Ngày 09-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật IV Mùa Chay B
Lm Đan Vinh
00:01 09/03/2018
2 Sb 36,14-16.19-23 ; Ep 2,4-10 ; Ga 3,14-21

AI TIN VÀO CHÚA CON SẼ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 3,14-21

(14) Khi ấy Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, (15) để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án ; Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa. (19) Và đây là bản án: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. (20) Quả thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. (21) Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.

2. Ý CHÍNH:

Khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã mặc khải về tình thương cứu độ của Thiên Chúa như sau:

Để cứu chuộc thế gian đang sống trong bóng tối sự chết, Thiên Chúa đã sai Con Một giáng trần làm Đấng Thiên Sai. Nhờ chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá để đền tội thay và giao hòa loài người với Thiên Chúa.
Từ đây, những ai muốn được ơn cứu độ phải có mấy điều kiện sau: Một là phải được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần. Hai là phải tin Đức Giê-su, Đấng đã chịu chết trên thập giá để đền tội thay, mà con rắn đồng thời Xuất Hành là hình bóng. Ba là phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người.
Nhờ cùng chết với Đấng Thiên Sai, họ cũng sẽ được ánh sáng của Người chiếu soi để được tham phần vào sự sống lại vinh quang của Người và được hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên đàng.

3. CHÚ THÍCH:

- C 14-15: + Ni-cô-đê-mô: Một người vị vọng trong dân Do Thái, là thành viên của Công Nghị tại Giê-ru-sa-lem. Ông muốn tìm hiểu về con người và giáo lý của Đức Giê-su, nhưng còn với thái độ dè dặt. Sau này ông đã can đảm bênh vực Đức Giê-su trong Công Nghị (x. Ga 7,50-52; 12,32). Và khi an táng Người, ông đã can đảm gia nhập vào hàng ngũ các môn đệ của Đức Giê-su (x. Ga19,39). + Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc: Khi được cứu thoát khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập, dân Do Thái thay vì biết ơn Chúa và Mô-sê, họ lại kêu ca trách móc khi phải chịu chút kham khổ. Họ thà quay lại làm nô lệ cho dân Ai-Cập, miễn là hằng ngày được ngồi bên nồi thịt và được ăn uống no nê, còn hơn được tự do mà bị đói khát thiếu thốn giữa nơi sa mạc hoang vu. Chúa đã trừng phạt họ về thái độ vô ơn bạc nghĩa ấy. Họ bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Bấy giờ họ mới hồi tâm sám hối và xin ông Mô-sê chuyển cầu Đức Chúa tha tội. Đức Chúa đã tha và truyền phải đúc tượng một con rắn bằng đồng, treo lên cây cột, để ai bị rắn cắn mà tin vào tình thương tha thứ của Đức Chúa nhìn lên con rắn đồng này, thì sẽ được cứu sống (x. Ds 21,8-9). + Con Người: là một hình ảnh được ngôn sứ Đa-ni-en nhìn thấy trong giấc chiêm bao. Con Người nói đây là một nhân vật được Đức Chúa tuyển chọn và trao sứ mệnh cai trị muôn dân trong sự công minh chính trực (x. Đn 7,13-14). Đức Giê-su nhiều lần đã tự xưng là Con Người với ý nghĩa này (x. Mt 8,20; 12,32). + Cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời: Đức Giê-su đã tiên báo Người sẽ được nâng lên khỏi mặt đất, hay bị treo trên cây thập giá, giống như con rắn đồng thời Mô-sê xưa, để giao hòa tội nhân với Đức Chúa và nên dấu chỉ ơn cứu độ cho loài người. Người cũng được nâng lên trong vinh quang của Thiên Chúa, nghĩa là được tôn vinh trong Thiên Chúa (x. Ga 3,13; 6,62), để kéo mọi tín hữu lên trời hưởng hạnh phúc với Người (x. Ga 8,28; 12,32-34).

- C 16-18: + Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một: Thánh Gio-an đã khẳng định nhiều lần: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Người thể hiện tình yêu qua việc ban Con Một yêu dấu cho thế gian. Thế gian chính là mọi loài thụ tạo, đặc biệt là loài người. Sự ban tặng này, gợi lên hình ảnh tổ phụ Áp-ra-ham xưa đã vâng lời Đức Chúa, đem hiến dâng con trai độc nhất là I-sa-ác để làm của lễ toàn thiêu tiến dâng Đức Chúa (St 22,2-13). + Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời: Điều kiện để được ơn cứu độ là phải tin vào Đức Giê-su - Con Một Thiên Chúa, là Đấng ban ơn cứu độ cho loài người. Ơn cứu độ là ơn tha thứ mọi tội lỗi, xóa bỏ hình phạt đáng chịu vì tội, và saư này được sống lại trong ngày tận thế để được hưởng hạnh phúc muôn đời trong Nước Trời với Chúa. + Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án: Tin ở đây là chấp nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Tin cũng là vâng nghe lời Người mời gọi, là từ bỏ mọi sự mà vác thập giá bước theo chân Người. Tin đòi ta phải kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su để sống tình yêu thương đối với tha nhân, giống như cành nho chỉ phát sinh hoa trái nếu được tháp nhập vào thân cây nho và hút được nhựa sống từ thân cây chuyển sang cho (x. Ga 15,4). NÓI CÁCH KHÁC: Tin là sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Những ai đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su như vậy thì không bị kết án nữa vì họ đã được Người chịu chết đền tội thay cho rồi. + Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi vì không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa: Không tin là từ chối Chúa, là không sống trong ơn nghĩa với Chúa. Đây là những kẻ thù ghét Đức Giê-su và chống lại Hội Thánh của Người. Vì kẻ không tin không được dự phần vào ơn cứu độ của Đức Giê-su, nên tội và án phạt của họ vẫn còn đó. Vì không tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, nên họ sẽ không được cứu độ nhờ Danh Người (x. Pl 2,9-11). Như vậy, những kẻ không tin đã tự loại mình ra khỏi Ơn Cứu Độ của Đức Giê-su

- C 19-21: + Ánh sáng đã đến thế gian: Đức Giê-su là “Vầng Đông soi sáng” (x. Lc 1,78-79 ; 2,32) là “ánh sáng đích thực” đã đến thế gian và chiếu soi mọi người (x Ga1,9). Người đã tự ví mình là “Ánh Sáng thế gian” để ai theo Người thì sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống đời đời (x. 9,5). Những ai tin vào Danh Người thì không phải chết và không bao giờ bị hư mất (Ga 12,46). + Người ta thích bóng tối hơn ánh sáng vì các việc họ làm đều xấu xa: Thánh Phao-lô giải thích lý do người ta thích bóng tối hơn ánh sáng là do tội bất phục tùng của nguyên tổ A-đam nên tội lỗi đã nhập vào thế gian, và tội là nguyên nhân dẫn đến sự chết (x. Rm 5,12). Tội nguyên tổ làm cho con người dễ chiều theo bóng tối hơn ánh sáng. Thánh Phao-lô cũng thú nhận như sau: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19). + Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách: Bóng tối và ánh sáng luôn xung khắc nhau. Ánh sáng đi đến đâu thì sẽ xua tan bóng tối. Người đời thường ưa thích bóng tối là các đam mê tội lỗi hơn là ánh sáng của sự khiêm hạ phục vụ tha nhân. Họ không chấp nhận ánh sáng là Đức Giê-su và còn xuyên tạc các việc tốt Người làm (x. Mt 9,33-34). Họ rình để bắt lỗi từng lời nói việc làm của Người để tố cáo Người (x. Mc 3,2). Cụ thể là phái Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, đã liên minh với nhau để tìm cách triệt hạ Người (x. Mc 3,6). + Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa: Những người ăn ở lương thiện và công minh chính trực, thì dễ dàng tìm thấy chân lý và sẵn sàng đi theo ánh sáng soi đường là Đức Giê-su. Nhờ đó họ sẽ làm được nhiều việc tốt theo thánh ý Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Hãy cho biết đức tin vào Đức Giê-su của ông Ni-cô-đê-mô diễn tiến thế nào?
2) Con rắn trong sa mạc thời Cựu Ước, liên quan thế nào với việc Đức Giê-su chịu chết trên thánh giá thời Tân Ước sau này?
3) Ngày nay muốn được hưởng ơn cứu độ do Đức Giê-su thiết lập, các tín hữu cần những điều kiện nào?
4) Tin vào Con Thiên Chúa cụ thể đòi chúng ta phải làm gì? Tin như vậy ta sẽ được lợi ích nào?
5) Hình phạt dành cho những kẻ cố chấp không tin vào Đức Giê-su ra sao?
6) Đức Giê-su đã mặc khải Người là ánh sáng thế nào? Tại sao người đời lại thích bóng tối hơn ánh sáng do Đức Giê-su mang lại? 7) Ai đi theo ánh sáng của Đức Giê-su thì sẽ được những ơn ích gì?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”(Ga 3,15)

2. CÂU CHUYỆN:

1. BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ:

Các du khách có dịp viếng thăm nhà thờ chính tòa Gen-gi-ba bên Phi Châu, sẽ nhìn thấy lời chào đón ghi trên cửa nhà thờ: “Bạn đang đứng trong ngôi nhà của Đức Ki-tô”.
Ngôi nhà thờ này đã được xây dựng ngay trên mảnh đất trước kia buôn bán những người nô lệ da đen giống như buôn bán súc vật. Đặc biệt bàn thờ được đặt trên một tảng đá là nơi các người nô lệ bị đánh đòn để kiểm tra về sức khỏe của họ.
Cây thánh giá bằng vàng được treo trên một chiếc cột trụ có khắc tên bác sĩ Livdy Stone, một người Anh đã từng lên tiếng chống lại tệ nạn buôn bán nô lệ. Trên cột trụ này bác sĩ thường đứng để cổ vũ giải phóng nô lệ. Mãi đến ngày 16.6.1873 việc buôn bán nô lệ tại Phi châu mới bị ngăn cấm do một đạo luật được ban hành. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Chiếc cột trụ đã trở nên dấu chỉ, gợi nhớ đến những hy sinh gian khổ và cả cái chết để giải phóng những người nô lệ da đen và giúp họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối lại với thù hận là tình yêu thương chân thật, đối lại với bóc lột là tự do và công bằng, đối lại với chiến tranh là hòa giải và tha thứ.
Câu chuyện trên gợi lên cho chúng ta về tình thương của Thiên Chúa. Thời Xuất Hành, Đức Chúa đã truyền cho Mô-sê đúc một con rắn đồng, treo lên một cây cột trong hoang địa, để những ai bị rắn lửa cắn sẽ nhìn lên con rắn đồng biểu tượng của tình thương cứu độ thì sẽ được chữa lành.

2. TIN VÀO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG:

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào thập giá, nhưng cánh tay mặt thì đã rời ra và giơ lên phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục đang ngồi tòa ở dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân phạm tội nặng, vị linh mục đã ra việc đền tội nặng và ngăm đe đủ điều. Nhưng bản tính khó chừa, chẳng bao lâu sau ông ta lại phạm tội và đến xưng tội. Lầm này sau khi giải tội, vị linh mục nói với ông ta: "Đây là lần cuối cùng tôi xá giải tội này cho anh!"
Nhiều tháng trôi qua, một hôm tội nhân lại đến quỳ tại tòa giải tội dưới cây thánh giá để xin ơn tha thứ. Nhưng lần này, vị linh mục dứt khoát: "Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh được nữa!". Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ ban ơn tha tội, thì nghe thấy có tiếng thì thầm từ cây thánh giá phía trên. Ngước nhìn lên ông thấy cánh tay phải của Chúa Giê-su đã bung ra khỏi thánh giá và đang ban phép lành cho hối nhân. Rồi vị linh mục lại nghe thấy tiếng Chúa phán với ông như sau: "Chính Ta là người đã đổ máu ra cho tội nhân này chứ không phải ngươi".
Từ đó, bàn tay của Chúa Giê-su luôn trong tư thế ban phép lành, để mời gọi mọi người hãy đến xin ơn tha thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa đang nhìn mình và nói: "Ta không kết án con đâu. Hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11).

3. CHẾT VÌ NGƯỜI YÊU MỚI LÀ TÌNH YÊU TỘT ĐỈNH:

Thời xưa, khi trái đất còn hoang sơ, có một con thỏ tên là PÔ-LI-XA. Thỏ Pô-li-xa rất thương người, ai xin gì nó cũng cho và không từ chối một người nào. Một hôm có một cụ già lom khom chống gậy tới gần nói rằng:
- Già đang bị đói lắm, suốt mùa nước lũ vừa qua, già không có gì ăn cả. Chắc già sắp chết đến nơi rồi. Giờ đây già chỉ thèm ăn một miếng thịt thỏ, vậy Pô-li-xa có cho già được không?
Thỏ Pô-li-xa nhìn ông già hom hem yếu đuối tội nghiệp quá, liền bảo ông rằng:
- Được rồi, ông chờ cháu một lát.
Nói xong nó chạy kiếm củi xếp thành đống, nhóm lửa và nói:
- Ông chờ thịt cháu chín, rồi hãy lấy ra mà ăn.
Sau đó thỏ nhảy vào đống lửa. Bấy giờ đống lửa đang cháy to tự nhiên bị tắt ngúm và ông lão cũng biến mất. Thì ra đó là một vị thần, được Thượng đế phái tới để thử lòng tốt của thỏ Pô-li-xa. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pô-li-xa được sống vui vẻ hạnh phúc mãi mãi trên mặt trăng.

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn đề cao những ai có lòng nhân ái, sẵn sàng hy sinh chết cho người khác như Tin Mừng hôm nay đã viết: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

4. TÌNH ĐỜI ĐEN BẠC:

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng có lòng đại lượng. Vua sẵn sàng ban phát vàng bạc châu báu cho những ai làm cho vua hài lòng. Thế là các nịnh thần mọc lên như nấm trong triều đình.
Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng nối ngôi. Các quan trong triều thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang nói mình hết dạ trung thành, sẵn sàng chịu chết để bảo vệ nhà vua.
Nhà vua đã tin vào những lời nịnh hót đó và đã ban cho họ nhiều vàng bạc khiến ngân khố của triều đình bị cạn kiệt.
Trong triều chỉ có quan ngự y là người duy nhất có lòng trung thực. Ông đã nhiều lần can gián thuyết phục vua đừng tin vào những lời đường mật của lũ xu nịnh, nhưng vua không nghe.
Một hôm, nhà vua bất ngờ bị lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y tâu trình là bệnh vua chỉ được chữa lành nếu ăn được trái tim của một vị hoàng tử con vua.
Nghe tin nầy, các hoàng tử trong cung đều trốn biệt!
Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác được không. Quan ngự y trả lời ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều đình.
Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm.
Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không ai còn lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, bây giờ vắng lặng như bãi tha ma!
Bấy giờ vua liền ngồi dậy, và đã thấu hiểu tình người đen bạc.
Chính quan ngự y đã dựng lên màn kịch nầy để thử lòng trung thành của mọi người chung quanh!

Cuộc đời là thế! Không ai dám chết thay cho người mình yêu. Nhưng vẫn có một người đã dám hy sinh tính mạng cho những kẻ đã phản bội mình là Chúa Giê-su.

3. SUY NIỆM:

1) Thiên Chúa yêu thế gian đã sai Con Một cứu độ:

Từ lâu, hình ảnh một con rắn cuộn tròn quanh một cây gậy đã được ngành y dược thế giới chọn làm biểu tượng của khoa chữa bệnh cho con người. Hình ảnh ấy xem ra cũng giống như con rắn đồng thời Mô-sê, được treo trên cây cột để chữa lành những ai bị rắn cắn được khỏi chết. Tuy nhiên chỉ có Đức Giê-su, Đấng đã chịu chết treo trên thập giá, mới thật là linh dược chữa lành mọi bệnh hoạn thể xác và linh hồn của chúng ta.
Nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã mặc khải về tình thương cứu độ của Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).


2) Sám hối tội lỗi là điều kiện để được ơn Chúa cứu độ:

Những ai muốn được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su cần phải có đủ điều kiện như sau:
- Một là phải khiêm tốn nhận mình là tội nhân để hồi tâm sám hối và chịu phép rửa tội để được tái sinh làm con Thiên Chúa.
- Hai là phải tin Chúa Giê-su, Đấng đã chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người, mà con rắn đồng thời Xuất Hành là hình bóng của Người.
- Ba là phải “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi con đường hẹp và leo dốc của Người”.
Lòng tin yêu và sám hối của người trộm lành cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su chính là gương mẫu cho sự hồi tâm sám hối của mỗi người chúng ta hôm nay.

3) Phải đi theo con đường thập giá của Chúa Giê-su:

Khi bị mắc bệnh nan y, nếu muốn khỏi bệnh, bệnh nhân phải đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân và uống thuốc theo toa bác sĩ để điều trị bệnh. Bệnh nhân chỉ được khỏi nếu tin vào thầy thuốc và uống thuốc theo đúng liều lượng đã được chỉ dẫn. Rồi còn phải nghe lời bác sĩ để tránh các nguyên nhân gây bệnh.
Cũng vậy, khi phạm tội mà muốn khỏi bị chết, tội nhân cần tin nhận Đức Giê-su, đi theo con đường “qua đau khổ vào vinh quang” của Người, năng nhìn lên Chúa đã bị chết treo trên thập giá để xin Người tha tội noi gương người trộm lành (x. Lc 23,40-43). Chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được ơn Chúa tha thứ và sẽ được Chúa cho vào hưởng hạnh phúc Nước Trời là Thiên Đàng đời sau.
4) Làm gì để loại trừ thói hư và nhận được ơn tha tội?:
Mùa chay mời gọi chúng ta nhìn lại để biết mình đang sống trong ánh sáng hay trong bóng tối sự chết? Chúng ta hãy đến bệnh viện của Chúa là Hội Thánh để kiểm tra sức khỏe tâm hồn, để được Chúa chữa lành bênh tật và tập các nhân đức đối lập với các thói hư trong kinh Cải Tội Bảy Mối có Bảy Đức.
Một tác giả vô danh đã kể về cuộc kiểm tra sức khỏe tâm linh của ông ta nơi bệnh viện của Chúa mà sau đó ông đã được Chúa ban ơn chữa lành như sau:
- Đầu tiên khi đo huyết áp cho tôi, bác sĩ Giê-su cho biết tôi bị bệnh thiếu máu Đức Tin và Đức Bác Ái. Và khi cặp độ, nhiệt kế báo hiệu tôi đang bị sốt Ích Kỷ lên tới 40 độ C cần phải cấp thời được điều trị.
- Ðiện tâm đồ chỉ ra rằng trái tim của tôi thiếu những rung động Tình Thương, chứng huyết áp cao do mạch máu bị tắc nghẽn vì lớp cholesterone Ganh Ghét và có nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào.
- Tới khoa xương khớp, tôi đã tìm ra nguyên nhân tại sao chân tay của tôi thường bị đau nhức và đi đứng khó khăn, là do Mỡ Tự Mãn trong máu lên khá cao và chất đạm Axit Uric do ăn uống thiếu điều độ cũng tăng gấp đôi mức an toàn, nên bị cục Gút ở mắt cá chân rất khó đi lại bình thường. Cũng vì thế mà tôi không thể “Đi Bước Trước” để mỉm cười bắt tay người mới gặp hay cố gắng làm hòa với bà mẹ chồng khó tính thường la rầy và phê phán tôi với mấy người hàng xóm.
- Chứng cận thị Tham Lam làm mờ mắt khiến tôi đánh giá tha nhân dựa trên vẻ bề ngoài như nhà cửa, xe cộ, quần áo… thay vì nhìn vào bản chất và động cơ ẩn giấu trong tâm hồn họ.
- Do quen nghe những tiếng ồn ào của quán nhạc Ka-ra-ô-kê nên một bên tai tôi đã bị Ðiếc Nặng, không còn nghe được hoặc không còn muốn nghe những lời tâm sự của những người bất hạnh.

Tôi đã được bác sĩ Giê-su tận tình khám bệnh miễn phí với Lòng Thương Xót. Người đã cho tôi một toa thuốc gồm hai loại đặc trị là Lời Chúa và Thánh Thể, đồng thời khuyên tôi thực hành vật lý trị liệu là Thao Luyện Tâm Linh và thực hành Bác Ái là năng thăm viếng tha nhân.

Tôi quyết tâm trong Mùa Chay này sẽ chữa bệnh theo toa thuốc của Chúa như sau:

Mỗi sáng khi vừa thức dậy, tôi sẽ dùng ngay một ly nước Tạ Ơn Chúa. Trong bữa điểm tâm, tôi uống thêm một thìa súp Nụ Cười Thân Thiện và Chào Hỏi những người tôi gặp gỡ.
Ở cơ quan làm việc, lợi dụng các giờ nghỉ giữa giờ, tôi làm các động tác vật lý trị liệu là Nghĩ Đến Người Khác và Đáp Ứng Nhu Cầu của họ. Trong bữa trưa, tôi không quên uống thêm viên thuốc Nhẫn Nại Chịu Đựng. Buổi tối về nhà, tôi dành thời gian vận động tay chân bằng cách giúp người thân làm các việc nhà để biểu lộ Tình Thương Cụ Thể. Rồi trước khi đi ngủ, tôi uống thêm thuốc Sám Hối Tạ Ơn và Cậy Trông Phó Thác vào Chúa quan phòng.

4. THẢO LUẬN:
1) Phân biệt Tội nặng nhẹ về giống tội, về mức độ phạm và về hình phạt?
2) Có khi nào người ta chỉ phạm bằng lời nói mà vẫn có tội nặng không?
3) Khi ý thức mình đã phạm tội nặng, chúng ta cần làm gì noi gương người phụ nữ tội lỗi (x Lc 7,47) tông đồ Phê-rô (x Lc 22,61-62), để sớm được giao hòa với Chúa?

5) NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng, nên đã ban Lời Chúa và dạy chúng con phải ăn ở thế nào để nên con thảo của Chúa Cha, và nên anh chị em của mọi người. Chúa cũng ban bí tích Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng đức tin trong cuộc hành trình về Nhà Cha trên trời. Chúa còn ban chính mạng sống mình, chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho chúng con. Mỗi lần lỡ sa ngã phạm tội, xin cho chúng con biết tin thác vào tình thương của Chúa và nhìn lên Thánh giá, để xin ơn tha thứ. Trong những ngày Mùa Chay này, xin Chúa giúp chúng con năng suy niệm chặng đàng Thánh giá, chăm chỉ đến nhà thờ suy ngắm mười lăm sự thương khó, tham dự các buổi tĩnh tâm Mùa Chay để cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương và quyết tâm chừa cải các thói hư. Nhờ đó, hy vọng chúng con sẽ được biến đổi nên người mới, thành con yêu của Chúa Cha, nên môn đệ thực sự của Chúa và nhiệt tình làm việc tông đồ để xứng đáng được ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
CN 4 Mùa Chay : Bị và Được
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
22:52 09/03/2018
Chúa Giêsu nói với ông Nicođêmô : Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thật ra, có lúc Chúa Giêsu dùng chữ giương cao theo nghĩa “bị” : khi Con Người bị giương cao (x. Ga 12, 32). Cho nên hôm nay ta chọn đề tài “bị và được.”

Trong một đoạn Phúc Âm khác Chúa Giêsu nói : Hai người cùng xay bột, một người bị đưa đi, một người được để lại. Chẳng ai cấm ta dịch ngược lại : hai người cùng xay bột, một người “được” đưa đi, một người “bị” để lại. Như năm 1975 : gia đình 2 người, một người được tàu bốc đi một người bị để lại. Nếu tàu bốc đi, bị chìm, chết khơi, có phải là kẻ “bị” để lại, lại là “được” không ? Chỉ một động từ thể thụ động, mà tiếng Việt ta vận dụng thành được hay bị, tuỳ nghi.

