“Họ nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo”.
Kính thưa Anh Chị em,
Đó là một con người bị cộng đồng loại trừ; anh “sống giữa mồ mả”, một môi trường chết chóc; anh “kêu la, lấy đá rạch mình”, tru tréo như con vật, bạo lực chính mình; “không ai trị nổi anh”, bạo lực với người; ‘anh không mặc áo xống’, mất tính người, vốn có nhân phẩm và văn hoá. Khủng khiếp thay, con người vô vọng này có thể là hình ảnh mỗi người chúng ta! Có thể chúng ta cũng đang bị giam hãm trong một tội lỗi nào đó, một tội lỗi mà dường như chúng ta không thể tự giải thoát; một tội phạm đi phạm lại, và chúng ta chai lì sống trong tình trạng chết chóc. Bạn bè và người thân giúp đỡ, nhưng chúng ta không có ý chí muốn biến đổi; thay vì điều chỉnh, chúng ta thoả hiệp với ‘một cách sống’ và tự nhủ, ‘Tôi chỉ sống tốt nhất có thể’. Kết quả là một con quỷ đã ‘nhân lên’ trong tôi và tôi trở thành một quân đoàn quỷ, một “Cơ binh” của quỷ.
Vậy mà “Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn” như tác giả thư Do Thái hôm nay nói đến. Trong Chúa Giêsu, tất cả được phục hồi, Ngài sẽ phục hồi chúng ta như đã phục hồi người bị quỷ ám hôm nay; tình yêu và quyền năng của Ngài sẽ trả lại cho chúng ta ‘phẩm giá, tước vị và sứ mệnh’ như Ngài đã trả lại cho con người ấy. Thật an ủi khi biết rằng, Chúa Giêsu muốn giải thoát chúng ta khỏi mọi quyền lực ma quỷ, khỏi bất cứ tình trạng tội lỗi nào; từ đó, chúng ta tìm lại được chính mình. Vì thế, như người bị quỷ ám, chúng ta có thể chạy đến với Chúa Giêsu bất cứ lúc nào để cầu xin sự chữa lành; bởi lẽ, không một trọng tội nào, không một loại quỷ ám nào đến mức có thể làm cho tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa phải bất lực. Hẳn mỗi người có thể lo sợ rằng, phương dược chữa trị của Chúa Giêsu sẽ gây đau đớn, nhưng hãy tin, việc ‘điều trị thiêng liêng’ này là đáng giá và cấp thiết. Phương pháp chữa trị có thể là một cuộc xét mình chân thành đến mức tàn nhẫn, một lần xưng tội thành thật đến mức xấu hổ, hoặc một cuộc chia tay một mối quan hệ không lành mạnh đến mức hụt hẫng.
Hãy tưởng tượng con người được Chúa Giêsu chữa lành; vẫn còn đó những vết sẹo, anh thở hổn hển, nhưng nay đã hoàn toàn bình thường, “ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo”. Một cảnh tượng tuyệt vời đến mức choáng ngợp! Tất nhiên, người đàn ông được chữa lành phải ngộp thở bởi sự biến đổi. Anh không hề nghĩ đến việc được trở lại với một ‘cuộc sống bình thường’; lòng biết ơn của anh khiến anh muốn xuống thuyền đồng hành với Chúa Giêsu, một người bạn cũng là vị cứu tinh của anh. Vậy mà Tin Mừng cho biết, “Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người; nhưng Người không cho”; để rồi, Ngài trao cho anh một sứ mệnh, “Con hãy về nhà với thân quyến, loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con”. Như vậy, bất cứ nơi nào anh đi đến, anh sẽ công bố những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong anh. Cũng thế, khi được tha thứ sau một lần xưng tội, chúng ta thường vui mừng công bố quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cho gia đình, cho bạn bè mình.
Trong cuốn sách “I Surrender”, tạm dịch “Tôi Thua Chúa” của mình, Patrick Morley viết, “Vấn đề toàn vẹn của Giáo Hội nằm ở quan niệm sai lầm rằng, ‘Chúng ta có thể cọng thêm Chúa Kitô vào cuộc sống, nhưng không cần phải trừ bớt tội lỗi’. Đó là thay đổi niềm tin mà không cần thay đổi hành vi; đó là phục hưng mà không cần cải cách; đó là trở về mà không cần ăn năn”.
Anh Chị em,
“Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần nó; khi cứu chuộc nó, Thiên Chúa cần con người”. Thiên Chúa cần chúng ta nhận ra lòng thương xót của Người, nhận ra máu châu báu của Con Một Người đổ ra để rửa sạch tội lỗi chúng ta; Người cần sự ăn năn, cần việc chúng ta bước ra khỏi ‘vùng chết chóc’ để sống trong niềm vui một khi nhận ra lòng thương xót của Đấng đã phục hồi cho chúng ta ‘phẩm giá, tước vị và sứ mệnh’; cũng là Đấng mà chúng ta phải ‘đầu hàng’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con “can trường và mạnh bạo” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay mời gọi; nhờ đó, con có thể bước ra khỏi ‘mồ mả’ của con để cũng được Chúa hồi phục ‘phẩm giá, tước vị và sứ mệnh’”, Amen.
(Tgp. Huế)
Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 01-February-2021 theo giờ Việt Nam
PHÚC ÂM: Lc 2, 22-32 hoặc 22-40
“Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Đó là lời Chúa.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có người miền bắc từ trước đến nay không biết loại nấm lúa mì là thứ gì, nhưng sau đó thì được vào miền nam làm quan.
Có lần trên bàn tiệc có món ăn làm từ nấm lúa mì, ông ta bèn đem cả vỏ bỏ vào trong miệng mà ăn, có người nói:
- “Ăn nấm lúa mì thì phải bỏ vỏ nó đi”.
Ông ta che giấu, nói:
- “Không phải là tôi không biết phải bỏ vỏ, chẳng qua là muốn dùng nó để làm nhẹ cái nóng ở trong đó mà”.
Có người hỏi:
- “Ở miền bắc có loại này không?”
Ông ta trả lời:
- “Trước núi, sau núi, khắp đồng nội đâu đâu cũng có, chỗ nào cũng đều có !”
(Tuyết Đào tiểu thuyết)
Suy tư 52:
Trồng lúa mì không phải chỗ nào cũng trồng được, làm nấm từ lúa mì lại càng không phải ai cũng làm được, cho nên nói nấm lúa mì khắp đồng nội đều có, chỗ nào cũng có là nói tầm bậy và nói láo, chứng tỏ một tâm hồn đầy tự ái và sĩ diện...
Ở đời có khối người vì để che giấu cái dốt của mình mà tuyên bố vung vít, tuyên bố vô tội vạ làm cho người nghe cảm thấy thương hại cho họ.
Người Ki-tô hữu có một điều cần tuyên xưng là: chúng ta có một Thiên Chúa là Cha ở trên trời, có một niềm tin là tin Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, có một lời loan báo đó là loan báo tin mừng của Nước Trời cho tha nhân. Lời tuyên xưng, sự tin tưởng và lời loan báo ấy đều có cơ sở tinh thần cũng như trong lịch sử của con người, cho nên khi chúng ta -người Ki-tô hữu- lấy hành động bác ái phục vụ và dùng lời nói thành thật hòa nhã của mình để loan báo tin vui ấy, là chúng ta đã làm chứng cho điều mình đã và đang loan báo...
Người miền bắc vì sĩ diện địa phương và vì để che giấu cái dốt của mình bởi mình là quan lớn, để rồi nói dối khoa trương nên bị người ta coi thường, người Ki-tô hữu khi loan báo tin vui Nước Trời thì là loan báo điều mình biết, điều mình tin và điều mình đang sống và cảm nghiệm, thì ai lại không cảm phục và bắt chước chứ !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
PHÚC ÂM: Mc 6, 1-6
“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm được phép lạ nào, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh và giảng dạy.
Đó là lời Chúa.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lập tức nổ ra ở các thành phố của Ba Lan, ngay sau khi Tối Cao Pháp Viện của nước này xác nhận phán quyết thắt chặt luật phá thai nghiêm ngặt của quốc gia chủ yếu theo Công Giáo.
Hàng nghìn người phò phá thai đã tập trung bên ngoài tòa án ở Warsaw, để đáp lại lời kêu gọi bùng nổ các cuộc biểu tình mới của các nhóm phụ nữ đã dẫn đầu nhiều tuần biểu tình lớn vào năm ngoái chống lại phán quyết ban đầu được đưa ra hôm 22 tháng 10. Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở nhiều thành phố khác, bất chấp sự hiện diện đông đảo của cảnh sát.
Tại Warsaw, những người biểu tình sau đó đã tuần hành qua trung tâm thành phố đến trụ sở của đảng Đảng Công lý và Pháp luật đang cầm quyền với các biển hiệu của nhóm phụ nữ phò phá thai và cờ cầu vồng ủng hộ quyền của người LGBT. Giống như trong các cuộc biểu tình năm ngoái, họ bất chấp lệnh cấm tụ tập vì đại dịch của chính quyền Ba Lan.
Hôm 22 tháng 10, năm ngoái, Tòa Bảo Hiến Ba Lan, ở thủ đô Warsaw, hay còn gọi là Varsava, đã phán quyết rằng đạo luật năm 1993 cho phép phá những bào thai khuyết tật là trái với hiến pháp quốc gia. Phán quyết này là chung kết và không thể kiện lên tòa án nào cao hơn. Theo nhiều quan sát viên, phán quyết này sẽ giảm bớt nhiều con số những vụ phá thai ở Ba Lan. Bộ y tế Ba Lan cho biết trong năm 2019, có 1,110 vụ phá thai hợp pháp ở nước này, phần lớn vì bào thai bị coi là khuyết tật.
Ngay sau ngày 22 tháng 10, có nhiều nhóm ủng hộ phá thai đã mang những khẩu hiệu, biểu ngữ ủng hộ phá thai, đột nhập nhiều nhà thờ trong lúc cử hành thánh lễ, để phản đối phán quyết của tòa bảo hiến.
Cùng ngày 25 tháng 10, Đức cha Gądecki, Tổng giám mục giáo phận Poznan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, đã ra tuyên ngôn kêu gọi những người chống đối án lệnh của tòa bảo hiến, hãy bày tỏ sự chống đối của họ một cách có thể chấp nhận được về mặt xã hội. Ngài nói: “Sự xúc phạm, bạo lực, lạm dụng các biểu ngữ, lăng mạ và làm xáo trộn các buổi lễ đã xảy ra trong những ngày gần đây, mặc dù những hành động ấy có thể giúp một số người giải tỏa cảm xúc, nhưng đó không phải là cách thức hành động đúng đắn trong một quốc gia dân chủ. Tôi bày tỏ đau buồn vì tại nhiều nhà thờ hôm nay, các tín hữu bị cản trở không được cầu nguyện và quyền tuyên xưng tín ngưỡng của họ bị tước bỏ”.
Cả nhà thờ chính tòa của Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng bị những kẻ phản đối chiếu cố và xúc phạm. Ngài nhấn mạnh rằng: “không phải Giáo hội là người quyết định các luật có phù hợp với hiến pháp quốc gia hay không. Về phần mình, Giáo hội không thể ngưng bảo vệ sự sống và cũng không thể không tuyên xưng rằng mỗi người phải được bảo vệ từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.
Source:Crux
Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José H. Gomez đã có bài phát biểu quan trọng tại cuộc tuần hành OneLife Los Angeles hàng năm lần thứ bảy, được tổ chức ảo và phát trực tiếp trên OneLifeLA.org và facebook.com/lacatholics.
“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta trong thời gian này, đã hiểu ra, một cách cao đẹp, rằng mạng sống con người là quý giá. Ngoài ra, cuộc sống đó thật mong manh và ngắn ngủi”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.
“Cách chúng ta sống, cách chúng ta yêu, cách chúng ta chăm sóc lẫn nhau - đây mới là điều thực sự quan trọng. Đây là những gì chúng ta cử hành mỗi năm tại OneLife Los Angeles. Sự thánh thiện và phẩm giá của cuộc sống mỗi con người, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, đang bị tấn kích liên tục”.
Các nhà tổ chức cho biết OneLife tìm cách thúc đẩy một nền văn hóa phò sinh, trong đó cuộc sống của mỗi con người đều được tôn vinh, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề xã hội. Chủ đề năm nay “Niềm vui của cuộc sống” nhằm “đoàn kết cộng đồng và truyền cảm hứng cho các hành động tích cực nhằm thúc đẩy vẻ đẹp và phẩm giá của cuộc sống mỗi con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”.
Theo truyền thống, OneLife LA được tổ chức tại Công viên Lịch sử Los Angeles ở trung tâm thành phố Los Angeles, nơi hàng ngàn người từ mọi nguồn gốc ở Nam California đến với nhau sau khi đi bộ một dặm do Đức Tổng Giám Mục Gomez dẫn đầu, bắt đầu từ nơi khai sinh ra thành phố này tại Olvera Street.
“Mặc dù năm nay có nhiều điều chúng ta trông thấy và cảm thấy rất khác, nhưng chương trình trực tuyến này vẫn tôn vinh những người tiếp tục phục vụ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn này”, một bản tin về sự kiện này cho biết như trên.
Trong lễ kỷ niệm, Harvest Home đã nhận được Giải thưởng Phục Vụ OneLife LA lần thứ hai trị giá 10,000 đô la để hỗ trợ sứ mệnh thay đổi cuộc sống của các phụ nữ mang thai vô gia cư và con cái của họ bằng cách cung cấp nhà ở, hỗ trợ và các chương trình trang bị cho phụ nữ để trở thành những bà mẹ tuyệt vời”.
Những người tham gia lễ kỷ niệm ảo đã được mời gọi quyên góp thêm cho Harvest Home. Tổ chức này đã quyên góp được thêm 4,000 đô la để giúp đỡ hơn 550 bà mẹ vô gia cư và con cái của họ.
Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nhắc nhở những người tham gia về những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuốn sách mới nhất của ngài rằng họ không được “im lặng khi hơn 30 đến 40 triệu trẻ sơ sinh bị giết hại mỗi năm vì phá thai”.
“Đức Thánh Cha rất khôn ngoan. Chúng ta không thể im lặng. Chúng ta không thể vạch ra giới hạn cho vòng tròn yêu thương của mình. Chúng ta cần lên tiếng cho mỗi người trong xã hội của chúng ta, những người không thể tự vệ. Và các hài nhi chưa chào đời thực sự là những người vô tội nhất, và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục của Los Angeles, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nói.
“Chúng ta hãy cố gắng sống với niềm vui, và sự đơn giản. Chúng ta cố gắng mở rộng vòng tròn yêu thương xung quanh chúng ta - bắt đầu bằng cách chúng ta yêu thương và đối xử với nhau trong gia đình và mái ấm của chúng ta. Vòng tròn yêu thương của chúng ta phải luôn phát triển. Tình yêu thực sự có nghĩa là luôn vượt ra khỏi những mối quan tâm hạn hẹp của chúng ta và mở lòng mình với nhu cầu của người khác”.
Trong thánh lễ, những ngọn nến đã được thắp lên để tưởng nhớ những mảnh đời đã mất vì nạo phá thai ở Nam California.
Source:Boston Pilot
Qua một Video Đức Thánh Cha đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về ý chỉ cầu nguyện trong tháng Hai này là chống lại mọi loại bạo lực đối với phụ nữ. Trước sự “suy thoái của toàn thể nhân loại”, Đức Thánh Cha khẩn khoản xin toàn thể thế giới và mọi người thiện tâm “Hãy bảo vệ phụ nữ và lưu tâm tới những nỗi đau của họ!”
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo qua Mạng lưới Cầu nguyện. Đó là một thông điệp mạnh mẽ chống lại bạo lực mà hàng triệu phụ nữ phải gánh chịu hàng ngày: “bạo lực trên tâm lý, bạo lực qua lời nói, bạo lực bằng thể lý, bạo lực tình dục”. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, những hành vi lạm dụng này là “hành động hèn nhát và làm suy thoái toàn thể nhân loại”. Do đó, ĐTC yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân, "để họ được xã hội bảo vệ và những đau khổ của họ được mọi người để ý và lưu tâm."
Video ý cầu nguyện hàng tháng được phát tán cho toàn thể Giáo hội, được bảo trợ của ông Hermes Mangialardo - một nhà sản xuất người Ý, đã đoạt giải thưởng quốc tế về hoạt hình, và chính ông là giáo sư thiết kế - thông qua những hình ảnh minh họa, video thể hiện câu chuyện của một người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, cô đã tìm được sự can đảm để vượt thoát khỏi con đường hầm đen tối nô lệ nhờ vào sức lực của bản thân và sự giúp đỡ của cộng đồng.
Bạo lực đối với phụ nữ thì muôn hình vạn trạng…
“Thật là sốc khi hay biết nhiều phụ nữ bị đánh đập, xúc phạm và hãm hiếp,” Đức Thánh Cha nói trong Video. Thật vậy, số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc tổng hợp và cập nhật vào tháng 11 năm 2020, đáng làm chúng ta kinh ngạc: mỗi ngày có tới 137 phụ nữ bị giết bởi chính các thành viên trong gia đình của họ; phụ nữ trưởng thành chiếm gần một nửa số nạn nhân của nạn buôn người được thống kê trên toàn thế giới; và trên toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người đã từng bị lạm dụng thể xác hoặc tình dục (và 15 triệu trẻ em gái vị thành niên trên toàn thế giới từ 15 đến 19 tuổi đã từng bị ép buộc quan hệ tình dục). Hơn nữa, năm ngoái cơn đại dịch còn làm cho những chuyện bạo lực này tăng phát vì: hạn chế đi lại, bị cô lập, cách ly xã hội và bấp bênh về kinh tế khiến phụ nữ trên toàn cầu càng dễ bị lợi dụng và lạm dụng hơn trong mọi cảnh trạng công cộng cũng như riêng tư.
Trong thông điệp tháng 2 này, Đức Thánh Cha yêu xin xã hội hãy bảo vệ những nạn nhân này. Ít nhất có 155 quốc gia đã thông qua luật bạo lực gia đình và 140 quốc gia thông qua luật lạm dụng hay quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cụ thể chúng ta đưa ra hai con số trên không có nghĩa là những luật lệ này luôn phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị quốc tế, cũng như chúng được áp dụng và thực thi…
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vừa ra tuyên bố phản kháng thái độ thách thức của Biden liên quan đến Title X và gọi đó là một hành động “bất hợp pháp”.
Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về Title X, trước khi đề cập đến tuyên bố của các Giám Mục Mỹ.
Các khoản trợ cấp liên bang đầu tiên để giúp các gia đình có thu nhập thấp kiểm soát sinh đẻ đã bắt đầu vào năm 1965 trong khuôn khổ chương trình Chiến tranh chống đói nghèo của Tổng thống Lyndon Johnson. Đến năm 1969, cả Quốc hội và Tổng thống Richard Nixon đều ủng hộ dự luật cung cấp đầy đủ các dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình. Vào năm 1970, Thượng viện đã nhất trí thông qua chương trình Title X và Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ số 298 trên 32 để thông qua dự luật. Tổng thống Nixon đã ký thành luật.
Chương trình Title X cung cấp các phương pháp ngừa thai cho các gia đình nghèo, từ việc giáo dục các phương pháp ngừa thai đến việc cung cấp các viên thuốc ngừa thai. Nhưng chương trình này không xem phá thai là phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Trái lại, các tác giả đề nghị ra chương trình này có ý hướng dùng nó để giảm bớt các ca phá thai thông qua các phương pháp ngừa thai, mặc dù phải nói ngay rằng một số phương pháp ngừa thai này không được Giáo Hội tán đồng.
Năm 1972, Quốc hội đã thông qua một dự luật yêu cầu chương trình Medicaid của tiểu bang chi trả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các gia đình có thu nhập thấp. Theo quy định này, chính phủ liên bang đài thọ 90% chi tiêu của các bang. Dự luật thứ ba được thông qua vào năm 1975 cho phép xây dựng mạng lưới các trung tâm kế hoạch hóa gia đình trên khắp Hoa Kỳ, dẫn đến gần 4,000 địa điểm cung cấp dịch vụ vào năm 2018.
Từ năm 2014 đến năm 2019, chương trình Kế hoạch hóa Gia đình Title X đã nhận được 286 triệu đô la mỗi năm. Ngay từ đầu, quỹ Title X không thể được sử dụng để hỗ trợ phá thai.
Trong thời gian làm Bộ trưởng Tư pháp California, Kamala Harris, đã hô hào Đạo luật “Tự do Sinh sản, Trách nhiệm Giải trình, Chăm sóc Toàn diện và Minh bạch”. Đạo luật này yêu cầu các trung tâm mang thai phò sinh phải niêm yết các thông báo quảng cáo cho các bệnh xá phá thai và cung cấp cho khách hàng của mình các tài liệu thông tin về các dịch vụ tránh thai và phá thai miễn phí gần đó. Đạo luật này đã biến California thành cơ quan tiếp thị và quảng cáo cho Planned Parenthood và các nhà máy phá thai khác, đồng thời buộc các trung tâm thai nghén phò sinh phải đồng lõa với chiến dịch của mình.
Năm 2017, khi lên thay Kamala Harris trong chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, Xavier Beccera, người đang được ông Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh, đã tiếp tục ủng hộ Đạo luật quái đản này của California. Điều này thể hiện mức độ trung thành của Becerra đối với kỹ nghệ phá thai. Quan trọng hơn, nó làm rõ cam kết của ông ta trong việc áp đặt ý thức hệ phá thai cực đoan lên mọi người, kể cả những người có thiện chí phản đối việc phá thai một cách ngay chính.
Các tổng giáo phận San Francisco, và Los Angeles cùng các tổ chức phò sinh đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện, và đạo luật này đã bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ vào năm 2018.
Ngay cả thẩm phán Anthony Kennedy lúc đó, người có tiếng phò phá thai, cũng đã lên án Đạo luật này vì “mối đe dọa nghiêm trọng của nó trong việc áp đặt thông điệp riêng của nó thay cho ngôn từ, suy nghĩ và cách phát biểu của cá nhân. Vì ở đây, Tiểu bang chủ yếu yêu cầu các trung tâm thai nghén phò sinh phải cổ vũ thông điệp ưu tiên của Tiểu bang nhằm quảng cáo phá thai”. Thẩm phán Kennedy nói tiếp: “Điều này buộc các cá nhân phải mâu thuẫn với những niềm tin sâu sắc nhất của họ. Những niềm tin dựa trên các giới luật triết học, đạo đức hoặc tôn giáo nền tảng, hoặc tất cả những điều này”.
Đứng trước các tranh cãi này, năm 2019, Tổng thống Trump đã đi xa hơn khi nghiêm cấm các phòng khám giới thiệu phụ nữ đến các dịch vụ phá thai. Tổng thống Trump quy định rất chi tiết rằng các phòng khám này không được chia sẻ chung không gian văn phòng với các tổ chức giới thiệu phá thai, và cũng không được chia sẻ về mặt tài chính với chúng. Nếu bị phát hiện vi phạm các cấm đoán trên, họ không còn nhận được các tài trợ trong chương trình Title X. Với các quy định của Tổng thống Trump, Planned Parenthood và nhiều tổ chức phá thai khác không còn có thể nấp dưới chiêu bài kế hoạch hóa gia đình. Chúng đã thiệt hại mỗi năm vài trăm triệu Mỹ Kim trước đây vẫn nhận được từ chương trình Title X.
Ngay sau khi nhậm chức ông Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ cho biết ông ta sẽ bãi bỏ các cấm đoán của Tổng thống Trump.
Vì thế, Hội Đồng Giám Mục ra tuyên bố sau:
Hôm qua, Tổng thống Biden đã đưa ra một tuyên bố công bố ý định hủy bỏ quy định hiện hành điều chỉnh chương trình kế hoạch hóa gia đình Title X. Quy định hiện tại tuân theo luật liên bang bằng cách giải thích rằng phá thai không thể là một phần của chương trình kế hoạch hóa gia đình Title X bằng cách sử dụng cùng một không gian văn phòng, chia sẻ tài chính hoặc giới thiệu phá thai. Tuyên bố sau đây được đưa ra bởi Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở Kansas, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh Của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB:
“Mặc dù các Giám mục Công Giáo có những lo ngại nghiêm trọng về việc chính phủ khuyến khích các biện pháp tránh thai, chúng tôi từ lâu đã ủng hộ những nỗ lực để bảo đảm rằng việc cung cấp và khuyến khích phá thai phải bị tách biệt về mặt vật chất và tài chính khỏi các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được tài trợ thông qua chương trình Title X. Phá thai cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ đã được thụ thai và đang lớn lên, và hầu hết người Mỹ đồng ý rằng không nên sử dụng phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình hoặc như một biện pháp ‘hỗ trợ’ khi việc kế hoạch hóa gia đình thất bại.
Do đó, Title X vẽ ra một ranh giới rõ ràng giữa phá thai và kế hoạch hóa gia đình. Ngoài việc nghiêm cấm dùng tiền đóng thuế của dân tài trợ cho việc phá thai, các tác giả của chương trình còn nhấn mạnh ý định này bằng cách nêu rõ rằng, ‘các quỹ được tài trợ theo luật này chỉ được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có tính chất dự phòng, nghiên cứu dân số, các dịch vụ vô sinh, và các dịch vụ khác liên quan đến các hoạt động y tế, thông tin và giáo dục’. Bằng cách hủy bỏ các quy định này, chính quyền sẽ buộc phá thai vào một chương trình liên quan đến tình trạng trước khi mang thai, và được thiết kế đặc biệt để loại trừ tệ nạn phá thai; một động thái trái đạo đức, không thực tế và cũng có thể là bất hợp pháp”.
Source:USCCB
Thánh lễ cầu cho các tiền nhân dịp Tất Niên tại Làng Sông – 01.02.2021
Không có thời điểm nào mà người ta sống đủ 3 chiều kích thời gian (Quá khứ, hiện tại, tương lai) cho bằng những ngày nầy, những ngày cuối năm âm lịch.
Thật vậy, trên những con đường quê Việt nam, những ngày này bỗng dưng tấp nập hẳn lên; và rất nhiều mái nhà, căn hộ, người ta thấy khói trắng bốc lên, báo hiệu đó đây đang có chạp mả, giỗ kỵ, tất niên… Vâng, người ta đang vọng tưởng quá khứ, kính nhớ tổ tiên và vui mừng trong chén rượu tất niên vì những thành tựu trong quá khứ.
Còn hiện tại thì nhà nào cũng trang trí, sửa sang nhà cửa, sắm sửa hoa kiểng, ghế bàn, chuẩn bị bánh trái, trà rượu, … để đón xuân sang tết đến. Trong khi đó, dù không hiện thực rõ nét, nhưng trong lòng ai ai cũng đau đáu những dự phóng, những chương trình, những ước mơ cho những ngày sắp tới…: sắp sửa lo cho con vào đại học, chuẩn bị vật tư để khai móng căn nhà mới, ra giêng sẽ tổ chức đám cưới cho con gái đầu…
Xem Hình
Và cũng rất đặc biệt, các cử hành Phụng Vụ của Hội Thánh đều luôn mang ba chiều kích thời gian: tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, hiện tại hoá hồng ân cứu độ và hướng đến việc “thực thi sứ mệnh” trên những nẻo đường đang mở ra trước mắt.
Hôm nay, cộng đoàn chúng ta sống đậm đà tâm tình “tưởng niệm” khi cử hành Lễ Giỗ các vị tiền nhân đức tin trong giáo phận: các Giám Mục, linh mục, phó tế, chủng sinh, tu sĩ và bao nhiêu anh chị em giúp việc nhà Chúa đã đi trước chúng ta trong cuộc hành trình về Nước Chúa. Nhớ đến các vị tiền nhân trong giáo phận hôm nay, dĩ nhiên, không chỉ hướng về các vị đang còn thanh luyện thuộc thành phần Giáo Hội đau khổ để xin ơn giải thoát; nhưng còn ngưỡng vọng đến những chứng nhân anh hùng của đức tin thuộc Giáo Hội khải hoàn để cảm tạ tri ân cảm tạ. Với chiều dài suốt hơn 400 năm, làm sao chúng ta nói hết, nói đủ những câu chuyện, những giai thoại, những hành vi và ứng xử anh hùng, những mẫu gương đạo đức, những hy sinh to lớn… của các ngài dành cho Giáo Hội, cho các thế hệ con cháu chúng ta. Đúng như tác giả thư Do Thái trong Bài Đọc 1: “Tôi không có đủ thời giờ thuật lại về Gêđêon, Barac, Samson, Giephtê, Đavít, Samuel và các tiên tri. Nhờ đức tin, họ chiến thắng các vương quốc, thực thi công bình, được hưởng lời hứa, bịt miệng sư tử, dập tắt hoả hào, thoát khỏi lưỡi gươm, chế ngự bệnh tật, hùng dũng trong trận chiến…”.
Nếu trong dịp Năm Thánh 400 năm loan báo Tin Mừng trên quê hương giáo phận, chúng ta đã có dịp ôn lại toàn bộ những công trình và di sản của cha ông trong công cuộc truyền bá, xây dựng, bảo vệ và phát triển hạt giống Tin Mừng, thì trong Năm Thánh 350 Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong-Qui Nhơn nầy, một lần nữa chúng ta được gọi mời khám phá những chân dung, những chứng tá thầm lặng của những người nữ tu ẩn khuất nghèo hèn như Anê Soạn, Anna Trị, như những chị nhà phước Phú Hoà bi giết chết mà chẳng có mảnh áo che thân…. Vâng, đó là những đồng xu nhỏ của những bà goá nghèo…, nhưng chắc chắn là những “hạt giống” tốt đã trổ sinh bao hoa trái sum sê trong vườn cây giáo phận hôm nay, là thế hệ Kitô hữu chúng ta, là Giám mục, linh mục chúng ta, là tu sĩ chủng sinh chúng ta…, như chính thư Do Thái (BĐ 1) xác quyết: “Họ bị ném đá, cưa xẻ, thử thách, bị giết bằng gươm. Họ mặc áo da cừu da dê, lưu lạc khắp nơi, thiếu thốn mọi điều, bị áp bức, ngược đãi. Thế gian chẳng xứng với họ. Họ lang thang trong hoang địa, trên núi non, trong hang đá, dưới hầm đất. Và tất cả họ đều nhờ bằng chứng đức tin mà lãnh nhận lời hứa tốt lành, thế mà họ chưa được lãnh nhận điều đã hứa, là vì Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn, kẻo họ đạt đến hoàn hảo mà không có chúng ta”.
Thánh lễ và cuộc qui tụ hôm nay lại được cử hành trong ý nghĩa “tất niên”, trong thời khắc giao mùa; mùa đông sắp qua, một chặng đường năm cũ sắp bỏ lại để chuẩn bị bước vào mùa xuân và một năm mới đang đến. Đúng như nhận định của Paulo Coelho: cuộc đời là chuyến tàu chứ không phải sân ga (La vie, c'est le train, ce n'est pas la gare); nhất là “chuyến tàu đức tin” thì phải luôn là một cuộc hành trình miên viễn trong tỉnh thức với “chiếc đèn rực sáng trên tay của những cô trinh nữ khôn ngoan”. Vâng, sứ điệp Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta hướng đến tương lai, đến những ngày Năm Mới bằng thái độ “tỉnh thức của hiện tại”, thái độ luôn “sắp sẵn để lắng nghe tiếng gọi của Tân Lang Giêsu” để sẵn sàng “thưa vâng với Ngài” bằng tất cả tình yêu phó thác.
Phải chăng, Tin Mừng muốn nhắn gởi đến các người trẻ rằng: các bạn đừng mãi chủ quan mà ngủ vùi trong niềm tự hào về sức khoẻ, về trí thông minh, về khả năng và sự nhiệt thành năng động… Chỉ một con covid bé tí thôi có thể làm rệu rã bao nhiêu đại cường tiên tiến giàu mạnh; Tin Mừng cũng nói với những người cao niên rằng: đừng vì tuổi cao sức yếu mà buông lõng, chào thua; bởi vì, như một câu ngạn ngữ chơi chữ của Anh: “Age is mostly a matter of mind ! If you don’t mind, it doesn’t matter” (Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không thèm quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!).
Và như thế, chúng ta có thể kết luận rằng: hôm nay, Lời Chúa muốn chúng ta:
- Trước hết, thanh thản nhìn về quá khứ để cảm tạ tri ân, để rút ra bao nhiêu bài học trân quý mà các vị tiền nhân đã lưu danh thiên cổ.
- Thứ đến, bình tâm đối diện với hiện tại để lắng nghe tiếng Chúa và can đảm thực thi thánh ý Ngài; biến cuộc sống luôn là một cuộc tỉnh thức như một Samuel “Xin Chúa nói, tôi tớ Chúa đang nghe” và đã “không để rơi một lời nào”; hay như những cô “trinh nữ khôn ngoan” trên tay luôn “cháy sáng ngọn đèn của tin, cậy, mến”.
- Sau hết, hân hoan và nhiệt thành dấn thân cho sứ mệnh, cho những tiếng gọi mời, cho những trách nhiệm và “những nẻo đường Emmaus” đầy thách đố phía trước, bằng một điểm tựa duy nhất: Có Đức Kitô đang đồng hành.
Khi nói đến “cuộc đời là chuyến tàu chứ không phải sân ga” tôi chợt đến một giai thoại, đúng hơn, một câu nói rất thâm thuý của một thiếu nữ trên chuyến xe buýt …: “Đâu cần phải cãi cọ vì chuyện nhỏ như thế, có đi chung với nhau lâu đâu ! Trạm tới, em xuống rồi.”…
“Có đi chung với nhau lâu đâu ! Trạm tới, em xuống rồi.”, hay “có đi chung với nhau lâu đâu, năm tới chắc gì chúng ta còn ở đây hay đã trở về lòng đất” !
Chính vì thế, nếu phải dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp trong “cuộc gặp nhau cuối năm đầy ý nghĩa nầy”, tôi xin mượn 2 câu đối đã lâu lắm rồi của cha Trăng Thập Tự để gởi đến cộng đoàn:
Giọt mến Chúa, chắt chiu từng ngày, nâng niu nuôi cuộc sống.
Giây yêu người, chắp nhặt từng bữa, trau chuốt dệt mùa xuân.
Trương Đình Hiền
Quê hương hỏi có ai mà không nhớ,
Hàng tre, con đường, khói trắng, dòng sông…
cơn mưa buồn, con nước bạc mùa đông,
Lúa xanh đồng, thơm hương mùa tháng chạp…
Con đường quê như đang cười ấm áp,
Đón bước ai về rộn rã sáng nay.
Nén hương nhang, cành hoa cúc trên tay,
“Nối linh thiêng vào đời” mùa Chạp mả…
Cây có cội nước có nguồn, đâu xa lạ !
Mỗi cuối năm, mùa tháng Chạp ta về.
Khói hương bay lời kinh nguyện tỉ tê,
Tổ tiên ta đó, dẫu chìm sâu cổ mộ !
Chuyến tàu đời đi qua hoài muôn thuở,
Khách lên đường, khách đỗ lại sân ga.
Người đi về tưởng niệm kẻ đi xa,
Nhớ quê hương nhớ mùi hương tháng Chạp !
Sơn Ca Linh (1.2.2021)
Làng An Lạc của chúng tôi, tiếng là An Lạc mà nhiều lúc cũng xôn xao giao động. Nhưng nhờ phước lớn của tổ tiên, nhờ hội viên viễn phương Từ Hòe đã hồi cư từ cuối năm qua, sự an lạc đang được hồi phục. Ngày tiễn ông Táo về trời, theo truyền thống, ông đã dựng cây nêu ở nhà cụ Chánh và cùng cụ Chánh nấu bánh chưng bánh tét cho cả làng. Mọi năm thì dân làng quây quần giúp ông nấu bánh và nghe các chuyện cười. Năm nay thì không vì luật giãn cách, ai cũng tiếc hùi hụi. Tối ba mươi tết, ông chở bánh chưng tới từng nhà, còn Chị Ba Biên Hòa bắt chước theo chân ông cũng chở quà tết tới từng nhà. Quà của Chị Ba là một hộp trái cây: Trái mảng cầu, trái dưa hấu và trái xoài, với thiệp chúc ghi câu này ‘ Cầu Dư Xài’. Chị giải thích: xưa nay ai cũng cúng trên bàn thờ đĩa 4 trái cây ‘ cầu vừa đủ xài’, nếu chỉ vừa đủ xài thì cầu làm gì, ta phải ‘cầu dư xài’ mới quý chứ, mới đáng ao ước chứ. Tôi nghĩ rằng đây là cái ý mới của anh John chồng chị.
Cụ B.95 tỏ ra cảm động nhất. Cụ bảo cụ nhớ đất Bắc quê cụ ngày xưa quá. Nào cánh đồng con gái mơn mởn, nào tiếng mẹ ru con giữa trưa hè, nào hoa sấu rụng bên bờ sông, nào hoa sen ngào ngạt cả bầu trời, nào nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cam Bố Hạ, cá Anh Vũ Việt Trì…ôi nhớ quá.
Cụ Chánh tiên chỉ nghe cụ B.95 nói xong thì cũng gật gù: Tôi cũng giống y như bà, nhớ miền Bắc cố hương của mình núi đồi hang động chập chùng như chốn bồng lai. Ôi sướng làm sao khi được ngắm cánh đồng xanh trổ lúa vàng lượn sóng, được ngồi bên bếp lửa hồng sưởi ấm giữa cái lạnh cắt da, được nghe tiếng hò giã gạo dưới đêm trăng, được nghe tiếng chuông chùa ngân nga những buổi chiều tà, ôi quê tôi đẹp làm sao! Ấy là chưa nói đến cây đa bến nước, con đò nan mong manh trên sông, những ráng chiều đỏ ửng bầu trời, những đàn trâu về trên đê…Những hình ảnh quê tôi ngày xưa đẹp hơn những hình ảnh lâu đài ở phương tây này. Ôi ngày tết sao mà nhớ quê thế này…
Nghe đến đây thì bồ chữ Từ Hòe cùng gật gù. Cụ vừa nhắc tới đàn trâu trên bờ đê. Con trâu là hình ảnh đẹp nhất tại quê hương nông nghiệp của chúng ta. Ở Canada và Hoa Kỳ này chỉ có bò, chứ không có trâu. Con nít ở đây không thể tưởng tượng được những cảnh đẹp ngày xưa ngoài Bắc, như em bé đầu đội nón mê miệng thổi sáo cỡi trâu về nhà, với ông bố vác cày theo sau. Ngày xưa còn bé, ai cũng thuộc lòng bài này trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:
…Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ, Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…
Và ai cũng nhớ bài lời nhà nông nói với con trâu thân yêu như nói với người bạn:
Trâu ơi, ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta, cấy cầy vốn nghiệp nông gia, Ta đây trâu đấy ai mà quản công…
Anh John lên tiếng: tôi ở Canada cũng chỉ nghe tới trâu qua sách vở, ngay cả vợ tôi đây sống ở Miền Nam cũng không biết nhiều về trâu, vậy nhân tết con trâu Tân Sửu xin bác Từ Hòe nói thêm về con vật nổi tiếng này cho chúng tôi nghe với. Bác mà kể thì chắc sẽ có nhiều chuyện vui về con vật bạn nhà nông này.
Anh John đã bấm đúng mạch, ông Từ Hòe kể ngay: Con trâu có gốc là một vị thần. Sách kể rằng thuở ban đầu Ông Trời sai một vị thần đem hạt lúa và hạt cỏ xuống trần gian. Ông thần này đãng trí, thay vì gieo hạt lúa xuống ruộng trước thì ông gieo hạt cỏ, do đó cỏ mọc lên tốt hơn lúa. Dân gian làm cỏ khổ cực quá bèn khiếu nại với ông trời. Ông trời cho điều tra và thấy đúng bèn phạt vị thần kia xuống trần gian và biến thành con trâu để ăn cho hết cỏ dại.
Nông dân được con trâu giúp canh tác thì sung sướng và quý con trâu lắm. Chỉ nhà giầu mới đủ sức mua trâu và nuôi trâu, Trong ca dao có ghi rõ việc này: Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, Cả ba việc ấy lọ là khó thay. Hay câu khác: Miếng trầu là đầu câu chuyện, Con trâu là đầu cơ nghiệp…
Trong văn học sử có cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ‘ Con Trâu’ của nhà văn Trần Tiêu in năm 1940. Trong sách nhà văn cực tả cảnh nông dân sống chết với ruộng lúa và con trâu, và quý nhất là con trâu cái. Vì con trâu cái sẽ đẻ con, đây là kho vàng, là tương lai sự giầu có.
Tại miền Bắc con trâu quý như vậy nên chỉ dùng để làm ruộng mà thôi, không ai được giết ăn thịt. Nếu muốn giết trâu thì phải xin phép. Trong sách có ghi chuyện việc một cống sinh kia vừa thi đậu muốn giết trâu ăn mừng. Anh ta làm đơn xin phép quan phủ, quan phủ đi vắng nên bà Hồ Xuân Hương lúc đó là vợ quan phủ, đã thay mặt quan phê vào đơn rằng: Người ta thì chẳng được đâu, Ừ thì thày cống làm trâu thì làm.
Nhiều người cho biết thịt trâu rất ngon và rất bổ, món dân gian mê nhất là món xào thịt trâu với rau cần và tỏi. Nhau của trâu xào với lá bí non, ăn cũng cực ngon. Máu trâu pha với rượu được coi là thuốc đại bổ.
Ngoài thịt ra, cơ thể con trâu cũng được dùng vào nhiều việc rất hữu ích. Như sừng trâu làm quân cờ, lược chải đầu, con thoi dệt vải, quản bút, nan quạt, cán ô, cái tù-và. Xương trâu làm cúc áo, lược chải tóc và nan quạt. Da trâu cho nhiều công dụng nhất: giầy dép, cặp đựng sách, ví tiền, bao kính, và nhất là làm mặt các loại trống. Lông trâu làm bàn chải. Phân trâu rất tốt cho cây cam cây quýt các loại bí và khoai lang.
Tại quê hương của chúng ta có 2 biểu tượng đặc trưng Việt Nam: con trâu và cây tre. Nói đến đây xong thì ông Từ Hòe xin hết và nhờ ông ODP tiếp sức. Cả làng vỗ tay râm ran, mãi với thôi.
Ông bồ chữ ODP lên tiếng ngay. Rằng bác vừa nhắc đến con trâu và cây tre làm tôi chợt nhớ tới hai chuyện vui. Chuyện thứ nhất là tên con trâu bị 2 nơi đọc sai. Nơi thứ nhất là dân ở miền biển ngoài Bắc, nhiều người đã không đọc được chữ TR. Con trâu thì đọc là con tâu. Do dó mới có giai thoại chế nhạo thế này, họ đọc câu ‘ Con trâu trắng béo tròn trùng trục nằm bên bờ tre trơ trụi’ là ‘ con tâu tắng béo tòn tùng tục nằm bên bờ te tơ tụi’. Ai nghe cũng phá ra cười, chê rằng anh nói quê quá. Nơi thứ hai là dân Hà Nội đất văn vật thì phát âm chữ TR thành ra CH, do vậy họ đọc là ‘ con châu chắng béo chòn chùng chục nằm bên bờ che chơ chụi’. Không ai cười là nói quê cả mà lại khen ‘chà, tiếng Hà thành có khác’. Lời chê và tiếng khen này có công bằng không các cụ?
Chuyện thứ hai: cây tre là một biểu tượng rất quê hương VN. Con trâu cả khi sống cả khi chết đều hữu ích, cây tre cũng vậy. Lá tre là món ăn quý cho loài ngựa. Thân tre thì được dùng vào trăm việc hữu ích, nào làm nhà, làm chõng, làm giường, làm rổ rá, làm nón, làm lạt gói bánh, làm đòn gánh, làm khí giới…Bụi tre là hình ảnh của làng quê thanh bình, là biên giới của làng xóm. Sau lũy tre xanh, bày trẻ ngày ngày đánh bi đánh đáo, thả diều đi câu, tắm truồng ở cầu ao làm bằng thân những cây tre ghép lại. Tiếng động nông thôn là tiếng hò trâu cày ruộng, là tiếng chim gáy ở cành tre vắt vẻo, là tiếng đưa võng kẽo kẹt bà ru cháu à ơi, là hương ngát của hoa cau hoa bưởi, là mùi thơm của mùa lúa chín… Ôi quê hương ngày xưa của tôi sao mà đẹp đến thế. Cụ Ngô Đình Diệm thời đệ Nhất Cộng Hòa đã chọn cây tre làm biểu tượng ‘Tiết trực tâm hư’của Tổng Thống, quả là hay và đẹp.
Ông ODP vừa ngưng về cây tre thì ông H.O. xin kể một chuyện vui xen kẽ. Bác nói tới cụ Ngô làm tôi nhớ tới Cụ Hồ. Rằng sau 1975, các quan cán bộ từ Bắc vào Nam suốt ngày ra rả ca ngợi Bác Hồ. Nói ra rả suốt ngày chưa đủ, các quan còn viết khẩu hiệu khắp nơi. Có một khẩu hiệu được viết lớn trên tường giữa một ngôi chợ thế này ‘ Bác Hồ sống mãi trong quần chúng’. Khẩu hiệu viết dược vài ngày thì một buổi sáng kia ai đi qua chợ nhìn lên khẩu hiệu thì cũng phá ra cười, có người cười chảy cả nước mắt nước mũi. Các cụ biết tại sao không? Thưa, có một tên ngụy nào đó đã dám lén leo lên viết thêm một chữ TA vào cuối câu khẩu hiệu trên. Bây giờ khẩu hiệu đọc là ‘ Bác Hồ sống mãi trong quần chúng ta’. Thât là hỗn và láo qúa sức. Bác đang là thần tượng đại nhân ở trong lòng mọi người, bây giờ Bác hóa ra thằng tiểu nhân hung hăng.
Cả làng lại phá ra cười. Người cười to nhất và lâu nhất là anh John. Anh bảo tiếng Việt thật tuyệt vời, chỉ thêm một chữ TA nhỏ xíu ở cuối câu mà nó biến đổi hết ý nghĩa của cả câu. Xưa nay tôi đã thán phục tiếng Việt có mấy chữ mà tôi cho là đắc ý nhất và hay hết sức, như chữ TÒM trong bài thơ tả cảnh anh chồng muốn tò tí với vợ lúc vợ đang thổi cơm ( Bây giờ lửa đã nhóm lên, Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm ), như chữ XẰNG trong câu thơ của anh si tình tiếc người yêu vì tham giầu đi lấy một thắng bé nhà giàu ( Anh tiếc thay tờ giấy trắng để thằng bé cỏn con nó vẽ xằng…), như chữ LỪ ( Chồng chê mặc kệ chồng chê, Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ… Nhưng chữ TA trên đây thì hay hơn hết.
Ai nghe đến đây cũng cười òa. Ông H.O. lại góp ý với anh John: Sao anh không kể chuyện tiếng TỎM ở hồ bơi để mọi người nghe cho đủ bộ. Mấy bà đang khoái chuyện cười của Anh John bèn lên tiếng xin nghe chuyện TỎM. Anh John đã lỡ trớn rồi nên phải nháy mắt xin phép vợ là chị Ba ngồi kề, rồi kể: Rằng tại một hồ bơi kia có một anh mù rất giỏi. Anh chỉ ngồi bên bậc thang nhảy rồi lắng tai nghe, ai nhảy xong thì anh biết ngay là đàn ông hay đàn bà. Có ông bạn phục anh này quá bèn hỏi nhỏ là nhờ đâu mà anh giỏi quá như thế. Anh mù cười rồi nói khẽ: Đàn ông mà từ trên cầu nhảy xuống hồ thì chỉ kêu tỏm một cái rồi hết. Còn ai mà kêu tỏm một cái rồi sau đó còn tiếng ùng ục, thì đó phải là đàn bà. Đúng không? Thật là hết ý.
Nghe đến đây thì Cụ Chánh xin chấm dứt chuyện ở hồ bơi để trở về chuyện cười ngày tết con trâu. Ông H.O. quê ở miền nói con tâu tắng lên tiếng trách cả nước đã bất công vì chỉ chế nhạo con tâu tắng của quê ông. Sao không chế nhạo chuyện nói ngọng ở Miền Nam như chuyện ‘cái rổ đựng cá rô’ thì nói là ‘cái gổ đựng cá gô’, ‘Người Việt nói tiếng Việt’ thì nói là Người Diệt nói tiếng Diệt.
Anh John thấy câu chuyện nói ngọng này có vẻ căng trong không khí ngày tết nên ông liền chuyển sang hướng khác. Anh bảo ban đầu anh vốn nói tiếng miền Nam quê vợ, nhưng từ khi được vào làng và nghe tiếng Bắc thì anh thấy trong tiếng Việt có nhiều tiếng đôi ghép tiếng Bắc tiếng Nam dính vào nhau thật tuyệt vời, hai tiếng mà cùng chỉ một nghĩa, như bơi lội, dối gạt… tiếng bơi tiếng dối là tiếng Bắc kỳ, tiếng lội tiếng gạt là tiếng Nam kỳ, rõ ràng Bắc Nam họp chung làm một. Nhiều tiếng như vậy lắm, như đe dọa, đùa giỡn, gầy ốm, khỏe mạnh, khuân vác, kiêng cữ, té ngã, thương yêu…
Cả làng vỗ tay khen anh John có cái nhìn thật tuyệt vời.
Ông H.O. cũng xin góp một tiếng cười ngày tết. Ông bảo ông và nhóm cựu tù nhân với ông phải lên tiếng công khai xin lỗi 2 đại văn hào Nguyễn Du và Nguyễn Trãi. Chuyện như thế này, hồi ấy các văn phòng giữ các hồ sơ xin đi Mỹ theo diện tù cải tạo đều nằm trên đường Nguyễn Du và Nguyễn Trãi ở Saigon. Anh em nộp đơn xong đều mong cho đơn đi mau, khi gặp nhau thì trao đổi tin tức: Sao, đơn tới Nguyễn Du chưa, sao đơn Nguyễn Trãi sắp xong chưa, đèo mẹ thằng Nguyễn Trãi đòi ăn tiền… Chúng tôi sang tới đây nghĩ lại, thấy mình đã vô tình vì vắn tắt mà nói xúc phạm tới hai tổ phụ tiền nhân, xin cúi đầu xám hối.
Các cụ nhớ cái gốc của ông H.O.trong làng tôi chứ. Diện H.O. chỉ có ở bên Hoa Kỳ. Ông H.O. này từ Saigon sang Hoa Kỳ định cư rồi sang Canada thăm ông bác. Sang Canada ít bữa thì gặp người đẹp là cháu cụ Chánh. Cô này vừa đẹp vừa trẻ vừa có duyên, miệng cười xinh hết sức. Ông bị tiếng sét ái tình, thế là ở lại luôn Canada.
Chị Ba Biên Hòa xin Cụ Chánh nhân ngày tết cho đôi lời về kinh nghiệm sống thọ và hạnh phúc. Cụ Chánh đáp ngay: Lão cũng đang muốn bàn về việc này. Tôi thấy ai cũng chúc nhau sống thọ, nhưng sống thọ mà bệnh hoạn thì ích gì, vừa khổ thân mình, vừa làm khổ con cháu. Tuổi già lý tưởng là tuổi vẫn còn ăn ngon, ngủ ngon, tai thính mắt sáng, đầu óc minh mẫn, đi đứng vững vàng và cần nhất là luôn giữ được nụ cười trên môi, và làm cho người chung quanh hạnh phúc, thế mới là tuổi thọ đáng sống. Nụ cười và tiếng cười quý vô cùng. Kìa xem ngôi sao màn bạc nổi tiếng khắp thế giới Elizabeth Taylor, đã có 8 đời chồng, về già bà còn nói bà thấm mệt về đường tình, sẽ không cưới ai nữa, nhưng nếu ai có óc hài hước và làm cho bà cười nhiều thì bà rất sẵn lòng sống chung với người đó đến mãn đời.
Các bạn thấy chưa, tiếng cười quan trọng như vậy đó. Me Thánh Teresa Calcutta cũng khuyên mọi nữ tu hãy cười nhiều hơn khi phục vụ tha nhân. Hiện nay trên thế giới có mấy trăm ngôn ngữ khác nhau, và tiếng cười nói được tất cả các ngôn ngữ này. Tiếng cười là một ngôn ngữ quốc tế, là tiếng nói của tình yêu, tình thương. Tiếng cười không tốn kém mà nó mua được biết bao nhiêu sự tốt lành. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên nên làm là mỉm cười, cười với một ngày mới đang bắt đầu. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ.
Kính chúc các cụ năm mới Con Trâu đầy tiếng cười.
TRÀ LŨ
CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI
(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An)
I.Nụ mỉm cười hân hoan
‘Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô!
nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy Chúa;
Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở;
bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang”.
Thánh vịnh 89: 16-17.
Các sách Tin Mừng thường gợi lại cái nhìn của Chúa Giêsu đối với những ai Người gặp. Một cái nhìn làm người ta ngạc nhiên và từng khiến hơn một người theo chân Người (Mt 4:18-22; 9:9; Ga 1:43-51). Một cái nhìn làm cho Thánh Phêrô khóc lóc sau khi chối Người (Lc 22:61-62). Một cái nhìn hoàn toàn biến đổi cõi lòng người trộm lành (Lc 23:42-43).
Cái nhìn của Ngài, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Ngài
Điệp khúc: Con ngước đôi mắt nhìn lên Chúa.
Xin Chúa đến làm chúng đầy sức nhìn rõ của Chúa.
1. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!
Chúa đã đặt trên con
Trên con kẻ đi tìm Ngài
Con run rẩy hân hoan
Và chúng con tiến bước
Về nhà Chúa
2. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!
Nó đã nói với con về Chúa,
Những giọt lệ con đã nhỏ sa:
Về Chúa, Chiên Thiên Chúa
Tâm hồn con hát bài hy vọng,
Con đã khám phá ra ngọn lửa của Chúa
Trong thinh lặng.
3. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!
Nó đã thay đổi đời con,
Thuyền con và lưới con.
Vì Chúa con đã bỏ tất cả,
Ngày Chúa nói với con:
“Hãy đến theo Thầy”.
4. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!
Đôi mắt biến hình của Chúa
Con đã thấy chúng trên cao.
Giữa tầng mây phủ
Mắt con đã nhận ra Chúa,
Con cái ánh sáng.
5. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!
Nó đã đâm thấu đêm đen của con
Vào giờ con chối Chúa.
Chỉ có Chúa mới hiểu
Lạy Thiên Chúa, Chúa đã tha thứ.
6. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!
Nó đã phục sinh con
Buổi chiều Chúa trở lại.
Hơi thở Chúa đẩy con đi
Ra khơi Tình yêu:
Hãy đến với anh chị em con!
Claude Bernard
1. Lạy Chúa Giêsu, nụ cười của Chúa phản chiếu niềm vui
Các soạn giả Tin Mừng không bao giờ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang mỉm cười. Nhưng người ta khó lòng có thể tưởng tượng được việc Chúa Giêsu để các em bé leo lên đầu gối Người mà lại không mỉm cười với chúng. Và nụ mỉm cười của Người sẽ ra sao khi gợi lại niềm vui của người cha đón đứa con hoang đàng trở về hoặc khi Người phá lên hân hoan lúc các môn đệ trở về sau sứ vụ đầu tiên của họ: “con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21).
Nếu các thánh làm chúng ta thán phục vì phẩm chất nụ mỉm cười của các ngài, thì nụ mỉm cười của Chúa Giêsu sẽ phải như thế nào đây! Nó phản ảnh trên khuôn mặt Người niềm vui vốn tràn ngập tâm hồn Người, niềm vui luôn tự cảm thấy mình là Con yêu dấu của Chúa Cha và là Đấng ngày đêm giờ nào cũng nói: Abba (Lạy Cha)!
Thánh Bernard nghĩ rằng ngay trong những giờ phút bi đát của cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu vẫn hạnh phúc một cách sâu xa, vì Người biết rằng Người đang cứu rỗi nhân loại. Máu Người đổ ra, Người dâng lên Chúa Cha vì nhiều người để tha tội cho họ. Chính vì thế, một số nghệ sĩ không ngần ngại vẽ một nụ mỉm cười trên khuôn mặt Chúa Kitô trên thập giá. Ước chi người ta nghĩ đến Chúa Kitô mỉm cười của thế kỷ 12 được in lại ở đầu tác phẩm này. Được tôn kính bởi các đan sĩ tại Lérins, nó phát biểu một cách hùng hồn mầu nhiệm được vị đan viện trưởng của Clairvaux cùng thời giảng dạy.
Baudouin Ford, mộ tu sĩ Xitô người Anh thế kỷ 12, năm 1184 trở thành Tổng Giám Mục Canterbury và giáo chủ Anh, cũng ngạc nhiên khi nghĩ rằng Chúa Giêsu đã có được một niềm vui rất lớn lao ngay giữa cơn thống khổ của Người. “Không những Người cảm thấy cái đau của thân xác trong các đau đớn của cuộc Khổ Nạn, trong tính ác liệt của cái đau khủng khiếp mà Người chịu vì chúng ta, mà còn trong linh hồn Người nữa, Người cũng cảm nhận một nỗi buồn thực sự. Tuy nhiên, Người hạnh phúc mang lấy nó. Một cách hân hoan, Người quyết định chọn đau khổ và nỗi đau khổ này không phải không có niềm vui vì Người hạnh phúc ngay với đau khổ của Người. Chính vì thế Người nói: ‘Thầy vốn rất khao khát được ăn Lễ Vượt Qua này’ (2)”.
Thánh nữ Catarina thành Sienna không nghĩ khác. Thánh nữ nói với Đức Hồng Y Orsini, rằng Chúa Giêsu kêu lớn tiếng những lời này “Mọi sự đã hoàn tất”. Người ta có lẽ nghĩ rằng đây là những lời buồn bã, nhưng thực ra, đó là những lời hân hoan. Dường như Chúa Giêsu dịu dàng này muốn nói: “Giờ đây, tôi nhẩy mừng hân hoan ! Cuộc thử thách này, cuối cùng tôi đã hoàn tất”.
Thánh nữ nói thêm, đúng thế, “Con Chiên trên thập giá vừa hạnh phúc vừa đau khổ cùng một lúc: thân xác Người đau đớn nhưng thần tính Người không thể đau khổ và cả linh hồn Người ở phần cao trọng hơn, thiêng liêng hơn, cũng không đau khổ” (3).
Đó chính là điều Chúa Giêsu dạy thầy Marcel Văn trong các cuộc đàm đạo Người ngỏ cùng thầy trong các năm 1945-1946 khi thầy ở nhà tập:
“Nhỏ Marcel ạ, đời Ta vốn là một đời đau khổ; nhưng Ta không bao giờ buồn rầu vì phải chịu đau khổ. Do đó, đời Ta phải được gọi là đời đau khổ, nhưng không hề là đời bất hạnh. Như thế, nếu Ta buồn rầu trước đau khổ, thì giờ đây làm sao Ta dám dạy con phải vui tươi khi con gặp đau khổ cho được? Này Marcel, cho nên không bao giờ được tin rằng Ta từng buồn rầu đã phải chịu đau khổ, cũng đừng bối rối, nếu nghe người ta nói như thế; tốt nhất hãy lắng nghe điều Ta nói, đúng không? Nếu Ta buồn rầu vì các đau khổ của Ta, xem ra hóa Ta tỏ ra ít hân hoan trong việc tự hy sinh cho các linh hồn hay sao, các linh hồn tỏ ra ít hân hoan trong việc tự hy sinh cho ta hay sao?... Ta không bao giờ buồn rầu; trái lại, Ta luôn luôn hân hoan như một bé thơ bơi lội trong các an ủi. Nếu, lúc đó, Ta buồn rầu vì các đau khổ của Ta, thì giờ đây hẳn ta phải đau khổ hơn nhiều trong bí tích Thánh Thể... Không, nhỏ Marcel ạ, không phải thế đâu. Càng hy sinh cho các linh hồn, Ta càng muốn hy sinh nhiều hơn nữa, và luôn nhiều hơn nữa. Và nói tóm lại, chính đó là việc mà chỉ có Tình Yêu mới có khả năng hiểu được” (4).
Việc đồng hiện hữu của đau khổ và niềm vui trong linh hồn Chúa Kitô
Tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thập Giá không diễn tả sự đau khổ của một người thất vọng, mà là lời cầu nguyện của Chúa Con đang dâng sự sống mình lên Chúa Cha trong yêu thương, vì sự cứu rỗi mọi người. Lúc tự đồng nhất hóa với tội lỗi chúng ta, bị Chúa Cha “bỏ rơi”, Người đã “phó thác” trong tay Cha Người. Đôi mắt Người rõi nhìn Cha Người. Chính vì nhận biết và cảm nghiệm rằng duy mình Người có Chúa Cha, chính trong giờ phút đen tối ấy, Người thấy rõ mồn một tính nặng nề của tội lỗi và Người chịu đau khổ vì nó. Chỉ có Người, Đấng thấy Cha Người và vui hưởng việc ấy một cách trọn vẹn, mới đo lường được một cách viên mãn việc chống lại tình yêu Chúa Cha bằng tội lỗi có nghĩa là gì. Trước khi là một đau đớn cho thân xác Người, và, tới một mức độ cao hơn, cuộc khổ nạn của Người là một đau đớn cho linh hồn Người. Truyền thống thần học không bỏ lỡ việc tự hỏi làm thế nào Chúa Giêsu có thể cùng một lúc sống sự kết hợp thâm sâu với Cha Người, Đấng từ bản chất vốn là nguồn hân hoan và hạnh phúc, và cơn hấp hối đến nỗi phải kêu than bị bỏ rơi. Sự hiện hiện cùng một lúc cả hai yếu tố này bề ngoài không thể nào hòa giải được thực ra đã phát sinh từ sự sâu thẳm khôn dò của việc kết hợp bản thể (union hypostatique).Trước mầu nhiệm trên, cùng với việc tìm hiểu thần học, một trợ cụ nghiêm túc có thể đến với chúng ta từ di sản vĩ đại là nền thần học các thánh. Các ngài cung ứng cho ta các dấu ấn qúy giá giúp ta hái lượm được dễ dàng hơn trực giác đức tin, và điều này theo tỷ lệ ánh sáng đặc thù mà một số vị đã nhận được từ Chúa Thánh Thần, hoặc ngay cả qua kinh nghiệm họ có từ các trạng thái thử thách khiếp đảm mà truyền thống huyền nhiệm vốn gọi là “đêm đen”. Rất thường là việc các thánh đã sống điều tương tự như kinh nghiệm của Chúa Giêsu trên Thập Giá, trong trạng thái lẫn lộn đầy nghịch lý có cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Trong Cuộc Đối Thoại của Chúa Quan Phòng, Thiên Chúa tỏ cho Thánh Catarina thành Sienna hay: trong linh hồn các thánh, niềm vui và đau khổ có thể hiện diện cùng một lúc: “Và linh hồn hạnh phúc và đau khổ: đau khổ vì tội lỗi của người lân cận, hạnh phúc nhờ sự kết hợp và tình âu yếm của đức ái mà linh hồn nhận được trong chính nó. Những người này bắt chước Con Chiên tinh tuyền, Con duy nhất của Ta, Đấng trên Thập Giá vừa hạnh phúc vừa đau khổ” [...]Ngoài ra, chính câu truyện của các soạn giả Tin Mừng bảo đảm nền tảng của tri nhận này của Giáo Hội về ý thức của Chúa Kitô khi nó nhắc lại rằng Chúa Giêsu, ngay trong vực thẳm đau đớn, hấp hối mà vẫn năn nỉ xin ơn tha thứ cho các lý hình của Người (xem Lc 23:34) và ngỏ với Cha Người việc phó thác đầy con thảo cho đến tận cùng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).
Đức Gioan Phaolô II
Tông thư Novo Millenio ineunte,
6 tháng 1 năm 2001, số 26-27
Về phần Thánh Têrêxa thành Lisieux, thánh nữ hạnh phúc thấy trong việc mình Noi gương Chúa Giêsu Kitô có suy tư sau đây của Lamenais; “Trong Vườn Cây Dầu, Chúa chúng ta vui hưởng mọi vui thú của Thiên Chúa Ba Ngôi”. Và thánh nữ viết thêm: “đó là một mầu nhiệm, nhưng con bảo đảm với mẹ rằng con thấu hiểu phần nào điều này vì chính con đã được nếm thử” (5).
Vả lại, há không ngạc nhiên sao khi nơi duy nhất chúng ta thấy Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha yêu quí ơi!” chính là vườn Diệsimani. Với chúng ta, chính đó là một dấu ấn qúy giá: cơn hấp hối khủng khiếp mà Người đang phải chịu không ngăn cản Chúa Kitô vui hưởng niềm vui được là Con yêu quí.
Ngày nay, Chúa Kitô vẫn luôn hạnh phúc vô cùng. Vào trong vinh quang Chúa Cha mãi mãi, khuôn mặt hiển dung của Đấng Sống Lại chắc chắn rạng rỡ một nụ mỉm cười tuyệt diệu.
Kỳ sau: 2. Lạy Chúa Giêsu, nụ cười của Chúa luôn tỏ cùng con
1. Đảo chính tại Miến Điện. Xin hãy cầu nguyện cho Đức Hồng Y Charles Maung Bo
Diễn biến này xảy ra sau khi các nhà sư Phật giáo tham gia vào một cuộc biểu tình rất lớn gần chùa Shwedagon hôm thứ Bảy phản đối kết quả bầu cử hồi tháng 11 vừa qua. Giới Phật Giáo tại Miến Điện đã ủng hộ quân đội Miến Điện và Đảng Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn. Đảng Đoàn kết và Phát triển đã thua đậm trước đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi
Cho đến nay, quân đội Miến Điện vẫn tiếp tục phủ nhận đang làm binh biến để đảo chính chính phủ hợp hiến.
Quân đội Miến Điện hôm thứ Bảy cho biết họ sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp cũng như hành động theo luật sau khi có những lo ngại hồi đầu tuần về một cuộc đảo chính.
Ủy ban bầu cử của Miến Điện đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội về gian lận phiếu bầu, nói rằng không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu.
Hiến pháp dành 25% số ghế trong quốc hội cho quân đội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi.
Các binh sĩ được triển khai bên ngoài Tòa thị chính ở Yangon, là thành phố chính của Miến Điện sau vụ bắt giữ bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác.
Các nhân chứng cho biết, hàng chục binh sĩ đang đứng trước tòa nhà, nơi đặt trụ sở chính quyền thành phố trong khi một số xe tải và quân sự đứng gần đó.
Điều ngày càng có vẻ là một cuộc đảo chính quân sự diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và nhóm tướng tá đầy quyền thế, sau một cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận.
Người phát ngôn của NLD, là Myo Nyunt, nói với Reuters qua điện thoại rằng bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị “bắt” vào đầu giờ sáng. Reuters sau đó không thể liên lạc với anh ta.
Đường dây điện thoại đến thủ đô Naypyitaw không liên lạc được trong những giờ đầu ngày thứ Hai. Quốc Hội Miến Điện dự kiến sẽ bắt đầu họp ở đó vào sáng thứ Hai sau cuộc bầu cử tháng 11 mà NLD đã giành được thắng lợi.
Mạng truyền thông nhà nước Miến Điện đã không thể phát sóng, chỉ vài giờ sau khi các nhân vật cấp cao của chính phủ bị bắt giữ.
Trên trang Facebook của mình, Đài Phát thanh và Truyền hình Miến Điện cho biết:
“Do những khó khăn liên lạc hiện tại, chúng tôi xin trân trọng thông báo với các bạn rằng các chương trình thông thường của Đài Truyền Hình Miến Điện và Đài Phát Thanh Miến Điện không thể phát sóng được”.
Một nhà lập pháp NLD, người yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù, cho biết một người khác trong số những người bị giam giữ là Han Thar Myint, một thành viên của ủy ban điều hành trung ương của đảng.
Bà Aung San Suu Kyi, từng đoạt giải Nobel Hòa bình, năm nay 75 tuổi, lên nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, sau nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia trong một cuộc đấu tranh vì dân chủ đã biến bà thành một biểu tượng quốc tế.
Vị thế quốc tế của bà đã bị tổn hại sau khi hàng trăm nghìn người Rohingya chạy trốn khỏi các chiến dịch của quân đội tại bang Rakhine phía tây Myanmar vào năm 2017. Dù vậy, bà vẫn nổi tiếng ở quê nhà.
Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu là một người nổi tiếng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD vì ngài tin họ có thể đem lại một nền dân chủ và tự do cho Miến Điện.
Ngày 13 tháng 12, 2019, trong một bức thư ngỏ gởi cộng đồng quốc tế và người dân Miến Điện, Tổng Giám Mục Yangoon kêu gọi giới quân nhân Miến Điện từ bỏ bạo lực.
Mở đầu lá thư Đức Hồng Y viết: “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện từ bỏ vũ khí và bạo lực để đối thoại với tất cả các cộng đồng, mọi sắc tộc và tôn giáo, để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho nhiều thập kỷ xung đột, bắt đầu một tiến trình hòa bình, công lý, sự thật và hòa giải mới.”
Đức Hồng Y cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện dùng tất cả năng lực và nỗ lực của họ “chăm sóc người nghèo và người đau khổ”, trong một quốc gia vẫn mang vết thương của những năm xung đột kéo dài. Đức Hồng Y Bo nhắc nhở mọi người rằng đó là nhiệm vụ của ngài, với tư cách là linh mục và mục tử, lên tiếng thay cho người nghèo và người bị gạt ra ngoài lễ xã hội và những người không có tiếng nói. Ngài nói: “Bây giờ là lúc tìm kiếm sự thật, công lý, hòa bình và hòa giải. Tôi là một linh mục, không phải là luật sư hay chính trị gia, vì vậy tôi sẽ không bình luận về các sáng kiến pháp lý quốc tế hiện tại. Nhưng tôi biết rằng để có hòa bình, cần phải có công lý, và để có hòa giải, cần phải có sự công nhận về sự thật.”
Trước các tiếng nói kêu gọi truy tố bà Aung San Suu Kyi ra tòa án quốc tế vì tội ác diệt chủng của giới quân nhân đối với người Hồi Giáo Rohingya, ngài đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nghĩ đến phúc lợi của tất cả người dân Miến Điện. Ngài nói: “Đặc biệt, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm rằng, trong nỗ lực truy tố những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người, không trừng phạt những người không chịu trách nhiệm và không trừng phạt tất cả người dân Miến Điện. Cộng đồng quốc tế nên cẩn thận không áp dụng các biện pháp có thể làm tổn thương người nghèo nhất. Tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực của mình theo cách nhắm vào những người trực tiếp chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và những bất công nghiêm trọng”.
Trong thư, Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh vai trò tích cực của đối thoại liên tôn và cam kết hòa bình, hòa giải và công lý của Giáo hội, trong khi đất nước đang trải qua giai đoạn lịch sử rất cần được chữa lành. Ngài nhắc nhớ: “Trong bảy mươi năm, Miến Điện đã bị xâu xé bởi các cuộc xung đột sắc tộc, chế độ độc tài và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo đã dẫn đến sự đổ máu kinh hoàng, chết chóc, hủy diệt, nô lệ và lạm dụng.” Đức Hồng Y lưu ý rằng trong nhiều thập kỷ, Miến Điện đã bị thế giới cắt đứt liên lạc. Trong bảy năm qua, một số dấu hiệu hy vọng và dấu hiệu của ánh sáng đã xuất hiện, rồi lại bị thay thế bằng những đám mây đen mới.
Source:Sydney Morning Herald
2. Quân đội nhìn nhận làm binh biến. Đảo chính tại Miến Điện báo hiệu hàng loạt nước đang ngả vào tay Trung Quốc
Truyền hình quân đội Miến Điện cho biết quân đội đã nắm quyền kiểm soát đất nước, và sẽ cai trị quốc gia này trong một năm. Trong khi các báo cáo cho biết nhiều chính trị gia cao cấp của nước này bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi đã bị bắt giữ.
Một người dẫn chương trình trên Myawaddy TV thuộc sở hữu của quân đội đã đưa ra thông báo và trích dẫn một phần của hiến pháp do quân đội soạn thảo cho phép quân đội nắm quyền kiểm soát trong thời gian khẩn cấp quốc gia. Ông cho biết lý do quân đội làm đảo chính một phần là do chính phủ không hành động trước những cáo buộc của quân đội về gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái và việc họ không thể hoãn cuộc bầu cử vì cuộc khủng hoảng coronavirus.
Thông báo này diễn ra sau nhiều ngày lo ngại về mối đe dọa của một cuộc đảo chính quân sự - và những lời phủ nhận từ giới quân nhân.
Việc giam giữ các chính trị gia và cắt giảm các dịch vụ thông tin liên lạc vào sáng sớm thứ Hai là những tín hiệu đầu tiên cho thấy kế hoạch cướp chính quyền đã bắt đầu. Điện thoại và truy cập Internet tới Naypyitaw bị mất và không thể liên lạc được với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, của bà Suu Kyi. Tuy nhiên, trước đó những dấu hiệu đảo chính đã có thể thấy rõ trong cuộc biểu tình của giới Phật Giáo thân quân đội tại chùa Shwedagon.
Bà Suu Kyi, cố vấn nhà nước là lãnh đạo cấp cao nhất của quốc gia, và tổng thống Win Myint đều đã bị giam giữ trước bình minh. Các thành viên Ban Chấp hành Trung ương của đảng NLD, các nhà lập pháp và các thành viên Nội các khu vực cũng đã bị tạm giữ.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne kêu gọi trả tự do tức khắc cho bà Suu Kyi và những người đang bị giam giữ khác. Bà nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc triệu tập lại Quốc hội một cách hòa bình, phù hợp với kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020”.
Các nhà lập pháp Miến Điện theo dự trù lẽ ra sẽ tập trung hôm thứ Hai tại thủ đô Naypyitaw cho phiên họp đầu tiên của Quốc hội kể từ cuộc bầu cử năm ngoái. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên Quốc Hội đã bị bắt.
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, cho đến nay là chính trị gia thống trị nhất đất nước và trở thành nhà lãnh đạo đất nước sau khi lãnh đạo một cuộc đấu tranh bất bạo động kéo dài hàng thập kỷ chống lại sự cai trị của quân đội theo đường lối cộng sản Mao Trạch Đông.
Tính chung các ghế tại Hạ Viện và Thượng Viện, sau cuộc bầu cử tháng 11, Đảng của bà Suu Kyi đã chiếm được 396 trong số 476. Tuy nhiên, quân đội Miến Điện nắm giữ 25% tổng số ghế không cần bầu theo hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2008 và một số vị trí bộ trưởng chủ chốt cũng được dành cho quân đội.
Quân đội, được gọi là Tatmadaw, đã buộc tội rằng đã có gian lận bỏ phiếu lớn trong cuộc bầu cử, mặc dù họ đã không đưa ra được bằng chứng. Ủy ban Bầu cử Miến Điện tuần trước đã bác bỏ cáo buộc của họ.
Quân đội Miến Điện do tướng Ne Win lãnh đạo đã làm đảo chính vào ngày 2 tháng Ba, 1962 để đưa quốc gia theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tháng 5,1990 giới quân nhân cho tuyển cử tự do và đảng NLD giành được 392 trong tổng số 492 ghế. Tuy nhiên, giới quân nhân bác bỏ kết quả này và tiếp tục cai trị đất nước.
Tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 8 tháng 11 năm 2015. Đây là cuộc bầu cử có tranh đua công khai đầu tiên được tổ chức ở Miến Điện kể từ năm 1990. Kết quả mang lại cho NLD đa số ghế tuyệt đối trong cả hai viện của quốc hội, đủ để đảm bảo rằng ứng cử viên của họ sẽ trở thành tổng thống, mặc dù giới quân nhân cấm bà Aung San Suu Kyi đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Quốc hội mới được triệu tập vào ngày 1 tháng 2 năm 2016, và vào ngày 15 tháng 3 năm 2016, ông Htin Kyaw được bầu làm tổng thống dân sự đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Vào ngày 6 tháng 4 năm 2016, bà Aung San Suu Kyi đảm nhận vai trò cố vấn nhà nước mới được thành lập, một vai trò giống như thủ tướng.
Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu là một người nổi tiếng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD vì ngài tin họ có thể đem lại một nền dân chủ và tự do cho Miến Điện. Ngài cũng thường xuyên cảnh giác về ý thức hệ cộng sản Mao trong giới quân nhân.
Hôm 28 tháng Giêng, 2019, Đức Hồng Y kêu gọi chính quyền dừng ngay lại dự án cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện tại Miến Điện. Ngài nhấn mạnh rằng có quá nhiều vấn đề gây tranh cãi xung quanh dự án này và lưu ý rằng dòng sông Irrawaddy là biểu tượng thiêng liêng nhất của đất nước. Sông Irrawaddy là “mẹ của chúng ta” và có nguy cơ bị mất đi “trước sự tham lam của một siêu cường”, Đức Hồng Y nói.
Khi đại dịch Vũ Hán tràn lan trên thế giới, tháng Tư, 2020, Đức Hồng Y ra tuyên bố khẳng định:
“Chế độ của đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước thế giới đối với đại dịch coronavirus. Những gì chế độ này đã làm đã và đang hủy hoại sự sống trên toàn thế giới và người dân Trung Quốc là nạn nhân đầu tiên của coronavirus, như họ từng là nạn nhân đầu tiên của cái chế độ tàn bạo này”.
Đây là lời buộc tội thẳng thắn, trực tiếp và mạnh mẽ mà Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám mục Yangon, nhà lãnh đạo của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đưa ra trong một tuyên bố công khai được công bố lúc 10:18 phút tối mùng 2 tháng Tư, năm ngoái 2020 trên trang web của tổng giáo phận. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus, bắt nguồn từ Vũ Hán, một nhân vật cao cấp trong Giáo Hội đã công khai chỉ thẳng vào mặt chế độ cộng sản Trung Quốc, buộc họ phải chịu trách nhiệm về sinh mạng và kinh tế mà đại dịch này đang gây ra trên toàn thế giới.
Đức Hồng Y Charles Bo nhắc cho mọi người nhớ rằng chế độ cộng sản đặt vào tay Tập Cận Bình quá nhiều quyền hành đã bịt miệng các bác sĩ, các nhà báo và những trí thức khác, là những người đã gióng lên hồi chuông báo động vào tháng 12. Bọn cầm quyền đã để virus lây lan rộng khắp đến ngày 23 tháng Giêng mới cô lập Vũ Hán và Hồ Bắc. Trích dẫn một báo cáo của trường Đại Học Southampton, Đức Hồng Y nói rằng “nếu Trung Quốc đã hành động một cách có trách nhiệm một tuần trước đó thôi thì số người nhiễm virus sẽ thấp hơn 66%, nếu hai tuần sớm hơn số người nhiễm virus sẽ thấp hơn 86%, và ba tuần trước đó, thì giảm được đến 95%”
“Nhân danh những người phải đau khổ trực tiếp và gián tiếp bởi đại dịch này tôi yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc xin lỗi và bồi thường vì sự hủy diệt mà họ gây ra”.
Trong một tuyên bố đưa ra vào đầu tháng 8 năm ngoái, Đức Hồng Y nói rằng, “Ở Trung Quốc, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt những điều có thể coi là những tội ác tập thể tồi tệ nhất trong thế giới đương đại và tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy điều tra.”
“Với tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo các cộng đồng dựa trên tín ngưỡng, chúng tôi cùng nhau khẳng định phẩm giá con người cho tất cả mọi người bằng cách nêu bật một trong những thảm kịch nghiêm trọng nhất của con người kể từ Holocaust: đó là cuộc diệt chủng tiềm tàng của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Trung Quốc”.
Đức Hồng Y có một lập trường chống Trung Quốc mạnh như thế, nên nhiều người lo ngại về an nguy của ngài trong những ngày sóng gió này.
Source:CBS News
1. Tối Cao Pháp Viện Ba Lan quyết định giữ nguyên phán quyết thắt chặt luật phá thai. Ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội Ba Lan
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lập tức nổ ra ở các thành phố của Ba Lan, ngay sau khi Tối Cao Pháp Viện của nước này xác nhận phán quyết thắt chặt luật phá thai nghiêm ngặt của quốc gia chủ yếu theo Công Giáo.
Hàng nghìn người phò phá thai đã tập trung bên ngoài tòa án ở Warsaw, để đáp lại lời kêu gọi bùng nổ các cuộc biểu tình mới của các nhóm phụ nữ đã dẫn đầu nhiều tuần biểu tình lớn vào năm ngoái chống lại phán quyết ban đầu được đưa ra hôm 22 tháng 10. Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở nhiều thành phố khác, bất chấp sự hiện diện đông đảo của cảnh sát.
Tại Warsaw, những người biểu tình sau đó đã tuần hành qua trung tâm thành phố đến trụ sở của đảng Đảng Công lý và Pháp luật đang cầm quyền với các biển hiệu của nhóm phụ nữ phò phá thai và cờ cầu vồng ủng hộ quyền của người LGBT. Giống như trong các cuộc biểu tình năm ngoái, họ bất chấp lệnh cấm tụ tập vì đại dịch của chính quyền Ba Lan.
Hôm 22 tháng 10, năm ngoái, Tòa Bảo Hiến Ba Lan, ở thủ đô Warsaw, hay còn gọi là Varsava, đã phán quyết rằng đạo luật năm 1993 cho phép phá những bào thai khuyết tật là trái với hiến pháp quốc gia. Phán quyết này là chung kết và không thể kiện lên tòa án nào cao hơn. Theo nhiều quan sát viên, phán quyết này sẽ giảm bớt nhiều con số những vụ phá thai ở Ba Lan. Bộ y tế Ba Lan cho biết trong năm 2019, có 1,110 vụ phá thai hợp pháp ở nước này, phần lớn vì bào thai bị coi là khuyết tật.
Ngay sau ngày 22 tháng 10, có nhiều nhóm ủng hộ phá thai đã mang những khẩu hiệu, biểu ngữ ủng hộ phá thai, đột nhập nhiều nhà thờ trong lúc cử hành thánh lễ, để phản đối phán quyết của tòa bảo hiến.
Cùng ngày 25 tháng 10, Đức cha Gądecki, Tổng giám mục giáo phận Poznan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, đã ra tuyên ngôn kêu gọi những người chống đối án lệnh của tòa bảo hiến, hãy bày tỏ sự chống đối của họ một cách có thể chấp nhận được về mặt xã hội. Ngài nói: “Sự xúc phạm, bạo lực, lạm dụng các biểu ngữ, lăng mạ và làm xáo trộn các buổi lễ đã xảy ra trong những ngày gần đây, mặc dù những hành động ấy có thể giúp một số người giải tỏa cảm xúc, nhưng đó không phải là cách thức hành động đúng đắn trong một quốc gia dân chủ. Tôi bày tỏ đau buồn vì tại nhiều nhà thờ hôm nay, các tín hữu bị cản trở không được cầu nguyện và quyền tuyên xưng tín ngưỡng của họ bị tước bỏ”.
Cả nhà thờ chính tòa của Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng bị những kẻ phản đối chiếu cố và xúc phạm. Ngài nhấn mạnh rằng: “không phải Giáo hội là người quyết định các luật có phù hợp với hiến pháp quốc gia hay không. Về phần mình, Giáo hội không thể ngưng bảo vệ sự sống và cũng không thể không tuyên xưng rằng mỗi người phải được bảo vệ từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.
Source:Crux
2. Bà Pelosi lo sợ bị ám sát ngay trên sàn Hạ viện
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết cần phải có thêm tiền để bảo vệ Quốc hội khỏi những “kẻ thù ngay bên trong”.
Trong cuộc họp báo hôm 28 tháng Giêng, bà Pelosi nói:
“Tôi tin, và tôi cũng đã nói hoài về điều này, rằng chúng tôi có thể sẽ cần một sự bổ sung để bảo đảm an ninh hơn cho các thành viên khi chúng tôi có những kẻ thù ngay trong Hạ viện, một mối đe dọa mà các thành viên lo ngại, bên cạnh những gì có thể xảy ra bên ngoài”.
Một phóng viên hỏi:
“Chính xác thì ý bà là có những kẻ thù đang ở ngay bên trong? Chính xác thì ý bà là gì?”
Pelosi trả lời: “Có nghĩa là chúng tôi có các thành viên của Quốc hội muốn mang súng lên diễn đàn và đã đe dọa bạo lực đối với các thành viên khác của Quốc hội”.
Các nhà tâm lý học cho rằng các hành động gian ác chúng ta thực hiện trong đời thường, chẳng hạn như việc giết hại hàng triệu các thai nhi vô tội, có thể ám ảnh chúng ta trong giấc ngủ. Những cơn ác mộng tiếp tục theo đuổi chúng ta trong đời sống thường nhật, tạo ra một cảm giác bất an thường xuyên, gây ra các hoang tưởng như có ai đó đang muốn giết chúng ta.
Tại Hạ viện Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các cơ quan liên bang của Mỹ, đều có các máy dò kim loại. Ai có thể mang súng vào? Và ai thèm giết một người đàn bà đã 81 tuổi để phải hủy bỏ sự nghiệp của mình và ngồi tù dài hạn? Thật là một điều hoang tưởng.
Source:Reuters
3. Cuộc diễn hành phò sự sống tại San Francisco
Cuộc diễn hành phò sinh lớn nhất tại Hoa Kỳ ở Washington DC đã không thể xin được giấy phép nên đành phải tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, Phong Trào Walk for Life West Coast, tức là Diễn Hành Phò Sự Sống Bờ Tây, ngày 23 tháng Giêng, đã tổ chức cuộc diễn hành phò sự sống tại San Francisco, thực sự chứ không phải là trực tuyến.
Ban tổ chức Walk for Life West Coast cho biết như sau:
Bất chấp các lo ngại về cả đại dịch COVID lẫn bất ổn chính trị, những người phò sự sống ở San Francisco đã tổ chức Cuộc Diễn hành Hàng năm lần thứ 17 ở Bờ Tây ngày hôm nay. Ban tổ chức dự kiến sẽ có hàng trăm người tham dự; nhưng hàng ngàn người đã xuất hiện. Đồng chủ tịch cuộc Diễn Hành, Eva Muntean, đã xúc động “Tôi đoán bây giờ tôi nên biết tốt hơn là đừng bao giờ hạ giá các cam kết của những người phò sự sống. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc khi sai lầm như thế!”
Ngày hội bắt đầu với Thánh lễ phò Sự sống hàng năm ở Bờ Tây, được cử hành lúc 10:30 sáng bởi Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone và 12 linh mục tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà. Sức chứa của Nhà thờ, theo quy định liên quan đến Covid, là 480. Thành ra, các tín hữu phải tràn ra quảng trường. Chỉ 2 ngày trước, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã đưa ra lời quở trách gây kinh ngạc đối với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi “Không người Công Giáo nào có lương tâm ngay chính lại có thể ủng hộ việc phá thai. 'Quyền lựa chọn' là một hoả mù để duy trì cả một ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ một trong những tội ác kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được. Đất nước chúng ta đã đẫm máu người vô tội, và việc này phải chấm dứt!”.
Lúc 12:30 giờ chiều, những người diễn hành tập trung tại Civic Center Plaza. Vì các quy định của Covid không cho tập trung. Cha Joseph Fessio, và Mục sư Clenard Childress nói chuyện từ chiếc xe bán tải của đồng chủ tịch Walk Dolores Meehan. Cha Fessio đã dành một lời tri ân xúc động đến Joe Scheidler, cha đỡ đầu của phong trào phò sự sống, là người đã qua đời vào tuần trước. Giọng đứt quãng, cha Fessio nói “Bạn làm tốt lắm, người tôi tớ tốt lành và trung tín”. Mục sư Childress, người luôn ủng hộ cuộc Diễn Hành từ năm 2005 đã nói với đám đông rằng: “Các bạn là những người còn sót lại... chưa bao giờ có cuộc Diễn hành phò sự sống ở Bờ Tây nào quan trọng hơn! Đây là thời điểm của đức tin. Đó là lý do tại sao các bạn ở đây ngay bây giờ. Các bạn không đến đây vì hoàn cảnh. Các bạn ở đây vì công lý!”
Thuật ngữ “những người còn sót lại” tiếng Anh là “remnant” được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh để chỉ những ai trung tín cho đến cùng. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma: “Ngày nay cũng vậy, còn sót lại một số người được tuyển chọn nhờ ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 11:5)
Meehan nói với đám đông “Các bạn là những người còn sót lại xinh đẹp. Tất cả các bạn đang đại diện cho những phụ nữ bị tổn thương vì phá thai, cho tất cả những đứa trẻ đã chết vì phá thai và cho tất cả những ai cần sự giúp đỡ của chúng ta hôm nay!” Tóm tắt ngày này, cô nói “Chúng ta vô cùng biết ơn Đức Mẹ và Sở Cảnh sát San Francisco đã cho chúng ta một biến cố an toàn như vậy!” Lần đầu tiên sau 17 năm không có sự đối kháng nào.
Muntean suy tư “Khi chúng ta bắt đầu Cuộc diễn hành, George W. Bush là Tổng thống. Chúng ta đã diễn hành qua bốn năm của tổng thống Bush, tám năm của Obama, bốn năm của tổng thống Trump và chúng ta phải diễn hành qua suốt thời kỳ Biden khó khăn này, cũng như bất cứ chính phủ nào đến sau đó! Chúng ta đã diễn hành dưới quyền ba Giáo hoàng và ba Tổng giám mục. Bất cứ ai ở Tòa Bạch Ốc, bất cứ ai ở Tòa nhà Tiểu Bang, chúng ta cũng sẽ không chùn bước hay thất bại. Chúng ta sẽ yêu thương và hòa bình gánh vác trách nhiệm của mình đối với những người nhỏ bé nhất trong chúng ta và đối với những người phụ nữ bị tổn thương vì phá thai”.
Được thành lập vào năm 2005 bởi một nhóm cư dân Khu vực Vịnh San Francisco, sứ mệnh của Diễn Hành Phò Sự Sống Bờ Tây là thay đổi cảm nhận của một xã hội cho rằng phá thai luôn là câu trả lời.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Tổng Giám Mục Gomez, trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô, nhấn mạnh chúng ta không thể im lặng về việc phá thai
Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José H. Gomez đã có bài phát biểu quan trọng tại cuộc tuần hành OneLife Los Angeles hàng năm lần thứ bảy, được tổ chức ảo và phát trực tiếp trên OneLifeLA.org và facebook.com/lacatholics.
“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta trong thời gian này, đã hiểu ra, một cách cao đẹp, rằng mạng sống con người là quý giá. Ngoài ra, cuộc sống đó thật mong manh và ngắn ngủi”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.
“Cách chúng ta sống, cách chúng ta yêu, cách chúng ta chăm sóc lẫn nhau - đây mới là điều thực sự quan trọng. Đây là những gì chúng ta cử hành mỗi năm tại OneLife Los Angeles. Sự thánh thiện và phẩm giá của cuộc sống mỗi con người, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, đang bị tấn kích liên tục”.
Các nhà tổ chức cho biết OneLife tìm cách thúc đẩy một nền văn hóa phò sinh, trong đó cuộc sống của mỗi con người đều được tôn vinh, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề xã hội. Chủ đề năm nay “Niềm vui của cuộc sống” nhằm “đoàn kết cộng đồng và truyền cảm hứng cho các hành động tích cực nhằm thúc đẩy vẻ đẹp và phẩm giá của cuộc sống mỗi con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”.
Theo truyền thống, OneLife LA được tổ chức tại Công viên Lịch sử Los Angeles ở trung tâm thành phố Los Angeles, nơi hàng ngàn người từ mọi nguồn gốc ở Nam California đến với nhau sau khi đi bộ một dặm do Đức Tổng Giám Mục Gomez dẫn đầu, bắt đầu từ nơi khai sinh ra thành phố này tại Olvera Street.
“Mặc dù năm nay có nhiều điều chúng ta trông thấy và cảm thấy rất khác, nhưng chương trình trực tuyến này vẫn tôn vinh những người tiếp tục phục vụ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn này”, một bản tin về sự kiện này cho biết như trên.
Trong lễ kỷ niệm, Harvest Home đã nhận được Giải thưởng Phục Vụ OneLife LA lần thứ hai trị giá 10,000 đô la để hỗ trợ sứ mệnh thay đổi cuộc sống của các phụ nữ mang thai vô gia cư và con cái của họ bằng cách cung cấp nhà ở, hỗ trợ và các chương trình trang bị cho phụ nữ để trở thành những bà mẹ tuyệt vời”.
Những người tham gia lễ kỷ niệm ảo đã được mời gọi quyên góp thêm cho Harvest Home. Tổ chức này đã quyên góp được thêm 4,000 đô la để giúp đỡ hơn 550 bà mẹ vô gia cư và con cái của họ.
Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nhắc nhở những người tham gia về những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuốn sách mới nhất của ngài rằng họ không được “im lặng khi hơn 30 đến 40 triệu trẻ sơ sinh bị giết hại mỗi năm vì phá thai”.
“Đức Thánh Cha rất khôn ngoan. Chúng ta không thể im lặng. Chúng ta không thể vạch ra giới hạn cho vòng tròn yêu thương của mình. Chúng ta cần lên tiếng cho mỗi người trong xã hội của chúng ta, những người không thể tự vệ. Và các hài nhi chưa chào đời thực sự là những người vô tội nhất, và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục của Los Angeles, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nói.
“Chúng ta hãy cố gắng sống với niềm vui, và sự đơn giản. Chúng ta cố gắng mở rộng vòng tròn yêu thương xung quanh chúng ta - bắt đầu bằng cách chúng ta yêu thương và đối xử với nhau trong gia đình và mái ấm của chúng ta. Vòng tròn yêu thương của chúng ta phải luôn phát triển. Tình yêu thực sự có nghĩa là luôn vượt ra khỏi những mối quan tâm hạn hẹp của chúng ta và mở lòng mình với nhu cầu của người khác”.
Trong thánh lễ, những ngọn nến đã được thắp lên để tưởng nhớ những mảnh đời đã mất vì nạo phá thai ở Nam California.
Source:Boston Pilot