Ngày 07-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:08 07/06/2024

29. Trên thế giới, để an ủi và dập tắt tâm ý của chúng ta, thì ngoài việc thường xuyên suy niệm đến Chúa Cứu Thế từ khi sinh ra cho đến khi chết, và tất cả những đau khổ của Ngài đã chịu, thì không có phương pháp nào tốt hơn.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:14 07/06/2024
76. DỰA VÀO CHA VỢ

Người nọ học dốt, nhưng nhờ vào thế lực của cha vợ mà thi đậu đứng hạng nhất.

Thế là có người kể một câu chuyện tiếu lâm như sau:

- “Đệ tử của Khổng môn (Khổng tử) đi thi, lúc yết bảng, giấy báo Tử Trương đứng hạng thứ mười chín, người bên cạnh nói: “tướng mạo của anh ta đường đường chính chính quả nhiên không sai”; lại báo Tử Lộ đứng hạng mười ba thì người ta nói: “mặc dù anh ta rất không thông minh, dù thi ở trước mặt, tất cả đều nhờ vào công lao siêng học đấy”; lại báo Nghiêm Nhan đứng thứ mười hai, người ta nói: “Anh ta là người đắc ý nhất của Khổng tử, cái tên này chỉ đứng sau ông ta một chút”; lại báo Công Dã Trường đứng hạng năm thì người ta lấy làm kỳ dị nói: “Tên tiểu tử này bình thường không là gì cả, tại sao lại đứng thứ năm nhỉ?”- mọi người nói: “Tất cả đều dựa vào thế lực của cha vợ đó mà !!”

(Nhã Ngược)

Suy tư 76:

“Một người làm quan cả họ được nhờ” đó là câu nói rất thực tế và thực dụng, thực tế là vì nó có thật, thực dụng là vì nó đúng như thế, cả nghĩa đen nghĩa trắng đều đúng cả.

Thói đời, người có quyền thế thường hay bao che tích lợi cho người thân, đây là nghĩa tiêu cực; nhưng hiểu theo nghĩa tích cực thì đúng thôi, vì cha mẹ cho con cái ăn học để con cái được sung sướng tấm thân nó và cha mẹ sẽ được nở mặt nở mày và được nhờ con sau này, bà con giúp nhau để khi tối lửa tắt đèn thì có nhau cũng đúng thôi, đó chính là điều mà thiên hạ mọi thời mong ước: hòa bình và hạnh phúc.

Có những gia đình Ki-tô hữu có con làm linh mục thì thái độ của cha mẹ tự nhiên “trịnh trọng” khác với trước đây: nhất cử nhất động đều bày tỏ mình là ông bà cố, là cha mẹ của cha này cha nọ, có khi quá lố thành kiêu căng, nên họ hàng chưa thấy được nhờ gì cả thì đã tránh xa cho khỏi mang tiếng. Một người làm linh mục thì cả họ được nhờ, đó là được nhờ ơn ích bởi vị linh mục ấy hàng ngày dâng lễ cầu nguyện cho họ, được nhờ là nhờ sự thánh thiện đạo đức của linh mục và gia đình ấy sống gương mẫu thì mình cũng thơm lây...

Nhờ cha vợ mới được thi đỗ hạng nhất thì đúng là bất tài, và nếu làm quan thì chỉ hại dân hại nước mà thôi, không ai được nhờ gì cả, trái lại, đó là cái nhục cho họ hàng và cho đất nước.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Gia đình của Chúa Giêsu
Lm. Thái Nguyên
07:41 07/06/2024

GIA ĐÌNH CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Nhật 10 Thường Niên Năm B: Mc 3, 20-35

Theo Phúc Âm Máccô, sau khi chọn 12 Tông đồ trên đường rao giảng Tin Mừng, thì hôm nay Đức Giêsu và các ông “trở về nhà”. “Nhà” ở đây có lẽ là nhà của Phêrô vì khi đi rao giảng, Đức Giêsu thường xuyên lui tới và nghỉ ngơi ở đó (Mc 1, 29; 2,1). “Nhà” ở đây cũng có thể hiểu là hình ảnh của Giáo Hội. Hai lần Thánh Máccô ghi rằng, thân nhân của Đức Giêsu “ở ngoài” nhà. Kiểu nói “những kẻ ở ngoài” thông dụng trong thời Giáo Hội sơ khai, ám chỉ những người không phải là Kitô hữu (Tx 4,12; 1 Cr 5,12-13; Cl 4,5; Tm 3,7).

Những người thân thuộc đã nghe tin là Đức Giêsu làm việc quá sức, không còn giờ ăn uống, ngủ nghỉ, đàng khác còn gây thù hận với hàng lãnh đạo tôn giáo, và họ đang “tìm cách giết Ngài” (Mc 3,6) nên thân nhân muốn bắt Ngài đưa về quê,“vì họ nói rằng Ngài đã mất trí”. Đức Giêsu bị họ hàng nhận định cách nặng nề, thiếu hiểu biết, muốn ngăn cản sứ vụ của Ngài. Trong sự việc này có mặt Đức Maria là điều làm chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng qua đó, ta cũng thấy không phải chuyện gì xảy ra Đức Maria cũng hiểu được, dù ngay từ đầu đã được thiên thần truyền tin. Có lần thánh Luca cũng ghi nhận Đức Maria không hiểu được Đức Giêsu (Lc 2,50). Chỉ dần dần nhờ “lắng nghe Lời Chúa” và “suy niệm trong lòng” mà Mẹ lớn lên trong đức tin. Quyền làm Mẹ đã tìm thấy một chiều kích mới để trở nên Mẹ Giáo Hội.

Sự kiện éo le chưa xong thì bồi thêm một sự kiện khác, là “các kinh sư từ Giêrusalem đến nói rằng Ngài bị quỷ vương Bêendêbun ám và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Lời cáo buộc này nhằm cố ý triệt hạ uy tín và ảnh hưởng của Đức Giêsu trước đoàn lũ dân chúng đang đi theo Ngài. Trong nước Do Thái thời Đức Giêsu, việc trừ quỷ khá phổ biến và được mọi người chấp nhận (Cv 19,13). Hơn nữa, các kinh sư là những người thông thạo Kinh Thánh, họ phải biết việc Êlia xưa đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà diệt trừ những kẻ dựa vào quỷ Bêendêbun thời vua Akhap và Ôkhôgia vua Israen (2V1,2-17).

Qua lời tố cáo của nhóm kinh sư, Đức Giêsu cho dân chúng thấy ngay luận điệu gian xảo của họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền… Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số”. Xatan chỉ bị diệt trừ khi ai đó có một sức mạnh lớn hơn. Đó là chính Đức Giêsu. Thế mà nhóm kinh sư dám dùng lời lẽ ngông cuồng xúc phạm đến Ngài. Và Ngài cho biết, mọi tội phạm thượng đều có thể tha thứ được, “Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám".

Theo thánh Máccô, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nhận lãnh Thánh Thần khi chịu Phép Rửa trên sông Giođan, và với quyền năng của Thánh Thần, Ngài thi hành sứ mạng cứu độ (1,9-12). Khi nhóm kinh sư xuyên tạc và lật lọng việc trừ quỷ của Đức Giêsu là họ “phạm đến Thánh Thần”, cố chấp không đón nhận ơn cứu độ, nên không được tha thứ.

Tiếp nối sự việc trên, nhân có mẹ và anh em, Đức Giêsu nâng cao tầm nhìn cho các môn đệ: không phải những người ruột thịt là người thân đích thực của Chúa, mà là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Không thể nói:“Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời” (Mt 7, 21). Chính Ngài từ trời xuống cũng là để làm theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 6,38), đến nỗi hy sinh mạng sống mình (Lc 22,42).

Những giáo huấn trên của Đức Giêsu đặt lại vấn đề đời sống của người Kitô hữu hôm nay. Khởi đi từ thực trạng dạy giáo lý tại Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã nhấn mạnh đến 4 cái thiếu: một là thiếu chiều sâu, bởi lo tập trung vào cái đầu thay vì con tim và đôi tay; hai là thiếu chiều cao, bởi chỉ chú trọng đến kiến thức thay vì tương giao và gặp gỡ; ba là thiếu chiều dài, bởi giới hạn vào việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích thay vì trưởng thành đức tin; bốn là thiếu chiều rộng, bởi giới hạn trong khuôn khổ của lớp học thay vì vươn ra ngoài xã hội.

Với nền giáo dục đức tin bất cập như thế, không lạ gì có nhiều giáo dân chẳng hiểu biết gì về Chúa, họ cũng không chịu học hỏi thêm Giáo lý, Thánh kinh, Công đồng… Nhiều người biện minh là không có thời giờ, nhưng thật ra là do lười biếng, không muốn hiểu biết Chúa hơn. Cũng vì nền tảng giáo lý yếu kém mà nhiều giáo dân sống đạo hời hợt, hình thức, không đi sâu vào mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu.

Mang danh là Kitô hữu mà không hiểu biết Chúa bao nhiêu. Đã “vô tri thì bất mộ”, không biết nên cũng chẳng yêu, càng không thao thức vươn lên cuộc sống mới như Chúa mong đợi. Quả là một tình trạng đức tin rất mông lung và đáng nghi ngờ, có thể đi tới những lầm lạc nếu không kịp thời chấn chỉnh. Và thật sự đã có những nhóm lạc giáo tại Việt Nam, lôi kéo được nhiều giáo dân, kể cả các linh mục và tu sĩ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa nêu lên một điều thật mới lạ,
để nối kết với tất cả người ta,
là những ai thi hành thánh ý Chúa,
mới trở nên thân thích họ hàng Ngài.
Chúa không coi thường gia đình ruột thịt,
nhưng cho thấy gia đình Ngài rộng lớn,
và vẫn còn tiếp tục trải dài hơn,
cho dù rất khác nhau về mọi mặt,
nhưng rồi lại có một mẫu số chung,
là cùng nhau thi hành thánh ý Chúa.
Lời Chúa nói còn có ý sâu xa,
trước tiên là muốn ngợi ca Mẹ mình,
vì chẳng ai theo ý Chúa cho bằng Mẹ,
là sẵn sàng thưa hai tiếng “xin vâng”,
cho dù bao bao gian lao lận đận,
chẳng màng gì đến sự sống bản thân.
Khờ khạo thay khi con theo ý mình,
mà chẳng quan tâm gì đến ý Chúa,
con hay dùng lý lẽ để phân bua,
hầu sống theo những gì mình ham thích.
Nếu như thế con đã mất liên hệ,
không còn được thuộc về gia đình Chúa,
sẽ trở nên một kẻ sống “ở ngoài”,
giữa cuộc đời không còn có ngày mai.
Lạy Chúa là nguồn suối của tình yêu,
xin cho con yêu mến Chúa thật nhiều,
để bù lấp những gì con đang thiếu,
dù đau khổ cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Xin cho con cứ làm theo Ý Chúa,
đừng biện minh hay che chắn cho mình,
đừng vòng quanh hay giả bộ làm thinh,
nhưng cho con sức mạnh để thi hành. Amen.
 
Ngày 08/06: Hãy tôn sùng Mẫu Tâm – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
07:56 07/06/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 10 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 07/06/2024
CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 3, 20-35.

“Sa tan đã tận số.”


Bạn thân mến,

“Đoàn kết là sức mạnh mà chia rẻ thì chết” đó là câu nói mà mỗi người trong chúng ta đều biết là ám chỉ đến một cộng đoàn, một nhóm nhỏ hay một cộng đống khi họ tự cắn xé nhau, tự chia rẻ nhau. Ngay cả sa tan cũng sẽ bị tan rã nếu chúng chia rẻ nhau.

1. Không chia rẻ khi có lợi cho nhau.

Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe, Đức Chúa Giê-su đã chỉ ra rõ ràng cho chúng ta biết ngay cả ma quỷ cũng biết đoàn kết khi đi cám dỗ con người, thì chắc chắn rằng nó sẽ không chia rẻ nhau; con người ta cũng vậy, dù là thành phần xã hội đen hay thành phần bất hảo thì vẫn cứ sát cánh đoàn kết bên nhau khi lợi lộc còn, nhưng khi lợi lộc không còn nữa, thì họ sẽ trở lại cắn xé nhau và chia rẻ nhau.

2. Đức tin làm cho người Ki-tô hữu đoàn kết với nhau.

Bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một phép Rửa cho nên người Ki-tô hữu đã trở nên một đại gia đình trong Chúa Ki-tô. Đức tin làm cho người Ki-tô hữu trở nên kiên cường trong việc chống trả lại với chước cám dỗ tiền tài danh vọng của ma quỷ; đức mến làm cho thế gian nhận biết người Ki-tô hữu là những người con của Cha trên trời khi họ phục vụ tha nhân, và đức cậy làm cho họ dù trong hoàn cảnh nào cũng có sự trông cậy vào tình thương và ân sủng của Thiên Chúa ban cho họ.

3. Chia rẻ là bản chất của ma quỷ.

Ma quỷ sẽ không chia rẻ nhau khi vẫn còn mối lợi cho nó, kẻ ma giáo cũng sẽ rất được kết để được chia lợi, nhưng khi lợi lộc đã hết thì chính ma quỷ trong hỏa ngục và những người ma giáo ở thế gian sẽ trở mặt lại để cắn xé nhau, bởi vì ma quỷ thì không có yêu thương và nơi người ma giáo thì không có tình người mà chỉ có lợi lộc chóng qua, cho nên như lời thánh Phao-lô tông đồ đã nói: đạo lý của họ là cái bụng, và chỉ thỏa mãn cái bụng nên họ sẽ không còn chỗ cho con tim và tình người...

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã mở ra cho chúng ta một con đường để chúng ta trở thành anh chị em với nhau, và trở thành người thân thiết của Ngài đó là yêu mến và thực hành lời của Ngài trong cuộc sống, bởi vì khi chúng ta yêu mến và thực hành lời Ngài là chúng ta đã trở thành cha mẹ, anh em, chị em và là bạn hữu của Chúa, lúc đó thì sẽ không có sự chia rẻ nhau vì tình vì tiền hay vì danh vọng, nhưng là vì sự yêu thương và hợp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, họ trở nên chi thể của thân thế mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Không phải tất cả đều rõ ràng
Lm. Minh Anh
17:05 07/06/2024
KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU RÕ RÀNG
“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”.

J. Wolfgang von Goethe, 1749-1832, một trong những nhân vật hàng đầu của thơ ca hiện đại Đức, từng nói, “Trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trọng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Hội Thánh ‘quỳ gối’; kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Thánh ‘cúi đầu!’. Trái Tim Chúa Con bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; Trái Tim Mẹ Chúa tỏ bày tình yêu con người dành cho Thiên Chúa. Đó là một tình yêu vô điều kiện, dẫu phải dò dẫm trong đức tin; bởi lẽ, trước kế hoạch ‘diệu dụng’ của Thiên Chúa, Mẹ đón nhận tất cả, dẫu ‘không phải tất cả đều rõ ràng!’.

Trong gia đình Nazareth, sự ngạc nhiên không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả trong những khoảnh khắc hốt hoảng như lạc mất Con trong đền thờ: đó là khả năng kinh ngạc trước sự biểu hiện dần dần của Con Thiên Chúa. Đó chính là sự kinh ngạc mà ngay cả các thầy dạy trong đền thánh cũng phải sững sờ. Nhưng kinh ngạc là gì; có gì đáng ngạc nhiên? Ngạc nhiên và kinh ngạc là trái ngược với việc coi mọi thứ là đương nhiên; nó trái ngược với việc giải thích hiện thực chung quanh và các sự kiện lịch sử chỉ theo tiêu chí của chúng ta. Ngạc nhiên là cởi mở với người khác, hiểu lý do của người khác. Thái độ này rất quan trọng để hàn gắn những mối quan hệ giữa các cá nhân đã bị tổn hại, và cũng không thể thiếu để chữa lành những vết thương mới chớm nở trong môi trường gia đình, cộng đoàn.

Yếu tố thứ hai chúng ta có thể nắm bắt từ trình thuật là nỗi lo lắng của Mẹ Maria và thánh Giuse khi không tìm được Con. Nỗi lo lắng mà họ trải qua trong ba ngày Chúa Con mất tích cũng sẽ là nỗi lo lắng của chúng ta khi chúng ta xa Chúa Giêsu. Chúng ta có cảm thấy lo lắng khi quên Chúa Giêsu hơn ba ngày khi không cầu nguyện, không đọc Tin Mừng, không cảm thấy cần sự hiện diện và tình bạn an ủi của Ngài?

Thật khó cho Maria để hiểu hết ý nghĩa từng biến cố xảy ra trong đời của Con mà chóp đỉnh là mầu nhiệm thập giá. Trên đồi Canvê, Mẹ cảm nhận đó là kế hoạch của Thiên Chúa và Mẹ sẵn sàng cho điều đó; bởi lẽ, nó đã được chuẩn bị qua từng biến cố trước đó mà Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng. Không cần hiểu nhiều, nên Mẹ chẳng thắc mắc nhiều; trái lại, đón nhận, thuỷ chung và tìm mọi cách để hoàn thành nó. Mẹ biết, Mẹ có một vai trò trong đó, và chuẩn bị nó qua một đời sống nhiệm hiệp với Con dưới sự chỉ dạy của Thánh Thần.

Anh Chị em,

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”. Đó là cách ứng xử tuyệt vời, cao thượng của Mẹ trước các mầu nhiệm. Làm sao một phàm nhân có thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa? Vẫn có thể! Vì trong đức tin, Mẹ lần dò, tìm hiểu và tín thác tuyệt đối vào Chúa; hơn nữa, trong trái tim Mẹ không có chỗ cho cái tôi! Cũng thế, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết giá trị, mục đích và ý nghĩa đời mình trong chương trình của Chúa, trừ khi bạn và tôi có một đời sống cầu nguyện và chờ đợi như Mẹ; nghĩa là trung thành bước đi trên con đường Chúa vạch sẵn, dẫu nó là con đường không mấy rõ ràng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết kinh ngạc trước các biến cố Chúa cho xảy đến trong đời, nhất là những khi con mù tịt, dạy con không chỉ ‘cúi đầu’, nhưng còn biết ‘quỳ gối!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Đinh văn Tiến Hùng
23:12 07/06/2024
*Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội*

Phúc Âm: Lc 2, 41-51

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
“ Mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng”

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây, đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.


+ Lịch sử & Ý nghĩa

Lịch sử của ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm bắt nguồn từ niềm tin của Giáo Hội Công Giáo về mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mầu nhiệm này cho rằng Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, đã được Thiên Chúa gìn giữ khỏi tội nguyên tổ ngay từ khi thụ thai trong lòng mẹ.
Niềm tin này đã được thể hiện trong Giáo hội từ thời nguyên thủy. Các giáo phụ như Thánh Irênêô, Thánh Grêgôriô thành Nyssa và Thánh Athanasiô đã viết về mầu nhiệm này.

Từ thế kỷ thứ VIII, Giáo hội Đông Phương đã mừng lễ “Thánh Anna thụ thai, mẹ của Theotokos (Mẹ Thiên Chúa)” vào ngày 9 tháng 12 hàng năm. Lễ này dựa vào Ngụy Thư “Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê”.

Tại phương Tây, Và năm 1050, Đức Giáo Hoàng Léon IX huấn dụ các tín hữu mừng kính Đức Trinh nữ thụ thai như Giáo Hội Đông phương đã làm. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt đầu được cử hành vào thế kỷ XII. Năm 1476, Đức Giáo Hoàng Sixtô IV ban phép cho các giáo phận ở Tây Ban Nha cử hành lễ này.

Năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã định tín mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội thành tín điều của Giáo Hội Công Giáo. Thông điệp Ineffabilis Deus của Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố rằng:
“Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại.”

Từ đó, ngày 8 tháng 12 trở thành ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ quan trọng trong Giáo Hội Công Giáo. Đây là dịp để các tín hữu tôn kính Mẹ Maria, người đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu.

4 TÍN ĐIỀU VỀ Đức Mẹ :

-Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
-Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
-Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh
-Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Trong Kinh Cầu Đức Bà có nhiều câu ca ngợi sự Vô nhiễm của Đức Mẹ- Xin trích dẫn những câu sau :

-Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm
-Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành
-Đức Nữ cực khôn cực Ngoan
-Đức Nữ rất đáng kính chuộng
-Đức Nữ rất đáng ngợi khen
-Đức Nữ có tài có phép
-Đức Nữ có lòng khoan nhân
-Đức Nữ trung tín thật thà
-Đức Bà là gương nhân đức
-Đức Bà là tòa Đấng khôn goan
-Đức Bà làm cho chúng tôi vui mừng
………………
Vì những lời ca ngợi như trên đã xác nhận sự Vô nhiễm của Đức Mẹ

+ Mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội

Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một tín điều của Giáo Hội Công Giáo Rôma, được tuyên xưng bởi Giáo hoàng Piô IX vào ngày 8 tháng 12 năm 1854. Tín điều này dạy rằng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, ngay từ khi được thụ thai trong lòng mẹ, đã được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ.

Tín điều này được dựa trên một số nền tảng thần học và kinh nghiệm của Giáo hội. Về mặt thần học, tín điều này nhấn mạnh đến vai trò của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ của Đấng Cứu Thế, và vì vậy, Ngài phải được Thiên Chúa chuẩn bị đặc biệt để thực hiện sứ mệnh cao cả này.

Về mặt kinh nghiệm, tín điều này phản ánh niềm tin của các tín hữu Công Giáo về Đức Maria. Từ thời nguyên thủy, các tín hữu đã tin rằng Đức Maria là một người phụ nữ thánh thiện và vẹn tuyền. Tín điều này đã chính thức hóa niềm tin này của các tín hữu.

Nội dung của tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được trích dẫn trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo như sau:
Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội.

Tín điều này đã được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng là một tín điều phổ quát, có nghĩa là tất cả các tín hữu Công Giáo đều phải tin vào tín điều này.

Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có một ý nghĩa quan trọng đối với các tín hữu Công Giáo. Tín điều này nhắc nhở các tín hữu về vai trò của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đồng thời, tín điều này cũng là một nguồn an ủi và hy vọng cho các tín hữu, nhắc nhở họ rằng Đức Maria luôn ở bên cạnh họ và cầu nguyện cho họ.

Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành vào ngày 8 tháng 12 hàng năm. Đây là một ngày lễ trọng trong lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo.

Ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có thể được tóm tắt như sau:
• Nhấn mạnh vai trò của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ của Đấng Cứu Thế, và vì vậy, Ngài phải được Thiên Chúa chuẩn bị đặc biệt để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Đức Maria được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ là một dấu hiệu của ân sủng đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Mẹ.
• Thể hiện niềm tin của các tín hữu Công Giáo về Đức Maria. Từ thời nguyên thủy, các tín hữu Công Giáo đã tin rằng Đức Maria là một người phụ nữ thánh thiện và vẹn tuyền. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một dịp để các tín hữu Công Giáo thể hiện niềm tin này.
• Là một nguồn an ủi và hy vọng cho các tín hữu. Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc nhở các tín hữu rằng Đức Maria luôn ở bên cạnh họ và cầu nguyện cho họ.

Trong ngày lễ này, các tín hữu Công Giáo thường tham dự Thánh lễ, suy niệm về cuộc đời của Đức Maria, và cầu nguyện xin Đức Maria ban ơn cho họ.

Cầu nguyện

Con đến trước nhan Mẹ, một tâm hồn tội lỗi, nhưng con biết rằng Mẹ là Mẹ của lòng thương xót, là Đấng luôn lắng nghe và tha thứ cho những ai tin tưởng vào Mẹ.
Con xin Mẹ ban cho con ơn biết yêu mến và tôn kính Mẹ hơn nữa. Con muốn noi gương Mẹ, sống khiêm nhường, hiền lành và phó thác hoàn toàn trong tay Chúa.
Con xin Mẹ giúp con vượt qua những cám dỗ của cuộc sống, để con luôn sống trong ơn nghĩa của Chúa.
Con xin Mẹ cầu bầu cho con trước tòa Chúa, để con được ơn tha thứ tội lỗi, được ơn ơn cứu độ và được hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời.

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Mẹ. Xin Mẹ gìn giữ và che chở con trên mọi nẻo đường đời. Amen


 
Văn Hóa
Nọc Rắn
Lm Vũđình Tường
03:41 07/06/2024
Ba Muống là tên làng nước đặt cho hắn. Ba, vì nó thương con Ba Tém; Muống í chỉ nó không phải dân địa phương chính tông mà đến từ phía Bắc nước Việt. Chính Ba Muống cũng không rõ tên hắn. Hắn lưu lạc tứ phương trước khi định cư tại làng này. Hỏi đến tuổi hắn cũng ậm ờ, đoán chừng thế này, thế nọ. Cái tuổi ướm chừng hiện tại là 17, 18 hay 20 gì đó. Hắn định cư tại làng này bởi hắn thích con Tém. Cha mẹ Tém còn tư lự vì cái lai lịch nghe thì đơn giản, nhưng lại bao la, rộng rãi như biển khơi. Ba Muống mê con Tém như kén với tằm và con Tém thích hắn như gió vờn mây. Tém có tài câu cá, bắt cua. Xách cần câu ra khỏi nhà thế nào cũng có cá mang về. Đeo giỏ ra đi, lúc về là có bị cua.

Ba Muống thích phiêu lưu; nó xin phép cha mẹ cho đi theo người cậu học nghề mộc. Cậu nhận nuôi nó, hứa dậy nghề cho cháu. Tin lời cậu, cha mẹ đồng í. Làm đầu làng, cuối xóm ít lâu; hết việc. Hai cậu cháu đi tìm chân trời mới. Có đi mới biết cái làng cậu ở nghèo mạt. Ở làng khác người ta giầu sụ; nhà cao, cửa lớn. Có nhà còn bảnh lắm nhưng có tiền phá đi làm lại cho mới. Người thuê mướn, cậu nhận việc với điều kiện họ phải cung cấp nơi ăn, chốn ở không phải cho một mà cho cả hai cậu cháu. Cả hai đều không mảnh giấy tùy thân. Ở thời đó lính làng nào dám thắc mắc, hoạch hoẹ khi họ biết cả hai cậu cháu đang làm việc cho nhà ông chánh, ông lí, ông hương. Họ là người có thế giá, vai vế trong làng. Ai dám hạnh hoẹ đến con ăn, đầy tớ của họ là tự chuốc khổ vào thân. Cả làng đều tránh né đụng chạm đến ông lớn, tuy ngồi nhà nhưng tai mắt khắp đầu đường, xó chợ. Họ là thành phần không những có của, còn có thế, có lực. Hai cậu cháu cất nhà cho ông Đốc. Công việc đang xuôi chảy thì người cậu bị sét đánh té xụi đơ. Một hôm hai cậu cháu nâng cây cột cho mấu vào đầu xà. Đặt cây xà vừa xong, chưa kịp đóng chốt; trời đổ mưa. Cậu bảo đi trú mưa đã, chờ mưa xong sẽ chốt sau cũng không muộn. Ai ngờ, tiếng sét nổ sát sạt, điếc tai; độ rung của sét đánh bật cây cột đầu xà, nó rơi chấn ngang người khiến cậu té xỉu tại trận. Cháu thì tai ù, mắt loá vì ánh chớp.

Một mình cháu đảm trách, xốc vác công việc. Mấy thang thuốc vừa uống vừa đắp, tiền thì hết mà bệnh thì không. Dù cậu không ra công trường được, nhưng bao nhiêu kinh nghiệm cậu truyền lại cho cháu. Cuối cùng căn nhà hoàn tất. Ngày mừng tân gia, tiếng cháu nổi đình đám, ai cũng khen tay nghề của người thợ trẻ. Sau đó một ông đốc khác thuê hai cậu cháu đến làm căn nhà mới cho con trai ông sắp lập gia đình. Cậu muốn về quê nhưng ông đốc hứa thuốc thang, để hai cậu cháu bắt tay vào việc ngay. Suy đi, tính lại, vì sức khoẻ. Hơn nữa, đi lâu ngày về quê mà không có quà cho thì coi sao được. Tiền dành dụm cúng ông lang băm hết nhẵn. Vì lí do đó mà cậu đồng í ở lại; cháu làm, cậu dưỡng bệnh. Vùng đất lạ, khí hậu mới, phong thủy khác thường, nước uống không hợp; bệnh cậu ngày giảm, ngày tăng, khó lường. Ông đốc mời thầy lang quanh vùng bốc thuốc. Người nào cũng cho vài ba thang rồi lắc đầu; thua, đầu hàng. Cậu ốm nhom; da bệu như gốc tre già; mất trong đêm. Cháu không thể bỏ ông đốc; thứ nhất không nơi ăn, chốn ở, thứ hai không biết về đâu. Cháu làm ngày đêm cho quyên nỗi nhớ, mệt đến độ, lên giường lăn ra ngủ, sáng hôm sau lại bắt tay vào việc. Cái chết của cậu chôn gốc rễ, quê hương cháu.

Mê con Tém, Muống lén theo Tém đi câu. Luồn gốc cây bị rắn cắn. Muống hãnh diện, giơ cao con rắn khoe. Tém hoảng hồn, hết vía, ra lệnh: phải về ngay chữa nọc rắn. Muống đáp: Rắn chết rồi, nọc gì nữa. Tém than trời. Khờ khạo quá Muống ơi là Muống. Rắn chết chứ nọc nó có chết đâu. Nếu không trị, sẽ chết vì nọc rắn. Muống dơ tay đập ngực thình thịch đáp: Muống còn mạnh lắm mà, trong người thấy có sao đâu. Tém đáp: Ừ, chút nữa thì biết. Con hổ chì đó mà cắn không cứu lẹ là bỏ mạng đó. Còn đứng đó nữa, theo tui về nhà, tui van lậy cha tui trị nọc cho. Nghe nói đến gặp cha Tém, Muống vừa lo, vừa mừng; theo chân người tình nhỏ. Đi hơn nửa đường Muống thấy mệt; gắng gượng thêm một đoạn nữa, nó hết sức, mắt hoa, mồ hôi vã ra, người thấy lạnh, mặc dù trời nắng chang chang. Muống đi không vững, té xụi bờ mương. Tém phóng đến quàng vai Muống lôi đi. Muống ngọng cứng lưỡi. Nhờ thuốc chữa nọc rắn thần tài nên Muống tránh lưỡi hái tử thần. Mấy ngày đầu, Muống ngủ li bì. Mười ngày vẫn chưa bình phục, lại sức.

Bị đau Muống ráng chịu, không rên la. Cha Tém để í thấy Muống khiêm nhường, thật thà, biết người trên, kẻ dưới, đàng hoàng, siêng năng chăm chỉ, làm việc gọn gàng, cuộc sống đơn giản, nếp lang trật tự, ông đổi í, cho Tém làm bạn với Muống. Trước kia ông đòi phải có người lớn mang trầu cau tới nói chuyện, bây giờ ông bỏ qua, không chấp nhất đến yêu cầu đó nữa bởi ông biết nó một thân, một mình, sống côi cút, đòi người lớn nói chuyện, nó kiếm đâu ra.

Sau lần sống sót, Muống ngộ ra ít điều. Thứ nhất, nọc độc có thể sống độc lập khỏi con vật tạo ra nó. Nọc kiến, nọc ong, bọ cạp, rắn, khi chích vào người nó hành cho phải biết. Con vật chết nhưng nọc nó sống. Thứ hai, nọc độc sống lâu hơn con vật tạo ra nó. Thứ ba, nọc càng độc sống càng lâu. Bị kiến cắn nhức vài ba giờ; ong chích, tuỳ loại, nhức ít giờ hay vài ngày. Bồ cạp chích thì khỏi nói, có thể gây sốt rét. Thứ tư, nọc độc sống nhờ vào sự sống của sinh vật nọc độc bám vào.

Muống chưa nhập đạo, nhưng siêng đi nhà thờ với gia đình Tém. Một hôm, Muống nghe đọc sách đoạn ma quỉ núp dưới hình con rắn dụ dỗ ông bà Adong Evà ăn trái cấm. Muống hiểu rõ hơn ai hết. Kinh nghiệm bản thân. Trước khi bị rắn cắn, Muống cứ nghĩ giết chết con rắn là xong; đâu ngờ rắn chết, nọc nó không chết. Nếu không có Tém dìu về nhà kịp thời Muống đã chết mất thây nơi cánh đồng. Nếu cha Tém không ra tay, tận tình chữa trị, Muống đã chết vì nọc rắn. Vì thế Muống rất thích câu chuyện trong sách Sáng Thế Kí. Ma quỉ cũng có nọc độc và nọc của nó độc ác hơn tất cả các loại độc trên trần gian vì thế bị nọc độc ma quỉ hành, tâm thần người đó rối loạn; hành động bất chính; ăn nói gian tà, sống thác loạn.

Suốt tuần đó, Muống nghiền ngẫm câu chuyện thần kì. Ma quỉ dưới dạng con rắn dụ dỗ người ta ăn nọc của nó. Nọc rắn trong Kinh Thánh còn đáng sợ hơn nọc rắn hổ chì. Cái nọc rắn do ma quỷ truyền đạt là loại nọc chuyên nghề dối trá, lừa phỉnh chính mình, trước khi lừa phỉnh người khác và cuối cùng tin chính điều mình lừa phỉnh. Muống biết Satan dùng hình ảnh con rắn để dụ dỗ người ta, và Muống tin cái nọc độc Satan sống mãi trong tim người. Đức Kitô đánh bại ma quỉ, nhưng không tiêu diệt nọc độc của nó. Nọc độc Satan sống, ẩn nấp sâu trong tim con người.

Nọc độc ma qủi đặt trụ sở chính trong tim người. Vì thế nơi đâu có mặt con người, nơi đó nọc độc ma quỉ ẩn hiện. Trụ sở trong tim người, nhưng nọc độc ma quỉ lại lưu hành trong dân gian, bởi con người luôn di chuyển. Nọc ma quỉ lưu hành trong dân gian, mà dân gian thì bao la nên khó nhận ra nọc độc chúng mà chỉ nhận ra qua sinh hoạt của con người. Nọc độc ma quỉ có độ truyền nhiễm cao nên dễ dàng lây bệnh. Thời covid người ta khuyên siêng rửa tay, đeo khẩu trang, tránh nơi đô hội, tụ họp đông người. Nọc độc ma quỷ lây qua mắt nhìn hình ảnh xấu, đọc sách báo tồi. Nọc độc ma quỉ lây qua miệng, kháo chuyện thiên hạ, dùng từ tục tĩu. Nọc độc ma quỉ lây qua tâm hồn lười biếng cầu nguyện. Tránh những cơ hội đó là tránh nọc độc ma quỉ.

Một khi nhiễm nọc độc của nó thì cần đến thần dược. Thuốc Đức Kitô ban chính là Lời Ngài và Mình và Máu Cực Thánh.

'Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy' Lc 22:19;

'Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội' Mt 26:28.


Đón nhận Lời Chúa họ trở thành con cái Thiên Chúa.

'Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại' Lc 20:27

Đón nhận Lời Ngài là đón nhận bí tích Thánh Thể. Đón nhận nguồn sống thật. Đón nhận sức mạnh tâm linh. Đón nhận nguồn sinh lực chống lại nọc độc satan. Đón nhận nguồn sống trường sinh.

TiengChuong.org
 
VietCatholic TV
Thêm cú nữa: Kyiv đánh chìm chiến hạm Nga. Putin thề độc. Cựu TTMT Moldova gián điệp cho Nga, bị bắt
VietCatholic Media
05:10 07/06/2024


1. Thuyền điều khiển từ xa cảm tử thổi bay tàu kéo của Nga sau khi né tránh lực lượng phòng thủ hải quân của Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kamikaze Drones Blow Up Russian Tug after Dodging Crimea's Naval Defenses”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 07 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine đã công bố một đoạn video được cho là ghi lại khoảnh khắc lực lượng Kyiv phá hủy một tàu kéo của Nga gần Crimea bằng cách sử dụng thuyền điều khiển từ xa.

“Tấn công trên biển. Tất cả đều trúng mục tiêu. Bớt đi một chiến hạm nữa của quân xâm lược”, phát ngôn nhân Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là HUR, Andriy Yusov cho biết trong một buổi phát sóng quốc gia.

HUR cho biết một trong các đơn vị của họ đã tấn công và phá hủy thành công một tàu kéo “Saturn” của Nga.

Kyiv đã tấn công vào Hạm đội Hắc Hải của Nga trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước này của nhà độc tài Vladimir Putin, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Ukraine đã tuyên bố sẽ đảo ngược việc sáp nhập Crimea của nhà lãnh đạo Nga vào năm 2014, nơi hiện đóng vai trò là trung tâm hậu cần trung tâm của Mạc Tư Khoa cho các lực lượng của họ ở miền nam Ukraine.

Đại Úy Yusov cho biết: “Hôm qua Thứ Năm, 06 Tháng Sáu, một đơn vị đặc biệt của phòng 9 Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine đã tấn công thành công tàu kéo Saturn hay Sao Thổ thuộc Dự án 498 Protey của Nga ở ngoài khơi Crimea bị tạm xâm lược”.

“Một con tàu khác của quân xâm lược Nga đã bị phá hủy”, ông nói thêm. “Thiệt hại hỏa lực tàn khốc xảy ra sau khi chúng ta đã đột phá thành công hàng rào phòng thủ của Nga ở Hắc Hải.”

Đoạn phim HUR được Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ trên X, trước đây gọi là Twitter, trong đó viết: “Máy bay điều khiển từ xa trên biển đang săn lùng – Tàu kéo Sao Thổ đã chìm dưới đáy Hắc Hải”.

Ukraine đã nhiều lần sử dụng máy bay điều khiển từ xa tấn công hàng hải để tấn công các tàu Nga ở Crimea.

Trước đây, các thuyền điều khiển từ xa đều là thuyền điều khiển từ xa cảm tử, lao thẳng vào đối phương và phát nổ. Ngày nay, quân đội Kyiv đã tái sử dụng một số thuyền điều khiển từ xa của mình khi trang bị hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, phóng hỏa tiễn xong là bỏ chạy.

Đại Úy Yusov cho biết: “Điều thú vị hơn nữa là ngoài việc phá hủy tàu kéo trong cuộc tấn công này là thuyền điều khiển từ xa cảm tử của hải quân đã thành công khi vượt qua hàng rào biển ở lối vào cảng”.

“Tôi thậm chí còn cho rằng mục tiêu chính của cuộc tấn công có thể là kiểm tra khả năng của thuyền điều khiển từ xa cảm tử trong việc vượt qua những rào cản như vậy. Để chuẩn bị cho các hoạt động phức tạp và quy mô lớn hơn,” ông nói.

Nga đã buộc phải di dời nhiều tàu chiến của mình khỏi Crimea đến căn cứ Novorossiysk ở vùng Krasnodar của Nga do các cuộc tấn công đang diễn ra của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhận định sau cuộc tấn công của Ukraine vào thành phố cảng Sevastopol của Crimea hồi Tháng Tư rằng: “Việc Putin tiếp tục xâm lược bất hợp pháp ở Ukraine đang gây ra tổn thất lớn cho Hạm đội Hắc Hải của Nga, là lực lượng về mặt chức năng hiện không hoạt động gì cả”.

2. Truyền hình Nhà nước Nga tuyên bố Thế chiến III đã bắt đầu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “World War III Has Already Begun, Claims Russian State TV”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một đồng minh của Putin đã phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng Thế chiến III đang diễn ra.

Vladimir Solovyov, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước và là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, đã đưa ra nhận xét trên kênh Russia-1. Một đoạn trích của chương trình phát sóng đã được chia sẻ trên X, trước đây gọi là Twitter, bởi Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine. “Nga không có ý định đàm phán hay hòa bình thực sự. Thật là khát máu”, Gerashchenko viết hôm thứ Ba.

Các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh thường xuyên cảnh báo về một cuộc chiến tranh thế giới sắp xảy ra. Mối quan hệ giữa Washington và Mạc Tư Khoa ngày càng trở nên căng thẳng sau quyết định của Putin tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Các quan chức Nga và khách mời trên truyền hình nhà nước thường xuyên kêu gọi tấn công vào đất Mỹ và phương Tây vì viện trợ và vũ khí do chính quyền Tổng thống Joe Biden và các thành viên NATO khác cung cấp cho Kyiv.

Nhà tuyên truyền tiếp tục những luận điệu này trong bài phát biểu mới nhất chống lại phương Tây trong tuần này. Ông kêu gọi tấn công vào các mục tiêu quân sự ở các quốc gia NATO nhằm đáp trả các quyết định gần đây của một số quốc gia thành viên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được tài trợ để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

“Ngoài ra, vì chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ đã được đặt ra và đang diễn ra nên không có kế hoạch B; Sự hủy diệt của Nga có nghĩa là chúng ta phải tạo mọi điều kiện để gây ra thiệt hại to lớn về nhân lực và trang thiết bị của quân NATO đóng quân ở bất kỳ đâu trên thế giới”, Solovyov nói.

Ông nói thêm: “Điều này có nghĩa là chúng ta phải hỗ trợ tất cả các phong trào ủy quyền, cung cấp cho họ mọi thứ họ cần, bất kể họ ở đâu trên thế giới”.

Solovyov nói: Nga phải “gây ra rất nhiều rắc rối cho những quốc gia này đến mức họ ít quan tâm và có ít thời gian nhất để tấn công chúng ta”.

Ông nói thêm: “Các nhà máy và kho quân sự trên toàn lãnh thổ NATO sẽ bị cho nổ tung nếu chúng sản xuất và chứa các thiết bị được thiết kế để tấn công Nga”. “Bạn muốn Thế chiến thứ ba hả? Bạn đã ở trong đó rồi!”

Tuần trước, Putin nói rằng các nước NATO, “đặc biệt là các nước có trụ sở ở Âu Châu, đặc biệt là ở các nước Âu Châu nhỏ, nên nhận thức đầy đủ về những gì đang bị đe dọa” bằng cách cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.

“Họ nên nhớ rằng nước của họ là những quốc gia nhỏ và đông dân, đây là yếu tố cần cân nhắc trước khi họ bắt đầu bàn về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga”, Putin nói thêm. “Sự leo thang liên tục này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.”

Nhà lãnh đạo Nga nói: “Đây là một bước nữa hướng tới một cuộc xung đột nghiêm trọng ở Âu Châu, hướng tới một cuộc xung đột toàn cầu”.

3. Phát hiện cay đắng: Cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Moldova đã tiết lộ thông tin tình báo cho Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Moldova strips general of rank and medals over Russian spying allegations”, nghĩa là “Moldova tước quân hàm và tất cả huy chương của một vị tướng bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Một cựu Tổng Tham Mưu Trưởng của Moldova bị buộc tội phản bội đất nước bằng cách chuyển thông tin nhạy cảm về hệ thống phòng thủ của quốc gia Đông Âu này cho cơ quan tình báo Nga.

Igor Gorgan, người từng giữ chức tổng tham mưu trưởng Moldova cho đến khi bị Tổng thống thân Liên Hiệp Âu Châu Maia Sandu bãi nhiệm vào năm 2021, bị cáo buộc đã đưa ra những hiểu biết bí mật về vũ khí được sử dụng bởi các lực lượng vũ trang Moldova cũng như về các đường tiếp tế cho Ukraine thông qua Moldova.

Trong một bài báo được công bố hôm thứ Tư, cơ quan điều tra độc lập của Nga tờ The Insider đã công bố một loạt tin nhắn Telegram được cho là giữa Gorgan và những người phụ trách của ông ta trong cơ quan tình báo quân sự của Mạc Tư Khoa, gọi tắt là GRU, kể từ ít nhất là vào tháng 4 năm 2022. Insider cho biết các tin nhắn bị rò rỉ từ một nguồn ẩn danh.

Gorgan học tại một trường quân sự ở Nga trước khi Liên Xô sụp đổ, nhưng cũng đã được đào tạo ở Hoa Kỳ và tham gia các nhiệm vụ của NATO ở Bosnia, Georgia và Iraq. Kể từ khi rời quân đội, Gorgan đã làm việc cho UNHCR, cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Ông đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Đáp lại những cáo buộc, trong một tuyên bố được chia sẻ với POLITICO, chánh văn phòng của Sandu, Adrian Balutel, cho biết “những tội ác chống lại nhà nước như vậy phải bị trừng phạt theo cách khắc nghiệt nhất vì tội phản quốc” và tuyên bố rằng các huy chương quân sự và cấp bậc danh dự của Gorgan “sẽ bị thu hồi”.

Giống như Ukraine, Nga đã tìm cách giữ Moldova trong phạm vi ảnh hưởng của mình, đồng thời tìm cách thiết lập mối quan hệ lớn hơn với phần còn lại của Âu Châu. Điện Cẩm Linh đã đáp trả bằng cách phát động kiểu chiến tranh hỗn hợp mà họ tiến hành chống lại Kyiv từ năm 2014 cho đến khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Nga chiếm vùng Transnistria của Moldova, chạy dọc biên giới với Ukraine và có 1500 lính Nga đóng quân ở đó bất chấp lời kêu gọi của chính phủ Moldova yêu cầu họ rời đi.

Moldova và các đồng minh phương Tây trong những tháng gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn cho đất nước, với các báo cáo cho rằng Điện Cẩm Linh đang tích cực tìm cách lật đổ chính phủ dân cử và kích động sự bất bình thông qua các ủy ban địa phương.

Liên Hiệp Âu Châu, năm ngoái đã mở các cuộc đàm phán gia nhập Moldova, đã triển khai một phái đoàn dân sự tới nước này để giúp chống lại các mối đe dọa lai từ Nga. Nước này cũng đã đạt được một loạt thỏa thuận quốc phòng với các nước phương Tây, bao gồm cả Pháp, để tăng cường khả năng phục hồi.

Balutel nói: “Những kẻ phạm tội nội bộ như vậy góp phần tạo ra các mối đe dọa hỗn hợp chống lại nhà nước Cộng hòa Moldova”. “Đây chính xác là lý do tại sao chúng ta cần những công cụ hiệu quả hơn để chống lại hành vi phản quốc.”

Igor Gorgan sinh ngày 2 tháng 8 năm 1969 tại Dubăsari thuộc miền Transnistria. Năm 18 tuổi, ông gia nhập Quân đội Liên Xô, ngay lập tức theo học Trường Quân sự Cao cấp Liên hợp ở Novosibirsk cho đến năm 1991.

Sau khi tốt nghiệp, ông lập tức đảm nhận một vị trí trong một sư đoàn Dù ở Bolgrad, Ukraine. Từ năm 1992 đến năm 1995, ông là chỉ huy đại đội cận vệ thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 2 của Moldova. Từ năm 2001 đến năm 2002, ông là sinh viên trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Lục quân Hoa Kỳ tại Fort Leavenworth.

Bắt đầu từ năm 2003, ông tham gia các sứ mệnh quốc tế do NATO lãnh đạo ở Bosnia và Herzegovina, Georgia và Iraq. Sau khi trở lại Moldova vào năm 2006, ông trở thành quan chức của ban giám đốc đào tạo Bộ Tổng Tham Mưu Moldova.

Năm 2013, ông được Tổng thống Timofti bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Moldova. Nhưng bị sa thải 2 năm sau đó.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 2019, vài ngày sau cuộc khủng hoảng hiến pháp quốc gia và việc bổ nhiệm Nội các Sandu, ông lại được Tổng thống Igor Dodon bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng.

Tổng thống thân phương Tây Maia Sandu lên nhậm chức vào ngày 24 Tháng Mười Hai, 2020. Một trong những quyết định đầu tiên của cô là cách chức Tổng Tham Mưu Trưởng của Igor Gorgan mà không đưa ra lý do cụ thể nào. Các phương tiện truyền thông Moldova thân Nga cáo buộc Maia Sandu đã hành động theo linh tính của người phụ nữ. Nếu đúng như thế, linh tính của người phụ nữ đã rất đúng trong trường hợp này.

Theo các phương tiện truyền thông Nga, Igor Gorgan đã được GRU của Nga tuyển dụng và làm người cung cấp thông tin bắt đầu từ năm 2004 cho đến ngày nay. Mặc dù ông không chính thức làm việc cho Bộ Quốc phòng Moldova nữa nhưng ông có rất nhiều sĩ quan cấp dưới và đã làm việc rất tích cực cho Nga sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

4. Ukraine đã sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, nguồn tin nói với AP

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine has used US weapons to hit targets inside Russia, source tells AP”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Hãng thông tấn AP ngày 5 Tháng Sáu đưa tin lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, đây là xác nhận đầu tiên như vậy kể từ khi Tòa Bạch Ốc dỡ bỏ một phần lệnh cấm đối với những hành động như vậy vào tuần trước.

Dẫn lời một quan chức phương Tây ẩn danh, AP cho biết vụ tấn công đã xảy ra trong “những ngày gần đây” nhưng không cung cấp thêm thông tin.

Washington đã cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu ở Nga qua biên giới từ cả hai tỉnh Kharkiv và Sumy, các quan chức Mỹ và Ukraine xác nhận hôm 31 Tháng Năm.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, Ukraine đã tấn công các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga ở Belgorod “có thể bằng HIMARS vào ngày 1 và 2 Tháng Sáu”.

“Các hệ thống phòng không S-300 và S-400 được bố trí cách tiền tuyến hiện tại khoảng 60 km ở phía bắc tỉnh Kharkiv và cách Thành phố Kharkiv hơn 80 km, nằm trong tầm bắn của HIMARS nhưng vượt xa tầm bắn của các hệ thống hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt khác mà lực lượng Ukraine sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Belgorod,” ISW cho biết thêm.

Các quan chức Ukraine chưa bình luận về cuộc tấn công.

Theo các blogger quân sự Nga, từ hôm 31 Tháng Năm cho đến nay, các vụ phóng HIMARS vào tỉnh Belgorod của Nga, đã xóa sổ toàn bộ hệ thống phòng không S-400 của Nga, các hệ thống radar tối tân, hàng chục xe thiết giáp chở quân, và xe tăng cùng một số sĩ quan và binh lính Nga.

Đáp lại, thư ký báo chí của Putin, Dmitry Peskov, lần đầu tiên đã gọi Hoa Kỳ là “kẻ thù” trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư, 05 Tháng Sáu.

Agentstvo, một trang điều tra độc lập của Nga, cho biết cả Peskov và Tổng thống Nga đều chưa từng gọi Mỹ hay các quốc gia khác là kẻ thù, nhưng dùng một từ khác là các quốc gia “không thân thiện” đối với Nga.

Các blogger quân sự Nga cho rằng phản ứng của Điện Cẩm Linh còn yếu quá trước các cuộc tấn công táo bạo của quân Ukraine.

5. Kyiv báo cáo Nga mất hơn 100 đơn vị 'thiết bị đặc biệt' trong 8 ngày

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Lost Over 100 Units of 'Special Equipment' in Eight Days: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Kyiv, quân đội Nga chiến đấu ở Ukraine đã mất hơn 100 “thiết bị đặc biệt” trong các cuộc giao tranh ở khu vực phía đông Donetsk.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 06 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 5 tháng 6, lực lượng Nga đã mất 101 đơn vị “thiết bị đặc biệt”.

Các chuyên gia cho biết, thuật ngữ “thiết bị đặc biệt” mà Ukraine thường đề cập đến trong các báo cáo về tình hình chiến sự, bao gồm các hệ thống tác chiến điện tử và radar của Nga, cũng như các thiết bị kỹ thuật như phương tiện rà phá bom mìn. Nó cũng bao gồm các phương tiện hỗ trợ và bảo trì của Nga cần thiết để duy trì hoạt động của các tài sản khác, như xe tăng và xe thiết giáp.

Các lực lượng vũ trang của Kyiv đã báo cáo tổn thất cao của Nga, bao gồm cả thương vong, xe thiết giáp và pháo binh, trong suốt tháng 5 khi Mạc Tư Khoa tiến dọc theo một số điểm của tiền tuyến xuyên qua miền đông Ukraine.

Thiết bị đặc biệt, tuy ít hào nhoáng hơn xe tăng hoặc máy bay, nhưng vẫn giữ cho quân đội Nga hoạt động ở phía sau tiền tuyến, giúp họ có thể duy trì các cuộc tấn công đồng thời mà Mạc Tư Khoa đã phát động.

Việc loại bỏ các hệ thống tác chiến điện tử, radar, phương tiện hậu cần và bảo trì của Điện Cẩm Linh sẽ giúp làm suy yếu các lực lượng tiền tuyến của Mạc Tư Khoa trên khắp hàng trăm dặm giao tranh.

“Lực lượng Ukraine săn lùng những thiết bị như vậy”, Serhiy Hrabsky, cựu đại tá Ukraine, trước đây nói với Newsweek. Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, cho biết thêm: Mặc dù loại tổn thất này không xuất hiện riêng lẻ trong số liệu cập nhật hàng ngày của Ukraine, nhưng nó vẫn cần được tính đến.

Theo lực lượng vũ trang Ukraine, tổng cộng, Nga đã mất 2.223 thiết bị đặc biệt kể từ tháng 2 năm 2022.

Nga phát động cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine từ ngày 10 Tháng Năm, mở ra mặt trận mới cho cuộc chiến. Tuy nhiên, Ukraine cho biết giao tranh ở khu vực phía đông Donetsk của Ukraine đã bùng phát hoặc gia tăng sau khi bắt đầu các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kharkiv.

Các quan chức Kyiv cho biết Mạc Tư Khoa hy vọng có thể sử dụng quá mức các nguồn lực khan hiếm của Ukraine bằng cách rút quân và thiết bị khỏi Donetsk để phản ứng trước các mối đe dọa từ phía bắc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Ba: “Phần lớn các trận chiến và các cuộc tấn công nặng nề nhất đang diễn ra ở khu vực Donetsk”.

Cuối ngày thứ Ba, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng Nga đã tiến hành bốn cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine xung quanh thị trấn Vovchansk – cách biên giới với Nga khoảng ba dặm – trong ngày qua. “Tất cả các cuộc tấn công của đối phương đều không thành công”, quân đội cho biết trong một tuyên bố.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết thêm, Nga đã tấn công “mạnh mẽ” ở phía đông thành phố Pokrovsk của Donetsk, với sự chú ý của Nga tập trung vào làng Ocheretyne, ở phía tây bắc thành phố Avdiivka do Mạc Tư Khoa kiểm soát. Ông cho biết tình hình rất phức tạp.

Bộ Quốc phòng Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba cho biết lực lượng của họ đã “cải thiện” các vị trí xung quanh một số thị trấn, bao gồm Sokil, phía tây nam Ocheretyne và Karlivka, phía tây Avdiivka.

6. Putin thề ăn miếng trả miếng trang bị vũ khí cho các đồng minh của mình để đáp lại vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine

Tờ Kyiv Post cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin promises quid-pro-quo arming of his allies over Western weapons supplied to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Trong một cuộc gặp gỡ hiếm hoi với các nhà báo phương Tây, nhà độc tài Nga Vladimir Putin đã đe dọa trang bị vũ khí cho những quốc gia có thiện cảm với Điện Cẩm Linh và đang trong khoảng cách tấn công các mục tiêu ở phương Tây, để trả đũa việc các đồng minh của Ukraine cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Kyiv.

“Nếu ai đó cho rằng có thể cung cấp vũ khí như vậy cho vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây rắc rối cho chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền cung cấp vũ khí cùng loại cho các khu vực trên thế giới nơi sẽ xảy ra các cuộc tấn công vào các cơ sở nhạy cảm của các nước phương Tây đó?” Putin hỏi.

Sau đó, ông ta đe dọa sẽ cung cấp một lượng hỏa tiễn còn nhiều hơn con số các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine. Ông ta nói:

“Có nghĩa là, phản ứng có thể bất đối xứng. Chúng tôi sẽ suy nghĩ về điều đó.”

Không rõ ông ta đang đề cập đến quốc gia nào, ai là người nhận số vũ khí do Nga cung cấp, và quốc gia nào sẽ là mục tiêu. Nhưng ông ta đã đề cập đến Đức, khi nói rằng khi những chiếc xe tăng đầu tiên do Đức cung cấp “xuất hiện trên đất Ukraine, nó đã gây ra một cú sốc về đạo đức ở Nga,” ông nói, gợi nhớ đến Thế chiến thứ hai, sau khi Đức Quốc xã xâm chiếm Ba Lan vào năm 1939.

Một phóng viên AFP hỏi Putin rằng liệu Nga có tham vọng đế quốc ở Ukraine và những nơi khác hay không, đồng thời chỉ ra những lá cờ của đế quốc Liên Xô và Nga tại trụ sở của nhà sản xuất năng lượng lớn nhất đất nước, Gazprom, tại ở thành phố St. Petersburg nơi nhà độc tài ngồi phỏng vấn.

“Không cần thiết phải tìm kiếm những tham vọng đế quốc của chúng tôi. Không có gì cả”, Putin hằn học trả lời. “Không cần phải tìm kiếm thứ gì đó không có ở đó. Đừng dựng lên hình ảnh Nga là đối phương”.

“Họ nảy ra ý tưởng rằng Nga muốn tấn công NATO. Bạn đã bị mất trí à? Não của bạn có dày bằng hai tấm ván ngắn không? Ai đã tạo ra điều này? Thật là vô nghĩa, thật là ngớ ngẩn”, Putin nói một cách gắt gỏng.

Đáp lại các tuyên bố của Putin, Mykhailo Podolyak, cho biết “Cần gì phải gắt lên với các ký giả. Nếu muốn chứng minh Nga không có những tham vọng đế quốc, Putin chỉ cần rút quân khỏi các lãnh thổ của Ukraine, trả lại cho Ukraine các miền đất bị Nga tạm chiếm.”

Tưởng cũng nên nhắc lại là trước cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai, 2022, Putin luôn miệng bảo đảm sẽ không tấn công Ukraine. Cho nên, ít ai tin Nga không muốn tấn công các quốc gia trong vùng Baltic và Ba Lan. Các tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev luôn đe dọa tấn công các nước này.

7. Quan chức Nga tung hứng ý tưởng tấn công hạt nhân vào một mục tiêu NATO mới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Official Floats New NATO Target for Nuclear Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mạc Tư Khoa nên thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào trung tâm Âu Châu để làm tê liệt các cơ sở năng lượng của lục địa này, một chính trị gia Nga nói với cơ quan truyền thông tuyên truyền của Điện Cẩm Linh.

Andrey Gurulyov, một nhà lập pháp của Hạ Viện Nga, thường được gọi là Duma quốc gia, và là cựu phó tư lệnh Quân khu phía Nam của Nga, đã đưa ra nhận xét này khi xuất hiện trên chương trình Russia 1, “Buổi tối với Vladimir Solovyov”.

Các khách mời trong chương trình, bao gồm cả Gurulyov, thường xuyên đưa ra những lời đe dọa chống lại phương Tây và kêu gọi tấn công vào các quốc gia ủng hộ Ukraine.

Gurulyov quay lại chủ đề này, nói rằng ông đã phát hiện ra 50 đến 60% nguồn cung cấp hydrocarbon của Âu Châu nằm ở Hòa Lan. Không rõ ông đang trích dẫn những con số nào và không nêu tên cụ thể thành phố nào nhưng Rotterdam là cửa ngõ hydrocarbon mà 13% tổng năng lượng ở Âu Châu đi qua.

Gurulyov nói: “Bờ biển đó được quân đội gọi là 'mục tiêu béo'. “Có một danh mục các mục tiêu hiện có phải không? Đúng thế. Chúng tôi biết rất rõ cách gây ra thiệt hại nghiêm trọng và khiến nó phải quỳ gối - trên thực tế, việc này có thể được thực hiện trong một ngày với mức sử dụng tối thiểu kho vũ khí hạt nhân của chúng ta.”

Người dẫn chương trình đã yêu cầu Gurulyov làm rõ liệu ông có muốn nói đến một cuộc tấn công hạt nhân hay không. Nhà lập pháp trả lời: “Chắc chắn rồi. Tôi nghĩ chúng ta cần thể hiện sự quyết đoán của mình—có gì phải sợ?”

Bên cạnh đoạn clip thảo luận, tài khoản X WarTranslat viết: “Một thành viên của cái gọi là quốc hội Nga, Andrey Gurulyov, nổi tiếng với hành vi quái đản, đã đề xuất tấn công Hòa Lan bằng vũ khí hạt nhân nhằm đưa Âu Châu vào tình thế phải quỳ trên đầu gối.”

Gurulyov đã nhiều lần coi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây. Năm 2022, ông cảnh báo về một cuộc xung đột “quy mô lớn” với NATO và vào tháng 12 năm 2023, ông nói rằng cuộc chiến của Putin sẽ vươn “xa hơn” Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Putin, Mạc Tư Khoa đã liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù Mỹ đánh giá mối đe dọa Nga sử dụng vũ khí phi thông thường ở thời điểm hiện tại là thấp nhưng điều này không ngăn được Putin gửi đi những thông điệp trái chiều về ý định của mình.

Tháng trước, Tổng thống Nga đã ra lệnh cho quân đội của mình thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật vì những gì ông cho là mối đe dọa từ Pháp, Anh và Mỹ.

Đại sứ Nga tại Đan Mạch, Vladimir Barbin, đã cảnh báo không nên đánh giá thấp mối đe dọa chiến tranh hạt nhân sau khi thành viên NATO này cam kết cung cấp 19 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine vào mùa hè này.

8. Pháp nâng mức báo động lên cao nhất sau vụ nổ gần phi trường Charles de Gaulle

Pháp đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic ở Paris từ ngày 26 Tháng Bẩy đến ngày 11 Tháng Tám.

Mới tuần trước, cơ quan an ninh Pháp đã phá vỡ một âm mưu tấn công “lấy cảm hứng từ chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo” được lên kế hoạch trong Thế vận hội Olympic mùa hè này.

Cơ quan tình báo nội địa nước này đã bắt giữ Rokhman B., 18 tuổi, bị tình nghi tổ chức vụ tấn công một trận túc cầu ở Lyon.

Người nhập cư Chechnya đến Pháp được cho là đã muốn phá vỡ các trận đấu được lên kế hoạch ở Saint-Étienne, một thành phố ở phía đông đất nước, và “chết như một kẻ tử vì đạo” bằng cách giết khán giả hoặc các viên chức cảnh sát.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết anh ta đã bị giam giữ vì “tích cực chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào sân vận động Geoffroy Guichard ở Saint-Etienne trong thời gian các trận túc cầu diễn ra ở đó”.

Một nguồn tin điều tra cho biết: “Cuộc tấn công đầu tiên của hắn đã bị thất bại.

“Anh ta hiện đang bị giam giữ và có liên quan đến các nhóm Hồi giáo.”

Trong một diễn biến mới nhất, một kẻ tình nghi khủng bố người Nga gốc Ukraine đã bị bắt ở Paris sau khi gây ra vụ nổ ở gần một phi trường lớn nhất thành phố.

Vụ nổ tại một khách sạn gần phi trường Charles de Gaulle đã dẫn đến việc bắt giữ thanh niên 26 tuổi đến từ vùng Donbas bị chiến tranh tàn phá của Ukraine.

Vụ nổ xảy ra tại một khách sạn ở phi trường vào chiều thứ Hai 03 Tháng Sáu, chỉ hai ngày trước khi các nhà lãnh đạo thế giới - bao gồm cả Tổng thống Joe Biden - bay tới thủ đô của Pháp để kịp kỷ niệm 80 năm D-Day.

Khách sạn ở Roissy-en-France, ngay bên cạnh phi trường lớn nhất Paris, đã được di tản và đóng cửa sau vụ tấn công.

9. Pháp cung cấp cho Ukraine hơn 700 triệu Mỹ Kim hỗ trợ cơ sở hạ tầng quan trọng

Pháp sẽ cung cấp cho Ukraine các khoản vay và viện trợ trị giá hơn 700 triệu Mỹ Kim để củng cố cơ sở hạ tầng quan trọng mà lực lượng Nga nhắm đến, tờ 20 Minutes của Pháp đưa tin hôm Thứ Năm, 06 Tháng Sáu.

Ukraine và Pháp dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận vào ngày 7 Tháng Sáu, nhân chuyến thăm Paris của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Phần đầu tiên của thỏa thuận được cho là sẽ phân bổ 400 triệu euro, tức là khoảng 435 triệu Mỹ Kim, cho các khoản vay và 50 triệu euro hay 54 triệu Mỹ Kim tài trợ cho Cơ quan Phát triển Pháp, để “mở rộng hoạt động tại Ukraine” cho đến năm 2027.

Phần thứ hai dành 200 triệu euro hay 217 triệu Mỹ Kim cho quỹ hỗ trợ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các lĩnh vực tài trợ ưu tiên là cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của Ukraine, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công nặng nề của Nga vào năm 2024.

Zelenskiy và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung vào ngày 7 Tháng Sáu để công bố gói viện trợ cùng các thỏa thuận khác.

Quyết định về việc có cử huấn luyện viên quân sự Pháp sang hoạt động tại Ukraine hay không cũng có thể được công bố chính thức trong chuyến thăm, mặc dù, Điện Cẩm Linh hôm Thứ Tư, 05 Tháng Sáu, tuyên bố rằng quân Pháp đã có mặt tại Ukraine.

10. ISW cho biết người Nga phàn nàn về ưu thế của các máy bay điều khiển từ xa và khả năng tác chiến điện tử của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russians Bemoan 'Superior' Ukrainian Drone, EW Capabilities: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các hoạt động tấn công đang diễn ra của Nga dọc theo tiền tuyến ở Ukraine đã buộc Kyiv phải rút lui ở một số khu vực quan trọng, nhưng các chỉ huy của Mạc Tư Khoa được tường trình đang phải vật lộn với lợi thế chết người của Ukraine về khả năng tác chiến điện tử và máy bay điều khiển từ xa.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, lưu ý trong bản cập nhật hôm Thứ Tư, 05 Tháng Sáu, rằng “các nhà bình luận quân sự chọn lọc của Nga tiếp tục phàn nàn về khả năng chiến tranh điện tử và máy bay điều khiển từ xa vượt trội của Ukraine trên chiến trường, tiếp tục nêu bật sự nhanh chóng và liên tục về mặt chiến thuật và công nghệ. Các chu kỳ đổi mới đang định hình không gian chiến đấu ở Ukraine.”

Một sĩ quan Nga từng là huấn luyện viên của các đơn vị hình sự “Storm-Z” nói với kênh có tên “Nhà ngữ văn phục kích” — rằng việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa là “yếu tố hàng đầu” trong việc Ukraine đẩy lùi các hoạt động tấn công của Nga “đối với nhiều người”. tháng.”

Viên sĩ quan Nga than thở về “lợi thế căn bản của Ukraine không chỉ về số lượng máy bay điều khiển từ xa mà còn về số lượng người vận hành”, cũng như “cơ cấu tổ chức máy bay điều khiển từ xa” tiên tiến hơn của lực lượng Kyiv so với đối phương Nga của họ.

“Số lượng máy bay điều khiển từ xa và số lượng người điều khiển cùng nhau cho phép đối phương thực hiện các động tác chiến thuật hiệu quả: vận hành một băng chuyền máy bay điều khiển từ xa ném bom để bảo đảm hỏa lực hủy diệt liên tục; cấp máy bay điều khiển từ xa cho các nhóm tấn công để triển khai chúng đến gần các vị trí của chúng ta hơn; xác định tần số hoạt động của thiết bị tác chiến điện tử của chúng ta thông qua một cú chọc phá chiến thuật mà không cần sử dụng thiết bị tác chiến điện tử”.

Viên sĩ quan Nga nói thêm: “Cán cân tổn thất về thiết bị quân sự chắc chắn nghiêng về phía chúng ta và khá đáng kể”. “Một phần rất đáng kể trong những tổn thất này của chúng ta thực sự là vô lý và quá mức do thiếu sự bảo vệ toàn diện thích hợp trước máy bay điều khiển từ xa của đối phương.”

Theo lời kể của viên sĩ quan Nga, các máy bay trực thăng ném bom cỡ lớn của Ukraine – còn được gọi là Baba Yagas – đang gây ra những vấn đề đặc biệt cho quân đội Mạc Tư Khoa. Ông ta nói: “Các nền tảng này có thể được sử dụng để ném bom các vị trí bằng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất, đồng thời “đang chứng tỏ là một phương tiện cực kỳ hiệu quả để bảo đảm tiêu diệt hỏa lực với độ chính xác cao”.

Một số mối quan tâm chính của viên sĩ quan Nga đã được nêu ra trong một bài đăng khác trên kênh Vault 8 ủng hộ chiến tranh của Nga. Kênh này viết rằng sự thống trị của máy bay điều khiển từ xa của Ukraine “thật tệ hại”, khi đề cập đến những trải nghiệm gần đây của Nga trên mặt trận Avdiivka ở khu vực phía đông Donetsk.

Các Lữ Đoàn bộ binh Ukraine có số lượng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất nhiều gấp 3 đến 4 lần so với đối thủ Nga của họ, trong khi các Lữ Đoàn cơ giới hóa của Kyiv có số lượng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất nhiều gấp 6 đến 10 lần so với các Lữ Đoàn Súng Trường Cơ Giới của Nga.

Vault 8 viết: “Kết quả là hàng chục xe tăng, xe chiến đấu bộ binh/xe thiết giáp chở quân/MTLB bị hạ gục và phá hủy gần Avdiivka, gây ra những thất bại nghiêm trọng so với kế hoạch ban đầu”.

ISW đã viết trong bản cập nhật hôm thứ Tư rằng việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa phổ biến sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc chạy đua công nghệ không ngừng dọc tiền tuyến. Viện nghiên cứu cho biết: “Khi các lực lượng Ukraine thích nghi và tích hợp tốt hơn các công nghệ mới vào lực lượng của họ, các lực lượng Nga có thể sẽ cảm thấy bị áp lực phải làm điều tương tự để duy trì sự cân bằng về công nghệ và chiến thuật trên chiến trường”.

“Cuộc đua mở rộng năng lực và tấn công-phòng thủ này là trọng tâm của việc phát triển các phương tiện chiến đấu trong một cuộc chiến đương đại.”
 
Phép lạ: Cướp bắn tới tấp, LM Dòng Tên vẫn không sao. Rước kiệu mặt nhật lớn nhất thế giới để đền tạ
VietCatholic Media
05:14 07/06/2024


1. Linh mục Công Giáo bị thương trong vụ nổ súng ở Chicago sau khi đối đầu với kẻ trộm xe

Một linh mục Công Giáo ở Chicago bị thương sau khi bị những kẻ ăn trộm phụ tùng xe bắn nhiều phát súng.

Cha Jeremiah Lynch nghe thấy âm thanh giống như công trình xây dựng vào sáng sớm thứ Hai mùng 03 Tháng Sáu, bên ngoài dinh thự Dòng Tên nơi ngài sống ở Little Italy ở phía Tây Chicago.

Kristyn Hartman, phát ngôn viên của trường St. Ignatius College gần đó, nói với đài địa phương WLS-TV ở Chicago hôm thứ Hai rằng vị linh mục này đã “thò đầu ra khỏi cửa” và “thấy điều gì đó bất thường đang xảy ra” trong bãi đậu xe của khu nhà. Ngôi nhà nằm ngay phía bắc khuôn viên của trường.

Cha Lynch nói, “'Này, các bạn đang làm gì vậy?'“ Hartman nói với mạng tin tức. “Và đó là lúc họ bắt đầu nổ súng.”

Vị linh mục được cho là đã bị một vài vết thương do đạn bắn sượt qua đầu nhưng không hề hấn gì. Một số viên đạn đã bắn trúng dinh thự của tu sĩ Dòng Tên nơi vị linh mục sinh sống.

Một tuyên bố từ Tỉnh Dòng Trung Tây của Dòng Tên cho biết họ “rất biết ơn vì Cha Lynch không bị thương nặng trong vụ việc này”.

Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi cầu nguyện cho sự an toàn liên tục của toàn bộ cộng đồng St. Ignatius College”.

Theo các phương tiện truyền thông, Cha Lynch, 73 tuổi, sống tại khu nhà ở Chicago cùng với khoảng 15 tu sĩ Dòng Tên khác. Các linh mục phục vụ trường học và Bệnh viện Stroger gần đó.

Cha Lynch cũng phục vụ với tư cách là tuyên úy tại Nhà tù Quận Cook.

Chicago gần đây đã chứng kiến sự gia tăng lớn về một số loại tội phạm. Dữ liệu của cảnh sát cho thấy số vụ trộm xe cơ giới trong thành phố tăng 169% so với 4 năm trước và tổng số vụ trộm tăng 74%.

Hartman nói với Block Club Chicago rằng khu vực này “sôi động” và “bận rộn”, với hoạt động đáng kể từ các học sinh đang theo học tại trường trung học dự bị Đại học Chicago và Ignatius gần đó, với số lượng tuyển sinh khoảng 1.300. Trường học đang nghỉ học vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng.

Những sinh viên tốt nghiệp đáng chú ý từ St. Ignatius bao gồm cựu Chánh văn phòng và Bộ trưởng Thương mại Tòa Bạch Ốc William Daley, cựu Dân biểu Dan Lipinski, diễn viên hài độc lập John Mulaney và diễn viên Bob Newhart.

Hartman nói: “Có vẻ như không nơi nào tránh khỏi các vụ trộm này”.

2. Mặt nhật lớn nhất thế giới được tạo ra để đền tạ cho cuộc chiến tranh Tây Ban Nha dẫn đầu cuộc rước hàng năm

Trong cuộc rước Mình Thánh Chúa Kitô hàng năm ở Valencia, Tây Ban Nha, việc thực hành truyền thống về việc đền tạ mang một vai trò mang tính biểu tượng sâu sắc. Mặt nhật được sử dụng trong cuộc rước - được tạo ra như một hành động đền tạ cho sự tàn bạo trong Nội chiến Tây Ban Nha - là mặt nhật được rước lớn nhất trên thế giới.

Nội chiến Tây Ban Nha nổ ra từ năm 1936 đến năm 1939 và gây ra cái chết thảm khốc của hàng ngàn linh mục, nữ tu và giáo dân. Mười một người đã được phong thánh và hơn 2.000 người đã được phong chân phước. Nguyên nhân đang được tiến hành cho hơn 2.000 người khác. Tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha đã công nhận sự tử đạo của hai vị nữa: một vị là linh mục, vị kia là cha của 11 đứa trẻ. Các nạn nhân của sự tàn bạo có thể sẽ tiếp tục được công nhận, trong nhiều thế kỷ tới.

Ngoài nhiều cuộc tử đạo dã man, chiến tranh còn dẫn đến sự mất mát những kho tàng tôn giáo và nghệ thuật to lớn trên khắp đất nước. Mặt nhật được sử dụng trong cuộc rước Mình Máu Thánh Chúa ở Valencia cũng nằm trong số đó.

Mặt nhật mới cho cuộc rước cổ xưa

Lễ rước của Valencia rất cổ xưa. Nó được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1355 và đến năm 1372, nó là một sự kiện thường niên: “festa Grossa” (“bữa tiệc lớn” trong tiếng Valencia của thành phố). Chỉ đến năm 1264, Giáo hoàng Urban IV mới phổ biến ngày lễ này cho toàn thể Giáo hội.

Khi mặt nhật cũ bị phá hủy trong cuộc nội chiến, thành phố cảm thấy mất mát trong mỗi cuộc rước Mình Thánh Chúa Kitô. Nhưng những năm sau chiến tranh là thời kỳ hỗn loạn được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh kinh tế.

Tuy nhiên, một linh mục Dòng Tên của thành phố, Cha Antonio de León, đã đề xuất với Đức Tổng Giám Mục Prudencio Melo (tổng giám mục từ 1922–1945) dự án xây dựng một mặt nhật mới. Trong khi Đức Tổng Giám Mục đồng ý, vị linh mục không chắc điều đó có thể xảy ra như thế nào, do tình hình kinh tế. Nhưng sau đó vị linh mục nhận được thứ mà ngài coi là một dấu chỉ, một thứ gì đó giống như “một đồng xu của góa phụ” dưới hình thức năm đồng bạc do một người lao động trong thành phố quyên góp.

Cha León đã triển khai dự án và người dân Valencia đã nhiệt tình hưởng ứng: Cả người nghèo trong thành phố và người khá giả đều quyên góp những gì họ có thể.

Khi mặt nhật được hoàn thành, nó là một công trình kiến trúc đẹp đẽ, hùng vĩ, cao hơn 4m và rộng khoảng 2.1m, được tạo thành từ hơn 1.300 cân bạc và gần 18 cân vàng khác, được trang trí bởi hàng trăm viên đá quý và ngọc trai..

Bất chấp sự sang trọng của nó, Melo đã gọi mặt nhật này là “Mặt nhật của người nghèo” vì nó được xây dựng nhờ vào sự đóng góp của những người bình thường từ chính sinh kế của họ.

Những lần chạm trỗ cuối cùng được hoàn thành vào năm 1954 và Cha León gọi nó là “bài thơ viết bằng bạc” được làm để “tôn vinh Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể”. Có 159 tác phẩm điêu khắc trang trí mặt nhật, bao gồm các cảnh trong Kinh thánh từ Cựu Ước cho đến Mục Tử Nhân Lành và Chúa Kitô phục sinh. Các tông đồ và tiến sĩ của Giáo Hội tô điểm cho Mình Thánh Chúa. Phép lạ Thánh Thể được mô tả. Các vị thánh đặc biệt sùng kính Bí tích Thánh Thể là một phần trong vô số những người tôn thờ, cũng như Đức Giáo Hoàng Piô thứ Mười được biết đến là giáo hoàng của Bí tích Thánh Thể vì ngài khuyến khích việc thường xuyên lãnh nhận bí tích và hạ thấp độ tuổi Rước lễ lần đầu.

Đức Trinh nữ phù hộ những người bị bỏ rơi được nhiều người yêu mến, đấng bảo trợ của thành phố, được trình bày nhiều nơi trong toàn bộ cấu trúc. Trong quá trình trùng tu cách đây vài năm, người ta đã phát hiện ra rằng những đồng bạc nguyên gốc do người công nhân nghèo quyên góp được gắn vào mặt nhật.

Kho báu quan trọng này thường chào đón du khách đến bảo tàng của nhà thờ, nhưng nó được nhìn thấy nhiều nhất khi nó đi qua các đường phố của thành phố vào ngày lễ Corpus Christi, mang Chúa Kitô đến với người dân.

Sau một nhóm lớn các linh mục mặc áo lễ trong cuộc rước Mình Thánh Chúa Kitô hàng năm ở Valancia, Tây Ban Nha, là một nhóm người giữ phòng thánh và các lễ sinh tạo một đám khói hương, Chúa Giêsu xuất hiện khi những cánh hoa rơi xuống mặt nhật do các tín hữu tụ tập ném xuống trên ban công của họ và những người dọc đường phố.

Khi Chúa Giêsu đi ngang qua năm nay, một thành viên tín hữu, Carlos Sancho, chỉ là một thanh niên trong những năm mặt nhật được sử dụng lần đầu tiên, đã nhớ lại những đồng tiền tượng trưng mà người lao động đó đã tặng cho Cha León. Bây giờ được gắn vào mặt nhật, ông nhớ lại, “điều đó có nghĩa là mặt nhật không bao giờ có thể được bán, bởi vì số tiền sẽ phải được trả lại cho tất cả các gia đình đã quyên góp”.

Bản thân cuộc rước là một bài giáo lý nhỏ: Trong số những người dẫn đầu nhóm dài hàng dặm có “Moma”, mặc toàn đồ trắng và đội vương miện hoa trắng nhưng xung quanh là những hình ảnh đang nhảy múa, che mạng đen của bảy tội lỗi chết người. Moma, đại diện cho đức hạnh, phải chiến thắng những cám dỗ xấu xa.

Sau đó là những câu chuyện trong Kinh thánh: tổng lãnh thiên thần Michael, Nô-ê với con chim bồ câu, Đa-vít với cây đàn hạc, các nhà tiên tri nhỏ và lớn, Giô-na mang một con cá lớn, Giu-đa với cái đầu bị chặt đứt của Hô-lô-phéc-nê, Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét bắt đầu Tân Ước, tiếp theo là các câu chuyện trong Tân Ước. Bốn nhà truyền giáo mang biểu tượng tương ứng của họ. Các vị Thánh Thánh Thể và các vị đặc biệt có liên hệ với Valencia đều tham gia. Một chương trình được phát miễn phí giúp tín hữu và khán giả theo dõi các câu chuyện.

Những trưởng lão đứng trước ngai của Thiên Chúa trong Sách Khải Huyền là một nhóm đặc biệt đáng chú ý, khi họ mang những cây nến nặng 35 pound và cao khoảng 6 feet. Những người đàn ông có râu, mặc áo trắng này nằm trong số những người cuối cùng của đoàn rước, cho thấy rằng Chúa Giêsu sắp đến.

Một nhóm lớn các linh mục mặc lễ phục đến trước, sau đó là một nhóm các nhà thờ tạo thành một đám hương. Cuối cùng, Chúa Giêsu đến khi những cánh hoa rơi xuống mặt nhật do các tín hữu tụ tập trên ban công và những người xếp hàng trên đường phố ném xuống.

Hành vi đền tạ không 'lỗi thời'

Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kỷ niệm 350 năm ngày Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Margaret Mary Alacoque, nhắc lại việc Chúa Kitô đã yêu cầu nữ tu người Pháp thực hiện “những hành động đền tạ”. Đức Thánh Cha gọi việc đền tạ là một “việc thực hành tốt đẹp”, ngay cả khi “ngày nay việc đó có thể bị lãng quên phần nào hoặc bị đánh giá một cách sai lầm là đã lỗi thời”.

Hành động đền tạ hay phạt tạ có nguồn gốc từ tiếng Latin “reparare”, có nghĩa là “chuẩn bị lại”. Về mặt tâm linh, nó có nghĩa là hành động như các chi thể của thân thể Chúa Kitô để chu toàn điều mà Giáo lý Giáo Hội Công Giáo gọi là “bổn phận đền tạ”, dâng hiến một điều gì đó của riêng mình (có thể là đau khổ, của cải vật chất, lời cầu nguyện, hoặc những thứ khác). thứ) để bù đắp cho hành vi phạm tội.

“Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Margaret Mary hành động đền tạ vì những xúc phạm do tội lỗi của nhân loại gây ra. Nếu những hành động này an ủi trái tim của Người, điều này có nghĩa là việc đền tạ cũng có thể an ủi trái tim của mọi người bị thương”, Đức Thánh Cha suy tư trong bài phát biểu gần đây của mình.

Trong khi Tây Ban Nha phải chịu đựng những điều không thể diễn tả nổi trong cuộc nội chiến, Mặt nhật của người nghèo vừa là sự đền tạ cho trái tim của Chúa Kitô vừa là niềm an ủi cho một số ít người có thể nhớ nó đã xảy ra như thế nào và vẫn có thể đến tôn thờ Chúa Giêsu khi Ngài đi ngang qua hàng năm ở Valencia.

3. Đức Thánh Cha gửi thuốc trợ giúp khẩn cấp đến Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô, qua Bộ Bác ái của ngài, đã gửi giúp Ukraine số thuốc khẩn cấp trị giá 100.000 Euro, như một dấu chỉ sự gần gũi cụ thể của ngài với dân chúng đang tiếp tục chịu đau khổ vì chiến tranh.

Số thuốc này, Bộ Bác ái đã nhận được qua một Đại sứ quán cạnh Tòa Thánh và chuyển tới Ukraine, hôm thứ Bảy, ngày 01 tháng Sáu vừa qua.

Từ đầu chiến tranh hồi tháng Hai năm 2022 đến nay, Đức Thánh Cha đã biểu lộ sự gần gũi và liên đới với nhân dân Ukraine qua những giúp đỡ cụ thể, từ việc mua các máy phát điện cho đến việc gửi các thực phẩm, nhờ sự hoạt động tích cực và sáng kiến của Đức Hồng Y Bộ trưởng Konrad Krajewski, người Ba Lan.

Bộ Bác ái tiếp tục, nhân danh Đức Thánh Cha, săn sóc những người ở ngoài lề xã hội. Trong tuần này, khoảng năm mươi người bụi đời, không có gia cư và cũng không được hệ thống y tế quốc gia săn sóc, được Bộ Bác ái của Tòa Thánh giúp khám bệnh, các phụ nữ cũng được giúp ngừa bệnh, qua chẩn y viện “Mẹ Thương Xót” và bệnh xá Santa Marta. Thứ Tư, ngày 18 tháng Tư vừa qua, một bệnh xá lưu động của hội Kommen Italia, giúp phụ nữ phòng bệnh ung thư nhũ hoa, cùng với Nhà thương Agostino Gemelli và bệnh viện Đảo Tiberia đã giúp bốn mươi phụ nữ trong lãnh vực này.
 
Macron hào hiệp tặng Ukraine chiến đấu cơ Mirage, Putin dọa chiến tranh. Nga sử dụng đạn nhiệt áp
VietCatholic Media
16:48 07/06/2024


1. Không quân Ukraine nhận được sự tăng cường lớn về chiến đấu cơ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's Air Force Receives Major Fighter Jet Boost”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trong lễ hội D-Day hôm thứ Năm rằng Ukraine sẽ nhận được máy bay mới.

Macron cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã đến dự lễ kỷ niệm 80 năm hơn 150.000 quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy, Pháp, vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc giải phóng Âu Châu bị Đức Quốc xã xâm lược trong Thế chiến thứ hai.

“Ngày mai chúng tôi sẽ khởi động mối quan hệ hợp tác mới và thông báo chuyển giao chiến đấu cơ Mirage 2000-5 do nhà sản xuất Dassault của Pháp sản xuất cho Ukraine và đào tạo phi công Ukraine của họ tại Pháp”, ông Macron nói với đài truyền hình Pháp trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp gần cuối buổi lễ kỷ niệm.

Macron nói thêm rằng các quan chức Ukraine, bao gồm cả Zelenskiy, khoảng 48 giờ trước đã yêu cầu tất cả các đồng minh hỗ trợ thêm trong cuộc chiến chống lại Nga, bắt đầu bằng cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 và đã dẫn đến điều mà nhiều chuyên gia cho là bế tắc trong nhiều tháng.

“Có một thách thức về năng lực”, ông Macron nói và nói thêm rằng ông không muốn leo thang đồng thời nhấn mạnh rằng “hòa bình” chỉ có thể đạt được nếu Ukraine có khả năng tự vệ.

Macron cũng nói với Zelenskiy bằng tiếng Ukraine: “Chúng tôi ở đó và chúng tôi sẽ không làm ông thất vọng”, theo Politico.

Chiến đấu cơ Mirage 2000-5 là máy bay đa chức năng, một động cơ được phát triển vào những năm 1970 và phát triển sau khi chuyển giao thế kỷ này.

Đại tá đã nghỉ hưu của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ Jeffrey Fischer nói với Newsweek sau thông báo của Macron: “Điều này có phần thú vị và thoát khỏi quan điểm lâu nay là 'chỉ cho Ukraine F-16'. “Quan điểm đó được thành lập nhằm tối đa hóa tiện ích của một nền tảng duy nhất bao gồm một quy trình đào tạo, hậu cần và bảo trì.”

Fischer đã lên tiếng kể từ khi Nga xâm lược rằng lẽ ra Mỹ nên gửi chiến đấu cơ F-16 tới Ukraine, đồng thời nói rằng hơn một năm trước rằng ưu thế trên không cho Ukraine có thể đã dẫn đến “kết thúc nhanh chóng cho cuộc chiến này”.

2. Bộ trưởng Quốc phòng cảnh báo Đức phải sẵn sàng chiến tranh trước năm 2029

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Germany must be ready for war by 2029, defense minister warns”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết nước ông phải chuẩn bị cho chiến tranh vì mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga.

“Chúng ta phải sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029,” ông nói.

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh các nước Âu Châu, đặc biệt là các nước Đông Âu, lo ngại về khả năng Nga gây hấn vượt ra ngoài Ukraine.

Pistorius nói: “Chúng ta không được tin rằng Putin sẽ dừng lại ở biên giới Ukraine khi ông ấy đã đi xa đến vậy”.

Trong những ngày gần đây, Chánh thanh tra quân đội Đức, Tổng thanh tra Carsten Breuer cho biết Nga sẽ phải mất 5 đến 8 năm để tái thiết lực lượng vũ trang sau cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine - đặt ra thời hạn 2029 cho các nỗ lực của NATO để chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra.

Pistorius cho biết hôm thứ Tư: “Trong trường hợp khẩn cấp, chúng ta cần những thanh niên có thể bảo vệ đất nước này.

Trong chuyến thăm gần đây tới thành phố Pabradė của Lithuania— nơi binh lính Đức tiến hành cuộc tập trận quân sự Quadriga cùng với quân đội Lithuania, Hòa Lan và Pháp— Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết “thế giới đã khác so với trước ngày 24 tháng 2 năm 2022,” khi Nga đã ra lệnh tấn công toàn diện vào Ukraine.

“Đối với chúng tôi với tư cách là quân đội Đức, điều đó có nghĩa là nhiệm vụ đã thay đổi; trọng tâm là phòng thủ quốc gia và liên minh”, ông nói.

3. Vương quốc Anh cho biết các cuộc tấn công eo biển Crimea gây ra 'sự gián đoạn đáng kể' đối với ngành hậu cần của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Strait Attack a 'Significant Disruption' to Russian Logistics—UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, các cuộc tấn công của Ukraine vào miền đông Crimea vào cuối tháng trước có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động hậu cần của Nga đi qua bán đảo bị Putin sáp nhập.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm Thứ Năm, 06 Tháng Sáu, rằng các cuộc tấn công hỏa tiễn do lực lượng Ukraine thực hiện vào ngày 29 tháng 5 đã làm hư hại hai phà hỏa xa của Nga gần thành phố Kerch ở phía đông Crimea, “khiến chúng không thể hoạt động”.

Vào ngày 30 tháng 5, quân đội Kyiv cho biết họ đã “tấn công thành công” bến phà Kerch bằng hỏa tiễn hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, tầm xa do Mỹ cung cấp, tiêu diệt hai chiếc phà và tạm ngừng “hoạt động của toàn bộ bến phà Kerch”.

Ukraine cho biết ngay sau đó rằng hải quân của họ đã sử dụng hỏa tiễn Neptune để tấn công một cảng dầu và bến phà tại cảng Kavkaz gần Kerch, ngay bên kia biên giới với khu vực Krasnodar của Nga.

Hôm Thứ Tư, 05 Tháng Sáu, phát ngôn nhân hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk nói với truyền thông trong nước rằng Nga chưa nối lại các hoạt động thông qua bến phà Kerch để tiếp tế cho quân đội của họ ở Crimea.

Duy trì dòng cung cấp và quân tiếp viện qua Crimea, nơi Nga đã kiểm soát kể từ khi sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào năm 2014, là rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Ukraine, quốc gia tuyên bố sẽ giành lại Crimea, đã thực hiện các chiến dịch dai dẳng chống lại các hoạt động hậu cần, cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự của Nga trên và xung quanh bán đảo. Kyiv đã triển khai các máy bay điều khiển từ xa và hải quân cũng như các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào các tài sản có giá trị cao của Nga, thành công nhất là chống lại Hạm đội Hắc Hải, có trụ sở một phần tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea.

“Những chuyến phà hỏa xa này gần như chắc chắn là phương tiện vận chuyển hỏa xa chính để vận chuyển nhiên liệu và đạn dược của Nga tới Crimea do các biện pháp an ninh nghiêm ngặt được áp dụng trên cầu Kerch”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản tin tình báo hôm Thứ Năm, 06 Tháng Sáu.

Cầu Crimea, còn được gọi là Cầu Kerch, là cầu nối chiến lược quan trọng giữa Krasnodar và bán đảo. Ukraine đã nhiều lần tấn công vào cây cầu trong suốt hơn hai năm chiến tranh và cây cầu thường xuyên bị chính quyền đóng cửa.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Khả năng vận chuyển hỏa xa suy giảm gần như chắc chắn đã gây ra sự gián đoạn tạm thời đáng kể đối với các hoạt động hậu cần quân sự của Nga và có khả năng là nguồn cung cấp nhiên liệu của Crimea”. Nga sẽ ưu tiên thay thế dịch vụ phà hỏa xa càng sớm càng tốt.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, việc Ukraine tấn công vào các bến phà cũng như các cơ sở nhiên liệu gần đó cho thấy eo biển Kerch “dễ bị tổn thương” như thế nào trước những nỗ lực của Kyiv bất chấp “sự đầu tư đáng kể” của Mạc Tư Khoa vào các biện pháp phòng không và an ninh.

4. Nga vẫn chưa khôi phục bến phà ở Crimea sau cuộc tấn công gần đây của Ukraine, quân đội cho biết

Nga vẫn chưa nối lại hoạt động tại bến phà Kerch ở Crimea bị tạm chiếm sau cuộc tấn công của Ukraine vào cuối tháng 5, Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của Lực lượng phòng vệ miền Nam, nói trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 06 Tháng Sáu.

Quân đội Ukraine được tường trình đã tấn công bến phà ở Kerch bị tạm chiếm bằng hỏa tiễn ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp vào đêm ngày 30 tháng 5. Hai chiếc phà của Nga “bị hư hại đáng kể”, theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine.

“Tính đến thời điểm hiện tại, không có thông tin nào cho thấy Nga đã nối lại hoạt động. Và nó khó có thể xảy ra. Tất nhiên, họ có thể mang theo một số phà từ nơi khác đến. Họ có các kết nối đường thủy nội địa với Biển Caspian và thậm chí với Hạm đội Baltic. Nhưng đó chưa phải là sự thật”, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk nói.

Quân đội Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa “tích cực sử dụng” tuyến phà để tiếp tế cho quân đội Nga trên bán đảo bị tạm chiếm và bảo vệ bán đảo này bằng các hệ thống phòng không Pantsir, Tor và Triumph của Nga.

5. Putin đưa ra mối đe dọa hạt nhân mới đáng lo ngại

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Issues New Ominous Nuclear Threat”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Putin cảnh báo rằng phương Tây “không nên xem nhẹ khả năng Mạc Tư Khoa sử dụng vũ khí hạt nhân” trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

Theo Reuters, Putin, người đã nhiều lần đe dọa chiến tranh hạt nhân trong hơn hai năm kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu, đã đưa ra cảnh báo mới khi nói chuyện với các biên tập viên tin tức cao cấp tại cuộc họp ở St. Petersburg hôm Thứ Năm, 06 Tháng Sáu.

