Ngày 17-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:23 17/03/2009
VẾT THƯƠNG TRÍ MẠNG

N2T


Đại sư vì đức cao trọng vọng của ông, mà đối với tôn giáo thì ôm ý thù địch ngấm ngầm, điều này khiến cho các đệ tử cảm thấy khó chịu không thôi, vì họ thường coi trọng tôn giáo và tu đức.

- “Việc trước mặt mà tôn giáo thường nhấn mạnh thì không ngoài việc trừng phạt và thưởng công, khiến cho tâm của con người nổi lên sự sợ hãi và tham dục, hai điều ấy chính là vết thương trí mạng của tu đức.”

Ông ta thở dài nói tiếp: “Đây thật là lửa thêm dầu, đưa đường cho kẻ ác.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Ngày xưa đi học giáo lý, thì các trẻ em thường nghe lời các dì phước dạy rằng, nếu phạm tội thì sẽ bị Chúa phạt chết tươi ăn năn tội chẳng kịp, cho nên có nhiều bổn đạo coi Chúa như là một ông quan gian ác, dễ dàng phạt con người ta khi họ phạm tội.

Nếu các dì phước bây giờ dạy giáo lý cho trẻ em mà nói: Chua rất nhân từ và yêu thương hết thảy mọi người, ngay cả những người tội lỗi thỉ Ngài vẫn yêu thương, thì chắc chắn sẽ có nhiều người nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa qua cuộc sống của họ.

Thiên Chúa chính là tình yêu, vì yêu thương nên mới có sự công bằng tuyệt đối; Thiên Chúa rất công bằng, vì công bằng nên có thưởng và có phạt, cho nên, khi dạy giáo lý cho trẻ em hay con cái trong gia đình, thì chúng ta nên nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại; dạy cho các em biết khi làm sự dữ và sống trong tội lỗi là chống đối Thiên Chúa tình yêu, để các em biết vì yêu mến Thiên Chúa mà thực hành những việc tốt lành, hơn là vì sợ Chúa phạt mà giữ đạo như máy móc.

Thiên Chúa là tình yêu, chứ Thiên Chúa không phải là ông kẹ, ông quan tòa gian ác...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:24 17/03/2009
N2T


111. Con người ta nếu hết sức làm bổn phận của một Ki-tô hữu mà bị lao khổ nguy hiểm, nhọc nhằn liên miên, thì người ấy cũng nằm trong số người được lựa chọn.

(Thánh Louis Gonzaga)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:25 17/03/2009
N2T


56. Đem lo phiền trong tâm để chia sẻ với nhiều người, thì lo phiền của anh sẽ vơi bớt rất nhiều.

 
Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Phi-lip-phê
LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP.
03:31 17/03/2009
1. Thành lập giáo đoàn Phi-líp-phê

Phi-líp-phê ngày nay là một nơi hoang tàn, nhưng xưa kia là một thành phố sầm uất, nằm ở chân dãy núi Pangée (Păng-giê), cách biển chừng 12 cây số. Ngày đó, Phi-líp-phê ở vị trí bao quát một khu đồng bằng trù phú, với những mỏ vàng mỏ bạc.. Khi sáp nhập miền ấy vào xứ Ma-kê-đô-ni-a, vua Phi-líp-phê II, thân phụ của A-lê-xăng-đê đại đế sau này, đã cho xây lại thành phố, phòng thủ chắc chắn và lấy tên mình đặt cho thành phố ấy. Năm 31 trước Công Nguyên, hoàng đế Au-gút-tô dành cho thành phố này nhiều đặc ân và biến thành thuộc địa của đế quốc Rô-ma, đưa nhiều cựu chiến binh đến đây lập nghiệp.

Thánh Phao-lô đã đến thành phố này trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai, vào khoảng năm 49-50, có các ông Si-la, Ti-mô-thêu và có lẽ cả Lu-ca đi theo, vì sách Công vụ Tông đồ bắt đầu dùng đại danh từ chúng tôi từ giai đoạn này (Cv 16,10). Đây là lần đầu tiên thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng cho Âu châu. Người Do thái ở đây không đông. Họ không có hội đường nên chỉ họp nhau ở cửa thành phố hay bên bờ sông suối. Thánh Phao-lô đã rửa tội cho mấy người, trong số đó có bà Lydia (Ly-đi-a), một nhà buôn len cánh kiến. Bà mời thánh Phao-lô đến trú ngụ tại nhà bà. Nhưng rồi các khó khăn xảy đến: thánh Phao-lô bị hành hung và phải ngồi tù, cuối cùng phải bỏ thành phố, để lại một cộng đoàn nhỏ gồm phần lớn những người gốc lương dân mới vào đạo.

2. Hoàn cảnh viết thư này

Thánh Phao-lô tha thiết với giáo đoàn này cách đặc biệt, Ngài thường xuyên tiếp xúc với họ. Chỉ có họ là đuợc ngài nhận quà biếu (4,15; 2 Cr 11,8-9), tuy vẫn chủ trương rao giảng Tin Mừng không công (2 Cr 11,7; x 1 Th 2,9; 2 Th 3,7-9; 1 Cr 4,12; 9,15 2 Cr 11,9). Vậy, nếu ngài đã xử khác với người Phi-líp-phê, thì có lẽ vì ngài có cảm tình đặc biệt với họ. Họ đã giúp ngài lần đầu tiên khi ngài rời Ma-kê-đô-ni-a đi Hy lạp. Về sau khi nghe tin ngài bị tù và lâm cảnh ngặt nghèo, họ đã thu góp tặng vật và cử anh Ê-pa-phô-đi-tô đem đến cho ngài những thứ đó và ở lại giúp ngài. Chẳng may, anh này ngã bệnh phải trở về. Thánh Phao-lô cho anh về và gửi một bức thư cám ơn những người đã giúp đỡ ngài, đưa cho họ một vài tin tức, báo cho họ biết đôi điều đự định và khuyên họ sống sao cho tốt. Ngoài thư gửi cho ông Phi-lê-mon, không có thư nào lời lẽ thân mật và tình nghĩa như thư này.

3. Thánh Phao-lô bị giam giữ

Khi viết thư này, thánh Phao-lô đang ở trong tù. Ngài không rõ số phận mình rồi sẽ ra sao. Thư này thường được xếp vào lọai các thư viết khi ngài bị giam giữ (Ep, Pl, Cr, Plm). Theo sách Công vụ Tông đồ thì ngoài lần bị giam giữ ở Phi-lí-phê ra, thánh Phao-lô còn bị giam giữ một lần nữa ở Kai-sa-ri-a (Césarée) trên đường đi Rô-ma.. Vì trong thư có nói đến phủ đường và gia thuộc của Hoàng đế (4,22), nên tự nhiên ai cũng nghĩ thư này được viết tại Rô-ma (Cv 28,16.30-31). Nếu nhận như vậy thì dễ giải thích tại sao thánh Phao-lô có những tâm tình thắm thiết và khoan dung (1,15), coi thường khốn nguy và cái chết (1,21). Lý do là vì khi đó ngài đã già rồi.

Nhưng ngày nay phần đông các nhà chú giải lại cho rằng thư này đã đuợc viết ở Ê-phê-xô đồng thời với hai thư Co-rin-tô. Sở dĩ như vậy vì sách Công vụ chỉ kể lại một số sự kiện đặc biệt trong đời các Tông đồ. Công vụ không cho biết nhiều về thời gian hơn hai năm thánh Phao-lô sống ở Ê-phê-xô. Thánh Phao-lô đã nhiều lần bị tù (2 Cr 11,23 và gặp rất nhiều nguy hiểm ở đây (1 Cr 15,32; 2 Cr 1,8; 2 Cr 4,8-10; 6.9).

Giáo đoàn Phi-líp-phê cử Ê-pa-phô-đi-tô đi; thánh Phao-lô cho anh ấy về. Môn đệ Ti-mô-thêu cùng đi để mang tin tức lại. Chính thánh Phao-lô, nếu được thả, có lẽ sẽ cùng đi Phi-líp-phê. Việc nói đến phủ đường không nhất thiết minh chứng thư này được viết ở Rô-ma, vì thời đó, phủ đường có nghĩa là một văn phòng tại một tổng trấn, nơi có tòa án và nhà tù. Đó là trường hợp ở Ê-phê-xô. Còn chữ gia thuộc của hoàng đế thì không bó buộc phải hiểu về những người trong hoàng tộc, mà có thể đó chỉ là đám nô lệ hay bọn người đã được giải phóng. Ở Ê-phê-xô vào thời ấy, có rất đông loại người này. Rất có thể nhìều người trong số họ đã theo đạo và thường liên lạc với thánh Phao-lô.

Giả như có một vài chỉ dẫn khác về thời gian thánh Phao-lô bị giam giữ ở Ê-phê-xô, chắc chắn người ta sẽ biết rõ thư này được viết ở đây, một thời gian sau, trước khi viết hai thư Co-rin-tô. Nhưng trong tình thế hiện thời không thể nào biết đích xác được. Nếu viết ở Ê-phê-xô thì chắc chắn phải vào khoảng năm 56 hay 57. Và lúc đó thánh Phao-lô chưa già. Như vậy, ta dễ hiểu vì sao tư tưởng trong thư này cũng rất gần với thư Rô-ma và hai thư Co-rin-tô

4. Thư Ê-phê-xô có bao gồm nhiều tư tưởng trong các thư khác không ?

Thánh Phao-lô là tác giả thư Ê-phê-xô. Không ai nghi ngờ gì về điều này. Nhưng có người nghĩ rằng đó không phải là một thư mà là nhiều thư gộp lại. Có thể những thư ấy đều là của thánh Phao-lô gủi cho giáo đoàn Phi-líp-phê. Người thì bảo thư này gồm một thư cám ơn (1,1-3; 4,10-23) và một thư khuyên nên đề phòng phe Do thái (3,2-4,9. Quả thật, giữa 3,1 và 3,2, tư tưởng thay đổi quá đột ngột, nhưng cũng có thể hiểu được, nếu thánh Phao-lô đọc cho người ta viết và đọc trong nhiều lần khác nhau. Người khác đề nghị chia thư thành nhiều mảng. Nhưng chẳng giả thuyết nào có giá trị chắc chắn, vì ý tưởng hân hoan thấy rải rác trong khắp thư và bốn chương có vẻ thật duy nhất chứ không phải chỉ là một bức tranh ghép lại bằng nhiều mảng.

5. Dòng tư tưởng trong thư

Thư này không phải là một thiên khảo luận có dàn bài chặt chẽ, nhưng người ta vẫn có thể theo dõi được dòng tư tưởng một cách dễ dàng.

Tuy ở xa, nhưng thánh Phao-lô vẫn gần gũi người thân. Ngay từ đầu thư đã thấy gợi lên tình huynh đệ đằm thắm trong Đức Ki-tô. Lúc bấy giờ thánh Phao-lô đang bị giam giữ và chưa biết số phận mình sẽ ra sao. Nhưng dù xẩy ra thế nào đi nữa, thì ngài vẫn tin rằng Tin mừng được củng cố và chắc chắn Đức Ki-tô sẽ thắng. Thánh Phao-lô ước ao được tiếp tục giảng đạo và khuyên các tín hữu nên bền tâm vững chí. Nhưng phải khiêm nhường và cẩn thận giữ gìn sự hiệp nhất và tinh thần phục vụ, Nhằm khuyến khích tín hữu, thánh Phao-lô trích một đoạn văn rất quan trọng. Đó là bài ca người tôi trung đau khổ của Đức Chúa. Hiệp thông với Đức Ki-tô toàn thắng, cộng đoàn phải mạnh mẽ và kiên trì làm chứng cho Người. Rồi thánh Phao-lô cho môn đệ Ti-mô-thêu và anh Ê-pa-phô-đi-tô biết các dự tính của mình.

Ở đầu chương 3, bỗng nhiên thánh Phao-lô bảo độc giả phải cảnh giác với phe Do thái. Lập trường sai lạc của họ cũng giống như đã nói trong thư Ga-lát. Tín hữu Phi-líp-phê đã bị họ tuyên truyền chưa ? Không chắc vì đầu thư không thấy nói gì. Có lẽ tác giả chỉ muốn để phòng vậy thôi, bởi thấy họ đã gieo tai hại ở nhiều nơi. Thánh Phao-lô nhắc lại kinh nghiệm ngài đã gặp Đức Ki-tô. Cuộc gặp gỡ này đã có ảnh hưởng quyết định đối với ngài, khiến ngài từ bỏ tất cả để chiếm lãnh cho kỳ được Đức Ki-tô. Sau đó, ngài khuyên mọi người sống bình an, vui vẻ, hòa hợp và cám ơn những ai đã giúp đỡ ngài. Trong tất cả các thư, thư Ê-phê-xô và thư gửi cho ông Phi-lê-môn có giọng điệu thư từ hơn cả. Từ đầu đến cuối, bức thư có đệm những câu tâm sự và lời nhắn nhủ bên cạnh những đề tài thần học quan trọng.

Kết luận

Trong thư Phi-líp-phê có một đoạn rất tiêu biểu về con người của Đức Ki-tô, Người vốn dĩ ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã từ bỏ địa vị cao sang đó, làm cho mình hóa ra như không, mặc lấy thân nô lệ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người lên, trổi vượt hơn muôn ngàn danh hiệu, khiến mọi loài phải bái quì, xưng tụng Người là Đức Chúa. Đó là lời xưng tụng tuyệt vời và là bài học hùng hồn về điều xem ra như nghịch lý của Tin Mừng: mất đi để được lại, chết để được sống, làm cho mình hóa ra không để cuối cùng được vinh hiển muôn đời.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris trang 2833-2835)
 
Học và Sống Năm Thánh Kinh: Bài 10 - Những phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:47 17/03/2009
Có một người bạn ngoài Công Giáo nói với tôi rằng: “Đạo các anh là đạo ba phải, bởi vì dựa vào cùng một cuốn Thánh Kinh mà người này cho rằng được phá thai, người kia cho rằng không được phá thai, giáo phái này này cho phép ly dị, giáo phái kia cấm ly dị. Nếu Thánh Kinh thật sự là Lời Thiên Chúa thì tại sao các anh có cả ngàn giáo phái, và giáo phái nào cũng cho rằng chỉ có cách giải thích Thánh Kinh của mình là đúng?” Nếu chúng ta không có một tiêu chuẩn để giải Thánh Kinh, và mọi người đều được tự do giải thích Thánh Kinh theo ý mình thì nhận xét của ông bạn tôi thật đúng. Để tránh tình trạng giải thich Thánh Kinh theo ý riêng, Thánh Phêrô đã nhắn nhủ: “anh em phải hiểu điều này, không một lời tiên tri nào trong Sách Thánh được giải thích theo ý riêng” (2 Phr 1:20). Đó là lý do tại sao Hội Thánh dạy chúng ta phải giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh. Trong bài này và những bài sau chúng tôi sẽ cố gắng trình bày cách đơn sơ những phương pháp giải thích Thánh Kinh theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo dựa vào các tài liệu của Huấn Quyền.

Sự thiên lệch của đa số các học giả Thánh Kinh hiện đại

Đối với hầu hết các học giả Thánh Kinh Công Giáo hiện đại, một phương pháp khoa học được sử dụng nhiều nhất là phương pháp "Phân Tích (hay Phê Bình) Lịch Sử" (Historial-critical method). Nhiều sách giáo khoa và sách chú giải Thánh Kinh, kể cả của Công Giáo, đặc biệt là ở Hoa Kỳ đã khẳng định rằng Hội Thánh Công Giáo đã ủng hộ (endorse) phương pháp Phân Tích Lịch Sử. Họ coi đó là phương pháp duy nhất để giải thích Thánh Kinh. Nhưng theo các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II, nhất là theo Hiến Chương Tín Lý về Mặc Khải, Dei Verbum, và tài liệu Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh là tài liệu "Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh", cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Kinh vừa qua, thì Hội Thánh khuyến khích dùng và nêu lên sự cần thiết của tất cả các phương pháp giải thích Thánh Kinh chính đáng, trong đó có phương pháp Phân Tích Lịch Sử, là một trong những phương pháp cần thiết để hiểu Thánh Kinh.

Tiếc rằng phần lớn các sách giáo khoa của Công Giáo Âu Mỹ về Thánh Kinh ngày nay đã quá thiên lệch về phương pháp Phân Tích Lịch Sử mà không đề cập đến những phương pháp khác, bởi vì họ bị ảnh hưởng bởi các học giả Thánh Kinh thuần Lịch Sử, điển hình là các bài chú giải trong sách "New Jerome Biblical Commentary", và các bài mở đầu cùng những chú thích trong sách "New American Bible". Hầu hết các tác giả của những bài này coi "Thuyết Hai Nguồn - Two Source Theory" và "Thuyết Tài Liệu - Documentay Theory" là những chân lý khoa học vững chắc về Thánh Kinh. Trên thực tế đó là hai thuyết thịnh hành nhất, nhưng đang bị xét lại bởi nhiều học giả Thánh Kinh hiện đại khác. Không những thế, một số học giả Thánh Kinh theo trường phái Phê Bình Lịch Sử đã không đếm xỉa gì đến các truyền thống của Hội Thánh, mà nếu có đề cập đến thì cũng chỉ tìm cách để hạ giá các truyền thống này. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi có nhiều người bị lung lạc đức tin sau khi theo học các lớp Thánh Kinh theo trường phái này.

Lập Trường của Hội Thánh về các phương pháp Giải Thích Thánh Kinh

Tuy Hội Thánh nhìn nhận vai trò quan trọng của các phương pháp khoa học trong việc giải thích Thánh Kinh, nhưng cũng ý thức được giới hạn của từng phương pháp.

Khi nói về ích lợi của phương pháp Phân Tích Lịch Sừ, tài liệu Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh nhấn mạnh rằng: "Một khi phương pháp này không bị chi phối bởi những thành kiến bên ngoài, nó đưa đến việc hiểu biết Thánh Kinh một cách chính xác hơn" (câu I,4). Nhưng trong phần thứ III, khi nói về các đặc tính của việc giải thích Thánh Kinh theo Công Giáo, Ủy Ban nhắc nhở các nhà chú giải Thánh Kinh phải sử dụng các phương pháp này "trong phạm vi truyền thống sống động của Hội Thánh" (Đoạn III). Trong mục C của phần III, Ủy Ban nhấn mạnh rằng các nhà chú giải Thánh Kinh "không được phép chỉ đưa ra các kết luận dựa theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử, mà còn phải giải thích các ý nghĩa Kitô học, Quy Điển và Hội Thánh của bản văn Thánh Kinh."

Trong thời gian soạn thảo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, nhiều học giả Thánh Kinh đã phê bình rằng tác phẩm này không đếm xỉa gì đến thành quả của công trình nghiên cứu của cả một thế kỷ về chú giải Thánh Kinh hiện đại. Đức Đương Kim Giáo Hoàng, khi ấy là Hồng Y Ratzinger, đã trả lời rằng: “Đối với một tác phẩm phải trình bày Đức Tin, chứ không phải các giả thuyết, môt tác phẩm phải là ‘một tài liệu tham khảo chắc chắn và chân chính về các giáo huấn về tín lý Công Giáo lâu dài, chúng ta phải ghi nhớ rằng các giả thuyết trong việc chú giải Thánh Kinh thay đổi nhanh chóng ra sao, và phải thành thật nhìn nhận rằng những sự bất đồng ý kiến, ngay cả giữa các học giả về những giả thuyết này, trầm trọng đến mức nào” (Current Doctrinal Relevance of the Catechism of the Catholic Church, ngày 9/10/2002).

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về “Lời Chúa” vào tháng 10 năm 2008 vừa qua, các nghị phụ đã nhắc đến việc cần thiết phải đọc Thánh Kinh theo lịch sử, đồng thời cũng nhấn mạnh đến việc đọc Thánh Kinh theo truyền thống Hội Thánh, như theo các Giáo Phụ, theo phương pháp Quy Điển và phương pháp Linh Đạo, đặc biệt là Lectio Divina.

Những điều cần biết khi giải Thích Thánh Kinh

Để có một cái nhìn chính đáng về giáo huấn của Hội Thánh chúng ta nên đọc kỹ Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải (Dei Verbum), Sách Giáo Lý Công Giáo, Mục 2 và Mục 3 của Phần Thứ Nhất, diễn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa (ngày 14/10/2008), Sứ điệp kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa, và tài liệu Interpretation of The Bible in The Church (Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh). Hầu hết các tài liệu trên đã được dịch sang Tiếng Việt. Hy vọng có một ngày nào chúng ta sẽ có bản dịch tiếng Việt của tất cả các tài liệu còn lại. Điều quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh là phải theo truyền thống sống động của Hội Thánh và sự hướng dẫn của Huấn Quyền.

Trong những bài sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng tóm tắt các văn kiện Hội Thánh và các giáo huấn của Huấn Quyền, và trình bày các ưu khuyết điểm của những phương pháp giải thích Thánh Kinh được Hội Thánh chấp nhận là:

  • Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử
  • Phương Pháp Phân Tích Bản Văn
  • Phương Pháp Giải Thích Theo Quy Điển
  • hương Pháp Giải Thích Theo Xã Hội
  • Phương Pháp Giải Thích Theo Hội Thánh
  • Phương Pháp Giải Thích Theo Linh Đạo hay Tu Đức


Trong tất cả các phương pháp kể trên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rất nhiều đến Phương Pháp Giải Thích Theo Linh Đạo, và khuyến khích chúng ta dùng phương pháp này trong việc đọc Thánh Kinh và các lớp Giáo Lý, vì phương pháp này không đòi hỏi những kiến thức phức tạp của các phương pháp khoa học.

Kết Luận

Về Đức Tin cũng như về Thánh Kinh, cái nhìn của Hội Thánh bao giờ cũng là cái nhìn toàn diện. Thánh Kinh cũng giống như Ngôi Lời Nhập Thể với hai bản tánh Thiên Chúa và Loài Người. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ của loài người. Nếu chỉ nhấn mạnh đến Đức Kitô là Thiên Chúa thật mà quên rằng Người cũng là người thật thì chúng ta sẽ đi đến sai lạc. Nếu chỉ coi Thánh Kinh là Lời Chúa mà quên rằng Ngài cũng dùng các tác giả nhân loại với sự hiểu biết hữu hạn của họ để trình bày những mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa thì chúng ta cũng bị sai lầm khi học hỏi Thánh Kinh. Nhưng nếu chỉ coi Thánh Kinh là một tác phẩm của loài người và phân tích Thánh Kinh hoàn toàn dưa theo sự hiểu biết hiện đại mà quên rằng Chúa Thánh Thần cũng là tác giả của Thánh Kinh, và Thánh Kinh được trao cho Hội Thánh để truyền lại cho chúng ta, thì chúng ta lại càng bị sai lầm hơn nữa. Vì thế mà Hội Thánh không ủng hộ một phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh nào cả, mà khuyến khích chúng ta dùng tất cả mọi phương pháp hợp lý, trong phạm vi giới hạn của chúng, để giải thích Thánh Kinh.
 
Chứng từ ơn gọi, bài 4: Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến
GS Trần Văn Cảnh
15:40 17/03/2009

Chứng từ ơn gọi, bài 4: Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến



Thầy Nguyễn Quốc Tuấn, S.J.
Paris. Chủ nhật 15 tháng 03 năm 2009, tại Giáo Xứ Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Tuấn (1), dòng Tên (2), nói chuyện với cộng đoàn về đề tài: « Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến ». Đây là đề tài học hỏi thứ bốn trong chương trình « chứng từ ơn gọi », được thực hiện vào mỗi chủ nhật thứ hai mỗi tháng, trong « Năm cầu cho ơn gọi 2009 » tại GXVN Paris.

Chứng từ ơn gọi, bài 1, đã được cha Nguyễn Bình chia sẻ vào chủ nhật 14.12.08 về vấn đề «Làm sao biết Chúa gọi mình» ?

Chứng từ ơn gọi bài 2, đã được cha Phan Tấn Khánh chia sẻ vào chủ nhật 11.01.2009 về đề tài « Tự do trong đời sống tận hiến ».

Chứng từ ơn gọi bài 3, đã được chị Maria Vũ Thị Minh chia sẻ vào chủ nhật 08.02.2009 về đề tài « Đời sống siêu nhiên của người tận hiến ».

Sau Phúc Âm, thầy Nguyễn Quốc Tuấn, đã theo lời mời của Đức Ông Mai Đức Vinh, lên chia sẻ với cộng đoàn. Thầy nói (3):

A. Tiền: hiện tượng của con người

Ở đây, con sẽ không vạch lai lịch sử của đồng tiền mà con người đã phát minh ra. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng con người đã sử dụng nhiều đồ vật như là phương tiện trao đổi: Vỏ ốc, sắt, muối, trâu bò…. rồi đến tiền kim loại (trong ngôi đền Tunon Moneta ở Roma, người ta tìm thấy từ “tiền” và vàng).

Sau đó, để tiện lợi cho việc trao đổi thương mại, người ta đã chuyển từ tiền kim loại sang tiền giấy. Không có cái gì quen thuộc hơn tiền, vì tiền được sử dụng hàng ngày, tuy nhiên chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ (tabou). Tiền vừa là thứ được yêu thích, vừa là thứ gây mặc cảm.

Trước hết, Tiền mang chiều kích tương giao: tương giao trực tiếp với người bán khi chúng ta mua hàng; tương giao với tất cả xã hội, vì người bán hàng không thể chấp nhận tiền của chúng ta nếu như đồng tiền ấy không thể trao đổi được với những người khác. Chấp nhận được trả bằng tiền, đó là tin tưởng vào một phương tiện trao đổi, được nhìn nhận là có giá trị đối với mọi thành viên trong cộng đồng. Đó là sự « tín nhiệm » toàn cầu ( vì kỳ hạn không xác định. Bởi vì tiền có thể đo lường và mua được mọi thứ, tiền được xem như tác vật cần thiết không thể thiếu dược). Tuy nhiên cũng nên nhớ là tiền không thêm gì vào các thành phần căn bản, nhất là vào công việc. Tiền không thể thay thế được bất cứ nhu cầu nào. Người ta không thể sống bằng những con số tiền ở nbân hàng, nhưng bằng bánh và Lời Chúa. Tiền không thể làm cho lúa lớn lên được, ngược lại, nó lại làm tăng thêm hiệu quả của công sức con người trong tương quan với thiên nhiên.

Triết gia Aristote đã nhìn đồng tiền như một thứ quan toà so sánh, nó xem xét các đồ vật, những hành động thuộc bản chất khác nhau. Trao đổi các sự vật khác nhau không cho phép ông dám chắc sự trao đổi tương xứng và có công bằng. Trái lại, tiền - một đơn vị tài khoản được khách quan hoá qua biểu trưng con số - cho phép thực hiện sự công bằng này. Như thế, tiền cho phép giải quyết nợ nần và có được sự tự do. Dù là hàng hoá gì đi nữa, khi tôi trả tiền, tôi không còn mắc nợ. Điều này không có ý diễn dịch sự tự chủ do tiền mang lại thành một thứ cá nhân chủ nghĩa. Tự chủ là điều cần thiết cho nhân phẩm của con người. Chính vì tôi thoát khỏi nợ nần với người anh em của tôi, nên tôi mới có thể mang tới cho người anh em ấy một tương giao vô điều kiện. Cũng thế, “ Của ai thì trả lại cho người ấy ” (Rm13,7) là một vấn đề công bình mà thánh Phao lô diễn tả trong hạn từ trả tiền, sự công bình này là một cách thức cụ thể của lòng bác ái.

Tuy nhiên trong Tin Mừng có viết: “ Anh em không thể cùng làm tôi hai chủ, vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24) và “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tim 6,10). Là một hiện tượng nhân sinh, tiền không bao giờ hoàn toàn có tính khách quan. Vì mang chiều kích tương giao, nên tiền mang tiềm ẩn những điểm mơ hồ, nước đôi. Chúng ta có thể nêu ra 3 điểm:

Tiền: chỗ nương tựa không vững chắc chắn

Tiền: một thước đo lường sai.

Tiền: với sự quyến rũ của Tiền Của: nguy cơ bị Thần tiền tài ( Mammon ) chế ngự.

1. Tiền: nơi nương tựa không chắc chắn.

“Đồ ngốc, nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi đã sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Câu hỏi của chính Thiên Chúa đòi buộc chúng ta chất vấn và tự hỏi về giá trị thực sự của tiền bạc.

Một trong những mưu mẹo chính của con người biểu lộ qua đồng tiền là muốn thoát khỏi tình trạng và thân phận của mình: con người muốn đánh lừa thân phận hữu hạn của mình, với ý định thoát ra khỏi thân phận này mà không cần người khác, hoặc nói đúng hơn phải hơn ngưới khác. Tôi muốn một cuộc sống không phụ thuộc vào ai. Giống như mọi sự lừa dối, Tiền tồn tại và có sức sống là từ sự tưởng tượng của người mang nó. Đó chính là một mong muốn nắm lấy mọi khả thể trong tương lai cho dù còn chưa biết tới, bởi vì tôi muốn làm chủ cái tương lai ấy. Tôi nói không với thực tế bằng cách muốn tự mình thoát ra. Thế mà, nói vâng với Thiên Chúa sẽ là nói vâng với thực tại, với tương lai của cả người khác.

Hơn nữa, tiền không đồng nghĩa với giầu có. Do đâu mà có sự nhầm lẫn này? bởi vì tiền là một sự trao đổi phổ quát, nó tạo ra một ảo tưởng quyền lực thực thi tức thời. Nó xoá đi khoảng cách giữa con người và đối tượng mà con người mong muốn. Tiền tạo ra ảo tưởng về súc mạnh toàn năng. Thực tế thì vừa tương đồng, vừa dị biệt. Tương đồng, vì mọi người đều có thể đổi tiền lấy hàng hoá với giá trị được ấn định (tính ngay lập tức). Dị biệt, vì kinh nghiệm cho thấy rằng sức mua của đồng tiền bị suy yếu khi tỷ lệ giá lên cao (giá trị bất thường, niềm tin tương đối). (trường hợp tệ nhất là một ngân phiếu không còn giá trị gì!). Như thế, tiền không thể đảm bảo sự sung túc. Ví dụ: Trên con thuyền giữa đại dương, khi người ta không còn gì để ăn, thì một túi ngân phiếu cũng không giúp ích được gì.

2. Tiền: một thước đo lường sai.

Tiền giúp làm trung gian, từ đó có hiệu quả trao đổi thương mại. Nhưng tính khách quan hiển nhiên của sự trao đổi qua đồng tiền ẩn giấu những tương quan của con người bên dưới những tương quan của các sự vật đong đếm được. Sự trừu xuất này có thể được diễn tả qua câu nói “tiền không có mùi”. Thực thế, việc đo lường dựa trên sự nhầm lẫn về tính khách quan của trao đổi tiền bạc biểu lộ, hoặc qua sự đồi bại của ước muốn, hoặc qua việc tích luỹ vô đáy.

Tha hoá trong ước muốn. Tiền như là một phương tiện thanh toán gây ra ảo tưởng về một “quyền lực giải phóng”. Việc chiếm hữu tiền tạo ra khả năng không còn cần đến ai nữa. Nỗi ám ảnh về tiền biểu hiện qua nỗi lo lắng không còn bị phụ thuộc vào bất cứ ai, điều này làm mất khả năng gặp gỡ một cách thực sự với người khác, và cả với chính Thiên Chúa nữa.

Biến từ tương quan giữa con người với nhau thành tương quan giữa các đồ vật, tiền làm giảm đi sự đụng chạm của những ước muốn riêng tư, qua việc giảm thiểu chỉ còn vào khía cạnh tiền tài. Con người có giá trị theo thước đo của đồng tiền. Khách quan hoá ước muốn này, tiền là kẻ lừa dối. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền làm cho chúng ta thành nô lệ. Ơn huệ và tính nhưng không bị đào thải. Như thế con người quên mất ước muốn căn bản đầu tiên là sự sống, mà sự sống là một ơn nhưng không đã được trao ban từ khởi đầu, từ lúc được sinh ra.

Tích luỹ vô đáy. Tích luỹ tiền tài tạo ra nơi người giầu cảm giác tự đủ, một sự bảo đảm chống lại tất cả mọi sự túng bấn. Hình ảnh minh hoạ ở đây là người giầu xây thêm kho lương cho mình và nghĩ rằng có thể tận hưởng phần còn lại của đời mình (Lc 12,19). Tiếc thay, cái lý luận về số lượng lại tạo ra sự rầu rĩ và một lương tâm bất an.

Rầu rĩ, bởi vì dù với lượng tiền lớn, người ta nhận thấy rằng điều căn bản vẫn thoát khỏi tâm tay (cuộc sống, sức khoẻ, tình yêu). Lương tâm bất an, là vì người công giáo ý thức rằng món nợ đối với tha nhân thì không bao giờ trả xong: ví dụ như đối với cha mẹ. Rầu rĩ và lương tâm bất an có họ hàng với nhau, vì chúng cùng là con của ước muốn bị tha hoá, ước muốn này muốn tìm thấy câu trả lời căn bản của mình qua việc tích luỹ tiền tài.

3. Tiền: nguy cơ do sự quyến rũ của Tiền Của, và bị Thần tiền tài ( Mammon ) chế ngự

Một mặt do sợ thiếu tiền, mặt khác do con người từ chối đặt niềm tin vào người khác và vào chính Thiên Chúa. Hai yếu tố này đẩy con người tới chỗ tha hoá chính mình trước Thần Tiền.

Khi thiếu tiền. Lo lắng và sợ hãi rình rập. Người ta lo lắng điều gì ? Đó chính là sợ bị xấu hổ, sợ bị làm nhục, sợ bị loại bỏ, sợ thinh lặng. Người ta không dám nhìn thẳng vào người trước mặt. thậm chí có người còn nghĩ rằng mình không đáng sống. Khi thiếu tiền, người nghèo chỉ còn biết thinh lặng về sự túng bấn. Jacques Loew nói « người nghèo là người không bao giờ có tiếng nói ». Sự túng bấn cho thấy mất tính người, nó làm mất đi bảo đảm tương quan xã hội, nó không cho phép người ta tìm thấy nhân phẩm trong ánh mắt người khác. Dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15, 13-14) cho chúng ta thấy rằng thái độ tiêu xài là thiếu trách nhiệm, một sự hoang phí dẫn tới hậu quả chết chóc. Tuy nhiên, dụ ngôn này cũng dạy cho chúng ta thái độ tin tưởng hạ mình để xin. Khi người con thứ quay về với người cha của mình, cậu ta đã tìm thấy nơi người cha sự đón nhận và tha thứ.

Câu nói của thánh Ambrosio thành Milan thật mãnh liệt: « anh cho người nghèo không phải tiền của anh, nhưng anh hãy trả cho người nghèo phần thuộc về họ, bởi vì tất cả những gì của chung là của mọi người, anh lại lấy làm của riêng. Đất đai là cho mọi người, không phải sở hữu riêng của người giầu ». Thánh Phaolô cũng nói « những gì chúng ta có chẳng phải là chúng ta đã nhận được đó sao ? Như thế, khi người nghèo xin tôi, họ không làm tôi nghèo đi, nhưng là dịp cho tôi thực thi đức Ái. Trước mặt Thiên Chúa, họ là người cho tôi có dịp để học sẻ chia, học cho đi. Cái tôi cho đi không làm tôi mất mát gì nhiều, nhưng đó là dịp để giúp đỡ tha nhân sống và tìm lại phẩm giá của họ. tóm lại, nhờ người nghèo mà tôi có dịp tích luỹ cho mình kho tàng trên trời ».

Con người từ chối tin tưởng nhau và từ chối tin tưởng vào Thiên Chúa. Từ chối xin và từ chối cho, do ích kỷ là hai thái độ từ chối ơn nhưng không, và từ chối sự hiện hữu mà chúng ta phải mang ơn người khác.

Thế mà tiền có thể tạo ra cảm giác rằng tôi không phải mang ơn bất cứ ai, khi có tiền, tôi có cảm tưởng có thể làm điều tôi muốn trong cuộc sống. Quyền lực của đồng tiền làm tiêu tan tính nhưng không của ơn huệ và của bổn phận. Người ta tưởng là được tự do, nhưng thực sự lại là phụ thuộc. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng con đường tự do duy nhất là phụ thuộc vào Thiên Chúa, và không phải là tự do đối với tiền tài. Tin vào Chúa Giêsu đó là chấp nhận tất cả, là sự mang ơn và biết ơn.

Vâng, tất cả ! Trước hết là mang ơn về chính mình. Phải chấp nhận sự hữu hạn của mình, tôi nhận ra sự nghèo khó của tôi. Người nghèo là người nhận ra rằng họ không có gì để bảo vệ, họ chỉ sống nhờ vào cái họ nhận được. Trong sự tin tưởng, họ đối diện với một tương lai với những điều mới mẻ không thấy trước. Điều mới thậm chí là sự trợ giúp của người vô danh, là chuỗi vô tận những khả thể trao tặng cho người biết đón nhận. Sự tương trợ của người tôi không biết, của tương lai đến với chúng ta qua người khác. Nhờ họ, chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình để đến với những người đến với chúng ta. Như thế, chúng ta mang ơn đối với người khác, với mọi người.

Ngang qua tiền, tương quan giữa con người với nhau được biểu lộ. Tương quan của chúng ta với tiền biểu lộ tương quan của ta với Thiên Chúa và với người khác. Đó là vừa chỗ sâu xa, vừa mơ hồ liên quan tới nhân cách của chúng ta, nó chỉ ra cho chúng ta cách thức đi vào tương quan với người khác trong suốt cuộc đời này. Mối liên hệ thực sự với tiền dao động giữa hai thái độ đối kháng: sự dễ dãi hay nỗi lo sợ thiếu thốn. Thế nên trong đời sống tu trì, lời khấn khó nghèo không phải là vô nghĩa: đó là một lời khấn tận căn của người muốn theo chúa Kitô, đấng mà tiền tài không thể làm hoen ố. Trở nên nghèo khó, đó là được giải thoát khỏi quyền lực làm cho con người bị lệ thuộc.

B. Những con đường giải thoát

Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta ? Đó là hạnh phục thực sự. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng. Mammon là tên gọi mầu nhiệm về tiền, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là phục vụ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát được. Đối với mỗi người chúng ta, con đường giải thoát là sự nghèo khó. Trong Giáo Hội, đó không phải là con đường dành riêng cho những nhà chuyên môn, nhưng cho mọi người: giáo dân, lịch mục, tu sĩ nam nữ.

1. Người tu sĩ tuyên khấn nghèo, lời khấn này có nghĩa là họ chưa đạt tới sự nghèo đó. Họ luôn luôn phải hướng tới, lòng khát khao trở nên nghèo như chúa Kitô nghèo khó. Cái nghèo thực sự của đời tu không phải là sống bên trong bốn bức tường, và phụ thuộc vào sự vô trách nhiệm về tài chính. Vì thế không phải là ngẫu nhiên mà thánh Biển Đức có tôn chỉ «Cầu nguyện và Làm việc ». Rất nhiều dòng tu chiêm niệm sống bằng công sức lao động của chính bàn tay họ. Họ không sống trong sự thiếu hiểu biết về giá cả, và trong sự vô lo về tài chính, nhưng trái lại, trong sự quản lý có trách nhiệm về các nhu cầu của cuộc sống. Họ đặt mọi sự làm của chung. Bầu khí sống chia sẻ là phương tiện cụ thể thực thi tinh thần sống khó nghèo. Không có sự sở hữu cá nhân, nhưng họ cũng không thấy thiếu thốn gì. Phần dư thừa luông được chia sẻ với các cộng đoàn khác sống nghèo hơn, hay cho các công việc từ thiện.

2. Đối với Linh mục triều: Dù họ không có lời khấn khó nghèo, nhưng họ phải giải trình về tài chính với đức Giám mục. tôi không phải là cha xứ, nên đó là một lãnh vực vượt ngoài khả năng của tôi. Tuy nhiên, tôi có thể nêu ra vài điểm chính:

Linh mục có quyền giữ tiền và có tài sản riêng. Linh mục phải đối diện trực tiếp và hàng ngày đối với vấn đề tài chính. Làm sao kiếm được tiền để chi phì cho nhà xứ, nhất là vào thời điểm khủng hoảng như hiện nay.

Vì có quyền quản lý tài sản riêng, nên họ dễ bị cám dỗ về tiền bạc hơn. Vì thế, đời sống tận hiến đòi phải có sự từ bỏ dứt khoát với tiền bạc. Cho dù trong đời tu khó có thể bị đói, bị khát, nhưng không vì thế mà đi tu để được sống bảo đảm và ăn uống no say. Đi tu chính là theo sát chúa Kitô như là con đường tự do và được giải thoát, đối với mọi cám dỗ của Thần tiền. Đó là con đường lội ngược dòng, là dấu chỉ. Con đường này từ chối sự cám dỗ tích luỹ tiền tài và khuynh hướng tiêu thụ.

3. Đối với giáo dân Người giáo dân cũng được mời gọi sống tinh thần khó nghèo trong sự chia sẻ. Là một người cha tốt để phân chia các khoản chi tiêu trong gia đình không phải là một điều dễ. Khoản chi tiêu nào cũng có lý do của nó, nhưng không phải là luôn đươc phân định cách rõ ràng. Để thoát ra khỏi khuynh hướng tha hoá trong chi tiêu, thánh I-Nhã đưa ra ví dụ về gia đình thánh Gioan Kim và thánh Anne, cha mẹ của đức Mẹ: theo truyền thuyết, mỗi năm họ chia thu nhập làm ba phần, một phần cho người nghèo, một phần dâng vào Đền thờ, và phần còn lại cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cần phải để ý tới số lượng của mỗi phần. Mỗi người tín hữu, theo lương tâm của mình, xem xét vấn đề chi tiêu sao cho phù hợp với niềm tin của mình. Đó chính là điểm khó để thoả mãn tất cả các đòi hỏi: ví dụ như nhu cầu của con cái, giúp đỡ cha mẹ, hoặc giúp đỡ người nghèo, đóng góp cho giáo hội… Chắc chắn ai cũng muốn có thêm tiền để đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng thực tế mà nói thì không phải dễ.

Mỗi chọn lựa đều hàm chứa sự từ bỏ. Sự từ bỏ này gây ra nỗi đau. Chính nỗi đau này làm cho chọn lựa của chúng ta có thêm ý nghĩa. Vì thế, chúng ta cần phải phân định ý nghĩa của mỗi khoản chi tiêu.

Giữa nỗi sợ thiếu thốn và sự cẩn trọng hợp lý, chúng ta phải chọn điều nào ? Thánh Phêro cho chúng ta một hướng giải quyết: « vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô, ngưòi Nazareth, anh đứng dậy mà đi ! » (Acte 3,6). Người tín hữu được mời gọi sử dụng tiền bạc như thể họ không có, thông truyền cái họ đã nhận được chứ không phải cái thuộc về họ. « Cái anh có chẳng phải là điều anh đã nhận đó sao ? » (1Co 4,7). Đó là sự nghịch lý của người tín hữu trong việc sự dụng tiền của. Tiền mất đi quyền thống trị, và chỉ còn là phương tiện xây đắp tình người. Nhận ra gốc rễ của ước muốn giúp người tín hữu sử dụng tiền cách hợp lý, đó chính là sắp đặt các phương tiện theo một đích nhắm. Nhu cầu của người khác sẽ chi phối hành động cũng mình, và sự chi tiêu được sắp xếp vì Vinh quang của Đấng là nguồn mọi ước muốn.

C. Suy tư thêm: tương quan giữa cha mẹ và con cái

Các bậc làm cha mẹ không nên lo lắng quá nếu như con cái của mình nghĩ tới đời sống tu trì. Không nên áp đặt theo ý mình điều gì là tốt, điều gì là xấu cho con cái. Thiên Chúa luôn chú ý tới từng người trong số con cái của người.

Nếu có người con nào nghĩ tới đời sống tu trì, cha mẹ không nên sợ con cái phải sống trong sự khốn khó. Không nên từ chối hướng sống tu trì của con cái chỉ vì lý do kinh tế, cũng như không ai đi tu để tìm bảo đảm cho đời sống của mình. Đời sống tu trì thuộc về ơn gọi của Thiên Chúa để theo Chúa, để phục vụ Chúa.

Trong đời sống tận hiến, vấn đề quan trọng không phải là « thiếu tiền » hay « nhiều tiền », nhưng là sử dụng tiền mình có làm sao đúng với lý tưởng tận hiến và công việc mục vụ.

Khi con cái muốn đi tu, cha mẹ thường lo lắng, nên mất đi cái nhìn sáng suốt. Khi đó, hãy nhớ tới lời của thánh Phaolô: « cái bạn có chẳng phải là cái bạn đã lãnh nhận đó sao ? ». Con cái chẳng phải là món quà của Thiên Chúa sao ? Cha mẹ cần phải nhận ra nguồn gốc ước muốn của con cái, đó chính là hạnh phúc mà Chúa muốn dành cho chúng. Chỉ với thái độ đó, cha mẹ mới có thể sắp xếp mọi phương tiện theo đúng mục đích. Cha mẹ là tác nhân giúp con cái nghe được ơn gọi Chúa muốn đối với con cái. Vì thế, cha mẹ không còn lo lắng thái quá về ơn gọi của con cái, nhưng là niềm vui được nhìn thấy con cái mình theo đuổi một cuộc sống vì vinh quang của Đấng đã mang tới ơn cứu độ cho chúng ta.

Thánh lễ Chúa Nhật tại GXVN Paris
Xin cộng đoàn cho phép con được kết thúc bằng cách nhắc lại Nguyên Lý và Nền tảng đối với đời sống của mọi kitô hữu theo thánh I-Nhã: « con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa và qua đó cứu rỗi linh hồn mình, và mọi sự trên mặt đất được dựng nên vì con người, để giúp con người đạt được mục đích theo đó con người được dựng nên ».

LỜI KẾT

Nghe những lời chia sẻ chân tình của thầy Tuấn về « Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến, tôi chợt nhớ lại lời chỉ dẫn số 19 về « Vấn đề tiền của » mà Thánh bộ Truyền Giáo đã gởi cho hai Giám Mục Tông Tòa của hai địa phận đầu tiên của Việt Nam vào năm 1659. Năm nay, 2009, ba trăm năm mươi năm sau, 26 giáo phận việt nam đang chuẩn bị cử hành năm thánh và sẽ khởi đầu ngày 24.11.2009 tại Giáo Tỉnh Hà Nội, những lời nhắn nhủ của Giáo hội khi xưa vẫn còn giá trị cho mọi tín hữu trong việc tông đồ, nhất là những bậc có trách nhiệm: « Về vấn đề vật chất, chư huynh đừng làm phiền tí nào cho dân chúng, hãy nhớ lại các tông đồ khó nghèo đến nỗi phải ra tay làm việc mới có đủ vật dụng cần thiết cho mình và cho các cộng sự viên (4). Huống hồ là chư huynh, những kẻ kế vị và bắt chước các Ngài, khi chư huynh đã có của ăn áo mặc thì chư huynh hãy an phận (5), đừng tìm lợi cách đê tiện (6), đừng đòi của bố thí, đừng kiếm chác bạc tiền, quà tặng, của lễ. Nếu chư huynh từ chối mà người ta vẫn bắt ép chư huynh nhận, thì chư huynh hãy đem phân phát cho người nghèo trước mặt những kẻ đã biết tặng chư huynh; chư huynh vốn biết, chẳng có gì khiến cho dân chúng ngạc nhiên, để ý bằng thái độ khinh chê của cải trần thế, bằng đức khó nghèo theo Phúc Âm vượt lên trên mọi thực tại nhân thế để thu góp một kho tàng trên trời (7).

Tỉnh dòng Tên Việt Nam 2008
Cả chư huynh lẫn các cộng sự viên đừng kết thân luôn luôn với người nào, và đừng mắc nợ một người nào, đặc biệt một nhân vật có uy thế, đến nỗi có vẻ như phục vụ cá nhân họ chứ không phải toàn dân. Bởi vậy, đừng để cho những đặc ân quá to tát lôi cuốn, sợ rằng chúng sẽ làm những cạm bẫy, chẳng những làm hại cho công ích mà còn làm cho chư huynh mất hết quyền tự do ăn nói, tự do phê bình lầm lỗi của chính người ân nhân chư huynh (8) ».

Paris, ngày 17 tháng ba năm 2009

Trần Văn Cảnh

Chú thích

(1) Thầy Tuấn là con bác Nguyễn Văn Hộ, người đã tham dự nhiều năm trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, từ khi thành lập. Bác làm Phó Chủ Tịch hai nhiệm kỳ 1983-1987, rồi chủ tịch hai nhiệm kỳ 1987-1992.

Bác Hộ đã cống hiến cho Chúa ba người con phục vụ cho giáo hội. Thầy Chung, dòng các Sư Huynh La San, hiện đang phục vụ tại Mỹ. Sơ Thoa, đã khấn trọn đời trong một tu hội đời, hiện đang phục vụ tại Giáo xứ Paris. Và thầy Tuấn, khi nhỏ đã sinh hoạt trong nhóm ơn gọi trẻ tại giáo xứ, sau khi đã học xong nha sĩ và hành nghề nhiều năm, thầy đã theo tiếng Chúa gọi, nhập dòng Tên. Thầy đang ở trong một tập viện dòng Tên vùng Paris.

(2) Dòng Tên, được chính thức thành lập ngày 27.9.1540, ngày mà ĐGH Phaolô III chính thức công bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae phê chuẩn Đoàn Giêsu thành một dòng tu giáo sĩ trong Hội Thánh. Từ đó Đoàn Giêsu trở thành Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu - ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên, vì muốn tránh gọi Tên cực trọng Chúa Giêsu). Mười thành viên trong dòng tu mới lập đều nhất trí bầu cha I-nhã làm Bề trên Tổng Quyền tiên khởi (1540-1556). Đặc sủng của Dòng là phục vụ các linh hồn và hỗ trợ Hội Thánh trong việc “bảo vệ và truyền bá đức tin”.

Ở Việt Nam, dòng thuộc số những nhà truyền giáo tiên phong đem Tin Mừng đến đất Việt. Năm 1615, các cha dòng Tên đã đến Hội An, Đà Nẵng. Một khuân mặt nổi bật là cha Đắc Lộ, người đã cùng nhiều thừa sai dòng Tên khác thiết lập những cơ sở công giáo đầu tiên và sáng tạo chữ quốc ngữ cho Việt Nam. Trong thời gian 1615-1773, trên 155 tu sĩ của Dòng thuộc 20 quốc tịch (nhiều nhất là Bồ Đào Nha) đã đến loan Tin Mừng trên Đất Việt, cùng với 33 Giêsu hữu người Việt. Trong số đó, có 12 Giêsu hữu đã làm việc trong Thái Y Viện và Khâm Thiên Giám của các Chúa Nguyễn.

Theo lời mời của Giáo Hội Việt Nam, Dòng đã trở lại Việt Nam từ năm 1957, lập Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Từ năm 2007, Dòng đã nâng đơn vị việt nam lên hàng Tỉnh Dòng. Thống Kê 2004 cho biết Dòng có 66 tu sĩ ở Việt Nam, trong đó có 22 linh mục. Trên hình chụp năm 2008, người ta đếm được 85 tu sĩ. Ai muốn hiểu nhiều hơn về Dòng, xin vào cổng thông tin http://www.dongten.net/

(3) Xin cám ơn thầy Tuấn đã cho xin văn bản.

(4) Act 20, 34: « Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. »

(5) 1 Tm 6, 8: « Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. »

(6) 1 P 5, 2: « Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em …không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. »

(7) Mt 6, 20: « hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. »

(8) Xin xem mạng: http://pagesperso-orange.fr/daoquangtoan/articlesPJD/instruction%201659.pdf
 
Tha thứ: Con đường tắt dẫn đến bình an và hạnh phúc
Gioan Lê Quang Vinh
15:45 17/03/2009
THA THỨ, CON ĐƯỜNG TẮT

DẪN ĐẾN BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Có một chuyện vui kể rằng “Anh chồng trẻ tuổi lần đầu tiên say rượu, khi tỉnh dậy anh rất hối hận và xin vợ tha thứ. Người vợ nói rằng cô sẽ quên và tha thứ cho anh. Nhưng sau đó một tháng, cứ cách vài ngày cô vợ lại nhắc đến chuyện say rượu hôm nào của chồng. Anh ta không chịu được nữa bèn nói: “Em đã nói là sẽ quên và tha thứ cho anh vậy mà sao em cứ nhắc đi nhắc lại mãi thế?” Người vợ trả lời: “Vâng, em chỉ muốn nhắc cho anh nhớ là em đã quên chuyện đó và em đã tha thứ cho anh!” Chỉ là vui cười, nhưng câu chuyện đặt cho chúng ta một dấu hỏi: tha thứ đích thực nghĩa là gì, có phải nói tha rồi lâu lâu nhắc lại để dằn mặt? Giáo huấn Đức Giêsu, Thầy chí thánh của chúng ta, luôn nhấn mạnh đến lòng khoan dung tha thứ như nét chính yếu và độc đáo của Tin Mừng mà Người mang đến khi Người muốn “ném lửa vào trong thế gian này”. Nếu mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc nếu được diễn tả bằng một từ ngữ khác, chắc chắn đó sẽ là mầu nhiệm của ơn tha thứ. Vậy Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải theo bước của Ngài để thực hiện chương trình của Ngài mà luôn sống trong tình trạng sẵn sàng tha thứ. Ở một khía cạnh khác, tha thứ là con đưởng dẫn đến bình an và hạnh phúc, như lời Soeur Hồng Quế, một nữ tu Đaminh, khi chị trao đổi về vấn đề mục vụ.

Trong Tin Mừng, lời cảm động nhất có lẽ là một trong bảy Lời sau cùng của Đức Giêsu trên Thập Giá: “Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Đó là Lời đúc kết tất cả mọi Lời rao giảng của Người và cũng là mục tiêu của công cuộc Nhập Thể và Cứu Chuộc. Con Người Giêsu là mục tiêu của những ganh tị, thù ghét và chống đối, và dĩ nhiên chỉ cần dùng một lời, tất cả những kẻ chống lại Người sẽ phải biến thành hư vô như Thánh Vịnh diễn tả: “Người bắn tên, khiến địch thù tán loạn; phóng chớp ra, làm chúng phải tan tành” (TV. 18,15). Nhưng Đấng Cứu Độ đã chọn cách hành xử rất bất ngờ: tha thứ, và Người truyền cho những kẻ theo Người phải thực hành một giới răn mới: phải tha thứ. “Thầy không bảo con là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22), nghĩa là phải luôn tha thứ. Dường như có một mối liên hệ sâu xa giữa lời răn dạy này và lời truyền của Đức Giêsu: "Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy" (Ga. 14,27). Lý do là khi tha thứ cho anh em, người ta sẽ cảm được sự bình an sâu thẳm trong đáy lòng mình.

Vậy chúng ta phải tha thứ cho ai và tha thứ như thế nào? Có thể nói rằng ai cũng cần chúng ta tha thứ, bởi vì hễ sống chung là có xung đột và bất hoà. Nhiều khi chúng ta cũng phải tha thứ cho một người mà chúng ta chưa hề gặp bao giờ. Có người giận tổng thống Mỹ về chuyện ông ấy nói hớ, một chuyện chẳng liên quan gì đến mình! Nhưng điều quan trọng nhất là hãy tập tha thứ cho người thân yêu của mình, người bạn thân thiết, người trong gia đình, người yêu… Lý do là khi người ta càng yêu thương nhau thì những lỗi dù nhỏ vẫn mang tính xúc phạm lớn lao. Chúng ta tạm xếp những người cần được tha thứ thành ba nhóm: những người xúc phạm hay làm hại chúng ta bằng lời nói hay hành vi, những người đùa giỡn không giới hạn làm chúng ta tức giận hay khó xử, và những người không làm theo ý chúng ta muốn. Trong đó, những người xúc phạm đến chúng ta bằng lời nói hay hành vi là “đáng tội” nhất. Thế nhưng, chính những con người ấy lại được Đức Giêsu tha thứ trước hết, bởi vì Người đến “để tìm và cứu vớt những gì hư mất”.

Tha thứ để được cái gì? Câu trả lời thật đơn giản: để được chính con người mà ta tha thứ ấy. Chúng ta không chỉ nhận lại họ trong tình nghĩa cũ, mà còn là nhận lại họ thẳm sâu hơn trong thân mình mầu nhiệm Đức Kytô, vì ở đâu có tình yêu và tha thứ thì ở đấy có Đức Chúa ngự giữa. Và chính vì thế mà tha thứ là nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc. Xét ở bình diện con người, tha thứ đem lại cho con người niềm vui thư giãn. Khi nghiên cứu về sự căng thẳng và các vần đề tim mạch, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hope, Michigan, Hoa Kỳ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ tìm cách trả thù. Nhưng khi nghĩ đến tha thứ, họ lại giảm hẳn sự căng thẳng. Một nghiên cứu khác tại Đại học Stanford cũng cho thấy kết quả tương tự. Có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu được những phân tích ấy, bởi vì chúng ta đã từng là những “chuyên gia nổi giận và tìm cách trả đũa”. Khi ấy chúng ta bực bội, nóng nảy và rối trí. Nói cách khác, khi nổi giận, chúng ta bước vào con đường đi xa sự bình an và thanh thản, đi xa niềm vui và hạnh phúc. Và kinh nghiệm cũng dạy chúng ta rằng khi bắt tay làm hoà hay khi nói lời tha thứ, lòng ta vui hẳn, như có một làn gió mát thổi vào. Thánh Thần Thiên Chúa chính là làn gió mát ấy, bởi Ngài là Tình Yêu và Ngài không cư ngụ ở nơi oán thù. Một gia đình mà sự tha thứ luôn đồng hành với cách ứng xử với nhau, thì gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Nhưng tha thứ là gì? Tha thứ là quên đi lỗi lầm của anh em và chấp nhận chính con người của họ. Muốn tha thứ, trước hết phải đặt mình vào hoàn cảnh người ấy, xem nếu ta ở vào giờ khắc ấy, chỗ ấy và với tâm trạng ấy, liệu ta có hành xử tốt hơn người ấy chăng. Sự đồng cảm và thấu hiểu là bước đầu của sự tha thứ. Có một người mắng chửi ta như tát nuớc… cống vào mặt. Rửa mặt xong, ta còn thấy như đang đi trong lòng ống cống. Nhưng nếu ta bị đối xử như người ấy và bị kích động như người ấy thì sao? Biết đâu nhờ mắng mỏ như thế, người ấy bớt giận và tránh được những hành vi tồi tệ hơn. Vậy hãy mỉm cười tha thứ và… cám ơn người ấy! Tha thứ còn là chấp nhận người anh em ấy của mình với tất cả những thiếu sót và yếu đuối của kiếp người. Chúng ta cũng lỗi lầm, chúng ta cũng thiếu sót, thì không có lẽ gì chúng ta bắt anh em mình phải thành toàn tuyệt đối, dù đó là lý tưởng mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta hướng tới: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên Trời là Đấng trọn lành”. Tha thứ là dịp nhắc cho chính mình và cho anh em mình sửa đổi lối sống cho phù hợp với Tin Mừng.

Có một điều cũng rất thiết yếu trong tiến trình tha thứ lỗi lầm. Đức Giêsu luôn nhắc nhở những con người mà Người chữa bệnh tật và tha thứ: “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Yếu tố quan trọng để nhận được lời thứ tha là lời hứa “không tái phạm”. Không thể cứ xúc phạm đến người ta liên tục, không chút hối lỗi. Con người dễ sa ngã tái phạm, nhưng ít ra cũng phải biết hối lỗi, được diễn đạt bằng lời xin lỗi chân tình. Không thể bám vào một lối sống sai lạc và bắt anh chị em mình tha thứ. Một cô gái bỏ cha mẹ anh em để chạy theo một kẻ vô lại làm gia đình tan nát làm sao đòi được tha thứ nếu cô ta nhất định không quay về. Một người sống theo lối “mục đích biện minh cho phương tiện”, chà đạp anh em mình để mình tiến lên, lại yêu cầu được tha thứ mà chính kẻ ấy không thay đổi, làm xã hội bị hại lây thì quả là phi lý. Những kẻ liên tục làm cho anh em mình gặp gian khổ, cản trở họ tìm đến với Đấng Yêu Thương, đánh cho họ tan nát, ngồi rung đùi mà đòi tha thứ ư? Tất cả những con người ấy vẫn cần và có thể được tha thứ, với một điều kiện: “Hãy về và đừng phạm tội nữa”.

Mùa chay thánh là mùa quay về. Chúng ta quay về với Thiên Chúa để đón nhận Ngài từng giậy phút đời mình. Chúng ta quay về với anh chị em để sẵn sàng thứ tha. Chúng ta quay về để không ở lì trong sự ác và quyền lực tối tăm. Và như vậy, quay về chính là tìm gặp bình an và hạnh phúc thật sự trong đời mình.

Lạy Mẹ là Đấng lắng nghe trọn vẹn bảy Lời sau cùng của Con Mẹ trong nước mắt đau thương, xin Mẹ dạy chúng con biết bắt chước Người mà tha thứ cho nhau để được xứng đáng nghe Lời Người nói “Đây là Mẹ của con”.
 
Tôi là con Hội Thánh
Đan Viện Cát Minh Huế
15:48 17/03/2009
"TÔI LÀ CON CỦA HỘI THÁNH"

"Lạy Chúa! Con là con của Hội Thánh". Đó là lời tâm huyết trước khi lìa đời của Mẹ Thánh Têrêsa Avila, Đấng Cải Tổ Hội Dòng Đức Mẹ Núi Cát Minh. Lời đó có thể tóm gọn tất cả linh đạo về Hội Thánh và sứ mạng của Mẹ đối với Hội Thánh.

Một Hội Thánh do bởi Thiên Chúa, nhưng Hội Thánh lại bao gồm những con người có giới hạn và bất toàn. Mẹ Thánh Têrêxa Avila bàng hoàng trước biến cố tách lìa Hội Thánh do Luther khởi xướng. Mẹ cảm nghiệm nơi chính bản thân mình mầu nhiệm và đời sống Giáo Hội với biết bao thăng trầm.

Khi nghĩ đến Hội Thánh, một Hội Thánh mà Chúa Kitô đã đặt Phêrô làm Giáo Hoàng đầu tiên thay mặt Ngài để lãnh đạo Dân Mới của Ngài, trải qua bao thế kỷ đầu đã bị bắt bớ thật tàn bạo, dã man, bao nhiêu người vì Danh Chúa Kitô đã lấy cái chết của mình để làm chứng cho Sự Thật, lòng chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động và thiết tha yêu mến.

Trách nhiệm của Hội Thánh thật cao đẹp và đầy khó khăn, vì thế trong lòng Hội Thánh, những người con của Mẹ Thánh Têrêxa Avila muốn dâng hiến cả cuộc sống mình trong âm thầm và cô tịch để giúp Hội Thánh, bằng những hành động yêu mến bé nhỏ dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho Hội Thánh với ý niệm: mình là Con của Hội Thánh, đang ở trong lòng Hội Thánh.

Mẹ Thánh Têrêxa Avila ý thức bổn phận làm "con" của mình đối với Hội Thánh, nên Mẹ đã canh tân Dòng Cát Minh cho nghiêm nhặt hơn, quy tụ một số Kitô hữu với ước ao chăm lo phụng sự Chúa, dành trọn cuộc đời cho một mình Thiên Chúa, chuyên cần "tuân giữ những Lời Khuyên Phúc Âm cách trọn hảo" trong cô tịch. Nhờ liên tục sám hối, họ trở nên những người bạn hữu thân tình của Thiên Chúa hầu có thể chuyển cầu cho Hội Thánh và mưu ích cho các linh hồn. Mẹ ý thức cầu nguyện cho Hội Thánh là điều quan trọng và có thể nâng đỡ Hội Thánh trong mọi lãnh vực.

Nhờ hấp thụ giáo huấn của Mẹ Têrêxa, mỗi thành viên trong Hội Dòng Cát Minh đều chăm lo sống tình con thảo đối với Hội Thánh, hy sinh tất cả đời mình vì Hội Thánh.

Nhìn về Hội Thánh Việt Nam, qua các Vị Chủ Chăn: các Đức Hồng Y, các Tổng Giám mục, các Giám mục và Linh mục, các Ngài cùng tham dự vào chức vụ làm Mẹ của Giáo Hội. Các Ngài như là bộ rễ của một thân cây vĩ đại, bộ rễ chôn càng sâu trong lòng đất Mẹ Hội Thánh thì cây càng vững chắc và càng phát triển mạnh. Điều đó nhắc nhở các thành viên của Hội Dòng, mình cũng là "rễ của một thân cây vĩ đại", cây mà Chúa Cha đã đem trồng nơi trần gian, cây được tưới bằng Máu của Đức Kitô.

Mẹ Thánh Têrêxa Avila đã in sâu vào đời sống mình cũng như vào Gia Đình Dòng Cát Minh một ý hướng tông đồ, quy hướng tất cả việc cầu nguyện, cô tịch và toàn bộ cuộc sống các Đan sĩ Cát Minh cải tổ về việc phục vụ Hội Thánh. Mẹ quả quyết: "Khi những lời cầu, những ước vọng, khổ chế, chay tịnh của chị em không dùng vào những ý định làm sáng danh Chúa và phục vụ Hội Thánh, thì chị em hãy biết rằng chị em đã không thi hành, không chu toàn mục đích mà Chúa đã nhắm đến khi quy tụ chị em trong Đan Viện Cát Minh này".

Được sống một lối sống ẩn kín trong nội vi nhiệm nhặt, được tách biệt với thế giới bên ngoài, các Đan sĩ Cát Minh luôn ý thức rằng đó là một hồng ân cao cả mà Cha trên trời khấng ban qua Hội Thánh như lời Mẹ Thánh Têrêsa đã nói cách xác tín: "Chị em mắc nợ Chúa biết chừng nào về việc chị em được thoát ly khỏi mọi công việc và mọi dịp nguy hiểm trong khi các vị lãnh đạo trong Giáo Hội và các nhà truyền giáo phải hứng chịu biết bao mũi tên từ mọi phía."

Là những người con của Mẹ Thánh Têrêsa, các Đan sĩ Cát Minh sống một "cuộc sống được ẩn giấu với Chúa Kitô trong Thiên Chúa" không phải để lẩn trốn trần thế, nhưng quyết tâm từ bỏ triệt để thế gian và hãm mình nhiệm nhặt hầu mưu cầu lợi ích thiêng liêng và minh chứng cho trần gian về Sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa.

Thấm nhuần tinh thần và giáo huấn của Mẹ mình, trong thanh vắng và cô tịch, các Đan sĩ Cát Minh không sống cho riêng mình, không chủ trương nên thánh một mình, nhưng sứ mạng và sự thánh thiện của họ được liên kết chặt chẽ với sứ mạng và sự thánh thiện của Hội Thánh. Đan sĩ mang trong tim mình những thao thức, những nhu cầu của Hội Thánh cũng như những đau khổ của toàn thể nhân loại. Tất cả những điều ấy đã trở thành những đề tài chính yếu trong những cuộc gặp gỡ thầm lặng với Chúa. Thật vậy, những nhu cầu khẩn cấp và phức tạp của Hội Thánh đã và đang dồn dập lan đến tận cổng các Đan viện, tận cửa phòng các Đan sĩ, thôi thúc Đan sĩ quảng đại hiến dâng tình yêu lên Thiên Chúa qua những hy sinh lớn nhỏ hằng ngày trong đời sống chiêm niệm của họ.

Trong lời Tuyên Khấn, Đan sĩ đã cam kết tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ Hội Thánh bằng việc liên lỉ nguyện cầu và từ bỏ theo Phúc Âm. Đan sĩ không đứng ngoài để nhìn về Hội Thánh, nhưng họ là "những người con đích thực của Hội Thánh" và họ là Hội Thánh. Mầu nhiệm Hội Thánh phải được sống nơi chính bản thân của Đan sĩ và nơi cộng đoàn Đan viện. Hằng ngày, trong Đan viện, cùng với Hội Thánh, những kinh nguyện, những lời ca tiếng hát vang lên là tiếng lòng của Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa, và sự hiệp thông của Đan sĩ với Hội Thánh đạt đến cao độ khi họ hiến dâng chính mình làm của lễ hiệp với Hy Tế cứu độ của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần, hầu mưu phần rỗi cho các linh hồn.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng con được làm "con của Hội Thánh!" Xin cho nhiệt huyết chúng con luôn bừng cháy một lòng tha thiết mến yêu Hội Thánh và ôm trọn mọi ơn gọi của Hội Thánh trong lời cầu nguyện, để trong niềm vui tột độ và cùng với Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, nữ tử ưu tú của Mẹ Thánh Têrêsa Avila, đồng thời cũng là vị Quan Thầy của các xứ truyền giáo, chúng con cũng có thể kêu lên:

"Lạy Chúa! Ơn gọi của con là Tình Yêu!

Trong lòng Hội Thánh, Mẹ con, con sẽ là Tình Yêu!"

(Trích Tiểu sử tự thuật của thánh Têrêsa HĐG, tr.200)

Đan Viện Cát Minh Huế
 
Giuse, Mẫu Gương Của Vâng Phục
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
22:33 17/03/2009
Giuse, mẫu gương của vâng phục

Lịch sử là một chuỗi những biến cố xảy ra trong quá khứ. Lịch sử cứu độ là sự can thiệp cách khôn ngoan và lạ lùng của Thiên Chúa trong từng biến cố của dòng đời. Thiên Chúa luôn can thiệp vào những thăng trầm của dòng đời để ghi dấu sự hiện diện của Ngài trong lịch sử. Ngài đã can thiệp vào việc thành hình một dân riêng của Ngài qua việc tuyển chọn Abraham. Ngài đã chọn Mô-sê để giải thoát dân khỏi kiếp nô lệ Ai Cập. Ngài đã tuyển chọn các ngôn sứ để dẫn dắt dân Thiên Chúa đi trong đường lối những huấn lệnh của Ngài.

Hôm nay lễ Thánh Giuse phù hộ là bổn mạng của Giáo hội Việt Nam. Thánh Giuse đã được chọn để làm cha nuôi của Chúa Giê-su và là bạn trăm năm của Đức trinh nữ Maria. Thánh Giuse đã dấn thân một cách quảng đại và không hề so đo tính toán. Ngài đã hành động dứt khoát và mau lẹ. Bởi vì ngài biết rằng: Thiên Chúa đang cần một người cha để bảo vệ sự sống cho một hài nhi. Thiên Chúa đang cần một người bạn trăm năm để bảo vệ danh tiết cho một người phụ nữ. Ngài không thể chần chờ. Vì nếu chần chờ thì tính mạng của một người mẹ, của một thai nhi sẽ gặp nguy hiểm. Ngài không thể so đo tính toán, bởi vì Thiên Chúa là Chúa của ngài, ngài phải hết lòng phụng sự cho chương trình của Thiên Chúa.

Thánh Giuse đã trở thành mẫu gương cho sự tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã gác bỏ mọi toan tính của bản thân để chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao. Ngài đã vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành sứ vụ được trao. Ngài đã dám quên đi bản thân để cho chương trình của Chúa được thực hiện. Thánh Kinh không để lại một lời nào của ngài, nhưng sự im lặng của ngài là để cho ý Chúa được thực hiện. Đó là sự im lặng trong sự tuân phục. Đó là sự im lặng biểu lộ một tâm hồn thanh thoát bình an.

Cuộc đời hôm nay vẫn rất cần những con người như Cha Thánh Giuse. Một người cha để bảo vệ gia đình khỏi những sự tấn công của tục hoá đang làm băng hoại luân lý gia đình và xã hội. Một người cha có trách nhiệm để mang lại cho vợ con điểm tựa của cuộc sống. Một người cha dám quên đi hạnh phúc riêng của mình để mang lại an cư lạc nghiệp cho gia đình. Một người cha biết tuân phục thánh ý Chúa để nêu gương sống đạo cho gia đình.

Song le, Chúa Giê-su cũng đang cần chúng ta trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa giữa thế giới hôm nay. Nếu ngày xưa, Chúa Giê-su cần đến sự cộng tác của thánh Giuse để Ngài có một vị trí trong xã hội được sinh ra trong một gia đình, một dòng tộc vua Đavit, thì ngày nay, Ngài cũng cần lòng quảng đại của chúng ta để Ngài lại tiếp tục được sinh ra giữa lòng đời hôm nay. Chính Ngài cũng tự đồng hoá mình với những mảnh đời khổ đau, bất hạnh trên đường đời. Chính Ngài đang hiện diện trong những người nghèo đói, tật nguyền, trong người bị ngược đãi, bị bỏ rơi. Ngài đang cần chúng ta gạt ra ngoài những toan tính trần thế, những nghi nan, những khó khăn để mạnh dạn và quảng đại đón nhận những anh em hèn yếu, đói khổ đang cần sự trợ giúp của chúng ta. Chính Ngài cũng hứa trả công bội hậu cho những ai đã đón nhận và giúp đỡ Ngài. Ngài đã từng nói rằng: “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng Nước Trời là gia nghiệp đã dành sẵn cho các ngươi, vì khi xưa Ta đói, Ta khát, Ta trần truồng, bị bỏ rơi, tù đầy, bị ngược đãi các ngươi đã cho ăn, cho uống và tiếp rước.

Hôm nay, Chúa vẫn thiết tha mời gọi chúng ta hãy để cho Chúa được tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Hãy để cho Chúa làm chủ cuộc sống của mình bằng việc tuân hành thánh ý Chúa, đừng sợ những nghi nan, những khó khăn khi phải tuân theo thánh ý Chúa. Hãy đón nhận Chúa qua những người anh em đang cần sự trợ giúp, nâng đỡ, bác ái và cảm thông của chúng ta. Hãy chia sẻ nỗi đau của Chúa qua những người bất hạnh đang cần sự trợ giúp của chúng ta. Hãy là một Giuse của thời đại để vì Chúa mà yêu mến anh em, vì Chúa mà dấn thân phục vụ vì lợi ích của tha nhân.

Nguyện xin Thánh Cả Giuse cầu thay nguyện giúp cho chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và dám thực thi trong cuộc sống hằng ngày. Ước gì mỗi người chúng ta biết noi gương thánh Giuse, biết đón nhận Chúa vào trong cuộc đời mình và qua đời sống tuân hành thánh ý Chúa, chúng ta gieo vãi niềm vui và sự an bình của Chúa cho anh chị em chung quanh.Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican quan tâm đặc biệt tới giáo dân Trung Quốc.
Nguyễn Long Thao
17:29 17/03/2009
VATICAN CITY 15/03/09. - Các hãng thông tấn quốc tế như AFP, AP, REUTERS đều loan tin mạng lưới điện toán toàn cầu của Tòa Thánh Vatican www.vatican.va vào ngày Thứ Năm 19/03/09 bắt đầu mở thêm trang Trung văn để các sứ điệp của Đức Giáo Hoàng có thể đến với người Trung Quốc vì chính quyền cộng sản nước này dùng mọi nỗ lực tách lìa giáo dân ra khỏi quyền bính của ĐGH và Tòa Thánh Vatican.

Sự kiện mở thêm trang Trung Văn chứng tỏ ĐGH rất quan tâm tới tinh hình Giáo Hội Trung Quốc bằng chứng là mạng lưới toàn cầu của Tòa Thánh gồm toàn ngôn ngữ tây phương như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha và bây giờ tiếng Tàu là ngôn ngữ duy nhất tại Á Châu có mặt trong mạng lưới của Tòa Thánh.

Các nhà ngoại giao quốc tế và ngay cả giới chức Giáo Hội cũng lo ngại là trang mạng tiếng Tàu của Tòa Thánh sẽ bị chính quyền Trung Quốc đặt tường lửa. Một chuyên gia am tường tình hình tôn giáo tại Trung Quốc, Linh Mục Bernardo Cervellera, Giám Đốc hãng Tin Tức Công Giáo Á Châu (AsiaNews), cho thông tấn xã Reuters biết:

Bao lâu mạng lưới của Tòa Thánh không đề cập đến các vấn đề mà nhà nước Trung Quốc chống đối thì bấy lâu nhà nước không ngăn cản người ta vào mạng lưới để đọc. Nhưng một khi đề cập đến các vấn đề nhậy cảm như bổ nhiệm Giám Mục, nhắc đến vấn đề TâyTạng hay Đức Đạt Lai Lạt Ma thì chắc chắn nhà nước Trung Quốc sẽ đặt bức tường lửa đối với trang mạng Trung Văn của Tòa Thánh.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Bắc Kinh thay đổi nóng lạnh bất thường. Tháng 5- 2008, ban nhạc giao hưởng của Trung Quốc trình diễn tại Tòa Thánh Vatican. Tháng 8, 2008 Đức Giám Mục Hồng Kông được mời thay mặt ĐGH tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic mùa hè tại Bắc Kinh. Nhưng đến tháng 10 năm 2008 chính quyền Trung Quốc ngăn chặn không cho các Giám Mục ở Hoa Lục đi tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tổ chức tại Vatican.

Tưởng cũng nên nhắc lại là khi ĐTC Bênêđictô XVI được bàu làm Giáo Hoàng, Ngài có chủ trương tái lập mối quan hệ Vatican -Bắc Kinh nhưng nỗ lực của Ngài vẫn chưa có kết quả mà theo nhiều chuyên gia, trở ngại chính là cái mà người ta gọi tổ chức “Công Giáo Yêu Nước”

Trung Quốc có 290 triệu người dùng Internet. Đây là con số lớn nhất so với các quốc gia khác. Thế giới đều biết chính quyền Trung Quốc ngăn chặn bất cứ mạng lưới nào lên tiếng phê bình chính sách của nhà nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngay cả tờ New York Times của Mỹ, trang mạng tiếng Tàu của đài phát thanh BBC và VOA và tờ Minh Pao phát hành ở Hồng Kông cũng đều bị nhà nước Trung Quốc ngăn cản không cho dân chúng truy cập để biết tin tức. Chính sách ngăn chận thông tin nói trên không phải chỉ xẩy ra tại Trung Quốc mà bất cứ chế độ cộng sản nào như Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn cũng đều áp dụng như vậy.

Trung Quốc có khoảng từ 8 đến 12 triệu người Công Giáo. Một số thuộc Giáo Hội do nhà nước kiểm soát được gọi là Giáo Hội Chính Thức. Một số trung thành với Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican được gọi là Giáo Hội Hầm Trú. Chính quyền Trung Quốc dùng đủ mọi cách ép buộc những người Giáo Hội Hầm Trú gia nhập Giáo Hội do nhà nước kiểm soát
 
Giáo Phận Cleveland sẽ giảm đi 52 giáo xứ trong vòng 15 tháng
Bùi Hữu Thư
18:53 17/03/2009

Giáo Phận Cleveland sẽ giảm đi 52 giáo xứ trong vòng 15 tháng



Hoa Thịnh Đốn (CNS)
– Đến ngày 30 tháng 6, năm 2010, Giáo phận Cleveland, Ohio sẽ giảm mất 52 giáo xứ. Trong một kế hoạch được công bố ngày 15 tháng Ba tiếp theo một chương trình thiết kế 2 năm.

Đức Giám Mục Richard G. Lennon cho hay 29 giáo xứ sẽ bị đóng cửa và 41 giáo xứ khác sẽ được sát nhập để tạo thành 18 giáo xứ mới trong vòng 15 tháng tới. Việc sắp xếp lại này sẽ khiến cho giáo phận lớn hàng thứ 17 tại Hoa Kỳ còn lại 172 giáo xứ phục vụ cho 753,000 giáo dân tại 8 quận miền bắc tiểu bang Ohio. Tất cả các vụ đóng cửa và sát nhập này ảnh hưởng đến các giáo xứ tại các thị trấn trong giáo phận -- Cleveland, Akron và Lorain – tất cả đều nằm tại vòng đai trong của các ngoại ô. Tiếp xúc với các giới truyền thông, Đức Giám Mục Lennon nói việc sắp xếp lại này là “một giải pháp hết sức khó khăn nhưng cần thiết” để có thể thực thi sứ mệnh của giáo hội tại miền đông bắc Ohio. Ngài dẫn chứng việc di dân của người Công Giáo từ thành thị tới vùng ngoại ô và vùng quê của giáo phận, sự thuyên giảm con số linh mục trong giáo phận, và sự suy sụp của tình trạng tài chánh tại một số giáo xứ là những lý do cho việc tổ chức lại này. Ngài nói việc di dân có kết quả là với con số hai phần ba giáo dân chỉ có một phần ba các giáo xứ coi sóc.
 
Top Stories
Cameroon: These Africans Who Grease the Roman Curia - A few Africans are well into the administration of The Vatican
Tche Irene Morikang
15:38 17/03/2009
17 March 2009: The administrative apparatus of the Holy See, call it the Roman Curia, is also the central governing body of the entire Roman Catholic Church. It can be compared to ministerial departments in other settings as they are in charge of coordinating and providing the necessary central organization for the correct functioning of the Church and the achievement of its goals. The Curia is, therefore, dedicated entirely to the Pope's ecclesiastical responsibilities. The offices in charge of the Vatican City State are, however, not part of the Roman Curia.

At the head of the Curia is the Secretariat of State. It is involved in the coordination of the Holy See's activities. It is headed by the Cardinal-secretary of State and has two sections: section for General Affairs and another for Relations with States. We also have the Congregations (nine), the Tribunals (three), the Pontifical Councils (eleven), the Synod of Bishops, the Offices (three), the Pontifical Commissions (seven), the Swiss Guards, institutions connected with the Holy See, the Labour Office of the Apostolic See and the Pontifical Academies.

A few Africans have left their mark in the Roman Curia. Such is the case with Cardinal Francis Arinze of Nigerian nationality who was Cardinal-Prefect in charge of the Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments from 2002 to 2008. He is currently the Prefect Emeritus of the same congregation. Another, African, this time a Cameroonian, is also serving in the same Congregation. Mgr Gérard Njen has been in The Vatican system for over 17 years. He explains that the main function of their congregation is to handle matters relating to liturgical practices of the Catholic Church and also technical matters relating to the sacrament. They also recognize the translations of liturgical books and the adaptations, promote the liturgical apostolate or sacred music, song or art and ensure that liturgical norms are accurately observed. It is also its job to ensure that abuses are avoided and eliminated where they are found to exist.

Another brave Cameroonian in the Vatican system is Father Emile Martin Dibongue. He was called up by the Cardinal in Charge of the Congregation for the Evangelization of People to serve as Vice Rector at the Pontifical Urbano College in 2005 at a moment he was preparing his bags to return home after studies in Theology. The 35-year-old, who was sent to Rome by the Eséka diocese, is also undergoing doctorate studies in Biblical Theology. We also have Prof Martin Nkafu, a member of the Focolari Movement who is professor in several Pontifical Universities in Rome. Besides these Cameroonians, we have other Africans who are valuably representing the continent in the Vatican.

(Source: http://allafrica.com/stories/200903170612.html)
 
INDONESIE: A l’approche des élections législatives, les partis islamiques, pourtant divisés et minoritaires, pourraient jouer un rôle-pivot dans les alliances à venir
Eglises d'Asie
15:40 17/03/2009
Selon différents observateurs et centres d’études politiques indonésiens, les partis islamiques, lors des élections législatives du 9 avril prochain, pourraient bien ne pas rencontrer la plus large faveur des électeurs mais leur relativement faible popularité ne doit pas cacher qu’ils seront sans doute en position de pivot lors des alliances qui ne vont pas manquer d’être nouées en vue des élections présidentielles du mois de juillet 2009.

Une étude du Centre for Strategic and International Studies (CSIS) (1), publiée au début du mois de mars et dont le Jakarta Post a rendu compte dans son édition du 16 mars dernier, indique que les intentions de vote pour les candidats affiliés aux partis considérés comme islamiques oscillent entre 2,91 % et 4,15 %, soit des pourcentages en baisse par rapport aux précédentes élections de 2004. Les partis tels que le PPP (Parti du développement uni), le PKS (Parti de la justice et de la prospérité) ou bien encore le PAN (Parti du mandat national) feraient donc nettement moins bien que les trois principaux partis politiques indonésiens – le Parti démocrate, le Parti démocratique indonésien de lutte (PDI-P) et le Golkar –, qui, tous trois, défendent des programmes qualifiés de « laïques et nationalistes » (2).

Une disposition nouvelle de la loi électorale, absente lors du scrutin présidentiel de 2004, risque toutefois de changer la donne, explique Sunny Tanudwidjaja, chercheur au CSIS. « Lors des élections législatives, les partis islamiques devront se contenter d’un rôle de second plan. Toutefois, lors des présidentielles, ils seront amenés à assumer un rôle tout à fait significatif », explique le chercheur.

En effet, la loi électorale stipule désormais que, pour être candidat à la présidentielle, un homme politique devra être soutenu par un parti – ou une coalition de partis – réunissant au moins 25 % des suffrages exprimés lors des élections législatives. Cette disposition a déjà pour conséquence de multiplier, dans le paysage politique local, les scénarios d’alliance les plus divers. Si les trois grands partis ont désigné leur candidat à la présidentielle (Susilo Bambang Yudhoyono, président sortant, pour le Parti démocrate, Megawati Sukarnoputri pour le PDI-P, et Jusuf Kalla, vice-président sortant, pour le Golkar), aucun n’est certain de parvenir à dépasser à lui tout seul le seuil des 25 % et, par conséquent, tous trois cherchent de possibles alliés.

« Dans la situation présente, la place des partis islamiques prend tout à coup un relief particulier », souligne encore Sunny Tanudwidjaja, en rappelant qu’en 1999, Abdurrahman Wahid n’avait réussi à l’emporter sur Megawati Sukarnoputri que grâce à l’aide d’une coalition de partis islamiques, peu désireux de voir une femme membre d’un parti « laïque » à la tête de l’Etat.

Pour Yudi Latif, président du Centre d’études islamiques de l’Université Paramadina, les grandes manœuvres ont commencé. A titre d’exemple, il cite la rencontre, qui a eu lieu il y a quelques jours et dont rien n’a filtré, entre Suryadarma Ali et Jusuf Kalla; l’un préside le plus ancien parti islamique du pays, le PPP, et l’autre a relevé l’héritage du Golkar, parti de l’ancien président Suharto. Leur alliance réunirait deux des trois partis politiques fabriqués de toutes pièces jadis par Suharto… De plus, sur une scène politique où les programmes comptent moins que la popularité des principaux leaders politiques, Jusuf Kalla et Megawati Sukarnoputri chercheraient à s’allier pour faire barrage au très populaire Susilo Bambang Yudhoyono (3).

Parmi les partis islamiques, le plus organisé est le PKS, qui, depuis quelque temps, met moins l’accent sur la composante islamiste de son programme pour insister davantage sur la lutte contre la corruption. S’appuyant sur un patient travail de terrain (porte-à-porte et travail social), il insiste sur le préalable à tout renouveau de la politique en Indonésie: l’éradication de la corruption. Il rejoint sur ce plan le Parti démocrate et le président Susilo Bambang Yudhoyono, qui mènent largement campagne sur ce thème. Récemment, Tifatul Sembiring, président du PKS, a déclaré que, s’il était prêt à coopérer avec n’importe lequel des grands partis politiques du pays, son organisation travaillerait plus volontiers avec le parti du président sortant. « Nous estimons que les obstacles [à une éventuelle coopération] sont moins nombreux avec le Parti démocrate », a-t-il déclaré.

Un autre scénario possible serait de voir l’ensemble des partis islamiques se coaliser pour former un bloc capable de réunir les fatidiques 25 % de suffrages nécessaires à la désignation d’un candidat à la présidentielle. Mais, selon Yudi Latif, une telle perspective paraît très hypothétique. « Parce que tous ces partis entretiennent des visions très différentes de l’islam, il est difficile de les imaginer se coaliser. Leurs électorats respectifs préféreront porter leurs voix sur un parti nationaliste plutôt que sur un parti islamiste avec lequel ils entretiennent des divergences de vues », explique l’universitaire, citant à titre d’exemple le PKB (Parti du réveil national, le parti d’Abdurrahman Wahid), déchiré par un conflit interne et dont on peut s’attendre à ce que la moitié de ses partisans votent pour un parti nationaliste et laïque plutôt que pour une formation de type islamiste.

Pour Yudi Latif comme pour Sunny Tanudwidjaja, les partis islamiques continuent de souffrir de deux faiblesses majeures: premièrement, à l’image du PAN et du PKB, ils sont minés par des divisions internes, et, deuxièmement, trop nombreux, ils sont dans l’incapacité de faire émerger une personnalité politique de premier plan. Dans la logique institutionnelle d’un régime présidentiel, ces faiblesses constituent de lourds handicaps.

Du côté de l’Eglise catholique, si la hiérarchie se garde de donner des consignes de vote, les organisations de jeunesse catholiques ont tenu congrès à Djakarta. Les 1er et 2 mars derniers, leurs dirigeants ont appelé le gouvernement et la société à adhérer au pancasila, les cinq principes sur lesquels sont fondés l’Indonésie contemporaine et auxquels souscrivent les partis « laïques et nationalistes ». Lors de cette rencontre, le P. Yohanes Rasul Edy Purwanto, secrétaire de la Commission épiscopale pour les laïcs, a évoqué les partis politiques islamiques « qui cherchent à remplacer le pancasila par une autre idéologie » – sous-entendue islamiste; il a continué en appelant ceux des jeunes catholiques qui militent dans les différents partis politiques à défendre les principes inscrits dans la Constitution de 1945.

(1) Le Centre for Strategic and International Studies de Djakarta, fondé en 1971, ne doit pas être confondu avec le centre éponyme de Washington, fondé en 1962.

(2) Dans le système institutionnel indonésien, le Conseil représentatif du peuple (Dewan Perwakilan Rakyat) forme la Chambre basse du Parlement (Majelis Permusyawaratan Rakyat). Dans la Chambre élue en 2004, les 550 députés se répartissaient ainsi: 127 représentants pour le Golkar, 109 pour le PDI-P et 56 pour le Parti démocrate; pour les six principaux partis islamiques, la répartition était la suivante: 58 pour le PPP, 53 pour le PAN, 52 pour le PKB, 45 pour le PKS, 14 pour le PBR et 11 pour le PBB. Les 25 sièges restants se répartissaient entre différents petits partis.

(3) Si elle se produit, une telle alliance entre Jusuf Kalla et Megawati Sukarnoputri interviendrait très peu de temps après que le Golkar, cherchant à se rapprocher des partis islamiques, a fait voter ses députés en faveur de la très controversée loi anti-pornographie, perçue comme une atteinte aux libertés culturelles et religieuses des peuples non musulmans d’Indonésie; le PDI-P de Megawati Sukarnoputri avait, lui, fait voter contre cette loi (voir EDA 502).

(Source: Eglises d'Asie, 17 mars 2009)
 
VIETNAM: quasi première dans l'Eglise catholique au Vietnam: une femme a été élue à la tête d'un conseil paroissial de Saigon
Eglises d'Asie
15:44 17/03/2009
Une véritable révolution vient de s’accomplir sans bruit au sein d’une antique et vénérable institution de l’Eglise du Vietnam, le conseil paroissial. A quelques jours de la Journée internationale des femmes, célébrée le 8 mars, une femme, Mme Thérèse Dinh Thuy Miên, a été élue présidente du conseil paroissial d’une des plus importantes et des plus anciennes paroisses de Saigon, la paroisse de Tân Dinh.

Mme Thérèse Dinh Thuy Miên
Depuis le début de l’histoire de l’Eglise au Vietnam, pendant plus de 400 ans, le conseil paroissial, appelé aussi conseil des notables, a fonctionné d’une façon presque exclusivement masculine. On pouvait voir ce groupe d’hommes revêtus de la tunique bleu foncé et coiffés d’un turban, à l’occasion de toutes les cérémonies et événements marquant la vie d’une paroisse catholique dans ce pays. Les exceptions à cette exclusivité masculine ont été fort rares. Selon le P. Dinh Huy Huong, directeur de Caritas Saigon, la paroisse Hoa Binh du doyenné de Go Vâp, à Saigon, aurait élu, elle aussi, une femme à la tête du conseil paroissial il y a quelque 20 ans. D’autres femmes auraient exercé cette fonction dans le diocèse de Long Xuyên. Mais ces quelques cas n’ont guère fait parler d’eux à l’époque et n’ont pas été retenus par les historiens de l’Eglise du Vietnam.

Mme Miên a été élue à ce poste par l’ensemble des membres du conseil pastoral ainsi que par les diverses associations de la paroisse, le 1er mars dernier, pour un mandat de deux ans (1). Le curé de la paroisse, le P. Jean-Baptiste Vo Van Anh, a remis le diplôme certifiant son titre à la nouvelle responsable du conseil au cours d’une cérémonie qui, le 7 mars, a rassemblé un millier de personnes, catholiques et non catholiques, heureux et curieux de voir la nouvelle présidente. Dans son allocution, le prêtre a fait remarquer à Mme Miên qu’elle représentait un cas unique dans le diocèse de Saigon, qui abrite 200 grandes et petites paroisses pour une population de 650 000 catholiques. « C’est une révolution qui est en train de s’accomplir, a-t-il souligné. Il ne s’agit encore là que d’un premier pas. » Il a ensuite invité les auditeurs à œuvrer ensemble pour la promotion féminine à l’intérieur de la paroisse. Déjà, a-t-il dit, la moitié des 33 membres du conseil paroissial sont des femmes.

Fille d’un ancien président de conseil paroissial, mère de trois enfants, la nouvelle présidente a derrière elle 26 années d’activité professionnelle. Elle a été successivement comptable, puis responsable d’un centre de réhabilitation pour drogués. Elle dirige aujourd’hui un institut de soins de beauté. Dans sa réponse aux vœux du prêtre et des fidèles de la paroisse, elle a demandé à ceux-ci de l’aider par leurs prières et leurs conseils à assumer sa nouvelle tâche.

Le conseil des notables ou corps des dignitaires (Chuc viêc) (2) dont le chef s’appelle ông trùm ou ông câu est consubstantiel de la chrétienté vietnamienne depuis les origines. Emprunté en partie à l’organisation traditionnelle du village vietnamien, il a joué – et continue de jouer – un rôle très important dans la vie quotidienne, matérielle et spirituelle de la paroisse. Il a permis à celle-ci de fonctionner souvent sans prêtres et de traverser les périodes de persécutions.

(1) VietCatholic News, 14 mars de 2009.

(2) Voir l’essai du P. Léopold Cadière: « Organisation et fonctionnement d’une chrétienté vietnamienne », in Bulletin de la Société des Missions Etrangères, année 1955, pp. 305-319.

(Source: Eglises d'Asie, 17 mars 2009)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư Liệu Thánh Kinh (19): Hy Lạp
Vũ Văn An
08:04 17/03/2009
Hy Lạp

Người Hy Lạp: Cho đến tận thời cận đại, khởi thủy của Hy Lạp vẫn là điều khó hiểu. The Illiad và The Odyssey, hai thi phẩm bất hủ được kể là do một thi sĩ mù người Hy lạp tên Homer sáng tác, cho thấy rất có thể có những lối sống còn cổ xưa hơn. Ngày nay, những khám phá hiện đại đang dựng được một hình ảnh đầy ngạc nhiên về nền văn minh khởi thủy ấy. Lâu trước đó, người Mi-nô-an ở Cơ-rêt-ta từng xây được những dinh thự lộng lẫy và buôn bán với Ai Cập rồi. Nhưng đế quốc của họ xụp đổ bất thình lình vì cả động đất lẫn xâm lăng. Các nhà cai trị cuối cùng nói tiếng Hy Lạp: các tấm bảng có các chữ Hy Lạp xưa nhất đã được tìm thấy trong các cung điện của họ.

Cuốn The Illiad kể lại một phần câu truyện cuộc chiến 10 năm lúc người Hy Lạp tấn công thành Troy. Ngày nay, ta biết chắc quả có một thành Troy thực sự, và nền văn minh cổ xưa của người Hy Lạp đặt trung tâm tại Mi-khê-nê trên đất liền phía nam Hy Lạp. Homer làm sống lại các ký ức về điều thực sự đã xẩy ra lâu năm trước.

Lịch Sử Ban Sơ: Người nói tiếng Hy Lạp du nhập vào Hy Lạp từ phương bắc. Hy Lạp xưa nay vốn là một nước nghèo, nhiều đất đá. Hồi ấy, người ta sống trong những thị trấn nhỏ cách biệt bởi núi non hiểm trở. Sau thời I kỳ huy hoàng của Mi-khê-nê, mảnh đất này chưa bao giờ được thống nhất. Thị trấn này tấn công thị trấn khác. Nên du hành bằng đường biển dễ dàng hơn bằng đường bộ. Rất ít đất đai mầu mỡ để nuôi sống dân, nên người Hy Lạp đã trở thành những thủy thủ đầy mạo hiểm. Những luồng gió Hạ đều đặn và những nơi trú ẩn rải rác khắp các hòn đảo giúp họ vượt qua eo biền Aegian tới tận A-xi-a (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Họ mang về thực phẩm, và lập nên nhiều thành thị dọc bờ Địa Trung Hải, nhất là ở vùng Tiểu Á. Thời Thánh Kinh, người Hy Lạp sống trên một vùng rộng lớn hơn là phần đất ngày nay ta gọi là Hy Lạp.

Thời ‘hoàng kim’: Thế kỷ thứ 5 trước CN, nổi tiếng nhất trong các thành thị của Hy Lạp chính là A-thê-na. Người dân A-thê-na đóng vai trò hàng đầu trong việc đánh bại hai cuộc tấn công vĩ đại của người Ba Tư vào các năm 490 và 480 trước CN. Họ trở nên giầu có và quyền thế, và xây được những đền thờ huy hoàng, trong đó có đền Pác-thê-nôn, mà ngày nay vẫn còn sừng sững. A-thê-na cũng trở thành quê hương của nhiều lãnh tụ, tư tưởng gia, văn gia và thi sĩ vĩ đại. Các tên như Pericles, Socrates, Plato, Sophocles, EUaipides và nhiều người khác nữa vẫn còn nổi tiếng đến tận ngày nay. Những tên tuổi này gây ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới.

A-thê-na là điển hình hoàn hảo của lối sống Hy Lạp. Nó là một ‘dân chủ chế’ (democracy). Từ ngữ ấy chính là một từ ngữ Hy Lạp để chỉ một ý niệm Hy Lạp vĩ đại. Đối với người A-thê-na, nó có nghĩa là mỗi công dân phải đóng một vai trò trong công việc của thị xã. ‘Chính trị’ là việc của thị xã (tiếng Hy Lạp là polis). Người Hy Lạp là sắc dân có năng khiếu, khéo léo và hoạt động, mau mắn biện luận, có lòng qúy chuộng tự do và cảm nhận cái đẹp trong nghệ thuật và văn chương. Dù hết sức chia rẽ, họ vẫn rất tự hào làm người Hy Lạp. Họ nghĩ họ khác với mọi chủng tộc khác, những chủng tộc họ gọi là ‘mọi rợ’. Cứ mỗi bốn năm, mọi thị xã lại gặp nhau tại Olympia, thuộc miền nam Hy Lạp, để dự Các Trò Thi Đua Olympic (Thế Vận Hội sau này). Trong thời gian thi đấu ấy, họ ngưng mọi cuộc chiến.

A-lê-xan-đê: Hy Lạp bị những cuộc chiến tranh địa phương trên chia rẽ và làm ra suy yếu. Nhưng sau năm 336, A-lê-xan-đê Đại Đế, Vua Ma-kê-đô-ni-a (phía bắc), chinh phục được cả nước. Dân của A-lê-xan-đê vốn là Hy Lạp, nhưng đến lúc ấy chưa bao giờ quan trọng cả. A-lê-xan-đê chứng tỏ mình là một chiến binh sáng chói. Ông lật nhào đế quốc Ba Tư và xâm chiếm xa về phía đông đến tận Ấn Độ. Nhưng ông không phải chỉ là kẻ xâm chiếm. Ông còn nhằm truyền bá ngôn ngữ và văn minh Hy Lạp tới những vùng này nữa.

Các hoài bão của A-lê-xan-đê không bao giờ được thực hiện trọn vẹn vì ông chết rất trẻ. Sau đó, các tướng lãnh của ông đã tranh nhau chia chác đế quốc của ông. Ngay từ đầu nó đã bị phân chia rồi. Pơ-tô-lê-mai chiếm Ai Cập và lập nên một dòng vua Hy Lạp tại đó. Xê-lêu-cút cố thủ Phía Đông và dòng dõi Xê-lêu-kít của mình, biến An-ti-ô-ki-a, Xi-ri, thành thủ đô của dòng tộc ấy. Họ tranh đấu với dòng Pơ-tô-lê-mai để chiếm Pa-lét-tin. Một trong các vị vua của họ là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê (175-163 trước CN) trở thành kẻ thù cay đắng của người Do Thái. Tại Tiểu Á, Ma-kê-đô-ni-a và Hy Lạp, tình thế hết sức lộn xộn vì nạn vua chúa đánh nhau dành quyền lực.

Ảnh Hưởng của Hy Lạp: Đỉnh cao nền văn minh Hy Lạp là thời kỳ trước A-lê-xan-đê. Thời kỳ sau đó được gọi là thời đại hy hoá (Hellenistic age, do chữ Hellen nghĩa là Hy Lạp). Thời này, tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ quốc tế cho cả vùng đông Địa Trung Hải và cả bên kia nữa. Nó là ngôn ngữ của thương mại, giáo dục và trước tác, đối với cả những người vẫn nói ngôn ngữ riêng của họ. Ngay cả người Do Thái cũng chịu ảnh hưởng của thứ ngôn ngữ này. Thực vậy, trong thế kỷ thứ 2 trước CN, Cựu Ước đã được dịch sang tiếng Hy Lạp tại A-l ê-xan-ri-a, cho người Do Thái nói tiếng Hy Lạp tại đó.

Bản dịch này, tên là Bản Bẩy Mươi, là bản Cựu Ước được các Ki-tô hữu ban đầu biết đến.

Khi quyền lực của người La Mã gia tăng, họ bắt đầu can dự vào công việc của Hy Lạp. Năm 141 trước CN, họ tàn phá Cô-rin-tô là thành đã chống cự họ. Với việc ấy, nền tự do chính trị của người Hy Lạp chấm dứt. Nhưng người La Mã chiến thắng lại đi tiếp thu lối suy nghĩ của người Hy Lạp. Tiếng Hy Lạp được lập làm ngôn ngữ chính thức của nửa phần Đế Quốc La Mã ở phương Đông. Nên quả là tự nhiên khi Tân Ước được trước tác bằng tiếng Hy Lạp.

Tân Ước: Tân Ước thường hay nhắc đến người Hy Lạp. Đôi khi từ ấy chỉ chung những người không phải là Do Thái (Dân Ngoại), những người nói tiếng Hy Lạp trong Đế Quốc La Mã. Rất ít truyện kể của Tân Ước xẩy ra trên đất Hy Lạp. Ấy thế nhưng Thánh Phao-lô, một người Do Thái hết sức bảo thủ, lại đã trước tác bằng tiếng Hy Lạp và rất hiểu biết đường lối suy nghĩ của Hy Lạp. Thí dụ, ngài biết người Hy Lạp quan tâm đến thể thao, nên đã hình dung đời sống Ki-tô giáo như một cuộc chạy đua và đánh bốc (1Cr 9:24-27). Phần lớn sự nghiệp của ngài được thực hiện tại các thành phố kiểu Hy Lạp, nhất là ờ Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ), mà vào thời đó, bao gồm nhiều thị trấn Hy Lạp lớn và giầu có nhất như Ê-phê-sô chẳng hạn. Các thành phố này vẫn duy trì các đặc quyền của họ và có được những sinh hoạt công cộng rất sầm uất. Họ có những buổi tụ tập, chợ búa, hội họp, bầu cử, tranh biện, thể thao và kịch nghệ. Họ có nghiệp đoàn, cả đình công và biểu tình nữa. Nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay hoàng đế La Mã. Ki-tô hữu gặp người Hy Lạp: Cuộc gặp gỡ cổ điển của Ki-tô hữu với người Hy Lạp đã xẩy ra ở chính A-thê-na. Lúc ấy A-thê-na vẫn là một thị trấn đại học, dù lúc này chỉ còn sống bằng vinh quang ngày cũ. Thánh Phao-lô thấy thành phố đầy những hình ảnh tôn giáo. Ngài bắt đầu tranh biện với những người ngài gặp tại công trường, và được mời tới Tòa A-rê-ô-pa-gô để trình bầy các ý tưởng mới mẻ của mình. Thánh Phao-lô nói bằng những ngôn từ họ có thể hiểu được. Ngài trích dẫn các thi sĩ của họ. Ngài bàn tới các luận chứng của phái Khắc Kỷ và phái Khoái Lạc, hai phái hàng đầu trong các nhà tư tưởng của họ. Nhưng ngài hết sức nghiêm túc và có nhiều điều khác hơn thế để nói. Vì dù các học giả của họ hết sức khôn khéo, nhưng họ lại không biết gì về Thiên Chúa. Vì thế ngài mạnh dạn nói với họ rằng Thiên Chúa không ‘sống trong các đền thờ do bàn tay con người làm nên’ (Cv 17:24), như những ngôi đền đep đẽ tọa lạc chung quanh họ. Thiên Chúa kêu gọi mọi người thay đổi lối sống. Ngài sẽ phán xử mọi người qua Chúa Giê-su, Đấng Ngài đã cho sống lại từ cõi chết.

Phần lớn người dân A-thê-na không sẵn sàng tiếp nhận những giáo huấn trên. Thánh Phao-lô cho hay: người Hy Lạp đi tìm ‘khôn ngoan’, trong khi sứ điệp của Ngài bị họ coi là điên khùng (1Cr 1:22-23). Các nhà tư tưởng của họ có một quan điểm hoàn toàn khác về sự sống đời sau. Họ tự cao và không chịu mở tâm trí trước bằng chứng của một thách thức đầy khó chịu đối với lối suy nghĩ của họ.

Tôn Giáo Hy Lạp và La Mã: Đế Quốc La Mã trải dài trên một vùng rất rộng và bao gồm người của nhiều tín ngưỡng khác nhau. Những người sống ở miền đông Đế Quốc là những người được Ki-tô hữu gặp gỡ đầu tiên. Họ thường chịu ảnh hưởng bởi các ý niệm đông phương từng được truyền lại cho họ trước khi nền văn minh Hy Lạp tràn tới.

Sắc dân Minoan ở đảo Cơ-rê-ta và các sắc dân cổ nhất của Hy Lạp thờ nữ thần mắn đẻ. Giống thần Ba-an trong huyền thoại Ca-na-an, người ta tin vị thần chồng nàng cũng đã chết đi và sống lại, giống như các mùa trong năm. Chi tiết loại tôn giáo này thay đổi tùy nơi, nhưng vẫn có những ý niệm căn bản chung cho khắp vùng đông Địa Trung Hải. Chúng rất mạnh nơi các vùng nông thôn, nơi sinh kế người ta tùy thuộc nhiều vào mùa màng và súc vật.

Các thần Hy Lạp và La Mã: Những người Hy Lạp đầu tiên mang theo họ một nhóm các thần mới, mà đứng đầu là thần Dớt (Zeus). Vị thần này cai trị các thần khác đang ngụ tại Olympus, núi cao nhất của Hy Lạp. Người Hy Lạp vốn là người của luận lý, nên đã xây dựng ra cả một lịch sử gia đình các thần và đưa vào hệ thống đó mọi tín ngưỡng cổ xưa và mọi câu truyện địa phương. Nhờ thế hình ảnh các thần này quả là sống động. Họ cư xử giống hệt con người ta: cũng ghen tương, trả đũa hoặc vô luân như thế, nhưng dĩ nhiên nhiều quyền năng hơn con người nhiều. Tôn giáo La Mã hoàn toàn khác. Nhưng khi chinh phục được người Hy Lạp, người La Mã tiếp nhận hết mọi vị thần của họ và gọi những vị thần này bằng tên La Mã của mình. Bởi thế Zeus trở thành Jupiter của La Mã. Thần Hera, vợ ông, thành Juno của La Mã và anh trai Poseidon, thần biển, của ông ta thành Neptune của La Mã. Trong số các thần khác, ta thấy Ares (Mars), thần chiến tranh; Hermes (Mercury), sứ giả các thần; Hades hay Pluto (Dis), tử thần; Hephaestus (Vulcan), thần thủ công khập khiễng; và Apollo, thần khôn ngoan. Nổi danh nhất trong các nữ thần là Artemis (Diana), nữ thần săn bắn và là em sinh đôi với thần Apollo; Athena (Minerva), quan thầy của nghệ thuật và chiến tranh; Aphrodite (Venus), nữ thần tình yêu; và Demeter (Ceres), nữ thần gặt hái. Những tên này được tưởng nhớ rất lâu sau khi người ta đã hết tin vào các vị thần này. Một số tên đó hiện được dùng để gọi tên các hành tinh. Các Lễ Hội: Tôn giáo Hy Lạp đặt căn bản ở thị xã. Có những ngày lễ trong đó mọi người đều tham dự, và các biến cố xã hội đặt căn bản trên tôn giáo. Các cuộc Thi Đấu Olympic đầu tiên được tổ chức như một biến cố tôn giáo để tôn kính thần Zeus. Các vở kịch tại hí trường ở A-thê-na, cả bi lẫn hài kịch, được trình diễn vào ngày lễ kính thần Dionysus. Và mọi công trình nghệ thuật của Hy Lạp đều có ý nghĩa tôn giáo.

Ấy thế nhưng, tôn giáo này không làm người dân thỏa mãn. Nó không đưa ra được giải đáp nào cho các vấn đề xấu tốt, sống chết. Đời không có chi chắc chắn. Những vị thần kia không có khả năng cứu được các thị xã của họ khỏi tai ương bất ngờ. Người ta đi tìm mục đích ở đời. Tại sao họ phải sống một cuộc sống tốt nếu các thần không đem công bình đến cho họ?

Các Triết Gia: Nhiều người ưa suy tư tìm về với triết học. Plato viết xuống các cuộc thảo luận của thầy mình là Socrates về các vấn đề liên quan đến công lý và sự sống đời sau, và do đó đã xây dựng được cả một hệ thống suy tưởng tốt đẹp. Sau đó, phe Khắc Kỷ khuyên người ta phải sống hòa hợp với lý trí. Còn phe Epicure tin rằng thế giới hiện hữu tình cờ nhờ sự kết hợp của các nguyên tử. Họ nghĩ con người nên sống bình yên không sợ sệt. Nhiều người khác đưa ra các bài học luân lý rút từ các câu truyện về thần thánh. Tuy nhiên rất nhiều người chán chường. Họ đi thờ lạy Tyche (‘thần May Rủi’) và hy vọng rằng vận may cuộc đời sẽ đứng về phía họ. Hay hướng về thiên văn học hoặc ma thuật.

Các Tôn Giáo Mới: Nhiều người khác hy vọng vào các tôn giáo mới, thường phát xuất từ Phương Đông là các tôn giáo hứa hẹn sự ‘cứu rỗi’ bản thân cho người thờ phượng. Ý niệm này là một ý niệm rất quan trọng, nhưng có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo người: có thể là được cứu thoát khỏi điều dữ hay sự chết, cứu thoát khỏi rắc rối hay nguy hiểm, mà cũng có nghĩa là may mắn thành công ở đời. Đó là ngôn từ thời thượng hồi ấy, giống như ngày nay, người ta nói tới ‘an toàn’ vậy. Một ông vua chiến thắng cũng có thể được nhân dân chào mừng là vị ‘cứu tinh’, ông có thể mang lại cho họ điều họ cần. Chẳng bao lâu sau, các thần dân chất phác của ông rất có thể sẽ tôn ông lên bậc thần để thờ phượng.

Người La Mã: Người ta biết rất ít về tôn giáo ban sơ của La Mã, nhưng tôn giáo này chắc chắn rất khác với tôn giáo của người Hy Lạp. Người La Mã ban sơ cảm nhận có một quyền lực thần linh (numen) hiện hữu trong thiên nhiên và họ muốn chế ngự quyền lực ấy để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Bởi thế mà lãnh vực sống nào cũng có một vị thần: thần trong nhà, thần ngoài cửa, thần ngoài đồng, v.v… Với chúng ta, những vị thần này xem ra chỉ có một thứ hiện sinh hết sức mơ hồ. Chỉ một số nhỏ các thần chính thức của quốc gia như Jupiter mới được hình dung rõ rệt như những ngôi vị. Nhưng rồi ảnh hưởng của Hy Lạp tràn tới, nhờ thế, các thần xưa của La Mã được thích ứng vào hệ thống mới. Các niềm tin của La Mã hòa nhập với các ý niệm Hy Lạp một cách sâu sắc đến nỗi khó còn có thể phân biệt được điều gì thuần túy là La Mã nữa.

Tôn giáo và người bình dân: Luôn luôn có những điều chung đối với cả người Hy Lạp lẫn người La Mã. Cả hai đều thờ khá nhiều thần, nhưng tôn giáo có rất ít hiệu quả đối với lối sống của người thờ phượng. Cả niềm tin lẫn tác phong đều chẳng có chi thực sự quan trọng. Người ta có thể tin gì tùy thích miễn là họ làm đầy đủ bổn phận của một công dân tốt và trung thành với quốc gia. Người ta không nhấn mạnh bao nhiêu đến việc tìm tòi chân lý, cũng như không hề có một phẩm trật tư tế mạnh mẽ. Các thần thì ‘viễn chi’ (xa cách). Con người phải tỏ lòng tôn kính các vị, nhưng các vị chớ hề chịu quan tâm tới con người. Thời Julius Caesar (thế kỷ 1 trước CN), người La Mã có học thường ít kính trọng các thần. Họ sử dụng hình thức tôn giáo cho các mục đích riêng tư của họ khi thấy hình thức tôn giáo ấy đem lại lợi thế cho bản thân hay lợi điểm chính trị nào đó. Còn khi phải suy nghĩ cách nghiêm chỉnh về cuộc đời, cũng giống như người Hy Lạp, họ đều quay về với triết học hay các tôn giáo mới.

Hoàng Đế: Au-gút-tô (27 trước CN – 14 CN) cố gắng hồi sinh tôn giáo La Mã để có được một hình thức sáng chói hơn. Tước hiệu ‘Au-gút-tô’ (uy nghi) do chính ông chọn vốn hàm một ý nghĩa tôn kính về phương diện tôn giáo rồi. Ông muốn dùng tôn giáo để thắt chặt lòng trung thành của dân vào chính quyền của ông. Ở Phương Đông, ông được tôn thờ như một vị thần ngay lúc sinh thời, vì đã có công đem lại hòa bình và thịnh trị cho một vùng từng bị chiến tranh tàn phá. Một đền thờ lớn dâng kính La Mã và Au-gút-tô đã được xây tại Pergamum (gần duyên hải miền tây Thổ Nhĩ Kỳ).

Các Bí Nhiệm: Những người muốn có một niềm tin có tính bản thân hơn thì đi tới các tôn giáo ‘bí nhiệm’. Ở đây, tín hữu được dẫn khởi từng bước đi vào sự hiểu biết bí nhiệm bên trong của đức tin. Các bí nhiệm tại Eleusis thuộc Hy Lạp đã được nhiều người biết đến từ những buổi ban đầu. Nhưng qua đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, nhiều tín ngưỡng mới từ ngoại quốc đã trở thành phổ quát trong thế giới La Hy. Nữ thần Isis của Ai Cập có rất nhiều thầy cả và một lễ nghi rất long trọng và người ta nghĩ bà có đáp ứng các lời cầu xin với bà. Thần Mithras của Ba Tư là thần chiến binh. Người ta được thăng thưởng từ cấp này lên cấp khác khi phục vụ ông trong trận chiến chống điều ác. Có thời, đạo thờ Mithras này đã là một trong các địch thủ nguy hại nhất của Ki-tô giáo.

La Mã và Ki-tô hữu: La Mã thường cho phép các niềm tin khác nhau như trên đây được tự do triển nở. Nhưng các nhóm tỏ ra không trung thành với nhà nước thì thường bị ngăn cấm. Do Thái giáo được đặc biệt cho phép, và thoạt đầu cả Ki-tô giáo nữa vì xem ra đây cũng chỉ là một hình thức của Do Thái giáo mà thôi. Nhưng rồi với thời gian, người La Mã bắt đầu sử dụng việc thờ lạy hoàng đế để thử lòng trung thành của người ta. Hoàng Đế Domitian (81-96 CN) buộc mọi người phải thờ lạy ông như ‘chúa và là thiên chúa’. Do đó, thế đứng của Ki-tô hữu bỗng chốc thay đổi và họ sẵn sàng chịu đau thương vì đức tin của mình. Đó chính là hoàn cảnh để sách Khải Huyền được viết ra. Các trình thuật của Tân Ước về các tôn giáo khác phần lớn được soạn thảo ở Phương Đông (nhất là ở vùng nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Ở Lýt-ra, Thánh Phao-lô và Ba-na-ba bị tưởng lầm là Hermes và Zeus (Cv 14:12-13). Ở Ê-phê-sô, đền thờ Artemis là một trong ‘bẩy kỳ quan của thế giới’ (Cv 19). Nữ thần này quả là một nữ thần mắn đẻ Đông Phương phù hợp thực sự với cái tên Hy Lạp của mình. Thánh Phao-lô đáp ứng lại tất cả các ý niệm trên tại Lýt-ra và A-thê-na, rằng Thiên Chúa sáng tạo, cấp dưỡng, yêu thương và phán xử mọi người.

Ngộ Đạo Thuyết (agnosticism). Phần lớn các tôn giáo này dễ dàng trở thành cố định. Và vào khoảng thời Tân Ước, tự nhiên xuất hiện một luồng tư duy lạ gọi là ngộ đạo thuyết. Người ngộ đạo tin rằng ‘tinh thần’ tốt còn vật chất thì xấu. Ngộ đạo thuyết đi vào cả Ki-tô giáo và các luồng tư duy khác. Nhưng vì nó đặt nhiều hữu thể khác giữa Thiên Chúa và con người, nên nó bác bỏ vị trí đặc biệt của Chúa Giê-su. Giống như các tôn giáo bí nhiệm khác, ngộ đạo thuyết nại tới những người từng cho là mình đã đạt được những hiểu biết nội tâm đặc biệt (gnosis) vốn tốt hơn niềm ‘cậy trông’ được người Ki-tô hữu đề cập tới. Thánh Phao-lô chống đối thứ suy tư này tại Cô-lô-xê. Qua thế kỷ thứ hai, nó trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho toàn thể giáo hội.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hành Lang Vắng
lm. Nguyễn Trung Tây
05:21 17/03/2009

HÀNH LANG VẮNG



Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây

Đường mòn be bé dăm chiếc ghế,

Đấy ngõ thiền môn dẫn khách về.

(Nguyễn Trung Tây)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền