Ngày 17-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thầy ban bình an cho anh em
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:17 17/05/2022

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Thầy ban bình an cho anh em
Cv 15,1-2,22-29; Kh 21,10-14,22-23; Ga 14,23-29

Nếu Chúa Nhật vừa rồi, Lời Chúa nói về giới răn yêu thương, thì Chúa Nhật tuần này, Lời Chúa nói về bình an là món quà quý giá mà Đấng Phục Sinh ban tặng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27).

1- Một thứ bình an rất khác

Ở đây, Chúa Giêsu muốn nói về thứ bình an nào? Quả thật, Người không nói về sự bình an bên ngoài, sự bình an vắng bóng chiến tranh và tranh chấp giữa người với người, giữa các dân tộc hay giữa các quốc gia với nhau. Người nói về thứ bình an này trong những dịp khác nhau, chẳng hạn như khi Người nói: “Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

Nhưng trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói đến một thứ bình an hoàn toàn khác, thứ bình an nội tâm của tâm hồn mà một người có nơi mình nhờ sống kết hợp với Thiên Chúa. Điều này quá rõ ràng từ những gì Chúa Giêsu liền bổ sung ngay sau đó: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Đây là sự bình an nền tảng nhất. Nếu không có sự bình an này, những sự bình an khác không thể hiện hữu. Cũng như một tỷ giọt nước bẩn sẽ không thể làm cho một đại dương sạch, thì một tỷ trái tim xao xuyến sẽ thể không làm cho nhân loại này được bình an.

Từ mà Chúa Giêsu dùng là từ “shalom.” Người Do Thái chào nhau bằng từ này, ngày nay họ vẫn còn chào nhau như thế khi gặp nhau. Chính Chúa Giêsu chào các môn đệ bằng từ này vào buổi chiều Phục Sinh và Người truyền cho các môn đệ hãy chào dân chúng theo cách thức như thế: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này” (Lc 10,5-6).

2- Chúa chính là bình an

Để hiểu ý nghĩa của sự bình an mà Chúa Giêsu ban tặng, chúng ta cần tìm hiểu trong Kinh Thánh. Theo đó, “shalom” có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn là chỉ theo nghĩa bình an là vắng bóng chiến tranh và hỗn loạn. Một cách tích cực, nó diễn tả sự khỏe mạnh, sự yên bình, dĩ nhiên, cả sự thành công và vinh quang. Thật vậy, Kinh Thánh nói về sự “bình an của Thiên Chúa” (Pl 4,5) và cũng nói về “Thiên Chúa của bình an” (Rm 15,32). Bình an không có nghĩa chỉ là những điều Thiên Chúa ban nhưng cả những gì Thiên Chúa là. Trong một Vịnh Ca, Giáo Hội gọi Chúa Ba Ngôi là “đại dương bình an.” Như thế, bình an là ân huệ đến từ Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa. Bởi thế, khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu được gọi là Hoàng Tử Bình An và cũng là nguồn mạch bình an. Sau khi phục sinh, Người là Đấng ban tặng bình an. Thế nên, trong những cuộc hiện ra với các môn đệ, lời đầu tiên mà Đấng Phục Sinh nói là: “Bình an cho anh em.” Trong thánh lễ, linh mục đại diện Chúa Kitô lặp lại lời chúc này tới cộng đoàn cử hành, là vọng lại lời chúc của Đấng Phục Sinh. Bởi lẽ, bao giờ cũng thế, con người luôn cần đến sự bình an của Người.

Điều này cũng nói với chúng ta rằng bình an tâm hồn mà tất cả chúng ta đều khát khao không bao giờ hoàn toàn hiện hữu và chúng ta có được mà không có Thiên Chúa, hay ở ngoài Người. Trong tác phẩm “Divina Commedia” đại thi hào Dante Alighieri đã tổng hợp tất cả những điều này trong câu thơ mà nhiều người xem là câu thơ đẹp nhất trong tác phẩm ông: “Bình an chúng con là ở nơi ý của Ngài.”

3- Đức tin mang lại bình an

Tin vào Chúa Kitô không có nghĩa là chúng ta được miễn chuẩn khỏi mọi đau khổ, khó khăn và thử thách. Tin Mừng không hứa ban một phương thuốc để giải quyết hết mọi vấn đề; một cách nào đó, lo lắng, khó khăn, thử thách là một phần của thân phận con người. Nhiều lúc chúng ta còn phải đối diện với những khó khăn đó nhiều hơn cả những người không tin, chúng trên cả những khả năng của chúng ta.

Nhưng Tin Mừng chỉ ra một phương dược giúp chúng ta vượt qua khó khăn và được bình an trong khi gặp thử thách. Đó là lời đầu tiên trong chương Tin Mừng Gioan: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tin tưởng vào Thiên Chúa và ở lại trong Người là phương được để có bình an. Điều này khiến mỗi người phải chất vấn mình: Nhưng lúc gặp khó khăn, tôi có chạy đến Chúa không? Tôi có tin vào Chúa không?

Sau chiến tranh thế giới II, một cuốn sách được xuất bản với tựa đề: “Những lá thư cuối cùng từ Stalingrad”. Đó là những lá thư của những lính chiến Đức là những người đang chờ cuộc tấn công cuối cùng vào Liên Xô ở Stalingrad. Trong đó tất cả bị giết chết. Những lá thư đó được một máy bay chở ra khỏi thành phố. Người ta tìm thấy sau chiến tranh trong một lá thư, một người lính trẻ viết cho mẹ anh với những lời này: “Con không sợ chết. Đức tin con làm cho con vững mạnh tuyệt vời như thế.”

Tôi còn nhớ câu chuyện về mẹ tôi, lần kia, một người trong gia đình tôi gặp một tai nạn nghiêm trọng, nghe tin điều đó, mẹ tôi rất lo lắng, liền chạy đến đền thánh Antôn nhờ thánh nhân cầu bầu cùng Chúa cho gia đình được bình an. Sau khi đã cầu nguyện, mẹ tôi trở về trong sự bình tĩnh và phó thác để đối diện với những khó khăn vừa xảy ra.

Có lẽ mỗi người đều có kinh nghiệm tương tự như thế, những lúc gặp khó khăn thử thách và cả những lúc êm ả, chỉ có Chúa là nơi chúng ta nương thân, chỉ có Chúa mới mang lại bình an cho tâm hồn chúng ta.

Giờ đây chúng ta hiểu được ý nghĩa mà chúng ta cầu chúc trong thánh lễ khi hôn bình an. Chúng ta chúc nhau được mạnh khỏe, bình an, có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Nói cách khác, chúng ta chúc nhau có một con tim đầy bình an của Chúa Kitô là sự bình an nền tảng cho toàn bộ cuộc sống con người. Ai cũng cần đến thứ bình an đó của Chúa. Chúng ta hãy chúc nhau bằng lời chúc của Đấng Phục Sinh: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em!” Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Yêu và tuân giữ Lời Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:20 17/05/2022

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
YÊU VÀ TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29

Hôm nay, chúng ta bước vào Chúa Nhật VI Phục Sinh. Trong bối cảnh hướng tới lễ Chúa Lên Trời và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta đọc lại diễn từ từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Có thể nói, đây là những lời trăng trối quan trọng của một người sắp phải ra đi. Chúng ta suy niệm hai lời quan trọng của Chúa Giêsu:

1- “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy”

Đức Giêsu nói với các Tông Đồ rằng: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến người đó, và chúng ta sẽ đến và ở với người đó” (Ga 14,23).

Ở đời, yêu mến ai thì vâng lời người đó, làm theo điều người đó muốn. Cũng thế, yêu mến Chúa thì tuân giữ Lời Chúa, sống theo Lời Chúa dạy. Thực hành Lời Chúa là bằng chứng của lòng yêu mến. Thánh Ignatiô nói: “Tình yêu hệ tại ở việc làm hơn tại lời nói.” Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không phải những người nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Thiên Chúa” (Mt 7,21). Ai tuân giữ Lời Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người đó, họ trở thành dấu chỉ của Thiên Chúa cho người khác.

2- “Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự”

Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo Hội cách dồi dào chỉ sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng Bầu Chữa, được Thiên Chúa Cha gởi tới nhân danh Chúa Giêsu. Người sẽ dạy các Tông Đồ mọi sự và nhắc lại những gì mà Đức Giêsu đã loan báo.
Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội và mỗi người chúng ta. Người dạy chúng ta mọi sự. Người hướng dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn và giúp chúng ta thực hiện những gì đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Thần giúp chúng ta sống trong bình an và tình yêu, chứ không sống trong sợ hãi hay nô lệ. Bởi lẽ, ở đâu có Chúa Thánh Thần, ở đó có Giáo Hội, có bình an, tự do và thánh thiện. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tới ơn cứu độ đích thực như Người đã tác động các Tông Đồ khi họ kinh nghiệm rằng: “Kitô hữu được cứu độ không do cắt bì nhưng do tin vào Đức Giêsu” (x. Cv 15,5-11). Đó là sự mới mẻ do Thánh Thần mang lại.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mỗi người chúng ta thực hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Đồng thời, luôn biết mở rộng tâm hồn để cho Người hoạt động và hướng dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 17/05/2022

13. Mẹ đã xin cùng Con Chí Thánh Mẹ cho những ai truyền bá phép lần chuỗi Mân Côi, họ sẽ được toàn thể triều đình thiên quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:29 17/05/2022
81. CHUNG QUỲ BẮT QUỶ

Ngọc hoàng đại đế ngồi cao vút trên điện, nói với các thần tiên:

“Quỷ trong địa ngục có diêm vương quản lý, chỉ có quỷ ở trên dương thế là không có ai quản thúc, cho đến hôm nay càng ngày càng nhiều. Ta sẽ sai Chung Quỳ đi xuống dương thế bắt sạch chúng nó, vì dân mà trừ hại”.

Các thần tiên nói:

- “Thế giới phân ra thành âm dương hai nơi, âm gian có quỷ, dương thế chỉ có người, quỷ ở đâu mà có?”

Ngọc đế nói:

- “Quỷ dương thế rất nhiều, chằng hạn như quỷ bủn xỉn, quỷ thế lực, quỷ say, quỷ chích choác, chúng nó đều là quỷ, sao lại không trừ khử chứ?”

Thế là sai Chung Quỳ giáng phàm bắt quỷ.

Chung Quỳ chỉ huy lũ quỷ tốt xuống dương gian bắt tất cả các quỷ, nhưng không thấy quỷ say đâu cả, bèn hỏi nguyên nhân. Lũ quỷ tốt trả lời:

- “Quỷ say ngày nào cũng uống rượu, ban đêm thì mượn rượu làm càn, ban ngày thì hại người lành, thật là khó bắt được”.

Chung Quỳ nói:

- “Vậy thì trước tiên đi bắt quỷ nấu ăn lại, và khẩn cấp đi báo cho ngọc đế”.

Nào ngờ mới đi được nửa đường thì có người túm áo Chung Quỳ lại không cho đi, và tự giới thiệu mình là “quỷ say”.

Chung Quỳ kinh ngạc hỏi:

- “Ta là Chung Quỳ đang đi bắt mày, tại sao mày lại chận đường ta?”

Quỷ say nói:

- “Ha ha ha, ông là họ chung (cốc rượu) sao, chung lớn hay chung nhỏ vậy?”

Chung Quỳ hỏi:

- “Mày nói vậy có ý gì?”

Quỷ say đáp:

- “Nếu là chung lớn thì ông và tôi dốc sức đánh ba mươi quyền để uống rượu; nếu là chung nhỏ thì tôi và ông dốc sức đánh năm mươi quyền để uống rượu. Đánh quyền uống rượu xong thì nói tiếp, ông thắng hay không thắng tôi, tôi bất cần”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 81:

Thời nào người ta cũng sợ người say rượu.

Người say rượu nào cũng trở thành kẻ điên, mất trí trong lúc say, cho nên có nhiều chuyện thật đáng tiếc xảy ra, khi tỉnh thì đã muộn, cho nên gười ta gọi đó là con quỷ rượu hoặc con sâu rượu.

Chỉ có người say rượu mới dám làm càn đánh vợ chửi con, chứ quỷ trong hỏa ngục thì không dám như thế; chỉ có người say rượu mới cầm dao phay rượt bố mẹ đòi chém, chứ quỷ trong hỏa ngục thì không dám làm như thế; chỉ có người say rượu mất hết lý trí nên hiếp dâm trẻ em, chứ ma quỷ trong hỏa ngục thì không dám làm như thế.v.v...thế mới biết ngọc hoàng thượng đế nói rất đúng, quỷ trên dương gian không ai quản thúc nên làm càn, làm bậy...

Quỷ trong hỏa ngục không dám làm gì cả, nên chỉ biết đi xúi giục con người ta phạm tội, chống lại kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, trong đó cũng có những con quỷ say, quỷ dâm dục, quỷ ích kỷ, quỷ ghen ghét, quỷ kiêu ngạo, quỷ tham lam, quỷ hà tiện mang danh là Ki-tô hữu nữa đó.

Hãy đề phòng quỷ đội lốt Ki-tô hữu, bởi vì những con quỷ này thường thách thức đánh nhau với Giáo Hội về kiến thức nhà đạo, về Thánh Kinh, về quyền giáo huấn của Giáo Hội, khi men kiêu ngạo làm họ mất cả “tính bản thiện” của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Fátima cầu nguyện cho sự man rợ trong cuộc chiến ở Ukraine có thể dừng lại
Đặng Tự Do
05:01 17/05/2022


Hôm 13 tháng 5, Đức Cha José Ornelas, Giám mục Leiria-Fatima đã kêu gọi “ngăn chặn sự tàn bạo của chiến tranh”, đang diễn ra ở Ukraine, sau khi ban phép lành cho một hình ảnh của Đức Mẹ, tương tự như ảnh Đức Mẹ Fatima, sẽ được tôn kính tại nhà thờ chính tòa Lviv.

“Chúc tụng Chúa, một cách đặc biệt, vì hình ảnh này của Mẹ Ngài sẽ được gửi đến Ukraine. Cầu mong bức ảnh này là một dấu chỉ và nền tảng của hòa bình cho Ukraine và cho toàn thế giới”, Đức Cha José Ornelas nói vào lúc ban phép lành.

