Ngày 22-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả 23/6 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
03:04 22/06/2022


BÀI ĐỌC 1 Is 49:1-6

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý:

Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.

Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.” Phần tôi, tôi đã nói: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.”

Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Cv 13:22-26

Bài trích sách Công vụ Tông đồ.

Khi đến An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, ông Phao-lô đứng giữa hội đường và nói:

“Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: ‘Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta.’

Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su. Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.

Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: ‘Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.’

Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta.”

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 1:76

Alleluia. Alleluia.

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:

con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.

Alleluia.

TIN MỪNG Lc 1:57-66,80

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.”

Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”

Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.”

Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.

Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”

Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

Đó là Lời Chúa.
 
Trở về với trái tim để phân định
Lm. Minh Anh
05:28 22/06/2022

TRỞ VỀ VỚI TRÁI TIM ĐỂ PHÂN ĐỊNH
“Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con!”.

Nói đến các tiên tri giả, Đức Phanxicô nhận xét, “Không chỉ các tiên tri có thể là giả, mà ‘lời tiên tri’ của họ cũng có thể giả! Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn ‘trở về với trái tim để phân định’, một trái tim mà ở đó, có nhiều loại cảm xúc đến và đi như một khu chợ địa phương, nơi bạn tìm thấy mọi thứ. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh táo để liên tục phân định; từ đó, có thể biết điều gì đẹp lòng Chúa, điều mất lòng Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đang sống trong một thế giới đầy dẫy thông tin, tốt có, xấu có; xấu nhiều hơn tốt, giả nhiều hơn thật…, như Cô Bé Khăn Quàng Đỏ ngày xưa, chúng ta có thể bị những con sói đội lốt chiên đánh lừa. Trong đó, không ít điều được rỉ tai, có thể trở nên hiểm hoạ, nếu chúng ta không được hướng dẫn. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ‘trở về với trái tim để phân định’ dựa vào tiêu chí “Xem quả biết cây” của Chúa Giêsu, một tiêu chí đơn giản nhưng hiệu quả.

Trước hết, các tiên tri giả. Chúa Giêsu từng nói về họ! Họ là những người chăn thuê, “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì là kẻ làm thuê, anh không thiết gì đến chiên”; họ là những “Phản Kitô”; cũng như hôm nay, “Họ mặc lốt chiên để đến cùng các con”. Một sự tương phản rõ rệt giữa chiên và sói, con sau là kẻ thù nguy hiểm của con trước; và trong thực tế, sói đội lốt chiên còn dễ nhận ra hơn các tiên tri giả hoặc người chăn thuê!

Thứ đến, các phương tiện truyền thông! Hơn bao giờ hết, công nghệ và truyền thông cống hiến bao điều tuyệt vời; bên cạnh đó, bao điều sai trái với giáo lý đức tin! Truyền thông ru ngủ rằng, phá thai là được, nghiên cứu tế bào gốc trên phôi người là từ bi, hôn nhân đồng giới là khoan dung... Vì thế, một số Kitô hữu đã phớt lờ hoặc xúc phạm giáo huấn của Hội Thánh, “Sẽ đến thời, người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình… hướng về những chuyện hoang đường”. Vậy làm sao tôi có thể đánh giá đúng đắn những gì tôi nghe? Tôi có cố gắng tìm xem Hội Thánh nói gì về vấn đề này? Tôi có biết truyền thông có thể đánh cắp sự bình an nội tâm của tôi đến mức nào không? Nó có thể khiến tôi suy nghĩ một cách rất thế gian! Vì thế, việc ‘trở về với trái tim để phân định’ liên tục là điều tối cần thiết!

Chúa Giêsu dạy, “Xem quả thì biết cây!”. Đó là những hoa quả của Thánh Thần mà Phaolô đã tiết lộ: “vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, rộng lượng, trung tín, dịu dàng và tiết độ”; là tình yêu Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta. Hoa trái Thánh Thần phát xuất từ tình yêu của một con người thuộc về Chúa. Với những yếu tố đó, chúng ta biết, họ là một mục tử chân chính. Bên cạnh đó, như lời Thánh Vịnh đáp ca, chúng ta còn phải cầu xin ơn phân định, “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ!”. Bài đọc Các Vua cũng cho thấy sự cần thiết của phân định; vua Giuđa nói, “Các ngươi hãy đi hỏi ý Chúa cho trẫm, cho toàn dân và cho nhà Giuđa!”.

Anh Chị em,

“Hãy coi chừng các tiên tri giả!”. Lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu vẫn rất nóng bỏng cho thời đại chúng ta. Vậy hãy ‘trở về với trái tim để phân định’ mỗi ngày. Thông thường, những người ổn định nhất trong chúng ta là những người sống một cuộc sống dung dị. Thiên Chúa thường chọn làm việc bên ngoài ánh đèn sân khấu; Ngài làm việc trong những mục tử thánh thiện, những gia đình âm thầm nuôi dạy con cái trong đức tin. Vậy tôi đang sản sinh hoa trái lâu dài nào cho Chúa? Tôi có đáng tin cậy không? Lời Chúa cảnh báo chúng ta vốn không chỉ là những người nghe, nhưng còn là những người có trách nhiệm nói lời của Chúa, những lời vốn phải phát xuất từ một cuộc sống tốt lành của một chứng nhân tốt, chứng nhân phục sinh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin gìn giữ không chỉ tai con, nhưng cả miệng con. Xin dạy con trở về với trái tim con mỗi ngày; hầu con biết phân định điều gì đẹp lòng Chúa, điều mất lòng Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Từ bỏ mọi sự để nên môn đệ Chúa
Lm. Đan Vinh
05:34 22/06/2022

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN C
1 V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62
TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA

I. HOC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 9,51-62.

(51) Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. (52) Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. (53) Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. (54) Thấy thế, hai môn đệ Người là Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? (55) Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông (56) Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Và Người nói với các ông : “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào. Vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng. (56) Rồi Thầy trò đi sang làng khác. (57) Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. (58) Người trả lời : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. (59) Đức Giê-su nói với một người khác : “Anh hãy theo tôi !” Người ấy thưa : “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. (60) Đức Giê-su bảo : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ! Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.

2. Ý CHÍNH :

Bài Tin Mừng hôm này gồm hai phần :

Phần thứ nhất thuật lại câu chuyện Đức Giê-su bị dân làng ở miền Sa-ma-ri từ chối không cho vào làng ở trọ. Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an tức giận yêu cầu Thầy cho phép sai lửa từ trời xuống thiêu hủy làng đó. Nhưng Đức Giê-su quở mắng các ông và Thầy trò đã nhẫn nhịn bỏ đi sang trọ làng khác trọ.

Phần thứ hai ghi lại ba trường hợp người ta xin đi theo làm môn đệ Đức Giê-su. Trong mỗi trường hợp Đức Giê-su đều đòi người ta chọn lựa dứt khoát như sau:
+ Đối với kẻ thứ nhất, Người đòi anh phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn vật chất.
+ Với người thứ hai, Người đòi anh phải ưu tiên lo việc của Chúa hơn việc gia đình.
+ Còn người thứ ba, Người đòi anh phải chuyên tâm lo phục vụ Nước Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH :

- C 51-52) : + Được rước lên trời : Đây là thành ngữ ám chỉ cái chết cũng như cuộc lên trời của Đức Giê-su (Tin Mừng Lu-ca 9,31 chú thích về cuộc xuất hành của Người). + Nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem : Lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất cuộc Vượt Qua. + Vào một làng người Sa-ma-ri : Người Do Thái tránh giao thiệp với người Sa-ma-ri và còn khinh dể họ, vì họ không còn thuần chủng, và vì niềm tin của họ đã có nhiều điểm dị biệt so với người Do thái. Nhưng Đức Giê-su lại cố ý vào trọ trong một làng người Sa-ma-ri. Điều này cho thấy Người chính là chủ chiên đến để tìm chiên lạc và đưa về chung một đàn. Về sau, trước khi lên trời, Đức Giê-su truyền cho các Tông Đồ rao giảng cho muôn dân, trong đó có dân Sa-ma-ri (x. Cv 1,8). Các ông đã vâng lời Người : Phi-lip-phê loan báo Tin Mừng ở Sa-ma-ri (x. Cv 8,5). Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem cũng cử 2 ông Phê-rô và Gio-an đến với họ (Cv 8,14).
- C 53-56 : + Dân làng không đón tiếp : Người Sa-ma-ri có ác cảm với người Do thái, đặc biệt những ai hành hương lên Giê-ru-sa-lem. + Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy...? : Hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an được gọi là “con của sấm sét” (x. Mc 3,17). Hai ông mới được nhìn thấy ngôn sứ Ê-li-a trong cuộc biến hình của Đức Giê-su (x. Lc 9,28-36), nên giờ đây muốn dùng hình phạt giáng xuống trên kẻ thù giống như vị ngôn sứ Ê-li-a này đã làm (x. 2V 1,10-12). + Quở mắng các ông : Đức Giê-su muốn các môn đệ hành xử theo giáo huấn mà Người đã dạy về cách đối xử với kẻ thù : Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình (x. Lc 6,27-35). + Và Người nói với các ông : “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào. Vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng” : Đức Giê-su dạy cho các môn đệ biết việc báo thù là việc của thần dữ chứ không phải việc của Thiên Chúa. Đức Giê-su xuống thế gian để kiện toàn luật Mô-sê vốn cho phép trả thù báo oán những kẻ làm hại mình. Đối với Đức Giê-su : Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa của tình thương. Tình thương thay thế hận thù, tha thứ thay thế báo oán trừng phạt. Đó chính là tinh thần mà các môn đệ phải học tập. + Thầy trò đi sang làng khác : Điều này nói lên sự nhẫn nhịn của Đức Giê-su đối với những kẻ đối xử không tốt với mình.
- C 57-58 : + Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng : Lu-ca ghi lại ở đây ba trường hợp về ơn kêu gọi theo Chúa. Trong ba trường hợp này thì hai trường hợp được Mát-thêu thuật lại khi Đức Giê-su bắt đầu đi giảng đạo ở Ga-li-lê (x. Mt 6,19-22). Còn trường hợp thứ ba chỉ có trong Tin Mừng Lu-ca. Qua ba trường hợp này, Lu-ca muốn trình bày những đòi hỏi dứt khoát đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa. + “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo... Con chồn có hang...” : Người này tự ý xin theo làm môn đệ và sẽ đi đến bất cứ nơi nào. Nhưng Đức Giê-su cho anh ta thấy cuộc sống theo Chúa là một cuộc sống khó nghèo và không ổn định. “Không có chỗ dựa đầu”, nghĩa là không có sự bảo đảm về vật chất giống như một người vô gia cư !
- C 59-60 : + “Xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” : Trong Tin Mừng Mát-thêu, người xin làm môn đệ ngỏ lời trước (x. Mt 8,21-22), còn trong Tin Mừng Lu-ca, chính Đức Giê-su kêu gọi anh ta trước. Anh ta tỏ thái độ thiếu dứt khoát qua lời cầu xin được về nhà phụng dưỡng cha. Sau khi cha chết và lo mai táng cho cha xong, anh mới theo làm môn đệ Người. Tại Pa-les-tin việc chôn cất người chết phải được thực hiện ngay trong ngày, nên khó mà nghĩ rằng Đức Giê-su lại không đồng ý cho anh ta lưu lại vài giờ để chôn cất cha cho tròn chữ hiếu. + “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” : Chắc chắn Đức Giê-su rất coi trọng bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ (x. Mt 15,5-9; 1 Tm 5,8). Nhưng khi phải lựa chọn giữa một bên là tình cảm gia đình với bên kia là theo Chúa để đi rao giảng Tin Mừng, thì Người đòi môn đệ phải dứt khoát chọn đi loan báo Triều Đại của Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI :

1) Khi dùng thành ngữ “Được rước lên trời”, tác giả Lu-ca muốn ám chỉ điều gì về cuộc xuất hành của Người?
2) Đức Giê-su nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem nhằm mục đích gì?
3) Tại sao người Do Thái tránh giao thiệp và khinh thường người Sa-ma-ri, đang khi Đức Giê-su lại sẵn sàng đến với họ?
4) Phản ứng của hai anh em Gia-cô-bê Gio-an và của Đức Giê-su thế nào trước sự từ chối đón tiếp thầy trò của dân làng Sa-ma-ri? Đức Giê-su muốn môn đệ Người ứng xử thế nào?
5) Người nêu gương nhẫn nhịn tha nhân ra sao?
6) Hãy kể ra ba trường hợp xin theo làm môn đệ Đức Giê-su và Người đòi họ điều kiện thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9,60).

2. CÂU CHUYỆN :

1) LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG SỰ NHẪN NHỊN THA NHÂN :
Một hôm có một viên sĩ quan đến gặp một linh mục xin học đạo. Khi được hỏi lý do theo đạo, thì được anh cho biết như sau :
"Trong đại đội do tôi chỉ huy, có một anh tân binh là một tín hữu Công Giáo. Vào một đêm nọ, sau khi tiểu đội đi tuần về, quần áo ai nấy đều bị ướt nhẹp, nhưng thay vì thay quần áo đi ngủ, thì anh chàng này lại quì gối bên giường nhắm mắt cầu nguyện. Cảm thấy ngứa mắt, tôi liền đá anh một cái ngã lăn ra sàn. Nhưng khi ngồi dậy, anh không nói gì mà tiếp tục quỳ gối cầu nguyện. Tôi bị mệt nên mau cởi giầy ra rồi nằm lăn ra giường ngủ. Sáng hôm sau, khi thức dậy tôi rất ngỡ ngàng khi thấy đôi giầy tối qua tôi đã đá anh tân binh, giờ đã được lau sạch và xếp gọn để bên cạnh giường tôi. Tôi thấy hổ thẹn về thái độ đêm qua của mình và thán phục sự nhẫn nhịn của anh tân binh. Rồi tôi quyết tâm đến với cha để xin theo đạo".

2) TU ĐÒI PHẢI DỨT BỎ LÒNG HAM MÊ CỦA CẢI VẬT CHẤT :
Một vị linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một thanh niên ăn mặc bảnh bao đến xin làm đệ tử. Anh ta rón rén đến bên và đặt dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quí để làm lễ vật ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, anh thanh niên giàu có vội nhảy xuống sông và lặn xuống đáy hồ cố tìm lại viên ngọc quí giá. Nhưng sau một ngày vất vả tìm kiếm mà viên ngọc vẫn biệt tăm. Chiếu đến, với vẻ mặt thất vọng, anh thanh niên đến chỗ vị linh sư xin ông chỉ đích xác chỗ đã ném viên ngọc. Bấy giờ vị linh sư liền cầm viên ngọc thứ hai, tiếp tục ném xuống sông và nói : “Ta đã ném vào chỗ đó. Anh hãy lặn xuống mà tìm”. Chàng thanh niên hiểu rằng thầy muốn anh phải dứt khoát từ bỏ lòng ham mê của cải trần gian như điều kiện tiên quyết phải có để theo làm môn đệ của thầy.

3) TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA CỦA CẢI VẬT CHẤT ĐỐI VỚI TU SĨ :
Ở một làng nọ thuộc miền quê Ấn độ, có một đạo sĩ tên là SADHU. Với lối sống đơn giản trong nhiều năm, ông đã gần đạt đến sự siêu thoát hoàn toàn của bậc thánh nhân. Ông đã được dân chúng quanh vùng quí mến, và họ đã lũ lượt kéo nhau đến bái ông làm thầy dạy đạo.
Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ ăn mặc sơ sài, có người đã mang đến biếu mấy mảnh vải tốt để ông may áo che thân. Rồi khi Sadhu ngồi thiền, bầy chuột tưởng ông là tượng gỗ, rủ nhau đến rúc vào áo của ông gặm nhấm. Có người thấy thế tội nghiệp, liền mang đến biếu ông một chú mèo con làm bầu bạn và giúp ông xua đuổi lũ chuột quấy phá kia. Dân làng lại thương mèo con không có gì ăn liền đem sữa tươi đến nuôi mèo. Rồi một ngày nọ, một bà giàu có từ phương xa nghe tiếng thơm nhân đức của vị đạo sĩ, đã đến thăm và tặng ông một con bò để ông có sữa uống và có thể nuôi mèo. Dân làng cũng làm một cái chuồng giúp ông nuôi bò. Khi thấy bò có chuồng mà đạo sĩ lại không có nhà, dân làng liền hè nhau đến làm cho đạo sĩ một chiếc chòi bằng lá để ông có thể trú nắng che mưa.
Từ khi có thêm của cải, đạo sĩ không còn có giờ tu niệm như trước. Hằng ngày ông phải bận rộn đi cắt cỏ về nuôi bò lấy sữa uống, rồi còn phải chăm sóc cho mèo để nó giúp ông đuổi lũ chuột. Ông cũng phải chăm lo sửa sang căn chòi bị dột. Dân làng thương ông vất vả, nên đã nhờ một người đàn bà đến giúp ông làm công việc nhà để ông có giờ ngồi thiền.
Từ đó đạo sĩ đã có áo quần che thân, có mèo giúp đuổi chuột, có bò cung cấp thức ăn hằng ngày, có căn chòi khang trang để ở, có người đàn bà đến chăm sóc phục vụ cho mình... Chẳng bao lâu sau, đạo sĩ không còn thích ngồi thiền tu niệm nữa, vì ông phải quan tâm bảo vệ những gì đang sở hữu. Rồi ông đã lấy người đàn bà kia làm vợ, và chấm dứt cuộc đời hạnh tu !!!
Câu chuyện trên cho thấy: Bao lâu chọn nếp sống đơn giản, đạo sĩ Sadhu đã nổi tiếng là một tu sĩ đắc đạo. Nhưng từ khi sở hữu nhiều của cải vật chất thì ông cũng dần dần xa rời lý tưởng tu hành của mình. Trong Hội Thánh Công Giáo cũng như trong các tôn giáo khác, các vị đại thánh đều có điểm giống nhau là các ngài đã chọn lối sống khắc khổ, sẵn sàng từ bỏ các tiện nghi vật chất và quyết tâm không dính bén với các của cải vật chất. Nhờ đó các ngài mới có một lối sống siêu thoát làm đẹp lòng Đấng thiêng liêng và được mọi người nể phục.

4) SẴN SÀNG VƯỢT QUA MỌI TRỞ NGẠI ĐỂ THEO CHÚA :
- ERIC LIDDLE là người chạy đua 100 mét nhanh nhất của nước Anh trong năm 1924. Tại Thế vận hội thể thao O-lym-pic mở ở Paris năm đó, mọi người đều mong đợi rằng anh sẽ chiếm được huy chương vàng về cho nước Anh. Nhưng rồi một việc đã xảy ra làm xôn xao cả trong cũng như ngoài nước. Ban Tổ chức Thế Vận Hội sắp đặt môn chạy đua một trăm thước vào chương trình ngày Chúa Nhật. Eric nghĩ rằng luật kiêng việc phần xác, nghỉ ngày của Chúa, không cho phép anh chạy đua ngày Chúa Nhật. Vậy anh quyết định không chạy đua ngày Chúa Nhật, dầu việc nầy làm cho anh rất buồn phiền. Khi tin nầy được loan đi, mọi người sửng sốt. Họ làm áp lực tư bề để buộc anh bỏ ý định bỏ cuộc và chuẩn bị tham gia chạy đua ngày Chúa Nhật. Nhưng Eric đã nói không là không. Thái tử nước Anh cũng đứng ra can thiệp, bắt buộc anh phải chạy đua ngày Chúa Nhật theo như chương trình của ban tổ chức. Trước mọi áp lực, Eric đã nói không là không. Báo chí nước Anh gọi Eric là người phản bội. Nhưng anh cương quyết không làm điều trái với lương tâm tôn giáo của mình. Sau đó Eric đi gặp các huấn luyện viên và đề nghị để cho một bạn đồng đội chạy đua 100 mét ngày Chúa Nhật thay thế, còn anh sẽ chạy 400 mét trong ngày thường, dẫu rằng trước đó chưa bao giờ anh chạy đua 400 mét cả. Một điều lạ đã xảy đến trước sự ngạc nhiên đến sửng sốt của mọi người. Eric đã thắng cuộc chạy đua 400 mét, rồi anh bạn đồng đội mà anh đề nghị thay anh cũng thắng trong cuộc chạy đua 100 mét.

- Ít năm sau Thế vậy hội, Eric lại làm cho cả thế giới ngạc nhiên lần nữa. Anh tình nguyện lên đường sang Trung quốc giúp việc truyền giáo. Cô thiếu nữ người yêu của anh cũng theo anh sang Trung Quốc. Với thời gian họ sinh được ba đứa con ngoan ngoãn. Thế rồi Đệ nhị thế chiến bùng nổ. Nhật Bản xua quân xâm lăng Trung Quốc. Trước tình thế nguy hiểm, Eric gởi vợ con sang Ca-na-da lánh nạn. Ít lâu sau, anh bị quân Nhật bắt đem đi nhốt tại một trại tập trung. Tại đây, anh tiếp tục làm việc tông đồ giữa các bạn tù. Mấy năm sau, anh đã chết một cái chết thật can đảm và anh dũng tại trại tập trung. Sau khi Eric chết, vợ anh nhận được hàng trăm bức thư chia buồn, và nói lên lòng can đảm và anh dũng của anh khi bị gian trong trại. Ít nhất có hai bức thư của bạn tù nói rằng Eric là lẽ sống duy nhất của họ trong trại tập trung. Nếu không nhờ sự có mặt của anh trong trại, thì họ đã tự tử chết lâu rồi.

- Đến năm 1980 nghĩa là 56 năm sau Thế vận hội Paris nói trên, có người nảy ra ý kiến làm một cuốn phim về Eric và Thế vận hội 1924. Khi hay tin đó, vợ của anh còn sống ở To-ron-to nói : “Thời bây giờ ai mà còn để ý tới một việc đã xảy ra lâu lắm rồi về một người quyết không chạy đua ngày Chúa Nhật vì đức tin Kitô hữu của mình? Ấy thế mà cuốn phim CHARIOTS OF FIRE (Xe hỏa ngục) đã thành công phi thường. Thiên hạ đùng đùng kéo nhau đi xem như nước lũ. Cuốn phim đã giựt giải thưởng điện ảnh năm 1982. Câu chuyện Eric giúp chúng ta hiểu được lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: “Kẻ cầm cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa.”

- Từ khi theo Chúa, Eric luôn tiến bước theo Chúa, tuân giữ các giới răn dù cho thiên hạ gọi anh là phản quốc. Đâu là bí quyết của lòng can đảm trung kiên của Eric đối với Đức Kitô? Vợ của Eric đã nói trong cuộc phỏng vấn như sau: “Eric bao giờ cũng dậy thật sớm, dùng giờ đầu tiên trong ngày để đọc Kinh thánh và cầu nguyện và sắp đặt công việc cho ngày mới.” Bí quyết của lòng can đảm trung thành của anh là luôn gặp Chúa mỗi sáng trong giờ cầu nguyện.

3. THẢO LUẬN :
Bạn sẽ phản ứng thế nào khi bị kẻ khác đối xử không tốt để xứng đáng làm môn đệ Chúa?

4. SUY NIỆM:

1) GƯƠNG TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ SỐNG SIÊU THOÁT NHƯ Ê-LI-SA :
Bài đọc 1 hôm nay kể chuyện Ê-li-sa quyết tâm theo Ê-li-a để làm ngôn sứ. Ê-li-sa là một nông dân, đang cày ruộng với 12 cặp bò. Nghe ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi, Ê-li-sa đã bày tỏ lòng quyết tâm đi theo thầy Ê-li-a bằng việc bổ cày gỗ làm củi, giết bò làm lễ vật, rồi thiêu đốt tất cả để dâng tiến Đức Chúa, rồi đi theo làm môn đệ thầy. Ruộng đất, trâu bò, cày cuốc là tài sản của nông dân. Đốt cày cuốc, làm thịt trâu bò, có nghĩa là từ bỏ tài sản, là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ. Đó là một lựa chọn dứt khoát. Ra đi không vướng bận, không luyến tiếc những gì đã có. Đó là thái độ dứt khoát từ bỏ để hoàn toàn phó thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

2) DỨT KHOÁT TỪ BỎ - ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU :
Qua 3 trường hợp theo Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đòi hỏi những kẻ muốn theo làm môn đệ của Người phải có thái độ dứt khoát như sau:

+ Quyết tâm từ bỏ lối sống an nhàn hưởng thụ : Người thứ nhất xin đi theo Đức Giê-su đến bất cứ nơi nào. Nhưng Người đòi anh phải chọn lựa: theo Thầy thì phải chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó và sống thanh thoát với của cải vật chất giống như Thầy “không có chỗ tựa đầu”. Chính Đức Giê-su ngay đã được sinh ra trong cảnh khó nghèo như Tin Mừng Lu-ca đã ghi nhận : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Cuối cùng, trên thập giá, Người đã bị lột áo và bị đóng đanh chân tay vào thập giá. Trong Tin Mừng, chúng ta không thấy chỗ nào đề cập đến một ngôi nhà riêng của Đức Giê-su hoặc của nhóm Mười Hai môn đệ.

+ Phải cấp thời đi theo Chúa không được trì hoãn : Người thứ hai được Đức Giê-su kêu gọi đã sẵn sàng đi theo Chúa. Nhưng anh ta xin về nhà phụng dưỡng cha già, đến khi cha chết rồi mới đi theo. Nhưng Người đòi anh phải dứt khoát chọn sứ vụ đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa. Còn việc báo hiếu cha mẹ tuy quan trọng, nhưng cũng không ngăn cản được môn đệ đi theo Chúa.

+ Phải sẵn sàng thoát ly tình cảm gia đình : Người thứ ba xin đi theo Đức Giê-su, nhưng xin được về nhà từ giã gia đình vợ con trước đã. Nhưng Đức Giê-su đòi anh ta phải dứt khoát với tình cảm gia đình : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Thực ra, Đức Giê-su rất coi trọng việc con cái phải hiếu kính với cha mẹ (x. Mt 15,4). Nhưng Người đòi môn đệ phải ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa (x. Lc 14,26). Còn những sự khác thì chính Chúa sẽ lo liệu giúp chúng ta sau.

3) CON ĐƯỜNG THEO CHÚA HÔM NAY :
Lời Chúa hôm nay đòi mỗi người chúng ta tự kiểm điểm :

+ Phải tránh theo Chúa vì vụ lợi : giống như các môn đệ theo Đức Giê-su để được "ngồi bên tả bên hữu” khi Thầy lên làm Vua, chứ không muốn theo Chúa theo con đường “qua đau khổ vào vinh quang” theo ý Thiên Chúa. Ông Phê-rô đã can Thầy và đã bị Thầy nặng lời quở trách (x. Mt 16,21-23). Nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng theo Chúa chỉ nhằm để kết hôn hay sở hữu của cải vật chất… Rồi sau khi được như ý lại bỏ không theo Chúa nữa.

+ Theo Chúa đòi phải từ bỏ : Khi theo Chúa, các môn đệ phải từ bỏ tình cảm gia đình, bỏ nghề đánh cá biển để làm nghề chài lưới các linh hồn; Theo Chúa đòi chúng ta phải bỏ đi cái tôi ích kỷ, chấp nhận những lao nhọc thất bại trong cuộc sống, như lời Chúa Giê-su : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

+ Cần coi trọng Chúa và sứ vụ loan báo tin mừng hơn mọi thứ khác : Nếu chúng ta coi tiền bạc, địa vị, sắc đẹp … hơn Chúa thì sẽ không xứng đáng làm môn đệ của Chúa. Hãy noi gương tông đồ Phao-lô coi thường mọi sự vì Chúa: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-8).

+ Để theo Chúa đòi lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và xin vâng : như Chúa Giê-su thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Như Đức Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38).

5. LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con cảm thấy Chúa đòi hỏi những ai muốn đi theo làm môn đệ Chúa hơi nhiều : Vì Chúa không có chỗ dựa đầu, nên Chúa đòi con phải hãm mình để có lối sống đơn sơ siêu thoát. Chúa còn muốn con phải ưu tiên loan báo Triều Đại của Thiên Chúa, phải đặt tình cảm gia đình sau việc phụng sự Chúa. Xin cho con biết noi gương Chúa : sống đơn giản siêu thoát với của cải vật chất, hầu ngày một trở nên môn đệ thực sự của Chúa.-AMEN.
 
Khi Con Nghe Tiếng Kêu Mời
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:38 22/06/2022
Khi Con Nghe Tiếng Kêu Mời

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIII năm - C

( Lc 9, 51-62)

Bước vào Chúa nhật thứ XIII thường niên C, với chủ để chính là: “Chúa cất tiếng gọi”. Ngỏ lời là sáng kiến của Thiên Chúa và con người đáp trả. Êlia và Êlisê là hai nhân chứng. Chúa đã dùng Êlia gọi Êlisê, Êlisê đáp trả (x.1 V 19,16b.19-21). Vì là sáng kiến của Thiên Chúa nên Chúa gọi người Chúa muốn:”Hãy theo Ta” (Lc 9, 51-62). Hôm qua cũng như hôm nay, Thiên Chúa vẫn đến gọi con người ngay giữa dòng đời. Chúa gọi Êlisê khi ông đang cày ruộng (x.1 V 19, 19). Tiếng gọi của Thiên Chúa là nhất. Chúa gọi, Êlisê không thể trốn được, đến nỗi ông không nói được gì. Tiếng gọi của Thiên Chúa là bắt buộc. Êlia làm điều tốt cho Êlisê khi ông đòi trở về nhà để hôn chào cha mẹ. Êlisê bỏ bò lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: “Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài” (1 V 19, 20).

Khung cảnh thật đơn sơ, nhưng đầy xúc động, không giấu được. Khi Chúa gọi con người, con người không thể cưỡng lại, Ngài không dùng sức mạnh để áp đặt. “Êlisê con ông Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai” (1V 19, 19) nghĩa là công việc gần xong. Thiên Chúa đến ra cho ông một chân trời mới. Qua trung gian Êlia, Thiên Chúa gọi Êlisê một cách rất kín đáo: “Khi Êlia đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông” (1 V 19, 19). Không một lời chiêu mộ, không một huấn lệnh để bắt ông vâng theo. Êlisê thấy sự công chính và hành động ngôn sứ của Êlia, ông hiểu theo lòng mình. Tiếng Chúa gọi lay động lòng người.

Để đáp lại tiếng Chúa, con người phải có tự do là lẽ đương nhiên. Tự do này do Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô giải thoát chúng ta để chúng ta thực sự tự do” (Gl 4, 31b). Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta hoàn toàn đáp lại tiếng Chúa. Từ lúc Thiên Chúa gọi đến lúc con người đón nhận ân sủng để đáp trả cách tự do là cả một thời gian dài để đắn đo và cân nhắc. Như Êlisê, hành động trước tiên là ông thu mình vào trong dĩ vãng, và tìm kiếm sự an toàn nơi gia đình. Đây là người chắc chắn, nhưng ơn của Thiên Chúa là không đổi. Êlia từ chối sự trốn chạy của Êlisê, dù Êlisê không lượm áo choàng Êlia tặng cho. Khi Êlisê tìm gặp được sức mạnh, ông nắm bắt ngay, ông bỏ lại tất cả những gì mình đang có để dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Tương tự như bài Tin Mừng, có ba người được gọi (x. Lc 9, 51-62). Nhưng lịch sử cuộc đời của mỗi người khác nhau. Vấn đề là tiếng Chúa gọi và sự đáp trả của con người.

Câu hỏi được đặt ra cho người thứ nhất khiến chúng ta suy nghĩ. Trước hết, anh không được Đức Giêsu gọi, anh đến xin làm môn đệ Người (x. Lc 9, 57). Giống như ở trường các thầy Rabbi, học trò đến xin theo học. Đức Giêsu không ở trong trường đặc biệt này, Người không có điều kiện ổn định, Người đang trên đường. Bước vào trường Giêsu là lên đường, từ bỏ tất cả những gì ổn định, ngay cả gia tài và địa vị. Theo Đức Giêsu là gắn bó với Người, lên đường tiến về phía trước, cần phải tự mình quyết định, nhưng không thể tiến bước một mình.

Người thứ hai là một ngoại lệ. Chính Đức Giêsu gọi anh: “Hãy theo Ta” (Lc 9, 59). Người này được kêu gọi cách đặc biệt đi vào trong giao ước tình yêu gắn kết với Thầy. Đối với anh, Đức Giêsu yêu cầu từ bỏ cách triệt để, không trở về chôn cất mẹ cha. Khi anh thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 59 – 60). Chúng ta không biết anh đáp lại ra sao. Nhưng đòi hỏi ở đây cho thấy, phục vụ Nước Trời luôn kéo theo một sự từ bỏ tận căn. Từ bỏ chính là thước đo tình yêu của ta đối với Đức Giêsu.

Người thứ ba xin theo Đức Giêsu với điều kiện (x. Lc 9, 61). Như trong bài đọc I, thái độ là điều cần phải suy nghĩ. Đối với Đức Giêsu tra tay vào cầy, nghĩa là đang phục vụ người khác chuẩn bị cấy cầy, ngoái lại sau là bỏ dở việc. Quyết định này làm sáng tỏ điều trên. Từ bỏ gia đình không phải là một từ bỏ, vì nó mở ra một gia đình khác. Theo Chúa không loại trừ gia đình đầu tiên nhưng là vượt qua. Gia đình Thiên Chúa là gia đình có Thiên Chúa hiện diện, liên kết hết mọi người lại với nhau một cách chặt chẽ sâu xa hơn gia đình tự nhiên.

Tóm lại, nhân đức đầu tiên của trang Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống chỉ đẹp khi thực sự sống tự do. Chính tự do, Đức Giêsu “dứt khoát” lên đường đi Giêrusalem nơi Người biết rằng mình sẽ chết. Giá trị của cuộc sống lớn lao hơn khi người ta sử dụng tự do để phục vụ sự sống cho người khác. Cần bước qua những thử thách trong đời, lằng nghe tiếng Chúa gọi và đáp trả. Lịch sử nhân loại chúng ta đang sống, người này liên đới với người kia. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Ước chi tự do của anh em không phải là cái cớ để làm thoải mãn tính ích kỷ của anh em, trái lại, anh em hãy phục vụ mọi người trong tình yêu” (Gl 5,13).

Công Ðồng Vaticanô II quả quyết rằng “kẻ được Thiên Chúa Cha kêu gọi… theo ý định của ân sủng Ngài” (Lumen Gentium, số 40). Đúng thế, theo Chúa là ra khỏi ý định riêng tư, để đặt mình trong bàn tay và ý định nhiệm mầu của Chúa. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là đặt mình trên đường theo Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con thưa với cả cuộc đời: “Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” (x. Dt 10,7).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
Đờ̀i Người: Ân Ban Và Sứ Vụ
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
17:13 22/06/2022
Đời Người: Ân Ban Và Sứ Vụ

(Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả – 23.6.2022 – Nhậm chức Chánh xứ Quảng Ngãi)

Nếu Gioan Tiền Hô là người giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Israel, thì chính Chúa Giêsu cũng là người nhận xét về Gioan một cách tường tận và sâu xa nhất. Tin Mừng Matthêô đã thuật lại những lời của Chúa Giêsu như sau: “Quả thật, tôi bảo các ngươi, trong hàng những kẻ sinh bởi người nữ chưa từng xuất thân một người nào lớn hơn Gioan tẩy Giả…” (Mt 11,7-11).

Thế nhưng Gioan Tẩy Giả là ai và cuộc đời của ngài mang theo sứ điệp gì quan trọng để đến nỗi Phụng vụ của Hội Thánh đã mừng ngày Sinh Nhật của Ngài trong bậc Lễ Trọng, cao hơn cả ngày lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ, chỉ là bậc Lễ Kính !

Qua các chỉ dẫn của Tin Mừng, chúng ta biết Gioan Tẩy Giả là con của hai vợ chồng Êlizabet và Giacaria, có họ hàng với Đức Mẹ Maria nhưng định cư ở miền Nam tức xứ Giuđêa của nước Do Thái. Riêng trích đoạn Tin Mừng Luca mà chúng ta vừa nghe đã mô tả khá chi tiết về ngày sinh của ngài: Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó.

Nhưng, ngày sinh nhật của Gioan không phải “thường tình” như bao ngày sinh nhật khác, mà là một “sinh nhật được báo trước”, “sinh nhật tiền định”, như Tin Mừng Luca tường thuật lời của sứ thần báo cho ông Giacaria trong một cuộc tế tự nơi đền thờ: “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…” (Lc 1, 13).

Quả thật, biến cố được “khải thị” trong đền thờ, ông Giacari bị câm, rồi bà Êlisabet mang thai khi tuổi đã cao, với cái tên Gioan lạ hoắc, cùng với việc miệng lưỡi ông Gacaria được mở ra dịp lễ Cắt bì…, tất cả những “sự kiện” trên đã bao trùm lên cuộc đời của Gioan cả một “mầu nhiệm vĩ đại” đã khiến mọi người vùng sơn cước Giuđêa kinh ngạc: Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”.

Qua một vài gợi ý của Lời Chúa liên quan đến ngày sinh của Gioan Tẩy Giả, chắc chắn Chúa muốn nói với chúng ta hay với cả nhân loại rất nhiều điều. Ở đây, xin đan cử hai điều:

- Thứ nhất: được sinh ra, được làm người đó chính là một “ân ban”, một sự biểu lộ tình thương của Thiên Chúa. Tên Gioan trong tiếng Do Thái có nghĩa “Thiên Chúa ban ơn”, “Thiên Chúa biểu lộ tình thương” hay “Thiên Chúa viếng thăm”. Vâng, không ai, không tạo vật nào có mặt trong đời nầy một cách ngẫu nhiên, tình cờ. Vì thế, mỗi sự sống, mỗi cuộc đời đều là “ân ban lạ lùng” của Thiên Chúa và đã được Thiên Chúa “tiền định” ngay tự thuở đời đời, như lời của ngôn sứ Giêrêmia (Bđ 1 Lễ Vọng): “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1,4); hay như lời của ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 vừa được công bố: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Và đứng trước biến cố nhân sinh đặc biệt nầy, Lời Chúa nhấn mạnh khía cạnh hân hoan vui mừng không chỉ của một người, một gia đình mà rất nhiều người: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1,14). Lý do đơn giản: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Thiên Chúa” (Lc 1,15).

Đứng trước ý nghĩa nầy của Lời Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho bao thai nhi đã chết đi khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời, cho bao nhiêu em bé, khi cất tiếng khóc chào đời đã không được đón nhận bằng niềm hoan hỷ vui mừng nhưng đã bị bỏ rơi nơi đầu đường góc phố hay trong những viện cô nhi xa lạ lạc loài. Chúng ta không quên cầu nguyện cho bao nhiêu thân phận con người, đáng lẽ được sống cái ý nghĩa cao cả của phận người, nhưng rồi do bao nhiêu áp lực và hoàn cảnh đa đoan, lại biến cuộc đời thành tăm tối, bất hạnh và đôi khi bị vất bỏ đi không chút xót thương. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra từng ngày ở Ukraina và nhiều nơi trên thế giới, tệ nạn buôn bán trẻ em, những cuộc di cư đầy bấp bênh và liều lĩnh của những người nghèo, những cuộc đàn áp sắc tộc, tôn giáo… có biết bao mạng sống bị tàn sát, hủy hoại, chà đạp…

- Thứ hai: mỗi một cuộc đời là một ơn gọi và gắn liền với một sứ mệnh cao cả:

Người Mỹ có câu ngạn ngữ rằng: “Mỗi một em bé được sinh ra đều có thể là một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ”. Vâng, mỗi một cuộc đời, một sự sống đều được Thiên Chúa trao ban một sứ mệnh, một ơn gọi. Điều quan trọng không phải là chúng ta làm lớn hay nhỏ, làm người có chức quyền cao trọng hay bé nhỏ thấp hèn; mà chính là chúng ta trung thành và chu tất trách nhiệm làm người cách hoàn hảo trong chính thân phận hiện tại của mình.

Với lễ mừng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay, sứ điệp phụng vụ còn muốn khơi gợi lên trong chúng ta tâm tình yêu mến và nhiệt tâm nhiều hơn với sứ mệnh ngôn sứ theo con đường của Thánh Gioan tẩy Giả; đó là con đường dấn thân can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, cho chân lý cứu rỗi, cho sự thật của lề luật Thiên Chúa, dù phải trả giá đắt như Thánh Gioan, hy sinh chính mạng sống mình để Chúa được lớn lên như chính ngài đã xác quyết: “Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).

Trong khung cảnh Phụng vụ lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả cùng với sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải, lễ nhậm chức chánh xứ và Hạt trưởng Quảng Ngãi của cha Giuse Võ Tuấn quả thật đã được đong đầy ý nghĩa.

Thật vậy, nếu cuộc đời đã là một hồng ân vĩ đại, thì cuộc đời linh mục lại là một hồng ân cao cả; và một trong ba sứ vụ gắn liền với thánh chức linh mục đó chính là “ngôn sứ”. Vâng, mỗi một linh mục đều là một “tiền hô” cho Chúa; hay nói theo ngôn ngữ đầy hình tượng của Đức cố Hồng y Roger Echegaray: “là một con lừa cõng Chúa trên lưng”. Hôm nay, ở giữa chúng ta, cũng đang có một “con lừa” như thế, sẵn sàng chấp nhận trở thành dụng cụ để phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh; và chắc chắn, sẵn sàng sống sứ mệnh ngôn sứ cũng là biết từng ngày khiêm hạ, lu mờ đi, nhỏ lại cái tôi, để Chúa được lớn lên trong anh em, để Tin Mừng của Chúa được vang lên trong mọi ngỏ ngách đời thường cuộc sống; đó là sống và ứng xử cách khiêm hạ như sách Công Vụ Tông đồ làm chứng về Gioan Tẩy Giả nơi Bài đọc 2: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người” (Cv 13,26); nhưng cũng là cuộc đời đầy ắp niềm vui sâu lắng của người sẵn sàng để Chúa lớn lên: “niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).

Xin Thánh Gioan tẩy Giả cầu thay nguyện giúp cho toàn thể cộng đoàn, đặc biệt, cho cha Tân Chánh xứ kiêm Hạt trưởng Giuse được luôn trở thành những “tiền hô” của Chúa, của Tin Mừng trong giáo xứ Quảng Ngãi; hay lớn hơn, rộng hơn nữa, trong vùng đất “Núi ́n Sông Trà” mà số những người biết Chúa và tin Chúa vẫn còn quá ít oi, thiểu số. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:49 22/06/2022

8. Mong đợi sẽ khiến cho chúng ta an toàn tiến vào thành vĩnh phúc.

(Thánh Beda Venerabilis)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:52 22/06/2022
16. TẠP CHỦNG ĐƯỢC QUÝ

Rồng là một động vật đầu có sừng, có móng sắc, đó là loại cầm thú; nó có vảy là loài ngư; nó có thể bay là loài chim; nó lại được tôn trọng là vì nó dài thuộc loài xà cá.

Có người cảm khái nghị luận rằng:

- “Không ngờ người trên thế gian lại chọn loại tạp chủng này làm vật quý, lại còn đem nó ví như thiên tử, không phải là quá hoang đàng sao?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 16:

Con người ta được Thiên Chúa tạo dựng và ban cho một tâm hồn tính bổn thiện, nhưng tánh bổn thiện này mất đi theo thời gian lớn lên, tiếp xúc với hoàn cảnh môi trường xấu đẹp, nên đôi lúc cũng biến thành tạp chủng giống con rồng, mà lại quái dị hơn con rồng nên ai cũng sợ:

Có người biến tướng thành kẻ ham danh ham quyền, nên gây bè kết cánh kết vảy, có móng sắc ức hiếp người khác nên giống như loài cầm thú; có người biến tướng thành kẻ ăn nói lộng ngôn, ngang ngược, bất nhất như loài hầu, có người biến tướng thành kẻ chuyên bốc lột người khác, nhất là người nghèo, nên giống như loài cọp dữ..., vậy mà có nhiều người sùng bái chọn họ ngang hàng với quân tử, anh hùng, đạo đức đáng làm mẫu mực cho mọi người.

Không có gì đáng sợ cho người biến tướng thành tạp chủng trong tâm hồn, họ dữ dằn hơn cả cọp, điêu ngoa hơn cả lang sói và tráo trở đa nghi hơn cả Tào Tháo.

Xin Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài luôn gìn giữ tâm hồn chúng ta khỏi các thứ tạp chủng ấy, để chúng ta biết sống chan hòa với mọi người hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Rồi sẽ nên thế nào ?
Lm. Minh Anh
20:19 22/06/2022

RỒI SẼ NÊN THẾ NÀO?
“Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó!”.

Suy niệm hình ảnh “Năm chiếc bánh và hai con cá”, Philip Clarke Brewer viết, “Chúa sử dụng những gì bạn có, để lấp đầy một nhu cầu bạn không bao giờ có thể lấp đầy; Chúa sử dụng nơi bạn ở, để đưa bạn đến một nơi bạn không bao giờ có thể đi đến; Chúa sử dụng những gì bạn làm, để hoàn tất những gì bạn không bao giờ có thể làm; và Chúa sử dụng bạn dù bạn là ai, để trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ có thể trở thành, và không biết ‘rồi sẽ nên thế nào!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Không biết ‘rồi sẽ nên thế nào!’”; đó cũng là những gì họ hàng của Zacharia - Êlisabeth tự hỏi về Gioan! Tin Mừng ngày lễ sinh nhật vị tiền hô của Chúa Kitô tường thuật cảnh nhộn nhịp dưới mái nhà của Êlisabeth khi xóm diềng đến chúc mừng bà. Họ ngỡ ngàng trước việc đặt tên cho đứa trẻ; sau đó, sửng sốt vì lưỡi của người cha được nới lỏng, “Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng, con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó!”.

Một em bé chào đời là cách Thiên Chúa nói với thế giới rằng, “Nó sẽ tiếp tục!”; ngày sinh của một thơ nhi phản ánh vẻ đẹp, và sự huyền nhiệm vô hạn của Thiên Chúa, Đấng nói rằng, “Đã có những phóng chiếu của Ta trên hình hài bé bỏng đó!”. Cha mẹ của em bé có thể coi đó như một nhầm lẫn, sai sót; nhưng Thiên Chúa thì không! Một đôi vợ chồng hiếm muộn mong mỏi nó; Thiên Chúa, khát khao nó! Với bất cứ một sinh linh nào, chúng ta đều tin như vậy, phương chi với vị tiền hô của Đấng Cứu Chuộc trong Nhiệm Cục Cứu Rỗi. Tôma Aquinô viết, “Gioan đã được thánh hoá từ trong dạ mẹ”; còn Luca, “Em đã đầy Thánh Thần ngay trong lòng mẹ!”.

Qua bài đọc thứ nhất, Isaia chia sẻ một trải nghiệm tương tự, “Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn trong bụng mẹ”. Được tạo thành cách lạ lùng; Isaia được sai đi còn lạ lùng hơn, “Này, Ta làm cho con nên ánh sáng các dân!”. Kỳ diệu thay, những lời này lại tiên báo Chúa Kitô, Ánh Sáng Muôn Dân; Phaolô cũng xác nhận sự thật này qua bài đọc hai, “Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng Gioan tiên báo”. Trước huyền nhiệm của việc tạo thành và sai đi này, dẫu không biết ‘rồi sẽ nên thế nào’, Thánh Vịnh đáp ca cũng trào tràn tâm tình tạ ơn, “Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng!”.

Anh Chị em,

“Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó!”. Bàn tay Chúa ở với Gioan, Ngài can thiệp để Gioan được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt cho một sứ mệnh đặc biệt. Nhờ ơn Chúa, Gioan đã khiêm tốn chu toàn sứ mệnh cách nghiêm túc và hoàn tất sứ vụ cách vẻ vang! Cũng thế, sự xuất hiện của bạn và tôi hôm nay, lúc này và ở đây, không phải là ngẫu nhiên hay tình cờ, nhưng là phát xuất từ ý định ngàn đời của Thiên Chúa cho một sứ mệnh không thể thay thế! Để giúp mỗi người chu toàn sứ mệnh đó, ân sủng và tình thương của Chúa ‘không rời chúng ta nửa bước’. Dẫu chúng ta bé mọn và yếu hèn đến đâu, Thiên Chúa vẫn kỳ vọng mỗi người sẽ trở thành ‘một ai đó’ mà ngay chúng ta cũng ‘không biết rồi sẽ nên thế nào!’. Thú vị thay, ‘một ai đó’, chúng ta chưa biết, nhưng Thiên Chúa biết! Ngài biết chúng ta là các vị thánh của Ngài trong một thế giới chối từ Ngài. Vậy, hãy cộng tác với ơn Chúa, chu toàn bổn phận theo đấng bậc mình một cách nghiêm túc và hoàn tất nó cách vẻ vang. Và như vậy, chúng ta cũng làm vui lòng Đấng đã kêu gọi bạn và tôi từ lòng mẹ như Ngài đã gọi Gioan!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hãy để con kinh ngạc trước những công việc Chúa làm trên con, trên anh chị em con. Cho con vững tin, dẫu không biết ‘rồi sẽ nên thế nào’ trong kế hoạch Chúa dành cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Là người môn đệ
Lm. Thái Nguyên
20:23 22/06/2022



LÀ NGƯỜI MÔN ĐỆ
Chúa Nhật 13 Thường Niên, năm C : Lc 9, 51-62.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem, dù biết mình sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết. Ngài muốn trung thành tuyệt đối với nhiệm vụ mà Chúa Cha giao phó, dù phải hy sinh mạng sống mình. Trên đường đi, Ngài muốn vào một làng người Samari, nhưng dân làng không đón tiếp. Thấy thế, hai môn đệ Giacôbê và Gioan giận dữ, xin Thầy cho họ khiến lửa từ trời xuống đốt rụi cả làng ấy. Đức Giêsu quay lại quở mắng hai ông, vì lối hành xử đó không phải là tinh thần của Ngài. Có bản văn ghi là:“Các ngươi không biết mình ứng theo thần khí nào sao?”.

Đức Giêsu đòi các môn đệ xét xem động cơ nào thúc đẩy các ông có thái độ quá khích như thế? Thần khí nào đã khiến các ông muốn hành động như vậy? Ngài đòi các môn đệ vượt lên cách hành xử thấp kém đó. Dân làng Samari phản ứng như vậy cũng có cái lý của họ, vì từ lâu họ bị người Do Thái khinh miệt; vì có những chính kiến khác biệt và bất đồng trên phạm vi tôn giáo, khiến hai vùng có có mối thù sâu nặng với nhau, nên không lạ gì mà họ không đón tiếp các khách hành hương Do Thái. Khi quở mắng các môn đệ, Đức Giêsu cho thấy, không ai có quyền đe dọa, áp đặt, hay ngăn chặn tự do của người khác. Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ như các môn đệ xưa, thích thi thố quyền hành, thích dùng lửa khi có lửa trong tay, vì không muốn chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối và bị lép vế.

Tiêu diệt đối phương là một cách hành xử bạo lực càng gây thêm ly loạn. Phải làm cho họ trở thành bạn thì mới giải quyết được vấn đề. Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù, và được nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu sao?”. Đức Giêsu không bao giờ sử dụng quyền phép để thu phục nhân tâm. Ngài dùng tình thương để cảm hoá lòng người. Ngài không xây dựng giáo thuyết dựa trên quyền hành, mà là ở sự từ bỏ và đón nhận thập giá. Ngài chấp nhận chết đi để giải thoát con người khỏi sự chết, và đã phục sinh để đem lại cho nhân loại sự sống mới, là nâng con người lên địa vị cao quý làm con Thiên Chúa.

Cũng trong ý hướng đó và nhân dịp có ba người xin theo, nên Đức Giêsu đưa ra những điều kiện cho ai muốn làm môn đệ Ngài: Người thứ nhất muốn đi theo Ngài đến bất cứ nơi nào. Ngài cho thấy cuộc sống của Ngài lang thang rày đây mai đó. Theo Ngài là chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, không chỗ tựa nương, không nơi yên ổn.

Người thứ hai xin theo Ngài nhưng muốn được phép về chôn cất cha trước đã. Không phải cha người này vừa chết, nhưng có ý xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết, và chôn cất xong rồi anh mới theo Ngài. Chúa Giêsu nói: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”, nghĩa là hãy để cho người phàm lo việc thế phàm, còn người môn đệ Đức Giêsu phải ưu tiên cho công việc Nước Thiên Chúa. Ngài không coi nhẹ bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15, 3-9) nhưng đòi chọn lựa theo giá trị ưu tiên khi có sự giằng co giữa Nước Thiên Chúa và gia đình.

Người thứ ba xin phép về từ biệt gia đình trước đã, cũng giống lời xin của Êlisê (1V 19, 19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày mà “đầu ngoái lại sau”, nghĩa là còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, danh vọng, địa vị, v.v.), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để có thể toàn tâm toàn ý dấn thân cho sứ mạng loan báo Nước Trời.

Cuối cùng, không rõ ba người đó có theo Chúa hay không, nhưng điều quan trọng là ta thấy được mình qua hình ảnh của họ, khi đứng trước những những mong mỏi và đòi hỏi của Chúa. Dù sao thì ta cũng phải sắp xếp lại bậc thang giá trị cho cuộc đời mình, nghĩa là theo một thứ tự ưu tiên cho phù hợp với dự định của Thiên Chúa.

Con đường cứu độ của Chúa Giêsu là con đường thập giá, hiến thân. Ngài muốn các môn đệ cũng phải đi trên cùng một lộ trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và tiếc nuối quá khứ. Tinh thần muốn vươn cao nhưng xác thịt thì yếu đuối. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thần Khí chứ đừng theo xác thịt. Hãy dứt khoát chọn Chúa một lần cho tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ dễ bốc đồng và nông nổi,
tính khí hung hăng và thường thay đổi,
đứng trước sự bất bình hay nóng vội,
chẳng lạ gì gây ra những bất hòa.
Cũng như xưa các tông đồ tức giận,
khi người ta không tiếp đón Thầy mình,
chỉ vì thiếu bình tĩnh và phân định,
mà các ông muốn tiêu diệt loại trừ.
Có khi bị kích động bởi thần dữ,
nên con càng tỏ thái độ hung hăng,
ít khi có một thái độ lặng trầm,
để suy xét và cảm thông thấu hiểu..
Đi theo Chúa phải biểu hiện nhân từ,
cứ phải luôn bao dung và tha thứ,
cũng như Chúa, người ta không chấp nhận,
muốn thi ân thiên hạ cũng chẳng cần.
Theo Chúa con phải trở nên giống Chúa,
là môn đệ thì không thể hơn thầy,
đâu phải ai cũng kính trọng cúi chào,
mà nhiều khi khinh miệt chẳng ra sao,
đến nỗi Chúa đã phải đổ máu đào,
bị hành hình ô nhục chết thương đau.
Theo Chúa không tìm ai để chở che,
dám đặt Chúa trên tình cha nghĩa mẹ,
theo Chúa với con tim không san sẻ,
không than van hay tiếc rẻ điều gì.
Xin cho con hành động theo Thần Khí,
đừng bao giờ để xác thịt kéo ghì,
cứ bước theo con đường Chúa đã đi,
là đời con sẽ thỏa chí toại nguyền. Amen.



 
Đời Lữ Hành
Lm Vũđình Tường
22:36 22/06/2022
Dân thành Samarita và môn đệ Đức Kitô, cả hai đều ứng xử tương tự nhau. Dân thành Samarita hành xử theo thói thế gian là sự thường, nhưng môn đệ Đức Kitô cũng hành xử theo thói thế gian là điều khác thường. Dân thành muốn Đức Kitô ở lâu trong thành, nhưng Ngài chỉ trú ngụ qua đêm trên đường đi Jerusalem; bởi không được như í muốn, họ không đón nhận Ngài. Bị dân thành từ chối, môn đệ Đức Kitô, Giacôbê và Gioan, cảm thấy Thầy mình bị xúc phạm, các ông nổi đoá, phản ứng bằng cách xin Đức Kitô cho phép để các ông xin lửa từ trời xuống đốt thành. Đức Kitô không hành xử theo thói thế gian, nhưng theo cách của Thiên Chúa. Ngài không những đã không đồng í, còn sửa sai, trách các ông, và bảo các ông sang thành khác.

Phản ứng cách vội vàng thường thiếu đắn đo, suy nghĩ, nên luôn có những hậu quả không lường. Dân thành từ chối đón nhận Đức Kitô, họ bị thua thiệt nặng nề, bởi Đức Kitô không phải đến đón nhận; Ngài đến để ban ơn, và ơn Ngài ban luôn cao trọng hơn nhiều ngàn lần điều người ta mong đợi. Môn đệ Đức Kitô phản ứng vội vàng nên bị khiển trách, Giacôbê và Gioan là môn đệ Đức Kitô một thời gian nhưng các ông chậm hiểu trong việc hành xử theo cách của Thiên Chúa. Các ông biết Đức Kitô làm phép lạ, Ngài là Đấng có quyền. Nếu Ngài không đồng í, các ông không có khả năng thực hiện điều các ông định làm, là sai lửa từ trời xuống đốt thành. Các ông biết Đức Kitô xuống trần gian cứu độ nhân loại, Ngài không diệt trừ, loại bỏ bất cứ ai, nhưng cứu tất cả mọi người. Dân thành Samarita cũng nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Giacôbê và Gioan cũng biết, kẻ tốt, người xấu, thánh nhân và tội đồ, chung sống trong cùng một xã hội. Dùng lửa thiêu đốt toàn thành là giết cả người tốt lành, thánh thiện, trẻ em vô tội sao? Sứ mạng của các ông là rao giảng Tin Mừng, Tin Vui. Hơn nữa không phải tất cả dân thành Samarita là xấu cả đâu. Dụ ngôn người Samarita tốt lành đối xử nhân ái với nạn nhân bị cướp dọc đường trở thành dụ ngôn chung cho toàn thể nhân loại noi gương bắt chước, học theo cách sống yêu thương tha nhân như chính mình. (Lk 10,29tt)

Đi theo Đức Kitô là chấp nhận cả được đón nhận lẫn bị từ chối, loại bỏ. Người ta đón nhận môn đệ cũng đón nhận Tin Mừng, từ chối Tin Mừng người ta cũng từ chối luôn người mang Tin Mừng. Như thế Tin Mừng và người mang Tin Mừng chung vai, sát cánh.

Ba cuộc đối thoại tiếp theo cho thấy, không phải ai cũng chân thành đón nhận Tin Mừng như điều người rao giảng mong muốn. Cả ba trường hợp người đón nhận Tin Mừng đều chần chờ, lừa khứa, tìm cách thoái thác nhẹ nhàng.
Trường hợp thứ nhất, người đó hứa sẽ đi theo bất cứ nơi nào Đức Kitô đi đến (c.57). Đức Kitô đáp lại anh, đi theo Ngài là chấp nhận cuộc sống của người lữ hành, nay đây, mai đó, không có địa chỉ nhất định. Nghe thế anh ta âm thàm rút lui, bởi không hề thấy nhắc đến anh trong cuộc tử nạn của Đức Kitô, ngay cả đứng đàng xa ngó đến, cũng không thấy bóng dáng anh.

Trường hợp thứ hai, người này xin được chôn cất cha trước khi tim theo Đức Kitô. Không rõ cha anh còn sống hay qua đời, chưa chôn cất. Trường hợp cha anh còn sống thì chờ bao lâu? Không thể xác định, bởi giờ chết của cha anh không thể xác định. Nếu mong cha chết sớm để tin theo là điều trái Tin Mừng. Có sự khác biệt về chết. Người thanh niên nói về chết thể xác của cha anh; trong khi Đức kitô nói chết tâm linh, chết phần linh hồn. Từ chối tin theo Đức Kitô chính là chết về tâm linh. Lời Đức Kitô chết trong anh, hay cách khác trái tim anh chết vì tim đó từ chối Tin Mừng. Người thanh niên thứ ba đi theo nhưng đưa ra điều kiện bất thường. Lần đầu tiên Phúc Âm ghi lại sự việc mở tiệc tiễn chân trước khi tin theo Đức Kitô. Tin theo Đức Kitô và tiệc tiễn biệt thứ nào quan trọng hơn? Với Đức Kitô thì việc tin theo, rao giảng Tin Mừng là quan trọng hơn cả. Tin theo, mọi thứ khác Đức Kitô sẽ ban cho. Đức Kitô đáp với anh. Người nông gia chân chính là người cầy ruộng ngay hàng, thẳng lối. Kẻ làm thuê mong chóng hết việc, mau hết giờ nên làm qua loa cho xong việc, qua mặt chủ là coi như xong. Luống cầy không thẳng, cầy sót, cầy đất lấp lên luống chưa cầy cho mau xong việc là công việc người làm thuê thiếu lương tâm. Tin theo Đức Kitô đòi hỏi lòng chân thành, thành thật tự trọng tim, hoàn toàn tự nguyện. Thiếu chân thành thì không thể trở thành môn đệ chân chính. Thực sự hiến thân vì nước trời là mau mắn đáp lại bất cứ khi nào nghe tiếng gọi. Chần chờ, đợi đúng lúc, đúng thời, điều đó không bao giờ đến, bởi cánh đồng truyền giáo, việc rao giảng Tin Mừng, không theo thời vụ.

TiengChuong.org

Pilgrimage

The people at Samaritan village and Jesus' apostles, both reacted in a similar manner when thing didn't go their way. Jesus sent his messengers ahead of him to a Samaritan village. The people there refused to welcome him. Not having their way- the people wanted Jesus to stay, but he was going up to Jerusalem- they rejected him. The apostles James and John reacted in a similar fashion. They felt they were being humiliated and sought Jesus' approval to burn down the town. Jesus acted not in a human way, but a divine way, He corrected His apostles and asked them to move on.

An immediate response often results in regret. We know for sure that rejecting Jesus is a huge loss rather than a gain, because Jesus comes to give, not to take, and whatever Jesus gives is always beyond human expectation. James and John had followed Jesus for sometimes, but they were slow to adapt the divine way. They knew Jesus worked miracles. He had power. Without Jesus' approval, they themselves couldn't call the fire from heaven to burn the town. They were slow to learn that Jesus would exclude no one from his saving mission. His mission was to save, to give life, not to destroy life.

James and John should have know that a human society is a mixed bag, where both good and bad people live together, and their mission was to preach God's way, God's love and mercy, not vengeance. Furthermore, not all Samaritans were rejecting Jesus. The parable of the Good Samaritan becomes the universal model of hospitality for us all (Lk 10,29ff).

Following Jesus means embarking on a journey where both the messengers and their message would experience either being welcomed or rejected. When people make Jesus' messengers welcome; they welcome their message. In this sense, Jesus' messengers and their message become one reality.

The next 'three dialogues' shows a lack of commitment to follow. The first man desired to follow Jesus, saying, 'I will follow you wherever you go' v.57. Jesus replied that following him means to venture a new way of life, a life which has no fixed address. It is a pilgrimage way of life in which some places will make one feel welcome; others will be hostile. Hearing that the man probably changed his mind, because he was nowhere to be seen at the Passion of Jesus. The second and the third man also wanted to follow Jesus but they would do it according to their own agenda. The second man delayed following, because he wanted to bury his father first and then follow. The time for him to follow is unspecified, because it is not clear whether his father was still with him or if he had just passed away? The conversation gives a contrast picture. The second man talked about the sad news and biological death, and burial; Jesus, on the other hand, talked about the spiritual life, everlasting life, and proclaiming the Good News of the kingdom. Death in this context would include spiritual death for those who failed to follow Jesus.

To the third man would have liked to have a formal goodbye for his departure. This is the first time we meet this unusual request. At the time of Jesus, no one had ever had a farewell celebration before the mission. A farewell party and following Jesus, which one is his first priority? When one feels the mission is not his first priority, then he would not be seriously committed to the mission. He is like a hired farmer who just wants to finish the job, regardless for the quality of the job. This attitude would convince no one of the Good News. The commitment to follow requires a single mindedness for the mission. The right moment to response to the call is when one hears the call.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cùng với việc Đức Phanxicô kêu gọi chuẩn bị hôn nhân nhiều hơn, tỷ lệ hôn nhân Công Giáo ngày càng giảm
Vũ Văn An
02:02 22/06/2022

Cùng với việc Đức Phanxicô kêu gọi chuẩn bị hôn nhân nhiều hơn, tỷ lệ hôn nhân Công Giáo ngày càng giảm

Bài Phân tích của Brendan Hodge, The Pillar, 11 tháng 6, 2022



Một dự thảo mới được công bố của Vatican kêu gọi tạo ra các chương trình chuẩn bị hôn nhân theo lối “thời kỳ dự tòng”, chương trình này sẽ cung cấp khoảng một năm đào tạo cho các cặp vợ chồng dự kiến kết hôn trong Giáo hội, cùng với những năm hỗ trợ bổ sung sau khi kết hôn.

Việc đánh giá đề xuất trên đòi hỏi một số nhận thức về tình trạng hôn nhân giữa những người Công Giáo. Thế nên, tạp chí The Pillar suy xét một vài con số thống kê dưới đây:

Tài liệu

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống ngày 15 tháng 6 đã công bố tài liệu “Các Hành trình theo lối thời kỳ Dự tòng dành cho Đời sống Hôn nhân”, một bản dự thảo được công bố bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, với lời giới thiệu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong phần giới thiệu của mình, Đức Giáo Hoàng viết rằng tài liệu này đáp ứng "nhu cầu cần có một ‘thời kỳ dự tòng mới’ trong việc chuẩn bị hôn nhân" - một nhu cầu mà Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài từng báo hiệu trước đây.

Mô tả những khó khăn mà các khuyến cáo nhằm giải quyết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng:

“Điều xuất hiện là mối lo ngại nghiêm trọng rằng, với việc chuẩn bị quá hời hợt, các cặp vợ chồng có nguy cơ thực sự đi vào một cuộc hôn nhân vô hiệu hoặc có một nền tảng yếu kém đến mức nó ‘rơi rụng’ trong một thời gian ngắn và không thể đứng vững những cuộc khủng hoảng đầu tiên khó tránh”.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng Giáo hội đã dành nhiều năm để đào tạo các ứng cử viên cho chức linh mục và đời sống tu trì, và nhận xét rằng so với việc Giáo hội chỉ cung cấp một vài ngày hoặc vài tuần để tích cực đào tạo các cặp vợ chồng tiến tới hôn nhân, vốn là một ơn gọi cũng có tầm quan trọng như thế trong Giáo hội.

Để lấp đầy khoảng trống này, tài liệu quy định một thời kỳ dự bị hôn nhân theo lối thời kỳ dự tòng, một thời kỳ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả như sau:

“Nó được cấu trúc theo ba giai đoạn: chuẩn bị hôn nhân (xa, gần và ngay lập tức); cử hành đám cưới; đồng hành với cuộc sống hôn nhân trong những năm đầu tiên.”

Tình hình

Theo Giáo hội, gia đình là nền tảng của xã hội loài người.

Nhưng trong khi số lượng người Công Giáo trên thế giới tăng 17% trong 12 năm qua, số lượng các cuộc hôn nhân được Giáo hội cử hành lại giảm 26% so với cùng thời gian đó, theo số liệu thống kê được công bố trên Annuarium Statisticum Ecclesiae (Niên giám Thống Kê của Giáo Hội).

Thật vậy, ở mọi khu vực trên thế giới, số lượng các cuộc hôn nhân được cử hành trong Giáo hội đã giảm xuống so với dân số Công Giáo trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2019 – khá đáng kể trong một số trường hợp.



Tại Hoa Kỳ, số lượng hôn lễ được cử hành hàng năm trong dân số nói chung đang giảm, nhưng số lượng các cuộc hôn nhân Công Giáo được cử hành trong Giáo hội và theo giáo luật của Giáo hội đang giảm nhanh hơn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong việc làm tông đồ, trong năm 2000, cứ 1,000 người Công Giáo thì có 4 hôn lễ được cử hành theo hình thức giáo luật Công Giáo. Đến năm 2019, con số đó đã giảm xuống một nửa. Giáo luật và thần học Công Giáo không công nhận là hợp lệ những cuộc hôn nhân do người Công Giáo ký hợp đồng ngoài hình thức giáo luật bắt buộc của Giáo hội, với rất ít trường hợp ngoại lệ.



Nhưng dữ kiện không có nghĩa là người Công Giáo ít kết hôn hơn, ít nhất là về mặt dân sự.

Thật vậy, trong một cuộc khảo sát về hôn nhân và gia đình năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng 51% người Công Giáo cho biết họ đã kết hôn, so với 47% dân số nói chung. Con số đó bao gồm những người Công Giáo kết hôn ngoài hình thức giáo luật Công Giáo.

Một lý do khiến người Công Giáo ít kết hôn hơn thực sự đáng khích lệ: người Công Giáo ít có khả năng ly hôn hơn. Pew phát hiện ra rằng 25% người Công Giáo đã ly hôn, so với 31% dân số nói chung.

Theo Báo cáo Thống kê Y tế Quốc gia năm 2012, với gần 50% các cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc bằng ly hôn trong vòng 20 năm, tỷ lệ ly hôn (và do đó tái hôn) thấp hơn dẫn đến các cuộc hôn nhân nói chung ít hơn so với dân số chung.

Nhưng một yếu tố khác là nhiều người Công Giáo không kết hôn trong Giáo hội. Theo Cơ quan Nghiên cứu Pew, chỉ 68% người Công Giáo kết hôn dân sự đã kết hôn trong Giáo hội.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chọn không kết hôn mà là sống chung với nhau trong các mối liên hệ sống chung. Ở Mỹ, tỷ lệ người trưởng thành sống trong các cặp kết hôn đã giảm từ 69% xuống còn 50% kể từ năm 1970, trong khi tỷ lệ sống trong mối liên hệ sống chung tăng từ 1% lên 8%.



Nơi các cặp vợ chồng trẻ, xu hướng này thậm chí còn rõ rệt hơn. Trong số những người trưởng thành ở Mỹ trong độ tuổi 25-34, tỷ lệ sống trong các mối quan hệ vợ chồng đã giảm từ 82% vào năm 1970 xuống còn 38% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ sống thử đã tăng từ dưới 1% lên 17%.



Ở một số nước châu Âu, các xu hướng này thậm chí còn đáng kể hơn. Gần 40% các cặp vợ chồng ở Pháp trong độ tuổi 25-44 đang sống thử, trong khi ở Tây Ban Nha, tỷ lệ sống thử của các cặp trong độ tuổi đó chỉ dưới 30%.

Và trong khi ly hôn tiếp tục là một vấn đề của các cặp vợ chồng đã kết hôn, các mối liên hệ sống chung có xu hướng thậm chí còn ngắn hơn hôn nhân.

Vì vậy, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Bộ Đặc trách về Giáo dân, Gia đình và Sự sống suy nghĩ về tình trạng hôn nhân trong Giáo hội ngày nay, các ngài nhìn thấy những thách thức song hành của tình trạng một tỷ lệ phần trăm đáng kể người Công Giáo ly hôn, và gần một phần ba số người Công Giáo kết hôn ngoài hình thức giáo luật Công Giáo.

Phân tích

Rõ ràng là có những vấn đề với tình trạng hôn nhân và các mối liên hệ. Và có những dấu hiệu cho thấy việc thực hành đức tin Kitô giáo sâu hơn và việc hòa nhập vào cộng đồng Kitô hữu có thể giúp các cặp vợ chồng tránh được những cạm bẫy này.

Trong một nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Gia đình nêu bật, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Đại Học Harvard phát hiện ra rằng các cặp vợ chồng thường xuyên tham dự các buổi lễ tôn giáo có nguy cơ ly hôn thấp hơn 45% so với các cặp vợ chồng không đi lễ. Và mặc dù những kết quả như vậy đôi khi gợi ý cho các nhà phân tích rằng những người theo đạo có nhiều khả năng cảm thấy bị thôi thúc phải ở lại một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nghiên cứu tương tự cũng cho thấy mức độ hạnh phúc cao hơn ở những người tham dự nhà thờ thường xuyên.

Các phân tích khác do IFS thực hiện gợi ý rằng các cặp vợ chồng tuân theo các giáo lý Công Giáo về hôn nhân và tình dục sẽ ít có sác xuất ly hôn hơn. Một kết quả cho thấy rằng các cặp vợ chồng không sống thử trước khi kết hôn có nguy cơ ly hôn thấp hơn khoảng 20% so với các cặp vợ chồng cùng tuổi đã sống thử trước khi kết hôn.

Một nghiên cứu khác cho thấy những người không có nhiều bạn tình trước khi kết hôn có 10% sác xuất ly hôn trong vòng 5 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, trong khi những người có nhiều bạn tình có 20% đến 30% sác xuất ly hôn trong vòng 5 năm đầu của cuộc kết hôn.

Khi Giáo hội tìm cách giúp các cặp vợ chồng sống trọn cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền lâu, những phát hiện này cho thấy rằng nền tảng trong cả việc thực hành tôn giáo tích cực và đạo đức tình dục Công Giáo sẽ giúp ích cho các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn.

Đồng thời, việc hoàn thành những mục tiêu này qua thời kỳ chuẩn bị hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng có thể là một thách thức, vì thời điểm mà một cặp đôi đã đính hôn và chuẩn bị cho đám cưới có thể khá muộn để có thể khắc sâu các thực hành và niềm tin.

Có lẽ cách tốt nhất để chuẩn bị cho các cặp vợ chồng tiến tới hôn nhân là chuẩn bị cho họ và gia đình họ nhiều năm trước đó để sống đời sống bí tích tích cực trong Giáo hội, và nuôi dưỡng niềm tin vào giáo huấn luân lý liên tục của Giáo hội.
 
Tin Vatican: Một tên khùng lái xe vượt các rào cản chạy vào quảng trường Vatican…
Thanh Quảng sdb
06:20 22/06/2022
Tin Vatican: Một tên khùng lái xe vượt các rào cản chạy vào quảng trường Vatican…

Aleteia - J-P Mauro

Một gã lái xe vượt qua các rào cản xông vào quảng trường Vatican đã bị cảnh sát bắn và phát hiện ra hắn đầy rượu và ma túy... Cảnh sát Ý đã buộc phải nổ súng vào một chiếc xe lao qua các chướng ngại vật gần Vương cung thánh đường Thánh Phêrô hôm Chủ nhật (19/6/2022) vừa qua. Vụ việc diễn ra khi hàng nghìn người hành hương đang qui tụ để đọc kinh “Truyền Tin” và nghe diễn từ của ĐTC Phanxicô.

Theo tờ Republic World đưa tin, chiếc xe do một gã đàn ông tên là Albania 38 tuổi có nhiều tiền án. Hắn đã không dừng lại ở trạm kiểm soát trên đường Corso Vittorio Emanuele, một con phố chính ở Rome, dẫn đến Quảng trường Thánh Phêrô, nên hắn đã bị xe cảnh sát rượt đuổi… Hiện nghi phạm bị cảnh sát Ý bắt giữ, nhưng cảnh sát chưa biết động cơ nào đã thúc đẩy hắn hành động như vậy!

Cuộc rượt đuổi

Khi tên khùng này lái xe đến gần Quảng trường thánh Phêrô, hắn đã lao qua trạm kiểm, lúc đó cảnh sát đành phải nổ súng, bắn vào bánh xe! Theo thông tín viên của tờ Crux, xe của hắn đã đến gần Quảng trường Thánh Phêrô! Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ đã vội vàng đóng các cửa chính ra vào các Văn phòng của Tòa Thánh.

Dù cả hai lốp trước xe đã bị xẹp, hắn vẫn không chịu dừng lại. Hắn đã chuyển hướng chạy quanh Tòa Thánh Vatican trên con đường Corso Vittorio Emanuele, và đâm vào xe cảnh sát, khiến hai sĩ quan Cảnh sát bị thương. Sau đó, hắn rẽ vào đường Gregorio VII, và cuối cùng hắn bị một đơn vị chống khủng bố Ý chặn bắt.

Khám xét

Theo tờ Crux cho biết có ghi được một đoạn phim cảnh sát chặn xe hắn, phá cửa sổ và bắt người lái xe. Người lái xe đã được đưa đến bệnh viện và thử thấy hắn đầy rượu và ma túy.

Trong tình huống này hắn bị coi là hành động khủng bố, nhưng các nhà chức trách không tìm thấy bằng chứng nào. Cảnh sát cho biết họ không tìm thấy vũ khí hoặc "đồ vật để tấn công" nào trong xe của hắn.
 
An ninh tại Vatican sau vụ lái xe lao thẳng vào đoàn người chờ đợi tại quảng trường Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
17:07 22/06/2022


Cảnh báo an ninh xung quanh Vatican tăng cao sau một sự việc hôm Chúa Nhật, trong đó các nhân viên cảnh sát đã bắn vào một chiếc xe đang chạy với tốc độ cao và lao qua hàng rào cảnh sát gần quảng trường Thánh Phêrô ngay trước buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Vào khoảng 10 giờ sáng, chỉ hai giờ trước buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với Đức Thánh Cha Phanxicô, một chiếc BMW màu xám được nhìn thấy đang lái một cách thất thường trên đường Via della Conciliazione, là con phố chính dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô.

Cảnh sát đóng quân gần quảng trường hét lên và ra hiệu cho chiếc xe để cố gắng buộc nó dừng lại, tuy nhiên, chiếc xe tiếp tục chạy trên đường và rẽ vào, và lái dọc theo lối đi bên trái, cuối cùng rẽ vào Piazza Sant'Uffizio, nơi có khách du lịch xếp hàng để kiểm tra an ninh và dừng lại ở các quán cà phê.

Chiếc xe dường như đã lao thẳng về phía cảnh sát, khiến một trong những cảnh sát viên phải bắn vào lốp xe khi nó lao về phía anh ta và một nhóm du khách đang đứng gần đó.

Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ đứng trước “Văn phòng Tòa thánh”, là tòa nhà nơi đặt Bộ Giáo lý Đức tin, đóng cửa khi chiếc xe chạy qua.

Dù bị bắn nổ hai lốp trước nhưng chiếc xe vẫn không dừng lại mà đâm thẳng vào một chiếc xe cảnh sát rồi rẽ vào Via Porta Cavalliggeri và tăng tốc trên đường Gregorio VII, là con phố lớn chạy dọc theo các bức tường của Vatican.

Một đơn vị chống khủng bố đặc biệt được triển khai tại hiện trường cuối cùng cũng có thể chặn được chiếc xe, buộc nó phải dừng lại.

Các cảnh sát sau đó đã nhảy ra khỏi xe của họ và bao vây chiếc xe, chiếc xe được cho là đang lùi lại phía sau như thể nó đang cố gắng chạy thoát, khiến một nhân viên cảnh sát phải nổ súng một lần nữa vào lốp xe.

Sau đó, cảnh sát ập vào chiếc xe, phá cửa kính và dùng súng taser bắn vào người tài xế để làm anh ta phải bất động.

Người lái xe được xác định là Erjol Nako, 39 tuổi, người Albania, người dường như có một số tiền sự liên quan đến buôn bán ma túy và hành hạ vợ cũ của anh ta.

Sau khi bị cảnh sát vô hiệu hóa, Nako đầu tiên được đưa đến đồn cảnh sát, và sau đó là bệnh viện, nơi xét nghiệm máu xác nhận rằng anh ta vừa say rượu vừa say ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông.

Ban đầu, vụ việc được cho là một vụ tấn công khủng bố nhắm vào buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy vũ khí hoặc “vật tấn công” nào khác trong xe của Nako và cho đến nay, không có mối quan hệ nào được thiết lập với các nhóm cực đoan.

Nako, người sau khi được điều trị tại bệnh viện Santo Spirito ở Rome đã bị bắt vì tội chống lại cảnh sát, rõ ràng là một người Công Giáo sùng đạo, vì các tài khoản mạng xã hội của anh ta tràn ngập những lời cầu nguyện, đề cập đến âm nhạc thánh thiêng và thông tin về Rome. Ảnh đại diện của anh trên Facebook là hình ảnh của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, mà trớ trêu thay, lại được Đức Giáo Hoàng Piô 12 tuyên dương là vị thánh bảo trợ của cảnh sát vào năm 1949.

Trước khi đến Vatican, Nako dường như đã vượt qua một trạm kiểm soát của cảnh sát gần Điện Pantheon và sau đó đi qua một đoạn trên Corso Vittorio Emanuele, một trong những con đường chính chạy qua trung tâm thành phố, trước khi đi đến khu vực Vatican.

Nako đã có lúc ném điện thoại di động và ví chứa tất cả tài liệu của mình ra khỏi cửa sổ xe hơi với nỗ lực vô ích để không bị nhận dạng.

Hai cảnh sát viên dường như đã bị thương trong nỗ lực ngăn chặn xe của Nako, nhưng họ đã được xuất viện sau khi được điều trị vết thương và vết bầm nhẹ.

Theo tờ La Reppublica của Ý, có hàng trăm người ở quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật, các chủ cửa hàng và nhân viên phục vụ tại một quán cà phê gần đó đã hối thúc du khách chạy vào cơ sở kinh doanh của họ và đóng cửa, trong khi cảnh sát cố gắng giảm tốc độ chiếc xe.

Động cơ gây ra cơn thịnh nộ của Nako vẫn chưa được làm rõ, nhưng người ta tin rằng đó là kết quả của việc sử dụng ma tuý và có thể là một chứng bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn khiến cảnh sát thành phố phải cảnh giác cao độ, vì chiếc xe hơi lao thẳng xuống một khu du lịch nổi tiếng gợi nhớ đến các vụ tấn công khủng bố trong quá khứ liên quan đến việc xe hơi lao vào đám đông lớn tại các địa điểm du lịch trên khắp Âu Châu.

Vào năm 2015, Via della Conciliazione đã bị đóng cửa không cho giao thông, một phần do mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan gia tăng ở Âu Châu, và cũng vì sự an toàn của những người hành hương xếp hàng vào Đền Thờ Thánh Phêrô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ 2015 đến 2016.

Đồng thời, các thùng kim loại đã được tháo ra khỏi thùng rác công cộng, chỉ để lại một túi nhựa trong suốt treo trên vành để có thể nhìn thấy bên trong và có thể xác định được bất kỳ chất nổ tiềm ẩn nào.
Source:Crux
 
Ủy ban Âu Châu cho biết quá cảnh đường bộ giữa Kaliningrad và Nga đã không bị cấm. Nga chỉ muốn gây chiến
Đặng Tự Do
17:08 22/06/2022


Đại diện cấp cao của Ủy ban Âu Châu Josep Borrell cho biết việc vận chuyển đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng khác của Nga đã không bị cấm. Diễn biến này xảy ra sau khi các thành viên Quốc Hội Nga yêu cầu Putin tuyên chiến với Lithuania vì cho rằng nước này đã phong tỏa giao thông đường bộ giữa Nga và Kaliningrad, một thành phố của Nga lọt thỏm giữa Ba Lan và Lithuania, tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của Nga.

“Việc vận chuyển đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng khác của Nga không bị dừng hay bị cấm. Không có sự phong tỏa nào. Quá cảnh của hành khách và hàng hóa vẫn được tiếp tục.”

Tại sao Ủy ban Âu Châu làm rõ điều này? Nó diễn ra sau khi Lithuanian Railways, công ty đường sắt thuộc sở hữu nhà nước, thông báo với Nga rằng bắt đầu từ nửa đêm ngày 18 tháng 6, các chuyến tàu trung chuyển chở hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt sẽ không còn được phép đi qua.

Theo thống đốc vùng Kaliningrad Anton Alikhanov, danh sách hàng hóa bị cấm bao gồm vật liệu xây dựng, xi măng, kim loại và “một số hàng hóa khác quan trọng đối với cả xây dựng và sản xuất”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng quyết định này là “chưa từng có tiền lệ” và là “bất hợp pháp”.

Borrell cho biết Lithuania đã không áp dụng bất kỳ hạn chế quốc gia đơn phương nào và chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên minh Âu Châu.

“Cáo buộc rằng 'Lithuania đang thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga một cách đơn phương ' là sai sự thật. Tuyên truyền thuần túy,” ông nói.

Một quan chức báo chí của Ủy ban Âu Châu xác nhận rằng đại diện của Liên minh Âu Châu tại Mạc Tư Khoa Markus Ederer đã gặp gỡ đại diện của Bộ Nga về chủ đề này vào hôm thứ Ba.

Quan chức này cho biết: “Chúng tôi cũng có thể xác nhận rằng trưởng phái đoàn của chúng tôi tại Nga đã có một cuộc họp tại Bộ Ngoại Giao Nga, nơi ông ấy giải thích quan điểm của chúng tôi và việc thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu”.
 
Sự hào phóng đáng kinh ngạc của một người trúng xổ số Canada
Đặng Tự Do
17:10 22/06/2022


Nhiều người mơ trúng xổ số với hy vọng nó sẽ giúp họ chấm dứt tình trạng khốn khó về tài chính hoặc cho phép họ vung tiền vào những thứ mà họ hằng mong muốn. Nhưng khi Marcel Lussier ở Brossard, Montreal, biết rằng anh đã thắng được số tiền khổng lồ 70 triệu đô la trong giải xổ số Canada vào tháng này, suy nghĩ của anh đã chuyển sang giúp đỡ người khác.

Lussier, người đã nghỉ hưu sau cả đời làm việc cho Hydro-Quebec, nói rằng anh muốn sử dụng một số tiền ấy để giúp xây dựng lại Ukraine và đã thảo luận về khả năng quyên góp những ngôi nhà chế tạo sẵn với một doanh nhân.

Người yêu thích lịch sử tự thú nhận cũng muốn sử dụng tiền của mình cho các mục đích gia mà anh ấy mô tả là “gần gũi với trái tim mình”. Theo Montreal Gazette, anh ấy muốn xây dựng một trung tâm giúp đỡ người lớn mắc chứng tự kỷ ở Quebec.

Ngoài việc làm bác ái, Lussier cũng thể hiện khía cạnh lãng mạn của mình. Khi kế hoạch bị hủy trong COVID, anh ấy muốn đưa vợ đi du ngoạn trên du thuyền và anh ấy cũng hy vọng sẽ thỏa mãn niềm đam mê lịch sử của mình bằng cách đi du lịch nhiều hơn để mở rộng nghiên cứu về các nhân vật lịch sử mà anh ấy đã nghiên cứu kể từ khi nghỉ hưu cách đây 20 năm.

Người cHồng Yêu thương vợ và các con chia sẻ với CTV News rằng khi anh ấy kiểm tra trang web xổ số vào buổi sáng sau khi quay thưởng “đó là một ngày bình thường như những người khác, không có gì căng thẳng cả. Tôi đã bình tĩnh, tự nhiên. Nhưng khi nhìn thấy những con số của mình hiện lên, anh ấy có thể cảm thấy huyết áp của mình tăng lên một chút.

Thật sảng khoái khi thấy ai đó thực hiện những kế hoạch cao cả như vậy cho việc trúng số của họ. Hy vọng rằng những đóng góp của Lussier cho những mục đích được ưu ái của ông ấy sẽ mang lại nhiều kết quả trong nhiều năm tới.
Source:Aleteia
 
Tấm lòng của Đức Thánh Cha dành cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Afghanistan
Thanh Quảng sdb
18:58 22/06/2022
Tấm lòng của Đức Thánh Cha dành cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Afghanistan

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Afghanistan khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và 1.500 người khác bị thương. ĐTC cũng kêu gọi giúp đỡ những nạn nhân của trận động đất.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Phát biểu trong buổi Tiếp kiến chung hôm thứ Tư (22/6/2022), Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm thông với những nạn nhân của trận động đất “đã cướp đi nhiều sinh mạng và gây ra thảm họa lớn ở Afghanistan.”

ĐTC nói: “Tôi đặc biệt cầu nguyện cho những người đã tử nạn và gia đình của họ. Tôi hy vọng mọi người sẽ mở lòng cứu giúp, hầu có thể làm vơi đi những đau khổ cho người dân Afghanistan thân yêu.”

Trận động đất kinh hoàng này là một cuộc động đất tồi tệ nhất tại Afghanistan trong nhiều thập kỷ. Trận động đất mạnh, gây thiệt hại về nhân mạng cho đất nước này trong nhiều thập kỷ, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Các quan chức cảnh báo số người chết có thể sẽ tăng lên.

Trận động đất xảy ra ở một vùng nông thôn, miền núi phía đông Afghanistan gần biên giới với Pakistan vào sáng sớm thứ Tư (22/6/2022), với cường độ 6,1 độ richter làm hư hại nhà cửa và các tòa nhà ở tỉnh Khost và Paktika.

Nỗ lực cứu hộ

Giới quan sát nhận định, các nỗ lực giải cứu có thể sẽ phức tạp vì nhiều cơ quan viện trợ quốc tế đã bỏ Afghanistan, sau khi quân Taliban chiếm quyền cai trị đất nước này vào năm ngoái.

Các chuyên gia cho biết những cơn động đất như vậy có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là ở khu vực núi non hiểm trở, và nhà cửa cùng các tòa nhà được xây dựng kém kiên cố và đất thường xuyên bị sạt lở...

Đoạn phim từ tỉnh Paktika cho thấy những người cứu mạng được đưa lên máy bay trực thăng để vận chuyển khỏi khu vực. Những người khác được điều trị ngay trên mặt đất. Nhưng nhiều người được cho là còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Một phát ngôn viên của chính phủ Taliban không đưa ra số người chết cụ thể nhưng tiên đoán có hàng trăm người thiệt mạng và bị thương. Ông viết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các cơ quan cứu trợ hãy đến khu vực chấn động này để cứu giúp chúng tôi trước thảm họa này!
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô về Tuổi già: Thánh Phêrô và Thánh Gioan
Vũ Văn An
19:55 22/06/2022


Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ 4, ngày 22 tháng 6 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già, nhấn mạnh đến hai thế hệ già trẻ, điển hình là Thánh Phêrô và Thánh Gioan. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong hành trình giáo lý của chúng ta về tuổi già, hôm nay chúng ta suy niệm về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu Phục sinh và Thánh Phêrô ở cuối Tin Mừng Gioan (21: 15-23). Đó là một cuộc đối thoại cảm động, từ đó sáng lên trọn tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, và cả nhân tính cao cả trong mối liên hệ giữa Người với họ, đặc biệt là với Thánh Phêrô: một mối liên hệ dịu dàng, nhưng không sầu muộn; trực tiếp, mạnh mẽ, tự do và cởi mở. Mối liên hệ giữa những con người và trong sự thật. Vì vậy, Tin Mừng Gioan, rất tâm linh, rất cao cả, kết thúc bằng một lời thỉnh cầu và lời đề nghị sâu sắc về tình yêu giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô, được kết hợp với nhau, một cách khá tự nhiên, với cuộc thảo luận giữa các vị. Thánh sử cảnh báo chúng ta: ngài đang làm chứng cho chân lý của các sự kiện (x. Ga 21:24). Và chính trong các sự kiện, sự thật cần được tìm kiếm.

Chúng ta có thể tự hỏi mình: liệu chúng ta có khả năng duy trì ý nghĩa của mối liên hệ giữa Chúa Giêsu với các môn đệ, theo phong cách của Người là cởi mở, thẳng thắn, trực tiếp, thật nhân bản không? Mối liên hệ của chúng ta với Chúa Giêsu ra sao? Có phải như thế này, giống như mối liên hệ của các Tông đồ với Người không? Há, thay vào đó, chúng ta không thường bị cám dỗ muốn bọc chứng từ Tin Mừng trong cái kén của một mặc khải ‘bọc đường’, thêm vào đó là sự tôn kính tùy hoàn cảnh của chúng ta đó sao? Thái độ xem ra có vẻ tôn trọng này thực sự khiến chúng ta xa rời Chúa Giêsu đích thực, và thậm chí trở thành cơ hội cho một hành trình đức tin rất trừu tượng, rất tự quy chiếu, rất trần tục, không phải là con đường của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa làm người, và Người coi chính Người như một con người, Người nói với chúng ta như một con người, Thiên Chúa - làm người. Với sự dịu dàng này, với tình bạn này, với sự gần gũi này. Chúa Giêsu không giống như hình ảnh ngọt như đường trong các thiệp hình ảnh, không: Chúa Giêsu đang ở gần tay, Người ở gần chúng ta.

Trong cuộc thảo luận của Chúa Giêsu với Thánh Phêrô, chúng ta thấy hai đoạn văn bàn đến chính tuổi già và thời gian trôi qua: thời gian của chứng từ, thời gian sống. Đoạn đầu tiên là lời cảnh báo của Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: khi còn trẻ, con là người tự lập, khi về già, con sẽ không còn làm chủ được chính mình và cuộc sống của mình nữa. Anh chị em cứ nói với tôi là tôi phải ngồi xe lăn nhá? Nhưng sự đời là thế, đó là cuộc sống. Với tuổi già, anh chị em mắc mọi chứng bệnh này và chúng ta phải chấp nhận chúng khi chúng đến, phải không. Chúng ta không có sức mạnh của tuổi trẻ! Và chứng tá của anh chị em cũng sẽ đi kèm với điểm yếu này. Anh chị em phải làm nhân chứng cho Chúa Giêsu ngay cả trong lúc yếu đuối, bệnh tật và cái chết. Có một đoạn văn rất hay của Thánh Inhaxiô thành Loyola, ngài nói rằng: “Trong cuộc sống cũng như trong cái chết, chúng ta đều phải làm chứng như các môn đệ của Chúa Giêsu.” Kết thúc cuộc đời phải là kết thúc cuộc đời làm môn đệ: làm môn đệ Chúa Giêsu, vì Chúa luôn nói với chúng ta tùy theo tuổi tác của chúng ta. Thánh sử cho biết thêm lời bình luận của ngài; ngài giải thích rằng Chúa Giêsu có ý nói đến chứng tá tột cùng, đó là chứng tá tử đạo và cái chết.

Nhưng chúng ta có thể hiểu một cách tổng quát hơn ý nghĩa của lời khuyên này: việc theo chân của anh chị em sẽ phải học cách cho phép bản thân được hướng dẫn và hun đúc bởi sự yếu đuối của anh chị em, sự bất lực của anh chị em, sự phụ thuộc của anh chị em vào người khác, ngay cả trong việc ăn mặc, đi lại. Nhưng anh chị em: “Hãy theo tôi” (câu 19). Theo Chúa Giêsu là luôn luôn tiến về phía trước, trong lúc có sức khoẻ tốt, cũng như trong lúc sức khoẻ không tốt mấy; tự cung tự cấp, dù không tự cung tự cấp được về thể lý. Nhưng điều quan trọng là theo chân Chúa Giêsu: luôn theo Chúa Giêsu, bằng đôi chân của anh chị em, chạy, đi chậm, ngồi trên xe lăn… nhưng luôn luôn bước chân theo Người. Sự khôn ngoan của việc theo chân [Chúa Giêsu] phải tìm cách trung thành với lời tuyên xưng đức tin của mình - do đó Thánh Phêrô đã đáp lại: “Lạy Chúa, Chúa biết rằng con yêu Chúa” (câu 15.16.17) - ngay trong những điều kiện yếu đuối hạn chế và tuổi già. Tôi thích nói chuyện với người già, nhìn vào mắt họ: họ có đôi mắt sáng, đôi mắt đó nói với anh chị em nhiều hơn lời nói, chứng tá một cuộc đời. Và điều này đẹp đẽ, chúng ta phải bảo tồn nó cho đến cùng. Như vậy theo Chúa Giêsu là tràn đầy sức sống.

Cuộc trò chuyện này giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô chứa đựng một lời dạy có giá trị cho tất cả các môn đệ, cho tất cả chúng ta là những người tin Chúa, và cho tất cả những người lớn tuổi. Từ sự yếu đuối của mình, chúng ta học cách phát biểu tính nhất quán của chứng tá cuộc sống của chúng ta trong những điều kiện của cuộc sống phần lớn được giao phó cho người khác, phần lớn phụ thuộc vào sáng kiến của người khác. Với bệnh tật, với tuổi già, sự lệ thuộc ngày càng lớn hơn và chúng ta không còn tự lập như trước nữa; điều này lớn hơn và ở đó đức tin cũng trưởng thành, ở đấy Chúa Giêsu cũng hiện diện với chúng ta, ở đó sự phong phú của đức tin được sống tốt suốt trên đường đời cũng nở rộ.

Nhưng một lần nữa, chúng ta phải tự hỏi: liệu chúng ta có một nền linh đạo thực sự có khả năng giải thích được thời kỳ yếu đuối của chúng ta tuy được giao phó cho người khác, nhưng lại lớn hơn cả sức mạnh lúc chúng ta còn tự chủ không? Làm thế nào để chúng ta trung thành với hành vi sống động bước chân theo [Chúa Giêsu], với tình yêu đã hứa hẹn, với công lý tìm kiếm trong thời gian chúng ta có khả năng chủ động, trong thời gian mong manh, trong thời gian lệ thuộc, chia tay, trong thời gian thay đổi không còn là người chủ động cuộc sống của chúng ta nữa? Điều này không dễ dàng, phải không? Rời xa vai trò chủ động. Không hề dễ dàng.

Thời điểm mới này chắc chắn cũng là thời gian thử thách - bắt đầu bằng cơn cám dỗ - rất nhân bản, không nghi ngờ gì, nhưng cũng rất quỷ quyệt – muốn bảo vệ tư cách chủ động của chúng ta. Và có lúc người chủ động phải nhỏ đi, phải hạ mình xuống, chấp nhận rằng tuổi già làm giảm thiểu anh chị em như những người chủ động. Nhưng anh chị em sẽ có một cách khác để tự phát biểu mình, một cách khác để tham gia vào gia đình, vào xã hội, vào nhóm bạn bè.

Và đó là sự tò mò đến đến với Thánh Phêrô: "Còn anh ta thì sao?” Thánh Phêrô nói, khi thấy môn đệ yêu dấu đi theo họ (xem câu 20-21). Chĩa mũi vào cuộc sống của người khác. Nhưng không: Chúa Giêsu nói: "Im đi!". Anh ta có phải là thành phần của việc “tôi” theo chân [Chúa Giêsu] đâu? Anh ta có chiếm không gian của “tôi” đâu? Anh ta có là người kế nhiệm tôi đâu? Đây là những câu hỏi không tốt, không hữu ích. Anh ta có phải sống lâu hơn tôi và thế chỗ của tôi đâu? Câu trả lời của Chúa Giêsu rất thẳng thắn và thậm chí nặng nề: “Điều đó liên quan gì đến anh? Anh hãy lo lắng về cuộc sống của chính mình, về hoàn cảnh hiện tại của mình chứ không nên chú tâm vào cuộc sống của người khác. Nó liên quan gì đến anh? Anh theo tôi” (câu 22).

Đây là điều quan trọng: theo Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu khi sống và khi chết, lúc khỏe và lúc bệnh, trong cuộc sống sung túc với nhiều thành công, và trong cuộc sống gặp khó khăn, trong nhiều lúc thất bại tồi tệ. Và khi chúng ta muốn xen vào cuộc sống của người khác, Chúa Giêsu trả lời, “Điều đó liên quan gì đến anh? Anh đi theo tôi.” Quả đẹp đẽ.

Người già chúng ta không nên ghen tị với những người trẻ đang đi con đường của họ, những người chiếm vị trí của chúng ta, những người sống lâu hơn chúng ta. Niềm vinh dự của chúng ta vì lòng trung thành với tình yêu đã thề nguyền, trung thành với việc tuân theo đức tin mà chúng ta đã tin tưởng, cả trong những điều kiện đưa chúng ta đến gần cuối đời hơn, là điều khiến chúng ta được sự ngưỡng mộ của các thế hệ mai sau và sự ghi nhận biết ơn của Chúa. Học để biết cách chia tay: đây là sự khôn ngoan của người già. Nhưng nói lời từ biệt một cách tốt đẹp, cẩn trọng, với một nụ cười, để chia tay với xã hội, với những người khác. Đời người cao niên là một cuộc chia tay từ từ, chậm rãi, nhưng đầy niềm vui: Tôi đã sống, tôi đã giữ trọn niềm tin. Điều này thật đẹp đẽ, khi một người lớn tuổi có thể nói, “Tôi đã sống cuộc đời, đây là gia đình của tôi; Tôi đã sống cuộc sống, tôi là một người tội lỗi nhưng tôi cũng đã làm điều tốt ”. Và sự bình yên đến, đó là lời vĩnh biệt của vị trưởng thượng.

Ngay cả việc bắt buộc thụ động theo chân [Chúa Giêsu], bao gồm việc nhiệt thành suy gẫm và say mê lắng nghe lời của Chúa, như Maria, em gái của Ladarô đã làm, cũng trở thành phần tốt nhất trong cuộc đời của họ, trong cuộc đời của những người già chúng ta. Xin cho phần này không bao giờ bị tước đoạt khỏi chúng ta nữa, không bao giờ nữa (x. Lc 10:42). Chúng ta hãy nhìn người già, chúng ta hãy nhìn họ, và chúng ta hãy giúp đỡ họ để họ sống và phát biểu sự khôn ngoan trong cuộc sống, để họ cho chúng ta những gì đẹp đẽ và tốt đẹp nơi họ. Chúng ta hãy nhìn vào họ, chúng ta hãy lắng nghe họ. Và chúng ta, những người lớn tuổi, chúng ta hãy nhìn những người trẻ, và luôn nở nụ cười với những người trẻ: họ sẽ bước chân theo đường, họ sẽ tiếp tục những gì chúng ta đã gieo, ngay cả những gì chúng ta chưa gieo vì chúng ta không đủ can đảm hoặc cơ hội: họ sẽ mang nó về phía trước. Nhưng luôn luôn với mối liên hệ này.
 
VietCatholic TV
Bất ngờ: Ukraine pháo dữ dội Đảo Rắn, doanh trại Nga chìm trong biển lửa, không tầu nào dám đến cứu
VietCatholic Media
03:08 22/06/2022


1. Quân đội Ukraine tấn công dữ dội các doanh trại của Nga trên Đảo Rắn

Trong bản tin sáng thứ Tư 22 tháng Sáu, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công Đảo Rắn hay còn gọi là Đảo Zmiinyi bằng các loại vũ khí và phương tiện hủy diệt khác nhau. Các đơn vị đồn trú của Nga bị tổn thất đáng kể.

“Đòn tập trung đã được giáng xuống Đảo Rắn, sử dụng các lực lượng và phương tiện hủy diệt khác nhau. Kết quả là, cái được quân Nga tự hào đặt tên là 'đơn vị đồn trú trên đảo' đang đếm những tổn thất đáng kể.”

Theo Ukinform, lửa sáng rực bầu trời suốt đêm thứ Ba rạng sáng ngày thứ Tư. Tuy nhiên, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhấn mạnh rằng họ đang áp lục tiêu chuẩn “cấm vận thông tin” vì cuộc tấn công vẫn còn đang diễn ra.

Ngoài ra, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã loại bỏ 26 lính Nga, phá hủy một xe tăng và xe thiết giáp đa năng của đối phương ở miền nam Ukraine.

“Các đơn vị của chúng ta tiếp tục tiêu diệt địch và đẩy lùi chúng về phía đông. Sáng nay, một cặp trực thăng đã tấn công một nhóm quân địch và quân trang. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh đã hoàn thành hơn 100 nhiệm vụ tấn công. Kết quả vẫn chưa được kiểm tra, nhưng tính đến sáng nay, người ta đã biết rằng 26 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến. Một xe tăng địch, một xe bánh xích bọc thép đa năng, 3 xe bọc thép và 4 xe tải sẽ không còn gây hại cho người dân Ukraine nữa.”

Trong khi đó, nhóm hải quân của Nga ở Hắc Hải vẫn không thay đổi. Tính đến sáng ngày 22 tháng 6 năm 2022, năm tàu chiến của đối phương, bốn tàu đổ bộ cỡ lớn và một tàu ngầm đã ở phía tây bắc của Hắc Hải.

2. Tin tình báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Bộ Quốc Phòng cho biết như sau:

Vào ngày 17 tháng 6 năm 2022, các lực lượng Ukraine lần đầu tiên tuyên bố sử dụng thành công hỏa tiễn chống hạm Harpoon do phương Tây tài trợ để giao chiến với lực lượng hàng hải của Nga.

Mục tiêu của cuộc tấn công gần như chắc chắn là tàu kéo của hải quân Nga Spasatel Vasily Bekh, đang vận chuyển vũ khí và binh sĩ đến Đảo Rắn ở tây bắc Hắc Hải.

Việc tàu Nga bị phá hủy trong một nhiệm vụ tiếp tế cho thấy khó khăn mà Nga phải đối mặt khi cố gắng hỗ trợ lực lượng của họ đang chiếm đóng Đảo Rắn.

Đây là tàu mới nhất trong một loạt tàu Nga, bao gồm cả soái hạm Mạc Tư Khoa, bị Ukraine phá hủy trong cuộc xung đột.

Khả năng phòng thủ bờ biển của Ukraine đã vô hiệu hóa phần lớn khả năng của Nga trong việc thiết lập quyền kiểm soát trên biển và triển khai lực lượng hàng hải ở Tây Bắc Hắc Hải.

Điều này đã làm suy yếu khả năng tồn tại của thiết kế ban đầu cho cuộc hành quân của Nga trong cuộc xâm lược, liên quan đến việc chiếm khu vực Odesa trước từ phía biển.

3. Vladimir Putin - Hỏa tiễn ngày tận thế có thể bắn trúng Vương quốc Anh đã gần sẵn sàng, nhà lãnh đạo Nga điên cuồng cảnh báo

Nga sẽ tăng cường hơn nữa các lực lượng vũ trang của mình khi một hỏa tiễn hạt nhân có sức công phá gần như đã sẵn sàng để sử dụng, ông Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo như trên vào hôm thứ Ba 21 tháng Ba.

Hỏa tiễn RS-28 Sarmat nặng 208 tấn - có độ cao khổng lồ của một khối tháp 14 tầng - có khả năng tấn công mục tiêu ở tốc độ gần 16.000 dặm một giờ.

Hỏa tiễn hạt nhân tận diệt thế giới có thể mang 15 đầu đạn và có khả năng tiêu diệt một khu vực có diện tích bằng Vương quốc Anh chỉ trong một vụ nổ duy nhất.

Phát biểu trong buổi bình luận trên truyền hình hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển và củng cố các lực lượng vũ trang của mình, có tính đến các mối đe dọa và rủi ro quân sự tiềm ẩn”.

Ông nói thêm rằng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của Nga, có khả năng mang tối thiểu 10 đầu đạn hạt nhân và các kích nổ, sẽ được triển khai sẵn sáng làm nhiệm vụ vào cuối năm nay.

4. Zelenskiy kêu gọi nhanh chóng phê duyệt gói trừng phạt thứ bảy của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu đẩy nhanh gói trừng phạt thứ bảy đối với Nga càng sớm càng tốt.

Ông Zelenskiy nói như trên trong một diễn từ video hàng đêm vào tối thứ Ba 21 tháng 6.

“Trong tất cả các cuộc đàm phán với các đối tác nước ngoài, tôi liên tục nhấn mạnh rằng gói trừng phạt thứ bảy của Liên Hiệp Âu Châu là cần thiết càng sớm càng tốt. Nga phải cảm thấy áp lực ngày càng lớn vì cuộc xâm lược Ukraine và chính sách chống Âu Châu cực đoan của nước này.”

Theo ông, những lời đe dọa mới của Nga đối với Lithuania, làn sóng áp lực năng lượng tiếp theo và phần tiếp theo là những lời dối trá từ các quan chức Nga về cuộc khủng hoảng lương thực là những lý lẽ đằng sau sự cần thiết phải thông qua gói trừng phạt thứ bảy.

Liên minh Âu Châu đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với vàng của Nga như một phần của gói biện pháp hạn chế tiếp theo nhằm vào Mạc Tư Khoa vì hành vi gây hấn với Ukraine.

5. 'Thợ săn Đức quốc xã' dẫn đầu nhóm điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine

Eli Rosenbaum, “thợ săn Đức Quốc xã” hàng đầu của Mỹ, sẽ dẫn đầu một nhóm của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhằm xác định và truy tố bất kỳ ai đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Merrick Garland, Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết như trên trong chuyến thăm không báo trước tới Ukraine hôm thứ Ba.

Garland cho biết, nhóm sẽ bao gồm các chuyên gia trong các cuộc điều tra liên quan đến vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh.

Theo Bộ Tư pháp, Rosenbaum, một cựu chiến binh 36 năm của Bộ Tư pháp, trước đây từng là giám đốc Chiến lược và Chính sách Thực thi Nhân quyền, và đã giúp tìm ra hơn 100 trường hợp các cá nhân có liên quan đến Đức Quốc Xã ẩn náu tại Hoa Kỳ.

Theo tổng trưởng Garland, không có nơi ẩn náu cho những tội phạm chiến tranh.

Ông Garland nói: “Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ theo đuổi mọi con đường quy trách nhiệm đối với những kẻ phạm tội ác chiến tranh và các hành động tàn bạo khác ở Ukraine”.

6. Công dân Mỹ thứ hai thiệt mạng khi chiến đấu ở Ukraine

Công dân Hoa Kỳ Stephen Zabielski đã hy sinh khi sát cánh cùng các binh sĩ Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba xác nhận cái chết của một công dân Mỹ ở Ukraine với cáo phó cho biết anh đã chết vào giữa tháng 5 khi đang chiến đấu bên cạnh quân Ukraine.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận cái chết của công dân Mỹ Stephen Zabielski ở Ukraine.”

“Tất cả những gì có thể” đã được hỗ trợ lãnh sự cho gia đình anh ấy, tuyên bố viết.

Anh Zabielski được tin là đã chết vào hôm Chúa Nhật, 15 tháng 5, trong khi chiến đấu chống quân Nga tại làng Dorozhnianka.

Anh Zabielski năm nay 52 tuổi đã bỏ lại vợ và 5 đứa con.

Zabielski là người Mỹ thứ hai được biết đến đã thiệt mạng trong trận chiến ở Ukraine. Cựu binh Thủy quân lục chiến Willy Cancel đã thiệt mạng vào tháng 4 khi chiến đấu cùng với các lực lượng Ukraine.

Như đã đưa tin trước đó, 4 chiến binh tình nguyện thuộc Quân đoàn Phòng thủ Quốc tế Ukraine đã thiệt mạng khi đang chiến đấu ở Ukraine.

Các binh sĩ tình nguyện đã đến Ukraine từ Hà Lan, Đức, Pháp và Úc

Lữ đoàn Tình Nguyện quốc tế giúp Ukraine đã được thành lập để tuyển dụng vào hàng ngũ những người nước ngoài sẵn sàng chống lại sự xâm lược của Nga và chiến đấu vì an ninh toàn cầu.

7. Ukraine nhận từ Đức lô pháo Panzerhaubitze đầu tiên

Đức đã chuyển giao cho Ukraine trong khuôn khổ hỗ trợ an ninh lô hàng đầu tiên là các đơn vị pháo tự hành Panzerhaubitze

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã cho biết như trên.

“Chúng tôi có quân tiếp viện! Những chiếc Panzerhaubitze 2000 đầu tiên - những chiếc Panzerhaubitze 2000 của Đức với các tổ lái Ukraine được huấn luyện đã gia nhập gia đình pháo binh Ukraine,” Reznikov viết.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lưu ý rằng đây là loại pháo 155 ly thứ 6 tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine. Lực lượng vũ trang Ukraine đã giao chiến với quân đội Nga bằng các loại pháo sau: M777, FH70, M109, AHS Krab và Caesar. “Kể từ bây giờ, Panzerhaubitze 2000 đã tham gia câu lạc bộ,” Reznikov nói thêm.

“Như mọi khi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi sẽ sử dụng chúng trên chiến trường với 100% hiệu quả. Tất nhiên, những lời thừa nhận tuyệt vời sẽ dành cho những người lính pháo binh của chúng ta, những người đã trở thành huyền thoại thế giới,” Reznikov nói.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cảm ơn sự hỗ trợ của các đối tác Đức, đồng thời nói thêm rằng người Ukraine “tiếp tục tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đức”.

Reznikov cũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht.

Panzerhaubitze 2000 là một tổ hợp pháo bánh xích tự hành của Đức được phát triển vào nửa cuối những năm 1990 bởi Krauss-Maffei Wegmann có trụ sở tại Munich. Đây là một trong những trận địa pháo tốt nhất cho đến nay. Panzerhaubitze 2000 có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly hơn 30 km với đường đạn tiêu chuẩn.

8. Liên Hiệp Âu Châu mở đường cho Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu

Các quan chức Liên Hiệp Âu Châu cho biết hôm thứ Ba rằng không có sự phản đối nào trong khối 27 quốc gia về việc cấp “tư cách ứng viên” cho Ukraine bị tàn phá bởi chiến tranh, trước thềm một hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ bật đèn xanh cho động thái này.

Bộ phận điều hành của khối tuần trước đã đề xuất thực hiện bước đầu tiên mang tính biểu tượng để đưa Ukraine đi trên con đường kéo dài nhiều năm trở thành một thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Đó là một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ khi Kyiv đối đầu với cuộc tấn công quân sự của Nga.

Một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày từ thứ Năm xem ra sẽ thông qua động thái chính thức gọi Ukraine và các nước láng giềng Moldova là “ứng viên” để bắt đầu đàm phán về việc gia nhập.

Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cho biết tại cuộc họp với các đối tác Liên Hiệp Âu Châu tại thủ đô của đất nước ông: “Không có một quốc gia nào có vấn đề với đề xuất này”.

“Chúng tôi sẽ thể hiện sự nhất trí cao.”

Liên Hiệp Âu Châu dự kiến sẽ áp đặt các điều kiện đối với Ukraine và Moldova về cải cách tư pháp và giải quyết tham nhũng, trong số các vấn đề khác, trước khi họ có thể chuyển sang đàm phán gia nhập chính thức.

Sau đó, sẽ mất nhiều năm - nếu không phải là hàng thập kỷ - đánh giá kỹ lưỡng trước khi Ukraine tiến gần đến việc trở thành một thành viên thực sự.
 
Linh mục thoát vụ xả súng tin rằng Chúa cho ngài sống để kể lại câu chuyện kinh hoàng
VietCatholic Media
05:45 22/06/2022


1. Linh mục thoát được cuộc tấn công trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ở Nigeria tin rằng Chúa đã cứu ngài để có người kể lại chuyện gì đã xảy ra

Khi cộng đoàn của giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê ở Owo, miền nam Nigeria, đang đọc những lời cầu nguyện kết thúc Thánh lễ Hiện xuống vào ngày 5 tháng 6, những tay súng không rõ danh tính đã tiến vào nhà thờ.

Cha Andrew Abayomi, linh mục chủ tế, đã kể lại vụ việc kinh hoàng với tạp chí Alfa y Omega của Tây Ban Nha. Ngài cho biết ban đầu ngài không hiểu chuyện gì đang xảy ra và các tín hữu đã dũng cảm đóng cửa trước khi các tay súng xông vào bên trong ngôi thánh đường. Tuy nhiên, những kẻ tấn công đã vào được bằng một cửa phụ và tiếp tục cuộc tàn sát của chúng.

Khi chúng đến gần phòng thánh, nơi vị linh mục và những người khác đang trốn tránh, thì súng của kẻ tấn công bị kẹt. 20 phút sau, khi một giáo dân chạy thoát được nói với họ rằng đã an toàn rồi, vị linh mục và các tín hữu khác bước ra ngoài, và chứng kiến một khung cảnh khủng khiếp, khi ngôi thánh đường của họ ngập tràn máu và các thi thể. Họ đặt những người bị thương lên nhiều xe khác nhau và thực hiện một số chuyến đi đến bệnh viện.

Cha Abayomi so sánh kinh nghiệm của ngài với những Kitô hữu tiên khởi bị bắt bớ trong những ngày đầu Kitô Giáo. Ngài nói rằng “Chúa đã cứu chúng tôi để kể câu chuyện có thật và trở thành sức mạnh của những ai bị đánh đập”.

Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Tây Phi, gọi tắt là ISWAP, bị tình nghi là thủ phạm của vụ thảm sát này.

ISWAP được coi là một phe ly khai của Boko Haram, một nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác đã giết hại hàng nghìn tín đồ Kitô giáo và khiến hàng triệu người ở Nigeria và các nước láng giềng phải di tản trong những năm gần đây. Lãnh đạo ISWAP vào thời điểm đó đã cam kết trung thành với ISIS vào năm 2015.

ISWAP trong những năm gần đây tuyên bố đã thực hiện các vụ hành quyết công khai các Kitô hữu và khoe khoang về các hành động của mình trên các phương tiện kỹ thuật số. Tuy nhiên, Bang Ondo, nơi diễn ra cuộc tấn công trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cách xa khu vực hoạt động thông thường của ISWAP ở phía bắc đất nước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “sự gần gũi thiêng liêng” với những người Công Giáo Nigeria sau vụ tấn công gần đây nhất, và nói trong một bức điện tín rằng ngài đang cầu nguyện “cho sự hoán cải của những người mù quáng vì hận thù và bạo lực.”

Nhiều Kitô hữu bị giết vì đức tin của họ ở Nigeria hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên toàn thế giới - ít nhất là 4.650 người vào năm 2021 và gần 900 người chỉ trong ba tháng đầu năm 2022. Các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ các tín hữu Kitô tiếp tục nêu bật và ghi lại cuộc đàn áp tàn bạo đang diễn ra nhằm vào Kitô Hữu - thường là do các nước láng giềng Hồi giáo của họ gây ra tại quốc gia đông dân nhất Phi Châu. Một số tổ chức viện trợ và các chuyên gia đang thu thập bằng chứng cho thấy việc giết hại các Kitô hữu ở Nigeria cấu thành tội ác diệt chủng.

Vào cuối năm 2021, không có lời giải thích nào quốc gia này, được xóa khỏi danh sách các quốc gia có vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Source:Aleteia

2. Các giám mục Âu châu kêu gọi Hội đồng Âu châu thi hành tiến trình mở rộng liên hiệp đáng tin cậy

Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE, kêu gọi Hội đồng Âu châu tái gia tăng nỗ lực để đạt tới hòa bình tại Ukraine và thực hiện một tiến trình mở rộng Liên hiệp Âu châu một cách đáng tin.

Trong thông cáo, công bố hôm 17 tháng Sáu vừa qua, nhân dịp Hội đồng Âu châu sắp nhóm họp trong hai ngày, 23 và 24 tháng Sáu tới đây, Đức Cha Rimantas Norvila, người Lituani, Chủ tịch ngoại vụ của Ủy ban COMECE, kêu gọi Liên hiệp Âu châu đừng ngưng những cố gắng để tại tới sự chấm dứt chiến tranh, với một nước Ukraine tự do, an ninh và độc lập trong biên giới được quốc tế nhìn nhận.

Thông cáo khẳng định rằng “Sự tấn kích bất công của Nga chống Ukraine không những gây ra đau khổ kinh khủng cho đất nước và dân nước này, nhưng còn làm rúng động trật tự an ninh thế giới”. Theo Ủy ban COMECE, thực tại mới này phải thúc đẩy Liên hiệp Âu châu và cộng đồng quốc tế hướng mọi cố gắng của mình và việc xây dựng một công trình mới về hòa bình tại Âu châu và trên thế giới.”

Ngoài việc đề ra một chiến dịch hòa bình toàn diện của Liên hiệp Âu châu, Ủy ban COMECE cũng khuyến khích các nước thành viên dấn thân và cộng tác vào vấn đề an ninh, bằng cách phát triển các phương thế tự vệ thích hợp, bảo đảm sự kiểm soát công cộng nghiêm ngặt, phù hợp với các nguyên tắc tương ứng, tôn trọng các quyền con người, công pháp quốc tế và các tiêu chuẩn luân lý đạo đức.

Khóa họp sắp tới của Hội đồng Âu châu sẽ thảo luận về việc nhận các nước thành viên mới của Liên hiệp đã làm đơn xin gia nhập, nhân dịp này, Ủy ban COMECE kêu gọi canh tân và thực thi tiến trình nới rộng Liên hiệp một cách đáng tin, kể cả việc bắt đầu thương thuyết với Albani, Bắc Macedonia và cấp qui chế ứng viên cho Ukraine.

3. Cuộc tranh cãi về phụng vụ là một thảm kịch, người đứng đầu phụng vụ của Vatican than thở

Phương tiện truyền thông chính thức của Tòa Thánh, Vatican News, phỏng vấn Đức Hồng Y tương lai, Arthur Roche, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngài bình luận về những tranh cãi nảy sinh sau khi công bố Tự Sắc Traditionis Custodes, hạn chế khả năng cử hành Thánh lễ theo Sách lễ năm 1962.

Ngài giải thích: “Thật là một bi kịch khi có những tranh cãi ngày nay, cái gọi là 'cuộc chiến' về phụng vụ, bởi vì Bí tích Thánh Thể là bí tích hiệp nhất toàn thể Giáo Hội”.

Theo Đức Tân Hồng Y, những tranh cãi này đồng thời chỉ ra “sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, và ảnh hưởng của thuyết tương đối, thái độ 'Tôi thích điều này hơn', là một trong những vấn đề của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, Phụng Vụ nhắc nhở chúng ta rằng “việc cử hành Thánh lễ không phải là vấn đề của sự lựa chọn cá nhân. Chúng ta cử hành với tư cách là một cộng đồng, vì toàn thể Giáo Hội và Giáo Hội trong suốt nhiều thế kỷ, đã luôn quy định hình thức phụng vụ mà người ta tin rằng phù hợp hơn cho một thời đại cụ thể.”

Vị Tân Hồng Y người Anh khẳng định thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không chống lại Thánh lễ Latinh và rằng phụng vụ sau Công đồng cho phép việc sử dụng tiếng Latinh.

Tự Sắc Traditionis Custodes thực sự muốn điều chỉnh việc sử dụng Sách lễ năm 1962 và ngừng quảng bá sách này, “bởi vì rõ ràng là Công đồng, các Giám mục của Công đồng, dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, đã đưa ra một phụng vụ mới cho sự sống còn cuộc sống của Giáo Hội, vì sức sống của Giáo Hội. Và điều đó thực sự rất quan trọng. Và chống lại điều đó, cũng là một điều thực sự khá nghiêm trọng.”
Source:Vatican News
 
Tổng phản công: Thủy Quân Lục Chiến Ukraine loại tiểu đoàn Nga ở cửa ngõ Kherson, áp sát thành phố
VietCatholic Media
15:37 22/06/2022


1. Thủy Quân Lục Chiến Ukraine loại khỏi vòng chiến một tiểu đoàn chiến thuật Nga ở cửa ngõ Kherson

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến một Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga ở cửa ngõ thành phố Kherson, miền nam Ukraine.

Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36, một bộ phận của Hải quân Ukraine, và họ cho biết: “Thủy quân lục chiến Nikolaev đang tích cực chuẩn bị tham gia 'cuộc trưng cầu dân ý Kherson'!” Họ tung lên mạng xã hội một đoạn phim cho thấy các chiến hào của quân Nga bị phá hủy và nhiều binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến.

Nga đã dự định tổ chức cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý Kherson nhằm thiết lập một nước cộng hòa thân Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại, và quân Nga đang lo phòng thủ trước sức tấn công như vũ bão của quân Ukraine.

Nói chuẩn bị tham gia 'cuộc trưng cầu dân ý Kherson' là ý mỉa mai cho thấy Lữ đoàn thủy quân lục chiến sẽ sớm tái chiếm được thành phố Kherson.

Pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine được cho là đã phá hủy hầu hết các vị trí quân sự của Nga trong khu vực Kherson. Bên cạnh đó, từ chiều thứ Ba, quân Ukraine đã nã pháo liên tục vào Đảo Rắn hay còn gọi là Đảo Zmiinyi. Các đơn vị đồn trú của Nga bị tổn thất đáng kể. Quân Nga trú đóng trên Đảo Rắn là nhằm hỗ trợ hỏa lực cho quân chiếm đóng Nga trong vùng Kherson. Chính vì thế, quân Ukraine tấn công đồng thời vào Kherson và vào Đảo Rắn.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hải quân nước này đã đánh chìm chiến hạm Spasatel Vasily Bekh của Nga bằng hai hỏa tiễn Harpoon do Đan Mạch cung cấp cho Ukraine. Chiến hạm Vasily Bekh có nhiệm vụ chở lương thực, đạn dược và binh sĩ tiếp tế cho Đảo Rắn.

Tất cả các diễn biến này đang làm suy sụp nhanh chóng tinh thần của quân Nga trong thành phố Kherson.

Iryna Vereshchuk, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine, đã kêu gọi người dân địa phương ở khu vực Kherson hãy nhanh chóng di tản khỏi khu vực này để giúp lực lượng Ukraine “giải phóng” khu vực.

Cô ấy nói: “Hãy đi ngay vì quân đội của chúng ta chắc chắn sẽ tấn công vào những vùng đất này. Ý chí tái chiếm lại thành phố quê hương của chúng ta là không thể lay chuyển. Và sẽ rất, rất khó để mở ra một hành lang nhân đạo khi có trẻ em ở đó. Ở Mariupol đã khó, ở vùng Kherson sẽ còn khó hơn”.

“Bởi vì quân Nga đã học hỏi, càng trở nên tinh ranh, và sử dụng lá chắn của con người, đặc biệt là trẻ em. Chúng tôi biết rằng có trẻ em ở đó, và chúng tôi sẽ bất lực, và chúng tôi thực sự không muốn điều đó. Hãy tin tôi đi, việc loại bỏ quân xâm lược sẽ rất nhanh chóng. Chắc chắn sẽ có tổng phản công”.

Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 nói thêm rằng đoạn phim cho thấy “nghệ thuật của Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 được đặt tên theo Chuẩn đô đốc Mykhailo Bilynsky một lần nữa phá bỏ đài chỉ huy và các trạm quan sát của quân chiếm đóng.”

Họ kết luận bằng câu: “Vinh quang cho Thủy quân lục chiến!”

Lữ đoàn thủy quân lục chiến 36, tên gọi chính thức là “Chuẩn đô đốc Mykhailo Bilynskyi, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 36,” được thành lập vào năm 2015, chủ yếu là từ lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine đã di tản khỏi Crimea sau khi Nga sáp nhập bán đảo vào năm 2014.

Họ là một trong hai đơn vị chính - cùng với Tiểu đoàn Azov - đã bảo vệ Mariupol cho đến khi thành phố bị lực lượng thân Nga chiếm đóng vào tháng 5.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 21 tháng 6, Nga đã mất khoảng 34.100 nhân viên, 1.496 xe tăng, 3.606 phương tiện chiến đấu bọc thép, 752 đơn vị pháo binh, 239 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 98 hệ thống phòng không, 216 máy bay chiến đấu, 181 máy bay trực thăng, 611 máy bay không người lái, 137 hỏa tiễn hành trình, 14 tàu chiến, 2.537 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu, cùng 59 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Nga tập trận hỏa tiễn chống hạm ở Biển Baltic

Nga đã tiến hành một cuộc tập trận hỏa tiễn chống hạm ở Biển Baltic trong bối cảnh căng thẳng leo thang với thành viên NATO Lithuania sau khi quốc gia này chặn đường vận chuyển hàng hóa tới vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga.

Đoạn phim do Nga tung lên mạng xã hội cho thấy một tàu chiến của Nga ở Biển Baltic thực hiện một cuộc tập trận. Con tàu có thể được nhìn thấy đang phóng một hỏa tiễn chống hạm vào một thứ có vẻ là một mục tiêu giả. Đoạn phim cho thấy hỏa tiễn đã đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết: “Thủy thủ đoàn của tàu hộ tống Soobrazitelny, trong khuôn khổ cuộc tập trận của Hạm đội Baltic, đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào một mục tiêu trên biển mô phỏng tàu chiến của quân Nga”.

“Việc bắn hỏa tiễn được thực hiện bằng vũ khí tấn công chính của tàu hộ tống - là hệ thống hỏa tiễn chống hạm Uran. Ngoài ra, thủy thủ đoàn của tàu hộ tống đã thực hiện bài tập phòng không trên biển bằng hệ thống pháo A-190”.

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khai hỏa, thủy thủ đoàn của tàu đã tiến hành một loạt bài tập trên tàu - về tác chiến điện tử, kiểm soát thiệt hại, phòng thủ chống phá hoại, tổ chức tương tác và liên lạc giữa các tàu cung cấp dịch vụ bắn hỏa tiễn”.

Hôm thứ Sáu, Lithuania đã thông báo về việc đình chỉ vận chuyển hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt qua lãnh thổ của mình tới vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, giáp Ba Lan và Lithuania. Trước thế chiến thứ hai, thành phố này thuộc Đức, đã bị Liên Xô chiếm vào năm 1945. Hàng hóa cho đến nay chủ yếu đến từ Nga qua đường sắt, quá cảnh qua Lithuania.

Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng trước thông báo đình chỉ vận chuyển hàng hóa bằng cách triệu tập Đại Biện Tòa Đại Sứ Lithuania, Virginia Umbrasene, yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế.

Nga đã nói rằng họ “có quyền hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”, trong khi Thống đốc vùng Kaliningrad, Anton Alikhanov, đã công bố kế hoạch cho các tàu chở hàng bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ St. Petersburg

Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, nhận xét rằng “những nỗ lực của Điện Cẩm Linh nhằm đe dọa Lithuania là một thách thức đối với Liên Hiệp Âu Châu và NATO”.

“Giờ đây, điều quan trọng là phải duy trì một lập trường ổn định và không nhượng bộ Nga về các lệnh trừng phạt và hạn chế vận chuyển hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad. Bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng sẽ bị Nga coi là điểm yếu “.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết tại một cuộc họp báo ở Brussels rằng Lithuania chỉ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu và không thực hiện bất kỳ biện pháp đơn phương nào.

3. Sau khi mất 34 nghìn quân chỉ trong vòng 4 tháng, Putin khoác lác rằng giờ đây Nga có quân đội mạnh nhất

Vladimir Putin cho biết Nga có lực lượng vũ trang tốt nhất thế giới và đưa ra lời đe dọa về khả năng hỏa tiễn hạt nhân của đất nước ông.

Tuyên bố của Tổng thống Nga được đưa ra trong bối cảnh lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố quân đội Nga đã mất hơn 34.000 quân kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/2.

Tờ báo của chính phủ Nga Rossiyskaya Gazeta đưa tin rằng ông Putin đã nói trong một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước hôm thứ Ba rằng “không có lực lượng vũ trang nào trên thế giới hiện nay hiệu quả hơn quân đội Nga”.

“Tình hình hiện tại sẽ cho phép cải thiện hơn nữa quân đội,” tờ báo cho biết trong báo cáo bình luận của ông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trong cuộc gặp với sinh viên tốt nghiệp các trường quân sự cấp cao của nước này tại Điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa vào ngày 21 tháng 6. Cùng ngày, ông Putin đã khoe khoang với các nhà lập pháp Nga về khả năng quân sự của Nga.

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine hôm thứ Ba cho biết Nga đã mất hơn 34.000 quân nhân trong cuộc xâm lược toàn diện.

Rất khó xác minh con số thiệt hại thực sự của quân đội Nga. Một ước tính từ tạp chí trực tuyến Hệ thống Phòng thủ RUSI tuần này đưa ra con số từ 18.000 đến 20.000. Trong bản cập nhật cuối cùng vào ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Nga mà Newsweek đã liên hệ để đưa ra bình luận cho biết rằng chỉ có 1.351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

Trước đó, vào hôm thứ Ba, ông Putin cũng đã vạch ra kế hoạch xây dựng quân đội Nga lớn hơn. Ông nói với các sinh viên tốt nghiệp quân sự ở Mạc Tư Khoa rằng Nga đã thử nghiệm thành công hệ thống hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, hệ thống này sẽ “trực chiến” vào cuối năm 2022.

Được đặt nhãn hiệu “Satan-2” ở phương Tây, Sarmat được cho là một trong những vũ khí hạt nhân mạnh nhất mà Nga thủ đắc.

Vào tháng 4, một vụ thử thành công hỏa tiễn có thể mang đầu đạn hạt nhân và kích nổ, làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến ở Ukraine có thể lan sang một cuộc đối đầu hạt nhân.

Ngũ Giác Đài đã hạ thấp tầm quan trọng của vụ thử hỏa tiễn và nói rằng nó đã được Mạc Tư Khoa thông báo theo các điều khoản của hiệp ước START mới, được gia hạn vào năm 2021.

Tuy nhiên, hỏa tiễn này thực sự làm gia tăng căng thẳng an ninh, đặc biệt là khi các tham luận viên trên Kênh 1 của Nga đang thảo luận về việc sử dụng nó cho các cuộc tấn công vào các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.

Hôm thứ Ba, Putin cũng khoe rằng vũ khí phòng không và chống hỏa tiễn tiên tiến của Nga đang được chuyển giao cho quân đội của ông.

Hãng tin Tass đưa tin, hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-500, nhằm thay thế hệ thống hỏa tiễn A-135 hiện đang được sử dụng, sẽ trở thành cơ sở của hệ thống phòng không và phòng thủ hỏa tiễn quốc gia thống nhất của Nga, hãng tin Tass đưa tin.

Được thiết kế bởi nhà sản xuất vũ khí Almaz-Antey, S-500 được cho là có tầm bắn khoảng 400 dặm và có thể đánh chặn các mục tiêu di chuyển ở tốc độ siêu thanh.

Ông Putin nói rằng S-500 là một phần của chiến lược trang bị cho quân đội “những hệ thống vũ khí mới sẽ quyết định hiệu quả chiến đấu của lục quân và hải quân trong những năm và thập kỷ tới”.

4. Nga kích thích dân chúng ủng hộ cuộc xâm lược bằng cách sản xuất rượu vodka nhãn hiệu “Nước mắt của Zelenskiy”

Những chai vodka có nhãn hiệu “Nước mắt của Zelenskiy” đang được bày bán trên các kệ hàng của các siêu thị ở Mạc Tư Khoa.

Khi quân đội của Putin tiến hành một cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật gần Severodonetsk, một thành phố chiến lược quan trọng ở phía đông Ukraine, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chai vodka có tên “Nước mắt của Zelenskiy” đang được bán trong các siêu thị của Mạc Tư Khoa.

Đoạn clip dài 7 giây cho thấy một người đàn ông cầm chai rượu trên tay phải. Nó viết “Nước mắt của Zelenskiy” bằng tiếng Nga, với dòng chữ “sản xuất có giới hạn” được viết bên dưới bằng tiếng Anh. Chiếc chai cũng mô tả tổng thống Ukraine đang lau một giọt nước mắt từ mắt phải của mình.

Putin, người phát động cuộc chiến Ukraine vào ngày 24 tháng 2, dường như đang tập trung vào việc chiếm toàn bộ khu vực Luhansk và Donetsk sau khi không chiếm được thủ đô Kyiv trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Hai cho biết các hoạt động tác chiến trên bộ và trên không chiến thuật của Nga vẫn tập trung vào khu vực trung tâm Donbas, miền đông Ukraine vào cuối tuần qua.

Hôm Chúa Nhật, thông tin cập nhật tình báo của Bộ Quốc Phòng Anh cho biết Nga và Ukraine tiếp tục oanh tạc nặng nề xung quanh Severodonetsk “với một chút thay đổi đối với đường giới tuyến” hay nói cách khác, Nga không dành được bao nhiêu thắng lợi dù đã mất rất nhiều quân.

5. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tuyên bố sẽ làm mọi cách để trợ giúp cho các chiến binh Hoa Kỳ bị Nga bắt giữ

Các chiến binh từ 52 quốc gia đã tham gia vào Lữ đoàn Tình Nguyện quốc tế giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga và chiến đấu vì an ninh toàn cầu. Ukraine ghi ơn họ và làm hết khả năng để giúp đỡ họ trong bất ký tình huống nào. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đã cho biết như trên.

Liên quan đến các chiến binh Hoa Kỳ bị Nga bắt giữ gần đây trong đó có anh Andy Huỳnh Ngọc Tài, người Mỹ gốc Việt, bị bắt trong một trận đánh tại Kharkiv, Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói Ukraine đang phối hợp với chính quyền Hoa Kỳ để tìm cách cho họ trả được tự do.

Diễn biến này xảy ra khi Tòa Bạch Ốc nói rằng họ “kinh hoàng” khi phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh tuyên bố Nga sẽ không loại trừ việc áp dụng án tử hình đối với hai công dân Mỹ bị giam giữ sau khi tình nguyện chiến đấu ở Ukraine.

John Kirby, điều phối viên về liên lạc chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu thêm về trường hợp hai người Mỹ này”.

“Thật kinh hoàng khi một quan chức nhà nước ở Nga thậm chí còn đề nghị án tử hình đối với hai công dân Mỹ đang ở Ukraine. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng và nghiên cứu những gì có thể về điều này.”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Hai cho biết Công ước Geneva, tức là điều lệ quy định cách đối xử giữa binh lính và dân thường trong thời chiến, bao gồm cả việc cấm hành quyết tù nhân chiến tranh - không áp dụng đối với hai công dân Mỹ bị giam giữ.

Peskov nói rằng án tử hình không thể bị loại trừ, nhưng đó là quyết định của một tòa án chứ không phải Điện Cẩm Linh.

Kirby nói rằng ông không cố gắng xâm nhập vào đầu của Peskov hoặc Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông cho biết bất kể viễn cảnh của án tử hình là thật hay giả thuyết, Hoa Kỳ sẽ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

“Dù thế nào, điều đó cũng đáng báo động như nhau, cho dù họ thực sự muốn nói gì ở đây và họ có thể áp dụng hình phạt tử hình đối với hai người Mỹ ở Ukraine hay không. Có thể họ chỉ muốn cảnh báo cho tổng thống Hoa Kỳ và người dân Hoa Kỳ. Cả hai trường hợp đều đáng báo động như nhau”.

6. Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ có cuộc gặp gỡ trực tuyến với gia đình anh Andy Huỳnh Ngọc Tài

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có một cuộc trò chuyện trực tuyến với gia đình các binh sĩ Hoa Kỳ bị bắt tại Ukraine bao gồm gia đình của các cựu quân nhân Alexander Drueke và Andy Huỳnh Ngọc Tài, những người tình nguyện bảo vệ Ukraine chống lại quân xâm lược Nga, cũng như gia đình của ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner, người đã bị giam giữ ở Nga từ tháng Hai.

Diễn biến này xảy ra sau khi phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh hăm dọa họ sẽ bị xử tử hình.

7. Liz Truss tuyên bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm thứ Ba cho biết chính phủ quyết tâm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga khi bà hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.

Bà Liz Truss nói “Chúng tôi quyết tâm cung cấp thêm vũ khí, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ Ukraine đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ của họ.

Điều này xảy ra khi các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu như Đức đã cam kết gửi vũ khí cho Ukraine.

Nhiều công dân Nga có ảnh hưởng đã được thêm vào danh sách trừng phạt của Vương quốc Anh kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm du lịch đến Vương quốc Anh.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết: “Hôm nay chúng tôi đang tấn công vào những kẻ kích động và thủ phạm cuộc chiến của Putin, những người đã mang lại đau khổ không thể kể xiết cho Ukraine, bao gồm cả việc ép buộc chuyển giao và nhận trẻ em”.

“Chúng tôi sẽ không mệt mỏi trong việc bảo vệ tự do và dân chủ, và tiếp tục gây áp lực lên Putin, cho đến khi Ukraine thành công.”
 
Kinh hoàng: Lái xe lao nhanh vào cảnh sát và đoàn người chờ đợi tại quảng trường Thánh Phêrô
VietCatholic Media
17:06 22/06/2022


1. Lái xe lao thẳng vào đoàn người chờ đợi tại quảng trường Thánh Phêrô

Cảnh báo an ninh xung quanh Vatican tăng cao sau một sự việc hôm Chúa Nhật, trong đó các nhân viên cảnh sát đã bắn vào một chiếc xe đang chạy với tốc độ cao và lao qua hàng rào cảnh sát gần quảng trường Thánh Phêrô ngay trước buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Vào khoảng 10 giờ sáng, chỉ hai giờ trước buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với Đức Thánh Cha Phanxicô, một chiếc BMW màu xám được nhìn thấy đang lái một cách thất thường trên đường Via della Conciliazione, là con phố chính dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô.

Cảnh sát đóng quân gần quảng trường hét lên và ra hiệu cho chiếc xe để cố gắng buộc nó dừng lại, tuy nhiên, chiếc xe tiếp tục chạy trên đường và rẽ vào, và lái dọc theo lối đi bên trái, cuối cùng rẽ vào Piazza Sant'Uffizio, nơi có khách du lịch xếp hàng để kiểm tra an ninh và dừng lại ở các quán cà phê.

Chiếc xe dường như đã lao thẳng về phía cảnh sát, khiến một trong những cảnh sát viên phải bắn vào lốp xe khi nó lao về phía anh ta và một nhóm du khách đang đứng gần đó.

Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ đứng trước “Văn phòng Tòa thánh”, là tòa nhà nơi đặt Bộ Giáo lý Đức tin, đóng cửa khi chiếc xe chạy qua.

Dù bị bắn nổ hai lốp trước nhưng chiếc xe vẫn không dừng lại mà đâm thẳng vào một chiếc xe cảnh sát rồi rẽ vào Via Porta Cavalliggeri và tăng tốc trên đường Gregorio VII, là con phố lớn chạy dọc theo các bức tường của Vatican.

Một đơn vị chống khủng bố đặc biệt được triển khai tại hiện trường cuối cùng cũng có thể chặn được chiếc xe, buộc nó phải dừng lại.

Các cảnh sát sau đó đã nhảy ra khỏi xe của họ và bao vây chiếc xe, chiếc xe được cho là đang lùi lại phía sau như thể nó đang cố gắng chạy thoát, khiến một nhân viên cảnh sát phải nổ súng một lần nữa vào lốp xe.

Sau đó, cảnh sát ập vào chiếc xe, phá cửa kính và dùng súng taser bắn vào người tài xế để làm anh ta phải bất động.

Người lái xe được xác định là Erjol Nako, 39 tuổi, người Albania, người dường như có một số tiền sự liên quan đến buôn bán ma túy và hành hạ vợ cũ của anh ta.

Sau khi bị cảnh sát vô hiệu hóa, Nako đầu tiên được đưa đến đồn cảnh sát, và sau đó là bệnh viện, nơi xét nghiệm máu xác nhận rằng anh ta vừa say rượu vừa say ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông.

Ban đầu, vụ việc được cho là một vụ tấn công khủng bố nhắm vào buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy vũ khí hoặc “vật tấn công” nào khác trong xe của Nako và cho đến nay, không có mối quan hệ nào được thiết lập với các nhóm cực đoan.

Nako, người sau khi được điều trị tại bệnh viện Santo Spirito ở Rome đã bị bắt vì tội chống lại cảnh sát, rõ ràng là một người Công Giáo sùng đạo, vì các tài khoản mạng xã hội của anh ta tràn ngập những lời cầu nguyện, đề cập đến âm nhạc thánh thiêng và thông tin về Rome. Ảnh đại diện của anh trên Facebook là hình ảnh của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, mà trớ trêu thay, lại được Đức Giáo Hoàng Piô 12 tuyên dương là vị thánh bảo trợ của cảnh sát vào năm 1949.

Trước khi đến Vatican, Nako dường như đã vượt qua một trạm kiểm soát của cảnh sát gần Điện Pantheon và sau đó đi qua một đoạn trên Corso Vittorio Emanuele, một trong những con đường chính chạy qua trung tâm thành phố, trước khi đi đến khu vực Vatican.

Nako đã có lúc ném điện thoại di động và ví chứa tất cả tài liệu của mình ra khỏi cửa sổ xe hơi với nỗ lực vô ích để không bị nhận dạng.

Hai cảnh sát viên dường như đã bị thương trong nỗ lực ngăn chặn xe của Nako, nhưng họ đã được xuất viện sau khi được điều trị vết thương và vết bầm nhẹ.

Theo tờ La Reppublica của Ý, có hàng trăm người ở quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật, các chủ cửa hàng và nhân viên phục vụ tại một quán cà phê gần đó đã hối thúc du khách chạy vào cơ sở kinh doanh của họ và đóng cửa, trong khi cảnh sát cố gắng giảm tốc độ chiếc xe.

Động cơ gây ra cơn thịnh nộ của Nako vẫn chưa được làm rõ, nhưng người ta tin rằng đó là kết quả của việc sử dụng ma tuý và có thể là một chứng bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn khiến cảnh sát thành phố phải cảnh giác cao độ, vì chiếc xe hơi lao thẳng xuống một khu du lịch nổi tiếng gợi nhớ đến các vụ tấn công khủng bố trong quá khứ liên quan đến việc xe hơi lao vào đám đông lớn tại các địa điểm du lịch trên khắp Âu Châu.

Vào năm 2015, Via della Conciliazione đã bị đóng cửa không cho giao thông, một phần do mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan gia tăng ở Âu Châu, và cũng vì sự an toàn của những người hành hương xếp hàng vào Đền Thờ Thánh Phêrô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ 2015 đến 2016.

Đồng thời, các thùng kim loại đã được tháo ra khỏi thùng rác công cộng, chỉ để lại một túi nhựa trong suốt treo trên vành để có thể nhìn thấy bên trong và có thể xác định được bất kỳ chất nổ tiềm ẩn nào.
Source:Crux

2. Ủy ban Âu Châu cho biết quá cảnh đường bộ giữa Kaliningrad và Nga đã không bị cấm

Đại diện cấp cao của Ủy ban Âu Châu Josep Borrell cho biết việc vận chuyển đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng khác của Nga đã không bị cấm. Diễn biến này xảy ra sau khi các thành viên Quốc Hội Nga yêu cầu Putin tuyên chiến với Lithuania vì cho rằng nước này đã phong tỏa giao thông đường bộ giữa Nga và Kaliningrad, một thành phố của Nga lọt thỏm giữa Ba Lan và Lithuania, tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của Nga.

“Việc vận chuyển đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng khác của Nga không bị dừng hay bị cấm. Không có sự phong tỏa nào. Quá cảnh của hành khách và hàng hóa vẫn được tiếp tục.”

Tại sao Ủy ban Âu Châu làm rõ điều này? Nó diễn ra sau khi Lithuanian Railways, công ty đường sắt thuộc sở hữu nhà nước, thông báo với Nga rằng bắt đầu từ nửa đêm ngày 18 tháng 6, các chuyến tàu trung chuyển chở hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt sẽ không còn được phép đi qua.

Theo thống đốc vùng Kaliningrad Anton Alikhanov, danh sách hàng hóa bị cấm bao gồm vật liệu xây dựng, xi măng, kim loại và “một số hàng hóa khác quan trọng đối với cả xây dựng và sản xuất”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng quyết định này là “chưa từng có tiền lệ” và là “bất hợp pháp”.

Borrell cho biết Lithuania đã không áp dụng bất kỳ hạn chế quốc gia đơn phương nào và chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên minh Âu Châu.

“Cáo buộc rằng 'Lithuania đang thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga một cách đơn phương ' là sai sự thật. Tuyên truyền thuần túy,” ông nói.

Một quan chức báo chí của Ủy ban Âu Châu xác nhận rằng đại diện của Liên minh Âu Châu tại Mạc Tư Khoa Markus Ederer đã gặp gỡ đại diện của Bộ Nga về chủ đề này vào hôm thứ Ba.

Quan chức này cho biết: “Chúng tôi cũng có thể xác nhận rằng trưởng phái đoàn của chúng tôi tại Nga đã có một cuộc họp tại Bộ Ngoại Giao Nga, nơi ông ấy giải thích quan điểm của chúng tôi và việc thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu”.

3. Sự hào phóng đáng kinh ngạc của một người trúng xổ số Canada

Nhiều người mơ trúng xổ số với hy vọng nó sẽ giúp họ chấm dứt tình trạng khốn khó về tài chính hoặc cho phép họ vung tiền vào những thứ mà họ hằng mong muốn. Nhưng khi Marcel Lussier ở Brossard, Montreal, biết rằng anh đã thắng được số tiền khổng lồ 70 triệu đô la trong giải xổ số Canada vào tháng này, suy nghĩ của anh đã chuyển sang giúp đỡ người khác.

Lussier, người đã nghỉ hưu sau cả đời làm việc cho Hydro-Quebec, nói rằng anh muốn sử dụng một số tiền ấy để giúp xây dựng lại Ukraine và đã thảo luận về khả năng quyên góp những ngôi nhà chế tạo sẵn với một doanh nhân.

Người yêu thích lịch sử tự thú nhận cũng muốn sử dụng tiền của mình cho các mục đích gia mà anh ấy mô tả là “gần gũi với trái tim mình”. Theo Montreal Gazette, anh ấy muốn xây dựng một trung tâm giúp đỡ người lớn mắc chứng tự kỷ ở Quebec.

Ngoài việc làm bác ái, Lussier cũng thể hiện khía cạnh lãng mạn của mình. Khi kế hoạch bị hủy trong COVID, anh ấy muốn đưa vợ đi du ngoạn trên du thuyền và anh ấy cũng hy vọng sẽ thỏa mãn niềm đam mê lịch sử của mình bằng cách đi du lịch nhiều hơn để mở rộng nghiên cứu về các nhân vật lịch sử mà anh ấy đã nghiên cứu kể từ khi nghỉ hưu cách đây 20 năm.

Người cHồng Yêu thương vợ và các con chia sẻ với CTV News rằng khi anh ấy kiểm tra trang web xổ số vào buổi sáng sau khi quay thưởng “đó là một ngày bình thường như những người khác, không có gì căng thẳng cả. Tôi đã bình tĩnh, tự nhiên. Nhưng khi nhìn thấy những con số của mình hiện lên, anh ấy có thể cảm thấy huyết áp của mình tăng lên một chút.

Thật sảng khoái khi thấy ai đó thực hiện những kế hoạch cao cả như vậy cho việc trúng số của họ. Hy vọng rằng những đóng góp của Lussier cho những mục đích được ưu ái của ông ấy sẽ mang lại nhiều kết quả trong nhiều năm tới.