Ngày 27-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tản mạn cuối năm con Khỉ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:00 27/01/2017
TẢN MẠN CUỐI NĂM CON KHỈ

1.

Trong không khí vội vàng của những ngày cuối năm hình như ai cũng vội vội vàng vàng, hình như ai cũng đua nước rút với thời gian vì họ cảm thấy thời gian sao ngắn quá, không đủ cho những tính toán của mình.

Đúng là thời gian đi qua không chờ đợi ai, từ từ qua đi, nhưng con người vẫn cứ ngủ mê từ tháng một cho đến tháng mười một của năm, nhưng đến tháng chạp thì hầu như mọi người bừng tỉnh để rồi đến những ngày cuối năm thì òa ra đường chật đường chật sá, người với người chen nhau xô lấn, xe cộ với người giành nhau từng tất đất để đi vào chợ mua sắm, rồi tai nạn liên tiếp xảy ra, sự rủi ro vào dịp cuối năm thật đáng sợ. Trên các trang mạng xã hội người ta có thể nhìn thấy những tai nạn thảm khốc xảy ra với người chạy xe trên các tuyến đường cao tốc hoặc liên tỉnh lộ, những hình ảnh này khác với không khí chộn rộn đón xuân của mọi người.

Ở Saigon –thành phố trẻ trung năng động và lớn nhất nước đã có những hoạt động vui xuân trước tết, chợ hoa ở công viên 23/9 vẫn tấp nập người mua hoa, ngắm hoa và chụp ảnh, đường hoa Nguyễn Huệ vẫn thế rất nhiều người đi thưởng lãm hoa tết…

Những ngày cuối năm vui vì tết sắp đến và lo sợ bởi nạn kẹt xe, tai nạn xe và cướp giựt...

2.

Những ngày cuối năm có một sự cố đáng buồn ảnh hưởng đến thanh danh của các linh mục Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến các giáo dân thanh niên cũng như các giáo dân lớn tuổi, đó là vụ có một linh mục ở Mỹ về giảng tĩnh tâm ở một nhà thờ lớn ở tổng giáo phận Saigon.

Vì tư cách của vị linh mục này mà tòa tổng Saigon cũng như tòa giám mục Xuân Lộc cấm các cha sở mời vị linh mục này giảng tại nhà thờ của mình. Thật buồn và đáng quan ngại cho những mục tử như thế.

Theo “thói thường” một linh mục đến đâu đều được giáo dân hoan nghênh đón tiếp đến dấy, vì hai chữ linh mục đã nói lên được điều ấy, vì tư cách cá nhân của các ngài đã nói lên được điều ấy. Nhưng vị linh mục ở Mỹ về Việt Nam giảng thì lại không như thế, bởi vì linh mục nói rằng đạo Công Giáo không dạy ăn ở ngay lành, nào là tình dục thì sướng lắm, nào là sử dụng các ngôn từ như phường du thủ du thực, như những người không học hành, mà những người không học hành hay người du thủ du thực có giáo dục thì vẫn còn gượng miệng khi thốt ra những lời ấy, huống gì một linh mục.

Tư cách của một con người rất quan trong, mà người có chức quyền địa vị lại quan trọng hơn, nhất là các linh mục, tôi đã có qua đoạn clip mà linh mục này giảng ở nhà thờ Tân Sa Châu, Saigon, thì quả thật hết lời bàn cãi với một linh mục trên tòa giảng mà dùng những lời như thế...

Qua “sự cố” cuối năm này, cũng là dịp để các linh mục suy tư và hồi tâm xét mình trong năm qua, trong đó có tôi, mình có những ngôn từ và thái độ ấy trên tòa giảng hay không, chắc chắn là không, nhưng trong cuộc sống đời thường có những lúc các linh mục cũng sơ suất làm cho giáo dân buồn phiền vì thái độ của mình, cũng làm cho Chúa buồn vì có lúc mình lợi dụng chức thánh để làm những điều không đẹp lòng Chúa...

3.

Ngày 28 tết cũng có một “sự cố” rất buồn cho những người bán hoa tết tại thành phố Saigon, một trận mưa lớn như trút hết nước trên những đám mây đỗ xuống, làm cho những người bán hoa -đem mùa xuân đến cho mọi người- ủ rủ thất vọng buồn bả, vì mưa lớn làm ảnh hưởng đến những ngày giáp tết bán hoa mua tết của họ. Nhìn và đọc trên các trang mạng xã hội, những cánh hoa đẹp đủ màu sắc ủ rủ gục xuống như những người chủ của nó ngồi bó gối gục đầu với tâm trạng rối bời vì hoa không còn đẹp để bán.

Mưa trút xuống ngập đường kéo theo những bông hoa xanh đỏ vàng trôi theo và chảy vào ống cống hoặc trôi lềnh bềnh trên những con đường ngập nước, như kéo luôn niềm hy vọng cuối cùng vui tết của những người trồng hoa vào một tương lai u tối.

Thiên Chúa là chúa của mùa xuân, Ngài sẽ không để mùa xuân tàn lụi nơi người nghèo, Ngài cũng không để mùa xuân vuột khỏi tay những người đang thất vọng, Ngài có chương trình cho mỗi người trong thế giới này, trận mưa lớn trút xuống làm não lòng những người bán hoa, thì Thiên Chúa sẽ thúc giục tâm hồn của những người đi mua hoa tết càng rộng mở quảng đại hơn trước những đau khổ của những người bán hoa.

Người Ki-tô hữu hiểu rõ điều này hơn ai hết, nếu không có những người bán hoa tết để chúng ta vui tết, làm đẹp nhà thờ và gia đình trong những ngày tết, thì chắc chắn một cái tết sẽ không có hương vị tết. Bác ái -không đi đâu xa để tìm- nhưng nó ở ngay chung quanh chúng ta, cụ thể là những người bán hoa giúp chúng ta có mùa xuân vui vẻ hạnh phúc.

4.

Cuối năm con Khỉ thật là có nhiều sự cố không vui vẻ, nhưng với đức tin của người Ki-tô hữu thì đó chính là những thử thách mà Chúa gởi đến cho chúng ta, như lời thánh Augustine đã nói: “Ngày nào nếu tôi không gặp thử thách, thì ngày đó coi như Thiên Chúa đã quên tôi rồi.” Thánh nhân đã nhìn thấy trong đau khổ thử thách thánh ý của Thiên Chúa và ngài đón nhận như Chúa đến viếng thăm ngài vậy.

Năm con Khỉ sẽ qua đi, năm con Gà sắp đến, gà thì gáy sang báo giờ cho con người và vạn vật thức dậy tiếp tục làm đẹp thế giới và tạo mối tương quan giữa người với nhau.

Tiếng gà gáy đã thức tỉnh thánh Phê-rô ăn năn hối cải vì tội chối Chúa; tiếng gà gáy cũng sẽ đánh thức các linh mục của Chúa hãy nhìn lại chức phận cao quý của mình là làm trung gian đem ơn Chúa xuống cho loài người, mà sống xứng đáng với tình yêu của Chúa đã chọn các ngài vào hàng tư tế của Chúa.

Tiếng gà gáy cũng sẽ đánh thức những người Ki-tô hữu đang sống mãi ngủ mê trong những quay cuồng của thế gian thức tỉnh, để đứng lên cầm đèn sáng trong tay là đức tin và đức ái đi làm chứng nhân cho Chúa giữa xã hội nhiễu nhương này.

Gà Vàng Báo Tin Vui (金雞報喜 kim kê báo hỷ); Chúc Mừng Năm Mới (新年快了 tân niên khoái lạc)

Taiwan, ngày 27/1/2017

Ngày cuối năm con Khỉ

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Đón Giao Thừa Đầu Xuân
Lm Đan Vinh - HHTM
01:24 27/01/2017
Lễ đón Giao Thừa Đầu Xuân
Mt 5,1-10

LỜI CHÚC HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN

TÁM MỐI PHÚC THẬT


1. LỜI CHÚA:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)

2. CÂU CHUYỆN:

1) HẠNH PHÚC ĐÒI TA LUÔN PHẤN ĐẤU:
Vào một buổi sáng đẹp trời, chú cún con chạy đến bên mẹ và hỏi:
- Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?
Mẹ cún con mỉm cười đáp:
- Hạnh phúc nằm ở chiếc đuôi xinh xắn của con đó!
Cún con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy vừa vẫy vãy chiếc đuôi! Nhưng rồi bỗng một hôm, chú cún con buồn bã chạy đến bên mẹ:
- Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ nắm giữ được hạnh phúc vậy?
Mẹ khẽ vuốt ve cún con và đáp:
- Chỉ cần con tự tin bước về phía trước, hạnh phúc sẽ tự đi theo con thôi!!!

2) HẠNH PHÚC Ở TRONG LÒNG CHÚNG TA:
Ngày xưa, có một bầy yêu tinh tập hợp lại với nhau để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng: "Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?"
Một con yêu tinh khác lên tiếng: "Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được."
Một con yêu tinh cho ý kiến: "Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới."
Con yêu tinh khác phản đối: "Con người rất khỏe mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì khó khăn."
"Vậy thì chúng ta sẽ đem hạnh phúc ném xuống đáy biển sâu."
"Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tận đáy biển. Rồi tất cả mọi người sẽ biết."
Một con yêu tinh trẻ có ý kiến: "Hay là chúng ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác."
Con yêu tinh già phản đối: "Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi."
Suy nghĩ hồi lâu, có một con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: "Tôi biết phải giấu hạnh phúc ở đâu rồi. Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi và bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình. Bản thân họ thì chẳng bao giờ quan tâm. Giấu nó ở đó thì con người không bao giờ tìm thấy!!!"
Tất cả các con yêu tinh đều đồng ý. Và kể từ đó, rất nhiều người mãi miết kiếm tìm hạnh phúc mà không biết rằng nó được giấu ngay trong tâm hồn của chính mình.

3) NGƯỜI GIÀU CŨNG KHÓC:
PAUL GETTY là ông chủ một hãng dầu lớn nhất tại Anh Quốc. Khu đất ông ở rộng bốn mươi mẫu tây. Tài sản của ông trị giá hàng tỷ mỹ kim. Thế mà mỗi ngày ông đều phải thức dậy làm việc từ lúc ba giờ sáng. Chung quanh ông lúc nào cũng có tới mười cảnh sát bảo vệ. Mỗi ngày, ông nhận được hàng trăm cú điện thoại và những lời đe dọa ám sát… Ông đã phải thốt lên rằng: “Tôi là người chẳng bao giờ biết đến hạnh phúc!”.

3. THẢO LUẬN:

1)1) Hạnh phúc thực sự là gì?
2) Làm thế nào để đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại và mai sau?

4. SUY NIỆM:
Năm cũ sắp qua nhường chỗ cho năm mới đang tới. Trong dịp này, chúng ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Chẳng hạn: Chúc cho đông con nhiều cháu, phát tài phát lộc, khỏe mạnh sống lâu… Những lời cầu chúc thường qui về ba chữ: Phúc, Lộc, Thọ. Tóm lại là chúc nhau được hạnh phúc trong Năm Mới. Nhưng thế nào là hạnh phúc thực sự?

1) Hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là tình trạng thỏa mãn khi đạt được những điều mong ước mà người đời thường mong ước như Phúc, Lộc và Thọ. Tuy nhiên không nhất thiết cứ có đông con nhiều cháu, cứ sở hữu nhiều nhà cửa tiền bạc, chức cao quyền trọng hoặc được sống lâu trăm tuổi là đương nhiên có hạnh phúc… Vì lòng tham con người vô đáy như người đời thường nói: “Được voi đòi tiên”, “Đứng núi này trông núi nọ”…
Người ta cũng thường chúc nhau khỏe mạnh. Nhưng khỏe mạnh vẫn chưa phải là thứ hạnh phúc thực sự. Vì nếu sức khỏe là hạnh phúc, thì chắc hẳn những nhà lực sĩ sẽ hạnh phúc nhất. Thế nhưng, không phải như vậy. Bởi vì có những người dù đau yếu, sức khỏe èo uột, thế mà nụ cười vẫn tươi nở trên đôi môi, đang khi những nhà vô địch Ô-lim-pic có sức khỏe vô địch lại thường âu lo bị soán ngôi như người ta thường nói: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”.
Rất nhiều người đã mong ước kiếm nhiều tiền để được sống an nhàn như người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được: Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà của danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là triết lý của cuộc đời”...

2) Hạnh phúc thực sự do đâu ?
Hạnh phúc thật sự không nhất thiết do tiền bạc, chức quyền, sắc đẹp, sức khỏe... dù rằng những điều đó đều là ưu điểm có thể mang lại cho chúng ta niềm vui trong một lúc nào đó. Vậy hạnh phúc đích thật ở đâu?
Thực ra: Con người chúng ta không những gồm thân xác mà còn có linh hồn nữa. Cơm áo gạo tiền hay tiền bạc vật chất, địa vị chức quyền, sắc đẹp, tài năng, sức khỏe, sống lâu… chỉ đáp ứng được những nhu cầu về thể xác bên ngoài và không bền lâu, nên không mang lại hạnh phúc thực sự. Điều quan trọng để có hạnh phúc thực sự là một tâm hồn bình an, luôn tìm thấy niềm vui như Đức Ma-ri-a, sau khi được bà chị Ê-li-sa-bét ken là có phúc, đã dâng lời ca tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).
Dù thân xác chúng ta có gặp những tai nạn rủi ro và những điều trái ý, nhưng người có đức tin vẫn luôn phó thác vào Thiên Chúa và gặp được niềm vui hạnh phúc trong sự nhẫn nhịn chịu đựng, quảng đại tha thứ chỏ kẻ thù ghết bách hại mình, như Phó tế Tê-pha-nô khi bị thù ghét ném đá sắp chết, vẫn mở miệng cầu xin: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60), hoặc như Đức Giê-su khi bị treo trên thập giá sắp chết đã cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Như thế, hạnh phúc chúng ta nhận được phải bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguồn mạch mang lại hạnh phúc đích thực. Nơi nào có Chúa Giê-su hiện diện thì nơi ấy sẽ có sự bình an hạnh phúc như Người đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).

3) Cho thì có phúc hơn là nhận (Cv 20,35):
Trong một buổi hội thảo về hạnh phúc gồm 50 người tham dự. Diễn giả khởi đầu bằng một hoạt động tập thể. Ông đưa cho mỗi người một quả bóng và yêu cầu họ viết tên của mình lên trái bóng bằng bút lông. Sau đó, số bóng được thu hết lại rồi bỏ sang một phòng khác.
Rồi 50 người này được tập trung tại phòng chứa bóng và được yêu cầu tìm quả bóng ghi tên của mình trong thời gian 5 phút. Mọi người đều lao vào giỏ xô đẩy nhau để tìm kiếm và căn phòng trở nên hỗn loạn, nhưng khi hết 5 phút mà không mấy ai tìm thấy trái bóng tên mình.
Sau đó, vị diễn giả lại yêu cầu mỗi người tự nhặt lên một quả bóng bất kỳ rồi tìm chuyển cho người có tên ghi trên bóng. Chỉ trong vòng 5 phút, ai nấy đều đã có được quả bóng của mình.
Lúc này, vị diễn giả mới dẫn vào đề tài về hạnh phúc: Trong cuộc sống, mỗi người đều hối hả đi tìm hạnh phúc của mình, nhưng thực ra lại không biết chúng nằm ở đâu.
Hạnh phúc của chúng ta nằm trong hạnh phúc của người khác. Hãy tìm cách làm cho người xung quanh có được hạnh phúc của họ, rồi chúng ta cũng sẽ được người khác mang lại hạnh phúc cho ta. Cũng như câu chuyện trên cho thấy: khi náo loạn đi tìm bóng mà không thấy. Họ chỉ cần trao bóng hạnh phúc cho kẻ khác là chính họ cũng sẽ tìm được hạnh phúc của chính mình. Hãy cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại: Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38).

4) Phương thế để được hạnh phúc thực sự là sống Tám Mối Phúc:
Hạnh phúc không ở đâu xa, nó luôn ở trong lòng mình và ở bên cạnh mình. Có điều chúng ta quên điều này mà đi tìm ở nơi đâu khác và cuối cùng đã bị mất hạnh phúc.
Để luôn có hạnh phúc nghĩa là có Chúa ở cùng, là luôn có tình yêu của Chúa trong lòng mình. Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta phải quyết tâm thực hành Tám Mối Phúc trong cách ứng xử quên mình vị tha, công bình nhân ái, như lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: Sống khiêm hạ nghèo khó, luôn ứng xử hiền lành, chấp nhận con đường qua đau khổ vào vinh quang, luôn khát khao nên người công chính, có lòng chạnh thương những kẻ bất hạnh, có tâm hồn trong sạch, luôn ăn ở thuận hòa, sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính, chấp nhận bị sỉ nhục vì danh Chúa...
Niềm hạnh phúc của một tâm hồn luôn có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cần phải cầu chúc cho nhau trong giờ phút đón Giao Thừa và trong Năm Mới này. Dù chúng ta ít nhiều vẫn còn chịu đau khổ và gặp những điều trái ý, nhưng nếu thực sự có Chúa ở cùng, chắc chắn chúng ta vẫn cảm thấy vui mừng và hy vọng, bình an và hạnh phúc như thánh Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm: “Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Cr 7,4b).

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi tinh thần Tám Mối Phúc của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, thể hiện qua cách suy nghĩ, nói năng và cách ứng xử khiêm tốn, vị tha, luôn nhẫn nhịn chịu đựng, từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ cho tha nhân noi gương Chúa khi xưa, để tâm hồn chúng con được bình an, vui vẻ từ ngày hôm nay, là dấu chỉ sau này chúng con cũng sẽ được hưởng an bình hạnh phúc trên Thiên Đàng với Chúa.- AMEN.


 
Phó thác vào tình thương quan phòng cúa Thiên Chúa
Lm Đan Vinh - HHTM
00:58 27/01/2017
MÙNG MỘT TẾT
Mt 6,25-34

PHÓ THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA Thiên Chúa

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

2. CÂU CHUYỆN: TÁI ÔNG THẤT MÃ, AN TRI HỌA PHÚC
Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như sau:
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão rất bình tỉnh nói: Biết đâu con ngựa chạy mất ấy sẽ đem lại điều tốt cho tôi.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, con ông lão bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị té gãy một xương đùi thành ra què chân chịu cảnh tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông lão thản nhiên nói: Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà lại được phúc đó.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân khỏi phải đi lính, nên còn sống sót.

3. THẢO LUẬN:
1) Qua câu chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” nghĩa là: Lão ông mất ngựa, họa hay là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của bạn?
2) Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan phòng của Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?

4. SUY NIỆM:

1) Nội dung Tin Mừng ngày đầu Năm Mới:
Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau:
Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống.
Về việc sống lâu thì dù có lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!
Về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc đẹp hơn vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.
Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Nếu loài chim trời chẳng đáng giá bao nhiêu, và loài hoa đồng nội sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm sóc như thế, phương chi con cái loài người đáng giá hơn muôn phần lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ hay sao? Và Đức Giê-su kết luận: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".

2) Về sự quan phòng của Thiên Chúa:
Ngày nay chúng ta cũng có muôn ngàn nỗi lo chính đáng: Người làm cha mẹ thì lo sao cho gia đình có cái ăn cái mặc hằng ngày, lo căn nhà đang ở khỏi dột khi mùa mưa đến, lo cho con cái học hành tử tế, lo cho người nhà mắc bệnh được có tiền để khám bệnh uống thuốc, lo giá cả tiêu dùng không bị tăng vọt, lo mùa màng ngoài đồng không bị thất bát do nắng hạn, sâu rầy hay lũ lụt... Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người chúng ta và đều chính đáng đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.

3) Phải tránh thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm:
Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức Giê-su đã nói: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).
Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta lười biếng vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần làm cho môi trường ta đang sống, cho thế giới này ngày một tốt đẹp hoàn thiện hơn. Ngay từ khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không phải đem đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là quá lo lắng về đời sống vật chất, coi nó là cùng đích đời mình.

4) Tiên vàn phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng nước Thiên Chúa. Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước Thiên Chúa. Thường người ta coi tiền bạc vật chất là ưu tiên số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy nghĩ ấy là sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy tớ tiền bạc này lại rất có uy, rất dễ biến thành ông chủ lúc nào không biết. Khi nó đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta phải phụng sự nó với bất cứ giá nào.
Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó chúng ta tránh thái độ thụ động, nhưng phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần theo lời người xưa dạy: “Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp”, hoặc : “Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.

5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Cha trên trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu”. Nhờ biết sử dụng đồng tiền phục vụ cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà chúng con sẽ có sự bình an trong tâm hồn và sẽ nên chứng nhân trước mặt người đời, xây dựng một thế giới mới tốt đẹp là Nước Trời đời sau.- AMEN.




 
Hãy hiếu kính Cha Mẹ
Lm Đan Vinh - HHTM
01:23 27/01/2017
Mùng Hai Tết : Hãy hiếu kính Cha Mẹ
Mt 15,1-6

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).

