Ngày 26-04-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 26/04/2011
THUẬT SỐNG LÂU
N2T

Bồ Truyền Chính khi làm quan tri huyện ở Hàng Châu thì có một thuật sĩ đến xin yết kiến. Nhìn thấy ông ta đã hơn chin mươi tuổi nhưng sắc mặt tươi nhuận giống như em bé. Truyền Chính trò chuyện với ông ta rất ăn ý, thế là hỏi ông ta về thuật sống lâu, thuật sĩ trả lời:
- “Phương pháp của tôi vừa đơn giản vừa dễ làm, không kiêng dè gì cả, đó chính là tuyệt đối cai sắc dục”.
Truyền Chính cúi đầu trầm tư rất lâu rồi ôn tồn trả lời:
- “Xem ra có thể sống ngàn tuổi, nhưng như thế thì có ý nghĩa gì chứ ?

Suy tư:
Con người ta ai cũng thích sống lâu trăm tuổi, thích trường sinh bất tử, nhưng sống lâu thì có ý nghĩa gì chứ, bởi vì:
- Có những đứa con đứa cháu mỗi năm đều chúc tết cha mẹ, ông bà nội ngoại, sống lâu trăm tuổi, nhưng khi cha mẹ đến tuổi bảy mươi tám mươi, tóc bạc răng long, thì con cái đứa này đùn qua đứa nọ để nuôi dưỡng, cháu chắt thì năm mười họa may ra mới đến thăm ông bà nội ngoại một lần. Như thế thì sống lâu trăm tuổi có ý nghĩa gì chứ ?
Có những người muốn sống lâu trăm tuổi, nên hết dùng thuốc “tiên” này đến thuốc “thần” nọ để được khỏe mạnh sống trường thọ, thọ đến tám chín mươi tuổi, cuộc đời như ngọn đèn trước gió bão, con cái mỗi ngày chăm lo cho mình, gây phiền phức mệt nhọc cho con cháu, như thế thì sống trường thọ để làm gì chứ ?
Nhưng người có đức tin thì mỗi giây phút họ đều cảm nghiệm được mình sống lâu trăm tuổi, đó là khi họ hết lòng phục vụ tha nhân mà không cầu xin cho được trường thọ, bởi vì họ sống mỗi giây phút hiện tại như là giây phút cuối của đời mình, đó không phải là sống thọ với Chúa hay sao ?
Người như thế thì là người hạnh phúc thật, vì cuộc sống của họ thật có ý nghĩa, và đó là bí thuật sống thọ vậy.
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:57 26/04/2011
N2T

41. Thánh Gioan Tẩy Giả trở nên thánh ngay từ trong lòng mẹ, không có tội gì, vậy mà vẫn ăn chay hãm mình trong hoang địa. Tội nhân thấp hèn chẳng lẽ không làm việc đền tội hay sao ?

(Thánh nữ Catherine)
 
Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:07 26/04/2011
TÔI ĐÃ THẤY MỒ ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG…

Trong Ca tiếp liên lễ Chúa Phục Sinh có câu:

“Sống và chết, hai bên song đấu diệu kỳ
Tướng lãnh sự sống chết đi
Nhưng vẫn sống mà cai trị”

Chúng ta đã chứng kiến, dường như là sự chết đã chiến thắng, khi Đức Giêsu Kitô thở hơi cuối cùng trên Thập Giá. Sự chết của Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu người đặt niềm hy vọng vào Chúa bỗng trở nên thất vọng và sụp đổ. Ngay cả đến tông đồ đoàn Mười Hai cũng lê bước não nề trở về trong thất vọng. Những người nuôi sống niềm hy vọng thì đóng cửa trong nhà không dám ra vì sợ người Do Thái. Đức Giê su yên nghỉ trong ngôi mộ, tưởng chừng như chấm hết. Nhưng vào chính lúc người ta tưởng rằng thế gian đã chiến thắng thì hôm nay mồ Đức Kitô bật mở và Đức Kitô đã sống lại vinh quang.

Sự sống lại của Ngài không chỉ đơn giản như Larazo chết bốn ngày, rồi đi ra khỏi mồ, tiếp tục để cho người ta tháo dây quấn quanh người và tiếp tục sống lại những gì mình đang sống dở. Đức Kitô từ trong cõi chết Phục Sinh, trước hết là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng sự chết, chiến thắng sự dữ, chiến thắng tối tăm:

“Sống và chết, hai bên song đấu diệu kỳ
Tướng lãnh sự sống chết đi
Nhưng vẫn sống mà cai trị” (Ca tiếp liên)

Đúng là tướng lãnh của sự sống. Đức Giê su xưng mình: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”(Ga 14,6). Vậy mà tướng lãnh sự sống đã chấp nhận cái chết. Chết nhưng vẫn sống mà cai trị. Nếu không có đức tin, chúng ta thấy một chuỗi những mâu thuẫn khó chấp nhận. Chết thì không thể là sống, mà đã sống thì không phải chết. Ở nơi Đức Giêsu, tướng lãnh sự sống đã chết đi nhưng vẫn sống mà cai trị. Chúng ta còn gặp thấy những phạm trù còn khó hiểu hơn nữa:

“Hỡi Maria,
Bà hãy nói cho chúng tôi nghe.
Bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống” (Ca tiếp liên).

Mồ là biểu tưởng của sự chết. Những gì chứa trong mồ là sự chết. Vậy mà mồ Đức Kitô đang sống. Đó là sự thật, một sự thật duy nhất chỉ có ở nơi Đức Giêsu:

Bằng chứng là, những lời Chúa tuyên bố trước: Ngày thứ ba Ta sẽ sống lại (Mt 16,21);

Bằng chứng là, các thiên thần áo trắng hiện ra và nói với các bà rằng: “Tại sao các bà lại tìm Người Sống giữa nơi kẻ chết. Người không còn đây nữa nhưng đã trỗi dạy rồi” (Lc 24,5).
Những chứng nhân chỉ nhìn thấy những dây băng, những khăn liệm để đó nhưng đức tin thì cho chúng ta thấy rõ Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Sự Phục Sinh của Chúa hoàn tất những gì mà Ngài đã hứa trước. Ngài hứa: “Thầy đi rồi Thầy sẽ trở lại với các con”(x. Ga 16, 16-24); Ngài hứa: “Cơn buồn của các con sẽ đổi thành vui”(Ga 16,20). Tất cả những gì Chúa Giê su tiên liệu trước, không mang tính tiên tri. Bởi vì Chúa là sự sống, Chúa là hiện tại. Hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi. Vì vậy, khi Chúa nói những điều đó, các tông đồ không hiểu và mọi người không hiểu. Nhưng khi Đức Giêsu từ cõi chết Phục Sinh thì các tông đồ hiểu ra những gì mà Thầy mình đã nói trước. Tiên báo về cái chết của Ngài không phải là một sự thất vọng như Phêrô đến nỗi phải kéo Thầy ra để can gián: “Lạy Thầy, xin Chúa cứu Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”(Mt 16,22). Chúa Giê su nói với Phêrô là cũng nói cho tất cả thế giới: “Các con không biết việc của Thiên Chúa, các con chỉ biết việc của loài người”(Mt 16,23). Việc của loài người là phân tách, chết thì không có sống mà sống có nghĩa là chưa chết. Còn việc của Thiên Chúa, Ngài sống ngay trong nấm mồ của sự chết. Ngài trỗi dậy ngay từ chính trong cái chết và Ngài chết khi mà Ngài mệnh danh là sự sống. Chỉ có một đức tin và chỉ đi vào sâu trong mầu nhiệm của tình yêu hiến tế thì mới hiểu được điều này. Bởi lẽ, sự sống lại của Chúa Kitô cũng là sự sống của đức tin. Chúa Giêsu Kitô không sống lại kiểu của Larazo. Đó là một sự sống mà người ta không phải dùng lòng tin. Đó là một sự sống tự nhiên. Còn sự sống lại của Chúa Kitô là sự sống của Thiên Chúa. Sự sống ấy đến từ Thiên Chúa và hôm nay được biểu lộ.

Chúng ta vẫn đọc trong Kinh Thánh: “Trời đất đầy vinh quang Chúa”(Is 6,3). Thế nhưng nhìn vào trong thế giới tự nhiên này, nếu không có đức tin, người ta chẳng thấy vinh quang Chúa đâu hết. Người ta thấy tất cả là tự nhiên, thậm chí nguồn gốc của con người, người ta cũng bảo đó là luật tự nhiên tiến hóa. Thế giới vũ trụ bao la này, người ta cũng bảo tự nhiên mà có. Cái chết cũng là tự nhiên. Sự sống này cũng là tự nhiên bởi cha, bởi mẹ sinh ra mà không cần phải truy nguyên đến đâu hết. Tất cả đều là tự nhiên. Một sự sống mà không cần phải vận dụng gì đến đức tin siêu nhiên thì trời đất này chẳng có đâu là vinh quang Thiên Chúa. Nếu vinh quang ấy có diễn ra thì phải diễn ra ở trên núi Tabor. Ở nơi đó, Đức Giêsu đã tỏ ánh vinh quang của Ngài cho các tông đồ và ba tông đồ thân tín là Gioan, Giacôbê, Phêrô đã sung sướng thưa với Thầy: “Nếu chúng con được ở đây thì tốt lắm”(Mt 17,4). Nhưng Chúa đã dạy các ông phải xuống núi. Có nghĩa là, không thể nhìn bằng con mắt tự nhiên này để thấy vinh quang của Thiên Chúa như các tông đồ đã thấy trên núi Tarbo. Bởi vậy, trời đất đầy vinh quang Chúa là vinh quang mà Chúa Giêsu đã nói trước với các tông đồ rằng: “Cho tới khi Con Người từ trong cõi chết sống lại”(Mt 17,9). Ánh vinh quang Phục Sinh hôm nay mới là ánh vinh quang tràn ngập trái đất: “Trời đất đầy vinh quang Chúa”. Sự chết, sự tối tăm, quỉ thần, xác thịt, sự xấu... Tất cả đều không thể chạm tới vinh quang Phục Sinh của Chúa Kitô.

Đức Giêsu Kitô đã cho chúng ta thấy thế nào là “Trời đất đầy vinh quang Chúa”. Duy nhất chỉ có Ngài đã tuyên bố: “Ta tự hiến mang sống Ta và Ta có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận được từ nơi Cha Ta”( Ga 10,18), để chúng ta hiểu được rằng, trong cái chết hiến thân của Đức Kitô, Ngài tự hiến vì một tình yêu lớn nhất và hôm nay, cũng tự Ngài lấy lại sự sống đó. Như vậy, mồ Đức Ki tô đang sống và vinh quang của Đấng Phục Sinh phát xuất từ đó. Đức Giêsu cho chúng ta thấy, chỉ có mình Ngài mới chiến thắng trên sự dữ, trên sự chết, trên tử thần, trên ma quỉ để cho chúng ta một sự sống mới. Khi trời đất này đã đầy vinh quang Phục Sinh của Chúa rồi thì không có thế lực nào có quyền từ chối, chỉ khi người ta cố tình chỉ biết hạ xuống, hạ xuống mà không ngước lên cao. Trong thánh thư của thánh Phaolô kêu gọi: “Anh em hãy hướng sự trên trời chứ đừng hướng về những sự trái đất”(Cl 3,2). Nếu người ta coi tất cả là tự nhiên; nếu người ta coi tất cả đều bởi đất mà ra thì sự Phục Sinh của Chúa hôm nay cũng vẫn chẳng có ý nghĩa gì. Thậm chí, sống rồi chết, chết rồi sống lại, sống lại rồi lại chết. Vậy gọi là sống dở chết dở. Thà chết luôn đi cho xong!!! Nhưng nếu Đức Giêsu Kitô chứng tỏ cho tất cả muôn loài, muôn thế hệ thấy vinh quang Phục Sinh của Ngài đã bao trùm thế hệ này, thì một lần nữa chúng ta khẳng định rằng sự sống của Ngài phải được tiếp nhận bằng đức tin. Cho nên, nếu không hướng về trên cao, nếu không nhìn bằng con mắt đức tin thì mãi mãi người ta cũng chỉ thấy đất và người ta cũng chỉ thấy sự chết là chấm hết. Điều đó trả lời cho chúng ta: Tại sao mồ Đức Kitô đang sống? Do quan niệm của mình, do cái nhìn quá thấp hèn của mình, do chủ nghĩa duy vật chất của mình đã khiến cho con người không nhận ra chân lý. Chúng ta còn gặp thấy một hình ảnh rất thân thương này là Maria vội vàng đến ôm chân Chúa. Nhưng Chúa bảo là đừng động đến Ta. Có người nghĩ rằng, Chúa dạy tu đức, rằng Maria là phụ nữ không được động chạm đến Chúa; rằng, con người xác thịt không được động chạm đến Chúa. Đức Giêsu đã chiến thắng thế gian, chiến thắng tử thần, Ngài còn phải giữ gìn điều gì nữa? Nhưng Ngài muốn dạy chúng ta rằng: “Hãy nhìn về trời cao. Bởi vì Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha của các con. Về cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của các con” (Ga 20, 17). Chúng ta hãy nhìn về đó. Đừng ôm chân Thầy theo kiểu tình cảm thế gian, hay là cách nhìn lệt đệt kiểu thế gian của con người. Nhưng hãy cùng với Thầy hướng về trời cao.

Phục Sinh là như thế, đưa chúng ta vào một thế giới khác. Thế giới của tâm linh. Thế giới của Thiên Chúa. Thế giới của sự sống đích thật, khiến cho con người không suy nghĩ và sống theo cách của con người tự nhiên nữa. Bởi vậy, nếu chúng ta không đi vào trong sự chết với Đức Kitô, chúng ta không thể sống lại với Ngài. Nhưng nếu chúng ta hiểu là chỉ chết có một lần thì chúng ta cũng không thể sống lại với Chúa ngay từ hôm nay. Cho nên thánh Phao lô nói: “Tôi chết hàng ngày” (1Cr 15,31). Cái chết hàng ngày của thánh Phaolô là cái chết trong những ý riêng, cái chết trong những quan điểm trần thế duy vật chất. Cái chết trong cái lăng kính chỉ có mặt đất mà không có trời cao. Hãy chết đi trong những điều đó để chúng ta nhận ra một đức tin mạnh mẽ, một sự sống đích thật. Một sự Phục Sinh của Chúa Kitô đem lại cho chúng ta sự sống mới, sự sống trong Chúa Thánh Thần. Đó mới là mục đích, đó mới là ý nghĩa của niềm vui Phục Sinh. Niềm vui này trao lại cho chúng ta một sự sống mới để chúng ta có thể, ngay từ bây giờ, cũng xin Chúa cho chúng ta được sống lại với Chúa Kitô trong sự sống mới đó:

Giêsu, sự sống diệu vời
Phục Sinh bừng sáng đất trời vinh quang.
Xin cho con sống bình an.
Cho con hưởng phúc thiên đàng mai sau. Alleluia.
LM. Phêrô Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông Điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2011 của ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
19:41 26/04/2011
"In resurrectione tua, Christe, coeli et terra laetentur!

“Lạy Đức Kitô, trong sự phục sinh của Người, trời đất hãy vui mừng! "(Phụng Vụ Các Giờ Kinh).


Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến,

Buổi sáng Phục Sinh mang lại cho chúng ta một tin cũ nhưng luôn là tin mới: Đức Kitô đã sống lại! Dư âm của biến cố này, đã được phát ra từ Giêrusalem hai mươi thế kỷ trước, vẫn tiếp tục vang vọng trong Hội Thánh, trong tận đáy lòng những ai sống đức tin sống động của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đức tin của bà Maria Mađalêna và những phụ nữ khác, những người đầu tiên phát hiện ra Ngôi mộ trống, và đức tin của thánh Phêrô cùng các Tông Đồ khác.

Cho đến thời đại của chúng ta - ngay cả trong những ngày của kỹ thuật truyền thông tiên tiến này - đức tin của các Kitô hữu vẫn dựa trên cùng một tin ấy, trên chứng từ của những anh chị em đã trước tiên thấy tảng đá đã được lăn ra từ ngôi mộ trống và sau đó các sứ giả thần bí là những vị đã làm chứng rằng Chúa Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đanh, đã sống lại. Và sau đó là chính Chúa Giêsu, Chúa và Thầy, sống động và hữu hình, đã hiện ra với bà Maria Mađalêna, với hai môn đệ trên đường Emmau, và sau cùng với tất cả mười một vị đang tụ tập trong Nhà Tiệc Ly (x. Mc 16:9-14).

Sự sống lại của Đức Kitô không phải là kết quả của suy đoán hoặc kinh nghiệm thần bí: đó là một biến cố, dù siêu vượt lịch sử, nhưng lại xảy ra ở một thời điểm chính xác trong lịch sử và để lại trên lịch sử một dấu ấn không thể xóa nhòa được. Ánh sáng làm lóa mắt các lính canh ngôi mộ của Chúa Giêsu đã vượt thời gian và không gian. Nó là một thứ ánh sáng khác, ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng đã xua tan bóng tối sự chết và đã mang lại cho thế giới sự huy hoàng của Thiên Chúa, sự rạng ngời của chân lý và Thiện Hảo.

Cũng giống như tia nắng mặt trời mùa xuân làm cho các chồi non nẩy mầm và ló rạng trên cành cây, thì ánh quang chiếu ra từ sự phục sinh của Đức Kitô cũng ban sức mạnh và ý nghĩa cho mọi hy vọng, ước muốn, kỳ vọng và kế hoạch của con người. Do đó hôm nay toàn thể vũ trụ vui mừng, theo kịp mùa xuân của nhân loại, làm cho bài thánh thi ngợi khen thầm lặng của tạo vật được nói thành lời. Bài Alleluia Phục Sinh, vang dội trong Hội Thánh trong khi đang lữ hành trên thế gian, nói lên sự mừng vui thầm lặng của vũ trụ và trên hết sự khao khát của tất cả của linh hồn mọi người chân thành mở ra với Thiên Chúa, tạ ơn Ngài về sự Chân Thiện Mỹ vô tận của Ngài.

"Lạy Đức Kitô, trong sự phục sinh của Người, trời đất hãy vui mừng". Trong lời triệu tập để ca ngợi, được phát sinh từ lòng Hội Thánh hôm nay, các "Các Tầng Trời" đáp lại trọn vẹn: các đạo binh thiên thần, các thánh và các linh hồn được chúc phúc cùng hợp một lời trong bài ca vui mừng của chúng ta. Trên trời tất cả đều bình an và vui mừng. Nhưng than ôi, ở dưới đất thì không phải như thế! Ở đây, trong thế giới của chúng ta, bài Alleluia Phục Sinh vẫn còn tương phản với những tiếng khóc than phát sinh từ rất nhiều hoàn cảnh đau thương: thiếu thốn, đói khát, bệnh tật, chiến tranh, bạo lực. Nhưng chính vì điều đó mà Đức Kitô đã chết và sống lại! Người đã chết vì tội lỗi, kể cả tội lỗi của chúng ta hôm nay, Người đã sống lại vì ơn cứu độ của lịch sử, kể cả lịch sử của chúng ta. Vì vậy, thông điệp của tôi hôm nay có ý dành cho tất cả mọi người, và, như một lời tuyên bố ngôn sứ, nó được đặc biệt dành cho những dân tộc và cộng đồng đang trải qua một thời gian đau khổ, mà Đức Kitô Phục Sinh có thể mở ra cho họ con đường tự do, công lý và hòa bình.

Xin cho Vùng Đất đầu tiên đã được tràn ngập ánh sáng của Đấng Phục Sinh được hân hoan. Nguyện xin cho ánh quang của Đức Kitô chiếu soi đến các dân tộc Trung Đông, để ánh sáng của hòa bình và nhân phẩm có thể thắng vượt bóng tối của phân hóa, hận thù và bạo lực. Trong cuộc xung đột hiện nay ở Libya, chớ gì ngoại giao và đối thoại thay chỗ cho vũ lực, và những người đang chịu đau khổ vì hậu quả của cuộc xung đột có thể nhận được viện trợ nhân đạo. Trong các nước Bắc Phi và Trung Đông, xin cho tất cả các công dân, đặc biệt là giới trẻ, làm việc để mưu cầu công ích và để xây dựng một xã hội mà trong đó nghèo đói bị đánh bại và mỗi sự lựa chọn chính trị được cảm hứng từ việc tôn trọng con người. Nguyện xin cho sự trợ giúp được đến từ mọi phía với những người đang chạy trốn xung đột và cho những người tị nạn từ nhiều nước Phi Châu, là những người đã phải rời bỏ tất cả những gì thân thương đối với họ; chớ gì những người có lòng tốt sẽ mở rộng tâm hồn của mình ra để chào đón họ, để những nhu cầu khẩn cấp của quá nhiều anh chị em được đáp trả bằng một sự đáp ứng có phối hợp trong một tinh thần đoàn kết; và xin cho những lời an ủi và biết ơn của chúng ta có thể đến được với tất cả những ai đang có những nỗ lực đại lượng như thế,cùng tạo thành một chứng từ gương mẫu trong vấn đề này.

Xin cho việc chung sống hoà bình được khôi phục giữa các dân tộc của Ivory Coast, nơi có một nhu cầu khẩn thiết trong việc bước đi trên con đường hòa giải và tha thứ, để chữa lành những vết thương bị cắt sâu do bạo lực gần đây gây ra. Xin cho Nhật Bản tìm thấy sự an ủi và hy vọng khi nó phải đương đầu với những hậu quả nghiêm trọng của trận động đất gần đây, cùng các nước khác trong những tháng gần đây đã bị thử thách bởi các thiên tai là những điều đã gieo vãi đau thương và sầu khổ.

Xin cho trời trái đất vui mừng trước việc làm chứng của những người đang bị chống đối và thậm chí còn bị ngược đãi vì niềm tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô. Chớ gì việc công bố sự phục sinh chiến thắng của Người củng cố lòng can đảm và tin tưởng của họ.

Anh chị em thân mến! Đức Kitô phục sinh đang hành trình phía trước chúng ta hướng về phía trời mới đất mới (x. Rev 21:01), trong đó tất cả chúng ta chung cuộc sẽ được sống như một gia đình, như con cái của cùng một Chúa Cha. Người ở với chúng ta cho đến tận thế. Chúng ta đi sau Người, trong thế giới bị thương này, và cùng hát Alleluia. Trong lòng chúng ta có niềm vui và nỗi buồn, trên khuôn mặt chúng ta có những nụ cười và nước mắt. Đó là thực tại trần thế của chúng ta. Nhưng Đức Kitô đã sống lại, Người vẫn còn sống và Người đồng hành với chúng ta. Vì lý do này, chúng ta hát và chúng ta bước đi, trung thành thi hành nhiệm vụ của chúng ta trong thế giới này với đôi mắt hướng về Thiên Đàng.

Chúc anh chị em một lễ Phục Sinh Hạnh Phúc.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Trong http://giaoly.org/vn
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình, tự do trên thế giới
Bùi Hữu Thư
08:43 26/04/2011
VATICAN (CNS) -- Trong phép lành Phục Sinh cho thế giới, Đức Thánh Cha Benedict XVI cầu nguyện rằng sự sống lại của Chúa Kitô có thể mở lối cho "tự do, công chính và hòa bình" cho các dân tộc đang bị đau khổ tại Trung Đông và Phi Châu.

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Ivory Coast, trợ giúp các người tị nạn trốn khỏi Bắc Phi và an ủi các nạn nhân của vụ động đất Nhật Bản. Ngài cũng cầu nguyện cho những ai đang bị bách hại vì đức tin Kitô, và khen ngợi lòng can đảm của họ.

Đức Thánh Cha Benedict nói sự sống lại của Chúa Kitô không được coi như "kết quả của một kinh nghiệm thần bí." Điều này xẩy ra vào đúng một thời điểm và ghi dấu lịch sử mãi mãi, và cũng ban cho nhân loại sức mạnh mới, hy vọng mới và ý nghĩa mới."

Ngài nói: "Toàn thể vũ trụ hân hoan vui sướng hôm nay," và tất cả những ai đã mở lòng cho Chúa đều có lý do để vui mừng.

Đức Thánh Cha nói: "Nhưng niềm vui Phục Sinh phản nghịch với "những tiếng than khóc của bao nhiêu tình trạng đau khổ: đói khát, cầm tù, bệnh tật, chiến tranh, bạo lực."

Ngài cầu xin rằng "Sự vinh quang của Chúa Kitô đến được với các dân tộc ở Trung Đông, để cho ánh sáng hòa bình và của phẩm giá con người vượt thắng bóng tối của sự chia rẽ, hận thù và bạo lực." Tại Libya, ngài nói, chính sách về bạo lực cần thay thế cho những trận chiến có vũ trang, và đau khổ phải được bác ái trợ giúp.

Đức Thánh Cha nói nhiều hình thức đau khổ trong thế giới đầy thương tích này" làm cho sứ điệp Phục Sinh có ý nghĩa hơn.

Ngài nói: "Trong trái tim chúng ta vừa có niềm vui vừa có sự đau buồn, trên gương mặt chúng ta vừa có nụ cười vừa có nước mắt. Đó là thực tại trần thế của chúng ta. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại, Người đang sống và đang đồng hành với chúng ta." Sau đó ngài chúc mừng Phục Sinh bằng 65 thứ tiếng, kể cả Trung Hoa, Ấn Độ và Swahili.

Đức Thánh Cha đến dự nghi thức Phục Sinh trên một trên xe Jeep mui trần, ngài đi ngang một đám đông tràn đầy quảng trường và lan cả sang các đường phố kế cận. Nhiều khách hành hương là người Ba Lan đến để dự lễ phong Chân Phước ngày 1 tháng 5 cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Trong một Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đêm qua, Đức Thánh Cha rửa tội cho sáu người lớn từ Albania, Trung Quốc, Peru, Nga, Singapore và Thụy Sĩ. Ngài đổ nước thánh từ một mảnh sò bằng vàng trên đầu mỗi tân tòng, và sau đó tiếp nhận lễ vật từ tay những người mới chịu phép thánh tẩy.

Đức Thánh Cha nói Phục Sinh là một thời điểm tốt đẹp để các Kitô hữu tự nhủ rằng đức tin ôm ấp tất cả mọi sự về nhân loại, từ nguyên thủy cho đến định mệnh vĩnh cửu.

Ngài nói: "Đời sống trong đức tin của Giáo Hội bao gồm nhiều hơn là một số cảm xúc và cảm tưởng và có lẽ cả những bổn phận luân lý nữa."
 
Sri Lanka: người dân đổ xô đi mua DVD về ĐGH Gioan Phaolô II
Tiền Hô
08:09 26/04/2011
Colombo, 26 Tháng Tư 2011 (UCANEWS) - Người Công giáo đang đổ xô đi mua DVD về cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sắp được phong chân phước vào ngày 1 Tháng Năm tại Rôma bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Rất nhiều người ở Sri Lanka tưởng nhớ Đức Gioan Phaolô II vì ngài đã từng có chuyến viếng thăm tới quốc gia này vào Tháng Giêng năm 1995, lúc ấy ngài đã phong chân phước cho Cha Joseph Vaz, được mệnh danh là "Tông đồ xứ Tích Lan" trong một thánh lễ đặc biệt tại Colombo.

Pinnelawattege Winifreeda Iranganie - cô mậu dịch viên tại một thư quán Công Giáo ở Colombo cho biết: "Đang có một nhu cầu rất lớn tìm mua DVD "Blessed on the Powerful True Story" khi nó lần đầu tiên xuất hiện tám tháng trước đây, bây giờ chúng tôi chỉ còn có 2 DVD này mà thôi". Còn ông Dilantha Gunaratne - quản lý một cửa hiệu bên ngoài Tòa Tổng Giám Mục Colombo nói: "Người ta tới đây và hỏi mua DVD về vị Giáo Hoàng này và cho đến bây giờ chúng tôi đã bán được rất nhiều. Giờ chỉ còn có 5 DVD".

Theo Cha Priyantha Silva - cố vấn về nghệ thuật thánh và kiến trúc của Tổng Giáo Phận Colombo cho biết, hầu hết người dân Sri Lanka đang rất hạnh phúc khi biết tin vị Giáo Hoàng từng đến thăm quốc gia của họ sắp được phong chân phước. Cha nói, "Tôi vẫn còn lưu giữ tấm vải trắng trải trên bàn thờ ở lễ đài năm ấy. Bây giờ nó rất có giá trị vì nó đã từng được chạm vào vị thánh tương lai".

Cha Sriyananda Fernando - linh mục quản xứ nhà thờ Grand Street ở Negombo (phía bắc Colombo) nhớ lại một gặp gỡ với Đức Gioan Phaolô II: "Ngài là một mẫu người đơn giản và nói ít. Ngài rất sùng đạo và những lời ngài nói khi tôi được gặp ngài rất cảm động".

Sunimal Fernando - một giáo lý viên biết, ông đã có cơ hội gặp được Đức Gioan Phaolô II khi ngài cử hành một Thánh Lễ tại Colombo. Ông nói: "Chúng tôi vô cùng hoan nghênh và vui sướng khi nghe thông báo về lễ phong chân phước cho ngài. Đó sẽ là một dịp quan trọng, bởi vì ngài luôn là một tấm gương điển hình về đời sống tâm linh".

Đức Gioan Phaolô II làm Giáo Hoàng trong gần 27 năm, ngài qua đời năm 2005. Vatican đã xác nhận việc chữa lành cho một nữ tu người Pháp Marie Simon-Pierre khỏi bệnh Parkinson qua lời cầu bầu của ngài. Các nhà nghiên cứu của Giáo Hội đồng thuận rằng, không có lời giải thích về y học cho việc chữa lành này.
 
Trung Quốc: Giám Mục hầm trú tại Lạc Dương qua đời
Tiền Hô
08:09 26/04/2011
Trung Quốc, 26 Tháng Tư 2011 (UCANEWS) - Đức Giám Mục Phêrô Li Hongye của giáo phận Lạc Dương đã qua đời vì bị một cơn đau tim trong khi ngài đang chủ tế Thánh Lễ Vọng Phục Sinh vào hôm Thứ Bảy Tuần Thánh, 23 Tháng Tư 2011.

Một nguồn tin từ Giáo Hội cho biết, "cơn đau tim đến bất ngờ khi Đức Giám Mục đang làm phép nước thánh rửa tội. Xe cứu thương đã từ chối khẩn trương chở ngài đến bệnh viện vì họ đánh giá rằng tình trạng của ngài không thể cứu chữa được". Vị giám mục "ngầm" 91 tuổi không được chính phủ công nhận đã qua đời lúc 10:30 tối, sau khi đã lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân.

Tang lễ của ngài dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29 Tháng Tư tại huyện Công quê nhà, cách Lạc Dương khoảng 50 km về phía đông. Mặc dù quan chức chính quyền cũng đang khuyến khích người Công Giáo tham dự vào tang lễ này, nhưng Giáo Hội vẫn mong rằng lực lượng an ninh sẽ không làm căng thẳng như trong đám tang của các vị giám mục hầm trú ở miền bắc Trung Quốc.

Theo cáo phó của giáo phận, Đức Giám Mục Li sinh năm 1920 trong một gia đình Công giáo, ngài vào chủng viện năm 17 tuổi. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1944, ngài phục vụ trong giáo xứ cho đến khi bị bắt vì đức tin của mình vào năm 1955. Năm 1985, ngài được trả tự do và trở lại làm việc trong giáo phận. Hai năm sau, Lễ tấn phong ngài làm Giám Mục Lạc Dương diễn ra cách bí mật. Ngài lại bị bắt vào năm 2001 và bị quản chế tại nhà thờ Mẹ Thiên Chúa ở trung tâm thành phố Lạc Dương cho đến khi bị bệnh tim vào năm 2004, sau đó ngài trở về quê nhà để nghỉ dưỡng bệnh.

Do thiếu các giáo sĩ, thiếu sự hỗ trợ tài chính và các địa điểm thực hành tôn giáo, Lạc Dương là một trong những giáo phận kém phát triển nhất tại Trung Quốc. Hiện tại có khoảng 10.000 người Công Giáo, với 18 linh mục "ngầm" và 1 linh mục "công khai" phục vụ.

Hầu hết các nhà thờ trong giáo phận đều không được trả lại cho Giáo Hội hoặc đã bị phá hủy để phát triển thành phố. Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa được xây dựng lại vào năm 2005, nhưng là địa điểm tôn giáo chỉ dành cho cộng đồng "công khai" trong giáo phận, còn người Công Giáo hầm trú thường phải dự lễ tại gia.

Lạc Dương nằm ở tỉnh Hà Nam, vốn là một trong bốn cố đô của Trung Quốc. Mười ba triều đại phong kiến đã chọn đây làm kinh đô của họ. Năm 1908, những nhà truyền giáo người Ý đã thiết lập một điểm truyền giáo tại Lạc Dương. Tòa Thánh lập Phủ doãn Tông Tòa năm 1929 và nâng lên thành giáo phận vào năm 1946.
 
Ông George Weigel bác bỏ các chỉ trích về tiến trình phong chân phước quá nhanh
Nguyễn Trọng Đa
17:33 26/04/2011
Ông George Weigel bác bỏ các chỉ trích về tiến trình phong chân phước quá nhanh

Roma – Ông George Weigel, là học giả và người viết tiểu sử giáo hoàng, bác bỏ các chỉ trích về tiến trình phong chân phước quá nhanh cho ĐTC Gioan Phaolô II, khi ông nói các lời cáo buộc, rằng ĐTC phải chịu trách nhiệm về các vụ bê bối xảy ra trong triều đại Ngài, là hoàn toàn vô căn cứ.

Phát biểu với hãng tin CNA trong cuộc phỏng vấn ngày 25-4, ông nói: “Việc điều tra cuộc đời ĐTC Gioan Phaolô II là rất kỹ lưỡng, và kết quả làm thành bốn tập sách dày”. Trước tiên, ông Weigel, tác giả cuốn tiểu sử năm 1999 của ĐTC Gioan Phaolô II mang tên “Chứng nhân cho Hy vọng”, phản đối các lời cho rằng tiến trình phong chân phước cho Ngài đã đi quá nhanh.

Ông nói: “ĐTC Gioan Phaolô II được miễn thời gian chờ đợi năm năm thường theo quy định, từ lúc chết đến lúc chính thức bắt đầu tiến trình phong chân phước, giống như trong trường hợp của Mẹ Teresa - một thí dụ khác, do có sự xác tín phổ biến về sự thánh thiện của người đã khuất”.

Ông Weigel cũng thảo luận lập luận cho rằng các vụ bê bối lạm dụng tình dục được dưa ra ánh sáng dưới triều của ĐTC Gioan Phaolô II - cũng như các vấn đề đã nổi lên với linh mục Marcial Maciel, người sáng lập Tu hội “Quân binh Chúa Kitô” - là các yếu tố không có lợi cho vụ phong chân phước.

Ông giải thích: “Trong thực tế, tại Mỹ và các nước khác, phần lớn các trường hợp lạm dụng đã không xảy dưới triều của ĐTC Gioan Phaolô II, mặc dù các sự phát hiện này xuất hiện dưới thời Ngài”.

"ĐTC Gioan Phaolô II là một nhà cải cách vĩ đại của chức linh mục, và sứ vụ truyền chức linh mục của Giáo hội có hình dạng tốt hơn ngày hôm nay, nhờ ngài, hơn là so với thời năm 1978."

Ông nói thêm: “Nếu người ta không hiểu được như thế, người ta sẽ không ở trong vị thế an toàn rất an toàn, để có thể đánh giá ĐTC Gioan Phaolô II đã xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng này như thế nào, khi nó bung ra trước mặt công chúng năm 2002".

Ông Weigel cũng nhìn nhận rằng một số Văn phòng của Tòa thánh, nhất là Thánh bộ Giáo sĩ, "đã chậm hơn so với chức năng cần có của họ để nhận ra được bản chất của vấn đề ở Mỹ và đề nghị các thuốc chữa thích hợp cho nó”.

Tuy nhiên, về phía ĐTC Gioan Phaolô II, ông nói: “Một khi sự việc trở nên rõ ràng, vào tháng 4-2002, là các giám mục Mỹ không xử lý được, và cần có sự can thiệp của ĐTC, Ngài đã can thiệp và nói rõ ràng rằng ‘không có chỗ trong hàng linh mục cho những người lạm dụng tình dục người trẻ’”.

Về mối tương quan của ĐTC Gioan Phaolô II với linh mục Maciel, ông Weigel nói rằng ĐTC đã bị cựu linh mục này "lừa dối”, cùng với "rất nhiều, rất nhiều người".

Nhà viết tiểu sử của Giáo hoàng nói rằng các câu hỏi liên quan duy nhất với việc phong chân phước là “liệu việc ĐTC Gioan Phaolô II không nhìn thấy các sự lừa đảo của cha Maciel là hoặc chủ ý, hoặc bị mua chuộc hay hiểm độc hay không".

Ông Weigel giải thích rằng tình hình đầu tiên có nghĩa là "Ngài biết các xảo trá của cha Maciel và không làm gì hết cho tình hình này", và tình hình thứ hai có nghĩa là "Ngài biết rằng Maciel là một kẻ gian lận bệnh lý xã hội và Ngài không quan tâm".

Ông nhấn mạnh: “Không có bằng chứng nào có thể duy trì một câu trả lời tích cực cho bất kỳ câu hỏi nào như trên. Thậm chí việc nghĩ rằng trường hợp này có thể xảy ra là hoàn toàn bỏ quên tính tình của cố Giáo hoàng”.

Ông Weigel nói thêm rằng “thật là không cân xứng chút nào, từ bất kỳ quan điểm lịch sử quan trọng nào để tập trung sự chú ý vào cha Maciel tại thời điểm phong chân phước cho ĐTC Gioan Phaolô II, vì trường hợp của cha chỉ đưa ra một cửa sổ không cần tiết lộ trong suốt hai mươi sáu năm rưỡi làm Giáo hoàng của Ngài, và triều đại Ngài đã làm thay đổi lịch sử của Giáo Hội và thế giới".

Ông Weigel cũng nói đến lời chỉ trích rằng ĐTC Gioan Phaolô II không làm tròn trách vụ, khi họ nêu ra sự suy giảm của Kitô giáo ở châu Âu trong các thập niên gần đây, cũng như các vụ bê bối dưới triều đại Ngài.

Ông nói: “Ngài không thất bại đâu, và ai cho rằng Ngài thất bại là đang sống trong một nơi rất xa lạ".

"Việc làm môn đệ Kitô độc đáo của Ngài và năng lực vượt trội của mình cho cam kết này đã chiếu sáng qua lời nói và việc làm của Ngài, làm cho Kitô giáo trở nên thú vị và hấp dẫn lần nữa trong một thế giới, vốn nghĩ rằng nó đã phát triển nhanh ‘nhu cầu’ cho đức tin tôn giáo."

Nhà viết tiểu sử nói thêm: “Cố ĐTC là một người can đảm phi thường. Chống lại các quy ước văn hoá của thời đại mình, Ngài chứng minh rằng giới trẻ muốn bị thách thức sống cuộc sống chủ nghĩa anh hùng của họ".

Ông Weigel nói: "Ngài nâng phẩm giá của con người lên và tuyên bố tính phổ quát của nhân quyền, trong một cách đã giúp làm giảm sự chuyên chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại".

Ông kết luận: “Nếu đây là sự ‘thất bại’ của ĐTC, tôi không biết sự thành công của ĐTC là sẽ như thế nào nữa”. (CNA / EWTN News 25-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Nhìn lại một số mục vụ của Ngài trong triều đại 26 năm
Lê Ngọc Châu
17:35 26/04/2011
Lời mở đầu: Đã có nhiều bài của quý Cha, của những bậc thức giả viết về cố Đức Giáo Hoàng John Paul II (Gioan Phaolô II). Tôi mạo muội tóm lược một số tài liệu thu thập và ghi lại ra đây để giới thiệu cùng quý độc giả nhân dịp Đại Lễ phong Thánh Ngài vào ngày 01-05-2011 tại Roma, một vị chủ chiên tôi kính mến qua lập trường của Ngài, không "phi chính trị". Thái độ, việc làm của Ngài phản ảnh rõ rệt là "Tôn Giáo" không thể nào tách rời khỏi "chính trị" được. Vì bài viết có giới hạn nên chắc chắn không sao tránh khỏi sơ sót. Kính mong quý Cha, quý vị hoan hỷ cho cũng như mong được đón nhận những góp ý có tính cách xây dựng dựa trên tinh thần học hỏi và cầu tiến. Trân trọng cám ơn (LNC)

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô II tên thật là Karol Józef Wojtyla, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, Ba Lan và mất vào ngày 2 tháng 4 năm 2005, là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma, người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Ngài lấy tông hiệu Gioan Phaolô II (tiếng Anh: John Paul II). Cho đến khi qua đời, triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kéo dài hơn 26 năm, dài thứ hai trong lịch sử Giáo hội, sau triều đại của Giáo Hoàng Piô IX (dài 32 năm).

Ngài là vị Giáo Hoàng duy nhất người Ba Lan và là Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Giáo Hoàng Ađrianô VI năm 1520. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tạp chí TIME chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21. Mặc dù chưa chính thức được phong thánh nhưng năm 2008 ĐGH được chọn là một trong những vị quan thầy bảo trợ cho Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney / Úc Châu.

Trong triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hoàng Gioan Phaolo II không bao giờ chịu giam mình trong những bức tường của toà thánh Vatican. Ngài công du liên miên và đến thăm hầu như tất cả các cộng đồng Thiên Chúa Giáo lớn trên thế giới, đã thực hiện 104 chuyến tông du tại hơn 129 quốc gia, có thể nói được 14 ngôn ngữ (ngoài tiếng Ba Lan còn có tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và một chút tiếng Việt).

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài, chủ nghĩa duy vật, các phương pháp phá thai, thuyết tương đối và cách thức chết êm dịu. Ngài cũng được coi là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu.

Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã:
* đứng ra xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ;
* đứng ra hòa giải với Chính thống giáo Đông phương và Do Thái giáo, Anh giáo,
* tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật giáo, Khổng Giáo, Chính thống giáo Đông phương, Do Thái giáo, Cao Đài và Hồi giáo;
* đến thăm một ngôi đền Hồi giáo ở Syria cũng như tổ chức ra Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới hằng năm
* và đã đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem.

Đường đến Vatican của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Khi còn trẻ Karol Józef Wojtyla rất ưa cuộc sống năng động và dành nhiều sức lực để chơi các môn thể thao như bóng đá và trượt tuyết.

Dưới chế độ chiếm đóng của phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến, Ngài bí mật nghiên cứu thần học cùng kinh thánh và được phong chức linh mục ngày 1/11/1946. Sau một thời gian du học ở Ý, năm 1948 cha Wojtyla đã đậu bằng tiến sĩ thần học tại Rome.

Từ năm 1948 đến 1951, cha Karol Wojtyla là linh mục phụ trách vùng Krakow, một đô thị cổ nổi tiếng ở Ba Lan. Sau đó, Ngài quay lại nghiên cứu triết học tại Đại học Jagiellonian, cũng toạ lạc ở thành phố cổ kính này. Ngoài ra, Ngài còn tham gia giảng dạy môn đạo đức học trong trường dòng Krakow, giai đoạn từ 1952-1958.

Cha Karol Wojtyla trở thành giáo sư tại Đại học Liblin vào năm 1956. Hai năm sau, Ngài được Giáo Hoàng Pius XII tấn phong làm phụ tá giám mục ở Krakow.

Ngày 30/12/1963, Giáo Hoàng Paul VI tấn phong Đức Cha Wojtyla làm Tổng Giám Mục giáo phận Krakow.

Với tư cách tổng giám mục, Đức Cha Karol Wojtyla tham dự nhiều phiên họp quan trọng của toà thánh Vatican. Ngài được biết đến rộng rãi trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo quốc tế với vai trò là tác giả của cuốn "Gaudium et spes", một công trình đề cập đến tình hình giáo hội trong thế giới hiện đại.

Giáo Hoàng Paul VI tấn phong Tổng giám mục Karol Wojtyla làm Hồng Y Giáo Chủ ngày 26/6/1967.

Gần 11 năm sau, Hồng Y Karol Wojtyla đã đạt đến đỉnh cao nhất trên con đường thăng tiến trong hàng giáo phẩm khi đăng quang nhậm chức Giáo Hoàng vào ngày 16/10/1978. Đây là vị Giáo Hoàng lần đầu tiên sau gần 5 thế kỷ không phải là người Ý kể từ thời Giáo Hoàng Hadrian VI (1459-1523). Đức Cha Karol Wojtyla lấy tên hiệu là Gioan Phaolô II, sau khi được Hồng Y đoàn bầu chọn làm giáo hoàng sau hai ngày họp trong nhà nguyện Sistine.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nổi tiếng là người đi nhiều nơi nhất trên thế giới trong lịch sử Vatican. Bên cạnh đó, Ngài cũng nhạy cảm với các vấn đề chính trị quốc tế qua thái độ phản đối mạnh mẽ lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba, Libya, I-Ran và I-Rắc. Đặc biệt là quan điểm phản đối chiến tranh trong cuộc chiến I-Rắc do Mỹ-Anh phát động đầu năm 2003.

Năm 1981, một tay súng người Thổ Nhĩ Kỳ âm mưu sát hại Giáo hoàng Gioan Phaolô II ngay tại Quảng trường St Peter ở Rome. Người đứng đầu toà thánh Vatican phải nằm viện gần 3 tháng vì vụ ám sát này. Sau đó, đích thân Ngài lại đến thăm kẻ từng nổ súng bắn mình đang bị giam giữ. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giành được nhiều cảm tình trong cộng đồng các tín đồ của chúa Jesus trên khắp thế giới qua hành động độ lượng này.

Tuy vậy, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đôi khi cũng phải phải nhận những ý kiến chỉ trích, đặc biệt là về quan điểm của Ngài trong những vấn đề gây tranh cãi như ly dị, việc sử dụng phương pháp tránh thai và nạn nạo phá thai. Tại một hội nghị ở Vatican năm 2001, Giáo Hoàng công khai chống lại các đạo luật cho phép ly dị, nạo phá thai, hôn nhân đồng tính và sự chung sống của những cặp chưa kết hôn.

Ngoài ra, có thể nói Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đã thay đổi tình hình chính trị nước Ba Lan, có công lao to lớn trong việc bảo vệ hòa bình, đoàn kết các dân tộc và tôn giáo. Ngài là biểu tượng của lòng tin tạo nên sức mạnh phi thường cho nhân dân Ba Lan đã can đảm đứng lên xóa bỏ chế độ cộng sản bất công và tàn bạo trong năm 1989, gây nên phản ứng dây chuyền làm sụp đổ toàn bộ hệ thống khối cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô, góp phần quan trọng cho công cuộc tranh đấu vì tự do, dân chủ, bình đẳng và bác ái trên toàn thế giới. Lời nói nổi tiếng của Ngài trước cả triệu người trên Quảng trường Chiến Thắng trong dịp hành hương về đất mẹ Ba Lan khi còn là cộng sản, trong năm 1979, vẫn luôn luôn hiện hữu trong lòng người dân Ba Lan: “Xin chúa hãy hiển linh – Để thay đổi diện mạo của mảnh đất này!” và “Các con đừng sợ hãi !”.

Chính vì thế Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được đánh giá là người Ba Lan vĩ đại nhất!

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không phải chỉ được người Ba Lan tôn kính, tôn vinh Ngài là Người Ba Lan vĩ đại nhất, mà được cả nhân dân trên toàn thế giới ngưỡng mộ về di sản cống hiến của Ngài cho nhân loại. Nhân dân Ba Lan hy vọng rằng tiến trình thủ tục phong Thánh của Vatican kết thúc nhanh chóng và Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực sự trở thành Vị Thánh của Ba Lan và các tín hữu Công giáo nói chung.

Từ sau khi chế độ cộng sản Ba-Lan sụp đổ, vào tháng 12 năm 1990, có nguồn dư luận khắp thế giới cho rằng chính Giáo Hoàng Gioan PhaoLồ II, vốn là người Ba-Lan, đã có công lật đổ bộ máy cai trị vô thần, giải phóng cho quê hương Ba Lan và đồng hương mình.

Trước đó, đầu năm 1989 các nước Xô-Viết Đông Âu trong khối Liên-Xô (USSR=United Soviet Socialist Republics= Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô-Viết) đã bị giải thể và tiếp theo là đảng cộng sản Hung-Gia-Lợi đã bị sụp đổ, nhân dân Hung thoát khỏi ách cộng sản kể từ tháng 10 năm 1989. Ngoài Ba-Lan, có nguồn dư luận còn nói rằng Giáo Hoàng Gioan PhaoLồ II cũng là người đã chấm dứt luôn cả các chế độ cộng sản khác tại Đông Âu (?).

Trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, xuất bản năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về chủ nghĩa cộng sản như sau:

“Điều mà chúng ta gọi là chủ nghĩa cộng sản thì thực ra đã có lịch sử rồi. Đó là lịch sử phản kháng khi đương đầu với bất công mà tôi đã nhắc đến trong thông điệp Laborem Exercens – Sự phẫn nộ chính đáng của giới thợ thuyền tiếp theo đã biến thành một ý thức hệ. Những sự phản kháng này cũng đã trở thành một phần trong các giáo huấn của Giáo Hội... Thực tế, chính Đức Giáo Hoàng Leo XIII, theo một nghĩa nào đó, Ngài đã tiên đoán chế độ cộng sản sẽ sụp đổ, một sự sụp đổ mà nhân loại, nhất là Âu Châu, phải trả một giá rất đắt, bởi vì phương thuốc chữa trị, theo Ngài viết từ năm 1891 trong bức thông điệp này, có thể chứng tỏ còn độc hại hơn là chính con bệnh. Đức Giáo Hoàng (Leo XIII) đã nói điều này với thái độ nghiêm chỉnh và uy quyền của bậc Thầy trong Giáo Hội.”

Trong một đoạn khác, Ngài đã viết:

“Vì thế, thật quá đơn giản hóa khi cho rằng Thiên Chúa Quan Phòng đã trực tiếp gây ra sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Theo một nghĩa nào đó, chủ thuyết cộng sản như là một hệ thống đã tự nó sụp đổ. Chính do hậu quả của những lầm lạc và lạm dụng vô độ của chủ nghĩa đã đưa đến sự sụp đổ của chế độ. Chủ nghĩa cộng sản chứng tỏ là “một phương thuốc còn nguy hiểm hơn chính con bệnh.” Chủ thuyết này muốn đem lại một cuộc đổi mới xã hội thật sự, nhưng đã không thành công khi nó trở thành một mối đe dọa mạnh mẽ và sự thách đố kinh hoàng cho toàn thế giới. Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vì những suy yếu nội tại của chính nó !”

Ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng đối với sự giải thể của chế độ cộng sản Ba Lan đã được diễn tả khá sinh động trong cuốn “His Holiness Gioan Phaolô II and The Hidden History of Our Time” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Lịch Sử Bí Ẩn của Thời Đại Chúng Ta) mà tác giả là Carl Bernstein và Marco Politi.

Đức Giáo Hoàng đã đã đến thăm Ba Lan lần thứ hai vào ngày 16.6.1983. Sau khi quỳ xuống hôn mảnh đất quê hương, Ngài đã lên tiếng " kêu gọi những người đang bị bắt " ở Ba Lan:

“ Cha kêu gọi những người bị đày đọa hãy đến đây với cha. Cha kêu gọi lời này thay lời Chúa Jesus: Cha đã bị ốm và các con hãy đến thăm cha. Cha bị giam cầm, các con hãy đến với cha. Bản thân cha không thể tới thăm các con chiên đang bị giam cầm, đến thăm tất cả các con chiên đang bị đày đọa. Nhưng cha kêu gọi họ hãy đến với cha trong tinh thần giúp đỡ cha, như họ vẫn luôn làm!”. Tuy là lời gọi đơn giản nhưng theo tôi rất sâu sắc, hàm chứa cả một ẩn số trong đó.

Cũng như đa số người Việt, người công giáo Ba Lan muốn Đức Giáo Hoàng lên tiếng chống chế độ cộng sản Ba Lan bằng một cách nào đó để sớm đưa chế độ này đến chỗ sụp đổ. Họ muốn Ngài nói tiếng “Solidarity” biểu tượng cho phong trào Công Đoàn Đoàn Kết. Các ký giả Tây phương cũng vậy. Nhưng Ngài đã không nói theo cách họ trông đợi mà giảng về một đề tài phức tạp hơn: “Hãy phân biệt rõ cái tốt và cái xấu”. Ngài nói: “Tùy vào các con mà có thể ngăn được sự suy đồi luân lý hay không, nói lên sự đoàn kết giữa con người hay không.”

Buổi tối, hàng chục ngàn người đã diễn hành... Khi đi ngang qua tòa nhà của Trung Ương Đảng Cộng Sản Ba Lan, đoàn thanh niên đã hô to: “Solidarity! Solidarity! Walesa! Dân Chủ!.” Sau khi họ tập trung lại, Đức Giáo Hoàng nói: “Con người được kêu gọi để chiến thắng chính mình. Chính các vị thánh và các chân phước sẽ chỉ lối cho chúng ta con đường chiến thắng – sự chiến thắng mà Thiên Chúa đã đạt được trong lịch sử nhân loại.” Sự chiến thắng ấy đòi hỏi “lối sống trong sự thật, nghĩa là biết yêu thương người lân cận, nghĩa là biết đoàn kết giữa con người, nghĩa là trở về với lương tâm, gọi thẳng tên sự lành và sự dữ chứ không mập mờ, nghĩa là phát triển nơi sự lành và tìm cách sửa sai sự dữ từ chính nơi ta.”

Rõ ràng, tất cả tùy thuộc vào dân trí, vào sự nhận định giá trị đời sống xã hội một chế độ dựa trên căn bản tốt - xấu và sức mạnh đoàn kết của con người!

Khi đến tu viện Black Madona ở Czestochova, Đức Giáo Hoàng đã nói với giới trẻ Ba Lan:

“ Các con đến với Đức Mẹ mang theo trái tim thương tích bởi những sầu muộn, có khi cả những thù hận. Sự hiện diện của các con biểu lộ được một sức mạnh khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng khi thấy người công dân Ba Lan dùng chính bản thân làm phương tiện tranh đấu, với Phúc Âm trong tay, với lời kinh trên môi. Những hình ảnh ấy vào năm 1980 đã làm cho trái tim và lương tâm thế giới vô cùng xúc động ”.

Sau đó, trước sự chứng kiến của khoảng một triệu người, Đức Giáo Hoàng dâng lên Đức Mẹ tấm đai thắt lưng có một lỗ đạn do Ali Agca bắn vào Ngài tại Công Trường Thánh Phêrô. Cả một khối người chăm chú. Họ hô lên: “Xin ở lại với chúng con! Xin ở lại với chúng con!”...

Có người cho rằng các chế độ cộng sản Đông Âu đã sụp đổ là do những mục nát từ bên trong. Nhưng trong thập niên 1980 hai chế độ cộng sản Việt Nam (csVN) và Cuba còn mục nát hơn các chế độ cộng sản Đông Âu. Hơn nữa lúc đó, csVN đã sống bám vào các chề độ cộng sản Đông Âu và đã trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tại sao hai chế độ này đã không sụp đổ, vẫn còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay?.

Tờ “Inside the Vatican” (Bên Trong Vatican) số ra ngày 4.4.2005, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục Cologne ở Đức, người đã từng sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức, cho biết người dân ở đó ghi ơn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vì Ngài đã giúp làm sụp đổ chế độ cộng sản DDR (Đông Đức cũ).

Riêng với Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã chủ sự, cử hành trọng thể Đại Lễ Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam cho 117 Chân Phước Tử Đạo lên hàng Hiển Thánh, tại Quảng Trường Thánh PhêRô Vatican vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

" Để nhắc nhớ tinh thần tử đạo bất khuất của tiền nhân Việt Nam theo đạo Công Giáo bị bách hại, trong tâm tình hiệp thông cầu nguyện cho cho giáo dân ở Tam Tòa (giáo phận Vinh) và giáo dân ở Thái Hà (giáo phận Hà Nội) cùng khối tín hữu Công Giáo ở quốc nội đang bị nhà nước Việt Cộng bách hại."

Trong Thánh Lễ Tạ Ơn ngày 20 tháng Sáu 1988 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, do Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đồng tế với 6 Giám Mục và 280 Linh Mục Việt Nam. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đặc biệt đã xuất hiện nơi cửa sổ, nói tiếng Việt, chào mừng hàng chục ngàn người Việt từ 27 quốc gia hành hương tham dự đại lễ Phong Thánh:

- " Việt Nam thân mến, Cha gởi lời chào chúng con từ bốn phương trời hướng về La Mã, vì Ngài hoàn toàn muốn chúng ta tử đạo, gìn giữ Giáo Hội chúng con. Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng con, và Cha cầu chúc cho chúng con sống xứng đáng đời sống Con Cháu các Vị Anh Hùng ! "

Như quý vị biết, ngoài đồng hương đang sinh sống tại Ý còn có rất nhiều người công giáo Việt đã về Roma tham dự Lễ Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam nói trên như từ Mỹ, Úc Châu, Á Châu hay từ nhiều quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu: Anh, Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Hoà Lan Bỉ, Na Uy, Ba Lan. .. Dĩ nhiên không thiếu phái đoàn từ Đức gồm những vị lãnh đạo tinh thần và tín hữu.

Đức Hồng Y Karol Josef Wojtyla, người Ba Lan đã trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử Công Giáo La Mã, cũng là vị Giáo Hoàng trẻ nhất và xuất thân từ một quốc gia lúc đó đang bị cai trị bởi chế độ cộng sản và những ý thức hệ vô thần. 8 tháng sau khi thụ phong Ðức Giáo Hoàng, Ngài đã vội vã trở về thăm quê hương Ba Lan.

Trước những lời khích lệ của Ngài, rằng người dân Ba Lan hãy tự đứng trên đôi chân của mình, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tại cầu cảng Gdansk, Công Ðoàn Ðoàn Kết ra đời dưới sự hướng dẫn của một người Công giáo mộ đạo, ông Lech Walesa, người sau này trở thành Tổng thống Ba Lan.

Cựu Tổng Thống Ba Lan nói, ông là người có đức tin, có đạo. Từ vị thế này ông Walesa đã hướng tới Đức Giáo Hoàng và coi Ngài như Thánh Phêrô hiện đại. Dưới đôi mắt của Walesa, Ngài là vị thánh Phêrô trong thời đại của chúng ta. Nhìn từ góc độ khác, Ngài đã ảnh hưởng rất lớn tới nhiều phương diện của cuộc sống.

Cũng theo ông Walesa, nếu không có Ngài, thế giới chắc vẫn còn chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa cộng sản sẽ còn tiếp tục tồn tại Ba Lan và cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều đau khổ. Ngài đã mang lại hy vọng, đã thức tỉnh người dân. Từ đó người dân đã vùng dậy lật đổ chế độ cộng sản vô thần. Ngày nay Ba Lan và Ðông Âu đã có tự do.

Cùng với phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết tại Ba Lan, hàng loạt các phong trào dân chủ khác lần lượt ra đời ở Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi cũng như tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR) thời đó. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đã soi đường mở lối cho các Giáo Hội thầm lặng hoạt động, những Giáo Hội này tấn phong những Linh mục và hoạt động mạnh tại Ðông Âu mặc dù bị nhiều đàn áp của chế độ cộng sản. Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu các nhà thờ hãy tạo cơ hội cho các lực lượng dân chủ gặp gỡ và họp mặt.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra tầm nhìn xa của mình trên lãnh vực chính trị. Năm 1989, khi xem cảnh tượng bức tường Berlin (người Việt mình thường gọi là bức tường ô nhục Bá Linh) sụp đổ, một Tiến sĩ thần học người Tiệp là Ðức Cha Tomas Halik đã không tin khi Đức Giáo Hoàng nói với ông rằng, chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ sụp đổ nhanh chóng trên quê hương ông. Hơn một tháng sau lời Ngài đã trở thành sự thật với cuộc cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc!

Những cuộc cách mạng "thanh bình, hầu như không đổ máu năm 1989" cho thấy sự đòi hỏi tự do của người dân không có gì đáng ngạc nhiên cả. Điều này phải xảy ra từ những nhận thức về những phẩm cách vô giá và giá trị của con người và nó không thể đi kèm với những tội ác chà đạp lên nhân phẩm con người !

Tất cả các quốc gia theo chủ nghĩa độc tài đều đi ngược lại với giá trị nhân phẩm, nó tấn công vào giá trị cao quí giá nhất của con người, đó là cuộc sống. Những cuộc cách mạng năm 1989 được hình thành bởi công sức của những con người dũng cảm đầy nghị lực, khởi đầu từ sự nhận thức của người dân đòi hỏi có một cuộc sống nhân bản, tự do và dân chủ.

Cho nên đối với người dân Ðông Âu, không phải Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan hay ông Mikhail Gorbachev (Nga Sô) đã có công đưa họ thoát khỏi chế độ cộng sản mà theo họ, chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị ân nhân.

Sau khi cuộc cách mạng dân chủ thành công, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vội vã tới thăm những quốc gia Đông Âu, không kể tới các nguyên tắc của Tòa Thánh Vatican, để ủng hộ tinh thần cho những người dân vừa mới thoát khỏi bóng đêm dưới chế độ cộng sản.

Hơn hai thập niên qua, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở thành một trong những Đức Thánh Cha năng động nhất trong lịch sử toà thánh. Và trong 26 năm tại chức, mặc dù Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đối với Ngài, Ba Lan và thành phố Krakow vẫn là nơi đẹp nhất trong trái tim Ngài.

Ngày 2 tháng 4 năm 2005, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vĩnh viễn ra đi. Ngài đã để lại 14 Enzykliken (tạm phóng dịch: chỉ dụ của Giáo Hoàng La Mã). Ngày 08. April 2005, khoảng 200 chính khách trong đó có rất nhiều nguyên thủ quốc gia từ khắp nơi trên thế giới và khoảng ba trăm ngàn tín hữu đã về Rom tiễn đưa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến nới an nghỉ cuối cùng.

Người Công giáo La Mã mất đi một vị chủ chăn. Dân chúng Ba Lan mất đi một người đồng hương tôn kính và người dân Ðông Âu mất đi người đã giải phóng tinh thần cho họ khỏi chế độ cộng sản độc tài.

Hai tháng sau khi Ngài mất, Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI đã nói với các linh mục tại Rome cho biết chính thức bắt đầu tiến trình phong thánh cho người tiền nhiệm, cố ĐGH Gioan Phaolô II sớm hơn thời gian theo thông lệ phải đợi là 5 năm sau ngày qua đời.

Ngày 02. April 2007, nhân ngày kỷ niệm hai năm ĐGH Gioan Phaolô II qua đời, Tòa Thánh Vatcan đã thông báo kết quả giai đoạn đầu tiên về phương thức phong Chân Phước.

Ngày 11. Januar 2011, ủy ban thẩm định gồm hồng y giáo chủ và giám mục (Kardinäle und Bischöfe) đã xác nhận Gioan Phaolô II sẽ được phong thánh.

Ngày 14. Januar 2011, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 ấn định ngày phong Chân Phước cho cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là ngày 01. Tháng 5 năm 2011.

Lần đầu tiên, Lễ Phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Vatican vào ngày 1 tháng 5 sẽ được thu hình Ba Chiều 3D, đánh dấu một nghi thức mới với kỹ thuật này.

Việc thu hình do hãng SONY và Trung Tâm Truyền Hình Vatican thực hiện, với một hệ thống giàn di động được Trung Tâm Truyền Hình Vatican thiết lập gần đây, với sự tài trợ của Đoàn Hiệp Sĩ Kha Luân Bố. Lần thu hình này sẽ được dùng làm căn bản cho các thử nghiệm kế tiếp với mục tiêu là sẽ phát hình trực tiếp Ba Chiều từ Vatican.

Hàng trăm ngàn du khách hành hương sẽ đến Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican để chứng kiến đại lễ phong chân phước của một trong những Giáo Hoàng nổi tiếng nhất của mọi thời đại. Cư dân Ba Lan, quê hương Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất vui mừng khi nhận được tin tức về sự phong chân phước cho ĐGH Gioan PhaoLô II, trong số đó có ông Lech Walesa (năm 1983 được giải Nobel Hòa Bình), lãnh tụ phe đối lập chống lại chế độ cộng sản Ba Lan và cuối cùng đã chiến thắng, không đổ máu.

Barbara Adaszewska đã nói: "Tôi rất hạnh phúc. Với người Ba Lan chúng tôi, đây là một tín hiệu cho thấy rằng chúng ta nên sống trong nhân phẩm, như Saint Gioan Phaolô đã dạy chúng tôi".

Riêng Walesa nói với báo Times của Ấn Độ: " Đức Giáo Hoàng của chúng tôi đã làm những điều tuyệt vời. Một người là một vị thánh sống sẽ chính thức trở thành một vị thánh.!".

Lê-Ngọc Châu (M_Nam Đức, Mùa Phục Sinh 2011)

Tài liệu tham khảo:
Wikipedia, Internet, Google, tường trình của Việt Hùng (Radio Free Asia),
Vietcatholic,
Tin từ các báo Đức (Kirchenzeitung, Rheinische Post, Süddeutsche Zeitung …..)

PHỤ LỤC:
Một người Việt Nam tại Đức được Đức Giáo Hoàng ban phước lành đặc biệt

Xin được nhắc đến một tín đồ Thiên Chúa Giáo (TCG) mà tôi mới quen biết từ hai năm nay, rất tình cờ qua sinh hoạt xã hội. Trong dịp Tết Tân Mão 2011 vừa qua chúng tôi được mời tham dự và đã ghé thăm anh Rị. Thường thì tín đồ TCG chủ nhật đi lễ nhà thờ nhưng tại đây chúng tôi chứng kiến một Thánh Lễ tại gia dưới sự chủ tế của cha Nguyễn Văn Khải đến từ Roma. Phải công nhận gia đình anh Rị rất sùng đạo và chúng tôi ngạc nhiên không ít là anh vận động thế nào mà đã có gần 40 người sáng chủ nhật đến tham dự Thánh Lễ được tổ chức trang nghiêm tại phòng khách nhà anh trong tinh thần thương yêu nhau như lời rao giảng rất hay và súc tích của cha Khải thuộc dòng Chúa cứu thế hôm đó.

Thêm một ngạc nhiên lớn khác đối với riêng tôi khi tình cờ nhìn mấy bức hình khổ to anh treo trên tường thấy trong lần ghé thăm này, hỏi ra thì anh và gia đình cũng đã về Rom tham dự Lễ Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam cho 117 Chân Phước Tử Đạo lên hàng Hiển Thánh.

Anh thố lộ cho biết là anh và gia đình tỏ lởi tri ân và chân thành cảm tạ các đấng bậc, các vị Mục tử, những bậc thầy, cô, cha mẹ vợ con, anh em họ hàng, bạn hữu, dậy dỗ, hướng dẩn nâng đỡ cho anh từ tuổi thanh thiếu niện cho đến ngày hôm nay.

Anh Vincent Nguyễn văn Rị và gia đình, một thuyền nhân trong số những người công giáo tỵ nạn Việt Nam được tàu Cap Anamur cứu vớt và về sau sang Đức định cư nhưng từ đó đến nay gia đình anh chưa về du lịch Việt Nam. Anh tâm sự, chỉ về lại cố hương khi nào đất nước thật sự có tự do và dân chủ. Một suy tư khác của tôi, không phải tất cả đều tự nhiên mà có. Cũng xin nhắc lại, cho đến nay, Anh Rị là thuyền nhân Việt duy nhất tại Đức được chính phủ Đức trao tặng Huân Chương Thập Tự Sắt Đức (Deutsches Verdienstkreuz) qua thành tích nhiều năm anh tích cực đóng góp cho công tác xã hội tại thành phố Mönchengladbach (MG). Qua những mẫu chuyện với chính khách Đức tại MG và Niederrhein, với ông bà Neudeck trong dịp Tết 2011 vừa qua tôi biết người Đức rất kính nể anh nên thầm khen tính bình dị và sự làm việc rất nhiệt tình của anh Rị.

Hỏi thêm để tìm hiểu thì anh Rị cho hay là đã hai lần được diện kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, được cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chúc phúc và đã được Ngài ưu ái ân thưởng phẩm hàm Huân chương cao qúi cho người giáo dân, với tước hiệu Hiệp Sĩ Toà Thánh Roma. Xin chúc mừng anh dù muộn màng. Xuyên qua những tin tức trên Internet, ảnh hưởng chẳng tốt gì cho người Việt thì tôi nghĩ đây là một vinh hạnh rất lớn cho người Việt tỵ nạn của chúng ta nói chung và cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở Đức nói riêng. Đặc biệt theo cái nhìn hạn hẹp của tôi, Đức khen thưởng ai đã là chuyệt rất hiếm rồi. Nay mới rõ Vatican còn tuyên dương anh Rị, một trong hàng trăm ngàn con chiên Thiên Chúa Giáo, tước hàm " Hiệp Sĩ Toà Thánh Roma " thì tôi khách quan nghĩ nên nói ra đây để cộng đồng Công Giáo, nhất là cộng đồng CGVN Đức ít nhiều cùng hãnh diện vì thành viên của mình đã được Vatican tuyên dương! (Có dịp tôi sẽ giới thiệu thêm về Anh " Hiệp Sĩ Toà Thánh" này), giờ chỉ xin tóm lược dựa theo tài liệu đang có:

- Ông Rị được Đức Giám Mục Chính toà Dr. Heinrich Mussinghoff, kiêm Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Thỉnh nguyện cho Ông được nhận huân công phẩm hàm: Pro Ecclesia et Pontifice (Hiệp Sĩ Toà Thánh)

- Ông và Gia đình được triều yết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại Cartel-Gandolfo Roma ngày 24.07.1985 kỷ niệm 20 năm thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam taị Đức.

- Kim Ngân Nguyễn, Aí nữ Ông Bà Vincent, khi được Cap Anamur cứu chỉ mới có 10 ngày tuổi đã được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Ngài ôm choàng lấy cháu, Ngài thương Giáo Hội Công Giáo cũng như đất nước Việt Nam.

- Ông được ưu ái yết kiến cùng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại Đại Thính Đường Thánh Phêrô Rôma ngày 05.03.2000, ngày kỷ niệm phong chân phước Anrê Phú Yên.

- Đức Ông Karlheinz Collas Tổng Đại Diện, thay mặt cho Đức Giám Mục đến chủ tế Thánh lễ và trao gắn Huân Công Phẩm Hàm Pro Ecclesia et Pontifice Hiệp Sĩ Toà Thánh cho ông Vincent Nguyễn văn Rị tại nhà thờ St. Heilig Geist Moenchengladbach ngày 12.05.2007.

(Nam Đức_25.04.2011)
 
Hoa Kỳ: kết quả khảo sát các ứng viên sắp chịu chức linh mục
Tiền Hô
12:11 26/04/2011
Một cuộc khảo sát trên 329 người nam trong tổng số 480 người dự kiến sẽ được thụ phong linh mục tại Hoa Kỳ trong năm nay cho thấy, lớp linh mục được thụ phong năm 2011 đa số là người Công Giáo có tuổi đời là 31 tuổi, có thực hành đọc Kinh Mân Côi và tham gia vào giờ Chầu Thánh Thể trước khi vào chủng viện. Cuộc khảo sát này do Trung tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Trong Hoạt Động Tông Đồ (Center for Applied Research in the Apostolate) thực hiện.

Một số chi tiết của cuộc khảo sát:

- Tuổi trung bình chịu chức là 31 tuổi
- Linh mục triều: tuổi trung bình là 30; linh mục dòng: tuổi trung bình là 36
- Linh mục triều phần lớn đã sống tại giáo phận của mình trong 15 năm
- 69% là người da trắng, 15% là người Mỹ Latinh, 10% là người Á Châu, và 5% là người Mỹ gốc Phi
- 33% là người sinh ở ngoài Hoa Kỳ, phần lớn đến Hoa Kỳ vào năm 1998 ở tuổi 25; các quốc gia tiêu biểu nhất trong số này là Colombia, Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân, Ba Lan, và Việt Nam
- 52% linh mục triều được sinh ở ngoài Hoa Kỳ
- 8% là người đạo theo, đa số theo Giáo Hội Công Giáo ở tuổi 25
- 60% đã hoàn thành bằng đại học trước khi vào chủng viện
- 47% học tại một trường tiểu học Công Giáo, 39% học tại một trường trung học Công Giáo, và 39% học một trường đại học Công Giáo, 4% là tự học tại gia
- 34% có mối quan hệ với một linh mục hay một tu sĩ dòng
- 82% có cha mẹ đều là người Công giáo
- 37% có từ bốn anh chị em trở lên; 16% có ba anh chị em
- 94% có một công việc toàn thời gian trước khi vào chủng viện
- 8% phục vụ trong quân đội, và 19% có cha mẹ là quân nhân
- 66% được một linh mục giáo xứ linh hướng tìm ơn gọi, 42% được người mẹ khuyến khích đi tu, và 27% được người cha khuyến khích đi tu
- 52% bị một phụ huynh ngăn cản khi xem xét đi tu, 20% là do một linh mục ngăn cản, và 8% là do một tu sĩ dòng ngăn cản
- phần lớn bắt đầu quyết định dự tu lúc 16 tuổi
- 48% đã tham gia vào một đội nhóm giới trẻ trong giáo xứ, 30% tham gia hướng đạo sinh, và 23% tham gia vào Hiệp sĩ Columbus trước khi vào chủng viện
- 21% đã tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và 8% tham dự một hội nghị giáo dục giới trẻ của Đại học Franciscan Steubenville
- 71% từng giúp lễ phục vụ bàn thờ, và 55% từng phục vụ đọc Lời Chúa trong Thánh Lễ
- 70% có đọc Kinh Mân Côi và 65% có tham dự Giời Chầu Thánh Thể trước khi vào chủng viện

(Nguồn: CatholicCulture.org, 26 Tháng Tư 2011)
 
Máu của ĐGH Gioan Phaolô II được trưng bày trong thánh lễ phong chân phước.
Nguyễn Long Thao
15:15 26/04/2011
Máu của ĐGH Gioan Phaolô được trưng bày trong thánh lễ phong chân phước.

Hôm nay văn phòng báo chí Vatican loan báo trong thánh lễ phong chân phước cho ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 1 tháng Năm sắp tới,Tòa Thánh sẽ trưng bày linh hài của đức cố Giáo Hoàng là chính lọ huyết của Ngài đã được y sĩ rút ra khi ngài còn đau yếu nằm trong bệnh viện.

Theo tin của Tòa Thánh thì y sĩ đã rút ra 4 “lọ”(tube) máu của ĐGH và trao cho bệnh Viện Chúa Hài Đồng ở Roma lưu trữ trong trường hợp cần thiết nếu phải tiếp máu cho Ngài. Tuy nhiên máu dự trữ đã không được dùng đến và Ngài đã băng hà vào ngày 2 tháng 4 năm 2005.

Sau khi băng hà, 2 lọ máu của ĐGH đã được trao cho vị thư ký riêng của Ngài là ĐHY Stanislaw Dziwisz đem về Ba Lan lưu trữ. Hai lọ kia trao cho các Nữ Tu Bác Ái Thánh Vinh Sơn lưu trữ tại bệnh viện Bambino Gesu ở Roma.

Một trong hai lọ máu đang lưu trữ tại Roma sẽ được trưng bày trong thánh lễ phong chân phước cho ĐGH Gioan Phaolô II và sau buổi lễ, lọ máu này sẽ được để trong bình pha lê và đặt tại bàn thờ ở thành phô Krakow, Ba Lan.

Theo giới chức Tòa Thánh, bốn lọ máu của ĐGH đều ở thể lỏng vì bệnh viện đã bỏ thêm chất làm cho máu không đông đặc.
 
Xưng Tội: Một hành trình nội tâm thiêng liêng
Dominic David Trần
17:08 26/04/2011
Xưng Tội: Một hành trình nội tâm thiêng liêng

LONDON, Ontario, ngày 16/04/2011 bài phóng sự Confession: The Inside view của Jayme Poisson-Mary Ormsby đăng trên The Torstar nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất của Canada đã làm chính các người đọc của tờ nhật báo thế tục này ngạc nhiên, Xin mời các đấng bậc và độc giả của VietCatholic chia xẻ những nhận định và suy tư về Bí Tích Hòa Giải trong Mùa Phục Sinh 2011 theo con mắt và nhận xét của một ký giả thuộc về truyền thông thế tục, một Nhật Báo phần “ Đời ”. Mọi nhận xét, chi tiết là của cá nhân những giáo sĩ và người được phỏng vấn ghi trong phóng sự này đã không phản ánh lập trường của các Đấng Bậc- các Giáo phận có liên quan cũng như không phải là lập trường của Ban Biên Tập và người chuyển ý. Những tựa đề bằng chữ hoa in đậm là của chính các ký giả phóng viên thực hiện bài nghiên cứu này. Cá nhân người chuyển ý chân thành cảm ơn người đã cố gắng nghiên cứu thực hiện phóng sự này vì họ đã cho người đọc được học biết và nhìn nhận về Bí Tích Hòa Giải, về việc Xưng Tội thật chân thành và cả những điều sẽ làm buồn lòng qúy vị. Những điều họ cảm nhận nơi đây cho thấy người tín hữu Công Giáo cần phải chân thành suy tư và cố gắng thực thi Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến của Thiên Chúa Giáo nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa, và đạo hạnh hòa đồng nhiều hơn nữa. Người Công Giáo Canada và người Công Giáo Việt Nam tại Canada qua bài viết này có thể học biết thêm ít điều về Bí Tích Hòa Giải và Xưng Tội như những phóng viên này- theo cách hành văn và dùng từ ngữ của họ-không chắc là họ có Đạo Công Giáo - nhưng họ đã lặn lội đi tìm hiểu ý nghĩa đích thực của cách thế làm sao để trở thành một người tín hữu Công Giáo có đời sống mới tốt lành hơn qua việc Xưng Tội.)

(Trong hình chụp; Cha Anrê Lương (Rev. Andrew Leung) thuộc Giáo xứ Thánh Basiliô đang làm dấu Thánh Giá từ bên trong lưới mắt cáo Tòa Giải Tội của ngài. Courtesy of Toronto Star)

“Lạy Cha, xin chúc lành và tha thứ cho con, vì mọi tội lỗi con đã trót phạm.

Đó là một lời van xin- nghe quen thuộc không chỉ với người tín hữu Công giáo La Mã- mà ý nghĩa của chính đoạn văn ấy nghe rất dễ hiễu ở khắp mọi nơi: “ Có một Hối Nhân đang chuẩn bị xưng tội với một Linh Mục, vị này là người nhận được phép của Thiên Chúa để làm môi giới và trung gian trong mục vụ Hòa Giải và Xá Tội.

Xưng Tội hay còn gọi là tham dự vào Bí Tích Hòa Giải là một trong 07 Bí tích của Đạo Công Giáo: các bí tích còn lại gồm có Các Phép Bí Tích Rửa Tội, Chịu Mình Thánh Chúa, Phép Thêm Sức, Xức Dầu Thánh cho Kẻ Liệt Ốm, Hôn Phối; và Bí Tích Truyền Chức Thánh cho các nam Giáo sĩ Tu sĩ.

Thế nhưng nghi thức nhiệm mầu nhất ( tức là bí mật nhất most mysterious theo ý nghĩ của người phóng viên) của Đức Tin Công Giáo chính là hành động của Hai Con Người đang được thực hiện bên trong những cánh cửa che mành vải và đóng kín của Tòa Giải Tội- có nguồn gốc từ gần 2,000 năm qua: Mọi hành động, ý nghĩ, lời nói sâu thẳm, thầm kín và được che dấu kỹ nhất từ đáy lòng và trên môi miệng của một Con người; một Hối Nhân đang xưng thú, bày tỏ hòan toàn trong sự chân thành , tự nguyện của chính họ trước mặt vị Giáo Sĩ đang phụng vụ Bí Tích Hòa Giải.

Trong suốt Mùa Chay, các Giáo Sĩ Linh Mục phục vụ thêm giờ để lắng nghe các Tín Hữu Công Giáo xưng tội – trong các Thánh Lễ Chúa Nhật- và còn thêm loại Giáo hữu “ chỉ ” xưng tội một năm ít nhất là một lần. Những người thuộc loại kể sau này muốn tìm được tình trạng thiêng liêng đầy ơn phúc cho họ để kính mừng Đại Lễ Chúa KiTô Phục Sinh.

Trong Đại Thánh Đường St. Michael’s ; Nhà Thờ Chính Tòa của Tổng Giáo Phận Toronto, những thời khoá biểu phụng vụ Bí Tích Hòa Giải thêm giờ được viết trên những tấm giấy màu vàng và dán trên 04 cánh cửa bằng gỗ sồi, có hình điêu khắc rất đẹp chạm bằng tay và có tuổi hơn 125 năm . Cách xa Đại Giáo Đường trung tâm Toronto này khoảng 200 Kilômét về phía Tây là Giáo Phận London cũng cùng Tỉnh Bang Toronto về mặt địa dư.

Vào ngày 06 tháng Tư 2011 toàn Giáo Phận này đã tổ chức ngày Thống Hối và Hoà Giải chung: Tất cả 120 Giáo Xứ trên toàn Giáo Phận Công Giáo London đã đồng loạt mở Tòa Giải Tội trong nguyên ngày này để cho mọi hối nhân ghé vào xưng tội (chú thích trong nguyên bản penitents to drop by, nhưng chữ của ký giả- one day confession-palooza nghe ngộ qúa)

Một trong những người này là Ritché Holm, sinh viên 22 tuổi đời, đang theo đuổi ngành Xã Hội học tại Viện Đại Học Western Ontario (chú thích của người chuyển ý : Viện Đại Học này được gọi là Harvard University của Canada, nơi đây có St. Peter's Seminary; Đại Chủng Viện Thánh Phêrô, còn được mệnh danh là Trường Đào Tạo Các Hồng Y và Giám Mục của Ontario và Canada.- đã có một số Giáo Sĩ Linh Mục Việt Nam xuất thân từ VĐH và ĐCV này).

Cô sinh viên Ritché này mặt mày tươi cười rạng rỡ phát biểu; "Tôi cảm thấy mọi sự tốt đẹp, thật lòng mà nói như vậy." - sau khi cô tận dụng thời gian cách quãng giữa 2 buổi học và ghé vào Nguyện Đường Công Giáo của King’s University College trong Viện Đại Học để xưng tội.

" Tôi đã bày tỏ là - tôi thú nhận rằng tôi rất hối tiếc, tôi đã phạm lỗi trong những việc tôi đã làm , trong những điều tôi đã nói- và giờ đây tôi cảm thấy việc Xưng Tội này làm tôi an tâm và điều này là đẹp lòng Thiên Chúa."

Người ký giả này tự hỏi; Việc Xưng Tội đã tác động ra sao mà một cá nhân con người như cô sinh viên trẻ đẹp nói trên kia đã cảm thấy an tâm - vì tất cả điều đó là tốt đẹp và là đúng với Thiên Chúa . Có những bí mật gì bên trong nơi thiêng liêng gọi là Tòa Giải Tội ấy (chữ trong nguyên bản: the secret of that sacred space) và thế là người ký giả này tiếp tục đi tìm ... Sự Thật và Chân Lý... theo cách hiểu và tò mò của người thế tục bên ngoài Đạo Công Giáo.

Theo dòng lịch sử truyền thống 2,000 năm của Đạo Công Giáo, một ngày kia bỗng có một Cây Thánh Giá thật lớn đã được ông Jacques Cartier, một nhà thám hiểm và phát minh tiên phong trong thế kỷ thứ 16, đem cắm trên mảnh đất Quebec. Sau đó là mấy chục ngàn người Ái Nhĩ Lan nghèo đói khổ cực đã di cư đến xứ sở gọi là Canada ngày sau này để tiếp tục thể hiện Đức Tin Đạo Công Giáo. Chính những nghi thức Xưng Tội đã giúp định hình nên việc thực hành Bí Tích Hòa Giải và Xưng Tội trên tòan lãnh thổ Canada, theo như sự tiến hoá về danh tính và triết lý của hành động này. (Chú thích của người chuyển ý: Lịch Sử và Đạo Công Giáo tại Canada bên dưới).

Diane Pacom, nữ giáo sư ngành Xã Hội học của Viện Đại học Ottawa tại thủ đô Canada phát biểu; " Ở ngay trong trung tâm của việc xưng tội, đó là một nhu cầu tiên quyết nhất - giống như một thứ thần dược đặc biệt để giúp chữa lành mau chóng những vết cháy bỏng nặng trên da thịt và cả những gì đang sôi sục trong tâm hồn con người trần thế. Từ thuở bắt đầu Thời gian của Con người trần tục- xưng thú tội lỗi - đã được tiềm ẩn và in sâu vào lòng các thực thể xã hội. Toàn bộ tư tưởng này nói cho chúng ta biết là phải xử sự và hành động theo những cách thế nào để không phá hoại tập thể hay hủy diệt cộng đồng xã hội con người, và hành vi phạm tội là một trong những cơ chế đã đẩy con người trong xã hội trần thế của chúng ta đi chệnh xa khỏi chiều hướng công chính, đúng đắn và trung thực cần phải có. (Chú thích của người chuyển ý: không biết giáo sư Diane Pacom có phải là tín hữu Thiên Chúa Giáo hay không và bà có giảng dạy về khoa Hình Tội và Pháp Lý không- thế nhưng theo phát biểu của bà thì từ thuở có con người cho đến nay, xã hội loài người và con người cá nhân đã được sinh ra, phát triển, lớn lên và chết đi với tội lỗi- hoặc nói cách khác là Tội lỗi đã ghi dấu ấn của nó trên lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại. Bà không đề cập tới Tội Tổ tông hay nguyên tội (Original sin) nhưng trong một nhận định khác “It’s embedded in social realities from the beginning of the Time.' của bà đã hàm ý một điều nào đó tương tự như phát biểu là con người phàm nhân chúng ta đã được sinh ra trong tội lỗi ví như tội tổ tông bởi ông Adong và bà Evà - hay như Cain vì điên cuồng ghen ghét nên đã giết em là Abel.)

ĂN NĂN THỐNG HỐI TỘI LỖI

" Tôi ăn năn tội, tôi hối tiếc vì đã phạm lỗi."

Lời ấy đã ghi khắc từ năm 1847 trên tấm biển chỉ đường ở góc các đại lộ King và John, một cách vội vàng như những cơn sốt thương hàn sưng phổi ác tính đã đến bất ngờ, đã đánh ngã biết bao người di dân Ái Nhĩ Lan Canada . Đại đa số nếu không muốn nói rằng tất cả những di dân này là Tín hữu Công Giáo La Mã (Roman Catholics trong nguyên bản); và họ đã muốn thanh tẩy tâm hồn (purify their souls) thông qua việc Xưng Tội để phòng ngừa trước lỡ họ có phải chết vì dịch sốt thương hàn sưng phổi này thì họ cũng an tâm.

Bởi vậy người Aí Nhĩ Lan Irish đã cầu nguyện, van xin Lòng Chúa Thương Xót ngay từ lúc dịch sốt ác tính mới phát sinh, ngay trước khi có những chuyến kinh lý mục vụ hàng ngày kế tiếp sau đó của Đức Cha Michael Power, vị Giám Mục Công Giáo tiên khởi của Tổng Giáo Phận Toronto thuở ấy. Lịch sử quốc gia và Công Giáo Sử Canada chép lại rằng;

" Ngày ấy, chẳng có Toà Giải Tội bằng gỗ sồi trang trí đẹp đẽ trong những Thánh Đường to lớn và trang nghiêm như hiện nay. Trong cơn đại dịch sốt ác tính ấy- chỉ có mỗi Đức Giám Mục Michael Power đã nắm chặt những bàn tay sần sùi chai sạn của các tín hữu, ngài nhìn thẳng vào những đôi mắt đỏ rực và những cặp lông mày đau đớn nhướng cao lên vì những cơn sốt bệnh ác tính đang hoành hành trong chính cơ thể các tín hữu này.

Mùa hè năm lịch sử 1847 ấy đã có 863 người Aí Nhĩ Lan Canada chết vì bệnh sốt ác tính. Và cũng vào mùa Thu năm đó, Đức Cha Michael Power, Giám Mục Công Giáo tiên khởi của đại đô thị Toronto và Tỉnh Bang Ontario - Đấng Chăn Chiên thuở ấy cũng mắc phải bệnh sốt ác tính đó và cùng được đoàn tụ trên NướcTrời với các giáo dân Canada gốc Irish đã đi trước của ngài.

(Chú thích: tại sao cứ phải nhắc là vị Giám Mục Công Giáo, xin thưa là 43% dân Canada là tín hữu Đạo Công Giáo nhưng có khoảng gần 50% dân Canada theo Anh Giáo và có Hàng trăm Giám Mục Anh Giáo Canada. Thuở lập quốc di dân của Canada, người Công Giáo Canada chỉ là thiểu số và người Anh Giáo Canada chiếm đa số)

* Một trăm sáu mươi ba năm sau ngày ấy, hôm nay những ngón tay búp măng thuôn tròn của cô Rebecca Walker đang nhịp nhàng gõ trên mục Xưng Tội Confession: một Tính năng phục vụ Thực hành Phụng Vụ người Công Giáo La Mã trên iPhone của cô. Tiện ích này chỉ tốn có $1.99 dollar Canada được tung ra thị trường Canada vào tháng Giêng năm 2011, có thể được dùng như một phương thức chuẩn bị dọn mình xưng tội (Ghi chú trong nguyên bản : Confession: A Roman Catholic App on her iPhone. The $1.99 app, which hit the market in January, can be used as a confession warm-up.)

Dọn mình xưng tội - đó là một cách thế để suy tư về những điều mà tín hữu đã xúc phạm đến Thiên Chúa và hối nhân cảm thấy ăn năn thống hối, muốn từ bỏ mọi tội lỗi -hứa sẽ không tái phạm nữa và đây chính là điều kiện cần và đủ (chữ trong nguyên bản tiếng Anh: the sine qua non of Confession) của việc Xưng Tội thành sự. Giáo Hội Công Giáo La Mã gọi

giai đoạn quan trọng này là “ Xét Mình “ hay là việc “Kiểm soát lại lương tâm (chữ trong nguyên bản tiếng Anh: Examination of Conscience). Trong Mùa Chay - Đại Lễ Chúa Phục Sinh, tháng Tư năm 2011 này, tính năng phục vụ giai đoạn Chuẩn bị Xét Mình Xưng Tội được hạ tải trực tiếp miễn phí từ máy tính chủ của Giáo Phận London vào các thiết bị điện tử của hối nhân (And the high-tech version of it has been available this month as a free download courtesy of the Diocese of London.)

Walker, một sinh viên theo học ngành Tư pháp Xã hội ở VĐH Western Ontario, được sử dụng phần Các Bài đọc Phúc Âm như một lợi ích tặng không từ chương trình điện tóan “ Chuẩn bị Dọn mình Xưng tội “ nói trên. Các chương trình phục vụ máy tinh, các thiết bị điện tử cầm tay như Blackberry, iPhone, IPad được nối kết với Vệ tinh truyền thông- trong thế giới hiện đại ngập tràn thông tin, như một dải Ngân Hà đang cách xa những cơn sốt phát ban làm tan vỡ những suy tư trong nội tâm về những ngày xa xưa, những chuyện lòng thầm kín xảy ra tự thuở nào – nhưng các trang thiết bị truyền thông điện tử hiện tại cũng không thể thay đổi được một động thái tâm linh thiêng liêng của con người phàm tục: nhu cầu xưng thú tội lỗi; cầu xin Thiên Chúa, nài xin Thượng Đế giúp đỡ cho họ trở thành một Con Người Tốt Hơn thông qua việc Xưng Tội (the motivation is the same: to ask for God’s help to become a better person through confession.) Linh Mục Michael Bechard, là Tuyên Úy Công Giáo của the King’s University College tại VĐH Western Ontario, nghe xưng tội và là vị Linh Hướng về Bí Tích Hòa Giải hàng ngày thường là trong văn phòng làm việc của ngài: đó là một căn phòng có khung cảnh rất ấm áp thân tình, trải thảm với ánh sáng dịu nhẹ, và cả vị Linh Mục lẫn Hối Nhân đều ngồi trên ghế bành êm ái để xưng tội và nghe giải tội.

Mọi người đến gặp Linh Mục Bechard để: “ giúp nhận ra được những điều đã thực sự mất cân bằng trong đời sống cá nhân, đã bất hòa với người thân cận và đã không đẹp lòng Thiên Chúa- họ đang tìm kiếm một sự phục hồi lại tất cả các mối tương quan tốt đẹp đối nhân và đối với Thiên Chúa, đó chính là ý nghĩa định danh chính thức hiện nay của việc Xưng Tội. ” Linh Mục Bechard đã tuyên bố như trên, và mỗi tháng một lần chính ngài cũng đến xưng tội với một vị Giáo sĩ Công giáo khác. Vị Linh Mục nghe Xưng Tội cho ngài cũng cùng là Đồng tác giả với Linh Mục Tuyên Úy Bechard trong tập sách mỏng hướng dẫn về việc Xưng Tội tại Nguyện đường Công Giáo của VĐH Western Ontario. Trong tập hướng dẫn này có nêu những câu hỏi gợi ý như sau:

“ Anh chị em có để tâm oán ghét hay thù hận ai khác không? Có hay cằn nhằn, đay nghiến lỗi lẫm của người khác và với chính mình không?”

“ Anh chị em có trân qúy về khả năng tính dục cá nhân của anh chị em như một ân sủng của Thiên Chúa đã ban cho; và có đối xử với tha nhân và với chính bản thân anh chị em bằng sự tôn trọng và qúy mến không?”

“ Anh chị em có thực thi cuộc sống trong sự chính trực và công bằng không? Anh chị em có ăn ở tử tế, đối xử ngay thẳng và coi trọng mọi người như nhau không? “

Căn cứ theo số liệu thống kê năm 2010 của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada (the Canadian Conference of Catholic Bishops) có 14,012,053 Tín hữu Công Giáo Canada. Có lẽ là chính ông Cartier là người giáo dân Công giáo đầu tiên đến Canada khi ông ta đặt chân lên vùng đất hiện nay được gọi là Tỉnh Bang Quebec. Cách đây gần 500 năm về trước chính ông Cartier đã trồng một cây Thập Giá thật lớn trên vùng Gaspé để tuyên xưng kính dâng Thiên Chúa vùng đất mới vừa tìm được; đồng thời khẳng định chủ quyền thế tục của mảnh đất này cho mẫu quốc Pháp.

Người tín hữu Công Giáo được nhắc nhở phải xưng tội mỗi năm ít nhất là 1 lần. Việc thực hành nghĩa vụ quan trọng này hiện nay theo một sồ giáo sĩ cho biết đã bị sút giảm một cách khủng khiếp- thế nhưng cứ đến dịp kính mừng Đại Lễ Chúa KiTô Phục Sinh- là sự đổi mới trong Lịch Phụng Vụ Công giáo- lại chính là thời điểm rất phổ thông để cho những tín hữu “ khô khan nguội lạnh” đi Xưng Tội để trở về trong Bí Tích Hòa Giải với Thiên Chúa, với tha nhân với giáo đoàn của họ - dẫu cho chỉ trong một thời gian rất ngắn của dịp Đại Lễ. (Chú thích của người chuyển ý: Điều này thường được nhiều Đấng Bậc và các Linh Mục Giáo Sĩ Công Giáo nhắc nhở đại ý như sau; ở thế giới văn minh Âu Mỹ- đã có nhiều người tín hữu Công Giáo là các vị CEO. Đây là sự chơi chữ vì CEO hay Tổng Giám Đốc Điều Hành Các Công Ty (Chief Executive Officer ) thường tốt nghiệp văn bằng Cao Học Quản Trị Kinh Doanh MBA. Nhưng chữ viết tắt CEO của người Công Giáo nói trên có nghĩa là Christmas-Easter- Only) Những tín hữu này chỉ thực hành Đức Tin và Giáo Huấn của Đạo Công Giáo chỉ trong Hai Dịp Đại Lễ Chúa Giáng Sinh và Chúa Phục Sinh mà thôi). Teresa Benincasa-Sweeting, một tín hữu Công Giáo thuần thành 33 tuổi, thường cách vài tuần là bà đi xưng tội 1 lần hoặc những khi nào bà có cảm giác “bị cắn rứt trong lòng” hay “ tâm hồn bị day dứt” (chữ trong nguyên bản (gnawing sensation in the pit of her stomach) là bà vội vàng đi xưng tội ngay. Trong Mùa Chay và Đại Lễ Chúa Phục Sinh việc thực hành Bí Tích Hoà Giải (Sacrament) này làm cho bà rất hạnh phúc và hài lòng.

“ Vào Mùa Chay và kính mừng Đại Lễ Chúa KiTô Phục Sinh , nhân dịp thiêng liêng này chúng tôi đổi mới chính con người KiTô hữu của chúng tôi và canh tân lại những tương quan giữa con người phàm nhân chúng tôi với Thiên Chúa, Đấng Từ Bi Cao Cả và Đầy Lòng Thương Xót. Còn cách thế nào trọn lành và toàn hảo hơn để thực thi việc canh tân lại Đức Tin Công Giáo và đâu có Bí Tích nào chữa lành mọi vết thương - tội lỗi trong tâm hồn và thân xác phàm nhân của chúng tôi cho bằng Bí Tích Xưng Tội và Hoà Giải.” Đó là những điều mà chúng tôi được một sinh viên theo học các chương trình rất đặc biệt tại VĐH Western Ontario đã giải thích ( chữ trong nguyên bản: explains the special studies student at Western; thật ra người ghi này phải nói rõ đó là một Đại Chủng Sinh của Đại Chủng Viện Thánh Phêrô trong VĐH Western hay sinh vi ên lớn tuổi theo chương trình Phó Tế Dân Sự, hay người giáo dân đang theo học để đạt văn bằng Thần Học hoặc Mục Vụ Công Giáo mới đúng. Danh từ seminarian đâu có khó đọc - và có lẽ chữ seminary với cemetary đâu phải là khó phân biệt ? )

XƯNG TỘI

Đã bao nhiêu lần ta đã trót phạm? - Lần xưng tội sau cùng cách nay đã bao lâu?

Giả sử như Tiger Woods sống trong cộng đoàn Công Giáo tiên khởi cách đây gần 2000 năm, thì những cuộc phiêu lưu tính dục với những người phụ nữ không phải là vợ chính thức hợp pháp của anh ta- những bữa Tiger Woods tay gôn thích “ăn chả” này sẽ phải trả giá bằng 2 hành động có ý nghĩa. Chắc chắn là anh chàng hảo ngọt (the golfer’s sexual adventures with women other than his wife) này phải công khai nhận tội ngoại tình trước mặt công chúng, và sau đó anh ta sẽ bị buộc phải thực hiện việc ăn năn đền tội bằng cách bố thí cho người nghèo khó, đi hành hương cầu nguyện tại một Đền Thánh hay sống biệt lập cầu nguyện ăn năn tội cho đến khi chính cộng đoàn của anh ta mở rộng vòng tay chào đón anh ta và cho gia nhập trở lại.

Tội Ngoại tình được xem là một trong 3 tội trọng đối với những người Công Giáo thuần thành. Hai tội còn lại là Tội Giết Người và Tội Chối Bỏ Đạo (Apostasy: sự công khai tuyên bố từ bỏ Đức Tin và chối Chúa trước mặt công chúng; đây là lời diễn giải của phóng viên). Tiến trình sẽ ch ịu trách nhiệm và chuộc lỗi công khai trước công chúng đã tiến hóa thành một qúa trình để xưng thú , ăn năn đền tội của hối nhân có tính cách cá nhân , và kín đáo hơn khi mà số Hàng Giáo phẩm và số lượng Linh Mục tăng lên, số lượng Nhà Thờ và cộng đoàn tín hữu đã được xây dựng nhiều hơn so với những giáo đoàn nhỏ bé và biệt lập của thời Giáo Hội sơ khai. Sau đó việc Xưng Tội và Bí Tích Hòa Giải đã được thực thi bên trong khung cảnh của các Nhà Thờ, những nơi chính thức là cơ sở phụng tự hay mục vụ của Giáo Hội, nhưng không nhất thiết là phải thực hiện đằng sau những cánh cửa khép kín ở Tòa Giải Tội.

Những sự thay đổi này được diễn ra vào năm 1565 khi Đức Cha Charles Borromeo, là Đức Tổng Giám Mục Milan nước Ý, đã nghĩ ra việc làm một Tòa Giải Tội bằng gỗ có lưới mắt cáo, và che vải ngăn cách giữa Linh Mục nghe giải tội và Hối nhân xưng tội. Ý nghĩa của thiết kế này là để nhằm tránh cho những sự bối rối hoặc cảm thấy qúa lộ liễu của hối nhân hoặc là để tránh bớt đi những cảm xúc bàng hoàng nếu có xảy ra khi vị Linh Mục được nghe những tội lỗi bẩn thỉu, gian ác, kinh khiếp qúa.

Thế nhưng, những bức tường ngăn chặn thể lý ấy lại chẳng ngăn cách được con người.

Trong một tác phẩm nói toạc ra mọi sự vô phép và bẩn thỉu của thời kỳ Victorian era, tựa Linh Mục, Người Đàn bà và Việc Xưng Tội (The Priest, the Woman and the Confessional, ex-priest Charles Chiniquy wrote) tác giả Charles Chiniquy, một cựu giáo sĩ đã viết rằng có một số phụ nữ đã bị quyến rũ về tâm trí và thể xác bởi một số ít những Giáo sĩ Linh Mục bị cám dỗ bởi nhục dục. Tác giả Chiniquy, sinh tại Canada, đã gọi những Tòa Giải Tội như vậy là `` một Thành Phố Tội Lỗi Sodoma kiểu mới `` trong một chương của quyển sách này.

Một thế kỷ sau đó, có một Giáo sĩ tên là Charles Sylvestre thuộc khu vực London, Tỉnh bang Ontario, có lẽ sẽ bị kết án vì những tội ác kinh tởm đã phạm, trong số đó có tội lạm dụng tính dục với các bé gái trong lúc các cô bé đang xưng tội.

Một Tòa Giải Tội theo truyền thống là có một buồng cho vị Linh Mục, vị này ngồi trên một chiếc ghế dựa lưng vào vách buồng để nghe xưng tội. Có một hay hai buồng của Hối nhân được gắn liền với buồng của Linh Mục. Vị Linh Mục có một cánh cửa trượt che phủ lên mành lưới mắt cáo, và ngài nghe xưng tội trong ánh đèn điện nhạt màu.

 
Câu chuyện bí mật của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II
Carl Berstein và Marco Politi, Nguyễn Ước dịch
22:54 26/04/2011
Lời giới thiệu (1996): Thế giới biết tới Đức Thánh cha Gioan Phaolô II như một thủ lãnh tôn giáo đầy quyền uy với sự điều khiển khéo léo việc truyền thông, nhưng cho đến nay, sống trong bầu khí cởi mở của Vatican, vị ấy còn giữ lại điều gì khó hiểu. Phần trích này, lấy từ cuốn từ cuốn His Holiness, xuất bản năm 1997 của hai tác giả Carl Bernstein và Marco Politi, cho chúng ta một cái nhìn rất con người và sâu xa vào bản thân của Đức Thánh cha. Đây là câu chuyện đặc biệt về một thanh niên Ba Lan ít người biết đến nhưng sáng chói, kẻ mà áng mây thảm kịch thời trai trẻ ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của mình; một trí thức, với một ít ham muốn các công việc của quốc gia, học để làm một bậc thầy về khoa địa lý chính trị. Và trên hết, là một con người cầu nguyện, nhưng cũng là kẻ làm việc mật thiết với Tình báo Hoa Kỳ để cứu quê hương mình và tạo hình cho lịch sử hiện đại bằng những cách thức trước đây chưa bao giờ được tiết lộ.

Dì phước Vincenza bước vào phòng ngủ dành cho Đức Thánh cha lúc hơn năm giờ sáng một chút. Dì thường đặt một cốc cà phê ngay bên ngoài cửa phòng ngủ của Đức Thánh cha vào lúc bốn giờ rưỡi mỗi sáng. Khi thấy cốc cà phê không được đụng đến, dì kinh hoảng. Vì thế, dì bước vào trong phòng, lùa bức màn.

Đức Gioan Phaolô I nằm co người trong tư thế đọc sách, dù chết, tay vẫn giữ chặt các trang giấy, khuôn mặt ngài cứng lại làm thành một nụ mỉm cười.

Hôm ấy là ngày 29 tháng Chín năm 1978. Sinh hoạt trong Dinh Đức Thánh cha rơi vào cảnh hoàn toàn đảo lộn. Ngày 26 tháng Tám trước đó, Hồng y đoàn đã họp tại Vatican bầu ngài lên kế vị Đức Phaolô VI. Ngài là Đức Albino Luciani, 65 tuổi, thượng phụ thành Venice. Ngài lấy hiệu Gioan Phaolô I, xuất xứ từ tên hai vị tiền nhiệm liền ngay trước ngài. Mọi sự đã dường như ổn định cho những năm sắp tới.

Đến 7:42 sáng, Đài Phát thanh Vatican loan báo cái chết của Đức Thánh cha...

Theo thông lệ, vị bộ trưởng ngoại giao ra lệnh thu dọn các vật dụng cá nhân của cố giáo hoàng, gồm kính đeo mắt, dép, và thuốc uống trên bàn bên đầu giường.

Một trong các vị thư ký riêng của Đức Thánh cha, sau đó, nói giản dị:

– Ngài kiệt sức bởi gánh nặng quá lớn đối với đôi vai mỏng mảnh và bởi sức nặng của sự cô đơn vô hạn.

Dường như dấu chỉ sự ra đi của Đức Gioan Phaolô I đã được báo trước. Không lâu trước ngày từ trần của mình, ngài nói với một trong các thư ký:

– Có thể tuyển chọn một vị khác tốt hơn tôi. Đức Phaolô VI đã chỉ ra kẻ kế vị ngài. Vị ấy từng ngồi ngay trước mặt tôi trong Nhà nguyện Sistine (tức Đức Hồng y Ba lan Karol Wojtyla). Ngài sẽ đến vì tôi sẽ ra đi.

Tại Krakow, Ba Lan, lời loan báo về cái chết của Đức Gioan Phaolô I tràn ngập đài truyền thanh. Tài xế của Wojtyla nghe tin ấy, vội đến toà hồng y. Lúc vào nhà bếp, anh có thể ngửi thấy mùi bánh mì, trứng và cà phê. Đức Hồng y Wojtyla đang ngồi trong phòng kế thảo luận chương trình trong ngày với những phụ tá thân cận nhất của ngài. Ngài luôn luôn dùng điểm tâm cạnh nhà bếp, giữa mùi nấu nướng khiến ngà nhớ lại thời thơ ấu.

Người tài xế nói với một trong các dì phước phụ trách nhà bếp:

– Đức Thánh cha ở La mã từ trần rồi.

Dì phước biểu lộ vẻ sửng sốt:

– Nhưng ngài đã qua đời tháng trước rồi mà.

– Không, vị mới lên ấy.

Anh ta thò đầu vào căn phòng nơi Đức Wojtyla đang dùng điểm tâm với thư ký của ngài, và nói:

– Thưa Cha, ngài nghe tin Đức Gioan Phaolô I qua đời chưa?

Đức Wojlyla vừa cho muổng đường vào ly cà phê. Ngài lạnh người, tái nhợt, đưa bàn tay phải mình lên. Trong im lặng, chỉ có tiếng động của chiếc muỗng rơi xuống bàn.

Giấc mơ của người mẹ

Cho tới khoảnh khắc ấy, cuộc hành trình dài của Đức Hồng y đã bắt đầu từ ngày 18 tháng Năm, 1920 khi mẹ ngài, bà Emilia Wojtyla chuyển bụng. Người phụ nữ 36 tuổi ấy sức khoẻ mỏng manh. Sáu năm trước đó, bà bỏ một đứa con gái; lúc này, bà sắp sửa sinh nở đứa khác.

Karol chồng bà ở bên cạnh. Ông giữ chức trung úy trong quân đội Ba lan, không ra mặt trận vì đã 40 tuổi. Vì thế, ông được sống với vợ trong trong thành phố tỉnh lẻ Wadowice và chăm sóc cậu con trai 13 tuổi Edmund trong thời gian vợ mình thai nghén.

Vào ngày bà Elimia chuyển bụng, Thống chế Josef Pilsudski khải hoàn trở về thủ đô Warsaw sau chiến trắng quân sự lớn lao nhất của lực lượng Ba Lan đối với Hồng quân Nga: chiếm được thành phố Kiev của Ukraina. Hôm đó, hàng ngàn người Ba Lan xếp hàng dọc theo đường phố nghênh đón người chinh phục Kiev. Đó cũng là ngày mà 59 năm sau, Ba Lan trải qua một ngày đầy hân hoan và hi vọng khi cậu bé ra đời trong ngày ấy tại Wadowice cũng khải hoàn trở về Warsaw.

Cậu bé được bố đặt tên là Karol, nhưng bà mẹ gọi cậu là Lolek. Cậu có tính sôi nổi, hay khôi hài với khuôn mặt giống hệt mẹ. Khi cậu con lớn ở nhà trường, bà Emilia dành hết thì giờ rãnh rổi cho cậu bé, chơi với cậu, đọc cho cậu nghe và kể các chuyện trong Kinh thánh.

Lúc Lolek sáu tuổi bắt đầu đi học thì sức khỏe luôn luôn yếu kém của bà mẹ trở nên tệ hại. Bà thường bị dán chặt vào giường vì đau lưng ghê gớm và những cơn chóng mặt.

Dù ngày càng hiếm những khoảnh khắc dễ chịu, bà Emilia vẫn vui vẻ thực hiện các dự tính với cậu con yêu của mình. Edmund, mà cha mẹ gọi tên ở nhà là Mundek, đang học bác sĩ ở đại học tại Krakow. Cậu sinh năm 1906, lanh lợi khác thường, đẹp trai và lực lưỡng.

Karol theo học trường nam tiểu học. Là cầu thủ bóng đá say mê, cậu xuất sắc trong việc học, noi theo gương ngoan đạo sâu xa của cha mẹ mình và là một người Công giáo mộ đạo. Ngay từ đầu, bà Elimia đã tâm sự với láng giềng giấc mộng muốn con mình thành linh mục.

Ngày 13 tháng Tư năm 1929, lúc cậu bé tám tuổi Karol đang ở trường học thì người ta mang bà Emilia vào bệnh viện. Bác sĩ khám thấy bà bị viêm cơ tim và viêm thận.

Cô giáo của Karol, cũng là láng giềng, gặp cậu lúc cậu đi học về, nói huỵch toẹt với cậu:

– Mẹ em chết rồi.

Lúc đó, bà Emilia chỉ mới 45 tuổi.

Cái chết của bà mẹ cướp mất sự hồn nhi ên của Karol. Cô giáo chú ý đến sự thay đổi tính khí của cậu. Cậu bắt đầu co rút về bản thân mình, tìm lẫn trốn trong sách vở, và cầu nguyện.

Từ ấy trở đi, nguồn suối hân hoan và liên tục độc nhất của cuộc sống Karol là anh mình. Lớn hơn Karol nhiều tuổi, Edmund là một tay chơi quần vợt giỏi và là một ngôi sao bóng đá. Vào các kỳ nghỉ của trường y khoa, Edmund dạy các cậu bé ở Wadowice thành cầu thủ giỏi.

Tình thương của Edmund dành cho cậu em nhỏ có thể nói là vô bờ. Người ta có thể thấy hai anh em lừa banh qua các con đường thành phố. Hoặc Edmund vác em mình trên vai băng qua các cánh đồng.

Với Karol, Edmund là nơi trốn tránh khỏi buồn phiền. Sự tự tin và lạc quan dường như trở lại với cậu bé khi cậu ở bên anh mình.

Năm 1930 Karol được bố đem đến Krakow vì Edmund đã tốt nghiệp trường y. Với ông Wojtyla lúc này đang sống bằng số hưu bổng khiêm tốn, việc tốt nghiệp của người con trai lớn cũng có ý nghĩa là sau cùng gia đình đã có chỗ nương dựa tài chánh. Bằng cấp bác sĩ của Edmund hứa hẹn một tương lai thuận lợi, thoát khỏi những thiếu thốn mà cả nhà quá quen thuộc với đồng lương trung úy ít ỏi của ông Wojtyla.

Sau khi tốt nghiệp, Edmund giữ chức vụ bác sĩ thường trú tại một bệnh viện ở Bielsko, Silesia, nơi Karol thường đến thăm anh mình.

Rồi xảy đến nạn dịch tinh hồng nhiệt. Edmund trải qua suốt đêm cạnh giường một thiếu nữ mà anh đặc biệt tận tâm. Sau đó bị nhiều cơn nhức đầu hành hạ khổ sở và sốt tới 40 độ, anh nhanh chóng nhận thấy cả mình nữa cũng bị truyền nhiễm. Anh rung người theo từng cơn kích sốt làm ói mửa và viêm họng. Ngày 4 tháng Mười Hai, 1932, anh chết cô độc trước khi gia đình có thể gặp mặt.

Chiều hôm ấy, một người láng giềng tốt bụng tìm thấy Karol cô đơn và thảng thốt ngoài sân chung cư họ ở. Bà kể lại:

– Tôi ôm lấy cậu và siết chặt cậu và thì thầm, ‘Lolek tội nghiệp, cháu mất anh cháu rồi’. Với bộ mặt trang nghiêm, cậu bé nhìn lên và nói giản dị, ‘Đó là ý Chúa’. Rồi cậu nhốt mình trong im lặng.

Nhiều chục năm sau, một nhà báo người Ý trình lên Đức Thánh cha Gioan Phaolô II một cuốn sách nhỏ đề tặng người anh của ngài, có hình của Mundek trên tấm áo giấy bọc bìa cuốn sách. Đức Thánh cha chầm chậm áp tấm hình ấy vào môi mình.

Đến nay, trong ngăn kéo phòng làm việc của ngài tại Vatican, vị giáo chủ tối cao ấy còn giữ một báu vật mà ngài nhận được từ nhân viên bệnh viện ở Bielsko: ống nghe bệnh của anh mình.

Bám sát đức tin

Trung úy Wojtyla quyết định rằng đứa con trai còn lại của mình sẽ tiếp nhận trọn vẹn sự nuôi dưỡng, tình yêu và kỹ luật mà ông có thể cung ứng. Bố và con cùng nhau cầu nguyện, dự Thánh lễ hẳng ngày và chơi giỡn với nhau. Có lần, một trong những bạn cùng trường của Karol đến thăm và nghe bên trong cửa rất ồn ào, tiếng la và tiếng dậm chân. Mở cửa, cậu ấy thấy hai bố con mặt đỏ ửng, đẫm mồ hôi trong phòng khách rộng, đồ đạc xếp lại hoặc dựng đứng vào vách. Cả hai đang chơi đá bóng với trái banh quấn bằng giẻ rách.

Karol dành tất cả thì giờ rảnh rỗi cho nỗi đam mê mới: diễn kịch. Cậu dẫn đầu trong các kịch phẩm của nhà trường. Với sự khích lệ của thầy giáo, cậu tham gia một đoàn kịch nghệ. Cậu biểu lộ rất nhiều hứa hẹn tới độ bạn bè không bao giờ nghi ngờ việc Karol sẽ trở thành một kịch sĩ hoặc một nhà văn. Cậu nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng. Những năm ấy đối với cậu thật hạnh phúc. Láng giềng thường nghe cậu hát vui vẻ khi đi xuống cầu thang để tới các buổi tập diễn.

Vào tháng Năm 1938, Tổng giám mục giáo phận Krakow là Adam Sapieha tới Wadocice để cử hành phép Thêm sức. Karol được ban cho vinh dự nghênh đón ngài, và cậu đã chào mừng ngài bằng một diễn từ cực kỳ tao nhã do mình soạn thảo. Đức cha Sapieha ngắm kỹ khuôn mặt nhạy cảm, bao phủ bởi tóc tai bồng bềnh của người học sinh ấy.

Vị Tổng giám mục ấy hỏi thầy dạy giáo lý của Karol :

– Sau khi tốt nghiệp, cậu ấy sẽ làm gì? Cậu ấy có sẽ vào chủng viện không?

Xin phép được trả lời trực tiếp, Karol nói:

– Con sẽ nghiên cứu văn chương và triết học Ba Lan.

Đức tổng giám mục đáp lại:

– Tiếc quá!

Trong lúc ấy, thế giới chung quanh họ đang thay đổi. Karol kết bạn thân thiết với Ginka Beer, một cô láng giềng gia đình ở cùng chung cư. Vào một ngày mùa hè 1938, người thiếu nữ này bất ngờ xuất hiện trước cửa căn hộ của Karol. Cậu tức khắc cảm thấy có điều gì không ổn. Ginka trước đây chưa bao giờ đến nhà cậu.

Cô ấy bảo cậu là bố mình, quản đốc ngân hàng địa phương, đã quyết định cả gia đình phải di tản. Ba Lan dường như không còn yên ổn cho người Do Thái. Những tên du côn trẻ tuổi thường hô hào tẩy chay các cơ sở mua bán và kinh doanh của người Do Thái, đang đập phá cửa sổ của họ.

Bố của Karol cố gắng thuyết phục cô ấy ở lại. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần.

– Không phải tất cả người Ba Lan đều bài Do Thái.

Karol cũng cố thuyết phục Ginka đừng đi, nhưng vô ích. Cậu bối rối cực kỳ, tới độ mặt đỏ bừng, và rồi buồn bã không nói nên lời. Karol lần nữa mất thêm người thân của mình.

Sau khi xong trung học, Karol cùng bố dọn đến Krakow và ghi tên vào Đại học Jagiellonian. Khi bom của Đức dội xuống thành phố ngày 1 tháng Chín, anh đang ở trong nhà thờ chánh toà cổ kính. Ngay lúc tiếng nổ dội lại và tiếng còi hụ vang lên, các toán quân Đức tiến vào Krakow.

Ba Lan sụp đổ nhanh chóng và kinh hoàng. Từ ngày 6 tháng Chín, người Đức xâm chiếm Krakow. Ngày 28 tháng Chín, Warsaw đầu hàng và đối với Karol Wojtyla, bắt đầu cuộc sống trong xứ Ba Lan bị chiếm đóng.

Quân Quốc xã nhanh chóng siết chặt dây thòng lọng trên dân chúng. Bất cứ ai làm việc gì mà không được chúng cho phép đều có nguy cơ bị tống xuất đi Đức. Vào mùa thu năm 1940, Karol làm công nhân tại một mỏ đá điều hành bởi công ty hoá học Solvay do người Đức chỉ huy ở ngoại ô Krakow. Suốt tám giờ trên công trường, anh bắt buộc phải làm việc ngoài trời lạnh cóng dưới 0 độ C.

Điều kiện làm việc thật ác nghiệt. Có một ngày, Karol thấy một đồng nghiệp tử nạn vì dăm đá chọc thủng màng tang lúc người ấy sử dụng cưa đá. Anh cảm giác nỗi đau đớn và cơn giận của những công nhân khác cùng sự quằn quại bi thương buốt nhói của người quả phụ.

Các công nhân gọi Karol Wojtyla là "anh chàng sinh viên" và quan sát lúc anh chịu đựng cơn lạnh mà chỉ mặc áo khoác xanh, quần xanh và đội chiếc mũ trì cứng trửng mồ hôi. Một ngày kia, anh làm họ ngạc nhiên khi tới mỏ đá anh xanh mét và run rẩy. Anh đã đem áo khoác của mình cho một người khốn khổ rách rưới nào đó mà anh gặp trên đường.

Công việc tại mỏ đá và tình trạng thiếu thốn của chiến tranh thay đổi thể chất của Wojtyla. Khuôn mặt anh gầy gò và xương xẩu. Khi bước, anh khòm lưng xuống. Khẩu phần thời chiến thật ít ỏi. Sự việc còn tệ hại hơn vì người thanh niên này còn có một ông bố đang bị bệnh nặng.

Vào ngày 18 tháng Hai năm 1941, trời băng giá lúc Wojtyla đi làm việc. Cha anh nằm liệt giường ở nhà, không thể tự lo liệu cho mình.

Sau giờ lao động, Wojtyla mang một ít thực phẩm, thuốc men và trở về căn nhà ở tầng hầm của mình với một người bạn của cô em gái. Anh bước vào phòng của bố, lát sau có tiếng khóc thổn thức vọng ra. Bố anh đã chết.

Ghì chặt cô gái, mặt đầm đìa nước mắt, Wojtyla khóc than:

– Tôi không ở đó khi mẹ tôi mất. Tôi không ở đó khi anh tôi chết. Tôi không ở đó khi bố tôi từ trần.

Suốt đêm, người con trai canh thức thi hài thân phụ. Suốt cuộc canh nguyện này, anh suy nghĩ về chính định mệnh mình. Nhiều năm sau, Đức Gioan Phaolô II nói về thời điểm ấy:

– Vào tuổi 20, tôi đã mất tất cả mọi người tôi yêu thương.

Trong những tháng kế tiếp, nỗi thương đau của anh gắn chặt anh hơn vào đức tin của mình. Sau cùng, năm 1942, người thanh niên ấy đi đến một quyết định. Ít lâu sau, Đức Tổng giám mục Sapieha giáo phận Krakow được báo cho biết là Wojtyla muốn trở thành linh mục.

Chủng viện bí mật

Đức Adam Sapieha, giám mục tông toà Krakow là một nhà quý tộc, một người yêu nước và một chính trị gia. Ở tuổi 72 ngài trụ lại cách cương quyết ở chức vụ mình khi quân đội Hitler tiến vào thành phố. Ngài giữ liên lạc với các nhóm kháng chiến, với chính phủ Ba Lan lưu vong ở Luân đôn và với Vatican. Ngài giúp đỡ riêng tư cho người Do Thái bằng cách cho phép phát hành các giấy chứng nhận rửa tội để bảo vệ họ thoát khỏi những cuộc truy lùng của bọn Quốc xã.

Trong thời chiếm đóng, quân Quốc xã ra sắc lệnh cho Giáo hội không được tiếp tục đào tạo các chủng sinh. Đức Sapieha bất chấp, thiết lập một chủng viện ngầm để bảo đảm cho Giáo hội một lưu lượng liên tục các ứng viên linh mục.

Wojtyla gia nhập chủng viện bí mật của Đức Tổng giám mục vào tháng Mười 1942. Lớp học được mở tại các tu viện, nhà thờ và tư gia. Mỗi sinh viên có một giáo sư được chỉ định để trông nom kềm cặp riêng từng người. Các sinh viên được chỉ thị giấu người quen kẻ biết việc học hành của mình.

Vào ngày "Chủ Nhật Đen" 6 tháng Tám 1944, mật thám SS và Gestapo bố ráp mọi đường phố nhằm đập tan bất cứ sự phối hợp nào của kháng chiến Ba Lan. Hơn tám ngàn người lớn và thiếu niên bị câu thúc.

Wojtyla đang cùng với các bạn trong căn hộ mình, nghe tiếng la hét và bước chân rầm rập của lính Đức. Đang khi anh cầu nguyện trong phòng thì những người khác cùng chờ đợi với anh, tê liệt vì sợ hãi.

Trên đầu mình, họ nghe lính Đức ra lệnh tiến lên cầu thang, nhưng trong lúc vội vã, vì lý do nào đó mà chúng không lùng sục tầng hầm của chung cư.

Ngày kế tiếp, Wojtyla, né tránh các đợt tuần tra quân sự, tìm đường tới toà tổng giám mục, nơi Đức Sepieha dấu các chủng sinh trẻ. Sau cùng, trong nơi kín đáo của chủng viện bí mật, Wojtyla khoác lên người chiếc áo tu sĩ mà mẹ anh đã muốn anh mặc.

Đức Sepieha đặc biệt trông nom Wojtyla. Họ thường dùng điểm tâm với nhau. Ngài yêu thích chàng thanh niên gầy gò, trầm mặc và sau đó, tên của Wojtyla được xóa khỏi danh sách các công nhân công ty hoá học Solvay.

Ít tháng sau, vào tháng Giêng 1945, khi sức kháng cự của Đức đối với quân Đồng minh bị bẻ gãy, Krakow được Hồng quân Nga giải phóng. Karol Wojtyla có thể chấm dứt việc học của mình tại Đại học Jagiellonian, và vào ngày 1 tháng Mười Một 1946, được Tổng giám mục Sapieha truyền chức.

Việc thất trận của Quốc xã không giải phóng được Giáo Hội – hoặc Ba Lan – khỏi áp bức. Sự củng cố có tính cách Stalinnít tại Đông Âu và Trung Âu rất nhanh chóng và thật ác liệt. Nhưng tại Ba Lan, Giáo hội hậu chiến lập tức trở thành tiếng nói đối lập thầm lặng.

Trải qua nhiều thế kỷ, trong chiến tranh và chia cắt, văn hoá Ba Lan và giai cấp nông dân đã trở thành gắn bó một cách không thể tháo gỡ với Giáo hội, vốn luôn luôn đứng trên căn bản chống lại kẻ xâm lăng và những người bản xứ ngoại đạo. Với dân số Công giáo tràn ngập, Ba Lan có tính cách độc nhất. Các lãnh tụ thịnh nộ của Bộ chính trị ở Mátcơva không thể hiểu cách giản dị rằng Giáo hội Công giáo tại Ba Lan là một sức mạnh.

Sau một năm rưỡi du học ở Roma, Wojtyla trở về Ba Lan. Để tạo cho Wojtyla dễ dàng hội nhập vào hàng ngũ Giáo hội, Đức Sapieha, lúc này đã là hồng y, chọn cho linh mục ấy một họ đạo ở thôn quê cách Krakow 50 cây số. Làng đó có 200 dân và một ngôi nhà thờ gỗ.

Nhiều người kể lại câu chuyện về cách mà Wojtyla, một linh mục gầy gò trong chiếc áo thầy tu sờn vải, lúc đến mang hành lý của mình trong một túi xách thể thao, lê bước chầm chậm dọc theo con đường không có lề đường.

Trong bảy tháng, Wojtyla nếm mùi kinh nghiệm mục vụ: làm phép rửa tội, nghe xưng tội, cử hành lễ cưới và đám ma, viếng kẻ liệt, dâng Thánh lễ, chăm sóc cuộc sống tinh thần cho các bổn đạo nhà quê.

Chính trong ngôi làng quê mùa này mà vị linh mục trẻ nếm trải kinh nghiệm đầu tiên cùng cách hoạt động của guồng máy Stalinnít. Khi cơ quan công an mật muốn giải tán Đoàn Thanh niên Công giáo địa phương, thí dụ, họ yêu cầu một trong các thành viên cung cấp tin tức về toàn nhóm. Người thanh niên ấy từ chối.

Vào một buổi tối, công an bắt anh ấy lên xe, mang anh đến làng bên và đánh đập anh nặng nề. Anh trở về làng sáng hôm sau trong cơn chấn động.

Wojtyla an ủi người ấy và nói về những người Cộng sản:

– Stanilaw, anh chớ lo. Rốt cuộc họ sẽ tự kết liễu họ thôi.

Tháng Ba năm 1949, Đức Hồng y Sapieha thuyên chuyển Wojtyla tới giáo xứ đại học St. Florian ở Krakow. Vị hồng y lão thành nhận ra là ở nơi đó, cha Karol có thể triển khai trọn vẹn mối quan hệ tuyệt vời của ngài với thanh niên.

Wojtyla bắt đầu làm những chuyến đi tới núi non hoặc sông hồ với các thanh niên nam nữ trong đại học. "Các cô và các cậu" - qua cách mà ngài nói với họ - cảm thấy sự nồng ấm đặc biệt đối với ngài. Hằng ngày, ngài bắt đầu với Thánh lễ, rồi dẫn đầu một đoàn dài các trại sinh leo núi hoặc bơi thuyền.

Ngài mặc quần áo như người thường, thường là áo thun và quần cụt để che giấu hành tung của một linh mục. Chính quyền nghiêm cấm giáo sĩ không được hướng dẫn các nhóm thanh niên ở bên ngoài nhà thờ của mình. Các sinh viên gọi ngài là “chú” – phần vì yêu mến, phần vì tránh bị nghi ngờ.

Ngài thường chọn riêng ra một sinh viên để suốt ngày trải qua những giờ tận tâm cách riêng với mỗi người. Thanh niên cởi mở với ngài và thẳng thắn thảo luận về mọi loại vấn đề – kể cả cuộc sống tình ái của mình.

Năm 1954, Wojtyla bắt đầu giảng dạy môn luân lý tại Đại học Công giáo Lublin. Ngài thường đội mũ bê rê màu đỏ tiá vui nhộn, đeo kính gọng sừng và chiếc áo dòng màu đen sờn vải từ thuở ngài thường hay quì gối.

Tại đại học, ngài tham gia một nhóm nhỏ các giáo sư bí mật tụ họp thảo luận về tình trạng gay go của Giáo Hội. Không khí chính trị và tôn giáo tại Ba Lan trở nên quyết liệt hơn. Các tu sĩ bị bắt bớ. Tuần báo Công giáo ở Krakow bị đóng cửa vì từ chối đăng lời cáo phó Stalin ngay trang đầu.

Khi Giáo hội Công Giáo chiến đấu tìm cách chung sống với Cộng sản, Karol Wojtyla, một linh mục ít người biết tới của Krakow, sắp đặt bước chân đầu tiên của mình lên điểm ánh đèn sân khấu rọi sáng.

Người chưa thể lường trước

Ngày 4 tháng Bảy 1958, Wojtyla được triệu tập khẩn cấp tới nơi ở tại Warsaw của Đức Hồng y Wyszynski, giáo chủ, cũng là nhà lãnh đạo Giáo hội. Suốt mười năm, Đức Wyszynsky là biểu tượng cho Giáo hội Công giáo Ba Lan. Bằng những ứng xử khôn khéo và ngoan cường, bằng con đường ngoại giao, ngài bảo vệ truyền thống độc lập của Giáo hội.

Lúc này, Đức Wyszynski lẹ làng đưa mắt nhìn vị linh mục trẻ rám nắng, kẻ mà ngay trong chiếc áo dòng của mình cũng cho thấy sự cường tráng và lực lưỡng. Đức Hồng y không hiểu nhiều về người trẻ tuổi này ngoại trừ số tuổi của người ấy, 38, và việc ngài bị người ấy ngắt lời trong một cuộc tỉnh tâm của một nhóm thanh niên.

Wyszunski đưa bàn ta xương xẩu của ngài cầm một tờ giấy lên khỏi mặt bàn. Ngài mở lời:

– Đây là một lá thư ưu ái mà Đức Thánh cha gởi cho chúng ta. Xin hãy nghe: 'Tôi chỉ định Linh mục Karol Wojtyla làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Krakow; xin vui lòng chấp thuận sự chỉ định này’.

Đức Hồng Y nhìn Wojtyla ngưng lại để xem xét phản ứng của vị linh mục trẻ, rồi hỏi:

– Cha có chấp nhận không?

Wojtyla thưa vâng. Ngày 28 tháng Chín 1958, Karol Wojtyla được truyền chức giám mục tại Nhà thờ Chánh toà Wawel ở Krakow.

Chưa đầy hai tuần sau, ngày 9 tháng Mười, Đức Thánh cha Piô XII qua đời ở tuổi 82, và ngày 28 tháng Mười các hồng y bầu Đức Angelo Giuseppe Roncalli, 76 tuổi, lấy danh hiệu là Đức Thánh cha Gioan XXIII. Chỉ mới nội trong ba tháng đầu, vị tân Đức Thánh cha này đã triệu tập một Công đồng toàn thế giới. Thiệp mời gởi tới cho 2.594 giám mục khắp thế giới, trong đó có Đức Karol Woltyla.

Giáo hội Công Ggáo là một định chế luôn luôn có khuynh hướng xem rất trọng tính liên tục. Nhưng hội nghị của các thủ lãnh Công giáo từ tháng Mười năm 1962 đến tháng Mười hai năm 1965 được xem chính xác như một đoạn tuyệt căn bản với quá khứ. Công đồng Vatican II là một cuộc cách mạng.

Tại Vatican II, chủ trương chuyên chế của trung ương – bộ máy thư lại toà thánh tại La Mã hàng thế kỷ độc đoán cùng sự bắ t buộc tôn trọng tuyệt đối các luật lệ của cuộc sống Công giáo – bị tước bỏ. Công đồng phá vỡ kiểu thức của một Giáo hội kế thừa từ Thời đại Phục hưng của Công đồng Trentô (1545-63), và cho phép nối lại tình hữu nghị với các giáo hội Thệ phản (Tin lành) và Chính thống giáo phương Đông và từ bỏ chủ nghĩa chống Do Thái.

Khi Giám mụ c Wojtyla lần đầu tiê n đến La Mã, vị giáo sĩ 42 tuổi này là một người chưa ai lường trước được. Nhưng công đồng sẽ thay đổi cuộc đời của vị ấy. Các buổi hội luận của công đồng là trường học lớn lao cho ngài. Ngài quan sát, lắng nghe và học hỏi. Từ ghế ngồi của mình trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngài là chứng nhân các cuộc đối đáp, những tràng vỗ tay thắng lợi, những bùng nổ thịnh nộ, và sự thành hình các khối phiếu thể hiện lề lối dân chủ nghị trường của Giáo hội.

Ngài bắt đầu tiếp xúc với những khuôn mặt có ảnh hưởng trong Giáo hội. Tại La Mã ngài gặp lại người bạn cũ, Cha Adrzej Maria Deskur từng cùng ngài theo học ở chủng viện và có một am hiểu sâu xa về trung ương. Cha Deskur giới thiệu Đức Wojtyla với những khuôn mặt chủ yếu trong các nhóm ở Vatican. Cha Deskur kể lạI:

– Mỗi ngày thứ hai tôi hỏi ngài muốn gặp ai, và Karol đưa cho tôi một danh sách.

Tại Công đồng Vatican II, những người Ba Lan là phái đoàn quan trọng ra đi từ thế giới cộng sản, và chẳng bao lâu, Đức Wojtyla trở thành một trong các người phát ngôn của phái đoàn.

Vị tân giám mục của Krakow bắt đầu lôi cuốn sự chú ý. Ngài nổi bật trong sự kính mến của Công đồng vì kiến thức, khả năng lắng nghe của ngài và việc ngài coi thường tính chất tinh thần của chủ nghĩa cộng sản.

Dù đôi khi bị đánh giá là người theo những nguyên tắc trừu tượng, quá cách biệt với chính trị, Đức Wojtyla biết cách sử dụng uy lực của các ý nghĩa tượng trưng. Khi ngài chính thức trở thành tổng giám mục của Krakow, ngài khải hoàn bước vào Nhà thờ Chánh toà Wawel, mặc phẩm phục được trao cho các tổng giám mục vốn có nguồn gốc từ thời Trung cổ.

Phẩm phục tráng lệ ấy của Đức Wojtyla tiêu biểu cho gần một ngàn năm lịch sử Ba Lan. Nó không chỉ là tôn trọng truyền thống mà còn là cách nhắc nhở các tín đồ và "những người ngoại giáo" đang nắm quyền rằng Giáo hội của Ba Lan là của dân tộc, và lịch sử của Ba Lan đã không thể hiện hữu nếu tách biệt khỏi Giáo hội.

Sự thách thức của Đức Wojtyla còn công khai hơn. Từ những ngày mới làm giám mục, ngài đã dài ngày vận động cố sở đắc cho được giấy phép dựng một nhà thờ tại Nowa Huta, một thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu do Cộng sản xây dựng sát bên trong địa giới của giáo phận Krakow.

Khi chính quyền không giữ lời hứa, vào dịp lễ Giáng sinh ngài đến khu vực đã hứa cho xây nhà thờ và cử hành Thánh lễ nửa đêm ngoài trời trong tuyết lạnh.

Ngài tới tấp đòi hỏi giới cầm quyền bằng một chuỗi thỉnh nguyện kiên định và các yêu cầu về các chủng viện mới, nhà thờ mới và những cuộc rước kiệu công khai. Ngài phản đối toan tính của chính quyền ngăn chận việc dạy giáo lý cho trẻ em.

Tính cách độc lập và cá tính của vị Tổng giám mục này đã sớm được nhận biết. Năm 1967, Đức Phaolô VI phong ngài làm Hồng y. Từ đó trở đi, cảm tình giữa Đức Phaolô VI và vị Tổng giám mục 47 tuổi của Krakow này ngày càng gia tăng, và ngài trở thành vị khách được ái mộ của Đức Thánh cha.

Trong các chuyến đi La Mã, ngài thường viếng thăm Đức Phaolô VI bằng những cuộc tiếp kiến riêng tư. Và lúc ấy cả hai có sự hợp tác đặc biệt trong một thông điệp giáo hoàng đánh dấu một bước ngoặt, Humanae Vitae (Sự sống Con người). Có thể thấy dấu vết của vị Hồng y ở Krakow trong thông điệp ấy mà hầu hết nội dung duy trì sự nghiêm cấm của Giáo hội về các cách thức ngừa thai nhân tạo.

Tại Vatican, Đức Wojtyla nổi tiếng như một triết gia và một người sử dụng dễ dàng nhiều ngôn ngữ châu Âu khác nhau: Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Anh, Ý và Đức ngữ. Ngài cũng nổi tiếng về sức quyến rủ lạ thường của mình đối với giới trẻ.

Với các hồng y khác, vị Hồng y Ba Lan này vẫn còn điều gì như một cuốn sách chưa lật ra. Ngài nồng nàn trong những trao đổi riêng tư nhưng hiếm khi vui vẻ. Trong khi khao khát được lắng nghe lời người khác, ngài vẫn là kẻ thui thủi một mình. Một số người biết là ngài đã mất mẹ, anh và bố từ những năm tuổi nhỏ, nhưng ngài không bao giờ đề cập đến chuyện ấy. Thực tế, ngài chẳng sở hữu gì ngoài sách và những chiếc áo dòng, một ít vật kỷ niệm của gia đình, giày trượt tuyết và quần áo leo núi.

Ngài cũng sớm được chú ý đến bên ngoài Vatican. Vào năm 1976, báo New York Times xếp ngài vào danh sách mười ứng viên thường được đề cập nhất để kế vị Đức Phaolô VI. Dù Đức Hồng y Albino Luciani đã được bầu khi Đức Phaolô VI qua đời vào tháng Tám 1978, những vị bên trong Giáo hội đều đồng ý v ới nhau rằng “ngôi sao Wojtyla đang lên”.

Đức Thánh cha

Người tài xế nhớ lại, tác động của tin Đức Thánh cha từ trần làm cho Đức Wojtya nhức một bên đầu. Suốt ngày vị Hồng y Krakow bị căng thẳng. Ngài biết là mình sắp sửa không thể nào tham dự các buổi họp kín của Hồng y đoà n như là một khán giả thuần túy.

Dạo tháng Tám gần như việc bầu chóng vánh Đức Gioan Phaolô I thật sự là một phép lạ. Chỉ bốn vòng bỏ phiếu, các Hồng y đã đồng ý chọn ngài. Nay phải tìm cho ra một tên tuổi khác.

Việc ấy có thể làm mệt phờ người. Chính thức, các Hồng y tin vào Chúa Thánh linh, nhưng các vị hiểu rằng diễn tiến bầu cử vị giáo chủ tối cao sẽ tác động đến mọi sự kiên định, khéo léo và có khi có khả năng tạo hiềm khích với nhau.

Một lần nữa người Ý cố đặt một đồng bào của mình lên, nhưng Đức Wojtyla đã thành một ứng viên đáng chú ý. Ngài biết là có một vị Hồng y nhiều ảnh hưởng đang vận động cho mình: Đức Franz Konig của Vienna (Áo). Nhân vật cao lớn, bệ vệ này có 20 năm kinh nghiệm trong Hồng y đoàn. Ngài và vị Hồng y Krakow hiểu nhau rất rõ. Trong các lần Đức Wojtyla viếng thăm La Mã, cả hai đã có những cuộc thảo luận rất lâu về tình hình Đông Âu, đặc biệt tại các xứ sở mà phần lớn hoạt động của Giáo hội bị hạn chế trong thầm lặng.

Đức Konig thuyết phục nhiều Hồng y ở La Mã là vị Thánh cha sắp tới phải là người trẻ, mạnh khỏe và không là người Ý. Sau cái chết của Đức Phaolô VI, Đức Konig từng tuyên bố là các Hồng y Đông Âu cũng có quyền có ứng viên của mình.

Nếu có ai hỏi tên, Đức Konig đưa Wojtyla ra. Và từ từ, ngài để lộ lời Đức Phaolô VI nói về vị Hồng y ở Krakow rằng:

– Vị ấy là một người dũng cảm và đáng ca ngợi.

Nhưng khi thăm dò các đồng sự, Đức Konig thấy không có sự đồng tâm tức thời. Ngài càng đề cập tới, càng nhận ra là thật khó khăn khi đập vỡ cái khuôn rập hàng ngàn năm nay đòi hỏi vị Thánh cha phải là người Ý.

Đức Wojtyla nằm ngoài sự chú ý của mọi người, nhưng điều ấy không quan trọng gì. Đức Giám mục Deskur, người bạn và người đồng hương không mệt mỏi của ngài đã đóng vai người điều hành cuộc vận động và cũng nỗ lực để nhiều người ủng hộ khác nhau cùng đứng về phía Đức Wojtyla.

Rồi thì, chỉ một ngày trước khi bắt đầu hội nghị, Đức Deskur bị lên cơn đau tin nặng và từ đó chẳng bao giờ ngài hoàn toàn bình phục. Đức Wojtyla dịu dàng và lo âu thăm viếng ngài tại bệnh viện nơi ngài nằm điều trị. Để thư giản, Đức Wojtyla ra bãi biển. Chỉ ngay bên ngoài La Mã, mặt nước mùa thu lạnh lẽo mới đủ ấm cho nhân vật cô độc này, một người đến từ phương bắc đang vùng vẫy bơi lui bơi tới.

Trong vòng đầu phiếu đầu tiên, các Hồng y tụ họp tại Nhà nguyện Sistine. Các vị im lặng lắng nghe những luật lệ buộc phải giữ bí mật tuyệt đối, cấm mọi thông tin với thế giới bên ngoài. Không cho phép các máy truyền tin hai chiều cũng như không được ghi âm. Bộ phận bảo vệ của Vatican đã dùng các máy dò điện tử để lùng tìm các vật nghe lén.

Sau khi gặp nhau, mỗi Hồng y vào phòng hay ngăn ở dành riêng cho mình. Vào ngăn 91, vị Hồng y Krakow chú ý tới chiếc giường đơn, tủ để đồ và một chiếc bàn nhỏ.

Hôm sau, Chúa nhật ngày 15 tháng Mười, diễn tiến bầu cử bắt đầu. Cuộc bầu cử diễn ra cho thấy rõ là các ứng viên người Ý bị chia phiếu của nhau. Và những ứng viên đang loại trừ lẫn nhau đó không đạt kết quả trong việc giành được sự nhất trí mạnh mẽ.

Tính chất gay gắt của cuộc tranh đua bầu phiếu tương phản với sự trầm lặng không thực tràn ngập hội nghị. Thực tế, tại Nhà nguyện đường Sistine chỉ có tiếng kêu sột soạt của các lá phiếu khi xếp chúng lại và bỏ vào chén thánh được dùng làm thùng phiếu. Giữa cảnh im ắng này, đang trang trọng diễn ra cuộc chiến đấu cho tương lai của Giáo hội.

Vào tối Chúa nhật, rõ ràng là các ứng viên dẫn đầu đã đánh mất vị trí của mình. Ở vòng phiếu thứ tư, Đức Wojtyla nhận thêm được một ít phiếu, một điềm báo hiệu. Đức Konig cảm thấy sẵn sàng lao vào cuộc tiến công tối hậu.

Ngài nói với các Hồng y Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, luôn luôn bằng một thái độ tự nhiên như thể đó là vấn đề tầm thường nhất. Một ít lời trao đổi trong hành lang, trò chuyện trong khi rời phòng ăn, viếng thăm ngắn ngũi ngăn ở của một vị nào đó, ngài thận trọng và thuyết phục.

Sự căng thẳng rì rào khắp hội nghị khi các cử tri nghiêm trọng cân nhắc khả năng bỏ phiếu cho một vị không phải người Ý.

Ngày Thứ hai 16 tháng Mười, trong vòng phiếu thứ sáu – vòng cuối trước khi đi ăn trưa – các lá phiếu bầu cho hồng y Krakow đột nhiên tăng lên. Chiều ấy, sau hai vòng bầu nữa, Đức Wojtyla nghe xướng tên mình. Một đa số lớn lao các Hồng y đã làm điều không tưởng tượng nổi: các vị chọn một Đức Thánh cha từ một xứ sở có chính quyền Cộng sản vô thần, vị Thánh cha đầu tiên không phải người Ý tính từ suốt 456 năm qua, một Thánh cha trẻ 58 tuổi, kẻ khi còn đi học từng nói mình không thích làm linh mục.

Giữa sự thinh lặng ấy, nghe rõ tiếng vị Hồng y thị thần hỏi:

– Ngài có chấp nhận không?

Sự căng thẳng tan trên khuôn mặt của Đức Wojtyla, ngài trả lời nghiêm trang:

– Có. Với sự vâng phục trong đức tin vào Đức Kitô, Chúa chúng ta, và với sự tin tưởng vào Mẹ của Đức Kitô và của Hội thánh, bất chấp mọi khó khăn, tôi chấp nhận.

Và để vinh danh di sản của ba vị Thánh cha tiền nhiệm, ngài lấy danh hiệu Gioan Phaolô II.

Chỉ có nhịp mạch máu giật trên trán của Đức Wojtyla để lộ cơn bão trong tâm hồn ngài khi ngài chuẩn bị rời nhà nguyện ấy. Trầm lặng, ngài để cho mình được hộ giá tới phòng ngoài, được xem là camera lacrimatoria (phòng than khóc). Ở đây, vị tân Đức Thánh cha chờ đợi người thợ may toà thánh mặc thử cho ngài một trong ba loại áo chùng trắng – cỡ nhỏ, vừa hoặc lớn – đã được đặt sẵn ở đó.

Sau khi Đức Thánh cha Gioan Phaolô II mặc chiếc lớn nhất trong ba chiếc áo dòng ấy, các Hồng y lần lượt từng người tới bái ngài để tỏ lòng tôn kính. Sau đó, vị tân Đức Thánh cha tự mình bước quả quyết vào hành lang rộng lớn ngoài Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để chào La Mã và thế giới.

Ngày 22 tháng Mười, Đức Wojtyla xuất hiện tại Quảng trường Thánh Phêrô cử hành thánh lễ đăng quang ngôi Thánh cha của mình. Ngài có sự thoải mái của một nghệ sĩ vốn đã thuộc lòng vai tuồng của mình.

Khi các nốt nhạc của bài tụng ca kết thúc trong im lặng, vị giáo chủ tối cao phá vỡ truyền thống và bắt đầu tiến gần đến dân chúng chung quanh ngài. Bằng những bước dài, ngài đi nhanh qua quảng trường lúc các Hồng y đứng ngắm hết sức kinh ngạc. Ngài ôm một nhóm những người tật nguyền đang ngồi xe lăn. Ngài bắt tay, hôn các em bé và vỗ các lẵng hoa dân chúng dâng ngài.

Tiếp đến, ngài dồn ánh mắt của mình vào đám đông cuồng nhiệt, và cầm quyền trượng của mình bằng hai tay như một thanh kiếm, ngài vạch dấu hiệu chúc phúc đầy quyền năng.

Qua các vệ tinh, những tín hữu cũng như không phải tín hữu khắp thế giới quan sát nghi lễ trang trọng ấy. Tại Ba Lan, thực tế mọi người đều dán mắt vào máy truyền hình của mình. Toàn bộ sinh hoạt xứ sở dường như tạm ngưng lại.

Ngày 5 tháng Mười một, Đức Wojtyla thăm Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô, vị thánh đỡ đầu nước Ý. Nhiệt tình của đám đông khi gặp ngài thật cuồng nhiệt. Với sự tưng bừng hớn hở của đám đông ngân vang bên tai, Đức Thánh cha nghe ai đó la lớn:

– Xin đừng quên Giáo hội Thầm lặng!

Câu đó có nghĩa đề cập tới Giáo hội bị bách hại bên kia Bức màn sắt.

Không để lỡ nhịp hô, Đức Gioan Phaolô II đáp lại:

– Không còn Giáo hội Thầm lặng nữa, vì Giáo hội ấy nói với tiếng nói của tôi!

Ngài đã sẵn sàng để nhắc nhở các chế độ Cộng sản rằng có những Kitô hữu không có tự do ngôn luận. Và ngài sẽ cho thấy rất nhanh điều ngài muốn đề cập.

Đức Gioan Phaolô II sắp sửa đốt sáng ngọn lửa bên dưới hàng giáo phẩm Công giáo tại các nước Đông Âu. Với các giám mục Nam Tư, Hungary, Latvia và Lithuania, ngài hứa hỗ trợ và khuyến khích các vị ấy dũng cảm hơn trong việc đối phó với chế độ Cộng sản mà họ đang sống dưới chúng.

Trong lúc ấy, tại Mátcơva, cấp lãnh đạo đang đánh giá vị tân Thánh cha. Ngày 4 tháng Mười một 1978, Ủy ban Trung ương của đảng Cộng sản Sô viết nhận được bản báo cáo đặc biệt về vị tân giáo chủ này với những đúc kết tiên đoán về vai trò mới của ngài trong cương vị giáo hoàng, rằng “Wojtyla rõ ràng là sẽ ít muốn thoả hiệp (hơn trước đây) với cấp lãnh đạo các nhà nước xã hội chủ nghĩa".

Có một điều mà bản báo cáo ấy không thấy trước được là Đức Gioan Phaolô II sớm sủa nhận lời thách đấu biết chừng nào.

Các tuyến mặt trận

Thách đố đến với hình thức chiếc phi cơ phản lực màu trắng Alitalia bắt đầu hạ cánh xuống phi trường Warsaw ngày 2 tháng Sáu 1979. Trên máy bay, Đức Thánh cha bồn chồn ôn lại bản sơ thảo bài diễn văn đầu tiên của mình. Ngài nói:

– Tôi trở lại. Tôi sắp gặp gỡ Giáo hội mà từ đó tôi xuất thân.

Nhưng không ai hiểu hết cuộc viếng thăm này của ngài sẽ tác động tới mức nào.

Khi Leonid Brezhnev, lãnh tụ Sô viết, nghe tin chính phủ Ba Lan đang thương thảo về thời gian thăm viếng của Đức Thánh cha, y giận dữ điện thoại cho đệ nhất bí thư của Warsaw và truyền lệnh là không được đón nhận ngài.

Viên bí thư ấy trả lờI:

– Làm thế nào tôi không thể tiếp đón vị Thánh cha người Ba Lan khi đại đa số đồng bào tôi là người Công giáo? Xin lỗi đồng chí Leonid, tôi không thể từ chối Đức Thánh cha.

Brezhnev nói cách xui xẻo:

– Cứ làm điều ngươi muốn nhưng hãy cẩn thận và về sau chớ hối tiếc!

Năm 1966, đảng Cộng sản ở Warsaw từng từ chối chấp thuận cho Đức Thánh cha Phaolô VI thăm viếng. Nay lịch sử đã phục thù.

Sau khi vào không phận Ba Lan viên phi công chiếc Alitalia lái bay vòng trên thành phố Krakow. Đức Thánh cha nhìn xuống quang cảnh rất quen thuộc phía dưới; ngọn đồi hùng vĩ Wawel Castle và nhà thờ chánh toà; chỗ rẽ mênh mông của sông Visula nơi ngài từng tản bộ với bố mình; khu kỹ nghệ nằm trườn ra ở vùng ngoại ô Nowa Huta, "thành phố mới của công nhân" nơi người Cộng sản thuở trước từ chối không cho ngài xây nhà thờ. Từ trên không, ngài có thể nhìn thấy nhà máy hoá học già nua Solvay, toà nhà gạch đỏ nhếch nhác nơi ngài làm việc cực nhọc trong thời Quốc xã chiếm đóng.

Lúc 10 giờ 7 phút sáng, máy bay của Đức Thánh cha đáp xuống thủ đô Ba Lan. Vào lúc ấy, chuông các nhà thờ Ba Lan reo lên. Từ biển Baltic đến các ngọn núi Tatra, từ Silesia đến biên giới Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết, chuông thánh đường dội vang khắp xứ sở.

Tại phi trường, ban thánh ca Sinh viên Công giáo trổi lên điệu ca thời trung cổ "Gaude, Mater Polonia" (Vui lên, Mẹ Ba Lan ơi!), và khắp toàn cõi Ba Lan dường như biến mất lá cờ đỏ cộng sản. Chỉ còn lại các biểu ngữ của quốc gia Ba Lan và của Vatican.

Giữa hàng ngàn người Ba Lan bu quanh các con dường vào phi trường để nhìn Đức Thánh cha, có Zbigniew Bujak. Đó là nơi cuối cùng đáng cho anh đến. Anh là một người bị tình nghi. Công an mật đang đánh hơi anh, lập hồ sơ về anh. Mới đây anh đã tham gia thành lập một nhóm nghiệp đoàn bất hợp pháp.

Khi Đức Thánh cha đi qua trên một chiếc xe jeep nhà binh màu trắng, tiếng la hét của đám đông điếc cả tai. Bujak xúc động vì nụ cười của Đức Wojtyla khi ngài chúc phúc cho đám đông cuồng nhiệt. Bỗng nhiên, anh nhận ra rằng, " Đây cũng là một cuộc biểu tình chống cộng sản," và anh cảm thấy có một sức mạnh nâng mình lên.

Khi đến Quảng trường Castle, ngay lối vào Khu Phố Cổ Warsaw, xe Đức Thánh cha chạy lên trên những sỏi lát đường trải đầy các vòng hoa. Vừa thấy nhà thờ chánh toà, gương mặt của Đức Thánh cha mất vẻ biểu lộ quả quyết, và nước mắt bắt đầu tuôn ướt đẫm má. Đức Wojtyla dùng lưng bàn tay quệt nước mắt.

Vì đây là Thánh lễ đầu tiên Đức Karol Wojtyla cử hành tại Ba Lan trong cương vị Đức Thánh cha, các giám mục xây cất một khán đài khổng lồ ngay trung tâm Quảng trường Victoria, nơi mai táng Người Chiến sĩ Vô danh Ba lan. Bình thường chính phủ chỉ dùng quảng trường này để diễn binh. Lúc này, ba đợt cầu thang dẫn lên bàn thờ có cắm cây Thánh giá bằng gỗ cao 11 thước. Quảng trường rộng thênh thang ấy, thường là biểu tượng của sức mạnh Cộng sản, nay đã trở thành một chốn thờ tự tôn giáo.

Khi Đức Thánh cha đến quảng trường lúc bốn giờ chiều, đã có 300.000 người đợi sẵn. Mọi điều Đức Thánh cha nói trong bài giảng đều báo hiệu sự bắt đầu một chuyển hướng cho Giáo hội – tại Ba Lan, tại phần còn lại của Đông Âu, tại Liên bang Sô viết, và trong bang giao quốc tế.

Giáo hội không còn chỉ giản dị đòi hỏi không gian sống cho chính mình. Qua Đức Thánh cha này, Giáo hội đòi hỏi tôn trọng quyền con người cũng như các giá trị Kitô giáo, tôn trọng đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Những đòi hỏi này thể hiện một cuộc đổ bộ trực tiếp vào những khoác lác khắp thế giới của hệ tư tưởng Mác-xít mà lúc này đã trở thành chiếc vỏ ốc rỗng tuếch.

Khi Đức Gioan Phaolô II nói, mọi người có thể cảm thấy có một loại điện từ liên kết trọn vẹn diễn giả và cử tọa. Mười phút vỗ tay không ngừng đã làm chìm khuôn mặt nhỏ bé của Đức Thánh cha đang đứng thẳng người trong đám đông khổng lồ.

Lạc loài trong buổi hành lễ là các đại diện cao cấp của đảng Cộng sản. Họ quay về các sở chỉ huy ủy ban trung ương, căng thẳng dán sát mắt vào máy truyền hình của mình. Các ống kính máy thu hình của nhà nước chỉ được phép hướng một bề vào Đức Thánh cha và đoàn tùy tùng, không được quây đám đông mênh mông đang tham dự buổi tụ họp tôn giáo lớn lao nhất tại Đông Âu tính từ trước Thế chiến Hai.

Các bản báo cáo đầy hoảng hốt xuất phát từ chuyến đi ấy của Đức Thánh cha. Tại Lithuania, hàng trăm ngàn tín đồ lắng nghe các chương trình truyền thanh từ Warsaw, và các nhà thờ chật ních vì Thánh lễ tôn vinh Đức Thánh cha. Tại Latvia và Estonia cũng thế, dân chúng xem chương trình truyền hình phát đi từ Phần Lan.

Tại Mátcơva, giới lãnh đạo hàng đầu Sô viết cũng quan sát. Và tại Hoa Kỳ, trong số những người đang chứng kiến biến cố ấy bằng máy truyền hình là Ronald Reagan tại hàng hiên nông trại của ông ở Santa Barbara, California. Cùng xem với ông là Richard Allen, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông. Ngồi trước máy truyền hình xách tay, họ quan sát đám đông Ba Lan đang trong trạng thái say sưa chất ngất. Mắt của Reagan đẫm lệ.

Cuộc khải hoàn trở về quê mẹ của Đức Gioan Phaolô II đã khiến cho nhà cầm quyền Cộng sản ở Warsaw và Mátcơva rúng động. Họ choáng váng khi Đức Thánh cha ra điều kiện cho người Cộng sản nếu muốn chung sống hoà bình với Giáo hội: ”Từ nay phải làm kẻ bảo đảm cho các quyền con người cơ bản – mà người Cộng s n không thể nào tưởng tượng nổi – tại bất cứ nơi nào trong khối Đông”.

Trong chuyến đi của ngài, Đức Thánh cha gặp gỡ các công nhân quận Nowa Huta. Những kinh nghiệm công trường của mình đã cho Đức Gioan Phaolô II một am hiểu mà không vị Thánh cha người Ý nào từng có. Ngài phát đi một thông điệp sấm sét: “Không được ngược đãi công nhân bằng cách xem họ đơn thuần là phương tiện sản xuất!”

Sau cùng, ngày 10 tháng Sáu, loé lên tính cách cách mạng tại một xứ sở xã hội chủ nghĩa. Hơn một triệu tín hữu đến đồng cỏ ở Krakow lắng nghe thông điệp từ biệt của Đức Thánh cha.

Ngài nói lớn:

– Anh chị em thân mến! Anh chị em phải dũng cảm với sức mạnh tuôn trào từ đức tin! Không việc gì phải sợ hãi. Các ranh giới phải được mở ra.

Khi Đức Thánh cha tiến lên bàn thờ, hai quả bong bóng được thả lên trời, mang biểu hiệu cuộc kháng chiến của Ba Lan trong thời Thế chiến Hai: một chữ "P" trên một chữ "W". Có nghĩa "Ba Lan tiếp tục chiến đấu."

Đã vạch ra các tuyến mặt trận. Đức Thánh cha chống lại Đế quốc Sô viết,

Công đoàn Đoàn kết

Năm 1980, một năm sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, kinh tế Ba Lan bị suy sụp trầm trọng, hậu quả của nhiều năm quản lý tồi tệ. Hàng triệu công nhân xí nghiệp khắp xứ sở đều bất mãn. Những cuộc đình công tự phát bắt đầu vào tháng Bảy 1980, đến đầu tháng Tám, lan tràn tới 150 xí nghiệp gồm cả Nhà máy Đóng tàu Lênin ở Gdansk.

Trong lúc Đức Thánh cha làm việc ở văn phòng của mình tại La Mã thi ở Ba Lan, một người thợ điện lực lưỡng, thất nghiệp, với hàng ria mép đặc biệt, đang leo lên một chiếc xe xúc ở Nhà máy Đóng tàu Lênin. Thoạt đầu, công nhân trong nhà máy đóng tàu quan trọng nhất của Ba Lan này ít có thiện cảm với cuộc đối đầu ấy. Họ nhớ năm 1970 công an đã tàn sát hàng tá công nhân đình công dọc theo bờ biển Baltic.

Viên giám đốc nhà máy đóng tàu cũng hứa sẽ thảo luận tăng lương nếu công nhân quay lại làm việc. Nhưng Lech Walesa sáng đó đã leo lên bức tường cao ba mét rưỡi của sân nhà máy và lúc này đứng trên đầu chiếc máy xúc, phản đối kịch liệt viên giám đốc, và kêu gọi đình công.

Ông là một khuôn mặt nổi tiếng trong công nhân, và khi ông nói những người đình công sẽ tự giam mình trong nhà máy đóng tàu để tự bảo vệ mình trước các lực lượng an ninh, đám đông lưu ý tới lời kêu gọi của ông.

Hôm sau, 15 tháng Tám, Đức Thánh cha phái thư ký của mình, Đức ông Stanislaw Dziwisz, đi Ba Lan "để nghỉ ngơi ngắn hạn". Dziwisz là một trong những phụ tá được tín nhiệm và giá trị nhất của ngài, và sẽ là tai mắt của ngài.

Tại nhà nghỉ mùa hè dành cho mình ở Castel Gandolfo, Đức Thánh cha xem các phóng sự truyền hình về những biến cố tại quê nhà. Hình của Đức Thánh cha và ảnh Đức mẹ Sầu bi của Tiệp Khắc, một họa phẩm nổi danh về Mẹ Maria Đồng trinh, được trưng bày ở cổng vào nhà máy đóng tàu.

Các chính trị gia Tây phương kinh ngạc trước cảnh công nhân đình công tụ họp quì gối xưng tội ứng khẩu ngoài trời và quanh các biểu tượng tôn giáo mà họ đã chọn làm thước đo tranh đấu. Cuộc đình công lan tràn khắp nước. Số người đình công lên đến 300.000.

Suốt một tuần lễ, Đức Gioan Phaolô II giữ im lặng. Tuy thế, ngày Thứ tư 20 tháng Tám, khi phong trào đình công đe dọa sẽ sách động để đưa tới một tình trạng tê liệt chính trị dài hạn, Đức Thánh cha dâng hai lời cầu nguyện ngắn với một nhóm người hành hương Ba Lan ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài tóm kết:

– Hai lời cầu nguyện này biểu lộ rằng tất cả chúng ta ở tại La Mã này hiệp thông với đồng bào mình tại Ba Lan, cách riêng với Giáo hộI Ba Lan, mà những vấn đề của nó gần gũi biết bao với con tim của chúng ta.

Như thế, ngài đã công khai ban phép lành cho cuộc đình công.

Cùng ngày ấy, Đức Thánh cha gởi Hội đồng Giám mục Giáo hội Ba Lan một lá thư đầy tinh tế:

– Tôi cầu nguyện hết lòng mình rằng hàng giám mục Ba Lan tiếp tục giúp đỡ dân chúng trong cuộc đấu tranh khó khăn vì bánh mì hằng ngày, vì công bình xã hội, và vì sự bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm để sống và để phát triển.

Tối đó, chính quyền Ba Lan đưa ra một nhượng bộ có tính lịch sử, đồng ý tham dự thương thảo trực tiếp với các ủy ban đình công tại Gdanks và những cơ sở lao động khác. Và ngày 31 tháng Tám, một thoả ước chưa từng có được ký ở Gdanks, cho phép thành lập đầu tiên ở bên trong Bức màn sắt một công đoàn độc lập. Công đoàn ấy được gọi là Đoàn kết.

Trong buổi lễ ký kết, Walesa trịnh trọng rút từ túi áo ra một cây bút lớn, màu sáng bóng. Cây bút ấy là món quà kỷ niệm chuyến đi Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II, có hình của Đức Thánh cha trên bút.

Vào mùa thu 1980, các nhà lãnh tụ Cộng sản ở Đông Bá linh, Budapest và Prague than phiền Mátcơva về những diễn biến ở Ba Lan. Các nhà lãnh đạo điện Kremlin đề nghị "các bạn hữu Ba Lan" của họ cứu xét việc thiết quân luật và họ đề nghị khẩn trương chống lại Công đoàn Đoàn kết cùng những người ủng hộ nó.

Trong cuộc họp bất thường với Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo Cộng sản Ba Lan biện hộ cho chủ quyền của mình. Sau cùng, lãnh tụ Sô viết Leonid Brezhnev nhượng bộ và nói:

– Lúc này chúng tôi sẽ không tiến quân vào Ba Lan, nhưng nếu tình hình tồi tệ, chúng tôi sẽ làm.

Tháng Giêng 1981, Sô viết càng mất tinh thần hơn khi Lech Walesa du hành Vatican để gặp Đức Thánh cha và được ngài cử hành Thánh lễ riêng cho tất cả 14 thành viên của đoàn đại biểu Công đoàn Đoàn kết. Walesa làm cho báo chí cùng La Mã say mê y hệt cuộc viếng thăm của một diễn viên điện ảnh. Walesa nói:

– Đứa con đang đến gặp thân phụ của mình.

Liên minh

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của Ronald Reagan, một người đàn ông râu cá ngạnh, ăn mặc lôi thôi với bộ đồ vét màu xám được đưa vào văn phòng giản dị của Đức Thánh cha ở Vatican. Đó là William Casey, một người Công giáo nhiệt thành, hầu như dự Thánh lễ hàng ngày, giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo Hoa kỳ (CIA). Ông đến với một sứ mệnh riêng biệt có tính cách toàn cầu.

Ông trao tận tay Đức Gioan Phaolô II một bức hình độc đáo đáng chú ý do vệ tinh gián điệp của Mỹ chụp được từ hàng trăm cây số cách mặt đất.

Tại bàn làm việc trong chỗ riêng của mình, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II cẩn thận xem kỹ bức hình. Các chi tiết dần dà được tập trung lại: giữa vô số dân chúng, ngay tại trung tâm, có những chấm trắng chính là ngài đang đứng nói với đồng bào của mình tại Quảng trường Victory năm 1979.

Từ lúc vệ tinh Mỹ chụp hình Đức Thánh cha tại Ba Lan, Casey và Reagan tin chắc đã tiềm ẩn một siêu quyền lực thứ ba trên thế giới – thị quốc rộng 44 mẫu Vatican – và vương quyền của nó, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, đang làm chủ một nguồn vũ khí đặc biệt có thể làm lệch cán cân cuộc Chiến tranh lạnh.

Cuộc họp ấy mà suốt mười năm sau không được tiết lộ cho thế giới, Casey – bằng việc sử dụng bức hình ấy, và hơn nữa, bằng việc cho Đức Thánh cha thấy khả năng mà kỹ thuật vệ tinh tình báo cung cấp – đã giúp ký kết một liên minh giữa Toà thánh Vatican và Chính quyền Reagan.

Thực tế, trước ngày Reagan cầm quyền 20 tháng Giêng 1981, đã diễn ra tiếp xúc đầu tiên giữa chính phủ Hoa Kỳ và Đức Thánh cha. Zbigniew Brzezinski, một người sinh ở Ba Lan và là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, đã đại diện Hoa Kỳ dự lễ đăng quang của Đức Wojtyla lên ngai của Thánh Phêrô.

Vào tuần lễ đầu tháng Chạp năm 1980, Brzezinski điện thoại cho Đức Thánh cha cảnh giác ngài về nguy cơ một cuộc xâm lăng của Sô viết vào Ba Lan. Khi nói, Brzezinski nhìn vào các bức ảnh vệ tinh chụp những lều trại có thể xếp để di động, kế bên khu vực các bệnh viện Nga cạnh biên giới, chuẩn bị có thể xâm lăng. Đức Thánh cha bị rúng động.

Sô viết đã nhận được một chuỗi các lời cảnh cáo nghiêm trọng từ Tổng thống Carter và vị Tổng thống đắc cử Reagan, sợ rằng vào lúc gián đoạn giữa cuộc bầu cử và lễ đăng quang của Reagan có thể có nổ bùng tại Ba Lan. Đối mặt với những lời cảnh cáo ấy, Sô viết thoái bộ, nói rằng lúc này sẽ không có sự can thiệp nào.

Nhưng Reagan hiểu tức thời mối đe dọa liên tục mà Công đoàn Đoàn kết đặt ra cho Mátcơva. Mười ngày sau khi nhậm chức, ông họp với Richard Allen, phụ tá an ninh quốc gia của mình, và William Casey. Kết quả vị tân tổng thống ra lệnh là sự hỗ trợ cho Công đoàn Đoàn kết – vốn lâu nay chỉ phát xuất từ các phong trào lao động Hoa Kỳ – nay được cung ứng bằng tài khoản và chuyên biệt của chính phủ.

Đức Thánh cha là người hưởng lợi một số các bí mật cẩn trọng nhất của Hoa Kỳ: các tin tức từ vệ tinh và cơ quan tình báo, từ máy điện tử nghe trộm và từ những cuộc họp thảo luận về chính sách của Toà Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao và CIA.

Trong các cuộc nói chuyện thường xuyên, Đức Gioan Phaolô II về phần mình cập nhật cho Casey những tin tình báo mới nhất thu nhặt được qua mạng lưới thông tin riêng của ngài ở Ba Lan. Casey nhận biết rằng Đức Thánh Cha, qua hàng giáo phẩm của mình, biết Công đoàn Đoàn kết đang làm gì, và giới lãnh đạo Ba Lan đang nghĩ gì.

Các tin tức ấy thật vô giá. Khi mùa xuân 1981 đến ở Ba Lan thì nổ ra nhiều cuộc biểu tình hơn, và Công đoàn Đoàn kết hăm dọa một cuộc tổng đình công. Quân đội Sô viết lại nhận được lệnh tập trận.

Ngày 30 tháng Ba, Ba Lan và Đức Thánh cha chiếm lĩnh gần trọn tâm trí của Reagan. Không phận Ba Lan bị đóng cửa hai ngày trước để tạo thêm thuận lợi cho cuộc tập trận của các đội quân Liên sô.

Chiều đó, trong diễn từ nói với AFL-CIO (Tổng Liên đoàn Lao công Hoa Kỳ), Tổng thống Reagan ngưng lại để chào mừng các công nhân Ba Lan vì cuộc đấu tranh can trường của họ "như những vệ binh nhân danh các nguyên tắc nhân sinh phổ quát."

Ít phút sau, trên đường ra xe riêng của mình, ông bị John Hinckley, Jr. bắn trọng thương.

Tại bệnh viện, Reagan trải qua cuộc giải phẩu. Viên đạn xuyên qua phổi và nằm sát bên trái tim, xém trúng động mạch chủ. Một số người cho rằng ông sống sót quả là phép lạ.

Liên quan người Bungari

Tại La Mã, Đức Thánh cha ngưng công việc lại để cầu nguyện cho Tổng thống Reagan được bình phục và gởi ông một thông điệp cá nhân với những lời cầu nguyện và hy vọng của ngài.

Đây là khoảng thời gian đầy âu lo. Không lâu trước đó, trong cuộc hội họp ở Vatican với phụ tá ngoại trưởng của Đức Thánh cha, William Casey từ giã với câu nói sau cùng là một lời cảnh báo. Trạm CIA ở La Mã đã chuyển về một bản tin lạ lùng, có thể là quan trọng. Khi Lech Walesa viếng thăm Đức Thánh cha, người chủ trì cho của ông ta là một nhân vật của Liên minh Lao động Ý. CIA được các viên chức phản gián Ý báo cho biết người chủ trì ấy hoạt động cho Bungari. Vì Bungari chịu sự kiểm soát của Sô viết nên có thể có nghĩa là các kế hoạch của Công đoàn Đoàn kết bị thiệt hại hoặc là Walesa đang bị nguy hiểm.

Lúc 5 giờ chiều ngày 13 tháng Năm 1981, Đức Thánh cha xuất hiện trong buổi tiếp kiến công chúng hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau khi vào cửa Popemobile, Đức Thánh cha đi qua dãy cột. Vị phụ tá Stanislaw Dziwisz ở kế bên ngài.

Đột nhiên Đức ông Dziwisz nghe một âm thanh điếc tai, và hết thảy chim bồ câu khắp quảng trường vụt bay lên. Liền đó, Đức Thánh cha sụm xuống gục vào người của Đức ông.

Đức Thánh cha trúng thương ở bao tử, cùi chỏ mặt và ngón trỏ bàn tay trái. Ngài được chuyền lên xe cứu thương chạy lẹ tới bệnh viện.

– Maria, mẹ ơi! Maria, mẹ ơi!

Đức Thánh cha lặp đi lặp lại lời kêu cầu đó. Ngài nhắm mắt, đau đớn cực kỳ. Tại Nhà thương Gemelli, Đức Gioan Phaolô II được đẩy gấp tới căn phòng ở tầng thứ mười dành cấp cứu cho Thánh cha và rồi tới phòng giải phẩu. Ngài mất nhiều máu và vì tình trạng trầm trọng, nghi lễ xức dầu được cử hành.

Cuộc giải phẩu kéo dài năm giờ 20 phút. Cắt đi hơn 56 phân ruột của Đức Thánh cha. Đức ông Dziwisz kể:

– Hy vọng dần dần trở lại trong suốt cuộc giải phẩu. Rõ ràng là không có bộ phận quan trọng nào bị trúng thương, và ngài có thể sống sót.

Giống như viên đạn suýt giết chết Ronald Reagan, viên đạn này chỉ trượt động mạch chủ vài li. Đức ông Dziwisz nhận xét:

– Nếu nó bị trúng phải thì chết lập tức. Nó không chạm trúng yếu điểm nào. Quả thật lạ lùng!

Còn Đức Thánh cha, ngài nói sau đó:

– Bàn này bắn còn bàn tay kia thì lái viên đạn!

Kẻ bóp cò súng bị bắt gần như tức khắc. Hắn bị nhận diện là Mehmet Ali Agca, một tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh cha năm 1979, Agca đã công khai thề sẽ giết chết ngài.

Nhưng khi cuộc thẩm vấn bắt đầu. Lý do bên trong cuộc mưu sát Đức Thánh cha này trở thành một trong những bí mật lớn lao không giải quyết được của thế kỷ 20.

Các phụ tá và những người quen biết thân cận với Đức Thánh cha tin là Sô viết hoặc đồng minh của họ đứng đằng sau vụ nổ súng. Thật ra, sau vụ toan tính sát nhân ấy, các điều tra viên tìm thấy bằng chứng lửng lơ không xác định được, gợi ra rằng Agca được thuê bởi cơ quan mật vụ Bungary, một công cụ hiển nhiên của KGB Sô viết.

Tháng Bảy 1981, một tùy viên Đại sứ quán Bungary ở Paris đào thoát và kể với cơ quan Tình báo Pháp rằng âm mưu giết Đức Thánh cha là do cơ quan mật vụ Bungary đảm trách theo chỉ thị của KGB. Người đào tị ấy nói mình biết được chuyện này qua người bạn, một viên chức cao cấp trong một đơn vị phản gián thuộc cơ quan tình báo Bungary.

Một số đoạn quan trọng nhất của biên bản ấy, nêu ra một âm mưu được Sô viết khơi mào cho người Bungary, được phổ biến trước hết trên tạp chí Reader's Digest do Claire Sterling, một ký giả có hợp tác với các điều tra viên người Ý.

Giám đốc CIA Casey luôn luôn tin rằng Sô viết chịu trách nhiệm về mưu toan ám sát đó và xúc động với bản tường trình của Sterling. Trong số những người khác cùng tin như thế có cả Zbigniew Brzezinski và Henry Kissinger.

Dù sự thật như thế nào đi nữa, rõ ràng là cấp lãnh đạo Cộng sản Sô viết bận tâm về Đức Thánh cha – và thất vọng thấy nhà cầm quyền Ba Lan không thẳng tay đàn áp Giáo hội Ba Lan.

Bên bờ vực

Cả Tổng thống Ronald Reagan lẫn Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đều chịu những biến chứng trầm trọng của vết thương do đạn bắn và phải dưỡng thương từ cuối mùa xuân cho đến hết mùa hè năm đó trong khi lòng họ âu lo cho Ba Lan.

Các biến cố tại Ba Lan diễn ra theo một tốc độ chóng mặt. Công đoàn Đoàn kết khai mạc hội nghị toàn quốc lần thứ nhất vào tháng Chín và kêu gọi công nhân các nước khác ở Đông Âu thành lập những công đoàn độc lập.

Đáp lại, Sô viết bắt đầu cuộc thao diễn quân sự lớn lao trong chín ngày tại Biển Baltic và dọc theo biên giới Ba Lan. Rất có thể có một cuộc thẳng tay đàn áp. Đức Thánh cha lại càng âu lo hơn. Vị cộng sự lão thành của ngài là Đức Hồng y Wyszynski đã từ trần, và ngài cảm thấy một cách sâu xa việc mất mát vị cố vấn dày dạn kinh nghiệm nầy.

Vào giữa tháng Mười, tình hình gần như hỗn loạn. Nổi loạn và xung đột giữa dân sự và lực lượng an ninh lan rộng. Đức Thánh cha hiểu rằng chính quyền Cộng sản Ba Lan đang chịu sức ép không giảm của Mátcơva để giữ Công đoàn Đoàn kết trong vòng kiểm soát.

Ngày 18 tháng Mười, theo mệnh lệnh của Mátcơva, đảng Cộng sản Ba Lan bổ nhiệm một quân nhân, Đại tướng Wojciech Jaruzelski, làm Bí thư thứ nhất, củng cố thêm ảnh hưởng của quân đội trong chính phủ.

Trong khoảng thời gian ấy, Vermon Walters, đặc sứ của Tổng thống Reagan thăm viếng Vatican với các bức ảnh tình báo. Suốt một phút, Đức Thánh cha xem kỹ các hình ảnh vệ tinh đó. Ngài nhận ra ngay Nhà máy Đóng Tàu Lênin ở Gdansk. Ngài để ý tới một vòng đen đặc ở cách không xa các toà nhà của nhà máy liên hợp quen thuộc.

Chỉ vào vòng tròn ấy, ngài hỏi:

– Cái gì đây?

– Thưa Đức Thánh cha, vật liệu nặng,

Walters nói như thế và cắt nghĩa đó là quân xa, tàu vận chuyển người, xe thiết giáp. Bức ảnh ấy và những bức ảnh khác mà Walters lôi ra từ bì thư cho thấy sự triển khai và những di chuyển tiếp sau đó của các lực lượng vệ binh Sô viết hướng về biên giới Ba Lan, hàng chục ngàn toán quân từ doanh trại của họ đang hướng sang quê hương của Đức Thánh cha.

Sợ hãi cuộc xâm lăng của Sô viết nếu mình không thẳng tay đối phó với Công đoàn Đoàn kết, Jaruzelski chuẩn bị thiết quân luật. Vào sáng Chúa nhật 30 tháng Chạp, người dân thức dậy thấy xe bọc sắt trên đường phố và không được phép tụ tập tại bất cứ nơi nào ngoại trừ tham dự Thánh lễ ở nhà thờ.

Lúc 6 giờ sáng, Jaruzelski hiệu triệu quốc gia trên đài truyền hình, tuyên bố thiết quân luật toàn quốc. Trước khi ông ta kết thúc bài huấn thị dài 22 phút của mình, hàng ngàn người đã bị bắt giam. Những tù nhân ấy, ông ta nói, phạm tội âm mưu phá hoại quốc gia.

Tại Vatican, thư ký của Đức Thánh cha, Đức ông Dziwisz vội vàng báo cáo lên Đức Gioan Phaolô II. Đức Thánh cha hội họp với các phụ tá để triển khai một chính sách đối phó. Ngài tin là Công đoàn Đoàn kết phải duy trì sự tồn tại trong bóng tối. Với điều ấy trong tâm trí, ngài bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến đi đột ngột về thăm quê hương mình.

Sau khi Toà Bạch ốc nhận được tin tức từ Ba Lan, Ronald Reagan kêu gọi phong toả cả Liên Sô lẫn Ba Lan về kinh tế, ngoại giao và kỹ thuật.

Sáu tháng sau, ngày 7 tháng Sáu 1982, Reagan đến Vatican để họp thượng đỉnh, cá nhân hoá liên minh bí mật đặc biệt giữa Đức Gioan Phaolô II với bản thân ông trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Dù trái ngược nhau về trí thức, Đức Thánh cha và Tổng thống Hoa kỳ sớm tìm thấy một nền tảng chung. Hai vị đều tin sâu xa vào sức mạnh của hành động tượng trưng cũng như vào vai trò của sự quan phòng thiêng liêng. Tổng thống từng tâm sự với phu nhân và các phụ tá thân cận sự tin chắc rằng vai trò của mình và Đức Thánh cha trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản là lí do khiến cả hai không tử nạn vì những viên đạn ám sát.

Gặp gỡ riêng không cần thông dịch viên, hai người quyền uy nhất quả đất này thảo luận về một xác nhận căn bản: sự sụp đổ của Đế quốc Sô viết là điều không tránh nổi.

Reagan xác minh rằng Chính quyền của mình không rút lại sự cấm vận Liên Sô hoặc Ba Lan cho tới khi chấm dứt thiết quân luật, thả các tù nhân chính trị và bắt đầu cuộc đối thoại giữa chính phủ Ba Lan, Giáo hội Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết.

Đức Thánh cha thực hiện áp lực riêng của ngài. Ngày 16 tháng Sáu, thêm lần nữa ngài trở về Ba Lan. Hôm sau, ngài gặp Jaruzelski để nối tiếp việc thảo luận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Jaruzelski sửng sờ kinh ngạc khi tiếp đón Đức Thánh cha. Y hệt nhiều người Ba Lan khác, ông thấy ngài là một khuôn mặt gần như bí nhiệm.

Viên tướng này muốn Đức Thánh cha dùng ảnh hưởng của ngài để cô lập phía cực đoan nhất bên trong Công đoàn Đoàn kết. Đức Thánh cha nghiêm chỉnh trong lời đáp của mình:

– Tôi khao khát đạt tới một tình trạng ổn định bền vững càng sớm càng tốt.

Và ngài tuyên bố, có ý đề cập tới việc chấm dứt thiết quân luật:

– Lúc đó, Ba Lan sẽ được các nước khác đánh giá một cách rất khác.

Ngược lại, phương Tây sẽ không hủy bỏ cấm vận dưới bất cứ hình thức nào khác.

Sau đó, Đức Thánh cha tiếp xúc với Lech Walesa và các trí thức có liên hệ bí mật với Công đoàn Đoàn kết trong bóng tối. Tổ chức ấy không còn chỉ là một công đoàn lao động ngoài vòng pháp luật. Nó đã trở thành biểu tượng cho sự đề kháng.

Vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm, Đức Thánh cha gặp riêng Jaruzelski hơn 90 phút, bề ngoài là theo lời yêu cầu của chính ngài. Đức Gioan Phaolô II nói một cách trực tiếp và đầy sức thuyết phục. Không lâu sau khi ngài quay về Vatican, thiết quân luật được bãi bỏ.

Đời sống ở Ba Lan dần dần trở nên bình thường. Ngày 11 tháng Chín 1986, chính quyền tuyên bố ân xá rộng rãi và thả 225 tù nhân. Lần đầu tiên trong năm năm qua, các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết cảm thấy một số cấm kỵ được hủy bỏ.

Năm 1990, với nền dân chủ được khôi phục đầy đủ tại Ba Lan, Lech Walesa, người cựu thợ điện và thủ lãnh Công đoàn Đoàn kết trúng cử tổng thống.

Ảnh hưởng vang đội từ Ba Lan làm rúng động khối Đông Âu. Hunggari lần đầu mở cửa biên giới với Áo tháng Năm 1989. Đến tháng Mười, hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối chính phủ Đông Đức. Sau cùng, Bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng Mười một. Hôm sau, nhà lãnh tụ 35 năm của đảng cộng sản Bulgary Todor Zhivkov bị kết liễu với sự thanh lọc đảng, và tại Tiệp Khắc, một chính phủ liên hiệp giữa người Cộng sản và những người Czech đối lập được thành lập.

Và tháng Tám 1991, Đế quốc Đỏ đi vào cơn thống khổ chết chóc khi Boris Yelsin, chủ tịch Cộng hoà Liên bang Nga, phá vỡ cuộc đảo chánh của các phần tử bảo thủ của Bộ Chính trị.

Các quân cờ đô-mi-nô cộng sản đổ nhào.

Khi những người khác qui kết cho Đức Thánh cha việc sụp đổ của cộng sản, ngài nói:

– Tôi không tác động cho việc đó xảy ra. Cây ấy đã mục sẵn. Tôi chỉ khéo rung, và các trái táo thối rữa rơi xuống."

Lúc này, Đức Gioan Phaolô II chuyển sự chú ý của ngài vào những vấn đề làm ngài quan tâm, sâu xa hơn sự sụp đổ của cộng sản: tương lai của Giáo hội trong thiên niên kỷ tới; phẩm giá của người lao động, vai trò của Công đồng Vatican khiến cho những cội rễ Do Thái của Kitô giáo được thừa nhận và khiến cho không khoan dung chủ nghĩa bài Do Thái.

Vấn đề sau cùng trên gây thương tâm cách riêng cho Đức Gioan Phaolô II vì có quá nhiều người Do Thái Ba Lan bỏ mình trong các trại tử thần của Quốc xã. Ngài cũng không bao giờ quên việc mất mát người bạn của mình Ginka Beer.

Hàng chục năm sau lời từ biệt u sầu của họ, Đức Thánh cha, trong một buổi triều kiến công chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô có sự tham dự của dân chúng đến từ thành phố quê nhà của mình. Có người đến báo cho ngài một tin tức kỳ diệu:

– Thưa, Ginka có mặt ở đây.

– Đâu?

Ngài hỏi ngay và lẹ bước tới gặp nàng. Ginka Beer Reisenfeld lúc này lớn tuổi, thuật lại:

– Ngài hỏi tôi đủ thứ câu hỏi.

Bà nói với Đức Thánh Cha:

– Mắt ngài thương cảm sâu xa. Ngài nắm lấy hai tay tôi, chúc lành cho tôi và cầu nguyện ngay trước mặt tôi.

Từng đầy ắp tâm trí về nhu cầu đối thoại với Do Thái, Đức Gioan Phaolô II biểu lộ một cử chỉ cao cả khi băng ngang Sông Tiber viếng thăm Hội đường chính của Do Thái giáo ở La Mã, đấy là một việc mà trước đây chưa từng có vị Thánh cha nào làm. Như người La Mã gốc Do Thái biết, cộng đồng họ xưa hơn Hội thánh Kitô giáo lâu năm nhất. Khi hai Thánh Phêrô và Phaolô tới La Mã, sách Torah (Ngũ Kinh) đã được đọc và ngày Sabbath đã được tuân giữ từ trước tại kinh đô của Đế quốc La Mã.

Những người xem kể lại rằng khi phát biểu trong Hội đường ấy, có lúc Đức Thánh cha dường như gần kiệt sức. Có lần, khi còn bé, ngài đi với bố vào một hội đường Do Thái trong làng mình để nghe hát thánh ca. Giờ đây, ngài ngồi trên chiếc ghế mạ vàng lắng nghe ca đoàn hát bài "Ani Maamin" (Tôi tin), từng được những người Do Thái bị kết án trong các trại tử thần hát trên đường đi vào lò hơi ngạt. Khi tiếng ca đoàn vang cao lên, Đức Thánh cha chúi về trước, đầu cúi xuống và tay ngài che miệng mình.

Dù sức khoẻ của Đức Gioan Phaolô II đang sa sút, những năm cuối tại vị Thánh cha của ngài được biểu thị đặc điểm bởi những bùng nổ hoạt động. Và dù tay ngài càng lúc càng yếu khi ngài đưa lên chúc phúc tín đồ, nó vẫn chỉ tới một chân trời bao la hơn.
 
Top Stories
Outcome of ''Arab Spring'' Uncertain, Says Patriarch
Zenit
08:47 26/04/2011
Hopes Efforts of Protestors Will Bring a Better Future

JERUSALEM, APRIL 24, 2011 (Zenit.org).- While the political protests sweeping through the Middle East and Northern Africa to bring an end to oppressive regimes is a positive development, there is a concern regarding the final outcome, according to Latin Patriarch Fouad Twal of Jerusalem.

In an interview posted earlier this month on the Web site of the Latin Patriarchate of Jerusalem, the patricarch expressed his hope that the result will be "for the better and the common good."

"We are very pleased with this awareness of our youth who are taking over their destiny and future," he stated. "It is a movement without political color or particular religious bias. It emanates from the Arab youth’s awareness of his own strength and vitality."

Patriarch Twal noted that "the element of 'fear' has been broken" on the side of the people, and that it has "changed sides": "Governments fear that masses of youth, this mass of opinions and beliefs, are waking up."

"On the other hand," he stated, "we must recognize that there is always the unknown and uncertainties that these emerging movements bring about. No one knows what will happen thereafter. We hope it is for the better and the common good."

Role of Christians

With regard to the role of Christians in the "Arab Spring," the patriarch affirmed that they "should not be on the fringes of these movements."

"As we said at the Synod last October, Christians should feel 100% citizens like their Muslim compatriots," he said. "They must participate in the life of their country if these movements are for the collective good. I do not like to see Christians outside of these movements, because this is also their country. They must not feel in a ghetto of their own."

"As for the Christians of the Holy Land," Patriarch Twal continued, "we must remember that the political situation here is extremely delicate and very different from other countries. There is no magic formula or miracle recipe. Each country’s situation is distinctly unique.

"The Church of Jerusalem has a special mission and must cooperate in a just and lasting peace through its interventions, institutions and schools. It is clear that Israel today must hear the widespread demonstration of discontent through protest actions sweeping across its neighboring Arab countries.

"If the mass protests of young people have raised these movements in their own regime, all countries including Israel should be vigilant. The challenge for us -- the Catholic Church and religious leaders -- is how to properly guide them."

Help from the West

Patriarch Twal spoke clearly about the relationship between the churches in the East and the West, affirming that "it's the same church, confronted with the same challenges for the youth, family, vocations, etc."

The patriarch suggested than an infusion of Christians from the West would not only "give 'vitamins'" to the Church in the Holy Land, but that it would be "mutually beneficial."

"Christians who come from the West must not simply help our Church," he asserted. "They should consider themselves a part of this Church, which is their Mother Church. They should feel responsible for the future of Christians living in the Holy Land."

(Source: http://www.zenit.org/article-32414?l=english)
 
Anglican Ordinariate Adds 900 Members
Zenit
08:47 26/04/2011
Monsignor Burnham Reflects on "Small Beginnings"

LONDON, APRIL 24, 2011 (Zenit.org).- This week, some 900 Anglicans joined the Catholic Church. While this may be a small start to some, Monsignor Andrew Burnham is encouraging his flock to remember that there were even fewer Christians at the first Easter.

Some 30 groups of former Anglicans, including more than 60 clergy, joined the Personal Ordinariate of Our Lady of Walsingham, the new ordinariate for former Anglicans coming into the Catholic Church under the plan proposed by the Pope in "Anglicanorum Coetibus."

At the reception of some 20 new members on Tuesday at the Oxford Oratory, Monsignor Burnham noted that even 1,000 new Catholics is still not "statistically significant." The priest is one of three former Anglican bishops who were ordained to the Catholic priesthood in January.

"Every time we hear a set of national statistics," he said, "even the statistics for rare diseases, the numbers seem to be in the 1,000s and tens of thousands. What significance have 20 or 30, 60, 900 or 1000?"

He warned of a "dangerous" scenario that the "groups of incoming Anglicans will simply melt into the crowd," and that the "Pope's imaginative and prophetic gesture in 'Anglicanorum Cœtibus' will have come to nothing."

"But, there is a much more exciting scenario which could unfold," Monsignor Burnham continued. "And here we need to go back to the first Easter. Even smaller numbers than now were involved.

"By the end of the Last Supper the disciples were down to eleven. By the time Jesus died on the cross there were only two there -- Our Blessed Lady and John the Beloved Disciple. At the Garden of Resurrection there were ones and twos."

"From those small beginnings," he affirmed. "Christianity moved from being a small suspiciously-Galilean, rather unfashionable Jewish sect to becoming the official religion of the known world. And not entirely successfully at first."

"I pray that groups of former Anglicans, as here in Oxford, may grow and flourish within the fertile soil of the Catholic Church," the monsignor stated, adding that the growth of the Church lies in "the contribution of each one of us."

(Source: http://www.zenit.org/article-32415?l=english)
 
Vietnam: Les raisons d’une signature – interview de Mgr Paul Nguyên Thai Hop
RFI
10:38 26/04/2011
Note du traducteur : Mgr Paul Nguyên Thai Hop est l’évêque récemment nommé du diocèse de Vinh ; il est aussi responsable de la Commission épiscopale ‘Justice et Paix’, nouvellement créée. L’apparition de sa signature sur la liste des nombreux signataires d’une requête demandant la libération immédiate du Dr Cu Huy Ha Vu (1) a provoqué une certaine émotion ...

... et de nombreux commentaires, aussi bien chez les catholiques que dans les milieux pro-démocrates du Vietnam. Dans cet entretien à Radio France Internationale (RFI) du 18 avril 2011 (émissions en vietnamien), l’évêque s’en explique et précise le sens exact qu’il faut donner à cette signature. Il souligne en particulier que les illégalités qui ont entaché le procès en question témoignent du mauvais fonctionnement de la justice dans le pays et du malaise qui s’installe dans la société à ce sujet. Enfin, il revendique le droit de chaque citoyen à s’exprimer sur les grands problèmes du temps.

Aussitôt après le procès du 4 avril dernier (2), à l’issue duquel Cu Huy Ha Vu, docteur en droit, a été condamné à sept ans de prison et trois ans de résidence surveillée, le site Internet Bauxite Vietnam a mis en ligne une lettre ouverte adressée aux dirigeants du pays, réclamant la libération immédiate du juriste. Plus d’un millier de signataires issus de tous les milieux sont venus donner leur accord à cette lettre. Le nom de l’évêque, qui se trouve dans une seconde liste de signataires mise en ligne vers le milieu du mois d’avril, s’inscrit à la suite de celui de nombreuses personnalités, anciens généraux, officiers supérieurs, intellectuels connus aussi bien dans leur pays qu’à l’étranger, etc. L’entretien a été mis en ligne sur le site de Radio France Internationale (3) et sa traduction ci-dessous est de la rédaction d’Eglises d’Asie.

RFI : Monseigneur, le récent procès du docteur Cu Huy Ha Vu à Hanoi a provoqué de nombreuses réactions. En ce qui concerne l’Eglise catholique, jusqu’à présent, la Conférence épiscopale n’a pas élevé la voix bien qu’après le procès, un certain nombre de catholiques ont été emprisonnés pour avoir « troublé l’ordre public ». Or votre nom figure dans la liste des signataires de la requête demandant la libération de Cu Huy Ha Vu. Peut-on vous demander, Monseigneur, pourquoi vous avez signé cette requête ?

Mgr Hop : Comme bon nombre d’intellectuels et de nombreux Vietnamiens préoccupés par la démocratisation et le développement du pays, je m’inquiète de la situation sociale et culturelle du Vietnam. Chaque pays a ses propres lois et s’y conforme pour juger ceux qui sont considérés comme les ayant transgressées. Mais je suis troublé de constater que, ces derniers temps, de nombreux procès ne se sont pas déroulés conformément aux directives élémentaires du Code pénal. Telle est ma préoccupation, telle est mon inquiétude. L’affaire du Dr Cu Huy Ha Vu témoigne de cela encore plus clairement que les autres affaires. Son arrestation comporte de trop nombreux éléments arrangés d’avance.

RFI : En dehors des problèmes concernant le Code de procédure pénale vietnamien, le procès de Cu Huy Ha Vu pose de nombreuses questions à propos du droit des citoyens à la liberté d’expression. A votre avis, Monseigneur, les déclarations de Cu Huy Ha Vu sont-elles contraires à la loi et à la Constitution du Vietnam ?

Cela est difficile à dire car Dr Cu Huy Ha Vu est l’auteur de nombreux écrits et déclarations. Cependant, je pense que, dans une société normale, il faut s’efforcer d’accepter que les citoyens apportent leurs contributions et il se peut que celles-ci ne s’alignent pas à 100 % sur les positions politiques de l’Etat. Cela est normal. Mais, si, à cause d’elles, on arrête les auteurs et on les traduit devant un tribunal, comme cela été le cas dans l’affaire de Cu Huy Ha Vu, je vois là une source de préoccupation pour ce pays, une source d’inquiétude pour l’avenir de la démocratie et celui du pays dans son ensemble.

Fallait-il que les choses se passent ainsi ? C’est un point que moi-même ainsi que les autres signataires de la requête trouvons inquiétant. Le Vietnam a accepté de s’intégrer à la communauté internationale en reconnaissant diverses conventions, plus particulièrement, la Déclaration universelle des droits de l’homme. Naturellement, nous concevons que le processus de démocratisation et sa normalisation ne peuvent se faire en un instant, et ont besoin de faire leur chemin. Ces derniers temps, comme un certain nombre d’autres personnes, j’ai été inquiet de voir que ce processus semblait se ralentir, et même reculer alors qu’il aurait dû s’accélérer et que les droits des citoyens à émettre leur opinion dans les questions nationales auraient dû aller en augmentant.

Nous avons été témoins ces temps derniers, d’affaires comme celle de Vinashin (4), ou encore, tout récemment, de l’affaire d’un organisme d’investissement et de prêt qui a accusé une perte financière de 3 000 milliards de dôngs (100 millions d’euros) (5). Ce sont des affaires que le peuple a besoin de connaître plus en détail. Il y a aussi les questions concernant les frontières du pays. La population devrait être informée plus largement et pouvoir apporter sa contribution. C’est une question qui préoccupe le peuple en raison des intérêts nationaux et de l’avenir du pays.

Cela fait aussi partie des préoccupations des catholiques qui sont aussi des citoyens. A vrai dire, nous devrions pouvoir apporter notre contribution et mieux dialoguer. Mais les autorités utilisent un certain nombre d’affaires pour refuser toute divergence d’opinion. J’ai l’impression que ces affaires récentes ont encore ajouté à notre inquiétude. Nos opinions constructives non seulement ne sont pas respectées, mais elles sont, en outre, repoussées avec violence et condamnées. Ainsi, les formes du procès n’ont pas été conformes aux conditions élémentaires du Code de procédure pénale. Cela m’a profondément soucié ainsi que beaucoup d’autres. C’est la raison pour laquelle j’ai signé la requête.

(1) Cu Huy Ha Vu est docteur en droit. Il n’exerce pas la provision d’avocat mais dirige un cabinet juridique à Hanoi.
(2) Voir le récit du procès dans EDA 549.
(3) http://www.viet.rfi.fr/contenu/20110418-giam-muc-nguyen-thai-hop-0
(4) Vinashin est l’appellation d’une entreprise publique de construction navale en banqueroute frauduleuse. L’affaire a été découverte par le public au mois de juillet 2010. De nombreuses personnalités y ayant été compromises, la presse officielle en largement parlé. L’affaire a également fait l’objet de débats à l’Assemblée nationale.
(5) L’affaire est toute récente. Le 18 avril dernier, M. Vu Quoc Bao, le président-directeur général de cette société, « ALCII », a été placé en détention provisoire, ainsi que deux autres dirigeants d’entreprise, jugés directement responsables de la perte des 3 000 milliards de dôngs.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sau thánh lễ Phục Sinh tại Sơn Lang, tỉnh Gia Lai, Giám mục Kontum bị chính quyền mời ''làm việc''
Tháp tùng Đức Cha Micae
07:05 26/04/2011
GIA LAI - Nhớ lại năm vừa qua, vào ngày 07/11/2010 Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh cùng phái đoàn vào dâng Thánh lễ tại Sơn Lang, K’Bang, nhưng ngài đã bị chặn dọc đường cách đó khoảng 1 km. Đức Giám Mục phải đứng đợi giữa trời mưa mấy tiếng đồng hồ. Lúc đó, tin đồn lan ra khắp nơi và cả Tòa Thánh cũng biết chuyện. Nhưng lúc 9 giờ sáng ngày 24/04/2011, Chúa Nhật Lễ Phục Sinh trọng đại, ngài đã được dâng Thánh Lễ cho toàn thể đoàn chiên đang khao khát ân sủng của Thiên Chúa ban phát cho con người trong đỉnh điểm theo truyền thống năm Phụng vụ. Thánh lễ cao điểm nhất, quan trọng nhất đã được thực hiện lần đầu tiên tại giáo điểm xa xôi nhất, quan trọng nhất và cũng heo hút nhất nơi giáo phận Kontum này. Một thánh lễ hết sức cảm động và mang nhiều cảm nghiệm khác nhau cho những người tham dự.

Xem hình ảnh

Được biết, Ngài đã gửi văn thư cho Chính Quyền huyện K’Bang và được phúc đáp cho làm lễ với thời gian như văn thư đề nghị 8giờ - 11 giờ sáng 24/4/2011.

Cũng xin nhắc lại cách đây 163 năm từ năm 1848 và những thập niên kế tiếp, vùng đất huyện K’ Bang là tuyến đầu được các vị thừa sai tìm đường lên truyền giáo Tây Nguyên. Những con đường sau này cũng phóng theo hướng những dấu chân của các ngài. Và năm nay (2011), với tâm tình hành hương tìm đường về CỘI NGUỒN, vị Giám mục giáo phận và một số linh mục tu sĩ một lần nữa đi lại những nơi các vị truyền giáo trong đó có Thầy Sáu DO đã in dấu bằng mồ hôi, dù bằng trăm ngàn vất vả đã không bỏ cuộc. Thánh lễ Phục sinh là nguồn sinh lực Ơn Thánh để những hy sinh vất vả đó được nảy sinh hoa trái.

Chúng tôi, đoàn tháp tùng Đức Giám Mục hơn 20 người đi trên 4 chiếc xe ô tô bắt đầu xuất phát từ trại phong Kon Thụp, huyện Măng Yang, lúc 9 giờ tối và đến nghỉ tại giáo xứ Đồng Sơn. Sáng hôm sau, cùng với cha sở giáo xứ An Khê, chúng tôi tiến vào giáo điểm Sơn Lang, huyện K’Bang để dâng Thánh Lễ Phục Sinh. Đường đi hơn 60 km rất hiểm trở, rừng cây nguyên sinh hai bên đường còn rất nhiều. Khi đến địa điểm mà năm ngoái Đức Giám Mục bị chặn lại, chúng tôi thấy có anh em Ban Chức Việc (Hội Đồng Mục Vụ) phụ trách giáo điểm đến và bảo đoàn vào nhà của ông chức việc ngay để dâng Lễ, không cần phải vào Ủy Ban gặp chính quyền nữa. Bởi vì, các vị lãnh đạo và công an đã có mặt tại “điểm hẹn” cả rồi.

Vừa bước xuống xe, Đức Giám Mục đến bắt tay thăm hỏi ân cần anh chị em giáo dân của mình rồi vào nhà ông chức việc. Khi vào tới nhà, các vị lãnh đạo chính quyền và công an của huyện cũng như xã đứng lên bắt tay với Đức Giám Mục, nhưng vẻ mặt họ không vui lắm. Ngài ngồi xuống, nói lời cám ơn các cấp chính quyền đã tạo mọi điều kiện cho ngài cũng như anh chị em giáo dân là con chiên của ngài nơi đây được dâng Lễ và cử hành việc đạo đức nơi giáo điểm xa xôi này. Ông Trùm Thập thay mặt anh chị em giáo điểm Sơn Lang đứng lên giới thiệu tên các vị lãnh đạo chính quyền cho Đức Giám Mục biết mặt và tuyên bố lý do của việc cử hành Thánh Lễ cho chính quyền hiểu.

Ông Thập nói rằng: Lễ Phục Sinh là Thánh Lễ quan trọng bậc nhất trong năm, không ai được phép ngăn cản quyền tham dự của chúng tôi và mọi người con trong Giáo Hội buộc phải tham dự lễ này, nếu không thì sẽ mắc tội. Tiếp đó, Đức Giám Mục cho anh em chính quyền biết trước khi dự lễ con chiên phải được hòa giải với Thiên Chúa bằng bí tích Giao Hòa (Giải Tội). Rồi ngài xin phép anh em chính quyền để ngài giải tội cho giáo dân sau đó mới dâng Thánh Lễ. Tất cả mọi người tuôn đến quỳ trước mặt Đức Giám Mục và cha Giuse Phạm Minh Công phụ trách giáo điểm để lãnh nhận bí tích Giao Hòa. Vì không có nhiều giờ, chính quyền chỉ cho phép làm đến 11 giờ là phải ngưng, mà người xưng tội thì quá đông, nên Đức Giám Mục quyết định giải tội tập thể. Mọi hối nhân, kẻ đứng người quỳ, cúi sấp xuống đất, dục lòng ăn năn chừa tội và lãnh nhận ơn Giao Hòa. Ngay lúc đó, người ta thấy anh em chính quyền thì ngồi ở hàng ghế nhưng hơi cúi mặt một chút…!

Trong bài phát biểu gặp gỡ và suốt cả thánh lễ, Đức Giám Mục luôn luôn nhắc nhở con chiên của mình cố gắng giáo dục con cái nên người tử tế. Các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm cho con cái ăn học đàng hoàng đến nơi đến chốn. Chớ có dại mà nghe lời người đời, để rồi bắt con cái phải bỏ học giữa chừng. Chỉ có học hỏi mới đem lại tương lai văn minh, hạnh phúc, giàu đẹp cho quê hương đất nước và cho gia đình mình. Bởi vì “tiền bạc có ngày rớt, phương tiện có ngày hư, nhưng chỉ có kiến thức bỏ vào đầu thì đi đâu cũng mang theo được”.

Ngài kêu gọi con chiên của mình làm chứng tá niềm tin cho anh em lương dân bằng những gương sáng đạo đức, bằng những hy sinh và việc lành phúc đức. Ước gì mọi người tín hữu ở nơi đây sẽ làm men làm muối ướp mặn cho đời và lên men cho người, hầu mong cho những người chưa nhận biết Chúa được gặp thấy hình ảnh nhân từ yêu thương của Chúa nơi anh chị em.

Xin tạ ơn Chúa và Đức Mẹ Măng Đen, một Thánh Lễ hết sức cảm động sốt sáng đã hoàn tất. Tuy nhiên, sau Thánh Lễ ấy, Đức Giám Mục và cha phụ trách giáo điểm Sơn Lang đã bị mời lên ủy ban làm việc.

Chính quyền mời Đức Giám Mục Kontum vào Ủy Ban xã làm việc sau Thánh Lễ Phục Sinh:

KONTUM (26.04.2011) - Sau thánh lễ Phục Sinh tại xã Sơn Lang, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai, Đức Giám Mục Kontum được anh em chính quyền mời vào Ủy Ban xã “làm việc”. Chúng tôi xin tường trình lại sự việc này một cách chi tiết để quý độc giả theo dõi cụ thể hơn.

Ngay khi tập trung tại cộng đoàn Phaolô ở An Khê, Đức Giám Mục đã cho biết ngài sẽ đi vào Ủy Ban xã Sơn Lang để gặp gỡ trước với anh em chính quyền, sau đó mới tới chỗ dâng lễ. Giáo dân ở đây rất sợ chính quyền. Vì vậy, ngài muốn vào Ủy Ban trước để cho bà con giáo dân cảm thấy yên tâm mà tham dự Thánh lễ. Tuy nhiên, khi vào gần đến nơi thì Ban chức việc mới cho biết là chính quyền không đón ngài tại Ủy Ban xã nữa, nhưng đã chờ ngài ở chỗ chuẩn bị dâng lễ rồi. Vậy là kế hoạch ban đầu bị hủy.

Trong khi dâng lễ, cộng đoàn đứng để diệp dâng và cầu nguyện theo nghi thức Công giáo thì anh em chính quyền ngồi. Hơn thế nữa, chính quyền còn bố trí cả chị em Hội phụ nữ của xã đến ngồi sau lưng bà con giáo dân để “xem” lễ. Thêm vào đó còn có một số cán bộ khác thì ngồi trong quán kế bên và mấy quán phía bên kia đường để theo sát tình hình diễn biến. Một Thánh Lễ Phục Sinh hoàn toàn là nghi thức thánh thiện tinh tuyền lại bị nghi ngờ và theo dõi.

Thực sự là bất ngờ, sau Thánh Lễ Phục Sinh, Đức Giám Mục và cha Giuse Phạm Minh Công đã bị mời vào Ủy Ban xã “làm việc”. Nghe tin đó, có mấy người tháp tùng Đức Giám Mục cũng theo vào. Họ tiếp đón đoàn tại phòng khách. Khi mọi người vào phòng khách, ngay tức thì, họ mời Đức Giám Mục và Cha Công lên tầng trên, còn những thành viên khác phải ngồi lại phòng khách. Họ đã bố trí những người chủ chốt quan trọng chờ sẵn trên đó rồi. Khi Đức Giám Mục lên, họ đứng dậy và bắt tay. Có khoảng 10 thành viên tiếp đón ngài ở tâng trên, còn đoàn tháp tùng không ai được đi lên đó.

Khi vào làm việc, công an huyện và xã phát biểu, họ “khen” Đức Giám Mục làm lễ hôm nay “vui vẻ”, “thành công tốt đẹp” và cám ơn Đức Giám Mục đã dạy dân sống “tốt đời đẹp đạo”. Họ tỏ ra rất phấn khởi, cũng là lần đầu tiên họ được biết thánh lễ người Công Giáo. Thế nhưng, họ nhắc nhở Đức Giám Mục hai điều để “rút kinh nghiệm”.

Điều thứ nhất: trong đơn xin phép chỉ xin làm lễ Phục Sinh thôi, mà bây giờ lại thêm cái lễ nữa là “Lễ Rửa Tội”. (Lúc đầu lễ, Đức Giám Mục bảo họ là ngài sẽ cho bà con xưng tội trước rồi mới dâng lễ. Họ nghe không rõ, giờ lại bảo đó là “Lễ Rửa Tội”! ).

Điều thứ hai: đơn xin phép thì xin chỉ có mỗi Đức Giám Mục và Linh mục Công thôi, thế mà bây giờ lại đi cả phái đoàn đông vậy! Như thế là không được!

Đức Giám Mục trả lời ngay: thì chỉ có hai chục người thôi mà.

Chính quyền bảo: “Như thế là không được”, như vậy là “không tên tuổi”, “không đăng ký”, “không xin phép!” mà lại vào đây là kẻ xa lạ! Đề nghị “rút kinh nghiệm!”.

Đức Giám Mục nói lại với họ rằng: khi tôi nghe các anh nói như vậy, bản thân tôi, tôi cảm thấy nó “sao sao ấy!”. Các anh hiểu sao thì không biết, nhưng tôi thấy như vậy nó “sao sao ấy!”.

Điều thứ nhất: Thánh lễ của người Công Giáo chúng tôi trên thế giới đâu đâu cũng giống nhau thôi. Quý vị có cho tôi 10 tiếng, 12 tiếng tôi cũng không có sức làm nổi đâu. Thời lượng một Thánh Lễ là nó gần giống nhau cả. Sáng nay, tôi dự định 7 giờ 30 tới Ủy Ban thăm quý vị và 8 giờ là tôi dâng lễ, 8 giờ 45 là tôi đi về. Nhưng mà tôi thấy bà con anh chị em ở Sơn Lang chưa có linh mục nào được tới dâng lễ cả, vì vậy bà con đâu có được xưng tội. Họ phải chuẩn bị tâm hồn trước khi Dâng Lễ chứ! Thông thường, trước khi vào dự tiệc thì thực khách phải rửa tay rồi mới vào bàn. Không ai để bàn tay dơ bẩn mà vào bốc thức ăn hết. Mà nếu có ai đi rửa tay trước khi ăn tiệc thì quý vị có được phép bắt bớ họ không chứ! Quý vị có được phép cấm họ không chứ! Ở đây, nếu các ông nói “Rửa Tội” trước Lễ thì nó cũng như là rửa tay trước bữa tiệc thôi. Trong giấy mời dự tiệc, không ai mà ghi rõ phần rửa tay trước khi ăn cả. Chỉ có kẻ ấu trĩ mới ghi trong thiệp mời chi “tiết rửa tay” đó mà thôi. Chúng tôi Giải Tội trước Thánh Lễ cũng như các ông rửa tay trước khi ăn, điều đó không cần phải xin phép. Người Công Giáo chúng tôi ai cũng phải rửa tâm hồn trước khi gặp Chúa. Nếu họ không rửa thì một lát nữa họ sẽ không được rước lễ, họ chỉ được nghe Lời của Chúa mà thôi. Vì vậy, họ chưa gặp được Chúa. Quý vị có mừng cho họ khi đi ăn tiệc mà không được rửa tay không! Đi dự tiệc mà không gặp được chủ tiệc thì đi làm gì?

Điều thứ hai: Về phái đoàn của tôi. Chẳng lẽ tôi đi mà không có tài xế đi theo sao? Tôi từng này tuổi đầu rồi mà không có bác sỹ, y tá đi theo ạ? Không lẽ tôi đi dâng lễ mà không hề có người giúp lễ, không có người dọn bàn thờ ạ?

Họ lại bảo: thì biết rồi, nhưng đi cũng phải ít thôi chứ!

Ngài nói: Này! Quý vị thông cảm cho. Đất nước mình độc lập tự do rồi! Đất nước mình hòa bình rồi! Mọi người dân ai cũng tha thiết muốn nhìn thấy cảnh đẹp của quê hương đất nước. Ai cũng muốn tới để thấy cái sinh hoạt của anh em mình, của dân mình. Người nhà với nhau mà! Nếu quý vị muốn “rút kinh nghiệm” thì lần sau tôi sẽ kê khai đầy đủ tên tuổi những người đó cho quý vị. Khách tới nhà, mình phải mừng chứ anh em! Quý vị ở đây mà thấy khách thành phố tới thì quý vị phải mừng chứ, mừng vì người ta tới để thăm mình.

Sau khi nghe những lời này, anh em cán bộ nói lời cám ơn Đức Giám Mục đã cho họ hiểu được ý nghĩa của Thánh Lễ. Qua đó, họ cũng rất thích thú vì được có cơ hội nói lên những thắc mắc của họ về Công giáo và Thánh Lễ mà trước nay chưa ai giải thích cho họ hiểu.

Đức Giám Mục rất cám ơn họ đã cho ngài cơ hội để giới thiệu cho họ biết đạo Công giáo và hiểu giá trị của thánh lễ như thế nào. Đơn giản chỉ có thế thôi. Ngài cho rằng đây là cuộc gặp hết sức tốt đẹp cho cả đôi bên. Trong bất cứ công việc gì, dù khó khăn đến mấy, nếu biết cách dàn xếp cho ổn thỏa thì những khó khăn đó sẽ biến thành những hiệu quả hết sức tốt đẹp cho công việc của mình. Ngài nói như vậy.
 
Trường Chuyên biệt Thánh Mẫu Gia Định: Âm nhạc & khiêu vũ trị liệu
Nguyễn Xuân
22:05 26/04/2011
Trường Chuyên biệt Thánh Mẫu Gia Định: Âm nhạc & khiêu vũ trị liệu

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thường không học được nhiều qua não bộ mà qua trò chơi, chơi mà học để phát triển: năng khiếu, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội hóa…Bản thân âm nhạc là món ăn tinh thần tác động đến sức khỏe con người. Khi âm nhạc kết hợp với khiêu vũ, tác động đó càng được nâng cao. Vì thế âm nhạc và khiêu vũ trị liệu là một trong những phương pháp mà trường chuyên biệt Gia Định áp dụng để huấn luyện các học sinh và đạt kết quả đáng kể.

Xem hình trường chuyên biệt Thánh Mẫu Gia Định

Trong niềm vui Chúa Phục Sinh, trường tổ chức buổi sinh họat với mục đích trình làng những kết quả nhà trường đã đạt được trong khi nỗ lực giúp các em phát triển năng khiếu, tài năng vượt trội “ngầm” mà ở nhiều trẻ em bình thường khác không thể có như việc “ TỰ NHIÊN- THOẢI MÁI- KHÔNG BIẾT SAI- VÀ KHÔNG HỀ SỢ SAI !”

Buổi sinh hoạt cũng là dịp giao lưu gặp gỡ của cha mẹ, gia đình các em có nhu cầu đặc biệt và mọi thành phần trong xã hội, qua đó các vị có cơ hội đồng cảm, giao lưu, giải stress.

Thành phần nồng cốt của buổi “vũ hội” là các em cùng các giáo viên và phụ huynh. Nhìn các em vô tư và hồn nhiên rất sinh động và rất ăn nhịp với các điệu vũ cũng như nhìn cô bé vỗ trống, không ai có thể nghĩ rằng các em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngay cả các em tự kỷ của lớp Chim Non, Họa Mi hôm nay cũng không chùng bước. Dù khó khăn, lung túng, gặp nhiều trở ngại, trong những bước chân đầu đời nhưng thầy và trò đã cố gắng tạo những bước nhảy ấn tượng đem lại niềm hy vọng tràn trề cho mẹ cha, thầy cô …

Ca sĩ Thành Lễ và các em trường khuyết tật Cần Thơ nhất là em bị bại chân, đã làm mọi người ngạc nhiên với phần trình diễn Hip hop thật điêu luyện.

Ngoài ra trường rất hân hoan đón tiếp các vị khách tình nguyện, dù rất bận rộn với trách vụ riêng của mình cũng đến góp mặt:

Cô Grace Mishler chuyên viên xã hội, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội & NhânVăn Tp HCM cùng với ca sĩ Khắc Dũng hát bài Biết ơn – biết yêu của chính anh sáng tác.

TS BS Huỳnh Tấn Mẫm giám đốc trường Chuyên biệt Khai Trí và nhóm Yoga cười.

Trường chuyên biệt Hướng Dương

Đại diện trường, cô Võ thị Khoái, hiệu trưởng, cám ơn Linh Mục Giám Đốc đã tạo điều kiện cho việc tổ chức sân chơi lành mạnh nầy.

Trường cũng không quên ơn tổ chức DRD. Trung Tâm phát triển cộng đồng cho người khuyệt tật

- Đồng thời trường xin cám ơn phụ huynh, quý Thầy cô và trẻ em CB GĐ đã tài trợ và là thành phần nồng cốt cho buồi sinh họat hôm nay

Đối với các khách tham dự có thể nói đây cũng là buổi Tâm Lý trị liệu vì nó mang đến cho mỗi người những giây phút vui tươi sảng khoái trước những hành động rộn ràng và ngộ nghỉnh của thầy và trò, của con em và phụ huynh. Nhưng ẩn sau những tiếng cười nầy luôn là những suy tư đáng ghi nhận về hạnh phúc và bất hạnh, về những hồng ân khác nhau mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Nhận thức được rằng “ Tất cả là hồng ân Chúa ban”, chúng ta sẽ biết đón nhận và trân trọng gìn giữ hạnh phúc cũng như chúng ta chúng ta biết vui lòng chấp nhận và vượt qua những bất hạnh. Đồng thời ta sẽ cảm thông với nỗi khổ của tha nhân và dấn thân tích cực góp phần xoa dịu nỗi đau của họ và giúp đỡ họ vượt thắng. Có lẽ đây chính là tâm tư nguyện vọng của các giáo viên và phu huynh dù hằng ngày phải vất vả lặp đi lặp lại những động tác quen thuộc. Nhưng niềm ước mơ đem niềm vui sống cho các em, giúp các em hội nhập với xã hội đã giúp họ thêm sức mạnh và kiên trì.

Nguyện xin bình an của Chúa Kitô Phục Sinh luôn cư ngụ nơi các vị.
 
Lễ Vọng Mừng Chúa Phục Sinh tại giáo xứ Việt Nam Seattle
Nguyễn An Quý
10:34 26/04/2011
SEATTLE - Trời Seattle hôm nay không mấy lạnh dù đã về chiều, bây giờ là hơn 7 giờ. Đông đảo giáo dân đã vào nhà thờ để chuẩn bị Thánh lễ Vọng Phục Sinh được cử hành lúc 7 giờ 30, các hàng ghế đã đầy kín. Đây là Thánh Lễ thứ hai trong ngày Thứ bảy Tuần Thánh. Thánh lễ Vọng Phục Sinh hôm nay có một số anh chị em Tân Tòng được đón nhận các Phép Bí Tích quan trọng để gia nhập Gia đình Giáo Hội như Bí tích Rửa Tội Thêm Sức và đón nhận Bí tích Thánh Thể.

Xem hình ảnh

Đúng 7 giờ 30, cha Chánh Xứ Đào Xuân Thành chủ tế Thánh lễ đã hiện diện để bắt đầu nghi thức phụng vụ Vọng Phục Sinh. Khởi đầu là nghi thức làm phép lửa. Trước cửa nhà thờ một số giáo dân cùng với các anh chị em tân tòng đã tập trung chung quanh một cái chậu lớn có đặt những thanh củi. Nghi thức bắt đầu khi ngọn lửa vừa bùng cháy, Cha Chủ Tế liền cử hành nghi thức làm phép Lửa . với lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã nhờ Con Chúa mà ban cho các tín hữu lửa vinh quang của Chúa,xinThánh hóa lửa mới này và xin nhờ tuần lễ Phục sinh này, cho chúng con sốt sắng ao ước những sự trên trời, đdể chúng con đạt tớingày lể sáng láng vĩnh cửu với tâm hồn trong sạch. Nhơò Đức Kitô Chúa chúng con.(mọi người thưa Amen). Đoạ cha chủ tế lấy lửa đốt nến Phục Sinh và bbắt đầu làm phép Nến Phục Sinh.”. Sauk hi làm phép Lửa, thầy sáu NGuyễn Đức Mậu cầm cây nên lớn tiến đến vị chủ tế và cha chủ tế cử hành nghi thức làm phép Nến Phục Sinh. Trước tiên cha chủ tế kẻ hình Thánh Giá trên cây nến với các động tác như khi kẻ hàng dọc ngài đọc Chúa Kitô hôm qua và hôm nay, kẻ hàng ngang thì đọc: Nguyen thủy và cùng đích, phía đỉnh hàng dọc là Alpha, phía dưới là Omêga. Bốn góc của hình Thập giá được ghi niên hiệu của năm 2011 theo thứ tự bốn số 2,0,1,1 từ trái sang phải ở phần trên và phần dưới hàng dọc của hình Thập Giá.

Kết thúc phần nghi thức làm phép Lửa và Nến Phục Sinh, sau đó là buổi Rước Kiệu ánh sáng Chúa Kitô từ vị trí làm phép lửa và nén phục sinh. Thầy sáu Mậy cầm Nến Phục Sinh đi vào cửa chính của Thánh Đường, khi bước vào cửa chính thì bắt lớn tiếng hát câu: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi giáo hữu đều cất tiếng : “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh được tiến lên Bàn Thánh cùng với nghi đoàn và toàn thể anh chị em tân tòng cùng kiệu Nến Phục Sinh. Đoàn kiệu tiến lên khoảng giữa Thánh Đường, thầy sáu Mậu cùng cất lên tiếng hát lần thứ hai: “Ánh Sáng Chúa Kitô” và mọi người cùng đáp lại : “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh được dừng lại và một số anh em đoàn LMTT phụ trách chuyển ánh sáng phục sinh đã dùng đèn cầy châm từ ngọn Nến Phục Sinh rồi chuyền đi để đốt toàn bộ các cây nến mà mọi giáo hữu hiện diện đang có sẳn trong tay. Sau khi toàn bộ đèn cầy của giáo dân đã được đốt cháy từ Ánh Sáng của Nến Phục Sinh xong, Cha chủ tế và nghi đoàn tiến lên Cung Thánh. Cha chủ tế bước lên Bàn Thánh và đọc lời nguyẹn mở đầu: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và miệng lưỡi chúng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố tin mừng phục sinh của Chúa: Nhân danh Cha và Con và Thánhh Thần”. cộng đoàn thưa Amen

Khi lời nguyện của cha chủ tê kết thúc, thầy sáu Mậu đem Nến Phục Sinh cắm vào chân đèn và tiến về vị trí để công Bố tin mừng Phục Sinh, thầy sáu Mậu hát :” Hãy vui lên, hỡi ca đoàn Thiên sứ, hãy vui lên, hỡi những mầu nhiệm thánh. Tiếng loa cứu độ, hãy vang khúc mừng Vua Cả khải hoàn. Vui lên hỡi trái đất rực rỡ trong ánh sáng huy hoàng….”Kết thúc lời công bố tin mừng Phục Sinh , toàn bộ đèn cầy của giáo dân cầm trong tay đều được tắt để bắt đầu nghi thức canh thức Phục Sinh qua phần phụng vụ Lời Chúa. Mở đầu là Bài đọc I: trích sách Sáng Thế ( St 1,1.26-31a) kể lại câu chuyện Chúa dựng nên trời đất và cuối cùng là Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài có Nam có Nữ với lời phán: Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất , hãy thống trị tất cả mọi loài …”Bài đọc II: trích Sách Xuất Hành (Xh 14,15 15-15,1) mô tả việc Chúa cho Mosê dẫn toàn dân Irael vượt giữa lòng biển để tránh quân Ai Cập truy bắt. Bài Đọc III: trích sách Tiên tri Isaia (Is 55,1-11): với đoạn: “Hãy đến cùng Ta và hồn các ngươi sẽ được sống”.kế đến là Đọc IV: bài trích sách tiên tri Êdêkiel (Ed 36, 16-17a . 18-28) nói lên ý nghĩa: "Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới". Kết thúc phần cựu ước , đèn trong nhà thờ được mở sáng và ca đoàn hát kinh Vinh Danh, bức màn che trên cung thánh được từ từ hạ xuống, hình ảnh Chúa Phục Sinh được xuất hiện cùng với tiếng chuông vang dội mở đầu cho dấu hiệu biều tỏ sự vui mừng của toàn thể dân Chúa trong giáo xứ đang hiện diện đón mừng Chúa Phục Sinh một cách long trọng. Phần vụ lời Chúa được tiếp nối với bài Thánh Thư của Thánh Phaolô ( Rm 6,3-11) gởi tín hữu Rôma: "Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa". sau đó là Bài Tin Mừng (Mt 28, 1-10) theo Thánh Matthêu: "Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa" được thầy sáu Mậu công bố. Thánh Matthêu đã tường thuật lại khá tỉ mỉ vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần khi bà Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ thì chứng kiến mọi hiện tượng lạ lùng, các bà đã rất sợ hãi trước hiện tượng này nên Thiên Thần liền lên tiếng bảo các bà rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Sau đó là phần chia sẻ lời Chúa qua bài giảng ngắn gọn của cha chủ tế. Mở đầu là lời ngài chào mừng các anh chị em tân tòng sau thời gian học hỏi hôm nnay đã gia nhập gia đình giáo hội và giáo xứ, chào mừng cộng đoàn dân Chúa hiện diện với lời chúc mừng nhân ngày lễ Phục Sinh đến với mọi người, xin tóm tắt vài ý chính, ngài nói:” Trong niềm hân hoan mừng ngày trọng đại, ngày Chúa Phụ Sinh, hân hoan chào mừng các anh chị tân tòng mới gia nhập gia đình Giáo Hội và Giáo xứ, trong giây lát nữa đây, các anh chị sẽ đón nhận Bí Tích Rửa tội, Bí Tích Thêm sức rồi sẽ được đón nhận Bí tích Thánh Thể qua việc Rước Bánh Thánh và Rượu là Mình và Máu Thánh Chúa. Hân hoan chào mừng quý ông bà và anh chị em hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay. Kính chúc toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ được tràn đầy niềm vui của Chúa Phục Sinh. Chúc các anh chị tân tòng được sống bền vững trong ơn gọi Chúa Phục Sinh, nhờ ánh sáng Chúa Phục Sinh hôm nay đã chiếu tỏa trong tâm hồn mỗi anh chị mà chốc nữa đây . các anh chị sẽ được đón nhận các nhiệm tích để trở nên những chi thể thuộc về Đức Kitô, thuộc về Giáo hội Chúa và trở thành nhưũng thành viê trong gia đình Giáo xứ…”

Sau bài giảng là phần nghi thức ban các phép bí tích cho các anh chị tân tòng. Mười ba anh chị tân tòng tiến lên trước cung thánh để từng người được lảnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm Sức…” Trước khi ban phép Bí Tích Rửa Tội cha chủ tế làm phép nước tại giéng Rửa Tội. Đoạn các anh chị từng người với các vị đỡ đầu tiến lên giếng rửa tội để vị chủ tế dội nước lên đầu mỗi người khi ban phép Rửa tội cho từng người. Nghi thức ban Bí Tích Rửa tội được tiếp nối qua việc trao áo Rửa tội màu trắng và mỗi anh chị đón nhận một cây nến được đốt cháy từ ánh sáng của ngọn Nến Phục Sinh do những vị đỡ đầu châm từ Nến Phục Sinh và trao cho từng anh chị tân tòng.. Kế đến , cha chủ tế ban phép Thêm sức qua việc xức dầu Thánh trên trán để ban thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần cho từng anh chị . Kết thúc việc ban các phép Bí Tích cho các anh chị tân tòng, cha chủ tế nói: xin các anh chị quay mặt hướng về phía giáo dân, xin cho một tràng pháo tay chào dón các anh chị em nay đã chính thức gia nhập gia đình Giáo hội và Giáo xứ..” Tiếng pháo vỗ tay kéo dài khá lâu cho đến khi cha chủ tế nói : “xin cám ơn và mời các anh chị trở về chỗ ngồi để tiép tục Thánh Lễ”, tiếng vỗ tay mới dứt.

Thánh lễ chấm dứt vào khoảng 9 giờ 10 sau lời chúc mừng ngày lễ Phục Sinh đến mọi người và mọi gia đình trong giáo xứ của Cha chánh xứ sau đó cha chủ tế Ban Phép Lành đặc biệt lành kết thúc Thánh Lễ. Mọi người ra về trong niềm vui của Chúa Phục Sinh.
 
Lễ Chúa Phục Sinh tại Liên Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Tiệp Khắc
Phêrô Đinh Xuân Toàn
14:10 26/04/2011
TIỆP KHẮC - Ngày 13-04-2011 Liên Cộng Đoàn Công Giao Việt Nam tại CH Tiệp được vinh dự đón tiếp cha Đaminh Nguyễn Phi Long, CSsR., Giám Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại tại Hoa Kỳ viếng thăm mục vụ.

Xem hình ảnh

Ngài đã gặp gỡ quý cha Tuyên úy, Ban Chấp Hành LCĐ bàn thảo về các vấn đề trong tương lai.

Ngài đã dâng thánh lễ và tiếp chuyện anh chị em giáo dân tại ba Cộng Đoàn Praha, Teplice và Cheb.

Khi hoàn tất chuyến viếng thăm anh chị em giáo dân tại CH Tiệp, ngài đến chào Đức Tổng Dominik Duka, Tổng Giám Mục Praha và Chủ tịch HĐGM Tiệp.

Sau đó, Đức Ông Michael Slavik đã trao đổi với cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Tiệp, cha Giám tỉnh Dòng Ngôi Lời Slovakia và cha Đaminh Nguyễn Phi Long, có sự hiện diện của cha Phanxicô Assisi Đặng Phước Hòa, CSsR. và cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Hùng, SVD., để tìm ra phương hướng hợp tác với nhau trong sứ mạng phục vụ và giúp đỡ người Công Giáo Việt Nam tại đây.

Cha Đaminh Nguyễn Phi Long chính thức cho các ngài biết Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại đã chọn Cộng Hòa Tiệp làm nơi dấn thân mục vụ lâu dài trong sứ mạng mới của Phụ tỉnh.

Cuộc gặp gỡ lịch sử này khẳng định sự hợp tác mục vụ của Giáo Hội Tiệp và Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại tại Hoa Kỳ cho Liên Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại CH Tiệp.

TAM NHẬT VƯỢT QUA TẠI PRAHA VÀ BRNO, CH TIỆP

Tại Praha và Brno, CH Tiệp, đều có nghi thức Tam Nhật Vượt Qua sốt sắng và trang trọng với sự tham dự của đông đảo giáo dân.

Đặc biệt đêm vọng Phục Sinh tại CĐ Praha, cha Tuyên úy Phanxicô Assisi Đặng Phước Hòa, CSsR. đã long trọng cử hành Bí tích Thánh tẩy cho bảy anh chị em dự tòng và một em bé, đồng thời ngài cũng được sự ủy thác của Đức Tổng Giám Mục Praha ban Bí tích Thêm sức cho những anh chị em dự tòng này.

Qua từng năm tháng, hồng ân Thiên Chúa luôn tràn đầy trong Liên Công Đoàn bé nhỏ này. Vì vậy, LCĐCGVN đang hăng say sống Lời Chúa để nên một trong đức tin và chờ đón thánh ý Chúa cho LCĐ.
 
Nhân dịp lễ giỗ 10 năm - ĐGM Bùi Chu Tạo: Mục từ nhân lành - chủ chăn thánh thiện
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:09 26/04/2011
ĐGM BÙI CHU TẠO: MỤC TỬ NHÂN LÀNH, CHỦ CHĂN THÁNH THIỆN

ĐI BỆNH VIỆN VÌ VÂNG LỜI

Chuông điện thoại vang lên tại phòng thường trực Tòa Giám Mục Phát Diệm, lần này do chính Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội gọi về. Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã nhận được thư của Đức ông Phaolô Giuse Tịnh Quang Thiều viết ngày 15/07/1996 đưa tin về thể trạng Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo Giám mục Giáo phận Phát Diệm. Đã từ mấy tuần nay, mắt Đức cha bị cộm, nhức mỏi và tăng huyết áp, các phương pháp điều trị thông thường không đủ để nâng được Đức cha dậy khỏi giường. Cuộc nói chuyện của Đức Hồng Y không ngoài nội dung mời Đức cha lên Hà Nội chữa bệnh. Đức Hồng Y quen giáo sư bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh này. Hôm đó là ngày 16/07/1996, ngày cầu nguyện và vâng lời, để ngay ngày hôm sau Đức cha lên xe đi Hà Nội chữa bệnh.

NHỮNG DIỄN BIẾN TẠI TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

Là Giám mục niên trưởng trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) hiện nay, lại là Giáo phận quê hương của Đức Hồng Y đương kim Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được đón tiếp tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội với đầy lòng kính trọng và ưu đãi. Đức Hồng Y dành phòng riêng, nhà khách riêng cho Đức cha. Việc điều trị ban đầu xem ra thuận lợi. Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, là người thân quen của Đức Hồng Y đã nhiệt tình đưa Đức cha nhập viện để cùng Giáo sư bác sĩ Trần Đức Thọ, Viện trưởng Viện Lão Khoa kiểm tra, chữa mắt cho Đức cha, tình hình khả quan tới mức hy vọng trong một tuần lễ Đức cha có thể trở về an toàn. Tất cả sẽ được ổn định nếu không có một bất ngờ xảy ra:

Ngày 22/07/1996, Đức cha thấy nổi cộm một khối u ở vùng đại tràng, ban đầu chỉ coi đơn giản như bệnh đường tiêu hoá, nhưng khi bác sĩ Hào đến, lập tức vấn đề trở nên nghiêm trọng. Nếu đây là do căn bệnh “Phồng động mạch chủ bụng” là nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp, và từ cao huyết áp dẫn đến đau mắt, thì căn bệnh không còn đơn giản chút nào. Bác sĩ Hào lập tức giới thiệu đi Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây các bác sĩ xét nghiệm và kết luận cho thấy đúng là “Phồng động mạch chủ bụng”, căn bệnh đã ở vào thời kỳ 2, thời kỳ gay cấn có thể dẫn đến vỡ động mạch chủ và khi đó tử vong đi theo là điều chắc chắn. Các bác sĩ còn cho rằng đoạn động mạch chủ phồng ở đoạn tách hai nằm sát với thận, như thế việc giải phẫu sẽ hết sức khó khăn nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Dù sao “Còn nước còn tát” cách tốt nhất là giới thiệu đi Bệnh viện Việt Đức để giải phẫu, nhưng xe ô tô chở Đức cha đến trước cửa bệnh viện lại quay về Tòa Tổng Giám mục Hà Nội theo chính yêu cầu của Đức cha vì ngài dường như đã không muốn chữa nữa mà chỉ nghỉ lấy sức để trở về!

NHỮNG NỖI LO ÂU

Phòng khách số 4 Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đón Đức cha lưu lại không lâu, nhưng những lo lắng suy tính và nhất là tâm tình cầu nguyện thì cường độ tăng lên không ngừng. Cuối cùng sự khôn ngoan của loài người đã nhường bước cho tâm tình đơn sơ phó thác vào Thiên Chúa. Đức cha đồng ý vào Bệnh viện Việt Đức, phó mình trong tay Chúa và tin vào khả năng của các bác sĩ chuyên khoa.

Trải dài suốt cuộc đời chủ chăn thánh thiện, bàn tay của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã xức dầu cho biết bao tín hữu, nhưng giờ đây bàn tay đáng kính ấy lại lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Thánh từ tay Đức Hồng Y kính mến. Đây là lần đầu tiên trong đời, người cha già đáng kính của giáo phận chịu phép Xức Dầu Thánh để “tính sổ” với Chúa theo cách nói bình thản của người trước khi vào bệnh viện.

Công việc đầu tiên mà Đức cha Phaolô có thể thực hiện mang đầy tính nhân đạo là tặng bệnh viện một máy điều hòa nhiệt độ. Máy này được lắp đặt tại phòng hậu phẫu mà chính Đức cha cũng sẽ ở một khi ca phẫu thuật thành công.

Ngày lễ Hiển Dung 06/08/1996 cũng là ngày Đức cha Phaolô đi thử máu để xét nghiệm. Liệu dung nhan Đức cha có còn “tỏa sáng” sau những ngày thương khó vì phải qua giải phẫu hay không ?

Tất cả còn đang chờ đợi ở phía trước.

Thử máu là bước đầu tiên trong tiến trình giải phẫu. Đức cha Phaolô thuộc nhóm máu O, ai cũng hiểu đã mổ thì cần được truyền máu, không thiếu những người còn muốn hiến máu cho vị cha chung đáng kính của Giáo phận Phát Diệm, nhưng cần phải hợp nhóm máu mới được hiến. Cuối cùng vinh dự đó dành cho cha Phaolô Đinh Công Hanh, cho các chị giúp việc Nhà Chúa là chị Mơ và chị Sáng.

Những bước tiếp theo càng cần thận trọng. Đức cha Phaolô được đưa đi chụp X quang phổi và điện tâm đồ tại Bệnh viện K đối diện với Bệnh viện Việt Đức, vì ở đây có máy móc hiện đại hơn. Công việc được tiến hành tại tầng 4. Làm thế nào để đưa Đức cha lên an toàn? Cha Giuse Mai Văn Thiện – nghĩa tử của Đức cha - đã ghé vai cõng Đức cha lên, đó là cách an toàn và cơ động nhất! Kết quả chiếu chụp cho thấy tim, phổi Đức cha rất tốt, các bác sĩ nói cơ quan nội tạng của Đức cha tốt như ở người mới có 50 tuổi vậy.

Đó thật là một thể trạng tốt nhưng chưa phải là tình trạng tốt đối với căn bệnh của Đức cha Phaolô, vì theo bác sĩ nói, nếu động mạch chủ vỡ do bị phồng thì cái chết sẽ đến ngay lập tức. Cần phải tiến hành thận trọng từng bước. Việc siêu âm qua máy vi tính và đặc biệt là chụp cắt lớp (CT) theo phương pháp hiện đại nhất, đã đưa đến kết luận rõ ràng, cần phải giải phẫu và phải giải phẫu ngay.

Giáo sư bác sĩ Đặng Hanh Đệ, chủ nhiệm khoa Ngoại Bệnh viện Việt Đức đến khám trực tiếp cho Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Giáo sư đã khẳng định chuyên môn của mình bằng một quyết định cương quyết qua câu nói ngắn gọn: “Mổ!”. Chính câu nói đó đã làm tăng thêm lòng tin cho bệnh nhân là Đức cha. Lòng tin đó hoàn toàn có cơ sở vì giáo sư bác sĩ Đỗ Doãn Đại đã đến thăm Đức cha ngay sau đó, được biết tin chính giáo sư Đặng Hanh Đệ sẽ trực tiếp mổ cho Đức cha, ngài đã lạc quan nhận định: “Được giáo sư Đặng Hanh Đệ mổ thì Đức cha cứ yên tâm, đó là bàn tay mổ tài năng nhất hiện nay ở Việt Nam, chuyên mổ cho các vị lãnh đạo nhà nước. Một gia đình vinh dự có tới ba anh em là giáo sư bác sĩ.”

Thế là thời điểm mổ đã được ấn định. Ngày 12/08/1996 sẽ là ngày có đáp án cho cuộc giải phẫu của Đức cha Phaolô. Tin này đã gây chấn động trong khắp giáo phận. Đức ông Phaolô Tịnh Quang Thiều và các cha Phát Diệm hội thảo dưới sự chủ tọa của Đức cha phó Giuse Nguyễn Văn Yến, chủ trương tôn trọng nguyên tắc thầy thuốc – bệnh nhân: Nếu các bác sĩ quyết mổ và Đức cha đồng ý thì xin tuân theo, nhưng nếu được hỏi ý kiến thì không ai muốn để Đức cha mổ cả. Đức ông Thiều cho rằng Đức cha tuổi cao sức yếu, chữa bộ phận này lại liên quan tới bộ phận khác trong cơ thể, trở ngại sẽ không lường được.

Tin Đức cha Phaolô mổ cũng truyền vào miền Nam, tới Sở Hưu của các cha Phát Diệm, ai cũng lo lắng cầu nguyện nhiều cho Đức cha, Hội dòng Mến Thánh giá làm tuần khấn trọng thể liên tiếp hướng về cầu nguyện cho Đức cha. Tin bay sang Rôma tới Đức ông Vincent Trần Ngọc Thụ, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức ông Đaminh Nguyễn Văn Thiện, Đức ông Phanxico Borgia Trần Văn Khả. Lập tức Đức ông Đaminh Nguyễn Văn Thiện điện về Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng hỏi thăm Đức cha và đề nghị nếu tại Việt Nam không có đủ điều kiện tốt thì chuyển sang Roma để các ngài lo liệu.

Trong Giáo phận Phát Diệm, các xứ hiệp dâng Thánh Lễ khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin Đức Mẹ gìn giữ Đức cha qua cơn gian nguy.

Cuối cùng, ngày 12/08/1996 đã tới, một bầu khí hồi hộp, lo âu bao trùm khắp cả giáo phận.

Công việc đã được chuẩn bị từ tối hôm trước, Đức cha nhịn ăn để hôm sau lên bàn mổ. Người nhà túc trực để hiến máu, lời cầu nguyện đan xen giữa những tiếng thở gấp gáp bay lên trước nhan Chúa.

8h15’ bác sĩ Quyền tới đón Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo tại phòng và cùng với thầy Tuyên đẩy xe lăn đưa Đức cha tới phòng mổ. Khó có thể diễn tả hai trạng thái khác biệt nhau giữa cha và con. Những người con hiếu thảo đẩy xe lăn với đôi mắt ngấn lệ, các soeur và đại diện đoàn hội giáo dân ngồi dài trên hành lang, lo âu và thầm thì cầu nguyện. Gương mặt người cha già đáng kính, trái lại, rất bình thản và trong sáng. Những gì cần dặn dò Người đã dặn cả rồi, bàn tay gân guốc đã không hề run khi ký giấy cam đoan mổ. Lời trả lời “Không!” cũng rất rõ ràng cho bác sĩ khi bác sĩ vừa hỏi “Đức cha có sợ hãi gì không?” Hết sức điềm tĩnh nằm trên bàn mổ, Đức cha nói với một giọng đầy tự tin: “Tôi biết cách đây sáu mươi tám năm có một Đấng đã cứu tôi, bây giờ Đấng ấy vẫn đang ở bên tôi”.

Cách đây sáu mươi tám năm, tức là khi Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo mới 20 tuổi, một cơn bệnh nặng tưởng chừng Đức cha không thể qua khỏi. Một đêm trong giấc mơ, thật lạ lùng, ông cố thân sinh Đức cha thấy có người đến bảo: “Nhà này có kẻ ốm nặng mà không đi lấy thuốc chữa cho nó à?” sáng tỉnh dậy, bán tín bán nghi, ông cố định bụng xuống Thị trấn Phát Diệm lấy thuốc cho con. Vừa khi ra đến cổng gặp người quen, chào hỏi xã giao biết ông cố đi lấy thuốc cho con, người này giới thiệu đến nhà một thầy lang cũng gần, ông cố bụng bảo dạ: Thôi thì “Có bệnh thì vái tứ phương,” cứ nghe người ta giới thiệu xem sao! Nào ngờ thuốc về khỏi bệnh, cả gia đình tin rằng Chúa quan phòng đã cho gặp thầy gặp thuốc để khỏi bệnh.

Giờ thì Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã ở trong phòng mổ, người nhà không có ai được ở lại. Giáo sư bác sĩ Đặng Hanh Đệ chủ ca phẫu thuật; bác sĩ Nguyễn Thành, thạc sĩ, phụ mổ; bác sĩ Sơn, bác sĩ Tuấn phẫu thuật viên; bác sĩ Kính gây mê cùng các trợ lý trong khoa. Công việc gây mê bắt đầu từ 8h30’. Thời gian nặng nề trôi. Tất cả người nhà bao gồm các thầy, các sœurs, giáo dân Phát Diệm có, Hà Nội có; hồi hộp lo lắng chờ đợi! Đã ba tiếng trôi qua, tiếng dao, kéo không còn đụng chạm nữa, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo bất động trên bàn mổ, phòng mổ vẫn đóng im!

Khác với các ca phẫu thuật khác, mãi không thấy đưa Đức cha Phaolô xuống phòng hồi sức, hay đã có chuyện gì xảy ra, hoặc lỡ có gì rủi ro rồi chăng? Thật là sự im lặng đến sợ hãi. Không ai biết được kết quả, vẫn là không gian im lặng, chậm chạp đến não nề. Bóng đã ngả về chiều!

Cuối cùng, chiếc băng-ca cũng đã xuất hiện, thân hình bé nhỏ của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo nằm gọn trên băng-ca, vẫn chưa khẳng định được điều gì. Yếu tố duy nhất để xác định sống chết giờ đây là thời gian. Tất cả vây quanh Đức cha hồi hộp đợi chờ...

Mãi tới năm giờ chiều, mọi dồn nén mới trôi qua, Đức cha tỉnh lại và nhẹ nhàng thốt lên câu đầu tiên: “Sống rồi!” Niềm vui tỏa chật căn phòng, tạ ơn Chúa vô cùng, Đức cha đã hồi sinh! Niềm vui và bình an trở lại với giáo đoàn!. Người đầu tiên đến chúc mừng là Giáo sư Đặng Hanh Đệ. Đây là ca phẫu thuật đầu tiên thành công của Giáo sư cũng như của toàn khoa Tim Mạch đối với một bệnh nhân ở tuổi 88, nếu không phải vì Đức cha, chẳng ai tiếp nhận bệnh nhân mổ ở độ tuổi này. Cùng ca mổ với Đức cha, một bệnh nhân ở độ tuổi bảy mươi đã hôn mê suốt cả đêm sau, ngày kế tiếp phải cấp cứu trở lại và không hy vọng sống.

Những ngày tiếp theo sau là nối tiếp những niềm vui, vui từ khoa Tim Mạch về đến Giáo phận quê hương Phát Diệm, ra đến Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và xa hơn... Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đến tận giường bệnh Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo chúc mừng, hai đấng ôm hôn bình an thật xúc động. Đức Hồng Y tươi cười hài hước hỏi Đức cha:

-Bây giờ Đức cha đã thấy Chúa chưa?

Đức cha mỉm cười dí dỏm đáp:

-Con đã thấy và con vẫn thấy !

Ngày xuất viện hai tuần sau đó thật cảm động, cả khoa Tim Mạch tiễn chân một bệnh nhân xuất viện! Điều chưa hề có ở đây và còn đáng nhớ hơn nữa là sau đó khoảng hai tuần toàn khoa đã về thăm Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo tại Tòa Giám mục Phát Diệm giữa ngày giáo dân Phát Diệm đang sung sướng, hoa trên tay mừng Đức cha bình phục. Giáo dân đứng chật sân Tòa Giám mục nhìn lên tầng hai, Đức cha đứng tại vòm hiên rạng rỡ, vui tươi, có giáo sư Đặng Hanh Đệ đứng bên cùng với toàn khoa Tim Mạch. Một kỷ niệm sâu sắc không những cho cộng đoàn dân Chúa mà còn cho cả khoa Tim Mạch Bệnh viện Việt Đức. Chính Giáo sư Đặng Hanh Đệ đã tâm sự với tôi khi tôi được Đức cha cử lên thay mặt Đức cha cám ơn giáo sư và toàn khoa sau đó như sau: “Đây là lần đầu tiên kể từ 36 năm thành lập khoa tới nay, toàn khoa cùng về thăm Đức cha và Nhà thờ Phát Diệm. Tôi rất cảm động thấy giáo dân kính mến Đức cha và cũng rất ngạc nhiên thấy Đức cha bình phục quá nhanh. Tôi có cảm nghĩ Đức cha có một sự hộ phù linh thiêng cộng với ý chí tuyệt vời của Đức cha nên mới có một sự phục hồi mau lẹ như vậy”.

NHỮNG BẤT NGỜ CỦA ƠN THÁNH

Giáo sư Đặng Hanh Đệ đã không thiếu thực tế khi nhận xét hiện trạng sức khoẻ khả quan của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Và còn hơn thế nữa, chỉ sau đó hai tháng, ngày 05/11/1996 Đức cha lại lên Hà Nội, nhưng không phải để chữa bệnh mà là để tiễn Đức Hồng Y lên đường đi Rôma. Có ai ngờ rằng chỉ chưa đầy một tháng sau đó, ngày 02/12/1996 Đức cha cũng bay sang Rôma để cùng với các Giám mục Việt Nam viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô - Phaolô và bái kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II theo thông lệ.

Dịp đi Âu châu “trối già” này, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã ghé qua Đức và Pháp. Đặc biệt tại Pháp, Đức cha đã đi hành hương tới Lộ Đức và dâng Thánh lễ tại Bàn thờ trong hang đá, nơi Đức Mẹ đã hiện ra 1858 với chị Bernadette Soubirous. Sau một tháng rưỡi công du, Đức cha trở về Việt Nam vào ngày 18/01/1997, ngày mà trước đó tròn 6 tháng, Đức cha đi Hà Nội chữa mắt để rồi tiếp nối một chuỗi dài những sự kiện thăng trầm về căn bệnh hiểm nghèo của Đức cha. Thật may mắn, trong Thư chung viết ngay sau khi về tới giáo phận nhà, chúng ta được nghe chính Đức cha kể lại hành trình:

“Trước hết, tôi xin cám ơn các cha và tất cả mọi người đã thương cầu nguyện nhiều cho tôi trong các dịp đặc biệt vừa qua. Tôi nhận thấy có bàn tay quan phòng, che chở của Chúa và Đức Mẹ một cách rất đặc biệt trong năm qua. Tôi được khoẻ mạnh, bình an như hôm nay là nhờ lời cầu nguyện thiết tha của các cha, các nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em. Những biến cố quan trọng đến với tôi năm Bính Tý (1996) vừa qua là:

1. Đi khám bệnh và cuộc giải phẫu:

Kỳ đó tôi lên Hà Nội chỉ có ý chữa mắt, nhưng trong khi điều trị mắt, tình cờ khám phá ra bệnh “Phồng động mạch chủ bụng” một bệnh nếu không biết trước mà chữa thì khi nó vỡ động mạnh là chết, mà rất khó phát hiện vì nó không đau, khi vỡ ra mới đau, mà khi vỡ thường là chết.

Nhờ ơn Chúa thương tôi đã gặp được Giáo sư bác sĩ cao tay Đặng Hanh Đệ điều trị cho tôi. Vết mổ của tôi mau lành đến nỗi chính Giáo sư Đệ cũng lấy làm ngạc nhiên vì tôi đã 88 tuổi mà bệnh viện thường không mổ cho những người trên 70 tuổi nữa. Lý do là tuổi ấy các tế bào không phát triển nhanh được như khi còn trẻ, nên vết thương lâu khỏi, dễ nguy hiểm.

Tôi đã được chữa lành là do ơn Chúa, được như thế là nhờ lời cầu nguyện của mọi người anh chị em.

2. Chuyến công du sang Rôma yết kiến Đức Thánh Cha:

Lại một hồng ân lớn lao và đặc biệt hơn nữa cho tôi dịp vừa qua là tôi đủ sức đi Rôma yết kiến Đức Giáo Hoàng, thủ lãnh của Giáo Hội hoàn vũ mà tôi không dám nghĩ rằng được gặp Người như thế. Qua cuộc giải phẫu, tôi nghĩ chỉ còn dọn mình chờ chết thôi, nhưng không ngờ Chúa lại cho có sức làm cuộc hành trình dài gần hai tháng (từ 02/12/1996 đến 28/01/1997). Vì thế, khi tôi tới Rôma, các cha và mọi người quen biết rất ngỡ ngàng vì thấy ông già 88 tuổi, yếu đau, bệnh tật, chống gậy, còn có sức sang được tới Rôma. Nay tôi xin kể sơ qua về hành trình mà tôi vừa mới đi về để các cha và anh chị em được biết và thêm lời tạ ơn Chúa cho tôi.

Tôi khởi hành từ sân bay Nội Bài Hà Nội lúc 3 giờ chiều ngày 02/12/1996, 5 giờ tới Sài Gòn. Tới đó, tôi thấy đông các cha, các tu sĩ nam nữ tới đón và tiễn chân tôi đi Rôma. 19h là bảy giờ tối máy bay cất cánh đi Paris – thủ đô nước Pháp – Sau bảy tiếng rưỡi, máy bay tới Dubai (Ảrập) để lấy dầu, tới đây đã được nửa chặng đường. Sau đó tiếp tục đi Paris, chúng tôi tới Paris lúc 5h30 sáng hôm sau (03/12/1996). Từ Paris chúng tôi đi tiếp sang Rôma, thủ đô của Giáo Hội. Tới đây lúc 9h30 và sau đó chúng tôi đã được đưa về Foyer Phát Diệm (Nhà Quản lý Rôma). Ở đây, chúng tôi gặp Đức Hồng Y Phaolô J. Phạm Đình Tụng, các Đức cha đã tới trước. Nghỉ ngơi ở đây một ngày, rồi cùng Đức Hồng Y, các Đức cha vào yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Những ngày sau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gặp riêng từng vị, mỗi người chỉ được 10 phút. Đến lượt tôi, Đức Giáo Hoàng mở bản đồ Việt Nam ra và hỏi tôi: “Phát Diệm chỗ nào?” và Ngài ân cần hỏi thăm một số linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo phận nhà. Tôi xin Đức Giáo Hoàng chúc lành cho tôi và hết mọi người trong giáo phận, thế là hết 10 phút và tôi bái Người đi ra.

Tôi dâng lễ Đồng tế với các Đức cha tại Đền thờ Thánh Phaolô, ngay trên phần mộ của thánh Tông đồ.

*Ngày 14/12 /1996 chúng tôi đã đồng tế với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Nhà nguyện riêng của Người.

*Ngày 04 /01/1997 tôi sang Đức thăm một cha học trò bị ốm nặng phải mổ, và thăm mấy chị em dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm ở Bonne, một thành phố lớn của Đức.

*Ngày 11 /01/1997 tôi rời Đức trở về Rôma để chuẩn bị chuyến viếng thăm Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp.

*Ngày 11/01/1997 chúng tôi từ giã Rôma lên đường đi Pháp. Tới Pháp, chúng tôi được các cha Thừa sai Paris đón tiếp rất nồng hậu vì nơi đây là nhà tổ của mình. (Đạo Công giáo của Giáo Hội Việt Nam chúng ta được phát triển như ngày hôm nay là nhờ công lao của các cha Thừa sai này). Tôi đã đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, làm lễ ngay ở hang Đức Mẹ đã hiện ra, tham dự Thánh lễ này có khoảng 100 người, trong đó nhiều người Việt Nam.

*Ngày 17/01/1997 chúng tôi trở về Việt Nam, các cha Thừa sai Paris tiễn chúng tôi tới tận Sân bay quốc tế Paris. Đúng 12h30 máy bay cất cánh, sau 15 tiếng tới Sài Gòn vào lúc 8h30 ngày 18/01/1997. Có đông các cha gốc Phát Diệm, các chị dòng Mến Thánh Giá ở miền Nam ra đón. ở Sài Gòn, tôi đi thăm Vũng Tàu, thăm Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật và vùng Gia Kiệm, nơi có nhiều người gốc Phát Diệm. Mừng Quan thầy tại Nhà Hưu Dưỡng Phát Diệm, gặp mặt 120 cha và đông các chị em Nhà dòng Mến Thánh Giá. Trong Thánh Lễ tạ ơn tại Nguyện đường nhà Hưu Dưỡng các cha Phát Diệm. Sau đó, có bữa tiệc mừng Ngọc Khánh và Quan thầy của tôi.

Tôi không quên cuộc đón tiếp tôi nồng nhiệt, vui tươi, chân tình của các cha và các chị em Nhà dòng Mến Thánh Giá trong miền Nam.”

Thật là kỳ diệu việc Chúa quan phòng, kỷ niệm 60 năm Linh mục, 40 năm chủ chăn Giáo phận của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã khởi sự từ chính Rôma, nơi có Foyer Phát Diệm và đông đảo con cái ưu tú Giáo phận đang làm việc hoặc sống cộng đoàn taị đây. Hạ cánh máy bay tại Việt Nam vào ngày 18/01/1997, Đức cha còn được mấy ngày nghỉ lấy sức để chuẩn bị cho con cái mừng ngày 21/01/1997, ngày Sinh nhật tròn 88 bước sang tuổi 89 của Đức cha. Vinh dự lớn lao này trước hết được dành cho cộng đồng dân Chúa tại miền Nam, điều đó là hoàn toàn hợp lý vì ai cũng hiểu chuyến đi “trối già” này của Đức cha là lần cuối cùng, không hy vọng Đức cha có đủ sức để đi một chuyến từ Bắc vào Nam nữa. Chẳng cần bàn cãi, ai cũng hiểu không được bỏ qua cơ hội cuối cùng này. Đông đảo các thành viên trong gia đình Linh mục, tu sĩ, gốc Phát Diệm từ Đà Nẵng, Đà Lạt, Bảo Lộc, Xuân Lộc và từ miền Tây đã có mặt tại An Dưỡng viện Phát Diệm đón chào Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Đặc biệt có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc. Đức cha Aloisiô Phạm Văn Nẫm, Giám mục phụ tá Giáo phận Tp Hồ Chí Minh, cha Tổng đại diện Gioan B. Huỳnh Công Minh, Đức ông Trần Văn Hiến Minh. Thánh lễ 9h00 do Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo chủ sự vừa long trọng lại vừa xúc động. Chính Đức cha đã bày tỏ tâm tình đó trong Thánh lễ:

“Với thân già sức yếu, lại đang mệt nhọc vì cuộc hành trình đường xa vạn dặm, tôi rất phấn khởi được quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và các con cái gần xa đón tiếp tôi rất nồng hậu và tổ chức mừng tôi trọng thể như thế này, thực tôi hết sức cảm động và tận tình cảm ơn mọi đấng bậc, vì tấm thịnh tình ưu ái đặc biệt đối với tôi.

Tuy xa cách ngàn dặm, nhưng lòng tôi vẫn hướng đến những người con của Giáo phận mẹ, sinh sống trong miền Nam này, và ước ao có dịp vào viếng thăm.

Với ngót chín mươi tuổi đời, không biết Chúa còn để tôi sống được bao lâu nữa, có khi năm nay là năm sau cùng đời tôi!”

Linh cảm này của Đức cha khiến mọi người ai cũng xúc động và hồi tưởng về quá khứ hào hùng của một người cha đáng kính.

ƠN GỌI LINH MỤC

Trước năm 1936, chưa ai biết đến giáo xứ Tam Châu vì xứ Tam Châu lúc đó thuộc về giáo xứ Phúc Nhạc – Một giáo xứ đã thành lập từ năm 1790 nổi tiếng với Nhà dòng Mến Thánh Giá Phúc Nhạc thành lập từ khoảng năm 1830, nơi có nhà in sách chữ Nôm do chị em nữ tu phụ trách và là quê hương của bà thánh Anê Lê Thị Thành, người phụ nữ Việt Nam duy nhất trong số 117 vị thánh được phong thánh năm 1988; với trường Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc được cha Paul Francois Puginier MEP (về sau làm Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài) thành lập 01/11/1867.

Mãi tới năm 1940 xứ Tam Châu mới được biết đến và chỉ thực sự nổi danh vào năm 1957 – năm Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phaolô Bùi Chu Tạo – quê xứ Tam Châu – làm Giám quản Giáo phận Phát Diệm để rồi hai năm sau đó chính thức được tấn phong Giám mục Giáo phận ngày 26/04/1959.

Xuất thân từ một gia đình nông dân đức hạnh, là con cả trong gia đình gồm 5 trai, 2 gái, chú Phaolô Bùi Tạo (hồi nhỏ chưa đệm tên Bùi Chu Tạo) dâng mình vào Nhà Chúa từ năm 10 tuổi với lý lịch ghi ngày sinh: 21/01/1909 tại Giáo họ Tam Châu, Giáo xứ Phúc Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tên bố: Giuse Bùi Liêm, tên mẹ: Anna Nguyễn Thị Hợi.

Cha Phaolô Dương Đức Liêm là vị linh mục khôn ngoan và đạo đức. Vào những năm 1920, cha dạy trường Thầy giảng tại Tam Châu, nhận thấy gia đình ông bà Giuse Bùi Liêm hiền lành, thật thà, sống đạo và nên gương chứng nhân, con cháu đều chăm ngoan, hiếu học, đặc biệt cậu cả của ông bà mắt sáng, trán cao, tiềm ẩn một trí khôn sâu sắc, tính tình khiêm tốn nhường nhịn, cha liền nhận cậu cả vào trường thử học tại Nhà xứ Ba Làng (Thanh Hóa). Đến năm 1930 lại nhận cậu Simon Đạt, con thứ 6 của ông bà cố Liêm. Simon Đạt học trường Thử Ba Làng. Sau ba năm vào, Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc học được hai năm thì ốm đau, xin hồi tục lập gia đình có hai con đi tu là Thầy An dòng Trợ thế Gioan Thiên Chúa ở Tân Biên, Hố Nai và soeur Hưởng dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Gò Vấp.

Cũng thời gian ấy, chú Phaolô Bùi Tạo đã đi hết chặng đường của 6 năm Tiểu Chủng viện. Dấu hiệu ơn gọi rõ ràng: gầy còm nhưng không yếu đau, luôn đứng đầu lớp về học lực cũng như về hạnh kiểm.

Hai năm làm Thầy giảng giúp cha dưỡng phụ Phaolô Dương Đức Liêm, thầy Tạo đã tỏ ra là một tông đồ nhiệt thành thánh đức. Nhiều học sinh ngày nay vẫn còn nhớ công ơn người thầy dạy đạo đức giúp họ nên người trưởng thành. Ai cũng cảm phục Thầy là giáo viên gương mẫu, hiền lành mà cương nghị, nghiêm khắc nhưng với tất cả tình thương.

Khi học Thần học với cha giáo Gioan Maria Phan Đình Phùng (sau này là Giám mục Phát Diệm), thầy Tạo luôn có những câu hỏi chứng tỏ một suy tư sâu sắc và một tư cách cương nghị, khẳng khái. Có lần cha giáo phải lên tiếng với học trò của mình: “Không nghe thì hãy ngồi im đi”.

Ngày 13/03/1937, thầy Phaolô Bùi Chu Tạo thụ phong Linh Mục từ tay Đức cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng tại Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm. Mười hai tân Linh mục như con số mười hai Tông đồ xưa được đưa vào cánh đồng truyền giáo của Giáo phận. Cha Phaolô Bùi Chu Tạo là người yếu còm, nhỏ bé nhất, nhưng sứ mệnh của ngài lại lớn lao hơn cả. Sau một tuần làm phó xứ Khiết Kỷ, bề trên sáng suốt đặt ngài làm giáo sư Chủng viện Phúc Nhạc. Chín năm trôi qua trong an bình và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, nhưng những sự kiện lớn thay đổi liên tiếp tại Giáo phận đã kéo theo sự thay đổi của vị giáo sư gương mẫu.

Ngày 28/05/1944 Đức cha Gioan Maria Phan Đình Phùng đột ngột qua đời, Đức cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ được tấn phong vào ngày 28/10/1945 lên kế nhiệm. Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi (sau này là Giám mục Bùi Chu) lên làm giám đốc Đại Chủng viện Thượng Kiệm thay cho Đức cha Gioan Maria Phan Đình Phùng. Cha Giám đốc Phêrô Phạm Ngọc Chi chọn cha Phaolô Bùi Chu Tạo làm linh hướng cho Đại Chủng viện Thượng Kiệm. Người cha giàu cương nghị và cũng giàu tình thương ấy đã tạo nền cho một hàng giáo sĩ của Phát Diệm xây đời phục vụ trên lòng đạo đức và tình thương. Theo sát phương châm của thánh bổn mạng: “Tôi trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu rỗi mọi người” (1Cr 9, 22). Cha linh hướng đã vắt kiệt sức mình vì một trọng trách cao cả là cầm cân nảy mực cho Đại Chủng viện Thượng Kiệm, tận tâm đến độ phải về nghỉ dưỡng bệnh tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thượng Kiệm (1951 - 1954). Ba năm tĩnh dưỡng cũng là một biến cố quan trọng mà Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho người con ưu ái của ngài. Biến cố đời tư hòa nhập trong biến cố lịch sử trọng đại của đất nước - di cư năm 1954. Hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Phát Diệm nối nhau di cư vào miền Nam. Con số linh mục từ 152 cha chỉ còn 33 cha, hầu hết là các cha lớn tuổi ở lại. Giáo dân từ 138.900 người xuống còn 58.900 người. Cha Phao lô Bùi Chu Tạo cũng lui về phụ trách xứ quê hương Tam Châu, phụ trách thêm bốn xứ là Gia Lạc, Nam Biên, Hiếu Thuận và Phúc Hải. Chính tại Giáo xứ Phúc Hải, cha đã ghi nhớ mãi một câu chuyện cảm động mà sau này trong suốt đời chủ chăn, vào những dịp lễ hôn phối cha không ngừng kể lại, câu chuyện về một người vợ đến xin cha cầu nguyện cho gia đình chị, không phải để di cư mà là ở lại bình an.

- Sao chị không di cư, người ta đi hết cả rồi? - Cha Phaolô Tạo hỏi.

- Thưa cha, chồng con bị phong cùi. Con ở lại để chăm sóc chồng con.

Nếu cha cảm động trước tấm lòng người vợ hiền của gia đình kia, thì Giáo phận cũng xúc động trước sự hy sinh thầm lặng ở lại với đoàn chiên của cha. Sự hy sinh đó đã được ghi nhận xứng đáng. Ngày 30/11/1956, cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản Giáo phận Phát Diệm.

Ngày lễ thánh Phaolô trở lại 25/01/1957, cha Phaolô Bùi Chu Tạo được trợ lực bằng tinh thần của Thánh quan thầy: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi”(Phl 4,13) để can đảm nhận chức, trở thành tân Giám quản giữa một bối cảnh lịch sử vô cùng khó khăn và biến động.

Khó khăn chồng chất khó khăn, thiếu hụt hàng giáo sĩ, Đại Chủng viện Thượng Kiệm lại bị giải thể, dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm di cư gần hết. Cha Giám quản Phaolô Bùi Chu Tạo kiên nhẫn gửi các thày đi học ở Hà Nội; nhận lớp đệ tử mới vào Nhà Thử, Nhà Tập cho Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, bày tỏ một lập trường kiên định và một tư cách người chủ chăn tốt lành hiến mạng sống vì chiên. Tư cách đó đã khiến Đức Khâm sứ Dooley tại Tòa Khâm sứ Hà Nội trực tiếp tuyển chọn và phúc trình Tòa Thánh và Tòa Thánh đã sắc phong Giám mục cho Đức cha ngày 24/01/1959 hiệu tòa Numidia (Algérie).

Lấy lý do ốm yếu không được, cha Giám quản khất lần vì chưa kịp tĩnh tâm nhưng Đức Khâm sứ Dooley không những hiểu lý do ngoại cảnh mà còn hiểu rõ cả đức khiêm nhường của cha Giám quản Phaolô Bùi Chu Tạo, ngài dàn xếp: “Cha tĩnh dưỡng cũng như là đã tĩnh tâm, hãy can đảm lãnh nhận lấy sứ mệnh”. Và đức vâng phục đã dẫn đến ngày 26/04/1959 ngày cha được tấn phong Giám mục do tay Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Trịnh Như Khuê (sau là Hồng Y tiên khởi Việt Nam). Ngài nhận khẩu hiệu “Hãy yêu thương nhau thực tình đừng giả dối” - In caritate non ficta” (2Cr 6,6).

THUNG LŨNG TỐI

Theo quan niệm Trung Quốc, người ta bàn luận nhiều về những người tuổi Thân (tướng cầm tinh con khỉ) và láy đi láy lại thành một lập luận rất hay:

Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân

Sinh vào giờ Dần cũng vẫn làm quan

Làm quan thì mặc làm quan

Sinh vào giờ Dần cũng vẫn tủi thân.

Ít nhất là ứng nghiệm đối với Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Ngài “làm quan” nhưng vẫn “tủi thân”, có lẽ vì do hoàn cảnh xã hội lúc đó tác động, mà cũng có thể do bản lĩnh của ngài tạo nên. Hoặc có thể cả hai cộng hưởng để tạo thành những trang sử đặc biệt của Giáo phận Phát Diệm suốt nửa cuối thế kỷ XX.

Khởi đầu là sự ra đi lặng lẽ của các cha già. Các cha “lão thành” của Phát Diệm giảm dần theo thời gian mà tương lai chủng sinh thì mờ mịt. Các chủng sinh gửi học Hà Nội tiếp tục bị giải tán. Giáo phận Phát Diệm lâm vào tình trạng không phải là “Tre già măng mọc” mà là “Tre già măng cọc”.

Chưa hết, vì số nữ tu dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm cũng bị “sơ tán”, số còn lại đã ít lại gặp biến cố đau thương của loạt bom Mỹ phá hoại năm 1968. Mẹ Bề trên và bốn nữ tu chết. Cơ sở Nhà dòng bị tàn phá khốc liệt. Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm phải đắp luỹ đất tránh bom đạn và sau phải sơ tán lễ Chúa nhật về các họ lẻ. Tưởng như thế đã là bi đát nhưng đau thương còn lên đến tột đỉnh. Vào giữa ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời, chính Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã tả lại trong bài giảng lễ khai mạc năm kỷ niệm 100 năm Nhà Thờ Chính toà Phát Diệm:

“Ngày 15/8/1972, máy bay Mỹ đã thả một chuỗi 8 quả bom, suốt từ Nhà Chung ra tới ao hồ mạn đàng tây. Trong số đó, có 4 quả khoét những hố sâu, một quả rơi trúng sân đường kiệu Nhà Thờ Lớn về phía tây, thẳng chỗ giáp giới hai nhà thờ cạnh, làm đổ Nhà thờ cạnh phía bắc và làm xiêu ghé nhà thờ phía nam, tung lên mái Nhà Thờ Lớn cả mái trên mái dưới 36 viên đá thước, ngói vỡ bay gần hết. Trong 112 cánh cửa hai bên nhà thờ vỡ hết chỉ còn 4 cánh. Nhà thờ xiêu ghé về phía đông bắc 15-20cm, vỡ 4 tấm đá đàng Thánh Giá ở gian cung thánh, đất bắn phủ đầy kèo cột”.

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, chính trong gian khó chồng chất đó mà chúng ta thấy rõ được bản chất cương nghị và đức tin sống động, sâu sắc của một Người cha giáo phận đáng tôn kính. Chính ngài đã tự thuật về công cuộc tái thiết Nhà Thờ Lớn:

“Đứng trước quang cảnh ấy, ai trong chúng tôi cũng ngã lòng và tưởng có sửa chữa được thì phải đợi sau chiến tranh. Nhưng để lâu thì những vàng thiếp ở trên gian cung thánh sẽ bay hết, nên chúng tôi đã quyết sửa ngay. Nói đến việc sửa chữa thì ai cũng hào hứng. Và bắt đầu tháng Mân Côi năm ấy, chúng tôi tra tay vào công việc: lấp các hố bom, xẻ gỗ đóng lại 52 cánh cửa chung quanh nhà thờ, đi mua ngói ở các nơi về lợp lại.

Không những giáo dân ở Phát Diệm, mà cả anh chị em giáo dân bên Giáo phận Bùi Chu, trong Thanh Hoá cũng đóng góp thóc, gạo nuôi thợ. Trong hai, ba tháng đầu, chung quanh nhà thờ ngày nào cũng có đến 200 người giúp việc, phần đông là làm không lấy công hay lấy phần nào thôi. Gỗ thì nhờ họ Thượng Kiệm cúng cả ngôi nhà thờ của họ bị bom đổ, được nhiều gỗ vì nhà thờ ấy cột kèo vào cỡ lớn nhất trong giáo phận. Do lòng nhiệt thành, có người ở xa đem cơm gạo về trọ ở đây mà làm, có tốp thợ mộc làm cả tháng không lấy công. Mặc cho máy bay hàng ngày bay lượn ở trên đầu, mặc cho súng bắn, họ vẫn cứ làm. Công việc tấp nập như thế hàng hai, ba tháng, sau đó còn phải sửa chữa những nhà thờ nhỏ và sân, hai năm trời mới xong”.

Hoàn thành một công việc mang tính trọng trách lịch sử như thế, lẽ ra Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo cần được nghỉ ngơi và thanh thản tâm hồn thì biến cố bi thương lại xảy đến: Đức cha phó Giuse Lê Quý Thanh - người mà Đức cha Phaolô đã xin Tòa Thánh bổ nhiệm năm 1964 với quyền kế vị sau khi ngài qua đời, lại ra đi trước ngài vào ngày 07/05/1974. Nỗi đau đã vật ngã người cha già trên giường bệnh suốt từ đó kéo dài trong nhiều năm. Nhưng, chính từ trong đau thương ấy, Đức cha Phaolô càng trở nên dẻo dai, sáng suốt. Ngài ra Thư chung, kêu gọi các thanh niên có học thức và thiện chí đáp ơn gọi dâng mình cho Chúa và xin Chính quyền cho học hàm thụ tại giáo phận để có thêm Linh mục phục vụ giáo dân. Một mặt, ngài kêu gọi giáo phận cầu nguyện cho có thêm Đức cha phó kế vị ngài. Mặt khác, truyền chức Phó tế cho thày Giuse Hiến quê Giáo xứ Bình Sa năm 1975. Mấy tháng sau, thầy Sáu qua đời chưa kịp truyền chức Linh mục. Ánh chớp yếu ớt vừa loé lên trong thung lũng tối lại vụt tắt. Dù vậy, Đức cha Phaolô vẫn kiên trì và tin tưởng rằng: “Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng tôi” (Tv 22,4 ). Đức cha phó Giuse Nguyễn Thiện Khuyến được Tòa Thánh chấp thuận theo thỉnh nguyện của Đức cha và được tấn phong ngày 24/04/1979. Ngày 06/01/1979 thêm hai thầy Phó tế, Phêrô Nguyễn Quang Phúc và Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Quỳnh để rồi một năm sau, ngày 22/03/1980 thụ phong Linh mục cho hai thầy Phó tế đầu tiên là Phêrô Phúc và Fx Quỳnh kể từ sau năm 1954. Đó là niềm an ủi cho Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo và niềm vui hé mở cho Giáo phận Phát Diệm. Năm 1982, thêm hai Linh mục nữa là Antôn Đoàn Minh Hải và Antôn Phạm Hoàng Lãm. Đây là kết quả của lớp đào tạo hàm thụ tại Tòa Giám mục theo sáng kiến của Đức cha. Và lần lượt bảy cha trong lớp cựu chủng sinh tái trường, đã công khai hóa chức Linh mục vốn trước đó đã thụ phong âm thầm, thể hiện lập trường kiên định của Đức cha Phaolô.

Là người may mắn, được trực tiếp Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo dạy dỗ, tôi không bao giờ quên được những hình ảnh về người cha già đáng kính của Giáo phận:

Năm 1975, khi tôi được Đức cha cho gọi vào Tòa Giám mục Phát Diệm, Nhà Chung lặng ngắt giữa thời khó khăn, chỉ có Đức cha, Đức cha phó - chính xứ Phát Diệm là Đức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (1974-1981) và tôi là người giúp việc. Đêm đầu tiên trằn trọc khó ngủ, đến nửa đêm về sáng lại ngủ quên, tới giờ lễ Đức cha phải từ tầng hai xuống gọi dậy giúp lễ, thái độ không khó chịu nhưng ôn tồn, bao dung của Đức cha khiến tôi quyết tâm từ đây tự điều chỉnh để dậy đúng giờ. Ngày thứ hai, nghe tiếng chân Đức cha bước lên cầu thang, tôi vội bật dậy lên theo. Đồng hồ nhà nguyện chỉ 2 giờ, tôi hơi bỡ ngỡ. Rồi ngày nào Đức cha cũng lên nhà nguyện vào giờ đó. Tôi hiểu ra sức sống nội tâm của Đức cha và hiểu được bí quyết làm cho Đức cha vừa mềm dẻo lại luôn cương quyết giữa bối cảnh xã hội đầy biến động lúc đó.

Tôi vào Nhà Chúa được mấy ngày thì gặp bão lớn. Mái Nhà Chung tốc ngói, nước tràn vào đầy phòng Đức cha. Ngài không cho tôi gọi người nhà mà trực tiếp cầm chổi gạt nước, múc nước vào xô cho tôi xách ra ngoài đổ. Tâm tình cha con thân mật của ngài khiến tôi nhớ mãi.

Một lần, tôi phát hiện một con rắn giữa đường đi, con rắn bò chậm vì thuộc loại rắn độc. Tôi vội đánh chết con rắn và cầm que hất xuống vườn. Đúng lúc ấy, Đức cha đi qua. Ngài hỏi:

- Sao con lại đánh nó?

- Dạ, nó cắn mình thì mình phải đánh nó chứ ạ!

Đức cha ôn tồn giải thích:

- Nếu mình không có ý đánh giết nó thì đâu nó có cắn mình. Nó cắn chẳng qua chỉ để tự vệ thôi chứ!

Tôi bỗng hiểu tâm hồn yêu thiên nhiên của Đức cha, chính vì thế mà Đức cha không đồng ý cho ai đem súng hơi vào săn bắn chim trong khu vực Tòa Giám mục.

Năm 1980, truyền chức Linh mục cho hai anh em chúng tôi xong, Đức cha khưyên một lời mà tôi nhớ mãi suốt đời tôi: “Các cha xem các pho tượng Chúa và Đức Mẹ, được giáo dân tôn kính vì nó mang hình ảnh Chúa và Đức Mẹ, ngày nào còn mang hình ảnh Chúa và Đức Mẹ thì còn được tôn kính, mất hình ảnh Chúa và Đức Mẹ thì người ta vất vào sọt rác vì nó chỉ là bùn đất mà thôi.”

Quả thực Đức cha Phaolô có những lời ngắn gọn mà sâu sắc cả đời. Năm 1985, khi tôi bị Chính quyền đưa đi quản chế tại họ lẻ Thiện Mỹ xứ Ninh Bình, tôi được khích lệ suốt 4 năm quản chế bằng một lá thư ngắn Đức cha động viên: “Kỳ tôi sang Rôma, thấy người ta nhốt những con Voi, Nai ở Sở thú. Ban đầu tôi nghĩ chắc chúng khổ lắm, đang xấn xổ chạy rừng giờ bị nhốt vào chuồng. Nhưng đến sau tôi nghĩ lại: Nếu nó không chịu khổ như thế thì nhiều người không biết con Voi, Nai là thế nào. Việc cha về trên ấy không ngoài ý Chúa để cho nhiều người biết Chúa hơn. Chúc cha vui theo thánh ý Chúa.” Tôi coi đó là nguồn trợ lực hơn mọi lời động viên và phần thưởng nào khác.

Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo là con người cương nghị, luôn bình tĩnh trong mọi tình huống. chỉ có một lần vào năm 1981 tôi thấy Người bày tỏ cảm xúc của mình cách rõ rệt nhất.

Đó là buổi sáng ngày 14/05/1981, vừa khi tới bàn ăn, thay vì đọc kinh ăn cơm, Đức cha tỏ vẻ đau đớn và tuyên bố: Có một tin rất buồn là hôm qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vừa bị ám sát. Người ta đã thực hiện cuộc giải phẫu hơn 5 tiếng đồng hồ, hiện giờ ngài còn rất mệt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài.

Nỗi đau còn tiếp tục trở lại vào ngày 15/12/1981. Đúng vào lúc Giáo xứ Phát Diệm đang rạo rực hướng về ngày lễ Giáng Sinh thì Đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến qua đời đột ngột. Thế là cả hai Đức cha phó đều đã ra đi trước Đức cha chính, để lại hậu quả là Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo phải ốm liên tiếp nhiều năm. Khó khăn chồng chất khó khăn, ngày 03 tháng 12 năm 1985 Chính quyền đưa tôi đi quản chế, chính sách tôn giáo trở nên nóng bỏng hơn. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo lượng định tình hình chính xác chỉ bằng một câu ngắn gọn tại Nhà thờ Chính tòa: “Tuổi già của tôi ước mong có gậy chống, nào ngờ Nhà nước bắt cha Phúc đi quản chế. Án thì cha Phúc nhận, còn đòn thì chủ đánh vào tôi!”

Từ năm 1986 tình hình trở nên khá hơn do những diễn biến của cục diện hòa bình thế giới. Phái đoàn tôn giáo Liên xô gồm 4 Giám mục Chính Thống giáo đã ghé thăm Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm và hứa hẹn một tương lai cởi mở hơn. Tại Giáo phận Phát Diệm, khởi đầu là việc Đức ông Phaolô Tịnh Quang Thiều, Giám chức danh dự của Đức Thánh Cha (Prélat d’honneur de sa sainteté) được giải án quản chế năm 1987. Kế đến là Đức cha phó Giuse Nguyễn Văn Yến được tấn phong Giám Mục ngày 16/12/1988. Hai năm sau, năm 1990, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo tiếp tục lên đường đi Rôma lần thứ hai, viếng Tông tòa hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Lần thứ nhất vào năm 1980, trên đường đi có ghé thăm Liên xô và Hung-ga-ri. Tại Liên xô lần ấy, Đức cha Phaolô không hiểu lý do tại sao một vị quan chức Liên xô phụ trách xuất nhập cảnh đã nhìn chằm chằm vào đôi mắt của Đức cha rất lâu. Đôi mắt sâu hóm hỉnh đó mãi tám tháng sau mới từ Rôma về Việt Nam khiến cả Giáo phận Phát Diệm xôn xao. Lời nói đầu tiên của ngài trước cộng đồng dân Chúa là: “Tôi sang châu Âu tăng được 2kg, nhưng khi trở về Việt Nam, lại sút mất 2kg. Của châu Âu trả lại cho châu Âu.” Lần thứ hai trở về, ngài nhận xét: “Trước đây ở Việt Nam tôi đã thấy, giờ sang châu Âu càng thấy rõ hơn, là ở Việt Nam nghèo khó mà giữ được lòng đạo như thế là một phúc rất lớn”. Đức cha còn sang Rôma lần thứ ba vào năm 1996, khi về, vòng qua Sài Gòn vào tháng giêng năm 1997, để cho con cái mừng Ngọc Khánh Linh Mục của ngài. Tất cả mọi người đều nhớ câu nói hóm hỉnh của Đức cha: “Hai miền Nam - Bắc như hai đầu dây Cao-su, càng kéo xa ra thì nó càng co gần lại.” Về tới nhà, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã có thư kể chuyện như chúng ta đã biết ở phần đầu. Người ta gọi ngài là “Ông già hóm hỉnh” thiết tưởng chẳng có gì để oan! Ngài còn là “Một anh thanh niên bẩy mươi” như lời một bác sĩ nhận xét, bởi tâm hồn ngài phóng khoáng bao dung và còn bởi tinh thần rất canh tân của ngài nữa. Sáng kiến thành lập lễ gia trưởng và Hội gia trưởng. Năm 1990, tổ chức kỷ niệm 100 năm mừng Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm với sáng kiến xin ơn toàn xá của Tòa Thánh, sáng kiến tổ chức các xứ hành hương về giáo phận...Tất cả đều đã được các giáo phận áp dụng và lan rộng trên quy mô cả nước.

THỜI GIAN NGHỈ HƯU

Làm việc đi đầu, rồi nghỉ hưu cũng đi đầu. Ngài chủ động đệ đơn xin Tòa Thánh cho nghỉ hưu để Đức cha phó Giuse Nguyễn Văn Yến lên kế vị. Đơn của ngài được Tòa Thánh châu phê ngày 15/10/1998. Nội dung cô đọng và toát lên trọn vẹn cuộc đời của Đức cha:

BỘ TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM

Số 4300/98 Rôma 15/10/1998

Kính thưa Đức cha,

Ngày 15/07/1998 Đức cha đã đệ đơn xin Đức Thánh Cha cất gánh mục vụ ở Giáo phận Phát Diệm, theo giáo luật khoản 401,1.

Đức Thánh Cha dạy tôi viết thư kính báo là: Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn của Đức cha, vì tuổi khá cao, xứng đáng nghỉ hưu sau khi đã làm Giám mục lâu năm mà hiệu quả, cách đây gần 40 năm, kể từ 24/01/1959.

Đức Thánh Cha và Bộ Truyền Bá Phúc Âm cho các dân tộc chân thành cảm ơn Đức cha, về tất cả những việc Đức cha đã làm cho Giáo phận Phát Diệm và Giáo Hội ở Việt Nam, với cương vị Linh mục, rồi cương vị Giám mục, giữa một tình cảnh khó khăn và đối địch với việc truyền bá Phúc Âm.

Lòng trung thành của Đức cha đối với Tông Tòa, đức khôn ngoan của Đức cha trong mục vụ, chắc hẳn sẽ là tấm gương sáng lạn cho Đấng kế vị, cũng như cho các tín hữu. Thánh Bộ muốn báo tin cho Đức cha việc công bố cho Đức cha nghỉ hưu và việc Đức cha Giuse Nguyễn văn Yến chính thức kế vị Đức cha. Văn phòng Tòa Thánh liên lạc với các Quốc gia, sẽ kính báo Chính phủ Việt Nam về việc thay đổi này.

Xin nhắc lại rằng: Tông Tòa biết ơn sâu sắc đối với việc Đức cha đã phục vụ. Tôi tận tâm chúc Đức cha sức khoẻ dồi dào, trường thọ mà thanh thản, an bình của Chúa chúng ta.

Kính thưa Đức cha, xin Đức cha nhận nơi tôi tâm tình huynh đệ trọng kính.

Hồng y Jozef Tomko

Bộ Trưởng

Giám mục Marcello

Thư ký

Văn thư Tòa Thánh trở nên hiệu lực chính thức tại Phát Diệm ngày 3/11/1998. Từ đây Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo rút vào trong thầm lặng như một mùa vọng tỉnh thức hướng về đại lễ cứu rỗi.



Công việc đầu tiên của Đức cha khi nghỉ hưu là viết bức Thư chung cuối cùng gửi toàn Giáo phận:

“Kính thăm các cha, các nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em trong Giáo phận Phát Diệm.

Như anh chị em biết, Tòa Thánh đã chấp nhận tôi nghỉ hưu vì tuổi già sức yếu. Chiếu theo luật, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến đương nhiên lên kế vị tôi làm Giám mục Phát Diệm.

Thánh Giám mục tiến sĩ Augutinh đã nói với tín hữu: “Chức Giám mục quả là một gánh nặng. Vì anh chị em chỉ thưa với Chúa về đời sống của mình; còn tôi không những phải thưa với Chúa về đới sống của tôi, mà còn thưa với Chúa về đời sống của anh chị em nữa.” Vì thế xin anh chị em cầu nguyện cho Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến được nhiều ơn Chúa Thánh Thần để chu toàn chức vụ của người, đồng thời chân thành cộng tác với người như đã cộng tác với tôi.

Suốt đời tôi, từ khi thụ phong cách đây gần 62 năm (13/3/1937) và khi thụ phong Giám mục cách đây gần 40 năm (25/4/1959), tôi đã phục vụ Giáo phận Phát Diệm quý yêu. Giờ đây tôi xin cám ơn tất cả những ai đã giúp tôi trong các nhiệm vụ đó. Cách riêng tôi cám ơn Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã chia sẻ với tôi trong mười năm qua, cám ơn các cha, nhất là các cha già, đã đồng lao cộng khổ với tôi mấy chục năm qua, cám ơn các nam nữ tu sĩ, các ban chấp hành xứ họ và mọi người trong cũng như ngoài Giáo phận đã giúp đỡ tôi cách này hay cách khác.

Trong cuộc đời 90 tuổi chắc hẳn tôi đã có những thiếu xót lỗi lầm vì yếu đuối. Xin Thiên Chúa nhân từ tha thứ cho tôi. Xin mọi người cũng vui lòng bỏ qua cho tôi.

Sau hết xin mọi người cầu cho tôi biết dùng tốt những tháng năm còn lại để chuẩn bị ngày Chúa gọi về với Chúa.

Xin thân ái chào các cha, các nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em. Tôi nguyện xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi, ban cho mọi người một lễ Giáng Sinh sốt sắng và một năm mới mạnh khoẻ, bình an, vui vẻ.

Phát Diệm, ngày 01/12/1998

Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo

Nguyên Giám mục Phát Diệm

Bức thư cuối cùng này đã gây xúc động mạnh trong toàn Giáo phận Phát Diệm. Kính trọng và sửng sốt, nhiều chức sắc, đại diện hội đoàn về gặp gỡ chia sẻ với Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, nhưng ngài từ chối với lý do không còn coi sóc việc Giáo phận nữa. Khi Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến cùng toàn thể các cha giáo phận vào chào Đức cha, ngài khiêm tốn và dí dỏm:

- Đức cha và các cha đến thăm tôi đông quá, tôi nghĩ ngợi...

Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến trả lời:

- Địa phận là của Đức cha, chúng con có nghĩa vụ đến với Đức cha mà!

Đức cha Phaolô Tạo nói rất hài hước:

- Bây giờ là của Đức cha, con trả lại địa phận cho Đức cha đấy.

Đức cha Giuse thưa với ngài:

- Nhưng tất cả các cha đây đều là con cái Đức cha.

Đức cha Phaolô Tạo khăng khăng khẳng định lại:

- Bây giờ thuộc về Đức cha rồi, Đức cha nhận lấy mà coi sóc, cả con bây giờ cũng là con cái của Đức cha!.

Có một bất ngờ là chính ông phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình - người trực tiếp theo dõi, lãnh đạo khối Công giáo toàn tỉnh - về thăm Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo với một tình cảm đặc biệt, ngược hẳn với những gì ông đã thể hiện suốt những năm tháng làm việc với Đức cha. Sau hồi lâu chuyện vãn, ông ngỏ ý được chụp ảnh chung với Đức cha. Tôi thấy trên tay ông nâng niu một con chim bồ câu Hồng Kông mà Đức cha đã nuôi từ ngày dưỡng bệnh tại phòng 20 tầng 2 Nhà Chung. Loại bồ câu này nhỏ, xinh và rất dễ mến người. Hình ảnh hòa bình tràn ngập khung cảnh hưu trí và như lan sang vị Phó Giám đốc Công an Tỉnh. Quả là bầu khí thanh thản của một con người sau những năm dài hoàn thành trọng trách quản cai Giáo phận!

Từ Rôma, người con ưu tú của GiáoHội Việt Nam là Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y ngày 21/3/2001. Ngài viết qua danh thiếp gửi về Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo vài hàng chữ thân tình mà đầy ý nghĩa: “Kính thưa Ông Nội, con nhớ Ông Nội lắm. Con mong có Ông Nội trong ngày trọng đại của con nhưng Ông Nội yếu lắm. Xin Ông Nội giữ gìn sức khoẻ. Con mong có ngày gặp lại Ông Nội”.

Đúng là những ngày hưu thầm mà không lặng, cũng Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Đường Hy Vọng” đã nhận định: “Không có tông đồ hưu, chỉ là thay đổi lối làm việc” thật thích hợp với Đức cha già Phaolô Bùi Chu Tạo hôm nay.

Đức ông Phaolô Giuse Tịnh Quang Thiều đã nhận xét về Đức cha già như sau:

“Hình vóc bé nhỏ mà trí óc vĩ đại, thân hình mảnh dẻ mà hành động mãnh liệt. Nơi người, kết hợp hài hòa các cực đoan: vừa nghiêm nghị lại hiền từ. Cương quyết mà khiêm nhu mực thước, sáng tạo và thích nghi... Có một tinh thần vững mạnh khi biết mình có lý, không chịu khuất phục lùi bước hay là mềm yếu- xét- cần- để đạt cái chính yếu. Có nhiều sáng kiến tuyệt vời để giải uyết mọi vấn đề và thực hiện đến cùng điều đã dự định. Có những câu nói dí dỏm, tế nhị, đem niềm vui cho mọi thính giả”.

Năm 1999 đánh dấu một mốc điểm quan trọng của thiên niên kỷ. Cũng là năm Đức cha già tròn 90 tuổi, tuổi người đời gọi là hồng thượng thọ. Nhớ ngày Ngân Khánh Giám mục của Đức cha 1959-1984, Đức cha già ốm yếu tưởng không thể thọ thêm nổi chục năm nữa. Hồi đó tôi làm bài thơ kính mừng, trong đó có đoạn chúc:

“Một chín chín, chín ơi là chín

Năm hai nghìn khẽ vịn cũng rơi

Chúng con chúc đến thế thôi

Sợ thêm tí nữa Chúa Trời bảo tham!...”

Vậy mà bây giờ năm hai ngàn đã ló rạng. Ngày tôi và cha Hải còn là hai chú chủng sinh, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo thường hay nói chuyện với chúng tôi: “Đời các anh sống đến năm hai ngàn chắc có nhiều sự lạ lắm, khoa học người ta tiến bộ nhanh khó tưởng tượng nổi. Năm 1968, tôi có radio sử dụng thì tin đầu tiên là phi hành đoàn Apollo của Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng. Tôi cứ nghĩ đến năm 2000 thì không biết họ sẽ tiến bộ tới đâu”. Chúng tôi rất mừng vì năm 2000 đến, chính Đức cha cũng trực tiếp bước vào năm chuyển giao thế kỷ của nhân loại, chứng kiến những tiến bộ của khoa học hiện đại. Rồi năm chuyển giao của thế kỷ đi qua, Đức cha còn khoẻ mạnh bước vào thế kỷ 21”.

Ngày 19/4/ 2001 kỷ niệm 100 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ký sắc lệnh thành lập Giáo phận Phát Diệm. Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về dự ngày lễ trọng đại khai mạc Năm Toàn xá kỷ niệm 100 năm Thành lập Giáo phận Phát Diệm. Các Đức cha thuộc giáo tỉnh Hà Nội cùng hơn 100 Linh mục miền Nam, miền Bắc quy tụ. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo vẫn còn đủ sức tiếp đón Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng viếng thăm, và tiếp chuyện vui vẻ, thân tình với các Linh mục, tu sĩ miền Nam gốc Phát Diệm về thăm Giáo phận Mẹ. Ai cũng vui vì thấy Đức cha trường thọ, sức bền dai và dí dỏm.

VIỆC PHẢI ĐẾN SẼ ĐẾN

Vừa một tuần lễ sau, ngày 26/4/2001, đúng ngày mừng kỷ niệm thụ phong Giám mục của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo 42 năm về trước, Đức cha đột ngột ngã bệnh. Căn bệnh viêm phổi cấp tưởng chừng không có gì trầm trọng nhưng đã khiến Đức cha thở bằng ô-xy và chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, nơi còn mang nặng nghĩa tình trong lần phẫu thuật thành công 1996.

Bác sĩ Quyền đã đón nhận Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo nhập viện như thân nhân số một. Vượt qua mọi thủ tục hành chính, bác sĩ Quyền đưa thẳng Đức cha vào khoa Hồi sức Tim Mạch, nơi đây đã có thêm nhiều y bác sĩ trẻ và khoa Tim Mạch năm 1996 nay đã trở thành Phòng Tim Mạch. Giáo sư Đặng Hanh Đệ rất vui khi được bác sĩ Quyền báo cáo về việc nhập viện của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Giáo sư Đệ là người đầu tiên tới thăm Đức cha, rồi từ sau đó cứ từng hai người y bác sĩ đã từng chăm sóc Đức cha hồi trước lên phòng hồi sức chào Đức cha. Có người còn mang cả hoa để tặng “ông cố” theo cái tên thân thương họ gọi.

Giáo sư Đặng Hanh Đệ tâm sự: “Từ hồi cái máy điều hòa nhiệt độ đầu tiên do Đức cha tặng khoa Tim Mạch đến nay, phòng đã được nâng cấp có 13 máy khác hiện đại hơn, nhưng tôi vẫn giữ cái máy do Đức cha tặng tại phòng riêng, để nhớ lại kỷ niệm về lần gặp đầu tiên ấy”.

Căn bệnh phổi của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo trở nên trầm trọng do Đức cha quá yếu không còn đủ sức đẩy đờm ra khỏi cổ họng. Bác sĩ Quyền nhiều lần đã phải dùng phương pháp vỗ đờm nhân tạo và ban đêm thường phải dùng máy hút đờm cho Đức cha dễ thở. Mặc dù phải thở ô- xy liên tục 24/24h, nhưng có lần phải đưa Đức cha đi chụp chiếu phổi phòng khác. Lần đó Đức cha như một vị tử đạo chịu cực hình vì máy chụp chiếu. Thân gầy, sức yếu, gân run rẩy, phim bị nhòa phải chụp lại. Mỗi lần ngài phải dướn mình do hai người sốc nách, dán ngực vào máy chiếu chụp, trong khi đó đờm tắc không thở được...

Sau suốt chín ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng thân đến giường bệnh viếng thăm và ban Bí tích xức dầu thánh cho. Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến và các cha Phát Diệm lần lượt lên thăm và đưa tin để mọi người cầu nguuyện cho Đức cha. Từ Mỹ và Auxtralia hai người cháu của Đức cha là ông Điện và soeur Nghĩa đáp máy bay về kịp để thăm người bác kính yêu. Ông Điện về kịp từ tối hôm trước và vui mừng nhận thấy tình trạng Đức cha khả quan hơn. Các bác sĩ hy vọng Đức cha có thể vượt qua cơn ác bệnh và về điều dưỡng tại nhà.

Sáng ngày 5/5/2001 Đức cha đã có thể ngồi lên rước Mình Thánh Chúa sốt sắng trên giường bệnh. Ai cũng hy vọng một cuộc trở về vui vẻ...

Đột ngột hồi 10 giờ 10 phút sáng ngày 5/5/2001, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã ra đi. Ngài hưởng thọ 92 tuổi. Lúc Đức cha lâm chung, chỉ có một thầy và một cha thường trực bên cạnh. Các thầy và ông Điện còn vui vẻ đi thăm phố vì thấy Đức cha khả quan. Tôi vừa từ bệnh viện Việt Đức trở về Phát Diệm báo tin hy vọng... Ai cũng thấy là đột ngột dù đã chuẩn bị tinh thần từ lâu...

Đức cha già Phaolô Bùi Chu Tạo không còn nữa. Một tổn thất lớn lao cho Giáo phận Phát Diệm và cho Giáo Hội Việt Nam.

CÂY CAO BÓNG CẢ

Người đầu tiên đến hôn tiễn Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo ngay trên giường bệnh là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng kính mến. Cũng chính ngài đã bước lên xe tang hôn tiễn lần nữa trên thi hài đã ướp xác của Đức cha tại tiền đường Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Tại nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến cùng các cha, tu sĩ nam nữ và giáo dân Phát Diệm, trong trầm lặng đau thương đón Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo về quàn tại Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm vừa mới được đại tu xong.

Đài Chân lý Á Châu đưa tin về cuộc ra đi của Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo.

Ba ngày sau điện văn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kịp gửi về an ủi cùng Giáo phận Phát Diệm:

Điện văn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi cho Đức Giám mục Phát Diệm qua Đức Hồng y ASelô Quốc vụ khanh.

“Được tin Đức cha Bùi Chu Tạo, nguyên Giám mục Phát Diệm đã được Chúa gọi về. Đức Thánh Cha xin trao gửi vào tay Thiên Chúa người tôi tớ trung thành của Giáo Hội và xin Chúa đón nhận Người vào ánh sáng và sự bình an của Nước Chúa. Để nói lên niềm an ủi, Đức Thánh Cha xin Đức Mẹ La Vang lấy lòng từ mẫu chuyển cầu cho môn đệ, cho thân nhân người quá cố và cho toàn thể Giáo phận Phát Diệm phép lành đặc biệt của Tòa Thánh.”

Hồng y ASelô Sodano

Quốc vụ khanh



Mặc dù đang điều trị tại Mỹ, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn cố gắng gửi điện văn về:

“Kính gửi Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến Giám mục Phát Diệm

Kính thưa Đức cha, vì còn nằm tại nhà thương nên biết tin trễ. Đức cha già đáng kính Phaolô Bùi Chu Tạo đã qua đời, con xin có lời phân ưu với Đức cha, cha chính, các cha, các thầy và các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân Phát Diệm cũng như gia đình Đức cha già. Con xin hiệp ý với tất cả, cầu nguyện cho Đức cha già được hưởng nhan Chúa.”

Boston ngày 8/5/2001

Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận

Các Giáo phận bạn lần lượt về phúng viếng Đức cha, bên linh cữu Đức cha già cố kính yêu, nhiều tâm tình lắng đọng đã gợi lên công đức của Đức cha:

Cha Tổng đại diện Giáo phận Bùi Chu Phanxicô Xaviê Phạm Hoan Đạo đã bày tỏ:

“Kính thưa Đức cha, con còn nhớ khi chúng con sang thăm viếng Đức cha, Đức cha nói: Tên Giáo phận Bùi Chu đã khắc trong tôi (Bùi Chu Tạo). Hai Giáo phận nhớ cầu cho nhau nhiều.”

Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, trưởng đoàn Giáo phận Thái Bình:

“Kính thưa Đức cha, khi con chưa về Thái Bình, thì cả Giáo phận con còn khuyết Giám mục. Chính Đức cha đã vâng ý Tòa Thánh kiêm nhiệm thêm Giáo phận Thái Bình để coi sóc. Con về đây kính viếng Đức cha là người tiền nhiệm của con và để nói lên lòng biết ơn của Giáo phận Thái Bình chúng con đối với Đức cha.”

Đức ông Gioan B. Lưu Văn Khuất, Giáo phận Thanh Hoá:

“Kính thưa Đức cha, hồi Đức cha Phêrô Phạm Tần qua đời đột ngột, Đức cha đã rộng lòng trang trải món nợ cho chúng con. Công ơn ấy thật to lớn. Chúng con xin ghi sâu ơn Đức cha và nguyện cầu Chúa thưởng công vô cùng cho Đức cha.”

Đức cha Ngô Quang Kiệt, Giáo phận Lạng Sơn (sau này là Tổng Giám Mục Hà Nội):

“Kính thưa Đức cha, vị tiền nhiệm của con là Đức cha Vincent Phaolô Phạm Văn Dụ quê hương Phát Diệm, đã luôn cảm nghiệm được tình thương của Đức cha đối với Giáo phận, con xin cùng với ngài tri ân Đức cha và cầu nguyện cho Đức cha.”

Suốt ba ngày đêm không ngớt lời kinh viếng của các Giáo phận và của 65 Giáo xứ thuộc Giáo phận Phát Diệm. Một câu đối trên bức trướng phúng viếng của các Giáo xứ nói trên toát lên tinh thần của cả Giáo phận Phát Diệm:

“Ân sâu đức đầy, toàn Phát Diệm tạc ghi

Tình cao nghĩa cả khắp Việt Nam thương nhớ”

Ngày 09/05/2001, 12 Giám mục, 105 Linh mục, hàng trăm tu sĩ nam nữ, khoảng 25.000 giáo dân cử hành lễ an táng trọng thể Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo, có sự tham dự của Ban Tôn giáo Trung ương; đại diện chính quyền Mặt trận tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn, xã Lưu Phương, Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Hội Phật giáo huyện Kim Sơn. Linh cữu được rước từ Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm ra Phương Đình trong lời điếu thơ của ông Phạm Đình Khiêm:

Ô hô

Trời Phát Diệm mây đen vần vũ

Sóng sông Ân nức nở khóc than

Đức cha Tạo đã ly trần !

Còn đâu đại thụ che thân Dân Người ?

Vầng tinh đẩu bỗng thôi chiếu sáng !

Bậc tiên tri im lắng lời vàng !

Còn đâu mục tử chí thành ?

Còn đâu Linh Phụ mối tình thiết tha ?!

Đời toàn hiến sao mà vội vã

Bỏ con thơ bỏ cả đoàn chiên ?!

Chúng con chợt hiểu thiên duyên

Cha đi dọn chỗ cao thiêng quê trời.

Chờ ngày vinh phúc tuyệt vời

Cha con sum họp đời đời âu ca. Alleluia.

Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng một lần nữa hiện diện qua văn thư chia buồn:

“Kính thưa Đức cha, các cha, các nam nữ tu sĩ và anh chị em Giáo phận Phát Diệm.

Hôm nay, lễ an táng Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo. Với tư cách là một người con của Phát Diệm, và một người em kết nghĩa của Đức cha già cố, tôi thấy mình có bổn phận về cử hành lễ an táng và tiễn đưa người đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng tiếc rằng tôi yếu mệt không đi được, nên xin phép gửi mấy lời phân ưu với Đức cha và cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận.

Đức cha già cố Phaolô mất đi, HĐGMVN thiệt mất đi một vị niên trưởng giầu kinh nghiệm, một tấm gương bình tĩnh, khôn ngoan và can đảm trong hoàn cảnh khó khăn và thử thách nhất.

Đức cha già cố Phaolô mất đi, Giáo phận Phát Diệm thiệt mất một vị mục tử hiền lành, một vị chủ chăn bác ái theo đúng khẩu hiệu Giám mục của người là:“Bác ái chân thành không gian dối”(2Cr 6,6). Đúng thế, ngài đã hy sinh bản thân vì mọi người. Bởi đâu mà ngài sống được như thế? Thiết tưởng đó là do tinh thần cầu nguyện của ngài. Chính từ đời sống cầu nguyện mà ngài được ơn soi sáng để hành động khôn ngoan, được sức mạnh nâng đỡ trong những lúc khó khăn, được lòng can đảm để chu toàn sứ mạng Chúa trao phó.

Đức cha già cố Phaolô mất đi, riêng cá nhân tôi, thiệt mất một người anh thiêng liêng, thân cận hơn 40 năm trời, thường xuyên đi lại thăm viếng nhau, cùng nhau chia sẻ những vui buồn và được người đóng góp ý kiến rất khôn ngoan trong những trường hợp khó khăn.

Ngày 19/4/2001, dịp Khai mạc Năm Thánh mừng Giáo phận 100 năm tôi được gặp ngài, thấy ngài khoẻ mạnh tỉnh táo, tôi rất vui mừng chúc người bách niên giai lão và lâu hơn nữa!

Nhưng ngờ đâu, được mấy hôm tức ngày 26/04/2001 được tin ngài ngã bệnh nặng phải đưa lên Hà Nội cấp cứu. Tôi ra thăm, ngài còn tỉnh và xin chịu các phép Bí Tích sau cùng. Tôi đã cử hành ngay cho ngài. Đến ngày 05/05/2001 lúc hơn 10 giờ tôi được tin ngài qua đời ở bệnh viện Việt Đức, tôi ra hôn kính vĩnh biệt ngài lần cuối cùng, tâm hồn đầy nhớ thương luyến tiếc.

Nhưng cũng được an ủi nhớ đến lời Kinh Thánh: “Ôi, quý giá biết bao cái chết của các thánh nhân Chúa.”

Thưa anh chị em thân mến, trước mắt những người không tin thì chết là ra đi viễn viễn, là thân xác bị tan rữa hoàn toàn. Phần chúng ta nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, chúng ta biết chết là tạm biệt, hẹn ngày gặp lại trong cõi trường sinh.

Với niềm tin đó, chúng ta hãy biến những giọt nước mắt và những nỗi đau buồn thành lời cầu nguyện cho linh hồn Đức cha già cố sớm về Thiên đàng.

Đi đôi với lời cầu nguuyện, chúng ta hãy ra sức thực hành những điều người dạy dỗ chúng ta khi còn sống, đặc biệt chúng ta hãy đoàn kết yêu thương nhau như người đã yêu thương chúng ta.”

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2001

Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội

Lời cảm ơn sau Thánh lễ của soeur Nghĩa cháu Đức cha, cũng là cảm nghĩ chung của mọi người về một vị cha già kính yêu đã hết lòng chăm lo cho đoàn chiên giáo phận.

“Trọng kính Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Giáo phận Phát Diệm.

“Trọng kính Đức cha phụ tá Phaolô Lê Đắc Trọng đại diện cho Đức Hồng Y.

Kính thưa quý Đức cha, thưa quý cha Tổng đại diện, quý cha Giám quản, Đức ông, quý khách đại diện cơ quan và chính quyền, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể ông bà, anh chị em trong và ngoài Giáo phận.

Khi nhận được tin Đức cha bác chúng con qua đời, chúng con vội vã trở về từ khắp nẻo đường trên quê hương Việt Nam, cũng như quý vị nơi đây để dự lễ an táng. Trong niềm thương tiếc đó chúng con chỉ biết dâng lên những lời cầu xin tha thiết nhất, xin Thiên Chúa là Cha chí nhân đoái thương cho người cha, người bác thân yêu của chúng con được sớm về hưởng chốn ngàn thu bên tòa Chúa. Trong những giờ phút cảm động và tự hào, giờ phút đứng giữa cõi sinh tử biệt ly, chúng con ngậm ngùi đưa tiễn.

Trải dài trong suốt cuộc sống dương trần của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, ngài đã luôn chu toàn trách vụ của một người tông đồ kiên trung, một vị mục tử nhân lành và luôn chu toàn bổn phận một vị mục tử chiến sĩ Nước Trời không biết mệt mỏi là sống một đời sống trung thành.

Kính thưa Đức cha bác khả kính, xác của bác sẽ ra đi vào lòng đất và sẽ trở về với cội nguồn của Đấng đã tạo dựng đất trời. Tất cả những khổ lụy cuộc đời, những đau đớn vật chất, những khắc khoải tâm hồn, tất cả đối với bác sẽ không còn nữa nhưng chỉ còn những luyến nhớ thương yêu, còn những lời kinh cầu, những thánh lễ của những người con, người em, người cháu thân yêu của bác. Xin Thiên Chúa rủ tình thương xót, sớm đưa bác về ánh sáng ngàn thu với Chúa.

Và kính thưa Đức cha, quý cha, đặc biệt quý cha Giám quản, quý Đức ông, quý bề trên của các Hội dòng, tu sĩ nam nữ, quý quan khách và toàn thể quý ông bà. Trong giây phút linh thiêng và bùi ngùi này, con cũng xin thay mặt cho gia đình tang quyến, chân thành cảm tạ đến quý Đức cha, quý Đức ông, quý cha Giám quản và toàn thể các cha, các tu sĩ nam nữ trong và ngoài Giáo phận, quý tín hữu và tất cả những người đã từng quen biết giúp đỡ an ủi Đức cha trong suốt cuộc đời làm môn đệ Chúa và nhất là những giây phút cuối đời. Đặc biệt chúng con xin hết lòng cảm tạ Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến và tất cả các cha trong Giáo phận, cũng như ban tổ chức tang lễ. Ngày lễ thật trang nghiêm, trịnh trọng sốt sắng, chắc chắn chúng con cũng như mọi người không bao giờ quên ơn.

Lời cảm ơn của chúng con không bao giờ đầy đủ được, nhưng chúng con hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo, chúng con ra đi nhưng tấm lòng của chúng con đối với Giáo phận, cũng như đối với quê mẹ không bao giờ xa cách. Một lần nữa xin nhận nơi chúng con tấm lòng biết ơn vô bờ bến.

Chúng con cùng đồng bái”

Linh cữu được chuyển vào Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm và thi hài Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được an nghỉ trong một ngôi mộ đặt đúng vị trí mà năm 1937 Đức cha nằm phủ phục khi chịu chức Linh mục.

Một phiến đá lớn 0,80m x 1,6m đặt trên mộ chí của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo với hàng chữ:

Đợi ngày sống lại vinh quang

Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo

Sinh ngày 21/01/1909

Tại Giáo xứ Tam Châu, Giáo phận Phát Diệm

Thụ phong Linh mục

Ngày 13/03/1937

Thụ phong Giám Mục Phát Diệm

Ngày 26/04/1959

An nghỉ trong Chúa

Ngày 05/05/2001

RIP

Người ta có thể nói về Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo như nói về Đức cha Pierre Lambert de La Motte xưa:

“Công trình mà Đức Giám mục thực hiện trong đời ngài thì không ai có thể làm nổi! Ngài có biệt tài đối xử với mọi người và điều hành mọi việc. Thật vậy, bằng một thái độ hiền hòa nhẫn nại, bằng gương sáng của một đời sống thánh thiện, không bao giờ thay đổi hoặc lung lay, và nhất là bằng lời cầu nguyện khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa, ngài tạo được sự đoàn kết giữa những người chia rẽ nhau, ngài làm chủ tình hình và chi phối hoàn cảnh theo ý muốn”.

Trong tiểu sử của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được đọc hôm tang lễ có đoạn viết:

“ Ai cũng công nhận rằng: Phát Diệm ngày nay còn được như ngày nay, một phần khá lớn là nhờ sự khôn ngoan và lòng đạo đức của Đức cha. Ngài rất khiêm tốn, không thích cho người ta khen ngợi mình. Nhưng chúng ta cũng phải nhắc đến ở đây, vừa phần để ghi công ơn ngài, vừa để chính chúng ta và con cháu noi gương.”

Đúng như lời viết trên bức trướng của một giáo xứ mừng Ngọc Khánh 60 năm Linh mục của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo (13/ 03 /1937 – 1997): Ngài quả là một Mục tử hiền lành - Chủ chăn thánh thiện.

Trong sổ ghi cảm tưởng hơn một trăm đoàn viếng Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đều toát lên một lòng nhớ thương kính trọng. Đức cha Ngô Quang Kiệt, Giáo phận Lạng Sơn (sau này là Tổng Giám Mục Hà Nội) đã viết:

“Đức cha già Phaolô là một tấm gương sáng về lòng mến Chúa yêu người. Người luôn luôn là một người cha đáng kính và đầy tình yêu thương con cái. Hình ảnh Người chắc chắn sẽ khắc ghi sâu trong trái tim mỗi người”.

Cha Laurent Chu Văn Minh (sau này là Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Hà Nội) trưởng phái đoàn nam nữ tu sĩ tổng Giáo phận Hà Nội viết:

“Đức Cố Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo, một vị tông đồ trung tín của Chúa Kitô. Một vị huynh trưởng của Giám mục đoàn Việt Nam.

Chúng con ngưỡng mộ ngài

Và nguyện bước theo chân ngài”.

Hòa thượng Thích Minh Thức, trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình:

“Xin chia sẻ sự mất mát lớn lao với Tòa Giám mục Phát Diệm.

Ước mong gương sáng và đạo hạnh của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo sẽ tỏa bóng mát ở cõi trần gian”.

Đại diện Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Ninh Bình, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Bình, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, ông Đặng Đức Tạo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình viết:

“Vô cùng thương nhớ Đức cố Giám mục niên trưởng Phaolô Bùi Chu Tạo đã trọn đời chăn dắt Giáo Hội cộng đồng Phát Diệm sống “tốt đời đẹp đạo” góp phần cùng Giáo Hội Công giáo Việt Nam “Sống Phúc Âm trong lòng Dân tộc”

GIÃ BIỆT NGƯỜI CHA GIÀ KÍNH YÊU

Ôi! Đức cha vô cùng kính mến

Đã ra đi về bến Thiên Đàng

Giã từ Phát Diệm Giáo đoàn

Chìm trong nước mắt trăm ngàn con thơ.

Kìa hình ảnh Phaolô ngã ngựa

Đã hết rồi những thuở anh hùng.

Hết rồi bóng vị cha chung

Trải trên Giáo phận khắp vùng sống vui.

Những năm tháng khắp nơi bom đạn

Nhà Chính tòa cũng đổ hoang tàn,

Hết rồi khí phách hiên ngang

Sửa nhà thờ dưới đạn bom hoành hành.

Đồng lúa chín đang cần thợ gặt

Đã hết rồi những cách khôn ngoan

Lo tăng số Linh mục đoàn

Khắp toàn Giáo phận hiện đang mong chờ !

Vâng đã hết những giờ trần thế,

Để chỉ còn của lễ toàn thiêu,

Về trong tình Chúa cao siêu

Thoát ly trần thế bao nhiêu khổ sầu.

Ôi! Đức cha - người giàu ân đức

Bốn hai năm Giám mục khôn ngoan

Sáu tư năm Linh mục đoàn

Chín mươi hai tuổi vững vàng trung kiên.

Kỷ niệm Bách chu niên Giáo phận

Lễ khai mạc đón nhận hồng ân

Ai ngờ Thiên Chúa từ nhân

Cất Người ra khỏi thế trần từ đây.

Giữa con cái vơi đầy giọt lệ

Người lặng im nhưng để lời khuyên

“Hãy yêu nhau cho thực tình

Đừng còn một chút giả hình, dối gian”

Người nhắm mắt nhưng đang cảm nhận

Nỗi đau toàn Giáo phận: Đại tang!

Người không nói nhưng nhắn rằng:

“Đau thương rồi sẽ trở thành yêu thương.”

Trong nghi thức dâng hương cầu nguyện

Qua lời kinh, suy niệm âm thầm

Bóng người cha vụt lớn dần

Đi vào tâm thức, tinh thần đoàn con.

Giã biệt Người - Vàng son tình mến,

Giã biệt Người - Lưu luyến vô vàn

Niềm tin thắp lửa Thiên đàng (Thánh thi)

Yêu thương giải tỏa vinh quang Nước trời. Amen.

Phát Diệm, ngày 5/5/2001

LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vai trò của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu:
Nguyễn Long Thao dịch
09:47 26/04/2011
Vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu:

LTS: Khi viết về đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các ký giả cũng như các sử gia đều nhắc đến phần đóng góp của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Đông Âu. Nhưng nếu có ai đặt câu hỏi: Đức Cố Giáo Hoàng đã góp phần thế nào trong biến cố chính trị vĩ đại này, thì quả thực, không mấy ai có câu trả lời chính xác và đầy đủ.

Trong khi đi tìm tài liệu về vấn đề này, chúng tôi gặp được bài báo có tựa đề Holy Alliance (Liên Minh Thánh) của tác giả Carl Bernstein, đăng trên tuần báo Time, số xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 24 tháng 2 năm 1992, nghĩa là sau khi chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ được 1 năm, tức năm 1991. Nhân dịp ĐGH Gioan Phaolô II được phong chân phước vào ngày 1 tháng 5 năm 2011, chúng tôi dịch bài báo này để cống hiến qúy bạn đọc, nhưng thiết tưởng cũng cần đặt một câu hỏi là liệu các tài liệu lịch sử và sự kiện trong bài báo này có hoàn toàn chính xác không? Chúng tôi không đủ tài liệu trả lời, chỉ biết Time là một tuần báo có uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ.


LIÊN MINH THÁNH

Trong thư viện Tòa Thánh Vatican vào ngày thứ Hai 7 tháng 6 năm 1982 chỉ có sự hiện diện của Tổng Thống Ronald Reagan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đây là lần đầu tiên hai vị gặp nhau trong vòng 50 phút. Trong khi đó, tại một phòng khác, cùng tòa nhà của ĐGH, Đức Hồng Y Agostino Cassaroli và Đức Tổng Giám Mục Achille Silvestrini đàm đạo với Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Alexander Haig và chánh án William Clark, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Reagan. Hầu hết câu chuyện giữa hai bên đều tập trung vào vấn đề Do Thái xâm lăng Li Băng. Cuộc tấn công đã bước sang ngày thứ hai và Ngoại Trưởng Haig nói với các vị trong Tòa Thánh rằng Thủ Tướng Menachem Begin của Do Thái đã cam kết với Hoa Kỳ là họ sẽ không tấn công sâu vào nội địa Lebanon quá 25 dặm.

Tuy nhiên, Tổng Thống Reagan và Đức Giáo Hoàng chỉ dành ra vài phút để xem xét vấn đề Trung Đông, còn lại hai vị chú ý vào vấn đề cùng quan tâm. Đó là vấn đề Ba Lan và sự thống trị của Sô Viết tại Đông Âu. Trong cuộc họp đó, TT Reagan và ĐGH đều đồng ý là phải tiến hành một chiến dịch bí mật để mau chóng giải thể đế quốc cộng sản. Đệ Nhất Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Reagan là ông Richard Allen tuyên bố:“Đây là liên minh bí mật vĩ đại nhất từ trước tới nay.”

Chiến dịch nhắm vào Ba Lan là quốc gia đông dân cư nhất, là chư hầu của Sô Viết ở Đông Âu và là nơi sinh trưởng của ĐGH Gioan Phaolô II. Cả Đức Giáo Hoàng lẫn Tổng Thống Reagan đều tin rằng Ba Lan có thể tách rời khỏi quỹ đạo Sô Viết, nếu Vatican và Hoa Kỳ quyết tâm cung ứng phương tiện để làm lung lay chính quyền Ba Lan và giữ cho phong trào Đoàn Kết đang bị cấm hoạt động được tồn tại sau khi chính quyền cộng sản ban hành quân luật vào năm 1981.

Trước khi Công Đoàn Đoàn Kết được hoạt động trở lại một cách công khai và hợp pháp vào năm 1989, thì đã có nhiều hoạt động bí mật được diễn ra trong thời gian này. Công đoàn được cung cấp phương tiện, được nuôi dưỡng và được cố vấn mà phần lớn qua một hệ thống được thiết lập dưới sự bảo trợ của TT. Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II. Hàng tấn máy móc như máy gửi điện thư (Fax Machine - lần đầu tiên có ở Ba Lan), máy in báo, máy truyền tin, điện thoại, radio làn sóng ngắn, máy quay phim, máy photocopy, máy điện tín, máy vi tính, máy đánh chữ điện tử (word processor) được đưa lậu vào Ba Lan qua các đường dây được thiết lập do các linh mục, các nhân viên tình báo Mỹ, các đại diện Công Đoàn Lao Động Hoa Kỳ (AFL-CIO), và các phong trào lao động Âu Châu. Tài chánh cho công đoàn đang bị cấm là do quỹ của Cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA), Quỹ Quốc Gia Hỗ Trợ Dân Chủ, và tài khoản bí mật của Tòa Thánh và các nghiệp đoàn thương mại Âu Châu.

Thông thường lãnh tụ Lech Walesa và các nhà lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết nhận được những lời cố vấn chiến thuật từ các linh mục, hay các điệp viên Mỹ hay Âu Châu giả dạng là các chuyên gia lao động làm việc ở Ba Lan. Điều đó phản ánh cách làm việc của Vatican và của chính quyền Reagan. Nhờ sự chống đối ngày càng có hiệu quả, nên nguồn tin về các quyết định nội bộ của chính quyền Ba Lan và nội dung những cuộc đàm thoại giữa Warsaw và Moscow được tuôn chảy về Tây Âu như suối nước. Những tin tức chi tiết đó không những do các linh mục mà còn do các điệp viên nằm ngay trong nội bộ chính quyền Ba Lan cung cấp.

ĐẢ ĐẢO HIỆP ƯỚC YALTA

Theo các vị phụ tá cùng quan điểm với TT Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II, hai nhà lãnh đạo không chấp nhận sự kiện chính trị cơ bản xảy ra trong đời hai vị: Đó là việc phân chia Âu Châu do hiệp ước Yalta quy định và để Đông Âu dưới sự thống trị của cộng sản. Hai vị tin rằng một nước Ba Lan tự do, không cộng sản sẽ là lưỡi dao đâm ngay tim đế quốc Sô Viết và nếu Ba Lan trở nên dân chủ thì các nước Đông Âu khác cũng sẽ noi theo.

TT Reagan đã tuyên bố: “Cả hai chúng tôi nhận thấy hiệp ước Yalta đã mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng và người ta cần phải làm một điều gì”. Ông nói tiếp: “Công Đoàn Đoàn Kết thực sự là một thứ vũ khí có thể giải quyết được vấn đề đó vì chính nó là một tổ chức của người lao động Ba Lan. Chưa bao giờ có gì giống như Công Đoàn Đoàn Kết mà có thể tồn tại được ở Đông Âu, và nghiệp đoàn công nhân đó hoàn toàn trái ngược với điều Sô Viết và Ba Lan mong muốn ”.

Theo các lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa và những người phụ tá của ông đều biết TT Reagan và ĐGH Gioan Phaolô II quyết tâm giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại, nhưng về mức độ hợp tác giữa hai vị thế nào, thì họ chỉ có thể phỏng đoán.

Ngay cả ông Wojciech Adamiecki, chủ bút và là người điều hành tờ báo bí mật của Công Đoàn Đoàn Kết, hiện đang (1992) là cố vấn cho tòa Đại Sứ Ba Lan tại Washington, phát biểu: “Chính thức ra chúng tôi không biết Giáo Hội đang hợp tác với Hoa Kỳ, chúng tôi nghe nói ĐGH đã cảnh cáo Sô Viết rằng nếu họ tiến vào Ba Lan thì Ngài sẽ bay về Ba Lan ở với dân chúng. Giáo Hội là nguồn yểm trợ đầu tiên, lúc bí mật lúc công khai. Công khai như trợ giúp nhân đạo, thực phẩm, tài chánh, thuốc men, cố vấn y khoa được tổ chức trong nhà thờ. Bí mật như yểm trợ các sinh hoạt chính trị, như phân phối máy in đủ loại, cung cấp chỗ để hội họp bí mật, tổ chức các cuộc biểu tình đặc biệt.”

Vào lần gặp gỡ đầu tiên, TT Reagan và ĐGH đã ôn lại những chuyện hai vị đồng cảnh ngộ: Cả hai đều sống sót sau hai vụ ám sát cách nhau 6 tuần lễ, cả hai đều tin Chúa đã gìn giữ hai vị để thực hiện một sứ vụ đặc biệt. Đức Hồng Y Pio Laghi, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington kể lại rằng: “Một người bạn thân của TT Reagan đã nhắc lại với tôi lời phát biểu của TT Reagan rằng: “Coi kìa, lực lượng ma qủy cản đường chúng tôi và coi Chúa Quan Phòng đã can thiệp như thế nào”. Theo ông Clark, Cố Vấn An Ninh của TT Reagan, thì cả ĐGH lẫn TT Reagan đều cho việc hai vị sống sót sau hai vụ ám sát là một “phép lạ”. Ông Clark tuyên bố rằng: “Cả hai vị đều chia sẻ chung một quan điểm về tinh thần và có chung một cái nhìn về đế quốc Sô Viết: Đó là lẽ phải và việc sửa sai sẽ tất thắng theo chương trình của Chúa.

Đô Đốc Bobby Inman, nguyên phụ tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương cho biết: “TT Reagan đưa ra quan điểm rất đơn giản và chắc chắn, một quan điểm có giá trị là ông đã thấy chủ thuyết cộng sản sắp sụp đổ và ông cần phải đẩy mạnh thêm cho nó sụp đổ luôn”.

Trong 6 tháng đầu năm 1982, chiến thuật gồm 5 điểm được đưa ra nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Sô Viết, phá vỡ mối giây liên hệ kinh tế giữa Liên Bang Sô Viết và các quốc gia khách hàng của hiệp ước Warsaw, thúc giục cải cách ngay trong đế quốc Sô Viết. Chiến thuật đó bao gồm các điểm sau đây:

- Quốc Phòng Hoa Kỳ đã và đang trên con đường gia tăng ngân sách với mục đích để Sô Viết muốn cạnh tranh với Hoa Kỳ tất phải trả một giá rất đắt. Đó là sáng kiến chiến thuật phòng thủ không gian của Tổng Thống Reagan, tức chiến thuật “Chiến Tranh Các Hành Tinh” (Star Wars) trở thành trung tâm điểm của chiến thuật này.

- Bí mật khuyến khích các phong trào cải cách ở Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc và Ba Lan.

- Tài trợ cho các quốc gia trong hiệp ước Warsaw căn cứ theo mức độ họ tự nguyện bảo vệ nhân quyền, cải cách chính trị và tiến tới thị trường tự do.

- Cô lập kinh tế Liên Bang Sô Viết và giữ cho nền kỹ thuật cao của Nhật và Tây Phương không vào được Mạc Tư Khoa. Chính quyền Hoa Kỳ nhắm vào việc không cho Liên Bang Sô Viết hưởng được điều mà họ muốn có là nguồn ngoại tệ qúy của thế kỷ 21. Đó là lợi nhuận mang lại do đường ống dẫn khí đốt xuyên lục địa cho Tây Âu. Đường ống dài 3600 dặm bắt đầu từ Siberia tới Pháp được chính thức hoạt động từ 1 tháng Giêng năm 1984, nhưng lợi nhuận thu được nhỏ hơn nhiều so với dự tính của Liên Sô.

- Gia tăng dùng đài Phát Thanh Tự Do, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài Âu Châu Tự Do để truyền các sứ điệp của chính quyền Hoa Kỳ đến nhân dân các nước Đông Âu.

Tới năm 1982, cả TT Reagan lẫn ĐGH Gioan Phaolô II đều không tiên liệu được việc ông Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Sô Viết. Ông là cha đẻ của phong trào cởi mở và cải cách. Nỗ lực cải cách của ông đã cởi trói cho các thế lực mạnh, thoát ra khỏi vòng kiểm soát của ông và dẫn tới việc Liên Bang Sô Viết phải tan rã.

Theo một viên chức Hoa Kỳ từng biết rõ các kế hoạch giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại thì “Liên Minh Washington-Vatican không làm cho chế độ cộng sản sụp đổ, mà giống như các nhà lãnh đạo vĩ đại và may mắn khác, Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Reagan đã biết khai thác chỗ mạnh của lịch sử để dùng vào mục tiêu của riêng mình”

ĐÀN ÁP

Chiến dịch do Washington và Vatican khởi xướng nhằm duy trì Công Đoàn Đoàn Kết bắt đầu khi Tướng Wojciech Jaruzelski tuyên bố áp dụng quân luật vào ngày 13 tháng 12 năm 1981. Trong những giờ phút đen tối đó, mọi đường dây liên lạc với thế giới bên ngoài không cộng sản đều bị cắt đứt, 6000 nhà lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết bị bắt giữ, hàng trăm người bị cáo buộc phản quốc, lật đổ chính quyền, phản cách mạng, 9 người bị giết và công đoàn bị cấm hoạt động. Hàng ngàn người khác trong Công Đoàn phải trốn tránh, trong các nhà thờ, nhà xứ, phải ở với các linh mục. Chính quyền bắt giữ ông Lech Walesa và giam ông tại căn nhà cho người đi săn ở nơi khỉ ho cò gáy?

Ngay sau khi lực lượng an ninh Ba Lan được bố trí trên các đường phố, TT Reagan liền gọi điện thoại ngay cho ĐGH để xin ý kiến. Trong một loạt các cuộc hội họp vào những ngày sau đó, TT Reagan đã bàn đến các giải pháp phải chọn lựa. Cựu Ngoại Trưởng Haig kể rằng: “Trong các phiên họp Nội Các hay Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, có rất nhiều thành viên tham dự, tất cả đều đưa ra những biện pháp trả đũa, từ việc cấm vận đã tác động mạnh và tàn phá Ba Lan, đến việc đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn có thể đưa tới nguy cơ như tình hình xảy ra tại Hung Gia Lợi năm 1956 hay Tiệp Khắc năm 1968”.

Ngoại Trưởng Haig biệt phái ngay vị Đại Sứ lưu động là ông Vernon Walters, một người Công Giáo đạo đức, sang gặp ĐGH. Ông Walters đến Rome liền gặp riêng ĐGH và sau đó gặp riêng Đức Hồng Y Cassaroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hai bên đồng ý là không thể để ngọn lửa Công Đoàn Đoàn Kết bị dập tắt và quốc tế phải tập trung vào việc cô lập hóa Sô Viết. Với Ba Lan, phải gây áp lực về mặt tinh thần cũng như kinh tế trên chính quyền của nước này.

Theo nguồn tin của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, qua các đường dây của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã khuyên ông Walesa hãy giữ phong trào hoạt động trong vòng bí mật và thông báo tới 10 triệu đoàn viên Công Đoàn Đoàn Kết là đừng kéo nhau xuống đường, đừng liều lĩnh khiêu khích để Minh Ước Warsaw nhảy vào can thiệp, tránh nội chiến với lực lượng an ninh Ba Lan. Vì cộng sản cắt đứt hết đường dây liên lạc điện thoại trực tiếp đến Vatican nên ĐGH đã phải liên lạc với Đức Hồng Y Josef Glemp ở Warsaw qua đài phát thanh. Ngài cũng phái một đặc sứ đến Ba Lan để tìm hiểu và báo cáo tình thế. Ngoại Trưởng Haig đã tuyên bố: “Tin tức của Tòa Thánh Vatican hoàn toàn khá hơn và nhanh hơn tin tức của chúng ta về mọi mặt. Mặc dù chúng ta có riêng vài nguồn tin tối hảo, song tin của chúng ta phải mất quá lâu để kiểm chứng qua thủ tục tình báo”.

Trong những giờ phút đầu tiên, TT Reagan đã ra lệnh phải thông báo lập tức cho Đức Giáo Hoàng những tin tức tình báo của Hoa Kỳ, kể cả tin do ông Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Ba Lan cung cấp. Ông này đã bí mật báo cáo tin tức cho Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) biết.

Washington cũng trao cho Vatican bản phúc trình và phân tích của Đại Tá Ryszard Kuklinski là nhân viên trong Bộ Tổng Tham Mưu Ba Lan, đã từng cung cấp tin tức cho CIA tới năm 1981. Sau đó ông được bí mật đưa ra khỏi Ba Lan, sau khi cảnh báo Sô Viết sẽ xâm lăng Ba Lan, nếu chính quyền nước này không áp đặt quân luật. Ông Kuklinski cũng đưa ra lời cảnh báo về hành động quân sự của Sô Viết vào những năm của thập niên 80. Những lời cảnh báo này khiến chính quyền sắp mãn nhiệm của TT Carter phải gửi một điệp văn bí mật cho ông Leonid Brezhnev rằng nếu Nga xâm lăng Ba Lan, thì một trong những giá phải trả là Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí có trình độ kỹ thuật cao cho Trung Quốc. Lần này ông Kuklinski báo cáo cho Washington biết Tổng Bí Thư Brezhnev tỏ ra rất bực bội. Năm đó mùa màng ở Nga bị thất thu thảm hại nên ông Brezhnev không cần đến đội binh cơ giới của quân đội, mà thay vào đó dành lực lượng này cho công việc xâm lăng Ba Lan. TT Reagan nói “Những gì chúng tôi biết, chúng tôi tưởng ĐGH không biết, nên ngay lập tức chúng tôi báo cáo cho Ngài”:

MỘT NHÓM CÔNG GIÁO

Một nhóm những nhân vật trong chính quyền Mỹ tham gia trong vụ Ba Lan gồm những người Công Giáo đạo đức như Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo William Casey, Richard Allen, William Clark, Alexander Haig, Vernon Walters và William Wilson. Ông William Wilson là đại sứ đầu tiên của TT Reagan bên cạnh Tòa Thánh Vatican. Tất cả những người này coi mối liên hệ ngoại giao giữa Washington-Vatican là một Liên Minh Thánh: gồm sức mạnh tinh thần và những giáo huấn của Giáo Hội kết hợp với chủ thuyết cương quyết chống cộng sản và khái niệm dân chủ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, công tác này có lẽ không thành công, nếu không có sự hỗ trợ hoàn toàn của TT Reagan là người tin tưởng nồng nhiệt vào cả lợi ích lẫn những áp dụng thực tế trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Washington và Vatican. Tổng Thống Reagan nói: “Một trong những mục tiêu đầu tiên là thừa nhận Vatican là một quốc gia và kết hợp quốc gia ấy làm đồng minh” (trước đây Hoa Kỳ và Vatican không có quan hệ ngoại giao chính thức- ghi chú của người dịch)

Theo Đô Đốc John Poindexter, phụ tá quân sự trong ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, thì khi quân luật được ban hành ở Ba Lan, TT Reagan đã tin ngay rằng cộng sản đã tính toán sai lầm nghiêm trọng: “Cho Công Đoàn Đoàn Kết công khai hoạt động trong 16 tháng rồi đi đàn áp. Chính quyền Ba Lan chỉ tự tách mình ra khỏi nhân dân bằng việc cố làm tê liệt phong trào lao động và quan trọng hơn là lôi kéo giáo hội có sức mạnh vào cuộc xung đột với chế độ Ba Lan.”

TT Reagan nói: “Tôi không tin rằng điều này (quyết định áp đặt quân luật đề đập nát Công Đoàn Đoàn Kết) có thể tồn tại vì lịch sử Ba Lan vì khía cạnh tôn giáo và còn nhiều khía cạnh nữa”. Còn Đức Hồng Y Cassaroli thì nói: “Có một sự trùng hợp về quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Vatican.”

Đa số những sự trợ giúp cho Công Đoàn Đoàn Kết hay đối phó với chính quyền Ba Lan và Sô Viết đều do TT Reagan, ông Casey, và ông Clark quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến với ĐGH Gioan Phaolô II. Ông Richard Pipes, một học giả bảo thủ sinh trưởng ở Ba Lan, cầm đầu văn phòng đặc trách Sô Viết và Đông Âu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết: “TT Reagan biết rõ mọi chuyện, kể cả các hoạt động bí mật”. Ông nhắc lại lời Tổng Thống “Không phải nhân dân, mà chính hệ thống Sô Viết là điều xấu xa và chúng ta, bằng mọi cách, phải làm thế nào giúp đỡ dân chúng và Công Đoàn Đoàn Kết tranh đấu cho tự do.” Ông nói thêm: “Những người như ông Haig, Bộ Trưởng Thương Mại Malchom Baldridge và James Baker (lúc đó là chánh văn phòng tòa Bạch Ốc sau này là Bộ Trưởng Ngoại Giao thời TT Bush cha – ghi chú của người dịch) đều cho điều TT Reagan nói là không thực tế. Còn ông George Bush (tức ông Bush Cha, lúc đó là Phó TT cho ông Reagan – ghi chú của người dịch) cứ ngồi yên, không nói lời nào. Tôi (lời ông Pipes) thường ngồi sau ông và không bao giờ biết ý kiến của ông thế nào. Riêng TT Reagan thì biết rất rõ những gì là nguy hiểm sẽ xảy ra”

Theo sự đánh giá chung, ngay trong những ngày đầu khi Ba Lan vừa ban hành quân luật, ông Casey đã nhảy ngay vào vòng chiến trong lúc mọi người còn đang mu mơ. Giống như trường hợp Trung Mỹ, ông Casey là kiến trúc sư chính trong các chính sách đối với Ba Lan. Trong khi đó, ông Pipes và các viên chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia soạn thảo các đề nghị trừng phạt. Ông Pipes nói: “Mục tiêu chính là làm kiệt quệ Sô Viết để người dân trong nước đổ tội cho là vì ban hành quân luật”. Ông cũng nói thêm: “Những biện pháp trừng phạt được tiến hành song song với những hoạt động của ban Công Tác Đặc Biệt, một chi ngành của CIA thi hành các hoạt động bí mật, với mục tiêu đầu tiên là giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại bằng việc cung cấp tài chánh và dụng cụ truyền tin.”

Một trong những viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ chỉ huy nỗ lực hạn chế ảnh hưởng hệ thống dẫn khí đốt của Nga cho biết: “Giáo Hội cố gắng kiểm soát toàn bộ tình hình” Viên chức này nói tiếp: “ Họ (Giáo Hội) đã nỗ lực một cách có hiệu quả, tạo ra được các tình huống khiến Sô Viết không áp dụng được những đe dọa nguy hiểm, trong khi đó, cho phép chúng ta (Hoa Kỳ) xiết chặt các biện pháp chế tài ngày càng mạnh mẽ hơn. Và gần như họ là bộ phận theo dõi những đàn áp của chính phủ để xem nó diễn tiến như thế nào, áp bức ấy có được nới lỏng hay ngày càng tệ hại và chúng ta phải đối phó ra sao.”

Đối với các cuộc đàm thoại của TT Reagan về tình hình Ba Lan, Ông Clark cho biết, các cuộc đàm thoại ấy rất ngắn gọn. Ông nói: “Tôi không nghĩ là giữa tôi và TT. Reagan có cuộc đàm thoại nào riêng tư mà kéo dài được hơn ba phút để đi sâu vào một vấn đề. Có lẽ điều đó làm ông (ký giả viêt bài báo này) ngạc nhiên lắm. Chúng tôi có mật mã thông tin riêng. Trong vấn đề Ba Lan, tôi biết TT Reagan muốn thực hiện đến đâu và đường lối đó có thể dẫn đến những vấn đề gì. TT Reagan, ông Casey và tôi thường xuyên bàn luận về những hoạt động bí mật ở Ba Lan: như ai đang làm việc gì, ở đâu, tại sao, diễn biến tình thế thế nào, và cơ hội thành công ra sao.”

Theo ông Clark, chính ông và ông Casey hàng ngày báo cáo ngắn gọn về tin tình báo cho TT Reagan biết. Bản báo cáo tóm lược tin của CIA, bổ túc thêm những phân tích về các hoạt động bí mật ở Ba Lan.

Về phía Đức Giáo Hoàng, Ngài và những vị phụ tá gặp gỡ các giới chức Hoa Kỳ để lượng định tình hình và kết quả các hoạt động của Mỹ, sau đó gửi kết quả thẩm định bằng thư hay báo cáo miệng cho TT Reagan.

Còn ông Casey, trong hầu hết các chuyến sang Âu Châu hay Trung Đông, đều ghé Rome trước để gặp gỡ ĐGH và trao đổi tin tức. Nhưng, việc thực hiện những sứ vụ chính giữa Washington và Rome đều do ông Walters đảm trách. Ông nguyên là Phụ Tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), đã từng công tác đắc lực với ông Casey.

Theo nguồn tin của Vatican, ông Walters đã gặp ĐGH đến hơn chục lần. Ông Wilson nguyên Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican cho biết ông Walters có sứ vụ đưa tin tức qua lại giữa ĐGH và TT Reagan và sự hiện diện của ông tại Vatican được giữ bí mật. Nội dung các buổi nói chuyện không chỉ xoay quanh vấn đề Ba Lan mà còn đề cập cả đến vấn đề Trung Mỹ Châu hay vụ con tin bị giam giữ ở Lebanon.

Trong những năm dưới thời Reagan, những hoạt động bí mật của Mỹ (Bao gồm những hoạt động ở Afghanistan, Nicaragua, và Angola) thường là sự trợ giúp phương tiện cho những lực lượng nổi dậy như súng ống, lính đánh thuê, cố vấn quân sự hay chất nổ. Nhưng tại Ba Lan, Đức Giáo Hoàng, TT Reagan, và ông Casey theo một chiến thuật trái ngược hẳn. Một chuyên gia phân tích cho biết: “Điều ba vị nói trên làm là để cho các lực lượng tự nhiên tại chỗ đóng vai trò chủ yếu, còn các vị ấy không để lại một dấu tích gì trên các biến cố này”.

Sự hợp tác giữa ông Reagan và Casey có điểm nổi bật là hoạt động được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Hoạt động đó giản dị so với những hoạt động khác của CIA. Một trong những người từng cộng tác với ông Casey, nhưng không thích ông ta lắm đã phát biểu rằng: “Giả dụ như ông Casey có mặt ở đây bây giờ thì có lẽ ông ấy sẽ nở mấy nụ cười. Vào năm 1991, TT Reagan và ông Casey đã thiết lập được một trật tự thế giới mới mà hai ông mong muốn” (Ông Casey chết trước khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga và các nước Đông Âu ghi chú của người dịch)

Còn tiếp

Ngay mai: Những Chỉ Thị Mật


Nguyễn Long Thao dịch
 
Vai trò của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu (tiếp theo)
Nguyễn Long Thao dịch
09:58 26/04/2011
Vai trò của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu (tiếp theo)

NHỮNG CHỈ THỊ MẬT

Vào năm 1982, ba tuần lễ trước khi gặp ĐGH Gioan Phaolô II, TT Reagan ký một một chỉ thị mật về an ninh quốc gia mang số NSDD 32. Theo chỉ thị này, TT cho phép áp dụng hàng loạt biện pháp mật từ kinh tế đến ngoại giao nhằm hoá giải nỗ lực của Liên Bang Sô Viết đang thống trị ở Đông Âu. Về phương diện thực tế, thì hoạt động bí mật quan trọng nhất được diễn ra trong nội địa Ba Lan, và mục tiêu chính của chỉ thị NSDD 32 là làm lung lay chính quyền Ba Lan qua các hoạt động như tuyên truyền và trợ giúp Tổ Chức Công Đoàn Đoàn Kết, cổ vũ nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và quyền của Giáo Hội Công Giáo, áp lực kinh tế và cô lập ngoại giao đối với chế độ cộng sản. Tài liệu trong chỉ thị này cũng nói đến nhu cầu phải bảo vệ các nỗ lực cải cách tự do dân chủ trên khắp đế quốc Liên Sô. Chỉ thị cũng kêu gọi gia tăng tuyên truyền bằng các hoạt động phát thanh bí mật ở Đông Âu. Những biện pháp này, theo giới chức phụ tá của TT Reagan cũng như các người bất đồng chính kiến ở Đông Âu tin rằng nó rất hữu hiệu, gạt bỏ được khái niệm cho rằng Sô Viết là bách chiến bách thắng.

Ông Henry Hyde, Dân Biểu của đảng Cộng Hòa, thành viên của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện trong thời gian 1985 đến 1990 đã lượng định những hoạt động bí mật của chính quyền Reagan, đưa ra nhận xét: “Ở Ba Lan, chúng tôi đã làm tất cả những gì mà chúng tôi đã áp dụng ở các quốc gia khác để lật đổ chế độ cộng sản đồng thời củng cố sức mạnh cho lực lượng chống đối chế độ ấy. Chúng tôi cung cấp đồ tiếp liệu, trợ giúp kỹ thuật, trợ giúp các tờ báo bí mật, phát thanh, tuyên truyền, tài chánh, trợ giúp tổ chức và cố vấn. Và từ Ba Lan, chúng tôi giúp tổ chức những lực lượng chống đối trong các quốc gia cộng sản khác ở Âu Châu”.

Trong số những người đóng vai trò cố vấn trong vấn đề này có ông Zbigniew Brezinski, sinh trưởng ở Ba Lan, là Cố Vấn An Ninh Cho Tổng Thống Jimmy Carter. Ông tuyên bố: ‘Tôi rất quen biết ông Casey. Ông ta rất uyển chuyển, có đầu óc sáng tạo, không câu nệ hành chánh, cái gì cần làm là phải làm. Để duy trì các nỗ lực bí mật, phải cần tiếp tế, cần hệ thống v.v... và chính vì vậy mà Công Đoàn Đoàn Kết đã không bị nghiền nát”.

Về các tin tình báo quân sự, tin Hoa Kỳ giá trị hơn tin của Vatican, nhưng vấn đề lượng định tình hình chính trị thì tin của Giáo Hội hơn hẳn tin của Hoa Kỳ. Và vấn đề am hiểu dân chúng và liên lạc với lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết thì Giáo Hội có một vị thế không ai so bì được. Đức Hồng Y Silvestrini lúc bấy giờ là Tổng Trưởng Ngoại Giao giải thích: “Tin tức của chúng tôi về Ba Lan rất có cơ sở vì các Đức Giám Mục thường xuyên liên lạc với Tòa Thánh và với Công Đoàn Đoàn Kết. Họ thông báo cho chúng tôi biết ai đang bị bắt, về các hoạt động và nhu cầu của của các nhóm Công Đoàn Đoàn Kết, về thái độ chính quyền cũng như chúng tôi biết các người nằm trong chính quyền nhưng đang phản lại chính quyền Ba Lan”. Tất cả những tin tức đó đều gửi cho TT Reagan hay ông Casey biết.

Một giới chức thân cận với ĐGH nói: Nếu có nghiên cứu tình hình Công Đoàn Đoàn Kết thì qúy ông sẽ thấy Công Đoàn đã đã hành xử một cách rất khôn khéo, không thái quá trong những giờ phút nghiêm trọng vì họ được Giáo Hội hướng dẫn. Vâng, cũng có lúc chúng tôi đã kìm hãm Công Đoàn Đoàn Kết . Nhưng Ba Lan là một trái bom có thể nổ ngay trong trái tim chế độ cộng sản, mà các nước chung quanh là Liên Bang Sô Viết, Tiệp Khắc, Đông Đức. Áp bức quá trái bom sẽ nổ”

CÀ PHÊ CAPUCCINO CỦA ÔNG CASEY.

Trong khi đó, tại Washington một đường giây liên lạc tay ba được phát triển giữa ông Casey, ông Clark và Đức TGM Pio Laghi (về sau là Hồng Y, ghi chú của người dịch). Ông Clark kể lại rằng: “ Mỗi khi có tình hình nghiêm trọng, ông Casey và tôi thường ghé tư thất của TGM Pio Laghi vào sáng sớm để thu thập những nhận định và nghe lời khuyến cáo. Chúng tôi uống cà phê ăn sáng với nhau trong khi bàn luận những việc đang được thi hành ở Ba Lan. Tôi thường xuyên nói chuyện bằng điện thoại với Đức Khâm Sứ vì Ngài luôn luôn liên lạc với ĐGH”.

Còn Đức TGM Pio Laghi nói: “Hai ông ấy thích uống cà phê Capuccino lắm (Đức TGM là người Ý và cà phê Capuccino là của Ý rất nổi tiếng - ghi chú của người dịch) Thỉnh thoảng chúng tôi bàn đến vấn đề Trung Mỹ hay lập trường của Giáo Hội về vấn đề hạn chế sinh sản, nhưng hầu hết các câu chuyện tập trung vào vấn đề Ba Lan.”

Ông Robert McFarlane từng là phụ tá cho ông Clark và ông Casey, sau này là Cố Vấn An Ninh của TT Reagan kể lại: Hầu hết mọi việc ở Ba Lan được thi hành không phải theo con đường của Bộ Ngoại Giáo mà thông qua ông Casey và ông Clark. Tôi biết hai ông ấy gặp gỡ Đức Khâm Sứ Pio Laghi trước khi Đức Khâm Sứ gặp Tổng Thống. Ông Clark không bao giờ nói với tôi về nội dung câu chuyện giữa ông ấy với Đức TGM Pio Laghi.

Đức TGM Pio Laghi đã gặp gỡ TT Reagan ít nhất là 6 lần. Mỗi khi vào Tòa Bạch Ốc để gặp TT hay ông Clark, Đức Khâm Sứ đều đi vào cổng ở phía Tây Nam để tránh các ký giả. Đức TGM Pio Laghi nói:” Có mối liên hệ thân mật như vậy, nhưng tôi đã không vượt qua lằn mức giới hạn, vai trò chính của tôi là dàn xếp các cuộc gặp gỡ giữa ông đại sứ Walters và Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha biết rõ dân tộc của Ngài. Đây là một tình thế rất phức tạp – làm sao cứ đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo và giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết tồn tại mà không khiêu khích nhà cầm quyền cộng sản hơn nữa. Tôi vẫn nói với ông Vernon Walters rằng “Hãy nghe Đức Thánh Cha”. Đến nay chúng tôi đã có 2000 năm kinh nghiệm.”

Ông William Casey mặc dầu bị chỉ trích nhiều trong thời gian ông làm Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), nhưng trong vấn đề Ba Lan, không ai chỉ trích ông. Dân biểu Edward Derwinski, nói được tiếng Ba Lan, một chuyên gia về vấn đề Đông Âu thường cố vấn cho chính quyền cũng như thường gặp gỡ ông Casey đã phát biểu rằng;: “Cơ bản mà nói, ông ta âm thầm xác tín rằng cộng sản không thể tiếp tục giữ mãi nhiều nơi được, nhất là ở Ba Lan. Ông ta cũng tin rằng hệ thống cộng sản đang đổ vỡ và tất phải sụp đổ bằng cách này hay cách khác – và Ba Lan sẽ là sức mạnh dẫn tới việc đổ vỡ hàng loạt. Ông yêu cầu Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ phải chú tâm vào Đông Âu. Trong khi đó, người bên ngoài không chú ý tới Đông Âu mà lại chú ý đến những câu chuyện gây nhiều tranh cãi, những câu chuyện gây ồn ào như vấn đề Nicaragua và El Salvador”.

Tại Ba Lan, ông Casey tiến hành một loại hoạt vụ cổ điển mà ông đã từng biết. Hoạt vụ đó ông đã áp dụng trong những ngày ông phục vụ ở Văn Phòng Sở Chiến Thuật thời Thế Chiến II, hay trong những năm đầu tiên của ông ở Cơ Quan Tình Báo Trung Ương, và khi các nền dân chủ của Tây Âu mới tái xuất hiện sau Thế Chiến II.

Những viên chức phụ tá cho ông Casey kể rằng chính nhờ các cuộc tiếp xúc của ông Casey mà các đơn vị của đảng Xã Hội Quốc Tế được thành lập nhân danh Công Đoàn Đoàn Kết - giống y như các đảng Dân Chủ Xã Hội ở Tây Âu đã được CIA dùng làm dụng cụ cho chính sách hoa Kỳ trong việc nặn ra các chính phủ chống cộng sau thế chiến II. Bây giờ mục tiêu của ông Casey ở Ba Lan cũng vậy, là thành lập đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, bao gồm giáo hội và đại đa số đảng viên là người Công Giáo trong Công Đoàn Đoàn Kết để làm thành một lực lượng chủ yếu trong thời Ba Lan hậu cộng sản.

Nhờ các cuộc tiếp xúc của ông Casey với các lãnh tụ của đảng Xã Hội Quốc Tế, kể cả các viên chức chính quyền có khuynh hướng xã hội như Pháp, Thụy Điển, mà ông Casey có thể bảo đảm được việc chuyên chở đồ vật giúp cho Ba Lan có thể qua đường bộ hay đường thủy để vào Ba Lan. Ông Brezinski cho biết: “Đây không phải là vụ tiêu pha số tiền khổng lồ mà là đưa ra một sứ điệp và chống đối : gồm sách, dụng cụ truyền tin, phương tiện tuyên truyền, mực và máy móc in báo”.

TÌM NHÃN HIỆU CÔNG ĐOÀN

Tại hầu hết mọi tỉnh lỵ và thành phố ở Ba Lan, các báo chui, các bản tin roneo đua nhau xuất hiện, thách đố lại các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát. Giáo Hội xuất bản báo riêng. Giấy tờ của Công Đoàn Đoàn Kết được in ấn bằng máy móc do Hoa Kỳ cung cấp, được dán trên các bảng thông cáo của nhà thờ. Rồi có những người bạo gan đem bích chương của công đoàn dán ngay tại các đồn bót cảnh sát, tại các tòa nhà chính phủ, tại lối ra vào đài truyền hình của chính phủ đang do sĩ quan quân đội phụ trách truyền hình.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Warsaw trở thành căn cứ chủ yếu của CIA trong thế giới cộng sản và theo nhiều đánh giá, đó là nơi hữu hiệu nhất. Trong khi đó, nghiệp đoàn lao động AFL - CIO là nguồn hỗ trợ lớn nhất của Hoa Kỳ cho Công Đoàn Đoàn Kết, trước khi Ba Lan ban hành quân luật, thì người ta cho rằng cách thức của TT Reagan quá chậm chạp, không đủ để đương đầu với nhà cầm quyền Ba Lan. Tuy nhiên, theo tin tình báo, Chủ Tịch nghiệp đoàn AFL – CIO là ông Lane Kirkland và viên phụ tá là ông Tom Kahn thường xuyên tham khảo ý kiến với ông Poindexter, ông Clark, các viên chức của Bộ Ngoại Giao, và các viên chức Hội Đồng An Ninh Quốc Gia về các vấn đề làm sao và khi nào thì chuyên chở hàng hoá tiếp liệu cho Công Đoàn Đoàn Kết, thành phố nào Công Đoàn Đoàn Kết cần sự trợ giúp về mặt tổ chức và khảo sát xem Công Đoàn Đoàn Kết và nghiệp đoàn AFL-CIO có thể hợp tác với nhau thế nào để chuẩn bị những tài liệu tuyên truyền.

Dân biểu Derwinski nhận xét: “Ông Lane Kirkland xứng đáng được ghi công . Họ không thích nhận công lao ấy nhưng thực ra họ đã sát cánh với chính quyền. Cũng đừng quên là vợ ông Bill Clark và vợ ông Kirkland đều là người Tiệp Khắc. Đây là một vấn đề của những người đồng hội đồng thuyền, không có chuyện chiến đấu mà còn so bì hơn thiệt, cũng không phải là những người chiến đấu cô đơn, hay là những người chỉ biết từ chối nhiệm vụ.

Các giới chức nghiệp đoàn AFL-CIO không biết mức độ trợ giúp bí mật của Mỹ và họ cũng không biết chừng mực chính quyền Hoa Kỳ tín nhiệm vào sự hướng dẫn của Giáo Hội thế nào trong việc đối phó ra sao với nhà cầm quyền Ba Lan và Sô Viết. Ông Casey đã thận trọng không muốn làm mất thanh danh các phong trào nghiệp đoàn ở Mỹ và Âu Châu bằng việc cho họ biết nhiều tin tức về những nỗ lực của chính quyền Mỹ. Và thực vậy, đây không phải là một công tác của riêng CIA mà là hoạt vụ được pha trộn giữa bí mật và công khai, giữa chính sách chung và những liên minh bí mật.

Ông Casey nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, nghiệp đoàn AFL-CIO có nhiều hoạt động tưởng tượng hơn là những hoạt động đích thật là cung cấp trợ giúp về mặt tổ chức cho Công Đoàn Đoàn Kết và chuyển lậu máy móc dụng cụ vào Ba Lan. Theo ông Inman, nguyên Phụ Tá Giám Đốc CIA, ông Casey phải thừa nhận giữa nghiệp đoàn Hoa Kỳ và Công Đoàn Đoàn Kết có mối liên hệ rất tốt đẹp, đến độ CIA cần gì, họ đều được tài trợ hay cung cấp qua đường dây của nghiệp đoàn AFL-CIO. Ông Inman nói thêm “Không phải họ cần tài chánh mà là tổ chức, và hẳn nhiên đó là cách thức trợ giúp tốt hơn so với các hoạt vụ bí mật cổ điển”.

Văn phòng của Công Đoàn Đoàn Kết ở Brussels trở thành ngân hàng hối đoái quốc tế cho các đại diện của Vatican, của các điệp viên CIA, cho đại diện nghiệp đoàn AFL-CIO, cho các đại diện của tổ chức Xã Hội Quốc Tế, cho các vị hoạt động trong quỹ Quốc Gia Yểm Trợ Dân Chủ do quốc hội Hoa Kỳ yểm trợ. Những tổ chức này đều làm việc sát cánh với ông Casey. Đó là nơi để Công Đoàn Đoàn Kết liên lạc với các người ủng hộ mình. Nhiều khi chính công đoàn cũng không biết danh tính người ủng hộ mình là ai. Họ chỉ cần nói ở đâu đang cần những nhà tổ chức, ở đâu đang cần những hàng hoá hay đồ tiếp liệu nào. Các linh mục, các người đưa tin, các nhà tổ chức lao động, các điệp viên tình báo đi ra đi vào Ba Lan để xin trợ giúp, đồng thời cũng mang theo tin tức về tình hình nội bộ trong chính quyền Ba Lan và những lực lượng hoạt động bí mật. Quần áo, thực phẩm, tài chánh đổ vào Ba Lan để trả những món tiền phạt cho các lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết bị chính quyền đưa ra tòa. Trong nội địa Ba Lan, các linh mục là những người chạy qua lại giữa các nhà thờ, mang tin tức đến cho các lãnh tụ công đoàn đang ẩn trốn.

Vào mùa hè năm 1984, những biện pháp trừng phạt có vẻ làm tổn hại thường dân Ba Lan hơn là người cộng sản, Đức TGM Pio Laghi đã đi Santa Barbara gặp TT Reagan ở tòa Bạch Ốc Miền Tây để thúc giục TT bãi bỏ một số trừng phạt. (Santa Barbara nằm về phiá tây Hoa Kỳ thuộc bang California, nơi có trang trại của gia đình Reagan nên báo chí gọi đây là Tòa Bạch Ốc Miền Tây – ghi chú của người dịch). Chính quyền Reagan nghe theo lời đề nghị của Đức Khâm Sứ về Ba Lan. Nhưng đối với Liên Sô, sau khi tham khảo chặt chẽ với Tòa Thánh, Hoa Kỳ đã không giảm bớt sức ép kinh tế lên Moscow, như từ chối cung cấp kỹ thuật, thực phẩm, trao đổi văn hóa. Sức ép này là giá Liên Sô phải trả cho việc bức bách Ba Lan.

Hầu hết các dụng cụ gửi cho Công Đoàn Đoàn Kết đều bằng tầu thủy và bên ngoài thùng đồ ghi sai nơi gửi là từ Đan Mạch hay Thụy Điển. Các thùng đồ đều gửi đến bến tàu Gdansk hay những bến cảng khác có thành viên Công Đoàn Đoàn Kết làm việc. Theo những quan chức chính quyền Reagan thì chính quyền xã hội của Thụy Điển, và các nghiệp đoàn lao động của Thụy Điển đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hàng hóa đến Ba Lan. Đến bến cảng ở Ba Lan, dụng cụ máy móc được chở đến nơi giao hàng bằng xe vận tải do chính những người có thiện cảm với Công Đoàn Đoàn Kết lái, và họ thường dùng các nhà thờ hay linh mục làm nơi liên lạc giao hay nhận hàng.

“ HOAN HÔ CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT”

Dân biểu Derwinski bây giờ (1992) là Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh nhận xét rằng : Chính quyền Hoa Kỳ đã móc nối được với tất cả đường dây chính. Ông nói: “Không chỉ qua các giới chức cao cấp mà còn qua cả các giáo hội địa phương và Giám Mục. Đức Ông Bronislaw Dabrowski, Phụ tá cho Đức Hồng Y Glemp thường đến với chúng tôi và cho biết đang cần cái gì. Ngài đã đến gặp tôi, gặp ông Casey, gặp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và đôi khi gặp ông Walters”.

Đức Hồng Y John Cardinal Krol cai quản Tổng Giáo Phận Philadelphia, có thân phụ là người sinh trưởng ở Ba Lan, là giới chức Giáo Hội Hoa Kỳ rất thân cận với ĐGH Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y thường xuyên gặp ông Casey để thảo luận việc trợ giúp Công Đoàn Đoàn Kết và các hoạt động bí mật. Theo tin của CIA và của ông Derwinski thì “Đức Hồng Y Krol rất ăn ý với TT Reagan và là nguồn cung cấp các ý kiến cố vấn”. Theo ông Derwinski. "Đức Hồng Y luôn luôn là người mà ông Casey và ông Clark chạy tới để vấn ý và được coi là người am hiểu tình hình”.

Vào năm 1985 chiến dịch chính quyền Ba Lan đàn áp Công Đoàn Đoàn Kết đã hoàn toàn bị thất bại. Theo báo cáo của ông Adrian Karatnycky, người giúp nghiệp đoàn lao động AFL-CIO trợ giúp cho Công Đoàn Đoàn Kết, thì có hơn 400 tạp chí bí mật được lưu hành ở Ba Lan, một vài tạp chí có số lưu hành đến 30,000 số. Sách báo được in hàng ngàn ấn bản, thách thức lại quyền lực của chính quyền cộng sản. Những sách có nội dung hài hước châm biếm cũng được xuất bản cho thiếu nhi, nhái lại những chuyện cổ tích hay thần thoại Ba Lan ví dụ Thủ Tướng Jaruzelski được vẽ thành tên côn đồ qủy sứ, cộng sản là con rồng đỏ hung ác, còn ông Lech Walesa được mô tả là một dũng sĩ anh hùng. Trong các hầm ở nhà thờ hay tư gia, hàng triệu người xem các băng video tài liệu bằng máy móc và phim được đưa lậu vào Ba lan.

Với những máy móc truyền thanh do CIA và nghiệp đoàn AFL-CIO cung cấp, Công Đoàn Đoàn Kết đã có thể thường xuyên cắt ngang được chương trình phát thanh của chính phủ và chen vào những lời như: “Hoan Hô Công Đoàn Đoàn Kết hay Hãy Chống Đối”.

Cũng được trang bị với máy phát sóng truyền hình, qua tần số của Giáo Hội Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết đã có thể cắt ngang chương trình truyền hình của chính phủ, cả về âm thanh lẫn hình ảnh và thay vào đó công đoàn kêu gọi đình công hay biểu tình. Một giới chức của Vatican kể lại: “Có một lần thật không thể tưởng tượng được, là vào lúc nghỉ giải lao giữa hai hiệp của trận đá banh tranh giải vô địch toàn quốc, tiếng còi vừa được thổi lên chấm dứt nửa hiệp thì màn ảnh truyền hình hiện ngay lên một tấm biểu ngữ với chữ “CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT MUÔN NĂM” và cuốn băng phát ra âm thanh kêu gọi dân chúng đứng lên chống lại chính phủ. Thật là họ khôn khéo, nếu cảnh đó xảy ra trong lúc đang đá banh thì có lẽ làm mất lòng dân” Và ông Brzezinski đã tóm tắt như sau: “Đây là lần đầu tiên chuyện đàn áp của công an cộng sản đã bị thất bại”.

Một Đức Hồng Y phụ tá thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng đã phát biểu: “Không ai ngờ được sự sụp đổ của chủ thuyết cộng sản lại có thể xẩy ra nhanh và đúng thời biểu như vậy. Nhưng, ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, cả Đức Thánh Cha lẫn Tổng Thống đều tự nguyện và đưa cơ chế của giáo hội và quốc gia Hoa Kỳ ra để đạt được mục tiêu như thế. Và kể từ ngày đó, mục tiêu là phải xảy ra như vậy ở Ba Lan.”

Thế rồi chính quyền Sô Viết và cộng sản Ba Lan, cứ hết bước này đến bước khác đành chịu nhượng bộ trước áp lực luân lý, kinh tế và chính trị do Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống áp đặt . Các nhà tù trở nên trống rỗng, phiên tòa xử ông Walesa về tội vu khống giới chức chính quyền nhà nước bị huỷ bỏ, Đảng Cộng Sản Ba Lan dần dần tan vỡ, kinh tế quốc gia sụp đổ, trong đám mây mù của các cuộc đình công biểu tình và trừng phạt. Vào ngày 19 tháng 2 năm 1987, sau khi Warsaw cam kết mở cuộc đối thoại với giáo hội, Tổng Thống Reagan bãi bỏ lệnh trừng phạt. Bốn tháng sau Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được hàng triệu đồng bào hoan hô nghênh đón khi ngài du hành khắp Ba Lan đòi hỏi nhân quyền và ca ngợi Công Đoàn Đoàn Kết. Đến tháng 7 năm 1988, Tổng Bí Thư Gorbachev viếng thăm Warsaw. Ông đưa ra tín hiệu cho biết Moscow thừa nhận chính quyền Ba Lan không thể cai trị được, nếu không có sự hợp tác của Công Đoàn Đoàn Kết. Vào ngày 5 tháng Tư năm 1989 hai bên (Cộng sản và Giáo Hội Công Giáo Ba Lan) ký thỏa ước hợp thức hóa Công Đoàn Đoàn Kết, và vào tháng 6 mở cuộc tuyển cử dân biểu vào quốc hội. Tháng 12 năm 1990, tức chín năm, sau khi bị bắt và công đoàn bị cấm hoạt động, ông Lech Walesa đã trở thành Tổng Thống Ba Lan.

Nguyễn Long Thao dịch

 
Làm sao đẩy lùi bóng tối
Gioan Lê Quang Vinh
11:10 26/04/2011
Mùa Chay Thánh vừa đi qua. Giáo Hội Việt Nam đang hân hoan mừng đại lễ Phục Sinh. Nhưng dư âm của bao chuyện buồn phiền dồn dập xảy đến trong Mùa Chay vẫn còn làm bận lòng người Kitô hữu.
Những chuyện xảy ra như cơm bữa ở Việt nam gần đây được dân chúng chú ý nhiều hơn, một phần do dân trí có thay đổi, và phần lớn do truyền thông Internet đã lôi cuốn con người, khi báo chí lề phải đã được chứng minh là không trung thực.
Giáo Hội dạy con người có ba trách nhiệm với sự thật: hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm. Khi không tôn trọng sự thật, mọi thứ khác thành vô nghĩa. Mới đây có người dùng từ ngữ thô tục để diễn tả đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô về sự thật. Khoan nói chuyện xúc phạm đến Kinh Thánh, lời báng bổ ấy có thể gây ngộ nhận về việc tôn trọng sự thật.
Vấn đề chính trong tất cả những chuyện xảy ra là nhân vị, là phẩm giá con người. Từ chuyện vụ án oan sai, chuyện bắt bớ vô tội vạ cho đến chuyện giết chết người khác dễ dàng phản ánh những bất cập về cách nhìn nhận giá trị con người.
Chúa Giêsu sống lại để cứu con người khỏi tội lỗi, trả lại cho con người quyền được sống và được làm con của Thiên Chúa. Quyền được sống đi đôi với quyền làm con Thiên Chúa. Khi con người không còn giữ tình trạng cha con với Đấng Tạo Hoá, họ đứng về phía bóng tối và sự chết.
Phía bóng tối có tàn ác, có bất công và có gian xảo. Người ta cứ loay hoay hỏi tại sao thế này tại sao thế nọ. Tìm câu trả lời cho từng vụ việc thì dễ, nhưng vẫn chẳng bao giờ giải quyết được chuyện gì, bởi vì dù có giải quyết những nguyên nhân đó, thì cũng có vô số những chuyện khác phát sinh, nếu nhân vị vẫn còn được coi là chuyện của xã hội nào khác, không phải ở đây.
Một người đi phá thai chẳng hạn, hỏi tại sao thế thì sẽ có câu trả lời rằng do nghèo quá, do sợ quá vân vân. Ông bác sĩ phá thai thì vì chỉ tiêu, vì tiền hay vì cái gì khác. Rồi người đi phá thai và ông bác sĩ ấy có thể lúc khác lại phạm tội khác giống nhau, hành hạ con cái hay lừa lọc nhau. Lý do là bởi vì họ coi nhân phẩm nhân vị là cỏ rác.
Khi con người được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa, họ được hoàn trả trọn vẹn nhân phẩm và nhân vị. Tại sao có những con người dũng cảm nói lên cái tốt giữa xã hội coi trọng cái giả, cái sai? Là vì họ ý thức về giá trị con người. Tại sao có những con người chỉ khoanh tay đứng nhìn vẫn phải bị giam cầm? Ấy là vì có những người muốn ngăn chặn dòng suối của ơn Phục Sinh.
Khi tôn trọng nhân vị, người ta cũng tôn trọng sự thật và ngược lại. Tại sao thế? Bởi vì nhân vị con người gắn liền với Con Người là đầu của mọi chi thể, mà Con Người ấy đã tuyên xưng mình “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Thành ra, người ta không ngạc nhiên khi thấy ở đâu có hành xích, bắt bớ, là ở đó có giả dối điêu ngoa.
Sự giả dối có bản chất là tối tăm và giấu giếm. Sự thật thì lại có bản chất là chói sáng và muốn nói to lên. Đức Giêsu là Sự Thật, và Người là Lời Thiên Chúa. Người nói lên tiếng nói của công lý và Người không nhượng bộ bất cứ ai làm chứng gian.
Làm sao để vực dậy những con người đang nằm lì trong gian xảo và coi thường nhân phẩm người khác? Không chỉ đơn thuần là giải thích, dù giải thích có khi cũng có tác dụng. Cũng không thể chứng minh như chứng minh toán học, vì nếu họ có khả năng hiểu thì cuộc đời họ tự nó đã cho họ những bài học rồi.
Là người tin vào hồng ân Phục Sinh, người Kitô hữu có một phương thế hiệu nghiệm là lời cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh giá trị của cầu nguyện nhiều lần và chính cuộc đời Người cũng là lời cầu nguyện liên tục.
Trong Tuần Thánh vừa qua, người ta gửi cho nhau email cổ vũ việc lần chuỗi Mân Côi, trong đó có câu: “Tất cả chúng ta hãy đọc Kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và trả lại các giá trị đạo đức cho cộng đồng của chúng ta.” Kinh Mân Côi hữu hiệu trong công việc truyền thông cho sự thật và nhân phẩm vì lời kinh tuyệt vời ấy chính là lời Truyền Thông từ Sứ Thần của Thiên Chúa, và chúng ta đọc kinh Mân Côi là cầu nguyện với Mẹ và trong Mẹ.
Song song với lời cầu nguyện là nỗ lực làm chứng cho sự thật. Sự lặng câm có thể đem lại an nhàn giả tạo nhất thời. Nhưng chắc chắn khi người ta chấp nhận lặng câm thì chính họ cũng phải trả giá cho việc không tôn trọng sự thật và không làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm.
Cùng cầu xin cho ơn Phục Sinh tuôn chảy dồi dào trên mỗi người chúng ta và loại bỏ những sai trái, điêu ngoa và gian tà để ánh sáng cứu độ được ngày càng chiếu sáng rực rỡ.
 
Thông Báo
Thư Mời Ca Đoàn:Tham Dự Ngày Hành Hương Đức Mẹ La Vang Tại Thủ Đô Washington DC.
Văn Duy Tùng & LM Nguyễn Đức Vượng
05:27 26/04/2011
Xin thông báo và kính mời Quí Ca Đoàn cùng tất cả Quí Nhạc sĩ, Quí Ca Trưởng và Quí Nhạc công về tham dự Ngày Hành Hương Đức Mẹ La Vang được tổ chức vào những ngày 16-18 Tháng 6 Năm 2011 tại Thủ Đô Washington DC với chủ đề " Về Bên Mẹ La Vang: Yêu Thương- Hiệp Nhất- Phục Vụ".

Chương trình 3 ngày Hành Hương năm nay gồm có Hội Thảo, Giảng Thuyết, Chầu, Rước Kiệu, Hoà Giải, Thánh Nhạc, Họp Mặt Các Nhạc sĩ, Các Ca Trưởng, Ca Đoàn, Văn Nghệ và Thánh Lễ.

Riêng phần Thánh Nhạc cho các thánh lễ trong 3 Ngày Hành Hương, chúng tôi kính mời và kêu gọi các Ca Đoàn khắp nơi ghi danh tham gia phục vụ hát cho các Thánh lễ và cùng với Ca Đoàn Tổng Hợp hát cho Thánh Lễ Đại Trào. Chủ tế là Đức GM Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Toronto

Đặc biệt chúng ta sẽ chào mừng "Ngày Thánh Nhạc" lần Thứ 4 được tổ chức trong dịp Hành Hương này gồm những buổi họp mặt và hội thảo với chủ đề "Hát Thánh Ca Sẽ Không Lạc Mất Thiên Đường" Thuyết trình bởi vị Trưởng Ban Thánh Nhạc Liên Đoàn Công Giáo VN Hải Ngoại. Linh mục GB Nguyễn Đức Vượng.

Để cho việc tổ chức được chu đáo, xin Quí Vị ghi danh sớm có thể và hạn chót đến ngày 01 Tháng 06 Năm 2011. Xin ghi danh ở những địa chỉ thuận tiêïn nhất:

Linh mục Nguyễn Đức Vượng. Email: vuongduc@yahoo.com. Phone: (703)553-0370. Hoặc chúng tôi Văn Duy Tùng. Email: vanduytung@yahoo.com. Phone:(703) 362- 3267

Xin cám ơn sự hợp tác và xin Chúa cùng Đức Mẹ La Vang chúc lành cho Quí

Anh Chị Em và gia đình.

Trân trọng kính mời, và Hợp thỉnh,

Văn Duy Tùng & Lm. GB Nguyễn Đức Vượng OP
 
Cáo Phó: Bà Cố Cha Giuse Trần Chúc đã vể Nước Chúa
LM Giuse Trần Chúc
10:10 26/04/2011
AI TÍN

Trong niềm tin Chúa Ki Tô Phục Sinh

Gia đình chúng con vô cùng thương tiếc báo tin:
Mẹ, Bà Nội, Bà Ngoại, Cụ Cố của chúng con là
Bà Cố MARIA NGUYỄN THỊ CHUYÊN
Sinh năm 1917 tại Bắc Ninh, Việt Nam
Đã được Chúa gọi về
lúc 9 giờ 15 phút ngày Chúa Nhật 24.04.2011
tại Harrisburg, Pennsylvania, Hoa Kỳ
Hưởng Thọ 94 tuổi
Nghi Thức Nhập Quan - phát tang
và thăm viếng cầu nguyện
lúc 4 giờ chiều đến 9 giờ tối ngày thứ Sáu, 29.04.2011 tại
Nhà Quàn Neill Funeral Home
350 Derry Street, Harrisburg PA 17111
Di Quan
Thánh Lễ Tiễn biệt
tại Giáo Xứ Saint Catherine Laboure
4000 Derry Steet, Harrisburg PA 17111
lúc 10 giờ 30 ngày 30.04.2011
Linh Cữu di chuyển về quê hương
Thánh Lễ An Táng tại Giáo Xứ Trung Bắc,
Xóm Mới - Gò Vấp - VIỆT NAM

Trưởng nam: Giuse Trần Văn Cường, Vợ và các Con, các Cháu, Chắt tại Việt Nam và Hoa kỳ
Thứ Nam: Giuse Trần Văn Tiến, Vợ và các Con, các cháu, chắt tại Hoa Kỳ
Thứ Nam: Giuse Trần Văn Tấn, Vợ và các con, các cháu tại Việt Nam
Thứ Nữ: Mary Ánh Nguyên, Chồng và các con, các cháu tại Hoa Kỳ
Thứ nam: Joseph Trần Cầu, Vợ và Con tại Hoa Kỳ
Út Nam: Linh Mục Giuse Trần Chúc, Dòng Truyền Giáo Maryknoll
Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Baltimor Hoa kỳ
Nghĩa Nữ: Soeur Mary Nguyễn Phúc, nữ tu dòng Đa Minh, Hoa Kỳ

TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO
 
Văn Hóa
Trăm ngày nhớ Mẹ
Nguyễn thanh Trúc
22:58 26/04/2011
Mới đó Mẹ đi đã trăm ngày
Lòng con như thấy Mẹ còn đây
Làm sao nói hết bao nhung nhớ
Tình Mẹ yêu con mãi mãi tôn thờ

Mẹ đi bỏ lại đàn con dại
Để gốc chanh buồn bụi chuối đau
Ba rủ buồn, dĩ vãng Ba ôn lại
Vắng tiếng Mẹ cười ấm cho nhau

Mẹ ơi giờ Mẹ ở rất xa
Mẹ có lạnh không giữa khoảng trời?
Cõi thế trần này dù xinh đẹp
Thiếu tiếng Mẹ ru hết tuyệt vời

Chúng con vẫn tìm bóng dáng Mẹ
Nhớ ơi là nhớ Mẹ biết không?
Góc công viên buồn con trông ngóng
Về cõi trời xa Mẹ ở đâu?

“Bạn thời gian” làm bậc lên tiếng khóc
Làm bật nóc căn nhà nhỏ thân yêu
Con vắng Mẹ như nhà không có nóc
Mẹ đi rồi con ủ rủ muôn chiều

Cố giành Mẹ nhưng tay con nhỏ bé
Con van xin nhưng không được lắng nghe!
Sao cuộc đời là ngã rẽ phân ly??
Con với Mẹ phải vâng theo Thiên Ý

Mẹ ơi Mẹ bao đêm rồi con đã
Chập chờn trong giấc ngủ giữa đêm khuya
Lời Mẹ nói tiếng Mẹ cười ngày qua
Ánh mắt Mẹ mãi nhìn con âu yếm

Ngoài trời kia mùa đông những ngày cuối
Ông mặt trời vừa thức giấc vươn vai
Chút nắng vàng trên những tàn lá non
Nắng yếu ớt lang thang trên đồi núi

Con thắp nén hương trầm tâm thành kính
Đến Mẹ yêu trọn vẹn tấm lòng con
Hương trầm bay quyện với gió ban mai
Hòa vào đất với tình con dâng bái

Nơi lòng đất Mẹ nhận mưa đón nắng
Xác thân gầy mục nát với thời gian
Để đời con rộng lối bước thênh thang
Mãi khôn lớn dù Mẹ giờ xa vắng

Cuộc sống con dù tháng ngày tơi tả
Nhưng Mẹ là tất cả đến thiên thu
Là vầng trăng là cõi rộng bao la
Là dấu ái của muôn ngàn tinh tú

Quãng đời cũ Mẹ cho con tiếng hát
Cho môi cười và ánh mắt mê say
Tin yêu Trời đầy ắp ở trên tay
Con tung cánh giữa khung trời xanh ngát

Con sẽ là chú ve đời nhỏ bé
Mùa hè sang rộn rã hát khúc ca
Vì có Mẹ tàn cây to muôn lá
Chở che con khỏi nắng bức trưa hè

Đêm nay đến con sẽ vùi giấc mộng
Ngủ thật say theo tiếng hát buông lơi
Nụ hôn Mẹ khơi đầu chuyện cổ tích
Ngày xưa kia con có Mẹ bên đời

Mẹ ơi Mẹ con là bông hoa nhỏ
Thiên Chúa yêu cho con tỏa hương trời
Mẹ an lòng vì đường con bước tới
Gieo hương thơm trên mỗi chặng đường đời

Con nhớ Mẹ con đêm ngày cầu khấn
Mẹ bình yên nơi đó đến muôn đời.

(Viết theo NÉN HƯƠNG TRẦM THỨ 100 DÀNH CHO MẸ của cháu, Sơ Hiền Linh, Bruxelles)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Trái Vườn Nhà
Diệp Hải Dung Australia
21:51 26/04/2011
CÂY TRÁI VƯỜN NHÀ
Ảnh của Diệp Hải Dung Australia,
Hạ nồng trao chín trái xanh
vàng ươm quả ngọt , nóng dành vị hương
mít thơm treo khắp ngã đường
ổi xanh xếp quả cuối vườn hạ sang.
(Trích thơ của YDLN)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News