Ngày 17-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bình an của Chúa là sức mạnh người môn đệ
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
04:57 17/04/2021
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
BÌNH AN CỦA CHÚA LÀ SỨC MẠNH NGƯỜI MÔN ĐỆ

Trước lúc thụ nạn, biết lòng các tông đồ nhiều lo sợ, bất an, Chúa Giêsu trao ơn bình an để các ông kiên vững: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi " (Ga 14, 27).

Chính thánh Gioan cũng lại là người ghi nhận, nhiều lần sau Phục sinh, khi hiện ra cùng các môn đệ, Chúa Giêsu tiếp tục trao ban bình an khi tuyên bố: "Bình an cho các con" (Ga 20, 19.26).

Hôm nay, thánh Luca, khi tường thuật Tin Mừng Phục sinh, cũng cho thấy lời đầu tiên khi Chúa gặp các môn đệ vẫn là: "Bình an cho các con" (Lc 24, 36).

Nhớ lại sau khi Chúa bị bắt, bị đóng đinh, chính các Tông đồ là những người mất bình an hơn ai hết. Hết bỏ Chúa chạy trốn, họ lại chỉ biết vào phòng đóng kín cửa. Dù đóng kín cửa, lòng các tông đồ vẫn đầy hoan mang, sợ hãi...

Nhưng sau khi các tông đồ đón nhận ơn Phục sinh và tin tưởng hoàn toàn vào sự Phục sinh của Chúa, nhất là sau khi được Chúa ban bình an của chính Chúa, các tông đồ không còn lo sợ nữa.

Ngược lại, những Thượng tế, kỳ mục là những người mất bình an. Cứ tưởng, sau khi giết Giêsu, sau khi đã trừ được “họa” Giêsu như một “hiện tượng” nổi lên trong dân, lôi kéo dân bằng giáo lý mới, bằng những phép lạ khác thường…, từ nay, họ sẽ sung sướng, sẽ “ăn ngủ” thoải mái.

Nào ngờ, sau khi giết Giêsu, họ mất bình an hơn, bởi “đám” môn đệ “dốt nát” của Giêsu không như “rắn bị chặt đầu”, không hề sợ hãi, ngược lại, còn táo bạo hơn, khẳng khái hơn, mạnh mẽ hơn, khẳng định Giêsu đã Phục sinh.

Nhờ tin và nhờ nhận lãnh bình an, các tông đồ hoàn toàn đổi mới: trở nên những người can đảm, mạnh mẽ lạ thường. Các ngài mở tung cửa nhà, lao ra không chỉ khỏi căn nhà, mà lao ra khỏi vùng quê, khỏi thủ đô tráng lệ, khỏi biên cương quốc gia, chia nhau đi ra từng ngả đường thế giới, bỏ hết tất cả nghề nghiệp đang có để kiếm sống, bất chấp mọi lao tâm khổ tứ hay mọi đòn vọt, tù tội hay mọi thứ đòn thù hiểm ác nhất, ngay cả đánh đổi mạng sống của mình, để loan báo ngày càng dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn, ráo riết hơn việc Giêsu sống lại và đang ngự nơi Thiên Chúa.

Bằng mọi giá, môn đệ Giêsu, muôn người như một, trơ lỳ, hiên ngang và càng mạnh bạo la to lên rằng: Giêsu đã sống và vẫn sống. Họ nhất quyết một lòng bảo vệ Tin mừng trọng đại: Chúa của họ đã phục sinh.

Môn đệ Giêsu, cứ tưởng chừng chỉ là những kẻ đui mù chữ nghĩa, lại có thể đối đầu với bao nhiêu tòa án, bao nhiêu kẻ lãnh đạo đầy tri thức và khoa bản.

Bây giờ ai cũng phải nhìn nhận, môn đệ Giêsu lợi khẩu chưa từng thấy, can đảm đến mức cứng đầu chưa từng thấy. Trong lòng họ, giờ đây không còn khái niệm về khuất phục hay lùi bước. Môn đệ Giêsu vững vàng như không còn ai vững hơn. Họ đang làm cho giáo lý của Giêsu nổ tung khắp đất nước và đang vươn ra thế giới ngoại giáo.

Giêsu còn sống đã là một mối nguy, một hiểm họa, giờ đây, lại “tung tin” Giêsu đã chết thật, nay sống lại thật, càng là một hiểm nguy (dành cho hượng tế và kỳ mục) không thể nói hết. Thà đừng chết, nhưng cứ sống, thì sự việc dù có rắc rối, vẫn không rắc rối bằng việc người đã chết mà nay vẫn đang sống.

Các thượng tế, các kỳ mục là kẻ có quyền, thay vì yên thân trong quyền lực của mình, giờ đây họ càng nhấp nhổm, càng như “người ngồi giữa lửa”.

“Khủng khiếp” hơn, khi môn đệ Giêsu giờ đây không biết sợ là gì, thì sự mất bình an của các thượng tế, các kỳ mục nhân lên gấp nhiều lần. Họ như liên tục bị thách thức bởi Giêsu từ khi còn sống đến sau khi đã chết.

Họ càng bị thách thức nhiều hơn với tin đồn Giêsu vẫn sống. Họ khử trừ Giêsu, nghĩa là khử trừ “mối họa” của họ. Nhưng tại sao “họa” không chấm dứt, mà “họa” còn lớn hơn?

Tin Mừng theo thánh Mathêu diễn tả sự hoang mang cực độ ấy, khi cho thấy những con người này cố tìm cách che đậy sự thật:

“Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: Các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay” (Mt 28, 12 - 15).

Từ hai thái độ đối nghịch: Các tông đồ an nhiên giữa những bạo lực mà nhiều thế lực gây ra cho các ngài đối kháng với sự hùng hổ nhưng bất lực và đầy hoang mang của các thượng tế, các kỳ mục, cho chúng ta kết luận: Bình an thật sự chỉ có thể có được trong niềm xác tín vào Chúa Giêsu Phục sinh. Chỉ có trong Chúa, niềm bình an của ta mới vững bền, mới là sức mạnh giúp ta băng ghềnh, vượt thác.

Chỉ có Chúa Giêsu phục sinh mới là nguyên lý không bao giờ thay đổi; là lẽ sống mãnh liệt cho ai tin; là nguồn cội của mọi câu trả lời bằng cả thái độ sống kiên cường, hiên ngang, quật khởi của người tín hữu.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban bình an của Chúa cho chúng con, để tăng thêm nơi lòng chúng con tinh thần quả cảm, sức sống cuộn trào, giúp chúng con hiên ngang làm chứng cho Chúa, dù phải đối đầu với những thử thách lớn lao cách mấy. Amen.
 
Biển trong đêm
Lm. Minh Anh
05:06 17/04/2021
BIỂN TRONG ĐÊM

“Chính Thầy đây. Đừng sợ!”.

“Anh Chị em! Đừng sợ đón tiếp Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Ngài!”, đó là những lời đầy cảm hứng khai mạc triều đại của vị giáo hoàng 264, thánh Gioan Phaolô II, ngày 22/10/1978. Như một chuẩn bị cho thiên niên kỷ mới, ngài viết ‘Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng’; trong đó, vị thánh giải thích, “Khi công bố những lời này tại quảng trường thánh Phêrô, tôi biết, thông điệp đầu tiên của tôi và triều đại của tôi sẽ gắn liền với chân lý của Đấng Cứu Độ. Trong Ngài, chúng ta tìm thấy nền tảng sâu xa nhất cho lời “Đừng sợ!”, “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài”.

Lời khuyên “Đừng sợ!” được lặp đi lặp lại trong Cựu Ước hơn 100 lần và trong Tân Ước hơn 50 lần; dưới nhiều hình thức khác, có tài liệu cho rằng, cả thảy 366 lần. Con số chính xác không quan trọng, nhưng quan trọng, Thiên Chúa muốn chúng ta chiến thắng sợ hãi, sự lo lắng và bồn chồn; Thiên Chúa muốn chúng ta tin cậy Ngài trong mọi sự và đặt tất cả mọi hy vọng vào Ngài, cả khi rối bời giữa hỗn mang của ‘biển trong đêm’ như trường hợp các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay.

Vậy thì điều gì khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi? Với một số người, nỗi sợ xuất hiện vì bất an tài chính, sức khoẻ kém, quan hệ tan vỡ, tương quan hỏng hóc, tội lỗi giày vò... Và đôi khi, cả những ‘dòng lưu’ trong tâm hồn cũng dậy sóng bởi những cảm xúc vô kiểm soát, niềm kiêu hãnh, sự phù phiếm, các ý tưởng lăng loàn… khiến chúng ta mất cảm giác về phương hướng và dường như việc chèo chống ‘thuyền lòng’ trở nên vô dụng giữa ‘biển trong đêm’. Bên cạnh đó, có lẽ nỗi sợ lớn nhất là sợ chết; thế nhưng, Đức Kitô, Chúa chúng ta đã vượt qua cái chết và đã sống lại. Ngài là Chúa kẻ sống và kẻ chết thì không gì khiến chúng ta phải sợ, dẫu chết là ‘biển trong đêm’ hãi hùng nhất.

Tin Mừng hôm nay tường thuật biến cố Chúa Giêsu tiến về phía các môn đệ vốn đang ở vào thời điểm hỗn loạn trên ‘biển trong đêm’ của họ; gió thổi, sóng gào, thuyền ngập nước, hòng chìm. Nhưng kìa, trên mặt biển, Ngài đang đến! Và dẫu những ngư dân dày dạn này đã trải qua nhiều đêm lênh đênh trên biển, nhưng Thầy của họ lại chọn lúc này để đến với họ, không phải để đưa họ vào bờ nhưng để nói với chúng ta rằng, bất kể phải đối mặt với ‘cơn bão’ nào trong cuộc đời, Ngài vẫn sẽ ở đó theo một cách thức kỳ diệu nhất! Ngài muốn chúng ta tin rằng, bất kể chúng ta phải vật lộn với bất cứ ‘biển trong đêm’ nào, thì Ngài vẫn luôn ở đó, gây ngạc nhiên, đầy yêu thương, an ủi.

Niềm tin vào Chúa và Lời Ngài không mở ra một con đường dẫn đến mọi việc sẽ dễ dàng và bình lặng; nó không cứu chúng ta khỏi những bão tố cuộc đời. Nhưng niềm tin cho chúng ta một bảo đảm về một sự ‘Hiện Diện’, hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng khuyến khích chúng ta vượt qua những thử thách hiện sinh; niềm tin ấy bảo đảm sự chắc chắn của một bàn tay nắm lấy chúng ta, giúp chúng ta đối mặt với những khốn khó, chỉ cho chúng ta con đường phải đi ngay cả khi nó tối tăm. Tóm lại, đức tin không là lối thoát cho các vấn đề, nhưng đức tin duy trì cuộc hành trình và mang lại cho nó một ý nghĩa, đó là một hành trình có Chúa cùng đi, cả khi giữa ‘biển trong đêm’.

Nếu nỗi sợ hãi là điều chúng ta phải vật lộn ở cấp độ linh hồn, cấp độ sợ mất mát cả phần rỗi đời đời, chúng ta hãy hướng lòng về thực tế của những Chân Lý Cứu Độ. Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian để cứu chúng ta; Ngài không đến để chỉ dạy dỗ, truyền cảm hứng hay trợ giúp; Ngài đến để cứu, để chuộc, để mua lại; Ngài đến để tiêu diệt sự chết, sợ hãi, tội lỗi và tất cả những gì ngăn cản chúng ta khỏi Chúa Cha. Hành động cứu rỗi của Ngài biến đổi chúng ta và thay đổi nhân loại mãi mãi. Nếu hiểu được và tin được điều này, sẽ không gì có thể cướp đi sự bình yên của chúng ta, không gì khiến cho lòng chúng ta ngập chìm trong sợ hãi, cả khi giữa ‘biển trong đêm’.

Anh Chị em,

Cuộc đời mỗi người như một hành trình vượt biển, có những ngày lướt sóng êm đềm dưới trăng thanh; nhưng không ít ngày bão bùng dông tố bên trong lẫn bên ngoài. Những lúc ấy, là những lúc chúng ta phải nghe cho được Lời Chúa, “Hãy an tâm, Thầy đây, đừng sợ!”. Quả vậy, qua cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã cưới lấy nhân loại, Ngài không hề bỏ rơi chúng ta. Nhưng vẫn có người tự hỏi, ‘Có Thiên Chúa tại sao vẫn có khổ đau?’. Vâng, Chúa Giêsu ở với chúng ta, Ngài không cất thánh giá khỏi chúng ta, nhưng ban sức để chúng ta vác nó một cách có ý nghĩa và đầy tình yêu. Vậy, đừng sợ bất cứ điều gì. Bởi không có điều gì mà Thiên Chúa không biết, không có điều gì nằm ngoài chương trình cứu độ của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có tin vào Ngài, có để cho Ngài giúp, có nghe được Ngài giữa ‘biển trong đêm’ không, và đó là vấn đề.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết rằng, một khi con quyết định đón Chúa vào ‘thuyền đời’ con, theo một nghĩa nào đó, con đã đến đích. Xin cho con biết buông tay chèo để Ngài lái chèo đời con an bình đi giữa ‘biển trong đêm’ cập bến bình an của Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh - B
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:17 17/04/2021
Chú giải thích Kinh Thánh và bẻ bánh

Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh - B

( Lc 24, 35 – 48 )

Sự kiến Chúa Giêsu phục sinh được các Thiên Thần loan báo cho các bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Gia-côbê và bà Salômê (x. Lc 24, 1 - 12), các bà về thuật lại cho các Tông Đồ ở Galilêa, hai môn đệ làng Emmaus trong nhóm các bà chẳng những chưa tin mà còn lo sợ (x. Lc 24). Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục hiện ra dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai ông, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp lòng họ sốt sáng lên và làm cho mắt họ sáng ra để nhận ra Người (x. Lc 24, 13 - 35).

Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ trong khung cảnh cửa đóng then cài. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ "bối rối tưởng mình thấy ma" (Lc 24, 37).

"Bình an cho các con ! Thầy đây, đừng sợ" (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ "vẫn còn chưa tin" (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng : "Chính Thầy đây" (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).

Lời Chúa sưởi ấm con tim

Giả bộ khách đồng hành, tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của hai môn đệ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện, nghe họ bộc bạch về đau khổ và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngóm. Thấy họ buồn sầu như thế, Chúa nói chuyện với hai ông và "giải thích" Kinh Thánh, "bắt đầu từ Môsê và các tiên tri", giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ðấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh (x. Lc 24, 27). Như thế, Chúa đốt cháy lên trong con tim họ một ngọn lửa hy vọng. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời Người ở lại với họ chiều hôm đó : "Mời ông ở lại với chúng tôi", lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn " ( Lc 24, 29 ).

Thánh Thể mở mắt đức tin

"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24, 29 ). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Chúa Giêsu chấp nhận và cùng họ vào nhà và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi " bẻ bánh " đơngiản ( Lc 24, 35 ). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ " chỗi dậy trở về Giêrusalem " ( Lc 24, 33 ) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho " mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp " (Lc 24, 33).

Lời Chúa và Thánh Thể trong đời sống người tín hữu

Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh.

Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về "làng Emmaus", quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa, rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus, sau khi đã "nhận ra" Chúa trong việc bẻ bánh, thì mau mắn trở lại Giêrusalem lòng tràn đầy niềm vui, kể cho anh em mình tất cả những gì đã xảy ra.Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.

Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta : " Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến" ( 1 Cr 11, 26 ). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Hãy để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái, để chúng ta có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
CN 3B Phục Sinh : Thiên Nhiên Minh Chứng Có Sống Lại
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:01 17/04/2021
CN 3B Phục Sinh : Thiên Nhiên Minh Chứng Có Sống Lại

Khi một người đi du lịch ở nước ngoài về, họ kể cho chúng ta nghe tháp Eiffel cao thế nào, sắt sơn màu gì, dòng sông Seine nước chảy ra sao. Chúng ta tin có như vậy. Đó là tin bởi nghe. Rồi thì họ cho ta xem những tấm hình kỷ niệm họ đứng bên bảo tàng viện Louvre. Ta càng tin họ hơn về những gì đã nghe. Đó là tin bởi thấy. Tin bởi thấy (bằng mắt) thì dễ hơn tin bởi nghe (bằng tai).
Thường thì cho nghe trước, xem sau. Trình tự này cũng giống như bài Tin Mừng hôm nay.
Khởi đầu : 2 môn đệ đi Emmau về thuật lại họ đã gặp Chúa như thế nào lúc đi đường và bẻ bánh. Mọi người bàn tán. Đó là tin bởi nghe.
Rồi Chúa hiện ra, Ngài đưa tay chân (có vết thương) cho họ xem. Và đó là tin bởi thấy.
Các Tông đồ tin bởi thấy, nhưng truyền lại cho chúng ta thì chỉ bằng lời. Vì thế chúng ta chỉ còn một cách để tin : Tin bởi nghe. Các Tông đồ không có máy ảnh, để ghi lại một bức hình khi Chúa hiện ra. Không có video để quay cảnh Chúa giơ tay chân, ăn bánh trước mặt các Tông đồ như thế nào. Iphone di động càng không có. Vì thế chúng ta không có cơ hội tin bởi thấy, mà hoàn toàn tin bởi nghe.
Nhưng không phải cứ nghe gì là tin cái đó. Không phải cứ thấy cái gì là tin liền ngay. Một con người chưa bước ra khỏi nhà mà ba hoa nói về những chuyện ở tận bên Tây bên Tàu, ta nghe đó nhưng đâu có tin.
Một con người đưa tấm hình rõ ràng họ chụp đứng trên toà nhà chọc trời Nữu Ước. Ta thấy đó – nhưng đâu có tin, nhất là gần đây, nhìn những Album, có cảnh cô dâu chú rể chui vào ly rượu, chui vào TV, chụp hình, ta thấy đó, nhưng đâu có tin thật như vậy. Vì ta biết rõ, chẳng qua là ghép hình, là photoshop.
Vậy từ nghe đến tin và từ thấy đến tin còn cần đến bộ óc phán đoán, nhận xét. Đó mới là cái chính. (chúng ta không bàn tới tin là ơn nhưng không Chúa ban).
Vậy nếu chúng ta, những kể hậu sinh của các Tông đồ, chúng ta chỉ được nghe mà không được thấy về Chúa sống lại, thì điều đó cũng không thiệt hại gì cho chúng ta, vì chúng ta còn bộ óc để suy xét nữa, và bộ óc sẽ cho chúng ta thấy nhiều khi cả những điều mà các Tông đồ thời xưa không thấy.
Nếu thiên nhiên mạc khải có Thiên Chúa, (như nhìn thiên nhiên, vũ trụ với trật tự lạ lùng liền biết có Chúa là Đấng tạo thành), thì thiên nhiên cũng mạc khải – cho ta thấy- có sự sống lại. Ta sẽ điểm 4 hình ảnh thiên nhiên cũng minh chứng sự sống lại:

1. Hạt lúa : nếu phơi khô – ướp lạnh – cất kỹ – vẫn là hạt lúa. Nhưng nếu ngâm nước, chôn dưới đất, sinh ra cây lúa.
Hình ảnh này chính Chúa đã dùng. Và thánh Phaolô đã nói tới khi trả lời cho dân Corinto. Họ hỏi Phaolô khi sống lại, lấy xác nào mà trở về? Phaolô đã trả lời– Bạn gieo vật gì thì vật ấy phải chết đi mới sống lại được chứ. Vật bạn gieo không phải là thân cây tương lai, song chỉ là hạt. Từ hạt, Chúa làm nảy nở cây riêng biệt. Đó là hình ảnh kỳ diệu – cho chúng ta hiểu được phần nào việc sống lại – việc đi từ thế giới này chuyển qua thế giới bên kia.
2. Con bướm : khi nhìn một con bướm ngày đẹp đẽ, có ai lại nghĩ rằng nó thoát xác từ một con sâu róm lông lá xấu xí, phải bò chui dưới lá cây đất đá. Sâu nào ra bướm đó. Có cái liên tục và có cái cách quãng. Nhìn vào đây, chúng ta có thể suy ra : từ thân xác hay chết, thuộc về cát bụi, sẽ trở thành thân xác vinh quang thuộc thần thiêng, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác.
3. Bảo tồn xác : Tại sao phải chôn cất con người đàng hoàng? Tại sao khi con người chết, khác hẳn với con vật. Tôn trọng, thì người ta làm lăng tẩm để giữ xác, hoặc chôn cất với quan tài gỗ quí để giữ xác được lâu; hoặc nữa, có hoả thiêu cũng giữ lại tro cốt. Tất cả sự quí trọng đối với thân xác đó như muốn cho ta thấy, cho ta hiểu xác loài người sẽ có một ngày như thế nào đó chứ chẳng lẽ. Đức tin Kitô giáo gọi là sống lại.
4. Vật quí giá : Hình ảnh này tôi học được nơi một linh mục trong Dòng, nay đã chết. Điều chúng ta tưởng khó tin nhất là xác loài người sống lại, lại không khó tin lắm theo lý luận này. Trong một bữa ăn, linh mục này nói, chứng minh xác sống lại dễ lắm. Và cha lý luận : Nếu chúng ta có 1 radio cổ lỗ xĩ, dùng đèn, ta bỏ đi cũng không tiếc, nhưng nếu ta có Tivi video, đa hệ, tự động tối tân, ta bỏ đi ta có tiếc không? Nếu ta có máy vi tính thông minh, ta vất đi, ta có tiếc không. Thân xác chúng ta còn giá trị, qúi báu gấp bội cái đầu video, cái máy vi tính cực kỳ tối tân. Đầu óc, con tim, cánh tay… bất cứ cái gì cũng vô giá. Đến nỗi lúc tạo dựng xong con người, Chúa nói “tốt quá sức.” Vậy lẽ nào Chúa lại để cho cái tốt đẹp quá sức đó phải hư nát.
Ngay cả khi thân xác ta già nua, bệnh hoạn, tật nguyền, thì thân xác đó vẫn mang hình ảnh của Chúa : Nào Ta dựng nên con người giống hình ảnh Ta. Làm sao Chúa Tạo Hoá lại để nó hư nát được.
Thánh Phêrô trong bài giảng chứng minh Chúa Giêsu sống lại, đã dùng đến Tv 15 : “Chúa sẽ không để mạng tôi chôn vùi trong âm phủ”.

Vậy là ta đã thử dùng 4 hình ảnh thiên nhiên cung cấp để minh chứng có sự sống lại của thân xác là : Hạt lúa, con bướm, tôn trọng xác người, và vật thể quí giá.

Tin Chúa Giêsu chết và sống lại thì dễ hơn là tin chúng ta sẽ sống lại. Ngài là Chúa, Ngài sống lại cũng dễ thôi, cũng như chúng ta dễ dàng tin Tổng Thống quyền phép, Vua kia giàu có … nhưng từ cái giàu có, quyền phép của Tổng Thống, của vua kia mà chúng ta cũng được lây hưởng, đó mới là điều khó. Thì, Đức Kitô chết và sống lại, có mục tiêu là để chúng ta cũng được sống lại như Người. Đó chính là TIN MỪNG. Đúng là tin vui mừng thật.
Khi con người đón nhận cái tin mừng đó, thì cơ nguy không còn hiểm nghèo nữa, hy sinh không còn khó chịu nữa, già lão không phải là thảm hoạ, cuộc sống không là ngục tù và cái chết không phải là tử thù.
Xin cho mọi người Kitô hữu biết sống trọn Tin Mừng này bằng cách luôn hát Alleluia trong mọi lúc, luôn biết qúi trọng thân xác mình và tha nhân vì một ngày kia xác loài người sẽ sống lại.

Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Để Sứ Điệp Kerygma Đi Vào Cuộc Sống
LM. Giuse Trương Đình Hiền
17:25 17/04/2021
Để Sứ Điệp Kerygma Đi Vào Cuộc Sống

(Chúa Nhật 3 PS B 2021)

Hơn lúc nào hết, Phụng vụ mùa Phục Sinh đưa chúng ta trở về với “Lời rao giảng nguyên thuỷ của các Tông Đồ, hay của Hội Thánh nói chung” (Kerygma – The First Announce); và nội dung cốt lõi của sứ điệp “Khởi giảng” nầy chính là Đức Kitô chết, sống lại, lên trời, ban Thánh Thần, lập Hội Thánh và sai đi rao giảng. Riêng các trích đoạn Tin Mừng và sách Công vụ Tông Đồ được công bố trong những ngày này, có thể nói được, chính là những bài “kerygma” được các Tông Đồ truyền giảng trong những ngày đầu của Hội Thánh và dành cho những anh chị em lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa đức tin Kitô.

Trước hết, bài Tin Mừng Luca được công bố hôm nay là một chứng từ rõ nét về nội dung Kerygma qua các chiều kích chính sau đây:

- Đầu tiên, đó là lời chứng của các Tông Đồ về Đấng Phục Sinh: Ngài xuất hiện giữa các Tông Đồ, những kẻ đang sợ hãi, hoang mang và hoàn toàn mù tịt về huyền nhiệm chết – sống lại: Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma…

Vâng, những anh dân chài quê mùa dốt nát ở Palestina thì biết quái gì về triết học, thần học, luận lý học… để chứng minh, để lập luận về việc một người đã chết sống lại ! Khi đối diện với Đấng Sống lại họ còn sợ khiếp vía, tưởng là ma kìa ! Cho nên, điều cốt yếu mà họ có, họ tin, họ cảm nhận, để rồi họ chuyển tải, đó là “làm chứng điều mắt thấy tai nghe, điều đã được Thánh Thần rọi sáng để giác ngộ”, như chính họ đã từng xác quyết: “chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,32).

Và Đấng Phục sinh mà họ gặp gỡ tay đôi, diện đối diện đó…, không là một bóng ma ảo tưởng, một thần linh vô hồn…, mà là một “con người bằng xương bằng thịt, mang đầy đủ các thương tích khổ nạn, ăn uống với bạn hữu anh em… Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.

Chúng ta thấy đó, Đức Kitô của Keryma, của Tin Mừng, của lời rao giảng nguyên thuỷ là như thế đó; và các chứng nhân đầu tiên đã rao giảng, đã trình bày, đã làm chứng một Đức Kitô bình dị, giản đơn, gần gũi, thân thương như thế. ĐGH Phanxico trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đã nhấn mạnh khía cạnh đó của Kerygma: “Nó là sứ điệp có khả năng đáp lại khát vọng về sự vô biên luôn nằm trong trái tim mỗi người. Vị trí trung tâm của kerygma đòi phải nhấn mạnh những yếu tố cần nhất hôm nay: nó phải diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là cái đi trước mọi bổn phận luân lý hay tôn giáo của chúng ta; nó không được áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do; nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và một sự cân bằng hài hoà để không giản lược việc rao giảng vào một ít giáo thuyết đôi khi mang tính triết học hơn là tính phúc âm…” (EG 265); và trong tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit) ngài cũng kêu gọi trở về với Kerygma, nhất là trong mục vụ giới trẻ: “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng trong Mục vụ Giới trẻ “Lời rao giảng tiên khởi (kerygma) nên nhường chỗ cho một sự huấn luyện được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, đậm đà hơn và khôn ngoan hơn lời rao giảng tiên khởi ấy. Tất cả sự huấn luyện đức tin Kitô giáo trước hết là việc đi sâu vào lời rao giảng tiên khởi và làm cho nó ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta” (CKTĐS 214).

Người ta bảo “Không thể cho cái mình không có”. Ngày xưa, Thánh Phêrô, trong những ngày đầu tiên truyền giảng Kerygma, đã nói với anh què ở Giêrusalem rằng: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Vâng, ngài đã cho anh ta chính Đức Kitô phục sinh. Còn chúng ta thì sao? Việc huấn giáo, rao giảng, mục vụ… chúng ta áp dụng kerygma được bao nhiêu?

Chúng ta cũng đừng quên, từ kinh nghiệm gặp gỡ sâu xa và thân tình đó với Đấng Phục Sinh, các Tông Đồ đều được thôi thúc để bắt đầu lại, hoán cải, trở nên một con người mới hoàn toàn; nhất là khi họ được nhận lãnh quyền năng từ trên cao tức Chúa Thánh Thần, để từ đó “họ không còn sống cho chính mình, nhưng cho Đấng đã chết và sống lại” (2 Cr 5,15).

Nhưng để hiểu và tin nhận Đức Kitô phục sinh, các Tông đồ không chỉ được may mắn hơn chúng ta hôm nay là có được sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Đấng sống lại, mà còn được chính Chúa đích thân mở lòng soi sáng để họ hiểu Lời Chúa, Thánh Kinh: Đoạn Người phán: "Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Quả thật, đúng như thánh Giáo phụ Giêrônimô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, quả thật người ta quá “khác” với em bé Samuel trong thời Cựu ước: em ở trong đền thờ, tỉnh thức lắng nghe Lời Chúa để đáp trả thực thi và lớn lên mà không “để rơi mất một lời nào của Thiên Chúa”. Trong khi chúng ta, chỉ biết nghe các phương tiện truyền thông…

Và điều cuối cùng mà Keryma hướng tới đó là ra đi làm chứng về Đấng Phục sinh, rao giảng sự hoán cải và đón nhận những người tin Chúa Kitô vào Hội Thánh qua bí tích Thánh Tẩy: “Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Đó là điều mà hôm nay, qua trích đoạn sách Công vụ Tông Đồ, thánh Phêrô đã thực hiện trước cộng đoàn người Do Thái: rao giảng sứ điệp Kerygma và kêu gọi sự ăn năn sám hối, sau sự kiện ngài chữa lành một anh què ăn xin nơi cửa đền thờ Giêrusalem: “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. "Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ".

Không phải chỉ người khác ăn năn hoán cải mà chính chúng ta đều phải hoán cải; và có lẽ điều hoán cải thương xuyên nhất, mỗi ngày, đó chính là hoán cải trước việc thực hành Lời Chúa, giữ giới răn Người, như lời căn dặn thâm tình của Thánh Gioan (BĐ 2): “Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy”.

Để sứ điệp Kerygma hôm nay vẫn còn đọng lại trong trái tim, nơi cuộc đời và trên mỗi bước chân của mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành dương thế, chúng ta cầu nguyện bằng chính lời đáp vịnh ca mà chúng ta vừa hát lên: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

Giuse Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:29 17/04/2021

4. Ở trên thiên đàng càng có thể giúp đỡ linh hồn người ta hơn là ở trên thế gian

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:36 17/04/2021
18. CUỐC BỎ CON SÂU HỒ ĐỒ

Có người đến quan huyện tố cáo, nói:

- “Tiểu nhân ngày mai mất một cái cuốc, kính xin lão gia tra xét giùm.”

Huyện quan hỏi:

- “Cái thằng nô tài này, ngày mai mất cái cuốc, tại sao hôm qua không đến báo án?”

Tên hầu đứng bên nghe vậy, bất giác bật cười. Huyện quan lập tức viết bản án như sau:

- “Ăn cắp cái cuốc nhất định là mày, xét cho cùng thì mày ăn cắp để làm gì?”

Tên hầu đáp:

- “Tôi muốn cuốc bỏ đi con sâu hồ đồ.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 18:

Nói năng không đầu không đuôi là hồ đồ, nói trước quên sau cũng bị gọi là hồ đồ; hồ đồ tức là lộn xộn, là mất trật tự, là không rõ ràng, là thiếu cân nhắc…

Cái cuốc còn để trong nhà, nhưng đã đi cáo trạng là ngày mai mất cái cuốc thì đúng là hồ đồ; ngày mai mất cái cuốc sao hôm qua không đi cáo trạng thì lại càng hồ đồ hơn, hồ đồ hơn bởi vì làm quan mà không cân nhắc suy xét lời cáo trạng…

Cũng có những người Ki-tô hữu tội chưa phạm nhưng đã thú tội trước với Thiên Chúa: “Xin Chúa tha lỗi cho con, con e rằng con phải đánh chết nó vì nó bôi nhọ danh dự của con nhiều quá”; “Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con, con phải giết thằng khốn nạn ấy, vì nó cứ chửi bới khinh bỉ con hoài”…đó đúng là hồ đồ, hồ đồ là bởi vì khi tội chưa phạm nhưng đã biết mình sẽ phạm mà không chịu kiềm chế, và cầu nguyện, tìm cách tránh tội; hồ đồ là bởi vì mở cửa cho ma quỷ vào trong tâm hồn khi chưa phạm tội, bởi vì khi đã thú tội như thế thì nhứt định sẽ hành động như thế vì đã “xưng tội” với Thiên Chúa rồi, đúng là hồ đồ…

Ai cũng muốn cuốc bỏ con sâu hồ đồ trong mình, nhưng không biết làm cách gì để cuốc bỏ nó, nhưng người Ki-tô hữu có một phương pháp để cuốc bỏ con sâu hồ đồ rất hay, đó là luôn cầu nguyện và tham dự thánh lễ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Được gọi để khổ đau
Lm. Minh Anh
22:53 17/04/2021
ĐƯỢC GỌI ĐỂ KHỔ ĐAU
“Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Ngài sẽ từ cõi chết sống lại”.

Kính thưa Anh Chị em.

Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta nói, ơn gọi của chính Chúa Giêsu cũng như ơn gọi của tất cả những ai theo Ngài sẽ không loại trừ một lời gọi hết sức lạ lùng là lời mời ‘được gọi để khổ đau’. Đó cũng là ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.

Với thánh sử Luca, Tin Mừng hôm nay tường thuật lần hiện ra cuối cùng sau phục sinh của Chúa Giêsu. Trong lần hiện ra này, Ngài cho các ông xem tay chân Ngài, giải thích cho họ rằng, Ngài ‘được gọi để khổ đau’, chết đi; nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại vinh hiển, để ban ơn cứu độ cho muôn người. Đây chính là điều Ngài muốn các môn đệ hiểu về mình; tay, chân Ngài bị đâm thâu, nhưng đó là dấu chứng của chiến thắng từ thập giá, một điều thảm khốc trước mắt loài người.

Chúa Giêsu chịu đau đớn, chết đi và sống lại; đó chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua. Rất nhiều lần, chúng ta đã nghe những lời này nhưng có lẽ không hiểu hết chúng. Mầu Nhiệm Vượt Qua là điều mà vì nó, các tông đồ phải làm chứng; họ làm chứng cho thế giới biết rằng, Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha, Ngài ‘được gọi để khổ đau’, chịu chết vì tội lỗi, và đã sống lại để chiến thắng tội lỗi và sau đó, lên trời, mời gọi mọi người cùng lên theo, để cùng vui hưởng vinh phúc với Cha trên trời.

Thánh Phêrô trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ đã rao giảng Mầu Nhiệm Vượt Qua ấy, “Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết”; thánh Gioan trong bài đọc hai cũng tuyên xưng ơn ‘được gọi để khổ đau’ của Ngài, “Chính Ngài là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian”.

Trọng tâm của Tin Mừng là Sự Cứu Độ, là Đấng Cứu Độ Giêsu, một Đấng đã ‘được gọi để khổ đau’. Đó là một Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, đã sống lại để chúng ta có thể bước vào vinh quang Nước Thiên Chúa. Chúng ta không vào Nước Thiên Chúa đơn giản vì chúng ta là người tốt; đúng hơn, chúng ta vào Nước Thiên Chúa chỉ nhờ hành động cứu độ của Mầu Nhiệm Vượt Qua, nhờ chính sự chết và sống lại của Đấng Cứu Độ. Mặc dù hành động cứu rỗi này kêu gọi chúng ta sống một đời bác ái phục vụ, nhưng công việc bác ái đó chỉ có tác dụng cứu rỗi chứ không là mục đích.

Tin Mừng hôm nay còn nói, Chúa Giêsu “mở trí cho các ông am hiểu Thánh Kinh”, rằng, “Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Ngài sẽ từ cõi chết sống lại”. Vì vậy, như các tông đồ, nếu muốn hiểu Phúc Âm và mục đích trọng tâm cuộc đời Chúa Giêsu cũng như chính cuộc đời mình, chúng ta cũng phải cho phép Chúa Giêsu mở ra tâm trí của chúng ta; phải để Ngài mặc khải cho chúng ta Mầu Nhiệm Vượt Qua. Đây là một quà tặng đức tin, quà tặng của một sự hiểu biết phi thường; quà tặng này không đến với các tông đồ do quá trình học tập lâu dài hay làm việc chăm chỉ, nhưng đến với họ do họ biết cởi mở với hành động mạnh mẽ của Chúa Phục Sinh trong đời mình. Chúa Giêsu đã mở khóa những bí ẩn của Nước Thiên Chúa cho họ; kết quả là, họ bỗng hiểu ra những chân lý không bao giờ có thể tự mình học được; Ngài cho họ biết rõ, ơn gọi của Ngài cũng như chính họ không thể loại trừ lời mời ‘được gọi để khổ đau’, dẫu khổ đau không tự nó cứu thoát nhưng là con đường dẫn đến vinh quang khi chúng ta thông phần vào thập giá cứu độ của Ngài.

Anh Chị em,

Không ai trong chúng ta muốn đau khổ, nhưng một nghịch lý là không ai không gặp khổ đau. Vậy phải đón nhận chúng thế nào? Hãy đón nhận chúng như Đức Kitô đón nhận, cũng như chúng ta không thế đón nhận một Đức Kitô mà không thập giá, hoặc không thể nhận lấy thập giá nếu không có Đức Kitô. Thiên Chúa muốn chúng ta nên một với Con Ngài, kết hợp với hy tế của Ngài trong mọi biến cố đời mình để cùng với Ngài, trở nên hiến lễ cho anh chị em mình. Một số tín hữu rất ngạc nhiên khi họ ‘được gọi để khổ đau’. Họ nghĩ rằng, họ sẽ làm được một việc lớn lao nào đó cho Chúa, nhưng tất cả những gì Chúa cho phép họ làm là khổ đau. Chỉ cần giả sử chúng ta có thể nói chuyện với những người đã đi với Chúa; mỗi người đều có một câu chuyện khác nhau, nhưng mỗi người đều có một câu chuyện đau khổ. Và chúng ta sẽ thấy, mặc dù ‘nước sâu’, nhưng tất cả họ đều đã ‘qua bờ bên kia’. Không ai trong họ đổ lỗi cho Thiên Chúa về con đường Ngài đã dẫn dắt họ; ‘Cứu Độ’ là tiếng kêu duy nhất của họ, và cuối cùng, họ nghiệm ra rằng, họ còn ‘được gọi để khổ đau’ khi họ biết dâng khổ đau đời mình hiệp với khổ đau của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ họ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa, con được thoát khỏi tội lỗi và trở thành con cái Cha trên trời. Xin mở rộng tâm trí con để con có thể hiểu đầy đủ hơn về quà tặng tuyệt vời này; xin ban cho con ân sủng để trở thành nhân chứng của Chúa cho thế giới đang cần ngay cả khi con phải trải nghiệm, rằng, ơn gọi của con còn là ‘được gọi để khổ đau’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giết người bệnh làm ma chết thế, tội ác quá sức dã man của tư bản đỏ Trung Quốc
Đặng Tự Do
03:58 17/04/2021


Tờ Telegraph của Anh, số ra ngày 14 tháng Tư, tường thuật một câu chuyện quá sức bi thảm. Xin dịch toàn văn bài báo sang Việt Ngữ.

Một người đàn ông Trung Quốc mắc hội chứng Down đã bị bắt cóc và giết để cung cấp thi hài nộp cho bọn cầm quyền địa phương trong một cố gắng nhằm tránh né lệnh cấm chôn cất theo truyền thống.

Hỏa táng là một yêu cầu bắt buộc ở một số khu vực đông dân cư của Trung Quốc, nhưng để tuân thủ các quy định của bọn cầm quyền, một gia đình nhiều tiền lắm của, có người thân vừa qua đời, đã trả tiền cho một tên sát thủ, để tên này đi giết một người nào đó, và cung cấp cho họ một thi thể để hoán đổi với thân nhân đã qua đời của họ.

Sau đó, vụ này bị vỡ lở. Cho đến nay, gia đình này vẫn tìm cách chống chế rằng họ không hề hay biết gì về tội ác này.

Gia đình này cư ngụ tại quận Sán Vĩ (Shanwei, 汕尾) ở tỉnh Quảng Đông đã chi gần 12,000 bảng Anh vào năm 2017 để nhận thi thể thay thế cho việc hỏa táng. Tên sát thủ mà họ thuê mướn được biết vắn tắt là có họ Hoàng (Huang, 黄).

Theo tài liệu của tòa án, tên sát thủ họ Hoàng này phát hiện ra Lý Thiếu Nhiên (Lin Shaoren, 李少然) 36 tuổi, đang nhặt rác trên đường. Hắn dụ dỗ anh ta lên xe hơi, phục rượu cho đến khi anh ta bất tỉnh.

Giết người xong, tên sát thủ họ Hoàng đặt thi thể người đàn ông xấu số vào một chiếc quan tài, đóng đinh và chuyển cho gia đình vài ngày sau đó. Gia đình sau đó đã hỏa táng quan tài, coi như đó là người thân đã khuất của họ.

Sau khi nhận được tro cốt, họ được tự do tổ chức một lễ chôn cất truyền thống.

Tội ác này đã không bị phanh phui cho đến hơn hai năm sau khi nạn nhân được báo cáo mất tích.

Sát thủ họ Hoàng đã bị tuyên án tử hình nhưng hình phạt có thể được giảm xuống tù chung thân nếu anh ta không tái phạm sau hai năm.

Gia đình này tránh được án tù chỉ bị kết tội “xúc phạm xác chết” [Đối với một nước vô thần như Trung Quốc tội “xúc phạm xác chết” chẳng có gì là trầm trọng, bất quá như một lời cảnh cáo nhẹ nhàng. Phán quyết này cho thấy cái gia đình gian ác này chắc hẳn phải là một gia đình cán bộ có ô dù rất lớn mới đủ để che đậy tội ác dã man của chúng – chú thích của người dịch].

Ở Trung Quốc, nơi ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn rất mạnh, truyền thống tín ngưỡng tin tưởng mạnh mẽ rằng chôn cất là cách duy nhất để mang lại bình an cho người đã khuất, cũng như là cách duy nhất người chết có thể phò hộ cho con cháu của họ.

Thuyết phong thủy liên quan đến chôn cất, rất phổ biến ở Trung Quốc, cũng khuyến khích việc chôn cất thi thể ở nông thôn [Người Trung Quốc ngày nay vẫn tin vào việc tìm cho được các long mạch, hay các nơi đặc biệt với hy vọng rằng chôn người chết ở những chỗ đó con cháu sẽ được vinh hoa phú quý – chú thích của người dịch]

Cán bộ Trung Quốc thường kiểm soát nghiêm nhặt các hoạt động chôn cất truyền thống và đặt vấn đề với các gia đình tổ chức các tang lễ tốn kém. Điều này đã góp phần làm gia tăng tình trạng hoán đổi thi hài người chết trong các năm gần đây.

Ở các vùng nông thôn, ngày nay vẫn tồn tại phong tục trong đó mọi người chi một số tiền lớn cho các đám tang và quan tài như một cách thể hiện sự tôn kính với tổ tiên của họ.
Source:The Telegraph
 
Tòa án tối cao Pháp minh oan cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin
Đặng Tự Do
16:20 17/04/2021


Tòa án tối cao của Pháp hôm thứ Tư 14 Tháng Tư đã khẳng định rằng Đức Hồng Y Philippe Barbarin, nguyên tổng giám mục Lyon, đã không che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của linh mục Bernard Preynat.

Phán quyết của Cour de cassation, nghĩa là Tòa giám đốc thẩm, tại Palais de Justice, ở thủ đô Paris, đã khép lại một bộ phim dài nhiều tập đầy cảm xúc gây nhiều đau khổ cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin.

Tòa giám đốc thẩm đồng ý với phán quyết của tòa phúc thẩm rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, ngài không cản trở công lý, không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez đã gặp Đức Hồng Y Barbarin để tiết lộ rằng anh ta đã bị linh mục Preynat lạm dụng 24 năm trước đó, khi anh ta còn là một hướng đạo sinh, và lúc đó Đức Hồng Y Barbarin chỉ mới là một linh mục thuộc giáo phận Créteil. Trong khoảng thời gian đó, trong một năm ngài sống ở Pháp vài tháng và vài tháng dạy học ở Đại chủng viện Madagascar bên Phi Châu.

Anh ta tiết lộ điều đó để yêu cầu ngài cách chức linh mục Preynat. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng Y đã mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat và ra quyết định loại bỏ Preynat khỏi hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát.

Sau khi được biết Alexandrealeighot-Hezez đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y, 9 nạn nhân khác của Preynat đã cáo buộc ngài tội không báo cáo với cảnh sát.

Tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Barbarin bị kết tội không báo cáo với nhà chức trách dân sự, và bị tuyên bản án sáu tháng tù treo, mặc dù, trong phiên tòa này, công tố viên cũng phải thừa nhận rằng chính các nạn nhân là những người phải báo cáo với cảnh sát vì họ đều đã là những người trưởng thành.

Đức Hồng Y kháng cáo và ngày 30 Tháng Giêng, 2020, Tòa phúc thẩm ở Lyon cho biết việc ngài mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat cho thấy ngài không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat. Ngài cũng không có trách nhiệm báo cáo với cảnh sát vì vào năm 2014, các nạn nhân đều đã là người trưởng thành. Nhóm 9 người này chống án, và đã kiện lên Tòa giám đốc thẩm.

Ngày 14 Tháng Tư vừa qua, Tòa giám đốc thẩm đưa ra phán quyết đồng ý với tòa phúc thẩm, tuyên bố Đức Hồng Y vô tội và khép lại vụ án.
Source:AP
 
Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit – trong buổi Canh thức cầu nguyện cho sự sống lần thứ 12
J.B. Đặng Minh An dịch
16:21 17/04/2021


Île-de-France, nghĩa đen là “Đảo của Pháp”, là vùng đông dân nhất trong số mười tám vùng của Pháp. Tập trung xung quanh thủ đô Paris, Île-de-France nằm ở phía bắc trung tâm của đất nước và thường được gọi là Région Parisienne, nghĩa là “Vùng Paris”. Île-de-France là vùng có mật độ dân cư đông đúc nhất và giữ một vị trí kinh tế chủ yếu trên sân khấu quốc gia.

Khu vực này bao gồm tám cơ quan hành chính là Paris, Essonne, Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Seine-et-Marne, Val-de-Marne, Val-d'Oise và Yvelines.

Trong buổi Canh thức cầu nguyện cho sự sống lần thứ 12 tại nhà thờ St Sulpice trước sự hiện diện của các giám mục trong vùng Ile-de-France, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris, nguyên là một bác sĩ, đã trình bày bài giảng sau.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Anh Chi.

Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Đây là một cuộc đối thoại đáng kinh ngạc giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một học giả rất thông thạo Kinh thánh. Nicôđêmô nói về việc được tái sinh, tức là được sinh ra lần thứ hai. Những gì ông hiểu liên quan đến thai nghén, tức là, sự trở lại lòng mẹ để được sinh ra lần nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý nói đến một sự lặp lại mà nói về một sự sinh ra từ trên cao, nghĩa là có một sự khác biệt đáng kể so với những gì ông Nicôđêmô nghĩ.

Chúng ta biết rằng được sinh ra có nghĩa là xuất hiện trên thế giới như chúng ta thường nói: “Anh ấy đã đến với thế giới”. Nhưng mọi người đều biết rằng cuộc sống không bắt đầu khi thế giới nhìn thấy chúng ta mà là ngay tại thời điểm thụ thai, là điều đã luôn được biết đến và được xác nhận bởi các hình ảnh y học ngày nay.

Điều Chúa Giêsu muốn nói là sự sống không chỉ là sinh học. Biểu trưng sinh học chỉ là một khía cạnh của cuộc sống. Nó là một mô tả về cách một sinh vật hoạt động, nhưng nó không phải là cuộc sống. Cố nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết về hoạt động của một sinh vật để có thể hỗ trợ, nuôi sống nó và điều trị nó. Nhưng khi chúng ta đề cập đến cuộc sống của một con người, chúng ta nghĩ đến nhiều thứ hơn là các hoạt động cơ học trong những tế bào của anh ta. Chúng ta nghĩ về tất cả những gì đã xây dựng nên anh ta, về những mối quan hệ đã được hình thành, về những cuộc gặp gỡ khiến anh ấy muốn sống, nói tóm lại, về tất cả những gì tâm trí chúng ta, tràn ngập bởi những cảm giác hạnh phúc, thúc đẩy chúng ta tiến bước, cho phép chúng ta nói: “Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời”.

Chúng ta phải nghĩ xem ưu tiên của chúng ta là gì. Đó có phải là sự bảo tồn các hoạt động sinh học tốt khiến chúng ta sống còn? Hay đó là phẩm chất các mối quan hệ của chúng ta dựa trên tình yêu thương cho phép chúng ta hiểu được giá trị của một đời người? Trong cái đại dịch kinh hoàng đang ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay, các mối quan hệ của chúng ta đã tự xa rời nhau. Đối với một số người, không còn có thể hôn hoặc ôm những người họ yêu thương nhất. Một số đã chết trong sự cô đơn đáng sợ mà không có lời từ biệt. Chúng ta được bảo rằng chúng ta phải cứu cuộc sống bằng mọi giá. Nhưng chúng ta đang nói về cuộc sống nào? Sự sống sinh học chắc chắn là chỗ dựa của toàn bộ sự sống con người, nhưng nó vẫn chưa đủ để làm cho một cuộc sống trở nên đáng sống.

Cái chết đang rình mò hết lần này đến lần khác. Và chính trong bối cảnh đó, một số người nói về quyền tự do để yêu cầu được chết. Trên thực tế, cái chết đang tạo ra một trào lưu. Nhưng cuộc sống phải khơi dậy nơi chúng ta sự ngưỡng mộ. Khi chúng ta nói về cuộc sống, chúng ta đang nói về những gì ẩn sâu trong chúng ta. Không ai ngày nay có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ về cuộc sống. Ngay cả sự xuất hiện của cuộc sống cũng là một mầu nhiệm khó có thể xảy ra vì cần phải có những điều chỉnh vật lý và hóa học đáng kinh ngạc để sự sống có thể chào đời.

Sự chiêm nghiệm về cuộc sống phải dẫn chúng ta đến tâm tình cảm tạ chứ không phải một sự hãi hùng chóng mặt.

Dù cuộc sống có mong manh, chúng ta vẫn cảm thấy rằng cuộc sống thực sự vượt ra khỏi biên giới tự nhiên của nó và cảm nhận này đã xảy ra ngay từ thời tiền sử. Niềm hy vọng về một cuộc sống sau cái chết, một cuộc sống vĩnh hằng đã tràn ngập tất cả các nền văn minh của loài người.

Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta về sự sinh ra từ trên cao, Ngài muốn mời chúng ta bước vào một cuộc sống vượt ra ngoài các biểu hiện sinh học để đạt đến nguồn gốc của nó. Nguồn của nó là gì? Thưa: Đó là Bản thể tự tồn tại, là Đấng thông truyền cuộc sống của mình. Trong sách Sáng thế ký, Thiên Chúa thổi hơi thở của mình để tạo ra sự sống, hơi thở thần thánh đó làm cho con người trở thành một sinh linh. Nhưng chỉ tồn tại thôi chưa đủ, bạn còn phải bước vào cuộc sống. Chúa Giêsu Kitô, khi mặc lấy nhân tính của chúng ta, Người đã làm cho nhân tính chúng ta chuyển từ sự chết sang sự sống, và vươn đến sự sống thần linh vượt ra ngoài mọi biểu hiện hữu cơ. Mỗi người chúng ta cần đón tiếp Người và cùng đi với Chúa Kitô từ cái chết sang sự sống nhờ bí tích rửa tội, như Thánh Phaolô đã nói khi viết cho tín hữu Rôma: “Được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô, anh em được sống lại với Chúa Kitô” (Rm 6: 4). Ngay cả ngày nay, cũng như thời Môisê, Thiên Chúa đặt chúng ta trước sự lựa chọn cơ bản này: “Ta đặt trước mặt các ngươi sự sống và cái chết, hạnh phúc và bất hạnh: các ngươi hãy chọn sự sống!” (Đệ Nhị Luật 30:15).
Source:L'Eglise Catholique à Paris
 
Tiến Sĩ George Weigel nhân kỷ niệm 100 năm nạn đói 1921-1922 do Liên Sô gây ra tại Ukraine
J.B. Đặng Minh An dịch
16:21 17/04/2021


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân kỷ niệm 100 năm nạn đói kinh hoàng tại Ukraine kéo dài trong suốt hai năm 1921 và 1922, VietCatholic xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ một bài viết của ông nhan đề “Murderers’ Row, Soviet-Style”, nghĩa là “Hàng Dài Những Tên Đao Phủ Thủ Theo Kiểu Sô Viết”

Hơn một trăm năm trước, vào ngày 7 tháng 11 năm 1917, Lênin và Đảng Bolshevik của y đã phỗng tay trên cuộc cách mạng hỗn loạn của nhân dân Nga đã bắt đầu từ tám tháng trước đó, và khởi động cuộc thử nghiệm đầu tiên chủ nghĩa toàn trị trong thời hiện đại. Cuộc tắm máu sau đó là chưa từng có, không chỉ giới hạn trong bản thân cuộc thử nghiệm này mà còn tiếp diễn trong cuộc tắm máu nhân loại kinh hoàng được truyền cảm hứng bởi Lênin trong sáu thập kỷ tiếp theo. Và đáng buồn là giấc mơ của chủ nghĩa Lênin vẫn tiếp tục: trong hố sâu địa ngục Bắc Triều Tiên; trong quốc đảo ngục tù Cuba; ở nơi lẽ ra phải là một trong những quốc gia giàu có nhất hành tinh Venezuela; và ở các quốc gia khác nữa nơi người dân vẫn lầm than như Trung Quốc và Việt Nam. Trong thế kỷ 20, Lênin và các đệ tử của hắn đã gây ra nhiều vị tử đạo hơn những tên như Caligula, Nêrô và Diocletiô có thể tưởng tượng ra được. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, các cuộc tắm máu cộng sản chưa bao giờ dẫn đến những sự lên án liên tục, rõ ràng và mạnh mẽ như đối với các chế độ chuyên chế khác.

Nỗi kinh hoàng mà Lênin đã tung ra hiếm khi được ghi lại một cách mạnh mẽ như trong cuốn sách mới của Anne Applebaum, “Red Famine: Stalin’s War on Ukraine”, nghĩa là “Nạn đói Đỏ: Cuộc chiến của Stalin ở Ukraine”. Trong một nghiên cứu đoạt giải Pulitzer có tựa đề Gulag, được công bố trước đó, Applebaum đã chứng minh rằng các trại lao động nô lệ ở “quần đảo ngục tù” của Aleksandr Solzhenitsyn không phải là một hệ lụy ngẫu nhiên do các chính sách của Liên Sô, mà là một phần không thể thiếu được của nó, về mặt kinh tế và chính trị. Trong Nạn đói Đỏ, Applebaum làm rõ không thể nhầm lẫn rằng hai cuộc Holodomor, nạn đói khủng bố ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng bốn triệu người vào năm 1932-33, và trước đó là một triệu người trong 2 năm 1921-1922, đã được tạo ra một cách giả tạo và được thực thi một cách tàn nhẫn bởi Lênin và người thừa kế của y, là Stalin, để phá vỡ tinh thần dân tộc của Ukraine trong khi cung cấp ngoại tệ từ xuất khẩu nông sản cho một Liên Sô đang chùn bước vì một nền kinh tế sai lầm. Hay nói một cách đơn giản hơn: hai tên giết người không gớm tay này đã bỏ đói khoảng năm triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em vì các mục đích chính trị và ý thức hệ.

Các vụ giết người hàng loạt đó có thể xảy ra trên quy mô kinh hoàng như thế là do ngọn lửa của niềm tin cách mạng hoang tưởng đã thiêu rụi nhiều lương tâm. Ví dụ, ở đây là lời khai ớn lạnh, hậu Holodomor của một nhà hoạt động cộng sản, người đã giúp thực hiện sự tàn phá thảm khốc nền nông nghiệp ở Ukraine, và thay thế nó bằng các trang trại tập thể theo đúng ý thức hệ:

Tôi tin chắc rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Mục tiêu lớn của chúng tôi là chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản, và vì mục tiêu này, mọi thứ đều được phép - nói dối, ăn cắp, tiêu diệt hàng trăm nghìn và thậm chí hàng triệu người, tất cả những người đang cản trở công việc của chúng tôi, tất cả những kẻ đứng cản đường. Ngần ngại hay nghi ngờ về tất cả điều này chỉ dẫn đến “thứ tri thức buồn nôn” và “thứ chủ nghĩa tự do ngu ngốc.”

Trong vũ trụ luân lý của chủ nghĩa Bolshevism, hai cộng hai thực sự có thể bằng năm — hoặc bảy, hoặc ba, hoặc bất cứ điều gì mà Cách mạng yêu cầu.

Và do đó, giống như chế độ nô lệ, chế độ diệt chủng đã được đưa vào hệ thống của Liên Sô. Tuy nhiên, Applebaum báo cáo tiếp rằng khi hàng nghìn người Ukraine từ từ chết đói, cơ thể của họ tiêu hao đến mức những người tiều tụy nằm chết trên đường phố hoặc ven đường, “các nhà xuất khẩu Liên Sô tiếp tục vận chuyển ra khỏi đất nước trứng, thịt gia cầm, táo, các loại hạt, mật ong, mứt, cá hộp, rau đóng hộp và thịt hộp... là những thứ có thể giúp nuôi sống người dân Ukraine”. Nhưng việc cho Ukraine ăn có nghĩa là phải thừa nhận phẩm giá của những người mà Lênin và Stalin đã gạt bỏ như là “những con người cũ”, những thành phần “phú nông địa chủ”. Applebaum kết luận rằng những nạn đói chết hàng triệu người như thế không phải là các dấu chỉ cho thấy chính sách của Stalin đã thất bại; đúng hơn, “đó là một dấu chỉ của thành công”. Cách mạng đã đánh bại từng kẻ thù đáng sợ nhất của nó, từng người một, thông qua sự thống khổ từng giờ của nạn đói do nhà nước áp đặt và cưỡng chế.

Cũng không kém phần đạo đức cách mạng theo chủ nghĩa Lênin và Stalin là việc các tòa báo phương Tây ngầm chấp nhận nạn đói giả tạo hàng loạt này của các phóng viên phương Tây là những người biết rõ điều gì đang xảy ra ở Ukraine - nhưng không viết gì về nó, để không gây nguy hiểm cho các nguồn tin của họ từ Kremlin và lối sống nhàn nhã của họ ở Mạc Tư Khoa. Ở đây, nhân vật phản diện chính vẫn là Walter Duranty của New York Times, một tác nhân chính trong việc che đậy hai cuộc Holodomor, tiếp tục kéo dài đến những năm 1960 và đang được hồi sinh ở nước Nga của Putin ngày nay, như một phần của cuộc chiến tuyên truyền chống lại một Ukraine hiện đã độc lập. Đạo đức của Duranty được tóm tắt gọn gàng trong một trong những công văn năm 1935 của ông ta: “Người ta có thể phản đối rằng việc giải phẩu các động vật sống là một điều đáng buồn và đáng sợ, và sự thật là có rất nhiều người đã phản đối thử nghiệm của Liên Sô, coi đó là một thử nghiệm bất hạnh; nhưng trong cả hai trường hợp, đau khổ gây ra được thực hiện với một mục đích cao cả”.

Có lẽ để đánh dấu một trăm năm nạn đói tại Ukraine, tờ New York Times nên rút lại Giải thưởng Pulitzer dành cho Walter Duranty, như một cử chỉ nhỏ cho thấy sự ăn năn trước bàn thờ nhân loại đã rỏ máu hàng triệu triệu người.
Source:First Things
 
Đức Bênêđíctô XVI tròn 94 tuổi, được ca tụng như mỏ neo giữ yên cấp tiến Đức
Vũ Văn An
20:07 17/04/2021

Ngày 16 tháng 4, 2021, Đức Bênêđíctô XVI tròn 94 tuổi. Nhân dịp này nhiều nhà báo nhắc đến ngài, Ed Condon của The Pillar, chẳng hạn, nhắc lại lần gặp ngài ở London năm 2010 nhân dịp ngài đọc diễn văn trước quốc hội Anh và cuộc gặp gỡ này “thay đổi cuộc đời tôi”. Ông không cho hay đời ông thay đổi ra sao, nhưng nhờ nghe những lời thông sáng của ngài như “nếu các nguyên tắc luân lý nâng đỡ diễn trình dân chủ chỉ được ấn định bởi đồng thuận xã hội, thì sự mong manh của diễn trình này sẽ trở nên quá hiển nhiên – do đó mà có sự thách thức thực sự đối với nền dân chủ”.

Những câu như thế ông không bao giờ quên và đã khiến ông nhập trường giáo luật.



Chủ bút trang mạng Churchpop, thì nhắc lại 15 câu nói thời danh của Đức Giáo Hoàng hưu trí (https://www.churchpop.com/2021/04/15/15-uplifting-quotes-from-pope-benedict-xvi-to-celebrate-his-94th-birthday/), trong đó có những câu như “hạnh phúc mà các bạn tìm kiếm, hạnh phúc mà các bạn có quyền đươc hưởng có tên tuổi và gương mặt: đó là Chúa Giêsu Nadarét, ẩn mình trong Phép Thánh Thể” hay “chúng ta có thể rơi, nhưng cuối cùng rơi vào bàn tay Thiên Chúa, và bàn tay Thiên Chúa là bàn tay tốt lành”.

Trong khi ấy, Cha de Souza thì cho rằng Đức Bênêđíctô XVI là mỏ neo giữ cho nước Đức Bám rễ nơi Chúa Kitô (https://www.ncregister.com/commentaries/pope-benedict-xvi-the-anchor-that-kept-germany-rooted-in-christ):

Cha quả quyết rằng: vào cuối đời, Ratzinger / Bênêđíctô có thể được hiểu như đáp ứng độc đáo, đa thế hệ của Giáo Hội Công Giáo đối với nghị trình cải cách của nền thần học Đức.

Cha tự hỏi Có phải Giáo Hội đã đặt quá nhiều trái trứng thần học của mình vào cái giỏ Phục Sinh ở Bavaria không?

Câu hỏi trên được đặt ra khi Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI - sinh vào thứ Bảy Tuần Thánh và được rửa tội cùng ngày trong nước Phục sinh mới được làm phép - kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 vào ngày mai, 16 tháng 4.

Với cái chết của Cha Hans Küng, 93 tuổi, trong Bát tuần Phục sinh, thế hệ mà Joseph Ratzinger thuộc về đang qua đi.

Ratzinger, người Bavaria và người Küng, người Thụy Sĩ, là những thần đồng (wunderkinds) thần học lúc 30 tuổi, cả hai đều là một phần của điều được Ratzinger gọi là “liên minh Rhine” gồm các nhà thần học Bắc Âu, những người định hình dứt khoát công việc của Công đồng Vatican II.

Sông Rhine chẩy vào Sông Tiber (The Rhine Flows Into the Tiber) vốn là tiêu đề của một trong những cuốn sách nổi tiếng hơn về Công đồng Vatican II, và Đức Hồng Y Ratzinger đã chẩy xa hơn bất cứ ai, có thể nói, trở thành chính Tiber sau khi được bầu làm giáo hoàng vào năm 2005.

Sự hỗn loạn thần học hiện nay ở Đức, nơi “con đường đồng nghị có tính ràng buộc” đang tạo ra khả thể ly giáo, thu hút sự chú ý mới đến nền thần học Đức, một trong những lực lượng có ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống giáo hội trong thế kỷ qua. Trong suốt 60 năm, từ khi thụ phong năm 1951 đến khi thoái vị vào năm 2013, Joseph Ratzinger là tâm điểm của nó. Thật vậy, ngài đã trở thành như một mỏ neo trong những vùng biển bão tố. Sau khi thoái vị, con thuyền bắt đầu trôi dạt.

Vào cuối đời, Ratzinger / Bênêđíctô có thể được hiểu như đáp ứng độc đáo, đa thế hệ của Giáo Hội Công Giáo đối với nghị trình cải cách của nền thần học Đức. Cải cách có sẽ là Công Giáo, quay trở lại với truyền thống lớn rộng, hay Thệ phản, tách khỏi truyền thống này?

Trong nhiều thế hệ, rất nhiều giám mục Đức đã đứng về phía Thệ phản trong nhiều vấn đề. Ratzinger / Bênêđíctô đã giữ cho họ là Công Giáo. Kể từ khi ngài rời khỏi chức vụ vào năm 2013, cánh Thệ phản đã phát triển mạnh mẽ.

Peter Seewald, người phỏng vấn đặc biệt của Ratzinger cho bốn cuốn sách phỏng vấn, năm ngoái xuất bản Tập I về tiểu sử dứt khoát của ngài, Benedict XVI: A Life [Đức Bênêđíctô XVI: Một Cuộc Đời] (1927-1965). Tập II sẽ được xuất bản vào cuối năm nay.

Cuốn tiểu sử tuyệt vời của Seewald ghi lại một cách đáng ngưỡng mộ sự lên men thần học trong đó linh mục trẻ Ratzinger đã dìm mình trong đó. Nền thần học Phản Cải cách đang thống trị ở Rôma đã trở nên lờ đờ và tự mãn. Những thách thức của thời hiện đại đã đặt ra những vấn đề mới mà thể chế chính thức của Rôma không được trang bị đủ để ứng phó. Những cải cách táo bạo mà Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) đã đưa ra nhằm khôi phục tính độc đáo của triết học Tôma và hỗ trợ một sự canh tân đích thực trong các nghiên cứu Kinh thánh đang mang lại kết quả. Tất cả những điều này đang chờ sự phán đoán chín chắn và sự khuyến khích của một công đồng chung, công đồng thực sự đầu tiên kể từ Công đồng Trent thế kỷ 16, xét vì Công đồng Vatican I (1869-1870) phải bị hủy bỏ sớm do xung đột chính trị.

Nếu bạn bè của ngài trong Nhà hát Rhapsodic Cracovian trêu chọc bạn của họ là “Karol Wojtyla, vị thánh trong tương lai”, thì các bạn học của Joseph Ratzinger, được thụ phong năm 1951, biết ngài sẽ là một học giả tương lai, mà số phận đã định sớm chiếm chỗ đứng trong bầu trời thần học. Trong vòng một năm sau khi thụ phong, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện; ngài cũng sẽ luân phiên giải tội tại nhà thờ chính tòa.

Đức Giáo Hoàng hưu trí nói với Seewald, “Chủ yếu là các chủng sinh. Tôi đặc biệt nổi tiếng với họ vì tôi rất có đầu óc khá thoáng”.

Cùng với các học giả có tầm nhìn rộng khác, Cha Ratzinger đã nổi tiếng nhanh như hỏa tiễn trong giới thần học ở Đức và, đến lúc có Công đồng, thì ngài là một cố vấn chủ chốt (peritus, chuyên gia) cho Đức Hồng Y Joseph Frings của Cologne.

Trước Công đồng, Đức Hồng Y Frings đã có một bài diễn văn mang tính bước ngoặt tại Genoa, đề ra một khuôn khổ. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mời Đức Hồng Y Frings đến Vatican để nói rằng Đức Hồng Y đã phát biểu những gì chính ngài muốn phát biểu, nhưng chưa tìm được các hạn từ thích đáng. Cha Ratzinger là người đã viết toàn bộ bài phát biểu này. Chưa đầy 35 tuổi, cha đã là chủ chốt trong việc hình thành tư tưởng của một trong những nghị phụ có ảnh hưởng nhất trong Công đồng.

Cùng với những người khác trong “liên minh Rhine”, Cha Ratzinger đã mang nhiệt huyết và niềm đam mê vào phe cải cách của Công đồng, tìm kiếm đồng minh giữa các nhà trí thức khác, bao gồm cả Giám mục Wojtyla từ Krakow, người đã tìm cách cập nhật biểu thức đức tin cổ xưa, đem nó vào một cuộc đàm thoại với tư duy hiện đại. Sứ mệnh là gặp gỡ với thế giới hiện đại để hoán cải nó.

Năm 1965, “liên minh Rhine” đã phát động một tạp chí thần học mới để thúc đẩy việc thực thi Công đồng Vatican II, và những người sáng lập nó bao gồm những vĩ nhân thần học thời đó, tất cả đều là các linh mục: Johann Baptist Metz, hai cha Dòng Đaminh Yves Congar và Edward Schillebeeckx, hai cha Dòng Tên Henri de Lubac và Karl Rahner, và Tôi tớ Chúa Hans Urs von Balthasar. Cha Küng, một học giả lỗi lạc, người vốn là một spin doctor (một phát ngôn viên khôn khéo?) hơn là một người đóng góp về thần học cho chính Công đồng, cũng là một người sáng lập. Đó là tạp chí Concilium.

Tuy nhiên, sự hoài nghi của Cha Ratzinger tăng dần đối với hướng cải cách của Concilium, dường như đã vượt các giới hạn của tính chính thống Công Giáo. Năm 1971, Cha Küng xuất bản cuốn sách phủ nhận giáo huấn Công Giáo về sự không sai lầm của Đức Giáo Hoàng. Năm 1972, de Lubac và Congar rời Concilium để thành lập một tạp chí mới, Communio, trung thành với truyền thống Công Giáo và giáo huấn thực sự của công đồng. Joseph Ratzinger là người đồng sáng lập với họ.

Ratzinger và Küng do đó được công nhận như những hiện thân vĩ đại của thế hệ thần học nói tiếng Đức của họ. Ratzinger chủ trương thổi luồng sinh khí mới vào truyền thống Công Giáo; Küng muốn thay đổi nó. Trong vài thế hệ tiếp theo, Küng sẽ tạo ra phần lớn sự đồng thuận về thần học và định chế trong thế giới Đức.

Ratzinger sẽ trở thành người của Rôma để kiềm chế nền thần học Đức trong truyền thống Công Giáo. Năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô VI phong Giáo sư Ratzinger làm Tổng giám mục mới của Munich và phong ngài làm Hồng Y. Năm 1979, Bộ Giáo lý Đức tin tước bỏ giấy phép giảng dạy thần học Công Giáo của Cha Küng.

Đức Hồng Y Ratzinger của Munich đã đứng về phía Rôma trong vụ Küng, và còn can thiệp để ngăn cản việc bổ nhiệm của Cha Metz vào ghế thần học ở Munich. Đức Hồng Y Ratzinger là người trình bày rõ ràng và đáng tin cậy nhất về truyền thống Công Giáo, khi đó dường như là một chủ trương thiểu số trong thần học Đức.

Năm 1981, Thánh Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ratzinger làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trận chiến giữa Rôma và phe Đức - cả trong học thuật và giữa các giám mục - sẽ được dẫn dắt tại Rôma bởi nhà thần học kiêm giám mục Đức ưu việt, trung thành với Truyền thống. Trong 24 năm tiếp theo, Đức Hồng Y Ratzinger sẽ là câu trả lời của Vatican để duy trì những gì tốt đẹp trong “liên minh sông Rhine” trong khi sửa chữa các sai sót của nó.

Điều này sẽ được thực hiện từ bên trong phong trào thần học đó, vì Đức Hồng Y Ratzinger là một trong những người đề xướng hàng đầu của nó. Và trong hơn hai thập kỷ luận bàn về rất nhiều thách thức, vị giáo hoàng Ba Lan và vị bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ lên tiếng bằng tiếng Đức.

Đức Hồng Y Ratzinger sẽ là tâm điểm của các cuộc tranh luận với "liên minh Rhine" trong một thời gian dài:

· Thần học giải phóng (1984 và 1986)

· Bổ nhiệm một tổng giám mục mới ở Cologne (1988) và “Tuyên bố Cologne” sau đó để bất tín nhiệm Đức Gioan Phaolô và Ratzinger (1989)

· Hướng dẫn về ơn gọi và sứ mệnh của nhà thần học, Donum Veritatis (1990)

· Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (1992)

· Thông điệp về thần học luân lý Veritatis Splendor (1993)

· Tranh luận về việc Rước lễ của những người đã ly hôn và tái hôn dân sự với các Giám mục Đức Karl Lehmann và Walter Kasper (1994)

· Tư vấn phá thai ở Đức (1998)

· Tuyên bố chung về Công chính hóa với phái Luther (1999)

· Tuyên bố của Dominus Iesus, về tính duy nhất của ơn cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô (2000)

· Cuộc tranh luận về tính tối thượng (primacy) của Giáo hội hoàn vũ so với các Giáo hội địa phương với Hồng Y Kasper (2001).

Đức Hồng Y Ratzinger đại diện cho phản ứng của Vatican đối với thách thức của Đức, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Thánh Gioan Phaolô II, người đã từng soạn luận án tiến sĩ về triết gia người Đức Max Scheler.

Phương thức của Đức Gioan Phaolô không phải là lưu đày những đối tác Đức khác; nhưng phong cho cả Karl Lehmann và Walter Kasper làm Hồng Y. Tuy nhiên, với Đức Hồng Y Ratzinger như trợ tá chính, ngài tin tưởng rằng con tàu sẽ tiếp tục đi đúng hướng.

Việc ngài được bầu làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã đặt Ratzinger vào tâm điểm tuyệt đối của những thách thức đang diễn ra ở Đức. Trong chuyến viếng thăm lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng ở Đức vào năm 2011, 18 tháng trước khi thoái vị, Đức Bênêđíctô đã trình bầy đánh giá tàn khốc này cho Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, động lực đằng sau “con đường đồng nghị” hiện nay:

"Giáo hội ở Đức được tổ chức rất tuyệt vời. Nhưng đằng sau các cơ cấu, liệu cũng có một sức mạnh tinh thần tương ứng, sức mạnh của đức tin vào Thiên Chúa hằng sống hay không? Chúng ta phải trung thực thừa nhận rằng chúng ta có quá đủ về cơ cấu nhưng không đủ về Chúa Thánh Thần. Tôi muốn nói thêm: cuộc khủng hoảng thực sự mà Giáo hội ở thế giới phương Tây đang đối đầu là cuộc khủng hoảng đức tin. Nếu chúng ta không tìm ra cách đổi mới đức tin của chúng ta một cách chân chính, thì mọi cải cách cơ cấu sẽ không có hiệu quả".

Vào năm 2012, sau khi đưa ra quyết định thoái vị, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã tìm cách tự thay thế mình trong vai trò mà ngài đã đảm nhiệm từ những năm 1970. Vào tháng 7 năm 2012, ngài bổ nhiệm Hồng Y Gerhard Müller, giám mục người Đức phụ trách xuất bản các tác phẩm do Ratzinger sưu tầm, làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ai từ thế giới Đức tốt hơn để đảm nhận vai trò của ngài?

Sau tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô sẽ rút lui khỏi tâm điểm của các vấn đề giáo hội trong 35 năm. Mỏ neo đã được dỡ bỏ, và thế giới Công Giáo Đức sẽ bắt đầu trôi dạt.

Đức Hồng Y Müller sẽ cố gắng hết sức, nhưng không giống như liên minh Wojtyla-Ratzinger gồm các học giả cấp thế giới và các mục tử can đảm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ít chú ý đến các nỗ lực của Đức Hồng Y Müller, đã sa thải ngài một cách không công bằng vào năm 2017.

Với việc Hồng Y Müller nghỉ hưu, nhà thần học Hồng Y hàng đầu của thế giới người Đức đã trở thành Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, được Ratzinger bảo trợ, người từng là tổng thư ký biên tập cho dự án quan trọng nhất trong sự nghiệp lâu dài của Ratzinger, tức Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Sự biến đổi của Đức Hồng Y Schönborn từ người bảo vệ vững chắc nền chính thống Công Giáo tích cực thành người cổ vũ cho các sáng kiến của Ủy ban Trung ương Đức là minh chứng đáng chú ý nhất của những gì sẽ xảy ra khi mỏ neo Ratzinger được dỡ bỏ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những nỗ lực lặp đi lặp lại và đầy ấn tượng để ngăn chặn đoàn tàu đang quay quắt của “con đường đồng nghị” Đức. Đến nay, bộ máy Ủy ban Trung ương và các giám mục có thiện cảm của nó đã không lưu ý gì tới ngài. Tương lai của triều giáo hoàng Phanxicô, và tương lai của Giáo hội ở châu Âu, phụ thuộc vào việc liệu Đức Thánh Cha có lo liệu ngăn chặn được một cuộc ly giáo mà ai cũng nghĩ sẽ diễn ra, ngăn chặn được việc Thệ phản hóa đức tin Công Giáo hay không.

