Ngày 05-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay 6/3/2022 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
03:09 05/03/2022

BÀI ĐỌC 1 Đnl 26:4-10

Bài trích sách Đệ nhị luật.

Ông Mô-sê nói với dân rằng:

“Khi anh em đến dâng của đầu mùa, tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh em và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Bấy giờ, anh em sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em rằng:

‘Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó cùng với một số người ít ỏi; tại đó, người đã trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông.

Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu.

Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập.

Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.’

Anh em sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, rồi anh em phủ phục trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 10:8-13

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.

Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.

Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người. Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 4:19

Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh,

nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

TIN MỪNG Lc 4:1-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!”

Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”

Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

Đó là Lời Chúa.
 
Hỡi Người Hãy Nhớ - Giuse chuyện về Người
Giáo Hội Năm Châu
03:11 05/03/2022
 
Chay Thánh C T
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:55 05/03/2022

CHAY THÁNH “CT”

Dịp này dịch Covid-19 tràn lan khắp Việt Nam, nhiều người thực hiện test nhanh Covid, mắt hồi hộp theo dõi 2 vạch hiển thị C và T (Control line & Test line), dịch phóng ra tiếng Việt là “Covid Thăm” Hihiii. Trong phụng vụ, CT có thể hiểu là Chay Thánh. Và xin hãy dán mắt vào mấy CT của Lời Chúa tuần này, đó là: Chiến Thuật, Chống Trả, Con Tin.

1. Chiến Thuật .Quỷ không dùng chiến thuật xui Chúa làm bậy rõ ràng. Mà nó tinh vi mời mọc Chúa làm những điều có vẻ rất hợp lý: Chúa đói thì hóa bánh mà ăn, lương thực thiết yếu mà. Chúa đi rao giảng thì cần địa bàn các nước, thị trường tha hồ rộng! Chúa mà phóng từ nóc đền thờ xuống thì thấy việc lạ lùng nhiều người sẽ tin theo. Đúng là “khôn như quỷ” vậy! Ba cơn cám dỗ có vẻ hợp lý nhưng khi nó được đẩy lên tuyệt đối thì lại gây hậu quả khủng khiếp, bởi vì những giá trị vật chất và cái tôi của mình được đặt lên trên những giá trị tinh thần và Thiên Chúa. Nó đảo lộn phá hỏng tất cả.

2. Chống Trả. Đức Giêsu đã chống trả và chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ trọn niềm tin nơi Chúa, đặt Chúa lên trên hết, chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Ngài dùng Lời Chúa làm vũ khí chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ đầy hấp dẫn nhưng nguy hiểm chết người.

3. Con Tin . Từ khởi đầu nhân loại cho đến hôm nay, loài người luôn bị cám dỗ rời xa Thiên Chúa. Loài người như đứa con nổi loạn, muốn gạt bỏ Thiên Chúa để làm theo ý riêng mình. May thay, vẫn còn đó những con người một lòng tuyên xưng đức tin vào Chúa là Đấng giải thoát (Bài đọc I) và vào Đức Kitô là Đấng cứu độ (Bài đọc II). Lạy Chúa, con tin!

Cám dỗ không tin vào Chúa nữa là cơn cám dỗ lớn nhất, nguy hiểm nhất, kinh khủng nhất của thời đại ngày nay. Xin cho chúng ta cùng nhau trong Mùa Chay thánh này củng cố đức tin của mình mạnh mẽ hơn. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:24 05/03/2022

7. Người biết tránh xa loại người phỉ báng người khác, thì phải giống như tránh xa loài rắn độc.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:28 05/03/2022
13. NHỚ THÌ LANG SÓI HƠN LÀ NHÌN

Một đám thanh niên tập họp lại và uống rượu, có ca kỷ hầu rượu một bên. Duy chỉ có một khách ngồi chiếu trên là nhắm mắt lại, bắt tréo hai tay, ngồi một cách đoan chính không nhúc nhích động đậy.

Tiệc rượu kết thúc, các ca kỷ nói lời cám ơn thực khách đã thưởng tiền, người ấy đứng lên phủi áo sắp bước đi, nói:

- “Tôi không có nhìn cô”.

Ca kỷ lấy tay kê trên vai ông ta và nói:

- “Nhìn và xem có quan hệ không !? Nhắm mắt để nhớ đến em thì so với nhìn em thì càng lang sói hơn”.

(Quách Đàm Trợ)

Suy tư 13:

Thấy thì đỡ nhớ hơn là không thấy để rồi nhớ nhớ thương thương và cuối cùng thì thành bệnh tương tư, mà bệnh tương tư thì khó chữa lắm, đúng là nhớ thì nguy hiểm hơn nhìn thấy nhiều.

Có những chàng trai quá nhớ bạn gái nên trở thành thơ thẩn, nỗi nhớ càng nhiều thì tư tưởng và hành động càng khó kiểm soát nên dễ dàng sinh ra nhiều chuyện không tốt; có những cô gái tưởng nhớ người yêu mà quên cả học hành, ngày đêm thơ thẩn vào ra, ít ăn ít nói và trở thành nỗi lo cho gia đình.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng như thế, không thấy mà tin thì có phúc hơn là thấy mới tin (Ga 20, 29), đó là niềm hy vọng và hạnh phúc của người Ki-tô hữu, họ không thấy Đức Chúa Giê-su nhưng họ vẫn kết hợp với Ngài khi rước lễ; họ không thấy nước thiên đàng, nhưng họ tin thiên đàng đang ở trong tâm hồn của mình, cho nên họ càng sống tốt lành như ở trên thiên đàng vậy.

Nhớ thì lang sói hơn là nhìn, không thấy mà tin thì có phúc hơn là thấy mới tin, cả hai đều có cùng một ý hướng, đó là mong muốn được kết hợp với người mình thương yêu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 1 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:29 05/03/2022
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

( Năm C )


Tin mừng : Lc 4, 1-13

“Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ.”


Bạn thân mến,

Mở đầu tuần thứ nhất của mùa chay năm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về việc Đức Chúa Giê-su bị ma quỷ cám dỗ ba lần, và mời gọi chúng ta cùng nhau học hỏi Đức Chúa Giê-su biết bình tĩnh cậy vào ơn Chúa để đối phó với cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

1. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.

Cám dỗ thứ nhất của ma quỷ đó là hưởng thụ xác thịt qua việc ăn uống.

Ăn uống là chuyện bình thường của con người, nhưng ăn uống để có sức khoẻ và ăn uống để hưởng thụ thoả mãn xác thịt thì không giống nhau, con người ta càng được no nê thân xác thì càng sinh ra nhiều điều bất lợi cho phần linh hồn vì những đòi hỏi của xác thịt, do đó tiết chế trong ăn uống là điều cần thiết không những cho hợp vệ sinh mà còn là phù hợp với tinh thần Phúc Âm...

2. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Cám dỗ thứ hai của ma quỷ là tìm cách đưa con người vào tham mê quyền lực và vật chất.

Con người ta thường hay bị cám dỗ về quyền lực và sùng bái, một phần vì để chứng tỏ mình không thua ai, phần khác là vì để thỏa lòng tham vọng của mình với mọi người cho nên không quản ngại gì mà không tìm cách đoạt lấy quyền lực khi cơ hội đến. Có quyền lực thì sẽ có tiền và có vật chất, cho nên ma quỷ thường hay lợi dụng những ngừơi có chức quyền để làm nên công cụ cho sự dữ, nếu những người ấy không có tâm hồn khiêm tốn và yêu thương...

3. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.

Cám dỗ thứ ba của ma quỷ là thử thách lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa.

Con người ta khi đã có đầy đủ mọi thứ để hưởng thụ thì lại quay về với bản tính kiêu ngạo của mình và nghi ngờ vào Đấng Thiên Chúa toàn năng, họ đem cái giàu có chức quyền của mình ra thách thức Thiên Chúa, họ phủ nhận cái mà họ có không phải tự Thiên Chúa mà đến nhưng là bởi họ làm ra...

Bạn thân mến,

Ma quỷ đã đánh gục thế gian với những cám dỗ trên, nhưng nó lại bị ngã gục trước sự khôn ngoan và can đảm của Đức Chúa Giê-su, chính nó đã lôi kéo rất nhiều người theo nó nhưng lại cúi mặt chạy dài khi cám dỗ Ngài, điều đó cũng đã chứng minh cho tên cám dỗ biết rằng, con người ta ngoài việc ăn uống để sống thì còn có thứ lương thực quý báu hơn nhiều đó chính là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

Trong mùa chay này, cám dỗ của ma quỷ sẽ tăng thêm gấp bội trên chúng ta, do đó mà chúng ta cần phải tỉnh thức đề phòng, phải noi gương của Đức Chúa Giê-su: chay tịnh, cầu nguyện và luôn kết hợp với Cha trên trời, có như thế tên cám dỗ sẽ rút lui khi cám dỗ chúng ta, và mùa chay sẽ trở nên mùa hồng ân cho tất cả mọi người.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khó Làm Sao Giữ Cho Được Chiếc Áo Ban Đầu
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:19 05/03/2022
Khó Làm Sao “Giữ Cho Được Chiếc Áo Ban Đầu”

(Chúa Nhật I MC năm C 2022)

Trong Lời kinh Tổng Nguyện của Chúa Nhật đầu Mùa Chay, Hội Thánh đã thưa lên với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa Toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Kitô và dõi theo gương người…”. Qua những lời kinh đơn sơ và ngắn ngủi đó, Phụng vụ đã tóm tắt gần hết nội dung và chủ đích cốt yếu của Mùa Chay Thánh: mùa của “bốn mươi ngày chay thánh”, mùa để “tôi luyện hồn xác”, mùa để “sống những ngày khắc khổ”, mùa để “học biết và noi gương Đức Kitô” !

Và để khai triển cũng như soi sáng những nội dung ý nghĩa trên, Phụng Vụ Lời Chúa qua các trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, thư gởi giáo đoàn Rôma và nhất là Tin Mừng Luca về cuộc chiến thắng cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang mạc, cũng đã cung ứng cho chúng ta những chỉ dẫn cần thiết để sống và thực hành đức tin trong suốt Mùa Chay Thánh nầy.

Trước hết, sách Đệ Nhị Luật qua lời dặn bảo của Môsê dành cho dân Chúa điều cần thiết phải thực hiện khi tiến vào Đất Hứa: Dâng của lễ đầu mùa để tạ ơn Chúa cùng với lời tuyên xưng đức tin về cuộc chọn gọi, yêu thương, giải thoát và ban đất hứa mà Chúa dành cho Dân.

Quả thật, đây là một lời tuyên xưng và cũng là một bản tóm cả một lịch sử diệu kỳ từ khi Chúa chọn gọi tổ phụ Abraham cho đến khi Chúa đưa dân được chọn vào Đất hứa. Thật ra, nếu không có “giai đoạn lịch sử đặc biệt có một không hai nầy”, lịch sử của dân tộc Israel cũng giống như bao dân tộc khác mà thôi; và đây cũng là giai đoạn cốt yếu trong “lịch sử cứu độ” liên hệ đến mỗi người chúng ta và vận mệnh của toàn thế nhân loại. Mỗi một Kitô hữu đều được chọn gọi để trở nên con cháu tổ phụ Abraham trong đức tin và đều được Thiên Chúa yêu thương giải thoát trong công cuộc Vượt Qua của Đức Kitô để được tiến vào Đất Hứa là Vương quốc Nước Trời. Mùa Chay chính là thời điểm quan trọng để như lời căn dặn của Môsê dành cho dân Israel khi vào Đất hứa, mỗi người Kitô hữu, đặc biệt, các anh chị em Dự Tòng sắp lãnh nhận các bí tích Gia Nhập Kitô Giáo, dâng lời tạ ơn và tuyên xưng đức tin về hồng ân được trở nên con cái Thiên Chúa và được lãnh nhận ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô qua nhiệm tích Thánh Tẩy.

Sở dĩ Môsê căn dặn dân Israel phải thực hành nghiêm túc điều nầy khi vào Đất Hứa vì ngài sợ, với “vùng đất mới chảy sửa và mật ong”, với những quan hệ và nhu cầu mới, với những cơn cám dỗ của những niềm tin ngoại đạo của dân ngoại…, có thể dân Israel sẽ quên mất “cội nguồn lịch sử thánh”, quên mất “căn tính Dân ưu tuyển”, quên mất Thiên Chúa và công trình giải thoát cả Ngài, quên mất đức tin vào Lời Chúa và Thập Giới…; và như thế lời căn dặn nầy cũng hoàn toàn mang tính thời sự với tất cả “Dân Mới” hôm nay, với tất cả chúng ta. Bởi chưng, thế giới mà chúng ta đang sống cũng luôn là vùng “đất hứa chảy sửa và mật ong” với dư đầy những cám dỗ để quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng, của Điều Răn, của đức tin; những cám dỗ của tinh thần thế tục, của nhu cầu cơm áo gạo tiền, của những sự giàu có thế gian… mà đôi khi được tô vẽ, được che phủ bởi lớp áo của sự hợp lý, của sự thỏa hiệp chính đáng, của nhu cầu cần thiết…

Và Tin Mừng Luca đã chỉ ra cho chúng ta phương thế mà Đức Kitô đã chọn để chiến đấu và chiến thắng cơn cám dỗ của Satan trong bốn mươi ngày hoang mạc chay tịnh của Ngài trước khi xuất hành vào cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng. Vâng, thứ vũ khí mà Đức Kitô chọn lựa đã vang vọng qua những lời nầy:

- “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

- “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

- “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!”.

Chắc chắn, cũng giống như cách con rắn đã cám dỗ Eva và Ađam với chiêu trò “trái cấm”, ma quỷ cũng tái hiện phương cách đó nhưng tinh vi hơn khi bắt đầu từ một nhu cầu xem ra rất cần thiết “bánh mì”, đến sự sở hữu hợp lý “quyền lực giàu sang” và sau cùng đạt được “thành công hấp dẫn”; đây chẳng khác nào câu chuyện ngụ ngôn mang tên “Để giữ cho chiếc áo khỏi bị chuột cắn”: Có một tu sĩ theo thầy học đạo đã lâu năm. Thấy anh đã tiến bộ nhiều, Thầy cho anh sống tự lập. Anh dựng một túp lều đơn sơ giữa cánh đồng. Ngày ngày ngoài thời gian khất thực, anh chuyên tâm đọc kinh cầu nguyện. Anh chỉ có độc một manh áo. Cứ chiều tối, anh giặt áo, phơi khô, để sáng hôm sau có áo mặc. Cạnh lều anh ở, có con chuột đêm đêm bò ra cắn chiếc áo anh phơi. Buổi sáng, anh phải đi tìm kim chỉ vá áo. Buổi tối, chuột lại bò ra cắn. Sau nhiều lần vá, anh sợ manh áo sẽ nát, nên quyết định nuôi một con mèo. Con mèo ăn khoẻ nên thức ăn xin được không đủ. Anh phải cấy lúa để có thêm thức ăn nuôi mèo. Vì cấy lúa, anh phải nuôi bò để cày ruộng. Bận rộn với việc đồng áng, anh không còn giờ đọc kinh cầu nguyện. Một thiếu nữ trong làng tình nguyện giúp, anh vui vẻ nhận lời. Vì có thêm người, nên anh phải lo làm nhà cửa cho khang trang. Chẳng bao lâu anh trở thành chủ gia đình có vợ, có con, có nhà cao cửa rộng, có ruộng đất, có đàn bò. Ít lâu sau, Thầy anh trở lại, nhìn nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, Thầy ngạc nhiên hỏi anh: “Tất cả những thứ này, tại sao thế?” Anh trả lời: “Tất cả chỉ vì con muốn giữ cho manh áo khỏi bị chuột cắn”.

Cuộc hành trình mùa Chay của người Kitô hữu đã bắt đầu. Chiến đấu để gữ cho được “chiếc áo rách ban đầu”, biểu tượng của sự liêm khiết, thanh thoát, khó nghèo… của Phúc m, chẳng phải dễ dàng.

Nếu người tu sĩ trong câu chuyện ngụ ngôn trên đã xa rời cái lý tưởng siêu thoát với lý do ban đầu rất giản đơn: “Giữ cho manh áo khỏi bị chuột cắn”, thì cũng có bao nhiêu người Kitô hữu đã xa rời lý tưởng Phúc m, đánh mất “chiếc áo trắng của ngày thanh tẩy”, cũng bắt đầu từ những “lý do rất giản đơn, rất hợp lý, rất nhân bản…!”: “Chỉ một trái cấm thôi mà”, “chỉ một chiếc bánh đơn cho khỏi đói thôi mà”, “chỉ một công việc, một phương tiện để ổn định cuộc sống thôi mà”, “chỉ một bờ vai, một điểm tựa để cuộc đời đỡ cô đơn, tẻ nhạt thôi mà”… ! và trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ, nào chúng ta lại không phải đang đối diện với những cám dỗ cũng theo phương cách đó: linh mục có vợ cũng bình thường thôi mà; truyền chức cho phụ nữ cũng hợp lý mà; công nhận hôn nhân đồng tính thì có sao đâu… !

Vâng. Chắc chắn Đức Kitô đã trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ cũng với những chiêu trò “đơn giản…thôi mà” nhưng rất tinh vi và nguy hiểm chết người đó ! Và dĩ nhiên, Ngài đã chiến đấu kịch liệt với thứ vũ khí mang tên “Lời Chúa”: “Có lời chép rằng…!”; và đã chiến thắng cách khó khăn, sau khi đã phải trả giá cho sự toàn thắng cuối cùng bằng cái chết thập giá: “xin vâng ý Cha đừng theo ý Con”; “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30); “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Và Giáo Hội đã bắt đầu “bốn mươi ngày Chay Thánh” như thế, bắt đầu “mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng” như thế và “sống những ngày khắc khổ, để học biết Đức Kitô và dõi theo gương người” như thế. Dĩ nhiên, đây không là chuyện “khuyến thiện” mang tính nhân bản để chỉ dừng lại việc luyện tập nhân đức hầu trở nên một người lương thiện, tốt lành…; mà là sự biểu hiện, là cuộc sống đức tin, là sự thể hiện “Lời Chúa”, “Lời đức tin” quyết định cho cho chính phần rỗi đời đời, như thánh Phaolô xác quyết với cộng đoàn tín hữu Rôma: “Lời ở kề trong miệng và trong lòng người. Ðó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi”.

Cầu xin cho Giáo Hội, cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, cho các anh chị em Dự tòng sắp lãnh nhận các Bí tích Nhập đạo, cho những ai đang nguội lạnh và xa lìa đức tin…, trong Mùa Chay Thánh nầy, quyết tâm trở về để canh tân niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, để sống Lời Chúa và “tìm lại chiếc áo trắng tinh trong” của ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Amen.

LM. Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Công tố viên nói Vatican mất 240 triệu đô la trong vụ mua bán địa ốc ở London
Đặng Tự Do
05:21 05/03/2022


Vào cuối phiên điều trần mới trong vụ án được gọi là “tòa nhà London”, diễn ra tại Vatican vào ngày 28 tháng Hai, Thẩm phán Giuseppe Pignatone tuyên bố rằng ông sẽ kết thúc giai đoạn thủ tục trước khi xét xử vào ngày hôm sau, 1 tháng Ba. Ông sẽ quyết định liệu phiên tòa có thể bước vào giai đoạn chính của nó hay không. Bên công tố cũng ước tính rằng Tòa thánh đã thiệt hại 217 triệu euro, tức là 240 triệu đô la, trong một vụ mua bán tài sản có quá nhiều vấn đề. Con số này từ phía công tố lớn hơn đáng kể so với con số 76 đến 166 triệu euro được báo cáo ban đầu.

Đây là phiên điều trần thứ tám kể từ khi thủ tục tố tụng được đưa ra cách đây hơn sáu tháng, vào tháng 7 năm 2021. Vụ án đang xem xét vai trò của 10 người - trong đó có một vị Hồng Y người Ý, là hyà hy Angelo Becciu - trong việc mua lại một tòa nhà ở London và những người khác liên quan đến các giao dịch tài chính.

Như trong các phiên xử trước, các luật sư bào chữa đã tìm cách nhân rộng các yêu cầu vô hiệu, tố cáo sai sót về thủ tục và hồ sơ không đầy đủ. Có mặt là luật sư của 4 người đã từng được miễn tố, nhưng lại bị truy tố trở lại trong phiên tòa ngày 17 tháng 2: đó là Raffaele Mincione, Nicola Squillace, Fabrizio Tirabassi và Đức ông Mauro Carlino.

Tất cả các đại diện của bốn tổ chức đã nộp đơn kiện dân sự cũng được phát biểu trong phiên tòa, đó là Cơ quan Quản lý Tài sản Tông Tòa, Viện Giáo Vụ, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính. Tất cả đều yêu cầu tòa án từ chối các yêu cầu tuyên bố vô hiệu mà người bào chữa đưa ra.

Ngoài khoản thiệt hại 217 triệu euro, các bên dân sự đã nhấn mạnh tính hợp pháp trong của trường hợp của họ, nêu bật thiệt hại nặng nề mà Tòa thánh đã phải gánh chịu về mặt uy tín.
Source:Aleteia
 
Tổng thống Ukraine bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng phụ Đại kết vì những biểu hiện của sự ủng hộ
Đặng Tự Do
18:46 05/03/2022


Tối Chúa Nhật, ông Volodymyr Zelenskyy, Tổng thống Ukraine, đã liên lạc qua điện thoại với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và mô tả tình hình tổng quát ở đất nước của ông sau cuộc xâm lược quân sự của Liên bang Nga.

Tổng thống Zelenskyy bày tỏ lòng biết ơn đối với những biểu hiện ủng hộ từ phía Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đối với quốc gia đang gặp khó khăn của ông, khẩn cầu ngài tăng cường cầu nguyện cho cuộc đấu tranh của người dân Ukraine để bảo vệ tự do và toàn vẹn lãnh thổ của quê hương.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô bảo đảm với Tổng thống Zelenskyy về sự đoàn kết của Giáo hội Mẹ và những lời cầu nguyện liên tục rằng ngọn lửa thù địch có thể chấm dứt và xung đột quân sự có thể ngưng ngay lập tức. Đức Thượng Phụ chúc mừng Tổng thống vì tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của ông, cũng như nguồn cảm hứng và sự ủng hộ mà ông mang lại cho người dân Ukraine với thái độ can đảm của ông.

Cuối cùng, Thượng phụ Đại kết đã chuyển lời cầu nguyện của mình xin Chúa ban sức mạnh và sự bền đỗ để hòa bình có thể nhanh chóng lặp lại ở Ukraine, nơi mà người dân - cũng như nhiều dân tộc khác - đã nhận được đức tin Chính thống từ Giáo Hội Constantinople.
Source:Orthodox Times
 
Tin tặc làm gián đoạn cuộc họp trực tuyến của Caritas về Ukraine
Đặng Tự Do
18:47 05/03/2022


Một cuộc họp báo trực tuyến của một tổ chức bác ái Công Giáo về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine đã bị gián đoạn bởi các tin tặc vào sáng thứ Ba.

Ngay khi Aloysius John, tổng thư ký Caritas Quốc tế, bắt đầu phát biểu tại cuộc họp báo, được tổ chức vào ngày 1 tháng 3 qua nền tảng hội nghị truyền hình Zoom, ông đã bị nhấn chìm bởi một loạt các lời lẽ tục tĩu.

Sự gián đoạn ban đầu sau đó là sự gián đoạn của các giọng nói khác nhau, bao gồm cả tiếng của trẻ em, kéo dài ít nhất ba phút. Tài khoản Zoom cũng chia sẻ những lời tục tĩu trong tính năng trò chuyện nhóm của cuộc gọi.

Hơn 200 người đã theo dõi cuộc họp báo trực tuyến, trong đó có một linh mục Công Giáo Ukraine và chủ tịch Caritas Ukraine là diễn giả chính.

Sau khi các quản trị viên của cuộc họp loại bỏ được những người gây ra gián đoạn âm thanh, những lời tục tĩu tiếp tục được thêm vào bằng văn bản trong cuộc trò chuyện Zoom.

Marta Petrosillo, giám đốc truyền thông của Caritas Internationalis, cho biết: “Tôi xin lỗi, chúng tôi có một hacker gửi tin nhắn thay mặt cho những người tham gia. Chúng tôi xin lỗi vì điều đó, nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại vì tính chất khẩn cấp của vấn đề.”

Những người tham gia cuộc họp báo nói rằng một số tin nhắn trong cuộc trò chuyện được đăng từ tài khoản của họ không phải do họ viết.

“Tin nhắn dùng tên tôi đã được gửi… nhưng tôi không gửi chúng”, một người tham gia viết.

“Và đây KHÔNG phải là tin nhắn của tôi,” một người khác viết.

Petrosillo nói với CNA rằng Caritas Internationalis chưa xác định được ai đã hack cuộc họp báo - một hoạt động thường được gọi là “Đánh bom Zoom”.

Liên minh các tổ chức từ thiện Công Giáo có trụ sở tại Vatican đã chia sẻ công khai liên kết Zoom tới cuộc họp báo trên Twitter.

Các chuyên gia đã cáo buộc Nga sử dụng hack, chiến tranh mạng và thông tin sai lệch trong cuộc xung đột với Ukraine.

Theo BBC, vào tháng Giêng, khoảng 70 trang web của chính phủ Ukraine đã bị tấn công khiến không thể truy cập. Các quan chức ở Kiev tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm.

Các quan chức Mỹ cho biết Cục tình báo của Nga phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công đánh sập các trang web của hai ngân hàng và trang web của quân đội Ukraine vào ngày 15 và 16 tháng 2.

Lực lượng phòng vệ mạng của Ukraine cũng đưa ra cảnh báo vào ngày 25 tháng 2 về các cuộc tấn công lừa đảo trên diện rộng nhằm vào người Ukraine, trong đó các mục tiêu bị lừa cung cấp thông tin cá nhân.

Một cuộc tấn công mạng vào các nhà máy điện của Ukraine năm 2015 khiến hơn 200,000 người không có điện.

Theo Reuters, trong số các mối đe dọa có các cuộc tấn công ransomware và phần mềm độc hại, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ để đánh sập các trang web cũng như xóa và đánh cắp dữ liệu.

BBC đã đưa tin rằng một số cuộc tấn công mạng vào các trang web của chính phủ Ukraine không phải đến từ chính phủ Nga mà là một nhóm “cái gọi là 'tin tặc Nga' yêu nước”, là những kẻ gây ra gián đoạn trực tuyến mà không có lệnh trực tiếp từ nhà nước Nga.

Caritas Quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp nhằm cứu trợ Ukraine sau khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia này vào ngày 24 tháng 2.
Source:Catholic News Agency
 
Giáo chủ Chính Thống Giáo Ukraine yêu cầu Thượng Phụ Kirill giúp đưa xác những người lính Nga đã chết về nước
Đặng Tự Do
18:48 05/03/2022


Ở Ukraine hiện nay có hai Giáo Hội Chính Thống. Đông nhất là Chính Thống Giáo Ukraine nhưng trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Kế đến là Giáo Hội Chính Thống Ukraine độc lập, gọi tắt là OCU.

Khi Nga mở cuộc xâm lược vào Ukraine hôm 24 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Epifaniy, Giáo chủ Chính Thống Giáo Ukraine độc lập đã đưa ra một bức thư ngỏ gởi Thượng Phụ Kirill yêu cầu can thiệp với Putin để ngăn chặn chiến tranh. Đáp lại, Thượng Phụ Kirill, đã đưa ra lời kêu gọi “Chúa bảo vệ đất Nga”, trong đó minh định rõ rằng đất Nga hay “Kievan Rus”, bao gồm Cộng hòa Liên Bang Nga, Ukraine và Belarus.

Trước diễn biến ngỡ ngàng này, nhiều linh mục Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố chấm dứt không cầu cho Thượng Phụ Kirill nữa trong các thánh lễ do các vị cử hành. Nhiều vị đi xa đến mức tuyên bố đưa toàn bộ giáo xứ của mình gia nhập OCU.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Epifaniy, giáo chủ của OCU, đã phản ứng bằng cách kêu gọi Thượng phụ Kirill hãy giúp nhận thi thể của những người lính của ngài đã đột nhập vào Ukraine và đang chết vì ý tưởng “Thế giới Nga”.

Điều này được nêu trong Lời kêu gọi của ngài với Đức Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

“Thật không may, từ những tuyên bố công khai trước đây của ngài đã rõ ràng rằng việc duy trì những cam kết mà ngài đưa ra với Putin và ban lãnh đạo Nga quan trọng hơn nhiều so với việc chăm sóc cho người dân ở Ukraine, một số người đã coi ngài là mục tử của họ trước chiến tranh. Do đó, hầu như không có ý nghĩa gì khi yêu cầu ngài làm điều gì đó hiệu quả để hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine ngay lập tức dừng lại.”

Đức Tổng Giám Mục Epifaniy đã bày tỏ hy vọng rằng Kirill sẽ tìm thấy nguồn lực tinh thần để thể hiện chủ nghĩa nhân văn của mình và ít nhất là quan tâm đến đồng bào của mình.

“Chúng ta đang nói về hơn ba nghìn quân nhân Nga bị giết, thi thể của họ nằm trên mặt đất của Ukraine. Ban lãnh đạo nước tôi đã kêu gọi Hội Hồng Thập Tự quốc tế tạo điều kiện đưa thi thể các quân nhân Nga về quê hương để người thân, bạn bè đến tiễn biệt và an táng. Rất tiếc, cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Nga”.

“Vì vậy, tôi kêu gọi ngài, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga: hãy thể hiện ít nhất lòng thương xót đối với đồng bào và đàn chiên của mình. Nếu bạn không thể lên tiếng chống lại sự xâm lược - thì ít nhất hãy giúp mang đi thi thể của những người lính Nga, những người đã trả giá bằng mạng sống của họ cho những ý tưởng về ‘thế giới Nga’ - của ngài và của tổng thống của ngài”.

“Cầu xin Chúa ban cho ngài sức mạnh tinh thần ít nhất là để có thể làm điều này, đặc biệt là hôm nay - là ngày Chúa Nhật nhắc nhớ Ngày Phán xét Cuối cùng!”.
Source:RISU
 
Ukraine: Đức Tổng Giám Mục Shevchuk kêu gọi có vùng phi quân sự cho việc tiếp vận nhân đạo
Thanh Quảng sdb
20:44 05/03/2022
Ukraine: Đức Tổng Giám Mục Shevchuk kêu gọi có vùng phi quân sự cho việc tiếp vận nhân đạo

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Chính Thống Hy Lạp Ukraine, cho hay cư dân của các thành phố bị quân đội Nga bao vây không được tiếp cứu lương thực, nên cần có vùng phi quân sự để tiếp vận nhân đạo...

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine (UGCC) hôm thứ Bảy (5/3/2022) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp dàn xếp có vùng phi quân sự để tiếp vận nhân đạo, để những thường dân vô tội có thể di chuyển đến những nơi an toàn mà nhận viện trợ trong “cuộc chiến kinh hoàng và đẫm máu” do Liên xô xâm lăng Ukraine.

Đức TGM Sviatoslav Shevchuk của Kyiv chia sẻ: “Kẻ thù đang phong tỏa và bao vây các thành phố lớn và không cho phép người dân rời thành phố, không cho họ đến các trung tâm phân phối lương thực trước những cuộc pháo kích liên nỉ!

Thường dân bị mắc kẹt

Theo các nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Bảy (5/3/2022), có khoảng 351 thường dân bị thiệt mạng và 707 người bị thương ở Ukraine.

Mở đường tiếp tế nhân đạo là một khu phi quân sự nhằm cung cấp một lối thoát an toàn cho thường dân vô tội chạy thoát khỏi các cuộc xung đột và cho các cơ quan nhân đạo có thể tiếp vận nhu yếu phẩm tới những người bị ảnh hưởng bởi chiến cuộc.

Đức TGM kêu gọi: “Tôi khẩn khoản nài xin cộng đồng quốc tế đừng im lặng. Chúng ta hãy làm mọi sự có thể để ít nhất những đoàn xe nhân đạo có thể đến được những thành phố đang nằm trong tầm kiểm soát của kẻ thù…”

Ngài nói: “Khi kẻ thù ném bom các thành phố, nhiều tòa nhà đã trở thành những phòng lạnh khổng lồ vì không có điện, không có ánh sáng, không có nước. Chúng ta phải cứu giúp họ một cách nào đó, nhưng kẻ thù ngăn cản, không cho chúng ta cứu trợ họ!”

Ngài nhấn mạnh đến các thành phố và thị trấn ở phía bắc, đông và nam Ukraine, nơi đang có những giao tranh dữ dội do Nga xâm lăng bắt đầu vào đêm 24 tháng 2.

ĐTGM cũng cho hay đêm qua (4/3/2022) Kharkiv, thành phố lớn thứ hai đã chìm trong các cuộc không kích và pháo kích trong cảnh tuyết rơi dày đặc cả 20 cm. ĐTGM cũng cho hay tình hình tuyệt vọng ở các vùng Sumy, Mariupol và Volnovakha.

Kêu gọi mở vùng phi quân sự để trợ giúp nhân đạo và chấm dứt chiến tranh

Tổng giám mục Shevchuk tha thiết hãy "Có một vùng phi quân sự để tiếp vận nhân đạo cho thường dân vô tôi nhận được nhu yếu phẩm trong tình tương thân của con người."

Đức Tổng Giám Mục đặc biệt cảm ơn các tình nguyện viên và các tổ chức cộng đồng quốc tế khác nhau đã tiếp nhận những người di cư. Ngài chia sẻ nhiều giáo xứ ở miền đông nam của đất nước đang biến cơ sở của các giáo xứ thành “những trung tâm phục vụ xã hội”.

Một lần nữa, ĐTGM kêu gọi cộng đồng quốc tế: "hãy làm mọi sự có thể để chấm dứt cuộc xâm lăng này!"
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cơn cám dỗ của Chúa Giêsu
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:09 05/03/2022
Hình ảnh cơn cám dỗ của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu Kitô, con Thiên Chúa, như Kinh Thánh viết thuật lại ( Phúc âm Lc 4,1-13) đi vào vùng sa mạc hoang vắng ăn chay, cầu nguyện 40 đêm ngày.

Và sau đó Ngài bị ma quỷ bày ra cạm bẫy cám dỗ. Chúng bày ra ba cạm bẫy cám dỗ thử thách tâm trí ý chí đời sống Chúa Giêsu: ăn uống, vinh quang lợi lộc danh vọng và lòng kiêu ngạo thách thức Thiên Chúa.

Vậy đâu là hình ảnh những cơn cám dỗ đó trong đời sống con người, và Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh phương thế nào chống lại chúng?

Ma qủi nhận ra nhu cầu ăn uống nơi con người, nhất là lúc đói, Chúa Giêsu đã ăn chay nhịn đói lâu ngày. Biết thế chúng bày ra cạm bẫy thử thách Chúa Giêsu đang lúc lâu ngày đã không ăn uống gì: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho đá biến hóa thành bánh mì đi để ăn cho qua cơn đói bụng!

Có thức ăn nước uống con người có thể lấp đầy nhu cầu cho bao tử, cùng mang lại sức lực cho các cơ quan thân thể hoạt động trở lại.

Có thực phẩm ăn no đủ, con người không còn, hay vơi ít cảm thấy sự bực tức nôn nao sợ hãi. Qua đó sự thất vọng bị đè ấn xuống ra đàng sau, sang ra một bên, và sự thiếu vắng hay ít tình yêu thương cũng được bù đắp lại cho quân bình.

Thức phẩm làm đầy bao tử luôn là nhu cầu cho đời sống con người. Chúng đẩy xa lùi sự thất vọng, sự sợ hãi, tức giận và cả sự ganh tỵ, dù chỉ tạm thời.

Đối diện với cạm bẫy cám dỗ về nhu cầu ăn uống cho thân xác con người, Chúa Giêsu Kitô đã quan tâm hướng đến khía cạnh khác: đời sống tinh thần.

Vì thế Ngài đã trả lời cho thách thức cám dỗ đó: “ Đã có lời ghi chép rằng:Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ lời từ miệng Thiên Chúa phán ra nữa!

Với những lời tâm linh là phương thế chống trả cám dỗ thách thức do ma qủi bày ra, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh nói đến sự sống con người phần thân xác cũng như tinh thần là do Thiên Chúa tạo thành ban cho. Con người được dùng thực phẩm ăn uống cho no đủ. Nhưng trong mức độ chừng mực. Không được lạm dụng dùng thực phấm làm mục đích để thỏa mãn, để muốn quên hay đẩy xa khía cạnh đời sống tinh thần linh hồn ra một bên.

Ma qủi bày cám dỗ thứ hai cho Chúa Giêsu về quyền lực và của cải: Ma qủi hứa trao cho Chúa Giêsu tất cả vinh quang giầu sang của thế giới, nếu Ngài phủ phục bái lạy chúng!

Cạm bẫy cám dỗ này hằng thời sự trong đời sống con người. Quyền hành, vinh quang giầu sang lợi lộc thường làm mờ mắt tâm trí con người, và con người dễ nhanh chóng nhượng bộ, bán rẻ nếp sống tinh thần danh dự (linh hồn) cho cạm bẫy cám dỗ loại thứ này. Những cám dỗ thử thách về quyền hành, vinh quang lợi lộc cho riêng mình luôn hằng xảy diễn ra trong mọi lãnh vực đời sống đạo cũng như phần đời nơi con người trần gian.

Con người bị lôi kéo vào vòng này mà nhiều khi không biết chú ý đến. Tâm tính con người hay hướng chiều làm sao để không chỉ đạt nắm giữ quyền hành địa vị, giàu sang phú qúi, nhưng còn muốn xây dựng củng cố mở rộng ra thêm nữa. Và như thế tiếng nói lương tâm bị đẩy lui dập tắt.

Quyền hành, vinh quang lợi lộc vật chất nơi trần gian không là sự việc của Chúa Giêsu. Sứ mạng của Chúa Giêsu trên trần gian hướng đến khía cạnh đời sống tinh thần linh hồn con người.

Chúa Giêsu đã có phản ứng chống trả cạm bẫy cám dỗ đó của ma qủi với chỉ dẫn nghiêm ngặt : không phải tiền bạc của cải vật chất, địa vị sức mạnh quyền thế là trung tâm cùng đích đời sống con người. Những điều đó không là thứ thần thánh. Những thứ đó nay còn, ngày mai mai một tan biến.

Duy chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi, Đấng là khởi đầu và trung tâm cùng đích đời sống, con người phải hướng đến tôn thờ bái lạy kính mến: “ Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa của người, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Ma qủi lại bày ra cạm bẫy nữa để cám dỗ Chúa Giêsu: lòng kiêu căng muốn thử thách Thiên Chúa.

Trong đời sống con người, phần đời cũng như phần đạo, hằng vướng vào tâm trạng muốn được đề cao nổi tiếng, có khả năng xuất chúng vượt trội hơn người làm được những điều ngoạn mục, là người được hoan hô tôn vinh đứng ở trên sân khấu đàng trước nơi vị trí trung tâm.

Vì thế ma qủi bầy ra cạm bẫy thử thách Chúa Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống (từ trên cao nóc đền thờ Jerusalem). Vì có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.”.

Chúa Giêsu nhìn ra âm mưu thâm độc của ma qủi, nên Ngài chống trả mãnh liệt bằng những lời răn đe quyết liệt nghiêm nghị: “ Người chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

Phương thế Chúa Giêsu dùng để chống trả cạm bẫy cám dỗ rất tinh vi do ma qủi gài bẫy bày ra là phương thức tâm linh để chống chọi lại khía cạnh vật chất ma qủi nhử bày ra.

Phương thức tâm linh nói lên sự trung thành với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, là khởi đầu và cùng đích đời sống con người về phần thân xác cũng như tinh thần linh hồn.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Lá thư Canada tháng 3/2022 : Chúng Ta Là Anh Em -Trà Lũ
Trà Lũ
17:35 05/03/2022
Tin vua Putin đem quâm xâm lăng nước Ukraine ngày 24 tháng 2 vừa qua đã làm mờ hẳn nhưng tin thời sự vẫn thường nóng bỏng mỗi ngày như tin dịch Cô Vít trên thế giới hay tin vua Tập Cận Bình lấn át Biển Đông. Bây giờ tin Ukraine bị xâm lăng chiếm hàng đầu. Nhờ biến cố này mà dân làng tôi mới biết cái xứ Ukraine giầu có về quặng mỏ và tài nguyên như vậy. Xưa nay có ai biết quân đội Ukraine mạnh đâu cho tới hôm nay, quân Nga trang bị tối tân nhất thế giới đã tiến vào xứ này 10 ngày rồi mà vẫn chưa chiếm được thủ đô Kyiv. Từ xưa tôi thấy không nhiều người ghét Putin cho bằng ghét Tập cận Bình, nay thì mọi sự đã khác. Hầu như cả thế giới đang lên án Putin đem quân xâm lăng nước láng giềng, chỉ có CSVN và Cuba là chưa, còn lấp lửng vì từng chịu ơn Nga trong qúa khứ. Nga Sô xưa đã từng mở một đường xe lửa viễn liên chở khí giới và các tiếp liệu cho VC từ Nga chạy xuyên Trung Hoa tới tận Bắc Việt. Còn Tàu Cộng cũng không lên tiếng về cuộc xâm lăng này vì dù sao Nga cũng từng là người bạn cùng chủ nghĩa cộng sản. Còn phía tây phương thì không nước nào bênh Nga hết. Ngay đầu tháng Ba, Hoa Kỳ và bảy nước G7 đã họp nhau vừa lên án vừa đánh vào tài chính của Nga, đồng rúp của Nga bị phá mọi nơi. Báo chí cho biết kinh tế Nga đang tuột dốc thê thảm, một đồng rup của Nga không có giá bằng một xu của đồng đô la Mỹ. Khắp nơi đâu cũng có các phong trào dân chúng ủng hộ và giúp đỡ các di dân Ukraine. Nói đâu xa, ngay tại Canada này, cộng đồng VN ở thủ đô Ottawa, Toronto, hay Montrea1 đều lập ra những quỹ giúp dân Ukraine tỵ nạn. Bang Ontario còn đi mạnh hơn, đã cấm các tiệm không được bán rượu Nga. Hiện nay không ai đoán được cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ đi về đâu. Nga có dám dùng bom nguyên tử như đã từng hăm he không? Làng tôi ai cũng dè dặt về con người Putin. Xưa nay về an ninh thì Mỹ có cơ quan mật vụ CIA, và Nga có KGB. Putin xưa là lãnh tụ của KGB, các cụ còn nhớ chứ?

Thôi, chuyện Nga và Ukraine là chuyện dài, cần phải thời gian mới rõ được. Mời các cụ về làng An Lạc sống vui với chúng tôi.

Dịp tết con cọp vừa qua, ông Từ Hòe bảo chưa năm nào mà có cái ngày mang tên con số đẹp như năm nay: Ngày 22 tháng 2 năm 2022, tòan số 2. Đi vào chi tiết nữa, hãy thêm số giờ và số phút: Ngày 22 thàng 2 năm 2022, lúc 22 giờ 22 phút tối, viết tắt sẽ là một hàng toàn số 2: 22.2.2022. 22.22. Ông Từ Hòe bảo một ngàn năm mới có một ngày như thế.

Tôi bèn bấm vào mạng xem ngày này trên thế giới có sự kiện gì lạ không, nhưng không có chi cả, trừ ngày 24 tháng 2 năm 2022 là ngày Putin đem quân xâm lăng Ukraine. Và ngày 22.2.2008 VN thua kiện về vụ Chất Độc Da Cam-Dioxin mà Hoa Kỳ đã rải ở VN. Các cụ còn nhớ vụ kiện này không? Các quan CSVN, xưa từng vỗ ngực xưng là đỉnh cao trí tuệ loài người, bách chiến bách thắng, bây giờ thì xấu hổ quá đã giấu nhẹm việc thua kiện này. Nay nhân ngày rộng tháng dài bị cách ly trong nhà, tôi xin trình các cụ nghe qua việc này nha.

Đại diện VN đứng kiện gồm GS.TS Phan Thị Phi của Đại học Y khoa Hà Nội, GS-BS Dương Quỳnh Hoa thứ trưởng bộ Y Tế, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng giám đốc bệnh Viện Từ Dũ, và một số chứng nhân, và một số bà mẹ có những đứa con quái thai. Và đoàn VN kiện lên tòa bên Mỹ đòi bồi thường 2 tỷ mỹ kim.

Bên bị kiện là các công ty đã sản xuất ra chất độc này. Luật sư của bên bị cáo liền đặt nhiều câu hỏi trước tòa:

- Thứ nhất: khi ta bị một kẻ cướp dùng con giao đâm ta bị thương thì ta kiện tên cướp hay kiện người làm ra con giao? Trong vụ kiện này, các công ty sản xuất chất Da Cam không tự đứng ra rải chất độc Da Cam xuống VN mà là quân đội Hoa Kỳ, sao quý vị không kiện người rải thuốc mà lại kiện các công ty chúng tôi?

- Thứ hai: Thuốc Da Cam chỉ làm rụng lá cây cốt không cho VC ẩn náu, chứ không hề phá đất phá rừng, chỉ mấy năm sau là rừng cây lại xanh lá như thường.

- Thứ ba là thuốc Da Cam bị cho là nguyên nhân sinh ra các quái thai. Bên Phi Châu là nơi có nhiều quái thai nhất nhưng Phi châu không hề rải chất độc Da Cam.

- Thứ bốn là chất Da Cam chỉ rải trong miền Nam mà tại sao các nạn nhân về da cam lại toàn các bà mẹ sống ở miền Bắc?

Bên VN thấy khó thắng vụ kiện này bèn điều đình, thay vì đòi 2 tỷ mỹ kim nay chỉ đòi 200 triệu mà thôi, rồi hứa sẽ xóa vụ kiện không bao giờ đòi bồi thường nữa.

Luật sư bên bị cáo phía Hoa Kỳ không chịu. Hai bên giằng co, hết tòa dưới ở tiểu bang rồi đưa lên tòa trên ở liên bang. Luật sư của phía VN, tức bên đứng đơn kiện không hề chối hay phi bác được các luận cứ của bên bị nêu ra. Cuối cùng, ngày 22 tháng 2 năm 2008, Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ ở New York đã bác đơn kiện của VN về chất dộc Da Cam-Dioxin. CSVN thua kiện, trắng tay, nín khe, đã lủi thủi ôm nhục trở về nước.

Ông Từ Hoe nghe nói đến vụ VC đòi 2 bồi thường 2 tỷ đồng lúc ban đầu thì cười khà khà. Ông bảo VC không học được bài học hồi 1973. Hồi đó lúc sắp ký hiệp đinh Paris, phía Hà Nội vẫn chưa ký, vẫn còn lưỡng lự. Ngoại Trưởng Kissinger đã bí mật đi Hà Nội và đã thí dỗ Hà Nội: Nếu các anh chịu ký, nghĩa là ngưng chiến để Hoa Kỳ rút hết quân khỏi miền Nam và nhận lại hết mọi người tù binh Mỹ đang bị các anh giam giữ thì sau đó 3 tháng Mỹ sẽ biếu VN 4 tỷ mỹ kim để tái thiết Hà Nội. Các quan CSVN nghe sẽ có 4 tỷ thì sướng quá, thế là các quan chịu liền và ký hiệp định liền. Trong khi chờ 3 tháng, bỗng ở Miền Nam bên VC tấn công một trận lớn ở Ban Mê Thuột gì đó, ông Kissinger liền tuyên bố: các anh ký mà không tôn trọng hiệp định, không giữ lời hứa, bởi vậy chúng tôi không phải giữ lời hứa cho các anh 4 tỷ nữa. Thế là giấc mộng ôm 4 tỷ tan tành, Hà Nôi giận hết sức nên đã đem toàn lực vào giải phóng Miền Nam năm 1975 là thế.

Qua chuyện này, các cụ đã thấy Kissinger là con cáo già mưu lược chưa ! Không tốn một viên đạn, không tốn một đồng bạc mà ông đưa dược hết quân Hoa Kỳ an toàn ra khỏi VN và lấy lại hết tù binh Hoa Kỳ đang bị VC giam giữ. Sau này có người nói cái trận đánh trên đây chính là do Kissinger tạo ra.

Bà cụ già B.95 nghe đến đây thì bắt đầu ngáp. Ai cũng biết xưa nay bà cụ không ưa nghe chuyện chính trị. Ông Từ Hòe liền chuyển đề ngay. Ông liền nói về Chị Ba Biên Hòa.

Rằng xưa nay ta cứ chế nhạo các cán bộ của Bác Hồ 75 từ Hà Lội ăn lói quê mùa, không phân biệt chữ N và chữ L. Thế nhưng theo Chị Ba Biên Hòa gốc miền Nam thì người Hà Nội gốc 54 như chúng ta đây cũng nói sai chữ TR- và chữ CH-, như uống trà với uống chà, cây tre với cây che, do đó mới có câu chuyện cười này: Học sinh A than thở với bạn học sinh B: Cô giáo tao khó quá, bài văn tao viết hay như vậy, mà tao chỉ viết sai có một chữ mà cô cho tao điểm 0. Học sinh B liền hỏi: thế mày viết sai như thế nào? Học sinh kia đáp: Vì cô giáo tao tốt nghiệp Viện Đại Học Đà Lạt là đại học có khẩu hiệu là Thụ nhân, nên thay vì viết ‘cô giáo tao say mê trồng người’ thì tao viết ‘cô giáo tao say mê chồng người!’ Anh bạn B liền nói ngay: Cô giáo giận và hận mày là đúng quá rồi vì mày đã viết tầm bậy, trồng và chồng hoàn tòan khác nghĩa nhau.

Nhân chuyện chữ L làm tôi lan man nhớ tới người Nhật. Họ thường lẫn chữ L với chữ R, như chữ salary man ( người đi làm có ăn lương), họ nói là sarariman, hay chữ High collar ( người có chức quyền) thì họ nói là Highkara. Điển hình nhất là chuyện tiếu lâm mà thiên hạ ưa diễu người Nhật. Rằng một ông Nhật nghe người bạn Mỹ nói rằng người Mỹ cứ 4 năm mới có election một lần, ông bạn Nhật nghe xong thì cười hề hề rồi bảo: Sao người Mỹ các anh yếu thế, mãi 4 năm mói có một lần à, người Nhật chúng tôi có hàng đêm ! Thì ra ông Nhật nghe election mà tưởng là erection ! Hình như người Tàu cũng không nói được chữ R. Roma thì họ gọi là La Mã ! Roumany thì họ nói là Lỗ Ma Ni.

Ông bồ chữ ODP lúc này mới lên tiếng. Rằng chữ L với R là chuyện khác biệt giữa 2 ngôn ngữ. Ngay ở VN ta nè, ta nói chung một thứ tiếng, phát âm chung một giọng nhưng lại hiểu nghĩa sai. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện của bạn tôi là một bác sĩ kể. Rằng bữa đó bệnh nhân là một người đàn ông Bắc Kỳ, anh đến xin bác sĩ cắt da quy đầu. Viêc này dễ thôi vì ông bác sĩ thường làm việc này ở bệnh viện. Trước khi ra về, anh bệnh nhân vừa cười vừa hỏi bác sĩ: ngày mai tôi có thể đi lại được không? Ông bác sĩ là người miền Nam cũng cười rồi đáp ngay: Được chứ. Ông đi lại ngay bây giờ cũng được cơ mà. Ngày hôm sau, trong khi ông bác sĩ đang làm việc thì được mời khẩn cấp đến phòng cấp cứu. Bệnh nhân là cái anh Bắc Kỳ hôm qua, quần anh be bét máu. Vừa thấy bác sĩ, anh ta trách ngay: Vậy mà bác sĩ bảo tôi đi lại được liền, dù vợ chồng tôi đi lại rất nhẹ nhàng ! Ối giời ơi, thì ra anh Bắc Kỳ nói tiếng Bắc Kỳ đặc, đi lại mà anh hiểu nghĩa là làm chuyện vợ chồng !

Cả làng nghe xong cùng phá ra cười về tiếng Bắc tiếng Nam.

Chị Ba Biên Hòa hơi đỏ mặt một chút, chị chờ mọi người vỗ tay và cười xong thì chị chuyển hướng, không nói về tiếng Bắc tiếng Nam nữa. Chị chỉ tay vào anh H.O. là người bữa nay ít nói nhất, chị bắt anh phải kể một chuyện gì, để mua vui, chị bảo chuyện gì cũng được miễn không liên quan đến chính trị và sex, để cụ B.95 khỏi kêu nhức đầu. Anh nghĩ một chút rồi nói: Nhân làng vừa nói tới người Ukranian, sở tôi làm có một nhân viên gốc Ukranian, anh này hiền lành và có một nét đặc biệt là anh ta không bao giờ uống sữa bò. Ai hỏi tại sao thì bao giờ anh cũng giải thích. Lý do anh ta đưa ra khá hay và chinh phục mọi người. Lời anh nói rất giống một bài tôi đã đọc trên mạng nói về cách bò cái cho sữa. Bài này rất hay. Tôi xin trích những lời của tác giả ẩn danh này, mong tác giả cho phép, đại ý của anh như sau:

Xưa nay ai cũng nghĩ rằng đã là bò cái thì nó cho sữa liên tục, ta cứ việc vắt sữa nó thoải mái. Không đúng như vậy ! Để có sữa thì con vật phải trải qua chu kỳ mang thai, lúc đó hormone mới kích thích tuyến sữa họat động để sinh ra sữa. Do đó các người chăn nuôi đã cưỡng bức con bò bằng cách bơm tinh trùng bò đực vào trong bò cái, ép buộc nó phải mang thai. Sau khi sinh chừng nửa ngày thì con bê con sẽ bị tách ra khỏi bò mẹ để con người vắt lấy sữa. Con bê sẽ được phân loại, nếu là con cái thì nó sẽ được nuôi cho lớn và lại đi vào vòng của mẹ nó là để ta vắt lấy sữa, còn con bê đực sẽ bị giết. Con bò cho sữa phải sống như một cái máy, khi hết chu kỳ cho sữa là 13 tháng thì nó lại bị ép mang thai tiếp. và cứ thế mang thai được 6 hay 7 lần rồi con bò cái đi vào chu trình cuối đời là hết khả năng cho sữa và bị giết lấy thịt. Như vậy là con người ác với con bò cái quá chứ.

Cả làng tôi nghe xong chuyện này thì ai cũng gật gù. Tội nghiệp con bò cái. Cái ông Ukraine thương con bò nên không uống sữa của nó là phải Nghe chuyện này xong thì không có ai cười. Ông Từ Hoe liền nói: Trước đây thế giới có bệnh bò điên, là bệnh trầm tư, rầu rĩ, lo lắng. Các bạn có biết tại sao con bò điên không? Phe các bà trả lời ngay: Nó là con bò thì làm sao mà con người biết được ! Ông Từ Hòe cười hề hề rổi bảo: cứ suy từ con người thì ra chuyện con bò. Con bò đực thấy ai cũng bóp vú vợ nó, vú em gái và vú con gái nó thế mà nó chả làm gì được, bởi vậy con bò đực nào cũng phát điên. Và ta ăn thịt bò thì ta nhiễm cái bệnh điên vào người là thế.

Chị Ba Biên Hòa nói ngay: Em chịu bác, đang từ chuyện sữa bò mà bác chuyển sang được chuyện bóp vú… Chả biết cái ông làm ở sở anh H.O. không dùng sữa bò thì buổi sáng anh ta uống cà phê với sữa gì. Anh HO trả lời ngay: anh ta dung sữa dê ! Anh ta không uống sữa bò nhưng lại nghiện sữa dê. Sữa dê bổ hơn sữa bò.

Nghe đến đây thì bà cụ B.95 cũng cười rồi bảo Chị Ba: Phe liền bà chúng mình luôn thua phe liền ông, từ sữa bò họ chuyển sang chuyện bóp vú, rồi bây giờ chuyển sang chuyện sữa dê. Anh John của tôi đâu, xin cho nghe chuyện Canada đi.

Anh John gật đầu ngay. Anh nói: Sau tết ta 2 tuần thì Canada mừng lễ Tình Nhân Valentine. Vậy cháu xin nói về đề tài tình yêu nha. Đây là lễ của các người đang yêu nhau. Gốc lễ này có từ thế kỷ thứ ba. Lúc đó vua Claudius động binh vì muốn bành trường đế quốc La Mã nhưng không ai chịu đi lính. Vua bèn ra lệnh cấm các lễ cưới, cấm con trai lấy vợ mà phải đi lính. Không ai vâng lời vua. Lúc đó có linh mục Valentine can đảm đứng ra làm các lễ cưới bí mật cho giới trẻ và khuyến khích các cặp đang yêu nhau cứ tiếp tục yêu nhau và lấy nhau. Vua tức giận đã giết linh mục Valentine này. Từ đó có ngày Valentine Day, là ngày các cặp trẻ nhớ ơn và xin Cha Valentine chúc lành cho tình yêu họ đang có.

Anh John quay vào cụ Chánh tiên chỉ và xin cụ cho thêm ý kiến về đề tài tình yêu. Dân làng đều vỗ tay hoan hô lời xin này. Cụ Chánh sau cả buổi lắng nghe dân làng, bèn lên tiếng ngay. Về tình yêu đôi lứa thì dân làng đều có kinh nghiệm cả rồi. Lão chỉ xin nói về tình yêu lúc tuổi gìa. Nhân lễ Thánh Valentine, lão nghĩ tới tình yêu của Mẹ Teresa Calcutta.

Chuyện kể rằng Mẹ thuộc thế giới da trắng kiêu sa và gia đình đạo đức ở Albania, khi 18 tuổi thì Mẹ đi tu. Rồi Mẹ được cử sang Ấn Độ dạy học cho các trẻ em lớp quý tộc.Trong 20 năm liền ngồi dạy học, Mẹ thường nhìn ra ngoài và thấy cả một xã hội nghèo khổ cùng cực, bệnh tật bẩn thỉu, sống nheo nhóc ở đầu đường xó chợ. Mẹ đã cầu nguyện rồi xin phép cởi ào dòng, Mẹ đã mặc manh áo trắng sari của người phụ nữ nghèo khổ rồi ôm lấy lớp người cùng đinh mạt rệp bệnh tật vào lòng.

Mẹ đã nhìn thấy Chúa trong từng người đau khổ ghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi này. Rất nhiều người đã đi tu theo Mẹ, tính đến năm 1997 khi Mẹ nhắm mắt thì đã có hơn 4,500 nữ tu theo chân Mẹ ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Tình bác ái yêu tha nhân này đã chinh phục được vợ chồng nhà văn kiêm điện ảnh gia nổi tiếng Anh quốc Malcolm Mageridge. Vì tấm gương yêu người là yêu Chúa của Mẹ Teresa, hai ông bà đã học đạo và nhập đạo ngày 27-11-1982. Mageridge đã viết trên tờ The Times of London như sau: Đúng như Mẹ Teresa nói, tất cả chúng ta là anh chị em với nhau, con một cha chung trên trời. Khi tôi gia nhập gia đình Công Giáo, tôi có cảm tưởng như đi về quê cũ, nối lại giây đàn đã đứt, đáp lại tiếng chuông đã dóng lên, nhìn thấy cái ghế trống đã dành sẵn cho tôi trong bàn ăn của đại gia đình…

Các cụ nghĩ sao về lời phát biểu này cơ?

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Diễn từ nghẹn ngào của Tổng thống Ukraine. 15 năm tù cho những ai dám nói xấu cuộc xâm lược Ukraine
VietCatholic Media
03:21 05/03/2022

1. Diễn từ nghẹn ngào của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Tổng thống Zelenskyy vừa có một bài diễn văn khiển trách NATO vì từ chối vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, khi các cuộc không kích của Nga leo thang

Trong một bài phát biểu đầy xúc động và gay gắt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chỉ trích NATO từ chối áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời cho rằng điều này sẽ cho phép Nga tiếp tục leo thang các cuộc tấn công từ trên không.

“Tất cả những người chết kể từ ngày hôm nay trở đi cũng sẽ chết vì các bạn, vì sự yếu đuối của các bạn, vì sự thiếu đoàn kết của các bạn,” ông nói trong một bài diễn văn tối qua.

“Liên minh đã bật đèn xanh cho việc ném bom các thành phố và làng mạc của Ukraine bằng cách từ chối tạo vùng cấm bay”.

Ông Zelenskyy nói rằng người Ukraine sẽ tiếp tục kháng cự và đã phá hủy kế hoạch của Nga về một cuộc xâm lược chớp nhoáng. Ukraine “đã trải qua chín ngày đen tối và tội ác.”

“Chúng tôi là những chiến binh của ánh sáng,” ông nói.

“Lịch sử của Âu Châu sẽ ghi nhớ điều này mãi mãi.”

Vậy chính xác thì vùng cấm bay là gì, và tại sao NATO lại nói không với Ukraine?

Vùng cấm bay sẽ đạt được điều gì?

Một khu vực cấm bay sẽ cấm tất cả các máy bay trái phép bay qua Ukraine.

Các quốc gia phương Tây đã áp đặt những hạn chế như vậy đối với các khu vực của Iraq trong hơn một thập kỷ sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong cuộc nội chiến ở Bosnia và Herzegovina từ năm 1993 đến 1995, và trong cuộc nội chiến ở Libya năm 2011.

Chính quyền và người dân Ukraine co ro đêm này qua đêm khác trong các hầm trú bom nói rằng một khu vực cấm bay sẽ bảo vệ dân thường - và bây giờ là các nhà máy điện hạt nhân - khỏi các cuộc không kích của Nga.

Cho đến nay, hàng chục người Ukraine đã thiệt mạng vì các cuộc không kích của Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính lực lượng bộ binh của Nga chứ không phải máy bay đang gây ra phần lớn thiệt hại ở Ukraine.

Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện Các Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, cho biết người Ukraine thực sự muốn có một cuộc can thiệp rộng hơn như vụ xảy ra ở Libya năm 2011, khi các lực lượng NATO tiến hành các cuộc tấn công vào các vị trí của chính phủ.

Điều đó khó có thể xảy ra khi đối thủ là Nga.

Ông Bronk nói: “Họ muốn chứng kiến phương Tây càn quét và tiêu diệt các loại hỏa tiễn đang tấn công các thành phố của Ukraine.”

“Chúng tôi sẽ không tham chiến chống lại quân đội Nga. Họ là một cường quốc vũ trang hạt nhân khổng lồ.”

“Không có cách nào mà chúng tôi có thể lập mô hình, chứ chưa nói đến việc kiểm soát, chuỗi leo thang sẽ đến từ một hành động như vậy.”

Tại sao NATO không muốn thực hiện bước này?

Nói một cách dễ hiểu, nó sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga và có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở Âu Châu với một siêu cường được trang bị vũ khí hạt nhân.

Mặc dù ý tưởng có thể đã được trí tưởng tượng của công chúng tán thưởng, nhưng việc tuyên bố vùng cấm bay có thể buộc các phi công NATO phải bắn hạ máy bay Nga.

Nhưng nó đi xa hơn. Ngoài máy bay chiến đấu, NATO sẽ phải triển khai máy bay tiếp dầu và máy bay giám sát điện tử để hỗ trợ sứ mệnh.

Để bảo vệ những chiếc máy bay cần phải bay liên tục trên cao, và tương đối chậm này, NATO sẽ phải phá hủy các khẩu đội tên lửa đất đối không của Nga và Belarus, một lần nữa có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cách duy nhất để thực hiện vùng cấm bay là đưa máy bay NATO vào không phận Ukraine để bắn hạ máy bay Nga.

“Chúng tôi hiểu sự tuyệt vọng, nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm như vậy, chúng tôi sẽ có thể đưa đến một cuộc chiến toàn diện ở Âu Châu,” ông nói.

“Chúng tôi có trách nhiệm với tư cách là đồng minh NATO để ngăn chặn cuộc chiến này leo thang bên ngoài lãnh thổ Ukraine.”

Điều gì đang xảy ra trên bầu trời Ukraine?

Những dự đoán về việc Nga sẽ nhanh chóng kiểm soát bầu trời Ukraine đã không trở thành hiện thực.

Các chuyên gia quân sự đang tự hỏi tại sao Nga lại chọn để hầu hết các máy bay chiến đấu của mình trên mặt đất trong cuộc tấn công quy mô lớn này.

Một lời giải thích có thể là do các phi công Nga không được đào tạo bài bản trong việc hỗ trợ các hoạt động trên bộ quy mô lớn; các cuộc giao tranh đòi hỏi sự phối hợp với pháo binh, trực thăng và các khí tài khác trong môi trường di chuyển nhanh.

Robert Latif, một thiếu tướng Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, hiện đang giảng dạy tại Đại học Notre Dame, cho biết có thể là do có rất ít không phận trên lãnh thổ Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng có lẽ họ hơi lo lắng rằng đó là một khu vực rất hạn chế. Nó không giống như Trung Đông, nơi có đủ loại không gian để dạo chơi trong không trung, “ông nói.

“Họ có thể rất dễ dàng đi lạc qua biên giới”.

“Với cả các hệ thống phòng không của Ukraine và Nga; và các máy bay Ukraine cũng như các máy bay Nga bay trên bầu trời điều đó có thể dẫn đến sai lầm. Tôi nghĩ có lẽ họ hơi lo lắng về việc thực sự có thể giải quyết được vấn đề đó hay không.”
Source:ABC News

2. Putin đưa ra án phạt 15 năm tù cho những ai dám nói xấu hắn

Hôm 5 tháng Ba, Putin đã ký một dự luật đưa ra án phạt tù lên đến 15 năm đối với những người đưa ra “tin giả” liên quan đến quân đội Nga khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, Agence France-Presse đưa tin.

Dự luật, được các nhà lập pháp thông qua trước đó vào thứ Sáu, đặt ra các điều khoản tù có thời hạn và tiền phạt khác nhau đối với những người công bố “thông tin sai lệch cố ý” về quân đội, với các hình phạt khắc nghiệt hơn nếu việc phổ biến được coi là gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Putin cũng đã ký một dự luật cho phép phạt tiền hoặc án tù lên đến ba năm vì kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga khi Mạc Tư Khoa phải đối mặt với các hình phạt kinh tế khắc nghiệt từ các thủ đô phương Tây vì cuộc xâm lược.

Năm qua đã chứng kiến một cuộc đàn áp chưa từng có đối với những tiếng nói độc lập và phê phán ở Nga, gia tăng đặc biệt sau khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Cơ quan giám sát truyền thông của Nga hôm thứ Sáu cho biết họ đã hạn chế quyền truy cập vào BBC và các trang web truyền thông độc lập khác, đồng thời chặn gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook.

Hai hãng tin cho biết họ sẽ ngừng đưa tin về Ukraine để bảo vệ các nhà báo của mình, trong khi BBC thông báo tạm dừng hoạt động tại Nga.

Truyền thông Nga đã được chỉ thị chỉ đơn thuần công bố thông tin do các nguồn chính thức cung cấp, trong đó mô tả cuộc xâm lược là một hoạt động quân sự.

Trong khi đó, các đài truyền hình do nhà nước kiểm soát đã củng cố các câu chuyện của chính phủ về chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine và tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng binh lính Ukraine đang sử dụng dân thường làm lá chắn cho con người.


Source:The Guardian
 
Phản ứng khôi hài của Chính thống giáo Nga đối với cuộc xâm lược của Putin
VietCatholic Media
05:20 05/03/2022


1. Được rửa tội ở Kharkiv trước khi ra trận

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã đăng bức ảnh cảm động của một người Ukraine xin được rửa tội và rước lễ lần đầu tại nhà thờ chính tòa Công Giáo Kharkiv trước khi ra tiền tuyến.

Trong số những hình ảnh đến từ cuộc chiến ở Ukraine, được cung cấp bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một bức ảnh đặc biệt gây xúc động cho thấy một thanh niên được rửa tội trước khi ra trận. Đó là bức ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Người thanh niên không quá 18 tuổi, và đã nhận phép rửa tội và Rước lễ lần đầu tại nhà thờ chính tòa Kharkiv. Tòa Giám Mục ở đó đã bị trúng bom vào sáng ngày 1 tháng Ba.

Người thanh niên này đang trải qua các khóa học tại nhà thờ chính tòa để nhận các bí tích. Bây giờ anh ta bước vào cuộc chiến với một viễn cảnh mới: với ân sủng của sự sống mới trong phép rửa tội, và sức mạnh của Thân thể Chúa Kitô.

Theo các bản tường trình, đặc biệt là các videos, được cung cấp bởi người Ukraine, và các tổ chức nhân quyền khác nhau, người Nga đã sử dụng bom chùm ở Kharkiv, thứ mà hơn 100 quốc gia đã cấm trong một hiệp ước NATO năm 2008.

Trong khi phần lớn người Ukraine theo Chính thống giáo, khoảng 10% dân số theo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh. Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương chiếm từ 8% đến 10% dân số của đất nước. Cũng có một tỷ lệ nhỏ hơn những người Công Giáo theo nghi lễ Latinh như chúng ta. Giáo phận Kharkiv – Zaporizhia phục vụ khoảng 50,000 người Công Giáo theo nghi thức Latinh.
Source:Aleteia

2. Công tố viên nói Vatican mất 240 triệu đô la trong vụ mua bán địa ốc ở London

Vào cuối phiên điều trần mới trong vụ án được gọi là “tòa nhà London”, diễn ra tại Vatican vào ngày 28 tháng Hai, Thẩm phán Giuseppe Pignatone tuyên bố rằng ông sẽ kết thúc giai đoạn thủ tục trước khi xét xử vào ngày hôm sau, 1 tháng Ba. Ông sẽ quyết định liệu phiên tòa có thể bước vào giai đoạn chính của nó hay không. Bên công tố cũng ước tính rằng Tòa thánh đã thiệt hại 217 triệu euro, tức là 240 triệu đô la, trong một vụ mua bán tài sản có quá nhiều vấn đề. Con số này từ phía công tố lớn hơn đáng kể so với con số 76 đến 166 triệu euro được báo cáo ban đầu.

Đây là phiên điều trần thứ tám kể từ khi thủ tục tố tụng được đưa ra cách đây hơn sáu tháng, vào tháng 7 năm 2021. Vụ án đang xem xét vai trò của 10 người - trong đó có một vị Hồng Y người Ý, là hyà hy Angelo Becciu - trong việc mua lại một tòa nhà ở London và những người khác liên quan đến các giao dịch tài chính.

Như trong các phiên xử trước, các luật sư bào chữa đã tìm cách nhân rộng các yêu cầu vô hiệu, tố cáo sai sót về thủ tục và hồ sơ không đầy đủ. Có mặt là luật sư của 4 người đã từng được miễn tố, nhưng lại bị truy tố trở lại trong phiên tòa ngày 17 tháng 2: đó là Raffaele Mincione, Nicola Squillace, Fabrizio Tirabassi và Đức ông Mauro Carlino.

Tất cả các đại diện của bốn tổ chức đã nộp đơn kiện dân sự cũng được phát biểu trong phiên tòa, đó là Cơ quan Quản lý Tài sản Tông Tòa, Viện Giáo Vụ, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính. Tất cả đều yêu cầu tòa án từ chối các yêu cầu tuyên bố vô hiệu mà người bào chữa đưa ra.

Ngoài khoản thiệt hại 217 triệu euro, các bên dân sự đã nhấn mạnh tính hợp pháp trong của trường hợp của họ, nêu bật thiệt hại nặng nề mà Tòa thánh đã phải gánh chịu về mặt uy tín.
Source:Aleteia

3. Phản ứng khôi hài của Chính thống giáo Nga đối với cuộc xâm lược của Putin

Phản ứng trước cuộc xâm lược Ukraine của Putin, cha John Meyendorff, thường viết dưới bút hiệu George E. Demacopoulos, khoa trưởng phân khoa Chính Thống Giáo tại Đại Học Fordham, có bài viết nhan đề “The Orthodox Response to Putin’s Invasion. From complacency to clear condemnation”, nghĩa là “Phản ứng của Chính thống giáo đối với cuộc xâm lược của Putin. Từ đồng loã đến quyết liệt lên án.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Những người bên ngoài thường dễ có các ngộ nhận đối với thế giới Chính Thống Giáo. Các Kitô hữu phương Tây có thể bị thu hút bởi phụng vụ, các biểu tượng và các truyền thống tâm linh. Nhưng họ cũng thường bối rối bởi mạng lưới khu vực tài phán rắc rối và nhiều bối cảnh văn hóa và chính trị. Nếu bạn chỉ biết về các biểu hiện Chính Thống Giáo của người Mỹ, bạn sẽ không thể hiểu được sự đa dạng phức tạp trong kinh nghiệm sống của một Kitô Hữu Chính thống sống ở Phi Châu, Balkan, Trung Đông, hay Nga.

Vì sự đa dạng phi thường này, có rất ít sự kiện mang lại phản ứng phổ quát từ các nhà lãnh đạo Giáo hội. Trong khi cuộc xâm lược khủng khiếp của Vladimir Putin vào Ukraine dường như đang thống nhất các Kitô Hữu Chính thống (bao gồm cả những người bên trong nước Nga) trong cảm giác kinh hoàng và lo lắng chung, cuộc khủng hoảng vẫn chưa dẫn đến bất kỳ loại phản ứng nhất quán nào từ các giám mục Chính thống, ngoại trừ từ một lời kêu gọi chung là cầu nguyện cho hòa bình.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, các nhà lãnh đạo từ ít nhất 11 trong số 16 Giáo Hội độc lập (tức là Giáo Hội tự quản) đã đưa ra các tuyên bố chính thức liên quan đến cuộc chiến. Duyệt qua những nhận định này, chúng tôi tìm thấy sự khác biệt đáng kể: khôi hài, chung chung, cứng rắn và ngạc nhiên.

Hãy bắt đầu với sự khôi hài. Vào tối ngày 24 tháng 2, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa đã đưa ra một bài phát biểu chỉ đơn giản là một diễn văn tuyên truyền của nhà nước Nga, vốn cấm mô tả cuộc xung đột như một cuộc chiến tranh, một cuộc xâm lược hoặc một cuộc tấn công. Kirill gọi cuộc khủng hoảng là “sự kiện hiện tại” trước khi cầu xin cả hai bên tránh thương vong cho dân thường. Như Sergei Chapnin, một cựu linh mục của Giáo hội Nga, nhận xét, Kirill trên thực tế đã từ bỏ trách nhiệm mục vụ của mình khi từ chối thách thức Putin.

Tất nhiên, tôi có thể nhìn nhận rằng sẽ khá nguy hiểm nếu Kirill chống lại Putin vào thời điểm này. Sẽ ít nguy hiểm hơn rất nhiều cho các lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga, như vị đang cư trú tại Thành phố New York, lên tiếng phản đối. Trong một lá thư mục vụ được ban hành vào ngày 24 tháng 2, Tổng Giám Mục Hilarion đã đề cập đến các sự kiện ở “vùng đất Ukraine” - một hành động cố ý phủ nhận chủ quyền của Ukraine - và cầu xin đàn chiên của mình “tránh xem quá nhiều tivi, theo dõi báo chí hoặc internet” để họ có thể “đóng cửa trái tim mình trước những đam mê được khơi dậy bởi các phương tiện thông tin đại chúng.” Để cho rõ ràng, Hilarion không phải là nhà lãnh đạo của một Giáo Hội Chính thống giáo độc lập; ông cai quản một miền trực thuộc Mạc Tư Khoa. Nhưng sự thất bại hoàn toàn trong lá thư của ông đến mức dám chấp nhận cuộc chiến đã chỉ ra mức độ mà nhiều nhà lãnh đạo của Giáo hội Nga, dù ở trong hay ngoài nước Nga, đã bị lây nhiễm bởi những tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa của Putin.

Đối với các tuyên bố từ các Giáo Hội độc lập, điều nhàm chán nhất đến từ các Giáo Hội Bảo Gia Lợi, Serbia và Giêrusalem, nơi không cho thấy có kẻ xâm lược trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Từ chối đứng về phía nào, họ cầu nguyện cho một giải pháp nhanh chóng và việc khôi phục hòa bình “giữa những người anh em”. Một lá thư từ Thượng phụ Georgia được ban hành vào sáng sớm ngày 24 tháng 2 lưu ý rằng bản thân Giáo Hội của ông đã bị xâm lược chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ giáo luật của mình và cầu nguyện rằng có thể vẫn còn cơ hội cho hòa bình.

Các Giáo Hội khác tỏ ra rõ ràng hơn khi họ chỉ trích Putin và Nga. Giáo Hội Rumani tuyên bố rõ ràng rằng Nga đã phát động cuộc chiến chống lại một quốc gia độc lập, có chủ quyền và yêu cầu các nhà lãnh đạo Âu Châu hãy can dự trực tiếp vào cuộc khủng hoảng để một giải pháp hòa bình có thể nhanh chóng xảy ra. Đức Tổng Giám Mục Tikhon, giáo chủ của Giáo Hội Chính thống Mỹ, từng là chi nhánh của Giáo Hội Nga ở Mỹ vào những năm 1970, đã trực tiếp chỉ trích Putin về vai trò của hắn trong cuộc xung đột và kêu gọi Putin chấm dứt bạo lực.

Vào ngày 26 tháng 2, Giáo hội Phần Lan không những chỉ trích chính phủ Nga mà còn bày tỏ sự bất mãn với Giáo hội Nga: “Giáo hội Chính thống của Phần Lan lên án mạnh mẽ các hành động quân sự của Liên bang Nga tại Ukraine. Không có lời biện minh nào cho chiến tranh… Chúng tôi cũng kêu gọi các giám mục và linh mục của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa phải thúc đẩy hòa bình”.

Không có gì ngạc nhiên khi Giáo hội Đông Phương và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô là những người trực tiếp lên án cuộc chiến của Putin chống lại Ukraine. Đức Tổng Giám Mục Ieronymos của Athens cho biết ngài “bị sốc với tư cách là một con người và một giáo sĩ” trước những gì đã xảy ra với các gia đình Ukraine. Chính Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã ban hành Tomos công nhận sự độc lập của Giáo Hội Chính thống giáo mới thành lập của Ukraine, gọi tắt là OCU, vào năm 2019 sau nhiều thế kỷ nằm dưới sự lãnh đạo hành chính của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Theo truyền thống giáo luật, chỉ có Đức Thượng Phụ Đại Kết mới có thể ban cấp quy chế tự trị. Nhưng mọi trường hợp ban cấp quy chế tự trị trong thế giới hiện đại đều bị tranh cãi vào thời điểm được cấp - như trường hợp của OCU bây giờ.

Hầu hết các Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine vẫn nằm dưới sự lãnh đạo tinh thần của Tổng Giám Mục Onuphriy, người là Giáo chủ của Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa kể từ năm 2014. Tổng Giám Mục Onuphriy là một nhân vật thú vị. Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, ông là một trong số các giám mục Ukraine đã thỉnh nguyện lên Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa về quy chế tự trị ở Ukraine. Yêu cầu đó đã bị bác bỏ ngay lập tức. Nhưng bất kể lập trường trước đây này, đáng chú ý là ông đã được chọn để lãnh đạo Giáo Hội ở Ukraine vào năm 2014. Trong thời gian dẫn đến chiến tranh, Onuphriy vẫn thận trọng. Giống như nhiều người trong chúng ta, ông ấy có thể tin rằng Putin sẽ không xâm lược Ukraine bằng vũ lực. Nhưng sau đó Putin đã làm như thế.

Vào ngày 24 tháng 2, Tổng Giám Mục Onuphriy đã đưa ra lời bảo vệ chủ quyền của Ukraine thật táo bạo và đáng ngạc nhiên, cùng với sự lên án gay gắt về hành động xâm lược của Nga. Ông viết: “Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn của Ukraine, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Nga và yêu cầu ông ấy chấm dứt ngay cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Các dân tộc Ukraine và Nga đều bước ra từ giếng rửa tội Dnepr, và cuộc chiến giữa các dân tộc này là sự lặp lại tội lỗi của Cain, kẻ đã giết chết em mình vì ghen tị. Một cuộc chiến như vậy không có sự biện minh nào từ Thiên Chúa hay từ con người”.

Thật hợp lý khi số lượng các Giáo Hội lên án sự xâm lược của Nga sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là nếu bạo lực tiếp tục kéo dài. Cũng có thể một cuộc chiến kéo dài sẽ thúc đẩy việc di chuyển của Chính thống giáo ở Ukraine ra khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và đến với Giáo Hội Chính thống giáo độc lập mới của Ukraine. Chúng ta chỉ mới thấy cuộc chiến này vài ngày, và tình hình đang tiến triển.
Source:Commonweal Magazine
 
Ba Lan bắt giữ gián điệp Nga. Sợ dân nổi dậy, Putin cấm tất cả mạng xã hội. Khả năng đảo chánh ở Nga
VietCatholic Media
15:58 05/03/2022


1. Ba Lan bắt giữ gián điệp Nga

Cơ quan An ninh Nội bộ Ba Lan, gọi tắt là ABW, cho biết, Ba Lan đã bắt giữ một nhà báo Tây Ban Nha vì tình nghi là gián điệp Nga, người đang lên kế hoạch “đến Ukraine để tiếp tục hoạt động của mình”.

Nghi phạm, được xác định là “đặc vụ của cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU)”, hiện đang bị giam giữ tại Przemysl - gần biên giới của Ba Lan với Ukraine vào đêm Chúa Nhật, ABW cho biết trong một tuyên bố.

Ghi chú do Cảnh sát đưa ra cho biết anh ta là người gốc Nga.

ABW cho biết người đàn ông này đã thực hiện các hoạt động để mang lại lợi ích cho Nga và đi du lịch ở Âu Châu và các nơi khác dưới vỏ bọc là một nhà báo.

Luật sư của ông, Gonzalo Boye, nói với Reuters rằng ông vẫn chưa thể liên lạc với thân chủ của mình. Trước đó, anh ta đã tweet rằng thân chủ của anh ta đã bị buộc tội gián điệp và đang bị giam trong nhà tù Rzeszow.

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết họ đã được chính quyền Ba Lan thông báo về các cáo buộc nhưng không thể cung cấp bất kỳ chi tiết nào. Bộ Ngoại giao nói rằng bộ sẽ cung cấp hỗ trợ lãnh sự.

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết: “Trước khi bị giam giữ, anh ta đã lên kế hoạch đến Ukraine để tiếp tục hoạt động của mình”.

2. Liệu Vladimir Putin có gặp rắc rối ở Ukraine không? Các kịch bản cho nhà lãnh đạo Nga đối mặt với một cuộc chiến đáng ngạc nhiên

Nga xâm lược Ukraine vào tuần trước như một hậu quả của sự bất bình kéo dài hàng thập kỷ của Vladimir Putin.

Đối với một người từ lâu đã quan tâm đến sự tan rã của Liên bang Xô Viết, Tổng thống Nga giờ đây dường như đang cố gắng viết lại chính lịch sử của nó.

Putin muốn sửa lại những gì ông ta coi là sai lầm của các cựu lãnh đạo Cộng sản và xác định lại biên giới nước Nga thời hậu Xô Viết.

Để theo đuổi mục tiêu này, ông ta đang cố gắng ép buộc các nước láng giềng thời hậu Xô Viết quay trở lại vùng ảnh hưởng của Nga và tránh xa vòng tay yêu thương của phương Tây.

Các lực lượng Nga hiện đã bao vây Ukraine khi họ tiếp tục cuộc hành quân tiến lên từ ba mặt trận riêng biệt, mặc dù đã chậm lại bởi một lượng dân cư kiên cường không sẵn sàng bỏ cuộc mà không chiến đấu.

Điều rõ ràng hiện nay là việc Putin theo đuổi một mục tiêu như vậy đã đi kèm với rủi ro đáng kinh ngạc, có lẽ trên quy mô mà chính ông ta cũng không nhận ra.

Ukraine không phải là một chiến thắng đơn giản, và thay vào đó, Nga hiện đang tham gia vào một cuộc chiến kéo dài mà nước này có thể không được chuẩn bị đầy đủ.

Các biện pháp trừng phạt sâu rộng và chưa từng có đã khiến tương lai kinh tế của nước Nga gặp rủi ro và làm gia tăng căng thẳng trong nước.

Và phương Tây hiện đang thống nhất hơn bao giờ hết để chống lại Nga, bản thân họ đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ về sự leo thang tiếp theo.

Nó khiến nhiều người phải suy ngẫm về một câu hỏi duy nhất - chiến lược dài hạn của Putin là gì?

Trong khi chúng ta có thể không bao giờ biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí của ông ta, một số nhà phân tích cho rằng các hành động của tuần trước có thể cung cấp manh mối về cách cuộc chiến có thể tiếp diễn ra sao.

Canh bạc 'rủi ro cao, chi phí nặng' của Putin đã thất bại

Theo Mark F Cancian, cố vấn an ninh quốc tế cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, giai đoạn đầu trong cuộc tấn công của Nga được thiết kế để khiến Ukraine sụp đổ nhưng cuối cùng các lực lượng Nga đã thất bại không đạt được mục tiêu của mình.

Ông nói với ABC: “Trong vòng vài ngày đầu tiên, họ đã bắt đầu chiến dịch gây sốc và kinh hoàng này với hoả tiễn và máy bay tấn công các căn cứ không quân và các trụ sở chính”.

“Sau đó, họ phát động các cuộc tấn công dọc theo ba trục - bắc, đông bắc và nam - và họ đẩy các đoàn xe lên phía trước với ý tưởng rằng họ sẽ đến các trung tâm thành phố trước khi lực lượng phòng thủ của Ukraine có thể tập hợp lại.”

Ông Cancian nói rằng Putin đang theo đuổi một “rủi ro cao, chi phí nặng”, với số lượng quân tương đối nhỏ mà Nga có trong tay để xâm lược một quốc gia rộng lớn như vậy.

Có khả năng Tổng thống Nga muốn giành chiến thắng trong “ba hoặc bốn ngày đầu tiên” trước khi các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể có hiệu lực ở Nga - và có thể trước cả khi người dân Nga nhận ra rằng họ đang tham gia vào một cuộc chiến.

Nhưng tám năm sau khi người Nga sáp nhập Crimea, người Ukraine đã chuẩn bị tốt hơn cho cuộc xâm lược. Khi cuộc tấn công xảy ra, họ tập hợp lực lượng phòng thủ, kêu gọi những người đàn ông và phụ nữ của họ vũ trang và nhanh chóng khống chế quân Nga theo nhịp độ của họ.

Không có đường quay trở lại và con đường phía trước bị chặn bởi một lực lượng nhỏ nhưng kiên định của Ukraine, hiện có một số kịch bản có thể xảy ra với nhà lãnh đạo Nga.

Bất kể lựa chọn nào của Putin cũng có thể xác định liệu việc Nga xâm nhập Ukraine là một sai lầm chiến lược hay một chiến thắng có tính toán trong mắt Điện Cẩm Linh.

Tận dụng hỏa lực lớn

Ông Putin dường như đã dấn thân hoàn toàn vào cuộc chiến với Ukraine, và rất có thể xảy ra một cuộc chiến tiêu hao kéo dài nếu ông ta vẫn giữ nguyên chiến lược hiện tại của mình.

Nhưng một lựa chọn mà Putin có thể theo đuổi là học thuyết tính toán lạnh lùng của Nga.

Ông Cancian nói: “Người Nga có rất nhiều pháo, rất nhiều hoả tiễn, và quan niệm rằng khi gặp sự kháng cự, họ dùng đạn pháo và hoả tiễn.”

Việc theo đuổi “giai đoạn thứ hai” này sẽ liên quan đến “việc tận dụng hỏa lực lớn” cũng như mở rộng quy mô quân đội Nga.

Sự leo thang có thể dẫn đến số người chết kinh hoàng đối với Ukraine.

“Tôi khá lo ngại rằng chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều thương vong dân sự trong giai đoạn thứ hai này,” Ông Cancian nói.

Có vẻ như một chiến lược như vậy có thể đã được thực hiện, với việc các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào các khu vực đô thị trong những ngày gần đây.

Theo các chuyên gia, đã có những cuộc pháo kích dữ dội vào thành phố lớn thứ hai của đất nước, Kharkiv, và các cảng biển chiến lược Kherson và Mariupol. Theo các chuyên gia, đó là dấu hiệu cho thấy nỗ lực quân sự của Nga được “nhân đôi”.

Tracey German, chuyên gia về các chính sách an ninh và đối ngoại của Nga từ Đại học King nhận định rằng: “Tôi sợ nó sẽ trở nên tàn bạo hơn, khắc nghiệt hơn nhiều. Và tôi đoán những gì chúng ta đang theo dõi là những gì sẽ xảy ra xung quanh đây”

Một cuộc tấn công như vậy có thể được thiết kế để đầu tiên khủng bố dân thường và sau đó dẫn đến lật đổ chính phủ.

Nhưng với sự chống trả quyết liệt như vậy của quân đội Ukraine và đông đảo dân chúng, sẽ rất khó để giữ đất nước dưới sự kiểm soát của Nga.

Tham vọng của Putin nằm ở Kiev /ki-ép/

Theo ông ta Cancian, mục tiêu ban đầu của Nga là tiếp quản toàn bộ Ukraine, lật đổ chính phủ và thay thế bằng một chính phủ liên kết với Nga.

Trong khi Putin tuyên bố “cuộc hành quân đặc biệt” của ông ta “diễn ra theo đúng kế hoạch”, các chuyên gia lại nghĩ ngược lại.

Ông Cancian nói: “Bây giờ họ đang trong một chiến dịch quân sự mở rộng, sẽ rất thú vị khi xem liệu họ chỉ tập trung vào phần phía đông của Ukraine, hay liệu họ có cố gắng chiếm lấy toàn bộ đất nước hay không.”

Kết quả có thể phụ thuộc vào cách cuộc xâm lược diễn ra và trận chiến tại Kiev /ki-ép/. Nhưng cho dù quân Nga chiếm được Kiev /ki-ép/, bà German cho rằng chiến tranh có thể chưa phải là kết thúc.

Bà nói: “Tôi nghĩ nếu cuộc xâm lược này chung cuộc là việc Nga tìm cách chiếm Ukraine, hoặc muốn thiết lập một chế độ thân Nga nào đó ở Kiev /ki-ép/ và tìm cách kiểm soát Ukraine, tôi nghĩ họ sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy”.

Ông Putin đã phủ nhận cáo buộc cho rằng ông ta đang tìm cách chiếm đóng Ukraine hay đang âm mưu cài đặt một con rối ủng hộ Điện Cẩm Linh.

Bà German cho rằng người Nga đã đánh giá thấp sức mạnh kháng cự của Ukraine và đánh giá quá cao khả năng của chính họ.

Trong trường hợp không có một chiến thắng nhanh chóng và quyết định mà họ hy vọng, không rõ chính xác “chiến thắng” sẽ trông như thế nào trong mắt Putin và Điện Cẩm Linh.

Có thể ngừng bắn với yêu cầu của Nga

Nếu Nga không thể nắm quyền kiểm soát Ukraine, nhưng thành công trong việc chiếm giữ một số khu vực, nước này cũng có thể cố gắng theo đuổi một thỏa thuận.

Theo New York Times, có khả năng là Putin có thể đề nghị trao đổi các vùng lãnh thổ mà ông ta chiếm được cho một số mục tiêu ấp ủ lâu nay - như công nhận quyền cai trị của Nga đối với Crimea, quy chế trung lập đối với Ukraine và việc từ bỏ việc mưu tìm tư cách thành viên NATO.

Một lựa chọn khả thi khác có thể là Ukraine phải chấp nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và các phần của Donbas. Theo phóng viên James Landale của BBC, đổi lại, Putin sẽ chấp nhận nền độc lập của Ukraine và quyền có các mối quan hệ sâu sắc hơn với Âu Châu.

Hiện các nhà quan sát đã coi việc Putin đồng ý cử một phái đoàn tới các cuộc đàm phán hòa bình là một dấu hiệu cho thấy ông ta không loại trừ hoàn toàn khả năng đàm phán ngừng bắn.

Nhưng cho đến nay, danh sách các yêu cầu của Mạc Tư Khoa cho thấy một thỏa thuận có thể là không khả thi.

Chẳng hạn, vẫn chưa rõ Ukraine có thể thực hiện quá trình “phi quốc xã hóa” như thế nào, theo các yêu cầu của Điện Cẩm Linh.

Quân đội Nga đã nhiều lần tìm cách miêu tả Ukraine là liên kết với chủ nghĩa Quốc xã mà không có bất kỳ bằng chứng nào. Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy là người Do Thái.

Tuy nhiên, cuối cùng thì tập hợp các yêu cầu đó có thể thay đổi nếu cuộc chiến giữa Nga với nước láng giềng kéo dài.

Ông Cancian nói: “Tóm lại, người Nga muốn tiếp quản toàn bộ đất nước, nhưng họ có thể phải rút bớt các đòi hỏi phụ thuộc vào cuộc kháng chiến”.

Rủi ro chắc chắn là rất cao đối với nhà lãnh đạo của Nga. Nếu không nhanh chóng giành được chiến thắng quyết định, Putin có nguy cơ đánh mất không chỉ sự ủng hộ của người dân mà còn cả quân đội Nga và giới tinh hoa chính trị của nước này.

Liệu cuộc chiến này có thể phản tác dụng chống lại Putin?

Bị cô lập với phần còn lại của thế giới, người Nga thuộc mọi tầng lớp xã hội hiện đang vật lộn với viễn cảnh giá cả gia tăng, tai ương ngân hàng và việc du lịch nước ngoài bị hạn chế.

Và khi phương Tây có động thái hạn chế Nga sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình, các đinh vít đang thắt chặt vào vai trò lãnh đạo của Putin.

Các nhân vật hàng đầu của Nga đã ký một bức thư ngỏ phản đối chiến tranh. Những người nổi tiếng đã công khai tố cáo cuộc xâm lược. Và các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đất nước.

Trong khi có thể phải mất một thời gian nữa trước khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác động hoàn toàn, các công ty lớn đã rút khỏi Nga và các tổ chức thể thao đã đình chỉ các cầu thủ Nga.

Những hành động này chắc chắn sẽ được cảm nhận bởi những người dân Nga bình thường.

Các số liệu đối lập cho thấy sự phẫn nộ âm ỉ sẽ tiếp tục gia tăng do hậu quả từ cuộc chiến của Putin đã ảnh hưởng đến túi tiền của người Nga.

Tuy nhiên, Giáo sư Tomila Lankina của Trường Kinh tế London nói rằng rất khó để nói liệu các biện pháp trừng phạt có làm thay đổi quan điểm của công chúng đối với Putin hay không, vì đã có một “bộ máy đe dọa rất mạnh” đang thao túng dư luận.

“Theo một cách nào đó, thật sự rất đáng khích lệ khi thấy rằng mặc dù có sự bóp nghẹt lãnh đạo phe đối lập, chúng tôi vẫn thấy hàng trăm người xuống đường. Điều đó rất quan trọng,” cô nói.

Giáo sư Lankina tin rằng tình cảm của công chúng “sẽ không ảnh hưởng gì đến tính toán của Putin về những gì nên làm và những gì không nên làm”. Mặc dù nó có thể báo hiệu nguy hiểm phía trước cho nhà lãnh đạo khó hiểu của Nga và vòng trong của ông ta.

Bà nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy sự khởi đầu của quá trình kết thúc chế độ Putin”.

Ông Cancian nói nếu quân đội Nga sa lầy vào một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, thì sẽ có một kịch bản “Putin mất quyền lực theo một cách nào đó”.

“Quân đội can thiệp vào và nói, 'chúng ta không thể tiếp tục điều này', các cuộc biểu tình ngày càng mạnh mẽ hơn, và có nỗ lực giữa các nhà tài phiệt và quân đội, và hàng ngũ chính trị để Putin phải ra đi vì ông ta không thẻ tiếp tục như thế này”.

Sự chia rẽ nội bộ mà cuộc chiến này có thể gieo rắc ở Nga cũng có thể có những tác động sâu rộng đến tương lai xa của đất nước.

Theo Giáo sư Lankina, một số người Nga đã ra hiệu rằng cuộc chiến không được tiến hành dưới danh nghĩa của họ; và họ đang đứng về phía người dân Ukraine.

Đó có thể là một dấu hiệu cho thấy có “một thành phần cử tri để xây dựng lại một nước Nga mới”. Một cái gần với một hệ thống dân chủ hơn.
Source:ABC News

3. Putin kiểm duyệt trực tuyến toàn Nga để đề phòng dân nổi loạn

Thông tin thêm về hoạt động kiểm duyệt trực tuyến đang diễn ra của Nga: sau lệnh cấm Twitter ở Nga, Youtube xem ra cũng đã bị chặn trên khắp đất nước.

Cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Nga Roskomnadzor đã hạn chế quyền truy cập vào Twitter, hãng tin Tass xác nhận hôm nay.

Các chuyên gia đang cân nhắc về lệnh cấm gần đây đang khiến đất nước gần như bị cô lập trực tuyến khi cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine tiếp tục.

Nhà phân tích các vấn đề toàn cầu cấp cao của CNN, Bianna Golodryga, nhận xét rằng

Và họ đã nhắm đến Twitter ở Nga. Đất nước đã bị ngắt kết nối với thế giới. Trong một tuần, một quốc gia với 145 triệu người đã bị phong tỏa. Hầu như không có bất kỳ sự phản đối nào từ Quốc Hội Duma của Putin. Họ đã chấp thuận “cuộc hành quân đặc biệt” của hắn ở Ukraine và sự đàn áp và kiểm duyệt lớn của hắn ta tại quê nhà.

Đầu ngày hôm nay, Nga cũng đã chặn Facebook trên toàn quốc, một ví dụ khác về kiểm duyệt trực tuyến đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các nước phương Tây.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi hết sức lo ngại về điều này và lo ngại về mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận trong nước”.

4. Các diễn biến trong 24 giờ qua

Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, nhà máy lớn nhất thuộc loại này ở Âu Châu, đã bị lực lượng Nga chiếm giữ hôm thứ Sáu, sau một cuộc tấn công gây ra hoả hoạn gần một trong sáu lò phản ứng của nước này. Không có báo cáo về việc phát tán phóng xạ, nhưng các quan chức Ukraine cho biết các công nhân đã không thể kiểm tra tất cả các cơ sở hạ tầng an toàn sau vụ tấn công.

Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã được triệu tập khẩn cấp sau vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết thế giới đã ngăn chặn được một “thảm họa hạt nhân” và lên án hành động của Nga là “liều lĩnh” và “nguy hiểm”.

Cảnh sát Ukraine cho biết 7 người đã thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em, sau khi một cuộc không kích của Nga nhằm vào một khu dân cư nông thôn ở vùng Kiev hôm thứ Sáu. Cảnh sát cho biết cuộc tấn công đã nhắm vào làng Markhalivka, cách ngoại ô phía tây nam thủ đô Ukraine khoảng 6 km.

Thành phố Mariupol của Ukraine không có nước, khí đốt, điện và đang cạn kiệt lương thực sau khi bị quân Nga tấn công trong 5 ngày qua, thị trưởng thành phố này cho biết trong một lời kêu gọi trên truyền hình. Ông kêu gọi xây dựng hành lang nhân đạo để di tảng dân thường khỏi thành phố cảng phía đông nam.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo những ngày sắp tới “có thể sẽ tồi tệ hơn”, gọi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là “hành động xâm lược quân sự tồi tệ nhất ở Âu Châu trong nhiều thập kỷ”. Nhưng ông nhấn mạnh Nato là một “liên minh phòng thủ” và không tìm kiếm một cuộc chiến với Nga.

Các ngoại trưởng NATO đã thảo luận về “vùng cấm bay” đối với Ukraine nhưng đồng ý rằng các máy bay của NATO không được hoạt động trên không phận Ukraine, ông Stoltenberg nói. Ông cũng cho biết Nato có bằng chứng Nga đang sử dụng bom chùm.

Quốc hội Nga đã thông qua đạo luật áp dụng án tù lên đến 15 năm vì cố tình phát tán thông tin “giả” về các lực lượng vũ trang. Tờ Novaya Gazeta của Nga cho biết họ sẽ xóa tài liệu về các hành động quân sự của Nga ở Ukraine khỏi trang web của mình.

BBC đang tạm thời đình chỉ công việc của tất cả các nhà báo và nhân viên của mình tại Nga. Tổng giám đốc BBC Tim Davie cho biết luật mới dường như “hình sự hóa quá trình báo chí độc lập”.

Cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor của Nga cho biết họ đã quyết định chặn quyền truy cập vào mạng Facebook ở Nga. Nó nói thêm rằng đã có 26 trường hợp phân biệt đối xử chống lại phương tiện truyền thông Nga của Facebook kể từ tháng 10 năm 2020.

Hơn 1.2 triệu người đã rời Ukraine sang các nước láng giềng kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện từ ngày 24 tháng 2, Liên Hiệp Quốc cho biết, trong đó có khoảng nửa triệu trẻ em.

Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã bỏ phiếu áp đảo để thành lập một cuộc điều tra cấp cao nhất về những vi phạm được thực hiện sau khi Nga xâm lược Ukraine, với 32 thành viên của hội đồng bao gồm 47 thành viên ủng hộ, và chỉ có Nga và Eritrea bỏ phiếu chống.

https://www.theguardian.com/world/live/2022/mar/04/ukraine-news-russia-war-vladimir-putin-zelenskiy-Kiev-latest-live-updates-russian-invasion-nuclear-power- plant
 
Điện tặc Nga đánh vào cuộc họp của Caritas về Ukraine. Thượng Phụ Ukraine và Nga tranh cãi kịch liệt
VietCatholic Media
18:44 05/03/2022


1. Tổng thống Ukraine bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng phụ Đại kết vì những biểu hiện của sự ủng hộ

Tối Chúa Nhật, ông Volodymyr Zelenskyy, Tổng thống Ukraine, đã liên lạc qua điện thoại với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và mô tả tình hình tổng quát ở đất nước của ông sau cuộc xâm lược quân sự của Liên bang Nga.

Tổng thống Zelenskyy bày tỏ lòng biết ơn đối với những biểu hiện ủng hộ từ phía Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đối với quốc gia đang gặp khó khăn của ông, khẩn cầu ngài tăng cường cầu nguyện cho cuộc đấu tranh của người dân Ukraine để bảo vệ tự do và toàn vẹn lãnh thổ của quê hương.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô bảo đảm với Tổng thống Zelenskyy về sự đoàn kết của Giáo hội Mẹ và những lời cầu nguyện liên tục rằng ngọn lửa thù địch có thể chấm dứt và xung đột quân sự có thể ngưng ngay lập tức. Đức Thượng Phụ chúc mừng Tổng thống vì tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của ông, cũng như nguồn cảm hứng và sự ủng hộ mà ông mang lại cho người dân Ukraine với thái độ can đảm của ông.

Cuối cùng, Thượng phụ Đại kết đã chuyển lời cầu nguyện của mình xin Chúa ban sức mạnh và sự bền đỗ để hòa bình có thể nhanh chóng lặp lại ở Ukraine, nơi mà người dân - cũng như nhiều dân tộc khác - đã nhận được đức tin Chính thống từ Giáo Hội Constantinople.
Source:Orthodox Times

2. Tin tặc làm gián đoạn cuộc họp trực tuyến của Caritas về Ukraine

Một cuộc họp báo trực tuyến của một tổ chức bác ái Công Giáo về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine đã bị gián đoạn bởi các tin tặc vào sáng thứ Ba.

Ngay khi Aloysius John, tổng thư ký Caritas Quốc tế, bắt đầu phát biểu tại cuộc họp báo, được tổ chức vào ngày 1 tháng 3 qua nền tảng hội nghị truyền hình Zoom, ông đã bị nhấn chìm bởi một loạt các lời lẽ tục tĩu.

Sự gián đoạn ban đầu sau đó là sự gián đoạn của các giọng nói khác nhau, bao gồm cả tiếng của trẻ em, kéo dài ít nhất ba phút. Tài khoản Zoom cũng chia sẻ những lời tục tĩu trong tính năng trò chuyện nhóm của cuộc gọi.

Hơn 200 người đã theo dõi cuộc họp báo trực tuyến, trong đó có một linh mục Công Giáo Ukraine và chủ tịch Caritas Ukraine là diễn giả chính.

Sau khi các quản trị viên của cuộc họp loại bỏ được những người gây ra gián đoạn âm thanh, những lời tục tĩu tiếp tục được thêm vào bằng văn bản trong cuộc trò chuyện Zoom.

Marta Petrosillo, giám đốc truyền thông của Caritas Internationalis, cho biết: “Tôi xin lỗi, chúng tôi có một hacker gửi tin nhắn thay mặt cho những người tham gia. Chúng tôi xin lỗi vì điều đó, nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại vì tính chất khẩn cấp của vấn đề.”

Những người tham gia cuộc họp báo nói rằng một số tin nhắn trong cuộc trò chuyện được đăng từ tài khoản của họ không phải do họ viết.

“Tin nhắn dùng tên tôi đã được gửi… nhưng tôi không gửi chúng”, một người tham gia viết.

“Và đây KHÔNG phải là tin nhắn của tôi,” một người khác viết.

Petrosillo nói với CNA rằng Caritas Internationalis chưa xác định được ai đã hack cuộc họp báo - một hoạt động thường được gọi là “Đánh bom Zoom”.

Liên minh các tổ chức từ thiện Công Giáo có trụ sở tại Vatican đã chia sẻ công khai liên kết Zoom tới cuộc họp báo trên Twitter.

Các chuyên gia đã cáo buộc Nga sử dụng hack, chiến tranh mạng và thông tin sai lệch trong cuộc xung đột với Ukraine.

Theo BBC, vào tháng Giêng, khoảng 70 trang web của chính phủ Ukraine đã bị tấn công khiến không thể truy cập. Các quan chức ở Kiev tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm.

Các quan chức Mỹ cho biết Cục tình báo của Nga phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công đánh sập các trang web của hai ngân hàng và trang web của quân đội Ukraine vào ngày 15 và 16 tháng 2.

Lực lượng phòng vệ mạng của Ukraine cũng đưa ra cảnh báo vào ngày 25 tháng 2 về các cuộc tấn công lừa đảo trên diện rộng nhằm vào người Ukraine, trong đó các mục tiêu bị lừa cung cấp thông tin cá nhân.

Một cuộc tấn công mạng vào các nhà máy điện của Ukraine năm 2015 khiến hơn 200,000 người không có điện.

Theo Reuters, trong số các mối đe dọa có các cuộc tấn công ransomware và phần mềm độc hại, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ để đánh sập các trang web cũng như xóa và đánh cắp dữ liệu.

BBC đã đưa tin rằng một số cuộc tấn công mạng vào các trang web của chính phủ Ukraine không phải đến từ chính phủ Nga mà là một nhóm “cái gọi là 'tin tặc Nga' yêu nước”, là những kẻ gây ra gián đoạn trực tuyến mà không có lệnh trực tiếp từ nhà nước Nga.

Caritas Quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp nhằm cứu trợ Ukraine sau khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia này vào ngày 24 tháng 2.
Source:Catholic News Agency

3. Giáo chủ Chính Thống Giáo Ukraine yêu cầu Thượng Phụ Kirill giúp đưa xác những người lính Nga đã chết về nước

Ở Ukraine hiện nay có hai Giáo Hội Chính Thống. Đông nhất là Chính Thống Giáo Ukraine nhưng trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Kế đến là Giáo Hội Chính Thống Ukraine độc lập, gọi tắt là OCU.

Khi Nga mở cuộc xâm lược vào Ukraine hôm 24 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Epifaniy, Giáo chủ Chính Thống Giáo Ukraine độc lập đã đưa ra một bức thư ngỏ gởi Thượng Phụ Kirill yêu cầu can thiệp với Putin để ngăn chặn chiến tranh. Đáp lại, Thượng Phụ Kirill, đã đưa ra lời kêu gọi “Chúa bảo vệ đất Nga”, trong đó minh định rõ rằng đất Nga hay “Kievan Rus”, bao gồm Cộng hòa Liên Bang Nga, Ukraine và Belarus.

Trước diễn biến ngỡ ngàng này, nhiều linh mục Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố chấm dứt không cầu cho Thượng Phụ Kirill nữa trong các thánh lễ do các vị cử hành. Nhiều vị đi xa đến mức tuyên bố đưa toàn bộ giáo xứ của mình gia nhập OCU.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Epifaniy, giáo chủ của OCU, đã phản ứng bằng cách kêu gọi Thượng phụ Kirill hãy giúp nhận thi thể của những người lính của ngài đã đột nhập vào Ukraine và đang chết vì ý tưởng “Thế giới Nga”.

Điều này được nêu trong Lời kêu gọi của ngài với Đức Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

“Thật không may, từ những tuyên bố công khai trước đây của ngài đã rõ ràng rằng việc duy trì những cam kết mà ngài đưa ra với Putin và ban lãnh đạo Nga quan trọng hơn nhiều so với việc chăm sóc cho người dân ở Ukraine, một số người đã coi ngài là mục tử của họ trước chiến tranh. Do đó, hầu như không có ý nghĩa gì khi yêu cầu ngài làm điều gì đó hiệu quả để hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine ngay lập tức dừng lại.”

Đức Tổng Giám Mục Epifaniy đã bày tỏ hy vọng rằng Kirill sẽ tìm thấy nguồn lực tinh thần để thể hiện chủ nghĩa nhân văn của mình và ít nhất là quan tâm đến đồng bào của mình.

“Chúng ta đang nói về hơn ba nghìn quân nhân Nga bị giết, thi thể của họ nằm trên mặt đất của Ukraine. Ban lãnh đạo nước tôi đã kêu gọi Hội Hồng Thập Tự quốc tế tạo điều kiện đưa thi thể các quân nhân Nga về quê hương để người thân, bạn bè đến tiễn biệt và an táng. Rất tiếc, cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Nga”.

“Vì vậy, tôi kêu gọi ngài, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga: hãy thể hiện ít nhất lòng thương xót đối với đồng bào và đàn chiên của mình. Nếu bạn không thể lên tiếng chống lại sự xâm lược - thì ít nhất hãy giúp mang đi thi thể của những người lính Nga, những người đã trả giá bằng mạng sống của họ cho những ý tưởng về ‘thế giới Nga’ - của ngài và của tổng thống của ngài”.

“Cầu xin Chúa ban cho ngài sức mạnh tinh thần ít nhất là để có thể làm điều này, đặc biệt là hôm nay - là ngày Chúa Nhật nhắc nhớ Ngày Phán xét Cuối cùng!”.
Source:RISU
 
Đạo Đức Sinh Học
THẦN HỌC LUÂN LÝ CỦA THÁNH AN-PHONG ĐỆ LIGORIA
Linh mục Tiến sĩ Đôminicô Trần Quốc Bảo, C.Ss.R
21:12 05/03/2022
THẦN HỌC LUÂN LÝ CỦA THÁNH AN-PHONG ĐỆ LIGÔRIA

Dịch thuật: Lm Dominic Trần Quốc Bảo, DCCT

(tiếp theo kỳ trước)

CHƯƠNG I

KHOA THẦN HỌC LUÂN LÝ
VÀ NHỮNG THẦN HỌC GIA LUÂN LÝ
TRƯỚC VÀ SAU CÔNG ĐỒNG TRENTÔ (1545-1563)

Tháng 9 năm 1723, An-phong đệ Ligôria thay đổi chiếc áo luật sư bằng tu phục cũ kỹ lấy từ tủ áo của các đồng liêu mình tại Dòng Oratorio. Thân phụ của ngài quá thất vọng nên không còn muốn nhìn mặt con. Cũng may cho vị luật sư trứ danh, vì thân sinh ngài thường phải công tác trên chiến thuyền, còn chàng thì ở nhà và chỉ đến dự lớp tại chủng viện Nêapôli vào ban ngày. An-phong không cần lấy nhiều lớp, chỉ cần học riêng lớp Kinh thánh và các lớp thần học với cha chưởng ấn Giulio Torni, người mà bạn bè An-phong cho là tri thức nhất. Trong bút tích sau này, An-phong luôn nói về vị giáo sư ấy với sự kính phục: “thầy giáo trứ danh và thông thái nhất của tôi”.
Cũng như nhiều nhà tư tưởng tại kinh thành Nêapôli thời đó, khi đọc cuốn Cơ cấu Triết học của Edmond Pourchot, An-phong nghiêng chiều về khuynh hướng Cartesianô. Nhưng sư phụ Torni thì laị nói rằng chính ông đã “rèn lưỡi luyện môi An-phong thành người theo học phái Tôma”.
Vậy, vị sư phụ ấy có biến môn sinh mình thành người phò trường phái Tôma không? Ngay cả người bạn đồng liêu của Tôma Aquinô là thánh Bônaventura cũng chẳng theo trường phái của Tôma; ngài có lập trường riêng của mình. An-phong cũng thế: ngài luôn có thiện cảm và biểu đồng tình với tư tưởng của người đồng hương mình là Tôma Aquinô, và còn gọi thánh nhân là hoàng tử của các nhà thần học. Nhưng, An-phong không bao giờ học theo trường phái triết của Tôma hay đi theo chủ nghĩa Tôma. Ngài có tư tưởng độc lập của mình. Trong cách rao truyền Ơn cứu độ và giảng giải luân lý Kitô giáo, ngài sẽ chỉ chuyên tâm kết hợp với Chúa Giêsu hơn là dựa vào những luận lý trừu tượng. Tuy thế, ngài chính la một nhà tư tưởng sâu sắc và nghiêm túc, một nhà luận lý tuyệt vời với những suy tư thần học đặc thù. Marian-Sola, vị giáo sư thần học Dòng Đa minh đã viết rằng:

Cho dẫu có thể bỏ qua những thần học gia khác của thế kỷ 18, ta không được quên một vị lỗi lạc nhất. Dù thường được trích dẫn như một thần học gia luân lý, thánh An-phong có thế giá lớn trong tất cả mọi phạm trù, không phải chỉ vì tước hiệu tiến sĩ giáo hội của thánh nhân, nhưng nhất là vì sự quân bình phi thường của ngài trong những phán đoán thần học. Ngài hoàn toàn độc lập với khuynh hướng phe nhóm; đến nỗi, về sự thông thái thần học, ít thấy có ai sánh kịp ngài, ngoại trừ thánh Tôma Aquinô và thánh Bônaventura.

Sự phát triển trí thức của An-phong bắt nguồn từ việc hành nghề luật sư. Nó bao gồm khả năng duyệt xét tư duy dưới mọi góc cạnh: Mạc khải, huấn dạy của các Công đồng và các giáo hoàng, chiêm niệm cá nhân, tư tưởng và tác phẩm của các học giả bậc thầy, suy tư của mọi người trong xã hội chung quanh (mà ngài rất coi trọng), kinh nghiệm bản thân, và đời cầu nguyện. Ngài không quan tâm nhiều đến những ý tưởng trừu tượng kiểu ‘hữu thể’ và ‘vô thể’. Triết lý của ngài chỉ đơn thuần là nhận biết Chúa Giêsu Kitô, và làm cho Ngài được nhận biết; là rao truyền và giúp người nghèo sống Tin mừng Cứu độ của Thiên chúa. Sự phát triển tri thức đó của An-phong song sánh với tri thức của Tôma Aquinô. Cả hai đều có nhiều điểm tương đồng, như cha Sertillanges nói : “Hiểu thấu đáo ra, thuyết xác-xuất-quân-bình (trong cơ cấu thần học luân lý của An-phong) cũng hoàn toàn giống như một đề xuất giải quyết của Tôma”.
Nhưng, ta nhớ rằng, đến thời điểm này, An-phong còn là một chủng sinh. Để đào luyện về thần học tín lý, giáo sư Torni yêu cầu ngài nghiên cứu tác phẩm Phương pháp Thần học của cha Dòng Lazarô Louis Abelly (1064-1691), một tác giả cực lực bài Pháp-giáo chủ nghĩa và học thuyết Jansen. Và, với sự mâu thuẫn ngộ nghĩnh, Torni lại cũng ép An-phong đọc cuốn Thần học Luân lý của tác giả phái hà khắc là Francois Genet (1640-1702). Chính cuốn sách này là một trong những yếu tố đưa đến cuộc tranh cãi khốc liệt. Và suốt cuộc đời An-phong, ngài đã phải nỗ lực chiến đấu để hoá giải cơn hấp hối luân lý mà những tác phẩm tương tự đã gây nên cho đời sống Kitô hữu Tây phương. Để hiểu cuộc tranh cãi đó, ta phải biết thêm về lịch sử.

VẤN ĐỀ TỘI LỖI VÀ NỖI HÃI SỢ Ở TÂY PHƯƠNG

Trong thế kỷ 17 và 18, Tây phương sống cách bi quan vì một nỗi sợ hãi tâm linh. Thiên Chúa thường được nhìn cách khiếp kinh. Pascal viết răng:

Ta đã chẳng thấy Thiên chúa thù ghét và khinh chê mọi kẻ tội lỗi cho đến tận giờ chết của họ sao? Khi họ rơi vào phút giây buồn thảm và kinh khiếp, thượng trí Thiên chúa sẽ chê trách, nhục mạ họ với sự trả thù và giận dữ để kết án họ bằng hình phạt đời đời: sự vui cười và khoái trá của các ngươi sẽ tiêu tan.

Do tội nguyên tổ, bản chất nhân loại bị hư hoại hoàn toàn, và xa lầy trong thế gian xa đọa, đầy vực thảm. Con người không được tìm kiếm gì ngoài việc khinh miệt mọi sự thế gian. Lý trí bị mù lòa, bại hoại, và chỉ dẫn đến sự lầm lạc. Tội lỗi tràn ngập và người ta bị ám ảnh bởi sự chết chóc, phán xét và hỏa ngục. Các vị thuyết giảng đã tuyên bố rằng chỉ có số ít người được cứu rỗi. Những phi bác và các lời kết án mọi suy tư tín lý đã phổ biến khắp nơi.
Năm 1564, Thư mục Sách cấm (Index) được lập ra và cứ kéo dài. Các Ban giáo trừng (Inquisition) cấp giáo phận và toàn quốc tố giác lạc thuyết khắp nơi. Mọi quan điểm và giáo thuyết luân lý đều đề ra những con đường được coi là an toàn nhất cho một sự cứu rỗi mù mờ để thu hút sự chú ý. Đặc biệt, bắt đầu năm 1650, chủ nghĩa luân lý hà khắc của thuyết Jansen lan nhanh như lửa, để lại cảnh điêu tàn và sự khiếp hãi tâm linh: linh mục từ chối ban phép giải tội cho người bị coi là bất xứng –mà chẳng biết ai là kẻ xứng đáng? Giáo hữu dần dà lánh xa việc rước lễ, vì việc ấy được coi là chỉ danh cho vài kẻ xứng đáng, hay cho một nhóm nhỏ những người toàn hảo, là những thành viên theo Jansen ở Port-Royal gần thành Paris, hầu thiên đàng không bị hoàn toàn trống vắng.
Vì sao đã xảy ra tình trạng như thế?
Hiển nhiên, tội lỗi và hình phạt chiếm một chỗ lớn trong Kinh thánh và trong hai ngàn năm suy tư của Giáo hội. Từ hình thức này qua hình thức khác, các sự phạt vạ và xá giải mà Giáo hội thiết lập là rất nghiêm ngặt: từ việc cáo tội trước cộng đoàn và những cách đền tội thời thượng cổ, đến sự tính toán công đức bằng tiền tệ để được xá giải giữa thế kỷ 16 và 17. Nhưng, trừ những nố gây gương mù, các việc này chỉ được đề xuất mà không bị áp đặt. Cho đến thế kỷ 20, cách xưng tội trong tòa kín chỉ là một trong nhiều cách để tha tội, cho dù tội có nghiêm trọng cách mấy. Công đồng Latêranô IV (1215) đã quảng bá trong toàn giới Kitô giáo Tây phương thể thức xưng tội đã được ban hành bởi các hội nghị giám mục vùng. Đó là, mọi Kitô hữu phải xưng mọi tội mình nhớ với cha sở ít nhất một lần trong năm. Như vậy, phải chăng Giáo hội Latinh đã quên rằng việc xưng thú của hối nhân không phải là phương thế bình thường duy nhất để tha các tội trọng? Với nhiều đoạn cụ thể trong Kinh thánh, nhất là trong Thư thứ nhất của thánh Phêrô (1 Ph. 4:8), Truyền thống dậy có “10 cách xá giải tội lỗi”, trong đó việc bác ái “đền thay cho nhiều thứ tội” được coi là ngang hàng với bí tích thánh tẩy và việc tuẫn giáo. Sử gia Origen đã viết đoạn trứ danh như sau:

Hãy nghe, có biết bao cách xá giải tội lỗi trong các phúc âm. Cách thứ nhất là việc ta được thánh tẩy “để xoá bỏ tội lỗi”. Cách tha tội thứ hai gồm việc chết vì đạo thánh. Cách thứ ba dĩ nhiên là làm việc lành phúc đức. Cách thứ tư là ta tha thứ lỗi lầm cho anh em mình…Cách thứ năm gồm việc ta đem người tội lỗi trở lại.

Hai thế kỷ sau, khoảng năm 450, Gioan Cassianô bên Giáo hội Latinh lập lại lời Origen cách chi tiết hơn, và chứng minh sự quan trọng của huấn giáo đã được Truyền thống tông đồ lưu lại. Đó không phải là ý kiến cá nhân của Cassianô. Truyền thống này còn được bảo tồn trong các Giáo hội Đông phương. Các anh em Tin lành chí lý khi phê phán rằng chúng ta đã không dành cho Truyền thống ấy sự quan tâm phải có.
Bổ túc các phương cách nói trên, ta có thể kể thêm vai trò thánh luyện của bí tích Thánh thể, như đã được minh chứng hùng hồn bởi vô số các lời kinh phụng vụ và chính học thuyết của thánh Tôma Aquinô. Thậm chí, ta còn có thể nghĩ rằng sự hổ thẹn của nhiều tín hữu Công Giáo trong việc xưng tội biểu tỏ Cảm thức của dân Chúa (sensus fidelium) trong việc này. Hệ quả của sự biểu tỏ này là một yếu tố cần phải cân nhắc cẩn thận. Lần nữa, phương thức mang tính máy móc (việc xưng thú tội trong tòa cáo giải) đã khống chế giá trị của những cách thức xưng tôi khác.
Ngoài ra, một lý thuyết mới về tội trọng đã phát sinh khoảng giữa Công đồng Latêranô IV và Công đồng Trentô. Trước kia, gọi là tội ‘trọng’ vì tội ấy buộc phải đền bù trước khi rước Mình Thánh. Thứ nhất, ngay cả nếu tội ấy được xá giải qua các phương cách khác, thì hối nhân vẫn bị cấm rước lễ vì sợ rằng sẽ phạm sự thánh, trừ khi tội ấy đã được xưng thú và xá giải trước, hoặc phải là trường hợp cần kíp. Thứ hai, tội trọng không còn được định nghĩa trong tương quan với các bí tích giải tội và Thánh Thể, nhưng trong tương quan với án phạt đời đời: “Tội trọng đáng phạt hỏa ngục”. Thêm vào đó, việc xưng tội cách trọn bao gồm sự ăn năn thống hối, sự quyết tâm không tái phạm nữa, và nhất là việc xưng thú trọn vẹn “tất cả và mỗi tội trọng nhớ được qua việc xét mình chính xác, cũng như những hoàn cảnh có thể làm biến dạng các loại tội”. Việc xưng tội không thoả mãn được các điều kiện vừa nói thì vô hiệu, hoặc tệ hơn, còn làm phạm sự thánh.
Kể từ đó, các nhà thần học luân lý, các cha giải tội, và các hối nhân tự làm khổ mình trong việc phân loại và xếp hạng các thứ tội lỗi, các hoàn cảnh chi phối ý nghĩa của chúng. Sự tính toán này sau cùng dẫn đến hoàn cảnh, ngay cả trong thế kỷ 20, có các linh mục và các nhà thần học thế giá cảm thấy bị đè nặng bởi trách vụ giải tội nên đã thoái thác bước vào toà cáo giải.
Vậy sự phạm thánh trong việc xưng tội và sự phạm thánh trong việc rước lễ trở nên những cơn ác mộng ám ảnh suốt cả cuộc sống, sự chết và ý niệm về Ơn cứu độ. Việc mục vụ bình thường và việc thừa sai đã phải chú tâm nhiều đến cách phòng tránh hoặc hoá giải những nố phạm thánh. Cũng từ đó, sinh ra một thứ ác mộng thứ ba: sự áy náy lương tâm. “Không biết mình đã xưng tội chưa? Xưng hết tất cả, cách trọn, và với ý chí đền tội hay không?” Vì Giáo hội Latinh ‘chặn ngõ’ mọi phương thế xá giải những tội trọng, ta chẳng ngạc nhiên gì khi con đường dẫn đến sự cứu rỗi trở nên khó khăn, bi đát hơn. Delumeau viết rằng:

Emmanuel Mourier đã ghi nhận cách chí lý rằng hội chứng của người bối rối có ranh giới lịch sử. Đây không phải là vấn đề của Giáo hội Đông phương. Ngay cả trong Giáo hội Latinh Tây phương, điều này không bao giờ được bàn đến cho tới thời của các nhà thần học luân lý vào hậu trung cổ. Thật vậy, Giáo hội Đông phương không phân biệt giữa tội trọng và tội nhẹ, cho nên, không bao giờ buộc các tín hữu của họ xưng chi tiết các tội. Do đó, họ cũng không nhấn mạnh đến việc phân tích tỉ mỉ những nố lương tâm. Ngược lại, trong khi cố khai thác kỹ hồi niệm, các nố lương tâm lại phát sinh nhiều trong Giáo hội Latinh, kèm với sự yêu cầu xưng thú hằng năm những tội cụ thể, được suy xét rõ ràng.

Sự nhấn mạnh việc xưng thú các tội trọng đã tạo nên nhiều vấn đề trăn trở. Từ đó đã nảy sinh lý thuyết và việc thực hiện khoa thần học luân lý.

TÁC PHẨM NHỮNG ĐỊNH CHẾ LUÂN LÝ (INSTITUTIONES MORALES)

Như đã nói trên, năm 1215, Công đồng Latêranô IV buộc mọi tín hữu Kitô xưng tội một năm ít là một lần với các cha sở của mình. Các hối nhân đáng thương bị ‘kẹp’ bằng ‘chiếc kìm sắt nung’, và bị đe dọa với lửa hỏa ngục. Các cha xứ sở tại biết ai là ‘con trắng’ hay ‘con đen’ trong đoàn chiên của mình. Nhưng Công đồng Latêranô IV không muốn đề ra hình ảnh cha giải tội như ông quan tòa, mà đúng hơn, là vị thầy thuốc cho dân Chúa. Thực vậy, Công đồng nói thêm rằng:

Các cha giải tội, cũng như vị lương y tốt lành, phải biết phán đoán và có sự khôn ngoan để biết cách làm thế nào thoa ‘dầu và rượu’ (Lc. 10:34) cho thương tích của nạn nhân. Ngài hãy tìm hiểu cẩn thận tình trạng của hối nhân và những hoàn cảnh của lỗi phạm, hầu có thể khéo léo khuyên giải và dùng những phương thuốc khác nhau mà chữa lành cho hối nhân.

May mắn thay, Công đồng Latêranô IV cũng nhắc nhớ các giám mục về nhiệm vụ dạy dỗ và yêu cầu các linh mục đi xưng tội với giám mục hoặc với nhưng linh mục đặc cử của giám mục. Các linh mục đặc cử này thường là các vị thừa sai của các hội Dòng như Đa-minh, Phanxicô. Điều phải nói là, các tín hữu Kitô đã chẳng sốt sáng gì trong việc đi xưng tôi. Nhưng, luật vẫn là luật.
Về phần các giáo sĩ triều, các ngài đã không được chuẩn bị tốt cho sứ vụ bác sĩ linh hồn. Vì thế, trong hơn 3 thế kỷ, các tu sĩ Dòng Đa-minh và Dòng Phanxicô đã viết ra, hệ thống hoá và in ấn các thủ bản giải tội để giúp các linh mục giáo xứ phân biệt các nố lương tâm. Tinh thần chung của các thủ bản giải tội ‘theo nố’ thường mang tính vụ luật, và ít khi nói rõ ràng việc gì được phép, việc gì không.
Năm 1551, Công đồng Trentô (1545-1563) công bố 15 khoản giáo luật về bí tích giải tội. Việc giải tội bị thay đổi từ tác vụ chữa lành qua “hành xử toà án”. Từ đó, việc hỏi han của cha giải tội (hỏi han để chẩn bệnh) được thay thế bằng cuộc tra vấn mang tính pháp lý để đòi hỏi một loạt các án lệnh chi tiết buộc hối nhân phải thi hành : “tất cả các tội trọng của đương sự, số lượng, loại, và các hoàn cảnh để sửa đổi”. Hối nhân phải biết rõ tội và kê khai mạch lạc. Để chu toàn bổn phận của mình, lúc ấy các cha giải tội phải học hỏi và thấu đáo về luật lệ hơn nữa.
Năm 1563, Công đồng Trentô ra sắc lệnh thành lập các chủng viện để đào tạo chủng sinh địa phận về nhân học, Kinh thánh, thần học, thuyết giảng, và phụng vụ. Dĩ nhiên, Công đồng nhấn mạnh việc cử hành các bí tích, “nhất là, những gì được xét là thích hợp cho việc giải tội”. Điều này nhằm đặt sự quan trọng cho bí tích hòa giải, và do đó, cho khoa thần học luân lý ứng dụng.
Trong phân khoa thần học tại các đại học, nhất là vào thời thánh Tôma Aquinô và học giả William Ockham (năm 1350), khoa thần học luân lý duy lý dường như trôi nổi vật vờ trong những tranh cãi của các học giả nổi tiếng. Chỉ có các nhà trí thức và tầng lớp ưu tú của Âu châu mới có phương tiện và thời gian - trung bình là 14 năm – để đạt đến đẳng cấp cao, chuyên môn và trừu tượng, của học trình đại học. Hơn nữa, khoa thần học luân lý mang tính lý thuyết đó ít liên hệ với sứ vụ thực tiễn hằng ngày cho tập thể Kitô hữu.
Trái ngược với tình trạng trên, các cẩm nang Tổng luận dành cho các cha giải tội thường khô khan, nhàm chán hơn cả những điển ngữ sơ đẳng. Giữa hai thái cực đó phát sinh nhu cầu một cuốn ‘Tài liệu dành cho các vị giải tội’.

Sự xuất hiện hồi đầu thế kỷ 17, hay đúng hơn là năm 1600, của cuốn ‘Những Định Chế Luân Lý’ của cha Dòng Tên Juan Azor, đánh dấu sự khởi đầu của loại văn phong mới trong khoa thần học luân lý. Tách biệt khỏi khoa triết học tân thời, tín lý, và cả khoa thần học luân lý suy lý, và được coi như một khoa xa lạ với tu đức và thần bí học, cuốn thần học luân lý ứng dụng này, phương tiện khiêm tốn của cha giải tội, hãnh diện mang danh thần học luân lý.
Từ thời đó trở đi, thần học luân lý thường được dùng để thay thế cho môn học giáo luật; nó trung thành với chương trình và phương pháp được xác định trong Quy trình Học tập (Ratio Studiurum) của Học viện Roma.

Ta thấy điều khôi hài khi đọc bản Quy chế Đào tạo của Dòng Tên xuất bản năm 1582 đưa ra chỉ dẫn sau đây cho các bề trên giám tỉnh Dòng ấy:

Nếu trong tiến trình học tập, tu sinh nào không đậu cuộc thi cuối năm với điểm trung bình, và tỏ ra không có khả năng học triết lý và thần học, thì họ phải ghi danh vào ngành học về Các Nố Lương tâm.

Cũng may, một trong sáu tác giả của bản Quy chế Đào tạo ấy chính là cha Juan Azor (1535-1603), giáo sư triết lý và thần học kinh viện. Với quy chế đó, ngài liền nỗ lực tạo uy tín cho các giáo sư và học sinh bộ môn Các nố Lương tâm. Ngài bắt đầu viết một sách giáo khoa luân lý mà cho đến thời đệ nhị thế chiến vẫn còn được xử dụng. Đó là cuốn Những Định chế Luân lý hay còn gọi là Thần học Luân lý.
Cuốn Những Đinh Chế Luân lý là một cuốn sách thế giá, được giảng dạy suốt hai năm trong chủng viện. Các chủng sinh tìm được trong đó khảo luận về lương tâm, các nhân đức đối thần, Mười Điều răn, các bí tích, các giao ước, phạt vạ, và các giai đoạn đời người. Sách cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Giáo luật, vấn đề buộc phải học để tránh bị phạt tội.
Để giải đáp những nố lương tâm cụ thể phát sinh từ hoàn cảnh nhiễu nhương của cuộc sống, khảo luận về lương tâm đương nhiên là quan trọng nhất. Sự khởi phát của thời hiện đại -trong đó, chủ nghĩa nhân bản, khoa học kỹ thuật, nền thương mại và hệ thống ngân hàng- làm tăng số các vấn nạn, và thúc đẩy phải có những giải đáp mới. Những vấn nạn cũ do đó được đặt lại cách sắc xảo hơn. Ví dụ: Thế nào là sự khác biệt giữa điều xấu, điều có thể chấp nhận, và điều trọn hảo? Làm sao đạt đến sự cứu rỗi? Phải làm gì trong những hoàn cảnh (lương tâm) luôn nghi hoặc? Có gì hướng dẫn ta hành động trong hoàn cảnh mới lạ, đảo lộn: Kinh thánh, Truyền thống, lý trí hay kinh nghiệm? Và những băn khoăn như thế đã phát sinh 400 năm tranh cãi giữa các nhà thân học luân lý.

(Còn tiếp)