Đi qua nhà thuốc tây, thấy logo hình con rắn quấn cái ly, nhỏ nọc vào cái chén. Khi ta bị rắn cắn, là ta được rắn nhỏ nọc. Nọc rắn càng độc, giá càng cao. Nọc rắn, có khi là “bị,” có lúc lại “được.” Chắc hẳn hình rắn trong ngành dược được gợi ý từ chuyện xưa trong sa mạc : Bấy giờ họ phàn nàn kêu trách Chúa và Môsê vì đã không cho họ bánh ăn và nước uống như hồi ở bên Ai Cập. Họ đã quá chán ngán thứ manna này rồi. Và thế là Chúa đã trừng phạt họ bằng cách cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Tuy nhiên, khi họ biết ăn năn hối cải, Ngài đã ra lệnh cho Maisen đúc một con rắn đồng, treo nó lên một cây cột và hễ ai bị rắn độc cắn, chỉ cần nhìn lên rắn đồng là được bảo đảm an toàn tính mạng.

Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh xưa mà ám chỉ về mình : Khi Con Người bị giương cao lên (bị đóng đinh) lại là lúc được Chúa Cha giương cao lên, ai nhìn vào, tin vào, được cứu.

Khi dạy các dự tòng, tôi thường đặt câu hỏi “bị và được” này. Bị là phải, bắt buộc, chẳng ai thích. Nhưng thay vì nói bị, phải, tại sao không nói “được.” Cụ thể, tại sao lại nói “anh phải vào Đạo” mà không nói “anh được vào Đạo.” Và tôi phân tích hai cái được rất lớn khi vào Đạo. (1) Được vợ (chồng) mãi, không sợ chia tay ; và (2) được làm con Chúa. Những cái Được lớn như vậy sao gọi là “bị” được ?

Sách “Hạnh Lâm Tử” kể, trước đây rất xưa, con nhím không có gai. Thân nó nhỏ, bản tính lương thiện ôn hoà, thích thân cận với mọi người. Nhưng cũng vì chính nó yếu đuối nhát gan, mà trở thành đối tượng cho người khác bắt nạt, đây không phải chỉ là đùa giởn với nó, mà chính là tấn công nó, thậm chí, có lúc ngay cả mạng sống cũng bị uy hiếp.

Cho nên nhím kể khổ với Chúa Tạo Vật:

- "Ngài xem thân con, ngoài da không có sừng tê giác hùng hậu, lại không có răng nanh vuốt nhọn như sư tử và hổ, đã không linh mẫn như tai thỏ, càng không có tứ chi nhảy vọt như linh dương. Ở một nơi mà cường địch theo dõi như thế này mà một chút năng lực đề kháng cũng không có, Ngài bảo con sống sót thế nào được chứ?"

Chúa Tạo Vật nói:

- "Ðược rồi, để Ta nghĩ cách xem sao?"

Thế là Chúa Tạo Vật làm cho con nhím toàn thân đầy gai nhọn.

Sau đó, mỗi lần có kẻ địch đến gần, cơ thể của nhím giương lên, gai của nhím dựng đứng thẳng. Gai của nó nhọn sắc như dao, khỏi cần phải nói, các động vật, thậm chí ngay cả hổ và sư tử, hoặc là cá sấu, trăn, là những động vật dữ tợn như thế cũng đều có vài phần sợ nó. Con nhím vạn phần đắc ý, không ngờ nó nhỏ nhỏ như thế, mà cũng có một ngày người ta sợ hãi nó...

Dần dần kẻ địch càng ngày càng lánh xa, nhưng bạn bè cũng chẳng có ai dám đến gần, rất nhiều loài vừa nhìn thấy nó liền chết khiếp chạy trốn. Nhím cô đơn buồn bực, chịu không nổi bèn kể lể với Chúa Tạo Vật:

- "Mọi việc đều bởi Ngài, vì Ngài đã tạo cho con những cái gai kì quái này, báo hại con, một thằng bạn cũng không có".

Chúa Tạo Vật phì cười nói:

- "Bé con, Ta tạo cho con cái gai nhọn là để cho con phòng ngự kẻ địch, chứ Ta có nói con phải dựng đứng cái gai nhọn (của con) từ sáng đến tối đâu?"

Tài năng Thiên Chúa ban cho mỗi người không phải là để huênh hoang khoác lác, hoặc kiêu ngạo với anh chị em.

Mỗi người đều có một khả năng riêng, một cái hay riêng.

Những người học võ công cao siêu, nhìn họ chẳng có chi là con nhà võ cả, họ rất hiền, rất điềm đạm, họ chẳng bao giờ đánh ai, vì họ biết rằng, học võ là để bảo vệ sức khoẻ, là tự vệ, chứ không phải là để đánh người ta và đem đi khoe khoang.

Trái lại, những người mới học, võ vẽ đôi cú đấm đá, thì đi đâu cũng vung tay múa chân, cũng vỗ ngực ta đây đã từng học võ này võ nọ, không coi ai ra gì cả. Thật tội nghiệp cho họ.

Có người trời ban cho cái tài lợi khẩu, nhưng không dùng cái tài ấy để bênh vực người bị áp bức, bị chèn ép, mà lại dùng tài lợi khẩu ấy để nói móc họng anh em, để chửi xéo chị em bằng những lời... bóng bẩy văn hoa, nghe mà muốn... độn thổ.

Con người là một động vật có trí khôn, nếu trí khôn mất đi thì trở thành... con vật, mà nhìn còn tệ hơn nữa. Trí khôn là một báu vật vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, để con người tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, tức là làm đẹp vũ trụ này.

Có trí khôn, có tài năng mà lạm dụng chúng nó làm những việc trái với lương tâm, gây đau khổ cho người khác, ích kỷ, chỉ biết những gì có lợi cho mình, mưu mô, xảo quệt, làm hại người.v.v... thì như con thú dữ.

Nên dùng tài năng và trí khôn Thiên Chúa ban cho, để thăng tiến mình và ích lợi cho tha nhân.

Đừng như con nhím nghĩ mình “bị” có gai nhọn nên chẳng bạn bè giao du, mà quên đi mình “được” có gai nhọn để tự vệ.

“Bị” rắn cắn, nhưng có lúc mong “được” nọc độc của nó.

“Bị” đòn hay “được roi”. Thương cho roi cho vot. Có những học sinh đã trải qua chương trình giáo dục nghiêm khắc, họ vẫn nhắc lại những mẩu chuyện xưa, bị thầy giáo nọ dùng thước kẻ đánh vào bàn tay, bà sơ kia bắt quì, mà họ vẫn có thể cười được vì bây giờ họ thành công trên đường đời, có địa vị trong xã hội.

Hôm nay Chúa Nhật, phải đi nhà thờ. Sao nặng nề thế ! Sao không là : Hôm nay Chúa Nhật, “được” đến nhà thờ. Được ngồi gần Chúa, chứ không phải bị ngồi gần Chúa đâu. Cứ chuyển “bị” thành “được,” đời ta sẽ lên hương… với Chúa.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(mượn phần suy tư trong “mỗi ngày một câu chuyện” của Lm Nhân Tài, csjb)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha đi xưng tội trong buổi cử hành 24 giờ cho Chúa tại Vatican
VietCatholic Network
16:45 09/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 5h chiều ngày thứ Sáu, 9 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô với nghi thức thống hối chung, xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân trong khuôn khổ sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ năm nay có chủ đề là “Nơi Chúa có ơn tha thứ”.

Buổi cử hành đã được diễn ra dưới hình thức một buổi Phụng Vụ Lời Chúa với một bài đọc và một bài Phúc Âm.

Bài đọc I.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.


Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:

Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.

Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.

Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa.

Thế mà anh em biết: Đức Giê-su đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi.

Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội.

Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người.

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường.

Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Đức Giê-su là Đấng Công Chính.

Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu.

Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá huỷ công việc của ma quỷ.

Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra.

Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.

Bất kể con tim chúng ta có cáo tội chúng ta đến đâu, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.

Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.

Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.

Sau bài đọc Một, cộng đoàn đã hát Thánh Vịnh trước khi lắng nghe bài Phúc Âm theo Thánh Matthêu (26: 69-75)

Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!” Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.” Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.” Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Những lời của Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe mang lại cho chúng ta vui mừng an ủi biết ngần nào: Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã cho chúng ta trở nên con cái của Ngài, và khi chúng ta được nhìn thấy Ngài mặt đối mặt, chúng ta sẽ khám phá ra tất cả sự vĩ đại của tình yêu của Người (xem 1 Ga 3: 1-10.19-22). Không chỉ có như thế. Tình yêu của Thiên Chúa luôn lớn hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng ra được; tình yêu ấy thậm chí còn vượt xa bất kỳ tội lỗi nào cắn rứt lương tâm chúng ta. Tình yêu của Ngài là một tình yêu vô hạn, không có một biên cương nào cả. Nó không bị kềm chế trước tất cả những trở ngại mà chúng ta, về phần mình, có xu hướng đặt ra trước mặt người khác, vì sợ rằng họ có thể tước mất tự do của chúng ta.

Chúng ta biết rằng tình trạng tội lỗi tách biệt chúng ta khỏi Thiên Chúa. Nhưng thực ra, tội lỗi là cách mà chính chúng ta muốn rời xa Người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa cách xa chúng ta. Tình trạng yếu đuối và nhầm lẫn là những hậu quả của tội lỗi lại là một trong nhiều lý do để Thiên Chúa muốn gần gũi chúng ta. Xác tín về điều này phải đồng hành cùng với chúng ta trong suốt cuộc đời. Những lời của Thánh Tông Đồ là một khẳng định chắc chắn rằng con tim chúng ta nên tin tưởng, luôn luôn và không chút ngần ngại, vào tình yêu của Chúa Cha vì “Bất kể con tim chúng ta có cáo tội chúng ta đến đâu, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (câu 20).

Ân sủng của Ngài liên tục làm việc trong chúng ta, để củng cố niềm hy vọng của chúng ta rằng tình yêu của Người sẽ không bao giờ thiếu, bất kể mọi tội lỗi chúng ta có thể đã phạm khi từ khước sự hiện diện của Ngài trong đời sống chúng ta.

Chính hy vọng này, lúc này lúc khác, làm cho chúng ta nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta đã lạc mất phương hướng, như Thánh Phêrô trong câu chuyện Tin Mừng mà chúng ta đã nghe. “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: ‘Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.’ Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26: 74-75). Vị Thánh Sử thật sắc bén. Tiếng gà gáy thức tỉnh một con người đang bối rối; ông nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, và cuối cùng, bức màn được kéo lên. Ông Phêrô bắt đầu nhìn thấy thoáng qua những giọt nước mắt của mình rằng Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Chúa Kitô, Đấng bị đánh đập và sỉ nhục, Đấng mà chính ông đã chối bỏ, nhưng bây giờ Người đang trên đưòng chết cho ông. Ông Phêrô, người muốn chết vì Chúa Giêsu, giờ đây nhận ra rằng ông phải để cho Chúa Giêsu chết thay cho ông. Ông Phêrô muốn dạy Thầy mình; ông muốn đi trước Người. Nhưng trái lại, chính Chúa Giêsu đi chết cho Phêrô. Phêrô đã không hiểu điều này; ông đã không muốn hiểu điều đó.

Ông Phêrô giờ đây đang đối diện với tình yêu của Chúa. Cuối cùng, ông nhận ra rằng Chúa yêu thương ông và yêu cầu ông để cho chính mình được Chúa yêu. Ông Phêrô nhận ra rằng ông đã luôn luôn từ chối để mình được yêu. Ông đã luôn luôn từ chối để cho mình được cứu độ bởi một mình Chúa Giêsu, và vì vậy ông không muốn Chúa Giêsu yêu ông hoàn toàn.

Thật khó khăn khi để cho chính chúng ta được yêu biết chừng nào! Chúng ta luôn muốn trong chừng mực nào đó không phải mang ơn ai, trong khi trên thực tế, chúng ta hoàn toàn mắc nợ, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước và, với tình yêu của Ngài, Ngài cứu độ chúng ta hoàn toàn.

Giờ đây chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết được sự vĩ đại của tình yêu Ngài, là điều lau sạch mọi tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta hãy để bản thân mình được thanh tẩy bởi tình yêu, ngõ hầu nhận ra tình yêu đích thực!

Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã đi xưng tội, trong khi ca đoàn hát các bài ca vịnh sám hối.

Sau đó Đức Thánh Cha, các Hồng Y, một số đông các Giám Mục và linh mục đã ngồi tòa giải tội trong dịp này.

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, 2018, Đức Thánh Cha viết:

“Một trong những khoảnh khắc của ân sủng đó lại một lần nữa xảy đến trong năm nay là sáng kiến ‘24 Giờ cho Chúa’, trong đó mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Trong năm 2018 này, lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Vịnh 130 câu 4, ‘Nơi Chúa có ơn tha thứ’, biến cố này sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bẩy, 10 Tháng 3. Trong mỗi giáo phận, ít nhất có một nhà thờ mở cửa liên tục trong hai mươi bốn tiếng, để tạo cơ hội cho cả việc tôn thờ Thánh Thể lẫn bí tích Hoà Giải.”

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa cuả sáng kiến này và thời gian cử hành như sau:

“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”

 
Tình Yêu Thiên Chúa to tát hơn trí tưởng tượng của chúng ta
Bùi Hữu Thư
17:45 09/03/2018
Tình Yêu Thiên Chúa to tát hơn trí tưởng tượng của chúng ta

“Và còn vượt trên bất cứ tội lỗi nào lương tâm chúng ta có thể kết án.

Vatican ngày 9 tháng 3, 2018 (Zenit.org): Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giảng hôm nay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô: “Tình Yêu Thiên Chúa to tát hơn trí tưởng tượng của chúng ta, và còn vượt trên bất cứ tội lỗi nào lương tâm chúng ta có thể kết án.”

Ngài nhắc cộng đoàn rằng: “Tình yêu của Chúa là tình yêu vô biên, một tình yêu vô giới hạn. Tình yêu này hoàn toàn không bị ngăn trở bởi các chướng ngại mà chính chúng ta đã đặt ra trước những người khác, vì e sợ họ có thể tước đoạt sự tự do của chúng ta.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Tội lỗi đưa chúng ta ra xa Chúa… tội lỗi là cách thức chúng ta tự mình làm cho xa cách Chúa.” Nhưng ngài nói rằng, điều này không có nghĩa là “Chúa tự ý muốn xa cách chúng ta. Tình trạng yếu đuối và rối trí là kết quả của tội lỗi, và đây chính là một lý do khác khiến cho Chúa càng muốn ở gần bên chúng ta.”

Thánh Phêrô chối Chúa ba lần và đã bị giật mình bởi tiếng gà gáy, rồi đã ý thức rằng con Người ông chối bỏ sẽ sắp phải chịu chết vì ông. Cuối cùng Phêrô hiểu rằng Thầy mình đã yêu thương mình biết bao.

Đức Thánh Cha tiếp: “Phêrô nhận ra rằng chính mình đã luôn luôn từ chối để được yêu thương. Ông đã luôn luôn từ chối để được Chúa Giêsu cứu chuộc, cho nên ông đã không muốn Chúa Giêsu yêu mến ông hoàn toàn.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Thật là khó khăn khi muốn để cho mình được yêu! Luôn luôn chúng ta muốn một phần con người của chúng ta được tự do không phải mắc nợ vì chịu ơn một ai, trong khi trên thực tế, chúng ta hoàn toàn mắc nợ, vì Chúa yêu chúng ta trước, và qua tìnhyêu, Người cứu chuộc chúng ta hoàn toàn.”

Bùi Hữu Thư
 
ĐGH kêu gọi các linh mục giúp giới trẻ phân biện ơn gọi của họ.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:46 09/03/2018
(Vatican News) Hôm thứ Sáu ĐGH đã kêu gọi các linh mục hãy lưu ý đặc biệt đến giới trẻ, giúp họ phân biện ơn gọi của đời họ, khi nói chuyện với các tham dự viên của khóa học Bàn Về Nội Tâm được tổ chức hằng năm bởi Tòa Ân Giải Tối Cao. Trước thềm Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ năm nay, khóa học chú trọng vào mối liên hệ giữa bí tích Hòa Giải và sự phân biện các ơn gọi.

Hãy trở nên khí cụ hòa giải.

ĐGH nói với các linh mục trẻ rằng họ phải hiểu được vai trò của họ là khí của lòng thương xót Chúa, không bao giờ trở thành “chủ nhân của lương tâm người khác.” Nên nhớ rằng họ chỉ là những khí cụ hòa giải của Thiên Chúa thôi, nói thế không phải là bãi bỏ nhiệm vụ của họ, nhưng tốt hơn là một thái độ khiêm nhường lắng nghe Thần Khí để Chúa Kitô có thể được nhìn thấy như là thượng tế cao cả của chúng ta.

Ngài cũng nói với các linh mục là phải học cách lắng nghe những câu hỏi trước khi trả lời. Linh mục, được gọi là người lắng nghe, nghe lời thú tội và nghe tiếng Thánh Linh, qua Ngài chúng ta nghe được Lời của Chúa. Bằng cách khiêm tốn lắng nghe Thánh Linh, chúng ta có thể giúp cho giới trẻ đến với chính Chúa Giê-su.

Lắng nghe và học cách nhận ra những dấu chỉ.

ĐGH tiếp tục rằng mỗi người trẻ có thể nghe được tiếng của Thiên Chúa trong lương tâm mình và qua việc lắng nghe Kinh Thánh. Thật là quan trọng để có người cùng đồng hành trên đường tìm kiếm này, có thể là một linh mục, một vị linh hướng. Ngài nói rằng dù vậy các linh mục cũng chỉ nên chấp nhận khi có yêu cầu và đừng bao giờ tự đặt mình trước vào vai trò đó.

Phân biệt một ơn gọi có nghĩa là giúp người trẻ nhận ra các dấu chỉ mà Thiên Chúa đã đặt để cho cuộc đời của mỗi người, qua cầu nguyện, qua tài năng của họ, qua khuynh hướng cá nhận và qua tiếp xúc với những người họ gặp gỡ.

Nhân chứng của Lòng Thương Xót Chúa.

ĐGH kết thúc bài chia sẻ rằng linh mục được mời gọi, trước hết, là trở nên nhân chứng bằng cách mang vác tội lỗi của hối nhân, như Chúa Giê-su đã làm và là nhân chứng bằng cách mang Lòng Thương Xót Chúa cho người con hoang đàng, đó là tâm điểm của Tin Mừng.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Giám Mục Nigeria kêu gọi các chính trị gia hành động để giải thoát các thiếu nữ Kitô bị bắt cóc
Đặng Tự Do
01:17 09/03/2018
Đức cha Hilary Dachelem của giáo phận Bauchi đã kêu gọi chính phủ Nigeria và các cơ quan an ninh có những hành động cụ thể để cứu 110 cô gái bị khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc từ tháng Hai vừa qua.

Vị giám mục nói rằng chính phủ không nên chơi trò chính trị phe phái trong vấn đề này nhưng cần hành động để mang lại nụ cười trên khuôn mặt của cha mẹ của những cô gái bị bắt cóc bằng cách giải cứu họ và cho họ được đoàn tụ với những người thân của mình.

“Lời kêu gọi của tôi là chính phủ này phải gạt thứ chính trị phe phái sang một bên và giải thoát những cô gái này; hãy từ bỏ thứ chính trị thối nát và bảo vệ cuộc sống. Vì Chúa Kitô xin quý vị đừng chính trị hóa cuộc sống”, Đức Cha Dachelem nói hôm 3 tháng 3.

“Tôi không cần biết bạn là ai, liên kết với đảng phái chính trị hay tín ngưỡng nào, nhưng tất cả những gì tôi muốn bạn lưu ý rằng cuộc sống là thánh thiêng và phải được bảo vệ và tôn trọng bởi tất cả mọi người.”

Các cô gái đã bị bắt cóc vào ngày 19 tháng 2 ở Dapchi, thuộc tiểu bang Yobe, giáp Bauchi.

Vụ bắt cóc xảy ra bốn năm sau khi Boko Haram tấn công một trường nội trú nữ ở Chibok, bang Borno, và bắt cóc 276 cô gái. Cho đến nay, 195 thiếu nữ vẫn đang còn ở trong tay những kẻ bắt cóc, bất chấp những lời hứa hẹn được lặp đi lặp lại của chính phủ là sẽ sớm giải thoát họ.
Source Crux Bishop asks Nigerian government to work for rescue of kidnapped girls
 
Đức Thánh Cha chỉ định các nghị phụ chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Amazon
Đặng Tự Do
03:42 09/03/2018
Hôm 8 tháng Ba, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Amazon sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2019, và sẽ có chủ đề là:

Amazon: Những con đường mới cho Giáo Hội và cho một hệ sinh thái toàn diện

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng đã chỉ định 18 thành viên tiền Hội Đồng Giám Mục, là những vị sẽ cộng tác với Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục trong việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng này.

Tại giáo triều Rôma sẽ có hai vị là Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh. Tại Mỹ Châu La tinh có Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Tổng Giám Mục Hiệu tòa của São Paulo và các Giám Mục và Tổng Giám Mục các giáo phận có biên giới với rừng Amazon.

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Hai khu rừng nhiệt đới tiếp theo, ở Congo và Indonesia, kết hợp lại cũng không bằng.

Lưu vực Amazon bao gồm 7 triệu cây số vuông, trong đó có 5.5 triệu cây số vuông được rừng nhiệt đới bao phủ. Khu vực này bao gồm lãnh thổ thuộc 9 quốc gia, trong đó 60% rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Ba Tây, 13% thuộc Peru, 10% thuộc Colombia, và phần còn lại thuộc về Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp.

Đây là một vài hình ảnh giúp ta hình dung rừng Amazon lớn đến cỡ nào: Diện tích rừng Amazon có thể bao phủ 40 tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ; hay là 40% lục địa Nam Mỹ.

Sông Amazon là con sông lớn nhất thế giới. Nó có hơn 1,100 nhánh, trong số đó 17 nhánh dài hơn 1600 km. Những nhánh này sẻ ngang, sẻ dọc khu rừng Amazon.

Vấn nạn lớn nhất trong khu vực này là tình trạng khai thác thiên nhiên bừa bãi, gây ra những thiên tai nghiêm trọng mà chung cuộc là những người nghèo trong khu vực phải lãnh đủ. Bên cạnh đó còn có tệ nạn cướp bóc đất đai của người nghèo và bóc lột nhân công, đặc biệt là nhân công trẻ em.

Ngày 12 tháng 2 năm 2005, nữ tu Dorothy Mae Stang, người Mỹ, là một thành viên của dòng nữ Notre Dame de Namur bị sát hại tại Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, thuộc lưu vực sông Amazon của Brazil. Sơ Dorothy đã nỗ lực đấu tranh cho người nghèo và môi trường, và trước đó đã nhận được những lời dọa giết từ những người khai thác gỗ và các chủ đất. Nhiều bộ phim đã được làm để ca ngợi chị; và án phong thánh tử vì đạo cho chị đang được tiến hành tại Bộ Tuyên Thánh của Vatican.
Source: Press Office of the Holy SeeDaily Bulletin of 08 March, 2018
 
Hàng loạt nhà thờ tại Madrid bị vẽ bậy trong ngày Quốc Tế Phụ Nữ
Đặng Tự Do
04:37 09/03/2018
Các nhà thờ ở Madrid đã bị tấn công bằng những chữ viết nghuệch ngoạc trong một cuộc “đình công nữ quyền” trong ngày Quốc Tế Phụ Nữ.

Các nhà thờ Espíritu Santo và San Cristóbal đã bị vẽ các khẩu hiệu ủng hộ phá thai, các biểu tượng nữ quyền và những thông điệp báng bổ niềm tin Công Giáo. Trong thông cáo đưa ra ngày thứ Sáu 9 tháng Ba, tổng giáo phận Madrid đã phải lên án “cuộc tấn công vào di sản của các tín hữu”.

Thông cáo viết:

“Tổng giáo phận Madrid biểu lộ nỗi buồn của mình và mạnh mẽ lên án những hành động gây tổn hại đến sự gắn kết xã hội. Quyền bình đẳng thực sự được hình thành trên sự tôn trọng mọi người và niềm tin của họ”.

Các chữ viết nghuệch ngoạc trên các nhà thờ gồm có: “Hãy ủng hộ phá thai”, “phá thai tự do” và “lấy cỗ tràng hạt của các ngươi ra khỏi buồng trứng của chúng tôi”.

Điều oái oăm là một ngày trước cuộc “đình công nữ quyền”, Đức Hồng Y Carlos Osoro, Tổng giám mục Madrid đã nhiệt liệt bày tỏ sự ủng hộ của ngài đối với cuộc đình công nữ quyền trên phạm vi toàn quốc lần đầu tiên tại Tây Ban Nha làm tê liệt sinh hoạt hàng ngày của thành phố này và nhiều thành phố Tây Ban Nha khác. Ngài nói rằng ngài hiểu hành động của họ và thậm chí còn dám nói đến mức rằng Đức Trinh Nữ Maria sẽ tham gia cùng những người đình công.

Một trong những khẩu hiệu sơn xịt trên nhà thờ Espíritu Santo dường như đã nhắc đến những lời của Đức Hồng Y. Khẩu hiệu này viết: “Đức Trinh Nữ cũng sẽ đi”.
Source: Catholic HeraldMadrid churches attacked on International Women’s Day
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các nước vùng Baltic vào tháng Chín
Đặng Tự Do
06:10 09/03/2018
Hôm thứ Sáu 9 tháng Ba, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, loan báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du ba nước Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia vào tháng Chín.

Ông nói:

“Nhận lời mời của các vị đứng đầu nhà nước và các giám mục những quốc gia sở tại, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến các quốc gia vùng Baltic từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2018. Ngài sẽ thăm các thành phố Vilnius và Kaunas ở Lithuania; Riga và Aglona ở Latvia và Tallinn ở Estonia. Chương trình chi tiết chuyến tông du này sẽ sớm được công bố.”

Lithuania rộng 65,300 km2, tức chỉ bằng một phần năm của Việt Nam. Trong tổng số 2,824,000 dân, người Công Giáo chiếm 77.2%, sinh hoạt trong 8 giáo phận trong đó có 2 tổng giáo phận và một giáo phận quân đội. Giáo Hội tại Lithuania có 779 linh mục trong đó có 681 linh mục triều và 79 linh mục dòng; 4 phó tế vĩnh viễn, 145 nam tu sĩ, và 773 nữ tu.

Latvia rộng 64,589 km2, tức gần bằng Lithuania, nhưng với một dân số ít hơn là 2,381,000 dân, người Công Giáo chỉ có 476,700 người, tức là 22.7%, sinh hoạt trong 4 giáo phận trong đó có 1 tổng giáo phận. Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther. Giáo Hội tại Lithuania có 135 linh mục trong đó có 108 linh mục triều và 27 linh mục dòng; 1 phó tế vĩnh viễn, 32 nam tu sĩ, và 109 nữ tu.

Estonia là nước nhỏ nhất trong 3 quốc gia vùng Baltic với 45,228 km2, tức khoảng một phần sáu Việt Nam. Trong tổng số 1,251,600 dân, người Công Giáo chỉ có 6,000 người nên chỉ có một miền Phủ Doãn Tông Tòa. Cũng như Latvia, đa số dân Estonia theo Tin Lành Luther. Giáo Hội tại Estonia có 14 linh mục trong đó có 9 linh mục triều và 5 linh mục dòng; 5 nam tu sĩ, và 21 nữ tu.


Source:
Vatican News - Pope Francis to visit Baltic States in September
Catholic Hierarchy - Statistics by Country
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi cử hành Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô
J.B. Đặng Minh An dịch
12:22 09/03/2018
Lúc 5h chiều ngày thứ Sáu, 9 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô với nghi thức thống hối chung, xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân trong khuôn khổ sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ năm nay có chủ đề là “Nơi Chúa có ơn tha thứ”.

Buổi cử hành đã được diễn ra dưới hình thức một buổi Phụng Vụ Lời Chúa với một bài đọc và một bài Phúc Âm.

Bài đọc Một trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ (1 Ga 3, 1-10. 19-22) nói về tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Bài Phúc Âm theo Thánh Matthêu (26: 69-75) tường thuật câu chuyện ông Phêrô chối Chúa ba lần ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Những lời của Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe mang lại cho chúng ta vui mừng an ủi biết ngần nào: Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã cho chúng ta trở nên con cái của Ngài, và khi chúng ta được nhìn thấy Ngài mặt đối mặt, chúng ta sẽ khám phá ra tất cả sự vĩ đại của tình yêu Người (xem 1 Ga 3: 1-10.19-22). Không chỉ có như thế. Tình yêu của Thiên Chúa luôn lớn hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng ra được; tình yêu ấy thậm chí còn vượt xa bất kỳ tội lỗi nào cắn rứt lương tâm chúng ta. Tình yêu của Ngài là một tình yêu vô hạn, không có một biên cương nào cả. Nó không bị kềm chế trước tất cả những trở ngại mà chúng ta, về phần mình, có xu hướng đặt ra trước mặt người khác, vì sợ rằng họ có thể tước mất tự do của chúng ta.

Chúng ta biết rằng tình trạng tội lỗi tách biệt chúng ta khỏi Thiên Chúa. Nhưng thực ra, tội lỗi là cách mà chính chúng ta muốn rời xa Người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa cách xa chúng ta. Tình trạng yếu đuối và nhầm lẫn là những hậu quả của tội lỗi lại là một trong nhiều lý do để Thiên Chúa muốn gần gũi chúng ta. Xác tín về điều này phải đồng hành cùng với chúng ta trong suốt cuộc đời. Những lời của Thánh Tông Đồ là một khẳng định chắc chắn rằng con tim chúng ta nên tin tưởng, luôn luôn và không chút ngần ngại, vào tình yêu của Chúa Cha vì “Bất kể con tim chúng ta có cáo tội chúng ta đến đâu, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (câu 20).

Ân sủng của Ngài liên tục làm việc trong chúng ta, để củng cố niềm hy vọng của chúng ta rằng tình yêu của Người sẽ không bao giờ thiếu, bất kể mọi tội lỗi chúng ta có thể đã phạm khi từ khước sự hiện diện của Ngài trong đời sống chúng ta.

Chính hy vọng này, lúc này lúc khác, làm cho chúng ta nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta đã lạc mất phương hướng, như Thánh Phêrô trong câu chuyện Tin Mừng mà chúng ta đã nghe. “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: ‘Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.’ Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26: 74-75). Vị Thánh Sử thật sắc bén. Tiếng gà gáy thức tỉnh một con người đang bối rối; ông nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, và cuối cùng, bức màn được kéo lên. Ông Phêrô bắt đầu nhìn thấy thoáng qua những giọt nước mắt của mình rằng Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Chúa Kitô, Đấng bị đánh đập và sỉ nhục, Đấng mà chính ông đã chối bỏ, nhưng bây giờ Người đang trên đưòng chết cho ông. Ông Phêrô, người muốn chết vì Chúa Giêsu, giờ đây nhận ra rằng ông phải để cho Chúa Giêsu chết thay cho ông. Ông Phêrô muốn dạy Thầy mình; ông muốn đi trước Người. Nhưng trái lại, chính Chúa Giêsu đi chết cho Phêrô. Phêrô đã không hiểu điều này; ông đã không muốn hiểu điều đó.

Ông Phêrô giờ đây đang đối diện với tình yêu của Chúa. Cuối cùng, ông nhận ra rằng Chúa yêu thương ông và yêu cầu ông để cho chính mình được Chúa yêu. Ông Phêrô nhận ra rằng ông đã luôn luôn từ chối để mình được yêu. Ông đã luôn luôn từ chối để cho mình được cứu độ bởi một mình Chúa Giêsu, và vì vậy ông không muốn Chúa Giêsu yêu ông hoàn toàn.

Thật khó khăn khi để cho chính chúng ta được yêu biết chừng nào! Chúng ta luôn muốn trong chừng mực nào đó không phải mang ơn ai, trong khi trên thực tế, chúng ta hoàn toàn mắc nợ, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước và, với tình yêu của Ngài, Ngài cứu độ chúng ta hoàn toàn.

Giờ đây chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết được sự vĩ đại của tình yêu Ngài, là điều lau sạch mọi tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta hãy để bản thân mình được thanh tẩy bởi tình yêu, ngõ hầu nhận ra tình yêu đích thực!


Source: Libreria Editrice Vaticana - PENITENTIAL CELEBRATION HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Đức Giáo Hoàng và Bộ Chính Trị, hay Ngoại Giao của Tòa Thánh Với Trung Hoa
Vũ Văn An
19:53 09/03/2018
Trong một bài cách nay mấy ngày, chúng tôi có viết về cách tờ Nữu Ước Thời Báo tường thuật và bình luận một cách không được lạc quan lắm về liên hệ giữa Tòa Thánh và Vatican hiện nay. Tạp Chí Foreign Affairs , một tập san đã có từ năm 1922 của tổ chức bất vụ lợi Hội Đồng Liên Hệ Nước Ngoài (Council of Foreign Relations) có cái nhìn bình thản hơn đối với tương lai mối liên hệ này.

Thực vậy, ký giả Victor Gaetan, người chuyên viết về đề tài này của tờ tập san, tháng Ba năm 2016, có bài tựa như trên. Trong bài báo này, Gaetan cho rằng: Đức Phanxicô đang để mắt tới Trung Hoa. Kể từ năm 1951, Vatican không có liên hệ chính thức nào với Bắc Kinh, là chế độ luôn ngăn cấm ảnh hưởng của ngoại quốc đối với tôn giáo. Nhưng mối liên hệ có lẽ sắp sửa có thay đổi. Mọi tường thuật đều cho rằng một đột phá ngoại giao giữa Trung Hoa và Vatican sắp diễn ra ngay trong năm 2016, bất chấp có những gia tăng đàn áp chống lại các giáo hội Kitô Giáo ở 1 số tỉnh trong thời gian này.

Vấn đề chính còn lại là liệu Chủ Tịch Trung Quốc, Tập Cẩn Bình, có sẵn lòng nhượng bộ một số quyền hành cho Tòa Thánh hay không. Cuộc tranh luận hàng đầu giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Hoa hiện đang quay hướng về vai trò của Đức Giáo Hoàng trong việc chấp nhận các giám mục địa phương. Tập công khai nhấn mạnh tới giáo hội “yêu nước” do chính phủ kiểm soát, còn Vatican thì chủ trương rằng, là người kế nhiệm của Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng phải có khả năng bổ nhiệm các giám mục để duy trì thẩm quyền tông truyền và sự hợp nhất hoàn cầu.

Giải pháp của Tòa Thánh đối với cuộc tranh luận xem ra giống như mối liên hệ của họ với các nước Cộng Sản thời Chiến Tranh Lạnh lúc họ đạt được một tạm ước (modus vivendi) với các chế độ vô thần liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục và tự do tôn giáo hạn chế bất chấp các va chạm liên tiếp giữa đôi bên.

Tập, cũng thế, xem ra đã có sẵn giải pháp trong đầu. Năm 2013, việc ông sẵn lòng bắt tay với Giáo Hội Chính Thống Nga ở Bắc Kinh, và đến thăm Thượng Phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa năm 2015, cho thấy cấp lãnh đạo Trung Hoa có thể mềm dẻo trong luật lệ đối với ảnh hưởng ngoại quốc, nhất là vì có đủ chứng cớ cho thấy việc tham dự nhà thờ không hề giảm sút và bị ngăn trở. Bất chấp chủ nghĩa vô thần của Đảng Cộng Sản Trung Hoa và các cố gắng tàn bạo của Mao trong việc quét sạch đức tin thời Cách Mạng Văn Hóa, việc thờ phượng của Kitô Giáo đã bùng phát ở lục địa, khiến con số tín hữu vào khoảng 4 triệu vào năm 1949 đã tăng lên tới hơn 70 triệu hiện nay trong đó, có khoảng 20,000 tín hữu Chính Thống và 12 triệu tín hữu Công Giáo.

Tập, lẽ dĩ nhiên, muốn phục hồi ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử như là thành phần của chương trình quốc gia nhằm khắc sâu các giá trị truyền thống, nhưng hơn 3 thập niên sau khi chính phủ Trung Hoa chấm dứt cuộc Cách Mạng Văn Hóa, một thứ bài trừ tôn giáo, điều không thể làm được là vặn ngược kim đồng hồ. Thế đứng của Giáo Hội trở nên mạnh mẽ hơn trước nhiều vì 3 lý do sau đây. Thứ nhất, việc phát triển không lay chuyển được của Kitô Giáo đã đặt lên Bắc Kinh nhiều áp lực khiến họ phải tìm đường thỏa hiệp, và hàng thập niên âm thầm cố gắng đã đặt Giáo Hội Công Giáo vào thế thương lượng để được nhìn nhận. Thứ hai, Hội Công Giáo Yêu Nước do Nhà Nước kiểm soát đã ủng hộ Đức Phanxicô và đã bắt đầu vận động để có 1 thỏa thuận. Và cuối cùng, Vatican vẫn còn liên hệ ngoại giao với Đài Loan, khiến Bắc Kinh bực mình, nhưng đây là lá bài mạnh để thương lượng.

Các mục tử giả và các giám mục bất hợp pháp

Giữa năm 1966 và 1976, các nhà cầm quyền Trung Hoa ngăn cấm tôn giáo, khiến mọi việc thờ phượng trở thành “hầm trú”. Thế nhưng Kitô Giáo vẫn sống còn và từ đó phát triển nhanh chóng. Năm 1979, nhiều nhà thờ và đền thờ được mở cửa lại, và trong ít năm sau đó, các mục sư và linh mục được trở về từ trại lao động hoặc giam tại nhà để lãnh đạo các cộng đồng tín hữu trở lại. Với việc nhấn mạnh mới mẻ tới phát triển kinh tế và hiện đại hóa, chính phủ Trung Hoa nhất quyết cho rằng kiểm soát tôn giáo hữu hiệu hơn là đàn áp nó.



Hiến pháp Trung Hoa năm 1982 bảo vệ “sinh hoạt tôn giáo bình thường” miễn là người thờ phượng phù hợp với một trong 5 tổ chức được nhà nước thừa nhận thuộc Phật Giáo, Công Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo Thệ Phản, và Lão Giáo mới được thiết lập trong thập niên 1950. Các nhà thờ và đền thờ thuộc lãnh vực chính thức phải đăng ký và chịu sự kiểm soát của nhà nước; nhiều cộng đồng tín hữu quyết định chấp nhận nguy hiểm, thậm chí tù tội, để duy trì sự độc lập của mình.

Việc thờ phượng của Kitô Giáo bùng phát ở lục địa, khiến con số khoảng 4 triệu tín hữu năm 1949 lên đến con số hơn 70 triệu hiện nay.
Trong Giáo Hội Công Giáo, các liên hệ giữa các giáo hội chính thức và các giáo hội hầm trú đặc biệt có tính kình chống nhau trong các thập niên đầu của chế độ Cộng Sản. Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa được thành lập năm 1957 như một giáo hội bị nhà nước kiểm soát, không có sự chấp thuận của Vatican. Đức Giáo Hoàng Piô XII mô tả các giám mục do Hội Yêu Nước tấn phong là “các mục tử giả” tự động bị tuyệt thông. Các giám mục và linh mục loại này là nhân viên nhà nước, thường bị tín hữu khinh bỉ. Việc Bắc Kinh nằng nặc đòi Giáo Hội Công Giáo phải chịu địa phương kiểm soát và độc lập khỏi ảnh hưởng bên ngoài trực tiếp mâu thuẫn với các chủ trương chính và việc cai trị Giáo Hội: trong chuỗi liên tục có từ thời Chúa Giêsu Kitô, Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền bổ nhiệm các giám mục, những vị lãnh đạo giáo hội tại các địa phương khắp thế giới nhưng phúc trình cho Tòa Thánh.



Với thời gian, sự chia rẽ sắc nét giữa người Công Giáo yêu nước và hầm trú mờ nhạt dần, nhất là từ ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết lá thư mục vụ năm 2007 kêu gọi có sự tha thứ giữa các cộng đồng do nhà nước kiểm soát và các cộng đồng không đăng ký nhằm “giúp mọi người Công Giáo lớn lên trong sự hợp nhất”. Nơi mà việc thừa nhận Tòa Thánh vẫn tiếp tục được bàn cãi là các linh mục và giám mục. Hai năm trước đây, khi chủng viện chính thức ở Bắc Kinh loan báo lễ mãn khóa sẽ do một giám mục bất hợp pháp cử hành, thì cả lớp tẩy chay lễ mãn khóa của họ. Cũng tại chủng viện này năm 2000, khi Hội Yêu Nước tấn phong 5 giám mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng, các chủng sinh cũng đã từ chối không tham dự.

Nhưng các người chủ chốt trong giáo hội chính thức xem ra sẵn sàng thừa nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Joseph Ma Yinglin, giám mục bất hợp pháp đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Trung Hoa (không được Vatican nhìn nhận) và hai vị phó chủ tịch (1 bất hợp pháp, 1 được cả Rôma lẫn Bắc Kinh nhìn nhận) đã làm “chuyến hành hương” 10 ngày qua Hoa Kỳ vào tháng Chín năm 2015, do lời mời của Trường Thần Học thuộc Đại Học Yale, với mục đích khác nữa là thiết lập các cuộc tiếp với Giáo Hội Công Gioá tại Hoa Kỳ. Bề ngoài việc này khá kỳ lạ không tương hợp với các giám mục và viên chức cao cấp Trung Hoa, nhưng chuyến viếng thăm của họ trùng hợp khít khao với chuyến tông du của Đức Phanxicô. Một nguồn tin của Vatican cho tác giả bài này hay: 3 vị này đã viết mấy dòng sau đây trong cuốn Thánh Kinh đề tặng Đức Phanxicô: “Chúng con yêu mến ngài, chúng con cầu nguyện cho ngài, chúng con chờ đợi ngài ở Trung Hoa”. Theo tường thuật, một vị Hồng Y Hoa Kỳ đã đích thân trao cuốn Thánh Kinh cho Đức Phanxicô.

Giáo Hội và Nhà Nước

Phần lớn, tại Trung Hoa thời cải tổ, điều xẩy ra có thể gọi là một thứ thỏa hiệp giữa chính phủ và Giáo Hội. Nếu 1 linh mục biết mình được xem xét để được chính phủ bổ nhiệm, thì phần lớn sẽ tìm cách vận động để được Vatican nhìn nhận, nhờ thế, coi như được cả hai bên công nhận theo lối từng trường hợp một (ad hoc).

Nhưng sự sắp xếp không chính thức này đã bị gián đoạn vào năm 2010, khi chính phủ Trung Hoa thời Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tấn phong 1 giám mục không có sự góp ý của Vatican và đã bắt 8 vị giám mục do Vatican bổ nhiệm tham dự lễ tấn phong. Các căng thẳng đã lắng dịu trở lại vào năm 2013 sau khi Đức Phanxicô và Chủ Tịch Tập nhậm chức cách nhau 1 ngày. Theo các phúc trình, Đức Phanxicô đã viết thư chúc mừng Ông Tập và Ông này đã trả lời, coi như cuộc thông đạt trực tiếp đầu tiên giữa các nguyên thủ của hai quốc gia này từ năm 1949. Một năm sau, khi tiết lộ cuộc trao đổi này với tờ boá Ý Corriere della Sera, Đức Giáo Hoàng nói rằng “chúng ta gần gũi với Trung Hoa... Các liên hệ có đó. Họ là một dân tộc vĩ đại mà tôi yêu thương”.

Chính phủ Trung Hoa quyết định: kiểm soát tôn giáo hữu hiệu hơn là đè bẹp nó

Kể từ khi hai người lên cầm quyền, Bắc Kinh chưa tự ý tấn phong một giám mục nào. Thay vào đó, chính phủ để 1 giám mục do Vatican bổ nhiệm nhận lãnh trách nhiệm sau khi giam ngài 10 năm. Mùa hè vừa qua, vị tân giám mục đầu tiên trong 3 năm đã được tấn phong với sự chấp thuận của hai bên.

Đức Phanxicô vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các mối liên hệ tiến lên. Ngài chọn Đức Hồng Y Pietro Parolin làm quốc vụ khanh. Vị này vốn là nhà thương thuyết của Đức Bênêđíctô XVI về Trung Hoa trong các năm 2005 và 2009, 1 thời kỳ tương đối êm dịu. Và tháng Tám năm 2014, chính phủ Trung Hoa cho phép Đức Phanxicô sử dụng không phận Trung Hoa trong chuyến tông du Nam Hàn. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên được đặc quyền này. Từ Hoa Kỳ trở về Rôma hồi tháng 9 năm 2015, ngài nhắc đến tiến bộ với Trung Hoa: “Chúng tôi đang tiếp xúc, đang nói chuyện, chúng tôi đang tiến về phía trước”.

Thực thế, các giới chức Vatican và Trung Hoa đã tổ chức 3 vòng nói chuyện bí mật: tháng Sáu năm 2014, tháng Mười năm 2015, và tháng 1 năm 2016. Các đại diện của chníh phủ Trung Hoa có mặt tại Rôma tháng 1 năm 2016 để tiếp tục cuộc đối thoại, và 1 phái đoàn Vatican đã viếng Bắc Kinh.

Nhưng bất chấp các dấu hiệu tích cực trên, nhiều Kitô hữu Trung Hoa lo rằng ý định thực sự của Ông Tập vẫn là cổ vũ việc Trung Hoa hóa. Trong bài diễn văn hồi tháng Năm năm 2015, Ông vốn nhắc lại rằng Trung Hoa phải duy trì một “mặt trận thống nhất” bằng cách chống lại ảnh hưởng ngoại quốc, nhất là trong tôn giáo.

Dựa vào các dữ kiện do China Aid lưu giữ, việc thúc đẩy chính sách Trung Hoa hóa trùng hợp với việc bách hại các Kitô hữu nhiều hơn. Cơ quan này gọi năm 2014 là năm đàn áp nhất đối với Kitô hữu kể từ Cách Mạng Văn Hóa, với hơn 100 nhà thờ bị phá hủy, phần lớn là các nhà thờ tại gia của Thệ Phản, nhưng càng ngày càng có các nhà thờ liên hệ tới giáo hội thệ phản do nhà nước kiểm soát tức Phong Trào Tam Tự (three-self) Yêu Nước. Các người bị kết án vi phạm tôn quyền và nhân quyền tăng từ 12 vụ năm 2013 lên 1,274 vụ năm 2014.

Kitô Giáo với các đặc tính Trung Hoa

Ông Tập rất có thể sợ rằng để Kitô Giáo được nở rộ và để mất quyền kiểm soát việc lựa chọn giám mục sẽ thay đổi cả bản chất xã hội Trung Hoa. Thế nhưng, lịch sử Kitô Giáo ở Trung Hoa hẳn đã chứng tỏ rằng việc thờ phượng của Kitô Giáo rất tương hợp với nền văn hóa Trung Hoa.Việc tồn tại của đức tin qua hàng trăm năm không có linh mục, mục sư, hay nhà truyền giáo nước ngoài nào là bằng chứng cho thấy nó đã hoàn toàn hội nhập văn hóa. Tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Trung Hoa năm 1912, Tôn Dật Tiên, vốn là 1 Kitô hữu, cũng như rất nhiều thành phần ưu tú thời ấy.

Trong khi đó, ý niệm cho rằng các giá trị truyền thống của Trung Hoa hoàn toàn nhất quán với nền thần học Kitô Giáo đã có từ thời Matteo Ricci, một linh mục Dòng Tên người Ý đã đến Macao năm 1582, học tiếng Trung Hoa cổ điển lưu loát, và năm 1601 trở thành người Tây phương đầu tiên được mời vào Tử Cấm Thành để tư vấn cho Triều Đình Hoàng Đế. Ricci, người mặc bộ y phục truyền thống Trung Hoa và để bộ râu dài, đã khuyến khích việc giải thích Kinh thánh dưới lăng kính Đông Phương rõ rệt, đã lồng vào phụng vụ Công Giáo một thuật ngữ không bình thường để chỉ Thiên Chúa, là Chúa Trời, dựa cả vào tư tưởng Khổng Giáo lẫn tư tưởng Kitô Giáo. Khi ngài qua đời năm 1610, Hoàng Đế đã chấp thuận để ngài được an táng ở Bắc Kinh. Mộ ngài được duy trì rất tốt phía sau một trường cao đẳng hành chính của cộng sản.

Trong một cuộc phỏng vấn với Asia News hồi tháng trước, Đức Giáo Hoàng đã thảo luận về Ricci. Ngài nói: "Đối với tôi, lúc còn là một cậu bé, bất cứ khi nào đọc được điều gì về Trung Hoa, nó đều có khả năng khiến tôi ngưỡng mộ. Sau này, nhìn vào cuộc đời của Matteo Ricci, tôi thấy người này cũng cảm thấy cùng một điều y hệt như tôi đã cảm thấy, tức lòng ngưỡng mộ và cách ngài có thể đối thoại ra sao với nền văn hoá vĩ đại này, với túi khôn lâu đời này. Ngài đã có khả năng ‘gặp gỡ’ nó." Thông điệp của Đức Giáo Hoàng dường như được sắp xếp để truyền đạt lòng qúy trọng của ngài đối với đất nước, lịch sử và ban lãnh đạo của nó.

Theo La Stampa, cuộc phỏng vấn của Asia News đã được lưu hành rộng rãi ở Trung Hoa, bởi các cơ quan chính thức và không chính thức, và được ghi nhận một cách thuận lợi trong tường thuật của các phương tiện truyền thông đại chúng. Nó không nói đến các khía cạnh gây tranh cãi trong liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Hoa, mặc dù Đức Giáo Hoàng có ám chỉ đến việc gần đây đã có sự nới lỏng các giới hạn của chính sách một con, coi nó như một thay đổi tích cực. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Hoa đã đáp lời: "Trung Hoa luôn chân thành trong việc cải thiện các mối liên hệ Trung Hoa - Vatican."

Ngoại giao tế nhị

Tất nhiên, còn nhiều vấn đề chia rẽ Trung Hoa và Giáo Hội: Vatican công nhận Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan) như là chính phủ của Trung Hoa và xếp Tổng Thống Đài Loan như là đại diện của Trung Hoa trong các buổi lễ ngoại giao. Nhưng hiện nay, theo nguồn tin của Vatican, cả hai bên sẽ chỉ tập trung vào diễn trình lựa chọn các giám mục; việc này cho phép mỗi bên định rõ vai trò của mình và coi nó có tính quyết định. Các giải pháp bao gồm việc cho phép Vatican đưa cho Bắc Kinh 1 danh sách các ứng viên có thể chấp nhận được, sau đó Bắc Kinh sẽ thực hiện việc chọn lựa cuối cùng (mô hình hiện có ở Việt Nam); để Vatican chọn lựa và sau đó được chính phủ Trung Hoa xác nhận chính thức; hoặc để Trung Hoa dẫn đầu, nhưng cho phép các ứng viên đủ thời giờ để cố gắng giành được sự chấp thuận của Vatican, một diễn trình vốn được sử dụng cho nhiều cuộc tấn phong trong mười năm qua. Ba giải pháp này đã được thảo luận tại Đại sứ quán Hoa Kỳ năm 2007, theo một bức điện tín được Wikileaks tiết lộ.

Mặc dù một số người chỉ trích chính sách gọi là Ostpolitik của Vatican như là một sự thỏa hiệp với ma quỷ, nhưng nó hữu hiệu.

Khi xem xét những giải pháp như thế, Giáo Hội nhắc người ta nhớ lại những cách mình đã thương lượng với các chế độ thù địch trong Chiến Tranh Lạnh ra sao. Một ví dụ đáng chú ý là mối liên hệ của Vatican với chế độ cộng sản ở Hung Gia Lợi, là chế độ đã tra tấn nhà lãnh đạo tôn giáo đáng kính nhất của giáo hội Hung, Hoàng Tử Giáo Chủ và là Hồng Y Jozsef Mindszenty. Một nghị định năm 1957 đã buộc Đức Giáo Hoàng phải "có sự chấp thuận trước” mới được bổ nhiệm các giám mục, một nghị định thư đã được chính thức hóa vào thập niên 1960. Các giám mục phải thề trung thành với chính quyền thế tục. Không những Tòa Thánh tuân thủ các biện pháp làm giảm tính độc lập và quyền lực của mình, mà còn để Đảng Cộng sản ra lệnh phải đối xử ra sao với vị đại diện anh hùng nhất của Hung Gia Lợi, tức Hồng Y Mindszenty. Sau khi trốn khỏi nhà tù trong cuộc cách mạng năm 1956, vị giáo chủ này đã vào trú ẩn tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, nơi ngài sống 15 năm cho đến khi bị Đức Giáo Hoàng Phaolô VI triệu đến Rôma, trái với ý muốn của ngài, và cuối cùng bị tước hết các chức vụ trong Giáo Hội.



Tại Lỗ Ma Ni, vị tổng giám mục của Bucharest lúc đó, Ioan Robu, 71 tuổi, đã cho ta một ví dụ khác về cách Vatican thương lượng với các chính phủ cộng sản. Nhiều ngày trước khi nhà độc tài Nicolae Ceausescu có cuộc gặp gỡ đã định với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ở Rôma, ba chủng sinh, trong đó có Robu, đã vội vàng được cấp hộ chiếu và được phép bắt đầu học ở Rôma. Người cộng sản muốn chứng minh rằng họ đang cởi mở với Tòa thánh. Mười một năm sau đó, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn lựa và được chính phủ Lỗ Ma Ni chấp thuận, Robu đã tiếp nhận ngai tòa từng bị để trống trong 30 năm. Không những chính phủ Lỗ Ma Ni và Vatican cùng chấp thuận vị giám mục này, xem ra họ còn hợp tác trong việc đào tạo vị này nữa - một động thái đã trao quyền lãnh đạo cho một cộng đoàn đang chịu áp lực rất lớn trong suốt thời kỳ cai trị áp bức của Ceausescu. Cùng các chiến thuật y như thế đã được sử dụng ở Bảo Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ba Lan, và Cuba của Castro.

Mặc dù một số người chỉ trích chính sách gọi là Ostpolitik của Vatican, coi nó như một sự thỏa hiệp với ma quỷ nhưng nó hữu hiệu: các cộng đồng Công Giáo ở khắp Đông Âu đã phát triển. Theo Pew, người Công Giáo chiếm 61% dân số Hung Gia Lợi, 75% người Slovakia, 89% người Croatia và 92% người Ba Lan. Và chủ nghĩa cộng sản nay đã không còn.

Cùng với việc Kitô giáo tiếp tục phát triển nhanh chóng ở Trung Hoa, không có bằng chứng nào cho thấy tôn giáo này sẽ là một mối đe dọa đối với trật tự xã hội - trừ phi chính phủ cố gắng kiểm soát nó một cách không thực tế. Và khi Vatican đạt được thoả thuận với Bắc Kinh, các cộng đồng Công Giáo đang bị chia rẽ hiện nay ở Trung Quốc sẽ trở nên hợp nhất nhiều hơn - có lợi cho cả Vatican và nhà nước Trung Hoa. Đầu năm nay, Đức Phanxicô nói rằng: "Tôi rất muốn đến Trung Hoa. Tôi yêu người dân Trung Hoa. Tôi yêu họ rất nhiều". Giống như những bậc tiền nhân Dòng Tên của ngài, dường như ngài muốn biến ước mơ này thành hiện thực.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
CĐCGVN Sydney tham dự Tĩnh Tâm Mùa Chay
Diệp Hải Dung
09:14 09/03/2018
Tối thứ Ba 06/03/2018 rất đông đủ giáo dân trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard Sydney tham dự buổi tĩnh tâm nhân dịp Mùa Chay với chủ đề Hành Trình Trở Về do Cha Paul Văn Chi điều hợp Tĩnh Tâm.

Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm thay mặt Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng giới thiệu Cha Phêrô Hoàng Kim Huy đến từ tiểu bang Melbourne và Cha Hoàng Kim Huy thuyết giảng nói về Người Cha Nhân Hậu luôn sẵn sàng chờ đón đứa con hoang đàng trở về và cũng chính Mùa Chay vào ngay Mùa Thu tại Úc…một mùa ảm đảm u buồn lá lìa cành chỉ còn thân cây xác xơ trơ trọi nhưng sức sống của thân cây vẫn còn ấp ủ bên trong để chờ đợi mùa Xuân đơm chồi kết lá nở hoa và ra trái thì cũng như Mùa Chay đau buồn để rồi sẽ đón nhận sự Phục Sinh rực rỡ tươi sáng tràn đầy sự sống. Thì chúng ta cũng thế, hãy trở về với Chúa thì chúng ta mới có sự sống vĩnh cữu.

Xem Hình

Sau đó là nghi thức hoạt cảnh Người Cha Nhân Hậu trích theo Phúc Âm của Thánh Luca. Nói lên tình yêu của Chúa luôn đón nhận chúng ta trở về cho dù chúng ta là kẻ tội lỗi. Kế tiếp là Thánh lễ tạ ơn do quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Trần Văn Trợ, Cha Lê Hồng Mạnh, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Hoàng Kim huy cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Moị người cùng dâng lên Chúa với chính trái Tim mầu đỏ quyết tâm của mình nói lên sự quyết tâm trở về với Chúa.

Thứ Tư 07/03/2018 Cha Huy thuyết giảng tĩnh tâm tại Giáo đoàn Lakemba với chủ đề Trở Về Với Tha Nhân. Cha Huy nhấn mạnh muốn trở về với tha nhân và mọi người thì phải noi gương học hỏi theo Đức Giêsu, vì Đức Giêsu không ngần ngại đến với những người thu thuế, những người tội lỗi và những người bệnh tật. Ngài đến để trao ban tình yêu của Ngài cho mọi người, chúng ta hãy đến với Ngài và từ nơi Ngài đến với tha nhân...sau đó là kết thúc với Thánh lễ.

Thứ Năm 08/02/2018 Cha Huy thuyết giảng tại Giáo Đoàn Revevby với chủ đề Trở Về Chính Mình. Chúng ta đã trở về với Chúa, trở về với tha nhân thì chính chúng ta phải trở về cho chính mình, trở về với con con tim tha thiết và nhận thức những lỗi lầm và thồng hối ăn năn để xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ tha thứ và đón nhận chúng ta. Kết thúc bài giảng, đại diện Ban Thường Vụ và các vị Trưởng Ban các Giáo Đoàn Cabramatta, Fairfield, Georges Hall, Lakemba, Marrickville, Miller. Mt. Pritchard và Revesby với nghi thức đốt Những Giọt Nước Mắt Sám Hối Ăn Năn để trở về với Chúa, với tha nhân, và với chính bản thân. Sau đó quý Cha hiệp dâng Thánh lễ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời cám ơn Cha Hoàng Kim Huy đã giúp giảng phòng 3 ngày Tĩnh Tâm Mùa Chay cho Cộng Đồng và cũng cám ơn quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt. Prichard, Lakemba và Revesby đã giúp cho nhũ\ững buổi Tĩnh Tâm được tốt đẹp.

Kết thúc 3 ngày Tĩnh Tâm Mùa Chay, mọi người dâng lên trái tim của mình để quyết tâm thống hối ăn năn và đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa.

Diệp Hải Dung
 
Phản ứng của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma trước cái chết đột ngột của ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc
VietCatholic Network
14:44 09/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Giáo Xứ Bắc Hải Hân Hoan Nghinh Đón Mẹ Fatima Thánh Du
Giáo xứ Bắc Hải
18:16 09/03/2018
Hòa chung nhịp đập mừng “Năm Đức Mẹ Thánh Du”, cùng với Mẹ, chúng con đến với Chúa Giêsu để chúc tụng và ngợi khen!. “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi”. (Luca 1,46-47).

Lúc 18 giờ ngày thứ Sáu 09/03/2018, các thành phần dân Chúa trong Cộng đoàn giáo xứ Bắc Hải đã tề tựu tại thánh đường giáo xứ Xuân Trà để cùng với cộng đoàn giáo xứ bạn sốt sắng tham dự thánh lễ tạ ơn và nghi thức tiễn và đón rước kiệu Mẹ Fatima Thánh Du về giáo xứ Bắc Hải. "Kể từ đó, môn đệ đã rước Bà về nhà mình" (Ga 19,27).

Xem Hình

Trong lúc thánh lễ, bầu trời bỗng dưng kéo mây đen và bắt đầu làm mưa lớn, và trời mưa tạnh hẳn lúc mọi người vừa tham dự tiệc Thánh Thể xong, nhờ có trận mưa, khí hậu trở lên mát mẻ.

Trước khi kết thúc thánh lễ, quý Cha đồng tế ban phép lành cho mọi người với Ơn Toàn Xá, như Tông Sắc của Tòa Thánh, và sau lễ là nghi thức tiễn và đón rước Mẹ được diễn ra hết sức trang trọng, cảm động.

Trong bầu khí linh thiêng, cộng đoàn cung nghinh Mẹ Fatima, với ánh nến sáng trên tay, với cờ hoa, hòa với tiếng hát, tiếng kinh Mân Côi, tôn nghiêm ngân vang trải dài trên con đường làng xứ đạo.

Đi đầu đoàn rước là thánh giá nến cao, hai ban Nam nhạc, đoàn thiếu nhi thánh thể và các hội đoàn trong giáo xứ.

Kiệu Mẹ đã về, tại nơi tiền sảnh thánh đường giáo xứ, dưới chân ngọn tháp giáo đường cao vút lên bầu trời, đoàn con Bắc Hải nô nức đón Mẹ và dâng lên Mẹ tấm lòng con thảo, qua các cử điệu, những bài thánh ca nhẹ nhàng, những bó hoa tươi thắm.

Thật là ý nghĩa khi thể hiện lòng yêu mến Mẹ Fatima bằng chính việc cung nghinh tôn kính, cùng với lời diễn giải ý nghĩa và các công việc làm tôn vinh Mẹ.

Tiếp theo những giây phút tiến hoa dâng Mẹ, cộng đoàn bước theo Mẹ vào trong thánh đường để lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể.

Lễ nghi nghinh đón Mẹ Thánh Du khép lại trong niềm vui hân hoan và ân sủng.

Trong hai ngày Mẹ Thánh Du tại Bắc Hải, các con cái của Mẹ nơi các giáo họ thật là vinh dự, hạnh phúc được nghinh đón Mẹ đến với từng người, từng gia đình, qua các đường làng, để chúng con dâng lời ca ngợi, tạ ơn Mẹ, giãi bày lòng con thảo và tha thiết cầu xin với Mẹ hiền.

+ Thứ Bảy, ngày 10/3/2018

- Từ 6 giờ đến 9 giờ, Giáo họ Du Sinh.

- Từ 9 giờ đến 13 giờ, Giáo họ Hội Am.

- Từ 13 giờ đến 16g30’, Giáo họ Vinh Sơn.

+ Chúa nhật, ngày 11/3/2018

- Từ 9 giờ đến 13 giờ, Giáo họ Ngọc Lý.

- Từ 13 giờ đến 16g30’, Giáo họ Đông Khê.

- 16 giờ 30’ Kiệu Đức Mẹ về Thánh Đường và Thánh Lễ.

- Sau Thánh Lễ, Giáo xứ Hòa Hiệp đón rước Mẹ về thăm viếng đoàn con Giáo Xứ của mình.

Lạy Mẹ Fatima, xin cho mỗi người chúng con luôn cháy lên ánh lửa của lòng yêu mến Mẹ và ngập tràn ân huệ của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ.

Truyền Thông Giáo Xứ Bắc Hải
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhìn lên con rắn đồng!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
14:03 09/03/2018
Nhìn lên con rắn đồng!

Nói đến loài Rắn hầu như ai cũng có cảm gía ớn ớn sợ hãi. Vì loài rắn sống bò trườn nhanh lẹ ẩn dưới đất, trong hang nơi tối tăm, hay ẩn dưới cành lá cây rậm rạp, và tìm mồi tấn công ăn thịt.

Loài rắn cắn phun nhả nọc rất độc hại, làm con mồi bất tỉnh rồi ăn thịt nuốt vào bụng. Khi bị rắn cắn nọc độc nó lan truyền vào máu gây tê liệt nguy tử cho người hay thú vật bị cắn.

Dân gian có ngạn ngữ: Qủy quyệt như loài rắn! Vì loài rắn đối với con người xa lạ và thân thể nó uốn khúc cũng như cách sống của nó ẩn chứa đầy bí hiểm.

Loài rắn lột da thân xác theo từng năm tháng thời kỳ. Điều này cũng biểu hiệu sự gian manh qủy quyệt.

Ngòai ra lưỡi của nó không là một miếng như các loài thú vật khác, mà phân chia ra thành hai hay ba miếng nhọn , luôn nhả thò đưa ra phía trước để đe đoạ tấn công. Vì thế dân gian cho là nó độc ác nguy hiểm, tìm cách đánh lừa tấn công bất ngờ.

Trong nhiều nền văn hóa xa xưa con rắn trở thành biểu tượng. Như ở bên Phi Châu rắn nơi nhiều lớp nền văn hóa khác nhau được tôn kính như thần thánh.

Theo nền văn hóa ở Trung hoa ngày xưa, rắn được xem như nối kết đất và nước lại với nhau theo cả hai nguyên lý Yin Yang. Nguyên lý Yin nói về sự tiêu cực, giống cái, sự tối tăm, về đất, sự thụ động. Còn nguyên tắc Yang chỉ về sự tích cực, về sự sáng, giống đực, về trời, , sự năng động, sự khô ráo.

Thần thoại bên Ân Độ biết đến thần rắnNagas như một vị trung gian làm việc tốt hay cũng mang đến sự bất hạnh giữa các thần thánh và con người.

Nền văn hóa miền Mesopotamien khoảng cuối thế kỷ 3. trước Chúa giáng sinh có hình cây gậy với biểu tượng hình con rắn theo thần thoại của thần chữa bệnh Asklepios. Hình cây gậy có hình con rắn là hình ảnh nói lên sự chống lại nọc độc chữa lành bệnh.

Ngày nay nơi các hiệu bán thuốc tây có biểu tượng hình con rắn vẽ hay gắn nơi bảng hiệu nhà bán thuốc, nói lên ý nghĩa đó.

Loài rắn cũng được nhìn xem như biểu tượng của ánh sáng mặt trời. Vì nó có cuộc sống chui rúc ẩn dưới đất ẩm ướt, nên yêu thích ánh nắng mặt trời hay trườn bò tìm đến chỗ có ánh sáng chiếu tới đó.

Loài rắn thay đổi da, tự lột da để phát triển, nói lên khía cạnh tiêu cực tinh ranh qủy quyệt, và cũng nói lên khía cạnh tích cực trở thành biểu tượng nói về sự trẻ lại, sự phục sinh đổi mới.

Về khía cạnh tiêu cực của loài rắn được thể hiện nói đến trong Kinh Thánh. Theo sách Sáng thế ký, con rắn là loài vật tinh khôn, được cho là ma quỉ, đã cám dỗ Ông Bà nguyên tổ Adong Evà phạm tội không vâng lời Thiên Chúa, và bị Thiên Chúa chúc dữ:

„ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn:"Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.“ ( Sáng Thế 3,14).

Trong sách Khải huyền của Thánh Gioan nói đến con rắn ngày xưa hiện hình là một con rồng to lớn, bị đánh đuổi xô đẩy xuống trần gian. ( Khải huyền 12,9).

Thánh Tiên Tri Mose trong sa mạc khi đưa dân Do Thái từ bên Ai Cập trở về quê hương Do Thái, theo lệnh của Thiên Chúa đã truyền đúc con rắn bằng đồng treo trên cao. Vì dân chúng không trung thành kêu rêu chống lại Thiên Chúa, nên bị rắn bò đến cắn bị thương, bị trúng độc chết. Và ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng treo trên cây cao thì được chữa lành. ( Sách Dân số 21,6-8).

Hình ảnh con rắn đồng treo trên cao thời Mose trong sa mạc mang lại sự chữa lành cho những ai bị rắn cắn khi nhìn lên đó trở thành hình ảnh tiên báo về ơn cứu chuộc của chúa Giêsu Kitô sau này bị đóng đinh treo trên thập gía mang lại ơn cứu chuôc chữa lành cho con người khỏi hình phạt vì tội lỗi. ( Gioan 3,14- 21).

Chúa Giêsu Kitô khi đi rao giảng nước Thiên Chúa cũng đã nói : „ Vậy anh em phải khôn như rắn!“ ( Mt 10,16). Có thể vì thế, nơi cây gậy mục tử của các vị Giám mục Chính Thống giáo theo nghi lễ Byzantin và Koptic có hình con rắn.

Theo truyền thuyết thuật lại, Thánh Benecdicto, vị sáng lập Dòng Benedictô với nguyên tắc nền tảng cho đời sống tu trì : „ Ora et labora“ , hồi thế kỷ 5. sau Chúa giáng sinh, ở bên Ý đại lợi tu viện Dòng Vicovaro, bị anh em trong Dòng không bằng lòng với nếp sống kỷ luật đạo đức do ngài là Tu viện trưởng đề ra. Nên họ âm mưu pha thuốc độc vào chén nước hại ngài. Khi thánh nhân cầm chến lên uống, một con rắn trồi lên khỏi miệng chén, và chén rơi xuống vỡ tan tành. Thế là ngài thoát khỏi bị đầu độc hãm hại.

Biến cố này trở thành hình ảnh biểu tượng cho đời ngài. Bây giờ khi vẽ in hình Thánh Benedicto một tay cầm gậy là Tu viện trưởng, và một tay cầm chén nước với hình con rắn trồi nổi lên khỏi miệng chén.

Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô ngày nay không nhìn lên con rắn đống treo trên cao như thời Mose dân lưu lạc trong sa mạc. Nhưng nhìn lên thập gía Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu nhiều đau khổ cực hình về thể xác lẫn tinh thần.

Sự hy sinh chịu chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại ơn chữa lành cứu chuộc cho tâm hồn con người khỏi hình phạt tội lỗi.

Và qua đó học hỏi gương sống hy sinh khiêm hạ của Chúa, cùng nhận ra gía trị thiêng liêng của hy sinh chịu đau khổ.

„ Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh gía, ôm choàng lấy Thánh gía và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ.“ ( Tổng Giám Mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, Đường hy vọng, số 694.)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long