Ngày 03-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:13 03/02/2020

12. Nếu bề trên muốn người dưới nghe lời mình, phương pháp hay nhất là hiền lành khi ra mệnh lệnh.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:34 03/02/2020
33. NGUYỄN TỊCH CƯỜI HỌ LƯU

Hoàng Nhung đến nhà Nguyễn Tịch, Lưu Công Vinh cũng đã ngồi tại đó.

Nguyễn Tịch nói với Hoàng Nhung:

- ”Tôi có hai đấu rượu ngon, cùng uống với quan, như vậy thì Lưu Công Vinh không có phần”.

Hai người anh uống một ly tôi uống một ly vui vẻ đến quên cơn say của đời.

Lưu Công Vinh một giọt cũng không được uống, nhưng ngôn ngữ dí dõm pha trò của ông cũng như là cùng dự tiệc.

Có người hỏi tại sao không mời Lưu Công Vinh uống?

Nguyễn Tịch trả lời:

- “Đó là Công Vinh tự mình cười mình mà thôi, vì ông ta thường nói: “So với tôi thì Công Vinh cao quý hơn, không thể không mời ông ta uống rượu; không như tôi vì Công Vinh cao quý, nên cũng không thể không mời ông ta uống rượu.” Như thế loại trừ chuyện ấy ra, thì đương nhiên chỉ có thể là không mời Công Vinh uống rựơu mà thôi”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 33:

Lý luận chỉ là lý luận nó không ăn nhằm gì với chuyện bạn bè lịch sự mời nhau ly rượu, nhưng chỉ vì để “chơi khăm” bạn bè nên mới lý luận như thế mà thôi.

Người chơi khăm thì lấy làm đắc chí khi luận về lý do không mời bạn bè uống rượu, nhưng người có tâm hồn quảng đại thì dù không được mời uống rượu, thì cũng vẫn nở nụ cười tươi biết pha trò để khỏi mất mặt bạn bè.

Trong cuộc sống thường ngày người Ki-tô hữu cũng có lúc mời bạn bè ăn uống nhậu nhẹt, và cũng có lúc được bạn bè mời ăn uống, đó chính là những tương quan giữa bạn bè bà con thân hữu với nhau, nhưng điều quan trọng hơn chính là khi mời bạn bè chúng ta đừng lý luận tại sao phải mời người này mà không mời người nọ, tại sao chúng ta phải tiếp người này mà không tiếp người khác, bởi vì như thế thì không còn là tinh thần Phúc Âm nữa, nhưng mời nhau chỉ là vì lợi ích của cá nhân mà thôi.

Không một ai khi có hai ba người bạn đến nhà mà chỉ mời một người uống rượu còn người kia thì không, cũng vậy, không một người Ki-tô hữu chân chính nào “phân biệt đối xử” với người anh em của mình khi họ đến thăm chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cử chỉ cao thượng của ĐGH và Quan phát chẩn trước dịch Corona bất kể những bách hại tại Trung Quốc
Đặng Tự Do
13:39 03/02/2020


ĐTC tặng 600,000 khẩu trang y tế cho Trung Quốc giữa lúc có tin giá khẩu trang tăng phi mã tại Á Châu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng 600,000 khẩu trang y tế cho thành phố Vũ Hán (Wuhan - 武汉) và 2 thành phố khác của Trung Quốc để chống lại dịch coronavirus đang lan rộng ở nước này. Kể từ ngày 27 tháng Giêng, bốn lô khẩu trang y tế đã được nhà thuốc Vatican và cộng đồng Công Giáo người Hoa ở Ý lùng mua trên thị trường. China Southern Airlines đã chịu trách nhiệm vận chuyển miễn phí những lô hàng này đến Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei - 湖北), là tâm chấn của dịch bệnh, cũng như đến Chiết Giang (Zhejiang - 浙江) và Phúc Kiến (Fujian - 福建).

Diễn biến này đã xảy ra trong bối cảnh các tin tức cho biết giá khẩu trang y tế tại hầu hết các nước Á Châu đã gia tăng một cách phi mã. Bên cạnh đó, còn có tình trạng hàng giả, hàng không đúng tiêu chuẩn có đeo cũng vô ích. Tại Trung Quốc còn có tình trạng giành giật, thậm chí đánh nhau để giành mua cho được các loại khẩu trang y tế. Dân chúng tại Hoa Lục còn được nhắc nhở cắt bỏ các khẩu trang y tế đã dùng để tránh tình trạng các khẩu trang này được mang bán lại cho người khác.

Chính phủ Singapore được kể là một tấm gương sáng đáng khen. Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 2 tháng Hai, tại nhà thờ chính tòa Chúa Chiên Lành của Singapore, Đức Tổng Giám Mục William Goh, đã lên tiếng ca ngợi các nỗ lực phi thường của chính phủ nước này trong việc ngăn chặn đại dịch virus Corona.

Ngài cho biết 1,500 binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Singapore, gọi tắt là SAF, đang làm việc không ngưng nghỉ 24/24 nhằm thực hiện chiến dịch 5.2 triệu khẩu trang để phân phối cho công chúng các khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn và hoàn toàn miễn phí.

Trở lại với câu chuyện Đức Thánh Cha tặng 600,000 khẩu trang y tế cho Trung Quốc, những người chịu trách nhiệm cho hoạt động bác ái khẩn cấp này là Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng; Cha Thomas Binish, giám đốc nhà thuốc Vatican; và Cha Vinh Sơn Hán Đa (Handuo - 汉多) hiệu phó của Đại học Giáo Hoàng Urbanô, xuất thân từ giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến.

Tòa Thánh và các cộng đồng Công Giáo người Hoa tại Ý đã trả tiền cho số khẩu trang y tế này; trong khi nhà thuốc Vatican tổ chức thu gom và giao hàng.

Hôm Chúa Nhật 2 tháng Hai, lô hàng thứ ba đã đến Trung Quốc. Các bưu kiện có huy hiệu của Đức Thánh Cha Phanxicô bên trong. Lô thứ tư dự trù sẽ đến Trung Quốc trong vài ngày tới.

Trong khi đó, thông tấn xã UCANews cho biết, vô số người Công Giáo và các Kitô hữu khác trên khắp Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng không có các thánh lễ cả ngày thường cũng như ngày Chúa Nhật. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, Trung Quốc ngay lập tức đã đóng cửa các nhà thờ và các nơi thờ phượng khác ở ít nhất là 10 tỉnh.

Các nhà thờ ở Hồ Bắc, tâm chấn của virus đã bị đóng cửa từ mùng Một Tết Canh Tý. UCANews cũng lưu ý rằng bệnh viện cũ của các nữ tu Dòng Truyền giáo Thánh Columbia, hiện được gọi là Bệnh viện Số 5 của Vũ Hán, được chỉ định là một trong những bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân coronavirus. Cộng sản đã tịch thu tài sản này của Giáo Hội vào năm 1949, khi giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến quốc cộng.

Sau Hồ Bắc, các tỉnh Giang Tây (Jiangxi - 江西), Thượng Hải (Shanghai - 上海), Chiết Giang (Zhejiang - 浙江), Thiểm Tây (Shaanxi - 陕西), Hồ Nam (Hunan - 湖南) và Đặc Khu Kinh Tế Thâm Quyến (Shenzhen -深圳)đã ra các chỉ thị cấm tụ tập tại các nơi công cộng.

Virus Corona được tin là đã lan rộng trên tất cả 34 tỉnh thành của Trung Quốc.


Source:Asia News
 
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher: Úc và Amazon cần phong chức cho các thổ dân và bản địa, nhưng lo ngại luật độc thân giáo sĩ bị thay đổi
Vũ Văn An
19:16 03/02/2020
Hôm qua, chúng tôi thuật lại phần đầu cuộc phỏng vấn của tạp chí Crux với Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, tức phần ngài đề cập tới “Con đường Đồng nghị” của Giáo Hội Đức và việc tấn phong linh mục cho nữ giới. Trong phần thứ hai của cuộc phỏng vấn, được Crux công bố hôm nay, Đức Cha đề cập đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon và việc phong chức linh mục cho các người đàn ông có gia đình nhưng có đời sống được chứng minh là đạo đức.



Đức Cha Fisher xác nhận ngài chỉ mới nhận được văn kiện tóm tắt các điều được bàn luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon hồi tháng 10 năm ngoái chứ chưa nhận được gì về chính tông huấn hậu thượng hội đồng.

Được hỏi có gì tương tự giữa Úc và Amazon hay không và ngài nghĩ gì về việc phong chức linh mục cho các Viri Probati, Đức Cha Fisher cho hay: tại Úc cũng có những vấn đề tương tự. Nhiều người nói rằng sau hơn 200 năm, Úc vẫn chưa có hàng linh mục thổ dân. Thưc thế, Đức Cha cho hay hiện ở Úc chỉ có một linh mục thổ dân, nhưng là một linh mục từ Hiệp Thông Anh Giáo trở lại Công Giáo. Trước đây, có một linh mục khác, nhưng ông này đã rời bỏ chức linh mục và nay là một chính trị gia và là một nhà lãnh đạo quan trọng.

Người Thổ Dân, chiếm tới 5 phần trăm dân số Úc, tuy có phó tế và nữ tu, nhưng không có ai tham gia hàng ngũ linh mục cả. Đức Cha hỏi tại sao và ngài trả lời: “một trong các lý do... là trong các xã hội thổ dân truyền thống, cho tới khi bạn cưới vợ và có con, bạn không thể lãnh đạo, được tôn kính như một nhà lãnh đạo. Bạn phải chứng tỏ tư cách đàn ông của mình bằng cách có con. Và do đó, theo các nền văn hóa này, không thể quan niệm được việc trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần nếu bạn là người độc thân.

Thành thử ta phải thừa nhận thực tại văn hóa của người bản địa Amazon và người Thổ Dân Úc. Theo Đức Cha, “ban bí tích và quyền lãnh đạo tinh thần cho các cộng đồng này là điều quan trọng hơn truyền thống độc thân của chúng ta”.

Nhưng Đức Cha Fisher không đồng ý đối với quan điểm cho rằng vì người bản địa Amazon và người Thổ Dân Úc “không có khả năng sống độc thân” nên ta phải chấp nhận, như một nhượng bộ, cho phép những viri probati của họ được phong chức linh mục.

Đức Cha gọi quan điểm ấy là quan điểm kỳ thị chủng tộc. “Chúng ta phải nhấn mạnh rằng mọi người, kể cả những người thuộc các nền văn hóa thổ dân, đều có khả năng có nền linh đạo và nhân đức cao độ như mọi con người khác”.

Nhân dịp này, Đức Cha Fisher tỏ ý lo ngại trước viễn ảnh thay đổi luật độc thân giáo sĩ, khi ngài phát biểu sau đó rằng “Tôi nghĩ còn có một vấn đề về việc, trong một đất nước, có thể có một nhóm có thể có các linh mục có vợ còn các nhóm khác thì không thể. Liệu tình huống này có còn hiện hữu trong trường kỳ hay không?”.

Nếu vì bất cứ lý do gì mà “bạn phải cho phép một hàng giáo sĩ có vợ, chẳng bao lâu bạn sẽ đẩy luật độc thân vào các đan viện. Nó sẽ trở thành một thực hành trong đan viện, không dành cho các linh mục thông thường mà chỉ dành cho những người thuộc các cộng đồng tu trì thường sống cô lập, trên những đỉnh núi cao”.

Đức Cha nhận định về luật độc thân như sau: “Tôi nghĩ bất kể các thất bại của một số linh mục độc thân tại một số thời điểm và tại một số nơi, luật độc thân vẫn mang lại nghị lực lớn lao và tài lãnh đạo tinh thần cho Giáo Hội, ở nhiều thời điểm trong lịch sử và tại nhiều nơi. Và đẩy luật độc thân vào các đan viện như tôi nghĩ sẽ diễn ra trong một số ít thế hệ hay thậm chí nhanh hơn, sẽ là một mất mát lớn lao cho Giáo Hội”.

Ngài kết luận “Tôi lo lắng về điều đó, tuy không muốn nói rằng tôi tuyệt đối loại bó nó”.

Làm những điều đã có cách tốt hơn

Trở lại chuyện Thượng Hội Đồng hay bất cứ loại hội nghị nào, kể cả công đồng toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc, Đức Cha Fisher cho rằng người ta thường có những hoài mong không có thực chất. Đức Cha thuật lại phản ứng lúc mới công bố Công đồng Tòan thể của Úc năm 2017, “người ta bảo rằng mọi điều có đó để nắm bắt: bất cứ bạn nghĩ hay muốn gì, bất cứ bạn mơ ước gì, cứ việc nói ra”.

Họ làm như thể “Giáo Hội ở Úc không phải là thành phần của một điều gì đó lớn hơn, nó có thể đi con đường riêng; hay Giáo Hội Công Giáo không lệ thuộc Chúa và Thầy, chúng ta chỉ là một nghị viện có thể tạo ra luật lệ riêng; hay Giáo Hội Công Giáo không phải là một phần của truyền thống, nhưng thực sự có thể tiến hành theo tinh thần thời nay... “.

Theo ngài, có một lối nói cùng một điều như thế nhưng không tạo ra các hoài mong không thực tiễn. “Và tôi nghĩ đó là điều các nhà tổ chức muốn nói: ‘dĩ nhiên, chúng ta vẫn sẽ là Công Giáo, nhưng làm thế nào để có thể là một Giáo Hội tốt đẹp hơn cho anh chị em và với anh chị em’”.

Nhưng theo Đức Cha, chúng ta ưa nói và nghĩ theo các khẩu hiệu vắn tắt, và qua đó, thông điệp chúng ta nhận được khiến người ta có cảm tưởng nếu họ muốn bãi bỏ hàng giáo phẩm thì điều đó có thể thực hiện được. Hoặc nếu họ muốn thay đổi một vài điều trong Kinh Tin Kính, việc này có thể được Giáo Hội Úc thực hiện.

Nhưng đâu có thể thế được, vì Giáo Hội tại Úc là “một phần của điều gì đó lớn hơn". Đức Cha nói: “Giáo Hội Công Giáo, trong tư cách một Giáo Hội hoàn cầu, chuyển dịch chậm hơn. Tôi nghĩ Chesterton từng nói ‘Nó là một trong các định chế dân chủ nhất, vì người chết cũng có lá phiếu của họ’. Truyền thống của chúng ta có một lá phiếu, chúng ta không tạo hoẹt ra nó trên đường chúng ta đi. Không nên coi nó như cối đá treo ở cổ vì quả là giải thoát khi không phải tái phát minh mỗi ngày điều niềm tin và nền luân lý của tôi sẽ là gì. Tôi cũng có một bản sắc, một truyền thống và một cộng đồng mà tôi tự hào”.

Tôn trọng nó có nghĩa có những điều sẽ không thay đổi hay không thay đổi một cách nhanh chóng. “Tôi nghĩ phương thức tích cực hẳn phải nghĩ bên trong những điều khả hữu, chúng ta có đang làm điều tốt nhất không? Có thể có thay đổi giáo luật trong tương lai, và chúng ta có thể giúp việc này. Nhưng chúng ta có làm tốt nhất với những gì chúng ta đã có chưa? Tôi không nghĩ như thế”.

Như trong vấn đề phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo. Nhiều nơi trên thế giới chưa làm đủ. Ta phải thách thức việc này bằng cách “nhìn ra bên ngoài chiếc hộp ta đang sử dụng một cách sáng tạo, cách chúng ta luôn luôn làm, nhưng bên trong những điều đã khả hữu trong luật lệ và phong tục cũng như thần học của ta, điều này là một khởi điểm tốt hơn là chỉ nói: ‘ta hãy hoàn toàn tưởng nghĩ lại Giáo Hội’, trừ phi là chuyện tiểu thuyết khoa học giả tưởng”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ chúc thọ quý cao niên tại giáo xứ CTTĐVN Seattle Xuân Canh Tý.
Nguyễn An Quý
22:05 03/02/2020
Tukwila. Hằng năm vào Chúa Nhật gần nhất sau dịp Tết Nguyên Đán, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt có thông lệ tổ chức lễ mừng tuổi thọ cho các vị cao niên trong giáo xứ tuổi từ 70 trở lên. Năm nay thánh lễ chúc thọ được cử hành vào Chúa Nhật ngày 2 tháng 2 năm 2020 tức vào ngày Mồng Chín Tết Canh Tý. Gần 170 cụ ông cụ bà đã ghi danh tham dự Thánh Lễ tạ ơn này. Đây là dịp giáo xứ nêu cao tinh thần bày tỏ lòng hiếu thảo và tri ân các vị cao niên là những vị qua nhiều tầng lớp đã đóng góp công sức vào việc xây dựng cộng đoàn đức tin Việt Nam tại Tổng Giáo Phận Seattle.

Xem Hình

Cao nguyên tình xanh hôm nay thật tuyệt vời với bầu trời quang đảng, lại có ánh nắng dịu dàng làm cho các cụ ông cụ bà lòng thêm phơi phới khi đến tham dự thánh lễ chúc thọ một cách thoải mái.

Thánh đưòng hôm nay trông có vẻ trang trọng lạ thường, các cụ ông cụ bà hiện diện khá đông đảo kể cả nhiều vị ngồi xe lăn cũng tham dự, ai nấy đều mang y phục chỉnh tề và được quàng mề đay của giáo xứ với hàng chữ: Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúc Mừng Thượng Thọ 2020 với dây đỏ dành cho độ tuổi từ 80 trở lên và dây vàng là độ tuổi dưới 80.

Đúng 11giờ 30, ca đoàn đọc lời dẫn lễ. Sau lời dẫn lễ, một ca viên lên tiếng: Xin ba hồi chiêng trống ( tiếng chiêng trống ngân vang làm tăng thêm vẻ trang trọng của nghi lễ mang truyền thống hồn Việt ). Tiếng chiêng trống vừa dứt ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với quý linh mục đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh. Cha chánh xứ chủ tế thánh lễ cùng đồng tế có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân. Hai Cha đều đã đi vào tuổi thượng thọ cả rồi nhưng cũng rất hăng say giúp các công việc mục vụ cho cộng đoàn giáo xứ một cách nhiệt thành.

Mở đầu Thánh Lễ cha chủ tế ngỏ lời chào đón quý cao niên, ngài nói: Hôm nay giáo xứ trân trọng chào đón quý cụ ông cụ bà đến với giáo xứ trong thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ năm Canh Tý của qúy cụ một cách đặc biệt, xin chúc mừng tuổi thọ của quý cụ. Dâng Thánh Lễ hôm nay chúng ta có 2 cha cố cha Nguyễn Sơn Miên và cha Trần Hữu Lân là hai cha cố đã đi vào tuổi thượng thọ nhưng còn lo nhiều chương trình mục vụ và các sinh hoạt giúp cho giáo xứ chúng ta, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau và cám ơn 2 cha cố ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu). Sau lời chào mừng là nghi thức làm phép nến cho một số nến mà các giáo dân đã mang đến làm phép trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh còn gọi là Lễ Nến.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh. Tin mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Đức Mẹ đem con của mình dâng trong đền thánh theo luật Môsê và có sự hiện diện của Simêon với đoạn như sau: "... Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa". ( Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!" Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. )

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng lễ ngài nhấn mạnh về việc Đức Mẹ Dâng Con trong Đền Thánh là một cử chỉ vâng lời của Đức Mẹ, rồi ngài lại liên tưởng đến từng gia đình của các vị cao niên trong giáo xứ, ngài nói: "Quý cụ cũng đã nhiều lần đem con mình vào đền thờ dâng cho Chúa khi con mình được đón nhận Bí tích rửa tội, đó là hình thức dâng con cho Chúa, có nhiều vị cũng đã nhiều lần đền đến thờ để dâng con, có vị dâng con đến 15, 16 lần.." liên tưởng đến dịp chúc mừng thượng thọ các vị cao niên ngài nói: với truyền thống tốt đẹp của giáo xứ trong tinh thần cảm tạ và tri ân những vị già nua trong giáo xứ là nghĩa cử như những người con tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, quý cao niên trong giáo xứ hiện diện hôm nay là niềm vui của gia đình giáo xứ trong ngày sum họp để tỏ lòng biết ơn, đây là những vị theo dòng thời gian đã đóng góp công sức, trí tuệ và tài chánh để xây dựng nên cộng đoàn Đức Tin Việt Nam nay là giáo xứ CTTĐVN. Xin Chúa chúc lành và luôn gìn giữ quý cha cùng quý cụ ông cụ bà trong tình yeu của Chúa.."

Sau bài giảng là nghi thức Xức Dầu Thánh cho tất cả các vị cao niên hiện diện trong Thánh Lễ. Quý cha đã xức dầu thánh trên trán và trên đôi bàn tay cho từng vị cao niên. Đây là dấu chỉ chúc lành cho quý cao niên khi đón nhận dầu thánh với niềm tin sẽ được an mạnh về phần hồn cũng như phần xác.

Thánh lễ được tiếp nối qua phụng vụ Thánh Thể sau khi hoàn tất việc xức dầu thánh cho toàn thể quý vị cao niên hiện diện trong Thánh Lễ.

Trước khi kết thúc thánh lễ, anh Lưu Công Tiên đại diện Hội Đồng Mục Vụ đã có lời cám ơn và chúc mừng thượng thọ đến toàn thể quý cụ ông cụ bà.

Để bày tỏ lòng biết ơn các vị cao niên, trường Việt Ngữ Đắc Lộ đã cử 2 em bé một trai một gái lên đọc lời chúc mừng thượng thọ khá hay, cái hay ở chỗ là bé xíu mà đọc tiếng Việt quá hay với giọng đọc rất Việt Nam, mời nghe:

- (Nam ) Trước thềm năm mới. Chúng con kính chúc. Cha Nguyễn sơn Miên. Ơn Chúa triền miên Sức khỏe dồi dào. Vui vẻ sớm chiều. Dù tuổi đã nhiều. Mà rất đáng yêu. Tâm hồn luôn trẻ. Càng hát càng hay.

- (Nữ) Chúng con kính chúc. Cha Trần Hữu Lân. Ơn Chúa bội phần- Dư tràn ân phúc. Thêm tuổi thêm đức. Vui hưởng lộc trời. Hồn an xác mạnh. Nhân đức rạng ngời. Giúp đỡ giáo dân. Đến gần với Chúa.

- (Nam) Chúng con kính chúc. Quý cụ cao niên. Không vướng ưu phiền Bình yên mạnh khỏe. Bên đoàn con trẻ. Chỉ dạy bảo ban. Ơn Chúa miên man. Chan hòa thương mến. Nhân đức nở hoa.Tháng tháng ngày ngày. Tích cực hăng say, Vui trong phục vụ. Lo việc nhà Chúa. Tươi nở nụ cười. Đẹp nghĩa hy sinh

- (Nữ) Như mùa xuân đến. Quên hết nhọc nhằn. Không ngại khó khăn. Cùng vui cộng tác. Truyền cho con cháu. Bánh tét bánh chưng. Nhộn nhịp tưng bừng. Cùng nhau gây quỹ. Xây dựng nhà Chúa. Xin chúc các cụ. Vui hưởng tuổi già. Mừng đón Xuân qua.. Bên đoàn con cháu. Hẹn đến Xuân sau. Mừng thêm tuổi mới.

(Cả 2 cùng vỗ tay kết thúc ) Nay cháu hết hơi. Gửi lời thăm hỏi. Nếu khen cháu giỏi. Không khỏi Lì xì. Lì xì. Í mà.. Lì

(Tiếng vỗ tay vang dội kéo dài khá lâu, quý cha và một vài cụ đã tiến lên lì xì. Thánh lễ kết thúc sau phép lành cuối lễ.

Sau Thánh Lễ là buổi tiệc mừng khoản đãi quý cụ ông cụ bà tại Hội trường Giáo Xứ. Đông đảo quý vị cao nien đã tham dự tiệc mừng với sự giúp vui chương trình văn nghệ do các em trường Việt Ngữ Đắc Lộ trình diễn khá phong phú. Trong thời gian tiẹc mừng, cha chánh xuư đã ân cần đến từng bàn tiệc để chào thăm và tặng quà lưu niệm cho từng vị hiện diện. Buối tiệc mừng kết thúc gần 3 giờ chiều. Mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Thánh lễ tạ ơn đầu năm Âm Lịch của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Melbourne
Khắc Thái
20:35 03/02/2020

 
Tin Đáng Chú Ý
Vẫn rực lên hy vọng
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:13 03/02/2020


Giữa lúc nguy cơ càng ngày càng trở nên đại họa khó lường của dịch tễ, khiến cơ quan y tế thế giới trực thuộc Liên Hiệp quốc (World Health Organization - WHO) phải phác lệnh quốc tế (WHO tuyên bố bùng phát chủng virus corona 2019-nCoV khởi từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" tại lần họp báo lúc gần 3 giờ sáng, giờ VN, ngày 31.1.2020 ở Geneva - Thụy Sĩ).

Giữa lúc phương tiện tối thiểu hòng giảm bớt nguy cơ lây lan dịch tễ là chiếc khẩu trang, đang bị biến thành phương tiện đầu cơ làm giàu, đang bị nhiều kẻ vô đạo đức lợi dụng thời thế ngặt nghèo đã và đang nâng giá cao ngất trời, đang bị nhiều kẻ tán tận lương tâm khác làm giả để thu lợi cho bản thân, mặc kệ virus xâm nhập từng thời khắc hết sức hoảng loạn,

Tôi lại thấy đây đó những tín hiệu hy vọng. Đó là những lòng tốt đang phô diễn những hình ảnh đáng tôn vinh, đáng khuyến khích và nhân rộng, đáng học tập, làm ấm lòng người. Đó là:

- Trên nhiều phố xá khắp Việt Nam, nhiều người tự bỏ tiền túi để mua và phát miễn phí khẩu trang cho dân nghèo, cho những người đang đi đường (chẳng biết có nghèo không nhưng cần đến những chiếc khẩu trang ấy).

- Người người gặp nhau, nói cho nhau những tin tức của bệnh dịch. Họ cũng chỉ dẫn cho nhau, nhắc nhở nhau bảo vệ sức khỏe. Họ chân thành khuyến cáo nhau không nên đến chỗ đông người khi không thực sự cần thiết...

- Trên các phương tiện truyền thông thông dụng xuất hiện ngày càng nhiều những tin nhắn ngắn, những thư điện tử (email) súc tích hướng dẫn nhau cách bảo vệ sức khoẻ không chỉ cho chính mình, mà còn cho nhiều người xung quanh.

- Nhiều người còn thông tin cho cộng đồng từ rất sớm trên facebook, status... những trường hợp bị nhiễm, hoặc bị nghi nhiễm dịch.

Có thể những thông tin ấy đôi lúc chưa chính xác. Có thể vì loan tải tin tức quá sớm nên dễ bị ngành an ninh cho rằng, họ tiếp tay cho sự gây nên hoang mang bất ổn trong cộng đồng...

Nhưng đứng ở góc cạnh tích cực (giữa những khó khăn của cuộc sống, sự khôn ngoan vẫn là nhìn về hướng tích cực để thêm nghị lực, thêm hy vọng sống...), họ đang làm điều tốt. Họ góp phần nhỏ bé của mình để giúp đời sống chung của nhân loại bớt phần họa hơn, may mắn hơn, an lành hơn...

- Trên nhiều trang mạng xã hội, nhiều trang web khắp nơi, xuất hiện nhiều bài viết nghiêm túc, thậm chí có những bài viết có nhiều chất liệu nghiên cứu, nhằm giúp mọi người dễ dàng cập nhật thông tin những biến chuyển và tình hình phức tạp của dịch tễ.

Ngoài các phương tiện truyền thông chính thức, phải công bằng mà nói, những cách làm này đã góp phần không nhỏ cho sự truyền bá rộng rãi hơn, đại chúng hơn về nguy cơ, nguy hiểm của dịch tễ.

- Một số người còn bỏ thời gian, công sức để có những video, những clips nhắc nhở, thông tin về bệnh tật. Họ cũng không ngần ngại kêu gọi những người hữu trách phải có thái độ, hành động, lòng yêu thương và hy sinh... mong hạn chế gia tăng lây nhiễm của dịch.

- Nhiều người, bằng lời kêu gọi, bài viết, quay clip... chân thành hướng dẫn nhau cách tự làm khẩu trang để bảo vệ mình, bảo vệ người thân…

Có thể còn nhiều những cách thức khác mà người viết chưa biết hết. Tất cả đều là nét đẹp vô cùng của lòng người, của tình người.

Tất cả đều nói lên sự liên đới đầy trách nhiệm mà từng cá nhân cần phải có để góp phần mình cho sự sống còn của cộng đồng.

Tất cả đều là ý thức về sức mạnh của những tâm hồn. Dẫu từng con người chỉ là nhỏ bé, nhưng nhiều con người có chung một tâm hồn như thế, là một khối mạnh mẽ không gì bằng, cần vô cùng trong thời khắc khó khăn này.

Những con người lương thiện ấy, chỉ đơn giản bằng hành động của tấm lòng, đã có thể thét vào tai những kiểu kinh doanh (khẩu trang chẳng hạn) một cách tham lam, hám tiền, trục lợi trên cơn khốn quẫn của đồng loại là tội ác, là hành động đáng kinh tởm, là thói sống vô tâm, vô cảm, là kiểu sống không thuộc bản tính loài người...

Những con người lương thiện ấy, chỉ đơn giản bằng một chút tình người, đã có thể gióng lên một tiếng nói chân thành của lương tâm: Đã là người, con người hãy tốt bụng, nhất là hãy tốt bụng với chính đồng loại. Sự tốt bụng ấy, lẽ ra càng phải nhân lên trong chính những hoàn cảnh mà ai ai, kể cả bản thân mình, cũng phải lâm vào.

Những con người lương thiện ấy, chỉ đơn giản bằng sự từ tâm, đã biến nhiều phương tiện, thường ngày vốn lặng lẽ, bình dị, khiêm tốn (chiếc khẩu trang chẳng hạn), bỗng trở nên đẹp lạ thường nhờ bàn tay đầy tình người và nhân ái của chính họ.

Những ai đang sống vô lương tâm, thiếu trách nhiệm với sự sống của đồng loại hãy một lần nhìn lại hành động của chính mình mà ăn năn thống hối. Dịch tễ không trừ ai. Một khi bị dịch tễ động chạm vào, họ cũng sẽ cần đến lòngtốt của bao nhiêu người xung quanh để cứu vãn sự sống của chính họ. Họ hãy là người tốt trước khi những gì xấu nhất có thể diễn ra...

Còn những người lương thiện, dù biết mình có thể vẫn là nạn nhân của dịch tễ, họ vẫn cứ thi hành mệnh lệnh của trái tim lương thiện. Dù còn sống một giây, tôi biết, họ vẫn trao hiến điều tốt lành nốt giây cuối cùng của đời họ.

Tấm lòng của những ai thanh bạch, biết cho đi niềm yêu thương được ví như nắng xuân giữa trời đông, ánh sáng giữa màn đêm, trời xanh giữa mây mù...

Lòng người thiện tâm ở khắp nơi chính là cơ sở cho niềm tin, niềm hy vọng, thế giới này, nhân loại sẽ sớm thoát lo âu...
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Lễ Hiền Thê Better – Half
Trà Lũ
21:53 03/02/2020
Chưa năm nào làng An Lạc của tôi ăn tết lâu thế và vui thế, từ ngày dựng nêu tiễn Ông Táo về trời đến ngày hạ nêu đón ông Táo về nhà, mồng bảy Tết lận. Lý do vui là do ý của cụ Chánh tiên chỉ : chúng mình già hết rồi nên vui ngày nào là lời ngày đó. Dân làng ai cũng gật đầu đồng ý. Vui nhất và gật gù nhiều nhất là phe các bà. Một trong những lý do làm phe các bà vui và gật đầu nhiều là vì tên một lễ mới mà làng tôi vừa đặt ra và đang vận động xin công nhận. Ngày lễ hạ nêu, từ nay sẽ có thêm một tên mới là ngày tôn vinh các bà vợ, gọi cho trang trọng là Lễ Hiền Thê. Tại sao không? Ở Canada này đã có ngày lễ tôn vinh các người cha, tôn vinh các người mẹ, tại sao không có lễ tôn vinh các người vợ? Cụ Chánh hỏi anh John, tên tiếng Anh của lễ mới này nên gọi là gì. Anh John suy nghĩ một nháy mắt rồi trả lời ngay : The Better Half Day ! Quả là hay. Các cụ đã thấy cái anh John này thông thái và hiểu được hết cái nghĩa thâm sâu của ngày lễ chưa. Anh John bảo anh chọn tên này là vì anh tựa vào ý kiến của tỷ phú Bill Gates. Anh kể : Có phóng viên đã hỏi Bill Gates : Quyết định thông minh nhất của ông là tạo ra các phần mềm của máy tính, hay làm các việc từ thiện? Ông trả lời ngay và câu trả lời đã làm ai cũng sửng sốt : Không phải hai thứ đó, quyết định thông minh nhất của tôi là tìm ra được đúng người phụ nữ tốt lành để kết hôn ! Ngưòi vợ là hạnh phúc của thế hệ trước, là vui vẻ của thế hệ này, và là tương lai của thế hệ sau. Lấy được người vợ tốt, bạn sẽ thịnh vượng ba đời!

Ông bồ chữ ODP góp thêm ý : Trong Anh văn có nhiều chữ để chỉ vợ, nhưng tôi thích nhất tiếng Better Half này. Anh John đã chọn chữ rất trúng và rất thâm thúy. Tiếng này thường được các ông chồng âu yếm gọi vợ. Trong tiếng Việt có chữ MÌNH hay vô cùng. Trong Kinh Thánh Chúa bảo khi kết hôn thì người nam và người nữ trở thành một xương một thịt, one body. Tiếng one body này rõ ràng có nghĩa là ‘mình’. Chồng gọi vợ ‘ Mình ơi ’, thì vợ chính là nửa cái mình của ta rồi, còn gì nữa ! Tôi nghĩ rằng chữ MÌNH của tiếng Việt Nam đã đẻ ra tiếng My Better Half trong Anh văn.

Ông Từ Hoè cũng góp thêm ý : Tôi nhớ ngày xưa có đọc được một bài thơ hay, hình như của nhà thơ Phạm Minh Giang thì phải, thơ như thế này :

Thân thương hai tiếng Vợ Mình

Trăm năm bao nghĩa bao tình ai ơi

Vợ là bạn đấy bạn đời

Cùng nhau xây đắp cơ ngơi cửa nhà

Ngày ngày vợ là quản gia

Đi chơi đi hội, vợ là tình nhân

Khi nào lỡ bước sa chân

Vợ như là mẹ, ân cần sớm hôm

Khi nào ốm yếu gầy còm

Vợ là bác sĩ chăm nom hết lòng

Khi nào vất vả long đong,

Vợ như bà chị lau dòng lệ em,

Khi nào trong dạ đói mèm

Vợ như em gái dịu dàng cơm canh

Khi nào đeo xớ quấn manh

Vợ là người thợ vá lành áo khăn

Trăm năm chiến đấu nhọc nhằn

Vợ là đồng đội, cùng ăn cùng làm

Khi nào gây gỗ vợ can

Vợ là nhân tố trong ban giảng hoà

Mai sau trăng mật có già

Thì ai ơi, Vợ vẫn là Trăng Non...


Nghe đọc thơ đến đây thì Cụ B.95 lên tiếng xin thôi, cụ bảo tán tụng các bà vợ như vậy đủ rồi. Tôi có thắc mắc là bác nào cũng tán dương vợ, vậy bà vợ nào cũng là ‘bà bề trên’ hết cả sao?

Ông H.O. lên tiếng : Thưa chúng tôi là các ‘ông bề dưới’ nên bao giờ cũng phải tán dương. Trên đây là bài thơ tán dương dài. Tôi biết một bài thơ ‘ 10 Thương’ tán dương cũng dài lắm, bây giờ tôi chỉ xin đọc 2 Thương mà thôi vì tôi cho là đã hay quá sức :

...Năm thương con mắt long lanh

Liếc tình cọp cũng biến thành nai tơ

Sáu thương cái nét ngây thơ

Quen nàng một tháng, anh khờ mười năm


Mọi ngươì vỗ tay khen 4 câu tình qúa, Ông H.O. được hứng xin nói tiếp: Tôi mới nghe thằng bạn kể chuyện tếu này, không biết nó có ý khen hay chê. Chuyện rằng có một chàng trai kia ngày nào cũng chắp tay cầu nguyện : Lạy Chúa xin Chúa cho con cưới được người con yêu. Chúa nhận lời. Nó lấy được vợ, sau tuần trăng mật nó lại chắp tay cầu nguyện : Lạy Chúa xin cho con yêu được người con đã cưới.

Ông Từ Hoè nghe xong liền bảo : Chắc Chúa sẽ bảo anh chàng này đi tìm ông Bill Gates mà xin ý kiến.

Tôi xin tạm ngưng các chuyện liên quan tới ngày Lễ Hiền Thê / My Better-Half Day để nói về chuyện làng tôi tiễn ông Từ Hoè sắp về miền tây. Quay đi quay lại ông đã về làng ăn tết hơn hai tuần lễ, hầu như ngày nào ông cũng nấu cỗ cho làng ăn. Bữa nay nhất định làng sẽ làm tiệc tiễn ông Từ Hoè. Chị Ba Biên Hòa đại diện nhà bếp hỏi ông thích ăn món gì. Không cần suy nghĩ, ông đáp ngay : Suốt hai tuần lễ, ngày nào cũng thịt mỡ dưa hành giò chả, ngấy quá rồi, xin cho tôi ăn 2 món rất nhà quê : món nộm rau muống theo lối Bắc Kỳ và món gà xào xả ớt theo lối Nam Kỳ. Cả làng đều ồ lên một tiếng lớn : Dễ quá mà, tưởng gì !

Thế là anh John vội vã lái xe chở Cụ B.95 và Chị Ba đi chợ. Chợ không xa, rẹt một cái là xong. Rồi cả bọn túm vào làm bếp.

Món nộm rau muống Bắc Kỳ hơi cầu kỳ. Rau muống non, luộc ối ái, trộn với nước mắm tôm chanh, thêm khế chua, rồi vừng rang, rồi bì heo, rồi lá kinh giới. Các thứ này quyện với nhau rất thắm thiết như đã có duyên với nhau từ thuở cha ông ta dựng nước. Hình như nhà văn Văn Quang khi ăn món này nói rằng các thứ quấn lấy nhau như thể vợ chồng trong tuần trăng mật. Và món nộm Bắc kỳ này được bày ra đĩa ngay. Nhưng chưa xong. Bày ra đĩa rồi còn rắc thêm một chút vừng rang và vài giọt cà cuống nữa. Tự nhiên cái hương Bắc Kỳ bốc lên ngay. Ôi thơm làm sao và quyến rũ làm sao cái hương vị miền trung du Bắc Bộ này.

Rồi món thứ hai Gà xào xả Miền Nam do Chị Ba Biên Hòa chỉ huy. Món này dễ thôi. Thịt gà cắt vuông như con cờ, ướp mắm, tiêu, đường, bột ngọt. Cho dầu vào chảo, chờ nóng sôi, cho vào tỏi đập và xả băm. Hai món này hợp nhau thơm nức mũi. Rồi cho gà đã ướp vào và đảo đều. Để lửa liu riu, đậy vung, một loáng là chín, là thơm ngay tức thì. Mùi bếp Saigon sao mà ngào ngạt thế ni.

Hai món này ăn với cơm nóng, chúng tôi vừa ăn vừa hít hà. Ôi cuộc đời sao mà hạnh phúc ! Xa quê hương nửa vòng trái đất mà có rau muống, rau kinh giới, có mắm tôm, có cà cuống, có xả, có gạo nàng Hương ! Phép lạ chứ, phải không các cụ?

Ông Từ Hoè thích nhất món rau muống. Ông bảo ông có chất rau muống trong người. Tôi cứ tưởng rau muống chỉ mọc ở Bắc Kỳ, ai ngờ nó bò xuống Miền Nam, và bây giờ mọc lan sang tới Canada. Tiếng Hán Việt gọi rau muống là ‘ung thái’, ông Tàu Quảng Đông gọi là ‘ông xôi’. Tiếng Pháp gọi là ‘Liseron d’eau’. Tiếng Anh ở Mỹ và Canada gọi là ‘Water Morning Glory’. Tôi yêu cái tên tiếng Anh này quá. Rau mà lại là ‘sự vinh quang ban mai, ở trên sông nước bồng bềnh’, màu sắc và nhiều chất thơ quá chứ!

Trong bữa ăn này, phe các nhà quân tử chúng tôi uống rượu mạnh, có buồn cười không cơ chứ. Rau muống, mắm tôm đi với rượu mạnh. Đó là ý ông Từ Hoè, ông bảo cho đông tây chúng gặp nhau. Rượu mạnh bữa nay là Brandy Cognac. Vừa ăn rau muống vừa uống Brandy, rồi ông miên man kể cái gốc của tên Brandy. Rằng Brandy là tinh hoa của rượu vang. Ngày xưa có anh lái buôn Hoà Lan chuyên về buôn rượu vang, anh thấy chai rượu vang cồng kềnh quá, chuyên chở mất nhiều chỗ qúa, anh mới nói với hãng rượu vang cô đọng lại, nhờ họ cất cách thủy để chắt ra cái tinh túy. Việc cách thủy này tiếng Hoà lan gọi là Brandewijin, từ này đã đẻ ra tên Brandy, tức là họ nhà Cognac. Các cụ đã thấy ông Từ Hoè hội viên viễn cư của làng tôi thông thái chưa?

Chị Ba Biên Hòa liền hỏi : Bác uống Brandy nên bác kể chuyện Brandy, bây giờ bác cũng đang nhậu Brandy với thịt gà, bác có chuyện gì về thịt gà không? Ông Từ Hoè gật đầu nói có, và ông kể ngay : Ngày xửa ngày xưa, có con gà con hỏi bố gà của nó rằng : Tại sao loài người ai cũng có tên riêng mà loài gà chúng ta không có tên riêng mà chỉ có một tên duy nhất là ‘gà’? Bố nó trả lời ngay : Con người khi sống thì có tên riêng, nhưng chết rồi thành thần thành thánh thành ma thành quỷ, không ai có tên riêng nữa. Còn loài gà chúng ta khi sống thì chỉ có tên chung là Gà, nhưng chết rồi thì nhiều tên lắm, như Gà Cà Ri, Gà Kho Tiêu, Gà Xé Phay, Gà Xối Mỡ, Gà Chiên Bơ, Gà xào xả...

Cả làng bò ra cười về cái láu lỉnh này. Rồi Cụ B.95 xin anh John thần tượng của cụ cho nghe chuyện thời sự. Anh con rể da trắng này thông thái y như ông Từ Hoè, anh nói ngay. Thời sự đầu năm tây và năm ta thì nhiều lắm, cho phép cháu nhớ gì thì kể đó nha :

Thời sự đầu tiên phải nói ngay là tháng Hai dương lịch năm nay là tháng nhuận có 29 ngày, các bạn nhớ kỹ nha, vì thông thường tháng Hai tây chỉ có 28. Việc này làm tôi nhớ chuyện của một sĩ quan VNCH hỏng đi Mỹ vì cái tháng Hai. Ông này là tù cải tạo những 6 năm. Ông nộp hồ sơ xin đi Mỹ theo diện H.O. Khi vào phỏng vấn thì ông bị bác đơn ngay vì trong giấy ra tù, VC đã ghi ngày ra là 30 tháng Hai tây. Làm gì tháng Hai có ngày 30 ! Ông bị bác đơn vì bị coi là đã nộp hồ sơ gian dối. Lúc này ông mới giật mình vì điều sơ suất sơ đẳng này. Ông luôn miệng chửi : Bố cái thằng VC xỏ lá!

Tin thứ hai là Canada đầu năm nay đã được xếp hạng là quốc gia tốt nhất thế giới, chỉ đứng sau Thụy Sỹ, trong danh sách 73 quốc gia tân tiến (2020 Best Countries Report). Chính vì vậy mà lâu nay có phong trào các bà bầu ngoại quốc ưa đến đây lấy cớ là du lịch để sinh con. Con đẻ ra ở Canada thì đương nhiên có quốc tịch Canada, và nó sẽ giữ được bố mẹ nó ở lại. Hà hà, đây là chuyện dài. Mà đa số các bà bầu lại là các bà Tàu mới kinh chứ. Những bé sinh ra ở loại này, dân Canada gọi là ‘passport babies’. Kỹ nghệ đưa các bà bầu tới đây để sinh con gọi là Birth Tourism. Kỹ nghệ này đang hái ra tiền đấy các cụ ạ, vì họ cung cấp chỗ ăn chỗ ở và huấn luyện cách đối đáp với các nhân viên phỏng vấn.

Tin tiếp theo là thành phố thủ đô Ottawa đã cho phép cư dân được trượt băng trên kênh Rideau. Nhiều cư dân trượt băng để đi làm thay vì lái xe hơi. Các cụ biết con kênh lịch sử này chứ? Con kênh này nối dài từ Kingston phiá nam lên tới thủ đô. Xưa là con kênh chiến lược vận tải khí cụ và quân cụ. Bạn nào thăm thủ đô Canada vào mùa này, nhớ đi trượt băng trên kênh Rideau nha, vui lắm, và thể thao lắm.

Ngoài ra còn có tin là phở VN đã được dân Da Dỏ ở Canada mạn bắc ưa thích, phở bán ở nhà hàng Da Đỏ hẳn hoi. Theo bà đầu bếp Shayna Allen thì người Da Đỏ rất thích món súp nấu bằng thịt con hươu Caribou, nay họ nấu súp này với gia vị VN làm nước phở, và thịt caribou thay thế thịt bò hay thịt gà. Nay có phở Caribou. Cụ nào đi tham quan mạn bắc Canada, North West Territories, nhớ tìm các quán ăn Da Đỏ và hỏi món Phở Caribou nha.

Cũng tin sốt giẻo : ông thủ tướng Canada Justin Trudeau hiện nay đang là đề tài các chuyện phiếm của thế giới, các cụ có biết là về đề tài gì không? Thưa là về bộ râu. Ngày Mồng 7 đầu năm khi ông xuất hiện thì nhiều người đã không nhận ra ông vì ông đã để râu, vừa râu mép vừa râu quai nón. Ngày xưa bố ông là cựu Thủ tướng Pierre Trudeau đâu có râu ! Và chính ông ngày nhận chức thủ tướng đâu có râu ! Tôi nhớ năm 2015 khi lên làm thủ tướng thì ông trẻ măng và mặt nhẵn trơn, lúc đó báo chí đã tặng ông danh hiệu là thủ tướng trẻ và đẹp trai nhất thế giới cơ mà. Dư luận đang tiếp tục tìm hiểu tại sao ông để râu.

Và tin nóng sốt nhất hiện nay là bệnh dịch Corona Vũ Hán. Ban đầu nhiều nhà khoa học tin rằng dịch viêm phổi này lan ra từ con rắn rồi lan qua con người tại chợ bán thú rừng ở Vũ Hán. Rồi cũng có tin cho rằng con dơi bán ở chợ này mới là ổ chứa vi trùng Corona, vì ở đây thường bán cháo dơi. Kinh quá ! Trung Quốc là nơi phát ra nhiều cơn dịch kinh hoàng. Năm 2003 dịch SARS cũng từ Trung Quốc. Gần đây lại có 2 giả thuyết khác. Giả thuyết 1 : dịch Corona hiện nay không phải phát xuất từ con rắn hay con dơi ở chợ thú vật Vũ Hán mà là từ Viện nghiên cứu vi trùng ở Vũ Hán. Tàu Cộng đang thí nghiệm võ khí sinh học, chẳng may con vi trùng này lọt ra ngoài, Tàu Cộng ngăn chặn không kịp. Giả thuyết 2 : Trung Cộng đã hoàn thành bom vũ khí sinh học loại nhỏ và đang chở bom sang ném ở Hoa Kỳ, Hoa Kỳ biết được việc này nên đã phá nổ xe chở bom chứa vi trùng Corona gần chợ thú rừng ở Vũ Hán. Tin này khả tín vì TC đã bưng bít việc này, mãi tới khi không bưng bít được nữa nên mới cho tin nhỏ giọt. Tội nghiệp dân Tàu, hiện nay bao nhiêu thành phố đã bị phong toả. Tôi có người bạn mới đi Paris về kể rằng trên xe bus hay xe lửa, dân da trắng ở Paris thấy ai da vàng thì nghĩ là dân Tàu nên họ vội vàng ngồi ra xa hay đứng ra xa vì sợ lây Corona ! Nghĩ mà tức mà buồn. Hiện nay Tàu Cộng vẫn còn thông tin nhỏ giọt về Corona.

Việc TC bưng bít này giống y như việc VC vẫn còn bưng bít về vụ án Đồng Tâm. Đúng là CS, CS bao giờ cũng gian dối. Mỗi lần nghe nói tới vụ án cựu đảng viên CS Lê Đình Kình ở Đồng Tâm bị chính đảng CS giết thì bạn bè tôi lăn ra cười. Cụ già Kình còn khoẻ đến độ hàng ngàn quân lính công an tới đánh Đồng Tâm mà cụ tách được 3 sĩ quan công an riêng ra, rồi ném 3 ông này xuống hố sâu, rồi còn tưới xăng xuống thiêu sống. CSVN bảo chuyện chỉ có thế để cắt nghĩa tại sao cụ Kình bị bắn vào tim, và CSVN còn mổ bụng cụ ra nữa. Tại sao mổ bụng? Thưa để xem lá gan của cụ to đến cỡ nào mà dám giết 3 sĩ quan của họ một lúc và giỏi đến như vậy.

Viết đến đây thì tôi lại phục Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của VNCH quá. TT Thiệu bảo : Đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm. Thật đúng. Vừa đây có người còn thêm vào vế thứ hai nữa : Đừng sợ những gì CS làm mà hãy làm những gì CS sợ. Chúng chỉ sợ sự gian dối của chúng bị bại lộ.

Việc này làm tôi nhớ ngay tới lời TT Trump mới nói ngày 30 tháng I vừa qua về CSVN : ‘ Bao năm qua, VC chỉ lợi dụng Mỹ, họ chơi trò nước đôi, đi hai giây giữa chúng ta và TC. Họ kêu gọi chúng ta ủng hộ họ về Biển Đông, nhưng chính họ lại phục tùng và vâng lời TC như một chư hầu thời phong kiến. Tôi ( Trump) là người ngay thẳng, không ưa những người 2 lưỡi, những tay lãnh đạo Đảng CSVN thậm chí còn có tới ba bốn lưỡi !’

Lời Cụ Trump giống y như lời anh sinh viên Hà Nội, sau 30-4-1975 được vào Saigon sống một tháng. Khi về lại Hà Nội, anh ta viết lên mạng: ‘...Nhưng khi quay về Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, nói khác đi, đọc khác đi. Bạn bè ngày đó gọi tôi là ‘thằng hâm’, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng.’

Xin hết ý.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Trông người lại ngẫm đến ta: Singapore điều động 1,500 binh sĩ làm khẩu trang phát khẩn cấp cho dân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:06 03/02/2020
Trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ lây lan virus Corona, Singapore đã đặt ra các hạn chế nghiêm nhặt nhất thế giới đối với du khách đến Singapore và cả những người quá cảnh qua quốc gia này. Đồng thời, 1,500 binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Singapore được điều động làm khẩn cấp 5.2 triệu khẩu trang để phát cho dân chúng và những nơi tụ tập đông người.

Từ 0 giờ sáng Chúa Nhật 2 tháng Hai, tất cả những du khách thuộc bất kỳ quốc tịch nào gần đây có đến thăm Hoa lục sẽ không được phép vào Singapore, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong cho biết như trên hôm thứ Sáu 31 tháng Giêng. Những du khách này cũng sẽ không được phép quá cảnh tại phi trường quốc tế của quốc gia này.

Những ai mang hộ chiếu Trung Quốc, ngoại trừ các thường trú nhân Singapore và người có thẻ cư trú dài hạn, cũng sẽ không được phép vào Singapore.

Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 2 tháng Hai, tại nhà thờ chính tòa Chúa Chiên Lành của Singapore, anh chị em giáo dân kinh ngạc khi thấy được phát các túi khẩu trang miễn phí để phòng virus Corona.

Giải thích với anh chị em giáo dân tham dự thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục William Goh, đã lên tiếng ca ngợi các nỗ lực phi thường của chính phủ nước này trong việc ngăn chặn đại dịch virus Corona.

Ngài cho biết 1,500 binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Singapore, gọi tắt là SAF, đang làm việc không ngưng nghỉ 24/24 nhằm thực hiện chiến dịch 5.2 triệu khẩu trang để phân phối cho công chúng, như quý vị và anh chị em đang xem thấy trong đoạn video này.

Tại Học viện Quân sự Singapore, bắt đầu từ tối thứ Năm 30 tháng Giêng, các binh sĩ tham gia vào chiến dịch này đã thay nhau làm mỗi ca 8 tiếng liên tục.

Các binh sĩ đã sử dụng các xe tải lớn để giao các khẩu trang này đến các nơi có đông người tụ tập như các nhà thờ, và đền chùa, cũng như cho 89 trung tâm dân cư và cộng đồng. Từ các trung tâm nay, Hiệp hội Nhân dân sẽ phân phát chúng cho các gia đình.

SAF đang làm việc theo ca tám tiếng, với mỗi ca được yêu cầu hoàn thành 200,000 khẩu trang.

Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho biết SAF đã nhận nhiệm vụ này sau cuộc họp liên bộ để đối phó với virus Corona. Trong phiên họp này, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing âu lo rằng quốc gia này không đủ nguồn cung cấp khẩu trang trong bối cảnh thiếu các nhà sản xuất và cung cấp khẩu trang trên toàn quốc.

Những mặt hàng như thế không phải là mặt hàng thường được sản xuất tại Singapore và thường là nhập khẩu từ Trung Quốc với số lượng rất hạn chế. Trong bối cảnh của lệnh tạm thời cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ Trung Quốc, việc khuyến khích các nhà sản xuất tại Singapore thực hiện các loại khẩu trang là rất khó khăn và có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ và đưa giá lên rất cao khi bán ra cho dân chúng.

Chính vì thế quân đội Singapore đã vào cuộc.
 
Suy Niệm Với Đức Thánh Cha Phanxicô: Tám Mối Phúc Thật là căn tính của người Kitô hữu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:09 03/02/2020
Các Mối Phúc là căn tính của người Kitô hữu của người Kitô hữu, bởi vì các mối phúc đó vẽ lên dung nhan của chính Chúa Giêsu, và lối sống của Người”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định lập trường trên trong Bài Giáo Lý về “con đường hạnh phúc” mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta, con đường của Người là sự kiên nhẫn, tinh thần nghèo khó, sự phục vụ tha nhân, an ủi họ. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng những ai tiến tới trong các đàng nhân đức đó đều có phúc và sẽ hạnh phúc.

Đức Giáo Hoàng đã bắt đầu một chuỗi các Bài Giáo Lý về Các Mối Phúc Thật theo thánh Mátthêu trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư 29 tháng Giêng, được tổ chức trong đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, trước hàng ngàn khách hành hương và du khách đến từ toàn nước Ý và trên khắp thế giới.

Mở đầu, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,!

Ngày hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt Bài Giáo Lý về các Mối Phúc trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu (5: 1-11). Bản văn này, mở ra “Bài Giảng trên núi” và đã soi sáng đời sống của các tín hữu, kể cả nhiều người không có đức tin. Thật là khó mà không bị đánh động bởi những lời lẽ này của Chúa Giêsu, và thật là chính đáng khi chúng ta muốn hiểu biết và đón nhận chúng mỗi ngày một sâu đậm hơn. Các Mối Phúc là căn tính của người Kitô hữu – đó là tấm thẻ căn cước của chúng ta – bởi vì các Mối Phúc vẽ lên dung nhan của chính Chúa Giêsu, lối sống của Người.

Bây giờ chúng ta sẽ đặt những lời của Chúa Giêsu vào trong toàn bộ trình thuật những lời Người phán; và trong các Bài Giáo Lý sắp tới, chúng ta sẽ bình giải từng mối phúc một.

Trước hết, điều quan trọng là phải thấy được sự công bố thông điệp này đã xẩy ra như thế nào: Chúa Giêsu, khi thấy các đám đông đi theo người, Người đã lên một con dốc nhỏ bao quanh biển hồ Galilê, Người ngồi xuống, và phán với các môn đệ của Người, loan báo Những Mối Phúc Thật. Thông điệp được gửi tới các môn đệ, nhưng xa hơn, còn có những đám đông, nghĩa là toàn thể nhân loại. Đó là một thông điệp cho toàn thể nhân loại.

Ngoài ra, “núi” khiến ta nghĩ tới núi Sinai, nơi Thiên Chúa đã ban cho ông Môsê các Điều Răn. Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy một lề luật mới: hãy nghèo khó, hãy hiền lành, hãy giầu lòng thương xót… Những “điều răn mới” này còn hơn là những chuẩn mực. Quả vậy, Chúa Giêsu không áp đặt điều gì, nhưng Người vạch ra con đường hạnh phúc – con đường của Người – bằng cách nhắc lại 8 lần cụm từ “Phúc thay ai”.

Mỗi Mối Phúc gồm có ba phần. Trước hết, có câu “Phúc thay ai”; rồi tới tình trạng trong đó có những người được phúc: tâm hồn nghèo khó, sầu khổ, khát khao công chính, vv…; cuối cùng, là lý do của Mối Phúc, được dẫn bằng từ “vì” “Phúc thay ai… vì…”. Đó là 8 mối phúc và thật là đẹp nếu chúng ta có thể học thuộc lòng các mối phúc đó để có thể nhắc lại, để thực sự luôn có trong đầu và trong tâm hồn lề luật này mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.

Chúng ta hãy cẩn thận với phương diện này: lý do của mối phúc không phải là tình trạng hiện tại mà là điều kiện mới mà những người có phúc nhận được từ Thiên Chúa như một ân sủng: “vì Nước Trời là của họ”…

Trong phần thứ ba, vốn chính là lý do của mối phúc, Chúa Giêsu thường dùng thì tương lai dưới hình thức thụ động, chẳng hạn “họ sẽ được an ủi”, “họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, “họ sẽ được thỏa lòng”, “họ sẽ được xót thương”, “họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Nhưng từ ngữ “phúc” có nghĩa là gì? Tại sao mỗi mối trong 8 Mối Phúc đều bắt đầu bởi chữ “phúc”. Từ ngữ nguyên thủy không chỉ định kẻ có bụng dạ no đầy hay kẻ có một cuộc sống dễ chịu, mà chính là một người đang ở trong một điều kiện ơn phúc, đang thăng tiến trong ân sủng của Thiên Chúa và tiến bước trên con đường của Thiên Chúa. Đó là sự kiên nhẫn, sự nghèo khó, sự phục vụ tha nhân, sự an ủi… Những ai tiến tới trong các lãnh vực đó đều có phúc và được hạnh phúc.

Để hiến thân cho chúng ta, Thiên Chúa thường chọn những con đường khó tưởng tượng được, có thể là những con đường của những đau khổ, của những nước mắt, của những thất bại của chúng ta. Chính là niềm vui phục sinh mà anh chị em Chính Thống Giáo Đông Phương của chúng ta nói đến, niềm vui mang thương tích nhưng sống động, đã vượt qua sự chết và đã trải nghiệm quyền phép của Thiên Chúa. Các Mối Phúc dẫn đưa anh chị em tới niềm vui, luôn luôn là con đường để đạt tới niềm vui.

Sẽ có ích cho chúng ta để cầm lấy cuốn Kinh Thánh và đọc to lên Tin Mừng theo thánh Mátthêu ngày hôm nay, ở chương 5, từ câu 1 đến câu 11, và đọc các Mối Phúc – có lẽ nhiều lần trong tuần lễ này – để hiểu được con đường tươi đẹp biết bao, an toàn biết bao của hạnh phúc mà Chúa đề nghị cho chúng ta.

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.
 
Giáo Hội Năm Châu 3/02/2020: Tin vui - Giáo hội sắp có thêm 13 Chân phước tử đạo
Giáo Hội Năm Châu
06:08 03/02/2020
1. Giáo hội sắp có thêm 13 Chân phước tử đạo.

Giáo Hội Công Giáo sắp có thêm 13 chân phước tử đạo: 3 vị người Tây Ban Nha và 10 vị người Guatemala.

Hôm 24 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã truyền cho Bộ Phong Thánh công bố một sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Giuse Domenech Bonet và 2 tu sĩ cùng dòng Capuchino, bị sát hại vì đức tin trong thời nội chiến Tây Ban Nha ngày 24 tháng 07 và 06 tháng 08 năm 1936. Tiếp đến là Cha Giuse Maria Gran Cirera (1945-1980) và 2 linh mục cùng dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu và 7 giáo dân, bị giết vì đức tin tại Guatemena trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1991.

Cha Domenech Bonet sinh năm 1892 tại Tây Ban Nha và gia nhập dòng Capuchino năm 17 tuổi (1909), thụ phong linh mục năm 1915, và từng làm giám tập, cố vấn tỉnh dòng và Bề trên tu viện ở thành Manrea. Ngày 22/07 năm 1936, tu viện của cha bị dân quân mác xít vô chính phủ chiếm và tàn phá. Các tu sĩ tị nạn đến một nơi an toàn hơn, trong khi cha Domenec chạy đến một nhà ở vùng quê gần thành Manresa, nhưng ngày 06/08 cùng năm 1936, dân quân đột nhập, bắt và buộc cha phải nói phạm thượng. Cha từ chối nên bị dẫn đến nơi gọi là La Culla và bị giết chết tàn nhẫn tại đây. Trước đó có 2 cha cùng dòng Phanxicô cũng bị bắt và sát hại.

Tại Guatemala, cuộc bách hại Công Giáo kéo dài. 13 vị tử đạo tại đây gồm 3 linh mục dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và 7 giáo dân, trong đó có cậu Juan Barrera Méndez mới được 12 tuổi, thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành. Tất cả đã bị giết chết trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1991. Giáo Hội Công Giáo tại Guatemala dấn thân bênh vực phẩm giá và các quyền của người nghèo, đặc biệt là cha Giuse Gran Cirera, sinh tại Barceleno năm 1945 và đến truyền giáo tại Guatemala từ năm 1975. Về sau cha được gửi đến giáo xứ thánh Gaspar ở Chajul. Cha bênh vực những người nghèo và các thổ dân bị các nhóm quân phiệt sát hại.

Ngày 04 tháng 06 năm 1980, sau khi viếng thăm mục vụ ở các làng gần đó, cha cùng với Ông từ của giáo xứ tên là Domingo del Barrio Batz trở về giáo xứ Chajul, cả hai bị sát hại. Lúc đó cha Gran Cirera mới được 35 tuổi.

Ngoài sắc lệnh nhìn nhận các vị tử đạo trên đây, cùng ngày 24 tháng Giêng, Ðức Thánh cha cũng cho phép Bộ Phong Thánh công bố 6 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 6 vị tôi tớ Chúa người Italia, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Pháp và Ba Tây.

2. Chính Thống Nga bác bỏ lời cáo buộc muốn đứng đầu Chính Thống Giáo

Giáo Hội Chính Thống Nga bác bỏ những tin nói rằng Chính Thống Nga muốn tiếm đoạt quyền của Giáo Hội Chính Thống Constantinople trong vị thế đứng đầu Chính Thống Giáo.

Hôm 22 tháng Giêng, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin: Ðức Tổng giám mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa, tuyên bố rằng: “Có những lời cáo buộc gần đây từ Giáo Hội Chính Thống Đông phương cho rằng Giáo Hội Nga ngang nhiên phủ nhận vị thế đứng đầu của Tòa Thượng Phụ Constantinople và tìm cách chiếm đoạt vị thế đó. Nhưng tôi chưa hề nghe được một lý lẽ nào chứng tỏ được sự hữu lý của những lời cáo buộc ấy”.

Ðức Tổng giám mục Hilarion nói thêm rằng: “Cách thức Giáo Hội Chính Thống Nga hiểu về vị thế đứng đầu trong Giáo Hội và nhìn nhận ai là người giữ vị trí đó, người ta có thể thấy rõ trong một Văn kiện do Công nghị Chính Thống Nga công bố tháng 12 năm 2013 với tựa đề: “Lập trường của tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa về vấn đề vị thế thứ I trong Giáo Hội Chính Thống hoàn vũ. Văn kiện ấy nói rõ rằng sau cuộc đại ly giáo hồi năm 1054, vị thế đứng đầu danh dự trong Chính Thống giáo thuộc về Ðức Thượng Phụ Constantinople. Thực tế là Giáo Hội Chính Thống Nga là một trong số ít Giáo Hội địa phương, và có lẽ là Giáo Hội duy nhất, đã nhìn nhận vị thế thứ I của Constantinople, không những bằng lời nói nhưng còn bằng một Văn kiện đặc biệt của công nghị Giám mục”.

Ðức Tổng giám mục Hilarion cũng xác quyết: Giáo Hội Chính Thống Nga không bao giờ phủ nhận quyền đứng đầu của Tòa Thượng Phụ Constantinople, vấn đề ở đây là quyền này phải được hiểu như thế nào.

Chính Thống Nga phê bình rằng trong 100 năm gần đây, Tòa Thượng Phụ Constantinople đã phát triển giáo huấn về quyền đứng đầu, bắt chước kiểu mẫu cơ cấu của Giáo Hội Công Giáo Roma, theo đó Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople có độc quyền mà các vị Giáo chủ Chính Thống khác không có hoặc không được có trên nguyên tắc. Dĩ nhiên Giáo Hội Chính Thống Nga phủ nhận quan niệm như thế về vị thế đứng đầu như vậy của Tòa Constantinple, vì nó không phù hợp với truyền thống của Giáo Hội và với Giáo Hội học của Chính Thống giáo.

Trong số 15 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới hiện nay, Chính Thống Nga có đông tín hữu nhất với khoảng 90 triệu.

3. Tưởng nhớ và cầu nguyện nhân ngày giải phóng trại Tập trung Auschwitz, Ba Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người thiện chí qui tụ lại để cầu nguyện và hồi nhớ lại biến cố kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tập trung Đức Quốc xã tại Auschwitz-Birkenau.

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của việc diệt chủng này, Đức Thánh Cha nói chúng ta không thể thờ ơ vô cảm trước thảm kịch bi thương này, nên chúng ta phải tụ tập lại để tưởng nhớ.

Gặp gỡ khách hành hương đang tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, để đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ ngày 27 tháng Giêng, là ngày đánh dấu kỷ niệm 75 năm giải thoát trại diệt chủng Auschwitz-Birkenau tại Ba lan trong thời Đức Quốc xã.

Tưởng cũng nên nhớ lại chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Trung tâm Simon Wiesenthal, ngài đã nói: Nếu chúng ta quên đi những bạo tàn diệt chủng đã qua thì chúng ta sẽ phá hủy tương lai của chúng ta!

Cho nên ngày 27 tháng Giêng xin tất cả hãy dành ra một khoảnh khắc để cầu nguyện và tưởng nhớ tới các nạn nhân của việc diệt chủng và thầm nhủ trong tim của chúng ta: không bao giờ cho phép nó xảy ra nữa!

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến lời Chúa trong ‘Chúa Nhật hôm nay’ như là một món quà mà Thiên Chúa tặng ban.

Và ngài cảm ơn tất cả các Giáo phận và các cộng đồng đã có những sáng kiến đưa Kinh thánh vào và làm cho nó trở thành trung tâm của đời sống của Giáo hội..

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhớ đến Ngày Thế giới bệnh Phong, Đức Thánh Cha phát biểu ngài gần gũi với tất cả những người mắc chứng bệnh hiểm nghèo này và ngài cầu nguyện cho những người ai đang chăm sóc họ theo nhiều cách thế khác nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn dịch cúm coronavirus hiện nay.

Ngày Bệnh Phong Thế giới được thành lập để nâng cao ý thức về căn bệnh này và những người bị mắc chứng bệnh này. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới gần đây, căn bệnh này đang tái hiện như một đe dọa cho sức khỏe toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Indonesia.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn corona

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn corona hiện đang lan truyền tại Trung Quốc cũng như cầu nguyện cho cam kết của quốc gia này trong việc ngăn chặn và chống lại dịch bệnh.

“Tôi mong muốn được gần gũi và cầu nguyện cho những người mắc bệnh vì loại vi khuẩn đã lây lan qua Trung Quốc”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ sau giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 26/1 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

“Nguyện xin Thiên Chúa cho những người đã qua đời được yên nghỉ, an ủi các gia đình và đồng thời duy trì sự cam kết to lớn của cộng đồng Trung Quốc vốn đã được đưa ra để chống lại dịch bệnh này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm Chúa Nhật 26/1 cho biết khả năng lây lan của vi khuẩn corona mới đang gia tăng và sự truyền nhiễm có thể tiếp tục gia tăng.

Gần 2.000 người đã bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc và 56 người đã chết vì căn bệnh này.

Một số ít các trường hợp đã được báo cáo bên ngoài Trung Quốc, bao gồm ở Thái Lan, Úc, Hoa Kỳ và Pháp, với việc các cơ quan y tế trên toàn thế giới nỗ lực hết sức nhằm ngăn chặn đại dịch.

Vi khuẩn corona mới được xác định đã tạo ra một sự báo động bởi vì vẫn còn nhiều ẩn số xung quanh nó, chẳng hạn như mức độ nguy hiểm và mức độ lây lan dễ dàng giữa con người. Nó có thể gây ra căn bệnh viêm phổi, vốn có thể gây tử vong trong một số trường hợp.

5. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gởi thư cho Đức Thánh Cha

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen - 蔡英文) đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả sự gây hấn và đàn áp tôn giáo của Trung Quốc là “những trở ngại đối với hòa bình”, và đồng thời nêu chi tiết về việc “lạm dụng quyền lực” của chế độ Cộng sản.

“Mấu chốt của vấn đề đó là Trung Quốc từ chối việc từ bỏ mong muốn thống trị Đài Loan. Nó tiếp tục làm suy yếu nền dân chủ, tự do và nhân quyền của Đài Loan với các mối đe dọa của lực lượng quân sự và thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công mạng và thao diễn ngoại giao”, bà Thái Anh Văn viết trong một lá thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô do văn phòng của bà công bố vào ngày 21 tháng 1.

Bà Thái Anh Văn đã gửi bức thư để đáp lại thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Hòa bình năm 2020, bức thư thường niên của Đức Giáo Hoàng gửi cho tất cả các Bộ trưởng ngoại giao trên thế giới để đánh dấu dịp năm mới.

Năm nay, bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề: “Hòa bình là một Cuộc hành trình của Hy vọng: Đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái”, kêu gọi lương tâm của nhân loại, vươn lên trước sự khao khát thống trị và hủy diệt.

Tân Tổng thống tái đắc cử của Đài Loan, chính thức được gọi là Cộng hòa Trung Quốc, nhắn nhủ với Đức Thánh Cha Phanxicô về mong muốn của bà nhằm “giải quyết cách ôn hòa những khác biệt trên eo biển Đài Loan”.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với tuyên bố của Ngài rằng việc bước đi trên con đường hòa bình đòi hỏi chúng ta phải gác lại tất cả mọi hành vi bạo lực trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho dù là đối với những anh chị em thân cận của chúng ta hay đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.

Tổng thống Đài Loan sau đó nêu chi tiết một danh sách các hành động của Trung Quốc mà bà cho là cấu thành “những hành vi lạm dụng quyền lực”, đồng thời mô tả hành vi bạo lực đối với những người biểu tình ở Hồng Kông, cuộc tranh cãi gần đây về một huấn luyện viên NBA lên tiếng chỉ trích chế độ Cộng sản, và cuộc đàn áp đối với các tín đồ tôn giáo đang tìm cách theo dõi lương tâm của họ:

“Các nhà chức trách điều hành lực lượng cảnh sát có vũ trang bắn hơi cay và đàn áp và bắt giữ những người bày tỏ mong muốn theo đuổi dân chủ và nhân quyền; những người nổi tiếng trên internet hoặc các vận động viên bị đe dọa chấm dứt hợp đồng hoặc bị cấm tham dự các cuộc thi khi họ lên tiếng để bảo vệ quyền tự do ngôn luận; các tín đồ tôn giáo đối mặt với việc bị giam cầm và đàn áp bởi các nhân viên an ninh công cộng khi họ, theo lương tâm của mình, từ chối bị ép buộc ký vào các tài liệu để tham gia một tổ chức vi phạm các giáo lý tôn giáo của họ – tất cả những điều này cấu thành những gì Ngài đề cập trong thông điệp của Ngài đó là “lạm dụng quyền lực” và đồng thời phản ánh khái niệm của sự đa dạng như một trở ngại. Thật vậy, chúng chỉ phục vụ cho việc châm ngòi cho các cuộc xung đột”.

Bà Thái Anh Văn trích dẫn trực tiếp từ thông điệp hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó nêu rõ: “Chiến tranh được thúc đẩy bởi việc làm méo mó các mối quan hệ, bởi tham vọng bá quyền, bởi vệc lạm dụng quyền lực, bởi sự lo sợ người khác và xem sự đa dạng như là một trở ngại”.

Bà cũng đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta trong Thông điệp “Laudato Si” của mình bằng cách nhấn mạnh những nỗ lực của chính phủ Đài Loan nhằm “biến Đài Loan trở thành một trung tâm phát triển năng lượng xanh ở châu Á” thông qua nhiều sáng kiến về năng lượng xanh và nước bền vững”.

6. Một Giáo xứ tại Rôma mở cửa 24/24 cho người nghèo

Mặc dù thực tế là Rôma có khoảng 900 nhà thờ Công Giáo, nhưng việc tìm một nhà thờ mở cửa để cầu nguyện tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể khá khó khăn. Một số mở cửa theo giờ hành chính, nhưng hầu hết chỉ mở cửa trong khoảng thời gian Thánh Lễ.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12 năm ngoái, có một nhà thờ luôn mở cửa 24/7 để mọi người có thể chầu Thánh Thể và một nhóm bao gồm 8 đến 10 tình nguyện viên, cùng với Linh mục Chính xứ, đảm bảo luôn có người túc trực sẵn sàng chào đón những người cần đôi bàn tay giúp đỡ.

“Dự án này không chỉ dành cho người nghèo”, theo Roberta, một tình nguyện viên tại Nhà thờ Thánh Piô Năm Dấu, chia sẻ hôm thứ Hai trong một phòng ngủ tập thể mới khánh thành dành cho khoảng 30 người vô gia cư.

“Một lần nữa, nếu bạn đến đây vào ban đêm, bạn sẽ thấy rằng luôn có người ở đây cầu nguyện”, Roberta chia sẻ với Crux. Và họ không phải là những người vô gia cư. Đó thường là một người trẻ tuổi, hoặc một vài người trong số họ, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa. Tôi luôn hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy Ngài ở đây. Và nếu như không có gì khác, nếu họ cần, họ sẽ tìm thấy một khuôn mặt tươi cười và sự thoải mái nhẹ nhàng để biết rằng không chỉ có Thiên Chúa mới sẵn lòng lắng nghe họ”.

Ngoài việc mở cửa cả ngày và cung cấp chỗ ngủ tập thể, ở đây còn có phòng vệ sinh, phòng giặt ủi và bữa sáng hàng ngày cho khoảng 200 người. Khi sáng kiến được ra mắt vào cuối tháng 12, với sự hiện diện của Đức Hồng Y Giám quản Rôma, Đức Hồng Y Angelo de Donatis, và Đức Hồng Y Carlos Osoro Địa phận Madrid.

Nằm ở trung tâm lịch sử Rôma, chỉ cách Đền Pantheon và quảng trường Navona vài bước chân, dự án được điều hành bởi tổ chức phi chính phủ Công Giáo Tây Ban Nha ‘Mensajeros de la Paz’ (Sứ giả Hòa bình). Được thành lập vào năm 1962 bởi Cha Ángel García, hiệp hội ngày nay có vài chục ngôi nhà dành cho những người già yếu lớn tuổi ở Tây Ban Nha, cũng như các điểm phát chẩn đồ ăn và một số trung tâm đào tạo.

Trước khi khánh thành khu vực ngủ tập thể ở Rôma, Cha García đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô tại Casa Santa Marta, nơi ở của Đức Giáo Hoàng trong khuôn viên Vatican và tham dự Thánh lễ ban sáng với Đức Thánh Cha.

“Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, đôi khi bạn bị chặn lại vì bạn biết Ngài là người đại diện ‘từ trên cao’”, Cha García chia sẻ với các phóng viên. “Nhưng bởi vì Ngài là một vị Giáo hoàng có nhiều sự lôi cuốn và sức thu hút của một vị lãnh tụ, thật dễ dàng để chia sẻ với Ngài dự án Nhà thờ mở 24/24, những gì chúng tôi làm ở đây và những người gõ cửa chúng tôi mỗi ngày”.

Mặc dù dự án hiện vẫn còn quá mới mẻ để có thể tiếp nhận đủ những dữ liệu và phản hồi hầu đánh giá sự thành công của nó ở Rôma, Linh mục García còn điều hành một nhà thờ tương tự tại trung tâm thành phố Madrid và biết rằng những người tiếp cận một nhà thờ mở cửa 24/24 không chỉ để nhờ cậy sự giúp đỡ hoặc để nghỉ ngơi, nhưng còn để cầu nguyện.

“Mặc dù mọi người nghĩ rằng những nhà thờ này chỉ dành cho ‘những người nghèo về mặt vật chất’, thế nhưng, không phải như vậy”, Linh mục García nói, lặp lại những chia sẻ của Roberta. “Điều xảy ra đó là đôi khi, đây là những nơi duy nhất mà những người không có gì được phép vào mà không bị phán xét”.

“Các dự án như thế này là một dấu hiệu rõ ràng về xã hội không phải đang đi xuống, như chúng ta thường nghe thấy”, Linh mục García nói. “Trái lại, nó lành mạnh và đầy những giá trị. Dù bạn gõ cửa ở đâu, luôn có một người sẵn sàng giúp đỡ, để thể hiện lòng bác ái với người khác”.

Chỉ riêng ở Rôma, có khoảng 5,000 đến 6,000 người vô gia cư, nhiều người trong số họ sống ở vùng lân cận Vatican – với một số lều bạt thường có thể nhìn thấy bên dưới dãy cột nổi tiếng của Bernini. Cuối năm ngoái, vị Quan Phát Chẩn của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đã khánh thành một nơi ở mới dành cho người vô gia cư ngay ngạch cửa vào Vatican, trong một tòa nhà có lịch sử lâu đời được gọi là Palazzo Migliori.

Bên ngoài Nhà thờ Thánh Piô Năm Dấu, có một tấm biển mời mọi người bước vào, với một câu trích dẫn từ lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “các nhà thờ phải luôn mở cửa bởi vì đây chính là biểu tượng về: một Giáo hội luôn luôn rộng mở”.

Tấm áp phích thứ hai, với hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô trong tư thế cầu nguyện với nội dung: “Tôi xin lỗi vì tất cả những lần chúng ta, với tư cách là những người Kitô hữu, khi gặp một người nghèo hoặc một người trong hoàn cảnh nghèo khó lại ngoảnh mặt quay đi chỗ khác”.

Vào tháng 12, khi cánh cửa của Giáo xứ chính thức mở cửa 24/24, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi Linh mục García một lá thư cảm ơn ngài vì sáng kiến này “để cung cấp dịch vụ của Lời Chúa vốn có thể giúp đỡ những người xem ngôi nhà cầu nguyện này như một Ngôi nhà chung để cùng nhau xây dựng một nơi ẩn náu nơi mà tất cả mọi người đều được chào đón và từ đó họ có thể rời đi một lần nữa lên đường để đối mặt với cuộc phiêu lưu kỳ diệu trong ơn gọi Kitô giáo của họ”.

“Tôi mong ước rằng Ngôi Nhà của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở những cánh cửa bởi vì nó cùng đồng hành giữa các dân tộc, trong lịch sử của con người, nam cũng như nữ”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. “Nếu không, những nhà thờ mà lúc nào cũng cửa đóng then cài nên được gọi là bảo tàng”.

Cộng đồng giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong bức thư, là một “cái lều” có khả năng trở thành to lớn hơn “để tất cả mọi người có thể bước vào, tìm một ốc đảo hòa bình trong tình yêu Thiên Chúa, một nơi luôn chào đón, hòa giải và tha thứ”.

“Nó nói về lòng thương xót, lòng thương xót, lòng thương xót”, Linh mục García phát biểu với các phóng viên hôm thứ Hai. “Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của mình: Chúng ta cần một Giáo hội nghèo cho người nghèo, nhưng đừng bao giờ quên lòng thương xót mà chúng ta cần phải áp dụng không chỉ vào cách thức chúng ta đối xử với những anh chị em thân cận của mình, mà còn đối với chính chúng ta”.

7. Đức Thượng Phụ Melkite Ai Cập bàn về vai trò của các Kitô hữu tại Trung Đông

Sứ mạng của Giáo hội, cũng như tại Trung Đông, không phải là “truyền bá nền văn minh Kitô giáo thay cho các nền văn minh khác”, mà là để “chứng minh công việc của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta và giúp những người khác đón nhận món quà này của Chúa Thánh Thần”. Với những lời này, Đức Thượng Phụ Youssef Absi, Thượng Phụ Antioch thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkites, được thể hiện dưới dạng tổng hợp và hiệu quả, tiêu chí phù hợp để xem xét các sự kiện của các cộng đồng Kitô giáo nằm rải rác ở khu vực Trung Đông, Fides News Agency đưa tin. “Sự hiện diện của chúng ta, đặc biệt là ở Trung Đông”, Đức Thượng Phụ Youssef Absi xác định, “không phụ thuộc vào số lượng, sức mạnh và khả năng của chúng ta, mà phụ thuộc vào hoạt động hiệu quả của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta”.

Bối cảnh được sử dụng bởi Đức Thượng Phụ của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp-Melkite nhằm bộc lộ những cân nhắc quý báu của ngài về sứ mạng hiện tại và tương lai của các cộng đồng Giáo hội ở Trung Đông đó là phiên họp mỗi sáu tháng của Hội nghị các Gám mục Công Giáo tại Ai Cập, được tổ chức tại nhà thờ Santo Stefano vùng lân cận al Maadi, vào các ngày 14 và 15 tháng 1. Hội nghị được đồng chủ trì bởi Đức Thượng Phụ Youssef Absi (Thượng Phụ Antioch và toàn bộ miền Đông, Alexandria và Giêrusalem,) và Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Alexandria của Giáo Hội Công Giáo Coptic. Cuộc họp cũng có sự tham dự của hơn 20 Giám mục Công Giáo, các Tu sĩ nam nữ hiện đang làm việc tại quốc gia Bắc Phi rộng lớn, cùng với Đức Tổng Giám Mục Nicolas Henry Marie Denis Thevenin, người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Ả Rập Ai Cập vào tháng 11 năm ngoái và Đại diện Đức Giáo Hoàng tại Liên đoàn các quốc gia Ả Rập.

Trong hai ngày cùng với nhau, các tham dự viên tham gia hội nghị cũng đề cập đến vấn đề tế nhị của những tác động – thường là tiêu cực – của phương tiện truyền thông xã hội đối với cuộc sống của các cộng đồng Giáo hội. Trong các buổi làm việc, văn kiện của các Giáo Hội Công Giáo liên quan đến dự thảo luật về tình trạng pháp lý cá nhân của các Kitô hữu ở Ai Cập cũng đã được soạn thảo, một đóng góp cần phải được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét thảo luận và ban hành luật này bởi chính phủ Ai Cập.