Ngày 09-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mùng Một Tết - Sự Tích Con Cọp
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
04:52 09/02/2010
Sự Tích Con Cọp

Ngày xưa khi mà loài người đang sống gần với muông thú trong rừng

Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên. Đến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:

- Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:

- Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!

Cọp không hiểu, tò mò hỏi:

- Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:

- Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!

Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:

- Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?

Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:

- Trí khôn tôi để ở nhà. Để tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.

Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:

- Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?

Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:

- Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.

Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:

- Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!

Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào. Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.

Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.

Quả thực, trong muôn loài tạo vật thì con người là thụ tạo cao cả nhất, vượt xa muôn loài, muôn thú. Vì con người được Thiên Chúa ưu ái tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Có lý trí, ý chí và tự do. Con người còn được Thiên Chúa ban quyền thống trị muôn loài, làm chủ vạn vật. Cho dù là những sinh vật bé nhỏ hay những loài vật mãnh thú hổ, báo, sư tử cũng đều phải quy phục con người. Cho dù là những loài tinh khôn cũng chỉ là bắt chước con người chứ không thể sánh bằng con người.

Vì thế nhân ngày đầu năm là dịp thuận lợi để chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo dựng chúng ta vượt xa muôn loài muôn vật và còn cho chúng ta được nên giống hình ảnh Ngài.Tạ ơn Chúa đã yêu thương chúng ta vô bờ bến, cho dù phận người còn nhiều yếu đuối, bất toàn, nhưng tình yêu Chúa mãi rộng lớn có thể “phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng ta”.

Tạ ơn Chúa về một năm đã qua luôn được bình an trong tay Chúa. Cho dù cuộc sống còn có những khó khăn, nhưng chính Thiên Chúa đã dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của giòng đời. Cho dù giòng đời đâu mấy khi bình yên nhưng Chúa vẫn nâng đỡ chúng ta bằng những ơn lành hồn xác.

Tạ ơn Chúa còn là dịp để chúng ta biết sống sao cho xứng với hồng ân ban tặng. Thiên Chúa cho chúng ta nên giống hình ảnh Ngài, thì chúng ta hãy sống tự chủ bản thân, đừng buông mình theo những đam mê tội lỗi, đừng phá hủy nét đẹp của tâm hồn bởi những thói hư tật xấu. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cho dù chúng ta còn nhiều bất xứng thì chúng ta hãy sống tình yêu đó với tha nhân. Hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Hãy sống quảng đại vì Thiên Chúa luôn quảng đại với chúng ta. Hãy trao tặng cho nhau niềm vui và hạnh phúc vì chính Thiên Chúa luôn ban xuống đời ta biết bao ơn lành hồn xác.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn thánh thiện xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho những ngày xuân chúng ta tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Nguyện xin Chúa xuân ban đến cho mọi nhà và mọi người một năm mới an bình và hạnh phúc. Amen
 
Mùng Hai Tết Canh Dần - Tình Yêu Cha Mẹ
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
04:54 09/02/2010
Tình Yêu Của Cha Mẹ

Người ta kể rằng: có một lần, người cha già 80 tuổi ngồi trên chiếc ghế sô-pha cùng người con trai trí thức 45 tuổi. Đột nhiên có tiếng một con quạ gõ gõ cái mỏ vào ô của sổ của căn nhà.

Người cha già hỏi con trai: “Cái gì vậy?”.

Người con trai trả lời: “Một con quạ”.

Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai: “Cái gì vậy?”.

Người con trả lời: “Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ”.

Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già lại hỏi: “Cái gì thế?”.

Đến lúc này, có chút bực dọc, khó chịu trong giọng điệu của người con trai khi anh ta trả lời cha: “Đó là một con quạ, một con quạ”.

Một lúc lâu sau, người cha lại hỏi con trai cũng vẫn câu hỏi “cái gì thế?”.

Lần này người con trai thực sự tức giận hét vào mặt người cha già mà rằng: “Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế hả? Con đã nói bao nhiêu lần rồi, đó chỉ là một con quạ. Cha không hiểu hả?”.

Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật kí đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật kí như sau:

“Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên chiếc ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn”…

Trong các tình yêu, có lẽ chỉ có tình cha, tình mẹ là bền bỉ, là kiên vững nhất. Tình cha mẹ dành cho con cái mãi mãi như sông ngòi, biển khơi. Nhưng:

“"Biển đông còn lúc đầy vơi,

Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng".

Cha mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời mình, chỉ mong cho con cái thành người. Niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của cha mẹ là nhìn thấy sự thành công của con cái. Cho dù có phải vì con mà vất vả lao đao, cha mẹ vẫn không sờn lòng. Cho dù có vì con mà cha mẹ phải hao gầy, cha mẹ vẫn vui khi nhìn thấy con cái lớn khôn mỗi ngày. Chính nhờ ơn cha nghĩa mẹ cao dày như thế, những người con khi đã lớn khôn, thành tài, cần phải dặn lòng:

"Trải bao gian khổ không sờn,

Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền".

Sự nhớ ơn không phải để nói bâng quơ nhưng cần thể hiện bằng cả một tấm lòng ưu ái nhất, luôn lo lắng, quan tâm chăm sóc cha mẹ khi đã về già:

"Ai về tôi gửi buồng cau,

Buồng trước kính Mẹ, buồng sau kính Thầy.

Ai về tôi gửi đôi giầy,

Phòng khi mưa gió để Thầy Mẹ đi".

Và rồi trong cuộc sống đâu phải mình muốn là được. Có những điều muốn làm nhưng lại không có cơ hội để làm. Như người con gái xa quê đã tiếc nuối khi không thể chăm sóc cha mẹ.

"Chim đa đa đậu nhánh đa đa,

Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.

Mai sau cha yếu, mẹ già.

Bát cơm đôi đũa, kỹ trà ai dâng?

Đó chính là đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức người Việt Nam chúng ta. Đạo hiếu luôn đòi buộc phận làm con phải biết sống sao cho vuông tròn ân nghĩa mẹ cha. Cho dù dòng đời có những đổi thay của làn sóng văn hóa Châu Âu hay Châu Mỹ, thì vẫn không thể phai nhòa chữ hiếu trong tâm thức của người Việt Nam. Cho dù cuộc đời có nhiều thay đổi của những xu thế thực dụng, hay những trào lưu văn hóa ngoại lai, thì người Việt Nam vẫn phải để hai chữ hiếu thảo làm đầu:

"Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá,

Ngó ra ngoài biển, thấy cặp cá đang đua,

Đi về lập miếu thờ Vua,

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha".

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để chúng ta sống trọn chữ hiếu với mẹ cha. Chữ hiếu được thể hiện qua những món quà chúng ta dâng tặng mẹ cha được nồng ép vào đó cả một tình con thảo hiếu. Đây cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày tết được đoàn tụ bên gia đình. Ai cũng mong đón nhận những giờ phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà. Thế nhưng, chữ hiếu không chỉ dừng lại nơi những ngày tết mới bộc lộ ra mà còn phải dàn trải trong suốt tháng năm sống bên cha mẹ. Hãy sống sao cho tròn chữ hiếu. Nếu những ai có cha mẹ còn trẻ hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta có một thành trì vững chắc để tựa nương. Nếu những ai cha mẹ đã già nua thì đừng xem thường và coi họ như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời khiêm tốn, lịch sự đừng cáu gắt với tuổi già. Hãy ôn tồn với các ngài vì chính họ cũng từng kiên nhẫn với tuổi thơ chúng ta. Chính các ngài đã không quản mưa nắng, mệt nhọc, thức khuya dạy sớm vì tuổi thơ chúng ta. Xin đừng ai phụ ơn nghĩa mẹ cha. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì:

"Nếu mình hiếu với mẹ cha

Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.

Nếu mình ăn ở vô nghì

Đừng mong con hiếu làm gì uổng công".

Nguyện xin Chúa là Mùa xuân chúc lành cho ngày hội của các gia đình hôm nay. Xin Chúa liên kết mọi người trong tình yêu Chúa. Xin cho mọi thành phần trong gia đình biết đón nhận giây phút xum vầy ngày xuân là hồng ân của Chúa để sống cho trọn vẹn với gia đình. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Nhận diện chước cám dỗ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:09 09/02/2010
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Một lời cầu trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta vốn thuộc nằm lòng và cũng thường xuyên đọc hằng ngày. Chắc chắn Thiên Chúa không muốn và cũng không thể nỡ để bất cứ ai phải sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là để nhận biết thánh ý Chúa mà thực thi, không phải để “bắt” Chúa phải làm theo ý của mình. Bởi chưng, Thiên Chúa đã biết rõ những gì chúng ta cần, ngay trước khi ta cầu xin. Đấng Cứu Thế dạy ta cầu xin Cha trên trời “chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là để chúng ta biết rằng Thánh ý Cha trên trời muốn chúng ta phải cẩn trọng với các chước mưu cám dỗ của ma quỷ cũng như của những người xấu, của những thế lực đen tối. Biết cẩn trọng để rồi biết đề phòng chước cám dỗ bằng cách xa lánh dịp tội và tìm cách chiến đấu, chống trả chước cám dỗ cách hữu hiệu. Để thực hiện mục đích này thì tiên vàn cần nắm rõ chiến thuật, chiến lược của ma quỷ và các thế lực xấu. Đặc biệt, chúng ta cần phải biết một cách nào đó các lãnh vực xung yếu mà ma quỷ thích tấn công và cám dỗ chúng ta. Sự thường, môn đệ thì không hơn thầy. Cách thế và những lãnh vực ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu thì nó cũng dùng để tấn công chúng ta. Vậy không gì hơn, chúng ta hãy xem xét những chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu trong thời gian chay tịnh ở hoang mạc cũng như trước giờ tử nạn để nhận rõ chước mưu cám dỗ của ma quỷ.

Chiến lược: Nói đến chiến lược thì ta nghĩ ngay đến sự trường kỳ, lâu dài. Thánh sử Luca cho ta thấy sự thật này: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Đức Giêsu, ma quỷ bỏ đi và chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Trong quảng đời ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã không ít lần bị ma quỷ cám dỗ. Nó không chỉ cám dỗ Người, khi Người sống chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang mạc, mà còn cám dỗ Người nhiều lần và nhiều cách thế khác nhau. Sau khi Người hóa bánh ra nhiều, thì ma quỷ dùng quần chúng để cám dỗ tôn phong Người làm vua (x.Ga 6,1-15). Nó cũng dùng ngay cả người môn đệ thân tín của Người là Phêrô để cám dỗ Người đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn (x.Mt 16,21-23)…

Như thế phải khẳng định rằng đã là ma quỷ thì phải cám dỗ con người liên lĩ, hôm qua, hôm nay và cho đến giờ lâm tử của từng người. Bất kỳ ai, kể cả hàng giám mục, linh mục, tu sĩ cũng không là ngoại lệ hay được ưu đãi mà có khi là ngược lại, nghĩa là với những người này ma quỷ còn kiên trì cám dỗ hơn. Bởi một lẽ thường: khi chém được tướng thì quân ắt sẽ náo loạn và dễ diệt tan.

Chiến thuật: Qua câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang mạc chúng ta nhận ra một trong những chiến thuật tinh ranh của ma quỷ là đánh ngay vào chính khả năng người nó cám dỗ. Một kiểu đánh quả là độc chiêu. Không ai lại không ít nhiều tự hào về khả năng của mình. Khi hướng được khả năng của ai đó đi theo chiều của mình, theo cung cách của mình thì ta hầu chắc nắm phần thắng trong tay. Môn võ nhu đạo cũng khai thác chiều hướng này để ra các thế đòn thích hợp hầu quật ngã đối phương. Ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu sử dụng khả năng, uy quyền của Người theo cách thế nó bày vẽ ra và dĩ nhiên là trái với thánh ý Chúa Cha. Cái tinh xảo của ma quỷ ở chỗ nó không minh nhiên làm đổi hẳn mục tiêu mà Chúa Giêsu nhắm đến. Nó chỉ làm lệch đi một chút hoặc xúi giục Chúa Giêsu đạt đến mục tiêu theo cách thức không đẹp lòng Chúa Cha mà thôi. Chiến thuật xảo quyệt của ma quỷ lộ diện cách rõ nét qua các chước cám dỗ trong hoang mạc và những giờ trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Chiến thuật này có thể xem là chiến thuật mang tính tổng lực và toàn diện.

Ngạn ngữ “biết người - biết ta, trăm trận trăm thắng” có thể nói là một quy luật mang tính phổ biến trong các cuộc chiến. Chúng ta biết về ma quỷ thì chẳng bao nhiêu, nhưng chắc chắn ma quỷ biết chúng ta nhiều và rõ hơn chúng ta biết về nó. Ma quỷ thừa biết khả năng cũng như quyền hạn của các mục tử trong giáo hội. Một điều chắc chắn đó là nó sẽ không hề bỏ lỡ một cơ hội dù nhỏ để cám dỗ chúng ta hành quyền cách lệch lạc. Dĩ nhiên nó sẽ không dại gì cám dỗ chúng ta hành quyền kiểu đi ngược đường lối của Thiên Chúa cách tức khắc một lần, nhưng từng lần và mỗi lần chỉ lệch một chút thôi. Từng lần, mỗi lần lệch một chút, lệch vài độ nhỏ, thì rồi sẽ đến lúc lệch 180 độ.

Một mục tử lỗi điều răn thứ 6 hay thứ 9 thì thật đáng buồn vì sinh gương mù gương xấu, nếu chuyện thành công khai. Một mục tử lỗi phạm điểu răn thứ 7 hay thứ 10 thì cũng đáng buồn, cần phải sửa sai. Tuy nhiên vì những lỗi lầm này khó có thể biện minh, do đó sự nguy hại chúng gây ra thường không quá lớn vì nhanh được bề trên, người hữu trách khắc phục ngay. Trái lại khi mục tử hành xử quyền bính cách độc đoán, độc tài, thì làm cho đoàn chiên phân đàn, chia cánh, cắn xé lẫn nhau. Sự nguy hại này thường tồn tại lâu dài và cũng rất khó khắc phục ngày một ngày hai. Lịch sử Giáo hội cho chúng ta bài học đau thương này: để gây chia rẽ, để làm đổ vỡ thì rất dễ và cũng không quá mất nhiều thời gian Trái lại để hàn gắn các đổ vỡ, xây dựng lại sự hiệp nhất thì quả là vô vàn khó khăn và đòi hỏi thời gian rất lâu dài. Lẽ thường từ chỗ độc đoán, độc tài ắt sẽ dẫn đến sự độc ác, có thể là do vô tình hoặc có sự chủ ý. Người ta thường dễ lượng thứ cho sự yếu đuối và cả sự mê muội, nhưng sự độc ác thì rất khó mà tha thứ hay bỏ qua.

Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu dùng để chống trả chước cám dỗ, đặc biệt các chước cám dỗ thưở đầu đời công khai rao giảng của Người và phút giây hấp hối trong vườn dầu cũng như trên núi sọ, ta có thể thấy được vài lãnh vực trọng yếu mà ma quỷ tấn công Người.

1. Chước cám dỗ về lòng mến: Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian đó là bày tỏ cách hoàn hảo tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Và tình yêu ấy được biểu lộ qua chính con người, cuộc đời, những lời giảng dạy, việc làm của Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô. Ma quỷ đâu có cám dỗ Chúa Giêsu không yêu thương con người, nhưng nó cám dỗ Người yêu thương cách “phiếm diện” hoặc yêu thương theo phương thế riêng mình, dĩ nhiên là không hợp Thánh ý Chúa Cha. Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hóa thành bánh đi. Chúa Giêsu đã đáp lại: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,3-4).

Không riêng gì Kitô hữu, bà con lương dân, anh chị em khác đạo, kể cả người vô thần đều công nhận rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh. Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền thì con người cũng cần đến nhiều điều khác nữa như học hành, giải trí, nghệ thuật, tâm linh… Tuy nhiên, xét theo ngữ pháp, ta cũng có thể nói ngược với câu trích dẫn của Chúa Giêsu mà không sợ lệch ý hay sợ sai lầm. Người ta sống không nguyên chỉ nhờ lương thực thiêng liêng mà còn nhờ đến cơm bánh vật chất. Một kiểu nói dân gian, tương tự “có thực mới vực đựoc đạo”. Con người là hữu thể xác hồn duy nhất hay nói như các triết gia là tinh thần nhập thể. Con người lại không hiện hữu đơn độc mà còn có tính xã hội. Để sống, tồn tại và phát triển thì con người còn cần đến nhau, cần đến các cơ chế, luật lệ… Như thế để yêu thương con người cách toàn diện thì ta không chỉ nghĩ đến luơng thực vật chất hay tinh thần mà còn phải biết nghĩ đến cả môi trường sống của con người.

Ma quỷ thừa biết điều này và nó đã, đang cũng như sẽ mãi cám dỗ con người, đặc biệt cám dỗ Hiền Thê Đức Kitô, tức là các môn đệ của Người sống tình mến cách phiếm diện. Chước cám dỗ xui khiến ta yêu nhau là chỉ giúp nhau về vật chất của cải, thì chúng ta dễ nhận ra. Bởi chưng cái hậu quả của việc sa chước cám dỗ này thường nhãn tiền và dễ thấy, dễ nhận biết như chuyện đạo gạo, đạo bột bắp bột xép một thời ở Việt Nam chúng ta trước đây. Còn chước cám dỗ, xui khiến ta yêu nhau là chỉ lo phần hồn, lo chuyện thiêng liêng thì quả thật ta khó nhận biết. Ngay cả với Mẹ Giáo hội, từ thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tự do chính trị bành trướng, đã dần mất hết các quyền lực trần thế thì Giáo hội đã tự co cụm lại trong pháo đài của mình. Chính trong hoàn cảnh này thì chước cám dỗ lại hướng mục tiêu vào ngay bản thân Giáo hội. Bị hạn chế về các hoạt động trần thế thì ta quay về với chuyện thiêng liêng. Vì thế Giáo hội chúng ta đã nghiêng chiều về việc chỉ lo cứu rỗi các linh hồn. Chỉ lo cứu các linh hồn hay chỉ lo chuyện thiêng liêng, thì cũng là một cách sa chước cám dỗ. Nếu chỉ thương xót linh hồn thì chưa phải là yêu thương con người.

Con người không phải là thể xác và cũng không phải là linh hồn. Hơn nữa khi ta chủ trương rằng chỉ lo chuyện linh hồn thì vô tình ta rơi vào quan niệm nhị nguyên, chưa kể đến chuyện đánh lận con đen, tranh tối tranh sáng, khó bề kiểm chứng. Cũng có khi vì cái cớ lo chuyện linh hồn mà ta đã thoái thác nhiều nghĩa vụ yêu thương phải thực thi theo giới luật mới mà Thầy Chí Thánh truyền dạy. Chúng ta đừng quên Chúa Giêsu đã từng cụ thể hóa luật yêu thương bằng câu chuyện người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,29-37 ). Đọc Tin Mừng ta thấy rõ điều này: Chúa Giêsu trong ba năm rao giảng, công việc chính của Người là giảng dạy, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Khi sai các môn sinh đi thực tập truyền giáo, Người cũng truyền cho các vị thực thi những điều ấy: rao giảng tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ, nghĩa là đủ đầy các mặt: thể lý cũng như tâm linh.

Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, con người cũng không chỉ sống bằng Lời Chúa, nhưng con người còn sống nhờ tha nhân, xã hội, các thể chế chính trị, các đường lối phát triển kinh tế, xã hội… Đã yêu con người thì cần phải quan tâm đến con người cách toàn diện. Thời gian gần đây. Giáo hội đã có nhiều nỗ lực thể hiện sự quan tâm của mình trong các lãnh vực được gọi là trần thế như: lao động, công bình, ích chung…,đặc biệt từ sau Công Đồng Vatican II, với các hoạt động của thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình. Tuy nhiên chước cám dỗ vẫn còn đó với nhiều Giáo hội địa phương và có lẽ với cả Giáo hội Việt Nam chúng ta khi mà dường như chuyện trần thế còn được xem như là không phải công việc chính của mình. Khi khẳng định rằng Giáo hội không xen vào chuyện chính trị, không làm chính trị, thì không phải Giáo hội cấm tất cả Kitô hữu, con dân của mình không được làm chính trị mà chỉ giới hạn hàng giáo sĩ không được đứng ra thành lập hay tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị đảng phái.

Giáo Luật điều 285.3: “Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự”. Điều 287.2: “Các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy”. Giáo Luật cũng minh nhiên dạy các tu sĩ giữ những điều này trong điều 672. Ngoài ra “Trong các hiệp hội công của Kitô hữu trực tiếp nhằm việc thi hành việc tông đồ, những người đang giữ nhiệm vụ lãnh đạo trong các đảng phái chính trị không được làm vị điều hành” (GL Đ.317.4).

Khi ngăn cấm hay đúng hơn là giới hạn hàng giáo sĩ và tu sĩ không được trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị đảng phái, thì Giáo hội không dạy các thành phần ấy làm người bàng quan, đứng bên lề chuyện chính trị. Đức đương kim GIáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông Điệp Bác Ái trong Chân lý dạy chúng ta phải “dấn thân cho công ích có nghĩa là, một mặt bảo vệ và mặt khác phục vụ cho toàn bộ các cơ chế quy định đời sống xã hội về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa…” ( Số 7 ).

Quả thật, chúng ta không thể nói mình yêu thương nhau khi ta còn hững hờ hay bỏ qua một khía cạnh nào đó trong đời sống của nhau. Những vấn đề về xã hội đã được Hội Thánh lên tiếng hướng dẫn. Không dám hỏi có được bao nhiêu vị trong hàng linh mục, tu sĩ đã đọc Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII. Nhưng gần đây Bộ Công Lý và Hòa Bình đã tổng hợp giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội trong quyển “Compendium of the social doctrine of the Church” xuất bản năm 2004, và Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dịch và xuất bản năm 2007, thì đã có bao nhiêu linh mục nắm được nội dung? Giới linh mục và tu sĩ còn vậy, thế thì anh chị em tín hữu giáo dân sẽ ra sao đây?

Trước tình trạng của đất nước như tham ô, cửa quyền, độc quyền, độc tài, “sử dụng cường lực và bạo lực” như cách nói của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (trả lời phỏng vấn báo La Croix ngày 24-01-2010), thì có được bao nhiêu tiếng nói chính thức và công khai từ phía Giáo hội? Đức Hồng Y đã nói: “Tấm gương đấu tranh dưới hình thức cường lực và bạo lực của chính quyền hiện nay cũng là bài học cho gia đình và các tổ chức xã hội noi theo.” Có lẽ vì do cách hành văn thiếu trong sáng, nên câu nói của Đức Hồng Y dễ bị hiểu lầm rằng nội hàm của câu trên mang tính tích cực. Vì là bài học cho gia đình và các tổ chức xã hội noi theo, nên tấm gương ấy phải là tấm gương sáng. Thế nhưng việc đấu tranh dưới hình thức cường lực và bạo lực không phải là tấm gương sáng, nếu không muốn nói là trái lại. Chắc hẳn Đức Hồng Y muốn nói rằng “việc đấu tranh dưới hình thức cuờng lực và bạo lực của chính quyền hiện nay đã lây nhiễm vào môi trường gia đình và các tổ chức xã hội”. Quả thật, nạn bạo hành trong gia đình và trường học tại Việt Nam là một trong những tệ nạn đang được báo động trên các phương tiện truyền thông nước nhà.

Giáo Hội Công Giáo trình bày Học Thuyết xã hội của mình như sau: “Trước tiên học thuyết này chính là sự công bố những điều Giáo Hội đang có như là của riêng mình: đó là một cái nhìn về con người và về các việc làm của con người trong toàn bộ vấn đề… Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của những người nghèo, người yếu kém. Các quyền này càng bị làm ngơ hay bị xâm phạm, thì tầm mức bạo lực và bất công càng lan rộng, ảnh hưởng đến cả một loạt người hay những khu vực địa lý rộng lớn, từ đó làm gia tăng các vấn đề xã hội, tức là đưa tới những lạm dụng và mất quân bình, khiến cho xã hội bị xáo trộn…” (Số 81 – Học Thuyết xã hội của GHCG 2004 – Bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ban Bác Ái xã Hội – NXB Tôn giáo – năm 2007- trang 83-84).

Thử hỏi chúng ta đã thể hiện tình liên đới hiệp thông như thế nào để sống đức mến?

2. Chước cám dỗ về Đức Cậy: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” ( Mt 4,7; Lc 4,12 ). Khi nghe Chúa Giêsu dùng câu trích Lời Chúa trên đây để chống lại ma quỷ thì ta dễ nhận ra trọng tâm của chước cám dỗ là đức trông cậy. Giáo lý Công giáo dạy ta rằng có hai tội phạm đến Đức trông cậy: một là tuyệt vọng, thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa và hai là chỉ dựa vào sức mình hoặc quả ỷ lại vào tình thương của Chúa. ( x. GLCG chung số 2090-2091 ).

Bị cám dỗ tuyệt vọng hay thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa thì vẫn có đó nhưng xét cho cùng chước cám dỗ này dễ nhận ra. Chẳng biết ma quỷ có thành công nhiều trong chước mưu cám dỗ này không, còn chúng ta, chúng ta thấy trong đoàn con cái Chúa, số người tuyệt vọng không mấy nhiều, nếu xét hình thức bên ngoài. Giả như có ai đó có biểu hiện tuyệt vọng thì bà con đồng đạo sớm nhận ra ngay và dĩ nhiên là sẽ động viên giúp đỡ nhau cách này cách khác. Người rơi vào tình trạng này rất dễ nhận được sự cảm thông và xót thương của tha nhân. Chẳng hạn với các trường hợp tự vẫn thì ngày nay người ta đã có thái độ khoan dung hơn nhiều là nhờ biết cảm thông hơn.

Sa vào chước cám dỗ chỉ dựa vào sức riêng mình thì quả lại tai hại khôn lường. Không nguyên chỉ người Kitô hữu mà bà con lương dân, anh chị em khác đạo cũng dễ dàng thấy được cái nguy cơ của những người chỉ dựa vào sức riêng mình. Đâu phải chỉ bất cần đến sự che chở, phù trì của trời cao, những người chỉ dựa vào sức riêng mình thì bất cần cả sự giúp đỡ của tha nhân. Những người này thường hứng nhận hậu quả hay quả báo nhãn tiền ngay ở đời này. “Trèo cao, té nặng” là một trong những biểu hiện của sự ỉ vào sức riêng mình. Chính vì thế chúng ta cũng dễ nhận ra chước mưu cám dỗ của quỷ ma.

Trái lại, chước cám dỗ xui khiến ta quả ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Chúa thì thật tinh tế, xảo quyệt. Chước cám dỗ này thường xuất hiện dưới nhiều hình thức bên ngoài với dáng vẻ đạo đức, thành kính, kể cả cậy trông. Khi rơi vào chước cám dỗ này, đương sự khó nhận biết và tha nhân cũng khó phát hiện. Ai lại không cảm phục người tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Chúa. Cần thú nhận rằng ranh giới giữa sự tin tưởng và sự quá ỉ lại vào quyền năng và tình thương của Chúa thật khó phân biệt và nhận diện.Và đây là yếu huyệt ma quỷ không thể nào bỏ qua để tấn công chúng ta.

Chính khi ta rơi vào chước cám dỗ này thì một cách nào đó ta đã thử thách Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Bắt Chúa phải làm thay ta, giao khoán tất cả cho Chúa bằng việc phủi tay, thoái thác trách nhiệm hoặc bằng cách chỉ biết cầu nguyện, cầu xin mà thôi thì vô tình hay hữu ý ta đã để mình chiều theo chước cám dỗ lỗi đức trông cậy. Có thể xác quyết rằng những người đạo đức, những người chức cao hay vị lớn trong Giáo hội cũng rất có thể rơi vào tình trạng này. Và cái nguy hiểm lớn nhất đó là những người đang ở trong chước cám dỗ này lại chẳng biết, chẳng hay. Và rồi người ta có cớ để ẩn mình trong thái độ thụ động, thiếu dấn thân, không dám quên mình, đặc biệt để chu toàn sứ mạng ngôn sứ.

Người biết sống Đức Cậy không phải là chỉ biết chuyên chăm cầu nguyện và đọc kinh Lạy Cha, nhưng còn phải biết tận dụng những hồng ân Chúa ban là các khả năng trí khôn, sức khỏe, thời giờ, tiền bạc…để làm cho Danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa được thể hiện…

Là các mục tử trong giáo hội, chuyện cá nhân này, cá nhân kia tuyệt vọng thì vẫn có nhưng chỉ là cá biệt. Chuyện ỉ lại vào sức riêng mình thì cũng không quá hiếm trên thế giới và với cả con cái Giáo hội, Giáo hội Việt Nam. Tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, với nhiều hạn chế khách quan do thể chế áp đặt và nhiều khó khăn do cung cách hành quyền của không ít người hữu trách ngoài xã hội, thì các mục tử trong Giáo hội là giám mục, linh mục xem ra ít bị sa chước cám dỗ cậy dựa vào sức riêng mình mà lỗi đức cậy, cách riêng so với hoàn cảnh xã hội miền Nam Việt Nam trước 1975.

Thế nhưng chuyện ỉ lại vào tình yêu và quyền năng của Chúa trong sự thiếu trách nhiệm, không dám dấn thân, không tích cực đi đầu để bảo vệ đàn chiên trước sói dữ…là chuyện hình như đang tồn tại cách này cách khác. “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Chúa dạy chúng ta phải tích cực hoạt động với hết khả năng Chúa ban (khôn như rắn) rồi sau đó phó thác cho tình yêu và quyền năng của Chúa (đơn sơ như bồ câu). Vậy mà, có thể vì lý do này, lý do khác chúng ta đã chỉ chọn lựa cách thế “đơn sơ như chim bồ câu” tức là phó thác tất cả cho Chúa liệu định một cách thụ động. Phải chăng đây là một thình thức lỗi đức trông cậy?

Xin được nhắc lại rằng thái độ chỉ biết cầu nguyện trong sự thụ động khoanh tay cứ để cho mình hoặc cho tha nhân ở lâu trong “tình trạng cheo leo”( khốn khổ, bất công, bị tước đoạt nhân vị cùng với những quyền lợi chính đáng…) rồi bắt Chúa phải ra tay can thiệp, chính là một sự nghiêng chiều chước cám dỗ lỗi đức Trông Cậy.

3. Chước cám dỗ về Đức Thờ Phượng: “ Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người thôi” ( Mt 4, 10; Lc 4,8 ). Mẹ Hội Thánh dạy ta: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là là thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biêt Người là Thiên Chúa, Là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, là Chúa và là Thầy của mọi loài, là Tình Yêu vô biên và giàu lòng thương xót…Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối thần phục Người vì nhận biết “tính hư không của thụ tạo”, biết sự hiện hữu của chúng hoàn toàn nằm trong tay Người…Việc thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, giải thoát con người khỏi thái độ khép kín, khỏi nô lệ tội lỗi và sự sùng bái thế giới ngẫu tượng.”(GLCG chung số 2096-2097).

Sùng bái các loài thụ tạo, suy tôn các thế lực thụ tạo chính là một hành vi lỗi phạm đến đức thờ phượng. Một trong những chước cám dỗ ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu năm xưa cũng như xúi giục Hiền Thê của Người qua mọi thời là tin vào quyền năng của các thế lực thụ tạo. Lịch sử Giáo hội một cách nào đó cho ta thấy ảnh hưởng của chước cám dỗ. Kể từ năm 313 với sắc chỉ Milan, Giáo hội mẹ dường như thấy được sự hữu hiệu của thế lực trần thế nên đã có phần cậy dựa vào nó. Không chỉ cậy dựa mà có khi Giáo hội còn lợi dụng thế quyền cho việc đạo và có khi chính mình hành xử như một thế lực trần tục. Với sự trở lại của vua Clovis năm 498 khiến cho toàn dân nước Pháp bấy giờ cùng theo đạo thì chước cám dỗ như tăng phần mãnh lực. Để có hiệu năng, có thành quả lớn trong việc thiêng thánh thì người ta cũng dễ bị cám dỗ thỏa hiệp cách nào đó với các thế lực thụ tạo, và ta đã sùng bái thụ tạo cách vô tình chẳng hay. Rồi những cuộc thánh chiến, những lần theo đoàn viễn chinh để đi truyền giáo phải chăng không cho ta thấy sự cậy dựa của ta vào các mãnh lực trần thế này? Nói rằng chúng ta đã suy tôn chúng thì quả là hàm hồ, nhưng xem chúng là một trong những động lực chính của sự thành công thì dường như không sai.. Chuyện “xì căng đan” của hàng giáo sĩ Giáo hội Ba Lan đã từng là chuyện thời sự và cũng là bằng chứng về sự hiện hữu của chước cám dỗ tinh vi và độc hại này.

Đến khi không nắm được các thế lực trần gian thì chúng ta lại rơi vào việc tự thần thánh hóa chính mình. Giáo hội là một xã hội hoàn hảo. Cái khái niệm này đã từng kéo dài cho đến Công Đồng Vatican II. Mình không thể sai lầm, chỉ có mình mới nắm giữ chân lý cũng là một trong những cách thế đặt mình thành ngẫu tượng. Chước cám dỗ ấy còn len lõi vào trong cung cách sống đạo. Một số anh em luơng dân hay bà con khác đạo nghĩ rằng “cứ nói nhiều là sẽ được nhận lời” (Mt 6,7). Nghĩa là khi đã thực hiện đủ một số công thức, kinh kệ nào đó thì thần minh phải thực hiện điều mình muốn. Bắt Thiên Chúa tự động (automatic) thực hiện điều mình quy định hay kiểu thức mình đặt ra mà không do Thánh Thần tác động thì đúng là một cám dỗ lỗi đức thờ phuợng cách tinh tế. Chước cám dỗ kiểu dạng ma thuật vẫn có thể tồn tại ít nhiều trong các cử hành bí tích, á bí tích. Nếu không tỉnh táo, cẩn mật đề phòng thì cả đến đấng bậc được xem là có thánh chức cũng sa vào.

Điều quan trọng là xem xét thánh ý Chúa. Chúa có muốn ta làm điều này trong hoàn cảnh này hay không. Nếu ỷ lại vào các quy chế do chính chúng ta đặt định để cho rằng mình có quyền ban ân lộc thánh thiêng thì cũng là một cách ngẫu tượng hóa bản thân. Ngẫu tượng hóa bản thân thì vẫn còn dễ nhận biết, nhưng ngẫu tượng hóa tập thể hay cơ chế thì khó phát hiện. Tôn vinh một cơ chế nào đó, một tập thể nào đó lên hàng muôn năm, lên hàng bất diệt là sa vào chước cám dỗ là thờ ngẫu tượng. Chúng ta đừng quên vào cuối thế kỷ XX vừa qua Giáo hội cũng đã từng nhầm lẫn mình với thực tại Nước Trời, khi chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Và chính Hội đồng giám mục Việt Nam đã góp ý sửa sai cái nhìn này. Chước cám dỗ xưa đã khuất phục tổ tiên chúng ta nay như mãi đeo đẳng con cái loài người, kể cả Hiền Thê Đức Kitô.

Có thể nói Đức thờ phượng là hiện thực hóa Đức Tin. Chân lý nền tảng chúng ta tin nhận đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Tạo Thành và là Cha của hết mọi người, vì thế chúng ta phải tôn thờ, thần phục và yêu mến chỉ mình Người trên hết mọi sự, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Ngoài Người ra thì không có thần minh nào hết. Thế nhưng trong thực tế nhiều khi chúng ta lại suy tôn nhiều thực thể nhân loại lên hàng thần. Kinh tin kính các thánh Tông đồ chỉ rõ ngay đến Giáo hội cũng chỉ là đối tượng của sự tin có chứ không phải là tin kính

Thế nhưng hình như vẫn có đó việc vô tình hay vô tri, chúng ta vĩnh cửu hóa một hình thế Chúa lập vốn mang tình thời gian. Có đấng không thể chịu nỗi khi nghe nói đến chước cám dỗ của Hiền thê Chúa Kitô, trong khi đó vẫn thấy bình thường khi nghe đề cập đến các chước cám dỗ của chính Đấng Sáng lập nên Giáo hội. Phải chăng đã có lúc, có khi chúng ta nói về Giáo hội nhiều hơn là nói về Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta đón nhận một vị trí, vai trò chủ chăn nào đó? Việc đánh lận con đen cũng là một lỗi nghịch với đức thờ phượng, với đức tin. Chống cha là chống Chúa, nói đụng đến giám mục là phá giáo hội, là xúc phạm đến Chúa. Những lập luận trên đây không luôn hữu lý mà nhiều khi lỗi đức thờ phượng vì chúng ta vô tình thờ ngẫu tượng mà chẳng hay.

Cơn cám dỗ cuối cùng: Ở đây, tôi không chủ ý nói đến cuốn tiểu thuyết “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” (The last temptation of Christ) của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantkasis. Tuy nhiên, đọc Tin Mừng chúng ta phải chân nhận rằng quảng thời gian Chúa Kitô bị cám dỗ quyết liệt nhất đó là những giờ trong vườn dầu và trên cây thập giá. Có lẽ viễn ảnh khổ giá là một thử thách to lớn đối với Chúa Giêsu. Thế nhưng trong thời gian rao giảng, Người đã thoáng hình dung khổ hình thập giá sẽ chịu. Theo tôi, điều cám dỗ Chúa Giêsu nặng nề nhất đó là sự thất bại, mất cả chì lẫn cả chài,“xôi hỏng, bỏng tay”. “Êlôi, Êlôi, lamasabacthani ! Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con !” ( Mc 15,34 ).

Chước cám dỗ về hiệu năng, nhìn thấy kết quả trước mắt là chước cám dỗ phổ biến nơi nhiều người, cách riêng với những ai có chút tài và chút tâm. Dẫu biết rằng “thất bại là mẹ thành công”, nhưng cũng thật khó lòng đón nhận thất bại cách thanh thản, nhất là khi vì sự thất bại ấy mà ta dường như mất tất cả. Đã làm điều gì đó thì ai cũng mong sẽ thành công, sẽ đạt kết quả. Chính vì thế, ma quỷ khôn ranh cho ta thoáng thấy sự uổng công, sự thua cuộc và cả sự thất bại, để rồi ta e ngại, ta dừng bước, ta khoanh tay. Đứng trước tình trạng nhiễu nhương của xã hội hôm nay, của tình cảnh nước nhà và của cả đoàn con cái Giáo hội đó đây, rất nhiều người có chút tâm và chút tài đã ngần ngại, e dè vì thoáng thấy sự thất bại trước mắt. Một con chim én khó có thể và như không thể làm nên mùa xuân. Và số phận của nó chắc gì còn cánh, còn lông ! Không chừng còn bị chê bai là thiếu khôn ngoan, là nóng vội, là bốc đồng, là hiếu thắng. Có khi lại bị quy chụp là phản động, là rối đạo, là chống đối hay phá hoại... Và khi đã bị thua cuộc thì rất có thể bị dè bỉu rằng nếu nó làm đẹp lòng Chúa thì Chúa phải bênh đỡ nó chứ ! ( x.Mt 27,39-44 ).

Đã không thành công lại còn có thể mất thanh danh, mất chức vị, quyền hạn… thì thật là điều khó vượt qua. Dù rằng đã phải khuất phục trước Chúa Kitô, trước các thánh tử đạo… nhưng ma quỷ cũng đã nhiều lần thành công trong chước cám dỗ này với Hiền Thê của Người theo dòng lịch sử. Cơn cám dỗ cuối cùng luôn có đó với từng người chúng ta. Trong sứ điệp mùa Chay năm 2008, vị Cha chung Hội Thánh, Đức Bênêđictô XVI khuyên dạy chúng ta chuyên chăm ngắm nhìn thập giá mà học biết yêu thương trong sự can đảm chết đi để được phục sinh, can đảm đón nhận sự thất bại để cùng chiến thắng với Người.

Xin được nhắc lại rằng mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô không phải là điểm cuối, điểm đến của công trình cứu độ của Người, nhưng là mầu nhiệm Phục sinh. Mầu nhiệm thập giá chỉ là một giai đoạn vượt qua. Chúa Kitô chỉ im lặng sau khi đã nói hết những gì cần nói, tức là lời chân lý đem lại sự sống, dù có khi rất chối tai người nghe. Trước thần quyền, Người khẳng định: “Ta là Con Thiên Chúa”, và trước thế quyền Người tuyên bố: “Tôi là Vua”. Chúa Kitô chỉ chịu thúc thủ trên thập giá sau khi đã làm tất cả những nghĩa cử yêu thuơng, những hành vi sửa dạy có khi rất nghiêm khắc, những dấu lạ phi thường…

Nếu ý thức mầu nhiệm thập giá chỉ là giai đoạn vượt qua thì không thể trực tiếp tìm kiếm thập giá hay ở mãi trong đau khổ vì đó là một tình trạng tâm bệnh, bệnh khổ dâm. Nếu chúng ta diên trì trong tình trạng “chịu thập giá” hoặc cổ võ tha nhân ở mãi trong tình cảnh “cam chịu sự bách hại” thì rất có thể vô tình hoặc vô tri, chúng ta làm cớ cho người vô thần thêm xác tín rằng tôn giáo, cách riêng Kitô giáo là thứ thuốc phiện, ru ngủ đám dân đen trong cảnh khốn cùng để cho giới thống trị thỏa sức đàn áp, bóc lột. Xin đừng quên Chúa Kitô chịu kết án bất công là để cho chúng ta được sống trong công lý. Người đã tự nguyện nên nghèo hèn là để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cr 8,9-12).

Thử đề nghị một giải pháp chiến đấu với chước cám dỗ:

Một phương pháp tất yếu để chiến đấu với chước mưu ma quỷ là quy chiếu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu: Thánh Thể Chúa Kitô.

Nói đến Giao ước chúng ta có thể hiểu cách phổ thông như là một bản ký kết, một bản hợp đồng giữa hai bên tự nguyện chịu trách nhiệm một hay nhiều phận vụ nào đó và dĩ nhiên sẽ được hưởng một hay nhiều quyền lợi kèm theo. Qua bản hợp đồng thì quyết định tự do đầy tinh thần trách nhiệm được cụ thể hóa cách dứt khoát. Và rồi chính bản hợp đồng là căn cứ, là cơ sở để giải quyết những thiếu sót hay những sự tắc trách vì vô tình hay chủ tâm của bên này hay của phía kia.

Các hợp đồng dân sự giữa các pháp nhân tư hay pháp nhân công thì đều có tính giới hạn, Chúng có thể bổ sung, thay đổi hay hết hiệu lực vì nhiều lý do như hết thời hạn hoặc một phía hoàn toàn không có khả năng thực hiện hoặc mất tư cách pháp nhân… Chúa Kitô đã mình nhiên thiết lập giao ước mới, giao ước vĩnh cửu bằng chính thịt máu của Người. Đây là một hợp đồng có giá trị cho đến khi trời mới đất mới xuất hiện. Giao ước này chính là cuộc chiến thắng chung cuộc của Chúa Kitô trên thần dữ. Một hành vi được viên đầy giá trị ngay chính khi được quyết định cách dứt khoát. Giáo Hội nhìn nhận rằng khi lập Bí tích Thánh Thể đêm Tiệc Ly là lúc Chúa Kitô quyết định cách dứt khoát vâng phục thánh Ý Chúa Cha. Đó là thể hiện một tình yêu đến cùng bằng việc hiến dâng mạng sống vì người mình yêu mà hy tế thập giá là sự biểu hiện tột đỉnh. Chính vì thế mà sau này khi cử hành Bí tích Thánh Thể thì Giáo Hội tin nhận là Hiến tế thập giá được hiện tại hóa.

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Giáo hội căn cứ những lời trên đây để xác quyết việc Chúa Kitô lập bí tích truyền chức thánh. Không dám mạn bàn vê thần học bí tích, tuy nhiên khi nhìn vào nội hàm của lời truyền Đấng Cứu Độ đêm Tiệc Ly thì chỉ có hàng giám mục và linh mục là những người có năng cách thực thi những điều được truyền là cử hành nhiệm tích Thánh Thể.

Xin được bỏ qua vấn đề này để tập chú vào mối liên hệ hữu cơ giữa hàng tư tế thừa tác với giao ước mới, giáo ước vĩnh cữu. Sự hiện hữu của hàng tư tế thừa tác theo ý Đấng Cứu thế, là để cho giao ước mới hiện diện và phát huy hiệu quả theo dòng thời gian. Chính các thừa tác viên Thánh Thể là những người thể hiện giao ước này. Giáo hội khẳng định chân lý này khi tuyên bố rằng lúc giám mục hay linh mục đọc lời truyền phép là đọc trong tư cách Chúa Kitô (in persona Christi) (không đọc: “Này là Mình Chúa Kitô” mà đọc “Này là Mình Thầy”…Trước đây dịch: “Này là Mình Ta”).

Nếu lỡ vì lý do nào đó mà các tư tế thừa tác sa chước cám dỗ thì thiển nghĩ rằng không gì hơn hãy trở về với bản hợp đồng để quy chiếu hầu chỉnh sửa những sai lầm. Chính khi biết hiến dâng trọn xác thân của mình trong tình liên đới với tội lỗi nhân loại (Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em), thì chúng ta đang thể hiện tình yêu mến Thiên Chúa qua sự vâng phục Thánh ý Người, đó là chọn lấy phương thế tuyệt hảo để bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại. Ai yêu mến Chúa thì thực thi lời người chỉ dạy. Cũng thế, sau khi đã hết lòng hết sức giảng dạy chân lý, làm nhiều việc lành cả thể, và trước khi xuôi tay, người tư tế thừa tác lại chấp nhận đổ hết giọt máu cuối cùng từ trái tim để cho nhân loại được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì đúng là một động thái biểu lộ niềm cậy trông tuyệt hảo. Mọi sự lành đều bởi Chúa mà ra. Ơn cứu độ là quà tặng hoàn toàn nhưng không. Mọi sự đã hoàn tất. Con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha. Giao ước mới còn mình định rằng những gì chúng ta đang có, đang là đều do bởi lãnh nhận. Việc Chúa Kitô hiến dâng toàn thân cho Chúa Cha nhắc nhớ cho chúng ta chân lý nền tảng của đức tin để rồi biết cách thế thờ phượng Thiên Chúa cho xứng, cho phải đạo. Mọi sự đều là của Thiên Chúa và phải dâng về cho Thiên Chúa. Giáo hội khẳng định chân lý này khi dạy chúng ta rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống Kitô hữu và là đỉnh cao của hành vi thờ phuợng.

Tác giả Tin mừng thứ tư không tường thuật việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, nhưng lại tường thuật việc Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Mẹ Giáo hội tin nhận đây cũng là hành vi tự hiến của Đấng Cứu độ, Đấng đã tự nguyện bỏ đi phận làm Thầy, làm Chúa, để yêu thương, phục vụ nhân loại chúng ta cho đến cùng (x.Ga 13,1). Và vào chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội truyền cử hành nghi thức rửa chân này trong Phụng Vụ như muốn nói rằng hành vi này một cách nào đó cũng bày tỏ tình tự hiến – cứu độ của Chúa Cứu Thế như trong bí tích Thánh Thể. Chúa sử dụng quyền uy để tự hiến, để yêu thương, để phục vụ như là người tôi tớ. Ước gì mỗi lần cử hành Thánh Thể, các thừa tác viên luôn ghi nhớ ý nghĩa của việc Chúa đã cúi xuống rửa chân cho môn sinh, hầu biết hành quyền trong sự tự hạ để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào.

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Một lời cầu xin mãi luôn mang tính hiện sinh và cảnh tỉnh chúng ta, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Cầu xin là để nhận biết chước cám dỗ mà xa lánh hay đề phòng, nhất là để biết cách thế chống trả hữu hiệu. Thánh Tông đồ Phêrô cảnh giác chúng ta rằng ma quỷ như sử tử gầm gừ rảo quanh chúng ta rình chờ cắn xé (x.1P5,8). Vấn đề cần lưu ý, đó là rất nhiều khi chính chúng ta không nhận ra tình trạng sa chước cám dỗ của mình. Là Kitô hữu, đặc biệt là những tư tế thừa tác, không gì hơn hãy luôn bám sát “bản hợp đồng” là Giao Ứớc mới, Giao Ước vĩnh cửu để chấn chỉnh, sửa sai và để biết cách thế chống trả chước mưu cám dỗ của thần dữ. Khi một mục tử “có vấn đề”, thế nào cũng có những sự chẳng hay hoặc những điều đáng trách trong khi dâng Thánh Lế, tức là cử hành bí tích Thánh Thể. Tin rằng một tư tế thừa tác thường xuyên ý thức và sống nội hàm những lời mình tuyên kết trong hy tế Thánh Thể chắc chắn sẽ khó lạc đường, sa chước cám dỗ mà nếu có thì cũng nhanh chóng chỗi dậy và trở về.
 
Sống bốn mối phúc và tránh bốn mối họa
Lm Trần Bình Trọng
14:39 09/02/2010
SỐNG BỐN MỐI PHÚC VÀ TRÁNH BỐN MỐI HOẠ

Chúa Nhật 6 Thường Niên, Năm C
Gr 17:5-8; 1Cr 15:12, 16-20; Lc 6:17, 20-26


Vào thời La mã cổ xưa, người ta coi việc giầu có về của cải vật chất là cách thế để đạt tới hạnh phúc. Nghèo túng dưới chế độ thuộc địa La Mã thời Chúa Giêsu tại Do thái được coi là sự sỉ nhục và còn là hình phạt cho tội lỗi đã phạm. Qua lời Chúa giảng dạy và cách sống của Người, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ còn có cách khác để đạt hạnh phúc. Trước hết Chúa chọn sống đời nghèo khó. Chúa tự nguyện sinh ra nghèo nàn, sống và chết nghèo khổ. Thứ hai, qua lời giảng dạy, Chúa dạy các môn đệ sống các mối Phúc thật.

Thánh sử Mát-thêu ghi lại Tám mối Phúc thật được biết đến như là bài giảng trên Núi của Chúa vì Chúa giảng trên sườn núi (Mt 5:1). Còn thánh Luca ghi lại Bốn mối phúc và Bốn mối hoạ, nghĩa là bốn cách thế đạt tới hạnh phúc và bốn cách thế đưa tới bất hạnh, được coi là Bài giảng dưới Ðồng bằng vì Chúa giảng trên đường xuống núi (Lc 6:17). Mối Phúc thứ nhất trong Phúc âm thánh Mát-thêu và Phúc âm thánh Luca có phần giống nhau. Chỉ khác một điều là Phúc âm thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó. Theo đó những người giầu có mà làm giầu cách lương thiện, không để lòng trí dính bén vào của cải và biết dùng của cải làm việc từ thiện, bác ái thì vẫn có thể được coi là sống tinh thần nghèo khó. Ông Gióp, một nhân vật giầu có trong Thánh kinh Cựu ước được Chúa chúc phúc (G 42:12). Trong phúc âm, những môn đệ giầu có của Chúa và có địa vị trong xã hội được nêu danh là Da-kêu (Lc 9:2, 9-10), Ni-cô-đê-mô (Ga 8:50-51; Ga 19:39-40), Giu-se thành A-ri-ma-thê (Mt 27:57; Mc 15:43; Lc 23:50-53; Ga 19:38). Riêng thánh Luca trước khi theo Chúa là một y sĩ (Cl 4:14).

Còn Phúc âm thánh Luca chỉ ghi lại thực tại nghèo khó. Thánh Luca ghi lại việc Chúa lưu tâm đến người nghèo bằng cách dạy người môn đệ mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (Lc 14:13, 21) khi đãi tiệc, chia sẻ của ăn cho người nghèo đói (Lc 16:19-26) và phân phát của cải cho họ (Lc 19:8). Phúc âm thánh Mác-cô thì ghi: Chúa tỏ lòng ưu ái với người thanh niên giàu có, muốn nên hoàn thiện, nên bảo anh ta bán của cải mà cho người nghèo túng (Mc 10:21). Chúa còn khen bà goá nghèo đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết, mặc dầu bà chỉ bỏ vào có hai đồng tiền kẽm mà bà hiện có để độ thân (Mc 12:43).

Phúc âm thánh Luca được viết cho người ngoại nghèo túng mới trở lại đạo Kitô giáo. Như vậy thánh sử Luca đặt Chúa Giêsu trên đồng bằng (Lc 6:17), cùng mức độ với người ngoại nghèo túng, bị bách hại và chịu đau khổ cho việc trở lại. Chúa chúc phúc cho: những người nghèo khó, những người phải đói khát, những người phải khóc than, những người bị oán ghét, bị xỉ nhục, bi tố cáo và bị khai trừ vì danh Chúa. Chúa bảo những người được chúc phúc, không phải là những người được thế gian ưu đãi. Những nỗi đau khổ và bất hạnh của những người thiếu may mắn, không phải là dấu hiệu Chúa bỏ rơi họ. Sự đói khát và no thoả trong Phúc âm Luca còn được hiểu theo ý nghĩa thế mạt hay cánh chung như ba ngôn sứ Isaia, Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en đã loan báo (Is 49:10; Gr 31:12, 25; Ed 34:29; 36:29).

Khóc lóc mà được chúc phúc là than khóc cho tội lỗi mình như người phụ nữ tội lỗi khóc than tội mình (Lc 7:38); như ông Phêrô khóc than tội chối Thầy (Mt 26:75). Khóc cũng có thể là vì thương nhớ cái chết của người thân yêu như cô Maria khóc cái chết của em mình là La-da-rô (Ga 11:33); như người Do thái đi với cô Maria cũng khóc (c. 33); như chính Chúa Giêsu cũng khóc cái chết của La-da-rô (Ga 11:35). Khi thấy viên trưởng hội đường và bà xã ông khóc thương cái chết của con gái họ, ông Phêrô, ông Gio-an và ông Gia-cô-bê cũng khóc (Lc 8:52), khiến Chúa động lòng thương cầm tay gọi em bé cho chỗi dậy (Lc 8:54). Chúa Giê-su còn khóc thương thành Giêrusalem vì đã không nhận ra những gì đem lại bình an cho dân thành (Lc 19:41-42). Việc Chúa Giêsu khóc, nói lên Chúa cũng có tình cảm của con người với một trái tim biết rung cảm trước nỗi đau khổ của hai chị em Mác-ta và Maria và nỗi thương tiếc thành Giêrusalem. Còn Chúa có cười không, thì không thấy phúc âm nhắc đến. Khi Chúa chịu nạn chịu chết, bà Maria Mác-đa-la ra tận mộ Chúa mà khóc thương (Ga 20:11-15) và những người đã từng sống với Chúa cũng khóc thương Chúa (Mc 16:10).

Song song và tương phản với bốn lời ‘phúc cho’ là bốn lời ‘khốn cho’. Những lời khốn cho là những lời cảnh tỉnh những người giàu có (Lc 6:24), mà chỉ tìm của cải thế gian, nắm giữ của cải và cậy dựa vào tiền của. Lí do người giầu có bị kết án là vì họ chỉ biết tích trữ cho mình (Lc 12:21), không đặt niệm cậy trông vào Chúa (Lc 12: 22-32), không biết chia sẻ với người nghèo đói là La-da-rô (Lc 16:19-31). Những lời khốn cho còn nhắm đến những người chỉ tìm sự no ấm (Lc 6:25) mà không chia sẻ cơm ăn, nước uống; những người chỉ tìm sự vui cười (c.25) trên những cảnh lầm than, đau khổ của người khác; những người chỉ mong được ca tụng vì ngôn sứ giả cũng đã được ca tụng (c.26). Ngôn sứ giả là người không xác tín về điều họ nói, không có kinh nghiệm sống những điều họ giảng dạy. Do đó họ không loan truyền lời Chúa một cách trung thực, nhưng chỉ nói hươu nói vượn để nhắm làm vừa lòng người nghe, khiến cho người nghe đi lạc đường lối công chính. Những lời khốn cho cũng là những lời cảnh tỉnh để kêu gọi loài người sám hối và cải thiện đời sống (Mt 11:21; Lc 10:13; Mt 23:13-29; Lc 11:42-52; Lc 17:1; Lc 21:23; Lc 22:22).

Giới lãnh đạo dân sự trong thế giới ngày nay với tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế đang tìm cách giảm nghèo và xoá đói, và cổ võ hoà hợp trong xã hội loài người. Họ cố gắng nâng cao mức sống, giúp cho đời sống được tiện nghi và thoải mái cho con người. Con người có nhiều sự vật căn bản mà họ mua được như: xe cộ, tủ lạnh, truyền thanh, truyền hình, điện thoại, máy vi tính, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, chương mục nhà băng, tiền an sinh xã hội. Những gì người ta nhìn thấy trong xã hội tân tiến đi ngược lại với lời Chúa trong mối Phúc thật. Như vậy làm sao con người có thể thoả hiệp với sứ điệp Phúc âm hôm nay?

Xã hội có thể cung ứng của cải vật chất, dịch vụ xã hội, khoa học kỹ thuật để làm cho đời sống người dân đuợc hạnh phúc không? Mặc dầu với những phát triển về khoa học và kỹ thuật tân tiến, nhiều người vẫn không có hạnh phúc. Vậy làm sao giải quyết được vấn đề thiếu hạnh phúc trong đời sống? Trước hết người ta phải nhận thức rằng của cải vật chất chỉ là những sự vật chóng qua. Thứ hai người ta không thể đem theo của cải khi rời khỏi đời này. Ðàng khác thì lại khó mà có thể sống đời khó nghèo trong thế giới hiện tại và hiện đại với những phát triển về khoa học, kĩ thuật và kinh tế, trừ khi người ta tự nguyện sống nghèo trong đời sống gia đình hay khấn hứa sống nghèo khó trong đời sống tu trì thánh hiến.

Vậy làm sao để áp dụng lời Chúa dạy về các mối Phúc thật trong thế giới trần gian? Ðể sống mối Phúc thật thứ nhất trong xã hội hiện tại, trước hết người ta phải sống tinh thần siêu thoát đối với của cải vật chất. Ðiều này có nghĩa là người ta cần dùng của cải vật chất để sinh tồn. Tuy nhiên người ta không thể để cho của cải vật chất làm cản trở cho phần rỗi linh hồn. Thứ hai người ta phải học để đặt niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa thay vì cuả cải vật chất để khi người ta được gọi ta ra khỏi đời này, người ta sẵn sàng ra đi, mà không để lòng dính bén vào của cải vật chất. Ngôn sứ Giêrêmia hôm nay khuyên dạy ta: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, và có Chúa làm nơi nương tựa (Gr 17:7). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô cũng vọng lại: Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Ðức Kitô chỉ ở đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người (1Cr 15:19). Khi ta đặt tin tưởng phó thác vào quyền năng và sự quan phòng của Chúa, ta sẽ coi Chúa là tất cả và là gia nghiệp của đời sống, mặc dầu trước mặt người đời ta không có gì đáng kể.

Thường những người nghèo khó, đói khát, khóc than và bị thù ghét vì danh Chúa, không có gì để bám víu, không có tài năng để làm nên sự nghiệp, không có thế lực để tự bênh đỡ, không có ai để nương tựa. Trong trường hợp này họ có thể nảy sinh ra hai phản ứng khác nhau. Thứ nhất là họ có thể trở nên thất vọng, sinh ra hận Chúa và hận đời nên dễ làm càn. Thứ hai là họ tìm đến cậy trông, nương tựa vào Chúa. Khi mà cùng đích và lẽ sống của họ là Chúa rồi, thì mặc dù họ không có hoặc mất của cải, bạn hữu, quyền thế, sự nghiệp, họ vẫn không bị quị ngã, nhưng vẫn còn có nơi nương tựa và bám víu. Và nơi họ nương tựa bám víu là chính Thiên Chúa của họ. Và đó là hạnh phúc Chúa dành cho những ai đặt niềm tin tưởng, cây trông, phó thác và nương tựa vào Chúa.

Lời cầu nguyện xin đặt niềm tin cậy phó thác vào Chúa:

Lạy Thiên Chúa là Ðấng con thờ!
Chúa là thành luỹ và là nơi nương tựa của con.
Xin dạy con biết đặt trọn niềm tin cậy vào Chúa
trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời con:
khi có của cũng như khi nghèo túng;
khi no thoả, cũng như khi đói khát;
khi vui cười cũng như khi phải khóc than;
khi được yêu mến cũng như khi bị oán ghét.
Xin đừng để con bao giờ ngã lòng trông cậy Chúa. Amen.


Lm Trần Bình Trọng
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:15 09/02/2010
KHÔNG THỂ CẦU NGUYỆN

N2T


Nhà thờ công giáo và hội đường Do Thái vì để sửa chữa và sống còn nên thường cần một khoảng kinh phí lớn. Có một hội đường Do Thái hoàn toàn không giống như bên nhà thờ công giáo là lúc cử hành thánh hoặc cầu nguyện thì đi xin tiền thau. Cách xin tiền thau của họ là mỗi khi gặp ngày đại lễ thì hội đường đầy chật người, hơn nữa tín hữu hôm đó cũng khảng khái cách đặc biệt, nên họ định giá cả cho mỗi khu vực vị trí ngồi trong hội đường, và bán phiếu.

Có một hôm gặp ngày đại lễ quan trọng, một em bé trai đến hội đường tìm phụ thân, người gác cổng không cho em đi vào bên trong, bởi vì em bé không có vé vào hội đường.

- “Chú làm ơn giúp cháu, đây là việc rất là quan trọng.

- “Ai cũng đều nói như thế.” Người gác cổng nói và không hề quan tâm.

Em bé trai tuyệt vọng, bắt đầu van xin: “Chú, cháu xin chú, chuyện này là chuyện sống chết, để lâu một phút thì coi như đi đời.”

Người gác cổng động lòng từ bi, bèn nói: “Được rồi, đã quan trọng như thế thì cho phép mày vào, nhưng...” ông ta cảnh cáo: “Nhưng chớ để tao nhìn thấy mày ngồi trong hội đường cầu nguyện nhé.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Nhà thờ là nhà của Chúa, là nơi mà tất cả mọi giáo dân từ già đến trẻ, từ người giàu đến người nghèo đều có quyền đến để dâng lễ, cầu nguyện, đọc kinh.

Do đó mà mọi nhà thờ đều cần phải có kinh phí để sửa chữa tu bổ, nhưng tất cả tiền dâng cúng cho giáo xứ thì là của giáo xứ chứ không phải là của cha sở, cha sở chỉ là người quản lý tất cả tài sản vật chất của nhà xứ, đó chính là điều cốt lõi của việc điều hành giáo xứ và ảnh hưởng rất lớn trên công việc mục vụ của cha sở.

Có những cha sở điều hành giáo xứ rất giỏi, nhưng lại lạm dụng tiền bạc của giáo xứ, cho nên cha sở không thoải mái khi giảng về sự công bằng.

Có những cha sở rất nghiêm khắc trong vấn đề giao tiếp với các giáo dân nữ, nhưng lại không nghiêm khắc với tiền bạc của giáo xứ, cho nên giáo dân không phục ngài.

Có những cha sở muốn xây nhà thờ mới, thì đổ đầu giáo dân và chia cho họ số tiền phải đóng góp, dù giáo dân đó ngày không đủ ba bữa cơm để ăn, nhưng cha sở chỉ muốn thấy nhà thờ tương lai, chứ không hề thấy sự đói khổ của giáo dân mình, do đó mà giáo dân không muốn đến nhà thờ của mình để cầu nguyện.

Không đặt yêu thương làm trọng tâm, không đặt công bằng làm điểm tựa, thì không thể cứu linh hồn người khác được.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:15 09/02/2010
N2T


22. Con không nên làm tổn thương bất cứ người nào, nhưng nên hết sức có thể lấy việc thiện đối xử với người.

(Thánh Peter Kerya)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:17 09/02/2010
N2T


363. Thử làm chủ nhân tâm tình của mình, đem tâm tình tốt đẹp bỏ vào trong túi của mình.

 
Những mối phúc thật
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
21:24 09/02/2010
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Con người khi vừa mới sinh ra đã “cất tiếng khóc chào đời” như thi sĩ Cao bá Quát đã nói: “Vừa sinh ra sao đà khóc chóe, đời có vui sao chẳng cười khì”? Thật là một nghịch lý: sao không chào người ta bằng tiếng cười mà lại chào bằng tiếng khóc? Vậy phải chăng “Đời là bể khổ” như Đức Phật dạy? Chúng ta phải công nhận rằng cuộc sống ở trần gian có nhiều gian nan thử thách, nhiều đau khổ, do đó, con người mới đi tìm hạnh phúc. Blaise Pascal nói: “Bất cứ ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả những người thắt cổ tự tử”.

Trong các bài đọc hôm nay, Chúa đã vạch ra cho chúng ta con đường đi tìm hạnh phúc trong bài giảng về Hiến chương Nước Trời. Điều làm cho chúng ta khó hiểu và khó chấp nhận là điều nghịch lý trong Hiến chương đó. Nhưng chính cái nghịch lý ấy lại được giải quyết trong lãnh vực thiêng liêng bằng con mắt đức tin. Theo đó, người ta không thể dựa vào mình hay vào người khác mà đạt tới hạnh phúc thật mà chỉ có những người biết cậy dựa vào Chúa, biết đặt hết tin tưởng vào Ngài với lòng yêu mến và biết ơn.

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu còn nói đến sự đối nghịch giữa giầu và nghèo. Sự giầu có và nghèo khó là tốt hay xấu? Vậy hạnh phúc nằm ở trong sự giầu có hay khó nghèo? Thực ra, hạnh phúc không nằm trong sự giầu có hay khó nghèo, mà nó chỉ là phương tiện để con người đạt tới hạnh phúc. Có đạt tới hạnh phúc hay không tùy ở thái độ của mỗi người, nghĩa là phải dùng các phương tiện ấy cho xứng đáng, cho đúng với thánh ý Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Gr 17, 5-8

Có lẽ một môn đệ của tiên tri Giêrêmia đã chen vào sách của thầy mình đoạn văn viết theo kiểu sách Khôn ngoan. Theo đó, tiên tri Giêrêmia đưa ra hai con đường cho người ta chọn: hạnh phúc hay bất hạnh.

Người chọn con đường hạnh phúc là người biết đặt tin tưởng nơi Chúa. Họ giống như cây bên bờ suối sinh hoa kết quả đúng mùa. Còn người chọn con đướng bất hạnh chỉ biết đặt tin tưởng nơi mình hay nơi người khác. Họ không khác gì cây trồng trong sa mạc hay trong vùng nước mặn, cằn cỗi, không sinh hoa kết quả gì.

Mỗi người phải chọn cho mình một hướng sống, và số phận vĩnh viễn sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn ấy.

+ Bài đọc 2: 1Cr 15,12.16-20

Việc phục sinh thân xác tạo nên nỗi khó khăn cho tín hữu Corintô. Có lẽ họ không nghi ngờ việc phục sinh của Đức Kitô, nhưng họ không tin sự phục sinh của Ngài sẽ dẫn đến sự phục sinh của thân xác chúng ta.

Nhưng với niềm tin, chúng ta quả quyết rằng chúng ta đã liên kết với Đức Kitô trong sự chết, thì chúng ta cũng liên đới với Ngài trong sự sống lại. Kitô giáo là niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô, nguyên ủy phục sinh cho mỗi người chúng ta.

+ Bài Tin mừng: Lc 6,17-18. 20-26

Các mối phúc do Đức Giêsu dạy, có lẽ là những câu sấm ngôn do tiên tri Isaia loan báo về việc Nước Chúa trị đến và ông thấy nơi những người nghèo khó, đói khát và đau khổ là những kẻ được hưởng ơn cứu độ. Thiên Chúa đã đến thật và đến một cách vô điều kiên.

Theo thánh Luca (khác với Matthêu) chỉ có 4 mối phúc và 4 mối họa với lời chúc dữ.

- Những người được chúc phúc là những kẻ nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, bách hại.

- Những người bị chúc dữ là những người đang giầu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.

Điều nên chú ý là: không phải tự thân sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, thực ra chúng mang lại hạnh phúc vì giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân sự giầu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất này.

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Muốn có hạnh phúc thật

I. MỌI NGƯỜI ĐỀU TÌM HẠNH PHÚC

Hạnh phúc ! Một điều mơ ước muôn thuở của con người. Tuy người ta chưa đồng ý với nhau về một định nghĩa của hạnh phúc nhưng mọi người đều nỗ lực tìm đến hạnh phúc bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ giá nào. Giấc mơ lớn nhật của mỗi người là hạnh phúc. Từ xa xưa Aristote đã cảm nghiệm được điều này khi ông nói: “Hạnh phúc là một cái mà tất cả mọi người đều tìm kiếm”. Còn triết gia Blaise Pascal bảo rằng: “Ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả người thắt cổ tự tử”.

Nói đến hạnh phúc là đề cập đến một vấn đề sống còn của con người vì đã là người đúng nghĩa thì không thể sống mà không tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Vì thế, cho dù có xử dụng phương tiện khác nhau bao nhiêu đi nữa thì mọi người đều nhằm tới cái đích duy nhất ấy, cho dù bất cứ cử động nhỏ nhặt nào của con người cũng không ngoài mục tiêu hướng tới cái đối tượng ấy. Vậy đã rõ hạnh phúc là động cơ thúc đẩy con người hành động, là hy vọng quyến rũ con người cố gắng phấn đấu.

Thế nhưng từ ngàn xưa cho đến ngày nay, đã có biết bao nhiêu thánh nhân, quân tử, hiền triết, bác học cố gắng tìm cách giải đáp cách thức để nhận ra đâu là hạnh phúc và làm thế nào để chiếm đoạt được nó. Nhưng kết quả chẳng đi đến đâu vì không đáp ứng nỗi khát vọng thâm sâu của con người.

Có những người đi tìm hạnh phúc mà không đạt được, phải chăng hướng đi của cuộc tìm kiếm không đúng? Phải chăng phương cách của họ dùng không thích hợp nên không tới đích? Họ đành phải chịu bó tay mặc dầu họ giầu sang phú quí không thiếu gì để tiến tới.

Truyện: Quốc vương Abdurahman III

Quốc vương của Thổ nhĩ kỳ là Abdurahman III cai trị một vương quốc giầu có nhất thế giới trong suốt 49 năm vào khoảng thế kỷ thứ 10. Lợi tức của nhà vua lên tới 336 triệu Mỹ kim. Nhà vua có 6.321 bà vợ được tuyển chọn trong số những thiếu nữ xinh đẹp nhất của vương quốc và sinh được 618 đứa con. Tài sản của nhà vua trị gía 3 tỷ Mỹ kim. Ấy thế mà sau khi chết người ta đọc thấy trong cuốn nhật ký của nhà vua một đoạn như sau: “Trong suốt cuộc đời dài và đầy danh vọng này, tôi đã đếm được những ngày tôi hoàn toàn hạnh phúc chỉ vỏn vẹn có 14 ngày mà thôi”.

Nhưng có những người sống trong những hoàn cảnh rất khắc nghiệt, xem ra họ là những người đau khổ, thiếu mọi phương tiện để đạt tới hạnh phúc, nhưng trong thực tế, họ vẫn hạnh phúc, họ còn hạnh phúc hơn cả những người có đủ điều kiện để đạt tới hạnh phúc.

Đây là bằng chứng: Vào những năm cuối thế kỷ 20, viện Gallup đã làm một cuộc thăm dò 18 quốc gia để tìm xem quốc gia nào là đất nước hạnh phúc nhất. Kết quả thâu lượm được làm người ta phải ngạc nhiên ! Quốc gia hạnh phúc nhất là Iceland, một quốc gia nằm ở Bắc Cực với dân số 240.000 người, pha trộn giữa người Na uy và Đan mạch. Một số người thắc mắc rằng, “Làm thế nào những người Icelander lại có thể sống hạnh phúc được khi họ hoàn toàn cô lập trong giá lạnh của Bắc cực, chịu đựng 24 giờ đêm tối mỗi ngày vào mùa đông, và còn hơn thế nữa nhiều người còn phải sống tùy thuộc vào sự bấp bênh của kỹ nghệ đánh cá”?

Một nhà xã hội học của Iceland đã giải thích như sau: “Văn hóa của chúng tôi được dệt bởi sự cực nhọc vất vả do thiên nhiên tạo ra. Đó là lý do tại sao người Icelander có một thái độ khoan dung đối với những vấn đề của cuộc sống”. Sự cô lập của quốc gia làm cho người Icelander có một cảm giác mãnh liệt về cộng đồng, một yếu tố có thể giúp giải thích tại sao họ có một đời sống trường thọ cao nhất trên thế giới. Trong khi đó Hoa kỳ chỉ được xếp vào hạng thứ 5 trong số 18 nước được thăm dò (Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 85).

II. TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

1. Bài giảng về mối phúc

Theo Tin mừng của thánh Luca, sau khi xác định là người được Thiên Chúa sai đến như lời tiên tri Isaia (Lc 4,18-19), sau khi làm nhiều phép lạ tại Galilê và Capharnaum, và sau khi chọn 12 tông đồ, Đức Giêsu đã cống bố Hiến chương Nước Trời, còn gọi là Bài giảng trên núi hay Bài giảng khai mạc.

Matthêu khởi đầu sứ điệp của Đức Giêsu bằng một bài giảng trên núi (5-6), Ngài là một Maisen mới công bố Hiến chương Nước Trời. Luca lại đặt khung cảnh giảng dạy “trên một khoảng đất trống”, chú trong đến sự phổ cập của Tin mừng vừa tầm dân chúng. Đức Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của các ngươi” (Lc 6,20)…

2. So sánh các mối phúc của Matthêu và Luca

Theo Matthêu, đây là Bài giảng trên núi, bao gồm 9 mối phúc thật, nhấn mạnh đến sự “ nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý, sự đau khổ nội tâm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…” Theo Luca, đây là bài giảng ở chỗ đất bằng, trình bầy 4 lời chúc phúc kèm theo 4 lời nguyền rủa, như những phản đề đối chiếu dành cho người nghèo và kẻ giầu, người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau mà Tin mừng muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn.

Hai bản văn này có sự khác nhau: Matthêu đã tâm linh hóa khi diễn tả: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó!” Còn Luca thì nói về những người nghèo thực sự, đói khát thực sự, đau khổ thực sự trong thân xác.

3. Nên theo bản văn nào?

Linh mục Nguyễn văn Thái kể: Khi dọn bài giảng về Những Mối phúc thật theo thánh Luca, tôi đã hỏi một người Mỹ khá giầu rằng giữa những mối phúc thật theo thánh Matthêu và thánh Luca, ông thích bài nào hơn? Ông trả lời: “Tôi rất thích bài của thánh Matthêu”. Tôi hỏi ông: “Còn thánh Luca thì sao”? Ông trả lời: “Không, tôi không thích Luca, vì bài của Luca có vẻ chống lại người giầu”. Khi thánh Matthêu nói: “Phúc cho kẻ có tinh thần khó nghèo” (Mt 5,3), ngài đã khích lệ người giầu. Còn Luca thì nói: “Phúc cho các người là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20). Điều này có nghĩa là chỉ những người nghèo mới được chúc phúc và hưởng Nước Trời mà thôi, còn người giầu có bị nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi là kẻ giầu có”.

Cũng câu hỏi này, tôi hỏi một phụ nữ Mỹ không giầu, có vẻ hơi nghèo. Bà trả lời: “Tôi thích thánh Luca hơn, vì thánh Luca nói rõ người nghèo sẽ được hưởng nước Thiên đàng. Còn thánh Matthêu nói phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, điều này không rõ ràng. Thật khó hiểu Ngài muốn nói gì”!

Chúng ta thấy người giầu là ủng hộ viên của Những Mối phúc thật theo thánh Matthêu, và người nghèo là ủng hộ viên của Những Mối phúc thật theo thánh Luca. Nhưng thực ra, ý nghĩa của hai bài tường thuật như nhau. Cả hai đều kêu gọi chống lại tất cả mọi tình thế xấu.

(Nguyễn văn Thái, op, cit, tr 86-87).

4. Hiểu thế nào về giầu nghèo?

Bài đọc 1 so sánh hai thái độ của con người đối với Thiên Chúa: Những người tin tưởng vào con người như cây gai cằn cỗi trong sa mạc, trong khi những người tin tưởng vào Thiên Chúa giống như cây sai trái trồng gần suối nước. Bài Tin mừng hướng chúng ta về người xấu số bất hạnh và mang lại cho họ niềm hy vọng hạnh phúc tương lai. Tin mừng không lên án người giầu chỉ vì họ giầu, nhưng vì họ không biết dùng của cải, để cho của cải thành chướng ngại vật chận đướng lối vào Nước Trời.

Khi Đức Giêsu nói: “Phúc cho những ai khó nghèo”, Ngài đã không chúc phúc cho sự đói khát và cùng khốn. Đói khát và khốn cùng là điều xấu. Điều được chúc phúc là lòng trông cậy, tín nhiệm Thiên Chúa. Những người đặt tín nhiệm của họ vào con người sẽ thất vọng; những người đặt tín nhiệm vào Thiên Chúa sẽ không bị thất vọng. Chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta; chỉ Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn khát vọng của tâm hồn chúng ta. Nhưng thường chúng ta chạy đến Thiên Chúa sau cùng, thay vì chạy đến Thiên Chúa trước tiên.

Những người giầu thì có xu hướng dựa vào của cải họ có. Đối với họ, chính thế gian này mới quan trọng. Thiên Chúa không ít thì nhiều cũng thừa thãi, và đời sau thì xa vời và mơ hồ. Trái lại, Những người nghèo có xu hướng tự nhiên quay về với Thiên Chúa. Đối với họ, mọi nguy cơ và khó khăn của đời sống làm cho Thiên Chúa và đời sau gần gũi và hiện thực.

Sự nghèo khó ấy tự nó không phải là điều tốt. Nhưng khi đời sống trở nên khó khăn hơn và luôn bị đe dọa, nó cũng trở nên phong phú hơn bởi lẽ khi chúng ta càng ít mong đợi thì những điều tốt lành của đời sống càng trở thành những ân huệ bất ngờ mà chúng ta đón nhận với lòng biết ơn. Đó là lý do Đức Giêsu nói: “Phúc cho những kẻ khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (McCarthy).

Chúng ta cần hiểu đúng từ “nghèo khó” ở đây. Theo thánh Luca, người nghèo khó đây là: người thiếu thốn của cải vật chất, người không có quyền lực cũng như ảnh hưởng, người bị bóc lột. Và vì không có của cải, sống bơ vơ, không được che chở nên họ chỉ còn biết đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Và vì thế, cuối cùng”người nghèo khó là người đặt trọn niềm tín thác vào Chúa”. Họ là những người được chúc phúc.

Với câu: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của các ngươi”, chúng ta phải hiểu rằng Đức Giêsu đang ám chỉ đến những người thiếu thốn, người thấp cổ bé miệng, những người không ai che chở vì thế họ chỉ còn biết tin cậy vào Chúa. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc mà Đức Giêsu muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa. Chúa là tất cả đối với họ. Đối với họ của cải vật chất gần như chả là gì cả. Theo lời Đức Giêsu những người này thực sự là kẻ được chúc phúc. Vậy, để hiểu được lời Đức Giêsu: “Phúc cho các người là những kẻ nghèo khó”, chúng ta cần đọc lại lời tuyên bố trên theo cách thức sau: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nhận thức được rằng không thể tìm được hạnh phúc bằng cách cậy dựa vào của cải thế gian, mà bằng cách đặt trọn niềm tín thác vào Chúa” (Mark Link).

III. MUỐN CÓ HẠNH PHÚC THẬT

1. Phải có tinh thần siêu thoát

Chúa phán: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Nghèo chỉ những người không có của. Sự thiếu thốn này chỉ có thể là một sự kiện. Muốn nghèo mà được chúc phúc thì sự kiện đó phải trở thành một nhân đức. Và nghèo chỉ trở thành nhân đức khi nó kèm theo tinh thần cởi bỏ sự dính bén vì lòng mến Chúa, hay nói cách khác, là tinh thần siêu thoát. Mà hậu quả tinh thần siêu thoát, đó là tin cậy ở Chúa là Cha quan phòng. Người nghèo sống theo tinh thần nói trên, thì dễ dàng ước muốn những của siêu nhiên hơn.

Hiểu như vậy, thánh Augustinô đã cắt nghĩa chữ “nghèo” này theo nghĩa khiêm nhường: Vì thường tình, lòng cởi bỏ mọi dính bén làm phát sinh lòng khiêm tốn, trong khi của cải thường phát sinh sự kiêu ngạo. Đức Mẹ cũng đã quan niệm như thế trong kinh Magnificat: “Chúa đã nâng người mọn hèn lên … người giầu có đã trở về tay không”.

Khổng Tử đã từ chức quan đại thần sống thật thanh bần: “An cơm thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu, lòng đầy hoan lạc. Bất nghĩa mà giầu sang, ta coi như phù vân… Ta thường trọn ngày quên ăn, trọn đêm quên ngủ vì suy tư… lo đạt đạo”(Luận ngữ 7,15 và 15,30-31).

Đức Phật không thể chịu nổi cảnh giầu sang, danh vọng của hoàng cung, đã trốn lên rừng tìm đạo để cứu nhân độ thế, thoát khỏi cảnh khổ của hoàng cung phàm trần này mà nhân loại đang trầm luân trong đó. Các vị đó thật giống với cuộc đời thanh bần trong sáng của Đức Kitô: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con người không có chỗ tựa đầu”(Lc 9,58). Vậy hạnh phúc muôn thuở của các ngài không phải giầu sang, quyền quí, mà là siêu thoát để truyền dạy chân lý không mệt.

Tiền của tự nó là tốt vì Chúa đã dựng nên tất cả cho con người tiêu dùng, nó chỉ trở nên xấu nếu con người không biết xử dụng nó, thay vì coi nó là đứa tôi tớ trung thành, lại biến nó thành ông chủ khắc nghiệt, thành thần Mammon quyền uy. Người ta thường ca tụng tiền của:

Đồng tiền

Là tiên là Phật,

Là sức bật của con người,

Là nụ cười của tuổi trẻ,

Là sức khỏe của tuổi già,

Là cái đà danh vọng,

Là cái lọng che thân,

Là cái cân công lý,

Là ý chí con buôn,

Là nỗi buồn của cán bộ…

Người có tiền của mà không có hạnh phúc vì không hiểu câu: “Hữu lộc bất khả hưởng tận”. Biết tận hưỡng cũng là một điều khó vì thần Mammon đã mê hoặc con người làm cho con người mất sáng suốt như người ta nói: “Hoàng kim hắc thế tâm nhân”: đồng tiền đổi trắng thay đen lòng người.

2. Phải có tinh thần bác ái

Ngoài ra muốn tận hưởng hạnh phúc, con người còn phải biết cho đi. Có nhiều người lẫn lộn giữa hạnh phúc và cái bóng của hạnh phúc; họ mải mê chạy theo cái bóng này, để rồi mau chóng thất vọng khi nó vỡ tan như bóng xà phòng. Hạnh phúc đích thực không nằm trong của cải hay trong những gì mình đã chiếm hữu, nhưng chỉ là sự mãn nguyện với những gì mình đã trao ban. Thánh Phaolô viết: “Cho đi thì có phúc hơn lãnh nhận”.

Thánh Grêgôriô Cả khuyên những người giầu hãy giúp đỡ người nghèo để được Chúa chúc phúc: “Khi cho những người nghèo những sự vật cần thiết, chúng ta không tỏ lòng quảng đại cá nhân đâu, nhưng chúng ta trả cho họ những gì là của họ. Đúng ra chúng ta đã làm bổn phận của đức công bằng, hơn là đã thực hiện một hành vi bác ái”(Giáo lý công giáo số 2445). Hãy giúp người rồi người sẽ giúp lại: “Nợ tang bồng vay trả trả vay” (Nguyễn công Trứ):

Thương người như thể thương thân

Một mai rồi cũng đến lần ta đây.

3. Tìm hạnh phúc thật nơi Chúa.

Lời Chúa hôm nay đã trình bầy một nguyên tắc căn bản cho hạnh phúc thực sự mà con người đang tìm kiếm. Không thể có hạnh phúc đích thực nếu không có Thiên Chúa và không bước đi trong đường lối ngay chính của Ngài.

Vậy, theo lời Chúa dạy, thì hạnh phúc chính là tình trạng của con người dù biết mình nghèo, thiếu thốn, khổ đau mà vẫn cố gắng làm việc vui vẻ, trong sáng, chăm chỉ vì luôn tín thác vào sự quan phòng nhân ái của Chúa; là tình trạng của người dù có gặp gian nan thử thách vẫn kiên trung luôn ý thức mình là con Chúa.

Nói khác đi, điều làm cho con người dễ dàng đón nhận hạnh phúc Thiên đàng, chính là sự tự do của người nghèo khó: nghĩa là khi chịu đựng các thăng trầm bấp bênh đầy va chạm của cuộc sống, người nghèo khó ý thức rằng chỉ có cuộc sống đời sau mới thỏa mãn mọi thiếu thốn và khát vọng hạnh phúc của tâm hồn con người. Và cả những ai sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ vì tình yêu Chúa thì Ngài sẽ đền bù cho họ niềm hoan lạc đích thực đời này lẫn đời sau.

Tóm lại, hạnh phúc không gì khác là luôn có Chúa ở cùng vì chỉ có Ngài mới đáp ứng được nỗi khát vọng sâu xa của con người. Và khi cảm nhận được tình yêu lớn lao của Ngài đổ tràn trong tâm hồn thì mọi sự khác đều trở nên vô nghĩa.

Truyện: Hoàng đế Napoléon.

Khi hoàng đế Napoléon, người hùng chinh phục cả Âu châu của Pháp, bị đầy sang đảo Sainte Hélène, người viết tiểu sử của ông vẫn theo ông sát cánh. Đối với anh chàng viết tiểu sử này, mỗi một chi tiết trong cuộc đời của Napoléon đều đáng ghi nhớ, không một biến cố nào là nhỏ cả, và không ngày nào là không được lưu ý.

Một hôm, biết rằng ngày tận cùng của Napoléon sắp đến, chọn một giây phút Napoléon cảm thấy thoải mái nhất, người viết tiểu sử hỏi Hoàng đế: “Thưa ngài, xin ngài cho biết trong suốt cuộc đời của Ngài, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất”? Napoléon không trả lời ngay, quay đầu ra cửa sổ, nhìn biển xanh thăm thẳm phía xa một hồi, đoạn thở dài và quay lại chậm rải nói với người viết tiểu sử của ông: “Tôi nhớ, tôi nhớ rất rõ, ngày hạnh phúc nhất trong đời của tôi đã xẩy ra cách đây lâu lắm rồi, khi tôi còn bé, đó là ngày tôi Rước Lễ Lần Đầu”.

Trước kinh nghiệm của Napoléon, chúng ta nhìn thấy mặc dù có danh vọng, giầu sang, và tình yêu đến tuyệt đỉnh cũng không mang lại hạnh phúc đích thực cho con người, nếu vắng bóng Thiên Chúa (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 91)..

Hạnh phúc đích thực không nằm trong lời ca tụng hay trong chức tước quyền uy, nhưng chính là sự an bình vui tươi của một lương tâm thanh thản với Chúa, với anh em và với chính mình, như lời thánh Phaolô nói: “Lương tâm tôi không trách cứ tôi điều gì”

Một tác giả có viết: “Trong hạnh phúc có mầm đau khổ”. Quả thật, hạnh phúc bao giờ cũng trộn lẫn với mồ hôi và nước mắt. Có hạnh phúc đích thực nào mà không phải trả giá bằng đau khổ? Có ai sống trên đời này mà được hạnh phúc trọn vẹn đâu?

Điều này giải thích tại sao những gì chúng ta coi là bất hạnh, thì Đức Giêsu lại cho là hạnh phúc.

Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được cái nghịch lý của Lời Chúa thì chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực.

Chỉ khi nào chúng ta dám nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng, khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói sự thực, bị sỉ vả vì danh Chúa, chúng ta mới sống trọn vẹn các mối phúc thật.

Chỉ khi nào chúng ta thấy mình giầu lên khi chịu nghèo, no thỏa lúc đói khát, vui cười khi lệ rơi, và hân hoan lúc bị bách hại, chúng ta mới thực sự nếm cảm niềm hạnh phúc của Nước Trời (Thiên Phúc).

Truyện vui: Giầu có.

Một chàng nghèo mạt rệp đến hỏi một vị linh mục:

- Con thấy giáo lý trong đạo chẳng thực tế chút nào. Trong khi ngày Tết đến, mọi người chúc cho nhau có nhiều Tài, Phúc, Lộc, Thọ, thì Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo khó”. Như vậy, theo Chúa thì được lợi ích gì?

Vị Linh mục trả lời:

- Ngài sẽ làm cho anh có nhiều hơn.

Anh chàng hỏi lại:

- Nhiều hơn thế nào được?

Linh mục bình tĩnh trả lời:

- Khi dạy anh ham muốn ít hơn.

Thực ra, nếu chỉ nghĩ tới hạnh phúc ngay ở trần gian này, thì Lời Chúa hôm nay khó hiểu và khó chấp nhận, vì người ta không thấy hạnh phúc ngay trước mắt. Nhưng với con mắt đức tin, chúng ta còn hy vọng vào đời sống mai hậu, nơi đó mới có hạnh phúc hoàn toàn. Cuộc sống ở trần gian này chỉ là một cuộc hành trình còn nhiều gian khổ, là cuộc chuẩn bị cho ngày vinh quang đó. Thánh vịnh sau đây đã diễn tả tư tưởng đó:

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống

Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;

Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.

(Tv 126, 5-6)
 
Đời Sống Tâm Linh: Đồng Ý Chết Để Chị Được Sống
Pt Nguyễn văn Định
22:48 09/02/2010
Đời Sống Tâm Linh # 25

ĐỒNG Ý CHẾT ĐỂ CHỊ ĐƯỢC SỐNG

* Chuyện kể: Ở bệnh viện Stanford có ca bệnh ngặt nghèo của một bé gái cần máu của em nó, bé trai 5 tuổi, vì cậu bé trước đây đã được chữa trị, sau đó trong máu cậu sản sinh những kháng tố cần thiết.

Khi được báo cho biết chị Lisa của nó cần máu, và phải là máu của nó, cậu bé do dự một chút, rồi nói: “con đồng ý”. Lúc nằm trên giừờng để lấy máu, mặt cậu bé tái xanh; nhưng vẫn lộ rõ nét mặt cương quyết nhu đang thực hiện một công việc vô cùng trọng đại. Một lúc sau cậu bé hỏi bác sĩ: “Thưa bác sì, lấy máu xong, con sẽ chết ngay hay chết từ từ !”

Sau lúc đó bác sĩ mới hiểu ra, cậu bé tưởng rằng truyền máu cho chị là mình sẽ chết, khi cậu quyết định truyền máu, nghĩa là “cậu đồng ý chết để chị mình được sống.”

* Một phút suy tư: Có thể bạn đã nói về tình yêu quá nhiều! Nhưng Sống cho tình yêu và Chết cho tình yêu, mới thật là những điều Chúa đòi hỏi ở chúng ta: “ Ai có thể bỏ sự sống vì anh em mình?”

Một lời thách thức thật khó mà đáp ứng! Nếu bạn học thuộc Kinh Thánh, mà chẳng chia sẻ cho kẻ đói rách một ít quần áo hay lương thực như những người đang ở Haiti chẳng hạn…, không mở nụ cười hay ánh mắt nhìn kẻ cô đơn, khốn khổ quanh ta, hay bớt một chút thì giờ đến người hàng xóm cần thăm, hoặc bỏ một ít công sức cho người cần giúp đỡ…thì mãi mãi làm sao ta có thể thực hành được lời dạy của Chúa là: “hãy quên mình vì anh em”: Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (Mt 16, 25)

Hãy nhớ rằng, sẽ không có một người nào được vào nước Thiên Đàng, nếu họ chỉ sống ích kỷ riêng cho mình. Sống cho tha nhân bạn sẽ tìm lại được tất cả cùng với một niềm hạnh phúc lớn lao...

Việc động đất chết hàng trăm ngàn người ở Haiti, là Chúa muốn nói với bạn tôi hãy thực hành yêu thương với anh em mình đấy!.

* Lời Chúa: Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta hãy thí mạng sống mình vì anh em” (I Ga 3, 16)

* Danh ngôn: Yêu và được yêu là hạnh phúc lớn lao nhất. – Tagore

* Phó tế: GB. Maria Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khẳng định: Malte, “Tôi vội vàng hiệp nhất với quý vị.”
Bùi Hữu Thư
05:39 09/02/2010
Rôma, Thứ Hai 8 tháng 2, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha khẳng định với dân chúng Malte vài tháng trước khi ngài dự tính thăm hòn đảo này vào hai ngày 17 và 18 tháng Tư sắp tới: “Tôi vội vàng hiệp nhất với quý vị để kỷ niệm ngày quan trọng Thánh Phaolô đã đến bờ biển của quý vị.”

Trong một lá thư được báo Times of Malta đăng tải và cũng được Đài Phát Thanh Vatican loan báo, Đức Thánh Cha Benedict XVI cám ơn ông George Abela, tổng thống Malte vì đã mời ngài viếng thăm Malte. Ngài nhấn mạnh rằng biến cố này sẽ là một cơ hội quan trọng để suy niệm và tăng cường đức tin Kitô.

Cuộc viếng thăm sẽ xẩy ra nhân dịp kỷ niệm 1950 năm vụ đắm tầu của Thánh Phaolô trên đảo này, theo truyền thống đã xẩy ra vào năm 60, trong chuyến hải hành của ngài về Rôma. Theo sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Phaolô được dân chúng điạ phương đón tiếp “với một tình nhân loại khác thường.”

Đức Thánh Cha sẽ đến Malte vào buổi chiều ngày thứ bẩy 17 tháng Tư. Sau khi gặp gỡ các nhân vật trong chính quyền dân sự, ngài sẽ viếng thăm hang động nơi thánh Phaolô tạm trú tại Rabat.

Ngày Chúa Nhật 18 tháng Tư, Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ chủ tế Thánh Lễ ngoài trời tại Floriana, ở ngoại ô La Valette. Buổi chiều, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại bờ biển La Valette.

Đây là lần thứ ba một Giáo Hoàng viếng thăm Malte, sau hai lần thăm viếng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II năm 1990 và 2001.

Malte, được Vương Quốc Thống Nhất Anh cho được độc lập từ năm 1964, có trên 410.000 người dân trong đó có 98 % là người Công Giáo. Kể từ ngày 1 tháng Năm, 2004, Malte trở nên một thành viên của Thị Trường Chung Âu Châu và đã chọn đồng Euro làm tiền tệ quốc gia kể từ ngày 1 tháng 1, 2008.
 
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu: Sứ mệnh yêu thương và phục vụ trong gia đình
Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình HĐGMVN
06:12 09/02/2010
LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU (FABC)
HỘI NGHỊ LẦN VII TẠI BANGKOK
(03.01.2000 – 12.1.2000)


SỨ MỆNH YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ TRONG GIA ĐÌNH

I. NHẬP ĐỀ:

1.1 Gia đình tại Á Châu đang sống trong thời kỳ khó khăn và trong hoàn cảnh xáo trộn.

1.2 Để cảm nghiệm một Giáo Hội canh tân tại Á Châu và để cho sự canh tân ấy có một gương mặt hữu hình là Yêu Thương và Phục Vụ đích thực, thì sự canh tân phải bắt đầu từ gia đình.

II. CANH TÂN GIA ĐÌNH:

2.1 Canh tân gia đình có nghĩa là: mời gọi gia đình am hiểu sâu sắc hơn, sống và đáp trả ơn gọi cao cả và trách nhiệm đầu tiên của mình là hiến dâng, nuôi dưỡng, bảo vệ, cổ võ, làm phong phú sự sống tận nơi cung thánh của sự sống là gia đình.

· Gia đình là người cưu mang di sản của nhân loại vì tương lai của nhân loại đi qua con đường gia đình.
· Gia đình là trường đào luyện các giá trị và các nhân đức nhân bản và Ki-tô giáo.
· Gia đình là cái nôi đào tạo đức tin.
· Gia đình là lãnh vực đầu tiên của việc xã hội hóa và sự phát triển của đứa trẻ.
· Gia đình là cái nôi của các ơn gọi.
· Gia đình là nơi con người học được cách diễn tả tình yêu và lòng quảng đại.
· Trong gia đình tính dục và tâm linh của cá nhân phát triển cách bình thường, lành mạnh. Gia đình là trường học đào tạo một nền nhân bản sâu sắc hơn.
· Gia đình là tác nhân hữu hiệu của công cuộc Phúc Âm hóa.
· Gia đình là môi trường đầu tiên trong đó Phúc Âm được sống, được cảm nghiệm, được chia sẻ và được làm chứng.
· Gia đình là một định chế duy nhất mà con người cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng một sự sống mới: vợ chồng hợp tác với quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.

2.2 Trong nhiệm vụ ấy, Giáo Hội tại Á Châu được mời gọi phục vụ, nuôi dưỡng, khuyến khích và làm cho đời sống gia đình phong phú.

III. GIA ĐÌNH TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU HIỆN ĐẠI:

Bị đe dọa bởi nhiều thế lực như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ, sự can thiệp của nhà nước, sự ngừa thai và một lối sống nặng kỹ thuật: các sức mạnh vừa nêu tác hại đến sự bền vững của hôn nhân và đời sống gia đình. Rất nhiều khi vì không đủ khả năng đương đầu với các sức mạnh ấy nên kết quả là đức tin suy yếu, mối quan hệ trong gia đình đổ vỡ tạo nên cảnh vợ chồng không chung thủy với nhau, vợ chồng bỏ nhau, cảnh ly hôn, cảnh lạm dụng hóa chất, cảnh bạo động, cảnh mái ấm tan vỡ, cảnh các cá nhân và gia đình không sống đúng chức năng của mình.

IV. MỤC TIÊU CỦA HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ:

4.1 Mục tiêu của hoạt động tông đồ là xây dựng các cuộc hôn nhân đặt Chúa vào trung tâm đời sống và xây dựng một đời sống gia đình vững bền, lành mạnh và hạnh phúc.

4.2 Công việc ấy bao hàm việc sử dụng các cách tiếp cận tích cực hầu giúp các thành viên cũng như mỗi gia đình bám rễ vào Thiên Chúa.

4.3 Chính trong sự bám rễ này mà gia đình có thể múc được sức mạnh để đương đầu nổi với các áp lực, các vấn đề, các mối căng thẳng là những thứ gắn liền với xã hội hiện nay.

4.4 Từ đó gia đình sẽ có khả năng hiểu biết sâu sắc và trân trọng tính thánh thiện và giá trị của ơn gọi gia đình. Nhờ đó mà đời sống gia đình thêm chất lượng, đời sống trong Giáo hội được canh tân và đời sống trong xã hội rộng lớn hơn cũng tốt đẹp hơn.

4.5 Chúng ta có thể thực hiện điều nói trên thông qua các chương trình và các phương án sau đây:

Trước hôn nhân: Giáo dục về đời sống gia đình, Giáo lý gia đình; Giáo dục về tính dục con người.

Chuẩn bị tiền hôn nhân (chuẩn bị xa và chuẩn bị gần).

Trong hôn nhân và đời sống gia đình: Việc đỡ đầu; Bồi dưỡng hôn nhân; Kế hoạch hóa gia đình; Linh đạo gia đình; Tư vấn mục vụ; Tư vấn hôn nhân và tư vấn gia đình.

Các gia đình có nhu cầu đặc biệt: Mục vụ cho các người ly hôn và cho các cha mẹ đơn độc.

V. YÊU CẦU VÀ ĐỀ NGHỊ:

5.1 Trong Hội Nghị lần thứ VII (của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu) tại Bangkok từ ngày 03 đến ngày 12 tháng giêng năm 2000 này, chúng tôi nhắc lại yêu cầu và đề nghị đã được nêu lên trong Hội nghị lần thứ VI tại Manila năm 1995 là hãy thành lập một VĂN PHÒNG VỀ GIA ĐÌNH.

5.2 Chúng tôi yêu cầu và đề nghị rằng ở nơi nào chưa có “Văn Phòng về Gia Đình” thì mỗi Hội Đồng Giám Mục và mỗi Giáo Phận tại Á Châu nên khẩn cấp thiết lập một “ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH” trong toàn quốc hay trong giáo phận và phải có nhân viên làm việc toàn thời gian cho ủy ban ấy.

5.3 Chúng tôi yêu cầu và đề nghị rằng trong các Chủng Viện và các Học Viện (cho phái nam cũng như phái nữ) phải có một bộ môn về Gia Đình trong chương trình huấn luyện, nhằm chuẩn bị các linh mục và các tu sĩ nam nữ tương lai cho Mục Vụ Gia Đình sau này.

KẾT LUẬN:

Ước mong Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt các gia đình tại Á Châu, chúc lành cho các nỗ lực mà chúng ta thực hiện để thăng tiến hôn nhân bền vững và gia đình lành mạnh, trong bối cảnh Canh Tân Giáo hội tại Á Châu mà chúng ta khởi sự cho thiên niên kỷ thứ ba.

(* Đã 10 năm kể từ ngày diễn ra Hội Nghị, thiết tưởng những gợi ý và đề nghị này, vẫn là lời mời gọi cho sứ mệnh và việc phục vụ của mỗi Giáo Phận và của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Xin trân trọng giới thiệu)
 
Một Công nghị Hồng y đã rất gần - Sẽ có tân Hồng y Việt Nam?
VietCatholic
13:46 09/02/2010
Các chuyên gia về Vatican nói khả năng xảy ra một Công nghị Hồng y đã rất gần, gần hơn bao giờ hết, vì con số các Hồng y đến tuổi 80 đang tăng cao. Vào cuối tháng 03-2010 này, sẽ có không ít hơn 12 ghế của các Hồng y được quyền bầu Giáo hoàng bị bỏ trống. Và do đó, cần có một cuộc sắc phong các tân Hồng y.

Tông Hiến Universi Dominici Gregis

Theo Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Ðoàn chiên phổ quát của Chúa) do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22-02-1996 thì các Hồng y quá 80 tuổi không còn được quyền tham dự Cơ Mật Viện (Conclave) bầu tân Giáo hoàng, trừ những vị đến 80 tuổi sau ngày Đức Giáo Chủ Tối Cao băng hà, hay vào ngày mà Tòa Phêrô trống ngôi. Tổng số các vị có quyền bầu chọn phải không được phép quá 120 vị. Những Hồng y nào đã bị tước đi tước vị Hồng y theo giáo luật, và sau đó được trao lại tước Hồng y, thì không được quyền bầu.

Hồng Y Đoàn hiện có 182 vị ở khắp các độ tuổi, trong đó có 112 vị đủ điều kiện bầu Giáo hoàng. Cũng theo Tông Hiến Universi Dominici Gregis, con số Hồng y thích hợp để tổ chức Mật Tuyển Viện là 120. Tính đến nay, con số thích hợp này thiếu 8 vị cần điền khuyết. Thứ tư 26-01 vừa qua là sinh nhật thứ 80 của Đức Hồng Y Aloysius Ambrozic, nguyên TGM Toronto, Canada. Như vậy, Hồng y đoàn lại cần thêm 1 vị nữa thành 9 để đủ con số 120.

Công nghị Hồng y đã gần kề

Trong 2 tháng năm 2010 này, sẽ có thêm 4 Hồng y nữa vượt quá hạn mức tuổi cho phép bầu Giáo hoàng, đó là ĐHY người Mỹ Adam Maida (nguyên TGM Detroit, Michigan), ĐHY Julián Herranz Casado (nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Các Văn Bản Luật), ĐHY Bernard Louis Auguste Paul Panafieu (nguyên TGM Marseille, Pháp), ĐHY Thomas Stafford Williams (nguyên TGM Wellington, New Zealand).

Theo các chuyên gia, Công nghị Hồng y sắp tới đặt Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vào một tình huống thú vị, khi làm thế nào để cân bằng được con số 120 giữa các vị Hồng y dưới 80 tuổi và những Hồng y sắp đến độ tuổi 80 trong mấy tháng tiếp đó. Vì từ cuối tháng 3 tới tháng 7 năm 2010 sẽ không có vị Hồng y nào vượt ngưỡng 80, nhưng từ tháng 7 tới tháng 3 năm 2011 thì sẽ có liên tiếp 13 Hồng y nữa không còn quyền bầu Giáo hoàng.

Một trong vài vị Hồng y sẽ đạt tới tuổi 80 từ tháng 7 năm nay tới tháng 3 năm 2011 là: ĐHY Theodore Edgar McCarrick (nguyên TGM Washington D.C), ĐHY Ignace Moussa I Daoud (Thượng phụ Giáo chủ của Antiôkia, Syri và Libăng), ĐHY William Keeler (nguyên TGM Baltimore, Hoa Kỳ), ĐHY Paul Joseph Jean Poupard (nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa), ĐHY Sergio Sebastiani (nguyên Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Tòa Thánh), ĐHY Camillo Ruini (nguyên Giám Quản thành Rôma).

Năm 2011 cũng là năm sẽ chứng kiến một loạt các Hồng y khác vượt ngưỡng 80, nhiều trong số đó là những vị có tiếng tăm như: ĐHY Joseph Zen Ze-kiun, SDB (nguyên TGM Hồng Kông), ĐHY Nicholas Cheong Jin-Suk (đương kim TGM Seoul, Hàn Quốc), ĐHY Bernard Francis Law (Kinh sĩ Đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma), ĐHY José Saraiva Martins, CMF (nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh). Trong 13 tháng tới, sẽ có 25 Hồng y không còn quyền bầu cử.

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm này, có 30 Tòa Hồng Y còn trống trên toàn thế giới. Trong đó có Tòa Hồng Y tại Hà Nội, Việt Nam.

Chính vì vậy, Công nghị Hồng y sắp tới hứa hẹn những điều thú vị mà chỉ có riêng Đức Giáo Hoàng và theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần biết. Tòa trống và số lượng Hồng y vượt ngưỡng 80 quá nhiều, liệu bao nhiêu Hồng y mới đủ lấp đầy chỗ thiếu, nhưng cũng chỉ vừa phải để dung hòa con số 120 vị dưới 80 tuổi và không vượt quá số Tòa đang trống, với các tính toán hợp lý để ít là trong một năm sau đó con số này vẫn duy trì ở mức thích hợp chờ một Công nghị mới?

Các chuyên gia phân tích hàng đầu cho rằng sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu Đức Giáo Hoàng triệu tập một Công nghị Hồng y vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 này. Tiếp theo đó sẽ là một Công nghị Hồng y nữa vào cùng thời điểm năm 2011.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Công nghị Hồng y (Consistorium) là một dạng cuộc họp quan trọng do Đức Giáo Hoàng triệu tập, và có hai loại: Công nghị Hồng y mật, hay còn gọi là Công nghị Hồng y đặc biệt (chỉ có Ðức Thánh Cha và các Hồng y mà thôi) và Công nghị Hồng y công khai, nghĩa là có sự tham dự của các Giám mục, Linh mục, Giáo dân hoặc đại diện pháp nhân. Ðức Giáo Hoàng có thể triệu tập các vị Hồng y hiện diện ở Rôma riêng, như các Công nghị Hồng y để phong Chân phước và Hiển thánh. Hoặc Đức Giáo Hoàng có thể triệu tập tất cả các Hồng y trên thế giới, để thảo luận về các vấn đề rất quan trọng liên hệ đến đời sống Giáo hội, hoặc bổ nhiệm tân Hồng y vào Hồng Y Đoàn.

Hồng y - Ngài là ai?

Tiếng Việt dịch CardinalisHồng y (dịch theo màu sắc của y phục: Hồng = màu đỏ, màu hồng; Y = áo), nghĩa là vị Giáo chủ mặc áo đỏ, vì không có danh từ thích hợp để dịch sát nghĩa của danh từ tiếng Latinh "Cardinalis" (do: cardo, cardinis, nghĩa là yếu tố thuộc bản chất, yếu tố then chốt, nền tảng, cột trụ, v.v…). Danh từ “Cardinal” trong tiếng Anh (Cardinalis) được dùng để gọi các vị Giáo sĩ cấp cao nhất trong Giáo hội Công giáo La Mã, chỉ xếp sau Ðức Giáo Hoàng. Các ngài là thành viên của một Viện, được gọi là Viện Hồng Y (Senat). Các ngài là những Cố vấn trực tiếp và Cộng tác đắc lực của ÐTC trong việc quản trị Giáo hội hoàn cầu.

Bộ Giáo Luật công bố năm 1983 dành cả chương 3, quyển thứ 2, gồm 11 khoản để nói về các vị Hồng y.

Trước hết, Hồng y là những "đại cử tri và cử tri duy nhất", có nhiệm vụ bầu Giáo hoàng mới sau khi Giáo hoàng cũ băng hà. Ngoài nhiệm vụ bầu Giáo hoàng, các ngài là những người cộng tác gần gũi nhất của Ðức Thánh Cha, cộng tác cách tập đoàn hay cá nhân, trong việc quản trị Giáo hội hoàn vũ.

Tước vị Hồng y không phải là một Chức Thánh, mà chỉ là một danh hiệu cao quý. Dù dược vinh thăng Hồng y, các ngài vẫn là Giám mục. Trường hợp, ai là linh mục được Giáo hoàng chọn làm Hồng y thì phải được truyền chức Giám mục trước lễ tấn phong Hồng y.

Hồng y còn được gọi dưới cái tên khác là: “Hoàng Tử Giáo Hội” (Prince of the Church). Hiện nay danh xưng này gần như được Giáo hội Công giáo sử dụng “độc quyền” cho các Hồng y. Trong lịch sử, cụm từ “Hoàng Tử Giáo Hội” còn để chỉ các vị Hoàng tử bầu cử viên có quyền chọn vị thủ lãnh chuyên chế hay còn gọi là Hoàng Đế La Mã Thần Thánh của Đế Chế La Mã Thần Thánh. Tương tự trong Công giáo, Hoàng Tử Giáo Hội vừa là ứng cử viên, vừa là những người bầu ra vị Giáo chủ Tối cao Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, hay còn gọi là Đức Thánh Cha.

Hồng y là người cộng tác trực tiếp của Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô. Vì thế trong lễ nghi trao Mũ đỏ Hồng y, Ðức Giáo Hoàng cũng chỉ định cho mỗi vị một hiệu tòa là một Nhà thờ trong Thành Rôma, giáo phận của Giám mục Thành Rôma. Những Hồng y nào nắm quyền càng cao hoặc giáo phận mà vị ấy nắm giữ có thế trọng yếu thì có Tòa cổ xưa hơn những Hồng y khác.

Năm 1159, thời trị vì của Ðức Giáo Hoàng Eugenio III (1143-1153), Hồng Y Ðoàn được thành lập, ngoài các thành viên, gồm một vị đứng đầu gọi là Decano (Niên trưởng), không phải là vị tuổi tác hơn cả, nhưng là vị do sáu Hồng y bậc Giám mục (nghĩa là các Hồng y được tước hiệu sáu Giáo phận quan trọng chung quanh Thành Rôma) bầu lên; một vị Phó Niên trưởng và một vị Quản lý tài sản Giáo hội khi Tòa Phêrô trống, vị này được gọi là Hồng y Nhiếp chính, hay Hồng y Giáo chủ Thị Thần (Camerlengo). Hiện nay, Hồng y Niên trưởng là Ðức Angelo Sodano (người Italia); vị Hồng y Phó Niên trưởng là Ðức Roger Etchegaray (người Pháp); Hồng y Giáo chủ Thị Thần Ðức Tarcisio Bertone (người Italia).

Các Hồng y được chia thành ba bậc:

Bậc Hồng y Giám mục (tức là các vị Hồng y có một tước hiệu trong 7 hiệu tòa sau: Ostia - Palestrina - Albano - Frascati - Porto Santa Rufina - Sabina Poggio Mirteto và Velletri Segni). Hiện nay có 6 Hồng y quan trọng giữ 7 hiệu tòa này lần lượt là: Đức Angelo Sodano (Ostia và Albano), Đức José Saraiva Martins (Palestrina), Đức Tarcisio Bertone (Frascati), Đức Roger Maria Élie Etchegaray (Porto Santa Rufina), Đức Giovanni Battista Re (Sabina Poggio Mirteto), Đức Francis Arinze (Velletri Segni). Hồng y Niên trưởng luôn luôn giữ Hiệu tòa Ostia, và một giáo phận khác cạnh Rôma, nếu vị ấy đã có trước khi làm Niên trưởng. ĐHY Angelo Sodano giữ hai tòa nên chỉ có 6 Hồng y bậc Giám mục.

Bậc tiếp theo là bậc Hồng y Linh mục (đại đa số là các vị Hồng y là Tổng Giám Mục đứng đầu các giáo phận trên thế giới đều ở bậc này, trong đó có Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Việt Nam). Hồng y Linh mục cũng chiếm thế đa số trong Hồng Y Đoàn.

Bậc thứ ba là bậc Hồng y Phó tế (hầu hết là các vị đứng đầu một cơ quan Tòa Thánh thuộc Giáo triều và cư ngụ tại Rôma). Các vị thuộc bậc Hồng y Phó tế có thể chuyển sang bậc Hồng y Linh mục sau 10 năm ở bậc Hồng y Phó tế. Một khi đã chuyển sang bậc Hồng y Linh mục, thì cũng đổi cả tước hiệu nhà thờ và có quyền ưu tiên trên các Hồng y Linh mục khác được bổ nhiệm làm Hồng y sau mình. Thông thường, tuy tước vị Phó tế thấp hơn Linh mục, nhưng các Hồng y Phó tế có nhiều quyền hơn các Hồng y Linh mục ở các giáo phận, do các vị này làm việc ngay tại đầu não Giáo triều. Đơn cử trường hợp Hồng y Phó tế nay thành Hồng y Linh mục là ĐHY Crescenzio Sépe, nguyên Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đương kim Tổng Giám Mục Napoli, Italia.

Cũng như Giám mục, khoản Giáo luật 354 ấn định các vị Hồng y đương nhiệm phải đệ đơn từ chức lên Ðức Thánh Cha, lúc đầy 75 tuổi, và chờ đợi sự quyết định của ngài.

Giáo Luật chỉ thị: trong khi Tòa Phêrô trống ngôi (sede vacante), Viện Hồng Y (hay Hồng Y Ðoàn) lãnh nhận quyền quản trị tạm công việc trong Giáo hội, theo luật lệ riêng. Việc quan trọng hơn cả là triệu tập các Hồng y trên toàn giới về Rôma, để họp Cơ Mật Viện (Conclave) và bầu Giáo hoàng mới. Trong thời gian bầu Giáo hoàng, các ngài phải cầu nguyện, ăn chay, để xin ơn Chúa Thánh Thần, và thề hứa: “hoàn toàn tự do theo tiếng lương tâm và ơn Chúa soi sáng, chọn vị mà tôi nghĩ là xứng đáng hơn cả”. Việc bầu Giáo hoàng diễn ra tại Nhà nguyện Sixtine, nội thành Vatican. Vị đắc cử phải được 2/3 số phiếu của các Hồng y hiện diện trong Cơ Mật Viện. Nếu không đủ số phiếu này sau nhiều vòng bầu, lúc này sẽ áp dụng các thể thức khác theo Tông Hiến Universi Dominici Gregis.

Giáo luật cũng ấn định vị Hồng y đứng đầu các Hồng y Phó tế có nhiệm vụ loan báo cho dân chúng chờ đợi tại Quảng trường Thánh Phêrô tên của vị được bầu làm tân Giáo hoàng. Cách đây hơn 5 năm, ĐHY Jorge Arturo Augustin Medina Estévez, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí Tích, đã loan báo tên vị Giáo hoàng mới: Ðức Joseph Ratzinger được chọn làm Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, nhận tên hiệu là Benedict XVI.

Nhưng lúc này chưa phải là lúc bàn đến thể thức bầu Giáo hoàng.

Giáo luật còn quy định, nếu không phải là Giám mục coi sóc giáo phận nào, vị Hồng y bắt buộc phải ở Rôma. Các vị Hồng y trên khắp thế giới cũng phải về Rôma khi Đức Giáo Hoàng triệu tập. Các vị Hồng y đều thuộc về hàng giáo sĩ Rôma và tức khắc trở thành công dân Vatican sau khi được tấn phong.

Đỏ - Màu của máu, tình yêu và lửa mến

Trong nghi lễ trao nhẫn Hồng y, Đức Giáo Hoàng sẽ nói với mỗi tân Hồng y, rằng: "Hãy nhận lấy chiếc nhẫn từ tay Đấng kế vị Thánh Phêrô và biết rằng với tình yêu của Vị Thủ Lãnh Các Tông Đồ, tình yêu của con đối với Giáo hội sẽ được củng cố".

Là cố vấn và là người cộng tác chặt chẽ với Giáo hoàng, dấu hiệu hữu hình của sự hiệp nhất Giáo hội, các vị Hồng y phải tuyệt đối trung thành, vâng phục và hiệp nhất với Chúa, với Giáo hội và với Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô, Ðại diện Chúa Kitô ở trần gian, cho đến việc hy sinh chính mạng sống, nếu cần. Đó cũng là ý nghĩa của phẩm phục Hồng y, màu đỏ thắm, màu của tình yêu, màu của lửa, và nó cũng là màu của Cuộc Thương Khó. Để thật sự nói lên rằng các Hồng y phải sẵn sàng ngay cả đổ máu mình ra để minh chứng cho tình yêu.

Trong số các Hồng y, có nhiều vị đã làm vinh danh Chúa và trung thành tuyệt đối với Giáo hội, cho đến việc hy sinh cả mạng sống (usque ad sanguinis effusionem). Điển hình như: ÐHY Juan Soldevilla y Romero (TGM của Saragozza, Tây Ban Nha), ÐHY Emile Biayenda (TGM Congo), ÐHY Juan Posadas Ocampo (TGM Guadalajara, Mexico. ÐHY Soldevilla bị hai người lạ mặt hạ sát ngày 4 tháng 6 năm 1923, lúc ra khỏi một Tu viện, để lên xe về Tòa Giám Mục. Sau khi điều tra, lý do của vụ sát hại này là lý do chính trị - tôn giáo. ÐHY Biayenda bị những người lạ mặt bắt cóc chiều tối ngày 22 tháng 3 năm 1977, và sau đó ít giờ bị giết, trong thời kỳ Congo có những vụ tranh chấp giữa các chủng tộc mà ngài là người tranh đấu không mệt mỏi để bảo vệ các sắc dân thiểu số. ÐHY Posadas Ocampo bị bắn chết bằng 14 phát đạn cự ly gần tại sân bay Guadalajara, vụ giết ÐHY Ocampo là do chính bàn tay cảnh sát mật vụ, tức giận do những tố cáo của ÐHY chống lại sự lan tràn mỗi ngày một nhiều của tội ác, vô đạo đức với nhân dân và nạn tham nhũng trong chính quyền. Và còn nhiều nữa những nhân chứng anh hùng về lòng kiên trung với Giáo hội và Chúa Kitô của các Hồng y từ thế kỷ này sang thế kỷ khác…

Tính quốc tế hóa của Hồng y đoàn

Người ta dễ nhận thấy có sự phân phối không quân bình các vị Hồng y trong Giáo hội toàn cầu, có lục địa nhiều, có lục địa ít, có quốc gia nhiều, có quốc gia ít. Tại sao có sự không đồng đều này? Trả lời đơn giản nhất rằng Ðức Giáo Hoàng hoàn toàn tự do trong việc chọn các Hồng y. Ngài không chịu sự bó buộc hay tham vấn nào từ Giáo hội địa phương như việc bổ nhiệm Giám mục.

Nếu nhìn về tương quan giữa con số các tín hữu với con số các Hồng y theo cách phân chia lôgic toán học, thì người ta thấy có sự không cân đối. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào các dữ kiện của việc phân phối các Linh mục và Giám mục trên toàn thế giới, thì tỉ lệ này xem ra lại cân đối hơn. Nhưng tất cả những điều đó cũng không phải là cơ sở lý giải cho việc Đức Giáo Hoàng chọn ai làm Hồng y. Như đã nói, ngài hoàn toàn có quyền chọn một vị nào đó lãnh mũ Hồng y, kể cả khi Hội Đồng Giám Mục địa phương hay chính quyền quốc gia sở tại không ưng ý.

Và nói theo Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone (Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh), thì Hồng Y Đoàn không phải, và cũng không thể, như một "quốc hội" dân sự, trong đó các Giáo hội địa phương khác nhau được đại diện một cách "dân chủ".

Trong lịch sử, tước Hồng y có từ thế kỷ 11 và các vị Hồng y đều cư ngụ tại Rôma. Cho đến năm 1150, các Hồng y hợp thành Viện Hồng Y hay Hồng Y Ðoàn. Vào thế kỷ thứ 12, các Hồng y cũng được lựa chọn từ ngoài Thành Rôma.

Từ năm 1200 đến 1400, thành viên của Hồng Y Ðoàn thường không quá 30 vị. Năm 1586, Ðức Giáo Hoàng Sixto V ấn định con số Hồng Y Ðoàn lên đến 70 vị. Ngày 21-11-1970, Tự Sắc "Ingravescentem Aetatem" của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã quyết định rằng sau 80 tuổi, các vị Hồng y không giữ chức vụ nào nữa trong Giáo triều và mất quyền bầu Giáo hoàng, và như vậy cũng không được tham dự Cơ Mật Viện. Ðây là một quyết định đầy can đảm của Ðức Phaolô VI trong chương trình cải tổ Giáo hội sau Công Đồng Vatican II.

Trong Công nghị Hồng y ngày 05-11-1973, Ðức Phaolô VI nâng con số Hồng y vào Mật Tuyển Viện bầu Giáo hoàng lên 120 vị. Chính Ðức Gioan Phaolô II cũng xác nhận lại con số 120 vị do Ðức Phaolô VI ấn định qua Tông Hiến Universi Dominici Gregis. Từ đây, tính quốc tế hóa của Hồng Y Đoàn ngày càng cao xét theo nhu cầu của thời đại.

Hồng y “in pectore”

Bộ Giáo Luật 1983, khoản 351, triệt 3, lấy lại Bộ Giáo Luật cũ năm 1917, quy định: vị được bổ nhiệm làm Hồng y, nếu, trong khi loan tin, Ðức Giáo Hoàng không tiết lộ tên “in pectore” (còn giữ kín trong ngực), thì trong thời gian
chờ đợi, vị này không có bổn phận và quyền lợi nào của các Hồng y; nhưng khi nào tên vị "in pectore" được công bố, thì không những ngài có bổn phận và quyền lợi của một Hồng y, nhưng còn được hưởng quyền ưu tiên trên các vị khác, kể từ ngày Ðức Giáo Hoàng loan báo giữ trong "in pectore" và được xếp vào lớp các Hồng y được loan báo làm Hồng y khi ngài chưa tiết lộ danh tính.

Nếu không có bút từ gì về Hồng y "in pectore" do vị Giáo hoàng trước để lại, thì vị Giáo hoàng kế tiếp không bị buộc theo những quyết định của vị tiền nhiệm mình. Lúc đó, tân Giáo hoàng được hoàn tự do trong mọi quyết định. Nhiều lần trong lịch sử, tên của các Hồng y "in pectore" không bao giờ được tiết lộ, sau khi vị Giáo hoàng giữ lại "in pectore" rồi băng hà mà không để lại bút tích nào.

Về việc vào Mật Viện bầu Giáo hoàng, Tông Hiến Universi Dominici Gregis của Ðức Gioan Phaolô II, công bố khi Tòa Thánh trống ngôi (Sede Vacante), nói rõ rằng: "Quyền bầu Giáo hoàng thuộc về các Hồng y được chọn và được công bố trong Công nghị Hồng y, và phải dưới 80 tuổi". Vì thế các Hồng y "in pectore" nếu có, do không được công bố, không thể vào Mật Viện bầu tân Giáo hoàng.

Hoàn cảnh chưa thuận tiện hoặc lý do này lý do khác mà giữ “in pectore” một vị Hồng y được viện dẫn như trên, hầu hết là lý do về chính trị. Các sử gia xác nhận rằng việc giữ Hồng y “in pectore” có từ thời Ðức Alexandre VI (người Tây Ban Nha, làm Giáo hoàng từ 1492 đến 1503); hoặc thời Ðức Julius II (Giáo hoàng từ 1503 - 1513).

Các Hồng Y Việt Nam

Giáo hội Việt Nam từ trước đến nay đã có 5 Hồng y:

ĐTC Gioan Phaolô II trao mũ cho ĐHY Phạm Đình Tụng
ĐHY Giuse Maria Trịnh Như Khuê, là Hồng y tiên khởi của Việt Nam, được vinh thăng năm 1976, qua đời năm 1978, là Hồng y bậc Linh mục, Hiệu tòa Nhà thờ: S. Francesco di Paola ai Monti (Một Tòa Hồng y bậc Phó tế được thành lập năm 1967) mà nay thuộc về ĐHY Renato Raffaele Martino, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình.

- ĐHY Giuse Maria Trịnh Văn Căn, được vinh thăng năm 1979, qua đời năm 1990, là Hồng y bậc Linh mục, Hiệu tòa Nhà thờ: S. Maria in Via (Một Tòa Hồng y cổ xưa bậc Linh mục được thành lập năm 1551) mà Đức cố Hồng y Egano Righi-Lambertini, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Tòa Thánh, và hàng chục Hồng y danh tiếng thời Trung Cổ, Phục Hưng và Cận Đại từng nắm giữ.

- ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, được vinh thăng năm 1994, qua đời năm 2009, là Hồng y bậc Linh mục, Hiệu tòa Nhà thờ: S. Maria “Regina Pacis” in Ostia mare (Một Tòa Hồng y bậc Linh mục được thành lập năm 1973). Tòa này từng được Đức cố Hồng y TGM Sydney, Australia giữ cho đến lúc qua đời năm 1991.

ĐTC Gioan Phaolô II trao mũ cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận
- ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được vinh thăng hồng y ngày 21.2.2001, qua đời ngày 16.9.2002, là Hồng y bậc Phó tế, Hiệu tòa Nhà thờ: S. Maria della Scala (Một Tòa Hồng y cổ xưa bậc Phó tế được thành lập năm 1664). Tòa này từng được nhiều Hồng y lừng lẫy với “quyền lực mềm” thời Phục Hưng nắm. Đầu thế kỷ thứ 20, một loạt các Hồng y đứng đầu các Bộ quan trọng tại Giáo triều cũng giữ Tòa này.

- ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, được vinh thăng năm 2003, đang tại nhiệm chức Tổng Giám Mục Sài Gòn, là Hồng y bậc Linh mục, Hiệu tòa Nhà thờ: S. Giustino (Một Tòa Hồng y bậc Linh mục được thành lập năm 2003) và chỉ mới có mình ngài giữ.

(Mời đón xem bài tiếp theo: Công nghị sắp tới, sẽ có tân Hồng y Việt Nam?)
 
Top Stories
Chine: A Hongkong, le cardinal Zen Ze-kiun a vigoureusement réagi à des critiques portées contre lui par un journal italien
Eglises d'Asie
06:07 09/02/2010
9 février 2010 (Eglises d’Asie) – Le 4 février dernier, le cardinal Joseph Zen Ze-kiun, évêque émérite du diocèse catholique de Hongkong, a vigoureusement réagi aux critiques portées contre lui dans les colonnes de 30 Giorni (30 Jours), magazine catholique italien, les qualifiant d’« injustes » et de «sans fondement».

Dans un long article à propos de Mgr An Shuxin, évêque coadjuteur du diocèse de Baoding (1), le journaliste Gianni Valente, de 30 Giorni, met en cause le cardinal, critiquant « le rôle d’interprète et de médiateur » que celui-ci « a voulu jouer » en publiant un guide visant à faciliter la compréhension de la Lettre du pape Benoît XVI aux catholiques chinois du 30 juin 2007. « L’initiative du cardinal salésien qui s’offre comme garant de l’interprétation exacte d’un texte pontifical semble inusuelle et paraît être le fruit d’une décision purement personnelle », écrit Gianni Valente qui, dans son article, défend la décision de Mgr An Shuxin. Celui-ci, évêque coadjuteur de Baoding, un bastion catholique du Hebei, appartenait à la partie « clandestine » de l’Eglise en Chine et avait fait dix années de prison pour cela; en août 2006, il était libéré par les autorités après avoir décidé d’accepter d’exercer son ministère au grand jour et finalement d’adhérer à l’Association patriotique des catholiques chinois (2).

En réponse aux attaques formulées contre lui, le cardinal Zen a déclaré à l’agence Ucanews (3) que le journaliste italien avait présenté les choses de manière à ce que le lecteur pense que l’évêque émérite de Hongkong avait dit que la Lettre pontificale manquait de clarté. « Je n’ai jamais dit cela, a rétorqué le cardinal. Ce que j’ai dit, c’est que la Lettre du pape est très claire et que je ne pouvais pas comprendre pourquoi certaines personnes l’interprétaient de travers, en affirmant que les communautés clandestines en Chine n’avaient désormais plus de raison d’être. » Cette mauvaise interprétation de la Lettre était d’ailleurs explicitée et corrigée dans le Compendium de la Lettre pontificale, publié par Rome en mai 2009 (notes 2 et 5 du document en question), a ajouté Mgr Zen, précisant que son Guide à la Lettre pontificale, publié en novembre dernier, n’avait pas pour objet de clarifier ce qui avait déjà été expliqué par le Compendium. Son « guide » est venu « en complément » et a été écrit « en réponse à des questions posées par [ses] frères dans l’épiscopat en Chine continentale », a encore explicité le cardinal.

Quant à ce que le journaliste italien présente comme une conséquence des prises de position du cardinal Zen, à savoir que des prêtres « clandestins » en Chine continentale « disent vouloir s’en tenir à la ligne indiquée par le cardinal Zen plutôt qu’à celle indiquée par le pape et par Rome » pour justifier leur refus de participer à des « rencontres de prière et de catéchèse » avec des prêtres « officiels », le cardinal Zen répond que de tels propos sont « injustes ». « Je soutiens entièrement la réconciliation (entre les deux communautés de l’Eglise catholique en Chine). Toutefois, parce que la politique gouvernementale ne change pas, je redoute une unification des structures menée dans l’urgence et sans tenir compte des principes posés par le pape », explique-t-il.

A propos de Mgr An Shuxin, Mgr Zen dit avoir « un très grand respect » pour sa personne. « Il a enduré de grandes souffrances pour sa foi. » Mais « le respecter ne signifie pas que nous devons accepter tous ses jugements », précise-t-il, en référence à la décision de Mgr An d’adhérer à l’Association patriotique. L’évêque coadjuteur de Baoding, ajoute Mgr Zen, a estimé que la vie de l’Eglise dans les structures approuvées par le gouvernement « était normale » – ce en quoi son jugement a été « trompé ». Dans sa Lettre, le pape écrit qu’une Eglise indépendante du Saint-Siège est incompatible avec la doctrine catholique, argumente Mgr Zen.

Au-delà de l’article de 30 Giorni et de la réaction du cardinal Zen, les circonstances dans lesquelles Mgr An Shuxin a été libéré de prison en 2006 puis est sorti de la clandestinité pour se faire reconnaître officiellement par les autorités civiles, ainsi que la décision qu’il a prise d’accepter, l’été dernier, un poste au sein de l’Association patriotique de Baoding, provoquent d’intenses remous au sein même de l’Eglise de Chine. Remous qui transparaissent sur Internet, notamment sur le site catholique chinois Catholic On Line (www.ccccn.org). La polémique tourne non seulement autour des choix faits par Mgr An mais aussi autour de l’implication du Saint-Siège dans cette affaire. Catholic On Line a mis en ligne plusieurs documents éclairant la position de Mgr An et du Saint-Siège pour permettre aux internautes de se faire une idée la plus objective possible sur ce dossier très controversé et très sensible (4).

La position du diocèse de Baoding est en effet emblématique au sein des communautés clandestines de l’Eglise en Chine, et le choix de Mgr An a déclenché un très fort malaise au sein du diocèse de Baoding et, au-delà, d’un grand nombre de prêtres condamnant ce choix et refusant de collaborer avec Mgr An. Il est intéressant de noter qu’à la date d’aujourd’hui, l’ensemble du dossier sur Internet a été consulté par plus de 20 000 personnes et l’interview de Mgr An elle-même par plus de 14 000 personnes. Ces chiffres, élevés, témoignent du degré d’intérêt soulevé par le sujet au sein des différentes communautés et des opinions divergences que le cas de Mgr An suscite. Les très nombreux commentaires laissés par les internautes permettent de sentir les différentes tendances (dans certains cas poussés à l’extrême), ainsi que les critiques parfois très dures de l’attitude du Saint-Siège dans cette affaire qui touche toutes les communautés clandestines, et plus largement l’ensemble de l’Eglise en Chine.

Qu’à l’étranger, certains observateurs, tels ceux de la rédaction de 30 Giorni, considèrent que le cas de Mgr An est un exemple encourageant pour la normalisation des relations entre les communautés clandestines et le gouvernement, ne doit pas faire oublier la complexité de la réalité et de la politique du gouvernement chinois vis-à-vis de l’ensemble de l’Eglise en Chine, et des communautés clandestines du Hebei en particulier. La réaction du cardinal Zen montre que la situation n’est pas aussi simple que certains voudraient le croire et que le choix de Mgr An pose de réelles questions de principe, en particulier quant à l’interprétation de la Lettre du pape aux catholiques chinois et à la participation d’un évêque clandestin à l’Association patriotique.

(1) 30 Giorni, décembre 2009.
(2) Voir EDA 446, 447, 517, 518
(3) Ucanews, 4 février 2010.
(4) http://www.ccccn.org/news/china/2009-11-03/3866.html

(Source: Eglises d'Asie, 9 février 2010)
 
Vietnam: Dông Chiêm: la vie semble revenir à la normale
Eglises d'Asie
06:08 09/02/2010
9 février 2010 (Eglises d’Asie) – Voilà plus d’un mois que l’affaire de Dông Chiêm a éclaté. Dans la nuit du 5 au 6 janvier dernier, vers 2h30 du matin, des forces armées lourdement équipées avaient investi cette paroisse de l'archidiocèse de Hanoi et, malgré la résistance des paroissiens dont deux avaient été blessés, les nombreux agents mobilisés pour la circonstance avaient abattu et brisé une croix monumentale plantée au sommet d’un sommet dominant le village, où se trouvait aussi un cimetière. Dans la journée, à l’emplacement de la croix détruite, les fidèles avaient aussitôt dressé deux nouvelles croix, l’une en bois, l’autre en bambou. Dans les semaines qui avaient suivi, la tension n’avait cessé de s’intensifier dans la paroisse, en partie à cause des nombreux catholiques du voisinage venus manifester leur sympathie à la paroisse éprouvée. Des paroissiens avaient été arrêtés et battus. Des catholiques venus en visite n’ont pu entrer dans le village cerné et contrôlé par les agents de la Sécurité. Certains ont été gravement maltraités ou encore arrêtés. Un journaliste catholique, Jean-Baptiste Nguyên Huu Vinh, et un religieux rédemptoriste, le frère Nguyen Van Tang, ont été gravement blessés. Trois étudiants catholiques ont été arrêtés.

Selon des informations communiquées à Radio Free Asia (1) par le P. Tran Van Khai, prêtre rédemptoriste la paroisse de Thai Ha, qui a suivi de très près les événements, les blessés sont aujourd’hui rétablis, même s’ils souffrent encore de leurs blessures, et les étudiants arrêtés sont revenus dans leurs villages pour fêter le Nouvel An.

Dans la paroisse, les autorités de la commune et du district ont continué pendant un temps de convoquer de nombreux fidèles pour interrogatoire sur les circonstances de l’édification des nouvelles croix. L’un d’entre eux a été maltraité et a dû être soigné pour une côte fracturée. Pendant quelques jours encore, le système de haut-parleurs installé dans le hameau par la police a diffusé la version officielle des faits et le commentaire des autorités.

Aujourd’hui, selon des informations d’habitants de Dông Chiêm recueillies par Radio Free Asia, les haut-parleurs se contentent d’annoncer la distribution par les autorités locales de différentes aides (riz et indemnisations financières). Les mêmes sources ont rapporté aussi que, depuis deux ou trois jours, la Sécurité avait abandonné la surveillance du hameau et des routes qui y conduisent. La vie des villageois serait maintenant revenue à la normale. Les messes et les séances de prière ont repris leur cours régulier.

(1) Radio Free Asia, émission en vietnamien du 7 février 2010.

(Source: Eglises d'Asie, 9 février 2010)
 
Imprisoned Vietnam priest in worsening health: sister
AFP
10:51 09/02/2010
Imprisoned Vietnam priest in worsening health: sister

HANOI — An imprisoned Vietnamese Catholic priest, whose release has been sought by US legislators, is in worsening health, his sister said Tuesday.

"In general, his state of health is increasingly deteriorating," Nguyen Thi Hieu said of her brother, Nguyen Van Ly.

Ly's conviction and eight-year sentence in 2007 drew condemnation from diplomats, Vietnam watchers and human rights groups.

Prosecutors said Ly was a founding member of the banned "Bloc 8406" pro-democracy coalition, and that he was also a driving force behind the outlawed Vietnam Progression Party.

In December, his sister said Ly, who is in his early 60s, had been transferred back to prison after almost one month in hospital because of high blood pressure that led to a stroke.

"He has problems walking with his right leg, and suffers from hypertension" which prevents him from being able to write, Ly's sister said on Tuesday.

"Our family has to regularly send medicine to him."

Global human rights watchdog Amnesty International in December called on Vietnam to release the priest to his family "so that they can ensure he receives the proper medical care, including hospitalisation, that he needs."

In July last year a bipartisan group of 37 United States senators sent a letter to Vietnamese President Nguyen Minh Triet calling for Ly's release.

The United States embassy last year also expressed concern over his imprisonment.

Ly's return to prison in December came on the same day that Triet held a rare meeting with Pope Benedict XVI at the Holy See. Both sides hailed that meeting as a prelude to improved ties.

Vietnam and the Vatican do not have diplomatic relations but in recent years have begun a reconciliation.

It was not clear whether Ly's situation was discussed at their talks.

Religious activity remains under state control in Vietnam but the government says it always respects the freedom of belief and religion.

Analysts, rights groups and diplomats say the human rights situation in Vietnam has been worsening
 
Chine: Hongkong: la plainte en appel déposée par l’Eglise catholique au sujet de l’inconstitutionnalité de la Loi sur l’éducation de 2004 a été rejetée
Eglises d'Asie
10:51 09/02/2010
9 février 2010 (Eglises d’Asie) – Le 3 février, la Cour d’appel de Hongkong a rejeté la plainte déposée par l’Eglise catholique au sujet de l’inconstitutionnalité de la Loi sur l’éducation de 2004. L’évêque de Hongkong, au nom duquel la plainte avait été formulée une première fois en décembre 2005 (1), perd ainsi devant les juges pour la deuxième fois à propos d’un texte législatif qui, selon lui, met à mal la capacité de l’Eglise catholique à Hongkong d’animer selon ses principes les écoles dont elle a la charge. Le vicaire général du diocèse, le P. Michael Yeung Ming-cheung, a déclaré à la presse que l’Eglise était « déçue » de la décision de la Cour d’appel et que le diocèse se donnait le temps d’étudier de près les attendus du jugement avant de décider s’il allait faire appel de ce jugement en dernière instance, auprès de la Court of Final Appeal. Par un communiqué, le diocèse a fait savoir que le nouveau rejet de cette plainte pourrait amener l’Eglise à reconsidérer son engagement dans l’éducation, un secteur où elle est pourtant massivement présente (2).

Au-delà de l’Eglise catholique, l’affaire est sensible et concerne l’ensemble des organisations religieuses, principalement chrétiennes mais aussi bouddhiques, qui animent des écoles maternelles, primaires et secondaires à Hongkong. Au départ du dossier, on trouve une loi, votée le 8 juillet 2004 par le Legco (Legislative Council), prévoyant la mise en place d’ici à fin 2011, dans chacune des écoles privées sous contrat d’association avec l’Etat, d’un « Comité de gestion intégré ». Celui-ci viendra remplacer les actuels conseils d’administration des établissements scolaires privés, dont les membres sont, à ce jour, nommés par les seules autorités de tutelle des écoles, à savoir le diocèse ou les congrégations enseignantes dans le cas des écoles catholiques. Chacun de ces comités de gestion devra comprendre des représentants des enseignants, des parents d’élèves et des anciens élèves, de manière à ce que l’ensemble de ces groupes représente au minimum 40 % des sièges des « comités de gestion intégrés ».

Dès le vote de la loi, l’Eglise catholique avait fait part de son opposition à ce nouveau système, estimant que sa capacité à exercer sa tutelle sur les écoles dont elle a la responsabilité (221 écoles sur un total de 935 écoles maternelles, primaires et secondaires) était menacée. Depuis, le diocèse de Hongkong a toujours pris soin de déclarer qu’il tenait à rester « un partenaire dans l’éducation » à Hongkong mais qu’il devait être certain que « les écoles (dont il a la tutelle) continuer[aient] d’être d’authentiques écoles catholiques ». Ne pouvant empêcher le vote de la loi, le diocèse a porté son opposition au texte législatif sur le terrain judiciaire, arguant de l’inconstitutionnalité de la loi. Sa plainte s’appuie principalement sur l’article 141 de la Loi fondamentale, le texte constitutionnel en vigueur à Hongkong depuis la rétrocession à la Chine populaire en 1997. Cet article stipule que « les organisations religieuses peuvent, selon leur pratique antérieure, continuer à animer les séminaires et autres écoles, hôpitaux et établissements de soins ainsi qu’à fournir d’autres services sociaux ». D’autres articles ont aussi été évoqués par l’Eglise catholique, à savoir les articles 136 et 137 de la Loi fondamentale, relatifs à l’autonomie et à la liberté des instances académiques.

Dans leur arrêt du 3 février, les trois juges de la Cour d’appel, Frank Stock, Wally Yeung Chun-kuen et Michael Hartmann, ont estimé que l’article 136 de la Loi fondamentale autorisait le gouvernement à formuler une politique en matière d’éducation visant à un meilleur développement des structures en place. Quant à l’article 141, ont-ils précisé, il protège les organisations religieuses contre toute politique discriminatoire à leur encontre, mais il ne stipule pas qu’elles doivent continuer à gérer les écoles de la même manière qu’auparavant.

A la date de fin janvier 2010, sur les 845 écoles primaires et secondaires de Hongkong, 445 avaient réformé leurs structures de manière à se conformer à la loi de 2004, et avaient reçu pour cela les aides financières prévues par la loi de 2004. Les 400 écoles qui ne l’ont pas fait sont principalement celles sous tutelle religieuse, notamment catholique et protestante (3). Du côté des protestants, les méthodistes, qui ont la direction de 18 écoles, ont déclaré qu’ils étaient prêts à abandonner les écoles dont ils ont la charge plutôt que de mettre en place les comités exigés par la loi. Les anglicans, qui, avec 96 écoles, sont le deuxième acteur le plus important après l’Eglise catholique, ont fait savoir qu’en dernier recours, les comités de gestion intégrés seraient mis en place dans leurs établissements, mais qu’ils n’étaient pas d’accord avec l’esprit de la loi. « Faire des écoles des instances enregistrées (indépendamment les unes des autres) les rendra indépendantes des organes de tutelle. Ce que fait le gouvernement constitue un manque de respect à notre égard », a déclaré Timothy Ha Wing-ho, conseiller pour l’éducation de l’archevêque anglican de Hongkong.

Interrogé par le South China Morning Post, Pong I-wah, professeur au Hong Kong Institute of Education, estime que les avantages supposés de la loi ne compensent pas le mécontentement créé au sein des organisations religieuses. « Rendre les comités de gestion des écoles indépendants des organes de tutelle constitue un changement de taille. Les écoles avec une identité forte, comme le sont les écoles catholiques et protestantes, craignent de perdre leur spécificité. Contrairement à ce qui s’est fait jusqu’ici, elles pourraient ne plus être en mesure de recruter des enseignants en accord avec leur projet éducatif », explique-t-il (4).

Pour le Rév. Yuen Tin-yau, secrétaire exécutif de l’Eglise méthodiste de Hongkong, le véritable objectif de la réforme gouvernementale est de diluer, petit à petit, l’influence des organes de tutelle. « A mesure que les écoles seront transformées en entités distinctes, la présence des organes de tutelle sera progressivement amoindrie et, au final, le gouvernement prendra le contrôle des écoles privées pour en faire des écoles publiques comme les autres », affirme-t-il.

(1) Le diocèse de Hongkong ne disposant pas de la personnalité juridique, il ne peut agir en justice directement. La plainte de décembre 2005, rejetée en novembre 2006 par le juge Andrew Cheung Kui-nung, et l’appel qui s’en était suivi avaient donc été formulés au nom de « l’évêque de Hongkong », la formulation évitant l’inconvénient d’être liée au titulaire du siège épiscopal de Hongkong, que ce soit le cardinal Zen Ze-kiun ou Mgr John Tong Hon, successeur du cardinal. Avant d’aller en justice, le Bureau pour l’éducation catholique du diocèse de Hongkong avait présenté aux autorités une longue pétition de Hongkongais demandant que l’Eglise catholique soit exemptée d’appliquer la réforme votée au Legco – en vain.
(2) Une des particularités du système éducatif à Hongkong est que les établissements publics y sont relativement peu nombreux, les autorités, du temps du colonisateur britannique, ayant préféré s’appuyer sur un certain nombre d’institutions – notamment religieuses – pour créer, gérer et animer les écoles du territoire. A propos des prises de position de l’Eglise catholique de Hongkong au sujet de la Loi sur l’éducation de 2004, voir EDA 397 (document annexe), 399, 401, 408, 434, 452
(3) L’Association bouddhique de Hongkong exerce la tutelle de 21 écoles. Toutes ont mis sur pied sur les comités de gestion intégrés exigés par la loi. Toutefois, Au Kit-ming, secrétaire de l’Association et vice-président de son Comité pour les affaires scolaires et académiques, a déclaré avoir de « fortes réserves » quant à la réforme.
(4) South China Morning Post, 4 février 2010.

(Source: Eglises d'Asie, 9 février 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Tôn Giáo Chính Phủ thăm và chúc Tết Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
05:58 09/02/2010
HÀ NỘI - Vào lúc 17h30 ngày 09 tháng 2 năm 2010 (tức 26 tháng Chạp – Âm lịch), ông Nguyễn Đức Thịnh, phó vụ trưởng vụ Công Giáo, cùng một chuyên viên của ban Tôn Giáo Chính Phủ đã đến chào thăm và chúc mừng Tòa Tổng Giám mục giáo phận Hà nội nhân dịp đầu xuân và năm mới Canh Dần.

Đại diện Đức Tổng Giám mục Giuse, Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh và Cha Alfonso Phạm Hùng, chánh văn phòng, đã long trọng đón tiếp phái đoàn tại phòng khách của Tòa Tổng Giám mục.

Thay mặt ban Tôn Giáo Chính phủ, ông Nguyễn Đức Thịnh đã nói lời chúc mừng nhân dịp đầu năm mới tới Đức Tổng Giám mục Hà nội, Đức Cha phụ tá, quý Cha và bà con giáo dân trong Tổng giáo phận. Ông cũng nhấn mạnh: có những điều mà trong thời gian qua giữa chính quyền và giáo quyền chưa thật sự hiểu nhau, nhưng hy vọng, trong thời gian tới, nhất là trong khi Công Giáo Việt Nam đang sống trong Năm Thánh 2010 với những kỷ niệm đặc biệt của Giáo hội, hai bên sẽ tiến tới những cuộc trao đổi, gặp gỡ để hiểu nhau hơn, để phục vụ đất nước cách tốt đẹp hơn. Ngoài những kênh chính thức, chúng ta sẽ có thêm những kênh trao đổi riêng để cộng tác với nhau cách hiệu quả hơn.

Đức Cha Lôrensô, thay lời Đức Tổng Giám mục Giuse, đã cảm ơn đại diện của ban Tôn Giáo đến chào thăm và dành những tâm tình thật đẹp để chúc mừng Tòa Tổng Giám mục nhân dịp đầu năm mới. Ngài hy vọng trong thời gian tới, giữa Tòa Tổng Giám mục và ban Tôn Giáo cũng như chính quyền sẽ có những bước tiến hơn trong quan hệ hai bên, sống hài hòa để cùng cộng tác phát triển xã hội và xây dựng con người.

Buổi gặp gỡ, chúc mừng đã diễn ra trong bầu khí thân thiện, cởi mở và vui tươi. Đại diện ban Tôn Giáo đã tặng quà và lẵng hoa chúc mừng Tòa Tổng Giám mục, Đức Cha Lôrensô cũng tặng đại diện Ban Tôn Giáo những tờ lộc Thánh đầu xuân với những câu Kinh Thánh thật ý nghĩa.
 
Đức Tổng Giám mục Hà Nội thăm viếng và chúc Tết các cha đau yếu
Giuse Trần Ngọc Huấn
06:05 09/02/2010
Trước thềm năm mới Canh Dần, sáng ngày hôm nay, 9 tháng 2 năm 2010 (tức 26 tháng Chạp – Âm lịch), Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến thăm và chúc tết các cha bị bệnh đang hưu dưỡng trong tổng giáo phận.

Cùng đi với Đức Tổng có cha Thomas Nguyễn Xuân Thủy, tổng quản lý giáo phận, cha Giuse Vũ Quang Học, phó chánh văn phòng Tòa Tổng Giám mục và quý Cha.

Đức Tổng Giuse đã đến thăm, chúc mừng năm mới và tặng quà tết cho hai cha Phaolô Phạm Thừa Huấn và Gioan Nguyễn Viết Trung. Hai cha sức khỏe đau yếu đã được bề trên chấp thuận cho nghỉ các công việc mục vụ để về an dương tại quê hương. Chuyến viếng thăm này của Đức Tổng đã trở nên sự an ủi và nguồn động viên khích lệ để các cha an tâm dưỡng bệnh và là niềm vui cho gia đình các cha.

Đức Tổng Giuse đã bày tỏ niềm cảm thông chia sẻ với các cha trong lúc đau yếu. Ngài cảm phục sự hy sinh phục vụ quên mình của các cha cho sự phát triển của tổng giáo phận. Giờ đây, trong cảnh đau yếu bệnh tật, không thể trực tiếp làm mục vụ nhưng các cha dùng chính những sự đau yếu và những chứng bệnh ngặt nghèo của mình để trở nên hy lễ đẹp lòng Chúa và tha thiết cầu nguyện nhiều hơn nữa cho tổng giáo phận.

Cũng nên nhắc lại, ngày 7 tháng 2 vừa qua, đông đảo linh mục và giáo dân trong tổng giáo phận đã quy tụ về Nhà Chung và Nhà thờ Chính Tòa để cùng nhìn lại một năm đã qua với bao hồng ân Thiên Chúa để tri ân cảm tạ và đề ra những đường hướng cho năm mới. Đó cũng là ngày gia đình giáo phận quy tụ bên nhau để chúc mừng năm mới các vị Bề Trên giáo phận là Đức Tổng Giám mục Giuse, Đức Cha Lôrensô.

Chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giuse tới các cha đau yếu hôm nay thể hiện tình yêu thương rộng mở và sự quan tâm của ngài tới mọi thành phần dân Chúa trong tổng giáo phận, nhất là các linh mục, không chỉ đối với những ai mạnh khỏe hăng hái trong mục vụ mà cả những vị đang đau yếu.
 
Dịp Tết, thăm giáo xứ An châu, xóm lò gạch và họ đạo Hòa Lợi
Maria Vũ Loan
06:23 09/02/2010
LONG XUYÊN - Vài ngày trong tuần, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi lại đi theo “những bước chân rao giảng Tin Mừng” của các linh mục, nhưng lần này không phải lên núi mà là về miền sông nước, vùng Chắc-cà-đao của tỉnh An Giang. Đó là phát quà tết cho các em ở xóm lò gạch thuộc giáo xứ An Châu và người già khó khăn ở họ đạo Hòa Lợi, giáo phận Long Xuyên.

Hình ảnh chuyến đi thăm viếng

Cơ duyên gặp gỡ

Cách đây sáu tháng, một chị có ý nhờ tôi xây giúp cho người nghèo năm căn nhà, tôi liền hăng hái chọn địa điểm, vội vàng báo tin cho ba linh mục. Nào ngờ chị đưa ra giá tiền một căn nhà khá ít so với thị trường, rồi giữa tôi và chị không thống nhất được cách thực hiện, thế là đành bỏ qua. Cha sở họ đạo Hòa Lợi gọi điện hỏi tôi: “Bao giờ nhóm chị xuống đây?”. Thế là tôi cứ ao ước có tiền để đi, đến nỗi khi dự lễ, tôi thầm cầu nguyện: “Con quì lạy Chúa trên trời, sao cho con có nhiều tiền con đi!”.

Thật tuyệt diệu, hai tuần sau, nhờ độc giả VietCatholic cùng quí linh mục ân nhân, chúng tôi có tiền đi về miền sông nước vào dịp giáp Tết Canh Dần này. Quà lần này khá nặng ký, đó là hai căn nhà bằng cây có mái tôn (800 Usd/1căn) năm nhà vệ sinh tiền chế (70 Usd/1 cái), 20 phần quà cho người già, 50 phần quà cho trẻ em lò gạch, 60 phong bao lì xì cho các em thiếu nhi Hòa Lợi.

Có một lần, tôi đọc được thông tin về vùng Chắc-cà-đao, liền ghi vào sổ tay và thầm mong có ngày đến đó. Nào ngờ, con đường dẫn vào họ đạo Hòa Lợi lại đi ngang địa danh Chắc-cà-đao; thế là nhận được tiền là chúng tôi “khăn gói quả mướp” lên đường ngay.

Chúng tôi đi tay không nhưng ghé vào siêu thị ở Long Xuyên mua quà, đầy đủ như ở Sài Gòn. Dù đến miền sông nước nhiều lần nhưng chuyến đi vẫn có nhiều điều thật thú vị.

Con rạch mang cái tên Chắc-cà-đao cổ xưa

Con rạch nhỏ là nhánh của sông Hậu Giang, rẽ vào đoạn cuối nhà thờ An Châu, có cái tên nghe ngồ ngộ vì đó là tên của người Khơ-me đặt trước đây cả gần trăm năm. Trước kia vùng này là đất của người Miên, cái tên này được người địa phương gọi chứ không được đặt theo địa danh Việt Nam.

Ghé vào nhà thờ An Châu nghỉ chân, dự lễ, chúng tôi được dùng cơm tối tại nhà xứ. Cha phó trẻ tuổi nhanh nhẹn, vui tánh quá làm chúng tôi cười bể bụng, còn cha xứ tuổi đã 72 cũng đùa vui không kém, làm cho bữa cơm chiều trở thành một kỷ niệm khó quên. Khi nói về việc rong ruỗi các ngả đường để làm việc từ thiện-xã hội, cha phó hát vui:

“Thần khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi… “không thấy tôi về!”

Thần khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi rồi… tôi đi luôn!!”

Còn cha xứ thì nói:

“Đến Long Xuyên hãy tự nhiên như người Long Xuyên,

Hễ mệt mỏi hãy đến An Châu mà “an nghỉ”!

Cha đãi chúng tôi món lẩu cá kèo sống; đặc biệt là có rau đậu nành “ướp lạnh”, tức là người ta trồng cây đậu nành, khi quả vừa lớn tới thì hái, đem luộc chín rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh, khi ăn thì bóc vỏ ăn hạt. Tôi thấy lạ miệng, ngon nhưng không dám ăn nhiều, vì đi công tác xã hội mà cứ ôm bụng “giải quyết vấn đề” là không được nên tôi rất cẩn thận.

Quí cha còn dành cho chúng tôi phòng giường nệm. Không biết môn đệ Chúa ngày xưa đi rao giảng Tin Mừng có nằm giường nệm không, còn chúng tôi, đi đến vùng nào cũng ôm “gối thánh” mà ngủ ngon lành.

Đến tối, cha phó dẫn chúng tôi đi dọc con rạch, trên đường đi một vài người cất lời chào cha phó là “ông cố”. Nhiều người nghèo cư ngụ hai bên trong túp nhà tồi tàn, những người này thường không có ruộng mà đi làm mướn. Trời đã tối hẳn, cha phó muốn đưa chúng tôi qua phà sang bên kia sông đến huyện Chợ Mới, nhưng tôi từ chối vì không muốn “sang ngang”, cha cười vui vẻ và hẹn sẽ thăm lò gạch vào sáng ngày mai, sau khi đã phát quà Tết.

Những chiếc lưng cõng gạch kiếm tiền.

Quà tết phát trên địa bàn giáo xứ An Châu dành cho 50 con em làm mướn trong các lò gạch, tất cả còn đang đi học. Vì mứt, kẹo và bánh cồng kềnh quá nên chúng tôi chỉ mang được 30 phần, còn 20 phần thì các em nhận tiền lì xì với giá trị tương đương. Ông trùm cầm danh sách xướng tên một cách cẩn thận làm tôi e ngại khi nhìn em khác đứng “chầu rìa” chung quanh, tôi bèn lấy kẹo sô-cô-la ra phát cho các cháu. (Nhiều đồng nghiệp gọi tôi là “Loan đô-la” nhưng đặt biệt danh là “người đẹp bánh kẹo” thì đúng hơn vì trong giỏ của tôi ít nhiều lúc nào cũng có hai thứ ấy). Có một ông đến lãnh phong bao lì xì dùm cháu nội, tôi thấy ông chân thành chất phác liền tặng thêm một hộp bánh, ông vui hẳn lên; ở Sài Gòn mà mời ăn bánh kẹo người ta uể oải, còn ở các vùng quê, bánh kẹo là món được ưa chuộng.

Sau đó, tôi vào thăm một hai gia đình các em. Tôi còn được đứng trên nền một nhà nguyện cũ mà ngày trước Nhà Nước mượn của nhà thờ, nay đòi mãi mới được trả lại và giáo xứ đang tìm cách mua thêm đất chung quanh để cất một nhà nguyện.

Nhưng ấn tượng nhất in vào lòng là khi tôi nhìn thấy những người cõng gạch kiếm tiền, có cả trẻ em tuổi học trò, học buổi chiều thì cõng gạch buổi sáng và ngược lại. Thật tội nghiệp! người ta xếp 50 viên gạch ống (gọi là một trụ) trên một cái giá sắt, rồi phải kê lưng vào để cõng lấy 50 viên gạch đó. Tiền công là 20.000 VNĐ cho một thiên gạch, tức là 1 Usd 1.000 viên, cõng gạch từ trên bờ xuống ghe. Thương cảm những em nhỏ này, tôi cho mỗi cháu một ít tiền. Cha phó kiên nhẫn chờ tôi chụp hình quay phim các công đoạn làm gạch ống của lò nằm dọc theo con rạch Chắc-cà-đao này.

Thoạt đầu, người ta lấy những cục đất từ trong ruộng của những người có đất bán cho lò gạch, 9 đến 10 triệu một công, đất xấu chỉ 5 đến 6 triệu đồng VN. Đất được làm cho vuông vức, rồi đưa vào máy. Máy đúc theo khuôn cho ra những viên gạch sống màu đất. Người ngồi bên máy, cắt những viên gạch sống vừa từ khuôn ra thì không thể ngừng tay nhận tiền gửi tặng của chúng tôi vì phải làm luôn tay. Gạch sống được chất lên xe, đẩy vào lò nung. Gạch đã nung gọi là gạch chín. Lò nung đốt bằng trấu. Một ghe thường chở 230 đôi trấu, một đôi nặng 100 kg có năm người gánh từ ghe vào lò, như thế được trả công chung là 18 Usd, tức là gánh xong một ghe trấu mỗi người có 3,5 Usd. Gánh từ 3 giờ khuya đến 12 giờ trưa thì về nhà. Người dân miền tây thật dễ thương, dù không quen, họ cũng mời tôi vào bên trong lò nung mà chụp hình. Tôi thoáng buồn vì những con số, nhưng thôi, ở vùng quê mà có việc làm là tốt lắm rồi.

Cũng con đường đó, chúng tôi đi thẳng vào họ đạo Hòa Lợi.

Một họ đạo rất nghèo ở vùng sâu

Cách đây gần ba năm tôi ghé vào họ đạo Hòa Lợi, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành này nhưng chỉ có 2 giờ đồng hồ nên chẳng làm được gì. Nay trở lại phát quà tết cho người già mới quan sát và thấy được nơi đây nghèo quá! Phải nói sao đây Chúa ơi, khi nhà người dân đã trống huơ trống hoác mà còn không đủ vách, tức là có thể nhìn xuyên suốt từ ngoài vào trong, có che chắn cũng bằng màn gió rách tả tơi. Một gia đình kia có bà mẹ đang nằm chờ Chúa gọi về, tôi không dám vào vì sợ gợi lại hình ảnh của gia đình mình, liền nhờ ông trùm trao giúp. Mỗi nhà một cảnh nhưng điểm chung là nghèo, làm mướn.

Có hai gia đình Ban Hành Giáo chọn sẽ nhận được hai căn nhà cây mái tôn mà chúng tôi gởi tặng là nhà ông Hai Nghiệp và nhà chị Lệ. Ông Hai bị đau gan, có sáu con thì một anh bị tai nạn lao động, vợ ông bán hàng rong; bước vào trong nhà tôi thấy nhà mục nát sắp sụp. Còn chị Lệ chồng mới chết sau khi nằm liệt sáu năm, phải bán hết mọi thứ. Tôi đứng cạnh nhà chị mà thấy rằng cho chị một căn nhà cây là chưa đủ, mà cần có thêm chút vốn nữa. Hai ông trùm chở quà dùm chúng tôi bằng xe Honda mà mồ hôi nhễ nhại, dù đường quê mát mẻ nhưng đi đến 20 gia đình thì cũng muốn “mệt xỉu”.Thôi, chẳng kể dài dòng nữa, nghe buồn lắm!

Lần trước, tôi còn thấy cha quản xứ, tuổi chưa tới bốn mươi, da ngăm đen nhưng khỏe mạnh, nay tôi giật mình, khi thấy cha nói mới bị chớm căn bệnh (mà má tôi đã bị khi qua đời). Tôi buồn rầu nhìn cha nhưng không nói ra: bệnh này nếu nghèo thì chết chắc, còn nhà giầu thì khánh kiệt. Mùa Phục Sinh chúng tôi sẽ trở lại đây để xem nhà mới và nhà vệ sinh thế nào. Kính mời Quí độc giả, Quí ân nhân VietCatholic “đi cùng” chúng tôi, tức là phụ giúp chuyến đi, hoặc trợ giúp trực tiếp cho cha và họ đạo.

Bữa cơm trưa sau khi phát quà có hai cha và mấy ông trùm lại vui “như Tết”. Cha phó xứ An Châu nói với cha quản xứ: “Hai anh em mình ngồi hai bên chị Loan trong bữa cơm này để “giúp lễ”! Cha còn nói chuyện “tiếu lâm nhẹ” như:

“Ra chiến trường vì Nước (đất nước) mà xả thân

Ở quê hương vì thân (thân thể) mà xả nước (nước thải)”


làm chúng tôi cười quá đã. Tôi thích thú nghe những câu như: “Ngâm ngâm da trâu nhìn lâu lâu mới khoái”. Cha đãi món thịt chó và canh chua cá rô ngon “hết biết”. Tôi đùa: “Món ăn ngon miệng, chúng con xin ở lại đây một lều cho con, vài lều cho mấy bạn kia nữa nhé!” Cha cười nhưng tôi biết chắc là lòng cha “run”. Chúng tôi còn được nghe giới thiệu về món “lẩu dưa hấu”, tức là cắt cái nắp quả dưa, rồi khoét một lỗ, cho cục đá nhỏ vào, ba bốn người dùng thìa múc ăn. Thế là lẩu đấy!

Buổi chiều dự lễ, sau khi giảng xong cha thông báo thiếu nhi hôm nay sẽ được lì xì, thế là các cháu tập trung bên hông nhà thờ rất nề nếp, trật tự. Tuy trông các cháu áo quần tươm tất như thế nhưng nhà chúng cũng nhà cây vách tôn, chẳng có gì là khá giả cả. Cha kể rằng: “Cháu gái giúp lễ cho biết hôm nay thu được 80. 000 VNĐ (khoảng 4 Usd) vì có cô “Việt kiều” đi lễ bỏ vô tờ 20.000 đồng”. Tôi nói: “Ốm nhom ốm nhách như con mà cũng là Việt kiều, thích ghê!”

Kết thúc bài này, xin lược qua vài quí ân nhân. Căn nhà cho ông Hai Nghiệp là của bạn Kim Anh và Trúc tặng; căn nhà thứ hai và năm nhà vệ sinh tiền chế cùng với quà Tết do chị Kim Loan, anh chị Tùng, trong đó có một linh mục ở Sài Gòn tặng. Đặc biệt có vị tên là John H. gửi tiền nhờ tôi giúp người nghèo “quanh xóm”. Quanh xóm của tôi là những ai? Tôi định nghĩa đó là những người nghèo tôi gặp trong đời thường; thế là trong chuyến đi, tôi chia sẻ cho những ai bán vé số, xe ôm, bán hàng rong mà chúng tôi gặp một số tiền be bé đủ để uống nước hay ăn một ổ bánh mì.

TRƯỚC THỀM NĂM MỚI, NHÓM BÔNG HỒNG XANH CHÚNG CON XIN KÍNH CHÚC CHA GIÁM ĐỐC VÀ BAN BIÊN TẬP VIETCATHOLIC – LIÊN HIỆP TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO VÀ QUÍ VỊ ĐỘC GIẢ MỘT NĂM MỚI THÁNH ĐỨC - AN LÀNH - HẠNH PHÚC.
 
Từ vùng truyền giáo Paraguay với những sinh hoạt vừa qua và đợi mừng Xuân Canh Dần
Lm. Trần Xuân Sang, SVD
11:01 09/02/2010
Tản mạn qua các sự kiện vừa xảy ra

Thế giới đã hân hoan chào đón năm 2010 với những hy vọng và viễn tượng tốt đẹp cho một thập niên mới vì thập niên cũ đã có những điều xảy ra vô cùng bi thảm qua vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ chẳng hạn, hoặc vụ Sóng Thần sau dịp lễ Giáng Sinh vào năm 2005 ở châu Á đã khiến biết bao người bỏ mạng và các danh lam thắng cảnh xát xơ. Người ta cầu chúc nhau một năm mới 2010 hạnh phúc, an bình, một thập niên mới tràn đầy tình thương, hy vọng và may mắn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi trên các trang mạng điện tử và thời sự thế giới lẫn trong nước, chỉ trong 26 ngày đầu tiên của tháng 1 năm 2010 đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện thương tâm mà quả thực chẳng ai muốn nó xảy ra.

Có lẽ sự kiện đau lòng nhất là cơn động đất mạnh hơn 7 độ địa chấn diễn ra tại thủ đô Puerto Principe (Cảng Hoàng Tử) của nước Haiti, một trong những quốc gia nghèo nhất vùng châu Mỹ xảy ra chỉ trong vài giờ ngày 12 tháng 1 năm 2010, đã biến thủ đô này thành là một đống tro tàn. Người ta ước tính có gần 200 ngàn người thiệt mạng, gần 1 triệu người đang sống trong cảnh màn trời, chiếu đất và phải mất nhiều năm nữa mới có thể tái thiết lại thủ đô này. Tôi theo dõi đài CNN thì tường thuật trực tiếp cảnh tượng sau động đất mới thấy được sự kinh khủng và tang thương ở quốc gia nghèo khổ này. Nhiều toán tình nguyện của các quốc gia vùng châu Mỹ và các châu lục khác đã tức tốc được gởi đến trợ giúp. Paraguay, dù là một nước chẳng khá giả gì cũng đã gởi đến những người thiện nguyện cùng với lương thực và tài chính để giúp đỡ những người sống sót.

Trong hoàn cảnh bi thương đó, người ta mới nhận ra sự yếu đuối, nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Và cũng chính trong hoàn cảnh bi thảm này người ta mới nhận ra được tình tương thân tương ái của các quốc gia mà lâu nay chúng ta cứ chửi bới nào là bọn thực dân, là bọn đế quốc.

Trong khi xem Ti-vi cảnh chiếu sự đổ nát của tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở Haiti, tôi thấy có một vật vẫn còn đứng hiên ngang giữa đống đỗ nát đó: Cây Thánh Giá, biểu tượng độc nhất của những người tin Chúa. Dù thiên tai kinh hoàng xảy ra, người ta vẫn đứng lên cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa. Những người dân Haiti ở hải ngoại tham dự thánh lễ và cầu nguyện sốt sắng dù nhiều người thân của họ hiện chưa tìm được tông tích sau thiên tai ấy. Tôi cũng thấy những phụ nữ dù vẫn đang khóc nhưng lại hát vang lên những bài hát ca tụng Thiên Chúa. Quả thực lòng tin của con người vào Thượng Đế tại các quốc gia châu Mỹ là một điều đáng để chúng ta ngẫm nghĩ.

Tôi muốn quay lại chuyện ở Paraguay trong những ngày đầu của năm mới 2010 và đó cũng là đề tài mà những ngày Chúa nhật vừa qua tôi đã chia sẻ trong thánh lễ nhằm hâm nóng niềm tin của người Paraguay.

Ngày 19 tháng 1 vừa qua người dân Paraguay rất vui mừng khi một chủ doanh trại rất giàu có và tốt lành được trả tự do sau 94 ngày bị bắt cóc. Bọn bắt cóc đòi tiền chuộc lên đến 5 triệu Đôla Mỹ nhằm thách thức chính quyền và gia đình của chủ doanh nhân. Chính phủ đã gởi những đội đặc nhiệm thiện nghệ nhất để giải cứu con tin nhưng không có một dấu hiệu khả quan nào. Bọn bắt cóc đã yêu cầu gia đình nạn nhân trả tiền nếu không sẽ giết con tin và hình như gia đình nạn nhân đã trả trước gần 1 triệu Đôla mà vẫn không nhận được kết quả. Đâu đâu cũng thấy treo những băng-rôn đòi trả tự do cho chủ doanh trại này. Ngay cả Hội Đồng Giám mục Paraguay cũng lên tiếng đòi bọn bắt cóc trả con tin và làm tuần cửu nhật để cầu nguyện cho người chủ doanh trại tốt lành này. Rồi mọi sự cũng kết thúc có hậu, sau 94 ngày bị bắt cóc, nhà doanh nghiệp đã được trả tự do. Câu đầu tiên mà ông nói với báo chí là ông cảm tạ Chúa và Đức Trinh Nữa Maria đã luôn che chở và phù giúp ông trong hơn 3 tháng bị bắt cóc và bị đối xử tệ. Tuy nhiên nhờ ơn Chúa ông đã đã được cứu thoát.

Một tuần sau đó, Paraguay lại rúng động khi nghe tin tiền đạo bóng đá nổi tiếng của mình là Salvador Cabañas bị bắn vào đầu tại một quán Bar ở Mexico. Như chúng ta cũng biết Paraguay là một quốc gia rất rất hâm mộ bóng đá. Dù là một nước nghèo, dân số của họ chỉ hơn 6 triệu người nhưng trình độ bóng đá ở trong khu vực và trên thế giới không hề thua kém ai. Cụ thể là nhiều lần họ đánh bại hai kình địch thủ bóng đá Argentina và Brazil trên cả sân khách lẫn dân nhà. Vì thế, người dân vừa mừng vì nhà doanh nghiệp bị bắt cóc vừa được trả tự do thì nay lại nghe tin buồn vì cầu thủ Salvador Cabañas là niềm hy vọng của họ trong vòng chung kết Mundia ở Nam Phi sắp tới gặp đại nạn. Từ già đến trẻ đều bán tán xôn sao và bắt đầu cầu nguyện cho cầu thủ này. Các bác sĩ nói rằng chỉ có phép lạ mới có thể cứu được Salvador Cabañas. Lần đầu tiên người ta chứng kiến các cổ động viên, cầu thủ, các huấn luyện viên và những người không có tôn giáo tập họp tại sân vận động quốc tế Defensores de Chaco ở thủ đô Paraguay để cầu nguyện cho cầu thủ con cưng của họ được tại qua nạn khỏi. Và phép lạ đã xảy ra. Cuộc giải phẩu hơn 7 tiếng đồng hồ đã thành công và hiện giờ cầu thủ này đã bắt đầu đòi ăn thịt nướng (món ăn truyền thống của Paraguay với củ mì). Câu đầu tiên mà mọi người cất lên là tạ ơn Chúa và Mẹ Maria.

Tôi đã từng chia sẻ rằng dân châu Mỹ Latin nói chúng và người dân Paraguay nói riêng phần đông là đạo Công giáo nhưng ít khi họ thực hành nghĩa vụ tôn giáo của họ. Có thể nói hơi quá nhưng đa số người dân Paraguay chỉ thực thi nghĩa vụ tôn giáo và các dịp đại lễ hay khi con cái họ được nhận lãnh các bí tích. Chính vì thế, qua những sự kiện này tôi muốn chia sẻ để mọi người biết rằng Chúa luôn hiện hữu và Ngài luôn lắng nghe chúng ta. Tôi đã chia sẻ với người dân Paraguay điều đó và họ rất đồng tình với tôi điểm này.

Kỷ niệm 100 sự hiện diện của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay

Cũng trong những ngày cuối tháng 1 năm 2010, nhà Dòng chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm hiện diện và hoạt động truyền giáo tại Paraguay. Nếu chỉ nói về con số thì số 100 chẳng là gì cả nhưng kỳ thực khi đi sâu vào lịch sử của công cuộc truyền giáo tại các quốc gia châu Mỹ La-tinh nói chung và của Paraguay nói riêng thì sự hiện diện và hoạt động của các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời trong 100 năm qua quả thực là một công trình kỳ diệu của Chúa thực hiện qua những con người tầm thường. Cứ ngẫm nghĩ lại mà xem ngày nay nếu các vị bề trên sai các linh mục hay tu sĩ nam nữ đến một giáo điểm hay một giáo xứ hơi bị nghèo một tý là họ la ầm lên. Hình như chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ nên phần nào các linh mục và tu sĩ nam nữ cũng bị ảnh hưởng và cuốn theo trào lưu thế tục đó. Chính bản thân tôi trước đây cũng thường hay phàn nàn các bề trên khi đưa mình đến những nơi mà mình không muốn vì nơi ấy có nhiều khó khăn. Có lẽ tôi và một số linh mục tu sĩ trẻ bây giờ thích tiến thân hơn là hiến thân.

Tuy nhiên khi dần dần nghiệm ra những nét đẹp mà vị Thầy Chí Thánh của mình đã bước đi, cộng với sự cọ sát trong công việc truyền giáo qua các gương hy sinh của các bậc cha anh trong Dòng, tôi bắt đầu có một cái nhìn khác. Các bậc cha anh trong lĩnh vực truyền giáo đã sẵn sang từ bỏ những vinh quang nên trần thế để đến những nơi nghèo nàn, lạc hậu với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán hoàn toàn khác với mình và nhiều khi còn bị hiểu lầm, bị bắt bớ, thậm chí bị giết chết nữa. Có ai mà khờ dại đến nỗi tự chôn vùi đời sống vinh hoa phú quí của mình nếu không vì mục đích cao cả nào đó.

Trở lại ngày chính lễ. Tất cả anh em Dòng truyền giáo Ngôi Lời chúng tôi đang làm việc ở Paraguay đều được thông báo ngày giờ cử hành lễ Bách Chu Niên sự hiện của của Dòng tại Paraguay. Nơi cử hành thánh lễ là nơi mà cách đây đúng 100 năm, 3 nhà truyền giáo đầu tiên của Dòng đặt chân đến. Đó là một nơi khỉ ho cò gáy nằm sâu trong sườn núi cách quốc lộ khoảng 40 cây số và bên cạnh một dòng suối róc rách, nơi mà hiện giờ những người thổ dân vẫn còn bám trụ. 40 cây số đường rừng không phải là dễ đi tý nào. Một số nhà truyền giáo ở xa phải đi từ ngày hôm trước. Tôi thì phải đi từ lúc 4 giờ sáng và đến nơi thì gần đến giờ lễ. Dù đường xá xa xôi, gập gềnh nhưng các tu sĩ từ khắp các nơi vẫn tề tựu đông đủ. Vị giám mục sở tại cũng đến đồng tế nhưng ngài khiêm tốn nhường quyền chủ tế cho vị bề trên của Dòng. Các vị giám mục ở đây không hề câu nệ về hình thức vì chính đa số các vị từng là các bề trên của các Dòng nên khi nhận chức vị cao hơn không phải là để được phục vụ như là để phục vụ như Chúa Giêsu đã từng nói.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, đoàn đồng tế chúng tôi cùng các giáo dân tham dự đã nhận phép lành của những người thổ dân theo phong tục của họ, và vị linh mục đang làm việc với những người thổ dân mời gọi các nhà truyền giáo hãy tôn trọng văn hóa của thổ dân, đừng cho rằng mình đến từ các nước văn minh rồi dung uy thế và quyền lực của mình để lấn áp hay phá bỏ văn hóa của người khác.

Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí ấm cúng, huynh đệ và mọi người cùng cầu chúc nhau một viễn tượng tốt đẹp hơn cho công cuộc truyền giáo, và cho sự phát triển của Tỉnh Dòng trong tương lai.

Sau 100 năm hiện diện và làm việc ở Paraguay, Tỉnh Dòng Ngôi Lời đã xin Tòa Thánh thiếp lập được 3 giáo phận, 78 nhà truyền giáo Ngôi Lời thuộc nhiều quốc gia đang làm việc tại Paraguay, trong đó các anh em truyền giáo Ngôi Lời người Ba-lan và Indonesia hiện chiếm đa số. Số anh em Việt Nam là 3 thành viên.

Chỉ còn 4 ngày nữa là bước qua năm Canh Dần. Sáng hôm nay tôi nhận được tin buồn từ gia đình ở Việt Nam là ba tôi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Ôi! Sao mà nhiều thánh giá đến với con quá Chúa ơi. Vẫn biết rằng đời người phải trải qua Sinh-Lão-Bệnh-Tử, nhưng khi con nghe tin những người thân yêu của con có những điều bất trắc, con thật sự đau buồn. Xin Chúa ban cho ba con được chóng hồi phục để ngày con trở về thăm quê hương được gặp lại những gương mặt thân thương của cả ba má và các anh chị em con trong nhiều năm xa cách. Một ước nguyện nhỏ nhoi như vậy xin Chúa hãy đoái thương. Xin mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện cho gia đình con trong hoàn cảnh éo le này. Nhân đây, con cũng cầu chúc mọi người đón Tết Canh Dần vui vẻ, bình an, hạnh phúc và tràn đầy ơn Chúa.

Paraguay, ngày 9 tháng 2 năm 2010 (26 tháng chạp năm Kỷ Sửu),
 
Thông Báo Thánh Lễ Tiếng Việt Nam Tại Vùng Scarborough, Canada
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên
14:34 09/02/2010
Thông Báo Thánh Lễ Tiếng Việt Nam Tại Vùng Scarborough.

Được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins, Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Toronto và Đức Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu Giám Mục Phụ Tá, đặc trách miền Đông TGP Toronto. Thánh Lễ tiếng Việt Nam hàng tuần vào mỗi Chúa Nhật lúc 4:30 p.m. từ ngày 21 Tháng 3 Năm 2010 tại Giáo Xứ St. Rose of Lima, Scarborough, Ontario.

Trong tinh thần chuẩn bị cho Thánh Lễ Đồng Tế Khai Mạc Cộng Đoàn, xin kính mời Quí Ông Bà và Anh Chị Em đến tham dự hai buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay do Linh Mục Francis Vũ Thế Toàn S.J. dòng Tên từ California, USA, hướng dẫn. Cùng với Cha Vũ Thế Toàn S.J. sẽ có Cô Elezabeth Nguyễn Thu Hồng, em gái của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận chia sẽ về cuộc đời của ĐHY.

Tối Thứ Sáu 19/03/2010.

Lúc 7:00 p.m. Lễ Trọng Kính Thánh Cả Giuse. Quan Thầy của Giáo Hội Hoàn Vũ và Giáo Hội Việt Nam. (Lễ Tiếng Anh)

7:30-9:45 p.m. Giảng Phòng

Tối Thứ Bảy 20/03/2010

7:00-9:30 p.m. Giảng Phòng

Chúa Nhật Ngày 21/03/2010 Thánh Lễ Đồng Tế Khai Mạc Cộng Đoàn lúc 4:30 p.m. Giảng Lễ do Linh Mục Francis Vũ Thế Toàn S.J. Sau Thánh Lễ, kính mời Quí Vị xuống hội trường Giáo Xứ để dự buổi tiệc liên hoan mừng cộng đoàn.

Địa chỉ Giáo Xứ
St. Rose of Lima Church
3216 Lawrence Ave. East
Scarborough, ONT. M1H 1A4

Tel. (416) 438-6729

www.stroseoflimaparish.ca

Góc đường Lawrence Ave. E và McCowan Rd.
Từ Hwy 401 lấy Exist McCowan Rd South
Rẽ trái on Lawrence Ave. E St. Rose of Lima Church (bên trái)

Xin đính kèm theo đây hình ảnh: Thánh Đường St. Rose of Lima cũng như hình ảnh Cha Giuse Phạm hồng Chương được chính thức trao quyền chánh xứ: quyền giảng dạy, lãnh đạo và ban bí tích ngày 23.8.2009 do Đức TGM Thomas Collins chủ sự.

Chúc Mừng Của Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Việt Nam tại Canada

Dù không có quyền hạn và trách nhiệm mục vụ cho người Việt Nam, tôi cũng xin thay mặt cho Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Việt Nam tại Canada để chúc mừng Cha Giuse Phạm hồng Chương, là thành viên và là thủ quỹ của Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ, người vừa nhận thêm nhiệm vụ chăm sóc mục vụ và dâng lễ tiếng Việt cho người Việt Nam vùng Scarborough.

Tôi xin nói lên đây lời cám ơn Cha Giuse Phạm hồng Chương, Cha Xứ Giáo xứ Thánh Rose of Lima ở Scraborough, một giáo xứ lớn nhất nhì trong TGP Toronto với 21,000 danh số Công Giáo. Làm Cha xứ một giáo xứ lớn, với năm Thánh Lễ cuối tuần, với vô số việc mục vụ và ban bí tích mà Cha còn hy sinh nhận thêm làm lễ cho bà con giáo dân Việt Nam. Thật đáng khâm phục! Nếu ai biết Cha Chương, phải nhìn nhận Ngài rất trẻ trung, mới chịu chức gần 8 năm qua. Ngài sống thân tình và rất gần gũi với bà con Việt Nam.

Tôi cũng xin chia vui với người Công Giáo Việt Nam vùng Sacraborough. Từ ngày 21.3.2010 trở đi quí Ông Bà anh chị em sẽ có thánh lễ tiếng Việt hàng tuần. Rất tiện lợi và dễ dàng! Tiện lợi vì không phải đi xa. Dễ dàng vì được tham dự thánh lễ tiếng mẹ đẻ, dù sao vẫn thông hiểu hơn và cảm thấy gần gũi, ấm lòng hơn.

Tôi cũng xin mời Cha Giuse Chương và Ông bà anh chị em cùng cám tạ ơn Chúa. Lại thêm một điều không dám mơ mà thành sự thật sau biến cố Đức Tân Giám Mục Vincent Nguyễn mạnh Hiếu. Xin cám tạ ơn Chúa cho tình yêu thương rất mục tử của Đức Tổng Gíám Mục Collins và Đức Cha Phụ Tá Vincent Nguyễn mạnh Hiếu qua quyết định nầy. Thành phố quá rộng lớn như Toronto và vùng phụ cận đã gây trở ngại không ít cho việc tập trung dự lễ Chúa Nhật chỉ ở vài cộng đoàn người Việt trong thành phố. Thêm cộng đoàn Việt Nam là tạo thêm sự dễ dàng giữ đạo cho người Việt ly hương. Thêm cộng đoàn Việt Nam là thêm sự chăm sóc mục vụ cho người Việt Nam. Anh chị em như con chiên trong đàn chiên nhỏ hơn, mục tử sẽ có giờ chăm sóc mục vụ, có giờ “ngó ngàng” tới anh chị em nhiều hơn. Xin cám ơn Chúa và cám ơn những chủ chăn giàu lòng nhân ái của anh chị em.

Xin kèm theo đây hình ảnh “gia đình chủ chăn” vùng Toronto. Từ trái sang: Cha cố Phêrô Maria Phạm hoàng Bá, Mississauga; Cha Giuse Phạm hồng Chương, Scarborough; Tân Giám Mục Vincent Nguyễn mạnh Hiếu, Giám Mục phụ tá Toronto, Đầng thường quyền vùng Sacraborough và Cha Giuse Trần Tập, St. Cecilia Toronto.

Xin tạ ơn Chúa đã thương dân Ngài.

Xin chúc mừng Cha Giuse Phạm hồng Chương và giáo dân Việt Nam vùng Sacraborough.

Ut unum sint! Xin cho chúng nên một!

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
 
Cộng Đồng CGVN Seattle gói bánh chưng, bánh tét chuẩn bị đón Xuân Canh Dần
Nguyễn An Quý
15:53 09/02/2010
SEATTLE - Thành phố Seattle vốn nổi tiếng là xứ mưa buồn quanh năm, nhưng năm nay trời lại ít lạnh và cũng ít mưa triền miên hơn. Vào những ngày đầu trung tuần tháng chạp năm Kỷ Sửu tức vào khoảng cuối tháng 01 năm 2010. Không khí Tết cổ truyền của ngưòi Việt Nam lại bắt đầu ló dạng đến với những người Công giáo Việt Nam tại thành phố Seattle. Cộng Đồng Công giáo Việt Nam tại Seattle có ngôi Thánh Đường không mấy rộng được toạ lạc tại 1230 East Fir St, Seattle, WA 98122, mang tên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhà thờ này được Cung Hiến vào ngày 10 tháng 7 năm 1988 dưới thời Đức Cha Hunthausen, việc Cung hiến chỉ cách 21 ngày sau khi Toà Thánh phong Hiển Thánh cho 117 vị Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

QUÝ VỊ PHẢI ĐÁNH LỜI THIỆU VÀO ĐÂY

Ngôi Thánh Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Nam trở nên vui nhộn trong những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán năm Canh Dần. Hình ảnh mang tính truyền thống đã tạo nên một bầu khí vui Xuân rất Việt Nam đến với Cộng Đồng Đức Tin người Công Giáo Việt Nam trên đất khách quê người nói riêng và cũng để góp mặt với Cộng Đồng người Việt Quốc gia nói chung khi mỗi độ xuân về, đó là công việc gói Bánh Chưng, Bánh Tét.

Trong suốt 3 tuần lễ vào những ngày cuối của tháng chạp, vào thời điểm mà tại quê nhà đang bận rộn lo lắng trong việc kiếm tiền để chuẩn bị đón xuân, thì nơi ngôi Thánh Đường này cũng vui nhộn trong việc chuẩn bị đón xuân khá sôi nổì. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, tôi thấy có sự hiện diện từ những ông cụ, bà cụ, các anh chị trung niên, thỉnh thoảng cũng có xuất hiện vài thanh niên nam nữ, có ngày cũng có vài em học sinh rảnh rỗi đến cùng tham dự việc gói bánh chưng, bánh tét rất hăng say, mỗi ngày chừng ba bốn chục người tham gia gói bánh.

Nhìn vào việc tổ chức gói bánh cũng khoa học lắm. Khu vực gói bánh được tổ chức tại Hội trường nhà thờ nằm ở tầng trệt của ngôi Thánh Đường. Xin lần lược giới thiệu từng bộ phận có tính chuyên môn.Vị trí đầu tiên là các cụ già chuyên lo việc chọn lá, lau sạch và lau khô các lá chuối để gói bánh, lá chuối mua về được rửa sạch sẽ nên phải lau khô khá công phu. Vị trí thứ hai là khu vực đựng các thùng nếp, đậu xanh, hành và thịt heo đã thái thành từng miếng để làm nhân bánh. Nếp và đậu được chuẩn bị từ mỗi buổi chiều khi phần vụ gói bánh trong ngày tan sòng, thịt heo được thái bằng máy chứ không phải cắt bằng dao bình thường đâu nghe. Ở vị trí này vài cụ bà ngồi suốt ngày lo lột hành cũng nghề nghiệp lắm đấy, nếp và đậu xanh được chứa trong nhiều thùng để sẳn sàng lên giàn phóng để các chuyên viên gói bánh. Vị trí thứ ba là chiếc bàn dài, mỗi ngày có từ 4 đến 5 chuyên viên gói bánh rất lẹ tay. Những tay gói bánh chỉ buột sơ vài sợi dây để giữ bánh, sau đó có người chuyển bánh đã gói đến khu vực buột dây. Tôi còn nhớ thời gian trước đây, có một cụ già người Phật giáo nhưng năm nào cũng đến tham gia gói bánh chưng rất là nhà nghề và hăng say vui vẻ lạ thường, có lần tôi hỏi thì cụ nói để nhớ lại những ngày Tết khi còn ở Việt Nam.

Nếu bạn tham gia vào công việc buột dây vào bánh tét, thì cũng phải được những vị chuyên nghiệp hướng dẫn đấy, không thì cứ ngồi ôm chiếc bánh xoay qua xoay lại suốt ngày chỉ được vài cái bánh thôi nghe.

Khu vực gói bánh chưng trông khá đẹp mắt, trước hết là vị trí đặt những chiếc khung bằng gỗ hình vuông, ở vị trí này, thường ngày tôi thấy có chừng ba bốn vị, có khi có cả linh mục Quản xứ Pherô Hoàng Phượng cũng có góp tay. Những vị này chuyên lo công việc đặt lá vào khung gỗ vuông này khá công phu, công phu ở chỗ là phải biết cách xếp lá thành hình vuông vức có góc cạnh, để khi chiếc bánh chưng thành hình đem bán thì chiếc bánh phải trông đẹp mắt. Sau khi những khung gỗ được xếp lá vào, thì được chuyển đến khu vực gói bánh, nơi đây có một vị chuyên phụ trách việc bỏ nếp, đậu, và thịt vào những khung gỗ hình vuông đã xếp sẵn lá với cân lượng chính xác, sau đó là những người phụ trách gói thành chiếc bánh vuông vức trông khá đẹp mắt. Muốn có những chiếc bánh chưng đẹp thì người phụ trách gói cũng đòi hỏi cần có tay nghề nữa chứ không phải chuyện chơi đâu, và cuối cùng là những vị chuyên việc buột dây vào chiếc bánh, việc buột dây cũng đòi hỏi kỹ thuật nữa thì chiếc bánh mới đẹp.

Phần kết thúc để có được những chiếc bánh Chưng, bánh Tét ngon lành hầu ngồi nhâm nhi để gợi nhớ những ngày Tết khi còn ở quê nhà, đó là khu vực nấu bánh.

Khu vực nấu bánh hàng đêm đều có từ 2 đến 3 vị trực bánh từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng. Các vị trực ban đêm để lo việc nấu bánh đều là nam giới. Tôi bước vào khu vực nấu bánh thấy một dãy bếp Gas được thiết kế khá công phu gồm 20 thùng nấu bánh bằng tôn, mỗi thùng chứa khỏang 60 chiếc bánh chưng hay bánh tét. Hàng đêm thường sử dụng từ 13 đến 15 thùng để nấu bánh trong đó có 2 thùng chuyên nấu nước sôi.Trung bình mỗi ngày làm được chừng năm sáu trăm cái bánh vừa bánh chưng, vừa bánh tét, có khi lên đến 900 bánh. Người trực bánh ban đêm cũng thường được anh Nguyễn Kiên trong Uỷ Ban Thường Vụ Cộng Đồng hướng dẫn kỹ lưỡng về việc canh chừng các thùng bánh như bao lâu thì thêm nước, cách thay các bình Gas. Cái hay là việc giữ các thùng bánh ở độ sôi liên tục trong khi thêm nước, đó là việc duy trì thường xuyên có 2 thùng nước sôi sùng sục suốt đêm, nên mỗi khi thêm nước sôi vào các thùng bánh đang nấu thì vẫn giữ được độ sôi bình thường, điều này cũng giúp cho bánh được ngon.

Tôi trở lại khu vực gói bánh và đang nhìn quanh, thì anh Nguyễn Thanh Lâm người buột dây bánh tét chuyên nghiệp kéo vai tôi nói nhỏ, đàng kia có một người từ Việt Nam mới qua thăm bà con cũng đến gói bánh với mình đấy. Tôi nhìn theo hướng tay của anh Lâm chỉ, đúng vậy, tôi thấy một người đàn ông hơi là lạ đang ngồi buột dây bánh chưng, tay thoăn thoắt buột bánh có vẻ nhà nghề, tôi đến hỏi thăm thì đúng là một một vị khách du lịch mới từ Việt Nam qua thăm bà con tại Seattle. Tôi liền làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi:

- Chào anh, xin lỗi anh, hình như anh mới từ Việt Nam qua đây, anh qua du lịch được bao lâu? Anh có thể cho biết tên ?
-Vâng, tôi là Nguyễn Lợi, tôi đi du lịch qua thăm bà con được 6 tháng.
-Anh ở đâu? thuộc giáo xứ nào?
-Tôi ở Quảng Nam thuộc Giáo Hạt Hội An.
-Anh có biết xứ Cồn Dầu không? Cách xa anh bao xa?
-Cồn Dầu cách Hạt Hội An chừng mười cây số, ở đó cảnh đẹp lắm?
-Anh có nghe tin gì về Cồn Dầu không?
- Không ? Anh Lợi nói tiếp, qua đây thấy Cộng Đồng ở đây gói bánh vui quá nên cũng đến tham gia cho vui.
Xin cám ơn anh và chúc anh có những ngày vui với bà con tại Seattle.

Cồn Dầu cách Hạt Hội An chừng 10 cây số, ở đó cảnh đẹp lắm. Lời anh Nguyễn Lợi nói rất tự nhiên với tôi, điều đó làm tôi liên tưởng đến nổi đau của giáo dân Cồn Dầu khi nhà nước VC đang muốn tống cổ giáo dân Cồn Dầu ra khỏi vùng mà giáo dân đang sống yên lành để chiếm đất, để chia nhau làm giàu. Ôi nổi đau của những người anh em.

Trở lại chuyện gói bánh, thật đầm ấm và đầy tình thân thương nơi Cộng Đồng Đức Tin mang truyền thống văn hoá Việt Nam của những người Công Giáo Việt Nam tại Seattle khi mỗi độ xuân về. Công việc gói bánh chưng bánh tét mang ý nghĩa đó. Nhìn quanh sân Thánh đường vào những ngày Thứ bảy, Chúa nhật trong những ngày cận Tết, tôi thấy các em thiếu nhi với nét mặt hớn hở mời giáo dân mua bánh, nghe đâu các em bán thì được Cộng Đồng tặng mỗi cái bánh bán được 2 đô bất cứ bánh chưng hay bánh tét để các em gây quỹ. Việc gói bánh sẽ kết thúc vào ngày thứ sáu ngày 12 tháng 02 năm 2010 tức ngày 29 Tết.

Chuẩn bị Mừng Xuân bánh thơm ngon.
Bánh Chưng, bánh Tét gói vuông tròn
Cộng Đồng Công giáo dâng lên Chúa,
Chúa chứng lòng thành của chúng con.

(thơ Nguyễn Thanh Lâm)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo Xứ Chúa Kitô Vua ở Fort Worth thắp nến cầu nguyện hiệp thông với giáo xứ Đồng Chiêm
Nguyễn Diễm Trang
06:30 09/02/2010
FORT WORTH, Texas -- Bầu khí hân hoan của những ngày khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam dường như bị phá vỡ bởi sự kiện đau lòng tại Đồng Chiêm, khi mà Thánh Giá Chúa bi đập phá bởi bọn côn đồ ngang ngược! Đó không chỉ là nỗi đau của giáo xứ Đồng Chiêm mà còn là niềm đau chung của con cái Chúa khi mà biểu tượng cao quý nhất của niềm tin chúng ta bị tháo gỡ xuống!

Hình ảnh thắp nến cầu nguyện

Để chia sẻ những đau thương mà con cái Chúa ở Đồng Chiêm đang gánh chịu, giáo xứ Chúa Kitô Vua, Fort Worth, Texas đã tổ chức giờ chầu Thánh Thể và thắp nến cầu nguyện cho gx Đồng Chiêm cũng như Giáo Hội Mẹ Viêt Nam vào lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật 7 tháng 2 năm 2010 vừa qua. Tuy bận rộn chuẩn bị đón tết và cũng nhằm vào ngày “Super Bowl”, thế nhưng bà con đã đến tham dự chật ních ngôi Thánh Đường. Đặc biệt, chúng tôi thấy có sự hiện diện của đài SBTN, báo Bút Việt, một số vị đại diện cho các giáo xứ lân cận. Sau cùng, hình ảnh dễ thương đáng ghi nhớ nhất là của các em học sinh trường giáo lý việt ngữ Đaminh Saviô.

Khai mạc giờ chầu, Cha chánh xứ Louis Phạm Hữu Độ đã dẫn Cộng Đoàn vào bầu khí cầu nguyện bằng việc cung kính đặt Mình Thánh Chúa trong Mặt Nhật Hào Quang trên Bàn Thờ để cùng nhau thờ lạy Chúa, hát suy tôn Thánh Thể. Cộng Đoàn cùng nhau lần chuỗi Năm Sự Sáng để xin Mẹ “đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám nước non điêu tàn…”. Sau cùng là nghi thức thắp nến suy tôn Thánh Giá, hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ với giáo xứ Đồng Chiêm. Mọi người đặt nến của mình vẽ nên hình Thánh Giá để nhắc nhở mọi người đây là biểu tượng cao quý và thánh thiêng nhất của niềm tin Kitô hữu. Chúng ta tôn vinh Thánh Giá thay cho những người đang cố tình đập đổ Thánh Giá và đánh phá niềm tin Kitô giáo.

Lời hát “Kinh Hòa Bình” được cất cao khi mọi người cùng nắm tay nhau để xin Chúa “hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Và sau cùng là lời kêu van tha thiết của đoàn con cái Mẹ: “Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, đưa Việt Nam qua phút nguy nan”

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa những anh chị em chúng con nơi quê nhà đang chịu thử thách nặng nề về Đức Tin. Xin cho những anh chị em đó luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa và kiên trì giữ vững Đức Tin trong mọi nghịch cảnh. Xin cho họ luôn ý thức được rằng đàng sau Thánh Giá là hào quang Phục Sinh Chúa dành sẵn cho những ai can đảm chịu đựng gian nan thử thách vì Chúa và vì Giáo Hội Ngài.

Sau cùng, giáo xứ chúng con xin được chia sẻ nỗi đau với Đồng Chiêm qua một ca khúc vừa được anh Nguyên Hạnh sáng tác:

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh tế Việt Nam: Lạm Phát (2)
Hà Minh Thảo
06:59 09/02/2010
KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2009 (2)
CHƯƠNG HAI - LẠM PHÁT

Trong cuộc họp báo ngày 31.12.2009, Tổng cục Thống kê công bố giá tiêu dùng tháng 12 tăng 1,38% so với tháng 11, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 12.2009 so với cùng kỳ năm 2008 là 6,52%; nếu tính trung bình năm 2009 so với năm 2008 thì chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index CPI, tiếng Anh và indice des prix à la consommation IPC, tiếng Pháp) đã tăng 6,88%. Từ chỉ số giá tiêu dùng, người ta tính mức lạm phát (inflation, inflation) và, đôi khi, mức giảm phát (deflation, déflation).

Giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục, xuất hiện khi kinh tế suy thoái hay đình đốn. Cũng có thể nói đĩ là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm.

Giá cả hàng hoá và dịch vụ luôn biến động theo thời gian, nhưng khi thay đổi quá nhanh chóng, nó có thể là một điều không hay cho nền kinh tế, làm mất lòng người dân.

A. Lạm phát là gì ?

Đó là hiện tượng giảm mãi lực của đồng tiền, đồng nghĩa với ‘vật giá leo thang’, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng. Do đó, với cùng một số tiền, người tiêu thụ mua được ít hàng hóa hơn hoặc phải trả một giá cao hơn để hưởng cùng một dịch vụ.

Thí dụ: Ngày 02.01.2009, giá gạo tẻ chỉ bán 4.500 đồng/kg. Đến ngày 22.12.2009 thì phải trả 4.810 đồng để mua được một kg gạo tẻ, tức tăng 310 đồng hay 6,88%. Mãi lực của số tiền 4.500 đồng, lúc đầu năm 2009, mua được một kg gạo tẻ; và đến cuối năm đó, chỉ mua được 0,94 kg gạo tẻ.

Lạm phát, theo một khái niệm khác, là khối lượng tiền được lưu hành trong dân chúng tăng lên do nhà nước in và phát hành thêm tiền vì những nhu cầu cấp thiết (chiến tranh, nội chiến, thâm thủng ngân sách v.v...). Trong khi đó, số lượng hàng hoá không tăng khiến dân chúng cầm trong tay nhiều tiền quá sẽ tranh mua khiến giá cả tăng vọt có khi đưa đến siêu lạm phát. Những ví dụ cùng cực nhất của siêu lạm phát đã xảy ra tại Đức trong những năm đầu thập niên 1920 khi tỉ lệ lạm phát lên tới 3,25 x 106 mỗi tháng, có nghĩa là giá cả tăng gấp đôi mỗi 49 tiếng đồng hồ.

Không ít người quan niệm việc chính phủ in thêm tiền trong giới hạn cho phép của nền kinh tế là một hình thức thu ‘thuế lạm phát’. Chính phủ sử dụng khoản phụ trội này để quân bình ngân sách với hy vọng sang năm kinh tế tiếp tục phát triển sẽ được nộp ngân sách nhiều hơn.

B. Cách tính chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Việt-Nam khởi sự tính toán và sử dụng CPI để đo mức độ tăng giá tiêu dùng chung từ năm 1995.

Để tính CPI, cần có hai yếu tố:

a.- Rổ hàng hóa và dịch vụ gồm những giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân của các mặt hàng đại diện và được cập nhật và mở rộng từng thời kỳ, thời điểm được chọn làm năm gốc cũng thay đổi theo: năm gốc 1995 (với 296 mặt hàng), 2000 (390 mặt hàng), 2005 (494 mặt hàng). Các mặt hàng đại diện này được phân chia thành 10 nhóm sẽ kể duới đây.

Giá bán lẻ được điều tra định kỳ từng mặt hàng để so sánh phải trong cùng một chợ hay cửa hàng, cùng một hiệu và phẩm chất được chọn đại diện theo các địa bàn ở các địa phương thuộc tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, trong ít nhất hai thời điểm khác nhau.

b.- Quyền số là tỷ trọng mức tiêu dùng tương ứng của chúng trong tổng mức chi tiêu dùng cho đời sống hàng ngày của người dân.

Do đó, ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ (494 mặt hàng đại diện) hiện dùng để tính chỉ số giá tiêu được chia thành 10 nhóm với quyền số như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm): 42,85 %
2. Đồ uống và thuốc lá: 4,56 %
3. May mặc, mũ nón, giày dép: 7,21 %
4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm cả điện, nước, chất đốt): 9,99 %
5. Thiết bị và đồ dùng gia đình: 8,62 % 6. Dược phẩm y tế (thuốc và dịch vụ y tế): 5,42 %
7. Phương tiện đi lại (giao thông), bưu điện (bưu chính viễn thông): 9,04 % 8. Giáo dục: 5,41 %
9. Văn hóa, thể thao, giải trí (cả du lịch): 3,59 %
10. Hàng hóa dịch vụ khác: 3,31 %

C. Các vấn đề có thể gặp phải khi tính toán CPI.

1. CPI không cho thấy mức độ lệch thay thế vì nó sử dụng ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ cố định. Khi giá cả một mặt hàng này tăng nhanh hơn so với các mặt hàng khác thì người tiêu dùng buộc phải giãm xài những mặt hàng quá đắt đỏ và thay bằng những thế phẩm* giá rẻ hơn. Yếu tố này làm CPI đã đánh giá cao hơn thực tế mức giá.

[thế phẩm* hay sản phẩm thay thế. Thí dụ 1: khi gạo đắt quá không mua nổi phải ăn khoai mì thế. Thí dụ 2: muốn nước mắm ngon phải làm với chanh, nhưng không có chanh, phải làm với dấm, ít ngon hơn. Trong trường hợp này, dấm là thế phẩm.]

2. CPI không phản ánh được sự xuất hiện của những hàng hoá hay dịch vụ mới vì nó sử dụng ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ đại diện trong khi một đơn vị tiền tệ có thể mua được các sản phẩm đa dạng hơn. CPI không cho thấy được sự gia tăng mãi lực của đồng tiền nên có thể đánh giá mức giá cao hơn thực tế.

3. Khi có sự gia tăng chất lượng hàng hoá và dịch vụ nhưng mức giá không tăng, thì CPI có khuynh hướng nâng cao mức giá.

D. Cách tính chỉ số giá tiêu dùng mới thời kỳ 2009 – 2014.

Ngày 31.12.2009, Tổng cục Thống kê vừa công bố một số nội dung chủ yếu được cập nhật trong phương án tỉnh chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2010 – 2014, với năm gốc 2009, tổng số mặt hàng đại diện trong ‘rổ hàng hoá’ sẽ bao gồm 572 mặt hàng (tăng 78 mặt hàng so với thời kỳ trước).

Giá bán lẻ được điều tra định kỳ từng mặt hàng để so sánh phải trong cùng một chợ hay cửa hàng, cùng một hiệu và phẩm chất được chọn đại diện theo các địa bàn ở các địa phương thuộc tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước.

572 mặt hàng đại diện được chia vào 11 nhóm hàng cấp 1 và 3 nhóm cấp 2 mà từ chuyên môn gọi là ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’ để tính chỉ số giá tiêu dùng.

Quyền số để tính chỉ số giá tiêu được tính như sau:

I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 39,93 %
1. Lương thực 8,18 %
2. Thực phẩm 24,35 %
3. Ăn uống ngoài gia đình 7,40 %

II. Đồ uống và thuốc lá 4,03 %
III. May mặc, mũ nón, giày dép 7,28 %
IV. Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 10,01 %
V. Thiết bị và đồ dùng gia đình 8,65 %
VI. Thuốc và dịch vụ y tế 5,61 %
VII. Giao thông 8,87 %
VIII. Bưu chính viễn thông 2,73 %
IX. Giáo dục 5,72 %
X. Văn hoá, giải trí và du lịch 3,83 %
XI. Hàng hoá và dịch vụ khác 3,34 %

Quyền số nhóm I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm từ 60,86% vào năm 1995 xuống 47,9% năm 2000, rồi 42,85% năm 2005 và nay chỉ còn 39,93%.

Nhóm hàng này cũng được tách chi tiết thành 3 nhóm hàng gồm lương thực (8,18 %), thực phẩm (24,35 %) và ăn uống ngoài gia đình (7,4 %).

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại đều có cơ cấu quyền số tăng lên trong ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’ chung.

Chỉ số giá vàng và chỉ số giá mỹ kim tiếp tục không nằm trong chỉ số giá tiêu dùng và được công bố hàng tháng cùng với chỉ số giá tiêu dùng.

Việc thay đổi một số nội dung trong phương án tính CPI nhằm đảm bảo chất lượng và tăng độ chính xác cho chỉ số CPI (thước đo lạm phát của nền kinh tế); trên cơ sở đó giúp Chính phủ và các nhà hoạch định có các chính sách điều hành hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt một nghi vấn là việc giảm Quyền số nhóm I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống từ 60,86% còn 39,93% có quá nhanh quá (tức không đúng) không khi đại đa số người dân Việt-Nam ta còn nghèo, 3/4 sống ở nông thôn, cái ăn vẫn là cái quan trọng nhất. Muốn đổi cái ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ này thì Nhà nước phải đợi cho dân giàu lên đã, khi đó việc ‘ăn chơi’ mới được coi trọng hơn cái ăn được. Thái Lan, một nước giàu hơn ta nhiều, nhưng cái ăn vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn (36,06%).

Giá tiêu dùng tăng cao, người ta gọi là ‘thuế lạm phát’, làm đa số người tiêu dùng bị thiệt hại. Đối với các gia đình khá giả, tuy mãi lực có bị giảm, nhưng ít ảnh hưởng đến mức sống vì họ chỉ cần giảm bớt các chi tiêu không cần thiết (như đi xem xi-nê…). Riêng các nhà kinh doanh bất động sản vẫn làm giàu rất nhanh vì giá nhà tăng nhanh hơn lạm phát. Trái lại, đối với các gia đình có thu nhập tăng thấp hay cố định, hiện tượng ‘vật giá leo thang’ làm họ bị thiệt hại nặng hơn. Bình thường, họ đã không nghĩ đến những chi tiêu không cần thiết thì, lúc nầy, những gia đình phải giảm bớt các chi tiêu cần thiết về ăn uống. Chúng ta không khỏi thương tâm khi thấy những cha mẹ phải buôc lòng giảm phần ăn để trả học phí không ngớt gia tăng cho các con.

Nông dân Việt-Nam vốn là thành phần nghèo nhất nước, nhưng trong cơn lốc vật giá hiện nay họ xoay xở ra sao, trong khi mức tăng GDP của khu vực nông nghiệp chỉ là 3,5% so với năm 2008? Cùng lúc, giá cả hàng hoá tăng rất cao, đến 6,88% cho cả năm 2009.

Nông gia vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở đồng bằng sông Hồng là chưa có năm nào lúa gạo lại được giá như năm nay. Giá lúa năm 2009 vẫn luôn đứng ở mức cao, trên dưới 3.600 đồng/kg. Nhưng, ngược lại, cũng chưa bao giờ giá cả vật tư nông nghiệp lại tăng cao như năm qua. Theo đó, nông dân được lợi một vì nông sản thực phẩm được giá (do giá gạo xuất cảng của Việt-Nam tăng rất cao, để ngang bằng gạo cùng loại của Thái Lan), nhưng lại mất hai vì chi phí đầu vào tăng cao. Các loại thực phẩm cũng tăng giá chóng mặt, trước hết, phải kể đến giá thịt heo so với cùng kỳ năm 2006 trung bình đã tăng tới 38%, giá thịt gà và thịt bò cùng tăng từ 20 tới 25%.

Nhà nông nói chung bao gồm người làm lúa, trồng trọt và chăn nuôi đã bán hàng thuận lợi, tiền lời cao hơn so với thời kỳ chưa tăng giá. Thế nhưng, trên thực tế, chi phí sản xuất của nông dân bỏ ra cũng tăng theo, tỷ lệ thuận với mức tăng giá thị trường. Giá đạm urê từ 4.200 đồng/kg đã tăng lên 5.200 đồng/kg. Giá xăng dầu lên, chi phí cày bừa cũng lên theo khoảng 25.000 đồng một sào. Hạt giống, thúôc bảo vệ thực vật tất tật mọi loại vật tư nông nghiệp đều tăng giá. Nhiều nông dân phải than thở rằng dù có phép mầu người trồng lúa cũng không khá lên được.

Trong việc chăn nuôi thì giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua đã tăng 25 tới 30%. Do dịch bệnh nên đàn giống giảm nhiều, giá con giống cũng tăng gần 30%, thậm chí có loại con giống tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cám tăng nhiều, công ty đã điều chỉnh giá bán tới 5 lần. So với hồi đầu năm hiện nay giá thức ăn hỗn hợp đã tăng thêm 20 tới 30 ngàn đồng/bao 25 kg. Lợn giống trứơc đây chỉ 350 ngàn đồng mỗi con thì nay đã tăng lên 450 ngàn đồng. Thuốc thú y, tiền thuê nhân công cũng theo đà tăng giá. Với chi phí đầu vào tăng cao như vậy, nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi lợn như thể đút tiền bỏ ống. nhiều người chỉ nuôi cầm chừng vì cám đắt không có lãi lại e ngại sợ sẩy dịch bệnh thì mất hết.

Với tình hình giá đầu ra hiện nay thì người chăn nuôi vẫn còn lời một ít ở mức không đáng kể, nhưng nếu có biến động giá do dịch bệnh chẳng hạn thì họ sẽ lỗ vốn ngay. Khi mọi chi phí mua vào đều tăng cao lên thì người chăn nuôi hay người nông dân đều đang đương đầu với những khó khăn. Giá thực phẩm tăng là do dịch bệnh tăng. Theo đó, đời sống của người dân không tăng theo giá, nông dân không được hưởng lợi khi giá nông sản thực phẩm tăng.

E. Nhận xét diễn tiến CPI trong năm 2009.

1. Tốc độ tăng CPI năm 2009 chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của năm 2007 (12,63%), bằng một phần ba tốc độ tăng năm 2008 (19,89%) và thấp hơn mục tiêu của kế hoạch (dưới 10%).

2. Trong ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ năm 2009, nhóm 1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm) chỉ tăng 4,29%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng chung. Điều này rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng, đặc biệt đối với người nghèo có thu nhập thấp, vì chi tiêu lương thực và thực phẩm chiếm bách phân cao nhất trong tổng chi tiêu cho đời sống của họ. Đó cũng là nhờ sự đóng góp lớn của người nông dân cho xã hội, nhưng không được sự giúp đỡ xứng đáng từ nhà nước cộng sản.

3. Giữa năm 2008, CPI tăng nhanh: tháng 05 tăng 25,2%, tháng 06 tăng 26,8%, tháng 07 tăng 27% và tháng 08 đã lên tới 28,3%. Đó là mức lạm phát tăng cao nhất kể từ năm 1989 và cao nhất Á châu lúc đó. Khi đó, Chính phủ đã phải chuyển mục tiêu ưu tiên từ tăng trưởng kinh tế cao sang kiềm chế lạm phát bằng thắt chặt chính sách tiền tệ và ngân sách. Do đó, CPI đã bớt tăng vào những tháng cuối năm 2008.

Lạm phát tiếp tục tăng ở mức thấp trong những tháng đầu năm cho đến khi Chính phủ tung toàn bộ gói kích cầu tương đương 8 tỷ mỹ kim nhằm tăng trưởng kinh tế. Gói kích cầu gồm: hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ cho an sinh xã hội, tăng vốn đầu tư làm tăng khối lượng tiền tệ lưu hành trong nền kinh tế và giảm thuế không giảm bớt khối lượng tiền tệ đó khiến lạm phát lại gia tăng vào những tháng cuối năm.

Thêm vào đó, với nhu cầu tăng cao vào Tết Dương lịch, rồi đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, Việt-Nam đang đứng trước nguy cơ lạm phát cao trở lại, đồng thời với nhập siêu gia tăng.

Với mức lạm phát tháng 01.2010 là 1,36% so với tháng 12.2009 hay 7,62% so với tháng 01.2009 (tức trong một năm), chỉ tiêu giữ cho lạm phát ở mức thấp hơn 7% và chỉ tiêu cho mức tăng trưởng kinh tế là 6,5% năm 2010 so với năm 2009 do Quốc hội ấn định là những thử thách cho nền kinh tế Việt-Nam.

(Còn tiếp)
 
Tổng thống Obama và Á châu
Lê Văn
07:05 09/02/2010
Song song với các biến cố mới xảy ra như Hoa Kỳ vừa quyết định bán hơn 6.4 tỉ đô la võ khi tối tân cho Đài Loan thì tiếp ngay sau đó Tổng thống Hoa kỳ Obama tuyên bố sẽ tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng vào cuối tháng 2 sắp tới đang gây nên các căng thẳng nghiêm trọng với Trung quốc.

Mặc dầu Trung quốc lớn tiếng phản đối, ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng việc bán vũ khí hiện đại cho Đài loan không có gì đi ngược lại quan điểm “Một Nước Trung Quốc” như chủ trương của chính phủ Mỹ và chính phủ Trung quốc bấy lâu naỵ Theo ngoại trưởng Clinton, thì việc tăng cường vũ khí cho Đài Loan nhầm củng cố cho Đài loan trong việc nói chuyện với Trung quốc được thuận tiện hơn, dễ dàng hơn.

Trung quốc cảnh cáo nếu ông Obama tiếp Đức Datlai Lama thì sẽ gây tổn thương cho quan hệ song phương giữa Mỹ-Trung. Liền sau đó Tòa Bạch Ốc cho hay là Tổng thống Obama dứt khoác sẽ có buổi họp với Đức DaLai-Lama bất chấp lời cảnh cáo của Trung quốc. Một viên chức Hoa kỳ, ông Bill Bulton nói rằng Tổng thống Obama đã nói với các lãnh đạo Bắc kinh là sau chuyến thăm Trung quốc, Tổng thống Obama sẽ có buổi tiếp xúc với Đức ĐaLai Lamạ Trong khi đó các giới chức Hoa kỳ nói rằng điều quan trọng là duy trì quan hệ tốt đẹp cả Trung quốc lẫn Chính Phủ Lưu vong Tây Tạng. Nghĩa là đối với Hoa kỳ, Đức Datlai Lama và Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có tầm vóc quan trọng ngang nhau.

Các quyết định đó được coi như là sự tái khẳng định một chính sách mới của Hoa kỳ tại Á châu, một chính sách đối đầu đa dạng từ thương mại đến nhân quyền và cả chính trị lẫn quân sư..

Một điểm đáng chú ý khác là Hội đồng Đối Ngoại Hoa Kỳ - Council on Foreign Relations (CFR) tại New York- một tổ chức có ảnh hưởng lớn mạnh đối với chính sách đối ngoại của Mỹ vừa cảnh báo rằng. .."Nền tảng chính trị tại IRAN đang tiến gần đến sự thay đổi sâu xắc & triệt để chưa từng thấy từ khi chế độ Sa Hoàng bị lật đổ cách đây hơn 30 năm". .. "Iran may be closer to profound political change than at any time since the revolution that ousted the shah 30 years agọ" và kết luận là... không những chỉ có thế lực cứng rắn Tân Bảo Thủ tại Hoa Thịnh Đốn kiên quyết chủ trương thay đổi chế độ tại Tehran ("regime change" in Tehran) mà nay các thế lực thực tiễn cũng phải thừa nhận rằng đây là một cơ hội không thể cho vuột xẩy được ("Even a realist should recognize that it's an opportunity not to be missed,"

Ông Richard Haass, chủ tịch Council on Foreign Relations - tổ chức được biết qui tụ các thế lực tài phiệt của Mỹ & Do Thái, một người được coi như là có quan điểm thực tiễn (realists) giống như cựu cố vấn An Ninh Quốc Gia Brent Scowcroft hay cựu Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell, qua nhận định trên nay được coi như đã thay đổi quan điểm rất triệt để về đối sách của Hoa kỳ với IRAN (Haass' change of heart).

Đi sâu hơn, ông Robert Kagan thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace ở Hoa Thịnh Đốn đã nhiệt liệt cỗ võ và không dấu giếm gì khi viết trên tờ Washington Post rằng thực hiện việc đổi chế độ tại Tehran. .. chính là cơ may một lần trong đời mà Tổng thống Obama có được, trong vài tháng tới đây để làm cho thế giới nầy được thực sự an toàn hơn ("President Obama has a once-in-a-generation opportunity over the next few months to help make the world a dramatically safer placẹ")

Từ lập trường hầu như đồng nhứt của hai thế lực lớn nầy, chúng ta có thể trông đợi những biến cố mới sẽ xảy ra tại Iran trong những ngày sắp tớị

Tại Paris hôm 29/1/10, trong buổi họp bàn về kế hoạch và biện pháp chế tài Iran, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố không úp mở: “ …Trung quốc sẽ bị cô lập về ngoại giao và có thể bất ổn về kinh tế nếu Trung Quốc không nhất trí với thế giới những biện pháp trừng phạt mới gay gắt hơn chống lại Iran trong việc ngăn ngừa xứ này chế tạo và phát triển vũ khí nguyên tử..”

Một động thái đáng chú ý khác là tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ đang ở trên mức 10% và chưa thấy có chiều hướng suy giảm trong tương lai gần, nạn thâm thủng ngân sách ở mức kỷ lục, tiết kiệm cá nhân ngày càng giảm, mức cầu theo đó mà yếu đi, do đó ngân sách cho các chương trình kích thích kinh tế bị giới hạn... để phá vở vòng lẩn quẩn nầy các biện pháp đầu tiên là phải hạn chế nhập khẩu ( bảo vệ hàng nội địa) và tăng xuất khẩu (tạo việc làm) mà mấu chốt của vấn đề là tăng thuế nhập khẩu và điều chỉnh tỉ xuất hối đoái tiền tệ (giá thành sản xuất.)

Hôm thứ Tư ngày 4/2/2010, Tổng thống Obama đề ra chính sách kinh tế mới của Hoa kỳ, tăng cường xuất khẩu, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới theo đúng qui luật của WTO, chống lại chế độ bảo hộ mậu dịch. Và Tổng Obama nói thẳng với Trung quốc và các nước khác là chính phủ Trung quốc và chính phủ các nước khác phải mở rộng thị trường đón nhận nhiều hơn hàng xuất khẩu của của các nước khác, nhất là hàng xuất khẩu của Hoa kỳ cũng như Hoa kỳ đã và đang mở rông nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu của Trung quốc cũng như của các nước khác. Cũng trong ngày thứ Tư vừa qua, Tổng thống Obama kêu gọi các quốc gia trên thế giới phải xét lại tỉ giá đồng tiền của họ với đồng Dollar của Hoa kỳ. Tổng thống Obama than phiền có một số quốc gia xử trì không công bằng với đồng Dollar của Chính phủ Hoa kỳ, họ kiềm hãm tỉ giá đồng tiền của họ một cách vô lý và phản lại qui luật mậu dịch, họ cố tình làm cho các mặt hàng nhập khẩu đất nước họ, nhất là hàng xuất khẩu của Hoa kỳ, gặp nhiều khó khăn không bán được vì giá quá caọ Mặc dầu Tổng thống Obama không chỉ mặt đặt tên, nhưng thế giới ai cũng biết Trung Quốc là một trong những quốc gia đó.

Các căng thẳng thương mại đang nổ ra giữa Hoa kỳ và Trung quốc, bán võ khí tối tân cho Đài Loan, coi Đức ĐaLai Lama như một nguyên thủ quốc gia cùng lúc đó một kế hoạch tấn công Bắc Hàn do hai chuyên gia về Bắc hàn Bruce Bennett thuộc Rand Corporation và Jennifer Lind của Dartmouth College cùng phác họa mới đây (Rand: 400,000 troops needed to secure N. Korea and its 'loose nukes' By Donald Kirk Monday, January 25, 2010) là phải cần đến ít nhứt 400,000 quân Mỹ-Hàn để đánh chiếm Bắc Hàn trong trường hợp nước cộng sản nầy bất ngờ xụp đổ nhằm chiếm giữa các cơ sơ nguyên tử và giải giới toàn bộ bộ đội cộng sản Bắc hàn. Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young mới đây tuyên bố là Nam hàn sẽ ra tay trước đánh phủ đầu Bắc hàn nếu có chỉ dấu rõ ràng là Bắc hàn chuẩn bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. (if we detected that it has a clear intention to attack with nuclear weapons".). Hai chuyên gia trên nhấn mạnh rằng nhiều chỉ dấu cho thấy hầu như đã chắc là các thang điểm chỉ dấu sự đỗ vỡ đã đến vì đang có sự khủng hoảng lảnh đạo và nền kinh tế Bắc hàn đang đến hồi kiệt quệ

Các viễn ảnh có thể xảy ra:

Một là các quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng trực tiếp của Hoa kỳ và Trung quốc ngày càng phải chịu áp lực nặng nề hơn từ cả hai phía trong mọi lảnh vực từ thương mại đến quân sự lẫn chính trị đặc biệt là Việt Nam một quốc gia cộng sản chỉ còn chỗ dựa ở Trung cộng để tồn tại, chánh quyền thì mục ruỗng thối nát, dùng quyền cai trị để trục lợi, can tội bán nước quì lụy giặc ngoại xâm chỉ còn biết dùng bạo lực trấn áp để tồn tại đang bị nhân dân chán ghét cực độ, nội bộ chia rẽ tranh chấp chỉ chờ ngày bùng nổ. .. sự đối đầu giữa Hoa kỳ và Trung quốc đang là các chất xúc tác cực mạnh, những tác động tất yếu thúc đẩy làm biến thể chế độ vô phương cứu vãn.

Hai là Trung quốc biết rõ ràng là sự xụp đổ của Bắc hàn không thể tránh khỏi nhưng không muốn thấy sự sụp đổ đó sẽ gây ra các nguy hiểm cho Trung quốc và một điều mà Trung quốc lo âu nhứt có lẽ là hậu quả sự xụp đổ của Bắc hàn sẽ châm ngòi cho cuộc trổi dậy toàn diện của dân tộc Tân cương và Tây Tạng đó cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận, cơ hội ngàn năm đang đến cho chính nhân dân Trung quốc, Việt Nam, Miến Điện, Lào, Cambodia cùng đứng lên giành lại tự do dân chủ cho chính mình.
 
Tin Đáng Chú Ý
Tiền bạc mới của Việt Nam
Bill Hayton
11:27 09/02/2010
Bài "Vietnam's new money" trên báo Foreign Policy ngày 21 tháng một năm 2010:

Một làn sóng của sự giàu sang phú quý và quyền lực đang làm thay đổi bộ mặt quốc gia xã hội chủ nghĩa này. Nhưng, trong khi những nhà hoạt động dân chủ đang bị tù đày và hệ thống quyền lực cứ tiếp tục xiết chặt, "bàn tay mạnh mẽ" của Đảng Cộng sản có thể biến những tiến bộ về kinh tế thành một thảm họa về mặt xã hội.

Ngày 16 Tháng 11 năm 2008,tại Caravelle, khách sạn sang trọng đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng là chổ cư ngụ của các nhà báo công tác thời "chiến tranh Mỹ", hai nhà doanh nghiệp mới của Việt Nam đã kết hôn Chú rể là Nguyễn Bảo Hoàng,36 tuổi, tổng quản lý của một công ty đầu tư, IDG Ventures Việt Nam, và cô dâu của ông đã 27 tuổi, tên Nguyễn Thanh Phương, chủ tịch của một công ty đầu tư, VietCapital. Hai người đứng đầu hai công ty, họ chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn vốn khoảng $ 150,000,000 đô la từ các khoản đầu tư tại Việt Nam.

Nhưng đám cưới này đâu phải chỉ là một câu chuyện về tiền bạc mới tại Việt Nam. Nguyễn Thanh Phương đâu phải chỉ là một chuyên viên ngân hàng đầu tư xòang xĩnh- mà cô là con gái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Người đàn ông cô lấy làm chồng chính là một công dân Mỹ, con của một người đã chạy trốn Việt Nam năm 1975 để trốn thoát gông cùm cộng sản - bây giờ trở về cưới con gái của một trong số những tên cộng sản đó.

Cuộc hôn nhân của họ gói trọn nhiều yếu tố của một "kiểu mẫu" Việt Nam mới, bất kể một làn sóng mới của sự giàu có, Đảng Cộng sản vẫn còn chi phối cả các lãnh vực kể cả công cộng lẫn tư nhân. Nhiều doanh nghiệp "tư nhân" hoặc là của nhà nước trước đây (DNNN) hay hiện nay vẫn còn có một số quyền sở hữu nhà nước,còn phần lớn vẫn do đảng viên nắm giữ. hầu hết những người nắm giữ các chức vụ điều hành cao cấp trong các hãng tư nhân đều thuộc về các đảng viên, thân nhân hay bạn bè của họ. Các đảng viên (Cộng sản) ưu tú đang biến đổi chủ nghĩa tư bản Việt Nam thành một doanh nghiệp mang tính cách gia đình. Và nếu trong tuần này, sự kiện bốn nhà hoạt động dân chủ bị kết án về tội lật đổ chính quyền có đưa ra dấu hiệu gì chăng nữa, việc củng cố quyền lực đảng là một sự phát triển rất đáng sợ cho tương lai của Việt Nam.

Có rất nhiều thí dụ về mối quan hệ ruột thịt giữa (những người nắm) tiền bạc và quyền lực tại Việt Nam hiện nay: Một trong những người giàu có nhất của Việt Nam là Trương Gia Bình,chủ tịch của FPT, một công ty công nghệ thông tin lớn nhất ở quốc gia bản địa. Ông cũng là người duy nhất ở Việt Nam thường được gọi với thủ ngữ "cựu rể" vì ông đã từng kết hôn với con gái của Võ Nguyên Giáp - từng được coi là anh hùng trong chiến tranh, tướng lãnh quân đội đã về hưu, và cựu phó thủ tướng. Trong thập niên 1990, nếu một cơ sở làm ăn cần người liên hệ trong số các công ty có dính dáng đến quân đội, hoặc trong ngành xây dựng hoặc thông tin, thì Giáp là người họ cần phải đến gặp.

Một thí dụ khác nữa là Đinh Thị Hòa, người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp MBA của Đại học Harvard. Vào đầu thập niên 1990, khi Ngân hàng Thế giới muốn kích thích sự phát triển trong địa hạt tư nhân tại Việt Nam, quốc gia này đã được trao tặng nhiều học bổng cho những người trẻ, trong số đó có Hòa. Khi về nước, Hòa đã sử dụng kiến thức vừa tìm thấy của mình để thành lập Galaxy, một công ty tư vấn cho hầu hết các nhà hàng muốn tổ chức theo phong cách thương mại Tây phương, một rạp chiếu phim lớn ở TP Hồ Chí Minh, và một công ty sản xuất phim.

Nhìn từ nhiều khía cạnh thì đây là là một mô hình của một doanh nghiệp thành công mà trong đó tư nhân làm chủ. Nhưng Galaxy đâu phải từ đâu lù lù xuất hiện, mà nó là một trong những công ty được thành lập bởi con cháu của những đảng viên gộc. Khi Ngân hàng Thế Giới chọn Hoa để trao tặng học bổng, cha cô đang làm tới chức thứ trưởng bộ ngoại giao VN.

Câu chuyện về tự do hóa nền kinh tế của Việt Nam có thể dùng câu nói của Hồ Chí Minh về tình đoàn kết dân tộc dể diễn tả, "thành công, thành công, đại thành công." Năm 1993, theo số liệu của chính phủ VN, gần 60 phần trăm dân số sống dưới mức nghèo khổ. Đến năm 2004 con số đó đã giảm xuống còn 20 phần trăm. Coi như quốc gia này đã đáp ứng hầu hết các mục tiêu phát triển do Liên hiệp quốc đề ra gọi là Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, họ đã thoát ra khỏi cấp bậc của các nước nghèo nhất để tham gia vào nhóm của "những quốc gia với thu nhập hạng trung." Đời sống nhân dân được thăng hoa, chân trời của họ được mở rộng, và tham vọng của họ cứ thế lớn dần.

Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát của nhà nước trên sự phát triển của Việt Nam là điều trở ngại. Cuộc hôn nhân giữa đảng và quyền lợi tư nhân đang méo mó nền kinh tế để phục vụ ý muốn của một số người thay vì phục vụ cho nhiều người. Và hệ thống chủ nghĩa xã hội bè phái đang trở thành một mối đe dọa cho sự ổn định trong tương lai của Việt Nam. Việt Nam đang làm nguy hại tới số phận của nhiều con em tiêu biểu mà Ngân Hàng Thế Giới tài trợ trước đây-- khi sự thăng hoa khi trước được tiếp nối bằng một cuộc phá sản

(Nguồn: http://www.foreignpolicy.com/articles/2010/01/21/vietnams_new_money, Mõ Làng tạm dịch)
 
Văn Hóa
Nẻo đường hồn nhiên của Tin Mừng (6):Chúc Mừng Năm Mới
Lm. Trăng Thập Tự
21:28 09/02/2010
NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG (6): Chúc mừng Năm Mới

Tết Nguyên đán là dịp sum họp gia đình, để kính nhớ tổ tiên, thăm viếng nhau gia tăng tình thân ái và cũng là dịp rất thuận tiện để gặp gỡ những người mới tin và những người chưa tin đang cần được nghe Tin Mừng.

Với những những người chưa tin, Tết Nguyên Đán trao tặng cho ta những cơ hội bằng vàng để gây tình thân ái. Với những người đã cùng chia sẻ tình thân ái, Tết Nguyên Đán cho ta cơ hội tiếp nối và đào sâu mối gặp gỡ, chăm sóc hạt giống đã gieo.

Viếng thăm ngày cuối năm, đầu năm. Thiệp tết. Email. Điện thoại chúc mừng Năm Mới, với những lời chúc xuân ý nhị, không khuôn sáo.

Gặp gỡ ngày xuân không nguyên nơi lời ta nguyện chúc cho người khác mà còn cả nơi lòng tốt và những tâm tình cao đẹp qua những lời cầu chúc chân thành mà ta hoan hỉ biết ơn đón nhận.

Ta vui mừng mở rộng cửa tiếp đón người khác đến chúc lành cho ta. Đây là dịp quý để giải tỏa ngộ nhận “theo Đạo bỏ Ông bỏ Bà”. Không cần dài lời, chỉ cần làm sao để hương đèn trên bàn thờ gia tiên sẽ nói thay ta …

Ngày Tết, trong những gia đình theo đúng tinh thần Việt Nam, ẩn dưới những niềm vui rộn rã đầu xuân là cả một thực tại linh thiêng trầm mặc đầy ắp không gian: Cõi hữu hình và cõi vô hình đan dệt vào nhau, ông bà tổ tiên đã khuất như thể đang có mặt giữa con cháu cách thân thiết, gần gũi, linh thiêng và đầy an ủi.

Có được bầu khí ấy là nhờ các nghi lễ rất nghiêm túc của phụng tự gia đình. Các nghi lễ này mở đầu với giờ “cúng đón” (đón ông bà về ăn tết với con cháu) vào ngày 29 hoặc 30 tết, và kết thúc với giờ “cúng đưa” (tiễn chân ông bà) vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 tết (có nhà cúng đưa từ chiều mùng 2). Người công giáo biết rằng các linh hồn đã về với Thiên Chúa vẫn hiệp thông với các tín hữu ở trần gian thường xuyên chứ không riêng mấy ngày tết, cho nên không có chuyện đón ông bà về ăn tết và tiễn ông bà đi. Ngày nay cả nơi đại chúng người lương, không mấy ai còn hiểu hai chữ đón đưa ấy theo nghĩa đen, nhưng hiểu theo một nghĩa tượng trưng sâu sắc, nhằm xác định một thái độ nội tâm và đánh dấu khoảng thời gian họ muốn dành để tưởng nhớ gia tiên cách thật sâu đậm, khoảng thời gian họ muốn để cho tâm hồn lắng đọng trong niềm cảm mến biết ơn.

Trong khoảng thời gian ấy, bàn thờ gia tiên lúc nào cũng dìu dặt khói hương. Mỗi ngày người ta cúng hai hoặc ba lần vào đúng giờ cả nhà đã qui định trước. Mỗi gia đình có một người trực ở nhà để giữ cho hương đèn được ấm cúng liên tục, và để lo sửa soạn thức ăn, đến giờ thì bày lên bàn thờ, thành tâm cầu nguyện. Người trực đóng vai đại diện gia đình, luôn ở trong tâm tình cung kính trước sự hiện diện của anh linh tiên tổ, để bày tỏ niềm biết ơn và tưởng nhớ.

Khi đón nhận các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người công giáo nhằm đạt được phần tinh hoa chứ không vụ vào những hình thức rườm rà. Tuy vậy, trong mức độ vừa phải, hình thức vẫn cần thiết. Để phục hưng và phát huy được bầu khí linh thiêng thuận lợi cho tình cảm và hạnh phúc gia đình, rất cần giữ lấy những hình thức diễn tả tối thiểu và chính yếu. Xin nhớ chăm sóc bàn thờ gia tiên thật tươm tất trang trọng.

Nếu giáo xứ có thánh lễ tại nghĩa trang vào ngày mùng hai Tết, bạn có thể giới thiệu với bạn hữu người lương và mời những người có thân nhân yên nghỉ tại nghĩa trang ấy tham dự thánh lễ. Đừng quên gợi ý cho họ thấy người Công giáo dành ngày đầu năm để kính thờ Thiên Chúa và ngày mùng hai Tết mới dành riêng kính nhớ Tổ Tiên.

Xin nói thêm một việc tiếp đón bất thường gia đình ban có thể may mắn gặp được: những người di dân cơ nhỡ không có một mái nhà để về hoặc không đủ tiền về quê sum họp với gia đình trong dịp tết. An ủi biết bao cho họ khi được một gia đình mở rộng vòng tay thân ái, đón nhận họ như một thành viên của gia đình. Ngày chung thẩm Chúa Giêsu sẽ thêm vào diễn từ biết ơn của Ngài câu này: “Và khi Ta không có nơi ăn tết, con đã tiếp đón Ta”.

Kính chúc mọi người đầy ắp ơn lành của Chúa Xuân. Chúa Xuân đang đến, không chỉ nơi thiên nhiên mà cả nơi những con người sống động ngay bên ta.

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

gopnhattho@yahoo.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Lung Linh Hồ Gươm
Nguyễn Đăng Khoa
23:18 09/02/2010

LUNG LINH HỒ GƯƠM



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa (Giáo phận Vinh, Việt Nam)

Ta còn em những giọt sương,

Nhòe nhòe bóng điện.

Mặt nước Hồ Gươm,

Một đêm trở lạnh.

Tháp Rùa ngả bóng lung linh.

Cánh nhạn chao nghiêng chiều cuối

Người ra đi mang theo buốt giá..

(Trích thơ của Phan Vũ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền