Ngày 28-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 5 Phục sinh 29/4/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:54 28/04/2018
Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

"Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.

Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: "Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời".

Xướng: Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa.

Xướng: Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: "Ðiều đó Chúa đã làm".

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 18-24

"Ðây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.

Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.

Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 4 và 5b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

"Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:48 28/04/2018
66. ĐẾN VIẾNG (TANG) CHÚC VUI
Giải học sĩ đi đến viếng vợ của một người bạn mới chết, vừa tiến vào cửa liền hét lớn:
- “Chúc mừng, chúc mừng.”
Hét xong liền nói:
- “Tứ đức không thiếu, thất xuất hoàn bị, tiếng hô ai tai, đại cát đại lợi”.
Mọi người nghe được liền cười lớn, bởi vì người đàn bà chết này lúc còn sống thì rất là hung hãn đanh đá.
(Tân thoại chích tuý)

Suy tư 66:
Không ai đi phúng điếu mà nói lời chúc mừng, nhưng thường là nói: thành thật chia buồn cùng gia quyến, cũng không ai gởi điện văn chia buồn mà nói: xin chúc mừng vì bà cụ (ông cụ, ...) đã qua đời...
Nhưng tất cả đều chia sẻ nỗi buồn cùng tang quyến, đó là sự thường tình của nhân loại...
Có một vài linh mục hoặc là những người có học và nghiên cứu thêm giáo lý, đã viết trong thiệp báo tin mẹ mình chết như sau :
“Xin hân hoan báo tin cùng....
Mẹ tôi đã được Chúa gọi về sum họp với Ngài trên thiên đàng...”
Đức tin dạy cho chúng ta biết chết không phải là hết, nhưng là bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống mới này một là ở trên thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, hai là ở trong hoả ngục để đời đời chịu phạt với ma quỷ...ai mà biết được, chỉ có Chúa biết mà thôi.
Chúng ta tin là như thế và nó sẽ như thế, nhưng cũng đừng quên chúng ta cũng là những con người chứ không phải là thần thánh, và những người mà chúng ta báo tin cũng có những người không phải cùng tôn giáo, người hàng xóm cũng không phải là người Công Giáo mà chúng ta “báo tin vui” khi mẹ bố mẹ mình chết, thì là phản tác dụng truyền giáo. Hơn nữa đã làm người thì có tử biệt sinh ly, nghĩa là sẽ rất đau buồn khi người thân yêu nhất của mình qua đời.
Người có đức tin là người biết hy vọng vào sự sống lại mai sau và đồng thời cũng rất đau buồn khi mất đi người thân yêu...
Không ai nhìn thấy đức tin của anh cả, nhưng người ta sẽ cười khi anh báo “tin vui” mẹ anh đã qua đời; không ai cười niềm tin xác loài người sẽ sống lại của anh, nhưng người ta sẽ khó chịu vì anh không bày tỏ một sự đau khổ nào khi người thân yêu của anh mất đi...
Biểu dương niềm tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại không phải là “báo tin vui” mẹ hoặc là người thân đã chết, nhưng chính là cầu nguyện và dâng lễ thật sốt sắng cho người thân yêu đã qua đời, anh chị em trong gia đình sống hòa thuận yêu thương nhau, đó chính là cách làm chứng và biểu dương niềm tin sống lại vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:50 28/04/2018
Chúa Nhật 5 PHỤC SINH

Tin Mừng: Ga 15, 1-8.
“Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.”


Bạn thân mến,
Bạn có thấy Đức Chúa Giê-su rất bình dân không, Ngài bình dân ngay cả trong cách giảng dạy, đó là Ngài dùng những hình ảnh cụ thể, sống động và quen thuộc với dân chúng để giảng dạy họ về Ngài và về Nước Trời, hình ảnh đó chính là vườn nho với người trồng nho, cây nho và cành nho. Với hình ảnh cây nho này người nghe rất dễ hiểu về ý nghĩa giảng dạy của Ngài.
Giáo Hội là vườn nho, người trồng nho chính là Chúa Cha, cây nho chính là Đức Chúa Giê-su, các công nhân làm vườn nho là các giám mục và linh mục, và các cành nho là những người Ki-tô hữu chúng ta. Hình ảnh cây nho rất rõ ràng để cho bạn và tôi nhìn thấy được sự liên kết chặt chẽ giữa Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội, giữa các công nhân và từng cây nho cho đến từng cành nho, chính hình ảnh rất dễ thương và ý nghĩa này của cây nho mà bạn và tôi –trong cuộc sống của mình- luôn biểu hiện sự hiệp nhất với Giáo Hội của Chúa qua cách sống đoàn kết, hiệp nhất và yêu thương của mình trong cộng đoàn giáo xứ...
Đức Chúa Giê-su là thân cây nho, bạn và tôi là những cành nho, những cành nho nhứt định phải dính liền với cây nho để sinh hoa kết quả, bằng không thì sẽ khô héo khi rời khỏi cây nho.
Đã có rất nhiều lần bạn và tôi hãnh diện vì được làm người Công Giáo, tức là người Ki-tô hữu, chính vì sự hãnh diện này mà bạn và tôi ỷ lại vào tình thương của Thiên Chúa mà không sinh hoa kết trái trong cuộc sống của mình. Chúng ta ỷ lại đã có bí tích Giải Tội tha thứ tội mình phạm, nên vẫn cứ sống trong những đam mê chết người của mình; chúng ta ỷ lại có bí tích Thánh Thể là bí tích yêu thương, nên Chúa không thể phạt chúng ta khi chúng ta đang sống trong tội lỗi; chúng ta ỷ lại mình là con của Chúa nên coi thường những lời góp ý của những người bạn không cùng tôn giáo với chúng ta.
Bạn thân mến,
Mỗi lần ăn trái nho bạn cảm thấy ngọt ngào và phấn chấn, và biết chắc rằng, trái nho này được sản sinh bởi những cây nho tốt tươi dưới sự chăm sóc chu đáo của người làm vườn, và quả thật là như vậy.
Bạn và tôi là những cành nho trong thân cây nho là Đức Chúa Giê-su, nhưng tha nhân chưa được ăn trái nho ngọt ngào nơi chúng ta, bởi vì bạn và tôi tuy là người Ki-tô hữu –là cành nho- nhưng không tích cực đón nhận nhựa sống của cây nho, tức là những bí tích và nhửng ơn sủng của Chúa ban cho qua Giáo Hội, cho nên tâm hồn chúng ta còm cõi, không thể sinh hoa trái thánh thiện, yêu thương, khiêm tốn và bình an...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:54 28/04/2018

15. Tự mình không cố gắng thì công lao của Chúa Giê-su Ki-tô đối với tôi không có ích gì cả.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa Nhật 5B Phục Sinh : Ba Gắn Bó
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:34 28/04/2018
La Fontaine, nhà văn trào phúng nước Pháp, khi muốn diễn tả tự mãn của một con người, đã dùng hình ảnh của một con gà trống. Con gà trống đứng chênh vênh trên một đống rơm, ngước cổ, bảo với bạn hữu rằng: Bà con có thấy tôi oai không ? Cứ mỗi lần tôi gáy, là tức khắc mặt trời phải mọc. Buồn cười! mặt trời đã mọc mỗi ngày, từ khi ông bà tổ tiên con gà chưa ra đời cơ mà. Mà cái sự kệch cỡm ấy, nó lại lan tỏa ra khắp vạn vật, kể cả nơi con người.

Người ta kể về một cành cây nhỏ, thấy đời mình sum xuê những trái, thế là lên mặt tự kiêu, tự hào, ngỡ tưởng mình là “giời” là “bể”. Nó quên mất một điều hệ trọng: những quả mà nó có, tất cả đều bởi nhựa sống từ thân cây truyền sang. Hoa trái quý báu ấy, là thành quả của cả cây chứ không phải là của nó. Và vì thế, điều hệ trọng nhất là nó phải dính kết với cây. Rời thân cây nó sẽ héo khô ngay, sẽ chết tức thì.

Chúa Giêsu đã đem hình ảnh ấy nơi cây nho, để diễn tả mối liên hệ giữa Ngài với chúng ta, những Kitô hữu. Để có sự sống thần linh trong mình, Kitô hữu phải gắn kết với Kitô Vua.

Không gắn kết với Chúa, ta sẽ chết khô chết héo, chẳng khác gì con cá ra khỏi nước. Cứ thử quan sát một con cá bị vất lên bờ, xa khỏi nước. Nó làm sao : dãy đành đạch đôi cái, rồi thở ngáp cá, rồi chết.

Chúng ta có ít là ba cách đặc biệt để dính kết với Chúa Giêsu.

1) Cách thứ nhất đó là tụ họp với nhau nhân danh Ngài.

Đây là điều chính Ngài đã nói với các môn đệ: “Ở đâu có hai hay ba người tụ họp với nhau nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ”.

Đức Kitô đã hứa rằng Ngài sẽ hiện diện với chúng ta khi chúng ta tụ họp lại với nhau, hay khi chúng ta cùng cầu nguyện với nhau nhân danh Ngài.

Ta đang tập họp nhân danh Chúa tại Nhà thờ, nó giúp ta gắn bó với Chúa. Nhưng ta có thể lý luận : Tôi, chính tôi gắn bó với Chúa, chứ đâu phải qua anh A qua chị B rồi mới dính được đến Chúa. Mà tôi, mình tôi với Chúa, là đủ, thì cần gì tập họp hai ba người. Ấy vậy mà ta thấy, không tụ họp lại, héo tàn ngay.

Truyện cổ Do thái kể về một phụ nữ không đến hội đường nữa. Một ngày nọ vị giáo trưởng Do thái đến nhà bà và xin được ngồi cạnh bà bên bếp lửa. Thật lâu không ai nói lời nào.

Rồi vị giáo trưởng cầm lấy cái gắp than, gắp ra cục than hồng và bỏ trên mặt đất. Cả hai cùng theo dõi cục than một mình tàn rồi tắt hẳn. Sau đó người phụ nữ lên tiếng:

-Tôi đã hiểu. Tôi sẽ trở lại hội đường...

Cục than hồng khi ở trong bếp lò, sẽ cháy cùng với các cục khác cho tới khi tàn thành tro, còn đem riêng ra, không có lò, không có các cục khác hỗ trợ, sẽ mất lửa nhanh.

Có điều gì đe doạ tách tôi ra khỏi Chúa Kitô và làm cho tôi mất đi ngọn lửa của mình không? -Lười đi nhà thờ, bỏ đọc kinh chung. Tôi có thể giúp đỡ người nào đã bị tách lìa khỏi Chúa Giêsu, như vị giáo trưởng đã giúp người phụ nữ trong câu chuyện trên đây không ?

Đi đọc kinh chung tại các gia đình trong tháng hoa, đi đọc kinh chung tại nhà thờ, cũng là một cách gắn liền với Chúa.

2) Cách thứ hai đó là hãy lắng nghe lời Ngài.

Lời Ngài trong sách thánh, đặc biệt sách Tin Mừng, và lời Ngài qua lời giảng. Chính Ngài cũng đã nói với các môn đệ:

- Ai nghe các con là nghe Thầy.

Chúa Giêsu hứa với chúng ta rằng hễ chúng ta nghe người khác đọc và giải thích Tin Mừng là chúng ta nghe chính Ngài vậy.

Có lẽ lời một bài hát nói được khá nhiều : “Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên, trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa: Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi.

ĐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, Là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, Trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời, Lời Ngài hạnh phúc cho đời ai.”

3) Sau cùng, cách thứ ba đó là chia sẻ Thịt Máu Ngài.

Sau khi làm phép lạ cho bánh hóa nhiều Chúa Giêsu đã giới thiệu với dân chúng một thứ của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, đó là Mình và Máu Thánh Ngài. Hơn nữa, Ngài còn xác quyết:

- Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy sẽ ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.

Ở trong. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.

Hãy ở lại bằng cách ở trong. Ai ăn thịt Ta thì Ta ở trong người ấy và người ấy ở trong Ta. Nói như Phaolô : “Không phải tôi sống mà Chúa sống trong tôi.”

Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ hiệp nhất với chúng ta nếu chúng ta đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Ngài.

Hãy cầu nguyện với nhau nhân danh Ngài, hãy lắng nghe lời Ngài và hãy tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Ngài, đó là ba cách thức giúp chúng ta kết hiệp, gắn bó mật thiết với Chúa, để rồi như ngành nho có dòng nhựa sống thế nào, thì chúng ta cũng sẽ được đón nhận dòng ân sủng của Chúa như vậy. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, góp nhặt
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ai chịu trách nhiệm đưa tin sai cho Đức Phanxicô trong vụ Barros?
Vũ Văn An
02:19 28/04/2018
Tai tiếng bao che lạm dụng tình dục ở Chile đang làm uy tín của Đức Phanxicô bị thiệt hại nặng nề. Theo ngài, cuộc khủng hoảng đau lòng này là do tin tức không chân thực và quân bình. Mà tin tức này chắc chắn ngài không chịu trách nhiệm. Ai chịu trách nhiệm? Đó là câu hỏi đặt ra từ lâu, từ những ngày chưa có tuyên bố của Đức Phanxicô. Vị sứ thần Tòa Thánh tại Chile thì hoàn toàn im lặng. Còn người đứng đầu giáo hội Chile thì quả quyết rằng không phải ngài cũng như bất cứ vị giám mục Chile nào. Và ngài tha thiết mong những người chịu trách nhiệm hãy xuất hiện và thừa nhận với mọi người, một điều không phải riêng ngài mong đợi mà là toàn thể Giáo Hội, những người không muốn Đức Giáo Hoàng của họ bị một tai tiếng quá lớn về uy tín như thế này.

Nữ Ký giả Inés San Martin của tờ Crux, nhân dịp này, duyệt lại một số những người có thể chịu trách nhiệm đối với thứ tin tức không hẳn Fake News như Ông Trump thường tố cáo, mà là không chân thực và quân bình như Đức Phanxicô rất đúng khi nói vậy.

Theo San Martin, một số vị giám mục, trong đó, có các Hồng Y Francisco Javier Errázuriz và Ricardo Ezzati, cựu và đương kim Tổng Giám Mục Santiago, Chile, đã lên tiếng bác bỏ việc thông tin sai cho Đức Phanxicô. Nhưng theo San Martin, các nạn nhân và một số giáo sĩ không tin như thế.



Năm nay đã 84, Đức Hồng Y Errázuriz đã nghỉ hưu, nhưng ngài lãnh đạo Giáo Hội tại Santiago từ 1998 tới 2010. Dù tuổi cao, ngài vẫn có một ảnh hưởng lớn đối với Giáo Hội Chile vì vai trò là một trong 9 vị trong Hội Đồng 9 Hồng Y của Đức Phanxicô.

Tuần rồi, ngài cho hay trong vai trò cố vấn cho Đức Giáo Hoàng, ngài không có nhiệm vụ “thông tri cho Đức Giáo Hoàng về những khó khăn, các sai lầm và tội ác có thể có xẩy ra trong Giáo Hội”.

Còn Đức Hồng Y Ezzati thì trong cuộc họp báo tuần qua, ngài quả quyết rằng cả ngài lẫn Giáo Hội Chile không lừa dối Đức Giáo Hoàng, và kêu gọi ai đó chịu trách nhiệm hãy xuất đầu lộ diện. Ngài nói: “Những ai phạm sai lầm này nên nhìn nhận chúng, hối lỗi và sửa những sai lầm này”.

Theo San Martin, một số linh mục nhấn mạnh rằng sau khi Đức Hồng Y Ezzati đưa ra những nhận xét trên, không ai hoan nghênh ngài cả. Họ cho rằng khi nói đến lạm dụng tình dục "ngài hoàn toàn phủ nhận thực tại".



Đức Hồng Y Ezzati đã 76 tuổi, có nghĩa là ngài đã đệ đơn từ chức vì đây là điều bắt buộc đối với mỗi giám mục khi đã 75 tuổi. Ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Santiago vào tháng 12 năm 2010, hai tháng trước khi Vatican kết án Cha Karadima.

Một vị khác có thể có trách nhiệm là vị sứ thần Tòa Thánh tại Chile, Đức Tổng Giám Mục Ivo Scalpolo, người đã ở Chile từ tháng 7 năm 2011. Ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chuyển đến đó bốn tháng sau khi Cha Karadima bị Tòa thánh Vatican kết tội.

Trong tư cách sứ thần, Đức Cha Scalpolo đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm Đức Cha Barros cho Giáo Phận Osorno, vì một phần trong công việc của ngài là gửi về Vatican một danh sách gồm ba ứng viên khi bất cứ giáo phận nào cần một giám mục. Ngài giả thiết cũng phải cố vấn cho Toà Thánh trong việc bổ nhiệm sáu giám mục khác được bổ nhiệm bởi Đức Phanxicô, và một số trong bảy vị được bổ nhiệm bởi Bênêđíctô XVI trong thời kỳ ngài làm giáo hoàng.

Vị sứ thần này nay đã gần 65 tuổi, vì vậy về mặt giáo luật, ngài chưa buộc phải từ chức. Ngài cương quyết giữ im lặng, không bình luận gì trước công chúng về lá thư của Đức Giáo Hoàng.

Mặc dù tin rằng cả hai vị trên nên bị tước bỏ chức vụ, một giáo dân có kiến thức bên trong của Giáo Hội Chile nói với Crux: ông có đủ bằng chứng để tin rằng cả Hồng Y Ezzati lẫn Đức Tổng Giám Mục Scalpolo đã làm mọi thứ có thể để cung cấp thông tin cần thiết cho Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn khác nhau và thậm chí trên phương tiện truyền thông xã hội, một số nạn nhân của Cha Karadima đã nhấn mạnh rằng cả ba vị trên phải chịu trách nhiệm đối với việc thông tin sai lạc cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Sean P. O'Malley của Boston, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên, đã trao tận tay Đức Giáo Hoàng một lá thư của Cruz, một trong các nạn nhân, trong đó, anh ta kể chi tiết các hành vi lạm dụng mà anh từng chịu đựng và vai trò của Đức Cha Barros.

Đức Hồng Y O’Malley là người, sau khi Đức Phanxicô nói các cáo buộc chống lại Đức Cha Barros là một "vu khống", đã ra một tuyên bố nói rằng ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng gây cho các nạn nhân "nỗi đau lớn" là điều dễ hiểu.

Lá thư của Cruz đã được bốn thành viên của ủy ban giáo hoàng trao cho Đức Hồng Y O’Malley vào đầu năm 2015; họ là những người đã gặp các nạn nhân của Cha Karadima.

Thư từ giữa Đức Hồng Y Errázuriz và Đức Hồng Y Ezzati, bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông Chile năm ngoái, cho thấy rõ hai vị này đã quyết tâm ngăn chặn việc nêu tên nạn nhân bị lạm dụng Cruz cho ủy ban giáo hoàng.

Người cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là linh mục dòng Tên ngườiTây Ban Nha, tên là Germán Arana. Các báo cáo về vai trò của vị này trong việc bổ nhiệm Đức Cha Barros đã có từ năm 2015, khi có tiết lộ cho rằng vị giám mục này đã có một tĩnh tâm kéo dài một tháng vào tháng Giêng do Cha Arana hướng dẫn. Ngay sau đó, có báo cáo cho rằng linh mục này đã đến Rôma, nơi ngài gặp Đức Phanxicô và đưa ra nhận xét tích cực về Đức Cha Barros.

Sau đó người ta thấy vị linh mục này ở Osorno, trong Thánh lễ tấn phong Đức Cha Barros, một buổi lễ đã bị cắt ngắn vì những cuộc biểu tình bên trong và bên ngoài nhà thờ địa phương.

Phúc trình Colazzi năm 2012

Chuyến thăm Chile và New York của Đức Tổng Giám Mục Scicluna, nơi ngài gặp 64 người, nhiều người là nạn nhân, và không phải tất cả đều liên quan đến vụ Karadima, đã được miêu tả là đánh dấu một sự thay đổi thái độ nơi Đức Phanxicô.

Mặc dù vẫn chưa rõ, nhưng nội dung bản tường trình của Đức Tổng Giám Mục Scicluna rõ ràng đã ảnh hưởng nhiều đến Đức Giáo Hoàng đến nỗi đã dẫn ngài tới chỗ viết lá thư đến Chile và tiếp cận với nạn nhân sau một tuần nhận được các tài liệu cuối cùng.

Nhưng đó không phải là tường trình đầu tiên mà một vị giáo hoàng đã yêu cầu phải thực hiện đối với một cựu thành viên của nhóm thân cận với cha Karadima.

Trong khoảng thời gian từ ngày 4 tới ngày 8 tháng 12 năm 2011 và từ ngày 25 tới ngày 28 tháng 1 năm 2012, Vị giám mục người Uruguay là Carlos Colazzi đã tới Chile để phỏng vấn gần 45 linh mục - trong đó có bốn giám mục - lúc đó là thành viên của “Hiệp Hội Linh Mục Thánh Tâm” được thành lập vào những năm 1920 và cuối cùng đã nằm dưới sự kiểm soát của Cha Karadima.

Phạm vi của chuyến viếng thăm trên là đánh giá quá trình đào tạo các thành viên của Hiệp Hội và tính minh bạch tài chính của nhóm.

Năm 2010, khi các cáo buộc chống lại vị linh mục lạm dụng lần đầu tiên trở thành công khai (một trong những nạn nhân đã báo cáo cho giáo phận năm 2003), mười linh mục quyết định bỏ Hiệp Hội, lúc đó đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Cha Andrés Arteaga, một trong bốn bị bị cáo buộc tội che đậy.

Bản tường trình của Đức Cha Colazzi được mô tả với Crux, nhẹ nhất, cũng là "hời hợt". Trong cuộc viếng thăm, vị giám mục đã nói chuyện với từng thành viên của Hiệp Hội trong khoảng “30, 40 phút”.

Bản tường trình, được gửi đến Vatican, chưa bao giờ được công bố. Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Crux: nó chứa một số khuyến cáo. Có tường trình cho rằng một trong số khuyến cáo này gợi ý với Đức Hồng Y Ezzati rằng ngài không nên triệt hạ hiệp hội, để, nếu có những cáo buộc từ các nạn nhân của Cha Karadima, họ sẽ kiện hiệp hội chứ không phải giáo phận.

"Đó là một nỗ lực để bảo vệ Giáo Hội như một định chế, thay vì đứng về phía các nạn nhân," một trong những linh mục vốn được Cha Karadima hướng dẫn tinh thần nói với Crux hôm thứ Năm. "Tận thẳm sâu, các giám mục coi các nạn nhân như kẻ thù của Giáo Hội và đối xử với họ như thế".

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Ezzati đã quyết định bãi bỏ hiệp hội trước khi có tường trình của Đức Cha Colazzi. Các nhân chứng cho rằng ngài không tự ý làm điều trên.

"Tổng giáo phận không có khả năng chào đón các nạn nhân", một linh mục thứ hai, một cựu thành viên của hiệp hội nói với Crux hôm thứ Hai. “Tôi biết rõ hai nạn nhân. Họ là những người rất tốt. Nếu họ tìm được sự hỗ trợ của Giáo Hội mà họ cần sau khi việc kết án đã được công bố, thì chúng ta đã có thể làm việc với họ một cách chặt chẽ chống lại việc giáo sĩ lạm dụng trong tám năm qua rồi”. Vị linh mục thứ hai nói rằng hàng giáo phẩm đã chọn "bảo vệ định chế chứ không phải người dân của nó".

Giáo dân Alejandro Álvarez, một luật sư và phát ngôn viên của Tiếng Nói Công Giáo Chile, nói với Crux rằng Giáo Hội Công Giáo ở nước ông cần "thay đổi mô hình" để đảm bảo rằng con người chứ "không phải định chế" phải luôn ở trung tâm mọi sự, đặc biệt khi nói đến các nạn nhân của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Álvarez nói rằng nếu có sự thay đổi mô hình, thì "sẽ có nhiều thay đổi, [kể cả] các vụ từ chức." Các nỗ lực của Crux nhằm tiếp cận với Đức Cha Colazzi bằng email và điện thoại đã không được trả lời.

Dù sao, Cha Karadima là ai, và ý thức hệ có liên hệ gì với cuộc khủng hoảng?

Bị Tòa Thánh kết tội vào năm 2011 và kết án phải sống một cuộc sống “thống hối và cầu nguyện”, Cha Karadima chưa bao giờ bị tòa án nào của Chilê kết án do các giới hạn về thời hiệu của quốc gia này.

Cho đến nay, người ta không biết có bao nhiêu người bị Cha Karadima lạm dụng tình dục. Có người cho rằng số người bị lạm dụng về tâm lý, nạn nhân của việc vị này lạm dụng quyền lực, hoặc những người bị thao túng lương tâm bởi linh mục này có khi còn lớn hơn nữa.

Trong số những người bị Cha Karadima lạm dụng quyền lực có Cha Samuel Fernández, người đã nói chuyện với Crux trên điện thoại hôm thứ Sáu. Ngài thừa nhận rằng khi các cáo buộc lạm dụng tình dục xuất hiện lần đầu tiên, ngài nghi ngờ, "không phải vì Cha Karadima là một vị thánh", mà vì người lạm dụng là linh hướng của ngài trong nhiều năm, và ngài bị đắm chìm trong bầu không khí, rất khó nhận ra sự lạm dụng”.

Theo ngài, các chuyên gia về lạm dụng chứng minh rằng những người gần gũi nhất với một tình huống đôi khi khó có thể chấp nhận được các cáo buộc khi chúng xuất hiện lần đầu tiên. Tuy nhiên, tới lúc bản án của Vatican được đưa ra, Cha Fernández đích thân tin rằng vị linh hướng của ngài quả mang tội lạm dụng tình dục, một kết luận ngài đạt được sau khi thấy không những tính trầm trọng của vụ án mà cả sự thật trong các cáo buộc nữa.

Ngài nói: "Hôm nay, tôi không thể hiểu tại sao phải mất quá lâu như thế tôi mới tin [Cha Karadima phạm tội]. Khi ai đó hỏi tôi, tôi nói với họ sự thật: Tôi không hiểu chính bản thân mình".

Cha Karadima là một người cực kỳ có quyền lực. Giáo xứ mà ngài điều hành luôn đầy những người, với Thánh lễ hàng đêm lúc 8 giờ chỉ còn chỗ đứng. Có hàng tá ơn gọi làm linh mục phát xuất từ đó, và các giám mục Santiago thường đến El Bosque để người ta thấy mình được hiện diện với ngài.

Một nguồn tin nói với Crux hôm thứ Hai: "Tất cả mọi thứ cho thấy những gì xảy ra ở đó đều tốt cả. Bạn đến El Bosque, và một quá trình lừa đảo thiêng liêng sẽ bắt đầu. Cuối cùng ngài sẽ đặt bạn dưới sức lôi cuốn của ngài qua việc linh hướng, sử dụng các trích dẫn [ngoài ngữ cảnh] từ huấn quyền của Giáo Hội và nhiều vị thánh về các vấn đề như vâng lời, khiêm nhường và tội kiêu ngạo”.

Mô tả trên xuất phát từ một linh mục thứ ba từng thuộc về hiệp hội linh mục của Cha Karadima.

Linh mục này nói "Một số người sống ‘con đường dẫn đến thánh thiện’của Cha Karadima một cách hạnh phúc, trong khi những người khác nổi loạn rất mạnh ở bên trong, nhưng chúng tôi chấp nhận những gì đang xảy ra lúc ấy vì nghĩ rằng đó là thánh ý của Thiên Chúa".

Trong thời điểm này, hầu như không thể biết ai đã nói với Đức Giáo Hoàng điều gì về Cha Karadima và các đồng minh giám mục của ngài, trừ khi chính Đức Phanxicô quyết định lên tiếng.

Một linh mục được Cha Karadima linh hướng trong bốn năm, và là một trong những người đầu tiên tin các cáo buộc chống lại vị này vào năm 2010, nói rằng một phần lỗi trong việc thông tin sai lạc cho Đức Giáo Hoàng là sự kiện: Cha Karadima luôn là một "nhân vật gây chia rẽ lớn" trong Giáo hội ở Santiago.

Vị này nói rằng: "Khó có thể tin được, có nhiều người ghét ngài vì lý do ý thức hệ hơn là vì những tội ác mà ngài đã phạm".

Những lý do ý thức hệ này bắt nguồn từ sự kiện này: Cha Karadima là một linh mục khuynh hữu, và thừa tác vụ mà ngài lãnh đạo từ giáo xứ giàu có El Bosque bị nhiều người coi như là một phản ứng bảo thủ chống lại các thay đổi do Công đồng Vatican II đề xuất trong thập niên 1960.

Không phải để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, nhưng để cố gắng giải thích ngài phát xuất từ đâu, nguồn tin nói rằng rất có thể các "thông tin có tính ý thức hệ" đã dẫn Đức Phanxicô, năm 2015, nói rằng những người ở Giáo phận Osorno phản đối Đức Cha Barros đã được "những người theo chủ nghĩa cánh tả sỏ mũi".

Ngày nay, có một số giám mục trong Giáo Hội tại Chile là các Giám Mục Phụ Tá của Santiago trong thời kỳ cao điểm của Cha Karadima. Cũng có nhiều linh mục được đào tạo bởi Cha Karadima, và còn nhiều hơn nữa đã nhập chủng viện ở Santiago khi, trong gần một thập niên, nó được điều hành bởi một trong những đồng minh thân cận nhất của Cha Karadima.

Cũng có lời khai có tuyên thệ rằng trong thập niên 1980, hai giám đốc chủng viện đã đến với Đức Tổng Giám Mục Santiago để nói về sự lạm dụng quyền lực của Cha Karadima. Theo lời khai được công bố năm 2015 bởi hãng tin The Clinic ở Chile, một trong 2 vị đã gửi đi một bản tường trình trình bầy chi tiết các cáo buộc này.

Theo linh mục thứ ba đã nói chuyện với Crux, người tự mô tả như là nạn nhân của việc Cha Karadima thao túng cảm xúc và tâm lý, nhưng không phải là nạn nhân của lạm dụng tình dục, tác động của kẻ lạm dụng đối với những người ngài vốn chỉ dạy cho rất khác nhau tùy thuộc vào tình trạng xúc cảm của họ và sự hỗ trợ họ có được ở bên ngoài giáo xứ, hoặc từ gia đình, bạn bè, các linh mục khác hoặc thậm chí các nhà tâm lý học.

Vị linh mục này nói: "Họ càng yếu đuối, ngài càng gây hại cho họ nhiều hơn”.

Cha Karadima chỉ là đỉnh của tảng băng sơn?

Vì chính Đức Phanxicô yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Scicluna điều tra sâu xa hơn vụ Đức Cha Barros, một cuộc điều tra đã dẫn đến việc ngài gửi 1 lá thư cho các giám mục Chile, nên đương nhiên lá thư này tập chú gần như hoàn toàn vào Cha Karadima và các giám mục mà vị linh mục này dìu dắt.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết, điều trên có thể gây hiểu lầm. Nhất trí với nhiều người được Crux phỏng vấn, Cha Fernadez cho rằng vấn đề ở giáo xứ El Bosque là một vấn đề thực sự quan trọng, và theo quan điểm truyền thông, nó mang tính biểu tượng. Có người gọi Cha Karadima là "một con quái vật".

Tuy nhiên, theo Cha Fernández, đây không phải là một vụ duy nhất, thậm chí không phải là vụ nghiêm trọng nhất. Vì “Những người khiếu nại vụ án Karadima đã thực sự trở thành tiếng nói của nhiều người”.

Ngài cho rằng cần phải lưu ý tới phạm vi và chiều sâu của cuộc khủng hoảng, và về vấn đề này, việc từ chức của Đức Cha Barros gần như chỉ có tính phụ thuộc.

Bốn giám mục được Cha Karadima đào tạo có thể từ chức nay mai, như năm giám mục Chile khác, những vị đã trên 75 tuổi. Tuy nhiên, vì sự kiện Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã nói chuyện với 64 người, trình bày một bản tường trình dài 2.300 trang và Đức Phanxicô triệu 32 giám mục đang hoạt động mục vụ đến Rôma chứ không phải chỉ có Đức Cha Barros và Đức Hồng Y Ezzati, nên vấn đề hiển nhiên có tính sâu xa hơn nhiều.

Cha Fernandez vì thế cho rằng: "Đối với tôi, có lẽ sẽ là một tin tức lớn nhất từ trước đến nay nếu mọi thứ tập trung vào một trường hợp, nhưng thật không may, nó không phải như vậy". Ngài nói thêm: việc giáo sĩ lạm dụng tình dục xuất phát từ cả những người tiến bộ lẫn những người bảo thủ, vì vậy nó cũng không phải là một vấn đề có tính ý thức hệ.

Một vị khác trong số các linh mục được Cha Karadima chỉ dạy cũng đồng ý như thế. Vị này cho rằng phạm vi của cuộc khủng hoảng vượt ra ngoài giáo xứ El Bosque. Theo vị này, trong các vị giáo phẩm, có một số vị muốn sự chú ý tiếp tục nhắm vào Cha Karadima để các trường hợp khác tiếp tục không bị lưu ý.

Tuy nhiên, tính đến tháng 1 năm 2018, đã có tổng cộng 80 linh mục, từng làm việc tại Chile, một số vị là các nhà truyền giáo từ nước ngoài, nhiều vị là người địa phương, đã bị cáo buộc có những hành vi sai trái về tình dục trong 15 năm qua. Theo tờ La Tercera, một trong những cơ quan thông tin lớn ở Chile, 45 vị bị lên án bởi tòa án dân sự hoặc tòa án giáo hội, 34 vị vì lạm dụng trẻ vị thành niên.

Bởi thế, theo Cha Fernabdez, Đức Cha Barros, Cha Karadima và tất cả những vị nói trên là chủ đề “quan trọng” trong các cuộc gặp gỡ tháng Năm. Vì trong khoảng thời gian quá dài vừa qua, các giáo sĩ địa phương khắp Châu Mỹ Latinh đã quen với việc không đưa ra các lời giải thích cho bất cứ ai, và nay là lúc phải tính sổ.

Cha cho rằng có một cảm thức miễn nhiễm (immunity) nào đó, và đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, liên quan đến cung cách Giáo Hội Công Giáo được nhận định. Theo Cha,"Chúng ta cần phải nhìn nhận các sai lầm mà chúng ta đã phạm phải, và nếu cần các biện pháp trừng phạt, thì các biện pháp này cần được áp đặt."

Nhiều người trong hàng ngũ giáo dân đồng ý.

Một giáo dân làm việc chặt chẽ với các giám mục cũng đã nói chuyện với Crux hôm thứ Năm. Ông nói rằng cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Chile có thể so sánh với cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ và Ái Nhĩ Lan.

Theo ông, không phải chỉ vì các linh mục lạm dụng đã được chuyển từ giáo xứ này sang giáo xứ khác, mà bởi vì có một bộ máy đã được xây dựng để che đậy cho họ. Ông cho rằng cần có các biện pháp để Giáo Hội thừa nhận rằng thứ văn hóa nhằm bảo vệ định chế này có tính tự hủy hoại.

Tiền lệ cho những gì sẽ xảy ra ở Rôma

Mặc dù Đức Phanxicô đã gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trước đây, kể cả ở Chile, cuộc gặp gỡ tuần này có tính độc đáo theo nghĩa đây là lần đầu tiên một giáo hoàng gặp một nhóm nạn nhân mà ngài từng cho là “vu khống”. Ngài đã thừa nhận sai lầm của mình, và có lẽ sẽ xin lỗi một lần nữa không chỉ vì sự sai trái của Giáo hội mà là của riêng ngài nữa.



Vào sáng thứ Tư, phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, đã ra một tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng cảm ơn ba nạn nhân đã chấp nhận lời mời của ngài.

Ông Burke nói rằng "Trong những ngày có các cuộc gặp gỡ bản thân và huynh đệ này, ngài muốn xin lỗi, chia sẻ nỗi đau và sự xấu hổ của họ về những gì họ đã phải chịu đựng và, trên hết, để lắng nghe mọi đề nghị họ có thể đạo đạt để tránh việc lặp lại những hành vi đáng trách này”.

Ông Burke cũng nói rằng Đức Giáo Hoàng xin cầu nguyện cho Giáo hội ở Chile, hy vọng rằng những cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra trong "bầu khí tin tưởng đầy thanh thản" và chúng sẽ trở thành một "bước chủ yếu để sửa chữa và tránh mãi mãi các cuộc lạm dụng lương tâm, quyền lực và đặc biệt là những cuộc lạm dụng có tính chất tình dục ”trong Giáo Hội.

Khi nói đến việc các giám mục của cả một quốc gia được mời tới Rôma ngoài chuyến thăm Mộ Hai Thánh Phêrô và Phaolô (ad limina) 5 năm một lần theo lệ thường ra, điều này hiếm hoi nhưng không hẳn là chưa từng có.

Hồi tháng 4 năm 2002, mười hai Hồng Y và vị chủ tịch cùng phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gặp nhau ở Rôma để đặt nền cho cuộc gặp gỡ toàn thể các giám mục Hoa Kỳ, diễn ra vào cuối năm đó tại Dallas. Cuộc gặp gỡ này đã bàn tới việc phải soạn thảo ra sao các chính sách để giải quyết các cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em chống lại các linh mục.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có mặt tại cuộc họp ở Rôma, nhưng chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã giúp cứu chính sách "tuyệt đối không khoan nhượng", một chính sách được các giám mục ủng hộ tại Dallas, và trước đó bị kháng cự bởi ba trong bốn bộ sở có liên hệ ở Vatican.

Năm 2010, Đức Bênêđíctô đã triệu tập tất cả các giám mục Ái Nhĩ Lan đến Rôma để thảo luận về các tường trình của Ryan và của Murphy về tình trạng lạm dụng trẻ em rất phổ biến.

Tường trình đầu tiên đã gây nên một cuộc tranh cãi sâu rộng đối với các phát hiện cho rằng việc lạm dụng tình dục và tâm lý có tính “địa phương” trong các trường công nghiệp và viện mồ côi do Giáo Hội điều khiển ở Ái Nhĩ Lan trong hầu hết thế kỷ 20.

Tường trình thứ hai là kết quả của một cuộc điều tra được thiết lập vào năm 2006 để xem xét cách Giáo hội và các cơ quan nhà nước xử lý các cáo buộc lạm dụng trẻ em chống lại 46 linh mục trong giai đoạn từ năm 1975 đến 2004. Được công bố vào năm 2009, tường trình này thấy rằng Giáo hội đã đặt danh tiếng của mình lên trên việc bảo vệ trẻ em dưới sự chăm sóc của mình và các cơ quan nhà nước đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc che đậy bằng cách cho phép Giáo Hội hành động ngoài pháp luật.

Sau buổi họp mặt đó, Đức Bênêđíctô đã ban hành một bức thư mục vụ quan trọng, trong đó ngài xin lỗi các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục lúc còn vị thành niên vì các "lỗi lầm nghiêm trọng" của các nhà chức trách Giáo hội Ái Nhĩ Lan. Ngài cũng công bố một cuộc điều tra chính thức của Vatican đối với các giáo phận, các chủng viện và các hội dòng tại Ái Nhĩ Lan, từng bị ảnh hưởng bởi vụ tai tiếng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh, lúc đó là tổng thư ký của hội đồng giám mục Ái Nhĩ Lan, đã đưa ra một lời khuyên cho cuộc họp sắp tới, không nhằm nói với các giám mục Chile mà nhằm nói với Vatican, và sau cùng nói với Đức Giáo Hoàng: “Hãy lắng nghe”.

Thừa nhận rằng ngài không "thực sự biết nhiều chi tiết" về trường hợp ở Chile, nhưng ngài cho Crux biết: cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđictô XVI là "một thời điểm rất quan trọng đối với Tòa Thánh, để nghe từ những người ở hiện trường về thực tại của những cuộc vật lộn với vấn đề này”.

Vào thời điểm đó, ngài cho hay: "đôi khi các phương tiện truyền thông trình bầy rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã triệu các giám mục Ái Nhĩ Lan để khiển trách" và theo Đức Tổng Giám Mục Martin, các giải thích tương tự đối với cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và các giám mục Chile cũng sẽ sai lầm như thế.

Ngài nói với Crux ngày 17 tháng Tư vừa qua rằng "Điều thực sự quan trọng đối với Giáo hội ở Rôma là lắng nghe, lắng nghe đủ loại lo lắng, cách vấn đề này đã gây chấn thương cho các nạn nhân và người sống sót ra sao, nó gây chấn thương cho các gia đình, cho giáo xứ của họ ra sao”.

Đức Tổng Giám Mục Martin nói rằng việc lạm dụng tình dục có một "tác động khủng khiếp", phá hủy mọi thứ nó chạm vào trong nhiều thế hệ, do đó ngài tin rằng điều rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng và các thánh bộ của Vatican là nghe "một Giáo hội ở một nơi như Chile hay Ái Nhĩ Lan" xem họ "vật lộn ra sao với thực tại khủng khiếp này. Một thực tại đã xé nát mọi thứ. Một thực tại đã phản bội lòng tin mà Giáo hội vốn dựa vào”.

Ngài nói thêm “Những sai lầm và những điều khủng khiếp đã xảy ra ở tất cả các cấp trong Giáo Hội, và điều rất quan trọng là điều này phải được nghe ở chính trung tâm Giáo Hội”.
 
Bé Alfie Evans đã qua đời vào sáng sớm ngày thứ Bảy 28 tháng Tư
Thúy Dung
04:06 28/04/2018
Alfie đã chết vào sáng sớm ngày thứ Bảy 28 tháng Tư sau một trận chiến pháp lý bi thảm.

Alfie Evans, đứa trẻ bị bệnh nặng, mà hoàn cảnh làm xúc động hàng ngàn người trên khắp thế giới, đã chết trong những giờ đầu sáng thứ Bảy.

Tom Evans, cha của Alfie, cho biết tin buồn trên trong một bài đăng trên Facebook: “Đấu sĩ của tôi đã bỏ chiếc khiên của mình xuống và chắp đôi cánh của mình bay lên lúc 02:30 ... hoàn toàn đau khổ. Cha yêu con, anh chàng của tôi.”
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tại Chí Lợi
Đặng Tự Do
06:39 28/04/2018
Chiều thứ Sáu 27 tháng Tư, ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã đưa ra một tuyên bố bằng tiếng Tây Ban Nha về các cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với các nạn nhân của việc lạm dụng tình dục tại Chí Lợi.

Ông Greg Burke nói rằng từ chiều thứ Sáu Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu “các cuộc gặp gỡ cá nhân với các nạn nhân”.

Theo “mong muốn của Đức Thánh Cha”, sẽ không có thông tin chính thức về các cuộc họp này.

Ưu tiên của Đức Thánh Cha là “lắng nghe các nạn nhân, xin họ tha thứ và tôn trọng tính bảo mật” của các cuộc gặp gỡ này.

Ông Greg Burke mô tả bầu khí trong các cuộc gặp gỡ này là nhằm tạo ra như một “niềm tin và sự đền bù cho những khổ đau”. Sau đó, ông lặp lại những gì đã được thông báo vào hai ngày trước đó, tức là hôm thứ Tư 25 tháng Tư, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cho phép mỗi người được mời có thể trình bày vụ việc “bao lâu cần thiết”, không giới hạn về thời gian. Do đó, không có “lịch hẹn cố định” hoặc các “chủ đề được thiết lập trước” trong các cuộc gặp gỡ.

Ba người bị lạm dụng được gặp Đức Thánh Cha trong dịp này là Juan Carlos Cruz, James Hamilton và Jose Andrés Murillo. Ông Burke nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng biết ơn họ đã chấp nhận lời mời.
Source: Vatican News - Burke names Chilean abuse survivors attending papal meeting
 
Toàn văn Tuyên bố chung Thượng đỉnh liên Triều ngày 27.4.2018
VOA
10:04 28/04/2018
Trong thời khắc chuyển giao lịch sử quan trọng trên bán đảo Triều Tiên, phản ánh khát vọng lâu dài về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của người dân Triều Tiên, Tổng thống Cộng hoà Triều Tiên (Nam Triều Tiên) Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) Kim Jong Un đã họp Thượng đỉnh liên Triều tại Nhà Hòa Bình ở Bản Môn Ðiếm ngày 27/4/2018.

Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân [hai miền] Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.

Lãnh đạo hai nước, chia sẻ cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt chia rẽ và đối đầu lâu nay từ thời Chiến tranh Lạnh, quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện quan hệ liên Triều và tuyên bố tại địa điểm lịch sử Bản Môn Ðiếm:

1.- Nam và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.

(1) Nam và Bắc Triều Tiên khẳng định nguyên tắc tự quyết định vận mệnh của dân tộc Triều Tiên và đồng ý thúc đẩy thời khắc quyết định để cải thiện quan hệ liên Triều bằng cách thực thi đầy đủ các thỏa thuận và tuyên bố hiện có mà hai nước đã thông qua.

(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý sẽ tiến hành đối thoại và đàm phán cấp cao trong nhiều lĩnh vực và thực thi những biện pháp tích cực để đạt được các thỏa thuận đạt được tại Thượng đỉnh.

(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thiết lập một văn phòng tùy viên chung với đại diện thường trú của cả hai bên đặt tại Gaeseong để có thể cung cấp tham vấn xác thực giữa hai chính phủ cũng như thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa nhân dân hai nước.

(4) Nam và Bắc và Triều Tiên đồng ý khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm hỏi và liên lạc ở tất cả các cấp một cách tích cực hơn nhằm hồi sinh tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc. Ở Triều Tiên, hai bên sẽ khuyến khích bầu không khí hòa bình và hợp tác bằng cách tổ chức các sự kiện chung của cả hai nước, như ngày 15/6 với sự tham gia của chính phủ, quốc hội, các đảng phái chính trị và các tổ chức dân sự. Trên bình diện quốc tế, hai bên nhất trí thể hiện sự đoàn kết, trí tuệ và tài năng chung bằng cách cùng tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế như Đại hội thể thao châu Á 2018.

(5) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý nhanh chóng giải quyết các vấn đề nhân đạo do việc chia đôi đất nước gây ra và sẽ tổ chức cuộc họp Hội Chữ thập Đỏ liên Triều để giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm việc đoàn tụ các gia đình ly tán. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý đẩy mạnh chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán nhân dịp đánh dấu Ngày Giải phóng Dân tộc 15/8 năm nay.

(6) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực tham gia các dự án mà hai bên đã ký kết trong Tuyên bố ngày 4/10/2007, để thúc đẩy sự cân bằng về phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho dân tộc. Bước đầu, hai bên đồng ý tiến hành các bước đi thiết thực hướng tới việc nối kết và hiện đại hóa các tuyến đường bộ và đường sắt dọc theo hành lang vận tải phía Đông và giữa Seoul và Sinuiji.

2.- Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

(1) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển – là những nguyên nhân gây căng thẳng quân sự và dẫn đến xung đột. Trên tinh thần đó, cả hai bên đồng ý biến khu phi quân sự [DMZ] thành khu hòa bình bằng một quyết tâm thực sự bắt đầu bằng việc chấm dứt mọi hành động thù địch, bao gồm việc chấm dứt phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn tại khu vực dọc theo Đường Phân giới Quân sự, bắt đầu từ ngày 1/5.

(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý lập kế hoạch biến khu vực xung quanh Đường Biên giới phía Bắc ở Biển Tây thành vùng biển hòa bình để tránh nguy cơ va chạm quân sự ngoài mong muốn và đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt cá của ngư dân của cả hai miền.

(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý xúc tiến các biện pháp quân sự để đảm bảo việc liên lạc, thăm hỏi, trao đổi và hợp tác diễn ra tích cực. Hai bên đồng ý tiến hành các cuộc gặp thường xuyên giữa giới chức quân đội hai nước, bao gồm các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng để có thể đối thoại và giải quyết ngay lập tức các vấn đề về quân sự giữa hai bên. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý tiến hành các cuộc đối thoại quân sự đầu tiên ở cấp tướng lãnh vào tháng 5.

3.- Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn hơn nữa.

(1) Nam và Bắc Triều Tiên tái khẳng định Hiệp ước không có những hành động thù địch nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào và đồng ý tuân thủ chặt chẽ hiệp ước này.

(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý giải trừ vũ khí theo từng đợt ngay khi căng thẳng quân sự hạ giảm và tạo được những bước tiến vững chắc trong việc tạo dựng niềm tin quân sự giữa hai bên.

(3) Vào dịp đánh dấu 65 năm Hiệp ước đình chiến, Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thúc đẩy các cuộc gặp ba bên, gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, và có thể là cuộc họp bốn bên bao gồm cả Trung Quốc để đi đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn.

(4) Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Nam và Bắc Triều Tiên chia sẻ quan điểm rằng, các biện pháp do Bắc Triều Tiên khởi xướng rất có ý nghĩa và thiết yếu cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý thực thi vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề này. Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực mưu tìm sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý, thông qua các cuộc họp thường xuyên, các cuộc điện đàm trực tiếp, sẽ tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên và thẳng thắn về những vấn đề quan trọng của dân tộc, củng cố lòng tin lẫn nhau để tạo dựng động lực tích cực cho quan hệ liên Triều nhằm đem lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Trên tinh thần đó, Tổng thống Moon Jae-in đồng ý đi thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay.

Ngày 27 tháng 4, 2018

Tại Bản Môn Ðiếm
 
Lần đầu tiên Cha Tuyên Uý Quốc Hội Hoa Kỳ bị sa thải.
Nguyễn Long Thao
10:55 28/04/2018
Các hãng truyền thông của Mỹ, trong bản tin chiều ngày thứ Sáu 26 tháng 4 năm 2018, đều đưa tin vị Linh Mục tuyên úy quốc Hội Hoa Kỳ bị Chủ Tịch Hạ Viện sa thải.

Theo tin của hãng thông tấn CBS, cách đây 10 ngày, cha Pat Conroy, tuyên uý Quốc Hội Hoa Kỳ, đột nhiên từ chức và cho biết cha bị ông Chủ Tịch Quốc Hội Hoa Kỳ, Paul Ryan, ép buộc từ chức.

Trước nguồn tin này, hơn 150 vị dân biểu thuộc lưỡng đảng Dân Chủ và Công Hòa đều lên tiếng đòi hỏi ông Paul Ryan phải giải thích lý do.

Dân biểu Peter King thuộc đảng Cộng Hòa tiểu bang New York nói: Cha Pat Conroy là vị tuyên úy đầu tiên của Quốc Hội Hoa Kỳ bị sa thải giữa nhiệm kỳ gây nên một vấn nạn nghiêm trọng và tôi nghĩ, các dân biểu cần phải được nghe lời giải thích rõ ràng hơn của ông Chủ Tịch Quốc Hội.

Còn dân biểu Gerry Connolly, thuộc đảng Dân Chủ thuộc tiểu bang Virginia, phát biểu: “Tôi thật xúc động khi nghe tin cha Tuyên Uý bị sa thải.”

Cha Pat Conroy năm nay 67 tuổi, là vị tuyên úy của Quốc Hội Hoa Kỳ từ năm 2011. Nhiệm vụ của cha là đọc lời cầu nguyện trước các phiên họp Quốc Hội Hoa Kỳ.

Một số dân biểu cho rằng, cha Pat Conroy bị sa thải vì vào dịp quốc hội Hoa Kỳ họp bàn luật thuế lợi tức, cha đã cầu nguyên như sau:

“Xin cho nỗ lực của các dân biểu trong những ngày này bảo đảm rằng không có người chiến thắng và kẻ thua cuộc, nhưng lợi ích được cân bằng và chia sẻ cho mọi người”.

Luật thuế mới đã được ban hành và đảng Dân Chủ cho rằng luật thuế chỉ có lợi cho người giầu. Như vậy, có phải vì lời cầu nguyện “xin cho lợi ích được cân bằng và chia sẻ cho mọi người” mà Linh Mục Tuyên Uý bị Chủ Tịch Ha Viện Paul Ryan sa thải”?

Để giải thích lý do cha Tuyên Uý bị sa thải, hôm thứ Sáu, 27 tháng 4 năm 2018, ông Paul Ryan cho các dân biểu Cộng Hòa biết việc sa thải Linh Mục Tuyên Uý Pat Conroy, không liên hệ gì tới lới kinh cầu nguyện của cha trong dịp khai mạc các buổi thảo luận về luật thuế mới, mà vì được nghe nói cha đã không đáp ứng được nhu cầu tinh thần của các nhà lập pháp.

Cha Pat Conroy từ chối trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn CBS nhưng nói với tờ New York Times rằng cha không đưa ra lời giải thích chính thức về vụ sa thải vì muốn nhắc nhở mọi người rằng chính trị và tôn giáo không được lẫn lộn, nhất là ở Washington.

Nguyễn Long Thao.
 
ĐGH Phanxicô kêu gọi chăm sóc sức khỏe cho mọi người, nhất là những người bên lề xã hội.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:06 28/04/2018
(Vatican News) Hôm nay Thứ Bẩy, ngày 28 tháng Tư năm 2018, ĐGH đã nói chuyện với khoảng 500 người tham dự buổi bế mạc hội nghị quốc tế từ ngày 26-28 tháng Tư tại Vatican để thảo luận về ảnh hưởng của khoa học và kỹ thuật mới đối với xã hội và văn hóa.

ĐGH khuyến khích mọi người từ các quan niệm sống, văn hóa, xã hội và tôn giáo khác nhau hãy suy tư và chia sẻ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe của họ và cùng cam kết chăm sóc cho những người bệnh và đau khổ, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn về văn hóa và xã hội.

Hội nghị có tên là “Đoàn Kết để Chữa trị” được tổ chức bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa của Tòa Thánh với sự phối hợp của Hội Cura, khoa học, kỹ thuật, Khoa Học với Đức Tin và nghiên cứu Tế Bào Gốc.

Hội nghị gồm các nhà chuyên môn trong những lãnh vực về sức khỏe, truyền thông, giải trí, kỹ thuật cũng như các tổ chức của niềm tin tôn giáo và đại diện các chính phủ.

Phòng bệnh.

ĐGH đề nghị việc phòng bệnh là bước đầu tiên để chăm lo cho sức khỏe và khuyến khích một lối sống cân bằng, cũng như lưu tâm đến sự tác hại của hút thuốc lá, uống rượu và các độc tố thải vào trong không khí, trong nước và trong đất.

Chấn chỉnh và chữa trị.

Nhắc lại chủ đề “chấn chỉnh và chữa trị” mà các tham dự viên đã thảo luận, ĐGH tỏ ra hài lòng về những chữa trị mới, nhất là những loại bệnh ít thấy như tự miễn dịch và thoái hóa thần kinh. Ngài nói rằng những tiến bộ trong nghiên cứu tế bào và trong lãnh vực y khoa tái tạo thay thế đã mở ra những chân trời mới cho những lãnh vực chấn chỉnh mô và pháp liệu thử nghiệm.

Di Truyền học.

ĐGH cũng kêu gọi sự tôn trọng vì lợi ích của nhân loại và ý thức trách nhiệm đạo đức trong lãnh vực di truyền là sự “có thể thay đổi DNS của chúng ta.” Trong lúc chăm sóc cho người bệnh và đau khổ, chúng ta không được quên nguyên tắc cơ bản này là “không phải mọi kỹ thuật hay phương pháp nào có thể làm để chữa trị đều được chấp nhận về mặt đạo đức.” ĐGH nhắc lại lời của Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI rằng “Biện pháp tiến bộ thực sự là biện pháp dẫn tới “lợi ích cho mọi người và cho toàn thể nhân loại.”

Chuẩn bị cho tương lai.

Để chuận bị tương lại, ĐGH nhắc về “ trách nhiệm của chúng ta đối với nhau và mọi loài thụ tạo.” Sức khỏe con người cũng cần được xem xét trong khả năng của chúng ta để duy trì và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Tất cả mọi người cần được quan tâm, nhất là những người đang gặp khó khăn về xã hội và văn hóa mà bị dọa đến sức khỏe của họ cũng như đến việc được sự chăm thích hợp.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Nghi án văn học: Văn hào William Shakespeare là một người Công Giáo thầm lặng
Đặng Tự Do
19:19 28/04/2018
Văn hào William Shakespeare sinh ngày 26 tháng Tư 1564 và qua đời vào ngày 23 tháng Tư 1616. Ông là một nhà thơ, một nhà soạn kịch và là một diễn viên. William Shakespeare được xem là một đại văn hào văn chương Anh.

Tuần qua là đánh dấu 402 năm ngày mất của William Shakespeare. Ông được chôn cất vào ngày 25 tháng 4 năm 1616, cùng nơi ông chịu phép Rửa Tội khoảng 52 năm trước đó trong Nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Stratford-upon-Avon. Ông được nhiều người xem là một tín hữu Anh Giáo suốt đời trung thành với Giáo Hội này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có nhiều bài nghiên cứu được công bố cho rằng thực ra văn hào William Shakespeare là một người Công Giáo thầm lặng. Paul Asay của tờ Aleteia trong bài Was Shakespeare really a secret Catholic? tóm lược các ý kiến này như sau:


Đời sống tôn giáo của Shakespeare đã diễn ra trong bối cảnh của những thời kỳ nhạy cảm tôn giáo. Anh Giáo được Vua Henry VIII thành lập vào những năm 1530, khi Tòa Thánh từ chối cho ông được tiêu hôn. Vào thời điểm Shakespeare bắt đầu viết, đạo Công Giáo bị cấm. Ai xưng mình là tín hữu Công Giáo có khả năng mất mạng dễ dàng. Trong bối cảnh như thế, bất kỳ nhà viết kịch nào muốn được hoàng gia chú ý đến không thể công khai bày tỏ lòng trung thành với giáo hoàng. Chắc chắn, Shakespeare là một thành viên tích cực, tham dự thường xuyên các thánh lễ trong các nhà thờ Anh giáo và là một người tham gia tích cực trong đời sống tôn giáo của nước Anh.

Tuy nhiên, nhiều học giả đã gợi ý rằng bên dưới vỏ bọc Anh giáo, nhà văn vĩ đại nhất nước Anh là một người Công Giáo thầm lặng.

Cha mẹ Shakespeare

Cha của Shakespeare, ông John, đã từng bị phạt vì từ chối không tham dự các thánh lễ của Anh Giáo và được coi là “kẻ ngoan cố”, tức là một người từ chối tuân theo các thực hành của Giáo Hội tân lập. Vợ ông là Mary còn được coi là ngoan cố hơn cả John. Bà xuất thân từ một gia đình Công Giáo nổi tiếng, và một trong những thân nhân của bà bị hành quyết vì dám che giấu một linh mục Công Giáo.

Cuộc hôn nhân của Shakespeare

Shakespeare kết hôn với Anne Hathaway năm 1582, và đám cưới được linh mục Anh giáo John Frith chủ sự. Nhưng chỉ bốn năm sau, triều đình cáo buộc Frith là linh mục Công Giáo thầm lặng, bí mật thực hiện các nghi lễ Công Giáo.

Thăm Học Viện Anh Quốc tại Rôma

Học Viện Anh Quốc tại Rôma được thành lập năm 1579 như một chủng viện đào tạo các linh mục cho Anh và xứ Wales trong thời kỳ bách hại. Có đến bốn mươi bốn vị từ chính Học Viện Anh Quốc này đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin khi trở về Anh phục vụ.

Trong sổ lưu niệm dành cho khách thăm viếng Học Viện này người ta thấy hai cái tên “Arthurus Stratfordus Wigomniensis” và “Gulielmus Clerkue Stratfordiensis” là các bút hiệu của Shakespeare. Điều này chứng tỏ, Shakespeare có một tình cảm đặc biệt với Công Giáo mới dám đến thăm Kinh Thành Vĩnh Cửu và lại còn dám léo hánh đến một nơi có thể khiến mình mất mạng dễ dàng như vậy.

Tác phẩm của ông

Nhiều học giả đã chỉ ra cách đối xử khá thông cảm với một số nhân vật Công Giáo của ông. Thật thú vị khi lưu ý rằng nhiều vở kịch nổi tiếng nhất của ông như - Vua Lear và Hamlet, dựa theo những tiểu thuyết với khuynh hướng kiên quyết chống Công Giáo, nhưng đến tay của Shakespeare, chủ nghĩa bài Công Giáo rất mờ nhạt hoặc biến mất hoàn toàn.

Joseph Pearce, một học giả về Shakespeare nói với Catholic News Agency rằng: “Vào thời đó, luật bài Công Giáo là bắt buộc với tất cả các nhà văn Anh. Shakespeare đã tìm cách né tránh một cách thận trọng những thảo luận về các tranh cãi tôn giáo vào thời đó. Rõ ràng là Shakespeare qua các vở kịch của mình đã thể hiện một mức độ thông cảm rất lớn với quan điểm Công Giáo trong thời gian biến động này. “

Tài sản đầu tư của Shakespeare

Sau khi ông về hưu, Shakespeare đã mua Blackfriars Gatehouse, một tài sản của Giáo Hội Công Giáo bị tịch thu kể từ khi thành lập Giáo hội Anh. Đó là một nơi nổi tiếng có các hoạt động của Công Giáo, bao gồm cả các đường hầm được sử dụng để che giấu người Công Giáo khỏi sự bách hại của triều đình.
Source: Aleteia Was Shakespeare really a secret Catholic?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm ngày 30/4 Hội Đồng Liên Tôn VN tại HK tổ chức cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam
VietCatholic
13:34 28/04/2018
LITTLE SAIGON - NAM CALI -- Buổi lễ cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam do Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa kỳ tổ chức đã diễn ra vào tối ngày 27-4-2018 tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam với sự tham dự của trên 300 người gồm đại diện các tổ chức, cộng đoàn, hiệp hội, các đại diện dân cử, các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ngay từ 6:g chiều Ban Tổ chức là qúi vị trong Ban Lãnh Đạo Hội Đồng Liên Tôn đã có mặt và nhiều cơ quan Truyền thông Truyền hình cũng đã tới để phỏng vấn các vị trong Ban tổ chức về buổi lễ đặc biệt hôm nay.

Hình ảnh

Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm và long trọng với nghi lễ niệm hương và cầu nguyện trước Bàn thờ Tổ quốc cho Quê hương Việt Nam nhân ngày 30 tháng 4, do Ban Lãnh đạo Hội đồng Liên Tôn chủ sự. Các Vị đã cầu nguyện cho các chiến sĩ vị quốc vong thân, cho những người đã chết vì lý tưởng tự do, cho các anh hùng đang tranh đấu cho nhân quyền tự do mà phải chịu đựng các bản án bất công của chế độ độc tài Cộng sản VN.

Nghi thức khai mạc là chào quốc kỳ Hoa Kỳ và Quốc kỳ VNCH, tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã chết vì lý tưởng tự do nhân quyền. Sau đó LM Trần văn Kiểm, thành viên Hội đồng Liên Tôn chào mừng tất cả các quan khách và nói lên lý do có buổi tổ chức hôm nay.

Mục sư Hồng Nguyễn xuân Hồng, chủ tịch Hội đồng Liên tôn đã đọc bản Tuyên cáo của Hội Đồng về việc Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà hoạt động cho Dân chủ Tự do. Bản tuyên cáo này sau khi đọc xong đã được trao cho đại diện của Nghị sĩ và Dân biểu tiểu bang California, Hoa Kỳ, để nhờ can thiệp.

Tiếp đến giáo sư Nguyễn thanh Giầu, Hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo trình bày về hiện tình sự đàn áp và các vi phạm tự do tín ngưỡng tại Việt Nam.

Giữa các tiết mục này, các Ban Hợp Ca gồm: Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ca Đoàn Nô tỳ Thiên Chúa, Đoàn Du Ca Nam California, Ban Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà Miền Tây Nam Hoa Kỳ đã hát lên những ca khúc đấu tranh với tất cả tâm hồn và nhiệt huyết, nói lên tinh thần yêu nước và thương đồng loại đang bị thống khổ dước ách Cộng sản vô thần.

Sau cùng, Lm Trần Công Nghị, phó chủ tịch ngoại vụ Hội đồng Liên tôn nói lời cảm tạ quí chức sắc và các đại diện các đoàn thể, hiệp hội, các vị dân cử cùng toàn thể đồng đạo, đồng bào đã tới tham dự buổi cầu nguyện rất ý nghĩa hôm nay. Đặc biệt cám ơn LM giám đốc Trung tâm CGVN đã cho sử dụng Trung tâm để tổ chức buổi lễ. Cám ơn các Ban Hợp Ca, Hội Đồng Huân Tước Đức Mẹ La Vang, Hiệp sĩ đoàn Santa Barbara, Hội Đền Hùng Hải Ngoại, Hội Đức Thánh Trần và sau cùng là các cơ quan truyền thông báo chí đã giúp phổ biến chương trình của buổi lễ.

BẢN TUYÊN CÁO CỦA HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VỊÊT NAM TẠI HOA KỲ
Về việc nhà cầm quyền Việt Nam kết án nặng nề và bất công các công dân phát biểu ôn hoà những nguyện vọng dân chủ tự do của họ


Vào ngày 5-4-2018 vừa qua, toà án cộng sản Việt Nam đã kết án tổng cộng 66 năm tù và 17 năm quản chế cho 6 nhà hoạt động thuộc Hội Anh Em Dân Chủ trong nước. Sáu nhà hoạt động đó gồm có: Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển. Luật sư Nguyễn văn Đài nhận mức án nặng nhất: 15 năm tù giam và 5 năm quản chế. Mục sư Nguyễn Trung Tôn và Ký giả Trương Minh Đức đều bị án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Còn lại là Blogger Nguyễn Bắc Truyển bị án 11 năm tù; cô Lê Thu Hà, cộng sự viên của Luật sư Đài, 9 năm tù; và thấp nhất là Kỹ sư Phạm Văn Trội cũng đến 7 năm tù giam.

Những người nầy trước khi bị bắt cũng đã bị sách nhiễu, thậm chí bị đánh đập thương tích, bởi công an hoặc côn đồ dưới sự điều động của công an.

Những nhà hoạt động dân chủ nầy chỉ muốn sử dụng quyền công dân của mình để nói lên nguyện vọng của bản thân cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân thấp cổ bé miệng, và chỉ cho dân thấy những quyền lợi hợp pháp mà họ có thể đòi hỏi trong một chế độ dân chủ. Thế nhưng, điều đó đe doạ quyền lợi phi pháp của phe nhóm cầm quyền độc tài, cho nên họ đã khép những người nầy vào những tội danh tưởng tượng với khung hình phạt nặng nề nhất. Vì vậy phiên toà đã diễn ra trong vội vã, khuất tất, hoàn toàn tước bỏ mọi quyền lợi hợp pháp của các bị cáo.

Đây không phải là phiên toà kangaroo duy nhất của nhà cầm quyền VN. Trước đó, họ đã kết án tổng cọng 19 năm tù giam và 5 năm quản chế 2 phụ nữ có con nhỏ là Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, rồi mới đây lại thêm một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ nữa là Nguyễn Văn Túc bị toà án Thái Bình kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế. Rồi toà án Nghệ an kết án nhà hoạt động dân quyền Nguyễn Viết Dũng 7 năm tù và 5 năm quản chế, và toà án Hà Tĩnh kết án nhà hoạt động xã hội Trần thị Xuân 9 năm tù và 5 năm quản chế, đều bằng tội danh ‘mưu toan lật đổ chính quyền’ (sic).

Trước và sau phiên toà xử 6 anh em dân chủ, nhiều tiếng nói có trọng lượng đã vang lên từ nhiều nơi trên thế giới, như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị Viện Liên Âu, dân biểu Đức, dân biểu Úc, dân biểu Mã-lai, Cơ quan Theo dõi Nhân Quyền, Hội Ân Xá Quốc tế, Hội Ký Giả Không Biên Cương, cũng như nhiều đoàn thể và cá nhân ngoại quốc và người Việt trong và ngoài nước yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản hãy trả tự do cho những người nầy, vì họ chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ của người công dân phục vụ dân tộc. Tuy nhiên, những tiếng nói lương tri ấy đã không lọt vào tai điếc của nhà nước độc tài toàn trị.

Trước những sự kiện đau lòng tại quê hương, những vấn đề biển đảo, môi trường, sự tham nhũng thối nát, sự lệ thuộc lân bang, nền giáo dục suy đồi, luân lý băng hoại, trước trách nhiệm chung của người Việt, lương cũng như giáo, đối với tiền đồ tổ quốc, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ long trọng kêu gọi:

• Nhà cầm quyền Việt Nam hãy sớm từ bỏ thái độ ngạo mạn, khinh thường công ước quốc tế, dẫm đạp lên dư luận, mà trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động thuộc Hội Anh Em Dân Chủ trong nước và cho những tù nhân lương tâm bị kết án oan ức vì các hoạt động dân chủ, xã hội.

• Đồng hương Việt Nam ở các quốc gia hãy tiếp xúc trực tiếp với các chính quyền Âu Mỹ và các tổ chức Nhân Quyền trên thế giới, cung cấp cho họ những tin tức cụ thể về sự vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, để nhờ họ cùng lên tiếng can thiệp.

• Trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc Hận 30-4, kêu gọi các cộng đoàn Cộng đồng Việt Nam hải ngoại hãy tập họp biểu dương ý chí, viết thỉnh nguyện thư cho các đại diện dân cử và chính phủ địa phương để xin họ yêu cầu nhà cầm quyền VN trả tự do cho hơn 100 tù nhân lương tâm đã bị kết án bất công.

• Kêu gọi các nhà hảo tâm yêu nước yêu đồng bào yễm trợ để mở rộng hoạt động văn hoá, giáo dục, thông tin, cung cấp kiến thức về lịch sử chân thực cho giới trẻ ngoài và trong nước, để toàn dân nhận chân được những luận điệu xuyên tạc nhồi sọ của chế độ, mà tỉnh thức và mạnh dạn tạo lấy hướng đi cho tương lai tự do hạnh phúc của mình và con cháu.

Với nguyện ước được sớm thấy một đât nước Việt Nam tự do phú cường trong đó mọi người đều là anh chị em thân thiết, không phân biệt kẻ thống trị người bị trị, mọi người đều góp phần xây dựng tổ quốc trong tình tương thân tương ái, Hội Đồng Liên Tôn kính mong mọi người cùng hưởng ứng lời kêu gọi nầy, sát cánh với nhau, làm việc chung với nhau vì đại nghĩa để tiến tới thành công.
Cầu mong Đấng Thiêng Liêng phù trợ đồng hương trong nổ lực đem lại hạnh phúc tự do cho mọi người.

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng ký tên:

Ban Lãnh Đạo Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ gồm các vị sau đây:

Chủ tịch Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành)
Phó chủ tịch Nội vụ: Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài)
Phó chủ tịch Ngoại vụ: Linh mục Trần Công Nghị (Công Giáo)
Thư ký: Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hoà Hảo)
Thủ quỹ: Giáo Sĩ Mai Biên (Chính Thống Giáo)
Và các thành viên gồm:
Hoà Thượng Thích Minh Nguyện (Phật Giáo)
Ông Trang Văn Mến (Phật Giáo Hoà Hảo)*
Mục Sư Lê Minh (Tin Lành)
Linh Mục Trần Văn Kiểm (Công Giáo)
Ông Nguyễn Khanh (Công Giáo)

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cảm nhận “30.4” và cuộc “gặp gỡ Liên Triều” ngày 27.4.2018
Sơn Ca Linh
08:38 28/04/2018
MỘT CHIẾC CẦU ĐÃ GÃY

Quê hương nào mà vắng những dòng sông,
Lịch sử nào
lại thiếu trang chuyện “chiếc cầu đã gãy” ?

Đã có một thời,
Anh với em giữa đôi bờ ngăn xa thuở ấy,
Cứ tưởng rồi biền biệt đến thiên thu !
Nước lũ sông kia lên quằn quạy đục ngầu,
Mang rác rưới hận thù che khuất nẻo !

Đã có một thời,
Ta điếc lác, mù loài, ta vật vờ xiêu vẹo…
Quờ quạng tìm nhau trong bóng tối mông mênh.
Bắn giết nhau cho mặc kiếp điêu linh,
Xác phơi ruộng đồng, thân chôn rừng thẳm…

Rồi ta trở về,
Thương tích đầy mình cùng hai chiếc nạng,
Ngẫm chuyện bồ câu mang cành lá ô-liu !
Ta đốt nén hương trên mộ bạn đìu hiu,
Và ngâm khúc bài đồng dao mẹ dạy…

Nhưng trong lòng ta,
Vẫn gờn gợn chuyện “chiếc cầu đã gãy”,
Nhịp bắc qua rồi mà đôi bờ vẫn mãi cách xa.
Anh và em ngại ngùng chẳng chịu bước qua,
Dẫu muốn lắm,
tay bắt mặt mừng chén rượu nồng tao ngộ !

Thì có chi đâu,
Kẻ ôm sỹ diện hảo một bụng đầy ý thức hệ,
Người loay hoay mang chút tự hào dang dở tự do.
Thêm ngoại nhân ác tâm lắm kế nhiều trò…
Nên phần “người” đành để phần “con” vượt mặt !

Lằn ranh đó bao năm rồi chia cắt,
Biết bao giờ ta mới đến cùng nhau.
Bờ Bắc bờ Nam nối lại nhịp cầu,
Thay chiếc cầu xưa, “một chiếc cầu đã gãy” !

Sơn Ca Linh
28/4/2018
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thuốc Lào Khói Say
Tấn Đạt
08:53 28/04/2018
THUỐC LÀO KHÓI SAY
Ảnh của Tấn Đạt
Giàu thì cơm cháo bổ lao
Nghèo thì đánh điếu thuốc lào cầm hơi.
(Ca dao)