Phụng Vụ - Mục Vụ
6 Bài suy tư Năm Linh Mục: Đi theo Thầy Giêsu trong Thánh Thần
Lm. Lê Công Đức
02:34 16/06/2009
ĐI THEO THẦY GIÊSU TRONG THÁNH THẦN
(6 bài gợi ý suy tư - cầu nguyện)
Bài 1: NGƯƠI Ở ĐÂU?
Điểm nhắm: Nhìn lại chính mình. Mô tả con người mình hiện nay. Đặt con người mình trong viễn tượng cả hành trình cuộc đời – để thấy cần làm gì với chính mình.
1. Một minh hoạ: Đám này là đám nào?
- Giác ngộ - Thầy nói - có nghĩa là bất cứ lúc nào bạn cũng biết chính xác mình đang ở đâu. Một điều không hề dễ dàng!
Rồi Thầy kể về một ông bạn của Thầy tuy đã gần 90 tuổi nhưng rất được người ta mến mộ và mời mọc tham dự các đám tiệc của họ. Có lần, tại một buổi tiệc, có người hỏi ông ta tham dự bao nhiêu bữa tiệc nội trong buổi tối hôm ấy.
- Sáu đám! Ông ta vừa trả lời vừa dán chặt đôi mắt vào cuốn sổ tay.
- Cụ xem gì thế? Cụ kiểm tra thử sau đám này sẽ tới đám nào phải không?
- Không - ông trả lời - Tôi kiểm tra để xem đám này là đám nào.
(A. de Mello, Một Phút Tầm Phào)
Ông cụ phải mở sổ tay để kiểm tra xem đám tiệc mà ông đang dự là đám nào!
- Nghĩa là, có thể ông ăn uống rất tích cực, nói cười rất sôi nổi, hiện diện xem chừng rất năng động ở đó, song ông không biết ông đang ở đâu!
- Nghĩa là, thực ra, ý thức ông không đang ở đó: ý thức của ông về thực tại xung quanh, và ý thức của ông về chính mình.
- Nghĩa là, những gì gọi là ‘năng động’ nơi ông thực ra chỉ là những phản xạ có điều kiện, hoàn toàn máy móc.
- Nghĩa là, trông có vẻ ông ở đó mà kỳ thực ông không đang sống ở đó. Ông đang sống ở một chỗ nào khác, hoặc ông không đang sống chỗ nào cả.
- Cũng Cha de Mello, trong một tác phẩm khác, quyển Thức Tỉnh, mô tả những con người “không đang sống ở đó” là những “người chết.” Ngài nói: “Tôi đề cập đến tình trạng người ta đang mê ngủ, đang chết. Người chết đang điều khiển chính quyền, người chết đang điều khiển các công việc kinh doanh, người chết đang giáo dục những người khác...”
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người Việt Nam được kể vào số các nhà linh đạo nổi tiếng nhất của thế giới hiện đại – và linh đạo của Nhất Hạnh chứa đựng trong chỉ một từ: “ý thức” (mindfulness: tình trạng hoàn toàn nhận thức được thực tại đang diễn ra, chính mình và xung quanh mình, nghĩa là tình trạng hoàn toàn sống ở đây và lúc này).
Xem thế, hình ảnh Ađam và Eva chui trong bụi tuy thật đáng tiếc nhưng không hẳn là quá tệ. Hai ông bà ý thức: ý thức về sự trần truồng của mình; và hai ông bà biết rõ mình đang ở đâu khi nghe Thiên Chúa hỏi: “Ngươi ở đâu?”
2. Ngươi ở đâu?
Đây là câu hỏi đầu tiên, một trong những câu hỏi lớn nhất qua mọi thời đại. Câu hỏi mà Thiên Chúa hỏi con người ở đầu Sách Sáng Thế (3,9). Ađam và Eva, sau khi bất tuân phục Thiên Chúa, đã chui vào trong bụi để lẩn tránh Ngài. Thiên Chúa đi dạo trong vườn, gọi con người và hỏi “Ngươi ở đâu?” Ađam thưa: “Con nghe tiếng Ngài, và con sợ hãi, vì con trần truồng.” Thiên Chúa hỏi: “Làm sao ngươi biết là ngươi trần truồng?”
Câu chuyện lạ lùng này trong trình thuật sáng tạo không chỉ là câu chuyện của Ađam và Eva. Đây thực sự là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Đây là một mạc khải cho biết chúng ta đang ở đâu. Vẫn câu hỏi “ngươi ở đâu?” ấy được đặt ra cho mỗi thế hệ, mỗi thời đại, mỗi người. Vào mọi khoảnh khắc trong đời mình, Thiên Chúa vẫn không ngừng hỏi chúng ta: “Ngươi ở đâu? Tại sao ngươi lẩn tránh?”
Tất cả những câu hỏi nền tảng nhất liên quan đến hạnh phúc của con người sẽ bật lên khi chúng ta bắt đầu tự hỏi mình câu hỏi cào cứa này: Tôi đang ở đâu? Tôi đang ở đâu trong liên hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác? Đây chắc chắn là câu hỏi cốt thiết nhất của cuộc nhân sinh.
Cha Thomas Keating, dòng Xitô, cho thấy sự tương đồng nào đó giữa câu chuyện trên với một câu chuyện khác trong truyền thống Hồi giáo:
Ông thầy không thể vào nhà vì đã đánh mất chìa khoá cửa. Ông gập mình bò trên đám cỏ trước sân nhà, vạch từng bụi cỏ để tìm chiếc chìa khoá. Một nhóm đệ tử bước tới. Thấy cảnh tượng ấy, họ hỏi:
- Có chuyện gì vậy, thưa thầy?
- À, ta đang tìm chiếc chìa khoá, để vào nhà. Ông thầy đáp.
- Để chúng con giúp cùng tìm với thầy.
- Được lắm. Ông thầy gật đầu.
Thế là cả nhóm đệ tử sà xuống, bò lê trên đám cỏ, lùng sục từng centimét. Thầy trò cứ thế cặm cụi mò tìm, dưới cái nắng mỗi lúc một gay gắt hơn. Một đệ tử lên tiếng hỏi:
- Nè, thầy có nhớ chính xác thầy đã đánh mất chìa khoá ở chỗ nào không?
Ông thầy ngước lên, trả lời:
- Đương nhiên là ta nhớ chứ. Ta đã đánh mất nó ở trong nhà.
Cả đám đệ tử cùng trố mắt ngạc nhiên:
- Ủa, vậy sao thầy lại chúi mũi kiếm nó ở ngoài này?
- Vì ở đây sáng sủa, dễ tìm hơn.
Ông thầy ở đây sẽ được mô tả là: điên, khùng, ngốc, ngớ ngẩn...!
Tất cả chúng ta đều đã lạc mất chìa khoá vào nhà. Chúng ta không còn sống trong ngôi nhà của mình nữa. Chúng ta không kinh nghiệm Thiên Chúa ở trong mình. Chúng ta không ở trong sự thân mật với Thiên Chúa mà Ađam và Eva đã từng kinh nghiệm trong vườn Êđen, sự thân mật mà ông thầy trong câu chuyện trên kia từng kinh nghiệm trước khi ông đánh mất chìa khoá cửa. Ngôi nhà ấy tượng trưng cho hạnh phúc – và hạnh phúc là sự thân mật với Thiên Chúa, là kinh nghiệm về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Không có kinh nghiệm này, mọi sự khác đều bế tắc. Có kinh nghiệm này, mọi sự đều được khai thông.
Đó là thân phận con người. Ta không biết đâu là nguồn hạnh phúc đích thực; hoặc giả có biết, ta cũng đã đánh mất chìa khoá để mở cánh cửa hạnh phúc ấy. Ta vô vọng kiếm tìm hạnh phúc nơi mà hạnh phúc chẳng thể được tìm thấy. Chìa khoá không rơi mất ngoài đám cỏ. Nó không rơi mất bên ngoài ta. Nó lạc mất đâu đó bên trong ta; và ta cần phải tìm kiếm nó bên trong chính mình.
Một cách để đặc tả thân phận con người, đó là: Ai cũng loay hoay kiếm tìm chìa khoá mà chẳng ai biết nó ở đâu. Thân phận con người, vì thế, vô cùng đớn đau. Và nếu bạn cần sự giúp đỡ trong khi bạn đang tìm chìa khoá ở nơi không hề có nó, thì sự giúp đỡ có đầy cho bạn đấy. Bởi vì mọi người cũng đang tìm nó ở nơi không hề có nó: Nơi sáng sủa hơn, vui thú hơn, an toàn hơn, có nhiều sự dễ chịu hơn, và có nhiều sự chấp nhận của người khác hơn. Người ta gắn bó với nhau trong cuộc kiếm tìm mà chẳng có dấu hiệu gì để hy vọng sẽ gặp được điều mình tìm kiếm.
Thân phận con người là thân phận lạc mất. Theo Augustinô, sự lạc mất đầu tiên ấy để lại 3 hậu quả là mê lầm, dục vọng và yếu nhược: (1) mê lầm: Ta không biết hạnh phúc nằm ở đâu; (2) dục vọng: Ta tìm hạnh phúc ở những nơi không thực sự có nó; và (3) yếu nhược: Hoặc giả ta nhận ra được đâu là nơi có hạnh phúc đích thực, thì ý chí của ta cũng quá yếu ớt và ta không đủ sức theo đuổi.
3. Tôi đang ở đâu?
Trong 3 chiều không gian và một chiều thời gian, thật không khó để xác định gần như chính xác tuyệt đối tôi đang ở đâu. Wikimapia hoặc Google Map có thể giúp chỉ ra chính xác tôi đang ở kinh tuyến và vĩ tuyến nào trên bề mặt địa cầu này.
Và câu trả lời ấy đúng cho tất cả mọi người đang có mặt với tôi ở đây.
Nhưng khi vấn đề đặt ra là tôi đang ở đâu trong quan hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, thì câu trả lời không thể “xài chung” được nữa. Mỗi người sẽ dừng lại, nhắm con mắt thể lý, mở con mắt tâm hồn ra, nhìn quanh, xác định những dấu mốc, để nhận ra chính xác mình đang ở đâu.
Một năm, một tháng, một tuần qua, tôi có những chuyển hoá nào? Tôi thêm kiến thức, thêm kỹ năng, thêm các mối quan hệ... và phải chăng tôi cũng thêm tin, yêu, tự do và hạnh phúc?
Đã có những thay đổi nào trong thói quen, trong tầm nhìn, trong đánh giá, trong cách phản ứng của tôi?
Thời gian đã giúp tôi trở nên phong phú hơn, hay tôi đã hoá ra nghèo nàn hơn?
- Hệ trục toạ độ:
- Với Thiên Chúa: Đức Tin, Cậy, Mến của tôi? Đời sống cầu nguyện của tôi? Việc cử hành phụng vụ, bí tích? Chỗ đứng của Lời Chúa trong đời sống của tôi?
- Với chính mình: Tôi đã làm gì với thời gian của mình? Sức khoẻ của mình? Tiền bạc của mình? Các khả năng mà Thiên Chúa ban cho mình?
- Với người khác: Tôi có thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại? Tôi có chịu đựng và tha thứ ? Tôi có yêu thương? (cf. Cl 3,12-14)
Tóm lại, tôi đang ở đâu? Tôi đang ở trong bụi rậm nào khi Chúa đến gọi tôi lúc này? Sự thật nào nơi mình làm cho tôi thấy mình trần truồng và xấu hổ?
Ý thức trần truồng và sự xấu hổ, thật ra, không phải là cái gì quá tệ hại. Trái lại, đó là điều kiện cho sự chữa lành, sự cứu độ (salvation). Tôi thậm chí cần phải xin ơn cho được ý thức về sự trần truồng của mình, xin ơn cho được cảm thấy xấu hổ về sự trần truồng ấy – và xin ơn để chui ra đối diện với Chúa, để nhận trách nhiệm về tất cả sự thật của mình trước mặt Ngài, và để được Ngài nâng đỡ mà bắt đầu lại từ chính sự thật ấy.
Nhìn lui rồi nhìn tới – tôi cũng nên nhìn tới tương lai một chút (coi như một cách để chia trí!) Tôi dừng lại chiêm ngắm tấm bia mộ sẽ mang tên tôi:
“Giuse Lê Công Đức, 1959 – 20..”
Bài 2: THẦY Ở ĐÂU? (Ga 1,38)
Điểm nhắm: Hỏi “Thầy ở đâu?” là một cách thăm dò tinh tế để điều tra cho một dấu hỏi căn bản hơn: “Thầy là ai?” Hai môn đệ đầu tiên đến chỗ của Thầy và ở lại với Thầy hôm ấy, như chính thức bắt đầu một hành trình khám phá Đức Giêsu sẽ còn tiếp tục mãi, không cùng. Đức Giêsu là một con người quá kỳ lạ. Không gì ngớ ngẩn cho bằng giả thiết rằng mình đã ‘nắm’ Ngài. Và, nhiều khi, thái độ lý tưởng là tháo gỡ hết mọi tiên kiến, mọi quan niệm có sẵn về Ngài – để tiếp xúc với Ngài như thể mới phút đầu gặp gỡ...
1. Nhân danh Đức Giêsu Kitô!!!
Bộ phim Jesus của đạo diễn Roger Young bắt đầu bằng một cảnh cực kỳ gây sốc nhưng cũng là một cảnh đầy lịch sử tính: Trên màn hình là một con người bị trói hai tay và bị treo hẫng trên giàn hoả thiêu; lửa được châm và bùng lên thiêu đốt người ấy, trong khi đó một vị (không rõ là giáo hoàng hay giám mục) với phẩm phục và mũ gậy đầy đủ, đứng bên cạnh dõng dạc tuyên bố:
“Nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Vâng, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ở trên trời, ta xử tử ngươi vì ngươi làm chứng điều sai trái, vì người tin những điều sai trái, vì ngươi nói những lời sai trái, và vì ngươi làm ố danh của Chúa Giêsu Kitô!”
Thật khó có gì mỉa mai hơn! Người xem phim bất chợt tự hỏi: Ai thực sự đang làm ố danh Đức Giêsu Kitô, kẻ bị thiêu sống hay là kẻ đang thiêu sống người khác? Không có gì dễ cho bằng nhân danh Đức Giêsu. Nhưng liệu khi nhân danh Ngài như vậy, ta đã thực sự hiểu về Ngài? Ở đây lộ ra một vấn đề căn bản nhất: Đức Giêsu bị hiểu lầm, hoặc thậm chí bị cố tình ép nặn cho vừa với cái khuôn suy nghĩ của người ta. Và ta đừng quên, đây là bi kịch trong Giáo Hội và do Giáo Hội, đã từng kéo dài trong một thời.
Mới đây, Linh mục Nguyễn Trọng Viễn, OP., có ra một quyển sách nhỏ mang tựa đề “Những Căn Bệnh Trầm Kha trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo tại Việt Nam.” Tác giả liệt kê 5 căn bệnh trầm kha, gọi là 5 thứ ‘đạo’: đạo sinh hoạt, đạo hiếu kính, đạo thiêng liêng, đạo luân lý và đạo thực dụng. Các tên gọi này thoạt nghe không đến nỗi ‘vấn đề’ gì lắm, nhưng thực ra đó là những ‘đạo’ rất là có ‘vấn đề’, rất là xa lạ với đạo đích thật của Đức Giêsu – và do đó cũng rất xa lạ với chính Đức Giêsu! Sau đây là những dòng tác giả viết trong lời ngỏ:
“Tôi nghe kể: có một người kia, rất giàu có và có những 18 bà vợ. Mỗi bà vợ đều có cơ ngơi riêng, cuộc sống tương đối an nhàn. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công Giáo và được rửa tội...
Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công Giáo đã thốt lên ngay: Ông này hên thật, được cả đời này lẫn đời sau!
Những nhận định kiểu như thế ta có thể thấy khá nhiều. Và nếu vậy, thì những người Công Giáo đạo gốc đã không được ‘hên’ như thế, vì họ phải biết đạo sớm, phải lo giữ đạo cả một cuộc đời mà không chắc có được lên thiên đàng hay không.
Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam: đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một gánh nặng phải mang vác để đổi lấy cuộc sống thiên đàng mai sau. Quả thật, nói chung, những cộng đoàn Kitô giáo vẫn chưa có mấy dấu hiệu khá lên về đời sống bác ái; tổ chức quản trị trong Giáo Hội ít biểu lộ một thái độ tôn trọng tín hữu, nhất là những người bé mọn; sinh hoạt trong Giáo Hội ít triển nở thành thái độ có tâm huyết với cuộc đời.
Trong nhân cách Kitô hữu, nói chung, chúng ta cũng ít thấy biểu lộ một sự trưởng thành và triển nở phong phú vì được làm con cái Chúa. Thái độ người Kitô hữu ít diễn tả được sự tự do của con cái Chúa, nhưng thường là một thái độ dúm dó, sợ hãi, nệ luật, lách luật, hình thức, và ấu trĩ...”
Rồi tác giả tự hỏi:
“Làm thế nào để người Kitô hữu có được sự gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu nhiều hơn, chứ không chỉ tham dự sinh hoạt tôn giáo? Làm thế nào để người Kitô hữu nhận ra một Đức Giêsu là Bạn và là người Anh, là Đấng có thể chia sẻ cả những tội lỗi yếu đuối của mình? Làm thế nào để người Kitô hữu tìm thấy niềm vui chân thật, chứ không phải chỉ còng lưng ‘đóng thuế’ cho một thế giới thiêng liêng nào đó? Làm thế nào để người Kitô hữu nhận được tình thương cứu độ của Đức Giêsu chứ không phải chỉ là nỗ lực luân lý nhằm tu sửa một cách khó nhọc? Làm thế nào để người Kitô hữu gặp gỡ được chính Chúa và được biến đổi chứ không phải chỉ xoay sở và thu gom những công phúc cho cá nhân? Làm thế nào để thái độ trung tín với một Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cũng chính là lời loan báo Tin Mừng như một giải pháp cho cuộc sống nhân sinh hôm nay?”
Chúng ta sẽ làm thế nào để trả lời những câu hỏi “làm thế nào” đó đây, nếu không phải trước hết là quay lại với Đức Giêsu Kitô, để hỏi “Thầy, Thầy ở đâu?” – để đến ở với Thầy và khám phá Thầy.
2. Quay lại với Đức Giêsu Kitô
Cha Joseph Girzone, 79 tuổi, dòng Cát Minh ở New York, là một tác giả Mỹ ‘best-selling.’ Ngài thành lập tổ chức Joshua Foundation, nhằm mục đích giúp cho người ta hiểu Đức Giêsu nhiều hơn. Khoảng hai chục quyển sách của ngài, bán rất chạy, đều viết về Đức Giêsu, thuộc nhiều thể loại. Trong quyển Chân Dung Đức Giêsu, ngài viết:
“Phải một thời gian lâu lắm tôi mới ý thức rằng còn có cái gì thiếu sót trong lối hành đạo của chúng ta, và điều này làm cho tôi rất ái ngại. Chúng ta ai cũng nhạy cảm đối với phong tục tập quán của Giáo Hội mình. Các giáo sĩ lo bảo vệ đức tin của tín đồ và lo sao cho họ trung thành với nhà thờ hay hội đường của mình. Điều này không có gì sai. Nhưng một ngày nọ tôi cảm thấy rằng chúng ta chỉ quan tâm đến Giáo Hội và nhà thờ của mình mà ít quan tâm đến điều Thiên Chúa muốn... (bản tiếng Việt, tr.3-4). Tôi cảm nghiệm rằng mặc dù chúng ta hăng say hoạt động cho Giáo Hội, nhưng điều Đức Giêsu muốn thì lại không phải là động lực của chúng ta. Đối với những người lãnh đạo trong Kitô giáo thì điều Đức Giêsu muốn phải đứng hàng đầu, nhưng Giáo Hội, thần học và giáo luật lại là động lực căn bản! Vì thế nhiều vị trong khi hành sự không quan tâm đến điều Đức Giêsu muốn (tr. 6). Khi đi giảng về đời sống và về điều Đức Giêsu dạy, tôi phải ngạc nhiên khi nghe dân chúng nói rằng họ chưa bao giờ nghe nói về đời sống của Đức Giêsu. Một linh mục rất thánh thiện mà tôi kính yêu từ lâu nói rằng ông rất đỗi ngạc nhiên vì làm sao tôi có thể nói về Đức Giêsu suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi tôi hỏi tại sao ông ngạc nhiên thì ông bảo rằng trong ĐCV không có dạy về Đức Giêsu. Người ta chỉ dạy Kitô học, Kinh Thánh, giáo luật và một số môn học khác, nhưng không ai dạy môn học về con người Giêsu, về điều Giêsu nghĩ và tầm nhìn của Ngài.
Tôi cũng gặp một chuyện tương tự khác. Một sinh viên muốn mời tôi đến chủng viện của anh để nói về Đức Giêsu. Tôi bảo anh nên dàn xếp với phân khoa gửi giấy mời cho tôi. Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị anh yêu cầu một giáo sư thần học trong ban giáo sư để dạy về Đức Giêsu. Anh trả lời rằng anh và các sinh viên khác đã đề nghị với một giáo sư thần học nổi tiếng, nhưng ông ta trả lời rằng người ta thuê ông dạy thần học chứ không phải dạy về Đức Giêsu.” (tr. 7-8).
Với quyển “Giôsua, Dụ Ngôn Cho Thời Nay,” Cha J. Girzone đã viết một tiểu thuyết hẳn hoi, trong đó ngài cho Đức Giêsu xuất hiện trở lại trong thế giới hiện đại, và Giêsu hiện đại này đã gây nhiều bất ngờ, đồng thời cũng gặp nhiều phiền phức, thậm chí do chính Giáo Hội!
Thế đấy, Đức Giêsu là một nhân vật kỳ lạ!
3. Đức Giêsu được mô tả thế nào trong các sách Tin Mừng?
Đức Giêsu là một nhân vật kỳ lạ. Và nói theo ngôn ngữ của Cha Albert Nolan, dòng Đa Minh, thì Đức Giêsu là một con người bị đánh giá thấp quá. Bị đánh giá thấp không chỉ bởi những con người chỉ nhận thấy nơi Ngài một bậc thầy tôn giáo, mà còn cả bởi những con người quá nhấn mạnh thần tính của Ngài, khiến Ngài không còn là một con người với đầy đủ nhân tính nữa. Khi người ta để Đức Giêsu tự nói về thân thế, khi người ta thử tìm hiểu Ngài với một đầu óc không định kiến, trong khung cảnh của thời đại Ngài đang sống, thì người ta sẽ nhận thấy một cái gì lộ rõ lên, đó là hình ảnh của một người có tư cách độc lập phi thường, có đức tính dũng cảm tuyệt vời, có thái độ trung thực vô song, một con người mà không ai giải thích nổi bản lĩnh. Tước đoạt nhân tính ở một con người như thế, tức là tước đoạt mất sự cao cả của Ngài.
Chúng ta khó hình dung được Đức Giêsu đã là một con người như thế nào mà khác tất cả những nhân vật có trước cũng như các người đồng thời cách triệt để đến thế. Tri thức to lớn của giới ký lục đã không làm cho người nao núng. Ngài không ngần ngại tách xa khỏi họ, mặc dù họ xem ra rất thông thạo hơn Ngài về các chi tiết lề luật và về cách giải thích lề luật theo cổ truyền. Đối với Ngài không có một truyền thống nào quá thiêng liêng đến không thể làm ngược lại, không có điều gì chắc chắn căn bản đến không thể biến đổi được.
Nhưng Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu không đối lập với thiên hạ vì đầu óc chống báng hay vì muốn bộc lộ sự bực bội sâu sắc đối với mọi người. Suốt cả cuộc đời, Ngài đã để lại cho chúng ta ấn tượng về một con người dám nói dám làm theo những quan niệm của mình, một con người độc lập đối với mọi người.
Nơi Đức Giêsu, không hề có một dấu vết sợ hãi. Không sợ gây gương xấu, không sợ mất tiếng tốt, không sợ ngay cả mất mạng sống của mình. Tất cả những con người tôn giáo, ngay cả Gioan Tẩy Giả, đều sửng sốt khi thấy Ngài hoà mình với những người tội lỗi, khi thấy Ngài vui thích bầu bạn với họ, khi thấy Ngài tự do đối với lề luật, khi thấy Ngài có vẻ như chẳng quan tâm mấy đến sự nghiêm trọng của tội lỗi, và khi thấy Ngài tương giao với Thiên Chúa một cách thật thoải mái. Đức Giêsu đã sớm tự chuốc lấy điều mà chúng ta có thể gọi là tiếng xấu: “Một kẻ háu ăn và nghiện rượu.” Chính Ngài đã thuật lại lời đàm tiếu ấy có pha một chút dí dỏm (Mt 11,16-19). Nói theo cách suy diễn, sự thân cận với những người tội lỗi khiến thiên hạ liệt Ngài vào hạng người tội lỗi (Mt 11,19; Ga 9,24). Và vào một thời mà sự đánh bạn với một phụ nữ không họ hàng gì với mình chỉ gây nên ngờ vực, dị nghị, thì việc Ngài giao thiệp với đàn bà, trong đó có những người mãi dâm, đã đủ làm cho Ngài mất hết danh giá (Lc 7,39; Ga 4,27). Đức Giêsu đã chẳng cần làm gì cả và chẳng cần thoả hiệp với ai để giữ lấy dù chỉ là một chút danh giá trước mắt người đời. Ngài đã không tìm kiếm sự tán thành, dù của “người lớn nhất trong số những kẻ được đàn bà sinh ra” – tức là Gioan Tẩy Giả.
Theo Máccô (rồi Mt và Lc cũng thế), thì cho đến cả những kẻ thù của Đức Giêsu cũng phải công nhận Ngài là một người ngay thật, chẳng sợ ai: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một người chân thật và Thầy không sợ bất cứ ai; Thầy không quan tâm đến địa vị xã hội, nhưng Thầy dạy đường lối của Thiên Chúa theo sự thật” (Mc 12,14).
Mặc dù họ nói thế để gài một cái bẫy, nhưng câu nói ấy cũng cho chúng ta ý niệm về ấn tượng mà Đức Giêsu đã in sâu vào tâm trí dân chúng. Gia đình có lần nghĩ Ngài là kẻ mất trí (Mt 3,21). Những người Pharisêu thì bảo Ngài là một kẻ bị quỉ ám (Mc 3,22). Họ tố cáo Ngài là một kẻ say rượu, một kẻ tham ăn, một kẻ tội lỗi, một kẻ phạm sự thánh, nhưng không ai có thể cho Ngài là một kẻ gian dối hay giả hình, không ai có thể trách rằng Ngài sợ những gì thiên hạ có thể nói về Ngài, hoặc sợ những gì người ta có thể làm để chống lại Ngài.
4. Đề nghị vài hướng để khám phá Đức Giêsu
-Theo bạn, đâu là điểm khác biệt căn bản giữa Đức Giêsu và các vị sáng lập các tôn giáo như Đức Phật, Mahomet, Khổng Tử, Lão Tử? Các vị ấy có thể dạy yêu thương, nhưng các vị ấy có khẳng định tình yêu của mình đối với các tín đồ và đòi các tín đồ yêu mình không? Bạn hãy hình dung tâm trạng của Đức Giêsu khi Ngài nói “Này là mình Thầy... / Này là máu Thầy...”, khi Ngài quì xuống rửa chân cho các môn đệ, hay khi Ngài nói những lời này: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).
-Bạn có thể thử nhắm mắt lại, ‘nhìn’ Chúa Giêsu, và hỏi Ngài “Thầy ở đâu?” một cách nóng bỏng, mới tinh, một cách đầy đủ tính thời sự không?
-Bạn cho rằng Kitô hữu là người có Đức Kitô, người mang Đức Kitô hay là người không ngừng khám phá Đức Kitô?
-Mahatma Gandhi, một người Ấn giáo, đã ‘mê’ Đức Giêsu trong các Sách Tin Mừng. Còn chúng ta, đọc Tin Mừng hoài, nhưng chưa chắc đã say mê Ngài như ông ấy. Bạn nghĩ trong việc khám phá Đức Giêsu thì đâu là điểm thuận lợi của Mahatma Gandhi so với nhiều Kitô hữu chúng ta? Nhưng Gandhi đã không bao giờ trở thành Kitô hữu... Bạn thử giải thích trường hợp này. [Liên hệ đến câu chuyện Gandhi bị từ chối, không cho phép bước vào một nhà thờ để tham dự Thánh Lễ - vì đó là ‘chỗ của người da trắng’, còn Gandhi lại là một người da đen.]
-Bạn hãy tưởng tượng Đức Giêsu đến làm người lần nữa, lần này Ngài sinh ra và lớn lên tại Việt Nam... Và bạn đi tìm gặp Ngài, thì nhiều khả năng bạn sẽ gặp Ngài đang làm gì, ở đâu? Bạn sẽ thấy Ngài yêu gì, ghét gì? Gặp rắc rối với những ai? Được thông cảm và ủng hộ bởi những ai?
-Hoặc bạn hình dung kiểu khác: Nếu kê ra danh sách 10 người hay 5 người được biết đến nhiều của thế giới trong 100 năm hay 50 năm trở lại đây, và đó là những người giống với Đức Giêsu như được trình bày trong các Sách Tin Mừng nhất – bạn sẽ đưa những tên tuổi nào vào danh sách? Tại sao?
Bài 3: THẦN KHÍ CỦA ĐỨC CHÚA NGỰ TRÊN TÔI...
-Điểm nhắm: Nếu Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, thì đó là tình yêu vừa phổ quát, vừa thiên vị: Ngài ưu tiên yêu thương những người nghèo, những người bất hạnh, những người tội lỗi, bị loại trừ, bị áp bức... Nhìn Đức Giêsu trong sứ vụ công khai của Ngài, ta thấy Ngài là một nhà chữa trị, nhà giải phóng.
1. Hôm nay, những lời ấy của ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm
Sau 30 năm sống ở Nadarét, Đức Giêsu lên đường rao giảng một sứ điệp mà Ngài gọi là Tin Mừng. Ở hội đường Nadarét, Ngài cầm cuộn Kinh Thánh người ta trao cho và đọc lớn tiếng: “Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố kẻ bị giam cầm sẽ được giải phóng, người mù sẽ được thấy, người bị áp bức sẽ được tự do, và công bố năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19)
Kẻ bị giam cầm sẽ được giải phóng, người bị áp bức sẽ được tự do! Đấy không phải là nói đến sự thống trị của La Mã, nhưng là của tôn giáo. Dân chúng phải giữ hết luật này đến luật khác, xác định từng chi tiết của đời sống thường nhật. Ngoài những luật lệ đàn áp do người La Mã, còn có một bộ luật Do Thái cả về dân sự lẫn tôn giáo. Riêng về luật tôn giáo, không chỉ có 10 Điều Răn. Còn có 631 giới răn và 365 điều cấm kỵ và hàng trăm lệnh phải tuân giữ. Dân chúng nếu không giữ nổi hết các luật ấy thì bị các vị lãnh đạo tôn giáo tuyệt thông, không cho phép đi lại với những người ngay lành khác trong xã hội. Thánh Phaolô nói rằng lề luật là “gánh nặng mà con người không mang nổi.”
Và Đức Giêsu, đã trịnh trọng tuyên bố rằng “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe.” Khi Đức Giêsu nói về chính mình, Ngài tự mô tả Ngài là một người được sai đến. Ngài nói rằng Ngài được Cha sai đến để làm một việc gì đó. Ngài không cung cấp cho các môn đệ hay bạn hữu của Ngài nhiều thông tin về đời sống bên trong của Ngài, về tính cách, hay về những yếu tố mà chúng ta vẫn thường gắn với nhân cách của một con người. Nhân cách của Đức Giêsu bộc lộ chính là qua sứ mạng mà Ngài đảm nhận, được đồng hoá với chính sứ mạng ấy. Đối với Đức Giêsu, sứ mạng không chỉ là một chức năng, một công tác hay một nghề nghiệp; đúng hơn, sứ mạng bao trùm và thấm nhập toàn thể hiện hữu và sự sống của Ngài.
Trong các Tin Mừng nhất lãm, Đức Giêsu không nói nhiều về chính mình – vì thế, những trường hợp ít ỏi mà Ngài tự bạch thật đáng để ta chú ý: “Nào chúng ta hãy đi đến những làng khác nữa, để ta cũng sẽ rao giảng Tin Mừng ở đó. Vì chính để làm công việc này mà ta được sai đến.” (Mc 1,38). Tin Mừng thứ tư, trái lại, hướng sự chú ý của ta vào con người Đức Giêsu. Và trong bản văn Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc đến sứ mạng của Ngài không dưới 40 lần. Những động từ “đến” và “sai đến” xuất hiện trùng trùng. Đây là hai ví dụ: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Ngài. Phần tôi, tôi biết Ngài, bởi vì tôi từ Ngài mà đến, và chính Ngài đã sai tôi.” (Ga 7,28-29); “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.” (Ga 17,18).
Về sau này, khi các Tông Đồ và các tác giả Tân Ước muốn đúc kết toàn bộ câu chuyện cách ngắn gọn, họ cũng đã không dùng những từ nào khác: “Khi đã đến thời ấn định, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến...” (Gl 4,4); “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống.” (1 Ga 4,9).
Rất thường, khi Tân Ước đề cập chuyên biệt về sứ mạng thì đó là đề cập đến nguồn gốc và hướng đích của sứ mạng ấy. Nguồn gốc của sứ mạng là Chúa Cha, Đấng sai Đức Giêsu đến. Và hướng đích của sứ mạng được kể trước hết là những kẻ nghèo hèn, những kẻ bị giam cầm, những người mù, những người bị áp bức... như chính Đức Giêsu xác nhận: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21).
Thật vậy, trong các sách Tin Mừng, những người dành được sự đặc biệt quan tâm của Đức Giêsu là những người nghèo, mù loà, què quặt, phung hủi, những người đói khát, đau khổ, những người tội lỗi, đĩ điếm, thu thuế, những kẻ bị quỉ ám, những người bị áp bức, bị chà đạp, bị giam cầm, những người vất vả khó nhọc và gánh nặng, những người ngu dốt không biết lề luật, những đám đông vô danh, những người bé mọn, thấp hèn, những con chiên lạc khốn khổ của nhà It-ra-en. Những con người ấy, không thể lẫn với những người khác, được Đức Giêsu gọi chung là những người nghèo hay những người bé mọn – còn những người Pharisêu thì gọi những người đó là những kẻ tội lỗi. Cha Noland nói rằng người ta có thể hiểu Napoleon mà không cần hiểu đám đông khốn khổ trong thời của ông, nhưng chắc chắn sẽ không thể hiểu Đức Giêsu nếu không đặt Ngài trong bối cảnh những người khốn khổ vào thời của Ngài.
2. Đức Giêsu có thánh thiện không?
Một câu hỏi đặc biệt giúp rọi ánh sáng trên sứ mạng của Đức Giêsu, đó là: Đức Giêsu có thánh thiện không? Cứ theo sự trình bày của các sách Tin Mừng thì câu trả lời là Có và Không. Ngài không thánh thiện theo quan niệm thông thường của người đương thời về sự thánh thiện. Sự bỡ ngỡ của những người đồng hương của Ngài là bằng chứng cho điều này: “Anh ấy học những điều đó ở đâu? Anh ấy không phải là con bác thợ mộc, lớn lên giữa chúng ta đây sao?” Đó là một câu hỏi rất chính đáng. Thật ngỡ ngàng đối với những người cùng lớn lên với Giêsu và quen biết Ngài trong nhiều năm nhưng chưa từng thấy gì thánh thiện nơi Ngài. Bạn hãy tự hỏi mình “làm sao Đức Giêsu sống nơi làng mạc đó lâu năm mà không lộ bản tính của mình?” Rồi một câu hỏi nữa được đặt ra: “Làm sao Con Thiên Chúa, hiện thân của Thượng Đế Giao Ước, sống nơi làng mạc đó bao năm mà dân chúng không thắc mắc, đừng nói chi đến thiên tính của Ngài?”
Thời ấy, thánh thiện có nghĩa là tỉ mỉ tuân giữ lề luật – trung thành với truyền thống và phong tục được xem là biểu thị đời sống đạo đức của Do Thái. Hình như Đức Giêsu không nghĩ vậy. Hình như Ngài có một ý niệm khác hẳn về sự thánh thiện. Hình như, thậm chí, thánh thiện theo quan niệm của Ngài thì chẳng thánh thiện gì theo quan niệm của người Do Thái thời ấy và có thể cả của chúng ta hôm nay.
Những người quen biết Đức Giêsu chỉ thấy Ngài là người thường như mọi người. Ngài không làm ra vẻ thánh thiện. Hơi lạ là không nơi nào trong các sách Phúc Âm nói rằng Ngài đạo đức, nhưng lại thường nói Ngài đi đó đây làm việc thiện. Dường như đối với Đức Giêsu thì thánh thiện thật là sống hoàn toàn như một con người, một con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, thế thôi!
Dân chúng thấy gì nơi Đức Giêsu? Đây là điều quan trọng, bởi vì Đức Giêsu sống cách nào thì đó cũng là điều chúng ta phải noi theo. Ngài là “đường, sự thật, và sự sống” của chúng ta mà! Xem ra Đức Giêsu sống cách bình thường như mọi người trong làng. Ngài yêu mến mọi loài, từ Thiên Chúa đến loài bé nhỏ nhất, như đọc thấy trong các sách Phúc Âm. Ngài vừa đơn sơ vừa khôn khéo, điều mà Ngài khuyên các môn đệ trong một dịp nào đó. Ngài rất thông minh, cẩn mật, thận trọng, nhìn xa, hiền lành và nhân hậu, can đảm và không sợ tự vệ khi bị tấn công, như Ngài thường làm khi đương đầu với các kinh sư và nhóm Pharisêu. Ngài rất dễ mến và lịch thiệp, không hay nổi giận, không làm ra vẻ ‘ta đây’, nhưng thành thực, khiêm tốn và cảm thông mọi người. Chắc chắn Đức Giêsu cũng rất tinh tế hài hước – điều này chỉ thấy được khi chúng ta hiểu những ẩn ý trong các sách Phúc Âm. Nói tắt, dân chúng thấy nơi Đức Giêsu một con người rất quân bình, sống thật là người và rất dễ gần. Đó là thánh thiện theo như Đức Giêsu nghĩ.
Đức Giêsu đã sống hoàn toàn như một con người. Và đó là một con người không lãnh đạm, không an phận, không hài lòng với cái ‘status quo’ của thế giới mà mình đang sống. Con người đó đã đương đầu với các cơ cấu tội lỗi nơi xã hội Do Thái và nơi nhân loại nói chung. Được sai đến với thế giới có nghĩa là được sai đến để đương đầu với các cơ cấu tội lỗi làm nô lệ hoá con người. Sự thánh thiện của Đức Giêsu có liên hệ mật thiết với cuộc đương đầu của Ngài đối với các cơ cấu tội lỗi này.
3. Đức Giêsu rất có thể đã nói gì với Cha?
Cha Girzone đã dệt nên lời tâm sự sau đây của Đức Giêsu với Chúa Cha. Tâm sự khá dài, có lẽ vào một đêm nào đó Ngài thức trắng:
Lạy Cha, con rất vui mừng được ở với Cha đêm nay. Con có rất nhiều chuyện để thưa. Khi con bắt đầu sứ mạng của con, dân chúng tuốn đến với con. Họ rất cảm phục thấy con chữa bệnh và an ủi họ. Họ rất cảm xúc nghe lời con nói. Con nhìn họ và thấy nước mắt trên mắt họ, nhất là khi con nói về Cha. Họ rất ngạc nhiên khi con bảo họ Cha rất hiền lành và nhân hậu và thông cảm sự yếu đuối của họ và gánh nặng mà họ phải gánh. Dân chúng đến mỗi ngày mỗi đông. Nhưng gần đây, hình như có thay đổi. Khi con nói, con thấy mặt họ ngơ ngác như không muốn tin. Khi con nói về Nước Trời, họ nghĩ đó là vương quốc của Đavít và các trận chiến với các đoàn binh La Mã. Con biết họ muốn con làm vị cứu tinh và một ngày kia con sẽ đứng lên dẫn họ đi chiến đấu. Giờ đây họ thấy con không thích những ước vọng trần thế của họ, và những phồn vinh vật chất của họ trong ngàn năm qua. Khi con nói phải tích trữ kho tàng trên trời, họ nghĩ đó là vàng bạc tiền của trong các ngân hàng. Họ nhìn con với cặp mắt buồn bã. Lạy Cha, ngày kia con chuẩn bị họ chia sẻ đời sống của chúng ta. Con hoá bánh và cá ra nhiều để họ ăn. Họ thán phục lắm, thưa Cha. Thực ra họ muốn bắt con làm vua. Giuđa đã làm sẵn mũ vua. Nhưng con trốn chạy lên núi. Con bảo các môn đệ qua bên kia hồ, đi xa dân chúng. Con biết rằng Cha biết hết rồi, nhưng con cũng phải nói lên để Cha thông cảm và để nói với Cha những điều con đang trải qua. Con phải nói lên vì con là con người và con cần phải chia sẻ với người mà con yêu.
Ngày hôm sau khi gặp đám dân ấy trên bờ bên kia, con thách thức họ hãy nhìn thẳng vào bản thân mình. Con hứa sẽ hiến thân cho họ để làm thức ăn cho tâm hồn họ. Khi con nói sẽ hiến thân con làm thức ăn, họ nhìn con rất ngạc nhiên, không tin điều con nói. Khi họ hỏi lại, con quả quyết điều con nói là đúng. “Nếu các anh chị không ăn thịt tôi và uống máu tôi, các anh chị không có sự sống.” Họ lẩm bẩm với nhau: “Khó tin quá, ai mà tin được?” Rồi họ bỏ đi. Giuđa cũng không tin. Con thấy ma quỉ nhập vào nó. Nó vỡ mộng.
Lạy Cha, gần đây con cũng để ý thấy những người Sađuxê và người Hêrốt nhập bọn với nhóm Pharisêu. Họ là những kẻ thù không đội trời chung với nhau.Bây giờ họ lại thân nhau. Con biết họ đang âm mưu giết con. Con thấy như vậy. Con sợ lắm, thưa Cha. Con biết không nên sợ, nhưng con đã bỏ đi thiên tính của con và giờ đây con rất yếu đuối. Con thật sự sợ hãi. Con biết rồi sẽ kết cục ra sao. Dân chúng cũng đến thưa dần, vì họ thấy bề trên không hài lòng với con hay với những gì con nói. Dân chúng sợ các giáo sĩ và các người lãnh đạo của họ. Họ tránh né con, trừ khi họ mang những người bệnh, những người tàn tật và sắp chết đến để con chữa. Lạy Cha, con chữa cho họ mặc dầu con biết nhiều người trong họ không dám dấn thân với con vì sợ các giáo sĩ trừng phạt.
Lạy Cha, khi con khởi sự sứ mạng, con có rất nhiều ước mơ, có rất nhiều việc con muốn làm cho Cha. Con nghĩ là con hiểu được bản tính nhân loại và có thể chinh phục dân chúng trở về với Cha. Nhưng con không làm được. Không dễ dàng tí nào. Họ không hết lòng nghe con. Đối với họ, con là người thiếu thực tế quá. Họ muốn có một quốc gia trần thế; nhưng con chỉ có đem đến cho họ chân lý và thiện mỹ của Cha và hứa với họ rằng một ngày kia họ sẽ mãi mãi sống với Cha trong nhà Cha. Con nghĩ rằng con có thể đem họ trở về với Cha, và giành lại toàn thế giới khỏi tay Satan mà dâng cho Cha. Nhưng bây giờ con biết con không làm được. Con nghĩ rằng con thất bại. Con chưa bao giờ thất bại. Giờ đây con hiểu được thế nào là đau khổ khi con người thất bại, khi họ thất bại trong hôn nhân, thất bại trong việc lo cho gia đình, và thất bại trong việc bảo vệ con cái của họ. Con thông cảm những tâm trạng ê chề của họ. Con biết con không hẳn thất bại về những việc con đã định thi hành khi đến đây, đó là cứu rỗi thế gian bằng đau khổ và cái chết của con – nhưng còn nhiều việc con muốn thực hiện cho Cha. Giờ đây con thấy những việc này quá sức con. Con không thể làm mất tự do của con người và ép họ phải theo mệnh lệnh của con. Có lẽ với thời gian họ sẽ hiểu, nhưng phải lâu sau khi con ra đi. Con ước chi có thể làm nhiều cho Cha. Con không thể dập tắt những cảm nghĩ không tốt đẹp đó. Con sợ hãi quá. Xin Cha ở với con.
Con biết Cha luôn luôn ở bên con. Đôi khi con không cảm thấy điều đó. Con thấy rõ ràng những gì sẽ xảy ra ở Giêrusalem. Con thấy chúng đến lẹ quá. Con biết Cha luôn ở bên con và nhờ đó con cảm thấy mạnh mẽ. Lạy Cha, Cha là sức mạnh của con. Xin giúp con và ở bên con vì ngày cuối cùng sắp đến. Con cần Cha hơn bao giờ hết. Xin Cha cũng giúp mẹ con. Bà sẽ đau khổ khi thấy con đau khổ. Bà thật là tốt đẹp. Cha không thể cho con một người mẹ tốt lành hơn. Xin Cha cũng nâng đỡ các môn đệ của con. Họ yếu đuối lắm. Đôi khi họ làm con lo lắng. Xin giúp họ qua mọi thử thách này. Lạy Cha, xin tha tội cho Giuđa. Con biết hắn sẽ làm gì. Con biết hắn không đến nỗi tệ lắm, nhưng vì hắn say mê tiền bạc và cảm thấy mình quan trọng. Chào Cha. Con xin vâng ý Cha. Con đây, Cha muốn dùng làm gì tuỳ ý Cha, nhưng xin ở bên con mà nâng đỡ con.
4. Gợi ý suy tư - cầu nguyện
-Bạn nhìn lại hoàn cảnh của thế giới hiện nay, và Giáo Hội ở trong đó; bạn nhìn lại hoàn cảnh của đất nước hiện nay, và Giáo Hội Việt Nam ở trong đó... Bạn thấy sứ mạng của Chúa Giêsu đang được đảm nhận như thế nào? Nhận định riêng của bạn về những sự kiện xảy ra ít lâu nay xung quanh vụ toà khâm sứ cũ và vụ Thái Hà ở Hà Nội? Hiện nay dư luận đang xôn xao về việc nhà nước Việt Nam khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Bạn nghĩ gì?
-“Giáo Hội ưu tiên chọn lựa người nghèo”, “Giáo Hội của người nghèo” – đó là chọn lựa của Giáo Hội ngày nay, cách riêng ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Á Châu. Sự chọn lựa này đã được hiện thực hoá như thế nào, theo bạn đánh giá? Sự chọn lựa này đã được thể hiện như thế nào tại giáo xứ, cộng đoàn của bạn?
-Lời của Đức Cha Dom Helder Camara: “Khi tôi cung cấp nhà ở cho người nghèo, người ta nói tôi là một vị thánh. Khi tôi hỏi tại sao họ phải nghèo như thế, người ta bảo tôi là một tay phản động!” Bạn đoán xem vị giám mục này mang tâm trạng ra sao khi ngài thốt lên lời ấy? Việc “cung cấp nhà ở cho người nghèo” và việc “hỏi tại sao họ nghèo” khác nhau làm sao?
-Bạn có thể kể tên 10 người nghèo đáng ghi nhận nhất trong vòng những người quen biết của bạn không? [dĩ nhiên đây là những người nghèo theo nghĩa bao hàm trong các Sách Tin Mừng].
Bài 4: AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? (Lc 10, 29-37)
Điểm nhắm: Câu chuyện người Samari nhân hậu là một trong những dụ ngôn tầm cỡ nhất chuyên chở giáo huấn của Đức Giêsu. Và đó cũng là một câu chuyện rất cách mạng – nếu không muốn nói là rất ‘phản động’! Điều ít được để ý, đó là khi kể xong câu chuyện, Đức Giêsu không hỏi: “Nạn nhân là người thân cận của ai trong 3 người ấy?” – nhưng Ngài hỏi: “Trong 3 người ấy, ai là người thân cận của nạn nhân?”Rốt cục, hành động sẽ xác nhận tương quan, chứ không ngược lại.. Giáo Hội thời hiện đại có câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero – một con người cũng đứng trước những anh chị em ‘bị đập đến dở sống dở chết’ của mình, đã quyết định dấn thân bảo vệ đến cùng những anh chị em ấy, và đã trả cái giá đắt nhất nhưng cũng là đẹp nhất.
1. Oscar Romero, một cuộc đời
6 giờ 30 chiều ngày 24.3.1980, một cái chết đã làm chấn động cả Giáo Hội và thế giới: Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của tổng giáo phận San Salvador bị bắn gục khi đang dâng Thánh Lễ tại nguyện đường trong khuôn viên bệnh viện Chúa Quan Phòng. Cái chết này là điểm tới của một cuộc đấu tranh cho nhân quyền và công lý đầy căng thẳng từ ngót 3 năm trước đó. Và ba năm sau biến cố bi thảm này, Đức Gioan Phaolô II, trong chuyến công du, đã đến úp mặt trên mộ của Oscar Romero và khóc thổn thức. Những giọt nước mắt vừa của niềm yêu mến cảm phục vừa của niềm ân hận... Đã ngót 30 năm, từ đó đến nay, dân chúng El Salvador khi nhắc đến vị tổng giám mục này vẫn luôn gọi ngài là San Romero – Thánh Romero – một cách tự hào và trìu mến. Vậy Oscar Romero là ai vậy?
Chào đời vào năm 1917 trong một gia đình miền núi hẻo lánh phía đông El Salvador, một quốc gia nhỏ bé nằm nép bên phía Thái Bình Dương ngay chỗ eo nối giữa Bắc và Nam Mỹ, Oscar Romero bắt đầu làm việc tại một xưởng mộc năm 12 tuổi, rồi năm sau, cậu vào tiểu chủng viện để theo đuổi ơn gọi linh mục. Hai mươi tuổi, Romero được gửi đi học thần học ở Đại Học Gregoriana, Rôma, và đã được truyền chức linh mục tại đó vào năm 1942. Trở về El Salvador năm 1943, linh mục Romero hăng hái phục vụ trong vai trò cha sở giáo xứ Chính Toà giáo phận San Miguel cho đến năm 1967. Ngài được biết đến nhiều nhờ khả năng giảng thuyết, làm báo và tổ chức các hoạt động khác nhau của giáo phận. Nhưng đồng thời Romero cũng gây bực bội cho một số người, kể cả một số giáo sĩ, bởi tính cách khắt khe và đôi khi bất nhẫn của mình.
Vốn đầy tâm huyết đối với Giáo Hội ngay từ thuở nhỏ, Romero rất quan tâm theo dõi Công Đồng Vatican II, diễn ra từ 1962 đến 1965, một Công Đồng nhằm làm cho Giáo Hội Công Giáo đáp ứng được những nhu cầu của thời đại. Trở về với cội nguồn Giáo Hội, Công Đồng nhấn mạnh rằng tự căn bản Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, chứ không chủ yếu là một hình thức cơ chế mà Giáo Hội đã đạt được qua bao thế kỷ. Công Đồng nhắc nhở các giáo sĩ và hàng giáo phẩm rằng họ phải là những đầy tớ của dân chúng, chứ không phải là một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Chính bản thân Giáo Hội phải là đầy tớ của thế giới, là khí cụ chuyển trao ơn cứu độ cho mọi con người.
Năm 1967, vào tuổi 50, Cha Romero được bổ nhiệm làm thư ký Hội Đồng Giám Mục – và ngài đã chuyển tới San Salvador, thành phố thủ đô. Năm 1970, ngài trở thành giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador. Trong cương vị mới này, có những thời gian ngài kiêm nhiệm giám đốc đại chủng viện và chủ bút tờ tuần báo Công Giáo, bên cạnh các hoạt động giảng thuyết và cử hành phụng vụ.
Romero nhậm chức tổng giám mục San Salvador vào năm 1977. Đó là giai đoạn xáo trộn nhất trong lịch sử đất nước. Chính lễ nhậm chức của ngài cũng đã diễn ra một cách đơn sơ và vội vã, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử 20 tháng 2, trong đó ứng cử viên tổng thống của chính phủ, Carlos Humberto Romero, được tuyên bố là người chiến thắng, bất chấp những chứng cứ về sự gian lận trắng trợn. Những cuộc phản đối càng bùng lên thì sự đàn áp càng khốc liệt, như vụ tàn sát những người biểu tình tại quảng trường Libertad vào ngày 28 tháng 2.
Đó cũng là thời gian mà sự đàn áp được chĩa thẳng vào Giáo Hội. Một số linh mục vừa mới bị quản thúc, bị đe doạ, hay bị trục xuất. Hai linh mục người Mỹ bị tống ra khỏi biên giới cách thô bạo chỉ hai ngày trước khi Romero nhậm chức. Cũng chính ngày hôm ấy, một số linh mục khác bị từ chối chiếu khán tái nhập cư vào El Salvador. Và chưa đầy một tháng sau khi Romero trở thành tổng giám mục, thì người bạn rất thân tín của ngài là Cha Rutilio Grande, dòng Tên, bị sát hại một cách dã man, cùng với một nông dân và một cậu bé quá giang trên xe của ngài.
Vụ tàn sát này làm chấn động cả nước. Đã từ lâu rồi, chính quyền, quân đội và công an ưu tiên phục vụ giới địa chủ giàu có, bằng những cuộc trấn áp thẳng tay đối với mọi dấu hiệu phản kháng của nông dân. Mọi người đều biết rõ chính giới địa chủ và giới cầm quyền đứng phía sau vụ tàn sát này. Đã đến lúc cộng đoàn dân Chúa tại tổng giáo phận muốn một phản ứng kiên quyết từ tổng giáo phận và từ vị tổng giám mục mới của mình.
Sau khi suy nghĩ kỹ, Romero quyết định áp dụng biện pháp đã được đề nghị trong cuộc họp kéo dài một ngày của hội đồng linh mục San Salvador. Ngài cho đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong 3 ngày để để tang cho các nạn nhân bị sát hại, và để mọi người đào sâu suy nghĩ về tình hình đất nước. Lễ an táng Cha Grande được cử hành tại quảng trường trước nhà thờ Chính Toà, với đông đảo dân chúng tham dự, và bài giảng của Romero, như thường lệ, được truyền đi khắp nơi trong nước qua làn sóng phát thanh. Vị tổng giám mục ra lệnh rằng vào ngày Chủ Nhật tiếp sau lễ an táng Cha Grande, trong toàn tổng giáo phận sẽ chỉ có một Thánh Lễ duy nhất tại nhà thờ Chính Toà. Biến cố này đã trở thành một hành động lên tiếng của Giáo Hội cách ấn tượng chưa từng có trong lịch sử El Salvador. Và đối với nhiều người, đó là một kinh nghiệm đức tin rất sâu sắc. Nhưng, đồng thời, đó cũng là nguyên nhân của một sự xung khắc nghiêm trọng giữa Tổng Giám Mục Romero và vị khâm sứ toà thánh – vì vị khâm sứ không tán thành biện pháp “một Thánh Lễ,” cho rằng như vậy là quá khiêu khích chính quyền!
Trong suốt 3 năm sau đó, Romero là trung tâm của các xung đột. Thất vọng với thái độ của vị tổng giám mục này, chính quyền quân sự và giới tài phiệt ra mặt chống lại ngài – thậm chí họ áp dụng cả biện pháp cho quân đội chiếm đóng nhà thờ Chính Toà của tổng giáo phận. Về phần mình, Romero không nao núng; ngài giữ vững con đường ngài đã chọn. Ngài nhận được sự ủng hộ của dân chúng, và ngài tin rằng mình đang thi hành sứ vụ được giao cho mình, như được thấy rõ trong Tin Mừng và trong giáo huấn của Giáo Hội. Thêm 5 linh mục bị giết sau Cha Grande nội trong 3 năm ấy; Romero sẽ là người thứ sáu. Và vô số giáo dân, thành viên của các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, tiếp tục bị giết hại bởi bàn tay của quân đội hoặc công an.
Một số giám mục trong Hội Đồng Giám Mục El Salvador, vì những lý do nào đó, đã phủ nhận các thực tế đang diễn ra và đã chống lại cuộc đấu tranh của Romero. Chính Đức Thánh Cha, dựa vào các báo cáo của vị khâm sứ và của một số giám mục, cũng tỏ ra lãnh đạm và ngay cả trấn áp Romero. Câu chuyện càng phức tạp hơn khi một số linh mục, vì quá bức xúc trước những nỗi đau của dân chúng, đã chọn con đường trực tiếp ủng hộ các nhóm du kích, phiến quân. Sự việc này đặt Tổng Giám Mục Romero vào một tình thế đầy căng thẳng. Nhưng ngài không ấm ớ; tiếng nói của ngài luôn xoáy thẳng vào những bi kịch đang diễn ra từng ngày ở El Salvador.
Romero vốn là một nhà giảng thuyết tên tuổi. Ngài vốn từng có nhiều dịp phát biểu trên đài phát thanh. Tuy nhiên, khi trở thành tổng giám mục, phong cách giảng thuyết độc đáo của ngài mang thêm một nét mới. Vì hệ thống truyền thông của chính phủ ít khi tường thuật, và thường bóp méo những tin tức liên quan đến các tổ chức quần chúng của Giáo Hội, và hầu như không bao giờ trình bày sự thật về những vụ chà đạp nhân quyền đang diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, vị tổng giám mục đã tự đảm nhận công việc thông tin những gì đang diễn ra cho một công chúng luôn mong mỏi nắm biết.
Theo các cuộc thăm dò cho biết, 73% dân chúng các vùng nông thôn và 47% cư dân thành phố đã thường xuyên theo dõi Thánh Lễ trực tiếp truyền thanh từ Nhà Thờ Chính Toà, để nghe bài giảng, mỗi lần như vậy không dưới một tiếng rưỡi. Phần “điểm lại các biến cố trong tuần” của Romero bao gồm cả những tin vui lẫn những tin tồi tệ. Ngài lược thuật cả những nỗ lực loan báo Tin Mừng giải phóng lẫn những sự bóp nghẹt Tin Mừng này. Và cùng với các ngôn sứ trong lịch sử, ngài tố cáo những sự dữ đang diễn ra.
Các bài giảng lễ Chủ Nhật của ngài được truyền thanh toàn quốc trên làn sóng của đài phát thanh YSAX của Giáo Hội – chỉ gián đoạn khoảng 5 tuần lễ, khi đài này bị ném bom đổ sụp. Song đài được tái lập và trở lại hoạt động vào ngày 23.3.1980; đó cũng là lần cuối cùng YSAX truyền đi tiếng nói của Romero trước khi ngài bị bắn chết vào hôm sau, 24.3. Vị tổng giám mục đã bị bắn chết ngay tại bàn thờ, khi đang dâng Thánh Lễ với một cộng đoàn nữ tu. Trước đó, ngài đã từng bị đe doạ; và ngài cho biết ngài cũng sợ chết như bất cứ ai. Song có một cái gì đó còn lớn hơn nỗi sợ chết nơi con người mục tử này. Ngài tiếp tục đương đầu với những thế lực áp bức một cách không nao núng. Như lời ngài nói trước đó ít lâu: “Người ta đe doạ giết tôi. Nhưng nếu tôi chết, tôi sẽ sống lại trong lòng người dân El Salvador.”
2. Gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện
- Nếu được, bạn nên xem bộ phim ROMERO (của đạo diễn John Duigan).
- Ghi nhận bối cảnh xã hội El Salvador thập niên 1970 (dân nghèo bị áp bức...) – liên tưởng hoàn cảnh tại các nước Trung, Nam Mỹ nói chung, và liên tưởng đến sự chọn lựa của các giám mục Mỹ Latinh (Medellin, 1968): Giáo Hội ưu tiên chọn lựa người nghèo! Giáo Hội của người nghèo!
- Bạn cảm nhận gì về:
-lối sống và nhân cách của Romero?
-tinh thần ngôn sứ của Romero?
-sự dũng cảm dấn thân triệt để của Romero?
-sự khôn ngoan sáng suốt, đúng mực của Romero trước các chủ trương giải phóng quá khích?
-thái độ kiên trung với Tin Mừng giải phóng của Romero (bao dung, hoà giải, phi bạo lực)?
-Romero, con người mục tử: sống chết cho đoàn chiên?
Bài phụ trương: AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (Lc 9, 46-48)
Điểm nhắm: Thử thách lớn nhất mà người tông đồ có thể phải chịu, có lẽ đó không phải là đau khổ cho Giáo Hội mà là đau khổ do Giáo Hội! Làm sao để vẫn trung thành và yêu mến Giáo Hội ngay khi thấy mình đứng trước loại thử thách này? Câu chuyện Tổng giám mục Oscar Romero có một khía cạnh có thể giúp soi sáng cho ta câu trả lời...
Vụ án phong chân phước cho Tổng giám mục Romero đang được xúc tiến. Nội tạng của ngài, được thu lại và được chôn ngay sau khi ngài chết và trước khi xác ngài được xử lý bằng hoá chất, hiện nay vẫn còn nguyên một cách lạ lùng. Dịp thượng hội đồng giám mục châu Mỹ Latinh ở Rôma, Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, giám mục phụ tá tổng giáo phận San Salvador, đã có một bài tưởng niệm gây xúc động sâu sắc cho mọi người. Chúng tôi quyết định hỏi giám mục Rosa Chávez, người đã trải qua nhiều năm bên cạnh Romero, về một giai đoạn khủng hoảng cao độ không chỉ của Giáo Hội ở Salvador mà là của toàn thể Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Chúng tôi thảo luận về nhân cách của Romero và về những sự kiện đã dẫn tới cái chết tuẫn đạo của ngài.
-Vụ án phong chân phước cho Đức Tổng giám mục Oscar Romero nay đã tới giai đoạn nào rồi, thưa Đức Cha?
Rosa Chávez: - Thủ tục ở giáo phận đã chính thức kết thúc hôm 1.11.1996. Các kết quả và các dữ kiện thu thập được đã được trình cho Rôma. Nói chung, Rôma có một đánh giá tích cực; tuy nhiên vẫn yêu cầu thêm những chi tiết về các sử liệu, chẳng hạn bối cảnh trong đó Romero được gọi để thi hành sứ vụ của mình, và về những hoàn cảnh xung quanh cái chết của ngài, về lý do tại sao ngài bị giết.
-Vậy phải chăng tiến trình phải khựng lại một mức nào đó?
Rosa Chávez: - Nếu tiến trình phải khựng lại, thì theo quan điểm của tôi, những người đáng trách chính là chúng ta, những người Salvador. Các thù địch lớn nhất của vụ án phong chân phước cho Romero nằm ở chính Salvador. Chính những con người đã cản mũi Romero khi còn sống, chính những con người đã viết thư nặc danh tố cáo Romero là một tên cộng sản... nay vẫn còn tiếp tục chống lại Romero.
-Quả là Tổng Giám Mục Romero đã có những đối thủ ngay trong hội đồng giám mục quốc gia. Một trong các giám mục ấy đã đi xa đến mức tố cáo Romero trước mặt giáo hoàng (trong chuyến công du thứ hai của giáo hoàng tới Salvador vào năm 1996) rằng Romero phải chịu trách nhiệm về cái chết của 70.000 người Salvador!
Rosa Chávez: - Đó là lý do tại sao cần phải trả lời thoả đáng cho yêu cầu thứ nhất của toà thánh, tức làm rõ bối cảnh lịch sử trong đó Romero đã phục vụ.
-Bối cảnh lịch sử, tại sao?
Rosa Chávez: - Tình hình lúc bấy giờ rất là phân cực, và thật khó mà không rơi vào một dạng ý thức hệ nào đó. Một số khó khăn mà Romero kinh nghiệm với vị khâm sứ và với một số giám mục đồng sự phải được nhìn trong bối cảnh này. Tình hình thậm chí dẫn đến chỗ các giám mục Salvador đã không hội họp với nhau suốt một thời gian dài, và điều này làm khổ tâm vị tổng giám mục rất nhiều, như chúng ta thấy ngài trung thành ghi lại trong nhật ký.
-Cũng phải truy vấn các lý do dẫn đến cái chết của Romero nữa. Theo quan điểm của Đức Cha thì tại sao Tổng giám mục Romero bị giết?
Rosa Chávez: - Thì cũng giống như hỏi tại sao người ta đã giết Đức Giêsu Kitô vậy. Vụ giết hại Romero cũng giống như vụ giết hại Đức Giêsu. Người ta cũng nói về Đức Giêsu rằng Ngài bị giết vì các lý do chính trị. Các thế lực chắc chắn có cách để biện minh cho mình, nhắm che lấp tội của họ.
-Đức Cha đã sống gần ngài trong thời gian dài. Đức Cha nhớ điều gì về ngài?
Rosa Chávez: - Tôi gặp ngài lần đầu tiên khi tôi còn là một cậu bé, lúc đó ngài đã là linh mục. Chúng tôi sinh ra trong cùng một giáo phận. Tôi vào chủng viện năm 14 tuổi. Romero lúc ấy là một linh mục của San Miguel, thành phố lớn thứ ba của Salvador. Đó là một nơi yên tĩnh, thân thiện, và hầu như mọi người đều biết nhau. Năm 1965, ngài được yêu cầu trông coi một tiểu chủng viện. Romero là một linh mục rất giản dị, có đời sống tâm linh sâu sắc, chính thống trong giáo thuyết và đặc biệt yêu thương người nghèo. Nhưng ban đầu, ngài không ấn tượng lắm, ngay cả dường như phản đối, đối với các văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh ở Medellin hồi năm 1968. Ngài cho rằng các vă kiện ấy có quá nhiều tính chính trị. Nhưng ngài đã thay đổi quan điểm khi ngài chuyển đến San Salvador, trước hết trong tư cách giám mục phụ tá, rồi sau đó trong tư cách tổng giám mục.
-Ngài vừa mới được bổ nhiệm tổng giám mục San salvador thì một linh mục bạn của ngài bị thảm sát, đó là Cha Rutilio Grande, dòng Tên. Một số người nói rằng chính cái chết ấy đã thay đổi Romero, đến nỗi có người nói về một cuộc “hoán cải” từ bảo thủ sang đối đầu với chế độ... Điều đó có đúng không, thưa Đức Cha?
Rosa Chávez: - Cha Grande là một người bạn tri kỷ của Romero. Cha là chưởng nghi của lễ tấn phong giám mục cho Romero. Cha bị giết vào ngày 12 tháng 3 năm 1977, chỉ ít tuần sau khi Romero trở thành tổng giám mục San Salvador. Cuối tháng 5 năm ấy, biệt đội tử thần đã giết một linh mục khác, đó là Cha Alfonso Navarro. Đó là hoàn cảnh mà Romero phải đối diện khi ngài thuyên chuyển đến thủ đô. Và kể từ đó, những lời nói và hành động của ngài nhằm bênh vực người nghèo và chống lại nhà cầm quyền trở nên ngày càng dứt khoát. Có lần trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh, tôi đã hỏi ngài: “Thưa Đức Cha, người ta nói rằng Đức Cha đã ‘thay đổi hẳn’”. Và ngài trả lời: “Tôi không muốn nói là ‘thay đổi’ mà muốn nói là ‘cách mạng’ – người ta không thể nhắm mắt trước những gì đang diễn ra.” Tôi cho rằng Romero đúng. Đức tin của ngài, linh đạo và giáo thuyết chính thống vững vàng của ngài thì vẫn như thế. Chính hoàn cảnh trong đó ngài làm việc đã thay đổi. Từ một tỉnh lẻ thân quen, ngài đã chuyển đến thủ đô San Salvador. Ở đó, trực tiếp đối diện với trung tâm quyền lực kinh tế chính trị của đất nước, ngài đích thân nhìn thấy tội ác xã hội, sự bất công có tính cơ cấu, sự hình thành những biệt đội tử thần. Có những tuần lễ trong đó hàng trăm người bị các biệt đội tử thần hành quyết. Các xác chết không toàn thây bị treo lủng lẳng trên các cành cây trong thành phố và tại những nơi nhiều người qua lại, nhằm mục đích khủng bố tinh thần người ta. Romero nói: “Dường như ơn gọi của tôi là đi thu lượm các xác chết.”
- Hành động bênh vực người nghèo của Romero trở nên quyết liệt đến nỗi tám ngày trước khi chết, ngài đã thẳng thắn lên án chế độ quân phiệt, quân đội, và nhóm cầm quyền đã toa rập với các quyền lợi của Bắc Mỹ. Ngài tuyên bố rằng “Carter tiếp tục gửi cho họ mọi sự trợ giúp”...
Rosa Chávez: - Thậm chí ngài đã viết một thư không niêm gửi tổng thống Hoa Kỳ trong đó ngài yêu cầu ông ta ngưng chở vũ khí đến Salvador. Ngài vô cùng khổ tâm vì nhận thấy rằng cơ cấu bất công và những quyền lợi của các giới lãnh đạo các quốc gia đang dẫn tới chiến tranh, một cuộc chiến tranh hiển nhiên không thể tránh khỏi. Romero ý thức rất rõ cái khoảnh khắc lịch sử chính trị mà Salvador đang trải qua, và không duy chỉ là Salvador. Việc gán cho ngài cái nhãn “kích động, lôi kéo quần chúng” chỉ là một âm mưu bẩn thỉu. Trong hy vọng cứu vãn tình hình khỏi bùng nổ bạo lực, Romero đã ủng hộ mọi cơ hội khả dĩ đem lại đối thoại. Chẳng hạn, vào tháng 10 năm 1979, các tướng lãnh trẻ đã chiếm chính quyền và yêu câu ngài ủng hộ cuộc đảo chánh. Cùng với nhau, chúng tôi đã soạn thảo một văn bản phổ biến trên toàn quốc, kêu gọi mọi người đừng nóng vội đánh giá nhóm quân đội này liên quan đến các cố gắng tái lập công bằng và trật tự xã hội của họ. Romero nói: “Diễn biến này may đâu có thể cứu dân chúng khỏi nhiều đau khổ. Chúng ta phải biết chờ đợi và phán xét theo các kết quả, để xem thử người ta có giữ các lời hứa hay không.”
-Chủ yếu người ta trách cứ rằng Romero đã biến mình thành một công cụ của cánh tả...
Rosa Chávez: - Bình luận về cuộc họp với vị khâm sứ ở Costa Rica được toà thánh gửi đến giải quyết vấn đề bất đồng giữa các giám mục. Tỏng giám mục Romero nói rõ trong nhật ký của ngài rằng: “Việc tôi ủng hộ sự tổ chức quần chúng không hề có nghĩa rằng tôi thiên tả, cũng chẳng có nghĩa rằng tôi không nhìn thấy mối nguy hiểm của sự thâm nhập của phe tả, vì đấy là điều tôi hiểu rất rõ – nhưng tôi cũng thấy rằng chống cộng rất thường là lá bài để các thế lực chính trị kinh tế sử dụng nhằm duy trì những bất công chính trị và xã hội của họ.” Tổng giám mục Romero có một cái nhìn rất rõ về hoàn cảnh thực tế. Người kế nhiệm của ngài, Tổng giám mục Arturo Rivera Damas, đã chỉ ra ba nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực ở Salvador. Ngoài tình trạng bất công và các ý thức hệ thiên hữu và thiên tả, thì cái ngòi nổ bạo lực chính là các tranh chấp quyền lợi giữa các quốc gia đang diễn ra tại quốc gia Salvador bé nhỏ của chúng ta. Trong một bối cảnh phân cực, thì những con người quyết bảo vệ dân nghèo như Romero bị qui chụp là theo ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, trong khi hành động của ngài xuất phát không phải từ sự say mê các ý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ đơn giản là từ sự trung thành đối với ơn gọi của mình... Tổng giám mục Romero là một con người rất truyền thống trong những vấn đề liên quan đến giáo lý và đức tin, nhưng rất cởi mở trong những vấn đề xã hội. Ngài minh chứng cho giáo huấn của Truyền Thống rằng: khi người ta sống gắn chặt với đức tin của các Tông Đồ thì người ta sẽ dũng cảm trong việc bảo vệ người nghèo và lên án những bất công...
-Romero đã gặp Đức Phaolô VI vào năm 1978 tại Rôma, và gặp Đức Gioan Phaolô II vào năm 1979...
Rosa Chávez: - Romero rất ngưỡng mộ Đức Phaolô VI. Bình luận về chuyến viếng thăm Rôma của mình năm 1978, Romero nói về Đức Phaolô VI với đầy niềm cảm kích và tri ân sâu sắc. Chắc chắn vị tổng giám mục đã nhận được sự cảm thông và sự nâng đỡ huynh đệ từ người kế vị Thánh Phêrô. Còn chuyến thăm Đức Gioan Phaolô II vào năm sau, vị giáo hoàng đã nhắc ngài nhớ đến tình hình ở Ba Lan, và huấn dụ ngài rằng “hãy chỉ bám chặt vào các nguyên tắc.” Romero đã kể lại với đầy cảm hứng về một số cuộc gặp gỡ các chức sắc ở Rôma trong chuyến viếng thăm này; nhưng người ta có ấn tượng rằng Romero cảm thấy thoải mái với chuyến đi Rôma hồi năm trước hơn là lần này. Trong một bối cảnh mà ý thức hệ xâm nhập mọi nơi, thì mối quan tâm của vị tổng giám mục đối với người nghèo và đối với dân chúng đã bị hiểu lầm và bị ngáng trở.
-Các mối quan hệ giữa ngài với Đức Gioan Phaolô II thế nào?
Rosa Chávez: - Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng chỉ được ít lâu thì Romero chết; vì thế hai người không có mấy dịp gặp gỡ tiếp xúc. Tôi là người trực tiếp chuẩn bị cho hai chuyến công du của Đức Gioan Phaô II đến Salvador – và tôi có thể làm chứng rằng cả hai lần đó đều có sự phản đối việc đức giáo hoàng viếng thăm mộ của Romero. Và cả hai lần, chính Rôma yêu cầu phải dàn xếp để có cuộc viếng thăm mộ vị tổng giám mục. Theo tôi thấy thì đức giáo hoàng xác tín rằng Romero là một vị tuẫn đạo của Giáo Hội, ngài mô tả Romero là “một vị mục tử hết lòng với đoàn chiên và đã thí mạng cho đoàn chiên.” Nhưng vị giáo hoàng cũng e ngại rằng các nhóm chính trị đã sử dụng tên tuổi của Tổng giám mục Romero cho mục đích tuyên truyền của mình. Vì thế, trong bài diễn văn năm 1993 ở Salvador, đức giáo hoàng đã yêu cầu rằng hồi ức về vị tổng giám mục phải được tôn trọng, vị mục tử này phải được tôn trọng.
-Cuối cùng, thưa Đức Cha, Đức Cha có những hy vọng gì về tiến trình phong chân phước cho Romero?
Rosa Chávez: - Tôi hy vọng rằng Romero được nhìn nhận là một vị tuẫn đạo. Và đó cũng là ước vọng của biết bao người đã yêu mến ngài và vẫn tiếp tục cảm mến ngài sâu sắc. Khi người ta đọc trang nhật ký về lời cầu nguyện với Chúa Giêsu mà ngài viết một tháng trước khi chết, người ta thấy hình ảnh của một sự sống được hiến dâng, trong ý thức về những hiểm nguy chực chờ gần kề. Ngài viết: “Thật cụ thể biết bao việc tôi phó dâng chính mình cho Trái Tim Chúa Giêsu, vốn luôn luôn là nguồn cảm hứng và là niềm vui của đời tôi. Vì thế, tôi đặt trọn sự sống mình trong vòng tay quan phòng yêu thương của Chúa; và trong niềm tin vào Ngài, tôi chấp nhận cái chết – dẫu sự chấp nhận này khó khăn đến mấy.”
Câu chuyện về cái chết của Romero vẫn còn làm tôi kinh ngạc cho tới hôm nay. Thánh Lễ cuối cùng của ngài trong nhà nguyện bệnh viện là một Thánh Lễ cầu cho người quá cố. Romero đã đọc bài Tin Mừng. Đó là bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Tôi tự hỏi phải chăng lúc ấy vị tổng giám mục biết rằng mình sắp bị giết. Bài giảng của ngài dường như là một chứng từ, trong đó ngài tự so sánh mình với hạt lúa mì thối đi trong lòng đất để đem lại sự sống mới. Vì thế một số người nghĩ rằng trong khi ngài giảng, có thể ngài nhìn thấy kẻ sát nhân. Kết thúc bài giảng, cơ hồ ngài đang nói với kẻ sắp giết mình: ‘Hãy cho phép tôi chết khi tôi bước lại bàn thờ dâng của lễ, bạn nhé’ Và quả thật, ngài đã bị bắn chết khi bắt đầu dâng bánh rượu. Chính ngài đã trở thành lễ hy sinh. Hình ảnh ấy đáng quí biết bao – cả đời sống và cái chết của ngài có thể được nhìn trong ánh sáng của hình ảnh ấy. Ngài đã sống và đã chết như một linh mục, một mục tử với tình yêu nồng nàn hiến trao cho Đức Giêsu Kitô và cho đoàn chiên.
Một số lời của TGM. Romero được đưa vào phim:
-Tôi đến từ thế giới của sách vở. Đúng. Sách vở cho ta rất nhiều bài học. Nhưng tôi còn nhiều điều khác cũng phải học. Có nhiều biến động và chia rẽ đang diễn ra trên đất nước này. Có vài linh mục chấp nhận biểu lộ những tư tưởng căn bản một cách thật là hời hợt. Và không ai trong chúng ta có thể tự hào biết hết những giải pháp cho các vấn đề do thời cuộc đặt ra. Trong Giáo Hội, chúng ta phải luôn trung thành với nguồn Tin Mừng. Theo cách thức truyền thống, phải luôn kiếm tìm công lý.
-Nếu đây là một lễ an táng bình thường, thì tôi có thể nói về tình bạn của tôi với Cha Grande. Vào những lúc cao điểm trong cuộc sống của tôi, cha đã luôn có mặt, gần gũi. Và tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút đó. Thế nhưng bây giờ là lúc ta rút ra một sứ điệp từ những cái chết này. Tất cả chúng ta là những kẻ còn đang lữ hành. Sự giải thoát mà Cha Grande rao giảng là một sự giải thoát bén rễ sâu trong đức tin. Và bởi vậy, nó rất thường xuyên bị hiểu lầm. Chính vì nó mà Cha Grande đã chết. Biết đâu những kẻ sát nhân cũng đang nghe thấy những lời này. Vậy tôi xin nói với anh em: Hỡi người anh em sát nhân, chúng tôi yêu các anh, nài xin các anh hãy hối lỗi tận đáy lòng các anh.
-Hôm nay chúng ta đến đây để giành lại quyền làm chủ và sử dụng thánh đường này – đồng thời cũng để tăng sức cho tất cả những ai bị địch thù của Giáo Hội giày đạp. Anh em nên biết anh em không chịu khổ một mình. Anh em là Giáo Hội; anh em là cộng đoàn dân Chúa, là Đức Kitô. Đúng lúc này và ở đây, anh em đang chịu đóng đinh, xác thực như chính Ngài đã chịu đóng đinh 2000 năm về trước, trên ngọn đồi ở bên ngoài thành Giêrusalem. Anh em nên biết, khi chịu khổ và hy sinh giống như Ngài, là anh em góp phần lớn lao cho sự giải phóng El Salvador bằng ơn cứu độ.
Đức TGM. Romero ngồi tại toà giải tội, người xưng tội là một linh mục:
- Xin Chúa ban phép lành cho con!
- Xin Cha thương con, vì con là người tội lỗi. Con đã xưng tội cách nay được một tháng... Thưa Cha đã từ lâu con là đồ đệ trung thành của khoa thần học giải phóng và con đã năng nổ giúp quần chúng đấu tranh.
- Đó chưa phải là tội.
- Con cảm thấy rất khó chấp nhận một người. Chỉ có thế thôi.
- Đó cũng chưa phải là tội.
- Con cảm thấy bất bình với Đức Tổng Giám Mục. Người quá thận trọng. Người can đảm, nhưng bảo thủ. Làm sao con vâng phục người được? Con phải làm gì?
- Hãy cầu nguyện cho ngài. Đó cũng là việc đền tội của con... Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
- Xin cám ơn Cha.
- Xin Cám Ơn Cha.
-Tôi là một người mục tử, đã cùng học hỏi với đàn chiên của mình, để biết chọn lựa một cách tốt đẹp, tuy rất khó khăn. Đức tin của chúng ta đòi buộc ta phải hoà nhập vào với trần thế. Tôi tin rằng sự bất công về kinh tế là nguyên nhân chính của mọi vấn đề – từ đó phát sinh mọi bạo lực. Giáo Hội cần thâm nhập sâu rộng nơi tất cả những ai đấu tranh vì tự do, để bảo vệ họ và chia sẻ những niềm đau bị bách hại.
Bài 5: AI MUỐN THEO TÔI, PHẢI TỪ BỎ MÌNH,VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO (Lc 9,23)
Điểm nhắm:... Không thể nhìn ngắm và khám phá Đức Giêsu mà không thấy thập giá. Thập giá gắn liền với sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu – và do đó cũng gắn liền với sứ mạng và số phận của người môn đệ. Nhưng nếu thập giá đã là hòn đá vấp phạm cho người Do Thái, thì nó vẫn có thể còn là hòn đá vấp phạm cho con người hôm nay, kể cả cho các Kitô hữu. Vì thế, không bao giờ là thừa những cố gắng thâm nhập sâu hơn vào ý nghĩa của thập giá – để gạn đục khơi trong...
1. Thái độ của Đức Giêsu trước sự đau khổ và sự chết
Đau khổ là cái mà không ai có thể thực sự yêu được. Thập giá, nếu hiểu như là biểu tượng của đau khổ nói chung, thì sao? Jurgen Moltmann đã bắt đầu khảo luận nổi tiếng của mình về thần học thập giá, quyển The Crucified God, bằng những dòng này:
“Người ta không yêu và không thể yêu thập giá. Song chỉ có Đấng chịu đóng đinh mới có thể đem lại thứ tự do có sức thay đổi thế giới – vì nó không còn sợ hãi cái chết nữa. Vào thời của Ngài, Đức Kitô chịu đóng đinh được coi như một xì-căng-đan và một sự điên rồ. Ngày nay cũng vậy, người ta cho rằng thật lỗi thời việc đặt Ngài vào vị trí trung tâm của đức tin Kitô giáo và của thần học.”
Đức Giêsu nghĩ gì về ‘số phận’ của Ngài? Như mọi người công chính, Đức Giêsu cùng các môn đệ đều chắc rằng nỗi đau khổ sẽ đến với mình. Cũng như tất cả các ngôn sứ trước kia, ngài phải tính đến trường hợp bị giết chết. Và chỉ mới đây, trong thời của Ngài, hàng ngàn người Zêlốt đã bị đóng đinh vào thập giá – nên thập giá là một cái gì khá rõ trong viễn tượng của Đức Giêsu về chính mình.
Nhưng ở nơi Đức Giêsu, còn có một cái gì khác hẳn: Ngài đưa vào lời huấn dụ của Ngài một nguyên tố mới, theo đó sự đau khổ và sự chết đều gắn chặt với việc Nước Chúa đến: “Phúc cho những kẻ bị ngược đãi vì sự công chính. Nước Trời là của họ. Phúc cho các ngươi khi bị nhục mạ, khi bị ngược đãi và bị người ta vu cáo mọi sự dữ vì ta... Trước các ngươi, các tiên tri cũng đã bị ngược đãi như thế.”
Những lời chúc phúc trên đây được tuyên bố trước tiên cho những người nghèo và những người bị áp bức, lại tuần tự ứng dụng cho bản thân Đức Giêsu và các môn đệ – do bởi Ngài và các vị ấy có lòng thương xót những người bị đè nén và liên đới với họ. Các ngài đã trở nên những kẻ bị ngược đãi và bị ruồng rẫy, là điều không thể tránh được. Muốn vào nước của những người nghèo khổ, các ngài phải từ bỏ của cải, nhà cửa, gia đình, phải từ bỏ mọi kỳ vọng về danh dự, vị thế, về sự tôn kính trong xã hội. Nói cách khác, đó là chối bỏ chính mình và chuẩn bị sẵn sàng để chịu đau khổ.
Đây là điều nghịch lý của lòng thương xót. Sự đau khổ là điều duy nhất mà Đức Giêsu quết tâm muốn trừ diệt: sự đau khổ của người nghèo và người bị áp bức, sự đau khổ của những người bệnh tật, sự đau khổ do các tai ương... Phương thức duy nhất để có thể trừ diệt mọi đau khổ này là từ bỏ mọi giá trị của thế gian và chấp nhận các hậu quả của việc từ bỏ ấy. Chỉ có chấp nhận sự đau khổ mới thắng được sự đau khổ trên trần gian này.
Lòng thương xót tiêu diệt sự đau khổ bằng cách chia sẻ nỗi đau khổ của những người đang đau khổ, và nhân danh họ mà chia sẻ. Có thiện cảm với người nghèo mà không chịu chia sẻ nỗi đau khổ của họ, thì đó chỉ là một sự cảm động suông. Chúng ta không thể nào chia sẻ ân phúc Chúa ban cho người nghèo nếu không sẵn sàng chia sẻ nỗi đau khổ của họ.
Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa. Tính nghịch lý liên quan tới đau khổ nói trên còn được Ngài nới rộng cho đến cả sự chết. Một câu cách ngôn xuất phát từ lời rao giảng của Đức Giêsu và đã trở thành nổi tiếng trong nhiều truyền thuyết: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ cứu được nó.”
Câu ấy có thể mang ý nghĩa gì? Cứu lấy mạng sống mình tức là bám vào mạng sống mình, yêu mạng sống mình, giữ lấy mạng sống mình và do đó sợ chết. Liều mất mạng sống mình là để cho nó ra đi, để cho nó rời khỏi ta để ta sẵn sàng chết. Điều nghịch lý là con người sợ chết tức là đã chết. Còn ai không sợ chết thì, ngay lúc đó, bắt đầu sống. Một cuộc sống chỉ có thể đích thực và có giá trị khi người ta chấp nhận chết.
2. Nhưng chết để làm gì?
Những vị tuẫn đạo như Macabê đã chết để bảo vệ lề luật, những người Zêlốt đã chết để bảo vệ quyền tối thượng của Thiên Chúa Ít-ra-en, và bao nhiêu người khác xưa nay đã chết vì mọi thứ lý do. Còn Đức Giêsu, Ngài đã không chết cho một chủ nghĩa nào. Đối với Ngài, lý do duy nhất có thể đưa chúng ta đến chỗ hiến mạng sống mình, chính là lý do đã đưa chúng ta đến chỗ khinh thường của cải, uy danh, gia đình, quyền hành – nghĩa là: chết cho kẻ khác. Lòng trắc ẩn và tình yêu thương thúc đẩy con người dám làm mọi sự vì kẻ khác. Ai tự xưng là sống cho kẻ khác mà không nghĩ đến đau khổ, chịu chết vì họ, thì kẻ ấy là kẻ nói dối, một kẻ đã chết rồi. Đức Giêsu là một con người sống viên mãn vì Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết – không phải cho một chủ nghĩa nào nhưng là cho con người, cho mọi người.
Vì thế, ý chí tự do của Đức Giêsu chấp nhận chết cho mọi người là một sự phục vụ – cũng như bất cứ gì khác trong đời Ngài đều là để phục vụ: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mc 10,45).
Ở đây, ta có thể thấy rằng có những thái độ, tâm tình đạo đức nào đó duy chỉ quanh quẩn giữa mình với Chúa thôi, kiểu như “Lạy Chúa, Chúa yêu thương con biết bao, con biết Chúa yêu con nhiều lắm, con cũng muốn yêu Chúa nhiều, xin Chúa cho con yêu Chúa thật nhiều. Amen.” Nghe khá mùi mẫn, nhưng trớt quớt! Nếu chỉ loanh quanh có vậy thì sẽ thiếu một cái gì đó rất là căn bản. Những người nghèo, những người bất hạnh ở đâu rồi?
3. Thập Giá trong linh đạo linh mục
Một ý nghĩa được gán cho cái chết thập giá của Đức Giêsu, mà chúng ta vẫn còn nói hôm nay, đó là “để làm nguôi lòng Chúa Cha”! Cha Bernard Haring, trong quyển “Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào?” (Priesthood Imperiled), đã khẳng định rằng Ba Ngôi Vị – Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Độ và Đấng Hiệp Nhất – cấm giết người và nhất là cấm giết người nhân danh Thiên Chúa. Giết người là tội ác ghê tởm nhất. Nghĩa là Thiên Chúa không bao giờ có ý muốn người Con nhập thể của Ngài bị giết như một nạn nhân để làm cho Ngài nguôi ngoai. Điều Thiên Chúa thật sự nhắm đến chính là sự hoà giải cho một nhân loại hoà bình và phi bạo lực – là thái độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí chấp nhận chết trên thập giá, nếu cần, để mạc khải tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và để cho con người thấy con đường hoà bình, chân lý và sự sống.
Chính trong viễn tượng ấy mà Đức Giêsu lên tiếng mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23). Đời sống của mọi Kitô hữu, vì thế, được thử bằng thập giá. Bởi vì mọi Kitô hữu đều được giả thiết là muốn theo Đức Giêsu. Người linh mục và các ứng viên linh mục lại càng phải được thử bằng thập giá. Cha Alex Rebello, một chuyên viên về đào tạo linh mục, đã xếp thập giá vào vị trí số một trong 6 yếu tố của linh đạo người linh mục. Bởi vì, ngài nói, thập giá gắn không rời với Đức Giêsu – ngay cả sau khi ngài sống lại vinh quang thì các dấu vết thương tích từ cuộc khổ nạn của Ngài vẫn không bị xoá nhoà. Vị linh mục này nói tiếp: “Cám dỗ thường xuyên nơi người linh mục là kiếm tìm một Đức Giêsu không có thập giá, là hình dung một thứ Kitô giáo dễ dãi nào đó, là khao khát một thứ Tin Mừng không khổ luỵ... Song nếu cố kiếm tìm một Đức Giêsu không có thập giá, người ta sẽ chỉ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu! Nói cho cùng, sự khôn ngoan và sức mạnh của thập giá chỉ được hiểu một khi người ta đảm nhận nó và trực tiếp kinh nghiệm nó.”
4. Gợi ý suy tư – cầu nguyện:
-Đức Giêsu trước đau khổ của con người.
-Đâu là giá trị của hy sinh, khổ chế, tiết độ đối với con người ngày nay, nhất là người trẻ. Còn đối với chính tôi thì sao?
-Tôi có thể vừa vác thập giá theo Chúa (x. Lc 9,23), vừa sống dồi dào (x. Ga 10,10) được không?
Bài 6: ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN... (Ga 20,19-23)
Điểm nhắm: -Mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ta nên
MỪNG đến mức nào?
Thập giá là điểm đến của sứ mạng Đức Giêsu, và cũng là điểm đến của sứ mạng người môn đệ. Nhưng các môn đệ Đức Giêsu không đi vào với sứ mạng có một mình. Đức Giêsu trao sứ mạng, và Ngài cũng trao ban luôn Thánh Thần. Tin Mừng Gioan ghi lại:
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!... Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’.”
1. Chúa Thánh Thần - Ngài là ai? Ngài làm gì?
-Chúa Thánh Thần là hoa quả của sứ mạng Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần là chìa khoá để hiểu Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần chính là ‘Thánh Thần của Đức Giêsu’! Có người nói rằng ngoài 4 sách Tin Mừng kia, còn có Tin Mừng thứ năm, Tin Mừng Chúa Thánh Thần, vẫn đang được tiếp tục viết, với mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay đang là những nhân vật trong đó... Chúa Thánh Thần là nhà thừa sai của Chúa Cha và Chúa Con, để – cùng với Giáo Hội – nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu, cũng chính là sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei).
-Nhưng xem ra Chúa Thánh Thần bị đối xử không công bằng. Ngài thường bị quên. Ngài thường bị lấn át (ta nghe nói: ông này, bà kia rất có lòng yêu mến thánh này, thánh nọ, nhưng chẳng mấy khi nghe nói ai đó có lòng yêu mến Chúa Thánh Thần!) Chúa Thánh Thần cũng bị né tránh (dường như các nhà giảng thuyết hay ngại giảng về Chúa Thánh Thần!) Và Chúa Thánh Thần có vẻ bị đối xử không đúng mức (lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống dường như chưa được mừng cho đúng tầm của lễ này, ít là xét về niềm vui bên trong!)
-Dù sao đi nữa, thì Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục không ngừng hoạt động, trong Giáo Hội và cả bên ngoài Giáo Hội – như chính Đức Giêsu xác nhận: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu.” (Ga 3,8).
-Đặc biệt, Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân, đổi mới (cf. “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất!) Chúa Thánh Thần không chấp nhận dừng lại với hiện trạng (status quo). Vì thế, nếu người ta hài lòng với hiện trạng thì có nghĩa rằng người ta không cần đến Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, phải chăng Giáo Hội tại Á Châu này không cần một cách thức mới, thích hợp hơn, để loan báo Tin Mừng cho con người ở đây hôm nay? Phải chăng sinh hoạt của Giáo Hội chỉ cần loanh quanh với những ‘kỷ niệm’của quá khứ, kỷ niệm bách chu niên biến cố này, kỷ niệm ngũ thập chu niên sự kiện kia, vv. và vv....’?
-Có lẽ chúng ta nên nhìn lại và tự hỏi: nửa thế kỷ trở lại đây, Chúa Thánh Thần đã làm những gì? Sẽ không ai phủ nhận trước hết phải kể biến cố Công Đồng Vatican II, một luồng gió mới thổi rất mạnh vào Giáo Hội. Rồi ở Á Châu, các giám mục đã miệt mài làm việc suốt gần 4 thập niên để đi đến xác nhận cuộc đối thoại 3 mặt (với người nghèo, với các nền văn hoá, và với các tôn giáo) như là phương thức loan báo Tin Mừng!
-Hoạt động của Chúa Thánh Thần được đo lường bằng chính hoa quả mà Ngài đem lại. Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (như Thánh Phaolô xác nhận trong Gl 5,22-23). Muốn biết Thánh Thần đang hiện diện và hoạt động mức nào trong đời tôi, trong cộng đoàn tôi, thì cứ lấy những hoa quả ấy làm thước đo.
2. Một lời ngỏ (về Chúa Thánh Thần và sứ mạng của Giáo Hội tại Việt Nam - trích từ bản dịch Lễ Hiện Xuống Ở Á Châu của tác phẩm Pentecost in Asia của Thomas C. Fox):
Những vết chân trên cát cho ta biết có người đã đi qua.
Nhìn hàng cây xa lay động ta biết có gió.
Đức Giêsu ví Thánh Thần như cơn gió:
“Gió muốn thổi đâu thì thổi,
chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3,8).
Chúng ta chỉ thấy dấu vết hoạt động của Thánh Thần, nhưng chẳng thấy được chính Ngài,cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.
Đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với Thánh Thần, dù thực sự Ngài là Người Bạn, Người Thầy quá ư gần gũi và cần như hơi thở.
Hơi thở là dấu hiệu của sự sống. Thiên Chúa thở hơi vào Ađam và cho ông sống.
Đức Giêsu Phục Sinh thở hơi trên các Tông Đồ để các ông nhận được sự sống mới hoàn toàn.
Lễ Hiện Xuống gần hai ngàn năm trước đã khai sinh một Hội Thánh thừa sai. Và đời Kitô hữu là đời thừa sai trong Thánh Thần.
Bên Đông hay bên Tây, hôm qua hay hôm nay, Vẫn một sứ điệp Tin Mừng, phải trao; một câu chuyện Giêsu, phải kể cho con người đang nhức óc vì ồn ào xao động...
... nhưng nhiều khi, câu chuyện kể sao nghe ngọng nghịu, sứ điệp trao sao thấy vụng về! Có gì đó trầy trật, bế tắc; có gì đó làm Tin Mừng hoá thành tin ‘không vui’...!
Ai đó nói rằng hơn ba chục năm nay có một Lễ Hiện Xuống mới tại Á Châu – một Luồng Gió mới, một Hơi Thở mới thổi rất mạnh trên Hội Thánh tại lục địa này, cuốn phăng những rào cản, mở một tầm nhìn, vạch những nẻo đi.
Lắng nghe Thánh Thần, chúng ta sẽ biết cách làm sao để bà con quanh ta hiểu và đón nhận Tin Mừng; làm sao để ta có thể loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng một thứ tiếng nói không còn xa lạ với họ (x. Cv 2,11).
Chúng ta sẽ biết cách làm sao sau bao năm tháng, hay bao thế kỷ ‘đi xa’, ta có thể trở về ngụp lặn trong ‘ao nhà’ – trong phong tục, văn hóa, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống, tình tự dân tộc...
Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt và hiểu điều họ nói. Ta cần một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, ngôn ngữ của Phục Vụ và Yêu Thương...
3. Quo vadis? / Thầy đi đâu vậy?
Thánh Thần được sai đến để đồng hành với các môn đệ Chúa Giêsu trong sứ mạng. Như thế là được trang bị ‘tận răng’ rồi. Nhưng chưa phải hết chuyện. Người ta có thể bướng bỉnh với Thánh Thần và làm ‘rách việc’. Và nếu ‘bộ đôi’Chúa Thánh Thần và Giáo Hội không ‘làm ăn’ gì được thì không chừng Chúa Giêsu phải trở lại vác thập giá để chịu đóng đinh một lần nữa, như trong một truyền thuyết gợi hứng cho câu chuyện Quo vadis? của Henryk Sienkiewicz:
Khi cơn bách hại Kitô giáo tại Rôma dâng cao, Tông Đồ Phêrô định bỏ chạy khỏi thành phố. Khi ông vừa ra khỏi thành, ông gặp Chúa Giê-su đi vào. Phêrô dùng câu hỏi, mà ông từng hỏi Chúa trong Phúc Âm Gioan 13:36, để hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Chúa Giê-su trả lời: “Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Nghe câu nói đó, Phêrô tỉnh ngộ, quay lại Rôma và chịu tuẫn đạo với các tín hữu tại đó.
“Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Mỗi mục tử trong Giáo Hội cần thường xuyên nhìn lại coi thử đoàn chiên của mình có bị “bỏ” hay không.
4. Gợi ý suy tư - cầu nguyện:
-Tôi có kinh nghiệm nào về sự thật rằng Chúa Thánh Thần hoạt động ngay cả bên ngoài Giáo Hội?
-“Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (Cha J. J. Olier) hay “hạ khí giới xuống để cho Chúa Thánh Thần làm việc” (Thánh I-nhã)... nghĩa là gì?
-Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (cf. Gl 5,22-23). Lúc này, tôi đang cảm nhận các hoa quả ấy nơi mình ở mức nào?
Thư mục tham khảo:
-Nolan, Albert, OP. Jesus Before Christianity. Quezon City: Claretian Publications, 1999.
-Girzone, Joseph F., OCD. A Portrait of Jesus. New York: Image, 1999.
-Keating, Thomas. The Human Condition. New York: Paulist Press, 1999.
-Haring, Bernard, CSsR. Priesthood Imperiled. Manila: Divine Word Publications, 1989.
-Nguyễn Trọng Viễn, OP. Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo tại Việt Nam. T.P. Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2008.
-Moltmann, Jurgen. The Crucified God. New York: Harper & Row, 1974.
-Rebello, Alex. Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia (trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới). Đại Chủng Viện Huế, lưu hành nội bộ, 2000.
-De Mello, Anthony, SJ. Awareness (J. Francis Stroud, ed.) New York: Doubleday, 1992.
-Hodgson, Irene B. Archbishop Oscar Romero – A Shepherd’s Diary. Cincinnati: St. Anthony Messenger Press, 1993.
(6 bài gợi ý suy tư - cầu nguyện)
Bài 1: NGƯƠI Ở ĐÂU?
Điểm nhắm: Nhìn lại chính mình. Mô tả con người mình hiện nay. Đặt con người mình trong viễn tượng cả hành trình cuộc đời – để thấy cần làm gì với chính mình.
1. Một minh hoạ: Đám này là đám nào?
- Giác ngộ - Thầy nói - có nghĩa là bất cứ lúc nào bạn cũng biết chính xác mình đang ở đâu. Một điều không hề dễ dàng!
Rồi Thầy kể về một ông bạn của Thầy tuy đã gần 90 tuổi nhưng rất được người ta mến mộ và mời mọc tham dự các đám tiệc của họ. Có lần, tại một buổi tiệc, có người hỏi ông ta tham dự bao nhiêu bữa tiệc nội trong buổi tối hôm ấy.
- Sáu đám! Ông ta vừa trả lời vừa dán chặt đôi mắt vào cuốn sổ tay.
- Cụ xem gì thế? Cụ kiểm tra thử sau đám này sẽ tới đám nào phải không?
- Không - ông trả lời - Tôi kiểm tra để xem đám này là đám nào.
(A. de Mello, Một Phút Tầm Phào)
Ông cụ phải mở sổ tay để kiểm tra xem đám tiệc mà ông đang dự là đám nào!
- Nghĩa là, có thể ông ăn uống rất tích cực, nói cười rất sôi nổi, hiện diện xem chừng rất năng động ở đó, song ông không biết ông đang ở đâu!
- Nghĩa là, thực ra, ý thức ông không đang ở đó: ý thức của ông về thực tại xung quanh, và ý thức của ông về chính mình.
- Nghĩa là, những gì gọi là ‘năng động’ nơi ông thực ra chỉ là những phản xạ có điều kiện, hoàn toàn máy móc.
- Nghĩa là, trông có vẻ ông ở đó mà kỳ thực ông không đang sống ở đó. Ông đang sống ở một chỗ nào khác, hoặc ông không đang sống chỗ nào cả.
- Cũng Cha de Mello, trong một tác phẩm khác, quyển Thức Tỉnh, mô tả những con người “không đang sống ở đó” là những “người chết.” Ngài nói: “Tôi đề cập đến tình trạng người ta đang mê ngủ, đang chết. Người chết đang điều khiển chính quyền, người chết đang điều khiển các công việc kinh doanh, người chết đang giáo dục những người khác...”
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người Việt Nam được kể vào số các nhà linh đạo nổi tiếng nhất của thế giới hiện đại – và linh đạo của Nhất Hạnh chứa đựng trong chỉ một từ: “ý thức” (mindfulness: tình trạng hoàn toàn nhận thức được thực tại đang diễn ra, chính mình và xung quanh mình, nghĩa là tình trạng hoàn toàn sống ở đây và lúc này).
Xem thế, hình ảnh Ađam và Eva chui trong bụi tuy thật đáng tiếc nhưng không hẳn là quá tệ. Hai ông bà ý thức: ý thức về sự trần truồng của mình; và hai ông bà biết rõ mình đang ở đâu khi nghe Thiên Chúa hỏi: “Ngươi ở đâu?”
2. Ngươi ở đâu?
Đây là câu hỏi đầu tiên, một trong những câu hỏi lớn nhất qua mọi thời đại. Câu hỏi mà Thiên Chúa hỏi con người ở đầu Sách Sáng Thế (3,9). Ađam và Eva, sau khi bất tuân phục Thiên Chúa, đã chui vào trong bụi để lẩn tránh Ngài. Thiên Chúa đi dạo trong vườn, gọi con người và hỏi “Ngươi ở đâu?” Ađam thưa: “Con nghe tiếng Ngài, và con sợ hãi, vì con trần truồng.” Thiên Chúa hỏi: “Làm sao ngươi biết là ngươi trần truồng?”
Câu chuyện lạ lùng này trong trình thuật sáng tạo không chỉ là câu chuyện của Ađam và Eva. Đây thực sự là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Đây là một mạc khải cho biết chúng ta đang ở đâu. Vẫn câu hỏi “ngươi ở đâu?” ấy được đặt ra cho mỗi thế hệ, mỗi thời đại, mỗi người. Vào mọi khoảnh khắc trong đời mình, Thiên Chúa vẫn không ngừng hỏi chúng ta: “Ngươi ở đâu? Tại sao ngươi lẩn tránh?”
Tất cả những câu hỏi nền tảng nhất liên quan đến hạnh phúc của con người sẽ bật lên khi chúng ta bắt đầu tự hỏi mình câu hỏi cào cứa này: Tôi đang ở đâu? Tôi đang ở đâu trong liên hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác? Đây chắc chắn là câu hỏi cốt thiết nhất của cuộc nhân sinh.
Cha Thomas Keating, dòng Xitô, cho thấy sự tương đồng nào đó giữa câu chuyện trên với một câu chuyện khác trong truyền thống Hồi giáo:
Ông thầy không thể vào nhà vì đã đánh mất chìa khoá cửa. Ông gập mình bò trên đám cỏ trước sân nhà, vạch từng bụi cỏ để tìm chiếc chìa khoá. Một nhóm đệ tử bước tới. Thấy cảnh tượng ấy, họ hỏi:
- Có chuyện gì vậy, thưa thầy?
- À, ta đang tìm chiếc chìa khoá, để vào nhà. Ông thầy đáp.
- Để chúng con giúp cùng tìm với thầy.
- Được lắm. Ông thầy gật đầu.
Thế là cả nhóm đệ tử sà xuống, bò lê trên đám cỏ, lùng sục từng centimét. Thầy trò cứ thế cặm cụi mò tìm, dưới cái nắng mỗi lúc một gay gắt hơn. Một đệ tử lên tiếng hỏi:
- Nè, thầy có nhớ chính xác thầy đã đánh mất chìa khoá ở chỗ nào không?
Ông thầy ngước lên, trả lời:
- Đương nhiên là ta nhớ chứ. Ta đã đánh mất nó ở trong nhà.
Cả đám đệ tử cùng trố mắt ngạc nhiên:
- Ủa, vậy sao thầy lại chúi mũi kiếm nó ở ngoài này?
- Vì ở đây sáng sủa, dễ tìm hơn.
Ông thầy ở đây sẽ được mô tả là: điên, khùng, ngốc, ngớ ngẩn...!
Tất cả chúng ta đều đã lạc mất chìa khoá vào nhà. Chúng ta không còn sống trong ngôi nhà của mình nữa. Chúng ta không kinh nghiệm Thiên Chúa ở trong mình. Chúng ta không ở trong sự thân mật với Thiên Chúa mà Ađam và Eva đã từng kinh nghiệm trong vườn Êđen, sự thân mật mà ông thầy trong câu chuyện trên kia từng kinh nghiệm trước khi ông đánh mất chìa khoá cửa. Ngôi nhà ấy tượng trưng cho hạnh phúc – và hạnh phúc là sự thân mật với Thiên Chúa, là kinh nghiệm về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Không có kinh nghiệm này, mọi sự khác đều bế tắc. Có kinh nghiệm này, mọi sự đều được khai thông.
Đó là thân phận con người. Ta không biết đâu là nguồn hạnh phúc đích thực; hoặc giả có biết, ta cũng đã đánh mất chìa khoá để mở cánh cửa hạnh phúc ấy. Ta vô vọng kiếm tìm hạnh phúc nơi mà hạnh phúc chẳng thể được tìm thấy. Chìa khoá không rơi mất ngoài đám cỏ. Nó không rơi mất bên ngoài ta. Nó lạc mất đâu đó bên trong ta; và ta cần phải tìm kiếm nó bên trong chính mình.
Một cách để đặc tả thân phận con người, đó là: Ai cũng loay hoay kiếm tìm chìa khoá mà chẳng ai biết nó ở đâu. Thân phận con người, vì thế, vô cùng đớn đau. Và nếu bạn cần sự giúp đỡ trong khi bạn đang tìm chìa khoá ở nơi không hề có nó, thì sự giúp đỡ có đầy cho bạn đấy. Bởi vì mọi người cũng đang tìm nó ở nơi không hề có nó: Nơi sáng sủa hơn, vui thú hơn, an toàn hơn, có nhiều sự dễ chịu hơn, và có nhiều sự chấp nhận của người khác hơn. Người ta gắn bó với nhau trong cuộc kiếm tìm mà chẳng có dấu hiệu gì để hy vọng sẽ gặp được điều mình tìm kiếm.
Thân phận con người là thân phận lạc mất. Theo Augustinô, sự lạc mất đầu tiên ấy để lại 3 hậu quả là mê lầm, dục vọng và yếu nhược: (1) mê lầm: Ta không biết hạnh phúc nằm ở đâu; (2) dục vọng: Ta tìm hạnh phúc ở những nơi không thực sự có nó; và (3) yếu nhược: Hoặc giả ta nhận ra được đâu là nơi có hạnh phúc đích thực, thì ý chí của ta cũng quá yếu ớt và ta không đủ sức theo đuổi.
3. Tôi đang ở đâu?
Trong 3 chiều không gian và một chiều thời gian, thật không khó để xác định gần như chính xác tuyệt đối tôi đang ở đâu. Wikimapia hoặc Google Map có thể giúp chỉ ra chính xác tôi đang ở kinh tuyến và vĩ tuyến nào trên bề mặt địa cầu này.
Và câu trả lời ấy đúng cho tất cả mọi người đang có mặt với tôi ở đây.
Nhưng khi vấn đề đặt ra là tôi đang ở đâu trong quan hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, thì câu trả lời không thể “xài chung” được nữa. Mỗi người sẽ dừng lại, nhắm con mắt thể lý, mở con mắt tâm hồn ra, nhìn quanh, xác định những dấu mốc, để nhận ra chính xác mình đang ở đâu.
Một năm, một tháng, một tuần qua, tôi có những chuyển hoá nào? Tôi thêm kiến thức, thêm kỹ năng, thêm các mối quan hệ... và phải chăng tôi cũng thêm tin, yêu, tự do và hạnh phúc?
Đã có những thay đổi nào trong thói quen, trong tầm nhìn, trong đánh giá, trong cách phản ứng của tôi?
Thời gian đã giúp tôi trở nên phong phú hơn, hay tôi đã hoá ra nghèo nàn hơn?
- Hệ trục toạ độ:
- Với Thiên Chúa: Đức Tin, Cậy, Mến của tôi? Đời sống cầu nguyện của tôi? Việc cử hành phụng vụ, bí tích? Chỗ đứng của Lời Chúa trong đời sống của tôi?
- Với chính mình: Tôi đã làm gì với thời gian của mình? Sức khoẻ của mình? Tiền bạc của mình? Các khả năng mà Thiên Chúa ban cho mình?
- Với người khác: Tôi có thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại? Tôi có chịu đựng và tha thứ ? Tôi có yêu thương? (cf. Cl 3,12-14)
Tóm lại, tôi đang ở đâu? Tôi đang ở trong bụi rậm nào khi Chúa đến gọi tôi lúc này? Sự thật nào nơi mình làm cho tôi thấy mình trần truồng và xấu hổ?
Ý thức trần truồng và sự xấu hổ, thật ra, không phải là cái gì quá tệ hại. Trái lại, đó là điều kiện cho sự chữa lành, sự cứu độ (salvation). Tôi thậm chí cần phải xin ơn cho được ý thức về sự trần truồng của mình, xin ơn cho được cảm thấy xấu hổ về sự trần truồng ấy – và xin ơn để chui ra đối diện với Chúa, để nhận trách nhiệm về tất cả sự thật của mình trước mặt Ngài, và để được Ngài nâng đỡ mà bắt đầu lại từ chính sự thật ấy.
Nhìn lui rồi nhìn tới – tôi cũng nên nhìn tới tương lai một chút (coi như một cách để chia trí!) Tôi dừng lại chiêm ngắm tấm bia mộ sẽ mang tên tôi:
“Giuse Lê Công Đức, 1959 – 20..”
Bài 2: THẦY Ở ĐÂU? (Ga 1,38)
Điểm nhắm: Hỏi “Thầy ở đâu?” là một cách thăm dò tinh tế để điều tra cho một dấu hỏi căn bản hơn: “Thầy là ai?” Hai môn đệ đầu tiên đến chỗ của Thầy và ở lại với Thầy hôm ấy, như chính thức bắt đầu một hành trình khám phá Đức Giêsu sẽ còn tiếp tục mãi, không cùng. Đức Giêsu là một con người quá kỳ lạ. Không gì ngớ ngẩn cho bằng giả thiết rằng mình đã ‘nắm’ Ngài. Và, nhiều khi, thái độ lý tưởng là tháo gỡ hết mọi tiên kiến, mọi quan niệm có sẵn về Ngài – để tiếp xúc với Ngài như thể mới phút đầu gặp gỡ...
1. Nhân danh Đức Giêsu Kitô!!!
Bộ phim Jesus của đạo diễn Roger Young bắt đầu bằng một cảnh cực kỳ gây sốc nhưng cũng là một cảnh đầy lịch sử tính: Trên màn hình là một con người bị trói hai tay và bị treo hẫng trên giàn hoả thiêu; lửa được châm và bùng lên thiêu đốt người ấy, trong khi đó một vị (không rõ là giáo hoàng hay giám mục) với phẩm phục và mũ gậy đầy đủ, đứng bên cạnh dõng dạc tuyên bố:
“Nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Vâng, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ở trên trời, ta xử tử ngươi vì ngươi làm chứng điều sai trái, vì người tin những điều sai trái, vì ngươi nói những lời sai trái, và vì ngươi làm ố danh của Chúa Giêsu Kitô!”
Thật khó có gì mỉa mai hơn! Người xem phim bất chợt tự hỏi: Ai thực sự đang làm ố danh Đức Giêsu Kitô, kẻ bị thiêu sống hay là kẻ đang thiêu sống người khác? Không có gì dễ cho bằng nhân danh Đức Giêsu. Nhưng liệu khi nhân danh Ngài như vậy, ta đã thực sự hiểu về Ngài? Ở đây lộ ra một vấn đề căn bản nhất: Đức Giêsu bị hiểu lầm, hoặc thậm chí bị cố tình ép nặn cho vừa với cái khuôn suy nghĩ của người ta. Và ta đừng quên, đây là bi kịch trong Giáo Hội và do Giáo Hội, đã từng kéo dài trong một thời.
Mới đây, Linh mục Nguyễn Trọng Viễn, OP., có ra một quyển sách nhỏ mang tựa đề “Những Căn Bệnh Trầm Kha trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo tại Việt Nam.” Tác giả liệt kê 5 căn bệnh trầm kha, gọi là 5 thứ ‘đạo’: đạo sinh hoạt, đạo hiếu kính, đạo thiêng liêng, đạo luân lý và đạo thực dụng. Các tên gọi này thoạt nghe không đến nỗi ‘vấn đề’ gì lắm, nhưng thực ra đó là những ‘đạo’ rất là có ‘vấn đề’, rất là xa lạ với đạo đích thật của Đức Giêsu – và do đó cũng rất xa lạ với chính Đức Giêsu! Sau đây là những dòng tác giả viết trong lời ngỏ:
“Tôi nghe kể: có một người kia, rất giàu có và có những 18 bà vợ. Mỗi bà vợ đều có cơ ngơi riêng, cuộc sống tương đối an nhàn. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công Giáo và được rửa tội...
Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công Giáo đã thốt lên ngay: Ông này hên thật, được cả đời này lẫn đời sau!
Những nhận định kiểu như thế ta có thể thấy khá nhiều. Và nếu vậy, thì những người Công Giáo đạo gốc đã không được ‘hên’ như thế, vì họ phải biết đạo sớm, phải lo giữ đạo cả một cuộc đời mà không chắc có được lên thiên đàng hay không.
Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam: đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một gánh nặng phải mang vác để đổi lấy cuộc sống thiên đàng mai sau. Quả thật, nói chung, những cộng đoàn Kitô giáo vẫn chưa có mấy dấu hiệu khá lên về đời sống bác ái; tổ chức quản trị trong Giáo Hội ít biểu lộ một thái độ tôn trọng tín hữu, nhất là những người bé mọn; sinh hoạt trong Giáo Hội ít triển nở thành thái độ có tâm huyết với cuộc đời.
Trong nhân cách Kitô hữu, nói chung, chúng ta cũng ít thấy biểu lộ một sự trưởng thành và triển nở phong phú vì được làm con cái Chúa. Thái độ người Kitô hữu ít diễn tả được sự tự do của con cái Chúa, nhưng thường là một thái độ dúm dó, sợ hãi, nệ luật, lách luật, hình thức, và ấu trĩ...”
Rồi tác giả tự hỏi:
“Làm thế nào để người Kitô hữu có được sự gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu nhiều hơn, chứ không chỉ tham dự sinh hoạt tôn giáo? Làm thế nào để người Kitô hữu nhận ra một Đức Giêsu là Bạn và là người Anh, là Đấng có thể chia sẻ cả những tội lỗi yếu đuối của mình? Làm thế nào để người Kitô hữu tìm thấy niềm vui chân thật, chứ không phải chỉ còng lưng ‘đóng thuế’ cho một thế giới thiêng liêng nào đó? Làm thế nào để người Kitô hữu nhận được tình thương cứu độ của Đức Giêsu chứ không phải chỉ là nỗ lực luân lý nhằm tu sửa một cách khó nhọc? Làm thế nào để người Kitô hữu gặp gỡ được chính Chúa và được biến đổi chứ không phải chỉ xoay sở và thu gom những công phúc cho cá nhân? Làm thế nào để thái độ trung tín với một Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cũng chính là lời loan báo Tin Mừng như một giải pháp cho cuộc sống nhân sinh hôm nay?”
Chúng ta sẽ làm thế nào để trả lời những câu hỏi “làm thế nào” đó đây, nếu không phải trước hết là quay lại với Đức Giêsu Kitô, để hỏi “Thầy, Thầy ở đâu?” – để đến ở với Thầy và khám phá Thầy.
2. Quay lại với Đức Giêsu Kitô
Cha Joseph Girzone, 79 tuổi, dòng Cát Minh ở New York, là một tác giả Mỹ ‘best-selling.’ Ngài thành lập tổ chức Joshua Foundation, nhằm mục đích giúp cho người ta hiểu Đức Giêsu nhiều hơn. Khoảng hai chục quyển sách của ngài, bán rất chạy, đều viết về Đức Giêsu, thuộc nhiều thể loại. Trong quyển Chân Dung Đức Giêsu, ngài viết:
“Phải một thời gian lâu lắm tôi mới ý thức rằng còn có cái gì thiếu sót trong lối hành đạo của chúng ta, và điều này làm cho tôi rất ái ngại. Chúng ta ai cũng nhạy cảm đối với phong tục tập quán của Giáo Hội mình. Các giáo sĩ lo bảo vệ đức tin của tín đồ và lo sao cho họ trung thành với nhà thờ hay hội đường của mình. Điều này không có gì sai. Nhưng một ngày nọ tôi cảm thấy rằng chúng ta chỉ quan tâm đến Giáo Hội và nhà thờ của mình mà ít quan tâm đến điều Thiên Chúa muốn... (bản tiếng Việt, tr.3-4). Tôi cảm nghiệm rằng mặc dù chúng ta hăng say hoạt động cho Giáo Hội, nhưng điều Đức Giêsu muốn thì lại không phải là động lực của chúng ta. Đối với những người lãnh đạo trong Kitô giáo thì điều Đức Giêsu muốn phải đứng hàng đầu, nhưng Giáo Hội, thần học và giáo luật lại là động lực căn bản! Vì thế nhiều vị trong khi hành sự không quan tâm đến điều Đức Giêsu muốn (tr. 6). Khi đi giảng về đời sống và về điều Đức Giêsu dạy, tôi phải ngạc nhiên khi nghe dân chúng nói rằng họ chưa bao giờ nghe nói về đời sống của Đức Giêsu. Một linh mục rất thánh thiện mà tôi kính yêu từ lâu nói rằng ông rất đỗi ngạc nhiên vì làm sao tôi có thể nói về Đức Giêsu suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi tôi hỏi tại sao ông ngạc nhiên thì ông bảo rằng trong ĐCV không có dạy về Đức Giêsu. Người ta chỉ dạy Kitô học, Kinh Thánh, giáo luật và một số môn học khác, nhưng không ai dạy môn học về con người Giêsu, về điều Giêsu nghĩ và tầm nhìn của Ngài.
Tôi cũng gặp một chuyện tương tự khác. Một sinh viên muốn mời tôi đến chủng viện của anh để nói về Đức Giêsu. Tôi bảo anh nên dàn xếp với phân khoa gửi giấy mời cho tôi. Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị anh yêu cầu một giáo sư thần học trong ban giáo sư để dạy về Đức Giêsu. Anh trả lời rằng anh và các sinh viên khác đã đề nghị với một giáo sư thần học nổi tiếng, nhưng ông ta trả lời rằng người ta thuê ông dạy thần học chứ không phải dạy về Đức Giêsu.” (tr. 7-8).
Với quyển “Giôsua, Dụ Ngôn Cho Thời Nay,” Cha J. Girzone đã viết một tiểu thuyết hẳn hoi, trong đó ngài cho Đức Giêsu xuất hiện trở lại trong thế giới hiện đại, và Giêsu hiện đại này đã gây nhiều bất ngờ, đồng thời cũng gặp nhiều phiền phức, thậm chí do chính Giáo Hội!
Thế đấy, Đức Giêsu là một nhân vật kỳ lạ!
3. Đức Giêsu được mô tả thế nào trong các sách Tin Mừng?
Đức Giêsu là một nhân vật kỳ lạ. Và nói theo ngôn ngữ của Cha Albert Nolan, dòng Đa Minh, thì Đức Giêsu là một con người bị đánh giá thấp quá. Bị đánh giá thấp không chỉ bởi những con người chỉ nhận thấy nơi Ngài một bậc thầy tôn giáo, mà còn cả bởi những con người quá nhấn mạnh thần tính của Ngài, khiến Ngài không còn là một con người với đầy đủ nhân tính nữa. Khi người ta để Đức Giêsu tự nói về thân thế, khi người ta thử tìm hiểu Ngài với một đầu óc không định kiến, trong khung cảnh của thời đại Ngài đang sống, thì người ta sẽ nhận thấy một cái gì lộ rõ lên, đó là hình ảnh của một người có tư cách độc lập phi thường, có đức tính dũng cảm tuyệt vời, có thái độ trung thực vô song, một con người mà không ai giải thích nổi bản lĩnh. Tước đoạt nhân tính ở một con người như thế, tức là tước đoạt mất sự cao cả của Ngài.
Chúng ta khó hình dung được Đức Giêsu đã là một con người như thế nào mà khác tất cả những nhân vật có trước cũng như các người đồng thời cách triệt để đến thế. Tri thức to lớn của giới ký lục đã không làm cho người nao núng. Ngài không ngần ngại tách xa khỏi họ, mặc dù họ xem ra rất thông thạo hơn Ngài về các chi tiết lề luật và về cách giải thích lề luật theo cổ truyền. Đối với Ngài không có một truyền thống nào quá thiêng liêng đến không thể làm ngược lại, không có điều gì chắc chắn căn bản đến không thể biến đổi được.
Nhưng Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu không đối lập với thiên hạ vì đầu óc chống báng hay vì muốn bộc lộ sự bực bội sâu sắc đối với mọi người. Suốt cả cuộc đời, Ngài đã để lại cho chúng ta ấn tượng về một con người dám nói dám làm theo những quan niệm của mình, một con người độc lập đối với mọi người.
Nơi Đức Giêsu, không hề có một dấu vết sợ hãi. Không sợ gây gương xấu, không sợ mất tiếng tốt, không sợ ngay cả mất mạng sống của mình. Tất cả những con người tôn giáo, ngay cả Gioan Tẩy Giả, đều sửng sốt khi thấy Ngài hoà mình với những người tội lỗi, khi thấy Ngài vui thích bầu bạn với họ, khi thấy Ngài tự do đối với lề luật, khi thấy Ngài có vẻ như chẳng quan tâm mấy đến sự nghiêm trọng của tội lỗi, và khi thấy Ngài tương giao với Thiên Chúa một cách thật thoải mái. Đức Giêsu đã sớm tự chuốc lấy điều mà chúng ta có thể gọi là tiếng xấu: “Một kẻ háu ăn và nghiện rượu.” Chính Ngài đã thuật lại lời đàm tiếu ấy có pha một chút dí dỏm (Mt 11,16-19). Nói theo cách suy diễn, sự thân cận với những người tội lỗi khiến thiên hạ liệt Ngài vào hạng người tội lỗi (Mt 11,19; Ga 9,24). Và vào một thời mà sự đánh bạn với một phụ nữ không họ hàng gì với mình chỉ gây nên ngờ vực, dị nghị, thì việc Ngài giao thiệp với đàn bà, trong đó có những người mãi dâm, đã đủ làm cho Ngài mất hết danh giá (Lc 7,39; Ga 4,27). Đức Giêsu đã chẳng cần làm gì cả và chẳng cần thoả hiệp với ai để giữ lấy dù chỉ là một chút danh giá trước mắt người đời. Ngài đã không tìm kiếm sự tán thành, dù của “người lớn nhất trong số những kẻ được đàn bà sinh ra” – tức là Gioan Tẩy Giả.
Theo Máccô (rồi Mt và Lc cũng thế), thì cho đến cả những kẻ thù của Đức Giêsu cũng phải công nhận Ngài là một người ngay thật, chẳng sợ ai: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một người chân thật và Thầy không sợ bất cứ ai; Thầy không quan tâm đến địa vị xã hội, nhưng Thầy dạy đường lối của Thiên Chúa theo sự thật” (Mc 12,14).
Mặc dù họ nói thế để gài một cái bẫy, nhưng câu nói ấy cũng cho chúng ta ý niệm về ấn tượng mà Đức Giêsu đã in sâu vào tâm trí dân chúng. Gia đình có lần nghĩ Ngài là kẻ mất trí (Mt 3,21). Những người Pharisêu thì bảo Ngài là một kẻ bị quỉ ám (Mc 3,22). Họ tố cáo Ngài là một kẻ say rượu, một kẻ tham ăn, một kẻ tội lỗi, một kẻ phạm sự thánh, nhưng không ai có thể cho Ngài là một kẻ gian dối hay giả hình, không ai có thể trách rằng Ngài sợ những gì thiên hạ có thể nói về Ngài, hoặc sợ những gì người ta có thể làm để chống lại Ngài.
4. Đề nghị vài hướng để khám phá Đức Giêsu
-Theo bạn, đâu là điểm khác biệt căn bản giữa Đức Giêsu và các vị sáng lập các tôn giáo như Đức Phật, Mahomet, Khổng Tử, Lão Tử? Các vị ấy có thể dạy yêu thương, nhưng các vị ấy có khẳng định tình yêu của mình đối với các tín đồ và đòi các tín đồ yêu mình không? Bạn hãy hình dung tâm trạng của Đức Giêsu khi Ngài nói “Này là mình Thầy... / Này là máu Thầy...”, khi Ngài quì xuống rửa chân cho các môn đệ, hay khi Ngài nói những lời này: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).
-Bạn có thể thử nhắm mắt lại, ‘nhìn’ Chúa Giêsu, và hỏi Ngài “Thầy ở đâu?” một cách nóng bỏng, mới tinh, một cách đầy đủ tính thời sự không?
-Bạn cho rằng Kitô hữu là người có Đức Kitô, người mang Đức Kitô hay là người không ngừng khám phá Đức Kitô?
-Mahatma Gandhi, một người Ấn giáo, đã ‘mê’ Đức Giêsu trong các Sách Tin Mừng. Còn chúng ta, đọc Tin Mừng hoài, nhưng chưa chắc đã say mê Ngài như ông ấy. Bạn nghĩ trong việc khám phá Đức Giêsu thì đâu là điểm thuận lợi của Mahatma Gandhi so với nhiều Kitô hữu chúng ta? Nhưng Gandhi đã không bao giờ trở thành Kitô hữu... Bạn thử giải thích trường hợp này. [Liên hệ đến câu chuyện Gandhi bị từ chối, không cho phép bước vào một nhà thờ để tham dự Thánh Lễ - vì đó là ‘chỗ của người da trắng’, còn Gandhi lại là một người da đen.]
-Bạn hãy tưởng tượng Đức Giêsu đến làm người lần nữa, lần này Ngài sinh ra và lớn lên tại Việt Nam... Và bạn đi tìm gặp Ngài, thì nhiều khả năng bạn sẽ gặp Ngài đang làm gì, ở đâu? Bạn sẽ thấy Ngài yêu gì, ghét gì? Gặp rắc rối với những ai? Được thông cảm và ủng hộ bởi những ai?
-Hoặc bạn hình dung kiểu khác: Nếu kê ra danh sách 10 người hay 5 người được biết đến nhiều của thế giới trong 100 năm hay 50 năm trở lại đây, và đó là những người giống với Đức Giêsu như được trình bày trong các Sách Tin Mừng nhất – bạn sẽ đưa những tên tuổi nào vào danh sách? Tại sao?
Bài 3: THẦN KHÍ CỦA ĐỨC CHÚA NGỰ TRÊN TÔI...
-Điểm nhắm: Nếu Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, thì đó là tình yêu vừa phổ quát, vừa thiên vị: Ngài ưu tiên yêu thương những người nghèo, những người bất hạnh, những người tội lỗi, bị loại trừ, bị áp bức... Nhìn Đức Giêsu trong sứ vụ công khai của Ngài, ta thấy Ngài là một nhà chữa trị, nhà giải phóng.
1. Hôm nay, những lời ấy của ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm
Sau 30 năm sống ở Nadarét, Đức Giêsu lên đường rao giảng một sứ điệp mà Ngài gọi là Tin Mừng. Ở hội đường Nadarét, Ngài cầm cuộn Kinh Thánh người ta trao cho và đọc lớn tiếng: “Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố kẻ bị giam cầm sẽ được giải phóng, người mù sẽ được thấy, người bị áp bức sẽ được tự do, và công bố năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19)
Kẻ bị giam cầm sẽ được giải phóng, người bị áp bức sẽ được tự do! Đấy không phải là nói đến sự thống trị của La Mã, nhưng là của tôn giáo. Dân chúng phải giữ hết luật này đến luật khác, xác định từng chi tiết của đời sống thường nhật. Ngoài những luật lệ đàn áp do người La Mã, còn có một bộ luật Do Thái cả về dân sự lẫn tôn giáo. Riêng về luật tôn giáo, không chỉ có 10 Điều Răn. Còn có 631 giới răn và 365 điều cấm kỵ và hàng trăm lệnh phải tuân giữ. Dân chúng nếu không giữ nổi hết các luật ấy thì bị các vị lãnh đạo tôn giáo tuyệt thông, không cho phép đi lại với những người ngay lành khác trong xã hội. Thánh Phaolô nói rằng lề luật là “gánh nặng mà con người không mang nổi.”
Và Đức Giêsu, đã trịnh trọng tuyên bố rằng “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe.” Khi Đức Giêsu nói về chính mình, Ngài tự mô tả Ngài là một người được sai đến. Ngài nói rằng Ngài được Cha sai đến để làm một việc gì đó. Ngài không cung cấp cho các môn đệ hay bạn hữu của Ngài nhiều thông tin về đời sống bên trong của Ngài, về tính cách, hay về những yếu tố mà chúng ta vẫn thường gắn với nhân cách của một con người. Nhân cách của Đức Giêsu bộc lộ chính là qua sứ mạng mà Ngài đảm nhận, được đồng hoá với chính sứ mạng ấy. Đối với Đức Giêsu, sứ mạng không chỉ là một chức năng, một công tác hay một nghề nghiệp; đúng hơn, sứ mạng bao trùm và thấm nhập toàn thể hiện hữu và sự sống của Ngài.
Trong các Tin Mừng nhất lãm, Đức Giêsu không nói nhiều về chính mình – vì thế, những trường hợp ít ỏi mà Ngài tự bạch thật đáng để ta chú ý: “Nào chúng ta hãy đi đến những làng khác nữa, để ta cũng sẽ rao giảng Tin Mừng ở đó. Vì chính để làm công việc này mà ta được sai đến.” (Mc 1,38). Tin Mừng thứ tư, trái lại, hướng sự chú ý của ta vào con người Đức Giêsu. Và trong bản văn Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc đến sứ mạng của Ngài không dưới 40 lần. Những động từ “đến” và “sai đến” xuất hiện trùng trùng. Đây là hai ví dụ: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Ngài. Phần tôi, tôi biết Ngài, bởi vì tôi từ Ngài mà đến, và chính Ngài đã sai tôi.” (Ga 7,28-29); “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.” (Ga 17,18).
Về sau này, khi các Tông Đồ và các tác giả Tân Ước muốn đúc kết toàn bộ câu chuyện cách ngắn gọn, họ cũng đã không dùng những từ nào khác: “Khi đã đến thời ấn định, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến...” (Gl 4,4); “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống.” (1 Ga 4,9).
Rất thường, khi Tân Ước đề cập chuyên biệt về sứ mạng thì đó là đề cập đến nguồn gốc và hướng đích của sứ mạng ấy. Nguồn gốc của sứ mạng là Chúa Cha, Đấng sai Đức Giêsu đến. Và hướng đích của sứ mạng được kể trước hết là những kẻ nghèo hèn, những kẻ bị giam cầm, những người mù, những người bị áp bức... như chính Đức Giêsu xác nhận: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21).
Thật vậy, trong các sách Tin Mừng, những người dành được sự đặc biệt quan tâm của Đức Giêsu là những người nghèo, mù loà, què quặt, phung hủi, những người đói khát, đau khổ, những người tội lỗi, đĩ điếm, thu thuế, những kẻ bị quỉ ám, những người bị áp bức, bị chà đạp, bị giam cầm, những người vất vả khó nhọc và gánh nặng, những người ngu dốt không biết lề luật, những đám đông vô danh, những người bé mọn, thấp hèn, những con chiên lạc khốn khổ của nhà It-ra-en. Những con người ấy, không thể lẫn với những người khác, được Đức Giêsu gọi chung là những người nghèo hay những người bé mọn – còn những người Pharisêu thì gọi những người đó là những kẻ tội lỗi. Cha Noland nói rằng người ta có thể hiểu Napoleon mà không cần hiểu đám đông khốn khổ trong thời của ông, nhưng chắc chắn sẽ không thể hiểu Đức Giêsu nếu không đặt Ngài trong bối cảnh những người khốn khổ vào thời của Ngài.
2. Đức Giêsu có thánh thiện không?
Một câu hỏi đặc biệt giúp rọi ánh sáng trên sứ mạng của Đức Giêsu, đó là: Đức Giêsu có thánh thiện không? Cứ theo sự trình bày của các sách Tin Mừng thì câu trả lời là Có và Không. Ngài không thánh thiện theo quan niệm thông thường của người đương thời về sự thánh thiện. Sự bỡ ngỡ của những người đồng hương của Ngài là bằng chứng cho điều này: “Anh ấy học những điều đó ở đâu? Anh ấy không phải là con bác thợ mộc, lớn lên giữa chúng ta đây sao?” Đó là một câu hỏi rất chính đáng. Thật ngỡ ngàng đối với những người cùng lớn lên với Giêsu và quen biết Ngài trong nhiều năm nhưng chưa từng thấy gì thánh thiện nơi Ngài. Bạn hãy tự hỏi mình “làm sao Đức Giêsu sống nơi làng mạc đó lâu năm mà không lộ bản tính của mình?” Rồi một câu hỏi nữa được đặt ra: “Làm sao Con Thiên Chúa, hiện thân của Thượng Đế Giao Ước, sống nơi làng mạc đó bao năm mà dân chúng không thắc mắc, đừng nói chi đến thiên tính của Ngài?”
Thời ấy, thánh thiện có nghĩa là tỉ mỉ tuân giữ lề luật – trung thành với truyền thống và phong tục được xem là biểu thị đời sống đạo đức của Do Thái. Hình như Đức Giêsu không nghĩ vậy. Hình như Ngài có một ý niệm khác hẳn về sự thánh thiện. Hình như, thậm chí, thánh thiện theo quan niệm của Ngài thì chẳng thánh thiện gì theo quan niệm của người Do Thái thời ấy và có thể cả của chúng ta hôm nay.
Những người quen biết Đức Giêsu chỉ thấy Ngài là người thường như mọi người. Ngài không làm ra vẻ thánh thiện. Hơi lạ là không nơi nào trong các sách Phúc Âm nói rằng Ngài đạo đức, nhưng lại thường nói Ngài đi đó đây làm việc thiện. Dường như đối với Đức Giêsu thì thánh thiện thật là sống hoàn toàn như một con người, một con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, thế thôi!
Dân chúng thấy gì nơi Đức Giêsu? Đây là điều quan trọng, bởi vì Đức Giêsu sống cách nào thì đó cũng là điều chúng ta phải noi theo. Ngài là “đường, sự thật, và sự sống” của chúng ta mà! Xem ra Đức Giêsu sống cách bình thường như mọi người trong làng. Ngài yêu mến mọi loài, từ Thiên Chúa đến loài bé nhỏ nhất, như đọc thấy trong các sách Phúc Âm. Ngài vừa đơn sơ vừa khôn khéo, điều mà Ngài khuyên các môn đệ trong một dịp nào đó. Ngài rất thông minh, cẩn mật, thận trọng, nhìn xa, hiền lành và nhân hậu, can đảm và không sợ tự vệ khi bị tấn công, như Ngài thường làm khi đương đầu với các kinh sư và nhóm Pharisêu. Ngài rất dễ mến và lịch thiệp, không hay nổi giận, không làm ra vẻ ‘ta đây’, nhưng thành thực, khiêm tốn và cảm thông mọi người. Chắc chắn Đức Giêsu cũng rất tinh tế hài hước – điều này chỉ thấy được khi chúng ta hiểu những ẩn ý trong các sách Phúc Âm. Nói tắt, dân chúng thấy nơi Đức Giêsu một con người rất quân bình, sống thật là người và rất dễ gần. Đó là thánh thiện theo như Đức Giêsu nghĩ.
Đức Giêsu đã sống hoàn toàn như một con người. Và đó là một con người không lãnh đạm, không an phận, không hài lòng với cái ‘status quo’ của thế giới mà mình đang sống. Con người đó đã đương đầu với các cơ cấu tội lỗi nơi xã hội Do Thái và nơi nhân loại nói chung. Được sai đến với thế giới có nghĩa là được sai đến để đương đầu với các cơ cấu tội lỗi làm nô lệ hoá con người. Sự thánh thiện của Đức Giêsu có liên hệ mật thiết với cuộc đương đầu của Ngài đối với các cơ cấu tội lỗi này.
3. Đức Giêsu rất có thể đã nói gì với Cha?
Cha Girzone đã dệt nên lời tâm sự sau đây của Đức Giêsu với Chúa Cha. Tâm sự khá dài, có lẽ vào một đêm nào đó Ngài thức trắng:
Lạy Cha, con rất vui mừng được ở với Cha đêm nay. Con có rất nhiều chuyện để thưa. Khi con bắt đầu sứ mạng của con, dân chúng tuốn đến với con. Họ rất cảm phục thấy con chữa bệnh và an ủi họ. Họ rất cảm xúc nghe lời con nói. Con nhìn họ và thấy nước mắt trên mắt họ, nhất là khi con nói về Cha. Họ rất ngạc nhiên khi con bảo họ Cha rất hiền lành và nhân hậu và thông cảm sự yếu đuối của họ và gánh nặng mà họ phải gánh. Dân chúng đến mỗi ngày mỗi đông. Nhưng gần đây, hình như có thay đổi. Khi con nói, con thấy mặt họ ngơ ngác như không muốn tin. Khi con nói về Nước Trời, họ nghĩ đó là vương quốc của Đavít và các trận chiến với các đoàn binh La Mã. Con biết họ muốn con làm vị cứu tinh và một ngày kia con sẽ đứng lên dẫn họ đi chiến đấu. Giờ đây họ thấy con không thích những ước vọng trần thế của họ, và những phồn vinh vật chất của họ trong ngàn năm qua. Khi con nói phải tích trữ kho tàng trên trời, họ nghĩ đó là vàng bạc tiền của trong các ngân hàng. Họ nhìn con với cặp mắt buồn bã. Lạy Cha, ngày kia con chuẩn bị họ chia sẻ đời sống của chúng ta. Con hoá bánh và cá ra nhiều để họ ăn. Họ thán phục lắm, thưa Cha. Thực ra họ muốn bắt con làm vua. Giuđa đã làm sẵn mũ vua. Nhưng con trốn chạy lên núi. Con bảo các môn đệ qua bên kia hồ, đi xa dân chúng. Con biết rằng Cha biết hết rồi, nhưng con cũng phải nói lên để Cha thông cảm và để nói với Cha những điều con đang trải qua. Con phải nói lên vì con là con người và con cần phải chia sẻ với người mà con yêu.
Ngày hôm sau khi gặp đám dân ấy trên bờ bên kia, con thách thức họ hãy nhìn thẳng vào bản thân mình. Con hứa sẽ hiến thân cho họ để làm thức ăn cho tâm hồn họ. Khi con nói sẽ hiến thân con làm thức ăn, họ nhìn con rất ngạc nhiên, không tin điều con nói. Khi họ hỏi lại, con quả quyết điều con nói là đúng. “Nếu các anh chị không ăn thịt tôi và uống máu tôi, các anh chị không có sự sống.” Họ lẩm bẩm với nhau: “Khó tin quá, ai mà tin được?” Rồi họ bỏ đi. Giuđa cũng không tin. Con thấy ma quỉ nhập vào nó. Nó vỡ mộng.
Lạy Cha, gần đây con cũng để ý thấy những người Sađuxê và người Hêrốt nhập bọn với nhóm Pharisêu. Họ là những kẻ thù không đội trời chung với nhau.Bây giờ họ lại thân nhau. Con biết họ đang âm mưu giết con. Con thấy như vậy. Con sợ lắm, thưa Cha. Con biết không nên sợ, nhưng con đã bỏ đi thiên tính của con và giờ đây con rất yếu đuối. Con thật sự sợ hãi. Con biết rồi sẽ kết cục ra sao. Dân chúng cũng đến thưa dần, vì họ thấy bề trên không hài lòng với con hay với những gì con nói. Dân chúng sợ các giáo sĩ và các người lãnh đạo của họ. Họ tránh né con, trừ khi họ mang những người bệnh, những người tàn tật và sắp chết đến để con chữa. Lạy Cha, con chữa cho họ mặc dầu con biết nhiều người trong họ không dám dấn thân với con vì sợ các giáo sĩ trừng phạt.
Lạy Cha, khi con khởi sự sứ mạng, con có rất nhiều ước mơ, có rất nhiều việc con muốn làm cho Cha. Con nghĩ là con hiểu được bản tính nhân loại và có thể chinh phục dân chúng trở về với Cha. Nhưng con không làm được. Không dễ dàng tí nào. Họ không hết lòng nghe con. Đối với họ, con là người thiếu thực tế quá. Họ muốn có một quốc gia trần thế; nhưng con chỉ có đem đến cho họ chân lý và thiện mỹ của Cha và hứa với họ rằng một ngày kia họ sẽ mãi mãi sống với Cha trong nhà Cha. Con nghĩ rằng con có thể đem họ trở về với Cha, và giành lại toàn thế giới khỏi tay Satan mà dâng cho Cha. Nhưng bây giờ con biết con không làm được. Con nghĩ rằng con thất bại. Con chưa bao giờ thất bại. Giờ đây con hiểu được thế nào là đau khổ khi con người thất bại, khi họ thất bại trong hôn nhân, thất bại trong việc lo cho gia đình, và thất bại trong việc bảo vệ con cái của họ. Con thông cảm những tâm trạng ê chề của họ. Con biết con không hẳn thất bại về những việc con đã định thi hành khi đến đây, đó là cứu rỗi thế gian bằng đau khổ và cái chết của con – nhưng còn nhiều việc con muốn thực hiện cho Cha. Giờ đây con thấy những việc này quá sức con. Con không thể làm mất tự do của con người và ép họ phải theo mệnh lệnh của con. Có lẽ với thời gian họ sẽ hiểu, nhưng phải lâu sau khi con ra đi. Con ước chi có thể làm nhiều cho Cha. Con không thể dập tắt những cảm nghĩ không tốt đẹp đó. Con sợ hãi quá. Xin Cha ở với con.
Con biết Cha luôn luôn ở bên con. Đôi khi con không cảm thấy điều đó. Con thấy rõ ràng những gì sẽ xảy ra ở Giêrusalem. Con thấy chúng đến lẹ quá. Con biết Cha luôn ở bên con và nhờ đó con cảm thấy mạnh mẽ. Lạy Cha, Cha là sức mạnh của con. Xin giúp con và ở bên con vì ngày cuối cùng sắp đến. Con cần Cha hơn bao giờ hết. Xin Cha cũng giúp mẹ con. Bà sẽ đau khổ khi thấy con đau khổ. Bà thật là tốt đẹp. Cha không thể cho con một người mẹ tốt lành hơn. Xin Cha cũng nâng đỡ các môn đệ của con. Họ yếu đuối lắm. Đôi khi họ làm con lo lắng. Xin giúp họ qua mọi thử thách này. Lạy Cha, xin tha tội cho Giuđa. Con biết hắn sẽ làm gì. Con biết hắn không đến nỗi tệ lắm, nhưng vì hắn say mê tiền bạc và cảm thấy mình quan trọng. Chào Cha. Con xin vâng ý Cha. Con đây, Cha muốn dùng làm gì tuỳ ý Cha, nhưng xin ở bên con mà nâng đỡ con.
4. Gợi ý suy tư - cầu nguyện
-Bạn nhìn lại hoàn cảnh của thế giới hiện nay, và Giáo Hội ở trong đó; bạn nhìn lại hoàn cảnh của đất nước hiện nay, và Giáo Hội Việt Nam ở trong đó... Bạn thấy sứ mạng của Chúa Giêsu đang được đảm nhận như thế nào? Nhận định riêng của bạn về những sự kiện xảy ra ít lâu nay xung quanh vụ toà khâm sứ cũ và vụ Thái Hà ở Hà Nội? Hiện nay dư luận đang xôn xao về việc nhà nước Việt Nam khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Bạn nghĩ gì?
-“Giáo Hội ưu tiên chọn lựa người nghèo”, “Giáo Hội của người nghèo” – đó là chọn lựa của Giáo Hội ngày nay, cách riêng ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Á Châu. Sự chọn lựa này đã được hiện thực hoá như thế nào, theo bạn đánh giá? Sự chọn lựa này đã được thể hiện như thế nào tại giáo xứ, cộng đoàn của bạn?
-Lời của Đức Cha Dom Helder Camara: “Khi tôi cung cấp nhà ở cho người nghèo, người ta nói tôi là một vị thánh. Khi tôi hỏi tại sao họ phải nghèo như thế, người ta bảo tôi là một tay phản động!” Bạn đoán xem vị giám mục này mang tâm trạng ra sao khi ngài thốt lên lời ấy? Việc “cung cấp nhà ở cho người nghèo” và việc “hỏi tại sao họ nghèo” khác nhau làm sao?
-Bạn có thể kể tên 10 người nghèo đáng ghi nhận nhất trong vòng những người quen biết của bạn không? [dĩ nhiên đây là những người nghèo theo nghĩa bao hàm trong các Sách Tin Mừng].
Bài 4: AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? (Lc 10, 29-37)
Điểm nhắm: Câu chuyện người Samari nhân hậu là một trong những dụ ngôn tầm cỡ nhất chuyên chở giáo huấn của Đức Giêsu. Và đó cũng là một câu chuyện rất cách mạng – nếu không muốn nói là rất ‘phản động’! Điều ít được để ý, đó là khi kể xong câu chuyện, Đức Giêsu không hỏi: “Nạn nhân là người thân cận của ai trong 3 người ấy?” – nhưng Ngài hỏi: “Trong 3 người ấy, ai là người thân cận của nạn nhân?”Rốt cục, hành động sẽ xác nhận tương quan, chứ không ngược lại.. Giáo Hội thời hiện đại có câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero – một con người cũng đứng trước những anh chị em ‘bị đập đến dở sống dở chết’ của mình, đã quyết định dấn thân bảo vệ đến cùng những anh chị em ấy, và đã trả cái giá đắt nhất nhưng cũng là đẹp nhất.
1. Oscar Romero, một cuộc đời
6 giờ 30 chiều ngày 24.3.1980, một cái chết đã làm chấn động cả Giáo Hội và thế giới: Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của tổng giáo phận San Salvador bị bắn gục khi đang dâng Thánh Lễ tại nguyện đường trong khuôn viên bệnh viện Chúa Quan Phòng. Cái chết này là điểm tới của một cuộc đấu tranh cho nhân quyền và công lý đầy căng thẳng từ ngót 3 năm trước đó. Và ba năm sau biến cố bi thảm này, Đức Gioan Phaolô II, trong chuyến công du, đã đến úp mặt trên mộ của Oscar Romero và khóc thổn thức. Những giọt nước mắt vừa của niềm yêu mến cảm phục vừa của niềm ân hận... Đã ngót 30 năm, từ đó đến nay, dân chúng El Salvador khi nhắc đến vị tổng giám mục này vẫn luôn gọi ngài là San Romero – Thánh Romero – một cách tự hào và trìu mến. Vậy Oscar Romero là ai vậy?
Chào đời vào năm 1917 trong một gia đình miền núi hẻo lánh phía đông El Salvador, một quốc gia nhỏ bé nằm nép bên phía Thái Bình Dương ngay chỗ eo nối giữa Bắc và Nam Mỹ, Oscar Romero bắt đầu làm việc tại một xưởng mộc năm 12 tuổi, rồi năm sau, cậu vào tiểu chủng viện để theo đuổi ơn gọi linh mục. Hai mươi tuổi, Romero được gửi đi học thần học ở Đại Học Gregoriana, Rôma, và đã được truyền chức linh mục tại đó vào năm 1942. Trở về El Salvador năm 1943, linh mục Romero hăng hái phục vụ trong vai trò cha sở giáo xứ Chính Toà giáo phận San Miguel cho đến năm 1967. Ngài được biết đến nhiều nhờ khả năng giảng thuyết, làm báo và tổ chức các hoạt động khác nhau của giáo phận. Nhưng đồng thời Romero cũng gây bực bội cho một số người, kể cả một số giáo sĩ, bởi tính cách khắt khe và đôi khi bất nhẫn của mình.
Vốn đầy tâm huyết đối với Giáo Hội ngay từ thuở nhỏ, Romero rất quan tâm theo dõi Công Đồng Vatican II, diễn ra từ 1962 đến 1965, một Công Đồng nhằm làm cho Giáo Hội Công Giáo đáp ứng được những nhu cầu của thời đại. Trở về với cội nguồn Giáo Hội, Công Đồng nhấn mạnh rằng tự căn bản Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, chứ không chủ yếu là một hình thức cơ chế mà Giáo Hội đã đạt được qua bao thế kỷ. Công Đồng nhắc nhở các giáo sĩ và hàng giáo phẩm rằng họ phải là những đầy tớ của dân chúng, chứ không phải là một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Chính bản thân Giáo Hội phải là đầy tớ của thế giới, là khí cụ chuyển trao ơn cứu độ cho mọi con người.
Năm 1967, vào tuổi 50, Cha Romero được bổ nhiệm làm thư ký Hội Đồng Giám Mục – và ngài đã chuyển tới San Salvador, thành phố thủ đô. Năm 1970, ngài trở thành giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador. Trong cương vị mới này, có những thời gian ngài kiêm nhiệm giám đốc đại chủng viện và chủ bút tờ tuần báo Công Giáo, bên cạnh các hoạt động giảng thuyết và cử hành phụng vụ.
Romero nhậm chức tổng giám mục San Salvador vào năm 1977. Đó là giai đoạn xáo trộn nhất trong lịch sử đất nước. Chính lễ nhậm chức của ngài cũng đã diễn ra một cách đơn sơ và vội vã, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử 20 tháng 2, trong đó ứng cử viên tổng thống của chính phủ, Carlos Humberto Romero, được tuyên bố là người chiến thắng, bất chấp những chứng cứ về sự gian lận trắng trợn. Những cuộc phản đối càng bùng lên thì sự đàn áp càng khốc liệt, như vụ tàn sát những người biểu tình tại quảng trường Libertad vào ngày 28 tháng 2.
Đó cũng là thời gian mà sự đàn áp được chĩa thẳng vào Giáo Hội. Một số linh mục vừa mới bị quản thúc, bị đe doạ, hay bị trục xuất. Hai linh mục người Mỹ bị tống ra khỏi biên giới cách thô bạo chỉ hai ngày trước khi Romero nhậm chức. Cũng chính ngày hôm ấy, một số linh mục khác bị từ chối chiếu khán tái nhập cư vào El Salvador. Và chưa đầy một tháng sau khi Romero trở thành tổng giám mục, thì người bạn rất thân tín của ngài là Cha Rutilio Grande, dòng Tên, bị sát hại một cách dã man, cùng với một nông dân và một cậu bé quá giang trên xe của ngài.
Vụ tàn sát này làm chấn động cả nước. Đã từ lâu rồi, chính quyền, quân đội và công an ưu tiên phục vụ giới địa chủ giàu có, bằng những cuộc trấn áp thẳng tay đối với mọi dấu hiệu phản kháng của nông dân. Mọi người đều biết rõ chính giới địa chủ và giới cầm quyền đứng phía sau vụ tàn sát này. Đã đến lúc cộng đoàn dân Chúa tại tổng giáo phận muốn một phản ứng kiên quyết từ tổng giáo phận và từ vị tổng giám mục mới của mình.
Sau khi suy nghĩ kỹ, Romero quyết định áp dụng biện pháp đã được đề nghị trong cuộc họp kéo dài một ngày của hội đồng linh mục San Salvador. Ngài cho đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong 3 ngày để để tang cho các nạn nhân bị sát hại, và để mọi người đào sâu suy nghĩ về tình hình đất nước. Lễ an táng Cha Grande được cử hành tại quảng trường trước nhà thờ Chính Toà, với đông đảo dân chúng tham dự, và bài giảng của Romero, như thường lệ, được truyền đi khắp nơi trong nước qua làn sóng phát thanh. Vị tổng giám mục ra lệnh rằng vào ngày Chủ Nhật tiếp sau lễ an táng Cha Grande, trong toàn tổng giáo phận sẽ chỉ có một Thánh Lễ duy nhất tại nhà thờ Chính Toà. Biến cố này đã trở thành một hành động lên tiếng của Giáo Hội cách ấn tượng chưa từng có trong lịch sử El Salvador. Và đối với nhiều người, đó là một kinh nghiệm đức tin rất sâu sắc. Nhưng, đồng thời, đó cũng là nguyên nhân của một sự xung khắc nghiêm trọng giữa Tổng Giám Mục Romero và vị khâm sứ toà thánh – vì vị khâm sứ không tán thành biện pháp “một Thánh Lễ,” cho rằng như vậy là quá khiêu khích chính quyền!
Trong suốt 3 năm sau đó, Romero là trung tâm của các xung đột. Thất vọng với thái độ của vị tổng giám mục này, chính quyền quân sự và giới tài phiệt ra mặt chống lại ngài – thậm chí họ áp dụng cả biện pháp cho quân đội chiếm đóng nhà thờ Chính Toà của tổng giáo phận. Về phần mình, Romero không nao núng; ngài giữ vững con đường ngài đã chọn. Ngài nhận được sự ủng hộ của dân chúng, và ngài tin rằng mình đang thi hành sứ vụ được giao cho mình, như được thấy rõ trong Tin Mừng và trong giáo huấn của Giáo Hội. Thêm 5 linh mục bị giết sau Cha Grande nội trong 3 năm ấy; Romero sẽ là người thứ sáu. Và vô số giáo dân, thành viên của các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, tiếp tục bị giết hại bởi bàn tay của quân đội hoặc công an.
Một số giám mục trong Hội Đồng Giám Mục El Salvador, vì những lý do nào đó, đã phủ nhận các thực tế đang diễn ra và đã chống lại cuộc đấu tranh của Romero. Chính Đức Thánh Cha, dựa vào các báo cáo của vị khâm sứ và của một số giám mục, cũng tỏ ra lãnh đạm và ngay cả trấn áp Romero. Câu chuyện càng phức tạp hơn khi một số linh mục, vì quá bức xúc trước những nỗi đau của dân chúng, đã chọn con đường trực tiếp ủng hộ các nhóm du kích, phiến quân. Sự việc này đặt Tổng Giám Mục Romero vào một tình thế đầy căng thẳng. Nhưng ngài không ấm ớ; tiếng nói của ngài luôn xoáy thẳng vào những bi kịch đang diễn ra từng ngày ở El Salvador.
Romero vốn là một nhà giảng thuyết tên tuổi. Ngài vốn từng có nhiều dịp phát biểu trên đài phát thanh. Tuy nhiên, khi trở thành tổng giám mục, phong cách giảng thuyết độc đáo của ngài mang thêm một nét mới. Vì hệ thống truyền thông của chính phủ ít khi tường thuật, và thường bóp méo những tin tức liên quan đến các tổ chức quần chúng của Giáo Hội, và hầu như không bao giờ trình bày sự thật về những vụ chà đạp nhân quyền đang diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, vị tổng giám mục đã tự đảm nhận công việc thông tin những gì đang diễn ra cho một công chúng luôn mong mỏi nắm biết.
Theo các cuộc thăm dò cho biết, 73% dân chúng các vùng nông thôn và 47% cư dân thành phố đã thường xuyên theo dõi Thánh Lễ trực tiếp truyền thanh từ Nhà Thờ Chính Toà, để nghe bài giảng, mỗi lần như vậy không dưới một tiếng rưỡi. Phần “điểm lại các biến cố trong tuần” của Romero bao gồm cả những tin vui lẫn những tin tồi tệ. Ngài lược thuật cả những nỗ lực loan báo Tin Mừng giải phóng lẫn những sự bóp nghẹt Tin Mừng này. Và cùng với các ngôn sứ trong lịch sử, ngài tố cáo những sự dữ đang diễn ra.
Các bài giảng lễ Chủ Nhật của ngài được truyền thanh toàn quốc trên làn sóng của đài phát thanh YSAX của Giáo Hội – chỉ gián đoạn khoảng 5 tuần lễ, khi đài này bị ném bom đổ sụp. Song đài được tái lập và trở lại hoạt động vào ngày 23.3.1980; đó cũng là lần cuối cùng YSAX truyền đi tiếng nói của Romero trước khi ngài bị bắn chết vào hôm sau, 24.3. Vị tổng giám mục đã bị bắn chết ngay tại bàn thờ, khi đang dâng Thánh Lễ với một cộng đoàn nữ tu. Trước đó, ngài đã từng bị đe doạ; và ngài cho biết ngài cũng sợ chết như bất cứ ai. Song có một cái gì đó còn lớn hơn nỗi sợ chết nơi con người mục tử này. Ngài tiếp tục đương đầu với những thế lực áp bức một cách không nao núng. Như lời ngài nói trước đó ít lâu: “Người ta đe doạ giết tôi. Nhưng nếu tôi chết, tôi sẽ sống lại trong lòng người dân El Salvador.”
2. Gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện
- Nếu được, bạn nên xem bộ phim ROMERO (của đạo diễn John Duigan).
- Ghi nhận bối cảnh xã hội El Salvador thập niên 1970 (dân nghèo bị áp bức...) – liên tưởng hoàn cảnh tại các nước Trung, Nam Mỹ nói chung, và liên tưởng đến sự chọn lựa của các giám mục Mỹ Latinh (Medellin, 1968): Giáo Hội ưu tiên chọn lựa người nghèo! Giáo Hội của người nghèo!
- Bạn cảm nhận gì về:
-lối sống và nhân cách của Romero?
-tinh thần ngôn sứ của Romero?
-sự dũng cảm dấn thân triệt để của Romero?
-sự khôn ngoan sáng suốt, đúng mực của Romero trước các chủ trương giải phóng quá khích?
-thái độ kiên trung với Tin Mừng giải phóng của Romero (bao dung, hoà giải, phi bạo lực)?
-Romero, con người mục tử: sống chết cho đoàn chiên?
Bài phụ trương: AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (Lc 9, 46-48)
Điểm nhắm: Thử thách lớn nhất mà người tông đồ có thể phải chịu, có lẽ đó không phải là đau khổ cho Giáo Hội mà là đau khổ do Giáo Hội! Làm sao để vẫn trung thành và yêu mến Giáo Hội ngay khi thấy mình đứng trước loại thử thách này? Câu chuyện Tổng giám mục Oscar Romero có một khía cạnh có thể giúp soi sáng cho ta câu trả lời...
Vụ án phong chân phước cho Tổng giám mục Romero đang được xúc tiến. Nội tạng của ngài, được thu lại và được chôn ngay sau khi ngài chết và trước khi xác ngài được xử lý bằng hoá chất, hiện nay vẫn còn nguyên một cách lạ lùng. Dịp thượng hội đồng giám mục châu Mỹ Latinh ở Rôma, Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, giám mục phụ tá tổng giáo phận San Salvador, đã có một bài tưởng niệm gây xúc động sâu sắc cho mọi người. Chúng tôi quyết định hỏi giám mục Rosa Chávez, người đã trải qua nhiều năm bên cạnh Romero, về một giai đoạn khủng hoảng cao độ không chỉ của Giáo Hội ở Salvador mà là của toàn thể Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Chúng tôi thảo luận về nhân cách của Romero và về những sự kiện đã dẫn tới cái chết tuẫn đạo của ngài.
-Vụ án phong chân phước cho Đức Tổng giám mục Oscar Romero nay đã tới giai đoạn nào rồi, thưa Đức Cha?
Rosa Chávez: - Thủ tục ở giáo phận đã chính thức kết thúc hôm 1.11.1996. Các kết quả và các dữ kiện thu thập được đã được trình cho Rôma. Nói chung, Rôma có một đánh giá tích cực; tuy nhiên vẫn yêu cầu thêm những chi tiết về các sử liệu, chẳng hạn bối cảnh trong đó Romero được gọi để thi hành sứ vụ của mình, và về những hoàn cảnh xung quanh cái chết của ngài, về lý do tại sao ngài bị giết.
-Vậy phải chăng tiến trình phải khựng lại một mức nào đó?
Rosa Chávez: - Nếu tiến trình phải khựng lại, thì theo quan điểm của tôi, những người đáng trách chính là chúng ta, những người Salvador. Các thù địch lớn nhất của vụ án phong chân phước cho Romero nằm ở chính Salvador. Chính những con người đã cản mũi Romero khi còn sống, chính những con người đã viết thư nặc danh tố cáo Romero là một tên cộng sản... nay vẫn còn tiếp tục chống lại Romero.
-Quả là Tổng Giám Mục Romero đã có những đối thủ ngay trong hội đồng giám mục quốc gia. Một trong các giám mục ấy đã đi xa đến mức tố cáo Romero trước mặt giáo hoàng (trong chuyến công du thứ hai của giáo hoàng tới Salvador vào năm 1996) rằng Romero phải chịu trách nhiệm về cái chết của 70.000 người Salvador!
Rosa Chávez: - Đó là lý do tại sao cần phải trả lời thoả đáng cho yêu cầu thứ nhất của toà thánh, tức làm rõ bối cảnh lịch sử trong đó Romero đã phục vụ.
-Bối cảnh lịch sử, tại sao?
Rosa Chávez: - Tình hình lúc bấy giờ rất là phân cực, và thật khó mà không rơi vào một dạng ý thức hệ nào đó. Một số khó khăn mà Romero kinh nghiệm với vị khâm sứ và với một số giám mục đồng sự phải được nhìn trong bối cảnh này. Tình hình thậm chí dẫn đến chỗ các giám mục Salvador đã không hội họp với nhau suốt một thời gian dài, và điều này làm khổ tâm vị tổng giám mục rất nhiều, như chúng ta thấy ngài trung thành ghi lại trong nhật ký.
-Cũng phải truy vấn các lý do dẫn đến cái chết của Romero nữa. Theo quan điểm của Đức Cha thì tại sao Tổng giám mục Romero bị giết?
Rosa Chávez: - Thì cũng giống như hỏi tại sao người ta đã giết Đức Giêsu Kitô vậy. Vụ giết hại Romero cũng giống như vụ giết hại Đức Giêsu. Người ta cũng nói về Đức Giêsu rằng Ngài bị giết vì các lý do chính trị. Các thế lực chắc chắn có cách để biện minh cho mình, nhắm che lấp tội của họ.
-Đức Cha đã sống gần ngài trong thời gian dài. Đức Cha nhớ điều gì về ngài?
Rosa Chávez: - Tôi gặp ngài lần đầu tiên khi tôi còn là một cậu bé, lúc đó ngài đã là linh mục. Chúng tôi sinh ra trong cùng một giáo phận. Tôi vào chủng viện năm 14 tuổi. Romero lúc ấy là một linh mục của San Miguel, thành phố lớn thứ ba của Salvador. Đó là một nơi yên tĩnh, thân thiện, và hầu như mọi người đều biết nhau. Năm 1965, ngài được yêu cầu trông coi một tiểu chủng viện. Romero là một linh mục rất giản dị, có đời sống tâm linh sâu sắc, chính thống trong giáo thuyết và đặc biệt yêu thương người nghèo. Nhưng ban đầu, ngài không ấn tượng lắm, ngay cả dường như phản đối, đối với các văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh ở Medellin hồi năm 1968. Ngài cho rằng các vă kiện ấy có quá nhiều tính chính trị. Nhưng ngài đã thay đổi quan điểm khi ngài chuyển đến San Salvador, trước hết trong tư cách giám mục phụ tá, rồi sau đó trong tư cách tổng giám mục.
-Ngài vừa mới được bổ nhiệm tổng giám mục San salvador thì một linh mục bạn của ngài bị thảm sát, đó là Cha Rutilio Grande, dòng Tên. Một số người nói rằng chính cái chết ấy đã thay đổi Romero, đến nỗi có người nói về một cuộc “hoán cải” từ bảo thủ sang đối đầu với chế độ... Điều đó có đúng không, thưa Đức Cha?
Rosa Chávez: - Cha Grande là một người bạn tri kỷ của Romero. Cha là chưởng nghi của lễ tấn phong giám mục cho Romero. Cha bị giết vào ngày 12 tháng 3 năm 1977, chỉ ít tuần sau khi Romero trở thành tổng giám mục San Salvador. Cuối tháng 5 năm ấy, biệt đội tử thần đã giết một linh mục khác, đó là Cha Alfonso Navarro. Đó là hoàn cảnh mà Romero phải đối diện khi ngài thuyên chuyển đến thủ đô. Và kể từ đó, những lời nói và hành động của ngài nhằm bênh vực người nghèo và chống lại nhà cầm quyền trở nên ngày càng dứt khoát. Có lần trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh, tôi đã hỏi ngài: “Thưa Đức Cha, người ta nói rằng Đức Cha đã ‘thay đổi hẳn’”. Và ngài trả lời: “Tôi không muốn nói là ‘thay đổi’ mà muốn nói là ‘cách mạng’ – người ta không thể nhắm mắt trước những gì đang diễn ra.” Tôi cho rằng Romero đúng. Đức tin của ngài, linh đạo và giáo thuyết chính thống vững vàng của ngài thì vẫn như thế. Chính hoàn cảnh trong đó ngài làm việc đã thay đổi. Từ một tỉnh lẻ thân quen, ngài đã chuyển đến thủ đô San Salvador. Ở đó, trực tiếp đối diện với trung tâm quyền lực kinh tế chính trị của đất nước, ngài đích thân nhìn thấy tội ác xã hội, sự bất công có tính cơ cấu, sự hình thành những biệt đội tử thần. Có những tuần lễ trong đó hàng trăm người bị các biệt đội tử thần hành quyết. Các xác chết không toàn thây bị treo lủng lẳng trên các cành cây trong thành phố và tại những nơi nhiều người qua lại, nhằm mục đích khủng bố tinh thần người ta. Romero nói: “Dường như ơn gọi của tôi là đi thu lượm các xác chết.”
- Hành động bênh vực người nghèo của Romero trở nên quyết liệt đến nỗi tám ngày trước khi chết, ngài đã thẳng thắn lên án chế độ quân phiệt, quân đội, và nhóm cầm quyền đã toa rập với các quyền lợi của Bắc Mỹ. Ngài tuyên bố rằng “Carter tiếp tục gửi cho họ mọi sự trợ giúp”...
Rosa Chávez: - Thậm chí ngài đã viết một thư không niêm gửi tổng thống Hoa Kỳ trong đó ngài yêu cầu ông ta ngưng chở vũ khí đến Salvador. Ngài vô cùng khổ tâm vì nhận thấy rằng cơ cấu bất công và những quyền lợi của các giới lãnh đạo các quốc gia đang dẫn tới chiến tranh, một cuộc chiến tranh hiển nhiên không thể tránh khỏi. Romero ý thức rất rõ cái khoảnh khắc lịch sử chính trị mà Salvador đang trải qua, và không duy chỉ là Salvador. Việc gán cho ngài cái nhãn “kích động, lôi kéo quần chúng” chỉ là một âm mưu bẩn thỉu. Trong hy vọng cứu vãn tình hình khỏi bùng nổ bạo lực, Romero đã ủng hộ mọi cơ hội khả dĩ đem lại đối thoại. Chẳng hạn, vào tháng 10 năm 1979, các tướng lãnh trẻ đã chiếm chính quyền và yêu câu ngài ủng hộ cuộc đảo chánh. Cùng với nhau, chúng tôi đã soạn thảo một văn bản phổ biến trên toàn quốc, kêu gọi mọi người đừng nóng vội đánh giá nhóm quân đội này liên quan đến các cố gắng tái lập công bằng và trật tự xã hội của họ. Romero nói: “Diễn biến này may đâu có thể cứu dân chúng khỏi nhiều đau khổ. Chúng ta phải biết chờ đợi và phán xét theo các kết quả, để xem thử người ta có giữ các lời hứa hay không.”
-Chủ yếu người ta trách cứ rằng Romero đã biến mình thành một công cụ của cánh tả...
Rosa Chávez: - Bình luận về cuộc họp với vị khâm sứ ở Costa Rica được toà thánh gửi đến giải quyết vấn đề bất đồng giữa các giám mục. Tỏng giám mục Romero nói rõ trong nhật ký của ngài rằng: “Việc tôi ủng hộ sự tổ chức quần chúng không hề có nghĩa rằng tôi thiên tả, cũng chẳng có nghĩa rằng tôi không nhìn thấy mối nguy hiểm của sự thâm nhập của phe tả, vì đấy là điều tôi hiểu rất rõ – nhưng tôi cũng thấy rằng chống cộng rất thường là lá bài để các thế lực chính trị kinh tế sử dụng nhằm duy trì những bất công chính trị và xã hội của họ.” Tổng giám mục Romero có một cái nhìn rất rõ về hoàn cảnh thực tế. Người kế nhiệm của ngài, Tổng giám mục Arturo Rivera Damas, đã chỉ ra ba nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực ở Salvador. Ngoài tình trạng bất công và các ý thức hệ thiên hữu và thiên tả, thì cái ngòi nổ bạo lực chính là các tranh chấp quyền lợi giữa các quốc gia đang diễn ra tại quốc gia Salvador bé nhỏ của chúng ta. Trong một bối cảnh phân cực, thì những con người quyết bảo vệ dân nghèo như Romero bị qui chụp là theo ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, trong khi hành động của ngài xuất phát không phải từ sự say mê các ý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ đơn giản là từ sự trung thành đối với ơn gọi của mình... Tổng giám mục Romero là một con người rất truyền thống trong những vấn đề liên quan đến giáo lý và đức tin, nhưng rất cởi mở trong những vấn đề xã hội. Ngài minh chứng cho giáo huấn của Truyền Thống rằng: khi người ta sống gắn chặt với đức tin của các Tông Đồ thì người ta sẽ dũng cảm trong việc bảo vệ người nghèo và lên án những bất công...
-Romero đã gặp Đức Phaolô VI vào năm 1978 tại Rôma, và gặp Đức Gioan Phaolô II vào năm 1979...
Rosa Chávez: - Romero rất ngưỡng mộ Đức Phaolô VI. Bình luận về chuyến viếng thăm Rôma của mình năm 1978, Romero nói về Đức Phaolô VI với đầy niềm cảm kích và tri ân sâu sắc. Chắc chắn vị tổng giám mục đã nhận được sự cảm thông và sự nâng đỡ huynh đệ từ người kế vị Thánh Phêrô. Còn chuyến thăm Đức Gioan Phaolô II vào năm sau, vị giáo hoàng đã nhắc ngài nhớ đến tình hình ở Ba Lan, và huấn dụ ngài rằng “hãy chỉ bám chặt vào các nguyên tắc.” Romero đã kể lại với đầy cảm hứng về một số cuộc gặp gỡ các chức sắc ở Rôma trong chuyến viếng thăm này; nhưng người ta có ấn tượng rằng Romero cảm thấy thoải mái với chuyến đi Rôma hồi năm trước hơn là lần này. Trong một bối cảnh mà ý thức hệ xâm nhập mọi nơi, thì mối quan tâm của vị tổng giám mục đối với người nghèo và đối với dân chúng đã bị hiểu lầm và bị ngáng trở.
-Các mối quan hệ giữa ngài với Đức Gioan Phaolô II thế nào?
Rosa Chávez: - Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng chỉ được ít lâu thì Romero chết; vì thế hai người không có mấy dịp gặp gỡ tiếp xúc. Tôi là người trực tiếp chuẩn bị cho hai chuyến công du của Đức Gioan Phaô II đến Salvador – và tôi có thể làm chứng rằng cả hai lần đó đều có sự phản đối việc đức giáo hoàng viếng thăm mộ của Romero. Và cả hai lần, chính Rôma yêu cầu phải dàn xếp để có cuộc viếng thăm mộ vị tổng giám mục. Theo tôi thấy thì đức giáo hoàng xác tín rằng Romero là một vị tuẫn đạo của Giáo Hội, ngài mô tả Romero là “một vị mục tử hết lòng với đoàn chiên và đã thí mạng cho đoàn chiên.” Nhưng vị giáo hoàng cũng e ngại rằng các nhóm chính trị đã sử dụng tên tuổi của Tổng giám mục Romero cho mục đích tuyên truyền của mình. Vì thế, trong bài diễn văn năm 1993 ở Salvador, đức giáo hoàng đã yêu cầu rằng hồi ức về vị tổng giám mục phải được tôn trọng, vị mục tử này phải được tôn trọng.
-Cuối cùng, thưa Đức Cha, Đức Cha có những hy vọng gì về tiến trình phong chân phước cho Romero?
Rosa Chávez: - Tôi hy vọng rằng Romero được nhìn nhận là một vị tuẫn đạo. Và đó cũng là ước vọng của biết bao người đã yêu mến ngài và vẫn tiếp tục cảm mến ngài sâu sắc. Khi người ta đọc trang nhật ký về lời cầu nguyện với Chúa Giêsu mà ngài viết một tháng trước khi chết, người ta thấy hình ảnh của một sự sống được hiến dâng, trong ý thức về những hiểm nguy chực chờ gần kề. Ngài viết: “Thật cụ thể biết bao việc tôi phó dâng chính mình cho Trái Tim Chúa Giêsu, vốn luôn luôn là nguồn cảm hứng và là niềm vui của đời tôi. Vì thế, tôi đặt trọn sự sống mình trong vòng tay quan phòng yêu thương của Chúa; và trong niềm tin vào Ngài, tôi chấp nhận cái chết – dẫu sự chấp nhận này khó khăn đến mấy.”
Câu chuyện về cái chết của Romero vẫn còn làm tôi kinh ngạc cho tới hôm nay. Thánh Lễ cuối cùng của ngài trong nhà nguyện bệnh viện là một Thánh Lễ cầu cho người quá cố. Romero đã đọc bài Tin Mừng. Đó là bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Tôi tự hỏi phải chăng lúc ấy vị tổng giám mục biết rằng mình sắp bị giết. Bài giảng của ngài dường như là một chứng từ, trong đó ngài tự so sánh mình với hạt lúa mì thối đi trong lòng đất để đem lại sự sống mới. Vì thế một số người nghĩ rằng trong khi ngài giảng, có thể ngài nhìn thấy kẻ sát nhân. Kết thúc bài giảng, cơ hồ ngài đang nói với kẻ sắp giết mình: ‘Hãy cho phép tôi chết khi tôi bước lại bàn thờ dâng của lễ, bạn nhé’ Và quả thật, ngài đã bị bắn chết khi bắt đầu dâng bánh rượu. Chính ngài đã trở thành lễ hy sinh. Hình ảnh ấy đáng quí biết bao – cả đời sống và cái chết của ngài có thể được nhìn trong ánh sáng của hình ảnh ấy. Ngài đã sống và đã chết như một linh mục, một mục tử với tình yêu nồng nàn hiến trao cho Đức Giêsu Kitô và cho đoàn chiên.
Một số lời của TGM. Romero được đưa vào phim:
-Tôi đến từ thế giới của sách vở. Đúng. Sách vở cho ta rất nhiều bài học. Nhưng tôi còn nhiều điều khác cũng phải học. Có nhiều biến động và chia rẽ đang diễn ra trên đất nước này. Có vài linh mục chấp nhận biểu lộ những tư tưởng căn bản một cách thật là hời hợt. Và không ai trong chúng ta có thể tự hào biết hết những giải pháp cho các vấn đề do thời cuộc đặt ra. Trong Giáo Hội, chúng ta phải luôn trung thành với nguồn Tin Mừng. Theo cách thức truyền thống, phải luôn kiếm tìm công lý.
-Nếu đây là một lễ an táng bình thường, thì tôi có thể nói về tình bạn của tôi với Cha Grande. Vào những lúc cao điểm trong cuộc sống của tôi, cha đã luôn có mặt, gần gũi. Và tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút đó. Thế nhưng bây giờ là lúc ta rút ra một sứ điệp từ những cái chết này. Tất cả chúng ta là những kẻ còn đang lữ hành. Sự giải thoát mà Cha Grande rao giảng là một sự giải thoát bén rễ sâu trong đức tin. Và bởi vậy, nó rất thường xuyên bị hiểu lầm. Chính vì nó mà Cha Grande đã chết. Biết đâu những kẻ sát nhân cũng đang nghe thấy những lời này. Vậy tôi xin nói với anh em: Hỡi người anh em sát nhân, chúng tôi yêu các anh, nài xin các anh hãy hối lỗi tận đáy lòng các anh.
-Hôm nay chúng ta đến đây để giành lại quyền làm chủ và sử dụng thánh đường này – đồng thời cũng để tăng sức cho tất cả những ai bị địch thù của Giáo Hội giày đạp. Anh em nên biết anh em không chịu khổ một mình. Anh em là Giáo Hội; anh em là cộng đoàn dân Chúa, là Đức Kitô. Đúng lúc này và ở đây, anh em đang chịu đóng đinh, xác thực như chính Ngài đã chịu đóng đinh 2000 năm về trước, trên ngọn đồi ở bên ngoài thành Giêrusalem. Anh em nên biết, khi chịu khổ và hy sinh giống như Ngài, là anh em góp phần lớn lao cho sự giải phóng El Salvador bằng ơn cứu độ.
Đức TGM. Romero ngồi tại toà giải tội, người xưng tội là một linh mục:
- Xin Chúa ban phép lành cho con!
- Xin Cha thương con, vì con là người tội lỗi. Con đã xưng tội cách nay được một tháng... Thưa Cha đã từ lâu con là đồ đệ trung thành của khoa thần học giải phóng và con đã năng nổ giúp quần chúng đấu tranh.
- Đó chưa phải là tội.
- Con cảm thấy rất khó chấp nhận một người. Chỉ có thế thôi.
- Đó cũng chưa phải là tội.
- Con cảm thấy bất bình với Đức Tổng Giám Mục. Người quá thận trọng. Người can đảm, nhưng bảo thủ. Làm sao con vâng phục người được? Con phải làm gì?
- Hãy cầu nguyện cho ngài. Đó cũng là việc đền tội của con... Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
- Xin cám ơn Cha.
- Xin Cám Ơn Cha.
-Tôi là một người mục tử, đã cùng học hỏi với đàn chiên của mình, để biết chọn lựa một cách tốt đẹp, tuy rất khó khăn. Đức tin của chúng ta đòi buộc ta phải hoà nhập vào với trần thế. Tôi tin rằng sự bất công về kinh tế là nguyên nhân chính của mọi vấn đề – từ đó phát sinh mọi bạo lực. Giáo Hội cần thâm nhập sâu rộng nơi tất cả những ai đấu tranh vì tự do, để bảo vệ họ và chia sẻ những niềm đau bị bách hại.
Bài 5: AI MUỐN THEO TÔI, PHẢI TỪ BỎ MÌNH,VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO (Lc 9,23)
Điểm nhắm:... Không thể nhìn ngắm và khám phá Đức Giêsu mà không thấy thập giá. Thập giá gắn liền với sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu – và do đó cũng gắn liền với sứ mạng và số phận của người môn đệ. Nhưng nếu thập giá đã là hòn đá vấp phạm cho người Do Thái, thì nó vẫn có thể còn là hòn đá vấp phạm cho con người hôm nay, kể cả cho các Kitô hữu. Vì thế, không bao giờ là thừa những cố gắng thâm nhập sâu hơn vào ý nghĩa của thập giá – để gạn đục khơi trong...
1. Thái độ của Đức Giêsu trước sự đau khổ và sự chết
Đau khổ là cái mà không ai có thể thực sự yêu được. Thập giá, nếu hiểu như là biểu tượng của đau khổ nói chung, thì sao? Jurgen Moltmann đã bắt đầu khảo luận nổi tiếng của mình về thần học thập giá, quyển The Crucified God, bằng những dòng này:
“Người ta không yêu và không thể yêu thập giá. Song chỉ có Đấng chịu đóng đinh mới có thể đem lại thứ tự do có sức thay đổi thế giới – vì nó không còn sợ hãi cái chết nữa. Vào thời của Ngài, Đức Kitô chịu đóng đinh được coi như một xì-căng-đan và một sự điên rồ. Ngày nay cũng vậy, người ta cho rằng thật lỗi thời việc đặt Ngài vào vị trí trung tâm của đức tin Kitô giáo và của thần học.”
Đức Giêsu nghĩ gì về ‘số phận’ của Ngài? Như mọi người công chính, Đức Giêsu cùng các môn đệ đều chắc rằng nỗi đau khổ sẽ đến với mình. Cũng như tất cả các ngôn sứ trước kia, ngài phải tính đến trường hợp bị giết chết. Và chỉ mới đây, trong thời của Ngài, hàng ngàn người Zêlốt đã bị đóng đinh vào thập giá – nên thập giá là một cái gì khá rõ trong viễn tượng của Đức Giêsu về chính mình.
Nhưng ở nơi Đức Giêsu, còn có một cái gì khác hẳn: Ngài đưa vào lời huấn dụ của Ngài một nguyên tố mới, theo đó sự đau khổ và sự chết đều gắn chặt với việc Nước Chúa đến: “Phúc cho những kẻ bị ngược đãi vì sự công chính. Nước Trời là của họ. Phúc cho các ngươi khi bị nhục mạ, khi bị ngược đãi và bị người ta vu cáo mọi sự dữ vì ta... Trước các ngươi, các tiên tri cũng đã bị ngược đãi như thế.”
Những lời chúc phúc trên đây được tuyên bố trước tiên cho những người nghèo và những người bị áp bức, lại tuần tự ứng dụng cho bản thân Đức Giêsu và các môn đệ – do bởi Ngài và các vị ấy có lòng thương xót những người bị đè nén và liên đới với họ. Các ngài đã trở nên những kẻ bị ngược đãi và bị ruồng rẫy, là điều không thể tránh được. Muốn vào nước của những người nghèo khổ, các ngài phải từ bỏ của cải, nhà cửa, gia đình, phải từ bỏ mọi kỳ vọng về danh dự, vị thế, về sự tôn kính trong xã hội. Nói cách khác, đó là chối bỏ chính mình và chuẩn bị sẵn sàng để chịu đau khổ.
Đây là điều nghịch lý của lòng thương xót. Sự đau khổ là điều duy nhất mà Đức Giêsu quết tâm muốn trừ diệt: sự đau khổ của người nghèo và người bị áp bức, sự đau khổ của những người bệnh tật, sự đau khổ do các tai ương... Phương thức duy nhất để có thể trừ diệt mọi đau khổ này là từ bỏ mọi giá trị của thế gian và chấp nhận các hậu quả của việc từ bỏ ấy. Chỉ có chấp nhận sự đau khổ mới thắng được sự đau khổ trên trần gian này.
Lòng thương xót tiêu diệt sự đau khổ bằng cách chia sẻ nỗi đau khổ của những người đang đau khổ, và nhân danh họ mà chia sẻ. Có thiện cảm với người nghèo mà không chịu chia sẻ nỗi đau khổ của họ, thì đó chỉ là một sự cảm động suông. Chúng ta không thể nào chia sẻ ân phúc Chúa ban cho người nghèo nếu không sẵn sàng chia sẻ nỗi đau khổ của họ.
Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa. Tính nghịch lý liên quan tới đau khổ nói trên còn được Ngài nới rộng cho đến cả sự chết. Một câu cách ngôn xuất phát từ lời rao giảng của Đức Giêsu và đã trở thành nổi tiếng trong nhiều truyền thuyết: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ cứu được nó.”
Câu ấy có thể mang ý nghĩa gì? Cứu lấy mạng sống mình tức là bám vào mạng sống mình, yêu mạng sống mình, giữ lấy mạng sống mình và do đó sợ chết. Liều mất mạng sống mình là để cho nó ra đi, để cho nó rời khỏi ta để ta sẵn sàng chết. Điều nghịch lý là con người sợ chết tức là đã chết. Còn ai không sợ chết thì, ngay lúc đó, bắt đầu sống. Một cuộc sống chỉ có thể đích thực và có giá trị khi người ta chấp nhận chết.
2. Nhưng chết để làm gì?
Những vị tuẫn đạo như Macabê đã chết để bảo vệ lề luật, những người Zêlốt đã chết để bảo vệ quyền tối thượng của Thiên Chúa Ít-ra-en, và bao nhiêu người khác xưa nay đã chết vì mọi thứ lý do. Còn Đức Giêsu, Ngài đã không chết cho một chủ nghĩa nào. Đối với Ngài, lý do duy nhất có thể đưa chúng ta đến chỗ hiến mạng sống mình, chính là lý do đã đưa chúng ta đến chỗ khinh thường của cải, uy danh, gia đình, quyền hành – nghĩa là: chết cho kẻ khác. Lòng trắc ẩn và tình yêu thương thúc đẩy con người dám làm mọi sự vì kẻ khác. Ai tự xưng là sống cho kẻ khác mà không nghĩ đến đau khổ, chịu chết vì họ, thì kẻ ấy là kẻ nói dối, một kẻ đã chết rồi. Đức Giêsu là một con người sống viên mãn vì Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết – không phải cho một chủ nghĩa nào nhưng là cho con người, cho mọi người.
Vì thế, ý chí tự do của Đức Giêsu chấp nhận chết cho mọi người là một sự phục vụ – cũng như bất cứ gì khác trong đời Ngài đều là để phục vụ: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mc 10,45).
Ở đây, ta có thể thấy rằng có những thái độ, tâm tình đạo đức nào đó duy chỉ quanh quẩn giữa mình với Chúa thôi, kiểu như “Lạy Chúa, Chúa yêu thương con biết bao, con biết Chúa yêu con nhiều lắm, con cũng muốn yêu Chúa nhiều, xin Chúa cho con yêu Chúa thật nhiều. Amen.” Nghe khá mùi mẫn, nhưng trớt quớt! Nếu chỉ loanh quanh có vậy thì sẽ thiếu một cái gì đó rất là căn bản. Những người nghèo, những người bất hạnh ở đâu rồi?
3. Thập Giá trong linh đạo linh mục
Một ý nghĩa được gán cho cái chết thập giá của Đức Giêsu, mà chúng ta vẫn còn nói hôm nay, đó là “để làm nguôi lòng Chúa Cha”! Cha Bernard Haring, trong quyển “Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào?” (Priesthood Imperiled), đã khẳng định rằng Ba Ngôi Vị – Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Độ và Đấng Hiệp Nhất – cấm giết người và nhất là cấm giết người nhân danh Thiên Chúa. Giết người là tội ác ghê tởm nhất. Nghĩa là Thiên Chúa không bao giờ có ý muốn người Con nhập thể của Ngài bị giết như một nạn nhân để làm cho Ngài nguôi ngoai. Điều Thiên Chúa thật sự nhắm đến chính là sự hoà giải cho một nhân loại hoà bình và phi bạo lực – là thái độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí chấp nhận chết trên thập giá, nếu cần, để mạc khải tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và để cho con người thấy con đường hoà bình, chân lý và sự sống.
Chính trong viễn tượng ấy mà Đức Giêsu lên tiếng mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23). Đời sống của mọi Kitô hữu, vì thế, được thử bằng thập giá. Bởi vì mọi Kitô hữu đều được giả thiết là muốn theo Đức Giêsu. Người linh mục và các ứng viên linh mục lại càng phải được thử bằng thập giá. Cha Alex Rebello, một chuyên viên về đào tạo linh mục, đã xếp thập giá vào vị trí số một trong 6 yếu tố của linh đạo người linh mục. Bởi vì, ngài nói, thập giá gắn không rời với Đức Giêsu – ngay cả sau khi ngài sống lại vinh quang thì các dấu vết thương tích từ cuộc khổ nạn của Ngài vẫn không bị xoá nhoà. Vị linh mục này nói tiếp: “Cám dỗ thường xuyên nơi người linh mục là kiếm tìm một Đức Giêsu không có thập giá, là hình dung một thứ Kitô giáo dễ dãi nào đó, là khao khát một thứ Tin Mừng không khổ luỵ... Song nếu cố kiếm tìm một Đức Giêsu không có thập giá, người ta sẽ chỉ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu! Nói cho cùng, sự khôn ngoan và sức mạnh của thập giá chỉ được hiểu một khi người ta đảm nhận nó và trực tiếp kinh nghiệm nó.”
4. Gợi ý suy tư – cầu nguyện:
-Đức Giêsu trước đau khổ của con người.
-Đâu là giá trị của hy sinh, khổ chế, tiết độ đối với con người ngày nay, nhất là người trẻ. Còn đối với chính tôi thì sao?
-Tôi có thể vừa vác thập giá theo Chúa (x. Lc 9,23), vừa sống dồi dào (x. Ga 10,10) được không?
Bài 6: ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN... (Ga 20,19-23)
Điểm nhắm: -Mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ta nên
MỪNG đến mức nào?
Thập giá là điểm đến của sứ mạng Đức Giêsu, và cũng là điểm đến của sứ mạng người môn đệ. Nhưng các môn đệ Đức Giêsu không đi vào với sứ mạng có một mình. Đức Giêsu trao sứ mạng, và Ngài cũng trao ban luôn Thánh Thần. Tin Mừng Gioan ghi lại:
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!... Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’.”
1. Chúa Thánh Thần - Ngài là ai? Ngài làm gì?
-Chúa Thánh Thần là hoa quả của sứ mạng Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần là chìa khoá để hiểu Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần chính là ‘Thánh Thần của Đức Giêsu’! Có người nói rằng ngoài 4 sách Tin Mừng kia, còn có Tin Mừng thứ năm, Tin Mừng Chúa Thánh Thần, vẫn đang được tiếp tục viết, với mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay đang là những nhân vật trong đó... Chúa Thánh Thần là nhà thừa sai của Chúa Cha và Chúa Con, để – cùng với Giáo Hội – nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu, cũng chính là sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei).
-Nhưng xem ra Chúa Thánh Thần bị đối xử không công bằng. Ngài thường bị quên. Ngài thường bị lấn át (ta nghe nói: ông này, bà kia rất có lòng yêu mến thánh này, thánh nọ, nhưng chẳng mấy khi nghe nói ai đó có lòng yêu mến Chúa Thánh Thần!) Chúa Thánh Thần cũng bị né tránh (dường như các nhà giảng thuyết hay ngại giảng về Chúa Thánh Thần!) Và Chúa Thánh Thần có vẻ bị đối xử không đúng mức (lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống dường như chưa được mừng cho đúng tầm của lễ này, ít là xét về niềm vui bên trong!)
-Dù sao đi nữa, thì Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục không ngừng hoạt động, trong Giáo Hội và cả bên ngoài Giáo Hội – như chính Đức Giêsu xác nhận: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu.” (Ga 3,8).
-Đặc biệt, Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân, đổi mới (cf. “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất!) Chúa Thánh Thần không chấp nhận dừng lại với hiện trạng (status quo). Vì thế, nếu người ta hài lòng với hiện trạng thì có nghĩa rằng người ta không cần đến Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, phải chăng Giáo Hội tại Á Châu này không cần một cách thức mới, thích hợp hơn, để loan báo Tin Mừng cho con người ở đây hôm nay? Phải chăng sinh hoạt của Giáo Hội chỉ cần loanh quanh với những ‘kỷ niệm’của quá khứ, kỷ niệm bách chu niên biến cố này, kỷ niệm ngũ thập chu niên sự kiện kia, vv. và vv....’?
-Có lẽ chúng ta nên nhìn lại và tự hỏi: nửa thế kỷ trở lại đây, Chúa Thánh Thần đã làm những gì? Sẽ không ai phủ nhận trước hết phải kể biến cố Công Đồng Vatican II, một luồng gió mới thổi rất mạnh vào Giáo Hội. Rồi ở Á Châu, các giám mục đã miệt mài làm việc suốt gần 4 thập niên để đi đến xác nhận cuộc đối thoại 3 mặt (với người nghèo, với các nền văn hoá, và với các tôn giáo) như là phương thức loan báo Tin Mừng!
-Hoạt động của Chúa Thánh Thần được đo lường bằng chính hoa quả mà Ngài đem lại. Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (như Thánh Phaolô xác nhận trong Gl 5,22-23). Muốn biết Thánh Thần đang hiện diện và hoạt động mức nào trong đời tôi, trong cộng đoàn tôi, thì cứ lấy những hoa quả ấy làm thước đo.
2. Một lời ngỏ (về Chúa Thánh Thần và sứ mạng của Giáo Hội tại Việt Nam - trích từ bản dịch Lễ Hiện Xuống Ở Á Châu của tác phẩm Pentecost in Asia của Thomas C. Fox):
Những vết chân trên cát cho ta biết có người đã đi qua.
Nhìn hàng cây xa lay động ta biết có gió.
Đức Giêsu ví Thánh Thần như cơn gió:
“Gió muốn thổi đâu thì thổi,
chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3,8).
Chúng ta chỉ thấy dấu vết hoạt động của Thánh Thần, nhưng chẳng thấy được chính Ngài,cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.
Đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với Thánh Thần, dù thực sự Ngài là Người Bạn, Người Thầy quá ư gần gũi và cần như hơi thở.
Hơi thở là dấu hiệu của sự sống. Thiên Chúa thở hơi vào Ađam và cho ông sống.
Đức Giêsu Phục Sinh thở hơi trên các Tông Đồ để các ông nhận được sự sống mới hoàn toàn.
Lễ Hiện Xuống gần hai ngàn năm trước đã khai sinh một Hội Thánh thừa sai. Và đời Kitô hữu là đời thừa sai trong Thánh Thần.
Bên Đông hay bên Tây, hôm qua hay hôm nay, Vẫn một sứ điệp Tin Mừng, phải trao; một câu chuyện Giêsu, phải kể cho con người đang nhức óc vì ồn ào xao động...
... nhưng nhiều khi, câu chuyện kể sao nghe ngọng nghịu, sứ điệp trao sao thấy vụng về! Có gì đó trầy trật, bế tắc; có gì đó làm Tin Mừng hoá thành tin ‘không vui’...!
Ai đó nói rằng hơn ba chục năm nay có một Lễ Hiện Xuống mới tại Á Châu – một Luồng Gió mới, một Hơi Thở mới thổi rất mạnh trên Hội Thánh tại lục địa này, cuốn phăng những rào cản, mở một tầm nhìn, vạch những nẻo đi.
Lắng nghe Thánh Thần, chúng ta sẽ biết cách làm sao để bà con quanh ta hiểu và đón nhận Tin Mừng; làm sao để ta có thể loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng một thứ tiếng nói không còn xa lạ với họ (x. Cv 2,11).
Chúng ta sẽ biết cách làm sao sau bao năm tháng, hay bao thế kỷ ‘đi xa’, ta có thể trở về ngụp lặn trong ‘ao nhà’ – trong phong tục, văn hóa, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống, tình tự dân tộc...
Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt và hiểu điều họ nói. Ta cần một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, ngôn ngữ của Phục Vụ và Yêu Thương...
3. Quo vadis? / Thầy đi đâu vậy?
Thánh Thần được sai đến để đồng hành với các môn đệ Chúa Giêsu trong sứ mạng. Như thế là được trang bị ‘tận răng’ rồi. Nhưng chưa phải hết chuyện. Người ta có thể bướng bỉnh với Thánh Thần và làm ‘rách việc’. Và nếu ‘bộ đôi’Chúa Thánh Thần và Giáo Hội không ‘làm ăn’ gì được thì không chừng Chúa Giêsu phải trở lại vác thập giá để chịu đóng đinh một lần nữa, như trong một truyền thuyết gợi hứng cho câu chuyện Quo vadis? của Henryk Sienkiewicz:
Khi cơn bách hại Kitô giáo tại Rôma dâng cao, Tông Đồ Phêrô định bỏ chạy khỏi thành phố. Khi ông vừa ra khỏi thành, ông gặp Chúa Giê-su đi vào. Phêrô dùng câu hỏi, mà ông từng hỏi Chúa trong Phúc Âm Gioan 13:36, để hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Chúa Giê-su trả lời: “Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Nghe câu nói đó, Phêrô tỉnh ngộ, quay lại Rôma và chịu tuẫn đạo với các tín hữu tại đó.
“Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Mỗi mục tử trong Giáo Hội cần thường xuyên nhìn lại coi thử đoàn chiên của mình có bị “bỏ” hay không.
4. Gợi ý suy tư - cầu nguyện:
-Tôi có kinh nghiệm nào về sự thật rằng Chúa Thánh Thần hoạt động ngay cả bên ngoài Giáo Hội?
-“Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (Cha J. J. Olier) hay “hạ khí giới xuống để cho Chúa Thánh Thần làm việc” (Thánh I-nhã)... nghĩa là gì?
-Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (cf. Gl 5,22-23). Lúc này, tôi đang cảm nhận các hoa quả ấy nơi mình ở mức nào?
Thư mục tham khảo:
-Nolan, Albert, OP. Jesus Before Christianity. Quezon City: Claretian Publications, 1999.
-Girzone, Joseph F., OCD. A Portrait of Jesus. New York: Image, 1999.
-Keating, Thomas. The Human Condition. New York: Paulist Press, 1999.
-Haring, Bernard, CSsR. Priesthood Imperiled. Manila: Divine Word Publications, 1989.
-Nguyễn Trọng Viễn, OP. Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo tại Việt Nam. T.P. Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2008.
-Moltmann, Jurgen. The Crucified God. New York: Harper & Row, 1974.
-Rebello, Alex. Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia (trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới). Đại Chủng Viện Huế, lưu hành nội bộ, 2000.
-De Mello, Anthony, SJ. Awareness (J. Francis Stroud, ed.) New York: Doubleday, 1992.
-Hodgson, Irene B. Archbishop Oscar Romero – A Shepherd’s Diary. Cincinnati: St. Anthony Messenger Press, 1993.
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:44 16/06/2009
DỪNG XE QUA TRẠM
Một hành khách mua vé xe tháng, đến Nữu Ước thì nhảy qua đi tàu lửa, nói với nhân viên soát vé là mình sẽ xuống tàu khi tới trạm A.
- “Xin lỗi, ngày cuối tuần tàu không dừng ở trạm ấy, nhưng tôi có thể giúp anh, khi tàu lửa đi vào ga thì chạy với tốc độ chậm, lúc ấy tôi mở cửa thì anh nhảy xuống thật nhanh. Nhưng nhớ kỷ là chân vừa đụng đất thì cần phải chạy bộ theo tàu, nếu không thì sẽ bị té ngã vào phân chó đấy nhé.”
Tàu lửa chậm chậm tiến vào ga, cửa liền mở và người khách nhảy xuống và chạy theo tàu lửa. Một người soát vé khác nhìn thấy tình trạng như thế, thì mở cánh cửa ra chụp lấy tay anh ta và kéo lên tàu, tàu lửa lại tăng tốc tiến nhanh về trước.
- “Anh bạn, anh thật may mắn, chuyến tàu này cuối tuần không ngừng ở ga này.”
(Trích: Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng vậy, những người nghèo khó bất hạnh là những người mà Chúa gởi đến để chúng ta có cơ hội tạo lập công đức trước mặt Ngài, nhưng có rất nhiều lần chúng ta không nhận ra được chính họ là những người đã giúp đỡ chúng ta mở cửa thiên đàng mà chúng ta không biết.
Khi đời sống tâm linh của chúng ta có vấn đề, thì hãy nhớ đến những người nghèo khó bất hạnh, thì chúng ta sẽ thấy chúng ta hạnh phúc hơn nhiều để mà cảm tạ Thiên Chúa; khi cuộc sống có quá nhiều đau khổ, thì hãy nghĩ đến sự đau khổ của Chúa Giê-su để đấm ngực ăn năn tội mình, bởi vì chỉ có những người nghèo và bất hạnh là nơi mà chúng ta thực thi ân sủng của Chúa mà thôi, cho nên, chính họ là những người cầm lấy cánh tay của chúng ta để kéo chúng ta lên khi “tàu” chưa ngừng ở trạm trên trời...
Ai hiểu thì hiểu.
N2T |
Một hành khách mua vé xe tháng, đến Nữu Ước thì nhảy qua đi tàu lửa, nói với nhân viên soát vé là mình sẽ xuống tàu khi tới trạm A.
- “Xin lỗi, ngày cuối tuần tàu không dừng ở trạm ấy, nhưng tôi có thể giúp anh, khi tàu lửa đi vào ga thì chạy với tốc độ chậm, lúc ấy tôi mở cửa thì anh nhảy xuống thật nhanh. Nhưng nhớ kỷ là chân vừa đụng đất thì cần phải chạy bộ theo tàu, nếu không thì sẽ bị té ngã vào phân chó đấy nhé.”
Tàu lửa chậm chậm tiến vào ga, cửa liền mở và người khách nhảy xuống và chạy theo tàu lửa. Một người soát vé khác nhìn thấy tình trạng như thế, thì mở cánh cửa ra chụp lấy tay anh ta và kéo lên tàu, tàu lửa lại tăng tốc tiến nhanh về trước.
- “Anh bạn, anh thật may mắn, chuyến tàu này cuối tuần không ngừng ở ga này.”
(Trích: Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng vậy, những người nghèo khó bất hạnh là những người mà Chúa gởi đến để chúng ta có cơ hội tạo lập công đức trước mặt Ngài, nhưng có rất nhiều lần chúng ta không nhận ra được chính họ là những người đã giúp đỡ chúng ta mở cửa thiên đàng mà chúng ta không biết.
Khi đời sống tâm linh của chúng ta có vấn đề, thì hãy nhớ đến những người nghèo khó bất hạnh, thì chúng ta sẽ thấy chúng ta hạnh phúc hơn nhiều để mà cảm tạ Thiên Chúa; khi cuộc sống có quá nhiều đau khổ, thì hãy nghĩ đến sự đau khổ của Chúa Giê-su để đấm ngực ăn năn tội mình, bởi vì chỉ có những người nghèo và bất hạnh là nơi mà chúng ta thực thi ân sủng của Chúa mà thôi, cho nên, chính họ là những người cầm lấy cánh tay của chúng ta để kéo chúng ta lên khi “tàu” chưa ngừng ở trạm trên trời...
Ai hiểu thì hiểu.
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 16/06/2009
N2T |
14. Kiêu ngạo là thần bị mù mắt, càng không cảm thấy mình kiêu ngạo thì kiêu ngạo càng lớn.
(Thánh Bonaventura)Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:50 16/06/2009
N2T |
147. Cuộc sống là ở phía trước, nó không bao giờ nghỉ ngơi, do đó nếu dùng thước để đo cuộc sống thì thường thường khó mà lý giải cách chính xác được.
Ngày Hiền Phụ: Ba của bạn tôi
Kim Hoa
17:56 16/06/2009
Ba tôi mất năm tôi lên 8 tuổi, hình ảnh Ba tôi vẫn tràn ngập trong tôi những năm vắng bóng người….
Những ngày nghỉ lễ nằm bên Ba để nghe người chỉ những lá cờ của những quốc gia được in vào trang bìa của một quyển sách thật dày như sách tự điển..., những lần được Ba chở đi sau xe mobilette của người, dạo chơi thành phố biển, đi ăn kem, ăn chè “Ngã Năm” Đà Nẵng. Đi Lễ nhà thờ “con gà”, đi về vùng Túy Loan, quận Hiếu Đức nơi Ba làm việc...
Tất cả những điều đó nằm sâu trong tôi những năm tháng sống trong cô nhi viện, dòng tu, và ký túc xá… những hình ảnh đó là nguồn động viên cho tôi những nằm dài thiếu vắng Đấng sinh thành...
Cho dù quanh tôi không cần điều đó, họ luôn nhìn lý lịch: cha chết, mẹ chết, để tự quyết những gì cần thiết trong cuộc sống của tôi… không ai cần những hình ảnh không thiết thực ấy của tôi, chỉ có riêng tôi là cần, rất cần trong cuộc sống thiếu thốn của mình, và trong im lặng tôi vẫn tự an ủi mình là tôi vẫn có Ba, người vẫn đi bên cạnh tôi, thậm chí có khi tôi nghĩ, Ba tôi vẫn còn đâu đó và người sẽ trở về bên chị em tôi như ngày người ra đi đã hẹn “Mai Ba về !”
Lớn dần lên, tôi hiểu là Ba không còn nữa, những mơ ước, tưởng tượng của tuổi thơ ngày đó là những dấu ấn để mình tự vượt lên trên định mệnh khắc khe của cuộc đời mình...
Vào năm Đệ tứ tôi về lại nhà Ba mẹ để sống cùng anh em tôi, nhà tôi nằm chính giữa, quanh nhà tôi là bốn căn nhà của Ba Mẹ để lại, cho người ta thuê lấy tiền để anh em tôi ăn học qua ngày.
Gần nhà tôi nhất là nhà bác Thùy, làm công chức, vợ chồng bác có ba người con, hai gái, một trai, mà người con gái đầu là bạn thân của tôi, chúng tôi cùng học một trường, cách nhà hơn hai cây số.
Vì trường xa nhà, nên chúng tôi phải đi học bằng xe đạp. Bạn tôi chở em gái học lớp Đệ thất cùng đi, tôi và em trai tôi chia nhau một chiếc xe cũ kỹ hơn, tôi học sáng và em học chiều.
Xe chị em tôi phần xe cũ, phần em trai tôi đi không cẩn thận, nên xe cứ trục trặc mãi, hôm thì xì bánh, hôm thì đứt thắng, có tiền thì sửa, mà không có tiền thì tôi phải dậy sớm hơn, vội vã đến trường cho kịp giờ vào lớp, có hôm cả tuần lễ nó cứ phải nằm một góc ấy, chờ đến tháng chúng tôi mới có tiền tu bổ lại.
Xe bạn tôi thì khác, xe tốt, chất lượng cao, bạn chỉ cần chở em vào đầu cổng, là có Ba bạn ra cổng đứng chờ để mang xe vào nhà cho bạn. Xe vào nhà, Ba bạn kiểm tra xe thật kỹ, rồi ông lấy khăn lau xe cho bạn thật sáng chói, như xe mới mua ở tiệm mang về, ông đổ nhớt vào sên, vào thắng, nên xe lúc nào cũng chạy êm, nhẹ nhàng..., tôi cứ mãi đứng nhìn cách chăm sóc của Ba bạn mà có hôm quên cả thay quần áo để lo việc bếp núc.
Ba bạn rất thương con, lo cho chị em bạn đủ điều, không có việc gì bạn nhờ mà Ba bạn không mau mắn làm cho bạn, đôi khi tôi có cảm giác bạn hơi bẳn gắt với Ba, nhưng Ba bạn không bao giờ vì thế mà không cười vui với bạn... Thời gian sau, Ba bạn, đổi cho bạn một chiếc honda mới toanh, để bạn chở em ban đi học, trong khi ba bạn vẫn tà tà đi chiếc xe đạp ngang cũ kỹ từ nhà đến Sở làm việc.
Những hôm chúng tôi cùng đi Lễ, trời bất chợt đổ mưa thì thế nào cũng thấy Ba bạn mang áo mưa vào tận nhà thờ trao cho bạn, đôi khi tôi được bạn cho đi nhờ áo mưa về nhà, nhưng đôi khi tôi phải trốn đâu đó để nhìn cách chăm sóc của Ba bạn, mà nhớ lại tình thương của Ba mình dành cho mình, chắc không kém Ba bạn, nếu Ba mình còn sống...
Hình ảnh người cha chăm sóc tận tình cho con của Bác thuê nhà tôi, đã đi sâu vào tiềm thức tôi, đã nâng cao hình ảnh cao quý người cha trong tôi, làm tôi cứ trân trọng mãi... cho đến ngày tôi lấy chồng.
Các con tôi có Ba, điều may mắn hơn tôi, tôi mong các con tôi có được người cha như bạn tôi đã có, những khi các con tôi làm điều không vừa ý, bị Ba la mắng, tôi lại nhớ hình ảnh người cha năm đó..., những khi trời mưa gió con tôi còn ở đâu đó ngoài đường, hay ở trường không mang được áo mưa theo, suy nghĩ tôi không thể nào không lui về thời xa xưa ấy... người cha đội mưa, đội gió, để mang đến cho con những tấm áo mà các con ông tin chắc như đinh đóng cột là chỉ vài phút sau sẽ có mặt Ba mình.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nói với chồng tôi những suy nghĩ về người cha ấy, tôi ao ước anh được như vậy cho con tôi được nương nhờ, mỗi khi anh ngại mưa gió và tin chắc rằng con tôi sẽ trú ngụ đâu đó để chờ tạnh mưa mới về nhà, thì tôi lại nói:
- Bác Thùy ngày ấy dù đi làm, dù đang vui chơi với bạn bè ở đâu, cũng luôn nhớ giờ về của con mà ra đón, chẳng bao giờ bác để cho con bác bị mắc mưa dọc đường. Hình ảnh người cha vô cùng tuyệt vời trong em, hãy đừng đánh mất trong em hình tượng đẹp của người cha, anh ạ.
Nhiều năm sau, tôi gặp lại người bạn năm ấy, Ba mẹ bạn không còn nữa, lời đầu tiên tôi nói với bạn là:
- Bạn có người cha vô cùng tuyệt vời mà suốt cuộc đời tôi mơ ước.
Bạn ấy ngậm ngùi trả lời:
- Cho đến năm mình đã có năm đứa con, Ba mình vẫn chăm sóc mình như những ngày thơ dại ấy...
Để nhớ về người cha vội ra đi sớm của tôi, và nhớ về người cha suốt một đời tận tụy cho con, của bạn tôi. Tôi cầu mong cho con tôi và những người có diễm phúc còn gọi được tiếng “Cha ơi”, luôn được hạnh phúc bên cha mình, và mong mọi người cha đều yêu con như Ba bạn tôi đã thật sự yêu thương con hơn yêu cả bản thân mình.
Để nhớ “Father’s Day”
Tặng các con và những người còn Ba.
Những ngày nghỉ lễ nằm bên Ba để nghe người chỉ những lá cờ của những quốc gia được in vào trang bìa của một quyển sách thật dày như sách tự điển..., những lần được Ba chở đi sau xe mobilette của người, dạo chơi thành phố biển, đi ăn kem, ăn chè “Ngã Năm” Đà Nẵng. Đi Lễ nhà thờ “con gà”, đi về vùng Túy Loan, quận Hiếu Đức nơi Ba làm việc...
Tất cả những điều đó nằm sâu trong tôi những năm tháng sống trong cô nhi viện, dòng tu, và ký túc xá… những hình ảnh đó là nguồn động viên cho tôi những nằm dài thiếu vắng Đấng sinh thành...
Cho dù quanh tôi không cần điều đó, họ luôn nhìn lý lịch: cha chết, mẹ chết, để tự quyết những gì cần thiết trong cuộc sống của tôi… không ai cần những hình ảnh không thiết thực ấy của tôi, chỉ có riêng tôi là cần, rất cần trong cuộc sống thiếu thốn của mình, và trong im lặng tôi vẫn tự an ủi mình là tôi vẫn có Ba, người vẫn đi bên cạnh tôi, thậm chí có khi tôi nghĩ, Ba tôi vẫn còn đâu đó và người sẽ trở về bên chị em tôi như ngày người ra đi đã hẹn “Mai Ba về !”
Lớn dần lên, tôi hiểu là Ba không còn nữa, những mơ ước, tưởng tượng của tuổi thơ ngày đó là những dấu ấn để mình tự vượt lên trên định mệnh khắc khe của cuộc đời mình...
Vào năm Đệ tứ tôi về lại nhà Ba mẹ để sống cùng anh em tôi, nhà tôi nằm chính giữa, quanh nhà tôi là bốn căn nhà của Ba Mẹ để lại, cho người ta thuê lấy tiền để anh em tôi ăn học qua ngày.
Gần nhà tôi nhất là nhà bác Thùy, làm công chức, vợ chồng bác có ba người con, hai gái, một trai, mà người con gái đầu là bạn thân của tôi, chúng tôi cùng học một trường, cách nhà hơn hai cây số.
Vì trường xa nhà, nên chúng tôi phải đi học bằng xe đạp. Bạn tôi chở em gái học lớp Đệ thất cùng đi, tôi và em trai tôi chia nhau một chiếc xe cũ kỹ hơn, tôi học sáng và em học chiều.
Xe chị em tôi phần xe cũ, phần em trai tôi đi không cẩn thận, nên xe cứ trục trặc mãi, hôm thì xì bánh, hôm thì đứt thắng, có tiền thì sửa, mà không có tiền thì tôi phải dậy sớm hơn, vội vã đến trường cho kịp giờ vào lớp, có hôm cả tuần lễ nó cứ phải nằm một góc ấy, chờ đến tháng chúng tôi mới có tiền tu bổ lại.
Xe bạn tôi thì khác, xe tốt, chất lượng cao, bạn chỉ cần chở em vào đầu cổng, là có Ba bạn ra cổng đứng chờ để mang xe vào nhà cho bạn. Xe vào nhà, Ba bạn kiểm tra xe thật kỹ, rồi ông lấy khăn lau xe cho bạn thật sáng chói, như xe mới mua ở tiệm mang về, ông đổ nhớt vào sên, vào thắng, nên xe lúc nào cũng chạy êm, nhẹ nhàng..., tôi cứ mãi đứng nhìn cách chăm sóc của Ba bạn mà có hôm quên cả thay quần áo để lo việc bếp núc.
Ba bạn rất thương con, lo cho chị em bạn đủ điều, không có việc gì bạn nhờ mà Ba bạn không mau mắn làm cho bạn, đôi khi tôi có cảm giác bạn hơi bẳn gắt với Ba, nhưng Ba bạn không bao giờ vì thế mà không cười vui với bạn... Thời gian sau, Ba bạn, đổi cho bạn một chiếc honda mới toanh, để bạn chở em ban đi học, trong khi ba bạn vẫn tà tà đi chiếc xe đạp ngang cũ kỹ từ nhà đến Sở làm việc.
Những hôm chúng tôi cùng đi Lễ, trời bất chợt đổ mưa thì thế nào cũng thấy Ba bạn mang áo mưa vào tận nhà thờ trao cho bạn, đôi khi tôi được bạn cho đi nhờ áo mưa về nhà, nhưng đôi khi tôi phải trốn đâu đó để nhìn cách chăm sóc của Ba bạn, mà nhớ lại tình thương của Ba mình dành cho mình, chắc không kém Ba bạn, nếu Ba mình còn sống...
Hình ảnh người cha chăm sóc tận tình cho con của Bác thuê nhà tôi, đã đi sâu vào tiềm thức tôi, đã nâng cao hình ảnh cao quý người cha trong tôi, làm tôi cứ trân trọng mãi... cho đến ngày tôi lấy chồng.
Các con tôi có Ba, điều may mắn hơn tôi, tôi mong các con tôi có được người cha như bạn tôi đã có, những khi các con tôi làm điều không vừa ý, bị Ba la mắng, tôi lại nhớ hình ảnh người cha năm đó..., những khi trời mưa gió con tôi còn ở đâu đó ngoài đường, hay ở trường không mang được áo mưa theo, suy nghĩ tôi không thể nào không lui về thời xa xưa ấy... người cha đội mưa, đội gió, để mang đến cho con những tấm áo mà các con ông tin chắc như đinh đóng cột là chỉ vài phút sau sẽ có mặt Ba mình.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nói với chồng tôi những suy nghĩ về người cha ấy, tôi ao ước anh được như vậy cho con tôi được nương nhờ, mỗi khi anh ngại mưa gió và tin chắc rằng con tôi sẽ trú ngụ đâu đó để chờ tạnh mưa mới về nhà, thì tôi lại nói:
- Bác Thùy ngày ấy dù đi làm, dù đang vui chơi với bạn bè ở đâu, cũng luôn nhớ giờ về của con mà ra đón, chẳng bao giờ bác để cho con bác bị mắc mưa dọc đường. Hình ảnh người cha vô cùng tuyệt vời trong em, hãy đừng đánh mất trong em hình tượng đẹp của người cha, anh ạ.
Nhiều năm sau, tôi gặp lại người bạn năm ấy, Ba mẹ bạn không còn nữa, lời đầu tiên tôi nói với bạn là:
- Bạn có người cha vô cùng tuyệt vời mà suốt cuộc đời tôi mơ ước.
Bạn ấy ngậm ngùi trả lời:
- Cho đến năm mình đã có năm đứa con, Ba mình vẫn chăm sóc mình như những ngày thơ dại ấy...
Để nhớ về người cha vội ra đi sớm của tôi, và nhớ về người cha suốt một đời tận tụy cho con, của bạn tôi. Tôi cầu mong cho con tôi và những người có diễm phúc còn gọi được tiếng “Cha ơi”, luôn được hạnh phúc bên cha mình, và mong mọi người cha đều yêu con như Ba bạn tôi đã thật sự yêu thương con hơn yêu cả bản thân mình.
Để nhớ “Father’s Day”
Tặng các con và những người còn Ba.
Nhớ Bố Ngày Hiền Phụ
Trần Hiếu
18:11 16/06/2009
Chúa dạy con biết đường về cõi sống,
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề
Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi! (Thánh Vịnh 16:11)
Bố tôi qua đời đã hơn tám năm, nhưng gương sáng về cách sống của người vẫn hiện diện trong tôi. Người đã lưu lại cho tôi tất cả gia tài tinh thần của người, cũng như cho mỗi một con cháu, để càng ngày tôi càng cảm thấy gia tài đó thật qúi gía. Bây giờ tôi mới hiểu ra vì sao lúc nào người cũng tươi cười, ngay cả khi cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn lao nhọc.
Chúa đã ban cho người đời sống hết sức dồi dào, đầy ơn sủng: người được sống đến tuổi gìa, nhìn đàn con cháu đông đúc, và biết bao thân quyến bạn bè, ai ai cũng qúi mến thương yêu người.
Sinh ra trong thời loạn ly, người đã chia sẻ khổ đau của quê hương đất nước. Bốn lần vượt biển cam go, và các lần lánh nạn lớn nhỏ khác, người đã ôm trọn gia đình đem đến chỗ bằng an. Trong các chuyến đi, lúc nào chiếc ghe cũng có người ngoài; người sẵn sàng chia bớt nơi ăn chỗ nằm với họ.
Người đã thương yêu, tận tụy chăm sóc mẹ tôi. Người làm những việc lớn nhỏ để bà đỡ vất vả, và chiều ý bà ngay cả khi trái ý người. Nhờ vậy mà trong nhà lúc nào cũng đầm ấm, các con, mặc dầu đã lập gia đình, cũng muốn trở về.
Người đã hết lòng thương yêu, nuôi nấng dạy dỗ các con. Tần tảo vất vả sớm hôm, lúc ngoài khơi, khi trên bờ, lúc nào người cũng làm việc hết sức mình để chu cấp cho gia đình. Người vui khi thấy tôi chăm chỉ học hành, và nhảy mừng khi được tôi báo tin thi đậu. Người hiền lành đến nỗi, có khi tôi làm điều lầm lỗi, người cũng không la rầy trách mắng. Bất kể rể dâu, người đều nhường nhịn bênh vực. Người cưng chiều cháu chắt và luôn luôn có mặt trong mọi dịp vui buồn.
Người dạy cho tôi biết tôn trọng người trên, thương yêu mọi người, và chăm lo thờ phượng Chúa. Tôi còn nhớ, vào mỗi mồng Một Tết, người thức chúng tôi dậy sớm, lần chuỗi ba tràng, đọc kinh cầu. Người nói, “Mình phải đọc kinh để cầu cho quê hương đất nước, cho tổ tiên, ông bà… ”
Khi có miếng ngon, người chia sớt với bà con, ngay cả khi túng thiếu, người cũng tìm cách giúp đỡ. Với người quen biết cùng khổ, người càng để ý chăm nom.
Nhà của người không bao giờ vắng khách. Bạn bè của người lui tới thường xuyên, khi công chuyện làm ăn, khi sinh hoạt cộng đoàn; người lạ hay quen, người đều tiếp đón niềm nở. Người sốt sắng tham gia việc chung, ngay cả khi tuổi già sức yếu, nêu gương phục vụ mọi người. Trong mọi việc, người luôn tươi cười vui vẻ, biểu lộ lòng thương người một cách chân thành bình dị.
Người phó thác mọi điều trong sự quan phòng của Ơn Trên mà tôi nghĩ đó là bí quyết cuộc sống mang lại hạnh phúc cho người.
Những ngày cuối đời, người nằm ở nhà dưỡng lão, gánh chịu đớn đau thể xác, đền bù tội lỗi cho tôi và các con cháu. Những lần ghé thăm và đút cho người ăn, tôi thấy sung sướng vô cùng. Lần nào người cũng ăn hết mâm cơm. Với căn bệnh quên Alzheimer như của cố Tổng Thống Reagan, nhưng khi nghe đọc các câu kinh quen, người im lặng lắng nghe và như muốn đọc theo. Gần gũi người, tôi thấy thật vui, vì biết mình còn bố, vì người sống thọ.
Bây giờ người đã ra đi và mỗi khi có dịp hồi tưởng, như trong ngày Hiền Phụ, tôi nhớ các gương sáng của người. Tôi muốn bắt chước người, nhất là sự bình tâm phó thác, lòng thương yêu tha nhân như người đã thể hiện. Gia sản đó thật qúi giá nhưng cũng nhiều thách đố, vì sống được như người qủa là một hồng ân mà Chúa đã ban cho.
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề
Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi! (Thánh Vịnh 16:11)
Bố tôi qua đời đã hơn tám năm, nhưng gương sáng về cách sống của người vẫn hiện diện trong tôi. Người đã lưu lại cho tôi tất cả gia tài tinh thần của người, cũng như cho mỗi một con cháu, để càng ngày tôi càng cảm thấy gia tài đó thật qúi gía. Bây giờ tôi mới hiểu ra vì sao lúc nào người cũng tươi cười, ngay cả khi cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn lao nhọc.
Chúa đã ban cho người đời sống hết sức dồi dào, đầy ơn sủng: người được sống đến tuổi gìa, nhìn đàn con cháu đông đúc, và biết bao thân quyến bạn bè, ai ai cũng qúi mến thương yêu người.
Sinh ra trong thời loạn ly, người đã chia sẻ khổ đau của quê hương đất nước. Bốn lần vượt biển cam go, và các lần lánh nạn lớn nhỏ khác, người đã ôm trọn gia đình đem đến chỗ bằng an. Trong các chuyến đi, lúc nào chiếc ghe cũng có người ngoài; người sẵn sàng chia bớt nơi ăn chỗ nằm với họ.
Người đã thương yêu, tận tụy chăm sóc mẹ tôi. Người làm những việc lớn nhỏ để bà đỡ vất vả, và chiều ý bà ngay cả khi trái ý người. Nhờ vậy mà trong nhà lúc nào cũng đầm ấm, các con, mặc dầu đã lập gia đình, cũng muốn trở về.
Người đã hết lòng thương yêu, nuôi nấng dạy dỗ các con. Tần tảo vất vả sớm hôm, lúc ngoài khơi, khi trên bờ, lúc nào người cũng làm việc hết sức mình để chu cấp cho gia đình. Người vui khi thấy tôi chăm chỉ học hành, và nhảy mừng khi được tôi báo tin thi đậu. Người hiền lành đến nỗi, có khi tôi làm điều lầm lỗi, người cũng không la rầy trách mắng. Bất kể rể dâu, người đều nhường nhịn bênh vực. Người cưng chiều cháu chắt và luôn luôn có mặt trong mọi dịp vui buồn.
Người dạy cho tôi biết tôn trọng người trên, thương yêu mọi người, và chăm lo thờ phượng Chúa. Tôi còn nhớ, vào mỗi mồng Một Tết, người thức chúng tôi dậy sớm, lần chuỗi ba tràng, đọc kinh cầu. Người nói, “Mình phải đọc kinh để cầu cho quê hương đất nước, cho tổ tiên, ông bà… ”
Khi có miếng ngon, người chia sớt với bà con, ngay cả khi túng thiếu, người cũng tìm cách giúp đỡ. Với người quen biết cùng khổ, người càng để ý chăm nom.
Nhà của người không bao giờ vắng khách. Bạn bè của người lui tới thường xuyên, khi công chuyện làm ăn, khi sinh hoạt cộng đoàn; người lạ hay quen, người đều tiếp đón niềm nở. Người sốt sắng tham gia việc chung, ngay cả khi tuổi già sức yếu, nêu gương phục vụ mọi người. Trong mọi việc, người luôn tươi cười vui vẻ, biểu lộ lòng thương người một cách chân thành bình dị.
Người phó thác mọi điều trong sự quan phòng của Ơn Trên mà tôi nghĩ đó là bí quyết cuộc sống mang lại hạnh phúc cho người.
Những ngày cuối đời, người nằm ở nhà dưỡng lão, gánh chịu đớn đau thể xác, đền bù tội lỗi cho tôi và các con cháu. Những lần ghé thăm và đút cho người ăn, tôi thấy sung sướng vô cùng. Lần nào người cũng ăn hết mâm cơm. Với căn bệnh quên Alzheimer như của cố Tổng Thống Reagan, nhưng khi nghe đọc các câu kinh quen, người im lặng lắng nghe và như muốn đọc theo. Gần gũi người, tôi thấy thật vui, vì biết mình còn bố, vì người sống thọ.
Bây giờ người đã ra đi và mỗi khi có dịp hồi tưởng, như trong ngày Hiền Phụ, tôi nhớ các gương sáng của người. Tôi muốn bắt chước người, nhất là sự bình tâm phó thác, lòng thương yêu tha nhân như người đã thể hiện. Gia sản đó thật qúi giá nhưng cũng nhiều thách đố, vì sống được như người qủa là một hồng ân mà Chúa đã ban cho.
Chứng từ ơn gọi: Những đức tính tự nhiên của người tận hiến
Trần Văn Cảnh
18:18 16/06/2009
PARIS - Chủ nhật 14.06.2009, tại Giáo Xứ Việt Nam, chị Têrêsa Phương Mai, Trinh Nữ Tận Hiến, nói chuyện với cộng đoàn về đề tài: «Những đức tính tự nhiên của người tận hiến ».
Đây là đề tài học hỏi thứ bảy trong chương trình « chứng từ ơn gọi », được thực hiện vào mỗi chủ nhật thứ hai mỗi tháng, trong « Năm cầu cho ơn gọi 2009 » tại GXVN Paris. Chứng từ ơn gọi,
•bài 1, đã được cha Nguyễn Bình chia sẻ vào chủ nhật 14.12.08 về vấn đề «Làm sao biết Chúa gọi mình» ?
•Bài 2, đã được cha Phan Tấn Khánh chia sẻ vào chủ nhật 11.01.2009 về đề tài « Tự do trong đời sống tận hiến ».
•Bài 3, đã được chị Maria Vũ Thị Minh chia sẻ vào chủ nhật 08.02.2009 về đề tài « Đời sống siêu nhiên của người tận hiến ».
•Bài 4, đã được thầy Nguyễn Quốc Tuấn, Dòng Tên, chia sẻ vào chủ nhật 15.0302009 về đề tài: « Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến ».
•Bài 5, đã được chị Marie Đào Kim Phượng, giáo dân tận hiến « Nữ Trợ tá tông đổ », chia sẻ vào chủ nhật 19.04.2009 về đề tài: « Đời sống độc thân trong ơn gọi tận hiến ».
•Bài 6, đã được cha Hổng Kim Linh, Hội Xuân Bích, làm mục vụ tại giáo xứ Pháp Notre Dame ở Boulogne, cựu chủ tịch Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp trong nhiều nhiệm kỳ 1976-1980, 1999-2003, chia sẻ vào chủ nhật 10.05.2009, về đề tài: « Đời sống huynh đệ của người tận hiến »
Sau Phúc Âm, Đức ông Mai Đức Vinh đã giới thiệu sơ qua về chị Phương Mai, người đã từng giúp dậy giáo lý cho các em thiếu nhi và mời chị lên nói với cộng đoàn về ơn gọi tận hiến của mình. chị Têrêsa Phương Mai đã tận hiến dâng mình cho Chúa từ 8 năm nay. Chia sẻ với cộng đoàn về đề tài « Những Đức Tính Tự Nhiên của người tận hiến », Chị Phương Mai nói:
Tôi suy nghĩ nhiều về đề tài Cha Vinh đưa cho tôi: đức tính tự nhiên của người sống tận hiến. Có gì khác với mọi người ? Người sống tận hiến có nhiều hay ít đức tính hơn ? Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin định nghĩa vài chữ: đức tính là gì ? là tính tốt. Tự nhiên ? là trời phú cho. Tóm tắt lại đức tính tự nhiên là những tính tốt trời ban cho từ khi lọt lòng mẹ không cần rèn luyện. Người sống tận hiến ? người đã chọn hiến dâng cuộc đời theo Chúa.
Càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy khó trả lời câu này của Cha đưa ra cho tôi. Trước và sau khi bước vào đời sống tận hiến, những đức tính của tôi có thay đổi hay không ? Trước khi tôi khấn, không ai đến nhờ tôi cầu nguyện cho họ. Nhưng sau đó, có người nhờ tôi cầu nguyện cho họ và nói lời cầu nguyện của người tu hành tốt hơn lời cầu nguyện của họ. Sai. Cũng có người nói với tôi: người như vậy mà Chúa cũng gọi. Tôi không xứng đáng vì họ thấy tôi không có nhiều đức tính. Sai.
Tôi không biết Chúa cho những người sống tận hiến những đức tính nào, cũng không biết người sống tận hiến có nhiều hay ít đức tính hơn người khác hay không ? Theo thư Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Galát 5, 19-23: « luật của xác thịt là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù, kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén. Còn hoa quả của Thần khí là mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ. » Thánh Phaolô không chia người tận hiến hay không tận hiến. Tôi không nghĩ tất cả những người sống tận hiến đều có những đức tính giống nhau. Tôi nghĩ Chúa cho mỗi người theo ý Chúa.
Sau khi suy gẫm đoạn thư này thì tôi hiểu rằng những đức tính là do hoa quả của Chúa Thánh Thần. Vì vậy tôi xin được chia sẻ về đức tính tự nhiên của tôi là người đã nhận bí tích Thánh Tẩy.
Sự thẳng thắn : tôi không hề nói láo, và không thêm bớt. Tôi rất công bằng. Nhưng quá thẳng thắn thì mất đi bao dung. Lòng trung thành: tôi rất trung thành trong tình bạn và bền đỗ trong sự suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi cũng rất thích thay đổi ? Sự mới mẻ làm tôi thích thú. Những đức tính tôi vừa kể trên đều là tương đối. Tôi cần rèn luyện để nên hoàn hảo hơn. Nhưng tự mình rèn luyện có nên hay khg ? OBACE cũng như tôi, chắc đã qua kinh nghiệm hứa sẽ không phạm một lỗi lầm nào đó nữa nhưng vẫn cứ phạm phải. Đức tính cũng vậy, mình có thể tự cho mình đức tính mình muốn hay không ? Không. Tôi hiểu ra rằng nếu thật sự muốn trở nên tốt lành thì nên để Chúa Thánh Thần làm việc. Rất nhẹ nhàng và dễ dàng. Tôi bảo đãm. Mình làm sao trở nên giống Thiên Chúa nếu không phải chính Thiên Chúa làm cho mình trở nên giống Ngài.
Qua một thời gian suy gẫm thì tôi hiểu ra rằng: có 3 đức tính tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho mỗi một người trong nhân loại. Đó là tin, cậy, mến. Tôi nghĩ mỗi một người, bất luận tốt hay xấu, đều có lòng tin, cậy và mến. Những đức tính tự nhiên này khác nhau ở đối tượng. Đối với người chưa nhận bí tích Thánh Tẩy, họ có tin, tin có trời, có thần, tin dị đoan, tin chính mình, tin bạn bè,… Họ cũng cậy, cậy vào quyền thế, giàu có, … Họ cũng mến, mến yêu gia đình, bạn bè, … Còn chúng ta, vì Thiên Chúa là đối tượng nên lòng tin, cậy, mến đặt nơi Thiên Chúa. Và chính Chúa sẽ giúp chúng ta đạt tất cả những đức tính hoa quả của Chúa Thánh Thần kể trên.
Tôi xin kết luận đức tính tự nhiên của người sống tận hiến không hơn không kém những đức tính tự nhiên của người khác. Có thể khác nhau ở chỗ là tôi tin những đức tính tôi chưa có thì Chúa Thánh Thần đang và sẽ tiếp tục cho tôi có. Trong thư thứ nhất Thánh Gioan 3, 2: « Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa; ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy. Và phàm ai đặt hy vọng ấy vào Người, thì làm cho mình nên thanh sạch như Ðấng ấy thanh sạch. »
Xin Chúa Thánh Thần giúp cho lòng tin, cậy, mến của mỗi người chúng ta ngày càng lớn mạnh để chúng ta biết để Ngài thánh hóa chúng ta theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mt 5, 48: « anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. » Amen (1).
Bài ca «Như hạt miến » của Thành Tâm mà ca đoàn Triều Dâng đã khéo chọn để cả cộng đoàn hát trong bài ca dâng lễ có lẽ đã diễn tả thêm phần nào ý nghĩa về những đức tính tự nhiên của người tân hiến mà chị Têrêsa Phương Mai vừa chia sẻ.
«Như hạt miến chịu nát tan, làm thành tấm bánh trắng, tiến dâng trên bàn thánh, đây con xin vui chấp nhận đời gian khổ lầm than, làm lễ dâng lên Ngài. Như hạt miến hòa biến trong rượu nồng thắm sức sống, tiến dâng Cha Cực Thánh, đây con xin vui chấp nhận, hòa biến trong tình yêu, lậy Chúa thương con nhiều.
«Xin lòng Chúa đầy xót thương, ngàn đời vẫn chiếu sáng đức công minh tuyệt đối, thương con đây trong vũng tội, đời con những đổi thay, một bkiếp thân lưu đầy. Xin lòng Chúa đầy xót thương ngàn đời vẫn chiếu sáng đức công minh tuyệt đối, thương con đây trong vũng tội, đời sống bao đổi thay, lậy Chúa thương con hoài.
«Con xin dâng tấm bánh đời con đây, nỗi ưu tư ngày dài đang tiến tới, con xin dâng ly rượu bao luyến ái, hy sinh và đắng cay. »
Paris, ngày 14 tháng 06 năm 2009
Chú thích: (1). Xin cám ơn Sœur Phương Mai đã cho văn bản về bài trình bầy của Sœur.
Đây là đề tài học hỏi thứ bảy trong chương trình « chứng từ ơn gọi », được thực hiện vào mỗi chủ nhật thứ hai mỗi tháng, trong « Năm cầu cho ơn gọi 2009 » tại GXVN Paris. Chứng từ ơn gọi,
•bài 1, đã được cha Nguyễn Bình chia sẻ vào chủ nhật 14.12.08 về vấn đề «Làm sao biết Chúa gọi mình» ?
•Bài 2, đã được cha Phan Tấn Khánh chia sẻ vào chủ nhật 11.01.2009 về đề tài « Tự do trong đời sống tận hiến ».
•Bài 3, đã được chị Maria Vũ Thị Minh chia sẻ vào chủ nhật 08.02.2009 về đề tài « Đời sống siêu nhiên của người tận hiến ».
•Bài 4, đã được thầy Nguyễn Quốc Tuấn, Dòng Tên, chia sẻ vào chủ nhật 15.0302009 về đề tài: « Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến ».
•Bài 5, đã được chị Marie Đào Kim Phượng, giáo dân tận hiến « Nữ Trợ tá tông đổ », chia sẻ vào chủ nhật 19.04.2009 về đề tài: « Đời sống độc thân trong ơn gọi tận hiến ».
•Bài 6, đã được cha Hổng Kim Linh, Hội Xuân Bích, làm mục vụ tại giáo xứ Pháp Notre Dame ở Boulogne, cựu chủ tịch Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp trong nhiều nhiệm kỳ 1976-1980, 1999-2003, chia sẻ vào chủ nhật 10.05.2009, về đề tài: « Đời sống huynh đệ của người tận hiến »
Sau Phúc Âm, Đức ông Mai Đức Vinh đã giới thiệu sơ qua về chị Phương Mai, người đã từng giúp dậy giáo lý cho các em thiếu nhi và mời chị lên nói với cộng đoàn về ơn gọi tận hiến của mình. chị Têrêsa Phương Mai đã tận hiến dâng mình cho Chúa từ 8 năm nay. Chia sẻ với cộng đoàn về đề tài « Những Đức Tính Tự Nhiên của người tận hiến », Chị Phương Mai nói:
Tôi suy nghĩ nhiều về đề tài Cha Vinh đưa cho tôi: đức tính tự nhiên của người sống tận hiến. Có gì khác với mọi người ? Người sống tận hiến có nhiều hay ít đức tính hơn ? Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin định nghĩa vài chữ: đức tính là gì ? là tính tốt. Tự nhiên ? là trời phú cho. Tóm tắt lại đức tính tự nhiên là những tính tốt trời ban cho từ khi lọt lòng mẹ không cần rèn luyện. Người sống tận hiến ? người đã chọn hiến dâng cuộc đời theo Chúa.
Càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy khó trả lời câu này của Cha đưa ra cho tôi. Trước và sau khi bước vào đời sống tận hiến, những đức tính của tôi có thay đổi hay không ? Trước khi tôi khấn, không ai đến nhờ tôi cầu nguyện cho họ. Nhưng sau đó, có người nhờ tôi cầu nguyện cho họ và nói lời cầu nguyện của người tu hành tốt hơn lời cầu nguyện của họ. Sai. Cũng có người nói với tôi: người như vậy mà Chúa cũng gọi. Tôi không xứng đáng vì họ thấy tôi không có nhiều đức tính. Sai.
Tôi không biết Chúa cho những người sống tận hiến những đức tính nào, cũng không biết người sống tận hiến có nhiều hay ít đức tính hơn người khác hay không ? Theo thư Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Galát 5, 19-23: « luật của xác thịt là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù, kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén. Còn hoa quả của Thần khí là mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ. » Thánh Phaolô không chia người tận hiến hay không tận hiến. Tôi không nghĩ tất cả những người sống tận hiến đều có những đức tính giống nhau. Tôi nghĩ Chúa cho mỗi người theo ý Chúa.
Sau khi suy gẫm đoạn thư này thì tôi hiểu rằng những đức tính là do hoa quả của Chúa Thánh Thần. Vì vậy tôi xin được chia sẻ về đức tính tự nhiên của tôi là người đã nhận bí tích Thánh Tẩy.
- Lòng mến yêu, tự nhiên tôi không biết. Người ta biết yêu khi được yêu. Tôi chỉ biết là tôi khao khát một tình yêu, một tình yêu to lớn lắm. Tôi đặt điều kiện rất cao. Bạn bè tôi thường nói không ai có thể đạt tới những mơ ước của tôi. Nhưng tôi vẫn chắc chắn là người đó sẽ đến và vẫn chờ đợi.
- Niềm vui: tôi không có. Tôi nhìn cuộc đời qua một màu đen. Lúc nào cũng chán nãn và tuyệt vọng.
- Không có niềm vui thì làm sao có bình an.
- Rộng rãi: tôi không có. Tôi lúc nào cũng ích kỷ, khi cho đi hay tính toán.
- Sự hiền từ: lại càng xa lạ đối với tôi. Tôi nhớ các bạn huynh trưởng (6 năm sinh hoạt trong đoàn TNTT) cứ bảo tôi phải học thuộc điều tâm niệm thứ 6 (nói năng hành động nõn nà trắng trong). Hay Cha Sách cũng đã nói: «Phương Mai khi cất tiếng hát rất ngọt, nhưng nói chuyện như công an lên án ».
- Sự nhẫn nhục: cũng không. Tôi luôn luôn nóng nảy.
- Lòng bao dung: cũng không. Tôi đòi hỏi rất cao vì vậy bạn bè thường nói tôi khó tính. Ai muốn làm bạn với tôi không nên làm việc với tôi.
- Lòng khiêm nhường: có khi có, có khi không.
- Cương quyết: cuộc sống và con đường đi tìm Chúa của tôi đã trải qua nhiều chông gai, nhưng tôi đã không bỏ cuộc. Trước đây tôi đi tìm ơn gọi vào dòng, nhưng sau 3 tháng trong nhà tập thì tôi xin ra. Tôi đã coi đó như là một thất bại. Gia đình tôi, nhất là mẹ tôi, theo quan niệm Á Châu đã nói, ăn cơm Chúa rồi, đi ra sẽ không hạnh phúc. Có người đã nói « người như vậy mà Chúa cũng gọi, có ý nghĩa gì ? » Tôi không xứng đáng được Chúa gọi hay sao ? Nhưng tôi đã đứng thẳng, không để lời dị nghị hay dèm pha làm xao động. Tôi đã tin chắc Chúa đang gọi tôi, mặc dù u tối, tôi không thấy rõ con đường nhưng tôi vẫn cứng rắn sống cuộc sống hàng ngày và tiếp tục đi tìm. Ai tìm sẽ gặp, và 8 năm trước đây, tại Giáo Xứ này, trước bàn thờ này Chúa đã gọi tôi theo Ngài và Giáo Hội đã thánh hiến tôi phục vụ Giáo Hội qua anh em.
- Sự nhường nhịn: phải, tôi không hề tham của ai, và cũng không dành giật với ai.
- Sự công bằng: dù tôi có thích một người hay không, tôi vẫn biết nhìn ra cái tốt và cái xấu của người đó.
Qua một thời gian suy gẫm thì tôi hiểu ra rằng: có 3 đức tính tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho mỗi một người trong nhân loại. Đó là tin, cậy, mến. Tôi nghĩ mỗi một người, bất luận tốt hay xấu, đều có lòng tin, cậy và mến. Những đức tính tự nhiên này khác nhau ở đối tượng. Đối với người chưa nhận bí tích Thánh Tẩy, họ có tin, tin có trời, có thần, tin dị đoan, tin chính mình, tin bạn bè,… Họ cũng cậy, cậy vào quyền thế, giàu có, … Họ cũng mến, mến yêu gia đình, bạn bè, … Còn chúng ta, vì Thiên Chúa là đối tượng nên lòng tin, cậy, mến đặt nơi Thiên Chúa. Và chính Chúa sẽ giúp chúng ta đạt tất cả những đức tính hoa quả của Chúa Thánh Thần kể trên.
Tôi xin kết luận đức tính tự nhiên của người sống tận hiến không hơn không kém những đức tính tự nhiên của người khác. Có thể khác nhau ở chỗ là tôi tin những đức tính tôi chưa có thì Chúa Thánh Thần đang và sẽ tiếp tục cho tôi có. Trong thư thứ nhất Thánh Gioan 3, 2: « Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa; ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy. Và phàm ai đặt hy vọng ấy vào Người, thì làm cho mình nên thanh sạch như Ðấng ấy thanh sạch. »
Xin Chúa Thánh Thần giúp cho lòng tin, cậy, mến của mỗi người chúng ta ngày càng lớn mạnh để chúng ta biết để Ngài thánh hóa chúng ta theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mt 5, 48: « anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. » Amen (1).
Bài ca «Như hạt miến » của Thành Tâm mà ca đoàn Triều Dâng đã khéo chọn để cả cộng đoàn hát trong bài ca dâng lễ có lẽ đã diễn tả thêm phần nào ý nghĩa về những đức tính tự nhiên của người tân hiến mà chị Têrêsa Phương Mai vừa chia sẻ.
«Như hạt miến chịu nát tan, làm thành tấm bánh trắng, tiến dâng trên bàn thánh, đây con xin vui chấp nhận đời gian khổ lầm than, làm lễ dâng lên Ngài. Như hạt miến hòa biến trong rượu nồng thắm sức sống, tiến dâng Cha Cực Thánh, đây con xin vui chấp nhận, hòa biến trong tình yêu, lậy Chúa thương con nhiều.
«Xin lòng Chúa đầy xót thương, ngàn đời vẫn chiếu sáng đức công minh tuyệt đối, thương con đây trong vũng tội, đời con những đổi thay, một bkiếp thân lưu đầy. Xin lòng Chúa đầy xót thương ngàn đời vẫn chiếu sáng đức công minh tuyệt đối, thương con đây trong vũng tội, đời sống bao đổi thay, lậy Chúa thương con hoài.
«Con xin dâng tấm bánh đời con đây, nỗi ưu tư ngày dài đang tiến tới, con xin dâng ly rượu bao luyến ái, hy sinh và đắng cay. »
Paris, ngày 14 tháng 06 năm 2009
Chú thích: (1). Xin cám ơn Sœur Phương Mai đã cho văn bản về bài trình bầy của Sœur.
Quấy rầy linh mục
Lm Giacôbê Tạ Chúc
18:24 16/06/2009
Trong thời đại bùng nổ thông tin, vấn đề liên lạc với nhau bằng điện thọai di động là chuyện trở thành bình thường. Thế nhưng lắm lúc thân chủ cũng gặp không ít phiền tóai từ những cuộc gọi nhầm số, những thông tin, quảng cáo ngòai ý muốn… đang đêm ngủ, chuông nhạc reo, không thiếu những quấy rối cho người dùng điện thọai. Đời linh mục cũng vẫn thường bị người khác quấy rối, hoặc ban đêm, hoặc ban trưa hay bất cứ lúc nào. Đọc đọan Tin mừng của Thánh Luca chương 11, 5-8, chúng ta sẽ nhận rõ điều này.
Chúa Giêsu nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy và nói:”bạn ơi cho tôi vay ba cái bánh”(Lc11,5). Linh mục không còn làm chủ thời gian của mình, quyền sở hữu thuộc về người khác, bất cứ lúc nào, “Lúc nửa đêm”, có tiếng gọi: "Cha ơi đi xức dầu”. Linh mục sẵn sàng cho những nhu cầu của anh em, có những nhu cầu hợp tình, hợp lý, nhưng cũng có những yêu cầu không đâu vào đâu cả "cho tôi vay ba chiếc bánh”. Thiếu gì thời gian mà đang đêm lại quấy rầy, đang trưa lại quấy rối. Linh mục là thế, không lúc nào mà có thể thiếu được quỹ thời gian dành cho anh chị em mình.
Có khi người khác đến với linh mục, họ trình bày có những điều chẳng liên quan gì đến linh mục, họ muốn có người để trút đi những nỗi khổ đau trong cuộc đời. Chuyện làm ăn, chuyện gia đình, và bao nhiêu chuyện khác. Có nhiều chuyện xem ra linh mục không thể đáp ứng nỗi những đòi hỏi của anh chị em mình. Linh mục chỉ cần biết một điều đó là: cần thiết cho anh chị em. Họ muốn linh mục lấp đầy khỏang trống của họ. Họ muốn linh mục cho đi điều mà họ không thể có để cho, hay ít ra họ cũng muốn linh mục cho họ mượn. Tiếng gọi cửa đang lúc đêm, thời gian mà mọi người và mọi vật chìm sâu trong giấc ngủ, mà người từ bên trong đáp lại: "Xin anh đừng quấy rầy tôi, cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”(Lc 11, 7).
Cửa đã đóng, linh mục ở bên trong, một lâu đài an tòan và đóng kín. Nhà cửa đàng hòang, không sợ sương gió, không ngại đói no. Cửa đã đóng hay lòng con người linh mục đã bị khóa lại. Như thế làm sao linh mục có thể diễn tả tình yêu của Thiên Chúa giàu lòng xót thương? Lý do mà linh mục khóa cửa là: "con cái tôi lại nằm cùng giường với tôi”, linh mục đang chăm sóc cho đàn chiên, nhưng chỉ những con cái mình, chỉ là thiểu số trong vô vàn đa số người chưa nhận biết Chúa. Cha Antoine Chevrìer nói rằng: "Linh mục là người bị ăn”, bị ăn để trở nên thánh thiện hơn trong cung cách phục vụ và trở nên người tôi tớ của mọi người.
Cho nên bị quấy rầy cũng là một cơ hội để linh mục chứng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của con người, và như lời cầu nguyện của cha Charles de Foucauld:
Xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi
Con cũng xin cám ơn.
Con luôn luôn sẵn sàng.
Con đón nhận tất cả,
miễn ý Cha được thực hiện nơi con
Và nơi mọi lòai Cha tạo dựng.
Chúa Giêsu nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy và nói:”bạn ơi cho tôi vay ba cái bánh”(Lc11,5). Linh mục không còn làm chủ thời gian của mình, quyền sở hữu thuộc về người khác, bất cứ lúc nào, “Lúc nửa đêm”, có tiếng gọi: "Cha ơi đi xức dầu”. Linh mục sẵn sàng cho những nhu cầu của anh em, có những nhu cầu hợp tình, hợp lý, nhưng cũng có những yêu cầu không đâu vào đâu cả "cho tôi vay ba chiếc bánh”. Thiếu gì thời gian mà đang đêm lại quấy rầy, đang trưa lại quấy rối. Linh mục là thế, không lúc nào mà có thể thiếu được quỹ thời gian dành cho anh chị em mình.
Có khi người khác đến với linh mục, họ trình bày có những điều chẳng liên quan gì đến linh mục, họ muốn có người để trút đi những nỗi khổ đau trong cuộc đời. Chuyện làm ăn, chuyện gia đình, và bao nhiêu chuyện khác. Có nhiều chuyện xem ra linh mục không thể đáp ứng nỗi những đòi hỏi của anh chị em mình. Linh mục chỉ cần biết một điều đó là: cần thiết cho anh chị em. Họ muốn linh mục lấp đầy khỏang trống của họ. Họ muốn linh mục cho đi điều mà họ không thể có để cho, hay ít ra họ cũng muốn linh mục cho họ mượn. Tiếng gọi cửa đang lúc đêm, thời gian mà mọi người và mọi vật chìm sâu trong giấc ngủ, mà người từ bên trong đáp lại: "Xin anh đừng quấy rầy tôi, cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”(Lc 11, 7).
Cửa đã đóng, linh mục ở bên trong, một lâu đài an tòan và đóng kín. Nhà cửa đàng hòang, không sợ sương gió, không ngại đói no. Cửa đã đóng hay lòng con người linh mục đã bị khóa lại. Như thế làm sao linh mục có thể diễn tả tình yêu của Thiên Chúa giàu lòng xót thương? Lý do mà linh mục khóa cửa là: "con cái tôi lại nằm cùng giường với tôi”, linh mục đang chăm sóc cho đàn chiên, nhưng chỉ những con cái mình, chỉ là thiểu số trong vô vàn đa số người chưa nhận biết Chúa. Cha Antoine Chevrìer nói rằng: "Linh mục là người bị ăn”, bị ăn để trở nên thánh thiện hơn trong cung cách phục vụ và trở nên người tôi tớ của mọi người.
Cho nên bị quấy rầy cũng là một cơ hội để linh mục chứng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của con người, và như lời cầu nguyện của cha Charles de Foucauld:
Xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi
Con cũng xin cám ơn.
Con luôn luôn sẵn sàng.
Con đón nhận tất cả,
miễn ý Cha được thực hiện nơi con
Và nơi mọi lòai Cha tạo dựng.
Phục vụ giới trẻ trong thiên chức Linh mục
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
20:15 16/06/2009
... Đúng ra, không phải tôi chọn trở thành Linh Mục mà là chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ chọn tôi. Riêng tôi, trong tuổi trẻ, tôi ước mong làm một cái gì để thay đổi thế giới. Nghĩa là, tôi mong muốn mang niềm hy vọng đến cho thế giới, cũng như ủi an, chữa lành, soi sáng và giúp đỡ tha nhân tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Và đối với tôi, chỉ có thiên chức Linh Mục mới giúp tôi thực hiện lý tưởng cao quý này.
Kể từ ngày dấn thân phục vụ giới trẻ trong tư cách Linh Mục, tôi hiểu sâu xa hơn vấn đề của người trẻ. Vấn đề chính yếu nằm trong phạm vi tinh thần. Giới trẻ tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và mong muốn gặp nơi người lớn mẫu gương sống động. Bạn trẻ cần đặt niềm tin và trái tim của mình nơi một người nào đó. Khi niềm tin và tình yêu đặt không đúng chỗ thì tất cả thảm họa cuộc đời phát sinh từ đó.
Trong cuộc sống, mọi bạn trẻ đều cảm thấy cần có một người lớn tuổi yêu thương và đặt niềm tin tưởng nơi họ. Và ngược lại, nếu bạn trẻ không tìm được người để tin tưởng, yêu thương, thì họ cũng khó đặt niềm tin nơi THIÊN CHÚA, Đấng mà họ không trông thấy.
Càng sống gần và chia sẻ ưu tư khát vọng của người trẻ tôi càng khám phá ra rằng: tận nơi sâu thẳm của mỗi bạn trẻ, kể cả những bạn trẻ bên ngoài xem ra cứng cỏi và mất dạy nhất, đều ẩn chứa một khả năng dồi dào để yêu thương và để làm điều thiện. Điều quan trọng là họ được nâng đỡ, hướng dẫn và yêu thương.
Nhiệm vụ hướng dẫn giới trẻ vô cùng tế nhị, khó khăn và trọng đại. Do đó, tôi kín múc sức mạnh nơi sự cầu nguyện để chu toàn trách nhiệm. Tôi luôn nhớ đến câu: ”Một linh hồn nâng cao, nâng cả thế giới lên cao”.
Trong cầu nguyện, tôi thân thưa với THIÊN CHÚA về những người tôi gặp và cùng với họ, tôi đắm mình trong Tình Yêu Vô Biên của THIÊN CHÚA. Tình Yêu THIÊN CHÚA là Ngọn Lửa có sức mạnh thanh luyện và đốt nóng mọi tâm hồn. Tôi xác tín rằng linh hồn nào được Ngọn Lửa yêu thương của Chúa chạm đến chắc chắn phải biến đổi. Tôi có thể đoan chắc với quý vị rằng nếu mỗi ngày, mỗi ngày, tôi tha thiết cầu nguyện cho người nào đó và phó thác người ấy trong tay THIÊN CHÚA, thì sau một thời gian, người này sẽ biến đổi.
Trong tuổi trẻ, tôi từng kinh nghiệm thế nào là chán nản thất vọng. May mắn là tôi gặp được Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Chính Tình Yêu THIÊN CHÚA giải thoát tôi khỏi sợ hãi và khỏi sự mất tin tưởng. Càng lớn tuổi tôi càng tự tin và biết tin tưởng nơi cuộc đời, nơi tình yêu và nơi THIÊN CHÚA. Niềm mong muốn sâu xa và cũng là niềm hạnh phúc nhất của tôi là thông truyền kinh nghiệm này cho người khác và trở thành một chứng nhân cho Tình Yêu Vô Biên của THIÊN CHÚA.
Tất cả mọi người đều được THIÊN CHÚA yêu thương bằng một mối tình như nhau, có khác chăng là khác mức độ và cách thức con người đáp lại Tình Yêu Vô Biên này. Nếu bạn biết khôn ngoan trở thành một đứa trẻ, biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, thì cuộc đời bạn sẽ biến đổi hoàn toàn, vì bạn được bơi lội trong biển cả Tình Yêu của THIÊN CHÚA.
Ngoài ra, tiếp xúc với giới trẻ mang lại cho tôi kinh nghiệm quý giá và làm giàu cho chính bản thân. . Tôi luôn luôn kính trọng người đến gặp tôi và dành trọn thời giờ để lắng nghe họ. Đối với tôi, một giờ dành để gặp riêng một người thì cũng quan trọng như một giờ dành để thuyết trình trước một cử tọa đông gần 5 ngàn người.
Chúng từ của Cha Christian Beaulieu, Linh Mục người Canada.
... ”Lạy CHA Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con, để họ nên MỘT như Chúng Ta. Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất. . Con không xin CHA cất họ khỏi thế gian, nhưng xin CHA gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian. Xin CHA lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời CHA là sự thật. Như CHA đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Gioan 17,11-19).
(”JE CROIS”, Juin/1993, trang 12-15)
Kể từ ngày dấn thân phục vụ giới trẻ trong tư cách Linh Mục, tôi hiểu sâu xa hơn vấn đề của người trẻ. Vấn đề chính yếu nằm trong phạm vi tinh thần. Giới trẻ tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và mong muốn gặp nơi người lớn mẫu gương sống động. Bạn trẻ cần đặt niềm tin và trái tim của mình nơi một người nào đó. Khi niềm tin và tình yêu đặt không đúng chỗ thì tất cả thảm họa cuộc đời phát sinh từ đó.
Trong cuộc sống, mọi bạn trẻ đều cảm thấy cần có một người lớn tuổi yêu thương và đặt niềm tin tưởng nơi họ. Và ngược lại, nếu bạn trẻ không tìm được người để tin tưởng, yêu thương, thì họ cũng khó đặt niềm tin nơi THIÊN CHÚA, Đấng mà họ không trông thấy.
Càng sống gần và chia sẻ ưu tư khát vọng của người trẻ tôi càng khám phá ra rằng: tận nơi sâu thẳm của mỗi bạn trẻ, kể cả những bạn trẻ bên ngoài xem ra cứng cỏi và mất dạy nhất, đều ẩn chứa một khả năng dồi dào để yêu thương và để làm điều thiện. Điều quan trọng là họ được nâng đỡ, hướng dẫn và yêu thương.
Nhiệm vụ hướng dẫn giới trẻ vô cùng tế nhị, khó khăn và trọng đại. Do đó, tôi kín múc sức mạnh nơi sự cầu nguyện để chu toàn trách nhiệm. Tôi luôn nhớ đến câu: ”Một linh hồn nâng cao, nâng cả thế giới lên cao”.
Trong cầu nguyện, tôi thân thưa với THIÊN CHÚA về những người tôi gặp và cùng với họ, tôi đắm mình trong Tình Yêu Vô Biên của THIÊN CHÚA. Tình Yêu THIÊN CHÚA là Ngọn Lửa có sức mạnh thanh luyện và đốt nóng mọi tâm hồn. Tôi xác tín rằng linh hồn nào được Ngọn Lửa yêu thương của Chúa chạm đến chắc chắn phải biến đổi. Tôi có thể đoan chắc với quý vị rằng nếu mỗi ngày, mỗi ngày, tôi tha thiết cầu nguyện cho người nào đó và phó thác người ấy trong tay THIÊN CHÚA, thì sau một thời gian, người này sẽ biến đổi.
Trong tuổi trẻ, tôi từng kinh nghiệm thế nào là chán nản thất vọng. May mắn là tôi gặp được Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Chính Tình Yêu THIÊN CHÚA giải thoát tôi khỏi sợ hãi và khỏi sự mất tin tưởng. Càng lớn tuổi tôi càng tự tin và biết tin tưởng nơi cuộc đời, nơi tình yêu và nơi THIÊN CHÚA. Niềm mong muốn sâu xa và cũng là niềm hạnh phúc nhất của tôi là thông truyền kinh nghiệm này cho người khác và trở thành một chứng nhân cho Tình Yêu Vô Biên của THIÊN CHÚA.
Tất cả mọi người đều được THIÊN CHÚA yêu thương bằng một mối tình như nhau, có khác chăng là khác mức độ và cách thức con người đáp lại Tình Yêu Vô Biên này. Nếu bạn biết khôn ngoan trở thành một đứa trẻ, biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, thì cuộc đời bạn sẽ biến đổi hoàn toàn, vì bạn được bơi lội trong biển cả Tình Yêu của THIÊN CHÚA.
Ngoài ra, tiếp xúc với giới trẻ mang lại cho tôi kinh nghiệm quý giá và làm giàu cho chính bản thân. . Tôi luôn luôn kính trọng người đến gặp tôi và dành trọn thời giờ để lắng nghe họ. Đối với tôi, một giờ dành để gặp riêng một người thì cũng quan trọng như một giờ dành để thuyết trình trước một cử tọa đông gần 5 ngàn người.
Chúng từ của Cha Christian Beaulieu, Linh Mục người Canada.
... ”Lạy CHA Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con, để họ nên MỘT như Chúng Ta. Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất. . Con không xin CHA cất họ khỏi thế gian, nhưng xin CHA gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian. Xin CHA lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời CHA là sự thật. Như CHA đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Gioan 17,11-19).
(”JE CROIS”, Juin/1993, trang 12-15)
Cha thánh Jean-Marie Vianney và việc cầu cơ
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
20:17 16/06/2009
Trong tiểu sử thánh Jean-Marie-Baptiste Vianney (1796-1859), Cha Sở họ đạo miền quê Ars (Trung Pháp), người ta đọc nhiều câu chuyện liên quan đến ma quỷ. Những vụ thánh nhân trừ quỷ và những vụ thánh nhân bị ma quỷ quấy phá. Nhưng có điểm đáng chú ý khác. Đó là việc thánh nhân coi các buổi cầu cơ có bàn tay can thiệp của ma quỷ. Xin trích dẫn hai trường hợp điển hình.
Bá tước Jules de Maubou có nhà cửa đất đai tại Beaujolais, không xa Villefranche, nơi có họ đạo Ars, là bạn của thánh Vianney. Mỗi khi có dịp về vùng này ông đều ghé thăm hoặc xưng tội với Cha thánh. Trong cuộc sống vương giả, nhiều lần ông tham dự vào những buổi cầu cơ, vì chiều ý bạn bè hơn là vì lòng ham thích. Hồi ấy vào khoảng năm 1850.
Sau đó hai ngày, ông ghé về xứ đạo Ars. Từ xa, trông thấy Cha Sở Vianney, ông vội vã tiến đến giơ tay chào hỏi. Nhưng ông ngạc nhiên khi thấy Cha thánh ra hiệu ngăn tay ông lại. Thánh nhân nhìn ông vừa buồn bã vừa nghiêm khắc nói:
- Ô Jules, hôm kia, anh đã giao dịch với ma quỷ! Hãy vào đây xưng tội ngay!
Cứ sự thường Cha thánh Vianney không thể biết bá tước Jules đã tham dự cuộc cầu cơ trước đó hai ngày! Ngoan ngoãn, bá tước theo Cha Sở vào tòa và đơn sơ xưng tội.
Một thời gian sau, khi trở lại Paris, các bạn hữu mời bá tước Jules tham dự buổi cầu cơ. Bá tước cương quyết từ chối. Thấy thế các bạn nhất định bắt đầu cuộc chơi, bất chấp sự khước từ của ông. Bá tước lùi ra một góc, ngồi nhìn các bạn, nhưng bên trong ông hoàn toàn chống lại trò chơi. Những người tham gia cầu cơ ngồi chung quanh một chiếc bàn và giơ tay chạm vào con cơ để điều khiển nó quay và trả lời câu hỏi do họ đặt ra. Lạ lùng thay, con cơ nhất định đứng im tại chỗ, không nhúc nhích. Người chủ cuộc chơi hết sức ngạc nhiên. Sau cùng, ông đành thú nhận:
- Tôi chưa từng thấy như thế này bao giờ! Chắc chắn đang có mặt một quyền lực nào mạnh lắm, mới có thể chận đứng buổi cầu cơ của chúng ta.
... Trường hợp thứ hai cũng liên quan đến các vụ cầu cơ. Tiếng thơm thánh thiện của Cha Sở họ đạo miền quê Ars vang thật xa. Charles de Montluisant - sĩ quan trẻ tuổi - vì tò mò, quyết định rủ nhóm bạn sĩ quan cùng về Ars để xem chơi. Trên đường, bỗng họ nẩy ra ý kiến là mỗi người phải hỏi Cha Sở họ Ars một câu. Anh Charles tuyên bố:
- Tớ không có gì thắc mắc, nên tớ không hỏi gì hết!
Khi đến nơi, giáp mặt với Cha Jean-Marie Vianney, một người bạn nói đùa:
- Thưa Cha, đây là anh de Moutluisant, một đại tá trẻ tuổi tương lai, anh có điều muốn hỏi Cha.
Nghe bạn đùa, anh Charles liền nhảy vào vòng chơi. Anh thưa với Cha Sở:
- Chuyện ma quỷ quấy phá Cha mà người ta chuyền miệng nhau là chuyện tưởng tượng, không có thật phải không thưa Cha?
Trước khi trả lời, Cha Vianney nhìn thẳng vào mắt anh và nói:
- Anh bạn tôi ơi, anh từng có kinh nghiệm về vấn đề này rồi! Nếu anh không làm điều anh đã làm, hẳn anh cứ bị đeo đuổi dài dài!
Câu nói nửa đùa nửa thật ấy làm nhóm sĩ quan trẻ tuổi ngạc nhiên. Họ thắc mắc nhìn nhau. Nhưng họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy chàng Charles cứng miệng, không đáp lại lời nào.
Lúc rời Ars, dĩ nhiên các bạn trẻ không để yên Charles de Moutluisant. Họ muốn biết ý nghĩa câu trả lời của Cha Sở. Charles đành kể lại cho các nghe câu chuyện của chàng.
Khi còn là sinh viên học ở Paris, tôi theo một nhóm bạn thường tổ chức cầu cơ. Một buổi tối, lúc trở lại phòng trọ, sau một buổi cầu cơ, tôi có cảm tưởng trong phòng có thêm sự hiện diện vô hình của người nào đó. Lo sợ trước cảm giác kỳ lạ như thế, tôi lục lọi tìm kiếm mọi xó xỉnh trong phòng, nhưng không thấy có gì khác lạ. Tối hôm sau tôi cũng có y cảm giác như tối hôm trước. Kinh khiếp hơn, tôi còn cảm nhận một bàn tay vô hình bóp chặt cổ tôi. Rất may là tôi có Đức Tin. Ngay hôm sau, tôi đến nhà thờ giáo xứ Saint-Germain-l'Auxerrois, nơi tôi vẫn tham dự Thánh Lễ, xin Nước Phép (Nước Thánh). Tôi mang Nước Phép về, rảy trong phòng, khắp mọi nơi không trừ xó nào, góc nào. Kể từ đó, tôi không còn bị quấy phá nữa. Và đây chính là điều Cha Sở Jean-Marie Vianney muốn trả lời cho nghi ngờ của tôi về việc tôi không tin chuyện Ngài bị ma quỷ quấy phá.
... ”Khi vào đất mà THIÊN CHÚA ban cho anh chị em, thì anh chị em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy: giữa anh chị em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với THIÊN CHÚA và chính vì những điều ghê tởm ấy mà THIÊN CHÚA của anh chị em đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh chị em. Anh chị em phải sống trọn hảo với THIÊN CHÚA của anh chị em” (Sách Đệ Nhị Luật 18,9-13).
(Mons. Cristiani, ”PRÉSENCE DE SATAN DANS LE MONDE MODERNE”, Editions du Parvis, 1992, trang 51-54).
Bá tước Jules de Maubou có nhà cửa đất đai tại Beaujolais, không xa Villefranche, nơi có họ đạo Ars, là bạn của thánh Vianney. Mỗi khi có dịp về vùng này ông đều ghé thăm hoặc xưng tội với Cha thánh. Trong cuộc sống vương giả, nhiều lần ông tham dự vào những buổi cầu cơ, vì chiều ý bạn bè hơn là vì lòng ham thích. Hồi ấy vào khoảng năm 1850.
Sau đó hai ngày, ông ghé về xứ đạo Ars. Từ xa, trông thấy Cha Sở Vianney, ông vội vã tiến đến giơ tay chào hỏi. Nhưng ông ngạc nhiên khi thấy Cha thánh ra hiệu ngăn tay ông lại. Thánh nhân nhìn ông vừa buồn bã vừa nghiêm khắc nói:
- Ô Jules, hôm kia, anh đã giao dịch với ma quỷ! Hãy vào đây xưng tội ngay!
Cứ sự thường Cha thánh Vianney không thể biết bá tước Jules đã tham dự cuộc cầu cơ trước đó hai ngày! Ngoan ngoãn, bá tước theo Cha Sở vào tòa và đơn sơ xưng tội.
Một thời gian sau, khi trở lại Paris, các bạn hữu mời bá tước Jules tham dự buổi cầu cơ. Bá tước cương quyết từ chối. Thấy thế các bạn nhất định bắt đầu cuộc chơi, bất chấp sự khước từ của ông. Bá tước lùi ra một góc, ngồi nhìn các bạn, nhưng bên trong ông hoàn toàn chống lại trò chơi. Những người tham gia cầu cơ ngồi chung quanh một chiếc bàn và giơ tay chạm vào con cơ để điều khiển nó quay và trả lời câu hỏi do họ đặt ra. Lạ lùng thay, con cơ nhất định đứng im tại chỗ, không nhúc nhích. Người chủ cuộc chơi hết sức ngạc nhiên. Sau cùng, ông đành thú nhận:
- Tôi chưa từng thấy như thế này bao giờ! Chắc chắn đang có mặt một quyền lực nào mạnh lắm, mới có thể chận đứng buổi cầu cơ của chúng ta.
... Trường hợp thứ hai cũng liên quan đến các vụ cầu cơ. Tiếng thơm thánh thiện của Cha Sở họ đạo miền quê Ars vang thật xa. Charles de Montluisant - sĩ quan trẻ tuổi - vì tò mò, quyết định rủ nhóm bạn sĩ quan cùng về Ars để xem chơi. Trên đường, bỗng họ nẩy ra ý kiến là mỗi người phải hỏi Cha Sở họ Ars một câu. Anh Charles tuyên bố:
- Tớ không có gì thắc mắc, nên tớ không hỏi gì hết!
Khi đến nơi, giáp mặt với Cha Jean-Marie Vianney, một người bạn nói đùa:
- Thưa Cha, đây là anh de Moutluisant, một đại tá trẻ tuổi tương lai, anh có điều muốn hỏi Cha.
Nghe bạn đùa, anh Charles liền nhảy vào vòng chơi. Anh thưa với Cha Sở:
- Chuyện ma quỷ quấy phá Cha mà người ta chuyền miệng nhau là chuyện tưởng tượng, không có thật phải không thưa Cha?
Trước khi trả lời, Cha Vianney nhìn thẳng vào mắt anh và nói:
- Anh bạn tôi ơi, anh từng có kinh nghiệm về vấn đề này rồi! Nếu anh không làm điều anh đã làm, hẳn anh cứ bị đeo đuổi dài dài!
Câu nói nửa đùa nửa thật ấy làm nhóm sĩ quan trẻ tuổi ngạc nhiên. Họ thắc mắc nhìn nhau. Nhưng họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy chàng Charles cứng miệng, không đáp lại lời nào.
Lúc rời Ars, dĩ nhiên các bạn trẻ không để yên Charles de Moutluisant. Họ muốn biết ý nghĩa câu trả lời của Cha Sở. Charles đành kể lại cho các nghe câu chuyện của chàng.
Khi còn là sinh viên học ở Paris, tôi theo một nhóm bạn thường tổ chức cầu cơ. Một buổi tối, lúc trở lại phòng trọ, sau một buổi cầu cơ, tôi có cảm tưởng trong phòng có thêm sự hiện diện vô hình của người nào đó. Lo sợ trước cảm giác kỳ lạ như thế, tôi lục lọi tìm kiếm mọi xó xỉnh trong phòng, nhưng không thấy có gì khác lạ. Tối hôm sau tôi cũng có y cảm giác như tối hôm trước. Kinh khiếp hơn, tôi còn cảm nhận một bàn tay vô hình bóp chặt cổ tôi. Rất may là tôi có Đức Tin. Ngay hôm sau, tôi đến nhà thờ giáo xứ Saint-Germain-l'Auxerrois, nơi tôi vẫn tham dự Thánh Lễ, xin Nước Phép (Nước Thánh). Tôi mang Nước Phép về, rảy trong phòng, khắp mọi nơi không trừ xó nào, góc nào. Kể từ đó, tôi không còn bị quấy phá nữa. Và đây chính là điều Cha Sở Jean-Marie Vianney muốn trả lời cho nghi ngờ của tôi về việc tôi không tin chuyện Ngài bị ma quỷ quấy phá.
... ”Khi vào đất mà THIÊN CHÚA ban cho anh chị em, thì anh chị em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy: giữa anh chị em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với THIÊN CHÚA và chính vì những điều ghê tởm ấy mà THIÊN CHÚA của anh chị em đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh chị em. Anh chị em phải sống trọn hảo với THIÊN CHÚA của anh chị em” (Sách Đệ Nhị Luật 18,9-13).
(Mons. Cristiani, ”PRÉSENCE DE SATAN DANS LE MONDE MODERNE”, Editions du Parvis, 1992, trang 51-54).
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phá thai dẫn đến chết người và tội ác
Jos. Tú Nạc, NMS
02:19 16/06/2009
Gloria nay mắn sống sót. Cô là một thiếu phụ Ghana 22 tuổi. Khi Glora biết mình có thai, cô chẳng lấy gì làm vui vẻ. cô muốn được tiếp tục theo học. Thế là cô quyết định giết đứa bé trong bụng mình. Cô đã đi phá thai.
Từ lần đầu tiên có thai, Gloria đã hai lần phá. Cô đã tự mình thực hiện hai lần phá thai này, với sự giúp đỡ của một người bạn. Trong lần phá thai thứ hai của mình, cô đã cố gắng bằng mọi cách gồm uống rượu và những loại dược phẩm khác. Nhưng bằng những cách này đã không giết được đứa bé, hoặc bào thai, trong cơ thể mình. Nên cô đã cố gắng một vài cách khác kích thích hơn. Cô nó:
“Cuối cùng, chúng tôi đã cố đập vỡ một cái chai nghiền nhuyễn trộn với nước biển và Blue, một thứ bột giặt. Chúng tôi thấm hỗn hợp này vào một miếng bông gòn. Rồi tôi tự tay đưa vào.
Bằng cách này tử cung đã dẫn đến một điều tệ hại. Tôi đã bị chạy máu liên tục hơn năm ngày.”
Nhưng việc phá thai này đã mang lại hậu quả không lường cho Gloria. Hiện giờ, cô luôn luôn bị đau đớn. Nhưng cô rất sợ đi khám bác sỹ. cô không muốn bất kỳ người nào biết những gì mình đã làm.
Nhiều phụ nữ trên thế giới đã kể lại những câu chuyện khủng khiếp tương tự về việc phá thai không an toàn. Betty là một phụ nữ Ghana khác. Cô đã kể:
“Từ lần phá thai đến giờ tôi không thể mang thai được nữa. Đó là cách đây năm năm. Nhưng tôi còn gặp may bởi vì một người bạn tôi đã chết sau khi phá thai.”
Các chuyên gia nói rằng Glora và Betty là những người may mắn còn sống. Buồn thay, nhiều phụ nữ đã thực hiện những vụ phá thai không an toàn giống như vậy Dẫn đến hậu quả, nhiều vấn đề đau đớn kéo dài - ốm yếu, tàn tật, mất nhiều khả năng. Và nhiểu phụ nữ đã bị chết.
Có nhiều lý do KHÔNG thực hiện phá thai. Ở nhiều quốc gia, phá thai là việc làm hợp pháp. Nhiều chính phủ coi những hành động đó như phạm tội giết người. Tín đồ Ki-tô giáo tin rằng phá thai là chống lại ý định của Thiên Chúa. Họ xác tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người ngay khi bắt đầu hình thành sự sống – ngay cả trong thời kỳ phôi thai.
Và có nhiều cách để ngừa thai. Người ta có thể dùng những biện pháp để hạn chế sinh đẻ như bao tránh thai. Nhưng cách tốt nhất để tránh thai là không quan hệ tình dục. Người ta có thể đợi đến khi lập gia đình.
Nhưng một phụ nữ có thể làm gì khi biết mình đã mang thai một đứa con ngoài ý muốn? Trong hoàn cảnh này, người phụ nữ có thể hoang mang, sợ hãi. Cô không muốn chia sẻ những thông tin về việc thụ thai của mình vì nhiều lý do khác nhau. Có thể cô ta tin rằng gia đình, bạn bè hoặc cộng đồng xa lánh. Cô ta có thể sợ hãi về việc an toàn. Cô ta có thể nghĩ rằng mình không đủ khả năng chăm sóc đứa bé. Hoặc cô ta cảm thấy vô cùng xấu xa khi giữ lại bào thai ấy. Bất kỳ lý do gì, cô ta có thể tin vào câu trả lời là hành động phá thai – giết đứa con đang cưu mang trong bụng mình – dẫn đến một tội ác.
Viện Guttmacher làm việc để cải thiện tình dục và sức khỏe trên toàn thế giới. Họ nghiên cứu và cung cấp giáo dục công cộng cùng với việc khảo sát, thẩm vấn những chính sách công cộng tại những khu vực này. Họ cho biết “cứ một trong năm trường hợp mang thai chung cuộc là phá thai.” Con số này bao gồm cả phá thai hợp pháp và bất hợp pháp.
Thậm chí ở những quốc gia nơi mà phá thai được coi là hành động bất hợp pháp, phụ hữ luôn có thể tìm một người nào đó để thực hiện phá thai. Điều này có thể đồng nghĩa với một phụ nữ sẽ gặp một trường hợp phá thai không bảo đảm an toàn. Một số người họ tự thực hiện phá thai hoặc cùng với bạn bè. Những người khác có thể đi tới những người chũa bệnh truyền thống hoặc có khi là một bác sỹ. Mà thậm chí có một số bác sỹ đã gây ra những vụ phá thai chết người vì trình độ chuyên môn yếu kém hoặc tắc trách, vô lương tâm.
Viện Guttmacher cho biết thêm bốn mươi phần trăm của tất cả các vụ phá thai thực hiện trên thế giới đều không an toàn. Trong một số khu vực, những con số này còn cao hơn. Chẳng hạn, họ nói rằng ở Châu Phi và Mỹ La- tinh, hơn chín mươi lăm phần trăm những vụ phá thai không bảo đảm an toàn. Hậu quả dẫn đến hàng ngàn phụ nữ tử vong. Và hàng ngàn phụ nữ khác trở nên mất khả năng bình thường đối với cuộc sống.
Làm thế nào để người ta có thể ngăn chặn những trường hợp tử vong và mất khả năng bình thường này? Chúng ta có nên đặt những nơi an toàn giải quyết những vụ phá thai để duy sự sống của các bà mẹ không? Chúng ta có nên tìm kiếm những Phuong cách để cổ vũ và bảo vệ phụ nữ không? Nhiều người trên thế giới đã tranh luận về những vấn đề này. Và đối với một số người không có những câu trả lời thỏa đáng. Một vài nhóm muốn tạo việc phá thai hợp pháp. Bác sỹ Susheela Singh hướng dẫn một chương trình nghiên cứu ại viện cuttmacher về những vụ phá thai không an toàn. Cách tốt nhất để ngăn chặn cái chết của những bà mẹ từ những vụ phá thai không an toàn là cho phép những vụ phá thai hợp pháp và an toàn. Vậy, bất kỳ ai muốn một lần phá thai có thể đến đó một lần.
Nhiều chuyên gia khác không tán thành. Họ nói điều này quá ư là đơn giản để trở thành một câu trả lời thực tế.
Đất nước Nigeria là một điển hình tốt của lý do tại sao. Phá thai là hành động bất hợp pháp ở quốc gia này. Và nhiều vấn đề trong đó mà nền văn hóa tin rằng trẻ em là một ơn phúc và rằng giết chúng là một hành vi vô đạo đức. Nhưng vẫn còn, chuyên gia nói, vào khoảng 10,000 phụ nữ chết mỗi năm vì phá thai không an toàn. Một chuyên viên ở Nigeria nói rằng phụ nữ có thể phá thai an toàn ở đó. Họ không muốn đến thăm một bệnh viện công. Họ cảm thấy rất đỗi xấu hổ. Những vụ phá thai bất an toàn vẫn tiếp tục.
Thay vào đó, một số người có câu trả lời khác. Nuala Scarisbrick là thành viên của nhóm tài trợ Sự Sống Liên hiệp Vương quốc Anh. Nhóm này cho rằng phá thai là một hành động vô đạo đức. Và Nuala nói rằng phụ hữ hầu hết cần sự giúp đỡ và khuyến khích để tiếp tục mang thai. Họ cần được ủng hộ.
Saudata Sani đồng ý. Bà là một dân biểu Hạ Nghị viện thuộc Bắc Nigeria. Bà nói:
“Tạo ra nhiều vụ phá thai không phải là một lời giải. Phụ hữ cần được giáo dục về những quyền vượt lên trên thân xác của họ. Họ cần được cho những cơ hội để lên kế hoạch cho gia đình của mình. Nhưng phải được thực hiện trong một phương thức để bảo vệ giá trị đảo đức phổ biến.
Vấn đề phức tạp của việc phá thai không phải là vấn đề dễ dàng. Nhiều trẻ em không được sinh ra đã và đang phải chết. Nhiều bà mẹ cũng đã, đang phải chết. Và nhiều phụ nữ đã có những vụ phá thai thành công – an toàn hoặc không an toàn – đã hối hận về những hành động của họ. Một trong những phụ nữ này là Sharle người Nigeria. Cô đã một lần phá thai để cô tiếp tục đi học. Hôm nay, cô thực sự đã hối hận về hành động phá thai này. Cô tin rằng đó là việc làm chống lại những điều răn của Thiên Chúa.
Thánh Kinh Ki-tô giáo dạy con người nhiều điều về giá trị của sự sống – Kinh Thánh dạy rằng thiên Chúa tạo dựng mỗi con người một cách riêng biệt ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ - một thai nhi. Những vụ phá thai không an toàn tác hại đến phụ nữ và trẻ em. Và cần có những giải pháp khác xem xét để giải quyết thụ thai không kế hoạch. Đó là điều quan trọng mà mọi người phải tìm kiếm những biện pháp ngăn chặn phá thai, dẫn đến chết người và gây tội ác này.
(Nguồn: “Deadly Abortion” – L. Waid)
Từ lần đầu tiên có thai, Gloria đã hai lần phá. Cô đã tự mình thực hiện hai lần phá thai này, với sự giúp đỡ của một người bạn. Trong lần phá thai thứ hai của mình, cô đã cố gắng bằng mọi cách gồm uống rượu và những loại dược phẩm khác. Nhưng bằng những cách này đã không giết được đứa bé, hoặc bào thai, trong cơ thể mình. Nên cô đã cố gắng một vài cách khác kích thích hơn. Cô nó:
“Cuối cùng, chúng tôi đã cố đập vỡ một cái chai nghiền nhuyễn trộn với nước biển và Blue, một thứ bột giặt. Chúng tôi thấm hỗn hợp này vào một miếng bông gòn. Rồi tôi tự tay đưa vào.
Bằng cách này tử cung đã dẫn đến một điều tệ hại. Tôi đã bị chạy máu liên tục hơn năm ngày.”
Nhưng việc phá thai này đã mang lại hậu quả không lường cho Gloria. Hiện giờ, cô luôn luôn bị đau đớn. Nhưng cô rất sợ đi khám bác sỹ. cô không muốn bất kỳ người nào biết những gì mình đã làm.
Nhiều phụ nữ trên thế giới đã kể lại những câu chuyện khủng khiếp tương tự về việc phá thai không an toàn. Betty là một phụ nữ Ghana khác. Cô đã kể:
“Từ lần phá thai đến giờ tôi không thể mang thai được nữa. Đó là cách đây năm năm. Nhưng tôi còn gặp may bởi vì một người bạn tôi đã chết sau khi phá thai.”
Các chuyên gia nói rằng Glora và Betty là những người may mắn còn sống. Buồn thay, nhiều phụ nữ đã thực hiện những vụ phá thai không an toàn giống như vậy Dẫn đến hậu quả, nhiều vấn đề đau đớn kéo dài - ốm yếu, tàn tật, mất nhiều khả năng. Và nhiểu phụ nữ đã bị chết.
Có nhiều lý do KHÔNG thực hiện phá thai. Ở nhiều quốc gia, phá thai là việc làm hợp pháp. Nhiều chính phủ coi những hành động đó như phạm tội giết người. Tín đồ Ki-tô giáo tin rằng phá thai là chống lại ý định của Thiên Chúa. Họ xác tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người ngay khi bắt đầu hình thành sự sống – ngay cả trong thời kỳ phôi thai.
Và có nhiều cách để ngừa thai. Người ta có thể dùng những biện pháp để hạn chế sinh đẻ như bao tránh thai. Nhưng cách tốt nhất để tránh thai là không quan hệ tình dục. Người ta có thể đợi đến khi lập gia đình.
Nhưng một phụ nữ có thể làm gì khi biết mình đã mang thai một đứa con ngoài ý muốn? Trong hoàn cảnh này, người phụ nữ có thể hoang mang, sợ hãi. Cô không muốn chia sẻ những thông tin về việc thụ thai của mình vì nhiều lý do khác nhau. Có thể cô ta tin rằng gia đình, bạn bè hoặc cộng đồng xa lánh. Cô ta có thể sợ hãi về việc an toàn. Cô ta có thể nghĩ rằng mình không đủ khả năng chăm sóc đứa bé. Hoặc cô ta cảm thấy vô cùng xấu xa khi giữ lại bào thai ấy. Bất kỳ lý do gì, cô ta có thể tin vào câu trả lời là hành động phá thai – giết đứa con đang cưu mang trong bụng mình – dẫn đến một tội ác.
Viện Guttmacher làm việc để cải thiện tình dục và sức khỏe trên toàn thế giới. Họ nghiên cứu và cung cấp giáo dục công cộng cùng với việc khảo sát, thẩm vấn những chính sách công cộng tại những khu vực này. Họ cho biết “cứ một trong năm trường hợp mang thai chung cuộc là phá thai.” Con số này bao gồm cả phá thai hợp pháp và bất hợp pháp.
Thậm chí ở những quốc gia nơi mà phá thai được coi là hành động bất hợp pháp, phụ hữ luôn có thể tìm một người nào đó để thực hiện phá thai. Điều này có thể đồng nghĩa với một phụ nữ sẽ gặp một trường hợp phá thai không bảo đảm an toàn. Một số người họ tự thực hiện phá thai hoặc cùng với bạn bè. Những người khác có thể đi tới những người chũa bệnh truyền thống hoặc có khi là một bác sỹ. Mà thậm chí có một số bác sỹ đã gây ra những vụ phá thai chết người vì trình độ chuyên môn yếu kém hoặc tắc trách, vô lương tâm.
Viện Guttmacher cho biết thêm bốn mươi phần trăm của tất cả các vụ phá thai thực hiện trên thế giới đều không an toàn. Trong một số khu vực, những con số này còn cao hơn. Chẳng hạn, họ nói rằng ở Châu Phi và Mỹ La- tinh, hơn chín mươi lăm phần trăm những vụ phá thai không bảo đảm an toàn. Hậu quả dẫn đến hàng ngàn phụ nữ tử vong. Và hàng ngàn phụ nữ khác trở nên mất khả năng bình thường đối với cuộc sống.
Làm thế nào để người ta có thể ngăn chặn những trường hợp tử vong và mất khả năng bình thường này? Chúng ta có nên đặt những nơi an toàn giải quyết những vụ phá thai để duy sự sống của các bà mẹ không? Chúng ta có nên tìm kiếm những Phuong cách để cổ vũ và bảo vệ phụ nữ không? Nhiều người trên thế giới đã tranh luận về những vấn đề này. Và đối với một số người không có những câu trả lời thỏa đáng. Một vài nhóm muốn tạo việc phá thai hợp pháp. Bác sỹ Susheela Singh hướng dẫn một chương trình nghiên cứu ại viện cuttmacher về những vụ phá thai không an toàn. Cách tốt nhất để ngăn chặn cái chết của những bà mẹ từ những vụ phá thai không an toàn là cho phép những vụ phá thai hợp pháp và an toàn. Vậy, bất kỳ ai muốn một lần phá thai có thể đến đó một lần.
Nhiều chuyên gia khác không tán thành. Họ nói điều này quá ư là đơn giản để trở thành một câu trả lời thực tế.
Đất nước Nigeria là một điển hình tốt của lý do tại sao. Phá thai là hành động bất hợp pháp ở quốc gia này. Và nhiều vấn đề trong đó mà nền văn hóa tin rằng trẻ em là một ơn phúc và rằng giết chúng là một hành vi vô đạo đức. Nhưng vẫn còn, chuyên gia nói, vào khoảng 10,000 phụ nữ chết mỗi năm vì phá thai không an toàn. Một chuyên viên ở Nigeria nói rằng phụ nữ có thể phá thai an toàn ở đó. Họ không muốn đến thăm một bệnh viện công. Họ cảm thấy rất đỗi xấu hổ. Những vụ phá thai bất an toàn vẫn tiếp tục.
Thay vào đó, một số người có câu trả lời khác. Nuala Scarisbrick là thành viên của nhóm tài trợ Sự Sống Liên hiệp Vương quốc Anh. Nhóm này cho rằng phá thai là một hành động vô đạo đức. Và Nuala nói rằng phụ hữ hầu hết cần sự giúp đỡ và khuyến khích để tiếp tục mang thai. Họ cần được ủng hộ.
Saudata Sani đồng ý. Bà là một dân biểu Hạ Nghị viện thuộc Bắc Nigeria. Bà nói:
“Tạo ra nhiều vụ phá thai không phải là một lời giải. Phụ hữ cần được giáo dục về những quyền vượt lên trên thân xác của họ. Họ cần được cho những cơ hội để lên kế hoạch cho gia đình của mình. Nhưng phải được thực hiện trong một phương thức để bảo vệ giá trị đảo đức phổ biến.
Vấn đề phức tạp của việc phá thai không phải là vấn đề dễ dàng. Nhiều trẻ em không được sinh ra đã và đang phải chết. Nhiều bà mẹ cũng đã, đang phải chết. Và nhiều phụ nữ đã có những vụ phá thai thành công – an toàn hoặc không an toàn – đã hối hận về những hành động của họ. Một trong những phụ nữ này là Sharle người Nigeria. Cô đã một lần phá thai để cô tiếp tục đi học. Hôm nay, cô thực sự đã hối hận về hành động phá thai này. Cô tin rằng đó là việc làm chống lại những điều răn của Thiên Chúa.
Thánh Kinh Ki-tô giáo dạy con người nhiều điều về giá trị của sự sống – Kinh Thánh dạy rằng thiên Chúa tạo dựng mỗi con người một cách riêng biệt ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ - một thai nhi. Những vụ phá thai không an toàn tác hại đến phụ nữ và trẻ em. Và cần có những giải pháp khác xem xét để giải quyết thụ thai không kế hoạch. Đó là điều quan trọng mà mọi người phải tìm kiếm những biện pháp ngăn chặn phá thai, dẫn đến chết người và gây tội ác này.
(Nguồn: “Deadly Abortion” – L. Waid)
Tham vấn viên cho Thánh Bộ phong thánh và hội đồng giáo hoàng về truyền thông
Bùi Hữu Thư
03:30 16/06/2009
Tham vấn viên cho Thánh Bộ phong thánh và hội đồng giáo hoàng về truyền thông
VATICAN, ngày 15 tháng 6, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bổ nhiệm các cố vần cho Thánh Bộ Phong Thánh và Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội.
Toà Thánh tuyên bố việc bổ nhiệm mới hôm thứ bẩy. gồm có ba thành viên của Dòng Salêsiêng và hai thành viên của Dòng Phanxicô, cũng như hai giáo dân cho bộ phong thánh và hai giáo dân cho hội đồng truyền thông.
Cho Bộ Phong Thánh, Đức Thánh Cha bổ nhiệm các linh mục Jesús García Gutiérrez và Aimable Musoni, cả hai đều thuộc Đại Học Giáo Hoàng Salêsiêng, và linh mục Phanxicô Zdzislaw Jozef Kijas, viện trưởng Giáo Hoàng học viện St. Bonaventure; và linh mục Gabriele Ingegneri, thuộc Viện Lịch Sử Capuchin. Hai người giáo dân đều là giáo sư ở Rôma: Ulderico Parente thuộc Đại Học San Pio V và Francesco Celsi thuộc Đại Học Santa Maria Asunta.
Về phần Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, ngài bổ nhiệm ông Francesco Casetti thuộc Đại Học Công Giáo Milan; và Alvito Joseph Socorro de Souza, thư ký tổ chức SIGNIS – Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế về Truyền Thông.
Giáo hội sẵn sàng đổi mới, và Năm Linh mục cũng còn quan trọng cả với giáo dân
Phụng Nghi
05:08 16/06/2009
VATICAN CITY (Zenit.org) - Theo lời người phát ngôn Tòa thánh, một cuộc canh tân Giáo hội sắp bắt đầu kể từ ngày thứ Sáu này, một cuộc canh tân do sự thánh hóa hàng linh mục mang lại.
Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh khẳng định điều đó khi ngài suy tư về Năm Linh mục, được Đức giáo hoàng Benedict XVI triệu tập, sẽ bắt đầu từ lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, thứ Sáu, ngày 19 tháng 6 sắp tới.
Trong bài suy tư, phát hình ở chương trình “Octava Dies” mới nhất trên đài Truyền hình Vatican, cha Lombardi nhắc lại chuyện Đức thánh cha thường trao tặng tràng hạt Mân côi cho các linh mục tới thăm viếng ngài và nói: “Ngay cả linh mục cũng phải nhớ cầu nguyện!”
Cha phát ngôn viên nói: “Những lời nhắn nhủ đó xuất hiện trong tâm trí chúng ta khi Đức giáo hoàng công bố “Năm Linh mục”, sắp bắt đầu [và trùng hợp vào] dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của Thánh Gioan Maria Vianney, Cha xứ thánh thiện vùng Ars, một gương mẫu tuyệt vời cho mọi linh mục về tâm linh và nhiệt huyết, đặc biệt là khi họ dấn thân vào công tác mục vụ.”
Ngài tiếp tục nhắc lại việc Đức giáo hoàng đã công khai cảnh giác chống lại sự trễ nải cầu nguyện vì mê mải công việc hoặc vì những phiền muộn lo âu: “Thường dễ giảm thiểu kinh nguyện xuống thành những giây phút hời hợt và đọc cho nhanh chóng, để cho mình bị tràn ngập vì công việc và những âu lo của con người.”
Trong bối cảnh đó, cha Lombardi trưng dẫn những lời của vị Linh mục chính xứ Ars: “Có một số người dường như nói với Chúa thế này: Con chỉ có đôi điều để nói với Chúa, vậy con nói cho mau chóng để còn đi làm việc khác.”
Cha đưa ra nhận xét: “Nếu trở ngại trong việc kết hợp với Chúa là điều mọi Kitô hữu gặp phải, thì các linh mục cũng đặc biệt phải đương đầu, vì họ là những người luôn luôn được mọi người tìm kiếm, và con số đang giảm lần đi hoặc vẫn còn nhỏ bé so với nhu cầu đòi hỏi. Hiển nhiên là sự thánh thiện của hàng linh mục trước nhất phải là trách nhiệm của riêng họ, nhưng điều đó cũng liên quan đến cả cộng đồng các tín hữu. Chỉ cần một số ít linh mục bất xứng cũng đủ làm tai hại sâu xa niềm tin vào Giáo hội.”
“Và mặt khác nữa, tình liên đới tinh thần của cộng đồng là một sự trợ lực mạnh mẽ cho cuộc sống tâm linh và tông đồ của linh mục. Tóm lại, “Năm Linh mục” không chỉ quan trọng đối với hàng linh mục mà cho cả mọi người.”
Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh khẳng định điều đó khi ngài suy tư về Năm Linh mục, được Đức giáo hoàng Benedict XVI triệu tập, sẽ bắt đầu từ lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, thứ Sáu, ngày 19 tháng 6 sắp tới.
Lm Federico Lombardi |
Trong bài suy tư, phát hình ở chương trình “Octava Dies” mới nhất trên đài Truyền hình Vatican, cha Lombardi nhắc lại chuyện Đức thánh cha thường trao tặng tràng hạt Mân côi cho các linh mục tới thăm viếng ngài và nói: “Ngay cả linh mục cũng phải nhớ cầu nguyện!”
Cha phát ngôn viên nói: “Những lời nhắn nhủ đó xuất hiện trong tâm trí chúng ta khi Đức giáo hoàng công bố “Năm Linh mục”, sắp bắt đầu [và trùng hợp vào] dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của Thánh Gioan Maria Vianney, Cha xứ thánh thiện vùng Ars, một gương mẫu tuyệt vời cho mọi linh mục về tâm linh và nhiệt huyết, đặc biệt là khi họ dấn thân vào công tác mục vụ.”
Ngài tiếp tục nhắc lại việc Đức giáo hoàng đã công khai cảnh giác chống lại sự trễ nải cầu nguyện vì mê mải công việc hoặc vì những phiền muộn lo âu: “Thường dễ giảm thiểu kinh nguyện xuống thành những giây phút hời hợt và đọc cho nhanh chóng, để cho mình bị tràn ngập vì công việc và những âu lo của con người.”
Trong bối cảnh đó, cha Lombardi trưng dẫn những lời của vị Linh mục chính xứ Ars: “Có một số người dường như nói với Chúa thế này: Con chỉ có đôi điều để nói với Chúa, vậy con nói cho mau chóng để còn đi làm việc khác.”
Cha đưa ra nhận xét: “Nếu trở ngại trong việc kết hợp với Chúa là điều mọi Kitô hữu gặp phải, thì các linh mục cũng đặc biệt phải đương đầu, vì họ là những người luôn luôn được mọi người tìm kiếm, và con số đang giảm lần đi hoặc vẫn còn nhỏ bé so với nhu cầu đòi hỏi. Hiển nhiên là sự thánh thiện của hàng linh mục trước nhất phải là trách nhiệm của riêng họ, nhưng điều đó cũng liên quan đến cả cộng đồng các tín hữu. Chỉ cần một số ít linh mục bất xứng cũng đủ làm tai hại sâu xa niềm tin vào Giáo hội.”
“Và mặt khác nữa, tình liên đới tinh thần của cộng đồng là một sự trợ lực mạnh mẽ cho cuộc sống tâm linh và tông đồ của linh mục. Tóm lại, “Năm Linh mục” không chỉ quan trọng đối với hàng linh mục mà cho cả mọi người.”
Nguốc gốc cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới
Linh Tiến Khải
20:11 16/06/2009
Phỏng vấn ông Mauro Magatti, giáo sư xã hội học về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới hiện nay
Trong các tuần qua giới chức kỹ nghệ xe hơi Mỹ, Canada và Âu châu đã ráo riết thương lượng với nhau để cứu vãn công ăn việc làm cho hàng chục ngàn công nhân. Sau khi hãng General Motor của Mỹ bị phá sản, hãng Chrysler của Mỹ rao bán cổ phần và Fiat đã ký hợp đồng cộng tác với 20% tổng số vốn, nhưng cho tới năm 2025 số cổ phần của hãng Fiat Italia có thể lên tới 51%.
Trong khi đó hãng Opel của Đức ký hợp đồng với hãng Magna của Canada khiến cho Italia mất một mối lợi. Kỹ thuật của hãng Fiat nổi tiếng trong việc chế tạo các xe hơi trung bình hay nhỏ, nhưng máy tốt, có hình dáng đẹp và uống ít xăng dầu. Người ta tìm mọi cách để khỏi phải đóng các xưởng chế tạo xe hơi, nhưng trong việc tái tổ chức thế nào cũng có một số công nhân bị sa thải, và không ai biết có thể cứu vãn công ăn việc làm cho giới công nhân tới khi nào. Đây chỉ là một trong các lãnh vực bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế dễ nhận ra nhất. Nhưng hầu như mọi lãnh vực thương mại kỹ nghệ đều gặp khó khăn và rơi vào tình trạng suy thoái chưa từng thấy từ bao thiệp niên qua.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Mauro Magatti, giáo sư xã hội học về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới hiện nay.
Giáo sư Mauro Magatti sinh năm 1960 đậu tiến sĩ kinh tế tại đại học Bocconi, và hiện nay đang dậy môn phân tích các cơ cấu chủ thuyết tư bản hiện đại tại Đại học công giáo Thánh Tâm Milano. Từ nhiều năm qua giáo sư nghiên cứu hiện tượng toàn cầu hóa và các hậu quả của nó.
Hỏi: Thưa giáo sư, sau thời gian rối loạn cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới xem ra bắt đầu dịu lại, có đúng vậy không?
Đáp: Vâng, nền kinh tế thế giới đã bị đứng tim, nhưng được cấp cứu nhờ các can thiệp may mắn tức thì và nhanh chóng. Nhưng giờ đây chúng ta đang đứng trước hai ngã đường: trở lại kiểu sống như trước đây, giả đò là đã hoàn toàn khỏi bệnh, hay thay đổi lối sống. Nếu không thay đổi lối sống, thì tình trạng bất ổn hiện nay sẽ kéo dài và chúng ta sẽ phải chứng kiến các cuộc khủng hoảng tệ hại hơn nữa trong tương lai.
Hỏi: Như là nhà xã hội học, giáo sư đọc hiểu cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay trên thế giới như thế nào?
Đáp: Tôi so sánh cuộc khủng hoảng hiện nay với những gì đã xảy ra hồi thập niên 1970. Hồi đó chúng ta đã có 10 năm xung khắc xã hội nảy sinh từ cuộc khủng hoảng Nhà Nước quốc gia. Đây là một mô thức đã làm phát sinh ra nhiều khía cạnh tích cực, nhưng với thời gian nó đã đổ đốn và biến thành chủ nghĩa nhà nước. Cũng thế, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay là dấu hiệu mạnh mẽ của một cuộc khủng hoảng khác: đó là cuộc khủng hoảng mô thức kinh tế trong 30 năm qua, là mô thức đã có công cải tiến các mẫu mực kinh tế và các điều kiện sống của hàng triệu người. Nhưng như trước đây chúng ta đã thấy các hạn hẹp của chủ nghĩa nhà nước, thì ngày nay chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa thị trường và các mâu thuẫn của nó. Tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và bản chất của nó có thể là dịp giúp chúng ta bắt đầu một cuộc duyệt xét sâu rộng liên quan tới vài lệch lạc đã từ từ xảy ra trong mô thức đó.
Hỏi: Trong một cuốn sách sẽ được nhà xuất bản Feltrinelli ấn hành, giáo sư cho rằng mô thức tư bản kỹ thuật duy hư vô đã bước vào cuộc khủng hoảng. Nó có nghĩa là gì vậy?
Đáp: Cái mâu thuẫn nền tảng của mô thức đó được tóm gọn trong kiểu nói ”tư bản duy hư vô” và trong các ảo tưởng nảy sinh từ đấy. Loại tư bản này đã mù quáng tin vào sức mạnh của kỹ thuật, và làm suy yếu khả năng của các chủ thể chia sẻ các giá trị hay các sự vật có giá trị vượt xa hơn lợi xuất kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chánh biểu tượng cho sự mâu thuẫn này: các giá trị tài chánh tất cả đều là giả tạo, trong nghĩa chúng không dính líu tới thực tại. Nó giống như một cái trứng được đánh lên, và dung lượng gia tăng một cách giả tạo, rồi lại xẹp ngay sau đó. Ngày nay chúng ta trông thấy tất cả các thứ đó ngay dưới mắt mình, vì thế cần phải biết học bài học của nó. Nói cách khác: sự tăng trưởng kinh tế là một thiện ích, nhưng nó không thể là mục đích. Lợi xuất và những gì kiếm được phải kết hiệp với một sự phát triển xã hội, nếu không chúng sẽ làm nảy sinh ra các cơ cấu tài chánh vén mở cho thấy chúng chỉ là các lâu đài bằng giấy, sẽ bị sụp đổ như chúng ta đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Sự phát triển kinh tế duy nhất là sự phát triển chấp nhận đi chậm hơn một chút, nhưng khiến cho xã hội lớn lên.
Hỏi: Một sự phát triển có chừng mực, được các luật lệ chung kiểm soát, có đúng thế không thưa giáo sư?
Đáp: Vâng. Trong các thập niên qua chúng ta đã xây dựng một mối dây nối kết chặt chẽ giữa sự phát triển kinh tế và xã hội trên bình điện Nhà Nước quốc gia. Giờ đây phải trải dài tất cả trên một mức rộng rãi hơn nữa. Từ đó mới có vấn đề luật lệ, mà người ta nói đến nhiều. Nhưng mà vấn đề là chúng ta có sẵn sàng chấp nhận chạy chậm hơn một chút, và lớn lên hơn như là cộng đoàn hay không. Vì thế nên không thể không tưởng tượng ra một quyền bính có khả năng quyết định các ranh giới cho sự phát triển. Để có thể ra khỏi chủ thuyết tư bản cũ, cần tìm ra những thế quân bình mới, và những khía cạnh hiến pháp mới thích hợp cho mục đích này.
Hỏi: Giáo sư đang tưởng tượng ra loại quyền bính nào vậy? Nó có bản chất kinh tế hay chính trị?
Đáp: Cái khó khăn chính là ở đó. Dĩ nhiên là tôi không nghĩ tới một siêu Nhà Nước. Nhưng tôi nói rằng các thỏa hiệp Bretton Woods là sản phẩm của thế chiến thứ II. Tưởng tượng ra một kiến trúc kinh tế mới, mà không phải là con đẻ của chiến tranh, là điều rất khó. Cần phải có trí thông minh chính trị rất lớn và một cái nhìn xa rộng.
Hỏi: Theo các dấu chỉ mà giáo sư quan sát, chúng ta có đang đi trong hướng đó hay không, hay người ta lại không nhận ra trong các lập trường khác nhau ý muốn khóa sổ vần đề và trở về với tình trạng trước kia?
Đáp: Nền kinh tế đã bị đứng tim, như chúng ta đã nói. Trở về với kiểu sống trước kia xem ra không phải là điều thận trọng. Vì thế vội vã qủa quyết rằng cuộc khủng hoảng đã qua là một dấu hiệu xấu. Thật vậy suy tư trở lại định hướng kinh tế toàn diện là một việc đòi hỏi nhiều năm chứ không phải vài tháng. Một cuộc khủng hoảng tài chánh như cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được giải quyết trong vòng một năm, nhưng các hậu qủa xã hội của nó có thể kéo dài rất lâu. Và sai lầm nghiêm trọng nhất là giả vờ cho rằng không có các hậu qủa này. Tôi thấy nguy cơ cụ thể đó là xảy ra một tiến trình bất ổn lâu dài.
Hỏi: Mới đây giáo sư tuyên bố rằng: ”Sau các năm dài của cá nhân chủ nghĩa, có lẽ đã đến lúc hiểu rằng có một sợi dây nối liền chúng ta với nhau. Như là leo núi vậy: sợi dây nối liền các thành phần với nhau là một trợ giúp và bảo đảm, chứ không phải là hạn chế sự tự do của từng người”. Từ quan niệm này thì giáo sư lạc quan hay bi quan dối với tương lai?
Đáp: Đây không phải là chuyện của các thái độ... Tôi chỉ hạn hẹp vào việc nhận xét rằng cuộc khủng hoảng cho thấy trong xã hội của chúng ta vẫn còn có các nguồn lực luân lý, tại Mỹ cũng như tại Âu châu. Dĩ nhiên các tài nguyên đó cần được khởi động và hướng dẫn. Cần có các quan niệm văn hóa và chính trị yểm trợ các tài nguyên này. Chắc chắn là trong lúc suy sụp luân lý chúng ta học được các bài học qua các khổ đau: lịch sử nói cho chúng ta biết điều này. Nhưng chúng ta hy vọng sự khôn ngoan thắng thế để giúp tránh các tổn thất xã hội cao.
Hỏi: Trong một bài diễn thuyết cách đây mấy tuần, giáo sư đã nêu bật việc khẩn thiết phối hợp sự tự do với tinh thần trách nhiệm một cách mới mẻ, như là con đường giúp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện nay. Tại sao vậy?
Đáp: Trong sâu thẳm của tất cả mọi sự, tôi tin một cách chính xác là có tương quan giữa sự tự do và tinh thần trách nhiệm. Từ đó nảy sinh ra đề tựa cuốn sách sắp tới của tôi ”Tự do tưởng tượng”. Trong tương lai trận đấu thực sự phải chơi là kiểu chúng ta suy tư về sự tự do, trong một thế giới đã sản xuất ra sự phát triển kinh tế xã hội, mà chúng ta đã biết, nhưng giờ đây lại đòi hỏi một phụ trội về tình liên đới.
Ngày nay chúng ta đang sống trong tuổi thanh niên, nhìn từ quan điểm của sự tự do. Sau khi nghĩ rằng tự do là muốn làm gì thì làm, cởi bỏ hết mọi ràng buộc, giờ đây là lúc phải làm cho nó trưởng thành, chín mùi trong chiều hướng của tinh thần trách nhiệm, vì nếu không có tinh thần trách nhiệm, thì cũng sẽ không có tự do. Tôi tin rằng ở đây mở ra một không gian lớn cho một ”tân cá nhân chủ nghĩa”, vượt qúa các trôi giạt ”kỹ thuật duy hư vô”.
(Avvenire 28-5-2009)
Trong các tuần qua giới chức kỹ nghệ xe hơi Mỹ, Canada và Âu châu đã ráo riết thương lượng với nhau để cứu vãn công ăn việc làm cho hàng chục ngàn công nhân. Sau khi hãng General Motor của Mỹ bị phá sản, hãng Chrysler của Mỹ rao bán cổ phần và Fiat đã ký hợp đồng cộng tác với 20% tổng số vốn, nhưng cho tới năm 2025 số cổ phần của hãng Fiat Italia có thể lên tới 51%.
Trong khi đó hãng Opel của Đức ký hợp đồng với hãng Magna của Canada khiến cho Italia mất một mối lợi. Kỹ thuật của hãng Fiat nổi tiếng trong việc chế tạo các xe hơi trung bình hay nhỏ, nhưng máy tốt, có hình dáng đẹp và uống ít xăng dầu. Người ta tìm mọi cách để khỏi phải đóng các xưởng chế tạo xe hơi, nhưng trong việc tái tổ chức thế nào cũng có một số công nhân bị sa thải, và không ai biết có thể cứu vãn công ăn việc làm cho giới công nhân tới khi nào. Đây chỉ là một trong các lãnh vực bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế dễ nhận ra nhất. Nhưng hầu như mọi lãnh vực thương mại kỹ nghệ đều gặp khó khăn và rơi vào tình trạng suy thoái chưa từng thấy từ bao thiệp niên qua.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Mauro Magatti, giáo sư xã hội học về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới hiện nay.
Giáo sư Mauro Magatti sinh năm 1960 đậu tiến sĩ kinh tế tại đại học Bocconi, và hiện nay đang dậy môn phân tích các cơ cấu chủ thuyết tư bản hiện đại tại Đại học công giáo Thánh Tâm Milano. Từ nhiều năm qua giáo sư nghiên cứu hiện tượng toàn cầu hóa và các hậu quả của nó.
Hỏi: Thưa giáo sư, sau thời gian rối loạn cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới xem ra bắt đầu dịu lại, có đúng vậy không?
Đáp: Vâng, nền kinh tế thế giới đã bị đứng tim, nhưng được cấp cứu nhờ các can thiệp may mắn tức thì và nhanh chóng. Nhưng giờ đây chúng ta đang đứng trước hai ngã đường: trở lại kiểu sống như trước đây, giả đò là đã hoàn toàn khỏi bệnh, hay thay đổi lối sống. Nếu không thay đổi lối sống, thì tình trạng bất ổn hiện nay sẽ kéo dài và chúng ta sẽ phải chứng kiến các cuộc khủng hoảng tệ hại hơn nữa trong tương lai.
Hỏi: Như là nhà xã hội học, giáo sư đọc hiểu cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay trên thế giới như thế nào?
Đáp: Tôi so sánh cuộc khủng hoảng hiện nay với những gì đã xảy ra hồi thập niên 1970. Hồi đó chúng ta đã có 10 năm xung khắc xã hội nảy sinh từ cuộc khủng hoảng Nhà Nước quốc gia. Đây là một mô thức đã làm phát sinh ra nhiều khía cạnh tích cực, nhưng với thời gian nó đã đổ đốn và biến thành chủ nghĩa nhà nước. Cũng thế, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay là dấu hiệu mạnh mẽ của một cuộc khủng hoảng khác: đó là cuộc khủng hoảng mô thức kinh tế trong 30 năm qua, là mô thức đã có công cải tiến các mẫu mực kinh tế và các điều kiện sống của hàng triệu người. Nhưng như trước đây chúng ta đã thấy các hạn hẹp của chủ nghĩa nhà nước, thì ngày nay chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa thị trường và các mâu thuẫn của nó. Tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và bản chất của nó có thể là dịp giúp chúng ta bắt đầu một cuộc duyệt xét sâu rộng liên quan tới vài lệch lạc đã từ từ xảy ra trong mô thức đó.
Hỏi: Trong một cuốn sách sẽ được nhà xuất bản Feltrinelli ấn hành, giáo sư cho rằng mô thức tư bản kỹ thuật duy hư vô đã bước vào cuộc khủng hoảng. Nó có nghĩa là gì vậy?
Đáp: Cái mâu thuẫn nền tảng của mô thức đó được tóm gọn trong kiểu nói ”tư bản duy hư vô” và trong các ảo tưởng nảy sinh từ đấy. Loại tư bản này đã mù quáng tin vào sức mạnh của kỹ thuật, và làm suy yếu khả năng của các chủ thể chia sẻ các giá trị hay các sự vật có giá trị vượt xa hơn lợi xuất kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chánh biểu tượng cho sự mâu thuẫn này: các giá trị tài chánh tất cả đều là giả tạo, trong nghĩa chúng không dính líu tới thực tại. Nó giống như một cái trứng được đánh lên, và dung lượng gia tăng một cách giả tạo, rồi lại xẹp ngay sau đó. Ngày nay chúng ta trông thấy tất cả các thứ đó ngay dưới mắt mình, vì thế cần phải biết học bài học của nó. Nói cách khác: sự tăng trưởng kinh tế là một thiện ích, nhưng nó không thể là mục đích. Lợi xuất và những gì kiếm được phải kết hiệp với một sự phát triển xã hội, nếu không chúng sẽ làm nảy sinh ra các cơ cấu tài chánh vén mở cho thấy chúng chỉ là các lâu đài bằng giấy, sẽ bị sụp đổ như chúng ta đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Sự phát triển kinh tế duy nhất là sự phát triển chấp nhận đi chậm hơn một chút, nhưng khiến cho xã hội lớn lên.
Hỏi: Một sự phát triển có chừng mực, được các luật lệ chung kiểm soát, có đúng thế không thưa giáo sư?
Đáp: Vâng. Trong các thập niên qua chúng ta đã xây dựng một mối dây nối kết chặt chẽ giữa sự phát triển kinh tế và xã hội trên bình điện Nhà Nước quốc gia. Giờ đây phải trải dài tất cả trên một mức rộng rãi hơn nữa. Từ đó mới có vấn đề luật lệ, mà người ta nói đến nhiều. Nhưng mà vấn đề là chúng ta có sẵn sàng chấp nhận chạy chậm hơn một chút, và lớn lên hơn như là cộng đoàn hay không. Vì thế nên không thể không tưởng tượng ra một quyền bính có khả năng quyết định các ranh giới cho sự phát triển. Để có thể ra khỏi chủ thuyết tư bản cũ, cần tìm ra những thế quân bình mới, và những khía cạnh hiến pháp mới thích hợp cho mục đích này.
Hỏi: Giáo sư đang tưởng tượng ra loại quyền bính nào vậy? Nó có bản chất kinh tế hay chính trị?
Đáp: Cái khó khăn chính là ở đó. Dĩ nhiên là tôi không nghĩ tới một siêu Nhà Nước. Nhưng tôi nói rằng các thỏa hiệp Bretton Woods là sản phẩm của thế chiến thứ II. Tưởng tượng ra một kiến trúc kinh tế mới, mà không phải là con đẻ của chiến tranh, là điều rất khó. Cần phải có trí thông minh chính trị rất lớn và một cái nhìn xa rộng.
Hỏi: Theo các dấu chỉ mà giáo sư quan sát, chúng ta có đang đi trong hướng đó hay không, hay người ta lại không nhận ra trong các lập trường khác nhau ý muốn khóa sổ vần đề và trở về với tình trạng trước kia?
Đáp: Nền kinh tế đã bị đứng tim, như chúng ta đã nói. Trở về với kiểu sống trước kia xem ra không phải là điều thận trọng. Vì thế vội vã qủa quyết rằng cuộc khủng hoảng đã qua là một dấu hiệu xấu. Thật vậy suy tư trở lại định hướng kinh tế toàn diện là một việc đòi hỏi nhiều năm chứ không phải vài tháng. Một cuộc khủng hoảng tài chánh như cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được giải quyết trong vòng một năm, nhưng các hậu qủa xã hội của nó có thể kéo dài rất lâu. Và sai lầm nghiêm trọng nhất là giả vờ cho rằng không có các hậu qủa này. Tôi thấy nguy cơ cụ thể đó là xảy ra một tiến trình bất ổn lâu dài.
Hỏi: Mới đây giáo sư tuyên bố rằng: ”Sau các năm dài của cá nhân chủ nghĩa, có lẽ đã đến lúc hiểu rằng có một sợi dây nối liền chúng ta với nhau. Như là leo núi vậy: sợi dây nối liền các thành phần với nhau là một trợ giúp và bảo đảm, chứ không phải là hạn chế sự tự do của từng người”. Từ quan niệm này thì giáo sư lạc quan hay bi quan dối với tương lai?
Đáp: Đây không phải là chuyện của các thái độ... Tôi chỉ hạn hẹp vào việc nhận xét rằng cuộc khủng hoảng cho thấy trong xã hội của chúng ta vẫn còn có các nguồn lực luân lý, tại Mỹ cũng như tại Âu châu. Dĩ nhiên các tài nguyên đó cần được khởi động và hướng dẫn. Cần có các quan niệm văn hóa và chính trị yểm trợ các tài nguyên này. Chắc chắn là trong lúc suy sụp luân lý chúng ta học được các bài học qua các khổ đau: lịch sử nói cho chúng ta biết điều này. Nhưng chúng ta hy vọng sự khôn ngoan thắng thế để giúp tránh các tổn thất xã hội cao.
Hỏi: Trong một bài diễn thuyết cách đây mấy tuần, giáo sư đã nêu bật việc khẩn thiết phối hợp sự tự do với tinh thần trách nhiệm một cách mới mẻ, như là con đường giúp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện nay. Tại sao vậy?
Đáp: Trong sâu thẳm của tất cả mọi sự, tôi tin một cách chính xác là có tương quan giữa sự tự do và tinh thần trách nhiệm. Từ đó nảy sinh ra đề tựa cuốn sách sắp tới của tôi ”Tự do tưởng tượng”. Trong tương lai trận đấu thực sự phải chơi là kiểu chúng ta suy tư về sự tự do, trong một thế giới đã sản xuất ra sự phát triển kinh tế xã hội, mà chúng ta đã biết, nhưng giờ đây lại đòi hỏi một phụ trội về tình liên đới.
Ngày nay chúng ta đang sống trong tuổi thanh niên, nhìn từ quan điểm của sự tự do. Sau khi nghĩ rằng tự do là muốn làm gì thì làm, cởi bỏ hết mọi ràng buộc, giờ đây là lúc phải làm cho nó trưởng thành, chín mùi trong chiều hướng của tinh thần trách nhiệm, vì nếu không có tinh thần trách nhiệm, thì cũng sẽ không có tự do. Tôi tin rằng ở đây mở ra một không gian lớn cho một ”tân cá nhân chủ nghĩa”, vượt qúa các trôi giạt ”kỹ thuật duy hư vô”.
(Avvenire 28-5-2009)
Thực dân kinh tế và thực phẩm
Linh Tiến Khải
20:13 16/06/2009
Phỏng vấn ông George Monbiot về ”chế độ thực dân kinh tế” của một số nước đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc
Trong 2 năm qua cuộc ”chạy đua sang Phi châu” nhằm sản xuất thực phẩm để xuất cảng ra ngoài Phi châu đã dồn dập gia tăng vận tốc. Giới quan sát viên quốc tế ghi nhận nó cống hiến cho các dân tộc phi châu nhiều khả thể, nhưng cũng khiến cho họ phải chịu nhiều lệ thuộc các quốc gia đầu tư, và phải đương đầu với nhiều hậu qủa tiêu cực khác, trong đó có nạn ô nhiễm môi sinh và tật bệnh.
Mới đây Học viện quốc tế môi sinh và phát triển, Ngân qũy quốc tế phát triển nông nghiệp và tổ chức Lương Nông Quốc Tế đã công bố một bản nghiên cứu thực hiện tại các nước Etiopia, Ghana, Mali, Kenya, Madagascar, Mozambic, Sudan và Zambia. Theo đó phong trào mua đất canh tác bên Phi châu ngày càng lớn mạnh. Sự kiện các nhà doanh thương ngoại quốc sang mua đất bên Phi châu để canh tác và xuất cảng các loại ngũ cốc và sản phẩm lương thực có thể tạo cơ may cho các dân tộc bản địa phi châu có công ăn việc làm và có các cơ cấu hạ tầng, gia tăng khả năng sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng có thể gây ra các thiệt hại rất to lớn, nếu các dân tộc địa phương bị loại trừ khỏi các quyết định phân chia đất đai, và quyền sở hữu của họ không được bảo vệ thích đáng. Thật vậy, vì bản tường trình cho biết có nhiều quốc gia phi châu không có đủ các cơ cấu, kể cả luật lệ để bảo vệ quyền lợi của các nông dân bản xứ và không chú ý tới các lợi lộc và các phương tiện sống còn của người dân, đến độ người ta đã phải nói đến ”chế độ tân thực dân thực phẩm”.
Điển hình như tại Sudan người Nam Hàn hiện kiểm soát tới 1,7 triệu mẫu đất trồng lúa mì. Cũng tại Sudan các Vương quốc Arập Thống Nhất đang đầu tư trồng 959.000 mẫu tây lúa mì, khoai tây và đậu. Trong khi đó A rập Sauđi đang trải dài sự kiểm soát của mình trên 1,2 triệu mẫu đất tại Tanzania.
Các đầu tư vào lãnh vực trồng ngũ cốc để chế tạo xăng sinh học lại còn có số vốn lớn hơn nữa. Trung Quốc hiện kiểm soát 6,9 triệu mẫu đất của Cộng Hòa dân chủ Congo, và đây là đồn điền trồng dừa nước để ép dầu lớn nhất thế giới. Hiện nay Trung Quốc cũng đang thương lượng để thuê hay mua 2 triệu mẫu đất tại Zambia để trồng cây jatropa, là một trong các loại cây tốt nhất cho việc chế xăng sinh học. Bên cạnh đó các hãng xưởng Anh quốc kiểm soát các vùng đất rộng lớn tại Angola, Mozambic, Nigeria và Tanzania.
Tình trạng ”tân thực dân kinh tế và thực phẩm” này khiến cho Trung Quốc bỏ ra 5 tỷ mỹ kim cho các chương trình đầu tư bên Phi châu, trong đó có 30 triệu dành cho việc sản xuất thực phẩm. Ấn Độ cũng đã đầu tư 2 tỷ mỹ kim cho các sản phẩm nông nghiệp tại Etiopia. Trong năm nay người ta dự trù số vốn đầu tư sẽ gia tăng gấp đôi. Trong ba năm qua, các nước Phi châu đã bán đi diện tích đất đai trồng trọt rộng bằng diện tích nước Đức, tức là khoảng từ 15 đến 20 triệu mẫu tây đất, với giá 20-30 triệu mỹ kim.
Hằng năm Phi châu xuất cảng 27% các sản phẩm của mình sang Á châu, chủ yếu là Trung Quốc. Trong 5 năm qua việc xuất cảng này đã gia tăng gấp ba, trong khi 1,6 % là số sản phẩm Phi châu nhập cảng từ Á châu.
Ấn Độ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Phi châu. Trước đó thì Trung Quốc và Ấn Độ đã thi nhau sang Phi châu mua dầu lửa và các thứ quặng mỏ khác, cần thiết cho sự phát triển kinh tế của họ. Thật thế, từ nhiều thập niên qua Trung Quốc đã kiểm soát một phần quan trọng trong việc sản xuất năng lượng địa phương: chẳng hạn hai nước Sudam và Zimbabwe cung cấp cho Trung Quốc 15% tổng số lượng dầu hỏa cần thiết cho các nhu cầu gia tăng của Trung Quốc trong việc sản xuất lương thực và hàng hóa. Việc đầu tư sản xuất lương thực tại Phi châu hiện nay chỉ là một bước tiến khác nữa theo sau nỗ lực kiếm tìm các tài nguyên thiên nhiên và các lợi lộc tham lam vô độ của Trung Quốc.
Giờ đây hai cường quốc kinh tế Á châu này lại thi đua khai thác đất đai và nhân công rẻ mạt của Phi châu để cung cấp thực phẩm cho gần 2,5 tỷ dân của mình, đồng thời cũng là để tìm thị trường tiêu thụ đủ mọi thứ sản phẩm do hai nước chế tạo. Theo nhiều chuyên viên kinh tế, khác với Trung Quốc đang phải tính sổ với cảnh thiếu nguồn nước để tưới đồng ruộng ngày càng gia tăng, Ấn Độ không có nhu cầu cấp thiết tìm đất đai canh tác nơi khác. Tuy nhiên chính quyền Ấn và các hãng xưởng đã tăng cường việc xâm lăng đất đai nước ngoài, với mục đích dành đất đai trong nước cho các công tác sản xuất khác. Vì thế năm ngoái hàng chục hãng xưởng được chính quyền tài trợ đã đầu tư 2 tỷ mỹ kim cho việc thuê đất bên Etiopia và xây cất các hệ thống sản xuất trà, đường và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Tuy nhiên hai cường quốc kinh tế đang lên này còn nhắm nhiều thị trường tiêu thụ khác nữa, trong đó có các quốc gia Á châu, kể cả Việt Nam. Tuy không ai nói ra nhưng hiện nay Việt Nam bị nhà nước cộng sản Bắc Kinh coi như là một tỉnh xa của mình. Ảnh hưởng của Trung Quốc lộ hiện ngay trên việc dùng từ vựng thường ngày, trong cuộc sống kinh tế thương mại và nhất là chính trị nữa. Không phải tự dưng mà Trung Quốc lấn thêm được đất, chiếm thêm được biển và xâm lăng hai đảo Hoàng Đa và Trường Sa của Việt Nam. Cũng không phải tình cờ mà Trung Quốc lại đựơc tự do khai thác bauxít trên vùng Tây Nguyên mà không phải đấu thầu, và tự do đem hàng chục ngàn nhân viên vào Việt Nam mà không gặp khó khăn.
Theo cái nhìn của giới quan sát viên ngoại quốc nguy cơ ô nhiễm môi sinh và tất cả các hệ lụy vô cùng tai hại của nó trên đất đai, nguồn nước và con người sẽ rất to lớn. Các chất độc sẽ làm chết hết cá sông ngòi và gây ra hàng trăm thứ tật bệnh cho súc vật và con người. Nhất là với đường lối thực dân của Trung Quốc, vụ khai thác báu xít này sẽ là một đe dọa trực tiếp và nặng nề đối với nền độc lập và quyền tự quyết của Việt Nam. Còn hơn thế nữa từ Tây Nguyên là xương sống của Việt Nam Trung Quốc nhìn xuống đồng bằng và muốn chiếm hữu và khai thác mỏ dầu hỏa khổng lồ ở thềm lục địa Việt Nam. Đây là lý do chính khiến cho Trung Quốc đã vẽ ”bản đồ cướp biển” và phổ biến khắp nơi trên thế giới từ nhiều thập niên qua, mà vẫn không bị Việt Nam hay quốc tế lên tiếng phản kháng. Các vụ đàn áp giáo dân Hà nội trong hai vụ đất Tòa Khâm Sứ và đất Thái Hà chỉ là chính trị ”đà điểu dấu đầu dưới cát” để khỏi thấy hiểm nguy, và đánh lạc hướng dư luận trước nạn mất nước gần kề.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông George Monbiot, người Anh, nhà báo và là nhà hoạt động chính trị, chuyên viên nghiên cứu các đề tài môi sinh, về chủ nghĩa thuộc địa thực phẩm nói trên.
Hỏi: Thưa ông Monbiot, ông định nghĩa việc các quốc gia khác sử dụng đất đai của các nước Phi châu là ”chủ nghĩa thuộc địa thực phẩm”. Thế ông dựa trên các giả thiết nào để đưa ra định nghĩa như vậy?
Đáp: Chúng ta hãy lấy thí dụ từ vài nước Trung Đông đã ký các thỏa hiệp ngầm với các nước Phi châu trong đó có Sudan và Etiopia làm bằng chứng. Bên Phi châu người ta đã cho thuê các vùng đất rộng mênh mông để xây dựng các nông trại có khi rộng tới 100.000 mẫu tây, mà người thuê có toàn quyền kiểm soát. Và khi làm như thế, ngay cả khi quốc gia chủ có gặp đói kém đi nữa, thì giới chủ khai thác vẫn có thể xuất cảng thực phẩm về quốc gia gốc của họ, mà không có trách nhiệm nào đối với các dân tộc địa phương.
Hỏi: Ông không cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc có đông dân nhất thế giới đang cần tìm đất đai để canh tác hay sao?
Đáp: Trên thế giới cũng có số người đông gần như thế, đang phải đau khổ vì thiếu dinh dưỡng và vì bệnh mập phì. Ngày nay chúng ta sản xuất nhiều lương thực hơn, nhưng đồng thời cũng nhận thấy nạn thiếu thực phẩm chưa từng có từ 25 năm qua. Và nạn thiếu thực phẩm hiện xảy ra hầu như khắp nơi. Không thể tin được sự kiện thiếu lương thực, vì thực tế là trong các năm qua việc sản xuất lương thực được giữ ở mức cao hơn mức phát triển dân số.
Cuộc khủng hoảng này không dính dáng gì tới các khả năng của Trái Đất có thể cung cấp dư thừa lương thực cho chúng ta, nhưng trái lại nó là kết qủa của một quan niệm lệch lạc về thị trường, và việc không có khả năng cụ thể hóa các lựa chọn kinh tế và cũng là các lựa chọn dân số nữa.
Hỏi: Như thế ông giải thích nạn thiếu thực phẩm trên thị trường và che dấu giá cả như thế nào?
Đáp: Với việc đầu cơ tích trữ. Thu hoạch năm 2007 đã đạt mức kỷ lục với 2,1 tỷ tấn ngũ cốc, nhưng chỉ có 1 tỷ tấn được dành cho các nhu cầu thực phẩm, trong khi số còn lại được dùng để sản xuất xăng sinh học. Trong khi có hàng trăm triệu người chết đói mà lại dùng ngũ cốc để chế xăng sinh học, để cho hoạt động của các nhà máy: đó là một tội phạm chống lại nhân loại. Và tội phạm này vẫn tiếp tục.
Hỏi: Như thế có nghĩa là chính các sản xuất kỹ nghệ lại gián tiếp làm nảy sinh ra một hình thức thực dân mới và tàn bạo trên thế giới ngày nay, có đúng thế không thưa ông?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Và không chỉ có thế. Sự thực là các thói quen của người dân trong các nước giầu liên quan tới thực phẩm còn có một vai trò nghiêm trọng hơn nữa đối với các sản phẩm lương thực. Chẳng hạn việc gia tăng các sinh hoạt chăn nuôi vượt qúa sức gia tăng của dân số thế giới. Trong 30 năm nữa số lượng thực phẩm dùng để nuôi súc vật sẽ vượt qúa số lượng thực phẩm dành để nuôi sống con người. Trong một nghĩa nào đó người dân các nước giầu được nuôi dưỡng qúa đầy đủ với lương thực bắt nguồn từ thịt súc vật, lại là nguyên do gây ra nạn đói trên thế giới, cũng như các bệnh tật và các hậu qủa nguy hiểm của nó đối với phần còn lại của nhân loại.
(Avvenire 29-5-2009)
Trong 2 năm qua cuộc ”chạy đua sang Phi châu” nhằm sản xuất thực phẩm để xuất cảng ra ngoài Phi châu đã dồn dập gia tăng vận tốc. Giới quan sát viên quốc tế ghi nhận nó cống hiến cho các dân tộc phi châu nhiều khả thể, nhưng cũng khiến cho họ phải chịu nhiều lệ thuộc các quốc gia đầu tư, và phải đương đầu với nhiều hậu qủa tiêu cực khác, trong đó có nạn ô nhiễm môi sinh và tật bệnh.
Mới đây Học viện quốc tế môi sinh và phát triển, Ngân qũy quốc tế phát triển nông nghiệp và tổ chức Lương Nông Quốc Tế đã công bố một bản nghiên cứu thực hiện tại các nước Etiopia, Ghana, Mali, Kenya, Madagascar, Mozambic, Sudan và Zambia. Theo đó phong trào mua đất canh tác bên Phi châu ngày càng lớn mạnh. Sự kiện các nhà doanh thương ngoại quốc sang mua đất bên Phi châu để canh tác và xuất cảng các loại ngũ cốc và sản phẩm lương thực có thể tạo cơ may cho các dân tộc bản địa phi châu có công ăn việc làm và có các cơ cấu hạ tầng, gia tăng khả năng sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng có thể gây ra các thiệt hại rất to lớn, nếu các dân tộc địa phương bị loại trừ khỏi các quyết định phân chia đất đai, và quyền sở hữu của họ không được bảo vệ thích đáng. Thật vậy, vì bản tường trình cho biết có nhiều quốc gia phi châu không có đủ các cơ cấu, kể cả luật lệ để bảo vệ quyền lợi của các nông dân bản xứ và không chú ý tới các lợi lộc và các phương tiện sống còn của người dân, đến độ người ta đã phải nói đến ”chế độ tân thực dân thực phẩm”.
Điển hình như tại Sudan người Nam Hàn hiện kiểm soát tới 1,7 triệu mẫu đất trồng lúa mì. Cũng tại Sudan các Vương quốc Arập Thống Nhất đang đầu tư trồng 959.000 mẫu tây lúa mì, khoai tây và đậu. Trong khi đó A rập Sauđi đang trải dài sự kiểm soát của mình trên 1,2 triệu mẫu đất tại Tanzania.
Các đầu tư vào lãnh vực trồng ngũ cốc để chế tạo xăng sinh học lại còn có số vốn lớn hơn nữa. Trung Quốc hiện kiểm soát 6,9 triệu mẫu đất của Cộng Hòa dân chủ Congo, và đây là đồn điền trồng dừa nước để ép dầu lớn nhất thế giới. Hiện nay Trung Quốc cũng đang thương lượng để thuê hay mua 2 triệu mẫu đất tại Zambia để trồng cây jatropa, là một trong các loại cây tốt nhất cho việc chế xăng sinh học. Bên cạnh đó các hãng xưởng Anh quốc kiểm soát các vùng đất rộng lớn tại Angola, Mozambic, Nigeria và Tanzania.
Tình trạng ”tân thực dân kinh tế và thực phẩm” này khiến cho Trung Quốc bỏ ra 5 tỷ mỹ kim cho các chương trình đầu tư bên Phi châu, trong đó có 30 triệu dành cho việc sản xuất thực phẩm. Ấn Độ cũng đã đầu tư 2 tỷ mỹ kim cho các sản phẩm nông nghiệp tại Etiopia. Trong năm nay người ta dự trù số vốn đầu tư sẽ gia tăng gấp đôi. Trong ba năm qua, các nước Phi châu đã bán đi diện tích đất đai trồng trọt rộng bằng diện tích nước Đức, tức là khoảng từ 15 đến 20 triệu mẫu tây đất, với giá 20-30 triệu mỹ kim.
Hằng năm Phi châu xuất cảng 27% các sản phẩm của mình sang Á châu, chủ yếu là Trung Quốc. Trong 5 năm qua việc xuất cảng này đã gia tăng gấp ba, trong khi 1,6 % là số sản phẩm Phi châu nhập cảng từ Á châu.
Ấn Độ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Phi châu. Trước đó thì Trung Quốc và Ấn Độ đã thi nhau sang Phi châu mua dầu lửa và các thứ quặng mỏ khác, cần thiết cho sự phát triển kinh tế của họ. Thật thế, từ nhiều thập niên qua Trung Quốc đã kiểm soát một phần quan trọng trong việc sản xuất năng lượng địa phương: chẳng hạn hai nước Sudam và Zimbabwe cung cấp cho Trung Quốc 15% tổng số lượng dầu hỏa cần thiết cho các nhu cầu gia tăng của Trung Quốc trong việc sản xuất lương thực và hàng hóa. Việc đầu tư sản xuất lương thực tại Phi châu hiện nay chỉ là một bước tiến khác nữa theo sau nỗ lực kiếm tìm các tài nguyên thiên nhiên và các lợi lộc tham lam vô độ của Trung Quốc.
Giờ đây hai cường quốc kinh tế Á châu này lại thi đua khai thác đất đai và nhân công rẻ mạt của Phi châu để cung cấp thực phẩm cho gần 2,5 tỷ dân của mình, đồng thời cũng là để tìm thị trường tiêu thụ đủ mọi thứ sản phẩm do hai nước chế tạo. Theo nhiều chuyên viên kinh tế, khác với Trung Quốc đang phải tính sổ với cảnh thiếu nguồn nước để tưới đồng ruộng ngày càng gia tăng, Ấn Độ không có nhu cầu cấp thiết tìm đất đai canh tác nơi khác. Tuy nhiên chính quyền Ấn và các hãng xưởng đã tăng cường việc xâm lăng đất đai nước ngoài, với mục đích dành đất đai trong nước cho các công tác sản xuất khác. Vì thế năm ngoái hàng chục hãng xưởng được chính quyền tài trợ đã đầu tư 2 tỷ mỹ kim cho việc thuê đất bên Etiopia và xây cất các hệ thống sản xuất trà, đường và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Tuy nhiên hai cường quốc kinh tế đang lên này còn nhắm nhiều thị trường tiêu thụ khác nữa, trong đó có các quốc gia Á châu, kể cả Việt Nam. Tuy không ai nói ra nhưng hiện nay Việt Nam bị nhà nước cộng sản Bắc Kinh coi như là một tỉnh xa của mình. Ảnh hưởng của Trung Quốc lộ hiện ngay trên việc dùng từ vựng thường ngày, trong cuộc sống kinh tế thương mại và nhất là chính trị nữa. Không phải tự dưng mà Trung Quốc lấn thêm được đất, chiếm thêm được biển và xâm lăng hai đảo Hoàng Đa và Trường Sa của Việt Nam. Cũng không phải tình cờ mà Trung Quốc lại đựơc tự do khai thác bauxít trên vùng Tây Nguyên mà không phải đấu thầu, và tự do đem hàng chục ngàn nhân viên vào Việt Nam mà không gặp khó khăn.
Theo cái nhìn của giới quan sát viên ngoại quốc nguy cơ ô nhiễm môi sinh và tất cả các hệ lụy vô cùng tai hại của nó trên đất đai, nguồn nước và con người sẽ rất to lớn. Các chất độc sẽ làm chết hết cá sông ngòi và gây ra hàng trăm thứ tật bệnh cho súc vật và con người. Nhất là với đường lối thực dân của Trung Quốc, vụ khai thác báu xít này sẽ là một đe dọa trực tiếp và nặng nề đối với nền độc lập và quyền tự quyết của Việt Nam. Còn hơn thế nữa từ Tây Nguyên là xương sống của Việt Nam Trung Quốc nhìn xuống đồng bằng và muốn chiếm hữu và khai thác mỏ dầu hỏa khổng lồ ở thềm lục địa Việt Nam. Đây là lý do chính khiến cho Trung Quốc đã vẽ ”bản đồ cướp biển” và phổ biến khắp nơi trên thế giới từ nhiều thập niên qua, mà vẫn không bị Việt Nam hay quốc tế lên tiếng phản kháng. Các vụ đàn áp giáo dân Hà nội trong hai vụ đất Tòa Khâm Sứ và đất Thái Hà chỉ là chính trị ”đà điểu dấu đầu dưới cát” để khỏi thấy hiểm nguy, và đánh lạc hướng dư luận trước nạn mất nước gần kề.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông George Monbiot, người Anh, nhà báo và là nhà hoạt động chính trị, chuyên viên nghiên cứu các đề tài môi sinh, về chủ nghĩa thuộc địa thực phẩm nói trên.
Hỏi: Thưa ông Monbiot, ông định nghĩa việc các quốc gia khác sử dụng đất đai của các nước Phi châu là ”chủ nghĩa thuộc địa thực phẩm”. Thế ông dựa trên các giả thiết nào để đưa ra định nghĩa như vậy?
Đáp: Chúng ta hãy lấy thí dụ từ vài nước Trung Đông đã ký các thỏa hiệp ngầm với các nước Phi châu trong đó có Sudan và Etiopia làm bằng chứng. Bên Phi châu người ta đã cho thuê các vùng đất rộng mênh mông để xây dựng các nông trại có khi rộng tới 100.000 mẫu tây, mà người thuê có toàn quyền kiểm soát. Và khi làm như thế, ngay cả khi quốc gia chủ có gặp đói kém đi nữa, thì giới chủ khai thác vẫn có thể xuất cảng thực phẩm về quốc gia gốc của họ, mà không có trách nhiệm nào đối với các dân tộc địa phương.
Hỏi: Ông không cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc có đông dân nhất thế giới đang cần tìm đất đai để canh tác hay sao?
Đáp: Trên thế giới cũng có số người đông gần như thế, đang phải đau khổ vì thiếu dinh dưỡng và vì bệnh mập phì. Ngày nay chúng ta sản xuất nhiều lương thực hơn, nhưng đồng thời cũng nhận thấy nạn thiếu thực phẩm chưa từng có từ 25 năm qua. Và nạn thiếu thực phẩm hiện xảy ra hầu như khắp nơi. Không thể tin được sự kiện thiếu lương thực, vì thực tế là trong các năm qua việc sản xuất lương thực được giữ ở mức cao hơn mức phát triển dân số.
Cuộc khủng hoảng này không dính dáng gì tới các khả năng của Trái Đất có thể cung cấp dư thừa lương thực cho chúng ta, nhưng trái lại nó là kết qủa của một quan niệm lệch lạc về thị trường, và việc không có khả năng cụ thể hóa các lựa chọn kinh tế và cũng là các lựa chọn dân số nữa.
Hỏi: Như thế ông giải thích nạn thiếu thực phẩm trên thị trường và che dấu giá cả như thế nào?
Đáp: Với việc đầu cơ tích trữ. Thu hoạch năm 2007 đã đạt mức kỷ lục với 2,1 tỷ tấn ngũ cốc, nhưng chỉ có 1 tỷ tấn được dành cho các nhu cầu thực phẩm, trong khi số còn lại được dùng để sản xuất xăng sinh học. Trong khi có hàng trăm triệu người chết đói mà lại dùng ngũ cốc để chế xăng sinh học, để cho hoạt động của các nhà máy: đó là một tội phạm chống lại nhân loại. Và tội phạm này vẫn tiếp tục.
Hỏi: Như thế có nghĩa là chính các sản xuất kỹ nghệ lại gián tiếp làm nảy sinh ra một hình thức thực dân mới và tàn bạo trên thế giới ngày nay, có đúng thế không thưa ông?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Và không chỉ có thế. Sự thực là các thói quen của người dân trong các nước giầu liên quan tới thực phẩm còn có một vai trò nghiêm trọng hơn nữa đối với các sản phẩm lương thực. Chẳng hạn việc gia tăng các sinh hoạt chăn nuôi vượt qúa sức gia tăng của dân số thế giới. Trong 30 năm nữa số lượng thực phẩm dùng để nuôi súc vật sẽ vượt qúa số lượng thực phẩm dành để nuôi sống con người. Trong một nghĩa nào đó người dân các nước giầu được nuôi dưỡng qúa đầy đủ với lương thực bắt nguồn từ thịt súc vật, lại là nguyên do gây ra nạn đói trên thế giới, cũng như các bệnh tật và các hậu qủa nguy hiểm của nó đối với phần còn lại của nhân loại.
(Avvenire 29-5-2009)
Cuộc vân động cho Ngày Thế Giới về Thánh Hóa Linh Mục
Pt Huỳnh Mai Trác
23:14 16/06/2009
ROMA (Fides) –Ngày 16 tháng 5 năm 2009 - Ngày Thế Giới về Thánh Hóa Linh Mục sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 6, ngày lễ trọng, kính Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Ngày mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khai mạc Năm của Linh Mục đúng vào dịp lễ kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của Thánh Gioan Vianney, Cha sở xứ Ars.
Phong trào của Hội Truyền giáo ở Ý (Pontifial Mission Societies) tổ chức phong trào vận động cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục trên toàn thế giới và tỏ lòng hiệp thông với các chủng sinh của những Giáo Hội còn non trẻ.”
Tiếp theo là cuộc trình diện Phong trào cầu nguyện cho linh mục do Đức Giám Mục Tonino Bello đưa ra, gồm có việc khởi đầu là lời cầu nguyện của cá nhân hay lời cầu nguyện chung của cộng đoàn trước Mình Thánh Chúa.
Có 5 mẫu Suy Niệm cho các nhóm về Thư Thứ Nhất của thánh Phao lồ Tông đồ gởi đến các tín hữu Côrintô với chủ đề:
-Cộng đoàn Côrintô, hãy xem xét lại chính mình;
-Một cộng đoàn được soi sang bởi một Ánh sáng huy hoàng;
-Một cộng đoàn có vấn đề và nhiều tranh chấp;
-Vượt lên trên sự tối tăm với ánh sáng của Chúa Kitô;
-Một cộng đoàn được sáng lên trong niềm hiệp thông.
Cuối cùng, họ nhắc lại những mỤc tiêu về công việc Giáo Hoàng của thánh Phêrô: là xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu bằng cách đào tạo các linh mục địa phương trong Giáo Hội truyền giáo, góp phần vào việc xây dựng và phát triễn các chủng viện trong việc truyền giáo, với sự hợp tác và hổ trợ các tập sinh nam và nữ trong các nhà tập địa phương. Đóng góp vào việc đào tạo của các linh mục và tu sĩ ngoại quốc, tìm nơi ăn chốn ở cho các linh mục và tu sĩ đi truyền giáo khi đến du học tại các Đai Học ở Roma cho đến khi họ tốt nghiệp.
Phong trào của Hội Truyền giáo ở Ý (Pontifial Mission Societies) tổ chức phong trào vận động cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục trên toàn thế giới và tỏ lòng hiệp thông với các chủng sinh của những Giáo Hội còn non trẻ.”
Tiếp theo là cuộc trình diện Phong trào cầu nguyện cho linh mục do Đức Giám Mục Tonino Bello đưa ra, gồm có việc khởi đầu là lời cầu nguyện của cá nhân hay lời cầu nguyện chung của cộng đoàn trước Mình Thánh Chúa.
Có 5 mẫu Suy Niệm cho các nhóm về Thư Thứ Nhất của thánh Phao lồ Tông đồ gởi đến các tín hữu Côrintô với chủ đề:
-Cộng đoàn Côrintô, hãy xem xét lại chính mình;
-Một cộng đoàn được soi sang bởi một Ánh sáng huy hoàng;
-Một cộng đoàn có vấn đề và nhiều tranh chấp;
-Vượt lên trên sự tối tăm với ánh sáng của Chúa Kitô;
-Một cộng đoàn được sáng lên trong niềm hiệp thông.
Cuối cùng, họ nhắc lại những mỤc tiêu về công việc Giáo Hoàng của thánh Phêrô: là xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu bằng cách đào tạo các linh mục địa phương trong Giáo Hội truyền giáo, góp phần vào việc xây dựng và phát triễn các chủng viện trong việc truyền giáo, với sự hợp tác và hổ trợ các tập sinh nam và nữ trong các nhà tập địa phương. Đóng góp vào việc đào tạo của các linh mục và tu sĩ ngoại quốc, tìm nơi ăn chốn ở cho các linh mục và tu sĩ đi truyền giáo khi đến du học tại các Đai Học ở Roma cho đến khi họ tốt nghiệp.
Vị y sĩ mới của Đức giáo hoàng giải thích vai trò của các bác sĩ trong tiến trình tuyên thánh
Phụng Nghi
15:58 16/06/2009
VATICAN CITY (CNS) - Con đường đi tới giai đoạn được tuyên thánh phải qua một nhóm các y sĩ, họ khảo sát kỹ lưỡng các văn bản y khoa, biểu đồ bệnh tật của bệnh nhân và kết quả các cuộc thử nghiệm để biết chắc chắn rằng sự lành bệnh là điều không thể giải thích được bằng y học.
Điều đó không có nghĩa là các chuyên viên y khoa là những người tuyên bố công nhận một phép lạ, bởi vì “việc công nhận một phép lạ không phải là một vấn đề của khoa học y tế.” Đó là lời tuyên bố của Bác sĩ Patrizio Polisca, chủ tịch nhóm các y sĩ phục vụ trong cương vị tham vấn cho Thánh bộ Tuyên thánh của Tòa thánh Vatican.
Bài viết của bác sĩ Patrizio Polisca về vai trò của người y sĩ trong tiến trình tuyên thánh được đăng tải trên số ra ngày 13-14 tháng 6 của nhật báo Tòa thánh là tờ L'Osservatore Romano. Vatican loan báo hôm 15 tháng 6 rằng bác sĩ chuyên khoa về tim mạch Patrizio Polisca được bổ nhiệm làm y sĩ riêng của Đức giáo hoàng Benedict XVI.
Viết về tiến trình tuyên thánh, Polisca nói rằng trong khi y khoa và kiến thức y học đã thay đổi rất nhiều trong mấy thập niên qua thì những tiêu chuẩn đối với các vụ chữa lành do phép lạ vẫn còn theo các chuẩn mực đặt ra 275 năm trước do Đức hồng y Prospero Lambertini, sau này lên ngôi giáo hoàng với tên Benedict XIV.
Đức hồng y Prospero Lambertini nhấn mạnh những điều kiện sau đây:
bệnh hoạn hoặc khuyết tật đó phải là trầm trọng, không thể chữa trị hoặc có thể chữa được cũng cực kỳ khó khăn,
sự chữa lành tự phát đó được biết đã không xảy ra trong những căn bệnh tương tự,
không có can thiệp nào của y học dùng trong trường hợp đó có thể giải thích được sự chữa lành,
sự chữa lành phải là điều không ngờ trước được và xảy ra ngay lập tức,
và sự khỏi bệnh phải trọn vẹn và lâu dài.
Polisca nói rằng vai trò của các y sĩ ở đây không phải là tuyên bố một phép lạ, nhưng là xác định xem sự chữa lành liên hệ có thể giải thích theo y học hoặc theo tự nhiên hay không. Nếu đa số tuyệt đối các thành viên trong hội đồng y sĩ bỏ phiếu chấp nhận rằng sự chữa lành không giải thích được theo khoa học hoặc theo tự nhiên, thì trường hợp đó được chuyển qua một hội đồng các nhà thần học để xác định xem sự chữa lành có thể là đáp ứng một lời cầu nguyện xin được sự chuyển cầu của ứng viên trong tiến trình phong thánh hay không.
Trong trường hợp các thánh tử vì đạo Công giáo, chỉ cần một phép lạ cũng đủ để được tuyên thánh. Còn đối những vị dự tuyển khác không bị giết do thù hận đối với đức tin của các vị đó, thì cần một phép lạ trước khi được tuyên phong chân phước, và một phép lạ thứ hai cần có để được tuyên thánh.
Polisca nói thành phần các vị tham vấn y khoa của Tòa thánh Vatican gồm nhiều ngành chuyên môn khác nhau, vì điều cần yếu là họ phải có khả năng thấu hiểu được hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân, các thử nghiệm y học đã thực hiện, sự chẩn bệnh và và tiên lượng bệnh lúc đầu (tức là dự đoán tiến trình của bệnh), quá trình diễn biến thông thướng của bệnh đang cứu xét, và bất cứ những chữa trị nào đã thực hiện.
Sự kiện một người cuối cùng được khoẻ mạnh không bảo đảm rằng sẽ được phán đoán coi như là một phép lạ nếu các vị tham vấn y khoa tin rằng có sự sai lầm trong việc chẩn bệnh hoặc việc chữa lành là kết quả một sự can thiệp của y học.
Thêm vào đó, lời chứng của nhân viên y tế và thân nhân, những người đã giúp đỡ người bệnh trước khi lành mạnh, cũng phải được cứu xét để xác định sự chẩn đoán ban đầu và tính chất không thể giải thích được của việc chữa lành.
“Tất cả những điều đó thực hiện nhằm để xem xét sự tương hợp của việc chữa lành với những điều được biết trong tiến trình tự nhiên của căn bệnh đang khảo sát” hoặc những biện pháp chữa trị đã thực hiện trước khi việc chữa lành được báo cáo.
Bài viết của ông là một phần trong bộ sưu tập các bài đăng trên nhật báo của Tòa thánh đánh dấu năm thứ 40 ngày thiết lập cấu trúc hiện thời của Bộ Tuyên thánh.
Điều đó không có nghĩa là các chuyên viên y khoa là những người tuyên bố công nhận một phép lạ, bởi vì “việc công nhận một phép lạ không phải là một vấn đề của khoa học y tế.” Đó là lời tuyên bố của Bác sĩ Patrizio Polisca, chủ tịch nhóm các y sĩ phục vụ trong cương vị tham vấn cho Thánh bộ Tuyên thánh của Tòa thánh Vatican.
Bài viết của bác sĩ Patrizio Polisca về vai trò của người y sĩ trong tiến trình tuyên thánh được đăng tải trên số ra ngày 13-14 tháng 6 của nhật báo Tòa thánh là tờ L'Osservatore Romano. Vatican loan báo hôm 15 tháng 6 rằng bác sĩ chuyên khoa về tim mạch Patrizio Polisca được bổ nhiệm làm y sĩ riêng của Đức giáo hoàng Benedict XVI.
Viết về tiến trình tuyên thánh, Polisca nói rằng trong khi y khoa và kiến thức y học đã thay đổi rất nhiều trong mấy thập niên qua thì những tiêu chuẩn đối với các vụ chữa lành do phép lạ vẫn còn theo các chuẩn mực đặt ra 275 năm trước do Đức hồng y Prospero Lambertini, sau này lên ngôi giáo hoàng với tên Benedict XIV.
Đức hồng y Prospero Lambertini nhấn mạnh những điều kiện sau đây:
bệnh hoạn hoặc khuyết tật đó phải là trầm trọng, không thể chữa trị hoặc có thể chữa được cũng cực kỳ khó khăn,
sự chữa lành tự phát đó được biết đã không xảy ra trong những căn bệnh tương tự,
không có can thiệp nào của y học dùng trong trường hợp đó có thể giải thích được sự chữa lành,
sự chữa lành phải là điều không ngờ trước được và xảy ra ngay lập tức,
và sự khỏi bệnh phải trọn vẹn và lâu dài.
Polisca nói rằng vai trò của các y sĩ ở đây không phải là tuyên bố một phép lạ, nhưng là xác định xem sự chữa lành liên hệ có thể giải thích theo y học hoặc theo tự nhiên hay không. Nếu đa số tuyệt đối các thành viên trong hội đồng y sĩ bỏ phiếu chấp nhận rằng sự chữa lành không giải thích được theo khoa học hoặc theo tự nhiên, thì trường hợp đó được chuyển qua một hội đồng các nhà thần học để xác định xem sự chữa lành có thể là đáp ứng một lời cầu nguyện xin được sự chuyển cầu của ứng viên trong tiến trình phong thánh hay không.
Trong trường hợp các thánh tử vì đạo Công giáo, chỉ cần một phép lạ cũng đủ để được tuyên thánh. Còn đối những vị dự tuyển khác không bị giết do thù hận đối với đức tin của các vị đó, thì cần một phép lạ trước khi được tuyên phong chân phước, và một phép lạ thứ hai cần có để được tuyên thánh.
Polisca nói thành phần các vị tham vấn y khoa của Tòa thánh Vatican gồm nhiều ngành chuyên môn khác nhau, vì điều cần yếu là họ phải có khả năng thấu hiểu được hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân, các thử nghiệm y học đã thực hiện, sự chẩn bệnh và và tiên lượng bệnh lúc đầu (tức là dự đoán tiến trình của bệnh), quá trình diễn biến thông thướng của bệnh đang cứu xét, và bất cứ những chữa trị nào đã thực hiện.
Sự kiện một người cuối cùng được khoẻ mạnh không bảo đảm rằng sẽ được phán đoán coi như là một phép lạ nếu các vị tham vấn y khoa tin rằng có sự sai lầm trong việc chẩn bệnh hoặc việc chữa lành là kết quả một sự can thiệp của y học.
Thêm vào đó, lời chứng của nhân viên y tế và thân nhân, những người đã giúp đỡ người bệnh trước khi lành mạnh, cũng phải được cứu xét để xác định sự chẩn đoán ban đầu và tính chất không thể giải thích được của việc chữa lành.
“Tất cả những điều đó thực hiện nhằm để xem xét sự tương hợp của việc chữa lành với những điều được biết trong tiến trình tự nhiên của căn bệnh đang khảo sát” hoặc những biện pháp chữa trị đã thực hiện trước khi việc chữa lành được báo cáo.
Bài viết của ông là một phần trong bộ sưu tập các bài đăng trên nhật báo của Tòa thánh đánh dấu năm thứ 40 ngày thiết lập cấu trúc hiện thời của Bộ Tuyên thánh.
Giáo Hội Hàn Quốc chính thức thỉnh nguyện phong chân phước cho 125 vị tử vì đạo.
Nguyễn Hoàng Thương
18:08 16/06/2009
Seoul (AsiaNews) – Thánh Bộ Phong Thánh Tòa Thánh Vatican đã tiếp nhận ân cần thỉnh nguyện phong chân phước của Giáo Hội Hàn Quốc cho 125 vị tử vì đạo trong thời kỳ từ 1791 đến 1884, trong đó chủ yếu là giáo dân. Nhưng trong các vị tử đạo cũng có linh mục là cha Thomas Choe Yang–eop, được xem là “Vị tử vì đạo lao nhọc (Martyr of Sweat)” do ngài đã đi 2.800 cây số để loan báo Tin Mừng.
Phái đoàn đến Tòa Thánh do Đức Cha Peter Kang U-il, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hàn Quốc dẫn đầu với sự tháp tùng của H.E. Francesco Kim Ji-Young, Đại sứ Hàn Quốc cạnh Tòa Thánh Vatican.
Trước khi trình thỉnh nguyện thư, phái đoàn đã hội kiến với Đức Cha Angelo Amato, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh. Ngài giải thích rằng cho đến giờ, các thỉnh nguyện cho việc phong thánh đã được trình lên Thánh Bộ từ khắp thế giới lên con số 2.000, trong số đó “những thỉnh nguyện từ Á Châu và Phi Châu sẽ được ưu tiên”.
Đại sứ Francesco Kim bình luận rằng: “là một giáo dân, tôi cầu cho 124 vị tử vì đạo Hàn Quốc được tôn phong Chân Phước và hiển Thánh càng sớm càng tốt. Tôi đến đây đại hiện cho tất cả giáo dân Hàn Quốc, những người chung niềm hy vọng với tôi”.
Thỉnh nguyện thư được trình cho Đức Cha Giacomo Pappalardo, người phụ trách việc chấp thuận các thỉnh nguyện phong chân phước. Việc điều tra án phong chân phước của 124 vị tử đạo Hàn Quốc và Cha Yang-eop sẽ bắt đầu bằng sự phê chuẩn của Thánh Bộ đối với cáo thỉnh viên là Cha John Kim Jong-su, người được Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc bổ nhiệm.
Hôm 6/5 vừa qua, người Công Giáo Hàn Quốc đã cử hành kỷ niệm 25 năm phong thánh cho 103 vị tử vì đạo Hàn Quốc, bao gồm 92 giáo dân, 3 giám mục và 8 linh mục, trong đó có vị linh mục Hàn Quốc tiên khởi là Cha Andrew Kim Dae-geon, được mệnh danh là “Vị tử đạo đổ máu (Martyr of Blood)”. Họ đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn vinh hiển thánh vào năm 1981 ở Seoul, nhân đánh dấu 200 năm Giáo Hội Hàn Quốc, được khai sinh vào năm 1784, để cảm tạ việc loan báo Tin Mừng của một nhóm giáo dân.
Phái đoàn đến Tòa Thánh do Đức Cha Peter Kang U-il, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hàn Quốc dẫn đầu với sự tháp tùng của H.E. Francesco Kim Ji-Young, Đại sứ Hàn Quốc cạnh Tòa Thánh Vatican.
Trước khi trình thỉnh nguyện thư, phái đoàn đã hội kiến với Đức Cha Angelo Amato, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh. Ngài giải thích rằng cho đến giờ, các thỉnh nguyện cho việc phong thánh đã được trình lên Thánh Bộ từ khắp thế giới lên con số 2.000, trong số đó “những thỉnh nguyện từ Á Châu và Phi Châu sẽ được ưu tiên”.
Đại sứ Francesco Kim bình luận rằng: “là một giáo dân, tôi cầu cho 124 vị tử vì đạo Hàn Quốc được tôn phong Chân Phước và hiển Thánh càng sớm càng tốt. Tôi đến đây đại hiện cho tất cả giáo dân Hàn Quốc, những người chung niềm hy vọng với tôi”.
Thỉnh nguyện thư được trình cho Đức Cha Giacomo Pappalardo, người phụ trách việc chấp thuận các thỉnh nguyện phong chân phước. Việc điều tra án phong chân phước của 124 vị tử đạo Hàn Quốc và Cha Yang-eop sẽ bắt đầu bằng sự phê chuẩn của Thánh Bộ đối với cáo thỉnh viên là Cha John Kim Jong-su, người được Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc bổ nhiệm.
Hôm 6/5 vừa qua, người Công Giáo Hàn Quốc đã cử hành kỷ niệm 25 năm phong thánh cho 103 vị tử vì đạo Hàn Quốc, bao gồm 92 giáo dân, 3 giám mục và 8 linh mục, trong đó có vị linh mục Hàn Quốc tiên khởi là Cha Andrew Kim Dae-geon, được mệnh danh là “Vị tử đạo đổ máu (Martyr of Blood)”. Họ đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn vinh hiển thánh vào năm 1981 ở Seoul, nhân đánh dấu 200 năm Giáo Hội Hàn Quốc, được khai sinh vào năm 1784, để cảm tạ việc loan báo Tin Mừng của một nhóm giáo dân.
Top Stories
SEAPA calls for immediate release of arrested Vietnamese lawyer-writer Le Cong Dinh
Asia-News
22:13 16/06/2009
Urges Vietnam authorities to ensure transparency and fairness in rights advocate’s trial
BANGKOK, 16 June 2009 — The Southeast Asian Press Alliance expresses deep concern over the Vietnamese authorities’ arrest on 13 June 2009 of Le Cong Dinh, an established lawyer, writer, and defender of free expression and human rights.
The charges brought against Mr. Dinh, including allegations that he was distributing “anti-state propaganda” could carry the penalty of life imprisonment. Given his reputation and experience as a defender of other writers and advocates of human rights and democracy in Vietnam, Mr. Dinh’s arrest is a simutaneous attack on two sectors vital to democratic reform in Vietnam or any society. It sends a chilling message not only to other writers and citizens who peacefully advocate for change, but also to those in the legal community who would defend the Vietnamese people’s right to free expression.
SEAPA, representing media and journalist organizations throughout Southeast Asia, thus calls for the immediate and unconditional release of Le Cong Dinh. We urge the Vietnamese government to assure and ensure transparency and fairness in the consideration of the charges brought against Mr. Dinh, by giving him access to his lawyers, and allowing independent media access to any and all future proceedings. We would also ask that the international legal community to which Mr. Dinh belongs, and within which he is a respected and recognized champion of democracy and human rights, be allowed to monitor all proceedings against Mr. Dinh, so as to hopefully attest to the transparency and fairness he and the Vietnamese people deserve.
Roby Alampay
Executive Director
Southeast Asian Press Alliance
Unit 3B, Thakolsuk Place, #115 Tetdumri Road
Dusit, Bangkok 10300 Thailand
Tel. (662)2435579
Fax (662)2448749
Mobile (+6681)5501120
roby@seapa.org
www.seapa.org
______________
ABOUT SEAPA
SEAPA is a coalition of journalist and press freedom advocacy groups from around Southeast Asia. Its founding members are the Alliance of Independent Journalists (Indonesia), the Center for Media Freedom and Responsibility (Philippines), the Institute for Studies on the Free Flow of Information, ISAI (Indonesia), the Philippine Center for Investigative Journalism (PCIJ), and the Thai Journalists Association. SEAPA also has as non-member partners: the Center for Independent Journalism (Malaysia), Mizzima.com (exiled, Burma), the Cambodian Association for the Protection of Journalists, and the Timor Lorosae Journalists Association. SEAPA is the only regional organization with the specific mandate of promoting and protecting press freedom in Southeast Asia.
BANGKOK, 16 June 2009 — The Southeast Asian Press Alliance expresses deep concern over the Vietnamese authorities’ arrest on 13 June 2009 of Le Cong Dinh, an established lawyer, writer, and defender of free expression and human rights.
The charges brought against Mr. Dinh, including allegations that he was distributing “anti-state propaganda” could carry the penalty of life imprisonment. Given his reputation and experience as a defender of other writers and advocates of human rights and democracy in Vietnam, Mr. Dinh’s arrest is a simutaneous attack on two sectors vital to democratic reform in Vietnam or any society. It sends a chilling message not only to other writers and citizens who peacefully advocate for change, but also to those in the legal community who would defend the Vietnamese people’s right to free expression.
SEAPA, representing media and journalist organizations throughout Southeast Asia, thus calls for the immediate and unconditional release of Le Cong Dinh. We urge the Vietnamese government to assure and ensure transparency and fairness in the consideration of the charges brought against Mr. Dinh, by giving him access to his lawyers, and allowing independent media access to any and all future proceedings. We would also ask that the international legal community to which Mr. Dinh belongs, and within which he is a respected and recognized champion of democracy and human rights, be allowed to monitor all proceedings against Mr. Dinh, so as to hopefully attest to the transparency and fairness he and the Vietnamese people deserve.
Roby Alampay
Executive Director
Southeast Asian Press Alliance
Unit 3B, Thakolsuk Place, #115 Tetdumri Road
Dusit, Bangkok 10300 Thailand
Tel. (662)2435579
Fax (662)2448749
Mobile (+6681)5501120
roby@seapa.org
www.seapa.org
______________
ABOUT SEAPA
SEAPA is a coalition of journalist and press freedom advocacy groups from around Southeast Asia. Its founding members are the Alliance of Independent Journalists (Indonesia), the Center for Media Freedom and Responsibility (Philippines), the Institute for Studies on the Free Flow of Information, ISAI (Indonesia), the Philippine Center for Investigative Journalism (PCIJ), and the Thai Journalists Association. SEAPA also has as non-member partners: the Center for Independent Journalism (Malaysia), Mizzima.com (exiled, Burma), the Cambodian Association for the Protection of Journalists, and the Timor Lorosae Journalists Association. SEAPA is the only regional organization with the specific mandate of promoting and protecting press freedom in Southeast Asia.
VIETNAM: Les autorités municipales d’un quartier de Saigon ont l’intention de déplacer un couvent de religieuses et une église datant d’un siècle et demi
Eglises d'Asie
17:33 16/06/2009
Situé dans le deuxième arrondissement de Hô Chi Minh-Ville, au-delà de la rivière de Saigon, le quartier de Thu Thiêm abrite depuis la moitié du XIXème siècle une communauté chrétienne qui fut la première occupante des lieux. Elle y éleva une église, qui vient de fêter son 150ème anniversaire. Les religieuses de la congrégation des Amantes de la Croix (de Thu Thiêm) y sont installées depuis 1840. Le 11 juin dernier, les religieuses ainsi que le prêtre responsable de la paroisse ont été convoqués par les autorités municipales qui leur ont fait part de leur volonté de déplacer aussi bien le couvent des religieuses que l’église paroissiale pour des raisons d’urbanisation. L’annonce de cette décision a profondément choqué le curé de la paroisse comme les religieuses. Ils sont aujourd’hui résolus à ne point accepter ce projet qu’ils estiment unilatéral et arbitraire.
Depuis près de 170 ans, pour le service de l’Eglise et des pauvres, les religieuses, après avoir défriché la forêt, ont édifié là leur couvent et les diverses constructions abritant leurs œuvres. En 1975, dès son arrivée à Saigon, le nouveau pouvoir leur avait confisqué 100 ha de terrain ainsi que les écoles primaires et secondaires. Sur le restant de la propriété (environ 3 ha et demi), les religieuses s’étaient organisées à nouveau. C’est là que se trouve aujourd’hui le siège de leur congrégation, avec les diverses maisons de formation abritant quelque 300 religieuses, la maison de retraite pour les sœurs âgées, les classes maternelles pour plus de 350 enfants, un dispensaire, un atelier de couture ainsi que la chapelle et le cimetière plus que centenaire.
Il y a seulement trois mois, les religieuses ont appris que, selon le projet gouvernemental, elles devraient quitter les lieux pour laisser la place à la réalisation d’un projet d’urbanisation, ancien de dix ans. Le 11 juin dernier, elles ont été convoquées par le Comité populaire du quartier Thu Thiêm pour des « négociations » relatives aux au déplacement de leur couvent. Une vingtaine de religieuses se sont rendues au siège du comité où les responsables civils leur ont signifié leur expulsion et fait miroiter les beautés du nouveau lieu d’habitation qui leur était attribué. Les religieuses ont vigoureusement protesté et déclaré qu’elles ne quitteraient à aucun prix leur actuelle résidence.
A la même époque, le prêtre chargé de la paroisse de Thu Thiêm, a, lui aussi, reçu une invitation du même type pour « des négociations concernant le déplacement du lieu de culte ». A la réception de cette invitation, le prêtre a fait savoir que l’église avait été construite et avait subsisté sous la protection de la loi de tous les régimes successifs et qu’il n’était pas question de la déplacer. Le 11 juin, il s’est contenté d’envoyer un de ses fidèles au rendez-vous fixé par les autorités. Celles-ci n’ont pas accepté de négocier avec un représentant du curé de la paroisse et ont envoyé à ce dernier une seconde invitation pour la matinée du 16 juin.
Ce conflit entre les autorités municipales et les responsables religieux se produit dans le cadre de la mise en œuvre d’un projet de cité nouvelle au-delà de la rivière Saigon. Le projet, déjà très ancien, a été remis à l’ordre du jour très récemment.
(Source: Eglises d'Asie, 16 juin 2009)
Depuis près de 170 ans, pour le service de l’Eglise et des pauvres, les religieuses, après avoir défriché la forêt, ont édifié là leur couvent et les diverses constructions abritant leurs œuvres. En 1975, dès son arrivée à Saigon, le nouveau pouvoir leur avait confisqué 100 ha de terrain ainsi que les écoles primaires et secondaires. Sur le restant de la propriété (environ 3 ha et demi), les religieuses s’étaient organisées à nouveau. C’est là que se trouve aujourd’hui le siège de leur congrégation, avec les diverses maisons de formation abritant quelque 300 religieuses, la maison de retraite pour les sœurs âgées, les classes maternelles pour plus de 350 enfants, un dispensaire, un atelier de couture ainsi que la chapelle et le cimetière plus que centenaire.
Il y a seulement trois mois, les religieuses ont appris que, selon le projet gouvernemental, elles devraient quitter les lieux pour laisser la place à la réalisation d’un projet d’urbanisation, ancien de dix ans. Le 11 juin dernier, elles ont été convoquées par le Comité populaire du quartier Thu Thiêm pour des « négociations » relatives aux au déplacement de leur couvent. Une vingtaine de religieuses se sont rendues au siège du comité où les responsables civils leur ont signifié leur expulsion et fait miroiter les beautés du nouveau lieu d’habitation qui leur était attribué. Les religieuses ont vigoureusement protesté et déclaré qu’elles ne quitteraient à aucun prix leur actuelle résidence.
A la même époque, le prêtre chargé de la paroisse de Thu Thiêm, a, lui aussi, reçu une invitation du même type pour « des négociations concernant le déplacement du lieu de culte ». A la réception de cette invitation, le prêtre a fait savoir que l’église avait été construite et avait subsisté sous la protection de la loi de tous les régimes successifs et qu’il n’était pas question de la déplacer. Le 11 juin, il s’est contenté d’envoyer un de ses fidèles au rendez-vous fixé par les autorités. Celles-ci n’ont pas accepté de négocier avec un représentant du curé de la paroisse et ont envoyé à ce dernier une seconde invitation pour la matinée du 16 juin.
Ce conflit entre les autorités municipales et les responsables religieux se produit dans le cadre de la mise en œuvre d’un projet de cité nouvelle au-delà de la rivière Saigon. Le projet, déjà très ancien, a été remis à l’ordre du jour très récemment.
(Source: Eglises d'Asie, 16 juin 2009)
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn linh mục Nguyễn Xuân Quý nhân dịp Năm Thánh Dòng Phanxicô
Tâm Phúc
00:28 16/06/2009
PV: Mừng 800 năm Thành lập Dòng và 80 Dòng hiện diện trên đất Việt, xin cha cho biết đôi nét về sự thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Việt Nam?
Cha Quý: Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam được Linh mục Maurice Bertin OFM thành lập tại Vinh năm 1929. Sau nhà Dòng Vinh và Thanh Hóa, Cha Maurice Bertin OFM xây dựng tu viện Phanxicô Cù Lao năm 1939. Và Ngài ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1968, hiện nay lăng mộ Ngài vẫn còn tồn tại bên đồi Cù Lao. Dòng tiếp tục phát triển theo hướng Nam và hiện nay, dòng đã trở về Vinh trên con đường tiếp tục phát triển về hướng Bắc. Trụ sở chính hiện nay đặt tại tu viện Phanxicô Đakao.
PV: Tình hình nhân sự của Dòng ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Cha Quý: Toàn Tỉnh Dòng Việt Nam có được 193 Linh mục và Tu sĩ gồm: 140 khấn trọn, trong đó có 93 Linh mục. Số Tu sĩ khấn tạm là 53 và Tập viện trung bình mỗi năm đón nhận trên dưới 10-15 người. Con số tìm hiểu tập trung hàng năm khoảng 70 em. Gia đình Phan Sinh tại thế Việt Nam có khoảng 5000 thành viên.
PV: Tại Nha Trang, Dòng đã thành lập và phát triển thế nào?
Cha Quý: Trước năm 1975, tại Giáo Phận Nha Trang, dòng Phanxicô có tu viện trên đồi và 3 trung tâm người Thượng tại Diên Khánh, Suối Dầu và Khánh Dương. Nhà Dòng cũng đã từng thành lập giáo xứ Thanh Hải và giáo xứ Vĩnh Phước, và từng thời gian đã phục vụ các giáo xứ Đồng Hộ, Ngọc Thủy, Lương Sơn. Các cơ sở từ thiện là nhà dưỡng lão Rù Rì và trại phong Núi Sạn. Về văn hóa, có trường Hưng Đạo.
Sau năm 1975, tu viện trên đồi tiếp tục sinh hoạt cùng với 03 Cộng Đoàn nhỏ Đồng Dài, Suối Dầu và Cư Thịnh. Dịp lễ Noel 1978, tu viện trên đồi trở thành cơ quan nhà nước. Cùng với 03 Cộng Đoàn vừa nói, Giáo Xứ Vĩnh Phước và Giáo họ Ngọc Thanh được củng cố bởi hai Cộng Đoàn mới thiết lập, và có thêm 02 Cộng Đoàn khác được thiết lập tại nhà thờ Phù Sa và tại Giáo xứ Thanh Hải. Một thời gian ngắn, nhà dòng được sai đến phục vụ Giáo xứ Dục Mỹ. Dòng đã chuyển giao Lương Sơn, Dục Mỹ, Phù Sa cho Giáo Phận.
Hiện nay, Anh Em Phanxicô hiện diện trong 07 Cộng Đoàn, phục vụ 04 Giáo xứ, 03 Giáo Họ, 02 điểm truyền giáo cho người sắc tộc. Dòng tại Nha Trang, như đã mô tả ở trên, có các sinh hoạt đa dạng, đúng với Linh Đạo của Dòng là không lựa chọn một công việc chuyên biệt cố định, nhưng đáp ứng mọi nhu cầu của Giáo Hội và xã hội địa phương ưu tiên phục vụ người nghèo về mọi phuơng diện.
PV: Hướng phát triển, kế hoạch thực hiện của Dòng miền Nha Trang trong thời gian sắp tới?
Cha Quý: Củng cố những gì đang thực hiện và đẩy nhanh hơn công tác Phúc Âm hóa. Tìm kiếm ơn gọi, đặc biệt vì lý do các cơ sở huấn luyện của dòng đều tập trung những nơi khác ngoài Giáo Phận Nha Trang như ở Sài Gòn, Thủ Đức, Bà Rịa, Đà Lạt…
PV: Xin cám ơn cha và kính chúc Hội Dòng tiếp tục phát triển để phục vụ Giáo Hội và anh chị em như Thánh Sáng Lập Dòng hằng mong muốn.
Cha Quý: Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam được Linh mục Maurice Bertin OFM thành lập tại Vinh năm 1929. Sau nhà Dòng Vinh và Thanh Hóa, Cha Maurice Bertin OFM xây dựng tu viện Phanxicô Cù Lao năm 1939. Và Ngài ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1968, hiện nay lăng mộ Ngài vẫn còn tồn tại bên đồi Cù Lao. Dòng tiếp tục phát triển theo hướng Nam và hiện nay, dòng đã trở về Vinh trên con đường tiếp tục phát triển về hướng Bắc. Trụ sở chính hiện nay đặt tại tu viện Phanxicô Đakao.
PV: Tình hình nhân sự của Dòng ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Cha Quý: Toàn Tỉnh Dòng Việt Nam có được 193 Linh mục và Tu sĩ gồm: 140 khấn trọn, trong đó có 93 Linh mục. Số Tu sĩ khấn tạm là 53 và Tập viện trung bình mỗi năm đón nhận trên dưới 10-15 người. Con số tìm hiểu tập trung hàng năm khoảng 70 em. Gia đình Phan Sinh tại thế Việt Nam có khoảng 5000 thành viên.
PV: Tại Nha Trang, Dòng đã thành lập và phát triển thế nào?
Cha Quý: Trước năm 1975, tại Giáo Phận Nha Trang, dòng Phanxicô có tu viện trên đồi và 3 trung tâm người Thượng tại Diên Khánh, Suối Dầu và Khánh Dương. Nhà Dòng cũng đã từng thành lập giáo xứ Thanh Hải và giáo xứ Vĩnh Phước, và từng thời gian đã phục vụ các giáo xứ Đồng Hộ, Ngọc Thủy, Lương Sơn. Các cơ sở từ thiện là nhà dưỡng lão Rù Rì và trại phong Núi Sạn. Về văn hóa, có trường Hưng Đạo.
Sau năm 1975, tu viện trên đồi tiếp tục sinh hoạt cùng với 03 Cộng Đoàn nhỏ Đồng Dài, Suối Dầu và Cư Thịnh. Dịp lễ Noel 1978, tu viện trên đồi trở thành cơ quan nhà nước. Cùng với 03 Cộng Đoàn vừa nói, Giáo Xứ Vĩnh Phước và Giáo họ Ngọc Thanh được củng cố bởi hai Cộng Đoàn mới thiết lập, và có thêm 02 Cộng Đoàn khác được thiết lập tại nhà thờ Phù Sa và tại Giáo xứ Thanh Hải. Một thời gian ngắn, nhà dòng được sai đến phục vụ Giáo xứ Dục Mỹ. Dòng đã chuyển giao Lương Sơn, Dục Mỹ, Phù Sa cho Giáo Phận.
Hiện nay, Anh Em Phanxicô hiện diện trong 07 Cộng Đoàn, phục vụ 04 Giáo xứ, 03 Giáo Họ, 02 điểm truyền giáo cho người sắc tộc. Dòng tại Nha Trang, như đã mô tả ở trên, có các sinh hoạt đa dạng, đúng với Linh Đạo của Dòng là không lựa chọn một công việc chuyên biệt cố định, nhưng đáp ứng mọi nhu cầu của Giáo Hội và xã hội địa phương ưu tiên phục vụ người nghèo về mọi phuơng diện.
PV: Hướng phát triển, kế hoạch thực hiện của Dòng miền Nha Trang trong thời gian sắp tới?
Cha Quý: Củng cố những gì đang thực hiện và đẩy nhanh hơn công tác Phúc Âm hóa. Tìm kiếm ơn gọi, đặc biệt vì lý do các cơ sở huấn luyện của dòng đều tập trung những nơi khác ngoài Giáo Phận Nha Trang như ở Sài Gòn, Thủ Đức, Bà Rịa, Đà Lạt…
PV: Xin cám ơn cha và kính chúc Hội Dòng tiếp tục phát triển để phục vụ Giáo Hội và anh chị em như Thánh Sáng Lập Dòng hằng mong muốn.
Khóa huấn luyện Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể tại giáo phận Hải Phòng
Ban TT Hải Phòng
02:48 16/06/2009
HÀI PHÒNG - Quan tâm đến vấn đề nhân sự, nhất là công tác giảng dạy giáo lí tại các giáo xứ, những năm gần đây, Đức Giám mục đã tổ chức nhiều khoá huấn luyện chuyên môn trong toàn Giáo phận. Dịp hè năm nay, sau Khoá bồi dưỡng Giáo lý viên vừa kết thúc ngày 13 tháng 6, khuôn viên Toà giám mục và Nhà thờ Chính toà lại rộn rã vui mừng chào đón các bạn trẻ đến từ khắp các giáo xứ trong Giáo phận tới tham dự Khoá huấn luyện huynh trưởng Thánh Thể kéo dài từ ngày 15-19 tháng 6.
Tham gia điều hành và huấn luyện khoá học gồm có: cha Giuse Nguyễn Mạnh Kỳ, Tuyên uý sa mạc và các Cha trong Ban Thiếu nhi Thánh Thể Giáo phận; Cha Vinh sơn Trần Hoà, sa mạc trưởng; Trưởng Đôminicô Trần Ngọc Bình, sa mạc phó; Trưởng GB. Trần Huyên, trực kỷ luật; Trưởng Maria Đỗ Thị Tuyết Minh, phụ trách sinh hoạt; Ngoài ra còn có sự cộng tác của các thầy Phó tế và các anh em Chủng sinh, Ứng sinh Giáo phận, cùng sự tham dự của hơn 150 học viên khác đến từ các giáo xứ.
Từ 8 giờ sáng Ban tiếp tân bắt đầu làm việc. Các bạn giáo lí viên, các bạn trẻ phụ trách thiếu nhi Thánh Thể từ các giáo xứ có mặt tại Toà Giám mục để ghi danh. Trong khi đó Ban điều hành cùng các ban ngành khác cùng họp để lên chương trình cụ thể và phân công công tác chuẩn bị cho giờ khai mạc và các ngày tiếp diễn.
Buổi chiều, sau phần khởi động với tên gọi Nhập sa mạc và sinh hoạt làm quen, đúng 16 giờ, tại khuôn viên Toà Giám mục, trong đội hình chữ U, các học viên hướng về cờ tổ quốc và cờ Thiếu nhi Thánh Thể trang nghiêm trong nghi thức chào cờ. Ngay sau đó, Đức Giám mục Giáo phận đã chính thức tuyên bố khai mạc Khoá huấn luyện huynh trưởng Thánh Thể. Trong bài huấn từ khai mạc, Đức Cha nhắn nhủ: Mọi người trong khoá học tới từ nhiều giáo xứ khác nhau, ở nhiều độ tuổi khác nhau, sở thích khác nhau nhưng đã chấp nhận sống chung với nhau trong những ngày này với tình gia đình. Chính tình gia đình đã xoá tan những khác biệt đó và chính tình gia đình đã làm mọi người gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn; Thứ hai, mọi người trở về đây, được gặp gỡ nhau, được cùng nhau vui chơi và học hỏi. Tuy nhiên, chúng ta không dừng ở đó nhưng qua những gặp gỡ vui tươi, những học hỏi bổ ích phải dẫn chúng ta đến gặp Chúa và nên thân tình với Ngài; Thứ ba, mỗi người trong chúng ta có mặt ở nơi đây đều được mời gọi cộng tác làm việc tông đồ cho Chúa, mà để làm việc tông đồ chúng ta phải sống Đạo và nỗ lực tương giao bằng đời sống Đạo.
Đức Cha nói tiếp: Anh chị em hôm nay bước vào sa mạc. Ai cũng biết, sa mạc thì khô cằn, nắng nóng, mênh mông cát. Vậy đoàn lữ hành muốn sống và vượt qua được sa mạc thì nhất thiết phải gắng sức và có kỷ luật. Vậy Cha ước mong các bạn trẻ chăm chú học hỏi, học hỏi qua các nhà huấn luyện và học hỏi lẫn nhau. Cha cũng mong muốn các bạn luôn có tinh thần dấn thân. Khi đã dấn thân thì chúng ta không ngại gì sức nặng của kỷ luật, khi dấn thân chúng ta mới vui tươi trong các hoạt động tông đồ.
Cuối cùng, Đức Cha phó dâng khoá học cho sự bảo trợ của thánh Giuse, vị thánh mà Ngài nhấn mạnh là “nhân chứng của Đức Giêsu”, vì các huynh trưởng sẽ là những người hướng dẫn các TNTT, mà các TNTT lại là chính những người được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu.
Kết thúc diễn từ khai mạc, Đức Cha đã long trọng chọn và công bố chủ đề của sa mạc kỳ này. Với chủ đề Ra khơi, vị Cha chung kính yêu chắc chắn đã muốn trao cho các sa mạc sinh một mệnh lệnh, một ước mong và một nhiệt huyết từ chính con tim của Ngài về tinh thần truyền giáo. Cầu xin các học viên sau những ngày bên Chúa trong sa mạc trở nên trưởng thành về mọi mặt hầu đủ sức mạnh mẽ ra khơi thả lưới.
Sau giờ khai mạc là giờ khoá đầu tiên do cha trưởng sa mạc Vinh sơn Trần Hoà phụ trách. Trong bài dạy, cha trình bày về bản chất, tôn chỉ và mục đích của Phong trào TNTT. Ngài nhấn mạnh Phong trào TNTT là một đoàn thể giáo dục thiếu nhi Công giáo đặt nền tảng trên lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và thực hành Lời Chúa, nhằm giáo dục các em trở thành những Kitô hữu đạo đức và những công dân tốt.
Chương trình buổi tối được bắt đầu vào lúc 19 giờ 45 bằng giờ Sám hối cùng chầu Thánh Thể tại Nhà thờ Chính toà do cha Vinh sơn trưởng Sa mạc chủ sự, và sẽ được kết thúc vào lúc 22 giờ.
Tham gia điều hành và huấn luyện khoá học gồm có: cha Giuse Nguyễn Mạnh Kỳ, Tuyên uý sa mạc và các Cha trong Ban Thiếu nhi Thánh Thể Giáo phận; Cha Vinh sơn Trần Hoà, sa mạc trưởng; Trưởng Đôminicô Trần Ngọc Bình, sa mạc phó; Trưởng GB. Trần Huyên, trực kỷ luật; Trưởng Maria Đỗ Thị Tuyết Minh, phụ trách sinh hoạt; Ngoài ra còn có sự cộng tác của các thầy Phó tế và các anh em Chủng sinh, Ứng sinh Giáo phận, cùng sự tham dự của hơn 150 học viên khác đến từ các giáo xứ.
Từ 8 giờ sáng Ban tiếp tân bắt đầu làm việc. Các bạn giáo lí viên, các bạn trẻ phụ trách thiếu nhi Thánh Thể từ các giáo xứ có mặt tại Toà Giám mục để ghi danh. Trong khi đó Ban điều hành cùng các ban ngành khác cùng họp để lên chương trình cụ thể và phân công công tác chuẩn bị cho giờ khai mạc và các ngày tiếp diễn.
Buổi chiều, sau phần khởi động với tên gọi Nhập sa mạc và sinh hoạt làm quen, đúng 16 giờ, tại khuôn viên Toà Giám mục, trong đội hình chữ U, các học viên hướng về cờ tổ quốc và cờ Thiếu nhi Thánh Thể trang nghiêm trong nghi thức chào cờ. Ngay sau đó, Đức Giám mục Giáo phận đã chính thức tuyên bố khai mạc Khoá huấn luyện huynh trưởng Thánh Thể. Trong bài huấn từ khai mạc, Đức Cha nhắn nhủ: Mọi người trong khoá học tới từ nhiều giáo xứ khác nhau, ở nhiều độ tuổi khác nhau, sở thích khác nhau nhưng đã chấp nhận sống chung với nhau trong những ngày này với tình gia đình. Chính tình gia đình đã xoá tan những khác biệt đó và chính tình gia đình đã làm mọi người gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn; Thứ hai, mọi người trở về đây, được gặp gỡ nhau, được cùng nhau vui chơi và học hỏi. Tuy nhiên, chúng ta không dừng ở đó nhưng qua những gặp gỡ vui tươi, những học hỏi bổ ích phải dẫn chúng ta đến gặp Chúa và nên thân tình với Ngài; Thứ ba, mỗi người trong chúng ta có mặt ở nơi đây đều được mời gọi cộng tác làm việc tông đồ cho Chúa, mà để làm việc tông đồ chúng ta phải sống Đạo và nỗ lực tương giao bằng đời sống Đạo.
Đức Cha nói tiếp: Anh chị em hôm nay bước vào sa mạc. Ai cũng biết, sa mạc thì khô cằn, nắng nóng, mênh mông cát. Vậy đoàn lữ hành muốn sống và vượt qua được sa mạc thì nhất thiết phải gắng sức và có kỷ luật. Vậy Cha ước mong các bạn trẻ chăm chú học hỏi, học hỏi qua các nhà huấn luyện và học hỏi lẫn nhau. Cha cũng mong muốn các bạn luôn có tinh thần dấn thân. Khi đã dấn thân thì chúng ta không ngại gì sức nặng của kỷ luật, khi dấn thân chúng ta mới vui tươi trong các hoạt động tông đồ.
Cuối cùng, Đức Cha phó dâng khoá học cho sự bảo trợ của thánh Giuse, vị thánh mà Ngài nhấn mạnh là “nhân chứng của Đức Giêsu”, vì các huynh trưởng sẽ là những người hướng dẫn các TNTT, mà các TNTT lại là chính những người được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu.
Kết thúc diễn từ khai mạc, Đức Cha đã long trọng chọn và công bố chủ đề của sa mạc kỳ này. Với chủ đề Ra khơi, vị Cha chung kính yêu chắc chắn đã muốn trao cho các sa mạc sinh một mệnh lệnh, một ước mong và một nhiệt huyết từ chính con tim của Ngài về tinh thần truyền giáo. Cầu xin các học viên sau những ngày bên Chúa trong sa mạc trở nên trưởng thành về mọi mặt hầu đủ sức mạnh mẽ ra khơi thả lưới.
Sau giờ khai mạc là giờ khoá đầu tiên do cha trưởng sa mạc Vinh sơn Trần Hoà phụ trách. Trong bài dạy, cha trình bày về bản chất, tôn chỉ và mục đích của Phong trào TNTT. Ngài nhấn mạnh Phong trào TNTT là một đoàn thể giáo dục thiếu nhi Công giáo đặt nền tảng trên lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và thực hành Lời Chúa, nhằm giáo dục các em trở thành những Kitô hữu đạo đức và những công dân tốt.
Chương trình buổi tối được bắt đầu vào lúc 19 giờ 45 bằng giờ Sám hối cùng chầu Thánh Thể tại Nhà thờ Chính toà do cha Vinh sơn trưởng Sa mạc chủ sự, và sẽ được kết thúc vào lúc 22 giờ.
Trường Giáo Lý và Việt Ngữ La Vang Portland Oregon tổ chức Lễ Bế Giảng Niên Khóa 2008-2009
Phan Hoàng Phú Quý
18:37 16/06/2009
PORTLAND, Oregon - Chúa Nhật ngày 14 tháng 6 năm 2009, lúc 9 giờ sáng trừơng Giáo Lý và Việt Ngữ La Vang đã tổ chức thánh lễ Bế Giảng niên khóa 2008-2009 tại khuôn viên Đài Đức Mẹ La Vang.
Xem hình ảnh
Chương trình được bắt đầu bằng nghi thức chào đón các em lớp 12 ra trường và quý linh mục đồng tế tiến về lễ đài, trong khì ca đoàn Thanh Niên và cộng đoàn dân Chúa cất cao lời ca tụng: Chung Một Niềm Tin
Chung một niềm tin chúng con sum họp về đây
Quanh bàn thờ Cha dâng lên lời kinh thánh ái
Cảm tạ hồng ân Cha đã khứng ban đêm ngày
Giữ gìn hồn thơ trong trắng như cánh huệ tươi
Tiếp theo là phần giới thiệu các em học sinh tốt nghiệp lớp 12 của Ban Giáo Lý & Việt Ngữ, chúng tôi ghi nhận có 46 em ra trướng năm nay sau một thời gian dài 13 năm theo học tại đây qua 2 chương trình Giáo Lý và Việt Ngữ, trong thánh lễ này các em cũng được nhận phép Bao Đồng và đặt tay lên Kinh Thánh tuyên hứa trung thành với Giáo Hội và các Tín Điều mà Thiên Chúa và giáo hội truyền dạy, trước khi các em nhận lãnh chứng chỉ tốt nghiệp.
Trong phần Giãng huấn linh mục Nguyễn Thắng, nguyên là giám đốc Ơn gọi của dòng Bernendict tại Mt Angle Oregon đã trình bày về ý nghĩa của Thánh Lễ nhân ngày Kính Mình Máu Thánh Chúa. Thánh Lễ là một giao ước giữa cá nhân, gia đình và cộng đoàn, chúng ta quy tụ về đây để tuyên xưng mầu nhiệm Cứu độ của Chúa Kitô trên Thập Tự Giá, Lời Chúa được công bố trong thánh lễ qua quyền năng của Chúa Thánh Thần là một giao ước liên đới hôm nay qua các bài đọc và Lời Chúa đã đến và tác động trong cộng đoàn dân Chúa. Hiệp dâng của lễ là bỏ hết mồ hôi, nước mắt và cuộc đời của chúng ta vào của lễ, chứ không phải một vài đồng bạc dư thừa, để xin ơn Chúa Thánh Thần tác động biến đổi và thánh hoá của lể chúng ta dâng. Lời Truyền Phép là tác động cộng đoàn dân Chúa được trở nên một thân thể với Chúa Kitô. Chúc nhau bình an là nghĩa cử bác ái, cảm nghiệm được sự tha thứ cho nhau. Amen cũng là một giao ước, một lời hứa, những gì chúng ta nhận lãnh qua thánh lễ thì giờ đây ra đi bằng an và tiếp tục rao giảng Tin Mừng của Chúa. Hướng về các em học sinh ra trường, cha mong rằng các em giữ mãi giao ước này và hãy tỏ bày cách sống của các em cho mọi người qua đời sống.
Sau phần kết lễ, một học sinh đã đại diện cho các em ra trưòng ngõ lời cám ơn quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ và quý thầy cô cũng như quý cha mẹ, ông bà nội ngoại đã sinh thành, nuôi nấng và dày công giáo dục, hướng dẫn các em từ thời thơ ấu, đến khôn lớn và nay đã trưởng thành, các em hứa sẽ cố gắng sống tốt đời, đẹp đạo để không phụ lòng dạy bảo của quý vị.
Ông Vũ Đức Mạnh phó chủ tịch BCH/Giáo Xứ La Vang cũng ngỏ lời tri ân quý linh mục, quý nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, qúy thầy cô, quý ban, ngành, quý vị thỉnh nguyện viên đã hy sinh nhiều công lao và nghị lực để lo hướng dẫn và giáo dục cho gần 1000 em học sinh, đặc biệt trong năm qua đã lo cho 90 em xưng tội rước lễ lần đầu, 50 em nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức và 46 em tốt nghiệp trung học phổ thông.
Linh mục Giuse Vũ Hải Đăng hiệu trưởng trường GL&VN La Vang đã tuyên bố bế giảng niên học năm 2008-2009 và ban phép lành của Chúa cho mọi người hiện diện, Ngài cũng không quên cầu chúc các em một mùa hè vui tươi, lành mạnh và hạnh phúc bên gia đình và người thân. trước khi ra về mọi người được tặng một Đặc San Mầm Non do trường Giáo Lý& Việt Ngữ La Vang ấn loát và phát hành.
Xem hình ảnh
Chương trình được bắt đầu bằng nghi thức chào đón các em lớp 12 ra trường và quý linh mục đồng tế tiến về lễ đài, trong khì ca đoàn Thanh Niên và cộng đoàn dân Chúa cất cao lời ca tụng: Chung Một Niềm Tin
Chung một niềm tin chúng con sum họp về đây
Quanh bàn thờ Cha dâng lên lời kinh thánh ái
Cảm tạ hồng ân Cha đã khứng ban đêm ngày
Giữ gìn hồn thơ trong trắng như cánh huệ tươi
Tiếp theo là phần giới thiệu các em học sinh tốt nghiệp lớp 12 của Ban Giáo Lý & Việt Ngữ, chúng tôi ghi nhận có 46 em ra trướng năm nay sau một thời gian dài 13 năm theo học tại đây qua 2 chương trình Giáo Lý và Việt Ngữ, trong thánh lễ này các em cũng được nhận phép Bao Đồng và đặt tay lên Kinh Thánh tuyên hứa trung thành với Giáo Hội và các Tín Điều mà Thiên Chúa và giáo hội truyền dạy, trước khi các em nhận lãnh chứng chỉ tốt nghiệp.
Trong phần Giãng huấn linh mục Nguyễn Thắng, nguyên là giám đốc Ơn gọi của dòng Bernendict tại Mt Angle Oregon đã trình bày về ý nghĩa của Thánh Lễ nhân ngày Kính Mình Máu Thánh Chúa. Thánh Lễ là một giao ước giữa cá nhân, gia đình và cộng đoàn, chúng ta quy tụ về đây để tuyên xưng mầu nhiệm Cứu độ của Chúa Kitô trên Thập Tự Giá, Lời Chúa được công bố trong thánh lễ qua quyền năng của Chúa Thánh Thần là một giao ước liên đới hôm nay qua các bài đọc và Lời Chúa đã đến và tác động trong cộng đoàn dân Chúa. Hiệp dâng của lễ là bỏ hết mồ hôi, nước mắt và cuộc đời của chúng ta vào của lễ, chứ không phải một vài đồng bạc dư thừa, để xin ơn Chúa Thánh Thần tác động biến đổi và thánh hoá của lể chúng ta dâng. Lời Truyền Phép là tác động cộng đoàn dân Chúa được trở nên một thân thể với Chúa Kitô. Chúc nhau bình an là nghĩa cử bác ái, cảm nghiệm được sự tha thứ cho nhau. Amen cũng là một giao ước, một lời hứa, những gì chúng ta nhận lãnh qua thánh lễ thì giờ đây ra đi bằng an và tiếp tục rao giảng Tin Mừng của Chúa. Hướng về các em học sinh ra trường, cha mong rằng các em giữ mãi giao ước này và hãy tỏ bày cách sống của các em cho mọi người qua đời sống.
Sau phần kết lễ, một học sinh đã đại diện cho các em ra trưòng ngõ lời cám ơn quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ và quý thầy cô cũng như quý cha mẹ, ông bà nội ngoại đã sinh thành, nuôi nấng và dày công giáo dục, hướng dẫn các em từ thời thơ ấu, đến khôn lớn và nay đã trưởng thành, các em hứa sẽ cố gắng sống tốt đời, đẹp đạo để không phụ lòng dạy bảo của quý vị.
Ông Vũ Đức Mạnh phó chủ tịch BCH/Giáo Xứ La Vang cũng ngỏ lời tri ân quý linh mục, quý nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, qúy thầy cô, quý ban, ngành, quý vị thỉnh nguyện viên đã hy sinh nhiều công lao và nghị lực để lo hướng dẫn và giáo dục cho gần 1000 em học sinh, đặc biệt trong năm qua đã lo cho 90 em xưng tội rước lễ lần đầu, 50 em nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức và 46 em tốt nghiệp trung học phổ thông.
Linh mục Giuse Vũ Hải Đăng hiệu trưởng trường GL&VN La Vang đã tuyên bố bế giảng niên học năm 2008-2009 và ban phép lành của Chúa cho mọi người hiện diện, Ngài cũng không quên cầu chúc các em một mùa hè vui tươi, lành mạnh và hạnh phúc bên gia đình và người thân. trước khi ra về mọi người được tặng một Đặc San Mầm Non do trường Giáo Lý& Việt Ngữ La Vang ấn loát và phát hành.
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bị sa vào lưới Công An!
Lữ Giang
01:40 16/06/2009
LTS:Để rộng đường dư luận, chúng tôi cho đăng bài của tác giả Lữ Giang với những nhận định khác sau đây - không nhất thiết phản ảnh lập trường của VietCatholic.
Bị sa vào lưới Công An!
Trong tuần qua, có hai sự kiện đáng quan tâm đã xẩy ra ở trong nước, đó là vụ Luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp và vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ nộp đơn ở Toà Án Nhân Dân Hà Nội kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì cho rằng quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1.11.2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015” của Thú Tướng Dũng là một quyết định vi phạm luật pháp.
Tuần này chúng tôi xin đề cập đến vụ Luật sư Lê Công Định bị bắt vì vụ này khẩn cấp hơn.
BẢN TIN CỦA BÁO THANH NIÊN
Luật Sư Lê Công Định là một luật sư đã tạo được nhiều danh tiếng ở trong và ngoài nước, nên tin ông bị bắt đã gây nhiều phản ứng ở quốc nội cũng như quốc tế.
Có rất nhiều bản tin ở trong và ngoài nước nói về trường hợp ông bị bắt, nhưng chúng tôi thấy bản tin của báo Thanh Niên online đã nói lên khá đầy đủ thông báo của nhà cầm quyền về lý do ông bị bắt, nên trước hết chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bản tin này trước khi có một vài nhận định.
Báo Thanh Niên online ngày 13.6.2009 đã cho biết như sau:
“Trưa qua 13.6, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với luật sư Lê Công Định về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
“Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra tiến hành khám xét đối với luật sư Lê Công Định để thu giữ tài liệu. Đến tối cùng ngày việc khám xét vẫn chưa kết thúc. Lê Công Định không phản ứng gì khi bị bắt và chấp hành mọi yêu cầu, ký vào các tài liệu bị thu giữ.
“Cùng ngày, tại Hà Nội và TP.HCM, Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã tiến hành họp báo về vụ bắt giữ. Tại cuộc họp báo ở TP.HCM, lúc 17 giờ, thiếu tướng Hoàng Công Tư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết:
“Luật sư Lê Công Định bị bắt theo điều 88 Bộ luật Hình sự vì đã có những hành vi câu kết với những người cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước CHXHCNVN. Từ năm 2006 đến nay, Lê Công Định đã biên soạn rất nhiều tài liệu gửi cho các trang web BBC, RFA và các trang web của "Phong trào dân chủ VN", "Việt Tân"; "Chân trời mới"; "Thông luận", tập san "Tự do dân chủ"... do những kẻ phản động lưu vong lập ra. Các tài liệu này nhằm xuyên tạc chống phá đường lối, chính sách kinh tế - xã hội, vu khống bôi nhọ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo của chính quyền và tập trung vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; gây chia rẽ, mất lòng tin trong các tầng lớp nhân dân.
“Ngoài ra, lợi dụng việc bào chữa cho một số người như Nguyễn Quốc Quân (tự xưng là Ủy viên Trung ương Đảng Việt Tân), Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải tại các phiên tòa, Lê Công Định đã thông qua các luận chứng bào chữa để thực hiện ý đồ chống phá, xuyên tạc Hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCNVN.
“Lê Công Định còn có quan hệ rất chặt chẽ với một số người cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, như Hà Đông Xuyến (cầm đầu tổ chức Việt Tân - tổ chức mà cơ quan an ninh đã thông báo cho các cơ quan nước ngoài biết đây là phản động khủng bố cùng với tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh).
“Bên cạnh đó, Lê Công Định là thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng Nhân Dân Hành Động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ. Lê Công Định thường xuyên liên lạc với Nguyễn Sỹ Bình bàn thảo về mục tiêu, kế hoạch hoạt động và là người đứng ra tổ chức tập hợp lực lượng nhằm thành lập "Đảng dân chủ" và "Đảng lao động Việt Nam"; cấu kết với bọn phản động lưu vong được sự ủng hộ của một số thế lực phản động quốc tế bàn cách lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam.
“Tháng 3.2009, Lê Công Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức họp bàn, đánh giá những vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam và đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời điểm xảy ra "biến động chính trị" lật đổ chính quyền Việt Nam vào năm 2010. Các đối tượng này lấy bí danh chihai: Nguyễn Sỹ Bình, chiba: Trần Huỳnh Duy Thức, chitu: Lê Công Định để tránh bị phát hiện.
“Để chuẩn bị cho kế hoạch lật đổ, Lê Công Định cùng với một số kẻ chống đối khác soạn thảo tài liệu "Tân hiến pháp" nhằm thay thế Hiến pháp nước CHXHCNVN.
“Trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo, thiếu tướng Hoàng Công Tư cho biết việc bắt khẩn cấp Lê Công Định được tiến hành theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra đã có đầy đủ căn cứ. Thiếu tướng cho biết thêm, ngày 24.5, Trần Huỳnh Duy Thức - Tổng giám đốc Công ty cổ phần internet Một Kết Nối (OCI) đã bị bắt giữ. Cơ quan An ninh điều tra cũng đã khởi tố Thức về hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước và trộm cước viễn thông.”
Tóm lại, theo nhà cầm quyền, Luật Sư Lê Quốc Định bị bắt khẩn cấp vì các lý do chính sau đây:
1.- Biên soạn rất nhiều tài liệu gửi cho các trang web BBC, RFA và các trang web của "Phong trào dân chủ VN", "Việt Tân"; "Chân trời mới"; "Thông luận", tập san "Tự do dân chủ"... do những kẻ phản động lưu vong lập ra.
2.- Có quan hệ rất chặt chẽ với một số người cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, như Hà Đông Xuyến (cầm đầu tổ chức Việt Tân...).
3.- Là thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng nhân dân hành động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ.
VÀI DÒNG VỀ LÝ LỊCH
Báo Thanh Niên cho biết đại khái lý lịch của Luật sư Lê Công Định như sau:
Lê Công Định có bí danh Nguyên Kha, Paul. Sinh ngày 1.10.1968.
Năm 1989 tốt nghiệp Đại học Luật, 1990 - 1991: Chuyên viên Phòng Công chứng số 1 TP.HCM, 1991 - 1993: Nhân viên Văn phòng Đoàn luật sư TP.HCM, 1993-1994: Chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 1994 - 1998: Luật sư tập sự chi nhánh Công ty luật Coudert Brothers TP.HCM, 1998 - 2000: Du học thạc sĩ luật tại Mỹ, tháng 6.2000 - 11.2000: Luật sư Văn phòng luật sư Thắng & Associates.
Thời điểm bị bắt đang làm việc tại Công ty luật TNHH một thành viên Lê Công Định (37 Tôn Đức Thắng, Q.1).
Lê Công Định từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư TP.HCM, được nhiều người biết đến từ khi tham gia vụ kiện chống bán phá giá. Năm 2004, kết hôn với Hoa hậu Việt Nam 1998 Nguyễn Thị Ngọc Khánh.
MỘT THỜI ĐƯỢC CA TỤNG
Vào đầu năm 2006, các báo trong nước đã đăng một loạt bài dưới đầu đề “Vào cạnh tranh toàn cầu...” , nói về các du học sinh đã chọn lựa con đường quay trở về Tổ quốc từ một nền giáo dục phát triển ở một quốc gia giàu có và hiện đại nào đó... để làm thay đổi đất nước và đưa đất nước đi lên. Loạt bài này do Nguyễn Văn Tiến Hùng viết. Trong số các du học sinh này, Luật sư Lê Công Định cũng đã từng được ca tụng. Chúng ta hãy nghe báo Tuổi Trẻ online ngày 25.2.2006 nói về Luật sư Lê Công Định trong mục “Ra đi và mang về.... (Kỳ 7) ”:
1.- Từ tầng hầm của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn
Năm 1989, Định mới ra trường, vào làm việc ở Phòng Công chứng số 1. Ngoài công việc phụ tá cho công chứng viên, Định biết tiếng Pháp nên được giao thêm việc thống kê sắp xếp kho tài liệu dưới tầng hầm của tòa nhà 89 Nguyễn Du. Đó vốn là trụ sở của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn trước 1975.
Sáng công tác chuyên môn, chiều làm trong kho tư liệu. Vừa làm vừa tò mò đọc xem thời trước người ta hành xử công việc pháp lý như thế nào. Càng đọc, Định càng sửng sốt khi những kiến thức của một cử nhân luật như mình lại không hiểu hết một văn bản pháp lý của nền hành chính cũ. Trong đầu Định một ý nghĩ lớn dần: trước đây VN từng có một nền văn minh pháp lý rất chuẩn mực.
Cũng thời điểm đó, LS Triệu Quốc Mạnh tập hợp những nhân vật rất giỏi luật của Sài Gòn mở lớp luật ở ĐH Tổng hợp TP.HCM với tiêu chí dạy “theo tinh thần pháp lý thế giới”. “Tôi nghĩ mãi rồi quyết định bỏ việc để đi học tiếp”. Lúc qua trường luật xin xác nhận điểm để miễn một số môn, một thầy giáo cũ biết chuyện tròn mắt hỏi: “Mày có khùng không mà đi học cái lớp vớ vẩn?”.
Nhưng trong cái lớp học ấy, LS Triệu Quốc Mạnh có những bài giảng nổi tiếng về tinh thần pháp lý thế giới; thầy Võ Phúc Tùng (tiến sĩ luật bảo vệ luận án cuối tháng 4-1975) làm Định say mê với “khế ước và nghĩa vụ” theo chuẩn mực của Pháp. Thầy Lương Văn Lý dạy rất hay về công pháp quốc tế... Đó là những giáo sư giỏi nhất chuyện “hạ đo ván” sinh viên trong các kỳ thi.
Càng học, Định thấy hiểu rõ hơn những gì anh đọc trong căn hầm của phòng chưởng khế hồi xưa. Thầy Tùng tạo một ấn tượng lớn từ kiến thức uyên bác cho tới tư cách trong cuộc đời. Có thời điểm khó khăn, phải đi sửa đồng hồ kiếm sống nhưng ông vẫn vô tư: “Học tiến sĩ khó cỡ nào còn học được thì nhằm nhò gì những cái đơn giản này!”. Ông nhận Định làm học trò dạy tiếng Pháp.
Suốt tám năm trời, hai thầy trò cặm cụi ba buổi tối mỗi tuần. Mỗi buổi học xong hai giờ ngôn ngữ, thầy trò lại xoay qua bàn chuyện văn chương Pháp với Victor Hugo, Alexandre Dumas... Có bữa cúp điện, hai thầy trò đốt đèn dầu, mồ hôi nhễ nhại. Chính cái vốn tiếng Pháp dưới ánh đèn dầu này đã tạo điều kiện cho Định vào làm ở văn phòng luật Coudert Brothers. Vị LS đại diện văn phòng này ở Sài Gòn vì mê tiếng Pháp của anh mà nhận vào. Năm đó Định 26 tuổi. Rồi một bước ngoặt mới: suất học bổng đi Pháp...
2.- Đến Paris và Columbia
Trước những năm 1997, tôi nghiên cứu luật trong nước, thấy luật mình còn thiếu nhiều quá, muốn làm một điều gì đó nhưng kiến thức không có. Tôi thèm một chuyến đi du học Pháp. Nhưng hồi đó, những suất học bổng chỉ có cán bộ ngành tòa án hoặc người ngoài bộ mới được. Rồi năm 1997, lần đầu tiên người ta cho các đoàn LS dự tuyển các suất học bổng. Tôi bước chân ra khỏi đại sứ quán mà như bay trên mây với suất học bổng ngành luật của Trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2).
Vài tháng sau, một ngày đang lang thang ngao du ở châu Âu, có một tin vui không kém: tôi giành được học bổng Fulbright đi Mỹ. Thông tin này thay đổi nhiều thứ với tôi.
Sau vài tháng học ở Paris, tôi nhận ra đại học Pháp thời điểm đó vẫn là sự kéo dài của hệ thống thực dân cũ: trì trệ, bảo thủ. Năm 1998-1999 mà cả trường chỉ có hai máy photo, mượn một đống sách từ thư viện phải mất 3-4 giờ đồng hồ chờ đợi để photo. Giáo sư thì như một vị thánh trên giảng đường, bắt học thuộc lòng y như ở VN chứ không dạy về tư duy pháp lý.
Tôi tranh thủ học thêm một khóa triết của Trường đại học Sorbonre theo lời khuyên của thầy Tùng (“Phải biết căn bản triết học để hiểu nền luật pháp”), đến tháng 5-1999 tôi rời Paris, bỏ luôn những môn thi cuối cùng của bậc thạc sĩ (vào cuối tháng 6-1999) để sang Mỹ học cao học luật ở ĐH Tulane - Columbia”.
3.- “Tôi ủng hộ án lệ!”
Đó là câu đầu tiên và là sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện của LS Định. Anh mang ra hai quyển Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao năm 2003 -2004 (đó là những bản án ở cấp giám đốc thẩm sửa sai các vụ án khó ở tòa cấp dưới và được xem như một ví dụ về việc áp dụng các điều luật khi xét xử những vụ án tương tự như vậy) rồi nói một cách tự hào: “Đây là một bước rất nhỏ của án lệ tại VN!”.
Do những đặc thù của VN, án lệ là một quãng đường đầy khó khăn và nhiều tranh cãi. Trong một bài viết trên bản tin đoàn LS tháng 7-2003, LS Định thẳng thừng: “Phán quyết của tòa án hiện nay thường thiếu chiều sâu và sự uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời giáo huấn đạo đức không cần thiết cho các bị cáo hoặc các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp những khuyết điểm đó” . Cứ thế, cái cách nói đôi khi gay gắt của chàng LS trẻ này khiến không ít người khó chịu.
Và sự “nổi tiếng” của LS Định lại là sự “khùng”. Không ít lần anh từng bị các quan chức một bộ nhắn gửi: “Thằng đó khùng hay sao mà tuyên bố này nọ hoài”. Đó là khi anh truy đến cùng các nguyên nhân khiến luật chưa ra đời đã trở nên lạc hậu: “Bộ luật dân sự của Napoléon xây dựng cách đây 200 năm; Bộ luật dân sự Đức xây dựng cách đây 100 năm - không hề được sửa bởi trước đó những bộ luật này đã kế thừa được hệ thống luật bất thành văn của hàng ngàn năm trước và quan tòa, khi xét xử, nếu thấy không phù hợp thực tế bèn giải thích theo thực tiễn để thay đổi tinh thần của nó”.
Đó là sửa luật theo án lệ. Tức nền tảng luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và ở các nước, chỉ có quan tòa là người duy nhất giải thích luật, còn ở ta ai muốn giải thích cũng được cả. Nó làm cho luật pháp mất tính thống nhất và vị trí độc lập của quan tòa không cao. Chúng ta có quá nhiều luật nhưng nhiều khi “không xài được” hoặc vừa thông qua đã “chết” rồi vì thiếu tính thực tiễn. Tôi ủng hộ án lệ và chắc chắn luật về án lệ sẽ giải quyết được những điều mà trong thực tiễn chưa có.
Ở VN, người ta có thể trả lại đơn kiện và nói: luật chưa có, Quốc hội chưa ban hành, tôi không xử được. Nhưng ở nước ngoài, người ta sẽ kiện ngay quan tòa vì tội không ban phát công lý”.
4.- Tạm gác giấc mơ tiến sĩ
“Hồi xưa tôi mê luận án tiến sĩ và từng sưu tầm hàng trăm cái ở Paris, từng được chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tulane nhưng rồi về nước, một đam mê khác lấn dần vào công việc hằng ngày của tôi: gầy dựng một công ty luật mình thích, góp phần gầy dựng tinh thần thượng tôn pháp luật từ cộng đồng tới doanh nghiệp và cả chính quyền. Tham gia các vụ việc với chính quyền thành phố hoặc các công ty lớn của Nhà nước... tôi thấy vui nhất là ý thức các vị đã có những thay đổi rất rõ. Vụ VN Airlines, vụ Liên đoàn Bóng đá bị thua kiện và mất tiền ở nước ngoài… đã làm người ta giật mình.
Mới đây, trong một cuộc họp của UBND TP.HCM, tôi ngồi nghe ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: “Làm gì thì làm, phải tuân thủ những qui định pháp lý, tránh để bị kiện” mà thấy mừng. Đã có những vụ mà chính quyền không thể đơn thuần ra quyết định hành chính, ví dụ thành phố “thuê lại quyền sử dụng” công viên 23-9 từ nhà đầu tư nước ngoài. Mà chuyện đó đâu đơn giản: họ cử LS, quăng sách luật ra bàn, cãi nhau tóe lửa...
Tôi nhớ lại LS Đặng Khải Minh, một Việt kiều nhưng tinh thần của ông thì hết sức VN, tìm mọi cách nâng đỡ và vun vén cho LS Việt, ông khuyên chúng tôi phải chuẩn bị hết mọi điều kiện để LS VN mình có thể sánh ngang với khu vực và thế giới khi tham gia cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa đào tạo những LS trẻ để họ nâng tầm. Giờ đây chúng tôi có thể sang Singapore hay bất cứ quốc gia nào tham gia các vụ kiện, có thể tranh cãi từng từ ngữ với các LS, buộc họ sửa cả văn bản tiếng Anh hay đưa ra các ý kiến pháp lý trong các hợp đồng mua bán, tài trợ... tầm quốc tế cho khách hàng VN.
VN hiện tại chỉ có khoảng hai văn phòng luật đủ mạnh để làm chuyện đó. Tình trạng cạnh tranh cũng đang làm cho LS VN yếu thế thay vì phối hợp để nâng tầm trên trường quốc tế. Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”.
Nhiều người đã ra đi và nhiều người đã trở về, với một hành trang đầy đặn và một khát vọng về các cuộc chơi lớn cùng bạn bè quốc tế. Mỗi người trong họ đi trên những con đường khác nhau để cùng gặp nhau trong một nỗ lực.
NHỮNG CHUYỆN LÀM NHỨC NHỐI
Ngoài những công việc nói trên, Luật sư Lê Công Định cũng cố gắng tranh đấu để đất nước ngày càng có dân chủ hơn, tự do hơn. Ông đã viết nhiều loại bài hay trả lời các cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông trong nước cũng như ở hải ngoại về những vấn đề đáng quan tâm của đất, nước chẳng hạn như:
- “Vai trò xây dựng án lệ của toà án” (Bản tin Đoàn Luật sư Sài Gòn, Số 8, ngày 26.7.2003).
- “Tính minh bạch trong hoạt động của toà án” (Đặc san Nghề Luật, Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp, Số 7 năm 2004).
- “Trả lại hào khí Diên Hồng” (Báo Pháp Luật Sài Gòn ngày 5.3.2006, BBC ngày 11.3.2006). Trong bài này ông cũng viết rất thẳng thắn: “Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị...”
- “Tại sao không nên sợ đa nguyên” (BBC, 13.4.2006).
- “Bàn về ‘Chính danh’ trong thể chế pháp trị” (BBC, 4.7.2006).
- “Thế giới ảo và hiệu quả của chính phủ” (BBC, 5.2.2007).
- “Bài học Miến Điện” (BBC, 1.10.2007).
- “Phỏng vấn Luật sư Lê Công Định trước phiên xử “vụ Điếu Cày” (RFA, 10.9.2008).
- “Đất đai dưới áp lực của tiền và quyền tại Việt Nam” (RFA, 27.2.2009).
- “Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng” (BBC 9.3.2009). Trong bài này ông viết: “Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.”
- “Đọc sử để nhìn nhận hôm nay” (BBC, 2.5.2009), v.v.
Nhà cầm quyền nhận thấy những loạt bài nhức nhối như thế này không thề được tiếp tục cho phổ biến nên tìm cách ngăn chận.
BỊ SA VÀO LƯỚI
Điều 88 Bộ Luật Hình Sự quy định rằng sẽ bị phạt từ 3 đến 12 năm tù những ai tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, làm ra hay tàng trử các tài liệu chống chính quyền, v.v. Nhưng truy tố về những tội này thường gây nhiều tranh cãi vì nó thuộc về quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến Pháp. Do đó, muốn bắt và truy tố một người nào theo điều 88, Công An thường phải gài cho người này có sự liên hệ tới một tổ chức bị coi là “phản động”, mặc dầu đôi khi tổ chức đó chỉ là một tổ chức chống cộng cò mồi hay được dùng làm cò mồi.
Một thí dụ cụ thể: Trong vụ án Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, theo bản Cáo Trạng số 28/CT-VKS-P2 ngày 23.4.2007 của Viện KSND TP Hà Nội, các bị cáo Đài và Nhân đã tàng trữ các tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, bôi nhọ chế độ xã hội do Đảng Cộng Sản lãnh đạo, vu cáo xuyên tạc chính sách của Nhà nước, v.v.
Nhưng nếu chỉ truy tố như thế thì quá yếu. Viện KSND phải chứng minh thêm rằng vào tháng 4/2006, Lê Thị Công Nhân đã ký tên ủng hộ cái gọi là "Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006" và cùng Nguyễn Văn Đài tham gia Khối 8406. Vào tháng 9/2006, Lê Thị Công Nhân đã xin gia nhập vào cái gọi là "Đảng Thăng Tiến Việt Nam" (một đảng chống cộng cò mồi). Từ 2/9 đến 5/9/2006, Lê Thị Công Nhân vào Huế bàn việc quyết định tuyên bố công khai đảng này trên mạng Internet vào ngày 8.9.2006. Nguyễn Văn Đài còn bị tố cáo là kẻ trực tiếp soạn thảo điều lệ của tổ chức “Đảng Dân Chủ 21,” trong đó y không hề giấu diếm ý đồ muốn giành chính quyền ở Việt Nam.
Về trường hợp của Luật sư Lê Công Định, nhà cầm quyền nói rất rõ: Lê Công Định là “thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng Nhân Dân Hành Động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ.”
Về hoạt động đáng nghi ngờ của "Đảng Nhân Dân Hành Động" do Nguyễn Sỹ Bình lãnh đạo, chúng tôi đã cảnh giác quá nhiều lần, chỉ các nhà tranh đấu trong nước không biết đến “thành tích” của đảng này nên để vướng vào và bị liên lụy. Tháng 3/2009, Lê Công Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình là kể như trúng kế Công An rồi!
Các lãnh tụ của Khối 8406, Đảng Nhân Dân Hành Động, Đảng Dân Chủ 21... có thể ra tuyên ngôn tuyên cáo tố Cộng búa xua mà chẳng sao cả, nhưng các nhà đấu tranh ở trong nước mà để dính vào các tổ chức này là kể như bị sa vào lưới của Công An.
Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi các nhà đấu tranh ở trong nước phải luôn cảnh giác, đừng nghe tuyên truyền hay dụ dổ mà dính vào các tổ chúc chống cộng cò mồi của Công An hay đang bị Công An dùng làm cò mồi.
Khi bắt những nhà đấu tranh chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, v.v., nhà cầm quyền CSVN thừa biết hành động này sẽ phương hại cho uy tín của chế độ trước công luận quốc tế, nhưng họ vẫn làm để bảo đảm sự ổn định của chế độ. Tuy nhiên, những sự đối kháng không mệt mỏi đó, tuy chưa đem lại những kết quả cụ thể trước mắt, nhưng nó đang xói mòn dần chế độ và khơi dậy những ý thức về dân chủ, về nhân quyền, về công bằng xã hội, về phát triển đất nước... trong quần chúng. Vì thế, nó có năng lực thúc đầy chế độ phải có những thay đổi. Chính những nỗ lực này đang trở thành những viên gạch xây dựng dần nền dân chủ.
(Ngày 16.6.2009)
Bị sa vào lưới Công An!
Trong tuần qua, có hai sự kiện đáng quan tâm đã xẩy ra ở trong nước, đó là vụ Luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp và vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ nộp đơn ở Toà Án Nhân Dân Hà Nội kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì cho rằng quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1.11.2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015” của Thú Tướng Dũng là một quyết định vi phạm luật pháp.
Tuần này chúng tôi xin đề cập đến vụ Luật sư Lê Công Định bị bắt vì vụ này khẩn cấp hơn.
BẢN TIN CỦA BÁO THANH NIÊN
Luật Sư Lê Công Định là một luật sư đã tạo được nhiều danh tiếng ở trong và ngoài nước, nên tin ông bị bắt đã gây nhiều phản ứng ở quốc nội cũng như quốc tế.
Có rất nhiều bản tin ở trong và ngoài nước nói về trường hợp ông bị bắt, nhưng chúng tôi thấy bản tin của báo Thanh Niên online đã nói lên khá đầy đủ thông báo của nhà cầm quyền về lý do ông bị bắt, nên trước hết chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bản tin này trước khi có một vài nhận định.
Báo Thanh Niên online ngày 13.6.2009 đã cho biết như sau:
“Trưa qua 13.6, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với luật sư Lê Công Định về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
“Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra tiến hành khám xét đối với luật sư Lê Công Định để thu giữ tài liệu. Đến tối cùng ngày việc khám xét vẫn chưa kết thúc. Lê Công Định không phản ứng gì khi bị bắt và chấp hành mọi yêu cầu, ký vào các tài liệu bị thu giữ.
“Cùng ngày, tại Hà Nội và TP.HCM, Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã tiến hành họp báo về vụ bắt giữ. Tại cuộc họp báo ở TP.HCM, lúc 17 giờ, thiếu tướng Hoàng Công Tư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết:
“Luật sư Lê Công Định bị bắt theo điều 88 Bộ luật Hình sự vì đã có những hành vi câu kết với những người cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước CHXHCNVN. Từ năm 2006 đến nay, Lê Công Định đã biên soạn rất nhiều tài liệu gửi cho các trang web BBC, RFA và các trang web của "Phong trào dân chủ VN", "Việt Tân"; "Chân trời mới"; "Thông luận", tập san "Tự do dân chủ"... do những kẻ phản động lưu vong lập ra. Các tài liệu này nhằm xuyên tạc chống phá đường lối, chính sách kinh tế - xã hội, vu khống bôi nhọ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo của chính quyền và tập trung vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; gây chia rẽ, mất lòng tin trong các tầng lớp nhân dân.
“Ngoài ra, lợi dụng việc bào chữa cho một số người như Nguyễn Quốc Quân (tự xưng là Ủy viên Trung ương Đảng Việt Tân), Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải tại các phiên tòa, Lê Công Định đã thông qua các luận chứng bào chữa để thực hiện ý đồ chống phá, xuyên tạc Hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCNVN.
“Lê Công Định còn có quan hệ rất chặt chẽ với một số người cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, như Hà Đông Xuyến (cầm đầu tổ chức Việt Tân - tổ chức mà cơ quan an ninh đã thông báo cho các cơ quan nước ngoài biết đây là phản động khủng bố cùng với tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh).
“Bên cạnh đó, Lê Công Định là thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng Nhân Dân Hành Động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ. Lê Công Định thường xuyên liên lạc với Nguyễn Sỹ Bình bàn thảo về mục tiêu, kế hoạch hoạt động và là người đứng ra tổ chức tập hợp lực lượng nhằm thành lập "Đảng dân chủ" và "Đảng lao động Việt Nam"; cấu kết với bọn phản động lưu vong được sự ủng hộ của một số thế lực phản động quốc tế bàn cách lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam.
“Tháng 3.2009, Lê Công Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức họp bàn, đánh giá những vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam và đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời điểm xảy ra "biến động chính trị" lật đổ chính quyền Việt Nam vào năm 2010. Các đối tượng này lấy bí danh chihai: Nguyễn Sỹ Bình, chiba: Trần Huỳnh Duy Thức, chitu: Lê Công Định để tránh bị phát hiện.
“Để chuẩn bị cho kế hoạch lật đổ, Lê Công Định cùng với một số kẻ chống đối khác soạn thảo tài liệu "Tân hiến pháp" nhằm thay thế Hiến pháp nước CHXHCNVN.
“Trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo, thiếu tướng Hoàng Công Tư cho biết việc bắt khẩn cấp Lê Công Định được tiến hành theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra đã có đầy đủ căn cứ. Thiếu tướng cho biết thêm, ngày 24.5, Trần Huỳnh Duy Thức - Tổng giám đốc Công ty cổ phần internet Một Kết Nối (OCI) đã bị bắt giữ. Cơ quan An ninh điều tra cũng đã khởi tố Thức về hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước và trộm cước viễn thông.”
Tóm lại, theo nhà cầm quyền, Luật Sư Lê Quốc Định bị bắt khẩn cấp vì các lý do chính sau đây:
1.- Biên soạn rất nhiều tài liệu gửi cho các trang web BBC, RFA và các trang web của "Phong trào dân chủ VN", "Việt Tân"; "Chân trời mới"; "Thông luận", tập san "Tự do dân chủ"... do những kẻ phản động lưu vong lập ra.
2.- Có quan hệ rất chặt chẽ với một số người cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, như Hà Đông Xuyến (cầm đầu tổ chức Việt Tân...).
3.- Là thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng nhân dân hành động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ.
VÀI DÒNG VỀ LÝ LỊCH
Báo Thanh Niên cho biết đại khái lý lịch của Luật sư Lê Công Định như sau:
Lê Công Định có bí danh Nguyên Kha, Paul. Sinh ngày 1.10.1968.
Năm 1989 tốt nghiệp Đại học Luật, 1990 - 1991: Chuyên viên Phòng Công chứng số 1 TP.HCM, 1991 - 1993: Nhân viên Văn phòng Đoàn luật sư TP.HCM, 1993-1994: Chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 1994 - 1998: Luật sư tập sự chi nhánh Công ty luật Coudert Brothers TP.HCM, 1998 - 2000: Du học thạc sĩ luật tại Mỹ, tháng 6.2000 - 11.2000: Luật sư Văn phòng luật sư Thắng & Associates.
Thời điểm bị bắt đang làm việc tại Công ty luật TNHH một thành viên Lê Công Định (37 Tôn Đức Thắng, Q.1).
Lê Công Định từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư TP.HCM, được nhiều người biết đến từ khi tham gia vụ kiện chống bán phá giá. Năm 2004, kết hôn với Hoa hậu Việt Nam 1998 Nguyễn Thị Ngọc Khánh.
MỘT THỜI ĐƯỢC CA TỤNG
Vào đầu năm 2006, các báo trong nước đã đăng một loạt bài dưới đầu đề “Vào cạnh tranh toàn cầu...” , nói về các du học sinh đã chọn lựa con đường quay trở về Tổ quốc từ một nền giáo dục phát triển ở một quốc gia giàu có và hiện đại nào đó... để làm thay đổi đất nước và đưa đất nước đi lên. Loạt bài này do Nguyễn Văn Tiến Hùng viết. Trong số các du học sinh này, Luật sư Lê Công Định cũng đã từng được ca tụng. Chúng ta hãy nghe báo Tuổi Trẻ online ngày 25.2.2006 nói về Luật sư Lê Công Định trong mục “Ra đi và mang về.... (Kỳ 7) ”:
1.- Từ tầng hầm của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn
Năm 1989, Định mới ra trường, vào làm việc ở Phòng Công chứng số 1. Ngoài công việc phụ tá cho công chứng viên, Định biết tiếng Pháp nên được giao thêm việc thống kê sắp xếp kho tài liệu dưới tầng hầm của tòa nhà 89 Nguyễn Du. Đó vốn là trụ sở của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn trước 1975.
Sáng công tác chuyên môn, chiều làm trong kho tư liệu. Vừa làm vừa tò mò đọc xem thời trước người ta hành xử công việc pháp lý như thế nào. Càng đọc, Định càng sửng sốt khi những kiến thức của một cử nhân luật như mình lại không hiểu hết một văn bản pháp lý của nền hành chính cũ. Trong đầu Định một ý nghĩ lớn dần: trước đây VN từng có một nền văn minh pháp lý rất chuẩn mực.
Cũng thời điểm đó, LS Triệu Quốc Mạnh tập hợp những nhân vật rất giỏi luật của Sài Gòn mở lớp luật ở ĐH Tổng hợp TP.HCM với tiêu chí dạy “theo tinh thần pháp lý thế giới”. “Tôi nghĩ mãi rồi quyết định bỏ việc để đi học tiếp”. Lúc qua trường luật xin xác nhận điểm để miễn một số môn, một thầy giáo cũ biết chuyện tròn mắt hỏi: “Mày có khùng không mà đi học cái lớp vớ vẩn?”.
Nhưng trong cái lớp học ấy, LS Triệu Quốc Mạnh có những bài giảng nổi tiếng về tinh thần pháp lý thế giới; thầy Võ Phúc Tùng (tiến sĩ luật bảo vệ luận án cuối tháng 4-1975) làm Định say mê với “khế ước và nghĩa vụ” theo chuẩn mực của Pháp. Thầy Lương Văn Lý dạy rất hay về công pháp quốc tế... Đó là những giáo sư giỏi nhất chuyện “hạ đo ván” sinh viên trong các kỳ thi.
Càng học, Định thấy hiểu rõ hơn những gì anh đọc trong căn hầm của phòng chưởng khế hồi xưa. Thầy Tùng tạo một ấn tượng lớn từ kiến thức uyên bác cho tới tư cách trong cuộc đời. Có thời điểm khó khăn, phải đi sửa đồng hồ kiếm sống nhưng ông vẫn vô tư: “Học tiến sĩ khó cỡ nào còn học được thì nhằm nhò gì những cái đơn giản này!”. Ông nhận Định làm học trò dạy tiếng Pháp.
Suốt tám năm trời, hai thầy trò cặm cụi ba buổi tối mỗi tuần. Mỗi buổi học xong hai giờ ngôn ngữ, thầy trò lại xoay qua bàn chuyện văn chương Pháp với Victor Hugo, Alexandre Dumas... Có bữa cúp điện, hai thầy trò đốt đèn dầu, mồ hôi nhễ nhại. Chính cái vốn tiếng Pháp dưới ánh đèn dầu này đã tạo điều kiện cho Định vào làm ở văn phòng luật Coudert Brothers. Vị LS đại diện văn phòng này ở Sài Gòn vì mê tiếng Pháp của anh mà nhận vào. Năm đó Định 26 tuổi. Rồi một bước ngoặt mới: suất học bổng đi Pháp...
2.- Đến Paris và Columbia
Trước những năm 1997, tôi nghiên cứu luật trong nước, thấy luật mình còn thiếu nhiều quá, muốn làm một điều gì đó nhưng kiến thức không có. Tôi thèm một chuyến đi du học Pháp. Nhưng hồi đó, những suất học bổng chỉ có cán bộ ngành tòa án hoặc người ngoài bộ mới được. Rồi năm 1997, lần đầu tiên người ta cho các đoàn LS dự tuyển các suất học bổng. Tôi bước chân ra khỏi đại sứ quán mà như bay trên mây với suất học bổng ngành luật của Trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2).
Vài tháng sau, một ngày đang lang thang ngao du ở châu Âu, có một tin vui không kém: tôi giành được học bổng Fulbright đi Mỹ. Thông tin này thay đổi nhiều thứ với tôi.
Sau vài tháng học ở Paris, tôi nhận ra đại học Pháp thời điểm đó vẫn là sự kéo dài của hệ thống thực dân cũ: trì trệ, bảo thủ. Năm 1998-1999 mà cả trường chỉ có hai máy photo, mượn một đống sách từ thư viện phải mất 3-4 giờ đồng hồ chờ đợi để photo. Giáo sư thì như một vị thánh trên giảng đường, bắt học thuộc lòng y như ở VN chứ không dạy về tư duy pháp lý.
Tôi tranh thủ học thêm một khóa triết của Trường đại học Sorbonre theo lời khuyên của thầy Tùng (“Phải biết căn bản triết học để hiểu nền luật pháp”), đến tháng 5-1999 tôi rời Paris, bỏ luôn những môn thi cuối cùng của bậc thạc sĩ (vào cuối tháng 6-1999) để sang Mỹ học cao học luật ở ĐH Tulane - Columbia”.
3.- “Tôi ủng hộ án lệ!”
Đó là câu đầu tiên và là sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện của LS Định. Anh mang ra hai quyển Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao năm 2003 -2004 (đó là những bản án ở cấp giám đốc thẩm sửa sai các vụ án khó ở tòa cấp dưới và được xem như một ví dụ về việc áp dụng các điều luật khi xét xử những vụ án tương tự như vậy) rồi nói một cách tự hào: “Đây là một bước rất nhỏ của án lệ tại VN!”.
Do những đặc thù của VN, án lệ là một quãng đường đầy khó khăn và nhiều tranh cãi. Trong một bài viết trên bản tin đoàn LS tháng 7-2003, LS Định thẳng thừng: “Phán quyết của tòa án hiện nay thường thiếu chiều sâu và sự uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời giáo huấn đạo đức không cần thiết cho các bị cáo hoặc các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp những khuyết điểm đó” . Cứ thế, cái cách nói đôi khi gay gắt của chàng LS trẻ này khiến không ít người khó chịu.
Và sự “nổi tiếng” của LS Định lại là sự “khùng”. Không ít lần anh từng bị các quan chức một bộ nhắn gửi: “Thằng đó khùng hay sao mà tuyên bố này nọ hoài”. Đó là khi anh truy đến cùng các nguyên nhân khiến luật chưa ra đời đã trở nên lạc hậu: “Bộ luật dân sự của Napoléon xây dựng cách đây 200 năm; Bộ luật dân sự Đức xây dựng cách đây 100 năm - không hề được sửa bởi trước đó những bộ luật này đã kế thừa được hệ thống luật bất thành văn của hàng ngàn năm trước và quan tòa, khi xét xử, nếu thấy không phù hợp thực tế bèn giải thích theo thực tiễn để thay đổi tinh thần của nó”.
Đó là sửa luật theo án lệ. Tức nền tảng luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và ở các nước, chỉ có quan tòa là người duy nhất giải thích luật, còn ở ta ai muốn giải thích cũng được cả. Nó làm cho luật pháp mất tính thống nhất và vị trí độc lập của quan tòa không cao. Chúng ta có quá nhiều luật nhưng nhiều khi “không xài được” hoặc vừa thông qua đã “chết” rồi vì thiếu tính thực tiễn. Tôi ủng hộ án lệ và chắc chắn luật về án lệ sẽ giải quyết được những điều mà trong thực tiễn chưa có.
Ở VN, người ta có thể trả lại đơn kiện và nói: luật chưa có, Quốc hội chưa ban hành, tôi không xử được. Nhưng ở nước ngoài, người ta sẽ kiện ngay quan tòa vì tội không ban phát công lý”.
4.- Tạm gác giấc mơ tiến sĩ
“Hồi xưa tôi mê luận án tiến sĩ và từng sưu tầm hàng trăm cái ở Paris, từng được chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tulane nhưng rồi về nước, một đam mê khác lấn dần vào công việc hằng ngày của tôi: gầy dựng một công ty luật mình thích, góp phần gầy dựng tinh thần thượng tôn pháp luật từ cộng đồng tới doanh nghiệp và cả chính quyền. Tham gia các vụ việc với chính quyền thành phố hoặc các công ty lớn của Nhà nước... tôi thấy vui nhất là ý thức các vị đã có những thay đổi rất rõ. Vụ VN Airlines, vụ Liên đoàn Bóng đá bị thua kiện và mất tiền ở nước ngoài… đã làm người ta giật mình.
Mới đây, trong một cuộc họp của UBND TP.HCM, tôi ngồi nghe ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: “Làm gì thì làm, phải tuân thủ những qui định pháp lý, tránh để bị kiện” mà thấy mừng. Đã có những vụ mà chính quyền không thể đơn thuần ra quyết định hành chính, ví dụ thành phố “thuê lại quyền sử dụng” công viên 23-9 từ nhà đầu tư nước ngoài. Mà chuyện đó đâu đơn giản: họ cử LS, quăng sách luật ra bàn, cãi nhau tóe lửa...
Tôi nhớ lại LS Đặng Khải Minh, một Việt kiều nhưng tinh thần của ông thì hết sức VN, tìm mọi cách nâng đỡ và vun vén cho LS Việt, ông khuyên chúng tôi phải chuẩn bị hết mọi điều kiện để LS VN mình có thể sánh ngang với khu vực và thế giới khi tham gia cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa đào tạo những LS trẻ để họ nâng tầm. Giờ đây chúng tôi có thể sang Singapore hay bất cứ quốc gia nào tham gia các vụ kiện, có thể tranh cãi từng từ ngữ với các LS, buộc họ sửa cả văn bản tiếng Anh hay đưa ra các ý kiến pháp lý trong các hợp đồng mua bán, tài trợ... tầm quốc tế cho khách hàng VN.
VN hiện tại chỉ có khoảng hai văn phòng luật đủ mạnh để làm chuyện đó. Tình trạng cạnh tranh cũng đang làm cho LS VN yếu thế thay vì phối hợp để nâng tầm trên trường quốc tế. Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”.
Nhiều người đã ra đi và nhiều người đã trở về, với một hành trang đầy đặn và một khát vọng về các cuộc chơi lớn cùng bạn bè quốc tế. Mỗi người trong họ đi trên những con đường khác nhau để cùng gặp nhau trong một nỗ lực.
NHỮNG CHUYỆN LÀM NHỨC NHỐI
Ngoài những công việc nói trên, Luật sư Lê Công Định cũng cố gắng tranh đấu để đất nước ngày càng có dân chủ hơn, tự do hơn. Ông đã viết nhiều loại bài hay trả lời các cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông trong nước cũng như ở hải ngoại về những vấn đề đáng quan tâm của đất, nước chẳng hạn như:
- “Vai trò xây dựng án lệ của toà án” (Bản tin Đoàn Luật sư Sài Gòn, Số 8, ngày 26.7.2003).
- “Tính minh bạch trong hoạt động của toà án” (Đặc san Nghề Luật, Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp, Số 7 năm 2004).
- “Trả lại hào khí Diên Hồng” (Báo Pháp Luật Sài Gòn ngày 5.3.2006, BBC ngày 11.3.2006). Trong bài này ông cũng viết rất thẳng thắn: “Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị...”
- “Tại sao không nên sợ đa nguyên” (BBC, 13.4.2006).
- “Bàn về ‘Chính danh’ trong thể chế pháp trị” (BBC, 4.7.2006).
- “Thế giới ảo và hiệu quả của chính phủ” (BBC, 5.2.2007).
- “Bài học Miến Điện” (BBC, 1.10.2007).
- “Phỏng vấn Luật sư Lê Công Định trước phiên xử “vụ Điếu Cày” (RFA, 10.9.2008).
- “Đất đai dưới áp lực của tiền và quyền tại Việt Nam” (RFA, 27.2.2009).
- “Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng” (BBC 9.3.2009). Trong bài này ông viết: “Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.”
- “Đọc sử để nhìn nhận hôm nay” (BBC, 2.5.2009), v.v.
Nhà cầm quyền nhận thấy những loạt bài nhức nhối như thế này không thề được tiếp tục cho phổ biến nên tìm cách ngăn chận.
BỊ SA VÀO LƯỚI
Điều 88 Bộ Luật Hình Sự quy định rằng sẽ bị phạt từ 3 đến 12 năm tù những ai tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, làm ra hay tàng trử các tài liệu chống chính quyền, v.v. Nhưng truy tố về những tội này thường gây nhiều tranh cãi vì nó thuộc về quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến Pháp. Do đó, muốn bắt và truy tố một người nào theo điều 88, Công An thường phải gài cho người này có sự liên hệ tới một tổ chức bị coi là “phản động”, mặc dầu đôi khi tổ chức đó chỉ là một tổ chức chống cộng cò mồi hay được dùng làm cò mồi.
Một thí dụ cụ thể: Trong vụ án Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, theo bản Cáo Trạng số 28/CT-VKS-P2 ngày 23.4.2007 của Viện KSND TP Hà Nội, các bị cáo Đài và Nhân đã tàng trữ các tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, bôi nhọ chế độ xã hội do Đảng Cộng Sản lãnh đạo, vu cáo xuyên tạc chính sách của Nhà nước, v.v.
Nhưng nếu chỉ truy tố như thế thì quá yếu. Viện KSND phải chứng minh thêm rằng vào tháng 4/2006, Lê Thị Công Nhân đã ký tên ủng hộ cái gọi là "Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006" và cùng Nguyễn Văn Đài tham gia Khối 8406. Vào tháng 9/2006, Lê Thị Công Nhân đã xin gia nhập vào cái gọi là "Đảng Thăng Tiến Việt Nam" (một đảng chống cộng cò mồi). Từ 2/9 đến 5/9/2006, Lê Thị Công Nhân vào Huế bàn việc quyết định tuyên bố công khai đảng này trên mạng Internet vào ngày 8.9.2006. Nguyễn Văn Đài còn bị tố cáo là kẻ trực tiếp soạn thảo điều lệ của tổ chức “Đảng Dân Chủ 21,” trong đó y không hề giấu diếm ý đồ muốn giành chính quyền ở Việt Nam.
Về trường hợp của Luật sư Lê Công Định, nhà cầm quyền nói rất rõ: Lê Công Định là “thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng Nhân Dân Hành Động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ.”
Về hoạt động đáng nghi ngờ của "Đảng Nhân Dân Hành Động" do Nguyễn Sỹ Bình lãnh đạo, chúng tôi đã cảnh giác quá nhiều lần, chỉ các nhà tranh đấu trong nước không biết đến “thành tích” của đảng này nên để vướng vào và bị liên lụy. Tháng 3/2009, Lê Công Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình là kể như trúng kế Công An rồi!
Các lãnh tụ của Khối 8406, Đảng Nhân Dân Hành Động, Đảng Dân Chủ 21... có thể ra tuyên ngôn tuyên cáo tố Cộng búa xua mà chẳng sao cả, nhưng các nhà đấu tranh ở trong nước mà để dính vào các tổ chức này là kể như bị sa vào lưới của Công An.
Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi các nhà đấu tranh ở trong nước phải luôn cảnh giác, đừng nghe tuyên truyền hay dụ dổ mà dính vào các tổ chúc chống cộng cò mồi của Công An hay đang bị Công An dùng làm cò mồi.
Khi bắt những nhà đấu tranh chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, v.v., nhà cầm quyền CSVN thừa biết hành động này sẽ phương hại cho uy tín của chế độ trước công luận quốc tế, nhưng họ vẫn làm để bảo đảm sự ổn định của chế độ. Tuy nhiên, những sự đối kháng không mệt mỏi đó, tuy chưa đem lại những kết quả cụ thể trước mắt, nhưng nó đang xói mòn dần chế độ và khơi dậy những ý thức về dân chủ, về nhân quyền, về công bằng xã hội, về phát triển đất nước... trong quần chúng. Vì thế, nó có năng lực thúc đầy chế độ phải có những thay đổi. Chính những nỗ lực này đang trở thành những viên gạch xây dựng dần nền dân chủ.
(Ngày 16.6.2009)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa lên tiếng về việc bắt giữ luật sư Lê Công Định
VOA
05:37 16/06/2009
Chiều ngày thứ Hai (16.6.2009), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Ian Kelly ra thông cáo nói rằng Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc trước sự kiện nhà chức trách Việt Nam bắt giam ông Lê Công Định hôm thứ bảy, và buộc ông vào tội 'tuyên truyền chống nhà nước.'
Các quan chức Việt Nam nói rằng ông Định bị bắt vì bênh vực các nhà hoạt động đòi dân chủ và đã sử dụng Internet để bày tỏ quan điểm của mình.
Luật sư Lê Công Định là một thành viên được kính trọng của cộng đồng luật gia Việt Nam và quốc tế, ông đã tham gia chương trình Fulbright của Hoa Kỳ.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: không thể bắt giam một người nào đó vì người này bày tỏ quyền tự do phát biểu, và không thể trừng phạt một luật sư vì người này đã chọn thân chủ nào để biện hộ.
Cuối cùng thông cáo cho biết: việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định đã đi ngược với cam kết của chính phủ Việt Nam là sẽ tuân thủ các chuẩn mực được quốc tế chấp nhận liên quan đến nhân quyền và chế độ pháp quyền.
Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Luật sư Định cũng như tất cả các tù nhân khác đang còn bị giam cầm vì đã bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa.
(Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-16-voa1.cfm)
Các quan chức Việt Nam nói rằng ông Định bị bắt vì bênh vực các nhà hoạt động đòi dân chủ và đã sử dụng Internet để bày tỏ quan điểm của mình.
Luật sư Lê Công Định là một thành viên được kính trọng của cộng đồng luật gia Việt Nam và quốc tế, ông đã tham gia chương trình Fulbright của Hoa Kỳ.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: không thể bắt giam một người nào đó vì người này bày tỏ quyền tự do phát biểu, và không thể trừng phạt một luật sư vì người này đã chọn thân chủ nào để biện hộ.
Cuối cùng thông cáo cho biết: việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định đã đi ngược với cam kết của chính phủ Việt Nam là sẽ tuân thủ các chuẩn mực được quốc tế chấp nhận liên quan đến nhân quyền và chế độ pháp quyền.
Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Luật sư Định cũng như tất cả các tù nhân khác đang còn bị giam cầm vì đã bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa.
(Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-16-voa1.cfm)
Sau Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, nay nhà cầm quyền muốn giải tỏa luôn Nhà thờ giáo xứ Thủ Thiêm
CTV CSSR
08:31 16/06/2009
Giấy mời cha Lê Đăng Niêm của chính quyền phường Thủ Thiêm |
LM chính xứ Lê Đăng Niêm và LM phó Quốc Huy |
Cha Chính xứ Thủ Thiêm rất bất bình trước thư mời này. Ngài cho biết lý do: Nhà thờ Thủ Thiêm đã và đang tồn tại hợp pháp từ 150 năm nay. Chưa bao giờ chính quyền chính thức đề cập đến vấn đề giải toả nhà thờ. Cũng chưa bao giờ có vấn đề ngài đồng ý di dời nhà thờ. Vậy mà bất ngờ từ trên trời rơi xuống cái giấy mời ngài đi ra phường để “hiệp thương việc di dời cơ sở tôn giáo”.
Mặc dù vậy, chiều ngày 11/6/2009, Cha Chính xứ Thủ Thiêm đã cho một giáo dân ra UBND phường Thủ Thiêm để nghe xem nhà cầm quyền nói gì rồi về báo cáo lại cho ngài biết. Các cán bộ quận 2 và phường Thủ Thiêm đã không chấp nhận sự hiện diện của giáo dân này.
Cương quyết muốn gặp cha Chính xứ, ngay trong ngày 11/6/2009, UBND quận 2, TP/HCM đã cho cha G.B Lê Đăng Niêm thư mời thứ 2. Nội dung “mời” ngài ra UBND phường Thủ Thiêm lúc 8 h 30 ngày 16/6/2009 với lý do: “Tiếp xúc cơ sở tôn giáo trong khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Giáo dân Thái Hà tập họp trước UBND quận Đống Đa phản đối chính quyền về vụ chiếm hồ Ba Giang
CTV CSSR
15:28 16/06/2009
HÀ NỘI – Vào lúc 8 giờ sáng nay,16/06/2009, biết tin cha Bề Trên Mátthêu Vũ Khởi Phụng cùng quý cha quý thầy DCCT Hà Nội sẽ lên làm việc với chính quyền quận Đống Đa về vấn đề khu đất Hồ Ba Giang, đông đảo anh chị em giáo dân đã đến hiệp thông cầu nguyện và cùng lên đường với quý cha, quý thầy ra UBND Quận Đống Đa.
Trước lúc lên đường quý Cha cùng cộng đoàn đã cầu nguyện trước Mẹ Công Lý để xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho buổi làm việc giữa quý Cha với chính quyền về chuyện khu đất Hồ Ba Giang được diễn ta một cách công tâm và cho nhà cầm quyền trả đất đai về cho giáo xứ Thái Hà.
Sau những giây phút cầu nguyện, quý cha, quý thầy cùng cộng đoàn đã đi theo hàng một, tay cầm biểu ngữ lên đường ra UBND quận Đống Đa để yêu cầu chính quyền quận Đống Đa trả lại khu đất Hồ Ba Giang.
Khoảng 200 giáo dân đã cùng các linh mục, tu sĩ nhà thờ Thái Hà tập hợp trước UBND quận Đống Đa, Hà Nội để phản đối chính quyền ngang nhiên chiếm hồ Ba Giang, đồng thời yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền sử dụng đất hồ Ba Giang của giáo xứ Thái Hà.
Theo thông tin từ các giáo dân cho biết, sau khi giáo xứ Thái Hà gửi đơn khiếu nại lần thứ hai (ngày 4/6/2009), thì ngay lập tức, thứ bảy, ngày 5/6/2009, Thanh tra quận Đống Đa đã gửi giấy mời hẹn cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, ngày 16/6/2009, tới UBND quận Đống Đa để làm việc về vụ đất hồ Ba Giang.
Biết được thông tin ấy, ngay từ rất sớm hàng trăm giáo dân đã tụ tập tại nhà thờ Thái Hà để cùng quý cha tới UBND tham dự cuộc họp.
Bất chấp cơn mưa lớn, khiến đường hầm hiện đại nhất Việt Nam vừa khai trương một tiếng đồng hồ trước đó đã phải đóng cửa vì ngập lụt, phái đoàn giáo xứ Thái Hà đã đi bộ từ nhà thờ Thái Hà tới UBND quận Đống Đa để bày tỏ cách ôn hòa yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền sử dụng khu đất hồ Ba Giang của giáo xứ.
Rất nhiều biểu ngữ đã được bà con giáo dân mang theo như “Phản đối chiếm dụng đất nhà thờ lần II”, “Công lý và sự thật”, “Chúng tôi làm chứng cho sự thật”; nhưng nổi bật hơn cả là những biểu ngữ “Stop bôxít”, “Hãy trả lại mầu xanh cho Tây Nguyên”.
Khi những chiếc xe bus chạy qua, nhiều giáo dân đã có sáng kiến dán tất cả những biểu ngữ này, đặc biệt là những biểu ngữ về bôxít lên thành xe để những chiếc xe này mang thông điệp chống bôxít đi khắp thành phố.
Khoảng 12giờ00 cuộc họp kết thúc, phái đoàn lên đường, trật tự trở về nhà thờ Thái Hà để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.
Trước lúc lên đường quý Cha cùng cộng đoàn đã cầu nguyện trước Mẹ Công Lý để xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho buổi làm việc giữa quý Cha với chính quyền về chuyện khu đất Hồ Ba Giang được diễn ta một cách công tâm và cho nhà cầm quyền trả đất đai về cho giáo xứ Thái Hà.
Sau những giây phút cầu nguyện, quý cha, quý thầy cùng cộng đoàn đã đi theo hàng một, tay cầm biểu ngữ lên đường ra UBND quận Đống Đa để yêu cầu chính quyền quận Đống Đa trả lại khu đất Hồ Ba Giang.
Khoảng 200 giáo dân đã cùng các linh mục, tu sĩ nhà thờ Thái Hà tập hợp trước UBND quận Đống Đa, Hà Nội để phản đối chính quyền ngang nhiên chiếm hồ Ba Giang, đồng thời yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền sử dụng đất hồ Ba Giang của giáo xứ Thái Hà.
Theo thông tin từ các giáo dân cho biết, sau khi giáo xứ Thái Hà gửi đơn khiếu nại lần thứ hai (ngày 4/6/2009), thì ngay lập tức, thứ bảy, ngày 5/6/2009, Thanh tra quận Đống Đa đã gửi giấy mời hẹn cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, ngày 16/6/2009, tới UBND quận Đống Đa để làm việc về vụ đất hồ Ba Giang.
Biết được thông tin ấy, ngay từ rất sớm hàng trăm giáo dân đã tụ tập tại nhà thờ Thái Hà để cùng quý cha tới UBND tham dự cuộc họp.
Bất chấp cơn mưa lớn, khiến đường hầm hiện đại nhất Việt Nam vừa khai trương một tiếng đồng hồ trước đó đã phải đóng cửa vì ngập lụt, phái đoàn giáo xứ Thái Hà đã đi bộ từ nhà thờ Thái Hà tới UBND quận Đống Đa để bày tỏ cách ôn hòa yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền sử dụng khu đất hồ Ba Giang của giáo xứ.
Rất nhiều biểu ngữ đã được bà con giáo dân mang theo như “Phản đối chiếm dụng đất nhà thờ lần II”, “Công lý và sự thật”, “Chúng tôi làm chứng cho sự thật”; nhưng nổi bật hơn cả là những biểu ngữ “Stop bôxít”, “Hãy trả lại mầu xanh cho Tây Nguyên”.
Khi những chiếc xe bus chạy qua, nhiều giáo dân đã có sáng kiến dán tất cả những biểu ngữ này, đặc biệt là những biểu ngữ về bôxít lên thành xe để những chiếc xe này mang thông điệp chống bôxít đi khắp thành phố.
Khoảng 12giờ00 cuộc họp kết thúc, phái đoàn lên đường, trật tự trở về nhà thờ Thái Hà để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.
Quốc tế gia tăng áp lực đòi VN thả luật sư Lê Công Định
VOA
15:53 16/06/2009
Cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực đòi Việt Nam trả tự do cho luật sư Lê Công Định sau khi bắt ông vì tội gọi là ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.
Hãng tin AFP trích thuật thông cáo của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng vụ bắt giữ sẽ ‘gây lo ngại’ về lĩnh vực tư pháp của Việt Nam.
Ông Brad Adams, Giám đốc bộ phận Châu Á của tổ chức này, nói rằng vụ bắt giữ luật sư Định hồi cuối tuần trước là một ‘bước lùi nữa’ đối với nền pháp trị ở Việt Nam.
Luật sư 41 tuổi bị bắt hôm thứ Bảy vừa qua vì bị cho là ‘cấu kết với các thế lực thù địch’ nhằm chống phá chính phủ.
Ông Adams hôm thứ Ba nói rằng việc bắt giữ một trong các luật sư nhân quyền nổi bật nhất sẽ khiến ‘các luật sư khác nhụt chí khi nhận bênh vực các vụ án được cho là nhạy cảm về mặt chính trị’.
Ông Adams cũng nói thêm rằng các luật sư Việt Nam cần phải được làm việc mà không sợ bị bách hại, đe dọa hay bắt bớ, vốn là quyền được quốc tế công nhận mà Việt Nam đã ký trong các thỏa thuận.
Trong khi đó, tổ chức thúc đẩy tự do báo chí Hội Nhà báo không biên giới nói luật sư Định đã viết nhiều bài báo ủng hộ dân chủ đồng thời kêu gọi Việt Nam phóng thích ông ngay lập tức.
Một thông cáo ra hôm thứ Hai của tổ chức có trụ sở ở Paris này nói họ ‘lo ngại rằng vụ bắt giữ nhằm trừng phạt một người đáng kính đã thúc đẩy nền pháp trị ở Việt Nam’.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi giới hữu trách Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho luật sư Định và các tù nhân khác bị bắt vì bày tỏ quan điểm của họ một cách hòa bình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ian Kelly nói hôm thứ Hai rằng ‘không một cá nhân nào đáng bị bắt giữ vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận, và không một luật sư nào đáng bị trừng phạt vì những cá nhân mà họ cố vấn’.
Phát ngôn viên này nói thêm rằng việc Việt Nam bắt giữ ông Định ‘mâu thuẫn với chính cam kết của chính phủ đối với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về nhân quyền và pháp trị’.
Ông Kelly nói thêm rằng Washington ‘hết sức quan tâm’ về vụ bắt giữ luật sư Định.
Được biết, luật sư Lê Công Định từng bào chữa cho hai luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Theo hãng tin AP, trong khi bào chữa cho hai bị can này hồi năm 2007, ông Định đã kêu gọi tự do ngôn luận đồng thời cho rằng việc cáo buộc tội chống phá nhà nước đối với những ai thúc đẩy tự do ngôn luận là sai.
Hãng tin AP trích tin của báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản nói rằng ông Ðịnh đã ‘lợi dụng’ các phiên tòa đó để ‘tuyên truyền chống phá chính quyền và xuyên tạc hiến pháp và pháp luật Việt Nam’.
Hãng tin của Mỹ cũng trích lại nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng ông Định đã lợi dụng vấn đề tranh cãi xoay quanh các dự án bauxite ở Tây Nguyên để 'kích động dân chúng chống lại đảng và nhà nước'.
Trong khi đó, hãng tin DPA cho biết đã liên lạc với Đảng Nhân dân Hành động ở hải ngoại, mà chính quyền Việt Nam cho rằng ông Định là một thành viên của đảng này.
Tuy nhiên, từ California, lãnh đạo Đảng Nhân dân Hành động, ông Nguyễn Sĩ Bình, cho biết ông từng làm việc với ông Định, nhưng bác bỏ tin cho rằng ông Định từng là một thành viên của đảng này.
Hãng tin của Đức cũng đưa rằng một số học giả nổi bật của Việt Nam đã mạnh mẽ phản ứng một cách bất thường đối với vụ bắt giữ ông Định.
Theo DPA, kinh tế gia hàng đầu Nguyễn Quang A hôm thứ Hai lên tiếng nói rằng vụ bắt giữ là một sự ‘bóp nghẹt dân chủ một cách tàn bạo’.
Luật sư Định, người từng được học bổng toàn phần của Mỹ, cũng là một tay bút với các bài viết ủng hộ dân chủ đăng tải trên báo chí hải ngoại.
AFP cũng đưa tin rằng Việt Nam, một quốc gia độc đảng, nói không trừng phạt bất kỳ ai vì bày tỏ quan điểm chính trị, mà chỉ truy tố các cá nhân vi phạm pháp luật.
(Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-16-voa8.cfm)
Hãng tin AFP trích thuật thông cáo của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng vụ bắt giữ sẽ ‘gây lo ngại’ về lĩnh vực tư pháp của Việt Nam.
Ông Brad Adams, Giám đốc bộ phận Châu Á của tổ chức này, nói rằng vụ bắt giữ luật sư Định hồi cuối tuần trước là một ‘bước lùi nữa’ đối với nền pháp trị ở Việt Nam.
Luật sư 41 tuổi bị bắt hôm thứ Bảy vừa qua vì bị cho là ‘cấu kết với các thế lực thù địch’ nhằm chống phá chính phủ.
Ông Adams hôm thứ Ba nói rằng việc bắt giữ một trong các luật sư nhân quyền nổi bật nhất sẽ khiến ‘các luật sư khác nhụt chí khi nhận bênh vực các vụ án được cho là nhạy cảm về mặt chính trị’.
Ông Adams cũng nói thêm rằng các luật sư Việt Nam cần phải được làm việc mà không sợ bị bách hại, đe dọa hay bắt bớ, vốn là quyền được quốc tế công nhận mà Việt Nam đã ký trong các thỏa thuận.
Trong khi đó, tổ chức thúc đẩy tự do báo chí Hội Nhà báo không biên giới nói luật sư Định đã viết nhiều bài báo ủng hộ dân chủ đồng thời kêu gọi Việt Nam phóng thích ông ngay lập tức.
Một thông cáo ra hôm thứ Hai của tổ chức có trụ sở ở Paris này nói họ ‘lo ngại rằng vụ bắt giữ nhằm trừng phạt một người đáng kính đã thúc đẩy nền pháp trị ở Việt Nam’.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi giới hữu trách Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho luật sư Định và các tù nhân khác bị bắt vì bày tỏ quan điểm của họ một cách hòa bình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ian Kelly nói hôm thứ Hai rằng ‘không một cá nhân nào đáng bị bắt giữ vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận, và không một luật sư nào đáng bị trừng phạt vì những cá nhân mà họ cố vấn’.
Phát ngôn viên này nói thêm rằng việc Việt Nam bắt giữ ông Định ‘mâu thuẫn với chính cam kết của chính phủ đối với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về nhân quyền và pháp trị’.
Ông Kelly nói thêm rằng Washington ‘hết sức quan tâm’ về vụ bắt giữ luật sư Định.
Được biết, luật sư Lê Công Định từng bào chữa cho hai luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Theo hãng tin AP, trong khi bào chữa cho hai bị can này hồi năm 2007, ông Định đã kêu gọi tự do ngôn luận đồng thời cho rằng việc cáo buộc tội chống phá nhà nước đối với những ai thúc đẩy tự do ngôn luận là sai.
Hãng tin AP trích tin của báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản nói rằng ông Ðịnh đã ‘lợi dụng’ các phiên tòa đó để ‘tuyên truyền chống phá chính quyền và xuyên tạc hiến pháp và pháp luật Việt Nam’.
Hãng tin của Mỹ cũng trích lại nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng ông Định đã lợi dụng vấn đề tranh cãi xoay quanh các dự án bauxite ở Tây Nguyên để 'kích động dân chúng chống lại đảng và nhà nước'.
Trong khi đó, hãng tin DPA cho biết đã liên lạc với Đảng Nhân dân Hành động ở hải ngoại, mà chính quyền Việt Nam cho rằng ông Định là một thành viên của đảng này.
Tuy nhiên, từ California, lãnh đạo Đảng Nhân dân Hành động, ông Nguyễn Sĩ Bình, cho biết ông từng làm việc với ông Định, nhưng bác bỏ tin cho rằng ông Định từng là một thành viên của đảng này.
Hãng tin của Đức cũng đưa rằng một số học giả nổi bật của Việt Nam đã mạnh mẽ phản ứng một cách bất thường đối với vụ bắt giữ ông Định.
Theo DPA, kinh tế gia hàng đầu Nguyễn Quang A hôm thứ Hai lên tiếng nói rằng vụ bắt giữ là một sự ‘bóp nghẹt dân chủ một cách tàn bạo’.
Luật sư Định, người từng được học bổng toàn phần của Mỹ, cũng là một tay bút với các bài viết ủng hộ dân chủ đăng tải trên báo chí hải ngoại.
AFP cũng đưa tin rằng Việt Nam, một quốc gia độc đảng, nói không trừng phạt bất kỳ ai vì bày tỏ quan điểm chính trị, mà chỉ truy tố các cá nhân vi phạm pháp luật.
(Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-16-voa8.cfm)
Cái tát vào mặt những ai dùng giằng chờ đợi Cộng sản Việt nam ''tiến bộ''
Lê Sáng
18:54 16/06/2009
Sự tiến bộ là một qui luật phát triển và sinh tồn cả trong tự nhiên và xã hội. Bất cứ một người, một vật, một hiện tượng, một xã hội nào muốn tồn tại và phát triển được thì phải tự hoàn thiện để tiến bộ dần theo thời gian. Nếu không nó sẽ tự đào thải, tự huỷ theo thời gian…
Sự tiến bộ nào của vật chủ cũng được đặt trong một không gian và thời gian nhất định. Cũng là sự tiến bộ, nhưng nếu không đạt được mức tối thiểu trong một khoảng thời gian tối đa nào đó, sự tiến bộ đó cũng không cứu được vật chủ, bởi qui luật không biết chờ đợi… Sự tiến bộ cũng phải được thể hiện cách cụ thể trong không gian vật chủ đang tồn tại chứ không phải ở một không gian nào khác…
Sự tiến bộ của vật chủ được hiểu là từ tác động bên ngoài, mà chuyển hoá ở bên trong… Từ nhận thức, dẫn đến tự thay đổi, tự cải hoán mình cho hoàn thiện hơn… Nhưng không phải sự thay đổi nào cũng được coi là tiến bộ. Nếu chỉ hoàn toàn do tác động bên ngoài, mà thay đổi hình thức người ta không gọi đó là tiến bộ. Ví như thanh phôi thép, được gia công thành chi tiết máy, rõ ràng nó có thay đổi một cách rất tinh vi và hữu dụng, nhưng hoàn toàn thụ động… Không ai gọi thanh phôi thép này là có tiến bộ cả.
Các chuẩn mực để định ra sự tiến bộ từ thấp lên cao, là các qui luật của tự nhiên của xã hội, chứ không phải của một cá nhân hay một nhà nước, một chế độ chính trị nào… Qui luật xã hội hình thành từ chính hoạt động của con người trong thế giới tự nhiên… Cho nên suy cho cùng qui luật xã hội cũng được hình thành, và phải phù hợp với các qui luật tự nhiên. Qui luật tự nhiên thì thuộc về Thượng Đế, con người chỉ khám phá nó chứ không thể đặt ra nó. Cho nên trong xã hội con người, dù là tư bản hay cộng sản gì gì… Qui luật của nó cũng không thuộc về học thuyết, hay bộ máy đảng, nhà nước, lãnh tụ cha già, v.v...
Sự tiến bộ trong các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo của nhà nước csvn trong suốt thời kỳ Việt Cộng buộc phải “chuyển hướng” hội nhập với thế giới từ 1986 đến nay luôn là mong đợi của cả nhân loại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi mà chính quyền csvn “bén mùi - say máu” với sự hào nhoáng vật chất của thế giới tư bản – Nhưng lại không chịu chấp nhận những tiêu chuẩn tối thiểu về tự do, công bằng, dân chủ, nhân quyền mà xã hội này đã hình thành bằng mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu… Thì vấn đề trở nên bức xúc cả trong và ngoài nước Việt.
Một mặt chính quyền độc tài csvn hứa “sẽ tiến bộ” bằng mồm, mặt khác họ cho trình bày những vở tuồng về tự do, dân chủ, nhân quyền… Thông qua những “kịch sĩ” họ gọi là “quần chúng nhân dân cốt cán” để có cái mà biện minh với quốc tế. Nhưng bản chất của vấn đề không hề thay đổi. Cái mà csvn cho thay đổi rồi gọi là tiến bộ đó, qui luật phát triển gọi là: Thay đổi bên ngoài không liên quan gì đến tiến bộ về chất bên trong. Các quyền tự do tối thiểu của người dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo… luôn bị hạn chế, đàn áp một cách tinh vi. Công an có mặt tại hiện trường nhưng thay vì bảo vệ dân, họ lại bảo vệ lưu manh côn đồ hành hung người dân có tiếng nói trái chiều cộng sản…
Vụ việc bắt luật sư Lê Công Định, như một phát súng ám sát giới luật gia Việt Nam vốn đã èo uột vì có quá nhiều đảng viên cộng sản, có quá nhiều “thằng hèn”, có quá ít người công chính dũng cảm lên tiếng cho công lý… Với quần chúng nhân dân nó như một vụ đánh bom khủng bố vậy. Giết luật sư - thế là hết người lên tiếng bảo vệ dân oan thấp cổ bế miệng. Chắc chắn khi hành động csvn cũng phải tính toán kỹ ở các góc độ ngoại giao, chính trị… Tuy nhiên hành động này của csvn một lần nữa khẳng định những gì người cộng sản lấy làm tiêu chí để tính toán khác xa với các tiêu chuẩn của thế giới văn minh. Vỡ mộng những người có quan điểm chờ đợi csvn tiến bộ.
Một trong những người có quan điểm “chờ đợi” này là ngài đại sứ Hoa Kỳ - Michael Michalak. Trong lần tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt (*) cũng như trả lời phỏng vấn gần đây ông nói: “Giáo dục sẽ giúp phần cải thiện nhân quyền đơn giản là vì khi người ta càng hiểu biết nhiều về thế giới xung quanh, thì họ lại càng có những chọn lựa khôn ngoan hơn, và tôi tin rằng họ sẽ tất nhiên có những quyết định có lợi ích cho việc cải thiện nhân quyền.”
Nếu tách vấn đề riêng lẻ, và đặt trong một khoảng thời gian dài (tối thiểu phải là một thế hệ người) thì câu nói này của ông hoàn toàn đúng. Thay đổi nhận thức, thay đổi qua điểm của những kẻ tội phạm bằng việc hỗ trợ giáo dục… Nghe qua người ta cảm tưởng rất nhân đạo… Nhưng thực chất chính sách này đã đánh tháo cho những kẻ tội phạm và nuôi béo con cháu quan chức độc tài tham nhũng. Không những thế nó còn kéo dài đau khổ của người dân thấp cổ bé miệng bị tước đoạt nhân quyền hơn nửa thế kỷ qua…
Con cái dân lành ở Việt Nam ai có khả năng lấy được học bổng Mỹ? Ai có khả năng du học tự túc ở Mỹ? Hãy xem những du sinh Việt Nam đã, đang học tại Mỹ, có bao nhiêu % là con cái quan chức cộng sản? Bao nhiêu % là con cái của những kẻ cơ hội bợ đỡ quan chức cộng sản? Bao nhiêu % là con cái của những kẻ lái thương vô chính trị, vô trách nhiệm với quốc gia, dân tộc Việt ??? - Nhưng một điều chắc chắn là không có con cái của dân nghèo. Du học bên Mỹ đòi hỏi trước đó du sinh phải được đào tạo tốn phí và tương đối có năng lực tại VN – Trong khi người dân nghèo trong chế độ cộng sản không bao giờ có thể nuôi con ăn học vào đến đại học, nói gì đến du học bên Mỹ ? Nước Mỹ thậm chí từ chối các em ngay cả khi các em muốn sang lao động chân tay, đơn giản vì vốn liếng tiếng Anh của các em không có… Giai đoạn khởi đầu quan trọng nhất của việc giáo dục tạo tiền đề cho một đời người thì ông Michael Michalak không đả động đến việc hỗ trợ – Đương nhiên dân nghèo nước Việt cũng không trách ông, vì đây không thuộc nghĩa vụ bắt buộc của ông…
Thế là chế độ độc tài, tham nhũng, tàn ác, sống trên xương máu dân nghèo được kéo dài cách hợp pháp, và lại còn được “hỗ trợ giáo dục nữa”. Trong khi chờ đợi những kẻ tội phạm nhận thức ra bằng việc giáo dục nhận thức… Lại có không biết bao nhiêu người dân thấp cổ bé miệng phải “thí mạng”… Vậy ai vui lòng chấp nhận là nạn nhân trong giai đoạn chờ đợi csvn tiến bộ đây? Giả sử ông Michael Michalak đang có người thân “chờ đến lượt” làm vật thí mạng cho thời gian “đợi csvn tiến bộ” thì ông nghĩ sao? – Nhưng cũng không trách ông đại sứ được vì không phải nghĩa vụ bắt buộc của ông.
Tự do tôn giáo là quyền căn bản nhất trong số những quyền căn bản của con người. Vậy mà đến giờ csvn vẫn chưa đưa ra khái niệm bằng văn bản pháp luật TỰ DO TÔN GIÁO THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LÀ GÌ ?. Khái niện tự do tôn giáo của các văn bản luật pháp quốc tế, thì họ không chấp nhận. Khi bị truy hỏi thì người cộng sản né tránh, đùn đẩy, hoặc trả lời lòng vòng… Lúc thì lấy một vài hiện tượng để biện minh cho toàn cảnh thực trạng. Lúc lại lấy thực trạng xã hội Việt Nam để biện minh cho chính sách hạn chế quyền tự do tôn giáo…
Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam được ông đại sứ Hoa Kỳ trả lời lần này rất rõ: “Muốn đặt một quốc gia vào danh sách CPC đòi hỏi nhiều điều kiện. Tôi không thấy chúng ta có ích lợi gì trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách này.”
Cũng không thể trách ông đại sứ được vì ông phải bảo vệ lợi ích của quốc gia ông trước hết. Có những người, những việc nước Mỹ chỉ cần dùng chốc lát vậy thôi. Chỉ cần dùng trong chốc lát, và ở một góc cạnh là chính sách của nước Mỹ từ lâu rồi. Thôi chẳng nhắc đến Việt Nam Cộng Hoà làm gì cho đau lòng. Gần đây nhất, chính quyền Mỹ thông qua CIA đã từng huấn luyện, nuôi dưỡng những nhóm người Bin-La-Đen, cũng với chính sách dùng trong chốc lát, ở một góc cạnh… Và nước Mỹ phải đối mặt với một tập đoàn khủng bố, tổ chức những trận đánh trời giáng vào tận đầu não nước Mỹ… Nhưng như thế có khi lại hay – Vì nước Mỹ có thêm duyên cớ đem quân đi dẹp khủng bố…
Việc rõ như ban ngày, vậy mà có người vẫn bức xúc dồn hỏi. Ông đại sứ cũng chẳng ngần ngại huỵch toẹt ra rằng: “Các anh có thể viết thơ cho ông Tổng Thống Obama để “take me out”, đem tôi ra khỏi Việt Nam”. - Hết trích và cũng không có gì để bình luận được thêm.
Có thể sắp diễn ra việc bắt các tu sĩ công giáo, vì họ đã lên tiếng và “kích động giáo dân” đã biến các buổi cầu nguyện thành “Diễn đàn đả phá đảng cộng sản” – “Nói xấu lãnh tụ” – “Nói xấu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” – “Đi ngược lại chủ trương lớn về bô-xít của đảng”… Nguy hiểm gấp trăm lần luật sư Lê Công Định cấu kết với “phần tử phản động” âm mưu lật đổ chính quyền… Những tiêu chí mà người cộng sản căn cứ cho hành động của họ luôn khác xa các chuẩn mực của thế giới văn minh… Hãy tỉnh thức chờ đợi và sẵn sàng cho mọi tình huống.
Hình như người Mỹ đang gia công cái phôi thép để nó trở nên hữu dụng cho nước Mỹ (?). Chưa biết nó hữu dụng đến đâu, nhưng việc bắt luật sư Lê Công Định quả là một cái tát vào mặt những ai thừa thãi thời gian chờ đợi csvn “tiến bộ”. Không chỉ thế, nó còn tát vào mặt những ai chỉ nhắm nhe nhờ ông nọ bà kia ở phía đông phía tây giúp đỡ quốc gia dân tộc mình.
Lịch sử Việt Nam từ khi cộng sản lên nắm quyền, dân tộc Việt phải hứng chịu không biết bao nhiêu cái tát vào mặt từ trong ra - từ ngoài vào. Ai người con Việt yêu nước thương nòi xin hãy tỉnh ngộ. Xin hãy chuyển ngữ bản văn gởi cho ông Michael Michalak để nói với ông rằng: “Người dân Việt rất biết mình chưa biết”.
Xem: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VietnameseAmericans-are-disappointed-with-Ambassador-Michalak-view-on-religious-freedom-in-Vietnam-HGiang-06082009121715.html
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-15-voa19.cfm
Sự tiến bộ nào của vật chủ cũng được đặt trong một không gian và thời gian nhất định. Cũng là sự tiến bộ, nhưng nếu không đạt được mức tối thiểu trong một khoảng thời gian tối đa nào đó, sự tiến bộ đó cũng không cứu được vật chủ, bởi qui luật không biết chờ đợi… Sự tiến bộ cũng phải được thể hiện cách cụ thể trong không gian vật chủ đang tồn tại chứ không phải ở một không gian nào khác…
Sự tiến bộ của vật chủ được hiểu là từ tác động bên ngoài, mà chuyển hoá ở bên trong… Từ nhận thức, dẫn đến tự thay đổi, tự cải hoán mình cho hoàn thiện hơn… Nhưng không phải sự thay đổi nào cũng được coi là tiến bộ. Nếu chỉ hoàn toàn do tác động bên ngoài, mà thay đổi hình thức người ta không gọi đó là tiến bộ. Ví như thanh phôi thép, được gia công thành chi tiết máy, rõ ràng nó có thay đổi một cách rất tinh vi và hữu dụng, nhưng hoàn toàn thụ động… Không ai gọi thanh phôi thép này là có tiến bộ cả.
Các chuẩn mực để định ra sự tiến bộ từ thấp lên cao, là các qui luật của tự nhiên của xã hội, chứ không phải của một cá nhân hay một nhà nước, một chế độ chính trị nào… Qui luật xã hội hình thành từ chính hoạt động của con người trong thế giới tự nhiên… Cho nên suy cho cùng qui luật xã hội cũng được hình thành, và phải phù hợp với các qui luật tự nhiên. Qui luật tự nhiên thì thuộc về Thượng Đế, con người chỉ khám phá nó chứ không thể đặt ra nó. Cho nên trong xã hội con người, dù là tư bản hay cộng sản gì gì… Qui luật của nó cũng không thuộc về học thuyết, hay bộ máy đảng, nhà nước, lãnh tụ cha già, v.v...
Sự tiến bộ trong các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo của nhà nước csvn trong suốt thời kỳ Việt Cộng buộc phải “chuyển hướng” hội nhập với thế giới từ 1986 đến nay luôn là mong đợi của cả nhân loại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi mà chính quyền csvn “bén mùi - say máu” với sự hào nhoáng vật chất của thế giới tư bản – Nhưng lại không chịu chấp nhận những tiêu chuẩn tối thiểu về tự do, công bằng, dân chủ, nhân quyền mà xã hội này đã hình thành bằng mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu… Thì vấn đề trở nên bức xúc cả trong và ngoài nước Việt.
Một mặt chính quyền độc tài csvn hứa “sẽ tiến bộ” bằng mồm, mặt khác họ cho trình bày những vở tuồng về tự do, dân chủ, nhân quyền… Thông qua những “kịch sĩ” họ gọi là “quần chúng nhân dân cốt cán” để có cái mà biện minh với quốc tế. Nhưng bản chất của vấn đề không hề thay đổi. Cái mà csvn cho thay đổi rồi gọi là tiến bộ đó, qui luật phát triển gọi là: Thay đổi bên ngoài không liên quan gì đến tiến bộ về chất bên trong. Các quyền tự do tối thiểu của người dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo… luôn bị hạn chế, đàn áp một cách tinh vi. Công an có mặt tại hiện trường nhưng thay vì bảo vệ dân, họ lại bảo vệ lưu manh côn đồ hành hung người dân có tiếng nói trái chiều cộng sản…
Vụ việc bắt luật sư Lê Công Định, như một phát súng ám sát giới luật gia Việt Nam vốn đã èo uột vì có quá nhiều đảng viên cộng sản, có quá nhiều “thằng hèn”, có quá ít người công chính dũng cảm lên tiếng cho công lý… Với quần chúng nhân dân nó như một vụ đánh bom khủng bố vậy. Giết luật sư - thế là hết người lên tiếng bảo vệ dân oan thấp cổ bế miệng. Chắc chắn khi hành động csvn cũng phải tính toán kỹ ở các góc độ ngoại giao, chính trị… Tuy nhiên hành động này của csvn một lần nữa khẳng định những gì người cộng sản lấy làm tiêu chí để tính toán khác xa với các tiêu chuẩn của thế giới văn minh. Vỡ mộng những người có quan điểm chờ đợi csvn tiến bộ.
Một trong những người có quan điểm “chờ đợi” này là ngài đại sứ Hoa Kỳ - Michael Michalak. Trong lần tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt (*) cũng như trả lời phỏng vấn gần đây ông nói: “Giáo dục sẽ giúp phần cải thiện nhân quyền đơn giản là vì khi người ta càng hiểu biết nhiều về thế giới xung quanh, thì họ lại càng có những chọn lựa khôn ngoan hơn, và tôi tin rằng họ sẽ tất nhiên có những quyết định có lợi ích cho việc cải thiện nhân quyền.”
Nếu tách vấn đề riêng lẻ, và đặt trong một khoảng thời gian dài (tối thiểu phải là một thế hệ người) thì câu nói này của ông hoàn toàn đúng. Thay đổi nhận thức, thay đổi qua điểm của những kẻ tội phạm bằng việc hỗ trợ giáo dục… Nghe qua người ta cảm tưởng rất nhân đạo… Nhưng thực chất chính sách này đã đánh tháo cho những kẻ tội phạm và nuôi béo con cháu quan chức độc tài tham nhũng. Không những thế nó còn kéo dài đau khổ của người dân thấp cổ bé miệng bị tước đoạt nhân quyền hơn nửa thế kỷ qua…
Con cái dân lành ở Việt Nam ai có khả năng lấy được học bổng Mỹ? Ai có khả năng du học tự túc ở Mỹ? Hãy xem những du sinh Việt Nam đã, đang học tại Mỹ, có bao nhiêu % là con cái quan chức cộng sản? Bao nhiêu % là con cái của những kẻ cơ hội bợ đỡ quan chức cộng sản? Bao nhiêu % là con cái của những kẻ lái thương vô chính trị, vô trách nhiệm với quốc gia, dân tộc Việt ??? - Nhưng một điều chắc chắn là không có con cái của dân nghèo. Du học bên Mỹ đòi hỏi trước đó du sinh phải được đào tạo tốn phí và tương đối có năng lực tại VN – Trong khi người dân nghèo trong chế độ cộng sản không bao giờ có thể nuôi con ăn học vào đến đại học, nói gì đến du học bên Mỹ ? Nước Mỹ thậm chí từ chối các em ngay cả khi các em muốn sang lao động chân tay, đơn giản vì vốn liếng tiếng Anh của các em không có… Giai đoạn khởi đầu quan trọng nhất của việc giáo dục tạo tiền đề cho một đời người thì ông Michael Michalak không đả động đến việc hỗ trợ – Đương nhiên dân nghèo nước Việt cũng không trách ông, vì đây không thuộc nghĩa vụ bắt buộc của ông…
Thế là chế độ độc tài, tham nhũng, tàn ác, sống trên xương máu dân nghèo được kéo dài cách hợp pháp, và lại còn được “hỗ trợ giáo dục nữa”. Trong khi chờ đợi những kẻ tội phạm nhận thức ra bằng việc giáo dục nhận thức… Lại có không biết bao nhiêu người dân thấp cổ bé miệng phải “thí mạng”… Vậy ai vui lòng chấp nhận là nạn nhân trong giai đoạn chờ đợi csvn tiến bộ đây? Giả sử ông Michael Michalak đang có người thân “chờ đến lượt” làm vật thí mạng cho thời gian “đợi csvn tiến bộ” thì ông nghĩ sao? – Nhưng cũng không trách ông đại sứ được vì không phải nghĩa vụ bắt buộc của ông.
Tự do tôn giáo là quyền căn bản nhất trong số những quyền căn bản của con người. Vậy mà đến giờ csvn vẫn chưa đưa ra khái niệm bằng văn bản pháp luật TỰ DO TÔN GIÁO THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LÀ GÌ ?. Khái niện tự do tôn giáo của các văn bản luật pháp quốc tế, thì họ không chấp nhận. Khi bị truy hỏi thì người cộng sản né tránh, đùn đẩy, hoặc trả lời lòng vòng… Lúc thì lấy một vài hiện tượng để biện minh cho toàn cảnh thực trạng. Lúc lại lấy thực trạng xã hội Việt Nam để biện minh cho chính sách hạn chế quyền tự do tôn giáo…
Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam được ông đại sứ Hoa Kỳ trả lời lần này rất rõ: “Muốn đặt một quốc gia vào danh sách CPC đòi hỏi nhiều điều kiện. Tôi không thấy chúng ta có ích lợi gì trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách này.”
Cũng không thể trách ông đại sứ được vì ông phải bảo vệ lợi ích của quốc gia ông trước hết. Có những người, những việc nước Mỹ chỉ cần dùng chốc lát vậy thôi. Chỉ cần dùng trong chốc lát, và ở một góc cạnh là chính sách của nước Mỹ từ lâu rồi. Thôi chẳng nhắc đến Việt Nam Cộng Hoà làm gì cho đau lòng. Gần đây nhất, chính quyền Mỹ thông qua CIA đã từng huấn luyện, nuôi dưỡng những nhóm người Bin-La-Đen, cũng với chính sách dùng trong chốc lát, ở một góc cạnh… Và nước Mỹ phải đối mặt với một tập đoàn khủng bố, tổ chức những trận đánh trời giáng vào tận đầu não nước Mỹ… Nhưng như thế có khi lại hay – Vì nước Mỹ có thêm duyên cớ đem quân đi dẹp khủng bố…
Việc rõ như ban ngày, vậy mà có người vẫn bức xúc dồn hỏi. Ông đại sứ cũng chẳng ngần ngại huỵch toẹt ra rằng: “Các anh có thể viết thơ cho ông Tổng Thống Obama để “take me out”, đem tôi ra khỏi Việt Nam”. - Hết trích và cũng không có gì để bình luận được thêm.
Có thể sắp diễn ra việc bắt các tu sĩ công giáo, vì họ đã lên tiếng và “kích động giáo dân” đã biến các buổi cầu nguyện thành “Diễn đàn đả phá đảng cộng sản” – “Nói xấu lãnh tụ” – “Nói xấu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” – “Đi ngược lại chủ trương lớn về bô-xít của đảng”… Nguy hiểm gấp trăm lần luật sư Lê Công Định cấu kết với “phần tử phản động” âm mưu lật đổ chính quyền… Những tiêu chí mà người cộng sản căn cứ cho hành động của họ luôn khác xa các chuẩn mực của thế giới văn minh… Hãy tỉnh thức chờ đợi và sẵn sàng cho mọi tình huống.
Hình như người Mỹ đang gia công cái phôi thép để nó trở nên hữu dụng cho nước Mỹ (?). Chưa biết nó hữu dụng đến đâu, nhưng việc bắt luật sư Lê Công Định quả là một cái tát vào mặt những ai thừa thãi thời gian chờ đợi csvn “tiến bộ”. Không chỉ thế, nó còn tát vào mặt những ai chỉ nhắm nhe nhờ ông nọ bà kia ở phía đông phía tây giúp đỡ quốc gia dân tộc mình.
Lịch sử Việt Nam từ khi cộng sản lên nắm quyền, dân tộc Việt phải hứng chịu không biết bao nhiêu cái tát vào mặt từ trong ra - từ ngoài vào. Ai người con Việt yêu nước thương nòi xin hãy tỉnh ngộ. Xin hãy chuyển ngữ bản văn gởi cho ông Michael Michalak để nói với ông rằng: “Người dân Việt rất biết mình chưa biết”.
Xem: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VietnameseAmericans-are-disappointed-with-Ambassador-Michalak-view-on-religious-freedom-in-Vietnam-HGiang-06082009121715.html
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-15-voa19.cfm
Hàng triệu nông dân trắng tay vì bị thu hồi đất
TH
19:04 16/06/2009
HÀ NỘI (TH).- Thu hồi đất bừa bãi rồi bỏ đó hoặc làm sân gôn (goft) phục vụ quí tộc đỏ, xây nhà ở bán kiếm lời, xây các khu công nghệ hay nhà máy thải chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, đảng và nhà nước CSVN đẩy hàng triệu nông dân vào vòng thất nghiệp và gia đình của họ sống trong nghèo đói.
Một bài viết trên tờ “Thời Báo Kinh Tế Việt Nam” cho hay như vậy hôm Thứ Hai 15 Tháng Sáu 2009.
“Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã tác động đến đời sống của trên 627,000 hộ gia đình với khoảng 950,000 lao động và 2.5 triệu người”. Bản tin nói trên viết như vậy và chỉ ra cho thấy riêng “đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất trong những năm qua” chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp của khu vực.
Hàng chục năm qua, nông dân đã kéo về Hà Nội biểu tình trước các cơ quan trung ương và tư dinh của đám lãnh tụ Cộng Sản, phản đối các vụ nhà cầm quyền khắp các tỉnh cướp đất gọi là “qui hoạch”. Một số được đền bù với giá rất thấp không đủ để họ mua nhà mua đất để sống ở nơi khác, một số thì bị cướp trắng. Họ đã khiếu kiện ở các địa phương không có kết quả nên phải kéo về trung ương.
Theo bài viết của TBKTVN “Mặc dù các địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư đối với nông dân bị thu hồi đất... nhưng trên thực tế 67% lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13% chuyển sang nghề mới và có tới 25 - 30% không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định.”
Nhiều lời tố cáo phổ biến trên Internet cho thấy những vụ biểu tình tập thể chống đền bù giải tỏa bất công đã bị đàn áp và những người bị qui chụp tội cầm đầu đều bị bỏ tù.
Bài viết của TBKTVN dựa theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN nói hậu quả của chính sách tước đoạt đất đai của nông dân, “Kết quả là 53% số hộ dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước đây. Chỉ có khoảng 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1.5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm, phải chuyển đổi nghề nghiệp”.
Khu vực nông thôn Việt Nam tập trung khoảng 75% dân số cả nước. Người dân quanh năm tập trung vào việc làm ruộng. Những khi không làm ruộng thì kiếm thêm một việc gì đó để sống.
Kiếm việc ở khu vực thành thị không phải là dễ nên tỉ lệ thất nghiệp ở các khu vực nông thôn rất cao. Bị cướp đoạt mất đất sản xuất, nhiều người đã chạy tới các khu công nghệ hay các thành phố để kiếm việc nhưng không phải tất cả đều may mắn.
Theo TBKTVN “Trung bình mỗi ha đất nông nghiệp thu hồi ở vùng đồng bằng sông Hồng, có 15.33 người bị mất việc làm, cá biệt có địa phương như Hà Nội, 1 ha đất thu hồi có tới gần 20 lao động bị mất việc làm.
Một báo cáo mới đây của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2010 thành phố Hà Nội có kế hoạch thu hồi, chuyển mục đích sử dụng khoảng 5,201 ha đất nông nghiệp, tức là sẽ có khoảng 20 vạn lao động nông nghiệp phải chuyển nghề do bị mất đất sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo báo cáo này, Hà Nội thu hồi khoảng 1,000 ha đất mỗi năm, trong đó 80% là đất nông nghiệp. Nếu tính riêng từ năm 2005 đến nay, thành phố đã thu hồi 1,720 ha đất, tương đương 57,580 hộ dân mất đất sản xuất; 5,927 hộ phải tái định cư. Trong số đó, có 3.5 vạn hộ bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp, chiếm 60% số hộ bị thu hồi đất”. Bài viết của tờ TBKTVN nhìn nhận rằng, “cơ chế chính sách chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh ở các quận, huyện ven thành phố như Từ Liêm, Gia Lâm, Tây Hồ... khiến Hà Nội không còn đất canh tác và có khoảng 100,000 lao động trong độ tuổi cần việc làm mỗi năm.”
Nhà cầm quyền CSVN từng rêu rao rất nhiều lần là phải giải quyết trước chỗ ở, giải quyết việc làm, đất sản xuất cho người dân trước khi giải tỏa đất đai, nhà cửa. Nhưng đó chỉ là những lời tuyên truyền để xoa dịu quần chúng. Thực tế, báo chí trong nước đã có rất nhiều bài viết cho thấy, các khu gọi là “tái định cư” cho các công trình lớn trên cả nước từ đập thủy điện Sơn La, khai thác bauxite ở Lâm Ðồng, khu đô thị mới Thủ Thiêm v.v... đều giống nhau. Người dân đều bị lừa ra khỏi nhà và rơi vào sự khốn đốn, đói khổ.
“Ðánh đổi cho sự phát triển theo hướng hiện đại và công nghiệp hóa này là hàng chục vạn người trong độ tuổi lao động đã mất dần khả năng tự tạo việc làm trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp” TBKTVN viết.
Theo kết quả điều tra của ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, mà tờ TBKTVN thuật lại ở các huyện Quế Võ, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, thì trung bình “mỗi lao động nông nghiệp bị thu hồi 697 m2 đất. Nếu tính cho giai đoạn 2006 đến 2010 thì với 6229,56 ha đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng vào các ngành phi nông nghiệp, số lao động nông nghiệp trong các hộ thu hồi đất cần chuyển đổi nghề sẽ lên tới 89,376 người, tăng 1.7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.”
Ðối với các tỉnh phía Nam “Diện tích đất bị thu hồi ở vùng Ðông Nam Bộ chiếm 2.1% diện tích đất nông nghiệp. Chỉ riêng Sài Gòn, từ năm 1998 đến nay, để thực hiện khoảng 800 dự án, đã có trên 100,000 hộ dân bị giải tỏa, phần lớn thuộc các quận, huyện ngoại thành”.
Xưa nay họ chỉ quen công việc đồng ruộng nên “chất lượng lao động nông thôn còn thấp, cả về trình độ văn hóa lẫn chuyên môn kỹ thuật. Có đến trên 83% lao động nông thôn chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật nào và khoảng 18.9% lao động nông thôn chưa tốt nghiệp tiểu học trở xuống. Vì vậy khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm tốt hơn đối với nhóm lao động này là không đơn giản.”
Hiện nay, ít nhất 52,700 ha đất trong đó có 10,500 ha đất nông nghiệp đã được cấp cho 145 dự án làm sân golf phục vụ giải trí cho quí tộc đỏ. Con số này được mô tả là “nhiều gấp 10 lần” trung bình trên thế giới, đẩy nông dân vào đường cùng.
(Nguồn: Người Việt, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96549&z=2)
Một bài viết trên tờ “Thời Báo Kinh Tế Việt Nam” cho hay như vậy hôm Thứ Hai 15 Tháng Sáu 2009.
“Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã tác động đến đời sống của trên 627,000 hộ gia đình với khoảng 950,000 lao động và 2.5 triệu người”. Bản tin nói trên viết như vậy và chỉ ra cho thấy riêng “đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất trong những năm qua” chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp của khu vực.
Hàng chục năm qua, nông dân đã kéo về Hà Nội biểu tình trước các cơ quan trung ương và tư dinh của đám lãnh tụ Cộng Sản, phản đối các vụ nhà cầm quyền khắp các tỉnh cướp đất gọi là “qui hoạch”. Một số được đền bù với giá rất thấp không đủ để họ mua nhà mua đất để sống ở nơi khác, một số thì bị cướp trắng. Họ đã khiếu kiện ở các địa phương không có kết quả nên phải kéo về trung ương.
Theo bài viết của TBKTVN “Mặc dù các địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư đối với nông dân bị thu hồi đất... nhưng trên thực tế 67% lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13% chuyển sang nghề mới và có tới 25 - 30% không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định.”
Nhiều lời tố cáo phổ biến trên Internet cho thấy những vụ biểu tình tập thể chống đền bù giải tỏa bất công đã bị đàn áp và những người bị qui chụp tội cầm đầu đều bị bỏ tù.
Bài viết của TBKTVN dựa theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN nói hậu quả của chính sách tước đoạt đất đai của nông dân, “Kết quả là 53% số hộ dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước đây. Chỉ có khoảng 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1.5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm, phải chuyển đổi nghề nghiệp”.
Khu vực nông thôn Việt Nam tập trung khoảng 75% dân số cả nước. Người dân quanh năm tập trung vào việc làm ruộng. Những khi không làm ruộng thì kiếm thêm một việc gì đó để sống.
Kiếm việc ở khu vực thành thị không phải là dễ nên tỉ lệ thất nghiệp ở các khu vực nông thôn rất cao. Bị cướp đoạt mất đất sản xuất, nhiều người đã chạy tới các khu công nghệ hay các thành phố để kiếm việc nhưng không phải tất cả đều may mắn.
Theo TBKTVN “Trung bình mỗi ha đất nông nghiệp thu hồi ở vùng đồng bằng sông Hồng, có 15.33 người bị mất việc làm, cá biệt có địa phương như Hà Nội, 1 ha đất thu hồi có tới gần 20 lao động bị mất việc làm.
Một báo cáo mới đây của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2010 thành phố Hà Nội có kế hoạch thu hồi, chuyển mục đích sử dụng khoảng 5,201 ha đất nông nghiệp, tức là sẽ có khoảng 20 vạn lao động nông nghiệp phải chuyển nghề do bị mất đất sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo báo cáo này, Hà Nội thu hồi khoảng 1,000 ha đất mỗi năm, trong đó 80% là đất nông nghiệp. Nếu tính riêng từ năm 2005 đến nay, thành phố đã thu hồi 1,720 ha đất, tương đương 57,580 hộ dân mất đất sản xuất; 5,927 hộ phải tái định cư. Trong số đó, có 3.5 vạn hộ bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp, chiếm 60% số hộ bị thu hồi đất”. Bài viết của tờ TBKTVN nhìn nhận rằng, “cơ chế chính sách chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh ở các quận, huyện ven thành phố như Từ Liêm, Gia Lâm, Tây Hồ... khiến Hà Nội không còn đất canh tác và có khoảng 100,000 lao động trong độ tuổi cần việc làm mỗi năm.”
Nhà cầm quyền CSVN từng rêu rao rất nhiều lần là phải giải quyết trước chỗ ở, giải quyết việc làm, đất sản xuất cho người dân trước khi giải tỏa đất đai, nhà cửa. Nhưng đó chỉ là những lời tuyên truyền để xoa dịu quần chúng. Thực tế, báo chí trong nước đã có rất nhiều bài viết cho thấy, các khu gọi là “tái định cư” cho các công trình lớn trên cả nước từ đập thủy điện Sơn La, khai thác bauxite ở Lâm Ðồng, khu đô thị mới Thủ Thiêm v.v... đều giống nhau. Người dân đều bị lừa ra khỏi nhà và rơi vào sự khốn đốn, đói khổ.
“Ðánh đổi cho sự phát triển theo hướng hiện đại và công nghiệp hóa này là hàng chục vạn người trong độ tuổi lao động đã mất dần khả năng tự tạo việc làm trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp” TBKTVN viết.
Theo kết quả điều tra của ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, mà tờ TBKTVN thuật lại ở các huyện Quế Võ, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, thì trung bình “mỗi lao động nông nghiệp bị thu hồi 697 m2 đất. Nếu tính cho giai đoạn 2006 đến 2010 thì với 6229,56 ha đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng vào các ngành phi nông nghiệp, số lao động nông nghiệp trong các hộ thu hồi đất cần chuyển đổi nghề sẽ lên tới 89,376 người, tăng 1.7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.”
Ðối với các tỉnh phía Nam “Diện tích đất bị thu hồi ở vùng Ðông Nam Bộ chiếm 2.1% diện tích đất nông nghiệp. Chỉ riêng Sài Gòn, từ năm 1998 đến nay, để thực hiện khoảng 800 dự án, đã có trên 100,000 hộ dân bị giải tỏa, phần lớn thuộc các quận, huyện ngoại thành”.
Xưa nay họ chỉ quen công việc đồng ruộng nên “chất lượng lao động nông thôn còn thấp, cả về trình độ văn hóa lẫn chuyên môn kỹ thuật. Có đến trên 83% lao động nông thôn chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật nào và khoảng 18.9% lao động nông thôn chưa tốt nghiệp tiểu học trở xuống. Vì vậy khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm tốt hơn đối với nhóm lao động này là không đơn giản.”
Hiện nay, ít nhất 52,700 ha đất trong đó có 10,500 ha đất nông nghiệp đã được cấp cho 145 dự án làm sân golf phục vụ giải trí cho quí tộc đỏ. Con số này được mô tả là “nhiều gấp 10 lần” trung bình trên thế giới, đẩy nông dân vào đường cùng.
(Nguồn: Người Việt, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96549&z=2)
Hoa Kỳ 'quan ngại sâu sắc' vụ LS Định
BBC
16:19 16/06/2009
Hoa Kỳ 'quan ngại sâu sắc' vụ LS Định
Ông Lê Công Định từng nhận học bổng Fulbright của Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra thông cáo bày tỏ quan ngại trước việc luật sư Lê Công Định bị bắt tại TP Hồ Chí Minh hôm thứ Bảy tuần trước.
Được biết vụ bắt LS Định cũng sẽ được đề cập tới trong cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu tổ chức hôm thứ Ba 16/06 tại Hà Nội.
Đây là cơ chế trao đổi quan điểm về nhân quyền giữa EU và Việt Nam, tổ chức một năm hai lần.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ian Kelly viết trong thông cáo ra tại Washington hôm 15/06: "Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc nhà chức trách Việt Nam bắt LS Lê Công Định hôm 13/06 vì tội "Tuyên truyền chống nhà nước". Giới chức Việt Nam đã nói rằng ông Định bị bắt vì ông bảo vệ các nhân vật đấu tranh dân chủ và vì ông đã sử dụng mạng internet để bày tỏ quan điểm của mình".
Thông cáo viết: "Ông Định là thành viên được kính trọng trong cộng đồng luật gia Việt Nam và quốc tế, đồng thời là cựu học giả Fulbright".
"Không thể bắt bất kỳ cá nhân nào vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận và không thể trừng phạt bất kỳ luật sư nào vì thân chủ mà họ chọn bào chữa."
Ông Lê Công Định từng là luật sư biện hộ cho các luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, cũng như blogger Điều Cày (nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải).
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết tiếp: "Việc Việt Nam bắt ông Định đã đi ngược lại với chính cam kết của chính phủ trước các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về nhân quyền và pháp trị".
"Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả ông Định ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như trả tự do cho tất cả các tù nhân đang bị giam cầm vì bày tỏ chính kiến của mình một cách hòa bình."
Quốc tế lên tiếng
Trước đó, một số tổ chức quốc tế khác cũng đã lên tiếng đòi trả tự do cho LS Lê Công Định.
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (Reporters Without Borders - RSF) nói ông phải được thả ngay lập tức.
Thông cáo của RSF viết: "Tại một quốc gia pháp quyền, một luật sư khi bảo vệ thân chủ của mình có quyền công bố các bằng chứng trước tòa và trên báo chí".
"Chúng tôi lo ngại rằng vụ bắt giữ này nhằm để trừng phạt một nhân vật đáng kính trọng, người thúc đẩy pháp quyền ở Việt Nam."
Tổ chức theo dõi tự do báo chí này nhận xét: "Sau khi sách nhiễu các nhà báo hoạt động cho báo chí tự do và người Công giáo, chính quyền nay tấn công các luật sư, thành trì cuối cùng của các quyền tự do."
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng bày tỏ lo ngại về vụ xảy ra hôm 13/06 tuy đang cố gắng tìm kiếm thêm thông tin.
Bà Janice Beanland, phụ trách Đông Nam Á của Amnesty international, nói với BBC: "Tôi cũng lo ngại chính quyền Việt Nam có khuynh hướng dùng ngôn ngữ kích động khi nói về các nhà bất đồng chính kiến và trong nhiều trường hợp, những điều đó về sau này được chứng minh là không đúng".
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090616_lcd_usreax.shtml
Ông Lê Công Định từng nhận học bổng Fulbright của Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra thông cáo bày tỏ quan ngại trước việc luật sư Lê Công Định bị bắt tại TP Hồ Chí Minh hôm thứ Bảy tuần trước.
Được biết vụ bắt LS Định cũng sẽ được đề cập tới trong cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu tổ chức hôm thứ Ba 16/06 tại Hà Nội.
Đây là cơ chế trao đổi quan điểm về nhân quyền giữa EU và Việt Nam, tổ chức một năm hai lần.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ian Kelly viết trong thông cáo ra tại Washington hôm 15/06: "Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc nhà chức trách Việt Nam bắt LS Lê Công Định hôm 13/06 vì tội "Tuyên truyền chống nhà nước". Giới chức Việt Nam đã nói rằng ông Định bị bắt vì ông bảo vệ các nhân vật đấu tranh dân chủ và vì ông đã sử dụng mạng internet để bày tỏ quan điểm của mình".
Thông cáo viết: "Ông Định là thành viên được kính trọng trong cộng đồng luật gia Việt Nam và quốc tế, đồng thời là cựu học giả Fulbright".
"Không thể bắt bất kỳ cá nhân nào vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận và không thể trừng phạt bất kỳ luật sư nào vì thân chủ mà họ chọn bào chữa."
Ông Lê Công Định từng là luật sư biện hộ cho các luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, cũng như blogger Điều Cày (nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải).
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết tiếp: "Việc Việt Nam bắt ông Định đã đi ngược lại với chính cam kết của chính phủ trước các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về nhân quyền và pháp trị".
"Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả ông Định ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như trả tự do cho tất cả các tù nhân đang bị giam cầm vì bày tỏ chính kiến của mình một cách hòa bình."
Quốc tế lên tiếng
Trước đó, một số tổ chức quốc tế khác cũng đã lên tiếng đòi trả tự do cho LS Lê Công Định.
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (Reporters Without Borders - RSF) nói ông phải được thả ngay lập tức.
Thông cáo của RSF viết: "Tại một quốc gia pháp quyền, một luật sư khi bảo vệ thân chủ của mình có quyền công bố các bằng chứng trước tòa và trên báo chí".
"Chúng tôi lo ngại rằng vụ bắt giữ này nhằm để trừng phạt một nhân vật đáng kính trọng, người thúc đẩy pháp quyền ở Việt Nam."
Tổ chức theo dõi tự do báo chí này nhận xét: "Sau khi sách nhiễu các nhà báo hoạt động cho báo chí tự do và người Công giáo, chính quyền nay tấn công các luật sư, thành trì cuối cùng của các quyền tự do."
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng bày tỏ lo ngại về vụ xảy ra hôm 13/06 tuy đang cố gắng tìm kiếm thêm thông tin.
Bà Janice Beanland, phụ trách Đông Nam Á của Amnesty international, nói với BBC: "Tôi cũng lo ngại chính quyền Việt Nam có khuynh hướng dùng ngôn ngữ kích động khi nói về các nhà bất đồng chính kiến và trong nhiều trường hợp, những điều đó về sau này được chứng minh là không đúng".
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090616_lcd_usreax.shtml
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trí tưởng tượng của Chúa Giêsu
Vũ Văn An
08:44 16/06/2009
Lễ Giáng Sinh dẫn đầu một loạt các ngày lễ nhắc ta nhớ tới thuở ấu thơ, thuở thiếu thời, và lúc bước vào tuổi trưởng thành của Chúa Giêsu. Đó là các ngày lễ Các Thánh Anh Hài, lễ Thánh Gia, lễ Hiển Linh và lễ Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thờ. Ấy thế mà ta vẫn biết rất ít về gốc gác và 30 năm đầu đời của Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu và thánh Luca trình bày với ta điều vốn được gọi là trình thuật thơ ấu, ở hai chương đầu phúc âm của các ngài. Còn các tác giả Tân Ước khác, chẳng ai lo tới truyện phải nói điều gì đó về cuộc sống làm một bé thơ và một bé trai của Chúa Giêsu cả.
Các phúc âm ngoại thư
Việc thiếu tín liệu này có thể làm người ta thất vọng, khó chịu và ngay cả bất công nữa. Nó đẩy một số Kitô hữu sơ khai sáng chế ra nhiều chi tiết để trám vào những khoảng trống. Điều nay ta gọi là “Các Phúc Âm Ngoại Thư” (Apocryphal Gospels) quả đã để cho trí tưởng tượng sổ lồng qua việc tạo ra nhiều truyện kể. Như trong một trình thuật kia, Chúa Giêsu lúc đó lên bẩy, đang vui chơi với các trẻ em khác cùng trang lứa. Bọn trẻ dùng bùn đất tạo ra đủ thứ hình dạng lừa, bò, chim chóc. Trẻ nào cũng tự hào rằng con chim đất của mình đẹp xiết bao. Thì đột nhiên, từ tay Chúa Giêsu bay ra một con chim nhỏ, lượn vòng trên đầu rồi đậu xuống bàn tay của Người, trước sự thán phục của mọi người.
Trong một trình thuật khác, khi Đức Mẹ và Thánh Giuse trốn Hêrốt chạy qua Ai Cập, các ngài rơi vào tay bọn cướp. Một trong các tên cướp ấy không là ai khác mà chính là Dimas, cái tên đã được gán cho Kẻ Trộm Lành trong Phúc Âm Ngoại Thư này. Khi Dimas trông thấy hài nhi Giêsu, hắn nhận ra ngay đây không phải là một em bé bình thường, bèn thưa rằng: “Ôi người có phúc nhất trong mọi em bé, nếu có bao giờ đến lúc thương xót tôi, thì xin nhớ đến tôi và đừng quên giờ phút này”. Rồi Dimas nộp tiền chuộc để cứu Thánh Gia. Giáo Hội coi các Phúc Âm Ngoại Thư này chỉ là những trước tác giả mạo của những tâm trí tò mò. Bởi thế đã loại bỏ các sản phẩm của trí tưởng tượng ấy ra khỏi bộ Tân Ước.
Những điều "hẳn phải là"
Như thế, thử hỏi liệu chúng ta có nên đơn giản chịu đựng sự thiếu tín liệu đối với tuổi thiếu niên và thời đào luyện trong cuộc đời của Chúa Giêsu hay không? Ở điểm này, một số Kitô hữu tìm ẩn náu nơi điều “hẳn phải là”. Vì “giống chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi”, “hẳn” Người phải kinh qua mọi giai đoạn bình thường trong diễn trình phát triển xã hội và tâm lý để bước vào tuổi trưởng thành. Vì là con trẻ không có tội của một bà mẹ không có tội, “hẳn” Người có được những mối liên hệ không hề có chút chi rắc rối đối với mẹ. Các nhà thần học và nhiều người khác thuờng cố gắng đẩy xa thứ luận bác này. Họ đã dựng được cả một bộ những kết luận về những điều “hẳn” phải đúng về Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, phương thức ấy đụng phải hai khó khăn lâu đời. Khó khăn thứ nhất, các kết quả của nó chỉ là khoảng không. “Các mối liên hệ không hề có chút chi rắc rối” của Chúa Giêsu với mẹ Người kia trên thực tế là gì? Làm sao ta có thể vượt qua những tổng quát hóa mơ hồ ấy mà làm cho luận bác của ta đem lại một ít chi tiết cụ thể nào đó về cuộc sống gia đình tại Nadarét? Khó khăn thứ hai, không phải ai cũng nhất trí với những điều “hẳn phải là” kia. Tất cả còn tùy thuộc điều ta coi là thích đáng khi đưa ra một trình thuật nào đó về thuở thiếu thời của Chúa Giêsu. Một số người có thể luận bác rằng Người hẳn đã có được mọi hình thức có thể có của nhận thức nhân bản. Một số người khác có thể cực lực bác bỏ điều ấy. Một gán ghép như thế rất có thể khiến cho cuộc hiện sinh nhân bản của Người ra đáng hoài nghị và không thật. Một số người có thể cho rằng Chúa Giêsu hẳn đã kinh qua cuộc khủng hoảng tính dục bình thường của tuổi dậy thì. Nhiều người khác có thể bác bỏ kết luận ấy, coi nó như hoàn toàn ghê tởm.
Cả trí tưởng tượng tự do của các Phúc Âm Ngoại Thư lẫn các cố gắng diễn dịch từ điều “hẳn phải là” đều không giúp ta tiến được bao xa. Nên ba mươi năm đầu cuộc đời Chúa Giêsu vẫn chìm trong bong tối, ngoài tầm tay với của ta, điều ấy có thể làm ta ngã lòng.
Ngôn từ của chính Chúa Giêsu
Tuy nhiên, ta có thể rút ra một số tín liệu từ một nguồn vốn bị quên lãng lâu nay, đó là ngôn từ do chính Chúa Giêsu sử dụng trong ba Phúc Âm đầu. Thiển nghĩ nên giải thích rõ các giả thiết ở đây. Ta không cho rằng mọi ngôn từ được các Thánh Mátthêu, Máccô và Luca gán cho Chúa Giêsu đều nhất thiết trích dẫn nguyên văn từ thừa tác vụ thực tế của Người. Vì một số từ ngữ ấy có thể của chính các soạn giả Phúc Âm, hay của Giáo Hội sơ khai, mà cũng có thể của chính Chúa Kitô phục sinh. Ta cũng không chủ trương rằng các soạn giả Phúc Âm nhất thiết trình bày một bản chép lại nguyên văn y như lời Chúa Giêsu nói trong các lời giáo huấn của Người. Nhưng ta nhất trí với nhiều học giả rằng các Phúc Âm Mátthêu, Máccô và Luca đã duy trì được cái luồng và cái vị (flow & flavor) trong ngôn từ được Chúa Giêsu chọn lựa. Dĩ nhiên, ai cũng ước mơ có thể sử dụng được những đoạn chắc chắn do chính Chúa Giêsu nói.
Ở đây, chúng ta muốn nói rằng các hình ảnh và ngôn từ được Chúa Giêsu sử dụng gợi cho ta một vài điều về cách thế trí tưởng tượng của Người hành động và cách thế cảm xúc tính của Người được thành hình lúc Người còn ẩn dật tại Nadarét. Xin đơn cử hai nét trong giáo huấn của Người. Hai nét này cho thấy các đường nét qua đó, trí tưởng tượng của Người đã được phát triển và tự tỏ bày ra.
Một ngôn từ biết rõ hạnh phúc và đau khổ nhân bản
Nét thứ nhất, Chúa Giêsu chứng tỏ Người biết rõ và biết đáp ứng nhiều hình thức sinh hoạt, đau khổ, và hạnh phúc nhân bản. Người quan sát điều đang xẩy ra khi người nông dân gieo hạt, thấy họ xây thêm kho lẫm như thế nào để chứa mùa màng bội thu và thuật lại phương pháp tiên đoán thời tiết của họ. “Khi các ông thấy mây xuất hiện ở phía tây, các ông sẽ nói ngay: ‘một trận mưa sắp sửa tới’; và nó đã tới thật. Và khi các ông thấy gió nam thổi, các ông bảo: ‘cơn nóng nung người sẽ tới nơi’; và nó tới thật” (Lc 12:54 tt). Chúa Giêsu cũng lưu ý người ta đặt những mảnh vải vá trên chiếc áo choàng rách ra sao và họ dùng bình da mới để chứa rượu mới như thế nào. Người nói tới thuế má, việc cho vay tiền, vai trò quản lý trông coi những gia hộ lớn, công việc của dân chài, người chăn dắt các đàn súc vật, quần áo lụa là của người giầu có, chó đợi vụn bánh từ bàn chủ, người lữ hành lỡ bước đêm khuya, tới xin thực phẩm, việc điều hành luật lệ, giá cả đương thời của chim sẻ và nhiều chuyện khác. Con mắt của Chúa Giêsu quét qua cả một loạt sinh hoạt rộng lớn của con người. Tổng hợp các hình ảnh của Người, ta sẽ có được một bức chân dung tương đối đầy đủ về sinh hoạt thường nhật tại Miền Galilê xưa.
Trí tưởng tượng của Người không tránh nghĩ tới việc phải giáp mặt với đau khổ nhân bản. Một trong những truyện đáng nhớ nhất do chính Người kể nói về người du khách bị cướp, bị đánh đập và chết dở bỏ lại bên đường miền quê. Chúa Giêsu nói tới cái tham lam của người giầu có, luôn luôn phóng túng xa hoa dù người bệnh đang đói lả trước cổng nhà mình. Người nhắc đến những tính toán của ông hoàng ông chúa trước khi dẫn binh sĩ của mình ra trận. Hạnh phúc nhân bản cũng không lọt con mắt Chúa Giêsu. Người nói tới niềm vui của người cha khi đứa con đi hoang tìm về, đến những cử hành tân hôn, đến bà nội trợ vui mừng hớn hở vì tìm lại được đồng tiền đánh mất. Nói tóm lại, lời giảng của Chúa Giêsu cho thấy một trí tưởng tượng đã lớn mạnh đủ để có thể nhậy cảm nhận thức rõ mọi điều đang xẩy ra trong thế giới của Người.
Một ngôn từ hết sức cụ thể và dễ hiểu
Nét thứ hai, ta sẽ vất bỏ mất quyền nhận định về cách Chúa Giêsu nhận thức thực tại, nếu ta bỏ qua tính đặc thù hết sức cụ thể dễ hiểu trong ngôn từ của Người. Một cách hết sức đặc trưng, Người thường trả lời những câu hỏi đại loại như “Ai là người láng giềng của tôi?” bằng cách kể một câu truyện (Lc 10:29-37). Lẽ dĩ nhiên, các thầy (rabbis) khác cũng làm như thế trước và sau Chúa Giêsu. Nhưng nguyên sự kiện họ cũng có thói quen đó không làm nó ít đặc trưng là của Người hơn. Người suy nghĩ từ dưới suy nghĩ lên, không theo phương thức diễn dịch từ trên. Người đề nghị các trường hợp để thính giả của Người có thể tự họ rút ra các nguyên tắc tổng quát, nếu họ muốn. Ngay các nhận định có tính tổng quát hóa của Người cũng rất gần gũi tính đất, tính cụ thể dễ hiểu. “Không ai, sau khi uống rượu cũ, lại thèm rượu mới” (Lc 5:39). Có một nét rất thường thức trong những phương ngôn Người trích dẫn. Ở hội đường Nadarét, Người kể cho cộng đoàn nghe: “Chắc chắn các ông sẽ trích dẫn cho tôi câu phương ngôn này: Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa mình đi” (Lc 4:23). Người mời các thính giả của Người nhận thức các sự vật đặc thù chung quanh họ. Trí tưởng tượng của Người hòa điệu với sự khôn ngoan thực tiễn của người dân thường. Tất cả những điều ấy khiến Người trở thành người rao giảng tuyệt vời với nét hết sức thường thức. Người cùng nói với ta và nói cho ta, không phải chỉ nhắm vào ta.
Ngôn ngữ được Chúa Giêsu sử dụng trong lời giảng của Người cho ta thấy ít điều về cách Người tưởng tượng và nhận thức ra sao về thế giới. Đồng thời, những cái nhìn sâu sắc vào trí tưởng tượng trưởng thành của Người ấy sẽ đưa lại cho ta nhiều mách bảo để ta thấy được sự nhạy cảm của Người đã được đào tạo ra sao lúc Người còn niên thiếu. Nói tóm lại, lời giảng của Chúa Giêsu là nguồn phong phú nhất giúp ta các tín liệu qúy giá về quãng đời người ta vốn coi là ẩn dật của Người tại Nadarét.
Các phúc âm ngoại thư
Việc thiếu tín liệu này có thể làm người ta thất vọng, khó chịu và ngay cả bất công nữa. Nó đẩy một số Kitô hữu sơ khai sáng chế ra nhiều chi tiết để trám vào những khoảng trống. Điều nay ta gọi là “Các Phúc Âm Ngoại Thư” (Apocryphal Gospels) quả đã để cho trí tưởng tượng sổ lồng qua việc tạo ra nhiều truyện kể. Như trong một trình thuật kia, Chúa Giêsu lúc đó lên bẩy, đang vui chơi với các trẻ em khác cùng trang lứa. Bọn trẻ dùng bùn đất tạo ra đủ thứ hình dạng lừa, bò, chim chóc. Trẻ nào cũng tự hào rằng con chim đất của mình đẹp xiết bao. Thì đột nhiên, từ tay Chúa Giêsu bay ra một con chim nhỏ, lượn vòng trên đầu rồi đậu xuống bàn tay của Người, trước sự thán phục của mọi người.
Trong một trình thuật khác, khi Đức Mẹ và Thánh Giuse trốn Hêrốt chạy qua Ai Cập, các ngài rơi vào tay bọn cướp. Một trong các tên cướp ấy không là ai khác mà chính là Dimas, cái tên đã được gán cho Kẻ Trộm Lành trong Phúc Âm Ngoại Thư này. Khi Dimas trông thấy hài nhi Giêsu, hắn nhận ra ngay đây không phải là một em bé bình thường, bèn thưa rằng: “Ôi người có phúc nhất trong mọi em bé, nếu có bao giờ đến lúc thương xót tôi, thì xin nhớ đến tôi và đừng quên giờ phút này”. Rồi Dimas nộp tiền chuộc để cứu Thánh Gia. Giáo Hội coi các Phúc Âm Ngoại Thư này chỉ là những trước tác giả mạo của những tâm trí tò mò. Bởi thế đã loại bỏ các sản phẩm của trí tưởng tượng ấy ra khỏi bộ Tân Ước.
Những điều "hẳn phải là"
Như thế, thử hỏi liệu chúng ta có nên đơn giản chịu đựng sự thiếu tín liệu đối với tuổi thiếu niên và thời đào luyện trong cuộc đời của Chúa Giêsu hay không? Ở điểm này, một số Kitô hữu tìm ẩn náu nơi điều “hẳn phải là”. Vì “giống chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi”, “hẳn” Người phải kinh qua mọi giai đoạn bình thường trong diễn trình phát triển xã hội và tâm lý để bước vào tuổi trưởng thành. Vì là con trẻ không có tội của một bà mẹ không có tội, “hẳn” Người có được những mối liên hệ không hề có chút chi rắc rối đối với mẹ. Các nhà thần học và nhiều người khác thuờng cố gắng đẩy xa thứ luận bác này. Họ đã dựng được cả một bộ những kết luận về những điều “hẳn” phải đúng về Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, phương thức ấy đụng phải hai khó khăn lâu đời. Khó khăn thứ nhất, các kết quả của nó chỉ là khoảng không. “Các mối liên hệ không hề có chút chi rắc rối” của Chúa Giêsu với mẹ Người kia trên thực tế là gì? Làm sao ta có thể vượt qua những tổng quát hóa mơ hồ ấy mà làm cho luận bác của ta đem lại một ít chi tiết cụ thể nào đó về cuộc sống gia đình tại Nadarét? Khó khăn thứ hai, không phải ai cũng nhất trí với những điều “hẳn phải là” kia. Tất cả còn tùy thuộc điều ta coi là thích đáng khi đưa ra một trình thuật nào đó về thuở thiếu thời của Chúa Giêsu. Một số người có thể luận bác rằng Người hẳn đã có được mọi hình thức có thể có của nhận thức nhân bản. Một số người khác có thể cực lực bác bỏ điều ấy. Một gán ghép như thế rất có thể khiến cho cuộc hiện sinh nhân bản của Người ra đáng hoài nghị và không thật. Một số người có thể cho rằng Chúa Giêsu hẳn đã kinh qua cuộc khủng hoảng tính dục bình thường của tuổi dậy thì. Nhiều người khác có thể bác bỏ kết luận ấy, coi nó như hoàn toàn ghê tởm.
Cả trí tưởng tượng tự do của các Phúc Âm Ngoại Thư lẫn các cố gắng diễn dịch từ điều “hẳn phải là” đều không giúp ta tiến được bao xa. Nên ba mươi năm đầu cuộc đời Chúa Giêsu vẫn chìm trong bong tối, ngoài tầm tay với của ta, điều ấy có thể làm ta ngã lòng.
Ngôn từ của chính Chúa Giêsu
Tuy nhiên, ta có thể rút ra một số tín liệu từ một nguồn vốn bị quên lãng lâu nay, đó là ngôn từ do chính Chúa Giêsu sử dụng trong ba Phúc Âm đầu. Thiển nghĩ nên giải thích rõ các giả thiết ở đây. Ta không cho rằng mọi ngôn từ được các Thánh Mátthêu, Máccô và Luca gán cho Chúa Giêsu đều nhất thiết trích dẫn nguyên văn từ thừa tác vụ thực tế của Người. Vì một số từ ngữ ấy có thể của chính các soạn giả Phúc Âm, hay của Giáo Hội sơ khai, mà cũng có thể của chính Chúa Kitô phục sinh. Ta cũng không chủ trương rằng các soạn giả Phúc Âm nhất thiết trình bày một bản chép lại nguyên văn y như lời Chúa Giêsu nói trong các lời giáo huấn của Người. Nhưng ta nhất trí với nhiều học giả rằng các Phúc Âm Mátthêu, Máccô và Luca đã duy trì được cái luồng và cái vị (flow & flavor) trong ngôn từ được Chúa Giêsu chọn lựa. Dĩ nhiên, ai cũng ước mơ có thể sử dụng được những đoạn chắc chắn do chính Chúa Giêsu nói.
Ở đây, chúng ta muốn nói rằng các hình ảnh và ngôn từ được Chúa Giêsu sử dụng gợi cho ta một vài điều về cách thế trí tưởng tượng của Người hành động và cách thế cảm xúc tính của Người được thành hình lúc Người còn ẩn dật tại Nadarét. Xin đơn cử hai nét trong giáo huấn của Người. Hai nét này cho thấy các đường nét qua đó, trí tưởng tượng của Người đã được phát triển và tự tỏ bày ra.
Một ngôn từ biết rõ hạnh phúc và đau khổ nhân bản
Nét thứ nhất, Chúa Giêsu chứng tỏ Người biết rõ và biết đáp ứng nhiều hình thức sinh hoạt, đau khổ, và hạnh phúc nhân bản. Người quan sát điều đang xẩy ra khi người nông dân gieo hạt, thấy họ xây thêm kho lẫm như thế nào để chứa mùa màng bội thu và thuật lại phương pháp tiên đoán thời tiết của họ. “Khi các ông thấy mây xuất hiện ở phía tây, các ông sẽ nói ngay: ‘một trận mưa sắp sửa tới’; và nó đã tới thật. Và khi các ông thấy gió nam thổi, các ông bảo: ‘cơn nóng nung người sẽ tới nơi’; và nó tới thật” (Lc 12:54 tt). Chúa Giêsu cũng lưu ý người ta đặt những mảnh vải vá trên chiếc áo choàng rách ra sao và họ dùng bình da mới để chứa rượu mới như thế nào. Người nói tới thuế má, việc cho vay tiền, vai trò quản lý trông coi những gia hộ lớn, công việc của dân chài, người chăn dắt các đàn súc vật, quần áo lụa là của người giầu có, chó đợi vụn bánh từ bàn chủ, người lữ hành lỡ bước đêm khuya, tới xin thực phẩm, việc điều hành luật lệ, giá cả đương thời của chim sẻ và nhiều chuyện khác. Con mắt của Chúa Giêsu quét qua cả một loạt sinh hoạt rộng lớn của con người. Tổng hợp các hình ảnh của Người, ta sẽ có được một bức chân dung tương đối đầy đủ về sinh hoạt thường nhật tại Miền Galilê xưa.
Trí tưởng tượng của Người không tránh nghĩ tới việc phải giáp mặt với đau khổ nhân bản. Một trong những truyện đáng nhớ nhất do chính Người kể nói về người du khách bị cướp, bị đánh đập và chết dở bỏ lại bên đường miền quê. Chúa Giêsu nói tới cái tham lam của người giầu có, luôn luôn phóng túng xa hoa dù người bệnh đang đói lả trước cổng nhà mình. Người nhắc đến những tính toán của ông hoàng ông chúa trước khi dẫn binh sĩ của mình ra trận. Hạnh phúc nhân bản cũng không lọt con mắt Chúa Giêsu. Người nói tới niềm vui của người cha khi đứa con đi hoang tìm về, đến những cử hành tân hôn, đến bà nội trợ vui mừng hớn hở vì tìm lại được đồng tiền đánh mất. Nói tóm lại, lời giảng của Chúa Giêsu cho thấy một trí tưởng tượng đã lớn mạnh đủ để có thể nhậy cảm nhận thức rõ mọi điều đang xẩy ra trong thế giới của Người.
Một ngôn từ hết sức cụ thể và dễ hiểu
Nét thứ hai, ta sẽ vất bỏ mất quyền nhận định về cách Chúa Giêsu nhận thức thực tại, nếu ta bỏ qua tính đặc thù hết sức cụ thể dễ hiểu trong ngôn từ của Người. Một cách hết sức đặc trưng, Người thường trả lời những câu hỏi đại loại như “Ai là người láng giềng của tôi?” bằng cách kể một câu truyện (Lc 10:29-37). Lẽ dĩ nhiên, các thầy (rabbis) khác cũng làm như thế trước và sau Chúa Giêsu. Nhưng nguyên sự kiện họ cũng có thói quen đó không làm nó ít đặc trưng là của Người hơn. Người suy nghĩ từ dưới suy nghĩ lên, không theo phương thức diễn dịch từ trên. Người đề nghị các trường hợp để thính giả của Người có thể tự họ rút ra các nguyên tắc tổng quát, nếu họ muốn. Ngay các nhận định có tính tổng quát hóa của Người cũng rất gần gũi tính đất, tính cụ thể dễ hiểu. “Không ai, sau khi uống rượu cũ, lại thèm rượu mới” (Lc 5:39). Có một nét rất thường thức trong những phương ngôn Người trích dẫn. Ở hội đường Nadarét, Người kể cho cộng đoàn nghe: “Chắc chắn các ông sẽ trích dẫn cho tôi câu phương ngôn này: Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa mình đi” (Lc 4:23). Người mời các thính giả của Người nhận thức các sự vật đặc thù chung quanh họ. Trí tưởng tượng của Người hòa điệu với sự khôn ngoan thực tiễn của người dân thường. Tất cả những điều ấy khiến Người trở thành người rao giảng tuyệt vời với nét hết sức thường thức. Người cùng nói với ta và nói cho ta, không phải chỉ nhắm vào ta.
Ngôn ngữ được Chúa Giêsu sử dụng trong lời giảng của Người cho ta thấy ít điều về cách Người tưởng tượng và nhận thức ra sao về thế giới. Đồng thời, những cái nhìn sâu sắc vào trí tưởng tượng trưởng thành của Người ấy sẽ đưa lại cho ta nhiều mách bảo để ta thấy được sự nhạy cảm của Người đã được đào tạo ra sao lúc Người còn niên thiếu. Nói tóm lại, lời giảng của Chúa Giêsu là nguồn phong phú nhất giúp ta các tín liệu qúy giá về quãng đời người ta vốn coi là ẩn dật của Người tại Nadarét.
Thông Báo
Cáo phó: LM Giaon Baotixita Vũ đình Hiên đã từ trần tại Phan Thiết
VP Tòa GM Phan Thiết
03:16 16/06/2009
"Trong thinh lặng và tin tưởng" (Is 30,15)
CÁO PHÓ
Kính báo cùng Quí Cha, Quí Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em Giáo Dân:
LM GB VŨ ĐÌNH HIÊN
sinh ngày 23/12/1920 tại An Nhiên, Thạch Hà, Hà Tĩnh,
-Thụ phong Linh Mục, ngày 29/6/1957 tại Nhà thờ Chính Tòa Saigon.
-Nơi phục vụ:
+ 1957-1960: Chủng Viện Thánh Tự, Thủ Đức.
+ 1960-1972: Nghỉ bệnh, chánh xứ Thanh Xuân, Lagi-Hàm Tân.
+ 1972-1975: Chánh xứ Vinh Thủy, Phan Thiết.
+ 1975-1988: Chánh xứ Thọ Tràng, Mương Mán.
+ 1988-1992: Chánh xứ Thanh Hải, Phan Thiết.
+ 1992-2005: Chánh xứ Đông Hải, Phan Thiết.
+ 17/10/2005: về nhà Hưu Dưỡng Giáo Phận Phan Thiết.
Về Nhà Cha lúc 5g20 sáng ngày 15/6/2009, tại Nhà Hưu Dưỡng Linh mục Phan Thiết.
Thánh lễ tẩm liệm lúc 19g30 ngày Thứ Hai, 15/6/2009, tại nhà Hưu Dưỡng Phan Thiết.
Thánh lễ an táng lúc 07g30 ngày Thứ Tư, 17/6/2009 tại Nhà Thờ Vinh An.
An táng tại nghĩa trang Linh mục Phan Thiết, giáo xứ Vinh An.
Xin cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita.
Văn Hóa
Cũng muốn
lykhách
02:16 16/06/2009
Cũng muốn về những đêm khuya vắng lặng
Châm bình trà sau vườn nhà ngồi ngóng cây lên
Sau một ngày tất bật mưu sinh trĩu nặng
Thả hồn thanh thản đêm sao trời mông mênh
Cũng muốn những ban mai thảnh thơi dậy thật sớm
Pha ly cà phê ngồi đợi mặt trời gọi thức hoa lá thơm
Những buổi sáng rộng thênh thang dịu dàng ngày vừa chớm
Ánh nắng trinh nguyên chưa vương khói bụi từng hôm
Cũng muốn vô tư đưa vợ con rời phố xá
Ngắm cảnh thiên nhiên nhìn con đùa vui rộn rã
Nơi có nước hồ trong thẳm xanh rừng cây lá
Dắt tay vợ con thả trong trời cao đất rộng hiền hoà
Tuổi sắp năm mươi nào còn trẻ gì đâu
Nhưng cũng chưa già dù tóc pha chút bể dâu
Trái tim con hình như chưa đầy hẳn
Vẫn còn chỗ thêm cả thế giới vui sầu
Thế nhưng mà khi ngồi không lại nhớ
Miền quê hương đầy khốn khổ xa xôi
Mấy nỗi sầu hình như pha trong hơi thở
Theo máu về tim lại nhắc nhở bóng con người
Quê hương ơi sao mà khốn khổ quá
Hết chiến chinh rồi rơi vào đày đọa
Thế kỷ này cả thế giới đua nhau vào kỷ nguyên mới lạ
Cớ sao chủ nghĩa rồ điên này người dứt mãi không ra?
Chế độ cộng sản chính là sự nhục mạ lương tâm con người
Trong sự ngu dốt, bạo tàn mới nuôi nó sống mạnh thôi
Khi nhân loại đang đổi thay mỗi từng ngày mới
Vẫn còn những chính thể ngu si tàn bạo cai trị con người
Hãy lên tiếng góp lời hỡi anh hỡi chị
Không bởi vì thù hận, nhưng vì giá trị con người
Như ta yêu chính thân mình thì ta cũng biết nghĩ
Còn có bao nhiêu người khốn khổ trong kiếp trôi
Có lẽ nào câm lặng nhìn quê hương mãi hoài đày đọa
Dưới chế độ đầy bất công, bạo tàn và dối trá
Đối với ngoại bang thì chúng cúi đầu hèn hạ
Đối với chính dân mình thì cướp cả quyền làm người ta!
Người đã biết hãy nói cho người chưa biết
Người đã nghe hãy nói cho người chưa được quyền nghe
Đây không phải là cuộc chiến tranh súng gươm chém giết
Mà chính là cuộc chiến giữa hiểu biết và dối trá u mê
Vì chủ nghĩa này hình thành nên từ bạo lực
Trong tối tăm dân trí, trong khiếp đảm của con người
Khi bao triệu dân không còn e sợ vì tỉnh thức
Thì chế độ phi nhân này sẽ tự đào mộ chôn thôi
Tự do không phải là điều xin cho
Độc lập lại không phải là điều xin xỏ
Quyền làm người phải xác tín với nhau cho thật rõ
Đó là quyền căn bản mà ai ai cũng được quyền có
Phải lên tiếng hỡi Việt Nam đau thương
Chế độ này đang đổi chác núi biển máu xương
Của tiền nhân cả nghìn năm máu lệ
Để dồn túi đầy những tiền của bất lương
Tham nhũng đã thành điều mặc nhiên
Quyền chức càng cao càng hèn vì đồng tiền
Chúng chẳng phải là người Việt-Nam nữa
Mà chính là Tàu đội lốt bạo lực cầm quyền
Phải đứng dậy đồng thanh lên tiếng
Vì ngàn xưa vì bao thế hệ ngàn sau
Con cháu chúng ta mai này sẽ câm miệng
Nếu thế hệ cha ông mãi im lặng cúi đầu
Với vong linh của tổ tiên nơi chín suối
Thắp vạn nén hương cũng chỉ khói ngậm ngùi
Vì máu xương đổ xuống tổ tiên không đánh đổi
Những nhang đèn của con cháu không thôi!
Cũng muốn sống những tháng ngày thanh thản
Yêu thương hiền hòa bên hoa cỏ dịu dàng
Đêm nhìn trời sao soi lòng mấy nỗi
Còn điều gì ray rứt ở nhân gian?!
Châm bình trà sau vườn nhà ngồi ngóng cây lên
Sau một ngày tất bật mưu sinh trĩu nặng
Thả hồn thanh thản đêm sao trời mông mênh
Cũng muốn những ban mai thảnh thơi dậy thật sớm
Pha ly cà phê ngồi đợi mặt trời gọi thức hoa lá thơm
Những buổi sáng rộng thênh thang dịu dàng ngày vừa chớm
Ánh nắng trinh nguyên chưa vương khói bụi từng hôm
Cũng muốn vô tư đưa vợ con rời phố xá
Ngắm cảnh thiên nhiên nhìn con đùa vui rộn rã
Nơi có nước hồ trong thẳm xanh rừng cây lá
Dắt tay vợ con thả trong trời cao đất rộng hiền hoà
Tuổi sắp năm mươi nào còn trẻ gì đâu
Nhưng cũng chưa già dù tóc pha chút bể dâu
Trái tim con hình như chưa đầy hẳn
Vẫn còn chỗ thêm cả thế giới vui sầu
Thế nhưng mà khi ngồi không lại nhớ
Miền quê hương đầy khốn khổ xa xôi
Mấy nỗi sầu hình như pha trong hơi thở
Theo máu về tim lại nhắc nhở bóng con người
Quê hương ơi sao mà khốn khổ quá
Hết chiến chinh rồi rơi vào đày đọa
Thế kỷ này cả thế giới đua nhau vào kỷ nguyên mới lạ
Cớ sao chủ nghĩa rồ điên này người dứt mãi không ra?
Chế độ cộng sản chính là sự nhục mạ lương tâm con người
Trong sự ngu dốt, bạo tàn mới nuôi nó sống mạnh thôi
Khi nhân loại đang đổi thay mỗi từng ngày mới
Vẫn còn những chính thể ngu si tàn bạo cai trị con người
Hãy lên tiếng góp lời hỡi anh hỡi chị
Không bởi vì thù hận, nhưng vì giá trị con người
Như ta yêu chính thân mình thì ta cũng biết nghĩ
Còn có bao nhiêu người khốn khổ trong kiếp trôi
Có lẽ nào câm lặng nhìn quê hương mãi hoài đày đọa
Dưới chế độ đầy bất công, bạo tàn và dối trá
Đối với ngoại bang thì chúng cúi đầu hèn hạ
Đối với chính dân mình thì cướp cả quyền làm người ta!
Người đã biết hãy nói cho người chưa biết
Người đã nghe hãy nói cho người chưa được quyền nghe
Đây không phải là cuộc chiến tranh súng gươm chém giết
Mà chính là cuộc chiến giữa hiểu biết và dối trá u mê
Vì chủ nghĩa này hình thành nên từ bạo lực
Trong tối tăm dân trí, trong khiếp đảm của con người
Khi bao triệu dân không còn e sợ vì tỉnh thức
Thì chế độ phi nhân này sẽ tự đào mộ chôn thôi
Tự do không phải là điều xin cho
Độc lập lại không phải là điều xin xỏ
Quyền làm người phải xác tín với nhau cho thật rõ
Đó là quyền căn bản mà ai ai cũng được quyền có
Phải lên tiếng hỡi Việt Nam đau thương
Chế độ này đang đổi chác núi biển máu xương
Của tiền nhân cả nghìn năm máu lệ
Để dồn túi đầy những tiền của bất lương
Tham nhũng đã thành điều mặc nhiên
Quyền chức càng cao càng hèn vì đồng tiền
Chúng chẳng phải là người Việt-Nam nữa
Mà chính là Tàu đội lốt bạo lực cầm quyền
Phải đứng dậy đồng thanh lên tiếng
Vì ngàn xưa vì bao thế hệ ngàn sau
Con cháu chúng ta mai này sẽ câm miệng
Nếu thế hệ cha ông mãi im lặng cúi đầu
Với vong linh của tổ tiên nơi chín suối
Thắp vạn nén hương cũng chỉ khói ngậm ngùi
Vì máu xương đổ xuống tổ tiên không đánh đổi
Những nhang đèn của con cháu không thôi!
Cũng muốn sống những tháng ngày thanh thản
Yêu thương hiền hòa bên hoa cỏ dịu dàng
Đêm nhìn trời sao soi lòng mấy nỗi
Còn điều gì ray rứt ở nhân gian?!
Ngày Father's Day: Hạ trắng hồn con
Trịnh Du
17:48 16/06/2009
Ba ơi, con nhớ Ba nhiều
Gío ru cành liễu một chiều năm xưa
Nắng chen nhành lá lưa thưa
Ẩn sau bóng mát Người vừa bước qua
Bướm vàng vỗ cánh bay xa
Tung tăng theo gót chân Ba về nhà
Bến đò vọng tiếng ngân nga
Hương quê ngào ngạt chiều tà cuối thôn
Xa xa sóng nước dập dồn
Tiếng chim lẻ bạn hoàng hôn kéo về
Chim kêu sao quá não nề
Đã bao năm cũ còn tê tái hồn
Nhất là những lúc hoàng hôn
Qùy bên mộ cỏ vùi chôn hiếu tình
Chiều nay con đến một mình
Tâm tư trầm lặng ngắm hình Ba yêu
Hình xưa nay đã bạc nhiều
Nét sầu mí mắt có điều chưa phai
Quê hương nghìn dặm đường dài
Lối về cố quốc chông gai giăng đầy
Thù xưa chưa trả lại vay
Mong ngày thay đổi dựng xây lại đời
Mộ Ba con sẽ thỉnh dời
Đặt bên mộ Nội là nơi phụng thờ
Ba ơi, lệ thắm hồn thơ
Màng đêm ập xuống ướt mờ hình Ba.
Gío ru cành liễu một chiều năm xưa
Nắng chen nhành lá lưa thưa
Ẩn sau bóng mát Người vừa bước qua
Bướm vàng vỗ cánh bay xa
Tung tăng theo gót chân Ba về nhà
Bến đò vọng tiếng ngân nga
Hương quê ngào ngạt chiều tà cuối thôn
Xa xa sóng nước dập dồn
Tiếng chim lẻ bạn hoàng hôn kéo về
Chim kêu sao quá não nề
Đã bao năm cũ còn tê tái hồn
Nhất là những lúc hoàng hôn
Qùy bên mộ cỏ vùi chôn hiếu tình
Chiều nay con đến một mình
Tâm tư trầm lặng ngắm hình Ba yêu
Hình xưa nay đã bạc nhiều
Nét sầu mí mắt có điều chưa phai
Quê hương nghìn dặm đường dài
Lối về cố quốc chông gai giăng đầy
Thù xưa chưa trả lại vay
Mong ngày thay đổi dựng xây lại đời
Mộ Ba con sẽ thỉnh dời
Đặt bên mộ Nội là nơi phụng thờ
Ba ơi, lệ thắm hồn thơ
Màng đêm ập xuống ướt mờ hình Ba.
Bài ca dao cho Cha
Đinh văn Tiến Hùng
18:39 16/06/2009
“Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ,kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Lời Ca dao ấy vẫn còn trong tôi,
Điệu ru từ lúc nằm nôi,
Lời ca dịu ngọt đầu đời gọi cha.
Tình thương ôi thật bao la,
Cơn mưa nắng hạ chan hoà đời con.
Thân gầy lặn lội hao mòn,
Âm thầm chịu đựng không than nửa lời,
Đắng cay miệng vẫn mỉm cười,
Nhìn đàn con dại vui tươi thoả lòng,
Đêm ngày chỉ những cầu mong,
Cho con khôn lớn thành công nên người.
Con xin ghi nhớ những lời,
Cha thường dạy bảo suốt thời ấu thơ.
Giờ đây cha đã già rồi
Nhìn cha tóc bạc con thời xót xa,
Nhớ ơn dưỡng dục bao la,
Con xin ghi lại bài Ca dao này.
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ,kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Lời Ca dao ấy vẫn còn trong tôi,
Điệu ru từ lúc nằm nôi,
Lời ca dịu ngọt đầu đời gọi cha.
Tình thương ôi thật bao la,
Cơn mưa nắng hạ chan hoà đời con.
Thân gầy lặn lội hao mòn,
Âm thầm chịu đựng không than nửa lời,
Đắng cay miệng vẫn mỉm cười,
Nhìn đàn con dại vui tươi thoả lòng,
Đêm ngày chỉ những cầu mong,
Cho con khôn lớn thành công nên người.
Con xin ghi nhớ những lời,
Cha thường dạy bảo suốt thời ấu thơ.
Giờ đây cha đã già rồi
Nhìn cha tóc bạc con thời xót xa,
Nhớ ơn dưỡng dục bao la,
Con xin ghi lại bài Ca dao này.
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mình Dưới Nắng Trưa
Nguyễn T. Hoà
17:45 16/06/2009
MỘT MÌNH DƯỚI NẮNG TRƯA
Ảnh của Nguyễn T. Hoà.
Xa quê dầu chẳng võ vàng
Trông mây núi nhớ mây làng về trưa.
(Trích thơ của Quang Dũng)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền