Ngày 20-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Rất mực khoan nhân
Lm. Minh Anh
02:34 20/02/2022
RẤT MỰC KHOAN NHÂN

“Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân”.

Thật thâm thuý câu nói của thánh Augustinô, “Lòng khoan nhân của Thiên Chúa… đi trước sự lưỡng lự không sẵn lòng của Ngài; nó đi theo ước muốn, làm sao ý chí Ngài phải có hiệu lực!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thánh Vịnh đáp ca của Chúa Nhật hôm nay rạng ngời một chân lý ngàn đời, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”. Và như thế, câu nói của thánh Augustinô một lần nữa cho thấy, ý chí của Thiên Chúa là yêu thương; vì lẽ, “Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và ‘rất mực khoan nhân!’”.

Chân lý đó đã làm cho Kitô hữu trở nên những con người khác biệt và Kitô giáo trở nên khác biệt bất cứ một tôn giáo nào! Tại sao? Chính ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa đã ban cho con cái Ngài khả năng để đối xử với người khác, không như họ đáng đối xử, nhưng như Chúa muốn họ được đối xử. Vì lẽ, Chúa nhân ái với mọi người, kẻ lành, người ác; “Ngài cho mưa xuống trên người công chính cũng như hạng bất lương”. Tình yêu Ngài bao trùm cả thánh nhân lẫn tội nhân; Ngài tìm kiếm điều tốt đẹp nhất của chúng ta, dạy chúng ta tìm kiếm điều tốt đẹp nhất của người khác, cả những người thù ghét mình, “Các con hãy yêu kẻ thù!”.

“Hãy cầu nguyện cho những người bắt bớ các con!”. Lời cầu nguyện dành cho những người làm chúng ta đau khổ vừa phá vỡ ước muốn trả thù, vừa giải phóng sự tù hãm của con tim. Thế nhưng, làm sao có thể yêu thương những người đã gây tổn hại hoặc ác ý với chúng ta? Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể! Ngài sẽ ban quyền năng và ân sủng Thánh Thần của Ngài; Thánh Thần sẽ chinh phục tất cả, ngay cả những tổn thương, sợ hãi, định kiến và đau buồn của mỗi người. Thập giá Chúa Kitô có thể giải thoát chúng ta khỏi sự bạo ngược của độc ác, hận thù, trả thù, và oán ghét; thập giá Ngài cho chúng ta can đảm để đáp lại điều ác bằng điều thiện.

Khi dạy chúng ta yêu kẻ thù, Chúa Giêsu không nói những điều không tưởng, mâu thuẫn, hoặc Ngài đang sử dụng những câu nói hoa mỹ. Không, hoàn toàn không! Đây là sự cách tân của Kitô giáo và cũng là sự khác biệt của Kitô giáo! Thiên Chúa đòi chúng ta can đảm để có một tình yêu không tính bằng giá; bởi lẽ, thước đo của Ngài là tình yêu không có thước đo. Đã bao lần chúng ta quên điều đó, nên cư xử như bao người khác! Ấy thế, giới răn yêu thương của Chúa không đơn giản chỉ là một thách đố; nhưng còn là trọng tâm của Tin Mừng. Đừng lo lắng về ác ý của người khác, về những ý nghĩ tiêu cực họ dành cho chúng ta; thay vào đó, hãy mở rộng trái tim vì lòng yêu mến Chúa! Những ai yêu mến Ngài, sẽ không có kẻ thù trong lòng, vì sự thờ phượng Thiên Chúa luôn luôn trái nghịch với văn hoá hận thù!

Sách Samuel hôm nay đã cống hiến tấm gương cao quý của Đavít. Saolê dẫn 3.000 quân truy lùng ông, Chúa lại trao Saolê, vào tay Đavít. Ấy thế, đó là cơ hội cho trái tim và nhân cách của Đavít thể hiện sự vĩ đại và hào hiệp của nó. Đavít chưa biết Chúa Giêsu, nhưng đã đối xử cao thượng theo hình ảnh “Ađam mới”, Đấng từ trời, hậu duệ của ông, như bài đọc thứ hai lưu ý.

Anh Chị em,

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng: hãy khoan nhân như Thiên Chúa ‘rất mực khoan nhân!’. Hãy xem, Chúa Giêsu trên thập giá, điều đầu tiên Ngài nghĩ tới là, “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!”. Cũng thế, Đavít đã khoan nhân với Saolê vì ông cảm nhận sự khoan nhân của Thiên Chúa dành cho cá nhân ông và gia tộc ông. Như vậy, chúng ta không thể yêu thương kẻ thù, khoan nhân với người hiềm khích nếu không cảm nhận thế nào là sự tha thứ nơi thập giá Con Thiên Chúa. Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, chúng ta trở nên những con người thuộc thiên giới; khoan nhân với anh chị em mình như Chúa, chúng ta thực sự mang hình ảnh của con người thần thiêng. Hãy để mình bay cao, bay xa như con cái Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng ‘rất mực khoan nhân’, Chúa đã tha thứ cho kẻ tra tấn và đóng đinh Chúa; xin giúp con làm điều tương tự với những ai đang trở nên thập giá đời con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 21/02: Sức mạnh của ăn chay cầu nguyện - Suy Niệm: Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
05:23 20/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.

Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?” Một người trong đám đông trả lời rằng: “Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực”. Người đáp lại: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta”. Và người ta đem nó đến.

Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: “Nó chết rồi”. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.

Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?” Người đáp: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:31 20/02/2022

21. Phàm là người đối địch với Thánh Kinh là vì họ không hiểu Thánh Kinh; trái lại chỉ có những bạn hữu của Thánh Kinh thì mới có thể hiểu Thánh Kinh.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:43 20/02/2022
2. HIỂU LẦM NGÔN NGỮ

Có người ở miền nam đến miền bắc, vì ngôn ngữ không thông nên rất là khổ sở.

Có một quan hiếu liêm người miền nam ngồi xe, vì không cẩn thận nên làm rơi chiếc giày, bèn kêu người phu xe là người miền bắc lấy dùm:

- “Chiếc giày, chiếc giày鞋子”.

Vì ông ta nói âm “xíe zi: 鞋子” (1) thành âm “hái zi: 孩子” (2), phu xe phát cáu nói:

- “Tôi tuổi lớn rồi, sao lại kêu là em bé孩子?”

Ông quan hiếu liêm bây giờ mới biết là ông ta hiểu lầm, bèn học cách nói của người miền bắc, nhưng khi nói chữ “xíe xíe鞋 鞋” thì lại phát âm là “gia gia爺 爺” (3) .

Người phu xe luôn miệng nói:

- “Không dám, không dám !”

(Nhất Tiếu)

Suy tư 2:

Có người chửi nhau vì không hiểu tiếng của nhau, có người chửi nhau vì muốn học tiếng địa phương mà phát âm không chuẩn, lại có người nổi quạu lên vì mình cũng là người Việt mà nghe tiếng Việt lại không hiểu là gì, bởi vì người ta nói giọng...Hà Tĩnh !

Có một vài người Ki-tô hữu bực bội không hiểu cha sở hôm nay giảng gì, vì ngài dùng những danh từ chuyên môn thần học bằng tiếng nước ngoài; có những người Ki-tô hữu đi lễ mà lo ra, vì hôm nay cha giảng toàn chuyện xin lễ phải đúng giá quy định, mà không đúng như ý nghĩa của bài Phúc Âm.

Con người ta có thể hiểu lầm nhau vì giọng nói địa phương, nhưng người Ki-tô hữu thì không thể nào nói mình hiểu lầm hoặc giảng lầm Lời Chúa được, chỉ có những người kiêu ngạo và cố chấp mới nói hiểu lầm lời Đức Chúa Giê-su mà thôi. Tại sao vậy?

Thưa, bởi vì trong tâm hồn họ không có chỗ cho Chúa chen chân vào...

(1) 鞋子là đôi giày.

(2) 孩子 là em bé.

(3) 爺爺 phát âm là “yé yé”, nghĩa là ông nội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một sự thật bẽ bàng
Lm. Minh Anh
22:36 20/02/2022

MỘT SỰ THẬT KHÁ BẼ BÀNG
“Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”.

Nghệ sĩ Raphael mô tả sự nghèo nàn tội nghiệp của các môn đệ, những người đang đợi Thầy từ trên núi xuống sau cuộc Biến Hình của Ngài. Họ đang vẫy tay thất vọng, phân bua; khuôn mặt thì hốt hoảng, khi tự bào chữa trước người cha tuyệt vọng đang ôm lấy đứa con bị quỷ ám!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay phản ánh ‘một sự thật khá bẽ bàng’ trong đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta! Như các môn đệ, bao lần chúng ta cố sức làm những công việc, rõ ràng là của mình, mà không cần đến Thiên Chúa thực sự, theo bất cứ cách nào.

Vì thế, thật không lạ, công việc của chúng ta dường như ‘chết lên, chết xuống’ cho đến khi Chúa Giêsu ‘được phép’ cộng tác; để sau đó, Ngài ‘làm cho nó sống’. Thông thường, chúng ta thậm chí cũng không cần tự hỏi, liệu những gì tôi đang làm có phải là ý muốn của Thiên Chúa không? Thế mà, khi loại trừ Ngài khỏi công việc hoặc cuộc sống gia đình hay cộng đoàn mình, chúng ta đang ở trong tình trạng thiếu đức tin nhất! Chúa Giêsu luôn có đó, nhưng chúng ta không cho Ngài một chỗ làm, đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng!’. Với lòng tin ít ỏi của mình, các môn đệ bắt tay vào việc mà lòng không mấy cậy trông, vì nghĩ rằng, ‘ca này’ vượt quá khả năng của họ; người cha và gia đình đứa bé có thể cũng thiếu niềm tin với những gì mà các “môn đệ” này có thể làm. Vì thế, với họ, và với cả chúng ta, những lời của Chúa Giêsu dẫu khá xót lòng nhưng thật cần thiết, “Hỡi thế hệ cứng lòng tin!”. Khi nói thế, Chúa Giêsu rất chân thành; và nếu chúng ta khiêm tốn đón nhận, mọi sự có thể đổi thay! Những lời Ngài lại làm cho ấm lòng, như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng!”.

Thấy sự thiếu đức tin của các môn đệ và của những người khác, Chúa Giêsu tận dụng hoàn cảnh để khơi dậy đức tin nơi họ. Vì thế, những gì Ngài đã làm cho ba môn đệ ưu tuyển qua cuộc Biến Hình trên núi, thì nay, Ngài làm cho chín vị còn lại ở dưới chân núi! Ngài cho phép họ thất bại để học lấy bài học đức tin; Ngài cũng chất vấn người cha đáng thương, “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể?”. Và Ngài đã ra tay, đứa trẻ hồi sinh; mọi người đều kinh ngạc! Sau đó, Ngài hướng dẫn họ về sự cần thiết của việc cầu nguyện. Rõ ràng, ở đâu không có Chúa Giêsu, ở đó, chỉ có cãi vã và đổ lỗi cho nhau; hay chí ít, đổ lỗi cho Thiên Chúa, chỉ vì Ngài vắng mặt! Thư Giacôbê hôm nay nói, “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan!”.

Anh Chị em,

“Thưa Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi!”. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu chờ đợi! Tiếng kêu thất thanh của người cha là tất cả những gì Chúa Giêsu cần! Người cha đã khẳng định lại đức tin của ông; cùng lúc, thừa nhận sự kém tin của mình. Thật không dễ dàng để chấp nhận mình bất lực trong một thế giới được gọi là “hậu hiện đại” như hôm nay. Thế nhưng, sự hoành hành của Corona đã chứng minh, con người hoàn toàn bất lực trước một con vật ‘gần như’ vô hình. Dẫu thế, nó vẫn được nhìn thấy, nhưng các nhà khoa học vẫn thúc thủ… thì phương chi những loại virus gậm nhấm tâm hồn, chỉ mình Thiên Chúa nhìn thấy, thì ai có thể loại trừ được nó? Không lạ gì, Chúa Giêsu kết luận, “Thứ này chỉ chữa được bằng cầu nguyện và ăn chay!”. Vậy, chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng, cùng với những hy sinh âm thầm, hầu đủ sức chiến thắng những cơn cám dỗ thường ngày, những thói quen cố hữu đang ngày đêm gặm nhấm tâm hồn; chúng đang khiến chúng ta ngày càng xa lìa Thiên Chúa và tách rời anh chị em mình. Không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được! Đó là ‘một sự thật khá bẽ bàng’, nhưng cũng là một chân lý mà chúng ta phải chân nhận.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, bao lần trong cuộc sống, con đã ngu khờ để Chúa đứng đợi ngoài cửa, ‘một sự thật khá bẽ bàng’. Xin cho con biết, con cần Chúa; xin trợ giúp lòng tin yếu kém của con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đám đông Hồi Giáo quá khích ném đá đến chết người đàn ông bị buộc tội báng bổ
Đặng Tự Do
05:35 20/02/2022


Một đám đông cuồng tín đã giết một người đàn ông bị buộc tội đốt các trang trong Kinh Koran. Muhammad Mushtaq bị trói, tra tấn và sau đó bị ném đá đến chết ở quận Khanewal của Punjab vào hôm thứ Bẩy 12 tháng Hai.

Người trông coi một nhà thờ Hồi giáo cho biết anh ta nhìn thấy người đàn ông bên trong tòa nhà đang đốt những trang sách thánh dành cho người Hồi giáo. Trước khi báo cảnh sát, anh đã trình báo sự việc với một số người dân địa phương.

Thanh tra Munawar Hussain của đồn cảnh sát Talumba nói rằng ông đã đệ trình báo cáo thông tin đầu tiên, nhưng nói thêm rằng không thể cứu người đàn ông vì anh ta đã nằm trong tay đám đông giận dữ, những người đã ngăn cảnh sát can thiệp, làm bị thương một số viên chức cảnh sát.

Khi quân tiếp viện đến thì đã quá muộn, viên thanh tra giải thích: người đàn ông đã bị trói vào cây và những kẻ quá khích đã đánh anh ta đến chết trong khi hô các khẩu hiệu Hồi Giáo. Theo một số nhân chứng, trước khi bị bắt, Mushtaq đã bị cảnh sát giam giữ và những kẻ cuồng tín đã lôi anh ta ra ngoài.

Rao Sardar Ali Khan, Tổng thanh tra Punjab, đã yêu cầu văn phòng cảnh sát địa phương ở Multan điều tra toàn diện. Cho đến nay, các cơ quan thực thi pháp luật cho biết họ đã bắt giữ hơn 80 người có liên quan đến vụ ném đá đến chết người này.

Sau khi thi thể được bàn giao cho gia đình tổ chức tang lễ vào hôm Chúa Nhật 13 tháng Hai. Hàng trăm cư dân địa phương đã đến tham dự và dâng lời cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Ghousia. Cư dân làng Bara Chak cũng kể rằng Mushtaq Ahmed đã không ổn định về tinh thần ít nhất 15 năm qua và đôi khi mất tích trong nhiều ngày. “Trước khi bị bệnh tâm thần, anh ấy là một cầu thủ túc cầu tử tế và có nhân cách tốt,” một dân làng cho biết.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết chính phủ của ông “không khoan nhượng đối với bất kỳ ai quyết định đưa công lý về tay mình” và trường hợp này sẽ được “xử lý theo pháp luật”.

Đây không phải là tập đầu tiên mà những kẻ cực đoan đã giết một người đàn ông bị buộc tội báng bổ. Vào tháng 12 tại Sialkot, một người quản lý có quốc tịch Sri Lanka, đã gỡ các áp phích có những câu kinh Koranic khỏi nhà máy nơi anh ta làm việc, và đã bị giết và thi thể của anh ta bị thiêu rụi.
Source:Asia News
 
Kêu gọi Hòa bình ở Ukraine - Bài phát biểu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô
Đặng Tự Do
05:36 20/02/2022


Kêu gọi Hòa bình ở Ukraine - Bài phát biểu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sau Phụng Vụ Thánh vào Chúa Nhật Người Thu Thuế và Người Pharisêu

Chúa Nhật vừa qua, ngày 13 tháng 2, trong khi người Công Giáo trên khắp thế giới cử hành Chúa nhật thứ sáu Mùa Thường Niên, thì các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta cử hành Chúa nhật Chúa Nhật Người Thu Thuế và Người Pharisêu, đó là khởi đầu của Mùa Đại Chay.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã cử hành Phụng vụ Thánh tại Nhà thờ Chính tòa Thánh George của Constantinople. Ông Nedilsky Roman Bogdanovich, Tổng lãnh sự Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham dự sự kiện này.

Trong bài giảng của mình, Thượng phụ Bartholomew đã kêu gọi hòa bình cho Ukraine. Ngài nói:

Thưa ông Tổng lãnh sự đáng kính,

Các con yêu dấu trong Chúa,

Vào Chúa Nhật này, dành riêng cho dụ ngôn Người Thu Thuế và Người Pharisêu, đánh dấu việc bước vào thời kỳ sám hối, ăn chay và cố gắng sống khổ hạnh để chuẩn bị cho Đại Lễ Phục sinh Thánh, chúng ta được kêu gọi hãy nhiệt thành cầu nguyện với tất cả tấm lòng của mình để duy trì hòa bình ở Ukraine. Thật vậy, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở Âu Châu, dẫn đến sự leo thang của các lời lẽ bạo lực và quân sự hóa biên giới giữa Nga và Ukraine, phải bị phản đối một cách quyết liệt. Chúng ta kêu gọi vì hòa bình, ổn định và công lý lâu dài trong khu vực. Hòa bình là vấn đề phải được lựa chọn và phải được chia sẻ bởi tất cả các lực lượng tham gia vào bối cảnh địa chính trị cực kỳ phức tạp và nhạy cảm này. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta là cầu nguyện và đóng góp tích cực vào việc giải quyết một cách hòa bình các tình huống xung đột cũng như tôn trọng và bảo vệ vô điều kiện các quyền và nhân phẩm của con người. Xung đột của con người rất có thể là không thể tránh khỏi trong thế giới sa ngã và tan vỡ này; nhưng chiến tranh và bạo lực chắc chắn phải bị phản đối trong từng thớ thịt của chúng ta.

Người Hy Lạp cổ đại nói về “hòa bình” (“εἰρήνη”) như một điều kiện “vô cùng phong phú và vô cùng to lớn” (“βαθύπλουτος καὶ βαθύκαρπος”). Họ tôn thờ hòa bình như một nữ thần, được miêu tả với con trai Plutos (“Sự giàu có”) trong ngực của cô. Gần với thời đại của chúng ta, Benjamin Franklin nhắc nhở chúng ta rằng “không bao giờ có một cuộc chiến tranh tốt hay một nền hòa bình tồi tệ”. Chiến tranh chỉ có thể xuất hiện ngọt ngào với những ai chưa trải qua nó (“γλυκὺ δὲ πόλεμος ἀπείροισιν”). Thật vậy, nếu chúng ta để cho trái tim và khối óc của mình được tự do thể hiện, không sợ hãi hay cuồng loạn, thì chắc chắn tim óc chúng ta sẽ không ủng hộ chiến tranh, nhưng sẽ dứt khoát ca ngợi hòa bình.

Chúng ta tin chắc rằng không có giải pháp nào có thể để gìn giữ và bảo đảm hòa bình ngoài con đường đối thoại, ngoài giải pháp xóa bỏ các điều kiện dẫn đến bạo lực và chiến tranh. Hòa bình đến từ sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau. Trong một môi trường ngày càng gia tăng bất ổn liên quan đến các vấn đề của con người, lời Giáo Hội phải là một thông điệp rõ ràng về hòa giải và hòa bình, về tình yêu và công lý, về tình anh em và tình liên đới.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan theo đuổi con đường đối thoại này và tôn trọng luật pháp quốc tế, nhằm chấm dứt xung đột và cho phép tất cả người dân Ukraine chung sống hòa thuận. Vũ khí không phải là giải pháp. Ngược lại, chúng chỉ có thể hứa hẹn chiến tranh và bạo lực, đau buồn và chết chóc. Như người anh em yêu quý của chúng ta là Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng của Rôma, gần đây đã nói: “Chúng ta đừng quên chiến tranh là sự điên rồ”. Tất cả các thừa tác viên của Giáo Hội, tất cả những người đại diện cho các truyền thống tôn giáo, tất cả những người có chức quyền, tất cả những người thiện chí, mỗi người trong chúng ta, nên kêu gọi một giải pháp hòa bình đối với sự leo thang nguy hiểm này bằng lời nói và các phương tiện đang đè nặng lên đầu của người dân Ukraine. Im lặng và thờ ơ không phải là một lựa chọn. Không có hòa bình nếu không có sự cảnh giác thường xuyên. Do đó, tất cả chúng ta đều được kêu gọi “cam kết” với hòa bình, có nghĩa là, được mời gọi tham gia cuộc đấu tranh vĩnh viễn để thành lập và bảo vệ nó.

Cầu xin Thần tình yêu và hòa bình ban phước lành cho tất cả anh chị em!


Source:ilsismografo.blogspot.com
 
Tổng giám mục San Salvador lo ngại về những vụ mất tích và những ngôi mộ bí mật
Đặng Tự Do
05:37 20/02/2022


Đối với Tổng giám mục San Salvador, José Luis Escobar Alas, tình trạng người dân mất tích và việc phát hiện ra những ngôi mộ bí mật trong nước là những tình huống gây lo ngại, vì vậy ngài kêu gọi chính phủ tìm ra giải pháp cho những vấn đề này.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Việc phát hiện ra những ngôi mộ bí mật này khiến tất cả chúng ta rúng động, nó khiến chúng ta lo lắng rất nhiều và nó liên quan đến những người đã đột nhiên biến mất. Chúng ta phải cảnh giác, chính quyền đang có một thách thức lớn là phải kiểm soát được tình hình, nhưng xã hội dân sự cũng có trách nhiệm liên hệ với chính quyền để thông báo về những bất thường và mọi việc có thể khắc phục được.”

Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas cũng bày tỏ tình đoàn kết của Giáo Hội Công Giáo với thân nhân của các nạn nhân, những người nhiều lần hy vọng tìm thấy người thân của họ còn sống, nhưng một số người, cuối cùng lại thấy thân nhân mình trong các ngôi mộ, chẳng hạn như trong các ngôi mộ được khai quật gần đây ở El Paisnal, Nuevo Cuscatlán hoặc Colón, nơi hàng chục nạn nhân đã được tìm thấy.

“Thực tế là nhiều người đã biến mất là điều đáng lo ngại và khi chúng ta thấy họ được chôn trong một ngôi mộ tập thể, thì mối quan tâm đó càng lớn hơn, và càng đau lòng hơn”.

Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas kêu gọi các gia đình tiếp cận các cơ sở để báo cáo những trường hợp này, ngoài việc nhắc lại yêu cầu rằng chính quyền Salvador phải điều tra và giải quyết các trường hợp công dân mất tích với sự minh bạch cao nhất.

“Các nhà chức trách đang bị thách thức. Điều này giống như một nút màu đỏ trên bảng điều khiển, một lời cảnh báo, một mối quan tâm để điều này không xảy ra một lần nữa.”

Trong cuộc hội thảo với giới truyền thông, Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas cũng tuyên bố rằng những cải cách về lương hưu, được chính phủ Salvador công bố vài tháng trước, phải chú ý đến việc mang lại lợi ích cho người lao động.

“Hệ thống phải vì lợi ích của người lao động, do đó, việc cải cách luật lương hưu mà thôi thì không đủ, chúng ta cần một hệ thống mới, không phải chỉ canh cải sơ sài nhưng là đổi mới hoàn toàn nó và phải thực sự mang lại lợi ích cho người lao động. Cho đến nay, những gì chúng ta đã thấy là các bên thứ ba được hưởng lợi, những người hưởng lợi phần lớn là các công ty quản lý.”

Ngài cũng kêu gọi các thương gia và nhà sản xuất không lợi dụng giá nhiên liệu cao để tăng giá sản phẩm gây thêm khó khăn cho đời sống người lao động vốn đã lao đao vì đại dịch coronavirus.


Source:contrapunto.com.sv
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Hai, 2022
Đặng Tự Do
06:56 20/02/2022
Chúa Nhật 20 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 7 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng thương xót.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ ngày hôm nay, Chúa Giêsu cho các môn đệ một số chỉ dẫn căn bản về cuộc sống. Chúa đề cập đến những tình huống khó khăn nhất, những tình huống thử thách đối với chúng ta, những tình huống đặt chúng ta trước những kẻ thù và những người chống lại chúng ta, những kẻ luôn cố gắng làm hại chúng ta. Trong những trường hợp này, người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi không nhượng bộ bản năng và hận thù, nhưng hãy đi xa hơn, xa hơn nhiều. Vượt lên trên bản năng, vượt lên trên hận thù. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6:27). Và cụ thể hơn nữa: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (câu 29). Khi chúng ta nghe điều này, đối với chúng ta, dường như Chúa đang yêu cầu điều không thể. Hơn nữa, tại sao lại yêu kẻ thù? Nếu anh chị em không phản ứng với những kẻ bắt nạt, mọi hành vi lạm dụng đều được bật đèn xanh, và điều này là không công bằng. Nhưng nó có thực sự như vậy không? Chúa có thực sự đòi hỏi chúng ta những điều không thể, và quả thật là bất công không? Lẽ nào lại như vậy sao?

Trước tiên, chúng ta hãy xem xét cảm giác bất công mà chúng ta cảm thấy khi “giơ cả má bên kia nữa”. Và chúng ta hãy nghĩ về Chúa Giêsu. Trong cuộc thương khó, trong lần xét xử bất công trước mặt thầy thượng tế, một lúc nào đó, Chúa Giêsu nhận được một cái tát vào mặt từ một tên lính canh. Và Ngài cư xử như thế nào? Ngài không xúc phạm anh ta, không, nhưng Ngài nói với người lính canh: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Ngài yêu cầu một lý do cho cái ác đã nhận được. Giơ cả má bên kia nữa không có nghĩa là chịu đựng trong im lặng, chịu thua bất công. Với câu hỏi của mình, Chúa Giêsu tố cáo những gì là bất công. Nhưng Ngài làm điều đó mà không tức giận, không bạo lực, thực sự với lòng tốt. Ngài không muốn gây ra một cuộc tranh cãi, nhưng muốn xoa dịu sự phẫn uất, và điều này rất quan trọng: cùng nhau dập tắt hận thù và bất công, cố gắng phục hồi người anh em tội lỗi. Điều này không dễ dàng, nhưng Chúa Giêsu đã làm được và Ngài bảo chúng ta cũng phải làm. Giơ cả má bên kia nữa là như thế: sự hiền lành của Chúa Giêsu là một phản ứng mạnh mẽ hơn so với cú đánh mà Ngài đã phải nhận. Giơ cả má bên kia nữa không phải là hành động thối lui của kẻ thất bại, mà là hành động của một người có nội lực lớn hơn. Giơ cả má bên kia nữa là để chiến thắng cái ác bằng điều thiện, điều này mở ra một lỗ hổng trong lòng kẻ thù, vạch trần sự vô lý trong lòng căm thù của hắn. Và thái độ này, thái độ giơ cả má bên kia nữa, không phải do tính toán hay hận thù sai khiến mà bởi tình yêu. Anh chị em thân mến, chính tình yêu thương nhưng không và không mong đền đáp mà chúng ta nhận được từ Chúa Giêsu đã tạo ra trong trái tim một cách làm tương tự như Ngài, là từ chối mọi sự trả thù. Chúng ta đã quá quen với luận lý trả thù: “Ngươi đã làm thế này với ta, ta sẽ làm như vậy với ngươi”, hoặc mang trong mình mối hận thù, oán hận làm hại, hủy hoại con người.

Chúng ta đi đến sự phản đối khác: liệu một người có thể yêu kẻ thù của mình không? Nếu chỉ phụ thuộc vào chúng ta thì điều đó là không thể. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng khi Chúa yêu cầu một điều gì đó, thì Ngài cũng ban cho chúng ta ân sủng để làm được điều đó. Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta một điều gì đó trước khi Ngài ban cho chúng ta ân sủng cần thiết. Khi Người nói với tôi rằng hãy yêu kẻ thù, Người muốn ban cho tôi khả năng để có thể làm như vậy. Nếu không có khả năng đó thì chúng ta không thể, nhưng Ngài nói với anh chị em “Hãy yêu kẻ thù” và Ngài ban cho anh chị em khả năng để yêu. Thánh Augustinô đã cầu nguyện theo cách này - hãy lắng nghe lời cầu nguyện đẹp đẽ này: Lạy Chúa, “hãy ban cho con những huấn lệnh của Ngài, và truyền cho con những gì Ngài muốn” (Tự Thú, X, 29,40), bởi vì Chúa đã ban điều đó cho con. Chúng ta nên xin Chúa những gì? Chúa vui khi ban cho chúng ta điều gì? Thưa: Sức mạnh để yêu, vì đó không phải là một sự vật, mà là Chúa Thánh Thần. Sức mạnh để yêu thương là Chúa Thánh Linh, và với Thánh Linh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đáp lại điều ác bằng điều thiện, chúng ta có thể yêu những người làm hại chúng ta. Đây là những gì Kitô Hữu làm. Thật đáng buồn biết bao, khi có những dân tộc và con người tự hào là Kitô lại coi người khác là kẻ thù và nghĩ đến chuyện gây chiến với nhau! Thật đáng buồn.

Còn chúng ta, chúng ta có cố gắng sống theo những lời mời gọi của Chúa Giêsu không? Hãy nghĩ về một người đã làm tổn thương chúng ta. Mọi người đều có ai đó vướng bận trong tâm trí mình. Thông thường, chúng ta đã bị ai đó làm hại, chúng ta nghĩ về người đó. Có thể có một mối hận thù trong chúng ta. Vì vậy, với người gây đau khổ cho chúng ta này, chúng ta hãy đặt hình ảnh của Chúa Giêsu, hiền lành, ngay trong thử thách, sau cái tát. Và sau đó chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn chúng ta. Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho người đó: cầu nguyện cho những người đã hại chúng ta (x. Lc 6:28). Khi có ai đó làm điều gì xấu với chúng ta, chúng ta ngay lập tức đi nói với người khác và chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân. Chúng ta hãy dừng lại, và cầu nguyện cùng Chúa cho người đó, hãy giúp anh ta, và vì vậy cảm giác bực bội này biến mất. Cầu nguyện cho những người đã đối xử tệ với chúng ta là điều đầu tiên để chuyển hóa điều ác thành điều tốt, điều tốt ấy là lời cầu nguyện. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những người hòa bình đối với mọi người, đặc biệt là đối với những người thù địch và không thích chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến

Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người dân bị lũ lụt tàn phá trong những ngày gần đây, tôi đang nghĩ đến vùng đông nam Madagascar, nơi bị ảnh hưởng bởi một loạt cơn lốc xoáy và khu vực Petropolis ở Brazil, bị tàn phá bởi lũ lụt và lở đất. Xin Chúa đón nhận những người đã chết vào chốn bình an, an ủi những người thân trong gia đình họ và nâng đỡ những ai đang hoạn nạn.

Hôm nay là Ngày Quốc Gia các nhân viên y tế, và chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, những người tình nguyện gần gũi người bệnh, chữa bệnh cho họ, giúp họ khỏi bệnh, giúp đỡ họ. Chủ đề chính trong chương trình “Theo Hình Ảnh Ngài” ngày hôm nay là “Không ai cứu được chính mình”. Và trong cơn đau ốm, chúng ta cần một ai đó để cứu chúng ta, để giúp chúng ta. Sáng nay, một bác sĩ nói với tôi rằng một người sắp chết vào thời Covid đã nói với anh ta: “Hãy nắm lấy tay tôi, tôi đang hấp hối và tôi cần bàn tay của anh”. Các nhân viên y tế anh hùng, những người đã thể hiện sự anh dũng này trong thời gian Covid, nhưng sự anh hùng vẫn còn mỗi ngày. Xin gửi tới các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, anh chị em tình nguyện viên một tràng pháo tay và lời cảm ơn trân trọng!

Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác nhau.

Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của Madrid, Segovia, Burgos và Valladolid, ở Tây Ban Nha - rất nhiều người Tây Ban Nha ở đây! - cũng như giáo xứ Santa Francesca Cabrini ở Rôma và các sinh viên của Viện Thánh Tâm Barletta.

Tôi chào và khuyến khích nhóm “Progetto Arca”, nhóm này trong những ngày gần đây đã bắt đầu hoạt động xã hội ở Rôma, để giúp đỡ những người vô gia cư. Và chào các con cái của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thật ngoan!

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Thế vận hội mùa đông vùa kết thúc: Dù bị ung thư, Maxence Parrot đã giành được huy chương vàng và đồng ở Thế Vận Mùa Đông 2022
Thanh Quảng sdb
15:59 20/02/2022
Thế vận hội mùa đông vùa kết thúc: Dù bị ung thư, Maxence Parrot đã giành được huy chương vàng và đồng ở Thế Vận Mùa Đông 2022

Aleteia - Louis du Bosnet

Maxence Parrot chia sẻ "Tôi từng coi mọi thứ là điều tự nhiên nhưng không... Nhưng bây giờ thì không; tôi trân trọng từng khoảnh khắc cuộc sống hơn gấp năm lần!”

Ba năm trước, anh đã bị liệt giường, căn bệnh ung thư đã làm tiêu tan sức lực, không còn một cơ thể cường tráng, tim mạch rối loạn... Đó là thời gian khó khăn nhất của cuộc đời tôi. Nhưng ba năm sau, tôi lại có mặt tại Thế vận hội, vì đam mê, tôi đã tham dự các cuộc tranh tài như tôi đã từng tham dự và mơ ước và tôi đã giành được huy chương vàng một cách không tưởng tượng được!”

Những lời nói đó của Maxence Parrot, một vận động viên Olympic của Quebec, Canada, đã gây được tiếng vang mạnh mẽ ảnh hưởng tới nhiều người. Sau khi thắng vượt được căn bệnh ung thư máu, nhà vô địch Olympic đã giành được huy chương vàng tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh ở môn trượt ván vào thứ Hai ngày 7/2/2022.

Anh chia sẻ sau chiến thắng: “Từ bỏ không bao giờ là một lựa chọn. Trở lại thi đấu trong các Thế vận Hội thực sự là một nguồn động lực to lớn giúp tôi thắng vượt được căn bệnh ung thư hiểm nghèo!”

Parrot cũng đạt được huy chương đồng trong bộ môn bay lộn trên không...

Cuộc sống của anh bước sang một bước ngoặt không lâu trước Giáng sinh năm 2018, sau khi các bác sĩ chuẩn đoán anh bị mắc chứng ung thư hạch Hodgkin, một loại ung thư hiếm gặp về máu, hủy bạch cầu. Sau đó, anh Maxence Parrot đã bắt đầu một cuộc chữa trị kê-mô kéo dài sáu tháng, trong thời gian đó anh ta đã trải qua quá trình điều trị ngặt nghèo, 12 lần hóa trị, may mắn cuối cùng anh đã được chữa lành, dù cơ thể của anh bị bạc nhược và kiệt sức!...

Anh chia sẻ với tờ L’Équipe: “Đối diện với căn bệnh ung thư, khiến tôi nhận ra rằng cuộc sống là một hồng ân, được sống cho những ước mơ như thể thao và du lịch đây kia... Tôi đã từng coi những thứ đó như là điều hiển nhiên nhưng không... Nhưng bây giờ thì không; tôi trân trọng mọi khoảnh khắc của cuộc sống tôi hơn gấp năm lần.”

Chín tháng sau khi thông báo về căn bệnh ung thư của mình, vào ngày 31 tháng 8 năm 2019, Parrot "Max" đã trở lại với các môn thể thao tuyết, đó là chìa khóa giúp anh giành được các chiến thắng tại các lần thi đấu tại Thế Vận Hội Mùa Dông thủ đô Oslo và năm 2021, anh lại giành được huy chương bạc của môn vô địch nhào lộn trên không tại Thế vận hội được tổ chức tại Aspen (Colorado, Hoa kỳ).

“Trong hai Thế Vận Hội Mùa Đông gần đây, tôi rất căng thẳng lo lắng rất nhiều. Tôi đã tự nhủ tôi sẽ không tham dự Thế vận hội tới này nữa, thậm chí ngay cả mấy tháng trước đây… Nhưng một hối thúc của đam mê khiến tôi lại tham gia... Anh đã chia sẻ với hãng National Post rằng: “Những gì xảy ra cho tôi là bằng chứng cho thấy mọi sự đều có thể xảy ra, bạn đừng bao giờ bỏ cuộc!”
 
Hơn 800 cuộc tấn công bài Kitô Giáo ở Pháp trong năm 2021
Đặng Tự Do
17:17 20/02/2022


Các nhà điều tra cho đến nay đã xác định được tổng cộng 1,659 hành vi chống tôn giáo ở Pháp vào năm 2021, với 857 trường hợp liên quan đến Kitô Giáo, 589 đến Do Thái giáo và 213 liên quan đến Hồi giáo.

Các số liệu tạm thời được công bố vào ngày 10 tháng 2 như một phần của cuộc nghiên cứu đang diễn ra về các hành vi chống tôn giáo ở quốc gia Tây Âu, có dân số 67 triệu người.

Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix đã đưa tin về các số liệu thống kê liên quan đến các hành vi chống tôn giáo sau đánh giá ban đầu vào tháng 12 năm ngoái của Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin.

Thủ tướng Jean Castex đã yêu cầu hai thành viên quốc hội Pháp Isabelle Florennes và Ludovic Mendes điều tra các vụ việc chống tôn giáo. Họ dự kiến sẽ nộp báo cáo cuối cùng vào tháng 3, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, sau khi tiến hành các cuộc điều trần và các chuyến đi thực tế.

Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 48% dân số Pháp được xác định là Công Giáo, 4% theo đạo Hồi và 1% là người Do Thái, với 34% mô tả bản thân là không có tôn giáo. Nhưng các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ người theo đạo Hồi cao hơn.

Pháp đôi khi được mô tả là “trưởng nữ của Giáo Hội Công Giáo” bởi vì Vua Frank Frank Đệ Nhất đã theo Công Giáo vào năm 496.

Các nhà thờ Công Giáo thường xuyên là mục tiêu của những kẻ phá hoại. Tổ chức Observatoire de la christianophobie có trụ sở tại Paris ghi chép cẩn thận các hành vi bài Kitô Giáo.

Năm ngoái đã chứng kiến hai vụ việc được báo cáo rộng rãi liên quan đến người Công Giáo. Vào tháng 8 năm 2021, linh mục Công Giáo, Cha Olivier Maire bị sát hại tại Saint-Laurent-sur-Sèvre, một xã thuộc vùng Vendée, miền Tây nước Pháp.

Vào tháng 12 năm 2021, những người Công Giáo tham gia cuộc rước kiệu kính Đức Mẹ ở ngoại ô phía tây Paris đã bị đe dọa.

Pháp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây. Một số đã nhắm mục tiêu cụ thể đến người Công Giáo.

Năm 2016, Cha Jacques Hamel bị những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo giết chết trong thánh lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, miền bắc nước Pháp.

Một phần tử Hồi giáo đã giết ba người tại Vương cung thánh đường Đức Bà Nice vào năm 2020.

Bộ Nội vụ Pháp đã ghi nhận 996 hành động chống đối Kitô giáo vào năm 2019 - trung bình là 2.7 vụ mỗi ngày.

Gérald Darmanin cho rằng vào tháng 12, các hành vi chống tôn giáo đã giảm 17.2% vào năm 2021 so với năm 2019.
Source:Catholic News Agency
 
Giám Tỉnh Dòng Tên Á Căn Đình: Đức Thánh Cha bị hiểu lầm và bị chỉ trích tại quê hương của ngài
Đặng Tự Do
17:18 20/02/2022


Inés San Martín là người Á Căn Đình, đồng hương của Đức Thánh Cha Phanxicô, và là trưởng ban thông tín viên của tờ Crux tại Rôma. Cô vừa có bài viết nhan đề “Argentine Jesuit provincial says Francis has been ‘coopted’ by politics of hate”, nghĩa là “Cha Giám Tỉnh Dòng Tên Á Căn Đình cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô bị ‘mắc kẹt’ trong chính trị thù hận”. Đức Phanxicô bị hiểu lầm và bị chỉ trích dữ dội ở quê hương của ngài.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cha Rafael Velasco, người hiện là Giám Tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình, cho biết, quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang trở nên “bệnh hoạn vì hận thù” và hậu quả là hình bóng và thông điệp của Đức Thánh Cha đã bị cô lập.

“Cuộc khủng hoảng của chúng ta không chỉ về chính trị, xã hội và kinh tế; nhưng bao gồm cả tâm linh”, Cha Velasco nói. “Linh hồn của dân tộc đang trở nên ốm yếu, có thể nói như thế. Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng phải tính đến yếu tố tâm hồn - tinh thần: đó là sự thù hận mà chúng ta đang tự gieo rắc vào mình”.

Nói chuyện với Crux ngay sau khi 24 thanh niên Á Căn Đình chết sau khi dùng cocaine bị nhiễm độc, Cha Giám Tỉnh Dòng Tên nói rằng ngừng căm ghét là một quyết định trước tiên phải được thực hiện ở cấp độ cá nhân, sau đó được chuyển thành một quyết định chính trị.

Ngài nói: “Khi tin tức về những người này, những nghiện ma túy bất hợp pháp, chết vì độc dược, nhiều người đã phản ứng rằng ‘hãy để họ tự giết chính mình, đáng đời mấy cái thằng faloperos’”. Faloperos là một loại rượu nhẹ được sử dụng ở Á Căn Đình dành cho những người nghiện ma túy.

Cha Velasco tin rằng có một “vi khí hậu” trong giới lãnh đạo của Á Căn Đình. Vi khí hậu - “microclimate” là thuật ngữ chỉ tình trạng một thiểu số sống trong hoàn cảnh tách biệt với khí hậu chung của đất nước. Cha Velasco nhận xét rằng hàng lãnh đạo Á Căn Đình ngày nay sống trong một bầu không khí thoải mái sang giàu tách biệt với bầu khí chung của dân chúng, điều đó đơn giản không đại diện cho phần lớn dân số của đất nước, những người hiện đang sống dưới mức nghèo khổ.

“Có một câu nói sáo rỗng ở khu vực trung lưu và thượng lưu rằng người nghèo dường như chỉ muốn sống mà không cần làm việc, rằng họ là những người nghiện ma túy và sống nhờ vào phúc lợi, và điều này không phải như vậy,” ngài nói và nhanh chóng nói thêm rằng ngài không phải là một pobrista, tức là một người muốn cho người nghèo vẫn nghèo, trong khi gần như thần tượng hóa hoàn cảnh khốn cùng của họ.

Pobrista là một thuật ngữ hiện đang được sử dụng ở Á Căn Đình để tấn công Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một số người trong phe đối lập cáo buộc Giáo Hoàng muốn đất nước “vẫn còn nghèo” và đây là lý do tại sao ngài là “Kirchnerista”, ám chỉ đảng cánh tả đã thống trị trong hầu hết 20 năm qua.

“Và nếu bạn cố gắng lên tiếng cho người nghèo, nếu bạn nói về những người đang phải vất vả thoát ra khỏi ma túy như những người có phẩm giá bình đẳng với tất cả mọi người bởi vì họ được tạo ra giống Chúa, thì bạn bị dán nhãn là Kirchnerista hoặc pobrista”, Cha Velasco nói.

Vấn đề không chỉ nằm ở cách giải thích “sai lầm” mà phe đối lập đưa ra về thông điệp của Đức Phanxicô, mà còn ở sự mô tả sai lầm của những người trong chính phủ. Các thành viên chính phủ “đánh trống, giới thiệu Đức Phanxicô như một người khác không phải là ngài, và thông điệp của ngài như một cái gì đó khác không phải ý Đức Phanxicô muốn nói.”

Cha Giám Tỉnh Dòng Tên thừa nhận rằng nhiều người ở Á Căn Đình chưa bao giờ nghe Đức Giáo Hoàng nói về tầm quan trọng của việc nộp thuế - và việc nhà nước phải sử dụng tiền thuế dân một cách minh bạch - cũng như về phẩm giá của công ăn việc làm. Họ càng ít được nghe nói đến những lời hô hào “chống tham nhũng trong chính trị” của Đức Phanxicô bởi vì, cả hai bên của “ranh giới thù hận” không cố gắng thực hiện một nền chính trị trung thực.

Cha Velasco nói: “Trong những thời điểm này, người ta cáo buộc đang có trò lợi dụng chính trị trên lưng người nghèo. Bây giờ, chúng ta hãy giả sử rằng trên thực tế, có những tổ chức lợi dụng chính trị người nghèo. Tuy nhiên, điều này không làm cho vấn đề cơ bản biến mất: Quá nhiều người thiếu cơ hội và không được tiếp cận với các quyền cơ bản, chẳng hạn như giáo dục, y tế, nước sinh hoạt và điện”.

Cha Giám Tỉnh Dòng Tên nói rằng Đức Giáo Hoàng cũng bị chính trị hóa theo cách này.

“Khi Đức Phanxicô nói về quyền phổ quát đối với đất đai, mái nhà và công ăn việc làm, đối với nhiều người, Đức Thánh Cha Phanxicô không khác gì một tên cướp nông thôn. Nhưng thực ra, Đức Thánh Cha đang chỉ ra ba quyền cơ bản mà nhiều người dân ngày nay không được tiếp cận.”

Cha Velasco là Giám Tỉnh Dòng Tên của cả Á Căn Đình và Uruguay. Được tái cấu trúc cách đây 12 năm, tỉnh dòng có khoảng 150 thành viên, hàng chục trường học, trung tâm tĩnh tâm, trường đại học và một số Hogares de Cristo, tức là một mạng lưới gồm hơn 200 trung tâm do Giáo Hội điều hành để giúp mọi người chống lại chứng nghiện ma túy. Hầu hết các trung tâm này đều nằm trong các khu ổ chuột hoặc ở những vùng nghèo khó của đất nước. Chúng được tạo ra bởi Đức Hồng Y Bergoglio, trước khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Khi nói đến “hình bóng” của Đức Phanxicô, người từng là giám tỉnh của Dòng Tên ở Á Căn Đình từ năm 1973 đến năm 1979, Cha Velasco tin rằng hình ảnh của Đức Phanxicô ngày nay “bị cô lập trong hận thù”. Những người ban đầu ca ngợi ngài đã làm như vậy vì họ tin rằng ngài ghét gia đình Kirchner, nhưng khi họ thấy Giáo Hoàng chào đón tổng thống lúc bấy giờ là bà Cristina Fernández de Kirchner, “họ bắt đầu ghét ngài,” vị tu sĩ Dòng Tên nói. Và ngược lại: Những người ban đầu ghét ngài đã hiểu sai những cử chỉ của ngài rồi sau đó tin rằng Đức Phanxicô là một người cộng sản - “và xem điều này là tốt”.

Cha Velasco nói rằng cả hai phe của sự phân cực chính trị ở Á Căn Đình đều tin rằng Đức Phanxicô là một người cộng sản. Và các phương tiện truyền thông đã đóng vai trò của mình, trong việc thuyết phục những người này và những người khác, rằng họ rất đúng khi tin như thế.

Việc Đức Giáo Hoàng vẫn chưa về thăm quê hương cũng không giúp ích được gì: “Những người ủng hộ ngài, đã hết cách để giải thích, và họ cũng vỡ mộng.”

Về lý do tại sao ngài không về quê hương, Cha Velasco nói rằng đây là điều mà ngài chưa bao giờ hỏi Đức Phanxicô - và hai vị đã gặp nhau vào đầu năm nay, trong một hội nghị thượng đỉnh của các tỉnh Dòng Tên ở Rôma - nhưng ngài nghĩ đó là vì “Đức Phanxicô không tin rằng chuyến thăm của ngài sẽ giúp được Á Căn Đình cách nào đó”.

“Bất cứ khi nào ngài đi tông du, đó là vì ngài nghĩ rằng ngài có thể giúp đỡ theo một cách nào đó, nhưng ở đây không ai sẽ lắng nghe bất cứ điều gì ngài nói, nhưng chỉ tập trung vào vấn đề là ngài chụp ảnh với ai hay đã trao chuỗi tràng hạt cho ai”
Source:Crux

 
Văn Hóa
Vô tín ngưỡng, thuốc phiện ngu dân
Vũ Văn An
20:41 20/02/2022


Người ta thường nghe nói “tôn giáo là thuốc phiện ngu dân”, riêng Kurt Hofer nói ngược lại, ông viết “Unbelief, the Opiate of the Masses” (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2022/02/unbelief-the-opiate-of-the-masses).

“Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng”. Chỉ trong một cụm từ ngắn gọn, Marx đã tạo ra một cương lĩnh cho cánh tả thế tục. Thuốc phiện, tất nhiên, là ma tuý của những người nghiện; người nghiện không thể nhìn quá sự phụ thuộc vào hóa chất của họ. Nhưng nếu họ tự nhốt mình trong phòng và đối diện với sự thật toát mồ hôi lạnh, những người nghiện có thể được giải thoát khỏi sự phiền não của họ. Bức màn của sự thiếu hiểu biết che mắt phán đoán của họ sẽ bị xé nát. Sự tỉnh táo duy lý sẽ cứu họ.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu vô tôn giáo chính là thuốc phiện thực sự của quần chúng — điều gì sẽ xảy ra nếu việc vô tín ngưỡng là thuốc giảm căng thẳng thần kinh (valium) cho những người tự tuyên bố là dũng cảm?

Chủ nghĩa tự do chính trị hiện đại có thể đã bắt nguồn từ các nhân vật như Michel de Montaigne và Blaise Pascal. Cuộc đấu tranh biện chứng vĩ đại giữa lý trí và đức tin, những niềm vui tức thời và hạnh phúc vĩnh cửu, đã có trước Mác hàng thế kỷ, thậm chí cả chủ nghĩa thế tục của Phong trào Ánh sáng.

Bởi vì nước Pháp thế kỷ mười sáu vốn bị khuấy động bởi sự đổ máu phe phái, nên Montaigne, tuy không bao giờ chính thức từ bỏ đức tin của mình, đã quả quyết rằng nguyên tắc hướng dẫn đời sống trong lĩnh vực công cộng phải là “sự hài lòng nội tại” — nghĩa là, theo đuổi các thú vui. Tất cả mọi người đều phải trở thành một người có sở thích hoặc một kẻ ăn chơi tài tử, đừng bao giờ quá quan trọng hóa bản thân và nên nhẩy từ thú vui này sang thú vui nọ. Nếu chủ nghĩa nhân bản thời Phục hưng ở thế kỷ XVI, ở một khía cạnh nào đó, là một cuộc chạy đua khô khan đối với chủ nghĩa duy vật lịch sử vốn thống trị tư tưởng cận đại, thì văn học và nghệ thuật Baroque thế kỷ XVII, về nhiều mặt, là tiền thân của cuộc phục hưng tôn giáo lãng mạn vĩ đại vào đầu thế kỷ XIX, đang có tiếng vang thời nay.

Pascal nổi tiếng trong mắt người cận đại với luận điểm “đánh cuộc” của ông - tức là đặt cược vào Thiên Chúa, bạn không có gì để thua trái lại có mọi thứ để thắng. Nhưng suy nghĩ của Pascal còn nhiều điều hơn thế. "Cuộc đánh cược" mang tính triết học lớn hơn của Pascal không chỉ là chúng ta nên đặt cược vào Chúa, mà cuối cùng, còn là các suy nghĩ về vĩnh cửu – bất luận là cuộc sống vĩnh hằng hay hư vô vô tận – là những điều không thể tránh khỏi, cho dù chúng ta cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng cách giải trí đến đâu.

Pascal nói với chúng ta trong “Lá thư để tìm kiếm Thiên Chúa xa hơn”, “Chúng ta không cần một linh hồn được thăng hoa cao cả mới hiểu rằng ở đời này không có sự thỏa mãn thực sự và vững chắc; mọi thú vui của chúng ta chỉ là phù vân”.

Trong cùng một lá thư, ông tiếp tục mô tả hai loại người vô thần: những người tìm kiếm thực sự, chúng ta có thể gọi họ như thế, và những người dung túng thuốc phiện vô tín ngưỡng thiếu suy nghĩ:

“Sự bất tử của linh hồn là một điều rất quan trọng đối với chúng ta, một điều chạm vào chúng ta một cách sâu xa, đến nỗi chúng ta phải mất hết cảm giác mới có thể thờ ơ đối với việc biết các sự kiện của sự việc.... Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu và nhiệm vụ chính của chúng ta là trở nên giác ngộ về chủ đề này, mà tất cả các hành vi của chúng ta đều phụ thuộc vào đó. Và đó là lý do tại sao, đối với những người không bị thuyết phục, tôi phân biệt rõ ràng giữa những người cố gắng hết khả năng của họ để thông tri cho bản thân và những người sống mà không hề bị vấn vương hay suy nghĩ về nó”.

Trong một thế giới mà bạn có thể đặt mua ma túy trao tận cửa nhà bạn và truy cập văn hóa khiêu dâm từ điện thoại thông minh của bạn, liệu bạn có còn hoài nghi gì về loại vô thần trên thực tế của xã hội ngày nay hay không? Há xã hội nói chung của chúng ta đã không mù chữ về tôn giáo, hay “thờ ơ” theo cách nói của Pascal, đối với các lập luận như của Thánh Tôma Aquinô trong cuốn Summa Theologica [Tổng luận Thần học] của ngài nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa đó sao? Chữ tiếng Pháp divertissement, có nghĩa entertainment (giải trí) trong tiếng Anh, cũng có gốc Latinh là “diversio” (chuyển hướng); "Quay đi, chuyển hướng, đi đường vòng, lạc đề."

Vô tín ngưỡng là thuốc phiện thực sự của quần chúng. Bằng cách dấn thân vào các thú vui đa dạng, chúng ta thực sự đang rút chân ra; tất cả chúng ta đều là những người nhất thời lao vào chứng nghiện mà các hình thức giải trí lặt vặt, từ chạy bộ đến sử dụng ma túy, mang lại cho chúng ta.

Mỗi khi mở ly bia vào chiều thứ sáu, tôi nhận ra Montaigne trong chính mình; và mỗi khi thức trắng đêm vì lo lắng, tôi hình dung Các Suy tưởng của Pascal, những suy tư vốn dày vò ông, đã trở thành của tôi.

Có lẽ đã đến lúc cần thay đổi mô hình trong cách chúng ta suy nghĩ về Thiên Chúa ở phương Tây thế tục hiện đại. Sau hai thế kỷ, trong đó tôn giáo đã được nhiều người coi là “thuốc phiện của quần chúng”, nay đã đến lúc bắt đầu phải tăng áp lực đối với những người theo thuyết bất khả tri và vô thần thoải mái. Sự lười biếng tri thức là bệnh của họ. Như Pascal nói: “Chúng ta nên suy gẫm... và sau đó nói xem có phải điều tốt đẹp duy nhất đời này hệ ở niềm hy vọng ở đời sau".
 
VietCatholic TV
Bàng hoàng vụ Cha Giuse Thanh, Mỹ đưa VN vào danh sách CPC. ĐHY Marc Ouellet bàn về chức tư tế
VietCatholic Media
05:29 20/02/2022

1. Phản ứng đối với việc giết hại linh mục: Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC
Việt Nam vừa bị Ủy ban Tự Do Tôn Giáo của Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ định là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Báo cáo của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo của Quốc Hội Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, cho biết cuộc đàn áp của chính phủ ở Việt Nam “tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt mà các nhóm tôn giáo độc lập với nhà cầm quyền phải đối mặt”

Vì thế, Việt Nam đã bị USCIRF đưa vào danh sách các “Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt”,, gọi tắt là CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

“Vào năm 2021, các vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn ở Việt Nam”. Trong báo cáo về Tình trạng Tự do Tôn giáo ở Việt Nam vừa được công bố, USCIRF đã cho biết.

Bản cập nhật của USCIRF cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm qua.

Báo cáo cho biết mặc dù có “các cải tiến đáng kể so với pháp lệnh tôn giáo trước đây,” vụ giết hại một linh mục tại Kon Tum cho thấy luật tín ngưỡng và tôn giáo năm 2018 của nước này “vẫn còn hạn chế về bản chất và bị cản trở bởi việc áp dụng không đồng đều và thiếu nhất quán trong cả nước.”

Báo cáo nhấn mạnh rằng: “Ngoài ra, các nhà chức trách tiếp tục bắt các tín hữu và những người ủng hộ tự do tôn giáo phải ngồi tù dài hạn và một số người cho biết sức khỏe ngày càng xấu đi do liên tục bị ngược đãi và hành hạ trong tù”.

USCIRF là một tổ chức chính phủ liên bang độc lập, lưỡng đảng do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập để giám sát, phân tích và báo cáo về tự do tôn giáo ở nước ngoài.

Báo cáo cho biết chính quyền tiếp tục tích cực đàn áp các cộng đồng thiểu số tôn giáo độc lập, bao gồm cả người Hmong và người Thượng theo đạo Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tín đồ Cao Đài, Công Giáo và các viên Pháp Luân Công.

USCIRF chỉ ra rằng: “Các cộng đồng dân tộc thiểu số phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng nhất là trong việc thực hành đức tin của họ một cách ôn hòa, bao gồm hành hung thể xác, trục xuất, giam giữ, bỏ tù và buộc phải từ bỏ đức tin”.

Theo USCIRF, những người ủng hộ quyền tự do tôn giáo cho biết vụ giết một linh mục dòng Đa Minh Việt Nam gần đây cho thấy mối nguy hiểm do các chính sách của Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, bị chém chết khi đang nghe giải tội tại giáo phận Kon Tum vào ngày 29 tháng Giêng.

Vụ việc xảy ra tại Nhà thờ Đăk Mót, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, cách thành phố Kon Tum 40 km về phía Bắc.

Cảnh sát địa phương đã bắt giữ kẻ tấn công và tuyên bố hắn bị bệnh tâm thần. Nhưng một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Virginia đã đổ lỗi vụ việc là do chính phủ Việt Nam nuôi dưỡng sự thù địch chống lại các tôn giáo.

Ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của Boat People SOS và thành viên Ban điều hành Hội nghị bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế cho biết: “Trong hai năm qua đã có sự gia tăng những lời nói căm thù và phỉ báng chống lại các nhà lãnh đạo và tín hữu của các tôn giáo dám kháng cự lại sự kiểm soát độc tài của chế độ”

Ông Thắng nói: “Không nghi ngờ gì, điều này đã góp phần vào việc gia tăng bạo lực thể xác đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo,” ông Thắng cho biết như trên khi kêu gọi USCIRF “thúc đẩy việc truy tố theo luật chống phỉ báng của Việt Nam đối với những thủ phạm có lời nói căm thù được chính phủ hậu thuẫn”..
Source:USCIRF
2. Những câu trả lời và câu hỏi xuất sắc của Đức Hồng Y Marc Ouellet về luật độc thân linh mục

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục nhân hội nghị chuyên đề ở Rôma về chức tư tế, kéo dài từ hôm 17 tháng Hai đến 19 tháng Hai.

Thưa Đức Hồng Y, tại sao ngài quyết định tổ chức một hội nghị chuyên đề về chức tư tế ngày nay?

Đức Hồng Y Ouellet: Giáo hội hiện đang trong một tiến trình thượng hội đồng đặt ra vấn đề về sự tham gia của dân Chúa trong toàn bộ đời sống của Giáo hội. Khi đưa ra Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Đức Giáo Hoàng không muốn tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến trong Giáo hội, một hoạt động của nghị viện hoặc một tập hợp các ý kiến. Ngài muốn đánh thức niềm tin của dân Chúa.

Sau Thượng Hội Đồng về Người Trẻ và Thượng Hội Đồng về vùng Amazon, chúng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải tiếp tục suy tư về ơn gọi của người được rửa tội. Tiêu đề của hội nghị chuyên đề này, là “Hướng tới một Thần học Cơ bản về Chức Linh mục”, cho thấy rằng chúng ta muốn tiếp nhận chủ đề của chức tư tế bằng cách quay trở lại các nguyên tắc cơ bản của nó: là Chúa Kitô và phép Rửa Tội.

Văn hóa Công Giáo đã làm cho chúng ta nghĩ đến các linh mục và giám mục khi chúng ta nói về chức linh mục, như thể đó là toàn bộ chủ đề. Công đồng Vaticanô II đã khôi phục sự cân bằng giữa chức tư tế thông thường của người được rửa tội và chức tư tế thừa tác. Nhưng trên thực tế, điều này vẫn chưa diễn ra.

Làm thế nào để có thể thiết lập sự cân bằng này, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Ý thức về truyền giáo nên có trong tất cả những người đã được rửa tội. Sứ vụ truyền giáo không chỉ được dành riêng cho các thừa tác viên được phong chức. Do đó, hội nghị chuyên đề này nhằm mục đích quay trở lại nền tảng của chức tư tế, dĩ nhiên là phản ánh mối quan hệ giữa thừa tác vụ được truyền chức và chức tư tế trong phép Rửa Tội. Vấn đề không phải là chỉ tập trung vào hình bóng của vị linh mục. Chúng tôi muốn chú ý đến sự hiệp thông của các ơn gọi và sự bổ sung của các trạng thái trong cuộc sống; chẳng hạn, làm thế nào để thực hiện chức tư tế trong phép Rửa Tội của một người với tư cách là cha mẹ, trong một gia đình, hoặc trong đời sống thánh hiến.

Hội nghị chuyên đề này đang diễn ra vào một thời điểm trong lịch sử khi hình ảnh của vị linh mục đã bị tổn hại bởi những tai tiếng lạm dụng của các thành viên trong hàng giáo phẩm. Liệu cuộc khủng hoảng lạm dụng có được giải quyết trong các bài suy tư không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Vấn đề lạm dụng trong Giáo hội là một vấn đề rất khó khăn. Nó đã được nghiên cứu rộng rãi ở cấp độ xã hội học và lịch sử, với các nghiên cứu của các ủy ban đưa ra cái nhìn thống kê về vấn đề và chỉ ra những sai sót trong mục vụ. Giáo hội đã đi một chặng đường dài trong 25 năm qua khi nhận ra những sai lầm của quá khứ trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng nói riêng.

Chúng ta vẫn chưa hoàn thành công việc phân tích cuộc khủng hoảng này. Việc suy tư cần phải được thực hiện trên bình diện thần học, một nhiệm vụ mà các ủy ban như CIASE, là Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội của Pháp đã không thể thực hiện đầy đủ. Sự phân tích như vậy vượt ra ngoài khuôn khổ của hội nghị chuyên đề về chức tư tế này.

Nhưng liệu cuộc khủng hoảng lạm dụng này có thể đặt ra câu hỏi về luật độc thân linh mục không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Bạn đã hỏi tôi câu đó, thì cho tôi hỏi lại một câu hỏi khác: những lạm dụng diễn ra trong các gia đình có thể đặt lại vấn đề hôn nhân như một lối sống không? Tôi không nghĩ như vậy. Cuộc khủng hoảng lạm dụng đặt ra câu hỏi về khả năng tự kiểm soát của một số người, những người đã có những sai lệch nghiêm trọng trong trạng thái cuộc sống của họ.

Do đó, chúng ta phải phân biệt giữa những yếu kém đạo đức của con người và tình trạng cuộc sống của họ. Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học đã được thực hiện không kết luận rằng độc thân là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.

Liệu Giáo Hội có thể tiếp tục trình bày đời sống độc thân linh mục như một khuôn mẫu về sự hiến thân triệt để cho giới trẻ ngày nay không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Tôi tin rằng đời sống độc thân của các linh mục là không thể hiểu được nếu một người không có đức tin. Nó đến từ đâu? Thưa: Từ con người của Chúa Giêsu Kitô. Xung quanh Ngài và vì Ngài, những thực tế mới đã xuất hiện trong lịch sử. Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta từ bỏ mọi sự, ngay cả gia đình, để phục vụ Nước Trời.

Vì vậy, nếu chúng ta không tin rằng Chúa Giêsu là Con hằng sống của Chúa Cha đã đến thế gian, thì đời sống độc thân của Kitô hữu không có nhiều ý nghĩa. Tôi tin rằng nền tảng này đang bị thiếu trong việc biện minh cho sự độc thân ngày nay. Sự độc thân trước hết là sự công nhận Chúa Giêsu là ai. Đó là một lời tuyên xưng đức tin.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã bỏ phiếu ủng hộ việc phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn tại Thượng Hội Đồng trên Amazon. Trong Giáo hội ở Đức, nhiều người đang kêu gọi khả năng biến luật độc thân linh mục trở thành một tùy chọn. Hội nghị chuyên đề này có được dự định như một câu trả lời thần học cho những câu hỏi này không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Chúng tôi không biết hết những gì đang được nói về đời sống độc thân của các linh mục. Nhưng hội nghị chuyên đề là một phản ánh cơ bản. Nó không được thiết kế để trả lời tất cả các câu hỏi đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông hoặc để phản hồi những gì đang xảy ra ở Đức. Mục đích không phải là sửa sai hoặc chỉ tay vào người khác. Hội nghị này là nhằm giải quyết một cách nghiêm túc, sâu sắc và thanh thản với những câu hỏi cơ bản.

Những phản ánh này chắc chắn sẽ làm sáng tỏ thêm những gì có thể được nói ở nơi khác. Trong hội nghị chuyên đề này, các giám mục Đức sẽ có mặt. Nếu những gì họ nghe được có thể hữu ích cho những phản ánh của họ, tôi sẽ rất vui. Nhưng tôi nhắc lại: chúng tôi không ở đây để chỉ đạo hoặc thách thức những gì đang xảy ra ở Đức.

Các ủy ban chống lạm dụng gần đây đã chỉ ra “sự thần thánh hóa quá mức” các linh mục là nguyên nhân của việc lạm dụng quyền lực. Đức Hồng Y nghĩ gì về điều này? Làm thế nào chiều kích thiêng liêng của chức tư tế có thể được tương ứng với một quan niệm đúng đắn về quyền lực trong Giáo hội?

Đức Hồng Y Ouellet: Có một thời, các linh mục được đặt trên một cái bệ. Tâm lý này, có lẽ xuất hiện trước Công đồng và một chút sau đó, nhưng đã giảm đi rất nhiều. Nó không còn là nền văn hóa thống trị trong Giáo hội ngày nay; đặc biệt là kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục tố cáo chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Điều còn lại là linh mục có vai trò đại diện cho Chúa Kitô, điều này ban cho ngài một “sự thánh thiêng”. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Đó là một món quà bí tích biểu thị một sự hiện diện mầu nhiệm. Khi thi hành các chức năng của mình, linh mục cho các tín hữu thấy sự hiện diện một cách mầu nhiệm Đấng Phục sinh, Đấng do đó tiếp tục tỏ mình trong lịch sử. Chúa Giêsu Thánh Thể, biểu hiện của Chúa Kitô Phục Sinh, là điều thiêng liêng nhất trong Giáo Hội. Và linh mục hoàn toàn bị ràng buộc với sứ vụ thiêng liêng này.

Theo nghĩa này, đúng, ngài có một chiều kích thiêng liêng. Nhưng đó không phải là sự thánh thiêng tự nhiên.

Làm thế nào để có thể đấu tranh một cách hợp pháp với chủ nghĩa giáo sĩ trị mà không làm tổn hại đến căn tính của chức tư tế, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Đức Giáo Hoàng nói rất nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị, một “ism” ám chỉ sự lạm dụng quyền lực. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một sự thất bại trong việc lắng nghe dân Chúa. Đó là sự áp đặt quan điểm của chính mình; đó là một linh mục trong một giáo xứ không lắng nghe hội đồng mục vụ của mình hoặc coi phụ nữ thuộc loại những con người hạng hai. Đức Giáo Hoàng tố cáo những lạm dụng này, tâm lý này có thể dẫn đến những lạm dụng nghiêm trọng, trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải bảo vệ chức năng của linh mục, người phải thể hiện trong cộng đồng của mình một đại diện cho thẩm quyền của Chúa Kitô. Ngài phải làm điều này theo cách của một người cha và trong tình huynh đệ, với ý thức về quyền lực của một người không bảo vệ địa vị nhưng muốn giúp con mình phát triển.

Một người cha không áp đặt quyền lực bạo lực. Ngược lại, người cha ấy muốn các con của mình ngày càng phát triển. Khi một linh mục can thiệp vào cộng đoàn, thì phải làm như vậy với tinh thần của một người cha, nghĩa là, với uy quyền nhưng cũng phải dịu dàng, nhẹ nhàng, đồng hành, khích lệ. Chúng ta vẫn cần hiểu điều này sâu sắc hơn theo quan điểm thần học.

Ngày nay trở thành linh mục có khó hơn không?

Đức Hồng Y Ouellet: Tôi nghĩ vậy. Nhưng luôn có sự cám dỗ đối với một linh mục để nói với chính mình rằng mọi thứ trước đây tốt hơn nhiều lắm. Hãy đi và xem liệu nó có tốt hơn không! Trong mọi trường hợp, tôi tin rằng ngày nay sứ mệnh của linh mục có thể thú vị hơn 50 năm trước, bởi vì những thách thức là vô cùng lớn.

Việc truyền giáo đang được đặt trở lại trọng tâm của thừa tác vụ linh mục. Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng mời gọi chúng ta làm như vậy. Ngài tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp. Thật đáng kinh ngạc khi ngài có thể nghĩ ra điều gì đó để tiếp cận với những người khác, cả những người tin và những người không tin, sử dụng mọi kênh, thậm chí đến mức tham gia một chương trình gần đây trên truyền hình Ý. Một số người đã chỉ trích ngài vì điều này, với lý do rằng ngài đang vô hiệu hóa chức vụ của mình.

Nhưng Đức Giáo Hoàng là một nhà truyền giáo, ngài ấy làm chứng, ngài tuyên bố. Chúng ta có nên nhìn ngài và tự hỏi liệu ngài có nên làm thế này hay thế kia không? Có lẽ chúng ta cũng nên là những người truyền giáo. Vì vậy, tôi tin rằng linh mục ngày nay phải sáng tạo, phải thực hiện những bước đầu tiên và cởi mở với sự táo bạo đối với đối thoại.
Source:Aleteia

 
Biến cố bất nhân tại Pakistan. ĐTGM thở dài: Nhiều người tự nhiên biến mất và những ngôi mộ bí mật
VietCatholic Media
05:34 20/02/2022


1. Đám đông Hồi Giáo quá khích ném đá đến chết người đàn ông bị buộc tội báng bổ

Một đám đông cuồng tín đã giết một người đàn ông bị buộc tội đốt các trang trong Kinh Koran. Muhammad Mushtaq bị trói, tra tấn và sau đó bị ném đá đến chết ở quận Khanewal của Punjab vào hôm thứ Bẩy 12 tháng Hai.

Người trông coi một nhà thờ Hồi giáo cho biết anh ta nhìn thấy người đàn ông bên trong tòa nhà đang đốt những trang sách thánh dành cho người Hồi giáo. Trước khi báo cảnh sát, anh đã trình báo sự việc với một số người dân địa phương.

Thanh tra Munawar Hussain của đồn cảnh sát Talumba nói rằng ông đã đệ trình báo cáo thông tin đầu tiên, nhưng nói thêm rằng không thể cứu người đàn ông vì anh ta đã nằm trong tay đám đông giận dữ, những người đã ngăn cảnh sát can thiệp, làm bị thương một số viên chức cảnh sát.

Khi quân tiếp viện đến thì đã quá muộn, viên thanh tra giải thích: người đàn ông đã bị trói vào cây và những kẻ quá khích đã đánh anh ta đến chết trong khi hô các khẩu hiệu Hồi Giáo. Theo một số nhân chứng, trước khi bị bắt, Mushtaq đã bị cảnh sát giam giữ và những kẻ cuồng tín đã lôi anh ta ra ngoài.

Rao Sardar Ali Khan, Tổng thanh tra Punjab, đã yêu cầu văn phòng cảnh sát địa phương ở Multan điều tra toàn diện. Cho đến nay, các cơ quan thực thi pháp luật cho biết họ đã bắt giữ hơn 80 người có liên quan đến vụ ném đá đến chết người này.

Sau khi thi thể được bàn giao cho gia đình tổ chức tang lễ vào hôm Chúa Nhật 13 tháng Hai. Hàng trăm cư dân địa phương đã đến tham dự và dâng lời cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Ghousia. Cư dân làng Bara Chak cũng kể rằng Mushtaq Ahmed đã không ổn định về tinh thần ít nhất 15 năm qua và đôi khi mất tích trong nhiều ngày. “Trước khi bị bệnh tâm thần, anh ấy là một cầu thủ túc cầu tử tế và có nhân cách tốt,” một dân làng cho biết.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết chính phủ của ông “không khoan nhượng đối với bất kỳ ai quyết định đưa công lý về tay mình” và trường hợp này sẽ được “xử lý theo pháp luật”.

Đây không phải là tập đầu tiên mà những kẻ cực đoan đã giết một người đàn ông bị buộc tội báng bổ. Vào tháng 12 tại Sialkot, một người quản lý có quốc tịch Sri Lanka, đã gỡ các áp phích có những câu kinh Koranic khỏi nhà máy nơi anh ta làm việc, và đã bị giết và thi thể của anh ta bị thiêu rụi.
Source:Asia News

2. Kêu gọi Hòa bình ở Ukraine - Bài phát biểu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sau Phụng Vụ Thánh vào Chúa Nhật Người Thu Thuế và Người Pharisêu

Chúa Nhật vừa qua, ngày 13 tháng 2, trong khi người Công Giáo trên khắp thế giới cử hành Chúa nhật thứ sáu Mùa Thường Niên, thì các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta cử hành Chúa nhật Chúa Nhật Người Thu Thuế và Người Pharisêu, đó là khởi đầu của Mùa Đại Chay.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã cử hành Phụng vụ Thánh tại Nhà thờ Chính tòa Thánh George của Constantinople. Ông Nedilsky Roman Bogdanovich, Tổng lãnh sự Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham dự sự kiện này.

Trong bài giảng của mình, Thượng phụ Bartholomew đã kêu gọi hòa bình cho Ukraine. Ngài nói:

Thưa ông Tổng lãnh sự đáng kính,

Các con yêu dấu trong Chúa,

Vào Chúa Nhật này, dành riêng cho dụ ngôn Người Thu Thuế và Người Pharisêu, đánh dấu việc bước vào thời kỳ sám hối, ăn chay và cố gắng sống khổ hạnh để chuẩn bị cho Đại Lễ Phục sinh Thánh, chúng ta được kêu gọi hãy nhiệt thành cầu nguyện với tất cả tấm lòng của mình để duy trì hòa bình ở Ukraine. Thật vậy, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở Âu Châu, dẫn đến sự leo thang của các lời lẽ bạo lực và quân sự hóa biên giới giữa Nga và Ukraine, phải bị phản đối một cách quyết liệt. Chúng ta kêu gọi vì hòa bình, ổn định và công lý lâu dài trong khu vực. Hòa bình là vấn đề phải được lựa chọn và phải được chia sẻ bởi tất cả các lực lượng tham gia vào bối cảnh địa chính trị cực kỳ phức tạp và nhạy cảm này. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta là cầu nguyện và đóng góp tích cực vào việc giải quyết một cách hòa bình các tình huống xung đột cũng như tôn trọng và bảo vệ vô điều kiện các quyền và nhân phẩm của con người. Xung đột của con người rất có thể là không thể tránh khỏi trong thế giới sa ngã và tan vỡ này; nhưng chiến tranh và bạo lực chắc chắn phải bị phản đối trong từng thớ thịt của chúng ta.

Người Hy Lạp cổ đại nói về “hòa bình” (“εἰρήνη”) như một điều kiện “vô cùng phong phú và vô cùng to lớn” (“βαθύπλουτος καὶ βαθύκαρπος”). Họ tôn thờ hòa bình như một nữ thần, được miêu tả với con trai Plutos (“Sự giàu có”) trong ngực của cô. Gần với thời đại của chúng ta, Benjamin Franklin nhắc nhở chúng ta rằng “không bao giờ có một cuộc chiến tranh tốt hay một nền hòa bình tồi tệ”. Chiến tranh chỉ có thể xuất hiện ngọt ngào với những ai chưa trải qua nó (“γλυκὺ δὲ πόλεμος ἀπείροισιν”). Thật vậy, nếu chúng ta để cho trái tim và khối óc của mình được tự do thể hiện, không sợ hãi hay cuồng loạn, thì chắc chắn tim óc chúng ta sẽ không ủng hộ chiến tranh, nhưng sẽ dứt khoát ca ngợi hòa bình.

Chúng ta tin chắc rằng không có giải pháp nào có thể để gìn giữ và bảo đảm hòa bình ngoài con đường đối thoại, ngoài giải pháp xóa bỏ các điều kiện dẫn đến bạo lực và chiến tranh. Hòa bình đến từ sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau. Trong một môi trường ngày càng gia tăng bất ổn liên quan đến các vấn đề của con người, lời Giáo Hội phải là một thông điệp rõ ràng về hòa giải và hòa bình, về tình yêu và công lý, về tình anh em và tình liên đới.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan theo đuổi con đường đối thoại này và tôn trọng luật pháp quốc tế, nhằm chấm dứt xung đột và cho phép tất cả người dân Ukraine chung sống hòa thuận. Vũ khí không phải là giải pháp. Ngược lại, chúng chỉ có thể hứa hẹn chiến tranh và bạo lực, đau buồn và chết chóc. Như người anh em yêu quý của chúng ta là Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng của Rôma, gần đây đã nói: “Chúng ta đừng quên chiến tranh là sự điên rồ”. Tất cả các thừa tác viên của Giáo Hội, tất cả những người đại diện cho các truyền thống tôn giáo, tất cả những người có chức quyền, tất cả những người thiện chí, mỗi người trong chúng ta, nên kêu gọi một giải pháp hòa bình đối với sự leo thang nguy hiểm này bằng lời nói và các phương tiện đang đè nặng lên đầu của người dân Ukraine. Im lặng và thờ ơ không phải là một lựa chọn. Không có hòa bình nếu không có sự cảnh giác thường xuyên. Do đó, tất cả chúng ta đều được kêu gọi “cam kết” với hòa bình, có nghĩa là, được mời gọi tham gia cuộc đấu tranh vĩnh viễn để thành lập và bảo vệ nó.

Cầu xin Thần tình yêu và hòa bình ban phước lành cho tất cả anh chị em!


Source:ilsismografo.blogspot.com

3. Tổng giám mục San Salvador lo ngại về những vụ mất tích và những ngôi mộ bí mật

Đối với Tổng giám mục San Salvador, José Luis Escobar Alas, tình trạng người dân mất tích và việc phát hiện ra những ngôi mộ bí mật trong nước là những tình huống gây lo ngại, vì vậy ngài kêu gọi chính phủ tìm ra giải pháp cho những vấn đề này.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Việc phát hiện ra những ngôi mộ bí mật này khiến tất cả chúng ta rúng động, nó khiến chúng ta lo lắng rất nhiều và nó liên quan đến những người đã đột nhiên biến mất. Chúng ta phải cảnh giác, chính quyền đang có một thách thức lớn là phải kiểm soát được tình hình, nhưng xã hội dân sự cũng có trách nhiệm liên hệ với chính quyền để thông báo về những bất thường và mọi việc có thể khắc phục được.”

Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas cũng bày tỏ tình đoàn kết của Giáo Hội Công Giáo với thân nhân của các nạn nhân, những người nhiều lần hy vọng tìm thấy người thân của họ còn sống, nhưng một số người, cuối cùng lại thấy thân nhân mình trong các ngôi mộ, chẳng hạn như trong các ngôi mộ được khai quật gần đây ở El Paisnal, Nuevo Cuscatlán hoặc Colón, nơi hàng chục nạn nhân đã được tìm thấy.

“Thực tế là nhiều người đã biến mất là điều đáng lo ngại và khi chúng ta thấy họ được chôn trong một ngôi mộ tập thể, thì mối quan tâm đó càng lớn hơn, và càng đau lòng hơn”.

Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas kêu gọi các gia đình tiếp cận các cơ sở để báo cáo những trường hợp này, ngoài việc nhắc lại yêu cầu rằng chính quyền Salvador phải điều tra và giải quyết các trường hợp công dân mất tích với sự minh bạch cao nhất.

“Các nhà chức trách đang bị thách thức. Điều này giống như một nút màu đỏ trên bảng điều khiển, một lời cảnh báo, một mối quan tâm để điều này không xảy ra một lần nữa.”

Trong cuộc hội thảo với giới truyền thông, Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas cũng tuyên bố rằng những cải cách về lương hưu, được chính phủ Salvador công bố vài tháng trước, phải chú ý đến việc mang lại lợi ích cho người lao động.

“Hệ thống phải vì lợi ích của người lao động, do đó, việc cải cách luật lương hưu mà thôi thì không đủ, chúng ta cần một hệ thống mới, không phải chỉ canh cải sơ sài nhưng là đổi mới hoàn toàn nó và phải thực sự mang lại lợi ích cho người lao động. Cho đến nay, những gì chúng ta đã thấy là các bên thứ ba được hưởng lợi, những người hưởng lợi phần lớn là các công ty quản lý.”

Ngài cũng kêu gọi các thương gia và nhà sản xuất không lợi dụng giá nhiên liệu cao để tăng giá sản phẩm gây thêm khó khăn cho đời sống người lao động vốn đã lao đao vì đại dịch coronavirus.


Source:contrapunto.com.sv
 
Âu lo: Giám Tỉnh Dòng Tên Argentina báo động: ĐTC bị hiểu lầm và bị chỉ trích tại quê hương của ngài
VietCatholic Media
17:12 20/02/2022


1. Bài đăng trên mạng xã hội đầy đức tin của bác sĩ viết ngay trước khi chết vì COVID được lan truyền mạnh mẽ

“Tôi mắc phải căn bệnh này khi làm những gì tôi yêu thích, là chăm sóc bệnh nhân của mình bằng tình yêu và sự tận tâm. Tôi sẽ lặp lại tất cả những điều này.”

Một bài phóng lên mạng xã hội do bác sĩ 32 tuổi người Brazil Lucas Augusto Pires gửi vài phút trước khi anh ấy được đưa đến ICU để điều trị COVID-19 đã lan truyền vượt quá giới hạn của ngôn ngữ và quốc gia bản địa của anh ấy.

Vào tháng 7 năm 2021, bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã viết trong tình trạng nghiêm trọng rằng anh đã mắc bệnh khi làm công việc mà anh yêu thích: đó là làm bác sĩ. Trong bài đăng, anh ấy nói rằng anh ấy sẽ lặp lại tất cả những điều này bất kể nguy hiểm đến tính mạng.

“Tôi sẽ đến ICU vào lúc này do các triệu chứng COVID-19 của tôi ngày càng trầm trọng hơn. Tôi không thể tin được, nhưng tôi cảm ơn bạn bè của tôi vì những lời cầu nguyện trước của họ. Tôi mắc bệnh này là làm những gì mình yêu thích, chăm sóc bệnh nhân bằng tình yêu và sự tận tâm. Tôi sẽ lặp lại tất cả những điều này.”

Bất chấp tình hình khẩn cấp của mình, anh ấy đã dành thời gian để làm chứng cho đức tin của mình nơi Thiên Chúa và các kế hoạch của Ngài cho mỗi người chúng ta:

“Tôi biết rằng Thiên Chúa của tôi là Đấng cai trị mọi loài. Đường lối và mục đích của Ngài luôn luôn công bình và hoàn hảo, và cuối cùng mọi sự kết hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa, cho những ai được kêu gọi theo thánh ý của Ngài.

Các biến chứng từ COVID-19 đã đè bẹp cơ thể anh, và anh qua đời vào ngày 8 tháng 8 năm 2020. Anh để lại một người vợ và hai đứa con thơ. Câu chuyện gần đây đã được chia sẻ lại trên mạng xã hội và các trang web tin tức bằng các ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới, và một lần nữa làm lay động trái tim của vô số người.

Khi anh qua đời, những lời bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của bác sĩ trẻ đã tràn ngập trên mạng xã hội. Ngay cả ngày nay, cuộc đời của anh - được đánh dấu bằng lòng dũng cảm và lòng yêu nghề - truyền cảm hứng cho những người thân, bạn bè và những người xa lạ, những người luôn tự hào về người anh hùng đã hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác.
Source:Aleteia

2. Hơn 800 cuộc tấn công bài Kitô Giáo ở Pháp trong năm 2021

Các nhà điều tra cho đến nay đã xác định được tổng cộng 1,659 hành vi chống tôn giáo ở Pháp vào năm 2021, với 857 trường hợp liên quan đến Kitô Giáo, 589 đến Do Thái giáo và 213 liên quan đến Hồi giáo.

Các số liệu tạm thời được công bố vào ngày 10 tháng 2 như một phần của cuộc nghiên cứu đang diễn ra về các hành vi chống tôn giáo ở quốc gia Tây Âu, có dân số 67 triệu người.

Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix đã đưa tin về các số liệu thống kê liên quan đến các hành vi chống tôn giáo sau đánh giá ban đầu vào tháng 12 năm ngoái của Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin.

Thủ tướng Jean Castex đã yêu cầu hai thành viên quốc hội Pháp Isabelle Florennes và Ludovic Mendes điều tra các vụ việc chống tôn giáo. Họ dự kiến sẽ nộp báo cáo cuối cùng vào tháng 3, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, sau khi tiến hành các cuộc điều trần và các chuyến đi thực tế.

Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 48% dân số Pháp được xác định là Công Giáo, 4% theo đạo Hồi và 1% là người Do Thái, với 34% mô tả bản thân là không có tôn giáo. Nhưng các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ người theo đạo Hồi cao hơn.

Pháp đôi khi được mô tả là “trưởng nữ của Giáo Hội Công Giáo” bởi vì Vua Frank Frank Đệ Nhất đã theo Công Giáo vào năm 496.

Các nhà thờ Công Giáo thường xuyên là mục tiêu của những kẻ phá hoại. Tổ chức Observatoire de la christianophobie có trụ sở tại Paris ghi chép cẩn thận các hành vi bài Kitô Giáo.

Năm ngoái đã chứng kiến hai vụ việc được báo cáo rộng rãi liên quan đến người Công Giáo. Vào tháng 8 năm 2021, linh mục Công Giáo, Cha Olivier Maire bị sát hại tại Saint-Laurent-sur-Sèvre, một xã thuộc vùng Vendée, miền Tây nước Pháp.

Vào tháng 12 năm 2021, những người Công Giáo tham gia cuộc rước kiệu kính Đức Mẹ ở ngoại ô phía tây Paris đã bị đe dọa.

Pháp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây. Một số đã nhắm mục tiêu cụ thể đến người Công Giáo.

Năm 2016, Cha Jacques Hamel bị những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo giết chết trong thánh lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, miền bắc nước Pháp.

Một phần tử Hồi giáo đã giết ba người tại Vương cung thánh đường Đức Bà Nice vào năm 2020.

Bộ Nội vụ Pháp đã ghi nhận 996 hành động chống đối Kitô giáo vào năm 2019 - trung bình là 2.7 vụ mỗi ngày.

Gérald Darmanin cho rằng vào tháng 12, các hành vi chống tôn giáo đã giảm 17.2% vào năm 2021 so với năm 2019.
Source:Catholic News Agency

3. Giám Tỉnh Dòng Tên Á Căn Đình: Đức Thánh Cha bị hiểu lầm và bị chỉ trích tại quê hương của ngài

Inés San Martín là người Á Căn Đình, đồng hương của Đức Thánh Cha Phanxicô, và là trưởng ban thông tín viên của tờ Crux tại Rôma. Cô vừa có bài viết nhan đề “Argentine Jesuit provincial says Francis has been ‘coopted’ by politics of hate”, nghĩa là “Cha Giám Tỉnh Dòng Tên Á Căn Đình cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô bị ‘mắc kẹt’ trong chính trị thù hận”. Đức Phanxicô bị hiểu lầm và bị chỉ trích dữ dội ở quê hương của ngài.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cha Rafael Velasco, người hiện là Giám Tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình, cho biết, quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang trở nên “bệnh hoạn vì hận thù” và hậu quả là hình bóng và thông điệp của Đức Thánh Cha đã bị cô lập.

“Cuộc khủng hoảng của chúng ta không chỉ về chính trị, xã hội và kinh tế; nhưng bao gồm cả tâm linh”, Cha Velasco nói. “Linh hồn của dân tộc đang trở nên ốm yếu, có thể nói như thế. Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng phải tính đến yếu tố tâm hồn - tinh thần: đó là sự thù hận mà chúng ta đang tự gieo rắc vào mình”.

Nói chuyện với Crux ngay sau khi 24 thanh niên Á Căn Đình chết sau khi dùng cocaine bị nhiễm độc, Cha Giám Tỉnh Dòng Tên nói rằng ngừng căm ghét là một quyết định trước tiên phải được thực hiện ở cấp độ cá nhân, sau đó được chuyển thành một quyết định chính trị.

Ngài nói: “Khi tin tức về những người này, những nghiện ma túy bất hợp pháp, chết vì độc dược, nhiều người đã phản ứng rằng ‘hãy để họ tự giết chính mình, đáng đời mấy cái thằng faloperos’”. Faloperos là một loại rượu nhẹ được sử dụng ở Á Căn Đình dành cho những người nghiện ma túy.

Cha Velasco tin rằng có một “vi khí hậu” trong giới lãnh đạo của Á Căn Đình. Vi khí hậu - “microclimate” là thuật ngữ chỉ tình trạng một thiểu số sống trong hoàn cảnh tách biệt với khí hậu chung của đất nước. Cha Velasco nhận xét rằng hàng lãnh đạo Á Căn Đình ngày nay sống trong một bầu không khí thoải mái sang giàu tách biệt với bầu khí chung của dân chúng, điều đó đơn giản không đại diện cho phần lớn dân số của đất nước, những người hiện đang sống dưới mức nghèo khổ.

“Có một câu nói sáo rỗng ở khu vực trung lưu và thượng lưu rằng người nghèo dường như chỉ muốn sống mà không cần làm việc, rằng họ là những người nghiện ma túy và sống nhờ vào phúc lợi, và điều này không phải như vậy,” ngài nói và nhanh chóng nói thêm rằng ngài không phải là một pobrista, tức là một người muốn cho người nghèo vẫn nghèo, trong khi gần như thần tượng hóa hoàn cảnh khốn cùng của họ.

Pobrista là một thuật ngữ hiện đang được sử dụng ở Á Căn Đình để tấn công Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một số người trong phe đối lập cáo buộc Giáo Hoàng muốn đất nước “vẫn còn nghèo” và đây là lý do tại sao ngài là “Kirchnerista”, ám chỉ đảng cánh tả đã thống trị trong hầu hết 20 năm qua.

“Và nếu bạn cố gắng lên tiếng cho người nghèo, nếu bạn nói về những người đang phải vất vả thoát ra khỏi ma túy như những người có phẩm giá bình đẳng với tất cả mọi người bởi vì họ được tạo ra giống Chúa, thì bạn bị dán nhãn là Kirchnerista hoặc pobrista”, Cha Velasco nói.

Vấn đề không chỉ nằm ở cách giải thích “sai lầm” mà phe đối lập đưa ra về thông điệp của Đức Phanxicô, mà còn ở sự mô tả sai lầm của những người trong chính phủ. Các thành viên chính phủ “đánh trống, giới thiệu Đức Phanxicô như một người khác không phải là ngài, và thông điệp của ngài như một cái gì đó khác không phải ý Đức Phanxicô muốn nói.”

Cha Giám Tỉnh Dòng Tên thừa nhận rằng nhiều người ở Á Căn Đình chưa bao giờ nghe Đức Giáo Hoàng nói về tầm quan trọng của việc nộp thuế - và việc nhà nước phải sử dụng tiền thuế dân một cách minh bạch - cũng như về phẩm giá của công ăn việc làm. Họ càng ít được nghe nói đến những lời hô hào “chống tham nhũng trong chính trị” của Đức Phanxicô bởi vì, cả hai bên của “ranh giới thù hận” không cố gắng thực hiện một nền chính trị trung thực.

Cha Velasco nói: “Trong những thời điểm này, người ta cáo buộc đang có trò lợi dụng chính trị trên lưng người nghèo. Bây giờ, chúng ta hãy giả sử rằng trên thực tế, có những tổ chức lợi dụng chính trị người nghèo. Tuy nhiên, điều này không làm cho vấn đề cơ bản biến mất: Quá nhiều người thiếu cơ hội và không được tiếp cận với các quyền cơ bản, chẳng hạn như giáo dục, y tế, nước sinh hoạt và điện”.

Cha Giám Tỉnh Dòng Tên nói rằng Đức Giáo Hoàng cũng bị chính trị hóa theo cách này.

“Khi Đức Phanxicô nói về quyền phổ quát đối với đất đai, mái nhà và công ăn việc làm, đối với nhiều người, Đức Thánh Cha Phanxicô không khác gì một tên cướp nông thôn. Nhưng thực ra, Đức Thánh Cha đang chỉ ra ba quyền cơ bản mà nhiều người dân ngày nay không được tiếp cận.”

Cha Velasco là Giám Tỉnh Dòng Tên của cả Á Căn Đình và Uruguay. Được tái cấu trúc cách đây 12 năm, tỉnh dòng có khoảng 150 thành viên, hàng chục trường học, trung tâm tĩnh tâm, trường đại học và một số Hogares de Cristo, tức là một mạng lưới gồm hơn 200 trung tâm do Giáo Hội điều hành để giúp mọi người chống lại chứng nghiện ma túy. Hầu hết các trung tâm này đều nằm trong các khu ổ chuột hoặc ở những vùng nghèo khó của đất nước. Chúng được tạo ra bởi Đức Hồng Y Bergoglio, trước khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Khi nói đến “hình bóng” của Đức Phanxicô, người từng là giám tỉnh của Dòng Tên ở Á Căn Đình từ năm 1973 đến năm 1979, Cha Velasco tin rằng hình ảnh của Đức Phanxicô ngày nay “bị cô lập trong hận thù”. Những người ban đầu ca ngợi ngài đã làm như vậy vì họ tin rằng ngài ghét gia đình Kirchner, nhưng khi họ thấy Giáo Hoàng chào đón tổng thống lúc bấy giờ là bà Cristina Fernández de Kirchner, “họ bắt đầu ghét ngài,” vị tu sĩ Dòng Tên nói. Và ngược lại: Những người ban đầu ghét ngài đã hiểu sai những cử chỉ của ngài rồi sau đó tin rằng Đức Phanxicô là một người cộng sản - “và xem điều này là tốt”.

Cha Velasco nói rằng cả hai phe của sự phân cực chính trị ở Á Căn Đình đều tin rằng Đức Phanxicô là một người cộng sản. Và các phương tiện truyền thông đã đóng vai trò của mình, trong việc thuyết phục những người này và những người khác, rằng họ rất đúng khi tin như thế.

Việc Đức Giáo Hoàng vẫn chưa về thăm quê hương cũng không giúp ích được gì: “Những người ủng hộ ngài, đã hết cách để giải thích, và họ cũng vỡ mộng.”

Về lý do tại sao ngài không về quê hương, Cha Velasco nói rằng đây là điều mà ngài chưa bao giờ hỏi Đức Phanxicô - và hai vị đã gặp nhau vào đầu năm nay, trong một hội nghị thượng đỉnh của các tỉnh Dòng Tên ở Rôma - nhưng ngài nghĩ đó là vì “Đức Phanxicô không tin rằng chuyến thăm của ngài sẽ giúp được Á Căn Đình cách nào đó”.

“Bất cứ khi nào ngài đi tông du, đó là vì ngài nghĩ rằng ngài có thể giúp đỡ theo một cách nào đó, nhưng ở đây không ai sẽ lắng nghe bất cứ điều gì ngài nói, nhưng chỉ tập trung vào vấn đề là ngài chụp ảnh với ai hay đã trao chuỗi tràng hạt cho ai”
Source:Crux