Nhà độc tài Nga cho rằng các quốc gia phương Tây đã sai lầm khi nghĩ rằng Nga “sẽ không bao giờ sử dụng” kho vũ khí hạt nhân của mình sau khi chỉ ra rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào cuối Thế chiến thứ hai.

“Vì lý do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng nó… Chúng tôi có học thuyết hạt nhân, hãy xem nó nói gì”, Putin nói, đề cập đến chính sách của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu “sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa.”

Ông nói thêm: “Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, chúng tôi cho rằng chúng tôi có thể sử dụng mọi biện pháp theo ý mình”. “Không nên xem nhẹ điều này một cách hời hợt.”

Không rõ điều gì mà Putin coi là mối đe dọa đối với “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Nga. Chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra ở một số khu vực của Ukraine mà Putin tuyên bố đã sáp nhập vào Nga.

Hôm thứ Tư, Putin cũng gợi ý rằng ông có thể sớm triển khai hỏa tiễn thông thường tới các khu vực có khả năng tấn công Mỹ và các đồng minh của nước này để trả đũa việc các quốc gia phương Tây gửi vũ khí cho Ukraine có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Ông nói tiếp rằng việc Mỹ và các đồng minh cho rằng Nga có kế hoạch mở rộng chiến tranh sang các quốc gia NATO là “hoàn toàn điên rồ”, cho rằng những quan điểm như vậy là tự chuốc lấy thất bại cho phương Tây.

“Các bạn không nên coi Nga là đối phương. Các bạn chỉ đang làm tổn thương chính mình thôi, biết không?” Putin nói. “Họ nghĩ rằng Nga muốn tấn công NATO.”

“Các bạn đã phát điên hoàn toàn rồi à? Ai đã nghĩ ra điều này? Nó hoàn toàn vô nghĩa, các bạn biết không? Hoàn toàn rác rưởi.”

Các mối đe dọa hạt nhân thường mang giọng điệu đáng lo ngại hơn trên truyền hình nhà nước Nga, nơi nhà tuyên truyền của Putin, Vladimir Solovyov, đã cảnh báo tuần trước rằng “chiến tranh hạt nhân là không thể tránh khỏi” đồng thời mô tả những nỗ lực tránh xung đột hạt nhân là “nhược điểm”.

Trong khi Putin cảnh báo Mỹ và các đồng minh về việc coi “Nga là đối phương”, thư ký báo chí của ông, Dmitry Petrov, đã gọi Mỹ là “kẻ thù” trong một nhận xét khác được đưa ra trong cuộc họp báo hôm thứ Tư Thứ Tư, 05 Tháng Sáu.

Peskov nói với các phóng viên rằng Nga “hiện là quốc gia đối phương đối với Mỹ, cũng như họ là kẻ thù đối với chúng ta”. Ông đưa ra nhận xét này khi nói về tuyên bố của cựu điệp viên tình báo Mỹ Scott Ritter rằng chính phủ Mỹ đã chặn ông đến Nga.

Peskov than thở rằng Ritter, một tội phạm tình dục bị kết án, người thường xuyên đưa ra tiếng nói ủng hộ Putin cho các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, là nạn nhân của “chiến dịch điên cuồng nhằm ngăn cản công dân Mỹ tương tác với Liên bang Nga”.

6. Tổng thống Biden nói lực lượng Nga đang tiêu hao rất nhanh tại Ukraine

Tờ The Sun có trụ sở ở London cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “DRENCHED IN BLOOD Biden says Ukraine has ‘freaking DECIMATED’ Putin’s invasion forces as Russia loses nearly 4,000 troops in just 3 days”, nghĩa là “Khô máu. Tổng thống Biden nói Ukraine đã 'tiêu diệt tàn bạo' lực lượng xâm lược của Putin khi Nga mất gần 4.000 quân chỉ sau 3 ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quân đội của VLADIMIR Putin đã bị Ukraine “tàn sát một cách đáng kinh ngạc” kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện.

Nga đã mất gần 4.000 quân chỉ trong 3 ngày qua, sau khi các nước phương Tây dỡ bỏ hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của họ.

Số liệu mới do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố hôm Thứ Tư, 05 Tháng Sáu, cho biết tổng cộng 513.700 quân Nga đã bị “loại khỏi vòng chiến” trong hai năm kể từ khi Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Họ cho biết 1.280 binh sĩ đã chết trong 24 giờ trước đó, sau khi 1.290 người chết hôm Thứ Hai, và 1.270 người chết vào hôm Chúa Nhật.

Ba ngày qua là ngày đẫm máu nhất của Nga trong toàn bộ cuộc chiến.

Khi được hỏi về đề xuất của Nga nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và liệu việc kết thúc chiến tranh có phải là kết quả tốt nhất mà Ukraine có thể hy vọng hay không, Tổng thống Mỹ Tổng thống Biden nói: “Không, không phải như thế”.

Ông nói với Tạp chí Time: “Quân đội Nga đã bị tiêu hao.”

“Bạn không viết về điều đó sap. Nga đã bị tàn phá một cách đáng kinh ngạc.”

Ông nói thêm: “Hòa bình giống như việc bảo đảm rằng Nga sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ xâm lược Ukraine. Hòa bình trông như thế đấy.”

Bình luận của tổng thống được đưa ra khi ông bật đèn xanh cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Hôm Chúa Nhật, các nguồn tin Nga cho biết hỏa tiễn Himars do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong các cuộc tấn công vào quân đội Nga ở Belgorod.

Đoạn video ấn tượng xuất hiện cho thấy hỏa tiễn lần đầu tiên tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng bên trong nước Nga.

Ukraine trước đây đã bị cấm sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công ra ngoài biên giới vì một số nhà lãnh đạo lo ngại những cuộc tấn công như vậy sẽ khiến Putin tức giận và khiến ông leo thang cuộc xung đột tàn khốc.

Mỹ nằm trong số các quốc gia NATO tỏ ra mềm mỏng hơn sau cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv, nơi quân đội của Putin được cho là đang khủng bố dân thường và binh lính ở ba biên giới quan trọng.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Nga hiện đang từ bỏ cuộc tấn công kéo dài 27 ngày ở khu vực Kharkiv.

Tổng thống Ukraine cho biết nỗ lực chính của lực lượng Putin đã quay trở lại việc tấn công vào các khu vực do Ukraine nắm giữ ở khu vực Donetsk.

Ông nói:: “Tôi biết ơn từng đơn vị, chỉ huy, chiến sĩ đã giúp ổn định ở hướng Kharkiv”.

“Chúng ta thực hiện mọi nỗ lực, từng bước một, để bảo đảm rằng Nga thấy rằng chúng ta có khả năng đáp trả mọi nỗ lực của họ nhằm mở rộng chiến tranh và gia tăng áp lực lên Ukraine”.

“Và chúng ta tiếp tục làm việc với các đối tác của mình để cung cấp nhiều khả năng hơn và phạm vi hoạt động xa hơn.”

Nga đã đánh chiếm khoảng 12 thị trấn khi tiến hành cuộc tấn công trên không và trên bộ vào Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, nhưng không chiếm được thị trấn biên giới Vovchansk - mặc dù đã tấn công thị trấn này từ ba phía.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết khu vực Avdiivka-Pokrovsk ở phía bắc và phía tây thành phố Donetsk “có thể vẫn là nỗ lực chính của lực lượng Nga trong 72 giờ qua”.

7. Lực lượng Nga sử dụng đạn nhiệt áp tấn công Chasiv Yar

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 07 Tháng Sáu, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, cho biết trên truyền hình quốc gia rằng lực lượng Nga đang sử dụng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt được trang bị đạn nhiệt áp trong các cuộc tấn công vào thị trấn Chasiv Yar của tỉnh Donetsk.

Sau khi chiếm được Avdiivka vào tháng 2, các lực lượng Nga đã chuyển trọng tâm sang Chasiv Yar, một thị trấn ở độ cao tương đối cao hơn, có khả năng mở đường cho những bước tiến xa hơn vào vùng này.

Mặc dù các cuộc tấn công mới của Nga ở Kharkiv là nguồn chú ý chính trong những tuần gần đây, cuộc chiến giành Chasiv Yar vẫn căng thẳng.

Trong một diễn biến mới nhất, tối thứ Ba 04 Tháng Sáu, quân Nga đã cố vượt qua con kênh Chasiv Yar để đánh úp quân Ukraine nhưng cố gắng này đã kết thúc trong thảm họa đối với quân Nga.

Đại Tá Cherevatyi cho biết, đạn nhiệt áp “hủy diệt và đốt cháy mọi thứ trên đường đi của chúng”. Mặc dù còn gây tranh cãi nhưng đạn dược nhiệt áp không bị cấm theo luật pháp quốc tế.

Ông nói rằng việc Nga sử dụng những loại vũ khí như vậy ở Chasiv Yar là nhằm “buộc quân phòng thủ Ukraine không có nơi nào để phòng thủ”.

Các cuộc tấn công của Nga chủ yếu tập trung vào phần phía nam của thị trấn. Ông cho biết quân phòng thủ Ukraine vẫn trấn giữ thị trấn bất chấp các cuộc tấn công liên tục diễn ra trong nhiều tháng.

Trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga, thị trấn này là nơi sinh sống của khoảng 12.000 người. Khi Nga tăng cường tấn công trong khu vực, chỉ có khoảng 670 cư dân ở lại thị trấn, nơi mà chính quyền địa phương mô tả vào tháng 5 là “gần như bị phá hủy hoàn toàn”.

8. Tổng thống Pháp Macron tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu của Ukraine, văn phòng của ông xác nhận vào ngày 5 Tháng Sáu.

Pháp nhắc lại rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine “sự hỗ trợ về chính trị và ngoại giao” cũng như sự hỗ trợ quân sự “lâu dài”, văn phòng tổng thống Pháp cho biết trong bình luận được AFP đưa tin.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ được tổ chức vào ngày 15 và 16 Tháng Sáu tại Burgenstock, Thụy Sĩ.

Ukraine hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ giải quyết một số lĩnh vực chính như an ninh năng lượng, trao đổi tù nhân, trao trả trẻ em bị trục xuất, an ninh lương thực toàn cầu và các chủ đề khác.

Trong khi khoảng 107 quốc gia và tổ chức quốc tế đã xác nhận tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu của Ukraine, vẫn có một số sự vắng mặt đáng chú ý.

Saudi Arabia không có kế hoạch tham dự do Nga chưa được mời, thông tin hôm 2 Tháng Sáu cho biết.

Và vào ngày 3 tháng 6, Tòa Bạch Ốc cho biết Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ tham dự, xác nhận rằng Tổng thống Joe Biden sẽ bỏ lỡ sự kiện này vì nó trùng với buổi gây quỹ chiến dịch mà ông dự kiến tham dự cùng với những người khác, George Clooney, Julia Roberts, và Jimmy Kimmel.

Nga không được mời tham gia đàm phán, nhưng nước chủ nhà Thụy Sĩ đã nói rằng đại diện của Mạc Tư Khoa sẽ phải tham gia vào quá trình này “sớm hay muộn”.

Trung Quốc sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Ukraine vào tháng 6 vì các điều kiện yêu cầu tham dự không được đáp ứng. Sau thông tin về sự vắng mặt của Trung Quốc, Zelenskiy cáo buộc Bắc Kinh “làm việc cật lực” để ngăn cản các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu của Ukraine.

9. Con trai của nhà cung cấp quân sự Nga bị ám sát giữa ban ngày

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Military Supplier's Son Assassinated in Broad Daylight: Video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các phương tiện truyền thông xã hội Nga cho rằng xã hội Nga ngày càng giống một xã hội thống trị bởi mafia sau khi con trai của nhà lãnh đạo một công ty cung cấp các sản phẩm cho Bộ Quốc phòng Nga đã bị bắn chết giữa ban ngày ở Mạc Tư Khoa vào sáng Thứ Năm, 06 Tháng Sáu, theo truyền thông địa phương.

Chính quyền Nga cho biết một người đàn ông 34 tuổi đã thiệt mạng gần sân chơi trẻ em trong sân của một ngôi nhà trên phố Alexei Sviridov, phía tây Mạc Tư Khoa, nơi ông sinh sống.

Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một tay súng mặc đồ đen đuổi theo một người đàn ông đang bỏ chạy trước khi bắn nhiều phát súng. Nạn nhân có thể được nhìn thấy ngã xuống đất và kẻ nổ súng bỏ chạy.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass rằng kẻ xả súng đã bắn ba phát vào nạn nhân, phát đầu tiên “từ một khoảng cách ngắn, hai phát tiếp theo là những phát giết chết nạn nhân ở cự ly gần”.

Kẻ tình nghi dùng súng đã bị bắt giữ. Anh ta được cho là đã bị thương do bắn trả cảnh sát trong khi bị bắt sau khi bắn vào các nhân viên thực thi pháp luật ít nhất 15 phát.

Các quan chức ban đầu cho biết vụ tấn công là một vụ giết người theo hợp đồng, nhưng điều này sau đó đã bị Ủy ban Điều tra Nga bác bỏ và cho biết động cơ có thể là do ghen tương.

Truyền thông địa phương, bao gồm cả hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, đã xác định nạn nhân là Konstantin Balishansky, con trai của nhà lãnh đạo Tập đoàn Mediasystem, Andrei Balishansky. Công ty được cho là cung cấp các thiết bị đa phương tiện như màn hình LED và LCD cho các triển lãm và sự kiện lớn.

Balishansky làm quản trị viên hệ thống trong công ty của cha mình và từng là vận động viên trượt ván chuyên nghiệp, một nguồn tin thực thi pháp luật nói với Tass.

Các quan chức thực thi pháp luật cho biết tay súng và nạn nhân quen biết nhau.

Mash, một kênh Telegram của Nga được cho là có liên kết với các cơ quan an ninh của Nga, cho biết các nguồn tin của kênh này cho biết tay súng và nạn nhân đã làm việc cùng nhau tại Mediasystem Group và xung đột giữa cặp đôi này nảy sinh vì một phụ nữ.

Báo Kommersant của Nga đưa tin riêng rằng khi cảnh sát hỏi tay súng tại sao lại bắn Balishansky, anh ta trả lời: “Chúng tôi đã theo đuổi chung một cô gái kể từ khi đi học”.

Ủy ban Điều tra Nga đã mở vụ án hình sự về vụ sát hại Balishansky.

10. Đức mua thêm đạn pháo cho Ukraine

Hôm Thứ Sáu, 07 Tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, thông báo nước này đã mua hàng ngàn quả đạn pháo 155 ly cho Ukraine và bổ sung vào kho dự trữ của mình.

“Một thỏa thuận hiện đã đạt được với một công ty vũ khí của Đức để sản xuất và cung cấp hàng ngàn quả đạn nhằm hỗ trợ thêm cho Ukraine và bổ sung kho đạn dược của Đức”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

“Yêu cầu tài chính gần 880 triệu euro hay 958 triệu Mỹ Kim sẽ được chi trả bởi cả quỹ đặc biệt của Bundeswehr và ngân sách quốc phòng thường xuyên.”

Trong khi tuyên bố không nêu rõ số lượng đạn pháo được mua, Reuters đưa tin vào ngày 4 tháng 6 rằng Berlin đang tìm cách tăng đơn đặt hàng hiện có từ nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall thêm 200.000 quả đạn pháo.

Số đạn pháo mới được cung cấp sẽ giúp bổ sung nguồn dự trữ của Đức khi Berlin tiếp tục hỗ trợ Kyiv tự vệ trước cuộc chiến đang diễn ra của Nga.

Thỏa thuận này đã trị giá 1,2 tỷ euro hay khoảng 1,3 tỷ Mỹ Kim và bao gồm hàng trăm ngàn quả đạn pháo.

Ông Pistorius cho biết, bằng việc đặt hàng này, Bộ Quốc phòng Đức cũng muốn bảo đảm rằng Rheinmetall có thể khởi động một dây chuyền sản xuất mới tại thị trấn Unterluess ở miền trung đất nước.

Theo hãng tin này, kể từ khi cuộc chiến tổng lực ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, giá trị của Rheinmetall đã tăng hơn bốn lần do số lượng đơn đặt hàng từ các đối tác phương Tây của Kyiv ngày càng tăng.

Trước đó, công ty cho biết họ cũng sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pháo ở Ukraine, cùng với các cơ sở chuyên sản xuất xe quân sự, thuốc súng và vũ khí phòng không.

Trong Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger đã ký một bản ghi nhớ với Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Alexander Kamyshin để sản xuất đạn pháo tại một nhà máy liên hợp khác có trụ sở tại Ukraine.

11. Mỹ áp đặt 'đợt trừng phạt đầu tiên' đối với quan chức Georgia

Hôm Thứ Sáu, 07 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Matthew Miller tuyên bố Mỹ đã thực hiện “đợt trừng phạt đầu tiên” đối với các quan chức chính phủ Georgia.

Miller cho biết, vòng trừng phạt ban đầu bao gồm lệnh cấm đi lại đối với “hàng chục” cá nhân, bao gồm các thành viên của đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia, các thành viên khác của quốc hội, cơ quan thực thi pháp luật và các công dân tư nhân khác. Lệnh cấm du lịch sẽ áp dụng cho các thành viên gia đình của những cá nhân vừa nêu.

Thông báo này được đưa ra hai tuần sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken ban đầu nói rằng chính sách hạn chế thị thực sẽ được ban hành nhằm vào các cá nhân “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc phá hoại nền dân chủ ở Georgia”.

Những lo ngại về nền dân chủ của Georgia đã lên đến đỉnh điểm sau khi đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia thông qua luật đặc vụ nước ngoài, trong đó yêu cầu các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài phải bị gắn mác “đặc vụ nước ngoài”. Luật này phản ánh luật đàn áp của Nga được sử dụng để trấn áp những người chỉ trích chế độ Điện Cẩm Linh.

Đạo luật gây tranh cãi này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn trong nước, leo thang thành các vụ bạo lực khi các viên chức cảnh sát cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình bằng vòi rồng và đạn cao su.

Miller nhấn mạnh rằng lệnh cấm du lịch mới chỉ là bước sơ bộ, đồng thời nói thêm rằng “vẫn còn thời gian để chính phủ Georgia đảo ngược quỹ đạo hiện tại”.

Khi được hỏi liệu có biện pháp nào khác nếu chính phủ Georgia tiếp tục đi theo con đường của mình hay không, Miller nói rằng Mỹ “sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và sẽ thực hiện tất cả các bước khác nếu thích hợp”.

“Chính sách của chúng tôi phụ thuộc vào chính sách mà Georgia thực hiện.”

Chỉ ba ngày trước đó, Kakha Kaladze, thị trưởng Tbilisi và tổng thư ký Giấc mơ Georgia, nói rằng ông “tin tưởng” sẽ không có lệnh trừng phạt nào.

Kaladze nói: “Tôi không hy vọng rằng sẽ có ai đó bị trừng phạt vì chúng tôi chưa làm gì để phải chịu lệnh trừng phạt”.

Miller nói rằng luật pháp cấm ông nêu tên những người trong danh sách trừng phạt, nhưng nói rằng những cá nhân bị trừng phạt sẽ biết mình bị trừng phạt khi họ cố gắng xin thị thực vào Mỹ.

Một số nước Liên Hiệp Âu Châu được cho là đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống lại Georgia về luật này, bao gồm cả việc đình chỉ chế độ du lịch miễn thị thực. Để đáp lại, một số thành viên Nghị viện Âu Châu cũng kêu gọi đình chỉ tư cách ứng cử viên vào Liên Hiệp Âu Châu của Georgia.
 
Chân phước mặc quần Jean, Carlo Acutis, có thể được tuyên thánh ngày 1 tháng 7 tới đây
VietCatholic Media
17:31 07/06/2024


1. Các giám mục Mễ Tây Cơ chúc mừng tổng thống đắc cử của nước này

Các giám mục Mễ Tây Cơ đã chúc mừng Claudia Sheinbaum, tổng thống đắc cử của nước này, “vì chiến thắng của cô tại các cuộc bỏ phiếu” trong cuộc bầu cử ngày 2 tháng Sáu.

Tính đến chiều muộn ngày 3 Tháng Sáu, kết quả sơ bộ do Viện bầu cử quốc gia thống kê cho thấy Sheinbaum - ứng cử viên của liên minh cánh tả Hãy tiếp tục làm nên lịch sử - được 59,17% số phiếu bầu. Đối thủ cạnh tranh gần nhất của cô, Xóchitl Gálvez - đại diện cho liên minh Sức mạnh và Trái tim - có 27,84%, trong khi Jorge Álvarez Máynez của đảng Phong trào Công dân có 10,45% số phiếu bầu. Khi việc kiểm phiếu cuối cùng hoàn tất, viện sẽ chính thức công nhận người chiến thắng.

Trong một tuyên bố được Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ đăng trên X hôm Thứ Tư, 05 Tháng Sáu,, các vị giám mục đã cầu nguyện cho Sheinbaum để “với trách nhiệm và sự khôn ngoan mà vị trí này đòi hỏi, và luôn tìm kiếm lợi ích chung, cô ấy có thể dẫn dắt Mễ Tây Cơ hướng tới những chân trời tốt đẹp hơn nơi nền cộng hòa đang tồn tại”. được củng cố, nhà nước pháp quyền được thiết lập đầy đủ, nền dân chủ cho phép chuyển đổi chính trị mà không có bạo lực, tiến bộ và công lý trên toàn quốc đạt được hiệu quả hơn, và trên hết, chúng ta có thể bắt đầu một thời kỳ hòa giải xã hội trên toàn quốc.”

Bên cạnh việc bỏ phiếu bầu tổng thống, người Mễ Tây Cơ còn bầu ra các đại biểu và thượng nghị sĩ liên bang mới cũng như thống đốc của 9 bang, các nhà lập pháp bang và thị trưởng các đô thị.

Các giám mục cũng chúc mừng người dân Mễ Tây Cơ đã “thực thi các quyền dân sự và chính trị của mình để củng cố nền dân chủ”, lưu ý rằng điều này đã đạt được “bất chấp những trở ngại và vấn đề nảy sinh trong quá trình bầu cử, đặc biệt là do bạo lực hình sự và một số chính quyền can thiệp vào luật pháp”..”

Chiến dịch bầu cử không phải là không có bạo lực khi 37 ứng cử viên địa phương bị ám sát. Ngoài ra, Viện bầu cử quốc gia báo cáo có 5.089 vụ việc xảy ra trên khắp cả nước trong ngày bầu cử, hầu hết là những vụ việc nhỏ, chẳng hạn như những người cố gắng bỏ phiếu mà không có giấy ghi danh cử tri. Tuy nhiên, 29 điểm bỏ phiếu đã phải đóng cửa do cướp, bạo lực súng ống và phiếu bầu bị đốt cùng nhiều yếu tố khác.

Các giám mục viết: “Với tư cách là các mục tử, chúng tôi tràn đầy hy vọng khi thấy các công dân đón nhận các giá trị của lợi ích chung như thế nào. Mong tinh thần này tiếp tục khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng ta trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho quê hương thân yêu của chúng ta.”

Sau khi nhắc nhở tất cả những người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024 rằng “khi họ nhậm chức, họ sẽ làm như vậy vì mọi người”, các vị Giám Mục kêu gọi rằng “công ích hãy là ngôi sao dẫn đường cho tất cả những người được bầu bằng phổ thông đầu phiếu” khi họ thực thi chức trách của mình.

Cuối cùng, các ngài giao phó đất nước cho sự bảo vệ của Đức Mẹ Guadalupe và cầu nguyện xin Mẹ ban cho người dân “sự khôn ngoan, sự thanh thản và sức mạnh để chấp nhận kết quả của ltiến trình dân sự này và cùng nhau làm việc, chính phủ và xã hội, trong việc xây dựng” một Mễ Tây Cơ, nơi tất cả chúng ta nhìn nhận nhau như anh em, những đứa con yêu quý của cùng một Người Cha, và cùng nhau chúng ta tạo nên vận mệnh đầy hứa hẹn cho quốc gia vĩ đại của chúng ta.”

2. Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn thứ 110

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi những người di dân và tị nạn cũng như Giáo hội lữ hành ngày nay, là hình ảnh dân Chúa xưa kia trên đường tiến về Đất hứa (LG 49) và ngài kêu mời các tín hữu, như những người Samaritano nhân lành, giúp đỡ những người di dân và tị nạn, coi đây là những cơ hội để gặp gỡ Chúa.

Đức Thánh Cha đưa ra lời mời gọi trên đây, trong sứ điệp nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 110, sẽ được cử hành vào Chúa nhật, ngày 29 tháng Chín năm nay. Sứ điệp được Đức Hồng Y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, giới thiệu trong cuộc họp báo, sáng ngày 03 tháng Sáu vừa qua, tại Vatican.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Ta có thể nhìn thấy nơi những người di dân thời nay, giống như những người di dân mọi thời, một hình ảnh sinh động về dân Thiên Chúa trên đường tiến về quê hương vĩnh cửu. Hành trình hy vọng của họ nhắc nhớ cho chúng ta rằng “quê thật của chúng ta là ở trên trời, và tại đó, Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô đang chờ đợi chúng ta” (Pl 3,20).

Sau khi nói đến sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa nhiều lần trong hành trình của dân Chúa trong cuộc lữ hành xưa kia, cũng như những khó khăn, nguy hiểm và chiến đấu của họ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Thiên Chúa không những bước đi với dân Ngài, nhưng còn ở trong dân, theo nghĩa Chúa đồng hóa với những người nam nữ đang tiến bước qua lịch sử, - đặc biệt những người rốt cùng, người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề - như thể kéo dài mầu nhiệm Nhập Thể”.

“Vì thế, cuộc gặp gỡ với người di dân, như với một người anh chị em đang ở trong tình trạng túng quẫn, ‘cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chính Chúa đã nói điều đó. Chính Chúa đang gõ cửa nhà chúng ta, như người đói khát, khách ngụ cư, người trần trụi, đau yếu, tù đày, xin được gặp gỡ và giúp đỡ” (Bài giảng thánh lễ với cá tham dự viên cuộc gặp gỡ “tự do, không sợ hãi”, Sacrofano, 15-2-2019).

Cuộc phán xét chung, như được kể lại trong chương 25 của Tin mừng theo thánh Matthêu, không để lại nghi ngờ gì cho chúng ta: “Ta là khách ngụ cư, xa lạ và các con đã tiếp đón Ta” (v.35); và Chúa cũng nói: “Thật, Thầy bảo các con: tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con làm cho Thầy” (v.40) Vì thế, mỗi cuộc gặp gỡ trong hành trình, tượng trưng một cơ hội gặp gỡ Chúa, và là dịp đầy ơn cứu độ, vì nơi người anh chị em túng thiếu đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Theo nghĩa này, những người nghèo cứu chúng ta và giúp chúng ta gặp tôn nhan của Chúa” (Xc Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 3, 17-11-2019).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, trong Ngày di dân và tị nạn này, chúng ta hãy hiệp nhau cầu nguyện cho tất cả những người đã bỏ quê hương của họ để đi tìm kiếm những điều kiện sống xứng đáng.”

3. Ngày 01 tháng Bảy tới đây sẽ diễn ra Công nghị Hồng Y và Giám mục về việc phong hiển thánh

Sáng thứ Hai, ngày 01 tháng Bảy tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập Công nghị các Hồng Y và Giám mục, về việc tôn phong hiển thánh cho mười ba vị chân phước.

Các vị đã được Đức Thánh Cha chấp thuận, ngày 23 tháng Năm vừa qua, việc công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ hoặc ý kiến thuận của Hội đồng các Hồng Y, Giám mục thành viên Bộ Phong thánh.

Trước hết, có chân phước linh mục Giuseppe Allamano, sáng lập Dòng Thừa sai Đức Mẹ an ủi, người Ý, qua đời năm 1926, thọ 75 tuổi.

Chân phước thiếu niên Carlo Acutis, người Ý, qua đời tại Monza, bắc Ý, năm 2006, lúc mới 15 tuổi và được Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước cách đây gần bốn năm, ngày 10 tháng Mười năm 2020.

Tiếp đến là 11 vị tử đạo, gồm 8 tu sĩ Dòng Phanxicô và 3 anh em Massaki giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo Maronite, bị sát hại hồi năm 1860 tại Damasco, Syria, vì không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo để theo Hồi giáo.

Đứng đầu danh sách là cha Emanuele Ruiz, người Tây Ban Nha, tiếp đến là 6 tu sĩ Phanxicô đồng hương và một vị người Áo. Họ sống tại khu khố Bab-Touma, chia sẻ bánh với những người nghèo trong thời buổi khó khăn. Đó là thời kỳ khủng hoảng của Đế quốc Ottoman và sức ép của các cường quốc Âu châu hồi năm 1842. Quốc vương Hồi giáo Abdul Mejid I bấy giờ chấp nhận đề nghị của ông hoàng Metternich của Áo, chia miền núi Liban thành hai khu vực: phía bắc dành cho các tín hữu Kitô và phía nam dành cho người Druse Hồi giáo. Nhưng bạo lực bùng nổ ở Beirut, năm 1860 tạo nên làn sóng máu đổ khiến cho hàng ngàn tín hữu Kitô bị sát hại.

Trong đêm ngày 09 rạng ngày 10 tháng Bảy năm 1870, 8 tu sĩ Phanxicô và 3 giáo dân Công Giáo Maronite chạy vào một tu viện, với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha Bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương. Thực vậy, có kẻ phản bội họ, để cho những kẻ sát nhân lẻn vào tu viện qua một cửa nhỏ và sát hại tất cả 11 người tị nạn.

Các vị tử đạo đã được Đức Thánh Cha Piô XI tôn phong chân phước, năm 1926, và lễ kính các vị được ấn định vào ngày 10 tháng Bảy, tại nhà thờ thánh Phaolô ở Damasco, nơi vẫn còn giữ di hài của các vị.

Đức Thánh Cha phê chuẩn việc bỏ phiếu thuận của Hội đồng các Hồng Y và Giám mục thành viên Bộ Phong thánh, về việc phong hiển thánh cho cha Emmanuele Ruiz và 10 vị tử đạo tại Damasco.

Cuộc tử đạo này cũng là một chứng tá về tinh thần đại kết của các vị tử đạo thuộc các cộng đoàn Kitô nghi lễ khác nhau, vốn bị chia rẽ vì nhiều lý do lịch sử, nhưng cùng hiệp nhau trong việc làm chứng tá đến độ đổ máu đào vì cùng niềm tin nơi Chúa Kitô.

Cha Giuseppe Allamano

Trong số hai vị chân phước hiển tu sắp được tôn phong hiển thánh, chân phước thiếu niên Acutis 15 tuổi, rất được biết đến trong thời gian gần đây, còn cha Giuseppe Allamano, qua đời cách đây gần 100 năm, nhưng đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội, qua hai dòng thừa sai “Đức Mẹ An Ủi”, do cha thành lập ở Torino, bắc Ý: ngành nam hiện có hơn 910 tu sĩ hoạt động truyền giáo tại 241 nhà trên thế giới. Người con của dòng hiện nay được biết đến nhiều là Đức Hồng Y Giorgio Marengo, 50 tuổi (1974), người Ý, vị Hồng Y trẻ nhất trong Hồng Y đoàn, hiện là Phủ doãn Tông tòa Ulanbator, Mông Cổ.

Ngành nữ của Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi hiện có 530 nữ tu hoạt động tại 73 nhà trên thế giới. Trong số này, đặc biệt có nữ tu Simona Brambilla, cựu Bề trên Tổng quyền của dòng, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng thư ký Bộ các Dòng tu, ngày 07 tháng Mười năm ngoái, 2023, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục José Carballo, Dòng Phanxicô người Tây Ban Nha. Chị là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Giáo hội là nhân vật thứ hai của Bộ các Dòng tu