Ngày 26-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 27/06: Hiện Tượng Nên Thánh lâm thời – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
01:54 26/06/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”. Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:48 26/06/2024

4. Cầu nguyện so với tất cả sức mạnh của ma quỷ thì mạnh hơn nhiều.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:54 26/06/2024
92. HOA AN LẤY VỢ

Đường Tử Úy ngồi thuyền đi qua Vô Tích, nhìn thấy trên bờ có một đoàn kiệu từ phía đông đi đến, theo sau có rất nhiều nữ tỳ, trong đó có một cô búi tóc dài rất đẹp. Họ Đường bèn lên bờ đi theo mới biết đó là người nhà của cử nhân họ Hoa, bèn xin làm thư đồng và đổi tên là “Hoa An”.

Cử nhân Hoa rất tin yêu anh ta, kiếm vợ cho hắn, Đường Tử Úy do đó mà được cô nữ tỳ kia, đặt tên cho cô là “Quế Hoa”.

Mấy ngày sau, vợ chồng bí mật trốn chạy, cử nhân Hoa truy tìm đâu cũng không thấy. Rất lâu sau đó, cử nhân Hoa ngẫu nhiên qua Xướng Môn ở Tô Châu du ngoạn, nhìn thấy trong tiệm sách có người đang ngồi giở sách đọc, rất giống Hoa An, bèn đi nghe ngóng xem sao, có người nói:

- “Ông ta là Khang giải nguyên” (1)

Qua ngày hôm sau cử nhân Hoa đi thăm, sau khi tìm hiểu chi tiết đầu đuôi ngọn nguồn thì đoán định hắn ta là Hoa An, bèn đem chút ít sách của Hoa An nói lui nói tới để thử hắn, Khang giải nguyên chỉ là “ừ ừ” cách vô nghĩa, cử nhân Hoa nói:

- “Dung mạo của Hoa An rất giống ngài, không biết duyên cớ tại sao?”

Đường giải nguyên lại “ừ ừ”. Rót rượu đã mấy lần bèn dẫn ông ta đi ra sau nhà, kêu các nữ tỳ đang xúm quanh bên tân nương ra nghênh tiếp, nói:

- “Vừa rồi ngài nói tôi giống Hoa An, không biết Quỳ Hoa có giống người nữ này không?

Cử nhân Hoa hiểu ý cười lớn và cáo từ.

(Nhã Ngược)

Suy tư 92:

Người giống người là chuyện thường không có gì đáng ngạc nhiên cả, có ngạc nhiên chăng là hai người đều quen biết nhau nhưng lại không nhận ra nhau, họ không nhận ra nhau là vì nơi họ vẫn còn có những cái mâu thuẫn âm thầm với nhau.

Có những người Ki-tô hữu luôn tự cho mình là người ưu tuyển của Thiên Chúa, nên nhận không ra người quen thân, kể cả người bà con nghèo khó của mình; có người khi hoạn nạn thì đi đâu làm gì cũng không thể quên nhau được, nhưng lên được cái chức, tậu được cái xe đời mới thì tự nhiên “trí nhớ” kém hẳn không còn nhận ra bà con bạn bè nữa...

Giàu có đúng là khiếp thật, nó làm cho con người ta mất đi cái “trí nhớ” dễ thương khi còn hàn vi...

Chỉ những ai luôn tự nhận mình là người tội lỗi mới không quên bạn bè họ hàng thân thuộc của mình mà thôi...

(1) Tú tài đi tỉnh thi hương đỗ hạng nhất.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Đức Tin cứu sống
Lm. Thái Nguyên
05:07 26/06/2024


ĐỨC TIN CỨU SỐNG
Chúa Nhật 13 Thường Niên năm B. Mc 5, 21-43

Suy niệm

Chúa Giêsu đến trần gian không phải để làm nghề chữa bệnh, nhưng là để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người, để tất cả những ai tin vào Ngài thì được ơn cứu độ. Tuy nhiên, hiệu quả của đức tin không chờ đợi tới đời sau mới trọn vẹn, mà còn hữu hiệu ngay trong hiện tại, như trường hợp người phụ nữ bị băng huyết được chữa lành.

Băng huyết là thứ bệnh mà đối với người Do thái không chỉ ô nhơ về mặt thể lý mà họ còn coi nó là một thứ ô uế luân lý. Vì thế, có luật cấm những kẻ mắc bệnh đó không được chạm tới người khác, vì chạm tới ai thì người ấy cũng bị lây ô uế. Biết thế, nên người phụ nữ không dám công khai xin Đức Giêsu cứu chữa mình, nhưng chị âm thầm len lỏi vào trong đám đông, tìm cách lén chạm vào tua áo Ngài, vì tin rằng chỉ cần như vậy là được khỏi bệnh. Giữa đám đông chen lấn, có bao người chạm vào Đức Giêsu, nhưng cái chạm của người nữ này khiến Ngài cảm thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra. Vì đó là cái chạm của lòng tin mạnh mẽ, cái chạm này đã đụng tới sức thiêng, khiến người phụ nữ được giải thoát khỏi cơn bệnh ngặt nghèo đã 12 năm.

Tiếp theo là phép lạ thứ hai khi ông Giairô đến xin Đức Giêsu cứu chữa con gái ông bị bệnh gần chết. Ông là trưởng hội đường, một thành viên vị vọng thuộc hàng kỳ mục, thế mà ông lại sụp xuống dưới chân Đức Giêsu, dù Ngài chẳng có chức sắc gì, chỉ là một ông thầy giảng thuyết nay đây mai đó, mà còn bị giới lãnh đạo nghi kỵ và tìm cách loại trừ. Điều khá lạ lùng là ông đích thân đến với Đức Giêsu chứ không sai người nhà. Có lẽ ông ta phải đi vì chẳng còn ai khác chịu đi, khi thấy tình trạng cô bé đã vô vọng. Thế nhưng ông vẫn hy vọng và đến cầu cứu Đức Giêsu. Ngài đi với ông về nhà, bất ngờ người nhà đến báo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?". Thấy ông hốt hoảng, nên Đức Giêsu trấn an: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.".

Khi đến nơi, Đức Giêsu chỉ đưa riêng ba môn đệ thân tín vào nhà với Ngài. Thấy người ta khóc lóc kêu la ầm ĩ, Ngài nói: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !" Nghe vậy, họ chế nhạo Ngài. Rồi Ngài đến, cầm tay em bé và truyền cho em chỗi dậy. Em bé đứng dậy và đi lại trước sự kinh ngạc sững sờ trước sự chứng kiến của mọi người xung quanh.

Cũng như ba môn đệ thân tín, người Kitô hữu là người được Đức Giêsu tách riêng ra để trải nghiệm quyền lực của Ngài qua những hoàn cảnh gay go. Chắc chắn Đức Giêsu không muốn chúng ta nhắm mắt khi đứng trước các giới hạn của khả năng con người, hoặc chao đảo giữa ảo tưởng và thất vọng. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào trước những tình trạng ngặt nghèo? Mời gọi người ta bình tĩnh giữ vững niềm tin hay lại hùa theo số đông, buông xuôi theo hoàn cảnh như một định mệnh khắc nghiệt? Đừng quên, với Chúa mọi sự đều có thể. Dù không được ngay theo ý mình nhưng tình huống sẽ được xoay trở cách nào đó.

Cả hai phép lạ xảy ra nhờ lòng tin. Đức tin làm nên phép lạ. Thiếu đức tin, Chúa chẳng thể làm gì cho ta. Đức tin là ơn Chúa ban, nhưng cũng là nỗ lực của ta qua việc nối kết với Chúa từ chính trái tim mình, nhờ việc chạm đến: người phụ nữ chạm đến Chúa, và để Chúa chạm đến em bé. Trái tim tạo nên nhịp sống, và phép lạ là khơi dậy sự sống. Sự sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt sáng của tâm hồn mới cho ta nhận ra phép lạ liên tục. Ta sống đích thực và dồi dào khi biết tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa như một phép lạ.

Thông điệp của bài Phúc Âm không chỉ mời gọi ta sống đức tin sâu xa vào Chúa mà còn mời gọi sống như Chúa. Nghĩa là hãy tiếp nối sự hiện diện của Chúa để xoa dịu những nỗi đau khổ cho anh chị em mình. Chúng ta không có quyền năng như Chúa, nhưng nếu chúng ta sống thân thiết với Chúa và có được tấm lòng của Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ hành động qua chúng ta để đem lại ơn phúc cho người khác.

Trong hành trình phục vụ, nếu ta tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, Đấng luôn khai mở và kiện toàn lòng tin của mọi người, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước, dù con đường trước mắt có vẻ đã khép lại. Ngoài ra, trong trăm công ngàn việc nhằm phục vụ cho hạnh phúc của con người, chúng ta vẫn được mời học lấy cái nhìn tinh tế và ân cần của Đức Giêsu: “cho con bé ăn”. Ngài thấy nhu cầu nhỏ bé của từng con người trong những nhu cầu thực tế của họ. Ngài không bao giờ vì số đông mà quên từng cá nhân, để đem lại cho mỗi người niềm vui sống.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Nếu chỉ đặt hy vọng ở đời này,
thì con sẽ là người bất hạnh nhất,
vì cuối cùng cũng chỉ là bụi đất,
ngoài Chúa ra chẳng có gì hy vọng.
Xin cho con một đức tin sâu thẳm,
để thấy Chúa đang ẩn mình trong con,
đang ẩn thân trong mọi người mọi sự.
Xin cho con một đức tin sống động,
để thấy Chúa vẫn yêu thương hành động
đang chữa lành và giải phóng nhân tâm.
Xin cho con một đức tin vững vàng,
để chuyển thông một sức sống bình an,
khiến lo âu sợ hãi dần tan biến.
Xin cho con một đức tin vô chấp,
không động lòng cao thấp trước lợi danh,
không màng chi địa vị với quyền hành.
Xin cho con một đức tin tinh ròng,
để thấy được những gì Chúa ước mong,
và hiểu được những gì con phải sống.
Xin cho con một đức tin sáng suốt,
biết phân định và phán đoán khôn ngoan,
giữa sáng tối và vàng thau lẫn lộn.
Xin cho con một đức tin kiên cường,
dám can trường làm chứng tá tình thương,
không sợ gì những nhiễu nhương thế sự.
Xin cho con một đức tin lên đường,
dám đến với mọi người khắp bốn phương,
đi gieo rắc Tin Mừng về muôn hướng. Amen.
 
Hãy vững tin và tha thiết nguyện cầu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:32 26/06/2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – B
(Mc 5, 21 – 43)
Hãy vững tin và tha thiết nguyện cầu

Thế giới nhìn chung đang có nhiều bất ổn về chính trị, an ninh, điển hình là chiến sự giữa Nga và Ucraina không những tiếp tục dai dẳng, mà còn gia tăng không khoan nhượng. Tiếp đó là cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông giữa Hamas và Israel vẫn ngày đêm bom rơi. Cả hai cuộc chiến này hiện nay vẫn vô cùng căng thẳng, và hiện chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.

Động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, cháy nhà, nóng, lạnh bất thường xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống, chỉ tăng 3%.

Trí tuệ nhân tạo bùng nổ với công cụ ChatGPT được công ty OpenAI tung ra, mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong năm qua. Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm qua.

Khát vọng sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng bệnh tật, khổ đau và cái chết không chỉ trong tư tưởng nhưng là một khát vọng sâu xa nhất của con người ở mọi nơi mọi thời. Khát vọng ấy thật chính đáng và có thể, vì cái chết không phải là một phần trong sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, vì “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, và mọi loài trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1,13-14).

Thiên Chúa là Đấng hằng sống, nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Con người đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Ngài là nguồn sống bất diệt nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Vạn vật vì liên đới với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23).

Lời Thánh Kinh nói rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính tự do của con người khi cắt đứt với nguồn sống đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật. Chỉ có Thiên Chúa quyền năng mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết. Chúa “sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ” (Tv 16, 10). Chúa là Sự Sống: “Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…” (Kn 1, 13).

Chúa Giêsu là đầu và là trưởng tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là “đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông “sụp lạy và van xin” Chúa Giêsu (x. Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết đến, ông tiên phong tin cậy vào Chúa. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.

Chúng ta cũng thế, khi những đại hoạ nhân tai, thiên tai xảy đến khiến hy vọng tiêu tan nơi nhiều người, thì lòng tin và lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật cần thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến… để nó được khỏi và được sống!“ không nhận được một lời đáp trả nào của Chúa Giêsu, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện. Nhưng Chúa vẫn luôn đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta. Vậy, chúng ta hãy giục lòng tin và cầu xin Chúa cứu giúp.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng, Chúa không tạo ra cái chết, Chúa cũng chẳng vui gì khi chúng con bị diệt vong, xin cứu giúp chúng con, lạy Chúa. Amen.
 
Trên cát, trên đá
Lm. Minh Anh
16:12 26/06/2024
TRÊN CÁT, TRÊN ĐÁ
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời!”.

“Con đường dài nhất là con đường từ đôi tai đến đôi tay; không thể có niềm tin Kitô mà không có dấn thân. Không thể là môn đệ Chúa Kitô mà không đi con đường phục vụ Ngài đi. Không thể chỉ nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa là sẽ được vào Nước Trời!’” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con đường dài nhất là con đường từ đôi tai đến đôi tay!”. Lời Chúa hôm nay nói đến kẻ dại người khôn; đặc biệt với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu so sánh hai hạng người xây nhà: người xây ‘trên cát’, kẻ xây ‘trên đá’ khi họ thực thi hay không thực thi lời Ngài.

Lề luật thời Cựu Ước, Phúc Âm thời Tân Ước không chỉ để nghe, nhưng để sống; chân lý mặc khải không chỉ để hiểu, nhưng để thực hành; bác ái không chỉ để xúc động, nhưng để áp dụng bằng những việc làm cụ thể. Cũng thế, Thánh Lễ không chỉ ở trong nhà thờ nhưng phải kéo dài cả ngoài nhà thờ.

Israel đã ghi lại một giai đoạn lịch sử xám xịt của mình. Như vua cha Salomon, người đã xây đền thờ nguy nga, đem vào đó bao vật dụng quý báu, thì vua con - Giơhôgiakhin - coi vậy là đủ để rồi, dại dột buông mình cho thần ngoại. Thiên Chúa nổi giận, phó mặc vua cho Nabucodonosor. Vậy là Giêrusalem thất thủ, bình vàng chén bạc bị đập vỡ tan tành, vua tôi bị bắt đi lưu đày - bài đọc một. Cha con Salomon là hạng xây nhà ‘trên cát’.

Sống niềm vui Tin Mừng là sống điều Chúa Giêsu dạy trong đời sống hằng ngày. Ngài gọi đó là hạng khôn ngoan xây nhà ‘trên đá’, “Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá”. Chính việc thực thi Lời Chúa bằng một đời sống yêu thương mới là nền tảng của một niềm tin không hề chuyển lay.

Chúng ta nghĩ thế nào khi đọc những lời dưới đây trên bia mộ của một người chưa biết Chúa, “Các người gọi Giêsu là Thầy, thế mà các người không học được gì nơi Ngài; các người gọi Ngài là ánh sáng, thế mà các người không thấy Ngài; các người gọi Ngài là sự thật, thế mà các người không tin Ngài; các người gọi Ngài là đường, thế mà các người không đi theo Ngài; các người gọi Ngài là sự sống, thế mà các người không ước muốn Ngài. Thật tiếc, tôi chưa kịp thấy Giêsu nơi các người!”.

Ngày kia, một hành khách than phiền, “Trời đất, người ta xây nhà ga cách làng đến ba cây số!”. Anh phu xe an ủi, “Chắc họ có ý để nhà ga gần mấy chiếc xe lửa!”. Vô lý, một nhà ga hiện đại cách xa con người đến ba cây số khác nào một nhà thờ lúc nào cũng nhộn nhịp. Oái ăm thay! Những con người đó cách xa cuộc sống ‘chỉ có ba phân!’.

Anh Chị em,

“Không thể chỉ nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa là sẽ được vào Nước Trời!’”. Trong và ngoài nhà thờ cách nhau ‘chỉ có ba phân!’. Sống Lời Chúa là làm khít lại khoảng cách ít ỏi đó - xây nhà ‘trên đá’; và như thế, bác ái chính là giấy thông hành để vào Nước Trời. Chúa Kitô bị che khuất bởi bao môn đệ nói về Ngài nhưng chưa sống như Ngài; người ta không phê bình Chúa Kitô, nhưng chỉ trích Kitô hữu vì họ không giống Ngài - xây nhà ‘trên cát’. Vì người ta chỉ tin Chúa Kitô khi có thể tin vào tình yêu của những kẻ loan báo Ngài, đá tảng của họ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết, ngày kia, Chúa chỉ hỏi con, ‘Giấy thông hành con đâu?’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
28/06: Nếu muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch. Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến, Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
23:28 26/06/2024


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”. Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh”. Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: “Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết”.

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Nhân dịp ngày Quốc tế, Chống lạm dụng và buôn bán trái phép ma túy
Vũ Văn An
14:14 26/06/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Thứ tư, 26 tháng 6 năm 2024, nhân dịp ngày Quốc tế, Đức Phanxicô đã nói đến việc chống lạm dụng và buôn bán trái phép ma túy. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng! Tôi không thể nghe thấy anh chị em!

Hôm nay đánh dấu Ngày Quốc tế chống lạm dụng ma túy và buôn bán bất hợp pháp do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1987. Chủ đề năm nay là Bằng chứng đã rõ ràng: Đầu tư vào việc phòng ngừa.

Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Việc lạm dụng ma túy làm nghèo đi mọi cộng đồng nơi nó hiện hữu. Nó làm suy giảm sức mạnh con người và cơ cấu đạo đức. Nó làm xói mòn những giá trị quý giá. Nó phá hủy ý chí sống và đóng góp cho một xã hội tốt đẹp hơn.”[1] Điều này thúc đẩy việc lạm dụng ma túy và sử dụng ma túy. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta hãy nhớ rằng mỗi người nghiện “có một câu chuyện cá nhân độc đáo và phải được lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương, và, trong chừng mực có thể, được chữa lành và thanh tẩy… Họ tiếp tục sở hữu, hơn bao giờ hết, một phẩm giá như là con Thiên Chúa.”[2] Mọi người đều có phẩm giá.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua những ý đồ và hành động xấu xa của những kẻ buôn bán ma túy. Họ là những kẻ giết người. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã dùng những lời lẽ nghiêm khắc trong chuyến viếng thăm một cộng đồng trị liệu. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô đã nói: “Do đó, tôi kêu gọi những kẻ buôn bán ma túy hãy suy gẫm về tác hại nghiêm trọng mà chúng đang gây ra cho vô số người trẻ và người lớn thuộc mọi tầng lớp trong xã hội: Thiên Chúa sẽ yêu cầu các bạn giải trình về những việc làm của mình. Nhân phẩm không thể bị chà đạp theo cách này.”[3] Và ma túy chà đạp lên phẩm giá con người.

