Ngày 22-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường Emmaus
+TGM. Ngô Quang Kiệt
02:23 22/03/2008
Lễ Phục sinh: ĐƯỜNG EMMAUS

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Lc 24, 13-35

Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy ?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?"

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.


II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.

Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.

Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.

Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.

Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.

Tôi rất vui mừng vì giáo xứ NTCT chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Có những cuộc gặp gỡ đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến, hăng hái nhiệt tình trong tâm hồn. Bạn có kinh nghiệm này bao giờ chưa ?

2- Gặp Chúa Giêsu đã biến các môn đệ thành những con người khác hẳn. Bạn có mong ước được gặp Chúa để thay đổi cuộc đời không ?

3- Để sống tinh thần chia sẻ, bạn phải làm gì ?
 
Chào Thua
Lm Vũđình Tường
02:43 22/03/2008
Trong tất cả các trận chiến có lẽ trận chiến với chính mình là cam go, khó khăn và khó thắng nhất. Không thắng được những trận chiến gần, nội tâm, làm sao có thể thắng những trận chiến xa, đến từ ngoài.

Yếu tố quyết định thành bại trận chiến nội tâm không phải do địch mạnh hay yếu, ma quỷ tài trí hay mưu lược, nhiều bùa yêu, lắm phép ngải. Yếu tố thành công, thất bại nằm trong ta như: ý chí, quyết tâm và ơn Chúa. Chúng quyết định mọi thành bại, thử thách, cám dỗ trong đời.

BIẾT MÌNH, BIẾT NGƯỜI

Không thắng được mình sao thắng được địch? Chấp nhận đầu hàng, ngưng chiến chính là chào thua. Thất bại đến vì ta tự đầu hàng trước cám dỗ, trước hào nhoáng, tiền tài, danh vọng ma quỷ vẽ ra trong đầu, dụ dỗ làm mờ lí trí và tự nhận bỏ cuộc.

Ma quỷ quyền phép gì ngoài khả năng lừa bịp, dối trá, hứa liều miễn sao đạt mục đích phá hoại là chúng thành công vì bản chất của chúng là gây rối, tạo chia rẽ, gieo đau thương.

Địch thắng vì chúng dụ ngọt, dỗ bùi dẫn ta tự đầu hàng, tự chào thua để chúng tự do tấn công, hoành hành. Như thế là thua từ trong lòng, từ trong tim, óc. Thua vẫn không thấy nhục. Đầu hàng không cảm thất bại. Mất mát không sợ thiệt thòi. Vì sao? Vì địch bồi thường cho một cảm giác khoái lạc, vui thú trần thế. Lạc thú và vui thú làm mờ lí trí, lung lạc tư tưởng dẫn đến tự nguyện buông xuôi, chấp nhận hoà hoãn với ma quỷ. Hoà hoãn với chúng là cho phép chúng chiếm ưu thế. Làm ngơ để chúng lợi dụng cuối cùng vụng trộm cộng tác với chúng.

CUỘC CHIẾN CAM GO

Chiến đấu chống lại ý riêng ta là một trận chiến nhiều cam go, khó khăn và khó thắng vì cơ hội đầu hàng lúc nào cũng kề bên. Khó thắng

Vì ta dễ dãi với chính mình, dễ tha thứ cho mình.

Vì tự biện hộ cho mình nên mình đúng nhiều, sai ít.

Vì ma quỷ hù cho hiện hình trước mắt niềm đau.

Vì muờng tượng ra bao trắc trở, chướng ngại chồng chất.

Cái khó này đuổi chưa đi cái khó khác xuất hiện. Đôi khi xuất hiện dồn dập khiến ta run sợ, đuối sức, mệt mỏi, chán nản, bỏ cuộc.

Khó thắng vì thành quả của hy sinh luôn đến sau, trong khi lạc thú buông thả đến trước, xuất hiện ngay tại chỗ. Thành quả hy sinh đã đến sau, đến muộn, lại rất âm thầm không ồn ào, ồ ạt như lạc thú. Hạnh phúc thật luôn âm thầm, nhẹ nhàng; trong khi đó hạnh phúc nhất thời đánh mạnh vào thần kinh như sóng đại dương rất hợp với tính hiếu động tuổi trẻ.

XIN VÂNG

Những ngày đầu rao giảng Đức Kitô nói rõ Ngài không đến để làm theo ý riêng nhưng theo ý Chúa Cha.

Trên vườn cây dầu Chúa cầu nguyện cho ý Chúa Cha được thể hiện. Trên thập giá Chúa nói ý Cha được hoàn tất.

Đức Kitô thắng oanh liệt trận chiến đầu tiên là chiến thắng chính mình. Chiến thắng vinh quang sau cùng là thắng ma quỷ - cha của thần chết.

Theo Chúa là tự huỷ ý riêng để ý Chúa được thể hiện.

Huỷ bỏ là một thách đố cần nhiều ý chí, quyết tâm và ơn Chúa.

Thói quen chung là coi thường ý người, trọng ý ta.

Chúa dậy không phải ý anh, ý tôi mà chính là ý Thiên Chúa.

Nghe và thực hành Lời Chúa ví như người khôn xây nhà trên đá.

Mừng Phục Sinh chính là mừng Chúa Kitô hoàn thành trọn vẹn, tốt đẹp ý Chúa Cha thay cho nhân loại. Tổ tiên loài người bất tuân lệnh truyền, Con Thiên Chúa hoàn thiện lệnh truyền.

TÌM BÀI CŨ:

SUY NIỆM: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

TRUYỆN NGẮN: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

HÌNH ẢNH: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Được kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống!
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:55 22/03/2008
Đại Lễ Phục Sinh:

Ðược kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống!


(Ga 20,1-9)

Ðại lễ Phục Sinh mà hôm nay chúng ta cùng với toàn thể cộng đồng nhân loại mừng kính, không phải như bất cứ một đại lễ Kitô giáo nào mà chúng ta cử hành trong suốt năm phụng vụ của Giáo Hội. Từ khởi đầu, đó là một đại lễ chính yếu và nền tảng của Kitô giáo. Chính các ngày Chúa Nhật trong năm - theo ý nghĩa thực sự của chúng – là việc lặp lại hằng tuần sự mừng kính biến cố Phục Sinh của Ðức Giêsu. Vậy, ngày Chúa Nhật có nguồn gốc từ đại lễ Phục Sinh hôm nay. Không có biến cố Phục Sinh thì không có gì cả: không có Phúc Âm; và chúng ta cũng không bao giờ họp nhau nơi đây. Không có biến cố Phục Sinh thì không hề có nhà thờ, không có vương cung thánh đường hay bất cứ một nguyện đường nào cả; và đương nhiên cũng không hề có sự cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Không có biến cố Phục Sinh thì chắc chắn rằng tất cả chúng ta chẳng bao giờ nghe đến danh xưng Giêsu, một danh xưng mà thánh Phêrô đã quả quyết là: «Dưới bầu trời này, không còn có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ» (Cv 4,12). Tất cả sẽ thành công hay thất bại cùng với những gì Thiên thần đã nhân danh Thiên Chúa nhắn nhủ tại ngôi mộ trống: «Tại sao các người đi tìm người sống nơi kẻ chết?»(Lc 24,5), «Các người đi tìm kiếm Ðức Giêsu, Ðấng đã chịu đóng đinh. Người không còn ở đây nữa. Người đã sống lại rồi» (Mc 16,6). Hai chục năm sau cái chết của Ðức Giêsu, thánh Phaolô cũng đã viết: «Nếu Ðức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng vô nghĩa. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Giêsu chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Thế nhưng bây giờ Ðức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu» (1Cr 15,14.19-20).

Phải chăng điều đó có liên quan đến chúng ta ? Phải chăng điều đó có liên quan cả đến đời sống chúng ta nữa ? Và đâu là những hậu quả của nó đối với sự hiện hữu của chúng ta ?

Thánh Phaolô, một người trước tiên đã chẳng những không muốn và không có thể tin nhận sự Phục Sinh của Ðức Giêsu, nhưng còn gay gắt chống đối đến quá khích, thì cuối cùng đã trở thành một vị đại Tông đồ rao truyền sự chết và cuộc Phục Sinh của Ðức Giêsu. Thánh nhân còn gọi việc đem sự Phục Sinh của Ðức Giêsu ra phân tích mổ xẻ và tìm bằng chứng cụ thể là một việc khờ dại, và thánh nhân còn thêm: «Khi cái thân xác hay hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân xác hay chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi! Ðây là giờ chiến thắng!» (1Cr 15,54). Và theo thánh nhân, chính Thiên Chúa đã cho chúng ta chiến thắng được tử thần nhờ Ðức Giêsu Kitô (x. 1Cr 15,57).

Ðức Kitô là người đầu tiên trong số những người đã an giấc ngàn thu, được chỗi dậy. Chúng ta sẽ bước theo chân Người, chúng ta cũng sẽ được chỗi dậy như Người. Ðó là niềm xác tín của chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, chứ không phải Thiên Chúa của sự chết. Sự sống phải dành được phần chiến thắng, bởi vì Thiên Chúa quyền lực hơn sự chết và tình yêu của Người mạnh mẽ hơn sự hư nát. Thiên Chúa làm cho Ðức Giêsu chỗi dậy từ kẻ chết, không như trường hợp của La-da-rô, người đã được cho sống lại, nhưng sau đó một thời gian lại phải nhắm mắt vĩnh viễn ra đi. Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu hoàn toàn khác hẳn. Thiên Chúa đã dẫn đưa Ðức Giêsu băng qua cái chết để trở về bên Người. Vì thế, một câu nói được gửi gắm đến từng người trong chúng như một câu nói phục sinh: Ðược kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống! Từ khi Ðức Giêsu được sinh ra làm người, chịu chết và được sống lại, cuộc sống con người có được một phẩm chất mới. Thiên Chúa hành động cụ thể trong tất cả cuộc sống của con người, và bằng tất cả mọi giá Người muốn sự sống, Người muốn con người sống và sống hạnh phúc (x. Ed 18,23. 30b-32).

Ðược kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống. Ðó thái độ dứt khoát và rõ ràng đối với sự sống con người. Trước hết là các bậc cha mẹ, họ phải phục vụ sự sống con người; một khi họ đã tạo điều kiện để sự sống đó xuất hiện và phải quan tâm săn sóc, bảo toàn sự sống đó trong sự tin tưởng, hầu nó có thể thở và sống còn. Vâng, lòng tin tưởng và niềm vui mừng được coi như mặt trời cho sự sống con người trên mặt đất này, nếu sự sống đó được khuyến khích đỡ nâng, chứ không phải lo lắng sợ hãi. Bởi vì sự tin tưởng là điều kiện tiên quyết tạo thuận lợi cho sự sống. Ngoài ra, các bậc làm cha mẹ không được phép quên rằng họ không phải là chủ nhân của sự sống của con cái họ, để muốn quyết định hay xử sự thế nào tùy ý. Các bậc cha mẹ chỉ là những người quản lý mà Thiên Chúa đã trao phó sự sống mới đó của con cái họ, để họ giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Quyền quyết định trên sự sống chết của mọi người chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.

Ðược kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống. Một mệnh lệnh đối với những nhà chính trị trên khắp thế giới và tất cả những ai nắm giữ các trách nhiệm cho quần chúng. Ðúng vậy, trách nhiệm của chính trị là phục vụ sự sống con người, tạo điều kiện cho sự sống phát triển và bảo vệ sự sống. Không một ai! Không bất cứ một ai trên thế giới có quyền gieo rắc sự chết chóc và lập ra luật lệ của sự chết, luật lệ tiêu diệt sự sống con người. Tất cả những điều đó đi ngược lại giới răn của Thiên Chúa, đi ngược lại thánh ý của Tạo Hóa. Tất cả mọi sự sống mang trong mình lời hứa của sự biến đổi Phục Sinh, tương tự như hạt giống chứa đựng mầm sống trong mình.

Sự Phục Sinh của Ðức Kitô, của Chúa chúng ta, là hạt giống như thế được gieo vào trong một thế giới bị khuyết mòn và kiệt quệ. Trong niềm hy vọng và xác tín vững chắc đó, sự sống hay sự chết ở đời này không còn lung lạc được những người tin vào Thiên Chúa. Vâng, chúng ta không bị hư mất qua sự chết của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta chết, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì Ðức Kitô thực sự đã được chỗi đậy từ cõi chết như người đầu tiên trong số những người đã yên giấc ngàn thu. Và chúng ta cũng sẽ được chỗi dậy như Người. Ðó là niềm hy vọng và sự xác tín của chúng ta.
 
Sống mầu nhiệm Phục Sinh
Hồng Ân
10:06 22/03/2008

SỐNG MẦU NHIỆM PHỤC SINH



1. Mầu nhiệm Phục Sinh trong tâm hồn mỗi người

Đời sống con người khởi từ việc chết đi để được sống lại: cuộc sống được khắc ghi bởi những chuyển động và tiếp tục trong những chuyển động không ngừng. Từ tế bào hình thành nên phôi thai: các tế bào chết đi mang lại sự sống cho phôi thai. Tương tự như vậy, chúng ta được sinh ra một khi rời khỏi cung lòng của mẹ, từ bỏ trạng thái phôi thai. Con người - bản tính, lịch sử, sự tăng trưởng … - luôn dưới hình thức của cuộc ‘vượt qua’. Cần từ bỏ đi một trạng thái (chết đi chính mình) nếu như muốn chinh phục một trạng thái khác (sống lại, mặc lấy trạng thái mới): đây là một qui luật của sự sống. Chính vì vậy, mầu nhiệm Phục Sinh mang một ý nghĩa đặc biệt, chết đi cùng với Chúa Kitô để được sống lại với Ngài. Mỗi người, tin hay không tin, đều sống dấu chỉ của sự phục sinh.

Lễ hội, cử hành đời sống: Con người qua việc cử hành các ngày lễ, trông chờ lời giải đáp cho các vấn nạn về sự sống đời sau. Thật vậy, mỗi ngày lễ là một tiếng “xin vâng” đối với sự sống. Những ai cử hành ngày lễ không thể thốt lên: “thế là hết”, hay là “chẳng ý nghĩa gì”. Trong những ngày lễ, với những dấu chỉ khác nhau, con người tỏ lộ niềm tin của mình và nếm hưởng sự viên mãn của đời sống trần thế. Việc cử hành ngày lễ hệ tại ở sự ‘tưởng nhớ’ và ‘niềm hy vọng’. Trong việc tưởng nhớ, lịch sử của mỗi người và của nhân loại được tái hiện với nhiều biến cố khác nhau. Niềm hy vọng thúc đẩy hướng đến tương lai và mong chờ sự sống viên mãn.

Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu sáng đời sống con người: Mầu nhiệm Phục Sinh trả lời cho những vấn nạn của con người. Chúa Giêsu, với việc phục sinh, loan báo rằng tận cùng của con người không phải là cái chết, mà chính là sự sống. Thánh Phaolô viết rằng: “Chúa Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thi mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô thì cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,21-23).

2. Mầu nhiệm Phục Sinh được loan báo qua phụng vụ

2.1.Tin Mừng ngày chúa nhật

Trong chúa nhật thứ hai phục sinh, Chúa Giêsu hiện diện cách sống động giữa các tông đồ như chúa nhật phục sinh. Đây là ý nghĩa của ngày chúa nhật: ngày Chúa sống lại, và hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu hiệp nhất trong việc cử hành Lời Chúa và Thánh Thể. Ngài làm sáng tỏ ý nghĩa của Thánh Kinh, hướng dẫn kinh nghiệm (như Thánh Tôma) của sự phục sinh trao ban bình an.

Chúa nhật thứ ba tiếp tục cho thấy ý nghĩa của đại lễ Phục Sinh, là “ngày thứ nhất trong tuần”. Chúa Giêsu tỏ lộ mình trong việc bẻ bánh (năm A), trong việc cụ thể của việc ăn uống trong đời sống thường nhật (năm B) và trong việc chuẩn bị bữa ăn cho những ai thả lưới theo lời của Ngài (năm C).

Trong chúa nhật thứ bốn, Chúa Giêsu tỏ lộ chính mình là Thiên Chúa và là mục tử, Đấng lên tiếng và lắng nghe và gọi các con chiên của mình (năm A), cứu vớt chúng (năm B) và hy sinh mạng sống mình cho chúng (năm C). Ngày cầu nguyện cho ơn gọi được cử hành trong chúa nhật này.

Chúa nhật thứ năm phục sinh, Chúa Giêsu tỏ lộ chính mình “là đường, là sự thật và là sự sống” (năm A), là “cây nho thật” (năm B) tặng ban luật tình yêu (năm C). Nhờ thế, Giáo hội sống giới răn Yêu thương trong căn tính của mình.

Chúa nhật thứ sáu phục sinh Chúa Giêsu Phục Sinh ban tặng cộng đoàn tín hữu giới răn tình yêu (A-B-C), hứa ban Chúa Thánh Thần (năm A) cho tất cả mọi người (năm B); chính Người là Đấng hướng dẫn Giáo Hội (năm C). Đức Ái và Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội thành Giêrusalemme mới, là đền thờ của Thiên Chúa (năm C).

Lễ Thăng Thiên, Chúa Giêsu trước khi về trời, đã sai các tông đồ đi giảng dạy cho muôn dân, làm chứng về Ngài. Chúa Giêsu, vinh quang (năm A), luôn ở cùng các môn đệ cho đến ngày tận thế, làm cho họ thông dự vào ân sủng của Thiên Chúa, cầu nguyện cùng Chúa Cha để tất cả được bảo toàn trong sự thật (năm B) và trong sự hiệp nhất (năm C) nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống: Chúa Thánh Thần hoàn tất sự viên mãn của mầu nhiệm Phục Sinh Đức Kitô trong giáo hội. Nhờ quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh và nhờ đức tin vào Ngài, các tông đồ khởi sự sự mệnh của họ trong lòng thế giới.

2.2.Các bài đọc ngày chúa nhật

Các bài đọc 1 được lấy từ sách Tông Đồ Công Vụ nhằm diễn tả đời sống của giáo hội tiên khởi: hình thành, tổ chức và truyền giáo. Cách cụ thể: Việc hình thành cộng đoàn các tín hữu tin vào Chúa Giêsu chết và sống lại (Cv 2; Cv 4: chúa nhật 2 PS); việc loan báo của các tông đồ tập trung vào chủ đề Đức Kitô chết và giờ đây đã sống lại (chúa nhật 3, 4 PS); tổ chức cơ cấu của cộng đoàn tín hữu: đặt tay cho các phó tế và bắt đầu sứ mệnh của Phaolo và Barnaba (chúa nhật 5 PS); nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, ơn cứu độ được loan báo đến dân ngoại (chúa nhật 6 PS).

Các bài đọc 2 công bố Đức Kitô Phục Sinh và sự hiện diện của Ngài giữa cộng đoàn tín hữu (từ chúa nhật 2 đến chúa nhật 5) và ân sủng Chúa Thánh Thần (chúa nhật 6 và chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống). Thư 1 Pr (năm A) là giáo lý về bí tích rửa tội của thánh Phêrô, trong đó thánh nhân nêu bật sự cần thiết của đời sống luân lý một khi lãnh nhận bí tích này. Thư thánh Gioan (năm B) về giới răn Yêu Thương. Sách Khải Huyền (năm C) về thị kiến vinh quang của Chúa Kitô.

Tắt một lời, các bài đọc trong ngày chúa nhật, cách đặc biệt là tin mừng và bài đọc hai nhấn mạnh đến các ý tưởng sau: ý nghĩa của ngày chúa nhật; Thánh Thể như là sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng giúp thấu hiểu Lời Chúa và cử hành thánh thể; Chúa Giêsu, mục tử tốt lành; lắng nghe và thực hành Lời Chúa; sống giới răn Yêu Thương; và sau cùng là viễn cảnh vinh quang của Chúa Kitô.

3. Mầu nhiệm Phục Sinh được cử hành qua phụng vụ

Mùa Phục Sinh thể hiện một Đại Lễ duy nhất, kéo dài 50 ngày, có nghĩa là chúng ta kỷ niệm một sự kiện khởi đầu từ biến cố Phục Sinh của Đức Kitô, lên trời vinh quang và kết thúc với Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đại lễ Phục Sinh trở thành một xác tín của đời sống. Các tín hữu sống và nếm hưởng mầu nhiệm này trong cuộc sống của mình. Thật vậy mầu nhiệm tràn đầy niềm vui này được kéo dài qua các ngày lễ trong phụng vụ: rước lễ lần đầu, thêm sức, phong chức, kết thúc năm học giáo lý, tháng hoa kính Mẹ Maria, ngày lễ Mẹ …

4. Cử hành Mầu nhiệm Phục Sinh trong đời sống thường nhật

Sống mầu nhiệm Phục Sinh có nghĩa là loan báo Chúa Giêsu chịu chết vì tội lỗi chúng ta (1 Cr 15,20), Ngài “đã sống lại từ cõi chết” (1 Cr 15,20) và là Thiên Chúa “muôn đời hằng sống” (Kh 1,17). Niềm xác tín này được các tông đồ làm chứng: “dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy” (1 Cr 15,11). Chính vì thế, “nếu Đức Kitô không chỗi dậy từ cõi chết, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng […], và lòng tin anh em thật hão huyền. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô ở đời này thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,14.17.19). Đó chính là lời rao giảng của các tông đồ được tỏ lộ nơi các bài đọc trong mùa phục sinh (bài đọc 1 năm A, B,C và bài đọc 2 năm C).

Đức Kitô Phục Sinh mang lại cho con người niềm hy vọng sống động (1 Pt 1,3) như một niềm tin vững chắc (Cv 17,31). Quả vậy, “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ sống lại với Người: đó chính là niềm tin của chúng ta. Chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6,8-9). Hơn nữa, “đã sống lại cùng với Đức Kitô”, chúng ta cần tìm kiếm “những gì thuộc thượng giới” (Cl 3,1). Sự phục sinh của từng người chúng ta tìm thấy nơi mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô nền tảng và đích điểm, chính Người đã sống lại từ cõi chết.

Chính vì đặt nền móng từ Đức Kitô, chúng ta cần sống mầu nhiệm Phục Sinh trong toàn bộ hiện thực con người, với niềm vui lẫn những thử thách và đau khổ. Chúng ta biết rằng “cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huê mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng còn phải trông mong” (Rm 8,22-24).

Thái độ nền tảng của kitô hữu trong mùa Phục Sinh cần thiết như sau:

. Niềm vui thể hiện trong lời hát ALLELUIA, khởi sinh từ niềm tin vào Chúa Kitô sống lại và cho chúng ta thong dự vào sự phục sinh của Người.

. Sống các bí tích và cử hành phụng vụ.

. Hiệp thông huynh đệ: hiến lễ của Chúa Kitô mang lại cho chúng ta một dân tộc duy nhất. Vì thế, chúng ta hãy xoá bỏ hang rào ngăn cách và hoà giải với nhau. Biến cố Phục Sinh mang lại cho cộng đoàn các tín hữu hiệp nhất với nhau, một lòng một trí để chúc tụng Thiên Chúa vì hồng ân cứu độ và để phục vụ tha nhân.

Trong mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành Thánh Thể để tưởng niệm tất cả bao kỳ công Chúa Giêsu Phục Sinh đã hoàn thành nơi giáo hội, chúng ta cũng hãy là những công cụ của những kỳ công này, như là thành viên của dân tư tế, tạ ơn Chúa Cha đã ban Đức Kitô Phục Sinh hiện diện với chúng mỗi ngày cho đến tận cùng trái đất.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
11:59 22/03/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (27)

261. Nhà vô địch xe đạp với Chúa Kitô

Tay đua xe đạp Eddy Merckx, người Bỉ, là một nhà siêu vô địch nổi tiếng thế giới với 4 lần đoạt giải Tour de France (Vòng Quanh Nước Pháp).

Được Đài Phát Thanh Vatican phỏng vấn, anh trả lời như sau.

- “Xin anh cho biết anh có tin Đức Kitô không?”

- “Đức Kitô luôn luôn hiện diện trong cả đời tôi. Tôi tin Ngài một cách sâu xa. Ngài có thật trong lịch sử. Ngài là Thiên Chúa.”

- “Có phải Ngài là nhân vật vĩ đại nhất lịch sử không?”

- “Không, không thể đem so sánh Ngài với các nhân vật khác. Ngài là Con Thiên Chúa. So sánh là vô lý… Nếu tiếng tăm của tôi có thể giúp cho Đạo Chúa được biết nhiều hơn, thì tôi sẵn sàng đi làm tông đồ bằng xe đạp trên khắp thế giới.”

262. “Vì tôi là một người lính công giáo.”

Người công giáo là người cầu nguyện luôn: cái gì, người công giáo cũng có thể bỏ được, nhưng sự cầu nguyện, thì người công giáo không bao giờ bỏ.

Khi đi quan sát mặt trận, một vị tướng kia nghe tiếng cầu nguyện của một người lính trẻ đang bị thương, nằm quằn quại. Vị tướng hỏi tại sao đau như vậy mà vẫn cầu nguyện, người lính trẻ bị thương trả lời:

- “Kính thưa đại tướng, hôm qua, khi lâm trận, tôi vừa chiến đấu vừa cầu nguyện. Giờ đây, bị thương, tôi không còn lâm trận nữa, nhưng tôi vẫn cầu nguyện vì tôi không phải là một người lính thường, nhưng vì tôi là một người lính công giáo.”

263. Một kế hoạch vĩ đại

Ngày kia, các binh sĩ trẻ tuổi của thống chế Turenne than phiền vì mình phải đi băng qua một bãi sình lầy rất sâu. Các binh sĩ lớn tuổi liền động viên những binh sĩ trẻ tuổi nầy:

- “Thống chế Turenne, đối với chúng ta, là một người cha rất chân thành. Các em phải tin chắc rằng nếu thống chế bắt chúng ta phải mệt mỏi như thế nầy, thì ông đang có một kế hoạch vĩ đại mà giờ đây, chúng ta chưa hiểu đó thôi.”

Thiên Chúa là Cha chúng ta trên trời. Ngài có những kế hoạch rất vĩ đại đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy hoàn toàn tín thác vào Cha toàn năng, toàn tri và toàn ái của chúng ta trên trời.

264. “Để có thêm một phòng dạy giáo lý!”

Một vị giám mục kia khuyên các linh mục một câu như sau:

-“Hãy bớt đi một chén thánh để có thêm một phòng dạy giáo lý!”

Các linh mục quản xứ chúng ta hãy xem thử mình có thể bớt được những cái gì để có thêm một nhà dạy giáo lý, để có thêm được nhiều phương tiện hữu hiệu để dạy giáo lý …

265. Bà mẹ quá cảm động, liền ôm con vào lòng!

Một bà mẹ kia dạy con mình về bài học so sánh.

Để kiểm tra, bà mẹ hỏi con đưa ra ví dụ. Người con suy nghĩ một chút rồi đưa ra ví dụ cảm động sau đây:

- “Nếu con nói con tốt, thì con nói một cách tích cực. Nếu con nói ba tốt hơn con, thì con so sánh. Nếu con nói mẹ là người mẹ tốt nhất trên trần gian nầy, thì con nói mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất của con, không ai sánh được.”

Bà mẹ quá cảm động, liền ôm con vào lòng!

266. Không sợ chết!

Một vị thánh tu rừng kia được hỏi:

- “Vì sao gần chết rồi mà thầy còn vui vẻ như vậy?”

Vị thánh tu rừng nầy trả lời:

- “Vì tôi hằng nhớ đến sự chết trước mắt. Nếu nay sự chết đến, tôi không thấy sợ gì cả.”

Người công giáo chúng ta không sợ chết vì chúng ta biết chết không phải là hết như kẻ vô thần hay duy vật nghĩ, mà chết là bắt đầu sống một cuộc đời sống mới: đời sống của sự Phục Sinh huy hoàng!

267. “Đây là lần đầu tiên mà Lời Hứa Vĩ đại của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thực hiện!”

Một thiếu niên kia, học trong một trường ở Bắc nước Italia, có thói quen đạo đức dự thánh lễ Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng cùng các bạn học sinh nhân đức.

Khi ra đời làm việc, anh ta sống đời bê tha, tội lỗi. Ngân hàng mà trong đó anh ta đang làm việc, cất chức anh và cho anh làm người hầu bàn mà thôi. Sau một năm, anh ta bị đuổi thẳng. Về lại quê nhà, anh nghèo nàn xơ xác, bệnh tật nguy hiểm, và chờ chết một cách bất hạnh. Lúc nầy, anh ta mới 23 tuổi.

Vì quá cố chấp trong sa đọa và tội lỗi, anh ta nói rõ cho mọi người biết là anh ta không muốn giao hòa lại với Chúa.

Một người bạn cũ, giờ đây là linh mục, nghe vậy, liền tìm đến thăm anh.

Thấy bạn cũ vào thăm, anh nói chuyện, nhưng khi nghe bạn cũ nói về việc ăn năn trở về với Chúa để khỏi mất linh hồn đời đời, anh liền sừng sộ và đuổi ngay:

- “Tôi tiếp rước anh như một người bạn, chứ không phải như một linh mục. Tôi không muốn có linh mục ở đây. Đi ra! Đi ra!”

Người bạn linh mục trả lời:

- “Nếu bạn muốn tôi đi ra khỏi đây ngay, thì tôi đi. Thôi, vĩnh biệt bạn, người bạn khốn nạn của tôi.”

Trước khi ra khỏi cửa, người bạn linh mục đau buồn, nói vói lui một câu:

- “Đây là lần đầu tiên mà Lời Hứa Vĩ Đại của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thực hiện!”

Người bệnh sắp chết liền hỏi ngay:

- “Anh nói gì vậy?”

- “Tôi nói khi chúng ta còn học chung ở trường, chúng ta có dự thánh lễ và rước Chúa trong Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu để xin Chúa ban cho chúng ta được chết lành. Trước khi chết, bạn được nhắc nhủ về lòng thương xót vô biên của Chúa, thế mà bạn vẫn chống cự lại.”

Người bạn sắp chết khóc và thổn thức van nài:

- “Xin bạn giúp tôi! Xin bạn giúp tôi. Tôi thật là một đứa vô ơn khốn nạn. Xin đừng bỏ tôi. Cho tôi gặp ngay linh mục đang ở nhà thờ gần đây...”

Người tội lỗi nầy chịu Các Phép Sau Hết một cách sốt sắng. Anh ta còn sống thêm vài ngày nửa. Ngày nào, anh cũng xin cho được rước Chúa. Anh chết vào ngày 04 tháng giêng năm 1912 trong sự thánh thiện và an bình.

268. Ngày Chúa Nhựt của người công giáo là ngày Đức Giêsu của họ sống lại

Ngày Chúa nhựt là ngày mà người công giáo mừng Đức Giêsu Kitô phục sinh sống lại.

Biến cố Đức Giêsu phục sinh sống lại sau khi đã chết ba ngày, là một trong những tín điều quan trọng nhất của người công giáo. Vì thế, ngày Chúa nhựt như người công giáo nói, hoặc ngày chủ nhật như người ngoài công giáo nói, là ngày trọng nhất đối với người công giáo. Trong ngày Chúa nhựt nầy, người công giáo nào cũng có bổn phận phải đi dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ.

Hiện nay, dưới chế độ Cọng sản nầy, nhiều học sinh công giáo phải chới với trong ngày Chúa nhật vì các em bị bắt buộc phải đi học trong ngày đó.

Tôi có tâm sự với các bạn linh mục quản xứ về vấn đề nầy. Một linh mục quản xứ đưa ra nhận xét sau đây:

- “Hiện giờ, các em học sinh công giáo của chúng ta rất dễ trở thành “vô đạo”. Vì sao? Vì trong các ngày thường, các em phải đi học “chính đạo”. Trong ngày Chúa nhựt, các em phải đi học “phụ đạo”. Vậy, một tuần bảy ngày, từ thứ hai cho đến ngày Chúa nhựt, các em học sinh của chúng ta không có ngày nào để “giữ đạo” được. Vậy các em học sinh của chúng ta, trong cái xã hội cộng sản nầy hiện nay, rất dễ trở thành “vô đạo” là cái chắc.”

Các linh mục chúng tôi, những mục tử chăn dắt đoàn chiên, nghe thì cười mĩm: cười mà tim đau hơn bị đâm thấu!

Điều nầy làm tôi sực nhớ tình trạng của người công giáo tại Ba Lan khi chính quyền cộng sản còn cai trị. Số là lúc đó, nhiều phương sách bó buộc được đem ra thi hành về những công tác dành riêng cho giới thanh niên trong ngày chủ nhật. Như vậy, việc thanh niên tham dự Thánh Lễ ngày chủ nhựt đã bị ngăn trở một cách xảo diệu.

Không biết chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện giờ thì thế nào đây?

269. Thái độ của người công giáo đối với Ngày Chúa Nhựt

Từ ngày Chúa Kitô phục sinh hiện ra lần đầu tiên với các tông đồ đang hội họp cho đến ngày nay – đã hai ngàn năm rồi - mỗi ngày đầu tuần, ngày Chúa Nhựt, ngày Chúa phục sinh hiện ra lần đầu tiên đó, người công giáo luôn luôn họp nhau lại để nghe Lời Chúa Hằng Sống và để tham dự Thánh Thể Hằng Sống. Đây là cuộc tuyên xưng Đức Tin quan trọng nhất đối với người công giáo, vì thế, người công giáo sẵn sàng chịu chết vì những cuộc tập họp nầy. Và lịch sử đã chứng minh rằng nhiều người công giáo đã chết vì niềm tin nầy.

Các thánh công nhận: ngày chết của người công giáo là bản sao của ngày Chúa nhựt họ đã sống. Nói một cách khác, người công giáo sống ngày Chúa nhựt thế nào, thì ngày chết của họ cũng giống như vậy: ngày Chúa nhựt, họ đến gặp Chúa; ngày họ chết, Chúa đến gặp họ.

270. Ý nghĩa Ngày Chúa Nhựt

Các linh mục quản xứ luôn dạy cho giáo dân biết những ý nghĩa của Ngày Chúa Nhựt để giáo dân tìm đủ mọi cách giữ Ngày Chúa Nhựt cho thật hoàn chỉnh và sốt sắng.

Có 9 ý nghĩa của Ngày Chúa Nhựt như sau:

1. Ngày của Chúa (ngày Chúa Nhựt là ngày dành riêng cho Chúa để thờ phượng Ngài / đây là ngày Chúa hẹn gặp loài người, không phải gặp từng cá nhân, nhưng gặp tất cả mọi người trong cộng đoàn)

2. Ngày ghi nhớ Đức Giêsu Kitô sống lại (ngay từ đầu Giáo Hội, các bổn đạo đã tập họp trong ngày Chúa nhựt để kỷ niệm việc Chúa sống lại)

3. Ngày của đức tin (đức tin của người công giáo dựa trên sự phục sinh của Chúa Kitô)

4. Ngày của sáng tạo mới (thế giới trong cuộc sáng tạo thứ nhất đã ra nhơ nhớp và tan rã vì tội lỗi. Trong ngày Chúa nhựt, Chúa phục sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, đem lại một cuộc sáng tạo mới)

5. Ngày Tạ ơn (việc cộng đoàn họp nhau quanh bàn thờ để tạ ơn Chúa là điều quan trọng: biết bao nhiêu ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho họ trong tuần vừa qua…)

6. Ngày của Thánh Thể (Qua Thánh thể, Chúa Kitô gặp lại những kẻ thuộc về Ngài, làm cho họ thông hiệp với nhau, làm cho họ chung nhau xây dựng Giáo Hội, đưa họ dần dần vào những điều kiện Phục Sinh)

7. Ngày của cộng đoàn (ngày sống chung với nhau trong Chúa, ngày đồng lòng và hoà hợp, bỏ qua tất cả những gì bất đông với nhau trong tuần, ngày hiệp nhất yêu thương nhau quanh bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể Chúa)

8. Ngày của niềm vui (ngày các môn đệ vui mừng tìm gặp lại Thầy của mình đã sống lại trong ngày Chúa nhựt. Không gì vui bằng khi có Chúa ở giữa chúng ta)

9. Ngày của sự sống đời đời (ngày Chúa nhựt loan báo và hình dung thế giới mới của đời sống vĩnh cửu: nhờ sự Phục sinh và Thăng Thiên của Chúa Kitô, chúng ta được bảo đảm sống lại trong vinh quang đời đời của Nước Chúa sau nầy)
 
“Đứng dậy, Nào ta đi!”
Hồng Lĩnh
13:10 22/03/2008
“Đứng dậy, Nào ta đi!”

Lời Nhắn Nhủ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:
Chương Cuối Cùng trong Cuốn Sách Cuối Cùng của Ngài: “Rise, let us be on our way.” (cf. Mark 14:42)
(trong Phúc Âm thánh Mác-cô, đây là lời cuối cùng Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ, trong vườn Gethsemane, giây phút trước khi Người bị bắt)

Đây là nhan đề của cuốn sách cuối cùng viết bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong dịp kỷ niệm bốn mươi lăm năm ngày thụ phong Giám Mục và hai mươi lăm năm kỷ niệm Ngân Khánh Giáo Hoàng, Đúc Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết cuốn sách này như là một món quà gửi tặng tất cả các Giám Mục của Giáo Hội hoàn vũ và toàn thể Dân Chúa.

Pope John Paul II, “Rise, let us be on our way”; translated by Walter Ziemba, Warner Books, New York 2004, pp 211-216

Đây là lời của Ngài: Tôi xin hiến tặng cuốn sách này như là một dấu chỉ của lòng yêu mến đến với anh em Gíam mục của tôi và đến toàn thể Dân Chúa. Với mong muốn nó sẽ giúp tất cả những ai ước ao học hỏi về sứ vụ cao trọng của thừa tác vụ Giám mục, những khó khăn của nó, nhưng đồng thời cũng để nói về niềm hân hoan từng ngày trong sự chu toàn thừa tác vụ này. Xin mời tất cả cùng tôi dâng lên lời kinh Te Deum để ca tụng và cảm tạ. Với ánh mắt hướng trông lên Chúa, được củng cố bằng niềm cậy trông không thất vọng, chúng ta hãy cùng cất bước lữ hành tiến theo những nẻo đường của thiên niên kỉ mới: Đúng dậy, Nào ta đi”

Abraham và Chúa Kitô: “ Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Heb. 10:17)

Tính ưu việt của đức tin chúng ta và lòng can đảm phát xuất từ đó đã dẫn chúng ta “ vâng nghe tiếng Chúa gọi và ra đi, mà không biết mình đi đâu” (cf. Heb. 11:8). Tác giả của thư gửi tín hữu Do Thái đã dùng những từ này
để diễn giải ơn gọi của Abraham, nhưng chúng cũng được áp dụng vào ơn gọi của mỗi người, gồm cả những ai đang chu toàn thừa tác vụ giám mục: tiếng gọi tiến đến ưu việt của niềm tin và tình yêu. Chúng ta đã được chọn và gọi để ra đi, nhưng nhiệm vụ của chúng ta không phải là ấn định nơi đến cho hành trình của mình. Đấng mà sai chúng ta ra đi sẽ định đoạt cùng đích đó: Thiên Chúa trung tín của chúng ta, Thiên Chúa của Giao Ước.

Tôi vừa mới trở lại từ những suy tư qua thi ca về Tổ Phụ Abraham. Đây là một trích đoạn:

“Abraham, Đấng đã đi vào lịch sử của loài người
mong muốn, qua anh em, chỉ để tiết lộ một nhiệm mầu
được ẩn dấu trong nền tảng của thế gian,
một nhiệm mầu xa xưa hơn cả thế gian!

Nếu hôm nay chúng ta đi qua những nơi này
khi, thời xa xưa, Abraham đã ra đi,
nơi ông đã nghe Tiếng Gọi, khi một lời hứa đã được thi hành,
chúng ta cũng làm như thế để hầu đứng tại ngưỡng cửa –
để đi trở lại từ buổi ban đầu của Giao Ước.”


Trong suy tư hiện tại về ơn gọi giám mục, tôi muốn quay trở về với Abraham, là Tổ Phụ Đức Tin, và đặc biệt là về mầu nhiệm của cuộc gặp gỡ của ông với Đức Kitô Cứu Thế, người mà, theo huyết tộc, là “con của Abraham” (Mt 1:1), lại cùng một lúc Người “có trước Abraham bởi vì Người hiện hữu vĩnh viễn đời đời” (xin xem John 8:58).

Sự gặp gỡ này chiếu dọi ánh sáng lên mầu nhiệm ơn gọi trong đức tin của chúng ta và hơn hết là trên trách nhiệm và lòng can đảm mà chúng ta cần đến để thực thi ơn gọi đó.

Chúng ta có thể mô tả điều này như một mầu nhiệm đôi. Trên hết,đó là một mầu nhiệm về những gì Thiên Chúa đã hoàn tất trong lịch sử nhân loại, cùng một lúc, đó là một mầu nhiệm về tương lai – để nói về niềm hy vọng. Mầu nhiệm về ngưỡng cửa mà tất cả chúng ta đều được mời gọi để vượt qua, được hỗ trợ bởi đức tin không bao giờ lùi bước, bởi vì chúng ta biết chúng ta tin vào ai (cf> 2 Tim. 1:12). Mầu nhiệm này bao trùm tất cả những gì từ thưở ban đầu, trước thưở tạo dựng vũ trụ và những gì sẽ tới.

Trong đường hướng này, đức tin, trách nhiệm, và lòng can đảm của chúng ta đón lấy những vị trí trong huyền nhiệm hoàn thành những kế hoạch của Thiên Chúa. Đức tin, trách nhiệm và lòng can đảm của chúng ta tất cả đều cần thiết hầu món qùa của Đức Kitô tỏ hiện rạng ngời với tất cả hào quang trong lòng thế gian. Không chỉ là đức tin để bảo toàn và giữ nguyên trạng kho tàng các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhưng là một đúc tin đi đôi với lòng can đảm để khai mở và bộc lộ kho tàng này trong những phương cách luôn đổi mới cho những ai mà Chúa Kitô gửi các môn đệ của Người đến.
Và cũng không phải là loại trách nhiệm chỉ tự giới hạn vào việc đơn thuần chống đỡ cho những gì đã được trao lại, nhưng là loại trách nhiệm đi đôi với lòng can đảm để sử dụng những tài năng và làm triển nở chúng lên gấp bội (cf. Matt 25:14-30).

Khởi đầu với Ông Abraham, đức tin của mỗi người con của ông biểu trưng cho một sự rời bỏ liên lỉ ra sau những gì đã được tán dương, quen thuộc và riêng tư, để mở toang ra tới những gì chưa biết, tin tưởng vào chân lý mà chúng ta chia sẻ và tương lai chung mà tất cả chúng ta đều có trong Thiên Chúa, Tất cả chúng ta đều được mời gọi để tham dự vào hành trình rời bỏ này, rời bỏ những gì đã qúa biết, quá quen thuộc. Chúng ta tất cả đều được mời gọi để hướng về Thiên Chúa, Người mà qua Đức Giêsu Kitô, tỏ lộ chính Người cho chúng ta, “phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Eph. 2:14) hầu kéo chúng ta đến gần Người bằng qua Thánh Giá.

Qua Đức Giêsu Kitô chúng ta thấy: trung thành với ơn gọi của Chúa Cha, cắt mở tâm lòng cho mỗi một ai mà Người gặp, một cuộc lữ hành liên lỉ
chỉ thấy “không nơi gối đầu”(cf. Matt. 8:20) và cuối cùng là Thánh Giá, qua đó đạt tới chiến thắng của Sự Phục Sinh. Đây là Đức Kitô – người đã tiến tới một cách dũng cảm táo bạo. không cho phép bất cứ điều gì cản trở hành trình của người cho đến khi mọi sự được hoàn tất, “cho đến khi Người lên tới Cha Người cũng là Cha của chúng ta” (cf. John 20:17).

Niềm tin vào Người, như thế, là một sự khai mở không ngừng hướng đến sự tỏ bày không ngừng của Thiên Chúa vào thế giới của chúng ta, đây là chuyển hành hướng về Chúa, Người đã dẫn nhân lọai hướng đến với nhau. Trong chiều hướng này, tất cả những gì của tôi thuộc về mọi người, trong khi mọi sự của mỗi người khác lại cũng là của tôi. Đây là điều căn bản trong lời của người cha nói với người anh cả của đứa em hoang đoàng: “Mọi sự của Cha là của con” (Luke 15:31). Một ý nghĩa hiển nhiên là lời này cũng xuất hiện trong lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu, khi Chúa Con thưa cùng Chúa Cha: “tất cả những gì của con đều là của Cha và tất cả những gì của Cha đều là của con” (John 17:10).

Khi “giờ của Người” đang dần đến, (cf. John 7:30); 8:20; 13:1), chính Đức Kitô nói về Abraham bằng những lời làm ngạc nhiên và kinh động những người nghe Người: “ Ông Abraham là cha của các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi- Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (John 8:56). Điều gì là nguồn hân hoan của Ông Abraham? Đó chẳng phải là tầm nhìn tiên tri về tình yêu và lòng can đảm mà Người Con của ông trong huyết tộc, Đức Chúa của chúng ta và là Đấng Cứu Thế Giêsu, sẽ hoàn tất ý của Cha Người đến cuối cùng? (cf. Heb. 10:17). Từ trong những biến cố của Cuộc Khổ Nạn
Mà chúng ta tìm thấy hững quy chiếu mãnh liệt nhất về mầu nhiệm về Ông Abraham, dời chuyển bởi đức tin mà rời xa thành phố và quê nhà để trẩy đi đến nơi chưa hề biết- cùng một Abraham, người trong nỗi thống khổ tận tâm can đã dẫn đứa con từng mong ước và yêu dấu của mình lên Núi Moriah để dâng hiến con mình làm của tế lễ.

Khi “giờ của Người” đã đến, Chúa Giêsu đã nói cùng những ai ở bên Người trong Vườn Gethsemane, với Phêrô, với Giacôbê, với Gioan, những môn đệ thân cận nhất của Người rằng: “ Đứng dậy, nào ta đi” (cf. Mark 14:42). Không chỉ mình Người phải bước đi để hoàn thành ý của Cha Người: họ, cũng thế, phải bước đi cùng với Người.

Lời mời gọi đó, “Đứng dậy, nào ta đi” được nhắn nhủ một cách đặc biệt đến chúng ta giám mục, những người bạn được Người tuyển chọn. Cho dù những lời này báo hiệu một thời thử thách, những nổ lực lớn lao, và những thập giá đau thương, chúng ta buộc không được để mình nhượng bộ cho sự sợ hãi. Đó cũng là những lời của sự an bình và niềm hân hoan, hoa qủa của đức tin. Trong một dịp khác, cũng cùng với Ba Môn Đệ này, Chúa Giêsu nói: “Đúng dậy, và đừng sợ!” (Matt 17:7). Tình yêu của Chúa không đặt gánh nặng quá sức mà chúng ta không gánh nổi. Với bất cứ điều gì Người đòi hỏi nơi chúng ta, Người sẽ cung cấp những trợ giúp cần thiết.

Tôi nói điều này từ nơi mà Tình Yêu của Đức Kitô Cứu Thế đã dẫn tôi đến, đòi hỏi tôi phải rời bỏ quê cha đất tổ để mang lại hoa trái những nơi khác qua ân sủng của Người – những hoa trái tồn tại (cf. John 15:16).

Để vang vọng lại những lời của Chúa và Thầy, tôi cũng xin thưa cùng mỗi một anh em rằng, anh em thân mến trong hàng ngũ giám mục: “Đứng dậy, nào ta đi!”. Hãy bước tới trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào Đức Kitô. Người sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành tiến đến cùng đích mà chỉ duy nhất mỗi mình Người biết.

Hồng Lĩnh dịch
 
Đêm Vượt Qua
LM Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm
13:16 22/03/2008
Đêm Vượt Qua.

(Rm 6, 3-11; Lc. 24, 1-12)

Trọng kính qúy vị và thưa anh chị em! Đêm nay chúng ta cùng nhau quy tụ trong thánh đường Đức Mẹ Lavang nầy để tham-dự Đêm Vượt Qua với Chúa Kitô. Tham-dự Đêm Vượt Qua lần nầy làm chúng ta nhớ đến những lần Vượt Qua đã xảy ra trong lịch sử Kinh Thánh.

* Biến cố Vượt Qua I xảy ra dưới thời Môi-sen (Xuất Hành 12,1-14).

Sách Xuất Hành đã ghi lại biến cố nầy. Để chuẩn bị lên đường hồi hương, toàn dân Do-Thái đêm ấy nhà nào có đủ điều kiện thì tự giết một con chiên hoặc cùng chung phần với một gia đình hàng xóm để cùng nhau giết một con chiên đực duới một tuổi để làm hy lễ dâng kính Chúa, xin ơn bình an trước khi lên đường vượt biên về Đất Hứa. Theo lệnh của Chúa truyền, đêm ấy mỗi gia đình Do-Thái sẽ dùng máu của con chiên vừa bị sát tế ấy, bôi lên ngạch cửa trước nhà. Theo quy ước, đêm ấy các thiên thần Chúa sẽ dùng gươm đi sát hại những con trai đầu lòng trong mọi nhà của tất cả các cư-dân ngụ trên trên lãnh thổ Ai Cập. Nhìn thấy nhà nào có máu chiên bôi trên ngạch cửa trước nhà thì thiên thần Chúa sẽ Vượt Qua, không sát hại con trai đầu lòng của những gia đình ấy.

Nếu máu của những con chiên bị sát tế đã cứu thoát những con trai dầu lòng của dân Do Thái trong đêm Vượt Qua lịch sử ấy và ngược lại đêm ấy, toàn quốc Ai Cập, từ hoàng cung cho đến nhà thứ dân, tất cả đều bàng hoàng, náo loạn, bất an. Toàn đế quốc Ai Cập trong phút chốc đã trở thành một đám tang vĩ đại, đồng nhất, mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra trong lịch sứ của đất nước nầy bao giờ. Mà tang lễ đâu có thể tổ chức ngay đêm ấy được, có khi phải kéo dài thêm cả tuần lễ sau mới hoàn tất. Nhà Ai cập nào cũng bận rộn với tang lễ của con trai đầu lòng nên họ đã chẳng màng bận tâm đến việc di chuyển của người Do-Thái.

* Biến cố Vượt Qua II cũng xảy ra dưới thời Môi-sen (Xuất Hành 14,15-31).

Bây giờ nhìn lại biến cố Vượt Qua nầy của người Do-Thái chúng ta mới thấy rõ Giavê Thiên Chúa đã quan phòng tuyệt diệu qúa. Đêm đó toàn dân Do Thái ăn mừng vội vã và cũng vội vã làm lễ-xuất phát rời khỏi Ai Cập ngay cho kịp thời gian. Họ nhắm hướng Biển Đỏ mà nhanh bước. Trong cuộc bôn hành ấy của toàn dân Do-Thái luôn có thiên sứ của Giavê đi trước dẫn đường hay khi cần thì lùi lại phiá sau để bảo vệ dân. Khi Quốc vương và chính phủ Ai Cập nhận ra thâm ý, liền ra lệnh cho quân đội hành quân truy đuổi dân Do-Thái, nhưng không còn kịp nữa. Khi quân đội hoàng-gia Ai Cập đến được bờ bên nầy của Biển Đỏ thì toàn dân Do-Thái đã vuợt biên an toàn sang bờ bên kia. Đêm ấy, toàn dân Do-Thái trong niềm tin tưởng và phó thác vào Giavê Thiên Chúa, theo thiên sứ dẫn lộ, đã Vượt Qua Biển Đỏ ráo chân. Quân đội Hoàng gia Ai Cập theo đường mòn trước mắt của người Do-Thái, họ lao vào Biển Đỏ, nhưng với thái độ trịch thượng, óc thống trị nên toàn quân đã bị nhận chìm và bỏ xác trong lòng Biển Đỏ.

* Biến cố Vượt Qua III xảy ra dưới thời Giosuê (Gs.3, 14-17).

Ông Gosuê thay thế Môisen trong vai trò lãnh đạo dân Do-Thái VUỢT QUA sông Gio-đan mà vào Hứa Địa. Nhưng để Vượt Qua sông Gio-dan lần ấy, Giosuê đã chọn thiên thời, địa lợi và thời tiết thích hợp để đưa dân vuợt biên. Trước đó Ông đã gởi nhiều thám-tử đi dò la tin tức, điều nghiên kỹ về địa hình, địa vật, về thói quen sinh hoạt của các bộ lạc bên kia sông. Dân Do-Thái VUỢT QUA sông Gio-dan lần nầy có Hòm Bia Chúa dẫn lộ. Đêm đó, theo sau Hòm Bia, một lần nữa dân riêng của Chúa đã Vượt Qua sông Gio-dan mà tiến vào Đất Hứa bình an.

Từ ba cuộc Vượt Qua ấy của dân Do-Thái được ghi lại trong Thánh Kinh, và nếu muốn diễn tả một cách văn hoa thì đêm này năm xưa những chiên con được sát tế rồi dùng máu chúng ghi dấu trên cửa nhà những kẻ tin. Đêm nầy năm xưa Giavê Thiên Chúa đã cứu thoát tiền nhân Ít-ra-en ra khỏi ách nô lệ Ai-Cập. Đêm này năm xưa đoàn người Do-Thái bôn hành trong vội vã và đã Vượt Qua Biển Đỏ ráo chân. Đêm nầy năm xưa, duới ánh sáng đức tin của Hòm Bia, dân riêng của Chúa cũng đã Vượt Qua sông Gio-đan một cách an toàn, thần diệu. Cả ba lần Vượt Qua ấy, muốn đạt đến thành công, đều có sự hợp tác của toàn dân Do-Thái liên hệ.

Từ ba cuộc Vượt Qua đầy ấn tượng ấy dẫn chúng ta đến hình ảnh những lần Vuợt Qua của Chúa Kitô. Để nhập thể và nhập thế, giáng trần cứu chuộc nhân loại, Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã Vuợt Qua bản tính Thiên Chúa để trở nên thân phận con người. Trước khi công khai lên đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô đã tranh đấu để Vuợt Qua 3 cơn cám dỗ của ma qủy, của thần dữ giăng ra cho Người. Để đi vào cuộc khổ nạn, đổ máu đào mình ra để giải phóng loài người theo ý định của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã Vượt Qua sự sợ hãi, nỗi cô đơn và tình nguyện bước vào cuộc thương khó, chịu chết một lần và được an táng vào “một ngôi mộ chưa chôn cất ai” như lời Kinh Thánh... Cũng chính đêm nay, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích sự chết và đã từ ngục hình tối tăm chỗi dậy, tiến lên, Vuợt Qua cõi chết mà sống lại trong vinh quang.

Không có cuộc Vượt Qua nào mà không đòi hỏi sự hy sinh và hợp tác của người trong cuộc. Dân tộc Do Thái 3 lần Vượt Qua tiêu biểu đuợc nhắc đến trên đây, đòi hỏi sự hợp tác tích cực của họ thì những lần Vượt Qua ấy mới thành tựu và thành công. Những lần Vượt Qua của Đức Kitô cho sứ vụ được Thiên Chúa Cha trao phó để cứu rỗi nhân loại sở dĩ mang lại thành công viên mãn là nhờ sự hợp tác tích cực của Chúa Kitô. Đây chính là điều kiện ắt có và đủ, là một sự thật không ai chối cãi.

Qủa thế, đêm nay Chúa Kitô sống lại từ cõi chết đã mở “một con đường máu” để hướng dẫn loài người Vượt Qua biển sâu tội lỗi và sự chết, bắt đầu đặt chân lên con đường lữ hành mới của đức tin, của niềm hy vọng để bôn-hành đi về Đất Hứa đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai tôn thờ Ngài và tình nguyện chết đi cho những thói hư nết xấu, cho tội lỗi mỗi ngày.

Thưa anh chị em Kitô-hữu thân mến trong Chúa Kitô Phục Sinh,

Lễ Vọng Phục Sinh là đêm mang lại sự sống mới cho loài người. Cũng chính đêm nay bên kia bờ đại dương, 87 triệu đồng bào Việt-Nam đang trông chờ ơn cứu độ. Triệu triệu người đang trông ngóng một Nhà Giải Phóng mang tâm thức và chiều kích của Chúa Kitô Tử Nạn và Phục-Sinh. Bao kiếp người chồng chất khổ đau. Một cuộc sống đọa đầy miên trường chẳng khác gì dân Do-Thái làm nô-lệ tại Ai Cập thuở xưa.

Chúa biết dân tộc nầy trầm thống qúa, không còn gì để kể lể, để ta thán nữa. Họ tin có Chúa ở trên cao. Lạy Chúa đầy thương xót, lân ái, và khoan dung! Xin Chúa đừng quên một dân tộc đã liên tục sống trong khổ cực triền miên của nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm và huynh đệ tương tàn. Toàn dân VN chưa bao giờ được vui hưởng cảnh hoà bình dài qúa 25 năm. Nầy nhá, thế chiến II vừa chấm dứt năm 1945 thì cuộc chiến tranh Việt Pháp khởi sự. Hiệp định Geneve 20-7-1954 vừa ký chưa ráo mực thì chiến tranh Việt-Mỹ bột phát năm 1963, cày nát hai miền Nam Bắc trong cao điểm dữ dội từ 1968-1973... Hoà Bình và Thống Nhất Nam Bắc 1975 chưa thực sự ló dạng thì cuộc chiến Việt-Miên lại bắt đầu năm 1978. Vì không muốn VN nuốt trửng Cao Miên, và muốn dạy cho Việt Nam một bài học, nên Trung Quốc đã động binh, bung ra một cuộc chiến tàn khốc giữa biên giới Việt-Hoa, tàn phá nặng nề biên giới phía bắc của Tổ quốc. Cho đến nay, Việt-Nam vẫn chưa Vượt Qua được hậu qủa của các cuộc chiến còn tồn đọng.

Lệnh cấm vận VN vừa được Mỹ cởi trói 1994 và VN cũng vừa được chính thức gia nhập hệ-thống WTO của thế giới năm 2007. Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ được 152 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên LHQ ký ngày 8-9-2000 để tuyên chiến với 3 mặt trận cùng một lúc: Giặc dố, giặc đói và giặc sợ. LHQ cứ ngỡ rằng khi một quốc gia diệt tan được Giặc Dốt thì hai thứ giặc còn lại sẽ tàn phai theo năm tháng. Thế mà ngay cả Giặc Dốt, Việt Nam cũng chưa thể Vượt Qua thì làm sao có được điểm tựa, có bàn đạp để triệt tiêu được giặc đói và giặc sợ? Hãy đọc nhà sử học Lữ Giang trong bài viết “Tầm nhìn xa hơn” được đăng trên lưới trong tháng Hai vừa qua, chúng ta có thêm một ít con số cho suy tư của mình. Ông Lữ Giang ghi nhận rằng theo báo cáo của LHQ về phát triển trên thế giới năm 2006 thì VN đứng chót trong khu vực với con số 2% dân số đi học đủ 13 năm hay hơn nữa; chỉ có 10% thanh thiếu niên trong lứa tuổi ghi danh theo học đại học hoặc cao đẳng trong khi Trung Quốc có 15% trong hạng tuổi này đã ghi danh, Thái Lan có đến 41% và Nam Hàn có một con số hết sức ấn tượng là 89%. Con số giáo sư đại học trong suốt 17 năm qua của VN không thay đổi. Nếu kể các ấn phẩm được in ấn từ các đại học thì Nam Hàn có 4,556 ấn phẩm, Trung Quốc với 3,000 ấn phẩm, còn Hà Nội chỉ đưa ra được 34 ấn phẩm. Về bằng phát minh sáng chế, năm 2006 Trung Quốc đưa ra 40,000 đơn, trong khi VN chỉ có 2 đơn. Như vậy VN vẫn chưa đủ tiêu chuẩn phần trăm để Vượt Qua hay thắng được trận Giặc Dốt mà VN đang phải đối đầu. Năm 2007 con số du học sinh của VN gởi sang Mỹ là 6,036 trong khi đó Ấn Độ là 83,833, Trung Quốc 67,723 và Nam Hàn có đến 62,392 sinh viên. Kinh nghiệm cho thấy một quốc gia muốn trở thành quốc gia phát triển thì ít nhất phải có 10% công dân tốt nghiệp đại học, trong khi đó VN ta mới chỉ có 2% thì làm sao VN Vượt Qua được cảnh nghèo nàn mà ngoi đầu lên ngang tầm một quốc gia phát triển?

Bước vào đời sống và sinh hoạt của quốc gia Hoa-Kỳ chúng ta không thể không dừng lại ở sứ điệp Vượt Qua của đêm nay. Ngày 20-03-08 vừa qua là thời điểm kỷ niệm đúng 5 năm cuộc chiếnh tranh dầu lửa tại Iraq. Iraq có 18 tỉnh thì sau 5 năm chiến tranh, 9 tỉnh đứng ở giới tuyến nầy, 9 tỉnh còn lại đứng ở chiến tuyến kia. Hoa Kỳ đã chi viện hơn 500 tỉ Mỹ kim, hy sinh hơn 4000 sinh mạng chiến sĩ mà cuộc chiến nầy vẫn còn sa lầy. Đất nước nầy, dân tộc nầy cần phải làm một trong hai sự lựa chọn để Vượt Qua cuộc chiến: Hoặc chi viện thêm trên dưới 500 tỉ Mỹ Kim, hy sinh thêm 10,000 quân nữa tại chiến trường ngoại biên, may ra mới chiêu hồi thêm 9 tỉnh còn lại, hoặc đem ra một lịch trình rút quân cho chính phủ mới sau năm 2009. Vuợt Qua nào cũng muối mặt, Vuợt Qua nào cũng nặng ký cả cho quốc gia và dân tộc Hoa-Kỳ. Đó là chưa kể nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở thời kỳ suy thoái trầm trọng, nạn lạm phát đang ở mức độ báo động đỏ, thật bi quan. Nếu không Vuợt Qua được chỉ-tiêu lạm phát hiện hành 5% để vực lại con số 2% như uớc mơ từ đầu thì nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái như năm 1931 và kéo theo nền kinh tế toàn cầu sụp đổ theo. Lúc đó thế chiến thứ III sẽ không tránh được và nhân loại sẽ rơi vào một đại họa diệt chủng toàn diện, một cơn hồng thủy mới cho toàn cầu.

Nhưng trên hết và trước hết Mỹ quốc cần Vượt Qua nạn hồng thủy lớn nhất là sự phá thai gần như phổ cập. Đây là một cuộc chiến tranh luơng tâm đang tiếp diễn mỗi ngày và hằng năm giết chết hằng triệu thai nhi của nước Mỹ. Xin cho các bà mẹ Vượt Qua được rào cản ích kỷ để đừng giết chết con của mình. Xin cho các nhà lập pháp, hành pháp Mỹ Vượt Qua những lá phiếu cử tri để đừng mị dân hay tiếp tục đưa ra những đạo luật mới bất nhẫn và vô luân.

Tiểu bang Michigan đã khai phá sản trong cuối năm qua. Liên Bang đã đổ nhiều tỉ Mỹ kim vào để vực nền kinh tế tiểu bang chúng ta đừng tiếp tục suy thoái thêm. Toàn dân Michigan cần cố gắng cùng nhau Vượt Qua những khó khăn kinh tế trước mặt để cùng bắt tay vào việc tái thiết tinh thần và làm vực dậy một nền kinh tế tiểu bang đã phá sản.

Trở lại với đêm Vượt Qua của Chúa Kitô Phục Sinh. Đêm nay đúng là một đêm vô tiền khoáng hậu. Đêm nay, đêm cách mạng của Con Trời. Đức Kitô sống lại trong đêm nay đã biến tội Vượt Qua thành phúc. Đức Kitô sống lại trong đêm nay đã Vượt Qua màn tối của thất vọng mà đến với ánh sáng quang minh của niềm cậy trông và hy vọng. Đức Kitô sống lại trong đêm nay đã Vượt Qua sự u buồn của chết chóc mà đạt tới niềm vui mừng của người sống lại từ cõi chết. Xin Đức Kitô phục sinh đêm nay giúp con người Vượt Qua được sự đói khát miên trường mà đến được no cơm ấm áo dài lâu. Xin Đức Kitô sống lại trong đêm nay giúp các tù nhân luơng tâm, chính trị hay vi cảnh, vi hình trên thế giới sớm Vượt Qua cảnh lao lý tù đầy mà về đoàn tụ với gia đình trong tư do. Xin Đức Kitô sống lại trong đêm nay giúp giáo xứ Đức Mẹ Lavang chúng ta Vượt Qua cảnh thắt lưng buộc bụng của mấy năm qua mà chung sức hoàn thành việc xây cất Hội Trường Thánh Giuse. Xin Đức Kitô sống lại trong đêm nay giúp 341 gia đình trong giáo xứ tiếp tục sống trong yêu thương, đùm bọc... và cùng giúp nhau Vượt Qua được những lấn cấn, những nghi kỵ, những hiểu lầm, những xích mích cá nhân còn tồn đọng để sống lại trong cảm thông, hoà đồng. Xin Đức Kitô sống lại trong đêm nay ban cho mọi thành viên thuộc giáo xứ Đức Mẹ Lavang Vượt Qua được những giờ giấc bận rộn cuối tuần của cá nhân, của gia đình để đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong nửa giờ bên Chúa Giêsu Thánh Thể và mỗi chiều Thứ Sáu, trong Giờ Thánh của chiều Thứ Bảy và đặc biệt trong các giờ chầu Thánh Thể liên tiếp của Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng. Xin Đức Kitô sống lại trong đêm nay ban cho một số gia đình trong giáo xứ đang gặp thử thách nặng nề được sớm Vượt Qua những dị biệt, bất đồng mà trở lại những ngày tháng hạnh phúc như thuở ban đầu. Xin Đức Kitô sống lại trong đêm nay ban ơn chữa lành hay chóng bình phục cho ông Trần Công Khương, bà Trần Đức Bảy, anh Giang Vũ, chị Nguyễn Thị Giao để các bệnh nhân trong giáo xứ Vượt Qua được những cơn bệnh trầm kha lâu năm lâu tháng.

Thưa anh chị em thân mến trong Đức Kitô phục sinh! Như đã có dịp thưa với qúy vị từ đầu, không có một cuộc Vượt Qua nào, muốn thành công, mà không có sự hợp tác tích cực của các đương sự trong cuộc. Đức Kitô, Chúa chúng ta đã nêu cao tấm gương nầy. Xin Đức Kitô sống lại trong đêm nay ban cho qúy vị và anh chị em Vượt Qua được những yếu hèn, những thiếu sót lỗi lầm để sống lại trong ơn thánh phục sinh của Chúa Kitô. Kính chúc qúy vị và anh chị em một Lễ Phục Sinh hoan lạc trong Chúa Kitô sống lại khải hoàn.
 
Giêsu Tình Yêu Muôn Thuở Muôn Đời
Tuyết Mai
13:33 22/03/2008
Giêsu Tình Yêu Muôn Thuở Muôn Đời

Lậy Chúa Giêsu Chúa Tình Yêu!
Ngài đi rồi Ngài bỏ con ở lại.
Con bùi ngùi cảm thấy xót xa.
Thân phận con cảm thấy quả bọt bèo,
Trống vắng và đâm sợ hãi!

Xa cách Chúa niềm tin con héo hắt,
Như tim đèn leo lắt giữa canh khuya.
Chúa ở đâu giờ này con muốn biết,
Bên hữu Chúa Cha hay bên Mẹ Ngài?
Hãy trở về cho con nguồn an ủi.

Chúa Về Trời. ...
Sáng láng tựa muôn triệu triệu ánh sáng.
Thắt lưng đai Ngạo Nghễ Con Một Chúa Trời.
Ngài Quyền Năng Vinh Hiển Ngự Trời Cao.
Ngài Hiển Linh từ muôn thuở đến muôn đời.

Chúa càng Vinh Hiển con càng nhỏ bé!
Sao Ngài thương con hơn cả con thương Ngài?
Có phải Chúa biết vì con người yếu đuối?
Bởi Chúa Cha có ý muốn tác tạo,
Con người nên giống thế hay sao?

Lại còn để chúng con được tự do,
Chọn yêu hay không yêu Ngài?
Bởi ai có lòng và quyết tâm bền chí,
Trải qua bể dâu cuộc sống ở trần gian,
Sẽ là dấu chỉ chứng minh,
Thật sự lòng chung thủy,
Chúng con yêu mến Ngài?

Lậy Đức Giêsu, Chúa con, Chúa Tình Yêu!
Cuộc đời trần thế con đây chẳng màng.
Ngày ngày con cầu xin Ngài,
Bình an, sức mạnh, và Tình Yêu,
Để con gieo rắc khắp nơi khắp miền.

Yêu thương và Đức Khiêm nhường,
Con luôn mãi nhớ khắc vào trong tim.
Sống sao ai thấy cũng thương,
Cũng nhận ra Chúa trong việc của con làm,
Cũng nhận ra Chúa trong lời nói ngọt ngào của con.

Ân cần thăm hỏi và rào đón.
Nụ cười thân thiện luôn nở trên đôi môi.
Ánh mắt nhân từ thay cho lời nói.
Nếu con có làm nên được bao nhiêu việc lành thánh,
Cũng chỉ xin được nên Thánh Ý Chúa mà thôi!

Nếu tất cả những gì con đã, đang, và sẽ có,
Đều do Ngài ban phát nên có mà thôi!
Xin cho con được dùng tất cả,
Khả năng, vốn liếng, và tâm huyết,
Cốt cho được một chỗ trên Nước Hằng Sống,
Được về nơi Hạnh Phúc Ngàn Thu,
Sống vĩnh viễn một đời bên Chúa Mẹ,
Là An Ủi là Cùng Đích con cố gắng,
Tìm kiếm suốt cả cuộc đời con. Amen.
 
Lời tuyên xưng: Tôi tin vào sự sống lại
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
13:43 22/03/2008
LỜI TUYÊN XƯNG: TÔI TIN VÀO SỰ SỐNG LẠI

... Tôi là góa phụ. Chồng tôi qua đời sau cơn bệnh thần kinh kéo dài 4 năm rưỡi. Trước đó tôi vẫn tin tưởng tình yêu sẽ trở lại sau cơn bệnh. Nhưng rồi, cái chết xuất hiện với tất cả đau khổ và khó khăn đi kèm.

Sau cái chết thảm thương của chồng, tôi cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Thế nhưng tôi tự nhủ:

- Vì lòng trung tín với những gì đã sống trong hôn nhân, mình không có quyền buông xuôi trước thử thách. Vì tình yêu đối với chồng, mình phải cố gắng tìm kiếm phương thế giúp đứng vững.

Thời gian này, tình cờ tôi khám phá ra phong trào ”Hy vọng và Sự Sống”. Cuộc phám phá là cánh cửa giúp tôi thoát nạn!

Một ngày, khi tham dự một cuộc họp, tôi bắt gặp tờ giới thiệu phong trào có kèm theo số điện thoại. Sau đó ít lâu, vì không thể chịu nổi cảnh cô đơn, tôi quay số điện thoại và bên kia đầu dây, một giọng nói dịu dàng trìu mến vang lên. Người trả lời điện thoại để yên cho tôi bày tỏ nỗi niềm, trút bỏ mọi u-uẩn trong lòng. Tôi nói và nói thật lâu, thật nhiều, vì thấy có người biết lắng nghe mình nói.

Sau lần điện thoại ”cứu sống” đó, tôi điện thoại thêm nhiều lần nữa. Rồi tôi quyết định ghi tên gia nhập vào một nhóm nhỏ của phong trào. Phong trào “Hy Vọng và Sự Sống” quy tụ những người cùng cảnh góa bụa, quả đã đáp ứng nhu cầu của tôi. Tôi tìm được sức mạnh, niềm tin và niềm hy vọng để tiếp tục đi hết quảng đời còn lại.

Thời gian đầu của những ngày góa bụa, phần đông chúng tôi bị đè bẹp bởi đớn đau của cuộc tử biệt và những khó khăn trước mắt phải vượt qua. Không phải niềm vui phục sinh đang thôi thúc tâm hồn chúng tôi nhưng là kinh nghiệm đắng cay của cái chết, và đôi khi, của tuyệt vọng. Vậy thì làm thế nào để có thể hy vọng vào một cái gì đó, trong khi tất cả xem ra đều đỗ vỡ, tan nát???

Chính lúc này, ngay giữa lòng sầu khổ đắng cay lại nẩy sinh niềm hy vọng! Đặc biệt khi chúng tôi gặp được một vòng tay rộng mở, một cử chỉ thân thiện, hay một nơi chốn để gặp gỡ và trao đổi. Tất cả là dấu chỉ Tình Yêu bao la của THIÊN CHÚA đối với loài người.

Ngoài ra tôi sống mối hiệp thông với hiền phu quá cố. Trong lúc chán nản, tôi than thở với chàng:

- Anh đang ở trên trời, gần bên tòa Chúa, xin anh hãy giúp em!

Nhờ mối hiệp thông này, tôi dần dần khám phá ra sự hiện diện trong sự vắng mặt. Đối với tôi, chồng tôi trở thành trung gian giữa tôi và THIÊN CHÚA. Tôi xin chồng tôi cầu bầu cho tôi bên tòa Chúa.

Qua kinh nghiệm cái chết của chồng, niềm tin của tôi vào sự sống lại và vào cuộc sống đời sau được củng cố. Đức Chúa GIÊSU KITÔ Phục Sinh trở thành trung tâm điểm cuộc đời tôi. Ngài là bạn đường trung tín. Ngài dẫn dắt tôi đi qua những chặng đường đau buồn và đầy khó khăn. Hay nói đúng hơn, Ngài chính là Đường Đi là Sự Thật và là Sự Sống.

Lòng sùng mộ kính mến Đức Mẹ MARIA cũng giúp tôi tìm thấy lòng tin tưởng, can đảm tiến bước trên con đường ”hy vọng và sự sống”. Phải thành thật thú nhận rằng, ban đầu, lòng tôi kính mến Đức Mẹ MARIA rất vụng về. Đó là thời gian đầu sống cảnh góa bụa. Đêm đêm - vì không thể chợp mắt - tôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại kinh Kính mừng MARIA đầy ơn phước. . Tôi đọc để vỗ về giấc ngủ, thế thôi! Nhưng Đức Mẹ MARIA nhân lành lại dùng phương thế vụng về này để kéo tôi đến cùng Đức Mẹ và nhất là, đến với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Con Dấu Ái của Mẹ.

Chứng từ của bà Geneviève Caudrelier, người Pháp.

... ”Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ Đức Tin, chúng ta được bình an với THIÊN CHÚA, nhờ Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Chúa GIÊSU đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của THIÊN CHÚA, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của THIÊN CHÚA. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì THIÊN CHÚA đã đổ Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Thư gửi tín hữu Roma 5,1-5).

(”Annales d'Issoudun”, Avril/1994, trang 119-125)
 
Tin Mừng Phục Sinh (thơ)
LM Joseph-Quốc Vương
14:08 22/03/2008
Tin Mừng Phục Sinh

Này Bà buổi sáng đi đâu
Mà sao không thấy canh thâu thảm sầu
Trời ơi! cái nỗi buồn rầu
Tôi ra viếng mộ giải sầu Chúa Tôi
Nào ngờ cái chuyện lôi thôi
Mộ kia trống vắng Chúa Tôi chẳng còn
Còn đang héo hắt nỉ non
Nào ngờ xuất hiện điểm son tượng hình
Có người mặc áo trắng tinh
Bảo rằng Đức Chúa Phục Sinh rồi mà
Nhưng lòng nào đặng hiểu ra
Theo lời Kinh Thánh Chúa ta khải hoàn
Cùng nhau cất tiếng hân hoan
Ca mừng Cứu Chúa hoàn toàn Phục Sinh
Thắng muôn ác độc cơ binh
Cho ta được sống bình sinh trong Người
Ca vang câu hát người ơi
A-lê Chúa đã cho đời lui-a.

Phúc Âm Phục Sinh Năm A

Tinh mơ vội vã lên đường
Ghé thăm mồ Chúa niềm thương dạt dào
Nào ngờ vào mộ té nhào
Chúa thì không thấy khăn nào nằm kia
Vội vàng về báo ôi kìa
Chúa mình biến mất xác kia không còn
Phêrô vội vã lon ton
Gioan chân khoẻ bon bon tới mồ
Tuy là tới trước chẳng dzô
Liếc nhìn trong ấy khăn thô gọn gàng
Phêrô cũng tới đồng hàng
Ông vào chứng kiến gọn gàng khăn kia
Xếp riêng một chỗ đã chia
Gioan chứng kiến điều kia một lòng
Ông tin mọi sự bên trong
Nhưng đều không hiểu ý lòng Chúa Cha
Và như Kinh Thánh rằng là
Giêsu chinh phục ác tà Phục Sinh.
 
Sự Phục Sinh của Đức Giêsu.
Phụng Nghi
15:00 22/03/2008
Con Bọ Nước

Nhà đạo diễn Cecil B. DeMille đã mô tả một sự việc xảy ra tại mặt hồ ở phía bắc tiểu bang Maine. Lúc đó ông đang nằm đọc sách trên một chiếc xuồng êm trôi, bỗng thấy một con bọ nước bò lên sườn gỗ chiếc xuồng, bám chặt chân vào đó và nằm chết. Ông vẫn tiếp tục đọc sách.

Chừng 3 giờ đồng hồ sau, ông đưa mắt nhìn con bọ và thấy cái lưng khô nóng của nó có vết nứt. Thế rồi một sự kiện khác thường xảy ra: Từ lưng con bọ nước, một hình thể mới, một con chuồn chuồn xinh đẹp xuất hiện.

Câu chuyện của DeMille giúp ta thẩm định một sự biến thể cao cả hơn thế nhiều đã xảy ra nơi Đức Giêsu ba ngày sau khi Người chết.

Người Đã Sống Lại

Bình minh ngày Chúa nhật cũng giống như bao ngày Chúa nhật khác tại Giêrusalem. Ngày Sabbath đã chấm dứt và mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Tuy nhiên đối với các môn đệ của Đức Giêsu thì buổi sáng hôm nay vẫn còn là tiếp nối của một đêm hãi hùng. Xác Chúa đã được chôn trong ngôi mộ có lấp tảng đá ở ngoại thành. Thi hài được đặt trong đó thật vội vàng vào đêm hôm thứ Sáu. Vì là cận kề ngày Sabbath, các nghi lễ tống táng theo tập tục Do thái phải đình hoãn lại.

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói:

- "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi." (Lc24:1-6)

Các bà vội vã quay về thuật lại cho các môn đệ. "Nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin." (Lc24:11)

Người Lạ Mặt

Hoa xuân tỏa hương êm dịu nhưng hai người môn đệ dường như không hay biết. Chim hót nhẹ nhàng nhưng hai người như không nghe thấy gì. Họ đang trên đường từ Giêrusalem trở về nhà tại Emmau. Cái chết của Đức Giêsu đã làm tiêu tan hết mộng ước của họ. Bỗng Đức Giêsu xuất hiện cùng đồng hành với hai người nhưng họ không nhận ra Người. Đức Giêsu hỏi:

- "Các anh đang nói chuyện gì thế?"

Họ thuật lại cho Người câu chuyện đau thương đã xảy ra. Thế rồi Đức Giêsu giải thích cho họ biết rằng chuyện đó xảy ra đúng như lời Kinh thánh đã tiên báo về đấng Messia. Hai người môn đệ lắng nghe thật thích thú. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng:

- "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn".

Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất...Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem (Lc 24:28-33).

Đúng Là Chúa Thật!

"Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người." (Mt 28:7)

Những lời nói đó của vị thiên thần đã đưa các môn đệ của Đức Giêsu từ Giêrusalem trở lại xứ Galilê. Một đêm trong lúc còn đang chờ đợi tại Galilê các môn đệ lấy thuyền ra đi đánh cá. Không đánh được gì, họ đưa thuyền quay về. Khi sắp tới đất liền, một người lạ mặt đứng trên bờ la lớn tiếng bảo họ thả lưới thêm một lần nữa. Họ miễn cưỡng tuân lời. Mẻ cá bắt đuợc gần đầy khoang thuyền! Gioan nhìn kỹ người lạ mặt trên bờ và nói:

"Đúng là Chúa đấy!"

Khi các môn đệ kéo mẻ cá lên bờ, họ thấy Đức Giêsu đang đốt lửa nướng cá và có cả bánh. Họ ngồi xuống ăn uống theo lời Người mời. Sau bữa ăn, Đức Giêsu kéo Phêrô ra một chỗ.

Ba lần Người hỏi Phêrô: "Anh có yêu mến Thày không?"

Ba lần Phêrô trả lời: "Dạ, Chúa biết là con yêu mến Chúa."

Ba lần Đức Giêsu bảo ông: "Hãy chăm sóc đàn chiên của Thày."

Ba lần tuyên xưng tình yêu của Phêrô đã tẩy xoá khỏi tâm hồn ông sự việc ba lần ông chối Chúa. Ba lần đáp ứng Đức Giêsu của Phêrô đã uỷ nhiệm cho ông cái công tác đặc biệt làm người chăn giữ bày chiên non yếu của Người.

Quá Tầm Cảm Nghiệm Của Người Phàm.

Một điểm nổi bật trong sự xuất hiện của Đức Giêsu vào Lễ Phục sinh là người ta đã không nhận ra Người. Khi Đức Giêsu hiện ra với Maria Mađalêna, "bà ấy không biết" đó là Đức Giêsu (Gi 20:14)

Khi Đức Giêsu hiện đến với các môn đệ, họ tưởng Người là "ma" (Lc 24:37). Khi Người xuất hiện trên bờ biển, các môn đệ đã "không biết" đó là Người (Gi 21:4)

Điều này nói lên bản chất của sự phục sinh (resurrection). Đó là sự việc chưa con người nào cảm nghiệm được. Đó không phải là một sự tỉnh lại (resuscitation), một sự quay về lại với đời sống, nhưng là một bước nhảy vọt trong cuộc đời - và trong thân xác. Thân xác sống lại trong buổi sáng Chúa Nhật Phục sinh, trên căn bản, khác với thân xác được chôn cất buổi chiều ngày Thứ Sáu Chịu nạn. Phaolô so sánh thân xác trước khi phục sinh với hạt giống gieo vào lòng đất:

"Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác, sẽ mọc lên. Việc kẻ chết sống lại cũng như thế... Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí." (1Co 15:36-37,42-44)

Giới Luật

Chưa bao giờ Đức Giêsu trông rạng rỡ như lúc này khi Người đứng trước các môn đệ trên một ngọn đồi ở Galilê. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông:

"Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Mt 28:17-20)

Đức Giêsu sống lại đã có một mối liên hệ mật thiết mới với các anh chị em của Người trên mặt đất. Người được vinh danh, nghĩa là, hoàn toàn sống và hoàn toàn cho đi cuộc sống. Người bắt đầu truyền ban Chúa Thánh Linh trong đêm Chúa Nhật Phục sinh:

"Hãy nhận lấy Chúa Thánh Linh" (Gi 20:22)

Và còn tiếp tục truyền ban như vậy ở Galilê. Năm mươi ngày sau đó, vào ngày lễ Ngũ Tuần, cũng một Thánh Linh đó đã được truyền ban một cách mạnh mẽ trên tất cả những người theo Đức Giêsu và tỏ bày ra cho toàn thế giới.

Chứng Nhân

Khi Thánh Linh đã hoàn toàn ngự xuống trên các môn đồ của Chúa Giêsu, đức tin của họ không bao giờ tỏ ra nao núng. Vội vã với nhiệt tâm nao nức, họ mang Tin Mừng ra bên ngoài Galilê tới mãi tận Hy lạp, và cả Lamã nữa.

"Cuộc đời của họ được nhắm tới mục đích đó, và chỉ tới mục đích đó thôi. Không điều bách hại nào có thể làm họ chùn bước... Nhiều người đã tìm thấy thập giá chính mình phải treo lên. Một số bị dã thú xâu xé trong các đấu trường. Một số khác bị thiêu sống, nhưng lòng can đảm kiên cường của họ không hề thay đổi." (F.B. Rhein)

"Tình yêu có thể bị khổ đau nhưng rồi sẽ chiến thắng…Con người có đức tin đã tìm thấy nơi Đức Giêsu một niềm hy vọng lớn lao hơn lịch sử và một tình yêu mạnh mẽ hơn nỗi chết."

Nguyên tác của Mark Link, S.J.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:11 22/03/2008
TRIỆU TƯƠNG TỬ HỌC LÁI XE

N2T


Triệu Tương Tử đi theo Vương Ư Kỳ để học lái xe, Vương Ư Kỳ sau khi đem tất cả kỹ thuật của ông ta truyền lại cho Triệu Tương Tử, thì Triệu Tương Tử bèn cùng đua với Vương Ư Kỳ, họ trao đổi ngựa kéo xe đến ba lần, và Triệu Tương Tử cả ba lần đều thất bại.

Tương Tử báo oán, nói: “Anh chưa đem toàn bộ kỹ thuật dạy lại cho tôi !”

Ư Kỳ nói: “Kỹ thuật đã dạy hết rồi, chẳng qua là anh không biết vận dụng mà thôi ! Lái xe nên chú trọng là xe và ngựa phải phối hợp đắc nghi, phu xe và ngựa phải nhịp nhàng cân đối, như thế xe mới chạy được nhanh. Còn anh thì chỉ cần chạy sau một chút bèn liều mạng muốn vượt lên, vừa vượt qua trước thì liền lo lắng sợ bị đuổi lên. Toàn bộ tâm trí của anh đều để ở trên thân tôi, lơ đãng về hành động của ngựa thì làm sao có thể lái xe giỏi được chứ ?”

(Hàn Phi tử: Dụ lão)

Suy tư:

Ngựa, xe và phu xe phải nhịp nhàng cân đối thì xe mới chạy được nhanh, nếu người phu xe lơ đãng để ngựa tự do chạy thì chiếc xe nhất định phải lật nhào, và hậu quả thì có khi mất mạng như chơi.

Công việc, hoàn cảnh và con người cần phải cân đối nhịp nhàng thì cuộc sống mới có cơ hội thăng tiến, mà cái tâm con người thì điều chỉnh tất cả:

- Hoàn cảnh tốt, công việc tốt mà tâm con người bất định, thì thất bại.

- Công việc chưa tốt, hoàn cảnh khắc khe mà tâm con người ổn định, thì trước sau gì cũng gặt hái được thành công.

Trong đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cung thế, tâm ổn định là tâm biết cầu nguyện, người biết cầu nguyện là người luôn kết hợp với Thiên Chúa, mà hoàn cảnh và công việc –dù tốt hay xấu- chỉ là bối cảnh làm cho việc cầu nguyện càng thêm phong phú, và đức tin càng thêm tiến triển.

Dùng tâm đức tin để thay đổi hoàn cảnh, dùng tâm đức ái để làm đẹp công việc, và lấy tâm đức cậy để phó thác hoàn cảnh và công việc của mình cho Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài và là Cha của chúng ta ở trên trời...

Đó chính là người biết lái xe cuộc đời của mình vậy !
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 22/03/2008
N2T


36. Ma quỷ nhìn thấy người đi rước lễ thì thất vọng giận dữ phẫn nộ, như tức muốn chết vậy.

(Thánh Bruno)
 
Tín đồ Ấn giáo với tâm tình Kitô giáo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
18:13 22/03/2008
TÍN ĐỒ ẤN GIÁO VỚI TÂM TÌNH KITÔ GIÁO

Cha Antonio Grugni - người Ý - thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo và là Thừa Sai tại Ấn từ 32 năm nay. Cha làm việc tại thành phố Warangal, bang Andhra Pradesh (Nam Ấn Độ). Cha thi hành công tác mục vụ với tư cách vừa là Linh Mục thừa sai vừa là bác sĩ cạnh các bệnh nhân phong-cùi, lao-phổi, liệt-kháng và các trẻ em nghèo. Sau đây là chứng từ của Cha về một góa phụ nghèo - tín đồ Ấn giáo - trút hơi thở cuối cùng trong tâm tình tín hữu Công Giáo.

Bà Jaya là góa phụ Ấn giáo trạc 35 tuổi. Bà mang cùng lúc 2 chứng bệnh trầm kha: lao-phổi và liệt-kháng. Chính chồng bà truyền bệnh cho bà. Ông qua đời cách đây 3 năm và để lại cho bà hai đứa con trai. Vì quá yếu không thể làm lụng gì nên đứa con trai lớn phải bỏ học. Cậu thiếu niên xin được một chỗ rửa chén trong một tiệm ăn nên có thể kiếm ra chút ít tiền nuôi sống mẹ hiền và đứa em còn nhỏ tuổi.

Chúng tôi thường xuyên viếng thăm bà. Chúng tôi mang cho bà thuốc chống bệnh lao cùng với thức ăn hầu bà và 2 đứa con có thể sống qua ngày. Cuộc đời bà Jaya gắn liền với đau-thương tủi-nhục và sợ-hãi, bởi vì 2 chứng bệnh làm cho mọi người khinh bỉ và tìm cách xa tránh bà.

Căn nhà mà ba mẹ con bà trú ngụ thật ra chỉ là túp lều xiêu vẹo. Vì thế chúng tôi khởi công xây cho bà một căn nhà nho nhỏ đơn sơ nhưng có 4 bức tường bao bọc đàng hoàng. Ngoài ra chúng tôi cũng tìm được vị ân nhân bảo trợ gia đình bà. Nhờ thế cậu con trai lớn có thể ghi tên vào trường trung học kỹ thuật và cậu con trai nhỏ cũng được cắp sách đến trường. Và dụ ngôn người Samaritano tốt lành (Luca 10,29-37) trong Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ được thực thi cho chính bà Jaya một tín đồ Ấn giáo.

Sau đó bà Jaya được đưa vào nhà thương để chích thuốc trụ sinh chữa trị chứng bệnh liệt kháng. Nơi nhà thương bà được chăm sóc chu đáo nên sức khoẻ có vẽ khả quan hơn một chút. Bà cảm thấy khoẻ khoắn đến độ bà bắt đầu đều đặn kính viếng ngôi thánh đường Công Giáo ở gần nhà thương. Bà cũng xin được một cuốn Phúc Âm và luôn mang theo trong mình, không bao giờ rời xa cuốn Phúc Âm.

Xuất viện trở lại nhà, bà vui hưởng một thời gian ngắn được sống trong căn nhà tương đối kha khá bên cạnh hai đứa con trai, luôn tỏ ra trìu mến yêu thương mẹ hiền. Nhưng hạnh phúc không kéo dài lâu. Thân xác yếu ớt tàn úa của bà bị chứng liệt kháng hủy hoại thật nhanh chóng. Bà không ăn cũng không uống được nữa. Niềm ước muốn sống còn của bà thật lớn lao nhưng thân xác bà đang đi vào cõi chết. Bà như lập lại lời cầu xin tha thiết của Đức Chúa GIÊSU xưa kia nơi vườn Cây Dầu: ”Lạy CHA, nếu CHA muốn, xin cất chén đắng này xa Con” (Luca 22,42).

Các nhân viên y tế địa phương từ chối không muốn đến nhà giúp bà. Vì thế chính tôi đích thân đến nhà chăm sóc bà trong những ngày cuối cùng. Giống như Đức Chúa GIÊSU xưa, bà Jaya cũng đang chết một mình trên cây thánh giá của bà. Lúc này đây bà hoàn toàn kiệt sức không nói được lời nào. Một ngày, khi tôi đến thăm, bà Jaya tha thiết chăm chú nhìn tôi rồi liếc sang hai đứa con trai đang đứng bên giường. Tôi đoán hiểu ước nguyện thầm kín của bà nên tôi bảo bà hãy an tâm, tôi sẽ lo liệu chăm sóc hai đứa con của bà. Nghe tôi hứa, bà Jaya tìm được sức lực cuối cùng để nở nụ cười mãn nguyện và tri ân. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Chúa GIÊSU trong cuốn sách Phúc Âm và trong chính đời sống của hai đứa con trai yêu dấu, bà Jaya đã nếm hưởng và cảm nghiệm thế nào là niềm HY VỌNG của lễ Phục Sinh.

Sau buổi gặp gỡ đáng ghi nhớ ấy, ngay đêm hôm đó tôi nhận tin bà Jaya đã êm ái trút hơi thở cuối cùng trong tay siết chặt cuốn sách PHÚC ÂM. Sáng hôm sau tôi đến nhà bà để lo việc hỏa táng. Nhưng hai đứa con trai bà cho tôi biết là thân mẫu bày tỏ ước muốn được chôn cất theo nghi thức của Kitô Giáo thay vì hỏa táng theo phong tục của Ấn giáo. Chúng tôi làm theo ý muốn của bà.

Tôi xác tín bà Jaya đã qua đời như một tín hữu Kitô vì đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội bằng nguyện ước. Giờ đây thỉnh thoảng hai đứa con trai bà sau khi viếng mộ hiền mẫu cũng đến cầu nguyện nơi nhà thờ Công Giáo mà trước đây bà Jaya thường đến đó để cầu nguyện.

... Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín, Đức Chúa GIÊSU kêu lớn tiếng: ”Lạy THIÊN CHÚA, THIÊN CHÚA của Con, sao Ngài bỏ rơi Con?”. . Đức Chúa GIÊSU lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Chúa GIÊSU, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: ”Quả thật, Người này là Con THIÊN CHÚA” (Máccô 15,33-34+37-39).

(”Popoli e Missione”, Rivista delle Pontificie Opere Missionarie, Anno XXII, Marzo 2008, trang 55-56)
 
Vài khẩu hiệu sống tinh thần Phúc Âm
Bs Nguyễn Thị Thanh
18:15 22/03/2008
VÀI KHẨU HIỆU SỐNG
(Sống theo Phúc Âm Chúa Kitô)

Giúp người là bổn phận,
Cẩn thận là khôn ngoan,
Gian nan là bài học,
Kiên nhẩn là thành công.
Giàu lòng thì vui vẻ,
Giàu có phải chia sẽ.
Trẻ trung phải học hỏi,
Tài giỏi phải khiêm tốn,
Khốn đốn càng nghị lực.
Nhịn nhục là cao cả,
Nhục nhả phải tự an.
Cao sang phải hạ mình,
Khinh người là nông nổi.
Buồn tủi càng đấu tranh,
Ganh ghét là ti tiểu.
Yêu thương là tha thứ,
Từ bi là giàu có,
Nghèo khó càng vùng lên.
Thấp hèn càng cao vọng,
Đắng lòng nên chấp nhận,
Thận trọng là cần thiết.
Yếu đuối càng tôi luyện,
Lắm chuyện sinh hận lòng.
Lý tưỡng là tiến lên
Trong hòa giải với Thiên chúa,
Là thực hiện Lời Hằng Sống.
 
Ánh Sáng Chúa
Tuyết Mai
18:25 22/03/2008
Ánh Sáng Chúa

"Ánh Sáng Chúa" chiếu tỏa tới đâu thì hạnh phúc lan tràn tới đó! Thật vậy, trên thế giới bất kể nơi đâu con người đều khao khát và cần nhiều thứ Ánh Sáng trong cuộc đời của họ: Ánh Sáng Mặt Trời, Ánh Sáng Hy Vọng, Ánh Sáng Tâm Linh, Ánh Sáng Phục Sinh, Ánh Sáng trong Tâm Hồn con người, Ánh Sáng Tình Thương, Ánh Sáng Chữa bệnh, và Ánh Sáng Hoán Cải.

Nơi đâu không có "Ánh Sáng" nhất là "Ánh Sáng Chúa" thì nơi đó sẽ không có Bình An. Không có Bình An có nghĩa là nơi đó chỉ mang đến Tuyệt Vọng, Tội Lỗi, Bệnh Tật, và thiếu Sức Sống. Thiếu sức sống có nghĩa là con người luôn luôn sống trong lo sợ, buồn phiền, bi quan, và không thấy cuộc đời có ý nghĩa chi cả! Khi Bi Quan con người không tìm ra được chân lý sống trên trái đất này, để làm gì và để mong gặt hái điều chi!? Nhất là thiếu "Ánh Sáng Chúa" con người sẽ không hiểu được và không tin có cuộc sống Đời Sau.

Chúa là Ánh Sáng, là Đường, là Sự Thật, là Chân Lý, và là Hy vọng Tuyệt Đối, cho những ai tin và theo Ngài. Ngài đã chịu Khổ Hình, Chết, và sau 3 ngày Ngài đã Phục Sinh cho toàn thể nhân loại chúng ta được Sống đời đời. Ai theo Ngài sẽ không phải chết đó là Lời Ngài Đã Hứa.

Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự".

Xin Thánh Thần Chúa giúp tất cả anh chị em của chúng con trên tòan thế giới, biết tìm kiếm và khao khát những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự, chứ đừng phí công hao sức mà tìm kiếm những sự gì ở thế gian. Một nơi mà chúng con cứ phải bon chen, dành giựt, xe xua, và tranh đấu để có được những hạnh phúc giả tạo và cuối cùng chúng con cũng chẳng đem theo được bất cứ một thứ gì khi chúng con từ giã cõi đời tạm bợ này.

Lậy Chúa! Nếu Chúa cho chúng con tất cả mọi thứ quý giá trên trần gian này thì có đem lại hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu mà chúng con mong đợi hay không?

Chúng con là thân phận hèn mọn, nghèo khổ, bệnh tật, và côi cút, mừng thầm và cảm tạ Thiên Chúa vì chúng con chẳng thấy một mảy may nào ham muốn những của cải trần gian. Vì có phải chúng con đã có Chúa trong cuộc đời và là người Giầu Có Nhất vì đang được sống trong Thiên Đàng với tất cả các anh chị em nghèo khổ và luôn yêu thương của chúng con. Vì Có Chúa là chúng con Đã Có Tất Cả, là Bảo Hiểm Muôn Đời của chúng con, từ đời này cho đến mãi mãi đời sau.

Lậy Chúa! Có phải Sự Sống Lại của Chúa đem lại cho toàn thể nhân loại chúng con được nhận biết Ánh Sáng của Chúa là Niềm Tin và là Niềm Hy Vọng tuyệt đối cho cuộc đời mai sau của chúng con? Chết có phải là niềm vui mừng cho con cái Chúa được chuẩn bị để hưởng muôn vàn Hồng Ân và Phúc Lộc muôn đời mà Chúa Cha đã dành sẵn trên Nước Vĩnh Hằng. Chết cũng được người đời gọi là giấc ngủ ngàn thu. Rõ ràng là có nhiều anh chị em chúng con khi ra đi trông họ rất đỗi bình an. Một sự ra đi chắc hẳn đã có chuẩn bị. Một chuyến đi xa mà hành lý mang theo là tất cả những gì anh chị em đó khi còn sống đã biết cho đi tất cả những gì họ có thể để cùng chia sẻ với anh chị em bất hạnh và lao liệt. Nên khi được Chúa gọi về tâm hồn của họ thật thanh thản, hân hoan, và chờ đợi. Chờ đợi "Ánh Sáng Chúa" đưa họ đến một Vương Quốc mà chỉ có những ai khi còn sống biết tìm kiếm Ngài qua anh chị em. Nguyện Danh Chúa muôn đời được Sáng Danh và được Chúc Tụng, Tôn Vinh, Ngợi Khen Cha đến muôn muôn đời, Amen.

Nhân ngày Lễ Chúa Kitô Phục Sinh, thân tặng tất cả Anh Chị Em bài hát "Ánh Sáng Chúa" để Ánh Sáng của Chúa luôn là hạnh phúc trong cuộc đời của chúng ta. Amen.

Xin bấm vào số mã dưới đây
để cùng hát theo bài Ánh Sáng Chúa

Ánh sáng Chúa chiếu trên muôn tầng cao
Ánh sáng soi chiếu thế gian khỏi mịt mù
Để anh và tôi nhận biết Thiên Chúa là Đấng Quyền Năng
Đã tác tạo trời đất vũ hòan
Cùng muôn sinh linh và con người
Được nên giống Chúa Cha

Ánh sáng Chúa chiếu lan tràn mọi nơi
Ánh sáng mang đến thế nhân hy vọng đầy
Để tâm hồn anh và tôi nhận lãnh thần khí Ngài ban
Thêm vững bền tín thác trung thành
Cậy trông lên Cha là con đường
Về nơi chốn vĩnh hằng

ĐK:
Hỡi tòan dân con Cha
Nhận lấy ánh sáng tình yêu
Vì ánh sáng Chúa xóa tan hận thù nhân gian
Ban sức sống cho nhân lọai
Ban thần khí cho tâm hồn
Cả đời Hạnh Phúc Bình An

Ánh sáng Chúa đến biến đổi hồn ta
Ánh sáng nung cháy lửa yêu trong lòng người
Để anh và tôi tìm ra Chân Lý Hạnh Phúc đời sau
Luôn sống đời Bác Ái Công Bằng
Để Thanh Danh Cha được sáng ngời
Rạng Rỡ đến muôn đời

Ánh sáng Chúa đến điểm tô đời sống
Như mưa Ân Phúc đổ tuôn trong lòng người
Để ta Bình An Phụng Thờ Tôn Kính Một Chúa mà thôi
Thiên Chúa là hạnh phúc muôn đời
Tình Yêu bao la Ngài bang trợ
Ta mãi suốt một đời.
 