Tuy nhiên, làm sao ngài làm được điều đó nếu không có Joseph Ratzinger, vốn là câu trả lời của Giáo hội cho vấn đề Đức trong 60 năm qua?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xin cầu nguyện cho Lm. Gioan Trần Công Nghị, Giám Đốc Vietcatholic.
Nguyễn Long Thao
16:34 17/04/2021
Chúng tôi xin trân trọng thông báo cùng quý độc giả Vietcatholic biết: Sau thời gian LM Gioan Trần Công Nghị bị bệnh tim và bị tai nạn xe cộ, sức khoẻ của Cha đã đến lúc nghiêm trọng.

Theo tin của ông Phạm Như Luy, người bạn cùng lớp học với Cha Nghị, thì chiều thứ Bảy, 17 tháng 4 năm 2021, lúc 1 giờ trưa, ông Luy đã được đứng bên giường cha Nghị. Ông cho biết, bác sĩ đã chấp thuận cho các cháu của cha được chuyển Cha từ Hospice về nhà riêng để thân nhân được kề cận với Cha trong những ngày sau hết. Ông Luy cho biêt hiện nay Cha Nghị đã bất tỉnh,không còn biết gì nữa.

Chúng tôi viết tin này để xin mọi người cầu nguyện cho cha Gioan Trần Công Nghị

Nguyễn Long Thao
 
Thông báo & Xin cầu nguyện cho cha Trần Công Nghị và Trần Xuân Lãm
Lm Trần Bình Trọng
18:15 17/04/2021
Thông báo & Xin cầu nguyện cho cha Trần Công Nghị và Trần Xuân Lãm

Chúng con / tôi xin thông báo đến Quý Vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục, Thầy Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân tại Việt Nam và hải ngoại về tình trạng sức khoẻ của Lm Trần Công Nghị và Lm Trần Xuân Lãm:

- Linh mục Trần Công Nghị gần đây có vấn đề về tim mạch. Được bác sĩ chữa trị, còn lái xe được.Vào trung tuần Tháng 3/2021 tại Quận Cam, Orange County, California, đụng xe nặng, nhưng còn tỉnh, không có vết thương bên ngoài. Tuy nhiên cũng phải chở vào nhà thương. Khi về nhà thì có các em và các cháu trông nom săn sóc. Rồi trở lại nhà thương. Hiện giờ đang nằm trên giường bệnh lúc tỉnh lúc mê man. Nhà thương hạn chế người đến thăm.

- Linh mục Trần Xuân Lãm ở Toronto, Gia Nã Đại, Canada. Vào đầu năm 2019 đang lái xe trên đường, cảm thấy đau, được đưa vào nhà thương. Bác sĩ cho thay mấy đốt xương cổ bị thoái hoá. Sau đó về Việt Nam để tiếp tục chữa trị. Hiện giờ ngồi xe lăn và sống trong gia đình tại Gia Kiệm, Tỉnh Đồng Nai, có các em và các cháu trông nom săn sóc và cũng thuê người giúp. Khi cần chữa trị chuyên môn, thì người nhà đưa xuống Biên Hoà hoặc Sài Thành.

Lm TC Nghị là anh ho của Lm TX Lãm.

Lm TC Nghị gọi Lm Trần Bình Trọng là cậu.

Lm TX Lãm gọi Lm TB Trọng là chú.

Xin cầu nguyện cho bệnh trạng của hai Cha được thuyên giảm.

Cũng có thể đọc thông báo này và lời xin cầu nguyện trong mục Thông Báo ở đầu Trang Chủ của Mục Vụ Văn Bút:

https://www.mucvuvanbut.net/

Xin đa tạ. 6 Tháng 4/2021

Lm Trần Bình Trọng
 
Văn Hóa
Cứ Ngỡ Là Dư Ảnh
Sơn Ca Linh
08:20 17/04/2021
(Chút cảm nhận Phục Sinh theo Lc 24,35-38: Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma)

Trên khoé mắt giọt sương còn lóng lánh,
quay quắc nhớ nhung… bóng cũ hiện về?
Nỗi đau nào chưa cạn vết tái tê,
Trời đã sáng sao vẫn hoàng hôn tím !

Vẫn cửa đóng then cài chôn kỷ niệm,
vẫn u hoài nặng trĩu phút sinh ly…
Ước một lần gặp gỡ… phải, ước chi… !
Nợ tiếng ăn năn, nợ lời xin lỗi !

Biết “phải đi” nhưng sao Thầy đi vội?
Biết Thầy yêu, đâu cần phải thế đâu?
Rồi mai đây qua ngàn nẻo bể dâu,
Biết ai hẹn ai chờ mà ngóng đợi?

Đang thấp thỏm bâng quơ… Người đã tới,
Thầy đây sao hay “dư ảnh” chợt về?
Có thật không hay bóng quế cơn mê?
Sao mà giống, mà quen… ngày xưa ấy?

Đúng thật rồi… vết thương hằn sâu ấy,
dấu đinh, dấu đòng… cả dấu gai đâm…
Dáng cũ lời xưa “Bình an cho anh em…,
Đừng bối rối, chớ lo âu sợ hãi” !

Bấy nhiêu thôi… cả một trời thân ái,
Phòng âm u, giờ ngợp sáng bình minh;
“Tảng mật ong, mẫu cá nướng”… thân tình,
Nhớ chén tạc, chén thù… ngày xưa ấy !

Cả bọn u mê, Thầy soi lòng mở trí,
Cả bọn yếu mềm, Thầy củng cố thi ân…
Hơi thở Thánh Linh, sứ mệnh chứng nhân…,
Bề bộn quá, ôi, chuyện “Ngày Thứ Nhất” !

Đã hai ngàn năm vẫn chưa thành “cổ tích”,
Chuyện kể nghe hoài “mồ trống, phục sinh…”.
Chuyện “đường Emmau, vị khách lữ hành…
chuyện “bữa điểm tâm trên bờ hồ Tibêriát…

Chuyện kể dệt thành bài ca điệu hát,
Bằng cả cuộc đời thắm máu hy sinh.
Nên đã trở thành “Lời Chứng uy linh”,
Vâng, là “chứng nhân” như Thầy từng căn dặn !

Sơn Ca Linh (18.4.2021)

 
Phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris : Nhiều khám phá bất ngờ dưới lớp tro tàn
RFI / Bùi Uyên
10:09 17/04/2021
Đến trung tuần tháng 4/2021 là tròn 2 năm ngày Nhà thờ Đức Bà Paris ngập trong biển lửa, và ngọn tháp mũi tên đổ sụp trong nỗi bàng hoàng tuyệt vọng của hàng triệu con mắt dõi theo trực tiếp hay qua truyền hình, từ trong nước đến toàn thế giới.

Tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngay sau vụ hoả hoạn, về việc cho cải tạo lại nhà thờ trong vòng 5 năm, là một sự trấn an lớn với những người yêu mến và lo lắng cho số phận của công trình tiêu biểu của nước Pháp, nhưng cũng tạo sức ép gần như không tưởng lên tiến độ công trường khổng lồ này. Chính vì thế, từng quyết định, mỗi bước tiến của quá trình phục dựng đều thu hút sự theo dõi sát sao của đông đảo người quan tâm.

Hai năm đầu mở đường và tạo nền móng cho quá trình phục dựng

Nếu có thể tổng kết ngắn gọn, thì 2 năm đầu tiên là giai đoạn đặt những khung định hướng, « đường ray » dẫn dắt cho toàn bộ quá trình bảo tồn sau đó. Một đạo luật về quản lý việc phục dựng và bảo tồn Nhà thờ Đức Bà Paris đã được thông qua vào tháng 7/2019. Trên công trường là những nỗ lực tập trung vào dọn dẹp phần nào đống đổ nát, đánh giá thiệt hại và vấn đề ô nhiễm chì. Mối bận tâm lớn nhất là xem xét các nguy cơ và bảo đảm an toàn cho những kết cấu còn lại, tránh nguy cơ có thêm sụp đổ. Một năm sau, vào tháng 7/2020, tổng thống Pháp chính thức tuyên bố chọn hướng phục dựng nguyên trạng, và trung thành tuyệt đối với hình dáng cũng như cấu trúc, vật liệu gỗ và chì của ngọn tháp mũi tên như nó được kiến trúc sư Viollet-le-Duc cải tạo lần cuối vào giữa thế kỷ 19.

Sau khi bị gián đoạn vì biện pháp phong toả chống dịch Covid-19, phần lớn nỗ lực trên công trường là nhằm tháo gỡ 200 tấn giàn giáo vốn được dựng lên để trùng tu tháp mũi tên trước khi xảy ra đám cháy. Hệ giàn giáo này đã bị nung chảy và biến dạng một phần trong vụ hoả hoạn, có nguy cơ sụp đổ. Công việc gỡ bỏ giàn giáo đầy khó khăn, công nhân phải cưa nhỏ từng đoạn đưa từ trên cao xuống, và phải rất cẩn trọng bởi chỉ cần sơ sảy là có thể tác động thêm vào sự mất ổn định của hệ mái đã bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí làm sụp đổ mái Nhà thờ. Những giàn giáo cuối cùng đã được gỡ bỏ thành công vào cuối tháng 11 năm vừa qua.

Mặt khác, một hệ giàn giáo đồ sộ mới được dựng lên bên trong nhà thờ, chuẩn bị cho việc đưa 23 hệ ván khuôn vòm lên, chống đỡ cho quá trình xây lại các vòm cuốn bằng đá khối đã bị sập xuống. Ngoài ra, việc tháo dỡ 8.000 ống của cây đại phong cầm 300 tuổi cũng được hoàn thành vào tháng 12/2020. Tuy không bị hư hại trong vụ hoả hoạn, cây đàn bị phủ lớp bụi chì và chịu sự giao động nhiệt lớn, cần được lau chùi và tu chỉnh lại.

Nghiên cứu tro tàn - cơ hội cho những bước tiến mới của khoa học

Song song với công trường trên hòn đảo Ile de la Cité giữa lòng Paris, phải kể đến một « công trường » thứ 2, là những nghiên cứu được tiến hành trên nhiều phương diện. Đây được coi là « công trường khoa học» của dự án trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris, như phần chìm của tảng băng, nhưng vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu cũng quy mô, gấp rút và tập trung những nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Ngoài đội ngũ kiến trúc sư chủ trì công trường phục dựng, đứng đầu là Philippe Villeneuve và Rémi Fromont, còn có 175 nhà nghiên cứu kỹ thuật, vật lý, hoá học, bảo tồn, lịch sử kiến trúc, xã hội, nhân chủng học, chia thành 8 nhóm chuyên về các vật liệu kim loại, đá, gỗ và khung mái, kính, cũng như về âm học, kết cấu, dữ liệu số hoá, cảm xúc, được thành lập bởi các nhóm chuyên môn của bộ Văn Hoá phối hợp với Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS).

Một mặt, các nghiên cứu tiền khả thi làm nền móng cho việc lựa chọn các vật liệu thay thế, tính toán các phương án gia cố độ vững chãi cho công trình, trùng tu đảm bảo tôn trọng tính nguyên bản và các giá trị kiến trúc, thẩm mỹ vốn có. Mặt khác, độc đáo hơn, là đề xuất nghiên cứu chính những đổ nát, thậm chí các chất liệu bị cháy, hư hại, như một nguồn dữ liệu giàu có để tìm hiểu về lịch sử xây dựng, tuổi thọ, sức bền chịu đựng tác động của nhiệt độ, của chì bay hơi... và những ảnh hưởng của khí hậu lên vật liệu, kết cấu, tính truyền âm... của công trình đã tồn tại bền bỉ qua hơn 8 thế kỷ.

Lần đầu tiên, các nhóm nghiên cứu độc lập quy tụ lại để cùng đóng góp, trao đổi hiểu biết hướng đến một mục đích chung, hứa hẹn kho tàng kết quả, dữ liệu khổng lồ và quý báu xây dựng được sẽ là một đóng góp quan trọng cho bước tiến của nền khoa học nói chung và cho ngành bảo tồn nói riêng. Những dữ liệu này sẽ được công khai chia sẻ cho công chúng trên nền tảng số hoá. Ngoài ra, phương án kết cấu gỗ thi công phục dựng phần khung mái và tháp mũi tên bước đầu đang được tính toán nhờ 2 nhóm nghiên cứu của Khoa kết cấu gỗ, Đại học Kiến trúc Nancy và Đại học Công nghệ, Công nghiệp gỗ Epinal. Mục đích là tiến hành và đánh giá 6 kịch bản phục dựng, tính toán đến giảm thiểu tải trọng, các điểm kết cấu cần lưu tâm, tối ưu hoá tính bền vững và khả năng bảo trì …

Mọi miền đất nước chung tay lựa chọn và huy động vật liệu

Có thể nói, những tháng đầu năm 2021 bắt đầu nhiều hoạt động sôi nổi và tích cực đóng góp vào công trường. Đầu tiên phải kể đến việc thay thế hệ xà, dầm khung mái được mệnh danh « cánh rừng » gần 900 tuổi, cùng với hệ kết cấu của tháp mũi tên và các nhịp bên, cần hơn 1.000 thân gỗ sồi. Với mái gian giữa (le Nef), kích thước tối thiểu cho khoảng 337 dầm gỗ sồi là 25-37cm đường kính và 12m chiều dài. Phức tạp hơn, 350 thân sồi cho gian hợp xướng (le Chœur) và số lượng tương tự thân gỗ cho phần tháp mũi tên lại đòi hỏi những kích thước lớn hay những góc cong chính xác hơn, cần những cây gỗ có đường kính lên đến hơn 1m. Để đáp ứng đòi hỏi đó, một ban chuyên đánh giá các nguồn gỗ sồi trên toàn nước Pháp đã được thành lập để tuyển chọn, lên kế hoạch đốn cây và phơi khô trong vòng hơn 1 năm trước khi đưa vào sử dụng.

Mong muốn được vinh dự gửi gắm những cây gỗ quý nhất, đẹp nhất, thậm chí những cây sồi 100-200 tuổi cho căn thánh đường đã và sẽ là công trình mang niềm tự hào chung của nước Pháp, khắp các vùng trồng rừng trên cả nước, nhiều cá nhân và địa phương nhiệt tình đóng góp gỗ sồi, thậm chí, có cả những đề nghị quyên góp gỗ đến từ nước ngoài.

Tiếp sau gỗ, đá cũng là một vật liệu cần tìm kiếm để xây dựng lại các mái vòm. Số lượng đá của vòm bị sập có thể tái sử dụng được chỉ chiếm 15%, còn lại phải tìm mới. Việc chọn lựa cũng không hề đơn giản: có một đội ngũ chuyên nghiên cứu đặc tính và nguồn gốc của các vòm đá hiện tại của nhà thờ. Mục tiêu là sẽ sớm định vị vào giữa năm 2021 các vùng khai thác mà đá có tính địa chất, màu sắc phù hợp, vừa kết hợp được về tính thẩm mỹ, lại có quy trình lão hoá, ô xy hoá đá tương đồng. Đó phải là những mỏ đá vôi khu vực Paris, hình thành trong giai đoạn 41-48 triệu năm trước.

Những khám phá ngoài mong đợi

Một nhánh phục dựng khác không kém phần quan trọng để bảo đảm tính thẩm mỹ của nhà thờ liên quan đến việc lau chùi, thay sửa lại các khung tranh kính bị hư hại, và phục chế các tác phẩm tranh tường, vòm, bị tro than và bụi chì bao phủ và tấn công. Các khung kính màu được làm mới nguyên trạng ở các xưởng nghệ nhân làm kính màu kinh nghiệm lâu đời ở các vùng Sartres, Mans … hoặc được phục chế tại chỗ ngay trong nhà thờ. Khác hẳn với công việc đồ sộ xây lại hệ vòm và mái, công việc phục chế này đòi hỏi tay nghề cao, tính tỉ mỉ, chi tiết và khéo léo.

Không những thế, vì trong môi trường bám chì dày đặc độc hại, việc phục chế thêm phần phức tạp và phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Khu vực phục chế được phủ bạt kín toàn bộ, và người làm việc phải sử dụng trang phục riêng, được tẩy trùng và thay đổi mỗi lần ra vào khu vực cách ly. Bụi chì bám trên mặt tường được lau chùi bằng vật liệu latex hoạt động như một lớp mặt nạ bám trên bề mặt, khi bóc đi sẽ mang theo nó các bụi bẩn. Cách thứ 2 sử dụng những tấm bông nén ẩm để chùi bề mặt. Với những khe kẽ sâu, việc lau chùi được thử nghiệm sử dụng bằng công nghệ laser.

Trong vòng 2 tháng, 2 trong số 24 vòm gian điện thờ nhỏ ở dọc hai cánh nhà thờ đã được thử nghiệm phục chế. Hai gian thờ này được lựa chọn không ngẫu nhiên, mà là nhằm khôi phục lại màu sắc rực rỡ của những bức tranh tường của Viollet-le-Duc (gian điện thờ Saint-Ferdinand) và để tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử thời Trung đại của nhà thờ (gian điện Notre-Dame de Guadalupe). Và kết quả thu được vô cùng khả quan, thậm chí mang lại những khám phá bất ngờ, mới mẻ về các hoạ tiết trang trí đã tồn tại nhiều thế kỷ. Với tranh tường của Viollet-le-Duc, việc chùi sạch bụi chì và muội nến đốt bám hàng thập kỷ là cơ hội để trả lại những màu sắc rực rỡ như thủa ban đầu, bức tranh được bảo quản tốt không bị hư hại, rạng ngời cả góc nhà thờ, hơn cả trước khi công trình bốc cháy.

Nhưng bất ngờ và xúc động hơn nữa là việc lau chùi vòm điện Notre-Dame de Guadalupe bằng nhiều kỹ thuật khác nhau còn làm hé lộ những bức tranh đa màu vẽ trước thời phục dựng thế kỷ 19, vốn không được nhắc đến trong ghi chép của Viollet-le-Duc. Hay quý giá hơn nữa là những họa tiết hoa lys mạ vàng được tìm thấy dọc diềm vòm mái. Các nhà phục chế dự đoán những hoạ tiết này được làm vào khoảng thế kỷ XII-XV, trong thời kỳ xây dựng đầu tiên của nhà thờ, vốn cũng chưa hề được biết đến trước đây.

Thách thức cho giai đoạn tới

Bước sang năm thứ 3, công trường khổng lồ này sẽ thực sự bước vào công đoạn trùng tu phục dựng, sau khi những tính toán, thử nghiệm đã đưa ra những kết quả đầu tiên đầy lạc quan. Dự kiến trong năm 2021, những nghiên cứu khả thi sẽ cụ thể hoá dần. Việc lựa chọn vật liệu cũng đang hoàn tất, gỗ sồi sẽ được phơi khô trong vòng 18 tháng để đưa vào xưởng dựng mái vào cuối năm 2022. Công việc phục chế và lau chùi bụi trên toàn bộ 24 gian điện thờ sẽ được tiếp nối. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trở ngại đang cần tìm giải pháp trong thời gian tới. Như vấn đề tường và nền móng bị nước cứu hoả xâm nhập, gây độ ẩm lớn, ăn sâu vào nội thất và tranh trang trí. Hay như đối vói việc lựa chọn vật liệu mái tháp mũi tên bằng các lá chì, cần tìm các giải pháp đảm bảo chống nhiễm độc cho thợ thi công, và không gây nhiễm độc chì trong không khí, cũng như các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng phù hợp.

Mặc dù mọi hướng đi gần như đã an bài, nhiều người quan tâm vẫn bày tỏ những quan điểm tiếc nuối, thậm chí phê phán hướng phục dựng này. Một mặt, việc sử dụng lại gỗ sồi, mái chì làm công trình vẫn đứng trước các nguy cơ hoả hoạn và gây nhiễm độc chì, điều mà các công trường cải tạo sau hoả hoạn của các nhà thờ lớn khác như ở Nantes đã tránh vấp phải khi dùng vật liệu bê-tông. Mặt khác, việc dùng lại kết cấu và vật liệu theo cách thực hiện cách đây hơn 8 thế kỷ, và phục dựng nguyên trạng lại tháp mũi tên theo thiết kế của Viollet-le-Duc, bị chỉ trích là làm mất cơ hội cách tân, lồng ghép dấu ấn thời đại vào công trình này.

Người ta có cơ sở để mong muốn điều đó, bởi một trong những điểm làm nên sức lôi cuốn và giá trị của Nhà thờ Đức Bà Paris, chính là nhờ sự « chồng lớp » những mảnh ghép của thời gian, của dấu ấn phong cách kiến trúc đa dạng qua mỗi biến thiên lịch sử, qua mỗi lần tu sửa, mà vẫn giữ được một tổng thể hài hoà. Điều này, đã không được tiếp nối trong lần đại trùng tu này, một phần cũng do những yêu cầu chặt chẽ của một công trình được xếp hạng trong quần thể di sản kiến trúc nhân loại của Unesco. Để bù đắp, hy vọng công trường này sẽ là cơ hội để thúc đẩy tìm tòi và áp dụng những kỹ thuật cải tạo, phục dựng tân tiến của thời đại ngày nay.

Dù sao đi nữa, quá trình phục chế này sẽ còn hứa hẹn « tiết lộ » những bí mật và bất ngờ mới, làm dày lên những kho báu bất tận các giá trị lịch sử, kiến trúc của toà thánh đường danh tiếng nhất nước Pháp nhưng cũng có số phận lắm « thăng trầm » trong hơn 8 thế kỷ tồn tại.
 
VietCatholic TV
Đáng sợ: Tư bản đỏ TQ giết người làm ma chết thế. Truyền chức linh mục gấp cho một thầy bị ung thư
Giáo Hội Năm Châu
03:57 17/04/2021


Video sẽ bắt đầu từ 6g chiều ngày 17-April-2021 theo giờ Việt Nam


1. Đức Thánh Cha chấp thuận việc truyền chức cấp tốc cho một thầy bị ung thư máu

Thầy Livinius Esomchi Nnamani, 31 tuổi đã viết thư cho Đức Thánh Cha, xin cho thầy được thụ phong sớm, và nguyện vọng của thầy được thực hiện ngày 1/4. Đức Cha Daniele Libanori, Giám Mục Phụ Tá của địa phận Rôma, đã phong chức linh mục cho thầy tại Bệnh viện Casilino Presidio Sanitario Medica ở Rôma.

Tân linh mục Livinius bắt đầu cuộc hành trình ơn gọi của mình ở Owerri, bang Imo, miền Đông Nam Nigeria, cha gia nhập Dòng Oblate, ở tuổi 20.

Ít lâu sau khi tuyên khấn đầu tiên, thầy Livinius được chuẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu, và trải qua nhiều giai đoạn trị liệu. Hai năm trước đây thầy được đưa về Ý để chạy chữa và sức khỏe của thầy có tiến triển và thầy tiếp tục việc đào luyện.

Bất chấp những lúc truyền máu và điều trị mệt mỏi, thầy Livinius tiếp tục theo học tại Đại học Giáo hoàng thánh Toma Aquinas, hay còn được gọi là trường Angelicum, và được khấn trọn vào tháng 9 năm ngoái.

Căn bệnh càng ngày càng trầm trọng, nên thầy Livinius đã quyết định viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô, xin ngài cho Thầy được chịu chức linh mục sớm hơn và thầy đã mau chóng nhận được tin vui này vào ngày 31 tháng 3: Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép và ngày hôm sau 1/4 thầy được thụ phong linh mục.

Đức Cha Libanori chia sẻ trong bài giảng lễ truyền chức: “Đây là món quà Thiên Chúa thương ban để nâng đỡ tân linh mục hầu tân linh mục có thể sống trọn vẹn trong cơn thử thách.”

“Là một linh mục, cha sẽ kết hợp với Chúa Giêsu để dâng hiến chính bản thân thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Quả thật, chức tư tế của chúng ta đạt đến đỉnh cao, khi cùng với bánh và rượu, chúng ta dâng hiến cả bản thân mình, những gì Chúa ban và chính mạng sống mình cho Chúa.”

Hiện tại, Tân linh mục Livinius thi hành sứ vụ linh mục của mình tại bệnh viện Casilino, nơi cha liên nỉ cầu nguyện và chúc phúc cho các bác sĩ và y tá chăm sóc cho ngài và các bệnh nhân khác hàng ngày.
Source:Vatican News2. Giết người bệnh làm ma chết thế, tội ác quá sức dã man của tư bản đỏ Trung Quốc

Tờ Telegraph của Anh, số ra ngày 14 tháng Tư, tường thuật một câu chuyện quá sức bi thảm. Xin dịch toàn văn bài báo sang Việt Ngữ.

Một người đàn ông Trung Quốc mắc hội chứng Down đã bị bắt cóc và giết để cung cấp thi hài nộp cho bọn cầm quyền địa phương trong một cố gắng nhằm tránh né lệnh cấm chôn cất theo truyền thống.

Hỏa táng là một yêu cầu bắt buộc ở một số khu vực đông dân cư của Trung Quốc, nhưng để tuân thủ các quy định của bọn cầm quyền, một gia đình nhiều tiền lắm của, có người thân vừa qua đời, đã trả tiền cho một tên sát thủ, để tên này đi giết một người nào đó, và cung cấp cho họ một thi thể để hoán đổi với thân nhân đã qua đời của họ.

Sau đó, vụ này bị vỡ lở. Cho đến nay, gia đình này vẫn tìm cách chống chế rằng họ không hề hay biết gì về tội ác này.

Gia đình này cư ngụ tại quận Sán Vĩ (Shanwei, 汕尾) ở tỉnh Quảng Đông đã chi gần 12,000 bảng Anh vào năm 2017 để nhận thi thể thay thế cho việc hỏa táng. Tên sát thủ mà họ thuê mướn được biết vắn tắt là có họ Hoàng (Huang, 黄).

Theo tài liệu của tòa án, tên sát thủ họ Hoàng này phát hiện ra Lý Thiếu Nhiên (Lin Shaoren, 李少然) 36 tuổi, đang nhặt rác trên đường. Hắn dụ dỗ anh ta lên xe hơi, phục rượu cho đến khi anh ta bất tỉnh.

Giết người xong, tên sát thủ họ Hoàng đặt thi thể người đàn ông xấu số vào một chiếc quan tài, đóng đinh và chuyển cho gia đình vài ngày sau đó. Gia đình sau đó đã hỏa táng quan tài, coi như đó là người thân đã khuất của họ.

Sau khi nhận được tro cốt, họ được tự do tổ chức một lễ chôn cất truyền thống.

Tội ác này đã không bị phanh phui cho đến hơn hai năm sau khi nạn nhân được báo cáo mất tích.

Sát thủ họ Hoàng đã bị tuyên án tử hình nhưng hình phạt có thể được giảm xuống tù chung thân nếu anh ta không tái phạm sau hai năm.

Gia đình này tránh được án tù chỉ bị kết tội “xúc phạm xác chết” [Đối với một nước vô thần như Trung Quốc tội “xúc phạm xác chết” chẳng có gì là trầm trọng, bất quá như một lời cảnh cáo nhẹ nhàng. Phán quyết này cho thấy cái gia đình gian ác này chắc hẳn phải là một gia đình cán bộ có ô dù rất lớn mới đủ để che đậy tội ác dã man của chúng – chú thích của người dịch].

Ở Trung Quốc, nơi ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn rất mạnh, truyền thống tín ngưỡng tin tưởng mạnh mẽ rằng chôn cất là cách duy nhất để mang lại bình an cho người đã khuất, cũng như là cách duy nhất người chết có thể phò hộ cho con cháu của họ.

Thuyết phong thủy liên quan đến chôn cất, rất phổ biến ở Trung Quốc, cũng khuyến khích việc chôn cất thi thể ở nông thôn [Người Trung Quốc ngày nay vẫn tin vào việc tìm cho được các long mạch, hay các nơi đặc biệt với hy vọng rằng chôn người chết ở những chỗ đó con cháu sẽ được vinh hoa phú quý – chú thích của người dịch]

Cán bộ Trung Quốc thường kiểm soát nghiêm nhặt các hoạt động chôn cất truyền thống và đặt vấn đề với các gia đình tổ chức các tang lễ tốn kém. Điều này đã góp phần làm gia tăng tình trạng hoán đổi thi hài người chết trong các năm gần đây.

Ở các vùng nông thôn, ngày nay vẫn tồn tại phong tục trong đó mọi người chi một số tiền lớn cho các đám tang và quan tài như một cách thể hiện sự tôn kính với tổ tiên của họ.
Source:The Telegraph
 
Tin vui từ Paris: Công lý chiến thắng, Tòa Án Tối Cao Pháp minh oan cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:18 17/04/2021


1. Tòa án tối cao Pháp minh oan cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin

Tòa án tối cao của Pháp hôm thứ Tư 14 Tháng Tư đã khẳng định rằng Đức Hồng Y Philippe Barbarin, nguyên tổng giám mục Lyon, đã không che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của linh mục Bernard Preynat.

Phán quyết của Cour de cassation, nghĩa là Tòa giám đốc thẩm, tại Palais de Justice, ở thủ đô Paris, đã khép lại một bộ phim dài nhiều tập đầy cảm xúc gây nhiều đau khổ cho Đức Hồng Y Philippe Barbarin.

Tòa giám đốc thẩm đồng ý với phán quyết của tòa phúc thẩm rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, ngài không cản trở công lý, không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez đã gặp Đức Hồng Y Barbarin để tiết lộ rằng anh ta đã bị linh mục Preynat lạm dụng 24 năm trước đó, khi anh ta còn là một hướng đạo sinh, và lúc đó Đức Hồng Y Barbarin chỉ mới là một linh mục thuộc giáo phận Créteil. Trong khoảng thời gian đó, trong một năm ngài sống ở Pháp vài tháng và vài tháng dạy học ở Đại chủng viện Madagascar bên Phi Châu.

Anh ta tiết lộ điều đó để yêu cầu ngài cách chức linh mục Preynat. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng Y đã mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat và ra quyết định loại bỏ Preynat khỏi hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát.

Sau khi được biết Alexandrealeighot-Hezez đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y, 9 nạn nhân khác của Preynat đã cáo buộc ngài tội không báo cáo với cảnh sát.

Tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y Barbarin bị kết tội không báo cáo với nhà chức trách dân sự, và bị tuyên bản án sáu tháng tù treo, mặc dù, trong phiên tòa này, công tố viên cũng phải thừa nhận rằng chính các nạn nhân là những người phải báo cáo với cảnh sát vì họ đều đã là những người trưởng thành.

Đức Hồng Y kháng cáo và ngày 30 Tháng Giêng, 2020, Tòa phúc thẩm ở Lyon cho biết việc ngài mở phiên tòa giáo luật xét xử Preynat cho thấy ngài không có ý định che đậy hành vi lạm dụng của Preynat. Ngài cũng không có trách nhiệm báo cáo với cảnh sát vì vào năm 2014, các nạn nhân đều đã là người trưởng thành. Nhóm 9 người này chống án, và đã kiện lên Tòa giám đốc thẩm.

Ngày 14 Tháng Tư vừa qua, Tòa giám đốc thẩm đưa ra phán quyết đồng ý với tòa phúc thẩm, tuyên bố Đức Hồng Y vô tội và khép lại vụ án.
Source:AP

2. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit – trong buổi Canh thức cầu nguyện cho sự sống lần thứ 12 tại nhà thờ St Sulpice trước sự hiện diện của các giám mục vùng Ile-de-France

Île-de-France, nghĩa đen là “Đảo của Pháp”, là vùng đông dân nhất trong số mười tám vùng của Pháp. Tập trung xung quanh thủ đô Paris, Île-de-France nằm ở phía bắc trung tâm của đất nước và thường được gọi là Région Parisienne, nghĩa là “Vùng Paris”. Île-de-France là vùng có mật độ dân cư đông đúc nhất và giữ một vị trí kinh tế chủ yếu trên sân khấu quốc gia.

Khu vực này bao gồm tám cơ quan hành chính là Paris, Essonne, Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Seine-et-Marne, Val-de-Marne, Val-d'Oise và Yvelines.

Trong buổi Canh thức cầu nguyện cho sự sống lần thứ 12 tại nhà thờ St Sulpice trước sự hiện diện của các giám mục trong vùng Ile-de-France, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris, nguyên là một bác sĩ, đã trình bày bài giảng sau.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Anh Chi.

Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Đây là một cuộc đối thoại đáng kinh ngạc giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một học giả rất thông thạo Kinh thánh. Nicôđêmô nói về việc được tái sinh, tức là được sinh ra lần thứ hai. Những gì ông hiểu liên quan đến thai nghén, tức là, sự trở lại lòng mẹ để được sinh ra lần nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý nói đến một sự lặp lại mà nói về một sự sinh ra từ trên cao, nghĩa là có một sự khác biệt đáng kể so với những gì ông Nicôđêmô nghĩ.

Chúng ta biết rằng được sinh ra có nghĩa là xuất hiện trên thế giới như chúng ta thường nói: “Anh ấy đã đến với thế giới”. Nhưng mọi người đều biết rằng cuộc sống không bắt đầu khi thế giới nhìn thấy chúng ta mà là ngay tại thời điểm thụ thai, là điều đã luôn được biết đến và được xác nhận bởi các hình ảnh y học ngày nay.

Điều Chúa Giêsu muốn nói là sự sống không chỉ là sinh học. Biểu trưng sinh học chỉ là một khía cạnh của cuộc sống. Nó là một mô tả về cách một sinh vật hoạt động, nhưng nó không phải là cuộc sống. Cố nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết về hoạt động của một sinh vật để có thể hỗ trợ, nuôi sống nó và điều trị nó. Nhưng khi chúng ta đề cập đến cuộc sống của một con người, chúng ta nghĩ đến nhiều thứ hơn là các hoạt động cơ học trong những tế bào của anh ta. Chúng ta nghĩ về tất cả những gì đã xây dựng nên anh ta, về những mối quan hệ đã được hình thành, về những cuộc gặp gỡ khiến anh ấy muốn sống, nói tóm lại, về tất cả những gì tâm trí chúng ta, tràn ngập bởi những cảm giác hạnh phúc, thúc đẩy chúng ta tiến bước, cho phép chúng ta nói: “Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời”.

Chúng ta phải nghĩ xem ưu tiên của chúng ta là gì. Đó có phải là sự bảo tồn các hoạt động sinh học tốt khiến chúng ta sống còn? Hay đó là phẩm chất các mối quan hệ của chúng ta dựa trên tình yêu thương cho phép chúng ta hiểu được giá trị của một đời người? Trong cái đại dịch kinh hoàng đang ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay, các mối quan hệ của chúng ta đã tự xa rời nhau. Đối với một số người, không còn có thể hôn hoặc ôm những người họ yêu thương nhất. Một số đã chết trong sự cô đơn đáng sợ mà không có lời từ biệt. Chúng ta được bảo rằng chúng ta phải cứu cuộc sống bằng mọi giá. Nhưng chúng ta đang nói về cuộc sống nào? Sự sống sinh học chắc chắn là chỗ dựa của toàn bộ sự sống con người, nhưng nó vẫn chưa đủ để làm cho một cuộc sống trở nên đáng sống.

Cái chết đang rình mò hết lần này đến lần khác. Và chính trong bối cảnh đó, một số người nói về quyền tự do để yêu cầu được chết. Trên thực tế, cái chết đang tạo ra một trào lưu. Nhưng cuộc sống phải khơi dậy nơi chúng ta sự ngưỡng mộ. Khi chúng ta nói về cuộc sống, chúng ta đang nói về những gì ẩn sâu trong chúng ta. Không ai ngày nay có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ về cuộc sống. Ngay cả sự xuất hiện của cuộc sống cũng là một mầu nhiệm khó có thể xảy ra vì cần phải có những điều chỉnh vật lý và hóa học đáng kinh ngạc để sự sống có thể chào đời.

Sự chiêm nghiệm về cuộc sống phải dẫn chúng ta đến tâm tình cảm tạ chứ không phải một sự hãi hùng chóng mặt.

Dù cuộc sống có mong manh, chúng ta vẫn cảm thấy rằng cuộc sống thực sự vượt ra khỏi biên giới tự nhiên của nó và cảm nhận này đã xảy ra ngay từ thời tiền sử. Niềm hy vọng về một cuộc sống sau cái chết, một cuộc sống vĩnh hằng đã tràn ngập tất cả các nền văn minh của loài người.

Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta về sự sinh ra từ trên cao, Ngài muốn mời chúng ta bước vào một cuộc sống vượt ra ngoài các biểu hiện sinh học để đạt đến nguồn gốc của nó. Nguồn của nó là gì? Thưa: Đó là Bản thể tự tồn tại, là Đấng thông truyền cuộc sống của mình. Trong sách Sáng thế ký, Thiên Chúa thổi hơi thở của mình để tạo ra sự sống, hơi thở thần thánh đó làm cho con người trở thành một sinh linh. Nhưng chỉ tồn tại thôi chưa đủ, bạn còn phải bước vào cuộc sống. Chúa Giêsu Kitô, khi mặc lấy nhân tính của chúng ta, Người đã làm cho nhân tính chúng ta chuyển từ sự chết sang sự sống, và vươn đến sự sống thần linh vượt ra ngoài mọi biểu hiện hữu cơ. Mỗi người chúng ta cần đón tiếp Người và cùng đi với Chúa Kitô từ cái chết sang sự sống nhờ bí tích rửa tội, như Thánh Phaolô đã nói khi viết cho tín hữu Rôma: “Được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô, anh em được sống lại với Chúa Kitô” (Rm 6: 4). Ngay cả ngày nay, cũng như thời Môisê, Thiên Chúa đặt chúng ta trước sự lựa chọn cơ bản này: “Ta đặt trước mặt các ngươi sự sống và cái chết, hạnh phúc và bất hạnh: các ngươi hãy chọn sự sống!” (Đệ Nhị Luật 30:15).
Source:L'Eglise Catholique à Paris

3. Tiến Sĩ George Weigel nhân kỷ niệm 100 năm nạn đói 1921-1922 do Liên Sô gây ra tại Ukraine

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân kỷ niệm 100 năm nạn đói kinh hoàng tại Ukraine kéo dài trong suốt hai năm 1921 và 1922, VietCatholic xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ một bài viết của ông nhan đề “Murderers’ Row, Soviet-Style”, nghĩa là “Hàng Dài Những Tên Đao Phủ Thủ Theo Kiểu Sô Viết”, qua phần trình bày của Anh Chi.

Hơn một trăm năm trước, vào ngày 7 tháng 11 năm 1917, Lênin và Đảng Bolshevik của y đã phỗng tay trên cuộc cách mạng hỗn loạn của nhân dân Nga đã bắt đầu từ tám tháng trước đó, và khởi động cuộc thử nghiệm đầu tiên chủ nghĩa toàn trị trong thời hiện đại. Cuộc tắm máu sau đó là chưa từng có, không chỉ giới hạn trong bản thân cuộc thử nghiệm này mà còn tiếp diễn trong cuộc tắm máu nhân loại kinh hoàng được truyền cảm hứng bởi Lênin trong sáu thập kỷ tiếp theo. Và đáng buồn là giấc mơ của chủ nghĩa Lênin vẫn tiếp tục: trong hố sâu địa ngục Bắc Triều Tiên; trong quốc đảo ngục tù Cuba; ở nơi lẽ ra phải là một trong những quốc gia giàu có nhất hành tinh Venezuela; và ở các quốc gia khác nữa nơi người dân vẫn lầm than như Trung Quốc và Việt Nam. Trong thế kỷ 20, Lênin và các đệ tử của hắn đã gây ra nhiều vị tử đạo hơn những tên như Caligula, Nêrô và Diocletiô có thể tưởng tượng ra được. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, các cuộc tắm máu cộng sản chưa bao giờ dẫn đến những sự lên án liên tục, rõ ràng và mạnh mẽ như đối với các chế độ chuyên chế khác.

Nỗi kinh hoàng mà Lênin đã tung ra hiếm khi được ghi lại một cách mạnh mẽ như trong cuốn sách mới của Anne Applebaum, “Red Famine: Stalin’s War on Ukraine”, nghĩa là “Nạn đói Đỏ: Cuộc chiến của Stalin ở Ukraine”. Trong một nghiên cứu đoạt giải Pulitzer có tựa đề Gulag, được công bố trước đó, Applebaum đã chứng minh rằng các trại lao động nô lệ ở “quần đảo ngục tù” của Aleksandr Solzhenitsyn không phải là một hệ lụy ngẫu nhiên do các chính sách của Liên Sô, mà là một phần không thể thiếu được của nó, về mặt kinh tế và chính trị. Trong Nạn đói Đỏ, Applebaum làm rõ không thể nhầm lẫn rằng hai cuộc Holodomor, nạn đói khủng bố ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng bốn triệu người vào năm 1932-33, và trước đó là một triệu người trong 2 năm 1921-1922, đã được tạo ra một cách giả tạo và được thực thi một cách tàn nhẫn bởi Lênin và người thừa kế của y, là Stalin, để phá vỡ tinh thần dân tộc của Ukraine trong khi cung cấp ngoại tệ từ xuất khẩu nông sản cho một Liên Sô đang chùn bước vì một nền kinh tế sai lầm. Hay nói một cách đơn giản hơn: hai tên giết người không gớm tay này đã bỏ đói khoảng năm triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em vì các mục đích chính trị và ý thức hệ.

Các vụ giết người hàng loạt đó có thể xảy ra trên quy mô kinh hoàng như thế là do ngọn lửa của niềm tin cách mạng hoang tưởng đã thiêu rụi nhiều lương tâm. Ví dụ, ở đây là lời khai ớn lạnh, hậu Holodomor của một nhà hoạt động cộng sản, người đã giúp thực hiện sự tàn phá thảm khốc nền nông nghiệp ở Ukraine, và thay thế nó bằng các trang trại tập thể theo đúng ý thức hệ:

Tôi tin chắc rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Mục tiêu lớn của chúng tôi là chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản, và vì mục tiêu này, mọi thứ đều được phép - nói dối, ăn cắp, tiêu diệt hàng trăm nghìn và thậm chí hàng triệu người, tất cả những người đang cản trở công việc của chúng tôi, tất cả những kẻ đứng cản đường. Ngần ngại hay nghi ngờ về tất cả điều này chỉ dẫn đến “thứ tri thức buồn nôn” và “thứ chủ nghĩa tự do ngu ngốc.”

Trong vũ trụ luân lý của chủ nghĩa Bolshevism, hai cộng hai thực sự có thể bằng năm — hoặc bảy, hoặc ba, hoặc bất cứ điều gì mà Cách mạng yêu cầu.

Và do đó, giống như chế độ nô lệ, chế độ diệt chủng đã được đưa vào hệ thống của Liên Sô. Tuy nhiên, Applebaum báo cáo tiếp rằng khi hàng nghìn người Ukraine từ từ chết đói, cơ thể của họ tiêu hao đến mức những người tiều tụy nằm chết trên đường phố hoặc ven đường, “các nhà xuất khẩu Liên Sô tiếp tục vận chuyển ra khỏi đất nước trứng, thịt gia cầm, táo, các loại hạt, mật ong, mứt, cá hộp, rau đóng hộp và thịt hộp... là những thứ có thể giúp nuôi sống người dân Ukraine”. Nhưng việc cho Ukraine ăn có nghĩa là phải thừa nhận phẩm giá của những người mà Lênin và Stalin đã gạt bỏ như là “những con người cũ”, những thành phần “phú nông địa chủ”. Applebaum kết luận rằng những nạn đói chết hàng triệu người như thế không phải là các dấu chỉ cho thấy chính sách của Stalin đã thất bại; đúng hơn, “đó là một dấu chỉ của thành công”. Cách mạng đã đánh bại từng kẻ thù đáng sợ nhất của nó, từng người một, thông qua sự thống khổ từng giờ của nạn đói do nhà nước áp đặt và cưỡng chế.

Cũng không kém phần đạo đức cách mạng theo chủ nghĩa Lênin và Stalin là việc các tòa báo phương Tây ngầm chấp nhận nạn đói giả tạo hàng loạt này của các phóng viên phương Tây là những người biết rõ điều gì đang xảy ra ở Ukraine - nhưng không viết gì về nó, để không gây nguy hiểm cho các nguồn tin của họ từ Kremlin và lối sống nhàn nhã của họ ở Mạc Tư Khoa. Ở đây, nhân vật phản diện chính vẫn là Walter Duranty của New York Times, một tác nhân chính trong việc che đậy hai cuộc Holodomor, tiếp tục kéo dài đến những năm 1960 và đang được hồi sinh ở nước Nga của Putin ngày nay, như một phần của cuộc chiến tuyên truyền chống lại một Ukraine hiện đã độc lập. Đạo đức của Duranty được tóm tắt gọn gàng trong một trong những công văn năm 1935 của ông ta: “Người ta có thể phản đối rằng việc giải phẩu các động vật sống là một điều đáng buồn và đáng sợ, và sự thật là có rất nhiều người đã phản đối thử nghiệm của Liên Sô, coi đó là một thử nghiệm bất hạnh; nhưng trong cả hai trường hợp, đau khổ gây ra được thực hiện với một mục đích cao cả”.

Có lẽ để đánh dấu một trăm năm nạn đói tại Ukraine, tờ New York Times nên rút lại Giải thưởng Pulitzer dành cho Walter Duranty, như một cử chỉ nhỏ cho thấy sự ăn năn trước bàn thờ nhân loại đã rỏ máu hàng triệu triệu người.
Source:First Things
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News