Ngày 20-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giê-su khai sinh kỷ nguyên mới
LM Inhaxiô Trần Ngà
07:57 20/03/2008
Chúa Nhật Phục Sinh

Chúa Giê-su khai sinh kỷ nguyên mới

Thế là cuối cùng, sau bao ngày chịu bắt bớ, xét xử, vu cáo, chịu đòn vọt rách nát thịt da, chịu vác thánh giá nặng nề tiến lên núi sọ trong khi sức tàn lực kiệt ngã lên té xuống nhiều lần, rồi lại phải chịu đóng đinh thân mình rất đỗi đau thương vào thập giá… Chúa Giê-su đã gục đầu tắt thở và được mai táng trong mồ. Tảng đá lấp cửa mồ đã đóng lại, đóng lại lịch sử một đời người đã làm những việc diệu kỳ … Cuối cùng, ngôi mộ đá được đóng lại, chôn vùi một Con Người tưởng là sẽ đem lại niềm hy vọng cho Ít-ra-en.

Thế là hết! Còn đâu nữa những ngày nắng đẹp Ngài ngồi trên núi giảng bài tám phúc giữa đám đông quần chúng. Còn đâu nữa những buổi chiều trong hoang địa Ngài hoá bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn. Còn đâu nữa vị ngôn sứ oai hùng quát bảo cho sóng yên biển lặng. Còn đâu nữa Con Người làm cho kẻ chết đội mồ sống lại, người phong hủi được chữa lành, người câm được nói, người điếc được nghe… Còn đâu nữa vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và hành động phán bảo những điều đem lại phấn khởi cho bao người…

Đức Giê-su đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.

Thế rồi điều kỳ diệu xảy ra: qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Madalêna đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, bà hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa. Bà hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các môn đệ ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh. Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Chúa Giê-su đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giê-su nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương Quốc trường sinh.

Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy Ngài là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Mác-ta và Maria: "Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ."

Từ thời nguyên tổ phạm tội đến nay, tội lỗi thống trị và huỷ diệt sự sống con người. Con người vừa được sinh ra là đã mang án chết, như hoa còn đang nụ mà đã chớm lụi tàn, như nhộng chưa thành bướm mà đã phải tiêu vong… Mầm mống chết chóc hiện diện ngay giữa lòng cuộc sống và một sớm một chiều sẽ phá huỷ sự sống đi. Lưỡi hái tử thần như đang kề cổ mọi người và cướp đi sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.

Thế rồi qua sự phục sinh vinh hiển, Chúa Giê-su đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sự sống vĩnh hằng. Ngài đã thắng sự chết. Thần Chết phải buông khí giới quy hàng. Loài người không còn phải bị tiêu diệt bởi lưỡi hái tử thần nhưng đã được cứu sống bởi quyền lực của Chúa Giê-su phục sinh. Sự sống đã được khai thông. Cái chết đã bị đẩy lùi. Ngôi mộ không còn là điểm tận cùng của kiếp người nhưng là khởi điểm cho một đời sống mới. Cái chết không còn là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng trường sinh. Sự phục sinh của Chúa Giê-su đã xoá đi đêm dài tăm tối của kiếp sống đau thương để làm bừng lên bình minh của cuộc đời vĩnh cửu.

Xin mọi người hãy đến cùng Chúa phục sinh để đón nhận cuộc sống hồng phúc Ngài ban tặng.
 
Trái tim người đàn bà đứng bên Thập giá
Phạm Yên Thịnh, SVD
12:20 20/03/2008
TRÁI TIM NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỨNG BÊN THẬP GIÁ

(Ga 19: 17-37).

Bên thập giá Mẹ lặng thầm đứng đó,

Tim nát tan bởi gươm nhọn đâm thâu.

Nhưng tâm hồn dạt dào Ơn Thiên Phước

Lòng tỏ tường kế hoạch Chúa đang thực hiện

Mẹ tri ân được Chúa chọn tham gia

Ave Maria, Mẹ là Mẹ chúng con.

Giờ mà Đức Giêsu được treo lên, giờ mà thân xác tàn dại của một vị vua được treo lên là lúc chứng kiến bao hậu quả tốt xấu, sự thật và ý nghĩa của biến cố Đức Giêsu bị treo lên bắt đầu được biểu lộ. Ai sẽ hiểu được những điều gì sắp xảy ra, ai thấu hiểu được kế hoạch mà Thiên Chúa đang thực hiện?

Dưới chân thập giá có một số người đang âm thầm khóc than, có những người đang chiêm ngắm thân tàn của mộ vị Đức Chúa, hai bên Đức Giêsu cùng bị đóng đinh có mặt hai tên trộm, quân lính sau hơn một ngày sống trong cuồng dại cũng chuẩn bị thu xếp vũ khí để rút lui, dân chúng hãy còn ít người cũng ở lại để chứng kiến một sự kiện chấn động thiên trần. Tất cả những điều xảy ra lúc này đều được một người đàn bà “chứng kiến và ghi nhớ trong lòng để suy đi nghĩ lại”.

Vâng, đứng dưới thập giá lúc này là Mẹ Maria, thánh Gioan và một số người phụ nữ khác. Trước thực trạng con mình bị đóng đinh trần trường trên thập giá, hơi thở cuối cùng sắp đến, lúc này đã có người không ngừng nói lời nhục mạ cái tên Giêsu, đứa con thân yêu của Mẹ. Họ đay nghiến với Chúa Giêsu “Nếu ông đã cứu được người khác thì hãy cứu lấy mình đi” hay “Nếu ông là vua dân Do thái, là con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi tin”. Than ôi ! Mẹ đã chứng kiến trận đòn ác liệt của con, tâm thần đau xót, và trước mặt mình là tấm thân ma dại của con, như thế là đã đủ khổ nhục rồi, bây giờ lại còn phải nghe những lời thách thức, cố ý hạ nhục một đứa con thân yêu của mình. Mẹ đau khổ biết chừng nào ! Quả thực, lời của ông già Simêon đã được ứng nghiệm, lưỡi gươm nhọn đó đã bao nhiêu lần đâm tan nát trái tim Mẹ.

Nhưng sự kiện Đức Kitô trên thập giá nó mang đến nhiều thái độ khác nhau. Ít nhất lời của cụ già Simeon ngày xưa nay cũng đã ứng nghiệm “Đứa trẻ này sẽ khiến nhiều người an ủi nhưng cũng là cớ cho nhiều người cấp ngã”. Thật thế, tên trộm bị đóng đinh cùng Đức Giêsu đã nói lên điều này. Kẻ bên tả đã nhục mạ Đức Giêsu rằng: “Nếu ông là Đấng Mêsia thì tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa”. Những lời thách thức này Đức Mẹ đều nghe hết, nhưng Mẹ vẫn âm thầm không một lời, Mẹ âm thầm không một tiếng than van suốt chặng đường khổ giá của con. Và để lời tiên tri được ứng nghiệm thì có kẻ bên hữu lại khiêm tốn đáp lại: “Chúng ta chịu thế này thì đích đáng, còn ông này có tội gì đâu’. Hạnh phúc thay kẻ được hồng ân như người trộm lành này. Phúc thay ai có lòng ăn năn thành thật. Vâng, chính nhờ thế mà ông đã được “Thánh Thần thúc đẩy” mà mở lòng xin cùng Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông đến lần thứ hai, xin đừng quên tôi, nhớ đến tôi với”

Thiên Chúa yêu thương kẻ lòng thành, Thiên Chúa ban cho kẻ thật lòng ăn năn và cậy trông vào Ngài nhiều gấp bội, ơn của Ngài ban dồi dào hơn so với mức ta xin. “Hôm nay ngươi đã được ở trên thiên đàng với Ta”.

Đức Maria mặc dầu trái tim bị đâm thâu nhưng tâm hồn Mẹ lại được tràn đầy ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ bình tĩnh đón nhân tất cả, và từng bước từng bước khám phá những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đang thực hiện, quan trọng nhất là Mẹ đã được Thiên Chúa mời cộng tác với chương trình này. Đức Giêsu cũng không thể quên ơn của Mẹ mình, không thể không đề cao vai trò của Mẹ mình trong việc dẫn dắt “những người tin” nên trong lúc hấp hối Ngài đã nói với Mẹ rằng: “Này Mẹ, đây là con Mẹ”, và nói với môn đệ Ngài thương mến “Này là Mẹ con” (Ga 19, 17).

Đây là một diễm phúc cho những kẻ tin vào Đức Giêsu vừa bị đóng đinh, chịu chết và rời bỏ mẹ mình và học trò của mình, Ngài mong cho mẹ mình được nơi chăm sóc cẩn trọng, mong cho mẹ mình được sống bằng yên. Nhưng về phía phần người làm con, được hưởng một đặc ân là có một người lãnh đạo tinh thần vững chắc. Món quà mà Đức Giêsu trối lại cho con mình (loài người) thật là quí giá. Chẳng phải là sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, chôn cất trong mồ thì các tong đồ và những kẻ tin Ngài đã tản mác khắp nơi, đây là lúc niềm tin của họ bị lung lay, đây là lúc họ sợ hãi, sợ bị liên quan với Đức Giêsu. Bởi thế, Mẹ là niềm cậy tin tốt nhất của họ. Chỉ có Mẹ mới hiểu được ngọn nguồn của biến cố này. Mẹ là trung tâm, là nơi để các con chiên lạc bị tản mác dần dần tìm về.

Trong vòng 40 ngày từ ngày Chúa Giêsu sống lại, Thánh Kinh không tường thuật Đức Kitô có hiện ra cho Đức Mẹ hay không, nhưng sự thật Đức Mẹ là nơi để các môn đệ tin cậy, nơi các Ngài củng cố niềm tin và niềm hy vọng vào Đức Kitô. Công vụ tông đồ ghi lại, trước khi đợi chờ Thánh Thần hiện xuống, các ông đã tụ tập ở Giêrusalem cùng với Đức Mẹ (Cv1:12-14). Khi Giáo Hội chưa thành hình hay sau khi Giáo Hội đã thành lập, Mẹ luôn là Mẹ của Giáo Hội, luôn đồng hành với Giáo Hội để bảo vệ cho được bình an, để đỡ nâng và để củng cố tinh thần. Được hoà nhập trong Giáo hội, mỗi người chúng ta được diễm phúc làm con của Mẹ, nhờ lời trăn trối của Đức Giêsu rằng: “Đây là Mẹ của con”. Phận làm con chúng ta cũng cần yêu mến và vâng lời Mẹ của mình, chạy đến Mẹ hằng ngày.
 
Gỗ đá cũng buồn đau!
Sa Mạc Hồng
12:50 20/03/2008
Gỗ đá cũng buồn đau!

Nắng hanh nhẹ bên gió buồn ũ rũ
Đường phố Giêrusalem hổn hển thở từng cơn
Sáng hôm nay sỏi đá cũng chợt buồn
Ngài lê chân đất trên con ngõ lần cuối
Ta là đất đá cũng đau thương!
Ngài dẫm chân lên, ta thấy rất lạ thường
Bàn chân nhẹ và con dốc oằn xuống
Ta muốn cùng Ngài nâng giá gỗ bước lên!

Cây khổ giá lao đao nức nở
Ta không đáng nằm trên vai người vô tội
Gỗ khô cằn bỗng được mát thịt da
Mồ hôi Ngài với máu đổ chan hòa
Ta chỉ muốn đỡ Ngài cho khỏi ngã
Và ước ao có được một đôi chân
Dìu Ngài đi đoạn cuối khúc đường trần
Ôi thân ta cũng chỉ là cây gỗ!

Chiếc roi dài run rẩy nhịp đưa
Sao lại thế! Ta đánh một Đức Vua
Hằn trên lưng những vết đòn hung bạo
Ngàn lần không, ta không muốn
Nhúng thân ta vào máu Đấng Công Minh
Ngài rên rỉ và lòng ta tan nát
Bao giờ trần thế mới an bình?
Để ta tìm lại rừng sâu trú ẩn.

Chiếc mão gai khóc lóc lệ nhòa
Ta nằm im bên cánh đồng cỏ cháy
Chẳng ai thèm tìm đến bận lòng ta
Rồi hôm nay ta về đến phố phồn hoa
Chỉ làm khổ nhục Đấng Nhân Hiền Rất Thánh
Ta chùn vai co lại những chiếc gai
Nhưng cũng chỉ làm đau đớn cho Ngài
Ta nguyền rủa ai làm ta như vương miện
Trên đầu Ngài vàng ngọc chẳng đáng chi
Gai gốc như ta có nghĩa lý gì!

Đau đớn nhất chiếc đinh dài sắc nhọn
Nén tiếng kêu vang đâm thấu ruột gan Ngài
Ta không muốn, không hề muốn!
Xuyên bàn tay từng ban phúc xuống cõi đời
Xuyên bàn chân chẳng kể trần gian bùn lầy tội lỗi
Lê bước đường trải rộng tiếng tình thương
Ta không muốn, không hề muốn!
Ngài ơi từ khắp muôn phương
Sẽ biết danh Ngài là Đấng Cứu Thế!

Chiếc búa nặng ghìm cơn giận dữ
Ta đến đây làm công việc này sao?
Còn chưa đủ? Thân loang vết máu đào!
Ta khựng lại mỗi lần vung cao nện xuống
Ôi đất trời nào có ai hay!
Ta là chiếc búa vô tri vô giác
Chẳng nỡ nào phải thấy Ngài
Chết trần truồng trong đau đớn!

Miếng bọt giấm đắng cay ngao ngán
Trên cõi đời bao thứ ngọt ngào
Từ Trái tim của Ngài đã ban trao
Nhưng chính Ngài trong giây phút cuối
Chỉ nếm được ta một thứ chua cay
Sao ta không là mật ngọt
Không là sữa ấm cho Ngài
Ôi cõi đời!

Còn gì nữa đâu mà dùng đến ta nhỉ?
Trên chiến trường vung giáo với hận thù
Ở nơi đây chỉ có lòng thứ tha không biên giới
Và sự hy sinh thật vô bờ
Sao còn dùng đến ta nhỉ?
Ôi con người!
Ta hét lớn các người nghe chứ
Ngài đã chết rồi!
Ngọn giáo bùi ngùi!

Chẳng ai nghe những lời than thở
Của đất trời và những vật vô tri
Thành phố Giêrusalem và con người vẫn u mê
Trong khoảng không gian vô tận não nề
Vẫn vẳng đâu đây lời kêu gào la ó
Tiếng người xưa cho đến người bây giờ
“Đem đi! Đem đi đóng đinh nó vào Thập giá”!
 
Kinh mừng Chúa Phục Sinh và chúc mừng anh chị em tân tòng
LM. Trần Bình Trọng
13:14 20/03/2008

KÍNH MỪNG CHÚA PHỤC SINH &
CHÚC MỪNG ANH CHỊ EM TÂN TÒNG



Lễ Vọng Phục Sinh, Năm A
St 1:1-2:2; St 22:1-18; Xh 14:15-15:1a; Is 54:5:14; Is 55:1-11; Br 3:9-15, 32; Ed 36:16-17a,18-28;
Rm 6:3-11; Mt 28:1-10


Nếu có ai hỏi Thiên Chúa là Ðấng nào? Người ta sẽ được nghe những câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như: Thiên Chúa là Ðấng tạo thành trời đất, loài người và muôn vật; Thiên Chúa là Ðấng điều hành vũ trụ và vận mạng con người cũng như loài vật; Thiên Chúa là Ðấng quan phòng đời sống loài người và thưỏng phạt người lành người dữ. Và đó cũng là quan niệm chung của dân gian Việt Nam về ông Trời. Và người công giáo gọi ông Trời là Thiên Chúa. Quan niệm chung của dân Việt về ông Trời còn lưu hành những câu ca dao như: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp. Có nơi đọc câu cuối là: lấy con tôm to. Ông Trời đó, của dân gian Việt Nam cũng là Thiên Chúa của người công giáo.

Có điều khác biệt là người công giáo biết nhiều về Thiên Chúa mà họ tôn thờ, nhờ việc Thiên Chúa mạc khải cho loài người qua các tổ phụ, các ngôn sứ trong Thánh kinh. Và sau cùng chính con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu nhân loại, đã dạy bảo cho các môn đệ. Vì tổ phụ loài người bất phục tùng Thiên Chúa, nên tội lỗi đã lọt vào thế gian mà nhân loại hậu sinh phải gánh chịu hậu quả. Ðể cứu chuộc loài người, Thiên Chúa sai Con Một Người xuống thế làm người, sinh bởi Ðức nữ đồng trinh, được đặt tên là Giêsu để cứu nhân độ thế. Ðức Giêsu được xức dầu tấn phong là Ðấng Kitô, đi giảng đạo ba năm về nước Thiên Chúa, về giáo lí yêu thương, tha thứ, sống vị tha, bác ái của đạo Chúa. Người dùng quyền năng Thiên Chúa làm nhiều phép lạ như là cho người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người què được lành mạnh, cho người đói ăn, khát uống để người ta tin tưởng. Không chấp nhận đường lối và giáo lí của Chúa, những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời đã bách hại, đóng đinh và lên án tử hình cho Người. Và ngày thứ ba Người đã sống lại như chính Người đã tiên báo (Mt 16:21; Mt 17:23; Mt 20:19; Mc 8:31; Mc 9:31; Mc 10:34; Lc 9:22; Lc 18:33; Ga 2:19).

Ðể xây dựng nước Chúa ở trần gian, Ðức Giêsu chọn mười hai tông đồ và sai họ đi rao giảng tin mừng cứu độ và làm chứng cho việc Chúa phục sinh bằng chính cái chết của họ. Những ai muốn định nghĩa Thiên Chúa thế nào thì cứ việc định nghĩa. Còn thánh Gioan chỉ định nghĩa một cách vắn tắt, không cần dài dòng văn tự, mà lại đầy đủ ý nghĩa: Thiên Chúa = tình yêu (1Ga 4:8). Thật vậy vì yêu, Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những công trình trên đây.

Hôm nay người tín hữu tụ họp nơi đây để mừng việc Chúa cứu thế sống lại. Qua việc chết đi cho tội lỗi trong mùa Chay, người tin hữu được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa phục sinh. Hôm nay Giáo hội cũng mừng các anh chị em tân tòng được sống lại về phần hồn trong Bí tích Rửa tội.

Cùng anh chị tân tòng!

Anh chị em đã được học hỏi về đạo Chúa từ tháng Chín năm ngoái. Từ đầu mùa Chay năm nay, anh chị em đã được tuyển chọn để tiếp tục tìm hiểu đạo Chúa. Trong mùa Chay, anh chị em cũng đã cùng với toàn thể Giáo hội cầu nguyện, hi sinh. . để sửa soạn tâm hồn đón mừng Chúa phục sinh. Hôm nay anh chị em tụ họp nơi đây để chia sẻ niềm vui với Chúa phục sinh bằng việc xin được sinh lại trong ơn thánh qua Bí tích Rửa tội. Ðối với anh chị em mà trong gia đình, vợ hay chồng hay bạn sắp cưới, đã là người công giáo, thì từ nay anh chị em cùng chia sẻ một niềm tin, cùng nhìn về một hướng, cùng theo đuổi một mục đích siêu nhiên. Anh chị em cùng nhắm đến tình yêu trọn vẹn, hạnh phúc toàn diện và hạnh phúc lâu dài. Tình yêu trọn vẹn là tình yêu chung thuỷ cho đến cùng. Hạnh phúc toàn diện là hạnh phúc về vật chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Hạnh phúc lâu dài là hạnh phúc ở đời này cũng như đời sau.

Việc chấp nhận đức tin công giáo không có nghĩa là anh chị em phải cắt đứt những liên hệ quá khứ. Nếu trước kia vào những ngày giỗ chạp, anh chị em có thói quen cúng tế tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì lòng thảo hiếu, thì từ nay anh chị em cũng có bổn phận hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng cách cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ. Ðó chính là giới răn thứ Bốn của đạo Chúa dạy. Ðể cụ thể hoá lòng hiếu thảo, hôm nay anh chị em cùng cảm tạ Thiên Chúa cho ông bà cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục anh chị em và còn cho phép anh chị em được tự do quyết định tìm hiểu đạo Chúa và nhận lãnh đức tin.

Việc nhận lãnh đức tin công giáo cũng không có nghĩa là từ nay anh chị em không còn bao giờ cô đơn và buồn khổ. Có những lúc anh chị sẽ cảm thấy cô đơn buồn chán. Tuy nhiên từ nay anh chị em có Chúa là bạn đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Chúa sẽ là lẽ sống của anh chị em. Chúa sẽ là ánh sáng, là sức mạnh, là nguồn cậy trông, là niềm an ủi và là ơn cứu độ của anh chị em. Từ nay Chúa là gia nghiệp của đời anh chị em. Từ nay anh chị em có thể chạy đến với Chúa bất cứ lúc nào vì Chúa không cần ngủ nghỉ. Anh chị em không cần kêu điện thoại trước để làm hẹn xem Chúa có nhà ngày giờ đó không. Anh chị em không cần đợi vì Chúa đang gặp người khác quan trọng hơn.

Chúa không thiên vị, thiên tư ai cả. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng. Từ nay anh chị em có thể đến với Chúa bất cứ ở đâu vì Chúa ở khắp mọi nơi. Ðến với Chúa tư riêng và bất ngờ như vậy, anh chị em không cần làm đẹp như sửa soạn quần áo hay trang điểm gì cả. Anh chị em sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa là thật, không còn xa vời, mà là gần gũi với anh chị em, nếu anh chị em mở lòng ra với Người và để Chúa đi vào đời sống riêng tư cá biệt của anh chị em. Từ nay anh chị em không sống và làm việc một mình, nhưng là sống và làm việc kết hiệp với Chúa, vì yêu mến Chúa. Ðó chính là ý nghĩa của lời thánh Phaolô quả quyết: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi (Gl 2:20).

Việc lãnh nhận đức tin công giáo cũng không có nghĩa là đức tin là sự vật gì mà anh chị em có thể nắm chắc trong tay, hay bỏ vào nhà băng, hoặc bỏ vào bình sành chôn dưới đất, nhưng phải luôn tìm cách bảo trì. Có những khi anh chị em sẽ cảm thấy đức tin bị lung lạc, những giờ phút tuyệt vọng, chán chường, những ngày giờ, những năm tháng mà tâm hồn bị bóng tối nghi ngờ bao phủ, đè nặng như chính thánh Tôma tỏ ra nghi ngờ về việc Thầy mình sống lại (Ga 20:25). Anh chị em sẽ cảm thấy như Chúa đi vắng hay không còn hiện hữu. Tuy nhiên cũng như bà Maria Mácđala (Mc 16:1-8), cũng như thánh Phêrô và thánh Gioan vẫn đi tìm Chúa khi bóng tối bao trùm tâm trí (Ga 20:3-9), thì anh chị em cũng cần tiếp tục đi tìm Chúa ngay cả khi nản lòng nhụt chí.

Thưa anh chị em! Chúa vẫn ở đó chờ đợi ta. Chúa vẫn đến với ta trong cuộc sống hằng ngày: trong lúc ăn, nghỉ, làm việc và giải trí. Chúa vẫn hiện diện với ta qua những kì công của vũ trụ, những vẻ đẹp thiên nhiên. Ðiều cần thiết là ta học hỏi để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và nhận ra tiếng Chúa.

Lời cầu nguyện xin cho được sống lại về phần linh hồn với Chúa phục sinh:

Lạy Ðức Kitô phục sinh!
Chúng con cảm tạ Chúa cho ngày hôm nay
ngày Con Chúa Phục Sinh từ cõi chết.
Qua mùa chay, chúng con đã sống tinh thần cầu nguyện,
ăn chay sám hối và làm việc từ thiện bác ái.
Trong Thánh lễ, chúng con vừa lặp lại lời hứa
khi chịu phép Rửa tội là sẵn sàng chết đi cho tội lỗi.
Xin cho con được sống lại về phần hồn.
Với Chúa Phục Sinh. Amen.

Lm Trần Bình Trọng
trongtb@yahoo.com
 
Thánh lễ Tiệc Ly: Quà Tặng tình yêu bằng giá máu
LM. Giuse Trương Đình Hiền
13:18 20/03/2008
Thánh lễ Tiệc Ly: Quà Tặng tình yêu bằng giá máu

Dẫn nhập đầu lễ:

Cộng đoàn chúng ta họp nhau chiều hôm nay trong một bầu khí thân thương và trìu mến. Bởi vì, với Thánh lễ Chiều hôm nay, chúng ta sống lại Bữa Tiệc Vượt Qua cách nay gần 2000 năm, giữa Chúa Giê-su và các môn sinh của Người. Quả thật, với cử hành chiều hôm nay, những gì Đức Ki-tô đã làm sẽ lần lượt được hiện thực: một lần nữa Ngài hiện diện qua Lời yêu thương của Ngài tâm sự với chúng ta, Ngài hiện diện qua Hình Bánh-Rượu sẽ trở nên Máu Thịt nuôi dưỡng chúng ta, và hiện diện để liên kết chúng ta nên một thân thể với Ngài.

Giờ đây, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, xứng đáng làm lại lời trăn trối ngày nào của Đức Ki-tô: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”, chúng ta cùng thú nhận tội lỗi.

Bài giảng Lời Chúa:

1. Thánh Thể, quà tặng tình yêu bằng giá máu:

Trong tuyển tập thơ “Có ai về Cát minh” của thi sĩ linh mục Trăng Thập Tự, có một bài thơ mà tôi rất thích, bài thơ mang tựa đề “ĐÁP LỄ”. Nội dung của bài thơ tác giả ngụ ý rằng: trong chính bữa tiệc tại nhà của chị em cô Mác-ta ở Bê-ta-ni-a, trong một giây phút xuất thần khi đang cầm chén rượu, Chúa Kitô đã chợt liên tưởng tới “Tấm Bánh-Ly rượu Thánh Thể” Ngài sẽ ban tặng như một “đáp lễ” cho nghĩa cử thân tình của chị em nhà Mác-ta. Đây là bài thơ đó:

Tranh Tiệc Ly của danh họa Jacopo Bassano
Cầm trên tay lưng chén rượu nồng,
Ngài như chợt quên đời đi một lúc.
Sóng sánh khổ đau hòa hạnh phúc,
Giữa cao lương mỹ vị với tình người.
Có hương trầm, nến sáng, hoa tươi,
những hơi ấm, những mắt nhìn trìu mến.
Chỉ phút chốc, Ngài chìm trong hiện diện,
Lời ca ngừng, nhạc cũng lặng im theo.
Ta đã dặn con khoản đãi người nghèo,
Lời ta dạy, hôm nay con khéo nhớ:
Mời đúng kẻ trôi sông lạc chợ,
Kẻ sinh ra cuối phố đầu đường,
Ngày không nhà, đêm ngủ dưới sương,
Suốt đời chẳng một đồng xu dính túi,
Đến trần gian và ra đi trần trụi.
Thì ra con khéo nhớ lời Ta !
Con làm ta lúng túng Mác-ta !
Đúng là ta không có gì để trả lại.
Ôi, thì ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi !
Phải rồi, phải rồi, tại sao không ?
Ta sẽ trao chén máu tươi hồng
Và sự sống run trong từng thớ thịt.
Ai nếm thử, sẽ đời đời không chết,
Đúng hơn, nó sẽ sống đời đời.
Và ơ kìa, Maria nữa con ơi !
Con đập vỡ cả bình dầu thơm phức
Từng ngón chân ta, từng ngón chân, con xức.
Dầu con thơm hay tóc con thơm ?
Giữa khi cuộc đời thiếu áo thèm cơm,
Con trút cả gia tài lên chân Ta mà thách thức.
Và gục xuống, con hôn không dứt,
Con yêu thật à ? Lẽ nào ta thua con !
Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn
Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.
Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí
Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn.
Lạy Cha, lòng con rất hân hoan,
Xin hãy thực hiện đúng như Cha hằng muốn.
Và có tiếng đáp:
Thật đẹp lòng Ta, vì đúng như ta muốn.


Quả thật, đúng như ngụ ý của bài thơ, Thánh Thể chính là một “Đáp Lễ” trọn vẹn cao vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại; hay đúng hơn, Thánh Thể chính là một Quà Tặng tuyệt vời theo như định nghĩa của Đức Cố GH G.P.II trong Thông điệp về Thánh Thể: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...”.

Tuy nhiên, đó lại là “một quà tặng tình yêu đòi giá máu”, là “Bánh Hằng Sống từ trời xuống” mà ngay từ đầu đã làm dị ứng nhiều người.

Thì ra, “Quà tặng tình yêu” đó, “Bánh Hằng sống” đó, “lương thực trường sinh đó”, lại chính là con người Đức Kitô, là Giêsu người Na-da-rét, là Con ông Giuse thợ mộc và bà Maria, là Đấng đã hiên ngang xưng rằng: “Ta là mục tử tốt lành…sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên”, là Đấng sẵn sàng đón nhận chén đắng cho dù phải trải qua con đường khổ nạn, là Đấng chấp nhận “bị treo lên để kéo mọi người lên với mình”, là Đấng yêu thương đến đổi hiến ban mạng sống. là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa gởi tặng con người, quà tặng tình yêu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một…” và là Đấng mà chút nữa đây, ngay trên bàn thờ nầy, một lần nữa nói với chúng ta: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì nầy là Chén Máu Thầy…”

Mầu nhiệm Thánh Thể cũng chỉ có thể được định nghĩa trong chiều kích sâu thẳm nhất đó chính là “Quà Tặng tình Yêu”, đó chính là nghĩa cử của lòng thương xót vô bờ bến. Đức G.P. II đã xác quyết trong thông điệp về Thánh Thể: “Tôi muốn nhắc lại chân lý nầy một lần nữa và cùng với anh chị em yêu dấu, tôn thờ mầu nhiệm nầy: mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm của lòng thương xót. Đức Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn nữa chăng ? Thật thế, trong Thánh Thể, Người tỏ bày cho chúng ta một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1), một tình yêu không thể đo lường được.” Quả thật chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ ra Thứ quà tặng độc đáo nầy, một thứ quà tặng gắn liền với hy sinh, với máu đào hy tế để làm cho chúng ta được “thần hóa” thực sự, được thanh tẩy để “xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa” và “lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu”, được cứu độ và giải thoát khỏi kiếp sống nô lệ tội lỗi…như đã từng được tiên báo trong Con Chiên Vượt qua của dân Ít-ra-en ngày xưa trong biến cố Xuất Hành của họ. (BĐ 1). Hơn nữa, quà tặng nầy lại còn là một kỷ niệm, một chúc thư sâu xa và tuyệt vời nhất trong ký ức của Hội Thánh về Đấng đã khai sinh ra mình, và là trọng tâm của mọi lời rao giảng như lời Thánh Phaolô trong Bđ 2 hôm nay: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”.

2. Sống mầu nhiệm Thánh thể hôm nay:

Trong một thế giới mà nhu cầu vật chất được đề cao quá mức, sự hưởng thụ lạc thú trần gian luôn là một cám dỗ mạnh mẽ, Bí Tích Thánh thể, “Manna trường sinh” của người kitô hữu quả là một thách đố lớn lao cho nhiều người. Ngày xưa, cách đây 2000 năm, sau bài giảng “Bánh Hằng Sống” của Đức Kitô, đã có không ít người càm ràm: “Lời gì nghe chói tai quá” và một số môn đệ đã bỏ thầy ra đi. Ngày hôm nay, sau 2000 năm, chắc cũng có rất nhiều người có thái độ “bỏ đi” như thế, khi không cảm nhận được Thánh Thể có một sức thu hút nào, một, ích lợi nào, một lợi nhuận nào cho cuộc sống. (Bằng chứng là ngay ở đây, tại nhà thờ Tuy Hòa nầy, khi cộng đoàn cử hành nghi thức Rước lễ, thì có không ít người ngang nhiên ra ngoài tán gẫu, hút thuốc, coi việc rước lễ như chẳng liên hệ gì đến mình !).

Thiết tưởng, cử hành mầu nhiệm Thánh Thể hôm nay, là dịp để mỗi người chúng ta xác định lại không chỉ bằng một lời tuyên xưng suông về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể; nhưng là bằng một cam kết dấn thân sống cho và sống với sự hiện diện của “Bánh Hằng Sống” được trao ban trong mỗi bước đi của cuộc đời.

Nói cách khác,

- Nếu bản thân tôi, gia đình mạnh mẽ tin và tích cực sống mầu nhiệm Đức Kitô chính là Bánh Hằng Sống, biết trân trọng đón nhận quà tặng tuyệt vời là Thánh Thể được ban tặng hằng ngày, thì lẽ nào tôi lại khô khan, gia đình tôi lại nguội lạnh, thờ ơ trong việc thực hành sống đạo ?

- Nếu tôi biết “sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho anh em” như lời Đức Kitô trăn trối trong Bữa Tiệc Thánh Thể đầu tiên, thì làm sao mọi người chung quanh tôi lại ác cảm, dị ứng hay đố kỵ với đạo, với chân lý cứu độ của Tin Mừng ?.

- Nếu tôi sẵn sàng mỗi ngày trở nên “tấm bánh được bẻ ra” của tình chồng vợ hy sinh cho nhau, của cha mẹ hy sinh cho con cái, của bạn bè, làng xóm giúp đỡ, sẻ chia, của giáo lý viên, của chức việc họ quản đại phục vụ cộng đoàn...như Đức Kitô chính là Bánh hằng Sống đã yêu thương và yêu thương đến cùng khi hiến thân trên thánh giá thì chắc chắn gương mặt của Mẹ Hội Thánh phải đẹp hơn, duyên dáng và thuyết phục hơn đối với con người.

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh khai mạc Tam Nhật Vượt Qua nầy, Phụng vụ của Hội Thánh còn mời gọi chúng ta hướng về Chức linh mục thừa tác và tất cả những ai đang quảng đại dấn thân trong thánh chức nầy. Cũng chính trong ý nghĩa nầy mà cứ mỗi một lần “Thứ Năm Tuần Thánh trở về” là Đức Cố Giáo Hoàng G.P. II lại gởi cho các linh mục trên toàn thế giới một bức tâm thư như những lời tâm sự thấm đậm tình nghĩa phụ tử. Chúng ta thử đọc một đoạn ngắn trong bức thư Thứ Năm Tuần Thánh cuối cùng của Ngài gởi cho các linh mục được Ngài viết trước khi qua đời không bao lâu:

“Không thể nào lặp lại những lời truyền phép mà không cảm thấy chính mình rúng động trong cử chỉ thiêng liêng này. Trong một nghĩa nào đó, khi vị linh mục nói những lời: “hãy cầm lấy mà ăn”, ngài phải học biết cách áp dụng những lời này cho chính mình, và nói lên những lời này trong sự thật và lòng quảng đại. Nếu ngài có thể cho đi chính mình như một tặng vật, đặt mình dưới quyền sử dụng của cộng đoàn và dưới sự phục vụ bất cứ ai cần, cuộc sống của ngài đạt đến ý nghĩa trung thực của nó.”

Chúng ta cầu xin cho các linh mục, thừa tác viên chính thức của mầu nhiệm Thánh Thể, được không ngừng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng sẵn sàng trở nên Tâm Bánh được bẻ ra cho muôn người được hồng ân cứu độ.

Sau hết, nếu hai đệ trên đường Emmau ngày xưa, khi tham dự “lễ bẻ bánh” trong quán trọ với người “khách lạ” đã chợt nhận ra gương mặt của Thầy Chí Thánh, thì hôm nay, ở đây, trong Thánh lễ nầy, với đức tin bé bỏng yếu mềm, chúng ta hãy cầu xin cho nhau cũng được nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta và cùng với mỗi người chúng ta đồng hành trên mọi nẽo đường cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
Giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
Đến với con người hôm nay:
Đơn sơ, khiêm hạ,
Không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
Chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
Được bẻ ra đẻ đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Uớc gì chúng con dám rước Chúa
Đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
Để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
Những Nhà Tạm di động,
Đem Chúa đến cho đồng bào
Và quê hương chúng con. Amen.
 
Tìm hiểu về Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh
LM Anphong Trần Đức Phương
13:30 20/03/2008
Tìm hiểu về Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh

Trong dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã mừng kỷ niệm Chúa Giêsu Kytô giáng sinh. Chúa Giêsu giáng trần là để cùng sống, cùng chia sẽ thân phận con người như toàn thể nhân loại và rao giảng Tin Mừng Tình Thương của Thiên Chúa, rồi chịu nạn và chịu chết để cứu chuộc nhân loại; sau đó “phục-sinh” và lên trời, để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin theo Ngài.

Để chuẩn bị Đại Lễ Giáng Sinh, có 4 tuần lễ gọi là “Mùa Vọng”; còn để chuẩn bị Đại Lễ Phục Sinh, có 40 ngày “Mùa Chay”. Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày vì Chúa Giêsu đã “ăn chay” 40 ngày đêm trong sa-mạc để chuẩn bị công cuộc rao giảng của Ngài (thường được gọi là “cuộc đời công khai”), sau khi Ngài đã sống “âm thầm” khoảng 30 năm và sinh sống bằng nghề “thợ mộc” tại làng Nagiaret, miền Galilê (phía bắc nước Do Thái).

Cuối Mùa Chay là “Tuần Thánh” (Holy Week). Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong Phụng vụ của Giáo Hội. Tuần Thánh để người Kytô hữu tưởng niệm những biến cố đặc biệt trong những ngày cuối cùng của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại.

Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh và kỷ niệm việc Chúa Giêsu được những người dân tốt lành cùng các trẻ em đón rước long trọng tiến vào Thành Thánh Giêrusalem. Chúa Nhật Lễ Lá cũng còn gọi là Chúa Nhật Chịu Nạn. Trước Thánh Lễ có làm phép lá và long trọng rước lá vào Thánh Đường để cử hành Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, chủ tế sẽ đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu, thay vì bài Phúc Âm. Lá đã được làm phép, giáo dân có thể mang về nhà và để trên bàn thờ, để nhắc nhở mọi người trong gia đình về những ngày Thánh trong Tuần Thương Khó.

Ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy trong Tuần Thánh, được gọi là Tam Nhật Phục Sinh (Easter Triduum). Đó là những ngày Thánh để kỷ niệm những biến cố trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại: Ngày Thứ Năm kỷ niệm bửa Tiệc Ly, ngày Thứ Sáu kỷ niệm Chúa Giêsu chịu khổ nạn, ngày Thứ Bảy kỷ niệm Chúa Giêsu chịu táng trong mộ đá. Sau đó là Chủ Nhật Phục Sinh

Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday) để kỷ niệm việc Chúa Giêsu ăn bửa tối cuối cùng (The Last Supper) với 12 môn đệ trước khi Chúa Giêsu chia tay các môn đệ để ra đi nộp mình chịu khổ hình. Bửa ăn nầy cũng được gọi là bửa ăn “Tình Thương” (“Agapé” tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Tình Thương”), vì trong bửa ăn nầy, Chúa Giêsu đã lập hai Bí Tích (Sacrament) đặc biệt nói lên tình thương của Chúa đối với nhân loại: “Bí Tích Thánh Thể” để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu bằng chính Mình và Máu Thánh Người. “Bí Tích Truyền Chức Thánh” để thiết lập chức “Linh Mục Thừa Tác”; qua Bí Tích này, Thiên Chúa tuyển chọn một số người để làm Linh Mục thừa tác, tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể và duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa qua mọi thời gian và ở mọi nơi. Sở dĩ gọi là Linh Mục “thừa tác” vì chỉ có Chúa Giêsu là “Linh Mục Thượng Tế” trọn hảo, còn các linh mục thì được tham dự đặc biệt vào chức Linh Mục của Chúa (xin xem Thơ Thánh Phalô gửi người Do Thái, chương 7, 8 và 9). Các tín hữu cũng được tham dự cách thiêng liêng vào chức Linh Mục của Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Tẩy họ đã lãnh nhận khi gia nhập Dân Thánh Chúa. (Xin xem thơ Thứ Nhất của Thánh Phêrô, đoạn 2, câu 9). Vì thế khi ngưòi công giáo đi lễ, không phải là chỉ “xem lễ” hay “dự lễ”, nhưng là “cùng nhau” và hợp với vị Chủ Tế dâng hiến lễ vật lên Thiên Chúa và tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại. Lễ vật dâng tiến chính là của lễ trọn hảo, là “Mình và Máu Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Bánh Miến và Rượu Nho tinh tuyền”. Cùng với lễ vật trọn hảo đó, các tín hữu dâng lên Chúa chính con người của mình (linh hồn và thân xác), và những hy sinh lao nhọc của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Cũng trong “bửa ăn tình thương” tối Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho các tông đồ, để dạy cho các Ngài bài học yêu thương phục vụ trong khiêm tốn. Điều này làm cho tông đồ Phêrô sửng sốt và phản đối: “Sao Thầy mà lại phải cúi xuống rửa chân cho chúng con...”. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Việc Thầy làm cứ để Thầy làm”. Sau khi rửa chân cho 12 ông xong, Chúa Giêsu mới nói: “Thầy đã cúi xuống rửa chân cho chúng con là để dạy chúng con bài học yêu thương phục vụ: Như Thầy đã rửa chân cho chúng con, chúng con cũng hãy rửa chân cho nhauẨ” (xin xem Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn 13, câu 12...).

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, vào buổi sáng, tại Nhà Thờ Chánh Tòa của mỗi giáo phận (Diocese), Đức Giám Mục và các Linh Mục trong toàn giáo phận họp mặt để cùng dâng Thánh Lễ thường gọi là “Thánh Lễ Làm Phép Dầu Thánh”. Trong Thánh Lễ long trọng nầy (thường có rất đông giáo dân tham dự và kéo dài chừng 2 giờ), Đức Giám Mục sẽ làm phép ba thứ Dầu Thánh (thường là dầu “olive”) để dùng trong các lễ Truyền Chức Thánh, trong khi ban Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích Rữa Tội, và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cũng trong Thánh Lễ long trọng nầy, Đức Giám Mục và các Linh Mục cùng nhau long trọng nhắc lại lời tuyên hứa khi chịu chức Thánh; tuyên hứa trước Cộng Đồng Dân Chúa đang có mặt trong Thánh Lễ. Sự hiện diện của các Linh Mục trong Giáo phận trong Thánh Lễ này là để nói lên sự hiệp nhất của toàn thể linh mục đoàn chung quanh vị Chủ Chăn của Giáo phận là Đức Giám Mục (hoặc Tổng Giám Mục). Vì thế, ở các giáo phận (hay tổng giáo phận) rộng lớn qúa mà các linh mục sau Thánh Lễ Làm Phép Dầu Thánh tại Nhà Thờ Chánh Tòa không thể về kịp để dâng lễ buổi chiều tại các giáo xứ, thì Thánh Lễ làm phép Dầu Thánh có thể chuyển vào Thứ Năm tuần trước đó, và thường cử hành vào buổi chiều để giáo dân có thể tham dự thánh lễ đông đảo hơn.

Vào buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, thường chỉ cử hành một Thánh Lễ tại Nhà Thờ chính của Giáo xứ, để Cha Chánh Xứ (Pastor) và các Cha Phụ Tá cùng đồng tế với sự hiện diện của giáo dân toàn giáo xứ và cử hành một Thánh Lễ đặc biệt để kỷ niệm Bửa Tiệc Ly như đã nói ở trên. Thánh lễ nầy thường cử hành vào buổi chiều tối (Bửa Tiệc Ly cũng vào buổi tối) để giáo dân có thể đến đông đủ hơn. Trong Thánh Lễ, sau bài Phúc Âm và Bài Giảng, vị Chủ tế cũng cử hành nghi thức “rửa chân” cho một số vị đại diện của cộng đồng Dân Chúa trong giáo xứ. Trong lúc cử hành nghi thức “rửa chân”, Ca đoàn thường hát các bài thánh ca về tình yêu thương, đặc biệt bài “Đâu Có Tình Yêu Thương” (dịch từ bản thánh ca Latinh “Ubi Caritas est, Deus est”,”Where there is love, there is God”). Bản Thánh Ca này đã được dịch ra và phổ nhạc rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Mấy câu đầu trong bản Thánh Ca này bằng tiếng Việt Nam như sau:

Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời!
Đâu có lòng từ bi, là ở đấy có ân sủng người!
Đâu có tình bác ái, là Chúa chúc lành không ngơi!
Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui
!”

Sau Thánh Lễ, có lễ nghi long trọng rước Mình Thánh Chúa vào một nơi trang trọng để toàn thể Dân Chúa (theo từng họ đạo hoặc đoàn thể) đến tôn kính và cầu nguyện cho đến nửa đêm.

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (đặc biệt trong tiếng Anh, không gọi là “Holy Friday”, nhưng gọi là “Good Friday”) là ngày rất tốt lành cho toàn thể nhân loại, vì Chúa Giêsu đã chịu nạn và chịu chết trong ngày này để đền tội cho nhân loại và mở đường cứu rỗi cho mọi người; vì thế có lệ kiêng thịt ngày thứ sáu, nhất là trong Mùa Chay Thánh. Giờ Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá là vào khoảng 3 giờ chiều (theo giờ của người Do Thái hồi đó là “giờ thứ chín”) (xin xem Phúc Âm theo Thánh Luca, đoạn 23, từ câu 44...). Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không có Thánh Lễ, nhưng có cuộc Suy Ngắm “Đàng Thánh Giá” long trọng và tiếp theo là cuộc cử hành “Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó” của Chúa Giêsu, thường vào khoảng 3 giờ chiều; tuy nhiên có thể cử hành muộn hơn để giáo dân có thể đến tham dự đông đủ, nhưng phải trước 9 giờ tối. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có luật buộc ăn chay và kiêng thịt để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã chịu chết trên cây Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại; vì thế Thánh Giá luôn hiện diện nơi các Thánh đường, các nơi thờ phượng, trên bàn thờ trong các gia đình giáo dân và đặc biệt trên các phần mộ của các kytô hữu đã qua đời.

Trong Đế quốc Rôma thời xưa, hình phạt chịu treo trên “thập tự giá” thường chỉ dành cho những người nô lệ. Các người bị xử án phải vác hai cây gỗ đến một ngọn núi ngoài thành phố, rồi bị đóng đanh vào hai cây gỗ đã được đóng chặt thành hình “chữ thập” (như chúng ta vẫn nhìn thấy nơi “thánh giá” của Chúa). Người ta dùng đinh đóng hai cổ tay vào hai đầu xà ngang. Còn hai chân bị đóng vào phía cuối “thập tự giá” và thường dưới hai bàn chân của “tội nhân” còn có một cái bệ nhỏ giữ hai bàn chân; mục đích là để khi đã dựng cây gỗ lên rồi, xác “tội nhân” không bị kéo trì xuống, “tội nhân” vẫn còn có thể thở được, và như vậy vẫn “phải” kéo dài sự sống trong đau đớn cho đến khi kiệt sức và chết đi. Trường hợp Chúa Giêsu thì Ngài chết nhanh hơn, vì đã bị bắt từ tối Thứ Năm, rồi bị hành hạ, đánh đập suốt đêm. Qua ngày Thứ Sáu, sau khi được lệnh của Philatô, họ mới bắt vác thánh giá ra ngoài thành Giêrusalem, đến đồi Gôn-gô-ta rồi mới đóng đinh. Lúc đó Chúa Giêsu đã hầu như đã hoàn toàn kiệt sức. Đồi Gôn-gô-ta hình như một “chiếc sọ” được gọi là “Gôn-gô-ta” “Núi Sọ” (Gôn-gô-ta theo tiếng người Do Thái thời đó có nghĩa “Núi Sọ”). Đồi nầy nằm ở phía tây bắc Thành Giêrusalem và không xa bức tường thành bao nhiêu. (Khi đi viếng Đất Thánh, quê hương của Chúa, du khách sẽ được dẫn đến đó để kính viếng).

Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết vào chiều Thứ Sáu, áp ngày Thứ Bảy là ngày nghỉ lễ của người Do Thái; hơn nữa lại trùng vào Đại Lễ ‘Vượt Qua’ (Passover)(PÂ Gioan 19:31...), nên theo tục lệ thời đó, các “tội nhân”, sau khi đã bị xử án treo trên thập tự giá, không được để qua đêm, đến chiều tối phải hạ xuống. Nhưng trước khi hạ xuống, phải dùng búa đánh giập ống chân của “tội nhân” để chắc chắn là đã chết thật. Nếu thật sự “tội nhân” chưa chết, thì sau khi hai ống chân đã gẫy, thân xác kéo thẳng xuống, “tội nhân” không còn thở được nữa, nên phải chết trong giây lát (như đã nói ở trên). Khi các người lính đến quan sát Chúa Giêsu, họ thấy Ngài đã chết thực sự, nên không đánh giập ống chân của Ngài, nhưng có một người lính đã dùng ngọn giáo đâm vào sườn trái của xác Chúa Giêsu. Ngọn giáo đâm thấu vào trái tim và lúc đó máu và nước từ trái tim Chúa Giêsu chảy ra. Tất cả những sự kiện này đã xãy ra y như lời trong Kinh Thánh Cựu Ước đã báo trước về cái chết của Đấng Cứu Thế như thế nào. (Xin xem Phúc Âm theo Thánh Gioan đoạn 19, từ câu 31...).

Vào chiều tối ngày Thứ Sáu đó, có một ông tên là Giuse người ở xứ Arimathê (ông là một thành viên có thế giá trong Hội Đồng Do Thái và vẫn âm thầm tin theo Chúa Giêsu) đã đến xin Philatô cho tháo xác Chúa xuống. Sau đó ông cùng với ông Nicôdêmô (cũng là một thủ lãnh nhóm Pharisiêu, nhưng vẫn âm thầm tin theo Chúa Giêsu, xin xem Phúc Âm Goan, đoạn 3, câu 1... ) táng xác Chúa theo tục lệ người Do Thái thời đó: tẩm liệm xác Chúa bằng thuốc thơm, quấn khăn liệm và đặt trong mộ đá. Mộ đá còn mới, của ông Giuse Arimathê và nằm trong thửa vườn của gia đình ông. Vườn nầy lại gần nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh (xin xem Phúc Âm Gioan đoạn 19, từ câu 38...). Trong lúc hai ông táng xác Chúa, thì có Bà Maria Madalêna và Maria mẹ ông Gio-xê chứng kiến (Phúc Âm Maccô đoạn 15, câu 47). Chắc là có một số người khác nữa cùng tham dự cuộc táng xác; nhất là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu; nhưng không thấy Phúc Âm nói đến. Còn Thánh Giuse có thể Chúa đã cất Ngài về trước rồi.

Chúng ta cũng nên nhớ: Thời đó người ta không đặt xác chết trong quan tài như chúng ta ngày nay, nhưng chỉ tẩm xác bằng thuốc thơm, rồi quấn trong khăn liệm, sau đó đặt vào mộ đã đục sẵn trong một núi đá hay đồi đá lớn, sau đó lấy một tảng đá lập cửa mộ; rồi những ngày tiếp theo, các người thân trong gia đình thường đến vào lúc sáng sớm, lật tảng đá lấp cửa mộ, rồi tiếp tục xức thuốc thơm cho xác người chết, thường là trong 3 ngày liền hoặc cả tuần lễ. Thuốc thơm này thường là mộc dược (myrrh) trộn với trầm hương (aloes) vừa ướp hương thơm cho xác chết, vừa giữ cho xác chết được lâu không thối rửa. Khi khai quật mộ các vua chúa Ai Cập thời xưa, người ta thấy rõ điều nầy.

Còn một điều nữa cũng cần nói đến là các lãnh tụ Do Thái đã xin Philatô cho lính gác mộ Chúa, vì sợ rằng các môn đệ của Chúa Giêsu đến lấy trộm xác Chúa đưa đi nơi khác, rồi phao tin là Chúa đã sống lại. Philatô đã bảo họ: “Các ông có lính của các ông, các ông hãy sai lính của các ông đến mà canh gác”. Thế là họ cho lính đến niêm phong mộ và canh gác (Phúc Âm Matthêu đoạn 27, câu 62... ). Tuy nhiên Chúa Giêsu đã thực sự sống lại vào “ngày Thứ Nhất trong tuần” và đã hiện ra lần đầu tiên với bà Maria Madalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê ngay nơi táng xác Chúa khi các bà đến viếng mộ Chúa vào sáng sớm (Phúc Âm Matcô đoạn 16, câu 1... ), sau đó với hai tông đồ Phêrô và Gioan, và nhiều lần sau nữa với các Tông đồ và nhiều người khác trong vòng 40 ngày từ khi Chúa Giêsu sống lại (Mátcô 16, 9; Gioan 20,11); đặc biệt là: lần hiện ra với “Hai Môn Đệ trên đường trở về làng Emmaus” ngay buổi chiều “ngày thứ nhất trong Tuần” (xin xem Phúc Âm Mátcô 16, 12; Luca 24,13); lần hiện ra với các Tông đồ “tám ngày sau đó tại nhà nơi các môn đệ ở” để cũng cố đức tin cho Tông đồ Tôma (xin xem Phúc Âm Gioan 20, 26); lần hiện ra với các Tông đồ tại bờ “Biển Hồ Tibêria” sau một đêm các Ngài đánh cá thất bại, giúp các Ngài đánh được một “mẻ lưới đầy cá lớn một cách lạ lùng”, phỏng vấn lòng tin yêu của Thánh Phêrô nơi Chúa và trao quyền lãnh đạo các Tông đồ cho Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo hội. Lần cuối cùng là lần Chúa hiện ra tại Bêtania, với các Tông đồ để “mở trí cho các Ngài hiểu ra những điều đã ghi chép trong Kinh Thánh (Cựu Ước), củng cố thêm đức tin cho các Ngài, ban mệnh lệnh truyền giáo, hứa sẽ luôn ở với các Ngài cho đến tận thế, rồi dơ tay ban phép lành cho các Ngài trong khi “Chúa được cất về Trời” (xin xem Phúc Âm Luca 24, 44... ; Mátcô 16, 14... ; Matthêu 28, 16... ; Sách Tông Đồ Công Vụ 1, 4... ).

Từ ngày đó, các Kytô hữu đã mừng lễ vào ngày đầu tuần (ngày Chúa sống lại) chứ không vào ngày “Sabath” “Thứ Bảy” như người Do Thái. Như vậy, các Kytô hữu mừng việc Chúa Giêsu sống lại vào ngày đầu tuần và gọi là ngày “Chúa Nhật”. Tuy nhiên dịp Đại Lễ Phục Sinh hàng năm là dịp mừng việc Chúa sống lại một cách đặc biệt sau một Mùa Chay dài và sau Tuần Thương Khó; như vậy là để nhắc nhở tín hữu của Chúa nhớ rằng đời người chóng qua, như “hoa sớm nở, tối tàn”. Nhưng chết không phải là hết. Chết chỉ là một sự biến đổi, một sự “qua đời” (từ cuộc đời chóng qua đến cuộc sống vĩnh hằng); như cha ông chúng ta đã nói “sinh ký, tử quy”. Nhưng muốn được vào cuộc sống vĩnh hằng, các tín hữu phải nhìn nhận con người yếu hèn của mình luôn bị cám dỗ và sa ngã (human weaknesses). Vì thế họ cần cầu nguyện luôn để xin ơn Chúa giúp đở, cố gắng vươn lên. Hơn nữa, sống không phải là sống một mình mà là “sống với” mọi người chung quanh. Sống nâng đỡ lẫn nhau (“chị ngã em nâng”) cả tinh thần và vật chất. Về tinh thần, cùng giúp nhau phấn đấu vươn lên và canh tân cuộc sống (renewal). Về vật chất, cùng giúp đỡ nhau, nhất là giúp đỡ những người nghèo khó, thiếu thốn. Đó chính là ba chủ đề lớn của Mùa Chay Thánh hằng năm: Cầu nguyện, Hy sinh hãm mình và làm việc từ thiện (tiết kiệm để dành tiền bạc giúp đở anh chị em thiếu thốn). Khi giúp đở nhau, nhất là giúp người nghèo khó, là chúng ta giúp đở chính Chúa. Ngày chúng ta “qua đời”, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta và nói: “Hãy vào lãnh phần thưởng cuộc sống vĩnh hằng; vì xưa Ta đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát, các con đã cho Ta uống...” (xin xem Phúc Âm Matthêu đoạn 25, từ câu 31...).

Năm nay chúng ta mừng lễ Phục Sinh vào những ngày mà thế giới vẫn lo âu trong cảnh chiến tranh vẫn còn tiếp diễn tại Afaghanistan, tại Iraq và ngay tại Đất Thánh (Holy Land) quê hương của Chúa. Hơn nữa, nạn ‘khủng bố’ (Terrorism) vẫn là một mối lo âu lớn cho toàn thế giới, nhất là sau cuộc khủng bố ghê gớm tại Tây Ban Nha (Spain) vào ngày 11/3/2004 vừa qua, với hơn 200 người chết và gần 2000 người bị thương tật. Thế giới vẫn đầy những thù hận, nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn bị xâm phạm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Phục Sinh cho nhân loại biết yêu thương nhau hơn; Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo được tôn trọng; và Hòa Bình đến với mọi tâm hồn, mọi gia đình và nơi nơi trên thế giới.

Đặc biệt năm nay, khi toàn thể tín hữu khắp thế giới Khai Mạc Mùa Chay Thánh với ngày Thứ Tư Lễ Tro (25/2/2004), thì tại đất nước Hoa Kỳ cũng khai mạc cuốn phim ‘Sự Thương Khó của Chúa Kytô’ (The Passion of the Christ) của nhà Đạo diễn Mel-Gibson. Có rất nhiều người đã đi coi phim này. Hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng đang chiếu phim này. Người ta cũng rất hâm mộ rủ nhau đi coi rất đông. Cuốn phim đã đánh động lòng mọi người chúng ta để chúng ta nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã chịu đau khổ tột độ và chết rất thê thảm trên Thánh giá vì tội lỗi mỗi người chúng ta và toàn thể nhân loại. Cụ thể như ông Dan Leach ở Texas, sau khi xem phim xong đã thật lòng ăn năn tội ác mà ông đã che dấu nhiều năm là đã giết ‘người yêu của mình’ và chính ông đã đến thú nhận với cảnh sát vào ngày 23/3/2004 để xin chịu án để đền tội.

Trong tuần Thánh này chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa nhân từ đánh động tâm hồn chúng ta để mỗi người nhìn nhận tội mình như người ‘Trộm lành’ cũng bị đóng đanh với Chúa, hay như ông Dan Leach, để chúng ta khiêm tốn thú nhận tội lỗi, xin ơn Chúa thứ tha và ‘ăn năn trở về’ để ‘sống lại’ với Chúa và rao giảng Tin Mừng Tình Thương cứu độ cho mọi người.

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban phúc lành cho mọi người chúng ta.

FOOTPRINTS

One night a man had a dream.
He dreamed he was walking along the beach with the LORD.
Across the sky flashed scenes from his life.
For each scene, he noticed two sets of footprints in the sand;
One belonged to him, and the other to the LORD.

When the last scene of his life flashed before him,
he looked back at the footprints in the sand.
He noticed that many times along the path of his life
there was only one set of footprints.
He also noticed that it happened at the very lowest
and saddest times in his life.

This really bothered him and he questioned the LORD about it.
“LORD, you said that once I decided to follow you,
you’d walk with me all the way.
But I have noticed that during the most troublesome times in my life,
there is only one set of footprints.
I don’t understand why when I need you
most you would leave me.”

The lord replied, My precious, precious child,
I love you and I would never leave you.
During your times of trial and suffering,
when you see only one set of footprints,
It was then that I carried you.


DẤU CHÂN TRÊN CÁT
(LM Anphong Trần Đức Phương thoát dịch)

Một người đêm ngũ nằm mơ,
Nằm mơ thấy Chúa bên bờ đại dương.
Cùng mình cất bước lên đường,
Rồi trong ánh sáng huy hoàng,
Người nhìn lại được quãng đường đi qua:
Hầu hết trong cuộc đời ta,
Vết chân trên cát vẫn là có hai,
Nhưng vài giai đoạn về sau,
Nhìn lại chân Chúa chẳng còn thấy đâu,
Đó là những lúc u sầu,
Lắng lo, buồn thảm, trăm chiều khổ đau.
Nhìn lên Người hỏi Chúa Yêu
“Rằng sao những lúc trăm chiều khổ đau
Con lại chẳng thấy Chúa đâu!
Con ơi con chẳng hiểu sao,
Tình Cha Con có bao giờ nhạt phai,
Lúc mà con gặp gian nan,
Chẳng là những lúc con đi một mình,
Nhưng là Cha đã tận tình,
Ẵm con lên, Cha một mình bước đi."
 
Thư gửi cháu: Quyền Hành Để Phục Vụ
Bs Vũ Linh Huy
13:47 20/03/2008
Thư gửi cháu Thứ Năm Tuần Thánh
Quyền Hành Để Phục Vụ
.


Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44)
Thương tặng Cháu Christopher Phạm Quốc Tuấn.


Chuá dạy: Làm đầy tớ mọi người.
Những người bé nhỏ nhất trên đời,
Họ là anh chị em cuả Chuá,
Tuấn, linh mục Chuá, phải nhớ lời.

Mọi người làm chủ, Tuấn làm tôi,
Họ dù ăn mặc rất lôi thôi,
Họ dù hôi hám và ghẻ lở,
Họ dù tội lỗi nhất trần đời...

Xưng "đầy tớ Chuá", ta đã quen,
Nhưng yêu quyền chức với ngợi khen.
Thực ra, Chuá chẳng cần đầy tớ,
Tuấn là đầy tớ cuả dân đen.

Chuá chẳng thiếu ăn, thiếu áo quần,
Chẳng thấy cô đơn, chẳng tủi thân,
Cũng chẳng yếu đau, không bệnh tật,
Đỡ nâng, an ủi, Chuá chẳng cần!

Tuấn hằng chia sớt với mọi người
Áo quần, cơm bánh, nụ cười tươi,
Ủi an, nâng đỡ người bất hạnh,
Xứng là linh mục cuả Chuá Trời!

Tuần Thánh, cậu mợ nhớ tới con,
Xin Chuá giúp con sống vuông tròn,
Một đời tân hiến, trung trinh mãi,
Cả lúc vui tươi, lúc héo hon!

Boston, ngày 20 tháng 3 năm 2008
Cậu mợ,
 
Cuộc Vượt qua của Anh chị em Tân tòng trong Lễ Vọng Phục Sinh
LM Trần Bình Trọng
13:56 20/03/2008
Lễ Vọng Phục Sinh, Năm A

Cuộc Vượt qua của Anh chị em Tân tòng trong Lễ Vọng Phục Sinh

(Kinh Thánh: St 1:1-2:2; St 22:1-18; Xh 14:15-15:1a; Is 54:5:14; Is 55:1-11; Br 3:9-15, 32; Ed 36:16-17a,18- 28; Rm 6:3-11; Mt 28:1-10)

Nếu có ai hỏi Thiên Chúa là Ðấng nào? Người ta sẽ được nghe những câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như: Thiên Chúa là Ðấng tạo thành trời đất, loài người và muôn vật; Thiên Chúa là Ðấng điều hành vũ trụ và vận mạng con người cũng như loài vật; Thiên Chúa là Ðấng quan phòng đời sống loài người và thưỏng phạt người lành người dữ. Và đó cũng là quan niệm chung của dân gian Việt Nam về ông Trời. Và người công giáo gọi ông Trời là Thiên Chúa. Quan niệm chung của dân Việt về ông Trời còn lưu hành những câu ca dao như: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp. Có nơi đọc câu cuối là: lấy con tôm to. Ông Trời đó, của dân gian Việt Nam cũng là Thiên Chúa của người công giáo.

Có điều khác biệt là người công giáo biết nhiều về Thiên Chúa mà họ tôn thờ, nhờ việc Thiên Chúa mạc khải cho loài người qua các tổ phụ, các ngôn sứ trong Thánh kinh. Và sau cùng chính con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu nhân loại, đã dạy bảo cho các môn đệ. Vì tổ phụ loài người bất phục tùng Thiên Chúa, nên tội lỗi đã lọt vào thế gian mà nhân loại hậu sinh phải gánh chịu hậu quả. Ðể cứu chuộc loài người, Thiên Chúa sai Con Một Người xuống thế làm người, sinh bởi Ðức nữ đồng trinh, được đặt tên là Giêsu để cứu nhân độ thế. Ðức Giêsu được xức dầu tấn phong là Ðấng Kitô, đi giảng đạo ba năm về nước Thiên Chúa, về giáo lí yêu thương, tha thứ, sống vị tha, bác ái của đạo Chúa. Người dùng quyền năng Thiên Chúa làm nhiều phép lạ như là cho người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người què được lành mạnh, cho người đói ăn, khát uống để người ta tin tưởng. Không chấp nhận đường lối và giáo lí của Chúa, những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời đã bách hại, đóng đinh và lên án tử hình cho Người. Và ngày thứ ba Người đã sống lại như chính Người đã tiên báo (Mt 16:21; Mt 17:23; Mt 20:19; Mc 8:31; Mc 9:31; Mc 10:34; Lc 9:22; Lc 18:33; Ga 2:19).

Ðể xây dựng nước Chúa ở trần gian, Ðức Giêsu chọn mười hai tông đồ và sai họ đi rao giảng tin mừng cứu độ và làm chứng cho việc Chúa phục sinh bằng chính cái chết của họ. Những ai muốn định nghĩa Thiên Chúa thế nào thì cứ việc định nghĩa. Còn thánh Gioan chỉ định nghĩa một cách vắn tắt, không cần dài dòng văn tự, mà lại đầy đủ ý nghĩa: Thiên Chúa = tình yêu (1Ga 4:8). Thật vậy vì yêu, Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những công trình trên đây.

Hôm nay người tín hữu tụ họp nơi đây để mừng việc Chúa cứu thế sống lại. Qua việc chết đi cho tội lỗi trong mùa Chay, người tin hữu được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa phục sinh. Hôm nay Giáo hội cũng mừng các anh chị em tân tòng được sống lại về phần hồn trong Bí tích Rửa tội.

Cùng anh chị tân tòng!

Anh chị em đã được học hỏi về đạo Chúa từ tháng Chín năm ngoái. Từ đầu mùa Chay năm nay, anh chị em đã được tuyển chọn để tiếp tục tìm hiểu đạo Chúa. Trong mùa Chay, anh chị em cũng đã cùng với toàn thể Giáo hội cầu nguyện, hi sinh. . để sửa soạn tâm hồn đón mừng Chúa phục sinh. Hôm nay anh chị em tụ họp nơi đây để chia sẻ niềm vui với Chúa phục sinh bằng việc xin được sinh lại trong ơn thánh qua Bí tích Rửa tội. Ðối với anh chị em mà trong gia đình, vợ hay chồng hay bạn sắp cưới, đã là người công giáo, thì từ nay anh chị em cùng chia sẻ một niềm tin, cùng nhìn về một hướng, cùng theo đuổi một mục đích siêu nhiên. Anh chị em cùng nhắm đến tình yêu trọn vẹn, hạnh phúc toàn diện và hạnh phúc lâu dài. Tình yêu trọn vẹn là tình yêu chung thuỷ cho đến cùng. Hạnh phúc toàn diện là hạnh phúc về vật chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Hạnh phúc lâu dài là hạnh phúc ở đời này cũng như đời sau.

Việc chấp nhận đức tin công giáo không có nghĩa là anh chị em phải cắt đứt những liên hệ quá khứ. Nếu trước kia vào những ngày giỗ chạp, anh chị em có thói quen cúng tế tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì lòng thảo hiếu, thì từ nay anh chị em cũng có bổn phận hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng cách cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ. Ðó chính là giới răn thứ Bốn của đạo Chúa dạy. Ðể cụ thể hoá lòng hiếu thảo, hôm nay anh chị em cùng cảm tạ Thiên Chúa cho ông bà cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục anh chị em và còn cho phép anh chị em được tự do quyết định tìm hiểu đạo Chúa và nhận lãnh đức tin.

Việc nhận lãnh đức tin công giáo cũng không có nghĩa là từ nay anh chị em không còn bao giờ cô đơn và buồn khổ. Có những lúc anh chị sẽ cảm thấy cô đơn buồn chán. Tuy nhiên từ nay anh chị em có Chúa là bạn đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Chúa sẽ là lẽ sống của anh chị em. Chúa sẽ là ánh sáng, là sức mạnh, là nguồn cậy trông, là niềm an ủi và là ơn cứu độ của anh chị em. Từ nay Chúa là gia nghiệp của đời anh chị em. Từ nay anh chị em có thể chạy đến với Chúa bất cứ lúc nào vì Chúa không cần ngủ nghỉ. Anh chị em không cần kêu điện thoại trước để làm hẹn xem Chúa có nhà ngày giờ đó không. Anh chị em không cần đợi vì Chúa đang gặp người khác quan trọng hơn.

Chúa không thiên vị, thiên tư ai cả. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng. Từ nay anh chị em có thể đến với Chúa bất cứ ở đâu vì Chúa ở khắp mọi nơi. Ðến với Chúa tư riêng và bất ngờ như vậy, anh chị em không cần làm đẹp như sửa soạn quần áo hay trang điểm gì cả. Anh chị em sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa là thật, không còn xa vời, mà là gần gũi với anh chị em, nếu anh chị em mở lòng ra với Người và để Chúa đi vào đời sống riêng tư cá biệt của anh chị em. Từ nay anh chị em không sống và làm việc một mình, nhưng là sống và làm việc kết hiệp với Chúa, vì yêu mến Chúa. Ðó chính là ý nghĩa của lời thánh Phaolô quả quyết: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi (Gl 2:20).

Việc lãnh nhận đức tin công giáo cũng không có nghĩa là đức tin là sự vật gì mà anh chị em có thể nắm chắc trong tay, hay bỏ vào nhà băng, hoặc bỏ vào bình sành chôn dưới đất, nhưng phải luôn tìm cách bảo trì. Có những khi anh chị em sẽ cảm thấy đức tin bị lung lạc, những giờ phút tuyệt vọng, chán chường, những ngày giờ, những năm tháng mà tâm hồn bị bóng tối nghi ngờ bao phủ, đè nặng như chính thánh Tôma tỏ ra nghi ngờ về việc Thầy mình sống lại (Ga 20:25). Anh chị em sẽ cảm thấy như Chúa đi vắng hay không còn hiện hữu. Tuy nhiên cũng như bà Maria Mácđala (Mc 16:1-8), cũng như thánh Phêrô và thánh Gioan vẫn đi tìm Chúa khi bóng tối bao trùm tâm trí (Ga 20:3-9), thì anh chị em cũng cần tiếp tục đi tìm Chúa ngay cả khi nản lòng nhụt chí.

Thưa anh chị em! Chúa vẫn ở đó chờ đợi ta. Chúa vẫn đến với ta trong cuộc sống hằng ngày: trong lúc ăn, nghỉ, làm việc và giải trí. Chúa vẫn hiện diện với ta qua những kì công của vũ trụ, những vẻ đẹp thiên nhiên. Ðiều cần thiết là ta học hỏi để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và nhận ra tiếng Chúa.

Lời cầu nguyện xin cho được sống lại về phần linh hồn với Chúa phục sinh:

Lạy Ðức Kitô phục sinh!
Chúng con cảm tạ Chúa cho ngày hôm nay
ngày Con Chúa Phục Sinh từ cõi chết.
Qua mùa chay, chúng con đã sống tinh thần cầu nguyện,
ăn chay sám hối và làm việc từ thiện bác ái.
Trong Thánh lễ, chúng con vừa lặp lại lời hứa
khi chịu phép Rửa tội là sẵn sàng chết đi cho tội lỗi.
Xin cho con được sống lại về phần hồn.
Với Chúa Phục Sinh. Amen
.

trongtb@yahoo.com
 
Linh mục Antonio Loi: Hy lễ đau khổ
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
15:15 20/03/2008
LINH MỤC ANTONIO LOI: HY LỄ KHỔ ĐAU

Đúng 12 giờ trưa ngày 29-5-1965, trên giường hấp hối, Cha Antonio Loi nói:

- Chúng ta cùng cất tiếng hát bài tạ ơn THIÊN CHÚA - TE DEUM. Xin mọi người cùng hát với tôi.

Nói xong, Cha cất tiếng hát. Mọi người cảm động hát theo. Tiếng hát vang xa như cuộc vượt qua lễ Phục Sinh. Hát xong, Cha Antonio bình tĩnh nói chuyện và cầu nguyện. Rồi Cha giơ tay ban phép lành cho mọi người lần cuối. Sau cùng, Cha nói:

- Hẹn gặp lại tất cả trên Thiên Đàng. Ước gì không ai vắng mặt. . Đức Chúa GIÊSU thật cao cả. Nhưng cùng lúc, Ngài thật giản dị. Ngài ở khắp mọi nơi, vô biên bất tận, đồng thời, Ngài thật đơn sơ. Không bao lâu nữa tôi sẽ giã biệt căn nhà này. Xin giúp tôi đi về Nhà Cha.

Nói xong, Cha Antonio giữ thinh lặng. Trong thinh lặng, mọi người hiện diện thì thầm lần hạt Mân Côi. Khi đọc đến ”Kinh Sáng Danh” của chục cuối cùng mầu nhiệm Mừng, Cha Antonio Loi êm ái trút hơi thở sau hết, hưởng dương 28 tuổi và sau 20 tháng lãnh nhận thiên chức Linh Mục.

28 tuổi đời và 20 tháng làm Linh Mục, nhưng cuộc đời Cha Antonio Loi mang trọn ý nghĩa ”hy tế” của ”hiến lễ Thánh Giá”.

Antonio Loi chào đời ngày 6-12-1936 tại làng Decimoputzu, trên đảo Sardegna, miền Trung Tây nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng đạo đức. Ông Salvatore Loi và bà Greca Furcas có tất cả 7 người con, cả trai lẫn gái. Antonio là con út.

Antonio có đôi mắt đen nhánh, lanh lẹ, dễ cảm và tốt bụng. Bên ngoài trông cậu bé không có gì khác lạ, nhưng bên trong ẩn chứa tấm lòng dạt dào kính mến Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể và Đức Mẹ MARIA. Chính 2 mối tình thâm sâu này thúc đẩy Antonio xin gia nhập chủng viện năm 18 tuổi. Sau này, Cha Bề Trên chủng viện nói về thầy Antonio:

- Nơi chủng sinh Antonio có cái gì đó khiến thầy không giống các chủng sinh khác. Nơi thầy như có sự hiện diện của một ”Người Nào Đó” giúp thầy rộng mở tâm lòng dâng hiến THIÊN CHÚA. Những năm cuối tại đại chủng viện, thầy sống như là kết quả cuộc luyện tập lâu năm.

Nhưng rồi bệnh tật xuất hiện. Tháng 2 năm 1961 - bước vào năm thần học thứ ba - thầy Antonio cảm thấy sức khoẻ suy giảm. Thầy đi khám bác sĩ và ra vào nhà thương liên miên, nhưng không ai tìm ra nguyên do căn bệnh.

Mãi đến hai năm sau bác sĩ mới khám phá ra thầy bị ung thư ác tính nơi các hạch tuyến (linfogranuloma), một chứng bệnh hay lây và giết người.

Con đường Thánh Giá thật chông gai và gồ ghề. Nhưng thầy Antonio phó thác mọi sự trong tay Chúa. Thầy cầu nguyện và dâng hiến triền miên. Thầy tìm thấy sức mạnh nơi bí tích Thánh Thể và tràng hạt Mân Côi. Tất cả vì Đức Chúa GIÊSU và vì Giáo Hội. Thầy Antonio viết trong nhật ký:

- Con cảm tạ Chúa vì những đau khổ dai dẵng Chúa đã gởi đến cho con và sẽ còn gởi đến cho con. Xin Chúa giúp con sống đúng với thánh ý Chúa. Xin Chúa ban cho con sức mạnh, sức mạnh cầu nguyện không ngừng. . Xin Chúa cho con được cảm thấy niềm vui trong đau khổ.

Trong sâu kín tâm lòng, thầy Antonio chỉ có một ước nguyện duy nhất: được mau mau lãnh nhận thiên chức Linh Mục.

Tuy nhiên, vì đau ốm, thầy Antonio không theo chương trình học đều đặn, do đó, đức giám mục giáo phận phải xin phép chuẩn nơi Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã ký giấy chuẩn và ngày 21-9-1963, Đức Cha Pirastru đã truyền chức Linh Mục cho thầy Antonio. Trong thánh lễ, Đức Cha cảm động nói với vị tiến chức:

- Ngày hôm nay THIÊN CHÚA cất nhắc con lên, làm cho con nên cao cả và đặt con trên Núi Cal-vê với Ngài. Ước gì với thiên chức Linh Mục, con trở thành hy tế cùng với Đức Chúa GIÊSU, Đấng mỗi ngày sẽ cùng hiến lễ với con, khi con dâng thánh lễ. Đây sẽ là sứ vụ Linh Mục của con: trở thành hy lễ với Đức Chúa GIÊSU trên núi Can-vê để cứu các linh hồn. Cha giao phó cho con sứ vụ này: là dâng hiến chính mình con như Cha dâng hiến con sáng nay trong thánh lễ, để con trở thành hy lễ tình yêu cho Đức Chúa GIÊSU và cho sự cứu rỗi của nhiều linh mục.

Trong vòng 20 tháng trời của cuộc đời Linh Mục vắn vỏi, Cha Antonio Loi đã hoàn toàn tuân phục lệnh truyền của đức giám mục giáo phận trong ngày lễ truyền chức: trở thành hy lễ tình yêu cho Đức Chúa GIÊSU và cứu các linh hồn, đặc biệt là linh hồn các Linh Mục.

... Khi GIỜ đã đến, Đức Chúa GIÊSU vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: ”Thầy những khát khao mong mỏi ăn Lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn Lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi Lễ này được nên trọn vẹn trong Nước THIÊN CHÚA”. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: ”Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại THIÊN CHÚA đến”. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ”Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (Luca 22, 14-20).

(Paolo Risso, ”Messaggeri di Gioia e di Speranza”, Editrice Elle Di Ci, 1995, trang 7-26)
 
Lời Nguyện vào thành Jerusalem
Nguyễn Tầm Thường
17:23 20/03/2008
LỜI NGUYỆN VÀO THÀNH JERUSALEM

Lạy Chúa, Chúa đã nói với người mù: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. Anh đã chọn một lối đi riêng cho anh. Chuẩn bị Lễ Vượt Qua, Chúa từ Jêricô về Jerusalem. Trong đám người từ Jêricô này có anh mù Batimê. Hôm nay con nghĩ nhiều tới anh trong cuộc rước Lá. Bằng một linh hồn khôn ngoan, anh tìm cho mình một hướng đi. Ở những bước chân con đang đi đây, anh mù Batimê ngày xưa cũng đã đi.

Lạy Chúa, Con không đến đây như khách du lịch. Con là kẻ hành hương. Con muốn đi lại những con đường lịch sử có thật. Trên đường đi, con thấy lòng mình thật bâng khuâng. Nơi này Chúa đã thực sự bước đi sao? Con thấy Chúa quá gần con người. Chúa là con người thật sự. Nơi này anh mù Batimê đã đi hay sao. Họ là những con người thật sự.

Khi đọc bài Chúa vào thành, con tưởng Chúa đi trên một đường mòn, như con đường làng. Thấy địa lý vùng này con mới thấm thía khi Chúa dừng chân khóc Jerusalem. Từ Bêtania và Bethage, leo núi Ôliu, từ độ cao con nhìn xuống, dưới chân núi Ôliu là thung lũng Kidron, và bên kia là thành Jerusalem. Ở độ cao này, ánh mặt trời ngả chiều hắt xuống mái vàng đền thờ. Bây giờ con mới thấy sự hoành tráng của các vì vua Salomon. Con hiểu tại sao các môn đệ phải trầm trồ khen ngợi. Kìa! Thầy nhìn vẻ đẹp của đền thờ. Ðứng trên triền núi nhìn qua thung lũng Kidron, Jesusalem rất gần. Gần trong không gian mà khó đến vì ngăn cách một thung lũng. Thung lũng nhỏ thôi nhưng khó đến trong ý nghĩa thiêng liêng. Phêrô chạy trốn. Chính thung lũng Kidron này là nơi Ðavít đem quân lập quốc. Bên này núi Ôliu, bây giờ có đền thờ Chúa khóc thương Jerusalem. Ánh chiều hắt xuống, mầu vàng đền thờ rực sáng. Bên bờ núi Ôliu này Chúa đem các môn đệ đến cầu nguyện và nghỉ ngơi. Hai nghìn năm xưa với rừng ôliu thinh vắng, bên bờ núi này Chúa bị bắt. Ðứng trên sườn đồi nhìn qua bên kia Jerusalem, con không ngờ con đang đi giữa những dấu tích lịch sử có thật của một thời Chúa đã đi qua. Con phân vân hỏi lòng. Thiên Chúa gần gũi con người đến như vậy sao.

Con đang vào Tuần Thánh. Ðường đến Jerusalem với bóng hình của hai cuộc gặp gỡ: Ông Dakêu và người mù Batimê.

Ông Dakêu và người mù, cả hai đều là người “muốn nhìn.”

Ðể nhìn rõ, cả hai tìm lối lên cao.

Ðoàn người rước Lá qua chân núi Ôliu, nơi hôm nay có vương cung thánh đường Gietsimani. Vườn Gietsimani còn sót lại mấy gốc ôliu già không biết từ nghìn năm nào. Qua vườn Gietsimani là tới chân thung lũng vào cổng thành Jerusalem rồi. Qua cổng thành, chừng mươi phút sẽ tới hồ Betsaiđa, nơi Chúa chữa người bất toại.

Lạy Chúa, Trên con đường này, đi thêm vài chục mét nữa là dinh tổng trấn Philatô. Con đang ở rất gần nơi Chúa đã đứng ngày xưa. Chặng Ðàng Thánh Giá bắt đầu từ dinh tổng trấn này lên đồi Golgotha. Một chặng đường lên cao cho những ai muốn nhìn. Chắc đoạn này phải có chân người mù Batimê từ Jêricô. Vì anh là kẻ đi tìm ánh sáng, kẻ muốn nhìn.

Muốn sống vẻ đẹp phải là kẻ muốn nhìn.

Muốn nhìn vẻ đẹp phải lên cao.

Muốn lên cao cần phải bỏ đi những gì cản trở.

* * *

Lạy Chúa, nhiều người đã nâng đỡ con đi, đã chỉ cho con đi. Con hiểu bước chân người mục tử phải đi về đâu, xin cho con những ơn cần thiết. Làm sao con chuẩn bị lối đi hôm nay để bước vào đền thánh vĩnh cửu giờ con chết. Con dự ngày lễ Lá ở Jerusalem cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không gặp dấu chân người xưa đã đi.

Mỗi người đều có một bước chân đi. Chúa về Jerusalem để hoàn tất mầu nhiệm cứu độ. Trong hành trình này Chúa nghỉ chân ở nhà mấy chị em Mácta. Trưa nay con đang đi dưới bầu trời hanh nắng của vùng trời Chúa đã đi qua. Căn nhà Mácta không còn. Bóng người xưa không còn. Còn lại là những trang Kinh Thánh nói cho con về những tình cảm êm đềm của mấy chị em này. Con mong sao những nơi con dừng chân cũng có những tình cảm êm đềm như thế. Có nhiều thứ tình cảm hôm nay, có nhiều thứ liên hệ thiệt thòi cho bước chân tự do. Chúa không tránh những liên hệ cảm tình. Phúc Âm tường thuật khi nghe tin Chúa đến, mấy chị em mừng lắm, chạy ra đón Chúa. Tình cảm của Chúa là tình cảm rất con người. Con mong sao và con sẽ gìn giữ những liên hệ tình cảm với người này, gia đình kia được thánh thiện, đơn sơ vui vẻ như liên hệ giữa Chúa với mấy chị em Mácta.

Xin cho con tha thiết với ánh sáng như anh mù Batimê. Con cần can đảm đứng phắt dậy trong nhiều hoàn cảnh. Như người mù khi nghe Chúa gọi, đứng phắt dậy, vứt cái áo choàng. Con cần Chúa cho con tinh tế đối với những tấm áo choàng ăn xin mà hôm nay nó bao quanh cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau. Xin tình cảm. Xin quyền lực. Có nhiều công trình xem ra rất đẹp, nhưng nó vẫn là những chiếc áo choàng xin ăn. Nhiều khi xin ăn hôm nay là một nghệ thuật. Có khi người ta xét một người có giá trị nhiều hay ít là do khả năng người đó xin được nhiều hay ít. Từ nghệ thuật xin ăn, nếu con tự tìm giá trị cho mình bằng những cuộc xin ăn thì tấm áo choàng trở nên quá nặng rồi. Con cần tinh tế để biết lúc nào phải bỏ chiếc áo choàng lại.

Con cần đứng phắt dậy trong nhiều đau đớn. Có những bóng đêm con tự xoay mình trong đó. Nó có thể là quá khứ nuối tiếc, nó có thể là hiện tại hoang mang. Nó có thể là ngần ngại mỏi mệt. Anh mù ngồi bên bờ đường nhưng không ngồi bơ phờ. Anh để ý người ta nói gì về Chúa. Anh không nhìn thấy mầu sắc ngoài trời, anh nhìn mầu sắc trong linh hồn. Cuộc đời anh vẫn là theo dõi một người, bởi anh biết người ấy thuộc dòng dõi con vua Ðavít. Trong cái bóng tối buồn bã của con, chớ gì con biết ngồi ở chỗ Chúa có thể nhìn thấy đời con.

Xin Chúa con con sáng kiến như ông Dakêu. Cuộc sống đẹp là bước chân không gì ràng buộc được. Có nhiều thứ lên cao, nhưng lên cao để nhìn và để được nhìn là hai con đường khác nhau. Cũng như con đường xuống thấp cũng vậy, xuống thấp để lãnh nhận như Dakêu thì khác xuống thấp trong bất mãn. Con muốn lên cao để tìm mình, để nhìn trời, để gặp Chúa và yêu đời.

(Jerusalem Tuần Thánh 2006, Trích tập suy niệm KẺ ÐI TÌM, sẽ xuất bản 2010)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:15 20/03/2008
TRỤ LÀM ĐŨA BẰNG NGÀ VOI

N2T


Trụ vương của Thương triều ra lệnh cho mọi người dùng ngà voi làm đũa, chú ruột của ông ta là Cơ tử bèn bắt đầu lo lắng sợ hãi, sợ rằng không lâu nữa thiên hạ sẽ đại loạn.

Đũa ngà voi thì không hợp với cái nồi nấu ăn bằng đất sét,nên nhất định phải dùng loại đá ngọc đẹp để làm lý dĩa; mà đũa ngà voi, ly dĩa thì nhất định không hợp với thức ăn rau cỏ thô thiển, nó chỉ hợp với sơn hào hải vị mới đúng; ăn sơn hào hải vị thì nhất định không mặc ngắn vải thô, nhưng phải mặc lụa là gấm vóc, như trong cung điện nhà cửa sang trọng dùng mới đúng.

Năm năm sau, bởi vì Trụ vương xa hoa quá độ, bạo ngược vô đạo, nên quốc gia bị diệt vong.

(Hàn Phi tử: Dụ lão)

Suy tư:

Thời nay có những cầu tiêu của đại gia được dát bằng vàng ròng, xa xỉ hơn cả các vua chúa thời xưa; thời nay có các đại gia sống cực kỳ xa xỉ, lãng phí, ngông cuồng hơn cả vua Trụ ngày xưa bên Tàu, họ mua xe hơi cả triệu đô la để chạy trên những con đường chật hẹp, không phải để đi làm, nhưng là để khoe khoang cái giàu có và chơi ngông của mình; thời nay có những người ăn cướp tiền bạc của nhà nước để ăn chơi trác táng, bao gái, trụy lạc và nuôi băng nhóm xã hội đen để làm khổ dân lành...

Vua Trụ vì muốn người dân khỏi oán mình sống trụy lạc xa xỉ, nên ra lệnh bắt mọi người phải dùng đũa bằng ngà voi để ăn cơm, thế là loạn lạc xảy ra, bởi vì những người có thể dùng đũa ngà voi để ăn cơm thì chỉ có một số người làm quan lớn và những người trong cung điện nhà vua mà thôi.

Một cái lệnh đưa ra không hợp với thực tế cuộc sống của bá tánh, thì nhất định sẽ làm cho bá tánh khổ và uất ức, và đó chính là nguyên nhân của loạn lạc, chống đối, bạo động và cướp bóc, gây nên sự bất an cho xã hội...
 
Thứ Bảy Tuần Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:16 20/03/2008
THỨ BẢY VỌNG PHỤC SINH

Lời Chúa: Lc 24, 1-12.

“Người đã trỗi dậy và đi Ga-li-lê trước các ông.”

Bạn thân mến,

Đêm nay được Giáo Hội gọi là đêm Hồng Phúc, bởi vì đêm nay Con Thiên Chúa –Chúa Giê-su Ki-tô- bị đóng đinh chết trên thập giá vì tội của nhân loại, đã bị mai táng trong mồ đá và đã sống lại vinh hiển, đó là niềm tin duy nhất và đích thực của chúng ta.

Sự sống lại của Chúa Giê-su là một niềm hy vọng cho chúng ta, hy vọng cũng được sống lại với Ngài sau khi từ giả cõi đời này.

Không ai tìm người sống giữa kẻ chết, nhưng chính Chúa Giê-su –Đấng đã sống lại từ cõi chết- lại đang từng giây từng phút tìm bạn giữa mồ chết do tội lỗi đem đến, chính Ngài đang tìm bạn giữa cảnh đời bon chen mà có lúc bạn cảm thấy mình thất vọng ê chề vì không thoát ra khỏi vũng bùn tội lỗi. Chúa Giê-su là nguồn hy vọng duy nhất của thế giới: nơi Ngài, thần chết đã chịu thua; nơi Ngài, quyền uy của hỏa ngục bị đánh bại, và chính nơi Ngài, nhân loại tìm được ơn giải thoát.

Đêm nay, khi tham dự mầu nhiệm Vượt Qua –lễ Phục Sinh- của Chúa Giê-su, bạn và tôi cùng cảm tạ Thiên Chúa và quyết tâm sống lại với Ngài bằng cách chia sẻ niềm tin Phục Sinh của mình cho tha nhân:

- Sốt sắng tham dự các thánh lễ.

- Vui vẻ phục vụ tha nhân.

- Làm tốt bổn phận của mình trong cuộc sống.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 20/03/2008
N2T


34. Bí tích Thánh Thể bao hàm các loại mùi vị của đức hạnh, làm cho con người ái mộ tu đức, cam tâm chịu khổ.

(Thánh Bernard)
 
Ý nghĩa Ăn chay và Mùa chay của anh em Chính thống giáo
Đức Long
19:36 20/03/2008
Ý NGHĨA ĂN CHAY VÀ MÙA CHAY CỦA ANH EM CHÍNH THỐNG GIÁO

1. Tại sao người Chính thống giáo dành một vị trí đặc biệt cho mùa chay?

- Mùa chay, đó là luật, luật ăn chay được chấp nhận một cách phổ biến, rất nghiêm ngoặt. Bảy tuần không ăn thịt, không trứng, không cá. Trong hai tháng mọi người không ăn thức ăn có chất máu động vật, ăn chay theo chu kỳ, trong ba ngày đầu mùa chay họ không ăn gì. Nhiều người làm được điều đó, sau ba ngày đó, họ dùng cơm, thưởng thức những món đặc biệt sau khi rước rễ. Họ cảm thấy thân họ trong bàn tay của Chúa. Đó là một trong những bài học đầu tiên của mùa chay.

2. Phải chăng ăn chay không thể hiểu khác hơn là nhịn ăn?

Đúng thế, không ăn, không đi dạ hội tối. Trước tiên là ăn chay bằng bụng sau đó là băng bản năng. Mùa chay là thời gian tang thương nhưng cũng là tang vui, an bình, thanh thản, hớn hở. Hi sinh thân mình là tốt.

- Ăn chay cho phép thời gian theo nhịp điệu khác, nó tạo nên những tuyệt giao thú vị: người ta không thể đi chơi và cũng không tiếp đãi. Đó là tiếng gọi cực kỳ mạnh liệt thường nhật, nhất là nhớ đến những kiêng cử khác, như là: kiêng cử tính xác thịt bao gồm trong hôn nhân.

Có cả chay tĩnh lặng, hay còn có chay thời gian: nghĩa là làm cho mọi thứ chậm lại thay vì hành động. Người ta không chọn ăn chay cho mình, mà phải qua việc ăn chay sống hiệp thông.

3. Người chính thống sống mùa chay như thế nào với phụng vụ?

Đó là thời gian dành nhiều cho kinh nguyện đặc biệt các bài đọc tập trung vào ý nghĩa trở về với Chúa. Phụng vụ mùa chay miêu tả sự sa ngã của loài người, lịch sử thiêng liêng và ơn cứu độ. Hòa cùng mùa chay là sự phong phú giờ nguyện tạo nên một thời gian đặc thù của chính thống. Chân trời Phục Sinh thực sự là một chân trời hy vọng. Ý nghĩa sau Phục Sinh, họ trở lại ăn uống bình thường và giờ kinh phụ vụ cũng giảm nhẹ.

- Mùa chay là thời gian sám hối: sám hối trở về với Chúa. Trong chính thống, mùa chay “Metanoia” đây là một lời mời gọi khám phá ra rằng mình không phải trung tâm của thế gíới, nói đúng hơn đừng kết án kẻ khác, phải tự kết án chính mình.

Các Giáo Phụ trong sa mạc kêu lên “penthos” “buồn trong hớn hở, vui trong đau thương”, vì mùa chay thử thách chúng ta trong kiên nhẫn như Chúa Kitô thử thách trong cuộc thương khó của Người. Đau thương không xa lìa Thiên Chúa sẽ trở nên niềm vui, đau thương xếch chúng ta đến gần với Chúa, Ngài đưa chúng ta vượt qua. Mùa chay là kinh nghiệm của sự giải phóng.

Mùa chay không thể tách khỏi niềm vui phục sinh. Trong đêm phục sinh, người chính thống vui mừng hoan lạc, sau những ngày tháng ăn chay, họ mừng Chúa Phuc Sinh bằng rượi, cừu béo, tất cả những gì ngon nhất. Họ không thể hiểu được mùa chay nếu không có niềm vui Chúa Kitô Phục Sinh.

(Nguồn: Assomption)
 
Chia sẻ cảm nghiệm: Con là ai và làm gì trên suốt 14 Chặng Đàng Thánh Giá?
Tuyết Mai
19:44 20/03/2008
Chia sẻ cảm nghiệm: Con là ai và làm gì trên suốt 14 Chặng Đàng Thánh Giá?

Chặng thứ Nhất

Trong khi Chúa cầu nguyện cùng với Thiên Chúa Cha thì thân xác chúng con quá đỗi là mệt mỏi và buồn phiền nên đã thiếp đi không cùng với Chúa một giây phút nào linh thiêng và riêng tư để cầu nguyện cho khỏi phải sa chước cám dỗ.

Chặng thứ Hai

Con đã bị ma quỷ nhập vào mà trở thành Giuđa một tay phản bội và đã dắt quân lính đến để bắt nộp Thầy đây! con đã đem bán rẻ Thầy cho 30 đồng bạc và giờ đây con xin hôn Thầy lần cuối cùng để làm dấu chỉ cho họ bắt Thầy.

Trước tình huống cấp bách như thế này con và các bạn không biết phải làm sao? Con đã quá quẫn bách mà tuốt gươm chém đứt tai phải người đầy tớ của Thượng Tế nhưng Thầy đã chữa lành cho nó trong khi con chưa hiểu được hành động và ý của Thầy?

Thưa Ngài tôi biết hằng ngày Ngài ngồi Giảng Dậy trong Đền Thờ chứ nhưng chúng tôi phải rình bắt Ngài giữa ban đêm để không ai có thể cứu được Ngài. Vâng chúng tôi là Thượng Tế, lãnh binh Đền Thờ, và kỳ mục đây! là con người rất giỏi về Lề Luật và được mọi người rất kính nể và sợ hãi.

Chặng thứ Ba

Đứng trước Thượng Hội Đồng, có phải chúng tôi nghe Ngài nhận Ngài là Con Thiên Chúa sao? Sao chúng tôi có thể tin được điều này chứ?

Chặng thứ Tư

Con là Phêrô đây! con cũng có mặt nơi họ giữ bắt Thầy là nhà của Thượng Tế và này đây khi con ngồi quây quần chung bên ánh lửa thì người tớ gái đã chỉ mặt con mà vu cáo bảo con là người từng đi theo Thầy nhưng con đã chối là con chẳng biết Thầy là ai? Rồi sau một lát lại có người chỉ con mà vu cáo rằng con thuộc nhóm của Thầy nhưng con lại chối rằng họ nói sai rồi không đúng đâu! Một giờ sau đó, có người khác lại bảo con là người của Thầy vì con là người thuộc Galilê, con bảo họ con chẳng biết họ nói gì. Liền sau đó thì con đã nghe được tiếng gà gáy và Thầy đã nhìn thấy con. Lậy Thầy, với ánh mắt nhìn của Thầy đã làm con nhớ ra những lời Thầy nói và làm con đau buồn vô cùng tận Thầy ơi! Thầy có hiểu rằng con ân hận vô cùng hay không? Nước mắt của con không biết có xoá được trong con những nỗi buồn sâu tận trong tâm hồn và con không thể nào tha thứ cho con được. Thầy Chí Thánh của con ơi! Con là một Tông Đồ đã không thể nào tin được rằng do cớ nào mà con có thể chối nhận Thầy. Có phải con đã quá sợ hãi và sợ phải cùng chung số phận với Thầy? Có phải con đã trở thành yếu đuối và nhút nhát lo sợ cho tấm thân hay chết và đầy tội lỗi của con hay không?

Chặng Thứ Năm

Trong một khung cảnh thật náo loạn và hỗn độn. Chúng tôi đã có mặt cùng với Philatô và Vua Hêrôđê. Hai người này cùng có ý định muốn thả Ngài ra mà tha cho tên cướp khét tiếng là Baraba vì họ đã không muốn bị dính dáng gì đến Ngài, nhưng chúng tôi là những người không đội trời chung với Ngài. Hiện giờ chúng tôi là những tên khát máu đang hăng say như loài thú dữ và chỉ muốn được ăn tươi nuốt sống và bắt Ngài để đi đóng đanh mà thôi! Ngài có đang nghe những tiếng la thật lớn và thật to: "Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!" như xé bầu trời hay không? Sau cùng thì Ngài Giêsu cũng đã được phóng thích và hoàn toàn được trao vào tay của chúng tôi.

Chặng thứ Sáu

Chúng tôi đã chặt chẽ canh giữ Ngài, nhạo báng, chế diễu, và đánh đập Ngài. Chúng tôi bịt mắt Ngài rồi thách thức hỏi rằng: "Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?" Có phải chúng tôi đã phủ nhận Ngài là Con Thiên Chúa?

Chặng Thứ Bẩy

Chế giễu đã chán, chúng tôi lột áo điều Ngài ra, và cho Ngài mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng tôi đã dẫn Ngài đi để đóng đinh vào thập giá.

Chặng Thứ Tám

Khi điệu Ngài Giêsu đi, chúng tôi bắt một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ngài Giêsu.

Chặng thứ Chín

Chúng tôi là những phụ nữ cũng có mặt trên đường theo Ngài và than khóc Ngài đây! Ngài đã cho chúng tôi ánh mắt thương cảm và nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người son sẻ, kẻ không cho bú mớm! " Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?" (Lc 23:27-31).

Chặng Thứ Mười

Tất cả chúng tôi đã lên được đến "Đồi Sọ" và chứng kiến cảnh những dã thú ác tâm đóng đanh Chúa vào Thập Giá cùng với hai tay gian phi một tên bên tả và một tên bên hữu. Bấy giờ Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha mà rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." Rồi họ lấy áo của Ngài chia ra mà bắt thăm. Các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!". Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ngươi là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi! "Phía trên đầu Ngài, có bản án viết: "Đây là vua dân Do Thái".

Chặng thứ Mười Một

Còn tôi là Baraba một tên gian phi và gian hùng khét tiếng đã cùng treo trên Thập Giá bên hữu của Chúa đây! Giờ đây đã đến đường cùng và là đáng tội của tôi lắm rồi! Đây là những gì tôi đã làm và tôi phải chịu nhưng Ngài, Ngài đã làm gì nên tội đâu! mà họ đã nhẫn tâm mà đóng đinh Ngài. Tôi tin Ngài là Con Thiên Chúa. "Ngài Giêsu ơi, khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi!" "Và hạnh phúc cho Linh Hồn tôi biết bao khi được nghe Ngài nói với tôi: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

Chặng thứ Mười Hai

Chúng tôi được chứng kiến thấy được Mẹ của Ngài là Đức Trinh Nữ Maria, chị của thân mẫu Ngài, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ Ngài thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu đã nói với thân mẫu mình rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà."

Rồi Ngài nói cùng với môn đệ: "Đây là mẹ của anh."

Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Chặng thứ Mười Ba

Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, bóng tối đã bao phủ khắp mặt đất, cho mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Ngài tắt thở".

Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này thực là người công chính! "

Chặng thứ Mười Bốn

Chúng tôi cũng được chứng kiến có thấy một người tên là Giuse, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành Arimathêa, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày Sabát bắt đầu ló rạng.

Lậy Chúa Giêsu Kitô! Con đã cảm được phần nào 14 Chặng Đàng Thánh Giá của Chúa đã đi, trải qua, và vượt qua như thế nào! Sau khi con cố gắng tóm gọn lại cho dễ hiểu hơn của từng nhân vật (con có thể). Con nói thế vì con đã đọc và nhận biết qua phim ảnh. Con chỉ có thể tưởng tượng và đóng vai trò của tất cả nhân vật có mặt từ ở Chặng thứ 1 cho đến Chặng thứ 14 y như là tài tử đóng phim mà thôi!

Vâng thưa lậy Chúa! quả thật tận trong tấm lòng của từng con người chúng con trong một ngày có thể trải qua tất cả những nhân vật xấu xa trong suốt 14 Chặng Đàng Thánh Giá mà Chúa trải qua. Con cảm nhận được rằng khi chúng con cầu nguyện và để Chúa ngự trong lòng chúng con thì lập tức chúng con có thể trở thành các Thánh Tông Đồ, những con người sống Công Chính biết Kính Sợ Chúa, các Thánh Nữ, và tất cả những ai tốt lành biết giữ lề luật và giới răn của Chúa. Còn khi chúng con muốn sống xa Chúa để đi tìm những Danh, Lợi, Thú, và Của Vật Chất chóng qua, chóng hư, chóng tàn, và chóng rỉ xét, thì lập tức chúng con sẽ bị ma quỷ chế ngự mà trở thành những con người xấu xa và luôn có ý tưởng chống đối Chúa và giới luật của Chúa.

Cùng đích của cuộc đời chúng con, xin Chúa thương yêu chúng con như Người Trộm Lành (Baraba) hiểu được tội lỗi của mình, đấm ngực, ăn năn, sám hối, và trở về với tâm hồn hoán cải, để Lòng Thương Xót Chúa sẽ tha thứ tất cả những lỗi lầm mà chúng con đã phạm. Amen.
 
Xem phim ''Cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giêsu''
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
22:31 20/03/2008

XEM PHIM

“Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu”.



Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng vụ của Giáo Hội.

Tuần Thánh để người Kitô hữu tưởng niệm những biến cố đặc biệt của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Tam Nhật Thánh là những ngày Thánh, đỉnh cao của năm Phụng Vụ.

Cùng với những cử hành phụng vụ Tam Nhật Thánh, Giáo xứ chúng tôi chiếu phim “cuộc khổ nạn của Chúa” cho mọi người xem. Bà con giáo dân đi xem phim thật đông đảo y như đi xem phim màn ảnh rộng của thập niên 70–80, cả bà con lương dân cũng đến dự.

Bộ phim xoay quanh 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, cảnh mở màn của bộ phim là Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (Lc 22,20-45), quỹ Satan đến cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ cuộc thương khó nhưng không thành. Rồi Giuđa phản bội đưa người đến bắt Chúa và dẫn đến nhà Thượng tế Anna và Caipha. Sáng hôm sau Chúa bị điệu đến quan tổng trấn Philatô và bị hành hình dã man. Cuộc khổ nạn lên tới cao điểm trên thập giá với những đau đớn, đóng đinh, máu chảy, thân xác tả tơi. Bóng tối bao trùm trái đất in mờ bóng ba thập giá trên nền trời đen thẳm. Từ chén cứu chuộc những giọt máu cuối cùng đang nhỏ xuống nhuộm đỏ cây Thánh giá Chúa Giêsu.

Bộ phim đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn mỗi tín hữu. Ai cũng nhớ nhi in từng chi tiết cuộc khổ nạn Chúa Giêsu. Bộ phim giúp cho mỗi người sống Tuần thánh sốt sắng hơn, yêu mến Chúa hơn. Những bà cụ khóc nức nở vì thương Chúa bị đòn vọt dã man. Các em thiếu nhi ngồi im lặng theo dõi diễn tiến, nhiều em sụt sùi khóc nghẹn ngào. Có thể nói 2 giờ xem phim có giá trị hơn cả vài chục giờ dạy giáo lý cho giáo dân !

Toàn bộ chi tiết của bộ phim được đạo diễn Mel Gibson lấy từ Kinh thánh. Cuộc thương khó được bốn Phúc âm ghi lại kể về từng chặng đường khổ nạn Chúa Giêsu: Chúa Giêsu chết trong cô đơn:

Các sách Phúc Âm đều thuật lại giờ phút sau cùng của Chúa, đó là những khoảnh khắc cô đơn kinh hoàng.

- Trong vườn Cây Dầu, ba môn đệ thân tín ngủ say để Chúa xao xuyến một mình.

- Giuđa phản bội bán Thầy 30 đồng bạc là giá một nô lệ bằng một nụ hôn giả dối.

- Phêrô chối Thầy ba lần, ông thề là không quen biết Đức Giêsu trước một đầy tớ gái.

- Các môn đệ sợ hãi bỏ chạy trốn hết, có một môn đệ chạy trốn bỏ lại áo, chạy mình trần.

- Đám đông dân chúng cuồng nộ: Đóng đinh nó đi. Họ coi Đức Giêsu còn thua Baraba là một tên phiến loạn giết người.

Không biết những người được Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi ăn giờ ở đâu? Những người được chữa lành đang ở đâu ? Những người tung hô Vạn tuế Con Vua Đavid đang làm gì ?

Chúa Giêsu đi đến tột cùng của sự cô đơn khi Chúa thổn thức với Chúa Cha: Lạy Thiên Chúa tôi, sao Ngài nỡ bỏ tôi?

Chúa Giêsu chết trong đau khổ:

Đau khổ Chúa Giêsu chịu trong giờ sau hết thật ghê rợn.

- Đau khổ về thân xác: Người ta khạc nhổ, đánh đập, tát vào má, dùng roi quất vào người. Đôi bàn tay bầm tím xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu đội mũ gai nhọn, lưỡi đòng đâm cạnh sườn máu và nước chảy ra. Chúng ta hình dung, một người bị lột trần trụi, hai tay bị giang thẳng trói xiết chặt vào thanh gỗ ngang, hai chân bị trói vào thanh gỗ dọc, phơi ngoài trời nắng cho đến chết. Chết vì nghẹt thở do các cơ vòng ngực, cơ bắp tay không còn sức trương ra co vào để phổi thu nhận dưỡng khí. Tử tội bị đóng đinh cổ tay bàn chân càng thê thảm bội phần vì đau đớn nhức nhối, sức người rướn lên để thở nên mau kiệt quệ và chóng chết.

- Đau khổ về tinh thần: Người ta sỉ nhục, cười nhạo Chúa Giêsu, kẻ qua người lại đều nhục mạ Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa sao không cứu mình đi. Các Thượng tế cũng chế giễu Người: Nó đã cứu được người khác sao không tự cứu mình đi. Những kẻ cùng đóng đinh với Người cũng thách thức: Nếu ông là Đức Kitô,ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa.

Chúa Giêsu chết trong sự vâng phục:

Cái chết cô đơn, cái chết đau khổ đến với Chúa Giêsu như một chén đắng mà Chúa Cha trao phó, Chúa Giêsu đã xin vâng theo ý Cha, nhưng không vì thế mà bớt sự đau đớn.

Trong vườn Cây Dầu Chúa Giêsu than thở: Cha ơi Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý Con mà theo ý Cha. Và “Đức Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập giá” (Pl 2,8). Cái chết của Chúa Giêsu có giá trị là vì “vâng phục” chứ không phải là vì “đau khổ”. Thánh Phaolô trong (Rm 5,12) cũng nhắc lại giá trị sự vâng phục của Đức Kitô đối ngược với sự bất tuân của Ađam. Thánh Gioan coi cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện và vì lẽ đó mà Chúa Cha yêu mến Ngài (x. Ga10,17-18). Chính sự vâng phục tự nguyện đem lại giá trị cho sự đau khổ cái chết của Đức Kitô. Tình yêu đến cùng của Đức Kitô đối với Chúa Cha mạc khải tình yêu đến cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại, bất chấp mọi giới hạn, bất chấp mọi trở lực do hận thù của loài người. Đau khổ và cái chết vì tình yêu, Đức Giêsu đã vâng phục. Tình yêu đã chiến thắng hận thù. Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cái chết; trong cái chết tình yêu đã thắng vượt, khởi đầu cho sự sống mới trong ân sủng Phục sinh.

Vì thế khi suy ngắm cuộc khổ nạn và cái chết quá đỗi đau thương của Chúa Giêsu chúng ta nhận thấy Chúa chấp nhận đau khổ vì vâng phục thánh ý Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại.

- Đau khổ hình như là một định luật trong thiên nhiên. Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không mục nát đi nó trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó chết đi mới trổ sinh nhiều hạt khác (Ga 12,24). Khi người đàn bà sinh con thì bà đau đớn, nhưng khi đã sinh con rồi thì bà quên hết đớn đau, bà vui mừng vì một con người đã chào đời (Ga 16,21). Người mẹ phải trải qua một sự đau đớn, một hình thức chết để cho sự sống xuất hiện. Một em học sinh, một anh sinh viên phải vất vả học hành, thức khuya, dậy sớm mới mong đạt kết quả. Những người nông dân phải lao nhọc một nắng hai sương để cầy bừa, gieo hạt, chăm bón mới hy vọng có một mùa màng tươi tốt. Hạnh phúc luôn nối liền với cố gắng và hy sinh.

- - Đau khổ là một định luật trong tình yêu. Chúa Giêsu nói: Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi trần gian này thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời. Tình yêu cao cả nhất là tình yêu quên mình để phục vụ người khác. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13).

- Khi suy gẫm về cuộc sống vợ chồng chúng ta sẽ thấy rằng: nếu mỗi người chỉ ích kỷ lo cho bản thân mình, chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mình mà không quan tâm đến gia đình thì cuộc sống sẽ nặng nề buồn chán, hạnh phúc gia đình mau tan vỡ. Chỉ yêu bản thân mình là hủy diệt hạnh phúc gia đình. Nếu mỗi người biết quên mình để lo chung hạnh phúc gia đình thì niềm vui mới trổ sinh hoa trái.

Tất cả những điều đó soi sáng cho chúng ta phần nào về đời sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi chấp nhận mang lấy những khổ đau, những nhục nhã của cái chết Thập gia, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để cho sự sống mới phát sinh. Nhờ sự chết của Người mà sự sống đời đời xuất hiện cho nhân loại. Đó là định luật nối kết sự chết và sự sống. Chấp nhận đau khổ và sự chết vì tình yêu thì nó trở thành con đường dẫn tới sự sống muôn đời.

Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc chúng ta gặp đau khổ thất bại như nghèo nàn lại bị tai vạ, bệnh tật, chết chóc … gặp nghịch cảnh nhiều lúc chúng ta than trách Chúa, nghi ngờ, lung lay đức tin, có người đánh mất đức tin … Nếu biết kết hợp với đau khổ, chiêm ngắm đau khổ của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chúng ta vững vàng vượt qua thử thách. Qua đau khổ mới đạt tới vinh quang.

trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp những đau khổ thử thách, chúng ta hãy xin được như Thánh Gioan kiên vững dưới chân Thập giá để trung thành với một tình yêu sắt son cùng Thầy Giêsu; xin được như Đức Maria can đảm dưới chân Thập giá cùng chịu đau thương nhục nhã với người con yêu.

Con Thiên Chúa đã gánh chịu mọi khổ đau của thân phận con người nhưng Ngài không oán than kêu trách, không kêu ca rên xiết. Trái lại, Người đón nhận khổ đau với một tình yêu sâu đậm: Yêu Chúa Cha và yêu nhân loại. Chính tình yêu này đã biến khổ đau của Người nên nguồn ơn cứu rỗi.

Xem phim “cuộc khổ nạn Chúa Giêsu” trong Tuần Thánh, người tín hữu càng thêm lòng mến Chúa, thêm đức tin.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bắc Kinh tấn công Đức Thánh Cha vì lời kêu gọi hòa bình cho Tây Tạng
Thúy Dung
09:33 20/03/2008
Bắc Kinh - Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt trước lời kêu gọi hòa bình cho Tây Tạng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Kinh, Tần Hạo, đã bác bỏ thẳng thừng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Hạo nói: “cái gọi là khoan dung đó không thể áp dụng cho bọn tội phạm, là những kẻ phải bị trừng trị theo luật pháp”.

Công an lôi người đi giữa đường phố Lahsa
Cảnh sát lùng xục bắt bớ khắp nơi
Bộ đội Trung quốc kiểm soát chặt chẽ Lahsa
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 19/3 với hơn 15,000 tín hữu hành hương tại Vatican, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo động tại Tây Tạng.

“Tôi theo dõi với đầy âu lo tin tức trong những ngày này đến từ Tây Tạng. Tim tôi cảm thấy buồn và đau đớn trước sự đau khổ của quá nhiều người”.

“Mầu nhiệm thương khó và cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta tưởng niệm trong Tuần Thánh giúp chúng ta cách đặc biệt nhạy cảm với tình trạng của họ”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng “các vấn đề không thể giải quyết bằng bạo lực, chúng chỉ làm xấu thêm tình hình”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu trên thế giới hiệp nhất với ngài trong lời cầu nguyện. “Chúng ta hãy xin Thiên Chúa toàn năng soi sáng tâm trí của tất cả mọi người và ban cho mỗi người ơn can đảm để chọn con đường đối thoại và khoan dung”.

Trong khi đó, thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng đã bầy tỏ với thông tấn xã Công Giáo Asia-News lòng biết ơn Đức Thánh Cha. Thủ tướng Samdhong Rinpoche nói: “Đức Thánh Cha đã gióng lên tiếng nói về những đau khổ của chúng tôi đối với thế giới, chúng tôi cám ơn ngài về điều đó”.

Hồi đầu tuần này Đức Dalai Lahma đã lên tiếng cho biết là ngài luôn chủ trương bất bạo động và nếu tình trạng bạo động vượt quá sự kiểm soát thì ngài sẽ từ chức lãnh đạo chính quyền Tây Tạng lưu vong. Ông Thubten Samphel, phát ngôn viên chính phủ lưu vong Tây Tạng đặt trụ sở ở Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ cũng giải thích thêm rằng Đức Dalai Lahma biết rằng có những người trẻ Tây Tạng không đồng ý với đường lối bất bạo động của ngài. Nếu số đông dân chúng Tây Tạng chọn con đường bạo động thì ngài không có lựa chọn nào khác hơn là từ chức.

Trung quốc đã dùng ngay chính câu nói của Đức Dalai Lahma để ráo riết đổ lỗi cho người Tây Tạng. Lập luận hiện nay của Trung quốc cho rằng họ chính là nạn nhân của bạo động do người Tây Tạng gây ra và chính Đức Dalai Lahma cũng không đồng ý với những hành động đó của người Tây Tạng.

Tân Hoa Xã cáo buộc những người Tây Tạng đã giết và thiêu sống 13 người Trung quốc, đốt phá hơn 300 tòa nhà và hơn 60 xe cộ của Trung quốc gây thiệt hại 14 triệu đô la.

Dựa vào những lý chứng đó, công an và bộ đội Trung quốc thẳng tay đàn áp. Trong khi đó, đài Truyền Hình Trung quốc công khai chiếu những cảnh công an và bộ đội bắt bớ và đánh đập người Tây Tạng trên đường phố Lahsa. Những hình bên cạnh là do chính đài truyền hình Trung quốc phát cho toàn thế giới xem.
 
ĐTC: Kết hiệp với Đức Kitô để đáp ứng với Thời đại mới
Phụng Nghi
10:20 20/03/2008
Vatican (Zenit) – Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chào mừng các sinh viên đến dự cuộc họp hàng năm do tổ chức Opus Dei bảo trợ, và khuyến khích họ nuôi dưỡng mối quan hệ mật thiết với Đức Kitô để có thể đáp ứng được những vấn nạn lớn của thời đại ta.

Bằng ba ngôn ngữ khác nhau, Đức thánh cha chào mừng các tham dự viên của hội nghị UNIV quốc tế, tập hợp tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Sau đó, ngài diễn giảng giáo lý theo thường lệ trong buổi triều yết hàng tuần tại Thính đường Phaolô VI.

Ngài nói với các bạn trẻ: “Cha nhiệt tâm chào mừng tất cả các con đã từ nhiều quốc gia và nhiều trường đại học đến Roma để cùng nhau cử hành Tuần Lễ Thánh, và tham dự Đại hội UNIV Quốc tế. Nhờ vậy, các con có thể hưởng được những thời gian cầu nguyện chung, được phong phú thêm về văn hóa, giúp nhau trao đổi các kinh nghiệm có được từ tổ chức của các con với các trung tâm và các hoạt động đào tạo người Kitô hữu, do sự bảo trợ của Phủ giám hạt Opus Dei nơi các đô thị và quốc gia của chúng con.”

Hội nghị năm nay chấm dứt vào Chủ nhật Phục Sinh, đặt trọng tâm vào chủ đề: “Hiện thân, Trình bày và Truyền đạt: Giải trí và Hạnh phúc trong một Xã hội Truyền thông Đại chúng”

Đức thánh cha nhắc nhở người trẻ rằng với “sự cam kết cá nhân thành khẩn, được các giá trị Tin Mừng linh ứng, họ có thể trả lời thích đáng các vấn nạn lớn của thời đại chúng ta.”

“Người Kitô hữu biết rằng có một sự nối kết không thể tách lìa giữa chân lý, đạo đức và trách nhiệm. Mọi hình thái văn hoá chân chính đều góp phần vào việc đào tạo lương tâm và khuyến khích con người làm chính mình tốt đẹp hơn và cuối cùng làm xã hội tốt đẹp hơn. Như vậy, người ta cảm thấy có trách nhiệm trước chân lý, để phục vụ chân lý người ta phải bỏ chính tự do cá nhân của mình.”

Một cam kết

ĐTC Bênêđictô XVI nói điều này hàm ý “một cam kết cần có sứ mạng.” Và để hoàn thành cam kết này, ngài xác quyết, “người Kitô hữu được kêu gọi bước theo Đức Giêsu, nuôi dưỡng một tình bạn thắm thiết với Ngài qua lời cầu nguyện và chiêm niệm.”

“Hơn nữa, muốn trở thành bạn hữu với Đức Kitô, và để làm chứng nhân cho Người ở bất cứ nơi đâu, đòi hỏi phải có sức mạnh để đi ngược lại trào lưu. Hãy nhớ lời của Chúa: Các con ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.”

Đức thánh cha khuyến khích giới trẻ: “Đừng sợ khi dám trở thành, khi nào cần thiết, những người không theo các tục lệ xã hội, ở trường đại học, ở học đường và ở khắp mọi nơi.”

Ngài thúc giục: “Các bạn trẻ thuộc tổ chức UNIV thân mến, hãy là men hy vọng trong một thế giới khao khát tìm gặp Đức Giêsu mà thường khi không hay biết. Để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn, trước nhất các con hãy nỗ lực đổi mới chính mình, bằng cuộc sống tham dự nhiệt thành vào các nhiệm tích, đặc biệt là bí tích hòa giải, và chuyên cần cử hành bí tích Thánh thể.”

Các cuộc hội nghị UNIV bắt đầu được tổ chức từ năm 1968 do sáng kiến và khuyến khích của vị sáng lập tổ chức Opus Dei là Đức ông Josemaría Escrivá. Ngài được tuyên thánh năm 2002.
 
Osama bin Laden lại lên tiếng đe dọa ĐTC Beneđictô XVI và Liên Minh Âu Châu
Peter Nguyễn Minh Trung
12:34 20/03/2008
WASHINGTON DC- Hôm nay 20/03/2008, trong một "thông điệp" mới dưới dạng băng ghi âm, thủ lĩnh khủng bố quốc tế Al-Qaeda Osama Bin Laden đã chỉ trích, đe dọa Âu châu và Đức Giáo Hoàng về việc in các tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad.

"Thông điệp" 5 phút này được đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm nước Mỹ đánh Iraq (20/03/2003), cảnh báo châu Âu song không đề cập tới lễ kỷ niệm trên. "Thông điệp" xuất hiện trên một trang web Hồi giáo cùng với một hình ảnh tĩnh về Bin Laden đang cầm một khẩu AK-47.

Giọng nói trong băng cho rằng các tranh biếm họa mà báo chí Đan Mạch cũng như các nơi khác đăng tải là một phần của cuộc thập tự chinh liên quan tới Đức Giáo Hoàng Benedict XVI. Các người ’’đang thử thách người Hồi giáo....câu trả lời sẽ là cái mà các người sẽ nhìn thấy và không phải cái mà các người nghe thấy...’’.

Tưởng cũng nên nhắc lại quan niệm và lập trường của Tòa Thánh là đã nhiều lần hoàn toàn phản đối việc đăng các tranh biếm họa Muhammad. Vậy điều mà Bin Laden nói chứng tỏ hắn là một kẻ khủng bố đáng kinh tởm và không biết đánh giá, nhận xét tình hình thực tế. Bin Laden - cũng như toàn thể bộ sậu khủng bố quốc tế - luôn đưa ra các quan điểm chủ quan và cực đoan âm mưu nhằm tấn công vào những thế lực ôn hòa với Hồi Giáo.

Các chuyên gia vẫn chưa xác định được giọng nói trên có phải là của bin Laden hay không. Thông điệp được đưa ra khi thế giới Hồi giáo kỷ niệm ngày sinh của nhà tiên tri Muhammad (20/03).

Hôm 13/02/2008 vừa qua, các tờ báo hàng đầu Đan Mạch đã cho in lại các tranh biếm họa. Những tranh biếm họa này đã khiến nhiều người Hồi giáo tức giận khi lần đầu tiên được đăng tải năm 2006. Một trong các bức tranh vẽ nhà tiên tri Muhammad đội khăn xếp hình quả bom.

Ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối việc đăng tải các tranh biếm họa trên. Người Hồi giáo nói rằng đó là một hành động lăng mạ đạo Hồi. Các tờ báo cho in lại những bức biếm họa này cho rằng họ đang bảo vệ quyền tự do truyền thông.

Theo các chuyên gia chống khủng bố, thông điệp mới được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi trên các diễn đàn trực tuyến jihand trả đũa châu Âu về những tranh biếm họa trên.

Đây là thông điệp đầu tiên của Bin Laden kể từ hôm 29/11/2007 khi hắn kêu gọi các nước châu Âu ngừng tham gia vào các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan. Thủ lĩnh al-Qadea này, chủ mưu của các cuộc tấn công 11/9, thường đưa ra các thông điệp nhân những sự kiện lớn. Người ta tin rằng hắn đang ẩn náu tại các vùng núi xa xôi giữa Pakistan và Afghanistan, nhưng các cuộc truy lùng Bin Laden của quân đội Mỹ vẫn chưa tỏ dấu hiệu lạc quan.

Trong đoạn băng, Bin Laden cũng chỉ trích quốc vương Abdullah của Ảrập Xê-út, mô tả ông là ’’vua không có vương miện ở Riyadh’’ và nói rằng ông Abdullah có thể chấm dứt toàn bộ sự tranh cãi về các bức biếm họa nếu ông muốn bởi ảnh hưởng của ông đối với các chính phủ châu Âu.

Quốc vương Abdullah của Ảrập Xê-út là một trong 138 học giả Hồi Giáo muốn cùng đối thoại giữa Công Giáo và đạo Hồi. Chủ trương của ông là ôn hòa và thương thuyết dựa trên cơ sở hòa bình đã trở thành đối tượng ngắm bắn của Bin Laden.

Bin Laden xuất thân từ một gia đình Ảrập Xê-út rất giàu có. Hắn bị tước quyền công dân Ảrập Xê-út vào năm 1994 sau khi chỉ trích nước này về việc cho phép Mỹ đóng quân.

(phỏng theo BBC, AP, Reuters)
 
Hỗ trợ dân Tây Tạng đứng lên đòi dân chủ
Lê Dân Việt
14:54 20/03/2008
Hỗ trợ dân Tây Tạng đứng lên đòi dân chủ

Thế giới đứng dậy chống cộng nô
Cùng nhau liên đới ta a dô
Vì cộng nói chung rất bất nhân
Lòng dạ của họ rất tham sân

Đẩy dân vào chốn cùng khốn
Đàn áp Tây Tạng, chúng bô bô
Đày đọa dân người thân xác khô
Người dân khốn khổ, quá bể dâu

Đời dân tan nát, sống lo âu
Văn hóa Tây Tạng bao đời trước
Trung Cộng chà đạp tận hố sâu
Thấy cảnh dân người sao thương tâm!

Bởi chưng cộng sản chúng vô tâm
Dân người nhún nhường, chúng càng lộng
Ra tay tàn ác, chúng giết ngầm
Giết cả người dân, lẫn nhà sư

Đất nước người ta, chiếm vô tư
Chẳng khác trong phim quân cướp biển
Trấn lột Tây Tạng cứ ngất ngư
Ra tay tàn nhẫn, tống ngục giam

Tây Tạng chịu khổ đã bao năm
Muốn vùng đứng lên thoát lọc lừa
Tây Tạng, Trung Cộng chúng không vừa
Trấn áp dân người, chúng tự hào

Bảo vệ Tây Tạng, giúp công lao
Có biết đâu, loài quỉ cộng sản
Bản chất gian manh chúng rất cao
Đàn áp dân người khổ siết bao

Cộng sản chúng nó ác vô bờ
Đàn áp dân người khổ lắm cơ
Thế giới hãy đứng lên chống cộng
Cũng như chống chủ nghĩa khủng bố

Thấy bất công, sao ta hững hờ?
Thấy dân người chết sao làm ngơ?
Đứng lên chống cộng, nghĩ thiệt hơn?
Vì công lý ta không cúi lòn

Đấu tranh ôn hòa, không bạo động
Dù cho Trung Cộng, thẳng tay dộng
Dù cho đấu tranh có cực nhọc
Bình tâm suy xét, đúng, thiệt hơn.. .

Những ai còn có chút lương tâm
Còn có trong người chút đạo lý
Còn có trong long chút chữ nhân
Những ai vẫn còn chút tình người

Xin cứu dân người khỏi đắng cay
Cứu dân người thoát khổ hôm nay
Cùng nhau ngăn cản lũ ác độc
Không thôi chúng triệt cả chủng tộc

Thương người bị nạn, phải ra tay
Đừng quá trông chờ vào ngoại quốc
Đừng quá ỷ y vào nước ngoài
Chờ họ ra tay cứu chúng ta

Vì họ với ta không màu da
Và ta với họ, không cùng nước
Lên tiếng đôi khi chỉ lấy có
Chứ không thực tâm, ước nguyện ta

Vì họ có những lý lẽ riêng
Họ sẽ nghĩ đến họ trước đã
Điều họ làm, có lợi hay không?
Họ nghĩ quyền lợi họ trước tiên

Ngay cả bắt tay với kẻ thù
Ngay cả làm ăn với kẻ ác
Khi cần là họ sẽ bắt tay
Miễn là có lợi cho họ thôi

Còn đối với các nước đọa đày
Người dân dù đang bị đàn áp
Tôn giáo nơi nào không tự do
Họ ra tay phản đối trên miệng

Vài nghị quyết đưa ra vu vơ
Hay vài chế tài cho có lệ
Hay một vài cấm vận gọi là
Để có tiếng, ta để ý quan tâm

Có khi họ nói rất nhiều
Như có để ý đến sự đàn áp
Họ cũng để ý đến dân chủ
Có quan tâm tự do tôn giáo

Để ý đàn áp các nhà tu
Để ý đàn áp dân tộc đó
Để ý dân người ta nghèo khó
Nhưng tất cả để đó mà thôi

Và tất cả, giỏi đánh bài lờ
Như xứ sở Rwanda Phi Châu
Với hơn năm trăm ngàn người chết
Vì kỳ thị, chủng tộc giết nhau

Mà họ có màng đến gì đâu
Chỉ khi ảnh hưởng quyền lợi họ
Họ cương quyết chống đối ra mặt
Như vụ Kuwait năm chín mốt

Còn nói chung họ âm thầm lặng lẽ
Đàn áp dân người chết mặc bây
Có phá tượng Chúa, Phật mặc thây
Kệ ai có chết mặc thân ai

Đạo có bị trấn áp không sao
Đập chùa, nhà thờ thì cũng mặc
Họ chỉ giỏi nói, không giỏi làm
Họ giỏi biện luận, không hành động

Trước quần chúng, họ nói rất kêu
Diễn văn thương người, rất nẩy lửa
Cổ súy dân chủ, không ai bằng
Nhưng tất cả, chỉ là để đó

Có tác dụng nho nhỏ mà thôi
Họ vỗ ngực hô hào tự do
Ai đụng họ, họ sẽ đánh cho
Cứu dân tộc khác, họ đắn đo

Nên muốn cứu dân tộc của mình
Thì chính dân tộc phải đứng lên
Không ai thương mình, bằng chính mình
Không ai thương Tây Tạng, bằng Tây Tạng

Vậy ta phải đồng tâm hiệp lực
Bằng tất cả sức mạnh tự lực
Với tất cả sức mạnh dân tộc
Thà đứng lên cứu nguy tổ quốc

Thà chết vinh, hơn là sống nhục
Để mang lại vinh quang con cháu
Để dành lại độc lập dân tộc
Khi đứng lên đấu tranh như thế

Phải cùng nhau vận dụng phương kế
Chúng ta nhờ nước ngoài ủng hộ
Bằng tiếng nói qua loa cũng được
Hay dăm chế tài cũng càng tốt

Để làm động lực phụ thúc đẩy
Cho đấu tranh chúng ta chính nghĩa
Cả loài người lên tiếng ủng hộ
Cộng sức mạnh, ý chí toàn dân

Ta thay đổi vận mệnh đất nước
Chỉ khi thấy chúng ta thắng lợi
Đang trên đà chính nghĩa gia tăng
Họ nhảy vào, cứu nguy đúng lúc

Sức mạnh tự dân tộc cần thiết
Nếu người Tây Tạng không đứng lên
Thì muôn đời nô lệ Trung Cộng
Và mãi mãi quân Tàu đô hộ

Và suốt đời nô lệ ngoại bang
Dân Tộc Tây Tạng hãy đứng lên
Liều chết một lần, cho vinh quang
Còn hơn đời đời làm tôi mọi

Bị người ta đè đầu, đè cổ
Chẳng lẽ ngàn năm cứ vậy hoài
Hỡi các nước đang bị đàn áp
Hãy đứng lên, ta khử đêm đen

Ta khử đi những gì bất công
Ta khử đi những gì bất nhân
Ta khử đi những gì gian ác
Để thế giới, dân tộc bình yên

Hỡi thế giới, hãy giúp đỡ họ.
 
ĐTC mời gọi các linh mục phục vụ mọi người trong chân lý và tình yêu
Linh Tiến Khải
15:13 20/03/2008
ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI TRONG CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG

VATICAN - Sáng thứ Năm Tuần Thánh 20-3-2008 Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế làm phép Dầu trong đền thờ thánh Phêrô. Ngài mời gọi các linh mục tỉnh thức và phục vụ mọi người trong chân lý và tình yêu thương.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 1600 linh mục thuộc giáo phận Roma, trong đó có nhiều linh mục sinh viên đang tu học tại thủ đô Giáo Hội. Các vị đã cùng nhau lập lại các lời hứa ngày thụ phong. Tiếp đến là lễ nghi làm phép dầu tân tòng, dầu bênh nhân và dầu thêm sức. Ba bình dầu lớn đã được các Phó Tế khiêng lên trước bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người suy tư về ơn gọi linh mục.

”Linh mục phải là người tỉnh thức, phải canh chừng trước các sức mạnh tấn kích của sự dữ. Phải giữ cho thế giới tỉnh thức cho Thiên Chúa. Phải là một người đứng thẳng trước các trào lưu thời đại. Đứng thẳng trong sự thật. Đứng thẳng trong dấn thân cho sự thiện. Tư thế đứng trước mặt Chúa phải thường hằng, trong chính cùng thẳm con người mình, cả khi phải mang gánh nặng của tha nhân đến bên cạnh Chúa, là Đấng mang lấy gánh nặng của tất cả chúng ta đến bên cạnh Thiên Chúa. Linh Mục phải là người gánh vác Chúa Kitô, gánh vác lời Ngài, chân lý và tình yêu thương của Ngài. Linh mục phải là một người ngay chính, và sẵn sàng chịu đựng cả các sỉ nhục vì Chúa. Thế rồi cũng phải noi gương Chúa phục vụ tha nhân cho tới chết”.

Đức Thánh Cha khích lệ các linh mục đừng ngưng nghỉ học hỏi: luôn luôn học hỏi cầu nguyện trở lại và cầu nguyện sâu đậm hơn; học hỏi hiểu biết Chúa trong Lời Ngài để cho việc loan báo được hữu hiệu. Đức Thánh Cha cũng cảnh cáo các linh mục trước nguy cơ để cho sự thánh thiêng, mà các vị thường xuyên tiếp xúc, trở thành thói quen. Nó dập tắt sự kính sợ Thiên Chúa. Khi bị tất cả các thói quen đó điều kiện hóa, chúng ta không nhận ra sự kiện lớn lao mới mẻ và gây kinh ngạc là chính Chúa hiện diện, nói với chúng ta và trao ban Người cho chúng ta. Chúng ta phải liên tục chống lại sự nhàm chán với thực tại ngoại thường đó, chống lại sự thờ ơ của con tim, và phải luôn luôn thừa nhận tình trạng không đầy đủ của mình và ơn thánh trong sự kiện Chúa hiến mình trong tay chúng ta.

Đề cập đến thái độ vâng phục của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu Đức Thánh Cha khẳng định rằng với câu ”Xin đừng theo ý con một theo ý Cha” Chúa Giêsu đã giải quyết trận chiến chống lại tội lỗi chống lại sự nổi loạn của con tim sa ngã. ”Tội của Ađam chính là sự kiện muốn thực hiện ý mình chứ không phải ý của Thiên Chúa. Chước cám dỗ của nhân loại luôn luôn là muốn độc lập, chỉ theo ý riêng và cho rằng chỉ như thế chúng ta mới hoàn toàn tự do, chỉ nhờ một sự tự do không giới hạn như vậy con người mới thực sự tự do, mới trở thành Thiên Chúa. Nhưng như thế là chúng ta chống lại sự thật. Chúng ta chỉ tự do khi chia sẻ sự tự do với người khác, và nếu chúng ta bước vào trong thánh ý của Thiên Chúa. Sự vâng phục nền tảng đó lại càng cụ thể hơn trong cuộc sống của vị linh mục. Chúng ta không loan báo chính mình, nhưng loan báo Chúa và Lời Ngài, mà chúng ta không thể tự nghĩ ra. Chúng ta không chế ra Giáo Hội như chúng ta muốn nó là, nhưng chúng ta loan báo Lời Chúa Kitô một cách đúng đắn trong sự hiệp thông với Thân Mình Người. Sự vâng lời của chúng ta là một việc tin cùng với Giáo Hội, suy tư, nói cùng với Giáo Hội và phục vụ cùng với Giáo Hội.

Vào ban chiều lúc 17 giờ 30 Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Tiệc Ly tại đền thờ thánh Gioan Laterano là thờ chính tòa Roma. Trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã rửa chân cho 12 linh mục giáo phận Roma.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói rằng qua tình yêu thương của Chúa Thập Giá trở thành nền tảng siêu việt, biến đổi bản thể con người trong việc chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Trong sự biến đổi đó Ngài cuốn hút tất cả chúng ta, kéo lôi chúng ta vào trong sức mạnh biến đổi của tình yêu của Ngài đến độ trong việc ở với Ngài cuộc sống của chúng ta trở thành ”sự

vượt qua”, sự biến đổi. Và như thế chúng ta nhận được ơn cứu rỗi, được tham dự vào tình yêu vĩnh cửu, là điều kiện mà toàn cuộc sống chúng ta hướng tới.

Đề cập tới lễ nghi rửa chân Đức Thánh Cha khẳng định rằng qua cử chỉ yêu thương cho đến cùng Chúa Giêsu rửa các bàn chân bẩn thỉu của chúng ta, với sự khiêm tốn phục vụ Ngài thanh tẩy chúng ta khỏi bệnh tật kiêu căng. Và Ngài khiến cho chúng ta có khả năng đồng bàn với Thiên Chúa. Ngài đã xuống, và sự đi lên đích thật của con người được hiện thực trong việc cùng xuống với Người và hướng về Người. Việc nâng cao Người lên là Thập Giá. Đó là sự đi xuống sâu thẳm nhất và như tình yêu thương được đẩy cho tới tột cùng nó đồng thời là tột đỉnh của việc đi lên, sự nâng cao đích thật của con người”.

Theo thói quen hằng năm tiền dâng cúng trong thánh lễ năm nay sẽ được dùng trợ giúp viện mồ côi ”Tuổi vàng” trong thủ đô La Habana của Cuba. (SD 20-3-2008)
 
Cựu tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô tuyên xưng niềm tin Kitô
Đặng Tự Do
16:49 20/03/2008
Assisi - Tổng bí thư cuối cùng của đảng cộng sản Liên Xô, cũng là anh hùng giải phóng thế giới khỏi đại họa cộng sản, Mikhail Sergeyevich Gorbachev (Михаи́л Серге́евич Горбачёв), đã công khai tuyên xưng niềm tin Kitô của mình trong cuộc viếng mộ thánh Phanxicô thành Assisi hôm thứ Tư 19/3.

Cựu tổng bí thư Gorbchev và các cha dòng Phanxicô
Cựu tổng bí thư, cựu tổng thống Liên Bang Xô Viết, đã đến Assisi như một người hành hương và đã quỳ gối cầu nguyện trước mộ Thánh Phanxicô hơn 30 phút. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí sau đó, ông cho biết: “Nhờ thánh nhân mà tôi đã đến với Giáo Hội, vì thế rất quan trọng là tôi viếng mộ ngài”.

Ông nói tiếp: “Thánh Phanxicô là tiêu biểu cho Đức Kitô. Câu chuyện về ngài cuốn hút tôi và đóng một vai trò quan trọng trong đời tôi”.

Diễn biến này không làm người ta ngạc nhiên. Trong những năm gần đây, ông Gorbachev rất thường xuất hiện tại Italia. Ông đã từng được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tiếp kiến hai lần trước khi cộng sản Liên Xô sụp đổ và nhiều lần nữa sau đó. Chính ông đã là người giới thiệu một số tác phẩm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các buổi ra mắt sách tại Italia.

Ông Gorbachev sinh ngày 2/3/1931 và đã được rửa tội từ nhỏ trong Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Ngay từ lúc còn đang nắm trong tay vận mệnh của đảng cộng sản Liên Xô, ông đã từng thể hiện ít nhiều niềm tin vào Chúa Kitô của mình. Chính cố tổng thống Ronald Reagan đã từng nói với một cộng sự viên của mình sau cuộc hội đàm đầu tiên với ông Gorbachev rằng: “Tôi tin chắc ông ta là một tín hữu thầm lặng”.

Cựu tổng bí thư Mikhail Gorbachev
Ông Gorbachev đã từng trải qua một thời niên thiếu khốn khổ dưới thời Joseph Stalin. Ông nội của ông đã từng ngồi tù gulag đến 9 năm. Từ tháng 8/1942 quê hương Stavropol của ông đã bị quân Đức chiếm đóng. Tháng 2/1943 chúng rút đi để lại cảnh vườn không nhà trống. Ông đã phải làm việc cật lực ngoài đồng trong một hợp tác xã nông nghiệp cho tới năm 1950.

Dù hoàn cảnh khó khăn ông học hành rất giỏi và có tiếng là thông minh. Sau khi giúp cha thu hoạch một vụ mùa thành công, ông được ban thưởng huy chương Cờ Đỏ vào năm 1947 lúc 16 tuổi. Nhờ thế, ông vào được đại học Luật Khoa tại Mạc Tư Khoa năm 1950. Sau khi tốt nghiệp ông phục vụ cho đảng cộng sản Liên Xô tại quê hương ông.

Từ năm 1970, ông trở thành bí thư thành ủy Stavropol Kraikom và từ năm 1974 đã là đại biểu Sô Viết Tối Cao. Năm 1979 ông được đề cử vào bộ chính trị đảng cộng sản Liên Xô. Năm 1985, ở tuổi 54, Mikhail Gorbachev, đã được bầu làm bí thư đảng cộng sản Liên Xô. Từ đó, ông bắt đầu tiến trình đánh sập đảng cộng sản Liên Xô qua các chương trình như glasnost ("cởi mở"), perestroika ("tái cấu trúc"), demokratizatsiya ("dân chủ hóa"), và uskoreniye ("tăng tốc nông nghiệp").

Đền thờ Thánh Phanxicô thành Assisi
Ngày 1 tháng 12 năm 1989, ông Gorbachev đã là tổng bí thư cộng sản đầu tiên triều yết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí sau tang lễ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ông đã tường thuật lại cuộc gặp gỡ lịch sử đó như sau:

“Sự sụp đổ của Bức Màn Sắt là không thể được nếu không có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thật vậy, tháng 12 năm 1989, chúng tôi đã có một buổi nói chuyện rất thú vị, mặc dù có lẽ rất cảm động. Ngài bảo thẳng với tôi là ngài ghét cay ghét đắng cái chủ nghĩa cộng sản”.

Tuy nhiên, ông Gorbachev tỏ ra không phật ý vì câu nói thẳng thừng đó của Đức Thánh Cha. Ông giải thích,

“Ngài cũng mạnh mẽ phê phán chủ nghĩa tư bản rừng rú. Ngài nói với tôi: ‘Tôi không phục vụ chính trị đảng phái, tôi phục vụ Thiên Chúa’.”

Khích lệ tôi trong tiến trình đổi mới tại Liên Xô, Đức Thánh Cha cho biết “Tôi theo đuổi cùng những điều mà ngài đang cố đạt được với perestroika.”

“Ngài hỏi ý kiến tôi về một Châu Âu thống nhất. Tôi nhớ mãi câu nói bất hủ của ngài: ‘Châu Âu cần phải thở bằng hai buồng phổi.’”.

“Tôi vẫn nhớ như in câu nói của ngài trước khi từ giã, một điều đã làm tôi thực sự xúc động và bâng khuâng. Ngài nói: ‘Tôi sẽ cầu nguyện cho ngài.’”

“Một ngày sau đó, tôi đi Malta để gặp tổng thống George H.W. Bush. Sau đó chúng tôi thông báo Hoa Kỳ và Liên Xô không còn là kẻ thù với nhau nữa. Anh có thể xem thấy, tất cả đều có tương quan với nhau”.

“Giờ đây tôi khóc thương ngài. Chúng ta biết thế nào ngày này cũng đến. Điều tôi có thể nói đó là mọi sự đều do Thánh Ý Chúa. Đức Thánh Cha đã hành động hết sức can đảm. Sự tận tụy của ngài đối với các tín hữu là gương sáng ngời cho tất cả chúng ta”.

Tháng 8 năm 1991, bọn cộng sản cứng rắn như Kryuchkov, Yazov, Pavlov và Yanayev làm chính biến. Ông Gorbachev bị bắt tại Crimea và bị giam trong 3 ngày từ 19 đến 21/8. Sau khi được ông Yeltsin giải cứu, ông Gorbachev đã ra lệnh giải tán và đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, giải phóng hoàn toàn khối Liên Xô khỏi đại họa cộng sản.
 
Đức Giáo Hoàng nói về Bí Tích Giải Tội
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:41 20/03/2008
“Không phải tội là trung tâm cho việc cử hành, nhưng là Thiên Chúa”

VATICAN (Zenit.org).- Bản dịch của báo L’Osservatore Romano về bài phát biểu ngày 7/3 của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, với những người tham dự một giáo trình hằng năm về các vấn đề lương tâm, do Toà Ân Giải Tối Cao tổ chức.

* * *

Thưa Hồng Y,

Anh em đáng kinh trong chức Giám mục và linh mục,

Các cha Giải Tội trong các Vương Cung Thánh Đường Roma,

Tôi vui mừing gặp mặt anh em lúc kết thúc Giáo Trình về Toà Trong, giáo trình mà đã qua vài năm nay Toà Ân Giải Tối Cao đã tổ chức trong Mùa Chay. Với chương trình soạn thảo kỷ càng, cuộc họp hằng năm này cống hiến một phục vụ qúi báu cho Giáo Hội và giúp giữ sống động ý thức về sự thánh thiêng của Bí Tích Hoà Giải.

Do đó tôi gởi những lời chào chân tình của tôi tới những người tổ chức, cách riêng Chánh Án Toà Ân Giải Tối Cao, Hồng Y James Francis Stafford, người tôi chào và cám ơn vì những lời lịch sự của ngài. Cùng với ngài, tôi chào và cám ơn vị Nhiếp Chính và nhân viên Tòa Ân Giải Tối Cao cũng như những tu sĩ đáng khen ngợi của những Hội Dòng khác nhau là những người ban Bí Tích Sám Hối trong các Vương Cung Giáo Hoàng của Thành Phố. Tôi cũng chào tất cả những người tham gia trong Giáo Trình.

Mùa Chay là một Mùa đặc biệt thuận lợi để suy tư về thực tại sự tội dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa, mà Bí Tích Sám Hối diễn tả trong hình thức cao nhất. Do đó tôi muốn lợi dụng sự thuận lợi này để lưu ý anh em đến một số tư tưởng về sự ban Bí Tích này trong thời đại chúng ta, trong thời đại mà sự mất cảm giác về tội vô phúc đang trở thành ngày càng lan rộng hơn.

Yêu thương chống lại trào lưu ý kiến

Ngày nay cần thiết giúp những người xưng tội kinh nghiệm lòng lành của Chúa đối với những người có tội, lòng lành mà nhiều tình tiết Tin Mừng miêu tả với những giọng cảm xúc manh.

Ví dụ, chúng ta hãy lấy đoạn Tin Mừng Luca nói về người nữ tội lỗi đã được tha (x. Lc 7:36-50). Ông Simon, một người Pharisêu và một quan chức giàu có trong thành, dọn một bữa tiệc tại nhà tư để thết đãi Chúa Giêsu, Theo một tập quán của thời bấy giờ, bữa ăn được ăn với các cữa nhà để mở, vì làm vậy thì danh tiếng và uy tín của chủ nhà gia tăng. Thình lình, một người khách không được mời và không được trông đợi đi vào từ phía sau phòng: một người nữ mãi dâm khét tiếng.

Người ta có thể hiểu vẻ bối rối của những kẻ hiện diện, nhưng không có dáng điệu phiền nhiễu người nữ ấy. Cô tiến tới và lén lén dừng lại dưới chân Chúa Giêsu. Cô đã nghe những lời tha tội của Chúa Giêsu và những lời Người đem hy vọng đến cho mọi người dầu là những gái mãi dâm; cô đi và dừng lại nơi đó trong thinh lặng. Cô tưới chân Chúa Giêsu bằng nước mắt, lấy tóc mình mà lau khô chân Người, hôn và lấy dầu thơm hảo hạng mà xức chân Người.

Làm như vậy, người đàn bà tội lỗi muốn tỏ bày tình yêu của mình cho và sự biết ơn đối với Chúa với những cử điệu quen thân của cô, mặc dầu những cử điệu ấy bị xã hội khiển trách

Giữa sự bối rối chung, chính Chúa Giêsu là người cứu vãn tình thế: “Simon, tôi có điều muốn nói với ông”. “Thưa Thầy, chuyện gì vậy?”, ông chủ nhà hỏi Chúa. Chúng ta tất cả đều biết câu trả lời của Chúa Giêsu bằng một dụ ngôn chúng ta có thể tóm tắt trong những lời sau đây mà về cơ bản Chúa đã nói với Simon: “Ông thấy đó? Người đàn bà này biết mình là kẻ tội lỗi; nhưng được tình yêu thúc đẩy, bà xin ơn hiểu biết và on tha thứ. Phần Ông, đàng khác, ông cho mình là kẻ công chính và có lẽ xác tín rằng ông không có gì nghiệm trọng để được tha”.

Sứ điệp sáng chói từ đoạn Tin Mừng này thật là hùng biện: Thiên Chúa tha thứ hết cho những kẻ yêu nhiều. Những kẻ tin tưởng vào mình và vào những công nghiệp của mình thì có thể nói được là bị cái tôi của họ làm mù loà và tâm hồn họ ra chai đá trong sự tội.

Đàng khác, những kẻ công nhận mình yếu hèn và đầy tội lỗi thì phó thác mình cho Chúa và được Chúa ban cho ân sủng và sự tha thứ.

Chính sứ điệp này phải được phổ biến: điều đáng lưu ý nhất là làm cho người ta hiểu rằng trong Bí Tích Hoà Giải, bất cứ tội gì đã phạm, nếu được công nhận cách khiêm tốn và người liên hệ tin tưởng quay về linh mục-giải tội, người ấy không bao giờ mất kinh nghiệm niềm vui êm dịu sự tha thứ của Chúa.

Trong viễn ảnh này Giáo Trình của anh em đạt được tầm quan trọng to lớn. Giáo trình này nhằm chuẩn bị những cha gỉai tội được đào tạo tốt từ quan điểm giáo lý, các ngài có khả năng làm cho những hối nhân kinh nghiệm tình yêu đầy thương xót của Cha Trên Trồi.

Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một sự tha hoá khỏi Bí tích này, không thật hay sao? Khi người ta chỉ nhấn mạnh đến việc cáo tội--điều tuy nhiên phải có và cần thiết giúp tín hữu hiểu tầm quan trọng của sự đó- người ta liều loại bỏ bối cảnh trung tâm, tức là, sự gặp gỡ với Chúa, Cha nhân hậu và tha thứ. Không phải tội là trung tâm sự cử hành bí tích, nhưng đúng hơn lòng thương xót của Chúa, lớn hơn vô cùng hơn bất cứ sự tội nào của chúng ta.

Các mục tử và cách riêng các cha giải tội phải cam kết đề cao sự kết hợp chặc chẽ hiện hữu giữa Bí Tích hoà Giải và một dời sống quyết liệt hướng về sự cải thiện.

Điều cần thiết là giữa sự thực hành Bí Tích Giải tội và một đời sống trong đó một người ra sức theo Chúa Kitô cách chân thành, môt thứ “vòng tròn nhân đức” liên tiếp phải được thiết lập trong đó ân sủng Bí Tích có thể nâng đỡ và nuôi dưỡng sự cam kết nên môn đệ trung tín của Chúa.

Năng xưng tội

Mùa Chay chúng ta đang sống đây, nhắc chúng ta nhớ trong đời sống Kitô hữu chúng ta, chúng ta phải luôn luôn ao ước cải thiện, và khi chúng ta nhận lãnh Bí Tích Hoà Giải thường xuyên sự ao ước tình trạng trọn lành Tin Mừng được giữ sống động trong những kẻ tin.

Nếu không có sự ao ước kiên trì này, sự cử hành Bí Tích vô phúc liều trở thành một cái gì hình thức không có hiệu quả trong cấu trúc sự sống chúng ta.

Nếu, hơn nữa, cả khi người ta được thúc đẩy bởi ý muốn theo Chúa Giêsu mà người ta không đi xưng tội điều hòa, thì ngưới ta liều giảm tốc độ bước chân thiêng liêng của mình đến chỗ ngày càng nên yếu đi và cuối cùng có lẽ hết bước tới nỗi.

Anh em thân mến, không khó mà hiểu giá trị, trong Giáo Hội, của thừa tác vụ anh em như là những người quản lý lòng thương xót của Chúa cho phần rỗi các linh hồn. Hãy kiên trì trong sự bắt chước gương của nhiều vị giải tội thánh thiện, là những kẻ, với sự nhận thức thiêng liêng của họ, đã giúp những hối nhân hiểu rằng sự cử hành cách điều hòa Bí Tích Sám Hối và một sự sống Kitô hữu ước mong sự thánh thiện, là những yếu tố bất khả phân ly của cũng một quá trình thiêng liêng đối với mọi người đã được rửa tội. Và đừng có quên chính anh em là những gương về sự sống Kitô hữu đích thực

Xin ĐứcTrinh Nữ Maria, Mẹ sự Thương Xót và Hy Vọng, giúp anh em là những người hiện diện ở đây và tất cả các cha giải tội thực hành cách sốt sắng và vui vẻ việc phục vụ to lớn này, mà sự sống Giáo Hội tùy thuộc cả thể vào đó.

Tôi bảo đảm với anh em về sự nhớ của tôi trong kinh nguyện và tôi chúc lành anh em với tình yêu thương.
 
Thiên Chúa không phải là một người cạnh tranh
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:51 20/03/2008
Đức Giáo Hoàng khuyên nhủ người Tín Hữu khảo sát tính tinh sạch Đức Tin của mình

VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói muốn nhận biết Thiên Chúa, chúng ta phải bỏ tính kiêu căng làm mờ tối chúng ta và làm chúng ta thấy Thiên Chúa như một thứ người cạnh tranh.

Đức Giáo Hoàng nói điều này trong bài giảng của Người hôm Chúa Nhật 16/3 khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ lá tại Quảng trường Thánh Pherô. Sự cử hành cũng đánh dấu Ngày Giới Trẻ trên cấp bậc giáo phận.

Đức Thánh Cha qui chiếu bài giảng của ngài về đoạn Tin Mừng thanh tẩy đền thờ, khi Chúa Giêsu đuổi ra khỏi nhà Cha Người những kẻ đã biến nhà ấy thành hang trộm cướp.”

“Từ truyện của Chúa Giêsu 12 tuổi, chúng ta biết rằng Người yêu mến đền thờ là nhà của Cha Người, là nhà thuộc họ nội của Người, Đức Thánh Cha nói “Bây giờ Người trở lại đền thờ này, nhưng cuộc hành trình của Người vượt quá đền thờ: Mục tiêu cuối cùng Người lên tới là thánh giá.”

Khi Chúa Kitô tới đền thờ, Đức Giáo Hoàng nói, “ở đó, đáng lý là nơi làm không gian cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, thì Người gặp những kẻ buôn bán thú vật và những kẻ đổi tiền, họ sử dụng nơi cầu nguyện làm nơi buôn bán cho họ.”

“Thật thì những con thú vật bày bán ở đó là dành để tế lễ trong đền thờ. “Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích. “Và bởi vì cấm sử dụng trong đền thờ những đồng tiền mang danh hiệu hoàng đế, đối nghịch với Thiên Chúa thật, nên cần đổi lấy những đồng tiền không mang những hình ảnh ngẫu tượng.”

“Nhưng tất cả những sự đó đáng lý phải làm nơi khác: Chỗ người ta chiếm bây giờ được giả định là sân trong (atrium) cho những dân ngoại. Thiên Chúa của Israel thực tế là Thiên Chúa của mọi dân tộc. Và cho dầu dân ngoại không vào, nói được, bên rong sự mạc khải, thì họ cũng có thể, tại sân trong, kết hợp với kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa duy nhất.

“Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa của mọi người, luôn luôn chờ đợi kinh nguyện của họ, sự tìm kiếm của họ, sư kêu cầu của họ. Nhưng bây giờ, sân trong bị thống trị bởi việc buôn bán, sự buôn bán được hợp thức bởi thẩm quyền, một thẩm quyền, về phần mình, có một phần tiền kiếm được của những người buôn bán.”

Sự tìm kiếm

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói lòng sốt sắng của Chúa Kitô đối với đền thờ hướng dẫn các Kitô hữu ngày nay suy nghĩ: “Đức tin chúng ta có tinh sạch và có cởi mở đủ để bắt đầu từ đó, ‘những dân ngoại’--những người hôm nay đang tìm kiếm và có những vấn đề của họ--cũng có thể nhìn thấy ánh sáng của một Thiên chúa, có thể kết hợp với sự cầu nguyện của chúng ta trong sân đức tin, và qua sự tìm kiếm của họ có lẽ có thể trở nên những kẻ thờ phượng?”

“Có phải tâm hồn chúng ta ý thức rằng tính tham lam là ngẫu tượng và những thực hành sự sống chúng ta chứng tỏ như vậy chăng? Có lẽ chúng ta cũng không để các ngẫu tượng đi vào cả trong thế giới đức tin chúng ta? Chúng ta có sẵn sàng để cho Chúa thanh lọc chúng ta nhiều lần để cho Người xô đuổi khỏi chúng ta và khỏi Giáo Hội điều gì nghịch lại Người?”

Đức Thánh Cha tiếp tục nói hành động của Chúa Kitô trong đền thờ chứng tỏ rằng “một thời điểm mới trong lịch sử đã được báo trước.”

“Thời gian các thú vật được tế lễ cho Thiên Chúa đã chấm dứt. Việc tế lễ thú vật đã luôn là một sự thay thế thảm hại, một cử chỉ luyến tiếc cho cách thờ phượng Thiên Chúa thật. […] Thân xác Chúa Kitô, chính Chúa kitô, đi vào thay thế những lễ tế đổ máu và những dâng cúng thức ăn. Chỉ ‘tình yêu tới cùng,’ chỉ tình yêu đối với nhân loại mà vì đó Người hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, đó là sự thờ phượng thật, lễ tế thật. Thờ phượng trong tinh thần và chân lý có nghĩa là thờ phượng trong sự hiệp thông với Người Đấng là sự thật; thờ phượng trong sự hiệp thông với thân xác Người, nơi Thánh Thần hiệp nhất chúng ta.”

“Sự kiện Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán không những ngăn cản sự lạm dụng, nhưng chỉ hành động mới của Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha tiếp tục. “Đền thờ mới đã hình thành: chính Chúa Giêsu Kitô, trong Người tình yêu của Thiên Chúa xuống tới nhân loại. Người, trong sự sống của Người, là đền thờ mới và sống động. Người, Đấng đi qua thánh giá và phục sinh, là không gian sống động của thần khí và sự sống trong đó sự thờ phượng đúng được thực hiện.

Như vậy, sự thanh tẩy đền thờ, như là chóp đỉnh của việc đi vào long trọng trong thành Jerusalem, là dấu chỉ sự phá hủy cần thiết của ngôi nhà và sự hứa ban một đền thờ mới; lời hứa về vương quốc hoà giải và tình yêu, trong sự hiệp thông với Chúa kitlô, được thiết lập vượt mọi biên giới.

“Đối với việc buôn bán thú vật và sự đổi tiền, Chúa Giêsu đối lại sự nhân hậu của Người, làm tốt trở lại. Đó là sự thanh tẩy thật của đền thờ. Người đến không như một kẻ phá hủy; Người không đến với gươm giáo của nhà cách mạng.

“Người đến với ân huệ chữa lành. Người hiến mình cho những kẻ vì những sự yếu đuối của họ đã bị đuổi cho tới tận cùng sự sống của họ và tới những lề luật xã hội. Chúa Giêsu mặc khải Thiên Chúa như Đấng yêu thương, và quyền hành của Người như quyền hành của tình yêu. Và như vậy Người nói cho chúng ta điều sẽ luôn luôn là một phần của sự thờ phượng thật Thiên Chúa: chữa lành, phục vụ, sự nhân hậu làm tốt trở lại.”

Sau cùng, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định rằng muốn nhận ra Thiên Chúa yêu thương này, “chúng ta phải bỏ tính kiêu căng làm mù quáng chúng ta, muốn đẩy chúng ta xa khỏi Thiên Chúa, dường như Thiên Chúa là kẻ cạnh tranh của chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng khẳng định “Muốn gặp Thiên Chúa thì cần phải có khả năng thấy với tâm hồn. Chúng ta phải học thấy với tâm hồn trẻ trung không bị ngăn trở bởi những thiên kliến và bị mù loà bởi những lợi lôc.”
 
Các tu sĩ dòng Phanxicô nói về chuyến viếng mộ Thánh Phanxicô của cựu tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô
Nguyễn Việt Nam
18:54 20/03/2008
Assisi - Cha Miroslavo Anuskevic, người đã hướng dẫn cựu tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev thăm chung quanh đền thờ Thánh Phanxicô tại Assisi đã nói với báo Ý La Stampa như sau:

Cựu tổng bí thư Gorbchev và các cha dòng Phanxicô
“Ông ta đã đến viếng mộ Thánh Phanxicô như một người bình thường. Thật thế, không ai trong các tín hữu đã nhận ra ông là ai. Ông và người con gái đã quỳ gối cầu nguyện trong yên lặng khoảng hơn 30 phút”.

Trong thời gian theo học Luật Khoa tại Mạc Tư Khoa, ông Gorbachev đã kết hôn với bà Raisa Maksimovna Titarenko vào năm 1953. Ngày 6/1/1957, hai ông bà đã có cô con gái đầu lòng Irina, người cùng đi viếng mộ Thánh Phanxicô với ông hôm 19/3 vừa qua.

Sau khi cầu nguyện với Thánh Phanxicô, ông đã được các tu sĩ dòng Phanxicô tại đây hướng dẫn đi thăm chung quanh đền thờ. Ông đã có dịp tâm sự thân mật với các ngài về niềm tin Kitô của mình. Cha Miroslavo Anuskevic cho biết cha mẹ ông Gorbachev đều là những tín hữu Chính Thống Giáo ngoan đạo. Cha mẹ vợ ông cũng là những người ngoan đạo đến mức đã bị giết chết trong thời gian thế chiến thứ hai chỉ vì giữ ảnh tượng trong nhà.

Ông đặc biệt xin các tu sĩ dòng Phanxicô cho thăm bức ảnh của Thánh Phanxicô về “giấc mơ tại Spoleto” và hỏi thăm những sách thần học liên quan đến linh đạo của thánh nhân.

Nói với các phóng viên báo chí Italia sau đó, ông cho biết: “Nhờ thánh nhân mà tôi đã đến với Giáo Hội, vì thế rất quan trọng là tôi viếng mộ ngài”.

Ông nói tiếp: “Thánh Phanxicô là tiêu biểu cho Đức Kitô. Câu chuyện về ngài cuốn hút tôi và đóng một vai trò quan trọng trong đời tôi”.

"Tôi cảm thấy rất xúc động được hiện diện trong một nơi chốn quan trọng không chỉ đối với đức tin Công Giáo nhưng còn là cho toàn thể nhân loại như thế này”.

Reagan: Tôi tin ông ta là tín hữu Kitô thầm lặng
Cha Miroslavo Anuskevic cho biết thêm là qua câu chuyện với ông Gorbachev, ngài được biết là ông đang cố gắng noi theo gương thánh nhân trong một đề án giúp trẻ bị ung thư.

Tờ La Stampa gọi chuyến viếng thăm này là “một perestroika tinh thần” của ông Gorbachev, một người đã nhiều lần công khai tán dương Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vẫn thường cho rằng sự sụp đổ của Bức Màn Sắt là không thể được nếu không có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông Gorbachev sẽ trải qua Tuần Thánh tại Italia.

Tờ Telegarph của Anh nhận định rằng chuyến viếng thăm của ông Gorbachev giải tỏa một thắc mắc của cố tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan. Ông Reagan, một người rất ngoan đạo, đã nhiều lần nêu thắc mắc với các cộng sự viên tại Tòa Bạch Ốc rằng cảm nhận của ông sau cuộc tiếp xúc đầu tiên với tổng bí thư đảng cộng sản, là ông Gorbachev, thủ lĩnh của một đảng vô thần, lại chính là “một tín hữu thầm lặng”. Nhiều người đã cho rằng ông Reagan đã quá ngây thơ khi tin như vậy. Nhưng giờ đây, cảm nhận của ông Reagan đã được chứng minh là đúng.

Cha Miroslavo Anuskevic nói với tờ La Stampa: “Ông ta đã nói rất nhiều về nước Nga và tính chất quan trọng của việc chuyển sang nền dân chủ không chỉ cho nước Nga mà còn cho toàn thế giới. Ông lấy làm tiếc là nước Nga một nước có lịch sử và một truyền thống tinh thần vĩ đại đã phải trải qua một thời kỳ cộng sản quá lâu dài”.
 
Giới trẻ Úc tham gia tích cực vào Chặng Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
Nguyễn Việt Nam
23:01 20/03/2008
Đông đảo giáo dân Lockridge đi đàng thánh giá
Kịch thuơng khó giới trẻ Lockridge
Cha Phạm Quang Hồng và Cha Đồng Văn Vinh
Ca đoàn giới trẻ Lockridge
Lm Nguyễn Mộng Huỳnh và Lm Peter Manuel
Cha Huỳnh ban phép lành cho giáo dân Anh Giáo và Công Giáo
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney chưa khai mạc nhưng một làn gió mới đã thổi trên Giáo Hội tại Úc Đại Lợi. Khắp nơi trên nước Úc, giới trẻ đã tích cực tham gia vào Chặng Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lôi cuốn một cộng đoàn đông đảo tại các nhà thờ trên đất Úc.

Cũng như hầu hết các nước Tây phương trên thế giới, Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày lễ nghỉ. Theo tập quán Úc, người Công Giáo đến nhà thờ vào lúc 10 giờ sáng để đi đàng Thánh Giá. Sau đó, lúc 3 giờ chiều sẽ diễn ra nghi thức tưởng niệm Chúa chịu chết.

Tại nhà thờ Lockridge, hàng ngàn giáo dân đã đứng chật hết nhà thờ và lan ra bên ngoài để tham dự buổi đi đàng Thánh Giá. Đặc biệt, trong năm nay, nhóm giới trẻ tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney đã diễn kịch Thương Khó. Vở kịch với những bài Thánh Ca, cũng do giới trẻ đảm trách đã làm nhiều người không ngăn được nước mắt.

Cha Giuse Đồng Văn Vinh, chánh xứ nhà thờ Lockridge cho biết: “Các em diễn kịch và hát thánh ca hôm nay đã sinh hoạt thường xuyên trong nhóm các bạn trẻ chuẩn bị cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney. Không khí giáo xứ đã rất sống động với những hoạt động của các bạn trẻ. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đang mang lại những cảm hứng mạnh mẽ cho giáo xứ chúng tôi và làm thay đổi rất nhiều.”

Đông đảo giáo dân giáo xứ Lockridge là người Úc gốc Anh. Tuy nhiên, người Việt Nam và Ấn Độ cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam tham gia rất tích cực trong các hoạt động của giáo xứ.

Trong khi đó, lúc 10h sáng ngày thứ Sáu Tuần Thánh, theo sáng kiến đại kết của linh mục nhạc sĩ Peter Nguyễn Mộng Huỳnh và linh mục Peter Manuel (Anh Giáo), một buổi đi đàng thánh giá trọng thể trên đường phố Bayswater, Tây Úc đã diễn ra dưới sự tham dự đông đảo của anh chị em tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ St. Columba và anh chị em tín hữu Anh Giáo thuộc giáo xứ St. Augustine.

Giới trẻ Công Giáo và giới trẻ Anh Giáo đã thay phiên nhau vác thánh giá trên các con đường từ nhà thờ Anh Giáo đến nhà thờ Công Giáo. Theo cha Nguyễn Mộng Huỳnh, người Anh Giáo và Công Giáo cùng tin vào Chúa Giêsu và phải nên một chứng tá chung cho niềm tin của chúng ta.

Buổi đi đàng thánh giá đã được bắt đầu tại tiền đình nhà thờ Anh Giáo St. Augustine. Tại các chặng đàng Thánh Giá, giáo dân Anh Giáo và Công Giáo đã luân phiên nhau đọc các bài suy niệm. Trên đường đi, anh chị em đã hát chung những bài thánh ca quen thuộc tưởng nhớ cuộc khổ hình của Chúa Kitô.

Buổi đi đàng thánh giá đã kết thúc tại nhà thờ Công Giáo St. Columba. Anh chị em Anh Giáo và Công Giáo đã cùng nhau cầu nguyện bên trong nhà thờ. Sau khi kết thúc buổi đi đàng Thánh Giá, linh mục Anh Giáo Peter Manuel đã xin cha Huỳnh ban phép lành cho cả anh chị giáo dân Công Giáo và Anh Giáo.
 
Top Stories
Beijing attacks the pope, who receives the gratitude of the Tibetan government in exile
Asia-News
09:12 20/03/2008
The spokesman of the Chinese foreign ministry responds to the call for peace issued yesterday by Benedict XVI: no tolerance for criminals. To AsiaNews, the Tibetan prime minister expresses gratitude and appreciation for the words of the pontiff.

Dharamsala (AsiaNews) - The Chinese reaction to the appeal for peace in Tibetan issued yesterday by Benedict XVI is very harsh: "so-called tolerance", says the spokesman of the foreign ministry, "cannot be extended to criminals, who must be punished according to the law". But enormous appreciation and "true gratitude" for the words of the pontiff have been expressed to AsiaNews by the prime minister of the Tibetan government in exile: the pope, says Samdhong Rinpoche, "has voiced our suffering to the world, and we are grateful to him for this".

The Tibetan premier, from the government's headquarters in Dharamsala, takes up the accusations issued against the Dalai Lama by Chinese prime minister Wen Jiabao: "We have nothing to respond to these accusations, it is the words of the Chinese authorities. All the allegations are baseless and false, apart from that, we cannot and will not respond in their language". Rinpoche meets with the Dalai Lama every day: "He consoles us in our sufferings, and he reminds us that inner peace is the foundation of outer peace. We are grateful for his constant appeal to non-violence, and we are saddened to see that his words go unheard".

On the other hand, a Tibetan source explains to AsiaNews, "the Chinese government completely censors the voice of the Dalai Lama in his country: for this reason, his repeated appeals for non-violence and peace in Lhasa have gone unheard. But in this way, there is the risk of a very dangerous deterioration: Beijing must understand that the Buddhist leader is the best agent possible to make the violence stop".

In the region, our source continues, "the Dalai Lama is heard only when he prays: we do not know what he says, what he thinks, and for this reason many of us are convinced that the anti-Chinese uprising is just, whatever the cost might be. Instead, we are discovering that our spiritual leader is saddened to see what is happening in our land. Without the Chinese attitude of persecution, many problems would have been resolved long ago".
 
Omelia di sua Santità Benedetto XVI (Giovedì Santo)
+ Pope Benedict XVI
09:50 20/03/2008
OMELIA DI SUA SANTIT BENEDETTO XVI

Basilica Vaticana

Giovedì Santo, 20 marzo 2008


Cari fratelli e sorelle,

ogni anno la Messa del Crisma ci esorta a rientrare in quel „sì” alla chiamata di Dio, che abbiamo pronunciato nel giorno della nostra Ordinazione sacerdotale. “Adsum – eccomi!”, abbiamo detto come Isaia, quando sentì la voce di Dio che domandava: “Chi manderị e chi andr per noi?” “Eccomi, manda me!”, rispose Isaia (Is 6, 8). Poi il Signore stesso, mediante le mani del Vescovo, ci impose le mani e noi ci siamo donati alla sua missione. Successivamente abbiamo percorso parecchie vie nell’ambito della sua chiamata. Possiamo noi sempre affermare ciị che Paolo, dopo anni di un servizio al Vangelo spesso faticoso e segnato da sofferenze di ogni genere, scrisse ai Corinzi: “Il nostro zelo non vien meno in quel ministero che, per la misericordia di Dio, ci stato affidato” (cfr 2 Cor 4, 1)? “Il nostro zelo non vien meno”. Preghiamo in questo giorno, affinch esso venga sempre riacceso, affinch venga sempre nuovamente nutrito dalla fiamma viva del Vangelo.

Allo stesso tempo, il Giovedì Santo per noi un’occasione per chiederci sempre di nuovo: A che cosa abbiamo detto “sì”? Che cosa questo “essere sacerdote di Ges Cristo”? Il Canone II del nostro Messale, che probabilmente fu redatto gi alla fine del II secolo a Roma, descrive l’essenza del ministero sacerdotale con le parole con cui, nel Libro del Deuteronomio (18, 5. 7), veniva descritta l’essenza del sacerdozio veterotestamentario: astare coram te et tibi ministrare. Sono quindi due i compiti che definiscono l’essenza del ministero sacerdotale: in primo luogo lo “stare davanti al Signore”. Nel Libro del Deuteronomio ciị va letto nel contesto della disposizione precedente, secondo cui i sacerdoti non ricevevano alcuna porzione di terreno nella Terra Santa – essi vivevano di Dio e per Dio. Non attendevano ai soliti lavori necessari per il sostentamento della vita quotidiana. La loro professione era “stare davanti al Signore” – guardare a Lui, esserci per Lui. Così, in definitiva, la parola indicava una vita alla presenza di Dio e con ciị anche un ministero in rappresentanza degli altri. Come gli altri coltivavano la terra, della quale viveva anche il sacerdote, così egli manteneva il mondo aperto verso Dio, doveva vivere con lo sguardo rivolto a Lui. Se questa parola ora si trova nel Canone della Messa immediatamente dopo la consacrazione dei doni, dopo l’entrata del Signore nell’assemblea in preghiera, allora ciị indica per noi lo stare davanti al Signore presente, indica cio l’Eucaristia come centro della vita sacerdotale. Ma anche qui la portata va oltre. Nell’inno della Liturgia delle Ore che durante la quaresima introduce l’Ufficio delle Letture – l’Ufficio che una volta presso i monaci era recitato durante l’ora della veglia notturna davanti a Dio e per gli uomini – uno dei compiti della quaresima descritto con l’imperativo: arctius perstemus in custodia – stiamo di guardia in modo pi intenso. Nella tradizione del monachesimo siriaco, i monaci erano qualificati come “coloro che stanno in piedi”; lo stare in piedi era l’espressione della vigilanza. Ciị che qui era considerato compito dei monaci, possiamo con ragione vederlo anche come espressione della missione sacerdotale e come giusta interpretazione della parola del Deuteronomio: il sacerdote deve essere uno che vigila. Deve stare in guardia di fronte alle potenze incalzanti del male. Deve tener sveglio il mondo per Dio. Deve essere uno che sta in piedi: dritto di fronte alle correnti del tempo. Dritto nella verit. Dritto nell’impegno per il bene. Lo stare davanti al Signore deve essere sempre, nel pi profondo, anche un farsi carico degli uomini presso il Signore che, a sua volta, si fa carico di tutti noi presso il Padre. E deve essere un farsi carico di Lui, di Cristo, della sua parola, della sua verit, del suo amore. Retto deve essere il sacerdote, impavido e disposto ad incassare per il Signore anche oltraggi, come riferiscono gli Atti degli Apostoli: essi erano “lieti di essere stati oltraggiati per amore del nome di Ges” (5, 41).

Passiamo ora alla seconda parola, che il Canone II riprende dal testo dell’Antico Testamento – “stare davanti a te e a te servire”. Il sacerdote deve essere una persona retta, vigilante, una persona che sta dritta. A tutto ciị si aggiunge poi il servire. Nel testo veterotestamentario questa parola ha un significato essenzialmente rituale: ai sacerdoti spettavano tutte le azioni di culto previste dalla Legge. Ma questo agire secondo il rito veniva poi classificato come servizio, come un incarico di servizio, e così si spiega in quale spirito quelle attivit dovevano essere svolte. Con l’assunzione della parola “servire” nel Canone, questo significato liturgico del termine viene in un certo modo adottato – conformemente alla novit del culto cristiano. Ciị che il sacerdote fa in quel momento, nella celebrazione dell’Eucaristia, servire, compiere un servizio a Dio e un servizio agli uomini. Il culto che Cristo ha reso al Padre stato il donarsi sino alla fine per gli uomini. In questo culto, in questo servizio il sacerdote deve inserirsi. Così la parola “servire” comporta molte dimensioni. Certamente ne fa parte innanzitutto la retta celebrazione della Liturgia e dei Sacramenti in genere, compiuta con partecipazione interiore. Dobbiamo imparare a comprendere sempre di pi la sacra Liturgia in tutta la sua essenza, sviluppare una viva familiarit con essa, cosicch diventi l’anima della nostra vita quotidiana. allora che celebriamo in modo giusto, allora emerge da s l’ars celebrandi, l’arte del celebrare. In quest’arte non deve esserci niente di artefatto. Deve diventare una cosa sola con l’arte del vivere rettamente. Se la Liturgia un compito centrale del sacerdote, ciị significa anche che la preghiera deve essere una realt prioritaria da imparare sempre di nuovo e sempre pi profondamente alla scuola di Cristo e dei santi di tutti i tempi. Poich la Liturgia cristiana, per sua natura, sempre anche annuncio, dobbiamo essere persone che con la Parola di Dio hanno familiarit, la amano e la vivono: solo allora potremo spiegarla in modo adeguato. “Servire il Signore” – il servizio sacerdotale significa proprio anche imparare a conoscere il Signore nella sua Parola e a farLo conoscere a tutti coloro che Egli ci affida.

Fanno parte del servire, infine, ancora due altri aspetti. Nessuno così vicino al suo signore come il servo che ha accesso alla dimensione pi privata della sua vita. In questo senso “servire” significa vicinanza, richiede familiarit. Questa familiarit comporta anche un pericolo: quello che il sacro da noi continuamente incontrato divenga per noi abitudine. Si spegne così il timor riverenziale. Condizionati da tutte le abitudini, non percepiamo pi il fatto grande, nuovo, sorprendente, che Egli stesso sia presente, ci parli, si doni a noi. Contro questa assuefazione alla realt straordinaria, contro l’indifferenza del cuore dobbiamo lottare senza tregua, riconoscendo sempre di nuovo la nostra insufficienza e la grazia che vi nel fatto che Egli si consegni così nelle nostre mani. Servire significa vicinanza, ma significa soprattutto anche obbedienza. Il servo sta sotto la parola: “Non sia fatta la mia, ma la tua volont!” (Lc 22, 42). Con questa parola, Ges nell’Orto degli ulivi ha risolto la battaglia decisiva contro il peccato, contro la ribellione del cuore caduto. Il peccato di Adamo consisteva, appunto, nel fatto che egli voleva realizzare la sua volont e non quella di Dio. La tentazione dell’umanit sempre quella di voler essere totalmente autonoma, di seguire soltanto la propria volont e di ritenere che solo così noi saremmo liberi; che solo grazie ad una simile libert senza limiti l’uomo sarebbe completamente uomo, diventerebbe divino. Ma proprio così ci poniamo contro la verit. Poich la verit che noi dobbiamo condividere la nostra libert con gli altri e possiamo essere liberi soltanto in comunione con loro. Questa libert condivisa puị essere libert vera solo se con essa entriamo in ciị che costituisce la misura stessa della libert, se entriamo nella volont di Dio. Questa obbedienza fondamentale che fa parte dell’essere uomini, diventa ancora pi concreta nel sacerdote: noi non annunciamo noi stessi, ma Lui e la sua Parola, che non potevamo ideare da soli. Non inventiamo la Chiesa così come vorremmo che fosse, ma annunciamo la Parola di Cristo in modo giusto solo nella comunione del suo Corpo. La nostra obbedienza un credere con la Chiesa, un pensare e parlare con la Chiesa, un servire con essa. Rientra in questo sempre anche ciị che Ges ha predetto a Pietro: “Sarai portato dove non volevi”. Questo farsi guidare dove non vogliamo una dimensione essenziale del nostro servire, ed proprio ciị che ci rende liberi. In un tale essere guidati, che puị essere contrario alle nostre idee e progetti, sperimentiamo la cosa nuova – la ricchezza dell’amore di Dio.

“Stare davanti a Lui e servirLo”: Ges Cristo come il vero Sommo Sacerdote del mondo ha conferito a queste parole una profondit prima inimmaginabile. Egli, che come Figlio era ed il Signore, ha voluto diventare quel servo di Dio che la visione del Libro del profeta Isaia aveva previsto. Ha voluto essere il servo di tutti. Ha raffigurato l’insieme del suo sommo sacerdozio nel gesto della lavanda dei piedi. Con il gesto dell’amore sino alla fine Egli lava i nostri piedi sporchi, con l’umilt del suo servire ci purifica dalla malattia della nostra superbia. Così ci rende capaci di diventare commensali di Dio. Egli disceso, e la vera ascesa dell’uomo si realizza ora nel nostro scendere con Lui e verso di Lui. La sua elevazione la Croce. la discesa pi profonda e, come amore spinto sino alla fine, al contempo il culmine dell’ascesa, la vera “elevazione” dell’uomo. “Stare davanti a Lui e servirLo” – ciị significa ora entrare nella sua chiamata di servo di Dio. L’Eucaristia come presenza della discesa e dell’ascesa di Cristo rimanda così sempre, al di l di se stessa, ai molteplici modi del servizio dell’amore del prossimo. Chiediamo al Signore, in questo giorno, il dono di poter dire in tal senso nuovamente il nostro “sì” alla sua chiamata: “Eccomi. Manda me, Signore” (Is 6, 8). Amen.

© Copyright 2008 - Libreria Editrice Vaticana
 
Gorbachev: Yes, I am Christian
National Review
19:01 20/03/2008
Whenever Ronald Reagan would mention his suspicion that Mikhail Gorbachev was a secret believer, everyone on the White House staff would scoff, thinking the president naive. When I had the opportunity to speak to Gorbachev a couple of years ago, however, I found myself concluding that Reagan had been onto something after all. Why, I asked, had Gorbachev refrained from putting down the revolution of 1989, just as Khrushchev had put down the Hungarian Revolution of 1956 and Brezhnev had put down the Prague Spring of 1968? "Because of something I shared with Ronald Reagan," Gorbachev replied. "Christian morality."

Now the last leader of the Soviet Union has spent half an hour on his knees at the tomb of St. Francis. From the London Telegraph:

Mikhail Gorbachev...has acknowledged his Christian faith for the first time, paying a surprise visit to pray at the tomb of St Francis of Assisi.

Accompanied by his daughter Irina, Mr Gorbachev spent half an hour on his knees in silent prayer at the tomb.His arrival in Assisi was described as "spiritual perestroika" by La Stampa, the Italian newspaper.

"St Francis is, for me, the alter Christus, the other Christ," said Mr Gorbachev. "His story fascinates me and has played a fundamental role in my life," he added...."It was through St Francis that I arrived at the Church, so it was important that I came to visit his tomb," said Mr Gorbachev.

"We deem it the central revelation of Western experience," William F. Buckley, Jr. wrote in 1960, "that man cannot ineradicably stain himself, for the wells of regeneration are infinitely deep."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Hải Phòng: Thánh lễ Truyền Dầu được tổ chức tại giáo xứ Hải Dương
Phaolô Vũ
07:52 20/03/2008
HẢI PHÒNG - Đường phố Trần Hưng Đạo, con phố chính của thành phố Hải Dương và nhất là khuôn viên nhà thờ giáo xứ Hải Dương đông đúc và nhộn nhịp khác thường. Hôm nay, thứ Năm Tuần Thánh, lần đầu tiên Thánh lễ Truyền Dầu của Giáo phận Hải Phòng được tổ chức tại đây.

Đúng 8 giờ 30, đoàn đồng tế được rước long trọng từ nhà thờ ra lễ đài. Đức Giám mục cùng với 50 Linh mục đi giữa hàng rào danh dự. Đông đảo giáo dân, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tham dự Thánh lễ này.

Theo truyền thống xa xưa của Giáo hội, Thánh lễ làm phép Dầu được cử hành vào sáng thứ Năm Tuần Thánh là "Thánh lễ của chức Linh mục và cho Linh mục đoàn trong Giáo phận". Thánh lễ biểu lộ sự hiệp thông giữa Giám mục và Linh mục đoàn.

Với mối bận tâm hiệp thông này, được sự đồng ý và khích lệ của Đức Giám mục, cha Giuse Dương Hữu Tình, chính xứ Hải Dương, quản hạt miền Hải Dương - Hưng Yên, đã nỗ lực chuẩn bị tổ chức Thánh lễ quan trọng này tại giáo xứ Hải Dương.

Thật xúc động khi thấy các Linh mục, có nhiều vị ở xa hàng trăm cây số, có những vị tóc đã bạc trắng, đi đứng nhiều khó khăn, ngay cả Cha Già Lorenxo Phạm Hân Quynh bị đau liệt từ 2 năm qua, cũng có mặt đông đủ, quây quần quanh Đức Giám mục. Thánh lễ hôm nay đã biểu lộ một hình ảnh Giáo hội sống động, một cộng đoàn hiệp nhất cách hữu hình và mối dây hiệp thông, gắn bó trong chức Linh mục giữa Giám mục Giáo phận với Linh mục đoàn.

Cũng thật xúc động khi từ sáng sớm, mặc cho trời lất phất mưa xuân, đã có những cụ già, những em nhỏ, những đoàn giáo dân từ các giáo xứ xa xôi, tổ chức thành từng đoàn tấp nập tuốn đến ngôi nhà thờ ở trung tâm thành phố Hải Dương, để tham dự Thánh lễ hôm nay. Có nhiều người phải thức dậy từ rất sớm và khởi hành từ lúc trời còn tối để có một chỗ ngồi gần lễ đài. Rất nhiều người trong số họ đến từ các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, chưa bao giờ được tham dự Thánh lễ Truyền Dầu. Chính vì thế, sự kiện này làm cho bà con giáo dân trên địa bàn giáo hạt Hải Dương và Hưng Yên rất phấn chấn.

Một lễ đài uy nghi, trang trọng được lắp đặt dựa trên linh đài Đức Mẹ Lavang ở trung tâm quảng trường nhà thờ, đủ rộng lớn để có thể cử hành các nghi thức diễn ra trong Thánh lễ Truyền Dầu có rất nhiều thừa tác viên tham dự.

Để tổ chức Thánh lễ quan trọng này, từ hàng tháng nay Cha xứ và mọi thành phần trong giáo xứ đã lo lắng chuẩn bị những công việc cần thiết, từ việc san lấp, giải phóng mặt bằng quảng trường, chuẩn bị bãi đậu xe, thiết kế lễ đài, cho đến chuẩn bị phụng vụ, lễ nghi, thánh ca, tiếp tân, trật tự. .. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo mà hôm nay giáo xứ Hải Dương đã đón tiếp một con số rất đông, khoảng sáu ngàn người. Bà con giáo dân ngồi chật kín quảng trường. Bên trong nhà thờ cũng chật ních. Ban tổ chức thật chu đáo khi cho truyền hình trực tiếp thánh lễ vào trong nhà thờ qua một màn hình rất lớn trên cung thánh, để mọi người trong nhà thờ có thể tham dự thánh lễ một cách tốt nhất. Được biết, không chỉ chuẩn bị phương diện bên ngoài, Cha xứ và Cha phó đã chuẩn bị chu đáo đời sống nội tâm cho mọi thành phần trong giáo xứ bằng các buổi tĩnh tâm cho các giới, giúp họ sống mật thiết với Chúa và hiệp nhất với nhau. Thánh lễ đồng tế được cử hành thật trang trọng và đạo đức. Mọi thành phần cử hành phụng vụ đã tham dự cách tích cực và sống động. Những bài hát trong Thánh lễ được lựa chọn vừa để nói lên ý nghĩa của ngày lễ, vừa để cho cộng đoàn hát phần của mình.

Ngay từ đầu Thánh lễ, Đức Giám mục đã nói lên thao thức hiệp thông của ngài với Dân Chúa và với Linh mục đoàn. Ngài mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho Linh mục đoàn của Giáo phận. Trong bài giảng, dưới ánh sáng Lời Chúa và thư chung của HĐGM VN 2008, Đức Giám mục trình bày những suy tư về chức Linh mục thừa tác trong vai trò là nhà giáo dục đức tin. Các Linh mục thi hành thừa tác vụ của mình như là những người thầy, những nhà giáo dục. Việc giáo dục và đào tạo đức tin là căn tính của chức Linh mục. Các Linh mục thực hiện vai trò giáo dục cộng đoàn không phải chỉ bằng lời giảng, nhưng hơn hết bằng chính đời sống của mình. Trước khi trở thành những thầy dạy, thì các Linh mục phải thực sự là những học trò của Thầy Giêsu. Vì thế các ngài được mời gọi không ngừng học hỏi nơi Thầy Chí Thánh, "hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng".

Sau bài giảng, các Linh mục lặp lại lời hứa ngày thụ phong và lần lượt trao hôn bình an với Đức Giám mục. Dầu thánh được các thầy Phó tế rước ra lễ đài và tiến dâng cho Đức Giám mục. Sau những lời cắt nghĩa ngắn gọn của Cha xứ Chính toà, Đức Giám mục cử hành nghi thức làm phép dầu Bệnh nhân, dầu Dự Tòng và dầu Thánh Chrisma.

Thánh lễ tiếp tục bước sang phần phụng vụ Thánh Thể. Số người tham dự Thánh lễ và rước lễ đông ngoài dự kiến của Ban tổ chức, nên việc trao Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn mất một thời gian khá dài.

Trước khi ban phép lành kết thúc Thánh lễ, Đức Giám mục cám ơn Cha xứ và cộng đoàn giáo xứ Hải Dương đã chuẩn bị Thánh lễ và tiếp đón mọi người đến tham dự rất chu đáo. Ngài cũng mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận tiếp tục cầu nguyện và cầu nguyện tha thiết hơn nữa để chương trình tái thiết Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương, trung tâm hành hương của Giáo phận Hải Phòng sớm được thực hiện.

Thánh lễ Truyền Dầu năm 2008, lần đầu tiên được tổ chức ngoài nhà thờ Chính toà, tại giáo xứ Hải Dương, quả thật đã để lại trong trái tim của Giáo phận và tâm hồn của mọi người tham dự một lòng đạo đức, một đức ái hiệp thông và lòng yêu mến Giáo hội.
 
Suy niệm trong Lễ Truyền Dầu năm 2008 tại tổng giáo phận Huế
+ TGM Stephanô Nguyễn Như Thể
12:27 20/03/2008
Suy niệm trong Lễ Truyền Dầu năm 2008 tại tổng giáo phận Huế

1. Chúa Giêsu giảng trong Hội đường Do thái

Kính thưa cộng đoàn,

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe cho thấy Chúa Giêsu đang sống những ngày đầy phấn khích với nhiều thành công trong việc giảng dạy. Thánh sử Luca nói: “Khi ấy, Đức Giêsu trở về miền Galilê và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường” (Lc. 4, 16).

Hội đường là nơi cộng đoàn Do-thái giáo tụ họp để nghe đọc Thánh Kinh và diễn giảng Thánh Kinh, rồi cùng nhau hát Thánh vịnh chúc tụng ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa.

Hôm đó nhằm ngày Sabat, Chúa Giêsu vào Hội đường và đứng lên đọc Sách Thánh, đoạn sách ngôn sứ Isaia:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin mừng cho người nghèo hèn…

công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả lại tự do cho người bị áp bức,

công bố năm hồng ân của Chúa
” (Lc. 4, 18-19).

Thật cảm động biết bao khi chúng ta vừa nghe đọc lại bản văn Kinh Thánh mà chính Chúa Giêsu đã đọc lên to tiếng trong Hội đường năm xưa, bản văn mà chính Chúa Giêsu đã diễn giảng và áp dụng cho mình: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc. 4, 21).

2. Qua những lời trên, Chúa Giêsu công bố Tin mừng cứu độ và thực hiện Tin mừng cứu độ.

Chúng ta được cứu chuộc rồi, nhưng thân phận con người chúng ta rất mỏng dòn, yếu đuối, ba chìm bảy nổi, sa đi ngã lại, nên hằng ngày cần được Chúa tiếp tục ban ơn cứu độ.

Chúng ta là những người nghèo hèn đầy tính mê nết xấu, những người bị giam cầm trong tội lỗi, bị mù lòa trong những định kiến, bị đè nén dưới sức ép của tiền tài, danh vọng…, và hằng ngày khẩn cầu Chúa đến để giải thoát chúng ta, dĩ nhiên với sự cộng tác của chúng ta, như lời thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa sáng tạo bạn, không cần có bạn, nhưng Ngài không cứu chuộc bạn nếu bạn không góp phần vào” (Creavit te sine te, sed non redemit te sine te).

Hôm nay cũng đang ứng nghiệm lời sách ngôn sứ Isaia chúng ta vừa nghe:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin mừng cho người nghèo hèn…

Công bố năm hồng ân của Chúa
” (Lc. 4, 18-19).

Thánh Têrêxa Hài Đồng nói: “Tất cả là hồng ân”. Đúng như thế, hôm nay cũng như mọi ngày đều là hồng ân của Chúa. Hồng ân được Chúa tha thứ, hồng ân được Chúa cứu độ, hồng ân được Chúa giải thoát, ban cho chúng ta sự tự do của con cái Chúa.

Được cứu độ là được tha thứ. Ơn tha thứ không chỉ là tha tội, tha vạ, mà còn là, và nhất là sáng tạo, là tái tạo một cách kỳ diệu.

Vào thế kỷ 18, một nghệ sĩ người Nhật tên là Hokusai đã vẽ trên một chiếc bình sành một cảnh núi Phú Sĩ rất đẹp. Nhưng ngày nọ, người giúp việc lỡ tay làm rơi chiếc bình quý ấy, vỡ ra nhiều mảnh. Nhà nghệ sĩ kiên nhẫn dán lại các mảnh vỡ và ông gắn vào những lằn nứt nhiều sợi chỉ bằng vàng. Chiếc bình trở nên đẹp hơn và quý hơn trước gấp bội.

Sự tha thứ trong mầu nhiệm cứu rỗi vận hành như thế đó. Ơn tha thứ cứu độ làm cho cuộc đời xấu xa của chúng ta trở nên tốt đẹp và sinh hoa kết trái một cách nhiệm mầu. Thiên Chúa sử dụng toàn bộ con người chúng ta để tạo nên cái mới hoàn toàn. Không có điều gì cằn cỗi có thể thắng thế trên sự phong nhiêu vô cùng của ơn cứu độ, nhờ máu Chúa Giêsu đã đổ ra, như bài đọc 2, trích sách Khải huyền nói: “Chúa Giêsu đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh. 1, 5-6).

3. Cuộc tử nạn của Chúa Kitô là để trao ban sự sống cho nhân loại

Nghịch lý của Kitô giáo là như vậy. Khi thánh Gioan mô tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu như một điều bỉ ổi nhục nhã tận cùng, thì đồng thời ngài cũng coi đó là thời điểm của vinh quang. Chính Chúa Giêsu xác nhận điều nầy khi Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến. Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga. 17,1).

Chúa Giêsu đã chộp lấy thời điểm đầy lo âu trong bữa Tiệc ly và Ngài biến đổi nó trở thành giao ước mới và vĩnh cửu. Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Nầy là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con” (Lc. 22, 19).

Đây là một hành vi sáng tạo hết sức đặc biệt. Bánh trở thành thân mình Ngài. Ngài cầm lấy mạng sống mình sắp bị nghiền nát và biến nó thành hồng ân trao ban sự sống.

Khi chúng ta vâng theo lời Chúa Giêsu mà cử hành Thánh lễ, hiệp dâng Thánh lễ: “Anh em hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy” (Lc. 22, 19). thì chúng ta cũng hãy cầm lấy cả cuộc sống mình, đảm nhận lấy hết mọi tình huống trong đời mình, rồi cùng với Chúa Giêsu Thánh Thể biến tất cả thành ân huệ, thành yêu thương và phục vụ, thành sự sống cho mình và cho người.

4. Theo Chúa, chúng ta được chọn để trở nên tôi tớ phục vụ tha nhân

Chúng ta được Chúa chọn gọi làm người tôi tớ phục vụ ơn cứu độ của Chúa cho trần gian.

Hằng ngày chúng ta đọc lời truyền phép, lời rửa tội, lời tha tội, lời chúc phúc… để thông chuyển nước hằng sống ơn cứu độ cho các tín hữu.

Chúng ta hãy năng khơi lại dòng chảy cho hanh thông, không bị bùn lầy rác rến của cái tôi đáng ghét, ngăn chặn làm tắc nghẽn mạch nước ân sủng của Chúa chảy qua con người yếu hèn của chúng ta, để đến với các tín hữu đang khao khát nước hằng sống.

Trọn cuộc sống chúng ta cần thấm đượm ơn cứu độ trước, rồi mới có thể giúp người khác. Từ trong tư tưởng đến lời nói, việc làm và cách ứng xử, điều hành cộng đoàn, chúng ta cố gắng làm sao cho toát lên được những nét đẹp đầy sức thuyết phục và lôi cuốn của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, vừa là vị tôn sư giảng dạy đầy uy quyền, vừa là người tôi tớ khiêm hạ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ mình. Amen.

TGP Huế, ngày 20-03-2008

Tổng Giám Mục TGP Huế
 
Tìm lại nguồn mạch tái sinh tại giáo xứ Cầu Rầm, giáo phận Vinh
Duy Khánh OP.
12:47 20/03/2008
TÌM LẠI NGUỒN MẠCH TÁI SINH

Mỗi năm, khi bước vào Mùa Chay để tiến đến Tuần Thánh mà cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua, tâm hồn những người Kitô hữu không khỏi dâng lên những cảm giác lạ. Cảm giác lạ ấy không phải là được tham dự vào những nghi lễ long trọng cho bằng mọi người nhận ra rằng cuộc đời mình được liên kết, gắn chặt vào biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa. Với những anh chị em Tân tòng thuộc giáo xứ Cầu Rầm, giáo phận Vinh, cảm giác chung có lẽ năm nay họ sẽ tham dự Tam Nhật Thánh một cách tích cực và có ý nghĩa hơn.

Là một trong hai giáo xứ với địa bàn chiếm trọn thành phố Vinh, giáo xứ Cầu Rầm cũng gặp thấy nhiều khó khăn mục vụ giống như các giáo xứ thành phố khác. Tại thành phố, người giáo dân đang phải đương đầu với nhiều thử thách của niềm tin trong nhịp sống hối hả, gạo tiền. Người “đạo gốc” còn chịu thử thách là vậy, huống chi là những người "Tân tòng".

Nhận ra thách thức đó trong bối cảnh hiện nay, cha xứ F.X. Hoàng Sỹ Hướng cùng Ban Hành Giáo đã dành nhiều sự quan tâm đối với anh chị em Tân tòng. Chính vì thế, sáng Thứ Năm Tuần Thánh, cha chánh xứ đã dành một buổi để tĩnh tâm cho những người mới tin theo đạo. Trong bài giảng tĩnh tâm, cha xứ đã trình bày nhu cầu niềm tin của con người như là một trong những nhu cầu chính đáng và bức thiết. Khởi đi từ kinh nghiệm gia nhập đạo của nguyên thủ tướng Anh - Tony Blair (21/12/2007) cũng như bài trả lời phỏng vấn của cựu tổng thống Nga V. Putin (khi người ta bắt gặp ông đang cầu nguyện), cha giảng tĩnh tâm đã xác quyết rằng trong xã hội hiện nay, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy một ai đó không tin vào tôn giáo nào. Cứ thế, bài chia sẻ dẫn dắt người nghe tín thác vào Đức Kitô. Tiếp đó, cha chánh xứ cũng chỉ ra cho anh chị em Tân tòng thấy những thách đố của cuộc sống hiện tại đối với một người mới theo đạo. Cha cũng kêu gọi mọi người hãy làm chứng cho niềm tin của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cuối cùng, cha xứ cũng kêu gọi anh chị em Tân tòng hãy cùng tham dự Tam Nhật Thánh với những cảm nghiệm riêng trong hoàn cảnh của mình. Hãy sống biến cố chịu chết và phục sinh của Chúa trong mối tương đồng với việc dìm trong dòng nước rửa tội để được tái sinh trong con người mới.

Trong phần thảo luận, anh chị em đã chia sẻ với nhau về nguyên nhân khiến họ đến với Đạo Công Giáo. Dẫu phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện hôn nhân, nhưng trong quá trình tưởng chừng gượng ép này, dần dần anh chị em đã khám phá ra những nét hay, nét đẹp của Kitô giáo. Đối với bà Xuân, thì lại khác. Lấy nhau đã khá lâu, bà cứ thắc mắc tại sao chồng của bà lại cứ hay đi lễ. Đáp lại, một ngày kia, chồng của bà đã hỏi lại rằng: “Em có muốn biết ai đã dựng nên trời đất muôn vật không?” Bà kể: “Lúc ấy, tôi thích lắm và muốn chồng tôi nói cho tôi hay. Nhưng ông ấy không nói ngay mà lại nói với tôi rằng cứ đi lễ rồi từ từ sẽ biết. Tôi ‘bén duyên’ với Đạo từ đấy.”

Riêng với chị Hà, quá trình vào Đạo của chị là một quãng thời gian dài cảm nghiệm và đấu tranh mãi. Gặp và yêu một người Công Giáo. Chị hay được anh mời đi tham dự thánh lễ. Chỗ hẹn hò của anh chị thường là khuôn viên của nhà thờ Thái Hà, Hà Nội. Chị nói: “Đến nơi ấy tôi cảm thấy sự bình an. Đấy cũng là nơi tôi thường mang sách vở đến học.” Thế rồi khi hai người dự định tổ chức đám cưới, thì cũng là lúc chị được gọi để kết nạp Đảng. Với một gia đình có truyền thống cách mạng như gia đình chị thì việc giành lấy người yêu, giành lấy một người con cho Chúa của anh Hưng- chồng chị, quả là gian nan. Anh Hưng đã nói rằng mình đã phải đến gặp nhạc phụ tương lai và giở hết tài khéo thuyết phục. Kết quả là chị đã theo Đạo thay vì theo Đảng, hai người lấy nhau, đã có hai đứa con ra đời – một gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng điều gây ấn tượng nhất cho tôi trong phần thảo luận đó chính là những tâm sự của những người “Đạo gốc”. Anh Toàn chia sẻ rằng: “Tôi thấy trách nhiệm của những người lấy vợ hay chồng Tân tòng rất nặng nề. Ngay như tôi đây, khi giục vợ mình đi lễ, vợ tôi liền quay sang hỏi tôi rằng tại sao anh không đi lễ. Để rồi sau đó hai vợ chồng cùng đi lễ. Nếu như vợ tôi là người ‘đạo gốc’ thì chuyện chẳng có gì xảy ra. Đàng này, tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm trong đời sống đức tin của vợ mình. Mình phải làm gương.” Lời chia sẻ của anh Toàn đã gặp được sự hưởng ứng, đồng cảm của tất cả những người có vợ hay chồng là Tân tòng. Cứ thế, những thao thức, trăn trở của những anh chị em Tân tòng dần được khơi mở, bộc bạch. Họ cùng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống Đạo, giữ gìn đức tin trong bối cảnh hiện tại.

Tham dự buổi tĩnh tâm dành cho hơn một trăm hai mươi gia đình có người Tân tòng tại giáo xứ Cầu Rầm, đã để lại ấn tượng không nhỏ trong tôi. Quả thực, như lời ông Thành, trưởng Ban hành giáo đã phát biểu: “Vào Đạo đã khó vì phải học hành đầy đủ, thế nhưng việc giữ đạo càng khó hơn.” Những buổi hội họp dành riêng cho những người Tân tòng như thế này là một hoạt động cần thiết để họ nuôi dưỡng và phát triển niềm tin của mình. An tượng nữa là bởi dịp tổ chức này được gắn với biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa, nên những tác động từ những lời giáo huấn của linh mục chánh xứ càng đậm đà ý nghĩa.

Cha F.X. Hoàng Sỹ Hướng đã vui vẻ chia sẻ cùng tôi: “Đây là một giáo xứ tuy lâu đời nhưng được kể là mới. Có chuyện ấy là bởi đã hơn 30 năm, giáo xứ mất nhà thờ, giáo dân tản mác vì nhiều lý do không như ý. Giờ đây, ‘thời tiết thay đổi’, những hạt giống đức tin vốn bị đất đá vùi dập, nay mới được hồi sinh trong khoảng tám năm trở lại. Tổ chức tĩnh tâm lần này là một hoạt động đầu tiên trong cương vị của tôi dành cho những người Tân tòng (cha mới về nhận xứ hơn một năm). Nhìn thấy sự háo hức và sự tham gia đông đảo của anh chị em, tôi nhận ra rằng nhu cầu mục vụ cho đối tượng này thực sự lớn. Sẽ không chỉ lần này, còn nhiều lần sau nữa.”

Lắng nghe những thao thức ấy, tôi thầm ước mong những nỗ lực khơi lại dòng chảy của ơn tái sinh và cố gắng nuôi dưỡng đức tin cho những người tân tòng của cha xứ trẻ này sẽ thành hiện thực.
 
Những bài thơ về Thầy Giảng Anrê và Ngày Giáo Lý Viên
LM Nguyễn Xuân Văn và LM Trăng Thập Tự
13:06 20/03/2008
Những bài thơ về Thầy Giảng Anrê và Ngày Giáo Lý Viên

ANH HÙNG

Đất Phú Yên có núi cao biển rộng
Có anh hùng tuổi trẻ sớm lừng danh
Anrê Phú Yên quả ngọt giống lành
Thơm đất mẹ, thơm khắp trời Âu Á.
Anrê, tên một vị tông đồ cả
Được tiểu anh hùng hết dạ kính tôn
Chọn làm cha, làm thầy dạy linh hồn
Để suốt đời sống theo gương Bổn mạng.
Phú yên, quê hương tình lai láng
Tiểu anh hùng đón nhận gởi thân danh
Từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành
Tên quê mẹ khắc sâu vào tim óc.
Anrê Phú Yên từ nay là bảo ngọc,
Là tấm gương chói rạng khắp trần gian,
Gương hy sinh, gương trí dũng song toàn,
Gương chí khí đã nên trang tuấn kiệt.
Hỡi Anrê, hỡi chàng trai đất Việt
Bạn là ai mà Giáo Hội tôn vinh?
Bạn là ai mà thiên hạ hoan nghênh,
Cho dựng tượng, cho hoạ hình kính nhớ?
Phải chăng:
Bạn là hoa của mùa xuân muôn thuở
Không bao giờ tàn úa dưới trời sương
Là nén hương thơm quý của muôn hương
Trước nhan Chúa muôn đời không tàn lụn
Là cây nến với thân hình bé mọn
Lần đầu tiên trên đất Việt thân yêu
Được thắp lên và cháy mãi không tiêu
Hơn ba trăm năm âm thầm như cổ mộ
Hôm nay được đặt trên bàn thờ lễ giỗ
Cháy bùng lên ánh sáng thật huy hoàng
Cháy bùng lên thành ngọn đuốc vinh quang
Cả thế giới khắp nơi đều hoan hỷ.
Hỡi Anrê, bạn đúng là chiến sĩ,
Là người trời đã sinh xuống trần gian
Để rao danh Giêsu khắp vũ hoàn
Qua tia máu bắn ra từ cổ họng
Khi miệng lưỡi hết kêu tên cực trọng
Khi lý hình đã chặt chiếc đầu rơi
Danh thánh Giêsu vẫn phát thành lời
Từ quả tim đang sục sôi lửa mến.
Quả tim ấy cũng chính là ngọn nến
Soi sáng cả cuộc đời Anrê Phú Yên
Và biến chàng thành một GLV
Nêu gương cho giới thiếu niên vạn đại.

LM Nguyễn Xuân Văn
Kỷ niệm 350 năm thầy giảng Anrê Phú-yên,
Ngày 26-7-1994, “ngày GLV Việt-nam” lần thứ nhất


EM BÉ BÁN BÁNH MÌ VÀ CÔ GLV

Em rao lanh lảnh bánh mì cá,
Bánh mì mới ra lò, cá mới kho.
Nghe chị giảng bài, em thấy lạ,
Hiên ngoài em đứng, mắt giương to.

Kìa chị kể về em đấy sao?
Đúng rồi, hôm ấy tựa chiêm bao:
Người từ muôn ngả, đông như hội,
Em bán hết liền, khỏi phải rao.

Em bán liền tay suốt mấy hôm,
Mỗi lần em bán được từng ôm.
Nhưng rồi chiều ấy còn năm chiếc,
Khô miệng rao mời, bước rã chân.

Nghĩ xem, này chị giáo lý viên,
Có phải người ta đã hết tiền?
Hay bởi được nghe lời Chúa giảng
Tâm hồn no thỏa bánh thần tiên?

Ngược với thời nay, có phải không?
Chị rao Lời Chúa, bánh thơm nồng,
Người ta mải kiếm bao nhiêu thứ,
Còn mấy ai nghe chuyện của lòng!

Bán ế, em ngồi nghe Chúa giảng
Như là nghe chị giảng hôm nay.
Lời Chúa giữa trời, lời sang sảng,
Lòng em nhỏ dại ngất ngây say.

Bỗng nghe Chúa dặn dò môn đệ
Hãy kiếm gì cho dân chúng ăn.
Trăm mắt quay nhìn em, chị nhé!
Cho lòng em bối rối băn khoăn!

Có thật Chúa cần năm chiếc bánh
Hay là Chúa chỉ nói đùa thôi?
Nhưng rồi lòng rộn lên sung sướng
Khi Chúa nhìn em, Chúa mỉm cười.

May quá, chiều nay em bán ế,
Mới còn mấy chiếc, Chúa không chê.
Phần sau câu nguyện, không cần kể,
Xin nhường để chị kể em nghe.

- Này em, từ đó nhiều người lắm
Cũng giống như em đã sẵn lòng
Trao một chút gì vào tay Chúa
Để Ngài nuôi sống đám dân đông.

Và một ngày cạnh dinh Trấn Biên,
Thời cha Đắc-Lộ, một thanh niên
Dâng mình cho Chúa đi truyền giảng
Người ấy là Anrê Phú-yên.

Anrê cũng tựa là em vậy,
Chẳng có chi nhiều nhưng vẫn dâng.
Bởi nhớ gương em và người ấy,
Mà nay chị cũng quyết thưa vâng.

LM Trăng Thập Tự
Viết tại Dòng MTG Nha-trang, 6.07.1994,
đúng 350 năm ngày Anrê Phú-yên chết vì Chúa.


THỬA VƯỜN LÒNG

Sáng nay theo người gieo giống
Về thăm lại thửa vườn lòng
Thăm những hạt mầm sự sống
Gieo rồi ngày ước đêm mong.

Những hạt rơi nhằm vệ cỏ
Chim ăn mất tự bao giờ.
Như khi lời gieo trong gió
Bay vèo nhanh một giấc mơ.

Những hạt rơi trên sỏi đá
Héo khô dưới ánh nắng vàng.
Tựa người ham vui chuộng lạ
Lời không được mấy âm vang.

Những hạt rơi trong gai góc
Mọc lên chết ngạt mấy hồi.
Đi buôn làm sao mà học
Thương tiền nhớ bạc mà thôi.

Hạt rơi vào đất màu mỡ,
Xanh um mạ trổ đòng đòng.
Những lời lòng ấp dạ ủ,
Ùn ùn kết trái đơm bông.

Lặng yên bên người gieo giống
Mắt nhìn ướm thửa vườn lòng.
Nắng hòa chen theo ước mộng
Trời cao ai đó xanh trong.

LM Trăng Thập Tự
Phước lý, 1.12.1994


ĐỪNG KHÓC

Tặng các GLV Việt nam
Kỷ niệm ngày GLV Việt nam lần thứ ba 26.7.1996


Đằng xa vừa thức dậy hừng đông
Bãi sớm Thầy nhen một bếp hồng
Và hỏi lòng con câu hỏi lạ:
"Yêu Thầy hơn các bạn này không?"

Thầy hỏi cho lòng xao xuyến quá
Con biết làm sao mà nói năng
Có phải Thầy quên rằng con đã
Năm lần bảy lượt chối Thầy chăng?

Ô không, Thầy biết mà, con rất
Rất yếu mềm và rất mến yêu
Một tấm lòng son, Thầy đã biết
Yêu Thầy, yêu biết đến bao nhiêu.

Xin đừng hỏi nữa làm con khóc
Con biết nói làm sao nữa đây
Đã lắm lần đau thương ngã gục
Nhưng con vẫn mến, vẫn yêu Thầy.

Tay đặt lên vai, Thầy bảo khẽ
Yêu Thầy, yêu lấy cả đàn em
Vỗ về chăm sóc như người mẹ
Can đảm lên, đừng khóc, ngoan xem!

LM Trăng Thập Tự
Dòng Trinh Vương Phú Hiệp
Ngày 23-7-1996


CALAMBA
(nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha)

O montes altos de Ranram,
Guardai, e escondei
Em vossas brenhas, e espessos matos,
A vossa precioza, e cheiroza calamba,
Tão buscada,e estimada dos homens,
Porque as vossas campinas mais fortes,
E abundantes, que as que rega o Nilo.
Nos derão outra neste anno de 1644,
Sem comparaÇão alguma
Mais cheirosa, e precioza diante de Deos,
Qual foy o preciozo sangue
Que o valerozo Andre
Verteo nos campos de Cacham
Por confessar publica mente
Que era Christão.

Antonio de Torres SJ,
Macao, 05-10-1644.


TRẦM HƯƠNG
Kính mừng GLV Anrê Phú Yên
Nguyên tác bằng tiếng Bồ Đào Nha
Thơ lục bát Việt ngữ do Trăng Thập Tự phóng tác.


Phú Yên rừng thẳm non cao,
Xin gìn giữ lấy khác nào trầm hương.
Trầm hương ngây ngất mười phương,
Trầm hương ẩn khuất giữa Trường Sơn kia.
Rừng ơi, giữ lấy, giấu đi,
Bởi vì quan ước, bởi vì vua mong.
Rừng ơi, đem cất vào lòng,
Này đây mới mọc giữa đồng Phú Yên:
Đồng đang non mạ khắp miền,
Giáp thân giữa hạ*, bỗng nhiên mọc trầm.
Một cây vươn toả hương thầm,
Xe thiên ý với đạo tâm, ai ngờ.
Máu hồng nhuộm xuống đất thơ,
Anrê dân Việt, lễ thờ trời Nam.
Thôn chiều vương vấn khói lam,
Trầm men theo gió dâng làm toàn thiêu.
Trường Sơn sương quyện hương yêu…

LM Trăng Thập Tự
Montpellier 16-11-1999
Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam


GLV, BẠN TÊN GÌ?

Ta về theo gió Phú Yên,
Hỏi thăm người GLV tên gì?
Tên gì bạn thử đoán đi,
Chúa vừa lấy bút nhẹ ghi trên trời.
Này người GLV ơi,
Gặp ngày hội lớn, khắp nơi cùng về.
Theo chân người trẻ Anrê,
Từ Nam chí Bắc ta về Phú Yên.
Phú Yên đất rộng người hiền,
Đây vùng tháp Nhạn, đây miền sông Ba.
Lời vàng gieo xuống ngày xưa,
Đồng xanh lúa tốt nay vừa đơm bông.
Xưa ai hiến giọt máu hồng,
Nay nghe rộn nhịp tim nồng nàn yêu.
Về thương, thương biết bao nhiêu,
Mằng Lăng, Hội Phú thật nhiều ước mơ.
Câu ca như thật tình cờ,
Gò Chung, Hội Tín, nào ngờ hôm nay!
Lời Thầy ai hát thật hay,
Vô tình nhặt được câu này mà mê.
Theo chân người trẻ Anrê,
Ta đi, đi khắp làng quê phố phường.
Rao truyền Sứ Điệp Tình Thương,
Danh Ngài vang dội trên đường nhân gian.
Hoa Ngài nở thắm bình an,
Ơn Ngài nắng gội mưa chan sớm chiều.
Tình yêu đáp lại Tình Yêu,
Đã vay sự sống thì liều tấm thân.
Hoa Phục Sinh nở dưới chân,
Thì xa cũng bước, thì gần cũng đi.
GLV, bạn tên gì?
Ô hay Chúa cất, Chúa ghi trên trời.
Mai sau mở sổ đời đời,
Ai hay tên bạn chói ngời dường kia!

LM Trăng Thập Tự
Chào mừng Ngày GLV Việt Nam lần thứ 11,
kỷ niệm 360 năm sinh nhật trên trời
của chân phước Anrê Phú Yên, 26-7-2004
.

KHOÁ ĐÀO TẠO TỐC HÀNH

Viết theo lời chia sẻ của chị Tám, Trà Vinh.
Một hôm cha sở gọi vào,
Hỏi thăm lúa chín nơi nào biết không?
Em nhìn nam, bắc, tây, đông,
Cha cười: Lúa chín ngay trong họ mình.
Đàn em lứa tuổi học sinh,
Đang cần ai giúp hiểu tình Chúa thương.
Cha nêu Đức Mẹ làm gương,
Thêm trường Thầy Giảng, con đường An-Rê.
Dạy xin Thần Khí vỗ về,
Dạy chăm cầu nguyện, dạy mê Lời Vàng.
Dạy tập họp, dạy sắp hàng,
Dạy từ dàn ý, dạy sang giảng bài.
Ngoài kia lúa chín chờ ai,
Trong này cha vẫn miệt mài nhỏ to.
Chỉ hơn một tiếng đồng hồ,
Cha xong luôn khoá tông đồ, chị ơi!
Ba lần dự lớp tưởng chơi,
Đến tuần tiếp đó được mời dạy luôn!
Hôm nay chị hỏi vui buồn,
Em xin kể lại ngọn nguồn cơ duyên:
Em thương cha sở em hiền,
Thế là thành GLV, chị à!

LM Trăng Thập Tự
Manila, 26-7-2005


NẮNG ĐÃ LÊN RỒI

Nắng, con về trên biển
Thả lưới theo lời Thầy.
Bên hữu đang hò hẹn
Cá lên một thuyền đầy.

Nắng, con về trên ruộng
Gieo ngàn hạt tình thơm.
Lạy trời xin mưa xuống
Mà ấm áo no cơm.

Nắng, con về trong lúa
Đồng xa trĩu hạt vàng.
Có ai gặt với Chúa?
Mùa đã chín bộn bàng.

Nắng, con về trên rẫy
Ôm từng ôm lúa ngoan.
Ngày đi gieo, lệ chảy
Ngày về gặt hân hoan.

Nắng, con xuôi đồng cỏ
Thầy giao một nhóm chiên.
Giúp Thầy chăm bầy nhỏ
Con là GLV.

LM Trăng Thập Tự
Song Mỹ, 26-7-2007


KÍNH CHÀO NGƯỜI GLV

Xin kính chào người truyền rao giáo lý,
Đã đi qua những thế kỷ dạn dày,
Của gió sương, giông bão nước non này,
Đã nói lời và đã gieo ánh sáng.
Xin kính chào những dấu chân Thầy Giảng,
Khiêm nhu âm thầm lặng lẽ không tên,
Đã miệt mài lo ướp muối, ủ men,
Dậy lên những mùa sau liền lớp trước.
Xin kính chào những dấu chân Dì Phước,
Ấp thôn xa, tận cửa các gia đình,
Bất chấp cấm ngăn, bách hại, bạo hành,
Chỉ biết Chúa Giêsu và thập tự.
Xin kính chào những thanh niên, thiếu nữ,
Những người cha, những người mẹ ân cần
Lo cho cháu con, bạn trẻ xa gần
Được biết Chúa, được nghe Lời Chúa dạy.
Xin kính chào những con tim lửa cháy,
Những miệng môi tha thiết nói Lời Vàng,
Những bàn tay chỉ nẻo khôn ngoan,
Những bàn chân trên dặm dài thoăn thoắt.
Xin kính chào người gieo trong nước mắt,
Rồi ngày về ôm trĩu lúa, vui ca.
GLV, này trong cõi lòng Cha,
Bạn được nép bên Ngôi Lời Vĩnh Cửu.

LM Trăng Thập Tự

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐƯỢC YÊU

Buổi học tối nay
Thầy có cháy giáo án?
Nếu không, sao Thầy giảng quá giờ?
Ôm đồm rất nhiều nội dung trong cùng một buổi học!
Nào là rửa chân cho nhau,
Nào là yêu thương, một tình yêu lớn nhất
Nào là nên một với nhau, nên một với Thầy,
Nào là bánh trường sinh, cây nho, rượu quý,
Nào là ra đi rồi trở lại,
Nào là Thần Khí sự thật, Thần Khí ủi an,
Nào là Cha và Đấng được Cha sai đến
Và hãy làm việc này để nhớ
Vâng con vẫn nhớ
Thầy đã dặn giảng bài tập trung vào ý chính
Sao đêm nay Thầy nói triền miên
Phải chăng suốt ba năm học liền, vì con chưa chăm chỉ
Thầy không sao chạy hết chương trình
Cho nên đêm nay Thầy nhồi nhét
Rồi nhường quyền phụ đạo cho Thánh Linh?
Hình như đây là giờ học cuối hết
Sao các bạn con chẳng một ai ngờ.
Con nhìn mắt Thầy mà tưởng như mơ
Ý chính của buổi học này là yêu mến
Thầy từ Tình Yêu mà đến
Đến để yêu con
Yêu cho biển cạn núi mòn
Đất trời tan biến vẫn còn yêu say.
Sáng lòa một phút ai hay
Con là trò nhỏ được Thầy yêu cưng.
Hiểu ra làm mắt rưng rưng
Bao nhiêu năm cũ con từng vô tâm.
Bao năm con lỗi con lầm,
Thầy làm ngơ không để ý
Thầy chỉ nhớ một điều Thầy đến để yêu.
Cho con học bắc cầu kiều,
Để không phụ nghĩa thương yêu của Thầy.
Này trò nhỏ của Thầy đây,
Bước vui lẽo đẽo, vì Thầy không chê.

LM Trăng Thập Tự
Mến tặng các GLV-VN
Quy Nhơn, Đêm Thứ Năm Tuần Thánh, 20-3-2008

 
Nguyện vọng một Ngày Giáo Lý Viên Việt Nam
LM Trăng Thập Tự
13:08 20/03/2008
NGUYỆN VỌNG MỘT NGÀY GIÁO LÝ VIÊN VIỆT NAM

Theo thư chung 2007 của HĐGMVN, năm 2009 Giáo Hội Việt Nam sẽ đặc biệt quan tâm đến các Giáo Lý Viên (GLV). Sau lễ Phục Sinh 2008, HĐGMVN lại nhóm họp. Nhân dịp này, là một linh mục thiết tha với sự nghiệp Dạy và Học Giáo Lý của Dân Chúa, chúng con xin được lặp lại một nguyện vọng của các GLV và những người lo công tác Giáo Lý đã được đạo đạt lên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 15 năm về trước: Nguyện vọng về một ngày truyền thống cho các GLV.

Thường Giáo Phận nào cũng có một vị thánh bổn mạng cho các GLV, mỗi giáo phận một khác. Ngày GLV không phải là ngày lễ bổn mạng nhưng là ngày để mọi người cùng nghĩ đến ơn gọi hay sứ mạng GLV, cùng quan tâm tới các GLV, tức là một ngày truyền thống cho các GLV, tựa như ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11. Ngoài xã hội, người ta thường bảo những gì bạc bẽo nhất thì cần có một ngày để đánh thức sự quan tâm của mọi người. Trong Giáo Hội, GLV là một tập thể rất vất vả, đóng góp rất lớn và rất quan trọng cho Giáo Hội, nhưng lại bị lãng quên. Cần có một ngày để Dân Chúa quan tâm đến họ.

Tháng 7-1993, nhờ ơn Chúa, một cuộc gặp gỡ khá rộng rãi ba ngày giữa những người lo công tác Giáo Lý, gồm 67 thành viên thuộc 11 giáo phận và 7 dòng tu nam nữ, đã được thực hiện tại Toà Giám Mục Nha Trang. Một trong mấy điểm được Hội nghị ấy nhất trí là vận động chọn ngày làm chứng của Thầy Giảng Anrê Phú Yên, 26-7 làm ngày GLV Việt Nam. Hồi ấy, Thầy Giảng Anrê chưa được phong chân phước.

Ngày Anrê Phú Yên được chọn vì 2 lý do:

- Anrê Phú Yên chỉ mới 19 tuổi, rất gần gũi với các bạn trẻ GLV Việt Nam hiện nay, lại có sử liệu rõ ràng và những nét linh đạo khá nổi bật.
- Ngày 26-7 nằm giữa mùa hè, thuận lợi cho các sinh hoạt giao lưu cũng như đào tạo GLV.


Tháng 10-1993, các nguyện vọng của cuộc gặp gỡ tại Nha trang đã được đệ trình lên Đại Hội HĐGMVN. Một trong các nguyện vọng ấy đã được đáp ứng ngay: Tiểu Ban Giáo Lý trực thuộc HĐGMVN đã được thiết lập. Còn nguyện vọng về Ngày GLV-VN mãi đến nay vẫn chưa được quan tâm, nhưng không vì thế mà bị dập tắt, ngược lại, đã được thể hiện đó đây một cách tự phát. Tại một số nơi, các GLV đã chọn ngày 26-7 hằng năm làm ngày của mình. Nhiều nhóm GLV các giáo phận phía Nam đã tổ chức hành hương đến Mằng Lăng thuộc Giáo Phận Quy Nhơn, quê hương của Thầy Giảng Anrê.

Ngày 26-7-1994, Ngày GLV lần thứ I đã được cử hành long trọng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn. Trong dịp này, các GLV hiện diện đã ký thỉnh nguyện thư trình Toà Thánh xin sớm phong Chân Phước cho Thầy Anrê. Mặc dù thỉnh nguyện thư ấy chẳng phải là tiếng nói đầu tiên hay tiếng nói cuối cùng, nó đã đánh dấu sự gắn bó giữa các GLV-VN, qua các đại diện của họ, với chân phước Anrê Phú Yên. Rồi từ 1994 tới nay, năm nào GLV Tổng Giáo Phận Sài Gòn cũng đều cử hành Ngày GLV vào 26-7.

Những năm 1994-1996, hai tập san GLV: Được Sai Đi (Tổng Giáo Phận Sàigòn) và Đường Chân Lý (của Ban Mục Vụ Giáo Lý Dòng Đa Minh) đã liên tục cổ võ chọn ngày 26-7 làm ngày GLV Việt Nam. Đã có cả một Giải Văn Thơ dành cho ngày này.

Tại Đà Lạt, trong những năm đầu, ngày GLV 26-7 được tổ chức ở quy mô liên xứ, rồi về sau đã được tổ chức ở quy mô các Hạt. Riêng tại Hạt Đà Lạt, hằng năm, một chương trình tập huấn được thực hiện vào 4 ngày Thứ Bảy đi liền trước 26-7.

Tại Vinh, lịch Công Giáo của Giáo Phận năm 1996 đã ghi ngày 26-7 là “Ngày GLV Việt Nam”.

Nhiều nơi khác cũng đã có sinh hoạt GLV nhân ngày 26-7.

HĐGMVN chưa quan tâm đến Ngày GLV-VN nhưng hồ sơ chính thức của Thánh Bộ về Phong Thánh lại có phần về Ngày GLV Việt Nam 26-7. Hồ sơ này gồm 2 quyển dày mang tên: “Congregatio de Causis Sanctorum, Prot. No 1122 beatificationis seu declarationis martyrii servi Dei ANDREAE viri laici et catechistae, proto-martyris de Vietnam, Positio super martyrio, Roma 1998”. Trong quyển II, về “Rapport de la commission historique et appendices”, ở trang 213 ta đọc thấy: “Le 26 Juillet 1996 à Ho Chi Minh Ville, Journée des catéchistes vietnamiens, chant en l’honneur du catéchiste André” (Ngày 26-7-1996, tại TP HCM, ngày GLV Việt Nam, bài hát kính thầy giảng Anrê), kèm theo là bản chụp tờ bướm của ngày lễ, với bản nhạc Anrê Phú Yên của cha Trương Đình Hiền (nhạc sĩ Sơn ca Linh, giáo phận Quy Nhơn), lời ca bài Hành Trang Người Trẻ và đáp ca thánh lễ.

Tại Giáo Phận Quy Nhơn, cả trước khi Thầy Giảng Anrê Phú Yên được phong chân phước, năm nào ngày 26-7 cũng có các đoàn GLV hành hương về Mằng Lăng, quê hương vị Tử Đạo. Cách riêng, từ năm 2004, kỷ niệm 360 năm Anrê Phú Yên, đã luôn có Hội Trại GLV do Giáo Phận Quy Nhơn tổ chức với sự tham dự của đại biểu GLV từ nhiều Giáo Phận Bắc, Trung, Nam.

Những vận động dai dẳng cho ngày GLV-VN kéo dài đã 14 hơn năm. Bản thân chúng con cũng đã góp phần tham gia vào cuộc vận động với những bài thơ viết cho các GLV Việt Nam vào dịp này hằng năm.

Ngày 26-7 sắp tới đây, tập thể GLV Tổng Giáo Phận Sàigòn sẽ cử hành Ngày GLV lần thứ 15. Chúng con đưa bài này lên mạng để các bạn GLV khắp nơi cùng hướng về ngày ấy như ngày truyền thống lần thứ 15 của chính mình và cùng cầu nguyện để nguyện vọng chính đáng trên đây sớm được Hàng Giáo Phẩm chấp thuận.

Ước gì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, theo tinh thần thư chung 2007, sẽ chính thức phê chuẩn chọn ngày 26-7 làm ngày GLV Việt Nam. Chắc hẳn sự phê chuẩn sẽ cho GLV thấy rõ mối bận tâm của Hàng Giáo Phẩm dành cho họ và nhờ đó, nhiệt tình phục vụ của họ sẽ dâng cao và sự nghiệp Giáo Dục Kitô Giáo sẽ thêm thăng tiến.
 
Thánh lễ Truyền Dầu tại giáo phận Phát Diệm
Văn Hiện
13:43 20/03/2008
PHÁT DIỆM - Hiệp thông trong tin yêu và hy vọng. Đó là chủ đề nổi bật trong ngày lễ Truyền Dầu của giáo phận Phát Diệm năm nay.

Cũng ngày này năm xưa, các môn đệ quây quần bên Thầy Chí Thánh Giêsu để hiệp thông trong Bí tích Truyền Chức và Thánh Thể, để mang lại cho giáo hội một viễn tượng đầy tin yêu và hy vọng.

Hôm nay, tất cả linh mục đoàn Phát Diệm, cùng cha Bề trên và quý cha Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, quý chủng sinh, tiểu chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ và đông đảo tín hữu từ nhiều giáo xứ trong giáo phận nô nức quy tụ bên Đức Cha Giám Quản Giuse Nguyễn Chí Linh. Trong bài giảng cũng như lời đầu thánh lễ, Đức Cha ca ngợi và tự hào về sự hiệp thông vốn có giữa mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận. Sự hiệp thông ấy được thể hiện thật đậm nét và dồi dào ý nghĩa khi mà đông đảo các thành phần trong giáo phận liên kết và hiệp dâng thánh lễ trong ngày Thứ Năm Thánh này.

Năm nay, thánh lễ Truyền dầu được tổ chức tại thánh đường giáo xứ Vô Hốt. Đây là một trong những giáo xứ bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ lụt vừa qua. Ngay từ sáng sớm, nhiều tín hữu từ các giáo xứ xa xôi đã đến với Vô Hốt. Con đường Nho quan hôm nay nhộn nhịp khác thường, người sánh vai người, xe chen xe.

Đúng 9h30, đoàn đông tế tiến vào thánh đường giữa tiếng kèn đồng, tiếng cồng chiêng âm trầm mà hoành tráng. Ai cũng đều cảm nhận niềm vui được tắm mình trong bầu khí hiệp thông của giáo hội địa phương thân yêu.

Mọi người nắm tay nhau giơ cao, cùng cất lời nguyện cầu như Chúa Giêsu đã dạy. Sự hiệp thông đang vươn cao mãi, vươn tới Cha trên trời- Đấng thấu suốt mọi bí ẩn: Cha thấu tỏ khao khát của giáo phận chúng con, cha vẫn biết nước lụt đã rút đi, nhưng khó khăn và nghèo khổ vùng Vô Hốt vẫn còn hằn vết… và dù thế nào đi nữa, Cha biết chúng con luôn tin yêu và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Thánh lễ kết thúc lúc 11h00. Người người, xe cộ lại đan xen. Nắng xuân đã dậy. Lúa đã lên xanh. Các thửa ruộng một vụ như muốn trải dài vô tận với núi với đồi của Nho Quan. Chia tay. Niềm vui đã bừng trên từng nét mặt. Hiệp thông trong tin yêu và hy vọng phải được nhân lên mãi.

Phát Diệm, thứ Năm Tuần thánh 2008
 
Thánh Lễ Truyền Dầu tại Giáo Phận Xuân Lộc
Trần Văn Qùy
21:30 20/03/2008
XUÂN LỘC - Vào lúc 8 giờ 30 Sáng 20-3-08. Thứ Năm Tuần Thánh. Giáo phận Xuân Lộc cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu hằng năm của giáo phận một cách rất trọng thể. Năm nay, giáo phận chọn Giáo Xứ Bùi Chu, Hạt Phú Thịnh thuộc Giáo phận Xuân Lộc để cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu.

Từ sáng sớm, giáo dân trong xứ cùng các xứ đạo trong hạt, đã nô nức kéo về Thánh đường Giáo xứ Bùi Chu trên Quốc lộ 1 thuộc vùng Hố nai cũ, nay là Xã Bắc Sơn để đón Đức cha chính giáo phận Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, cha tổng đại diện và gần 300 linh mục, tu sĩ nam nữ trong giáo phận về dự và cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu.

Khuân viên thánh đường với hơn 2000 giáo dân đứng trong các dẫy nhà rạp che nắng chung quanh để tham dự Thánh lễ. Ai cũng vui mừng vì đây là lần đầu tiên Giáo xứ Bùi Chu được vinh dự tổ chức Lễ Truyền Dầu do Giáo phận ban cho, sau hơn 50 năm thành lập giáo xứ.

Buổi lễ bắt đầu với lễ rước các linh mục trong giáo phận cùng Đức cha chủ tế từ Nhà Mục vụ giáo xứ lên Thánh đường để dâng Thánh lễ. Giáo dân đứng trong những nhà rạp, sau hàng rào danh dự do các em thiếu nhi giáo xứ cầm bông và vải chung quanh đường kiệu.

Mọi người sốt sắng tham dự Thánh lễ, mặc dù trong Thánh đường không có chỗ dành cho giáo dân. Buổi lễ kết thúc vào lúc 10 giờ 30 sau phần cung nghinh các bình Dầu Thánh về nhà Mục Vụ giáo xứ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Những điều cần phải nói rõ thêm về vụ đất Tòa Khâm Sứ
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang
08:27 20/03/2008
NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI NÓI RÕ THÊM VỀ ĐẤT ĐAI TÒA KHÂM SỨ CŨ

Trong những ngày qua, có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề đất đai của Tòa Khâm Sứ cũ thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, trong đó có dư luận về phía chính quyền cho rằng việc trả lại khu đất Tòa Khâm Sứ cũ nên kèm theo những điều kiện. Tôi xin có mấy ý kiến như sau:

1) Có ý kiến cho rằng: “Khi Giáo Hội được trả Tòa Khâm Sứ thì muốn Giáo Hội không đòi những nơi khác”.

Danh từ “Giáo Hội” ở đây chắc ám chỉ Giáo Hội Việt Nam, hoặc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hoặc chặt chẽ hơn là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Theo tôi hiểu thì Giáo Hội Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt nam, cách riêng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội không có liên quan tới bất cứ quyền sở hữu mảnh đất nào của các giáo phận, vốn thuộc quyền Giám Mục sở tại. Các Đức Giám Mục, trong các phiên họp, đã ủy nhiệm cho Hội Đồng Giám Mục trong các văn thư xin lại một số đất đai thì đó chỉ là muốn sử dụng uy tín của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ví dụ: Thánh Địa Lavang, Học Viện Piô X Đà Lạt, Đất Tòa Khâm Sứ Hà Nội…

Mặt khác, sở dĩ mấy khu đất đó được nhắc tới trong các văn thư của HĐGM Việt Nam là vì những khi đất đó có liên quan tới ích chung của cả Giáo Hội Việt Nam, chứ không phải HĐGM chỉ xin lại những phần đất kể trên còn các nơi khác thì “đành” chấp nhận.

Các văn thư đó lại càng không có ý nói: khi được trả lại các phần đất đó thì thuộc về Hội Đồng Giám Mục chứ không trả cho giáo phận. Cụ thể, đất và ngôi Tòa Khâm Sứ cũ sau 40 ngày thắp nến cầu nguyện của cả Tổng Giáo phận Hà Nội, cộng với trăm ngàn ý kiến xác đáng về quyền sở hữu của Tòa Giám Mục, bây giờ nhà nước trao lại cho Giáo Hội, hay cho Hội Đồng Giám Mục (dù Hội Đồng có đơn xin sử dụng làm Trụ sở: việc này do sự sắp xếp nội bộ), nhưng danh chính ngôn thuận là trả cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Sau đó, Tòa Tổng Giám Mục có thể trao quyền sử dụng đất cho một đơn vị hay tổ chức nào đó tùy ý mình.

Như vậy việc trao trả đất cho Tòa Giám Mục Hà Nội không liên quan gì tới những địa phương có vấn đề xin lại đất đai của mình. Ví dụ: số nhà 11 Nguyễn Du của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn. Riêng đất Nhà thờ Thái Hà và Hà Đông thuộc giáo phận Hà Nội thì đã được sự ủng hộ và hậu thuẫn của chính Đức Tổng Giám Mục Hà Nội hiện nay.

Giáo phận Thái Bình chúng tôi đã tiến hành xin lại đất đai cũ của giáo phận trước khi có cuộc thắp nến cầu nguyện ở giáo phận Hà Nội. Chính quyền địa phương đã giải quyết một số nơi như: một phần đất để xây dựng sân sau Nhà thờ Chính Tòa hiện nay, đất làm Tu Xá trong khu đất của các nữ tu Saint Paul cũ v.v… Còn lại khu đất của chủng viện Mỹ Đức ở ngoại ô Thành Phố Thái Bình, đã có thời, Tòa giám mục Thái Bình cho dòng nam Đaminh mượn để hoạt động. Sau khi không còn hoạt động nữa, hội Dòng đã trả lại cho Tòa Giám Mục Thái Bình làm Nhà nguyện. Nhưng bỗng nhiên vào một buổi tối, trong lúc mọi người đang đọc kinh cầu nguyện, thì một số người có vũ trang đến đuổi những người có mặt trong nhà nguyện, rồi chiếm luôn tòa nhà và khu đất. Có một số người chống đối đã bị bắt đi tù, hiện nay vẫn còn sống tại giáo xứ đó. Sau khi tịch thu một cách bất hợp pháp, chính quyền đã giao cơ sở đó cho sở Giáo dục làm nơi ở cho giáo viên. Khi Tòa Giám Mục nộp đơn xin lại, thì chính quyền đem một số các em khuyết tật tới và trưng bảng gọi là “Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật” để đối phó. Chúng tôi đã đệ đơn xin lại tòa nhà và khu đất để làm nhà xứ cho giáo xứ Cát Đàm gần đó (vì linh mục quản xứ hiện vẫn chưa có chỗ ở và cơ sở để hoạt động mục vụ; ngài vẫn phải tá túc ở một vài phòng tại Chủng viện Mỹ Đức cạnh đó).

Nói chung, việc đất đai liên quan tới tôn giáo thì nhiều vô kể, song lại rất tế nhị và phức tạp. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, miền, lại có những hoàn cảnh và lý do khác nhau, vì vậy, không thể nói chính quyền chỉ giải quyết đất Tòa Khâm Sứ rồi không giải quyết trường hợp nào nữa, vì sợ phong trào đòi đất cứ lan rộng như hiện tượng “Đomino” (lần lượt sụp đổ) sẽ gây khó khăn cho chính quyền.

Vì biết rằng vấn đến đề đất đai liên quan tới tôn giáo vốn phức tạp và tế nhị, nên tôi đã đề nghị với chính quyền lập ra một Ủy Ban có đủ các thành phần liên hệ để cứu xét và giải quyết hợp tình hợp lý. Thiết nghĩ, trong vấn đề này, cần được cả hai bên thông suốt, không nên chỉ họp “kín” một phía. Kinh nghiệm cho thấy, trong các việc hệ trọng, cần phải tuân thủ nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” . Về phía chính quyền, khi nhận được đơn khiếu nại về đất đai thì nên giải quyết ngay; tránh tình trạng cứ để “ngâm cứu” cả năm trời hoặc có đưa ra phương án giải quyết thì cũng thiếu thuyết phục, đôi khi còn có những quyết định trái với lòng dân. Việc làm đó đã vô tình làm cho tình thế càng thêm phức tạp, dẫn tới chỗ khiếu kiện liên miên, gây mất trật tự ổn định xã hội, như trường hợp đất ở Thái Hà, Hà Đông và các nơi khác.

2) Về điều kiện đặt ra để trao trả Tòa Khâm Sứ cũ

Các vị đòi nếu trả về nguyên trạng là phải mang Đức Mẹ đi khỏi khu đất. Vậy thế nào là nguyên trạng? Tôi đã viết nhiều bài, đã đề cập tới thực tế đó, nay xin nói rõ hơn.

Phải hiểu “nguyên trạng” là tình hình hiện tại của sự vật, giữ như lúc ban đầu. Có nguyên trạng xa, có nguyên trạng gần.

Nguyên trạng xa là từ năm 1883 (năm giả định khu đất thuộc Tòa Giám Mục như rất nhiều bài viết cũng như hình ảnh rõ rệt chụp từ xưa), cho tới năm 1960 (thời gian Đức Khâm Sứ rời bỏ Hà Nội vào Sài Gòn, cũng là thời gian chính quyền quản lý khu đất đó, lấy nhiều lý do như: đây là khu đất vắng chủ; khu đất của người Tây hay khu đất được hiến tặng… chúng ta chưa có văn bản nào xác nhận).

Nếu lấy nguyên trạng xa từ năm 1883 thì cái nguyên trạng ấy có đầy đủ nhà cửa, cây cối, kể cả hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Chúng ta có dám phục hồi cái nguyên trạng đó không?

Nếu lấy nguyên trạng gần từ năm 1960 thì sẽ phải giải thích ra sao việc chính quyền tịch thu Tòa Khâm Sứ, cưỡng bức núi đá và bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức phải “di cư” sang Tòa giám mục và xây dựng trên mảnh đất đó nào là trung tâm giải trí, sàn nhảy, bể bơi, cơ sở thể dục thể thao v.v… Cho tới ngày hôm nay, tòa nhà, khu đất là cũ, nhưng vật đổi sao rời, các cơ sở biến thiên vô tận, biết đâu là nguyên trạng bây giờ!?

Như vậy, việc ngày 18/1/2008, giáo dân đưa tượng Đức Mẹ “hồi cư” về gốc đa cũ, đó là trở về nguyên trạng đúng nghĩa nhất. Đó là chưa kể bức tường cao sừng sững, chia đôi khu đất một cách trắng trợn, cưỡng ép không tình không lý, ngày đêm kêu lớn tiếng thấu trời rằng: tôi không ở nguyên trạng, tôi bị bó buộc mọc lên ở đây, tôi xin trở vể nguyên trạng với Đức Mẹ, với núi đá v.v…

Trong một bài viết với đề nghị xây dựng, tôi có nói: Nhà nước nên phá bỏ bức tường chia khu đất để trả về nguyên trạng, nếu không thì để cho Tòa Giám Mục trao cho giáo dân phá bỏ… chỉ chừng 15 phút là xong.

Xin lại nói về nguyên trạng: mấy bảng đề ở cửa Tòa Khâm Sứ, kể cả mấy lá cờ cũng được sinh ra từ sau lễ Giáng sinh 2007, kể cả hàng rào sắt thép, cả trạm canh ngoài cổng cũng mới được lập nên, tân trang, gia cố và luôn luôn ở tình trạng khóa chặt. Trước ngày 18/1/2008, không có tình trạng như vậy, vì trung tâm giải trí này được mở cửa mãi tới khuya để dân chúng ra vào thoải mái. Tôi nhớ lần gặp vị lãnh đạo cấp cao ở Bộ Công An, tôi có đề nghị cứ mở cửa khu vực này cho mọi người ra vào, kể cả các tín hữu vào viếng Đức Mẹ, như mọi người đi viếng chùa ngày xuân để cầu phúc hái lộc. Tôi đảm bảo, nếu làm như thế sẽ chẳng xảy ra chuyện gì; và khi đã êm thấm rồi, chúng ta sẽ ngồi vào bàn thương thảo. Nghe vậy, vị cán bộ có vẻ đồng ý. Nhưng rồi sự cố ngày 25 tháng 1 xảy ra, dẫn tới tình trạng căng thẳng, mà một phần do các vị bảo vệ nôn nóng xử mạnh tay, làm cho tình hình khó kiểm soát. Tôi đã từng phát biểu với các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương như vậy và các vị đó đều đã thừa nhận.

3) Có vị nói “điều kiện mang Đức Mẹ về Tòa Tổng Giám Mục rồi mới trao trả khu vực Tòa Khâm Sứ cũ, để giữ ‘thể diện’ cho chính quyền” (địa phương).

Tôi thiết nghĩ: các vị đã bị mất thể diện không phải sự hiện hữu (vẫn có từ trước) của tượng Đức Mẹ mà do chính biến cố: đưa tượng Đức Mẹ về.

Về phía các vị, có lẽ đã tự kiểm điểm với nhau rằng: làm sao chính quyền của một quận danh tiếng nhất thủ đô (Quận Hoàn Kiếm) mà lại để cho giáo dân đưa tượng Đức Mẹ về đặt nghiêm chỉnh trong khuôn viên của Tòa Khâm Sứ cũ với đầy đủ hoa nến như vậy. Sau khi sự việc đã xảy ra rồi, chính quyền sở tại mới “vớt vát” bằng cách triệu tập những người có liên quan như người đạp xích lô, người mang thánh giá v.v… Như vậy, thử hỏi có còn thể diện không?

Sự việc ngày 25 tháng 1 năm 2008 càng làm chính quyền sở tại mất thể diện hơn nữa. Vì nghiệp vụ non kém của các cô các chú bảo vệ, nên họ đã dùng bạo lực với chị phụ nữ người Mường và một luật sư đang quay phim. Nếu không có các vụ xô xát, hành hung, đánh đập xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật trước đám đông, thì làm sao có chuyện quần chúng bức xúc, dẫn đến chỗ mở tung cửa sắt đưa thêm tượng Thánh giá vào… và từ đó giáo dân dựng lều, cắm trại, thắp nến cầu nguyện cả ngày lẫn đêm chung quanh tượng Đức Mẹ… Chính tôi đã phát biểu như vậy với một vị lãnh đạo trong Bộ Công An.

Tình hình căng thẳng hơn nữa khi chính quyền thành phố Hà Nội đã ra công văn số 673 ra lệnh xử lý những tín hữu đến cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ vào giờ “G” ngày 28/1/2008. Rất may là, sự can thiệp kịp thời của một vị cán bộ cao cấp trong Bộ Công an đã ngăn cản để “sự dữ” khỏi xảy ra, và dẫn tới tình trạng tương đối ổn định ngày nay. Như thế “thể diện của chính quyền địa phương” ở chỗ nào?

Nếu muốn giữ hay lấy lại “thể diện” thì nên chăng, chính quyền cứ để tượng Đức Mẹ ở nguyên trạng, nhất là lại mở cửa cho giáo dân vào cầu nguyện trong trật tự, có giờ quy định hẳn hoi như tôi từng đề nghị.

Tóm lại, việc đưa tượng Đức Mẹ ra khỏi Tòa Khâm Sứ, không những làm mất thể diện của chính quyền mà còn ảnh hưởng cả đến thanh danh của Đức Tổng Giám Mục Giuse. Về phía chính quyền, các vị có thể bị khép vào tội danh cưỡng ép tôn giáo một lần nữa, như đã từng làm dưới thời Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Việc di dời tượng Đức Mẹ là điều không dễ dàng chút nào, bởi chính quyền sẽ gặp phải làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của cộng đoàn giáo dân. Vì thời đại đất nước chúng ta ngày nay cởi mở, tiến bộ nhiều mặt, giáo dân ý thức và tự hào về những hành động can trường đẹp đẽ và đầy tính cộng đồng của mình, họ sẽ không dễ dàng chấp nhận lùi bước một lần nữa. Còn về phía Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, người đã tuyên bố sẽ đi tù với giáo dân trong phong trào đốt nến cầu nguyện này, không bao giờ có chuyện đem tượng Đức Mẹ “rút lui”. Nếu như vậy, phải chăng là đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của cha ông đã cầu nguyện trên mảnh đất này hàng trăm năm trước, mảnh đất đã từng nhuốm mồ hôi nước mắt, kể cả máu đào trong cuộc chiến bảo vệ ruộng vườn chống giặc Cờ đen, mà Núi Đức Mẹ là đài tưởng niệm muôn đời không thể đập phá, dỡ bỏ.

Sự hiện hữu của tượng Đức Mẹ dưới gốc cây đa cổ thụ trong khuôn viên của Tòa Khâm Sứ là một hình ảnh tốt đẹp và chính đáng; nhất là trong thời điểm đất nước chúng ta đang từng bước chuyển mình, đi lên về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực tín ngưỡng và tâm linh. Đức Mẹ đứng đó là để ban muôn ơn phúc không chỉ cho đoàn tín hữu vây quanh nhưng còn là cho mọi thành phần con dân của đất Việt.

Như vậy, không thể vì một vài lý do không xác đáng nói là giữ thể diện để rồi có thể thay đổi, di dời tượng Đức Mẹ, một biểu tượng của niềm tin tôn giáo, trong khi cả nước tôn trọng và đề cao lĩnh vực tâm linh; nhà nhà (đôi khi kể các các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp) đều có bàn thờ, hương nến. Ở nông thôn, nơi chúng tôi đang được phục vụ, trên các con đường lớn nhỏ, nơi gốc cây, ngã ba đường vv… có rất nhiều chùa chiền, miếu mạo để thờ kính các thần vô danh mà chính quyền vẫn tôn trọng để nguyên. Ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi được coi là văn minh vào bậc nhất cả nước, nhưng nhiều chỗ vẫn có miếu thờ thần, ngày ngày khói hương nghi ngút (ví dụ: trước cửa Ngân Hàng Vietcombank Hà Nội). Trong khi tới nơi nào làm mục vụ, tôi thường nói với cộng đoàn rằng: có hai nơi trong một làng xã ta phải tôn kính và coi trọng, đó là: trường học và nhà thờ, nhà chùa... Vì trường học dạy ta tri thức và làm người. Còn nhà thờ, nhà chùa dạy ta nên thánh thiện đạo đức và giúp con người trở nên “người” hơn. Ngay tại nước Pháp, theo các tài liệu đã được công bố trên báo chí, sách vở, thì nguyên các đền đài dâng kính Đức Mẹ trong cả nước Pháp từ thành thị tới nông thôn phải lên tới con số vài chục ngàn. Hóa ra, nước Pháp lại là quốc gia mê tín, lạc hậu hơn đất nước chúng ta sao?

Xin Đức Mẹ ở lại với chúng con dưới gốc đa nơi Tòa Khâm Sứ cũ, để ban ơn, chúc phúc cho quê hương đất nước chúng con. Chớ gì, sự hiện diện của Đức Mẹ nơi đây không làm mất đi, trái lại còn làm tăng thể diện cho các vị trong chính quyền các cấp, làm đẹp thêm chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.

4) Giải pháp khả dĩ giải quyết vấn đề

Nay tôi muốn đề cập tới vấn đề coi như hiến kế cho chính quyền địa phương giải quyết nhanh và tốt cho việc trả lại đất đai Tòa Khâm Sứ cũ cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Tôi nghe tin khá xác thực từ các nguồn tin đúng đắn rằng: sở dĩ một trong các nguyên nhân làm cho chính quyền địa phương đắn đo, do dự để mau chóng trả lại khu vực Tòa Khâm Sứ cũ là đã trao (bán) cho một số tập đoàn, công ty, cơ sở, đầu tư vào đó hoặc lợi nhuận, hoặc cơ sở vật chất v.v… nay trả lại cho Tòa Tổng Giám Mục, thì ai sẽ đứng ra đền bù… trả lại vốn lãi v.v…

Tôi lại được tin chính quyền muốn giải quyết vụ việc theo một hướng khác là có thể cấp một mảnh đất khác bằng hoặc lớn hơn mảnh đất Tòa Khâm Sứ cũ. Như thế đất của Tòa Khâm Sứ cũ cứ để nguyên cho các tập đoàn hay công ty cũ sử dụng, tránh phải đền bù. Theo tôi nghĩ và có lẽ là ý nghĩ của đa số anh chị em tín hữu, việc Tòa Giám Mục không được trả lại khu đất cũ là không thể chấp nhận, bởi vì đây là mảnh đất tiên tổ để lại thấm đã tình cảm, văn hóa, đạo đức,… nên không thể chấp nhận được việc đánh đổi bằng một mảnh đất khác. Vì thế, việc nhận một phần đất khác lớn hơn, giá trị hơn ở nơi khác với Tòa Khâm Sứ cũ là không thể chấp nhận.

Vậy tôi xin có ý kiến trong việc giải quyết khúc mắc này như sau: Cứ để Tòa Giám Mục sở hữu lại khu đất Tòa Khâm Sứ cũ, còn mảnh đất có ý định cấp cho Tòa Giám Mục thay Tòa Khâm Sứ cũ, hãy giao mảnh đất mới này cho các công ty đã bỏ vốn đầu tư trên mảnh đất Tòa Khâm Sứ cũ, đem bán đi, được bao nhiêu sẽ dùng để đền bù cho các công trình đã xây dựng ở Tòa Khâm Sứ cũ.

Tôi ước mơ ngày đó sẽ mau đến. Khu đất Tòa Khâm Sứ sẽ được hoàn lại cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội với những lễ nghi hoành tráng với sự hiện diện của các vị lãnh đạo trong đạo ngoài đời bắt tay nhau vui vẻ, thân thiện, Tòa Khâm Sứ được mở rộng đón tiếp rộng rãi mọi thành phần Dân Chúa và mọi người đều cầu xin Đức Mẹ ban phúc lành cho dân tộc Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng…

Viết đến đây, kể như đã quá dài, và không chừng làm phật ý một số vị. Xin các vị rộng lượng thứ tha lời tâm huyết của ông lão già lẩm cẩm. Vì đối với Giáo Hội, tôi đã quá tuổi hưu được 2 năm và bây giờ sức khỏe cũng hạn chế. Đối với cuộc đời, tôi đã bước sang tuổi 77, cũng chẳng còn có thể sống được bao lâu trên cõi thế này, nhưng dẫu sao vẫn giữ được tinh thần “cuộc sống lạc quan, ngẩng cao đầu”.

Trong cuộc đời của tôi được khen cũng lắm nhưng bị chê cũng nhiều, nên khi về hưu tôi có nói đùa với mấy vị cộng sự: sẽ đi bán mũ cho thiên hạ:

“Nào ai mua mũ, hãy đến mau

Xem ai cần mũ… chụp trên đầu

Mũ xanh, mũ đỏ, trừ mũ tím

Còn mũ hồng, đợi kiếp sau!!!”


Xin các vị, nhất là các bậc lão thành chỉ giáo và đại xá cho.

Thái Bình ngày 19/3/2008

+ F.X. Nguyễn Văn Sang

Giám Mục Thái Bình
 
Video Tòa Khâm Sứ với bản nhạc 'Cho Con là Nến Sáng'
VietCatholic & Alpha Linh
08:33 20/03/2008
 
Hội nữ tu Nữ Tử Bác Ái đòi đất ở Sài Gòn
BBC
09:04 20/03/2008
Tại Việt Nam vừa diễn ra thêm một sự kiện các tín đồ Công giáo đòi lại đất. Các nữ tu sĩ thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn và một số giáo dân đã tập hợp yêu cầu chấm dứt việc phá dỡ một ngôi nhà ở số 32 bis đường Nguyễn Thị Diệu, TP. HCM.

Ngôi nhà trước đây của Hội chữ Thập Đỏ Pháp, trao cho dòng tu để làm nhà nuôi dạy trẻ.

Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn nói nhà nước mượn lấy tiếng là cho công tác giáo dục, nhưng từ 10 năm qua, một vũ trường mọc lên ở đây.

Khiếu nại

Năm 2005, Tu hội nộp đơn yêu cầu trả lại cơ sở để họ sử dụng vào việc giáo dục.

Đơn khiếu nại lần ba được nộp cho Sở Xây dựng tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó địa điểm này bắt đầu được đập bỏ để xây mới.

Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn cáo buộc rằng Ban quản lý đường sắt, nơi đang thuê cơ sở này từ Công ty Quản lý nhà TP. HCM, dự định xây lên văn phòng tại đây, và phần đất còn lại để làm khách sạn cho thuê.

Tin cho biết vào ngày 28-12 năm ngoái, UBND TP. HCM có cuộc họp để bàn về đơn khiếu nại.

Đến sáng ngày 17-3, nhiều nữ tu đã đến cầu nguyện tại địa điểm để bày tỏ phản đối việc nơi này tiếp tục tiến hành việc đập phá, xây cất trong khi đang có đơn khiếu nại.

Nguồn tin từ phía Tu hội nói rằng có khoảng 100 nữ tu đến cầu nguyện từ 9h sáng đến gần 5h chiều.

Tu hội nói vào chiều ngày 17-3, họ đạt được một biên bản cam kết ngừng công tác thi công, trong đó có chữ ký của đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM và trưởng ban tôn giáo quận Ba.

Truyền thông nhà nước không loan tin hay bình luận về vụ việc này.

'Có tính tổ chức'

Nói chuyện với đài BBC ngày hôm nay, tiến sĩ Nguyễn Đức Truyến, chuyên gia xã hội học tôn giáo tại Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng đây là một khuynh hướng đòi đất có tổ chức của Giáo hội Công giáo.

"Theo tôi, đây không phải là vấn đề mang tính cá nhân, mà nó có tổ chức. Nó không mang tính tự phát. Tôi nghĩ đây là hành động từ phía Giáo hội, không phải từ người dân."

Ông Truyến nói thêm: "Có thể Giáo hội hiểu được sự bày tỏ nguyện vọng của dân chúng có thể tạo ra sức ép và dư luận để nhà nước xem lại các kiến nghị của họ."

Việc Giáo hội Thiên Chúa giáo đòi lại đất trở nên nóng bỏng khi vào tháng 12 năm ngoái ở Hà Nội, giáo dân kéo về cầu nguyện quanh địa điểm từng là Tòa khâm sứ.

Tiếp sau đó, trong tháng Giêng, hàng trăm người theo Công giáo tiếp tục thắp nến cầu nguyện bên ngoài nơi từng là tòa Khâm sứ tại số 40 Nhà Chung, Hà Nội.

Sang ngày đầu tháng Hai, sau những trao đổi giữa Giáo hội và Chính quyền, giáo dân mới chấm dứt cuộc cầu nguyện.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyến nói vụ Tòa khâm sứ cho thấy có thể có cách để giải quyết.

"Tôi nghe không chính thức, nhưng người ta nói khả năng cũng có thể có để đàm phán và đi đến thống nhất nhất định. Nhà nước bắt đầu lắng nghe, chứ không từ chối đàm phán. Đấy là bước tiến bộ."

Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn có nhiều hoạt động từ thiện tại nhiều nơi ở Việt Nam. Hội này đã mở Trung tâm Mai Hòa, Trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân AIDS đầu tiên của TP. HCM, hồi năm 2001.

Tháng Tám năm ngoái, sau nhiều năm đi kiện, Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn được Thanh tra chính phủ Việt Nam kiến nghị Thủ tướng cấp 7000 mét vuông đất tại khu vực đồi Mai Anh, tỉnh Lâm Đồng.

Đồi Mai Anh cũng là nơi đặt nhà thờ Vinh Sơn, vốn là nguyện đường của dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn.

Tuy nhiên, Thanh tra chính phủ Việt Nam bác đơn đề nghị trả lại năm ngôi nhà ở khu vực chân đồi với lý do "đã bố trí cho các cơ quan Nhà nước sử dụng ổn định" từ sau 1975.
 
Ma Soeur không hiền!
Bs Vũ Linh Huy
12:18 20/03/2008
Ma Soeur không hiền!
(Thơ vui, kính tặng Quý Soeurs Nữ Tử Bác Ái
Vinh-sơn Phaolô, Saigon)


Ai cũng tưởng hiền…“như Ma Soeur”
Dè đâu đến việc cũng phất cờ!
Lý cứng, bạo quyền đành câm họng,
Kết đoàn, sức mạnh thật vô bờ.
Cộng nô vu cáo, không chùn bước,
Cường quyền đe doạ, vẫn “tỉnh bơ!”
Vũ khí cuả ta là Ơn Chuá,
Áo dòng, tràng hạt, …thật đơn sơ!

Boston, ngày 20 tháng 3 năm 2008
 
Những sai trái trong quyết định tịch thu nhà của Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn
Thợ Gốm
17:50 20/03/2008
Trong bài này Thợ Gốm muốn phân tích cái sai khi UBND Thành Phố khi ban hành Quyết định 75083/QĐ - UB ngày 23/01/1997, xác lập Sở hữu Nhà nước cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu. Khi trưng dẫn các quy định dưới đây Thợ Gốm không có ý tán thành các quy định pháp luật đất đai, bởi nó còn nhiều điều chồng chéo, thiếu nhất quán… Thợ Gốm sẽ bàn đến nó trong một lần khác.

Trước tiên xin điểm qua các quy định:

Trong Công văn 686/CT12, ngày 08/6/1994, Sở nhà đất đã hướng dẫn các Quận, Huyện, Công ty quản lý kinh doanh nhà, phòng Xây dựng quận huyện giải quyết những phát sinh thực hiện Chỉ thị số 12/1993/CT-UB, trong đó:

- Tại mục 2 quy định: “Nhà vắng chủ đã điều tra xác minh, nhưng không biết chủ sở hữu còn sống hay đã chết, ở trong nước hay ngoài nước, đã bố trí sử dụng, tiến hành xác lập sở hữu nhà nước”.

- Tương tự, tại mục 5 quy định:

“Nhà do tiếp quản 1975, không kê khai đăng ký, ký hợp đồng thuê, đã xác minh và không xác định được nguồn gốc, xác lập sở hữu nhà nước diện “vắng chủ”.

- Cuối cùng, mục 7 thêm: “Nhà đã ký hợp đồng cho thuê, nhưng không rõ nguồn gốc, chủ hộ xuất cảnh giao lại.Trước hết phải xác minh tại Ban Quản lý đất đai, Phòng Thuế trước bạ và Công chứng Nhà nước, mà vẫn không có tài liệu, tiến hành xác lập sỡ hữu nhà nước, diện “vắng chủ”.

- Ngoài ra tại điểm 14, Sở Nhà đất xác định trường học thuộc nhà chuyên ngành: “Nhà chuyên ngành: trường học, bệnh viện, nhà thương …” và tại điểm 15 quy định: “Nhà tiếp quản theo ngành, đơn vị nào tiếp quản, đơn vị đó tiến hành xác lập Sở hữu Nhà Nước”

Về cơ sở 32 Bis Nguyễn Thị Diệu:

Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đã được Hội Hồng Thập Tự Pháp tặng cho quyền sở hữu thửa đất thuộc bằng khóan 632 Sài Gòn – Độc Lập với diện tích 852 m2 cùng tất cả cơ sở trên đó, vào trước bạ ngày 2/4/1959, tọa lạc tại 32 bis Trương Minh Ký, nay là số 32 bis Nguyễn Thị Diệu.

Từ khi nhận cơ sở đến 1975, Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đã lập trường Dạy Trẻ (Jardin d’enfant).

Năm 1975, chấp hành theo văn thư số 576/VP/75 của Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn gởi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Bản Thông Cáo chung đề ngày 15/10/1975, Tu hội đã để Sở Giáo dục sử dụng cơ sở này làm trường Mẫu giáo thuộc Phòng Giáo dục quận 3, với tên gọi Trường Mẫu giáo Măng Non. Ông Phan Trọng Tân, Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định sự tồn tại của ngôi trường này trong Công văn số 1978/SGD-BCT ngày 30/11/1977.

Sau đây xin trích lại đây 2 điểm chính trong 8 điểm của Thông Cáo chung:

1. Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc Giáo Phận kể từ niên khóa 1975 -1976 này để phục vụ cho mục tiêu giáo dục.

2. Quyền sở hữu các trường sở nói trên vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo

Từ năm 1975 đến nay, chưa có một “văn bản quản lý” nào theo Nghị quyết 755/2005/NQ-QH đối với cơ sở 32 bis Nguỵễn Thị Diệu ngoại trừ Quyết định 75083/QĐ- UB ngày 23/01/1997 xác lập Sở hữu Nhà nước diện vắng chủ.

Vài nhận xét về Quyết định 75083/QĐ - UBTVQH11 ngày 23/01/1997

Điểm thứ nhất:

Nếu xem cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu là Nhà vắng chủ thì Sở Xây dựng và UBND TP đã đồng nhất “nhà chuyên ngành” với “nhà để ở”. Như vậy họ tự mâu thuẩn với chính mình hay làm trái với quy định trong Công văn mình đã ban hành để hướng dẫn các cơ quan, ban ngành thực thi.

Điểm thứ hai:

Ngay cả khi liệt cơ sở này vào diện nhà vắng chủ thì Sở Xây dựng cũng không có căn cứ để đề xuất xác lập sở hữu Nhà nước. Cứ cho là Sở Xây dựng không biết có Công Văn 1978/SGD-BCT của Sở Giáo dục và không đi trích lục bản Kê Khai 1997 nên không biết nguồn gốc và chủ sở hữu. Nhưng không thể nói họ không có bản đồ địa chính trong tay. Bản đồ địa chính đến nay còn ghi rõ: cơ sở 32 bis thuộc “thửa 52, tờ bản đồ số 13” và “chủ sử dụng: tu viện Nữ tử Bác aí Thánh Vinh Sơn”. Tu viện này toạ lạc cùng Phường 7, Quận 3 với Sở Xây dựng. Như thế không thể viện dẫn căn cứ “đã điều tra xác minh, nhưng không biết chủ sở hữu còn sống hay đã chết, ở trong nước hay ngoài nước” hay “đã điều tra xác minh nhưng không xác định được nguồn gốc” để xác lập sở hữu Nhà nước diện vắng chủ.

Điểm thứ ba:

Trong Quyết định 75083/QĐ- UB ngày 23/01/1997, Ủy Ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đã trưng dẫn 3 căn cứ: Pháp lệnh nhà ớ 1991, Quyết định 297/CT ngày 02/10/1991 của Hội Đồng Bộ Trưởng và Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội Đồng Chính Phủ để xác lập sở hữu Nhà nước. Thợ Gốm thấy cả 3 văn bản này không hề chủ trương xác lập sở hữu nhà nước các trường tư thục của Tôn giáo đã cho Nhà nước mượn.

Từ những phân tích trên cho thấy Quyết Định 75083/QĐ- UB ngày 23/01/1997 không có cơ sở để tồn tại, UBND TP phải mau chóng hủy bỏ nó theo Đơn Khiếu nại của Tu Hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn và Tòa Tổng Giám Mục Giáo phận TP HCM đã đề ngày 16/12/2007.

Tóm lại:

Thưa Ông Giám Đốc Sở Nhà Đất và Ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó CTUBND TP, các bác có biết chăng khi các bác đề xuất và ký vào Quyết Định này, các bác đã xây dựng nhà đất cho những đồng chí “COCC” ung dung tung hoành. (Ngay trong năm 1997 ông ký quyết định, một Vũ Trường đã được xây và họat động ngang nhiên trên tài sản vốn thuộc sở hữu Tôn giáo. Nói như lời một cán bộ cao cấp ở Sở Xây dựng: “đòi nhà 32 bis thì khó đấy vì nó đụng đến “gốc gác” không à”.

Chu choa ui ! Sở Nhà Đất mà không phân biệt được “nhà chuyên ngành” với “nhà để ở”. Chắc có lẽ vì thế cho nên “trường học” của con nít ta úm ba la thành “trường vũ” để ô kê nhảy nhót cũng chẳng hại gì. Dạy dỗ lũ nhóc thì kiếm được mấy xu, sao bằng dạy nhảy, dạy karaoke, dạy hút hít ! Úi chà, Thợ Gốm tui không biết mấy cái đồng tiền “sạch sẻ” ấy chui vào kho bạc nhà nước được bao nhiêu ?

Quyết định biến nhà do Hội Hồng Thập Tự Pháp tặng mấy bà sơ thành “nhà nhảy” với lý do nhà vắng chủ ? Hic, các bác muốn đập vào mặt các chú công an chuyên môn quản lý các bà sơ và mấy ông cha à ? Mấy bà chủ đó mà "vắng" thì lực lượng an ninh tốn kém bao nhiêu là cơm áo gạo tiền chỉ để quản lý “không khí” à ? Cái nhà đó dành để giáo dục con nít giúp chúng nó thành người lớn giàu lòng nhân như “Chữ Thập Đỏ”, xin đừng “dành ăn” với chúng nó. Chính vì các bác có thói quen “chuyển mục đích” mấy cái nhà như vậy cho nên bây giờ xã hội tràn ngập loại người chỉ biết “nhảy” !

Thợ Gốm không biết các bác ký theo sự tham mưu của cấp dưới, ký theo “lộc thánh” của Thần Tài hay do gợi ý của “sếp”. Ôi, còn đâu là sự liêm khiết của đảng viên, lương tâm chân chính của con người !

Nhưng mà còn nữa, Thợ Gốm cũng thắc mắc: cái công ty xí nghiệp OSKO gì đấy là ai mà được thuê cơ sở 32 bis với “giá của Nhà nước”, rồi được quyền cho Hoàng Gia thuê lại theo “giá Thị trường” để hưởng phần chênh lệch ? Hòang Gia là ai mà họ được “che chắn từ trên” như lời một cán bộ ở UBND Quận 3 tiết lộ?

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hành hương Thánh Địa: Cana, Caphanaum và Biển hồ Galilêa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
00:20 20/03/2008
HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH:

A-NHỮNG ĐỊA DANH HÀNH HƯƠNG (tt):

Cana

Cana là nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên, hóa nước thành rượu hảo hạng (Ga 2, 1-12). Cana cách Nagiarét 7km về hướng Bắc. Một vùng nông thôn nằm giữa Nazarét và hồ Tibêria, ngày nay gọi là Kefr Kenna. Cana cũng là quê hương của tông đồ Nathanael (Batôlômêô). Những chum đá đựng nước đã hóa rượu vẫn còn lưu giữ, những chai rượu Cana làm quà lưu niệm, giấy chứng nhận hôn phối của cha phụ trách nhà thờ Cana…là những thông tin làm cho chúng tôi nôn nao muốn đến ngay Cana.

Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại đây. Ngài biến nước thành rượu (Ga 2,1-12). Tiệc đang vui vẻ mà rượu gần cạn. Gia đình lo lắng, sợ mất mặt với khách dự tiệc… Mẹ Maria quan tâm đặc biệt. Mẹ ngỏ ý với Chúa: họ hết rượu rồi. Chúa bảo gia nhân: “Hãy đổ nước đầy chum”. Họ đổ tới miệng chum. Và Chúa bảo họ: “Bây giờ hãy múc nước đem cho người quản tiệc”. Nước đã biến thành rượu ngon, khiến người quản tiệc bỡ ngỡ, thực khách vui mừng.

Chúa Giêsu còn thực hiện một phép lạ khác tại Cana: chữa lành cho con một sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4,46-54).

Từ chỗ dừng xe phải leo lên một đoạn dốc cao, hai bên có nhiều quày hàng bán quà lưu niệm vui vẻ mời chào.Chúng tôi thấy một ngôi Thánh đường có hai tháp, biểu tượng cho đôi lứa và một vòm ở giữa tượng trưng sự tận hiến của đơn vị gia đình.

Bên trong thánh đường, người ta đặt chum rượu của thời Chúa Giêsu một cách cung kính ở ngay Cung Thánh. Những chum đá dưới bàn thờ cũng như ở tầng hầm có từ thế kỷ V, có hình dáng như chum đá tại tiệc cưới Cana ngày xưa, như muốn nói về đặc ân mà Chúa muốn dành phép lạ đầu tiên để thánh hóa tình yêu lứa đôi, để kiện toàn thể chế gia đình bền vững. Có một chum đá to được trưng bày trang trọng cho khách tham quan ngắm nhìn, đây là 1 trong 6 chum đá của phép lạ Cana đựơc các nhà khảo cổ tìm thấy.

Có nhiều đoàn hành hương đã cử hành nghi thức lập lại lời hôn ước cho những cặp vợ chồng tại nhà thờ Cana. Có những đoàn chọn Cana để kỷ niệm ngày thành hôn. Xin Chúa chúc lành cho hạnh phúc lứa đôi tại nơi này thì thật là ý nghĩa.

Bên cạnh Nhà thờ Công Giáo còn có Nhà thờ Chính Thống Hy Lạp, cũng được xây dựng để kính nhớ phép lạ Cana.

Chúng tôi quỳ gối đọc kinh, cầu nguyện cho những người sống đời đôi bạn được hạnh phúc, tín trung.

Có nhiều quày bày bán quà lưu niệm. Những chai rượu Cana là quà mừng cho người thân bạn bè được du khách ưa chuộng nhất. Rượu nho sản xuất tại Cana, nhưng ai cũng mua vài chai làm quà tặng quý giá như rượu chính phẩm được Chúa làm phép lạ năm xưa.

Biển hồ Galilê.

Thời chủng viện, học môn Tân ước với cha giáo Giuse Kỷ, chúng tôi nghe ngài kể về biển hồ Galilê, nước trong xanh có nhiều cá, nay đứng trên du thuyền dạo chơi khắp hồ, thoả thuê ngắm trời ngắm nước, ngắm cá bơi lội tung tăng. Thật thú vị và cảm động khi đứng nơi đây nghĩ về một thời, Chúa đã sống một quãng đời sứ vụ rao giảng.

Thuyền tắt máy giữa trời đất bao la, nước trôi lặng lẽ, người hướng dẫn đề nghị thinh lặng để suy gẫm. Phía trước mặt là núi bát phúc, thành cổ Caphanaum, bao nhiêu là câu chuyện phúc âm…

Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).

Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.

Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.Trong giáo xứ của tôi cũng có một nghiên cứu sinh du học nông nghiệp tại đây.

Tại Galilê và trên bờ sông Jordan, Chúa đã chọn 12 tông đồ. Khởi đầu là Giacôbê, Gioan, Anrê. “Các ngươi tìm ai? Họ thưa: Rabi, Thầy ở đâu? Ngài đáp: Hãy đến mà xem”... Và sau đó là Phêrô, rồi đến Phlípphê, Batôlômêô và lần lượt các môn đệ khác (trong đó có cả Giuđa bán Chúa). Con số 12 là một biểu tượng: Giáo hội sẽ có 12 nền tảng cũng như Israel có 12 chi tộc. Vì thế, sau ngày Chúa sống lại, các tông đồ đã chọn Matthia thay thế Giuđa Iscariot cho đủ số.

Đoàn chúng tôi trở về Nazareth theo đường qua thành phố Tibêrias.

Thành Phố Tibêria được coi là một trong 4 thành thánh của Do Thái (Jerusalem, Hebron, Safed, Tiberias). Vào năm 1033 Tiberia bị tàn phá bởi trận động đất lớn, sau đó thành phố được xây lại. Hiện thời dân cư ngụ nơi đây toàn là người Do Thái. Với bờ biển tuyệt đẹp. Ngày nay Tibêria là nơi nghỉ mát nổi tiếng với những khách sạn nhà hàng sang trọng.

Caphanaum

Hội đường Caphanaum
Sau phép lạ tiệc cưới Cana mà Thánh Gioan gọi là “dấu lạ”, Chúa cùng với Mẹ, các môn đệ xuống Caphanaum và ở lại đó ít ngày (Ga 2,12) rồi Ngài lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua, ở đó Ngài làm nhiều phép lạ, nhiều người tin Ngài. Ở đó, Ngài đàm đạo với ông Nicôđêmô, thuộc nhóm Biệt phái, là nhân viên hội đồng, người học rộng, bậc vị vọng. Ông ngạc nhiên khi ngồi nghe Chúa nói, nhưng vẫn còn chút dè dặt. Sau đó, Chúa Giêsu về lại Galilê. Ngài phải đi qua xứ Samaria (Ga 4,4). Tại đây, Ngài truyện trò với một thiếu phụ Sammaria, Người thiếu phụ được nghe Chúa nói và bà nhận ra Ngài là ai, vội vàng đi loan tin cho cả làng biết mình đã gặp Đấng Messia.

Caphanaum là một thành phố trên bờ Tây-Bắc biển hồ Galilê. Ngày nay gọi là Tellhum. Chúa Giêsu lấy thành này làm trung tâm hoạt động vào đầu thời kỳ truyền giảng công khai. Caphanaum thời đó là nơi sầm uất nối liền Damas và Ai Cập, dân cư làm nghề đanh cá, buôn bán. Chung quanh hồ Galilê, ngoài Caphanaum còn có thị trấn Hippos, Sennabris, Tarichée, Tibêria, Magdala, Bếtsaiđa đều nằm trên vành đai nhìn ra biển hồ.

Caphanaum, Chúa dành một sự trìu mến ban đầu, Matthêu viết “Người về thành của Người” (Mt 9,1), nơi Chúa hứa ban phép Thánh Thể, vị trí nhà của ông Giairô được Chúa ban cho con gái sống lại (Mc 5,22; Lc 8,41-56), nơi Chúa chữa lành người đàn bà loạn huyết (Mt 9,20-22; Mc 5,25-34; Lc 8,43-48), người bất toại do bốn người khiêng đến (Mt 9,1-8; Lc 5,17-26), người phong hủi và những bệnh nhân được Tin Mừng nhắc đến cách chung (Mc 2,40-45).

Nhà thờ trên nến móng nhà Phêrô
Caphanaum thời xưa là một ngôi làng rất sầm uất. Còn bây giờ chỉ là những phế tích lịch sử ghi dấu thánh thiêng của Chúa và các Tông đồ. Các dấu tích nơi đây không phai mờ với thời gian.

Sau 2000 năm Caphanaum không được tái tạo bao nhiêu. Nó vẫn còn nhiều phế tích. Người ta giải thích là do lời chúc dữ của Chúa Giêsu,vì dân ở đó không tin, dù đã thấy nhiều phép lạ (Mt 11,23-24). Cả ba thành bị chúc dữ: Khốn cho người hỡi Khorazin ! khốn cho ngươi hỡi Bếtsaiđa, còn ngươi nữa hỡi Caphanaum…

- Khorazin: Một thành ở miền Galilê, cách Capharnaum 3 Km về hướng Bắc. Thành bị chúc dữ, đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon được xử khoan hồng hơn các ngươi.

- Bétsaiđa: Một thành ở bờ hồ Galilê, dân cư sống bằng nghề chài lưới. Ngày nay gọi là Kh.el Araj. Quê hương của các tông đồ Philipphê, Anrê và Phêrô (Ga 1,44; 12,21). Một người mù được Chúa chữa khỏi ở thành này (Mc 8,22-26). Trong biến cố bánh hoá ra nhiều, các tông đồ lên thuyền về Betsaida, gần tới nơi, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước (Mt 6,45-52). Chúa cũng nguyền rủa thành này vì dân ở đây đã chứng kiến nhiều dấu lạ mà không hối cải.

- Nhà thánh Phêrô:

Tượng Thánh Phêrô trước nhà thờ
Thánh đường thánh Phêrô ở giữa một khuôn viên rộng lớn với nhiều chứng từ được khai quật. Nhà thờ được xây từ thế kỷ thứ 5, theo lưu truyền đó là nhà Thánh Phêrô, một trong những tông đồ đầu tiên. Tại nhà này, Chúa chữa nhạc mẫu ông Phêrô, chữa nhiều bệnh nhân, người bị qủi ám (Mc 1,29-34), chữa người bất toại (Mc 2,1-12) Chúa quả quyết Ngài có quyền tha tội (Mc 2:10). Chúa thường nghỉ ở nhà ông Phêrô trong thời gian người thi hành sứ vụ tại Galilê...



- Hội Đường Caphanaum:



Tại hội Đường Caphanaum, Chúa giảng về “Bánh hằng sống” (Ga 6:26-40). Chữa người bị quỉ ám trong hội đường (Mc 1,23-28). Một máy ép dầu Ôliu cổ ở Caphanaum được phát hiện trong lúc khai quật Hội đường Do Thái năm 1950. Kinh Thánh nói đến máy ép vì Palestin là vùng có nhiều nho (Tl 7,27; G 24,11). Có lúc người ta đưa máy ra vườn để sơ chế, lấy nước, cùng với máy ép là một thùng ủ để làm rượu, lấy dầu. Ngoài lúa mì và rượu, dâu là loại nhu yếu phẩm chính của người Palestin. Dầu nấu ăn (Lv 2,4), dầu thắp đèn (Mt 25,3-8), dầu là dược liệu chữa trị bệnh tật. Chúa Giêsu dùng dầu để chữa các bệnh nhân (Lc 10,34; Mc 6,13...).



Núi bát phúc.



Là nơi Chúa giảng dạy về Tám Mối Phúc (Mt 5, 1-12), được gọi là Hiến Chương Nước Trời, là con đường nên thánh. Nhà thờ Bát Phúc được xây dựng theo mô hình bát giác, tượng trưng tám mối phúc. Toà Thánh đã mua đất khu vực rộng lớn này. Dòng Phanxicô quản lý, có nhiều cơ sở mới đang được xây cất.



Đoàn chụp hình lưu niệm
Chúng tôi hạnh phúc được dâng thánh lễ CN III Mùa Chay tại Nhà thờ Bát Phúc, trong khi đó có nhiều đoàn dâng lễ ở những lều bạt bên ngoài. Đủ mọi ngôn ngữ, khác biệt nhưng lại duy nhất trong tâm tình hiệp thông tạ ơn.



Vào năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến đây từ lộ trình Núi Sinai và dâng lễ trên một ngọn đồi với hàng ngàn người tham dự. Năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã theo lộ trình từ Núi Tabor viếng thăm nơi này.

Nhà thờ Tối Thượng Quyền

Sau thánh lễ, chúng tôi rời núi bát phúc, đến thăm nhà thờ Tabghar (7con suối), nơi Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Thật đáng tiếc, nhà thờ đóng cửa vì hôm nay là Chúa Nhật III Mùa Chay. Một thoáng buồn được lấp đầy bằng niềm vui khi viếng nhà thờ và nghịch nước biển hồ Galilê.

Nhà thờ Tối Thượng Quyền
Nơi đây Chúa trao quyền chăm sóc đàn chiên cho Phêrô (Ga 21, 1-19).



Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai: cuộc đời phần một,từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai,từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.



Trong cuộc đời phần một của ông, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác. Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72). Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mảnh đời phần một của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.



* Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin ( Mt 14,31)

* Lần thứ hai: Ngu tối ( Mt 15,16)

* Lần thứ ba: Satan ( Mc 8,33)



Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan (Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.



Chúng tôi đang đứng trên bờ biển hồ mà năm xưa Chúa hỏi về lòng mến và trao quyền cho Phêrô.



Nhớ đến đoạn Phúc âm kể câu chuyện, đêm hôm ấy họ không bắt được con cá nào…rất giống như lần đầu tiên lúc họ mới gặp Chúa. Rồi có một người đứng đó. Người ấy bảo đem lưới mà thả bên phải mạn thuyền. Họ làm như thế và bắt được rất nhiều cá. Gioan thốt lên: "Thầy đó" (Ga 21,1-7) Phêrô choáng váng. Ông vội khoác áo vào, nhảy xuống khỏi thuyền bơi thật nhanh lên bờ. Thầy đã nhóm lửa và bảo họ lấy cá. Phêrô vội vàng thi hành. Ông không dám hỏi một lời. Sau bữa ăn, Chúa phá vỡ im lặng. Ngài quay về phía Phêrô. Ông vẫn im lặng. Chúa hỏi: "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?.(Chúa gọi ông bằng tên riêng của ông chứ không gọi bằng tên Chúa đặt: Phêrô: Đá) Ông cảm thấy như đau nhói ở trong lòng. Trả lời với Thầy làm sao bây giờ. Ông còn có quyền nói là ông yêu Chúa nữa hay không. Dù sao thì ông cũng không thể nói trái với sự thật. Ông để cho Chúa phán xét: "Thưa Thầy, thầy biết con yêu mến thầy". Có những điều người đời không thể biết nhưng Chúa biết. Ông không nói dối. Một con người đã có lần phản bội, đã có lần chối Chúa, đã có lần rất tầm thường như ông làm sao mà có thể dám quả quyết. Nhưng tự trong thâm tâm, tự trong đáy lòng ông vẫn mến Thầy chân thành. Ông nói rất thật. Chúa lại nhìn ông một lần nữa rồi Ngài lại lập lại cũng một câu hỏi trên: "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?". Ông cũng lại lập lại câu trả lời như ông đã trả lời ở trên. "Thưa thầy có. Thầy biết rằng con yêu mến Thầy".



Rồi lần thứ ba Chúa hỏi lại để được nghe lại một lần nữa lời tuyên xưng tình yêu của một kẻ được Chúa yêu thương nhất nhưng cũng đã vấp phạm nhiều nhất. "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy không?. "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy".



Tảng đá nơi Chúa ăn cá và bánh cùng 07 môn đệ
Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Ba lần ông chối Chúa, ba lần Chúa cho ông cơ hội để nhắc lại tiếng nói tình yêu, để tuyên xưng lòng tin tưởng của mình. Không một lời rầy la, không một lời trách móc, không một lời buộc tội, chỉ là cơ hội để xác định lại mối dây liên hệ yêu thương. Đó là cách Chúa cư xử với những kẻ khiêm nhường. Nhờ vậy Phêrô bắt đầu một đoạn đời mới. Chúa trao quyền cho Phêrô: "Hãy chăn giữ các chiên của ta". Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời
Thưởng thức món «cá Phêrô»
mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây trên tảng đá Phêrô, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được. Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

Trời đã trưa, chúng tôi đi ăn món « cá Phêrô » tại nhà hàng Tanureen. Cá đánh bắt ở hồ Galilê trông giống như cá điêu hồng, nhưng với thương hiệu « cá Phêrô », món ăn càng thêm hấp dẫn.

Jordan



Sau 30 năm sống âm thầm, ẩn dật ở Nazareth, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa. Người đến chịu Phép rửa ở sông Jordan. Đọc Phúc Âm tôi nghĩ Jordan là một con sông lớn lắm, ai dè khi đến nơi, thấy nó bé nhỏ như một con kênh giữa miền Tây sông nước.

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Jordan nơi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng Jordan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Jordan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Jordan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho
Một nơi nghỉ mát trên bờ hồ Galilêa
Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Jordan bé nhỏ. Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Jordan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc1,5) và chịu “phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là sự hạ mình sâu thẳm của Đấng Thánh và là một cuộc gặp gỡ lịch sử Cưụ ước – Tân ước. Biến cố không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Chúa Giêsu từ tốn bước xuống nước Jordan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.Gioan hân hạnh xin Chúa Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo. Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha. Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Jorđan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận đước ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

dòng Như một thân thể của xứ Palestine, góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Chúa chọn dân Do thái. Từ Jordan chuyển từ tiếng Do thái, hayyarden, có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian”. Bắt nguồn từ Syria, do ba phụ lưu hợp thành. Sộng dài 300km, rất nhiều chỗ cạn, nhiều chỗ uốn khúc, chảy qua biển hồ Galilê và cuối cùng đổ vào Biển Chết. Lòng sông rất dốc, thượng lưu ở độ cao 45 mét, đến cửa sông là 390 mét với mặt nước biển, lưu vực 93 mét khối/s. Mặc dù là con sông rộng nhất của Palestin, sông Jordan khác với những con sông của nhiều nước ở chỗ: Khúc sông từ Biển hồ Galilê đến Biển Chết có đến 27 ghềnh thác khó lưu thông, lắm chỗ nước chảy qua tạo thành những thung lũng như đầm lầy, nhiều nơi có thú dữ, cây cối hai bên dòng sông mọc tươi tốt, không có thành phố lớn nào được thành lập dọc theo dòng sông. Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này, khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Jordan (St 13,10). Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Jordan, các chi tộc vượt sông Jordan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3,14-17). Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc. Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tản ngạn sông Jordan (Tl 6,33; 2Sm 17,22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Jordan...” (Gr 12:5; 49:19; 50:44) qua Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êliđeo xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5,1-19). Ngôn sứ Êdêkiel (chương 47) diễn tả sức sống sung túc của sông Jordan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó. Với Kinh Thánh Tân ước, sông Jordan là nơi Gioan làm phép thanh tẩy, thống hối và Chúa Giêsu nhận lãnh nghi thức thiên hạ này để mở đầu hoạt động công khai.

Rời Jordan, xe đưa chúng tôi đi qua nhiều sa mạc miền Trung. Đường sá ở Israel thật tốt, 2 làn xe phân biệt trên quốc lộ, có nhiều cầu vượt. Một hành trình dài mấy trăm cây số chẳng thấy bóng cảnh sát giao thông. Việt nam thì quá nhiều, huyện nào, tỉnh nào cũng thấy công an giao thông.

Đi qua thung lũng Jordan, bên trái thuộc lãnh thổ Jordan, bên trái thuộc Israel. Qua trạm gác có nhiều anh lính Palestin cầm súng kiểm soát, chúng tôi đến lãnh thổ Palestin rồi ngang qua vùng đất Giêricô tiến về Giêrusalem trong nắng chiều vàng nhạt.

Giêrusalem, thành thánh với bao câu chuyện Thánh kinh hấp dẫn. Bêlem,nơi Chúa Giáng sinh,Giêricô với cây sung Giakêu, núi cám dỗ, Bêtania nơi có mộ Lazarô, rồi Biển chết, Qumran…biết bao địa danh lôi cuốn lữ khách.



(Còn tiếp)
 
350 năm Giáo hội Việt Nam, hai thừa Paris đầu tiên đến Việt nam: Cha Chevreuil và Hainques
Gs Trần Văn Cảnh
19:20 20/03/2008
THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS

350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam (Bài 9)

Cha Chevreuil và Hainques, hai thừa sai hải ngoại Paris đầu tiên đến Ðàng Trong

Ðến tiếp nối và tăng cường công việc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Việt Nam, Các thừa sai hải ngoại Paris đã làm được gì cho giáo hội ở đây? Trả lời câu hỏi này, đức cha J. de GUÉBRIANT, Nguyên Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa, Giám Quản Canton và Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris 1921-1935, đã xác nhận rằng các Ðức cha và các cha Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã đưa ra được một sáng kiến vĩ đại của việc tông đồ hiện đại, là đào tạo và phong chức linh mục cho những thanh niên Việt nam có khả năng và lòng đạo đức, để thành lập hàng giáo sĩ và giáo phẩm Việt Nam.

Không kể công việc căn bản và độc đáo này, các cha Thừa Sai Hải Ngoại Paris, cũng như các nhà truyền giáo khác của dòng Tên, dòng Ðaminh, dòng Phanxicô,.. đã làm một công việc truyền giáo thường nhật, là giảng đạo, loan báo Tin Mừng cho lương dân, làm phép rửa cho họ, mở đường dẫn họ vào Giáo Hội, nhập đoàn dân Chúa. Ngay từ 1664, các thừa sai đã lần lượt tìm cách tiến vào Việt Nam, khởi đầu đến Ðàng Trong với các cha Louis CHEVREUIL (1664), Antoine HAINQUES (1665), Pierre BRINDEAU (1669), Guillaume MAHOT, Claude GUYARD (1671), Bénigne VACHET (1673), Gabriel BOUCHARD, Jean de COURTAULIN DE MAGUELONNE (1674),….

1. 1664, thừa sai Louis Chevreuil đến Ðàng Trong

Theo sắc lệnh ngày 09.09.1659 của Ðức Thánh Cha Alexandre VII, Ðức cha Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Trong, với quyền cai quản các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam của Trung Quốc và gồm luôn cả Chiêm Thành. Rời Paris, lên đường đi Viễn Ðông, ngài tới Xiêm năm 1662. Ðầu năm 1664, sau khi đã hội đàm với Ðức Cha Pallu vừa đến Xiêm, Ðức cha Lambert có ý tưởng dự tính đi Trung Hoa vào tháng bảy. Tin tức liên quan đến Trung Hoa rất hoang mang: trong những tháng cuối năm 1663, không có tin tức gì về 4 tầu rời Xiêm đi Trung Hoa. Ðức cha bèn đổi ý định, dự tính đi Ðàng Trong Việt Nam. Nhưng tin tức nhận được từ các cha dòng Tên từ cuối năm 1663 về Việt Nam cũng rất bất lợi. Theo các cha dòng Tên, Ðàng Trong đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Các ngài khuyên Ðức cha Lambert nên gửi người đến quan sát trước khi khởi sự việc rao giảng. Các thừa sai hải ngoại Paris khác, hiện đang ở với Ðức Cha cũng nghĩ như vậy. Ðức cha đã đề nghi với cha Louis Chevreuil, người già dặn nhất trong nhóm thừa sai và là người có nhiều cảm tình với các giáo sĩ dòng Tên, thay ngài, đi Ðàng Trong. Ðức cha biên một thơ trao cho cha Chevreuil, chứng nhận ngài là Tổng Quản của giáo phận Ðàng Trong. Ðức cha cũng trao cho cha chính Chevreuil một số tiền khá lớn để giúp các giáo dân đang bị bắt bớ cũng như các giáo sĩ dòng Tên. Ðồng thời ngài cũng khéo léo nhắc cha Chevreuil phải nhã nhặn với các cha dòng Tên và nên lưu lại tại cơ sở của họ, thay vì cư ngụ nơi khác để tỏ lòng tín nhiệm.

Cha Louis Chevreuil bỏ Xiêm ngày 17/06/1664, lên đường đi Ðàng Trong, trên một chiếc thuyền buồm trung Hoa. Sau hơn một tháng, ngày 26/07/1664, ngài tới được Hội An, cũng gọi là Hải Phố [1]. Dẵm theo vết chân cha Ðắc Lộ, vào Hội an, một cửa khẩu lớn nhất Nam Việt vào những thế kỷ 17, 18, nơi hiện có một nhà thờ công giáo, với khoảng 300 giáo dân, do hai cha dòng Tên coi sóc, cha Pedro Marquez tại Hội An và cha Ignace Baudet tại Cửa Hàn.

Tới Hội An, cha Chevreuil cùng với thông ngôn người Nhật đã được đón tiếp rất thân thiện, nhưng người ta cũng làm cho cha hiểu rằng người ta tiếp cha vì lòng bác ái, chứ còn nếu cha ở lại đây, đó lại là chuyện khác. Có cảm tưởng bất an, ngại rằng sẽ bị các giáo sĩ dòng Tên vận động, bắt xuống tầu chở về Macao, cha Chevreuil liền quyết định bỏ Hội An, đi Huế.

Ðến Huế, cha Chevreuil đến trọ trong nhà một người thợ đúc súng, tên là Jao Da Cruz (Jean de la Croix), đang làm việc cho triều đình và được Chúa Hiền Vương tin dùng. Ở đây, có một cha tuyên úy, tên là Fuciti, dòng Tên. Cha Chevreuil được cha Fuciti mời làm lễ và giảng lễ nhân dịp một lễ trọng. Trong bài giảng, cha Chevreuil tiết lộ vai trò « Cha Chính » của mình ở giáo phận Ðàng Trong. Cha Fuciti và ông Jao Da Cruz rất bỡ ngỡ và bất bình, tìm cách ngấm ngầm vận đông với triều đình trục xuất cha Chevreuil.

Thấy bầu khí không được vui lắm, cha Chevreuil liền thuê thuyền trở về Cửa Hàn. Trên chuyến hải trình này, cha đã thuyết phục được chủ thuyền, dậy đạo và rửa tội cho ông. Tới Cửa Hàn, cha đã được giáo sĩ dòng Tên Marquez đón tiếp. Ở đây cha Chevreuil đã rửa tội cho một số tân tòng đã được các thầy giảng dậy đạo, rồi về Hội An, nơi mà cha đã thuê một căn nhà riêng để ở.

Vài hôm sau, cha đến gặp hai cha dòng Tên, Ignace Baudet và Pedro Marquez, trao cho họ bức thư của Ðức cha Lambert de la Motte, chứng nhận cha là « Cha Chính » địa phận Ðàng Trong mà Ðức cha Lambert, Ðại Diện Tông Tòa, là giám quản. Cha Chevreuil hỏi hai cha có nhận quyền của Ðức cha Lambert de la Motte không. Bị ràng buộc với chế độ Bảo Hộ mà Bồ Ðào Nha được quyền giảng đạo và cai quản các giáo phận ở Á châu, Cha Marquez trả lời rằng việc đó còn tùy thuộc vào hoàng đế Bồ Ðào Nha. Cha cũng nói rằng mình không thể làm gì khi chưa có phép của bề trên ở Macao. Nhưng hai ngày sau, cha Marquez đền nhà cha Chevreuil và tỏ ý sẵn sàng phục quyền Ðức giám mục Lambert de la Motte. Cha Fuciti ở Huế cũng biên thơ cho cha Chevreuil và tỏ lòng tùng phục.

Tình hình Việt Nam tự nhiên căng thẳng vào tháng 12/1664. Cha Chevreuil cảm thấy như vậy. Thực ra từ khi lên kế vị Thượng Vương vào năm 1648, Hiền Vương đã có những cuộc bắt bớ đạo công giáo. Năm 1657 ông Phêrô NẾT, cựu quản gia của Minh Ðức Vương Thái Phi, đã bị tử đạo. Ngày 11/05/1663, bốn người khác là Gioan Vương, Tôma Nhuệ, Alexi Ðậu và Gioan Nghiêm bị xử trảm ở Quảng Nam, vì đã anh hùng xưng đạo.

Tháng 12/1664, một số tù nhân công giáo bị dẫn về triều đình. Ngày 22-12-1664 ông Phêrô Ðang bị tử đạo vào tuổi 40. Ngài là con của một vị quan ở Quảng Nghĩa, nhưng cha mẹ chết khi ngài còn nhỏ, sau được xung vào đội lính ngự lâm, được nghe nói về đạo và xin rửa tội. « Ngày 5-1-1665, có một cuộc bắt đạo dữ dội tại Hội An, khoảng 100 người bị bắt, nhưng hầu hết đã chối đạo, trừ bốn người là Michele Mien, Giuse, Inhaxiô Vang và Caio. Sau đó bà Maria vợ quan trấn cũ và Giovanna cũng bị bắt. Ngày 27-1 ông Phêrô Ki, làm ông Trùm của hai họ Dinh Cát và Quảng Bình, bị xử tử, xác bị băm nát và vất xuống sông. Cùng ngày đó, Inhaxiô Vang và Michele Mien là hai binh sĩ cũng bị xử ở chợ, xác bị đánh bằng roi rồi buông sông. Ngày 29-1, một số giáo dân tại Quảng Nam do ông trùm Michele đứng đầu cùng với ông Simêon, Vincenzô và Gioan bị chém đầu, bà Monica và Agatha bị voi giầy. Còn bà Maria, vợ quan trấn cũ của Phú Yên, bị kết án giam đói trong một nhà tối, nhưng đã không chịu nổi, bà xin chối đạo. Marta, Damasô và một người khác cũng đã bị xử tử.

Ngày 31-1, một nhóm 12 người bị xử tử tại Quảng Nam.

Ngày 3-2, tất cả các cha bị quản thúc trong nhà các cha Dòng Tên ở Hội An, gồm có: Cha Fuciti, Baudet, Marquez, Chevreuil và hai cha Dòng Phanxicô.

Ngày 4-2, bốn giáo dân Quảng Nghĩa bị dẫn về Hội An và giao cho quan trấn thủ Quảng Nam xử [2].


Ngày 9-2, các cha Dòng Tên bị trục xuất, hai cha Dòng Phanxicô và Cha Chevreuil nhờ mới đến triều đình chưa biết, nên được ở lại.

Cha Chevreuil và hai cha Dòng Phanxicô ở lại không được bao lâu cũng bị trục xuất ngày 7-3-1665 và về tới Ayuthia ngày 12/04/1665..

Cha Chevreuil về nước Xiêm, tới Ayuthia, mang theo bảo vật là chiếc đầu của chị Lucia, con một vị tử đạo và bản thân chị cũng là một tử đạo ngày 06/02/1665, tại Quảng Nam. Ðức cha Lambert de la Motte truyền đem để tại nhà thờ thánh Giuse tại Ayuthia.

2. 1665, thừa sai Antoine Hainques đến Ðàng Trong

Ðến Ðàng Trong ngày 26/07/1664, rồi bị trục xuất ngày 07/03/1665, cha Louis Chevreuil ở Nam Việt chưa đầy một năm. Nhưng tám tháng cũng đủ để cha trực diện được với thực tại truyền giáo ở đây và có được những ý kiến và xác tín cá biệt. Theo ngài hai sự thật sau đây là hiển nhiên. Thứ nhất, lý do khiến Chúa Nguyễn cấm đạo là lý do chính trị. Chúa Hiền Vương sợ rằng các cha Bồ Ðào Nha dùng tôn giáo để lấn chiếm quyền hành. Thứ hai, tại Hội An, trong cơn bách đạo, trong số 5000 giáo dân, có đến 4000 người đã bỏ đạo. Lý do khiến có nhiều người bỏ đạo như vậy, phần thì do sự huấn luyện quá sơ sài và phiến diện, phần thì do thiếu sự hiện diện và thiếu gương lành của các linh mục. Ðo đó, sự bách đạo ở Ðàng Trong chẳng những không làm sờn lòng mà còn tăng thêm chí truyền giáo của các thừa sai. Vừa bị trục xuất khỏi Nam Việt ngày 07/03/1665, thì ngày 11/08/1665, cha Chevreuil đã cùng với cha Antoine Hainques lấy tầu nhỏ mà các cha thừa sai mới mua và do thuỷ thủ đoàn việt nam đảm trách để đi Nam Việt. Vì gió ngược, hai tháng sau, ngày 12/10, tầu chỉ mới đến được ngoài khơi bờ biển tỉnh Bà Rịa. Các ngài đã nhờ được một thuyền buồm do người công giáo Nam Việt làm chủ chở vào đất liền. Sau hai tháng du hành mệt nhọc và khó khăn, cả hai cùng mệt mỏi và lâm bệnh. Cha Chevreuil phải nằm nghỉ lại ở Bà Rịa, rồi sau đó lấy thuyền đi Cao Mên và kẹt lại ở đây [3].

Cha Hainques, như lời kể của Ðức cha Lambert, « bận đồ như một người Nhật, đi chân trần, đeo bị,…không hầu cận, không biết gì về địa phương, hoàn toàn phó thác vào Chúa Quan Phòng,… », đi đến Huế. Trọ tại nhà ông thợ đúc Joa Da Cruz, cha ở đây hai tuần, rồi đi Hội An. Tình hình Việt Nam tương đối yên ổn hơn, cha đi dọc theo khắp các tỉnh duyên hải, Quảng Trị, Phú Yên,..giảng đạo, làm phép rửa cho nhiều tân tòng và giúp giáo dân hồi phục lại đời sống đức tin, tham dự bí tích.

Ở Hội An, đi lại lưu thông, chính yếu là bằng thuyền bè. Cha Hainques mua một chiếc thuyền và dùng nó như là một chủng viện. Cha chọn lựa và tụ tập được bốn người trẻ để đào tạo họ thành thầy giảng, và nếu được thì tiến xa hơn, thành linh mục. Trong 4 người này, cha thấy hai người xứng đáng làm linh mục. Cha đã gởi họ sang cho đức cha Lambert ỡ Ayuthia. Hai vị này đã được Ðức cha Lambert truyền chức vào năm 1668. Ðó là hai linh mục việt nam đấu tiên: cha Giuse TRANG và Luca BỀN.

Năm 1669, cha Hainques được thêm cha Pierre Brindeau đến tiếp sức. Hai cha đã thu thập tài liệu và làm tổng kết về tình hình công giáo Ðàng Trong vào lúc đó. Bốn mươi chín người Việt Nam bị tử đạo. Số giáo dân, không kể các tân tòng mà các cha dòng Tên đã rửa tội trong hai năm 1663-1664, đếm được 15 000 ngưới. Nếu tính thêm những người vì sợ sệt, vì biếng nhác hay vì hiềm tỵ mà không lui tới với các cha thừa sai, thì tất cả chỉ độ 20 000 giáo dân.

Ðầu năm 1671 hai cha Hainques và Brindeau bị đầu độc và từ trần. Riêng cha Hainques, ngài đã rửa tội cho 6000 tân tòng. Và phong trào trở lại đạo vẫn tiếp tục. Việc truyền giáo vẫn được tiếp nối với các cha thừa sai khác: Guillaume MAHOT, Claude GUYARD, Bénigne VACHET, Gabriel BOUCHARD, Jean de COURTAULIN DE MAGUELONNE,….

Paris, ngày 20 tháng 03 năm 2008

Chú thích

[1] Hội An nằm cách bờ biển Đông khoảng 5km, chếch về hướng Đông Nam thành phố Đà Nẵng khoảng 25km, thị xã Hội An ngày nay vốn là khu đô thị cổ hình thành từ thế kỷ 16, được gìn giữ gần như nguyên vẹn, được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1999. Thế kỷ XVII - XVIII, Hội An là một thương cảng được Alexandre de Rhodes gọi là Haipho trong bản đồ Đại Việt mà sau đó các tài liệu phương Tây đọc thành Haifo hoặc Faipo.

[2] Vũ Thành, Dòng máu anh hùng, tập I: Thời kỳ Trịnh Nguyễn và Tây Sơn, http://www.dunglac.net/vuthanh/

[3] Cha Chevreuil ở lại Cao Mên truyền giáo, sống với cộng đoàn cộng giáo gồm người Bồ Ðào Nha, Trung Hoa và Việt Nam. Năm 1666, ngài được Ðức cha Lambert bổ làm cha chính ở Cao Mên. Năm 1670, ngài bị người Bồ Ðào Nha bắt giải về Macao. Năm 1672, trở về Xiêm, ngài được bổ nhiệm làm tổng quản lý ở Ayuthia. Ðức cha Pallu đã có ý định cho ngài làm giám mục vào năm 1673, nhưng lại thôi, vì thấy ngài bị sức khoẻ yếu kém. Ngài ở lại Ayuthia cho đến khi mất vào ngày 10/11/1693.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Khát Vọng - I am Thristy
Lm. Trần Cao Tường
11:41 20/03/2008

KHÁT VỌNG - I am thirsty



Ảnh của Cao Tường (tượng của Hảo Đặng)

Tôi vẫn cố nhuộm đỏ bằng bầu máu nóng

Ai biết ở trong tro còn đốm lửa

Còn vùi chút hơi nồng của hòn than cháy đượm

Còn niềm tin trỗi dậy trước bình minh.

(Thơ Vũ Thủy, Khát Vọng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền