Ngày 12-03-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B
Lm. An tôn Nguyễn Văn Độ
10:00 12/03/2021
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B

(Ga 3,14-21)

“Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan” (Ca nhập lễ); “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào……” (Tv 121,1). Lời ca nhập lễ, hay lời của Thánh vịnh gia dẫn chúng ta vào Chúa nhật IV Mùa Chay, Chúa nhật Lætare - Mừng vui lên. Quả thật, phụng vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng mời gọi chúng ta tận hưởng trước niềm vui Phục Sinh.

Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ vì coi thường lời Chúa, bất trung, tội lỗi và nhạo báng các tiên tri nên mất nước, lâm vào cảnh nhà tan cửa nát phải đi lưu đầy, nay được trở về tái thiết quê hương. Mừng vui lên, vì Chúa dừng cơn thịnh nộ đổ xuống trên dân, nay được thay bằng lòng từ bi và tha thứ, “Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23). Những lời trên diễn tả niềm vui thiêng thánh ngập tràn của dân Chúa.

Sao không thể vui, không thể mừng được. Vì trước kia, dân phạm tội khiến đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị đốt cháy. Nay họ “được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23).

Chúa là niềm vui, là hạnh phúc của dân Chúa. Chúa luôn muốn dân Chúa sống vui và sống hạnh phúc. Một người ốm đau bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác sẽ sống không vui và sống hạnh phúc được. Cho dù tội lỗi có thể làm cho họ xa Chúa, mất niềm tin và trông cậy vào Chúa. Tội có thể đẩy đưa họ đến bờ sông Babylon đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với họ: “Lưỡi tôi dính vào cuốn họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi” (Tv 136,6). Và món quà làm cho dân Chúa thỏa mãn niềm vui là Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi “đã ban Con Một Người” (Ga 3,16).

Quả thật, Thiên Chúa dựng nên con người, ban bố những giới răn, không phải như những ách trói buộc, nhưng là như nguồn tự do, để con người cư xử khôn ngoan, sống theo công lý và hoà bình, biết đặt tin tưởng nơi tha nhân và cùng nhau thực hành các việc công chính dựa theo ý của Chúa để vui sống hạnh phúc.

Chúng ta ngày hôm nay thì sao? Chúng ta đang trên hành trình cùng với Chúa Giêsu bước trong “hoang địa”. Ðây là quãng thời gian chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và cũng để vạch trần mặt nạ của những cám dỗ trong lòng chúng ta. Ở phía chân trời của hoang địa này chúng ta thấy nổi lên cây thập giá. Thập giá Chúa Kitô là đỉnh điểm của tình yêu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu khẳng định: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

Khi sánh ví mình như con rắn được Môse giương lên trong sa mạc, Chúa Giêsu gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3, 1-5). Nếu con rắn trong địa đàng xuất hiện lúc loài người đang ở đỉnh cao hạnh phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Aicập.

Nếu con rắn trong địa đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.

Nếu con rắn trong địa đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.

Và nếu con rắn trong địa đàng gieo sự chết vào thế giới loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.

Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn trái nghịch nhau. Tuy nhiên, dù trái nghịch, hai con rắn Cựu Ước chẳng những không mâu thuẫn nhau, mà hậu quả do con rắn trong địa đàng gây nên, sẽ được con rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng.

Vì con rắn trong địa đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex – đêm Phục sinh), thì con rắn đồng trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.

Khi nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy” (Ga 3, 14). Chúa Giêsu ám chỉ lúc mình được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ” (Ga 3,17).

Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x.Ga 3, 15). Hình bóng cũ thoáng qua đã được hoàn tất bằng thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt 13, 8).

Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và Người đã ban Con Một để chuộc tội con người. Phần chúng ta, mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về mình, phải nhìn nhận chính tội của mình để ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã thể hiện trên Thập giá.

Hãy để Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đáp lại chúng ta yêu mến Ngài, và như thế chúng ta bước tiếp hành trình Mùa Chay Thánh với niềm vui. Chúng ta sẽ nhận lãnh niềm vui lớn lao tràn trề vào Lễ Vượt Qua sắp tới.

Chúa là niềm vui của chúng con, xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm vui ơn cứu chuộc mà Chúa mang lại cho chúng con nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Chuyện Thưởng Phạt
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:02 12/03/2021
Chuyện Thưởng Phạt

(Chúa Nhật IV mùa Chay B)

Chúa hạ con xuống rồi Người lại nâng con lên. Chúa dìm con xuống hố sâu và Người lại nhấc con lên…Bàng bạc đâu đó cái ý tưởng này trong các lời ca, trong nhiều cái nhìn tu đức và cả trong một vài kiểu cách diễn tả của Thánh Kinh, đặc biệt là Cưụ Ước. Khi dân được tuyển chọn bất trung, phản bội, Thiên Chúa trừng phạt dân, thông thường bằng cách đày ải dân vào kiếp nô lệ ngoại bang để bày tỏ cơn thịnh nộ. Nhưng rồi sau đó Người lại giải thoát dân để bày tỏ lòng thương xót.

Lời mạc khải là Lời của Thiên Chúa, nhưng lại được trình bày bằng ngôn ngữ nhân loại, qua những con người cụ thể của một thời gian, không gian, nền văn hoá nhất định. Chắc chắn khó có thể tránh khỏi chuyện gán cho Thiên Chúa những tâm tình, ý nghĩ, đường lối, cung cách hành xử mang đậm nét con người. Vì thế chuyện “suy bụng ta ra bụng người” vẫn ít nhiều có đó trong các trang Kinh Thánh.

Thiên Chúa đày ải và lại giải phóng dân, không chỉ để cho dân nhận ra quyền năng và tình yêu của Người, mà còn để dân phải gắn bó, trung thành với Người ư? Không lẽ chuyện vừa đấm vừa xoa, chuyện kế sách “cây gậy và củ cà rốt”, chuyện dìm người ta xuống nước cho gần chết ngạt rồi sau đó thả tay ra cho người ta hít thở để người ta rối rít cám ơn mình… cũng là “chuyện tình” giữa Thiên Chúa với nhân loại ư? Chắc chắn tuyệt đối không phải thế. Nếu giả như Thiên Chúa cũng hành xử với con người theo kiểu cách mà nhiều nhà cầm quyền khôn ranh, hay nhiều thể chế độc tài gian ác đã hành xử thì Người chỉ đáng cho chúng ta “kinh sợ, khiếp hãi” mà không bao giờ đáng được kính mến.

Để có cái nhìn tương đối khá chính xác và “gần” chân lý hơn, thiết tưởng không gì hơn hãy lắng nghe những lời do miệng Con Thiên Chúa làm người phán: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,15).

1.Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ. Là Đấng toàn thiện, nên sự dữ không thể và không bao giờ do Thiên Chúa gây ra. Thế mà con người rất nhiều khi gặp phải sự dữ thì lại gán ghép cho Thiên Chúa. Xưa kia, khi đi trong hoang địa, dân Chúa đã phản loạn và khi rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người thì người ta cho rằng Thiên Chúa trừng phạt họ bằng cách “cho” rắn bò ra cắn chết họ. Cái ý nghĩ về chuyện “trời phạt” đã từng có trong tâm thức của con người xưa nay. Nhờ lời mạc khải, đặc biệt là lời hoàn hảo của Đấng Cứu độ, chúng ta mới biết rằng Thiên Chúa không phải là ông thần thích báo thù hay trừng phạt. Tuy nhiên, có nhiều lúc Người lại “để” cho sự dữ xảy ra mà không ra tay ngăn cản để cảnh tỉnh con ngưòi về tình trạng tội lỗi của họ hoặc để thanh luyện tình yêu của họ đối với Người, giúp họ ngày càng yêu mến Người cách vô vị lợi và chân thành hơn.

Không kể những sự dữ mang tính mầu nhiệm mà ta không thể suy thấu, thì có thể nói hầu hết các sự dữ xảy ra là do hậu quả của tội lỗi của con người gây ra cho nhau hay cho chính bản thân mình. Con người ta, khi “chẹt chân thì dễ há miệng” và “hữu sự thì dễ vái tứ phương”. Như thế, những sự dữ vẫn có đó ý nghĩa của nó với kiếp người chúng ta. Những sự khốn khó ở đời này vẫn còn đó vai trò của người thầy dạy giỏi. Cho dù đôi khi cái khó bó cái khôn, nhưng sự thường thì “gian nan rèn nhân đức”. Dưới khía cạnh nhân bản thì gian khổ là cơ hội giúp ta rèn luyện sự nhẫn nại, sự bền chí…còn dưới chiều kích đức tin, thì gian khổ giúp ta biết khiêm nhu và tín thác vào tình yêu và của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9).

2.Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Có thể nói đây là ý chính của phần Phụng Vụ lời Chúa mà Hội Thánh dọn cho chúng ta trong Chúa nhật IV Mùa Chay B này. Trong cảnh tha hương lưu đày, dân Chúa xưa luôn hướng về Đền thánh Giêrusalem. Khi bày tỏ nổi lòng của dân: “Giêrusalem, lòng này nếu quên người thì lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm” (Tv 136), tác giả Thánh Vịnh mời gọi dân suy đến tấm lòng của Thiên Chúa. Các sứ ngôn sau khi cảnh báo dân về tội phản nghịch của họ cùng với các hình phạt sẽ phải hứng chịu thì liền sau đó thường bày tỏ lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa. “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14,5). Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã từng ca thán: “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người”. Thế nhưng Kinh Thánh khẳng định rằng dù cho có người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ loài người. Thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô: “Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4).

Thiên Chúa không thể bỏ con người. Một lời khẳng định xem ra khá hàm hồ, nhưng thật chính xác vì “Thiên Chúa không thể chối bỏ chính Người, vì Người là Tình Yêu (x.1Ga 4,8). Dù trời cao hay đất thấp, dù thiên thần hay thiên phủ…không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu (x.Rm 8,39). Như thế, nếu chúng ta vẫn chìm trong bóng tối thì chính chúng ta phải chịu trách nhiệm vì đã khước từ ánh sáng.

Thiên Chúa là Đấng ân thưởng. Và chính chúng ta mới là những người luận phạt. Nếu chúng ta chọn ánh sáng tức là tin vào Chúa Giêsu và sống theo lời của Người thì chúng ta được Thiên Chúa ân thưởng. Trái lại nếu chúng ta chối từ Chúa Kitô thì chúng ta, chứ không ai khác, là người kết án, luận phạt chính bản thân mình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Thập Giá Yêu Thương, Thập Giá Cứu Độ
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
15:29 12/03/2021
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B
Thập Giá Yêu Thương, Thập Giá Cứu Độ
(Ga 3,14-21)

Truyền thuyết Hy Lạp kể rằng con trai của thần Thái Dương Appolon là Esculape, được coi là ông tổ của ngành y dược. Vì ông không chỉ có khả năng chữa bệnh mà còn có thể làm cho người chết sống lại.

Esculape chào đời khoảng năm 1260 trước Công nguyên. Theo truyền thuyết, mẹ ông qua đời khi ông còn trong bụng mẹ nên cha của ông phải mổ lấy con ra khỏi bụng bà. Vì không có mẹ nên cha ông bỏ ông lên núi, ông được dê cho bú và chó canh chừng nên đã sống sót. Lớn lên do bản tính thích quan sát nên ông nhận ra nhiều loài cây dược thảo có thể dùng để chữa bệnh hoặc cải tử hoàn sinh.

Chuyện cũng kể rằng, một hôm nọ, Esculape đang trên đường đi thăm bạn, ông nhìn thấy một con rắn đang tiến về phía mình, ông đưa gậy ra thì con rắn liền quấn quanh cái gậy. Như một cách phản ứng tự nhiên, ông ném cây gậy xuống đất với mục đích giết chết con rắn đi. Nhưng ngay lập tức ông lại thấy xuất hiện một con rắn khác bò tới. Miệng con rắn này ngậm một loài thảo dược dùng để cứu đồng loại của nó. Từ sau đó Esculape đã để tâm đến loài thảo duộc này, rồi dùng nó để chữa bệnh cho mọi người.

Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã lấy hình ảnh con rắn quấn quanh cái gậy để làm biểu tượng cho ngành. Với hy vọng tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ của con người.

Câu chuyện về con rắn treo trên cây gậy cũng được đề cập đến trong Cựu Ước ở Sách Dân Số chương 21. Kinh Thánh kể rằng, khi dân Israel chịu cảnh nô lệ bên Ai cập, họ đã kêu cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi cảnh tù đầy. Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu cầu than khóc của họ, nên Ngài đã chọn ông Môsô để dẫn đưa dân Ngài ra khởi cảnh lưu đày và đưa họ về với vùng đất hứa.

Tuy nhiên trên đường đi họ đã trách móc nặng lời và chống lại Thiên Chúa nhiều lần. Vì thế, Thiên Chúa đã để cho loài rắn độc từ trong sa mạc tiến ra cắn chết nhiều người. Ông Môsê thấy thế liền kêu van Thiên Chúa tha thứ vì sự phản bội và vô ơn của dân, đồng thời xin Người ra tay cứu sống những người bị rắn cắn. Thiên Chúa nhận ra lòng thành và truyền cho ông Môsê đúc một con rắn đồng, treo lên cây gậy, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó thì sẽ được cứu sống. Nghe lời Đức Chúa, ông Môsê đã làm như vậy, thế nên dân Israel đã được thoát chết.

Con rắn đồng chính vì vậy đã trở thành biểu tượng của lòng từ bi và hay tha thứ của Thiên Chúa. Nhất là trong Tin Mừng của Thánh Gioan chương 3, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh con rắn đồng nơi sa mạc để so sánh với chính Ngài, Chúa nói: “Như ông Môsê đã dương con rắn đồng trong sa mạc thế nào, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để tất cả những ai tin vào Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời” (3, 14-15).

Thật vậy, việc Đức Giêsu bị treo lên trên cây thập tự nói lên tình thương của Người dành cho nhân loại, Ngài dùng chính mạng sống của mình để cứu lấy phần rỗi nhân loại chúng ta. Vì sau khi con người phạm tội, phản nghịch cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa đã không từ bỏ con người, nhưng sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để cứu chuộc. Như lời của thánh Gioan tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Tình yêu đó thật lớn lao, tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình, đó là tình yêu mà Đức Kitô đã dành cho loài người chúng ta (x. Ga 15,13). Thiên Chúa không cần gì khác ngoài việc khao khát chúng ta hướng lòng lên ngài. Còn chúng ta, để đáp lại tình yêu đó, không cần gì khác ngoài việc đặt hết niềm tin tưởng và cậy trông vào Chúa.

Cuộc đời chúng ta gặp đầy những đau khổ và bệnh tật, không quản bệnh về thể xác, tinh thần hay cả tâm hồn. Vì thế, ngoài việc tìm thầy chạy thuốc, chúng ta cũng biết chạy đến cùng Chúa Giêsu để xin Ngài cứu giúp. Thiên Chúa là Cha nhân từ, Ngài không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ nhưng sẽ ghé mắt thương đến chúng ta, như lời Ngài đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7).

Xin cho chúng ta, khi nhìn lên thánh giá, luôn cảm nghiệm được lòng từ bi hay thương xót của Ngài. Xin cho chúng ta khi nhìn lên thập giá Chúa Kitô, luôn được củng cố niềm tin về quyền năng chữa lành của Chúa. Và xin cho chúng ta, khi nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh, biết cải đổi tâm hồn, trở về với Chúa tình yêu để được ơn giải thoát và đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho mỗi người chúng ta.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 12/03/2021

45. Người đi trên vách núi cheo leo dù không rơi xuống vực, thì thường thường run rẫy lo sợ mà rơi xuống vực thẳm. Cũng vậy, người không trốn tránh tội lỗi mà trái lại còn tiếp xúc với nó, thì lòng sợ hãi cả ngày, vả lại thường không tránh khỏi rơi vào sa đọa.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 12/03/2021
87. HÔN QUAN PHÁN ĐOÁN

Giáp và Ất, mỗi người đều mang tiền vốn của mình đi xa làm ăn buôn bán, khi đi đến nơi không có người, Giáp tự nhiên có lòng ác và đánh chết Ất, lấy tất cả số vốn của Ất và trở về nhà.

Về đến nhà Ất đau buồn nói:

- “Anh ấy vô phước sinh bệnh mà chết rồi”.

Những người trong nhà ấy cũng không nghi ngờ nên tin lời hắn ta, về sau Giáp lại lấy vợ của Ất làm vợ mình.

Không ngờ Ất bị đánh mà chưa chết, sau khi tỉnh dậy thì nghỉ ngơi nhiều ngày và trở về nhà, đem tất cả chuyện vì tiền mà bị hại báo lại cho quan huyện biết, trên tờ cáo trạng viết như sau:

- “Mưu đoạt tiền đánh chết người, cưỡng bức lấy vợ của tôi”.

Quan huyện vừa nhìn thì đánh Ất một trận đòn, nói rằng Ất vu cáo, và phê trên tờ cáo trạng:

- “Mặc dù nói đánh chết thì tại sao lại còn sống? Lấy vợ dùng lễ để cưới, sao lại có thể nói là cưỡng bức lấy chứ?”

(Tiếu Tán)

Suy tư 87:

Kết bạn vì tiền thi cũng vì tiền mà bạn bè trở thành thù hận, ích kỷ và cuối cùng thì giết nhau…

Các bạn trẻ có câu nói vui như sau: “Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là hy vọng của tương lai…”

Tiền là tiên là phật khi chúng ta biết sử dụng nó mới là tiên là phật, bằng không nó là quỷ dữ cướp linh hồn chúng ta; tiền là sức bật của tuổi trẻ khi người trẻ biết dùng nó để đầu tư khám phá tương lai, bằng không nó sẽ là một khối dục vọng nặng nề đè trên đầu trên cổ mình; tiền là sức khỏe của người già khi họ biết dùng tiền vào những việc bác ái giúp đỡ tha nhân, bằng không tiền sẽ làm cho họ bệnh hoạn thêm; tiền là cái đà danh vọng khi người ta biết đem tiền đổ vào con chữ con số và làm việc có ích, bằng không nó sẽ gây nhiều thất vọng cho họ; tiền là hy vọng của tương lai khi mà cha mẹ biết dùng tiền đầu tư vào việc học hành cho con cái, bằng không nó sẽ phá hủy tương lai của con cái mình…

Người Ki-tô hữu không nói “tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ…”, nhưng người Ki-tô hữu luôn tâm niệm rằng: “Tiền bạc mà tôi có hôm nay là Thiên Chúa ban cho, để tôi nuôi sống mình và thay mặt Ngài để giúp đỡ tha nhân…”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 12/03/2021
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY

Tin Mừng: Ga 3, 14-21.

“Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, để thế gian, nhờ con của Ngài mà được cứu độ.”


Bạn thân mến,Thánh Gioan tông đồ đã xác tín: Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu vượt ra khỏi chính mình, bao trùm cả vũ trụ, vượt qua mọi suy nghĩ của con người và làm cho con người được trở nên con cái của Thiên Chúa, nhờ lòng tin vào Đức Chúa Giê-su Ki-tô

Tình yêu này của Thiên Chúa được bày tỏ trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô, khi suốt cuộc đời làm người ngắn ngủi của Ngài ở thế gian đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Chính tình yêu này mà Ngài phải bị treo trên thập giá và đã chết, cái chết của yêu thương, cái chết để những ai tin vào Ngài thì sẽ được sống muôn đời, đó là niềm tin của bạn và của tôi.

Tin vào Đức Chúa Giê-su để được cứu độ và được chia sẻ niềm hạnh phúc với Ngài, đó là niềm tin của bạn và tôi và của những người tin vào Ngài ở trên thế gian này, vì tin vào Ngài mà bạn và tôi yêu thương tha nhân, vì tin vào Ngài mà bạn và tôi đã trở thành trò cười cho bạn bè người thân chế giễu, bởi vì bạn và tôi muốn trở nên những môn đệ trung thành của Đức Chúa Giê-su, biết nhìn lên thập giá để tìm thấy sức mạnh tâm hồn, để nhìn thấy tình yêu chịu đau khổ của Đức Chúa Giê-su vì bạn, vì tôi và vì nhân loại tội lỗi này.

Bạn thân mến,

Nọc độc của con rắn thì rất độc, có thể giết người trong chớp mắt, nhưng nọc rắn cũng là loại thuốc quý hiếm linh diệu để chữa một vài bệnh nan y, nó vừa giết người vửa có thể cứu sống người.

Con rắn đồng bị treo trên cây là hình bóng tượng trưng cho Đức Chúa Giê-su, Ngài bị treo trên thập giá là để chữa lành và cứu chuộc những kẻ tin vào Ngài, nhưng đồng thời sự treo trên thập giá của Ngài cũng là cán cân công lý xử phạt những ai vì kiêu ngạo mà không tin vào Ngài, như thánh Gioan tông đồ đã nói: Ai tin vào Đức Chúa Giê-su thì không bị lên án, những kẻ không tin vào Ngài thì bị lên án rồi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay 14/3/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
20:42 12/03/2021

Video sẽ bắt đầu từ 2g chiều ngày 13-March-2021 theo giờ Việt Nam


BÀI ĐỌC I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23

“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc”.

Bài trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem. Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường. Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.

2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!”.

3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.

4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

BÀI ĐỌC II: Ep 2, 4-10

“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3, 16

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.

PHÚC ÂM: Ga 3, 14-21

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.
 
Thánh Giuse – Đấng là người công chính
Giáo Hội Năm Châu
21:17 12/03/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 13-March-2021 theo giờ Việt Nam
 
Con đường dẫn đến tự do
Lm. Minh Anh
23:54 12/03/2021
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO
“Hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tuyệt đối khôn ngoan, lời của ngôn sứ Hôsê hôm nay! “Hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa”. Nhận biết Chúa là điều kiện tiên quyết để có thể nhận biết mình; hai sự hiểu biết này chính là ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực. Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường đó.

Qua miệng ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa mặc khải, “Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ; Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”. Thiên Chúa muốn lòng yêu mến, Người muốn sự hiểu biết chính Người; và một khi hiểu biết Người, chúng ta mới có khả năng hiểu biết chính mình. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, Cha nhân lành; con người là thụ tạo, là bụi của đất, nhưng là hạt bụi được yêu thương, hạt bụi được Thiên Chúa thổi vào nguồn sinh khí thần linh. Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay có được cả hai sự nhận biết đó; nhờ vậy, anh thật sự khiêm tốn và điều đó đã cho anh khả năng bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’.

Dụ ngôn trình bày một người biệt phái và một người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, nhưng cách cầu nguyện của họ rất khác nhau. Người biệt phái trung thực kể ra tất cả những công trạng của mình, không sót điều nào, như để đòi Chúa trả công; thật ra, ông cũng rất thiếu trung thực vì ông không biết Thiên Chúa, cũng không biết mình; ông đâu biết, trước mặt Thiên Chúa, muôn hải đảo khác nào hạt cát dính bàn cân, đáng gì đâu những lễ dâng của ông! Đang khi người thu thuế, biết Thiên Chúa là ai, biết mình là ai nên lời cầu của anh đặc biệt trung thực và chân thành. Anh nhận rằng mình quá tội lỗi và khẩn thiết kêu xin lòng thương xót Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội”. Chúa Giêsu kết luận, người thu thuế ra về khỏi tội, còn người biệt phái thì không; người biệt phái thì không, bởi lẽ, ông quá kiêu căng. Vậy mà sự kiêu căng chỉ có thể biến mất khi con người hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết chính mình; vì đó là ‘con đường dẫn đến tự do’.

Trước tiên, phải hiểu cho được Thiên Chúa, Đấng giàu có, quyền năng, nhưng cũng là Đấng xót thương. Sự hiểu biết này giải thoát chúng ta khỏi việc dán mắt vào mình và gạt bỏ sự tự cho mình là công chính; nó giải phóng chúng ta khỏi sự phòng thủ, và cho phép nhìn nhận mình dưới ánh sáng của sự thật. Một khi nhận ra lòng thương xót Chúa, chúng ta cũng nhận ra ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng không ngăn được chúng ta khỏi Thiên Chúa. Thật vậy, tội lỗi càng lớn, tội nhân càng đáng được Chúa xót thương!

Nhìn nhận tội lỗi là bước thứ hai. Chúng ta có thể làm được điều này! Không cần đứng ở góc phố để kể cho mọi người tội lỗi mình, nhưng chúng ta thừa nhận nó với mình và với Chúa, đặc biệt trong toà giải tội; và đôi khi, còn phải thừa nhận nó với người khác để xin họ tha thứ và thương xót. Khả năng nhìn nhận mình là tội nhân mở ra cho chúng ta ‘con đường dẫn đến tự do’.

Trong trận đánh Nga, Napoléon mơ tưởng việc thu tóm cả Ấn Độ; với sự kiêu căng ngông cuồng, ông cho đúc một huy chương có dòng chữ “Thiên đàng là của Chúa, trái đất là của tôi”. Nhưng ông đã thất bại trong cuộc chiến đó; một viên tướng Nga, về sau, cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có hình một bàn tay cầm roi từ đám mây đưa ra, đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này, “Cái lưng là của ngươi, cây roi là của Ta”. Cuối đời, những ngày đày ải của vị hoàng đế kiêu căng trong nơi vắng vẻ ở đảo Sainte Hélène, hẳn Napoléon có thể ngẫm suy lời Chúa Giêsu hôm nay, “Ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Anh Chị em,

Chỉ những người không biết Thiên Chúa mới không biết mình, cũng chẳng biết người. Xem ra Napoléon chỉ biết có mình ông. Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào con người của Chúa Giêsu. Qua cuộc thương khó của Ngài, chúng ta thấy Ngài là một con người thật sự nhận biết Thiên Chúa, là Cha yêu thương mọi người; biết con người, vốn cần được cứu độ và biết chính mình, đang thuộc trọn về Cha và chỉ làm điều đẹp lòng Cha. Sự nhận biết đích thực ấy đã khiến Chúa Giêsu tự do bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực, Ngài đã ghé vai vác thập giá, đón nhận cái chết bi thương trong yêu mến và hy vọng; quả thế, ơn cứu độ đã được tặng ban.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội!”. Cho con biết Chúa, cho con biết con; nhờ đó, con sẽ có thể bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà thờ ở Giêrusalem bị tấn công lần thứ 4 trong 1 tháng
Đặng Tự Do
16:20 12/03/2021


Hôm thứ Hai 8 tháng Ba, Hiệp hội các Nhà Lãnh Đạo Công Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem (ACOHL) đã lên án các cuộc tấn công liên tục vào tu viện của Giáo Hội Rumani ở Jerusalem gần khu phố chính thống của người Do Thái, và buộc tội những người định cư Do Thái cực đoan.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi một vụ hỏa hoạn thiêu rụi lối vào của Nhà thờ Chính thống Rumani. “Tạ ơn Chúa, linh mục địa phương đã dập tắt được đám cháy một cách nhanh chóng”, tuyên bố của ACOHL viết.

Hành động phá hoại hôm thứ Hai là vụ phá hoại lần thứ tư trong vòng một tháng nhằm vào cùng một tu viện, ACOHL tuyên bố và nói thêm rằng “theo các nhà chức trách, một số người Do Thái Chính thống cực đoan tôn giáo bị nghi ngờ là những kẻ tấn công”.

“Chúng tôi, các Giáo Hội Công Giáo, đoàn kết với các Giáo hội Chính thống và tất cả các cộng đồng Kitô Giáo khác của Giêrusalem và lên án mạnh mẽ những hành động phá hoại không chỉ xúc phạm đến đời sống của các Kitô hữu mà còn của nhiều người vẫn tin tưởng vào sự đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Những hành vi này trái với tinh thần chung sống hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau của Thành phố”, thông cáo viết.

ACOHL nói rằng những hành vi này đã trở nên thường xuyên ở Jerusalem trong những tháng qua và tất cả các nhà chức trách, chính trị và tôn giáo, nên đoàn kết trong việc lên án chúng. Vì lý do đó, chúng tôi yêu cầu cơ quan an ninh Israel điều tra những vụ việc này một cách nghiêm túc và đưa những kẻ hành hung ra trước công lý”.
Source:Daily Sabah
 
100 nhà lãnh đạo các tôn giáo cầu nguyện cho phiên tòa xử Derek Chauvin không dẫn đến bạo loạn
Đặng Tự Do
16:21 12/03/2021


Tập hợp cùng với hơn 100 nhà lãnh đạo các tôn giáo tại quảng trường trung tâm thành phố Minneapolis, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda đã cầu nguyện cho hòa bình và công lý vào trước thềm phiên xử một cựu nhân viên cảnh sát thành phố trong vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi.

“Lạy Chúa từ nhân, Chúa là nguồn gốc của tất cả những điều thiện hảo trong cuộc sống của chúng con”, Đức Tổng Giám Mục của Saint Paul và Minneapolis nói trong lời cầu nguyện khai mạc cuộc tụ họp. “Và vì vậy, chúng con đến với Chúa với tấm lòng biết ơn, tri ân những ân sủng mà Chúa đã ban tặng cho những người được cùng nhau tập hợp ở đây. Chúng con biết ơn những kế hoạch mà Chúa đã dành cho các thành phố của chúng con. Chúng con biết ơn vì cách mà Chúa sẽ ban phước cho chúng con vượt xa bất cứ những gì chúng con có thể tưởng tượng”.

“Chúng con đến với Chúa hôm nay với tư cách là một dân tộc khát khao công lý, nhưng chúng con cũng khao khát hòa bình”.

Với hàng rào an ninh làm bối cảnh tại North Plaza của Trung tâm Chính quyền Quận Hennepin, nơi diễn ra phiên tòa xét xử Chauvin, và với một tấm biển ghi “Cầu nguyện cho Minesota” phía sau những chiếc bục và những chiếc loa, cuộc tụ họp được tổ chức giữa sự căng thẳng đối với mọi người tại hai Thành phố Đôi là Saint Paul và Minneapolis.

Vụ bắt giữ Floyd đã xảy ra ngày 25 tháng 5, 2020. Một phần trong cuộc bắt giữ này được người ngoài cuộc quay video và chia sẻ lên mạng xã hội, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp hai Thành Phố Đôi và sau đó là trên khắp đất nước.

Chauvin, bị buộc tội giết người không chủ ý cấp hai và ngộ sát cấp hai, với hình ảnh tiêu biểu trong vụ bắt giữ là đầu gối kẹp chặt vào cổ Floyd trong gần chín phút trong khi Floyd, bị còng tay và úp mặt xuống đất, van xin cho được thở và sau đó không còn phản ứng. Floyd đã bị buộc tội dùng tờ giấy bạc 20 đô la giả để mua thuốc lá.

Chauvin, người da trắng, đã bị sa thải sau vụ việc. Ba đồng nghiệp của anh ta cũng bị sa thải và họ phải đối mặt với một phiên tòa chung vào ngày 23 tháng 8 với tội danh hỗ trợ và tiếp tay cho tội phạm giết người và ngộ sát cấp hai. Cả 4 bị cáo đều được tại ngoại hầu tra.

Ban đầu Chauvin cũng bị buộc tội giết người cấp ba, sau đó tội danh này được hủy bỏ, nhưng các động thái pháp lý gần đây có thể dẫn đến việc phục hồi tội danh đó. Sự phức tạp pháp lý vào ngày 8 tháng 3 đã trì hoãn việc lựa chọn bồi thẩm đoàn trong phiên tòa.

Ngoài cuộc tụ họp cầu nguyện này, Đức Tổng Giám Mục Hebda đã phát hành một video và một tuyên bố khẩn thiết yêu cầu những lời cầu nguyện trong suốt phiên tòa xét xử Chauvin.
Source:Catholic Spirit
 
Hai Giám Mục Mỹ có thể trở thành tổng trưởng tại Vatican
Đặng Tự Do
16:22 12/03/2021


Các nguồn tin tiết lộ với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể chọn hai giám mục sinh tại Hoa Kỳ làm tổng trưởng các bộ trong Giáo triều Rôma.

Hai vị là Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, và Đức Cha Robert Prevost của Chiclayo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến riêng với Đức Hồng Y Cupich vào ngày 30 tháng Giêng, và ngài đã gặp Đức Giám Mục Prevost ngày 1 tháng Ba.

Hai cuộc tiếp kiến có thể là một phần của một loạt các cuộc gặp gỡ mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tục theo chiều hướng cải tổ chung các quan chức hàng đầu của Giáo triều. Sau khi Đức Hồng Y Robert thôi giữ chức Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, có năm bộ có các vị tổng trưởng đã đạt và vượt qua tuổi nghỉ hưu 75: Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Giáo sĩ, Bộ Giám mục, Bộ các Giáo hội Đông phương, và Bộ Giáo dục Công Giáo.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô rất cẩn thận đối với những người được bổ nhiệm tại Bộ Giám mục và Bộ Giáo sĩ.

Bộ Giám mục thành lập các giáo phận mới và các giáo tỉnh, các miền của giáo hội và các giáo phận quân đội. Bộ này cũng tham gia vào thủ tục lựa chọn và bổ nhiệm các tân giám mục và các vị Giám Quản Tông Tòa, các Giám Mục Phó và Các Giám Mục Phụ Tá. Bộ cũng theo dõi việc quản trị các giáo phận, và tổ chức các cuộc viếng thăm ad limina.

Bộ Giáo sĩ cung cấp sự trợ giúp cho các giám mục trong các vấn đề liên quan đến linh mục và phó tế. Bộ thúc đẩy việc giáo dục tôn giáo, và đưa ra các chuẩn mực cho việc đào tạo giáo lý.

Hiện nay, Bộ Giám mục do Đức Hồng Y Marc Ouellet lãnh đạo. Đức Hồng Y Ouellet 76 tuổi và đã lãnh đạo giáo đoàn từ năm 2010.

Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ là Beniamino Cardinal Stella, 79 tuổi, người đã lãnh đạo giáo đoàn từ năm 2013.

Cả hai vị trí này đều có thể được giao cho các Giám Mục sinh ở Mỹ.

Hồng Y Cupich được coi là ứng cử viên hàng đầu để trở thành tổng trưởng Bộ Giám Mục, trong khi Đức Cha Prevost có thể được bổ nhiệm ở Chicago làm người kế vị cho Đức Hồng Y Cupich.

Tuy nhiên, thông tin gần đây nhất có thể gợi ý một kịch bản khác. Hồng Y Cupich có thể được đặt vào vị trí lãnh đạo Bộ Giáo sĩ thay thế Hồng Y Stella.

Nếu Hồng Y Cupich được bổ nhiệm tại Bộ Giáo sĩ, ai sẽ chịu trách nhiệm của Bộ Giám mục? Có vẻ như Đức cha Prevost có thể làm được điều đó và Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu ngài về Rôma trong buổi tiếp kiến ngày 1 tháng Ba.

Đức Cha Prevost, 65 tuổi, một luật sư giáo luật và là thành viên của Dòng Thánh Augustinô, ngài là thành viên của Bộ Giám mục và Bộ Giáo sĩ; một sự lựa chọn mang tính thực dụng, vì Đức Cha Prevost không phải là một Tổng Giám Mục cũng không phải là một Hồng Y.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cả Đức Hồng Y Cupich và Đức Cha Prevost đứng đầu các bộ, thì sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Giáo triều Rôma sẽ rất đáng kể. Dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, cho đến nay vẫn chưa có giám mục người Mỹ nào được bổ nhiệm vào các vị trí cao nhất, nếu chúng ta không tính đến trường hợp Đức Hồng Y Kevin Farrell, một người gốc Ái Nhĩ Lan được bổ nhiệm giám mục ở Hoa Kỳ.

Cơ sở lý luận của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là “hạn ngạch” cho mỗi quốc gia trong Giáo triều Rôma. Đáng chú ý là Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tiếp kiến Giám mục Vittorio Francesco Viola, của Tortona vào ngày 14 tháng Giêng, người mà theo một nguồn tin được biết là một trong ba ứng cử viên hàng đầu thay thế Đức Hồng Y Sarah làm tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích
Source:Catholic News Agency
 
Thăm dò dư luận: 1 trong 3 người Công Giáo Đức nghĩ đến việc rời bỏ Giáo Hội
Vũ Văn An
17:32 12/03/2021

Bản tin ngày 12 tháng 3 năm 2021 của hãng tin CNA cho hay theo một cuộc khảo sát mới được công bố hôm thứ Năm, một phần ba mọi người Công Giáo Đức đang cân nhắc việc rời bỏ Giáo Hội.



Cuộc nghiên cứu có tính đại biểu, công bố ngày 11 tháng 3, được thực hiện bởi Viện nghiên cứu ý kiến INSA Consulere có trụ sở tại Erfurt nhân danh tuần báo Công Giáo Die Tagespost và hãng thông tấn Thệ phản Idea. Nó xác nhận những phát hiện của cuộc thăm dò trước đó, một cuộc thăm dò cũng cho thấy những con số tương tự.

Trong số những người được thăm dò thuộc Giáo Hội Công Giáo, 33% đang cân nhắc việc rời khỏi Giáo Hội vì những tai tiếng liên tục về việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ, trong khi 44% nói rằng họ sẽ không quay lưng lại với Giáo Hội. Hơn 14% số người được hỏi cho biết rằng họ “không biết”. Chín phần trăm những người tham gia cuộc thăm dò không trả lời rõ ràng.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, tường trình rằng cuộc thăm dò mới cũng cho thấy một trong bốn thành viên của các Giáo Hội Thệ phản khu vực ở Đức cho biết họ có thể “sớm rời bỏ Giáo Hội”.

Năm 2019, có tổng cộng 272,771 người Công Giáo Đức chính thức rời bỏ Giáo hội - nhiều hơn bao giờ hết. Các số liệu cho năm 2020 sẽ không được công bố trước mùa hè bắc bán cầu.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng không phải là lý do duy nhất cho cuộc rời bỏ. CNA Deutsch đưa tin: Theo một nghiên cứu của giáo phận Osnabrück ở miền bắc nước Đức, những người Công Giáo lớn tuổi đặc biệt coi việc Giáo hội xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng là lý do để ra đi. Tuy nhiên, những người trẻ hơn có nhiều xác suất hủy đăng ký làm người Công Giáo để tránh trả thuế Giáo Hội, một điều bắt buộc.

Vào năm 2019, Giáo hội ở Đức đã nhận được nhiều tiền từ thuế Giáo Hội hơn bao giờ hết. Theo số liệu chính thức được công bố vào tháng 7 năm 2020, Giáo hội Đức đã nhận được 6.76 tỷ euro (7.75 tỷ đô la) vào năm 2019. Con số này cho thấy mức tăng hơn 100 triệu euro (115 triệu đô la) so với năm 2018, khi Giáo hội thu được 6.64 tỷ euro từ Thuế. Sự gia tăng được cho là do sự tăng trưởng của nền kinh tế Đức trong năm 2019.

Nếu một cá nhân đăng ký là người Công Giáo ở Đức, 8-9% thuế thu nhập của họ sẽ được chuyển cho Giáo Hội. Cách duy nhất để họ có thể ngừng nộp thuế là tuyên bố chính thức từ bỏ tư cách thành viên. Họ không còn được phép nhận các bí tích hoặc chôn cất theo Công Giáo.

CNA Deutsch cho biết loại thuế này đã bị chỉ trích ngày càng nhiều, với một số giám mục đặt câu hỏi liệu nó có cần được cải cách hay không. Ngay từ năm 2016, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, đã chỉ trích diễn trình này, gọi việc xử lý nó của những người chọn ra khỏi hệ thống gây tranh cãi là “một vấn đề nghiêm trọng”.

Theo nghiên cứu của Đại học Freiburg được công bố vào năm 2019, số lượng tín hữu Kitô giáo đóng thuế Giáo Hội ở Đức dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2060. Các nhà nghiên cứu cho biết sự suy giảm dự kiến có thể được dự đoán vì số lượng các lễ rửa tội ở Đức đang giảm dần, con số của những người Đức đã rời bỏ việc đăng ký theo tôn giáo chính thức và sự sụt giảm dân số nói chung của Đức, dự kiến sẽ giảm 21% vào năm 2060.

Năm ngoái, các giám mục Đức đã công bố kế hoạch “Con đường đồng nghị” kéo dài hai năm, quy tụ giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức linh mục; và vai trò của phụ nữ.

Họ nói rằng diễn trình này sẽ kết thúc bằng một loạt bỏ phiếu "có tính ràng buộc" - làm dấy lên lo ngại tại Vatican rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội.

Vào tháng 6 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư dài 28 trang cho những người Công Giáo Đức kêu gọi họ tập trung vào việc truyền giảng Tin Mừng trước tình trạng “ngày càng xói mòn và suy thoái đức tin”.

Ngài viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội tự ý một mình cố gắng thoát khỏi các vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng cộng đồng đó lại nhân thừa và nuôi dưỡng những tệ nạn mà họ muốn vượt qua”.

Trong một bài phát biểu trước các giám mục Đức vào năm 2015, ngài nói rằng “người ta có thể thực sự nói về sự xói mòn đức tin Công Giáo ở Đức”, thúc giục họ “vượt qua sự nhẫn chịu vốn làm tê liệt”.
 
Tiến sĩ Weigel: Hàng giám mục thế giới và việc bội giáo ở Đức
Vũ Văn An
18:27 12/03/2021

Như những cái tên Ambrose, Augustine, Athanasius và John Chrysostom gợi ý, những thế kỷ ở giữa ngàn năm thứ nhất, tức kỷ nguyên của các Giáo phụ, là thời kỳ hoàng kim của hàng giám mục Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo công nhận 35 vị nam, nữ là các thày dạy gương mẫu; 14 người trong số họ - 40% của toàn bộ danh sách "Tiến sĩ Giáo hội" - là các giám mục sống trong thời kỳ đó. Đó không phải là khoảng thời gian thanh bình. Nhưng ngay cả khi những vị mục tử dũng cảm này chiến đấu với những kẻ dị giáo trong Giáo hội và những kẻ thống trị hống hách, những người mưu toan bắt Giáo hội phục tùng quyền lực của họ, họ đã tạo nên một gia sản tinh thần mà chúng ta vẫn được hưởng lợi cho đến ngày nay, khi Giáo hội thường xuyên suy gẫm về các bài giảng, thư từ và bình luận Kinh thánh của họ trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ.



Một đặc điểm của thời kỳ hoàng kim của các giám mục này là tập tục thách thức và sửa chữa huynh đệ trong hàng giám mục. Các giám mục địa phương ở giữa ngàn năm thứ nhất tin rằng họ thuộc về, và chia sẻ trách nhiệm đối với, một hiệp thông toàn thế giới. Xác tín rằng những gì xảy ra ở một phần của cơ thể có ảnh hưởng đến toàn bộ, các giám mục như Cyprian, Basil thành Caesarea, Ambrose, và Augustine đã không ngần ngại sửa chữa các giám mục anh em mà họ cho là đã sai lầm trong tín lý hoặc thực hành kỷ luật của họ - và đôi khi đã làm như vậy, bằng một ngôn ngữ mạnh mẽ.

Khái niệm trách nhiệm chung này của các giám mục đối với Giáo hội thế giới đã được rút tỉa từ giáo huấn của Công đồng Vatican II về tính hợp đoàn giám mục. Tuy nhiên, tập tục thách thức và sửa chữa huynh đệ của các Giáo phụ vẫn còn cần được phục hồi. Sự phục hồi này bây giờ là điều chủ yếu khi Giáo hội ở Đức rơi vào tình trạng bội giáo - một sự phủ nhận các chân lý của đức tin Công Giáo đang đe dọa sẽ có ly giáo.

Cơ chế của việc này là cái gọi là “Con đường đồng nghị Đức”, một diễn trình kéo dài nhiều năm nhằm mục đích thay đổi căn bản Kho tàng Đức tin về các vấn đề tín lý, trật tự Giáo hội và đời sống luân lý, do đó phản bội ý định của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đối với Công đồng Vatican II. Theo “Văn bản căn bản” được phát hành gần đây, Con đường đồng nghị Đức sẽ chỉnh sửa Chúa Giêsu về hiến pháp của Giáo hội và quyền quản trị giám mục của nó (bản văn tiếng Đức tuyên bố “Thời gian đã vượt qua các mô hình này”), cũng như nó chỉnh sửa và cải thiện giáo huấn của Giáo hội về “công bằng giới tính…. đánh giá các khuynh hướng tình dục của người đồng tính, và…. Xử lý với thất bại và những khởi đầu mới (ví dụ, hôn nhân sau khi ly dị)”.

Sao có thể như thế được? Theo Văn bản Căn bản thì có thể vì “không có một chân lý nào của thế giới tôn giáo, đạo đức và chính trị, cũng như không có một hình thức tư tưởng nào có thể cho rằng mình có thẩm quyền tối cao”. Do đó, “trong Giáo hội… những quan điểm và cách sống hợp pháp có thể cạnh tranh nhau ngay trong những xác tín cốt lõi… những tuyên bố chính đáng về mặt thần học đối với sự thật, sự đúng đắn, dễ hiểu và trung thực… [có thể] mâu thuẫn với nhau….”

Đây không chỉ là một hạn từ rau trộn được các học giả ham chơi về mặt ý thức hệ và các quan chức Giáo Hội say mê quyền lực sáng chế. Nó là sự bội giáo và bội giáo để phục vụ tín ngưỡng hậu hiện đại, một tín ngưỡng có thể là “sự thật của bạn” và “sự thật của tôi” nhưng không có gì có thể mô tả một cách đúng đắn như sự thật. Và để các bạn đừng nghĩ rằng cách tiếp cận này sẽ dẫn đến một sự khoan dung mới của đa dạng, Văn bản Căn bản cảnh báo những người tuyên xưng Kinh Tin Kín Nicene, chứ không phải kinh tin kính hậu hiện đại, rằng họ sẽ bị buộc phải “hỗ trợ” và “cổ vũ” những gì họ vốn bác bỏ như xa rời đức tin Kitô giáo. Xem ra bản năng cưỡng chế toàn trị đã cố thủ trong một số nền văn hóa rồi vậy.

Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, tuyên bố rằng “Con đường đồng nghị” của Đức đang được theo dõi nhiệt tình ở những nơi khác trong Giáo hội thế giới. Nếu vậy, điều đó chỉ xảy ra trong số những cán bộ đang thu hẹp dần của Catholic Lite, những người đã không học được từ điển hình Đức rằng Catholic Lite sẽ dẫn đến Catholic Zero như được đơn cử bởi Văn bản Căn bản này. Do đó, điều bắt buộc là các giám mục anh em phải làm Giám mục Bätzing tỉnh ngộ khỏi ảo tưởng rằng ngài, tuyệt đại đa số giám mục Đức, và bộ máy hành chính của Giáo hội Đức là những người tiên phong can đảm của một Đạo Công Giáo mới dũng cảm.

Trách nhiệm đầu tiên ở đây thuộc về Giám mục Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người nên làm những gì Thánh Giáo hoàng Clêmentê I đã làm với những người Côrintô ồn ào trong thời kỳ hậu tông đồ và những gì Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã làm với các giám mục anh em trong thời đại các Giáo phụ: kêu gọi các giám mục Đức trở lại với “đức tin đã được chuyển giao cho các thánh một lần mãi mãi” ( 1: 3). Tuy nhiên, trách nhiệm này không phải của riêng Đức Giáo Hoàng. Các giám mục khác trên khắp Giáo hội thế giới nên cho Giám mục Bätzing biết mối quan tâm nghiêm trọng của họ về tính chất xói mòn của Văn bản Căn bản của Con đường đồng nghị.

Đó là điều mà những người tầm cỡ như Ambrose, Augustine, Athanasius và John Chrysostom - những người sẽ nghẹn lời trước việc ca tụng “tính mơ hồ” của Văn bản Căn bản - sẽ làm.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh con rắn đồng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:04 12/03/2021
Hình ảnh con rắn đồng

Rắn là một loài động vật không chân tay, thân hình tròn trơn thẳng từ đầu cho tới đuôi, dài hằng thước óng ánh, cùng mềm mại như một dây thừng dài. Vì thế Rắn trườn lướt uốn khúc vượt qua mọi vật ngăn cản giữa lối bò phóng đi thoăn thoắt rất nhẹ nhàng nhanh lẹ.

Rắn sống chui rúc trong lỗ hang dưới mặt đất, trong sườn núi, nơi lùm cỏ cây rậm rạp. Nó có thể leo bò lên trên cây cao, bơi lội trong lòng sông nước. Rắn sống và phát triển sinh sôi nhìều trứng nở ra con ở những vùng khí hậu nóng ẩm ướt.

Trong dân gian có quan niệm „gian trá gỉa dối như là loài rắn!“. Định kiến như vậy, vì có nhiều lý do. Trước hết rắn là một loài thú động vật có nọc độc hại cắn bổ gây chết người, khi bị nó cắn, cùng xa lạ với con người về cấu trúc hình thể của nó.Và nhất là về lối nếp sống của nó bao trùm nhiều bí hiểm.

Da loài rắn theo thiên nhiên thay đổi theo từng thời kỳ tuổi tác của rắn, cùng có nhiều vân mầu sọc tự bản chất tùy theo chủng loại rắn. Đó cũng là dấu hiệu của sự gian trá gỉa dối, nhất là cái lưỡi xẻ đôi của rắn lè ra xa rồi co thụt vào rất lẹ làng như có ý đe dọa tấn công.

Rắn là hình ảnh biểu tượng cho sự tinh quái, bí hiểm cùng sự dữ điều xấu xa.

Về phương diện tự nhiên thì như thế. Còn về phương diện tinh thần trong đời sống con người thì hình ảnh của loài rắn như thế nào?

Loài rắn mưu mô độc hại nguy hiểm. Con người sợ nó, tránh xa nó cùng tìm cách bắt nó. Nhưng dẫu vậy nó cũng sợ con người. Và có nền văn hóa trong dân gian còn dành cho nó vị trí đặc biệt tôn kính nó như „thần thánh!“

Loài rắn cũng là loài thú động vật được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa tạo dựng chung với các loài thú động vật khác trong công trình sáng tạo thiên nhiên vào ngày sáng tạo thứ năm. ( Sách Sáng Thế 1, 20-24).

Nhưng nó lại bị Thiến Chúa, Đấng Tạo Hóa răn đe ra hình phạt chúc dữ. Vì nó là hiện thân của mưu mô ma qủi sự dữ đã cám dỗ Bà nguyên tổ Evà lỗi luật Thiên Chúa ăn trái Chúa cấm.

Và từ đó thảm kịch con người bị mất cảnh sống vườn địa đàng. Hậu qủa là tội lỗi, bệnh tật, sự đau khổ, sự chết đã xâm nhập đời sống con người trần gian từ thế hệ này truyền sáng thế hệ khác: “ ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.(Sáng Thế 3, 14).

Thần thoại bên vủng phương đông ngày xưa loài rắn được cho là loài giữ nhiệm vụ người canh giữ. Bên vùng xứ Palestina ngay từ thời thế kỷ 3. trước Chúa giáng sinh, hình loài rắn được tô vẽ bên ngoài bình lọ để như người canh giữ vật dụng bên trong bình. Ở một vài đền thờ hình lòai rắn được trang trí khắc vẽ trình bày như những thần người bảo vệ nơi thánh thiêng.

Bên xứ Aicập con rắn là hiện thân của người bảo vệ, nên được vẽ khắc trên trán các vị vua Pharao, hay nơi vùng chung quanh tôn kính các vị thần thánh.

Bên Phi châu loài rắn trong nhiều nền văn hóa tôn gíao khác nhau được cho là thần thánh.

Văn hóa vủng Trung Mỹ loài rắn có lông cánh bay có vị trí quan trọng. Nó là hình ảnh nguyên thủy của mưa và của loài thảo mộc, như hình ảnh biểu tượng của vũ trụ.

Bên Trung Hoa loài rắn được cho là nối liền với đất và nước. Vì thế rắn được cho là hình ảnh biểu tượng về giống cái, về âm cực, về đất, về bóng tối.

Trong nền văn hóa thần thoại Ấn Độ biết đến loài rắn Nagas vừa là làm việc bác aí và cũng vừa là trung gian gây ra sự chẳng lành, hay còn là trung gian giữa các thần thánh và con người, được biểu hiệu qua hình ảnh chiếc cầu vồng có nhiều mầu sắc.

Loài rắn Kundalini được trình bày cho là vị trí về năng lượng vũ trụ vì những đốt xương sống của nó nó uốn khúc cuộn tròn lại được dẻo dai

Vào thế kỷ thứ 3. trước Chúa giáng sinh, theo văn hóa miền Mesopotamia cổ xưa có bằng chứng về một cây gập thần chữa bệnh ( Asclepius -Aesculapius) với hình con rắn. Và trong thần thoại Hylạp cũng nói đến thần chữa trị bệnh. Asklepios là con trai của thần Apolls tay cằm chiếc gậy có hình con rắn uốn nằm trên đó.

Trong văn hóa thần thoại Aicập loài rắn chiếm vai trò căn bản với nhiều nhiệm vụ. Người ta liệt kê rắn thần Kobra có nhiệm vụ chăm sóc sự nẩy nở phát triển của cây cỏ thảo mộc.

Thần rắn Uraeus là con mắt của thần mặt trời giữ nhiệm vụ chống lại kẻ thù hơi lửa nóng. Vì thế hình rắn được vẽ in trên trán của các vị Vua Ai cập thời xa xưa.

Với người Do Thái loài rắn là loài nguy hiểm mưu mô. Thánh kinh Cựu Ước liệt kê nó vài những con thú vật kinh dị không sạch sẽ lành mạnh. Nó là hình ảnh nguyên thủy về tội lỗi, ma qủi. Nó là kẻ đã cám dỗ ông bà nguyên tổ Adong Eva ngày xưa ở trong vườn địa đàng.

Mặt khác rắn cũng lại được cho là biểu tượng cho sự tinh khôn. Kinh thánh thuật lại rong hoang điạ sa mạc lúc trở về quê hương cũ từ Aicập, dân chúng Do Thái đã lỗi phạm tội không vâng lời Thiên Chúa, Ngài đã cho rắn xuất hiện tấn công nhả nọc độc cắn họ như hình phạt.

Nhưng để chữa lành, Thiên Chúa đã truyền cho Mose làm một con rắn bằng đồng treo lên cao. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng đó sẽ được cứ thoát chữa lành. ( Sách dân số 21,7..) Hình tượng Con rắn đồng một thời gian dài ăn rễ sâu trong nghi thức tôn giáo của người Do Thái.

Với người Kitô hữu hình ảnh con rắn đồng thời Mose là dấu chỉ báo trước về sắc thái biểu tượng sự chữa lành ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô mang đến cho trần gian. Người bị đóng đinh chết trên thập gía, để mang ơn chữa lành cứu rỗi cho con người khỏi hình phạt tội lỗi do hậu qủa tội của Ông Bà nguyên tổ Adong-Eva đã gây ra.

Và chính Chúa Giêsu Kitô cũng đã khẳng định về vai trò mang lại ơn cứu chuộc sự sống của mình: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.“ ( Phúc âm Thánh Gioan 3,14-15).

Và như thế, rắn không chỉ có mặt khía cạnh tiêu cực đen tối, nó cũng còn có khía cạnh hình ảnh về mặt tích cực nữa.

Chúa Giêsu khi đi rao giảng nước Thiên Chúa ở trần gian cũng lấy hình ảnh con rắn trong một dụ ngôn nói về sự lẹ làng nhậy bén:“ Sống khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu.“ ( Phúc âm Thánh Mattheo 10,16).

Các cửa hàng bán thuốc tây bên nước Đức với huy hiệu chữ A mầu đỏ ( Apotheke) có vẽ hình con rắn biểu trưng của cây gậy thần chữa lành Aesculapius.

Và nơi cây gậy mục tử của các Giám mục theo lễ nghi Byzantin và đạo Chính Thống Cốp có hình con rắn được khắc chạm trên đó.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thánh Giu-Se, Người Cha Trong Bóng Tối
Lm. An tôn Nguyễn Văn Độ
21:34 12/03/2021
Thánh Giu-Se, Người Cha Trong Bóng Tối

Điểm cuối cùng Đức Thánh Cha Phan-xi-cô miêu tả thánh Giu-se là người cha trong bóng tối. Hay như Jan Dobraczyński, nhà văn Ba-lan mô tả về cuộc đời thánh Giu-se trong tác phẩm của mình với tựa đề “Hình bóng của Chúa Cha”.

Giảng trong thánh lễ vào sáng Thứ Hai 18-12-2017 tại nguyện đường thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói : “Thánh Giu-se chính là người cha mà người ta có thể ví ngài như con chim tu hú bị sa vào lưới. Ngài cảm thấy quá nghi ngờ người vợ của mình, vì bà đã mang thai trong khi ngài chưa hề đụng chạm gì tới bà”.

Thánh Giu-se lúc ấy rất “nghi nan”, “khổ sầu” và “đớn đau”, những người chung quanh chỉ tay vào ngài và vợ ngài, vì cái thai của bà càng ngày càng lớn. Thánh Giu-se “không hiểu” nhưng biết rằng, Đức Ma-ri-a là “một phụ nữ của Thiên Chúa” và bào thai bà cưu mang, đến “từ Chúa Thánh Thần”. Ngài đã tin và tuân phục, đồng thời nhận về cho mình tư cách làm cha, mà tư cách đó không đến từ mình, nhưng là đến “từ Thiên Chúa Cha” với tất cả những gì thuộc về tư cách ấy. Điều này không thể diễn tả bằng lời được. Trong Tin Mừng, người ta không hề nghe được bất cứ một lời nào của thánh Giu-se. Ngài là con người thinh lặng, vâng phục trong thinh lặng. Rõ ràng, ngài trở nên cha Chúa Giê-su trong đêm tối và là hình bóng của Cha trên trời.

Hình bóng của Chúa Cha

Nói thánh Giu-se là người cha trong bóng tối, hình bóng của Chúa Cha, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết : “Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (x. Patris Corde, số 7).

Dù thánh Giu-se không sinh ra Chúa Giê-su, nhưng ngài là cha nuôi Con Đức Chúa Trời, hằng lo lắng che chở Đức Chúa Giê-su liên, Chúa Cha đã đặt ngài làm chủ gia đình Chúa. Thiên chức thật cao cả, nhưng thánh Giu-se luôn ý thức mình là tôi tớ. Ngài tìm được danh dự và hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến.

Thánh Giu-se không chỉ là người đứng thứ hai hay chỉ là người hỗ trợ chăm sóc Chúa Giê-su. Chính ngài là nguồn lực tốt nhất giúp cho sự phát triển khởi đầu của Chúa Giê-su, ngài là cha Chúa Giê-su trong những năm tháng đầu đời, bằng tình thương yêu, sự bảo vệ, cùng chơi đùa với con, nói chuyện với con, cùng con làm những việc đơn giản, hỗ trợ dinh dưỡng cho con, chắc chắn giúp con học Kinh Thánh, văn hóa, lao động và đương nhiên học làm người.

Khi thánh Giu-se dậy cho Chúa Giê-su nói tiếng “bố ơi, cha ơi” với Cha của Người, Đấng mà thánh Giu-se biết đó là Thiên Chúa, thì thánh Giu-se cũng đã thực hiện điều đó thông qua cuộc sống và chứng tá của mình; ngài là người bảo vệ, người mang tư cách làm cha, nhưng không nhận về cho bản thân mình bất cứ điều gì. Ngoài việc gắn kết tình cảm cha con, thánh Giu-se còn giúp Chúa Giê-su phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, trở thành người trưởng thành về nhân bản cũng như tri thức. Trong cuộc đời của Chúa Giê-su, không thể thiếu bóng lưng âm thầm của người cha Giu-se.

Giáo Hội cần người cha như thánh Giu-se

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết tiếp : “Hội Thánh cũng cần có những người cha. Lời thánh Phao-lô nói với các tín hữu Cô-rinh-tô vẫn còn hợp thời : “Dù anh em có vô số người hướng dẫn trong Đức Ki-tô, nhưng anh em không có nhiều người cha đâu” (1Cr 4,15). Mỗi linh mục hay giám mục đều có thể nói thêm, cùng với vị tông đồ rằng : “Tôi đã trở thành cha của anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô nhờ Phúc Âm” (1Cr 4,15). Thánh Phao-lô cũng nói tương tự như vậy với các tín hữu Ga-lát : “Hỡi các con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em” (Gl 4,19).

Làm cha có nghĩa là đưa con cái đến với cuộc sống và với thực tế. Không giữ chúng lại, không sở hữu chúng; mà là giúp cho chúng có khả năng tự quyết định, tận hưởng tự do và khám phá những khả năng mới. Có lẽ vì thế mà ngoài danh hiệu cha, truyền thống còn gọi thánh Giu-se là đấng “cực thanh cực tịnh”. Dù là cha là chồng, nhưng thánh Giu-se không chiếm hữu Chúa Giê-su và Đức Ma-ri--a.

Xã hội cần người cha như thánh Giu-se

Trẻ em ngày nay dường như mồ côi cha, vì con người ích kỷ sống cho cá nhân mình, không quan tâm đến tha nhân, không dám nhận trách nhiệm, và không đón nhận anh em.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói đến nhu cầu của thế giới ngày nay đang cần những người cha như thánh Giu-se, chứ không chấp nhận những bạo chúa, những kẻ hà hiếp người khác như một phương tiện để bù đắp cho nhu cầu của chính họ. Đức Thánh Cha mời gọi tất cả những người cha, dù kết hôn, độc thân hay sống trinh khiết, việc cho đi chính mình sẽ không thành toàn nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh, cần phải có niềm vui và tình yêu (x. Patris Corde, số 7).

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khuyên chúng ta nên giống như thánh Giu-se là cái bóng của Cha trên trời, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành, và làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Và là cái bóng bước theo Con của Ngài” (x. Patris Corde, số 7). Thì hãy làm cha đừng chiếm hữu, đó là “dấu chỉ” hướng đến một tình phụ tử lớn hơn.

Xin cha thánh Giu-se cầu thay nguyện giúp cho chúng con.

 
VietCatholic TV
Nhà thờ ở Giêrusalem bị tấn công lần thứ 4 trong 1 tháng. Âu lo phiên xử Chauvin sẽ gây bạo loạn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:19 12/03/2021


1. Nhà thờ ở Giêrusalem bị tấn công lần thứ 4 trong 1 tháng

Hôm thứ Hai 8 tháng Ba, Hiệp hội các Nhà Lãnh Đạo Công Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem (ACOHL) đã lên án các cuộc tấn công liên tục vào tu viện của Giáo Hội Rumani ở Jerusalem gần khu phố chính thống của người Do Thái, và buộc tội những người định cư Do Thái cực đoan.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi một vụ hỏa hoạn thiêu rụi lối vào của Nhà thờ Chính thống Rumani. “Tạ ơn Chúa, linh mục địa phương đã dập tắt được đám cháy một cách nhanh chóng”, tuyên bố của ACOHL viết.

Hành động phá hoại hôm thứ Hai là vụ phá hoại lần thứ tư trong vòng một tháng nhằm vào cùng một tu viện, ACOHL tuyên bố và nói thêm rằng “theo các nhà chức trách, một số người Do Thái Chính thống cực đoan tôn giáo bị nghi ngờ là những kẻ tấn công”.

“Chúng tôi, các Giáo Hội Công Giáo, đoàn kết với các Giáo hội Chính thống và tất cả các cộng đồng Kitô Giáo khác của Giêrusalem và lên án mạnh mẽ những hành động phá hoại không chỉ xúc phạm đến đời sống của các Kitô hữu mà còn của nhiều người vẫn tin tưởng vào sự đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Những hành vi này trái với tinh thần chung sống hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau của Thành phố”, thông cáo viết.

ACOHL nói rằng những hành vi này đã trở nên thường xuyên ở Jerusalem trong những tháng qua và tất cả các nhà chức trách, chính trị và tôn giáo, nên đoàn kết trong việc lên án chúng. Vì lý do đó, chúng tôi yêu cầu cơ quan an ninh Israel điều tra những vụ việc này một cách nghiêm túc và đưa những kẻ hành hung ra trước công lý”.
Source:Daily Sabah

2. Thủ tướng Iraq tuyên bố ngày khoan dung quốc gia để vinh danh chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Thủ tướng Iraq đã tuyên bố rằng ngày 6 tháng 3 được chọn là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống để tôn vinh chuyến tông du của Đức Thánh Cha và đặc biệt là cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt của Đức Thánh Cha Phanxicô với giáo sĩ Shiite hàng đầu của đất nước.

Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi đưa ra thông báo trên Twitter sau cuộc gặp giữa Đức Giáo Hoàng và Grand Ayatollah Ali al-Sistani.

“Nhân kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử ở Najaf giữa Ayatollah Ali al-Sistani và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và cuộc gặp liên tôn giáo lịch sử ở thành phố cổ kính Ur, chúng tôi tuyên bố ngày 6 tháng 3 là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống ở Iraq,” ông viết.

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm al-Sistani 90 tuổi tại ngôi nhà khiêm tốn của ông ở Najaf, thành phố linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo Shiite sau Mecca và Medina.

Dẫn lời một quan chức tôn giáo ở Najaf, hãng tin AP cho biết al-Sistani đã phá lệ với phong tục ngồi yên để tiếp khách, khi đứng dậy chào đón Đức Phanxicô ở cửa phòng nơi ông trò chuyện riêng với ngài. Đức Giáo Hoàng được tường thuật là đã tháo giày của mình trước khi vào phòng.

Một tuyên bố sau đó từ văn phòng của al-Sistani nói rằng giáo sĩ khẳng định rằng các công dân Kitô hữu của đất nước, giống như tất cả người dân Iraq, phải được sống trong an ninh và hòa bình, tự do thực hiện các quyền hiến định của họ.

Sau cuộc gặp gỡ đánh dấu một mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi giáo Shiite - Đức Giáo Hoàng đã đến Đồng bằng Ur, nơi ngài tham gia một cuộc họp liên tôn giáo.

Phát biểu tại địa điểm cổ xưa, là nơi sinh của Tổ Phụ Abraham, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến di sản chung của các tín hữu Kitô, Hồi giáo và Do Thái.

Từ nơi này, nơi đức tin được sinh ra, từ mảnh đất của Tổ Phụ Áp-ra-ham, chúng ta hãy khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ, và tội phạm thượng ghê gớm nhất là xúc phạm danh Ngài bằng cách ghét bỏ anh chị em của chúng ta. Sự thù địch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không được phát sinh từ trái tim tôn giáo: chúng là sự phản bội tôn giáo. Các tín hữu chúng ta không thể im lặng khi khủng bố lộng hành tôn giáo; thực sự, chúng ta được mời gọi một cách rõ ràng để xóa tan mọi hiểu lầm. Chúng ta đừng để ánh sáng của thiên đàng bị lu mờ bởi những đám mây hận thù! Những đám mây đen của khủng bố, chiến tranh và bạo lực đã tụ tập trên đất nước này. Tất cả các cộng đồng dân tộc và tôn giáo của đất nước này đã phải chịu đựng.
Source:Catholic News Agency

3. 100 nhà lãnh đạo các tôn giáo cầu nguyện cho phiên tòa xử Derek Chauvin không dẫn đến bạo loạn

Tập hợp cùng với hơn 100 nhà lãnh đạo các tôn giáo tại quảng trường trung tâm thành phố Minneapolis, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda đã cầu nguyện cho hòa bình và công lý vào trước thềm phiên xử một cựu nhân viên cảnh sát thành phố trong vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi.

“Lạy Chúa từ nhân, Chúa là nguồn gốc của tất cả những điều thiện hảo trong cuộc sống của chúng con”, Đức Tổng Giám Mục của Saint Paul và Minneapolis nói trong lời cầu nguyện khai mạc cuộc tụ họp. “Và vì vậy, chúng con đến với Chúa với tấm lòng biết ơn, tri ân những ân sủng mà Chúa đã ban tặng cho những người được cùng nhau tập hợp ở đây. Chúng con biết ơn những kế hoạch mà Chúa đã dành cho các thành phố của chúng con. Chúng con biết ơn vì cách mà Chúa sẽ ban phước cho chúng con vượt xa bất cứ những gì chúng con có thể tưởng tượng”.

“Chúng con đến với Chúa hôm nay với tư cách là một dân tộc khát khao công lý, nhưng chúng con cũng khao khát hòa bình”.

Với hàng rào an ninh làm bối cảnh tại North Plaza của Trung tâm Chính quyền Quận Hennepin, nơi diễn ra phiên tòa xét xử Chauvin, và với một tấm biển ghi “Cầu nguyện cho Minesota” phía sau những chiếc bục và những chiếc loa, cuộc tụ họp được tổ chức giữa sự căng thẳng đối với mọi người tại hai Thành phố Đôi là Saint Paul và Minneapolis.

Vụ bắt giữ Floyd đã xảy ra ngày 25 tháng 5, 2020. Một phần trong cuộc bắt giữ này được người ngoài cuộc quay video và chia sẻ lên mạng xã hội, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp hai Thành Phố Đôi và sau đó là trên khắp đất nước.

Chauvin, bị buộc tội giết người không chủ ý cấp hai và ngộ sát cấp hai, với hình ảnh tiêu biểu trong vụ bắt giữ là đầu gối kẹp chặt vào cổ Floyd trong gần chín phút trong khi Floyd, bị còng tay và úp mặt xuống đất, van xin cho được thở và sau đó không còn phản ứng. Floyd đã bị buộc tội dùng tờ giấy bạc 20 đô la giả để mua thuốc lá.

Chauvin, người da trắng, đã bị sa thải sau vụ việc. Ba đồng nghiệp của anh ta cũng bị sa thải và họ phải đối mặt với một phiên tòa chung vào ngày 23 tháng 8 với tội danh hỗ trợ và tiếp tay cho tội phạm giết người và ngộ sát cấp hai. Cả 4 bị cáo đều được tại ngoại hầu tra.

Ban đầu Chauvin cũng bị buộc tội giết người cấp ba, sau đó tội danh này được hủy bỏ, nhưng các động thái pháp lý gần đây có thể dẫn đến việc phục hồi tội danh đó. Sự phức tạp pháp lý vào ngày 8 tháng 3 đã trì hoãn việc lựa chọn bồi thẩm đoàn trong phiên tòa.

Ngoài cuộc tụ họp cầu nguyện này, Đức Tổng Giám Mục Hebda đã phát hành một video và một tuyên bố khẩn thiết yêu cầu những lời cầu nguyện trong suốt phiên tòa xét xử Chauvin.
Source:Catholic Spirit

4. Các cuộc họp của Đức Giáo Hoàng với các Đức Giám Mục dẫn đến suy đoán về các thay đổi trong Giáo triều Rôma và hàng giáo phẩm Hoa Kỳ

Các nguồn tin tiết lộ với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể chọn hai giám mục sinh tại Hoa Kỳ làm tổng trưởng các bộ trong Giáo triều Rôma.

Hai vị là Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, và Đức Cha Robert Prevost của Chiclayo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến riêng với Đức Hồng Y Cupich vào ngày 30 tháng Giêng, và ngài đã gặp Đức Giám Mục Prevost ngày 1 tháng Ba.

Hai cuộc tiếp kiến có thể là một phần của một loạt các cuộc gặp gỡ mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tục theo chiều hướng cải tổ chung các quan chức hàng đầu của Giáo triều. Sau khi Đức Hồng Y Robert thôi giữ chức Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, có năm bộ có các vị tổng trưởng đã đạt và vượt qua tuổi nghỉ hưu 75: Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Giáo sĩ, Bộ Giám mục, Bộ các Giáo hội Đông phương, và Bộ Giáo dục Công Giáo.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô rất cẩn thận đối với những người được bổ nhiệm tại Bộ Giám mục và Bộ Giáo sĩ.

Bộ Giám mục thành lập các giáo phận mới và các giáo tỉnh, các miền của giáo hội và các giáo phận quân đội. Bộ này cũng tham gia vào thủ tục lựa chọn và bổ nhiệm các tân giám mục và các vị Giám Quản Tông Tòa, các Giám Mục Phó và Các Giám Mục Phụ Tá. Bộ cũng theo dõi việc quản trị các giáo phận, và tổ chức các cuộc viếng thăm ad limina.

Bộ Giáo sĩ cung cấp sự trợ giúp cho các giám mục trong các vấn đề liên quan đến linh mục và phó tế. Bộ thúc đẩy việc giáo dục tôn giáo, và đưa ra các chuẩn mực cho việc đào tạo giáo lý.

Hiện nay, Bộ Giám mục do Đức Hồng Y Marc Ouellet lãnh đạo. Đức Hồng Y Ouellet 76 tuổi và đã lãnh đạo giáo đoàn từ năm 2010.

Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ là Beniamino Cardinal Stella, 79 tuổi, người đã lãnh đạo giáo đoàn từ năm 2013.

Cả hai vị trí này đều có thể được giao cho các Giám Mục sinh ở Mỹ.

Hồng Y Cupich được coi là ứng cử viên hàng đầu để trở thành tổng trưởng Bộ Giám Mục, trong khi Đức Cha Prevost có thể được bổ nhiệm ở Chicago làm người kế vị cho Đức Hồng Y Cupich.

Tuy nhiên, thông tin gần đây nhất có thể gợi ý một kịch bản khác. Hồng Y Cupich có thể được đặt vào vị trí lãnh đạo Bộ Giáo sĩ thay thế Hồng Y Stella.

Nếu Hồng Y Cupich được bổ nhiệm tại Bộ Giáo sĩ, ai sẽ chịu trách nhiệm của Bộ Giám mục? Có vẻ như Đức cha Prevost có thể làm được điều đó và Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu ngài về Rôma trong buổi tiếp kiến ngày 1 tháng Ba.

Đức Cha Prevost, 65 tuổi, một luật sư giáo luật và là thành viên của Dòng Thánh Augustinô, ngài là thành viên của Bộ Giám mục và Bộ Giáo sĩ; một sự lựa chọn mang tính thực dụng, vì Đức Cha Prevost không phải là một Tổng Giám Mục cũng không phải là một Hồng Y.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cả Đức Hồng Y Cupich và Đức Cha Prevost đứng đầu các bộ, thì sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Giáo triều Rôma sẽ rất đáng kể. Dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, cho đến nay vẫn chưa có giám mục người Mỹ nào được bổ nhiệm vào các vị trí cao nhất, nếu chúng ta không tính đến trường hợp Đức Hồng Y Kevin Farrell, một người gốc Ái Nhĩ Lan được bổ nhiệm giám mục ở Hoa Kỳ.

Cơ sở lý luận của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là “hạn ngạch” cho mỗi quốc gia trong Giáo triều Rôma. Đáng chú ý là Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tiếp kiến Giám mục Vittorio Francesco Viola, của Tortona vào ngày 14 tháng Giêng, người mà theo một nguồn tin được biết là một trong ba ứng cử viên hàng đầu thay thế Đức Hồng Y Sarah làm tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích
Source:Catholic News Agency