Việc giảm nghiện ma túy không thể đạt được bằng cách tự do hóa việc sử dụng ma túy - đây chỉ là một điều viển vông! – như đã được một số nước đề xuất hoặc đã được triển khai ở một số nước. Nó giống như thế này: bạn tự do hóa và ma túy thậm chí còn được tiêu thụ nhiều hơn. Biết rất nhiều câu chuyện bi thảm của những người nghiện ma túy và gia đình họ, tôi tin chắc rằng việc chấm dứt việc sản xuất và buôn bán những chất nguy hiểm này là một nghĩa vụ đạo đức. Có bao nhiêu kẻ buôn bán cái chết - bởi vì những kẻ buôn bán ma túy là những kẻ buôn bán cái chết! – có bao nhiêu kẻ buôn bán cái chết, bị thúc đẩy bởi luận lý học quyền lực và tiền bạc bằng bất cứ giá nào! Và tai họa này, vốn tạo ra bạo lực, gieo rắc đau khổ và chết chóc, đòi hỏi một hành động can đảm từ toàn thể xã hội chúng ta.

Sản xuất và buôn bán ma túy cũng có tác động tàn phá đến ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này ngày càng trở nên rõ ràng, chẳng hạn như ở lưu vực sông Amazon.

Một cách quan trọng khác để chống lại việc lạm dụng và buôn bán ma túy là thông qua phòng ngừa, được thực hiện bằng cách thúc đẩy công lý hơn, giáo dục giới trẻ về các giá trị xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng, đồng hành với những người gặp khó khăn và mang lại niềm hy vọng cho tương lai.

Trong cuộc hành trình của tôi đến các giáo phận và quốc gia khác nhau, tôi đã có thể đến thăm một số cộng đồng phục hồi được Tin Mừng truyền cảm hứng. Họ là những chứng nhân mạnh mẽ và đầy hy vọng cho sự dấn thân của các linh mục, những người nam nữ thánh hiến và giáo dân trong việc thực hành dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu. Vì vậy, tôi cũng được an ủi trước những nỗ lực được thực hiện bởi các hội đồng giám mục khác nhau nhằm cổ vũ luật pháp và chính sách công bằng liên quan đến việc điều trị những người nghiện sử dụng ma túy và việc ngăn chặn tai họa này.

Để làm ví dụ, tôi đơn cử mạng lưới La Pastoral Latinoamericana de Acompañamiento y Prevençión de Adicciones (PLAPA=Mục vụ Châu Mỹ Latinh Đồng hành và Ngăn chặn Các Chứng Ngiện ). Điều lệ của mạng lưới này công nhận rằng “nghiện rượu, chất kích thích thần kinh và các hình thức nghiện khác (nội dung khiêu dâm, công nghệ mới, v.v.)... là một vấn đề ảnh hưởng đến chúng ta một cách bừa bãi, vượt ra ngoài các khác biệt địa lý, xã hội, văn hóa, tôn giáo và tuổi tác. Bất chấp những khác biệt… chúng tôi muốn tổ chức như một cộng đồng: để chia sẻ các kinh nghiệm, nhiệt huyết, khó khăn.”[4]

Tôi cũng xin nhắc đến các Giám mục Nam Phi, vào tháng 11 năm 2023 đã triệu tập một cuộc họp về “Trao quyền cho giới trẻ như những tác nhân của hòa bình và hy vọng”. Các đại diện thanh niên có mặt tại cuộc họp đã ghi nhận hội nghị đó là “một cột mốc quan trọng hướng tới THANH NIÊN khỏe mạnh và năng động trên toàn khu vực”. Họ cũng đã đưa ra một lời hứa. Lời hứa của họ như sau: “Chúng tôi chấp nhận vai trò là Đại sứ và Cổ vũ những người sẽ đấu tranh chống lại việc sử dụng chất gây nghiện. Chúng tôi nài xin tất cả các bạn trẻ hãy luôn tương cảm với nhau trong mọi lúc.”[5]

Anh chị em thân mến, khi phải đối mặt với bi kịch – thật bi thảm phải không? – tình trạng bi thảm của nạn nghiện ma túy của hàng triệu người trên thế giới, trước vụ tai tiếng sản xuất và buôn bán trái phép các loại ma túy đó, “chúng ta không thể thờ ơ. Chúa Giêsu dừng lại, đến gần, chữa lành vết thương. Theo phong cách gần gũi của Người, chúng ta cũng được mời gọi hành động, dừng lại trước những tình huống mong manh và đau đớn, biết lắng nghe tiếng kêu cô đơn và thống khổ, cúi xuống để nâng đỡ và làm sống lại những ai rơi vào chế độ nô lệ ma túy đó.”[6] Và chúng ta cũng cầu nguyện cho những tội phạm chi xài và đưa ma túy cho giới trẻ: họ là tội phạm, họ là những kẻ giết người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải của họ.

Trong Ngày Ma túy Thế giới này, với tư cách là các Kitô hữu và cộng đồng giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho ý hướng này và đổi mới cam kết cầu nguyện cũng như nỗ lực chống lại ma túy. Cám ơn anh chị em!

_____________________________________________________________________________________________________________________

[1] Thông điệp gửi các đại diện của Hội nghị quốc tế về “Lạm dụng ma túy và buôn bán bất hợp pháp” (4 tháng 6 năm 1987).
[2] Diễn văn với những người tham gia cuộc họp do Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học tài trợ về “Ma túy: Các vấn đề và giải pháp cho vấn đề hoàn cầu này (24 tháng 11 năm 2016).

[3] Diễn văn với cộng đồng sống ở “Fazenda da Esperança”, Brazil, ngày 12 tháng 5 năm 2007.

[4] https://adn.celam.org/wp-content/uploads/2023/09/Carta-a-la-Iglesia-de-ALC-PLAPA-14sept2023-CL.pdf

[5] https://imbisa.africa/2023/11/21/statement-following-the-imbisa-youth-meeting/

[6] Thông điệp gửi tới những người tham gia Đại hội quốc tế các nhà độc chất pháp y lần thứ 60 (26 tháng 8 năm 2023).
 
Bộ trưởng Truyền thông Vatican về việc sử dụng nghệ thuật Rupnik: ‘Tôi không nghĩ chúng ta phải ném đá’
Vũ Văn An
17:01 26/06/2024

Paulina Guzik của tạp chí Our Sunday Visitor tường trình rằng Ông Paolo Ruffini, người đứng đầu Bộ Truyền thông Vatican, tại Hội nghị Truyền thông Công Giáo ở Atlanta ngày 21 tháng 6 năm 2024 đã trả lời các câu hỏi do các nhà báo đặt ra về việc Bộ thường xuyên đăng các tác phẩm nghệ thuật của Cha Marko Rupnik – một linh mục ở Rome bị cáo buộc về việc lạm dụng tình dục nhiều phụ nữ – trên trang web Vatican News và các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là để minh họa cho những ngày lễ của Giáo hội.



“Là (những) Ki-tô hữu, chúng ta được yêu cầu không phán xét,” Ông Paolo Ruffini nói trước một căn phòng đầy các chuyên gia truyền thông sau khi phát biểu tại Hội nghị Truyền thông Công Giáo. Ông giải thích rằng mặc dù quá trình điều tra của Vatican về Cha Rupnik vẫn đang được tiến hành, “theo quan điểm của chúng tôi, việc dự đoán trước một quyết định là điều không tốt”.

Ông cho rằng, “Có những điều chúng ta không hiểu”. Ông Ruffini cũng nói thêm rằng người ta “không đưa vào bất cứ bức tranh mới nào” về tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik, mà chỉ sử dụng những gì họ có. Ông nói: “Chúng tôi không quyết định những gì không thuộc trách nhiệm quyết định của chúng tôi”.

Vào tháng 12 năm 2022, trụ sở Dòng Tên ở Rome tiết lộ rằng họ đã đình chỉ tư cách thành viên của linh mục và nghệ sĩ khảm nổi tiếng có trụ sở tại Rome sau khi có cáo buộc lạm dụng tình dục, nhưng các viên chức Dòng Tên cho biết các tuyên bố này đã bị Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican bác bỏ vì thời hiệu (statute of limitations) 20 năm của Giáo Hội.

Vào tháng 6 năm 2023, Dòng Tên cho biết họ đã trục xuất Cha Rupnik vì bất tuân sau khi thu thập một hồ sơ dài 150 trang về những cáo buộc đáng tin cậy chống lại ngài, được cho là có liên quan đến từ 20 tới 40 phụ nữ.

Tuy nhiên, vào ngày 27 tháng 10 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã miễn thời hiệu và chỉ thị cho Bộ giáo lý khởi động một cuộc điều tra mới sau khi Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên nêu bật “những vấn đề nghiêm trọng” trong việc xử lý trường hợp của vị linh mục này.

Đề cập đến “nền văn minh” và “nhân tính qua nhiều thế kỷ”, Ruffini đã trực tiếp trả lời câu hỏi mà một số người đã đưa ra về việc loại bỏ hoặc phá hủy nghệ thuật của Cha Rupnik.

Ông Ruffini nói: “Cởi bỏ, xóa bỏ, phá hủy tác phẩm nghệ thuật chưa bao giờ là một lựa chọn tốt”, đồng thời đề cập đến nghệ sĩ huyền thoại người Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio, được biết đến rộng rãi với cái tên đơn giản là Caravaggio, người đã giết một người đàn ông trong suốt cuộc đời mình.

Ruffini nói: Việc loại bỏ tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik khỏi không gian công cộng “không phải là một phản ứng của Kitô giáo”.

Trả lời câu hỏi đầu tiên được đặt ra bởi Colleen Dulle của Tạp chí America do Dòng Tên xuất bản, Ông Ruffini nhắc đến việc Lãnh đạo Dòng Tên ở Rome đã không loại bỏ tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik khỏi nhà nguyện của họ.

Ông Ruffini nói: “Tôi nghĩ đây cũng là điều có thể truyền cảm hứng cho việc làm Ki-tô hữu”, đồng thời khuyến khích sự kiên nhẫn đối với quyết định của các cơ quan điều tra vụ việc của Vatican.

Trong một câu hỏi tiếp theo, Our Sunday Visitor News đã hỏi Ruffini rằng sự hiệp thông thông qua truyền thông, mà vị tổng trưởng đã đề cập trong bài phát biểu với các nhà báo tập trung ở đó, tương ứng như thế nào với sự hiệp thông với các nạn nhân bị lạm dụng liên quan đến việc đăng các hình ảnh của Cha Rupnik lên trang web Vatican News, và những gì ông muốn nói cụ thể với các nạn nhân về những bình luận của ông.

Ruffini trả lời: “Sự gần gũi của Giáo hội với bất cứ nạn nhân nào là điều rõ ràng.

Ông nói thêm, “Nhưng rõ ràng là có một thủ tục đang diễn ra. Vì vậy chúng ta phải đợi thủ tục.”

Ôg Ruffini nói: “Chúng tôi không nói về việc lạm dụng trẻ vị thành niên. Chúng ta đang nói về một câu chuyện mà chúng ta không biết.”

“Và tôi nghĩ rằng với tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải hiểu rằng sự gần gũi với các nạn nhân là điều quan trọng. Nhưng tôi không biết đây là cách chữa lành”, Ruffini nói thêm và nói rằng “có những người đang cầu nguyện trong các thánh đường của nhiều nhà thờ trên khắp thế giới” trước những bức tranh khảm do Cha Rupnik tạo ra.

Ông nói: “Tôi không nghĩ chúng ta phải ném đá vì nghĩ đó là cách chữa lành”.

“Bạn có nghĩ rằng nếu tôi cất một bức ảnh nghệ thuật (cách xa) khỏi… trang web của chúng tôi, tôi sẽ gần gũi với các nạn nhân hơn không? Bạn có nghĩ vậy không?" ông ép các nhà báo ở cuối câu trả lời của mình. Khi câu trả lời được đưa ra là khẳng định, Ruffini trả lời: "Tôi nghĩ bạn nghĩ sai."

Sinh ra tại Zadlog, Slovenia, Cha Rupnik được thụ phong linh mục năm 1985 và trở nên nổi tiếng nhờ những bức tranh khảm quy mô lớn, được trưng bày tại hơn 200 trung tâm Công Giáo trên toàn thế giới, bao gồm Nhà nguyện Redemptoris Mater của Vatican và Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington.

Sau những cáo buộc lạm dụng tinh thần và tình dục từ hàng chục phụ nữ, bao gồm cả các cựu nữ tu của Cộng đồng Loyola, lời kêu gọi dỡ bỏ các tác phẩm nghệ thuật của vị linh mục này đã phát xuất từ các nhóm vận động.

Các nạn nhân được cho là của Cha Rupnik nói với Our Sunday Visitor News vào tháng 4 rằng nghệ thuật của ngài không thể tách rời khỏi những cáo buộc lạm dụng.

Gloria Branciani, một cựu nữ tu của Cộng đồng Loyola ở Slovenia, người đã cáo buộc Cha Rupnik lạm dụng cô trong 9 năm khi tu sĩ Dòng Tên còn là giám đốc tinh thần của Cộng đồng Loyola, đã xác nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa công việc nghệ thuật của Cha Rupnik và những hành vi lạm dụng mà ngài bị cáo buộc đã vi phạm.

“Nơi Rupnik, chiều hướng tình dục không thể tách rời khỏi trải nghiệm sáng tạo,” Branciani nói với Our Sunday Visitor News khi được hỏi về các dự án nghệ thuật của ngài. Cô giải thích: “Khi miêu tả tôi, ông ấy giải thích rằng tôi đại diện cho nữ tính vĩnh cửu: Cảm hứng nghệ thuật của ông ấy bắt nguồn chính xác từ cách ông ấy tiếp cận tình dục”.

Vào ngày 21 tháng 2, Vatican News đưa tin Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican “đã liên hệ với một số tổ chức trong những tháng qua để có được tài liệu liên quan đến Cha Marko Rupnik,” và Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã xác nhận rằng cuộc điều tra của Bộ là “ được mở rộng sang các thực tại khác của Giáo hội mà trước đây chưa từng được tiếp xúc”.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình,khi chào đón những người vợ và người mẹ Ukraine
Thanh Quảng sdb
21:31 26/06/2024
Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình,khi chào đón những người vợ và người mẹ Ukraine.

Trước Lễ trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện với các Thánh Bổn mạng của Rome ban hòa bình cho đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, cho Đất Thánh và Myanmar.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Trong tâm tình thông cảm với những người dân đang đau khổ đang bị chiến tranh hoành hành trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón những người vợ và người mẹ Ukraine sau buổi Tiếp kiến chung hôm nay thứ Tư (26/6/2024) tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và nhiều nơi khác trên thế giới, trước khi kết thúc buổi Tiếp kiến, ngài nhắc lại Lễ trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô sắp tới, được cử hành hàng năm vào ngày 29 tháng 6.

"Vào thứ Bảy", Đức Thánh Cha Phanxicô nói, "chúng ta sẽ cử hành Lễ trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô, Thánh Bổn mạng của Rome".

"Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của các ngài," ngài tiếp tục, "những người dân đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh ở Ukraine, Palestine, Israel và Myanmar để họ sớm tìm thấy hòa bình."

Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả các tín hữu noi gương các Thánh như "những tông đồ truyền giáo" những người "làm chứng cho vẻ đẹp của Phúc âm ở khắp mọi nơi."

Chiến tranh ở Ukraine

Đức Thánh Cha tiếp đón những người vợ và người mẹ Ukraine, và kêu gọi hòa bình cho họ.

Trước Lễ trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện với các Thánh Bổn mạng của Rôma cho ban hòa bình cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, Đất Thánh và Myanmar.
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần hai: TÍN NGƯỠNG VÀ VĂN HÓA, Chương 9: G.K. Chesterton, tiếp theo
Vũ Văn An
21:49 26/06/2024

Chương 9: Sự tươi mát sâu thẳm của sự vật: Cuộc phục hưng văn học Công Giáo

G. K. Chesterton: Người Công Giáo viết theo văn phong Dickens (tiếp theo)

Những tuyên bố về tính ưu việt của Kitô giáo không còn phù hợp với một số người, đặc biệt trong nửa thế kỷ trong đó chính Giáo Hội Công Giáo đã khuyến khích đối thoại giữa các tôn giáo. “Lepanto” có quan điểm rất tiêu cực về Hồi giáo như một kiểu nô lệ so với tự do của Kitô giáo (nô lệ Kitô giáo chèo thuyền trên những con tàu của người Hồi giáo là hình ảnh cụ thể của quan điểm này). Ở đây, hình thức cũng kỳ lạ, đặc biệt là đối với một nhà văn rõ ràng ý thức được dòng chẩy [flow] và hình thức như vậy trong các tác phẩm khác. Có một cách trong đó có lẽ phía quân phiệt của Chesterton—cũng như của Belloc, người đã dự đoán chính xác sự trở lại của chiến tranh Hồi giáo chống lại phương Tây—đơn giản là không tìm thấy hình thức thỏa đáng vì không hề có hình thức thỏa đáng nào cho các trận chiến thời ấy. Khi xử lý các chủ đề lịch sử bằng thơ, Chesterton cố gắng làm cho nó hoạt động hữu hiệu.

Ngược lại, Chesterton hoàn toàn chỉ là ông trong các yếu tố của ông và những từ ngữ kỳ diệu chỉ tuôn ra khi ông đề cập đến khía cạnh khiêm tốn của Kitô giáo, như trong “The Donkey” [Con Lừa]:

Khi cá bay và rừng bước đi
Và sung mọc trên gai
Một lúc nào đó khi mặt trăng là máu
Thì lúc đó, chắc chắn tôi đã được sinh ra.

Với cái đầu quái dị và tiếng kêu ghê rợn
Và đôi tai như đôi cánh lang thang
Qủy nhại đi bộ
Bằng cả bốn chân.

Kẻ ngoài vòng pháp luật tả tơi của trái đất
Của ý chí quanh co cổ xưa
Bỏ đói, trừng phạt, nhạo báng tôi; Tôi lầm lì ít nói,
Tôi vẫn giữ bí mật của mình.

Đồ ngốc! Vì tôi cũng có giờ khắc của mình,
Một giờ dữ dội và ngọt ngào
Có tiếng hét bên tai tôi
Và lòng bàn tay trước chân tôi
.” (47)

Đoạn kết cảm động của bài thơ này, khi Chúa Kitô cưỡi lừa vào thành Giêrusalem để được mọi người tung hô, cho thấy một khía cạnh dịu dàng của Chesterton thường bị bỏ qua giữa sự hài hước và nghịch lý.

Sản lượng khổng lồ của Chesterton—các nghiên cứu về Thánh Phanxicô thành Assisi, Tôma Aquinô, Dickens, Shaw, các tác giả thời Victoria, Cobbett, America (hai cuốn sách), Ái Nhĩ Lan, Giêrusalem, Rôma, và các chủ đề khác—cùng với số lượng sách ổn định được tập hợp từ các tiểu luận bị thất lạc của ông và báo chí hàng ngày phải được lướt qua kỹ lưỡng để hiểu được phạm vi thiên tài thực sự phi thường của ông. (48) Ông là một bộ óc phổ quát đến mức ông có thể đánh giá cao những bộ óc khác cùng tầm cỡ với mình mà hầu như không cần đọc họ. Một trường hợp điển hình: Étienne Gilson nói về cuốn sách của ông viết về Thánh Tôma Aquinô:

Tôi coi đây là cuốn sách hay nhất từng được viết về Thánh Tôma một cách vô sánh. Không có gì kém hơn thiên tài có thể giải thích cho một thành tích như vậy. Mọi người chắc chắn sẽ thừa nhận rằng đó là một cuốn sách “khéo léo”, nhưng một số ít độc giả từng dành hai mươi hoặc ba mươi năm để nghiên cứu về Thánh Tôma Aquinô, và có lẽ chính họ đã xuất bản hai hoặc ba tập về chủ đề này, thì không thể không nhận ra rằng điều gọi là “sự khéo léo” của Chesterton đã khiến nền học giả của họ trở nên đáng xấu hổ. Ông đã đoán ra tất cả những gì họ đã cố gắng chứng minh, và ông đã nói ra tất cả những gì mà họ ít nhiều cố gắng diễn đạt một cách vụng về bằng các công thức học thuật. (49)

Nhờ Thư ký Dorothy Collins của Chesterton, chúng ta biết rằng Chesterton đã mượn một vài cuốn sách viết về Aquinô nhưng ông chỉ đọc lướt qua chúng trước khi đọc chính tả từng phần công việc hàng ngày của mình về “Tommy”. Điều mà ông dường như đã trực giác được từ việc đọc tương đối ít của ông, là cảm thức ổn định của chính Thánh Tôma về thế giới bình thường, nhưng một thế giới bình thường được duy trì lành mạnh qua sự tiếp xúc liên tục và năng động với những thực tại cao nhất và sâu sắc nhất.

Khả năng nắm bắt những bộ óc vĩ đại khác gần như phi thường này đã sớm xuất hiện ở Chesterton. Ông là một người ham đọc sách từ khi còn trẻ và dường như hoàn toàn hấp thụ được những nhà văn mà ông đã đọc. Nhưng không giống như hầu hết các độc giả “học giả”, ông ghi nhớ những tác giả mà ông rất yêu thích và dường như ngay lập tức có thể liên hệ họ với một sự khôn ngoan vượt thời gian. Tác phẩm Charles Dickens của ông, được viết khi Chesterton mới ngoài ba mươi, cho thấy một sự nắm bắt bách khoa toàn thư về sản lượng khổng lồ của tiểu thuyết gia vĩ đại, nhưng cũng là khả năng vượt quá hàng nghìn trang và nhân vật để đạt tới những khoảnh khắc thấu hiểu sâu sắc đến mức việc không ai từng nghĩ về chúng trước đây quả là một chuyện lạ:

Sức mạnh của ông, như thế, nằm ở chỗ ông phát biểu với một năng lực và sáng chói hiếm hoi những điều gần gũi với tâm trí chung. Nhưng với cụm từ tâm trí chung đơn thuần này, chúng ta đụng tới một lầm lỗi hiện thời. Tính thông thường và tâm trí chung hiện nay thường được nói đến phần nào như có nghĩa một sự thấp kém và tâm trí thấp kém; tâm trí của đám đông đơn thuần. Nhưng tâm trí chung ở đây là tâm trí chung của mọi nghệ sĩ và anh hùng; nếu không nó sẽ không phải chung. Platông có tâm trí chung; Dante có tâm trí chung; hay tâm trí ấy không chung. Tính thông thường nghĩa là phẩm chất chung của thánh nhân và tội nhân, của triết gia và kẻ ngu xuẩn; và chính điều này đã được Dickens nắm bắt và khai triển. Trong mỗi người đều có một thứ gì đó yêu trẻ con, sợ chết, thích ánh sáng mặt trời: thích thưởng thức Dickens. (50)

Để có thể viết được như vậy, cần phải có sự tham gia của chính Chesterton vào “tâm trí chung” đó. Bí quyết, liên quan đến việc hân hoan khám phá ra rằng có một thế giới được tạo ra có thật và cực kỳ đáng lưu ý vượt quá việc sáng tạo của chính chúng ta, là bí quyết ông gán cho Dickens: “Hãy loại bỏ cách học tai hại mà bạn cho là quá rõ ràng; hãy phủ nhận những kiến thức chết người mà bạn cho rằng mình biết. Hãy đầu hàng chính bông hoa của nền văn hóa của bạn; hãy từ bỏ viên ngọc tự hào của bạn. Hãy từ bỏ sự tuyệt vọng hỡi tất cả những ai bước vào đây.” (51)

Tiểu thuyết của Chesterton kỳ vọng các phẩm chất được ông gán cho Dickens. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, The Napoleon of Notting Hill [Napoleon của Notting Hill), kể về một khu vực nổi tiếng của London, không xa nơi Chesterton lớn lên, nổi dậy chống lại sự chuyên chế của chính quyền trung ương thành phố, ly khai khỏi thành phố và bảo vệ các quyền tự do cổ xưa của nó theo thời trung cổ bằng vũ lực chống lại các quận khác của London. Nó chủ yếu là hài hước và không được coi là quá nghiêm túc khi mô tả trận chiến bạo lực giữa các công dân của các khu phố khác nhau, nhưng nó phải được coi là nghiêm túc vì Chesterton, giống như Belloc, đang hướng tới niềm tin rằng các cộng đồng nhỏ trong đó người ta trực diện với nhau là cần thiết để bảo tồn những gì sâu sắc nhất của con người khỏi sự xâm lược quy mô lớn của các lực lượng kinh tế, chính trị và xã hội hiện đại.

Bất chấp những cốt truyện đầy màu sắc và pháo bông bằng lời nói (verbal fireworks) (*), tiểu thuyết của Chesterton — bao gồm loạt truyện Father Brown vô cùng thành công của ông về một thám tử-linh mục, một số trong số đó cũng đã được chuyển thể thành phim (do Alec Guinness đóng vai chính) — bộc lộ hai thiếu sót chung. Đầu tiên, như trường hợp của Belloc, ông luôn viết với một luận điểm rõ ràng. Thí dụ, trong Notting Hill, cộng đồng địa phương và lòng yêu nước hẹp hòi được phát biểu thông qua một kiểu phô trương thời trung cổ. Bất chấp các lý thuyết hiện đại nói ngược lại, không có gì sai khi một tác phẩm nghệ thuật có mục đích giáo huấn, miễn là trước tiên, nó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Nói bất cứ điều gì khác đi sẽ là gạt bỏ ba phần tư nền văn chương của thế giới, từ Homer đến Virgil, Dante đến Shakespeare đến Dickens. Vấn đề phát sinh khi mục đích quan trọng hơn hoặc giáo huấn làm hỏng hình thức nghệ thuật. Chuyện như thế thường xảy ra nơi Chesterton. Hầu hết các tình huống hư cấu của ông đều bất cái nhiên một cách có chủ ý, và việc giải quyết nghịch lý để thoát khỏi các tình huống khác nhau này, một điều dường như có tác dụng tốt trong các tiểu luận nổi tiếng của ông, lại không phù hợp lắm với nhiều tác phẩm hư cấu, vốn thường chứa đựng những cốt truyện khiến các vở nhạc kịch [opera] xem ra có dáng thực tại. Thí dụ, các đàm luận giữa các nhân vật thường có vẻ là ngụy trang cho một số luận điểm được kịch tính hóa hơn là các cuộc trao đổi hư cấu thực sự. (52)

Và một yếu tố thứ hai dẫn khởi từ yếu tố đầu tiên này. Trong The Napoleon of Notting Hill, để tiếp tục với thí dụ trên, thật thú vị khi tưởng tượng London bị chia cắt thành các khu dân cư cạnh tranh mang lại cộng đồng và phong cách hiệp sĩ thực sự. Nhưng thật không vui chút nào khi nghĩ rằng sự tái sinh này phụ thuộc vào chiến tranh đô thị trên đường phố London. Trong một loại sách phù hợp, người đọc có thể ngưng phán xét vì tất cả nhằm mua vui hoặc giả tưởng. Nhưng nơi Chesterton, một phần, nó còn có ý nghĩa giáo huấn nữa. Và điều này, kết hợp với những gì rõ ràng đôi khi chỉ là những trò đùa không trưởng thành, làm giảm chất lượng văn học. Dễ dàng hình dung Chesterton bác bỏ thứ vui nhộn như thế như là “phẩm chất văn chương”. Nhưng khi bạn trước tá văn học—như ông trước tác trong tiểu thuyết, thơ, kịch và truyện—bạn đã bước vào một trong những lĩnh vực được Chesterton yêu thích, vốn có những tiêu chuẩn lâu đời của riêng nó.

Một ngoại lệ đối với phán đoán này có thể là cuốn tiểu thuyết The Man Who Was Thursday [Người có tên Thứ Năm], một tác phẩm gây được tiếng vang lớn. Nó đã được đọc với sự đánh giá cao của nhiều độc giả khác nhau khắp thế giới và đã ảnh hưởng đến các nhà văn khác như Kingsley Amis, Jorge Luis Borges và Graham Greene. Rất dễ dàng thấy lý do tại sao. Đầu tiên, giống như mọi điều thuộc Chesterton, nó có những nét vẽ thiên tài không hề sút giảm ở từng trang một. Nhưng xét rộng hơn, rất khó để nói “mục đích” của Ngày thứ Năm rốt cuộc là gì, và chính Chesterton có thể cũng không biết, bởi vì cuối cùng, có vẻ như nó đã thoát khỏi sự kiểm soát của chính ông và mở ra một mầu nhiệm tôn giáo nào đó.

Nó cũng bắt đầu bằng một mầu nhiệm. Scotland Yard tuyển dụng Gabriel Syme để giúp chống lại một nhóm vô chính phủ. Anh ta bí mật hoạt động và xâm nhập một trong những "hội đồng" vô chính phủ. Các thành viên lấy tên bí mật theo các ngày trong tuần. Syme là Thứ Năm – cho nên có tựa đề "Người Có tên Thứ Năm". Một thành viên khác của hội đồng mô tả niềm tin vô chính phủ: “Những người theo chủ nghĩa đa cảm ngớ ngẩn của Cách mạng Pháp đã nói về Những Cái Đúng của Con người! Chúng tôi ghét Những Cái Đúng như chúng tôi ghét Những Cái Sai. Chúng tôi đã xóa bỏ Đúng và Sai.” (53) Tất nhiên, đó là một nghịch lý cơ bản của Chesterton: nhiều ý tưởng hiện đại có vẻ tiến bộ ở chỗ chúng vượt qua quá khứ với ấn tượng cho rằng điều này sẽ dẫn đến sự giải phóng con người. Nhưng có một số điều bạn chỉ vượt qua được bằng cách rơi xuống bên dưới. Một hữu thể nhân bản không đúng và sai không hơn—một Siêu nhân—nhưng kém hơn một con người.

Tuy nhiên, trong một bước ngoặt kỳ lạ, sau nhiều cuộc phiêu lưu khác nhau, các thành viên hội đồng đều được tiết lộ là đặc vụ cảnh sát. Mỗi người đều nghĩ rằng mình đang chiến đấu với những người theo chủ nghĩa hư vô nhưng thực sự chỉ đang tiến hành giám sát những hành động giả vờ của nhau. Tất cả họ đã bị thao túng bởi chủ tịch của hội đồng vô chính phủ, có tên là Chúa nhật. Và điều đó chưa phải là tất cả. Ngôi nhà vui nhộn phản ảnh những nghi ngờ và phán đoán sai lẫn nhau này có một bước ngoặt xa hơn khi, vào cuối câu chuyện, Chúa nhật tiết lộ rằng anh ta là nhân viên tuyển dụng ban đầu của Scotland Yard, dường như biến hình từ một người đàn ông thành một điều gì đó khó mô tả - Thiên Chúa, thiên nhiên, Chúa Kitô? - và dẫn họ hết thẩy vào một cuộc rượt đuổi hoang dã. Nhiều yếu tố biểu tượng và phúng dụ nảy sinh trong quá trình rượt đuổi đó, một điều chỉ có thể đánh giá được bằng cách đọc toàn bộ sự việc, nhưng chúng trở nên nổi bật, sau khi dấu vết đã bị mất, trong mô tả của Syme về cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với Chúa Nhật:

Syme chậm rãi nói, “Khi gặp Chúa Nhật lần đầu, tôi chỉ nhìn thấy lưng anh ta; và khi tôi nhìn thấy lưng anh ta, tôi biết anh ta là người đàn ông tồi tệ nhất thế giới. Cổ và vai của anh ta rất tàn bạo, giống như của một vị thần khỉ nào đó. Đầu anh ta có dáng gù gù khó giống người, giống như dáng gù của một con bò. Thực thế, ngay lập tức tôi có một tưởng tượng ghê tởm rằng đây hoàn toàn không phải là một con người, mà là một con thú mặc áo người.” (54)

Nhưng khi Syme đi vòng ra phía trước, khuôn mặt của Chúa Nhật làm anh kinh hãi “vì nó quá đẹp, vì nó quá tốt”.

Nó giống như khuôn mặt của một vị tổng lãnh thiên thần cổ xưa nào đó, phán xét công bằng sau những cuộc chiến anh hùng. Trong mắt có cười, trong miệng có vinh và có sầu. Vẫn mái tóc bạc trắng ấy, vẫn đôi vai vĩ đại, xám xịt mà tôi đã nhìn thấy từ phía sau. Nhưng khi tôi nhìn thấy anh ta từ phía sau, tôi chắc chắn anh ta là một con vật, và khi tôi nhìn thấy anh ta từ phía trước, tôi biết anh ta là một vị thần. (55)

Đây là ai, tùy thuộc vào cách bạn nhìn anh ta, dường như có thể là hiện thân của thiện hay ác?

Không có câu trả lời rõ ràng nào sắp xuất hiện cả. Sáu người khác mang tên "ngày" được mời tham dự một cuộc họp với Chúa Nhật và được trao cho quần áo cho thấy họ là sáu loại triết gia khác nhau. Sau đó, Syme cũng hiểu rằng họ đã trải qua thử thách để có thể hiểu biết đầy đủ hơn về thế giới và có thể đáp lại những lời tuyên bố của Satan về sự thờ ơ của Thiên Chúa đối với đau khổ. Và trên con đường của những tầm nhìn vĩ đại, Syme cuối cùng thấy mình, anh không biết bằng cách nào, trở lại thế giới bình thường:

Bình minh đang tỏa trên mọi sự bằng màu sắc vừa rõ ràng vừa rụt rè; như thể Tự nhiên lần đầu tiên thử màu vàng và lần đầu tiên thử màu hồng. Một làn gió thổi rất trong lành và ngọt ngào, đến nỗi người ta không thể nghĩ rằng nó thổi từ bầu trời; nó thổi qua một cái lỗ nào đó trên bầu trời. Syme cảm nhận một sự ngạc nhiên đơn giản khi anh nhìn thấy xung quanh mình mọc lên khắp hai bên đường những tòa nhà màu đỏ, không đều của Công viên Saffron.... Ở đó, anh nhìn thấy em gái của Gregory, cô gái có mái tóc đỏ ánh vàng, đang cắt hoa tử đinh hương trước bữa sáng, với vẻ nghiêm trang vô thức của một cô gái. (56)

Có nhiều điều trong cái kết nhẹ nhàng, dù bỏ lửng, có vẻ hoàn toàn đúng đắn nhưng lại đúng theo cách mà Chesterton đã không lên kế hoạch trước—một bước đột phá lần đầu tiên mang lại cho tính sáng tạo của ông trong các hiệu quả địa phương một khuôn khổ không những chỉ sắp xếp chúng cho một mục đích khá hiển nhiên. Thứ Năm là một câu chuyện đáng lo ngại dù hấp dẫn, thậm chí, quả như thế, đối với Chesterton.

Tuy nhiên, có lẽ cuốn sách vĩ đại nhất của ông thuộc bất cứ thể loại nào là The Everlasting Man [Người vĩnh cửu] (1925)—cuốn sách đã mê hoặc Evelyn Waugh, Graham Greene và nhiều người khác khi nó xuất hiện và rất lâu sau đó. Trong đó, Chesterton đã có những bước đột nhập xuất sắc vào một số cuộc tranh luận khó khăn nhất: Kitô giáo không chỉ là một tôn giáo khác trong cuộc khảo sát tổng quát về các tôn giáo thế giới, và Chúa Kitô (Người vĩnh cửu) tạo ra sự khác biệt trên thế giới như thế nào? Thật sự, có hai con người “vĩnh cửu” được tìm thấy trong cuốn sách. Bên cạnh Chúa Giêsu, còn có một người vĩnh cửu mà chúng ta đã gặp trong phần đối đáp của Chesterton với Siêu nhân của Shaw: “người đàn ông già uống bia, thiết lập tín ngưỡng, chiến đấu, thất bại, nhục dục, đáng kính”. Và chính người đàn ông này, người luôn có những trực giác tôn giáo lộn xộn, từ khi loài người đầu tiên xuất hiện cho đến ngày nay, đã làm mất uy tín những tầm nhìn duy tiến bộ đơn giản như những tầm nhìn trong Outline of History [Bản phác thảo lịch sử] của H. G. Wells. Đối với Wells và nhiều nhà tư tưởng hiện đại, con người tôn giáo chỉ đơn giản là một con trẻ, một người nguyên thủy trong thời thơ ấu của chủng tộc đã bịa ra những câu chuyện cổ tích để giải thích các hiện tượng tự nhiên mà anh ta chưa có lời giải thích khoa học. Chống lại sự bôi lọ các thời kỳ trước đó của con người như nột điều yếu kém hơn so với thời kỳ của chúng ta, Chesterton trình bầy một tầm nhìn về con người không thay đổi qua các thời đại, tầm nhìn này cũng chứng minh cao điểm của nhiều gợi ý và phỏng đoán mơ hồ và mâu thuẫn về sự xuất hiện của Thiên Chúa đích thực trong thế giới.

Sức mạnh lớn nhất mà ông mang đến cho chủ đề này là sự đánh giá cao và kinh nghiệm của chính ông về trí tưởng tượng như một công cụ của sự thật. Nền học giả hiện đại, như chúng ta đã thấy trong trường hợp nghiên cứu Kinh thánh, dường như bị chia rẽ giữa các loại phương thức khoa học, là các phương thức, nếu được sử dụng đúng cách, có thể dẫn đến một số nhận thức nào đó, nhưng nếu sử dụng sai sẽ làm mọi điều vượt ra ngoài những giới hạn không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm hoặc chứng minh bằng luận lý. Từ lâu, người ta đã hiểu rõ ràng rằng thực hiện bước đầu tiên đó trong các vấn đề tôn giáo, về căn bản, là loại bỏ những gì Kitô hữu coi là tôn giáo của họ. Ngược lại, những người theo đuổi khía cạnh trực giác hoặc cảm xúc hơn của tôn giáo có xu hướng lạc vào những gì hầu như có vẻ là những câu chuyện thần tiên thuần túy. Chesterton đánh giá cao giá trị chân thực của những câu chuyện cổ tích cũng như tính vui đùa giàu trí tưởng tượng của chúng. Nhưng quan trọng hơn, sự hồi phục của ông qua cơn rồ dại khi còn là một sinh viên nghệ thuật trẻ tuổi đạt đến đỉnh cao ở đây trong sự tổng hợp xuất sắc của một mặt là những gì thuần lý và thực tiễn, và mặt khác những gì tạo nên các hình thức khác nhau của trực giác và trí tưởng tượng tôn giáo đích thực.

Nếu chúng ta nhớ lại trải nghiệm của ông về cơn ác mộng của chủ nghĩa duy ngã và chủ nghĩa duy lý, mà Chesterton phát hiện rải rác dưới nhiều chiêu bài khác nhau trong toàn bộ nền văn hóa hiện đại, thì bức tranh mà ông đang cố gắng phác họa trở nên khá rõ ràng. Các lập luận của ông không hoàn toàn mang tính thần học theo nghĩa thông thường là phân tích hợp lý chặt chẽ các chất liệu Kitô giáo; toàn bộ cách tiếp cận của ông có thể khiến độc giả chới với. Có rất nhiều lập luận rõ ràng trong The Everlasting Man [Người Đàn Ông Vĩnh Cửu], nhưng nó được bối cảnh hóa trong điều có lẽ nên được gọi là nhân học văn chương [literary anthropology]. Thí dụ, Chesterton coi nghệ thuật là ranh giới phân chia giữa con người và mọi điều khác mà chúng ta biết trong quá trình sáng tạo. Động vật đưa ra những suy luận thực tế [practical inferences] đơn giản và một số trong số chúng thậm chí còn sử dụng các công cụ. Thậm chí có những “ngôn ngữ” nguyên thủy có thể phát hiện được ở cá voi, voi, cá heo, các loài linh trưởng bậc cao. Nhưng không có đặc điểm nào của động vật này thực sự có thể so sánh với khả năng tạo biểu tượng và ngôn ngữ của loài người. Chesterton nhận thức được những lời giải thích khoa học có thể phủ nhận sự kiện này, nhưng ông nắm bắt toàn bộ khả năng sáng tạo của con người theo cách làm cho sự phân biệt lớn—và tầm quan trọng của nó đối với việc hiểu về tiền sử và lịch sử loài người—khó có thể phủ nhận.

Tương tự như vậy, một cảm thức văn học nhạy bén giúp ông nhìn thấy các yếu tố trong các truyền thống tôn giáo của con người mà các học giả thuần túy thường bỏ qua. Thí dụ, rất lâu trước khi trường phái “lịch sử tôn giáo” bị chính các học giả tách rời, Chesterton đã biết rằng toàn bộ vấn đề này là một “lỗi phân loại”, một điều khá rõ ràng trong những cuốn sách có ảnh hưởng một thời như The Golden Bough [Cành vàng] của Frazer. Ông thừa nhận rằng có những yếu tố chung trong các truyền thống văn hóa, đặc biệt là trong Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, vốn có chung một số lịch sử. Nhưng những thứ đã được phân loại là “tôn giáo” không hoàn toàn giống nhau. Thí dụ, các vị thần và nữ thần trong thần thoại Hy Lạp và La Mã dường như không thực sự là “tôn giáo” của các quốc gia đó. Từ Platông đến Virgil đến Marcus Aurelius, dường như đã có một thuyết độc thần lâu đời hơn, chưa phát triển và có thể là dấu tích của một trật tự cũ hơn, cùng tồn tại với những điều ít nghiêm túc hơn nhiều—và Chesterton đúng khi thấy—đôi khi chỉ là những câu chuyện khôi hài về các vị thần (yếu tố vui tươi này, cũng tồn tại trong các câu chuyện về những kẻ lừa đảo, chó sói, v.v. của người Mỹ bản địa, vẫn là một yếu tố tương đối bị bỏ quên trong học thuật tôn giáo). Ông có thể là người đầu tiên đưa ra ý tưởng rõ ràng rằng, vì các nền văn hóa nhân bản trước đó chứa đựng những con người thông minh như chúng ta, nên không những một thiên tài hiếm hoi như Socrates mới biết rằng những câu chuyện tầm phào hoặc phù phiếm về các vị thần là không xứng đáng với tôn giáo. Nhưng Chesterton thậm chí còn đi xa Socrates hơn khi hiểu rằng những câu chuyện thần thoại có thể vừa khôi hài vừa đáng được quan tâm một cách nghiêm túc.

Khi bạn bắt đầu chuyển sang các nền văn hóa khác, ông lưu ý một cách đúng đắn, ý tưởng về “tôn giáo” thế giới thậm chí còn khó xác định hơn. Chẳng hạn, Nho giáo, theo nhiều cách là một thuyết bất khả tri về đạo đức, có rất ít điểm chung với các giáo phái Trung Đông hoặc Trung Mỹ cổ đại thực hành hiến tế con người và một số thứ như nghệ thuật hắc ám. Ở một nơi như Ấn Độ, liệu Ấn Độ giáo, với hàng ngàn nam nữ thần thánh, có thuộc cùng loại với Phật giáo, một tôn giáo có chủ nghĩa khổ hạnh khắc khổ và, theo cách của nó, là một loại giải thoát thông qua sự tự hủy [self-annihilation]? Ông lập luận rằng các nhầm lẫn giữa tất cả những điều này đã nảy sinh, chủ yếu vì, ở một thời điểm nhất định trong lịch sử phương Tây, người ta muốn sử dụng các điểm tương đồng để phủ nhận tính độc đáo của Kitô giáo—nói cách khác, theo Chesterton, những điểm song hành dường như đúng với những người một phần rời bỏ Kitô giáo nhưng chưa đủ xa để nhìn thấy nó một cách tổng thể và về điều độc đáo, trong những khía cạnh quan trọng, thấy nó thực sự là: “sự sụp đổ của tôn giáo so sánh khi không có sự so sánh giữa Thiên Chúa và các vị thần minh.” (57)

Vì vậy, để làm rõ nét độc đáo đó, ông kích thích trí tưởng tượng—“tưởng tượng không có nghĩa là hoang tưởng (imaginary)” (58)— hơn là đưa ra các lập luận triết học hoặc thần học thông thường. Hoàn toàn tách rời khỏi công việc riêng của triết học và thần học, những yếu tố tưởng tượng này gợi ý những tương ứng trong thế giới “dường như thực sự tương ứng với một điều gì đó trong tâm hồn”. (59) Và điều này phải đóng một vai trò lớn lao trong việc các cố gắng phân tích sau này nên tự hiểu ra sao vì “ai không có thiện cảm với thần thoại thì không có thiện cảm với con người.” (60) Trong quan điểm rộng lớn và giàu trí tưởng tượng này về vang vọng tôn giáo của nhân loại, hai yếu tố lớn cuối cùng phải được dung hòa: “Những dòng sông thần thoại và triết học chạy song song và không trộn lẫn với nhau cho đến khi chúng gặp nhau ở đại dương thế giới Kitô giáo.” (61) Chỉ ở đó, những tìm kiếm của cả trí tưởng tượng lẫn lý trí mới kết hợp thành một “sự thật hoàn chỉnh và phức tạp”. (62)

Một điều như sự thật như thế cho thấy rõ ràng là con người phức tạp hơn người ta thường nghĩ và không bị thúc đẩy chủ yếu hoặc phần lớn bởi các yếu tố kinh tế và vật chất, như hầu hết các lý thuyết hiện đại giả định. Tất nhiên, có những nhu cầu vật chất thực sự, nhưng những nhu cầu đó hầu như không làm cạn kiệt cuộc sống con người. Thật vậy, cuộc sống con người là một điều gì đó hoàn toàn khác với tầm nhìn của Homo economicus [nhân dạng kinh tế] hay Homo Politicus [nhân dạng chính trị] có thể nắm bắt được. Hoặc, như Chesterton nói, “Lịch sử kinh tế thậm chí sẽ không phải là lịch sử.” (63) Có một đặc điểm kỳ quặc trong nhiều trước tác về lịch sử hiện đại là câu chuyện nội tại của con người, phần mà tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm, là phản ứng thực sự của chính chúng ta đối với thế giới, gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Kể từ khi Chesterton viết, đã có rất nhiều sự nhấn mạnh vào lịch sử được viết “từ bên dưới” về cuộc sống bình thường, nhưng điều đó thường sử dụng các lăng kính chủ nghĩa Mác hoặc các hệ tư tưởng khác mà bỏ sót những điều tối hậu của con người: “Chúng ta muốn biết tình cảm thực sự vốn là dây nối kết xã hội của nhiều con người bình thường, lành mạnh và vị kỷ như chúng ta.” (64) Nhiều việc, có lẽ hầu hết mọi việc, được thực hiện với những động cơ và mục tiêu khác xa nhau:

Sẽ khó để chủ trương rằng các Thập tự quân đã từ quê hương họ đi vào một vùng hoang địa hoang vu bởi vì những con bò từ vùng hoang địa đã đi tới những bãi cỏ thoải mái hơn. Sẽ khó có thể khẳng định rằng các nhà thám hiểm Bắc cực đã đi về phía bắc với cùng một động cơ vật chất từng khiến những con én bay về phía nam. Và nếu bạn loại bỏ những thứ như mọi cuộc chiến tôn giáo và tất cả những cuộc khám phá phiêu lưu đơn thuần ra khỏi câu chuyện của con người, thì không những nó ngưng, không còn là nhân bản nữa mà cả như một câu chuyện nó cũng không còn là nữa. Đường nét của lịch sử được tạo nên từ những đường cong và góc độ quyết định do ý chí của con người ấn định. Lịch sử kinh tế thậm chí sẽ không còn là lịch sử.

Nhưng có một sai lầm sâu xa hơn bên cạnh sự thật hiển nhiên này; đó là con người không cần phải sống vì thức ăn chỉ vì họ không thể sống thiếu thức ăn. Sự thật là điều hiện diện nhiều nhất trong tâm trí con người không phải là bộ máy kinh tế cần thiết cho sự hiện hữu của họ; mà đúng hơn là chính sự hiện hữu đó; thế giới mà họ nhìn thấy khi thức dậy mỗi sáng và bản chất của vị trí tổng quát của họ ở trong đó. Có một thứ gần gũi với họ hơn là sinh kế, và đó là sự sống. Vì một khi họ nhớ chính xác việc làm nào tạo ra tiền lương của họ và chính xác tiền lương tạo ra các bữa ăn của họ, họ đã mười lần nghĩ rằng đó là một ngày đẹp trời hay đó là một thế giới kỳ lạ, hoặc tự hỏi liệu cuộc sống có đáng sống không, hoặc tự hỏi liệu hôn nhân có thất bại hay không, hoặc hài lòng và bối rối với những đứa con của chính mình, hoặc nhớ lại tuổi trẻ của chính mình, hoặc bằng bất cứ cách nào như vậy đánh giá một cách mơ hồ về số phận mầu nhiệm của con người. (65)

Điều này có vẻ là một lời bào chữa đặc biệt, nhưng Chesterton lập luận rằng nó phản ảnh những sự kiện khó nhá hơn là các phương thức một nguyên nhân [monocausal]: “Chừng nào chúng ta còn bỏ qua khía cạnh chủ quan này của lịch sử, có thể gọi đơn giản hơn là phần bên trong của lịch sử, thì sẽ luôn có một giới hạn nhất định đối với khoa học đó mà nghệ thuật có thể vượt qua tốt hơn. Chừng nào nhà sử học còn không làm được điều đó, thì hư cấu sẽ đúng hơn sự thật. Sẽ có nhiều thực tại hơn trong một cuốn tiểu thuyết; vâng, ngay cả trong một tiểu thuyết lịch sử.” (66)

Chesterton không hiểu điều này theo nghĩa trừu tượng nào đó. Ông cho thấy khá chính xác sự kiện này là mọi người tham gia chiến tranh - những người lính thực sự, nghĩa là, bất kể các chính trị gia có ý định gì - vì quan điểm tối hậu của họ về sự vật, nghĩa là về tôn giáo của họ. Họ không chiến đấu để bảo đảm các cảng nước ấm hoặc tài nguyên thiên nhiên; đúng hơn, họ làm như vậy để bảo vệ quê hương—hoặc chọn không làm như vậy bởi vì họ tin rằng có điều gì đó còn quan trọng hơn điều đó hoặc bất cứ điều gì các chính trị gia đã chọn để nói với họ. Những người không tin vào việc hành động vì những mục tiêu tối thượng như vậy làm như thế bởi vì quan điểm tối hậu của họ về sự vật là Thiên Chúa không có thật, và họ coi mọi tình cảm cao đẹp, tinh thần hiệp sĩ, lòng yêu nước và những lý tưởng khác do đó đều không có thực. Nhưng đối với hầu hết con người ta, chúng hoàn toàn có thật, trên thực tế, là những thứ có thật nhất. Và do đó, bất cứ giải trình nào về những sự việc nhân bản mà bỏ qua tôn giáo như một động lực chính bề mặt của nó là một giải thích không đầy đủ. Và chủ chốt trong số những giá trị tối thượng này là gia đình: “Chỉ những người đàn ông coi gia đình là thánh thiêng mới có tiêu chuẩn hoặc tư cách để chỉ trích nhà nước.” (67)

Sau khi thiết lập tính trung tâm của chủ nghĩa hữu thần, Chesterton chuyển sang những tuyên bố chuyên biệt của Kitô giáo. Ông lập luận, sẽ không có ích gì khi nói với những người theo chủ nghĩa duy lý rằng việc Thiên Chúa trở thành Người là điều không thể xảy ra. Bản thân Kitô giáo luôn coi đó là điều hơn hẳn bất cái nhiên, trên thực tế, là một phép lạ thần thánh. Về vấn đề này, ngay từ đầu, nó đã tuyên bố một cách công khai những gì mà những người khác cho rằng chỉ mới phát hiện ra gần đây. Và mặc dù câu chuyện này có những điểm tương đồng với những câu chuyện thần thoại, nhưng nó khác với những câu chuyện đó - một lần nữa, kể từ khi câu chuyện bắt đầu được kể - ở chỗ những người kể đã khẳng định nó không phải chỉ là một câu chuyện mà thực sự nó có thật. Chúng ta có thể thấy điều này qua sự kiện là sự ra đời của Chúa Giêsu giống như bất cứ đứa trẻ nào khác, từ một người mẹ nhân bản. Tuy nhiên, cuộc đời của Chúa Giêsu vượt xa mọi phạm trù hiểu biết thông thường của chúng ta.

Chesterton thử một thử nghiệm khó khăn là đọc các sách Tin Mừng như thể ông chưa từng nghe về chúng trước đây. Theo mức độ đó, ông nói, Chúa Giêsu khá phi thường. Người hoàn toàn không phải là người của thời đại mình, như khoa phê bình lịch sử thường nghĩ, và việc Người bị bác bỏ trong thời đại của Người đã chứng minh điều đó. Hơn nữa, Người không phải là người chủ hòa dịu dàng theo cách tiếp cận nhạt nhẽo hiện đại đối với các sách Tin Mừng. Chesterton nói, có một sự khốc liệt vào những thời điểm bất ngờ trong các giải trình về Chúa của chúng ta đòi một thứ luận lý thu hút nhưng vượt quá chúng ta. Nhưng có lẽ điều nổi bật nhất về các sách Tin Mừng là một loại thiên tài văn chương không thể chỉ xuất phát từ các thiên tài văn học. Trong một đoạn văn thiên tài theo đúng nghĩa của nó, Chesterton đưa ra một Thí dụ:

Có lẽ không có gì hoàn hảo trong bất cứ ngôn ngữ hay văn học nào bằng việc sử dụng ba mức độ này trong câu chuyện dụ ngôn về hoa huệ ngoài đồng; trong đó dường như trước tiên Người cầm một bông hoa nhỏ trong tay và ghi nhận sự đơn giản và thậm chí sự bất lực của nó; rồi đột nhiên mở rộng nó trong những màu sắc rực rỡ vào tất cả các cung điện và các sảnh đường đầy tên tuổi trong truyền thuyết và vinh quang quốc gia; và sau đó, đến lần đảo ngược thứ ba, một lần nữa thu nhỏ nó thành hư không bằng một cử chỉ như thể ném nó đi '... và nếu Thiên Chúa mặc cho cỏ cây, hôm nay còn ngày mai bị ném vào lò lửa, thì huống chi!...’ Nó giống như việc xây dựng một tòa tháp Babel tốt bằng ma thuật trắng trong một khoảnh khắc và trong chuyển động của một bàn tay; một tòa tháp đột ngột nhô lên trời, trên đỉnh có thể nhìn thấy hình người từ xa, cao hơn chúng ta tưởng tượng; được ba vô cực trên tất cả những thứ khác nâng lên một bậc thang đầy sao của luận lý nhẹ nhàng và trí tưởng tượng nhanh chóng. Nếu chỉ xét về khía cạnh văn học, nó sẽ là một kiệt tác hơn hầu hết các kiệt tác trong các thư viện; nhưng dường như nó được thốt ra gần như ngẫu nhiên trong khi người ta hái một bông hoa. (68)

Và Chesterton đưa ra một chủ trương khác về tính độc đáo của Kitô giáo. Không có đức tin nào khác nói rằng các tín hữu của nó đã lẫn lộn người sáng lập của nó với Thiên Chúa. Môsê không được coi là Giêhôva, Mohammed cũng không phải là Allah. Lời tuyên bố của Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng, “Ta hiện hữu trước khi có Ápraham,”, thật kỳ lạ theo cách tiếp cận “lịch sử các tôn giáo” thông thường — vốn xem tất cả các tôn giáo, bất chấp những khác biệt rõ ràng về sự kiện, về căn bản, là y như nhau — đến nỗi sự kỳ quặc tuyệt đối của Kitô giáo về điểm này ít nhất phải được ghi nhận. Nó cũng kỳ quặc theo quan điểm của Do Thái giáo vào thế kỷ thứ nhất và loại não trạng mà các tông đồ có thể đã có. Và nó vẫn ở đó, bây giờ cũng đáng chú ý như lúc đó.

Cha Ian Ker, một linh mục thuộc dòng Oratory và là học giả Newman, đã lập luận một cách sâu sắc rằng Chesterton đã thực hành điều mà ngài gọi là “Đạo Công Giáo của Dickens”. Việc Chesterton từ sớm bác bỏ cơn ác mộng của lý trí duy vật và lòng biết ơn mạnh mẽ đối với sự hiện hữu đơn thuần của vũ trụ đã khiến ông trở nên phấn khích trước những điều thông thường gần giống với thái độ của một tiểu thuyết gia vĩ đại thế kỷ 19. Ở Dickens, Chesterton đã phát hiện ra một trong những nhà văn, giống như ông, cùng nhau giữ thái độ bi quan không thể tránh khỏi mà chúng ta cảm thấy trước cái ác trên thế giới và sự lạc quan của chúng ta trước vẻ đẹp và sự hiện hữu đơn thuần của nó: họ “không tán thành vũ trụ; thậm chí họ không ngưỡng mộ vũ trụ. Họ yêu mến nó. Họ ôm lấy cuộc sống gần đến độ không còn chỉ trích hoặc thậm chí nhìn thấy nó. Với những con người như vậy, sự hiện hữu mang vẻ đẹp hoang dã của một người đàn bà, và những người yêu cô mãnh liệt nhất chính là những người yêu cô ấy một cách ít có nguyên cớ nhất.” (69)

Tất nhiên, Chesterton quan niệm điều này trong bối cảnh tín điều Kitô giáo: tín điều về sự tốt lành của sáng thế Thiên Chúa và những điều xấu xa do Sự sa ngã gây ra. Nhưng điều này làm nảy sinh một nghịch lý nữa—và có lẽ là một vấn đề. Dickens không những bác bỏ, ông còn khinh miệt đạo Công Giáo thời trung cổ, đạo mà cả Chesterton và Belloc đều coi là nguồn gốc của tính hồ hởi [exuberance] hết sức nhân bản. Bạn chỉ có thể thực sự hân hoan nếu vũ trụ, vào lúc tận cùng mọi sự, là niềm vui. Chesterton đã viết một cuốn sách về Chaucer, trong đó ông đã tạo ra mối nối kết khá chặt chẽ này. Nhưng còn Dickens thì sao? Làm sao ông ta có được tình cảm Công Giáo mà không có niềm tin Công Giáo? Bản thân Chesterton cũng từng đạt tới điểm tương tự trong thời thơ ấu của mình, trước khi trở lại Công Giáo khá trễ sau này. Có thể lập luận rằng một số tâm hồn vĩ đại, nhờ ân sủng không thể giải thích được của Thiên Chúa, đã đạt tới cuộc sống Công Giáo điều mà, như chúng ta đã thấy ở trên, Belloc cũng đã cổ vũ: “Nhưng những người Công Giáo sống nhờ rượu / Chìm sâu trong nước, và thẳng thắn và tinh tế.” (70) Tuy nhiên, nhận thức đó đã hạ giá mối liên hệ khá chặt chẽ mà cả Chesterton và Belloc rút ra giữa niềm tin Công Giáo và sự lành mạnh của xã hội. Và sự kiện phần lớn những người Công Giáo dường như không chia sẻ sự hồ hởi thiêng liêng của Dickens, Belloc và Chesterton càng làm phức tạp thêm bất cứ bức tranh đơn giản nào.

Điều Chesterton nhìn thấy ở Dickens hết sức rực rỡ và chắc chắn; những gì ông lập luận từ Dickens rất hữu ích nhưng ít chắc chắn hơn. Điều này sẽ không quan trọng lắm nếu nó không cho mình, theo một nghĩa nào đó, là một mô tả chuẩn mực về văn học “Công Giáo”. Chắc chắn, sự nồng nhiệt hàng ngày đối với thế giới và niềm vui về tất cả con cái của Thiên Chúa là một loại văn học Công Giáo, cho dù nó xuất hiện ở một người Công Giáo như Chaucer hay một người không Công Giáo như Dickens. Bản thân Chesterton và Belloc đã làm việc rất nhiều trong lĩnh vực này (mặc dù Belloc, ít nhất phải nói rằng, không được tất cả những đứa con của Thiên Chúa hài lòng như nhau). Nhưng chúng ta biết nói gì về một tác phẩm như Divine Comedy [Thần Kịch] của Dante, tác phẩm thi ca Công Giáo vĩ đại nhất từng được viết, hai phần ba trong số đó kể chi tiết về tội lỗi đáng sợ (Inferno) và sự thanh tẩy đau đớn tột cùng (Purgatorio). Ngay cả Thiên đường cũng trình bày Phúc Kiến [Beatific Vision] như một sự phát triển đau đớn thường xuyên của thị giác con người. Và mặc dù có rất ít hài kịch, như Chesterton thường hiểu về nó, nhưng trong Thần Kịch, Dante coi tác phẩm của mình là hài kịch vì nó kết thúc có hậu cho người hành hương.

Đức Hồng Y Newman đã trực tiếp đề cập đến khó khăn này trong The Idea of a University [Ý tưởng về một trường đại học] khi ngài nói rằng văn học, dựa vào tình trạng sa ngã của con người, sẽ không đơn giản là Kitô giáo theo nghĩa thuần túy giáo dục và nâng cao tinh thần. Giống như chính Kinh thánh, văn học sẽ cho thấy cả ánh sáng lẫn bóng tối trong thân phận con người. Rõ ràng, một số thể loại văn học—thơ thiếu nhi hoặc hài kịch nhẹ nhàng, trong số những thể loại khác—không cần phản ảnh tội lỗi và sai lầm mà bất cứ Kitô hữu trưởng thành nào cũng biết đã đi qua thế giới và trái tim của chính mình. Nhưng khi chúng ta xem xét toàn bộ văn học, bên cạnh sự hồ hởi và tình yêu sáng tạo của Dickens và Chesterton, chúng ta nên mong đợi tìm thấy nhiều thứ khác bên cạnh đó, và không phải lúc nào ý thức thần học cũng cho rằng chúng ta là những người tham gia vào một vở hài kịch thần thánh. Và trên thực tế, một số tác phẩm văn học Công Giáo vĩ đại nhất cùng thời với hoặc sau Chesterton một chút—Hopkins, Graham Greene, Waugh, trong số những người Anh, và Mauriac, Undset, Flannery O'Connor, trong số nhiều người khác ở những nơi khác—cung cấp sự xác nhận thực nghiệm cho sự phân tích này. Chúng ta sẽ chuyển sang một vài tác giả trong số này trong phần tiếp theo.

Kỳ tới: Gerard Manley Hopkins
 
VietCatholic TV
Nga khựng lại trên mọi mặt trận khi Kyiv phóng bom chùm HIMARS M30. Nga tuyên bố bắn hạ máy bay Mỹ
VietCatholic Media
03:04 26/06/2024


1. Video cho thấy cuộc tấn công cụm HIMARS được nâng cấp đầu tiên của Kyiv vào quân đội Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Video Shows Kyiv's First Upgraded HIMARS Cluster Strike on Russian Troops”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng Ukraine lần đầu tiên sử dụng hỏa tiễn đạn chùm do Mỹ cung cấp trên chiến trường để tấn công vào quân đội Nga, với video về các cuộc tấn công có mục đích được lan truyền rộng rãi.

Là một phần trong hỗ trợ quân sự cho Kyiv, Mỹ đã cung cấp khoảng 20 hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, cho Ukraine, giúp quân đội nước này chống lại sự xâm lược của Nga. Các hệ thống này có thể phóng đạn chùm M30 GMLRS hay hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt có hướng dẫn.

Tài khoản X Ukraine Battle Map, nơi cung cấp thông tin cập nhật về cuộc xâm lược toàn diện của Nga, đã đăng một đoạn video dài hai phút được tin tưởng là bằng chứng trực quan về lần đầu tiên sử dụng hỏa tiễn đạn chùm chống lại lực lượng Mạc Tư Khoa.

Lấy bối cảnh bài hát “Zitti e Buoni” của ban nhạc rock Ý Måneskin, đoạn clip cho thấy những gì trông giống như cảnh quay bằng máy bay điều khiển từ xa về các vụ nổ trên một cánh đồng và một người lính Nga được đồng đội đưa đi trên cáng tới một phương tiện.

“Lần đầu tiên trong cuộc chiến, có video xác nhận Ukraine sử dụng hỏa tiễn GMLRS đạn chùm HIMARS M30 chống lại binh sĩ Nga”, Ukraine Battle Map cho biết bên cạnh đoạn clip được đăng hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu. Nó cho biết cuộc tấn công diễn ra khoảng 23 km từ tiền tuyến ở phía nam gần Burchak, vùng Zaporizhzhia, vào một nhóm binh sĩ Nga.

Bài đăng được chia sẻ bởi những người dùng X khác, bao gồm cả Trent Telenko, người viết rằng, “Đây là màn trình diễn trên chiến trường của đạn chùm M30 GMLRS với đầu đạn thay thế M31A1.”

Ukraine Battle Map trước đó đã đăng vào ngày 5 tháng 6 về việc hỏa tiễn M30, trong đó Mỹ có kho dự trữ dưới 1.950 chiếc, đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào Belgorod. Thành phố ở miền Tây nước Nga giáp biên giới với Ukraine này là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công xuyên biên giới.

Army Certification.com mô tả cuộc tấn công có chủ đích cách đây ba tuần là “sự phát triển đáng chú ý về chiến thuật và khả năng quân sự đang được sử dụng trong khu vực”. Hãng tin này cho biết M30 GMLRS, dài 4 m và nặng 307 kg, có 404 quả đạn con M101 phân tán trên một khu vực rộng và cung cấp “khả năng quan trọng cho chiến tranh hiện đại, đặc biệt là thực hiện các cuộc tấn công chính xác trên khoảng cách xa”.

Trong khi đó, kênh Astra Telegram cho biết Ukraine đã sử dụng HIMARS tấn công các mục tiêu ở khu vực Kursk hôm 22 Tháng Sáu, trong đó có tòa nhà Cục biên giới của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB.

2. Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đốt cháy 'Kho đạn dược dã chiến' bên trong nước Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Drone Strike Sets 'Field Ammunition Depot' on Fire Inside Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo địa phương, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một kho đạn ở vùng Voronezh của Nga, gây ra hỏa hoạn lớn.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 26 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở quận Olkhovatsky trong khu vực Voronezh của Nga.

Đại Úy Yusov cho biết Tình Báo Quân Đội Ukraine, gọi tắt là HUR đứng đằng sau vụ tấn công. Ông chia sẻ một đoạn video cho thấy những đám khói bốc lên trời và cho biết diện tích của ngọn lửa là khoảng 3.500 mét vuông và kho chứa vẫn đang cháy từ hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, cho đến nay.

HUR cho biết: “Xét về quy mô của nhà kho, có vẻ như nó sẽ bùng cháy và nổ trong thời gian dài”.

Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp của Nga cho biết lính cứu hỏa không thể tiếp cận với nhà kho vì quá nguy hiểm khi đạn dược bên trong đang phát nổ.

Ukraine thường xuyên tấn công các căn cứ quân sự của Nga, cho rằng đây là mục tiêu hợp pháp trong cuộc chiến đang diễn ra giữa hai nước bắt đầu từ tháng 2 năm 2022 sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện.

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong quận. Thống đốc Voronezh Alexander Gusev nói rằng các nỗ lực đang được đưa ra “để nhanh chóng để loại bỏ hậu quả của vụ nổ”. Trước đó, ông nói rằng “các vật thể nổ” đã phát nổ sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine.

Gusev cho biết một số trường mẫu giáo đã bị đóng cửa để “bảo đảm an toàn cho người dân” và các kỳ thi ở các trường lân cận đã bị hoãn lại.

Thống đốc nói: “Tôi yêu cầu tất cả cư dân của các thành phố lân cận của quận Olkhovatsky giải quyết tình hình một cách thấu hiểu và không hoảng sợ, không rời khỏi nhà một cách không cần thiết và theo dõi các thông báo tiếp theo. Những ai cần di tản chúng tôi sẽ di tản trong trật tự”.

Đại Úy Yusov cho biết hoạt động này được thực hiện bởi các binh sĩ thuộc Cục Hành động tích cực của Bộ Quốc phòng Ukraine.

Ông cho biết: “Tiếng ồn ào ở Nga - các trinh sát đã tấn công kho đạn dã chiến của đối phương”. “Niềm tự hào cho Ukraine!”

Vài ngày trước đó, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Krasnodar Krai, miền nam nước Nga, nhằm vào căn cứ máy bay điều khiển từ xa cảm tử Shahed của Nga.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự tàn phá tại một trung tâm huấn luyện phòng không gần căn cứ không quân Yeysk, cách chiến tuyến Ukraine hơn 130 km.

Hải quân Ukraine cho biết họ đã phối hợp với Cơ quan An ninh Ukraine để phá hủy cơ sở này vào ngày 21 Tháng Sáu.

Người dùng X, Dmitri, từ War Translated, một dự án độc lập dịch tài liệu về chiến tranh, cho biết theo người quay đoạn phim, “các vụ nổ tiếp tục kéo dài đến khi nó đánh thức họ lúc 3 giờ sáng”.

Yaroslav Trofimov của tờ Wall Street Journal lưu ý rằng kho đạn dược nằm “cách lãnh thổ gần nhất do Ukraine nắm giữ hơn 70 dặm hay 113 km”.

“Sáng sớm nay, nhiều máy bay điều khiển từ xa tấn công của Ukraine đã tấn công một kho đạn dược của Nga ở tỉnh Voronezh”, tài khoản tình báo nguồn mở OSINTTechnical cho biết. “Kho đạn dược và hàng ngàn quả đạn pháo tiếp tục bốc cháy và nổ tung vào cuối buổi sáng nay.”

Gusev bảo đảm rằng “tình hình đang được kiểm soát”.

Ông nói: “Các cơ quan điều hành, quân đội và quan chức chính phủ đang làm việc tại hiện trường.

3. Người Nga tuyên bố họ đã bắn hạ máy bay điều khiển từ xa do thám của Mỹ trên Hắc Hải

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russians Claim They Shot Down US Spy Drone over Black Sea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, một tờ báo Nga cho biết quân đội nước này có thể đã bắn hạ một máy bay điều khiển từ xa giám sát của Mỹ trên Hắc Hải.

Pravda, một tờ nhật báo của Nga, đăng một bài báo với tiêu đề phụ: “Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga có thể đã bắn hạ một máy bay điều khiển từ xa của Mỹ trên Hắc Hải”.

Tờ báo cho biết thông tin này lần đầu tiên được lan truyền bởi kênh Telegram Fighterbomber, là kênh có liên kết với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Cuối ngày thứ Hai, kênh này dường như gợi ý rằng có thứ gì đó đã bị bắn rơi trên Hắc Hải. Newsweek vẫn chưa thể xác minh tuyên bố này và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

“Vậy thì. Một sự khởi đầu đã được thực hiện. Xin chúc mừng tất cả mọi người tham gia. Anh chàng đẹp trai! Chúng tôi đang chờ đợi sự đồng ý từ Yankees về 'những hành động thiếu chuyên nghiệp'“, kênh này cho biết. “Hiện nay tình trạng bất ổn đang gia tăng ở Hắc Hải. Hãy xem liệu nó diễn ra liên tục hay chỉ là sự kiện xảy ra một lần.”

Yankee là từ chỉ Hoa Kỳ với ý chê bai.

Kênh Telegram không nêu chi tiết trong bài đăng đầu tiên về tài sản của Mỹ mà kênh này tuyên bố đã bị bắn hạ. Pravda đưa tin “có thể chiếc máy bay điều khiển từ xa bị bắn rơi là RQ-4 Global Hawk”.

Trong một bài khác, kênh Fighterbomber cho biết: “Nếu yankee bay trở lại, điều đó có nghĩa là họ đã chuẩn bị khá kỹ cho việc mất một chiếc Global Hawk (hoặc thậm chí nhiều hơn một chiếc)”.

Máy bay điều khiển từ xa do thám RQ-4 Global Hawk của Mỹ là máy bay được điều khiển từ xa, có độ bền cao, được điều khiển từ xa với bộ cảm biến tích hợp cung cấp khả năng tình báo, giám sát và trinh sát trong mọi thời tiết, ngày hay đêm trên toàn cầu, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn.

Tờ Izvestia của Nga hôm thứ Hai đưa tin, trích dẫn dữ liệu từ Flightradar24, rằng một máy bay điều khiển từ xa do thám Global Hawk của Mỹ đang ở trong không phận trên Crimea vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công nhằm vào thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo này vào hôm Chúa Nhật.

Fighterbomber hiện đã khẳng định như đinh đóng cột tuyên bố rằng một chiếc Global Hawk của Mỹ đã bị bắn rơi trên Hắc Hải.

Các nhà quan sát cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả nhà phân tích tình báo nguồn mở Oliver Alexander, đã chỉ ra trên X () rằng, bất chấp tuyên bố của kênh Telegram, dữ liệu radar chuyến bay cho thấy chuyến bay có thể nhìn thấy mới nhất của máy bay điều khiển từ xa do thám “đã kết thúc với việc hạ cánh an toàn ở Sigonella trong khu vực Lentini, Sicily, Ý vào sáng thứ Hai.”

“Báo cáo sai rằng một máy bay điều khiển từ xa của Mỹ đã bị bắn hạ ngày hôm qua ở Hắc Hải. Nó đã quay trở lại căn cứ, không bị tổn thất gì. Tuyên truyền của Nga,” một người dùng X khác cho biết, chia sẻ ảnh chụp màn hình từ Flightradar24.

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine thực hiện cuộc tấn công vào Chúa Nhật nhằm vào Sevastopol bằng cách sử dụng ATACMS tầm ngắn do Mỹ cung cấp được trang bị bom chùm, gây thương vong cho dân thường. Kyiv không bình luận về các cuộc tấn công.

Các cuộc tấn công vào Crimea đã gia tăng trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, khi Kyiv tìm cách giành lại bán đảo Hắc Hải. Khu vực này đã bị Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014.

Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ về vụ tấn công và tuyên bố sẽ gánh “hậu quả”.

4. Ukraine sẽ nhận được lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga theo 2 đợt bắt đầu từ tuần tới, Borrell nói

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu, Josep Borrell, tuyên bố Ukraine sẽ nhận được khoản thanh toán doanh thu từ tài sản bị phong tỏa của Nga theo hai đợt bắt đầu từ tháng 7.

Borrell cho biết trong cuộc họp báo ở Luxembourg: “Chúng tôi có những khoản doanh thu này đến từ các tài sản bị đóng băng và chúng tôi phải tìm cách sử dụng chúng, tránh bất kỳ hình thức tắc nghẽn nào”.

“Chúng tôi có một quy trình để thực hiện việc này một cách nhanh chóng. Đợt tiền đầu tiên sẽ đến vào tuần tới, vào tháng Bảy. Lần thứ hai sẽ đến vài tháng sau.”

Vào ngày 8 tháng 5, các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho nhu cầu tái thiết và quốc phòng của Ukraine. Theo các cuộc thảo luận trước đó, Kyiv dự kiến sẽ nhận được khoảng 3 tỷ euro hay 3,2 tỷ Mỹ Kim mỗi năm.

Borrell cho biết Ukraine cần được giúp đỡ nhiều hơn, đặc biệt là vào lúc này.

Ông nói thêm: “Tôi hy vọng rằng các bộ trưởng sẽ ủng hộ đề xuất mà chúng tôi đã đưa ra nhằm tăng cường hỗ trợ này bằng cách sử dụng nguồn thu của Nga”.

Các đối tác phương Tây của Ukraine và các đồng minh khác đã phong tỏa khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản của Nga khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Khoảng 2 phần 3 số tài sản đó được nắm giữ tại công ty dịch vụ tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ.

Trong khi một số thành viên G7, như Mỹ, đề xuất tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga thì Liên Hiệp Âu Châu lại do dự hơn vì lo ngại những cạm bẫy về mặt pháp lý và tài chính của việc tịch thu. Thay vào đó, Brussels tìm cách sử dụng lợi nhuận bất ngờ được tạo ra từ tài sản bị phong tỏa và chuyển chúng đến Kyiv.

5. Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt mẹ của nhà độc tài Chechnya

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “EU sanctions Chechen dictator’s mom”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Aimani Kadyrova, người mẹ 70 tuổi của lãnh chúa Chechnya Ramzan Kadyrov, nằm trong số gần 70 cá nhân và 47 công ty hỗ trợ Nga xâm chiếm Ukraine mà Hội đồng Liên minh Âu Châu đã đưa vào danh sách trừng phạt cá nhân hôm thứ Hai.

Tất cả đều phải đối mặt với việc đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại và quá cảnh qua Liên Hiệp Âu Châu cũng như lệnh cấm kinh doanh hợp pháp trong khối.

Bà Kadyrova là chủ tịch Quỹ Kadyrov, tổ chức điều hành các chương trình cải tạo cho trẻ em và thanh thiếu niên Ukraine bị lực lượng Nga bắt cóc từ Ukraine bị tạm chiếm.

Theo danh sách của Liên Hiệp Âu Châu, tổ chức này buộc trẻ em Ukraine phải trải qua khóa huấn luyện quân sự nhằm cố gắng khiến chúng xa lánh quê hương và người thân.

Quyết định của Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu cho biết: “Hơn nữa, Quỹ Kadyrov còn cung cấp các ưu đãi tài chính cho gia đình của các chiến binh Chechnya tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga để thu hút những tình nguyện viên mới và duy trì động lực chiến đấu cho những người đã chiến đấu”.

Kadyrov - đồng minh thân cận của Putin - trước đó từng có phản ứng xúc động khi mẹ ông bị trừng phạt. Năm ngoái, sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và lệnh cấm đi lại đối với Kadyrova, nhà lãnh đạo Chechnya đã quay một đoạn video trong đó ông phản đối các biện pháp này và yêu cầu dỡ bỏ chúng.

“Các ngươi phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt của mình và làm điều đó nhanh chóng! Nếu không thì… tôi sẽ không tha thứ cho những lệnh trừng phạt đối với mẹ tôi của các ngươi”, Kadyrov nói vào thời điểm đó.

Ngoài Kadyrova và hàng chục doanh nhân, quan chức Nga, danh sách trừng phạt mới của Liên Hiệp Âu Châu còn có các nhà tuyên truyền, diễn viên và thậm chí cả ca sĩ kiêm nhạc sĩ Shaman của Nga.

Bài hát nổi tiếng của Shaman, “Tôi là người Nga,” đã trở thành bài quốc ca không chính thức về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Vladyslav Vlasiuk, cố vấn văn phòng tổng thống Ukraine và điều phối viên của Nhóm trừng phạt quốc tế Yermak-McFaul, nói với POLITICO: Ukraine đã coi các nhà tuyên truyền Nga là ứng cử viên ưu tiên cho các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu trong gói mới.

“Việc trừng phạt những người tuyên truyền là một quyết định mạnh mẽ của Liên Hiệp Âu Châu vì những tuyên truyền viên này đóng góp rất nhiều cho nỗ lực chiến tranh của Nga.”

6. Điện Cẩm Linh phản ứng trước thông tin đồng minh của mình cung cấp vũ khí cho Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kremlin Responds to Reports Russian Ally Supplying Weapons to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Điện Cẩm Linh đã phản ứng trước thông tin rằng đạn dược từ Serbia, vốn được coi là đồng minh truyền thống của Mạc Tư Khoa, đã gián tiếp đến Ukraine.

Belgrade có quan hệ tốt với Mạc Tư Khoa và đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan đến cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Belgrade và Mạc Tư Khoa đã nổi lên kể từ khi bắt đầu chiến tranh, với việc Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić gọi Ukraine là một “quốc gia thân thiện” và nói rằng Crimea và Donbas bị Nga tạm chiếm là lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine.

Làm nổi bật sự cân bằng này trong mối quan hệ với Ukraine và Nga là báo cáo của Financial Times hôm thứ Bảy rằng lượng xuất khẩu đạn dược trị giá khoảng 800 triệu euro (855 triệu Mỹ Kim) của Serbia đã đến Ukraine thông qua bên thứ ba.

Vučić nói với tờ báo rằng mặc dù Serbia không thể xuất khẩu sang Ukraine hoặc Nga, nhưng họ vẫn có hợp đồng với Mỹ, Tây Ban Nha, Cộng hòa Tiệp và các nước khác và “cuối cùng thì những gì họ làm là công việc của họ”.

Khi được hỏi về việc bán đạn dược của Serbia, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết “chúng tôi đã thấy và nghe những tuyên bố này của ông Vučić,” cơ quan nhà nước Nga Tass đưa tin hôm thứ Hai, “chúng tôi sẽ giải quyết chủ đề này khi liên hệ với những người bạn Serbia của chúng tôi.”

Nikola Mikovic, một nhà phân tích chính trị ở Belgrade, nói với Newsweek Vučić coi thỏa thuận này là một “cơ hội thương mại tuyệt vời” và trái ngược với nhận thức của phương Tây, Belgrade không phải là đồng minh của Nga. Họ đã lên án cuộc xâm lược Ukraine và ủng hộ phong trào chống Nga và các nghị quyết tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Mikovic nói với Newsweek: “Chính phủ Serbia công khai ủng hộ Ukraine về mặt chính trị và ngoại giao, trong khi họ gián tiếp vũ trang cho Kyiv”. “Mạc Tư Khoa dung túng cho những động thái của Vučić vì Điện Cẩm Linh muốn duy trì ảo tưởng ở trong nước rằng có một quốc gia Âu Châu không có lập trường chống Nga.”

Reuters đưa tin, vụ rò rỉ thông tin của Ngũ Giác Đài vào năm 2023 cho thấy rằng Serbia đã bị cáo buộc cam kết cung cấp hoặc đã giao vũ khí sát thương cho Kyiv. chính phủ Serbia đã công khai phủ nhận.

Nhưng Vučić nói với Financial Times trong cuộc phỏng vấn công bố hôm thứ Bảy rằng việc bán đạn dược của Serbia là “một phần trong quá trình phục hồi kinh tế và quan trọng đối với chúng tôi”.

“Tôi cần phải chăm sóc người dân của mình,” ông ta nói với Financial Times, “chúng tôi có bạn bè ở Kyiv và Mạc Tư Khoa. Đây là những người anh em Slav của chúng tôi.”

Mikovic nói rằng Điện Cẩm Linh không có khả năng gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Belgrade. Ông nói: “Điều mà Vučić gần như chắc chắn lo sợ là phản ứng của các cử tri của ông ấy, vì đại đa số họ có tình cảm thân Nga mạnh mẽ,” ông nói, “đó là lý do tại sao các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ ở Serbia giữ im lặng trước các báo cáo về việc trang bị vũ khí cho Ukraine.”

7. Nga đe dọa 'hậu quả' đối với Mỹ sau vụ tấn công hỏa tiễn Crimea

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia threatens ‘consequences’ for US over Crimea missile strikes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Mạc Tư Khoa đã cảnh báo về “hậu quả” đối với Mỹ khi cáo buộc Washington có liên quan đến các cuộc tấn công chết người vào Crimea bị Nga tạm chiếm bằng hỏa tiễn do Mỹ sản xuất.

Theo hãng tin RIA Novosti thuộc sở hữu nhà nước của Nga, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov cho biết “thời gian sẽ cho biết” phản ứng của Nga sẽ như thế nào đối với việc sử dụng thứ mà Mạc Tư Khoa tuyên bố là 5 hỏa tiễn thuộc hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ tặng cho Ukraine.

“Tất nhiên, việc Mỹ tham gia vào các hoạt động thù địch, trực tiếp tham gia vào các hoạt động thù địch dẫn đến cái chết của thường dân Nga, điều này tất nhiên không thể không gây ra hậu quả”, Peskov nói. “Chính xác là gì - thời gian sẽ trả lời.”

Ukraine đã ngăn chặn cuộc xâm lược toàn diện của Putin kể từ tháng 2 năm 2022 với sự trợ giúp của vũ khí phương Tây.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố đã đánh chặn được 4 hỏa tiễn, các mảnh vỡ của hỏa tiễn thứ 5 đã phát nổ giữa không trung sau khi bị lực lượng phòng không tấn công, khiến 4 người thiệt mạng và 151 người trên mặt đất bị thương.

Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp hỏa tiễn ATACMS tầm xa với tầm bắn 300 km cho Ukraine vào đầu năm nay. Tòa Bạch Ốc cũng đồng ý vào tháng 5 cho phép Kyiv sử dụng vũ khí được tài trợ để tấn công các mục tiêu bên trong Nga và trên lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa tuyên bố chủ quyền.

Cơ quan truyền thông nhà nước TASS của Nga hôm thứ Hai đưa tin rằng Điện Cẩm Linh đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa Lynn Tracy tới Bộ Ngoại giao để phản ứng với vụ tấn công Crimea.

Đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội hôm Chúa Nhật cho thấy những người tắm biển chạy trốn khỏi các bãi biển ở khu vực Crimea. Trong khi đó, Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào Kharkiv ở miền đông Ukraine, giết chết hàng chục thường dân.

Theo các tài khoản tình báo nguồn mở, trong một cuộc tấn công hỏa tiễn khác vào hôm Chúa Nhật, 23 Tháng Sáu, lực lượng Ukraine cũng tấn công vào một trạm radar quân sự ở Crimea, nơi được sử dụng để giám sát không gian sâu và giải quyết dữ liệu vệ tinh.

8. Nga chỉ mới trả lại cho Ukraine 800 trong số khoảng 20.000 trẻ em bị bắt cóc

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết Ukraine đã đưa về khoảng 800 trẻ em bị Nga bắt cóc trong tổng số gần 20.000 trẻ.

“Chúng tôi không biết chính xác số lượng trẻ em bị bắt đi nhưng chúng tôi đã xác định được rằng có khoảng 20.000 trẻ em, trong đó 800 trẻ đã được trả lại,” Vereshchuk nói.

“Cũng có những trường hợp trẻ em và người giám hộ của chúng trở về từ Nga qua nước thứ ba. Đây là một dự án đang tiến hành.”

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ Ủy viên Tổng thống Nga về Quyền Trẻ em Maria Lvova-Belova và Putin vào ngày 18 tháng 3 năm 2023, về việc bắt cóc trẻ em Ukraine.

Putin trước đây đã ca ngợi Lvova-Belova vì công việc giám sát việc bắt cóc trẻ em Ukraine, miêu tả đây là cái gọi là “nỗ lực nhân đạo” nhằm “bảo vệ công dân Nga”.

Bản thân Lvova-Belova đã trực tiếp tham gia vào việc bắt cóc 46 trẻ em từ nhà nuôi dưỡng ở Kherson khi đó đang bị tạm chiếm vào năm 2022, Tờ New York Times đưa tin

Theo Phó Thủ tướng Vereshchuk, chính quyền Ukraine đang tìm kiếm dữ liệu về trẻ em Ukraine thông qua Europol, các tổ chức Âu Châu và toàn cầu. Cô nói thêm, nếu trẻ em ở nước ngoài, bên ngoài nước Nga, chúng sẽ được đưa ra khỏi danh sách những người đang được tìm kiếm.

Vereshchuk cho rằng các biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế phải nghiêm khắc để Nga nhận ra rằng hình phạt cho hành động của mình là có thật.

“ Nếu Nga tiếp tục chính sách diệt chủng này, thì nước này phải nhận các lệnh trừng phạt, án tù thực sự.”

“Khi đó quá trình trao trả con cái của chúng tôi sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều”, cô nói.

Theo một cuộc điều tra do Financial Times công bố ngày 12 Tháng Sáu, một số trẻ em bị bắt cóc và trục xuất về Nga có thể đã được cho làm con nuôi trên một trang web nhận con nuôi có liên kết với chính phủ.

Cuộc điều tra của Financial Times đã xác định được 4 trẻ em Ukraine từ 8 đến 15 tuổi trên trang web nhận con nuôi usynovite.ru liên kết với chính phủ Nga. Những đứa trẻ này được tường trình đã bị bắt cóc từ các viện dục anh của nhà nước Ukraine.

Theo một báo cáo được tờ Guardian công bố ngày 4 Tháng Hai, những đứa trẻ Ukraine bị cưỡng bức bắt cóc sang Nga phải chịu các nỗ lực cải tạo có hệ thống của chính quyền Nga, và trong nhiều trường hợp đã bị lạm dụng tính dục.

9. Đức cung cấp cho Ukraine hơn 40 xe tải cho lực lượng biên phòng tiền tuyến

Đức đã cung cấp cho Ukraine 41 xe tải cho lực lượng biên phòng Ukraine phục vụ ở tiền tuyến, Đại sứ Đức tại Ukraine Martin Jaeger thông báo hôm 24 Tháng Sáu.

“Đức đứng về phía Ukraine. Jaeger viết : 41 xe tải Mercedes Arocs sẽ giúp các đơn vị của Cơ quan Biên phòng cung cấp dịch vụ hậu cần ở mặt trận.

“Đây là một cách khác mà Đức đang góp phần bảo vệ Ukraine trước kẻ xâm lược Nga.”

Ban đầu là đối tác do dự, Berlin đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ

Đức đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine vào giữa tháng 6 bao gồm bệ phóng hỏa tiễn HIMARS, xe chiến đấu bộ binh và xe tăng Leopard.

Gói hàng này còn bao gồm hệ thống phòng không IRIS-T và hàng chục ngàn viên đạn 155 ly.

Berlin cũng có kế hoạch tăng viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 3,8 tỷ euro hay 4,13 tỷ Mỹ Kim vào năm 2024, Reuters đưa tin.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn phản đối việc gửi hỏa tiễn tầm xa Taurus vì ông lo ngại động thái này sẽ lôi kéo Đức vào cuộc chiến.

10. Thống đốc Nga tuyên bố cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa 'quy mô lớn' nhắm vào Belgorod đã làm hư hại các tòa nhà, và đường dẫn khí đốt

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Thống đốc Vyacheslav Gladkov tuyên bố, các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào thành phố Belgorod của Nga và các khu định cư ở Belgorod vào tối ngày 24 tháng 6 đã làm hư hại nhiều tòa nhà, phương tiện và đường dây cung cấp khí đốt, đồng thời khiến 4 người bị thương.

Các báo cáo về các cuộc tấn công trên không nhằm vào tỉnh Belgorod, giáp ranh với các tỉnh Sumy, Kharkiv và Luhansk của Ukraine, đã trở nên phổ biến trong những tháng gần đây.

Theo Gladkov, một cuộc tấn công “quy mô lớn” bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào Belgorod đã gây hư hại cho 4 tòa nhà chung cư trong thành phố và làm vỡ cửa sổ của 3 tòa nhà khác ở thị trấn Severnyi gần đó. Gladkov cho biết một ngôi nhà, 4 phương tiện và một đường ống dẫn xăng cũng bị hư hại trong thành phố.

Một phụ nữ ở thành phố Belgorod được cho là đã bị thương và được đưa đến bệnh viện với vết thương ở đầu và gãy tay phải. Gladkov cho biết ở thị trấn Stroitel, hai người khác bị thương. Không có thông tin chi tiết nào được cung cấp về nạn nhân thứ tư.

Theo Gladkov, một tòa nhà hành chính ở thành phố Shebekino đã bốc cháy và “bị thiêu rụi hoàn toàn”.

Ở những nơi khác trong khu vực, 4 tòa nhà chung cư khác, 8 ngôi nhà và 2 phương tiện cũng bị hư hại.

Trong khi đó, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố các lực lượng phòng không Nga đã chặn 29 máy bay điều khiển từ xa ở tỉnh Belgorod và một máy bay điều khiển từ xa ở tỉnh Voronezh gần đó.

Kyiv không phải lúc nào cũng tuyên bố chịu trách nhiệm chính thức về các cuộc tấn công được báo cáo trên đất Nga. Trong một số trường hợp, Ukraine đã bác bỏ các cáo buộc của Nga liên quan đến các cuộc tấn công ở tỉnh Belgorod.

Ukraine đã tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ và ngành công nghiệp quốc phòng của Nga với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng trong suốt mùa đông và mùa xuân.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đưa tin, vào ngày 23 Tháng Sáu, quân đội Ukraine đã tấn công một sở chỉ huy của một trung đoàn súng trường cơ giới Nga ở Nekhoteyevka thuộc vùng Belgorod.

Trong những tháng mùa đông, Ukraine bị thiếu hụt trầm trọng đạn pháo, phần lớn là do viện trợ quân sự của Mỹ bị trì hoãn. Nga đã tận dụng điều này, chiếm thành phố Avdiivka vào tháng 2
 
ATACMS và cầu Kerch: Phát hiện của Tướng Budanov làm Nga lo lắng. Bắc Hàn tình nguyện làm bia đỡ đạn
VietCatholic Media
16:46 26/06/2024


1. Tướng Kyiv nhận định rằng cuộc tấn công ATACMS có thể cắt đứt cầu nối giữa Crimea và Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “ATACMS Strikes Could Sever Russia's Crimea Link: Kyiv General”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết Kyiv có thể sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công vào cây cầu nối Crimea với Nga.

Cầu Kerch có đường bốn làn đường xe hơi và 2 làn đường hỏa xa, nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo bị Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Trong suốt cuộc chiến do Putin phát động, cây cầu đã là tuyến đường cung cấp quan trọng cho người Nga. Cây cầu cũng biểu tượng cho sự xâm lược của Mạc Tư Khoa.

Ukraine đã đạt được những thành công trong việc đánh trúng cây cầu dài 12 dặm hay 19km, chẳng hạn như vào ngày 17 Tháng Bẩy, 2023, khi một cuộc tấn công đã phá hủy một phần cả phần đường bộ và hỏa xa của cây cầu. Tờ Kommersant của Nga đưa tin vào tháng 10/2022, một phần của nó đã bị nổ tung bằng thiết bị nổ tự chế có sức công phá tương đương 10 tấn thuốc nổ TNT.

Trung tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là HUR, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng một cuộc tấn công vào cây cầu bằng hỏa tiễn ATACMS có thể cắt đứt liên lạc với Nga một lần và mãi mãi.

Ông nói với The Philadelphia Inquirer rằng những người cho rằng ATACMS không đủ mạnh để phá hủy cây cầu “nên đọc hướng dẫn kỹ thuật”.

Ông nói: “Câu hỏi duy nhất là số lượng của chúng. Nhưng về nguyên tắc, những hỏa tiễn này sẽ cho phép chúng tôi hoàn thành sứ mệnh này”.

Chính sách của Washington liên quan đến việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho phép Kyiv tấn công bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm, là điều mà Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết có khả năng bao gồm việc tấn công ATACMS tầm xa vào phần Cầu Kerch trong lãnh thổ Ukraine. biên giới trên đất liền và trên biển được quốc tế công nhận.

Viện nghiên cứu Washington DC cho biết hôm thứ Hai rằng việc cây cầu bị phá hủy có nghĩa là lực lượng Nga sẽ phải dựa vào tuyến đường dài dọc theo bờ biển phía bắc Biển Azov mà lực lượng Ukraine có thể tấn công dễ dàng.

Vào tháng 5, Molfar, một cơ quan tình báo nguồn mở có trụ sở tại Kyiv cho biết phân tích hình ảnh vệ tinh Maxar trong năm qua cho thấy Nga đang định tuyến lại các nguồn cung cấp quân sự.

Người ta không tìm thấy đoàn tàu chở hàng nào của Nga chở thiết bị quân sự đi trên đoạn hỏa xa của cầu trong tháng 3 và tháng 4 năm 2024. Vào tháng 2, chỉ có một đoàn tàu chở hàng đi qua cầu mặc dù không rõ liệu nó có vận chuyển bất kỳ thiết bị quân sự nào hay không.

Artem Starosiek, Giám đốc điều hành và người sáng lập Molfar nói với Newsweek vào tháng 5 rằng SBU đã giúp hạn chế vận tải quân sự của Nga qua cầu.

“Đó là một công việc tuyệt vời của SBU,” ông nói. “Nhưng hiện tại chúng tôi có những vấn đề khác vì Nga đang đi qua các thành phố bị tạm chiếm như Mariupol, Berdiansk và xây dựng một tuyến hỏa xa mà họ đang sử dụng thay cho cây cầu Kerch.” Ông nói thêm rằng dù thế nào việc tấn công vào cây cầu vẫn có “ý nghĩa biểu tượng” đáng kể.

Budanov bác bỏ tuyên bố Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Crimea bị đe dọa, nói với The Inquirer, “chúng tôi không có lực lượng tập trung lớn để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như vậy”.

Ngoài ra, động thái như vậy “sẽ dẫn đến rủi ro chính trị lớn cho Putin”, ông nói thêm.

Ở một nơi khác trong cuộc phỏng vấn, Budanov nói rằng viện trợ quân sự của phương Tây sẽ không đến Ukraine với số lượng đủ để thay đổi tình hình ở tiền tuyến cho đến ít nhất là từ giữa đến cuối tháng 7. Với đạn pháo đến từ Mỹ và Âu Châu, ông cho biết việc chuyển giao vũ khí diễn ra nhanh hơn vài tháng trước, nhưng “vấn đề là về số lượng”.

2. Zelenskiy hoan nghênh lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, Tư lệnh quân đội Nga Gerasimov

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã hoan nghênh lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành đối với cựu bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng Nga.

“Mọi tội phạm liên quan đến việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công này phải biết rằng công lý sẽ được thực thi. Và chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy họ ở sau song sắt,” ông nói.

“Quyết định này là một dấu hiệu rõ ràng rằng công lý cho tội ác của Nga đối với người Ukraine là không thể tránh khỏi. Nó chứng minh rõ ràng rằng không có cấp bậc quân sự hay chức quyền cao trọng nào có thể che chắn cho tội phạm Nga khỏi trách nhiệm”

Tưởng cũng nên nhắc lại là Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, hôm 25 Tháng Sáu thông báo đã phát lệnh bắt giữ hai quan chức quốc phòng Nga chỉ đạo nỗ lực chiến tranh của nước này.

Sergei Shoigu, nhà lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga và Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, đặc biệt là “chỉ đạo tấn công vào các đối tượng dân sự” và “gây tổn hại ngẫu nhiên quá mức cho dân thường hoặc gây thiệt hại cho các đối tượng dân sự.”

Shoigu và Gerasimov cũng bị buộc tội “tội ác chống lại nhân loại”. ICC cho biết các cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.

Shoigu từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào thời điểm xảy ra các tội ác bị cáo buộc.

Tòa án nhận thấy “có cơ sở hợp lý để tin rằng các cuộc tấn công bị cáo buộc nhằm vào các đối tượng dân sự”.

Mặc dù cơ sở hạ tầng năng lượng “có thể được coi là mục tiêu quân sự vào thời điểm thích hợp”, ICC cho biết “tác hại và thiệt hại ngẫu nhiên dự kiến đối với dân sự rõ ràng sẽ vượt quá lợi ích quân sự dự kiến”.

Các cáo buộc chống lại Shoigu và Gerasimov diễn ra sau các lệnh bắt giữ tương tự được ban hành đối với hai chỉ huy cấp thấp hơn của Nga được cho là chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine trong cùng khoảng thời gian.

ICC cho biết vào tháng 3 năm 2024 rằng Trung tướng Sergei Kobylash và Đô đốc Viktor Sokolov “mỗi người bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm” về một số tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc “chỉ đạo tấn công vào các mục tiêu dân sự”.

Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, chỉ riêng cuộc tấn công vào mùa đông năm 2023 đã gây ra thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ Mỹ Kim trên khắp Ukraine và khiến 12 triệu người không có hoặc bị hạn chế tiếp cận điện.

ICC cũng đã ban hành lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm 2023 đối với Putin và Maria Lvova-Belova, ủy viên tổng thống về quyền trẻ em, vì tội cưỡng bức chuyển trẻ em từ các vùng bị Nga tạm chiếm ở Ukraine.

Nga đã rút khỏi ICC vào năm 2016 sau khi tòa án chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp. Tuy nhiên, các quan sát viên cho rằng khả năng những nhân vật Nga phải đối diện với công lý là rất cao. Nga không thành công trên chiến trường. Nếu thành công họ đã chiếm được Ukraine từ lâu với quân số, khí tài chiến tranh đều vượt trội so với Ukraine. Trong cuộc chiến đang diễn ra hiện nay, với mức độ tiêu hao cả ngàn quân mỗi ngày, thật là ngây thơ khi nghĩ rằng chính quyền Putin có thể tồn tại lâu dài và có thể tiếp tục cuộc xâm lược tiêu hao hiện nay trong một khoảng thời gian đáng kể. Viễn tượng rất khả thi là một chính quyền mới của Nga sẽ giao nộp tất cả những con người này ra trước ICC để thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế.

3. Zelenskiy thăm tỉnh Donetsk cùng với tướng mới được bổ nhiệm Hnatov

Hôm Thứ Tư, 26 Tháng Sáu, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm tỉnh Donetsk cùng với Tư lệnh các lực lượng liên hợp của Lực lượng vũ trang Ukraine mới được bổ nhiệm, Chuẩn tướng Andrii Hnatov.

Zelenskiy thông báo vào ngày 24 tháng 6 rằng ông đã bổ nhiệm Hnatov thay thế Trung tướng Yurii Sodol sau những báo cáo chưa được xác nhận rằng Sodol là đối tượng của đơn khiếu nại chính thức lên Cục Điều tra Nhà nước. Sodol được cho là đã bị cáo buộc có những quyết định dẫn đến tổn thất nặng nề cho quân đội dưới quyền chỉ huy của ông.

Zelenskiy cho biết ông và Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi “đã chính thức giới thiệu Andrii Hnatov với tất cả những người chịu trách nhiệm phòng thủ ở khu vực Donetsk” và đã đến thăm các lữ đoàn 110 và 47.

Trong một địa chỉ video được quay trước biển báo lối vào thành phố Pokrovsk, Zelenskiy cảm ơn những người bảo vệ và y tế trong khu vực và nói rằng ông đã tổ chức một “cuộc họp chi tiết về an ninh và hỗ trợ cho người dân”.

Pokrovsk, nằm cách thủ đô Donetsk bị Nga tạm chiếm khoảng 70 km về phía tây bắc, đã bị trúng một hỏa tiễn đạn đạo vào ngày 24 tháng 6, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 41 người khác bị thương.

Zelenskiy nhấn mạnh sự cần thiết của việc các quan chức thực sự phải đích thân đến thăm các khu vực tiền tuyến, đồng thời nói rằng các giải pháp cho các vấn đề địa phương “đơn giản là không thể nhìn thấy được từ Kyiv”.

Ông nói thêm: “Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng một số quan chức có liên quan đã không ở đây từ sáu tháng trở lên”. “Sẽ có một cuộc trò chuyện nghiêm chỉnh và tôi sẽ đưa ra kết luận phù hợp về vấn đề đó.”

4. Putin phàn nàn rằng không ai giúp đỡ Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Complains that No One Will Help Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vladimir Putin đã phàn nàn rằng không có ai giúp đỡ Nga khi nước này tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine.

Nhà độc tài Nga nói rằng đất nước của ông “chỉ có thể dựa vào chính mình” khi ông phát biểu trước các quân nhân tập trung tại Hội trường St George của Cung điện Cẩm Linh.

Trong bài phát biểu được truyền hình nhà nước quay và đăng trên Telegram, ông nói về sự cần thiết của một nền kinh tế ổn định ở Nga để hỗ trợ Bộ Quốc phòng.

“Mọi người đều tính: họ tính tiền lương, tính thiết bị mới và đặt hàng—điều đó rất quan trọng. Đây là cơ sở”, Putin nói.

“Theo nghĩa này, chúng tôi chỉ có thể dựa vào chính mình. Sẽ không có ai đến và cho chúng ta bất cứ thứ gì bằng một bàn tay dang rộng, chúng ta sẽ phải tự làm điều đó. Chúng ta phải làm được điều đó”, ông nói thêm.

Bình luận của Putin được đưa ra sau khi ông ký một hiệp ước cùng với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân để cam kết viện trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Nga hoặc Bắc Hàn.

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ vào thứ Ba, ngày 25 tháng 6 đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tướng Valery Gerasimov vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người sau khi hai người này đã chủ ý tấn công vào dân thường.

Shoigu, 69 tuổi, được coi là nhân vật chủ chốt trong quyết định tấn công Ukraine của Putin trước khi bị thay thế trong cương vị bộ trưởng quốc phòng vào tháng 5 năm nay.

Cuộc xâm lược trong đó Nga dự kiến sẽ nhanh chóng chiếm Kyiv và cài đặt một thủ lĩnh bù nhìn đã vấp phải sự kháng cự nặng nề từ làn sóng người Ukraine dũng cảm.

Gerasimov, 68 tuổi, người giữ chức tổng tham mưu trưởng từ năm 2012, tiếp tục giám sát các hoạt động quân sự ở Ukraine trong hỗn loạn và với các tổn thất cao một cách đáng kinh ngạc.

Trong khi đó, một phái đoàn Ukraine đã đến Luxembourg vào hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, để bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với các quan chức Liên Hiệp Âu Châu.

Cuộc họp sẽ khởi động các kế hoạch để bắt đầu quá trình trở thành thành viên để gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, điều mà các chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều năm.

Bridget A. Brink, đại sứ Mỹ tại Ukraine, đã chúc mừng nước này khi cuộc đàm phán với Liên Hiệp Âu Châu bắt đầu.

“Xin chúc mừng Tổng thống Zelenskiy và người dân Ukraine khắp nơi khi các cuộc đàm phán chính thức để Ukraine gia nhập Liên minh Âu Châu bắt đầu từ hôm nay. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực hiện thực hóa nguyện vọng của Liên Hiệp Âu Châu.

Cô nói: “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực hiện thực hóa nguyện vọng của Liên Hiệp Âu Châu”.

5. Mỹ tuyên bố Putin sẽ sử dụng quân đội Bắc Hàn làm bia đỡ đạn

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin would use North Korean troops as ‘cannon fodder,’ US claims”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Tướng Pat Ryder cho biết trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư, 26 Tháng Sáu, rằng nếu Bình Nhưỡng quyết định gửi quân đến chiến đấu cho Nga ở Ukraine thì lực lượng của họ sẽ được sử dụng làm bia đỡ đạn.

“Nếu tôi là người quản lý quân sự của Bắc Hàn, tôi sẽ đặt câu hỏi về việc lựa chọn gửi lực lượng của mình làm bia đỡ đạn trong một cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine. Và chúng ta đã chứng kiến những loại thương vong mà lực lượng Nga phải gánh chịu”, Thiếu Tướng Ryder nói.

Chiến lược quân sự của Nga trong chiến tranh liên quan đến việc sử dụng số lượng binh sĩ vượt trội để áp đảo Ukraine. Mặc dù đã chịu tổn thất nặng nề trong cuộc xâm lược bất hợp pháp, nhưng nó đã có thể thay thế quân đội tiền tuyến một cách nhanh chóng.

Đầu tháng này, Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân đã ký một hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, cam kết cả hai nước sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho nhau nếu một trong hai nước bị tấn công.

Theo hiệp ước, trong trường hợp một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh do bị nước ngoài xâm lược, bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện mà mình sở hữu ngay lập tức.

Hiệp ước không đề cập đến cuộc chiến hiện tại và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Hàn sẽ gửi quân, nhưng Bình Nhưỡng có kế hoạch cử đơn vị kỹ thuật quân sự của mình tới các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine để tiến hành công việc tái thiết, Reuters đưa tin dẫn lời Kênh truyền hình Chosun của Nam Hàn. Theo báo cáo của TV Chosun, quân đội được gửi đến Ukraine có thể sẽ làm công nhân ở nước ngoài để kiếm tiền cho Bắc Hàn, nơi nền kinh tế đang bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Bình Nhưỡng đã cung cấp vũ khí cho Nga từ năm 2023, nhưng nước này chưa bao giờ gửi quân chiến đấu với số lượng đáng kể đến tiến hành chiến tranh trong một cuộc xung đột ngoài Bán đảo Triều Tiên.

Vào tháng 2, chính quyền Ukraine cho biết đã bắn hạ ít nhất 20 hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn mà Nga sử dụng trong các cuộc tấn công lớn chống lại Ukraine kể từ năm ngoái. Tờ Washington Post đưa tin Bắc Hàn đã cung cấp hơn 11.000 container đạn dược cho Nga kể từ mùa thu năm ngoái.

6. Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ hoan nghênh lệnh bắt giữ Shoigu và Gerasimov của ICC

Mỹ hoan nghênh hoan nghênh lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đối với Sergei Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh Nga và Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, về tội ác chiến tranh chống Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Matthew Miller đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngay sau khi ICC công bố lệnh truy nã Valery Gerasimov và Sergei Shoigu.

Trước đó cùng ngày, Shoigu và Gerasimov đã bị ICC ban hành lệnh bắt giữ vì vai trò của họ trong việc tiến hành các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023. Shoigu từng là Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào thời điểm xảy ra cáo buộc tội ác chiến tranh.

Khi được hỏi về phản ứng của Hoa Kỳ trước lệnh bắt giữ, Miller nói: “Chúng tôi ủng hộ một loạt cuộc điều tra quốc tế về hành động tàn bạo của Nga ở Ukraine, bao gồm cả cuộc điều tra do ICC tiến hành”.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng đã có những hành động tàn bạo do lực lượng Nga gây ra trong cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine và rằng họ phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo đó.”

Tổng thống Joe Biden cho biết ông hoan nghênh lệnh bắt giữ tháng 3 năm 2023 của ICC đối với Putin và Maria Lvova-Belova, Ủy viên của Tổng thống về Quyền Trẻ em, vì tội cưỡng bức chuyển trẻ em từ các khu vực bị Nga tạm chiếm ở Ukraine.

Tổng thống Biden cũng được tường trình đã ra lệnh cho chính quyền của mình giao bằng chứng cho ICC để hỗ trợ các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Nga.

Nga đã rút khỏi ICC vào năm 2016 sau khi tòa án chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp. Tuy nhiên, các quan sát viên cho rằng khả năng những nhân vật Nga phải đối diện với công lý là rất cao. Nga không thành công trên chiến trường. Nếu thành công họ đã chiếm được Ukraine từ lâu với quân số, khí tài chiến tranh đều vượt trội so với Ukraine. Trong cuộc chiến đang diễn ra hiện nay, với mức độ tiêu hao cả ngàn quân mỗi ngày, thật là ngây thơ khi nghĩ rằng chính quyền Putin có thể tồn tại lâu dài và có thể tiếp tục cuộc xâm lược tiêu hao hiện nay trong một khoảng thời gian đáng kể. Viễn tượng rất khả thi là một chính quyền mới của Nga sẽ giao nộp tất cả những con người này ra trước ICC để thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế.

7. Nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài và tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga lần đầu điện đàm

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Pat Ryder cho biết trong cuộc họp báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov vào ngày 25 Tháng Sáu.

Đây là lần đầu tiên Austin nói chuyện với Belousov kể từ khi ông này được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng Nga vào tháng 5, thay thế Sergei Shoigu trong một cuộc cải tổ bất ngờ bộ máy an ninh và quốc phòng của Nga.

Thiếu Tướng Ryder nói: “Trong cuộc gọi với Belousov, Bộ Trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đường dây liên lạc trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra của Nga chống lại Ukraine”.

Cuộc trò chuyện diễn ra khi quân đội Nga đang cố gắng tiến hành các cuộc tấn công ở các khu vực Donetsk và Kharkiv.

Mạc Tư Khoa vẫn chưa bình luận về cuộc gọi giữa Austin và Belousov.

Nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài đã có cuộc gọi với Shoigu vào tháng 3 năm 2023 sau khi một máy bay phản lực của Nga bắn hạ một máy bay điều khiển từ xa của Mỹ trên vùng biển quốc tế của Hắc Hải.

Tòa án Hình sự Quốc tế ngày 25 Tháng Sáu thông báo đã phát lệnh bắt giữ Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov vì tội ác chiến tranh chống Ukraine.

8. NATO chính thức chọn Thủ tướng Rutte của Hòa Lan làm lãnh đạo tiếp theo

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “As Putin menaces and Trump hovers, NATO chooses Rutte as next leader”, nghĩa là “Khi Putin đe dọa và Trump lơ lửng, NATO chọn Rutte làm lãnh đạo tiếp theo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Mark Rutte, thủ tướng Hòa Lan sắp mãn nhiệm, sẽ là tổng thư ký tiếp theo của NATO, liên minh này cho biết một cách chính thức hôm Thứ Tư, 26 Tháng Sáu, vào thời điểm quan trọng đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương khi Nga tiến hành chiến tranh với Ukraine.

“Thật vinh dự khi được bổ nhiệm làm Tổng thư ký NATO. Liên minh đang và sẽ vẫn là nền tảng cho an ninh chung của chúng ta”, Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói.

“Lãnh đạo tổ chức này là một trách nhiệm mà tôi không hề xem nhẹ. Tôi biết ơn tất cả các nước Đồng minh đã đặt niềm tin vào tôi”, ông nói thêm.

Rutte sẽ nắm quyền lãnh đạo NATO vào ngày 1 tháng 10 tại một thời điểm quan trọng trong lịch sử của liên minh, trước cuộc xâm lược toàn diện đang diễn ra của Putin vào Ukraine. Vào tháng 11, Hoa Kỳ sẽ tiến hành các cuộc bỏ phiếu nơi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, cam kết đánh giá lại vai trò quan trọng của Mỹ trong NATO và đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg ca ngợi Rutte là một “người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương thực sự, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và là người xây dựng sự đồng thuận”.

“Tôi chúc ông ấy thành công khi chúng tôi tiếp tục củng cố NATO. Tôi biết tôi sẽ rời NATO trong tay những người có trách nhiệm”, ông nói.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết “khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm của Rutte sẽ rất quan trọng đối với Liên minh trong những thời điểm đầy thử thách này”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông tin tưởng Rutte sẽ tiếp tục “công việc xuất sắc của Stoltenberg trong việc giữ cho NATO vững mạnh và đoàn kết, trong khi chúng tôi nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ tập thể và hỗ trợ cuộc chiến vì tự do của Ukraine”.

Rutte phải đối mặt với con đường đầy chông gai để đạt được vị trí cao nhất trong liên minh quân sự.

Ông bắt đầu vận động tranh cử vào tháng 11 năm ngoái và vấp phải sự chỉ trích từ một số thành viên cực đông của NATO, bao gồm cả việc ủng hộ dự án đường ống Nord Stream 2 của Nga và không đáp ứng chi tiêu quốc phòng của Hòa Lan theo tiêu chuẩn của NATO.

Dưới thời ông làm thủ tướng trong 14 năm, Hòa Lan đã không đáp ứng được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO là 2% GDP, mặc dù nước này dự kiến sẽ đạt được mục tiêu này trong năm nay.

9. Von der Leyen được tường trình đã được đề cử nhiệm kỳ thứ hai làm chủ tịch Ủy ban Âu Châu

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu được tường trình đã đề cử Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai, Politico đưa tin hôm 25 Tháng Sáu, dẫn lời 5 quan chức Liên Hiệp Âu Châu.

Nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Von der Leyen đã được thúc đẩy bởi cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu hồi đầu tháng 6.

Đảng Nhân dân Âu Châu, gọi tắt là EPP, trung hữu, bao gồm Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của von der Leyen, vẫn là đảng lớn nhất với 189 ghế.

Quyết định này vẫn phải được chính thức hóa tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Âu Châu vào ngày 27-28 Tháng Sáu, sau đó được các thành viên Nghị viện Âu Châu thông qua.

Do đó, Von der Leyen sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ thành viên của Nghị Viện Âu Châu trong những tuần tới, vì bà cần có sự chấp thuận của hơn một nửa trong số 720 thành viên của Nghị viện Âu Châu.

Là một người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, von der Leyen trước đây đã loại trừ việc hợp tác với các đảng thân thiện với Điện Cẩm Linh.

Theo Politico, Kaja Kallas cũng đã được phê chuẩn làm Đại diện cao cấp tiếp theo của Liên Hiệp Âu Châu về đối ngoại, vị trí hiện do Josep Borrell nắm giữ.

Antonio Costa được cho là sẽ là chủ tịch tiếp theo của Hội đồng Âu Châu, vị trí hiện nay do Charles Michel nắm giữ.

Quyết định này được đàm phán bởi sáu nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, đó là Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte.

10. Tuyên bố của Hội đồng An ninh Nga về lệnh bắt giữ Valery Gerasimov và Sergei Shoigu

Hôm Thứ Tư, 26 Tháng Sáu, Hội đồng An ninh Nga cho biết lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu của Tòa án Hình sự Quốc tế là một phần của cuộc chiến hỗn hợp chống lại Mạc Tư Khoa.

ICC hôm thứ Ba đã ban hành lệnh bắt giữ Shoigu, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, và Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong quá trình xâm lược Ukraine.

11. Thủ tướng Tiệp xác nhận Ukraine đã nhận lô đạn pháo đầu tiên theo sáng kiến do Praha dẫn đầu

Hôm Thứ Tư, 26 Tháng Sáu, Thủ tướng Tiệp Petr Fiala cho biết Ukraine đã nhận được lô đạn pháo đầu tiên theo sáng kiến do Tiệp dẫn đầu.

Tổng thống Tiệp Petr Pavel hồi tháng 2 cho biết Praha đã xác định được 500.000 quả đạn pháo 155 ly và 300.000 quả đạn pháo 122 ly bên ngoài Âu Châu có thể được mua và gửi tới Ukraine sau khi số tiền cần thiết được phân bổ cho sáng kiến này.

Ngoại trưởng Tiệp Jan Lipavsky cho biết vào cuối tuần rằng một số quốc gia, bao gồm Cộng hòa Tiệp, Đức, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Canada và Hòa Lan, đã đóng góp kinh phí cho sáng kiến của Tiệp, có thể dẫn đến việc chuyển 1,5 triệu viên đạn tới Kyiv.

Theo Thủ tướng, hơn 1,6 tỷ euro hay 1,7 triệu Mỹ Kim đã được phân bổ cho nỗ lực này.

“Lô hàng đạn dược đầu tiên theo sáng kiến của chúng tôi đã đến Ukraine cách đây một thời gian. Chúng tôi đang làm những gì cần thiết”, Fiala nói.

Lipavsky cho biết vào giữa tháng 6 rằng những quả đạn pháo đầu tiên được mua theo sáng kiến này đã đến Ukraine trong “những ngày này”.

Các quan chức Tiệp không nêu rõ số lượng đạn dược được chuyển đến để bảo vệ bí mật quốc phòng.

Pavel đưa ra sáng kiến này trong bối cảnh Ukraine mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka vào tháng 2 trong bối cảnh thiếu đạn dược trầm trọng.

Kể từ đó, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không vào các thành phố của Ukraine và phát động một cuộc tấn công mới ở Kharkiv, nơi được cho là đã bị chặn lại bởi tuyến phòng thủ đầu tiên. Quân đội Ukraine ngày 22 Tháng Sáu cho biết một số lực lượng Nga đang rút khỏi khu vực gần thị trấn Vovchansk đang bị vây hãm do mất năng lực chiến đấu.

Chính phủ Tiệp cho biết Mạc Tư Khoa vẫn đang vượt xa phương Tây trong việc bảo đảm nguồn cung cấp đạn pháo, lo ngại rằng việc thanh toán chậm cho các công ty vũ khí có thể dẫn đến hàng triệu quả đạn được chuyển đến Mạc Tư Khoa thay vì Kyiv, tờ Financial Times đưa tin vào cuối tháng 5.

12. Hình ảnh vệ tinh cho thấy cháy kho đạn ở vùng Voronezh của Nga

Hình ảnh vệ tinh do Radio Free Europe/Radio Liberty thu được cho thấy ít nhất hai trận hỏa hoạn, phù hợp với lời kể của người dân địa phương về hai máy bay điều khiển từ xa tấn công kho đạn dược dã chiến ở quận Olkhovatsky của khu vực vào rạng sáng Thứ Ba, 25 Tháng Sáu.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 26 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, gọi tắt là HUR, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết HUR đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Ông chia sẻ một đoạn video cho thấy những đám khói bốc lên trời và cho biết ngọn lửa bao trùm khoảng 3.500 mét vuông, trong đó kho chứa vẫn đang cháy. Nó nằm cách biên giới với tỉnh Luhansk của Ukraine khoảng 70 km.

Chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên địa bàn huyện. Thống đốc Voronezh Alexander Gusev giải thích rằng nó được đưa ra “để nhanh chóng loại bỏ hậu quả của vụ nổ”. Trước đó ông nói rằng “các đối tượng nổ” đã phát nổ sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine. Thống đốc cho biết không có ai bị thương trong vụ tấn công.

Lực lượng Ukraine thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Nga, nhằm vào các tài sản quân sự, nhà máy lọc dầu và cơ sở công nghiệp.

Vài ngày trước đó, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Krasnodar Krai, miền nam nước Nga, nhằm vào một căn cứ của Nga dành cho máy bay điều khiển từ xa cảm tử Shahed.
 
Nhật ký Trừ Tà: Tội lỗi thứ hai của Satan. Phản ứng của ĐTGM Carlo Viganò khi bị buộc tội ly giáo
VietCatholic Media
16:49 26/06/2024

1. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh: Hiệp định với Trung Quốc sẽ được gia hạn cuối năm nay

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, về việc bổ nhiệm các giám mục sẽ được gia hạn vào cuối năm nay, sau khi đã được gia hạn hai lần trước đây, vào năm 2020 và 2022.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí, bên lề buổi giới thiệu cuốn sách tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Roma, chiều ngày 20 tháng Sáu vừa qua, về Đức Hồng Y Costantini, Khâm sứ Tòa Thánh đầu tiên tại Trung Quốc. Sách mang tựa đề “Đức Hồng Y Celso Costantini và Trung Quốc - người xây một cây cầu giữa Đông và Tây Phương”, do Đức ông Bruno Fabio Pighin, một sử gia, biên soạn.

Đức Hồng Y nói rằng: “Chúng tôi đang đối thoại với Trung Quốc, như đã làm từ lâu, chúng tôi đang tìm kiếm những thể thức tốt đẹp hơn để áp dụng Hiệp định đã ký kết và sẽ được gia hạn vào cuối năm nay”.

Nhắc đến lời Đức Thánh Cha, trong buổi Tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, ngày 19 tháng Sáu vừa qua, mời gọi các tín hữu “cầu nguyện cho nhân dân Trung Quốc, một dân tộc cao quí và can đảm, với một nền văn hóa rất đẹp”, Đức Hồng Y Parolin nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng rất quý chuộng và không bỏ lỡ cơ hội nào để bày tỏ điều đó đối với nhân dân Trung Quốc và đất nước này. Đó là vì ngài thuộc Dòng Tên, và vì thế, có tất cả các gia sản của quá khứ... Chắc chắn đó là những cử chỉ giúp hiểu nhau ngày càng nhiều hơn, xích lại gần nhau hơn, chúng tôi hy vọng con đường này có thể dẫn tới một sự kết luận tích cực”.

Về việc Đức Thánh Cha có thể thăm Trung Quốc hay không, Đức Hồng Y Parolin thận trọng nói: “Chắc chắn Đức Giáo Hoàng sẵn sàng đi Trung Quốc, đúng hơn ngài muốn đi Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, tôi không thấy có những điều kiện để ước muốn này có thể thành tựu”.

Trong bài phát biểu tại Đại thính đường Đại học Urbaniana, Đức Hồng Y khẳng định rằng: “Chúng tôi yêu mến và ngưỡng mộ Trung Quốc, dân tộc, văn hóa, những truyền thống, những cố gắng mà Trung Quốc đang thực hiện... Thực sự, Trung Quốc gần gũi với tâm hồn chúng tôi, tâm hồn của Đức Thánh Cha Phanxicô và các cộng sự viên của ngài”.

2. Nhật Ký Trừ Tà: Tội lỗi thứ hai của Satan

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #297: Satan's Second Sin”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà: Tội lỗi thứ hai của Satan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tuần vừa qua, giữa một buổi trừ quỷ, tôi đã nghe được một điều mà tôi chưa từng nghe trước đây trong một buổi trừ quỷ. Chúng tôi vừa cầu nguyện xong Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan: “Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta”. Người bị bệnh tỉnh lại và ngước nhìn tôi. Tôi hỏi cô ấy dạo này thế nào rồi. Cô ấy trả lời: “Con vừa bị choáng ngợp bởi một cảm giác GHEN TỊ cực kỳ mạnh mẽ!”

Cô ấy bình thường không phải là một người hay ghen tị vậy điều đó đến từ đâu? Rõ ràng là nó đến từ lũ quỷ. Những người bị ma quỷ phiền não thường có mối quan hệ cộng sinh với ma quỷ: họ có thể cảm nhận được một số điều mà ma quỷ đang trải qua và ngược lại.

Nghe Lời mở đầu của Tin Mừng Thánh Gioan, trong đó nhấn mạnh đến sự Nhập thể của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, là một cực hình đối với chúng - những lời ấy khiến họ ghen tị. Người ta thường cho rằng các thiên thần sa ngã ban đầu phạm tội vì tính kiêu ngạo. Nhưng nhiều nhà thần học, trong đó có Thánh Thomas, suy đoán rằng họ cũng phạm tội vì ghen tị.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã tiết lộ cho các thiên thần kế hoạch nhập thể vào Ngôi Lời. Ý tưởng cho rằng Thiên Chúa sẽ hạ mình và trở thành một con người chứ không phải một thiên thần đã khiến Sa-tan và những kẻ theo hắn tức giận. Sự kiêu ngạo và ghen tị đã thúc đẩy họ từ chối Thiên Chúa. Những thiên thần sa ngã này muốn nhiều hơn những gì Chúa ban cho họ và họ muốn đạt được điều đó như thể họ lẽ ra phải được như thế chứ không phụ thuộc vào sự rộng lượng của Ngài.

Ngày nay bạn không còn nghe nhiều từ các bài giảng về tội ghen tị. Nhưng khi nhìn vào tình trạng bất ổn, xung đột và bất hòa lan rộng khắp thế giới ngày nay, phần lớn bắt nguồn từ sự đố kỵ - và không biết ơn tất cả những gì Chúa đã ban cho chúng ta.

Ma quỷ liên tục thúc giục chúng ta phạm những tội giống như chúng, đặc biệt là tội kiêu ngạo và đố kỵ. Họ muốn chúng ta cùng đau khổ với họ và chịu ách tàn bạo của họ ở đời này và đời sau.

Tôi biết một loại thuốc giải độc. Đó là một lời cầu nguyện đơn giản chỉ có thể xuất phát từ trái tim của một linh hồn đã được cứu: “Cảm ơn Chúa Giêsu”. Hãy nói điều đó thường xuyên. Và tham gia cùng tôi trong lời cầu nguyện này:

Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa!

Lạy Chúa Giêsu, con tán tụng Chúa. Con tạ ơn Chúa vì đã hạ mình làm Con Thiên Chúa và trở thành một người như chúng con. Con cảm ơn Chúa đã dạy chúng con về Chúa Cha và chia sẻ Lời của Chúa. Con tạ ơn Chúa vì sự hy sinh yêu thương của Chúa trên Thập Giá. Con cảm ơn Chúa đã chia sẻ với chúng con Người Mẹ xinh đẹp của Chúa. Con cảm ơn Chúa đã gửi Chúa Thánh Thần của Chúa xuống. Cầu mong lòng biết ơn dâng trào trong trái tim con và sâu sắc hơn mỗi ngày. Con xin ơn được ca ngợi và tạ ơn Chúa hôm nay và mãi mãi. Chúa ơi, con cảm tạ bạn. Chúa ơi, con cám ơn Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.

3. Đức Tổng Giám Mục Vigano, bị buộc tội ly giáo, thách thức

Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã tiết lộ rằng Vatican đã buộc tội ngài về tội ly giáo, và đã trả lời bằng cách nói: “Tôi coi những cáo buộc chống lại tôi như một huy hiệu danh dự”.

Đức Tổng Giám Mục Vigano đã đăng trực tuyến một lá thư từ Bộ Giáo lý Đức tin, yêu cầu ngài phải xuất hiện vào ngày 20 tháng 6 để trả lời cáo buộc rằng ngài đã vi phạm sự hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô. Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng thủ tục tố tụng sẽ là một “phiên tòa ngoại tụng” - extra-judicial trial - một lựa chọn mà Vatican sử dụng trong các trường hợp có bằng chứng thuyết phục và thường diễn ra không theo các thủ tục bình thường.

Đức Tổng Giám Mục đã bổ sung thêm bằng chứng đó bằng cách lặp lại tuyên bố của mình rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không được bầu một cách hợp lệ, và nói rằng triều đại giáo hoàng của ngài là đỉnh điểm của “bệnh ung thư ý thức hệ, thần học, đạo đức và phụng vụ” phát triển từ Vatican II. Ngài nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc đẩy một “giáo hội thế tục, hòa nhập và môi trường”.

“Nhưng đây không phải là Giáo Hội Công Giáo,” Đức Tổng Giám Mục Vigano nói; “Đó là thứ giả mạo.”

Tôi bác bỏ những sai lầm của chủ nghĩa tân hiện đại cố hữu trong Công đồng Vatican II và trong cái gọi là “huấn quyền hậu công đồng”, đặc biệt liên quan đến đoàn thể tính, chủ nghĩa đại kết, tự do tôn giáo, chủ nghĩa thế tục của nhà nước và phụng vụ. Tôi bác bỏ, bác bỏ và lên án những vụ bê bối, sai sót và lạc giáo của Jorge Mario Bergoglio,...

Không có gì ngạc nhiên khi tổng giám mục nói rằng ngài mong đợi phiên tòa xét xử ngài—được ấn định vào ngày tuyên bố nảy lửa của ngài được đưa ra—sẽ dẫn đến kết án. “Tôi cho rằng bản án cũng đã sẵn sàng,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Vigano từng giữ chức Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2016, và nghỉ hưu khi đã 75 tuổi. Ngài không bị coi là bảo thủ hay theo chủ nghĩa truyền thống trong thời gian phục vụ trong ngành ngoại giao Vatican. Nhưng ngài nhanh chóng thu hút sự chú ý khi báo cáo rằng ngài đã thông báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô về hành vi sai trái của cựu Hồng Y Theodore McCarrick.

Kể từ khi nghỉ hưu, Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra một loạt tuyên bố ngày càng gay gắt về các vấn đề chính trị và giáo hội, kêu gọi chống lại Trật tự Thế giới Mới. Ngài đang sống tại một địa điểm không được tiết lộ, với lý do có những mối đe dọa đối với tính mạng của ngài.