Chúa phục sinh, niềm hy vọng bất tận của con người
Lm Giuse Dương Hữu Tình
19:31 22/03/2008
Chúa phục sinh, niềm hy vọng bất tận của con người

Trong mấy ngày qua, cả Giáo hội gần như chìm vào trong mầu nhiệm khổ đau và nước mắt. Giáo hội giúp con cái mình sống lại những giờ phút cuối cùng của Thầy Chí Thánh, lắng nghe những lời vàng ngọc cuối cùng của Người trong bữa tiệc ly, ngắm lại nghĩa cử rửa chân vô cùng xúc động. Giáo hội mời gọi con cái thinh lặng bên Chúa để suy ngắm những lời Chúa nói: “Các con không thể thức với Thầy được một giờ sao?” Giáo hội đồng hành cùng con cái bước theo con đường thánh giá Chúa đã chịu và sống những giây phút cuối cùng của Người trên thập giá. Giáo hội quy tụ con cái mình bên cạnh Mẹ Maria dưới chân thập giá và bên cửa mộ.

Giáo hội đang giúp mỗi người chúng ta sống các mầu nhiệm: mầu nhiệm khổ đau, mầu nhiệm sự chết và mầu nhiệm sự dữ. Đứng trước các mầu nhiệm này, con người chỉ nhìn thấy tăm tối mịt mù. Kiếp sống của con người dường như trở thành phi lý. Đời người như là một cái gì phi lý. Phi lý không phải vì quá khổ đau, phi lý không phải vì sự chết, phi lý cũng không phải có quá nhiều sự dữ. Nhưng phi lý chính vì không còn gì để hy vọng, phi lý vì vô vọng. Kiếp người trở thành một kiếp vô vọng.

Chính trong màn đêm tưởng chừng tăm tối đến vô hạn ấy, bỗng “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”, một tia sáng bỗng lóe lên và càng lúc càng chói sáng. Sự Sống đã chỗi dậy, Sự Sống đã bừng lên và tỏa sáng. Đức Giêsu Kitô đã sống lại. “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng”. Khổ đau, sự chết và sự dữ tưởng có thể bá chủ thế giới và cướp đi hy vọng của con người, nhưng Ánh Sáng Thiên Chúa đã bừng lên xóa tan tăm tối và đem lại hy vọng cho con người. Chính lúc này đây, chúng ta mới thấy thấm thía Những Lời được chép ngay đầu Tin Mừng Gioan: “ Điều đã được tạo thành nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (1, 3- 5).

Giờ đây, con người mới biết thật rằng: mình được sinh ra ở đời không phải là một sự phi lý, kiếp người không phải là một kiếp vô vọng. Đời người là đời hy vọng, là đời của Sự Sống, là niềm vui và hạnh phúc. Ánh sáng phục sinh giúp ta hiểu được sứ mạng và ơn gọi làm người: “ Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” ( St. 1, 26).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá tại hí trường Colosseum
Peter Nguyễn Minh Trung
01:20 22/03/2008
ROME (AP) - Đức Thánh Cha Benedict XVI đã chủ tọa Chặng đàng Thánh giá tối hôm qua tại hí trường Colosseum nhưng ngài đã không vác thánh giá tất cả các chặng như truyền thống. Đàng Thánh Giá năm nay với những suy niệm và lời nguyện cầu cho những tín hữu Công Giáo bị bách hại khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là lục địa Á châu.

Đức Thánh Cha mặc một áo chùng trắng dài để giữ ấm ngài dưới tiết trời giá lạnh, mưa như trút đập rất mạnh xuống dưới mái vòm thẳng đứng trên ngọn đồi Palatine nhìn xuống hí trường Colosseum.

Tại cuối chặng đàng thánh giá, Hồng Y Camillo Ruini, Giám quản thành Romé đã tiếp lấy cây thập giá cao nhưng nhẹ từ tay Đức Thánh Cha nhưng Đức Thánh Cha đã nhanh chóng giữ chặt lại. Và rồi với giọng nói dõng dạc, ngài ban phép lành cho đám đông hàng chục ngàn tín hữu đang ướt sủng dưới cơn mưa lớn và gió bão mạnh: "Cảm ơn các con đã kiên nhẫn chịu đựng cơn mưa lớn. Cha chúc mừng Phục Sinh các con !".

Theo dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ vác thập giá trong những phút cuối cùng của chặng đàng kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Ngài vác thập giá sau chặng của một bạn trẻ nữ và một giáo sĩ Trung Quốc đi theo cầm biểu tượng Chúa Giêsu chịu khổ nạn.

Nhưng các viên chức Tòa Thánh nói rằng vì trời mưa bão nên bắt buộc phải có sự thay đổi. Đức Thánh Cha sẽ bước qua tuổi 81 vào tháng tới với chuyến tông du Hoa Kỳ, và hơn nữa ngài còn đến 2 ngày tới với những nghi lễ đòi hỏi sự ráng sức hướng tới Đại Lễ Phục Sinh, vì vậy người ta quyết định rằng Đức Thánh Cha cần phải được giữ cho khô ráo trong suốt chặng đàng thánh giá.

Trước và trong suốt chặng đàng thánh giá, không có biện pháp an ninh đáng chú ý nào được tăng cường. Hồi đầu tuần này, Osama bin Laden đã cáo buộc Đức Thánh Cha đóng vai trò chủ chốt trong cuộc thập tự chinh khắp thế giới chống lại người Hồi giáo. Vatican mô tả lời cáo buộc này là hoàn toàn hàm hồ, vô căn cứ.

Thứ sáu tuần thánh năm ngoái, ĐTC Benedict XVI đã vác thánh giá ở chặng đầu và chặng cuối của buổi đi đàng thánh giá.

Khi bắt đầu chặng đàng, người đại diện Đức Benedict XVI dâng lời cầu nguyện: "Lạy Chúa Cứu Thế, chúng con thấy sự hiệp nhất vào ngày hôm nay, tại thời điểm này và ở nơi đây, nhắc nhớ tất cả chúng con về những gì Ngài đã chịu đựng cách đây bao thế kỷ. Ngài ở giữa những tiếng gầm rú của lũ sư tử đói và tiếng kêu la của đám đông hò reo thích thú. Các tôi tớ Chúa đã chịu đánh đập, cắn xé cho tới chết vì dám trung thành với Danh Thánh Chúa. Hôm nay đây, chúng con được Vị Đại Diện Chúa trên trần gian hướng dẫn để đến đây tỏ bày với Chúa lòng biết ơn của Giáo hội vì ơn cứu độ do Chúa thực hiện qua cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu."

Đức Thánh Cha đã mô tả sự tử đạo anh dũng của rất nhiều tín hữu trong suốt những năm đầu kỷ nguyên Kitô Giáo dưới Đế chế La Mã.

Đức Thánh Cha xót than rằng "thậm chí ngày nay, những anh chị em chúng ta thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau trên thế giới vẫn còn bị ngược đãi thậm tệ", và ngài nói chặng đàng thánh giá diễn ra trong sự liên đới hiệp nhất với những tín hữu Công Giáo bị bách hại ấy.

Triều Giáo Hoàng của ngài đã dành rất nhiều điều cho những vấn đề của người Công Giáo tại Trung Quốc. Và đặc biệt là năm nay ngài đã cử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân người Hồng Kông soạn bài suy niệm các chặng đàng thánh giá cũng như có trách nhiệm đọc các suy niệm ấy từng chặng trong suốt buổi cử hành nghi thức này.

ĐHY Trần Nhật Quân đã nói rằng "Vatican chắc chắn không muốn đưa ra điều gì gọi là 'nguy hiểm đến mức căng thẳng' trong bài suy niệm hầu có thể làm chính quyền Bắc Kinh tổn thương. Đức Thánh Cha rất mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và chính quyền cộng sản Trung Quốc".

Một trong những suy niệm của toàn chặng đàng thánh giá, ĐHY Quân than vãn về sự bách hại người Công Giáo nhiều nơi trên thế giới, nhưng ngài đã không đề cập đích danh Trung Quốc.

Trong một lời nguyện, ĐHY Quân viết: "Lạy Thiên Chúa, xin hãy soi sáng lương tâm của chính quyền những nơi diễn ra bách hại để họ thấy được sự vô tội của những tín hữu (tin theo Chúa)", và một đoạn viết rằng "Xin Chúa hãy cho họ biết dũng cảm để bảo đảm có sự tự do tôn giáo đích thực".

Trung Quốc đã điều hành Giáo hội Công giáo Quốc doanh và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vatican năm 1951, một thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng Sản lên cầm quyền. Cộng sản Trung Quốc chỉ cho những nhà thờ nào thần phục chúng hoạt động, còn lại những ai tuân phục Giáo Hoàng bị đàn áp dã man. Chúng công nhận Đức Giáo Hoàng như là vị lãnh đạo tinh thần của toàn thế Giáo Hội Công Giáo, nhưng lại tự ý bổ nhiệm Giám Mục, thách thức và không thần phục Tòa Thánh.

Hàng triệu tín hữu Trung Quốc vẫn theo Giáo Hội Hầm Trú bất chấp những nguy cơ, hiểm họa mà họ phải đương đầu với chính quyền Cộng Sản. Rất nhiều giáo sĩ từ Giám mục, Linh mục đến các tu sĩ và giáo dân bị tù dưới nhà tù của Cộng Sản Trung Quốc.

Sáng thứ sáu tuần thánh, Đức Thánh Cha đã chủ sự một nghi lễ dài và long trọng Suy tôn Thánh giá bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đêm thứ 7 tuần thánh, tức hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh trong Đền thờ Thánh Phêrô. Sáng Chúa nhật hôm sau, ngài sẽ cử hành thánh lễ chính ngày với hàng trăm ngàn tín hữu trên Quãng trường Thánh Phêrô và sau đó là phép lành Tòa Thánh Urbi et Orbi (Cho dân thành Rome và cho toàn thế giới).

Những ai không có cơ hội có mặt tại Quãng trường Thánh Phêrô có thể canh theo giờ địa phương sao cho trùng khớp với giờ Rome (GMT +01) và xem trực tiếp những hình ảnh truyền đi từ 1 trong 5 webcam 24/7 đặt tại Tòa Thánh và các khu khuôn viên hoàng cung Giáo Hoàng ở website chính thức tiểu quốc Vatican sau: www.vaticanstate.va (xem mục WEBCAMS: Quãng trường - Đền thờ - Mái vòm - Dinh Tông Tòa - Hầm mộ Đức John Paul II).
 
Bài suy niệm buổi đi đàng Thánh Giá tại hí trường Colosseo (chặng 10 tới 14)
Peter Nguyễn Minh Trung
12:33 22/03/2008
BÀI SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ 2008 TẠI HÍ TRƯỜNG COLOSSEUM

(Tiếp theo chặng từ Chặng 10 cho đến hết.) Chặng thứ 01 đến Chặng thứ 09

Nội dung các bài suy niệm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân soạn cho buổi đi đàng thánh giá, do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự tại hí trường Colosseo ở Roma tối Thứ Sáu Tuần Thánh.

Lúc 9 giờ 15 phút tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 21-3-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Colosseo ở Roma, với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Các bài suy niệm đã do Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, dòng Don Bosco, Giám Mục Hồng Kông soạn. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung 9 Chặng đầu tiên.

Trong phần giới thiệu các bài suy niệm Đức Hồng Y Trần Nhật quân khẳng định rằng qua việc mời ngài viết các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh Giá này Đức Thánh Cha muốn bầy tỏ sự chú ý tới đại lục Á châu và lôi cuốn các tín hữu Trung Quốc vào trong việc thực hành long trọng lòng đạo đức Kitô này. Đức Thánh Cha cũng muốn Đức Hồng Y đem đến Colosseo tiếng nói của các anh chị em sống ở xa xôi ấy.


CHẶNG THỨ 10 - CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN THẬP GIÁ

Chúa Giêsu bị quân dữ lột áo quần, bị đóng đinh vào Thập Giá, làm nạn nhân cho những đau khổ không kể xiết, chịu bị chế nhạo bởi kẻ thù và cảm thấy bị chính Chúa Cha ruồng bỏ. Tội lỗi chúng ta đáng bị sa hỏa ngục. Nhưng Chúa Giêsu vẫn chịu bị treo trên Thập Giá, Ngài đã không tự cứu mình.

Nơi Người ứng nghiệm lời tiên tri về kẻ Bầy tôi chịu đau khổ: "Người chẳng còn dáng vẻ...chẳng còn oai phong...chúng ta tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa...Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu; lang thang mỗi người một ngả; nhưng Thiên Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông mà chẳng hề mở miệng" (Is 53:2, 4, 6-7).

Lạy Chúa Giêsu khổ giá, Người đã mặc khải cho chúng con dung mạo thật sự của Người không chỉ trên đồi Tabor; nhưng hơn thế nữa khi chịu đóng đinh vì chúng con nơi đỉnh Calve, tỏ bày cho chúng con khuôn mặt của tình yêu vô cùng vô tận.

Nhiều lần, chúng chẳng tôn kính, mặc cho Người áo choàng vương giả để chế nhạo ngay trên Thập Giá. Nhưng chúng con nào có e ngại loan báo về Người cho thế giới biết chỉ vì Người đã chịu đóng đinh vì chúng con, chịu treo trên Thập Giá ngày Thứ Sáu ấy từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.

Khi chúng con chiêm ngắm Người trên Thập Giá, chúng con xấu hổ tột cùng vì sự bội tín của chúng con và biết ơn vô hạn lòng nhân từ không bờ bến của Người. Lạy Chúa, Người đã phải trả giá biết bao nhiêu vì tình yêu dành cho chúng con !

Lạy Chúa, tin tưởng vào sức mạnh nhờ Cuộc Khổ Nạn của Người, chúng con hứa sẽ chẳng bao giờ làm Chúa khổ đau nữa vì chúng con. Lạy Chúa, chúng con khát khao một ngày sẽ được vinh dự đóng đinh trên Thập Giá, như Thánh Phêrô và Anrê đã chịu khi xưa. Chúng con được động viên bởi khung cảnh trời mới đất mới và niềm hoan lạc được chiêm ngắm gương mặt của những bầy tôi trung thành với Chúa trong đức tin, những vị thánh giữa chúng con.

CHẶNG THỨ 11 - CHÚA GIÊSU HỨA BAN NƯỚC TRỜI CHO KẺ TRỘM LÀNH

Anh ta là một kẻ làm điều tội lỗi. Anh ta đại diện cho tất cả mọi người phạm tội, có nghĩa là bao gồm cả chúng ta. Anh ta đã có diễm phúc khi được gần Chúa Giêsu khi Người chịu khổ nạn, trừ phi tất cả chúng ta đều có hồng phúc này như người trộm lành. Khi ấy chúng ta sẽ nói giống người trộm năm xưa: "Lạy Chúa, khi Người vào Nước Của Người, xin hãy nhớ đến chúng con." để chúng ta nhận được cùng một câu trả lời từ chính Chúa giống như Người đã dành cho kẻ trộm lành.

Và điều gì dành cho những người không có diễm phúc được ở gần Chúa Giêsu ? Chúa Giêsu luôn ở với họ, từng người trong họ và mọi người chúng ta.

"Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhớ đến chúng con": Chúng ta hãy nói những lời này với Người cho chính chúng ta, cho các bạn của chúng ta, cho kẻ thù chúng ta và cho những kẻ bách hại anh em bạn hữu chúng ta. Chiến thắng vinh quang đích thực của Thiên Chúa là cứu rỗi tất cả linh hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhớ đến con ngay cả khi Người biết con bội tín và bị xúi giục đến tuyệt vọng.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhớ đến con dù cho sau những nỗ lực, con lại một lần nữa chìm đắm trong bóng tối của tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhớ đến con khi mọi người đều xa lánh con và không ai tin tưởng con nữa, khi con tự thấy mình cô đơn, bị ruồng bỏ.

CHẶNG THỨ 12 - MẸ CHÚA GIÊSU VÀ MÔN ĐỆ YÊU QUÝ DƯỚI CHÂN THẬP TỰ

Chúa Giêsu đã chẳng nghĩ đến bản thân mình vào thời điểm chịu đau khổ tột cùng ấy: Người chỉ nghĩ đến Đức Mẹ và chúng ta. Chúa Giêsu trước hết giao phó hoàn toàn Mẹ Người cho môn đệ, như cũng giao phó Thánh Gioan trong tay Đức Mẹ.

Với môn đệ, Đức Maria sẽ mãi là Mẹ được chính Chúa chịu nạn giao phó cho ông. Còn với Đức Maria, môn đệ mãi là người con yêu dấu được chính Con trai của mình phó lại; Đức Mẹ đã luôn hiệp thông gần gũi với Chúa Giêsu cách đặc biệt vào giờ tử nạn. Qua các thánh tử đạo, Đức Maria - Mẹ của họ sẽ luôn đứng dưới chân Thập Giá ủng hộ họ.

Lạy Chúa Giêsu và Mẹ Maria, các Ngài đã chia sẻ sự thống khổ cho tới tận cùng: Chúa Giêsu trên Thập Giá, còn Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá. Lưỡi giáo đâm thâu cạnh sườn Chúa Cứu Thế là thanh gươm xé nát trái tim Mẹ Đồng Trinh.

Sự thật chính chúng con đã gây ra tội làm thành nỗi đau đớn như vậy.

Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận sự sám hối của tất cả chúng con, vì sự yếu đuối chúng con đã không chú ý đến nguy cơ bội phản, khước từ, ruồng bỏ chính Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận lòng thành kính của chúng con, những người theo gương Thánh Gioan, đang can đảm đứng dưới chân Thập Giá.

Lạy Chúa Giêsu và Mẹ Maria, con xin trao phó con tim và linh hồn này trong tay Người. Lạy Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin hãy giúp con trên đường về chung cuộc. Lạy Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin hãy giữ con bình an trong Người vào giờ sau hết.

CHẶNG THỨ 13 - CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ

Chúa Giêsu chết, bởi vì Ngài là con người thật. Người kết thúc hơi thở trong Chúa Cha. Lạy Chúa, hơi thở ấy quý giá biết bao nhiêu ! Hơi thở sự sống được thổi vào con người đầu tiên, và một lần nữa được thổi vào chúng ta, nói cách khác, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta được thông phần hơi thở sự sống với Người. Nào chúng ta còn sợ gì cái chết hay trở thành nô lệ của sự sợ hãi này ! Ý nghĩa và giá trị cuộc sống được quyết định bởi cách thức mà nó được cho đi. Thậm chí cả kẻ hoài nghi cũng không thể chấp nhận bám vào cuộc sống khi đã đánh mất mọi cảm giác về ý nghĩa của điều ấy. Nhưng với Chúa Giêsu, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng sống vì bạn hữu mình. Những ai liều giữ mạng sống mình thì sẽ mất. Những ai dám sẵn sàng hy sinh mạng sống mình thì sẽ được sống.

Các Thánh là những chứng nhân hùng hồn nhất cho tình yêu. Họ không hổ thẹn khi làm chứng tá cho Chúa trên trần gian. Chúa Giêsu tự hào về các thánh cho đến ngày phán xét chung tất cả loài người.

Lạy Chúa Giêsu, Người đã khoác lấy cuộc sống của con người để rồi Người lại hiến dâng chính cuộc sống ấy vì con người. Chấp nhận mặc lấy thân xác đầy tội lỗi của loài người, Ngài từ một vị Vua Bất Tử đã chịu chết. Chấp nhận chịu một cái chết đầy bi kịch và đau thương là hoa trái cuối cùng của tội lỗi, Người đã hoàn thành sứ mệnh cao trọng trong niềm tín thác tuyệt đối vào Chúa Cha. "In manus tuas, Domine, commendo spiritum meum."

CHẶNG THỨ 14 - THÁO XÁC CHÚA GIÊSU VÀ AN TÁNG TRONG MỒ

Chúa Giêsu đã không chọn việc sống sót bước xuống khỏi Thập Giá, nhưng Người đã chọn sống lại trong mồ. Cái chết thực sự, tĩnh lặng thật sự, Đấng Lời Hằng Sống đã yên nghỉ trong ba ngày.

Chúng ta hãy tưởng tượng sự sửng sốt với biết bao kinh nghiệm vào lúc tổ tiên đầu tiên của chúng ta chứng kiến cơ thể không còn sự sống của Abel, nạn nhân đầu tiên của sự chết.

Chúng ta hãy suy niệm nỗi thống khổ của Đức Maria khi bế xác Đức Chúa Giêsu, một thân thể đầy thương tích, hoàn toàn không giống một con người, giờ đây đã không còn quay lại sau mỗi cái nhìn đầy yêu thương của Mẹ. Giờ đây, Mẹ chỉ biết ủy thác Người vào những tấm mồ đá lạnh lẽo. Sau khi tắm xác Chúa cách vội vàng và an táng, điều duy nhất còn lại là chỉ biết chờ đợi. Làm sao có thể biết được sự chờ đợi ấy dường như vô tận đến nhường nào...Cho đến ngày thứ ba.

Lạy Chúa, ba ngày sao mà quá dài với chúng con. Những anh em nhiệt thành chúng con đã trở nên mệt mỏi, chúng con - những kẻ yếu đuối dần dần càng ngày càng chìm trong tuyệt vọng, trong khi kẻ nắm giữ quyền cao chức trọng vẫn kiêu căng. Lạy Chúa, xin hãy ban cho người bền chí sự kiên nhẫn, thức tỉnh những con người yếu đuối và hoán đổi con tim của tất cả chúng con.

Thưa Chúa, chúng con có đúng không khi vội vã mong chờ để chiêm ngắm một chiến thắng ngay lập tức của Giáo Hội ? Làm nên chiến thắng không phải chỉ là sự háo hức chờ xem nó ? Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự kiên nhẫn để cùng đồng hành với Giáo Hội Thầm Lặng và để chấp nhận rằng chúng con sẽ biến mất hay mục nát đi như hạt lúa miến gieo vào lòng đất.

Lạy Chúa, xin Chúa hãy giúp chúng con luôn luôn ý thức được Lời Ngài đã nói: "Đừng sợ ! Thầy đã chiến thắng thế gian. Thầy sẽ không bao giờ chết nữa. Thầy sẽ ở cùng anh em luôn mãi cho đến ngày tận thế."

Lạy Chúa, xin Ngài hãy tăng thêm lòng tin cho chúng con !

(Peter Nguyễn Minh Trung chuyển ngữ)
 
ĐTC: ''Thập giá khiến cho mọi người trở thành anh em với nhau''
Linh Tiến Khải
13:40 22/03/2008
ROMA: Trên thập giá Chúa Cứu Thế trao ban trở lại phẩm giá cho con người là nghĩa tử của Thiên Chúa được tạo dựng nên giống hình ảnh Người. Thập giá khiến cho mọi người là anh em với nhau.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên sau buổi đi đàng Thánh Giá chiều thứ Sáu Tuần Thánh tại hí trường Colosseo ở Roma. Ngỏ lời với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đi đàng Thánh Giá dưới trời mưa lớn, Đức Thánh Cha nói: Thập giá là suối nguồn sự sống bất tử, là trường học của công lý và hòa bình, là gia tài đại đồng của sự tha thứ và lòng xót thương; là dấu chứng thường hằng của tình yêu hy hiến vô biên đã khiến cho Thiên Chúa làm người dễ bị thương tích như chúng ta và bị chết đóng đanh.

Qua con đường thập giá đớn đau con người thuộc mọi thời đại đã được hòa giải và cứu chuộc bởi Máu Chúa Kitô và đã trở thành bạn hữu của Thiên Chúa, con của Thiên Chúa Cha trên trời. Chúa Giêsu đã gọi Giuđa là ”bạn” khi nói với ông lời kêu mời hoán cải cuối cùng. Chúa cũng gọi từng người trong chúng ta là ”bạn”, vì Ngài là bạn đích thật của tất cả mọi người. Nhưng rất tiếc con người không luôn luôn nhận thức được tình yêu thương sâu thẳm vô bờ, mà Thiên Chúa có đối với các thụ tạo của Ngài. Đối với Chúa không có khác biệt chủng tộc và văn hóa. Chúa Giêsu đã chết để giải phóng toàn thể nhân loại khỏi sự không hiểu biết Thiên Chúa, khỏi vòng thù hận và báo oán, khỏi sự nô lệ tội lỗi. Thập Giá khiến cho chúng ta là anh chị em với nhau. Nhưng chúng ta đã làm gì với ơn cao cả đó?... Cả trong thời đại chúng ta cũng có biết bao nhiêu người không biết Thiên Chúa và không thể tìm thấy Ngài nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh; có biết bao nhiêu người kiếm tìm một tình yêu thương và một sự tự do loại trừ Thiên Chúa; có biết bao nhiêu người tin rằng họ không cần đến Thiên Chúa. Sau khi cùng nhau sống cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chiều nay chúng ta hãy để cho hy hiến của Ngài trên thập giá mời gọi chúng ta; chúng ta hãy cho phép Ngài khiến cho các chắc chắn nhân loại của chúng ta bị khủng hoảng; chúng ta hãy mở rộng tâm lòng cho Ngài: Chúa Giêsu là Sự Thật khiến cho chúng ta được tự do yêu thương... Ôi lậy Chúa Kitô, Vua bị đóng đanh, xin cho chúng con được hiểu biết Chúa một cách đích thật.
 
24-3: ngày Italia tưởng niệm các vị thừa sai tử đạo lần thứ XVI
Linh Tiến Khải
16:41 22/03/2008
Hằng năm vào ngày 24 tháng 3 Giáo Hội Công Giáo Italia, đặc biệt là Phong trào người trẻ truyền giáo và các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo tưởng niệm các vị tử đạo. Ngày Italia tưởng niệm các thừa sai tử đạo lầm thứ XVI được cử hành trên toàn nước vào thứ hai Phục Sinh 24-3, với các buổi canh thức, cầu nguyện và ăn chay, có sự tham dự của nhiều người trẻ. 24 tháng 3 đã được chọn vì là ngày Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero bị ám sát đang khi ngài dâng thánh lễ tại nguyện đường một nhà thương trong thủ đô San Salvador hồi năm 1980.

Đề tài Ngày Italia tưởng niệm các thừa sai tử đạo năm nay là ” cho anh em và cho tất cả mọi người”. Đây là các lời lấy từ công thức truyền phép Thánh Thể, lập lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ ”Máu của Giao Ước sẽ đổ ra cho các con và cho tất cả mọi người được tha tội”.

Trong năm 2007 vừa qua đã có tất cả 123 thừa sai thuộc nhiều Giáo Hội Kitô tử đạo. Đứng đầu là Irak với 47 vị, tiếp đến là Ấn Độ 18 vị; Nigeria và Sudan mỗi nước 10 vị; Colombia và Phi Luật Tân mỗi nước 5 vị; Pakistan 4 vị; Mehicô, Nga, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi nước 3 vị; Afghanistan, Ai Cập, Etiopia và Tây Ban Nha mỗi nước 2 vị; các nước Brasil, Bắc Hàn, Eritrea, Anh quốc, Guatemala, Kenya, Cộng hòa dân chủ Congo, Nam Phi, vùng đất của người Palestine, Trinidad Tobago và Việt Nam mỗi nước 1 vị.

Năm nay ngày này đặc biệt ý nghĩa vì trùng vào ngày thứ hai Phục Sinh. Trong ánh sáng phục sinh rạng ngời chúng ta tưởng niệm tất cả các thừa sai đã hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Cái chết của các vị là cái chết của hạt lúa rơi vào lòng đất, bị chôn vùi mục nát đi, để trở thành cây lúa trổ bông. Cái chết của các vị nhắc nhớ tới cái chết hy hiến của Chúa Kitô để cứu chuộc nhân loại và trao ban cho con người sự sống mới. Cái chết ấy cần thiết cho ơn cứu độ của loài người.

Trong một thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy vật, tiêu thụ và hưởng thụ, của khuynh hướng sống tìm dễ dãi, sợ khó khăn và tránh hy sinh gian khổ, Thập Giá Chúa Kitô và thập giá của các thừa sai diễn tả giá trả cần thiết cho ơn cứu độ (Lc 2,26), để cho ánh sáng phục sinh được rạng ngời.

Trong một thế giới và trong cả Giáo Hội có nhiều cám dỗ giàn xếp, ổn thỏa, tương đối hóa, không đụng chạm, sự hy sinh của Chúa Kitô và của các vị tử đạo nhắc nhớ cho chúng ta biết sự Khôn Ngoan của Thập Giá trái nghịch với sự khôn ngoan của thế gian. Vì thế cho dù có đề cập tới đối thoại, hội nhập văn hóa, tình bạn, phục vụ vv... làm chứng tá, tử đạo cả trong hình thức đẫm máu luôn luôn là nét thường hằng chính yếu trong việc loan báo sứ điệp kitô.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp tục nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc loan báo và làm chứng tử đạo đối với Giáo Hội và thế giới ngày nay. Chúng ta có thể nhận ra đều này trong số 2 của thư gửi tín hữu công giáo Trung Quốc và trong số 37 của thông điệp ”Spe salvi”, trong đó ĐTC nhắc tới thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh Linh Mục tử đạo: khổ đau như con đường dẫn đến hy vọng.

Trong các bài suy niệm soạn cho buổi đi đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha chủ sự tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục Hồng Kông, đã nhiều lần nhắc đến các kitô hữu bị bách hại vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng Yêu Thương của Chúa. Đức Hồng Y xin mọi người nhớ đến các anh chị em ấy. Đó là các anh chị em kitô đang bị bách hại tại Trung Quốc, cũng như tại Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Đó là các anh chị em kitô bị bách hại tại các nước A rập, nơi có đa số tín hữu theo Hồi giáo. Đó là các kitô hữu thiểu số phải sống giữa xã hội có đa số dân theo Ấn giáo. Họ thường xuyên bị bách hại và gánh chịu nhiều khổ đau vì danh Chúa Giêsu Kitô.

Với trăm ngàn hình thức và kỹ thuật tân tiến ngày nay, bên cạnh các vụ đổ máu vì Chúa, còn có rất nhiều kitô hữu tử đạo không đổ máu: đó là các kitô hữu thường xuyên bị các chính quyền thuộc nhiều khuynh hướng ý thức hệ chính trị, xã hội và cả tôn giáo dùng chính các luật lệ để sách nhiễu, kỳ thị, gây khó đễ, đàn áp, bắt bớ, tống tiền và ức hiếp, cướp bóc đất đai tài sản, hạn chế mọi quyền tự do. Họ bị coi như các công đân hạng hai, tuy phải đóng thuế cho nhà nước như mọi người nhưng lại không được đối xử đồng đều như các công dân khác. Mồ hôi, nước mắt và máu của họ tiếp tục đổ mỗi ngày vì Chúa và vì Tin Mừng.

Lậy Chúa, hôm nay chúng con hiệp ý với Giáo Hội Công Giáo và phong trào giới trẻ truyền giáo Italia trong ngày tưởng niệm các vị tử đạo kitô lần thứ XVI, 24 tháng 3. Chúng con cũng nhớ tới tất cả mọi kitô hữu toàn thế giới còn đang phải khổ đau vì lòng tin, trong đó có các kitô hữu Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba. Xin cho các giọt mồ hôi, nước mắt và máu của họ đem lại nhiều hoa trái để cho Nước Công Lý, Hòa Bình và Yêu Thương của Chúa mau ngự trị trên trần gian này.
 
Trong Đêm Vọng Phục sinh, Đức Thánh Cha rửa tội cho một nhân vật Hồi Giáo
Nguyễn Việt Nam
17:17 22/03/2008
ĐTC công bố Tin Mừng Phục Sinh
ĐTC công bố Tin Mừng Phục Sinh
Ông Magdi Allam sau khi được rửa tội
Thế giới Hồi Giáo đã tỏ ra “xao xuyến” trước việc Đức Thánh Cha rửa tội cho một nhà báo Hồi Giáo trong lễ Vọng Phục Sinh. Đối với Hồi Giáo, một người đã là tín hữu Hồi Giáo thì phải là tín hữu Hồi Giáo suốt đời. Những người bỏ Hồi Giáo theo đạo khác được xem là “phản bội”. Việc Allam theo đạo Công Giáo đã được giữ hết sức bí mật và chỉ được công bố vào lúc 20 giờ ngày thứ Bẩy Tuần Thánh, 1 giờ trước khi Đức Thánh Cha tiến ra bàn thờ trong đền thờ Thánh Phêrô để công bố Tin Mừng Phục Sinh.

Vatican - Lúc 9 giờ tối Thứ Bẩy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã cử hành Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với 20 vị Hồng Y và hơn 10,000 tín hữu. Trong Phần Rửa Tội cho Tân Tòng, Đức Thánh Cha đã rửa tội cho 7 người lớn trong đó có một người Hồi Giáo rất có thế giá là ông Magdi Allam.

Ông Magdi Allam là phó chủ bút tờ Corriere della Sera (Tin Chiều) của Ý. Ông là người thường xuyên viết các bài về Hồi Giáo và Ả rập. Sinh tại Ai Cập, một nước nơi phong trào Hồi Giáo cực đoan phát triển rất mạnh với những chủ trương dùng vũ lực để đi chinh phục thế giới nhưng ông Magdi Allam là một người nổi tiếng chống lại chủ trương này.

Magdi Allam
Magdi Allam sinh ngày 22/4/1952. Thuở nhỏ, ông đã từng được theo học trường nội trú Công Giáo tại thủ đô Ai Cập, nơi ông có dịp tiếp xúc với văn hóa và văn minh Tây phương. Ông quyết định sang Rôma học và đã lấy được bằng cử nhân xã hội học tại đại học La Sapienza, Rôma. Sau một thời gian hoạt động cho các báo Ý, kể cả tờ La Repubblica, Allam đã gia nhập tờ Corriere della Sera.

Magdi Allam đã rất nổi tiếng với cuốn In Vincere la paura (“Chiến thắng nỗi sợ”), trong đó ông tự thuật về chính cuộc đời mình như một ký giả có cảnh sát bảo vệ thường xuyên sau khi quân Hamas ráo riết tìm giết ông vì ông không ngừng chỉ trích những người Palestine ôm bom tự sát.

Việc ông Magdi Allam được rửa tội tại Vatican trong lễ Phục sinh, gây xao xuyến không ít trong thế giới Hồi Giáo. Một phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết bất cứ ai quyết định thành tâm trở thành người Công Giáo tự nguyện thì đều có quyền đón nhận bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha đã giải thích về bí tích Rửa Tội như sau: "Phép Rửa không phải chỉ là một sự tẩy rửa hay một sự thanh tẩy, và cũng không phải đơn thuần là một sự đón nhận vào một cộng đoàn. Đó là một cuộc tái sinh, một khởi đầu mới của sự sống. Đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma mà chúng ta vừa nghe khẳng định những lời huyền nhiệm theo đó, trong phép Rửa chúng ta được hội nhập trong sự tương đồng với cái chết của Chúa Kitô. Trong phép Rửa chúng ta hiến thân cho Chúa Kitô. Người đón nhận chúng ta vào trong Người để chúng ta không sống cho chính mình nhưng sống nhờ Người, với Người, và trong Người; để chúng ta có thể sống kết hiệp với Người và sống cho tha nhân”.

Như thế: Trong phép Rửa chúng ta từ bỏ chính mình, đặt sự sống mình trong tay Chúa để có thể nói được như Thánh Phaolô: Không còn là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi...Sự mới mẻ của bí tích Rửa Tội là đời sống chúng ta nay thuộc về Chúa chứ không thuộc về chúng ta nữa. Nhưng chính nhờ đó chúng ta không cô độc cả trong cái chết vì chúng ta ở với Chúa là Đấng Hằng Sống”.
 
Diệp Tiểu Văn gay gắt chỉ trích Tòa Thánh
Đặng Tự Do
20:05 22/03/2008
Bắc Kinh - “Vatican có thái độ hai mặt với chúng tôi”: trong khi tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, trong thực tế “họ lại muốn trở lại việc kiểm soát và quản lý Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa”. Diệp Tiểu Văn (Ye Xiaowen 叶小文), vụ trưởng tôn giáo vụ cộng sản Trung quốc đã đưa ra cáo buộc trên đây với tờ Nan Fang, xuất bản tại Bắc Kinh hôm 13/3 vừa qua.

Văn nói: “Vatican thù ghét chủ nghĩa xã hội”, nhưng với họ việc mở ra những cánh cửa vào Trung Hoa “là một trong những sứ vụ quan trọng nhất trong ‘chiến lược ngàn năm mới’ của Giáo Hội Công Giáo”, một cách thức để có thể một lần nữa trở thành “Trung Tâm của thế giới”. Ngay vào thời kiểm này “Cuba bị khống chế bởi họ [Vatican]. Việt Nam bị khống chế bởi họ. Giữa các nước xã hội chủ nghĩa, chỉ có Trung quốc là mặc kệ họ”.

Những trích đọan trên đây chỉ là một phần trong những cáo buộc rất “giật gân” và nặng nề do Diệp Tiểu Văn đưa ra trong bài phỏng vấn rất dài. Tính chất nghiêm trọng của những cáo buộc do Diệp Tiểu Văn còn đáng suy nghĩ hơn khi ngay vào thời điểm đó, một phái đoàn của Trung quốc đang ở thăm Tòa Thánh để nghiên cứu khả năng tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican, đã bị gián đoạn sau năm 1951 khi cộng sản trục xuất sứ thần Tòa Thánh.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao trên đời này lại có chuyện vừa cử một đoàn đại biểu đi nói chuyện thiết lập ngoại giao, vừa để cho một viên chức phụ trách tôn giáo tuyên bố những câu gây hấn, phũ phàng để lộ một thái độ đóng kín như thế?

Nhiều quan sát viên cho rằng chỉ có hai lối giải thích: Cách giải thích thứ nhất là tại Trung quốc ngày nay có nhiều phe nhóm quyền lực. Có những nhóm cởi mở, tự do hơn; bên cạnh đó có những nhóm gắn bó quá sâu, quá đậm với chủ nghĩa Mao và Stalin. Cách giải thích thứ hai là Trung quốc đang chơi một thứ ngoại giao bẩn thỉu chỉ muốn mượn Vatican để đánh bóng cho thứ “hòa bình chủ nghĩa” giả hiệu của họ hầu quảng cáo cho Thế Vận Hội 2008 đang gặp nhiều chỉ trích hơn bao giờ. Một nhân vật hiểu biết tại Hoa Lục nói với AsiaNews: “Đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Sau Thế Vận mọi chuyện sẽ trở lại như cũ”.

Trong bài phỏng vấn dài này, Văn nói: “Cuộc xung đột giữa Trung quốc và Vatican” đã kéo dài hơn nửa thế kỷ. Trong nhãn quan của y, lá thư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gởi người Công Giáo Trung quốc chỉ được đánh giá cao trong hàng những Giám Mục thầm lặng, ngoài ra đó chỉ là “một bước lùi” vì nó buộc “người Công Giáo Trung Hoa phải hoàn toàn hiệp nhất với giáo hoàng, buộc họ phải chọn giữa đảng và Giáo Hội”. Trích dẫn một chuyên gia về Công Giáo [có lẽ y muốn đề cập đến Lưu Bách Niên], Văn quả quyết là “việc công bố lá thư mục vụ này cho thấy giáo hoàng tiếp tục theo đuổi con đừng chống lại Bắc Kinh”.

“Nguy hiểm” của lá thư do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nằm ở sự kiện là nó “công khai phủ nhận [giá trị của] hội Công Giáo Yêu Nước; nó chống lại Hội Đồng Giám Mục [là ủy ban các Giám Mục quốc doanh do Phó Thiết Sơn và Lưu Bách Niên sáng chế ra]; nó phủ nhận nguyên tắc độc lập, tự quản, và tự điều hành [của Giáo Hội tại Hoa Lục]”, và trên hết là việc bổ nhiệm Giám Mục.

Diệp Tiểu Văn trao bằng khen cho Phật Giáo Yêu Nước
Trong lá thư được công bố vào tháng Năm năm ngoái, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã yêu cầu nhà cầm quyền Trung Hoa phải tôn trọng tự do tôn giáo, đặc biệt trong việc bổ nhiệm các Đức Giám Mục, vì điều đó “động đến trung tâm của đời sống Giáo Hội” khi giải thích rằng trách nhiệm bổ nhiệm Giám Mục thuần tuý là vấn đề tôn giáo, không phải là vấn đề “thẩm quyền chính trị, hay là tùy tiện xen mình vào công việc nội bộ của một Quốc Gia, vi phạm chủ quyền của nó”.

Với Diệp Tiểu Văn “tiếp tục giữ các nguyên tắc độc lập, tự quản, và tự điều hành là ích lợi tối cao của nước Trung Hoa”.

Bài phỏng vấn cũng đề cập đến những đề tài “chính trị” bao gồm vấn đề Đài Loan. Diệp Tiểu Văn nói “Vatican công nhận quyền hành bất hợp pháp của Đài Loan và không công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa như một chính quyền hợp pháp”. Từ điểm đó, Văn đi đến kết luận rằng những ai “có quan hệ bí mật với Vatican.. là thiếu tình cảm yêu nước mà một công dân Trung Hoa phải có”.

Một vấn đề nóng khác cũng được Diệp Tiểu Văn đề cập đến là vấn đề Phong Thánh cho các vị tử đạo Trung Hoa năm 2000 “bất chấp những phản đối của chúng ta, Vatican đã ‘phong thánh’ ngay trong ngày quốc lễ của chúng ta, công bố một số thừa sai được coi là ‘thánh’ trong khi một số trong những kẻ này là những người phóng túng không biết xấu hổ, và một số đã phạm những tội ác tày trời”

Nhiều sử gia Trung quốc đã nghiên cứu về những hoạt động truyền giáo trong thế kỷ 20, đưa ra những giá trị liên quan đến sự hiện diện của các nhà truyền giáo và chống lại những cáo buộc trong thời Mao mà Diệp Tiểu Văn vừa nhắc lại. Tuy nhiên, chính quyền Trung quốc không dám cho công bố công khai nghiên cứu của những sử gia này.

Diệp Tiểu Văn là một tay “tư bản đỏ” rất có thế lực trong chính quyền Trung quốc. Cùng với Phó Thiết Sơn và Lưu Bách Niên, y đã chiếm nhiều tài sản của Giáo Hội, bán đi hay cho thuê mướn.

Một trong những vụ nổi cộm nhất là tòa nhà tọa lạc tại số 81 đường Chao Wai Da Jie, trong một khu vực lịch sử và thương mại của thủ đô Bắc Kinh nơi một mét vuông đất trị giá không dưới 1400 euros. Tòa nhà gồm hai biệt thự theo kiến trúc kiểu Tây phương đã được xây vào đầu thế kỷ 20. Tòa nhà này trước đây thuộc về một mệnh phụ Công Giáo người Pháp. Bà đã trao tặng lại cho tổng giáo phận Bắc Kinh khi rời khỏi đất nước này.

Thật vậy, khi “tấn thảm kịch của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục” Phó Thiết Sơn sắp phải ra trình diện trước tòa Phán Xét của Chúa thì cũng là lúc thông tấn xã Công Giáo AsiaNews tới tấp nhận được những lời kêu cứu “Hãy giúp chúng tôi giữ lấy một tòa nhà của Giáo Hội” và chặn đứng “việc cướp bóc dã man tài sản Giáo Hội đang diễn ra trong khi Quốc Hội thảo luận về dự luật bảo vệ quyền sở hữu tư nhân”.

Cùng chung số phận với các tài sản của Giáo Hội, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, tòa nhà này đã được cộng sản chiếm dụng. Tuy nhiên, sau đó tòa nhà đã được Đặng Tiểu Bình ký giấy trao trả lại cho Giáo Hội Công Giáo.

Vẻ đẹp của tòa nhà và vị trí của nó đã gợi lòng tham của các cán bộ đảng. Năm 1997, một nhóm cán bộ chia nhau chiếm cứ tòa nhà này. Các linh mục và chủng sinh của tổng giáo phận đã biểu tình ngồi trước tòa nhà này, vừa hát vừa đọc kinh Mân Côi để kêu gọi sự chú ý của dư luận quốc tế. Cuối cùng bọn cán bộ đảng phải cuốn gói đi ra trả lại tòa nhà cho Giáo Hội.

Lịch sử 10 năm trước được lặp lại khi một người đàn bà độc thân “rất gần gũi” với Phó Thiết Sơn, bà Trần Mậu Cúc (Chen Maoju), được sự đồng ý của Phó Thiết Sơn phát mãi tòa nhà này và một số tài sản khác của Giáo Hội để chuyển vào một công ty mà các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân ở Bắc Kinh gọi chua chát là “Công ty của bà Phó” - “Ms Fu’s Company”.

Tháng 11/2005, “bà Phó” bán một cơ sở trường học tại Xian. 16 nữ tu phản ứng lại bị đánh bầm mặt. Tháng 12/2005, 50 linh mục của giáo phận Yuci và Taiyuan bị đánh bằng gậy gộc khi chống lại lệnh bán một căn nhà dùng làm cơ sở truyền giáo cho các khu dân nghèo ở ngoại ô.

Căn cứ theo Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh ở Hương Cảng, nhóm Công Giáo Yêu Nước và Vụ Tôn Giáo của Diệp Tiểu Văn đã bỏ túi riêng 130 tỷ nhân dân dân tệ (13 tỷ Euros) từ những vụ buôn bán táo bạo từ năm 2005 đến nay.
 
Phản ứng của Hồi Giáo về việc Đức Thánh Cha rửa tội cho nhà báo Magdi Allam
Thúy Dung
20:57 22/03/2008
Vatican - Như VietCatholic đã đưa tin, lúc 9 giờ tối Thứ Bẩy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã cử hành Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với 20 vị Hồng Y và hơn 10,000 tín hữu. Trong Phần Rửa Tội cho Tân Tòng, Đức Thánh Cha đã rửa tội cho 7 người lớn trong đó có một người Hồi Giáo rất có thế giá là ông Magdi Allam.

ĐTC đang rửa tội cho Allam
Việc Allam theo đạo Công Giáo đã được giữ hết sức bí mật và chỉ được công bố vào lúc 20 giờ ngày thứ Bẩy Tuần Thánh, 1 giờ trước khi Đức Thánh Cha tiến ra bàn thờ trong đền thờ Thánh Phêrô để công bố Tin Mừng Phục Sinh. Cha Federico Lombardi, trưởng phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích rằng bất cứ ai quyết định thành tâm trở thành người Công Giáo tự nguyện thì đều có quyền đón nhận bí tích Rửa Tội.

Yaha Sergio Yahe Pallavicini, phó chủ tịch Liên Đoàn Hồi Giáo Italia nói với thông tấn xã Reuters: “Điều làm tôi kinh ngạc là tại sao một nhân vật cao nhất của Tòa Thánh Vatican lại đứng ra cử hành việc cải đạo này”. Theo ông, "Allam lẽ ra nên kín đáo chọn một linh mục tại Viterbo, nơi ông ta sống để được rửa tội". Việc "bội giáo công khai" này sẽ gây tức giận trong thế giới Hồi Giáo.

Trong nghi thức rửa tội cho nhà báo Magdi Allam, đứng bên cạnh ông là nhà báo Công Giáo nổi tiếng George Weigel, người đã viết tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Ông Allam, người đã rất nổi tiếng với cuốn In Vincere la paura (“Chiến thắng nỗi sợ”), trong đó ông tự thuật về chính cuộc đời mình như một ký giả có cảnh sát bảo vệ thường xuyên sau khi quân Hamas ráo riết tìm giết ông vì ông không ngừng chỉ trích những người Palestine ôm bom tự sát; đã là một trong những người Hồi Giáo công khai lên tiếng bênh vực Đức Thánh Cha trong vụ diễn từ của ngài tại Đại Học Regensburg, năm 2006.

Dù ông Allam đã sống tại Italia 35 năm và nhiều lần tuyên bố ông không phải là một tín hữu Hồi Giáo thuần thành, việc công khai theo đạo Công Giáo của ông gây một cú sốc lớn cho thế giới Hồi Giáo. Nhiều người Hồi Giáo tại Ai Cập đã rất chú ý đến Allam vì những tác phẩm đặc sắc giới thiệu văn hóa Tây phương và văn hóa Hồi Giáo của ông. Một số người Hồi Giáo xem Allam là “một nhịp cầu hiểu biết” giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo. Allam đã từng được giải Dan David Prize vì những cố gắng làm tăng sự hiểu biết giữa Hồi Giáo và Tây phương.

Những tác phẩm của Allam được công bố gần đây gồm có:

Diario dall'Islam (Nhật Ký Hồi Giáo), Bin Laden in Italia. Viaggio nell'Islam Radicale (Bin Laden ở Ý. Hành trình qua Hồi Giáo quá khích), Jihad in Italia. Viaggio nell'Islam Radicale (Thánh Chiến Hồi Giáo ở Ý. Hành trình qua Hồi Giáo quá khích), Saddam. Storia Segreta di un Dittatore (Saddam. Bí Sử của nhà độc tài) Kamikaze made in Europe (Biệt đội Thần Phong - Kamikaze - sản xuất tại Âu Châu). Nổi bật nhất là cuốn Vincere la paura (Chiến Thắng nỗi sợ) xuất bản năm 2005.
 
Phục Sinh Của Tử Đạo
Vũ Văn An
23:03 22/03/2008
Phục Sinh Của Tử Đạo



Năm nay, ngày tưởng niệm các vị tử đạo truyền giáo trùng vào Thứ Hai Phục Sinh. Trong vẻ huy hoàng của mầu nhiệm vượt qua, ta nhớ đến tính nhất thiết của hy sinh, sự hy sinh của Chúa Kitô và sự hy sinh của những người bước chân theo Người, một dấu chỉ cho thấy sự thật và tình yêu chưa từ bỏ thế giới.

Rô-ma (AsiaNews) – Hàng năm, Giáo Hội Ý, nhất là Phong Trào Giới Trẻ Truyền Giáo, và Công Cuộc Truyền Giáo Giáo Hoàng, đã dành một ngày để tưởng niệm và cầu nguyện nhân danh các tử đạo truyền giáo. Biến cố này được cử hành khắp nơi với các buổi canh thức cầu nguyện và ăn chay, chầu Thánh Thể, và tiếp nhận dâng cúng cho các hoàn cảnh trong đó Giáo Hội đang bị bách hại.

Ngày được chỉ định để cử hành hàng năm là ngày 24 tháng Ba, ngày kỷ niệm vụ hạ sát Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục San Salvador, chết năm 1980 đang khi cử hành Thánh Lễ. Năm nay, ngày ấy trùng vào việc cử hành Lễ Phục Sinh: thực vậy, 24 tháng Ba đúng là Thứ Hai Phục Sinh.

Việc trùng hợp này khá có ý nghĩa. Vì trước hết, trong cái độ huy hoàng rực rỡ toàn bộ của Phục Sinh, nó nhắc ta nhớ đến tính nhất thiết của hy sinh, trước nhất của Chúa Kitô và thứ đến của những ai bước chân theo Người. Trong một thế giới mà mộng mơ là điều gì cũng phải dễ dàng, không khó khăn, thì Thập Giá Chúa Kitô và của các tử đạo hẳn phải là cái giá “cần thiết” (Luca 24:26) để ánh sáng Phục Sinh có thể chiếu tỏa ra. Và mặt khác, trong một thế giới, và cả trong một Giáo Hội, trong đó người ta bị cám dỗ mạnh cứ phải “phù hợp theo”, cứ phải tương đối hóa, không được làm tình hình rối ren, cứ phải chán ngấy điều tốt đẹp, thì sự hy sinh của các tử đạo hẳn phải nhắc ta nhớ rằng sự Khôn Ngoan của Thập Giá cuối cùng thế nào cũng đụng độ với sự khôn ngoan của thế gian. Vì lý do đó, ơn tử đạo vẫn là một trong các đặc điểm yếu tính trong việc công bố Kitô giáo, song song với đối thoại, hội nhập văn hóa, tình thân hữu, và việc phục vụ.

Đức Bênêđictô XVI tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công bố và tử đạo đối với Giáo Hội và thế giới ngày nay. Ở đây, chỉ cần nhắc lại lòng biết ơn Ngài từng bày tỏ với các vị tử đạo của Giáo Hội tại Trung Hoa, trong thư gửi tín hữu Nước này (số 2) hay trong Thông Điệp Spe Salvi (số 37), khi Ngài trích dẫn Thánh Tử Đạo Việt Nam, Phaolô Lê Bảo Tịnh, để nhắc đến đau khổ như nẻo đường dẫn đến hy vọng.

Đó là một giá trị khác của việc trùng hợp Ngày Tử Đạo và Lễ Phục Sinh. Vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Phục Sinh, quả không nên ăn chay và sầu buồn. Năm nay, giới trẻ càng có lý do để nhấn mạnh đến niềm vui, một niềm vui vốn hiện diện trong ơn phúc tử đạo. Vì quà tặng cuộc sống ta, một cuộc sống được sống như một tình yêu biết ơn đối với Chúa Giêsu Kitô, quả là một hứa hẹn đem lại hoa quả tốt tươi cho thế giới. Sự hy sinh của tử đạo đem lại một dấu chỉ cho thấy sự thật và tình yêu, và cả Chúa Kitô nữa, chưa từ bỏ trần gian này, nhưng vẫn sống, vẫn tỏa chiếu ngay trong hố thẳm sự ác.

Vì tất cả các lý do trên, chúng tôi xin kính tặng các độc giả danh sách tất cả các tử đạo bị sát hại trong năm 2007. Đây là một danh sách đại kết, không phải chỉ gồm các tử đạo Công Giáo, mà cả các vị thuộc các tuyên xưng Kitô giáo khác. Ta nên nhớ rằng đại kết và cuộc chiến đấu tiến tới hiệp nhất giữa các Giáo Hội đã được hạ sinh và nuôi dưỡng chính là vì sự kiện tất cả cùng chịu chung một số phận, như lịch sử từng chứng minh và hiện vẫn còn rõ ràng trong nhiều quốc gia (Nga, Trung Hoa, Việt Nam, Kenya, Saudi Arabia, Ai Cập, Iran…). Đây cũng là danh sách không phải chỉ dành cho Á Châu, mà bao gồm toàn thế giới. Nhưng Á Châu chiếm vị trí trổi vượt: các xứ có con số sát hại lớn nhất người Kitô hữu trong năm 2007 là Iraq với 47 người bị sát hại, và Ấn Độ với 18 người. Với sự kiện ấy, ấn tượng cho rằng Á Châu là “lục địa tử đạo” quả đã được củng cố nhiều lắm. Và cũng chính vì lẽ đó, Á Châu phải được tập chú như là mảnh đất phúc âm hóa của thiên niên kỷ thứ ba.

Tưởng niệm các tử đạo có nghĩa là nhớ rằng niềm hy vọng phục sinh đã gần kề. Tại Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Ngoại Quốc, người ta vốn có một truyền thống: khi có tin ai trong Viện bị chết vì đạo, toàn thể cộng đoàn tụ họp tại Nhà Thờ để hát kinh Ngợi Khen (Magnigicat): Chúa đã làm những điều trọng đại bằng cách kết hiệp vào Thập Giá và Phục Sinh của Người quà phúc của một trong chính cuộc đời chúng con.

Danh sách này tuy dài nhưng không đầy đủ: nó chỉ bao gồm tên những người được người khác biết đến nhờ cái chết của họ được ít nhất hai nguồn xác nhận. Người ta có thể dùng nó như một ‘kinh cầu’ dài, xin các tử đạo này cầu bầu cùng Chúa của lịch sử ban nhiều xót thương cho thế giới, và trên hết, cho những người bách hại.

Cho Các Con Và Mọi Người…

Năm nay, chủ đề được Phong Trào Giới Trẻ Truyền Giáo và Công Cuộc Truyền Giáo Giáo Hoàng chọn để kỷ niệm lần thứ 16 Ngày Tưởng Niệm Tử Đạo Truyền Giáo là “…cho các con và mọi người”. Đây là những lời linh mục đọc lúc truyền Máu Thánh theo đúng lời Chúa Giêsu phán khi xưa ở Bữa Tiệc Ly.

Chúng tôi cho đăng danh sách đại kết các tử đạo dưới đây vì các vị tử đạo vừa Công Giáo vừa không Công Giáo này quả đã làm mới lại quà phúc của Chúa Giêsu ban tặng thế giới ngày nào qua câu nói bất hủ vừa trích.

Afghanistan

Bae Hyung-kyu, 42 tuổi, một người Thệ Phản Nam Hàn, bị Taliban sát hại tại quận Qarabagh, tỉnh Ghazni, sau khi bị bắt cóc cùng với 24 thành viên của Cộng Đoàn Giáo Hội Saemmul, mà ông là lãnh đạo. Ông bị giết vào đúng ngày sinh nhật.

Shim Sung-min, 29 tuổi, một thành viên của nhóm Kitô Hữu Nam Hàn bị bắt cóc hồi tháng Bẩy, được tìm thấy xác vào ngày 31 tháng Bẩy tại tỉnh Ghazni, do quân bắt cóc Taliban giết.

Brazil

Cha Wolfgang Hermann, 46 tuổi, một linh mục Công Giáo thuộc tổ chức Fidei Donum (Tặng Phẩm Đức Tin), bị giết ngày 10 tháng Tư tại Belém, phía bắc nước này, do một thanh niên đột nhập nhà để cướp bóc ngài.

Colombia

Cha Mario Bianco, một nhà truyền giáo Công Giáo thuộc tu hội Consolata, 90 tuổi, chết ngày 15 tháng Hai tại Manizales do vết thương ngài chịu bởi tay quân cướp đột nhập vào nhà ngài.

Cha José Luis Camacho Cepeda, 54 tuổi, một linh mục Công Giáo Peru, bị đâm trọng thương tai nhà ngài ở Bogotà vào ngày 11 tháng Ba.

Humberto Mendez, 63 tuổi và Joel Cruz Garcia, 27 tuổi, hai mục sư giáo phái Pentecostal, bị bắt cóc và bị giết ngày 6 tháng Bẩy dưới tay Lữ Đoàn 17 thuộc phong trào du kích FARC ở làng El Dorado, quận phía nam của Huila.

José Climaco Chocué Camayo, tuổi 44, một thiện nguyện viên với tổ chức Công Giáo không phải của chính phủ, tên là “Italia Solidale”, bị các tay sát nhân chuyên nghiệp giết ngày 25 tháng Chín tại thung lũng Cauca, sau khi nhận được nhiều thư đe doạ từ tổ chức “Chim Ưng Đen”, một tổ chức bán quân sự, vì ông đã bênh vực người thổ dân của Cauca.

Bắc Hàn

Một nhà truyền giáo tin lành chịu án tử hình đầu tháng Giêng vì đã tàng trữ và phân phối các bản Tân Ước.

Ai Cập

Sadak Jamak và Karam Andraus, hai Kitô hữu Coptic, bị giết đầu tháng Mười tại làng El Kosheh, cách nam Cairo 390 cây số. Các nhà cầm quyền xếp việc này vào loại “biến cố bạo lực”.

Eritrea

Magos Solomon Seemere, 30 tuổi, một Kitô hữu thuộc Giáo Hội Rema không được chính phủ nhìn nhận, sau 4 năm rưỡi ngồi tù, chết trong trại quân Adi-Nefase do hậu quả bị tra tấn nhân vụ bị bắt lần đầu năm 2001, vì các hoạt động truyền đạo.

Ethiopia

Ajja Delge, một tín hữu tin lành, bị giết ngày 5 tháng Giêng do những người vô danh tại thành phố Kofele, một khu vực đa số theo Hồi Giáo.

Teddese Tefera Akufo, một tín hữu tin lành quê ở Jimma, thuộc vùng Oromiya, bị ném đá cho đến chết ngày 26 tháng Ba do các người quá khích Hồi Giáo Wahhabi. Họ đã bắt cóc khi ông đang truyền đạo và cưỡng bức đưa ông tới một đền thờ Hồi Giáo. Ở đấy, họ đã giết ông để “cảnh cáo” các Kitô hữu khác.

Phi Luật Tân

Cha Franciskus Madhu, 30 tuổi, một nhà truyền giáo người Nam Dương thuộc Tu Hội Lời Chúa, bị ám sát ngày 1 tháng Tư tại làng Mabungtot, giáo phận Tabuk, thuộc đảo Luzon phía bắc. Ngài ở Phi Luật Tân từ năm 2005.

Julia Campbell, 44 tuổi, một người Công Giáo Mỹ và là thiện nguyện viên cho tổ chức Peace Corps của Liên Hiệp Quốc, xác được tìm thấy ngày 18 tháng Tư tại làng Batad, thuộc tỉnh Lagazpi City, nơi bà dạy Anh Văn tại một trường nội trú được mấy tháng. Là một nhà báo tự do, bà từng viết cho các tờ New York Times và People. Kẻ tình nghi sát nhân là Juan Donald Duntugan, đã thú tội và hiện đang bị xử.

Justin Daniel Bataclan, một chủng sinh Công Giáo 20 tuổi thuộc Hội Thánh Phaolô, bị bắn chết ngày 7 tháng Sáu do một tên cướp đột nhập vào nhà ông ở Cubao, Quezon City, một khu vực ngoại ô Manila.

Cha Florante Rigonan, 48 tuổi, cha xứ giáo xứ Công Giáo Thánh Isidore thuộc Pinili, tỉnh Llocos Norte phía bắc, là nạn nhân một vụ phục kích vào ngày 27 tháng Tám, sau khi cử hành Thánh Lễ ban chiều.

Martin Ambong, 48 tuổi mục sư nhà thờ Giáo Hội Chúa Giêsu Là Chúa, chết sau khi bị đâm 16 lần vào ngày 26 tháng Mười, tại khu vực Barangay Perez thuộc Kidapawan City, thuộc tỉnh North Cobato ở phía nam. Hung thủ là thành viên cộng đoàn của mục sư.

Anh Quốc

Cha Paul Bennett, 59 tuổi, một linh mục Anh Giáo, có gia đình và là cha 2 đứa con, bị giết ngày 14 tháng Ba tại Trecynon, gần Aberdare xứ Wales. Hung thủ là Geraint Evans 24 tuổi, một người thờ Xa-tan, đã thú nhận tội ác.

Guatemala

Enrique Alberto Olano Merino, một sư huynh Công Giáo dòng Marist, bị sát hại ngày 9 tháng Sáu tại Guatemala City, dưới tay những tên phạm thường tội.

Ấn Độ

Bansi Lal, 18 tuổi, một Kitô hữu thuộc giáo hội Pentecostal, bị liệng từ một toa xe lửa đang chạy ngày 9 tháng Giêng, trong khi cô từ nơi cầu nguyện trở về nhà tại tiểu bang Madhya Pradesh. Người ta tin chắc hung thủ thuộc nhóm Ấn Giáo Quá Khích gọi là Bajarang Dal.

S. Stanley, 58 tuổi, cựu nhân viên hành chánh công quyền và là chủ nhân một căn nhà được dùng làm nhà thờ địa phương, bị đâm chết ngày 10 tháng Hai tại Kalliyoor, gần Thiruvanandapuram, thủ đô bang Kerala phía nam. Tên sát nhân được một nhóm thanh niên say sưa thuê. Nhóm này từng la hét những khẩu hiệu chống Kitô giáo bên ngoài căn nhà nạn nhân.

Goda Israel, 29 tuổi, một mục sư Thệ Phản, tốt nghiệp Viện Thánh Kinh Emmanuel ở Rajasthan và là giám sự của 15 nhà thờ địa phương thuộc Sứ Bộ Truyền Giáo Quốc Tế Emmanuel. Xác ông được tìm thấy ngày 20 tháng Hai ở quận Krishna, thuộc bang Andra Pradesh. Ông từng bị các người cực đoan Ấn Giáo đe dọa vì các hoạt động truyền giáo của mình.

Manzoor Ahmad Chat, 29 tuổi, một Kitô hữu tin lành chưa được rửa tội nhưng đã được kết nạp vào Giáo Hội Thừa Tác Vụ Tiếng Nói tại Salem thuộc Kashmir, bị các người Hồi Giáo Cực Đoan loại trừ. Họ bắt cóc và chém đầu ông, và ngày 14 tháng Tư để chiếc đầu bị chặt trước một đền thờ Hồi Giáo. Người ta hoài nghi nhóm tranh đấu Hizbul, tức nhóm “chiến sĩ tự do”, một tổ chức Hồi Giáo quá khích hoạt động giữa Pakistan và Ấn Độ.

Hemanta Das, 29 tuổi, một người Ấn Giáo trở lại theo Giáo Phái Baptist, bị đánh cho đến chết vào ngày 28 tháng Sáu tại Chand Mari, gần Guwahati, thuộc bang Assam phía bắc. Theo Ngul Khan Pau, thư ký Hội Đồng Các Giáo Hội Baptist tại đông bắc Ấn Độ, Das là “vị tử đạo đầu hết của Assam”.

Ajay Topno, 38 tuổi, một người tin lành và là nhân viên của đài phát thanh Trans World Radio, bị giết ngày 19 tháng Chín gần làng Sahoda, thuộc quận Ranchi, bang Jharkhand. Các người cực đoan Ấn Giáo thuộc khu vực này, trước đó, từng đe doạ sẽ tấn công các Kitô hữu “có tội” dụ dỗ người theo Ấn Giáo. Báo chí địa phương gán vụ sát hại này cho nhóm Hổ Giải Phóng Của Jharkhand, một nhóm chủ trương ly khai, nhưng họ bác khước.

MC Elias, 47 tuổi, một Kitô hữu làm cảnh sát viên thuộc Giáo Hội Thừa Tác Vụ Tiếng Nói Salem, bị giết ngày 26 tháng Mười trong khuôn viên đại học Changanassery thuộc quận Kottayam, bang Kerala. Ông từng có công giảng hòa hai nhóm sinh viên bất đồng. Theo ông bộ trưởng nội vụ của Kerala, thì nhóm “chiến sĩ BJP”, một đảng cực đoan gốc Ấn Giáo, đứng đàng sau vụ sát hại này.

Sudroo, một mục sư Kitô giáo, thuộc quận Jagdalpur, bang Chhattisgarh, là nạn nhân một vụ tấn công của người Ấn Giáo cực đoan vào ngày 20 tháng Mười Một.

Vipin Mandloli, 27 tuổi, một tín hữu tin lành từ Ấn Giáo trở lại. Ông bị bắn chết ngày 14 tháng Mười. Người ta tin rằng ba tư tế Ấn Giáo đã trừ khử ông và dâng mạng sống ông cho nữ thần Kali.

Chín Kitô hữu bị giết nhân cuộc bạo động xẩy ra tại bang Orissa trong mùa Giáng Sinh: bẩy người bị ám sát ngày 27 tháng Mười Hai, trong số ấy năm người chết khi các người Ấn Giáo cực đoan tấn công nhà cửa của các Kitô hữu thuộc làng Barakhama, quận Kandhamal; hai cái chết còn lại do cảnh sát gây nên. Họ bắn xả vào các Kitô hữu biểu tình chống các cuộc tấn công trên. Hai Kitô hữu nữa chết nhân các cuộc đụng độ trước đó.

Iraq

Một thư ký trẻ thuộc một y viện tại Mosul, bị giết ngày 9 tháng Giêng khi cô trở về thành phố Bartella.