Bức ảnh là một món quà từ Đền Fatima cho Đức Tổng Giám Mục Ihor Vozniak, Tổng Giám mục Thủ đô Công Giáo Đông phương của Lviv; Khoảnh khắc làm phép ảnh đã được chào đón bằng một tràng pháo tay của khoảng 170.000 khách hành hương có mặt tại đền thánh Đức Mẹ Fatima.

Trong buổi cử hành đầu tiên với tư cách là Giám mục Leiria-Fátima cùng với những người hành hương quốc tế, Đức Cha José Ornelas đã nêu bật “thông điệp thúc đẩy cuộc sống và hòa bình” được thể hiện ở Cova da Iria kể từ năm 1917

“Cầu mong sự hiện diện từ mẫu của Đức Maria, hình mẫu của Giáo hội luôn chăm sóc những gì nhỏ bé và mong manh nhất, tỏa sáng trong thời kỳ khó khăn này”, của đại dịch và chiến tranh, “ảnh hưởng đến Ukraine và nhiều nơi khác trên hành tinh với sự tàn bạo và thảm khốc.”

Mong thông điệp hòa bình mà Mẹ mang đến cho chúng ta ở Fatima được chấp nhận trong trái tim của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nuôi dưỡng cuộc chiến này, để sự dã man có thể được chấm dứt và một thế giới mới có thể được xây dựng, trong công lý, trong tình đoàn kết huynh đệ và trong hòa bình.

Bằng tiếng Ý, Đức Tổng Giám Mục Ornelas đã hoan nghênh sự chào đón dành cho những người tị nạn từ cuộc chiến ở Ukraine: “Giữa sự tàn khốc của chiến tranh, mong đây là một dấu hiệu về sự phục vụ của Giáo hội và của tình huynh đệ đã trở thành phổ quát”.

Ý cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine đi kèm với cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 này theo một cách đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên không có hạn chế nào kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020.

Buổi cử hành đã do Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Vatican, chủ trì.

Đức Cha José Ornelas nói với viên chức Tòa Thánh: “Tôi xin Đức Cha chuyển đến Đức Thánh Cha Francisco lòng kính trọng và sự hiệp thông của chúng tôi với chức vụ của ngài”.

Đức Tân Giám Mục Leiria-Fátima đã dành ra một khoảng khắc với “lời công nhận đặc biệt” cho Đức Hồng Y António Marto, nguyên Giám Mục giáo phận, được đánh dấu bằng một tràng pháo tay từ những người hành hương.
Source:agencia.ecclesia.pt
 
Ukraine xin được giữ tượng Đức Mẹ Fatima
Đặng Tự Do
05:02 17/05/2022


Ukraine phải trả lại tượng Đức Mẹ cho Fatima. Tuy nhiên, nhà thờ chính tòa ở Lviv sẽ có một bức tượng mới giống hệt, được ban phước tại đền thờ ở Fatima, Bồ Đào Nha.

Đền thánh Đức Mẹ Đức Mẹ Fatima đã gọi cho Ukraine, và họ muốn bức tượng của mình được đưa trở lại Fatima.

Tượng Đức Mẹ Fatima đã đến Ukraine vào ngày 17 tháng Ba, theo yêu cầu của Tổng Giám mục Công Giáo Đông phương Ihor Vozniak của Lyiv. Kể từ đó, vô số tín hữu ở đất nước bị chiến tranh tàn phá đã tìm kiếm sự an ủi nơi sự hiện diện của bức tượng.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, bức tượng là một lời nhắc nhở hữu hình rằng Ukraine đang ở dưới sự bảo vệ của Đức Mẹ.

Nhưng những gì được hoạch định là một thánh đã được kéo dài đến gần hai tháng. Vị Tổng giám mục Ukraine sau đó hỏi rằng liệu đền thánh Đức Mẹ Fatima có thể cân nhắc việc tặng luôn bức tượng để bức tượng có thể ở lại Ukraine mãi mãi hay không.

Yêu cầu đó đã bị từ chối một cách lịch sự, nhưng ngôi đền đã hứa sẽ làm phép và gửi một bức tượng giống hệt như thế đến Ukraine.

Như tờ Tablet đã đưa tin, cha phó của nhà thờ chính tòa Lviv, là Cha Carlos Cabecinha, cho biết trong một cuộc họp báo trước lễ Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 5, rằng bức tượng có thể ở lại Ukraine bao lâu cần thiết, nhưng cuối cùng bức tượng ấy phải trở về Bồ Đào Nha.

Cha cho biết: “Theo định nghĩa, hình ảnh người hành hương là hình ảnh rời đi và sau đó quay trở lại đền thờ ở Fátima”.

Tượng Đức Mẹ được đưa đến Fatima là một trong 13 bản sao của bức tượng gốc do José Ferreira Tedin điêu khắc, dựa trên sự hướng dẫn chính xác của Sơ Lúcia, một trong ba trẻ em đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra ở Fátima năm 1917.

Các bản sao thỉnh thoảng được mang đi hành hương, một truyền thống bắt đầu vào cuối Thế chiến thứ hai, khi một linh mục quản xứ ở Berlin đề xuất rằng nên đưa bức tượng Đức Mẹ Fatima đi khắp Âu Châu. Sau 50 năm hành hương, và sau khi đến thăm hơn 100 quốc gia, các bức tượng giờ chỉ rời đi vào những dịp đặc biệt. Nhiều tín hữu đã cho rằng đã được chữa trị về thể chất và tâm linh là do sự hiện diện của một trong những bức tượng.
Source:Aleteia
 
Pakistan: Những tội nhân bị ngồi tù 8 năm chỉ vì bị buộc vào tội báng bổ Đức Mohammed một cách bịa đặt!
Thanh Quảng sdb
05:23 17/05/2022
Pakistan: Những tội nhân bị ngồi tù 8 năm chỉ vì bị buộc vào tội báng bổ Đức Mohammed một cách bịa đặt!

Câu chuyện về một cặp vợ chồng Công Giáo ở Pakistan bị buộc tội báng bổ Đức Mohammed và bị ngồi tù 8 năm; nhưng cuối cùng họ đã được minh oan vào năm 2021 bởi Tòa án tối cao ở Thủ đô Lahore.

Shagufta Emmanuel chia sẻ kinh nghiệm của cô với Tổ chức Giáo hoàng "Hỗ trợ những Giáo hội bị bách hại" và bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ mà cô và gia đình cô đã nhận được vì tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, Đấng đã luôn nâng đỡ và yêu thương họ.

Nguồn tin từ Giáo Hội Á Châu

Vào tháng 7 năm 2013, Shagufta và Shafqat Emmanuel, cặp vợ chồng Công Giáo ở Mian Channu, một thị trấn nhỏ cách Thủ đô Lahore của Pakistan 155 dặm về phía nam, đã bị bắt trước lời cáo buộc báng bổ Đức Mohammed một cách gán ghép... Sau tám năm bị án tử hình, họ phải cách ly khỏi gia đình và bốn người con… Nhưng cuối cùng họ đã được Tòa án tối cao Lahore trả tự do vào ngày 3 tháng 6 năm 2021.Cô Shagufta đã chia sẻ câu chuyện đời mình với ACN.

Cô nói: “Tôi được sinh ra trong một gia đình sống đức tin Công Giáo vững mạnh. Tôi thường xuyên tham dự thánh lễ và rước lễ, và tôi rất ham thích học hỏi giáo lý và lần chuỗi Mân Côi. Cha tôi và mẹ tôi đã dạy tôi và sáu anh chị em của tôi phải vững mạnh sống niềm tin, và sẵn sàng hy sinh ngay cả có bị bắt bớ vì đức tin”.

“Hầu hết dân làng nơi chúng tôi ở theo đạo Hồi, nhưng cũng có một số ít theo đạo Công Giáo. Chúng tôi cũng có những mối quan hệ thân tình với những người Hồi giáo. Tôi nhớ đã chơi với các cô gái Hồi giáo và chúng tôi đến thăm nhà của nhau và trao nhau những lời cầu chúc và bánh trái vào các dịp lễ Giáng sinh và lễ Eid al-Fitr. Anh em tôi cũng có những người bạn Hồi giáo rất tốt. Tôi không nhớ đã xảy ra bất kỳ một cuộc xung đột hay tranh chấp nào về tôn giáo.

“Vài năm sau khi kết hôn với Shafqat Emmanuel, chúng tôi chuyển đến Gojra, vì chồng tôi có việc ở đó. Thảm họa xảy ra là chồng tôi bị liệt vì một viên đạn đi lạc, trong khi cố gắng hòa giải một cuộc tranh chấp xảy ra 12 năm trước. Cuộc sống sau tai nạn đó thật là khó khăn, nhưng chúng tôi may mắn có được một công việc làm tại một trường trung học Thánh Gioan ở Gojra. Sau giờ học, chồng tôi đi sửa điện thoại để kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình.

“Vào một ngày tháng 7 năm 2013, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhiều xe cảnh sát kéo đến, với hàng chục cảnh sát. Họ đột kích vào nhà của chúng tôi và bắt chồng tôi và tôi, vì tội báng bổ Đức Mohammed dưới dạng một tin nhắn, được gửi qua sim điện thoại di động của chúng tôi. Điện thoại do tôi đứng tên và được sử dụng bởi chồng tôi. Tin nhắn xúc phạm được viết bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ mà cả tôi và chồng tôi đều không nói hay đọc được. Chúng tôi bị cảnh sát giam giữ đêm đó và ngày hôm sau chúng tôi bị tống vào tù.

“Trong tù, chúng tôi bị tra tấn. Các sĩ quan nói với chồng tôi rằng nếu anh không thú nhận, họ sẽ cưỡng hiếp tôi trước mặt anh ấy, và vì vậy anh ấy đã thú nhận, mặc dù cả hai chúng tôi vô tội.

“Chúng tôi đã phải ngồi tù 8 tháng trước khi một thẩm phán kết tội và kết án tử hình chúng tôi. Luật sư của chúng tôi không được phép bào chữa và cả hai chúng tôi không được nghe biết gì về các tội bị buộc. Tôi đã ngất đi khi nghe bản án tử hình. Bản án đó thật là một họa lớn cho chúng tôi và gia đình chúng tôi, đồng thời nó làm chấn động cả cộng đồng Công Giáo ở Pakistan và nhiều nơi khác.

“Shafqat bị đưa đến nhà tù FaisMohammedbad, trong khi tôi bị đưa đến phòng giam dành cho tử tù ở Multan. Chúng tôi đã bị kết án tử hình tám năm rồi. Bạn có thể tưởng tượng điều này gây khủng khoảng như thế nào cho các con tôi, lúc đó chúng mới 13, 10, 7 tuổi và con gái tôi mới 5 tuổi. Chúng phải không ngừng di chuyển chỗ ở và trốn tránh các phần tử quá khích Hồi giáo luôn đe dọa giết chúng! Các con chúng tôi chỉ được thăm ba mẹ chúng năm hoặc sáu tháng một lần, trong khoảng 20 đến 30 phút. Ngày nào tôi cũng khóc vì không được ở bên các con. Cuộc sống của tôi thật khủng khiếp, và tôi cứ nghĩ rằng một ngày nào đó vợ chồng tôi sẽ bị treo cổ.

“Bất chấp những cơn ác mộng đáng sợ này, tôi không bao giờ mất hy vọng hay niềm tin của mình. Tôi cầu nguyện hàng ngày, không chùn bước. Tôi đọc Kinh thánh và hát Thánh vịnh và thánh ca bằng tiếng Urdu và Punjabi, và tôi nhận được nhiều an ủi. Tôi không bao giờ mất niềm tin và hy vọng tôi và chồng tôi sẽ được tráng án! Chúa Giêsu Đấng hằng sống, Đấng đã đánh bại sự chết và sống lại từ cõi chết - sẽ giải thoát chúng tôi và cho tôi sống lại từ cõi chết.

“Nhiều lần tôi được khuyến dụ nếu tôi cải đạo sang Hồi giáo thì bản án tử hình sẽ được hoán chuyển thành chung thân và cuối cùng tôi sẽ được tha. Tôi luôn trả lời không. Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là sức sống và là Đấng Cứu Rỗi tôi. Chúa Giêsu Kitô đã hy sinh mạng sống của mình cho tôi mặc dù tôi là một tội nhân. Tôi sẽ không bao giờ thay đổi niềm tin của mình. Tôi thà bị treo cổ còn hơn là chối bỏ Chúa Giêsu.

“Trong khi đó, nhiều sự can thiệp được khởi đầu, trước những tiếng nói mạnh mẽ chống lại phiên tòa và bản án bất công của chúng tôi tại Nghị viện Châu Âu, do các tổ chức nhân quyền thế giới, cũng như của Giáo Hội Công Giáo, và Thánh bộ “Yểm trợ cho Giáo hội đang bị bắt hại”. Họ cầu nguyện cho chúng tôi được trắng án và hỗ trợ về mặt tinh thần và đạo đức cho chúng tôi. Chồng tôi và tôi luôn biết ơn tất cả những người đã hỗ trợ chúng tôi!

“Trong cùng thời gian đó, Asia Bibi, người cũng bị kết án tử hình vì tội báng bổ sai lầm, là hàng xóm của tôi cũng bị án tử hình ở Multan. Cho nên mỗi lần chúng tôi gặp nhau, chúng tôi thường cầu nguyện, an ủi nhau và làm mới lại đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô. Vào mỗi dịp Giáng sinh, chúng tôi được ăn bánh chung với các tù nhân Hồi giáo và Các đạo giáo khác.

“Khi tôi nghe tin Asia Bibi báo là anh được thả tự do, trái tim tôi tràn ngập niềm vui và tôi tin rằng một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ được trả tự do. Cuối cùng, chồng tôi và tôi cũng được tự do. Nhưng cũng giống như Asia Bibi, Shafqat và tôi không thể ở lại Pakistan cùng gia đình mà phải xin tị nạn và định cư ở một quốc gia khác, bởi vì những kẻ cuồng tín và cực đoan Hồi giáo sẽ giết chúng tôi nếu chúng tôi ở lại Pakistan.

“Chúng tôi rất hạnh phúc vì một quốc gia châu Âu đã cho chúng tôi tị nạn và giờ đây gia đình chúng tôi được đoàn tụ cùng nhau. Chúng tôi ở đây an vui và được tự do thực hành tôn giáo của mình.

“Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng những lời buộc tội báng bổ sai lầm như thế này, thường được bịa ra để tiêu diệt cá nhân, sẽ được chấm dứt ở Pakistan và những người vu cáo cho người vô tội sẽ bị trừng phạt!”
 
Những Câu Truyện Từ Vatican 4
Vũ Văn An
19:01 17/05/2022

Với đối thoại, bất cứ điều gì cũng có thể



Câu truyện từ Vatican tuần này là của Jean Charles Putzolu nói về Georges Salines và Azdyne Amimour, hai người cha gia đình có những đứa con vào ngày 13 tháng 11 năm 2015, lúc khủng bố tấn công rạp hát Bataclan ở Paris, sống trong những hoàn cảnh kinh hoàng...

Georges Salines là một bác sĩ. Azdyne Amimour là một chủ cửa hàng. Cả hai đều có cuộc sống đầy biến cố. Georges đã hành nghề ở một số quốc gia trước khi định cư ở Paris cùng gia đình. Azdyne là một nhà thám hiểm suốt đời. Ông định cư gần Paris sau khi đi du lịch khắp thế giới. Georges không phải là một tín hữu. Ông tự gọi mình là một người vô thần "có gốc rễ Kitô giáo". Azdyne theo đạo Hồi: thực hành nửa vời, nhưng gắn bó sâu sắc với các giá trị của Hồi giáo.

Theo tiền đề trên, hai người đàn ông này có thể không bao giờ gặp nhau. Tuy nhiên, các biến cố của ngày 13 tháng 11 năm 2015 đã quyết định cách khác.

Con gái của Georges, Lola, đã có mặt tại Bataclan vào tối hôm đó để tham dự buổi hòa nhạc tại phòng hòa nhạc nổi tiếng ở Paris, của ban nhạc rock Mỹ "Eagles of Death Metal". Lola năm nay 28 tuổi và làm việc trong lĩnh vực xuất bản dành cho trẻ em. Cô thậm chí còn thành lập công ty riêng của mình. Cô vui vẻ, dành phần lớn thời gian cho công việc nhưng cũng có thể đi du lịch bất cứ khi nào có thể. Du lịch là một phần trong DNA của gia đình cô. Du lịch thỏa mãn cơn khát trí thức, tạm giải thoát và thiên nhiên của cô. Lola chết đêm đó. Bị trúng hai phát đạn, cô gục ngã và không bao giờ tỉnh dậy.

Lối vào Rạp Bataclan


Azdyne vốn mất dấu con trai mình. Trong mấy năm gần đây, mối liên hệ của họ trở nên căng thẳng và vào tối ngày 13 tháng 11 năm 2015, ông không biết Samy đang ở đâu. Azdyne và vợ Mouna sau đó được thông báo rằng Samy là một trong ba kẻ tấn công rạp Bataclan.

Vào tối ngày 13 tháng 11 năm 2015, Paris đã trải qua 33 phút hỏa ngục. Bảy kẻ khủng bố tự xưng là thành viên của Nhà nước Hồi giáo, đã tiến hành các cuộc tấn công vào ba địa điểm khác nhau ở thủ đô. Một kẻ đánh bom tự sát đã phát nổ lúc 21giờ 20 phút trước sân Stade de France. Vụ nổ có thể nghe thấy ở sân banh nơi Pháp đang đấu với Đức. Một số cầu thủ ngạc nhiên bởi tiếng ồn ào, thậm chí còn nhìn lên một lúc trước khi trận đấu tiếp tục. Tổng thống Pháp, François Hollande, rời sân vận động ngay sau vụ nổ. Ông đã được thông báo về các biến cố và được tháp tùng tới đơn vị xử lý khủng hoảng.

Ngay sau đó, lúc 9 giờ 25 tối, ba tên khủng bố khác đã xả súng Kalashnikov của chúng ở một quận khác của Paris, bắn bừa bãi vào những người đang ngồi trong quán cà phê ngoài trời trên đường Rue de la Fontaine-au-Roy. Chúng đến Rue de Charonne lúc 9.36 tối và cuộc tàn sát tiếp tục. Người qua đường đã bị mắc kẹt.

Ngay sau đó, nhóm tấn công thứ ba đã ra tay tại Bataclan, nơi có 1,500 người đang xem buổi hòa nhạc. Ba người đàn ông có vũ trang bước vào khán đài và bắt đầu nổ súng. Cảnh tượng đẫm máu và đau khổ không thể nào tả nổi.

130 người chết và 350 người bị thương trong ba vụ tấn công cùng một lúc này. Họ đã làm đảo lộn cả một đất nước và thay đổi cuộc đời của Georges và Azdyne. Con trai của ông, Samy, đã bị giết cùng với sáu tên khủng bố khác, bởi cảnh sát vào đêm hôm đó.

Samy đã "được huấn luyện" ở Syria. Anh ta đã tham gia Daesh. Azdyne, người cực lực lên án chủ nghĩa cực đoan, đã thực hiện chuyến đi để cố gắng đưa anh ta trở lại lý trí. Nhưng không có kết quả. Hôm nay ông vẫn cảm thấy có lỗi. Ông tự hỏi, "Tôi đã làm gì để dẫn con trai tôi đi lạc?" Đó là một câu hỏi ám ảnh ông, cùng với nhiều người khác. Ông tham gia các nhóm thảo luận của các gia đình thánh chiến, những người giống như ông, có con ở Syria và không hề hiểu nổi. Nếu một mặt việc tham gia này giúp ích cho ông, thì mặt khác ông thiếu một thứ gì đó để xử lý nỗi đau của mình. Vì Azdyne cũng phải vượt qua nỗi đau của ông.

Khung cảnh xúc động trước rạp Bataclan, ít ngày sau vụ khủng bố


Sau các cuộc tấn công, Georges đã thành lập một hiệp hội các gia đình nạn nhân và những người sống sót. Trong một thời gian, ông đã đảm nhận vị trí chủ tịch của "13onze15, Fraternity and Truth ", tên của hiệp hội. Ông được các nhà báo biết đến và tên ông được loan truyền trong các cuộc phỏng vấn hoặc các vị trí khác nhau có thể được tìm thấy, nhìn thấy và nghe thấy trên các phương tiện truyền thông. Georges cũng đang để tang, hiệp hội và cuốn sách mà ông viết ngay sau các cuộc tấn công "The Unspeakable A to Z", được dùng như một liệu pháp giúp ông vượt qua những điều không thể. Ông không nương náu trong lời cầu nguyện vì ông không phải là một tín hữu. Ông không cảm thấy hận thù, tức giận hay trả thù. Ông nói rằng ông không thể hiểu được “điều vô lý”.

Azdyne cần phải tiến xa hơn nữa để vượt qua những điều không thể "của ông". Các nhóm tập chú mà ông tham gia không cung cấp cho ông trọn vẹn điều ông đang tìm kiếm, ông không thể đi đến tận cùng của nó, và ông cần được xem những gì đang xảy ra ở phía bên kia.

Phía bên kia là các gia đình nạn nhân. Qua trung gian của một bên thứ ba, Azdyne yêu cầu được gặp Georges. Đó là vào đầu năm 2017, chỉ hơn một năm sau các cuộc tấn công.

Georges nhận được một cú điện thoại trình bày lời yêu cầu của Azdyne. Ông ngạc nhiên, kinh ngạc, có chút bất ổn vì điều đó. Ông đã dành thời gian để suy nghĩ về điều đó và tự hỏi một số câu hỏi: Tại sao cha đẻ của một tên khủng bố Bataclan lại muốn gặp tôi? Liệu ông có sẵn lòng gặp cha của cậu bé là kẻ đã giết con gái mình không?

Ông đã không bác bỏ cuộc gặp mặt. Dù sao, người đàn ông xin gặp ông này cũng là một nạn nhân, một người cha mất con. Ông kết luận rằng Samy, con trai của kẻ khủng bố, cũng là một nạn nhân; một nạn nhân của những ý tưởng điên rồ mà anh ta và những người cực đoan khác tuyên truyền, bị những kẻ thao túng nhồi sọ. Tất nhiên, Georges được cho biết rằng Azdyne không chia sẻ bất cứ tư tưởng cực đoan nào của những kẻ thao túng tôn giáo của mình. Vì vậy, ông đã chấp nhận gặp mặt và cùng một người bạn, người cũng là thành viên của hiệp hội nạn nhân, ông đến một quán cà phê ở quận Bastille, trung tâm thủ đô Paris.

Tấm bảng ghi tên các nạn nhân. Ở hàng gần cuối về phía bên trái là tên Lola, con gái của Georges


Azdyne tới. Georges đứng dậy, có vẻ căng thẳng. Azdyne cũng vậy. Cách nào đó, ông ta nghĩ Georges can đảm hơn ông trong việc chấp nhận cuộc gặp gỡ. Azdyne nói: “Tôi đã mất tất cả rồi, tôi ở bên sai lầm của câu truyện. Qua việc đồng ý gặp tôi, Georges có nhiều điều để mất. Ông là người được các phương tiện truyền thông biết tới, là chủ tịch của hiệp hội nạn nhân xuất hiện trên đài phát thanh và truyền hình, vậy mọi người sẽ nghĩ gì về ông ta khi họ biết ông ta gặp cha của một tên khủng bố?" Georges đã tự hỏi mình cùng một câu hỏi. Tất nhiên, ông đã nói về cuộc gặp gỡ này với các thành viên của hiệp hội trước khi nhận lời. Ý tưởng này được khá nhiều người đón nhận, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Georges thường được yêu cầu giải thích cách tiếp cận của mình. Đôi khi ông bỏ cuộc giải thích cho những người không muốn hiểu. Georges không nhấn mạnh quá nhiều trong những hoàn cảnh này, ông cảm thấy những vết thương vẫn chưa lành và đau đớn và mọi người cần phải đi theo con đường của riêng mình hướng tới việc xây dựng lại cuộc sống của họ. Con đường của Georges, giống như con đường của Azdyne, đi qua quán cà phê Bastille này.

Azdyne và Georges đã bắt tay sáng nay trong tháng 2 năm 2017. Họ ngồi xuống và giới thiệu về bản thân. Ban đầu, cuộc trò chuyện diễn ra khá khó khăn, sau đó nhanh chóng chuyển sang giọng điệu thoải mái hơn. George nói: “Azdyne là một người gây cảm xúc, có sức quyến rũ".

Họ nói về cuộc sống của họ, gia đình của họ, và tất nhiên họ nói về Lola và Samy, dù đau đớn đối với cả hai người. Azdyne nói, "Đó là liệu pháp của tôi. Tôi đã không gặp một nhà tâm lý học nào kể từ sau vụ khủng bố. Ông ấy đã được gợi ý cho tôi, nhưng tôi muốn vượt qua bi kịch của mình một mình." Cuộc gặp gỡ với Georges cho phép ông đóng lại một vòng tròn.

Một trong nhiều cuộc gặp gỡ tại quán càphê ở Paris


Hai người đã gặp nhau vài lần. Họ trở nên thân thiện. Mỗi lần đều ở quán cà phê hoặc nhà hàng, không bao giờ ở nhà. Họ thích duy trì một khoảng cách nào đó.

Càng gặp nhau, họ càng bắt đầu nghĩ rằng con đường không chung nhau của họ có thể trở thành một thông điệp. Càng chia sẻ thì giờ với nhau, họ càng trò chuyện với nhau nhiều hơn, họ càng nhận ra sức mạnh to lớn ở đằng sau cuộc đối thoại này, cuộc đối thoại của họ. Nó đã giúp họ vượt qua cảm giác hận thù, khát khao trả thù có thể có, những hiểu lầm và mọi điều cuối cùng dẫn đến sự chia rẽ xã hội. Cùng nhau, họ quyết định gửi một thông điệp hoàn toàn ngược lại với thông điệp của những kẻ khủng bố.

Với đối thoại, bất cứ điều gì cũng có thể.

Để tạo điều kiện cho thông điệp này vượt quá phạm vi cuộc gặp gỡ nhiều lần của họ, Georges và Azdyne quyết định viết một cuốn sách, kể lại câu chuyện của họ, cuộc trò chuyện của họ, những điểm chung của họ, cũng như sự khác biệt của họ. Tất nhiên, có những khác biệt, nhưng chúng không còn là nguồn phân chia nữa. Những khác biệt này vẫn chưa được khắc phục, và có lẽ sẽ không bao giờ được khắc phục, nhưng chúng đã được hiểu và chấp nhận.

Đây là tựa đề mà họ chọn cho cuốn sách của mình: “Chúng Ta Vẫn Còn Có Các Lời Nói – một bài học về lòng bao dung và tính linh động”.

Hình bìa cuốn sách viết bởi Azdyne Amimour và Georges Salines


(Cuốn sách viết bằng tiếng Pháp, "Il nous reste les mots", Chủ biên Robert Laffont)
 
Văn Hóa
Quê Ngoại dấu yêu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:31 17/05/2022

QUÊ NGOẠI DẤU YÊU

Kể từ cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, khi những bước chân đầu tiên của tôi đặt trên ngưỡng đại học, cũng là những bước chân đánh dấu ngày tôi rời xa quê Ngoại, và là chính nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là một miền quê thanh bình thuộc phía Đông của miền Nam, một chốn quê chan chứa tình người, tình đất..

Ở đó là một trong những xứ đạo cổ xưa nhất của Giáo hội Việt Nam, nơi đã cho tôi những tháng ngày bình yên, êm ả, cùng nỗi hạnh phúc ngập tràn của tuổi thơ trăm yêu ngàn nhớ. Khác hẳn chốn xa xôi, tấp nập, đầy tiếng ồn, đầy bụi khói, đầy tranh giành, bon chen… giữa một thành phố lớn, nơi tôi hằng ngày phải hối hả cùng dòng người bất tận để lên giảng đường…

Bởi phải trầm mình giữa chốn phố thị không một cảm tình, không một phút giây yên lặng, càng làm tôi nhớ quê hương da diết. Vùng đất và xứ đạo của miền quê ấy đã trở thành huyết quảng trong tôi…

Nhưng cũng thật bẽ bàng. Ngày nay, quê hương tôi đang đô thị hóa quá nhanh. Nhanh đến chóng mặt. Đã nhiều lần tim tôi phải nhói lên những tình cảm khó tả, hình như nó chuyển từ trạng thái thảng thốt sững sờ đến da diết đau, khi chứng kiến mọi loại cơ giới đang “lột xác” quê hương mình.

Vì thế, tôi muốn gởi lòng mình trở về tuổi thơ như một lời cám ơn quê hương, đồng thời tỏ bày những trĩu nặng trước hiện thực đang diễn ra.

I. QUÊ NGOẠI SỐNG ĐỘNG TRONG KÝ ỨC ĐỜI TÔI.

Tự bao giờ người ta đã đặt cho làng quê êm ả và thơ mộng của tuổi thơ tôi cái tên mà bao nhiêu thời gian trôi xa, quê tôi vẫn khoác trên mình.

Nó hầu như in sâu vào tâm não tôi, đến nỗi tôi cũng chẳng cần thắc mắc tại sao lại có cái tên ngộ nghĩnh như vậy. Chỉ có những kỷ niệm của thời thơ ấu mới giúp tôi hiểu được điều đó mà thôi.

Đó là cái thời tôi còn là thằng bé trưa không ngủ, lén mẹ đi dầm nắng bắt con chuồn chuồn, bị mẹ đánh, sợ hãi nép vào lòng Ngoại. Cái thuở thằng bé lên năm, tối ngủ hay rúc vào giường của Ngoại, gối đầu lên tay Ngoại, thích được Ngoại kể chuyện đời xưa. Huyền thoại về vùng đất thân yêu quê mình là một trong những câu chuyện đời xưa mà tôi nhớ nhiều nhất…

Vào thời xa xưa, không rõ thời gian nào nữa, có một người lái đò đã châm lửa thiêu mình để tự tử. Thế là người dân trong vùng đã đặt tên cho mảnh đất mà mình đang sống đúng theo nghĩa đen mà hành động của người lái đò đã thực hiện khi tự kết liễu đời mình…

Quê tôi không có sóng, không có biển, để cho ai khi còn bé cứ chiều theo mẹ ra bãi cát đón cha từ ngoài khơi đánh cá về. Cũng không có núi cao để ai ngồi dưới chân núi nhìn lên đỉnh thèm thuồng được một lần lên đó mà phóng tầm mắt ra khắp nơi cho thỏa thích...

Với ký ức tuổi thơ tôi, quê mình chỉ có dòng sông nước xanh quanh năm hiền hòa trôi lặng lờ bên những bụi dừa nước um tùm trĩu quả. Dòng sông ấy đã bao lần “mở nước ôm tôi vào dạ” (Tế Hanh - Nhớ con sông quê hương) trong những trưa hè oi bức; dòng sông ấy cũng đã nhiều lần cho tôi những “ổ bánh mì kẹp thịt” bằng tàu lá lục bình và những bông hoa tím ngát của nó…

Và bên dòng sông ấy, mãi cho đến khi tôi lớn lên và phải rời xa quê hương, cái bến đò xưa vẫn còn hiện diện. Nó như dấu chứng về cái bến đò mà ngày xưa người lái đò đậu ghe của mình vào đó... Người ta cũng không ngần ngại gọi tên nơi mà bến đò hiện diện là xóm Bến Đò, để phân biệt với các xóm khác nơi xứ đạo của một miền quê.

Đẹp hơn cả vẫn là khi đứng từ bến đò nhìn về tháp chuông của ngôi nhà thờ cổ kính, nhà thờ xóm đạo quê tôi, được xây cất trên một đỉnh đồi nhỏ đối diện với dòng sông.

Những buổi hoàng hôn, tiếng chuông nhà thờ lại ngân nga cùng với muôn tiếng chim về tổ rộn ràng, làm cho dòng sông như trở mình, chuyển sang một màu tím thẳm đẹp lạ lùng.

Ngôi nhà thờ cổ kính gần ba trăm năm tuổi đời, đã được trùng tu nhiều lần, qua bao thời đã là trung tâm đức tin của bao nhiêu thế hệ người tín hữu.

Quê hương đã cho tôi thành người. Còn xóm đạo miền quê đã nuôi dưỡng đức tin của tôi, để từ nơi này, tôi hãnh diện khoe mình là Kitô hữu, là người tiếp bước cha ông xây dựng và phát triển đức tin.

Nếu quê hương đã chứng kiến ngày tôi chào đời để làm người, thì xóm đạo miền quê và ngôi nhà thờ cổ kính ấy đã nâng niu tôi trong ngày tôi lãnh bí tích Rửa tội để làm người tín hữu và làm con Thiên Chúa.

Cùng với thời gian, tôi lớn dần. Cũng chính tại ngôi nhà thờ của vùng quê yên bình ấy, tôi lần lược lãnh các bí tích khai tâm còn lại. Rồi cũng từ nơi lưu luyến quý yêu này, tôi đã cất bước ra đi theo ơn gọi mà Thiên Chúa đã gieo trong tôi, đã mời gọi tôi...

Ngày tôi lãnh bí tích Truyền chức, một lần nữa, ngôi nhà thờ cùng với xứ đạo quê nhà đầy trân đầy quý ấy – nơi tôi đã lớn lên từng ngày không chỉ trong thân xác, nhưng trong niềm tin, trong tình mến và ân sủng của Thiên Chúa, nơi đã dâng tặng trong tôi cả một bầu trời kỷ niệm – tưng bừng chứng kiến giây phút tôi bước tới Bàn Thánh Chúa: từ đây tôi trở thành linh mục của Chúa.

Hân hạnh biết chừng nào, tự hào biết chừng nào, cao quý biết chừng nào, đáng yêu biết chừng nào…, người con của quê hương lại được lãnh nhận thánh chức linh mục trên chính nơi mình sinh ra và lớn lên…

Phía ngoài mặt tiền nhà thờ vốn đã hết sức trầm mặc, sẽ rất đỗi yên bình cho mọi tâm hồn tìm về, còn có một mái trường, mà thuở tôi còn mài đũng ở lứa tuổi trung học, đã ắp đầy trong tôi khôngbiết bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ bên thầy cô, bạn bè... Làm sao tôi có thể quên được kỷ niệm của một thời vụng dại. Nó, mái trường thân yêu ấy như vẫn còn giữ mãi, còn âm vang mãi tiếng cười, tiếng đùa giởn của lũ học trò "xứng đáng" đứng sau quỷ và ma...

Nhớ nhất những chiều mưa bay, nhìn qua song, phía ngoài ô cửa sổ lớp học, những cánh hoa dầu, cứ mỗi cơn gió giật, lại bị cuốn xoay tít, xoay tít, hết đám này đến đám khác, bay từ phía khuôn viên nhà thờ sang sân trường, cứ như một trận pháo hoa chỉ có một màu xanh nhạt nổ tung trên nền trời...

Thời nào cũng vậy, cái tuổi của đám học trò trung học, là tuổi mơ tuổi mộng. Vui đó, rồi lại chợt buồn. Cái tuổi ươm mầm mơ ước, nhiều sáng tạo, nhưng cũng lắm tinh nghịch, sống mãi trong tôi, chiếm mất một phần ký ức của tuổi thơ tôi. Cái tuổi thần tiên diệu kỳ, đã mấy chục năm vội vã đi qua đời người, vẫn không dễ xóa nhòa…

Ở nơi ấy – quê tôi, đất trời tươi mát còn có tiếng chích chòe hót đòi tổ trong những lùm cây ăn trái xanh um tùm mỗi khi bắt đầu mùa trái chín. Những quả tươi vừa chín cứ đỏ hồng, chỉ nhìn là đã thấy ngọt ngào quyến rũ!

Nhìn chúng trổ sai oằn, tôi lại càng thương Ngoại vô cùng. Bao nhiêu năm trong đời, Ngoại gắn bó với chúng để cho chúng được nên vóc, nên hình như hôm nay. Chúng là màu xanh của quê hương. Nhờ màu xanh ấy, mà quê hương càng đẹp và nổi tiếng.

Nhưng Ngoại mới chính là người tạo ra màu xanh! Yêu quê hương, tôi càng yêu Ngoại tôi nhiều lắm. Dù năm tháng trôi xa, Ngoại tôi nay đã trở thành người thiên cổ. Tôi vẫn nhớ như in hình bóng Ngoại ngày xưa ấy, dù tóc đã bạc, lưng đã còng, tháng ngày Ngoại vẫn chăm tay cho màu xanh đẹp mãi. Ôi tôi muốn hái dâng Ngoại những quả chín đỏ tươi, to và ngọt ngào!...

Nơi ấy – quê tôi, cũng lại là nơi của nghề gốm sứ phát triển. Sản phẩm của nghề này có mặt hầu hết mọi nơi trên đất nước này, thậm chí bây giờ người ta còn xuất sang nhiều quốc gia hiện đại.

Ngành gốm sứ không biết tự bao giờ đã đi vào nếp sinh hoạt của mọi người như: một tích nước trà, chén, dĩa, bình cắm hoa… Ngoài ra còn có những chén hứng mủ cao su tròn hình bán nguyệt như hình những chiếc bánh trôi nước cắt đôi mà Ngoại vẫn thường làm phần thưởng cho tôi mỗi khi quyển vỡ của tôi xuất hiện những điểm mười tươi tắn (tuy những chén này lớn gấp nhiều lần chiếc bánh trôi nước), …

Quê tôi là vậy đó! Tôi yêu nơi mình sinh ra và lớn lên bằng thứ tình yêu của một đứa con được nuôi dưỡng từ vị ngọt ngào của phù sa đất Tổ. Xin cho tôi được hôn lên mảnh đất quê mình bằng một cái hôn thật nồng nàn. Xin cho ước mơ của tôi được trở thành hiện thực: Sẽ là một đứa con trung hiếu của quê hương được nối nghiệp cha ông mà gìn giữ những gia sản đã có từ ngàn xưa!

II. CHỢT NGẬM NGÙI TRƯỚC NHỮNG ĐỔI THAY.

Tôi đã từng có một ước mơ thế đấy. Tôi biết, ước mơ trung hiếu nối nghiệp cha ông gìn giữ gia sản quê hương không là ước mơ nhỏ. Bản thân như ánh đom đóm trong đêm, không dễ phá tan màn đêm. Một mình không thể cáng đáng nhiệm vụ gìn giữ gia sản của cả quê hương, nếu thiếu ý thức của mọi con người sống trên Quê Cha Đất Tổ.

Dù sao với một ước mơ, tuy mong manh, vẫn chính là động lực thôi thúc người con của quê hương lao mình về phía tương lai, xây dựng đời mình bằng những nỗ lực, những trang bị có thể có được trong giới hạn của bản thân, để nếu không thể làm được gì cho quê mình, thì ít là góp phần mình như một bằng chứng của lẽ sống, nếu có ai trong đời muốn tìm sự san sẻ…

Phải suy nghĩ như thế để tự an ủi mình, để bớt nhói khi nhìn lại những kỷ niệm của một thời, nay chỉ còn đúng với nghĩa của hai từ “kỷ niệm”…

Vì lợi nhuận, chính những người con đã biến quê mình không còn là "đất lề quê thói". Bởi với sự phát triển ồ ạt của kinh tế thị trường, văn hóa của một vùng quê đã "lai căn", nếp sống yên lành của người quê bỗng thực dụng, trở nên xa lạ khác thường. Bên cạnh đó, những vườn cây xanh ngút mắt, những dòng kênh xanh mơ mộng ngày nào, những mặt hàng gốm sứ giờ chỉ là… cổ tích...

Người ta đã mạnh tay, nhẫn tâm giết sạch cả một niềm yêu, cả một màu xanh của quê hương bằng nhiều chất độc hại nhất. Riêng về môi trường, đất và nước đã nhiễm nhiều loại tạp chất có thể giết chết con người, chứ đừng nói là cây trái. Một bằng chứng rất rõ: Trên tất cả các sông rạch hiện có ở quê tôi, nhiều loại cá, tôm, lươn, ếch… đã tiệt chủng.

Bởi không còn sinh lợi, người dân quê tôi đua nhau bán đất. Bán sạch. Bán không tiết xót! Ngày xưa, khi Ngoại tôi còn sống, bởi lòng tin của con người lúc ấy đầy ắp, lợi nhuận chỉ từ cây trái chứ không do đất đai, vì thế những khu vườn của những nhà hàng xóm chỉ cách nhau một con mương, một bờ dậu bằng những khóm râm bụt, những cây trà rừng uốn mình cong queo rất đẹp. Còn bây giờ, đừng nói đến những nhà hàng xóm, ngay cả những người chung một lòng mẹ sinh ra, vẫn có thể giết nhau để dành từng tấc đất, tìm tư lợi vật chất cho bản thân.

Tôi ngỡ ngàng xót xa mỗi lần về thăm quê Ngoại. Cả một màu xanh bình yên hạnh phúc, một thời ôm ấp, chở che tuổi thơ tôi, đã biến mất không còn vết tích. Nhà nhà san sát như dãy phố nằm giữa thôn quê. Người người lạ hoắc đến nỗi đi trên quê mình mà cảm giác như lạc vào chốn xa xôi. Các loại máy móc của cơ giới ngày đêm vỗ ầm ầm đinh tai nhức óc...

Chỉ còn mảnh vườn của Ngoại tôi đơn độc run rẩy giữa bầu trời xanh thăm thẳm trong vắt. Chỉ có bầu trời muôn đời vẫn thế, vẫn nghiêng mình che chở mọi người không phân lành dữ, tốt xấu. Chỉ có bầu trời mãi bao dung, vẫn bình yên như muôn đời bình yên. Khác hẳn trời xanh. Lòng người đổi thay đến chóng mặt, đến khiếp sợ. Sự đổi thay ấy đã bóp chết một rừng xanh của quê hương trăm thương ngàn nhớ.
Mảnh vườn của Ngoại dẫu còn đó, nhưng những hàng cây xanh ngày nào giờ chỉ là những cành cây bị tuốt trọc lá, giơ thẳng lên trời như dấu hiệu của kẻ đầu hàng, chỉ còn biết cầu xin chút lòng yêu thương của con người. Những cành cây khẳng khiu đau đớn đang van nài, đang cầu cứu, đang đòi quyền được sống. Những ai chỉ vì tham lam, nỡ giết chết quá khứ và đập phá cả tương lai có thấu chăng tiếng ai oán của quê hương ngàn đời âu yếm?

Cái bến đò đã gắn liền với người quê hàng trăm năm, nay dưới bàn tay con người, đã... biến mất. Thay vào đó, một con đường hiên ngang, sạch, rộng được kiên cố hóa bằng bê tông nhựa đang chạy dọc bờ sông.

Quê hương thanh bình của tuổi thơ tôi, giờ đây cũng hết thanh bình. Người ta nói “đất lành chim đậu”. Nhưng “chim” đậu nhiều, “đất” chẳng còn lành.

Cùng với bến đò huyền thoại, đất đai của người quê cũng thay ngôi đổi chủ. Người ta đang chứng kiến từng ngày những ngôi biệt thự, thậm chí những tòa lâu đài của bao nhiêu kẻ lạ của "thời hiện đại", mọc lên sang sát khoe dáng mình thuộc hàng "đỉnh" của cái chốn mà giờ đây, quê chẳng ra quê, phố chẳng ra phố...

Còn những con người sang trọng, trang điểm lộng lẫy và xa lạ cứ nhìn sẽ khiến người quê càng tủi. Họ, cứ mỗi sáng bước ra khỏi nhà là ngồi trên những xe hơi bóng lộn, chiều về, cánh cổng to, khỏe kia chỉ mở cho xe và người ngồi trên nó lách vào, rồi lại đóng sập...
Nằm giữa quê, nhưng những ngôi nhà chẳng có chút quê, Sống giữa quê nhưng những con người ấy chẳng có chút chân quê. Quê tôi, giờ đây, nếu phải gọi cho đúng, không biết phải gọi là gì...!

Đối lập hoàn toàn với gam màu sang trọng vừa nói là những anh chị em xa quê phải sống bằng đủ mọi loại nghề, thượng vàng hạ cám, nhiều nhất là làm công nhân trong các nhà máy, các khu công nghiệp.

Nếu ngày xưa, quê hương nổi tiếng cây trái miệt vườn, thì ngay hiện tại, nó đang nổi tiếng về những căn nhà tạm bợ, gọi là nhà trọ, đón nhận hàng hàng lớp lớp người lũ lượt từ khắp mọi miền đất nước đổ về để tìm kế sinh nhai.

Bởi đón nhận quá nhiều người, quá nhiều thành phần xã hội, an ninh trên miền quê này đã trở nên phức tạp. Tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, có mặt ở mọi ngóc ngách.

Ngày xưa, nhà thưa thớt. Nhà cách nhà bằng một khoảng vườn rộng, rộng đến ngút mắt, mà sao không ai sợ bất cứ điều gì. Căn nhà của Ngoại nằm giữa vườn cây âm u trầm mặc, không cần đóng cửa, chỉ có tấm phên che hờ hững cản bớt gió lùa mỗi đêm, vậy mà sao giấc ngủ cứ ào về không gợn một chút nỗi sợ nào!…

Còn bây giờ, nhà nào cũng hết cửa trong đến cửa ngoài, cửa nào cũng khóa thật chặt, vẫn không khỏi nơm nớp âu lo.

Khi người ta khóa chặt cửa nhà, vô tình, người ta cũng đang khóa chặt lòng mình. Tình làng nghĩa xóm biến đi đâu! Nhà nhà đóng cửa, vì thế, người người xa cách. Nhà nhà đóng cửa, người người nhốt mình như ở nhà giam. Cũng phải thôi. Hàng xóm của mình, gọi là hàng xóm, nhưng biết ai quen, ai lạ. Tự giam mình là phương cách cuối cùng để bảo vệ sự an nguy của chính mình…

Tôi vẫn thường về thăm quê mình. Bình thường, một người con trở về quê hương, sẽ vui mừng, sẽ thấy lòng mình khoan khoái. Còn tôi, mỗi lần đứng trên mảnh đất quê mình, sao lại cứ nhớ quê mình da diết. Nhớ đến lạ lùng. Nhớ đến nao lòng. Nhớ đến quặn thắt một niềm đau khó tả…

Tình yêu quê hương của một thời đã qua như một bầu trời ký ức dằn xé trong tôi, làm tôi cứ đau đáu khi phải chứng kiến sự lạ lẫm, vô hồn của hôm nay trên chính nơi chôn nhau cắt rốn.

Tôi không thể hiểu, sự đổi thay đang diễn ra trên quê mình có thật sự đúng, hay sự tiếc nuối về cái chất thanh bình, yên ắng của một thuở đã qua đang ngự trị trong tôi là sai? Chỉ biết rằng, người viễn xứ trở về quê xưa đã hụt hẩng đến ngỡ ngàng, ngơ ngác và kinh ngạc…
Đúng sai chưa thể biết được. Chỉ biết một điều, tôi đã yêu quá quê mình. Yêu như yêu từng sợi tóc, từ thớ thịt, từng giọt máu lưu chuyển khắp châu thân.

Chính vì yêu, tôi đã không kềm được xúc động. Và những xúc động ấy, dù có theo nhau tuôn ra trên đầu ngọt bút như mọi người thấy trong bài viết này, thì hãy thông cảm cho tôi. Bởi khi “yêu”, người ta có thể làm mọi thứ theo cách “yêu” của mình!...

…Thế là ước mơ của tôi, từ nay sẽ không bao giờ tìm lại được. Rời khỏi quê hương, mong trở thành người con trung hiếu của quê hương đã ấp ủ hồn tôi, đã quấn lấy đời tôi. Cứ thế mà tôi lao mình về phía trước để cố hoàn thành tốt nhất trách nhiệm và ơn gọi đời mình.

Những lao tác dọc đường đời, đã chạm phải nhiều thử thách, có lúc đớn đau rát buốt, có lúc như chồn chân mỏi gối, người xưa trở lại, muốn tìm đến chiếc võng tre xưa, nằm đu đưa dưới gốc cây mát rượi, hay khoác những bụm nước ngọt ngào dưới con mương xanh có bầy cá rô tung tăng bơi lội, để rửa khuôn mặt nhiễm bụi đời…, mong khuây khỏa tâm hồn, mong được loại bỏ những căng thẳng, mong chút gió đồng quê lướt nhẹ da người để cảm nhận sự an lành thanh thản…

Nhưng không còn có thể nữa rồi. Tất cả đã lùi vào quá khứ. Đất quê xưa, nay chỉ còn lại một miền kỷ niệm. Câu chuyện về trái cây miệt vườn một thời nổi tiếng đã sớm trở thành dòng cổ tích, để ngày mai khi kể lại cho thế hệ đời sau, người quê sẽ bắt đầu bằng hai tiếng “Ngày xưa…”, y như Ngoại tôi đã từng kể về huyền thoại quê hương: “Ngày xưa có ông Lái đò tự Thiêu…”.
Nghe sao cổ họng đắng đót… Ngậm ngùi… Và tiếc xót…!!
 
VietCatholic TV
Các binh sĩ tại nhà máy Azovstal được cứu. Quyết định lịch sử của Thụy Điển, Nga yếu hơn bao giờ
VietCatholic Media
02:47 17/05/2022


1. Các quân nhân tại nhà máy thép Azovstal đã được cứu sau cuộc tấn công kéo dài 82 ngày

Hơn 260 binh sĩ, nhiều người bị thương, đã rời bỏ nhà máy Mariupol đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến

Hơn 260 binh sĩ Ukraine, trong đó có nhiều người bị thương, đã được di tản khỏi nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở thành phố cảng Mariupol, nhường quyền kiểm soát thành phố cho Nga sau 82 ngày bị bắn phá.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar - Ханна Маляр cho biết vào cuối ngày thứ Hai rằng 53 binh sĩ bị thương nặng đã được di tản đến một bệnh viện ở thị trấn Novoazovsk do Nga kiểm soát và hơn 200 người khác đã được vận chuyển qua một hành lang tới Olenivka.

Novoazovsk cách Mariupol khoảng 40 km. Maliar đã nói rõ rằng một số chiến binh vẫn ở lại Azovstal

“Đối với những chiến binh vẫn còn trên lãnh thổ của Azovstal, các nỗ lực giải cứu đang được thực hiện bởi nỗ lực chung.”

Cô Maliar nói thêm, “Nhờ có những người bảo vệ Mariupol, chúng tôi đã có được thời gian quan trọng để hình thành lực lượng dự bị, tập hợp lại lực lượng và nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác. Những người bảo vệ Mariupol đã hoàn thành đầy đủ mọi nhiệm vụ mà bộ chỉ huy đề ra”.

“Thật không may, chúng tôi không có cơ hội để giải cứu Azovstal bằng các biện pháp quân sự. Nhiệm vụ chung quan trọng nhất của toàn Ukraine và toàn thế giới là cứu sống những người bảo vệ Mariupol”

2. Tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về diễn biến mới nhất tại Mariupol

Một thời gian ngắn sau khi tuyên bố của Maliar được đưa ra, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đề cập đến tình hình tại Azovstal, đồng thời ngụ ý rằng một số người Ukraine vẫn ở trong nhà máy.

“Cảm ơn các hành động của quân đội Ukraine - Lực lượng vũ trang Ukraine, tình báo, đội đàm phán, Hội Hồng Thập Tự và Liên Hiệp Quốc, chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể cứu được mạng sống của những người của chúng tôi.”

“Trong số đó có những người bị thương nặng. Họ đang được điều trị. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Ukraine cần những anh hùng Ukraine còn sống. Đây là nguyên tắc của chúng tôi”.

Các y tá và bác sĩ trong bệnh viện này đều là người Ukraine. Cho nên, không có khả năng các binh sĩ này bị đầu độc. Tuy nhiên, họ là tù binh của Nga và hy vọng họ có thể được trả tự do thông qua các cuộc trao đổi tù binh. Dư luận tại Ukraine cho rằng người Nga thực sự muốn giết hết tất cả các binh sĩ này. Các cuộc đàm phán đã diễn ra hết sức khó khăn.

Không rõ có bao nhiêu binh sĩ còn lại trong nhà máy thép, nhưng Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết “chúng tôi hy vọng sẽ cứu được mạng sống của các binh sĩ của chúng tôi”.

Cuộc di tản có khả năng đánh dấu sự kết thúc của trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc xâm lược vào Ukraine của Nga. Mariupol giờ đã trở nên hoang tàn sau cuộc bao vây của Nga mà Ukraine cho rằng đã giết chết hàng chục nghìn người trong thành phố.

Đối với người Ukraine, nhà máy Azovstal đã trở thành biểu tượng của sự kháng cự, với hàng trăm binh sĩ tiếp tục chiến đấu trên đó ngay cả khi phần còn lại của thành phố đã rơi vào tay quân Nga.

Khoảng 600 quân được cho là đã ở bên trong nhà máy thép.

3. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố các binh sĩ bảo vệ nhà máy thép đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu một cách xuất sắc

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, các binh sĩ bảo vệ nhà máy thép đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu một cách xuất sắc.

“Những người bảo vệ Mariupol là những anh hùng của thời đại chúng ta. Họ sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử. Điều này bao gồm đơn vị đặc biệt Azov, Lữ đoàn 12 của Vệ binh Quốc gia Ukraine, Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến, lực lượng biên phòng, cảnh sát, tình nguyện viên, Quân Phòng thủ Lãnh thổ Mariupol”

Đối với nhiều người, việc di tản các chiến binh ra khỏi Mariupol là một chiến bại của Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chiến thuật quân sự cho rằng Mariupol là một chiến thắng của Ukraine, và là một sai lầm chiến thuật của quân Nga. Say máu ăn thua, hay cố giành một chiến thắng để dâng lên Putin, quân Nga đã tập trung các lực lượng chính vào thành phố này, tạo điều kiện cho quân Ukraine củng cố vị trí ở các nơi khác, và cho họ có thời gian chờ đợi các nguồn viện trợ quân sự quan trọng từ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng đưa ra một nhận xét tương tự.

“Bằng cách tập trung các lực lượng chính của kẻ thù xung quanh Mariupol, chúng ta đã có cơ hội chuẩn bị và tạo ra các tuyến phòng thủ, nơi quân đội của chúng ta đã sẵn sàng ngày hôm nay để đẩy lùi kẻ xâm lược. Cuộc chiến tại Mariupol cung cấp cho chúng ta thời gian quan trọng để hình thành lực lượng dự bị, tập hợp lại lực lượng và nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác trên thế giới.”

“Nhiệm vụ chung quan trọng nhất của toàn Ukraine và toàn thế giới là cứu sống những người bảo vệ Mariupol. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho các bạn trên tất cả các mặt trận một cách trung thành như các bạn đã bảo vệ quốc gia chúng ta.”

Trong một tuyên bố, trung đoàn Azov nói rằng họ đang thực hiện mệnh lệnh cứu sống binh lính của mình.

Trung đoàn Azov là một lực lượng dân quân được thành lập để chống lại người Nga sau cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2014.

Trung đoàn Azov cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Để cứu mạng sống, toàn bộ đơn vị đồn trú ở Mariupol đang thực hiện quyết định đã được đưa ra bởi Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine và hy vọng nhận được sự ủng hộ của người dân Ukraine”.

Trung đoàn cho biết quân đội của họ ở Mariupol, trên Biển Azov ở phía đông nam, đã cầm cự trong 82 ngày, để dành thời gian cho phần còn lại của Ukraine chiến đấu với các lực lượng Nga và bảo đảm các vũ khí cần thiết của phương Tây đến kịp trong cuộc chiến chống lại Nga.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào tháng Hai, sự tàn phá của Mariupol đã trở thành biểu tượng cho cả khả năng của Ukraine trong việc chống lại sự xâm lược của Nga và sự sẵn sàng của Nga trong việc tàn phá các thành phố Ukraine bất khuất.

Những người bảo vệ cuối cùng của Azovstal đã phải cầm cự nhiều tuần trong các boongke và đường hầm được xây sâu dưới lòng đất để chống chọi với chiến tranh hạt nhân. Thường dân đã được di tản khỏi bên trong nhà máy, một trong những cơ sở luyện kim lớn nhất ở Âu Châu, hồi đầu tháng.

Vợ của một thành viên trung đoàn Azov đã mô tả điều kiện tại nhà máy trước đó vào thứ Hai: “Họ đang ở trong địa ngục. Họ nhận những vết thương mới mỗi ngày. Họ không có chân hoặc tay, kiệt sức, không có thuốc men,” Natalia Zaritskaya nói.

4. Tuyên bố của phía Nga

Việc di tản diễn ra vài giờ sau khi Nga cho biết họ đã đồng ý di tản các binh sĩ Ukraine bị thương đến một cơ sở y tế ở Novoazovsk.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Đã đạt được một thỏa thuận về việc di tản những người bị thương. Một hành lang nhân đạo đã được mở ra, qua đó các quân nhân Ukraine bị thương đang được đưa đến một cơ sở y tế ở Novoazovsk.”

Mạng RT của Nga đã chiếu đoạn video khoảng 10 đến 12 xe buýt rời nhà máy. Xe buýt dường như là sự kết hợp giữa bệnh viện và các phương tiện giao thông thông thường - một số được đánh dấu bằng chữ thập đỏ.

Hãng tin nhà nước RIA Novosti cao rao diễn biến này như một chiến thắng quân sự và nói thêm, “Hiện tại, một chế độ ngừng bắn đã được thiết lập trong khu vực của doanh nghiệp và một hành lang nhân đạo đã được mở ra, qua đó các quân nhân Ukraine bị thương đang được chuyển đến một cơ sở y tế ở Novoazovsk, thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk, để cung cấp cho họ tất cả hỗ trợ cần thiết.”

5. 15 nữ quân nhân và nhân viên y tế hi sinh tại Azovstal

Mười lăm phụ nữ trẻ - quân nhân và nhân viên y tế - đã chết tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.

“Mười lăm phụ nữ trẻ - quân nhân và nhân viên y tế - đã chết tại Azovstal. Đây là một thảm kịch đối với toàn thể người dân Ukraine. Đây là những người tốt nhất trong chúng ta, những anh hùng thực sự. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để cứu họ”, thị trưởng Mariupol, Vadym Boychenko ngậm ngùi cho biết như trên.

Ông lưu ý rằng hôm thứ Bảy, các thành viên Hội đồng thành phố Mariupol đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Ukraine sử dụng tất cả các công cụ quốc tế để cứu những người bảo vệ Ukraine và tiến hành thủ tục di tản.

Theo thị trưởng, các phụ nữ trẻ Ukraine chết tại Azovstal khi các lực lượng phòng thủ Ukraine chiến đấu tại nhà máy thép trong hơn hai tháng. Nhiều gia đình ở lại trong nhà máy luyện thép và cùng nhau trấn giữ, hỗ trợ nhau và không may cùng nhau hy sinh.

Có khoảng 600 binh sĩ bị thương nặng trong boongke của các xưởng luyện thép bị phong tỏa. Họ không thể nhận được sự chăm sóc thích hợp do thiếu thuốc men và bác sĩ. Người Nga liên tục tấn công lãnh thổ Azovstal bằng mọi loại vũ khí và thực hiện các nỗ lực tấn công.

Ukraine đã nhờ đến một số quốc gia trên thế giới, bao gồm Israel, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan, đang trong quá trình đàm phán với Nga để di tản các quân nhân ra khỏi Azovstal.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine Iryna Vereshchuk tuyên bố rằng chiến dịch di tản đặc biệt khỏi Azovstal sẽ bắt đầu bằng việc giải cứu các quân nhân bị thương nặng và sẽ được tiến hành theo nhiều giai đoạn.

Trước đó, Ukraine kêu gọi Nga trao đổi các chiến binh Azovstal bị thương nặng với những người Nga bị bắt nhưng Putin không đồng ý.

6. Những vụ nổ đã nghe thấy ở trung tâm Lviv

Một loạt vụ nổ đã được nghe thấy ở trung tâm Lviv vào khoảng 12:45 sáng giờ địa phương ngày Thứ Ba 17 tháng 5, ngay sau khi còi báo động cuộc không kích vang lên trong thành phố.

Một thành viên trong nhóm của CNN ở Lviv đã nghe thấy một tiếng nổ ở phía bắc trung tâm thành phố.

Trong một tuyên bố ngắn trên kênh Telegram của mình, Maksym Kozytskyi, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Lviv, cho biết các hệ thống phòng không đã đáp trả cuộc tấn công nhưng không đưa ra thông tin về bất kỳ địa điểm nào bị tấn công. Ông bày tỏ lòng biết ơn tới các quân nhân vận hành hệ thống phòng không và cho biết thêm thông tin chi tiết về vụ tấn công sẽ được công bố sau.

Lviv và khu vực xung quanh đã bị ảnh hưởng ít nhất bảy lần kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Trong cuộc tấn công đầu tiên như vậy vào ngày 13 tháng 3, một căn cứ quân sự lớn ở Yavoriv, phía tây bắc Lviv, cách biên giới với Ba Lan khoảng 15 km, đã bị tấn công, khiến hơn 30 người thiệt mạng.

Một nhà máy phụ tùng máy bay, kho nhiên liệu và một số trạm biến áp điện nằm trong số các mục tiêu khác bị hỏa tiễn Nga bắn trúng ở Lviv trong những tuần gần đây.

7. Chính phủ Thụy Điển cho biết họ đã quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO

Chính phủ Thụy Điển cho biết trên trang web của mình rằng họ đã quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO.

“Đánh giá của Chính phủ là tư cách thành viên NATO là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của Thụy Điển trong bối cảnh môi trường an ninh đã thay đổi cơ bản sau khi Nga xâm lược Ukraine”.

Tuyên bố cho biết quyết định dựa trên “phân tích an ninh” mà chính phủ đã mời “các đảng phái của Riksdag tham gia”. Riksdag là Quốc Hội Thụy Điển

Trước đó vào thứ Hai, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết Thụy Điển nên gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Phần Lan để “bảo đảm sự an toàn của người dân Thụy Điển”.

Khi được hỏi khi nào chính xác quốc gia sẽ nộp đơn, cô ấy nói rằng điều đó có thể xảy ra trong tuần này - thứ Hai, thứ Ba hoặc thứ Tư. Bà nói thêm rằng nó cần được thực hiện với sự phối hợp của Phần Lan.

8. Chủ tịch Hội đồng Âu Châu khen ngợi Thụy Điển về quyết định gia nhập NATO

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã khen ngợi Thụy Điển và Thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson, về quyết định gia nhập NATO, gọi đó là “quyết định vì lợi ích của an ninh và quốc phòng tập thể”.

Trong một dòng tweet hôm thứ Hai, Michel nói: “Với việc Thụy Điển xin gia nhập NATO cùng với đối tác chiến lược Phần Lan, an ninh của chúng tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn”.

Ông nói thêm: “Sự đóng góp của Liên Hiệp Âu Châu vào khả năng răn đe của NATO ngày càng vô giá”.
 
Bước ngoặt trong mối quan hệ Vatican và TQ. Fátima cầu nguyện cho Ukraine. Tượng Đức Mẹ tại Lviv
VietCatholic Media
04:59 17/05/2022


1. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân: Một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc

Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân tiếp tục gây ra các phản ứng từ nhiều phía. I. Media của Ý có bài nhận định nhan đề “L’arresto del cardinale Zen è una sfida per il Vaticano”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân là một thách đố đối với Vatican”. Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vụ bắt giữ vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc của Giáo Hội Công Giáo.

Bị bắt và sau đó được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5 năm 2022, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, xuất hiện hơn bao giờ hết như là hiện thân của sự phản kháng của Hương Cảng trước sự bóp nghẹt ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh. Bản cáo trạng nhắm vào ngài bởi cơ quan tư pháp địa phương về tội “thông đồng với một thế lực nước ngoài” đang gây ra “mối quan ngại lớn” từ phía Vatican, nơi đã gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những năm gần đây.

Đức Hồng Y Quân bị buộc tội cùng với bốn thành viên khác trong hội đồng quản trị của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, một hiệp hội ban đầu nhằm tài trợ cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng. “Các cá nhân bị nghi ngờ có âm mưu và cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia - một hành động có tính chất nghiêm trọng”, Văn phòng Ủy viên, cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tại Hương Cảng, cho biết trong một tuyên bố.
Source:Aleteia

2. Fátima cầu nguyện cho sự man rợ trong cuộc chiến ở Ukraine có thể dừng lại

Hôm 13 tháng 5, Đức Cha José Ornelas, Giám mục Leiria-Fatima đã kêu gọi “ngăn chặn sự tàn bạo của chiến tranh”, đang diễn ra ở Ukraine, sau khi ban phép lành cho một hình ảnh của Đức Mẹ, tương tự như ảnh Đức Mẹ Fatima, sẽ được tôn kính tại nhà thờ chính tòa Lviv.

“Chúc tụng Chúa, một cách đặc biệt, vì hình ảnh này của Mẹ Ngài sẽ được gửi đến Ukraine. Cầu mong bức ảnh này là một dấu chỉ và nền tảng của hòa bình cho Ukraine và cho toàn thế giới”, Đức Cha José Ornelas nói vào lúc ban phép lành.

Bức ảnh là một món quà từ Đền Fatima cho Đức Tổng Giám Mục Ihor Vozniak, Tổng Giám mục Thủ đô Công Giáo Đông phương của Lviv; Khoảnh khắc làm phép ảnh đã được chào đón bằng một tràng pháo tay của khoảng 170.000 khách hành hương có mặt tại đền thánh Đức Mẹ Fatima.

Trong buổi cử hành đầu tiên với tư cách là Giám mục Leiria-Fátima cùng với những người hành hương quốc tế, Đức Cha José Ornelas đã nêu bật “thông điệp thúc đẩy cuộc sống và hòa bình” được thể hiện ở Cova da Iria kể từ năm 1917

“Cầu mong sự hiện diện từ mẫu của Đức Maria, hình mẫu của Giáo hội luôn chăm sóc những gì nhỏ bé và mong manh nhất, tỏa sáng trong thời kỳ khó khăn này”, của đại dịch và chiến tranh, “ảnh hưởng đến Ukraine và nhiều nơi khác trên hành tinh với sự tàn bạo và thảm khốc.”

Mong thông điệp hòa bình mà Mẹ mang đến cho chúng ta ở Fatima được chấp nhận trong trái tim của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nuôi dưỡng cuộc chiến này, để sự dã man có thể được chấm dứt và một thế giới mới có thể được xây dựng, trong công lý, trong tình đoàn kết huynh đệ và trong hòa bình.

Bằng tiếng Ý, Đức Tổng Giám Mục Ornelas đã hoan nghênh sự chào đón dành cho những người tị nạn từ cuộc chiến ở Ukraine: “Giữa sự tàn khốc của chiến tranh, mong đây là một dấu hiệu về sự phục vụ của Giáo hội và của tình huynh đệ đã trở thành phổ quát”.

Ý cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine đi kèm với cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 này theo một cách đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên không có hạn chế nào kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020.

Buổi cử hành đã do Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Vatican, chủ trì.

Đức Cha José Ornelas nói với viên chức Tòa Thánh: “Tôi xin Đức Cha chuyển đến Đức Thánh Cha Francisco lòng kính trọng và sự hiệp thông của chúng tôi với chức vụ của ngài”.

Đức Tân Giám Mục Leiria-Fátima đã dành ra một khoảng khắc với “lời công nhận đặc biệt” cho Đức Hồng Y António Marto, nguyên Giám Mục giáo phận, được đánh dấu bằng một tràng pháo tay từ những người hành hương.
Source:agencia.ecclesia.pt

3. Ukraine xin luôn được giữ tượng Đức Mẹ Fatima

Ukraine phải trả lại tượng Đức Mẹ cho Fatima. Tuy nhiên, nhà thờ chính tòa ở Lviv sẽ có một bức tượng mới giống hệt, được ban phước tại đền thờ ở Fatima, Bồ Đào Nha.

Đền thánh Đức Mẹ Đức Mẹ Fatima đã gọi cho Ukraine, và họ muốn bức tượng của mình được đưa trở lại Fatima.

Tượng Đức Mẹ Fatima đã đến Ukraine vào ngày 17 tháng Ba, theo yêu cầu của Tổng Giám mục Công Giáo Đông phương Ihor Vozniak của Lyiv. Kể từ đó, vô số tín hữu ở đất nước bị chiến tranh tàn phá đã tìm kiếm sự an ủi nơi sự hiện diện của bức tượng.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, bức tượng là một lời nhắc nhở hữu hình rằng Ukraine đang ở dưới sự bảo vệ của Đức Mẹ.

Nhưng những gì được hoạch định là một thánh đã được kéo dài đến gần hai tháng. Vị Tổng giám mục Ukraine sau đó hỏi rằng liệu đền thánh Đức Mẹ Fatima có thể cân nhắc việc tặng luôn bức tượng để bức tượng có thể ở lại Ukraine mãi mãi hay không.

Yêu cầu đó đã bị từ chối một cách lịch sự, nhưng ngôi đền đã hứa sẽ làm phép và gửi một bức tượng giống hệt như thế đến Ukraine.

Như tờ Tablet đã đưa tin, cha phó của nhà thờ chính tòa Lviv, là Cha Carlos Cabecinha, cho biết trong một cuộc họp báo trước lễ Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 5, rằng bức tượng có thể ở lại Ukraine bao lâu cần thiết, nhưng cuối cùng bức tượng ấy phải trở về Bồ Đào Nha.

Cha cho biết: “Theo định nghĩa, hình ảnh người hành hương là hình ảnh rời đi và sau đó quay trở lại đền thờ ở Fátima”.

Tượng Đức Mẹ được đưa đến Fatima là một trong 13 bản sao của bức tượng gốc do José Ferreira Tedin điêu khắc, dựa trên sự hướng dẫn chính xác của Sơ Lúcia, một trong ba trẻ em đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra ở Fátima năm 1917.

Các bản sao thỉnh thoảng được mang đi hành hương, một truyền thống bắt đầu vào cuối Thế chiến thứ hai, khi một linh mục quản xứ ở Berlin đề xuất rằng nên đưa bức tượng Đức Mẹ Fatima đi khắp Âu Châu. Sau 50 năm hành hương, và sau khi đến thăm hơn 100 quốc gia, các bức tượng giờ chỉ rời đi vào những dịp đặc biệt. Nhiều tín hữu đã cho rằng đã được chữa trị về thể chất và tâm linh là do sự hiện diện của một trong những bức tượng.
Source:Aleteia
 
Cố lập công, tướng Nga nướng 2 tiểu đoàn ở Siverskyi Donets. Putin phản ứng lại Thụy Điển, Phần Lan
VietCatholic Media
15:58 17/05/2022


1. Trong cuộc vượt sông Siverskyi Donets, Nga thiệt mất hai tiểu đoàn chiến thuật

Thống Đốc Miền Luhansk, Serhiy Haidai, cho biết các cuộc kiểm đếm đã diễn ra tại làng Bilohorivka, để xác định thiệt hại của quân đội Nga trong cố gắng vượt qua sông Siverskyi Donets. Kết quả sơ khởi cho thấy Nga đã mất ít nhất 1.000 binh sĩ và khoảng 100 xe quân sự, phần lớn là xe tăng và thiết giáp. Nhiều binh sĩ Nga chết chìm và bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi nên con số tử trận của quân Nga có thể còn cao hơn.

Ông Serhiy Haidai cho biết điều này trong một video được đăng trên Telegram. Ông nói:

“Chiến dịch đáng hổ thẹn mà những kẻ xâm lược tiến hành ở Bilohorivka sẽ đi vào lịch sử của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine này như là thất bại nặng nề của họ ở vùng Luhansk. Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu hủy cả 100 xe tăng và thiết giáp ở đó. Hai tiểu đoàn đã bị giết, tức là cả một nghìn binh sĩ. Ngoài ra, một số cầu phao đã bị phá hủy. Tất cả những nỗ lực của họ để vượt sông và tạo một đầu cầu ở Bilohorivka đều thất bại”.

Bộ Quốc Phòng Anh nhận định về sai lầm chiến thuật trong cuộc vượt sông Siverskyi Donets của Nga như sau:

Thực hiện các cuộc vượt sông trong môi trường đang có chiến sự là một hoạt động có tính rủi ro cao, và nói lên áp lực mà các chỉ huy Nga đang phải chịu để đạt được tiến bộ trong các hoạt động của họ ở miền đông Ukraine.

Thống Đốc Serhiy Haidai nói thêm rằng, rất tiếc, kẻ thù không từ bỏ kế hoạch quay lại Bilohorivka. Người Nga có kế hoạch bao vây trung tâm khu vực Sievierodonetsk và vì thế họ tiếp tục mở các cuộc tấn công theo hướng Bilohorivka.

“Hàng ngàn quân xâm lược Nga đang cố gắng tiến đến Bilohorivka, nhưng chúng sẽ thất bại. Trong các ngôi làng ở ngoại ô Sievierodonetsk, quân phòng thủ của chúng tôi đang đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù, một số đơn vị Nga đang phải rút lui.”

2. Phản ứng của Putin đối với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Tổng thống Vladimir Putin cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với Nga, nhưng “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào các lãnh thổ này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi”. Putin đưa ra lập trường trên trong cuộc họp ảo với các nhà lãnh đạo trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung, gọi tắt là CSTO. Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung này bao gồm Nga, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan.

“Về việc mở rộng NATO, bao gồm cả việc thông qua các thành viên mới của liên minh là Phần Lan, Thụy Điển - Nga không có vấn đề gì với các quốc gia này. Do đó, theo nghĩa này, sự bành trướng với cái giá phải trả của các nước này không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga”, ông Putin nói

“Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem nó sẽ như thế nào dựa trên các mối đe dọa sẽ được tạo ra cho chúng tôi”.

Theo nhà lãnh đạo Nga, sự mở rộng của NATO là “giả tạo” vì liên minh này vượt ra ngoài mục đích địa lý và đang gây ảnh hưởng đến các khu vực khác “không phải theo cách tốt nhất”.

Tổng thống Nga nói rằng CSTO đóng một vai trò ổn định rất quan trọng trong không gian hậu Xô Viết và bày tỏ hy vọng rằng khả năng và ảnh hưởng của tổ chức sẽ tăng lên trong “những thời điểm khó khăn này”.

“Tôi hy vọng rằng tổ chức, trong những năm trước đã chuyển thành một cơ cấu quốc tế chính thức, sẽ tiếp tục phát triển. Ý tôi là, trong những thời điểm khó khăn này,” Putin nói.

Theo Putin, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên CSTO đã thông qua một tuyên bố chung về hợp tác quân sự vào hôm thứ Hai.

Putin nói thêm rằng ông sẽ thông báo chi tiết cho người đứng đầu các quốc gia của CSTO về tiến trình hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine trong phần bế mạc của hội nghị thượng đỉnh.

Putin cho biết, các quốc gia thành viên của CSTO dự định tổ chức một loạt cuộc tập trận chung vào mùa thu này, diễn ra ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai, vài giờ sau khi Thụy Điển chính thức đệ trình đề nghị gia nhập NATO, rằng Nga “sẽ buộc phải thực hiện các bước trả đũa, cả về bản chất quân sự-kỹ thuật và bản chất khác, để ngăn chặn các mối đe dọa. đối với an ninh quốc gia của nó phát sinh trong vấn đề này.”

Nga đã kịch liệt phản đối việc Thụy Điển muốn gia nhập liên minh. Tuyên bố cho biết thêm, “Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho an ninh của Bắc Âu và lục địa Âu Châu nói chung.”

“Việc trở thành thành viên NATO sẽ không làm tăng mức độ an ninh của Thụy Điển, nếu chỉ vì không có ai đe dọa đất nước, nhưng chắc chắn sẽ dẫn đến việc mất chủ quyền trong việc đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại,” tuyên bố tiếp tục.

3. Quân phòng thủ Ukraine đẩy lùi 11 cuộc tấn công của kẻ thù trong khu vực JFO, phá hủy máy bay và 5 xe tăng

Lực lượng phòng thủ Ukraine đã bắn rơi máy bay Su-25 của Nga và phá hủy 5 xe tăng cùng các đơn vị thiết bị quân sự khác trong khu vực Chiến dịch Lực lượng chung, gọi tắt là JFO. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Các lực lượng phòng thủ Ukraine từ Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của đối phương. Các trận chiến đang diễn ra ở ba khu vực.”

Đặc biệt, quân đội Ukraine đã phá hủy hệ thống hỏa tiễn đất đối không Tor của Nga, 5 xe tăng, 6 hệ thống pháo, trong đó có 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 12 xe thiết giáp và một xe cơ giới.

Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi một máy bay Su-25 và 3 máy bay không người lái Orlan-10.

Trong 24 giờ qua, quân xâm lược Nga đã nã pháo vào 25 khu định cư ở Vùng Donetsk và Vùng Luhansk, gây thiệt hại cho 42 ngôi nhà dân cư, trường học, cơ sở giáo dục đại học, khách sạn và sáu xí nghiệp. 20 thường dân đã thiệt mạng trong trận pháo kích của Nga, trong đó có một trẻ em.

4. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Kyiv hy vọng nhân dịp này quân Ukraine có thể giải phóng Crimea và Donbas

Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga xung quanh Kyiv, Kharkiv và các thành phố khác, như thế Ukraine có thể đẩy lùi Nga ở các khu vực khác mà Nga có thể chiếm đóng. Kristina Kvien, Tham Tán Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Kyiv đã đưa ra lập trường trên.

“Cho đến nay, đối với tôi, dường như Ukraine đã rất thành công trong việc đẩy lùi Nga. Họ đã đẩy lùi Nga ở Bắc Kyiv, giờ họ đã đẩy lùi Nga xung quanh Kharkiv. Và không phi lý khi nghĩ rằng Ukraine có thể đẩy lùi Nga ở các khu vực khác mà Nga đã chiếm đóng. Đặc biệt cho đến nay, chúng ta chưa thảo luận về Crimea và Donbas”, Kristina Kvien nói với European Pravda trong một cuộc phỏng vấn.

Trong cuộc phỏng vấn, nhà ngoại giao nhấn mạnh Mỹ luôn công nhận Crimea và Donbas là của Ukraine.

Kvien bác bỏ bình luận rằng “Hoa Kỳ không cung cấp đủ vũ khí để giành chiến thắng và đẩy lùi người Nga khỏi Donbas hoặc Crimea.”

“Điều đó không đúng. Bạn đã đẩy họ trở lại. Chúng tôi muốn Ukraine có thể đẩy lùi người Nga và giành chiến thắng trong cuộc chiến. Và chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để giúp Ukraine giành chiến thắng”

Vào ngày 9 tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật cho Ukraine thuê các khí tài chiến tranh, đạo luật này sẽ xúc tiến chương trình hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.

5. Đức chuyển giao pháo tăng Panzerhaubitze, xe tăng phòng không Gepard, và bazooka cho Ukraine

Đức sẽ bàn giao 7 pháo tăng Panzerhaubitze đời 2000 cho Ukraine, và một số xe tăng phòng không cũng như các thiết bị quân sự khác.

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết điều này tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai

“Việc giao vũ khí và thiết bị quân sự vẫn tiếp tục. Chúng tôi đang nói về pháo tăng Panzerhaubitze 2000 mà binh sĩ Ukraine hiện đang được huấn luyện để vận hành, việc gửi xe tăng Gepard, cung cấp súng bazooka và các thiết bị quân sự khác,” ông nói và nhắc lại rằng đối diện với những tàn bạo kinh hoàng do quân Nga gây ra tại Ukraine, Đức đã từ bỏ chính sách không cung cấp vũ khí đến các khu vực khủng hoảng.

Tăng pháo Panzerhaubitze của Đức là một loại xe tăng được lắp đặt một cỗ pháo 155 ly. Đó là một trong những hệ thống pháo mạnh nhất được triển khai trong những năm 2010. Nó có khả năng bắn với tốc độ rất cao; ở chế độ liên tục, nó có thể bắn ba phát trong chín giây, mười phát trong 56 giây và có thể bắn liên tục từ 10 đến 13 viên mỗi phút. Loại xe tăng này cũng được quân đội Ý, Hà Lan, Hy Lạp, Lithuania, Hung Gia Lợi, Qatar và Croatia dùng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức David Helmbold cho biết, một dự án quốc tế về huấn luyện tăng pháo đang được tiến hành, nó được thiết kế trong 40 ngày, nhưng thời hạn có thể được điều chỉnh lại.

“Hiện tại vẫn chưa thể nói chính xác điều này sẽ diễn ra như thế nào. Tất nhiên, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc bảo đảm rằng khóa huấn luyện được tiến hành cẩn thận nhất có thể và mặt khác, nó được hoàn thành càng sớm càng tốt, bởi vì rõ ràng rằng quân đội Ukraine đang rất cần những thứ này”.

Việc đào tạo quân đội Ukraine hiện đang diễn ra tại Đức, và là một dự án hợp tác với Hà Lan.

6. Bộ trưởng các nước Latvia, Estonia và Litva tán thành quyết định “lịch sử” của Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập NATO

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Latvia, Estonia và Litva đã tán thành kế hoạch của Thụy Điển và Phần Lan trong việc tìm kiếm tư cách thành viên NATO.

Trong một tuyên bố chung được công bố hôm thứ Hai, các ngoại trưởng gọi các quyết định này là “lịch sử” và nói rằng họ sẽ “làm những gì cần thiết để hỗ trợ cả hai nước.”

“Chúng tôi tin tưởng rằng cả Thụy Điển và Phần Lan sẽ đóng góp vào sự thống nhất, đoàn kết, gắn bó và sức mạnh của Liên minh và toàn bộ khu vực Xuyên Đại Tây Dương, vào thời điểm mà môi trường an ninh mà chúng ta phải đối mặt ngày càng phức tạp,” tuyên bố viết.

Các bộ trưởng nói thêm rằng tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan “cũng sẽ tăng cường đáng kể an ninh của khu vực Biển Baltic”, cũng như “mở ra triển vọng mới cho Bắc Âu-Baltic và các hình thức hợp tác khu vực khác trong các vấn đề quốc phòng và an ninh”.

“Chúng tôi cam kết thúc đẩy việc phê chuẩn nhanh chóng các giao thức gia nhập sau khi chúng được ký kết,” tuyên bố chung cho biết thêm.

Các nhà lãnh đạo Đan Mạch, Iceland và Na Uy đã hoan nghênh quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

“Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Phần Lan và Thụy Điển về việc xin gia nhập NATO”, ba quốc gia cho biết trong một tuyên bố chung.

“Chúng tôi lưu ý rằng các quyết định của Phần Lan và Thụy Điển về việc xin gia nhập NATO là các quyết định của quốc gia có chủ quyền phù hợp với quyền của Phần Lan và Thụy Điển trong việc lựa chọn các thỏa thuận an ninh của riêng họ. Phần Lan và Thụy Điển có quyền theo đuổi quá trình gia nhập của mình mà không có bất kỳ nỗ lực can thiệp nào từ bên ngoài, “tuyên bố cho biết.

Hôm thứ Hai, Chính phủ Thụy Điển đã công bố quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xác định rằng tư cách thành viên “là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của Thụy Điển trong bối cảnh môi trường an ninh đã thay đổi cơ bản sau khi Nga xâm lược Ukraine.”

Tuần trước, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết Phần Lan phải đăng ký làm thành viên “ngay lập tức” và sẽ hoàn thành các bước cần thiết ở cấp quốc gia “trong vài ngày tới”.

Đan Mạch, Iceland và Na Uy nhấn mạnh hôm thứ Hai rằng an ninh của Phần Lan và Thụy Điển là “vấn đề chung của tất cả chúng ta”.

“Nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển trở thành nạn nhân của hành động xâm lược trên lãnh thổ của họ trước khi trở thành thành viên NATO, chúng tôi sẽ hỗ trợ Phần Lan và Thụy Điển bằng mọi cách cần thiết”, ba quốc gia cam kết.

Họ cũng cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm một quá trình gia nhập nhanh chóng, vì Phần Lan và Thụy Điển đã tuân thủ các tiêu chí liên quan để trở thành thành viên NATO. “

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cam kết trong một tuyên bố riêng sẽ “phát triển hơn nữa hợp tác quốc phòng Bắc Âu của chúng ta”.
 
Quân đội Nga bỏ lại những gì ở ngoại ô Kharkiv? Tờ Avvenire của HĐGM Ý ca ngợi đề nghị đình chiến
VietCatholic Media
16:13 17/05/2022


1. Những gì quân đội Nga bỏ lại ở ngoại ô Kharkiv cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh

Hai đoàn xe hơi dân sự tại một ngôi làng phía đông bắc Ukraine nói về việc Nga rút lui khỏi khu vực này và sự tàn bạo mà quân Nga để lại.

Đoàn xe đầu tiên gồm ba chiếc xe chở theo một linh mục đang vội vã chạy qua làng Staryi Saltiv từ phía bắc, chạy trốn bạo lực khi Ukraine đẩy lực lượng Nga ra khỏi Rubizhne.

“Chúng tôi thậm chí không biết chuyện gì đang xảy ra,” một tài xế nói. “Chúng tôi đã không quan sát xung quanh để tìm hiểu.”

Các quan chức Ukraine trong tuần này cho biết họ tiếp tục tiến mạnh về phía biên giới Nga, giải phóng những ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Kharkiv, là thành phố lớn thứ hai của đất nước trước khi cuộc xâm lược bắt đầu. Những bước tiến của Ukraine đe dọa mang đến sự nhục nhã mang tính biểu tượng khi trục xuất lực lượng của Điện Cẩm Linh trở lại biên giới của chính họ, đồng thời đặt ra mối đe dọa chiến lược là cắt các đường tiếp tế của Nga vào Ukraine và các lực lượng của họ xa hơn về phía nam trong khu vực Donbas. Những tiến bộ này đã diễn ra rất nhanh chóng trong những tuần qua.

Đoàn xe thứ hai nói về những gì Ukraine họ đã thấy sau cuộc tấn công của quân Nga - 5 chiếc xe lỗ chỗ những vết đạn, và 2 chiếc bị cháy thành đống đổ nát.

Các quan chức Ukraine cho biết, đoàn xe này đang cố gắng rời thị trấn thì bị quân đội Nga phục kích. Các lỗ đạn tập trung ở một số cửa ra vào của người lái xe. Quần áo và đồ chơi của trẻ em vứt bừa bãi ở khu vực xung quanh các phương tiện giao thông. Giới chức Ukraine cho biết, 4 dân thường, trong đó có một bé gái 13 tuổi, đã thiệt mạng khi quân đội Nga nổ súng vào đoàn xe này.

Binh lính Ukraine đi chung với CNN thuộc lực lượng bảo vệ lãnh thổ thành phố Kharkiv cho biết một quả đạn pháo xe tăng đã bắn trúng một trong những chiếc xe, khiến phần trước của nó bị xoắn lại không thể nhận ra.

Mạc Tư Khoa cho biết các lực lượng của họ không nhắm mục tiêu vào dân thường. Đó là một tuyên bố trái ngược với bằng chứng về những hành động tàn bạo rõ ràng được CNN chứng kiến tận mắt ở đây và những nơi khác ở Ukraine.
Source:CNN

2. Tờ Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý hoan nghênh đề nghị ngưng bắn tức khắc của Hoa Kỳ

Trong bản tin ngày 13 tháng Năm, tờ Avvenire, nghĩa là Tương Lai, đã hoan nghênh đề nghị ngưng bắn tức khắc của người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin.

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 13 tháng 5 rằng:

“Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào hôm thứ Sáu, trong đó ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.”

Trong cuộc gọi, Austin cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc”. Đây là lần đầu tiên Austin nói chuyện với Shoigu kể từ ngày 18 tháng 2, sáu ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Tướng Kirby cho biết đây là lần đầu tiên phía Nga chấp thuận đối thoại với Hoa Kỳ qua đường dây nói. Ông nói: “Điều gì đã thúc đẩy họ thay đổi suy nghĩ, và cởi mở với đối thoại, tôi không nghĩ rằng chúng tôi biết chắc chắn. Cuộc trò chuyện kéo dài một giờ là rất chuyên nghiệp”

Tướng Kirby nói thêm rằng không có vấn đề nào được vượt qua.

“Bản thân cuộc gọi không giải quyết cụ thể bất kỳ vấn đề cấp bách nào hoặc dẫn đến sự thay đổi trực tiếp trong những gì người Nga đang làm hoặc đang nói”. Tuy nhiên, Tướng Kirby cho biết Austin hy vọng cuộc gọi sẽ “đóng vai trò là bàn đạp cho các cuộc trò chuyện trong tương lai”.

Nga thường xuyên tố cáo Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đang tiến hành một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, tức là, mượn tay Ukraine để tấn công họ. Tuy nhiên, sự thật là khi Hoa Kỳ đề nghị ngưng bắn tức khắc, họ đã không chấp nhận.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cũng chỉ ra sự sai trái trong luận điệu của Nga: “Putin có thể kết thúc chiến tranh ngay ngày mai, ngay hôm nay, ngay bây giờ nếu ông ta muốn.”
Source:Avvnire

3. John Allen: Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho thấy Trung Quốc không hiểu được Giáo Hội Công Giáo

Liên quan đến việc Trung Quốc bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, John Allen, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican của tờ Crux, có bài bình luận nhan đề “Zen arrest suggests China just doesn’t get the Catholic Church”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho thấy Trung Quốc không hiểu được Giáo Hội Công Giáo.”

Trước ngày 24 tháng 2, có khả năng, tuy rất mong manh, rằng Mạc Tư Khoa có thể thành công trong việc đưa ra một khiếu nại rằng cộng đồng nói tiếng Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine có những bất bình chính đáng với Kyiv, và nỗ lực giành quyền tự trị của họ có thể hưởng được ít nhất là một mức độ hợp pháp về mặt luân lý.

Tuy nhiên, một khi Putin đã chọn súng đạn thay cho thuyết phục bằng cách phát động một cuộc xâm lược tổng lực, thì cơ hội đó đã bị mất. Cuộc tấn công không chỉ phản tác dụng về mặt quân sự mà còn tạo ra sự ủng hộ chưa từng có trên toàn cầu đối với Ukraine bất chấp kỷ lục của nước này tại Donbass trên thực tế có thể là gì.

Bài học ở đây là quyền lực cứng thường là kẻ thù của quyền lực mềm, đôi khi biến kẻ thù của bạn thành kẻ tử vì đạo và chính bạn thành kẻ xấu xa tồi tệ.

Bắc Kinh nhận thấy mình đang phải đối mặt với những hệ lụy của bài học đó ngày hôm nay, mặc dù trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn, sau vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân 90 tuổi hôm thứ Tư vì cáo buộc vi phạm đạo luật an ninh của Hương Cảng, cụ thể là “thông đồng với lực lượng nước ngoài”.

Nếu Trung Quốc chú ý đến, họ sẽ nhận ra rằng trong vài năm qua, Đức Hồng Y Quân ngày càng bị gạt ra ngoài lề trong triều đại giáo hoàng Phanxicô vì những lời chỉ trích gay gắt của ngài đối với thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục; cũng như mối quan hệ ngày càng tăng của ngài với những người khác, cụ thể là với các nhà phê bình nổi tiếng chống lại Đức Phanxicô, nổi bật nhất là Đức Tổng Giám Mục người Ý Carlo Maria Viganò.

Câu chuyện nổi tiếng là Đức Hồng Y Quân đã đến Rôma vào tháng 10 năm 2020 để cố gắng gây ảnh hưởng đến việc Đức Phanxicô lựa chọn một giám mục mới cho Hương Cảng. Sự bùng nổ xảy ra sau khi có tin đồn rằng kế hoạch bổ nhiệm Đức Giám Mục Phụ Tá Giuse Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing - 夏志誠) đã bị rút lại vì ngài bị chụp ảnh trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, cho thấy một hình thức khác của Vatican trước sự nhạy cảm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Quân thậm chí không thể gặp được Đức Giáo Hoàng, điều đó cho thấy rằng ngài đang bị phong tỏa một cách hiệu quả. Việc Vatican gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc vì sự phản đối rõ ràng của ngài đã xác nhận quan điểm này.

Dấu hiệu không hài lòng đó của Đức Giáo Hoàng xuất hiện trong bối cảnh Đức Hồng Y Quân gọi đường lối của Vatican đối với Trung Quốc là “bệnh hoạn”, và buộc tội rằng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã nói “một loạt những lời dối trá mà không chớp mắt”.

Dấu hiệu không hài lòng đó cũng xuất hiện sau khi có những biểu hiện cho thấy sự không hài lòng của Đức Hồng Y Quân với thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican đã chuyển thành sự phản kháng chống Đức Phanxicô ở các khu vực khác. Ví dụ, Đức Hồng Y Quân là người ký vào một bức thư ngỏ do Đức Tổng Giám Mục Viganò viết vào tháng 5 năm 2020, tuyên bố rằng đại dịch coronavirus đang bị thao túng để áp đặt các chế độ độc tài của chính phủ trên toàn thế giới.

“Việc áp đặt các biện pháp phi đạo đức này là một khúc dạo đầu đáng lo ngại cho việc nhận ra một chính phủ thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi người,” lá thư tuyên bố, đồng thời khẳng định rằng “với lý do quét sạch vi-rút, nhiều thế kỷ văn minh Kitô có thể bị xóa sổ” và “chế độ chuyên chế công nghệ đáng sợ” có thể được thiết lập.

Những người ký tên khác bao gồm cựu tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Gerhard Müller và Đức Tổng Giám Mục hiệu tòa của Riga, là Đức Hồng Y Janis Pujats, cả hai vị đều không có tên trong danh sách những người được yêu thích trong triều đại giáo hoàng này.

Do đó, thật hợp lý khi cho rằng nếu Trung Quốc không làm gì, Đức Hồng Y Quân có thể vẫn không quan trọng trong việc định hình các chính sách của Giáo hoàng và chỉ được ưa chuộng trong giới bảo thủ sâu sắc với những cái rìu để mài dũa với vị giáo hoàng này trên nhiều phương diện. Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ không phải lo lắng nhiều, ít nhất là chừng nào Rôma còn giữ nguyên đường lối như hiện nay.

Tuy nhiên, giờ đây, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể bỏ mặc Đức Hồng Y Quân, bởi vì việc bắt giữ ngài (và bất cứ điều gì tiếp theo có thể xảy ra sau khi ngài bị truy tố và thậm chí có thể bị tống giam) sẽ tạo ra sự cảm thông và những hành động thay mặt Đức Hồng Y Quân trên toàn thế giới.

Cuối ngày thứ Tư, Vatican đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “Tòa Thánh đã nhận được tin tức về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân với sự quan tâm, và đang theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”.

Benedict Rogers của Hong Kong Watch gọi vụ bắt giữ là “kinh khủng không thể tin được”, trong khi Sam Brownback, cựu Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và thuộc đảng Cộng hòa, cùng với nhà hoạt động Dân chủ Katrina Swett, nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “xuống đến một mức thấp mới” qua hành động của nó chống lại vị Hồng Y ở tuổi 90.

Giả sử rằng các quan chức Trung Quốc có ý định tiếp tục các cáo buộc, thì đây không phải chỉ là phản ứng một lần mà là bước mở đầu cho một chiến dịch toàn cầu, trong đó các nhà lãnh đạo Công Giáo ở tất cả các cấp sẽ bị áp lực phải đóng vai chính. Trên thực tế, Đức Hồng Y Quân sẽ trở thành Hồng Y József Mindszenty, là vị giám mục người Hung Gia Lợi bị Liên Xô bắt giam và sau đó bị lưu đày trong đại sứ quán Hoa Kỳ ở Budapest, là một nguyên nhân linh hứng cho người Công Giáo trong Chiến tranh Lạnh.

Bất kể tất cả các luận điệu của họ đưa ra chống lại các Giám Mục, những người Công Giáo trên khắp thế giới không vui lòng nhìn thấy các Giám Mục của họ bị quăng bên trong song sắt sau các phiên tòa nặng phần trình diễn chỉ vì những xác tín chính trị của các ngài.

Để bắt đầu, hiệu quả ròng gần như chắc chắn sẽ là việc đầu tư cho Đức Hồng Y Quân với thẩm quyền đạo đức lớn hơn và có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc đối thoại Công Giáo toàn cầu. Chắc chắn là nếu ngày hôm nay Đức Hồng Y Quân có chuyến công du tới Rôma, thì không thể nào tưởng tượng được rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không tìm thấy chỗ trống cho ngài trên lịch của mình.

Nói rộng hơn, trong vụ Đức Hồng Y Quân, nếu Bắc Kinh kết hợp tính toán sai lầm ban đầu của mình với nỗ lực cố tìm ra cho được ngài có tội gì đó, thì điều này sẽ gây áp lực lên Vatican để xem xét lại toàn bộ chính sách đối với Trung Quốc, đặc biệt là đối với thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục.

Nếu đưa một vị Hồng Y vào tù là cách Trung Quốc thể hiện sự cân nhắc song phương của họ đối với Vatican, thì tư duy tiếp theo của Tòa Thánh sẽ là: chính xác thì thỏa thuận này đã thu được những gì, điều gì có thể biện minh cho việc nhường cho Trung Quốc một sự kiểm soát đáng kể đối với việc bổ nhiệm lãnh đạo Công Giáo của đất nước?

Các nhà phê bình, bao gồm cả Đức Hồng Y Quân, thường nói rằng Vatican không hiểu Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ bắt giữ Đức Hồng Y dường như chứng tỏ rằng có một xu hướng bình đẳng và đối lập đó là Trung Quốc không hiểu Vatican, hoặc, về vấn đề này, Giáo Hội Công Giáo quá lớn đối với họ.
Source:Crux