Ngày 05-06-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thánh Linh: Chân Dung & Nhiệm Vụ
Nguyễn Trung Tây, SVD
22:57 05/06/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Chúa Thánh Linh: Chân Dung & Nhiệm Vụ



Hồi nhỏ tôi khờ trâng, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy mắc cở cho một thời hay bị Mai Sơ dạy Rước Lễ phạt quỳ vì tội không phân biệt được sự khác nhau giữa hai danh từ: Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Rõ khổ! Có lẽ bởi chữ “thần” xuất hiện trong cả hai danh từ vừa được nhắc tới, đối với cái đầu óc bé tí ti của tuổi lên tám, ăn chưa no, lo chưa tới, Chúa Thánh Thần đối với tôi chỉ là những Thiên Thần tóc bạch kim, môi đỏ hồng, đẹp như tây, có cánh bay bay chung quanh hang đá vào mùa Giáng Sinh.

Lớn lên một chút, vào cái thời kỳ tham gia sinh hoạt trong Ban Giáo Lý của xứ đạo, lúc đó tôi mới “đủ sức đủ trí khôn” để mà phân biệt được sự khác nhau giữa Ngôi Ba Thiên Chúa-Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Nhớn thêm một chút, vượt biên qua Mỹ, cuối tuần tham gia sinh hoạt xứ đạo San Jose, dạy Giáo Lý cho những học sinh trung học, cho những tân tòng RCIA, và ngay cả trong những lần sơ đàm với một số người quen biết, lúc đó tôi mới nhận ra trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh là Đấng bị lãng quên nhiều nhất trong đời sống đức tin của người tín hữu.

Khi bắt đầu gõ cửa đại chủng viện St. Francis của San Diego, được học hỏi về Kinh Thánh, Thần Học, tôi nhận ra Chúa Thánh Linh hay bị lãng quên trong dòng đời ngược xuôi bận rộn. Bởi thế, chân dung và nhiệm vụ của Ngôi Ba Thiên Chúa thông thường là hai khái niệm khá sương mờ đối với một số người tín hữu Công Giáo. Trong tinh thần học hỏi về niềm tin, qua bài tham luận ngắn ngủi này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Ngôi Ba Thiên Chúa dưới hai lăng kiếng: Chân dung và Nhiệm vụ.

Luận bàn về chân dung của Chúa Thánh Linh, trong khi Thiên Chúa Ngôi Cha thường được minh họa qua nhân dạng của một cụ già Tây Phương, với râu dài, tóc bạc trắng như cước (Sách Sấm Truyền Cũ là một thí dụ điển hình), Thiên Chúa Ngôi Con thì khác. Bởi Đức Kitô là một nhân vật lịch sử, nhân dạng của Ngài, do đó, là diện mạo của một người đàn ông Do Thái vào thế kỷ thứ Nhất Tây Lịch. Nhưng Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh thì hoàn toàn khác. Ngài không được nhân họa bởi họa sĩ như Thiên Chúa Cha, hoặc xuất hiện trong nhân dạng như Thiên Chúa Con, nhưng Chúa Thánh Linh xuất hiện qua hai hình ảnh: Chim Bồ Câu và Lưỡi Lửa.

Thật ra, cả hai hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Linh đều không bắt nguồn tự sự tưởng tượng của bất cứ một người họa sĩ nào, nhưng bắt nguồn từ trong Kinh Thánh. Theo như thánh sử Máccô, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giôđan, trời xanh tự nhiên mở ra, và Thần Khí tương tự như hình bồ câu ngự xuống trên Ngài (Máccô 1:9). Hình ảnh của Lưỡi Lửa bắt nguồn sách Tông Đồ Công Vụ. Theo như Tông Đồ Công Vụ 2:1-4, vào ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, trong khi các môn đệ của Đức Giêsu đang quây quần hội họp trong căn phòng kín, bỗng nhiên từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà. Và Chúa Thánh Linh xuất hiện trong hình dạng của những lưỡi lửa ngự xuống trên người của các người môn đệ.

Bên cạnh chim bồ câu và lưỡi lửa, Chúa Thánh Linh cũng được ví như cơn gió, Ngài thổi từ hướng nào và thổi về đâu, không ai hay chẳng ai biết. Tương tự như lưỡi lửa, hình ảnh gió cũng bắt nguồn từ Tông Đồ Công Vụ 2:1-4.

Dòng lịch sử ơn cứu độ được phân chia ra làm ba giai đoạn khác nhau với ba diện mạo của một Thiên Chúa:

(1). Giai đoạn thứ nhất thuộc về dòng lịch sử Cựu Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Cha, một vị Thiên Chúa của công bằng, từ bi, và vị tha.

(2). Giai đoạn thứ hai thuộc về dòng lịch sử Tân Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Con, một vị Thiên Chúa của yêu thương, nhân hậu, và tha thứ.

(3). Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ ngày Lễ Hiện Xuống cho tới ngày cánh chung, với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh, một vị Thiên Chúa của hướng dẫn, an ủi, và đổi mới.

Luận bàn về nhiệm vụ của Chúa Thánh Linh, Giáo Hội tin rằng con thuyền Hội Thánh đang được chính bàn tay của thuyền trưởng Chúa Thánh Linh lèo lái và hướng dẫn. Bởi thế, Giáo Hội tin rằng Chúa Thánh Linh chính là tác giả bốn bản Phúc Âm được viết bởi bốn thánh sử: Máccô, Mátthêu, Luca, và Gioan. Bởi thế, khi Hồng Y Đoàn vô phòng kín cầu nguyện, hội họp để bầu cử ra một vị Giáo Hoàng mới, Giáo Hội tin rằng các vị Hồng Y đã được chính Chúa Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn để bầu ra vị tân giáo hoàng.

Ngoài công việc hướng dẫn, Chúa Thánh Linh còn là Đấng An Ủi những người tín hữu trên hành trình đức tin. Bởi Ngài là Đấng Ủi An, Chúa Thánh Linh ủi an anh hùng tử đạo khi các ngài gông cùm xiềng xích nặng nề mang vác trên vai như thánh Dũng Lạc, hoặc khi các ngài bị giam cầm bỏ đói lãng quên trong ngục tù lạnh lẽo như nữ thánh Đê. Một cách tương tự, những khi đang lao đao với đời sống chứng nhân tin mừng (tử đạo) của chính mình, chúng ta tin rằng mình không cô độc một mình một bóng với gian nan thử thách. Vào những giây phút của tứ bề thọ địch hoặc ba đào sóng dữ, chúng ta tin rằng Đấng An Ủi sẽ xuất hiện, để ủi an vỗ về và ân cần nâng đỡ chúng ta can trường tiếp tục bước qua những đoạn đường nhọc nhằn và gian truân.

Ngoài hướng dẫn và an ủi, Chúa Thánh Linh cũng còn chính là Đấng “vẩy đũa thần” làm mới bộ mặt của quả địa cầu và tâm hồn của người tín hữu. Ngày hôm nay, với trình độ tiến bộ vượt bực của khoa học, người ta có những cây đũa thần có khả năng thay đổi bộ mặt thua kém biến sang mặn mà, bình thường hóa thành sắc sảo. Đối với những người có lớp da bị thời gian tàn phá, ngành thẩm mỹ có thể lột bỏ, thay thế làn da cằn cỗi bằng những tế bào hồng hào, mịn màng, và tươi sáng. Nhưng, bên cạnh làn da thể xác, người tín hữu cũng còn có một làn da khác, đó là làn da linh hồn. Theo dòng thời gian trôi nổi bập bềnh, làn da của cả thể xác và của linh hồn đều sẽ trở nên cằn cỗi hoặc đôi khi biến dạng khiến nhiều người không còn khả năng nhận ra nhân dạng của chính mình.

Khi thể xác mệt mỏi hoặc muốn giữ gìn sức khỏe, nhiều người đi tập thể dục, người trẻ ghi tên tham gia vào những trung tâm thể dục thẩm mỹ, người lớn tuổi sáng sáng gặp gỡ nhau nơi công cộng tập Tài Chi. Những khi khám phá ra làn da thể xác không còn hồng hào, căng mịn, người ta tới gặp bác sĩ thẩm mỹ để được giúp đỡ. Một cách tương tự, những khi tâm hồn mệt mỏi, tinh thần kiệt quệ khiến làn da của linh hồn không được nghỉ ngơi, từ từ trở nên cằn cỗi, người tín hữu sẽ làm chi để khuôn mặt linh hồn của chúng ta thôi không còn cằn cỗi?



Suy Niệm

Bạn,

Vào những giây phút khám phá ra khuôn mặt và làn da của linh hồn đang trở nên lốm đốm tàn nhang, bạn cần đến sự can thiệp của một vị bác sĩ thẫm mỹ lừng danh: Bác Sĩ Thẩm Mỹ Chúa Thánh Linh, bởi Ngài chính là Đấng đã và đang đổi mới bộ mặt quả địa cầu và trần gian.

Ngày xưa, trước khi có Chúa Thánh Linh ngự xuống trên người qua hình dạng lưỡi lửa, Phêrô cũng như tất cả những người môn đệ của Đức Giêsu, đêm ngày chỉ dám thập thò đi ra đi vào trong căn phòng đóng kín cửa. Nhưng khi Gió của Chúa Thánh Linh thổi ngập tràn căn phòng và Lửa của Ngài ngự xuống trên người, làn da linh hồn của những người môn đệ của Đức Giêsu đã được đổi mới. Khi Chúa Thánh Linh xuất hiện, làn da cằn cỗi lấm chấm đồi mồi của nhát sợ, bối rối, và phiền muộn của Phêrô và của những người môn đệ đã được thay đổi, biến sang làn da linh hồn của hai mươi tuổi căng tràn nhựa sống. Khi làn da linh hồn được đổi mới, Phêrô thôi, không còn nhát sợ nữa, nhưng hiên ngang đứng dậy, mở tung cánh cửa căn phòng, hùng hồn cất lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh giữa ban ngày, khiến nhiều người Do Thái tưởng rằng người cựu ngư phủ Biển Hồ đang say rượu. Thực sự ra, Phêrô không say, nhưng bởi Chúa Thánh Linh đã đụng “đũa thần” vào khuôn mặt và tâm hồn của Phêrô, cho nên nhiều người ngỡ ngàng không còn nhận ra được đó chính là Phêrô của một thời già lão, nhát sợ, chối bỏ Thầy ba lần trên sân Tòa Án Công Nghị của người Do Thái.

Một cách tương tự, vào những lúc khám phá ra làn da linh hồn đang dần dần trở nên cằn cỗi, hoặc linh hồn đang mệt mỏi, xao xuyến, trằn trọc, và băn khoăn với những muộn phiền do trần thế mang lại, mời bạn hướng về Ngôi Ba Thiên Chúa, mở miệng cầu xin với Ngài,



Lời Nguyện

Lạy Chúa Thánh Linh, xin hãy đốt cháy ngọn lửa của Ngài, để lòng con không còn nguội lạnh, nhưng bừng lên ánh lửa nhiệt thành của sống chứng nhân Tin Mừng. Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, xin hãy đến nâng đỡ, ủi an những khi con cô độc, muộn phiền, và thất vọng với đời sống niềm tin. Xin hãy đến vỗ về, băng bó chữa lành những vết thương đang mưng mủ, đang tấy sưng trong tâm hồn con. Lạy Chúa Thánh Linh, xin Ngài hãy đến, ngự xuống, đổi mới làn da nhân loại và bộ mặt địa cầu.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Suy tư Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A 08-6-2014
Mai Tá
23:15 05/06/2014
Suy tư Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A 08-6-2014

“Trầm lan nhẹ ngấm chốn không gian,”
Giây phút buồn lây đền mộng vàng.
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá,
Dám ôm hồn cúc ở trong sương.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 28: 16-20

Diễn tả chốn không gian an-bình, thi ca ngoài đời thường diễn tả, chỉ như thế. Trình-bày/thuật lại bình an ở nhà Đạo, thánh-sử Mát-thêu nay lại diễn bày một trình thuật nhiều ý-nghĩa hơn thế. Hơn thế, ra như thể một trình-thuật rất an bình đầy Lời Chúa ban cho ta hôm nay.
Trình-thuật Lời Chúa hôm nay, thánh Mátthêu diễn tả cho con người, vẫn đơn giản chỉ một câu: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Đây là lời diễn-bày nghe quen, không hề thiếu trong buổi Tiệc Thánh Thể, an bình đầy tình thương rất thực tế. Nhưng, thực tế hôm nay, ta lại thấy lời chúc lành ở đây như vẫn xa vời tầm tay với, của mọi người.
Hôm nay đây, khi ta nghe ai đó những là chào/hỏi: “Anh/chị khỏe không?”, hẳn là câu trả lời nhiều lúc cũng không mấy thông suốt. Người thì bảo: “lu bu lắm!”, kẻ lại nói: “Có lúc nào rảnh đâu! Làm chết bỏ, không có giờ nghỉ!.... toàn những việc không tên, ở đâu ấy.”
Nhiều lần, tôi tự hỏi: có bao giờ ta trả lời bạn bè người thân bằng những câu: “Đang nghỉ xả hơi đây”! hoặc:“cũng chỉ mới ngơi tay một chút!” hoặc “Tôi đang đi đang thăm hoa, vãn cảnh đây! Có gì không thế?” Tôi nghĩ câu trả lời như thế cũng rất hiếm. Có người còn cứ bảo: “Có đẻ bọc điều mới được hưởng những giờ phút như thế, còn thì lúc nào tôi cũng như người không mở mắt lên nổi, đấy thôi!”
Là tín hữu Đức Kitô, có lẽ ta cũng nên cẩn thận về tình trạng mải miết thi nhau mà bận với rộn. Đành rằng, cứ phải sống và dấn thân với thế giới bên ngoài, cũng là quà tặng nhận được từ Trên. Nhưng, cũng nên xét lại tình trạng bận rộn của mỗi người. Bởi, có thứ bận mà không rộn cho lắm. Và, bận chưa hẳn là điều tốt. Có thể, nó mang ý nghĩa của một chối từ hoặc né tránh. Chí ít, là để tỉnh thức với bạn bè người thân, cùng một nhóm.
Tin Mừng hôm nay, thánh Yoan cho biết Thánh Thần Chúa hiện đến với môn đệ Đức Kitô, là quà tặng đầu Chúa ban cho con người. Quà tặng, là sự bình an. Thoạt nhìn, mọi chuyện xem ra không được ổn. Và cũng hơi lạ. Thực tế ai cũng biết, và điều này dễ hiểu thôi. Nhưng, khi đã chấp nhận bận rộn làm ăn rồi, sao cứ than. Than và ước, đại để như: Tôi vẫn muốn bình an trong tâm hồn, muốn có đôi phút thinh lặng để nghỉ ngơi, nhưng khổ nỗi làm sao được cả hai. Họat động có hiệu-năng và công việc dồn dập là hai thứ đối nghịch với an bình.
Nhiều lúc ta cứ tưởng, an bình-lặng thinh luôn ở tư thế của bông sen trong căn buồng tăm tối. Không phải thế. Quà bình an Đức Kitô ban tặng còn hơn thế. Bình an là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống đời thường. Nó là trạng huống tâm linh. Một thói quen tạo được sau biết bao chọn lựa nhất quán và liên lỉ. Quả thật, có người cùng lúc làm rất nhiều việc mà vẫn thản nhiên, an bình. Với họ, Bình an là vấn đề tâm linh, trí tuệ. Là, phương cách để sống. Sống cuộc đời người.
Ở thế kỷ thứ hai, triết gia Seneca đã thắc mắc sao bạn bè/người thân của ông vẫn để mất sự an bình họ cần đến. Chính vì thắc mắc này, mà ông đã ngồi xuống viết nguyên cuốn sách nói về sự nổi giận và phương cách đối phó. Ông nhấn mạnh sự kiện, là: bạn bè càng giàu sang càng dễ nổi nóng, tức giận.
Và từ đó, để luột mất đi sự an bình quý hiếm. Cuối cùng, ông dẫn chứng bằng niềm tin tưởng sắt đá rằng: lý do làm ta nổi nóng, là vì ta luôn nghĩ đến điều ta trông đợi và cầu mong, dù điều đó chẳng hợp tình hợp lý. Vẫn muốn làm sao cho tháng ngày đời mình, cứ êm đềm trôi chảy. Chảy chầm chậm. Trôi thanh thoát. Người giàu sang lại nghĩ rằng: họ có thể dùng tiền tài, của cải/vật chất mà mình có để mua cho mình cuộc sống sảng khoái, dễ chịu.
Ở đâu cũng thế. Lúc nào cũng vậy. Khi không đạt mộng ước thật bình thường, thì chuyện “nổi cơn thịnh nộ” là việc đương nhiên xảy ra. Thành thử, triết gia Seneca có lý khi ông nói: muốn an bình-lặng thinh, ta phải có đầu óc thực tế biết chấp nhận rằng: mọi sự trên đời đều có thể xảy đến, trái nghịch điều mình hằng mong ước.
Sự khôn ngoan mà hiền triết Seneca đề nghị, là: ta nên tỉnh táo biết rõ sự yếu mềm và mỏng dòn của mình. Và, của mọi người. Nếu biết rằng, cuộc sống cũng dòn mỏng như bản chất con người, ta sẽ đỡ vất vả hơn, khi chiến đấu với nó. Và như thế, ta mới đạt tình huống qua đó ta cần tha thứ cho người khác; cũng như, đón nhận sự thứ tha từ nơi họ.
Tha thứ là món quà thứ hai Đức Kitô tặng ban cho các môn đệ, trong ngày Thánh Thần Chúa hiện đến. Nếu quả tình, ta thực lòng muốn vun trồng sự an bình-lặng thinh để sống cuộc đời bình thường, bắt buộc ta phải chấp nhận đương đầu với những gì, ta không muốn thấy. Những gì ta mong né tránh, khước từ.
Nhưng oái oăm thay, những chuyện như thế thường hay đính kèm sự việc hằng xảy ra, trong quá khứ. Và, điều này gây tổn thương người khác, cách này hay cách khác. Đó, có thể là kinh nghiệm buồn đau mà người khác vẫn mang đến cho ta. Trừ phi ta biết tự tha thứ; hoặc thứ tha những người đã làm mình phiền. Bằng không, thì tình trạng bận và rộn có những xôn xao/ồn ào, hoặc bon chen sẽ để lại dấu ấn khó quên, nơi ký ức miên trường của mỗi người.
Điều không may, là: những xáo trộn như thế thường đi đôi với tình trạng rất bận và rất rộn. Chính vì thế, ta cứ phải đối đầu với những lầm lỗi mình từng mắc phải, trong thời gian qua. Đó còn là tình huống khiến cho sự an bình lặng-thinh cứ cao xa vời vợi, rời bỏ vòng tay mong chờ của chúng ta.
Tham dự Tiệc thánh hôm nay, dù ta ở vào tình huống có lầm lỡ/sơ xuất, hãy cứ cầu và mong Thánh Thần Chúa giúp ta nhận món quà đầu Chúa ban trong Lễ Ngũ Tuần có Thánh Thần Chúa hiện đến. Có như thế, ta mới mong rằng mình có thể tha thứ thật nhiều cho những ai đang tìm cách đóng đinh ta vào thập giá.
Và, tựa như Đức Chúa tỏ bày tình Ngài yêu thương cho mọi người, ta cũng hãy mừng vui hơn lên vì Thánh Thần Chúa đã thổi đến nơi ta, món quà cao quý ấy. Quà là quà an bình-lặng thinh ta hằng mong ước.
Trong cảm-nghiệm một lời chúc bính-an đầy thương mến như thế, tưởng cũng nên trở về với thơ đời còn văng vẳng những lời rằng:

“Hãy tưới lên hoa giọt lệ nồng,
Đếm từng cánh một, mấy lần thương.
Hãy chôn những mảnh xuân tàn tạ,
Và hãy chôn sâu tận đáy lòng.”
(Hàn Mặc Tử - Mơ Hoa)

Giọt lệ nồng tưới lên hoa như thế, e rằng chẳng đếm được “mấy lần thương”. Lại cứ cho đi những mảnh xuân tàn-tạ”, tận đáy lòng, để rồi người người rồi sẽ nghe biết Thánh Thần Chúa vẫn cứ tặng bình an cho mọi loài, nên vẫn thương. Thương mãi thương hoài ngàn năm, rất vấn vương. Tận đáy lòng, của mọi người.

Lm Richard Leonard sj,
Mai Tá lược dịch

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tình yêu chân thật phải trung thành, kiên trì và phồn thịnh
Bùi Hữu Thư
09:07 05/06/2014
Huấn từ ngày 2 tháng 6, 2014

ROME, 3 tháng 6, 2014 (Zenit.org) – Đức Thánh Cha chỉ trích “nền văn hóa hưởng thụ” đang thúc đẩy các cặp vợ chồng không có con để cho được thoải mái: “cuối cùng, hôn nhân này đưa đến tuổi già, trong sự chua chát của cô đơn buồn chán. Hôn nhân này không kết trái, hôn nhân này không làm được điều Chúa Giêsu làm với Giáo Hội của Người: là làm cho sinh hoa kết quả.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh Lễ với sự hiện diện của mười lăm cặp vợ chồng kỷ niệm hôn phối (25, 50, 60 năm...) trong nhà nguyện Nhà Thánh Mác-ta, ngày 2 tháng 6, 2014.

Ngài đã dùng tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội làm tấm gương cho họ: “Chúa Giêsu đã kết hôn với Giáo Hội vì tình yêu...đẹp đẽ, thánh thiện, hay tội lỗi nhưng Chúa vẫn yêu thương”. Đức Thánh Cha nhận định “ba đặc điểm” trong tình yêu này: “Đây là một tình yêu trung thành; một tình yêu kiên trì; và một tình yêu phồn thịnh.”

Người ta xin lỗi và tình yêu tiếp diễn

“Đây là một tình yêu chung thủy. Thánh Phaolô viết trong một thư gửi các tín hữu: “Nếu anh em không trung thành với Đức Kitô, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chình mình ". Chung thủy là trở thành một phần tử của tình yêu Chúa Giêsu. Sự trung thành này giống như một ánh sáng trong hôn nhân.”

Đặc điểm thứ hai: sự kiên trì: “Đời sống hôn nhân phải kiên cường. Nếu không thì tình yêu không thể tiếp diễn. Kiên trì trong tình yêu, trong những lúc vui sướng và cả trong những lúc sầu khổ, khi gắp các khó khăn: khó khăn vì con cái, khó khăn vì tiền bạc.... Tình yêu phải bền vững, phải tiến lên, phải luôn luôn tìm cách giải quyết mọi việc, để cứu vớt gia đình.”

Sự kiên trì này cũng đòi hỏi sự tha thứ:”Đã biết bao lần Chúa Giêsu tha thứ cho Giáo Hội” cũng vậy, bên trong đôi vợ chồng “cũng xin lỗi nhau” và “tình yêu hôn nhân tiếp diễn.”

Sự phồn thịnh Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội

Đặc điểm thứ ba, “sự phồn thịnh”: tình yêu của Chúa Giêsu “làm cho Giáo Hội phồn thịnh với những người con mới, qua phép rửa, và Giáo Hội bành trướng với sự phồn thịnh của hôn nhân.”

Trong một hôn nhân, sự phồn thịnh này có thể bị thử thách lớn lao, khi không có con cái, hay khi chúng bị bệnh tật. Trong những thử thách này, các cặp hôn phối được mời gọi để “nhìn Chúa Giêsu và kín múc sức mạnh từ sự phồn thịnh Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội.”

Nhưng cũng có “những điều Chúa Giêsu không hài lòng”: đó là “những hôn nhân không muốn có con cái, không muốn có sự phồn thịnh” vì ảnh hưởng của nền văn hóa hưởng thụ, xúi dục là “tốt hơn không nên có con! Như vậy mình có thể đi du lịch khắp thế giới, đi nghỉ hè, có một căn nhà ở miền quê, và mình được yên tĩnh.”

Đức Thánh Cha than trách: “Cuối cùng, hôn nhân này sẽ đi đến tuổi già, trong sự chua chát của cô đơn buồn chán. Hôn nhân này không kết trái, hôn nhân này không làm đúng như điều Chúa Giêsu đã làm với Giáo Hội: là làm cho sinh hoa kết quả.”
 
Hàng trăm người chiếm khuôn viên Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma xin Đức Giáo Hoàng trợ giúp
Đặng Tự Do
20:52 05/06/2014
Hàng trăm người vô gia cư đã cắm trại trong khuôn viên của Đền Thờ Đức Bà Cả gần nhà ga trung ương Termini của Rôma từ hôm 4 tháng Sáu và xin Đức Giáo Hoàng giúp họ tìm được nhà ở.

Những người vô gia cư gồm cả người lớn và trẻ em tuyên bố sẽ không đi đâu hết cho đến khi nhà nước Ý giải quyết vấn đề gia cư cho họ.

"Chúng tôi là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nghèo và bị ruồng bỏ nhưng chúng tôi biết sự thánh thiêng của cuộc sống của chúng tôi". Những người vô gia cư này đã viết như trên trong bức thư gởi cho Đức Giáo Hoàng, là người thường xuyên lên tiếng về sự cần thiết phải chăm sóc cho người kém may mắn trên thế giới.

Bức thư biết tiếp: "Chúng tôi đang ở đây trong ngôi nhà của Thiên Chúa để yêu cầu giúp đỡ". Bức thư nói thêm rằng chính phủ Ý đã "tuyên chiến" với những người vô gia cư.

Các cuộc biểu tình lớn và rầm rộ đã nổ ra tại thủ đô Italia để tố cáo tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ tại Rome. Một số người biểu tình đã có khuynh hướng bạo lực, vẽ bậy lên tường các cơ quan chính phủ vì họ không tìm ra được nhà ở và nhà nước không chú ý giải quyết vấn đề gia cư.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục khoá I ĐCV Vinh Thanh gặp mặt Lễ Tạ Ơn 20 Năm Hồng Ân Linh Mục
Giuse Tô Văn Toản
16:51 05/06/2014
LM. Khoá I Đại Chủng Viện Vinh Thanh Gặp Mặt Ngày Lễ Quan Thầy và Tạ Ơn 20 Năm Hồng Ân Linh Mục

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh em được sống vui vầy bên nhau.

Đó là tâm tình của anh em linh mục Khoá I thuộc đại chủng viện Vinh Thanh trong hai ngày gặp mặt vừa qua từ ngày 03-04 tháng 6 năm 2014. Điểm hẹn của lần hội ngộ này là giáo xứ Phú Vinh, nơi cha Phêrô Nguyễn Văn Quyền, một thành viên của lớp đang làm công tác mục vụ. Mục đích và ý nghĩa của cuộc hội ngộ là để anh em có những giờ phút sống bên nhau, Tạ ơn Chúa và mừng lễ Mẹ Thăm Viếng, Quan Thầy của lớp. Về tham dự cuộc gặp mặt này, quý cha và toàn thể bà con giáo dân xứ Phú Vinh được vui mừng đón tiếp Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên.

Xem Hình

Cuộc gặp mặt diễn ra trong bầu khí thân thiện ấm áp tình anh em, tình đồng môn. Đây là dịp để quý cha ngồi lại với nhau hàn huyên những chuyện buồn vui của thời chủng sinh ngày nào và chia sẻ với nhau những gánh nặng của công tác mục vụ trong thời gian hiện tại. Cuộc gặp mặt hâm nóng tình anh em và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ cho đời sống linh mục.

Trong bài giảng lễ tạ ơn vào tối 03/06, Đức Cha Phaolô Maria đã chia sẻ với quý cha và toàn thể cộng đoàn về sự cao trọng của đời sống linh mục. Ngài động viên quý cha không ngừng dấn thân và sống đúng với sứ vụ của thiên chức cao cả ấy. Đồng thời, ngài cũng nhắn nhủ bà con giáo dân yêu mến và cộng tác với các linh mục trong công cuộc mở rộng Nước Chúa.

Cuộc sống tương quan luôn tạo ra những cuộc gặp gỡ và thăm viếng. Trong lịch sử nhân loại, có nhiều cuộc hội ngộ, thăm viếng giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Thiên Chúa viếng thăm con người qua biến cố nhập thể. Qua cuộc thăm viếng của Mẹ Maria tới bà Êlizabeth, Mẹ đã đem Chúa đến cho bà. Đó cũng là sứ điệp mà Lời Chúa trong thánh lễ Quan Thầy muốn gửi đến quý cha và cộng đoàn phụng vụ trong ngày hội ngộ. Mọi cuộc gặp gỡ của người mục tử phải có năng lực mang Chúa đến cho người mình gặp.

Thánh lễ Quan Thầy Mẹ Thăm Viếng diễn ra vào lúc 8h ngày 04/06/2014. Tuy thời tiết nóng bức, nhưng đông đảo bà con giáo dân đã về tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho quý cha. Sau giờ cơm trưa thân mật tại nhà xứ Phú Vinh, quý cha đã có cuộc viếng thăm tới Mái Ấm Thiện Tâm, một trung tâm khuyết tật trên địa bàn giáo xứ và trao quà cho các em. Thật cảm động và dồi dào ý nghĩa khi quý cha đã cảm nhận được niềm vui của cuộc gặp gỡ và muốn không ngừng nhân lên bằng những cuộc gặp gỡ khác và đem niềm vui đến với nhiều người.

Giuse Tô Văn Toản
 
Hình ảnh 'Ngày Thánh Thể V' tại Đan viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, Texas.
Trần Mạnh Trác, Lê Văn Phước
16:49 05/06/2014

NGÀY THÁNH THỂ V – 2014 đã bắt đầu tại Đan viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, Texas với chủ đề “CHÍNH TÔI LÀ BÁNH TRƯỜNG SINH” (Gioan 6:35).

Những album sau đây sẽ được cập nhật (updated) thêm hình ảnh sau mỗi diễn biến trong ngày. Xin quí vị nhớ coi lại để thưởng lãm những sinh hoạt sống động đang xảy ra:
Xem Album Thứ Năm
Xem Album Thứ Sáu
Xem Album Thứ Bảy
Xem Album Chuá Nhật

Thông thường số tham dự cuả ngày đầu tiên (Thứ Năm) không đông lắm vì còn là một ngày làm việc. Tuy nhiên chúng tôi đã thấy có nhiều gia đình lấy vacation đến cắm trại và không khí sinh hoạt bắt đầu nhộn nhịp rất sớm.

Ban tổ chức dự liệu trên 8000 người sẽ đến đây vào ngày Thứ Bảy.

Nhắc lại, số người tham dự đã tăng đều và tăng gấp đôi mổi năm. Trước năm 2011 chỉ khoảng 1000, năm 2012 trên 2000, năm 2013 khoảng 4000 người.

Chúng tôi ghi nhận nhiều cải tiến về đường xá, điện nước và nhu cầu vệ sinh. Đó là nhờ công sức cuả các anh chị em thiện nguyện làm việc nhiều tháng trước.

Lấy kinh nghiệm từ những năm qua, thuốc trừ sâu bọ đã được rải từ nhiều tuần trước và đan viện đã câu thêm điện với công xuất cao cho các khu cắm trại để cung cấp nhu cầu máy lạnh.

Thời tiết cuả cả 3 ngày được tiên đoán là rất tốt: nắng buổi sáng, dâm mát buổi chiều, không mưa, gió nồm 10-15 miles (16-24km) và nhiệt độ 91F/72F (32C ban ngày/22C ban chiều.)


CHƯƠNG TRÌNH

THỨ NĂM (Ngày 5 tháng 6 năm 2014)
7:00 pm: - Thánh Lễ Khai Mạc - Cầu cho Giáo Hội Hoàn Vũ
giảng lễ: Lm Bùi Quang Tuấn, CssR
9:30 – 11:00 pm: - Hội Thảo (1) - Lm Hà Quốc Dũng, CssR
11:00 pm: - Chầu Thánh Thể chung
12:00 - 7:00 am: - Chầu Thánh Thể Cá Nhân

THỨ SÁU (Ngày 6 tháng 6 năm 2014)
7:30 am: - Thánh Lễ Sáng - Biệt Kính Thánh Cả Giuse
giảng lễ: Lm Đoàn Hoàng Khôi Anh
10:00 am -12:00 pm: - Hội Thảo (2) - Lm Nguyễn Khắc Hy, S.S.
2:00-3:30 pm Chiếu Phim: “Cuộc Khổ Nạn Chúa Giêsu”
Hội Thảo Giới Trẻ (1) – Lm. Nguyễn Thiện Lãm, C.S.sp
4:00-5:00 pm Đi Đàng Thánh Giá
5:00-6:00 pm Hội Thảo (3) – Ông Cao Tấn Tĩnh, BVL
7:00 pm: - Thánh Lễ Đại Trào - Biệt Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
giảng lễ: Lm Nguyễn Khắc Hy, S.S.
9:30-11:00 pm: - Hội Thảo (4) Lm Hà Quốc Dũng, CssR
11:00 pm: - Chầu Thánh Thể chung
12:00 - 7:00 am: - Chầu Thánh Thể Cá Nhân

THỨ BẢY (Ngày 7 tháng 6 năm 2014)
7:30 am: - Thánh Lễ Sáng - Biệt Kính Đức Trinh Nữ Maria
giảng lễ: Lm Trịnh Thế Huy, O.P.
10:00 am -12:00 pm: - Hội Thảo (5) Lm Nguyễn Khắc Hy, S.S.
Hội Thảo Giới Trẻ (2) Lm. Nguyễn Thiện Lãm, C.S.sp
2:00-3:30 pm: - Hội Thảo (6) Đức Cha Vũ Văn Thiên
Hội Thảo Giới Trẻ (3) Lm. Nguyễn Thiện Lãm, C.S.sp
4:00 pm: - Giờ Đền Tạ Mẫu Tâm
7:00 pm: - Thánh Lễ Đại Trào Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu
giảng lễ: Đức Cha Vũ Văn Thiên
Rước Kiệu Thánh Thể
9:30 – 11:00 pm: - Văn Nghệ & xổ số
12:00 - 7:00 am: - Chầu Thánh Thể Cá Nhân

Chúa Nhật (Ngày 8 tháng 6 năm 2014)
8:30 am: - Thánh Lễ Bế Mạc - Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
giảng lễ: Lm Nguyễn Đức Hạnh, OSB
 
Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Tân Hiệp, Xuân Lộc
JB Hữu Quang
18:57 05/06/2014
Ngày 5 tháng 6 năm 2014, Đức Cha Đaminh. Giám mục GP Xuận lôc đã đến thăm mục vụ và ban bí tích Thêm sức tại GX Tận Hiệp, Hạt Long thành, thuộc tỉnh Đồng Nai. Thánh lễ do GM Đaminh chủ sự với đồng tế của 13 linh mục trong Giáo.

Hình ảnh

Bài giảng lễ của ĐGM đi sâu vào Đức Khôn Ngoan trong 7 Ơn Chúa Thánh Thần. Đức khôn ngoan của Chúa Thánh Thân(CTT) không phải là khôn ngoan của trần thế trong buốn bán cạnh tranh, nhưng Đức Khôn Ngoan phát sinh từ cái nhìn của Thiên Chúa, cảm nhận của Thiên Chúa và thực hành để phục vụ cho Thiên Chúa. Với các em sắp lãnh nhận Bí tích Thêm sức, DGM cho các em niềm tin từ đây CTT hoạt động trong tâm hồn các em vào đời bằng sức mạnh của Đức Tin chiếu sáng trong học hành và sinh hoạt. Ngài cũng xác quyết với các bậc cha mẹ Ơn CCT giúp cho cuộc sống gia đình hoàn hảo và hạnh phúc để loan báo Tin Mừng trong xã hội qua cuộc sống.

Trong thời gian gần 1 giờ, ĐGM đã ban phép Thêm sức cho 110 em thiếu niên trong giáo xứ và 7 em thuộc giáo xứ khác đã bận thi Trung học Phổ thông (Tú Tài) trong mấy ngày trước. Các em đã hoan hỉ lãnh nhận Bí tích Thêm sức trong đồng phục khăn quàng của Hội Thiếu niên Thánh thể.

ĐGM chia sẽ nguồn vui Thiên Chúa cùng toàn thể cộng đoàn tham dự thánh lễ. Ngài chúc mừng 3303 gián dân trong GX Tân hiệp, dầu còn khó khăn trong cuộc sống vật chất, nhưng đã cùng nhau thực hiện đức bác ái để mọi người sống đạo tốt lành. Số lượng giáo dân GX Tân hiệp chiếm 30% dân số xã địa phương và có cuộc sống tương đối ổn định với công việc tại các nông trường xí nghiệp trong vùng.

GX Tân Hiệp đã hình thành sau năm 75 và chính thức thành lập từ 29/6/1976 với cộng đoàn giáo dân di dân lập nghiệp từ Sài gòn.Trong khoảng thời gian 38 năm qua, nhiều giáo dân từ Miền Bắc hoặc miền Trung cũng vào sinh sống lập nghiệp tại vùng này. Giáo xứ đã được cha cố AnTôn Nguyễn Đức Hiếu OP (RIP) khai sáng và xây dựng gần 30 năm: Ngài đang yên nghỉ trong khuôn viên thánh đường giáo xứ. Dòng Đa Minh Việt nam đã có nhiều hổ trợ để giáo xứ đầy đủ cơ sở vật chất cho sinh hoạt mục vụ.
 
Cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái Nguyệt Lãng dâng lễ Tạ ơn
Pv Thuận Nghĩa
21:15 05/06/2014
Khi mùi hương lúa còn đang len lỏi trong cái nắng oi bức của tháng 5, cũng là lúc tất cả bà con Giáo xứ Hậu Thành nô nức vì một mùa bội thu trên cánh đồng truyền giáo. Hôm nay, 3 chị thuộc hội dòng Thừa Sai Bác Ái Nguyệt Lãng được lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn ngày 31/05 vừa qua trong dòng Thừa Sai Bác Ái Vinh tổ chức thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ giáo xứ.

Hình ảnh

Đúng 8h00 thánh lễ được diễn ra trọng thể do Đức Cha Phaolô Maria chủ tế. Đồng tế với Đức Cha có quý Cha trong và ngoài giáo hạt cùng đông đảo quý thầy, quý chị, bà con trong giáo xứ đến tham dự thánh lễ. Chia sẻ trong thánh lễ, Đức Cha Phaolô Maria đã bày tỏ sự vui mừng cùng với quý chị trong niềm vui vĩnh khấn. Đồng thời, Đức Cha cũng nhấn nhủ chị em rằng: “khấn trọn không phải là kết thúc một hành trình nhưng là bắt đầu một bước chuyển mới, nó đòi hỏi các chị phải cố gắng nhiều hơn nữa để trung thành với ơn gọi của mình cho đến cùng”.

Niềm vui được nhân lên khi Cộng Đoàn Thừa Sai Bác Ái Nguyệt Lãng được Đức Cha Phaolô Maria thánh hiến ngôi nhà mới sau gần 5 năm khởi công xây dựng. Cộng Đoàn Thừa Sai Bác Ái Nguyệt Lãng được thành lập vào ngày 01/06/2001. Cơ sở vật chất lúc ban đầu còn thiếu thốn. Nhờ hồng ân Thiên Chúa, với sự hướng dẫn của quý Cha Quản xứ, sự giúp đỡ của quý ân nhân, ngày 06/09/2009, Cộng Đoàn Thừa Sai Bác Ái Nguyệt Lãng quyết định khởi công xây dựng ngôi nhà mới với tổng diện tích 260m2. Sau gần 5 năm xây dựng, trải qua biết bao khó khăn đến nay ngôi nhà mới đã được hoàn thành và đi vào sử dụng. Ngôi nhà mới có đầy đủ: phòng nguyện, phòng ngủ, phòng sinh hoạt và nơi nuôi dạy trẻ. Đây là niềm vui lớn cho quý Chị và cho giáo xứ Hậu Thành.

Trong bài cám ơn, chị phụ trách đã thay lời cho cộng đoàn cám ơn quý Đức Cha, quý Cha, quý ân nhân xa gần đã cách này cách khác giúp cho cộng đoàn có ngày hôm nay. Đặc biệt quý chị đã cảm nhận được tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi thốt lên rằng: “Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rở, thấy việc tay Ngài làm con phải reo lên”(Tv 92).

Xin Chúa ban thêm sức mạnh giúp quý chị trung thành với ơn gọi của mình, đồng thời xin Chúa ban nhiều thợ gặt nhiệt thành để nước Chúa rộng lan khắp nơi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhân lễ Hiện Xuống, tìm hiểu ''Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần''
Vũ Văn An
19:41 05/06/2014
Trong một hội nghị hồi đầu tháng Năm năm nay Tại Norfolk, Virginia, Hoa Kỳ, Cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, đã nói về “Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần, một ơn phúc cho toàn thể Giáo Hội”.

Trước khi đi vào chính Phép Rửa này, Cha Cantalamessa cho biết Canh Tân trong Chúa Thánh Thần là gì, nó thường xẩy ra ở đâu và nó tạo ra nguồn gốc và cao điểm cho điều gì.

Canh tân trong Chúa Thánh Thần

Kiểu nói “canh tân trong Chúa Thánh Thần” có hai tương đương trong Tân Ước. Để hiểu linh hồn của phong trào đặc sủng, sự linh hứng sâu xa của nó, trước nhất ta phải tìm tòi Thánh Kinh. Ta cần khám phá ra nghĩa chính xác của kiểu nói vốn được dùng để mô tả cảm nghiệm canh tân này.

Bản văn Tân Ước thứ nhất là Thư Êphêsô 4:23-24: “anh em phải để tinh thần (1) thay đổi tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới”. Ở đây, chữ “tinh thần” (the spirit) viết chữ thường, và đúng như thế, vì nó chỉ tinh thần của ta, là phần thâm sâu nhất của ta, điều mà Thánh Kinh quen gọi là “trái tim”. Chữ “tinh thần” ở đây chỉ phần trong ta cần được canh tân để ta nên giống Chúa Kitô, Con Người Mới ưu hạng. Tự canh tân chính ta có nghĩa là cố gắng có cùng một thái độ như Chúa Giêsu Kitô (xem Pl 2:5), cố gắng có một “trái tim mới”.

Bản văn trên minh giải ý nghĩa và mục đích cảm nghiệm của ta: canh tân trước nhất phải là canh tân bên trong, canh tân tâm hồn. Sau Vatican II, nhiều điều đã được canh tân trong Giáo Hội: phụng vụ, chăm sóc mục vụ, Bộ Giáo Luật, và các hiến pháp cũng như trang phục các dòng tu. Bất kể tầm quan trọng của chúng, những điều này chỉ là những điều đi trước của việc canh tân thực sự. Sẽ là thảm họa khi ta dừng lại ở những điều này và coi như mọi sự đã hoàn tất.

Điều đáng kể đối với Thiên Chúa là con người, chứ không phải cơ cấu. Chính các linh hồn làm cho Giáo Hội ra xinh đẹp, và do đó, Giáo Hội cần được trang trí bằng các linh hồn. Thiên Chúa quan tâm tới tâm hồn của Dân Người, tình yêu của Dân Người, và mọi sự khác chỉ có nghĩa khi hành xử như một hỗ trợ cho ưu tiên đó.

Tuy nhiên, bản văn trên mà thôi không đủ để giải thích kiểu nói “canh tân trong Chúa Thánh Thần”. Nó đề cao bổn phận phải tự canh tân ta và phải canh tân điều gì (tâm hồn), nhưng nó không cho ta biết phải canh tân ra sao. Có ích gì khi bảo ta phải tự canh tân nếu không đồng thời cho ta biết phải canh tân bằng cách nào? Ta cần biết tác giả và người chủ đạo thực sự của việc canh tân.

Bản văn Tân Ước thứ hai, lấy từ thư gửi Titô, đề cập tới vấn đề trên. Bản văn này viết: Thiên Chúa “cứu chúng ta, không phải vì bất cứ công trình công chính nào chúng ta đã làm, mà là theo lòng thương xót của Người, nhờ nước tái sinh và canh tân của Chúa Thánh Thần” (Tt 3:5).

Ở đây “Thần Khí” (tinh thần) viết hoa vì nó chỉ Tinh Thần (Thần Khí) Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Thần. Giới từ “nhờ” ám chỉ dụng cụ, tác nhân. Do đó, danh từ mà ta vốn dùng để gọi cảm nghiệm của chúng ta hàm nghĩa một điều hết sức chính xác: canh tân nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, một cuộc canh tân trong đó, chính Thiên Chúa chứ không phải con người là tác giả và là người chủ đạo chính. “Ta [chứ không phải các ngươi]”, Thiên Chúa nói thế, “sẽ làm mọi sự nên mới” (Kh 21:5); “Thần Khí Ta [và chỉ có Người mà thôi] mới có thể đổi mới bộ mặt thế giới” (Tv 104:30).

Điều trên xem ra có vẻ nhỏ nhoi, một phân biệt tầm thường, nhưng thực ra nó bao hàm cuộc cách mạng kiểu Copernic, một lật ngược hoàn toàn mà con người, các định chế, các cộng đồng và toàn thể Giáo Hội trong chiều kích nhân bản phải trải qua ngõ hầu cảm nghiệm được sự canh tân thiêng liêng chân chính.

Theo hệ thống Ptôlêmê, ta thường nghĩ rằng: căn bản của việc canh tân này hệ ở các cố gắng, hệ ở việc tổ chức, ở hiệu năng, ở các cải tổ và thiện chí. “Trái đất” nằm ở tâm điểm kế sách này, Thiên Chúa chỉ đến ban ơn thánh để lên sức mạnh và thăng hoa các cố gắng của ta. “Mặt trời” vòng quanh trái đất và là hành tinh của trái đất; Thiên Chúa là vệ tinh của con người.

Nhưng Lời Thiên Chúa tuyên bố rõ ràng: “Chúng ta cần trả quyền uy lại cho Thiên Chúa” (Xem Tv 68:35) vì “quyền uy thuộc về Thiên Chúa” (Tv 62:11). Đây là tiếng kèn đồng! Ta đã tiếm đoạt quyền uy của Thiên Chúa quá lâu rồi, dám quản trị quyền uy này như thể là của ta, hành xử như thể mình có toàn quyền muốn “cai trị” quyền uy của Thiên Chúa thế nào mặc ý. Đúng lý hơn, ta phải vòng quanh “mặt trời”. Chính vì thế ta nói tới cuộc cách mạng Copernic.

Với cuộc cách mạng trên, ta nhìn nhận rằng không có Chúa Thánh Thần, ta không làm được gì cả. Thậm chí ta còn không nói được rằng “Chúa Giêsu là Chuá!” (xem 1Cor 12:3). Ta nhìn nhận rằng ngay các cố gắng có phối hợp nhất của ta vẫn chỉ là hiệu quả của ơn cứu rỗi, chứ không phải là nguyên nhân của ơn này. Giờ đây, ta mới bắt đầu thực sự “ngước mắt” và “nhìn lên” như lời tiên tri khuyên nhủ (xem Is 60:4) mà nói rằng “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến từ nơi nào? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:1-2).

Thánh Kinh thường nhắc đi nhắc lại giới răn của Thiên Chúa này: “Ngươi phải nên thánh, vì Ta, Đức Chúa và là Thiên Chúa của Ngươi, là Đấng Thánh” (Lv 19:1; xem Lv 11:44; 1Pr 1:15-16). Nhưng trong một chỗ khác cũng của cùng một sách Lêvi, ta thấy một câu có thể giải thích mọi câu khác, đó là “Ta là Đức Chúa; Ta thánh hoá ngươi!” (Lv 20:8). Ta là Đức Chúa, Đấng muốn canh tân ngươi bằng Thần Khí của Ta! Ngươi hãy để ngươi được canh tân bởi Thần Khí Ta!

Phép Rửa: một bí tích “chưa được tháo cởi” (unreleased)

Giờ đây, ta hãy bước qua chủ đề phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Trước nhất, phải nói rằng kiểu nói này không phải là một sáng chế gần đây của Phái Ngũ Tuần hay của Phong Trào Đặc Sủng. Nó trực tiếp phát sinh từ chính Chúa Giêsu. Vì trước khi rời các môn đệ, Người nói với họ: “Gioan làm phép rửa trong nước nhưng chỉ ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa của Chúa Thánh Thần” (Cv 1:5). Ta biết điều gì đã xẩy ra sau đó không bao lâu: Hiện Xuống! Do đó, kiểu nói phép rửa trong Chúa Thánh Thần vừa chỉ biến cố vào ngày Ngũ Tuần vừa chỉ phép rửa. Ta có thể nói tới nó như là một “lễ Ngũ Tuần mới” cho Giáo Hội hay một canh tân phép rửa của ta. Giờ đây, ta hãy xem sét chiều kích thứ hai vừa nhắc đến.

Thuật ngữ “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” muốn cho thấy: ở đây, có một điều gì rất căn bản đối với phép rửa. Ta nói rằng việc đổ tràn Thần Khí đã hiện thực hóa và tái sinh động hóa phép rửa. Để hiểu làm thế nào một bí tích đã lãnh nhận từ rất nhiều năm qua và được ban cho lúc ta còn thơ ấu lại có thể bỗng chốc trở nên hiện thực, sinh động hóa và tháo cởi cả một dòng thác sinh lực đến như thế như ta được chứng kiến trong các dịp đổ tràn ơn, ta phải nhắc lại một vài khía cạnh của nền thần học bí tích.

Thần học Công Giáo có thể giúp ta hiểu làm thế nào một bí tích có thể có hiệu lực và hợp lệ nhưng vẫn chưa “được tháo cởi”. Một bí tích “chưa được tháo cởi” khi hoa trái của nó vẫn còn bị cầm giữ hay chưa được sử dụng vì thiếu một vài điều kiện nào đó nhằm đẩy xa hiệu năng của nó. Một thí dụ hơi cực đoan là bí tích hôn nhân hay bí tích truyền chức thánh được lãnh nhận lúc người nhận ở trong tình trạng tội trọng. Trong những trường hợp như thế, các bí tích này không thể ban ơn thánh cho người lãnh nhận. Tuy nhiên, nếu trở ngại tội lỗi được loại bỏ bằng việc thống hối, thì bí tích này được cho là tái sinh động hóa hay phục hồi (reviviscit) nhờ tính trung thành và bất khả thu hồi của ơn thánh Chúa. Thiên Chúa vẫn trung thành ngay cả lúc chúng ta bất trung, vì Người không thể nào tự bác bỏ được Người (xem 2Tm 2:13).

Có những trường hợp khác trong đó, một bí tích, dù không hoàn toàn không có hiệu quả, nhưng vẫn chưa được tháo cởi hoàn toàn: nó vẫn chưa được mặc tình thực hiện các hiệu quả của nó. Trong trường hợp phép rửa, điều gì khiến cho các hoa trái của nó bị cầm giữ?

Ở đây, ta cần nhắc lại học lý cổ điển về các bí tích. Bí tích không phải là các nghi thức ma thuật hành động một cách máy móc, không cần tới sự hiểu biết hay sự cộng tác của người ta. Hiệu năng của nó là kết quả của một đồng vận (synergy) hay một hợp tác giữa sự toàn năng của Thiên Chúa (tức ơn thánh của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần) và ý chí tự do của con người. Như Thánh Augustinô từng nói, “Đấng dựng nên bạn không cần sự ưng thuận của bạn nhưng Người sẽ không cứu được bạn nếu bạn không chịu hợp tác”.

Nói chính xác hơn, hoa trái của một bí tích tùy thuộc hoàn toàn ở ơn thánh Chúa; tuy nhiên, ơn thánh này không hành động nếu không có lời “xin vâng”, nghĩa là ưng thuận và khẳng nhận, của người ta. Sự ưng thuận này, tự nó, là một “điều kiện không có không được (sine qua non) hơn là một nguyên nhân. Thiên Chúa hành động như một tân lang, không dùng vũ lực áp đặt tình yêu của mình mà chờ đợi sự ưng thuận tự do của tân nương.

Vai trò của Thiên Chúa và vai trò của ta trong Phép Rửa

Trong một bí tích, mọi sự gì tùy thuộc ơn thánh Chúa và thánh ý Chúa Kitô đều được gọi là “opus operatum” (công việc tự có hiệu quả) một thuật ngữ ta có thể dịch là “công trình, tức mục đích và hoa trái nào đó của một bí tích, đã được thực hiện xong khi nó được cử hành cách thành hiệu (validly)”. Nhưng đàng khác, mọi sự gì tùy thuộc sự tự do và thiên hướng của người lãnh nhận đều được gọi là “opus operantis” (công trình có tính nhân hiệu); đây là một công trình còn cần được cá nhân thực hiện, cần được họ khẳng nhận.

Opus operatum (công việc tự có hiệu quả) của Phép Rửa, tức phần do Chúa và ơn thánh thực hiện, khá đa dạng và rất phong phú: tha tội; ban các ơn đối thần là tin, cậy và mến; làm con cái Chúa. Tất cả những điều này được hành động đầy hiệu năng của Chúa Thánh Thần dàn xếp. Như lời Thánh Clêmentê thành Alexandria từng nói: “Khi đã chịu phép rửa, ta được soi sáng; khi đã được soi sáng, ta được nhận làm con; khi đã được nhận làm con, ta trở thành hoàn hảo; khi đã thành hoàn hảo, ta nhận được ơn bất tử… Hiệu quả của Phép Rửa có nhiều tên gọi: ơn thánh, sự soi sáng, sự hoàn hảo, được tắm gội. Gọi nó là sự tắm gội vì nhờ nó ta được tẩy rửa mọi tội lỗi; gọi nó là ơn thánh vì các hình phạt ta đáng chịu vì tội lỗi đã được tháo gỡ; gọi nó là sự soi sáng vì nhờ nó ta được chiêm ngắm ánh sáng cứu rỗi đẹp đẽ và thánh thiện, và nhìn thấu thực tại Thiên Chúa; gọi nó là hoàn hảo vì ta đâu còn thiếu điều gì nữa".

Phép Rửa thực sự là một tập họp phong phú các hồng ân ta lãnh nhận lúc được sinh ta trong Thiên Chúa. Nhưng sự tập họp này vẫn còn bị niêm phong. Ta giầu có nhờ sở hữu được các hồng ân này, nhưng ta vẫn chưa biết mình sở hữu những gì. Diễn giải câu trích từ Tin Mừng Gioan, ta có thể nói rằng cho tới nay ta đã là con cái Thiên Chúa rồi, nhưng điều ta sẽ trở nên thì còn cần được tỏ lộ (xem 1Ga 3:2). Đây là lý do tại sao ta có thể nói được rằng, đối với đa số Kitô hữu, Phép Rửa là một bí tích vẫn chưa được tháo cởi.

Nói về opus operatum như thế tạm đủ. Thế còn opus operantis bao gồm những gì trong Phép Rửa?

Nó bao gồm đức tin! “Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu rỗi” (Mc 16:16). Như thế, liên quan tới Phép Rửa, ta thấy có yếu tố đức tin của người ta. “Đối với tất cả những ai tiếp nhận Người, tin vào danh Người, Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12).

Ta cũng có thể nhắc tới bản văn rất hay của Tông Đồ Công Vụ nói đến phép rửa của viên quan trong triều Hoàng Hậu Candace. Khi tới gần một chỗ có nước, viên quan này nói với Thánh Philiphê: “‘Này có nước đây! Còn điều gì ngăn không cho tôi chịu Phép Rửa?’ Philiphê trả lời ‘được, nếu ông tin hết lòng’” (Cv 8:36-37).

Phép Rửa giống như một con dấu Thiên Chúa đóng lên đức tin của người ta: “khi anh em nghe lời sự thật, nghe tin mừng cứu rỗi của anh em, và anh em tin ở Người, [anh em] đã được ghi dấu ấn của Chúa Thanh Thần từng được hứa ban cho anh em” (Eph 1:13). Thánh Basilêô viết rằng “quả thực, đức tin và Phép Rửa, hai kiểu thức của ơn cứu rỗi này, đã được nối kết một cách bất khả phân ly với nhau, vì nếu đức tin nhận được sự hoàn hảo của nó từ Phép Rửa, thì Phép Rửa được đặt nền tảng trên đức tin”. Cũng vị thánh này từng gọi Phép Rửa là “dấu ấn của đức tin”.

Đức tin, tức phần đóng góp của cá nhân, không có cùng một tầm quan trọng và độc lập như hành động của Thiên Chúa vì Thiên Chúa cũng đóng một vai trò cả trong hành vi tin của ta: Cả đức tin cũng hành động nhờ ơn thánh thúc đẩy. Tuy thế, hành vi tin bao hàm sự đáp ứng như là yếu tố yếu tính, đó chính là hành vi “tôi tin!” của cá nhân, và theo nghĩa này, ta gọi nó là opus operantis, việc làm của người chị Phép Rửa.

Giờ đây, ta hiểu được tại sao Phép Rửa là một biến cố mạnh mẽ và tràn trề ơn thánh đến thế trong những ngày đầu tiên của Giáo Hội và tại saolúc ấy thường không cần đến bất cứ sự đổ tràn Thần Khí mới nào như nhu cầu của ta hiện nay? Vì lúc ấy, Phép Rửa được ban cho những người trưởng thành, trở lại từ ngoại giáo; sau một kỳ huấn giáo thích đáng, họ ở một vị thế có thể thực hiện được hành vi đức tin, một chọn lựa có tính hiện sinh, đầy tự do và chín chắn, đối với đời sống họ. Ta có thể đọc về Phép Rửa trong cuốn Giáo Lý Giải Thích Huyền Bí (Mystagogical Catecheses) được gán cho Thánh Xirilô thành Giêrusalem, để hiểu chiều sâu đức tin của những người được chuẩn bị lãnh nhận Phép Rửa hồi đó.

Họ đến với Phép Rửa bằng con đường hồi tâm thực sự và chân chính. Đối với họ, Phép Rửa thực sự là một suối nguồn của canh tân bản thân cộng với sự tái sinh trong Chúa Thánh Thần (xem Tt 3:5). Thánh Basilêô, khi trả lời một ai đó yêu cầu ngài viết một khảo luận về Phép Rửa, đã nói rằng không thể giải thích về nó nếu không giải thích việc làm môn đệ Chúa Giêsu trước nhất , vì Chúa từng dạy rằng: “Hãy ra đi và làm muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20).

Để Phép Rửa hành động hết các khả năng của nó, bất cứ ai muốn chịu nó cũng phải trở nên một môn đệ hay có ý định trở nên một môn đệ. Theo Thánh Basilêô, “Môn đệ, như chính lời Chúa truyền dạy, là bất cứ ai lại gần Chúa để theo Người, nghĩa là để nghe Lời Người, để tin và vâng phục Người như bậc thầy hay như một vị vua hoặc một bác sĩ hay một thầy dạy sự thật… Bất cứ ai tin vào Chúa và chứng tỏ mình sẵn sàng trở thành một môn đệ phải trước nhất từ bỏ mọi tội lỗi và mọi sự có thể làm mình sao lãng việc vâng lời vốn phải có đối với Thiên Chúa vì rất nhiều lý do khác nhau”.

Hoàn cảnh thuận lợi giúp Phép Rửa hành động một cách mạnh mẽ như thế ở buổi đầu Giáo Hội là: Hành động của Thiên Chúa và hành động của con người cùng một lúc đến với nhau, một cách rất xít xao. Việc này diễn ra khi hai cực, một dương một âm, đụng vào nhau, khiến ánh sáng phát ra.

Ngày nay, việc đồng thời (synchronism) xẩy ra như trên thường không có nữa. Vì, cùng với việc Giáo Hội chuẩn nhận Phép Rửa cho trẻ thơ, bí tích này dần dần mất đi hành vi đức tin theo nghĩa bản thân và tự do. Lúc này đức tin được cung cấp hay được nói ra bởi người trung gian (cha mẹ hay người đỡ đầu) nhân danh em bé. Trong quá khứ, khi môi trường chung quanh trẻ thơ là môi trường Kitô Giáo và tràn trề đức tin, thì đức tin của trẻ thơ có thể phát triển, dù một các chậm chạp. Còn ngày nay, hoàn cảnh của chúng ta đã trở nên xấu hơn so với Thời Trung Cổ.

Ngày nay, các môi trường trong đó trẻ em lớn lên không còn giúp đức tin đơm bông trổ hoa nữa. Ta cũng có thể nói như thế về gia đình, về trường học và tệ hơn nữa về xã hội và văn hóa. Điều này không có nghĩa: trong hoàn cảnh hiện nay, đời sống bình thường của Kitô hữu không còn hiện hữu được nữa và không còn sự thánh thiện hay đặc sủng nào nữa. Đúng hơn, nó có nghĩa: thay vì là qui luật, sự thánh thiện trong xã hội càng ngày càng trở thành một ngoại lệ.

Trong hoàn cảnh như trên, họa hiếm lắm hay không bao giờ người đã chịu Phép Rửa đạt tới điểm có thể tuyên xưng “trong Chúa Thánh Thần” rằng “Chúa Giêsu là Chúa!”. Và vì họ chưa đạt tới điểm đó, nên mọi điều trong cuộc sống Kitô hữu của họ vẫn chưa được tập chú và vẫn còn non nớt. Phép lạ không diễn ra nữa. Điều diễn ra cho dân thành Nadarét xưa đang được lặp lại ở đây: “Chúa Giêsu không làm được nhiều phép lạ ở đấy vì sự bất tín của họ” (xem Mt 13:58).

Ý nghĩa việc đổ tràn Thần Khí

Như thế, việc đổ tràn Thần Khí là một đáp ứng của Thiên Chúa đối với tình trạng trục trặc trong cuộc sống Kitô hữu ngày nay. Trong một ít năm qua, Giáo Hội, các vị giám mục, đã bắt đầu lo âu trước việc các bí tích Kitô Giáo, nhất là Phép Rửa, đã được ban phát cho những người không chịu đem chúng ra sử dụng trong cuộc sống của họ. Do đó, các ngài đã nghĩ tới khả năng sẽ không ban Phép Rửa cho ai nếu người này không ít nhất đảm bảo rằng họ sẽ trân qúy và chăm dưỡng ơn thánh này.

Thực vậy, ta không thể “ném các viên ngọc của ta cho heo” như Chúa Giêsu từng dạy, mà Phép Rửa quả là một viên ngọc vì nó là giá máu Chúa Kitô. Nhưng ta có thể nói rằng còn hơn cả Giáo Hội nữa, Thiên Chúa luôn lưu tâm tới tình trạng trục trặc này. Người đã cho xuất hiện chỗ này chỗ nọ nhiều phong trào trong Giáo Hội; các phong trào này đang cố gắng canh tân việc khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành.

Canh tân trong Chúa Thánh Thần là một trong các phong trào trên, và ơn thánh chính của nó chắc chắn được gắn liền với việc đổ tràn Thần Khí và những gì đi trước việc này. Hiệu năng của nó trong việc tái phục hoạt sinh lực cho Phép Rửa hệ ở việc này: cuối cùng, người lãnh nhận chịu góp phần của mình, tự thực hiện một quyết định đức tin được chuẩn bị bằng thống hối. Việc này giúp cho công trình của Thiên Chúa được “tháo cởi” trong mọi sức mạnh của nó.

Có thể nói: bàn tay lớn của Thiên Chúa cuối cùng đã nắm được bàn tay của cá nhân, và qua cái bắt tay này, Người thông truyền hết tất cả sức mạnh sáng tạo của Người, là chính Chúa Thánh Thần. Lấy thí dụ trong khoa vật lý, phích cắm điện (plug) một khi đã được cắm vào chỗ cắm điện (outlet), thì đèn sẽ bật sáng. Hồng ân Thiên Chúa cuối cùng đã được tháo cởi và Thần Khí, như dầu thơm, thẩm thấu toàn thể cuộc sống Kitô hữu.

Đối với một Kitô hữu đã chịu Phép Rửa nhiều năm trước, quyết định đức tin này nhất thiết có đặc tính của việc hồi tâm, trở về. Ta có thể mô tả việc đổ tràn Thần Khí này, trong tương quan với người lãnh nhận, như là một việc canh tân Phép Rửa hay một việc hồi tâm lần thứ hai.

Sự đổ tràn này có thể còn bao hàm một điều khác nữa, khi ta xem sét mối liên kết giữa nó với Phép Thêm Sức, ít nhất trong thực hành hiện nay với việc tách Phép Thêm Sức ra khỏi Phép Rửa để cử hành sau đó. Song song với việc canh tân ơn thánh của Phép Rửa, việc đổ tràn này cũng còn là việc “củng cố” (thêm sức) cho chính Phép Rửa, một lời “xin vâng” đầy ý thức đối với Phép Rửa. Xét như thế, nó song hành (ít nhất trong khía cạnh chủ quan của nó) với các hiệu quả của Phép Thêm Sức trên bình diện khách quan, bí tích.

Phép Thêm Sức được hiểu là bí tích khai triển, củng cố và làm nên trọn công trình của Phép Rửa. Việc đổ tràn là một củng cố có tính chủ quan và tự phát, chứ không có tính bí tích, trong đó, Thần Khí hành động không do sức mạnh của định chế bí tích mà qua sức mạnh của chính sáng kiến tự do của Người và qua sự cởi mở của người lãnh nhận.

Ý nghĩa của Phép Thêm Sức giúp ta hiểu rõ ý nghĩa chuyên biệt của việc can dự lớn hơn vào chiều kích tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội vốn là đặc điểm của những ai từng lãnh nhận được sự đổ tràn Thần Khí. Những người này cảm thấy như được thúc đẩy phải góp tay vào việc xây đắp Giáo Hội, phục vụ Giáo Hội trong các thừa tác vụ khác nhau, cả có tính giáo sĩ lẫn có tính giáo dân, và làm chứng cho Chúa Kitô. Tất cả những điều này nhắc ta nhớ tới Lễ Hiện Xuống và việc hiện thực hóa bí tích Thêm Sức.

Chúa Giêsu, “Đấng Làm Phép Rửa Trong Chúa Thánh Thần”

Việc đổ tràn Thần Khí không phải là dịp duy nhất trong Giáo Hội dành cho việc canh tân các bí tích khai tâm và đặc biệt, việc Chúa Thánh Thần ngự xuống lúc chịu Phép Rửa. Các dịp khác nữa là việc canh tân các lời hứa Rửa Tội trong buổi Vọng Phục Sinh; là linh thao; là tuyên khấn, vốn được gọi là “Phép Rửa thứ hai”; và là Thêm Sức, trên bình diện bí tích.

Như thế, trong cuộc sống các thánh, nhất là dịp các ngài hồi tâm trở lại, ta dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của một “đổ tràn tự phát”. Thí dụ, khi ngài hồi tâm trở lại, ta đọc được như sau về Thánh Phanxicô: Sau ngày lễ, họ bỏ căn nhà và bắt đầu ca hát ở đường phố. Các bạn đồng hành của Thánh Phanxicô dẫn đầu; còn ngài, theo sau họ một quãng xa. Thay vì hát, ngài chăm chú lắng nghe. Bỗng nhiên, Chúa đánh động tâm hồn ngài, đổ đầy tâm hồn ngài một sự dịu ngọt tuyệt diệu đến nỗi ngài không còn nói được hay chuyển động được gì nữa. Ngài chỉ có thể cảm nhận và nghe thấy niềm dịu ngọt này mà thôi, nó tách biệt ngài hoàn toàn khỏi mọi cảm giác vật lý khác, những cảm giác mà sau này được ngài cho hay đã bị sẻ cắt tan tành ngay tại đó khiến ngài không thể động đậy được nữa.
Khi các bạn đồng hành dõi mắt tìm tòi, họ thấy ngài ở mãi đàng xa bèn chạy lại với ngài. Lạ lùng thay, họ thấy ngài đã biến thành một người khác, nên họ lên tiếng hỏi “anh đang nghĩ gì vậy? Sao anh không chạy theo chúng tôi? Phải chăng anh đang toan tính cưới vợ?”.

Phanxicô trả lời rất rõ ràng: “các anh nói đúng: tôi đang nghĩ phải tán tỉnh nàng dâu cao sang nhất, giầu có nhất và xinh đẹp nhất chưa bao giờ có”. Bạn bè ngài cười nhạo ngài, họ bảo ngài khùng và không biết ngài muốn nói gì; thực ra, ngài nói dưới sự linh hứng của Thiên Chúa.

Dù nói rằng việc đổ tràn Thần Khí không phải là lúc duy nhất canh tân ơn phúc Rửa Tội, nó vẫn giữ một vị trí rất đặc biệt vì nó được mở ra cho toàn thể Dân Chúa, bất kể lớn hay nhỏ, và không những chỉ cho những người được đặc ân nào đó đang thực hành linh thao của Thánh Inhaxiô hay đang khấn dòng nào đó mà thôi. Sức mạnh phi thường được ta cảm thấy lúc có sự đổ tràn này do đâu mà có? Ở đây, ta không nói tới thần học, mà nói tới điều chính ta đã cảm nghiệm. Cùng với Thánh Gioan, ta có thể nói rằng “Những gì chúng tôi nghe được, và những điều chúng tôi tận mắt trông thấy, tận tay rờ thấy, chúng tôi tuyên bố với anh em vì anh em đang hiệp thông với chúng tôi” (xem 1Ga 1:1-3). Thành ra chỉ có thể giải thích sức mạnh này bằng thánh ý Thiên Chúa: chính Người vui lòng canh tân Giáo Hội ở thời ta bằng phương thế này!

Điều chắc chắn là có một số tiền lệ trong Thánh Kinh đối với việc đổ tràn này, như biến cố được thuật lại trong Cv 8:14-17. Thánh Phêrô và Thánh Gioan, khi biết người Samaria đã được nghe Lời Chúa, bèn đến với họ, cầu nguyện cho họ và đặt tay lên họ để họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Nhưng, để hiểu được điều gì đó về Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần, bản văn chủ yếu ta cần bắt đầu là đoạn Tin Mừng Gioan 1:32-33: “Ông Gioan còn làm chứng: ‘Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần’”.

Chúa Giêsu là “Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” nghĩa là gì? Kiểu nói này dùng để không những phân biệt phép rửa của Chúa Giêsu với phép rửa của Thánh Gioan, người chỉ làm phép rửa “bằng nước”, mà còn phân biệt toàn bộ con người và việc làm của Chúa Giêsu với con người và việc làm của vị Tiền Hô. Nói cách khác, trong mọi việc làm của Người, Chúa Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

“Làm phép rửa” ở đây có một ý nghĩa phúng dụ: nó có nghĩa “làm ngập, tắm rửa hoàn toàn và dìm ngập” y hệt nước làm cho cơ thể. Chúa Giêsu “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” theo nghĩa Người “ban Thần Khí vô hạn lượng” (xem Ga 3:34), Người “đổ tràn” Thần Khí của Người (xem Cv 2:33) xuống trên toàn nhân loại đã được cứu chuộc. Câu này có ý nói tới biến cố Hiện Xuống hơn là bí tích Rửa Tội, như ta có thể diễn dịch từ đoạn Công Vụ: Gioan làm phép rửa với nước, nhưng một ít ngày nữa, các con sẽ được chịu phép rửa với Chúa Thánh Thần” (Cv 1:5).

Do đó, kiểu nói “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” xác định ra việc làm có tính yếu tính của Chúa Kitô, một việc làm đã xuất hiện trong các lời tiên tri của Cựu Ước về Đấng Mêxia, nhằm hướng tới việc tái sinh nhân loại qua việc đổ tràn Chúa Thánh Thần (xem Ge 2:28-29). Áp dụng những điều này vào đời sống và lịch sử Giáo Hội, ta phải kết luận rằng Chúa Giêsu phục sinh làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần không chỉ trong bí tích Rửa Tội mà còn trong nhiều cách khác và ở nhiều thời điểm khác nhau nữa: trong Phép Thánh Thể, trong việc nghe Lời Chúa, trong mọi “phương tiện ơn thánh” khác.

Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần là một trong các cách để Chúa Giêsu phục sinh tiếp tục công trình chủ yếu của Người là “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Vì lý do này, cho dù ta được phép giải thích ơn thánh này trong tham chiếu với phép rửa và việc khai tâm Kitô Giáo, ta vẫn phải tránh không nên quá cứng rắn trong quan điểm này. Nó không phải là phép rửa duy nhất tái phục hoạt ơn thánh khai tâm, mà còn là phép thêm sức, rước lễ lần đầu, truyền chức linh mục và giám mục, khấn dòng, hôn phối nữa, tất cả đều là ơn thánh và đặc sủng. Đây thực sự là ơn thánh của Lễ Hiện Xuống mới. Giống các điều khác trong cuộc sống Kitô hữu, nó là một sáng kiến mới và cao cả, có thể nói như thế, của ơn thánh Chúa, được đặt căn bản trên phép rửa nhưng không hoàn toàn mất hút trong phép rửa. Nó không chỉ liên quan tới việc “khai tâm” mà còn cả tới việc “hoàn thiện hóa” đời sống Kitô hữu.

Chỉ với cách trên, ta mới giải thích được sự hiện diện của Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần nơi các anh chị em Ngũ Tuần. Quan niệm khai tâm khá xa lạ với họ, và họ không dành cùng một tầm quan trọng cho phép rửa bằng nước như người Công Giáo và các Kitô hữu khác. Ở tận nguồn của nó, Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần có một giá trị đại kết rất cần được duy trì bằng bất cứ giá nào. Nó là một hứa hẹn và là một dụng cụ của hợp nhất giữa các Kitô hữu, giúp ta tránh được việc “Công Giáo hoá” thái quá đối với cảm nghiệm chung này.

Yêu anh em, cầu nguyện và đặt tay

Trong việc đổ tràn này, có một chiều kích sâu kín, mầu nhiệm rất khác nhau theo từng người vì chỉ có Thiên Chúa mới biết thẳm sâu cõi lòng ta. Người hành động trong sự tôn trọng tính độc đáo của nhân cách ta. Đồng thời, cũng có một chiều kích hữu hình, cộng đồng, giống hệt như nhau đối với mọi người và tạo nên một thứ dấu chỉ, tương tự như các dấu chỉ của bí tích. Chiều kích hữu hình, hay chiều kích cộng đồng này, chủ yếu gồm ba điều sau: tình yêu anh em, việc cầu nguyện và đặt tay. Ba điều này không phải là các dấu chỉ bí tích, nhưng quả chúng có tính Thánh Kinh và tính Giáo Hội.

Việc đặt tay có thể có nghĩa hai điều: khẩn cầu hay thánh hiến. Trong Thánh Lễ, chẳng hạn, ta thấy cả hai loại đặt tay này. Đặt tay để khẩn cầu lúc nguyện xin làm phép (eclipsis), khi linh mục đọc “chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ này để trở nên cho chúng con Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Và việc đặt tay khi các vị đồng tế cầu nguyện trên của lễ lúc truyền phép (thánh hiến).

Trong nghi thức Thêm Sức, như diễn ra hiện nay, cũng có hai dịp để đặt tay. Dịp thứ nhất, nó có đặc điểm của lời khẩn cầu. Dịp thứ hai cùng với việc xức dầu thánh trên trán, nhờ đó, bí tích được thực hiện; dịp này có tính thánh hiến.

Trong lúc đổ tràn Thần Khí, việc đặt tay chỉ có đặc điểm khẩn cầu (giống như trong Sách Sáng Thế 48:14, sách Lêvi 9:22; Tin Mừng Máccô 10:13-16; Tin Mừng Mátthêu 19:13-15). Nó cũng có ý nghĩa biểu tượng rất cao: nó nhắc nhớ hình ảnh Chúa Thánh Thần phủ bóng (xem Lc 1:35); nó cũng nhắc nhớ việc Chúa Thánh Thần như Đấng “bay lượn” trên mặt nước (xem St 1:2). Trong nguyên bản, hạn từ ta dịch là “bay lượn” thực ra có nghĩa là “phủ bằng cánh” hay “ủ cánh như gà mẹ ủ con”.

Tertullianô minh giải tính biểu tượng của việc đặt tay trong Phép Rửa như sau: “thân xác được bao phủ bằng việc đặt tay để linh hồn được Thần Khí soi sáng”. Hành động này quả là một nghịch lý, giống nhiều điều khác nơi Thiên Chúa: việc đặt tay soi sáng bằng cách bao phủ, giống như đám mây đi theo Dân Do Thái trong Hoang Địa và giống đám mây bao quanh các môn đệ trên Núi Tabor (xem Xh 14:19-20; Mt 17:5).

Hai yếu tố kia là tình yêu anh em và việc cầu nguyện, hay “tình yêu anh em tự biểu lộ qua việc cầu nguyện”. Tình yêu anh em là dấu chỉ và là phương tiện của Chúa Thánh Thần. Là Tình Yêu, Người tìm được môi trường tự nhiên trong tình yêu anh em, dấu chỉ ưu hạng của Người… Ta không thể nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của bầu khí yêu thương anh em bao quanh những người sắp nhận lãnh Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần.

Việc cầu nguyện cũng có liên hệ mật thiết với việc đổ tràn Thần Khí trong Tân Ước. Liên quan tới việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Luca viết “Trong khi Người đang cầu nguyện thì trời mở ra và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người” (xem Lc 3:21). Ta có thể nói rằng chính việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đã khiến trời mở ra và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người.

Việc đổ tràn vào ngày Lễ Ngũ Tuần cũng đã xẩy ra cách đó: trong khi mọi người đang tiếp tục cầu nguyện, thì có tiếng gió rất mạnh, và các lưỡi lửa xuất hiện (xem Cv 1:14-21). Còn Chúa Giêsu thì nói rằng “Ta sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bào Chữa khác” (Ga 14:16). Trong mọi dịp, việc đổ tràn Thần Khí đều được liên kết với việc cầu nguyện.

Các dấu chỉ trên, tức việc đặt tay, tình yêu anh em và việc cầu nguyện đều dẫn ta tới sự đơn giản... Chính vì lý do này, chúng mang dấu ấn của hành động Thiên Chúa. Tertullianô viết như sau về Phép Rửa: “Không có gì khiến tâm trí con người bỡ ngỡ cho bằng tính đơn giản trong các hành động của Thiên Chúa mà họ được chứng kiến lúc thi hành và sự diệu kỳ trong các hiệu quả tiếp theo sau đó… Tính đơn giản và quyền uy chính là hai đặc quyền của Thiên Chúa”.

Điều này ngược với những gì thế gian làm. Trong thế gian, mục đích càng to, phương tiện càng phức tạp. Khi người ta muốn lên cung trăng, thiết bị phải thật khổng lồ.

Nếu đơn giản là dấu ấn của hành động Thiên Chúa, thì ta cần duy trì nó trong lời cầu nguyện của ta để được đổ tràn Thần Khí. Sự đơn giản nên được tỏa sáng trong các lời cầu nguyện, trong các cử chỉ, trong mọi sự. Đừng rườm rà đóng kịch, đừng có những vọng động hay lời nói thái quá v.v…

Thánh Kinh ghi lại sự tương phản rõ nét giữa các hành động của các tư tế thần Baan và lời cầu nguyện của tiên tri Êlia khi dâng của lễ trên Núi Cácmen. Các tư tế kia la hét, ì ạch chạy quanh bàn thờ và cắt cả vào tay đến chẩy máu. Còn Êlia thì chỉ cầu nguyện cách đơn giản “Ôi lạy Chúa, Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác, và của Giacóp… xin đáp lời con, để dân này biết rằng Chúa, lạy Chúa, là Thiên Chúa, và Chúa đã khiến họ thay lòng đổi dạ!” (1V 18:36-37). Lửa của Chúa chiếu cố lễ hy sinh của Êlia chứ không chiếu cố lễ hy sinh của các tư tế thần Baan (xem 1V 18:25-38). Sau đó, Êlia cảm nhận điều này: Thiên Chúa không ở trong gió lớn, hay trong động đất, hoặc trong lửa mà là trong giọng nói êm dịu, nhỏ nhẹ (xem 1V 19:11-12).

Ơn thánh do việc đổ tràn từ đâu mà đến? Có phải từ người hiện diện chăng? Không! Từ người nhận lãnh chăng? Cũng không! Nó từ Thiên Chúa mà đến. Sẽ vô nghĩa nếu ta hỏi Chúa Thánh Thần đến từ bên trong hay từ bên ngoài người ta: Thiên Chúa ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Ta chỉ có thể nói rằng ơn thánh ấy có liên hệ với Phép Rửa vì Thiên Chúa luôn hành động một cách nhất quán và tín trung; Người không tự mâu thuẫn với chính Người. Người tôn trọng sự cam kết và các định chế của Chúa Kitô. Điều chắc chắn là: không phải chúng ta ban Chúa Thánh Thần. Đúng hơn, chúng ta kêu mời Chúa Thánh Thần xuống trên người ta. Không ai có thể ban Thần Khí, ngay cả Đức Giáo Hoàng hay các vị giám mục, vì không ai sở hữu Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa Giêsu mới thực sự có thể ban Chúa Thánh Thần. Con người ta không sở hữu Chúa Thánh Thần, nhưng đúng hơn, họ được Chúa Thánh Thần chiếm hữu.

Về phương thức của ơn thánh này, ta có thể nói về nó như một việc xuống mới của Chúa Thánh Thần, như một việc Chúa Cha mới phái Thần Khí tới qua Chúa Giêsu Kitô hay như một việc xức dầu mới tương ứng với một bình diện mới của ơn thánh. Theo nghĩa này, việc đổ tràn, dù không phải là một bí tích, vẫn là một biến cố, một biến cố thiêng liêng. Định nghĩa này tương ứng một cách gần gũi nhất với thực tại sự việc. Nó là một biến cố, một điều diễn ra và để lại một dấu chỉ, tạo ra một điều mới mẻ trong đời sống. Nó là biến cố thiêng liêng, hơn là một biến cố hữu hình bên ngoài, có tính lịch sử, vì nó diễn ra trong tinh thần người ta, trong phần nội tâm của một người, nơi mà người khác có thể không nhận thấy điều đang diễn ra. Sau cùng, nó là thiêng liêng vì nó là công trình của Chúa Thánh Thần.

Có một bản văn tuyệt vời của Thánh Phaolô, chuyên biệt nói tới việc canh tân ơn phúc của Thiên Chúa. Ta hãy nghe nó như lời mời ngỏ với mỗi người chúng ta: “Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2Tm 1:6-7)

Ghi chú

(1) Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ viết hoa và dịch là Thần Khí
 
Ơn Cứu - Chuộc và các truyền thống trong Đạo
Mai Tá
23:14 05/06/2014
Chương Ba: Ơn Cứu-Chuộc và các truyền-thống trong Đạo
(bài 18)



Phần 4: Ơn Cứu Chuộc và những điều lâu nay rày diễn-giải


Sử gia Jean Delumeau lại đã theo cung-cách của các nhà viết sử, tức: đặt chung vào cùng bộ sưu-tập các ví-dụ cụ-thể về lời giảng-dạy ở giáo-lý/sách-phần suốt thế-kỷ thứ 13 đến thế-kỷ thứ 18, tại một số nước như: Pháp, Tây Ban Nhà, Đức, Anh và Vương-quốc Bỉ. Nhận ra điều này, hẳn anh em sẽ ngạc-nhiên không ít, và bị đánh động cũng rất nhiều, về ảnh-hình xuất-hiện, từ nơi đó.

Có thể nói, đây là ảnh-hình khá tiêu-cực, luôn tháp-nhập những lỗi cùng tội vào với giới thường-dân chân-phương, chất-phác, chẳng biết gì. Làm thế, Giáo-hội tập-trung vào chỉ mỗi nỗi chết, coi đó như hình-phạt thoả-đáng, cứ suy tưởng rằng: Chúa muốn thế. Làm thế, tức: cũng tạo tầm-nhìn khá tiêu-cực về xác-thể con người.

Và, đặc biệt tính-dục lại mang tính tiêu-cực cả về hôn-nhân lẫn tình-huống yếu kém/thua thiệt về cuộc sống độc-thân, khiết-tịnh vẫn giả-định rằng: con trẻ, ngay khi được cưu-mang và sinh hạ lọt lòng mẹ là chúng đã ở vào tình-trạng lỗi tội của tiên tổ, tức thủy-tổ loài người theo nghĩa rộng và mạnh mẽ. Và từ đó, con trẻ đã phải chuốc lấy mọi xấu xa, tồi tệ ngay buổi đầu cuộc sống của chúng.

Theo sử-gia Delumeau, thì: Giáo-hội lại vin vào việc sửa-soạn bài giảng ở nhà thờ, nên mới sử-dụng các yếu-tố và nhân-tố ấy cốt chèn-ép chúng-dân ngu si/đần-độn hoặc không biết gì về triết/thần, tức: đã sử-dụng chủ-đề về nỗi chết, và không coi đó như yếu-tố tự-nhiên của sự sống con người. Trái lại, các đấng bậc thuộc giáo-quyền lại đã đơn-giản coi đó chỉ như một luận-phạt do “tội tổ-tông” của con người gây ra, nên mới ra cớ-sự, như thế.

Ngoài sự chết, Hội-thánh Chúa còn khiến dân con Đạo mình “ghê-tởm” cả thân-xác con người, đặc biệt hơn: cả chức-năng sinh-sản cũng như sự chết. Hội-thánh, vẫn cứ tập-trung nhấn mạnh đến khía-cạnh không lành/sạch, rồi đưa vào đó các chi-tiết kinh-hoàng, nhiều hãi sợ. Các nhà giảng-thuyết thường ghê-tởm thân-xác phụ-nữ, nên vẫn tham-gia tỏ-bày niềm ác-cảm từ phía nam-nhân nhất thứ, là chuyện máu-huyết của nữ-giới về chu-kỳ kinh-nguyệt.

Dân thường ở huyện, còn được giáo-dục nghệ-thuật đi vào cõi chết. Và, dù công-cuộc Phục-Hưng thời Trung-Cổ có bác-bỏ ngôn-ngữ bệnh-hoạn về cái chết đi nữa, Hội-thánh Chúa vẫn duy-trì truyền-thống rất hãi-hùng về cái-gọi-là ‘quỷ-tha-ma-bắt’, rất khôn nguôi. Các thày dòng Phanxicô khi ấy, đã nhấn-mạnh nhiều đến Thân-Mình Chúa Giêsu chịu hành-hạ rất ư là nhục-nhã. Và, còn đặt nặng chuyện phân-hủy cũng rất “ảo” về hiện-tượng mục-nát, vữa-tan của thân xác con người, hơn về sự “sống lại”, thời mai sau.

Thế nên, người người thời đó đều ăm-ắp mối lo-lắng/hãi sợ về thời cánh-chung, tức tận-thế. Ai cũng hiểu câu “sống lại thời sau hết” theo nghĩa đen, tức: thân xác con người, vào ngày sau hết, lại sẽ quay về sống đời xác-phàm/trần-tục, hệt như trước. Vì thế nên, bạo-lực quỷ-quái như ma-trơi cứ thế xuất-hiện tràn lan trên khắp chốn. Thời đó, lại thấy xuất-hiện sự kiện rao-truyền Phúc-âm/Tin-Mừng chỉ là truyền-bá niềm hãi-sợ suốt nhiều thời, với chủ-thuyết bi-quan/yếm thế, rất nản lòng.

Trong lúc Eramus và Cervantès ca tụng sự việc điên-rồ như “mở nắp van” hoặc “xả xú-páp” cốt tạo an-toàn cho dân chúng, thì Hội-thánh Chúa lại lên án sự việc ấy như thứ tội cũng rất “trọng”. Và, Công đồng Latêranô kỳ thứ tư mở đầu vào năm 1214 lại coi chuyện xưng thú tội-lỗi như chuyện bắt-buộc khi những người con của Chúa phạm phải tội “trọng” đến chết chóc; và rồi, lại đề ra lề-lối thực-hiện việc đền tội ở nơi công-cộng hoặc tư-riêng. Thứ văn-hoá sợ tội quá mức độ ở dân con trong Đạo lại có nghĩa như một gia-tăng thực-thụ quyền của các linh-mục và giám-mục, đặc biệt là quyền hoá-giải mọi lỗi tội do hàng giáo-sĩ phẩm trật, bày ra.

Nhà Thệ-phản Luther vẫn luôn coi lề-thói xưng thú tội-lỗi như thế, y như thứ vũ-khí đầy quyền-uy được hệ-cấp giáo-quyền ở Rôma thống-lĩnh nhiều năm tháng, dài cả một đời người. Chúng-dân, còn được khuyến-khích tiếp-tục xét mình cho kỹ, đặc biệt là các lỗi phạm về dục-tính, với dục-vọng. Cả, những chuyện dục-tính hay dục-tình trong hôn-nhân cũng bị giới thần-quyền nghị-ngờ và cấm-kỵ. Phụ-nữ được liệt ngang hàng kẻ có tội, nên ta phải “đề cao cảnh-giác”, mỗi khi tiếp-xúc với bất cứ nữ-phụ nào.

Ảnh-hưởng của thánh Augustinô, cách riêng, lại đã trở nên tột-đỉnh suốt nhiều năm qua các thế-kỷ 16, 17 và 18. Và, ảnh-hưởng này còn lôi chúng-dân vào trạng-huống cứ nghĩ rằng: do bởi ta là người tội-lỗi đầy mình, nên mới trở-thành hạng người rất đỗi tiêu-cực. Thánh Augustinô còn nhấn mạnh đến cái-gọi-là “tội tổ-tông”, như thế có nghĩa là thời ấu-thơ khi xưa của con người đều mất hết giá-trị/phẩm cách lẽ đáng phải có.

Não-trạng này lan rộng qua thế-kỷ, là do quý vị cứ hiểu các câu Kinh-thánh như muốn nhắc nhở mình, rằng: “Kẻ được gọi thì nhiều nhưng người được chọn lại ít!” Các nhà giảng-thuyết lúc ấy lại cứ vin vào đó rồi nhấn mạnh, là: chỉ một số rất ít người được cứu-chuộc, thôi. Tác-giả người Pháp là ông Grignon de Montfort từng nói rõ: lâu nay số người được ghi vào sổ bộ rằng mình thuộc số rất ít gồm những người được Chúa chọn, như thế này:

“Thật cũng ít và rất ít người biết rằng ta vẫn bị đánh động do âu-sầu/phiền-não khi nghĩ rằng chỉ một số rất thưa ít coi như một trong số hang ngàn người được chọn, mà thôi.”

Các vị giảng-lễ còn khẳng-định thêm, rằng: con người vốn dĩ là kẻ có tội rất hình sự nên đương nhiên phải hãi sợ Thiên-Chúa. Một vị thuyết giảng cũng người Pháp có tên là Tronson, đã thách-thức Dòng thánh của ông, qua cung cách sau đây:

“Nếu tội lỗi tự nó dễ sợ như thế thì chắc hẳn Chúa Cha Trên Trời sẽ phẫn-nộ về Người Con của Ngài ghê gớm lắm!... Vậy thì: ta đem đến cho Chúa loại hãi-sợ thuộc tầm cỡ nào đây, khi ta chỉ là loài thọ-tạo xấu-xí đáng nhờm-tởm vào lúc sinh ra, chắc chắn rồi ra ta cũng sẽ bị tách rời khỏi Thiên-Chúa mà ta đã kế-thừa sự nguyền-rủa không chịu đựng nổi dưới mắt Ngài chứ nhỉ?”

Trong quá khứ, Thiên-Chúa luôn bị coi là Đấng chuyên giáng-phạt con người, nên con người có bổn-phận phải đền bù mọi tỗi lỗi, với Ngài thôi!

Một tác-giả khác cũng người Pháp có tên là Nicole, chủ-trương rằng: “Chúa Giêsu chẳng khi nào biết cười hết!” Và, khi giảng về Đức Giêsu, vị này lại giảng như sau:

“Lâu nay mọi người đều biết Chúa Giêsu chẳng bao giờ biết cười hết. Không có gì để ta sánh ví Ngài về tính nghiêm-nghị nơi cuộc sống: Rõ ràng, Ngài chẳng thích chuyện cười vui, giải-trí hoặc bất cứ thứ gì làm sao-nhãng tính Thần thiêng Thánh ái của Ngài hết. Xem như thế, là Chúa hoàn-toàn phó-thác cho Chúa Cha toàn cả cuộc sống của Ngài và mọi khổ đau của con người nữa...”

Cuối cùng thì, sử-gia Delumeau đã tóm-kết biên-khảo của ông bằng một nhận xét bảo rằng: tội-lỗi và nỗi-niềm hãi-sợ luôn chế-ngự thế-giới với thế-gian nhiều năm tháng. Các đấng bậc giảng-thuyết lại “nói và giảng nhiều hơn, về sự Thống Khổ của Đức Chúa Đấng Cứu-Chuộc hơn sự Phục sinh/trỗi dậy của Ngài. Nói thế, tức: các vị nói nhiều về tội lỗi hơn tha thứ. Các vị giảng Chúa là Quan Án nhiều hơn là Người Cha Nhân-Hiền. Và, các ngài giảng nhiều về hoả-ngục hơn chốn Địa-đàng-trần-gian rất tươi vui, phúc hạnh. Chả thế mà, ta không lấy làm lạ khi thấy các Kitô-hữu ở trời Tây, cuối cùng rồi cũng thôi không còn vận-động cho tín-điều đầy bức-bách đến thế.

-----------------------


Một số câu hỏi để suy nghĩ:
-Lối trình bày của sử-gia Delumeau thích-hợp với ta đến mức-độ nào? Anh em biết nhiều không giòng sử từng diễn ra như thế?
-Anh em có thấy là: sĩ-tử Dòng Chúa Cứu Thế đã và đang rao giảng theo cách nhấn mạnh tính sử-học trong Đạo Chúa như tác-giả Delumeau đã làm không?
-Anh em có thấy: lối rao giảng của mình có gì khác với những điều được sử-gia Delumeau đưa ra để công-kích?
-Bằng cách nới rộng tầm-nhìn về phiá chân-trời rộng mở như ở trên, anh em có nghĩ là mình cũng muốn đổi-thay, hoặc cải-thiện thông-điệp mình đưa ra, khi rao giảng chứ?
-----------------------
(còn tiếp)
Lm Kevin O’Shea, CSsR - Mai Tá lược dịch
 
Tin Đáng Chú Ý
Vị tướng lãnh đầu tiên gốc Việt Nam trong quân lực Hoa Kỳ
Thanh Sơn (Đức Quốc)
13:55 05/06/2014
VỊ TƯỚNG GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN TRONG QUÂN ĐỘI HOA KỲ

ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Lương Xuân Việt Sinh 1965 Việt Nam

Cha ông là thiếu tá Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hoà.

Thân phụ ông đã qua đời tại California năm 1997.

Thân mẫu năm nay 77 tuổi sinh sống tại Los Angeles.

Ông là con trai duy nhất trong gia đình có 7 chị em gái, họ đều thành công trên đất Mỹ.

Khi qua Mỹ vào năm 1975, Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt chưa đầy 10 tuổi và gia đình ông đã chọn thành phố Mountain View California để sinh sống. Sau khi tốt nghiệp USC, ông tình nguyện vào quân đội, mang cấp bậc Thiếu Úy Bộ Binh.

Năm 1987 được chọn vào danh sách sĩ quan hiện dịch. Đóng quân tại Colorado. Ông lần lượt giữ chức vụ trung đội trưởng rồi đại đội phó Bộ Binh.

Ông lần lượt giữ các chức vụ tác chiến cấp Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, cũng như Tham mưu và Huấn luyện.

Nhờ có khả năng chỉ huy giỏi và được đề bạt sang SÐ 101 Nhảy Dù.

Rồi lần lượt giữ các chức vụ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng rồi lữ đoàn trưởng.

Trước khi được thăng cấp Đại Tá và được bổ nhiệm vào chức vụ Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 101 Nhảy Dù, ông đã làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 505 Bộ Binh Nhảy Dù Hoa Kỳ vào năm 2005 và chiến đấu tại chiến trường Iraq với cấp bậc Trung Tá để phục vụ “Chiến Dịch Người Iraq Tự do”.

Thăng cấp Đại Tá, ông trở thành lữ đoàn trưởng cho chiến trường Afghanistan. Năm 2012, ông được cử về đại học Stanford để tham gia huấn luyện chính trị cao cấp.

Ngày 20 05.2014 ông đã được Chính Phủ và bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thăng cấp bậc Chuẩn Tướng Lục Quân tư ngày 20 tháng 5 năm 2014 . Đây là môt vị tướng đầu tiên , người Mỹ gốc Việt trong quân lực Hoa Kỳ. Đây là niềm hãnh diện chung cho cộng đông người Việt ty nạn cộng sản của chúng ta.

Thanh Sơn 05.06.2014

Xem thêm nguồn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Sớm
Thérésa Nguyễn
21:26 05/06/2014
NẮNG SỚM
Ảnh của Thérésa Nguyễn
An nhiên thiền ý tìm đâu?
Nhìn tia nắng sớm đậu đầu cành non.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/05 – 05/06/2014 - Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Phong Trào Canh Tân trong Thánh Linh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:32 05/06/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Phong Trào Canh Tân trong Thánh Linh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao những ích lợi thiêng liêng mà Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh đã đem lại cho Giáo Hội và ngài khích lệ các thành viên đoàn kết, say mê Lời Chúa và loan báo Tin Mừng.

Chiều Chúa Nhật 1 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Sân vận động Olympic ở Roma để gặp gỡ 52 ngàn thành viên Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, thuộc phân bộ Italia, nhân dịp họ nhóm Đại hội toàn quốc lần thứ 37 từ 10 giờ rưỡi sáng ngày mùng 1 cho đến chiều ngày thứ Hai 2 tháng 6.

Trong số các tham dự viên có 47 ngàn người đến từ các nhóm và các cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh, hơn 1300 thiện nguyện viên, một ngàn linh mục, 150 chủng sinh, 350 nữ tu, 3 ngàn trẻ em và thiếu niên.

Tham dự và phát biểu trong Đại hội này cũng có Ông Salvatore Martinez, Chủ tịch Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, Đức Hồng Y Angelo Comastri, Tổng đại diện của Đức Thánh Cha tại thành Vatican, Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, Đức Hồng Y Rylko, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, và Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng, cùng với nhiều nhân vật khác.

Tại đại hội, có các phần cầu nguyện Chúa Thánh Linh, hát thánh ca, hoạt cảnh, thuyết trình, thánh lễ, trình bày những chứng từ trong bầu không khí rất hân hoan và sốt sắng.

Lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã đến Sân vận động, ngài đi bộ vòng quanh thao trường để chào mọi người, giữa làn sóng các tiếng vỗ tay vui mừng của cử tọa, trước khi tiến lên lễ đài, nơi có 1,200 chỗ dành riêng cho các khách mời, và các chức sắc.

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Lên tiếng sau các phần trình bày chứng từ, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói với mọi người rằng:

Tôi cám ơn Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, Hội đồng trung ương (ICCRS) và Huynh Đoàn Công Giáo (Catholic Fraternity) vì cuộc gặp gỡ này với anh chị em mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui... Anh chị em phát sinh từ ý muốn của Chúa Thánh Linh như “một dòng thác ơn thánh trong Giáo Hội và cho Giáo Hội”. Thật vậy, phong trào của anh chị em có thể được định nghĩa chính xác là: “một dòng thác ơn thánh.”

Hồng ân đầu tiên của Chúa Thánh Linh là gì? Thưa đó là sự hiến dâng chính mình, là tình yêu và làm cho anh chị em yêu mến Chúa Giêsu. Và tình yêu này thay đổi cuộc sống. Vì thế người ta nói là “Tái sinh để sống trong Thánh Linh”. Chúa Giêsu đã nói với Ông Nicôđêmô như thế. Anh chị em đã lãnh nhận hồng ân cao cả gồm nhiều đoàn sủng, sự khác biệt đưa tới sự hòa hợp trong Thánh Linh, phục vụ Giáo Hội.

Khi tôi nghĩ đến anh chị em là những người thuộc Phong trào Thánh Linh, tôi nghĩ đến chính hình ảnh của Giáo Hội, nhưng đặc biệt là tôi nghĩ đến một ban nhạc đại hợp xướng, trong đó mỗi nhạc khí khác với nhạc khí khác, và cả các âm thanh cũng khác nhau, nhưng tất cả đều cần thiết để có sự hòa âm. Thánh Phaolô nói với chúng ta như vậy trong chương 12 của thư thứ I gửi tín hữu Corinto. Vì thế, giống như trong một ban nhạc, không người nào trong Phong trào Canh tân trong Thánh Linh có thể nghĩ mình quan trọng hơn hoặc lớn hơn người khác! Xin đừng như vậy. Vì khi một người nào trong anh chị em tưởng mình quan trọng hơn người khác hoặc lớn hơn người khác, thì nạn dịch bắt đầu! Không ai có thể nói: “Tôi là đầu”. Anh chị em, cũng như toàn thể Giáo Hội, chỉ có một đầu, một Chúa, đó là Chúa Giêsu! Xin anh chị em hãy lập lại với tôi: ai là đầu của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh? Thưa là Chúa Giêsu! Và chúng ta có thể nói điều này với quyền năng mà Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta, vì không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa” nếu không có Chúa Thánh Linh trong họ.

Có lẽ anh chị em đã biết - vì tin tức truyền đi mau lẹ - trong những năm đầu tiên của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tại Buenos Aires, tôi không thích những người thuộc phong trào này lắm. Tôi nói về họ: 'Họ có vẻ như một trường vũ điệu samba!’ Tôi không đồng ý về cách họ cầu nguyện và bao nhiêu điều mới xảy ra trong Giáo Hội. Sau đó, tôi bắt đầu biết họ và sau cùng tôi hiểu thiện ích mà Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh làm cho Giáo Hội. Và lịch sử này, bằt đầu từ “trường vũ điệu Samba” và kết thúc một cách đặc biệt: nghĩa là vài tháng trước khi tham dự mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng, tôi đã được Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình bổ nhiệm làm tổng tuyên úy Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tại nước tôi.



Sức mạnh phục vụ


Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh là một sức mạnh to lớn phục vụ việc loan báo Tin Mừng, trong niềm vui của Chúa Thánh Linh. Anh chị em đã lãnh nhận Chúa Thánh Linh làm cho anh chị em khám phá tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả các con cái Chúa và tình yêu đối với Lời Chúa. Trong những năm đầu tiên người ta nói những người thuộc Phong trào Thánh Linh luôn mang một cuốn Kinh Thánh, cuốn Tân Ước. Anh chị em còn làm như vậy ngày nay nữa không?

Đám đông đáp: Có!

Đức Thánh Cha tiếp:

Tôi không chắc chắn lắm! Nếu không mang, thì anh chị em hãy trở lại với tình yêu ban đầu, luôn mang trong túi, trong sắc, Lời Chúa! Và đọc một đoạn ngắn. Luôn luôn với Lời Chúa.”

Anh chị em là Dân Chúa, Dân thuộc Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, hãy chú ý đừng đánh mất tự do mà Chúa Thánh Linh đã ban cho chúng ta! Nguy hiểm đối với Phong trào này, như cha Raniero Cantalamessa yêu quí của chúng ta thường nói: đó là nguy cơ tổ chức thái quá.

Đúng vậy, anh chị em cần có tổ chức, nhưng đừng đánh mất ơn để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa! Tuy nhiên không có tự do nào lớn hơn là tự do để cho mình được Thánh Linh mang đi, từ bỏ sự tính toán và kiểm soát tất cả, để cho Chúa soi sáng, dìu dắt, hướng dẫn, thúc đẩy chúng ta tới nơi Ngài muốn. Chúa biết rõ điều gì cần thiết trong mỗi thời đài và mỗi lúc. Điều này được gọi là được phong phú một cách huyền nhiệm (Tông Huấn ”Niềm vui Phúc âm, 280)

Một nguy hiểm khác là trở thành những người “kiểm soát” ơn thánh của Chúa. Bao nhiêu lần, những vị trách nhiệm, - tôi thích danh từ “những người phục vụ” hơn - của một vài nhóm hoặc vài cộng đoàn có thể vô tình trở thành những người quản trị ơn thánh, quyết định xem ai có thể nhận kinh nguyện Thánh Linh hoặc nhận phép rửa trong Thánh Linh, và ai là người không thể nhận. Nếu có vài người làm như thế, tôi xin các anh chị em ấy đừng làm như vậy nữa. Anh chị em là những người phân phát ơn Chúa, chứ không phải là những người kiểm soát! Đừng làm các nhân viên hải quan đối với Chúa Thánh Linh!

Trong các văn kiện làm tại Malines, anh chị em có một chỉ nam, một hành trình chắc chắn để không lạc đường. Văn kiện đầu tiên là “Đường hướng thần học và mục vụ”, văn kiện thứ hai là: “Canh tân trong Thánh Linh và đại kết” do chính Đức Hồng Y Suenens biên soạn, một vị đã giữ vai trò chính trong Công Đồng chung Vatican 2. Văn kiện thứ ba là “Canh tân trong Thánh Linh và phục vụ con người” do Đức Hồng Y Suenes và Đức Cha Helder Camara soạn.

Đó là hành trình của anh chị em trong việc loan báo Tin Mừng, đại kết linh đạo, chăm sóc người nghèo và những người túng thiếu, đón tiếp những người bị gạt ra ngoài lề. Tất cả những điều đó dựa trên căn bản sự thờ lạy. Nền tảng của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh là tôn thờ Thiên Chúa!

Mong đợi của Đức Thánh Cha nơi Phong trào

Người ta yêu cầu tôi nói với Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh xem đâu là điều Giáo Hoàng mong đợi anh chị em?

- Điều đầu tiên là hoán cải, trở về với lòng yêu mến Chúa Giêsu có sức thay đổi đời sống và biến Kitô hữu thành một chứng nhân Tình Yêu Thiên Chúa. Giáo Hội chờ đợi chứng tá cuộc sống Kitô như thế và Chúa Thánh Linh giúp chúng ta sống hợp với Tin Mừng để nên thánh.

- Tôi mong đợi anh chị em chia sẻ với mọi người, trong Giáo Hội, ơn phép rửa trong Thánh Linh, như đọc trong sách Tông đồ công vụ.

- Tôi mong đợi anh chị em truyền giáo bằng Lời Chúa, loan báo Chúa Giêsu hằng sống và yêu mến tất cả mọi người.

- Anh chị em hãy nêu chứng tá đại kết linh đạo cho tất cả những anh chị em thuộc các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô khác, cũng tin nơi Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế.

- Tôi mong anh chị em tiếp tục hiệp nhất trong tình yêu mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải có đối với tất cả mọi người, và hiệp nhất trong việc cầu nguyện với Chúa Thánh Linh để tiến tới sự hiệp nhất này là điều cần thiết để loan báo Tin Mừng nhân danh Chúa Giêsu. Anh chị em hãy nhớ rằng “Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tự bản chất có đặc tính đại kết Kitô.. Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh Công Giáo vui mừng vì những gì Chúa Thánh Linh đang thực hiện trong các Giáo Hội khác” (1 Maline 5,3).

- Anh chị em hãy đến gần người nghèo, người túng thiếu, để động chạm đến thân mình bị thương của Chúa Giêsu. Xin vui lòng đến gần họ

- Hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh vì sự hiệp nhất đến từ Chúa Thánh Linh và nảy sinh từ sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự chia rẽ đến từ ma quỉ. Hãy tránh những cuộc tranh đấu nội bộ, giữa anh chị em không được có những điều như thế...

- Anh chị thân mến, hãy nhớ, hãy thờ lạy Thiên Chúa là Chúa. Đây chính là nền tảng. Hãy thờ lạy Thiên Chúa, tìm kiếm sự thánh thiện trong cuộc sống mới nơi Chúa Thánh Linh. Hãy trở thành những người phân phát ơn thánh Chúa, tránh nguy hiểm tổ chức thái quá.

- Anh chị em hãy đi ra ngoài đường để loan báo Tin Mừng. Hãy nhớ rằng Giáo Hội sinh ra khi đi ra ngoài, vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần. Hãy đến gần người nghèo, nơi họ anh chị em hãy động chạm đến những vết thương của thân mình Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Thánh Linh hướng dẫn, với thứ tự do ấy, và đừng đóng khung Chúa Thánh Linh!

Hỡi tất cả các thành viên Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh trên thế giới, tôi chờ đợi tất cả anh chị em, để cùng với Đức Giáo Hoàng mừng năm đại kỷ niệm vào Lễ Hiện Xuống năm 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

2. Đức Thánh Cha tiếp các giám mục Zimbabwe

“Giáo Hội tại đất nước của anh em đã đứng về phía người dân cả trước và sau khi độc lập, và cả bây giờ trong những năm đau khổ cùng cực với hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi trong thất vọng và tuyệt vọng, vì nhiều người bị thiệt mạng, và quá nhiều những giọt nước mắt rơi”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như trên với giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Zimbabwe sáng thứ Hai 2 tháng 6, vào cuối chuyến thăm ad Limina của các ngài.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến sự phát triển của Giáo Hội trong cả nước như một cây đại thụ nhưng trẻ trung, tràn đầy sức sống và đầy hoa trái với "bao thế hệ các nhà lãnh đạo chính trị của Zimbabwe đã được giáo dục trong các trường Công Giáo. Đức Thánh Cha cũng ca ngợi các Giám mục về sứ vụ tiên tri của các ngài vì đã đưa ra tiếng nói cho tất cả những vấn nạn khó khăn của đất nước nhân danh tất cả những người bị áp bức và những người tị nạn.

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập đến Thư Mục Vụ 2007 của Hội Đồng Giám Mục Zimbabwe với tiêu đề "Thiên Chúa nghe tiếng kêu của những kẻ bị áp bức", trong đó mô tả "nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tinh thần và đạo đức, trải dài từ thời kỳ thuộc địa thông qua thời điểm hiện tại", và cách thế "cơ cấu tội lỗi" đã ghi dấu ấn sâu xa trong trật tự xã hội, đã bắt nguồn như thế nào từ tội lỗi cá nhân, và đòi hỏi tất cả phải hoán cải sâu sắc ".

"Cả hai bên trong các cuộc xung đột hiện nay tại Zimbabwe đều có các tín hữu Kitô, vì vậy tôi mong anh em hướng dẫn tất cả mọi người với sự dịu dàng hướng đến sự hiệp nhất và chữa lành. Đây là một dân tộc gồm người da đen và da trắng, một số giàu có hơn nhưng đông nhất là những người nghèo, gồm nhiều bộ lạc; những người theo Chúa Kitô thuộc về tất cả các đảng chính trị, một số nắm các vị trí của chính quyền, nhiều người là thành phần đối lập. Nhưng cùng với nhau, họ là những người hành hương của Thiên Chúa, họ cần hoán cải và chữa lành, để trở thành hơn bao giờ hết một nhiệm thể trong Chúa Kitô. Thông qua giảng dạy và các công tác tông đồ, cầu xin cho Giáo Hội địa phương của anh em chứng minh rằng hòa giải không phải là một hành động đơn lẻ mà là một quá trình lâu dài mà tất cả các bên phải tham gia để thiết lập lại tình yêu - một tình yêu chữa lành thông qua các hoạt động của Lời Chúa".

"Trong khi các tín hữu Zimbabwe đã dấn thân chữa lành những vết thương quốc gia, tôi biết rằng nhiều người đã đạt đến giới hạn của con người của họ, và không biết phải làm gì. Trong tất cả những điều này, tôi xin anh em khuyến khích các tín hữu đừng bao giờ đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, là Đấng đang nghe tiếng van nài của họ và đáp trả lời cầu nguyện của họ, như anh em đã viết: ‘Ngài không thể bỏ qua không nghe tiếng kêu của người nghèo’. Trong mùa Phục Sinh này, khi Giáo Hội trên toàn thế giới đang kỷ niệm chiến thắng của Chúa Kitô trên sức mạnh của tội lỗi và sự chết, Tin Mừng sự phục sinh mà anh em được giao phó để công bố phải được rao giảng rõ ràng và sống động tại Zimbabwe.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách trích dẫn từ Tông Huấn Evangelii Gaudium của ngài: " Mỗi ngày trong thế giới chúng ta, vẻ đẹp được tái sinh lần nữa, tăng trưởng qua các cơn bão lịch sử ".

3. Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Syria

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ đau buồn vì sự dửng dưng của thế giới đối với thảm trạng tại Syria và kêu gọi các tổ chức từ thiện Công Giáo tiếp tục các hoạt động cứu trợ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các đại diện của 25 tổ chức từ thiện Công Giáo nhóm họp hôm 30 tháng 5, tại Vatican, với Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, để phối hợp các hoạt động cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Syria. Đức Thánh Cha đích thân đến chào thăm và khích lệ các tham dự viên.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chúng ta phải đau lòng nhận thấy cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa được giải quyết, trái lại cứ tiếp tục và có nguy cơ người ta quen với thảm trạng này: quên các nạn nhân hằng ngày, những đau khổ khôn tả, hàng ngàn người tị nạn, trong đó có người già và trẻ em, đang chịu đau khổ và nhiều khi đang chết vì đói và bệnh tật do chiến tranh gây ra. Sự dửng dưng này làm đau lòng! Một lần nữa chúng ta phải lập lại cái tên của căn bệnh làm cho chúng ta rất đau buồn trên thế giới ngày nay, đó là sự toàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Đức Thánh Cha đề cao hoạt động kiến tạo hòa bình và cứu trợ nhân đạo mà các cơ quan bác ái Công Giáo đang thi hành trong bối cảnh này chính là một sự biểu lộ trung thực tình thương của Thiên Chúa các con cái Người đang bị áp bức và lo âu.

Đức Thánh Cha tái kêu gọi lương tâm của những nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột tại Syria, các tổ chức thế giới và công luận. Ngài viết: “Tất cả chúng ta đều ý thức rằng tương lai nhân loại được xây dựng với hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh: chiến tranh tàn phá, giết hại, làm cho dân chúng và các nước nghèo nàn. Tôi xin tất cả các phe hãy nhìn đến công ích, cho thực hiện cấp thời những hoạt động cứu trợ nhân đạo và làm cho võ khí sớm im tiếng, đồng thời dấn thân thương thuyết, đặt lên hàng đầu thiện ích của Syria và toàn dân nước này, và cả những người đang phải tị nạn ở nơi khác, và họ có quyền được sớm trở về quê hương”.

Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ đến các cộng đoàn Kitô, là khuôn mặt của một Giáo Hội đang chịu đau khổ và hy vọng. Ngài viết: “Sự sống còn của họ trên toàn vùng Trung Đông là mối lo lắng sâu đậm của Giáo Hội hoàn vũ: Kitô giáo phải được tiếp tục sống tại nơi nguyên gốc của mình”.

Sau cùng Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức từ thiện Công Giáo và nói rằng “Hoạt động bác ái và cứu trợ cảu anh chị em là một dấu hiệu quan trọng nói lên sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt của Tòa Thánh đối với nhân dân Syria và các dân tộc khác ở Trung Đông”.

Khóa họp hôm 30 tháng 5 có mục đích tiếp tục hành trình từ hai năm nay của Tòa Thánh và nối tiếp cuộc gặp gỡ trong hai ngày mùng 4 và 5-6 năm ngoái để trợ giúp Syria, cũng như kiểm điểm hoạt động cho đến nay của các cơ quan từ thiện Công Giáo trong việc trợ giúp Syria.

Ban sáng, sau lời dẫn nhập của Đức Hồng Y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Cor Unum, điều hợp viên của khóa họp, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tường trình vấn đề, rồi đến các bài tham luận của Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, và Đức Cha Antoine Audo, chủ tịch tổ chức Caritas tại nước này.

Sau cùng có bản tường trình về hoạt động của Văn phòng thông tin ở Beirut, thủ đô Liban, được thiết lập hồi năm ngoái để thu thập và phổ biến các dữ kiện về hoạt động của các tổ chức bác ái Công Giáo.

Ban chiều, các tham dự viên thảo luận về những khía cạnh cụ thể trong việc cộng tác giữa các cơ quan từ thiện khác nhau ở Syria và các nước láng giềng.

Theo thống kê mới mất, 3 năm chiến tranh đã làm cho 160 ngàn người chết tại Syria và hơn 2 triệu người nước này tị nạn sang các nước láng giềng, không kể 6 triệu người phải di tản trong nội địa.

4. Đức Thánh Cha tấn phong Giám Mục cho cha Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

Trong bài giảng thánh lễ truyền chức cho Đức tân Giám Mục Fabio Fabene, Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, chiều ngày 30 tháng 5 tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói đến nghĩa vụ của các Giám Mục, nối tiếp các thánh Tông Đồ trong việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và thánh hóa các tín hữu nhờ các bí tích đức tin.

Ngài đặc biệt nhắn nhủ tiến chức về nghĩa vụ chủ chăn: đừng bao giờ để sự háo danh và kiêu ngạo xảy đến trong tâm hồn: Giám Mục được chọn để phục vụ con người và phải luôn có thái độ phục vụ như Chúa Giêsu. Chức Giám Mục là danh xưng của một sự phục vụ, không phải là một vinh dự, vì Giám Mục có nhiệm vụ phục vụ hơn là thống trị, như lời Chúa dạy: “Ai là kẻ lớn nhất trong các con, thì hãy trở thành người bé nhỏ nhất, ai cai quản thì hãy trở thành như người phục vụ”.

Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng Giám Mục là người canh chừng chính mình và dân Chúa. Sự canh chừng này có nghĩa là tỉnh thức, chú ý bảo vệ bản thân khỏi bao nhiêu tội lỗi và những thái độ trần tục, và để bảo vệ dân Chúa khỏi những chó sói.. Canh chừng trên dân Chúa cũng có nghĩa là cầu nguyện, như Môisê đã làm xưa kia, giơ hai tay lên cao, chuyển cầu cho dân Chúa.

Tham dự thánh lễ truyền chức có hàng ngàn tín hữu, cùng với hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hơn 100 linh mục đồng tế với Đức Thánh Cha.

Đức tân Giám Mục Fabene sinh tại Roma cách đây 55 năm (1959) nhưng nhập tịch giáo phận Viterbo ở mạn bắc Roma, thụ phong linh mục năm 1984, và từng giữ chức chánh văn phòng tại Bộ giám Mục. Hồi đầu tháng 2 năm nay, cha được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Ngày 8 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha nâng cha lên hàng Giám Mục.

Cho đến nay vị giữ chức vụ này thường không phải là Giám Mục, nhưng trong thư gửi đến Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, để thông báo việc nâng Đức Ông Fabio Fabene lên hàng Giám Mục, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng việc bổ nhiệm này muốn đề cao chức năng của Thượng Hội Đồng Giám Mục như phương tiện góp phần vào cuộc đối thoại giữa người kế nhiệm thánh Phêrô và giám mục đoàn.

5. Kết thúc tháng Hoa tại Vatican

Tối thứ Bẩy 31 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ tại Vườn Vatican. Đức Hồng Y Angelo Comastri, giám quản Rôma đã dẫn đầu một đoàn rước từ nhà thờ Thánh Stêphanô thành Abyssinian đến hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Tại đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các tín hữu.

Trình bày những suy tư của ngài, Đức Thánh Cha nhận xét rằng "Maria đã vội vã ra đi" để thăm người chị họ Elizabeth của mình. Mẹ không chần chừ nhưng ngay lập tức lên đường để giúp người chị em của mình. Đức Trinh Nữ cũng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta thỉnh cầu sự giúp đỡ và bảo vệ của Mẹ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết có "rất nhiều" những khoảnh khắc trong cuộc sống mà chúng ta cần sự giúp đỡ, Đức Mẹ không chần chừ nhưng ngay lập tức sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.

6. Ông Lech Walesa tha thứ cho Wojciech Jaruzelski

Radio Vatican cho biết ông Lech Walesa, người đứng đầu của phong trào Công đoàn Đoàn kết có công chấm dứt chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan, đã quỳ cầu nguyện tại một tang lễ Công Giáo dành cho trùm cộng sản Wojciech Jaruzelski, là kẻ trong nhiều thập kỷ đã là kẻ thù nguy hiểm nhất của ông. Jaruzelski đã qua đời ngày 25 tháng Năm 2014.

Tang lễ đã được tổ chức sáng 31 tháng Năm tại nhà thờ quân đội của thủ đô Warsaw giữa những tiếng la ó phản đối dữ dội của dân chúng tụ tập đông đảo bên ngoài nhà thờ. Tại thủ đô nước láng giềng Tiệp cũng có những cuộc biểu tình phản đối những lễ nghi long trọng dành cho Jaruzelski.

Người biểu tình đã hô vang những khẩu hiệu chống báng và nhục mạ người quá cố vì những đau khổ mà ông ta đã gây ra cho họ và đòi hỏi rằng " danh dự và vinh quang phải thuộc về các nạn nhân của hắn ta", Hơn 100 người đã chết khi Jaruzelski áp đặt Thiết Quân Luật trong âm mưu đàn áp phong trào Công đoàn Đoàn Kết.

Mặc một bộ đồ màu đen và cà vạt đen, ông Lech Walesa, cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết và sau đó là tổng thống đầu tiên của nước Ba Lan tự do, đã quỳ cầu nguyện tại nhà thờ quân đội của thủ đô Warsaw trong tang lễ của Jaruzelski. Tổng thống đương nhiệm Bronislaw Komorowski cũng đến dự.

Khi Đức Giám Mục Jozef Guzdek mời cộng đoàn trao đổi những lời chúc bình an, ông Walesa đã bước qua lối đi để bắt tay với bà góa phụ Barbara Jaruzelski, và đám con cháu của ông trùm cộng sản.

13 ngày trước khi qua đời, Jaruzelski đã xin một linh mục Công Giáo ban các phép bí tích cuối cùng cho ông ta.

Jaruzelski sinh ngày 6 tháng 7 năm 1923 tại Kurów trong một gia đình thượng lưu và được theo học tại một trường Công Giáo trong suốt thập niên 1930.

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hitler tấn công Ba Lan, gia đình Jaruzelski chạy sang Lithuania, ở đó gia đình ông bị cộng sản Liên Xô bắt đày đi Siberia. Năm 1940, ở tuổi 16, Jaruzelski bị cộng sản Nga đày sang Cộng Hòa Kazakhtan lao động khổ sai trong một mỏ than. Dưới những điều kiện sinh sống tồi tệ, cặp mắt thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím, Jaruzelski mắc chứng Photokeratitis, tức là chảy nước mắt, đau đớn khi gặp phải ánh sáng chan hòa, nên Jaruzelski luôn phải đeo mắt kính đen.

Để sống còn, Jaruzelski gia nhập đoàn thanh niên cộng sản và năm 1943 tình nguyện gia nhập đoàn quân Ba Lan do Liên xô thành lập để đi đầu chết thay cho lính Nga trên các mặt trận Tây tiến. Cuối năm 1945, Jaruzelski mang quân hàm thiếu uý và bắt đầu can dự vào những cuộc hành quân chống lại Quân Đội Ba Lan Tự Do.

Nhờ những thành tích nịnh bợ ngoại bang, giết hại đồng bào, Jaruzelski được gia nhập đảng cộng sản Ba Lan và đầu năm 1960 nắm chức Chính Ủy Quân Đội Ba Lan. Năm 1964, được chọn là Tổng Tham Mưu Trưởng quân Ba Lan và năm 1968 kiêm luôn chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng Ba Lan. Tháng 8 năm 1968, Jaruzelski ra lệnh cho quân Ba Lan xâm lược Tiệp Khắc để tiếp tay với Liên xô đàn áp cuộc nổi dậy của dân chúng nước này.

Ngày 11 tháng Hai năm 1981, Jaruzelski được đảng cộng sản Ba Lan chỉ định làm thủ tướng. Tổng Bí Thư đảng cộng sản Ba Lan lúc bấy giờ là Stanisław Kania tỏ ra mềm dẻo với Công đoàn Đoàn Kết và chủ trương đối thoại với Giáo Hội Công Giáo. Ngày 18 tháng 10 năm 1981, ông bị KGB của Liên xô bắt giữ vì cho là chửi bới các nhà lãnh đạo tại điện Cẩm Linh.

Jaruzelski được đưa lên thay. Hai tuần sau, Jaruzelski gặp Đức Hồng Y Józef Glemp và lãnh tụ Công đoàn Đoàn Kết Lech Wałęsa để “thương thảo”. Jaruzelski dọa Đức Hồng Y Glemp và ông Wałęsa về nguy cơ Liên xô đưa quân vào Ba Lan và hứa sẽ cải tổ chính trị từng bước.

Hai tuần trước lễ Giáng Sinh năm đó, chính xác là ngày 13 tháng 12 năm 1981, Jaruzelski bất ngờ ban hành Thiết Quân Luật, thành lập Ủy Ban Cứu Nguy Dân Tộc do mình làm chủ tịch và ra lệnh lùng bắt các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết vì cho rằng phong trào này dự định cướp chính quyền. Hơn 100 người bị giết và hàng ngàn người bị cầm tù.

Sau khi cộng sản bị lật đổ, Jaruzelski không bị giết như tên trùm cộng sản Nicolae Ceaușescu của Rumani vì nhiều người trong xã hội Ba Lan tin vào câu chuyện do Jaruzelski đưa ra là việc ban hành Thiết Quân Luật đã cứu Ba Lan khỏi bị Liên Xô xâm lược.

Tại cuộc họp báo vào tháng Chín năm 1997, tướng Viktor Georgiyevich Kulikov, từng là tham mưu trưởng Hiệp Ước Warsaw từ 1977 đến 1989 nói rằng cộng sản Liên Xô loại bỏ ngay từ đầu khả năng xâm lược Ba Lan nếu Công đoàn Đoàn Kết lên nắm chính quyền.

Các cuộc điều tra được thực hiện dưới thời tổng thống Nga Boris Yeltsin tìm thấy biên bản cuộc họp Bộ Chính Trị của đảng cộng sản Liên Xô ngày 10 tháng 12 năm 1981, trong đó Yuri Andropov, Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng cộng sản Liên Xô nói "Chúng ta không có ý định đưa quân vào Ba Lan. Đó là đường lối thích hợp, và chúng ta phải tuân thủ như thế cho đến cùng. Tôi không biết mọi sự sẽ diễn ra như thế nào tại Ba Lan, nhưng ngay cả khi Ba Lan rơi vào sự kiểm soát của Công đoàn Đoàn kết, thì mặc kệ nó đi."

Các cuộc điều tra này còn đi xa hơn đến mức chỉ ra rằng chính Jaruzelski còn xúi Liên Xô đưa quân vào Ba Lan.

Năm 1997, Jaruzelski đưa ra một huyền thoại khác là ông ta đã sai Eugeniusz Molczyk đến Washington gặp tổng thống George H. W Bush để thuyết phục rằng trong hai cái xấu thì Thiết Quân Luật đỡ tồi tệ hơn là để Nga xâm lược; và tổng thống George H. W Bush đã bật đèn xanh cho Jaruzelski. Mark Kramer sử gia Đại Học Harvard cũng bác bỏ huyền thoại này.

Cho nên, trong xã hội Ba Lan có những ý kiến khác nhau về con người này. Ông Walesa, chắc chắn đã không tin những gì Jaruzelski nói nhưng là người Công Giáo, ông chỉ muốn làm một cử chỉ tha thứ sau cùng cho kẻ đã làm khốn mình.

7. Giáo Hội tại Ai cập chào mừng kết quả bầu cử tổng thống

Các xướng ngôn viên đài truyền hình lắc lư theo điệu nhạc, dân chúng nhảy múa ngoài đường và còi xe hơi rộn rã, đó là phản ứng của người dân Cairo sau khi tướng Abdel Fattah al- Sisi thắng áp đảo với tỷ số 93% trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng Năm.

Cha Rafic Greiche phát ngôn viên cho Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập hoan nghênh chiến thắng của tướng Sisi. Ngài nói rằng kết quả bầu cử này là "thể hiện cụ thể khuynh hướng xã hội chính trị và dân sự của Ai Cập chống lại trào lưu chính thống Hồi giáo."

Cha Rafic Greiche nói với thông tấn xã AsiaNews rằng Sisi "biết rằng các Kitô hữu là một phần quan trọng của Ai Cập và ông muốn bảo vệ việc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo." Ngài nói thêm rằng, " cho đến nay ông đã giữ lời hứa và tỏ ra là một người thành tín. "

Cùng quan điểm với cha Greiche, Đức Cha Adel Zaky, giám quản tông tòa tổng giáo phận Alexandria nói: "Sisi là người xuất hiện đúng đúng thời điểm. Thắng lợi trong cuộc bầu cử của ông đem lại cho tất cả người Ai Cập, cả người Hồi giáo và các tín hữu Kitônhiều hy vọng. "

Đức Cha Zaky nói tướng al- Sisi đã cam kết duy trì quốc gia Ai Cập như là một xã hội dân sự. Ông đã hành động có trách nhiệm khi cầm đầu quân đội lật đổ chính phủ do Mohamed Morsi và nhóm Huynh Đệ Hồi giáo lãnh đạo. Đức Cha nhận xét rằng “Nếu Tướng al- Sisi đã không lãnh đạo quân đội thì ắt đã có một cuộc nội chiến".

Nhóm Huynh Đệ Hồi giáo đã từ chối không tham gia cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng Cha Greiche nói rằng " họ không thể bỏ qua một thực tế là cả nước đang điêu đứng do bạo lực gần đây." Ngài bày tỏ hy vọng các chiến binh Hồi giáo sẽ sớm nhận ra được sự thật.

8. Các tổ chức nhân quyền Pakistan chống lại luật Hồi Giáo “Giết người vì danh dự”

Cảnh sát đã thản nhiên đứng nhìn một phụ nữ đang mang thai bị đánh đập và ném đá đến chết bởi gia đình mình trước một tòa án tối cao Pakistan tại Lahore hôm 27 tháng 5 vì tội đã dám kết hôn với người đàn ông mà cô yêu thương, trái với sự dàn xếp của gia đình

Quan chức cảnh sát Naseem Butt cho biết gần 20 thành viên trong gia đình của Farzana Parveen, 25 tuổi, trong đó có cha và các anh em của cô, đã tấn công cô và chồng cô bằng gậy gộc và gạch đá giữa ban ngày trước một đám đông ngay trước tiền đình của tòa án tối cao Lahore.

Luật sư của cô là Mustafa Kharal nói ông Mohammad Azeem là cha của nạn nhân đã ra trình diện cảnh sát và yêu cầu được miễn truy tố dựa theo luật Hồi Giáo “giết người vì danh dự”. Luật Umdat al- Salik chương 1, triệt 1 và triệt 2, quy định “người cha hay người mẹ có quyền giết chết con cái hay cháu chắt mình vì danh dự gia đình”.

Tuy nhiên, cảnh sát nói tham gia trong vụ giết người này không chỉ có ông Mustafa mà còn có những người khác và họ phải bị trừng phạt. Các nhân chứng cho hay ngoài ông Mustafa, các con ông và người bà con đã có hôn ước với cô cũng đã tích cực tham gia vào việc đánh đập và ném đá cô đến chết.

Cô Farzana Parveen đang mang thai 3 tháng đã kết hôn với Mohammad Iqbal, người mà cô yêu thương trong nhiều năm và đã bỏ nhà ra đi chung sống với Iqbal.

Iqbal, 45 tuổi, đã có 5 đứa con với người vợ trước khai là gia đình cô Farzana Parveen đã làm tiền anh ta nhưng anh ta không đưa tiền và đã dắt cô Farzana Parveen bỏ trốn sau khi đã làm giấy hôn thú trước tòa.

Ông Mohammad Azeem đã thưa Iqbal ra tòa vì tội bắt cóc con gái ông. Hôm 27 tháng 5, khi Iqbal và vợ ra tòa để trả lời những cáo buộc của ông Mohammad Azeem thì họ bị tấn công. Iqbal đã chạy thoát và kêu cứu với cảnh sát nhưng không nhận được sự can thiệp kịp thời.

Ủy ban Nhân quyền của Pakistan, cho biết là trong năm 2013 đã có 869 phụ nữ bị giết vì danh dự gia đình. Tuy nhiên, hình thức ném đá đến chết vẫn là họa hiếm. Thông thường, những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hay có thai trước hôn nhân, hay không theo những hôn ước đã được dàn xếp bị xem là làm mất mặt gia đình và bị buộc uống thuốc độc chết.

Tổ chức Jihad Watch nói người Hồi Giáo phải chịu trách nhiệm đến 91 phần trăm các vụ giết người vì danh dự trên toàn thế giới.

Sau cái chết của Farzana Parveen hàng chục cuộc biểu tình đã nổ ra đòi thay đổi luật “giết người vì danh dự” của Pakistan. Như các quốc gia Hồi Giáo xây dựng luật theo luật Sharia, Pakistan không trừng phạt những kẻ giết người vì danh dự.

Nhiều quốc gia Hồi Giáo cũng đã có những cố gắng để thay đổi luật “giết người vì danh dự”. Tuy nhiên, các nhà làm luật thường vấp phải những chống đối dữ dội từ phía các giáo sĩ Hồi Giáo.

Năm 2003, Quốc hội Jordan đã bỏ phiếu dựa trên cơ sở một điều khoản khác của luật Hồi giáo nhằm cố gắng áp đặt các hình phạt cho những người tuyên bố giết người vì danh dự. Tuy nhiên, những nhân vật Hồi giáo bảo thủ tố cáo luật mới của Jordan “vi phạm truyền thống tôn giáo và sẽ phá hủy gia đình và các giá trị của gia đình”.

9. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Sáu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dưới đây là những ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Sáu:

Ý chung: Cầu cho những người thất nghiệp nhận được sự trợ giúp và tìm được công ăn việc làm để sống xứng với phẩm giá của mình.

Ý truyền giáo: Cầu cho Âu Châu tái khám phá ra căn cội Kitô giáo của mình qua chứng tá đức tin của các tín hữu.

10. Seleka được sự tăng viện của Hồi Giáo quốc tế đang trở lại Cộng Hoà Trung Phi

Hôm thứ Tư 28 tháng 5, quân Hồi Giáo Seleka đã bất ngờ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo tại thủ đô Bangui giết chết ít nhất là 60 người.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trong bản tin đánh đi hôm thứ Sáu 30 tháng 5 cho biết phiến quân Hồi giáo Seleka đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo Fatima ngay tại thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi hai ngày trước đó, tức là hôm thứ Tư 28 tháng 5. Chúng quăng lựu đạn vào nhà thờ và xả súng vào thường dân.

Dân chúng đã tháo chạy vào nhà thờ sau khi nghe nhiều tiếng súng nổ ngoài đường. Cơ quan thông tấn của Bộ Truyền Giáo cho biết tổng giáo phận Bangui đã xác nhận rằng cha Paul-Emile Nzale /pâul ê-mi nơ-dêu/, 76 tuổi đã bị giết cùng 17 người khác ngay bên trong nhà thờ.

Quân khủng bố Hồi Giáo đã bắt 42 người khác làm con tin. Sau đó, xác của những người này đã được tìm thấy trong khu vực lân cận.

Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga /đi-ơ đon-nê nơ-za-pa-lai-nga/, tổng giám mục Bangui, nói với thông tấn xã Fides rằng những người sống sót báo cáo với cảnh sát là bọn khủng bố đã xô cửa nhà thờ và hét lên “Mở cửa ra” không phải bằng tiếng Pháp, cũng chẳng phải là tiếng địa phương Sango. Ngài nói: "Những kẻ tấn công hét lên bằng tiếng Anh: Open the door ".

Chi tiết này cho thấy quân Hồi Giáo Seleka đã được tăng viện bởi các nhóm khủng bố quốc tế bởi vì Cộng Hòa Chad, nơi dung thân của quân Seleka là một nước nói tiếng Pháp như Cộng Hòa Trung Phi.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã khởi sự từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia /mi-sen dô-tô-đi-a/ được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm nay để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Từ tháng Hai năm nay, quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad. Cuộc tấn công mới nhất tại thủ đô Bangui cho thấy nhóm Hồi Giáo cực đoan này đang nhận được tăng viện cả về khí tài chiến tranh lẫn nhân sự và đã có khả năng trở lại gây chiến ngay tại thủ đô Cộng Hòa Trung Phi.

11. Hồi Giáo cực đoan Mã Lai Á đánh chết một nữ tu, một nữ tu khác vẫn còn đang hôn mê

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Sơ Juliana Lim, 69 tuổi, thuộc Dòng Chúa Giêsu Hài Đồng, đã chết hôm 21 tháng 5 sau một thời gian cầm cự với những vết thương trí mạng từ một cuộc tấn công bạo lực xảy ra một tuần trước đó tại quận Seremban, gần thủ đô Kuala Lumpur.

Đức Tổng Giám Mục Murphy Pakiam, Giám Quản Tông Tòa của thủ đô Kuala Lumpur đã cử hành thánh lễ an táng cho sơ hôm thứ Sáu 23 tháng 5. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục không dấu được nỗi phẫn uất của ngài trước tình trạng leo thang bạo lực nhắm vào người Công Giáo thiểu số tại Mã Lai Á.

Trong khi đó, sơ Mary Rose Teng, 79 tuổi, vẫn đang hôn mê trong nhà thương.

Hai nữ tu đã bị một người bịt mặt tấn công khi hai sơ đang chuẩn bị bàn thờ cho một thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ Thăm Viếng trong quận Seremban.

Cha Augustine Julian, thuộc cộng đoàn Lasan ở Kuala Lumpur nói với thông tấn xã Fides: "Giáo Hội Malaysia bị sốc và lo lắng trước những vụ tấn công ngay bên trong nhà thờ như vậy",

Thủ tướng Najib Razak, đã bày tỏ lời chia buồn đến gia đình và cộng đoàn của các nữ tu. Theo một số thành viên quốc hội, và các thành viên của phe đối lập, những cuộc tấn công này không nên bị đánh giá thấp vì chúng là kết quả của "sự phát triển chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và tình cảm chống Kitô giáo đang được hình thành trong xã hội bởi những nhóm cực đoan Hồi giáo liên kết với đảng Umno là đảng của thủ tướng Najib”

12. Lần đầu tiên một vị Hồng Y Tổng Giám Mục Hán Thành thăm Bắc Hàn

Lần đầu tiên trong lịch sử, một Hồng Y Nam Hàn đã vượt qua biên giới phân cách hai miền Triều Tiên tại làng Bàn Môn Điếm. Ngày 21 tháng 5, Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Hán Thành đã đặt chân lên Bắc Triều Tiên.

Mục tiêu của chuyến đi là đến thăm các khu công nghiệp trong vùng Kaesong, nơi một nhóm công dân của cả hai miền Triều Tiên đang làm việc chung với nhau nhờ vào một thỏa thuận giữa hai nước.

Đức Hồng Y Yeom Soo-jung, người cũng là Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, đã được phép đến thăm Bắc Triều Tiên, một điều mà người tiền nhiệm của ngài mơ ước nhưng không bao giờ đạt được. Chuyến thăm của ngài chỉ vỏn vẹn trong một ngày, tuy nhiên, nó để lại một số hình ảnh đáng nhớ, chẳng hạn khi Đức Hồng Y cầu nguyện ở phía trước của hàng rào ngăn cách hai miền Triều Tiên.

Chuyến thăm thuần tuý là vì công việc mục vụ của ngài trong tư cách là Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, nhưng một số nguồn tin lạc quan nói rằng Đức Hồng Y cũng đã thăm dò xem liệu Bắc Hàn có sẵn sang đón Đức Thánh Cha Phanxicô hay không.

Chính phủ Nam Hàn, thông qua Bộ Thống nhất đất nước phủ nhận các báo cáo này.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Hàn Quốc vào dịp Đại Hội Giới Trẻ Châu Á, tức là từ 14 đến 18 tháng 8 năm nay. Theo chương trình, ngài sẽ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc.

13. Từ sau vụ bắt cóc các nữ sinh Hồi Giáo cực đoan Boko Haram đã giết thêm 450 thường dân vô tội

Đức Hồng Y John Onaiyekan của tổng giáo phận Abuja đã mạnh mẽ lên án tổ chức khủng bố Hồi Giáo Boko Haram về một loạt các vụ bắt cóc và tàn sát dân lành vô tội mới đây; và kêu gọi chính phủ Nigeria phải có các hành động cụ thể.

Như tin chúng tôi đã loan gần nửa đêm ngày 14 tháng Tư, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 300 nữ sinh tại một trường nội trú ở thị trấn Chibok. Cho đến hôm thứ Sáu 8 tháng 5, 53 nữ sinh đã trốn thoát trong khi 276 nữ sinh khác vẫn còn bị giam giữ.

Phát ngôn viên chính phủ Nigeria cho biết hôm thứ Sáu 23 tháng Năm nói một ngày trước đó quân Hồi giáo Boko Haram đã bắn chết 29 công nhân nông trại tại một làng phía đông bắc Nigeria trong bang Borno. Nguồn tin cảnh sát tại bang Borno cho biết, những kẻ tấn công cũng đã phá hủy hầu hết các làng mạc Kitô Giáo ở Chukku Nguddoa và làm bị thương 10 người khác hôm thứ Tư.

Reuters cho biết thêm từ sau vụ bắt cóc các nữ sinh, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã giết chết thêm ít nhất 450 thường dân vô tội trong đó nghiêm trọng nhất là vụ tàn sát 118 Kitô hữu tại thành phố Jos hôm thứ Ba 20 tháng 5.

Theo BBC, trước đà gia tăng bạo lực nhằm đạt đến mục tiêu Hồi Giáo Nigeria trong vòng 5 năm tới của nhóm này, hôm thứ Năm 22 tháng 5, Liên Hiệp Quốc đã quyết định đưa Boko Haram vào danh sách các tội phạm chiến tranh nguy hiểm như al-Qaeda theo yêu cầu của Nigeria.

14. Hơn 20,000 người Trung Hoa gia nhập Giáo Hội Công Giáo trong Mùa Phục Sinh

Hơn 20,000 người đã được rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc vào lễ Phục sinh năm nay. AsiaNews đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 23 tháng 5.

Hầu hết những tân tòng mới được rửa tội là người lớn. Bất chấp nỗ lực của chế độ Bắc Kinh muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Giáo Hội, số lượng người gia nhập Giáo Hội đang phát triển, mạnh.

Số liệu thống kê người rửa tội vừa kể chưa tính đến con số người được rửa tội trong Giáo Hội Thầm Lặng vì những khó khăn trong việc thu thập thông tin.

Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, số tín hữu Kitô tại Trung Quốc đã lên tới 67 triệu người vào năm 2010, đứng hàng thứ hai sau Phi Luật Tân trong phạm vi Châu Á.

Hốt hoảng trước sự gia tăng nhanh chóng của Kitô Giáo, nhiều biện pháp bách hại đã được nhà cầm quyền Trung quốc đưa ra.

Mới đây nhất, vào ngày Lễ Lao Động 1 tháng 5, một ngôi thánh đường lớn ở Ôn Châu Trung Quốc đã bị chính quyền dùng xe ủi đất phá bình điạ. Ôn Châu là một thành phố ven biển có biệt danh là "Jerusalem của phương Đông" vì có đông người Kitô giáo cư ngụ tại đây.

Thánh đường bị phá hủy đã được xây dựng trong 12 năm và tốn vào khoảng 30 triệu nhân dân tệ. Ban đầu chính quyền cho phép xây dựng ngôi thánh đường này và tháng Chín năm 2013 chính quyền địa phương còn ca ngợi ngôi thánh đường này là một mô hình kiến trúc tân kỳ

Khi ra lệnh phá hủy ngôi thánh đường, chính quyền cho rằng kiến trúc thánh đường đã to hơn gấp bốn lần diện tích cho phép. Tuy nhiên, anh chị em giáo dân ở đây nói rằng chính quyền muốn giới hạn ảnh hưởng người Thiên Chúa Giáo vì số người tin ở Thiên Chúa đã tăng vọt trong những năm vừa qua. Số giáo dân chiếm 15% trong tổng số dân cư của thành phố.

Năm quan chức chính quyền địa phương liên quan đến việc trước đây đã cho phép xây dựng nhà thờ đang bị điều tra và một người đã bị bắt.

15. Tỷ lệ người Công Giáo tăng nhanh hơn tỷ lệ dân số trên toàn cầu

Theo thống kê mới nhất từ Vatican, hiện nay có 1.229 tỷ người Công Giáo trên thế giới, tức là gia tăng 10% theo thống kê năm 2005. Giáo Hội đã phát triển nhanh nhất ở châu Phi, nơi số người Công Giáo đã tăng 29% Trong khi đó, châu Âu là khu vực duy nhất số người Công Giáo sụt giảm.

Các con số thống kê này dựa vào số liệu Tòa Thánh có được từ các Hội Đồng Giám Mục các nước vào tháng Mười Hai năm 2012.

Thống kê mới cho thấy số lượng các linh mục đã tăng từ 406,000 vào năm 2005, lên 414,000 ngàn vào cuối năm 2012. Con số các vị Giám Mục cũng tăng với một tốc độ tương tự và đã lên đến 5,000 Giám Mục, trong khi đó số các chủng sinh lên đến 120,000.

Trong giai đoạn 7 năm từ 2005 đến 2012, số lượng những vị sống đời thánh hiến giảm 7% và chỉ còn 703,000 nữ tu và nam tu.

Sự thay đổi lớn nhất là con số các phó tế vĩnh viễn. Năm 2005, Giáo Hội có khoảng 33,000 phó tế vĩnh viễn. Bảy năm, con số đã tăng lên đến 42,000. Hoa Kỳ là nước có nhiều phó tế vĩnh viễn nhất. Gần đây, cũng bắt đầu có sự tăng trưởng đáng kể con số các phó tế vĩnh viễn ở châu Âu.

16. Đức Thánh Cha và hai vị Tổng Thống Israel và Palestine sẽ cùng cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 8 tháng Sáu

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Năm 29 tháng Năm, cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cả hai vị Tổng Thống Israel là Shimon Peres, và Tổng Thống Palestine, là Mahmoud Abbas đã nhận lời mời của Đức Thánh Cha để cùng tham dự trong buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Santa Marta vào chiều Chúa Nhật 08 tháng 6 năm 2014.

Trong buổi hát Kinh Lậy Nữ Vương Thiên đàng trưa Chúa Nhật 25/5 tại Bethlehem, trước khi ban phép lành cuối lễ Đức Thánh Cha đã đưa ra một sáng kiến bất ngờ chưa từng có. Ngài nói:

Ở nơi Hoàng Tử Hòa Bình đã sinh ra này, tôi ước mong mời tổng thống Mahmoud Abbas và tổng thống Simon Perez cùng tôi dâng một lời cầu nguyện mạnh mẽ khẩn nài Thiên Chúa ban cho ơn hòa bình. Tôi cống hiến nhà tôi ở Vatican để tiếp đón cuộc gặp gỡ cầu nguyện này. Mọi người đều ước mong hòa bình và biết bao nhiêu người xây dựng nó mỗi ngày với các cử chỉ bé nhỏ. Nhiều người đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng sự vất vả của biết bao nhiêu nỗ lực để xây dựng hòa bình. Và tất cả đặc biệt những người được đặt để phục vụ các dân tộc của nình - chúng ta có bổn phận trở thành dụng cụ của hòa bình, trước hết bằng lời cầu nguyện. Xây dựng hòa bình khó, nhưng sống không có hòa bình là một đau đớn. Tất cả mọi người nam nữ của vùng Đất này và toàn thế giới xin chúng ta đem tới trước Thiên Chúa khát vọng hòa bình nồng cháy của họ.

17. Một phụ nữ Sudan đã bị kết án tử hình vì cho là đã cải đạo từ Hồi Giáo sang Công Giáo vừa hạ sinh một bé gái trong tù.

Hôm 16 tháng 5, một tòa án Sudan đã đưa ra một phán quyết tàn bạo là treo cổ chị Meriam Yehya Ibrahim, là một người phụ nữ đang mang thai vì phạm tội bỏ Hồi giáo để gia nhập Kitô Giáo.

Cô Meriam Yehya Ibrahim, 27 tuổi, có cha là một người Hồi Giáo và mẹ là một tín hữu Kitô. Trước tòa, Meriam luôn kiên quyết cho rằng mình theo đạo mẹ và đã là một Kitô hữu từ nhỏ.

Cô nói: "Tôi là một Kitô hữu, và tôi chưa bao giờ phạm tội bội giáo"

Tuy nhiên, luật lệ Hồi Giáo buộc con cái của người Hồi Giáo phải theo Hồi Giáo.

Những thân nhân họ nội của cô đã tố cáo cô ra trước tòa vì cô đã kết hôn với một Kitô hữu. Vì luật lệ Hồi Giáo không cho phép một người phụ nữ kết hôn với một Kitô hữu nên tòa không công nhận hôn nhân của chị và đã truyền đánh Meriam 100 hèo vì tội ngoại tình và truyền cho cô trong ba ngày, tức là đến ngày 15 tháng 5, phải tuyên bố trở lại đạo Hồi nếu không sẽ bị tử hình.

Hết hạn định này, Meriam đã bị đưa ra trước tòa. Cô khảng khái cự tuyệt không theo đạo Hồi.

Trong phán quyết sau cùng, thẩm phán nói:

"Chúng tôi đã cho cô ba ngày để suy nghĩ, nhưng vì cô kiên quyết không trở về Hồi giáo, tôi kết án cô bị treo cổ."

Meriam Yehya Ibrahim, mới 27 tuổi mỉm cười đón nhận phúc tử đạo.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra thông cáo nói chính phủ Mỹ "quan ngại sâu sắc" trước phán quyết này.

Trong khi đó Ahmed Bilal Osman, Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin của Sudan, nói với Agence France-Presse rằng "không chỉ Sudan. Ở Saudi Arabia, và tất cả các quốc gia Hồi giáo khác, không một người Hồi giáo nào được phép cải đạo"

Vì cô Meriam sắp sinh nên tước những can thiệp quốc tế, Sudan chấp nhận hoãn việc thi hành án cho cô sinh cháu.

Trong tuần tới cô Meriam sẽ bị đánh 100 hèo và sau đó khi cháu bé đã được cai sữa thì cô phải bị treo cổ.

Sudan trước đây đã từng là một quốc gia lớn nhất Phi Châu và đã từng có thời là quốc gia Kitô Giáo khi các Vua miền Nubia theo đạo Công Giáo vào thế kỷ thứ Tư. Sau đó quốc gia này bị quân Hồi Giáo chiếm được. Tuy bị cai trị, các tín hữu Kitô Sudan vẫn tiếp tục là nhóm đa số trong xã hội cho đến khi người Ả rập di dân sang vùng này.

Cuộc chiến tranh diệt chủng nhằm tiêu diệt người Kitô Giáo do nhà cầm quyền Khartoum tiến hành với sự trợ lực của các sư đoàn quân Trung quốc đánh thuê đã dẫn đến can thiệp quốc tế buộc chia quốc gia này thành hai quốc gia là Sudan và Nam Sudan. 97% dân trong tổng số 35.5 triệu dân Sudan theo Hồi Giáo trong đó 70% dân số là người Ả rập di dân sang.

Miền Nam Sudan chỉ có 11.5 triệu dân trong đó tuyệt đại đa số là các Kitô hữu và là người châu Phi.