồng Bà bên kia thế giới, có lẽ gần gũi hơn với Quê Hương Đất Tổ, ở đó có nhiều bạn bè thân thiết và có cái chợ Bà Chiểu thân thương gắn bó với Bà từ những ngày khốn khổ xa xưa…

Phan Đức Minh

 
VietCatholic TV
Những lời cầu nguyện lạ lùng hay lời nguyền đáng sợ cho ông Biden từ quê hương Ấn Độ của bà Kamala
Giáo Hội Năm Châu
04:52 23/01/2021


Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một “buổi lễ cầu nguyện liên tôn khai mạc triều đại mới” được tổ chức ngày 21 tháng Giêng tại một nhà thờ của Anh Giáo, là Nhà thờ Quốc gia của Washington, D.C. “Buổi lễ cầu nguyện liên tôn khai mạc triều đại mới” này là nhằm “tôn vinh” ngày đầu tiên trọn vẹn trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden. Cả Biden và Kamala Harris đều “tham dự” sự kiện này hầu như cùng với gia đình của họ từ Tòa Bạch Ốc.

Sau một đoạn mở đầu kéo dài bao gồm nhạc organ và những cảnh quay vòng quanh nhà thờ, Nữ Giám mục Anh Giáo Mariann Edgar Budde đã tháo khẩu trang y tế ra để chào đón Biden và Harris đến với buổi lễ, cũng như gia đình của họ và “tất cả những ai tìm kiếm lợi ích chung của Hoa Kỳ”. Những người quản lý nhà thờ đã nói một lời cầu nguyện ngắn gọn, sau đó là phần biểu diễn cách điệu cao của bài quốc ca “The Star-Spangled Banner” do Patti LaBelle hát.

Xuất hiện trước một lá cờ cầu vồng lớn, là biểu tượng của trào lưu đồng tính, Nữ Giáo sĩ Do Thái Giáo, một danh hiệu gây bất mãn sâu xa đối với người Do Thái Chính Thống, Sharon Kleinbaum đã chia sẻ một bài đọc từ Sách Đệ Nhị Luật, đoạn đề cập đến việc dân Israel chào đón những người ngoại kiều. Một nữ giáo sĩ Do Thái thứ hai, Sharon Brous, nói rằng “giữa đại dịch, dưới bóng đen của cuộc nổi dậy bạo lực, chúng ta đề cao lời hứa của người Do Thái cổ đại rằng sau đêm dài đau khổ, một bình minh cứu chuộc sẽ đến” trước khi nói thêm rằng “chúng ta hãy đứng vững vào lúc này là điểm uốn giữa đêm đầy nước mắt đó và ngày mới hân hoan”.

Giáo Hội Công Giáo đã có đại diện tại sự kiện “đại kết” này với Nữ tu Carol Keehan thuộc dòng Các Nữ Tử Bác ái Thánh Vincent de Paul và Sơ Norma Pimentel, giám đốc Tổ chức Bác ái Công Giáo của Thung lũng Rio Grande.

Ngay sau khi tạm dừng một lúc, chủ tịch của Mạng lưới Cộng đồng Hồi giáo, Tiến sĩ Debbie Almontaser đã đọc một bài đọc từ Kinh Koran: “Mọi vương quốc của trời và đất đều thuộc về Allah, và mọi sự đều phải quy về Allah. Hãy tin vào Allah và sứ giả của Ngài”, ý muốn nói đến tiên tri Muhammad. Những tuyên bố như vậy mâu thuẫn trực tiếp với giáo huấn của Tin Mừng mà Biden tuyên xưng niềm tin.

Buổi lễ cầu nguyện cũng có sự góp mặt của một người đàn ông tự xưng là phụ nữ: đó là Giám đốc đức tin sự vụ của Lực lượng Đặc nhiệm LGBTQ Quốc gia, “Barbara” Satin. Satin đã đọc một lời cầu nguyện ngắn cho quân đội Mỹ. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của nhà hoạt động quyền “chuyển giới” và là mục sư của cái gọi là Left Hand Church, nghĩa là Nhà thờ Tay trái, Paula Stone Williams, một người đàn ông nhưng xưng mình là phụ nữ.