Một Kitô hữu thuộc giáo xứ Thánh Phaolô ở Mosul, bị ám sát ngày 10 tháng Giêng ngay tại cửa nhà ông, khi ông đang cố gắng chống cự lại một mưu toan đánh cướp.

Isaac Esho Alhelani, 64 tuổi, một Kitô hữu người Át-xi-ri và là nguyên phó giám đốc Công Ty Hàng Không Iraq, bị các người cực đoan Hồi Giáo bắn chết ngày 8 tháng Hai tại Mekanik, gần Baghdad, khi đang lái chiếc xe của ông cùng với vợ.

Fawzeiyah và Margaret Naoum, hai nữ tu Kitô giáo Can-đê cao niên tại Kirkuk. Các vị bị giết tại nhà vào ngày 26 tháng Ba, bởi những người vô danh: không có dấu hiệu gì là cướp bóc xẩy ra cho căn nhà.

Cha Ragheed Ganni, 32 tuổi, một linh mục Can-đê tại Mosul, bị ám sát ngay tại cửa Nhà Thờ Chúa Thánh Thần sau khi cử hành Thánh Lễ.

Basman Youssef Daoud, Ghasan Bidawid, và Wahid Hanna, cả ba đều là phó tế trong Giáo Hội Can-đê, cùng bị giết với Cha Ganni. Cả ba đều là hộ vệ viên của Cha Ganni, do tình hình an ninh tại Mosul xấu đi vì hoạt động của nhóm khủng bố Hồi Giáo chống lại thiểu số Kitô giáo.

Hai Kitô hữu, bị ám sát ngày 19 tháng sáu, tại khu vực Nour ở Mosul.

Zuhair Youssef Astavo Kermles, 49 tuổi, và Luay Solomon Numan, 21 tuổi, đều là Kitô hữu tại Mosul, bị giết trong một vụ phục kích của nhóm khủng bố vào ngày 27 tháng sáu. Cả hai đều là thành viên của tổ chức Đoàn Kết Quốc Gia Bet-Nahrin.

Samir Estephan Mikkha Duda, một Kitô hữu người Át-xi-ri ở Baghdad, bị ám sát bởi những người đàn ông vô danh có súng ống vào ngày 3 tháng Mười.

Franco Ishak, Một Kitô hữu người Át-xi-ri ở Baghdad, bị ám sát tại thủ đô ngày 7 tháng Mười.

Bassam Yousif Elias, một Kitô hữu tại Mosul, bị giết sau phụng vụ Chúa Nhật ngày 7 tháng Mười mà ông tham dự tại nhà thờ al-Tahira.

Maro Awanis, 48 tuổi, mẹ ba người con gái và là thành viên Giáo Hội Ác-mê-ni, bị giết ngày 9 tháng Mười tại Baghdad trong một cuộc phục kích do những người đàn ông bịt mặt tiến hành.

Geneva Jalal, một Kitô hữu thuộc Giáo Hội Ác-mê-ni, bị ám sát tại Baghdad ngày 9 tháng Mười.

Một cặp vợ chồng Công Giáo người Iraq quê ở Mosul, bị giết ngày 23 tháng Mười, sau khi chủ sự một buổi cầu nguyện tại nhà họ. Hai mươi bẩy Kitô hữu bị thanh toán trong hai tháng Chín và Mười tại Mosul và Kirkuk: tin tức này do Lucas Barini, phát ngôn viên của Hiệp Hội Hoà Bình Kitô Giáo, cung cấp, theo các phúc trình của Văn Phòng Liên Hiệp Quốc Phối Hợp Nhân Đạo Sự Vụ.

Kenya

Cha Martin Addai, 46 tuổi, nhà truyền giáo Công Giáo thuộc dòng Các Cha Trắng, bị bọn cướp sát hại ngày 10 tháng Ba tại Nairobi.

Mễ Tây Cơ

Cha Humberto Macias Rosales, 52 tuổi, một linh mục Công Giáo tại Aguascalientes, bị giết chiều ngày 1 tháng Năm. Ngài từng bị đe doạ giết chết trước đó, và có lần đã bị đâm vì cố gắng giúp các thanh thiếu niên từ bỏ ma túy.

Cha Fernando Sanchez Duran, một mục tử tại Santiago Tlaltepoxco, bắc Mexico City, bị bắt cóc và tìm thấy xác ngày 22 tháng Bẩy; ngài từng nổi tiếng trong các công việc giúp đỡ các thanh thiếu niên ghiền ma túy trong vùng.

Cha Ricardo Junoius, 70 tuổi, một linh mục Công Giáo thuộc Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, sinh tại Chicago, Mỹ, nhưng đã sống nhiều năm tại Mexico City. Tìm thấy xác ngày 29 tháng Bẩy trong nhà xứ Nhà Thờ Đức Mẹ Guadalupe, thuộc khu vực San Rafael, với nhiều dấu hiệu bị tra tấn và xiết cổ. Ngài rất tận tụy trong công tác giúp thanh thiếu niên thoát nạn rượu chè và ma túy.

Nigeria

Christianah Oluwatoyin Olusase, một thầy giáo Kitô giáo tại một trường ở Abuja, bang Gombe phía bắc, bị một nhóm học sinh Hồi Giáo đánh đến chết, chúng tố cáo bà bôi bác Kinh Kô-răng. Biến cố này xẩy ra từ giữa tháng Ba.

Chín Kitô hữu bị giết giữa cuối tháng Chín và bắt đầu tháng Mười tại bang Kano phía bắc. Một nhóm Hồi Giáo cực đoan tấn công một trường trung học tại Tudun Wada, và thi hành một vụ tàn sát dựa vào tin đồn một số học sinh Kitô giáo “phạm thượng”. Một cảnh sát viên địa phương cho hay có “nhiều thân thể bị chém què cụt đáng sợ”.

Pakistan

Sadiq Masih, 45 tuổi, một người Thệ Phản, bị đánh cho chết ngay tại nhà ông ngày 30 tháng Bẩy, do các người thuộc gia đình Chaudri mà ông từng làm việc cho. Bị nhục mạ vì đức tin Kitô giáo, ông đã phải từ bỏ công việc canh nông của mình để làm việc cho gia đình Chaudri.

Arif Khan, 50 tuổi, một giám mục thuộc Giáo Hội Baptist ở Rawalpindi, và vợ là Kathleen, 45 tuổi, cả hai đều là công dân Mỹ, bị ám sát ngày 9 tháng Tám tại Islamabad. Một cặp vợ chồng Kitô giáo ở thành phố Wana bị bắt vì vụ sát hại này, bị truy tố về tội đã ra lệnh giết hai người ví lý do “danh dự”: nhưng theo các nguồn tin Kitô giáo tại địa phương, đó chỉ là tạo hoẹt mà thôi. Thủ phạm đích thực là Said Alam, một người Hồi Giáo.

Bo Brekke, 50 tuổi, một Kitô hữu người Na Uy và đứng đầu phái bộ Cứu Tế Quân tại xứ này, bị hạ sát ngày 27 tháng Chín, tại văn phòng ông ở Lahore. Ông có mặt tại Pakistan một năm; hình như vụ giết người có liên quan đến một vụ cướp.

Cộng Hòa Dân Chủ Congo

Cha Richard Bimeriki, một linh mục Công Giáo tại giáo xứ Jomba, bắc Kivu, chết ngày 7 tháng Tư, Chúa Nhật Phục Sinh, do các vết thương gây ra trong một vụ tấn công xẩy ra tại giáo xứ của ngài vào ngày 12 tháng Ba, bởi những người mang quân phục.

Nga

Oleg Stupichkin, 41 tuổi, một linh mục Chính Thống, bị giết ngày 5 tháng Giêng, vọng Lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo, tại nhà thờ của ông ở Neivo-Shaitansky, gần Yekaterinburg. Các hung thủ là hai tên đánh trộm tượng ảnh; vị linh mục này để lại vợ và bốn đứa con.

Cha Pyotr, một linh mục Chính Thống, bị đâm chết ngày 4 tháng Ba, trước khi chủ tọa buổi phụng vụ ban chiều tại nhà thờ của ông ở Voronezh.

Đan Sĩ Chính Thống Avenir Smolin, 29 tuổi, cha sở nhà thờ Chúa Thăng Thiên ở Furmanov, vùng Ivanovo, bị tên trộm sát hại ngày 21 tháng Tám.

Tây Ban Nha

Cha Salvador Herandez Seller, 75 tuổi, một linh mục Công Giáo, chết ngày 11 tháng Tư do các vết thương ngài chịu nhân cuộc phục kích tại nhà của ngài ở Murcia. Ngài là tuyên úy cho các di dân.

Cha Tomas Perez, 75 tuổi, một mục tử Công Giáo tại Villafranca de Cordoba, được tìm thấy xác ngay tại nhà ngày 16 tháng Bẩy. Thân thể ngài có nhiều dấu hiệu rõ ràng bị bạo hành.

Sri Lanka

Nallathamby Gnanaseelan, 38 tuổi, mục sư thuộc Giáo Hội Truyền Giáo Tamil tại Jaffna, bị lực lượng an ninh của chính phủ sát hại ngày 13 tháng Giêng. Theo lục quân, ông chuyên chở chất nổ và không tuân lệnh ngừng lại giữa đường; các tín hữu thuộc nhà thờ ông bác bỏ điều cáo buộc ấy.

Cha Thiruchelvam Nihal Jim Brow, 35 tuổi, một linh mục Công Giáo, xác bị chặt xé thảm thương của ngài đã được tìm thấy ngày 14 tháng Ba tại Pungudetheevu, một vùng duyên hải gần thành phố Jaffna. Ngài bị mất tích năm 2005 sau khi tố cáo vụ tàn sát do lục quân thi hành tại một trường học, trong một cuộc tấn công chống các loạn quân ly khai của tổ chức Hổ Tamil.

Cha Nicholaspillai Packiyaranjith, 40 tuổi, một linh mục Công Giáo và là điều hợp viên Dịch Vụ Tỵ Nạn của Dòng Tên tại Mannar, là nạn nhân của vụ đánh bom dọc đường vào ngày 26 tháng Chín, gần trại tỵ nạn Vidathalvu.

Nam Phi

Cha Allard Msheyene, 42 tuổi, một linh mục Công Giáo thuộc Dòng Tận Hiến Truyền Giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm, chết ngày 6 tháng Mười sau một cuộc tấn công trong vùng Msogwaba.

Su-đăng

Daniel Girgis, 37 tuổi người Ai Cập, Markous Tiya, RihabKafi Jadeen, người Su-đăng, và một thanh niên khác (không được nhận dạng), đều là tín hữu tin lành, bị những người vô danh sát hại ngày 27 tháng Tư, sau khi tổ chức buổi họp huấn luyện Kitô hữu tại Torogoi, vùng cao nguyên Nuba. Cả bốn người đều là thành viên của Giáo Hội Tin Lành Bahry tại Khartoum. Theo các nguồn tin Kitô giáo địa phương, người ta tập trung hoài nghi vào những người cực đoan Hồi Giáo, khó chịu vì các hoạt động truyền giáo của nhóm Kitô hữu này.

Adam Adam, một nhân viên nhân đạo của tổ chức phi chính phủ Cùng Hành Động Bên Các Giáo Hội, một tổ chức đồng hành với Caritas, bị ba người đàn ông có vũ trang giết ngày 17 tháng Sáu. Ông là một trong các giám đốc của trại tỵ nạn tại Khamsa Degaig, gần Zalingei, tây Darfur, nơi 100,000 người rời cư đang trú ngụ.

Ngày 27 tháng Chín, năm thanh thiếu niên bị giết bởi một kháng chiến quân thuộc Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng Su-đăng (SPLA), người đã tự sát bằng lựu đạn sau khi đột nhập vào một nhà thờ tại Khorfulus, cách tây nam Malakal, thuộc bang Thượng Sông Nin, 40 cây số. Tên họ là Donguei Matok Chan, 8 tuổi, Dhieu Nyandual, 20, Nyaniok Ryak Chol Ayoum, 11, Nyawyly Kon Rwaj, 11, Simon Chol Charles Thon Arob, 17.

Lãnh Thổ Palestine

Rami Khader Ayyad, 32 tuổi, một tín hữu Thệ Phản người Palestine, bị giết ngày 7 tháng Mười ở Gaza; xác ông cho thấy rõ những dấu hiệu bị tra tấn. Khader quản lý tiệm sách Kitô giáo duy nhất tại Gaza, có liên hệ với Hội Thánh Kinh Palestine. Tiệm sách này bị tấn công tháng Tư năm trước, và người ta nhận được nhiều lời đe dọa bị giết. Cha David Maria Jeager, cựu phát ngôn viên của ban Trông Coi Đất Thánh, gọi Ayyad là một vị “tử đạo”.

Trinidad và Tobago

Kelvin Austin, 34 tuổi, lãnh đạo một nhà thờ độc lập, bị bắn chết ngày 21 tháng Ba tại khu vực Moruga. Vị mục sư này thường cảm thấy bị đe doạ và đã từng xin nhà cầm quyền che chở.

Thổ Nhĩ Kỳ

Necati Aydin, 35 tuổi, Ugur Yuksel, 32 tuổi, cả hai là người Thổ, và Tilmann Geske, 46 tuổi, công dân Đức, tất cả đều là Kitô hữu tin lành, bị cắt cổ ngày 18 tháng Tư tại cơ sở chính của nhà xuất bản Zirve thuộc thành phố Malatya, nơi phát hành các sách thánh và sách đạo khác bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Các nghi phạm hiện đang bị xét xử: họ là bẩy thanh niên thuộc phe duy dân tộc, những người được tin là có móc nối với phe Hồi Giáo cực đoan.

Việt Nam

Vin Y Het, mới 20 tuổi, một Kitô hữu thuộc dân tộc thiểu số Hroi, chết ngày 20 tháng Tư tại Sơn Hòa, thuộc tỉnh duyên hải Phú Yên, vì bị cảnh sát đánh trong một cuộc tra tấn. Cảnh sát muốn anh từ bỏ đức tin. Anh để lại người vợ đang mang thai và hai con nhỏ.

Tất cả là 123 nạn nhân. Các quốc gia có liên hệ: 126.

Vũ Văn An

chuyển ngữ theo Bernardo Cervella và Lorenzo Fazzini, AsiaNews 21-03-2008
 
Top Stories
Cardinal: Suffering People Have Something to Offer
Zenit
19:36 22/03/2008
VATICAN, MARCH 21, 2008 (Zenit.org).- Everyone who has something to suffer has something to offer, says the prefect of the Vatican Congregation for Divine Worship and the Sacraments.

Cardinal Francis Arinze spoke with Vatican Radio today about the lessons of Good Friday.

"Everyone of us has something to suffer, even those who look very rich and favored," the cardinal said.

"But," he affirmed, "suffering has meaning in our salvation. If we look at the cross, who is on the cross? Christ himself, the most innocent. Who is standing at the foot of the cross? His Blessed Mother. It means, then, that there must be meaning in suffering."

Cardinal Arinze asserted that "whoever has something to suffer has something to offer."

"But we must offer it with Christ, in Christ and through Christ," he stated. "St. Augustine has told us, God made you without your cooperation but he will not save you without your cooperation."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh
Jos. Vĩnh
08:32 22/03/2008
Lễ Vọng Phục Sinh tại Nam Úc


Công Bố Ánh Sáng Phục Sinh
Lúc 6 giờ 30 chiều Thứ Bảy ngày 22/3/08. Giáo dân người Việt tại thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc đã lũ lượt qui tụ về trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân để tham dự ngắm đứng, suy gẫm sự thương khó Chúa Giêsu và Dâng Hạt do nhóm các Bà Mẹ Công Giáo nguyện ngắm, đến đúng 7 giờ 30 Thánh Lễ đồng tế Vọng Phục Sinh bắt đầu.

Ca Đoàn Việt Linh cất cao tiếng hát thánh ca mở đầu nghi thức làm phép lửa do Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ tế, Lm. G.B Nguyễn Viết Huy Sj Phó quản nhiệm rước nến và công bố ánh sáng Phục Sinh. Sau đó bước vào phần phụng vụ Lời Chúa và nghi thức làm phép nước và rẩy nước thánh trên các tín hữu.

Có khỏang gần 3,000 người đến tham dự Thánh Lễ chật kín trong hội trường và rất đông người không có chỗ, phải ra đứng phía ngoài và chung quanh hội trường quay vào trong hiệp ý dâng Thánh Lễ.

Thánh Lễ chấm dứt lúc 9 giờ 30 tối.
 
Một chuyến đi thăm bênh nhân tại bệnh viện chợ Rẩy Saigòn
Maria Vũ Loan
18:18 22/03/2008
SAIGÒN -- Một buổi chiều đẹp trời, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi vào thăm bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Chúng tôi nghĩ rằng mình đang làm một chuyến công tác xã hội thu nhỏ vì ở đây, chúng tôi có thể gặp nhiều người nghèo ở vùng sâu vùng xa đến điều trị.

Trước khi được tiếp xúc với bệnh nhân, chúng tôi phải trao đổi với những người có trách nhiệm để “được phép cho”. Cách đây chín mười năm, mỗi lần vào bệnh viện, dù là bệnh viện dành cho người lớn hay trẻ em, chúng tôi cũng tung tăng thoải mái gặp gỡ bệnh nhân này, tâm sự với bệnh nhân khác, chụp hình đủ mọi góc độ…nhưng hai năm qua, muốn mang phong bì tiền cho bệnh nhân thì phải xin phép và phải nói rất rõ về việc làm của mình.

Chúng tôi chẳng ngại gì, chỉ ngại là…không có nhiều tiền. Ở vùng sâu vùng xa, nếu cho một gia đình nghèo thì một phong bì là 12 đến 20 usd là quí lắm rồi; nhưng ở đây, một phong bì phải là 30 usd cho một bệnh nhân mới gọi là “xứng đáng” cho một lần viếng thăm; vì nằm viện thật là tốn kém, nhất là những bệnh nặng. Ai có cha mẹ, người thân phải nằm viện thì hiểu ngay điều đó thôi!

Một kỹ sư, quản lý kỹ thuật của bệnh viện dẫn chúng tôi gặp gỡ khoảng hai chục bệnh nhân, nằm trong nhiều khoa khác nhau và chỉ được phép chụp hai tấm hình, nhưng tôi lém lỉnh chụp được nhiều hơn “qui định”.

Này là anh Bình ở Đồng tháp bị suy thận mãn và rối loạn điện giải; kia là anh Lợi ở Tân châu (Tây Ninh) bị chấn thương cột sống cổ, chấn thương C5, nọ là chị Thu Vân ở Tiền Giang, máu tụ dưới màng cứng + dập não…đáng thương nhất là những người bị phỏng…mà vì nhiều lý do khác nhau họ đã bị bóng đen của bệnh tật và đau đớn trùm lên cuộc sống. Có hai chục người mà đã trải dài các tỉnh từ Khánh Hòa đến U Minh (Cà Mau).

Tiếp xúc với họ, chúng tôi chỉ nói được vài câu qua loa, giống như ông Xi – mon vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu một chút vậy thôi. Có cháu trai kia đã mười một tuổi, qui y ở chùa, khi bệnh thì được mẹ chăm sóc. Phận người thì “sinh, lão, bệnh, tử” nhưng chắc cháu không thể hiểu được vì sao đang đi học cùng các bạn mà mình lại bị bệnh não phải vào đây mà chẳng biết ngày nào được về nhà.

Một cô sinh viên đã học đến năm thứ tư, có khuôn mặt tròn má lúm đồng tiền rất xinh thế mà bác sĩ nói rằng sẽ liệt vĩnh viễn; bố mẹ cô quá đau khổ nhưng không dám cho con biết; còn cô nói với tôi rằng em sẽ trở lại trường để làm đề án tốt nghiệp. Tôi thắt lòng rơm rớm nước mắt quay đi: Chúa ơi, khi biết mình không còn đi được nữa, em có hân hoan cười về những dự định của mình như thế không? Tai nạn giao thông thật tàn nhẫn và khắc nghiệt chẳng chừa tương lai cho một ai!

Có một bệnh nhân, cô y tá giới thiệu với chúng tôi rằng anh ta vô danh vì vào đây không có một đồng xu dính túi, chẳng có mảnh giấy tờ, cũng chẳng có thân nhân đến chăm sóc. Bệnh viện cho ăn và cho thuốc. Thấy chúng tôi đến gần giường, anh ta muốn nói gì đó nhưng cô y tá đã gạt đi. Thật tội nghệp cho anh và cho cả chúng tôi nữa!

Thê thảm nhất là những bệnh nhân khoa phỏng. Tôi thương cảm nhưng không dám vào trong. Bao nhiêu tiền mới có thể bù đắp sự đau đớn của họ?

Xem video music “Đẹp thay cuộc tử nạn của Đức Kitô” trên Vietcatholic, tôi không hiểu nếu bị đánh tàn bạo như thế thì Chúa bị đau cỡ nào? Bị thương tích và cần chữa trị ở bộ phận cơ thể nào? Phải nằm viện đến bao lâu? Tôi thầm nghĩ, vì theo thánh ý Cha, vì chính Ngài là Thiên Chúa tình yêu nên sau ba năm rao giảng và gặp gỡ, Ngài thấy nỗi đau của mình phủ tràn lên mọi nỗi đau của người khác. Khi phục sinh vinh quang thì trái tim Ngài chỉ thổn thức đau vì nhiều người chưa đi vào quĩ đạo tình yêu Phục Sinh của Thiên Chúa mà thôi.

Bệnh viện đông, các phòng đều chật chội kín người. thân nhân nằm tràn ra hành lang thấy mà thương. Không phải chỉ có ở đây mà cả những bệnh viện mà tôi đi thăm người quen.Tôi ước ao người ta xây nhiều bệnh viện tình thương, mà ở đó đầy ắp lương tâm; những người có quyền hành chia đều trách nhiệm cho những vị thiện nguyện phục vụ vì bệnh nhân.

Một lần vào bệnh viện thì âm thầm lặng lẽ, số tiền cũng bằng một chuyến đi vào vùng sâu bận rộn và ầm ĩ; tôi ao ước làm cả hai công việc dù vẫn biết rõ ơn gọi của chúng tôi là đi đến vùng sâu vùng xa, chú ý học trò nghèo. Những ai không thể đi xa thì xin cứ vào bệnh viện, ở đó có rất nhiều người từ vùng sâu nghèo khổ đang cần trợ giúp.

Những ngày qua, Giáo hội toàn cầu tại nhiều nơi đã tưởng niệm cuộc thương khó Đức Giêsu; dường như nỗi đau của Ngài còn phảng phất đâu đây nơi người anh em trong các bệnh viện. Ước gì, vâng, ước gì có nhiều bệnh viện và nhiều bàn tay để xoa dịu nỗi đau của nhiều người trên đất Việt này.

Thứ bảy Tuần Thánh 22/3/2008
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo xứ Tuy Hòa (Qui Nhơn) xin Nhà nước hoàn lại cơ sở Trường Trung Học Đặng Đức Tuấn
Thường Khanh
02:07 22/03/2008
TUY HÒA - Giáo xứ Tuy Hòa, trước khi bắt đầu xây dựng Nhà Thờ làm Trung tâm sinh hoạt đức tin, đã khởi đầu xây dựng một công trình văn hóa giáo dục đó là cơ sở trường Trung Học Đặng Đức Tuấn, ngôi trường mang tên một linh mục ưu tú của giáo phận Qui Nhơn, một nhà văn hóa lớn của thế kỷ 19, một thế kỷ mà Giáo Hội Công Giáo Việt nam phải trải qua những cơn sóng gió bảo bùng của những đợt bách hại khủng khiếp của các triều đại Vua Nguyễn. Được xây dựng từ năm 1958, trường trung học Đặng Đức Tuấn đã sinh hoạt được 17 năm và đã đóng góp cho xã hội, đất nước nhiều học sinh ưu tú.

Cùng với nhịp thăng trầm của đất nước, ngày 7/10/1975, theo chủ trương và chánh sách của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt nam, trường trung học Đặng Đức Tuấn thuộc giáo xứ Tuy Hòa đã chính thức được chuyển nhượng cho Ty giáo dục tỉnh Phú Yên để đáp ứng các yêu cầu giáo dục trong tình hình mới của đất nước.

Trong biên bản bàn giao, điều cam kết đầu tiên đó là: "ĐẾN KHI NÀO NHÀ NƯỚC CÓ ĐIỀU KIỆN SẼ HOÀN LẠI". Trong khi điều cam kết số 2 ghi rõ: "Ty giáo dục được trọn quyền sử dụng, có trách nhiệm bảo quản và tu sử chu đáo". Và Nhà nước đã sử dụng được 33 năm với các đơn vị chủ quản khác nhau lần lượt đứng tên mà hiện nay đó là "TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TỈNH PHÚ YÊN".

Trong những ngày cuối năm Đinh Hợi, trong bầu khí nô nức đón mừng Xuân Mới, có một điều bất thường và làm bức cho cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Tuy Hòa, khi Trung Tâm giáo dục thường xuyên tự động cho đập phá và tháo dỡ một hạng mục chính của ngôi trường thân thương Đặng Đức Tuấn mà 33 năm trước thế hệ cha ông của những người giáo dân hôm nay đã dày công xây dựng.

Trước hành động bất chấp các nguyên tắc ứng xử cơ bản của phép lịch sự thông thường giữa người với người, giữa Giáo hội, người chủ của cơ sở, và cơ quan chủ quản đang tạm sử dụng, đồng thời vượt qua các giới hạn được qui định trong biên bản bàn giao ngày 7/10/1975, quả thật Trung Tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên đã gây nên một tâm tình phẩn nộ và đầy bức xúc cho toàn thể giáo dân, những người mà mỗi sáng mỗi chiều trên đường đến Nhà Thờ, phải chứng kiến một sự xúc phạm đến cái gia tài văn hóa quí báu của cha ông để lại.

Hành động tự động và ngang nhiên đập phá, san bằng một hạng mục chính của trường trung học Đặng Đức Tuấn mà không một lời trao đổi, bàn bạc, hiệp thương với người chủ nhân chính thức là Giáo Xứ Tuy Hòa, quả thật, Trung Tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên đã ứng xử như một người vô giáo dục. Đứng trước sự kiện nầy giáo xứ Tuy Hòa mà người đại diện chính thức chính là linh mục Chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền, kiêm hạt trưởng Phú Yên, đã gởi đơn thỉnh nguyện lên các cấp chính quyền tỉnh Phú Yên và thành phố Tuy Hòa để đạo đạt nguyện vọng của bà con giáo dân trong toàn giáo xứ xin hoàn lại cơ sở trường học Đặng Đức Tuấn, một công trình văn hóa giáo dục thuộc giáo xứ Tuy Hòa, giáo hạt Phú Yên, giáo phận Qui Nhơn.

Xin xem đơn thỉnh nguyện sau đây:

GIÁO XỨ TUY HÒA
Giáo phận Qui Nhơn


Tuy Hòa, ngày 17 tháng 03 năm 2008

ĐƠN KHIẾU NẠI

V/v: Trung Tâm Giáo dục Thường Xuyên tỉnh Phú Yên đập phá san bằng cách trái phép một hạng mục
cơ sở trường trung học Đặng Đức Tuấn thuộc giáo xứ Tuy Hòa.

Kính gởi:
Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
Ông Phạm Ngọc Chi, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên,
Tòa Giám Mục Qui Nhơn,
HĐND, UBND tỉnh Phú Yên,
UBMTTQVN, Công An tỉnh Phú Yên
Ban Tôn giáo tỉnh Phú Yên, UBĐKCG tỉnh Phú Yên,
Sở GD - ĐT, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên,
Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Phú Yên,
Ban Thanh Tra xây dựng tỉnh Phú Yên,
Ban Giám Đốc Trung Tâm Đào Tạo thường xuyên tỉnh Phú Yên,
HĐND, UBND, UBMTTQVN Thành Phố Tuy Hòa,
Ban Tôn giáo Thành Phố Tuy Hòa,
HĐND, UBND, UBMTTQVN Phường 2, TP. Tuy Hòa


- Căn cứ ĐƠN THỈNH NGUYỆN V/v: Bảo tồn cơ sở trường trung học Đặng Đức Tuấn thuộc giáo xứ Tuy Hòa để giao lại cho giáo xứ theo thỏa thuận giữa Giáo Hội và Nhà nước ngày 07/10/1975 của linh mục Trương Đình Hiền ký chuyển ngày 15/02/2008,

- Công văn số 31/BTG – TTr “V/v chuyển đơn khiếu nại” gởi Sở giáo dục & đào tạo tỉnh Phú Yên của ban Tôn giáo tỉnh Phú Yên ký ngày 20/02/2008,

- Căn cứ Biên Bản giao trường Đặng Đức Tuấn Tuy Hòa ngày 07/10/1975 do ông Nguyễn Châu đại diện Ty Giáo dục và cố linh mục Nguyễn Trọng Huấn, đại diện Giáo Hội Qui Nhơn đồng ký nhận.

- Căn cứ điều 4, 26, 27, 29 Pháp lệnh tôn giáo của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về tín ngưỡng-tôn giáo,

- Căn cứ tình hình thực tế việc Trung Tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên đập phá, san bằng cách trái phép một hạng mục của trường trung học Đặng Đức Tuấn thuộc giáo xứ Tuy Hòa.

GIÁO XỨ TUY HÒA TRÂN TRỌNG KHIẾU NẠI:

1. Đứng trước sự kiện Trung Tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên triệt phá một hạng mục chính trong cơ sở trường Trung học Đặng Đức Tuấn thuộc giáo xứ Tuy Hòa và triển khai xây dựng công trình mới bất chấp đơn thỉnh nguyện của người đại diện giáo xứ kính chuyển ngày 15/02/2008, xem thường công văn của ban Tôn Giáo tỉnh góp ý giải quyết vụ việc, đã gây bức xúc và làm tổn thương trầm trọng đến tình cảm của toàn thể giáo dân giáo xứ Tuy Hòa.

2. Để làm sáng tỏ vụ việc, chúng tôi, cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa xin một lần nữa xác định: Nguyên trường trung học Đặng Đức Tuấn là cơ sở giáo dục thuộc Giáo Phận Qui Nhơn đặt dưới quyền quản lý và sử dụng của giáo xứ Tuy Hòa nhằm mục đích góp phần vào công cuộc giáo dục và đào tạo văn hóa cho đồng bào không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Được xây dựng từ năm 1958, trường trung học Đặng Đức Tuấn đã sinh hoạt được 17 năm (Cho đến ngày 7/10/1975) và đã đóng góp cho xã hội, đất nước, cách riêng tỉnh Phú Yên, nhiều học sinh ưu tú. Trong số đó có nhiều người đang nắm giữ những vị trí trọng yếu trong các cơ quan công quyền của Nhà nước hiện nay (Ví dụ như Thầy Chương, Giám đốc sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Phú Yên; thầy Thái, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên...).

3. Ngày 7/10/1975, theo chủ trương và chính sách của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt nam, trường trung học Đặng Đức Tuấn thuộc giáo xứ Tuy Hòa đã chính thức được chuyển nhượng cho Ty giáo dục tỉnh Phú Yên để đáp ứng các yêu cầu giáo dục trong tình hình mới của đất nước. Trong biên bản bàn giao, điều cam kết đầu tiên đó là: "ĐẾN KHI NÀO NHÀ NƯỚC CÓ ĐIỀU KIỆN SẼ HOÀN LẠI". Trong khi điều cam kết số 2 ghi rõ: "TY GIÁO DỤC ĐƯỢC TRỌN QUYỀN SỬ DỤNG, CÓ TRÁCH NHIỆM BẢO QUẢN VÀ TU SỬA CHU ĐÁO". (Có văn bản đính kèm)

4. Trên cơ sở của hai điều cam kết quan trọng nầy, chúng tôi trân trọng khiếu nại đến các cơ quan chức năng có liên hệ về việc cơ quan đang sử dụng trường Đặng Đức Tuấn là Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên tự động vứt bỏ cam kết khi cho phá bỏ một hạng mục chính (Dãy nhà trệt với 5 phòng sát đường Nguyễn Huệ có ghi trong Biên bản bàn giao ngày 7/10/1975) và triển khai xây dựng công trình mới bất chấp ý kiến của Chính quyền (Công văn của BanTôn giáo tỉnh) và nguyện vọng của bà con giáo dân (Đơn thỉnh nguyện của linh mục chánh xứ ngày 15/02/2008).

5. Hành vi nầy của Trung Tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên đã gây nên một tâm tình bất bình và đầy bức xúc cho toàn thể giáo dân, làm mất uy tín và danh dự cho các cấp chính quyền địa phương, mất niềm tin và quan hệ hữu hảo giữa Giáo hội và Nhà Nước, có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về ổn định chính trị và xã hội.

6. Cùng với Khiếu nại nầy, chúng tôi kiến nghị Chính quyền các cấp đình chỉ ngay việc thi công bất hợp pháp của Trung Tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Phú yên và chuẩn bị một tiến trình hiệp thương giữa giáo xứ Tuy Hòa và các cơ quan liên hệ để giải quyết ổn thỏa và dứt điểm hồ sơ về trường Đặng Đức Tuấn.

7. Trong thái độ thượng tôn luật pháp, kính trọng các cấp chính quyền và sẵn sàng đối thoại,hiệp thương, chúng tôi chờ đợi phương cách giải quyết kịp thời và đúng đắn của chính quyền các cấp.

Đại điện cộng đoàn giáo dân giáo xứ Tuy Hòa Linh mục chánh xứ Tuy Hòa

KT/Chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ

PCT/HĐGX Tuy Hòa
Bùi Phương Hạc
LM Trương Đình Hiền

Đính kèm:
Biên bản giao trường Đặng Đức Tuấn – Tuy Hòa Ký ngày 07/10/1975
Đơn thỉnh nguyện của linh mục chánh xứ Trương đình Hiền ký ngày 15/02/2008
Công văn số 31/BTG-TTr của Ban Tôn giáo tỉnh ký ngày 20/02/2008

---------------------------------

GIÁO XỨ TUY HÒA
Giáo phạn Qui Nhơn


Tuy Hòa, ngày 15 tháng 02 năm 2008

ĐƠN THỈNH NGUYỆN

V/v: Bảo tồn cơ sở trường trung học Đặng Đức Tuấn thuộc giáo xứ Tuy Hòa để giao lại cho giáo xứ theo thoả thuận
giữa Giáo Hội và Nhà nước ngày 07/10/1975

Kính gởi:
Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên,
Ông Phạm Ngọc Chi, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên,
UBND tỉnh Phú Yên, UBMTTQVN, Công An tỉnh Phú Yên
Ban Tôn giáo tỉnh Phú Yên, UBĐKCG tỉnh Phú Yên,
Sở GD - ĐT tỉnh Phú Yên, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên,
Ban Giám Đốc Trung Tâm Đào Tạo thường xuyên tỉnh Phú Yên,
UBND, UBMTTQVN, Ban Tôn giáo Thành Phố Tuy Hòa


- Căn cứ Biên Bản giao trường Đặng Đức Tuấn Tuy Hòa ngày 07/10/1975 do ông Nguyễn Châu đại diện Ty Giáo dục và cố linh mục Nguyễn Trọng Huấn, đại diện Giáo Hội Qui Nhơn đồng ký nhận.

Căn cứ điều 4, 26, 27, 29 Pháp lệnh tôn giáo của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về tín ngưỡng-tôn giáo,

- Căn cứ tình hình thực tế việc sử dụng trường Đặng Đức Tuấn Tuy Hòa trong công tác giáo dục và quản lý cơ sở trường.

GIÁO XỨ TUY HÒA TRÂN TRỌNG BÁO CÁO VÀ THỈNH NGUYỆN:

1. Nguyên trường Trung Học Đặng Đức Tuấn (nay là Trung Tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên) đã được cố linh mục chánh xứ Tuy Hòa, Hạt trưởng Phú Yên Tô Đình Sơn xây dựng năm 1958 và đã được giáo xứ Tuy Hòa trực tiếp quản lý cho đến ngày 07/10/1975.

2. Đây là cơ sở giáo dục thuộc Giáo Phận Qui Nhơn đặt dưới quyền quản lý và sử dụng của giáo xứ Tuy Hòa nhằm mục đích góp phần vào công cuộc giáo dục và đào tạo văn hóa cho đồng bào không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

3. Sau khi Đất Nước hoàn toàn giải phóng, trước yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục đang thiếu thốn cơ sở cũng như để đáp ứng chủ trương chung của Nhà Nước về chính sách giáo dục mới Xã Hội Chủ Nghĩa, giáo xứ Tuy Hòa do cố linh mục Nguyễn Trọng Huấn làm chánh xứ, cùng với linh mục Nguyễn Cấp, nguyên Hiệu Trưởng trường Đặng Đức Tuấn, đại diện Giáo phận Qui Nhơn, giáo xứ Tuy Hòa, đã thoả thuận nhượng cơ sở nầy để Nhà Nước dùng vào việc giáo dục với điều kiện “ĐẾN KHI NÀO NHÀ NƯỚC CÓ ĐIỀU KIỆN SẼ HOÀN LẠI” (Có văn bản đính kèm)

4. Hôm nay giáo xứ xét thấy rằng: Tỉnh Phú Yên, thành phố Tuy Hòa đã có đủ cơ sở và điều kiện để đáp ứng các yêu cầu giáo dục, và thời gian sử dụng ngôi trường nầy cũng đã quá lâu (33 năm: 1975 – 2008), cho nên giáo xứ thỉnh nguyện Chính quyền các cấp tỉnh Phú Yên thực hiện nghiêm túc cam kết chung ngày 07/10/1975 là hoàn lại cơ sở trường trung học Đặng Đức Tuấn cho giáo xứ.

5. Việc hoàn trả này sẽ là một nghĩa cử tốt đẹp nói lên chính sách trước sau như một của Nhà Nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, đặc biệt của tỉnh Phú Yên, về việc tôn trọng, bảo hộ cơ sở thờ tự của các tôn giáo và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng-tôn giáo của đồng bào giáo dân.

6. Trong khi chờ đợi việc hoàn trả nầy, giáo xứ yêu cầu cơ quan chủ quản đang sử dụng cơ sở nầy, Trung Tâm Giáo Dục thường Xuyên tỉnh Phú Yên, giữ nguyên hiện trạng các hạng mục chính của cơ sở trường Đặng Đức Tuấn để khỏi gây ra những rắc rối và bức xúc không cần thiết của đồng bào giáo dân giáo xứ Tuy Hòa.

7. Hy vọng sau khi nhận lại cơ sở nầy, giáo xứ Tuy Hòa sẽ có cơ hội tốt và thuận lợi để góp phần tham gia vào chính sách “XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC” mà Đảng và Nhà Nước đang triển khai thực hiện.

Trân trọng thỉnh nguyện và chân thành cảm ơn.

Linh mục Chánh xứ Tuy Hòa
Trương Đình Hiền
Đính kèm: Biên bản giao trường Đặng Đức Tuấn – Tuy Hòa
Ký ngày 07/10/1975
 
Đòi Đất là đòi Công Lý
Vũ Phan Bội Quỳnh
13:23 22/03/2008
Phải cầu nguyện khi đòi đất
Vì Đòi Đất là đòi Công Lý
.
(Kính tặng Quý Soeurs Dòng Thánh Vinh Sơn Phao Lồ Saigon)

I
Các Soeurs cầu nguyện, đúng quá rồi!
Chỗ nào đòi đất cũng phải noi.
Cờ hiệu dẫn đường: Cây Thánh Giá,
Vũ khí hộ thân: Chuỗi Môi Khôi.
Áo dòng khiêm tốn thành giáp sắt,
Lời kinh thầm thĩ hoá thiên lôi.
Xin cứ nguyện cầu liên lỉ mãi,
Quyết đòi Công Lý, được mới thôi!

II
Đòi đất mà không biết nguyện cầu,
Bao nhiêu khiếu kiện thấm vào đâu!
Điạ phương: cộng sản, hầu bao lớn!
Trung ương: giặc đỏ, túi rộng, sâu!
Quan toà hèn nhát, nghe đảng uỷ, (1)
Kiểm sát gian tham, bợ nhà thầu.
Đòi đất tức là đòi Công Lý,
Cho toàn dân Việt hết khổ đau!

Chú Thích (1) Toà án nào cuả cộng sản cũng có chi bộ hay đảng uỷ đảng cộng sản.
Thẩm phán đều là đảng viên cộng sản, phải nghe theo bí thư chi bộ hay bí thư đảng uỷ.
Bởi vậy bản án thường đã có sẵn trước khi phiên xử mở màn, nhất là
các vụ án xử cán bộ đảng tham nhũng, cướp tài sản cuả dân đen
và khi xử các người tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Văn hoá Trứng Phục sinh
Giuse Nguyễn Thụ Nhân
01:48 22/03/2008
Văn hoá Trứng Phục sinh

Xác định ngày Lễ Phục sinh hàng năm

Công đồng Nicea năm 325 đã quyết định lấy ngày chủ nhật để cử hành lễ Phục sinh thống nhất trong toàn giáo hội. Vì phải là ngày chủ nhật trong tuần, nên ngày lễ Phục sinh không trùng nhau qua các năm. Ngày cử hành lễ là ngày sau ngày xuân phân (21.3) đến trước ngày 25.4. Tuy nhiên, công đồng không để lại cách tính như thế nào. Có lẽ việc chọn ngày dường như tham khảo từ giáo hội ở Alexandria, một thành phố nổi danh vì có nhiều nhà thông thái vào lúc đó. Thành phố này tổ chức lễ Phục Sinh vào chủ nhật đầu tiên sau ngày thứ 14 đầu tiên của tháng âm lịch xảy ra vào hoặc sau 21 tháng 3.Trong suốt thời trung cổ, cách tính này được diễn đạt ngắn gọn là Lễ Phục Sinh xảy ra vào chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên vào hoặc sau ngày xuân phân. Giáo hội Công giáo La Mã dùng cách riêng để tính ngày Phục Sinh cho đến thế kỉ 6, sau đó có lẽ chuyển sang phương pháp Alexandria. Từ thế kỷ XVI, sau khi có lịch Grêgorien ban hành vào năm 1582, lễ phục sinh của Công giáo lại hơi khác với ngày Lễ Phục sinh của Chính Thống giáo

Tại sao lại lấy trứng làm biểu tương cho Lễ Phục sinh?

Theo quan niệm đã có từ lâu thì trứng tượng trưng cho nhiều đặc tính. Nó nói lên sự tái tạo, sung mãn, đổi mới và sống lại. Trứng luôn mang mầm sống. Mầm sống ấy làm sống lại cơ thể sống. Chúa Giêsu được coi như mầm sống và sau cái chết đã sống lại và hiện diện trong mỗi người chúng ta. Vì thế, ngày Phục sinh với nhiều nước châu Âu, tập tục trứng Phục sinh vẫn còn được duy trì cho đến nay.

Từ những quả trứng Phục sinh đơn giản ban đầu

Thế kỷ VIII, người ta đã thấy những quả trứng Phục sinh ban đầu dùng để tặng nhau nhân ngày lễ này. Trứng sau khi luộc chín, được nhuộm màu và vẽ lên những hình những hình vẽ tuỳ ý. Tuy nhiên, tục này mới xuất hiện chưa trở nên phổ biến. Từ thế kỷ XII, hầu như các nước châu Âu theo Thiên Chúa giáo (kể cả Công giáo và Chính Thống giáo) đều lấy trứng là một biểu tượng cho ngày Lễ mừng Chúa sống lại.

Ngày lễ Phục sinh tại Paris vào thế kỷ thứ XIII, các linh mục và các sinh viên đại học và thanh niên nhóm họp với nhau nơi các công trường, tạo thành đoàn diễn hành có kèn có trống rồi vô nhà thờ để hát, xong họ tản mác khắp mọi nơi trên các đường phố để tìm trứng Phục sinh.

Hiện nay, những hình thức của quả trứng đã có nhiều thay đổi. Ngòai những quả trứng thật được tô vẽ và nhuộm màu như xưa, còn có thêm những quả trứng khác như trứng sôcôla cho trẻ em. Sôcôla được làm nóng lên khỏang 50 độ rồi cho vào khuôn đúc. Sau đó lấy ra và vẽ hình tùy ý. Các hãng làm sôcôla hiện nay đã sản xuất ra trứng sôcôla với nhiều kích cỡ và nhiều màu sắc cũng như hình vẽ nhằm phục vụ khách hàng. Ngòai ra còn co thêm những trò chơi trứng. Trẻ em nhân gnày lễ Phục sinh sẽ dẫn các em đến những khu vườn hoặc những khu rừng dành cho lễ hội. Trứng được giấu trong các bụi cây, dưới những đám cỏ… để cho trẻ em đi tìm. Ngòai ra còn có những quả trứng bằng nhựa dẻo, trong đó có một quà tặng như giá trị của một quyển sách, một món hàng ở siêu thị…

Đến những quả trứng đắt tiền

Vài hình ảnh về trứng của nhà chế tạo Fabergé
Từ thời Phục Hưng (Renaissance), trứng gà được thay thế bằng trứng bằng vàng trong các triều đình vua chúa châu Âu. Trứng được trang trí bằng kim loại quý, các loại đá quý và ngay cả các bức tranh của các họa sĩ danh tiếng, Tuyệt hảo là những cái trứng nổi tiếng của nhà chế tạo Fabergé làm theo đơn đạt hàng triều đình Nga hoàng vào cuối thế kỷ thứ XIX. Suốt từ 1895 đến 1917. Nga hòang Alexandre III và sau đó là Nicolas II đã đặt trứng Phục sinh để tặng cho hòang hậu và Nicolas còn đặt thêm một quả để tặng cho mẹ. Tổng cộng Fabergé đã chế tạo được bằng phương pháp thủ công 66 quả trứng. Mỗi quả trứng là một tuyệt tác nghệ thuật.. Một trong số đó là quả trứng Mùa đông do Nicholas II tặng cho mẹ của ông - Maria. Được gắn 3.000 viên kim cương, quả trứng này đã được bán với giá 5,6 triệu USD vào năm 1994 và được bán lại tám năm sau với giá 9,6 triệu USD. Quả trứng Đăng quang chứa bản sao chính xác chiếc xe ngựa của Nga hoàng cùng bánh xe quay của nó. Quả trứng mô tả thu nhỏ đường xe lửa xuyên Siberia. Nó được chế tác vào năm 1900 để kỷ niệm sự kiện hoàn thành việc xây dựng tuyến đường này.

Sau cách mạng Nga năm 1917, một số quả trứng của hòang gia lại bị lưu lạc sang tay nhiều nhà sưu tầm nước ngòai. Trong bản tin của đài BBC ngày 5.2.2004, có 8 quả trứng không còn tìm thấy nữa và một nhà tỷ phú Nga hiện nay là Victor Vekselberg đã mua lại được 9 quả trứng và những món sưu tầm khác từ New York với giá 90 triệu đô la để mang lại về Nga trong thời kỳ « hậu cộng sản ».

Được biết, điện Kremli ở Nga còn giữ được 10 quả trứng của nhà chế tạo Fabergé.
 
Những người phụ nữ và Ngôi mộ trống
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
10:43 22/03/2008

Những người phụ nữ & Ngôi mộ trống

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng tinh sương của ngày thứ nhất trong tuần. Những người phụ nữ đi tới mộ, và họ bàng hoàng kinh ngạc khám phá ra tảng đá che cửa ngôi mộ đá bị đẩy sang một bên. Maria Mađalêna hốt hoảng chạy về nói với Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến, “Người ta đã lấy mất xác Thầy rồi” (Gioan 20:1-2). Phêrô và người môn đệ chạy tới ngôi mộ, nhưng họ cũng không khám phá ra điều gì khác hơn ngoài ngôi mộ trống.

Nếu Đức Giêsu chết đi nhưng Ngài không sống lại, chắc chắn Kitô giáo đã không xuất hiện. Bởi thế trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu thành Côrintô (ct. 1), Phaolô nói, “Nếu Ðức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta thật là hão huyền…[và] chúng ta là những kẻ đáng tội nghiệp” (1Cor 15:1-20). Nhưng có ai trong chúng ta, ngoại trừ Phaolô, và một số tín hữu thời tiên khởi đã thật sự chứng kiến, đối mặt, và đối thoại với Ðức Kitô Phục Sinh. Dựa vào niềm tin của những nhân chứng đặc biệt này, chúng ta tin theo rằng Đức Giêsu đã chết đi nhưng đã sống lại.

Bởi chúng ta chưa bao giờ gặp gỡ Đức Kitô, bởi chúng ta chỉ tin theo, có bao giờ bạn thắc mắc, đặt nghi vấn, hay là nghi ngờ về tính trung thực của câu chuyện Phục Sinh chưa? Ai biết đâu Giáo Hội tiên khởi đã đạo diễn dàn dựng nên một khúc phim Phục Sinh tuyệt vời, và mọi người tín hữu thời đó đã vô tình nhắm mắt, ngớ ngẩn tin theo. Cho nên trong bài tham khảo về tính trung thực của Phục Sinh, chúng ta sẽ cùng nhau khăn gói lên đường, đi ngược lại khoảng hai ngàn năm về trước để làm sáng tỏ hai vấn đề,

(1). Chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên bên ngôi mộ đá?

(2). Tính trung thực của những câu chuyện Phục Sinh.

I. Thứ Sáu và Thứ Bảy

Thứ Sáu của ngày hôm đó có lẽ là thứ Sáu của ngày 14 tháng 4 (Nisan) năm 30. Khoảng giữa trưa mây đen kéo đến che phủ bầu trời kinh thành Giêrusalem. Vào lúc ba giờ chiều sau khi kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa, Lạy Chúa con, sao Ngài bỏ rơi con”? (Máccô 15:34), Đức Giêsu nhắm mắt lại, chết đi.

Không giống như chúng ta, một ngày mới của người Do Thái bắt đầu khi mặt trời lặn hay là 6 giờ chiều. Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng lúc ba giờ chiều ngày thứ Sáu. Nếu vậy chỉ còn ba tiếng nữa, ngày thứ Bảy, ngày Sabát/ngày Hưu Lễ của người Do Thái bắt đầu. Ngày Hưu Lễ là ngày kiêng việc xác; nếu vậy, chỉ còn ba tiếng nữa xác Đức Giêsu phải được mang xuống và chôn cất. Theo như thánh sử Máccô ông Giuse Arimáthêa (ct. 2), một người môn đệ của Đức Giêsu và cũng là một trong bảy mươi hai quan tòa của Hội Đồng Công Nghị Tối Cao của người Do Thái, tới gặp Quan Tổng Trấn Philatô xin được chôn cất Đức Giêsu. Quan Tổng Trấn đồng ý. Thi hài Đức Giêsu được mang xuống, cuốn trong khăn liệm, và chôn trong mộ đá. Trong khi ông Giuse lo việc tống táng, bà Maria Mađalêna và bà Maria, mẹ của ông Giacôbê và ông Giuse, cả hai cũng có mặt tại hiện trường. Sau những loay hoay với những thủ tục chôn cất, với những than khóc, với những sụt sùi, rồi cuối cùng ông Giuse Arimáthêa cũng phải lăn tảng đá che kín lại ngôi mộ. Trong thất vọng, buồn phiền, và tiếc nuối, mọi người đi về nhà của mình trước khi mặt trời lặn.

Ngày Sabát tới.

II. Chúa Nhật Phục Sinh

Sáng sớm của ngày đầu tuần, bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ của ông Giacôbê và ông Giuse, và bà Salômê dắt nhau đi tới ngôi mộ. Trên đường đi, họ nói với nhau,

— Ai sẽ đẩy tảng đá ra khỏi cửa mộ cho chúng ta đây?

Nhưng khi đi tới ngôi mộ, ba người phụ nữ giật mình nhận ra tảng đá lớn đã bị đẩy sang một bên (ct. 3). Tiến vào bên trong, họ kinh ngạc nhìn thấy một người thanh niên mặc áo trắng ngồi bên phải [băng đá?], nhưng thi hài Đức Giêsu biến mất. Trước tình huống bất ngờ không dự liệu, cả ba giật mình, sợ hãi, bỏ chạy ra khỏi mộ (Máccô 16:1-8). Tin Mừng của thánh Máccô chấm dứt tại chương 16 câu 8. Phần còn lại, 16:9-20, không phải của ông nhưng do người khác viết thêm vào sau này. Do đó, nếu không có thánh sử Mátthêu, Luca, và Gioan, có lẽ chúng ta sẽ lúng túng, thắc mắc, không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng ngày hôm đó.

Theo như Mátthêu sáng hôm đó, bà Maria Mađalêna và bà Maria mẹ của ông Giacôbê và ông Giuse đi tới mộ. Khám phá ra ngôi mộ trống và sứ thần Thiên Chúa ngồi trên tảng đá che cửa mộ, họ sợ hãi bỏ chạy (Mátthêu 28:1-10).

Theo như Luca sáng hôm đó, bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ của ông Giacôbê, bà Gioanna, và một số người phụ nữ đi ra mộ. Họ thấy cửa ngôi mộ hé mở. Tiến vào bên trong, họ hoang mang kinh ngạc bởi những người đàn bà không thấy thi hài Đức Giêsu đâu hết. Còn đang phân vân sợ hãi, bỗng nhiên họ thấy hai người thanh niên mặc y phục sáng chói xuất hiện đứng bên cạnh. Những người đàn bà sợ hãi chạy về báo cho mười một môn đệ và những người khác câu chuyện lạ. Chỉ có một vài người trong đó có Phêrô tin vào lời nói của họ. Những người này chạy ra ngôi mộ. Nhưng rất tiếc họ cũng không khám phá ra điều gì khác hơn ngoại trừ ngôi mộ trống và khăn liệm Đức Giêsu (Luca 24:1-12, 24).

Theo như Gioan sáng hôm đó, bà Maria Mađalêna một mình đi ra mộ. Thấy tảng đá lăn ra khỏi cửa, bà chạy về thông báo cho Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến bản tin bất ngờ. Phêrô và người môn đệ cùng chạy ra tới ngôi mộ. Nhưng cả hai cũng không khám phá ra điều gì khác hơn ngoài những mảnh khăn liệm và khăn cuốn đầu của thi hài Đức Giêsu còn để lại trong ngôi mộ trống (Gioan 20:1-10).

Dựa vào bốn bản Tin Mừng vừa được trích dẫn ở trên, chúng ta có một bức tranh Phục Sinh tương đối đầy đủ như sau:

(1). Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, một số người phụ nữ mang dầu thơm đi tới ngôi mộ Đức Giêsu, bởi vào buổi chiều ngày thứ Sáu vừa qua, họ chỉ có khoảng trên dưới hai tiếng đồng hồ để tẩm liệm và chôn cất thi hài của Ngài;

(2). Trên đường đi, chợt nhớ đến tảng đá, những người phụ nữ lo lắng hỏi nhau làm sao mở được cửa mộ bây giờ. Nhưng thật là bất ngờ, khi tới nơi, họ thấy cửa mộ đã hé mở. Tiến vào bên trong, họ khám phá ra thi hài Đức Giêsu đã biến mất, nhưng khăn liệm còn để lại;

(3). Những người phụ nữ sợ hãi, chạy về nhà, sau khi được thiên sứ thông báo Tin Mừng Phục Sinh. Nhận được tin, Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến chạy ra ngôi mộ. Nhưng cả hai cũng không thấy điều gì khác hơn ngoài ngôi mộ trống và khăn liệm.

Dựa vào ba sự kiện trên đây và bốn bản Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta nhận ra một chi tiết khá lạ, đó là, bốn thánh sử không thống nhất với nhau, trong khi các ngài tường thuật lại những dữ kiện của biến cố Phục Sinh. Thí dụ, “Thật sự ra đã có bao nhiêu người phụ nữ đi tới ngôi mộ? Tên của họ là chi?” hoặc là, “Khi tới ngôi mộ, những người đàn bà đã gặp bao nhiêu sứ giả của trời cao? Họ gặp những sứ giả Phục Sinh ở bên ngoài hay ở bên trong ngôi mộ? Những người thanh niên này đứng hay họ ngồi?”

Tuy nhiên, tất cả bốn tác giả đều đồng ý với nhau về hai dữ kiện:

(1). Phụ nữ là những nhân chứng cho một biến cố vĩ đại chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhân loại. Một trong những người này là bà Maria Mađalêna.

(2). Ngôi mộ Ðức Giêsu cuối cùng trở thành ngôi mộ trống. Thi hài của Ngài biến mất.

Hai dữ kiện này chính là hai sự kiện căn bản đã xảy ra vào buổi sáng của ngày Phục Sinh thứ nhất trong lịch sử của Kitô giáo.

Sau khi đã kiếm ra đáp số cho ẩn số (x) thứ nhất của bài tham khảo, “Chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng sớm của ngày hôm đó?”, bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang đề tài thứ hai, đó là, “Tính trung thực của câu chuyện Phục Sinh”.

III. Phụ Nữ: Nhân Chứng của Tin Mừng Phục Sinh

Đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều người nghi ngờ về tính trung thực của câu chuyện Phục Sinh. Họ nghi ngờ Giáo Hội thời tiên khởi đã sáng tác ra câu chuyện vào một buổi sáng sớm tinh mơ mùa Xuân, những người phụ nữ dẫn nhau đi ra ngôi mộ để ướp xác Đức Giêsu. Điều nghi ngờ này hoàn toàn có lý, bởi ai biết đâu cả bốn thánh sử đã tưởng tượng, nói dối, rồi âm mưu với nhau dàn dựng nên bộ phim Phục Sinh dài một tập. Nhưng nếu đúng là như vậy, và nếu hiểu rõ về văn hóa và phong tục của người Do Thái, chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra một điều rất khó để mà giải thích, đó là, Giáo Hội thời tiên khởi, gồm những người Do Thái, đã dùng phụ nữ để làm chứng nhân cho một biến cố Phục Sinh. Điều này vô cùng lạ lùng và khó hiểu, bởi vì phụ nữ Do Thái vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên bị đối xử như công dân hạng hai trong xã hội.

Tương tự như người Việt Nam, phụ nữ Do Thái tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tại gia tòng phụ? Người phụ nữ Do Thái trong gia đình phải phục tùng và vâng lời cha mẹ. Cha mẹ đặt đâu, con gái ngồi đó. Xuất giá tòng phu? Sau khi lập gia đình, người phụ nữ hoàn toàn thuộc về gia đình người chồng. Cơ nghiệp của phu quân chính là cơ nghiệp của riêng mình. Phu tử tòng tử? Nếu người chồng có mệnh hệ gì, người vợ phải phục tùng người con trai trưởng, bởi vì sau khi thân phụ qua đời, anh ta đã trở thành trụ cột chính trong gia đình.

Bởi chỗ đứng thấp kém của người phụ nữ, vào thời Ðức Giêsu không ai dùng đàn bà, con gái làm nhân chứng cho những tranh cãi kiện tụng trong tòa án, hay là bất cứ vấn đề gì. Đối với người Do Thái chứng từ của người phụ nữ hoàn toàn không có giá trị gì hết.

Hiểu rõ vị thế của người phụ nữ Do Thái trong xã hội vào thế kỷ thứ nhất, bạn sẽ ngạc nhiên vô cùng khi khám phá ra một hiện tượng lạ, đó là, cả bốn thánh sử đều dùng phụ nữ làm những nhân chứng cho một biến cố vĩ đại đã thay đổi bộ mặt của toàn thế giới. Thêm vào đó, Maria Mađalêna, người phụ nữ đứng đầu danh sách và được nhắc tới trong cả bốn bản Tin Mừng Phục Sinh, lại là một nhân vật, mà theo như Máccô diễn tả, bà đã được Đức Giêsu trục xuất ra khỏi người bảy con quỷ (Máccô 16:9). Đây là một dữ kiện khá mất mặt cho Giáo Hội thời sơ khai. Chắc chắn những người lãnh đạo Do Thái chống đối Đức Giêsu đã bịt mũi cười khinh bỉ vào mặt Phaolô, Phêrô, và những người Kitô hữu thời tiên khởi mà nói, “Đúng là chuyện phường chèo”, khi biết rằng đàn bà phụ nữ là những nhân chứng cho một niềm tin về Đức Kitô Phục Sinh.

Tuy nhiên đối với chúng ta, những người tín hữu của thiên niên kỷ thứ ba, những sự kiện bất lợi và mất mặt của ngày xưa lại có giá trị rất cao về tính trung thực; bởi nếu cần phải đạo diễn cho câu chuyện Phục Sinh để mà lừa bịp những người chống đối, Giáo Hội gồm toàn những người Do Thái đã không ngớ ngẩn bắt đầu bộ phim Phục Sinh bằng những bước chân của người phụ nữ, nhưng là của Phêrô.

Phaolô và danh sách của những chứng nhân Phục Sinh trong lá thư gửi tín hữu thành Côrintô là một thí dụ cụ thể cho vấn đề chúng ta đang thảo luận, đó là, không ai lại dùng phụ nữ để làm nhân chứng cho đại Tin Mừng Phục Sinh. Khi nhắc tới tên của những người có diễm phúc được diện kiến với Đức Kitô, Phaolô không đả động hay nhắc nhở gì đến bất cứ tên tuổi của một người phụ nữ nào hết, kể cả Maria Mađalêna, người đứng đầu và xuất hiện trong cả bốn bản Tin Mừng Phục Sinh. Trong bản danh sách những nhân chứng Tin Mừng Phục Sinh của Phaolô, Phêrô đứng đầu, sau đó là nhóm Mười Hai, rồi tới hơn năm trăm người Kitô hữu (đàn ông), ông Giacôbê người anh họ của Đức Kitô tiếp theo sau, nối tiếp là các Tông Đồ, và sau cùng là Phaolô (1Cor 15:5-8). Tất cả những nhân vật nằm trong danh sách này đều là đàn ông (ct. 4). Nhưng chúng ta biết, như đã được phân tích và trình bày ở trên (II. Chúa Nhật Phục Sinh), Phêrô không phải là nhân chứng Phục Sinh đầu tiên.

Cho nên, mặc dù vẫn còn tranh cãi với nhau về những sự kiện đã xảy ra chung quanh biến cố Phục Sinh, các thần học gia đều đồng ý với nhau về một điểm, vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, những người phụ nữ Do Thái đã dẫn nhau đi tới mộ, và họ là những nhân chứng đầu tiên cho đại Tin Mừng Phục Sinh.

IV. Ngôi Mộ Trống

Sau khi đã sáng tỏ về tính trung thực của những dữ kiện liên quan đến những chứng nhân Phục Sinh, bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau đi vào ngôi mộ của Đức Giêsu để giảo nghiệm, xem xét, và tìm hiểu coi có thật đúng là ngôi mộ đá đã trở nên ngôi mộ trống hay không?

A. Các Nhà Lãnh Đạo và Ngôi Mộ Trống

Theo như Mátthêu, những người lãnh đạo Do Thái, trước hiện tượng ngôi mộ trống và thi hài Ðức Giêsu biến mất, đã cho những người lính La Mã một số tiền lớn để họ tung tin rằng “ban đêm trong khi chúng tôi đang ngủ, những người môn đệ của hắn đã tới lấy trộm xác” (Mátthêu 28:11-15).

Theo như Gioan, sau khi khám phá ra tảng đá lăn sang một bên, bà Maria Mađalêna chạy về báo tin, “Người ta đã cướp lấy thi hài của Thầy rồi” (Gioan 20:1-2).

Nếu Maria Mađalêna hay là Phaolô hay là Phêrô thông báo với mọi người rằng xác Ðức Giêsu đã biến mất, điều này cũng không đặc biệt và lý thú cho bằng nếu bản tin về ngôi mộ trống được thông báo và xác nhận bởi các nhà lãnh đạo Do Thái thù nghịch với Đức Kitô. Tin Mừng theo thánh Mátthêu 28:11-15 xác nhận một chi tiết khá lý thú, đó là, chính những người chống đối Ðức Giêsu cũng đã không hề phủ nhận, nhưng phải công nhận là ngôi mộ đá của Đức Giêsu, mặc dù đã được Quan Tổng Trấn Philatô sai người niêm phong đóng ấn, được quân lính La Mã binh khí ngập tới miệng canh phòng cẩn thận, đã trở thành ngôi mộ trống. Chứng từ của các nhà lãnh đạo Do Thái về tính trung thực của ngôi mộ trống của Đức Giêsu do đó trở thành một chứng từ với giá trị rất cao.

B. Thi Hài của Đức Giêsu Bị Đánh Cắp

Mà tại sao thi hài Đức Giêsu lại biến mất? Để giải thích cho hiện tượng ngôi mộ trống, dựa vào chứng từ của những thầy Thượng Tế (Mátthêu 28:11-15), có một số người đặt nghi vấn là những người môn đệ của Đức Giêsu, vào lúc ban đêm, đã lẻn tới, cậy nắp mộ, lấy mất xác, rồi phao tin đồn thất thiệt là Ngài sống lại. Nhưng giả thiết này cũng không đứng vững bởi hai dữ kiện liên quan đến khăn liệm Đức Giêsu và dấu niêm phong ngôi mộ đá.

1. Khăn Liệm

Theo như Luca và Gioan, mặc dù thi hài biến mất, khăn liệm Ngài vẫn còn để lại trong mộ (Luca 24:12, Gioan 20:5-7). Đặc biệt thánh sử Gioan còn nhấn mạnh đến một chi tiết khá lạ, đó là, khăn quấn đầu đã được cuộn tròn để riêng, không lẫn lộn với những băng vải cuốn thi hài Đức Giêsu (Gioan 20:7). Trong khi giảo nghiệm xem xét lý do tại sao xác Đức Giêsu lại biến mất, khăn cuốn đầu Ðức Giêsu được cuộn tròn, để sang một bên trở thành một dữ kiện khá lý thú. Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu các môn đệ của Ðức Giêsu đã thật sự đến cướp xác Ngài, tại sao họ lại không ôm lấy xác Ðức Giêsu bỏ chạy thẳng một mạch, mà lại còn phải mất thời giờ, tỉ mỉ cuộn tròn khăn che đầu của xác Thầy, sau đó cẩn thận để khăn che đầu cuộn tròn sang một bên?

2. Dấu Niêm Phong

Theo như thánh Mátthêu, vào buổi chiều ngày thứ Sáu, các thầy Thượng Tế và Biệt Phái dặn dò “cảnh cáo” Quan Tổng Trấn phải cẩn thận canh chừng xác Ðức Giêsu, bởi họ sợ môn đệ của Ðức Giêsu sẽ đến cướp thi hài, rồi phao tin là Ngài đã sống lại. Trước lời yêu cầu, Quan Tổng Trấn gật đầu đồng ý với đề nghị của các nhà lãnh đạo Do Thái. Thế là các thầy Thượng Tế và Biệt Phái sai người đóng ấn niêm phong cửa mộ và điều động quân lính bảo hộ La Mã trấn đóng ngôi mộ đá ngày và đêm (Mátthêu 27:62-66).

Trong bầu không khí căng thẳng trước và sau cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, và trong tình hình canh gác nghiêm ngặt tại ngôi mộ, giả thiết là các người môn đệ đã lén tới ngôi mộ vào ban đêm để cướp đi thi hài Đức Giêsu cũng rất khó có thể đứng vững, bởi nhiều lý do:

(1). Trong Vườn Cây Dầu, ngay vừa khi đụng mặt với quân lính La Mã, tất cả các nam môn đệ của Ðức Giêsu sợ hãi “bỏ của, bỏ sư phụ, chạy lấy người”;

(2). Trong khi Ðức Giêsu đang bị thẩm vấn điều tra trong tòa Công Nghị, chỉ có Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến mới dám thập thò xuất hiện trước cửa tòa án theo dõi tình hình. Tất cả những người nam tử còn lại trong nhóm Mười Hai hoàn toàn vắng mặt, biệt âm vô tín;

(3). Trên đỉnh Núi Sọ, theo Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có những người phụ nữ đứng yên chứng kiến cảnh Đức Giêsu thọ hình, chết đi. Riêng những người môn đệ “nam nhi chi chí” của Ðức Giêsu hoàn toàn vắng mặt (ct. 5);

(4). Khi những người đàn bà chạy về nhà báo tin, những “thông minh nhất nam tử” vẫn run sợ không dám đi ra ngôi mộ ngoại trừ Phêrô và người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến.

Dựa vào sự kiện niêm phong ngôi mộ, quân lính La Mã canh gác nghiêm ngặt, và tâm lý của các môn đệ của Đức Giêsu, giả thiết là các ông đã đánh cắp thi hài cũng khó đứng vững. Làm sao họ, những người chạy trốn vì sợ hãi trong suốt thời gian Đức Giêsu bị bắt, bị thọ hình, bị chôn trong mồ, dám manh nha trong đầu tư tưởng quay lại ngôi mộ được niêm phong và canh gác cẩn thận bởi lính La Mã để cướp đi thi hài của thầy mình?

C. Lầm Ngôi Mộ

Một trong những lý do để giải thích cho ngôi mộ trống và lý do tại sao thi hài Đức Giêsu lại biến mất là có thể tại vì sáng hôm đó, trời còn mờ tối, những người phụ nữ đã lầm lẫn ngôi mộ Đức Giêsu với một ngôi mộ của người khác. Điều này rất có thể đã xảy ra, bởi vì ai biết đâu lúc đó trong cảnh tranh tối tranh sáng, mấy người phụ nữ đã nhìn gà hóa cuốc, chỉ gà nói vịt. Lâu rồi bận công việc phải đi xa không có dịp thăm viếng ngôi mộ của người thân, khoảng một năm sau chúng ta ghé vào nghĩa trang. Bởi cảnh trí thay đổi, thí dụ, đã có thêm một vài ngôi mộ mới, thông thường chúng ta sẽ lúng túng trong khoảng một vài giây để xác định lại phương hướng ngôi mộ của người thân.

Nhưng giả thiết lầm lẫn mộ cũng không đứng vững, bởi vì theo như Máccô, Mátthêu, và Luca, hôm đó những người phụ nữ hiện diện trên ngọn đồi Gôlgôtha đã không bỏ về sau khi Đức Giêsu trút hơi thở. Bởi nghĩa tử là nghĩa tận, những người đàn bà đã ở lại với Ngài cho tới giờ phút cuối cùng. Mãi tới khi ông Giuse đã lăn tảng đá lấp kín lại ngôi mộ, họ mới chịu quay về nhà. Ðặc biệt thánh Máccô và thánh Luca còn cẩn thận ghi chú như sau, “Bà Maria Mađalêna và bà Maria mẹ ông Giuse để ý nhìn coi chỗ họ mai táng Ngài” (Máccô 15:47), và “Các bà để ý nhìn ngôi mộ, xem thi hài Người được đặt như thế nào” (Luca 23:55). Hai chi tiết đặc biệt này nói cho chúng ta biết hai bà Maria đã có bụng chủ tâm để ý tới địa thế của ngôi mộ, bởi chính họ cũng sợ tình trạng lầm lẫn ngôi mộ có thể sẽ xảy ra. Thêm vào đó, thời gian từ lúc những người phụ nữ đi về nhà cho tới lúc họ đi ra mộ không phải là một khoảng thời gian dài, một tuần, một năm, hoặc mười năm. Từ chiều thứ Sáu cho tới sáng sớm ngày Chúa Nhật, mới hơn có một ngày, rất khó cho những người phụ nữ lẫn lộn ngôi mộ của Ðức Giêsu với ngôi mộ của người khác.

V. Chứng Nhân Phục Sinh

Nhưng ngôi mộ trống cũng chỉ xác định được một điều, thi hài Đức Giêsu không còn trong mộ. Ngôi mộ trống không có khả năng làm cho niềm tin Phục Sinh khai hoa nở nhụy nếu Đức Kitô Phục Sinh không xuất hiện. Những cuộc hội kiến với Đức Kitô, tường thuật với những chi tiết tỉ mỉ trong Kinh Thánh và đặc biệt trong Sách Tông Đồ Công Vụ, đã giải thích hiện tượng ngôi mộ trống, đồng thời, cũng trình bày cho độc giả biết lý do tại sao xác Ngài đã biến mất.

A. Thi Hài Đức Giêsu Biến Mất

Người Kitô hữu giải thích rằng thi hài Ðức Giêsu đã biến mất không phải bởi vì bị đánh cắp, hay bị thú hoang lẻn vào cắn xé lôi đi mất, hay bởi vì bất cứ lý do gì, nhưng bởi Ngài đã phục sinh. Khi sống lại, Ngài trở thành Ðức Kitô, Người đang ngự trong Nhà Tạm của ngày hôm nay. Đức Kitô Phục Sinh của ngày xưa cũng chính là Bánh và Rượu mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Thánh Thể.

B. Nhân Chứng Phục Sinh

Vào chính giây phút Ðức Giêsu sống lại từ trong cõi chết, thật sự ra không ai hay cũng chẳng ai biết. Hình ảnh Ðức Kitô Phục Sinh cầm cờ Phục Sinh tiến ra khỏi mộ trong khi quân lính La Mã sợ hãi ngã lăn ra mặt đất hoặc hoảng sợ cúi gục đầu xuống chỉ là sự tưởng tượng của những họa sĩ. Mặc dầu không có ai được chứng kiến giờ phút Ngài sống dậy, tuy nhiên vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần và sau đó, rất nhiều người đã gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Theo như Mátthêu, trên con đường chạy về nhà từ ngôi mộ trống, các người phụ nữ đã gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh. Họ tiến lại gần, ôm lấy chân, và thờ lạy Người (Mátthêu 28:9).

Theo như Luca, vào buổi chiều cùng ngày, trên con đường dài dẫn về ngôi làng Emmau, Ðức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với hai môn đệ. Một trong hai người này tên là Clêôpas. Khi gần tới làng Emmau, hai người môn đệ mời người người khách lạ ở lại với họ. Trong bữa ăn tối, hai người nhận ra người khách lạ đó chính là Ðức Kitô qua hình ảnh bẻ bánh. Họ vội vàng dẫn nhau quay về lại Giêrusalem. Trong khi đang kể lại cho những người môn đệ khác về những điều họ vừa nhìn thấy, Ðức Kitô hiện ra ở ngay giữa các môn đệ, và Ngài nói, “Bình an cho các con”.

Theo như Gioan, sau khi Phêrô và người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến đã bỏ về, bà Maria Mađalêna một mình ở lại bên ngôi mộ trống. Ðức Kitô hiện ra với bà, nhưng Maria lại tưởng là người làm vườn cho đến lúc Ngài gọi, “Maria ”. Khi đó bà mới nhận ra người đang đối diện chuyện trò với bà chính là Ðức Kitô Phục Sinh. Và bà ra về, gặp gỡ, và nói với các môn đệ của Ðức Giêsu, “Tôi đã gặp gỡ Ngài” (Gioan 20:11-18).

Ðặc biệt hơn hết, có một người đã là chứng nhân độc đáo về một Ðức Kitô Phục Sinh, đó là Phaolô Társus. Phaolô nguyên gốc Do Thái, công dân La Mã, thuộc chi tộc Bengiamin, sinh ra tại thành phố Társus thuộc tỉnh Cêlicia nằm trong Ðế Quốc La Mã. Lớn lên, được gửi về Giêrusalem ăn học, Phaolô trở thành một người Biệt Phái, giỏi hùng biện, có lòng nhiệt thành bảo vệ đức tin Do Thái giáo. Bởi vậy Phaolô chống đối và thù ghét tất cả những người tin vào Ðức Kitô. Lùng bắt những người Kitô tại kinh thành Giêrusalem chưa đủ, Phaolô quyết định tiến về phía bắc Do Thái, thành phố Đamáscus tìm kiếm thêm người Kitô hữu để mang về Giêrusalem trị tội. Nhưng rất tiếc, trên con đường tiến về thành phố Đamáscus, người Biệt Phái Saolê đã gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh. Và cuộc đời Saolê biến đổi từ giây phút đó. Sau khi rửa tội trở thành người Kitô hữu, Phaolô đã dùng cả một quãng đời còn lại bôn ba trên nhiều nẻo đường của Đế Quốc La Mã để rao giảng và làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh mà ông đã diện kiến.

VI. Âm Mưu

Có một số người nghi ngờ rằng những cuộc diện kiến và đối thoại với Ðức Kitô Phục Sinh chỉ là kết quả của một ảo tưởng, một hiện tượng tâm lý.

Một lần nữa, bởi chỉ tin theo, chúng ta phải chấp nhận một điều, có thể Giáo Hội thời tiên khởi đã âm mưu cùng với nhau dựng nên một bộ phim ngắn về Ðức Kitô Phục Sinh. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có bao nhiêu người sẵn sàng đổ máu đào, mạng sống của chính mình cho một âm mưu gian dối lừa đảo như vậy? Stêphanô, người thanh niên trẻ trong chương 7 của sách Tông Đồ Công Vụ, đã đổ máu đào, chết đi để làm chứng cho một âm mưu gian dối của Giáo Hội tiên khởi. Chương 7, 9 và mười chín chương còn lại của Sách Tông Ðồ Công Vụ cũng không tường thuật điều gì khác hơn ngoài những câu chuyện về những hoạt động của một người Biệt Phái tên là Phaolô, cựu hung thần của tín hữu thời tiên khởi. Thế mà sau những giây phút gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh, cựu hung thần lột da đổi xác. Phaolô trở thành một chiến sĩ tiền phong, lên non cao, xuống biển sâu, bị hành hung, bị đánh đập, bị săn đuổi, bị tù đày, bị sỉ nhục, bị chìm tàu, cuối cùng chết đi, chỉ để làm chứng cho một âm mưu lừa bịp gian dối. Ngoài Phaolô ra, còn biết bao nhiêu người khác nữa trong giai đoạn sơ khai của Giáo Hội đã đổ máu đào, bị tra khảo, bị chặt đầu, bị đóng đinh, bị đốt cháy, tất cả đều dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho một âm mưu đen tối.

Hiện tượng tử đạo, sẵn sàng thí bỏ mạng sống mình, chết đi cho một niềm tin của bao nhiêu người Kitô vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên thật sự là khó hiểu, và khó mà giải thích cho hợp lý nếu không dựa vào niềm tin là họ đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.

VII. Kết Luận

Nếu có ai hỏi bạn, chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên của người Kitô hữu? Bây giờ bạn có thể nói rằng, “Vào một buổi sáng sớm mùa Xuân, Maria Mađalêna và những người phụ nữ đi tới mộ. Và họ khám phá ra ngôi mộ trống”.

Dựa vào chứng cớ của những người phụ nữ, của Phêrô, của Phaolô, và dựa vào máu đào của Stêphanô và của bao nhiêu tín hữu tiên khởi, chúng ta tin theo rằng Ðức Kitô đã sống lại.

Là người Kitô hữu, môn đệ của Ðức Kitô, chúng ta tin rằng sau này bạn và tôi cũng sẽ được sống lại với Người. Và đây là một trong những Tin Mừng trong Mùa Phục Sinh cho những người Kitô hữu trên toàn thế giới

Chú Thích

(1). Thuộc nước Hy Lạp

(2). Theo như bản Tin Mừng Gioan, ông Nicôđêmô xuất hiện tại núi Sọ giúp đỡ ông Giuse tẩm liệm và chôn cất xác Ðức Giêsu (Gioan 19:38-42).

(3). Về tảng đá che cửa mộ, theo như Máccô, sau khi tẩm liệm xác Ðức Giêsu và đặt Ngài trong ngôi mộ đá, Giuse [chính tay] lăn tảng đá che kín ngôi mộ. Tảng đá này có kích thước không phải là nhỏ. Chi tiết này được Máccô nhắc nhở với độc giả Kinh Thánh không phải chỉ một mà là hai lần. Lần thứ nhất, trên con đường đi ra ngôi mộ, Maria Mađalêna, Maria mẹ của ông Giacôbê and ông Giuse, và Salômê lo lắng, thắc mắc, nói với nhau, “Ai sẽ đẩy tảng đá ra khỏi cửa mộ cho chúng ta đây?” (Máccô 16:3). Lần thứ hai, tiếp theo sau ngay câu 3, Máccô ghi rõ là “[tảng đá này] rất lớn” (Máccô 16:4). Ai đã đẩy tảng đá này sang một bên? Cả ba người Máccô, Luca, Gioan đều không nói gì tới nhân vật đã xê dịch tảng đá ngoại trừ Mátthêu. Theo như Mátthêu, sáng sớm ngày hôm đó, từ trời cao sứ thần Thiên Chúa hiện xuống, đẩy tảng đá sang một bên và ngồi lên trên đó.

(4). Ở đây có thể Phaolô chỉ nhắc lại một truyền thống khá phổ biến trong những cộng đồng tín hữu Kitô tiên khởi. Nếu đúng là như vậy, đã có ít nhất hai truyền thống hơi khác nhau về những nhân chứng Phục Sinh lưu truyền trong những giáo hội địa phương. Một truyền thống, được trình bày trong bốn cuốn Phúc Âm, tin rằng phụ nữ trong đó có bà Maria Mađalêna là nhân chứng đầu tiên. Trong 1Côrintô 15:5-8 Phaolô nhắc tới truyền thống thứ hai, trong đó Phêrô đứng đầu bảng vàng. Đặc biệt nhất những người được nhắc tới trong danh sách thứ hai này toàn là đàn ông.

(5). Duy nhất chỉ có Gioan trong bản Tin Mừng thứ tư nhắc đến sự hiện diện của người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến dưới chân thánh giá. Theo như truyền thống khá phổ biến, người môn đệ này chính là tông đồ Gioan, em ông Giacôbê, trong nhóm Mười Hai người.

Thư Mục Tham Khảo

Anderson, J.N.D. The Evidence for the Resurrection. Downers Grove, IL: Intervarsity, 1966.

Borg, Marcus J. “Thinking About Easter,” Bible Review (April 1994) 15, 49.

Bostock, Revd Dr Gerald Boldock. “Do We Need an Empty Tomb?” The Expository Times (1994) 202-205.

Brown, Raymond E. The Death of the Messiah. From Gethsemane to the Grave. ABRL; New York, NY: Doubleday, 1994.

Craig, William Lane. “The Guard at the Tomb,” New Testament Studies 30 (1984) 273-281.

Crossan, John Dominic. “Is It Possible to Know That Jesus Was Raised From the Dead?” Faith and Philosophy 1 (1984) 147-159.

Fuller, Reginald H. The Formation of the Resurrection Narratives. Philadelphia: Fortress Press, 1980.

Keller, James A. “Contemporary Doubts About the Resurrection,” Faith and Philosophy 5 (1988) 40-60.

Gardner, Richard B. Matthew. Scottdale, PA: Herald, 1991.

Hare, Douglas. Interpretation: Matthew. Louisville: Westminster John Knox, 1993.

Jeremias, Joachim. Jerusalem in the Time of Jesus. Philadelphia: Fortress, 1969.

Johnson, E. S. “Is Mark 15:39 the Key to Mark’s Christology?” Journal for the Study of the New Testament 31 (1987) 3-22.

Küng, Hans. On Being a Christian, trans. by Edward Quinn. 1974. New York: Pocket Books, 1976.

Lewis, C.S. Mere Christianity. New York: Macmillan, 1960.

Mack, Burton L. The Lost Gospel-The Book of Q. San Francisco: Harper-Collins, 1993.

Morison, Frank. Who Moved the Stone? Grand Rapids, MI: Zondervan Publishing House, 1987.

Moreland, J.P. and Kai Neilsen. Does God Exist? Buffalo, NY: Prometheus, 1990.

Perrin, Norman. The Resurrection According to Matthew, Mark, and Luke. Philadelphia: Fortress, 1977.

Senior, Donald. Matthew. ANTC; Nashville: Abingdon, 1998.

____________. The Passion Narrative according to Matthew. BETL 39; Louvain: Leuven University, 1975.

____________. “Revisiting Matthew’s Special Material in the Passion Narrative,” Ephimerides Theologicae Lovanienses 70 (1994) 417-24.

www.nguyentrungtay.com
 
Thông Báo
Chúc Mừng Lễ Phục Sinh
Lm. Gioan Trần Công Nghị
23:14 22/03/2008


Chúa đã sống lại thật như lời đã phán hứa, Alleluia, Alleluia.


Toàn thể Linh Mục, Tu Sĩ và Anh Chị Em Giáo Dân

trong Ban Biên Tập VietCatholic

xin Chân Thành Kính Chúc

Quý Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha,

Quý Ðức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ,

và toàn thể Anh Chị Em Độc Giả

Một Mùa Phục Sinh Thánh Thiện

và Tràn Ðầy Hồng Ân của Thiên Chúa.



 
Văn Hóa
Nhân dịp giỗ 100 ngày của Nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyền
Thiên Lâm
13:05 22/03/2008
Nhân dịp giỗ 100 ngày của Nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyền

Tôi đã hân hạnh được đọc bài “Tưởng niệm Nhà sưu khảo Phạn Xuân Tuyển, người đã 40 năm đi tìm "Chân Dung Hàn Mạc Tử” đăng trên nguyệt san CG v DT số Xuân Mậu Tý 157 trang 65-70. Trong đó anh có đề cập đến việc Anh Tuyển lên Dalat dự lễ khánh thành Nhà thờ mới Thiện Lâm, phường 8 thành phố Dalat ngày 14.12.2007, nhà thờ này có nhiều tính Hội Nhập Văn Hóa, khuôn viên có đài tưởng niệm Hàn Mạc Tử.

Ông Phạm Xuân Tuyền
Sau đó về Nha Trang và Phan Thiết, bị tai biến mạch máu não ngày 19.12.08 và qua đời ngày 20.12.07. Tôi có được cha Trăng Thập Tự gọi điện thọai nhắn qua người khác báo tin tình trạng tai biến của anh Tuyển. Tôi rất bận công việc mục vụ ngày kỷ niệm thụ phong linh mục 20. 12 và chuẩn bị lễ Noel, nên không thể ra Phan Thiết thăm và từ giã anh Tuyển được.

Nhân dịp giỗ 100 ngày anh Tuyển ra đi vĩnh viễn, tôi xin viết đôi hàng tới Anh và gia đình cùng các bạn yêu qúy Hàn Mạc Tử, để gọi là tâm tình tạ lỗi và thắp một nén hương lòng tưởng nhớ cầu nguyện cho linh hồn Vincent Francois.

Anh Đơn Phương thật may mắn đã nhanh nhậy ra kịp đúng ngày 21.12.07, tới tư gia, nơi cư hành tang lễ cho Nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển vừa qua đời lúc 6g50 sáng ngày 20. 12. 2007.

Trong bài viết anh đã lược qua những giai đọan quen biết và làm việc với anh Phạm xuân Tuyển suốt 40 năm qua như một người bạn chí tình qua sự nghiệp thi ca và cuộc đời họ Hàn. Đỉnh cao là anh Tuyển đã cho ra đời cuốn ”Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử” năm 1998 đã được giải thưởng Dục Thanh của tỉnh Bình Thuận, một nguồn tư liệu xác thực nhất qua hình ảnh và tư liệu gốc về niên biểu lịch sử và địa dư…về cuộc đời của một thiên tài thơ ca Hàn Mạc Tử.

Cuốn Hồi Ký “Hàn Mạc Tử, những ngày cuối cùng ở Quy Hòa” đã được giải thưởng của tạp chí Sông Hương.

Anh Đơn Phương đã hợp tác với anh Phạm xuân Tuyển hòan tất và xuất bản tập trường thơ “Quần Tiên Hội”, mà anh Phạm xuân Tuyển cũng tặng tôi một cuốn…

Năm 2005, anh Phạm xuân Tuyển đã cùng Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận đã xuất bản tập sưu khảo “Phan Thiết-Hàn Mạc Tử”, được giải thưởng hạng C của Hội Văn Học Việt Nam. Anh Phạm xuân Tuyển cũng ký tặng tôi cuốn sách này. Trong đó lời giới thiệu của ông Đỗ Kim Ngư, Chủ tịch Hội VHNT Bình Thuận và Lời Bạt của ông Phan Bình, có rất nhiều chi tiết thực cảm động của cuộc đời và sự nghiệp của nhà sưu khảo Phạm xuân Tuyển…

Cảm hứng từ bài ca Hàn Mạc Tử của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, mà anh con trai mới lớn Phạm xuân Tuyển đã say mê để cảcuộc đời đi tìm chân dung đích thực của Hàn Mạc Tử…Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Hàn Mạc Tử (1912-1940). Lầu Ong Hòang ở Phan Thiết, Mũi Né, nơi gặp gỡ đầu tiên Mộng Cầm-Hàn Mạc Tử. Phan Thiết và những nàng xuân nữ trong thơ và trong tình yêu của Hàn Mạc Tử. Những lời thơ buồn bắt nguồn từ mối tình xuân sắc Mộng Cầm-Hàn Mạc Tử. Những bài thơ của Mai Đình nữ sĩ. Hàn Mạc Tử-ThươngThương từ bến Sông Hương đến bến Mường Giang. Xin gọi đúng bút danh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Sự thật về bài thơ “Ở đây thôn Vĩ Dạ”. Đi tìm chính danh “Francois Trí”-Hàn Mạc Tử. Thêm một tư liệu mới về nhà thơ Hàn Mạc Tử-Francois Trí…Những ngày tháng cuối cùng của Hàn Mạc Tử. Một số bài viết về Hàn Mạc Tử, Phạm xuân Tuyển đã sưu khảo…

Qủa thực, anh Phạm xuân Tuyển đã lặn lội đi khắp 3 miền Đất Nước VN, nơi nào có dấu chân của Hàn Mạc Tử đến sinh sống và làm việc…Anh đã để cả cuộc đời trai trẻ đi góp nhặt mọi tư liệu, sách báo, hình ảnh có liên quan đến Hàn Mạc Tử…Một nỗi đớn đau nhất trong đời của Phạm xuân Tuyển là một cơn hỏa họan khủng khiếp đã thiêu rụi nhà cửa, tài sản của gia đình, kể cả tòan bộ sưu tập từ lâu về Hàn Mạc Tử cũng trở thành tro bụi…Lòng đam mê tha thiết với Hàn Mạc Tử không hề xa lìa anh. Anh thường nói:”thà vợ bỏ, chứ không bỏ họ Hàn”. Anh lại bắt tay làm lại từ đầu…Hình như ai làm gì về Hàn Mạc Tử đều bị bi lụy như số phận bi thương của họ Hàn, như tai nạn, cháy nhà, vợ bỏ PXT. Cuối cùng anh bị tai biến mạch máu não mấy lần…lần cuối cùng là ngày 19. 12. 07.

Bia Hàn Mạc Tử và 2 bài thơ nổi tiếng
Trong bài viết của anh Đơn Phương tưởng niệm nhà sưu khảo Phạm Đình Tuyển, người đã 40 năm đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử, đã đến Dalat dịp cung hiến và khánh thành nhà thờ mới Thiện Lâm ngày 14. 12. 2007 do ĐGM Phêrô Nguyễn văn Nhơn chủ sự. Anh PxT đã nhiều lần lên Dalat và ăn ở tại giáo xứ Thiện Lâm, được cha sở quan tâm giúp đỡ. Anh rất thích Thiện Lâm có khung cảnh thóang mát tự nhiên, lại có nhiều công trình Hội Nhập Văn Hóa. Nhà trưng bày Một Cột, các tượng đài tưởng niệm đạo đời như Vua Hùng Vương, Adam-Eva, Âu Cơ, các vị TĐVN, các thánh sử, Đức cha Lambert de la Motte, vị GM đầu tiên đặt chân lên VN vào thế kỷ 17 truyền chức cho linh mục bản quốc VN đầu tiên và lập dòng MTG VN, ĐGM Cassaigne tông đồ người cùi, ĐGM SH Nguyễn văn Hiền GM VN tiên khởi của giáo phận Saigon và Dalat. Các nhà trí thức đạo CG có công với nền Văn Hóa VN như Cha Đắc Lộ ông tổ chữ Quốc ngữ, nhà cải cách Nguyễn trường Tộ, văn hào thế giới Petrus Trương vĩnh Ký, đặc biệt có nhà thơ tài baHànMạcTử, dùng thơ tải Đạo. Có khắc bia đá hai bài nổi tiếng:Dalạt trăng mờ và AveMaria.

“Căn cứ những dòng chữ cuối cùng quệch quạc của Phạm xuân Tuyển, thì ngày 14. 12. 07, dù sức khỏe gần cạn kiệt, Tuyển đã cố gắng lên Dalal để dự lễ khánh thành nhà thờ Thiện Lâm, phường 8, Dalat”. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên, bất ngờ và sửng sốt, khi thấy một mình anh chống gậy lê bước vào nhà xứ Thiện Lâm vào chiều hôm 13. 12. Chúng tôi rất trân trọng tình cảm sâu đậm của anh đến chung vui với chúng tôi và đã đón tiếp anh rất đặc biệt, dành mọi ưu tiên ăn và ở…suốt 3 ngày.

Anh rất yêu mến Dalat và dốc hết tâm huyết để đi tìm mọi tư liệu có liên quan đến Hàn Mạc Tử. Trong nhiều lần lên Dalat, thường đi với con gái nuôi yếu ớt(cô y tá Thắm) để nghỉ dưỡng, đồng thời đi thăm các nơi có thể Hàn Mạc Tử đã ở dưỡng bệnh vì bài thơ nổi tiếng “Dalat trăng mờ” được nhạc sư Hải Linh phổ nhạc với cung điệu dân nhạc rất dễ đi vào lòng người và gặp gỡ nhiều nhân vật Đạo Đời ở Dalat như: cha TĐD Võ đức Minh người gốc Tam Tòa, Lệ Thủy Quang Binh, cùng quê với Hàn Mạc Tử. Ông Phan hữu Giản, nhà thơ và bí thư thành ủy Đà lạt. Cụ Nguyễn văn Bông, nhà thơ kỳ cựu ở Dalat, Ong Triếp, nhà thơ Việt Trang, Ông Nguyễn Hữu Tranh nhà Đalạ học.

Đến Đại Học ĐL gặp gỡ Gs Phan cự Đệ và một số giáo sư văn chương khác, nhà văn Trần Thăng, nhạc sĩ Mạnh Đạt, và nhà thơ Trần hữu Trác, nhạc sĩ Đỗ thi Thức…. Nhất là ông Phan ngọc Hòa, thân thiết với bà Mai Đình là kế mẫu. Anh Tuyển lần nào lên Dalat cũng tới thăm Ong Hòa, đường Cô Giang, phường 9 Dalat, (Bà Mai Đình thường về ở nhà ngươi con trai tênLê ngọcHuấn, số 225/14 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, HCM). Ong Hòa này đã giúp anh Tuyển rất nhiều tư liệu sống động về Hàn Mạc Tử và Mai Đình.

. Nhà Sưu khảo PxT cũng muốn ra một tập sách về Dalat và Hàn Mạc Tử. Nhờ gặp những người trên mà anh PxTđã muốn đến thăm những nơi mà Hàn Mạc Tử có lẽ đã đặt chân tới khi Quách Tấn đang làm việc ở Dalat và mời Hàn Mạc Tử lên dưỡng bệnh. Thời gian khỏang khánh thành ga xe lửa Dalat đẹp nhất Đông Dương và có răng cưa độc đáo nhấtVN.

Tôi đã chở anh Tuyển đến mọi nơi anh yêu cầu:lán trại bên thác Cam Ly, Thư viện tỉnh, Dinh I, trụ sở UBND phường 1, Sở y tế Dalat, quán Xuân Hương cạnh cầu Ong Đạo, có lẽ từ nơi đây Hàn Mạc Tử đã ngẫu hứng làm nên bài thơ bất hủ “Dalat trăng mờ”. Tôi cũng chở anh PxT đến đồi Mộng Mơ, cạnh Thung Lũng Tình Yêu Dalat, để chiêm ngưỡng tượng Hàn Mạc Tử, do nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm văn Hạng thực hiện…Với những tư liệu sẵn có về Hàn Mạc Tử và những chuyến thăm Dalat, anh Tuyển đã hình thành cuốn sưu tập Dalat và Hàn Mạc Tử. Anh Tuyển đã đem sưu tập này xin cha Nguyễn ngọc Sơn ở TTCG (đã từng xuất bản nhiều sách báo CG), duyệt lãm và tìm cách xuất bản. Sau nhiều tháng nghiên cứu tập sách này, Cha Sơn đã hòan trảlại tác giả, xin bổ sung hơn nữa…Thế là đưa con tinh thần này chưa ra đời được và có lẽ cũng long đong với số phận bi thảm của tác gỉa chăng!!!Hy vọng anh ĐơnPhương liên hệ với gia đình và các thân hữu xem sưu tập này hiện đang ở đâu và tiếp tục việc xuất bản cuốn này theo tâm nguyện thiết tha của anh Tuyển. Xin cha Võ tá Khánh(Trăng Thập Tự )đỡ đầu và cha Vincent Trần thế Thuận, nhà thờ Bến Sắn và ông Phạm đình Khiêm học giả CG cùng hiệp lực xuất bản các tác phẩmsưu khảo còn chưa ra đời của anh Tuyển. Mong thay!!!Ong Võ long Tê nhà văn học lớn, hiện đang ở Canada chuyên gia về Hàn Mạc Tử cũng quan tâm đến việc này. Anh Phạm xuân Tuyển thường liên lạc với bà Minh Tú, em gái ruột của bà Võ long Tê và bà Tú đã từng giúp đỡ anh Tuyển nhiều lần. Bà Minh Tú cũng lên thăm tôi ở Dalạt 2 lần, nhờ sự giới thiệu của anh Tuyển. Bà Minh Tú có tín nhiệm trao cho tôi bản văn thư pháp chữ Hán nguyên gốc, do cha JM Nguyễn văn Thích, Huế, viết tặng Ong Võ long Tê khi chịu phép Thánh Tẩy tại nhà thờ Phanxicô Xavier Huế dạng 4 câu 7 chữ, đọc từ phải sang trái: Duy Nhất Thiên Chúa Tam Vị / Thánh Phụ Thánh Tử Thánh Thần Thị / Sinh Thành Vạn Vật Tề Càn Khôn / Tòan Trí Toàn Năng Toàn Thiện Mỹ. Cực kỳ ý nghĩa.

Trong lời giới thiệu cuốn “Phan Thiết – Hàn Mạc Tử”, ông Đỗ Kim Ngư, chủ tịch Hội VHNT Bình Thuận đã viết về anh Phạm xuân Tuyển:”Phan Thiết có nhiều địa danh đã đi vào lòng người …có một địa danh được nhiều người nhắc đến xưa nay, đó là Lầu Ong Hòang với đường lên dốc đá…nổi tiếng vì nó gắn liền với mối tình của thi sĩ Hàn Mạc Tử và giai nhân Mộng Cầm một thuở…bằng cả sự trìu mến lẫn đớn đau…. Ở Phan Thiết, say Hàn Mạc Tử nhất, ngòai người tình thơ mộng năm xưa, có lẽ là Phạm xuân Tuyển-tác giả tập sưu khảo công phu “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử”…Hơn 50 tuổi đời(PxT sinh năm 1951-mất 2007) nhưng có đến gần 30 năm PxT dành để sưu tầm, khảo cứu về thần tượng tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử của mình… Mọi người không thể phủ nhận sự phong phú về tư liệu trong công trình của ông. Nếu có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với PxT, chúng ta sẽ dễ nhận ra ông là một người làm việc đầy lòng đam mê và trách nhiệm. Nghe nói ở đâu có “dấu vết”Hàn Mạc Tử là ông lặn lội tìm đến cho bằng được, mặc dù gia cảnh của ông chứa nhiều bất hạnh, khốn khó. Đến không chỉ để sưu tầm mà nhiều lúc ông muốn tìm ra chân giá trị của một vấn đề. Ví như việc ông tìm cho bằng được tờ chứng chỉ rửa tội ghi tên thánh Francois lưu trong sổ nhà thờ, khác với tên thánh Phêrô vẫn được dùng lâu nay của nhà thơ;hay việc ông chứng minh bút danh Hàn MẠC Tử không thể tùy tiện ghi chữ Mặc được… là những việc làm nghiêm túc, không thể coi là chuyện nhỏ”. Cám ơn ông Đỗ Kim Ngư đã viết nhận định chính xác về con người và việc làm của nhà sưu khảo Phạm xuân Tuyển đã ra đi và còn để dở dang nhiều công trình. Vậy chúng ta là những người thân quen mộ mến Hàn Mạc Tử và Phạm Xuân Tuyển, xin cùng nhau nỗ lực hòan tất và xuất bản để công chúng được hưởng nhờ. Lời mở đầu của Ong Đỗ Kim Ngư cũng là lời kết của bài viết tưởng nhớ nhà sưu tập Phạm Đình Tuyển nhân dịp giỗ 100 ngày mất, để mọi người cùng suy gẫm về một đời người có tâm huyết và trung kiên với một tài hoa của Đất Nước.

Đà lat cuối tháng 3 năm 2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trên Đỉnh Cưú Thế - Alleluia!
Nguyễn Đức Cung
00:23 22/03/2008

TRÊN ĐỈNH CỨU THẾ - ALLELUIA !



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Và Người đã sống lại thật

Alleluia !


Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền