Ngày 16-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy chăn dắt chiên của Thầy
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
02:13 16/04/2010
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH C

+++

A. DẪN NHẬP

Sau khi sống lại, Đức Giêsu tiếp tục hiện ra với các môn đệ. Việc hiện ra với các môn đệ đều nhằm một mục đích nào đó chứ không phải cứ hiện ra khơi khơi, thích hiện ra thì hiện. Theo bài Tin mừng hôm nay, đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ sau ngày Phục sinh. Trong khi các môn đệ còn ở trong tâm trạng hoang mang, vui buồn lẫn lộn thì Chúa hiện ra để củng cố niềm tin cho các ông, trao ban cho các ông một sứ vụ mới: trao quyền lãnh đạo cho Phêrô và trao cho các ông sứ mạng đi truyền giáo.

Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn báo cho các ông biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội: ”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”(Cv 5,29).

Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành chương trình cứu dộ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường nhưng dụng cụ ấy lại hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Ngoài ra, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã trở nên những thành viên trong Giáo hội, mỗi người đều được gọi để sống và làm chứng cho đức tin trong gia đình, xóm làng và cộng đồng, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được nhận thức rằng Chúa hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mặc dù chúng ta không cảm thấy.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 5,27-32.40-41

Sau khi chữa lành một số bệnh nhân, các Tông đồ bị các vị thượng tế và hội đồng cố vấn bắt giam, nhưng được giải thoát một cách lạ lùng. Phêrô cùng các Tông đồ khác lại xuất hiện và rao giảng cho dân chúng trong Đền thờ. Các ngài lại bị điệu đến Thượng hội đồng để hạch hỏi và xét xử. Phêrô trả lời cách quả quyết: ”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Lời biện hộ của Phêrô có thể làm cho ngài bị kết án tử hình, nhưng Gamaliel, một tiến sĩ luật, đã can thiệp và các ngài được tha sau khi bị đánh đòn.

Nhưng vị thủ lãnh các tông đồ luôn kiên quyết bảo vệ quyền tự do của các Kitô hữu đối với quyền bính đời này, không gì có thể ngăn cản các ngài giảng dạy và loan báo Tin mừng về Đức Giêsu; các ngài vui mừng vì được coi là xứng đáng bị khổ nhục vì danh Đức Kitô, xác tín về đời sống chứng nhân của mình và trở nên mạnh mẽ vì Chúa Thánh Thần luôn ở với các ngài.

+ Bài đọc 2: Kh 5,11-14

Thánh Gioan kết thúc thị kiến thứ nhất về Con Chiên Thiên Chúa, tượng trưng cho Đức Giêsu, bằng một nghi lễ phụng vụ, trong đó vũ trụ hiệp cùng các thiên thần ngợi khen tung hô quyền năng vô hạn của Con Chiên đã bị sát tế. Hình ảnh Con Chiên cũng gợi lên con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông. Bị sát tế, nhưng từ nay đã trỗi dậy, Con Chiên được vô số các thiên thần tung hô như vị vua và Thiên Chúa: “Xin chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và bái phục Đấng ngự trên ngai và Con Chiên đến muôn thở muôn đời”.

+ Bài Tin mừng: Ga 21,1-19

Đoạn cuối của Tin mừng Gioan tập trung kể lại câu chuyện thánh Phêrô nhận lãnh chức vụ thủ lãnh tối cao của các Tông đồ. Lúc đó các môn đệ gồm 7 người sinh sống tại Galilê, nơi lao động thường xuyên của các ông…. Sau mẻ cá lạ lùng, Đức Giêsu Phục sinh trao cho thánh Phêrô chức vụ chủ chăn. Vì thánh Phêrô đã ba lần chối Thầy nên Đức Giêsu cũng ba lần đòi ông tuyên xưng lòng yêu thương. Ba lần hỏi như thế để khẳng định một tình yêu mạnh mẽ, dứt khoát (bù lại ba lần chối) để Đức Giêsu trao cho Phêrô trách nhiệm thật cao quí và cũng thật nặng nề: ”Lãnh đạo toàn thể Giáo hội” mà vị lãnh tụ tiên khởi về sau đã phải trả giá bằng cuộc tử đạo (+64) thời Néron để nên giống Thầy mình.

Địa vị tối thượng trao cho Phêrô là một thể chế chứng tỏ tình yêu của Đức Kitô đối với loài người, và nếu vị chủ chăn thật sự yêu thương đoàn chiên của mình thì dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô đối vớ nhân loại sẽ được bầy tỏ cho thế giới.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Sứ mệnh làm chứng cho Chúa

I. MỘT MẺ LƯỚI LẠ LÙNG

1. Tâm trạng của các môn đệ

Sau khi Đức Giêsu chịu tử nạn, các môn đệ tỏ ra hoang mang lúng túng, có ông tỏ ra thất vọng trước ý đồ của mình như hai môn đệ đi làng Emmau. Nhưng sau khi Đức Giêsu hiện ra với họ thì tâm trạng của họ lúc này trở nên khó tả: buồn vì cuộc tử nạn của Thầy mình, vui vì thấy Thầy mình đã sống lại, nhưng vẫn còn hoang mang vì sự hiện diện của Thầy sống lại không còn thường xuyên như xưa nữa, mà có lúc ẩn lúc hiện. Trong cái tâm trạng vui buồn và hoang mang lẫn lộn đó, các ông bèn rủ nhau đi đánh cá cho khuây khỏa và để kiếm gì để ăn chứ ! Các ông theo Phêrô, xuống thuyền đánh cá, nhưng suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Kinh nghiệm đánh cá của Phêrô cũng chẳng giải quyết được gì.

2. Đức Giêsu hiện ra lần thứ ba

Trong lúc hiện ra lần thứ nhất với các môn đệ (Ga 19,23) các ông đều nhận lấy từ nơi Thầy những ơn là: sự bình an, sứ mạng, ơn Thánh Thần, ơn “tha tội cho ai thì kẻ ấy được tha”(Ga 19,23). Phêrô và Gioan không có vai trò gì trổi vượt. Lần hiện ra thứ hai với các môn đệ (Ga 19,24-29), Tôma chứ không phải là Phêrô hoặc Gioan nhận được sự chú ý của Thầy. Chính Tôma, tuyên xưng: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”! mà Thầy Giêsu đã chúc lành cho những người không thấy mà tin”(Ga 19,29). Rồi đến lần hiện ra thứ ba với các môn đệ (Ga 21,1-19), xem ra hai ông Phêrô và Gioan tìm kiếm điều hai ông đã đạt được. Các ông được thấy Thầy các ông trong sự sống và hoạt động hoàn toàn mới: tất cả qui về tập thể mà các ông là thành viên và các ông chính là người đứng đầu điều khiển mọi sự trong hậu trường.

3. Một mẻ lưới kỷ lục

Sáng sớm, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, các ông từ thuyền trông thấy, nhưng không nhận ra Ngài. Ngài hỏi các ông câu hỏi thường thức như người ta quen hỏi các người đi đánh cá: Có kiếm được gì ăn không ? Các ông đồng thanh trả lời: ”Thưa không”. Ngài bảo họ: ”Cứ thả lưới bên phải thuyền thì sẽ có cá đấy”. Họ thả lưới, và kết quả là mẻ lưới của các ông đầy cá. Lúc đó các ông mới nhận ra Ngài. Và do đó, các ông nhận thức rằng mẻ lưới đầy cá là do quyền năng của Chúa, chứ không do sự chuyên nghiệp của các ông vì các ông đã thất bại suốt một đêm trắng.

Các ông kéo lưới vào bờ và đếm được 153 con cá lớn mà lưới vẫn không rách. Lưới không rách là hình ảnh Giáo hội, sự hiệp nhất không bị phá vỡ do số nhiều (Mt 13,47-50), những con cá là hình ảnh giáo hữu đã chinh phục cho Chúa bằng lời giảng dạy của các Tông đồ.

Còn về vấn đề 153 con cá lớn, theo thánh Giêrônimô, một học giả Thánh Kinh, thì con số 153 có nghĩa là các nhà chuyên khảo cứu về cá lúc bấy giờ biết được 153 loại cá khác nhau. Như vậy thì 153 có nghĩa là các tông đồ bắt được rất nhiều cá chứ không nhất thiết là 153 con. Nếu con số 153 mang ý nghĩ như vậy, thì Chúa muốn các Tông đồ phải đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho cả thế giới và như vậy con số 153 là biểu tượng con số đông đảo những tân tòng, những người lãnh nhận đức tin sau này.

II. PHERÔ LÀM THỦ LÃNH GIÁO HỘI

1. Đức Giêsu chọn Phêrô làm thủ lãnh

Để qui tụ mọi dân tộc, mọi giống nòi về một Giáo hội duy nhất, điều Đức Giêsu muốn là phải có một người dẫn dắt đoàn chiên như lòng Chúa ước mong, người đó không ai khác, lại chính là Phêrô – vị Tông đồ có không ít những lỗi lầm. Chúng ta thấy là, để được Đấng Phục sinh long trọng xác nhận tư cách là thủ lãnh để lãnh nhận sứ mệnh tông đồ đặc biệt thì tiên quyết không phải là “văn hay chữ tốt”, “tài đức vẹn toàn” mà chỉ được gói gọn trong hai chữ “yêu mến” mà thôi: ”Phêrô, con có yêu mến Thầy không” ? Thật ra đây chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó, bởi không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử cũng như của tất cả chúng ta dù thành công cũng chỉ điểm tô, đánh bóng cho cá nhân của mình; trái lại, với lòng yêu mến, chúng ta sẽ thấy bất cứ công việc nào cũng mang đến một giá trị cao cả không chỉ cho chính đương sự mà còn mưu ích cho nhiều người.

Chính vì thế, Đức Giêsu đã phải hỏi Phêrô đến ba lần – có thể là sự gợi nhớ ba lần ông chối Thầy mà cũng có thể theo thói quen thời đó, để chính thức ủy thác cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên. Với nhiệm vụ này, Phêrô đã chu toàn. Phêrô đã đi theo Thầy của mình trong quãng đời còn lại và đã lấy cái chết của mình để làm chứng về Thầy. Phêrô đã tham dự vào sứ mệnh của Thầy tức là tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa, đồng thời hiến dâng mạng sống mình cho anh em, cho đoàn chiên mà hôm nay chính Đức Giêsu - Đấng Phục sinh, đã trao phó cho ngài.

2. Con người thủ lãnh Phêrô

* Yêu Chúa tận tình

Ai cũng biết tính tình của Phêrô là nóng nảy, vụt chạc, nghĩ sao nói vậy. Liên hệ đến tính tình nóng nảy của ông là sự cứng đầu của ông. Trong bài đọc 1 trích từ sách Công vụ tông đồ, chúng ta thấy rõ một hình ảnh khác của Phêrô, không phải chỉ là một Phêrô đã ăn năn hối cải, nhưng còn là một con người mới, một tạo vật mới, rất can trường. Ông rất cứng đầu vì tình yêu Chúa Kitô. Khi Phêrô bị điệu ra trước thầy cả thượng phẩm để bị tra hỏi vì đã rao giảng nhân danh Đức Giêsu, Phêrô không chút sợ hãi mà tuyên xưng rằng:”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cv 5,29). Sau này Phêrô đã xin được đóng đinh vào thập giá, nhưng để khác với Thầy vì cảm thấy mình không xứng đáng, Phêrô đã xin treo ngược đầu xuống. Có tình yêu nào sánh được với ngọn lửa tình yêu của Phêrô dành cho Đức Giêsu không ?

* Yếu đuối và gan dạ

Chúng ta thấy trong con người Phêrô có pha trộn sự yếu đuối và can đảm, gan dạ. Ông yếu đuối vì đã chối Chúa nhưng ông trở nên gan dạ sau khi đã chỗi dậy.Tôi tin chắc rằng Phêrô không bao giờ quên sự kiện ông đã chối Đức Giêsu. Tuy nhiên, tôi hồ nghi không biết lỗi lầm này có ảnh hưởng ông hay không, giống như một số người đã bị ám ảnh vì những tội lỗi của họ.Ông đã học được một bài học vĩ đại từ sự vấp ngã của mình. Ông nhận ra rằng ông không được can đảm giống như ông đã nghĩ về mình. Khi học được một bài học, thì đó là một điều tốt đẹp và bổ ích hơn, so với khi được dạy một bài học. Một khi chúng ta rút ra được kinh nghiệm từ một lần vấp ngã, thì lúc nhắc lại sự vấp ngã này, thì chắc chắn càng khơi gợi lòng biết ơn, hơn là tự buộc tội bản thân mình.

Và Phêrô cũng học hỏi được một sự thật tuyệt vời về Đức Giêsu. Ông nhận ra rằng bất chấp những lần ông chối Ngài, Ngài vẫn cứ yêu thương ông. Chính tình yêu đó đã dẫn đưa Phêrô quay trở lại với cuộc đời. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời, khi vẫn được yêu thương ngay trong tình trạng yếu đuối và tội lỗi. Khi người ta đươc yêu thương vì sự tốt lành của mình, thì điều đó không có gì là vĩ đại cả. Nhưng khi được yêu thương trong tình trạng xấu xa, đó mới quả thật là một tình yêu bao la. Và đó là một ân sủng

Phêrô có sự gan dạ, để lại chỗi dậy sau khi vấp ngã. Chúng ta có thể hình dung ra rằng ông là một nhà lãnh đạo rất tốt, một nhà lãnh đạo có ý thức về sự yếu đuối của bản thân mình. Kinh nghiệm này đã loại trừ nơi ông thói tự hào và tin tưởng một cách mù quáng vào những năng lực riêng của bản thân, đồng thời, làm cho ông có khả năng thấu hiểu được sự yếu đuối của người khác (McCarthy).

3. Phêrô can đảm thi hành sứ mệnh

Sau khi Đức Giêsu về trời, Phêrô sang Rôma lãnh đạo giáo đoàn và thiết lập tòa thánh ở đó. Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Néron đang ra tay bách hại các tín hữu Chúa Kitô. Ông vua này sai thủ hạ đi đốt nhà dân chúng sống trong các khu ổ chuột tồi tàn để xây dựng nhà mới cho khang trang hơn. Khi dân chúng nổi lên chống đối, thì Néron đổ tội đốt nhà ấy cho các Kitô hữu và ra lệnh bắr bớ những ai theo đạo, kết án tử hình và xử tử tại khu hí trường ở thủ đô Rôma. Một số khá đông tín hữu đã trở thành miếng mồi ngon cho lũ sư tử đói khát vồ xé, một số khác thì bị chết trong các cuộc thi giác đấu, số còn lại thì bị lên giàn hỏa thiêu hay bị đóng đinh chân tay vào thập giá… Trước tình thế nguy hiểm ấy, công đoàn ở Rôma đã khuyên Phêrô cấp thời cải trang chạy trốn khỏi thành.

Nhưng khi ra được ngoài thành, Phêrô gặp thấy một người mặc áo trắng đang đi ngược chiều vào thành. Ông nhận ra đó là Đức Giêsu, ông lên tiếng hỏi: ”Thầy đi đâu” (Quo vadis) ? Đức Giêsu đáp: ”Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh thêm một lần nữa”. Sau đó, Ngài biến mất. Phêrô hiểu ý Chúa muốn ông quay vào thành để chịu chết vì danh Chúa, và ông đã làm theo lời Chúa. Ông bị bắt, bị kết án tử hình và bị giam chung với các tín hữu sắp bị hành hình. Ông đã động viên an ủi họ và giúp họ giữ vững đức tin. Sau cùng, ông đã lãnh nhận lấy cái chết trên thập giá theo gương Thầy mình.

III. SỨ MỆNH LÀM CHỨNG CHO CHÚA

1. Phải biết nhận ra Chúa

Thật là mâu thuẫn đến độ khó hiểu vì cùng một Con Người Giêsu đã đến trong thế gian, đã sinh sống trên đất Galilê, đã chịu khổ hình đến chết và nay đã sống lại, hiện ra nhiều lần với nhiều người đương thời, thế thì tại sao xưa cũng như nay có kẻ tin người không, kẻ phục người chối bỏ ? Dĩ nhiên, có sự trái ngược này không do Chúa không hiện diện khắp mọi nơi, nhưng do nơi cách thức mà con người sử dụng để tìm kiếm sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói khác đi, ai biết tìm Chúa đúng cách thì dù Ngài có khuất dạng họ vẫn nhận ra, trái lại kẻ không biết cách tìm Chúa dù Ngài có hiện ra một bên cũng chẳng thấy được Ngài…

Muốn nhận ra được Chúa hiện diện trong đời mình, phải có một quả tim nhạy cảm trong tình yêu, một tâm hồn muốn thao thức tìm Chúa. Nhưng trong thực tế, rất nhiều người rất hững hờ với sự hiện diện của Chúa. Họ không tìm thấy sự hiện diện của Chúa là vì họ hững hờ, không muốn tìm ra Chúa.

Truyện: Chỉ vì vô tình

Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ An giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bầy về tình trạng bi đát của tu viện ông: Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi ẩn sĩ An giáo cho biết nguyên do nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng hiện nay. Tu sĩ An giáo ôn tồn bảo: ”Các tội đã và đang xẩy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích: ”Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Ngài”

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (Trích trong Món quà Giáng sinh).

2. Làm cho nhiều người trở lại với Chúa

Chính trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phêrô đứng lên cùng với mười một Tông đồ giảng cho dân chúng một bài rất hùng hồn (x. Cv 2,14t). Nghe xong bài đó, dân chúng bị cảm kích đến cực độ nhao nhao hỏi: ”Chúng tôi phải làm gì” ? Phêrô bảo: ”Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi, và các ngươi sẽ được ơn Chúa Thánh Thần”.

Qua bí tích rửa tội, mỗi người công giáo được gọi để sống và làm chứng cho đức tin trong gia đình, hàng xóm và cộng đồng. Có nhiều hình thức để làm chứng cho đức tin bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng cách sống đức tin, bằng việc từ thiện bác ái, bằng việc rao giảng Tin mừng… Thiên Chúa hằng hiện diện giữa chúng ta. Chính những khi các Tông đồ cảm thấy thất đảm sợ hãi sau cuộc tử nạn của Thầy mình, thì Chúa ở giữa họ: Chúa đồng hành với họ trên đường đi Emmau, Chúa hiện ra với họ khi họ không bắt được cá. Chúng ta cầu xin Chúa cho ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được nhận thức rằng Chúa hiện diện với ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mặc dù ta không cảm thấy.

Truyện: gương bày lôi kéo.

Một cô xướng ngôn viên đài phát thanh ở tỉnh kia tự nhiên đến xin học đạo với một Linh mục. Nguyên nhân thúc đẩy cô theo đạo, như cô kể, là nhờ sống gần gia đình công giáo tốt mà cô thấy hấp dẫn và đánh động: họ sống đầm ấm yên vui, giữ đạo chân thành, thân thiện với hàng xóm. Gia đình này không những đã tìm được hạnh phúc cho chính họ, cho vợ chồng con cái an vui, mà còn làm chan hòa hạnh phúc đó sang người lối xóm. Không giảng đạo mà cụ thể đã lôi kéo người khác đến với Chúa.

3. Phải dựa vào quyền năng Chúa

Bài học mà Chúa muốn dạy các Tông đồ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài. Các ông phải nhận thức rằng dù mình là thuyền chài chuyên nghiệp cũng không nhất thiết bắt được cá. Cái dụng cụ mà Chúa dùng để thi hành công cuộc cứu độ không tùy thuộc vào tài năng và sự hiểu biết của con người, nhưng tùy thuộc vào sự cộng tác của loài người với ơn Chúa. Quyền năng Chúa Phục sinh đã biến đổi các Tông đồ. Trước đó các ông còn sợ hãi trốn tránh. Bài trích sách Công vụ tông đồ hôm nay ghi lại việc các ông trả lời công nghị: ”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Là chứng nhân, các Tông đồ phải nói lên sứ điệp đã lãnh nhận dù sứ điệp đó không được hưởng ứng, mà còn bị đe dọa đến tính mạng.

Trong việc chọn Phêrô làm thủ lãnh các Tông đồ, thủ lãnh Giáo hội, Đức Giêsu không dựa vào những điều kiện như “văn hay chữ tốt” hoặc “tài đức vẹn toàn” mà chỉ dựa theo con người biết “yêu mến” và tuân theo ý Chúa như những dụng cụ hữu hiệu. Do đó, trong khi tham gia vào trong công cuộc rao giảng Tin mừng, chúng ta đừng cậy dựa vào sức mình mà chỉ cậy dựa vào ơn Chúa như những dụng cụ trung thành.

Trong toán học, chúng ta biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân: số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ: 000.0001.

Tuy nhiên nếu số một đứng đầu thì sau đó càng có nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng nấy. Thí dụ: 1.000.000.

Chúa chính là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta thì ta càng làm nhiều chừng nào, giá trị chúng càng cao chừng nấy. Ngược lại, Chúa càng xa tâm trí ta chừng nào thì công việc ta làm càng ít giá trị chừng nấy (Frank Mihalic).
 
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
04:34 16/04/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

Chúa nhật 3 Phục sinh-C(18-04-10)

Dùng cho Cá nhân, Nhóm, Gia đình, Hội đoàn

Chủ đề: RAO GIẢNG VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ cùng với Chúa Thánh Linh:

Bài đọc 1: Công vụ (5:27b-32;40b-41). “Về những sự kiện đó, chúng tôi làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng Lời Người.” (câu 32)

1/ Tôi đang rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô bằng cách nào?

2/ Những lợi ích khi bạn thực hiện một Nhóm chia sẻ Lời Chúa?

Bài đọc 2: Khải huyền (5:11-14). Con chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời chúc tụng.” (câu 12)

1/ Bảy đặc tính trên của Con Chiên giúp tôi hiểu Chúa thế nào?

2/ Bạn làm gì trong chức vụ hiện tại để xứng đáng là con Chúa?

Tin Mừng: Gioan (21:1-14) “Ông Si-mon Phêrô kéo lưới lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con.” (câu 11)

1/ Kết quả khi tôi nghe và thực hành Lời Chúa trong Gia đình?

2/ Bạn cho biết nhửng yếu tố để quy tụ các Tín hữu lại với nhau?

3/ Bắt được 153 con cá có ý nói về Hội Thánh cần phải thế nào?

B- Cảm nghiệm Sống theo CĐ Vatican 2 về thực hành Lời Chúa:

1/ Đối thoại với người ngoài Kitô giáo: Giáo hội khuyến khích người Tín hữu thực hiện một cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo, đồng thời cộng tác với những người theo tôn giáo khác; nhưng phải biểu dương đức tin chân chính bằng đời sống Kitô hữu gương mẫu của mình. Tiếp xúc huynh đệ như thế, không làm giảm sứ mạng chính yếu của Giáo hội là kiên trì loan báo cho mọi người được biết Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi chân thật.

2/ Cộng tác với anh em Kitô giáo và ngoài Kitô giáo: Vì cùng một gia sản là Phúc Âm và do đó cùng chung một bổn phận là làm chứng cho Chúa Kitô, người Công giáo nên và thường cộng tác với các Kitô hữu khác(Christians); hoặc cá nhân với cá nhân, hoặc giữa các Cộng đoàn Giaó hội trong các các hoạt động Hội đoàn trên bình diện Quốc gia hay Quốc tế.

3/ Nên cộng tác, không khép kín: Vì cùng chung những giá trị nhân bản, nên người Tín hữu cần cộng tác với những người tuy không theo Kitô giáo; nhưng cùng một có giá trị nhân bản đó.

Điều mà Công Đồng tha thiết mong muốn là người Tín hữu không nên sống riêng rẽ và khép kín với những người không cùng một đức tin như mình. Công Đồng kêu gọi sự cộng tác NĂNG ĐỘNG và KHÔN NGOAN của chúng ta với mọi người thiện chí, để cùng nhau thăng tiến và cổ võ những điều chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng qúy (x. Pl 4, 8; Tông Đồ # 14), và hãy lưu tâm đến những ĐIỀU HỢP NHẤT HƠN LÀ CHIA RẼ.

C- Câu Kinh Thánh thúc đẩy bạn và tôi chọn Sống tuần này:

1/Cứ thả lưới xuống mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. (Ga 21, 6) – 2/ Phải vâng Lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm. (Cv 5, 29) -- 3/ Chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng Lời Người. (Cv 5, 32)

* Bạn và tôi luôn đọc, suy niệm, và thực hành đúng Lời Chúa.

C- Bạn và tôi cùng Sống Cầu nguyện với Lời Chúa:

Cha ơi ! Chính Thần Khí của Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Xin Cha dùng Thần Khí của Cha làm cho con sống lại, để con có đời sống mới trong sạch. Hôm nay con đang dùng địa vị, tiền bạc Chúa ban để hưởng thụ riêng tư tình tiền, đã sa ngã trước những cám dỗ của thế gian xác thịt, làm cho con và bao Gia đình, Cộng đoàn phải sa ngã, đổ vỡ, phân tán vì không thực hành Lời Cha. Xin Cha nâng đỡ, chỉ dẫn, ủi an con trong với Lời chân lý và là bánh sự sống trong lúc này. Vì Lời Cha là đèn soi con bước, là Ánh Sáng chỉ đường con đi. (Tv 119:105)

Con noi gương Đức Maria đêm này suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành, trước những vụ lạm dụng tình dục hiện nay.

Lời hay ý đẹp: NẾU MUỐN CÓ THƯ LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI. BẠN HÃY MỞ VÀ ĐỌC KINH THÁNH.

If you want life- changing mail. Open and read Bible !

Phó tế: Gioan B. Maria Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Chúa nhật Chúa chăn chiên lành
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:46 16/04/2010
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH, năm C

Ga 10, 27-30

Chúa Giêsu sinh trưởng nơi đất nước Do thái, Ngài chịu ảnh hưởng văn hóa, quan niệm tôn giáo Do thái, nên Ngài đã dùng ngôn ngữ, hình ảnh, tập tục và cả những truyền thống, những khái niệm về tôn giáo của người Do thái để giới thiệu với nhân loại, với mọi người. Người chủ chăn đích thực và loan báo sứ điệp cứu độ loài người. Người chủ chăn đích thực Đức Kitô đề cập là ai và sứ điệp cứu độ đó như thế nào ?

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi “ ( Ga, 27 ) và “ Ta chính là chủ chiên tốt lành “ ( Ga, 11 ). Bài Tin Mừng chúng ta đọc trong thánh lễ sáng nay của thánh Gioan chương 10, 27-30 nói lên ý nghĩa sâu xa và quan trọng nhất của toàn bộ chương 10: Chúa Giêsu mạc khải cho người Do thái Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Cha, Ngài đến để chăn dắt đàn chiên mình và mọi người phải qua Ngài mới tới được với Cha của Ngài. Ngài chính là chủ chăn tốt lành và đích thực, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì đàn chiên. Ngài không chỉ hy sinh cho người Do thái mà còn hiến mạng sống mình cho mọi người, cho toàn thể nhân loại ( Ga, 14-16 ). Chiên của Chúa thì biết Chúa, nghe Chúa và theo Chúa. Biết Chúa là kết hiệp cả thân xác và tâm hồn với Ngài. Nghe Chúa là có một mối thâm giao với Chúa và tin vào Chúa. Theo Chúa là một thái độ hoàn toàn tự do và tự nguyện dấn thân. Đức Kitô đã nói: ” Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi “ ( Ga 10, 28 ). Sứ điệp cứu rỗi này được thánh Gioan ghi chép, thánh Matthêu, Luca và Marcô cũng đã ghi chép và khẳng định nhiều lần.

Hình ảnh người chăn chiên dẫn đàn chiên đi ăn trên các đồi cỏ, hoặc các cánh đồng cỏ xanh, tới các dòng suối mát trong lành rất bình thường trong xã hội Do thái. Bởi vì,người Do thái thích chăn chiên, chăn cừu, nhiều chủ trại đã sống về nghề chăn chiên. Tại Việt Nam, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của một số người chăn cừu, chăn chiên ở Phan Rang. Họ dẫn từng bầy cừu, bầy chiên đi kiếm cỏ xanh và tìm các dòng suối cho đàn chiên, đàn cừu uống nước.Hình ảnh ấy làm tôi liên tưởng tới một bức tranh vẽ Chúa Giêsu đang vác con chiên trên vai và theo Ngài là cả một bầy chiên đông vô kể. Hình ảnh này nói lên tình thương của Chúa Giêsu đối với mọi người. Ngài thương hết mọi người. Mỗi người đều có một chỗ đứng trong trái tim của Ngài. Ngài không gọi ai cách không không. Tất cả đều được Ngài gọi tên một cách rất trìu mến. Bí Tích Thánh Thể Ngài để lại cho nhân loại là bằng chứng rõ ràng nhất nói lên tình thương vô bờ của Ngài. Khi chịu đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu hoàn thành Giao ước cũ đã ký trên núi Sinai ( Xh 24, 4-8 ) và Ngài cũng thiết lập Giao ước mà các ngôn sứ đã tiên báo nay ứng nghiệm nơi chính Ngài ( Is 42, 6; 49; 6, 53,12… ).

Chúa là chủ chăn tốt lành luôn biết rất rõ tên từng con trong đàn chiên của mình. Ngài biết và hiểu rõ nhu cầu của từng con chiên. Chúa yêu mến từng con chiên, không bao giờ để chiên bị thất vọng. Và Ngài luôn đáp ứng những ước vọng của con người là sống và sống dồi dào. Đây là sứ điệp cứu độ mà Chúa Giêsu đã bầy tỏ: ” Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian quá đỗi, nên mới ban Con Một của mình, để ai tin vào Người sẽ khỏi hư đi, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa không sai Con mình đến để lên án thế gian, nhưng là để thế gian được Người cứu độ “ ( Ga 3, 16-17 ).

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và tu sĩ. Trên thế giới còn thiếu nhiều mục tử để chăn dắt đàn chiên, nghĩa là các giáo sở, giáo xứ và ơn gọi tu sĩ nam nữ vẫn luôn cần thiết để góp phần xây dựng Giáo Hội của Chúa.Chúng ta cầu nguyện để cho có nhiều bạn trẻ nam và nữ quảng đại dấn thân đi theo Chúa để trở nên những mục tử, những tu sĩ như lòng Chúa mong ước. Ơn gọi Linh mục và ơn gọi tu sĩ luôn cần thiết trong mọi thời đại bởi vì có bao nhiêu chăng nữa, thế giới luôn luôn không đủ các Linh mục để lo lắng cho đàn chiên trong các giáo điểm, các giáo sở, giáo xứ. Năm nay đang là năm thánh Linh mục, chúng ta hãy cầu nguyện để các Linh mục trở nên những mục tử như lòng Chúa ước mong. Các Linh mục phải là những người sống và phục vụ, yêu thương như Thầy đã yêu ( Ga 13, 34 ).

Xin Chúa ban cho thế giới và đặc biệt trong đất nước Việt Nam luôn có nhiều tâm hồn quảng đại hy sinh, dấn thân phục vụ Chúa với tất cả tâm hồn, với tất cả lòng nhiệt thành, yêu thương của mình. Amen.
 
Can đảm đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu
Lm. Jude Siciliano, OP
04:53 16/04/2010
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH–C

Cv 5: 27-32; Tv. 30; Kh 5: 11-14; Ga: 21: 1-19

Trong Mùa Chay tôi đã đi giảng tại hai giáo xứ ở New York. Dù lớp tuyết đã phủ dày đến hơn 30cm nhưng người dân địa phương vẫn nói về mùa bóng chày sắp tới. Các người hâm mộ Yankee khá tự mãn và tự tin về triển vọng của họ. Nhưng những người hâm mộ của Met lại lơm lớp lo lắng vì vận hạn kéo dài của đội tuyển họ đang ủng hộ. Tại cửa nhà thờ, một tín hữu đội nón của đội Met đang bước ra và tôi đã hỏi anh ta rằng anh có cầu nguyện cho đội Met trong thánh lễ vừa rồi hay không. Anh ta trả lời: “Dĩ nhiên là có chứ. Tôi hy vọng lần này họ sẽ thi đấu tốt.”

Những người hâm mộ bóng chày đó cũng có thể nói về các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay. Câu chuyện dường như được kể lại vào ngay trước lúc các môn đệ lần đầu tiên đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu, “hãy theo tôi.” Vâng, họ đã theo Người, nhưng đó không phải là “mùa” tốt nhất của họ - khởi đầu thì tốt nhưng kết thúc tệ hại. Phêrô, nhân vật được nhắc tới trong trình thuật hôm nay, đã thất bại khi chối Đức Giêsu ba lần (Ga 18,17; 25-27). (Hy vọng tôi không đẩy ẩn dụ bóng chày đi quá xa!) Hãy hy vọng Phêrô và các môn đệ khác lần này cũng sẽ có kết quả.

Trước hết, những câu hỏi Đức Giêsu dành cho Phêrô có vẻ như hơi ích kỷ. Tại sao Đức Giêsu cần Phêrô phải xác tín tình yêu của ông dành cho Người tới ba lần? Khi chúng ta suy gẫm về các trình thuật Tin Mừng, đặc biệt là trình thuật Thương khó, thì câu trả lời sẽ thật rõ ràng. Người đã từ chối Đức Giêsu ba lần giờ đây cũng được trao ban sự hòa giải bằng ba lần khẳng định tình yêu của mình.

Chúng ta có thể thấy mình như những người cùng hội cùng thuyền với Phêrô. Khi chúng ta nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng có thể đếm một, hai hoặc ba lần chúng ta đã chối bỏ Đức Giêsu bằng lời nói hay hành động của chúng ta. Đầu Thánh lễ, chúng ta cũng đã nài xin lòng thương xót đến ba lần khi khẩn nguyện: “Lạy Chúa xin thương xót chúng con, Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con, Lạy Chúa xin thương xót chúng con.” Đó cũng chính là “khoảnh khắc Phêrô” của chúng ta, một cơ may nhắc nhớ về tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta, ngay khi chúng ta là những tội nhân. Dù cho gần đây chúng ta lỡ lầm thì đó vẫn là cơ hội để thưa rằng: “Lạy Chúa Người biết mọi sự, Người biết rằng con yêu Người.”

Nhưng cuộc đối thoại với Đức Giêsu không kết thúc với sự hoán cải của họ, và cũng chưa kết thúc nơi chúng ta. Với Phêrô, chúng ta nghe thấy những gì tiếp sau đó. Đức Giêsu trao cho Phêrô một kế hoạch sống sau này: Ông sẽ nuôi nấng các chiên con của Đức Giêsu và chăm sóc chiên của Người. Phêrô sẽ làm việc đó và, như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất, Phêrô bị đưa ra trước Thượng hội đồng để làm chứng cho danh của Đức Giêsu. Thực vậy, Phêrô đã không phải một mình đảm nhiệm sứ vụ của Đức Giêsu. Phêrô đã có các môn đệ khác cùng đi. Cũng như Phêrô, chúng ta có những người khác cùng làm việc với chúng ta trong giáo xứ. Họ nêu gương cho chúng ta, khuyến khích và hỗ trợ khi chúng ta cố gắng đáp trả sự ủy thác của Đức Giêsu: chăn dắt và nuôi dưỡng đàn chiên của Người, bằng những cách thức riêng của mỗi chúng ta.

Nhưng cũng hãy nhớ rằng, Phêrô và các môn đệ khác không thành công lắm với những nỗ lực đầu tiên theo Đức Giêsu và đường lối của Người. Chẳng lẽ họ lại “thất bại” lần nữa sao? Nếu không dựa vào đoạn sách Công vụ tông đồ mà chúng ta mới nghe về sự can đảm của Phêrô khi đứng trước Thượng hội đồng, thì điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Chắc chắn đó không chỉ là việc cùng làm với những người khác. Lần này, Phêrô đã không dựa vào chính mình. Ngài nói với Thượng hội đồng rằng: có chứng nhân khác ở với ngài – đó là Thần Khí. Tuần trước, khi Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện trước các môn đệ trong căn phòng cửa đóng kín, Người đã ban cho họ bình an và sau đó thổi Thần Khí vào trong họ (Ga 20,19-31). Điều đó đã làm nên tất cả sự khác biệt trong đời sống của Phêrô và các môn đệ. Như Phêrô nói với Thượng hội đồng, có một chứng nhân khác ở với ngài, đó là Thần Khí, “Đấng Thiên Chúa đã gửi đến cho những ai vâng phục Thiên Chúa.”

Quả là một thay đổi lớn mà Thần Khí đã thực hiện trong cuộc đời của Phêrô. Phêrô bước từ cảm giác tội lỗi đến sự giao hòa với Đức Kitô, và dưới tác động của Thần Khí, giờ đây Phêrô và các môn đệ khác có thể trao ban cũng một sự tha thứ mà họ đã lãnh nhận. Họ thực hiện cho người khác những gì mà Đức Giêsu đã làm cho họ. Và còn hơn thế nữa! Như Đức Giêsu, họ cũng chữa lành các bệnh tật; đến với dân ngoại; đồng bàn với những người bị xã hội bỏ rơi và trao bình an cho cả bạn hữu và cũng như kẻ thù.

Phải chăng mẻ cá lớn tượng trưng cho tất cả chúng ta, những người có thể bị bắt trong tấm lưới mà ngư phủ sẽ nhặt ra nhân danh Đức Giêsu. Chúng ta nhận ra và hiểu ý nghĩa của thức ăn mà Đức Giêsu đã dành cho các môn đệ tại biển hồ Ti-bê-ri-a hay không? Bánh gợi nhớ thứ bánh mà Đức Giêsu đã hóa ra nhiều trước đó trong Tin Mừng này. Đó chính là cuộc sống của Người được trao ban để nuôi dưỡng chúng ta và lại trao ban cho chúng ta trong Thánh lễ này là chính Mình và Máu của Người. Tất cả chúng ta được tha thứ và nuôi dưỡng ngay lúc này và cả về sau nữa! Như các môn đệ, chúng ta sẽ nhận được Thần Khí sự sống và sự đổi mới một khi vị chủ tế đặt tay trên chúng ta và những lễ vật mà cầu nguyện, “Lạy Chúa xin ban Thánh Thần xuống thánh hóa lễ vật này, để trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.”

Nếu hôm nay chúng ta gặp Chúa Phục sinh, như các môn đệ đã gặp Chúa ở ven hồ, tôi thắc mắc không biết Người sẽ hỏi gì về giáo xứ chúng ta trước tiên? “Có bao nhiêu người đã ghi danh ở giáo xứ này?” “Làm thế nào để canh tân hội trường nhà thờ?” “Làm thế nào để thi hành những nguyên tắc mới?”… Những câu hỏi đó không phải là mối bận tâm chính, tôi nghĩ trước tiên Người sẽ hỏi ba lần, “Con có yêu mến Thầy không?” Trong Thánh lễ này chúng ta cũng trả lời như Phêrô, hết sức có thể, “Thầy biết mọi sự. Thầy biết rằng con yêu mến Thầy.” Dựa vào Tin Mừng hôm nay tôi cho rằng mình biết Đức Giêsu có thể làm những gì tiếp theo. Người trao chính mình Người cho chúng ta như lương thực và đổi mới chúng ta trong Thần Khí của Người.

Sau đó, bởi vì tình yêu luôn luôn đi với trách nhiệm, nên Người thêm “Vì con yêu mến Thầy, hãy đi và chăm sóc chiên của Thầy.” Nếu chúng ta trả lời, “Có” khi Người hỏi chúng ta rằng chúng ta có yêu Người không, thì làm sao chúng ta có thể từ chối câu trả lời “Có” khi chúng ta đứng trước nhu cầu của người khác những người ốm đau, cô đơn, bị tổn thương, buồn phiền và những người bị quỵ ngã? Câu nói “Nếu con yêu Thầy, hãy chăm sóc dân của Thầy…” phải vang vọng trong tâm trí của chúng ta. Và ở trong tâm trí của chúng ta, Thần Khí luôn đợi chờ để giúp đỡ chúng ta làm chứng cho lời nói cũng như hành động của Đức Giêsu.

Ngày nay, chúng ta cũng phải trả giá khi đáp lại lời mời gọi đổi mới của Đức Giêsu. Người cho cả Phêrô và cho chúng ta biết điều đó. Người nói với Phêrô rằng khi anh già người ta sẽ thắt lưng cho anh và dắt anh đến nơi anh chẳng muốn. Dường như điều đó ám chỉ đến những đau khổ và cái chết sau này của Phêrô vì làm chứng cho Chúa Kitô. Bài đọc thứ nhất cho thấy những gì ở phía trước đang đợi Phêrô và những người khác. Vì vậy, nhiều người trong số các ngài đã chịu tử đạo vì đức tin. Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có sẵn lòng đi tới nơi ta không mong muốn vì Đức Giêsu và lời mời gọi của Người: “Hãy theo tôi” hay không?

Khi chúng ta trưởng thành trong đức tin, (“khi về già”), con đường này dẫn dắt chúng ta tới đâu? Tha thứ cho những xúc phạm dai dẳng; đến với những người bị lãng quên; từ chối quan niệm hiện thời của đám đông nhân loại; sống giản dị để chia sẻ cho người khác; thay đổi thời khóa biểu của chúng ta để có thể giúp đỡ người khác; chia sẻ những kỹ năng chuyên môn với những người không có khả năng; dám từ bỏ cơ những hội nghề nghiệp vì gia đình của mình …

Gần 2000 năm qua, chúng ta có những mẫu gương của những người đã xuất sắc đáp trả lời gọi của Đức Giêsu. Mỗi chúng ta cũng có những mẫu gương rất gần gũi của những thành viên trong gia đình, của những người hàng xóm và giáo dân khác mà đời sống Kitô hữu của họ cũng xuất sắc - có lẽ không phải trên toàn thế giới, nhưng chắc chắn trong điểm sáng của đời sống chúng ta. Chúng ta biết những người xuất sắc đó đã đáp trả lời mời gọi Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Người, “Hãy theo Thầy… hãy chăm sóc chiên của Thầy…” Nhiều người trong số họ đã hy sinh và đi đến nơi họ không muốn nhưng họ đã trải qua. Tuy nhiên, qua mẫu gương của họ, họ chỉ cho chúng ta thấy những gì tốt đẹp cho thế giới nhờ những người có đức tin, cùng với Thần Khí, đã làm chứng cho danh của Đức Giêsu – như Phêrô đã nhắc nhở cho Thượng hội đồng và cho chúng ta ngày hôm nay.

Anh Em HV Đaminh chuyển ngữ.
 
Rao giảng và thực hành Lời Chúa
Phó tế: Gioan B. Maria Nguyễn Định
07:09 16/04/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Phục Sinh, Năm C

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ cùng với Chúa Thánh Linh:

Bài đọc 1: Công vụ (5:27b-32;40b-41). “Về những sự kiện đó, chúng tôi làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng Lời Người.” (câu 32)

1/ Tôi đang rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô bằng cách nào?

2/ Những lợi ích khi bạn thực hiện một Nhóm chia sẻ Lời Chúa?

Bài đọc 2: Khải huyền (5:11-14). Con chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời chúc tụng.” (câu 12)

1/ Bảy đặc tính trên của Con Chiên giúp tôi hiểu Chúa thế nào?

2/ Bạn làm gì trong chức vụ hiện tại để xứng đáng là con Chúa?

Tin Mừng: Gioan (21:1-14) “Ông Si-mon Phêrô kéo lưới lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con.” (câu 11)

1/ Kết quả khi tôi nghe và thực hành Lời Chúa trong Gia đình?

2/ Bạn cho biết nhửng yếu tố để quy tụ các Tín hữu lại với nhau?

3/ Bắt được 153 con cá có ý nói về Hội Thánh cần phải thế nào?

B- Cảm nghiệm Sống theo CĐ Vatican 2 về thực hành Lời Chúa:

1/ Đối thoại với người ngoài Kitô giáo: Giáo hội khuyến khích người Tín hữu thực hiện một cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo, đồng thời cộng tác với những người theo tôn giáo khác; nhưng phải biểu dương đức tin chân chính bằng đời sống Kitô hữu gương mẫu của mình. Tiếp xúc huynh đệ như thế, không làm giảm sứ mạng chính yếu của Giáo hội là kiên trì loan báo cho mọi người được biết Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi chân thật.

2/ Cộng tác với anh em Kitô giáo và ngoài Kitô giáo: Vì cùng một gia sản là Phúc Âm và do đó cùng chung một bổn phận là làm chứng cho Chúa Kitô, người Công giáo nên và thường cộng tác với các Kitô hữu khác(Christians); hoặc cá nhân với cá nhân, hoặc giữa các Cộng đoàn Giaó hội trong các các hoạt động Hội đoàn trên bình diện Quốc gia hay Quốc tế.

3/ Nên cộng tác, không khép kín: Vì cùng chung những giá trị nhân bản, nên người Tín hữu cần cộng tác với những người tuy không theo Kitô giáo; nhưng cùng một có giá trị nhân bản đó.

Điều mà Công Đồng tha thiết mong muốn là người Tín hữu không nên sống riêng rẽ và khép kín với những người không cùng một đức tin như mình. Công Đồng kêu gọi sự cộng tác NĂNG ĐỘNG và KHÔN NGOAN của chúng ta với mọi người thiện chí, để cùng nhau thăng tiến và cổ võ những điều chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng qúy (x. Pl 4, 8; Tông Đồ # 14), và hãy lưu tâm đến những ĐIỀU HỢP NHẤT HƠN LÀ CHIA RẼ.

C- Câu Kinh Thánh thúc đẩy bạn và tôi chọn Sống tuần này:

1/Cứ thả lưới xuống mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. (Ga 21, 6) – 2/ Phải vâng Lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm. (Cv 5, 29) -- 3/ Chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng Lời Người. (Cv 5, 32)

* Bạn và tôi luôn đọc, suy niệm, và thực hành đúng Lời Chúa.

C- Bạn và tôi cùng Sống Cầu nguyện với Lời Chúa:

Cha ơi ! Chính Thần Khí của Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Xin Cha dùng Thần Khí của Cha làm cho con sống lại, để con có đời sống mới trong sạch. Hôm nay con đang dùng địa vị, tiền bạc Chúa ban để hưởng thụ riêng tư tình tiền, đã sa ngã trước những cám dỗ của thế gian xác thịt, làm cho con và bao Gia đình, Cộng đoàn phải sa ngã, đổ vỡ, phân tán vì không thực hành Lời Cha. Xin Cha nâng đỡ, chỉ dẫn, ủi an con trong với Lời chân lý và là bánh sự sống trong lúc này. Vì Lời Cha là đèn soi con bước, là Ánh Sáng chỉ đường con đi. (Tv 119:105)

Con noi gương Đức Maria đêm này suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành, trước những vụ lạm dụng tình dục hiện nay.

Lời hay ý đẹp: NẾU MUỐN CÓ THƯ LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI. BẠN HÃY MỞ VÀ ĐỌC KINH THÁNH.

If you want life- changing mail. Open and read Bible !
 
Vâng lời Thiên Chúa hay người phàm
Anmai, CSsR
15:45 16/04/2010
Chúa nhật 3 PS C

Cv 5, 27b-32.40b.41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-19

VÂNG LỜI THIÊN CHÚA HAY NGƯỜI PHÀM ?

Từ ngàn xưa, từ thời nguyên tổ Ađam – Evà, con người đã được mời gọi hay nói đúng hơn là được Thiên Chúa trao quyền tự do để lựa chọn: Thiên Chúa hay người phàm. Nguyên tổ đã nghe lời của người phàm nấp dưới hình bóng của con rắn dữ. Số phận nghiệt ngã của con người ra sao ắt hẳn con người quá hiểu, quá rõ. Kinh nghiệm của nguyên tổ là một kinh nghiệm hết sức quý báu cho con người.

Các môn đệ, những người theo Chúa Giêsu một cách hết sức kề cận luôn luôn bị giằng co giữa một mên là Chúa Giêsu và một bên là con người xác thịt. Phận người hết sức mong manh và mong manh hơn nữa khi niềm tin của mình tan biến.

Cả cuộc đời theo Thầy nhưng rồi Thầy lại bị giết, bị đóng đinh trên thập giá. Lòng tin sẽ trở nên trống rỗng và thậm chí còn chuyển sang lòng hận thù vì được nghe những lời hứa hão huyền từ miệng Thầy Giêsu. Thế nhưng, lời hứa ấy không hão huyền như nhiều người đồn đại. Chúa Giêsu đã chết nhưng rồi Chúa Giêsu đã phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ hẳn hoi.

Trang tin mừng hôm nay, Thánh Gioan kể lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a. Chúa Giêsu tỏ mình ra trong lúc các môn đệ chán chường trở về với cái nghề quen thuộc là chài lưới. Những môn đệ này trước khi theo Chúa Giêsu thì đã sống chết, đã gắn kết với cái nghề này rồi.

Chuyện hết sức bi đát đến với các môn đệ đó là dù mất cả đêm chẳng đánh được gì cả. Cá to cũng chẳng có mà có nhỏ cũng chẳng được một con.

Đánh cá vào ban đêm là một cách thông dụng. Đó là nét thực tế, mang tính lịch sử. Nhưng ở đây, ta cũng có thể nhận ra một ý hướng của người thuật chuyện: trong cảnh mù tối. .. trong đêm khuya …. họ đã mất giờ vô ích. Một mẻ lưới không bắt được con cá nào. Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận đó chính là Chúa Giêsu.

Bảy người đang sống trên "biển nổi sóng", giữa cảnh mù tối. Đối với người Xê-mít, biển là nơi các thế lực ngầm, các lực lượng âm phủ, thù nghịch, thường gieo khiếp hãi. Còn Chúa Giêsu đang đứng trên đất liền, trước ánh sáng của một ngày mới lên. . . nét tương phản cố ý để minh chứng rằng, kể từ nay Chúa Giêsu ở một bến bờ khác ? Người vừa mới trải qua một cuộc vượt biển và đang hiện diện ở phía bên kia, đang chờ đợi ta ở đó ! Nhưng họ không nhận ra Người ! Trên bến bờ đời đời.

Chúa Giêsu nói với các ông: “Này các chú, không ăn gì ư ?". Các ông trả lời: "Thưa không". Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

Chúa Giêsu thừa biết rằng cả đêm qua họ quá thất vọng và nao núng. Người chia sẻ tình trạng khổ cực của họ. Người chủ động giúp đỡ họ. .. ngay lúc họ đang bối rối lo lắng.

Vấn đề hết sức quan trọng trong câu chuyện hôm nay mà Gioan thuật lại đó là ở chỗ các ông đã nghe và đã làm theo lời của Chúa Giêsu. Vừa nghe Chúa nói xong thì các ông đã thả lưới ngay bên phải mạn thuyền như Chúa đề nghị. Nếu như các ông bỏ ngoài tai lời của Chúa Giêsu thì làm sao các ông được mẻ cá lạ như thế.

Sau khi nhận được mẻ cá lạ, người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Chúa và đã kịp thông báo cho mọi người: Chúa đó ! Và có lẽ Sau khi nhận ra đó chính là Chúa Giêsu thì Phêrô đã vội vàng mặc áo vào và nhảy xuống biển ngay lập tức vì mắc cỡ !

Sau khi có cá thì thầy trò cùng ăn như đã từng ăn như thuở nào khi Thầy còn sống. Trong lúc ăn thì chẳng ai dám hỏi han gì về Chúa Giêsu cả. Sau khi ăn uống xong Chúa Giêsu đã không quên dặn Phêrô: Thật Thầy bảo thật cho anh biết: "Lúc còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn". Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy".

Một lần nữa, Chúa Giêsu “gợi ý” cho Phêrô biết rằng cuộc đời của Phêrô đã bị Chúa chộp rồi ! Cuộc đời của Phêrô nay đã thuộc về Chúa và phải bước theo Chúa cũng như vâng nghe lời của Người.

Về tuổi trẻ như biểu tượng của tự do và hoạt động ("Anh đi đâu tùy ý")... và tuổi già như biểu tượng của sự gò bó và thụ động ("một người khác sẽ thắt lưng cho anh"), nghĩa là sự từ bỏ triệt để của tuổi già đầy yếu đuối khiến ta không thể tự mình ăn mặc được nữa)... Thái độ thụ động, đành phải chấp nhận này, cũng là cách thế thuận theo của Chúa Giêsu trên thập giá và vâng lời một cách trọn hảo. Thái độ tuân theo, thái độ vâng lời Chúa vẫn là thái độ mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta.

Lần được mời gọi này của Chúa Giêsu chắc có lẽ Phêrô sẽ thấm nhiều bởi lẽ Phêrô làm sao quên được những lần Phêrô cãi Thầy.

Đã hơn một lần cản Thầy lên Giêrusalem chịu khổ hình và bị Thầy mắng ! Đã hơn một lần đi tìm Thầy được Thầy nhắc nhở rằng “ai tuân giữ lời tôi chính là anh em, chị em tôi”. .. Với những lời như thế, Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô, muốn nói với mỗi người chúng ta là phải vâng nghe lời Thiên Chúa hơn là vâng theo lời của người đời.

Các môn đệ, trước khi “cận cảnh” thấy Chúa Giêsu Phục Sinh thì thân xác rã rời, tinh thần thì tê liệt nhưng sau khi thấy Chúa và có Chúa trong cuộc đời thì cuộc đời của các ông thay đổi. Các ông giờ đây đã có thêm kinh nghiệm về việc nghe theo Chúa như thế nào. Một thay đổi hết sức thực tế qua câu chuyện trong sách công vụ các tông đồ mà chúng ta vừa nghe về sức mạnh của Chúa Phục Sinh ở bên các ông và trong các ông.

Các môn đệ đã mạnh dạn lên đường đi rao giảng Lời Chúa dù đạ bị nghiêm cấm. Thế nhưng, khi đứng giữa Thượng Hội Đồng, Phêrô và các môn khác đáp lại rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”.

Sau khi nghe các môn đệ nói xong thì Thượng Hội Đồng cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn. Đánh đòn xong thì tha các môn đệ ra và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su. Các môn đệ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.

Thánh vịnh 29 trong Thánh Lễ hôm nay là lời tạ ơn, lời tạ ơn Chúa của những người đã được Thiên Chúa thương cứu vớt khỏi bàn tay thù địch:

Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người.
Lạy Chúa, vì yêu thương, Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi, con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy Chúa, con đã kêu lên Ngài, năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.


Lời tán dương đó chắc có lẽ cũng là lời tán dương của các môn đệ sau khi thoát khỏi bàn tay độc ác của Thượng Hội Đồng.

Thiên Chúa luôn luôn ở cạnh bên để cứu giúp, để nâng đỡ những ai vâng nghe lời Người như các môn đệ ngày xưa vậy.

Thử thách ngày xưa các môn đệ phải chịu thì ngày nay những ai mang danh mình là kitô hữu, những người theo Chúa vẫn phải chịu.

Chúa và người phàm rõ ràng có một khoảng cách xa vời vợi nhưng hình như ở ngay trong lòng con người. Con người lúc nào cũng được mời gọi là theo Chúa hay theo người phàm. Những ai theo Chúa thì sẽ được Thiên Chúa ban thưởng phúc lành như Ngài đã hứa còn những ai “bán mình cho quỷ” thì phải lãnh nhận tất cả những gì mình đã làm.

Vâng theo lời Thiên Chúa hay lời con người ? Lời của các môn đệ ngày xưa vẫn là lời bỏ ngõ cho mỗi người chúng ta. Chúng ta luôn được mời gọi và luôn được tự do lựa chọn: Hoặc là Lời Chúa hoặc là lời của con người.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 16/04/2010
CON LẬT ĐẬT

N2T


Thời xuân thu, Biện Hòa của nước Sở nhặt được một miếng ngọc nguyên chất tại núi Kinh, ông ta một lòng đem tấm ngọc dâng cho Sở Lệ vương, rồi lại dâng cho Sở Vũ vương, nhưng thợ ngọc đều nói tấm đá không dùng được nên hai vị Sở vương đều cho là bị lừa, do đó mỗi vị ra lệnh chặt một chân của ông ta. Đợi đến khi Sở Văn vương lên ngôi, Biện Hòa ôm miếng ngọc đến dưới núi Kinh khóc ba ngày ba đêm, Văn vương sau khi nghe nói liền sai người đến đục tấm ngọc ra để xem xét, quả thật bên trong có ngọc rất đẹp, thế là ra lệnh cho thợ ngọc chế thành ngọc bích, đặt tên là “ngọc Hòa Thị”.

Đối với Biện Hòa sau khi bị chặt mất hai chân, vẫn có thể kiên trì với cái nhìn đích xác của mình, Sở Văn vương không nhịn được thở dài nói:

- “Thật là con lật đật xô không ngã !”

Hình tượng “con lật đật” cứ như thế mà loan truyền cho đến nay.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Đức tin là nguồn gốc của sức mạnh, chỉ có đức tin mới có thể làm cho chúng ta đứng vững trước những thử thách gian khổ trong cuộc đời, mất đi niềm tin là cuộc sống trở thành vô nghĩa, và con người như chới với giữa giòng sông nước sâu.

Các thánh tử đạo thà mất đi mạng sống của mình để chứng thực rằng mình tin vào Chúa Giê-su là đúng, Ngài hiện hữu và làm cho đức tin của các ngài thêm vững mạnh, do đó mà các ngài thà chết chứ không vì sợ đau khổ ở đời này mà đánh mất hạnh phúc mai sau.

Tuy nhiên, có những người Ki-tô hữu không đổ trước những con bách hại đạo giáo, nhưng lại đổ trước tiền bạc vật chất; có những người không đổ trước tiền bạc vật chất, nhưng lại đổ nặng nề trước sắc và dục; lại có những người không đổ trước sắc và dục, nhưng lại đổ kềnh trước những quyền lực danh vọng.v.v...

Chỉ có những người Ki-tô hữu có đức tin chân chính vào Thiên Chúa của mình mới không đổ, và chỉ những ai có niềm tin vào cuộc sống lương thiện, chính trực của mình mới không đổ mà thôi.

Họ chính là những “con lật đật” hay “ông không đổ” vậy.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:14 16/04/2010
CHỦ NHẬT 3 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 21, 1-19

“Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các môn đệ; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy”.


Bạn thân mến,

Chúa Giê-su đã sống lại, đó là niềm tin của chúng ta và đó cũng là một thách đố cho nhân loại ngày xưa cũng như ngày hôm nay, Ngài đã sống lại và đang hiện diện với bạn và tôi trong thánh lễ này trên bàn thờ, khi chúng ta cùng nhau ăn Thịt và uống Máu của Ngài, và đó là dấu hiệu để chúng ta nhận ra chúng ta đều là anh chị em với nhau trong Ngài. Trong niềm xác tín ấy tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm sau đây:

1. Bẻ bánh là tuyên xưng Chúa Ki-tô đã sống lại.

Thánh lễ được lập lại mỗi giây mỗi phút trên khắp thế giới, nghĩa là nơi đâu có linh mục Chúa Ki-tô thì ở đó đều có thánh lễ, đó là một bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su đã sống lại cách sống động nhất mà Giáo Hội luôn đề cao và mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ.

Nơi thánh lễ linh mục làm lại cử chỉ mà Chúa Giê-su thường làm với các Tông Đồ đó là cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các Tông đồ. Cử chỉ này Chúa Giê-su đã làm trước khi chịu chết, và Ngài vẫn làm sau khi từ cõi chết sống lại, và sẽ được Giáo Hội của Ngài –Giáo Hội Công Giáo- tiếp tục làm (bẻ bánh) cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đó là hiến tế tạ ơn –thánh lễ-.

Chúa Giê-su đã sống lại, và tấm bánh mà chúng ta ăn chính là Mình Thánh sống động của Ngài, vì sống động, nên trở thành động lực thúc đẩy những ai ăn và uống Mình Máu Thánh ấy phải trở nên những công cụ sống động phục vụ tha nhân, theo ý muốn của Đấng đã từ cõi chết sống lại là yêu thương và phục vụ lẫn nhau, như Ngài đã rữa chân phục vụ các môn đệ của mình.

2. Phục vụ là tuyên xưng Chúa Ki-tô đã sống lại.

Chúa Giê-su đã sống lại, và Ngài nướng bánh và cá để phục vụ bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm đánh cá mệt mỏi, Ngài tuy là Thầy và là Chúa, nhưng Ngài đã phục vụ trong cung cách là người bạn chí thiết của các môn đệ: bình dị và đầy yêu thương.

Ở đời có nhiều cách phục vụ: người bán hàng phục vụ khách hàng là vì để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, họ phục vụ không phải vì yêu thương khách hàng nhưng là vì túi tiền của họ; bác sĩ khám bệnh chăm sóc bệnh nhân với cung cách là nghề bác sĩ; nhà giàu bố thí cho người nghèo khi có dịp lễ hay vận động làm việc từ thiện; các “cò mối” phục vụ khách hàng.v.v... đều là những người vì mình chứ không vì người...

Người K-itô hữu có nhiều cách để tuyên xưng Chúa Giê-su sống lại, nhưng cách hữu hiệu nhất là vì tha nhân và vì anh em mà phục vụ như Chúa Giê-su đã làm, bởi vì không một xác chết nào biết phục vụ nhưng phải là người đang sống mới biết phục vụ người khác. Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, nghĩa là Ngài vẫn đang sống nên Ngài phục vụ trong chúng ta, và qua chúng ta mà mọi người nhận biết yêu mến và kính thờ Ngài...

Bạn thân mến,

Trong giáo xứ của tôi đang phát động chương trình xây dựng đức Tin, đức Cậy và đức Mến trong các gia đình, đây là một nổ lực lớn để cho mỗi người Ki-tô hữu và đặc biệt là mỗi người trong giáo xứ ý thức về sứ mạng tông đồ của mình.

Từ trong gia đình cha mẹ và con cái “truyền giáo” cho nhau, bằng cách phục vụ lẫn nhau như Chúa Giê-su đã rửa chân phục vụ cho các tông đồ của mình.

Bẻ bánh và phục vụ là hai điều kiện tiên quyết, để mọi người nhận ra Chúa Giê-su phục sinh đang sống động trong công việc hàng ngày của bạn và tôi, do đó mà chúng ta cần có một tâm hồn biết đặt phục vụ lên trên mọi nguyên tắc, để ưu tiên phục vụ những người cần phục vụ, nhất là những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 16/04/2010
N2T


29. Mục đích tôi vào dòng là vì Thánh Giá cứu chuộc tất cả các linh hồn.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 16/04/2010
N2T


419. Yêu có nhiều tên khác nhau, trong đó có một tên gọi là lượng thứ (tha thứ).

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo dục đúng sai
Vũ Văn An
00:00 16/04/2010
Chính phủ tiểu bang NSW, Úc, vừa cho thí nghiệm một chương trình 10 tuần nhằm dạy các em lớp 5 và lớp 6 các trường công lập biết phân biệt đúng sai, một thứ đạo đức học thực tiễn không dựa vào tôn giáo. Có người gọi nó là một thứ đạo đức học vô thần. Chương trình này sẽ được giảng dạy song song với chương trình giáo dục tôn giáo. Trường tiểu học Hurtsville đã được chọn làm đại diện cho vùng St George và Sutherland tham dự cuộc thí nghiệm chương trình này, trước khi nó được áp dụng tại mọi trường tiều học công lập của tiểu bang.

Đúng sai như thế nào?

Chương trình này dạy học sinh các chủ đề như bắt nạt, vẽ bậy trên tường (graffiti), ăn cắp và quyền lợi học sinh… Người phụ trách chương trình này sẽ là các thiện nguyện viên được huấn luyện, trong đó có cha mẹ.

Người khai triển chương trình này là tiến sĩ Cam, một giáo sư triết tại Đại Học New South Wales, Sydney. Ông cho rằng chương trình này sẽ khuyến khích học sinh suy xét và đưa ra quyết định liên quan tới nhiều hoàn cảnh cá biệt khác nhau. Theo tiến sĩ Cam: “Chương trình này đề cập tới nhiều vấn đề hàng ngày, như có được nói dối hay ăn cắp không, có nên dùng thú vật thử nghiệm các sản phẩm không, và phải nghĩ sao về các nguyên tắc triết học”.

Chính phủ tiểu bang đã chấp thuận chương trình này, và lần đầu tiên trong hơn 100 năm nay, coi nó như một phương thức thay thế cho chương trình giáo dục tôn giáo hiện nay. Tina Cowley, hiệu trưởng trường tiểu học Hurtsville cho hay: dù gây tranh cãi, vì bị một số các nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối, nhưng chương trình này là một bước tích cực, rất tốt cho học sinh. Verity Firth, Bộ Trưởng Giáo Dục của Tiểu Bang NSW, là bộ có nhiệm vụ thi hành chương trình này, nói rằng chương trình này chỉ nhằm bổ túc chương trình giáo dục tôn giáo, chứ không hề làm giảm tầm quan trọng của việc giáo dục tôn giáo.

Tại sao tốt, tại sao xấu

Tuy nhiên, có người cho rằng chương trình không nói gì tới việc làm thế nào để trẻ em thực sự đạt tới một thực tại đặc thù nào đó. Đúng hơn, nó chỉ nói tới các hậu quả của việc suy nghĩ mù quáng. Đàng sau từ ngữ yêu chẳng hạn, là cái gì? Là cha mẹ hay cộng đồng? Những điều như thế chưa đủ tốt vì chúng được gắn với những hữu thể hữu hạn là những hữu thể không biết đủ về nhiều sự vật. Dù đây có thể là một điều tốt, nhưng cái tốt này là cái tốt mù dựa trên một hiểu biết không có khả năng giải thích được suy tư và do đó không hiểu được một cách chắc chắn tại sao con người ta lại hành động tốt hay hành động xấu. Trẻ em cần được dạy về mối tương quan giữa các từ ngữ chúng dùng hằng ngày với quan niệm tuyệt đối như một Thiên Chúa chẳng hạn. Nếu không, ta chỉ như người nói với gió. Thế giới quan của Kitô Giáo phải là điểm khởi đầu nhờ lời giải thích của nó đối với lối nghĩ và lối làm trong câu đầu tiên của Thánh Kinh.

Một động thái đánh lừa

Trên đây là ý kiến của một độc giả tờ báo địa phương The Leader của vùng St George và Sutherland. Các vị hiện đang phụ trách các lớp giáo dục tôn giáo tại NSW bày tỏ sự quan ngại của họ đối với chương trình này, cho rằng đây là một động thái đánh lừa nhằm phá hoại công trình của những người đã và đang giảng dạy các giá trị đạo đức tại trường hơn 100 năm nay.

Mục sư Allan Beaven, hiện là phối trí viên Chương Trình Giáo Dục Tôn Giáo Đặc Biệt của St George’s Hurtsville Church cho rằng chương trình này không cần thiết. Ông bảo: “Nói rằng cần một lớp đạo đức học để dạy trẻ em biết phân biệt đúng sai là đặt nghi vấn đối với công việc hiện chúng tôi đang làm. Chúng tôi chưa bao giờ ta thán và hoàn toàn cam kết tổ chức chương trình to lớn về giáo dục tôn giáo do giáo hội tài trợ, trong đó yếu tố đạo đức học rất trổi vượt”

Mục sư Beaven, người từng dạy chương trình giáo dục tôn giáo hơn 20 năm qua, cho hay: Bộ Giáo Dục Tiểu Bang đã tự mâu thuẫn với chính chính sách của mình: “Năm ngoái, Bộ bảo chúng tôi là các lớp đạo đức học sẽ không được đề nghị cho các học sinh đã đang học về tôn giáo. Bây giờ, không tham khảo chi cả, trường lại bảo chúng tôi là các học sinh đó cũng sẽ tham dự các lớp đạo đức học”. Theo ông, phải để cho các phụ huynh quyết định có nên để con em họ tham dự hay không. Dù sao, sự mâu thuẫn trong việc chọn lựa này cũng làm phụ huynh học sinh bối rối, mù mờ. Ông bảo “đến 90% các học sinh tại Trường Công Lập Hurtsville thuộc các gia đình gốc Trung Hoa, và phần đông không hiểu các lớp học mới này dạy điều gì. Những chuyện như bắt nạt hiện trở thành một vấn đề lớn trong một số trường học, nhưng không hiểu một mình chương trình này có chỉnh đốn được việc ấy không. Vả lại, học sinh trường Hurtsville vốn được tiếng là những học sinh có tác phong rất tốt”.

Theo Pauline Pang, một cô giáo dạy Thánh Kinh, khía cạnh thiêng liêng của giáo dục vẫn còn rất quan trọng. Cô bảo: “Trẻ em vẫn đặt những câu hỏi như Thiên đàng ở đâu? Chuyện gì xẩy ra khi em chết? Chúng tôi cho các em các câu trả lời cho các câu hỏi về cuộc đời, những câu hỏi mà đôi khi cha mẹ các em không giúp các em hiều được”.

Đe dọa chương trình giáo dục tôn giáo

Tưởng nên nhắc lại chính sách giáo dục hiện nay của chính phủ tiểu bang NSW. Chính sách này ngăn cấm các học sinh không học lớp “thánh kinh” (một kiểu gọi chương trình giáo dục tôn giáo) không được chính thức huấn luyện về điều gì khác khi các lớp “thánh kinh” đang diễn tiến. Nhưng Simon Longstaff, Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm Đạo Đức Học St James, cơ quan cùng đứng ra tổ chức các lớp đạo đức học với Bộ Giáo Dục NSW, cho rằng chính sách trên phản ảnh một thỏa thuận thuộc thế kỷ 19 giữa giáo hội và nhà nước. Nay đã tới lúc phải canh cải thoả ước ấy. Ông bảo: “Xã hội đang thay đổi và tại một số trường, khỏang từ 50% tới 80% các em quyết định không theo các lớp thánh kinh, chịu ngồi chơi không trong khoảng thời gian đó… cho qua giờ, coi video, tô hình hay làm bài tập… Chúng tôi hy vọng chương trình thí nghiệm này, một thí nghiệm sẽ được lượng giá một cách độc lập, sẽ lót đường cho việc thay đổi chính sách hiện nay, hầu mang lại cho trẻ em cơ hội làm một điều gì đó có ý nghĩa trong khoảng thời gian trên, như học cho biết những thế lưỡng nan mà cuộc đời có thể đem đến cho các em”.