2. CÂU CHUYỆN:

Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.
Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.

3. THẢO LUẬN:

1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: “Sóng trước vố đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao?
2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?

4. SUY NIỆM:

1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình:
Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là các bậc sinh thành là cha mẹ. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ đượm tình thảo hiếu với các ngài.
Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà và anh chị em con cháu.

2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:
Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.
Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.
Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh khi ta còn thơ bé.
Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.

3) Làm gì trong những ngày này?:
Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì:
“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Dịp Xuân Mới, bàn sẽ biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?

5. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con.- Amen.


 
Ai không làm việc thì cũng đừng ăn
Lm Đan Vinh - HHTM
01:23 27/01/2017
Mùng Ba Tết Nguyên đán: Ai không làm việc thì cũng đừng ăn !
Mt 25,14-30

1. LỜI CHÚA: "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (1Pr 4,10-11).

2.CÂU CHUYỆN: SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY
Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn để gieo cỏ trước lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo trồng mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu cảnh vất vả cày bừa để đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để trở lại thiên đường.
Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc cách nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: "Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ". Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng không chịu làm việc và chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.

3. THẢO LUÂN:
1) Thánh Kinh dạy gì về lao động trí óc và tay chân?
2) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì trong Năm Mới này?

4. SUY NIỆM:
Có người nghĩ rằng con người làm bá chủ thiên nhiên và có toàn quyền làm chủ trái đất mà quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ vạn vật. Tin mừng Gio-an đã cho biết về công trình Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng tác với Thiên Chúa để góp phần hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi sáng tạo loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).

1) Loài người được trao quyền làm chủ thiên nhiên:
Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).

2) Gương sáng lao động của thánh gia Na-da-rét:
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, còn mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ phục vụ chồng con. Còn trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) và luôn sẵn sàng chia sẻ nỗi vất vả của cha mẹ, và qui hướng mọi việc theo của Chúa Cha (x. Lc 22,41), và luôn làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).
Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, kèm theo sự vất vả chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt nặng công việc phục vụ hơn là giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong ngày sa-bát là ngày bị cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do thái như sau: "Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

3) Phải chăm chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi ra các nén bạc vật chất tinh thần được Chúa trao phó như sau:
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do bất tín và biếng nhác đã mang nén bạc của chủ đi chôn vì sợ thay vì yêu mến chủ. Anh ta đã bị mất những gì đang có.

4) “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” :
Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20,33-35).

5) Chúng ta phải làm gì?
Trong Kinh Tiền Tụng lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau: "Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế ".
Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự để qui hướng về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa khi sử dụng những gì Chúa trao như: Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái... và cần ý thức rằng: chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.

5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn các nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường kêu trách Chúa khi cầu xin mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng những gì trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa muôn đời.- Amen.



 
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó
Lm Đan Vinh - HHTM
01:30 27/01/2017
Chúa Nhật 4 Thường niên A
Xp 2,3.3,12-13; 1 Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 5,1-12a
(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng: (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11) “Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

2. Ý CHÍNH: TÁM MỐI PHÚC THẬT.
Mát-thêu gom nhiều điều Chúa Giê-su nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau làm thành “Bài Giảng Trên Núi” hay là “Hiến Chương Nước Trời”. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của Bài Giảng Trên Núi, trong đó nêu ra 8 điều kiện mà ai muốn gia nhập vào Nước Trời của Chúa Giê-su phải có, được gọi là Tám Mối Phúc. Chẳng hạn: Tinh thần nghèo khó, nhân đức hiền lành, tâm hồn sám hối, luôn khao khát sống công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, biết ăn ở hòa thuận, bị bách hại vì đức Tin. Ai sống theo 8 tinh thần này thì thật diễm phúc, vì sẽ được làm thành viên của Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đàng mai sau.

3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Đoàn lũ đông đảo: Gồm các tông đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, miền Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính phổ quát của sứ điệp Chúa Giê-su. + Người đi lên núi: Núi ở đây thực ra chỉ là một ngọn đồi ở gần Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng Mát-thêu dùng tiếng núi để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước cũ và ban Lề Luật cho Ít-ra-en trên núi Si-nai. + Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên: Ngồi là tư thế của vị Thầy khi giáo huấn các môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay: Đây là kiểu nói thường được sử dụng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su dùng lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ… sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai…, đang khi Lu-ca thì viết: Phúc cho anh em... (6,20-26).+ Tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ: Nghèo khó là thái độ khiêm tốn, vô tư như trẻ em và là điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời (x. Mt 18,1-11). Nghèo khó cũng đồng nghĩa với tinh thần siêu thoát, sẵn sàng từ bỏ của cải để đi theo làm môn đệ Chúa và sẽ được Nước Trời làm phần gia nghiệp (x. Mt 6,19-21).
- C 4-5: + Hiền lành: Trong Kinh Thánh, sự hiền lành luôn đi đôi với nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị oan ức và bị thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp: Đất Hứa là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ: là than khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm tình của người đang mong chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en như lời Si-mê-on ca tụng Chúa (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an: Sự đau buồn này sẽ được Thiên Chúa bù đắp an ủi và còn được xét xử khoan dung trong giờ phán xét sau này.
- C 6-8: + Khát khao nên người công chính: Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Khát khao nên người công chính nghĩa là ước mong sống công bình ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy (1,19; 5,20). + Nước Trời là của họ: Hạnh phúc Nước trời sẽ là phần thưởng dành cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người: nghĩa là tỏ lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri-a nhân hậu đã sẵn lòng giúp đỡ cho kẻ gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót thương: Thương xót và tha thứ cho kẻ khác thì sẽ được Thiên Chúa xót thương tha tội nợ cho mình (x. Mt 6,14-15). Ông chủ trong dụ ngôn “hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch: Trong sạch là ngay thẳng trong lương tâm. Người có lòng trong sạch là người hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân, không màng tư lợi, không đạo đức giả. Sự trong sạch ở đây không những hiểu về đức trinh khiết, mà còn về nhiều phương diện khác nữa. + Được nhìn thấy Thiên Chúa: Là được gặp mặt Người ở đời sau (x. Dt 12,14).
- C 9-10: + Xây dựng hòa bình: Sứ mệnh của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên thế giới trở thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Người tín hữu cần sẵn sàng làm hòa với kẻ đang có điều chi bất bình với mình, để lễ dâng lên xứng đáng được Chúa chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được gọi là con Thiên Chúa: Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai sống yêu thương thì mới được ở trong Thiên Chúa và nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương và tâm hồn họ sẽ được bình an (x. 2 Cr 13,11). + Bị bách hại: Bị bách hại là một đặc điểm của Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn để vào trong vinh quang phục sinh. Đây là một điều khó hiểu, điên rồ đối với người Do thái và khó chấp nhận ngay cả với các môn đệ (x. Mt 16,22). + Vì sống công chính: Nghĩa là sống phù hợp với giới răn của Chúa Giê-su (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc !” (1 Pr 3,14).
- C 11-12a: + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa: Lời Chúa giải thích mối phúc thứ tám để động viên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đang bị bách hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở: Thánh Phê-rô cũng dạy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao: Chính khi chịu đau khổ bách hại và liên kết với cuộc tử nạn của Chúa, các tín hữu sẽ được nên giống Chúa và sau này còn được vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc với Người.
4. CÂU HỎI:
1) Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập. Trong Tám Mối Phúc này, mối phúc nào quan trọng nhất và là nền tảng của các mối phúc khác ? 2) So sánh ý nghĩa câu: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca giống và khác nhau thế nào ? 3) Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người nghèo, đang khi lẽ ra Người phải giúp đỡ người nghèo vượt qua sự nghèo đói bất hạnh ấy để cuộc sống của họ được ấm no hạnh phúc hơn ? 4) Ý nghĩa của các mối phúc khác như thế nào: hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì danh Thầy ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

2. CÂU CHUYỆN:

1) AI LÀ NGƯỜI THẬT SỰ HẠNH PHÚC ?
Có một phú ông có rất nhiều tài sản. Một hôm, ông đột nhiên lâm trọng bệnh và gia đình đã mời nhiều bác sĩ tài danh từ khắp nơi trong nước nhưng tất cả bọn họ đều bó tay. Khi ông nhà giàu nằm thoi thóp chờ chết, một vị chân tu từ phương xa đi ngang qua đến thăm và nói với gia đình: "Hãy đi tìm xem có ai thật sự hạnh phúc thì xin cái quần lót của người đó về cho ông cụ mặc thì sẽ khỏi bệnh".
Nghe vậy, mọi người trong gia đình liền chia nhau đi khắp bốn phương để tìm một người hạnh phúc. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm khắp nơi, họ vẫn không thể tìm ra người thật sự hạnh phúc. Cuối cùng mọi người đành phải bỏ cuộc trở về nhà. Tuy nhiên, một người con trai của phú ông rất có hiếu. quyết tâm tìm mọi cách để cho cha mình bình phục, nên anh ta đến những nơi xa, quyết tâm tìm cho ra người thật sự hạnh phúc.
Một hôm, anh con trai của phú ông đi ngang qua một cánh đồng cỏ có nhiều chiên đang ăn cỏ và anh nghe thấy có tiếng hát của ai đó. Anh tìm đến nơi phát ra tiếng hát thì thấy một gã mục đồng đang nằm dưới gốc cây đa nghêu ngao hát xướng rất vui vẻ. Anh con trai của phú ông rất mừng khi nhìn thấy anh mục đồng này và lại gần hỏi thăm thì được anh ta cho biết anh luôn cảm thấy rất hạnh phúc trong công việc chăn chiên của mình. Con trai của phú ông liền xin anh ta chiếc quần lót anh đang mặc. Nhưng bị tù chối. Cuối cùng anh con trai phú ông phải dùng sức mạnh cưỡng đoạt. Nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy gã chăn chiên lại quá nghèo đến nỗi: Ngoài chiếc quần rách đang mặc, anh ta không mặc thêm một chiếc quần đùi nào khác!!!

2) GƯƠNG KHÓ NGHÈO CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ
Phan-xi-cô thành At-si (Phanxicô Assise) là con một quý tộc giàu có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ và tình cờ nghe một vị linh mục giảng về Tám mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc với câu nói của Chúa Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ hôm ấy, Phan-xi-cô thường suy nghĩ phải sống thế nào để thực thi ý Chúa, và trở thành một người nghèo thực sự ? Rồi một ngày nọ, anh quyết định sống siêu thoát từ bỏ và hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng. Anh bán tất cả gia sản của cha, rồi đem phân phát cho những người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha khiến ông nổi cơn lôi đình. Ông đã đến thu lại tất cả những gì còn sót lại của Phan-xi-cô và không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Hôm ấy anh đã cởi bỏ các thứ quần áo giầy dép quí giá đang mang trên người và ra đi với hai bàn tay không. Anh viết trong nhật ký: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có người Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ hôm đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã lựa chọn, là từ bỏ mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày anh mặc quần áo vải thô, chân không giày dép đi qua các con đường phố xá và làng mạc để khất thực. Tối đến, anh lại thức khuya để đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng dây da tự đánh vào người để hãm mình phạt xác. Anh đã được Chúa Giê-su cho in năm dấu thánh trên hai bàn tay bàn chân và cạnh sườn để nên giống Chúa chịu đóng đinh. Anh đã thực hành theo Lời Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lối tu luyện khổ hạnh của anh đã được Giáo Hội công nhận và dòng “Anh em hèn mọn” do anh sáng lập đã được nhiều người xin gia nhập, trở thành một dòng tu lớn trong Giáo Hội. Sau khi qua đời, anh đã được Giáo Hội phong hiển thánh. Đó là thánh Phan-xi-cô Át-si, hoặc Phan-xi-cô khó khăn hay Phan-xi-cô Năm Dấu.

3. SUY NIỆM:

1) HẠNH PHÚC LÀ GÌ ?
Hầu như không ai trong chúng ta đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc xem ra hạnh phúc nhất như mới thi đậu, vừa được thăng chức, gặp được người thân, được du lịch ra nước ngoài, được trúng số… vẫn có những điều làm chúng ta chưa hòan tòan thỏa mãn. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta bí quyết để có hạnh phúc toàn vẹn đích thực: Thiên Chúa ban hạnh phúc, nhưng chúng ta chỉ nhận được khi sẵn sàng đón nhận. Hạnh phúc thật chỉ có được khi có Chúa, được sống trong ơn nghĩa Chúa và được hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời đời sau. Tóm lại, người được chúc phúc là người biết mở ra trước Thiên Chúa và tha nhân: mở trí khôn để hiểu rõ ý Chúa và thi hành, mở mắt mở tai để nhìn xem và nghe biết những nhu cầu của tha nhân, mở trái tim để yêu thương, mở nụ cười để thông cảm và mở đôi tay để an ủi chia sẻ và phục vụ…

2) GIÀU CÓ CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC KHÔNG?
Gần đây một cuộc khảo sát ở Hong Kong do một viện Đại Học thực hiện đối với 2 000 người giúp việc Philippines và khoảng 300 người chủ của các osin này, và đã kết luận như sau:

a) 99% người được hỏi thì hơn 92% người giúp việc Philippines cảm thấy “hạnh phúc” hơn là các ông bà chủ mà họ đang phục vụ làm công cho. Tuy nhiên, khi điều tra viên hỏi nếu được hoán đổi vị trí để người giúp việc trở thành ông bà chủ và ngược lại, thì 100% các chị giúp việc đều đồng ý đổi ngôi ngay. Dù họ ý thức rất rõ là các ông bà chủ của họ cũng không hạnh phúc, khi hàng ngày phải đối phó với bao nhiêu vấn đề khó khăn do áp lực công việc, nhu cầu tiền bạc, thời gian dành riêng cho mình. Nhất là lúc nào cũng phải cảnh giác đấu tranh để có thể sinh tồn….
b) Ngược lại, khi hỏi các ông bà chủ giàu có đang bất hạnh trong cuộc sống có sẵn sàng hoán đổi vị trí với các người osin không, thì 100% những người này cũng nói không, dù họ vừa công nhận người giúp việc được “hạnh phúc” hơn họ nhiều.

c) Tuy nhiên, thứ hạnh phúc do đồng tiền mang lại cũng chỉ có giới hạn mà thôi, như có người đã nói: "Tiền bạc có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách vở nhưng không mua được trí tuệ; có thế mua thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng; có thể mua được nữ trang nhưng không mua được sắc đẹp; có thể mua căn nhà nhưng không mua được mái ấm gia đình; có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua sự lộng lẫy sang trọng nhưng không mua được hạnh phúc và bình an; có thể mua cây thập giá nhưng không mua được Ðấng Cứu Chuộc; có thể mua của lễ nhưng không mua được thiên đàng." Vậy làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự đời này và đời sau?

3) PHƯƠNG THẾ ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC: TÁM MỐI PHÚC THẬT:
Đây là các điều kiện mà ai muốn được hạnh phúc thực sự đời này và đời sau phải có:
+ Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó: Đó là những người nghèo của cải vật chất, nghèo địa vị chức quyền, ý thức thân phận tội lỗi bất lực của mình… Nhờ đó họ sẽ khiêm tốn xin Chúa ban ơn trợ giúp, sẽ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, sẽ cư xử khiêm hạ và trở thành người phục vụ rửa chân cho tha nhân noi gương Đức Giê-su.
+ Phúc thay ai hiền lành: Người hiền lành là người có lòng nhân từ đối với tha nhân, không lấy oán báo oán, biết nhẫn nhịn chịu đựng và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của kẻ khác.
+ Phúc thay ai sầu khổ: Khi bị đau khổ, người này biết nhìn lên Chúa Giê-su chịu treo trên thập giá để thấy được giá trị thanh luyện của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ về tinh thần và thể xác để đền tội mình và đền tội tha nhân.
+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính: là con người hướng thượng, muốn nên hoàn thiện giống như Chúa Cha trên Trời như Đức Giê-su dạy: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.
+ Phúc thay ai xót thương người: Đây là người biết mở rộng lòng để chia sẻ, cảm thông nỗi đau của người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Sẵn sàng quảng đại cho đi những gì mình có cho người khác cùng hưởng. Họ sẽ được Chúa đền đáp như lời Chúa Giê-su: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được Thiên Chúa đong trả lại bằng chính cái đấu ấy”.
+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà, không giả dối, nhưng luôn làm mọi việc cách trong sáng. Chính nhờ giữ đức trong sạch nơi thân xác và sự trong sáng nơi tâm hồn, mà người ấy sẽ được nhìn xem Thiên Chúa trong Nước Trời đời sau.
+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Xây dựng hòa bình là người đi đến đâu cũng gieo sự an vui hòa thuận đến đó. Nhờ họ mà gia đình, xã hội và thế giới luôn được an bình. Họ giải tỏa những điều hiểu lầm, tháo gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người. Nhờ đó, họ xứng đáng mang danh là con Thiên Chúa.
+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Khi chấp nhận sự sỉ nhục và đau khổ vì đức tin, chúng ta sẽ được nên giống Chúa Giê-su. Vì những ai cùng chịu khổ nạn với Chúa Giê-su, thì sẽ được tham phần vào sự phục sinh vinh quang với Người.

4. THẢO LUẬN:
1) Hiện nay điều gì đang làm bạn vui vẻ hạnh phúc hay bị đau khổ bất hạnh? 2) Khi gặp một sự rủi ro trái ý, một thất bại ê chề, một điều không vui do người khác gây ra, bạn thường phản ứng thế nào? 3) Để có được hạnh phúc thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến sự rủi ro thành may lành, biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa

5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong tám mối phúc thật Chúa dạy hôm nay, con thấy mối phúc quan trọng nhất và bao gồm mọi mối phúc khác là “Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó”. Người có tâm hồn nghèo khó là người luôn tin cậy phó thác cuộc đời cho Chúa, nên sẽ cầu nguyện không ngừng; Là người ý thức về sự bất lực của mình, nên không bao giờ khinh dể tha nhân nhưng luôn phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Chúa; Là người luôn ăn ở hiền lành và khiêm nhường trong lòng noi gương Chúa khi xưa.
- LẠY CHÚA. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau: “Cây lúa nào càng nặng trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa nào càng nghểnh đầu lên cao thì lại càng có ít hạt”. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và hòa nhã với mọi người. Nhờ đó, chúng con sẽ nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia nghiệp đời này và đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Lễ Giao Thừa : Suy nghĩ về chữ Phúc
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
09:33 27/01/2017
LỄ GIAO THỪA : SUY NGHĨ VỀ CHỮ PHÚC.

Nhiều chữ “phúc” đã vang lên trong bài Tin Mừng lễ Giao Thừa đêm nay.

Năm Đinh Dậu về, người ta hy vọng nhiều, vì năm Bính Thân với nhiều trò khỉ đã qua đi, Gà về, nếu là gà trống thì cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới, chứ chẳng phải gà gáy loan báo đêm về. Nếu gà mái, năm Đinh Dậu nàng sẽ đẻ trứng vàng…. Nói vậy cho vui, chứ ta là người lẽ nào lại luỵ vào con vật. Năm khỉ hay năm gà thì ta vẫn là người, mà chỉ là người thôi là phúc bảy đời tám kiếp rồi. Ta nghe lại chuyện ông Vinh Khải Kỳ

Khổng Tử một ngày kia đi dạo núi Thái Sơn. Gặp ông Vinh Khải Kỳ cũng đang ngao du tại đó. Ông này mặc áo da cừu, lưng thắt dây đai, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát. Khổng Tử hỏi: Tiên sinh làm thế nào mà thường xuyên vui vẻ thế ?

Vinh Khải Kỳ trả lời : Trời sinh muôn vật muôn loài, mà loài người là quí nhất. Ta được làm người đó là một điều quý, đáng vui. Trong loài người, đàn ông quí hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều quí. đáng vui. Người ta sinh ra có người đui người què có người sống yểu chết non, còn bọc trong tã mà đã chết rồi, mà ta đây hoàn toàn khoẻ mạnh, nay đã 90 tuổi, thế là ba điều quý, đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự hết của đời người, ta nay xử cảnh thường như nhiều người, đợi lúc chết như mọi người, thì có gì là lo là buồn.

Đức Khổng Tử nói: Phải lắm, tiên sinh thế là biết cách hưởng sự vui sướng ở đời.

Hôm nay Đêm Giao Thừa, lại là từ Bính Thân qua Đinh Dậu, từ cụ Khỉ qua anh Gà, có vẻ như tương lai tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn.

Bài Tin Mừng hôm nay của Matthêu có 8, mà thực ra tới 9 chữ phúc. Luca cũng thuật lại các mối phúc nhưng lại bỏ 5 còn 4. Lại có những cái phúc Chúa nói mà không ghi trong 8 mối phúc thật này, mà thực ra là đại mối : như phúc cho ai không thấy mà tin. Phúc cho ai nghe và giữ lời Chúa. Vì thế Phúc, không đóng khung trong 4 hay 8, hoặc 9 hay 11, mà có thể nhiều hơn.

Trong cuộc sống thường ngày ta cũng dễ thấy cái Phúc nằm ở nhiều lớp người, nhiều hoàn cảnh:

Chẳng có gì dễ hiểu như hai từ hạnh phúc.

Nhưng định nghĩa hạnh phúc lại là điều không dễ.

Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc,

và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.

khi thì hạnh phúc là cái này lúc thì hạnh phúc là cái kia.

Đói, hạnh phúc là cơm canh. Đau, hạnh phúc là chạy nhảy

Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc,

để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn

thế nào là hạnh phúc đích thật.

Hạnh phúc không nằm nơi của cải, kiến thức, quyền uy.

Hạnh phúc không do chiếm được những gì mình muốn,

nhưng do trao hiến điều quý nhất của mình.

Có những lúc hạnh phúc thật đơn sơ dễ thấy nhưng mà cũng khó đạt :

Nhà kia có người con ngoan ngoãn hiếu đễ – ta khen : ông bà là người có phúc.

Gia đình nọ, vợ chồng chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái nên người, ta khen : anh chị là người có phúc.

Nhà nọ, đầm ấm sum vầy, ta bảo : Họ có phúc.

Và cũng có cái phúc thật đơn giản: Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo, tức là mất phúc !

Vậy là cái phúc ở đời nằm trong tay nhiều hạng người, nhiều hoàn cảnh chứ không giới hạn ở một vài dăm ba, thì cái phúc của người theo Đức Kitô, (Kitô hữu) cũng nằm trong tay nhiều hạng, chứ không chỉ 4 như Luca, hay 8 như Matthêu, hay thêm cái phúc tin không có trong bộ tứ, bộ bát trên, như trong sách Tin Mừng Gioan, không thấy mà tin cũng phúc. “Phúc cho ai không thấy mà tin,” “phúc cho bà là người đã tin,” “phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”.… Do đó cái chính không phải là xem hạng người nào có phúc, nhưng xem coi : người có phúc thì họ được gì.

Cả 4 mối Phúc của Luca lẫn 8 mối Phúc của Matthêu cũng đều nhắc tới cái được. Gom tất cả các cái được đó lại và nhại theo câu chuyện giữa Khổng Tử và Vinh Khải Kỳ mà chúng ta nghe đầu bài, ta có thể thuật như sau :

“Một ngày kia, Đức Khổng Tử đi chu du thiên hạ, gặp một nhóm người ngực mang khổ giá nhưng nét mặt vẫn tươi vui. Bảng tên của họ ghi Kitô hữu. Đức Khổng Tử hỏi một người trong nhóm: Này anh, kẻ hậu sinh, nhóm của anh tìm được cái gì mà sao anh và họ vui tươi hớn hở như thế ? Nét mặt các anh biểu lộ tâm hồn của những phúc nhân, những chân phước.

“Chàng Kitô hữu trả lời:

“Chúa trời sinh muôn vật muôn loài mà loài người là quí nhất. Chúng tôi được làm người, đó là một điều phúc.

“Chẳng những chỉ là người bình thường mà chúng tôi còn được làm người con của Trời, con của Chúa, làm thiên tử. Về điều phúc này lớn lao quá, đến nỗi khổ mấy để đạt được cũng không quản, đạt được rồi, vui mấy cũng không vừa. Không bút nào tả cho xiết, không lời nào nói cho cùng. Chúng tôi là thiên tử, là con trời. Đó là 2 điều Phúc.

“Là con trời nhưng Trời không là vị Chúa tể oai phong cho bằng Trời là Cha, Chúa là mẹ. Chúa là Cha, cũng không phải là cha nghiêm khắc công thẳng mà là Cha nhân từ. Cha chúng tôi nhân từ đến độ có người cho là nhu nhược, nhưng Ngài vẫn cứ giữ nhân từ vô cùng như thế. Dù chúng tôi có tội lỗi bao nhiêu, dù chúng tôi có xúc phạm Ngài thế nào, chỉ cần một tiếng khóc ăn năn: Phúc cho kẻ than khóc, thì Ngài liền quảng đại thứ tha. Cha chúng tôi quyền phép vô cùng nên mới nhân từ vô hạn được như vậy. Đó là 3 điều phúc.

“Rồi khi cái chết là sự hết của đời người, chúng tôi sẽ được về cùng Cha, không phải chỉ mãi là tâm linh là khí phách sống trong nhà Cha, mà cả xác của chúng tôi cũng được phục sinh trong ngày sau hết để vui hưởng hạnh phúc trong nhà Cha như nhà mình : đó là 4 điều phúc.”

Nghe chàng Kitô hữu trả lời, Khổng Tử liền nói: “Được 4 chân phúc như các anh các chị, làm sao các anh các chị không vui, không mừng được. Lời của các anh chị nghe là lời phúc: Phúc âm. Tin mà các anh chị nhận là Tin Mừng : Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.”

Cứ đón, cứ nhận những Tin Mừng mà Đức Kitô loan báo,

Cứ nghĩ tới cứ nhớ về những cái Phúc mà chúng ta được đó, phúc làm người, phúc làm người con Chúa, phúc làm người con Chúa là Cha nhân từ, phúc được về nhà Cha cả hồn lẫn xác, chúng ta sẽ đủ sức mạnh đủ nghị lực để sống vui sống hạnh phúc chẳng những đời sau mà đời này nữa, cho dù có nhiều nghịch cảnh vây quanh ta, ta vẫn nghe tiếng gà gáy báo hiệu Chúa Kitô là mặt trời ló dạng để nâng đỡ ta từng ngày, nhiều ngày thành năm, nhiều năm thành cuộc đời. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:18 27/01/2017
10. MỜI UỐNG RƯỢU KHÔNG SAY

Vợ của Liễu Lịnh vì chồng tham uống rượu mà sinh khổ, một hôm cùng vợ bé của Liễu Lịnh bàn mưu tính kế hại ông ta, thế là nấu một nồi rượu lớn.
Rượu chưa nấu xong, Liễu Lịnh đã vội vàng không ngừng đòi vợ cho uống rượu, vợ nói:
- “Đợi nấu rượu xong đã, nhất định cho ông uống đến say mới thôi”.
Rượu nấu đã chín, bèn lớn tiếng gọi Liễu Lịnh đến uống, đợi lúc ngà say, vợ lớn vợ bé của Liễu Lịnh cố sức đẩy ông ta vào trong nồi rượu, lấy nắp đậy lại, sau đó dùng một khúc gổ lớn đè trên nắp, trong bụng nghĩ rằng, thế này thì nhất định phải chết trong nồi rượu.
Ba ngày sau, trong nồi rượu không một tiếng động, vợ nghĩ trong bụng: nhất định là đã chết rồi, bèn mở nắp nồi ra, vừa nhìn thấy liền hoảng cả lên, vì rượu trong nồi đã khô, Liễu Lịnh uống đến say, đang ngồi trên bả rượu.
Qua một lúc lâu, Liễu Lịnh tỉnh rượu, vươn vai ưởn ngực nói:
- “Không phải bà để tôi uống đến say sao, bây giờ để tôi ngồi không ở đây làm gì chứ ?”
(Tuý Ông đàm lục)

Suy tư 10:
Có nhiều bà vợ, dù nhu mì dịu dàng đến đâu cũng có lúc nào đó phải nổi tam bành với một ông chồng sáng xỉn chiều say, nhưng nổi tam bành đến mức giết chồng thì quả là điều tệ hại.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thảm trạng gia đình, mà nguyên nhân nhiều nhất vẫn là do rượu mà ra.
Rượu được bọc trong nhiều cái nhãn hiệu nghe rất “êm tai” và mẫu mã bên ngoài nhìn rất bắt mắt, rượu nội địa, rượu ngoại quốc, rượu xịn và rượu dỏm, tóm lại rượu có rất nhiều loại nhiều nhãn hiệu, trên đường phố bày bán rượu nội ngoại lẫn lộn, khó mà phân biệt thật giả.
Người đàn ông mà mê rượu hơn mê vợ con thì quả là bất hạnh cho gia đình, rượu là thứ nước vô tri nhưng lại có sức hấp dẫn những người thích rượu, rượu là thứ nước có “ma lực” làm cho người đàn ông mất hết lý trí, làm cho người chồng bỏ bê công việc gia đình, rượu là chất men làm cho người đàn ông say đến quên cả bản thân mình...
Ai muốn phá vỡ hạnh phúc của chính mình thì cứ uống rượu, ai muốn trở thành thân tàn ma dại thì cứ kết bạn với lưu linh, ai muốn danh dự của mình và của gia đình bị ô uế thì cứ việc sáng xỉn chiều say, và cuối cùng ai cảm thấy mình muốn trở thành người điên thì xin đừng ăn cơm của vợ con nấu, nhưng hãy uống cho thật nhiều rượu bên ngoài quán cóc lề đường...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 27/01/2017

24. Mặc dù chúng ta nhìn bản thân chúng ta không có một thiếu sót gì, nhưng lúc nào đó trong lúc suy niệm, Thiên Chúa sẽ mở con mắt thiêng liêng của chúng ta, thì chúng ta sẽ thấy chúng ta tội lỗi đầy mình.

(Thánh nữ Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc: Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm bị Hội yêu nước ‘giáng chức’ thành linh mục
Chân Phương
09:29 27/01/2017
Trung Quốc: Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm bị Hội yêu nước ‘giáng chức’ thành linh mục

Gần đây, nguồn tin từ hãng AsiaNews cho hay Đức Giám Mục phụ tá Tađêô Mã Đạt Khâm (Ma Daqin) của Thượng Hải đã tái gia nhập cái gọi là ‘Hiệp hội Công Giáo Yêu nước’, tổ chức mà ngài đã từng tố giác ngay tại lễ tấn phong giám mục của ngài vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, nhưng hồi tháng 6 năm ngoái, ngài lại bày tỏ sự "hối hận" [về việc này] trong một bài viết trên blog.

Theo một bản sao về chương trình họp của Hiệp hội Yêu nước và Ban tôn giáo Thượng Hải vào hôm 20 tháng 1 vừa qua thì Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã được bầu làm "thành viên bổ sung" và giữ chức ủy viên thường trực nhiệm kỳ thứ VIII của Hiệp hội Yêu nước thành phố Thượng Hải.

Điều đáng chú ý là cuộc họp này đã gọi Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm bằng cụm từ "Cha Mã Đạt Khâm".

Thật vậy, ‘Hội đồng Giám mục Trung Quốc’ (tự xưng) đã thu hồi chức giám mục của Đức Cha Mã Đạt Khâm hồi tháng 12 năm 2012. Ngài đã bị giám sát và phải sống ẩn dật ở Chủng viện Xà Sơn (Sheshan) từ sau lễ tấn phong đó.

Cuộc họp lần này cũng bao gồm một báo cáo về Đại hội lần thứ IX của ‘Hiệp hội yêu nước Toàn quốc’ vừa diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 26 đến 29 tháng 12 vừa qua, cũng như báo cáo của Hiệp hội yêu nước và Ban tôn giáo thành phố Thượng Hải về tình hình năm 2016.

Các linh mục ở Trung Quốc nói rằng người Công Giáo đã bày tỏ thất vọng về bài viết vừa rồi của Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm khi ngài tôn vinh ‘Hiệp hội Yêu nước’ và việc ngài tái gia nhập hiệp hội này. Họ cho rằng động thái mới của Đức Giám Mục Mã sẽ làm chia rẽ thêm Giáo Hội tại Trung Quốc.

Một nguồn tin ở Thượng Hải tiết lộ rằng thực ra ngài đã làm thành viên của ‘Hiệp hội Yêu nước’ quận Tùng Giang của Thượng Hải kể từ tháng 9 năm ngoái.

Một linh mục nhận định việc Đức Cha Mã tố giác Hiệp hội tại lễ tấn phong và sau đó ngài phải chịu những sự quản thúc hồi năm 2012 đã đem lại hy vọng cho cả người Công Giáo thuộc cộng đồng công khai và hầm trú rằng: Giáo Hội có thể sống đức tin thực sự của mình.

Nhưng giờ đây - vị linh mục này nói - có một số người nghĩ rằng Đức Giám Mục Mã tái gia nhập Hiệp hội là một cách để ngài có được sức ảnh hưởng trong chính giáo phận của ngài. Những người Công Giáo khác tại Trung Quốc thì cho rằng Giáo Hội phải chấp nhận thực tế là mình đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền.

Tuy nhiên, một số người Công Giáo vẫn hy vọng Đức Cha Mã sẽ kiên trường và có ảnh hưởng trong giáo phận. Dù vậy, về bài viết mà Đức Cha Mã đã đăng lên blog của ngài hồi tháng 6 năm 2016 thì nhiều người tự hỏi rằng đó thực sự có phải là ý nghĩ của ngài hay không.

Chân Phương
 
Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu đau khổ
Lm. Trần Đức Anh OP
10:51 27/01/2017
VATICAN. ĐTC liên đới với những đau khổ của các tín hữu Chính Thống Đông phương và đề cao vai trò của các vị tử đạo thuộc các Giáo Hội này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 27-1-2017 dành cho 31 GM và thần học gia thành viên của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Khác với các Giáo Hội Chính Thống khác ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ 11, các Giáo Hội Chính Thống Đông phương chỉ chấp nhận 3 Công đồng chung đầu tiên và ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ thứ 5, sau khi từ chối chấp nhận Công đồng chung thứ 4 ở Calcedonia năm 451. Thuộc khối Giáo Hội này hiện nay có Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập, Chính Thống Ethiopie và Eritrea, Arméni Tông Truyền, Giáo Hội Chính Thống Siriac và Chính Thống Siro Malankara bên Ấn độ.

Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống này được thành lập hồi năm 2003 và đã nhóm họp được 14 lần.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận nhiều tín hữu thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương phải chịu nạn bạo lực và những hành vi kinh khủng có những kẻ cực đoan cuồng tín gây ra. Những tình trạng đau khổ bi thảm ấy càng dễ trở nên sâu đậm hơn trong những bối cảnh nghèo đói, bất công, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và cũng do tình trạng bất an do những quyền lợi phe phái nhiều khi từ bên ngoài gây ra.

ĐTC ca ngợi hoạt động của các Giáo Hội Chính Thống Đông phương hằng ngày gần gũi với những người đau khổ và ngài cũng khẳng định rằng: 'Nếu một chi thể đau khổ, thì toàn thể các chi thể khác cũng cùng đau khổ, như thánh Phaolô đã viết (1 Cr 12,26). Những đau khổ này của anh chị em cũng là đau khổ của chúng tôi. Tôi hiệp ý với anh chị em trong kinh nguyện, cầu xin cho các cuộc xung đột chấm dứt và xin Chúa gần gũi những người đang chịu thử thách, nhất là các trẻ em, bệnh nhân và người già..

ĐTC nói thêm rằng ”Ước gì sự chuyển cầu và tấm gương của bao nhiêu vị tử đạo và các vị thánh của chúng ta đã can đảm làm chứng cho Chúa Kitô là một nâng đỡ mạnh mẽ cho các cộng đồng Kitô. Các vị tỏ cho chúng ta thấy trọng tâm đức tin của chúng ta không hệ tại một sứ điệp hòa giải và hòa bình tổng quát, nhưng hệ tại chính Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh và sống lại: Người là an bình và sự hòa giải của chúng ta” (Xc Ep 2,14; 2 Cr 5,18).. Trong tư cách là môn đệ của Chúa, chúng ta được đêu gọi làm chứng khắp nơi, với lòng can đảm của Chúa Kitô và tình yêu khiêm tốn của Chúa hòa giải con người thuộc mọi thời đại”. (SD 27-1-2017)
 
Diễn hành phò sự sống
Vũ Văn An
15:38 27/01/2017
Kể từ năm 1974, để phản đối phán quyết Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hợp pháp hóa phá thai, năm nào tại Thủ Đô Washington D.C, đều có cuộc diễn hành phò sự sống, vào khoảng trước hoặc sau 22 tháng Giêng, ngày kỷ niệm phán quyết vừa nói vào năm 1974. Năm nay, nó diễn ra ngày 27 tháng Giêng, lý do: phải cách xa ngày tuyên thệ nhậm chức của Tân Tổng Thống Donald Trump vào ngày 20 tháng Giêng.

Ngay năm 1974, con số người tham dự đã lên tới 20,000 người. Con số này đến năm 2011, tăng lên 400,000 người, và năm 2013, đạt tới 650,000 người. Người trẻ tham gia rất đông. Theo ký giả Robert McCartney của tờ The Washington Post, khoảng nửa số người tham dự dưới 30 tuổi.

Năm 1987, Tổng Thống Ronald Reagan đã nói chuyện với những người diễn hành qua điện thoại và thề sẽ “kết thúc tấn bi kịch quốc gia này”. Năm 2003, Tổng Thống George W. Bush cũng nói chuyện với những người tham dự qua điện thoại và cám ơn họ đã “tận tụy vì chính nghĩa cao đẹp này”.

Trong cuộc diễn hành năm nay, có hai nhân vật sẽ đại diện Tổng Thống Trump đích thân tham dự và nói chuyện với người diễn hành đó là Phó Tổng Thống Mike Pence và Kellyanne Conway, cố vấn của Ông Trump.

Về phần truyền thông, cuộc diễn hành này thường ít được sự chú ý của họ. Ngoại trừ Fox News ra, phần lớn các cơ quan ngôn luận khác đã làm ngơ. Nên có người nhận định: đã đến lúc phải nói với giới truyền thông chính dòng rằng tại sao chúng ta đã diễn hành phò sự sống suốt 44 năm qua.

Trong khi ấy, truyền thông chính dòng rất hăng hái trong việc loan tải tin diễn hành phản đối ông Trump đắc cử và nhất là cuộc Diễn Hành Của Phụ Nữ (phò phá thai) vào tuần trước, một cuộc diễn hành không hẳn dành cho mọi phụ nữ, vì nhiều nhóm phò sự sống và phò phụ nữ khác đã được yêu cầu không tham dự.

Người đưa ra nhận định trên cho rằng ta có thể nói dưới nhiều hình thức như Facebook, Twitter để kể truyện, chuyển tải tin tức cho cả các hãng tin lớn như ABC, CBS, NBC, MSNBC, CNN, NPR, Washington Post, New York Times, LA Times….

Về phần mình, Tân Tổng Thống Trump vừa lên tiếng phàn nàn về thái độ tiêu cực của truyền thông chính dòng đối với cuộc diễn hành phò sự sống. Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn đêm thứ Tư vừa qua với Đài ABC, Ông Trump phê phán truyền thông tường thuật cuộc diễn hành phò phá thai nhưng lại làm ngơ cuộc diễn hành phò sự sống.

David Muir của ABC hỏi Ông Trump xem ông “có nghe các giọng nói từ cuộc diễn hành của phụ nữ ở đây, ở Washington không?”.

Ông Trump cho biết “Tôi không nghe họ được, nhưng đám đông rất lớn. Ông cũng sẽ có một đám đông lớn vào hôm thứ Sáu, gồm phần lớn người phò sự sống. Ông sẽ có nhiều người đến dự vào hôm thứ Sáu, và tôi xin nói điều này, trước đây tôi không hiểu ra, nhưng tôi được nguời ta cho hay, ông sẽ có một đám người rất đông. Tôi không biết, lớn bằng hay lớn hơn, nhiều người cho biết sẽ lớn hơn. Toàn người phò sự sống. Và họ bảo báo chí sẽ không tường trình”.



Muir vội vàng cho hay ông không muốn so sánh cỡ to nhỏ của đám đông. Nhưng Ông Trump bảo: “Điều họ nói là báo chí không tường thuật”.

Như trên đã nói, Phó Tổng Thống Mike Pence sẽ nói chuyện với người diễn hành. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một phó tổng thống nói chuyện trực diện với người diễn hành phò sự sống. Ai cũng biết: Phó Tổng Thống Mike Pence trước đây là Thống Đốc Bang Indiana, từ lâu vốn nổi tiếng là người phò sự sống. Trong cuộc tranh luận phó tổng thống, ông nhấn mạnh rằng đức tin Kitô Giáo của ông đặt căn bản trên việc đề cao “tính thánh thiêng của sự sống”. Ông nói: “tôi hết sức trân qúi phẩm giá, giá trị của mọi mạng sống con người. Đối với tôi, tính thánh thiêng của sự sống thoát thai từ việc tin nguyên tắc cổ xưa này, trong đó, Thiên Chúa nói: ‘trước khi con được thành hình trong bụng mẹ, Ta đã biết con’”.

Ông nghiêm khắc chỉ trích ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ Hillary Clinton và ứng cử viên phó tổng thống Tim Kaine vì chủ trương ủng hộ phá thai của họ. Ông bảo: “Cứ nghĩ rằng một đứa trẻ gần như sắp sửa sinh ra đời mà vẫn bị lấy đi sự sống cũng đủ để kết vạ tuyệt thông đối với tôi rồi”.

Chính Ông Trump cũng sẽ gọi điện thoại nói chuyện với các người diễn hành phò sự sống. Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên trong tuần này, phát ngôn viên Chính Phủ Spicer hứa sẽ có “sự hiện diện rất mạnh của chính phủ” tại cuộc diễn hành phò sự sống.

Điều đáng chú ý là trong số diễn giả năm nay, có Abby Johnson, cựu giám đốc của Planned Parenthood, công ty phá thai vĩ đại của Hoa Kỳ.

Đài EWTN sẽ trực tiếp truyền hình cuộc diễn hành như họ vẫn làm hàng năm.

Cũng nên biết, tuần lễ đầu mới nhậm chức, Chính Phủ Trump đã ký lệnh hành pháp phục hồi Chính Sách Mexico City, cấm dùng tiền liên bang trợ giúp phá thai ở ngoại quốc lấy cớ là kế hoạch hóa gia đình.

Thêm vào đó, Hạ Viện vừa thông qua đạo luật vĩnh viễn cấm dùng tiền liên bang trợ giúp các vụ phá thai nói chung. Và tuần tới, có thể Tân Tổng Thống sẽ bổ nhiệm vị chánh án phò sự sống theo kiểu chánh án Antonin Scalia.

Tin giờ chót: Đài CNN vừa loan tin về cuộc diẫn hành phò sự sống đang diễn ra tại Washington D.C. Họ trích dẫn lời phó tổng thống Pence: tôi sẽ cùng tổng thống Trump chống phá thai.
 
Phó tổng thống Hoa Kỳ nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”
Đặng Tự Do
20:47 27/01/2017
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, Kellyanne Conway, đã phát biểu tại cuộc tuần hành chống phá thai “March for Life” tại Washington, DC.

Các nhà hoạt động phò sinh đã tập trung tại Washington vào hôm thứ Sáu để tham dự cuộc tuần hành thứ 44 cho sự sống. Họ cảm thấy phấn chấn trước cam kết của Tổng thống Donald Trump hạn chế các hoạt động phá thai tại Mỹ. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một Phó tổng thống Hoa Kỳ có mặt chung với những người biểu tình.

Trong diễn từ trước đông đảo những người phò sinh, Phó Tổng thống Pence nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”.

Trong tiếng vỗ tay hoan hô của đông đảo những người biểu tình, ông nói thêm:

“Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta khôi phục một nền văn hóa của cuộc sống ở Mỹ,”

Ông cũng cho rằng, bằng nhiều biện pháp khác nhau bao gồm sự thay đổi quan điểm của các thành viên trong Quốc hội và các tiến bộ khoa học, sự sống đang chiến thắng tại Mỹ.”

Đứng nơi thường được dùng để phát các videos của các chính trị gia phò sinh, ông Pence nói phong trào chống phá thai nên nắm lấy thời điểm này.

Kể từ năm 1974, để phản đối phán quyết Roe chống Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa phá thai, năm nào tại Thủ Đô Washington D.C, cũng đều có cuộc tuần hành phò sự sống, vào khoảng trước hoặc sau ngày 22 tháng Giêng, là ngày kỷ niệm phán quyết này.

Năm nay, cuộc tuần hành phò sự sống diễn ra ngày 27 tháng Giêng, tức là một tuần sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tân Tổng Thống Donald Trump hôm 20 tháng Giêng.

Ngay năm 1974, con số người tham dự đã lên tới 20,000 người. Con số này đến năm 2011, tăng lên 400,000 người, và năm 2013, đạt tới 650,000 người. Người trẻ tham gia rất đông. Theo ký giả Robert McCartney của tờ The Washington Post, khoảng nửa số người tham dự dưới 30 tuổi.

Năm 1987, Tổng Thống Ronald Reagan đã nói chuyện với những người diễn hành qua điện thoại và thề sẽ “kết thúc tấn bi kịch quốc gia này”. Năm 2003, Tổng Thống George W. Bush cũng nói chuyện với những người tham dự qua điện thoại và cám ơn họ đã “tận tụy vì chính nghĩa cao đẹp này”.

Trong cuộc diễn hành năm nay, lần đầu tiên một Phó Tổng Thống đến tham dự với người biểu tình.

Phó tổng thống Mike Pence, là anh hùng lâu năm của phong trào chống phá thai. Trong tư cách là thống đốc của bang Indiana, ông Pence đã ký một số luật chống phá thai nghiêm ngặt nhất tại Hoa Kỳ.
 
Cố vấn Tổng Thống Donald Trump: Quyền được sống là ân huệ Chúa ban, không phải là một đặc ân, cũng không phải là một sự chọn lựa.
Giuse Thẩm Nguyễn
22:05 27/01/2017
Cố vấn Tổng Thống Donald Trump: Quyền được sống là ân huệ Chúa ban, không phải là một đặc ân, cũng không phải là một sự chọn lựa.

(CNSNews.com) Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng Thống Donald Trump đã phát biểu tại cuộc Tuần Hành Cho Sự Sống vào hôm thứ Sáu rằng sự sống là một ân huệ Thiên Chúa ban, chứ không phải là một đặc ân hay là một một sự chọn lựa.

Không phải ngẫu nhiên mà bản Tuyên Ngôn Độc Lập lại xác định quyền đầu tiên của con người là quyền được sống. Nó không phải là một đặc ân, chẳng phải là một sự chọn lựa. Quyền được sống là quyền do Thiên Chúa ban cho từng mỗi con người và thật là tuyệt vời.”

Convey là một người phò sự sống đã nói với những người tham gia cuộc tuần hành rằng tòa Bạch Ốc đã nghe tiếng nói của họ và đang tìm cơ hội để cùng làm việc với họ

“Cùng các bạn tham gia Tuần Hành cho Sự Sống vào năm 2017, xin cho phép tôi xác quyết với các bạn rằng: Chúng tôi đã nghe, chúng tôi đã nhìn thấy. Chúng tôi tôn trọng các bạn và chúng tôi mong được cùng làm việc với các bạn. Vâng, chúng tôi đi bộ, chúng tôi tuần hành. Chúng tôi chạy và chúng tôi cùng nỗ lực cùng với các bạn.

“Vâng, tôi là người phò sự sống. Thật là một vinh hạnh được cùng đứng với phó Tổng Thống Hoa Kỳ và các vị lãnh đạo tinh thần, các gia đình và các sinh viên học sinh từ nhiều miền của đất nước bảo vệ những trẻ em chưa sinh. Lòng can đảm, tính kiên định, quyết tâm và niềm tin của các bạn đã gây ấn tượng sâu sắc và khuyến khích chúng tôi. Đây là một ngày mới, một khởi đầu cho sự sống.

“Tại sao chúng ta có mặt ở đây và nó mang ý nghĩa gì? Chúng ta cùng đứng với nhau, là một phần của một phong trào tuyệt vời này, để đối mặt với những chỉ trích, chế diễu, luật lệ và những người làm luật nhằm sói mòn để đi đến loại bỏ quyền được sống, một quyền căn bản nhất của xã hội chúng ta. Chúng ta đứng với nhau ở đây để bảo vệ và trân quý món quà quý giá nhất trong thế giới này – món quà sự sống- và cũng để chống lại việc bỏ rơi và không thể bảo vệ thay cho các em còn trong bụng mẹ.

“Cái não trạng “cách mặt xa lòng” đã hết rồi, khoa học và y khoa cần hợp tác với tôn giáo để làm cho người Mỹ phải nhìn lại quan niệm về cuộc sống- một cuộc sống thật mỏng dòn và một cuộc sống thật quý giá biết bao.

“Hãy nhìn vào màn siêu âm. Hãy gặp một em bé phát triển đầy đủ sinh ra vào tuần lễ thứ 24 và với sự chăm sóc y khoa đúng mức đang lớn lên khỏe mạnh. Hãy nói với các phụ nữ phải đối mặt với khó khăn đang mang thai và chờ đợi cái ngày đứa con chào đời. Hãy nói với các cặp vợ chồng đang nhận con nuôi thì phá thai không phải là cách chọn lựa tốt nhất.

“Mỗi ngày là một ngày chiến đấu cho sự sống. Nhưng hôm nay là ngày lễ hội của cuộc sống, là thời gian để cất cao tiếng nói và nâng cao tinh thần.

“Tổng thống và phó Tổng Thống cùng đứng với các bạn và cùng các bạn đẩy mạnh phong trào phò sự sống này.

“Đây là thời điểm để thực hiện lời hứa phò sự sống, phò phong trào nhận con nuôi.

“Những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn nên biết rằng họ không cô đơn, không bị lên án. Họ cũng được bảo vệ, được chăm lo và được mừng vui.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Nhân viên Radio Vatican choáng váng trước những cắt giảm chương trình
Đặng Tự Do
22:51 27/01/2017
Theo tờ La Croix, các nhân viên Tòa Thánh làm việc tại Radio Vatican đã bị choáng váng trước những thay đổi đột ngột trong lịch phát sóng.

Từ ngày 1 tháng Giêng năm nay, Radio Vatican đã ngừng không còn tồn tại như một cơ quan độc lập của Tòa Thánh; nhưng đã được gom vào Vụ Truyền thông Vatican. Ngân sách cho chương trình phát thanh đã bị cắt giảm mạnh, với rất nhiều chương trình bị loại bỏ và các chương trình khác đang phải đối mặt với ngân sách eo hẹp.

Một nhân viên trong chương trình Pháp Ngữ của Radio Vatican nói với tờ La Croix:

“Chúng tôi sửng sốt trước sự thực hiện ‘tàn bạo’ những quyết định này.”

Trước đây, Radio Vatican phát thanh bằng 40 thứ tiếng trên làn sóng ngắn, đến tận những nơi bị cấm triệt để như ở Siberia trong những năm dưới chế độ tàn bạo của Stalin, hay như ngày hôm nay đây ở Bắc Triều Tiên hay Ả Rập Saudi.

Tuy nhiên, để làm được như thế, Tòa Thánh phải chi tiêu rất nhiều cho Radio Vatican. Không có quảng cáo, không một doanh thu đáng kể nào, và vì phát trên nhiều ngôn ngữ khác nhau, ít nhất Tòa Thánh phải trả lương cho hơn 200 người trong đó có 35 nhà báo làm việc toàn thời. Tổng chi ngân sách cho Radio Vatican dao động từ hai mươi đến ba mươi triệu euro mỗi năm.

Vụ Truyền Thông của Tòa Thánh muốn khai thác triệt để các tiềm năng của Internet trong một cố gắng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về thông tin và truyền giáo bằng một ngân sách thấp nhất có thể được.

Source: La Croix - A Radio Vatican, la réforme passe mal (La Croix)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họ đạo Giồng Trôm : Thánh lễ giao thừa
Người Giồng Trôm
10:00 27/01/2017
HỌ ĐẠO GIỒNG TRÔM: THÁNH LỄ GIAO THỪA

Giao thừa, giờ phút linh thiêng của năm mới, họ đạo nhỏ bé Giồng Trôm quây quần với nhau bên Lễ Đài của họ đạo để dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa và xin Chúa gìn giữ họ đạo trong năm mới.

Xem Hình

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung ngỏ đôi lời cộng đoàn trong tình thân của gia đình. Cha mời gọi mọi người xí xóa cho nhau những yếu điểm, thiếu xót của năm cũ để qua năm mới mọi người cùng nhau hiệp nhất xây dựng họ đạo.

Trong bài chia sẻ, Cha Đaminh mời gọi cộng đoàn lắng đọng tâm hồn để cùng nhau tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, khi vui cũng như khi buồn và nhất là khi gặp thất bại trong cuộc sống. Cha mời cộng đoàn cùng nhìn lên Mẹ Maria để bắt chước mẫu gương xin vâng và phó thác cuộc đời trong tay Chúa như Mẹ.

Thánh Lễ kết thúc với phép lành Trọng Thể đêm Giao Thừa.

Một số người nán lại để ghi những tấm hình kỷ niệm thời khắc linh thiêng này.

Xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành cho Giáo Hội Việt Nam, cho Giáo Phận Vĩnh Long và đặc biệt cho họ đạo nhỏ bé Giồng Trôm này.
 
Lễ giao thừa tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne.
Trần Văn Minh
16:50 27/01/2017
Melbourne, Vào lúc 8.30 tối 27/1/2017 nhằm Ngày 30 Tháng Chạp Năm Bính Thân, tại Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã tổ chức Thánh lễ đón giao thừa theo phong tục Tết cổ truyền dân tộc cho giáo dân Việt Nam vui đón năm mới trong khuôn viên Trung tâm Vinh Sơn Liêm thật long trọng.

Mời xem hình

Trong một buổi chiều Hè nhưng mang tiết Xuân, thời tiết thật đẹp, mát mẻ. Thật lý tưởng cho mọi người có dịp khoe sắc qua các bộ áo dài như các chị trong ca đoàn, các nam thanh, nữ tú mang áo dài truyền thống và lác đác vài bộ áo dài cách tân. Quý cụ ông, cụ bà, được con cháu chở đến dâng lễ cuối năm, góp cho cộng đoàn có đủ cả nam, phụ, lão ấu, mà ai cũng đẹp, ai cũng tươi vui để hân hoan tiễn năm cũ và chào đón năm mới.

Buổi lễ được tổ chức thật long trọng, uống nước nhớ nguồn, Cờ Úc và Cờ Việt Nam Cộng Hòa được trịnh trọng kéo lên vị trí cao nhất hai bên cổng chính, cờ Giáo Hội tung bay trong gío chiều trên nóc lễ đài, hợp cùng các cờ treo dọc theo suốt mặt tiền lễ đài của trung tâm tạo cho cảnh quan thêm tươi vui rộn rã đón chào Xuân mới Đinh Mùi.

Đúng giờ, khi Liên ca đoàn Babylon và Thiếu nhi hát vang bài ca nhập lễ, tiếng chuông nhà nguyện đổ reo vui chào mừng cộng đoàn về dâng lễ thật đông đảo trước lễ đài tại khuôn viên Trung tâm Thánh Vinh Sơn Liêm. Linh mục quản nhiệm Giuse Trần Ngọc Tân trong phẩm phục mầu vàng nhạt, tay cầm hương theo sau quý vị thừa tác viên thánh thể tiến lên lễ đài. Sau khi linh mục dâng hương trước bàn thờ tổ tiên, hai vị trong ban mục vụ tiến qua Đài Thánh Vinh Sơn Liêm và núi Đức Mẹ tại Vườn Phục Sinh để dâng hương lên Thánh bổn mạng cộng đoàn và nhớ đến các tiền nhân của cộng đoàn đã ra đi trước về nước Chúa để tỏ lòng biết ơn.

Mở đầu Thánh lễ, linh mục quản nhiệm đã nhấn mạnh, trong giờ phút linh thiêng chào đón năm mới. Cộng đoàn xin dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa vì các ơn lành Chúa đã thương ban cho cộng đoàn. Tạ ơn lòng quảng đại của đất nước Úc Đại Lợi đã đón nhận và cưu mang mọi người được định cư trên vùng đất thanh bình này. Tạ ơn quý linh mục tiền nhiệm về sự đóng góp phục vụ của các ngài cho trung tâm Thánh Vinh Sơn Liêm. Quý ân nhân đã ít nhiều đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần để xây dựng nên trung tâm. Và dâng lên Thiên Chúa mọi người hiện diện với một lòng tri ân, cảm tạ.

Trong bài chia sẻ lời Chúa theo Thánh Mathew qua phúc thật tám mối, và qua hình ảnh con gà của năm mới năm Đinh Dậu. Linh mục đã kể về những đức tính mà con gà có được như: Dũng, như nhân, như tín vv. để mọi người chúng ta cũng có thể sống theo mà phục vụ cộng đoàn mỗi ngày thêm vững tiến, đoàn kết thương yêu trong cộng đoàn.

Sau Thánh lễ, ông Lê Văn Miện trưởng ban mục vụ cộng đoàn đã lên chúc tết Linh mục quản nhiệm và cộng đoàn với lời chúc dí dỏm ông mong ước có farm gà để tặng cho mọi giới trong cộng đoàn, mà mỗi giới mang một ý nghĩa, nhưng tất cả là đều để làm cho “danh Cha cả sáng.” Nối tiếp là đại diện các em thiếu nhi cũng lên chúc tết với những vần thơ vui dí dỏm cũng mang nhiều ý nghĩa mừng năm mới.

Linh mục quản nhiệm đã lì xì cho các em lễ sinh, các ca đoàn trong cộng đoàn, lì xì cho mọi người hiện diện qua những lộc Xuân bằng lời Chúa, Chúa của muôn Xuân và cộng đoàn đã đốt hai phong pháo rộn rã chào mừng Xuân mới trong niềm vui của toàn thể cộng đoàn. Mọi người vui chúc mừng nhau trong tiếng hát, tiếng nhạc rộn ràng những bản nhạc Xuân.



 
Thánh Lễ Giao Thừa Mừng Xuân Đinh Dậu 2017 tại Sydney
Diệp Hải Dung
22:29 27/01/2017
Thánh Lễ Giao Thừa Mừng Xuân Đinh Dậu 2017 tại Sydney

Tối thứ Sáu 27/01/2017 (30 Tết Âm Lịch) khoảng 3000 người (kể cả những người không Công Giáo) đã đến công viên Paul Keating Park Bankstown Sydney tham dự Thánh lễ mừng Giao Thừa Xuân Đinh Dậu 2017.

Xem Hình

Sau 3 hồi chiêng trống cổ truyền, đoàn Phụng vụ và quý Cha từ phía dưới công viên tiến lên bàn thờ Lễ đài. Cha Nguyễn Văn Tuyết thay mặt Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng dâng lời nguyện chúc Xuân lên Thiên Chúa Ba Ngôi, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Cộng Đồng trong Năm Mới và quý Cha tiến về bàn thờ Tổ Quốc thắp nén hương kính nhớ Tổ Tiên, các bậc tiền nhân và các bậc anh hùng Tử Đạo Việt Nam.

Cha Tuyên Úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc mừng Năm Mới đến quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người và trong niếm hân hoan cảm tạ Thiên Chúa, Chúa của mùa Xuân, Chúa của vạn vật và Cha giới thiệu qúy Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Cựu Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Mai Văn Thịnh, Cha Phan Thanh Bình và Cha Nguyễn Anh Tuấn cùng hiệp dâng Thánh lễ

Trong bài giảng, Cha Paul Văn Chi đã nói về con Gà trong năm Đinh Dậu 2017 này. Với những câu tục ngữ ca dao rất phong phú trong nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt Cha nói về con Gà trong Cựu Ước sách Khôn Ngoan và sách Phúc Âm. Chúa Giêsu nói với ông Phêrô “Hôm nay gà chưa kịp gáy lần 2, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Lc. 22: 61) Ngày đầu năm mới chúng ta hãy có tinh thần tương thân tương ái, có tinh thần đoàn kết và quan trọng hơn chúng ta luôn luôn trông cậy vào lòng từ bi vô bến bờ của Thiên Chúa…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Anh Trần Anh Vũ Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney ngỏ lời chúc Tết đến quý Cha, quý Tu Sĩ và mọi người trong Cộng Đồng sau cùng Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm cũng thay mặt Ban Tuyên Úy chúc Tết quý Cha, quý Sơ và tất cả mọi người năm mới Đinh Dâu an lành trong ơn Chúa.

Thánh lễ kết thúc quý Cha phát Lộc Thánh đầu năm cho cho mọi và thưởng lãm Pháo Bông mừng Xuân Đinh Dậu. Cộng Đồng cũng chân thành cám ơn ân nhân gia đình anh chị Nhã Nhung Giáo đoàn Lakemba đã bảo trợ Pháo Bông để mừng Xuân Đinh Dậu.

Diệp Hải Dung
 
Văn Hóa
Gió Mùa Xuân Tới - Nhạc: Hòang Trọng - Trình bày: Thanh Lan
VietCatholic Network
21:48 27/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Gió Mùa Xuân Tới - Nhạc: Hòang Trọng - Trình bày: Thanh Lan - Thực hiện: VietCatholic
 
Cành mai minh niên
Sơn Ca Linh
22:40 27/01/2017
CÀNH MAI MINH NIÊN

Sáng nay sau giấc đêm dài
Ngoài sân nở vội cành mai vàng hườm !
Nghinh xuân vầy cũng tinh tươm,
Có hoa vàng thắm đủ ươm hương đời.
Mang mùa xuân đến khắp nơi,
Bên đường gieo vãi đầy vơi nụ hồng.
Dẫu còn sỏi đá gai chông,
Ngẫm cây hoa huệ ngoài đồng mà tin.
Chúc xuân dâng một lời xin,
Rượu hồng ân sủng muôn nghìn phút giây.

Sơn Ca Linh

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Đào Ngày Tết
Nguyễn Đức Cung
20:57 27/01/2017
HOA ĐÀO NGÀY TẾT
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Mượn bông hoa Đào ngày Tết
Gia đình Trang Ảnh Nghệ Thuật
Chiêm/Niệm/Thiền
Kính chúc Quí độc giả
Năm Đinh Dậu An Vui, Phát Đạt
Hạnh Phúc, Sức Khoẻ và mọi sự Như ý.
Trân trọng.