Ngày 19-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 20/05/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:50 19/05/2018
Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

"Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa,

thực nhiều thay công cuộc của Ngài!

Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.

2) Ngài rút hơi thở chúng đi,

chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình.

Nếu Ngài gởi hơi thở tới,

chúng được tạo thành,

và Ngài canh tân bộ mặt trái đất.

3) Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời,

nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa.

Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui;

phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

"Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Thánh Thần Trong 7 Bí Tích
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:05 19/05/2018
Khi học về bí tích giải tội, giảng khoá mà tôi học xưa kia đã đặt cho lời mở một cái tựa gây sốc : “Quyền kinh khủng.” Quyền kinh khủng đây là quyền tha tội. Anh em tha tội cho ai,người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, người ấy bị cầm buộc. Đúng là một quyền kinh khủng, vì là một người phàm mà con người linh mục phàm nhân kia có quyền tha cho các tội nhân, mà tội là phạm đến Chúa, không phải chúa Trịnh chúa Nguyễn ở Đàng Trong Đàng Ngoài, mà là Chúa Tối Cao, Chủ Tể trời đất. Đúng là “quyền kinh khủng.” Ta thử tưởng nghĩ xem có một thường dân nào đó được phép để tha cho một người xúc phạm nặng đến vua, đến tổng thống không ?

Nhưng mà người linh mục được quyền này, nhờ một Ngôi Vị : Ngôi Ba. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, người ấy được tha” (Ga 20, 22-23). Chúa Giêsu mà không “thổi hơi” để ban Thánh Thần, thì chẳng ai thổi được bất cứ gì, dẫu chỉ một hạt bụi, tức tội mọn !

Chúa Thánh Thần có vai trò rất rất quan trong trong đời sống giáo hội, ấy vậy mà đã rất nhiều năm, nhiều thế kỷ, giáo hội Latinh (Roma) quên lãng Ngài, không hề nhắc đến Ngài trong các bí tích, trong Thánh lễ (trong khi đó, giáo hội Chính Thống, GH Công Giáo Đông Phương vẫn đặt Chúa Thánh Thần ở một vị trí rất cao, vì quả Ngài có “quyền kinh khủng” lắm !).

Chúng ta cứ bắt đầu với bí tích giải tội, vì bài Tin Mừng hôm nay đang nói về. Mãi tới năm 1973, giáo hội Latinh mới đưa Chúa Thánh Thần vào công thức tha tội.

“Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và đã ban Thánh Thần để tha tội. xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho anh ơn tha thứ và bình an, vậy tôi tha tội cho anh nhân danh Cha và Con và Thanh Thần.”

Công thứ cũ trải dài nhiều thế kỷ chỉ nhắc tới Chúa Cha và Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba : xin Chúa Giêsu Kitô tha tội cho anh (mặc dầu cũng có công thức chính với Chúa Thánh Thần nhưng chỉ như là “dấu thánh giá” chứ không nói rõ công việc: “Tôi tha tội cho anh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”)

Bí tích xức dầu thánh, xem như em của bí tích giải tội, xem như bí tích trợ tá cho bí tích giải tội, trước đây cũng không hề nhắc gì tới Chúa Thánh Thần. Công thứ cũ là : Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa tha thứ mọi tội người này phạm do mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nói, tay chân đụng chạm (tức tha các tội do ngũ quan : thính, thị, xúc, vị, khứu giác). Công thứ mới là : “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ ông; để Người giải thoát ông khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa ông và thương làm cho ông được thuyên giảm.”

Trong Thánh lễ, việc lãng quên vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hoá, rất đáng tội ! Trải qua nhiều nhiều thế kỷ, Lễ Qui Rôma không hề nhắc gì đến Chúa Thánh Thần (dẫu có nhắc trong “chính nhờ Người, với Người …”, nhưng cũng như một cách làm dấu thánh giá vậy thôi !). Còn nay, sau Công Đồng và khi canh tân lại thánh lễ, lúc đặt tay là nài xin Chúa Thánh Thần :

Vì thế lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa, dùng ơn Chúa Thánh Thần mà thánh hoá của lễ này, để trở nên (*) cho chúng con Mình và Máu (KNTT 2). Chính Chúa Thánh Thần biến bánh và rượu thành Mình và Máu. Nghi Lễ Chính Thống và Công Giáo Đông Phương hiểu và thực hành như vậy. Đọc lời khẩn nài Chúa Thánh Thần xong (tiếng chuyên môn gọi là epiclesis) là bánh rượu “biến thành” Mình Máu Chúa ngay, chứ không như trong Nghi Lễ Latinh (Tây Phương) phải đợi tới lúc đọc lời tường thuật, “Này là Mình Thầy” “Này là Máu Thầy” thì bánh rượu mới thành Mình Máu.

Các bí tích thánh tẩy, thêm sức, truyền chức, nhắc đến Chúa Thánh Thần là điều đương nhiên, nhất là bí tích thêm sức được xem là hàng hiệu của Ngài với bảy ơn Chúa Thánh Thần, nên dễ hiểu và khó có thể bỏ quên Thánh Thần. Thánh Tẩy, tức rửa tội, nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần, thì chính Thánh Thần cho ta được phép gọi Chúa là Cha. Truyền Chức thì cần Chúa Thánh Thần nhiều để soi sáng hướng dẫn…, nên Chúa Thánh Thần không bị quên lãng.

Còn Hôn phối thì sao, Chúa Thánh Thần bị quên lãng nhiều nhất, nhất là tại Việt Nam. Bởi lễ nghi thức hôn phối sau Công Đồng Vatican II, có 2 lần sửa, mãi tới 1991 mới có bản mẫu II, và Việt Nam ta thì gần 20 năm sau nữa mới dịch ra, tức áp dụng từ lễ Phục Sinh 12-4-2009, trong đó các lời chúc hôn nhắc tới Thánh Thần :

1. “Xin đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các tôi tớ Chúa để nhờ có tình yêu Chúa chan hoà trong tâm hồn, các tôi tớ Chúa được bền lòng chung thuỷ với nhau trong giao ước hôn nhân.”

2. “Chúng con nài xin Chúa đoái thương giơ tay trên các tôi tớ Chúa đây là anh Giuse Toan và chị Maria Tính và tuôn đổ xuống tâm hồn họ sức mạnh của Thánh Thần”

3. “Xin tuôn đổ chan hoà phúc lành của Chúa trên chị Tính và bạn trăm năm của chị là anh Toan, xin Chúa dùng quyền lực Thánh Thần Chúa từ trên cao đốt nóng tâm hồn anh chị, để khi vui hưởng sự trao hiến cho nhau trong hôn nhân, anh chị biết dùng con cái điểm tô cho gia đình và làm cho Hội Thánh được thêm phong phú.”

Những ai cử hành hôn phối trước đây, chẳng phải xa xôi gì từ năm 2009 trở về trước, là thiếu vắng Chúa Thánh Thần trong lời chúc hôn, chắc phải làm lại !

Vậy là trong 7 bí tích, 3 bí tích “bà con” với Chúa Thánh Thần (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Truyền Chức) có nhắc tới Chúa Thánh Thần là dĩ nhiên, còn 4 bí tích kia : Xức Dầu Bệnh Nhân, Thánh Thể, Giải Tội, và nhất là Hôn Phối, việc đưa Chúa Thánh Thần vào là chậm lắm, mãi “rất” sau này mới đưa vào !

Bây giờ ta quay lại bài Tin Mừng với bí tích giải tội. “Hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, người đó được tha.”

+ Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng Thừa Sai người Ý truyền giáo tại Hongkong kể lại rằng: trong một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và ơn tha thứ của Chúa, ngài giải thích về ý nghĩa của bí tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:

-Thưa cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.

Vị linh mục giải thích rằng, vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận bí tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:

-Thưa cha, trong Hồi giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài. Cha liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và sau đó người này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.

+ Tại Đại Hàn, nơi có nhiều tín đồ Phật giáo trở lại Công Giáo, Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi rất vắn như sau: “Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo ?” Một bác sĩ nổi tiếng trong Nước đã trả lời như sau: “Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Đối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong Phật Giáo không có sự tha thứ, tuy có những nghi thức thanh tẩy, có việc cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Người tín đồ Phật Giáo vì có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời bị dằn vặt dưới gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng, Giáo Hội Công Giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.

Hãy nài xin Thánh Thần, Đấng cùng với Chúa Kitô hành động trong các bí tích, hãy “hành động” trong chúng ta để mỗi người chúng ta xứng đáng gọi Chúa là Cha của mình. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

______________

(*) “trở nên” là bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ năm 2005. Còn Sách Lễ Roma năm 1992, thì dịch thẳng “biến thành”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng đấu giá chiếc Lamborghini lấy tiền giúp tái định cư các Kitô hữu Iraq
Đặng Tự Do
00:55 19/05/2018
“Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì cử chỉ hiền phụ này. Đức Giáo Hoàng là người cha của toàn thể Giáo Hội và nghĩ đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang đau khổ như chúng tôi.”

Đức Thượng Phụ Công Giáo Chanđê thành Babylon Louis Raphaël Sako, đã nói như trên khi hay tin chiếc Lamborghini Huracan độc nhất vô nhị trên thế giới - mà nhà sản xuất xe đã trao cho Đức Giáo Hoàng vào mùa thu năm ngoái - đã được bán đấu giá vào hôm 12 tháng 5, 2018 với số tiền lên đến 840,000 đô la.

Theo mong muốn của Đức Giáo Hoàng, số tiền trên đang được sử dụng cho các mục đích bác ái, trong đó phần lớn số tiền được trao cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ để hỗ trợ các dự án giúp xây dựng lại các làng Kitô giáo trên vùng đồng bằng Nineveh ở Iraq.

Tính đến ngày 7 tháng 5 năm 2018, số gia đình đã trở về vùng đồng bằng Nineveh là 8,768 gia đình, tức là hơn 45% trong số 19,452 gia đình bị buộc phải bỏ chạy khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào khu vực này hồi tháng 6 năm 2014.

“Chúng tôi sẽ có thể làm nhiều hơn nữa với món quà của Đức Giáo Hoàng. Tôi cảm tạ Đức Thánh Cha bằng cả trái tim mình, nhưng đồng thời xin tất cả những ai có thể hãy giúp hỗ trợ các Kitô hữu trên vùng đồng bằng Nineveh”, Đức Thượng Phụ Louis Sako nói thêm.

Kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt đầu tấn công vào miền bắc Iraq, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã quyên góp 44 triệu đô la cho các dự án viện trợ khẩn cấp và nhân đạo tại Iraq.
Source - Aid to the Church in need Pope auctions Lamborghini, proceeds help resettle Iraqi Christians
 
Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle kêu gọi cầu nguyện và ăn chay trước nạn tin giả tại Phi Luật Tân
Đặng Tự Do
02:45 19/05/2018
Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, đã kêu gọi cầu nguyện và ăn chay vì Phi Luật Tân đang phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng của sự thật” do những tin giả và các nguồn tin bị chính trị đảng phái chi phối gây ra.

Đức Hồng Y đã kêu gọi như trên trong một lá thư được Tổng Giáo Phận Manila gửi đến các ký giả vào hôm thứ Năm, 17 tháng Năm, và được ký bởi Đức Hồng Y Tagle vào ngày Chúa Nhật, 13 tháng Năm, ngày Truyền Thông Thế Giới.

Trong thư gửi các linh mục, nam nữ tu sĩ của Tổng Giáo Phận Manila, Đức Hồng Y Tagle yêu cầu các vị cử hành 12 ngày cầu nguyện và ăn chay từ ngày 20 tháng Năm, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cho đến ngày 31 tháng Năm, Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Thánh Elizabeth.

Trong thời gian này, các nhà thờ trong tổng giáo phận Manila sẽ rung chuông nhà thờ vào lúc 3 giờ chiều để tưởng nhớ đến cái chết của Chúa, cầu xin các ơn của Chúa Thánh Thần, và đọc kinh kính Lòng Thương Xót.

Anh chị em giáo dân và hàng giáo sĩ được khích lệ ăn chay hoặc làm một việc “bác ái cụ thể hay một hành động phục vụ”.

Ngài khích lệ việc cử hành long trọng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là lễ “chân lý và tình yêu”, bao gồm các chương trình học hỏi về thiện ích chung.

Đức Hồng Y Tagle nhấn mạnh rằng “Chúng ta cần xin Chúa tha thứ vì những tội lỗi xúc phạm đến chân lý và mở lòng mình ra với các tác động của Thánh Linh là Thần Chân Lý.”

“Qua việc ăn chay hãm mình, chúng ta chuyển hướng trọng tâm các hành động của mình từ thái độ vị kỷ hướng đến các thiện ích cộng đồng.”

Ngài nhận xét rằng:

“Cuộc khủng hoảng sự thật đã gieo những hạt giống nghi kỵ, oán giận và chia rẽ. Chính trị đảng phái đã gây ra những thiệt hại cho thiện ích chung của quốc gia”
Source - Rappler Cardinal Tagle calls for prayer, fasting vs 'crisis of truth'
 
Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ 18/05/2018: “Mục tử tốt yêu mến, chăm sóc đoàn chiên và sẵn sàng vác thánh giá”
Lệ Hằng, F.M.A.
06:43 19/05/2018
Trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng Thứ Sáu 18 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các mục tử hãy “yêu mến, chăm sóc đoàn chiên và chuẩn bị mình sẵn sàng vác thập giá,” đừng phung phí thời gian can dự vào đời sống của những người khác.

Lời khuyên của Đức Thánh Cha được rút ra từ Phúc Âm của Thánh Gioan kể lại cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô.

Hãy theo Thầy.

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? “ Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”

Những lời đối đáp này được lặp lại tương tự như thế đến ba lần. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu muốn hướng dẫn Thánh Phêrô trên một hành trình tâm lý để thấy mối liên hệ này: yêu mến Chúa nghĩa là “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Và để chăm sóc chiên con của Thầy, người mục tử phải “chuẩn bị chính mình”, phải dám theo theo Thầy sẵn sàng vác thập giá.

Tình yêu là căn tính của người mục tử.

Bước đầu tiên để trở thành môn đệ đích thực của Con Thiên Chúa là yêu mến. Đức Thánh Cha nói tiếp rằng chăm sóc và lo lắng cho đoàn chiên Chúa là một phần thiết yếu trong căn tính người mục tử.

Ngài nói:

“Căn tính của giám mục, linh mục chính là một mục tử.”

“Yêu mến Thầy, hãy chăm sóc chiên của Thầy và chuẩn bị mình. Yêu mến Thầy hơn tất cả những gì khác. Hãy yêu mến Thầy hết sức con có thể, nhưng hãy yêu mến Thầy. Đó là những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi các mục tử và tất cả chúng ta. ‘Hãy yêu mến Thầy’. Bước đầu tiên trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa là yêu mến.”

Đến nơi mà anh em không muốn đến.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng phần số của những ai đón nhận Chúa trọn vẹn là “tử đạo” và “vác thập giá” nghĩa là được đưa đến nơi họ không muốn đến. Nhưng đây là la bàn định hướng cho người mục tử.

“Hãy chuẩn bị cho những thử thách; hãy chuẩn bị bỏ lại sau lưng mọi thứ, để người khác có thể đến và làm những việc khác. Hãy chuẩn bị chính mình cho sự lãng quên trong cuộc đời này. Và họ sẽ mang anh em dọc theo những con đường đầy nhục nhã, đến độ tử vì đạo. Những người ca ngợi anh em, nói tốt về anh em khi anh em còn là một mục tử thì giờ đây sẽ nói xấu anh em, bởi vì người khác đã đến và được ưa chuộng hơn anh em. Hãy chuẩn bị vác thập giá khi người ta mang anh em tới những nơi mà anh em không muốn đến. Hãy yêu mến, chăm sóc đoàn chiên và chuẩn bị chính mình. Đây là tấm bản đồ chỉ đường, là la bàn của một mục tử.”

Đừng xen vào việc người khác.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung đề cập đến điều cuối cùng là một cám dỗ phổ biến: đó là ước muốn can dự vào đời sống của những người khác chứ không hài lòng với việc chú tâm vào công việc của mình mà thôi.

“Hãy lo việc của mình đi và đừng dí mũi vào những công việc của người khác. Người mục tử yêu mến, chăm sóc cho đoàn chiên và chuẩn bị chính mình trước những thánh giá…Đừng phung phí thời gian lo những chuyện bao đồng, dù là những đồn thổi liên quan đến Hội Thánh đi chăng nữa. Hãy yêu mến, chăm sóc đàn chiên của Chúa và chuẩn bị mình để đừng sa chước cám dỗ.”
 
Công nghị Tuyên Thánh ngày 19/5: ĐGH Phaolô VI và ĐTGM Romero được tuyên thánh ngày 14 tháng 10.
Đặng Tự Do
07:36 19/05/2018

Lúc 10h sáng thứ Bẩy 19 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa Công nghị Tuyên Thánh cùng với các Hồng Y đang có mặt tại Rôma. Công nghị đã đồng thanh biểu quyết tuyên thánh cho 6 vị:

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (Giovanni Battista Montini)
Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero Galdámez, tử vì đạo.
Cha Francesco Spinelli, linh mục triều, đấng sáng lập dòng các Nữ Tu Chầu Thánh Thể;
Cha Vincenzo Romano, linh mục triều;
Chị Maria Katharina Kasper, nữ tu sáng lập dòng Nữ tì khó nghèo của Chúa Giêsu Kitô;
Chị Nazaria Ignacia của Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu (nhũ danh: Nazaria Ignacia March Mesa), nữ tu sáng lập dòng các Thập Tự Quân Truyền Giáo của Giáo Hội.

Trong công nghị, Đức Thánh Cha đã truyền ghi tên các vị Chân Phước này vào sổ bộ các Thánh vào ngày 14 tháng 10, 2018.

Cũng trong ngày 14 tháng 10, trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên kéo dài từ 3 đến 28 tháng 10, sẽ diễn ra lễ Tuyên Thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.
Source - Holy See Press Office - Consistory for the vote on several Causes for Canonization, 19.05.2018

 
Thông điệp của ĐGH về ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới 2018
Giuse Thẩm Nguyễn
15:09 19/05/2018
(Vatican News) Hôm nay Thứ Bẩy ngày 19 tháng Năm,Tòa Thánh Vatican vừa phổ biến thông điệp của ĐGH Phanxicô về ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới năm nay, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi giới trẻ nam nữ muốn bước theo Đức Kitô, hãy kiếm tìm, khám phá và kiên trì trong ơn gọi của mình. ĐGH cũng kêu gọi mọi người tham gia cùng với Giáo Hội mang Tin Mừng cho khắp thế giới.

Được biết vào năm 1926, ĐGH Piô XI đã thiết lập một ngày cầu nguyện và quyên góp hằng năm để phục vụ cho việc truyền giáo trên khắp thế giới, cũng như nhắc nhớ lại sứ mạng truyền giáo nền tảng của Giáo Hội và của mỗi người tín hữu và ngày này được gọi là ngày “Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới.” Và từ đó cứ vào Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng Mười hằng năm, Giáo Hội Công Giáo lại tổ chức ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới và năm nay rơi đúng vào Chúa Nhật ngày 21 tháng Mười năm 2018.

Chủ đề của ngày truyền giáo năm nay là “Cùng với giới trẻ, chúng ta hãy mang Tin Mừng đến cho tất cả mọi người,” vui chung với nguồn tin về thượng hội đồng sắp tới, sẽ được tổ chức từ ngày 3-28 tháng Mười tai Vatican với chủ đề là “Giới trẻ, Đức Tin và Phân Biện ơn gọi.”

Tôi là một nhà truyền giáo.

Trong thông điệp gởi cho tất cả các tín hữu, nhưng đặc biệt cho giới trẻ, ĐGH nhắc nhớ mọi người rằng “Chúng ta không tự chọn để có mặt ở thế gian này,” và vì thế có một “kế hoạch đi trước chúng ta và làm cho chúng ta hiện hữu.” Ngài nói rằng mỗi người chúng ta được mời gọi để phản ánh một sự thật là “ tôi là một nhà truyền giáo nơi thế gian này”, đó là lý do chúng ta đang ở đây trong thế giới này.

ĐGH nói rằng thực ra “mỗi người, nam và nữ là một nhà truyền giáo. Để được thu hút và để được sai đi là hai động thái” của trái tim “vì triển vọng tương lai của chúng ta cũng như định hướng cho cuộc đời của chúng ta.”

Món quà chính mình.

Trong thông điệp của ngài, ĐGH khuyến khích giới trẻ đừng sợ hãi Đức Kitô và Giáo Hội của Người bởi vì “chính nơi đó” chúng ta tìm thấy kho báu làm cho cuộc sống tràn đầy niềm vui.

Nhớ về kinh nghiệm riêng của mình, ĐGH nói rằng qua đức tin mà ngài đã tìm thấy được nền tảng chắc chắn về những mơ ước của mình và có sức mạnh để nhận ra nó.

ĐGH nói tiếp rằng “Đối những ai đứng cạnh Chúa Giê-su, thì tội lỗi là một sự kích thích cho tình yêu càng lớn lao hơn bao giờ hết” bởi vì từ thánh Giá của Chúa Giê-su, chúng ta học biết lập luận thiên tính về sự hy sinh mình như là một sự công bố Tin Mừng cho cuộc sống của thế giới.

Sau đó ĐGH mời gọi giới trẻ hãy tự hỏi mình, “Chúa Kitô sẽ làm gì nếu Chúa ở trong hoàn cảnh của con.”

Lan truyền đức tin

ĐGH nhắc nhớ rằng tất cả những Kitô hữu qua Bí Tích Rửa Tội đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người. Người trẻ cũng là thành phần của dòng chứng nhân vĩ đại đó, trong đó những người lớn tuổi hơn với sự khôn ngoan và kinh nghiệm của họ trở nên chứng tá và sự khích lệ cho giới trẻ. Bằng cách này, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội nối kết qua nhiều thế hệ mang lại sự hiệp nhất.

Tình yêu lây lan.

ĐGH nói rằng trọng tâm của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là sự lây lan của tình yêu, nơi đó niềm vui và lòng nhiệt thành được diễn tả bằng ý nghĩa mới khám phá và đầy đủ trong đời sống. Việc lan truyền của đức tin qua “sự thu hút” đòi hỏi những con tim biết cởi mở và biết đưa vòng tay ôm rộng vì tình yêu. Nó tạo ra những cuộc gặp gỡ, chứng nhân và công bố Tin Mừng ngay cả trong “ những bờ cõi vô cùng” thờ ơ lãnh đạm và hận thù, đến mọi quốc gia và đến tận cùng trái đất.

Đức Thánh Cha tỏ ý hài lòng với rất nhiều nhóm hoạt động tông đồ như các giáo xứ, hiệp hội, phong trào và các cộng đồng tôn giáo, người trẻ là các thiện nguyện viên truyền giáo hoạt động phục vụ “người bé mọn nhất” trong anh chị em chúng ta, thăng tiến phẩm giá con người và làm nhân chứng cho niềm vui của tình yêu và được là Kitô hữu.

Sau khi nhắc lại phần đóng góp của Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cho sự phát triển văn hóa và nhân văn của nhiều sắc dân, ĐGH nói rằng những người được giúp đỡ với những nhu cầu cá nhân có thể đến lượt họ đem chứng tá Tin Mừng cho những hoàn cảnh khác trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Ngài kết luận rằng “Không ai quá nghèo để đến nỗi không có gì để cho, nhưng trước hết và trên hết là họ.”


Source: Vatican News Pope's message for World Mission Sunday 2018
 
Chung quanh việc toàn bộ hàng giám mục Chile xin từ chức
Vũ Văn An
19:44 19/05/2018
Việc toàn bộ hàng giám mục Chile đệ đơn từ chức lên Đức Phanxicô sau khi gặp gỡ ngài trong ba ngày tại Vatican không khỏi gây bỡ ngỡ. Dù trước các cuộc gặp gỡ này đã có đồ đoán là Đức Phanxicô sẽ sa thải hoặc yêu cầu một số giám mục Chile từ chức liên quan đến việc che đậy các lạm dụng tình dục trẻ em.

Thực thế, theo John L. Allen Jr. của tạp chí Crux, các cơ quan truyền thông vốn tin rằng sẽ có “nhiều chiếc đầu lăn quay” (heads will roll), nghĩa là Đức Phanxicô sẽ áp đặt kỷ luật đối với một số giám mục được nhận diện thuộc giới thân cận của Cha Fernando Karadima, linh mục ấu dâm tai tiếng nhất xứ sở.

Niềm tin trên một phần dựa vào công luận. Vì quả trước các cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô, đã có lời kêu gọi ngài sa thải ít nhất 4 giám mục đang tại chức là: Juan Barros, Andrés Arteaga, Tomislav Koljatic, và Horacio Valenzuela, những vị được coi là do cha Karadima huấn luyện và bị tố cáo là biết các hành vi lạm dụng của vị linh mục này nhưng đã không khai báo. Riêng Đức Cha Barros thì trước sau như một vẫn cương quyết tuyên bố rằng ngài vô tội, không biết các hành vi lạm dụng của người dìu dắt mình.

Hầu hết các nạn nhân đồng ý với yêu cầu trên. Riêng Juan Carlos Cruz, một trong ba nạn nhân được hội kiến với Đức Phanxicô hồi tháng trước, lên tiếng kêu gọi mọi giám mục Chile từ chức. Điều thực sự vừa xẩy ra vào ngày 17 tháng 5 vừa qua, khi toàn bộ các giám mục đang tại chức đồng loạt xin từ chức.

Việc từ chức có ý nghĩa gì?

Việc đồng loạt từ chức trên có ý nghĩa gì? Khó mà trả lời. Có điều, các giám mục Chile cho hay: trong khi chờ đợi quyết định của Đức Phanxicô đối với việc đồng loạt từ chức này, các ngài vẫn tiếp tục thi hành thừa tác vụ của mình và hứa “cam kết làm cho ‘gương mặt của Chúa một lần nữa rạng rỡ trong Giáo Hội của chúng ta’” và “trong khiêm nhường và hy vọng” xin mọi người hỗ trợ.



Chắc chắn sẽ không có chuyện Đức Phanxicô chấp nhận mọi đơn từ chức. Ngài sẽ chấp nhận một số và sẽ bác bỏ phần lớn. Vì nếu không, Giáo Hội Chile thay vì tiến lên sẽ tê liệt và thụt lùi thảm hại. Trong số những đơn bị bác, người ta không thể đương nhiên loại bỏ đơn từ chức của vị giám mục “cò súng” làm nổ tung cuộc khủng hoảng là Đức Cha Barros. Thực vậy, Nữ Ký Giả NICOLE WINFIELD của Associated Press, ngày 17 tháng 5, tường trình rằng “Đức Phanxicô chào tạm biệt mỗi vị trong số 34 giám mục Chile giữa lúc có những dấu chỉ nhiều chiếc đầu sẽ lăn quay sau 4 ngày hội họp và cầu nguyện. Truyền hình Vatican cho thấy các giám mục cám ơn Đức Phanxicô khi các ngài chào tạm biệt. Vị duy nhất truyền hình chiếu được Đức Phanxicô hôn cả hai má và vỗ vai là Đức Cha Juan Barros, vị đang ở giữa vụ tai tiếng”.

Điều này có thể hiểu được, nếu ta thấy mục tiêu cuộc điều tra của Đức Tổng Giám Mục Scicluna không phải chỉ liên quan tới vị giám mục này mà thôi mà là toàn bộ Giáo Hội Chile. Lầm lỗi của Đức Cha Barros, nếu có, có thể chỉ là hậu quả của một tai tiếng bao trùm hơn của lạm “dụng quyền hành, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục”.

Thực vậy, trong các điều được truyền thông đăng tải trong mấy ngày qua, vị giám mục này ít được nhắc tới. Truyền thông lưu ý hơn tới nền văn hóa che đậy nói chung của Giáo Hội Chile. Nữ ký giả San Martín của Crux đồng ý như thế khi cô cho rằng “Dù từ năm 2015, phần lớn chú ý đối với cuộc khủng hoảng ở Chile tập trung vào Đức Cha Juan Barros của Osorno, người vốn bị tố cáo là che đậy các tội ác của người dìu dắt ngài, tức Cha Fernando Karadima, người vào năm 2011, bị Vatican kết tội lạm dụng tình dục các vị thành niên, nhưng bản tường trình do Đức Giáo Hoàng ủy nhiệm thấy vấn đề sâu xa hơn”.

Các phương thuốc

Martín cũng quả quyết rằng trong một văn kiện phân phối cho các giám mục Chile ngay cuộc họp đầu tiên ngày 15 tháng 5, và bị rì rỏ cho Đài Truyền Hình T13 của Chile, Đức Phanxicô nói đến việc sa thải một số giám mục, “nhưng điều này chưa đủ, chúng ta phải đi xa hơn”.

Theo Đức Phanxicô, phải “giúp tìm ra ánh sáng để chữa trị vết thương chưa khỏi, một vết thương làm đau đớn và phức tạp”. Ngài nói thêm: đây là “một vết thương từ trước đến nay được chữa trị bằng thứ thuốc, thay vì chữa lành, xem ra càng làm cho nó sâu hơn và đau đớn hơn”.

Trong số những phương thuốc ấy là việc các giáo sĩ có tác phong vô luân được thuyên chuyển qua các giáo phận khác với mức trầm trọng trong tác phong được “tối thiểu hóa” và được gán cho “sự yếu đuối hay thiếu luân lý đơn giản”.

Đức Giáo Hoàng cho rằng tường trình Scicluna cũng xác nhận có việc xử lý tệ các lời tố cáo, vì trong nhiều trường hợp, có những dấu chỉ rõ ràng cho thấy tội ác “bị bác bỏ một cách phiến diện, coi như không chắc có thực”.

Nguyên nhân sâu xa nhất là Giáo Hội Chile đã biến cải tâm điểm của mình, chỉ biết nghĩ đến mình (self-absorbed), lấy mình làm trung tâm. Ngài cũng đề cập đến việc Giáo Hội Chile đã trở thành vụ ưu tuyển (elitist), coi một số cá nhân hay một số nhóm là “toàn bộ dân Chúa”.

Ngài nói: “cái tâm lý ưu tuyển hoặc vụ ưu tuyển này kết cục sản sinh ra các động lực chia rẽ, phân cách, ‘những giới đóng kín’ dẫn tới các nền linh đạo tự yêu mình thái quá và độc tài, trong đó, thay vì rao giảng Tin Mừng, điều quan trọng là cảm thấy mình đặc biệt, khác biệt với người khác do đó để lại bằng chứng cho thấy cả Chúa Giêsu Kitô lẫn người khác đều không đáng kể. Chủ nghĩa duy xức dầu, vụ ưu tuyển, giáo sĩ trị tất cả đều đồng nghĩa với sa đọa trong hữu thể giáo hội”.

Đức Phanxicô kêu gọi ác giám mục tránh cơn cám dỗ “tự cứu mình” và danh tiếng của mình, và mời gọi các ngài xưng thú với cộng đồng sự yếu đuối của mình để cùng nhau tìm được “các giải đáp khiêm nhường, cụ thể và trong hiệp thông với dân Chúa”.

Đức Phanxicô kết luận bằng cách nói rằng các duy nhất để tránh được việc kéo dài mãi các hành vi tội ác trong tương lai là nhìn nhận rằng đây là một “vấn đề của tất cả chúng ta chứ không phải là vấn đề của một số người”.



Các nhận định trên của Đức Phanxicô được sự nhất trí của các Giám Mục Chile, nên trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 5, Đức Cha Ramos, Giám Mục Phụ Tá Santiago và là tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Chile cho hay: trong các buổi gặp gỡ, quyết định đã được củng cố là “để hòa điệu nhiều hơn với ý muốn của Đức Thánh Cha, điều thích hợp là tuyên bố sự sẵn sàng tuyệt đối nhất của chúng tôi đặt việc bổ nhiệm mục vụ của chúng tôi trong tay Đức Giáo Hoàng”

Ngài nói thêm: “bằng cách này, chúng tôi có thể thực hiện một cử chỉ hợp đoàn và bác ái trong việc nhận cho mình, dù một cách đau đớn, các sự kiện trầm trọng đã xẩy ra, và để Đức Thánh Cha có thể tự do bãi chức tất cả chúng tôi”.

Dấu hợp đoàn và bác ái trên chắc chắn được Đức Phanxicô đánh giá cao, vì sẽ dẫn Giáo Hội Chile trở lại gương mặt vốn xinh đẹp trước đây. Trong tài liệu rì rỏ, ngài có nhắc đến gương mặt đó khi viết rằng: lịch sử cho thấy “trong những thời buổi đen tối của lịch sử dân mình, Giáo Hội tại Chile vốn có sự can đảm tiên tri không những cất cao tiếng nói của mình, mà còn đến với nhau để tạo không gian cho việc bảo vệ các người nam nữ” được Thiên Chúa ủy thác cho mình che chở.

Ngài viết thêm: Giáo Hội Chile thường biết rằng mình không thể công bố tình yêu Thiên Chúa nếu không cổ vũ việc thăng tiến đích thực và chân chính từng mỗi con người nhờ công lý và hòa bình.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài Giáo Lý 6 của ĐTC Phanxicô về Bí Tich Rửa Tội: Bí Tích Rửa Tội: Mặc lấy Đức Kitô
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
20:12 19/05/2018
Bài Giáo Lý 6 của ĐTC Phanxicô về Bí Tich Rửa Tội: Bí Tích Rửa Tội: Mặc lấy Đức Kitô

“Chiếc áo trắng, trong khi diễn tả một cách biểu tượng điều đã xảy ra trong bí tích, công bố tình trạng của người đã được biến đổi trong vinh quang của Thiên Chúa… Sự hiện diện sống động của Đức Kitô… là ngọn đèn soi sáng bước đường của chúng ta, là ánh sáng hướng dẫn các lựa chọn của chúng ta, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn trong việc đi gặp Chúa…”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ sáu của ĐTC Phanxicô và cũng là bài giáo lý cuối cùng trong loạt bài giáo ly về Bí Tích Rửa Tội củ Đức Phanxicô, được ban hành ngày 16 tháng 5, 2018 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Phần đầu của bản dịch này là bài tóm tắt bằng Tiếng Anh được đọc trước bài giáo lý của Đức Thánh Cha bằng Tiếng Ý.


Anh chị em thân mến: Trong bài này, bài giáo lý cuối cùng của chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, chúng ta quay sang các nghi thức làm sáng tỏ ân sủng của Bí Tich. Theo một truyền thống cổ xưa, người mới chịu Phép Rửa được mặc áo trắng biểu thị đời sống mới của họ trong Đức Kitô, và được khuyên nhủ gìn giữ nó không tỳ vết cho sự sống đời đời. Bởi vì, như Thánh Phaolô nói, người đã được rửa tội đã mặc lấy Đức Kitô (x. Gal 3:27), họ được mời gọi vun trồng mọi nhân đức, đặc biệt là đức ái, là nhân đức ràng buộc các nhân đức khác lại với nhau (xem Col 3:14). Vì vậy, với sự giúp đỡ của cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, cây nến nhỏ được thắp lên từ cây nến Phục Sinh tượng trưng cho ánh sáng của Đức Kitô và sự ấm áp của tình yêu Người, phải được nuôi nấng qua việc giáo dục trong đời sống Kitô hữu. Các nghi thức này không chỉ gợi lên sự hiệp thông của chúng ta trong Hội Thánh dưới trần mà còn chỉ đến sự thực hiện của nó nơi thành Giêrusalem trên trời, ở đó Thiên Chúa sẽ là ánh sáng của chúng ta muôn đời (x. Khải Huyền 22: 5). Nghi thức Rửa Tội được kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, như biểu hiện của phẩm giá của chúng ta là dưỡng tử và dưỡng nữ của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Chớ gì tất cả chúng ta trân quý món quà ân sủng mà mình đã nhận được trong ngày Rửa Tội của mình, và để cho mình được hướng dẫn từng bước bởi Chúa Thánh Thần là Đấng ngự trong lòng chúng ta.

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180516_udienza-generale.html

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta kết thúc chu kỳ giáo lý về Bí Tích Rửa Tội. Những hiệu quả thiêng liêng của bí tích này, vô hình với đôi mắt, nhưng hoạt động trong tâm hồn của những người đã trở thành một thụ tạo mới, được làm sáng tỏ bằng việc trao chiếc áo trắng và nến sáng.

Sau việc tẩy rửa tái sinh, có khả năng tái tạo con người theo Thiên Chúa trong sự thánh thiện đích thực (x. Eph 4:24), có vẻ đương nhiên, ngay từ những thế kỷ đầu, việc mặc cho người được rửa tội một chiếc áo mới, tinh tuyền, giống như sự rạng ngời của sự sống đạt được trong Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chiếc áo trắng, trong khi diễn tả một cách biểu tượng điều đã xảy ra trong bí tích, công bố tình trạng của người đã được biến đổi trong vinh quang của Thiên Chúa.

Việc mặc lấy Đức Kitô có nghĩa gì, như Thánh Phaolô nhắc nhở về nó qua việc giải thích các nhân đức mà người đã được rửa tội phải vun trồng: “Như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hóa và rất thương yêu, anh em hãy mặc lấy lòng thương xót, tử tế, khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy đức ái, là mối dây ràng buộc sự trọn lành” (Col 3,12-14).

Ngay cả nghi thức trao ngọn lửa rút ra từ cây nến Phục Sinh, cũng nhắc lại hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội, vị linh mục nói, “Hãy nhận lấy ánh sáng của Đức Kitô”. Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là ánh sáng, nhưng ánh sáng là Đức Chúa Giêsu Kitô (Ga 1:9; 12:46), Đấng đã sống lại từ cõi chết, Người đã chinh phục bóng tối sự dữ. Chúng ta được kêu gọi lãnh nhận sự rạng ngời của ánh sáng này! Như ngọn lửa của cây nến Phục Sinh mang ánh sáng đến cho những cây nến cá nhân, thì tình yêu của Chúa Phục Sinh cũng đốt lòng những người đã được rửa tội, đổ đầy trên họ ánh sáng và nhiệt năng. Vì lý do này mà ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Bí Tích Rửa Tội còn được gọi là “sự soi sáng” và người đã được rửa tội được gọi là “người được soi sáng”.

Thực ra, ơn gọi làm Kitô hữu chính là “luôn bước đi như con cái sự sáng, kiên trì trong đức tin” (x. Nghi Thức Nhập Đạo của người lớn, 226; Ga 12:36). Nếu là trẻ em, thì bổn phận của cha mẹ, cùng cha mẹ đỡ đầu, là chăm lo nuôi dưỡng ngọn lửa của ân sủng rửa tội nơi con cái họ, giúp chúng kiên trì trong đức tin (x. Nghi Thức Rửa Tội cho trẻ em, 73). “Giáo dục Kitô giáo là quyền của trẻ em; nhắm đến việc dẫn dắt chúng từng bước để hiểu chương trình của Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ đó chúng có thể chấp nhận cách cá nhân đức tin mà trong ấy chúng đã được rửa tội” (ibid., Giới thiệu, 3).

Sự hiện diện sống động của Đức Kitô, để được giữ gìn, bảo vệ và mở rộng trong chúng ta, là ngọn đèn soi sáng bước đường của chúng ta, là ánh sáng hướng dẫn các lựa chọn của chúng ta, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn trong việc đi gặp Chúa, làm cho chúng ta có khả năng giúp những người đi cùng với mình, cho đến sự hiệp thông không thể tách ra được với Người. Ngày ấy, Sách Khải Huyền còn nói, sẽ không còn đêm nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, hay ánh sáng của mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ ban ánh sáng cho họ, và họ sẽ thống trị đến muôn muôn đời” (x. 22:5).

Việc cử hành Bí Tích Rửa Tội kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, là kinh thích hợp với cộng đồng con cái Thiên Chúa. Thực ra, các trẻ em được tái sinh bởi Bí Tích Rửa Tội sẽ nhận được sự trọn vẹn của hồng ân Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thêm Sức và sẽ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, trong khi học biết việc hướng về Thiên Chúa để gọi Ngài là “Cha” có nghĩa gì.

Ở cuối những bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội này, tôi nhắc lại cho mỗi người trong anh chị em lời mời gọi mà tôi đã bày tỏ trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate: “Hãy để ân sủng của bí tích Rửa Tội của anh chị em sinh hoa trái trên con đường nên thánh. Hãy để mọi sự được mở ra cho Thiên Chúa; hướng về Ngài trong mọi tình cảnh. Đừng lo sợ, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần cho phép anh chị em làm điều này, và cuối cùng, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của anh chị em (x. Gal 5,22-23)” (s. 15).

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: . http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180516_udienza-generale.html
 
Văn Hóa
Chúa Thánh Thần
Đinh Văn Tiến Hùng
11:50 19/05/2018
Lễ Kính CHÚA THÁNH THẦN Hiện Xuống 20/5/18.


“ Ta cầu xin Đức Chúa Cha, Người sẽ ban Đấng khác từ trời xuống với các con, và ở cùng các con luôn, vì đó là Đấng Thánh Linh” (Yn. 14: 16)

Trước khi về trời, Chúa đã hứa cùng các môn đệ rằng: “ Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Dạy chúng hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi. Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế.

( Mt. 28: 18- 20)

Như thế,chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha,Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa độc nhất, thánh thiện, trọn hảo, thông biết mọi sự, quyền phép vô biên và hằng có đời đời.

Thiên Chúa duy nhất lại có Ba Ngôi, là một tín lý mầu nhiệm cao trọng của Đức Tin Kitô Giáo.

‘Vô tri bất mộ’ không hiểu thì không yêu. Vì vậy, người viết với kiến thức hạn hẹp, không đủ khả năng đi sâu vào thần học diễn tả về Chúa Thánh Thần. Nhưng cố gắng tìm hiểu qua Phúc Âm và các Nhiệm Tích Thánh mong học hỏi thêm, để yêu mến, cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho ta ‘ Tặng phẩm tuyệt hảo vô giá’ là chính Chúa Thánh Linh.

Ta thường hiểu một cách tổng quát về Thiên Chúa Ba Ngôi qua các biểu tượng :

- Chúa Cha là Vị Quan toà uy nghiêm chính trực.

- Chúa Con là Vị Mục Tử nhân lành khoan dung.

- Chúa Thánh Thần như chim Bồ Câu thanh khiết, Lưỡi Lửa Tình Yêu. Trong Phúc Âm các Thánh Sử còn gọi Ngài là Thánh Linh, Thần Khí, Đấng Bầu Chữa, Đấng Phù Trợ.

Đối với ta, Chúa Cha quá cao xa quyền thế- Chúa Con gần gũi ta hơn vì đã hạ sinh làm người

cứu chuộc tội lỗi nhân loại- Còn Chúa Thánh Thần xem ra mông lung huyền nhiệm. Nhưng đây là Mầu nhiệm Đức Tin, ta phải tin dù không thể hiểu được. ( Giống như câu truyện Thánh Augustinô suy niệm về Chúa Ba Ngôi còn khó hơn cậu bé muốn múc hết nước biển đổ vào một lỗ nhỏ )

Nhân Lễ Kính Chúa Thánh Thần, ta hãy tìm hiểu sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần qua Phúc âm 4 Thánh Sử: Máthêu, Luca, Macô và Gioan.

* CHÚA THÁNH THẦN TRONG PHÚC ÂM 4 THÁNH SỬ:

Trong Phúc âm có nhiều chỗ nhắc đến chính Chúa Giêsu dạy cho ta biết về Chúa Thánh Thần.

- Chúa nói với ông Nicôđêmô: “ Thật Ta bảo thật ông, không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí “ (Yn.3: 5)

- Thiên Chúa hiện ra với Zacarya và báo tin Gioan Tiền Hô sẽ sinh ra: “ Zacarya đừng sợ! Vì lới ngươi đã được nhận và Elisabeth vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một con trai, ngươi sẽ đặt tên là Gioan. Ngươi sẽ hoan hỉ và nhiều người sẽ vui mừng và đứa trẻ sẽ làm lớn trước mặt Thiên Chúa. Rượu chua, chất say sẽ không hề uống và ngay từ trong lòng mẹ sẽ được đầy Thánh Thần.

( Mc. 1: 13- 15)

- Maria đã đính hôn với Giuse, trước khi hai ngưới về sống chung, Maria đã có thai do quyền linh Chúa Thánh Thần. Giuse là người công chính, không muốn tố giác Maria đã âm thầm bỏ đi. Nhưng Thiên Sứ đã bảo Ông trong giấc chiêm bao: “ Giuse con Davít! Chớ sợ rước Maria về nhà. Thai nhi nơi Bà là do tự nơi Thánh Thần. Bà sẽ sinh Con Trai và Ông sẽ đặt tên là Giêsu và chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi.” ( Mt. 1: 18- 20)

- Thiên Thần được Thiên Chúa sai đến 1 thành xứ Galilêa tên là Nazareth đến với Trinh Nữ Maria đã đính hôn với 1 người tên là Giuse, thuộc dòng Davit. Thiên Thần chào Maria: “ Hãy vui lên! Hỡi Người đầy ơn phúc! Chúa ở cùng Bà! ….Maria đừng sợ! Vì Người đã được ân sủng nơi Thiên Chúa. Nơi lòng dạ Người sẽ thụ thai và sinh Con Trai, sẽ đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Davit và làm vua nhà Yacob đến đời đời, vương quyền Ngài sẽ vô cùng tận. Maria thưa với Thiên Thần rằng “ Điều ấy sẽ làm sao được, vì tôi không nghĩ tới việc phu thê” Nhưng Thiên Sứ đáp lại lời Bà: “ Thánh Thần sẽ đến trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà. Bởi thế Con Trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa. (Lc .1: 26-35)

- Bấy giờ Chúa Giêsu rời Galilêa đến với Gioan bên sông Yordan để được thanh tảy. Sau khi Chúa chịu phép rửa, Đức Giêsu ra khỏi nước. Lúc ấy trời mở ra và Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa là Chim Bồ Câu đáp xuống trên Ngài và tiếng từ trời phán: “ Đây là Con Chí ái Ta, Kẻ mà Ta yêu mến! “ (Mt .3: 17)

- Theo Phúc Âm Thánh Mác-cô, ngay sau khi Chúa chịu phép rửa, Thần Khí đưa Ngài vào sa mạc và Ngài ở đó 40 ngày chịu Sa-tan cám dỗ. Ngài ở giữa dã thú và các Thiên Thần hầu hạ. (Mc. 1:12-13)

- Khi Chúa chữa lành người qủi ám câm và mù, bọn biệt phái tỏ ra không tin và cho Ngài đã nhờ Bêelzêbul đầu mục qủi mà trừ…Nên Chúa đã lên án nặng nề bọn này đã lộng ngôn xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, không thể tha thứ, nên Ngài phán: “ Bởi đó, Ta bảo các ngươi: mọi tội lỗi và lộng ngôn sẽ được tha cho người ta. Còn lộng ngôn đến Thần Khí sẽ không được tha. Ai nói lời nghịch đến Con Người, điều đó sẽ được tha cho người ấy. Còn ai nói nghịch đến Thánh Thần, điều ấy sẽ không tha được cho người ấy, thời này cũng như thời sẽ đến. (Mt. 12: 22- 32)

-Trong diễn từ Chung luận, Chúa dặn các môn đệ: “ Khi người ta dẫn các con đi giao nộp, các con đừng lo toan trước sẽ phải nói những gì, nhưng các con hãy nói điều gì ban cho ngày đó ,vì không phải các con nói mà là Thánh Thần. (Mc. 13: 11)

- Vào dịp cuối Đại Lễ Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần và Ngài đứng lên lớn tiếng nói rằng: “Ai khát hãy đến với Ta và hãy uống! Kẻ tin vào Ta như Kinh Thánh đã nói: tự lòng Ngài sẽ có sông tuôn chảy nước trong mát. Điều ấy Ngài nói về Thần Khí, các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh. (Yn. 7: 37- 39)

- Sau khi sống lại Chúa hiện ra với các môn đệ trong phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Họ mừng rỡ vì được thấy Chúa…Ngài nói với họ: “ Bình an cho các con! Cũng như Cha Ta đã sai Ta, Ta cũng sai các con” Ngài thổi hơi trên họ và nói: “Hãy chịu lấy Thánh Thần! Các con tha tội cho ai thì người ấy sẽ được tha, các con cầm giữ ai họ sẽ bị cầm giữ” (Yn. 20: 19- 22)

- Đặc biệt trong Phúc Âm Thánh Gioan, Ngài viết nhiều chương nói về Đấng Bầu Chữa và hoạt động của Chúa Thánh Thần :

- “ Nếu các con yêu mến Ta, các con hãy giữ lệnh truyền của Ta. Ta sẽ xin Cha Ta và Ngài sẽ ban cho các con 1 Đấng Bầu Chữa khác, để ở với các con luôn mãi. (Yn. 14:15- 16)

- “ Ai không mến Ta, thì không giữ lời Ta. Mà lời các con nghe đây không phải là lời Ta, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Ta. Các điều ấy Ta đã nói với các con, lúc còn lưu lại với các con. Nhưng Đấng Bầu Chữa Thánh Thần, Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các con mọi sự và sẽ nhắc các con nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các con.” (Yn. 14: 24- 26)

- “ Song Ta nói thật với các con: Ta ra đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Ta không ra đi thì Đấng Bầu Chữa không đến với các con. Còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các con. “ (Yn. 16: 17)

- “ Khi nào Ngài đến vì là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật, vì không phải tự mình mà Ngài nói, nhưng nghe gì Ngài sẽ nói ra và Ngài sẽ loan báo cho các con những điều gì sẽ đến. “ (Yn. 16: 13)

* CHÚA THÁNH THẦN TRONG 7 PHÉP BÍ TÍCH:

Chúa Giêsu khi sống nơi trần thế , chính Ngài đã lập các phép Bí Tích để giúp ta nên thánh và cộng tác với Ngài trong việc thánh hoá thế trần.

- Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể là 3 Bí Tích khởi đầu gia nhập Giáo Hội.

- Bí Tích : Hòa Giải và Sức Dầu là hai Bí Tích chữa lành và tăng thêm sức mạnh hồn xác.

- Bí Tích: Hôn Phối và Truyền chức Thánh là 2 Bí Tích gíup ta hiệp thông và phục vụ tha nhân và Giáo Hội.

1-Bí Tích Rửa Tội.

Bí Tích Rửa Tội là Nhiệm Tích Thánh đầu tiên trong 7 Bí Tích Chúa đã lập ra để thanh tảy tâm hồn ta khỏi tội Tổ tông và tội riêng ta phạm, để ban cho ta một đời sống mới đầy ân sủng và trở nên con cái Chúa. Vì thế khi lãnh nhận Phép Rửa Tội là tâm hồn ta đã trở nên đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong thời Giáo Hội sơ khai, chỉ Rửa Tội cho các tân tòng khi mới gia nhập Giáo Hội, nhưng sau này buộc cha mẹ phải cho con trẻ chịu Phép Rửa lúc mới sinh.

Bình thường các Linh Mục và Phó Tế được ban Bí Tích Rửa Tội, nhưng khi khẩn cấp mọi người đều có quyền và có bổn phận làm Phép Rửa theo đúng nghi thức Giáo Hội truyền dạy.

Người khôn lớn muốn nhận Bí Tích Rửa Tội phải: Học Giáo lý tin vào Chúa Kitô- Cải thiện đời sống- và tham dự các nghi lễ gia nhập đạo Công Giáo.

Khi lập Phép Rửa Tội Chúa đã dạy các môn đệ rằng:

“ Ta đã được mọi uy quyền trên trời dưới đất. Các con hãy đi thu nạp môn đệ trên khắp các dân tộc, rửa tội cho họ: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận tội. (Mc. 16: 15- 16)

2-Bí Tích Thêm Sức.

Những thế kỷ đầu Giáo Hội, Bí Tích Thêm Sức thường được cử hành ngay sau khi lãnh nhận Phép Rửa Tội. Nhưng sau này thường đợi đến lúc đứa trẻ khôn lớn, hiểu biết hơn về giáo lý mới cho chịu Phép Thêm Sức.

Thường chỉ các Giám mục được quyền ban Thêm Sức, nhưng các Linh Mục được Giám Mục uỷ quyền cũng được cử hành Thêm Sức. Nhưng sách Giáo lý Công Giáo cũng qui định : trong trường hợp bệnh nhân hay người gặp tai nạn nguy đến tính mạng thì bất cứ Linh Mục nào cũng có thể ban Phép Thêm Sức.

Bí Tích Thêm Sức kiện toàn và bổ túc Phép Rửa Tội, tăng Đức Tin mạnh mẽ để can đảm chống lại tội lỗi và ma qủi cám dỗ, cùng cộng tác với Giáo Hội thánh hoá trần thế.

Người lãnh nhận Thêm Sức phải: Học Giáo lý- Sạch tội trọng cùng ước ao lãnh nhận Bí Tích này.

Chịu Phép Thêm Sức ta nhận được 7 ơn Chúa Thánh Thần: ‘ Khôn ngoan- Thông hiểu- Sức mạnh- Đạo đức- Lo liệu- Suy biết và Kính sợ Chúa ‘.

Đúng như ý nghĩa 2 chữ ‘ Thêm Sức’ là củng cố và tăng thêm sức mạnh bởi ơn Chúa Thánh Thần.

Công Vụ Tông Đồ kể rằng: “ Khi hay tin dân Samari đón nhận lời Chúa thì các Tông đồ Gia-liêm liền phái Phểrô và Gioan tới. Các vị này đến Samari và cầu xin cho họ đón nhận Chúa Thánh Thần. Bởi vì Chúa Thánh Thần chưa ngự xuống trong lòng một ai cả, các ông đặt tay trên đầu họ, thì họ liền được đón nhận Chúa Thánh Thần. ( CVTD. 8: 14-17)

3-Bí Tích Thánh Thể.

Theo Tin Mừng Thánh Gioan, chính Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể: ‘Bánh bởi trời’ chính là Ngài và ai ăn sẽ được sống đời đời: “Thật Ta bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết, vì Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống (Yn. 6: 53- 55).

Cũng theo Phúc Âm Thánh Luca và Mác-cô: đêm trước khi chịu chết Chúa dùng Bữa Tiệc Ly cùng các Tông Đồ, Ngài đã lập phép Thánh Thể.. Nguời cầm bánh sau khi đọc lời chúc tụng, bẻ ra trao cho các ông mà rằng: “ Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Ta sắp phải hiến dâng vì các con. Đoạn lại cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Cha, trao cho các Tông Đồ mà phán: các con hãy cùng uống chén rượu này, đó là Máu Ta, Máu của giao ước mới sẽ đổ ra vì các con và muôn ngươi để đền tội thay cho họ. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta ! “

(Mc. 14: 17- 25 và Lc. 22: 14- 20)

Nhờ Bí Tích Thánh Thể người Tín Hữu được tham dự vào hy lễ của Chúa cùng Cộng đoàn và Giáo Hội- Bí Tích Thánh Thể làm của nuôi linh hồn, tăng sức mạnh để ta chống lại mọi tội lỗi-

Sau cùng nhờ Bí Tích Thánh Thể ban cho ta diễm phúc trường sinh cùng với Thiên Chúa.

Khi Chúa phán: “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta!“ là Chúa đã trao cho các Tông Đồ cũng như những người kế vị các Ngài sau này là các Linh Mục được quyền truyền phép Thánh Thể: biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu.

Trong Thánh Lễ, sau khi truyền phép Thánh Thể, vị Chủ Tế tay dâng lễ vật lên cao và lớn tiếng đọc kết thúc kinh tế lễ: “ Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha Toàn Năng, cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời “

4-Bí Tích Hòa Giải.

Buổi chiều ngày Chúa Sống Lại, Ngài hiện ra với các môn đệ và phán: “ Bình an cho các con! Như Cha Ta đã sai Ta thế nào, Ta cũng sai các con như vậy. Nói đoạn Ngài thở hơi trên các ông và dạy: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì kẻ đó được tha; các con cầm giữ ai thì kẻ ấy bị cầm giữ.” (Yn. 20: 19- 23)

Các Bí Tích Rửa Tội- Thêm Sức- Thánh Thể là ngưỡng cửa đầu tiên đưa ta bước vào đời sống trần thế, thì các Bí Tích Hoà Giải- Xức Dầu- Thánh Thể là hành trang gíúp ta mạnh bước tiến về Quê Trời.

Để được lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải cho thành, ta phải làm 5 việc:1 là xét mình cho kỹ- 2 là lo buồn thống hối- 3 là quyết chí sửa mình- 4 là xưng hết mọi tội- 5 là làm việc đền tội.

Khi lãnh Bí Tích Hoà Giải, Chúa ban cho ta những ân sủng:Tăng sức mạnh tâm hồn- Hoà giải cùng Thiên Chúa và Giáo Hội- Được tha hết tội trọng và hình phạt đời đời- Bình an tâm hồn.

Sau khi tội nhân có lòng can đảm thống hối xưng hết các tội, lúc đó Linh Mục giơ tay ban phép lành tha tội rằng: “ Ta tha tội cho con! Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

5-Bí Tích Xức Dầu.

‘ Ai trong anh em đau yếu phải lo mời Linh Mục đến, để các Ngài nhân danh Chúa Kitô và cầu nguyện cho bệnh nhân. Kinh nguyện Đức Tin sẽ cứu người ấy, Chúa sẽ nâng đỡ và tha thứ tội họ đã phạm. (Giacôbê 5: 13- 15)

Mọi người khi già yếu bệnh hoạn hay bị tai nạn nguy đến tính mạng đều có thể lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu và có thể chịu phép này nhiều lần trong những trường hợp nguy hiểm khác nhau.

Chỉ các Giám Mục và Linh Mục được ban Phép Xức Dầu. Người chịu Xức Dầu phải sạch tội trọng, nếu không thể xưng tội được ( như á khẩu, hôn mê bất tỉnh) phải có lòng ăn năn thống hối.

Người lãnh Phép Xức Dầu nhận được nhiều ân sủng: Được tha hết mọi tội- Cùng thông hiệp với khổ nạn Chúa để sinh ích cho mình và Giáo hội- Được an ủi bình an trong tâm hồn- Tăng sức mạnh can đảm chịu đau khổ, chống lại ma qủi cám dỗ, bền vững cùng Chúa trong những giờ phút cuối đời.

Trong nghi thức Xức Dầu, Linh Mục dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi:

- Lạy Chúa Cha Toàn Năng! Chúc tụng Chúa là Đấng đã sai Con Chúa xuống trần gian vì chúng con và phần rỗi chúng con.

- Lạy Chúa Con là Con Một Thiên Chúa! Chúc tụng Chúa là Đấng đã muốn chữa lành mọi tật nguyền của chúng con, khi Chúa xuống trần với bản tính loài người chúng con.

- Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi! Chúc tụng Chúa là Đấng luôn dùng thần lực của Chúa mà làm cho những yếu đuối chúng con nên vững mạnh.

6-Bí Tích Hôn Phối.

“ Vì thế người ta sẽ từ bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình và cả 2 sẽ thành 1 xương 1 thịt. Như vậy họ sẽ không còn là 2, nhưng chỉ là 1 xương 1 thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không đựợc phân ly” (Mt. 19: 5- 6)

Từ vườn Địa Đàng, Chúa đã ban Phép Hôn Phối đầu tiên cho Adam và Eva . Đây cũng là hình ảnh phối hợp đầy ân sủng giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

Muốn lãnh Bí Tích Hôn Phối cả 2 nam nữ phải: Đã chịu Phép Rửa Tội- Sạch tội trọng- Cùng Công Giáo (1 trong 2 người theo đạo khác cần trở lại Công Giáo).

Sau khi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, Chúa ban cho đội tân hôn những ơn: Yêu thương nhau như Chúa yêu thương Giáo Hội- Nên thánh theo đấng bậc mình- Bất khả phân ly ( trung thành 1 vợ 1 chồng).

Nhưng kèm theo những bổn phận buộc tuân giữ: Yêu thương ( nhường nhịn, tha thứ, nâng đỡ nhau)- Sinh sản ( Con cái là hoa trái Tình yêu Chúa ban)- Giáo dục ( Dạy dỗ con cái nên người hữu dụng đẹp lòng Chúa)

Trong nghi Lễ Hôn Phối, khi đôi tân hôn trao nhau Chiếc Nhẫn Tình Yêu, đã long trọng tuyên xưng chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa:

- Teresa…..Xin em nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

- Gioan…..Xin anh nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của em.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

7-Bí Tích Truyền Chức Thánh.

“ Lúa chin đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt, sai thợ ra gặt lúa về”

(Mt.9: 36- 37)

“ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc. 22: 19)

Chúa Giêsu là Linh Mục Thượng Tế, Chúa kêu gọi một số người đặc biệt, hiến thân cho Chúa để phụng sự Chúa và tha nhân. Ngay khi Chúa lập Bí Tích Thánh Thể cũng chính là lúc Chúa Truyền Chức Linh Mục cho các Tông Đồ. Và sau này các Tông Đồ lại thông ban chức Linh Mục cho những người khác được tuyển chọn.

Vì thế muốn theo đuổi đời sống tu trì để trở thành Linh Mục phải có ý tưởng ngay lành ( không phải bi quan chán đời hay tìm danh vọng cho cá nhân và gia đình )- Có đầy đủ sức khoẻ, có lòng đạo hạnh và trình độ học vấn cần thiết.

Sau một thời gian tu luyện thử thách, sẽ được tuyển chọn trở thành Linh Mục nếu hội đủ những tiêu chuẩn cần thiết theo giáo luật qui định. Sự tuyển chọn rất khó khăn đúng như lời Chúa phán:

“ Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít “

Chỉ các Giám Mục kế vị các Tông Đồ mới được Truyền Chức Linh Mục.

Khi nhận lãnh chức Linh Mục, các Tân Chức phải tuyên hứa trước Giám Mục chủ phong đại diện Chúa và Giáo Hội sẽ giữ nghiêm nhặt 3 điều: Sống Khó nghèo- Vâng lời và Khiết tịnh

Nhiệm vụ Linh Mục cao trọng, nên Chúa ban cho các ơn cần thiết để chu toàn sứ mệnh: Dâng Thánh Lễ- Rao giảng Lời Chúa- Ban các Bí Tích cùng Chăn dắt Đoàn Chiên.

Trong nghi thức Truyền Chức Linh Mục, sau cùng Giám Mục chủ phong đặt tay lần cuối trên đầu các Tân Linh Mục mà đọc:

“ Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần! Các con tha tội cho ai thì họ được tha, cầm giữ ai thì họ bị cầm giữ. “

Sau khi nhận thức khái niệm qua trình thuật trong 4 Phúc Âm Thánh Sử và 7 Bí Tích Thánh, ta luôn thấy Chúa Thánh Thần hiện diện nâng đỡ, an ủi, bầu chữa và thêm sức mạnh cho chúng ta và Giáo Hội để chống lại tội lỗi, ma qủi và những thế lực phản lại Hội Thánh.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hoá, Phù trợ, đem An bình, là Ánh sáng Công chính, là Ngọn lửa Tình yêu của tâm hồn con.

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần khí sức mạnh, là Ngọn lửa tình thương, là Chim Bồ Câu thanh khiết, là Đấng Phù Trợ toàn năng, xin giữ gìn Hội Thánh trường tồn vững mạnh. Xin phù trợ cho Đức Thánh Cha Phanxicô luôn khôn ngoan và can đảm hướng dẫn Giáo Hội và chăn dắt đoàn chiên Chúa trao phó.

Lạy Chúa Thánh Thần! Xin thương ban sức mạnh cho Giáo Hội Việt Nam và Đoàn chiên Chúa vượt thắng làn sóng Vô thần đang tàn phá Giáo HộI và Tổ Quốc con..

Lạy Chúa Thánh Thần! Xin ban lòng can đảm cho các Vị Mục Tử để không khiếp nhược và chấp nhận hy sinh bảo vệ Giáo Hội và Đoàn Chiên. Xin cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có nhiều Vị Mục Tử nhân lành như Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, TGM Philiphê Nguyễn kim Điền, TGM Giuse Ngô quang Kiệt, GM Micae Hoàng đức Oanh, GM Phaolô Nguyễn thái Hợp, Lm Tadêô Nguyễn văn Lý, Lm Gioan Baotixita Nguyễn đình Thục và Lm An-tôn Đặng hữu Nam…

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi !

Xưa Chúa đã mặc khải qua các Ngôn Sứ để loài ngườI biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa đã ban Thần Khí Thánh Thần để tăng sức mạnh cho các Môn Đệ hăng say nhiết thành trên đường rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

*Giờ đây xin Chúa ban Thánh Thần đến thánh hoá đời sống chúng con nên trọn hảo xứng dáng trở nên Đền thờ Chúa Ba Ngôi ngự đến.

Con khiêm cung, cúi mình dâng lên Chúa Thánh Thần lời nguyện cầu tha thiết:

“ Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành .Vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con- Amen. “

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nơi Xưa hẹn hò
Tấn Đạt
08:03 19/05/2018
NƠI XƯA HẸN HÒ
Ảnh của Tấn Đạt
Nhớ nơi mình vẫn hẹn hò
Anh đàn em hát hoa đồng ngát hương.
(bt)
 
Thánh Ca
Hoa Hồng Thiêng Kỳ Diệu, Trình bày: Ca sĩ Lệ Hằng
VietCatholic Network
21:33 19/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


HOA HỒNG THIÊNG KỲ DIÊU

Nhạc: Nữ tu Thiên Thanh

Trình bày: ca sĩ Lệ Hằng

Nguyện dâng lên, dâng lên Đức nữ Trinh vương,

Ngàn lời kinh lời kinh Ave Kính Mừng

Dâng lên dâng lên Mẹ Chúa của thiên đường

Chuỗi ngọc ân tình là tràng hoa mân côi mến thương

Xin dâng lên Mẹ, Mẹ ơi! Tràng hoa Mân Côi cuộc đời

Xin dâng lên Mẹ ơi, Mẹ ơi! Sớm chiều lời kinh Mân Côi.

Lời kinh con dâng lên, rất thánh mân côi,

Là lời kinh lời kinh hiến tế cuộc đời.

Xin dâng lên, dâng lên Trinh nữ tuyệt vời

Nỗi buồn nỗi vui, là Tràng hoa Mân Côi thắm tươi.

Xin dâng lên Mẹ, Mẹ ơi! Tràng hoa Mân Côi cuộc đời

Xin dâng lên Mẹ ơi, Mẹ ơi! Sớm chiều lời kinh Mân Côi.