Ngày 03-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xuân Đẹp Ngời Đạo Hiếu
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
01:12 03/02/2011
“Biển cả mênh mông đong sao đầy tình mẹ
Gió trời lồng lộng ngăn không nổi công cha”
(Danh ngôn đạo đức)

Đạo hiếu, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nó được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Những ngày vui tươi đầu xuân cũng là thời điểm thuận tiện để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục mình cả về thể lý và tâm linh. Người Kitô hữu chúng ta ý thức Đạo Hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn chữ hiếu cũng đồng thời chúng ta đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng trong tinh thần yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.

1. Đạo hiếu theo Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội

Tiếp sau bổn phận của con người đối với Thiên Chúa được nêu lên trong Thập giới (mười điều răn), Kinh Thánh đã coi thái độ hiếu thảo với cha mẹ là nền tảng thứ nhất và quan trọng nhất trong những tương quan giữa con người với con người (Is 49, 15, Is 63, 16…).

“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1 – 3).

Đạo hiếu đối với ông bà cha mẹ được khởi đi từ việc thấu hiểu và đáp trả xứng hợp công ơn của các ngài là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa ở dưới thế, đã hy sinh, nâng đỡ ta trên đường trọn lành. “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con” (Hc 7, 27 – 28). “Hỡi những người con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20).

Biểu lộ của lòng hiếu thảo thể hiện qua sự chú tâm lắng nghe lời chỉ bảo của cha mẹ trong sự vâng phục, khiêm kính. “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn hụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ… Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6, 20 – 22). “Con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách” (Cn 13, 1).

Lòng hiếu thảo là một hành vi nhân linh, đặc biệt quan trọng có giá trị kiện toàn bản thân ta nên công chính. “…Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi…” (Hc 3, 14 – 15)

Tân ước đề cao đạo hiếu qua mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã chu toàn trọn hảo bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt ba mươi năm sống cùng Thánh Gia (Lc 2, 51 – 52). Trong thời gian thi hành sứ vụ, lòng hiếu thảo được Ngài đề cập như một trong những chuẩn mực nền tảng của luật Thiên Chúa. “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử”.

Thư 1Tm 5, 8 xác quyết bổn phận sống đạo hiếu là đòi buộc của đức tin: “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1Tm 5, 8).

Công đồng Vatican II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV, số 48).

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta: “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GLHTCG, số 2197).

2. Niềm vui chưa trọn vẹn

Trong ngày đầu xuân, thật hạnh phúc khi chúng ta được đoàn tụ trong bầu khí yêu thương của gia đình, gia tộc để bày tỏ đạo hiếu với tổ tiên. Nhưng niềm vui của chúng ta chưa thể trọn vẹn được, khi vẫn còn đó bao cụ già neo đơn, bao bậc làm cha, làm mẹ phải đau xót khốn cùng vì bị con cái hắt hủi, bỏ rơi giữa ngày đời tàn hơi, xế bóng…

Chúng ta vui sao được trước thực trạng xã hội, trong đó, một bộ phận đông đảo những người trẻ đang chạy theo lối sống tự do mất định hướng, cố tình ngoảnh mặt trước các chuẩn mực truyền thống, và quan niệm sự vâng phục các đấng bậc sinh thành như một thứ bó buộc tiêu cực đối với họ.

Nếp sống đề cao tính cố kết gia tộc trong bản sắc văn hóa của các làng xã Việt Nam dường như đang bị phai nhạt dần. Các cặp vợ chồng trẻ mới thành hôn có xu hướng thích “ra riêng” (gia đình độc lập) hầu có thể thoát ra ngoài “chiếc vòng kim cô” của đại gia đình nhiều thế hệ. Điều này đang có nguy cơ dẫn tới việc các thế hệ sau ngày càng có biểu hiện xem nhẹ vai trò của những người đi trước. Và hậu quả là, họ cố tình “bỏ ngoài tai” những giáo huấn vốn được kết tinh từ kinh nghiệm sống của ông bà, cha mẹ, thầy cô.

Ngày Tết là thời điểm thật thuận tiện để những người con cháu chúng ta tự vấn lại bổn phận và thái độ sống cần thiết đối với các bậc tiền nhân. Năm cũ qua đi, có biết bao lần ta đã làm phiền lòng những người đã phải vật lộn một nắng hai sương, lam lũ giữa dòng đời cay đắy với bao nhiêu mồ hôi nước mắt chỉ vì mong muốn, dìu dắt ta nên người. Biết bao lần ta đã vi phạm trầm trọng chuẩn mực đạo hiếu chỉ vì muốn được tự do sống theo ý riêng mình…

Năm mới, ta hãy sống sao cho đẹp đạo hiếu.

3. Sống đẹp đạo hiếu

Nhiều giáo xứ đang phát huy truyền thống tốt đẹp, đó là tổ chức long trọng thánh lễ kính nhớ tổ tiên tại nghĩa trang giáo xứ vào ngày Mồng Hai Tết. Trong ngày này, con cháu, dâu rể… dù ở phương xa phải bận bịu trăm công nghìn việc, vẫn cố gắng sắp xếp quy tụ về bên phần mộ gia tộc, cùng nhau thắp lên nén hương lòng kính hiếu và chung lời nguyện xin cho người quá cố được sớm an nghỉ trong Chúa. Thật là nghĩa cử đẹp đẽ, nói lên Đức ái Kitô giáo được biểu lộ qua đạo hiếu.

Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm sẽ cháy mãi và bừng lên nơi tâm hồn của những người con hiền, cháu thảo như một lời tri ân đáp trả nồng nhiệt công ơn của các đấng bậc đã sinh thành, dưỡng dục ta.

Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm cho tổ tiên sẽ lan tỏa trong đời bạn, đời tôi để chúng ta luôn sống xứng với truyền thống Đức tin rạng ngời của tiền nhân.

Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm luôn thơm phức hương thảo hiếu của chúng ta khi chu toàn bổn phận của người con, người cháu với ông bà, cha mẹ.

Ước mong nén hương lòng đầu năm trước người quá cố đang và sẽ thức tỉnh những ai có biểu hiện xem thường chuẩn mực đạo hiếu.

Và nguyện ước cho nén hương lòng đầu năm trước tổ tiên là tất cả tâm thành của ta hướng về Chúa, cảm tạ Ngài đã ban cho ta có được tổ tiên ông bà cha mẹ. Nhờ sống trọn, sống đẹp Đạo Hiếu, chúng ta góp phần tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Đạo Trời.

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
 
Muối và ánh sáng
Giuse Đinh Lập Liễm
04:07 03/02/2011
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN A

+++

A. DẪN NHẬP

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến sứ mạng của người môn đệ và người Kitô hữu. Ngài dùng một biểu tượng rất quen thuộc để nói lên vai trò của họ trong thế giới hôm nay: “muối đất và ánh sáng trần gian”. Một bữa ăn mà không có muối thì lạt lẽo làm sao ! Một ngôi nhà dù sang trọng mà thiếu ánh sáng thì cũng không có giá trị.

Trong một xã hội hoàn toàn tập trung vào tiến bộ kỹ thuật và tiện nghi, một xã hội chỉ biết hưởng thụ tối đa đời sống vật chất mà quên đi đời sống tâm linh, chúng ta có thể trở nên muối để tinh luyện và đem mùi vị đạo đức vào trong cuộc sống hiện tại không ? Chúng ta có thể trở nên ánh sáng để xua tan bóng tối của tội lỗi và đem niềm vui, an bình đến cho xã hội không ?

Vai trò của người môn đệ là phải thấm nhuần tinh thần Đức Kitô để nên nhân chứng của Ngài trong cuộc sống, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Với gương sáng và đời sống đạo đức, chúng ta có thể phô diễn Chúa Kitô cho người khác và có thể lôi kéo họ trở về với Ngài. “Muối cho đời, ánh sáng cho trần gian”. Ôi, ơn gọi tuyệt vời của các môn đệ Đức Kitô Giêsu !

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 58,7-10

Khi bị lưu đầy bên Babylon, dân Do thái không còn Đền thờ, không còn các lễ nghi thì các tư tế và luật sĩ khuyến khích dân chúng giữ tinh thần đạo đức bằng viêc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nhưng rất tiếc, họ quá nhấn mạnh đến hình thức mà sao nhãng phương diện tinh thần..

Khi được giải phóng trở về quê hương, dân Do thái vẫn thực hiện cách sống đạo đức theo hình thức cũ, nghĩa là họ chấp nhận một giá trị tuyệt đối cho việc chay tịnh.

Tiên tri Isaia nói với họ rằng chay tịnh hợp ý Thiên Chúa và đồng thời giúp làm tròn nhiệm vụ nhân chứng cho ánh sáng là căn cứ vào việc chia sẻ với tha nhân, tạo lập sự công chính và bình an trong xã hội.

+ Bài đọc 2: 1Cr 2,1-5

Khi rao giảng Tin mừng cho giáo đoàn Corintô, thánh Phaolô cho biết mình chẳng có tài cán gì, không có tài hùng biện, không có những lời quyến rũ mà chỉ dùng lời nói đơn sơ rao giảng về thập giá Chúa Kitô.

Theo ngài, thập giá đối với dân ngoại là một sự điên rồ và đối với người Do thái là một sự sỉ nhục, nhưng đối với ngài, thập giá là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là vinh dự và là sức mạnh vượt trên sức mạnh của loài người.

+ Bài Tin mừng: Mt 5,13-16

Để nói về vai trò làm chứng cho Chúa, Đức Giêsu đưa ra hai hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống: muối và ánh sáng. Ngài nhắc lại cho các môn đệ là họ phải trở nên “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”. Họ sẽ được như vậy trong mức độ họ sống các mối phúc của Tin mừng.

-Là muối, các môn đệ Đức Kitô sẽ ngăn ngừa xã hội loài người khỏi cảnh luân lý suy đồi, và các ông sẽ đem lại hương vị cho các thực tại trần thế mà thường thường tự bản chất chúng rất lạt lẽo và giả dối.

- Là ánh sáng, các ông phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô ra cho những người chung quanh để họ nhận biết Chúa, theo Chúa và sẽ tìm được ơn cứu độ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Muối đất và ánh sáng cho trần gian

I. GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÊSU

Trước mặt đám đông dân chúng đang nghe giảng, Đức Giêsu đã đưa ra Hiến chương Nước Trời mà ta thường gọi là bài giảng trên núi hay tám mối phúc thật. Đoạn Tin mừng này tiếp nối với đoạn nói về những mối phúc thật, nên ở đây Đức Giêsu có ý nói với một cử tọa đông đảo chứ không có ý nói riêng với nhóm môn đệ. Vì thế, kiểu nói “các môn đệ” ở đây đước hiểu là chung cho tất cả những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Trong đoạn Tin mừng này Đức Giêsu nói về muối và ánh sáng. Đó là hai hình ảnh xác định rõ ràng và đúng bản chất cũng như sứ mạng của người môn đệ Đức Giêsu là chúng ta. Chúng ta phải là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.

1. Các con là muối đất (Mt 5,13)

a) Muối và cuộc sống

Từ cổ chí kim, muối là một loại vật chất cần thiết cho mọi người trong nhiều lãnh vực. Muối bảo quản thức ăn, cũng là một gia vị cho thức ăn – thức uống. Muối còn được dùng để trị bệnh: đắp vào chỗ trặc gân, bong gân; muối sát trùng, để giúp tiêu hóa, để lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật… Muối cũng có nhiều công dụng khác nữa, kể cả các loài động vật và thực vật.

Nhờ vào tính chất nào mà nó hữu ích cho đời sống chúng ta như vậy ? Chắc chắn câu trả lời _ ai cũng biết - là vị mặn của muối. Nhưng giả như muối mà không mặn, thì chắc là không còn hữu dụng nữa. Những hạt muối không mặn, người ta không ướp cá mắm gì được, không sát trùng được… và có thể nói: người ta cũng không muốn trải trên đường đi – vì giẵm lên làm đau chân.

Dựa vào bản chất của muối là mặn, Đức Giêsu muốn nói về bản chất của người môn đệ Chúa Kitô là phải có đời sống mặn mà trong cuộc sống là làm chứng cho Chúa.

b) Muối và Kitô hữu

Câu mở đầu bài Tin mừng hôm nay bắt đầu bằng năm chữ: ”Các con là muối đất” (Mt 5,13). Tiếp liền vào đấy, Đức Giêsu nói ngay đến đặc tính của muối tức là chất mặn: nếu muối không mặn thì không thể ướp được gì hết, mà chỉ còn vất ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân.

Chúa bảo các Tông đồ nói riêng và thính giả nói chung là muối đất, ngụ ý bảo các ông cũng như giáo dân lúc ấy phải mặn, cốt để ướp chính mình và để ướp thêm người khác.

* ĐỂ ƯỚP CHÍNH MÌNH

Muối không thối bởi vì muối có chất mặn nên để ướp được chính mình. Ngày nào muối thối tức là ngày ấy muối đã hết mặn. Muối hết mặn thì chỉ còn vất đi, dù ướp chính mình cũng không được nữa. Điều đó rất dễ hiểu.

Chúng ta cũng vậy, dù là Linh mục, tu sĩ hay giáo dân, nếu không thánh thiện tự đáy lòng thì làm sao có thể thánh hóa bản thân, cũng như muối đã không mặn thì làm sao ướp được chính mình. Vậy sự thánh thiện là một điều tối cần để thánh hóa bản thân, cũng như muối phải mặn để khỏi thối.

Nếu ta là một Kitô hữu, ta cũng phải có “vị mặn Kitô”. Nếu ta không có “vị mặn Kitô” thì ta không giúp gì cho bản thân và cho người khác:

Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Đức Giêsu cũng khuyến khích chúng ta: ”Các con hãy giữ muối trong lòng các con” (Mc 9,50). Ngài khuyên chúng ta phải có “vị mặm Kitô” trong lời ăn tiếng nói, việc làm, cuộc sống ta phải mặn mà hấp dẫn để ướp trần gian, làm cho trần gian khỏi hư thối:

Một thương mái tóc đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

* ĐỂ ƯỚP NGƯỜI KHÁC

Muối để ướp chính mình là truyện dĩ nhiên, nhưng còn phải ướp thêm vật khác nữa mới là công tác của nó.

Người tu sĩ và giáo dân thánh hóa bản thân để rồi không tham dự vào việc thánh hóa người khác, thì đó chỉ là việc THÁNH mà không HÓA: “Sự sáng của các con phải chiếu dọi để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16). Đó là một câu dạy chúng ta phải thánh hóa chính mình để rồi thánh hóa người khác.

Truyện: Rao giảng bằng gương sáng

Một hôm thánh Phanxicô Assisi gọi một thầy dòng lên dặn:

- Con lo sửa soạn chiều nay chúng ta phải đi giảng.

Đến giờ phải đi, hai cha con ra khỏi nhà đi một vòng quanh thành phố rồi trở về nhà. Thầy dòng lấy làm lạ hỏi:

- Cha bảo cha đi giảng, sao chưa giảng mà cha đã về ?

Thánh Phanxicô nghiêm trang đáp:

- Như vậy là đã giảng rồi đó.

Thánh Phanxicô có ý nói: đi một vòng nghiêm trang nết na cho người ta thấy, đó cũng là một bài giảng bằng cách làm gương sáng. Gương sáng là một cách thuyết phục và thánh hóa người khác mau lẹ nhất:

Lời nói như gió lung lay

Gương bày như tay lôi kéo.

* NẾU MUỐI MẤT VỊ MẶN

Đức Giêsu cánh cáo: ”Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” )Mt 5,13).

Nhưng làm sao muối có thể trở nên nhạt được ? Trong tác phẩm “Chúa Giêsu của Palestine”, Bishop kể lại một lời giải thích của cô Newton: tại Palestine bếp lò thường ở ngoài trời và làm bằng đá trên nền (đế) bằng ngói. Trong các lò lộ thiên như vậy, muốn giữ sức nóng, người ta đổ một lớp muối dầy ở dưới nền ngói. Sau một thời gian, muối mất mặn, người ta lật những miếng ngói lên, lấy muối ra, đổ trên đường vào cửa lò. Nó đã mất năng lực làm cho tấm ngói nóng lên bị quăng ra ngoài. Đó chắc hẳn là hình ảnh nói ở đây.

Còn một điều đáng lưu ý là đôi khi Hội thánh đầu tiên áp dụng câu này cách rất lạ: ”Bị vứt ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”.

Trong hội đường, người Do thái có tục lạ: nếu một người Do thái bỏ đạo, rồi lại trở về với đức tin, trước khi được thâu nhận lại, người ấy phải ăn năn bằng cách nằm ngang cửa nhà hội và mời mọi người bước lên mình mà bước vào.

Ở một số nơi, Hội thánh cũng theo tục lệ đó. Một Kitô hữu bị đuổi ra khỏi Hội thánh vì bị kỷ luật, trước khi được thâu nhận lại, buộc phải nằm trước cửa nhà thờ và mời mọi người bước vào: ”Hãy dẵm lên tôi là muối mất vị mặn”.

Muối bị nhạt đi là hình ảnh những Kitô hữu biến chất. Hình ảnh muối đất mà Đức Giêsu đưa ra làm ví dụ cho biết chúng ta bị biến chất khi chúng ta không còn mặn, nghĩa là trở thành vô dụng. Nói khác đi, người công giáo bị biến chất khi bên trong lẫn bên ngoài của người đó hoặc phai nhạt hoặc mất hẳn những tính chất biểu hiện con cái, môn đệ của Chúa. Sụ biến chất này bắt nguồn từ nơi thâm sâu của cõi lòng khi chạm trán với những đòi hỏi gắt gao của Tin mừng, của giới răn bằng việc hoặc dễ dàng chấp nhận sự đầu hàng buông xuôi, hoặc thỏa hiệp theo chủ trương mong ước trần tục của mình. Từ đó, chúng ta dần dần bằng lòng với cuộc sống tầm thường và chiếu theo những thói quen kiểu đạo đức dễ chịu. Tất nhiên hậu quả là chúng ta không còn là muối nữa.

Truyện: Bình đựng muối trống rỗng

Sưu tầm mọi thứ đủ loại là môn chơi phổ biến ngày nay. Người ta sưu tầm tem thư, cúc áo, vỏ chai, sách hiếm, tiền cũ… Nghĩa là tất cả những thứ bạn có. Một nhóm những người sưu tầm đã tổ chức triển lãm ở một nhà hội Công giáo. Một người khách viếng thăm phòng triển lãm cầm ly cà phê và thịt quay, ông vừa đi vòng quanh vừa ăn. Khi người khách đi qua chỗ trưng bầy sưu tập cả hàng trăm cặp bình đựng muối và hạt tiêu, ông ta thấy thịt quay của ông cần muối, ông liền đặt ly cà phê xuống và với lấy một bình đựng muối, nhưng không có muối. Ông mở cả một tá bình đựng muối, nhưng cũng không có một hạt muối nào. Cuối cùng, ông trở lại gian hàng đồ ăn để kiếm muối.

Hàng trăm cặp bình đựng muối mà không có muối. Đó là bức họa đời sống ! Rất nhiều người được coi là “có muối” mà thực ra lại không có muối. Sự kiện này giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói hôm nay: ”Các con là muối đất” (Arthur Tonne, Bài giảng Tin mừng A, tr 37).

2. Các con là ánh sáng thế gian (Mt 5,14)

Đức Giêsu còn khuyên chúng ta phải trở nên ánh sáng thế gian để soi sáng cho những người đang lần mò trong đêm tối của tội lỗi để đem ánh sáng đức tin đến cho họ.

a) Ánh sáng và cuộc sống

Ánh sáng là loại vật chất mà nhờ đó, người ta nhận thấy các vật chung quanh mình. Ở những nơi tối, người ta càng cần tới ánh sáng và càng nhận thức rằng ánh sáng rất cần cho sự sống. Có thể nói: không có ánh sáng không thể có sự sống. Ánh sáng kích thích cây cối hoa mầu sống phát triển mạnh mẽ. Thiếu ánh sáng chúng bị úa, bị chết yểu. Thế kỷ 20 mệnh danh là “thế kỷ ánh sáng”. Biết bao nhiêu phát minh tân kỳ từ đèn điện, bếp điện đến những phát thanh truyền hình, rada, quang tuyến, siêu âm, vi tính, cáp quang…

Khi có ánh sáng, người ta không thể che giấu được vật gì, tốt cũng như xấu. Để diễn tả điều này, Đức Giêsu đã nói: ”Một thành phố xây dựng trên núi, không tài nào che giấu được”(Mt 5,14).

Các thành phố Do thái xưa thường được xây trên núi như Nazareth, Giêrusalem… nên từ xa đã nhìn rõ toàn thể thành phố.

Từ bờ hồ Tibériade, người ta thấy thành Saphed, ở trên cao với cao độ hơn 1000 mét, thành được xây trên những núi nằm ngang của dẫy núi Galilê, chiếu ánh sáng của nó ra chung quanh. Đức Giêsu đã thường thấy những căn nhà mầu trắng của thành được mặt trời chiếu sáng.

b) Kitô hữu và ánh sáng

Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta như Người đã xác nhận: ”Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không mất đi trong đêm tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống”(Ga 8,12) và ban cho chúng ta ánh sáng. Ngài nói: ”Chính các con là ánh sáng cho trần gian”(Mt 5,14). Dĩ nhiên, chúng ta không phải là nguồn ánh sáng mà chỉ là ánh sáng phản chiếu của Chúa Kitô.

Vậy bản chất của ánh sáng là chiếu ra ngoài hay chiếu vào trong nó ? Đương nhiên là chiếu ra. Cây đèn có sức chiếu sáng, nhưng không phải chiếu cho nó mà cho chung quanh nó. Chính Đức Giêsu đã nói: ”Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”

Ánh sáng phải chiếu tỏa ra, nhưng tỏa ra như thế nào đây ? Chắc chắn không phải chỉ bằng những lời kêu gọi trống rỗng, vô hồn vì chẳng mấy ăn nhập với đời sống của người lên tiếng. Nhưng tốt hơn là để cho lời kêu gọi hoán cải, thánh hóa dính kèm với những biểu tỏ cụ thể, sống động, hoặc để cho lời mời gọi ấy tiềm tàng trong những gương mẫu tích cực của đời sống. Điều này chính Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Phaolô VI cũng đã phát biểu cách mạnh mẽ răng: ”Con ngưởi thời nay tin vào các nhân chứng hơn là thầy dạy”.

Năm 1937, Gandhi, một lãnh tụ vĩ đại của Ấn độ, đã nói với các nhà truyền giáo: ”Hãy để cho đời sống của các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ cần đơn sơ để cho hương thơm lan tỏa. Cả người mù không xem thấy hoa hồng, vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của người Kitô hữu khi họ tỏa hương thơm đời sống. Đối với tôi đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Kitô hữu, chứ không phải là chú giải nó”.

Quả thật, chính khi nỗ lực đáp lại lời mời nên muối và ánh sáng cho trần gian, là chúng ta tự làm cho mình nên cao cả và hạnh phúc. Chúng ta phải xác tín rằng lời kêu gọi của Chúa Kitô qua sứ điệp Tin mừng hôm nay không phải đến từ bên ngoài, nhưng nó đã được khắc sâu từ trong tâm khảm của mọi người chúng ta, và nó vẫn hằng thống thiết kêu gọi chúng ta phải tích cực đáp lại để kiến tạo niềm vinh phúc cho mình và những người chung quanh. Chớ gì chúng ta sẽ không bao giờ còn ngập ngừng hoặc bịt tai lại nữa.

II. SỨ MẠNG CỦA KITÔ HỮU

1. Phải có tinh thần truyền giáo

Với hai hình ảnh của muối và ánh sáng đã được Đức Giêsu phát biểu theo chiều hướng truyền giáo rõ rệt, khó có thể hiểu khác đi. Chúng ta chứng minh mình là môn đệ Đức Giêsu qua cuộc sống đức tin, lối yêu thương, tinh thần Tin mừng.

Giáo hội lúc nào cũng nỗ lực truyền giáo, bỏ ra biết bao nhiêu nhân lực và tài lực vào công việc này. Nhưng… hiện nay, dân số Kitô giáo trên thế giới tuy có tăng theo đà tăng của dân số thế giới, nhưng tỷ lệ người Kitô hữu đang càng ngày càng giảm khoảng từ 50 năm nay, nhất là tại Âu châu. Tại châu Âu, nơi trước đây số Kitô hữu đã lên tới 70%, thì nay tỷ lệ người Kitô hữu thực hành đạo thực sự (pratiquants) chỉ cò chưa tới 5% (có người cho biết chỉ còn 2,5 hoặc 3%). Tại châu Á, tỷ lệ người Kitô hữu hiện nay – theo thống kê của Tòa thánh tính đến cuối năm 1998 – chỉ được 2,7%. Số Kitô hữu gia tăng chủ yếu là do trẻ con vừa lọt lòng mẹ thì đã thành Kitô hữu do được rửa tội sớm, và số người lớn trở lại Kitô giáo chủ yếu là do việc kết hôn với người Kitô hữu đòi buộc. Số người giác ngộ Kitô giáo tự nguyện theo thì rất ít. Thực trạng đó quả không đáng tự hào chút nào.

2. Truyền giáo bằng chứng tá

Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về bổn phận tông đồ truyền giáo của người Kitô hữu trong môi trường sống. Bổn phận này đòi hỏi theo bản chất, nghĩa là người Kitô hữu không thể sống mà không làm việc truyền giáo trong môi trường mình sống.

Là ánh sáng, chúng ta phải chiếu soi cho thế gian bằng đời sống gương sáng và đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhiễm vào môi trường sống của mình. Chúa bảo chúng ta: ”Các con hãy là chứng nhân của Thầy”, nhưng nhiều khi chúng ta vô tình hay hữu ý đã trở thành phản chứng, làm méo mó khuôn mặt của Đức Kitô, khiến người ta không muốn theo Chúa.

Ta hãy nghe Mahatma Gandhi – được Ấn độ xem như là một vị thánh – nói về cách sống đạo của những Kitô hữu trong xã hội của ông. Ông đã lên tiếng, có vẻ như thách thức người Kitô hữu, cụ thể là những người Anh đô hộ họ: Nếu những người Kitô hữu ở Ấn độ thật sự sống đúng tinh thần của Đức Kitô, thì họ chẳng cần mất công rao giảng, toàn Ấn độ sẽ trở thành Kitô hữu hết.

Trước mắt ông, người Kitô hữu, cụ thể là người Anh đang đô hộ dân tộc ông – cũng tham lam, bất công và tàn bạo không kém gì những kẻ xâm lăng khác. Ông rất say mê Đức Kitô, nhưng ông không thể trở nên Kitô hữu, vì những người đem Kitô giáo đến với dân tộc ông – người Anh – lại chính là những người đang nô lệ hóa dân tộc ông, đàn áp dân tộc ông một cách dã man. Ông không thể tin rằng dân Ấn độ hiền lành của ông cứ phải gia nhập cái đạo của những người đang quàng ách nô lệ lên dân tộc ông thì mới được cứu rỗi. Nếu những kẻ nô lệ hóa dân tộc ông một cách bỉ ổi mà được Thượng Đế thưởng công chỉ vì họ là người Kitô hữu, đang khi dân tộc hiền hòa của ông lại bị phạt chỉ vì không phải là Kitô hữu, thì một vị Thượng Đế như thế không thể chấp nhận được.

Đức Giêsu dùng hai hình ảnh “muối và ánh sáng” là có ý nhắm tới bản chất của các môn đệ, của người Kitô hữu hơn là nói tới việc làm của họ. Muối tốt không thể không ướp mặn. Ánh sáng không thể không chiếu sáng. Người môn đệ, Kitô hữu sống các mối phúc thật không thể không gây tác động và ảnh hưởng ra chung quanh. Đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”.

Truyện: Ánh hào quang

Lobsang Rampa là một thiền sư Tây tạng nổi tiếng trên thế giới với tác phẩm “Con mắt thứ ba” (Le troisème oeil). Viện văn hóa nghệ thuật Việt nam đã dịch nó thành “Các Lạt Ma hóa thân”. Ở trang 11-12 (Bản Việt ngữ) viết rằng: “Theo khoa học huyền môn, thể xác con người chỉ là một lớp vỏ, một áo khoác bên ngoài của một linh hồn hay “Chân ngã”… Quanh con người có một vầng hào quang thô thiển phản ánh nguồn sinh lực bên trong. Một người thánh thện hay khỏe mạnh thì hào quang sáng rõ, vươn ra cách thể xác vài phân. Một người tội lỗi hay yếu đuối thì hào quang mờ tối, thu sát vào thể xác. Khai mở Thần nhãn để quan sát vầng hào quang này, ta có thể biết được chân tướng mọi người mọi vật hay tình trạng sức khỏe của một người để chữa bệnh.

Đúng thời kỳ sinh nhật thứ 9 của tôi, tôi được đưa vào một căn phòng đặc biệt. Bốn vị Lạt ma Trưởng Lão trong đó có sư phụ tôi cũng đến đó truyền dạy cho tôi những phép bí truyền để khai mở Thần Nhãn… Sau 9 tháng công phu luyện tập, tôi đã thành công… Lần đầu tiên tôi mở mắt ra sát chung quanh, một kinh nghiệm lạ lùng xẩy ra khiến tôi xúc động. Tôi thấy có 4 vị Lạt Ma Trưởng Lão đều được bao phủ quanh mình bởi một hào quang chói lọi như ánh lửa. Về sau tôi hiểu rằng các vị Trưởng Lão có một đời sống rất tinh khiết mới có được hào quang như vậy.

Khi tôi khai mở Thần Nhãn, tôi phát hiện những rung động khác nữa, xuất phát từ cái trung tâm hào quang đó. Nhờ đó tôi có thể đoán biết tình trạng sức khỏe của một người ra sao. Cũng như thế, bằng cách xem sự thay đổi mầu sắc của hào quang, tôi có thể đoán biết kẻ đó nói dối hay nói thật.

Albert Camus nói: ”Ngày nay, thế giới cần những Kitô hữu vẫn luôn là Kitô hữu”.
 
Những Lời Chúc Phúc Lộc Thọ....
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
05:11 03/02/2011
Cảm nghiệm Sống # 44

Lời Chúc: PHÚC - LỘC - THỌ NĂM MỚI

Trong Ngày Tết, tôi chúc Phúc-Lộc-Thọ, đọc và hát Thánh vịnh cũng nhiều lần, nhưng tôi chỉ đọc và hát to, mà chưa Cảm nghiệm được những Lời Kinh Thánh thật tuyệt diệu và sâu sắc chừng nào !

* Thứ nhất: CHÚC PHÚC. (Tv 128: 1-5)

1/ Thánh vịnh nói rõ là PHÚC sẽ chạy theo tôi, chứ không phải tôi chạy theo Phúc như sau:

Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,

Ăn ở theo đường lối của Người. (câu 1)

2/ Rõ ràng là: Có đức mặc sức mà ăn, mà hưởng, PHÚC sẽ chạy theo tôi. Vì bạn biết kính sợ Chúa và thực thi đường lối của Người.

Hiền thê bạn trong cửa trong nhà,

Khác nào cây nho đầy hoa trái;

Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,

Xúm xít tại bàn ăn. (câu 3)

3/ Ra, vào bạn thấy vợ hiền săn sóc con cái, cửa nhà, cơm nước, rồi thấy đàn con đầy nhựa sống vui vẻ ngồi ăn trong bữa cơm chiều. Ôi thật Hạnh Phúc biết bao ! PHÚC nó tìm đến ở với bạn đấy.!

Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc… (câu 5)

4/ Khi bạn thực tâm tin kính Người, ơn Phúc trên Trời sẽ đổ tuôn xuống cho bạn chẳng thiếu gì.

Phúc thay người chẳng theo lời bọn ác nhân,

chẳng bước theo đường quân tội lỗi. (Tv 1:1)

5/ Nếu tôi chẳng nghe theo, chẳng bước vào, chẳng nhập bọn là không làm cớ cho cho ai vấp phạm, thì PHÚC sẽ chạy theo tôi.

* Thứ hai: CHÚC LỘC. (Tv 128:2)

Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,

Bạn quả là lắm phúc nhiều may.

1/ Khi bạn chịu khó làm thì được an hưởng LÔC, chẳng kiếm đâu xa. Của cải nhiều, chết mà chưa hưởng, gọi là thất LỘC, các phụ khỏan cho gọi là bổng LỘC. Vậy bạn đừng đuổi theo tiền bạc:

Đó chính là Phúc Lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. (Tv 128,4)

2/ Làm việc tốt lành, Chúa sẽ ban nhiều ơn, gọi là Thiên LỘC.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con Chúa sức dầu thơm,

Ly rượu con đầy tràn chan chứa. (Tv 123:5)

3/ Khi bạn kính sợ Chúa, Ngài sẽ dọn bàn cho bạn. LỘC sẽ đến cho bạn dư thừa. Bạn hãy giao kẻ thù cho Chúa, Ngài sẽ bênh vực bạn, thương xót nó và bạn, để kẻ thù thấy mà ăn năn hối cải.

* Thứ ba: CHÚC THỌ. (các Thánh vịnh sau)

1/ Khi tôi nhìn thấy con cháu mỗi ngày là tôi đang sống lâu rồi.

Được sống lâu bên đàn con cháu.

Nguyện chúa Ít-ra-en vui hưởng thái bình. (Tv 128:6)

2/ Chúa có thể thêm tuổi THỌ cho bạn, nên đừng lo sống bao lâu.

Ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, (Tv103:5)

Khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng (Phượng hoàng)

3/ Chúa cho tôi được thưởng thức các vật ngon, cho tuổi xuân tôi lên cao như chim Phượng hoàng ở trên các núi và bay thật cao.

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u,

Con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Tv 23:4)

4/ Như vậy, tôi không có sợ chết, nên cứ hưởng thọ trong Chúa, tôi rất an tâm và vui mừng. Vì có Chúa đứng bên cạnh, bảo trợ tôi.

* Tv 138, 7: Cho dù con gặp bước ngặt nghèo,

Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con.

Địch thù đang hằm hằm giận dữ,

Ngài ra tay chặn đứng, lấy tay uy quyền giải thóat con.

5/ Lòng tin tưởng và mục đích Sống THỌ của bạn và tôi hôm nay:

Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,

Để loan báo những công việc Chúa làm. (Tv 118:17)

6/ Đúng như lời thánh Têrêsa nói: “chị em đừng khóc tôi như những kẻ không có niềm tin cậy, tôi không chết, tôi vào cõi sống.”

Nếu chiều mai, tuần này, tháng tới, Chúa gọi bạn và tôi, mình sẽ làm gì? PHÚC - LỘC - THỌ chính là những giờ phút quí báu này!

Ptế: GB. Maria Nguyễn văn Định Sưu Tầm
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:38 03/02/2011
GIẢI THÍCH TRỰC TIẾP

N2T


Có một thầy giáo dạy trường tư, khi giảng đến ba đoạn “trống trận nổi lên, binh đao giao tiếp, bỏ giáp kéo vũ khí mà chạy” trong sách “Mạnh tử, thì nói:

- “Tùng tùng tùng, sát sát sát, chạy chạy chạy”.

Suy tư:

Bổn phận của thầy giáo là dạy học trò, dạy tức là phải giải thích, phải chứng minh, phải nói rõ ràng, để học trò nghe và hiểu bài. Với học trò tiểu học thì không thể giải thích cách cô đọng; với học trò trung học thì không thể giải thích nửa chừng; với các sinh viên thì không cần giải thích nhiều, nhưng cần cô đọng.

Các linh mục là những thầy dạy giáo dân (và cả những người khác) về đàng nhân đức, nên không những phải giải thích rõ ràng, mà còn phải lấy đời sống đạo đức của mình để chứng minh, có như thế giáo dân mới hiểu được Lời Chúa và sống Lời Chúa cách thoải mái hơn.

Giải thích trực tiếp –tức là không cần nói nhiều- mà hiệu nghiệm nhất chính là đời sống gương mẫu của mình.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:41 03/02/2011
N2T


20. Bất cứ người Ki-tô hữu nào, dù tự cảm thấy lương tâm vô tội, thì cũng không thể làm việc nguy hiểm bất chấp đến sự mất linh hồn của mình.

(Thánh Augustine)
 
Sống với và Sống cho
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
19:43 03/02/2011
Chúa Nhật V Thường niên A

Dù chứng cứ là các vật hóa thạch không là bao nhưng học thuyết tiến hóa dường như thu hút nhiều người khi giải thích mối liên hệ giữa các loài. Tuy nhiên gần đây một số nhà khoa học chợt thấy một vài khập khiểng trong hệ thống học thuyết vốn được xem là thời thượng này. Học thuyết tiến hóa đề cao sự chọn lọc tự nhiên, thích nghi môi trường và sự đấu tranh sinh tồn. Như thế loài càng phát triển cao thì hẳn nhiên khả năng đấu tranh sinh tồn và thích nghi môi trường sẽ mạnh. Thế nhưng, khi phân tích dáng đứng thẳng của loài người thì người ta thấy kiểu dáng đứng thẳng của con người lại gây trở ngại cho việc sinh sản hơn so với kiểu dáng đi bốn chân của loài vật. Bên cạnh đó trẻ sơ sinh hoàn toàn như không thể tự đấu tranh sinh tồn so với nhiều loài vật bậc thấp khi chúng ra khỏi dạ mẹ là có thể tự tìm đến vú mẹ.

Qua một vài hiện tượng trên người ta có thể nói rằng con người là sinh vật sống bởi và sống nhờ kẻ khác. Không có tha nhân thì con người không thể hiện hữu, không thể tồn tại và phát triển đúng nghĩa là con người. Và ngược lại, người ta có thể nói rằng con người là sinh vật sống với và sống cho ai đó. Vì sự sống, sự tồn tại và phát triển của tôi là nhờ tha nhân thì một trong những ý nghĩa của đời tôi đó là để cho ai đó nhờ tôi mà được sống, tồn tại và phát triển. Con người không hiện hữu cho chính nó. Không ai là một hòn đảo. Đây là một trong những nội hàm của câu Thánh Kinh: “Con người ở một mình không tốt”(St 2,18)

“Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt 5,13-14). Muối hiện hữu không cho chính nó nhưng để làm mặn các vật thể khác, để ướp cho thực phẩm được tươi lâu… Cũng thế ánh sáng không có ra cho nó mà là để chiếu sáng môi trường, chiếu sáng các vật thể chung quanh…đúng hơn là để giúp các vật thể, môi trường cũng như con người thể hiện mình ra, nghĩa là được nhận thấy. Chúa Giêsu cũng đã từng ví các môn đệ như là men. Tương tự như ánh sáng và muối, men không hiện hữu cho nó nhưng là cho bột hay vật cần dậy men.

Để hữu ích cho tha nhân thì trước tiên chúng ta phải là chính mình trong sự chính hiệu và hoàn hảo một mức nào đó. “Muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13). Có thể xem như chưa xứng đáng là người, khi một ai đó bị liệt vào hàng “đồ vô tích sự”. Ngay cả những người vì lý do nào đó mà sống cảnh tàn phế về thể lý thì luôn có đó khát khao sống cuộc đời “tàn”, nhưng không “phế”, tức là dù bị tàn tật mà không phải là “đồ bỏ đi”. Trong đức tin thì sự hiện hữu và chào đời của một em bé dị tật từ lòng mẹ cũng có một ý nghĩa nào đó cho nhiều người. Có thể có nhiều em bé dị tật bẩm sinh không ý thức gì, nhưng sự hiện hữu của em là một lời mời gọi tha nhân biết cách sống “có một tấm lòng”.

Định luật vạn vật hấp dẫn một cách nào đó nói lên sự tương tác giữa các hiện hữu đời này. Với trí khôn biết phản tỉnh thì con người một cách nào đó có thể nhận ra ý nghĩa của việc làm người của mình. Không chỉ nhìn nhận như là hiện tượng mà còn xác tín “sỏi đá cũng cần có nhau”, cố nhạc sĩ họ Trịnh trong những ngày vất vả ở chốn “kinh tế mới” đã kiên định “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Đó là một bông hoa dại, là một nụ cười trao cho đời, cho người bên cạnh. Dù ở trong tình trạng như “bị thất sủng”, ông đã quyết tâm “chọn con đường đến với anh em, đến với bạn bè, đến với mọi người”, bởi chưng nhạc sĩ mãi vững tin vào cái lẽ sống của mình đó là “vì đất nước cần một trái tim”.

Trong số tha nhân xa gần thì những người mà chúng ta cần sống với và sống cho cách đặc biệt hơn cả là những người đang cần tình yêu của Thiên Chúa qua chính chúng ta. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất cụ thể hóa điều này: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông…”(Is 58,7-8).

Lẽ sống của con người cũng chính là hạnh phúc của con người. Khi biết sống với và sống cho người anh em đồng loại, nhất là những người hèn mọn, yếu thế, cô thân, thì chúng ta sẽ được hưởng nhận hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa dành sẵn từ đời đời. Chúa Kitô đã minh định rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quóc dọn sẵn cho các ngươi ngay tự thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các người đã cho Ta ăn; Ta khát, các người đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói: Các tu sĩ được mời gọi để chứng tỏ là làm việc cho Chúa đem lại nguồn vui.
Bùi Hữu Thư
14:08 03/02/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Là những người tận hiến đời sống trọn vẹn và công nhiên theo chân Đức Kitô, các người đã thánh hiến được mời gọi để bầy tỏ cho thế giới sự trọn vẹn của niềm vui và sự huy hoàng của việc tìm kiếm Thánh Ý Chúa.

Chủ sự Kinh Tối với các thành viên của các dòng tu ngày 2 tháng 2, là ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh và ngày là Quốc tế cho Đời Sống Tận Hiến, Đức Thánh Cha đọc một kinh nguyện đặc biệt để gửi gấm các thành viên của các dòng tu và các học viện dưới sự che chở của Mẹ Maria “để cho giáo hội sẽ được củng cố nhờ sự lành thánh của đời sống của họ."

Trong bài giảng trong buổi Kinh Tối tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Benedict nói hành động đạo đức của Mẹ Maria và Thánh Giuse khi dâng hài Nhi Giêsu nơi Đền Thánh là một “gương mẫu” cho những người nam và nữ đã dâng mình cho Chúa và tuyên hứa phục vụ Người hoàn toàn.

Đức Thánh Cha nói: "Những người được thánh hiến được mời gọi để chứng tỏ sự tối cao của Thiên Chúa (và) lòng mê say cuộc sống Phúc Âm như một hình thức cho đời sống và để rao truyền Phúc Âm cho những người nghèo và thiếu thốn nhất trên trái đất.”

Đức Thánh Cha Benedict yêu cầu các tu sĩ “là những người biết cẩn thận lắng nghe Lời Chúa”, biết học hỏi kỹ lưỡng và cầu nguyện trên Thánh Kinh và sống “theo gương Chúa Kitô trong sạch, nghèo khó và vâng lời cách nào để trở nên nhân chứng sống động của Lời Chúa” cho những người khác.

Đức Thánh Cha nói thế giới tân tiến, nhất là nền văn hóa của các quốc gia giầu có nhất, “thường bị đánh dấu bởi một hiện tượng qúa khích đa dạng,” nơi mà bất cứ lối sống nào có thể lựa chọn cũng được coi như có một giá trị ngang nhau.
 
Cuộc đối thoại giữa triết học và thần học về nhà nước và Giáo Hội
Vũ Văn An
22:58 03/02/2011
Trong bài “Vấn Đề Chính Trị của Chủ Nghĩa Đa Nguyên Tôn Giáo”(Vietcatholic 31/1/2011), chúng tôi có trình bày quan điểm của Thaddeus Kozinski, giáo sư phụ khảo về nhân văn, triết học và thần học tại trường Cao Đẳng Công Giáo Wyoming, Mỹ, trong đó ông biện luận cho một nhà nước tuyên tín (confessional state) tức một nhà nước trong đó, Đạo Công Giáo là tôn giáo chính thức, bởi chỉ có thế, triều đại xã hội của Chúa Kitô Vua mới có thể được thiết lập trên trần gian (1). Kozinski cho rằng khi biện luận như thế, ông chỉ theo tư tưởng truyền thống của Đạo mà thôi. Một cách cụ thể, ông cho rằng chính Đức Bênêđíctô XVI cũng đồng ý với ông, nhưng vì những lý do khôn ngoan, ngài không minh nhiên nói ra điều ấy.

Nhận định của Kozinski về Đức Bênêđíctô XVI có vẻ mới lạ. Vì trong bài “Khía cạnh chính trị của Đức Bênêđíctô XVI” (Vietcatholic 1/4/2010), ta thấy Thomas R. Rourke, giáo sư tại phân khoa chính trị của Đại Học Clarion, Pensylvania cho rằng: một trong những đường hướng tư duy đáng lưu ý trong các trước tác của Đức Hồng Y Ratzinger là việc phân chia giữa Giáo Hội và nhà nước. Trong Máccô 12:17, Chúa Giêsu từng tách biệt hai thực thể này qua câu nói bất hủ: “Hãy trả cho Xêda những gì của Xêda và hãy trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Điều này muốn nói rằng Kitô Giáo đã cáo chung ý niệm về một nhà nước thiên mệnh (divine state). Trước khi có Kitô Giáo, sự kết hợp giữa Giáo Hội và nhà nước là thực hành thông thường và thời Cựu Ước, hai thực thể này còn hòa lẫn với nhau là đàng khác. Thực vậy, đó là nguyên nhân khiến Đế Quốc Rôma bách hại Kitô Giáo, vì tôn giáo này không chịu chấp nhận một quốc giáo. Đức Hồng Y Ratzinger quả quyết rằng: việc Chúa Giêsu tách biệt hai thực thể này rất có lợi cho nhà nước, bởi nó không buộc phải sống đúng theo các hoài mong của một sự hoàn hảo thiên triều. Tầm nhìn mới này của Kitô Giáo đã khai sinh ra một chính trị học dựa trên lý trí, trái với thứ chính trị học phi lý đặt việc mưu cầu quyền lực lên trên chân lý. Rourke cho rằng khi lên ngôi giáo hoàng, ngài đã lặp lại quan điểm này trong thông điệp thứ hai về hy vọng.

Có điều, trong cuốn “Church, Ecumenism, and Politics” (Giáo Hội, Đại Kết và Chính Trị), Đức Hồng Y Ratzinger có lo âu nghĩ rằng: thời hiện đại, việc tách biệt Giáo Hội và nhà nước đã trở nên mù mờ hơn vì người ta đã giải thích nó như việc nhường toàn bộ khu vực công cho nhà nước. Nếu ta chấp nhận điều ấy, thì nền dân chủ sẽ bị thu gọn chỉ còn là một mớ thủ tục, không bị bất cứ giá trị nền tảng nào giới hạn. Và chính vì vậy, vị giáo hoàng tương lai nhấn mạnh tới nhu cầu phải có một hệ thống gía trị có thể trở lại với những nguyên tắc đệ nhất, như ngăn cấm không được hủy hoại những nhân mạng vô tội, hay phải đặt gia đình trên nền tảng một cuộc phối hợp vĩnh viễn giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Muốn giới hạn quyền lực nhà nước, vị giáo hoàng tương lai cũng đã nhấn mạnh tới vai trò của lương tâm cá nhân, vốn là nghị trường nội tâm duy trì các qui phạm nền tảng làm cơ sở cho trật tự xã hội. Nói cách khác, lương tâm là gốc rễ cho một chính phủ có giới hạn. Nhưng gốc rễ này cần phải nối kết với đức tin, vì đức tin vốn là thầy dạy tối hậu của lương tâm. Đó là một trong những kết luận của một giảng khóa hồi năm 1972. Với ngài, đức tin trở thành một lực lượng chính trị vì đã trở thành nhân chứng cho chân lý trong lương tâm.

Phải chăng vì những điểm này, Kozinski đã quả quyết là vị giáo hoàng hiện nay muốn coi một nhà nước tuyên tín như một hình thức cai trị lý tưởng? Nhân dịp này, cũng xin độc giả khảo sát cuộc đối thoại lý thú xẩy ra năm 2004 giữa thần học gia Ratzinger và triết gia “vô thần” Jurgen Habermas tại Học Viện Công Giáo Bavaria ở Munich do Virgil Nemoianu ghi lại và được tạp chí Logos phổ biến vào Mùa Xuân 2006, một cuộc đối thoại được giới trí thức Âu Châu hết sức quan tâm.

Tưởng cũng nên nhắc qua tới tầm cỡ của hai nhân vật đối thoại này. Joseph Ratzinger vốn có một sự nghiệp học thuật kéo dài từ 1953 tới 1977, lúc ngài được đề cử làm Tổng Giám Mục Munich và Freising; chẳng bao lâu sau, ngài được nâng lên hàng hồng y và năm 1981, trở thành bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trong hơn 20 năm. Trong suốt thời gian này, ngài tiếp tục viết, xuất bản, đi diễn thuyết ở nhiều nơi, trước tác nhiều tiểu luận bác học có tiếng, song song với việc cho ra đời nhiều văn kiện quan trọng về tín lý. Ngoài ra, ngài còn đồng sáng lập ra tạp chí Communio cùng với thần học gia được coi là vĩ đại nhất thế kỷ 20, đó là Hans Urs von Balthasar.

Nhận định về thần học gia Ratzinger, Virgil Nemoianu cho rằng: rất khó xếp tư duy của ngài vào loại bảo thủ hay cấp tiến, vì tư duy này trở lại chính nguồn giáo phụ của Kitô Giáo, vượt quá cấu trúc trung cổ cũng như chủ thuyết tân-Tômít của thời tiền Vatican II, một lối tư duy biết nhìn nhận tầm quan trọng của Cái Đẹp trên bình diện Chân và Thiện. Tuy nhiên, không như Balthasar hay Henri de Lubac, Ratzinger chú tâm tới các vấn đề có tính xã hội lịch sử của thời hiện đại. Các công trình của ngài hay đề cập tới các vấn đề hiện đại, trong đó, ngài giải thích một cách thanh thản và nhẫn nại các quan điểm của Giáo Hội đối với các vấn đề có tính cách lịch sử và xã hội tức khắc, nhưng lúc nào cũng gắn bó liên tục.

Nhà triết học

Phía kia là Jurgen Habermas, người trong nhiều thập niên qua, vốn được coi là nhân vật đáng kính về triết học tại Đức và tại Lục Địa Âu Châu nói chung, là phán quan tối cao về điều chân điều giả, điều đúng điều sai. Ông là hậu duệ trực tiếp của Trường Phái Tân Mácxít Frankfurt, là môn sinh của những bậc thầy cánh tả. Ông có thời dạy tại Đại Học Heidelberg, nhưng phần lớn dạy tại Đại Học Frankfurt. Sự nghiệp học thuật đồ sộ của ông được đánh dấu bằng hai bước chiến lược. Bước thứ nhất có tính bác học. Ở đây, ông hiểu rõ nếu không thay đổi, biện chứng Mácxít sẽ chẳng dẫn ông tới đâu. Bởi thế, cùng các vị tiền bối tân Mác Xít, ông bắt đầu thu lượm một số nguyên tắc của triết học sự sống (Lebensphilosophie của Henri Bergson), của hiện tượng luận, và của các nhà cổ điển của xã hội học truyền thống, mong sinh động hóa các chủ trương Mácxít của mình. Thêm vào đó, Habermas còn mặc tình vay mượn các lý thuyết truyền thông được những người như Austin và Searle cũng như các nhà thực dụng Mỹ khai triển vào giữa thế kỷ 20. Nhờ thế, ông đã xây dựng được một hệ thống làm nền cho nền dân chủ xã hội tại Đức và Âu Châu. Theo hệ thống này, bất cứ hành vi truyền thông nào cũng nhất thiết hàm chứa một cùng đích (telos); sự hiểu biết lẫn nhau giữa những con người nhân bản. Nó là khuôn khổ rộng rãi nhất để thực hiện việc giải phóng, sự bình đẳng và công lý nhân bản. Dân chủ hóa và hợp lý hóa xã hội chỉ là việc định chế hóa khả năng truyền thông của con người.

Bước chiến lược thứ hai của Habermas là tự đặt cho mình vai trò trọng tài có thẩm quyền của nền chính trị hậu chiến tại Đức và của cả Phương Tây nói chung, bằng cách đo lường các sinh hoạt và biến cố hiện đại bằng các tiêu chuẩn được ông coi là không thể sai lầm của triết lý chính trị. Ông lên án những người cho rằng giữa các nguyên tắc Cộng Sản và Quốc Xã có những điểm tương tự (như Hannah Arendt chẳng hạn). Ông cũng lên án chủ nghĩa tân bảo thủ, một hạn từ, theo ông, bao gồm phe bảo thủ thực sự, phe duy tự do cổ điển và cả phe duy cơ cấu nữa. Ông cố đưa ra một chiết trung giữa chủ trương của phe sinh viên nổi loạn và điều ông coi là nhu cầu canh tân thực sự. Ít người có can đảm thách thức các phán quyết có tính qui phạm của Habermas. Ông được coi như phán quan tối cao về những vấn đề dân chủ, tiến bộ, hiến chế thế giới và thế tục.

Bởi thế, một số phát biểu và quan điểm của ông trong mấy năm gần đây khiến giới trí thức Âu Châu ngạc nhiên và có phần khó chịu. Một số những nhận định của ông xem ra cho thấy ông tin vào một vai trò nào đó dành cho chiều kích tôn giáo trong hiện sinh nhân bản, ít nhất cũng là sự khoan dung hai chiều: mối liên hệ nhà nước và Giáo Hội bắt đầu ra khác đối với ông vì đặt căn bản trên tính hỗ tương.

Đối với Âu Châu, đó là một chủ đề khá gay cấn và tế nhị. Nhưng xét cho cùng, Habermas không phải là nhà trí thức duy nhất để người ta nhận ra một xoay chiều. Nhiều nhân vật nổi tiếng của Âu Châu cũng cho thấy cùng một tín hiệu như thế. Triết gia người Ý và là một nhà khoa học về luật, là Norberto Bobbio, về cuối đời cũng cho thấy một khuynh hướng thiên về tôn giáo trong các trước tác của mình. Jacques Derrida, bậc thầy lớn của chủ nghĩa hoài nghi và tương đối, đã dành cả 10 năm cuối đời để thăm dò tiềm năng nền linh đạo Do Thái. Xoay chiều lớn đầu tiên của Habermas xẩy ra ngày 14 tháng 10 năm 2001 với bài diễn văn “Đức Tin và Nhận Thức” ông đọc nhân dịp lãnh giải hòa bình của kỹ nghệ in sách Đức, trong đó, ông đặc trưng yêu cầu khu vực công phải dành chỗ cho ngôn từ tôn giáo. Ông cũng đả phá việc biến khoa học thành một thứ tôn giáo thay thế, đồng thời kêu gọi phải đưa ra một hình thức đồng hành động (synergies) giữa tôn giáo và thế tục để có thể kìm hãm các thái quá của tính hiện đại mà xã hội thuần tin tức hay do truyền thông điều khiển không đủ sức thực hiện.

Bước ngoặt thứ hai chính là cuộc tranh luận giữa ông và thần học gia Joseph Ratzinger xẩy ra ngày 19 tháng 1 năm 2004 này. Chủ đề cuộc tranh luận là “Các Nền Tảng Luân Lý Tiền Chính Trị Trong Việc Xây Dựng Một Xã Hội Dân Sự Tự Do”. Cuộc tranh luận được đặt dưới sự điều hợp của vị chủ tịch Đại Học Công Giáo Bavaria, Tiến Sĩ Florian Schuller và các thính giả chỉ gồm 30 người, trong đó có 2 vị hồng y, một số chính khách tiểu bang, trong đó có thủ hiến Vogel và một số nhà trí thức nổi danh như nhà tiểu luận Robert Spaemann và thần học gia Johann Baptist Metz. Các tài liệu tranh luận sau đó được in thành sách (3), nhưng ngay tức khắc đã được các báo đăng tải như các tờ Die Zeit, Frankfurter...

Trong buổi tranh luận này, Habermas tự cho mình là hậu duệ của “chủ nghĩa cộng hòa theo Kant”. Có người cho điều này không đúng. Phải kể ông theo khuynh hướng tân Hegel (qua Marx). Ông cũng tái khẳng định quan điểm “hậu siêu hình” và vô tôn giáo của mình. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Habermas tỏ ra hoài nghi không chắc nhà nước dân chủ hiến định có khả năng đổi mới các nền tảng hiện hữu của nó bằng chính các tài nguyên của mình hay không, hay phải nhờ tới các nguồn triết học và tôn giáo, hay ít ra cũng phải nhờ tới gia tài đạo đức học cộng đồng vốn có trước.

Dù vẫn cho rằng hiến pháp của nhà nước tự do độc lập đối với các truyền thống tôn giáo và siêu hình, nó chỉ cần dựa vào các phán đoán thuận lý và đồng thuận của các công dân tự ý tham dự, nhưng ở phần 3 các đóng góp, ông lại cho rằng các động lực của nền kinh tế càng ngày càng hoàn cầu hóa và của thị trường nói chung rõ ràng nằm bên ngoài sự kiểm soát của phán đoán thuận lý và đồng thuận, bất kể các qui định của khế ước hiến pháp. Không những các công dân trở thành “phi chính trị hóa” mà họ còn tỏ ra dửng dưng đối với những bất quân bình lộ liễu giữa các vùng khác nhau của thế giới. Ông ngạc nhiên thấy các nhà trí thức của thế giới đệ tam tiếp nhận các quan điểm bảo thủ của những người như Martin Heidegger, Carl Schmitt, hay Leo Strauss. Theo ông, hình như ta đang bước vào giai đoạn “hậu thế tục”. Kiểu nói này hiện đang được các nhà trí thức cả Tây Phương lẫn ngoài Tây Phương ưa chuộng. Tóm lại ở cuối phần 3 các đóng góp của mình, Habermas cho thấy một thay đổi quan trọng sẽ khiến tư duy ông trở nên phong phú hơn. Xem ra, ông muốn ủng hộ lý thuyết cho rằng: xã hội hiện đại muốn hối lỗi hữu hiệu phải để mình thoát ra ngoài con đường cùng của chính mình, bằng một xu thế tôn giáo (Ausrichtung), hướng tới một điểm qui chiếu siêu việt. Dù chưa chính thức tiếp nhận lý thuyết này, nhưng ít nhất, ông cũng tỏ ra sẵn sàng muốn khảo sát một cách thực nghiệm sự kiện hiển nhiên này là có một sự liên tục của tôn giáo trong các môi trường thế tục và ông muốn trả lời một cách khẩn thiết cho sự thách thức tri thức của hiện tượng này.

Thế là từ nay, Habermas đã phát biểu một cách rõ ràng hơn trước các “nhượng bộ” của ông đối với tôn giáo, những nhượng bộ từng làm các nhà trí thức Âu Châu ngỡ ngàng trong nhiều năm qua. Ông bảo: “Sách Thánh và các truyền thống tôn giáo trong mấy thiên niên kỷ qua, bằng những công thức và lối giải thích tinh tế, đã duy trì được nhiều trực giác về sai lầm và cứu rỗi, về thành quả cứu chuộc đối với cuộc nhân sinh vẫn từng được cảm nghiệm như vô vọng”. Cuộc sống tôn giáo, theo ông, đã duy trì nguyên vẹn một số nhậy cảm, sắc thái và phương thức phát biểu đối với những hoàn cảnh mà cả phương thức “hậu siêu hình” của ông lẫn xã hội hoàn toàn duy lý không thể nào xử lý một cách thoả đáng được, như “những cuộc đời bất cập, những bệnh hoạn xã hội, những thất bại trong kế hoạch đời sống cá thể, và những dị hình hóa các liên hệ hiện sinh vốn bị sắp đặt sai lạc”.

Bằng một giọng nói mạch lạc và minh nhiên, Habermas lên án tất cả những ai tiếp tục kết án ngôn từ tôn giáo ở nơi công cộng, bắt nó phải im lặng, mưu toan triệt hạ nó, phá sản nó hoàn toàn. “ Lợi ích tốt nhất của một nhà nước hợp hiến là ân cần (schonend) hành động đối với mọi nguồn văn hóa mà nhờ đó tình liên đới dân sự cũng như ý thức qui phạm vốn được nuôi dưỡng”. Tính truyền thông (communicativeness) nhất thiết bao hàm cố gắng hiểu biết lẫn nhau. Thực ra, điều này không hẳn có nghĩa ông đã chấp thuận ngôn từ tôn giáo và sẵn sàng sử dụng nó. Đúng hơn, đối với ông, sự khoan dung đúng nghĩa phải rộng rãi đủ để bao hàm cả tôn giáo.

Habermas kết luận bằng cách đề nghị điều được ông coi là công thức lý tưởng: chấp nhận càng nhiều giá trị và quan niệm tôn giáo càng hay miễn là phải diễn dịch chúng thành thuật ngữ thế tục. Ông đưa ra một thí dụ: “diễn dịch việc con người giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa qua phẩm giá bằng nhau và tuyệt đối được tôn trọng của mọi con người nhân bản”. Dù quan điểm này còn xa quan điểm của Charles Taylor, người đang được coi như một trong các tư tưởng gia hàng đầu của thế giới, một quan điểm hoàn toàn bác bỏ “chủ nghĩa nhân bản độc chiếm” (exclusive humanism), tức chủ nghĩa loại bỏ bất cứ điểm qui chiếu siêu việt nào, một chủ nghĩa đang được Liên Hiệp Âu Châu và Liên Hiệp Quốc cổ vũ, nhưng như thế cũng đã là một bước tiến khá xa đối với riêng ông rồi.

Nhà thần học

Thần học gia Ratzinger không bắt đầu bằng cách nói tới tôn giáo nhưng mổ xẻ tình hình thế giới lúc bấy giờ. Theo ngài, ta cần xem sét các yếu tố chính sau đây: sự xuất hiện một xã hội hoàn cầu hóa trong đó, các lực lượng chính trị, kinh tế và văn hóa đan kết với nhau cách chặt chẽ. Thứ hai, có lẽ còn đáng lưu ý hơn, là việc gia tăng một cách gia trọng tiềm năng xây dựng và phá phách của con người. Thứ ba, ngay chính lúc ta cần có một cơ sở đạo đức vững mạnh chung, thì chủ nghĩa duy tương đối đã làm suy yếu hay xâm thực khả thể một chân trời đạo đức chung ấy.

Ngài cho rằng: không ai chối cãi được việc quyền lực phải tùy thuộc quyền lợi và các qui định của luật pháp nhưng hiện có ba trở ngại khiến điều ấy không xẩy ra. Thứ nhất, dùng quyết định của đa số để tạo ra các giá trị luật pháp là điều đáng nghi vấn. Lịch sử từng chứng minh rằng các nhóm đa số hợp pháp đầy đủ vẫn từng tạo ra các bất công trắng trợn. Thứ hai, các nền văn hóa khác nhau có thể không nhất trí với nhau khi phải ấn định ra các quyền dân sự. Thứ ba, nguy cơ “chiến tranh lớn” đang được thay thế bằng nguy cơ “chiến tranh nhỏ”, đặc biệt là khủng bố, mà đôi khi người ta dùng cả lý do tôn giáo để biện minh. Tuy nhiên, ngài cũng nhấn mạnh thêm rằng: nguy cơ lớn hơn vẫn là khả năng con người tự thao túng chính mình trong đó phải kể đến việc tạo sinh vô tính (cloning), việc sản sinh và triệt sinh bừa bãi, nhất là sự vật hóa (reification) thân xác con người vì các mục tiêu thương mại như đĩ điếm, ấu dâm, an tử, buôn bán bộ phận người, và nhiều thứ khác. Câu bất hủ của ngài là: "con người đã trở thành một sản phẩm và từ đó, liên hệ với chính họ đã thay đổi hoàn toàn”.

Chỉ đến lúc này, thần học gia Ratzinger, một con người biết phối hợp óc thông minh tinh tấn, tài ngoại giao khôn khéo và đức tính hiền dịu đầy thầm lặng và kiên nhẫn, mới đề cập tới tôn giáo. Nhưng ngay cả nhận định đầu tiên của ngài về tôn giáo cũng có tính phê phán. Ngài nhìn nhận những khả thể bệnh lý của người theo tôn giáo như trường hợp phe cực đoan Hồi Giáo, nhưng thêm ngay rằng: một phần điều ấy là do nhu cầu khẩn thiết của họ muốn khẳng định đức tin của mình giữa lòng một thế giới càng ngày càng theo duy vật. Ta cũng cần lưu ý, trong tư cách cầm đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thần học gia Ratzinger cũng là người hàng đầu thúc đẩy trào lưu tạ lỗi vì những sai lầm trong quá khứ của cả cộng đồng Giáo Hội. Phải nhìn nhận thêm rằng trào lưu này không hẳn đơn thuần chỉ là một hành vi nhận lỗi mà là hành động độc đáo chưa thấy có nơi bất cứ tôn giáo nào khác.

Đối với Ratzinger, điều rõ ràng là một mình chủ nghĩa duy lý khoa học không đủ để tạo ra một triết lý sống thoả đáng. Ngài cũng cho rằng cả lý lẽ tự nhiên hay luật tự nhiên cũng không đủ nốt. Ngài cho rằng nay luật này đã ra cùn nhụt (abgestumpft). Ngay cả lúc người ta biến nó thành những bản tuyên ngôn nhân quyền, luật tự nhiên cũng không còn là điều trước đây nó vốn là, do đó, nó cần được cải thiện. Ở đây, ngài đưa ra một đề xướng nền tảng. Ngài cho rằng: trong nền văn minh Tây Phương ngày nay, người ta đang phân chia thành hai ngành lớn. Là thế giới quan khoa học duy lý và truyền thống Kitô Giáo. Cả hai ngành này đều có những thiếu sót của mình. Ngành đầu không những khập khiễng trong phạm vi đạo đức theo nghĩa rộng, mà thực sự nó còn đang tạo ra nhiều nguy cơ cho thời hiện tại. Quả không ngoa khi người ta nói tới “những bệnh lý của lý trí” và “sự xấc xược của lý trí”. Bởi thế, điều hữu lý là chủ nghĩa duy lý thế tục nên chấp nhận các kiểm soát có tính chỉnh lý, kìm cương (reining) của các giá trị tôn giáo. Ngài bảo: “Lý trí phải chấp nhận các cảnh báo về các giới hạn của mình và phải sẵn sàng lắng nghe các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới”.

Cùng lúc ấy, người ta phải nhận rằng ngay ở thời điểm đặc thù này, Kitô Giáo không còn ở vị thế có thể thiết lập được các nguyên tắc được mọi người sẵn sàng tiếp nhận nữa. Ngài nhìn nhận rằng người ta mong tôn giáo có được một tiềm năng phê phán và “thanh tẩy” của phương thức tìm tòi thuận lý. Ngài cho biết: thực ra phương thức này vốn là một thành phần của cuộc vận hành tư duy Kitô Giáo ngay từ thời Giáo Phụ và từ thời suy tư lý thuyết. Điều chủ yếu cần thiết hiện nay là “mối liên hệ qua lại giữa lý trí và đức tin, giữa lý trí và tôn giáo, cả hai đều được mời gọi phải thanh tẩy và chữa lành lẫn nhau”. Diễn trình phê phán lẫn nhau này phải được đặt lên hàng ưu tiên trong nghị trình thời hậu thế tục của chúng ta.

Dù vậy, theo Ratzinger, diễn trình phê phán lẫn nhau này tự nó vẫn chưa hoàn toàn đủ. Vì cả hai ngành lớn của văn minh Tây Phương này chỉ có thể chính đáng hóa chính mình và được mọi người chấp nhận khi nhìn nhận bản chất đa văn hóa của xã hội hoàn cầu. Cả hai không được do dự trong việc giáp mặt với các chân trời tri thức và hiện sinh trong các nền văn hóa không phải là Tây Phương nhưng là những người láng giềng của họ, đó là Hồi Giáo, Ấn và Phật Giáo, và nhiều tôn giáo khác. Một nền văn hóa tâm linh đổi mới chỉ có thể có nhờ những cuộc đối thoại kép, nhất là phải xét tới những lắng lo e ngại của những nền văn hóa ấy đối với Kitô Giáo và cả đối với chủ nghĩa duy lý khoa học nữa. Cả hai ngành của sinh hoạt trí thức Tây Phương đều phải “nhìn nhận trên thực tế rằng họ chỉ được một phần nhân loại chấp nhận và cũng chỉ được một phần nhân loại hiểu được mà thôi”.

Đề xướng trên, trong giai đoạn đầu của nó, chỉ tự giới hạn vào một óc tò mò hỗ tương đầy kính cẩn, vào những gợi ý và vào việc tìm hiểu nhau một cách sâu sắc hơn. Ấy thế nhưng, đề xuất này sâu sắc và khéo léo hơn người ta tưởng, vì các nền văn hóa không phải Tây Phương này, từ bản chất, vốn nặng về tâm linh nên chỉ có thể nêu lên những vấn nạn cho chủ nghĩa duy lý hống hách mà thôi, nhất là chủ nghĩa duy vật ngu xuẩn. Ai từng chăm chú đọc các tác phẩm của Khổng Tử, cũng đều phải nhận rằng Platông và Aristốt là phóng túng và Thánh Augustinô cũng như Thánh Tôma Tiến Sĩ và Thánh Palamas (của Đông Phương) là tả khuynh! Ở đây, ta thấy Ratzinger nói tới các giới hạn của lý trí Tây Phương và của cả khả năng tâm linh của phương này, nhất là khả năng xây dựng ý nghĩa nhân bản trong toàn diện tính của nó, khi chỉ biết dựa vào cách hiểu của mình.

Con đường được cuộc đối thoại mở ra

Theo Nemoianu, các thính giả rất thích thú khi nhận ra sự gần gũi đáng kể giữa Ratzinger và Habermas. Điều rõ ràng là Ratzinger lúc đó và cả sau này, khi đã lên ngôi giáo hoàng, đều không hề bảo thủ về phương diện chính trị. Trên thực tế, ngài có thể gần gũi với quan điểm dân chủ xã hội theo kiểu Âu Châu. Trong một bài gần đây khi đã là Bênêđíctô XVI, ngài viết: “Xét về nhiều phương diện, chủ nghĩa xã hội dân chủ đã và vẫn còn gần gũi với học thuyết xã hội Công Giáo, và dù sao, cũng đã đóng góp đáng kể vào việc hình thành ra ý thức xã hội” (4).

Căn cứ vào lối trình bày của Ratzinger, nhiều người phải thừa nhận rằng: trong thế giới hiện nay, ít có nơi nào khác lý trí được hỗ trợ một cách đáng tin cậy bằng trong huấn quyền Công Giáo. Mối liên kết giữa đức tin và lý trí đã trở thành cây cầu nối với các nhà tư tưởng như Habermas, dù ông vẫn chưa dấn thân vào xu hướng tôn giáo, nhưng đã lên đường đi tìm các nối kết với thế giới của những người theo tôn giáo. Điểm cũng cần lưu ý là không phải Habermas chỉ đối thoại với Ratzinger, nhưng trước đó, ông luôn tìm cách hành động qua lại với các quan điểm thần học cổ điển của Công Giáo Rôma hơn là với những nhà cấp tiến như Hans Kung hay Johann Baptist Metz, một người vốn là bạn thân của ông. Người ta còn thấy ông phát biểu lòng tôn kính đối với những người xây dựng ra hệ thống Tômít và coi những người cố gắng “hiện đại hóa” hệ thống này là không thỏa đáng. Ông luôn tránh những nhà cấp tiến, và tìm cách giao tiếp với luồng chính của tư duy Công Giáo và Kitô Giáo. Đây không hẳn là vấn đề lịch sự, xã giao. Vì tôn giáo vốn là ưu tư lâu dài của Habermas.

Vả lại, có người cho rằng quan điểm tả khuynh của Habermas phần nào bị chính ông và các nhà bình luận cường điệu quá đáng. Dĩ nhiên, gốc gác và nền giáo dục thiếu thời của ông rõ ràng là Tân Mác Xít. Nhưng ngay từ đầu, ông đã phê phán chủ nghĩa Mác nói chung. Ông cho rằng: lối giải thích kinh tế theo lối nguyên nhân của chủ nghĩa Mác cổ điển chắc chắn chật hẹp và quá cứng ngắc và do đó, không còn thỏa đáng sau khi ra đời hơn 150 năm qua. Ông đặc biệt chỉ trích Mác đã không lưu tâm tới tự do, không coi nó như một vấn đề xã hội, và tới chiều kích nhân bản nói chung. Chủ nghĩa Mác như thế chỉ có một chiều kích (linear) và do đó sai lầm vì đã không lưu ý gì tới tác động của điều bất ngờ trong bất cứ cuộc cách mạng xã hội nào. Ngay từ đầu, cách mạng và cuộc đấu tranh giai cấp đã bị Habermas bác bỏ như các yếu tố nối tiếp nhau trong lý thuyết của ông.

Điều cũng đáng lưu tâm là ý niệm “hậu thế tục” (post-secular) của Habermas, được rất nhiều tư tưởng gia cả tôn giáo lẫn không tôn giáo ngày nay ủng hộ và sử dụng, để chỉ việc bác bỏ các chủ trương có tính lý tưởng hóa của khoa học thuần duy lý cũng như không coi khoa học như một thứ thần tượng, người phát biểu tối cao và không thể sai lầm của chân lý, hơn hẳn mọi hình thức phát biểu nào khác.

Chính ý niệm này đã dẫn đến chủ trương không thể để tôn giáo ở bên ngoài khu vực công cộng lâu hơn nữa. Cuộc tranh luận về tôn giáo đã trở thành cuộc thảo luận với tôn giáo, coi tôn giáo như một người hùn hạp (a partner).

Về phần mình, cách tiếp cận có tính xã hội lịch sử hơn là theo quan điểm siêu hình hay siêu việt của Ratzinger đã góp phần rất lớn vào biến đổi trên. Không ai, với thế giới quan Công Giáo, lại bác bỏ được sự thật này là tôn giáo mang theo mình chiều kích nhập thể và với nó là chiều kích xã hội lịch sử, một chiều kích khiến Giáo Hội phải đáp ứng các vấn đề và vấn nạn thực tiễn của thế giới. Tuy đây là khía cạnh dễ làm thương tổn Giáo Hội nhất và cũng là chiều kích thỉnh thoảng làm Giáo Hội sai lầm nhưng nó vẫn là chiều kích có thể cung cấp được các thuật ngữ dễ hiểu cho rất nhiều người muốn đối thoại với Giáo Hội, ít nhất cũng làm họ lưu ý hơn tới tôn giáo. Nhiều trường phái tư duy nay đã lưu tâm tới tôn giáo. Ở Mỹ, ta thấy chủ trương phê phán có tính phá hoại của Yale nay đã nghiêng hẳn về tôn giáo. Nổi hơn cả là Jacques Lacan, nhà phân tâm học theo trường phái duy cơ cấu với tác phẩm xuất bản sau khi qua đời tựa là “Le Triomphe de la religion” (Chiến thắng của tôn giáo) (5), trong đó ông cho Freud là “một người duy vật chủ nghĩa thô lỗ” và ông tin tưởng vào lẽ chiến thắng của tôn giáo đối với các học thuyết đối nghịch. Theo phân tích của Paul Griffiths, một số nhà ý thức hệ cánh tả như Thomas Eagleton, Alain Badiou, François Lyotard, and Slavoj Žižek (6) cũng cho rằng ta không thể theo đuổi bất cứ cuộc nghiên cứu có tính phê phán nào hay có tính lịch sử hiện đại nào mà lại không xét tới yếu tố tôn giáo, là yếu tố thông thường vốn là ngữ cảnh quan trọng nhất của các biến cố xã hội chính trị cũng như của các nhân vật trí thức và văn hóa trong quá khứ. Họ còn không ngần ngại sử dụng các nguồn tài liệu của Kitô Giáo; họ thực hiện hoàn toàn điều Habermas đề nghị là diễn dịch các giá trị Kitô Giáo thành các giá trị thế tục.

Không thể có một thứ nhà nước tuyên tín

Một cơ sở chung cho cả Kitô Giáo lẫn những người ngoài Kitô Giáo nhưng có lối suy nghĩ bình thường (normalthinking) và có ý hướng tốt sẽ giúp con người hiện đại đương đầu được với nhiều thách đố hiện nay. Cuộc đối thoại giữa Ratzinger và Habermas cho thấy các cố gắng trong phạm vi này không hoàn toàn vô vọng. Dĩ nhiên, con đường đối thoại với thế giới thế tục không ngắn, nó rất dài, như nhận định của Đức Bênêđíctô XVI vào ngày hôm qua, mồng 3 tháng 2 năm 2011, nhân buổi lễ nhận ủy nhiệm thư của tân đại sứ Áo, Alfons Kloss, tại Vatican. Ngài cho rằng: hiện đang có sự căng thẳng trong các mối liên hệ giữa nhà nước và Giáo Hội. vì một đàng, các thẩm quyền chính trị đang cố tình không dành chỗ cho tôn giáo tại các nơi công cộng, coi tôn giáo chỉ như những ý niệm cá thể trong đức tin của công dân. Mặt khác, họ còn tìm cách áp dụng các tiêu chuẩn của dư luận quần chúng thế tục vào các cộng đồng tôn giáo. Theo Đức Thánh Cha, các thẩm quyền chính trị chỉ muốn thích ứng Tin Mừng vào văn hóa và ra sức ngăn cản để văn hóa đừng để mình bị chiều kích tôn giáo lên khuôn.

Ngài cũng nhận xét thêm rằng các xã hội thế tục không hẳn không ý thức được phần đóng góp to lớn về xã hội của tôn giáo, cụ thể là của Công Giáo, nhưng họ coi đó chỉ là chuyện phúc lợi, một dịch vụ xã hội không hơn không kém, không liên hệ gì tới chiều kích tôn giáo, tới Thiên Chúa hay siêu việt thể.

Từ ngày lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI càng ngày càng thấy con đường đối thoại này hết sức khó khăn. Ngài không ngừng nhắc nhớ các chế độ chính trị trên thế giới là nhà nước và Giáo Hội hay tôn giáo nói chung là độc lập nhưng không chống đối nhau và vì bản chất của cả hai đều để phục vụ ích chung, nên cả hai đều có chỗ đứng tại các quảng trường công cộng. Có thể vì những khó khăn này, mà Kozinski cho rằng đối với ngài, lý tưởng là có được một nhà nước tuyên tín. Nhưng, như chúng tôi đã trình bày trong bài “Đức Bênêđíctô XVI và tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước” (VietCatholic News, 28 Sep 2010), đối với Đức Thánh Cha, Kitô Hữu “không có mục tiêu quyền lực hay quan tâm vị kỷ nào, mà chỉ hân hoan sống đức ái của Thiên Chúa” (với các Giám Mục Tiệp, tháng 11/2005). Nhưng hình như cái triết lý ấy chỉ đúng trong thời Kitô Hữu bị bách hại. Có lúc, người Kitô Hữu cũng đã mơ ước có được một thứ toàn trị theo niềm tin của mình. Niềm mơ ước ấy bị Đức Hồng Y Ratzinger đả phá thẳng thừng trong bài diễn văn ngày 26 tháng 11 năm 1981, nhân một buổi phụng vụ tổ chức cho các dân biểu Công Giáo của Bundestag tại nhà thờ Thánh Wynfrith ở Bonn. Ngài bảo rằng: “Cái loại chính trị huyên hoang tuyên bố nước Thiên Chúa là kết quả của chính trị và bóp méo đức tin thành quyền tối thượng phổ quát của chính trị, tự bản chất, vốn là một nền chính trị nô dịch; nó chỉ là thứ chính trị có tính huyền thoại”. Thực ra, nhà nước không hề có tính thần thánh (sacral), nó thuộc lãnh vực nhân bản, như nguyên tắc bất hủ đã được Chúa Kitô long trọng tuyên phán: “Hãy trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda, và hãy trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa” (Mt 22:21). Chính câu tuyên phán này đã cáo chung tính thần thánh của nhà nước Rôma, và đó là lý do khiến nó điên loạn trong việc tàn sát các môn đệ của Người.

Theo Đức Hồng Y Ratzinger, từ nay trở đi, ta thấy có hai xã hội tuy có tương quan với nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau, và không xã hội nào có cái đặc điểm toàn diện như trước đây. Nhà nước không còn là người mang thẩm quyền tôn giáo, một thứ thẩm quyền đụng tới những vùng sâu xa tối hậu của lương tâm, nhưng đối với nền tảng luân lý của chính nó, nó phải vượt quá mình mà quy chiếu tới một cộng đồng khác. Về phần mình, cộng đồng khác này, tức Giáo Hội, tuy ý thức được thẩm quyền luân lý tối hậu của mình, nhưng vẫn phải tùy thuộc vào sự gắn bó tự nguyện và chỉ có quyền chế tài thiêng liêng chứ không thể chế tài dân sự, vì một lý do đơn giản là nó không có được tư thế của nhà nước.

Đề cập tới Hồi Giáo cực đoan, Đức Hồng Y cho rằng thần trị (theocratic) là chủ trương đặc trưng của họ và do đó có tính nhất nguyên. Nhưng nhất nguyên là lưỡi gươm giết chết tự do. Chỉ nơi nào có tính nhị nguyên của Giáo Hội và nhà nước, của thẩm quyền thần thánh và thẩm quyền chính trị, thì tự do mới được bảo đảm. Ngài quả quyết: “Nơi nào Giáo Hội trở thành nhà nước, thì tự do sẽ không còn nữa. Nhưng điều này cũng đúng: bất cứ khi nào Giáo Hội bị loại bỏ, không còn được coi như một thẩm quyền công cộng và có liên hệ, thì lúc ấy tự do cũng sẽ bị giập tắt, vì lúc ấy nhà nước sẽ một lần nữa hoàn toàn đòi cho mình quyền được biện minh toàn diện về luân lý”.

Bởi thế, trách vụ căn bản trong chủ trương chính trị của Kitô Giáo đã được xác định. Nó có mục tiêu duy trì sự cân bằng của hệ thống kép trên đây, làm nền tảng cho tự do. Do đó, Giáo Hội phải đưa ra các đòi hỏi của mình đối với luật lệ công cộng chứ không đơn giản lui về lãnh vực tư riêng. Mặt khác, phải làm hết cách để giữ cho Giáo Hội và nhà nước tách biệt nhau và việc thuộc về Giáo Hội phải luôn rõ ràng duy trì được tính tự nguyện của nó.

Ghi Chú

(1) Thaddeus Kozinski, The Political Problem of Religious Pluralism: And Why Philosophers Can't Solve It, Rowman &Littlefield.

(2) Habermas, Religion and Rationality: Essays on Reason, God, and Modernity (Cambridge,

MA: MIT Press, 2002).

(3) Habermas and Ratzinger, Dialektik der Säkularisierung: über Vernunft und Religion

(Freiburg: Herder, 2005).

(4) Benedict XVI, “Europe and Its Discontents,” First Things 159 (January 2006).

(5) Jacques Lacan, Le Triomphe de la religion (Paris: Seuil, 2005).

(6) Paul Griffiths, “Christ and Critical Theory” trong First Things 145 (August/September 2004): 46–53.
 
Top Stories
Vietnam: Vinh: la conclusion d’un accord entre les autorités civiles et religieuses va permettre la construction d’une nouvelle église dans la paroisse de Tam Toa
Eglises d'Asie
13:33 03/02/2011
L’ensemble du diocèse de Vinh s’était puissamment mobilisé il y a un an et demi, en juillet 2009 (1), après la violente agression policière dont avait été victime un groupe de catholiques rassemblés sur le terrain de l’église de Tam Toa (ville de Dông Hoi, province de Quang Binh), détruite pendant la guerre, fermée au culte et transformée en 1997 en monument commémoratif. Depuis, la tension a quelque peu baissé et le début d’un accord semble avoir été trouvé entre les autorités civiles et ecclésiastiques.

Le Comité populaire de la province de Quang Binh vient de donner l’autorisation de construire une église nouvelle sur un terrain situé à l’intérieur de la ville de Dông Hoi et jugé adéquat par les responsables catholiques. Interrogé il y a peu, le nouvel évêque de Vinh, Mgr Nguyên Thai Hop, a publiquement déclaré: « En principe, un accord a été conclu concernant le terrain où sera construite l’église nouvelle. J’ai nommé un curé à Tam Toa, une nomination qui a été acceptée par les autorités » (2). Mardi 25 janvier 2011, une délégation de l’évêché de Vinh rendant visite aux autorités civiles à l’occasion du Nouvel An a appris de certains interlocuteurs que les choses pourraient être réglées au cours du premier trimestre. Il y aurait alors une déclaration officielle.

Selon le nouveau curé de Tam Toa, nommé en juillet 2010, le diocèse avait demandé aux autorités provinciales un terrain d’une superficie de 9 600 m². Le terrain sur lequel les deux parties se sont accordées aura une surface moins importante, mais aura l’avantage d’être situé en plein centre de la ville de Dông Hoi, à environ 1 km de la route nationale

Depuis 1997 et la transformation de l’église détruite en monument commémoratif des crimes de guerre américains, la communauté catholique de Dông Hoi n’avait plus de lieu de culte. Encore aujourd’hui, les célébrations dominicales ont lieu dans une habitation privée à trois étages. La messe est célébrée au rez-de-chaussée et les quelque 400 fidèles présents se pressent aux étages où des écrans leur permettent de suivre les cérémonies. Cependant, l’augmentation des fidèles fréquentant ce lieu de culte rend la sécurité du bâtiment de plus en plus aléatoire.

Depuis 1997, les catholiques ont multiplié les demandes de terrain pour y bâtir une église. Les réponses et les offres insatisfaisantes des autorités ont provoqué de nombreux conflits, en particulier celui qui a éclaté au mois de juillet 2009 lorsque les catholiques, excédés, ont tenté de récupérer le terrain de l’église et d’y construire un hangar pour tenir leurs célébrations.

Le 20 juillet 2009, une bagarre générale avait opposé des catholiques de la paroisse de Tam Toa aux forces de la police locale aidées par des membres de la milice et des hommes de main recrutée par la Sécurité publique. Ces forces de police étaient intervenues pour détruire la construction provisoire installée sur le terrain de l’église pour les besoins du culte. Elles avaient agressé les prêtres, les religieux et les laïcs présents sur les lieux, infligeant des blessures à un certain nombre et arrêtant dix-neuf d’entre eux.

Cette agression avait ému l’ensemble des 500 000 catholiques du diocèse de Vinh. Des communiqués de l’évêché avaient vivement protesté et demandé aux catholiques d’être solidaires des paroissiens de Tam Toa. L’évêque, alors en voyage aux Etats-Unis, avait exprimé publiquement son soutien à la paroisse victime de la violence policière. Toutes les paroisses du diocèse avaient affiché leur solidarité sur des calicots accrochés au-dessus des portes des églises. Le 15 août suivant, venus de l’ensemble du diocèse, plus de 200 000 catholiques s’étaient réunis autour de leur évêque pour signifier leur communion avec les paroissiens de Tam Toa.

(1) Voir EDA 512, 513, 514, 516, 519
(2) Radio Free Asia, 30 janvier 2011.

(Source: Eglises d'Asie, 3 février 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Lễ Tết Tân Mão tại Giáo Xứ Thánh Antôn, Giáo Phận Oakland
Lê Lâm
01:38 03/02/2011
OAKLAND - Vào lúc 3:00 giờ chiều Chúa Nhật, 30 tháng 1, năm 2011, Đại Lễ Tết Tân Mão đã được cử hành trọng thể tại Thánh Đường Anthony, Giáo Phận Oakland, California. Chủ Tế do Đức Cha John Cummins, Nguyên Giám Mục Oakland.

Hình ảnh Thánh Lễ

Xem hình Văn nghệ mừng Xuân

Cùng đồng tế với Đức Giám Mục, Lm Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Hoa Kỳ, Lm Phan Quang Cường, Chủ Tịch Giáo Sĩ & Tu sĩ Miền Tây Hoa Kỳ, Cha Sở Jesus Nieto-ruiz, Lm Peter Võ Ngọc Sơn, Linh Mục Quản Nhiệm,Lm Vũ Trung Nam, Gi ám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, Lm Nguyễn Hoài Thương, Cha Sở Nhà Thờ Our Lady of Good Counsel, Lm Lê Trung Khuê, Cha Phó Nhà Thờ Holy Spirit, Lm Nguyễn Như Bích-Làm Việc tại Tòa Án Giáo Phận, Lm John Direen, Cha Sở Nhà Thờ St. Joseph of the Worker, Các Linh Mục học tại Đại Học Berkeley: Lm Nguyễn Nam Thảo SJ, Lm Nguyễn Thanh Thuần, Lm Đàm Xuân Lộ, Lm Mai Vọng;; cùng với hai phó tế: Thầy Sáu Andrew Nguyễn và Deacon James, Thầy Đạt Nguyễn MC cho Thánh Lễ đến từ St. Patrick’s Seminary & University.

Cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tết, rất đông đảo Quí Tu Sĩ Nam Nữ: Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn Hải Ngoại, Dòng Thánh Phanxico, và Dòng Dominicô và bà con giáo hữu trong Giáo Xứ, trong Giáo Phận Oakland và các vùng lân cận Bay Area.

Linh Mục Quản Nhiệm chào mừng, cám ơn Đức Cha, các Cha Chủ Tịch, Quí Cha, Thầy Sáu, Quí Tu Sĩ Nam Nữ và quí khách đã vì thương mến đến với Cộng Đoàn Giáo Xứ. Ngài nói rằng tình yêu mến và tham dự của mọi thành phần dân Chúa trong Đại Lễ Tết góp phần việc cổ võ Văn Hóa Lễ Tết truyền thống của người Việt trong Giáo Phận Oakland nơi có nhiều sắc dân trong Giáo Hội Hoa Kỳ.

Sau Thánh Lễ, Giáo Xứ có Tiệc Mừng Xuân và Chương Trình Văn Nghệ tại Hội Trường Giáo Xứ. Cũng như hằng năm, mọi người đều vui mừng có được Thánh Lễ Tết Truyền Thống rất trang trọng sốt sắng, và tiệc mừng xuân rất vui nhộn.
 
Liên Đoàn CGVN HK chúc mừng Năm Mới Tân Mão
Lm Giuse Nguyễn Thanh Liêm
01:41 03/02/2011
LIÊN ĐOÀN CHÚC MỪNG NĂM MỚI TÂN MÃO 2011
Kính chúc quý Đức Cha, Đức Ông, quý Cha,
Phó Tế, Tu Sĩ nam nữ
cùng quý ông bà anh chị em Dân Chúa
một năm mới an bình, sức khoẻ và thịnh vượng.

Chân thành cám ơn sự cộng tác, giúp đỡ và hỗ trợ của tất cả quý vị
cho những sinh hoạt và chương trình của Liên Đoàn trong năm qua.
TÂN XUÂN KÍNH CHÚC


Thay mặt Ban Lãnh Đạo Liên Đoàn
Chủ Tịch LĐCGVNHK
 
Giáo xứ Trang Nứa cầu nguyện cho Giáo hội và đất nước trong đêm Giao Thừa
Josephh Nguyễn Văn Thống
09:16 03/02/2011
VINH - Lúc 20h, tối 30/12/2010 âm lich, tại Giáo xứ Trang Nứa thuộc Giáo Phận Vinh đã tổ chức chương trình Suy Tôn Thánh Giá và cầu nguyện cho Giáo Hội, quê hương Việt Nam trong thời khắc đêm Giao Thừa.

Xem hình ảnh

Đêm 30 tết, miền xứ Nghệ vẫn còn phải chịu cảnh rét đậm, công việc của ngày cuối năm thì vội vàng, tất bật nhưng chương trình Cầu nguyện cho Giáo hội, quê hương Việt Nam và đêm: “ Hân hoan đón mừng Xuân Tân Mão” vẫn được diến ra với sự tham dự đông đảo của cộng đoàn trong toàn Giáo xứ. Những người già và trẻ em vẫn hăng hái đến tham dự chương trình cầu nguyện không quản ngại tiết trời lạnh giá của miền Xứ Nghệ với lòng Tin, Cậy, Mến vào Thiên Chúa tình yêu.

Bước vào chương trình Cầu nguyện trong đêm Giao Thừa, Cha quản xứ Giuse Trần Đức Ngợi đã mời gọi Cộng đoàn hướng về Cây Thánh Giá để suy niệm về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Giá Chúa được cung nghinh từ cuối lễ đài và được diễn ra trong một bầu không khí linh thánh để hiệp chung tâm tình: “Sám hối, tạ ơn và cầu xin” trong thời khắc năm cũ đang nhường chỗ cho năm mới tới. Đồng thời, thông qua việc suy niệm mầu nhiệm Thập Giá Chúa, để hiệp thông sâu sắc với những đâu khổ mà anh chị em Tín Hữu đang phải chịu bách hại vì Đức Tin của mình trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Những ngọn nến được thắp lên dưới tiết trời lạnh giá của cộng đoàn Giáo xứ Trang Nứa trong đêm Giao Thừa, như đang muốn sưới ấm sự cô đơn, đau khổ của anh chị em trong cùng một phép rửa và cả những anh chị em yêu mến công lý sự thật mà chưa có cơ may lãnh nhận Đức Tin cũng đang phải chịu cảnh áp bức, tù đầy dưới Chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Giờ cầu nguyện cũng mời gọi mọi người phải biết chia sẻ và đồng hành với những anh chị em đồng loại. Đặc biệt, hiệp thông đau khổ với những người nghèo, người bị áp bức, người bị bỏ rơi. Chính sự hiệp thông đó là thách đổ của thời đại để minh chứng cho niềm tin của mỗi người.

Chương trình cầu nguyện cho Giáo hội, quê hương Việt Nam kết thúc lúc 22h, Cộng đoàn bước vào Thánh lễ Giao Thừa với niềm tin yêu và hy vọng về một năm mới Chúa xuân sẽ đem sắc Xuân cho Giáo hội và quê hương Việt Nam trong năm 2011.

Giáo xứ Trang Nứa là một xứ đạo cách trung tâm tòa Giám mục Xã Đoài chừng 2km, là xứ đạo có truyền thống Đức Tin mạnh mẽ và luôn hiệp thông với Giáo hội qua các biến cố từ Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm …. Chính nơi mảnh đất này đã có nhiều linh mục, giáo dân phải nằm xuống dưới bàn tay sát máu của nhà cầm quyền Cộng Sản trong sự kiện vào 1952.
 
CĐ Bắc Đức và Nhà Dòng Thánh Phaolô tại Hà Nội thăm Trại Phong Quả Cảm và Nhà Khuyết Tật Hương La
Bồ Câu Trắng
09:28 03/02/2011
Hà Nội - Bắc Ninh - Hương La, 30 tháng 01 năm 2011. Hôm nay chỉ còn vỏn vẹn vài ngày nữa là hết năm âm lịch và quả là một ngày đầy ý nghĩa với chúng tôi trong việc thi hành đức ái và đến thăm người bệnh tật. Chúng tôi đã thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho chuyến đi từ Hà Nội đến Bắc Ninh. Xe buýt nhỏ đón chúng tôi ngoài cổng Nhà Dòng tại Hàng Bột vào đúng 6 giờ sáng. Đoàn chúng tôi có 26 người, gồm: Hai Sơ phụ trách và 24 em đệ tử Dòng Thánh Phaolô. Xe của chúng tôi đi về hướng Long Biên để đón 3 nhân vật quan trọng. Đó là Cha Phaolô Phạm Văn Tuấn – Người đã tổ chức chuyến đi ủy lạo ngày hôm nay.

Hình ảnh thăm trại phong Quả Cảm

Hình ảnh thăm nhà khuyết tật Hương La

Cha Tuấn là người Việt đang sống và phục vụ ở Đức, nhưng Cha cũng thi thoảng về thăm quê hương và sinh hoạt cùng nhà dòng chúng tôi. Một người nữa cũng rất quen thuộc với chúng tôi là nhà nhiếp ảnh trẻ Xuân Hòa. Người ta hay nhầm gọi anh là Thầy mà thực ra anh đã là “ông bố” được gần năm rồi, người cộng tác với cha Tuấn đã nhiều năm mang quà của C.Đ Bắc Đức vào trại phong. Đặc biệt hơn, đồng hành cùng chúng tôi hôm nay còn có một sinh viên y khoa năm cuối đang thực tập ở bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, chị là một Việt kiều đang sinh sống và học tập tại Đức, tên chị là Linh. Chị cũng là một thành viên trong nhóm từ thiện Bắc Đức, một con người rất năng động, sôi nổi và hát rất hay. Vậy là đoàn chúng tôi đã đông đủ 29 thành viên. Hành trang lần này của chúng tôi mang theo lỉnh kỉnh rất nhiều thứ chất chật cả thùng xe và gầm để chân: từ gạo, mì, dầu ăn, thuốc men đến những gói bánh cho các em nhỏ mừng Tết. Đặc biệt, lần này chúng tôi mang theo cả những nhạc cụ dân tộc của nhóm chúng tôi. Riêng cha, cha không quên mang theo bên mình chiếc đàn ghita để sinh hoạt và hát lễ.

Khi đã ổn định xong, xe chúng tôi chuyển bánh trong sự phó thác cho Thiên Chúa và Mẹ Maria để chuyến đi được các Ngài dẫn đưa bình an và chúng tôi mang được chút niềm vui bé nhỏ cho những người ở những ngôi làng ấy. Những tiếng ca bằng tiếng Đức được cha Tuấn dạy hát trên xe “Halleluja… Preiset den Herrn!” mỗi lúc một rõ ràng và chuẩn xác hơn của giọng Việt Nam chúng tôi hòa với tiếng đàn ghita đầy sức trẻ của cha làm cho quãng đường vốn dài lê thê trong chờ đợi mong ngóng dường như ngắn lại. Xen giữa những bài hát là những câu chuyện Cha kể về những người bệnh tật trong ngôi làng Quả Cảm, tôi thầm trách mình vô tâm quá vì Cha ở xa xôi vậy mà còn biết rõ về họ còn mình thì chỉ cách những người anh em đó chưa đầy 3 giờ đi ô tô mà chẳng biết chút xíu nào… Tôi cảm phục hơn nữa khi biết rằng cha đến đây đã 3 lần rồi.

Mải miết với những dòng suy tư và những tiếng hát, xe buýt đã đến trước cổng “Bệnh viện Da Liễu Quả Cảm”, trước đó chúng tôi đã ghé thăm ngắn ngủi Tòa Giám Mục Bắc Ninh. Vừa bước xuống, tôi đã gặp những ánh mắt, những nụ cười như là đã để dành cho tôi từ rất lâu rồi, bà con bệnh nhân sống trong làng phong đã họp nhau lại từ rất sớm để đón chúng tôi. Tôi thầm thĩ lời tạ ơn.

Tôi đã học được rằng: Mỗi người khi sinh ra đều có một ơn gọi. Có người được chọn lựa ơn gọi đó, có người may mắn, còn có người thì số phận đã được an bài. Có người chọn bậc sống tu trì, có người chọn đời sống hôn nhân, có người chọn đời sống độc thân... Họ chọn điều mang lại cho họ hạnh phúc. Và còn có người lựa chọn ơn gọi sống cùng và chăm sóc các bệnh nhân phong như Sơ Xuân, Sơ đã ở trại phong Quả Cảm 23 năm. Sơ lấy công việc của họ làm công việc của mình, lấy niềm vui của họ làm niềm vui cho chính mình. Sơ còn muốn chọn phần mộ cuối cùng ở đây để luôn ở cùng bệnh nhân. Ngược lại, có những người bất hạnh lại không được phép lựa chọn cuộc sống mà bị phụ thuộc vào người khác như các bệnh nhân Phong. Từ khi mắc bệnh họ phải cách ly với mọi người và xã hội. Có người phải sống xa gia đình và người thân đã 5 năm, 10 năm, có người 20 năm, 50 năm và cũng có người phải cách xa cả đời… Họ buồn, họ tủi thân vì họ bị lãng quên.

Đứng cùng các bệnh nhân chờ đón chúng tôi, Sơ Xuân chạy lại gần hơn, trông thấy làm lòng tôi ấm lạ. Sơ và bà con đưa chúng tôi vào hội trường. Tôi thấy nơi ấy ấm áp một tình gia đình. Các cụ ông cụ bà, anh chị, các em nhỏ đã có mặt đông đủ chờ đợi đoàn chúng tôi như là người con đi học xa quê. Đã lâu tôi không về quê nên tôi cảm thấy đây là nhà mình và ông bà bố mẹ anh em đang đón tôi về. Tôi thấy mình thật hạnh phúc được ngồi cạnh ông bà, được nói chuyện với mọi người, được bồng bế em cháu mình. Còn các con em của bệnh nhân vui mừng và hạnh phúc hơn vì được ngồi bên cha, được cha bế ẵm, hơn nữa được cha lì xì phát quà đầu xuân.

Tôi ngồi cạnh một cụ lớn tuổi, nói chuyện và hỏi thăm sức khỏe ông “Ông có lạnh không? Ông có đau lắm không?” Tôi thấy chân ông không đi tất và tay ông lạnh vì không có găng tay, làm sao được đây? Ông đã nhiều tuổi, chắc ông lạnh lắm. Tôi chẳng có gì, chỉ biết trao tặng cho ông đôi găng tay của mình và giúp ông đeo vào vì đôi bàn tay của ông không còn nguyên vẹn mà đã trở thành thương tật cong queo suốt đời. Ông ngỏ lời cám ơn tôi và hỏi tên tôi nhưng tôi thầm nghĩ: Con phải là người cám ơn ông mới phải vì ông đã chịu đau đớn phần của con để con được lành lặn. Nhiều thứ cảm xúc lẫn lộn xâm chiếm lòng tôi.

Trong cuộc gặp mặt chia sẻ, cha nói chuyện với các cụ đồng thời có một chút quà tết bằng bao lì xì màu đỏ và Cha chuyển giúp nhiều phần quà của bao người giáo dân Việt Nam thuộc vùng Bắc Đức nhưng lòng luôn hướng về Quả Cảm. Chị Linh đại diện cho những người bạn Đức tặng quà cho các cụ. Còn nhóm đệ tử Dòng Thánh Phaolô chúng tôi thì thể hiện chút “tài năng âm nhạc” của mình cho các cụ thưởng thức với những nhạc cụ dân tộc. Khi những ca từ của bài hát “Tình Gia Đình” vang lên ở cả hội trường với những cái nắm tay, những cái ôm đầy tình yêu thương, tôi thấy ánh mắt hạnh phúc của tất cả mọi người hiện diện, không phải vì chút vật chất bé nhỏ họ nhận được nhưng là tình yêu tình người đang làm ấm lên xua tan đi cái lạnh giá của những ngày rét tăng cường…

Niềm vui dâng tràn cho chúng tôi khi nghe nhiều cụ chia sẻ đây là lần đầu tiên được thấy tận mắt cây đàn bầu, đàn tranh, hạnh phúc chúng tôi nhận được thì vượt xa những cố gắng của chúng tôi… Các em nhỏ cũng hát tặng chúng tôi những làn điệu Quan Họ Bắc Ninh. Các em làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, nhưng tôi thì có quá nhiều điều kiện để phát triển hơn các em. Và tôi thương các em thật nhiều. Sau khi mọi người nói chuyện, phát biểu, chúng tôi phụ giúp chuyển quà đến tận gia đình các cụ, mỗi người 1 thùng mì tôm, 1 gói đường, 1 bánh mỳ và 1 bao lì xì cho Năm Mới.

Sau cuộc gặp gỡ các cụ tại hội trường, chúng tôi đã dâng Thánh Lễ Chúa nhật với cha Phaolô Tuấn tại nhà nguyện bé nhỏ trong trại phong cùng với các bệnh nhân Công Giáo. Thánh lễ Tạ ơn thật sốt sắng, trang nghiêm nhưng đầy ấm áp trong ngôi nguyện đường làm cho tiếng hát lễ của chúng tôi như được mọc thêm cánh bay cao lên trước thiên tòa vậy. Vâng, không lúc nào Chúa ngừng yêu thương chúng ta, cả khi mà bên ngoài tuy có vẻ bất hạnh nhưng niềm tin là động lực giúp con người ta sống an vui. Thánh Lễ kết thúc, chúng tôi có cơ hội chụp chung tấm hình với các cụ và thăm hỏi từng cụ một. Qua chia sẻ bộc phát ngoài nhà nguyện chúng tôi biết có cụ đã 62, 50, 38.. năm gắn bó với mảnh đất Quả Cảm này. Cha Tuấn nhắc nhở chúng tôi phải nhìn vào gương các cụ mà sống sao cho xứng đáng với nén bạc mà Thiên Chúa đang trao cho mọi người trong cuộc sống.

Đã đến giữa trưa, thời gian không cho phép nên chúng tôi phải chia tay các cụ để tiếp tục đi đến làng Hương La, ở đây có “Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật” của các Sơ thuộc tu hôi Hiệp Nhất Bắc Ninh. Trên xe cho đoạn đường này anh Hòa đã chuẩn bị xôi và giò, thế là cha, hai Sơ và đàn con tận tình thưởng thức bữa ăn trưa.

Đến trung tâm Hương La, chúng tôi được gặp gỡ và sinh hoạt với các em khuyết tật. Các em kém may mắn hơn chúng tôi, các em không thể đi được, thậm chí không thể ngồi dậy được, cuộc sống phải gắn liền với chiếc giường từ rất lâu rồi. Có em thì chẳng nhớ tên mình, quê quán hay cha mẹ mình là ai như trường hợp của em Hà. Hoặc có em bị cha mẹ vất bên vệ đường đi vì yếu đau, bệnh tật như trường hợp của Phúc giờ đây đã gần 20 tuổi mà chưa đếm được các con số trên đầu ngón tay.

Nhìn đến những người tật nguyền ở Hương La chúng tôi thấy: Họ chẳng có gì, họ chẳng có tự do, chẳng có cơ hội để lựa chọn ơn gọi của mình. Họ bị bố mẹ bỏ rơi, họ hàng anh em không biết đến sự tồn tại của họ, họ sống mà như đã chết, chỉ có một vài tấm lòng quảng đại đỡ nâng họ. Họ chẳng cần gì, họ chỉ cần tình thương và sự tôn trọng. Và nếu có ai một lúc nào đó nhớ đến họ thì có thể liên kết với họ trong lời cầu nguyện của mình.

Có nhiều hoàn cảnh trong nhà khuyết tật mà chúng tôi được chia sẻ, tôi thấy mình hạnh phúc vì có một gia đình yêu thương… Ngoài những tạ gạo, dầu ăn chúng tôi phát kẹo bánh cho các em, trò chuyện với các em và cùng các em hát một cách hạnh phúc như tình anh em trong một gia đình. Các em đã được các Sơ chăm sóc, nâng niu, người thì tật nguyền đã 39 năm, người 20, 10, 8… năm. Tôi cảm nhận tấm lòng các Sơ ở đây thật cao rộng. Hỏi cảm nhận, các Sơ chỉ cười, nói rằng thương các em thôi, chứ vất vả thì cũng có thấm vào đâu so với biết bao đau khổ các em đang phải chịu đựng trong thân xác dán chặt trên chiếc giường. Lúc này, trong tôi có một tâm tư riêng. Đây là lần thứ 2 tôi được đi thăm các em có nhu cầu đặc biệt. Năm 2008, tôi được đi thăm các em ở Phú Nhai - Bùi Chu. Lần đó, tôi cũng có một nguyện ước, một quyết tâm và hôm nay tôi đang thực hiện, đó là học về ngành Giáo dục Đặc biệt, hy vọng tôi có thể giúp các em một chút. Còn hôm nay tôi cũng có một quyết tâm là sẽ học tập thật tốt để tôi có thể can thiệp, giúp đỡ các em để các em có thể được hòa đồng, có thể được hưởng đầy đủ các quyền mà các em phải được phục vụ.

Cha Tuân cho biết Cộng Đoàn Wedel tại Bắc Đức vào dịp Giáng Sinh đã quyên góp được 1.030 Euro để giúp mua gạo và thực phẩm cho nhà khuyết tật Hương La. Ủy lạo các trại phong một chị ngoài công giáo có cửa hàng tại Bắc Ninh cũng góp vào 5 triệu đồng, một gia đình trẻ ở Hà Nội tặng cho chuyến xe buýt đi hôm nay, một cửa hàng tại Long Biên tặng thêm 600 bao lì xì 10 ngàn cho các trại phong ở Sóc Sơn và Văn Môn. Một gia đình ở Bắc Đức tặng 500 Euro để cho những bữa ăn 3 ngày tết thêm đậm đà trong trại phong.

Thời gian trôi đi thật nhanh, quá trưa chúng tôi lại phải chia tay các em để tiếp tục hành trình. Chúng tôi đi tiếp về Hưng Yên quê cha Tuấn để thăm lại mộ tổ tiên của cha. Tại đây, chúng tôi thăm viếng nghĩa trang và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho cụ cố của cha mới qua đời.

Chuyến đi thăm trại Phong Quả Cảm và Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Hương La đã để lại cho mỗi người chúng tôi những ấn tượng, những niềm vui, những cảm xúc và cả những thao thức và cả những quyết tâm, đồng thời cũng là lúc nhìn lại bản thân và thầm tiếc cho những ngày sống trì trệ của mình. Với ơn Chúa, chúng tôi ai cũng thầm vươn mình trở dậy. Chúng tôi cũng thấy hình ảnh Chúa Kitô thật rõ ràng qua nhiều bàn tay đóng góp kín đáo của giáo dân Việt Nam tại vùng Bắc Đức từ nhiều năm qua, những cưu mang đầy ắp tình thương và tình người của các Sơ và cha Phaolô Tuấn, những chia sẻ rộng lượng của các ân nhân tại Miền Bắc cho dù họ đang gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, và qua cả những người anh chị em bệnh tật mà chúng tôi đã gặp gỡ hôm nay.

Chiều tối trở về thủ đô Hà Nội thì phố xá đã lên đèn, dòng người vẫn tất tật vội vã như đan cửi, có lẽ sống trong vòng xoáy náo động này ít ai một lần để tâm nhớ đến những bệnh nhân đang côi cút chấp nhận số phận hẩm hiu cho chính mình. Chúng tôi thầm dâng lời nguyện: “Để con có trái tim của Chúa, trái tim đầy ắp yêu thương nồng nàn. Để con có đôi tay của Chúa, đôi tay trìu mến đỡ nâng dịu dàng…”
 
Lời chúc Tết: Mơ Xuân Công Lý
VietCatholic
09:38 03/02/2011
MƠ XUÂN CÔNG LÝ

Đường hoa xuân rực vàng
Nắng chiều xuân bâng khuâng
Bên vệ đường em bé
Áo tơi tả đón xuân

Lộng lẫy shop quà xuân
Người chen chúc chọn hàng
Món này vài chục triệu
Cũng chỉ món quà xoàng

Người áo gấm lụa là
Treo giò lan nở hoa
Mua bằng ngàn cân gạo
Em bé đói, xuýt xoa

Hoa nở dưới gầm cầu
Kết bằng những phong bao
Người trên xe ném xuống
Quà bên trong đã trao.

Đường chiều lỡ phóng nhanh
Nghe tiếng gọi vô thanh,
Quà con chưa mua được,
Phải trao tiền loanh quanh.

Chàng sinh viên xa nhà
Tết buồn đi ngắm hoa
Tiếng ca từ biệt thự
Vương mùi thơm đô la

Mùa Xuân mùa công bình
Nẩy lộc đón bình minh.
Mà sao như giun đất
Những phận người mong manh

Lạy Chúa, Chúa Mùa Xuân
Xin nâng kẻ cơ bần
Xin sửa đường nẻo Chúa
Cho công lý nên Xuân.

Sàigòn mùng 1 Tết Tân Mão
Gioan Lê Quang Vinh
 
DVD-1 Đaị lễ bế mạc Năm Thánh 2010: Đêm Diễn Nguyện
VietCatholic
11:49 03/02/2011
Giới thiệu DVD-1 Đaị lễ bế mạc Năm Thánh 2010: Đêm Diễn Nguyện
tại Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 diễn ra tại Trung Tâm Hành Hương Toàn quốc Việt Nam.
DVD do Trung tâm Hành Hương La Vang và VietCatholic thực hiện với sự cộng tác của Ct Truyền Thông Kỷ Nguyên Số, phát hành tại Hoa Kỳ.

Muốn order Bộ DVD 3 Năm Thánh 2010 cuốn này, xin vào Paypal hay Credit Cards (rất an toàn)để order Bộ DVD này (Xem phần dưới cuối bài có chỉ dẫn chi tiết cách order)




Đêm Diễn Nguyện tối ngày 5.1.2011 cho những người tham dự một kinh nghiệm sống động và làm sống lại niềm tin của mình qua âm thanh, mầu sắc, hình ảnh, điều múa, lời ca… trang sử oai hung bừng sống lại trong tâm hồn chúng ta, làm chúng ta trân trọng và yêu mến.

Đêm Diễn Nguyện thành công vì được sửa soạn kỷ lưỡng, trình bầy xúc tích và sự tham gia đông đảo của mọi thành phận dân Chúa, nhất là các tiết mục được kết cấu như nhiều nốt nhạc làm nên bài ca hòa tấu tuyệt vời.

Các đội trống, kèn, cồng chiêng, trắc… lần lượt trình tấu chào đón đoàn con đang về bên Mẹ.

Hoạt cảnh: “Một thoáng La Vang” (sự tích La Vang) do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô trình diễn cộng thêm 54 em thiếu nhi, tượng trưng 54 sắc tộc Việt Nam cầm đèn tiến vào Lễ đài tạo hình những khối đèn thờ.

Nhạc cảnh: “Lời Hứa của Thiên Chúa” thể hiện tâm tình trông đợi của nhân loại. Bài nhạc “Hãy vùng đứng”: 120 diễn viên tay cầm đèn, 400 người làm hạt nhân và 120 em trình diễn trên Lễ Đài.

“Thiên Chúa ở giữa con nguời” đưa ta về quá khứ 600 năm trước như lời Isaia báo trước: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu chúng ta, một người con đã được ban tặng cho ta”. Cung nghinh tượng Chúa Hài Đồng trên nhạc nền Silent Night: 42 Thiên Thần xuất hiện.

Đức Mẹ Maria ẵm Chúa Hài Đồng có 20 Thiên Thần nhỏ đi theo trong bài ca bài “Hang Be Lem”.

Hoạt cảnh: Tình ca của Mẹ: Trời đông Bêlem đêm hôm ấy thật lạnh, nhưng lòng người hửng hờ lại càng buốt giá hơn... Để có thể yêu thương con người, Thiên Chúa đã trở nên bé nhỏ. Nhưng càng trở nên bé nhỏ tình yêu của Ngài càng vĩ đại hơn.

Hát cộng đồng: Chúa đến: “Người ơi hãy lại người ơi, đến thờ con Chúa cho tôi vui mừng… (2 lần)”, cùng với Ba Vua, này chúng con đến”… Ba nhà đạo sĩ cỡi lạc đà xuất hiện, đoàn dâng lễ vật lên Chúa Hài Đồng (60 em nam)

Đoàn Cồng chiêng Tây nguyên... Đoàn cồng chiêng hùng hậu gồm 1200 anh em dân tộc Tây Nguyên tiến lên lễ đài trong tiếng rền vang cồng chiêng và cất lên lời ca “Alleluia”.

62 Thiên Thần trên lễ đài và các thiếu nhi chuyển lửa cho cộng đoàn. Cộng đồn ca vang với nến sáng khi kết thúc “Magnificat”

Nhạc cảnh: Con người đón nhận và sống Tin Mừng:

Cả biển ngươi cùng thắp nến lên và hát vang “Kinh Hoà Bình” của Thánh Phanxicô Khó Khăn. Muôn ánh nến sáng lung linh, muôn tâm tình sốt mến..

Cung nghinh và chầu Thánh Thể:

THIÊN CHÚA Ở VỚI CON NGƯỜI


Thánh Thể, ôi tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa; Thánh Thể, sức mạnh của việc loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa càng vĩ đại hơn khi Ngài càng trở nên nhỏ bé trong Tấm Bánh bé nhỏ để ở với con người mọi ngày cho đến tận thế.

Đoàn rước Cung nghinh Thánh Thể.
Cộng đoàn hành hương trên tay cầm nến sáng hướng về đoàn rước cung nghinh Thánh Thể.

-Lời nguyện phép lành
-Dâng mình thánh Chúa (chiêng trống)
-Đoàn lễ sinh và một linh mục ban phụng vụ đưa MTC vào Nhà Nguyện.

Kết: HỘI THÁNH VIỆT NAM CÙNG MẸ ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

Tin Mừng cần được chia sẻ, như Mẹ đã đi thăm Ysave, chúng con cũng cùng Mẹ ra khơi, loan báo Tin Mừng như lời Chúa đã dạy. Hát bài “Cùng Mẹ Ra Khơi”. Dang khi đó đoàn vũ 120 nữ tu trình diễn vũ khúc.

Nhiều đoàn hành hương tiếp tục tiến về Linh Đài cầu nguyện, lần chuỗi hát ca tôn vinh Mẹ. Các linh mục sốt sắng ban bí tích hòa giải. Nhiều người ngủ đêm dưới lều bạt, đất ẩm ướt, mưa rả rích và gió rét suốt đêm. Giấc ngủ vẫn bình yên nơi Đất Mẹ La Vang.

Mở ra cuộc Canh thức cầu nguyện suốt đêm Bên Mẹ La Vang.

Quà tặng Tết Tân Mão
Tết đến không gì ý nghĩa và qúi hóa hơn là tặng cho nhau món qùa tinh thần
Bộ DVD Bế Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam
& Đại Hội La Vang lần thứ 29

tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang
từ ngày 4 đến 6 tháng Giêng năm 2011


TRỌN BỘ DVD BẾ MẠC NĂM THÁNH GIÁO HỘI VIỆT NAM, gồm:

DVD -1: Đại Hội La Vang lần 29 & Đêm Diễn Nguyện tôn vinh Mẹ La Vang
DVD - 2: Chào mừng, Giới thiệu 26 Giáo phận VN và Đại lễ Bế Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam
CD Nhạc chủ đề “Cùng Mẹ Ra Khơi” cho Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh, gồm 13 bài thánh ca

• Những ai muốn ủng hộ thêm cho Trung Tâm La Vang, đóng góp từ $50.00 trở lên sẽ được tặng miễn phí trọn bộ DVD Đại Hội, tên quý vị sẽ được ghi vào Danh sách Ân Nhân đăng trên trang Web của VietCatholic, và trọn số tiền của quý vị ân nhân sẽ được gửi về cho Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang.


Order từ Hoa Kỳ và Canada, xin gửi $US29.00 để Order Bộ DVD này
và gửi về cho: VietCatholic P.O. Box 735, Avalon, CA. 90704, USA
(Xin lưu ý: Order bây giờ và Bộ DVD và CD sẽ tới tay qúi vị trong vòng chừng 2 tới 3 tuần lễ)

Xin vào Paypal hay Credit Cards (rất an toàn)để order Bộ DVD Năm Thánh với VietCatholic như sau:

Sau khi nhấn vào nút Donate qúi vị sẽ thấy một giao diện khác cũng có chữ Donate. Xin nhấn vào đó một lần nữa, và giao diện như dưới đây hiện ra để điền vào những chi tiết cần thiết:
Xin qúi vị điền vào Box Item price = 29 (Nếu muốn là Ân nhân = 50 hay Số lớn hơn)

Trong Box Quantity, không cần thay đổi gì cả, cứ để nguyên =1
Sau đó sang phía bên phải, vui lòng điền vào ô trống Paypal email account và password của qúi vị. Nhấn nút Log in. Rồi theo chỉ dẫn tiếp...

Một bộ DVD thật giá trị do Tổng Giáo Phận Huế, Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang, VietCatholic và Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo phát hành.

• Với sự cộng tác của Công ty Truyền Thông Kỷ Nguyên Số từ Sài Gòn ra La Vang thực hiện, VietCatholic Network cộng tác, sản xuất và phát hành tại Hoa Kỳ và hải ngoại.

• Phần kỹ thuật tân kỳ, hình ảnh sắc nét và đẹp, nhìn được từ mọi góc độ do 5 máy quay, âm thanh tuyệt hảo, biên tập vắn gọn, ý nghĩa… làm nổi bật những nét chính của Đại lễ Bế Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam và Đại Hội La Vang lần thứ 29.

Order trọn bộ gồm 2 DVD và 1 CD Nhạc chủ đề La Vang = US$29.00
(bao gồm tiền cước phí bưu điện, thuế, chi phí điều hành và các phí tổn khác)

Đây là giá thật đặc biệt nhằm giúp anh chị em giáo dân Việt Nam hải ngoại có cơ hội cảm nghiệm được tinh thần yêu mến Mẹ La Vang và nhìn thấy tận mắt các chứng nhân đức tin tại quê nhà, hơn nửa triệu anh chị em hành hương về linh địa La Vang dù phải vượt qua nhiều thử thách để đến được với Mẹ.
 
Tết Việt Nam trong lòng người Mỹ
Peter Ca Nguyễn
20:55 03/02/2011
INDIANA - Trường Chủng Viện Thánh Meinrad được thành lập bởi các Cha Dòng Biển Đức, nằm trọn trên một ngọn đồi với tổng diễn tích 200.000 ha, thuộc miền Trung Tây- Indiana, Hoa Kỳ. Là một Trường Chủng Viện có bề dày về lịch sử. Chính nơi đây đã đào tạo ra biết bao là linh mục và Giám Mục. Hiện nay trường có khoảng 160 Chủng Sinh thuộc nhiều Quốc gia, nhiều Giáo Phận về đây học tập.

Xem hình ảnh - View photos

Được biết đây là lần đầu tiên trường có con số Chủng Sinh- Linh mục người Việt đông nhất. Hiện nay con số người Việt là 11 anh em, trong đó có hai Linh Mục thuộc Giáo Phận Quy Nhơn, một Linh Mục thuộc Giáo Phận Phan Thiết, các Ngài đang theo học chương trình Thạc Sỹ. Ngoài ra còn có một Linh Mục gốc Việt, quốc tịch Mỹ với tuổi đời mới chỉ ngoài 35, nhưng hiện Ngài là giáo sư Tiến Sỹ Thần học. Số Chủng sinh gồm có 07, Tổng Giáo Phận Hà Nội có hai, Giáo Phận Vinh có ba, hai Chủng Sinh còn lại là người Việt Quốc tịch Mỹ.

Cùng với hai chủng Sinh Korea, đây là năm đầu tiên Chủng Sinh và Linh Mục người Việt đứng ra tổ chức Thánh Lễ tết trên đất nước Hợp Chủng Quốc tại Đại Chủng Viện Thánh Meinrad. Đồng tế cùng quý Cha người Việt còn có đông đủ Ban Giám Đốc và quý Cha giáo sư Chủng Viện. Lời Ca nhập lễ mang đậm hương sắc Việt nam với Ca khúc “ Mừng Xuân Mới ” làm mới hoàn toàn khung cảnh ngôi Thánh Đường Chủng Viện từ trước tới nay. Hấp dẫn hơn, trang nghiêm hơn, nhưng cũng pha chút hài hước trong phần chia sẻ lời Chúa của Linh Mục Giuse Dương Minh, thuộc Giáo Phận Quy Nhơn. Ngài đã làm toát lên một nét văn hóa dân tộc đất Việt với những gợi ý về 12 con giáp, những tép lỳ xỳ lấy hên...., làm toàn cảnh nhà thờ phá lên tiếng cười thích thú vui nhộn. Nào có ai ngờ được rằng, dù mới chỉ chưa đầy 02 năm du học, hai linh mục thuộc giáo phận Quy Nhơn đã có một vốn tiếng anh khấm khá như vậy.

Thánh lễ kết thúc với những cái gật đầu đầy thiện cảm và sự nể phục của Quý Cha, quý Chủng Sinh đối với anh em người Việt, khi lần đầu tiên sống trong bầu không khí tết xa quê, phần nào làm vơi đi sự nhớ nhà, nhớ hương vị tết cổ truyền, nhớ cảnh sớm hôm có bạn bè, Cha Mẹ và người thân.

Một mối dây làm tăng thêm nét đặc thù của hương vị ngày tết, đó chính là “ bữa cơm tết người Việt”. Nói là bữa cơm tết Việt quả không sai, bởi vì chẳng mấy khi chính nơi đây lại có: “Áo dài khăn đóng thướt tha, Cơm chiên tôm thịt, chả dò gói cuốn, gà ta tao hành, thịt bò nướng tiêu, bánh chưng lá chuối, bánh tét lá dong”. Có được những món ăn đặc thù như vậy một phần nhờ vào sự trợ giúp của giáo dân xứ đạo Thánh John Vianey cùng Cha xứ Ngô Đình Chính. Các vị đã không ngừng sát cánh cùng anh em Chủng Sinh dầu cho giáo xứ không nằm trong địa bàn của nhà trường. Chính những bàn tay của quý ân nhân ấy lại một lần nữa gửi đến cùng quý đồng môn một thông điệp “ Dù anh em chúng tôi giờ đây không có người thân, anh em, họ hàng bên cạnh, nhưng chúng tôi có cả một bầu trời đất việt, bao trọn những tâm tình mến yêu trong ngày tết cổ truyền.

Một vài trò chơi tao nhã, một chút quà lỳ xỳ lấy hên trên cành hoa mai trong bữa cơm Việt đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người, ra về mà nỗi lòng còn vương vấn. “ Phải chăng đây là tết Việt hay tết Ta”!

Viết xong trước giao thừa 10h Việt Nam tại Indiana- Hoa Kỳ.
 
Đan viện Xitô Châu Sơn Nho quan thăm viếng và giúp đỡ những người khó khăn
Giuse Trần Ngọc Huấn
22:13 03/02/2011
CHÂU SƠN – Trong không khí của những ngày cuối năm Âm lịch Canh Dần, chuẩn bị chào đón mùa xuân và Năm mới Tân Mão 2011, Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan đã đến thăm, động viên và chia sẻ với những gia đình sống trong những làng, xã xung quanh Đan viện, nhất là đến với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Xem hình ảnh

Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn là một dòng tu chiêm niệm. Đời sống tu trì của các Đan sĩ theo linh đạo “Cầu nguyện và Lao động”. Thật vậy, cầu nguyện và chiêm niệm là một hoạt động liên lỉ đối với mỗi Đan sĩ trong Đan viện này, cũng như những Đan viện theo tu luật Biển Đức. Mỗi ngày bảy giờ kinh được cử hành, cùng với thánh lễ, khiến cho bầu khí của Đan viện trở nên thật thiêng thánh, trầm lắng và thanh cao. Cùng với đời sống cầu nguyện, lao động cũng trở nên một phần trong ngày sống của các Đan sĩ. Sau những giờ phút sống thân tình bên Chúa, trong cầu nguyện và chiêm niệm, các Đan sĩ lại bắt tay vào công việc lao động. Chăm sóc vườn tược, ruộng vườn, gia súc,…hầu hết đều do chính các thầy thực hiện.

Những ngày giáp Tết, khi mọi người lo quây quần bên gia đình, cùng trang trí nhà cửa, mua sắm để đón Tết, các Đan sĩ đã chuẩn bị những món quà nhỏ để đến thăm viếng và chia sẻ với những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt niềm tin Tôn giáo. Đời sống đan tu vốn nghèo khó và đơn sơ đạm bạc, nhưng các Đan sĩ đã quảng đại chia sẻ hầu như tất cả những gì mình có, tất cả những gì mình vất vả lao động để đem đến niềm vui cho những anh chị em xung quanh mình.

Được biết, Bề trên Đan viện và Đức Tổng Giám mục Giuse cùng với các vị ân nhân và các Đan sĩ, đã chuẩn bị hàng trăm chiếc bánh chưng, gạo nếp và thịt heo, chia thành các phần quà để chia sẻ cho mọi người. Những món quà vật chất tuy có thể không lớn, nhưng gói ghém biết bao tâm tình, sự sẻ chia, tình liên đới và yêu thương mà Đan viện chia sẻ cho mọi người.

Các thầy đều bày tỏ niềm vui mừng khi đến gặp gỡ, chia sẻ với bà con nhân dịp chuẩn bị đón xuân mới. Xung quanh Đan viện, đời sống của mọi người đa phần còn nghèo. Quanh năm miệt mài với công việc lao động, nhưng mỗi khi nhà Dòng có các công việc, mọi người đều sẵn sàng cộng tác. Đến với mọi người, các Đan sĩ thể hiện sự quan tâm và tình liên đới. Không chỉ thu hẹp trong bầu khí cầu nguyện hay lao động trong nội vị Đan viện, nhưng giờ đây, các Đan sĩ đã đến với mọi người, chia sẻ và trao tặng cho nhau những tình cảm thật đẹp. Không chỉ trao chia những quà tặng vật chất, nhưng còn chia sẻ cả tấm lòng và tình thương yêu.Tất cả làm nên nét đẹp của ngày Tết, nét đẹp tình gặp gỡ, hòa thành nét đẹp Tin Mừng thật đáng trân trọng./.
 
Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt cử hành Thánh lễ Giao Thừa tại Châu Sơn
Giuse Trần Ngọc Huấn
22:16 03/02/2011
CHÂU SƠN – Vào lúc 22h00 đêm ngày 02 tháng 02 năm 2011, tức đêm 30 Tết Tân Mão, tại nguyện đường của Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn (Nho Quan, Ninh Bình), Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự Thánh lễ Giao Thừa, cầu bình an cho Năm mới. Cùng đồng tế với ngài có Cha Đaminh Savio – Bề trên Đan viện – và quý Cha. Tất cả các đan sĩ cùng hàng trăm anh chị em giáo dân đã tham dự thánh lễ này.

Xem hình ảnh

Giao thừa đối với truyền thống văn hóa dân tộc Đông phương là một giờ khắc linh thiêng và quan trọng. Mọi người quy tụ bên nhau trong mái ấm gia đình, để duyệt xét về một năm đã qua, với những niềm vui, nỗi buồn, với những thành công, thất bại, để rồi cầu chúc cho nhau những sự may lành và niềm bình an trong một năm sắp tới.

Đối với người Công giáo, trong khi hòa mình vào truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, mỗi người lại mang thêm vào đó những nét đẹp Tin Mừng, những niềm vui thánh thiện và lời cầu chúc tin yêu. Trong đêm Giao thừa, mọi người thay vì chỉ quy tụ trong gia đình mình thì lại quy tụ bên nhau trong những ngôi nhà thờ ấm cúng, để cùng nhau vui đón năm mới trong Gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa là Chủ mùa Xuân. Mọi người hiệp ý với nhau dâng lên tâm tình cảm tạ Thiên Chúa về một năm đã qua trong sự quan phòng của Người, và cầu xin cho một năm mới đầy hồng ân. Những lời kinh nguyện, những bài thánh ca, những lời cầu chúc,… làm nên những giờ phút linh thiêng và đầy tình yêu thương.

Bước vào thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse vui mừng chào thăm tất cả mọi người hiện diện nơi đây, trong đại gia đình Thiên Chúa, để cùng tham dự Thánh lễ Giao thừa. Ngài nhấn mạnh đến sự gặp gỡ nhau trong Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ơn lành và hồng phúc. Từ nơi Thiên Chúa, mọi người gặp gỡ và chia sẻ ơn phúc cho nhau, trong tình liên đới và hiệp thông huynh đệ.

Trong bài GIảng lễ, khởi đi từ những mối Phúc được Chúa Giêsu long trọng công bố trong Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Tổng Giám mục Giuse chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ về những tâm tình phải có của người môn đệ Chúa trước thềm năm mới. Trong những giờ khắc cuối cùng của năm cũ, trước những giây phút đầu tiên của năm mới sắp tới, mọi người cùng hướng về quá khứ với những duyệt xét về thành công hay thất bại, về niềm vui hay nỗi buồn, nhưng cũng hoài vọng về tương lai để cầu mong những điều may mắn nhất đến với mình. Đó không chỉ là một thái độ tâm lý thông thường, nhưng còn làm nên một thái độ thiêng liêng đúng đắn. Hướng về năm cũ, Đức Tổng Giám mục Giuse chia sẻ về ba tâm tình phải có: Tâm tình Tạ Ơn, tâm tình Sám Hối và tâm tình Cầu Nguyện.

Để lãnh nhận phúc lành của Thiên Chúa trong năm mới, chúng ta phải sống thái độ khiêm nhường. Đó là sự khiêm nhường của một thụ tạo trước Đấng Tạo Hóa. Đó là thái độ khiêm nhường của một người Con với Cha của mình. Xuyên qua tám mối Phúc, chúng ta hiểu rằng, chúng ta không thể có hạnh phúc trọn vẹn nếu ở ngoài Thiên Chúa. Đừng tưởng có sức mạnh chiếm đoạt, bóc lột người khác là có hạnh phúc. Đừng tưởng cứ vui cười hưởng thụ thỏa thích là có hạnh phúc. Đừng tưởng ta có thể chiếm đoạt được hạnh phúc làm vốn riêng của mình. Chúng ta chỉ có thể có hạnh phúc đích thực từ chính Thiên Chúa mà thôi.

Thiên Chúa yêu thương và ban phúc lành cho những tâm hồn sống đơn sơ khiêm hạ, sống chân thành yêu thương và tin yêu phó thác. Biết mình chẳng là gì. Biết mình chẳng có gì. Phải cậy dựa vào sức mạnh và ơn của Chúa.

Đức Tổng Giám mục Giuse kết thúc bài giảng của mình bằng những lời cầu chúc bình an, yêu thương đến tất cả mọi người hiện diện nhân dịp chuẩn bị bước sang một Năm Mới.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đan sĩ linh mục Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào, Viện trưởng Đan viện Châu Sơn, đã gửi lời chúc Năm Mới tới Đức Tổng Giám mục Giuse, cha Cố, quý Cha, quý Thầy và mọi người hiện diện trong Thánh đường của Đan viện. Sau đó, mọi người cùng tiến lên trước thềm Cung thánh để nhận Lộc Thánh Đầu Xuân, đó là những câu Kinh Thánh để trở nên chỉ nam cho đời sống trong suốt một năm mới này.

Thánh lễ kết thúc với phép lành trọng thể nhân dịp Năm Mới của Đức Tổng Giám mục Giuse chủ sự. Sau đó, mọi người gặp gỡ, chia sẻ và trao cho nhau những lời cầu chúc tốt lành, những cái bắt tay thân thiện và những tình nghĩa trong ngày đầu năm mới.
 
Văn Hóa
Chúc Xuân
Nguyễn thanh Trúc
01:16 03/02/2011
Mùa xuân đến sợi nắng vàng lóng lánh
Lá trên cành đỏng đảnh giọt sương mai
Nhẹ êm êm tiếng chim hót bên tai
Lòng tôi cảm, ơn Trời tôi gặt hái

Tình tôi đó những lời thương vô cớ
Xin gởi trao trong ý đẹp câu thơ
Đến với người lời ngàn lời chúc mộng mơ
Mùa xuân ấm tim người không hoảng sợ

Sáng mùa xuân hương trời thơm đẹp quá
Sóng cỏ xanh tươi gợn đến muôn nơi
Chúa xuân thương tặng tuổi cho con người
Thêm thú vị trên đường trần sỏi đá

Mùa xuân đến ửng hồng lên đôi má
Áo mới em tung tăng trưóc sân nhà
Dáng em đi bước nhẹ rất kiêu sa
Thầm mong ước đời xanh như màu lá

Nắng xuân trải ân tình trên khắp lối
Ý xuân vui nao nức giục lòng tôi
Mưa xuân về nhẹ hôn lên bờ tóc
Tôi mơ màng say đắm bờ mắt môi

Thôi trả mùa đông theo khói bay
Đón xuân về đến lòng hoang say
Tiễn đi sương gió lạnh vai gầy
Ấm nắng xuân vàng tim ngất ngây

Bướm bay lơ lững ghẹo trời mây
Muôn người cung chúc lời thơ hay
Rượu mừng năm mới men say đắm
Lời chúc đầu xuân tiếng hỏi thăm

Cảm tạ Thiên Chúa tình siêu việt
Đã ban xuân vui đến cho đời
Lòng tôi ước được mùa xuân vĩnh cữu
Với tình Ngài tôi đắm đến thiên thu

Tân Mão 2011
 
Năm Tân Mão: Chuyện phiếm về Mèo
Đốc Gàn Trần An Bài
15:56 03/02/2011
CHUYỆN PHIẾM VỀ MÈO

- Hello!

- Xin lỗi, ai ở đầu dây đấy ạ?

- Thưa Cụ Đốc, con là Ba Rọi, chủ báo "Mèo Chuột" đây.

- Ô, xin chào ngài chủ báo. Thưa, chẳng hay ngài chủ báo có điều chi muốn dạy bảo lão đây?

- Dạ, không dám, Cụ Đốc. Cụ là thẩm phán. Năm nay năm con Mèo. Xin cụ "phán" cho một "án lệnh" để loan truyền trên báo nhà.

- Ô hay, ngài có lộn không nhỉ! Ở xứ Mỹ này, thẩm phán lười như hủi, có viết án bao giờ đâu. Luật sư toàn viết sẵn án cho thẩm phán ký đấy chứ?

- Cụ Đốc ơi, báo mình người viết cũng mùi nước mắm, người đọc cũng mùi mắm tôm, nên cụ phải theo luật An Nam chứ! Theo luật nhà mình: Luật sư nói. Thẩm phán viết. Thẩm phán đập búa lên bàn. Còn luật sư gõ vào hầu bao thân chủ.

- Xem ra ngài cũng am tường luật pháp dữ ha? Thế ngài muốn lão viết về cái gì đây?

- Tùy cụ Đốc. Viết gì cũng được, miễn là phải có chút mèo mỡ gì đó, cho nó thích hợp với năm Tân Mão.

***

Đốc Gàn lấy chiếc ống nhổ, nhả miếng bã trầu đỏ lòm vào. Rồi chậm rãi rít một hơi thuốc lào. Khói bay mù mịt căn phòng. Lão trải mảnh giấy bồi, vàng khè lên chiếc sập gụ và lấy bút lông chấm mực viết.

Từ ngày mất nước đến nay, mỗi độ Xuân về là Đốc nhớ đến Pháp Đình Saigon không thể tả được. Pháp Đình nằm trên đường Công Lý, sơn màu vàng, các cửa màu xanh biển và những đường viền màu trắng. Mỗi buổi sáng, dân chúng tấp nập vào Pháp Đình cầu viện công lý. Các luật sư tay xách cặp Samsonite và xúng xính trong bộ áo đen cổ trắng đi qua đi lại nhộn nhịp hành lang toà án... Nhớ ơi là nhớ! Thương chết đi được!

Đốc giơ bàn tay lên bấm số tử vi. Miệng lẩm bẩm, mắt mơ màng:

- Năm Quý Mão, 1963, Hoa Kỳ chủ động cuộc lật đổ hai anh em TT. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Dương Văn Minh cầm đầu nhóm tướng lãnh đảo chánh. Đúng một giáp sau, năm Ất Mão, 1975, Hoa Kỳ rút quân, cũng lại Dương Văn Minh ló đầu trên chính trường vào giờ thứ 25 và ra lệnh đầu hàng quân xâm lăng Bắc Việt. Thế là chế độ VNCH bị khai tử. Cộng Sản Bắc Việt nhuộm đỏ toàn thể Việt Nam. Pháp Đình Saigon từ đó trở thành công cụ cho một chế độ Luật Rừng.

Bỗng Đốc thở dài, tay chân run rẩy, hai dòng lệ chảy dài trên chiếc má hóp bọc da đồi mồi:

- Dòng dã 3 chu kỳ qua đi, Cộng Sản Đông Âu chết đã xanh cỏ, mà sao Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vẫn còn quậy cựa, dâng đất dâng biển cho quan thày Trung Cộng, vẫn còn hành hạ các nhà yêu nước đòi tự do, đa nguyên, đa đảng cho dân, vẫn còn thẳng tay đàn áp các tôn giáo, ức chế giáo dân? Lạ thật?

Cộng Sản đã cai trị thế giới bằng sắt máu và đã giết hại cả 100 triệu người trên thế giới, trong đó, có 65 triệu nạn nhân chết ở Trung Hoa lục địa. Riêng tại Việt Nam gần 2 triệu đồng bào đã chết do chính sách cai trị dã man của Hồ Chí Minh và đồng bọn.

Nói đến Mèo, người ta nhớ ngay đến câu nói để đời của Đặng Tiểu Bình: "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột". Câu nói này cùng với sự phục hồi uy tín và quyền hành của Đặng Tiểu Bình đã trở nên một chủ thuyết nhằm cải tiến đời sống xã hội, kinh tế và ngoại giao của Trung Cộng. Thực vậy, với nguyên tắc "Mèo trắng mèo đen", Trung Cộng đã khai tử mọi chính sách và đường lối nặng về "hệ tư tưởng" (ideology), để cổ võ cho đường lối "thực dụng" (pragmatism). Khi đưa ra nguyên tắc này, họ Đặng muốn bắt tay cả với "Tư Bản Đế Quốc Mỹ", miễn sao có lợi cho Trung Quốc là được. Không thể phủ nhận rằng triết lý của họ Đặng có giá trị thực dụng, nhưng rất nguy hiểm xét về khía cạnh đạo đức, vì nó vi phạm nguyên tắc phương tiện không thể biện minh cho cứu cánh. Và nếu lão dạy cho giống mèo bỏ thói quen bắt chuột thì lập luận của họ Đặng trở nên hụt hẫng, vì Mèo không còn bắt chuột nữa. Mèo trở nên vô dụng đối với họ Đặng.

Dù sao, nguyên tắc "Mèo trắng mèo đen" của Đặng Tiểu Bình đã tạo sinh khí cho Trung Cộng, biến nước này thành một con Cọp hùng mạnh, có thể ăn tươi nuốt sống các nước nhỏ miền Thái Bình Dương. Cộng Sản VN lúc nào cũng theo gót đàn anh Trung Cộng. Khi họ Mao chê họ Đặng thì VN cũng chê nguyên tắc Mèo, nhưng đến khi họ Đặng được phục chức thì VN lại khen rối khen rít triết lý Mèo. Cho đến tháng 12 năm 1978, khi họ Đặng nổi nóng tuyên bố: "Việt Nam là côn đồ. Phải dạy cho VN một bài học" và rồi ông xua quân đánh VN. Lúc đó VN mới sáng mắt ra. Bọn Tàu khốn nạn thực!

Mèo Và Cọp

Tới đây thì tên đệ tử của Đốc Gàn bước vào. Hắn thấy thày mình đang cúi khòm xuống vẽ mèo vẽ chuột, nên góp ý:

- Bẩm cụ Đốc, con vợ của con càng ngày càng dữ như Cọp. Chắc con phải đi kiếm một con Mèo mướp để thay thế con Cọp nhà con.

Đốc Gàn trợn trừng mắt:

- A, thằng này, mày ngon thật hả con?

- Dạ, sức chịu đựng của con người có hạn mà cụ Đốc.

- Bay vừa nói bay đi tìm một con Mèo, tức là con bồ nhí đấy, phải không? Thế bay có biết tại sao người ta lại gọi tình nhân của những đàn ông đã có vợ là "Mèo" không?

- Dạ, không! Thấy người ta nói sao, con bắt chước vậy.

Đốc giải thích:

- Con mèo nó thích được người vuốt ve và chính nó cũng thích mơn trớn, lăn vào lòng chủ, uốn qua uốn lại, nhõng nhẹo rất tình tứ. Mèo lại còn có tính e thẹn, xấu hổ. Làm gì cũng muốn kín đáo, lén lút. Thậm chí cả cái chuyện đi tiêu xong cũng phải bới đất che đi. Mèo còn dị ứng với màu trắng, màu trong sạch. Những chỗ nào mèo hay đến phóng uế thì thuốc gì rảy vào mèo cũng không sợ, chỉ có cách đổ nước vào một chiếc bình plastic màu trắng để vào chỗ đó là mèo không đến ị bậy nữa. Phong cách những cô nhân tình lén lút với những chàng trai có vợ y hệt như dáng dấp của con Mèo. Từ đó mới có cảnh các bà vợ chổng mông lên trời mà than rằng: "Trời ơi! Chồng tôi có Mèo rồi!"

- Dạ, bây giờ thì con đã hiểu!

- Thế bay có biết Mèo và Cọp khác nhau ở chỗ nào không?

Tên đệ tử xoa hai bàn tay với nhau, cười khoái chí:

- Dạ, biết, biết. Cái này là nghề của con mà!

Cọp luôn luôn gắt gỏng, cằn nhằn, gầm gừ, nhưng Mèo thì dịu dàng, âu yếm, nựng chiều.

Cọp thường muốn mình là Chúa Sơn Lâm. Còn Mèo thì vâng lời, nhu mì, coi người tình là chủ đời mình.

Cọp thì đầu bù tóc rối. Mèo lúc nào cũng miệt mà, óng ả, thơm như múi mít.

Cọp luôn mở ví, xiết tiền lương của chồng. Còn Mèo thì chẳng cần chi, cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không cho cũng chẳng sao, vì đời em có anh là có tất cả. Tình chưa!

Tên đệ tử như được gãi đúng chỗ ngứa. Nói xùi bọt mép. Nói thao thao bất tận:

- Cụ Đốc ơi, Năm nay nhất định con sẽ ly dị con Cọp cái nhà con, để lấy con Mèo Mới. Tân Mão mà lị!

Đốc Gàn nghiêm nét mặt, cầm chiếc xe điếu chỉ vào mặt tên đệ tử:

- Lão nói cho bay biết: Mỗi lần ly dị là một lần cháy nhà đó nghe con. Ngày xưa ở Việt Nam, tòa lão xử ly hôn, nên lão rành mấy câu Vọng Cổ này lắm. Xứ Mỹ này đàn bà là "năm bơ oăn", nên số phận mấy ông chồng ly dị còn đen như mõm chó ấy. Đừng tưởng ly dị là ngon đâu! Sạt nghiệp đấy con ạ. Từ Mèo biến thành Cọp không xa đâu con ơi, vì chúng cùng một dòng họ mà! Mèo hay Cọp, miễn sao cho mày ôm là tốt rồi. Đêm khuya, tắt lửa tối đèn, nhà tranh cũng như nhà ngói. Ôm Cọp hay ôm Mèo cũng giống nhau cả. Bay đừng quên rằng Mèo nó cũng có móng sắc, có thể cào nát mặt mày. Xong nó trèo tuốt lên ngọn cây cau cười tình. Làm sao mày bắt được nó? Có những ông chồng chán vợ, tưởng rằng đổi vợ là xong. Đó không phải là giải pháp hay. Bao lâu chính mình không thay đổi, lại đi đổi vợ thì cũng như tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Đàn bà, ai cũng vậy, bay ơi! Vì vậy, cái hay của đàn ông là làm sao biến con Cọp trong nhà thành con Cọp giấy. Thế là xong!
 
Muối và ánh sáng
Mic. Cao Danh Viện
19:41 03/02/2011
Từ khi con được tái sinh
Làm con cái Chúa, quang minh là người
Xuôi dòng con giữa trùng khơi
Con là hạt muối mặn môi cho đời

Dòng đời như sóng nỗi trôi
Muối luôn là muối của Lời Thần Linh
Mang theo vị mặn chân tình
Mang yêu thương của thiên đình chia san

Con là ánh sáng trần gian
Lung linh chiếu giãi xua tan đêm trường
Thắp lên ngọn lửa yêu thương
Sáng soi thế giới muôn phương một nhà

Nhân sinh ánh sáng chan hòa
Muôn người tin nhận một Cha trên trời
Chung tay xây đắp cuộc đời
Hòa bình bác ái rạng ngời danh Cha

Chúa ơi! con chẳng tài ba!
Thân con giòn mỏng! khiêm hòa khấn xin
Tiêu hao hạt muối đời mình
Để nên ánh sáng lung linh cho người
 
Mồng Hai Tết: Nén hương lòng
Mic. Cao Danh Viện
19:42 03/02/2011
Mong manh như khói lên trời
Run run nỗi nhớ chạm người thiên niên
Hồn sa vào cõi vô biên
Tìm trong thiên cổ dịu hiền dáng xưa

Cha ơi! Nơi ấy xuân chưa?
Mẹ ơi! Khói mỏng có vừa đến nơi?
Mồng hai, tết có lên trời?
Cho con kính gởi vạn lời tri ân

Mồng hai tết! Nghĩa trang Xuân!
Bay cao những nén hương lòng trần gian.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bình An
Trần Cao Tường, Lm
10:19 03/02/2011
BÌNH AN –-PEACE

Ảnh của Trần Cao Tường, Lm

Thầy để lại bình an cho anh em,

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”

(Gioan 20:21)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tình Yêu - Love
Trần Cao Tường, Lm
22:10 03/02/2011
TÌNH YÊU – LOVE

Ảnh của Trần Cao Tường, Lm

“Các con hãy yêu thương nhau,

Như Thầy đã yêu thương các con.”

(Gioan 15:12)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News