Những người đại diện của cộng đồng Sikh cũng có mặt. Ngoài ra còn có đại diện của Krishna và Navajo.

Tổng cộng, 33 nhà lãnh đạo tín ngưỡng đã dâng lời cầu nguyện tạ ơn và hỗ trợ cho Biden và Harris khi nhậm chức.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, cư dân của một ngôi làng Ấn Độ đã đốt pháo và cầu nguyện tại một ngôi đền Ấn Giáo khi họ chứng kiến Kamala Harris, người có gốc gác nhiều đời ở đó, tuyên thệ nhậm chức và trở thành phó tổng thống Mỹ.

Ông ngoại của bà Kamala Harris sinh ra ở làng Thulasendrapuram, cách thành phố biển Chennai khoảng 350 km. Ngôi đền Thulasendrapuram này đã trở nên rất nổi tiếng sau khi liên danh Joe Biden và Kamala Harris thắng cử. Các chức sắc Ấn Giáo tại ngôi đền này kháo với mọi người rằng liên danh này thành công là nhờ các lời cầu nguyện của họ dâng lên cho thần Ayyanar.

Tờ New York Post tường thuật rằng hôm thứ Ba 29 tháng 12, ông Joe Biden đã vô tình gọi Kamala Harris là “tổng thống đắc cử.”

Ông Joe Biden đang đưa ra những nhận xét về cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Wilmington, Delaware, thì bất thình lình ông đã dành cho bà Kamala Harris một sự thăng chức rất lớn.

Hướng về phía bà Kamala Harris, ông nói:

“Tôi hy vọng tổng thống sẽ thúc giục tất cả người Mỹ một cách rõ ràng và không chút mơ hồ nào là hãy sử dụng vắc xin khi nó có sẵn”

“Tôi đã chích vắc xin này để truyền niềm tin cho công chúng. Tổng thống đắc cử Harris hôm nay cũng đã chích vắc xin vì lý do tương tự.”

Bà Kamala Harris đã phải bẻn lẽn đính chính rằng bà chỉ là phó tổng thống thôi, trong khi ông Joe Biden bối rối thè lưỡi ra.

Ông Biden, 78 tuổi, đã gây nghi ngại cho công chúng khi người ta chứng kiến ông có các biểu hiện suy giảm nhận thức. Đôi khi ông nhìn chằm chằm vào hư vô. Đôi khi ông lặp đi lặp lại những điều đã nói ra, và trong các trường hợp khác ông lộ rõ sự bối rối hoặc lè lưỡi ra.

Không thiếu những lời bình luận cho rằng ông Joe Biden chỉ có đủ thể lực để cầm quyền thực sự trong một năm đầu tiên thôi. Có thể những điều này gây nên một sự khích lệ nào đó nơi người Ấn. Các chức sắc Ấn Giáo tại ngôi đền Thulasendrapuram nói giờ đây họ đang cầu nguyện cho để một ngày nào đó ông Joe Biden đạt đến cảnh giới Bhuva Loka và bà Kamala Harris có thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Chúng tôi không dám giả định mình hiểu cảnh giới Bhuva Loka là cái gì. Nhưng nếu để đạt đến cảnh giới Bhuva Loka người ta phải ngủm củ tỏi để có thể tiêu diêu miền cực lạc thì nguy to. Ông Joe Biden không phải là một lựa chọn tốt cho những người phò sinh, nhưng dẫu sao vẫn ít nguy hiểm hơn cho các thai nhi so với bà Kamala Harris.

Nếu không hiểu rõ cái cảnh giới Bhuva Loka là gì, và làm sao có thể đạt đến cái cảnh giới ấy thì có lẽ tốt nhất là cụ Biden không nên “hiệp ý cầu nguyện” với những lời cầu nguyện mà mình không hiểu rõ các hệ quả hay hậu quả của nó.


Source:New York Post
Source:Life Site News
 
Nhiều phụ nữ không hài lòng với Tự Sắc Spiritus Domini, vẫn quyết liệt đòi được phong chức linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:39 23/01/2021


1. Ðức Hồng Y Pell hoan nghênh việc đưa phụ nữ vào hội đồng kinh tế của Vatican.

Ðức Hồng Y George Pell hoan nghênh việc đưa phụ nữ tham gia vào hội đồng kinh tế của Vatican, bởi vì những người nữ “sáng suốt” sẽ giúp những người nam “cảm tính” làm điều đúng đắn liên quan đến tài chính của Giáo hội.

Phát biểu tại hội thảo trên web ngày 14 tháng 01 năm 2021 về đề tài “Tạo một văn hóa minh bạch trong Giáo Hội Công Giáo”, Ðức Hồng Y nói đến việc làm thế nào để có được sự minh bạch về tài chính ở Vatican cũng như nơi các giáo phận và dòng tu Công Giáo. Theo Ðức Hồng Y, bước đầu tiên cần thiết để thay đổi là cần có những người có năng lực phụ trách các vấn đề tài chính, hướng đến một văn hóa có trách nhiệm giải trình và minh bạch hơn.

Ðức Hồng Y ca ngợi sự đóng góp của giáo dân, ở mọi cấp độ, từ giáo phận, đến tổng giáo phận và đến Roma. Ngài nói: “Tôi rất cảm kích khi thấy nhiều người có năng lực sẵn sàng cống hiến cách nhưng không thời gian của họ cho Giáo hội. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo là giáo dân ở đó, những người hiểu biết những điều cơ bản về quản lý tiền bạc, những người có thể đặt câu hỏi đúng và tìm ra câu trả lời chính xác”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế ca ngợi sáu nữ giáo dân được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm vào Hội đồng Kinh tế Vatican, cơ quan giám sát tài chính của Vatican và công việc của Ban Thư ký Kinh tế trong tháng 8 năm 2020. Ngài nói họ là những phụ nữ có năng lực cao với nền tảng chuyên môn tuyệt vời, và hy vọng những phụ nữ này với đầu óc sáng suốt sẽ giúp những người nam “cảm tính” làm điều đúng đắn liên quan đến tài chính của Giáo hội.

Ðức Hồng Y cũng khuyến khích các giáo phận đừng chờ đợi Vatican luôn dẫn đầu trong việc ban hành cải cách tài chính. “Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ ở Vatican và tôi đồng ý rằng Vatican nên đi đầu - Ðức Thánh Cha biết điều đó và đang cố gắng thực hiện. Nhưng cũng giống như bất kỳ tổ chức nào, không phải lúc nào bạn cũng có thể làm cho mọi thứ diễn ra nhanh chóng như bạn muốn”, Ðức Hồng Y nói.

2. Một vài phản ứng đối với Tông thư dưới dạng Tự Sắc Spiritus Domini của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tuần trước, chúng tôi đã giới thiệu với quý vị và anh chị em Tông thư dưới dạng Tự Sắc Spiritus Domini, nghĩa là “Thần Khí Chúa” của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 11 tháng Giêng.

Tuần này, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài phản ứng tiêu biểu.

Trong thông cáo đưa ra hôm 13 tháng Giêng, Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ đã cám ơn Ðức Thánh Cha và tất cả những người đã góp phần vào việc nghiên cứu để có bước tiến này về sự tham gia của nữ giới vào các thừa tác vụ của Giáo Hội, đồng thời gọi đây là “một dấu chỉ và là sự đáp lại năng động vốn là đặc tính của bản chất Giáo Hội, năng động này chính là của Chúa Thánh Linh, Ðấng liên tục kêu gọi Giáo Hội trong sự vâng theo mặc khải và thực tại”.

Các nữ Bề trên Tổng quyền cũng nhận xét rằng “trong nhiều vị trí, phụ nữ, đặc biệt những người nữ thánh hiến, theo chỉ dẫn của các Giám Mục, đang thi hành nhiều thừa tác vụ mục vụ, đáp lại nhu cầu loan báo Tin Mừng. Vì vậy, Tự Sắc của Ðức Thánh Cha, với đặc tính hoàn vũ, là một sự khẳng định con đường của Giáo Hội, trong việc nhìn nhận sự phục vụ của bao nhiêu phụ nữ đã và đang chăm sóc việc phục vụ Lời Chúa và Bàn Thánh”.

Ðức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của giáo phận Bamberg bên Ðức, cũng là một nhà giáo luật, nhận định rằng việc chính thức cho phép phụ nữ thi hành đọc sách và giúp lễ là “một bước tiến quá nhỏ” nhưng đi đúng hướng là không phân biệt nam nữ.

Nữ ký giả Lucetta Scaraffia, là một nhà sử học, 73 tuổi, đã từng xa lìa đức tin và đấu tranh trong phong trào nữ quyền, nhưng sau đó trở lại. Bà viết cho nhiều báo Công Giáo và từng phụ trách phụ trương “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” từ 2011 cho đến khi bị mất việc vào năm 2019. Phản ứng về Tự Sắc mới của Ðức Thánh Cha, bà viết một bài ngắn với tựa đề:

“Khép cửa đối với phụ nữ muốn làm linh mục: Ðức Giáo Hoàng chẳng làm gì cho chúng tôi”. Bà than rằng trong Tự Sắc Ðức Thánh Cha Phanxicô lấy lại lập trường của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: Giáo Hội không có năng quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Bà cho rằng: “Ðức Giáo Hoàng đã khơi lên nhiều hy vọng trong chúng tôi, nhưng rồi ngài làm cho chúng tôi thất vọng. Vatican không mở ra con đường nào cho phụ nữ làm linh mục. Ðây thật là một sự thất vọng. Không phụ nữ nào vui mừng vì Tự Sắc này. Làm như vậy chỉ là khép kín cửa đối với vấn đề phó tế phụ nữ...”.

Nữ ký giả Franca Giansoldati của báo Il Messaggero, ở Rôma, viết một bài với tựa đề: “Tiến bộ nửa chừng của Ðức Giáo Hoàng: phụ nữ giúp lễ bàn thờ nhưng không làm lễ”. Bà nhận xét rằng: “Chắc chắn là các nữ thần học gia Ðức, Mỹ, Áo và Pháp thất vọng vì từ bao năm họ tranh đấu cho sự bình đẳng trong Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng chỉ loại bỏ chữ “nam giới” trong khoản giáo luật 320, triệt 1. Nhưng dầu sao đó cũng là một bước tiến, cho dù phụ nữ vẫn không được làm phó tế và linh mục.”

3. Người Công Giáo và người Do Thái ở Ba Lan đánh dấu Ngày Do Thái giáo bằng thánh vịnh, âm nhạc và lời cầu nguyện

Người Công Giáo và người Do Thái ở Ba Lan đã cử hành Ngày Do Thái giáo hàng năm bằng thánh vịnh, âm nhạc và lời cầu nguyện vào hôm Chúa Nhật 17 tháng Giêng.

Sự kiện này được diễn ra ở nhiều nơi hôm Chúa Nhật. Tuy nhiên, các sự kiện chính diễn ra tại Nghĩa trang Do Thái Bródno ở Warsaw, một trong những nghĩa trang Do Thái lớn nhất thế giới, nơi chôn cất khoảng 320,000 người.

Người Công Giáo Ba Lan đã có truyền thống cử hành Ngày Do Thái giáo từ năm 1998. Năm nay, ngày này được đánh dấu bằng một buổi Phụng vụ Lời Chúa chung, sau đó là những diễn từ của các nhà lãnh đạo Công Giáo và Do Thái.

Các bài đọc được trích từ Sách Đệ Nhị Luật, vì chủ đề của năm nay được trích từ sách này “Coi đây, hôm nay Ta đưa ra cho các ngươi chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ” (Đnl 30:15).

Thánh Vịnh 130, một trong những Thánh Vịnh sám hối, cũng được cất lên tại buổi lễ, đầu tiên được đọc bằng tiếng Ba Lan và sau đó được hát bằng tiếng Do Thái. Cũng có thời gian để cầu nguyện trong im lặng.

Buổi cầu nguyện kết thúc bằng một buổi hòa nhạc. Âm nhạc của ban nhạc Symcha Keller được đan xen với những câu chuyện liên quan đến các thành viên của cộng đồng Do Thái Ba Lan trong lịch sử và ngày nay.

Đức Cha Romauld Kamiński, Giám Mục của Warszawa-Praga đã có mặt trong buổi lễ cùng với ông Michael Schudrich, Giáo sĩ trưởng của Ba Lan, người đã nói vào tuần trước: “ Ngày Do Thái giáo trong Giáo hội đối với tôi, một Giáo sĩ, là một ngày thánh”.

Theo một thông cáo báo chí từ Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, Giáo sĩ Stas Wojciechowski lưu ý trong bài suy niệm của mình rằng đoạn văn trong sách Đệ Nhị Luật thường được đọc vào Tết của người Do Thái, đó là “thời điểm để tóm tắt cách chúng ta sử dụng tự do của mình, chọn sự sống hay cái chết”.

Tuyên bố cho biết thêm: “Vị giáo sĩ Do Thái nhấn mạnh rằng trong phụng vụ hội đường, những lời này được giải thích trong ngữ cảnh của sự cải đạo, tức là bất cứ khi nào một người còn sống, người đó có thể cải đạo”.

Đức Cha Kamiński liên hệ bài đọc với đại dịch coronavirus đang diễn ra và những suy nghĩ về sự sống và cái chết. Ngài nhấn mạnh rằng nghe Lời Thiên Chúa là một đặc ân, nhưng câu hỏi đặt ra: tôi có đang nghe Thiên Chúa nói với tôi không? Liệu Người có cơ hội tiếp cận tôi ngày hôm nay bằng lời của Người không? “

Ngày Do Thái giáo diễn ra vào đầu Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô Giáo, được tổ chức hàng năm từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Tại Ba Lan, Giáo Hội Công Giáo cũng tổ chức Ngày của đạo Hồi vào cuối tuần lễ đại kết.

Được tổ chức bởi Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, Ngày Do Thái giáo “nhằm mục đích đối thoại giữa các tôn giáo và giúp khám phá căn cội của Kitô Giáo”.


Source:Catholic News Agency

4. Lịch sử Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

5. Tiến sĩ George Weigel bàn về tương lai Hoa Kỳ.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến việc thay đổi chính quyền tại Hoa Kỳ với tựa đề “Những Suy Tư Về Sự Đổi Mới Của Hoa Kỳ Nhân Lễ Nhậm Chức”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa

Do cuộc tấn công ngày 6 tháng Giêng vào Điện Capitol của Hoa Kỳ bởi một đám đông, mà trong đó có các thành viên bạo lực tuyên bố rằng họ đã lấy hứng từ tổng thống thứ bốn mươi lăm của Hoa Kỳ, vị tổng thống thứ bốn mươi sáu sẽ được nhậm chức tại một thành phố trong đó các vị trí chính phủ và các quảng trường hoành tráng giờ đây gần giống với một kho vũ khí hơn là thủ đô của một nước cộng hòa dân chủ trưởng thành.

Ngay sau lễ nhậm chức, chính quyền của tổng thống mới sẽ bắt đầu một cuộc tấn công tổng lực vào quyền lương tâm của các chuyên gia y tế, quyền bất khả xâm phạm được sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên và quyền tự do tôn giáo, là điều mà người được đề cử làm tổng trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh cho chính quyền mới tin tưởng rằng có thể giản lược thành sự bao dung cho phép của nhà nước đối với một số hoạt động giải trí cuối tuần nào đó.

Trong tình huống chưa từng có này, những dấn thân nào cần phải được tái khẳng định bởi những người muốn thúc đẩy một triết lý công cộng giầu thông tin về tôn giáo cho cuộc thử nghiệm của người Mỹ về quyền tự do trong trật tự? Đây là gợi ý của tôi.

Chúng ta nên khẳng định rằng Hoa Kỳ là một cộng đồng quốc gia có xác tín về đạo đức và chính trị, chứ không phải là một chính thể dựa trên huyết thống và thổ nhưỡng, sắc tộc hay chủng tộc.

Chúng ta nên khẳng định rằng nền dân chủ không thể tự duy trì trên cơ sở một ý tưởng sai lầm về con người trong đó giản lược những người nam, nữ đến mức đơn thuần chỉ là những bó ham muốn, mà thỏa mãn là chức năng chính của nhà nước. Chúng ta nên khẳng định rằng chủ nghĩa cá nhân được công khai thể hiện và bạn đi đôi với nó, là chủ nghĩa tương đối về đạo đức, không tương thích với sự tự quản dân chủ trong một thời gian dài. Và chúng ta nên cam kết nâng cao tầm nhìn chân thực hơn, tinh tế hơn về tình trạng con người, một cái nhìn dựa trên cả lý trí và mặc khải.

Chúng ta nên khẳng định bằng những điều kiện mạnh mẽ nhất có thể được rằng phương pháp thuyết phục là mệnh lệnh đạo đức và dân chủ, và chúng ta nên nhấn mạnh rằng bạo lực không phải là phương pháp phản đối chính trị có thể chấp nhận được trong một nền dân chủ.

Chúng ta nên khẳng định rằng không có nỗi sầu khổ nào hoặc ý thức hệ nào biện minh được cho một cuộc tấn công bạo lực vào con người hoặc các hành vi đập phá tài sản, công cộng hay tư nhân.

Chúng ta nên khẳng định rằng các quan chức nhà nước có nghĩa vụ nghiêm túc trong việc duy trì trật tự công cộng để có không gian công cộng rộng rãi, được bảo vệ nhằm tiến hành các cuộc tranh luận mạnh mẽ, thẳng thắn và văn minh vốn là mạch máu của nền dân chủ.

Chúng ta nên khẳng định rằng văn hóa loại trừ là sản phẩm phụ của ý tưởng hủy diệt về “sự khoan dung áp chế” và không có chỗ đứng trong một nước cộng hòa dân chủ.

Chúng ta nên khẳng định rằng mọi quốc gia — và đặc biệt là một quốc gia “suy nghĩ chín chắn và nhiệt thành” như Hoa Kỳ — cần một câu chuyện có thật về bản thân mình để hiểu được gốc rễ của những thách thức hiện tại, và do đó, sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ của công lý trong một cộng đồng chính trị có trật tự đúng đắn. Do đó, chúng ta cần phải bác bỏ mọi sự xuyên tạc lịch sử nhân danh các ý thức hệ. Và vì điều đó, chúng ta phải khẳng định bổn phận của chúng ta là làm việc với đồng bào của mình để sự thật về nước Mỹ, một sự thật đầy đủ, được truyền dạy cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Chúng ta nên khẳng định tính chất cấp bách của một nền chính trị dựa trên thực tại và bác bỏ các thuyết âm mưu dựa trên sự bóp méo thực tại cho phù hợp với ý thức hệ: bất kể những người theo thuyết âm mưu ấy là các nhà lãnh đạo tôn giáo hay các công chức, và bất kể những lý thuyết đó xuất hiện từ cơn sốt truyền thông xã hội hay được thúc đẩy bởi những thành kiến không thể phủ nhận của các phương tiện truyền thông chính thống. Đặc biệt, chúng ta nên bác bỏ các thuyết âm mưu được quảng bá bởi các chính trị gia quan tâm đến việc duy trì hoặc nắm giữ quyền lực hơn là sự thật. Những kẻ phá hoại như vậy xuất hiện ở từng điểm trên quang phổ các quan điểm chính trị, và tất cả đều nên bị bác bỏ bởi lý do là họ quá ám ảnh về bản thân mình, đến mức nhầm lẫn tư lợi với thiện ích chung.

Chúng ta nên khẳng định rằng chỉ có một dân tộc có đạo đức mới có thể duy trì thể chế dân chủ và kinh tế tự do. Chúng ta nên khẳng định rằng tự do không thể bị giản lược thành một điều tùy ý; tự do phải được gắn liền với chân lý và phải được thực hiện vì thiện ích chung nếu không tự do chỉ đơn thuần là giấy phép. Chúng ta nên khẳng định rằng từ “lựa chọn” không còn có thể được dùng để kết thúc mọi cuộc đối thoại và tranh luận trong đời sống công chúng Hoa Kỳ, vì một nền dân chủ trưởng thành là một thực thể trong đó người dân luôn phải vật lộn với câu hỏi thực sự quan trọng, đó là chọn cái gì?

Chúng ta nên khẳng định rằng tự do tôn giáo là một vấn đề liên quan đến các quyền được bảo vệ theo hiến pháp trong đời sống của các cộng đồng và thể chế, cũng như các quyền của lương tâm và niềm tin cá nhân.

Chúng ta nên khẳng định rằng các nghĩa vụ đạo đức quốc gia không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia, và một nền đạo đức tự cung tự cấp là điều không thể xảy ra trong thế giới thế kỷ 21 như trong trường hợp của nền kinh tế tự cung tự cấp. Vì vậy, chúng ta nên tái khẳng định chính sách hỗ trợ quốc tế mạnh mẽ đối với quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền cơ bản khác.

Chúng ta nên khẳng định phẩm giá của công việc. Chúng ta nên khẳng định nghĩa vụ xây dựng một nền kinh tế trong đó đồng bào chúng ta có cơ hội làm việc, và do đó thực hiện khả năng sáng tạo và tiềm năng của họ. Chúng ta nên ủng hộ một cuộc tranh luận cởi mở, nghiêm túc và thấu đáo về việc tạo ra cơ hội trong thế giới hậu công nghiệp, trong một thế giới được lèo lái bởi công nghệ thông tin mà chúng ta đang sống, trong khi thừa nhận rằng thế giới đó sẽ không biến mất và sự xuất hiện của nó đã dẫn đến những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng đối với nhiều người mà chúng ta có nghĩa vụ phải liên đới với họ.

Chúng ta nên khẳng định rằng nền giáo dục Hoa Kỳ phải được cải cách để chuẩn bị cho những người trẻ vào đời, làm việc hiệu quả và bổ ích — một cuộc cải cách sẽ bao gồm việc mở ra các cơ hội giáo dục cho trẻ em nghèo ngoài những cơ hội được cung cấp bởi các hệ thống giáo dục nhà nước thường xuyên rối loạn.

Chúng ta nên khẳng định rằng chúng ta không có câu trả lời cho mọi vấn đề về chính sách công đang gây tranh cãi — và cũng không ai có câu trả lời. Vì vậy chúng ta nên khẳng định khả năng rằng những người chúng ta thường xét thấy về mặt chính trị “khác” với chúng ta có thể có lý của họ, ngay cả khi chúng ta nhấn mạnh rằng những “người khác” cũng phải thừa nhận bổn phận chấp nhận giải pháp của chúng ta khi chúng ta có lý.

Chúng ta nên khẳng định rằng quản trị đòi hỏi cả chuyên môn và sự phán đoán chín chắn đến từ kinh nghiệm. Đồng thời, chúng ta nên tái khẳng định rằng “ý kiến chuyên gia” không phải là không thể sai lầm và những người chịu trách nhiệm quản trị phải lắng nghe tiếng nói của những người cảm thấy mình bị những người có quyền lực chính trị và kinh tế phớt lờ.

Và cuối cùng, chúng ta nên tái khẳng định niềm tin của mình vào năng lực đổi mới đất nước Hoa Kỳ. Chúng tôi khẳng định rằng chính trị luôn thoát thai từ văn hóa. Do đó, sự bất mãn của chúng ta cùng với sự bối rối của chúng ta trước tình trạng hiện tại, và bẩn thỉu của nền chính trị đòi hỏi chúng ta phải đi đến một quyết tâm mới: đó là xây dựng lại một nền văn hóa đạo đức công cộng có khả năng duy trì một nền chính trị dân chủ thúc đẩy được cả phúc lợi con người lẫn sự hiệp nhất xã hội.


Source:First Things