Các đại biểu của Giáo Hội Công Giáo, từng bàn thảo với Bộ Giáo Dục NSW về chương trình này nhiều lần, nói rằng các lớp đạo đức học có thể phá hoại tương lai của chương trình giáo dục tôn giáo tại các trường nếu được chấp thuận vĩnh viễn.

Hơn 100 năm nay, các lớp Thánh Kinh tại các trường vốn đem lại cho trẻ em phương tiện để học hỏi về Thánh Kinh, về Chúa Giêsu và về nền đạo đức vốn xây nền cho nước Úc. Điều ấy hoàn toàn thích hợp. Không một sử gia đứng đắn nào, bất luận có tôn giáo hay không, lại hoài nghi ảnh hưởng đào luyện của Kitô Giáo, của nền đạo đức học và các giá trị của nó đối với việc phát triển luật lệ, văn hóa và chính trị của nền văn minh Tây Phương. Quả thế, chính nền đạo đức học của Do Thái và Kitô Giáo đã làm cách sống của ta khác với cách sống của các nền văn hóa khác.

Đòn chính trị

Đã đành có những cha mẹ phản đối theo lương tâm việc con mình học Thánh Kinh. Đó là quyền của họ. Nhưng vì muốn lợi dụng số phụ huynh này, nên năm ngoái, cựu thủ hiến Nathan Rees đã công bố sẽ tổ chức các lớp dạy đạo đức học, chỉ để phủ lấp nhiều tai tiếng về đạo đức của nhiều thành viên trong nội các của ông ta, như muốn chứng tỏ rằng chiếc la bàn luân lý của chính phủ ông vẫn chỉ về hướng bắc.

Vào lúc đó, chính phủ nói rõ các lớp đạo đức mới, không có tính tôn giáo này sẽ không cạnh tranh với các lớp Thánh Kinh cổ truyền. Nhưng với việc thí nghiệm vào tuần tới, khi các trường nhận học sinh trở lại cho học kỳ hai, người ta thấy rõ các lớp này được dựng lên với một mục tiêu hiển nhiên là lôi kéo học sinh khỏi các lớp Thánh Kinh, dù chính phủ quả quyết cách khác.

Theo nhận định của Jim Wallace trên theage.com.au, mục tiêu là “cung cấp một bổ túc thế tục cho cuộc thảo luận về chiều kích đạo đức trong cuộc sống học sinh”. Như thế, theo định nghĩa, chương trình này sẽ loại bỏ việc thảo luận về các giá trị của Kitô Giáo, vốn là các giá trị xây nền cho khuôn khổ đạo đức của xã hội Úc.

Để xem các giá trị như yêu người lân cận, hy sinh, giúp đỡ người nghèo v.v… sẽ được nói tới ra sao khi các trình thuật Thánh Kinh, vốn lên khuôn cho cái hiểu của ta về các ý niệm ấy cả hàng trăm năm nay, bị loại ra khỏi cuộc thảo luận. Xem ra nền đạo đức học của Thánh Kinh và của con người Chúa Giêsu nay đã bị coi là thiếu đầu thiếu đuôi đến nỗi chính phủ phải tìm ra một khóa trình đạo đức riêng và dùng các tài nguyên của mình để lôi kéo học sinh ra khỏi các lớp Thánh Kinh, vốn được biết bao thiện nguyện viên tận tụy giảng dạy nhiều thập niên qua.

Jim Wallace cho rằng dù chủ nghĩa thế tục có thể tốt, nhưng không một ai cho rằng các giá trị của nó tự không mà có. Ý niệm yêu người lân cận như chính mình, hay hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho bạn, là một ý niệm của tôn giáo. Nói đúng hơn, đó là một ý niệm của Kitô Giáo.

Chủ nghĩa thế tục chắc chắn không trung lập, nên những ai muốn xua đuổi các giá trị của Kitô Giáo ra khỏi các trường và định chế công cộng nên giải thích đầy đủ hơn thế giới quan từ đó họ rút tỉa ra các giá trị thay thế của họ. Trong khi ấy, nếu ta còn tiếp tục nhìn nhận và cử hành gia tài Do Thái và Kitô Giáo của ta, thì chính phủ NSW không nên phá hủy ảnh hưởng của các lớp Thánh Kinh vì chúng chính là cơ may duy nhất mà các người trẻ của ta có ở trong đời để hiểu thế nào là cuộc đời.

Bài học hay nhất đối với phụ huynh Kitô giáo là cần thận trọng trong việc quyết định chọn trường cho con em mình. Không thể tin tưởng được học trình của những người càng ngày càng đi theo con đường duy tục, bề ngoài thì hô hào tự do, nhưng lại không ít nhất đưa ra một học trình phản ảnh nhiều quan điểm đạo đức khác nhau để người học có thể tự do quyết định.
 
La cà tại nhiều quán rượu với Tổng Giám Mục Malta
Bùi Hữu Thư
07:33 16/04/2010
VALLETTA, Malta, ngày 15 tháng 4, 2010 (Zenit.org).- Một ngày thứ bẩy la cà hết quán rượu này đến quán rượu khác với tổng giám mục sở tại không phải là một cách thông thuờng để giết thì giờ vào một cuối tuần.

Tuy nhiên, thứ bẩy vừa qua, một nhóm phóng viên báo chí đã làm đúng như vậy khi vị Tổng Giám Mục Paul Cremona, 64 tuổi ở Malta đi thăm các quán rượu tại điạ phương để loan tin là Đức Thánh Cha Benedict XVI sắp đến thăm thành phố này.

Đức Thánh Cha sẽ thăm Malta trong hai ngày bắt đầu ngày thứ bẩy.

Đức Tổng Giám Mục dành một vài giờ cho giới trẻ tại Paceville, ngài rao giảng và mời gọi họ đến gặp Đức Thánh Cha vào chiều ngày Chúa Nhật tại bờ biển Valletta.

Tổng Giám Mục Cremona được tháp tùng bởi một nhóm báo chí điạ phương, đã đi thăm khoảng hơn chục quán rượu trong vùng, ngài nói chuyện với hàng trăm giới trẻ, tại bàn rượu của họ hay trên đường phố. Ngài đã trêu đùa với họ và đôi khi chia sẻ một ly rượu, nhưng ngài cũng nói về những đề tài quan trọng hơn.

Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha dự trù thu hút khoảng 10.000 giới trẻ từ khắp nơi trên hòn đảo này.
 
Đức Hồng Y Claudio Hummes mời gọi các Linh mục trên thế giới đến giáo đô Rôma dự Đại Lễ kết thúc Năm Thánh Các Linh Mục.
Dominic David Trần
09:42 16/04/2010
Đức Hồng Y Claudio Hummes mời gọi các Linh mục trên thế giới đến giáo đô Rôma dự Đại Lễ kết thúc Năm Thánh Các Linh Mục.

Tòa Thánh Vatican ngày 15 tháng Tư, 2010 / 02:23 pm theo tin Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu (CNA/EWTN News) Đức Hồng Y Claudio Hummes, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ của Giáo Triều Rôma đã viết; " Hãy đến giáo đô Rôma và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho Anh Em." trong Lá thư gởi đến tất cả các Linh mục trên toàn thế giới để mời gọi qúy Linh mục đến giáo đô Rôma tham dự Đại Lễ kết thúc Năm Thánh Các Linh Mục. ĐHY Bộ Trưởng mời các giáo sĩ linh mục đến Rôma để thể hiện tinh thần sẵn sàng phục vụ Hội Thánh và bày tỏ sự ủng hộ Đức Thánh Cha trong những lúc đầy thử thách này.

Chỉ còn đúng 02 tháng nữa là Đại Hội Quốc Tế Các Linh Mục sẽ được tổ chức tại giáo đô Rôma từ ngày 09 đến 11 tháng Sáu năm 2010 để kết thúc năm đặc biệt dành cho các giáo sĩ linh mục đã được tuyên bố khai mạc từ ngày 19 tháng Sáu năm 2009.

Đức Hồng Y Hummes đã lập lại lời Đức Thánh Cha Benedicto mời từ tháng Hai và tự ngài gọi điện thoại chuyển lời mời tất cả các giáo sĩ linh mục trên toàn thế giới đến giáo đô Rôma và tham dự đại hôi kéo dài trong 03 ngày này. " Qúy Anh Em giáo sĩ Linh mục đừng ngần ngại gì hết- hãy mau chóng đáp trả lại lời mời chân thành và thân ái của Đức Thánh Cha," ĐHY Humme viết tiếp. " " Hãy đến giáo đô Rôma và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho Anh Em."

Đức Hồng Y cũng đưa ra dự kiến rằng sự hiện diện rất đông của Linh mục đoàn khắp thế giới tại Công Trường Thánh Phêrô trong dịp này lại mang thêm một cơ hôi hiếm có cho Đức Thánh Cha " Thêm Sức" cho Các giáo sĩ linh mục; đìều này "sẽ là một cách thế tích cực và đầy trách nhiệm để cho chính các giáo sĩ linh mục thể hiện rằng các ngài đã sẵn sàng và không hề nao núng vì phục vụ nhân loại do Đức Chúa Giêsu Kitô đã tín thác cho các Linh mục và giáo sĩ."

Sự hiển thị của qúy anh em linh mục giáo sĩ nơi Công trường Thánh Phêrô trước mặt thiên hạ ngày nay sẽ là một bản tuyên ngôn của việc "Được Thiên Chúa Sai Đi" vào thế giới này-không phải để lên án con người thế gian nhưng mà nhờ ân sủng và Tin Mừng của Chúa-người thế trần sẽ được cứu độ"

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng trong viễn cảm như vậy, việc Linh Mục Đoàn thế giới hiện diện thật đông đảo tại giáo đô Rôma sẽ có một vai trò rất quan trọng và đầy ý nghĩa.

Hơn nữa tâm thức của rất nhiều giáo sĩ linh mục hiện diện tại Rôma trong dịp bế mạc Năm Thánh Các Linh Mục sẽ là quà tặng Đức Thánh Cha: " sự đoàn kết, sự ủng hộ, sự tin tưởng, và sự hiệp thông vô điều kiện của Linh Mục Đoàn thế giới-trong lúc đối diện với những cuộc vu cáo tấn công thường xuyên trực tiếp vào Đức Thánh Cha...."

Đức Hồng Y Humme cũng nhắc lại những cuộc vu cáo rất bất công của một số báo chí và truyền thông nói rằng Đức Thánh Cha đã thất bại trong việc giải quyết những vụ lạm dụng sách nhiễu tình dục nơi trẻ vị thành niên của cá nhân một số giáo sĩ linh mục: Đức Hồng Y Humme nhấn mạnh rằng " trong thế gian lúc này, chưa có ai đã làm nhiều việc như chính Đức Thánh Cha Benedicto XVI để lên án và chiến đấu chống trả lại những tội ác như vậy một cách thích đáng. Bởi vậy sự hiện diện rất đông đảo của qúy Anh Em Linh Mục với Đức Thánh Cha tại Công Trường Thánh Phêrô trong ngày Đại Hội đó sẽ là một sự phản bác rất kiên quyết lại những tấn công bất công mà Đức Giáo Hoàng Benbedicto XVI đang là một nạn nhân."

Một sự kiện lớn khác nữa của NămThánh các Linh Mục là Đại Hội Thần Học Quốc Tế đã diễn ra trong tháng Ba năm nay với sự tham dự của 50 Giám mục và 500 Linh Mục. Các đại biểu đã thảo luận về chủ đề Thừa Tác Vụ Linh Mục, và đã bàn sâu đến các đề tài quan yếu như Căn tính của Linh mục Giáo sĩ và Lời Khấn Sống Độc Thân của giáo sĩ tu sĩ.
 
Bản nghiên cứu của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa-Kỳ cho thấy các bậc cha me rất quan tâm đến việc trẻ em tiếp cận với luồng thông tin không lành mạnh.
Dominic David Trần
13:45 16/04/2010
Bản nghiên cứu của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa-Kỳ (USCCB) cho thấy các bậc cha me rất quan tâm đến việc trẻ em đã tiếp cận với luồng thông tin không lành mạnh.

Washington D.C., ngày 16, tháng Tư 2010 / 04:17 AM, theo tin Thông Tấn Xã toàn cầu (CNA).- Một cuộc thăm dò ý kiến các bậc cha mẹ do Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) bảo trợ đã tìm ra được rằng các bậc cha mẹ rất quan ngại về nội dung chương trình trong các phương tiện truyền thông đại chúng và các bậc cha mẹ cũng mong muốn được Chính phủ và kỹ nghệ truyền thông Hoa-Kỳ giúp đỡ họ trong việc kiểm soát con em trên các cách tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông của chúng. Công trình nghiên cứu của HĐGMCG Hoa Kỳ mang tựa đề; " Những Hy Vọng và Quan Ngại về tác hại của truyền thông đối với giới trẻ" đã được tổ chức thực hiện để đáp ứng cho Thông báo Yêu cầu Mở cuộc Điều tra này từ phía Ủy Ban Quản Trị Thông Tin Liên Bang Hoa kỳ FCC (Federal Communications Commission).

Bản tường trình của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cho biết có hơn 80 phần trăm các bậc cha mẹ đã nói rằng nếu có thể được họ rất muốn kiểm soát các cách tiếp cận vào những chương trình có nội dung mô tả những hình ảnh ngôn ngữ về bạo lực, tình dục, sử dụng ma túy bất hợp pháp, nghiền rượu và những lời nói báng bổ và thô tục. Lạm dụng ma túy các loại và tệ nạn nghiện rượu chính là các quan ngại đặc biệt của các cha mẹ trên cả những đề mục như cách xếp hạng nội dung phim ảnh và hệ thống kiểm soát của cha mẹ.

Cũng theo cuộc thăm dò này, cha mẹ đã quan tâm nhiều hơn đến những nội dung không thích hợp với trẻ em chiếu trên vô truyến truyền hình và Liên mạng Internet hơn là ở các chương trình trong băng ghi hình video, điện thoại cầm tay hay âm nhạc. Hơn 90 phần trăm cha mẹ nói rằng trong gia đình họ có lập nội quy về những phương tiện -chương trình truyền thông đại chúng nào mà con em của họ có thể tiếp cận, sử dụng và xem.

Hơn phân nửa các bậc cha mẹ nói rằng họ đã sử dụng các phương tiện cho phép cha mẹ kiểm soát vô truyến truyền hình, máy chiếu băng ghi hình và liên mạng Internet. Phần lớn các cha mẹ đã trả lời là họ có hiểu biết tốt hơn về những phương tiện và thiết bị cho phép họ kiểm soát nội dung và chương trình, khả năng ngăn chận những xen quảng cáo không phù hợp với trẻ em, và có mức tiện dụng lớn hơn nữa trong việc cài đặt sẵn các chương trình kiểm soát của cha mẹ để tăng cường mức độ kiểm soát của cha mẹ trên cách sử dụng và tiếp cận phương tiện truyền thông của con em họ.

Có khoảng 75% các bậc cha mẹ nói rằng các nhà chế tạo các thiết bị và sản phẩm thông tin nên làm việc nhiều hơn để bảo vệ cho trẻ em tránh khỏi những nội dung chương trình không thích hợp với các cháu. Cùng trong lúc ấy 58% các cha mẹ khuyến cáo rằng tương tự như vậy, Chính phủ Hoa Kỳ cũng nên làm việc tích cực hơn

Các kết qủa của cuộc thăm dò này khuyến nghị rằng đã càng ngày có càng nhiều bậc cha mẹ đang sử dụng hệ thống V-chip do Canada khởi xướng-là kỹ thuật xếp hạng-ngăn chặn những chương trình nội dung không phù hợp với trẻ em hơn là trước đây họ đã nghĩ là không cần thiết.

Công trình nghiên cứu của HĐGMCG Hoa Kỳ cũng khuyến cáo rằng nên mở rộng hệ thống xếp hạng và phân loại nôi dung thông tin truyền thông đến mức bao gồm cả những tin hình liên quan đến sử dụng ma túy bất hợp pháp, nghiện rượu và ghiền thuốc lá. Công trình này cũng đề nghị là không nên bỏ qua việc kiểm tra tác hại của nội dung các chương trình vô tuyến truyền hình bằng cách chỉ nhấn mạnh nhiều đến việc theo dõi liên mạng internet và mạng giao tiếp thông tin xã hội (thí dụ như Facebook, Tweet,...)

Hội Đồng giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng khuyến nghị rằng các nhà thiết kế chính sách Hoa Kỳ và nhà quản trị các phuơng tiện truyền thanh-truyền hình nên phát triển các nguồn tài nguyện thiết bị-kỹ thuật để cho quyền các bậc cha mẹ và những người xem truyền hình được ngăn chận những pha qủang cáo không phù hợp và không muốn xem trên vô tuyến truyền hình.

HĐGMCG Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ ủng hộ việc tiếp tục sử dụng V-chip và các ý kiến đề xuất sao cho thiết bị và kỹ thuật V-chip được sử dụng rộng rãi và thuận tiện cho các cha mẹ đìều khiển. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng hỗ trợ một "phương cách tiếp cận toàn diện" liên quan đến trách nhiệm của các bậc cha mẹ và sự dấn thân tích cực hơn nữa của cả Chính phủ và Kỹ nghệ Thông tin Hoa Kỳ.

"Đức Cha Gabino Zavala, Chủ Tịch Ủy Ban Đặc Trách Truyền Thông trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tuyên bố; " Bước chuyển tiếp sang hệ thống vô tuyến truyền hình kỹ thuật số cũng đem đến những cơ hội tuyệt vời để cung cấp thêm sự bảo vệ cho các trẻ em."

" Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng chân thành biết ơn Ủy Ban Quản Trị Thông Tin Liên Bang Hoa Kỳ (FCC) về những cố gắng để giúp cho các bậc cha mẹ kiểm soát thông tin và bảo vệ các trẻ em trong khung cảnh thông tin kỹ thuật số đang tiến hoá nhanh chóng. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ chúng tôi thúc dục qúy Ủy Ban Qủan Trị Thông Tin Liên Bang Hoa Kỳ hành động theo những quan ngại do các bậc cha mẹ nêu lên trong công trình nghiên cứu và thăm dò này của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ."

Công trình nghiên cứu và thăm dò của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ được trao cho hãng Issues And Answers có trụ sở tại Tiểu Bang Virginia thực hiện; bao gồm việc gọi điện thoại bật kỳ để hỏi ý kiến của 500 cha mẹ có trẻ em trong độ từ 2 đến 14 tuổi. Hãng này cũng nêu rõ xác xuất thăm dò là +/_ 4.5% so với kết qủa đã công bố.
 
Đan viện Biển Đức Thiên Tâm (Kerens, Texas) tổ chức đại hội Thánh Thể
Trần Mạnh Trác
18:55 16/04/2010
Kerens Texas? Đó là một địa danh ít người biết tới. Nhìn lên bản đồ vùng Bắc Texas người ta chỉ thấy những tên như Corsicana, Palestine, Crockett, ít thấy ghi Kerens. Thực ra Kerens là một phố nhỏ (có 682 gia đình theo thống kê 2000) nằm cách Corsicana 10 miles về hướng đông, đa phần là nông trại với những mái nhà khiêm nhượng ẩn mình đằng sau các con đường đất hẹp.

Từ thuở ban sơ, tòan vùng Bắc Texas là một miền hoang vu với những đồng cỏ mênh mông trải dài tới tận chân trời. Khi Davy Crockett đi qua vào năm 1836, theo bút ký, ông thấy những đòan ngựa hoang mustang tung tăng đuổi nhau chạy về cõi vô định, và dân da đỏ Waco (còn gọi là Yscani) đã chỉ hướng cho ông đi Alamo, một địa chỉ cách xa một tháng trên lưng ngựa.

Nhiều cuộc biển dâu đã xảy ra, vùng đất đổi chủ nhiều lần, người dân gốc Anh chiến thắng đã chia đất cho các chiến binh của họ khai thác và phần hương hỏa của Crockett nay thuộc một thành phố mang tên ông ở phía Nam Kerens (70 miles).

Tuy đã gần 200 năm, nhưng nếu những người cùng thời với Crockett sống dậy về thăm vùng này, thì họ sẽ ngạc nhiên thấy xuât hiện một vài hồ nước nhân tạo rộng mênh mông có hoa sen nở tràn lan, một vài hương lộ dài hun hút không có tên chỉ có số, những hàng rào kẽm gai xen lẫn với những ngọn cỏ cao hơn người và thay vào những người dân da đỏ mình trần săn bắn, rất có thể họ sẽ gặp những thầy tu mặc áo chùm đầu vừa chăm chỉ làm vườn vừa thì thầm kinh nguyện. Các thầy tu sẽ chỉ cho họ lối đi về thánh đường. Dù họ có quyết định dừng bước giang hồ nơi nhà Chúa hay không, thì bao lâu còn ở lại đây họ vẫn sẽ tìm được những hình ảnh quen thuộc của những ngọn cỏ dợn sóng theo chiều gió, những cánh chim đại bàng lững lờ bay trên vòm trời xanh ngắt. Họ vẫn có thể ngả mình dưới bóng mát của những cây hồ đào (pecan) rải rác để nghỉ ngơi cho qua buổi trưa hè. Họ sẽ chứng kiến nhiều buổi chiều tà có cơn giông chợt đến rồi chợt đi và theo sau là một hòang hôn muôn màu rực rỡ. Mỗi khi màn đêm buông xuống, họ sẽ bàng hòang tôn vinh đấng tác thành ra vũ trụ khi ngước mắt nhìn lên bầu trời trong vắt với muôn vàn tinh tú lấp lánh. Và khi bình minh rạng mở, họ sẽ thức dậy với tiếng rù rì của những đàn chim cút (quail) đang lục lọi bới chải, và sẽ hít thở một làn không khí trong lành có sương mờ vật vờ trôi nổi.

Phong cảnh hoang sơ, thực ra là sự lắng đọng của tâm hồn, đã là một lý do mà dòng Biển Đức chọn nơi đây để thành lập nhà tĩnh tâm. Sự kiện khai trương sáu tháng trước của một đan viện chiêm niệm của những tu sĩ Việt Nam tại một nơi vô danh đã được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông Mỹ, coi như là một bất ngờ thú vị. Dĩ nhiên đối với người Việt Nam thì cái tên đan viện Thiên Tâm ở Kerens đương nhiên trở thành một đề tài đáng chú ý.

Thiên Tâm, theo lời giải thích của các cha, là sự nối tiếp của một truyền thống bắt nguồn từ Việt Nam. Các đan viện Biển Đức thường lấy chử Thiên làm đầu, do đó mà có những đan viện mang tên Thiên An, Thiên Phước. Còn chữ Thiên Tâm nghĩa là Lòng của Ông Trời, là tình yêu của Thiên Chúa, là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và như tên gợi ý, đan viện Kerens lấy Thánh Tâm làm quan thầy bổn mạng, ngày lễ là thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa.

Việc sùng kính Mình Máu Thánh Chúa (Thánh Thể) là tâm điểm mục vụ của đan viện cho nên nhân dịp hai ngày đại lễ vào đầu tháng Sáu năm nay, đan viện Thiên Tâm sẽ tổ chức đại hội Thánh Thể với hy vọng sẽ tạo thành một truyền thống mỗi năm.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi) mà cao điểm là việc rước kiệu Thánh Thể (Eucharistic procession), kết thúc chu kỳ của mùa Phục Sinh. Tại Vatican và Âu Châu lễ được cử hành vào thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, hay là hai tuần sau lễ Thánh Linh, bên Mỹ ngày lễ cử hành vào Chúa Nhật.

Theo lịch sử còn ghi lại thì lễ Thánh Thể đầu tiên được tổ chức tại Liege (nước Bỉ) trong năm 1246, và mở rộng ra tòan Giáo Hội dưới triều Giáo hoàng Urban IV (năm 1264). Việc rước kiệu khởi nguồn từ nước Ý vào thế kỷ 16.

Nhưng việc rước kiệu Thánh Thể tại Rome đã bị huỷ bỏ vào năm 1870, sau khi quân Ý xâm lăng và sát nhập đất của Tòa Thánh. Mãi tới triều Giáo hoàng John Paul II, ngài mới phục hồi truyền thống rước kiệu vào năm 1979. Lịch trình rước kiệu là từ đền thờ Đức Bà cả đi qua vương cung thánh đường John Lateran.

Tuy truyền thống Công giáo ưa chuộng việc rước kiệu với nhiều lý do, nhưng duy chỉ có việc rước kiệu Thánh Thể là được đề cập tới trong bộ Luật Hội Thánh. Điều (Can. 944 §1,2) khuyến khích các đấng bản quyền tổ chức rước Thánh Thể một cách long trọng qua đường phố nhất là trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Từ đó nhiều chi tiết Phụng Vụ đã được ấn định, cả những chi tiết nhỏ cũng được đề cập tới, như chỉ được rước cờ hiệu Thánh Thể mà thôi không rước các cờ hiệu khác ngay cả cờ của Đức Mẹ, tấm màn chướng (phương du, canopy) có bao nhiêu tay cầm (4 hoặc 6), nếu vị giám mục không rước Mặt Nhật thì phải đi ở vị trí nào (đi trước màn chướng, không đội mũ mang gậy) vv.

Như vậy đủ hiểu việc rước kiệu Thánh Thể là một sự cao trọng. Và hễ là cao trọng thì thường mang lại nhiều ơn ích.

Tại Lộ Đức ngày 22 tháng 8 năm 1888 vào lúc 4:00pm, sau khi rước Mân Côi, theo lời đề nghị của một linh mục người ta rước Thánh Thể qua chỗ bệnh nhân nằm trước hang đá để ban phép lành cho họ. Khi kiệu Thánh thể đi ngang qua ông Pierre Delanoy là một người bị tê liệt (ataraxia) nhiều năm thì ông đã được ơn khỏi bệnh lập tức. Đấy là phép lạ đầu tiên ở Lộ Đức. Từ đó cho đến nay nhiều người bệnh đã hành hương tới Lộ Đức và được chữa lành trước kiệu Thánh Thể như vậy.

Đức Giáo Hòang Benedict 16 mới đây gọi cuộc thăm viếng bà Isave của Đức Mẹ là cuộc rước Thánh Thể đầu tiên bởi vì Mẹ đang cưu mang chúa Cứu thế trong cung lòng của Mẹ khi thực hiện cuộc hành trình ở Galilee.

Sự kiện mà đức Benedict 16 nêu ra liên quan tới phúc âm thánh Luca 1:39-57: “Cảm thấy sự hiện diện của Đấng Cứu Thế qua sự xuất hiện của Maria, Gioan nhẩy mừng trong lòng mẹ, ngay lập tức thai nhi đã được tẩy sạch tội nguyên tổ và được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa.“

Mặc dù Thánh Kinh không kể lại, nhưng chúng ta có thể đóan chắc rằng thánh Giuse đã không để Đức Mẹ bơ vơ một mình trên lộ trình nguy hiểm này. Bất kỳ người phụ nữ có thai nào mà phải đi xa đều có thể cho chúng ta biết rằng đó không phải là một chuyện vui thú. Đối với mẹ Maria, chuyến đi phải là một kinh nghiệm cam khổ: con đường từ Nazareth đến Hebron xa tám mươi dặm đường núi, thời đó cưỡi lừa hoặc đi xe bò là phương tiện duy nhất, phải đi khỏang 3 ngày đường, mà đường thì không trải nhựa, xe không điều hòa không khí, bánh xe không có lò xo giảm xóc...

Ngày nay nếu chúng ta đưa gia đình đi đại hội Thánh Thể 3 ngày ở Kerens cách Dallas 80 dặm thì cũng giống như là tưởng niệm và thực hành cuộc Thăm Viếng của Thánh Gia (Lễ Thăm Viếng là ngày 31 tháng 5 ngay trước đó). Dỉ nhiên ngày nay chúng ta sẽ thực hiện với nhiều tiện nghi tân thời.

Khổ thay, cái lo lắng của các cha dòng Biển Đức (chỉ biết một cuộc sống khó nghèo) chính là ở hai chữ “tiện nghi”! Để sửa sọan cho một cuộc tập họp đông người thì những phương tiện ăn ngủ vệ sinh là quan trọng. Trong hòan cảnh mới thành lập, cơ sở và kinh nghiệm không có, nhân số tu sĩ chỉ có 6 người, thì việc khai hoang cho xe đậu cũng đã là nan giải rồi...Làm sao đây? theo lời các cha thổ lộ, các ngài chỉ biết làm theo sự “đưa đẩy của Chúa Thánh Thần”.

Và Chúa Thánh Thần đã gửi tới nhiều trợ giúp.

Các ân nhân từ các vùng Fort Worth Dallas vả Houston đã bắt đầu thành lập cho đan viện nhiều tiểu ban tổ chức, họ bắt đầu giúp lập chương trình, lo khai quang, đào giếng, và vận động với giới truyền thông.

Trong buổi cơm trưa mới đây tại Dallas, các báo Bút Việt, Ca Dao, Người Việt và Trẻ cùa vùng Dallas Fort Worth đã cam kết hổ trợ cho chương trình. Như vậy thì các tín hữu trong vùng sẽ được thông tin đầy đủ và kịp thời.

Ngày 24 tháng 4 sắp tới, một buổi văn nghệ “Nhịp Cầu Thiên Tâm” sẽ được tổ chức tại Arlington Texas để gây quĩ cho nhà Tĩnh Tâm tương lai.

Ngay sau đó (ngày 8 tháng 5) một buổi văn nghệ khác do tư nhân đóng góp cho đan viện cũng đã bắt đầu thấy đăng quảng cáo.

Tất cả đều nhằm mục đích tạo dịp cho giáo dân quanh vùng đến “Thăm Viếng” đại hội Thánh Thể từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 6 năm nay. Thông báo đã có trên http://vietcatholic.net/News/Html/78889.htm.

Sự Thăm Viếng này không chỉ là một chuyến đi, không chỉ là một vài ngày pic nic, mà là một thể hiện tiếng gọi cộng đồng. Đôi khi, sự hiện diện thể lý của chúng ta là món quà tốt nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho người khác. Giống như Mẹ Maria mang Chúa đến cho người chị họ, “Thăm Viếng” đánh dấu một quá trình chuyển đổi, một tiến bộ lớn trong sự lãnh nhận ơn Cứu Độ.

Các họa sĩ thời Trung Cổ thường minh họa Mẹ Maria và bà Isave giống như là các bậc cao sang quyền quí với áo quần gấm lụa có dàn nhạc Thiên Quốc tung hô. Nhưng không có gì sai sự thực như thế. Hai ngàn năm trước, hai người phụ nữ dân giả bên Palestine có lẽ không tươm tất hơn các phụ nữ ở vùng xa vùng sâu của miền quê Việt Nam. Họ đến với nhau không là để vui ca đàn hát. Dĩ nhiên Đức Mẹ có xướng lên bài ca Magnificat, nhưng đó là biểu lộ sự vui mừng trong ơn cứu độ, chứ mục đích của “Thăm Viếng” là để giúp đỡ một người chị em trong lúc khó khăn, giống như ở miền quê VN người ta thường gửi con em đi giúp bà con trong thời sinh nở, tức là làm những việc khó hèn dơ bẩn trong nhà. Cho nên chuyến đi của Mẹ Maria là để thể hiện lòng bác ái. Đức cố Giáo Hoàng John Paul II đã cảm nhận điều này trong một bài giảng năm 1997, khi phản ảnh về ý nghĩa Thăm Viếng ngài nói: "Trong hành động tương trợ này, Đức Maria đã chứng minh rằng lòng bác ái đích thực phát triển trong chúng ta khi có Chúa Kitô hiện diện."

Hy vọng lòng bác ái đích thực sẽ phát triển khi hàng ngàn người không quản ngại đường xa, dựng lều vải, ăn kiêng khem, tạm từ bỏ các tiện nghi tân thời để noi gương Mẹ, đóng góp một bàn tay vào việc đem mầu nhiệm Thánh Thể đến cho mọi người.
 
Thư của Đức Hồng y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, gửi các linh mục về ngày kết thúc Năm Linh mục
+ Hồng y Cláudio Hummes
20:32 16/04/2010
Thư của Đức Hồng y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, gửi các linh mục về ngày kết thúc Năm Linh mục

Anh em linh mục thân mến,

Năm Linh mục mang lại niềm vui lớn lao cho Giáo hội và Giáo hội tạ ơn Chúa đã soi sáng cho Đức Thánh Cha loan báo năm này. Tất cả những thông tin hiện có được tại Rôma về vô vàn những sáng kiến của các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới nhằm mang lại hiệu quả cho Năm đặc biệt này, tất cả là bằng chứng cho thấy Năm Linh mục đã được đón nhận rất tốt, và cũng cho thấy Năm Linh mục đã đáp ứng khát vọng sâu xa của các linh mục cũng như toàn thể Dân Thiên Chúa. Đây là thời gian để quan tâm, nhìn nhận và gắn bó cách đặc biệt với hàng linh mục cao quý, tận tuỵ và không thể thay thế, cũng như với mỗi cá nhân linh mục trong Giáo hội.

Thực sự là, dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi, một vài linh mục đã phạm phải tội ác nghiêm trọng và đáng ghê tởm là lạm dụng tình dục trẻ em, những việc mà chúng ta phải lên án và trách cứ cách dứt khoát, không nhân nhượng. Những người này phải trả lẽ về hành động của mình trước mặt Chúa và trước toà án, kể cả toà án dân sự. Tuy nhiên, chúng ta cũng cầu nguyện cho họ để họ được ơn hoán cải thiêng liêng và đón nhận ơn tha thứ từ Thiên Chúa. Về phần mình, Giáo hội quyết tâm không che giấu cũng không giảm thiểu những tội ác như thế. Trên hết mọi sự, chúng ta đứng về phía các nạn nhân và muốn hỗ trợ việc chữa trị cho họ cũng như những quyền lợi họ bị xúc phạm.

Đàng khác, tuyệt đối không thể chấp nhận việc sử dụng tội ác của một số ít để nhục mạ toàn thể hàng linh mục. Tất cả những ai đang làm như thế là đang phạm bất công nghiêm trọng. Trong Năm Linh mục, Giáo hội tìm cách ngỏ lời với xã hội về vấn đề này. Bất cứ ai có lương tri và thiện ý đều thấy rõ đây là sự thật.

Anh em linh mục thân mến, sau khi đã trình bày những điều cần phải nói, giờ đây chúng tôi hướng đến anh em. Chúng tôi muốn lập lại với anh em một lần nữa rằng chúng tôi nhìn nhận căn tính và công việc của anh em trong Giáo hội và trong xã hội. Giáo hội yêu mến, ca tụng và tôn trọng anh em. Hơn thế nữa, anh em là niềm vui cho toàn dân công giáo khắp thế giới và Dân Chúa chào đón anh em, nâng đỡ anh em, nhất là trong những thời kỳ đau khổ này.

Trong hai tháng nữa, chúng ta sẽ kết thúc Năm Linh mục. Thưa anh em, với cả tấm lòng, Đức Thánh Cha mời anh em từ khắp nơi trên thế giới, hãy đến Rôma trong dịp kết thúc này từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 6 sắp tới. Từ mọi quốc gia trên thế giới! Chúng tôi lại chẳng mong ước đón tiếp nhiều ngàn linh mục từ những đất nước gần Rôma nhất hay sao? Anh em đừng ngần ngại đáp lại lời mời tha thiết và chân tình của Đức Thánh Cha. Hãy đến Rôma và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho anh em. Đức Thánh Cha muốn “thêm sức” cho các linh mục trong Giáo hội. Sự hiện diện đông đảo của các linh mục tại quảng trường thánh Phêrô sẽ là cách thế tích cực và năng động để các linh mục cho thấy các ngài sẵn sàng và không sợ hãi trong việc phục vụ nhân loại mà Đức Giêsu Kitô đã trao phó. Trong thế giới hiện đại, sự hiện diện đông đảo đó mang ý nghĩa đặc biệt, sẽ là lời loan báo về sứ vụ linh mục, được sai đi không phải để lên án nhưng để cứu độ (x. Ga 3,17; 12,47).

Ngoài ra còn có một động lực đặc biệt thúc đẩy đông đảo các linh mục hiện diện tại Rôma trong dịp kết thúc Năm Linh mục. Động lực này nằm ở tâm điểm của Giáo hội ngày nay. Chúng ta đang nói đến việc dâng lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sự liên đới, hỗ trợ, tin tưởng và hiệp thông vô điều kiện của chúng ta đối với ngài, trong thời điểm ngài đang phải đối diện với những tấn công trực tiếp nhắm vào ngài, liên quan đến những quyết định của ngài đối với các giáo sĩ dính líu đến tội lạm dụng tình dục trẻ em. Rõ ràng là những lời tố cáo này thật bất công, và chúng ta biết rõ rằng không ai đã nỗ lực cho bằng Đức Bênêđictô XVI trong việc lên án và chống lại những tội ác trên. Vì thế, sự hiện diện đông đảo của các linh mục tại Quảng trường thánh Phêrô sẽ là sự phủ nhận mạnh mẽ những cáo buộc bất công đối với nạn nhân là Đức Thánh Cha. Do đó, anh em hãy đến để công khai hỗ trợ Đức Thánh Cha.

Nói cho đúng, kết thúc Năm Linh mục không có nghĩa là chấm dứt nhưng là một khởi đầu mới. Chúng ta, Dân Thiên Chúa và những mục tử, muốn tạ ơn Chúa về thời kỳ đặc biệt dành cho việc cầu nguyện và suy tư về chức linh mục. Đồng thời chúng ta muốn tỉnh thức trước tiếng gọi của Thánh Thần. Nhờ đó chúng ta sẽ trở lại với việc thi hành sứ vụ của mình trong Giáo hội và thế giới với niềm vui mới và với xác tín rằng Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, mãi ở lại với chúng ta, cả trong những cơn khủng hoảng cũng như những thời điểm mới.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ và Nữ Vương của các linh mục, chuyển cầu cho chúng ta và thúc đẩy chúng ta trên đường bước theo Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ và là Chúa chúng ta.

Rôma, ngày 12 tháng 4 năm 2010

+ Hồng y Cláudio Hummes

Nguyên Tổng Giám mục São Paulo

Bộ trưởng Bộ Giáo Sĩ
 
Top Stories
Archdiocese of Hanoi is in mourning with Poland.
Emily Nguyen
08:12 16/04/2010
Archdiocese of Hanoi is in mourning with Poland.

tr>
A solemn memorial service and mass has taken placed at the Hanoi Cathedral to pray for the Polish presidential couple and other victims of the April 10 plane crash in Russia.

On April 15, the Archbishop of Hanoi had led the congregation in commemoration and prayers for president Lech Kaczynski, the first lady and those who lost their lives in the tragic accident which shocked the world and served as a reminder of how fragile life can be. " The passing of the President, his beloved wife as well as of highly ranking government officials and other victims had deeply touched the hearts of not only the Polish people but also of many throughout the world", archbishop Joseph Ngo Quang Kiet told the Polish delegation.

Invited to the English memorial service and mass officiated by Fr Alfonse Pham Hung were Polish Ambassador to Vietnam, Mr. Roman Iwaszkiewicz, diplomats and staff members of the Polish Embassy in Hanoi. Names of each and every victims on the fateful flight on April 10 were anounced by the Ambassador during the mass.

Prior to the mass, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet - on behalf of the whole archdiocese- had asked the ambassador to convey his profound sympathy to the Polish people and the Catholic Church during this sorrowful event. He also promised to keep praying for the victims and the whole country of Poland. " May the grace and comfort of God be with you all", the archbishop prayed.
 
Archbishop Returns to Hanoi
Zenit
09:51 16/04/2010
Archbishop Returns to Hanoi

HANOI, Vietnam, APRIL 14, 2010 (Zenit.org).- After spending more than a month in Rome where he was receiving medical treatment, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet returned to the Archdiocese of Hanoi.

A communiqué published on the archdiocesan Web site announced his arrival at Noi Bai International Airport Friday morning.

A group of priests from the archbishopric, the seminary and the cathedral went to the airport to welcome him.

Before returning to the country, the archbishop stayed briefly in Paris. He said he had recovered his strength and was healed, reported the Eglises d'Asie agency of the Foreign Missions of Paris.

When Archbishop Kiet left Hanoi for Rome on March 4, he said he would be absent for two months, but his journey abroad was actually much shorter.

The days preceding his return coincided with the beginning of the Vietnamese episcopal conference's assembly.

During the prelate's absence, rumors had been circulating, including allegations of negotiations underway between the bishops' conference and the civil authorities about the archbishop's resignation and his replacement. This information was never confirmed.

The bishops themselves, who have been making public appearances daily to report in detail on the work of the day, have never mentioned this matter.

In the assembly's opening address, the president of the conference only asked for the bishops' prayers for the archbishop of Hanoi.

As well, the archdiocesan Web site has only announced the arrival of its head without adding other comments.

Tension

Archbishop Kiet has been experiencing insomnia and physical weakness due to the strain of recent events such as hosting an Apostolic Delegation, beginning in December of 2007.

As well, he has been dealing with increased tension between the faithful and the civil authorities due to a land battle over a parish in Thai Ha, and the police's destruction of a crucifix at Dong Chiem.

Last June, during his five-yearly visit to Rome, the prelate mentioned his health concerns to Church authorities.

He also commented on these concerns to clergy in his archdiocese, sparking doubts about his future. Several days in the Cistercian monastery of Chau Son, close to Hanoi, were not sufficient to restore health to the archbishop, although he continued serving through the opening of the Holy Year.

The jubilee year currently underway in Vietnam celebrates 350 years since the establishment of its first two apostolic vicariates and 50 years since the hierarchy was put in place. It runs through Jan. 6, 2011.

Archbishop Kiet accepted the invitation of the Pontifical Council Cor Unum and of the Congregation for the Evangelization of Peoples to come to Rome in order to receive appropriate medical treatment.

The Catholic people and clergy of Hanoi, who are very close to the person of their archbishop, have expressed concerns over the constant rumors regarding the government's pressure for his resignation and replacement by another Vietnamese prelate. The communiqué noted that these rumors even included names of possible substitutes.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn của phái đoàn Linh mục VN và buổi sinh hoạt với giáo dân tại Nhật
Nguyễn Lưu. Photo:Khánh-Tuynh
06:11 16/04/2010
Thánh lễ tạ ơn của phái đoàn Linh Mục VN tại Kobe và buổi sinh hoạt với giáo dân



Kết thúc 3 ngày tĩnh tâm, chia sẻ hoạt động mục vụ và nâng đỡ nhau trong đời sống Linh mục; Sáng ngày 15-4, Phái đoàn các Linh mục Việt Nam tại Đài Loan, 15 cha; và 17 linh mục VN tại Nhật đã được cộng đoàn địa phương hướng dẫn thăm cố đô Kyoto, ngắm hoa Anh Đào giữa mùa xuân Nhật Bản.

Buổi chiều cùng ngày các cha đã ghé thăm Liên cộng đoàn công giáo miền Tây tại nhà thờ giáo xứ Takatori- Thành phố Kobe. Dù là ngày thường, tuy nhiên hàng trăm giáo dân Công giáo Việt Nam từ cộng đoàn Osaka, Himeji và Kobe đã đến để gặp gỡ các cha và tham dự thánh lễ tạ ơn hiếm có với số lượng linh mục VN đông đảo nhất từ trước tới nay.



Sau thánh lễ, trong buổi cơm thân mật với bà con giáo dân, các Cha Đài Loan đã chia sẻ những câu chuyện truyền giáo và những câu chuyện thương tâm về vấn đề “cô dâu Việt” đang xảy ra hàng ngày ở Đài Loan. Được biết phần đông các ngài từng là cựu thuyền nhân đến từ Hoa Kỳ và Úc, đã hoạt động truyền giáo tại Đài Loan được 20 năm. Trong khi đó 10 cha đang phụ trách các giáo xứ tại miền Nam Nhật Bản như ở Okinawa và cái nôi truyền giáo Kagoshima thì đến từ địa phận Nha Trang, Xuân Lộc và cha Lập đang làm giám đốc một cơ sở giáo dục của dòng Don Bosco tại Tokyo thì đã xin đi truyền giáo tại Solomon cách đây 4 năm. Hôm nay ngài trở về với cơn bệnh sốt rét hành hạ nhưng vẫn vui tươi làm chủ tế và chia sẻ câu chuyện đem nước trời đến cho những người bán khai.

Ngày 16-4, các cha lại trở về giáo xứ của mình ở tận một nơi nào đó. Cha tuyên úy Giáo đoàn VN tại Nhật đã bắt bài ca Magnificat để cảm tạ và chia tay đoàn chiên trong không khí thật cảm động. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn nâng đỡ các Ngài trên bước đường chăn dắt chông gai.
 
Tin vui Tân Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện và tin liên quan đến Đức TGM Ngô Quang Kiệt
VietCatholic
10:27 16/04/2010
HÀ NỘI -- Sáng hôm nay Đức TGM Hà Nội đã đi Sở Kiện để thăm nhà thờ giáo xứ này nơi cử hành khai mạc Năm Thánh Việt Nam vào tháng 11 vừa qua, vì vừa được tin mừng là Tòa Thánh đã báo cho biết sẽ nâng cấp nhà thờ Sở Kiện thành Vương Cung Thánh Đường.

Đây thực sự là một niềm vui và là niềm hãnh diện không những riêng cho giáo xứ Sở Kiện mà còn chung cho Giáo hội Việt Nam. Chính tại Sở Kiện mà Giáo hội Việt Nam đang lưu giữ một kho tàng vô giá các hài cốt và các chứng tích tử đạo của các Anh hùng Tử đạo Việt Nam.

Say khi đi thăm Sở Kiện Đức TGM Giuse lại lên đường đi Châu Sơn để nghỉ ngơi mấy ngày. Phải thành thật mà nói tình trạng sức khoẻ về chứng bệnh mất ngủ của Đức Tổng Hà Nội cũng không hơn gì trước đây. Mọi người yêu mến Đức Tổng xin tiếp tục cầu nguyện cho Ngài.

Chiều hôm qua, các Đức Giám mục thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội cũng đã có cuộc gặp gỡ và dùng bữa tối với Đức Tổng. Các vị đến thăm và tỏ tình liên kết và qúi mến với vị chủ chăn đứng đầu Giáo khu Hà Nội.

Gần đây có những tin đồn thổi và dự đoán về việc đổi thay nhân sự tại Tổng giáo phận Hà nội làm cho nhiều người Công giáo trong và ngoài nước rất hoang mang nhất là đối với những người không hiểu biết đường lối làm việc của Giáo hội thì lại càng có những phản ứng rất là bi quan và có tác hại lớn cho tình liên đới đoàn kết của Giáo hội tại Việt Nam.

Sự kiện theo chúng tôi biết được diện biến như sau: Một tuần khi Hội đồng Giám Mục Việt Nam có kì họp vừa qua ở Vũng Tầu thì chính VietCatholic có nhận được một email của một nhân vật có vai vế làm việc trong chính quyền CSVN (và đây cũng nguồn tin mà trong quá khứ đã đôi lần cung cấp tin tức đáng tin về các biến cố tôn giáo ở Việt Nam - và chúng tôi thường kiểm chứng rất kĩ lưỡng!). Tuy nhiên khi nhận được tin này chúng tôi không đăng trên VietCatholic vì cho rằng đây chỉ là tin bong bóng CS cho tung ra để lung lạc dư luận. Nhưng tiếc thay một vài trang mạng khác đã đăng tin này đang khi Hội Đồng Giám Mục VN họp làm cho bầu khí lên "cơn sốt" ngay. VietCatholic vẫn không đả động gì đến tin này vì:

1. Việc bổ nhiệm hay thay đổi giám mục không bao giờ Tòa Thánh lại cho hỏi ý kiến công khai hay chỉ thị cho bất cứ Hội đồng Giám mục nào được bàn tán không khai cả. Nếu có cần hỏi thì Tòa Thánh đã có những đường giây chính thức như Khâm Sứ Tòa Thánh. Riêng Việt Nam không có Khâm Sứ Tòa Thánh thì việc liên quan bổ nhiệm thường do các vị trong Ban Á Châu Vụ thuộc Bộ Truyền Giáo tìm hiểu hồ sơ và báo cáo trực tiếp lên Bộ Giám Mục. Nếu như có những trường hợp đặc biệt tế nhị liên quan tới chính trị hay ngoại giao thì đôi khi Tòa Thánh có thể hỏi một vài vị thế giá am hiểu về tình hình Việt Nam và Tòa Thánh có những đường giây ngầm để trắc nghiệm thâu nhận ý kiến của một vài người khả tín để xem phản ứng. Một tỉ dụ mới nhất là việc bổ nhiệm cho chức vụ Tổng giám mục vô cùng quan trọng thay thế ĐHY Mahony của Los Angeles có bao giờ công khai bàn bạc hỏi ý kiến đâu! Và cho đến khi Tòa Thánh tuyên bố thì cũng là bất ngờ cho mọi người. Nhưng hồ sơ tại Tòa Thánh về vị Tân Tổng giám mục phó với quyền thế vị ngai Tổng Giám Mục Los Angeles thì không bất ngờ chút nào cả.

2. Tin dự đoán là Đức Cha Đà Lạt ra Hà Nội thay thế Đức TGM Hà Nội cũng là tin không logic về xét nhiều khía cạnh. Thứ nhất khi chưa bổ nhiệm vị tân giám mục nào hay chức vụ nào thì Tòa Thánh không bao giờ tung tin ra trước dư luận bao giờ cả. Đó là bí mật ngàn năm của Tòa Thánh: chỉ khi nào công bố tên thì công chúng mới biết và ngay cả vị được bổ nhiệm cũng chỉ biết chính thức khi được công bố (trước đó có hỏi là hỏi vậy mà thôi). Vậy nếu trước đó những người này vị nọ nói là mình là tay trong có thẩm quyền biết được tin nọ tin kia, thì chỉ là những tin dự đoán lung tung. Chính họ không biết họ nói gì! Ngay cả những nhân vật làm việc liên hệ điều tra các ứng viên bên Tòa Thánh bao giờ cũng tuyệt đối im lặng. Một khi tin đồn mà có nguồn từ các vị này là sẽ bị thôi chức lập tức!

Thứ đến, trong tình trạng hiện nay tại Giáo hội ở Việt Nam thì 3 Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Huế, Saigòn thường thì Tòa Thánh sẽ cử một vị thuộc nguyên gốc tại miền đó nắm chức vụ này, không những gì danh dự của Miền và còn vì những yếu tố sâu xa về văn hóa, xã hội, nếp sống và tâm thức khác nhau của 3 Miền Trung Nam Bắc. Do vậy thường sẽ không cử một vị gốc Bắc làm TGM Saìgòn, và sẽ không cử người Nam làm TGP Huế, hay người Trung làm TGP Hà nội!

Hơn thế, nếu Tòa Thánh mà làm việc theo đơn đặt hàng dù của bất cứ một quốc gia, phe nhóm hay thế lực nào, Tòa Thánh sẽ lập tực mất thế giá chủ động của mình. Nguyên việc Đức Tổng Hà Nội tuy dù chữa bệnh chưa có tiến triển gì nhưng việc Ngài lập tức được Tòa Thánh cho về Hà Nội ngay là một câu trả lời hùng hồn và cương quyết về vai trò của vị TGM Hà Nội đương nhiệm.

3. Giả như về tình trạng sức khỏe Đức Tổng Giám Mục Hà Nội không tiến triển khả quan thêm thì Tòa Thánh có thể biết đâu sẽ cử một vị giám mục phó hay phụ tá để giúp Ngài. Trong trường hợp này Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn là Giám mục toàn quyền, các giám mục phó hay phụ tá phải làm theo sự điều hành của Đức Cha chính. Tổng giáo phận Los Angeles có 1 giám mục phó và 7 giám mục phú tá!

4. Nếu giả như điều này xẩy ra trong tương lai thì chúng ta không cần phải dự đoán. Hãy nhìn vào những việc Tòa Thánh mới làm để thấy phần nào bước kế tiếp. Mới đây một địa phận rất ít người là Hưng Hóa, nhưng đùng một cái Tòa Thánh bổ nhiệm thêm giám mục phụ tá. Vậy nếu như có giám mục phụ tá hay giám mục phó cho Tổng giáo phận Hà Nội thì có phải là Đức Cha Vũ Huy Chương không? hay có thể là một vị giám đốc Đại chủng viện thế giá nào đó? Hay là một vị giám mục nào khác?

5. Một tin dự đoán khác là sắp tới đây ĐHY Saigòn sắp đến tuổi hưu dưỡng và đã có vị được sắp xếp thay thế cũng là một tin rất giật gân. Thông thường khi đến tuổi 75 tất cả các giám mục đều phải làm đơn xin từ chức. Còn việc chấp nhận cho từ chức hay không thì là chuyện khác. Tại các nước Tây phương có thể khi nhận được đơn từ chức thì sau đó được nghĩ ngay, hay muộn lắm là 1 hay 2 năm sau khi kiếm được người thay thế. Cũng có những vị trí quan trọng như ơ Los Angeles để tránh mội diễn biến đồn thổi thì Tòa Thánh còn bổ nhiệm vị thay thế ngay trước khi đến tuổi hưu để vị đó làm quen và khi sự việc xẩy ra sẽ có sự chuyển tiếp trơn tru và thích hợp. Tại các nước Cộng Sản Tây phương trước đây, các hồng y đến tuổi xin hồi hưu, Tòa Thánh có khi lưu nhiệm lại 10 cho đến 15 năm nữa!

Mới đây, chúng tôi cũng có dịp hỏi trực tiếp về phản ứng Đức TGM Ngô Quang Kiệt trước tin đồn sẽ có người thay thế ra sao thì Ngài trả lời như sau: "Mình cứ làm việc cho tốt, chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó. Còn những chuyện khác hãy tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa Quan Phòng...".

Dựa vào những tin tức không có bằng chứng xác thực và đưa ra những cái nhìn rất "trần tục" như muốn tranh giành ngôi vị, ảnh hưởng, và quyền lực là những yếu tố không bao giờ chính đáng cho những suy luận về khả năng bổ nhiệm các vị chủ chăn trong Giáo hội. Những nhận định và phán đoán sai lệch có khi quá khích thì không những chúng làm tổn thương tập thể Công giáo phải âu lo và buồn phiền mà còn có thể làm hại cho thanh danh, tính cách linh thiêng của Ơn gọi làm chủ chăn là do Chúa kêu gọi, và làm mất tình đoàn kết chung của Giáo hội tại Việt Nam.

Hy vọng mỗi người Công giáo Việt nam chúng ta cũng hãy chấp nhận được một thái độ sống phó thác và an bình như thái độ của Đức Tổng Hà Nội. Trong Giáo hội, chúng ta hãy sống phó thác và tin tưởng và quyền năng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
 
Giới trẻ miền Bắc học hỏi về Công Đồng Vaticanô II
Lm. Thanh Quang CSsR
20:49 16/04/2010
GIỚI TRẺ MIỀN BẮC HỌC HỎI VỀ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

(tiếp theo, số 5)

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM ĐẶC SẮC CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

18. Thưa cha, tựu trung lại thì đâu là những đặc điểm đặc sắc của Công Đồng Vaticanô II?

Đúng rồi, chúng ta cũng cần tóm lược những đặc điểm đặc sắc của Công Đồng Vaticanô II. Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ những ưu điểm nổi bật tuyệt vời của Công Đồng. Vậy, những đặc điểm đặc sắc đó là:

18.1 Công Giáo tính:

Từ trước đến giờ, chúng ta chưa thấy có một Công Đồng nào mang tính Công Giáo đầy đủ như Công Đồng Vaticanô II. Cụ thể như sau:

- Về các vấn đề: Công Đồng đã đề cập đến rất nhiều vấn đề phức tạp và phong phú, rộng rãi và sâu sắc.

- Về các Nghị Phụ: gồm hầu hết các Nghị Phụ toàn thế giới có mặt tại Công Đồng. Có 3058 vị được triệu tập, trong đó có 129 Bề Trên Tổng Quyền các Dòng. Châu Âu 1060 vị, Châu Á 408 vị, Châu Phi 351 vị, Châu Mỹ 1036 vị, Châu Úc 74 vị.

- Về lần phát biểu: Các ngài đã phát biểu tổng cộng 2234 lần. Trong đó các Nghị Phụ Việt Nam lên tiếng 16 lần.

- Về các nhà chuyên môn: Có tới 460 vị; gồm 235 linh mục Triều, 125 tu sĩ Dòng và một số giáo dân.

- Về các cha sở: họ được mời với tư cách dự thính viên, tuy nhiên vẫn có thể lên tiếng trước Công Nghị. Có tất cả 39 vị tham dự.

- Về giáo dân: Có 42 tham dự viên. Trong đó có cả 2 vợ chồng người Mêxicô là J.Alvares Icaza. Giáo dân đã lên tiếng đóng góp ý kiến 6 lần.

18.2 Tinh thần hiệp nhất:

Thực sự, Công Đồng Vaticanô II đã đáp lại nguyện vọng của Đức Gioan XXIII là tạo nên được tinh thần hiệp nhất sâu sắc: đối với Giáo Hội, đối với những người khác tôn giáo, đối với thế giới,… Thậm chí chúng ta còn thấy có cả các quan sát viên của Công Đồng ngoài Công Giáo (con số cao nhất lên tới 106 vị).

19. Vậy còn về tài liệu, văn bản và ấn loát như thế nào ạ?

Ủy Ban ấn loát của Tòa Thánh đã phải làm việc ngày đêm. Họ đã phát hành 19 quyển sách, mỗi quyển 2000 bản. Con số ấn loát các văn bản lên tới 40 triệu trang! Ngoài ra còn 16 triệu trang khác được in cho các Nghị Phụ sử dụng riêng. Người ta đã sử dụng đến 150 tấn giấy! Các chuyên viên Đài phát thanh đã tiêu thụ tới 712 cuốn băng, dài khoảng 284.000 mét! Các bạn thấy đó, đúng là Đại Công Đồng!

(còn tiếp)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hình ảnh của chiến tranh, biểu tượng của hòa bình
Jos. Tú Nạc, NMS
15:42 16/04/2010
HÌNH ẢNH CỦA CHIẾN TRANH, BIỂU TƯỢNG CỦA HÒA BÌNH

Có một tấm hình nổi tiếng từ thời chiến tranh Mỹ tại Việt Nam. Trong tấm hình chụp này, bầu trời u ám phủ đầy khói. Có 5 em bé Việt Nam hoảng hốt. Chúng đang chạy xuống phía dưới con đường. Sau chúng, những người lính Việt Nam Cộng Hòa và những người săn tin bước theo. Nhân vật trung tâm của tầm hình là một bé gái 9 tuổi. Bé đang chạy trên người không một mảnh vải. Bé đã bị phỏng nặng vô cùng đau đớn. Tên của bé là Phan Thị Kim Phúc..

Tấm hình này đã xuất hiện trên những nhật báo toàn thế giới. Nó cũng đã đoạt nhiều giải thưởng. Nhiều năm, tấm hình này đã trở nên nổi tiếng về chiến tranh. Trong hình chụp, Phúc tiêu biểu cho sự nhức nhối, đau khổ và tội ác của cuộc chiến, Tuy nhiên, hôm nay Phúc đã dâng hiến đời mình và trở thành biểu tượng của hòa bình.

Vào ngày 8 tháng Sáu, năm 1972 quân đội Nam Việt Nam đã ném bom gây tai nạn cho ngôi làng bé nhỏ của Phúc ở Trảng Bàng. Phúc, gia đình cô và cùng với dân làng ẩn náu trong một ngôi chùa bên cạnh làng. Khi những máy bay đến gần, những người lính đã nói dân chúng di tản đi nơi khác. Phúc là người chạy chậm. Cô bé chạy đằng sau đám đông. Bất thình lình có một tiếng nổ lớn. Một quả bom đã nổ phía sau Phúc. Cô bé ngã xuống đất. Bé cảm thấy nóng bỏng trên hai cánh tay và sau lưng. Cô bé đang bị cháy.

Quả bom trúng phải Phúc là bom Napalm. Bom Napalm thường được gọi là bom cháy. Loại bom này chứa tinh thể lỏng mà nó thiêu cháy bất kỳ thứ gì khi nó chạm phải. Khi quả bom rơi, Napalm đã phủ đầy lưng, cổ và hai cánh tay của Phúc. Cô bé bị phỏng nặng. Tuy nhiên, Phúc đứng dậy và tiếp tục chạy xa. Cô bé chạy xuống cuối con đường nơi có nhiều phóng viên báo chí đang đứng. Đây là tấm hình Dick Ut đã chụp, một tấm hình nổi tiếng của Phúc. Khi cô bé chạy gần đến Nick. Ông nghe tiếng gào khóc của cô bé. Bé nói bằng tiếng Việt Nam, “Nóng quá, nóng quá!”

Sau khi Nick nghe được những tiếng kêu của Phúc, ông chạy vội về phía cô bé. Một người lính cho cô nước và Nick đắp lên mình cô bé. Theo lời yêu cầu của gia đình Phúc, Nick đã chuyển Phúc tới một bệnh viện gần nhất nhưng cũng phải mất nhiều cây số.

Hơn một tháng, Phúc vẫn trong tình trạng nguy kịch. Các bác sỹ không chắc chắn cô sẽ được cứu sống. Tuy nhiên, Phúc đã làm nhiều người phai ngạc nhiên và cô đã sống vượt qua tình trạng tồi tệ nhất. Tiếp theo, cô đã được cứu sống qua nhiều, nhiều cuộc giải phẫu để chũa trị vùng da bị cháy. Và sau 14 tháng ở bệnh viện, cuối cùng Phúc trở về nhà ở Trảng Bàng.

Đối với Phúc cuộc sống sau chiến tranh rất khó khăn. Cô đã khổ sở vì những cơn đau đầu và nhức nhối khủng khiếp những chỗ cô đã bị cháy. Cô cũng có những giấc mơ hãi hùng về chiến tranh và bạo lực. Gia đình cô cũng phải chịu cảnh nghèo nàn khổ cực. Tuy nhiên, vượt qua tất cả mọi khó khăn, Phúc tiếp tục làm việc chăm chỉ tại trường học.

Cô muốn trở thành một bác sỹ để giúp đỡ những bệnh nhân bị phỏng khác giống như những bác sỹ đã giúp đỡ chăm sóc cho cô. Cô bắt đầu học trường y ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều tổ chức từ mọi nơi trên thế giới đã chú ý đến câu chuyện của cô. Nên cô đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với phóng viên tin tức về câu chuyện của mình. Cô đã đi nhiều nơi cho chính quyền Việt Nam. Phúc đã phục vụ đất nước mình bằng kiểu cách này nhiều năm. Nhưng điều này đã dẫn cô phải rời ghế nhà trường. Phúc muốn hoàn thành chương trình y khoa của mình. Cố muốn có công ăn việc làm để giúp đỡ gia đình. Nhưng cô bắt đầu mất hết hy vọng rằng mình sẽ hoàn thành. Cô trở nên tức giận. Cô đã nói với Liên đoàn Truyền Thanh Gia Nã Đại, hay CBC, về thời gian này trong cuộc đời của cô.

“Tức giận trong tôi giống như đỉnh núi cao của căm ghét. Tôi căm ghét đời tôi. Tôi ghét tất cả những người bình thường bởi tôi không phải là người bình thường. Nhiều lúc tôi muốn chết.”

Thậm chí cô vô cùng vất vả để đến trường hằng ngày, cô muốn duy trì việc học. Những lúc có thể, cô đã đến thăm thư viện. Thư viện trữ nhiều sách mà cô có thể đọc miễn phí. Trong việc tìm kiếm tri thức và những câu trả lời, Phúc bắt đầu đọc nhiều sách về tôn giáo. Một trong những cuốn sách này là Thánh kinh Ki-tô giáo. Chẳng mấy chốc, cô đã kết bạn với một người Ki-tô giáo Việt Nam. Sau nhiều tháng đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, Phúc đã quyết định trở thành một Ki-tô hữu. Cô đã nói với CBC bằng cách nào mà quyết định này đã thay đổi đời cô.

“Vào Lễ Giáng Sinh năm 1982, tôi đã đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, người mà đã cứu vớt tôi. Đó là một bước ngoặt làm sửng sốt đời tôi. Thiên Chúa đã phù hộ tôi đề biết thứ tha. Đó là bài học khó nhất trong tất cả mọi bài học. Nó không xảy ra trong một ngày và cũng không phải dễ dàng. Nhưng cuối cùng tôi đã có nó. Sự tha thứ đã làm tôi xua đi căm ghét. Tôi vẫn còn những vết sẹo bỏng trên cơ thể và những ngày đau đớn nhất nhưng tâm hồn tôi thanh thản nhẹ nhàng.”

Sau nhiều năm đi đây đi đó, nói chuyện và kể về câu chuyện đời mình, cuối cùng Phúc yêu cầu một người lãnh đạo chính quyền cho cô được hoàn thành công việc nghiên cứu của mình ở một quốc gia khác. Phúc nghĩ rằng nếu cô được học hành ở một quốcgia khác, cuộc đời của cô sẽ ít vất vả hơn. Những viên chức chính quyền đã đồng ý yêu cầu của cô. Và năm 1986. Phúc đã rời Việt Nam tới học tập ở Cuba.

Ở Cuba, Phúc học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Trong thời gian này, cô gặp một nam sinh viên Việt Nam tên là Bùi Huy Toàn. Toàn và Phúc trở thành một đôi bạn thân. Sau gần bốn năm, họ đã thành hôn với nhau.

Từ thời gian đó, họ đã có hai mặt con. Họ hiện đang sống ở Toronto, miền Gia Nã Đại. Phúc vẫn tiếp tục những chuyến đi và nói chuyện với nhiều người về câu chuyện đời mình. Năm 1997, Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên Hiệp Quốc đã đặt tên cho cô là Sứ giả Hòa bình.

Đã có vài cuốn phim nói về câu chuyện của Phúc. Và năm 1999, một nhà văn đã xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Anh nói về cuộc đời của Phúc. Nó được gọi với nhan đề “The Girl in the Picture” ( Cô Bé trong Hình). Ở Tây phương người ta biết Phúc với cái tên Kim Phúc. Và cô đã được giúp đỡ để bắt đầu cho một tổ chức được gọi là “The Kim Phuc Foundation International” (Tổ chức Quốc tế Kim Phúc). Tổ chức này giúp đỡ cung cấp thuốc men chữa trị cho những trẻ em giống như hoàn cảnh của Phúc, bị thương tật trong chiến tranh.

Nhiều năm, tấm hình nổi tiếng của Phúc là một biểu tượng của chiến tranh, bạo lực và thảm kịch. Tuy nhiên, hôm nay, cuộc đời của cô thậm chí là một biểu tượng mạnh mẽ hơn của hòa bình. Đức tin và việc làm của cô là những tấm gương về sức mạnh của sự tha thứ. Cô nói:

“Bom Napalm rất mạnh nhưng đức tin, tha thứ và yêu thương còn mạnh hơn nhiều. Chúng ta sẽ hoàn toàn không có chiến tranh nếu mọi người trong chúng ta biết cách để sống với tình yêu chân thành, hy vọng và thứ tha. Nếu cô bé trong tấm hình kia có thể thực hiện được điều đó, tự hỏi bạn: bạn có thể làm được chứ?

(Image of War, Symbol of Peace)

Jos. Tú Nạc, NMS
 
Thông Báo
Cáo Phó: Ông Cố Giuse Nguyễn Tiên Sinh Andrew qua đời
Tang Gia
13:05 16/04/2010
CÁO PHÓ

Trong Niềm Tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, Gia Đình chúng tôi trân trọng thông báo

ÔNG CỐ GIUSE NGUYỄN TIÊN SINH ANDREW



Là Chồng, Cha, Ông Nội và Anh của chúng tôi đã được Chúa gọi về vào lúc 07:00 giờ Sáng

Ngày 15 Tháng 4 Năm 2010 nhằm Ngày 2 Tháng 3 Âm Lịch. Hưởng Thọ 60 Tuổi.

Tang Gia Đồng Kính Báo

Bà Cố Qủa Phụ Nguyễn Tiên Sinh (Nhũ Danh Trần Thị Thanh)

Trưởng Nữ: Nữ Tu Theresa Nguyễn Thị Thanh Tuyền,MTG

Dòng Mến Thánh Giá ĐàLạt, Miền Portland, Oregon

Trưởng Nam: Nguyễn Đình Phước, vợ Mildred Decena và các con

Thứ Nữ: Nguyễn Thị Thanh Tâm và chồng Phạm Đình Thuận

Thứ Nam: Nguyễn Đình Hưng, vợ Phạm Thị Kim Loan và các con

Thứ Nữ: Nguyễn Thị Anna và chồng Gus Rangel

Út Nữ: Nguyễn Thị Theresa

Thứ Nam: Nguyễn Đình Phát Alex

Út Nam: Nguyễn Đình Đạt Andre

Con Đỡ Đầu: Hồ Nancy và các con

Em Gái: Nguyễn Thị Lan, chồng Nguyễn Văn Đệ, các con và các cháu

Em Trai: Thầy Phó Tế Joseph Nguyễn Ánh, vợ Nguyễn Thị Thanh Tâm và các con

Em Trai: Nguyễn Thành Công, vợ Ngô Thị Hồng Tươi, các con và các cháu

Ông Bà Cố Nhạc Phụ Mẫu: Trần Thu Lương

Em: Linh Mục Giuse Trần Trung Liêm, OP Bề Trên Phụ Tỉnh Dòng Đaminh Calgary, Canada

Em: Trần Ngôn Luân,vợ Dư Huệ Angela và các con
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chăm Nuôi
Lê Trị
22:46 16/04/2010

CHĂM NUÔI



Ảnh của Lê Trị

Sa cơ lâm cảnh chim lồng

Xa lìa tổ âm đau lòng mẹ cha

Hiểm nguy nhưng vẫn xông pha

Tình yêu người, vật bao la biển trời.

(Lê Trị)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền