Ngày 04-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Quan Niệm
Lm Vũđình Tường
07:10 04/07/2008
Mấy khi học sinh thích trường sở, thầy cô. Có học sinh quan niệm việc học là gánh nặng quá sức, nghĩ đến mà chán, bỏ học, trốn học. Có học sinh quan niệm học là gánh nặng nhưng cố gắng vẫn có thể tiến bước, tuy chậm, mệt mỏi, vất vả. Lại có học sinh coi việc học nhẹ nhàng, tìm được niềm vui trong việc học. Học sinh nào cố gắng kiên nhẫn sớm muộn đều thành đạt, gặt hái kết quả.

Quan niệm cuộc đời cũng tương tự. Nhiều người thấy đời sao lắm gian truân, khốn khó trăm bề. Có kẻ lại coi gian nan trong đời là thử thách như vàng thử lửa, không đến nỗi phải tuyệt vọng. Số khác lại thấy đời thảnh thơi, đáng sống từng phút giây.

Quan niệm về cuộc sống khác nhau đưa đến cách sống, cách xử thế khác nhau. Vật chất và địa vị thường đóng vai trò quan trọng làm thay đổi lối suy nghĩ, quan niệm sống con người. Một số thay đổi vì hoàn cảnh. Số khác địa vị bắt phải ứng xử cho thích hợp. Số khác lợi dụng chức vụ thay đổi cho ra vẻ oai phong hơn.

Đại đa số thay đổi khi cuộc sống vật chất dồi dào. Một khi có của ăn của để khó tránh khỏi của dính vào người. Cứ nhìn những thứ dư thừa dính thêm vào người từ đầu tới chân. Những thứ đó lúc lắc, đong đưa theo mỗi cử động của người dùng đủ đoán ra nguồn tài chánh sung túc bề ngoài của một tâm hồn trống rỗng bên trong. Của đeo trên người là đầu mối nguyên nhân gây nên nhiều thứ tội. Nhìn cách thiên hạ ăn diện một là khinh hai là phục ba là thèm khát, ước ao. Của cải là một trong những nguyên nhân chính pha trộn giữa gian truân và hạnh phúc; niềm vui và nước mắt; ước mơ cũng lắm và lo lắng cũng nhiều.

Lời cảm tạ

Đức Kitô dâng lời cảm tạ Chúa Cha,

"Con xin ngợi khen Cha vì Cha giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm nước trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn."

Địa vị mang trên người sánh gì so với vua đất trời. Có làm vua cũng chỉ làm vua một cõi, một thời. Ngài làm vua vũ trụ, đời nọ đến đời kia. Đến với vua đất trời phải đến bằng con người trần trụi, không chức, không tước. Bất kể là thủ tướng hay thường dân; học giả hay thất học; tu sĩ hay giáo dân. Hãy trút bỏ các chức tước đó sau lưng. Hãy đến với Chúa với con người trơn trọi, không địa vị, ngoại trừ tước vị làm con Chúa.

Đến với Chúa trong tâm tình đơn sơ sẽ nhận được bình an Chúa ban. Đến với tư cách một người có địa vị, bất cứ là địa vị lớn nhỏ, người đó không cảm thấy gánh nặng vơi đi. Gánh vẫn nặng, ách vẫn đè trên vai. Chỉ khi nào bỏ được cái địa vị, ngay cả cái tôi, lúc đó đời mới bớt u sầu. Trút bỏ được địa vị để trở thành kẻ tầm thường, bé nhỏ, hèn mọn là một đặc ân vì người đó được Chúa chúc phúc. Vì người đó biết mang tâm tình tạ ơn. Mọi sự con có đều là của Chúa vậy con đến với Chúa bằng con người bé nhỏ và nhờ ơn Chúa giúp con cố chu toàn công việc Chúa trao. Nhờ thế gánh nặng vơi dần, u sầu khô cạn và lệ sầu tan biến.

Lời mời

Đức Kitô mời gọi,

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng hãy đến cùng tôi."

Đến với Chúa mà mang trên mình những vòng vàng, đá quí có đáng gì. Giầu có của ta sao sánh bằng Đấng dựng nên chim trời, cá biển, đất đai và mọi thảo mộc. Cần đến như người tầm thường bé, nhỏ, hèn mọn, vất bỏ phù hoa, tự nhận mình tầm thường mong Chúa ban bình an nội tâm.

Gánh nặng trên đời thường do ta tự chất lên vai. Hạt kim cương, đồng hồ loại thượng hảo hạng, xe đặc biệt, máy chụp kiểu mới nhất tự chúng không phải là gánh nặng nhưng làm ra tiền để mua, công sức bảo quản chúng quả là vất vả. Phẩm giá con người không phải do trang sức bên ngoài mà là trang sức nội tâm, trong tâm hồn đó là hãy mặc lấy tâm tình từ bi, hiền hoà, nhân hậu, khiêm nhường.

Gánh nặng nhẹ đi khi biết vất bỏ những thặng dư, không cần thiết, ngay cả lối sống cầu kì, tư tưởng trần tục làm lo đến mất ăn, sợ đến mất ngủ. Đức Kitô đề nghị hai điều cần giữ đó là: hãy sống khiêm nhường, hiền hậu. Làm được như thế là đang được nghỉ ngơi trong Chúa. Mọi thứ khác sẽ được Chúa ban cho dư thừa.

Chưng diện

Chưng diện là điều cần thiết vừa cho mình cho người và cho xã hội ta đang sống. Chưng diện cần thiết ngay cả cho việc thờ phượng. Ngày nay đang có khuynh hướng không cần trưng diện trong nhà thờ, đi đâu thì cần còn nhà thờ khỏi cần. Hiểu như thế là hiểu sai vấn đề. Cần hiểu rõ nơi mình sắp đến, mục đích của việc chưng diện.

Cùng là chưng diện nhưng mang hai ý khác nhau, tâm tình khác nhau. Thánh đường không phải là nơi để khoe tài, sắc. Cũng không phải là nơi trưng bày giầu sang, quyền quí. Càng không phải chỗ cho người biết mình trắng da, mát thịt. Thánh đường là nơi cầu nguyện, là nơi đến với Chúa với tâm tình của người mong học từ Chúa tâm tình hiền hậu và khiêm nhường. Mọi chưng diện trong thánh đường nhất là Kitô hữu khi tham dự các nghi thức cần cẩn trọng tránh ăn mặc gây chú ý, chia trí cho người khác, cần mang tâm tình yêu mến, cần diễn tả tâm tình đơn sơ, khiêm hạ trong cầu nguyện.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Lòng khiêm hạ
LM Vũ Quốc Thịnh CSsR
08:07 04/07/2008
Chúa nhật XIV Thường niên A

LÒNG KHIÊM HẠ

Trang tin mừng thật ngắn mà chúng ta vừa nghe để lại một bài học dài, bài học lớn, bài học hay, bài học hết sức ý nghĩa của cuộc đời con người: “Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Bài học này quả là một bài học khó đối với mỗi người chúng ta vì lẽ chúng ta đã “lỡ” mang trong mình dòng máu của kiêu ngạo, của bất tuân từ ông bà nguyên tổ.

Nhìn một chút lại hình ảnh đẹp của vườn địa đàng ngày xưa chúng ta sẽ thấy chiều chiều gió thổi hiu hiu, Giavê Thiên Chúa cùng đi dạo với ông Ađam và bà Evà trong vườn Địa Đàng. Thiên Chúa yêu thương ông bà bằng một mối tình hết sức nồng thắm. Thiên Chúa chỉ có một điều quy ước với ông bà là đừng ăn cái trây ở cái cây giữa vườn. Thế nhưng, nghe lời xúi giục của con rắn hay nói đúng hơn phát xuất từ chính lòng kiêu ngạo của con người để rồi con người đã đánh mất đi tình nghĩa với Thiên Chúa và Thiên Chúa đã đuổi khỏi vườn Địa Đàng.

Cái máu kiêu ngạo của ông bà nguyên tổ hình như đã truyền vào máu mỗi người chúng ta để rồi bài học khiêm nhường mà Thiên Chúa dạy cho ông bà ở cái thời xa xưa ấy không hề vô giá trị mà rồi ngày hôm nay, Giêsu – Con Thiên Chúa – đã phải lập lại cái bài học quý báu ấy.

Chúa Giêsu – con Thiên Chúa – đã vâng phục Chúa Cha, vì yêu thương, vì muốn cứu con người khỏi sự hư mất do sự kiêu căng. Thánh Phaolô đã viết nên điều ấy trong thư của Ngài gửi tín hữu Philip:

Đức Giêsu Kitô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mëc lấy thân nô lệ

tở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế

Người lại còn hạ mình

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết

cết trên cây thập tự,

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

và tặng ban danh hiệu

trổi vượt muôn ngàn danh hiệu

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,

cả trên trời dưới đất

và trong nơi âm phủ

muôn vật phải bái quý

và để tôn vinh Thiên Chúa Cha

mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:

“Đức Giêsu Kitô là Chúa
” (Pl 2,6-11)

Thiên Chúa, là một vị Chúa, vậy mà Ngài đã trút bỏ vinh quang, Ngài trút bỏ địa vị của một vị Thiên Chúa và mặc lấy thân phận của Người tôi trung có sứ mạng cứu chuộc.

Ở vùng biển, người đi mò ngọc trai lặn xuống nước để tìm ngọc quý, có một kinh nghiệm đặc biệt. Anh cố lặn sâu xuống, nhưng nước lại đẩy anh lên. Chúng ta biết định luật Archimède về sức đẩy của nước từ dưới lên. Vật thể càng nặng, khối càng to, thì lượng nước tách ra càng lớn. Vì vậy, sức đẩy lên trên càng mạnh, như thể muốn đưa anh ta lên lại mặt nước. Nhưng anh vẫn cố lặn xuống vì sinh kế. Quả là vất vả. Nhưng anh sẽ vui mừng biết bao khi nhìn thấy hạt ngọc trong vỏ trai dưới đáy biển.

Việc tìm kiếm sự khiêm tốn cũng giống như việc tìm kiếm của người mò ngọc trai. Phải lặn xuống dưới, xuống mãi tới đáy, tới chỗ mà sự thật về con người của chúng ta nằm ở đó. Và cũng có một sức mạnh, mạnh hơn sức nước biển, sức mạnh của kiêu căng, tìm cách đẩy chúng ta trồi lên, đưa chúng ta lên trên chính mình và trên người khác. Thế nhưng hạt ngọc ở dưới đáy, nằm trong vỏ trai của tâm hồn ta, lại quá quý giá, khiến ta không bỏ cuộc, nếu không muốn thất bại.

Phải vượt qua khu vực ảo tưởng cho mình là lớn, để đi tới hữu thể đích thực của ta, con người thật của ta. Vì, như thánh Phanxicô Assisi nói, "con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy, không hơn"

Con người có hai cuộc đời, một cuộc đời thật, một cuộc đời tưởng tượng. Cuộc đời tưởng tượng xây dựng bằng ý kiến của mình hay dư luận của người khác. Chúng ta thường cố làm đẹp và gìn giữ con người tưởng tượng của ta, và làm ngơ với con người thật. Có được một nhân đức hay một công trạng nào, thì tìm hết cách này cách khác làm cho người ta biết đến, càng sớm càng tốt, để được ca ngợi, để trở thành có giá trước mặt người khác. Chúng ta dùng nhân đức hay công trạng đó để làm phong phú cho con người tưởng tượng của ta.

Thế nên, tìm kiếm sự khiêm tốn là tìm kiếm cho chính hữu thể, tìm kiếm sự trung thực. Đây là điều liên hệ đến con người nói chung, chứ không riêng gì cho người kitô hữu. Khiêm tốn là điều có tính cách nhân vi. Những từ la-tinh để chỉ về con người và khiêm tốn phát xuất từ một gốc có nghĩa là đất (humus). Con người được tạo dựng bởi đất, phải biết hạ mình xuống đất. Phải biết khiêm tốn.

Triết gia Nietzsche, người Đức, hăng hái đả kích luân lý kitô giáo, vì luân lý này rao giảng sự khiêm tốn. Ông đã đụng chạm đến một trong những ân huệ đẹp nhất mà luân lý kitô giáo đem đến cho thế giới.

Phần chúng ta, hãy tin tưởng vào người hướng dẫn bảo đảm nhất là lời Chúa. Nhờ quyền năng của Thần Khí, lời Chúa giúp ta trở thành những người mò ngọc trai. Chúng ta không thể và không muốn điều gì khác hơn là tìm viên ngọc quý trong vỏ trai.

Theo Thánh Phaolô, người nào hiểu khiêm tốn là sự thật, người đó là người khôn ngoan, biết chừng mực. Phaolô cũng khuyên các tín hữu đừng có một ý tưởng sai lầm và phóng đại về mình, phải biết đánh giá đúng về mình. Kiểu nói "hãy đánh giá mình cho đúng mức" cũng tương đương với kiểu nói "ham thích những gì hèn mọn". Qua đó, Thánh Phaolô muốn nói: người ta khôn khi khiêm tốn, và người ta khiêm tốn khi khôn. Biết hạ mình là tiến đến gần sự thật.

Thánh nữ Têrêxa Giêsu viết: "Một ngày nọ, tôi đã tự hỏi vì sao Chúa yêu thích sự khiêm tốn đến thế. Bất chợt, không cần suy nghĩ, tôi có ý tưởng này: đó là vì Ngài là Chân lý tối cao và vì sự khiêm tốn là chân lý". Vậy là thánh nữ cũng đi đến kết luận như Thánh Phaolô. Thiên Chúa đã thông truyền cho thánh nữ chân lý lời Ngài không bằng con đường chú giải suy luận, nhưng bằng con đường minh chiếu bên trong.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy một mẫu gương tuyệt vời về sự khiêm tốn: Đức Maria. Trong lời kinh Magnificat, Đức Maria ca ngợi Thiên Chúa đã nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn. Khi nói về sự hèn mọn của mình, Người không có ý nói về sự khiêm nhường của mình đâu, nhưng là nói đến thân phận thực sự hèn mọn của mình, thuộc vào số những người hèn mọn nghèo khó trong Kinh Thánh. Việc Người minh nhiên nhắc đến bài ca của bà Anna, mẹ Samuel (1Sm 1,11), cho thấy điều đó (Đức Maria sử dụng cùng một từ có nghĩa là lầm than, son sẻ, thân phận thấp hèn). Chứ ở đây không phải Người ý thức về sự khiêm tốn của mình. Làm sao Người dám ca ngợi sự khiêm tốn của mình ? Tự cho mình là khiêm tốn thì còn khiêm tốn nỗi gì? Đó là kiêu ngạo. Và làm sao ta dám nghĩ Người coi việc Thiên Chúa tuyển chọn mình là do mình khiêm tốn? Việc tuyển chọn hoàn toàn là do ý Thiên Chúa, là ơn nhưng không của Thiên Chúa, chứ đâu phải vì Mẹ khiêm tốn. Hơn nữa, nghĩ như thế là không hiểu được cả cuộc đời của Mẹ.

Đức Maria khiêm tốn trong cả cuộc đời, cho dù gặp bao nhiêu khó khăn thử thách. Ta có thể nhận ra điều này trong cách Người theo dõi con mình: yên lặng, xa xa vậy. Thậm chí không muốn đứng ở hàng đầu để nghe Đức Giêsu giảng cho dân, mà còn đứng ở ngoài nữa, đến nỗi phải nhờ người khác xin với Chúa để được gặp (Mt 12,46tt).

Dù là Mẹ Chúa, Đức Maria không coi việc ở gần Chúa như ở gần một kho tàng dành riêng cho mình. Người từ bỏ mình, nhận thân phận một nữ tỳ, giống mọi phụ nữ khác. Lời khuyên của Phaolô được áp dụng cách hoàn hảo nơi Mẹ. Mẹ không ước vọng những điều cao sang, chỉ hài lòng với những gì hèn mọn.

Chúng ta cũng có thể thấy sự khiêm tốn kiểu trên trong cuộc đời của nhiều vị thánh. Một hôm, có một người bạn hỏi Phanxicô Assisi xem làm sao mà mọi người đều chạy theo ngài, và muốn thấy ngài như vậy. Phanxicô trả lời: đó là vì Thiên Chúa không thấy ai xấu xa hơn ngài, không ai tội lỗi hơn ngài. Đấng thánh nghĩ rằng người ta tò mò muốn xem một tội nhân, nhưng dân chúng lại tò mò muốn xem một thánh nhân. Thánh Bênađô thì nói đơn sơ như sau: "Người thực sự khiêm tốn luôn muốn được coi là xấu xa, chứ không muốn được tuyên dương là khiêm tốn".

Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta thấy có cái gì đó không ổn. Tất cả mạng sống, của cải, tiền bạc, địa vị, danh vọng của chúng ta đều thuộc về Chúa. Chúa là chủ, chúng ta chỉ là người quản lý nhưng chúng ta lại đánh đổi cái vị trí tuyệt vời ấy. Chúng ta có cái gì đó giống giống ông bà nguyên tổ. Ông bà được Thiên Chúa mời gọi trông nom, quản lý, giữ gìn và Thiên Chúa ưu đãi nhưng không chịu. Muốn làm chủ Thiên Chúa nên đã gây ra biết bao nhiêu chuyện đổ nát trong hành trình đời người. Chúng ta là người quản lý, người đầy tớ của Chúa vậy mà chúng ta không biết, chúng ta đánh tráo vị trí ấy nên rồi cuộc đời của chúng ta cũng giống như cuộc đời của ông bà nguyên tổ. Suốt cuộc đời phải vất vả lầm than do sự cao ngạo của mình. Lời thánh vịnh 130 thật hay:

Lòng con chẳng dám tự cao

Mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi

Đường cao vọng chẳng đời nào bước

Việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu

Hồn con con vẫn trước sau

Giữ cho thinh lặng giữ sao an bình

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trông con hồn lặng lẽ an vui

Cậy vào Chúa Israel ơi

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm
(Tv 130,1-3)

Vâng ! Như Thánh Phaolô tông đồ nói có cái gì mà chúng ta không lãnh nhận từ Chúa đâu mà chúng ta vênh vang ? Tốt hơn hết là chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta tâm tình khiêm hạ.

Khi và chỉ khi chúng ta nép mình vào lòng Chúa như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ chúng ta mới bình an thật sự. Nép mình vào vật chất, vào của cải, vào dục tình, vào địa vị đến một lúc nào đó chúng ta sẽ điên đảo, quay cuồng với vật chất, của cải, dục tình, địa vị và bi đát cuối cùng là chúng ta sẽ bị tất cả những thứ ấy đè bẹp cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ đánh mất đi ân phúc mà Thiên Chúa dành cho ta như thuở ban đầu Thiên Chúa dành cho ông bà nguyên tổ.

Một chuyện vô cùng nghịch lý mà chúng ta vui vẻ sống cái nghịch lý ấy giữa đời thường. Thử hỏi mỗi người chúng ta có thích sống với những người kiêu ngạo hay không ? Vậy mà nhiều lần nhiều lúc vô thức hay hữu thức chúng ta lại cư xử một cách quá kiêu ngạo với anh chị em đồng loại. Chính từ sự kiêu ngạo, cái tôi qúa lớn của mỗi người chúng ta đã bây biết bao nhiêu tổn thương, bao nhiêu đổ nát cho anh chị em đồng loại. Chẳng nói gì xa đến anh chị em đồng loại, chúng ta thử xét ngay trong mái ấm, trong gia đình của chúng ta xem, chúng ta sống như thế nào, có khiêm hạ như Chúa, như Mẹ, như các thánh đã sống hay không ? Hay là chúng ta lên mày lên mặt với những người kém may mắn hơn chúng ta ?

Điều chúng ta không thích, chúng ta đừng làm cho người khác. Chúng ta không thích người khác kiêu ngạo với chúng ta thì chúng ta đừng kiêu ngạo với người khác.

Muốn như thế, không còn cách nào khác hơn cái cách mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta. Thật tuyệt vời, Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng …”

Cuộc đời của mỗi người chúng ta, ít nhiều trong chúng ta, ai ai cũng mang những gánh, những vác thật nặng nề để rồi nghe lời Chúa nói với chúng ta hôm nay, chúng ta lại hoàn toàn yên tâm đến với Chúa để chúng ta trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa.

Chúa vẫn ở đó để chờ chúng ta, còn chúng ta thì sao ?

Đó là câu trả lời của mỗi người chúng ta sau khi tham dự Thánh lễ, sau những lần cầu nguyện và nhất là những lần phải đối diện với những lo âu vất vả của cuộc đời.

Nguyện xin Chúa là thầy dạy lòng khiêm nhường đến và ở lại với mỗi người chúng ta để Ngài dạy chúng ta ngày mỗi ngày biết cách sống khiêm nhường hơn.

Xin Chúa giúp chúng ta sau những vất vả lo toan của cuộc đời không đi tìm nơi nào khác vì chỉ nơi Chúa chúng ta mới được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng và được bình an đích thực.
 
''Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng''
Tuyết Mai
08:18 04/07/2008
"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng"

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được BÌNH AN. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng". (Mt 11, 25-30).

Quả thật Lời của Chúa dậy ta thì cứ mặc, biết vậy, hiểu vậy, biết Chúa muốn mình được như thế, nhưng tội lỗi thay có phải vì bản tánh hung dữ của con người thì thật mà khó lòng để mà làm theo được như vậy? Ai ai trong chúng ta cũng có cái Tôi lớn lắm. Một lời nói về mình mà nghe chừng như không coi trọng, ve vuốt, và nịnh bợ, là ta liền bốp chát đáp trả lại ngay. Sự đáp trả của ta sau khi nghe từ miệng anh chị em, sẽ nghe như những tiếng sấm sét, thét gào, và rất ư là dữ tợn khó nghe. Có rất nhiều chuyện ẩu đả đã xẩy ra mà kết cuộc là có người bị đổ máu và ngồi tù? Vì sao? Thưa vì bản tánh hung hăng dữ tợn phát xuất từ trong con người của ta mà ra và chỉ vì một lời nói ăn thua đủ.

Tôi nghiệm thấy rằng muốn được dịu hiền trong lòng như Chúa mong mỏi nơi chúng ta quả là một việc làm bác ái rất khó mà thực thi, trừ khi ta được Ơn Chúa ban. Sự dịu hiền thường thì đi liền với nhường nhịn. Có phải nếu ta biết nhường nhịn anh chị em thì khi ai nói gì mích lòng ta, ta cũng nhịn không đáp trả, và vì không đáp trả thì sẽ không có xẩy ra những hậu quả không tốt đẹp.

Có phải tôi và rất nhiều người trong anh chị em chúng ta cứ sợ rằng khi bị nghe người khác nói những điều không tốt về mình, như có tính cách bêu rêu, đặt điều nói xấu, hạ nhục, và làm mất danh dự của ta mà nếu ta không có một lời đáp trả ngay cả một lời phân bua thì sẽ bị người đời gán cho cái tội là hèn nhát, là ngu dại, là có đầu óc của một con người không được bình thường. Từ nơi chính mình còn nhát đảm và yếu hèn đến thế thì làm sao mà có thể gánh vác và bảo vệ cho gia đình của mình được? Nhất lại là đường đường một đấng mày râu có tánh nhút nhát như con gái thế thì hèn lắm thường sẽ bị rất nhiều người cười chê mà nhất là phái nữ?

Có mấy ai trên đời có con nhỏ đi học mà dậy con rằng khi ai đánh đập con thì con cứ để cho họ đánh đến khi nó không buồn đánh nữa thì thôi? Mà không dậy con mình rằng nếu con muốn thắng nó thì con phải đánh nó túi bụi trước và nếu nó to lớn hơn con thì chạy về nhà méc bố mẹ, bố mẹ sẽ cho nó bài học nhớ đời?? Còn không thì vì chuyện con nít đánh lộn mà lại ảnh hưởng và thành chuyện đụng độ lớn giữa cha mẹ của hai đứa nhỏ??

Đấy là ta chỉ mới có thí dụ về những lời nói qua nói lại và sự đối đáp giữa anh chị em với nhau thôi (được gọi là đấu miệng) chứ chưa nói đến khi ta phải bị mất quyền lợi. Ôi thôi khi nói đến mất quyền lợi thì dù là một cái bánh hay một cái kẹo thì cũng gặp nhiều khó khăn. Giữa đám nhỏ với nhau thì so đo đủ thứ là sao thầy cô hay cha mẹ chia cho không đồng đều, đứa thì có, đứa thì không. Rồi giữa con nít với nhau đứa không có sẽ dành với đứa có và thì đánh lộn nhau vỡ đầu cũng chỉ vì không được cái bánh hay cái kẹo.

Còn người lớn thì sao? Thưa rằng người lớn thì càng so đo nhau từng tí một. Có cho nhau thì cũng phải dòm chừng. Chẳng phải vì thương mà cho nhau đâu! Nhưng là vì quyền lợi của mình. Người khôn thì đem tiền đi mua chuộc cho công việc của mình và được giờ làm OT. Còn người dại thì sao? Thưa rằng người dại khờ thì chỉ biết phó mặc cho Chúa chứ chẳng muốn luồn cúi và chạy chọt mà có muốn cũng chẳng có dư mà làm như thế!??

Còn khiêm nhường ư! Khiêm nhường thì lại còn khó hơn gấp trăm lần sự dịu hiền mà Chúa mong muốn nữa! Vì khiêm nhường có phải thường được đòi hỏi cả hai bản chất là vừa hiền lành và vừa có tánh thương yêu người. Yêu người thì ai nói sao cũng được. Có đôi khi vì yêu người mà ta nhịn ngay cả những cái chọc ghẹo đùa cợt thái quá mất danh dự và lòng tự trọng từ nơi anh chị em của chúng ta, nhưng vì Chúa dậy kính Chúa và yêu người, và ngay cả bài học của tuần này là hãy bắt chước Chúa là "hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được BÌNH AN". Quả thật là đúng như vậy vì tôi có thử tập và có thử làm theo Lời chỉ dẫn của Ngài và tôi có tìm được Bình An khi tôi đối xử hiền lành với anh chị em và khiêm nhường để thấy anh chị em luôn hơn mình.

Khi xưa tánh tình của tôi cũng hung hãn và cũng chẳng nhường nhịn ai cho dù một lời nói, nhưng quả thật cuộc sống thuở xưa của tôi cũng chẳng bao giờ được bình an vì cứ luôn phải so đo và so sánh với tất cả mọi người. Nếu tôi không được hoặc hơn anh chị em của mình thì tôi rất lấy làm đau khổ và khó chịu. Lâu dần cái không ưa của tôi nó trở thành như một con quái vật sống trong tôi. Qua ánh mắt của một con quái vật tôi thấy ai cũng chán ngán, tôi thấy ai cũng không ưa tôi, tôi thấy ai cũng gian dối với tôi, nhưng tôi không cần, miễn là tôi được họ tâng bốc, nịnh bợ, và đưa tôi lên rồi sau cánh cửa được đóng lại là tôi biết họ chửi tôi không ngớt lời và có thể trong lòng họ cũng vái Trời khẩn Chúa là cho tôi gặp tai nạn để không còn nhìn thấy cái bản mặt đáng ghét của tôi trên trần gian này nữa!??

Lậy Chúa! Lậy Thiên Chúa Nhân Từ của chúng con!

Thế có phải vì Chúa hiểu thấu được tấm lòng gian ác của nhân loại chúng con nên những bài học Chúa dậy nếu đem ra thực hành sẽ được Chúa ban cho BÌNH AN, chẳng những cho riêng tâm hồn của chúng con mà BÌNH AN của Chúa cũng được chuyền đến cho tất cả mọi người anh chị em chúng con gặp gỡ mỗi ngày trong cuộc sống ngày lại ngày này!?? Ước gì Lời của Chúa luôn thấm nhuần trong tâm hồn và trái tim chai đá của chúng con, để thế giới sớm có hòa bình và nhân loại chúng con sớm tìm được Thiên Đàng ngay trên trần gian này. Amen.
 
Chầu Thánh Thể (thơ)
Phêrô Tuấn Hoàng
10:17 04/07/2008
CHẦU THÁNH THỂ

Con xin Thiên Chúa từ nhân,
Xót thương thánh hóa gia đình chúng con.
Đức Tin giáo hội tông truyền,
Mỗi ngày cải thiện trong tình Chúa yêu.
Sống đời đức mến cậy trông,
Xứng ơn Chúa gọi con dân của Ngài.
Chúng con khiêm tốn hằng ngày,
Kính dâng Thiên Chúa gia đình chúng con.
Xin thương chúc phúc nhận lời,
Nhà nhà con đặng tín điều trung kiên.

LỜI NGUYỆN

Con xin Thiên Chúa toàn năng,
Thi ân thánh hóa nhà nhà chúng con.
Trong ơn thánh hóa xác hồn,
Đức Tin giáo hội tông truyền hiển linh.
Khiêm nhu gìn giữ giáo điều,
Giới răn Thiên Chúa phúc là phúc thay.
Nguyện cầu sốt mến hằng ngày,
Dự phần thánh lễ giáo đường tôn nghiêm.
Missa thánh lễ hằng tuần,
Hài hòa đức mến dự phần lễ thiêng.
Khiêm nhu xưng tội dọn lòng,
Ăn mày mưa thánh trong tình Chúa thương.
Vì rằng thân phận chúng con,
Như là cát bụi lỗi lầm biết bao.
Đời người như thể giấc mơ,
Biết đâu ngày tháng Chúa Trời gọi con.
Mà con chuẩn dọn tâm hồn,
Trước tòa Thiên Chúa trả lời làm sao.
Khi con và cả gia đình,
Sống đời nhân chứng Đức Tin tông truyền.
Chẳng tròn bổn phận tín điều,
Tình yêu giáo hội ban truyền luật thiêng.
Thế nên con kính con xin,
Chúa thương chúc phúc Đức Tin vững bền.
Nhớ ngày thuở ấu chúng con,
Đặng ơn thánh tẩy nước trời linh thiêng.
Đó là ân phúc Đức Tin,
Nhà nhà con đặng Chúa Trời ghi ban.
Con dâng Hội Thánh Nhiệm Mầu,
Kính xin Thiên Chúa Đức Bà đời con.
Trung thành đức mến tín điều,
Chu toàn bổn phận tinh thần hy sinh.
Xin cho chúng tử là con,
Ngày ngày phạt tạ nguyện cầu toàn gia.
Cúi xin Thiên Chúa nhận lời,
Ban ơn thánh hóa gia đình chúng con Amen !..

Ngày 06/01/1997
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
12:27 04/07/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (42)

421. Đức Giêsu được ví như Con Chiên của Thiên Chúa

Được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, Thánh Gioan Tẩy Giả so sánh Chúa Giêsu như Con Chiên của Thiên Chúa, được sát tế để xóa tội lỗi loài người chúng ta: "Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian!”.
Chiên là con vật rất hiền lành: nó đứng yên để cho người ta xén lông để làm đồ len; khi bị dẫn đem đi giết, nó vẫn ngoan ngoãn đi theo người dắt nó, chứ không để cho người ta lôi đi; khi người ta mài dao giết nó, nó vẫn đứng yên tại chổ để cho người ta giết.
Chiên là con vật tượng trưng cho sự hiền lành. Chúa Giêsu được gọi là Con Chiên của Thiên Chúa để nói lên sự hiền lành của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta.

422. Đức Giêsu ví mình như người chủ chăn hiền lành

Chúa Giêsu tự ví mình như người chủ chăn hiền lành.
Người chủ chăn hiền lành biết rõ từng con chiên một để săn sóc kỹ lưỡng: "Chiên tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”
Người chủ chăn hiền lành hết sức yêu thương đoàn chiên, không bỏ rơi một con nào, nên khi thấy con nào đi lạc thì quyết tìm đem về cho được.
Người chủ chăn hiền lành sẳn sàng thí mạng sống mình để cho đoàn chiên được sống.

423. Đời sống hiền lành của Đức Giêsu

Trong đời mình, Chúa Giêsu luôn sống hiền lành dịu dàng.
Khi mới giáng sinh, bị vua Erode độc dữ bắt bớ một cách bất công, Chúa Giêsu, tuy là Con Thiên Chúa toàn năng, làm gì cũng được, nhưng vẫn hiền lành nép mình trong ngực mẹ, để thánh Giuse đưa hai mẹ con đi lánh nạn qua Ai-Cập.
Khi ra giảng đạo, nhiều lần bị chống đối, bị xua đuổi khước từ, Chúa Giêsu vẫn bỏ qua, vẫn tha thứ, vẫn im lặng rút lui, không tức tối, không dọa nạt, không lên án, không trừng phạt.
Chúa Giêsu quở trách tính nóng nảy của các tông đồ khi họ cấm các bà mẹ bồng con đến với ngài, khi họ đòi xin lửa bởi trời xuống đốt miền Samaria vì dân miền nầy không chịu tiếp rước Chúa.
Để tỏ ra hiền lành, Chúa Giêsu ngồi trên lưng con lừa để con lừa chở Ngài đi một cách hiền từ chậm rãi vào thành Giêrusalem, trong khi dân chúng thì rầm rộ tiếp đón Ngài nhưng ngài vẫn không để ý đến.
Trong hồi Thương Khó, bị sỉ vả nhục nhã ê chề, bị đánh đập hành hạ tàn nhẫn, Chúa Giêsu vẫn im lặng tha thứ.
Và trước khi tắt thở trên cây thập giá, muốn cho những kẻ đối xử độc ác với mình cũng được rỗi linh hồn, Chúa Giêsu đã lớn tiếng cầu xin Cha Ngài tha tội cho họ: "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)

424. Trên Thánh Giá, nổi bật sự nhiền lành của Con Thiên Chúa

Khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta thấy nổi bật sự hiền lành của Con Thiên Chúa:
đôi mắt nhắm lại để không nhìn thấy những tội lỗic, những ác độc của quân dữ;
miệng ngậm lại để không nói những lời lên án quân dữ;
đôi tay giăng rộng ra để tha thứ và sẵn sàng đón tiếp những kẻ thù của mình.

425. Các thánh tập sống hiền lành

Để có thể sống hiền lành, thánh Phanxicô Salêsiô đã tập thắng mình trong hai mươi năm vì bản tính tự nhiên của ngài là nóng nảy. Chính ngài phát biểu một câu danh tiếng như sau: “Với một chút mật ngọt, người ta bắt được nhiều con ruồi hơn là với một trăm thùng tôn nô dấm chua.”
Để sống hiền lành, thánh Inhaxiô, nguyên là sĩ quan đại úy, tính tình rất nóng nảy của một quân binh vào sinh ra tử ở chiến trường, đã phải cố gắng tập sống hiền lành hết sức mới có thể chế ngự được tính nóng nảy của mình.

426. Ông chủ đạo đức kia dạy tôi tớ sống nhịn nhục hiền lành

Ông chủ đạo đức kia luôn khuyên nhủ các tôi tớ đang làm việc cho mình, hãy sống hiền lành nhịn nhục nhau.
Trong số các tôi tớ nầy, có một người rất nóng nảy. Ông chủ nói với anh là nếu ngày hôm nay, anh sống nhịn nhục hiền lành, không gây lộn ai, không to tiếng với ai, ông sẽ thưởng cho một số tiền.
Tối đến, anh đầy tớ nầy được lãnh tiền thưởng.
Sau khi trao tiền thưởng cho anh, ông chủ khuyên: “Vì để hưởng được đôi chút lợi lộc vật chất, anh đã kiềm chế được con người của anh, sống hiền lành nhịn nhục, không tỏ ra nóng nảy. Vậy anh hãy cố gắng sống hiền lành nhịn nhục để được Chúa ban phần thưởng đời đời cho anh sau nầy ở trên nước thiên đàng.”

427. Gương sáng là phương pháp truyền giáo hữu hiệu nhất

Đạo Công giáo không được truyền bá bằng những cuộc tranh biện dài dòng liên tiếp diễn ra, cho bằng tấm gương trong trắng đi ngược với tính ích kỷ, bất công, thương luân bại lý của người đời.
Trong cuốn sách thời danh “Fabiola”, Đức Hồng Y Wiseman đã đề cao hấp lực vô cùng mạnh mẽ của gương sáng giáo dân hồi Giáo Hội phôi thai đối với các linh hồn có ác cảm với Công giáo hơn hết.
Trong cuốn sách đó, chúng ta nhận thấy bước đi cương quyết của một linh hồn tới gần ánh sáng. Đó là Fabiola, cô con gái của ông Fabiô.
Cô con gái của ông Fabiô hết sức bỡ ngỡ khi thấy những tình cảm cao thượng, những nhân đức anh hùng nơi một số người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhưng cô càng đổi lòng, càng được ơn soi sáng hơn nữa khi cô dần dần khám phá ra tất cả những người cô ca tụng là bác ái, xả kỷ, nhã nhặn, ngọt ngào, tiết độ, tôn trọng công bình, trinh tiết kia, đều theo thứ tôn giáo mà trước đây, người ta đã rỉ rón vào tai cô rằng: đó là một thứ tà đạo!
Từ giây phút đó, cô xin gia nhập Công giáo. (x. Hồn Tông Đồ)

428. Vua thì cho mình là bất hạnh, còn người đui, điếc, câm thì cho mình là hạnh phúc.

Hoàng đế Napôlêon có đủ mọi thứ mà loài người mơ tưởng: tiền tài, danh vọng, chức quyền. Nhưng vua nầy đã than lên trong những ngày cuối đời của mình: “Trong đời tôi, tôi không có được tới sáu ngày sung sướng.”
Còn người đui, điếc, câm kia, bà Hellen Keller, laị viết một câu quá hạnh phúc: “Đời sống sao mà đẹp thế!”

429. Khi giáo dục một đứa trẻ, hãy nghĩ đến điều gì?

Có hai người cải nhau về vấn đề: khi giáo dục đứa trẻ, hãy nghĩ đến điều gì?
Người thứ nhất chủ trương: đứa trẻ cần phải được hạnh phúc ở đời nầy, nên khi giáo dục đứa trẻ, hãy nghĩ đến tuổi già của nó.
Người thứ hai cho rằng chủ trương nầy là chưa đủ: đứa trẻ cần phải được hạnh phúc ở đời sau nữa, vì thế, khi giáo dục đứa trẻ, hãy nghĩ đến sự đời đời của nó.

430. Người ta chỉ lo phát triển tài năng của tôi!

Bá tước Walsli kể câu chuyện thương tâm sau đây.
Khi vào thăm nhà tù ở Mont Saint-Michel, ông muốn vẽ một vài chi tiết ở trong nhà tù. Trong khi ông lúng túng, không biết vẽ thế nào cho đúng, thì một tù nhân thanh niên đến sửa đường vẽ của ông lại. Ông rất thán phục về chuyện điều chĩnh nầy. Ông nói với người tù nhân thanh niên:
- “Anh là họa sĩ phải không?”
Người tù nhân thanh niên gật đầu một cách chua chát:
- “Người ta chỉ lo phát triển tài năng của tôi. Vì thế, bá tước thấy tôi bị tù như thế nầy đây!”
 
Anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần
Phaolô Phạm Xuân Khôi
12:33 04/07/2008

Suy Niệm Roma 8:9, 11-13 – Chúa Nhật XIV – Năm A

Cách đây hai tuần, Thánh Phaolô đã so sánh Ađam với Đức Kitô. Vì tội bất phục tùng của Ađam mà tội lỗi đã nhập vào thế gian (Rom 5:12 ). Con người bị tội lỗi làm tổn thương và trở nên nặng nề vì khuynh hướng phạm tôi của mình nên nghiêng về xác thịt nhiều hơn về tinh thần. Nhưng Đức Kitô, một Ađam mới, đã dùng chính cái chết trong vâng phục của Người mà cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi (x. 1 Cor 15:22 ). Nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta có đức tin. Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cùng chết và sống lại với Đức Kitô và bây giời chúng ta có một đời sống mới trong Người (x. Rom 6:4).

Là những người đã được Đức Kitô giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, chúng ta không còn làm nô lệ cho thân xác và tội lỗi nữa (Rom 6:6). Hôm nay Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta cách mà chúng ta phải sống nếu chúng ta thật sự tin vào Đức Kitô.

9. Anh em không sống theo xác thịt mà sống theo tinh thần (có bản dịch là Thánh Thần hay Thần Khí vì chữ πνευμα của Hy Lạp có thể dịch theo cả hai nghĩa), nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em.

Nếu chúng ta thật sự có Chúa Thánh Thần, vì thân xác chúng ta là Đền Thờ Chúa Thánh Thần (1 Cor 6:19 ), nên Chúa Thánh Thần thật sự ở trong chúng ta nếu chúng ta sống theo Ngài. Sống theo xác thịt đây không chỉ có nghĩa là tim thú vui xác thịt mà có nghĩa là tất cả những gì quy về mình, là sống ích kỷ, như đuổi theo tiền tài, danh vọng, đam mê…. Đối với những người tin vào Đức Kitô thì Chúa Thánh Thần trở nên sức sống mới của họ. Ngài là động lực thúc đẩy mọi việc họ làm.

Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người.

Chúng ta chỉ có thể liên hệ với Đức Kitô nhờ có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Mà một khi Chúa Thánh Thần thật sự ở trong chúng ta thì Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta làm tất cả mọi sự theo Ý Thiên Chúa. Và khi Ngài đã hướng dẫn thì chúng ta phải tuân theo. Ngày nay có nhiều người tự xưng là Công Giáo hay Kitô hữu mà thật sự không thuộc về Đức Kitô vì không có Chúa Thánh Thần ngự trong họ, hay không làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Kitô hữu không phải chỉ là một nhãn hiệu được dán vào chúng ta, mà phải là căn tính của chúng ta. Một người thuộc về Đức Kitô là người được trang bị để sống cho Thiên Chúa nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Người đó sẽ không những chỉ sống đời Công Giáo ở nhà thờ, mà sống đời sống ấy mọi nơi mọi lúc. Người ấy phải thể hiện tinh thần của Đức Kitô trong mọi việc mình làm, kể cả lá phiếu của mình. Thí dụ tôi không thể nói rằng tôi là Công Giáo mà tôi lại ủng hộ phá thai là điều dữ tự bản chất, hoàn toàn trái ngược với giới răn của Chúa. Cho nên khi tôi ủng hộ phá thai thì tôi không còn thật sự là người Công Giáo nữa, và như thế chắc chắn là tôi không thuộc vể Đức Kitô.

11. Nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em,

Việc làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là công trình của Chúa Ba Ngôi (x. GLCG 648-650). Ở đây Thánh Phaolô nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa qua sự sống lại của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần vừa là Thần Khí của Chúa Cha mà cũng là Thần Khí của Đức Kitô. Nếu Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta thì cả Ba Ngôi cũng ngự trong chúng ta.

thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng [sẽ] cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Bản dịch trong Phụng Vụ này thiếu chữ [sẽ]. Câu này nói lên vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc cho thân xác các Kitô hữu được sống lại vinh quang trong ngày sau hết. Khi sống lại, Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và trở nên nguồn mạch sự sống lại của chúng ta trong sự hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đương nhiên là thân xác của tất cả mọi người sẽ được sống lại trong ngày tận thế, nhưng có những người sẽ sống lại “để hưởng phúc trường sinh,” và có những người sẽ sống lại “để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Daniel 12:2). Chúng ta chỉ được hưởng phúc trường sinh nếu Thánh Thần của Đức Kitô ngự trong chúng ta, nghĩa là khi chết chúng ta đang ở trong tình trạng ân sủng.

12. Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt.

Trước kia chúng ta là nô lệ của tội lỗi, nhưng Đức Kitô đã chuộc chúng ta bằng một giá rất đắt (x. 1 Cor 6:20 ; 7:23 ). Người đã chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và chiến thắng sự chết. Giờ đây, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta đã tin vào Đức Kitô và đã tùng phục Người. Người đã chuộc chúng ta ra khỏi ách nô lệ xác thịt và làm cho chúng ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Người cứu chuộc chúng ta bằng cách vâng phục Thánh Ý Chúa Cha và vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá (Phil 2:8). Vì Chúa đã chuộc chúng ta nên “chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt” (Rom 8:12 ). Vậy sống theo xác thịt là gì?

Trong những đoạn trước của Thư Rôma, Thánh Phaolô đã nói rằng sống theo xác thịt là sống theo bản tính con người, là bản tính đã bị tội Ađam làm tổn thương. Tội Ađam đã để lại cho tôi một bản tính con người có khuynh hướng dễ làm điều ác hơn điều lành. Khi tôi sống chiều theo những khuynh hướng này là tôi đang sống theo xác thịt. Ở đây tôi xin đan cử một số ví dụ cụ thể:

Tôi làm mọi sự để thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác tôi, kể cả những việc vô luân là sống theo xác thịt,

Tôi chỉ nghĩ đến vật chất và những gì có lợi cho tôi là sống theo xác thịt,

Tôi làm việc, dù cả những việc lành, vì hư danh là sống theo xác thịt,

Tôi coi mình quan trọng hơn người khác là sống theo xác thịt,

Tôi đưa mình lên trên người khác hoặc muốn hơn người khác là sống theo xác thịt,

Tôi muốn người khác phải làm theo ý tôi là sống theo xác thịt,

Tôi làm để thỏa mãn “cái tôi ” là sống theo xác thịt,

Tôi cảm thấy ghen tức vì người khác hơn mình là sống theo xác thịt,

Tôi ích kỷ chỉ nghĩ đến mình và tích trữ cho mình là sống theo xác thịt.

Nếu muốn liệt kê thêm thì tôi sẽ phải ngồi đây viết hết trang này sang trang khác. Nhưng có lẽ những điều tôi đan cử trên đây cũng đủ rồi. Chỉ cần dùng một câu hỏi thôi là đủ để tôi biết rằng tôi có sống theo xác thịt hay không. Đó là “Tôi làm việc này vì tôi hay vì Chúa?” Nếu câu trả lời là “Vì Tôi” là tôi đang sống theo xác thịt.

13. Vì chưng, nếu anh em [đã] sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết;

Sống theo xác thịt là sống trong tội lỗi, mà “tiền công tội lỗi là sự chết” (Rom 6:23 ). (Thêm chữ [đã] vào đây là không chỉnh lắm). Ngày nay có nhiều người nghĩ rằng sống theo Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh là bị mất tự do. Họ không hiểu rằng con người chẳng bao giờ thật sự có tự do trừ khi sống theo chân lý. Muốn làm gì thì làm đâu phải là tự do mà là nô lệ cho thân xác, tiền tài, danh vọng và ma quỷ. Đó là lý do tại sao tự do giả tạo này dẫn con người đến nghiện ngập đủ thứ mà không thể thoát ra được, giống như tình trạng nhân loại khi chưa có Đức Kitô. Người thì nghiện quyền lực, tiền bạc, và danh vọng. Người thì nghiện ma tuý, sách báo và phim ảnh khiêu dâm. Người thị nghiện TV, video games, cờ bạc, trai gái, rượu chè. Tự do đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy những xiềng xích này càng ngày càng thêm nặng. Vì thế Thánh Phaolô cảnh cáo chúng ta là nếu muốn chết cả hồn lẫn xác thì hãy tiếp tục sống theo xác thịt.

nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết [tiêu diệt] được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Chúng ta không thể tự mình tiêu diệt được các hành động xấu xa của thân xác mình. Tất cả những ai cậy vào sức mình mà chiến đấu với xác thịt đều thảm bại, vì chúng có một đồng minh mạnh mẽ hơn ta nhiều là ma quỷ. Chúng ta chỉ chiến thắng được nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà thôi. Nhưng Chúa Thánh Thần không bao giờ ép buộc chúng ta mà chỉ soi sáng, mời gọi và ban sức mạnh cho chúng ta thôi. Thánh Augustinô đã nói: “"Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta không cần có chúng ta cộng tác; nhưng Ngài đã không muốn cứu độ chúng ta nếu chúng ta không cộng tác" (Bài giảng169, 11,13).  Vậy nếu tôi muốn sống theo Thần Khí của Đức Kitô thì tôi phải sống thế nào?

Sống hiền lành và khiêm nhường như Chính Chúa Giêsu dạy tôi trong bài Tin Mừng hôm nay “hãy học cùng Thầy, vì Thầy dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt. 11:29 ).

Sống tín thác vào Chúa nhất là trong những lúc chán chường, thất vọng vì Chúa đang tha thiết mời tôi, đặc biệt là trong Thánh Kinh và Bí Tích Thánh Thể: "Tất cả hãy đến với Thầy, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Thầy sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con” (Mt 11:28).

Sống theo Thánh Ý Thiên Chúa. Ý Cha thể hiện (Mt 6:10 ) “Không phải mọi người thưa với Thầy, ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ mà sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ người làm theo Thánh Ý của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời (Mt 7:21 ).

Cùng làm mọi sự vì vinh danh Chúa như Thánh Phaolô “Dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cor 10:31 ).

Tôi có thể dùng cùng một câu hỏi ở trên để biết tôi có sống theo Thần Khí của Đức Kitô hay không: “Tôi làm việc này vì tôi hay vì Chúa?” Nếu câu trả lời của tôi là “Vì Chúa” thì tôi đang làm theo Thần Khí.

Muốn làm được những điều trên tôi cần có Chúa Thánh Thần, tức là Thần Khí của Đức Kitô, ngự trong tôi. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho tôi để tôi biết điều gì đẹp lòng Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban sức mạnh cho tôi để làm theo sự hướng dẫn của Ngài. Muốn được như thế tôi lại cần phải khiêm nhường, nhận biết sự yếu đuối của mình và sự lệ thuộc của mình vào ân sủng. Tôi phải luôn chạy đến cùng Thánh Tâm Chúa trong Thánh Thể để Người bổ sức cho tôi.

 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 04/07/2008
MÃI MÃI KHÔNG XÂY ĐƯỢC CĂN NHÀ

Một đêm mưa gió tơi bời, hai con sói đang ngồi núp mưa dưới gốc cây cổ thụ, nước mưa theo các kẻ hở giữa các ngọn lá không ngừng giọt xuống trên thân chúng nó, chúng nó cảm thấy vừa ướt vừa lạnh, trong lòng đều nghĩ đến một căn nhà ấm áp. “Nếu ngày mai thời tiết tốt, chúng ta xây một căn nhà lớn, thì sau này sẽ không còn sợ mưa to gió lớn nữa.” Hai anh em nhà sói quyết tâm nói như thế.

Qua ngày hôm sau, mặt trời treo cao cao trên trời chiếu soi mặt địa cầu ấm áp, hai anh em nhà sói tha hồ hưởng thụ sự ấm áp của mặt trời, sói em nói với sói anh: “Thời tiết thật dễ chịu, chúng ta có cần xây nhà nữa không ?”

Sói anh vừa lim dim con mắt vừa hưởng thụ ánh mặt trời ấm áp, nó cũng không thèm ngẫng đầu lên, nói: “Bây giờ quá ấm áp, quá thoải mái rồi, vậy thì đợi ngày mai rổi hãy bắt đầu xây nhà !” sói em cũng đồng ý với ý kiến của sói anh.

Cứ như thế, thời gian ngày ngày đi qua, hai con sói mỗi ngày đều lập lại câu chuyện giống nhau như thế, cho đến hôm nay chúng nó vẫn còn chưa xây được căn nhà, mãi mãi đều báo oán khi trời mưa, sau đó thì quyết định ngày hôm sau xây nhà, nhưng mặt trời vừa xuất hiện thì chúng nó cái gì cũng đều quên, rồi lại thỏa thích hưởng thụ ánh nắng mặt trời, hưởng thụ sự ấm áp.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Thái độ của anh em nhà sói gặp chăng hay chớ, khiến chúng nó cuối cùng chỉ có thể suốt năm nín chịu gió dập mưa vùi, cho nên việc hôm nay thì hôm nay phải làm cho xong, biết yêu quý thời gian thì mới có thể có sự thành công vẻ vang.

Có một vài em việc hôm nay thì không làm, nhưng lại lăng xăng đi kiếm việc ngày mai để làm, chẳng hạn như: việc hôm nay là làm bài tập mà thầy cô đã cho, nhưng có em không làm bài mà lại mở truyền hình để coi tập thể dục buổi sáng; có em việc làm hôm nay là học nhóm với các bạn, nhưng lại đi tập đá banh cho ngày thi đấu vào học kỳ sau.v.v...

Thời tiết tốt hay xấu, bài tập làm khó hay dễ, thì đều không ảnh hưởng đến quyết tâm của chúng ta, nếu các em không có quyết tâm làm những việc của ngày hôm nay, thì rồi các em cũng sẽ không có quyết tâm làm việc của ngày mai, ngày hôm nay thì có việc của hôm nay, ngày mai có việc của ngày mai, hãy có quyết tâm và nghị lực.

Các em thực hành:

- Việc làm hôm nay thì phải làm ngay đừng để ngày mai.

- Kế hoạch trong ngày đã đưa ra thì cố gắng thực hiện cho xong.

- Không để thời tiết tốt hay xấu, hoặc sự lười biếng điều khiển tinh thần chúng ta.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:24 04/07/2008
CHỦ NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 11, 25-30.

“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”

Bạn thân mến,

Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi hãy học với Ngài có lòng hiền hậu và khiêm nhường, lời mời gọi này không làm cho bạn và tôi trở thành người nhụt chí hoặc trở thành người sống an phận, nhưng trái lại, nó sẽ khiến bạn và tôi trở thành người có sức mạnh hơn cả đội quân hùng hậu, và lòng cảm thông sâu sắc với những bất hạnh của tha nhân.

Lòng hiền hậu của Chúa Giê-su đã làm cho ông Phê-rô hối hận ăn năn, đã làm cho Mát-thêu thu thuế trở thành tông đồ tài năng, đã làm cho Gia-kêu lùn hoán cải cuộc sống, và nhất là, sự hiền lành này được thể hiện hằng ngày trong bí tích Thánh Thể trên bàn thờ. Chính sự hiền lành cách trọn vẹn này của Chúa Giê-su đã làm cho nhân loại nhận biết Cha tình yêu ở trên trời.

Giữa một thế giới thù hận và ghen ghét, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta học nơi Ngài sự hiền lành, chính là Ngài muốn bạn và tôi dùng sự hiền lành này, như một khí cụ của tình yêu, để chinh phục tâm hồn người khác về cho Chúa. Bởi vì sự hiền lành đích thực có sức mạnh tuyệt đối cảm hóa người dữ, thông cảm với người tội lỗi, hòa đồng với tha nhân, để khi người khác nhìn thấy sự hiền lành của chúng ta, thì họ cũng thấy được một Chúa Giê-su hiền lành trong cuộc sống.

Lòng khiêm nhường của Chúa Giê-su đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, bởi vì nếu Chúa Giê-su chỉ là một vị Thiên Chúa muôn đời muốn cao sang không hề biết cảm thông với những đau khổ của con người, thì Ngài vẫn mãi mãi là Thiên Chúa chứ không phải con người. Nhưng khi khiêm nhường tự hạ làm con người như chúng ta, để cứu chuộc chúng ta, thì Chúa Giê-su đã làm một cuộc cách mạng lừng lẫy: nâng con người tội lổi lên làm con Thiên Chúa và được hưởng phần gia nghiệp Nước trời.

Cũng có những lúc bạn và tôi thật khiêm nhường trước mặt kẻ có chức quyền, nhưng lại hống hách với anh em đồng nghiệp, đó là khiêm nhường giả tạo; có những lúc bạn và tôi thú nhận trước mặt Chúa là mình quá kiêu ngạo nên nếm từ thất bại này đến thất bại khác, và hứa sửa đổi cách sống cho phù hợp với tinh thần Chúa dạy, nhưng sau đó thì kiêu ngạo vẫn cứ kiêu ngạo...

Bạn thân mến,

Làm người Ki-tô hữu thí nhất định phải có sự hiền lành và khiêm nhường, làm một tu sĩ hay linh mục thì càng phải có sự hiền lành và khiêm tốn gấp vạn lần giáo dân, bởi vì sự hiền lành làm cho khuôn mặt chúng ta giống Chúa Giê-su, và sự khiêm nhường làm cho chúng ta trở thành công cụ tuyệt vời của Ngài để rao giảng Lời Chúa cho mọi người.

Mọi người đang chờ bạn và tôi đem sự hiền lành và khiêm nhường này để chào đón và phục vụ họ, bởi vì con người thời nay không thích vũ khí tối tân hay các chính sách mị dân bằng lời nói trôn tru như mỡ heo. Nhưng người ta hân hoan chào đón người có lòng hiền hậu và khiêm tốn trong cuộc sống, bởi vì chỉ có hiền hậu mới xoa dịu nỗi đau của tha nhân, và chỉ có sự phục vụ khiêm nhường mới nâng phẩm giá con người của họ lên cao mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 04/07/2008
N2T


39. Khi linh hồn suy niệm thì dùng tâm đẩy lui tạp niệm, chỉ suy xét đến chân lý, phát động tình yêu thánh thiện, công phu suy niệm này mới có thể nói thực hành quá tốt đẹp.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lời Nguyện Cầu cho Quốc Gia nhân ngày Lễ Độc Lập - Ngày 4 Tháng 7
Anthony Lê
08:58 04/07/2008
Lời Nguyện Cầu cho Quốc Gia nhân ngày Lễ Độc Lập - Ngày 4 Tháng 7

Vài lời ngỏ chân tình.. .

Ngày hôm nay, Ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ, một ngày rất quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta - những người Việt tị nạn Cộng Sản, đã bỏ lại Quê Hương để nhận Hoa Kỳ làm Quốc Gia mới của mình, để từ đó biết yêu mến, biết bảo vệ, và biết đóng góp công sức của chúng ta cho một đất nước vĩ đại và giàu lòng thương yêu này.

Khi chúng ta tuyên thệ để trở thành những người công dân Hoa Kỳ, chúng ta nguyện bảo vệ Lá Cờ của Quốc Gia Tự Do này (chứ không phải bất kỳ một Lá Cờ nào khác) và những lý tưởng chánh nghĩa mà Quốc Gia này đang đeo đuổi, do đó chẳng còn có lý do gì để khiến chúng ta phải chia rẽ và nồi da xáo thịt đồng bào của chúng ta, một khi chúng ta đã "thật sự" nếm được mùi của sự tự do đúng nghĩa và trong khuôn pháp và luật lệ của Thiên Chúa cũng như của Quốc Gia này...

Ngày hôm nay, và những ngày kế tiếp sau này nữa, chính là những chuổi ngày mà chúng ta luôn phải tìm mọi cách để chứng tỏ lòng tri ân của chúng ta đến với Thiên Chúa và đến với Quốc Gia này, để những người Mỹ bản xứ khi họ nhìn và đánh giá về dân tộc của chúng ta, họ biết đó là một dân tộc biết yêu thương và đoàn kết, biết sẳn lòng hy sinh để bảo vệ chánh nghĩa mà cha-ông họ khi xưa đã phải đổ máu giữ gìn....

Do đó, trong tâm tình thành kính tri ân ơn nghĩa cao vời đó mà Quốc Gia Hoa Kỳ và Lá Cờ Hoa Kỳ này - qua sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ những người Mỹ đi trước, cùng những người di dân trước kia - đã dựng xây, đã bồi đắp, và đã mang lại, xin hãy hiệp ý cùng tôi, hướng lòng biết ơn đúng đắn của chúng ta đến cho Quốc Gia Hoa Kỳ và Lá Cờ Hoa Kỳ mà chúng ta được tận mắt nhìn thấy...

Lời Nguyện Cầu cho Quốc Gia nhân ngày Lễ Độc Lập - Ngày 4 Tháng 7

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài đã trao cho chúng con mãnh đất tươi đẹp này làm di sản của chúng con. Chúng con xin khiêm tốn khẩn cầu với Ngài rằng chúng con sẽ luôn tự chứng tỏ chúng con như là một dân tộc luôn biết ý thức được về hồng ân của Ngài để vui vẽ thực thi theo ý chí của Ngài. Hãy chúc phúc cho quốc gia của chúng con với sự nổ lực cao cả, biết nhạy cảm và có được những ý hướng chân thành.

Hãy cứu chúng con khỏi sự bạo lực, sự bất hòa và sự xấu hổ, sự kêu ngạo và tính tự phụ, và hãy cứu chúng con khỏi bất kỳ phương thức tội lỗi nào. Hãy bảo vệ sự tự do của chúng con và uốn nắn chúng con thành một quốc gia biết đoàn kết từ vô số những người đến từ các quốc gia và ngôn ngữ khác nhau.

Hãy phú ban ơn Khôn Ngoan của Chúa Thánh Thần xuống cho những ai mà chúng con tin tưởng trao phó cho nghĩa vụ điều hành quốc gia, để sự công lý và hòa bình có được ngay tại nơi đây và qua sự phục tùng của chúng con vào lề luật của Ngài, chúng con biết tỏ bày lời ca tụng Ngài đến giữa các chư dân và muôn nước trên trái đất này. Trong lúc thịnh vượng, hãy lấp đầy trái tim của chúng con với lòng tri ân, và trong lúc khổ đau, đừng để cho niềm tin của chúng con vào Ngài bị mai một đi. Chúng con khẩn nguyện điều này qua Chúa Giêsu Kitô - Chúa chúng con. Amen

Prayer for the Nation

Almighty God, you have given us this good land for our heritage. We humbly ask you that we may always prove ourselves a people mindful of you favor and glad to do your will. Bless our land with honorable endeavor, sound learning and pure manners.

Save us from violence, discord and confusion, from pride and arrogance, and from every evil way. Defend our liberties and fashion into one united people the multitude brought here out of many nations and tongues.

Endow with the Spirit of wisdom those to whom in your name we entrust the authority of government, that there may be justice and peace at home, and that through obedience to your law we may show forth your praise among the peoples and nations on this earth. In time of prosperity fill our hearts with thankfulness, and in the day of trouble do not allow our trust in you to fail. We ask all of this through Jesus Christ our Lord. Amen.
 
Những Nguyên Tắc về Luân Lý cho các Cử Tri Công Giáo
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
12:50 04/07/2008

Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Kansas

Chúng tôi, các Giám Mục Công Giáo của Kansas, thi hành vai trò của chúng tôi như các vị thầy, xin đưa ra những chỉ dẫn dưới đây để giúp người Công Giáo đào luyện lương tâm của họ về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ căn bản nhất của chúng ta là bầu cử. Những chỉ dẫn dưới đây chỉ nhằm mục đích giáo dục mà thôi. Chúng tôi không có ý ủng hô hoặc chống đối bất cứ ứng cử viên, đảng chính trị, hay những ủy ban vận động chính trị (political action committee) nào. Trái lại, hy vọng của chúng tôi là những chỉ dẫn này sẽ cho người ta thấy đức tin Công Giáo của chúng ta và lý trí con người uốn nắn tư tưởng, sự chọn lựa và hành động của chúng ta như thế nào.

Quyền Lợi và Nhiệm Vụ Bầu Cử. Người Công Giáo sống trong thế gian, nhưng họ không được sống theo những giá trị của thế gian là đặt quá nặng tầm quan trọng của quyền hành, của cải, và thú vui như chính chúng là cùng đích (x. 1 Ga 2:16 ). Người Công Giáo cũng có quyền lợi và nhiệm vụ như những công dân khác, nhưng được Thiên Chúa mời gọi thực thi chúng theo ánh của chân lý đức tin và lý trí như Hội Thánh Công Giáo đã dạy. Thí dụ, họ được mời gọi để tôn trọng quyền bính và những người cai trị xã hội “vì Chúa” (1 Phr 2:13 -17).

Trong một xã hội dân chủ, các công dân chọn những người mà họ trao cho quyền hành vì công ích. Việc chọn người này mà không chọn người khác vào những địa vị công cộng có thể ảnh hưởng đến nhiều mạng sống, đặc biệt là mạng sống của những người yếu thế nhất trong xã hội như trẻ em còn trong bụng mẹ và những người mắc bệnh gần chết. Cho nên người Công Giáo có một nhiệm vụ quan trọng về luân lý trong việc thực thi quyền bầu cử của họ, dù ở mức độ quốc gia, tiểu bang hay địa phương. Công Đồng Vaticanô II dạy chúng ta rằng “tất cả mọi công dân phải luôn nhớ rằng việc sử dụng lá phiếu để cổ động cho công ích vừa là quyền lợi vừa là bổn phận của họ” (GS 75). Còn nữa, nhiệm vụ bầu cử của chúng ta phải được hướng dẫn bởi một lương tâm được đào luyện chu đáo, và không chỉ đặt trên ích lợi cá nhân, liên hệ đảng phái, hoặc sức thu hút của bất cứ cá nhân nào.

Nhiệm Vụ Đào Luyện và Làm Theo Lương Tâm của Một Người. Chúng ta là những cử tri có lương tâm khi chúng ta được lương tâm hướng dẫn. Lương tâm là lề luật được Thiên Chúa “viết” trong tâm hồn chúng ta, khiến cho chúng ta muốn làm lành lánh dữ (x. Rom 2:12 -16). Lương tâm giống như một tiếng nói bên trong có quyền năng như chính tiếng nói của Thiên Chúa. Chúng ta có trách nhiệm quan trọng phải nghe theo sự hướng dẫn của lương tâm. Làm trái với phán quyết của lương tâm khi nó chắc chắn về điều gì là tốt và xấu có cùng một mức độ nghiêm trọng như bất phục tùng Thiên Chúa. Tuy nhiên điều quan trọng cần phải nhớ là lương tâm có thể chắc chắn nhưng đồng thời cũng có thể sai lầm về những điều tốt xấu.

Vì lý do đó mà chúng ta có nhiệm vụ quan trọng không kém là đào luyện lương tâm đúng cách hay là dạy cho lương tâm để nó có thể phán đoán đúng điều gì là tốt và điều gì là xấu. Chúng ta có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý rồi tuân theo chân lý ấy. Chúng ta phải tìm hiểu điều này suốt đời, vì chúng ta càng ngày càng lớn lên, và những vấn đề chúng ta phải đương đầu với cũng thay đổi hoặc trở nên phức tạp hơn. Trong khi tìm chân lý, người Công Giáo nhận được hướng dẫn quan trọng từ các giáo huấn của Hội Thánh về những vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý. Chúng ta cậy nhờ vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để áp dụng những giáo huấn này vào những vấn đề riêng biệt. Thêm vào đó, chúng ta nên hỏi ý kiến của những người cùng chia sẻ những giá trị như chúng ta và có nhiều kiến thức về những vấn đề ấy.

Phán Đoán Khôn Ngoan trong Những Vấn Đề Xã Hội. Trong một vài vấn đề luân lý việc sử dụng lý trí cho phép chúng ta có những phán đoán khôn ngoan khác nhau. Các cử tri Công Giáo có thể khác nhau, thí dụ, về điều gì làm cho chính sách di dân thành tốt nhất, làm sao để cung cấp việc săn sóc ý tế cho tất cả mọi người, hoặc gia cư giá vừa phải. Người Công Giáo cũng có thể có những phán đoán khác nhau về việc quốc gia sử dụng án tử hình hoặc quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh chính đáng. Tính cách luân lý của những vấn đề như thế không hệ tại ở điều được thực hiện, nhưng ở động lực và hoàn cảnh. Cho nên, những phán đoán khôn ngoan này không liên quan đến việc trực tiếp chọn lựa một điều dữ và quan tâm đến những điều tốt khác, vì thế người Công Giáo có thể có những phán đoán khác nhau, và ngay cả đối nghịch nhau.

Mặc dù có thể có những phán đoán khôn ngoan khác nhau, mỗi người trong chúng ta phải hướng dẫn việc quyết định của mình về những vấn đề như thế bằng sự tôn trọng căn bản phẩm giá của mỗi con người từ khi thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Đây là một nguyên tắc không thể thương lượng được. Nó là nền tảng của các giáo huấn về xã hội của Công Giáo cũng như là nền tảng của một xã hội công bằng. Nó cũng là nền tảng cho quyền có được những điều cần thiết để sống xứng đáng với nhân phẩm, thí dụ như công ăn việc làm và lương bổng công bằng, thực phẩm và gia cư, giáo dục và y tế, được bảo vệ khỏi những thiệt hại, và quyền di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác khi chúng ta không có những điều kiện trên ở quê nhà. Vì tôn trọng phẩm giá con người, người Công Giáo có nhiệm vụ giúp đỡ và bênh vực những người yếu thế, đặc biệt là người nghèo. Một nguyên tắc chỉ đạo khác là việc bảo vệ và cổ võ hôn nhân như là một giây liên hệ không thể đứt được giữa một người nam và một người nữ. Xã hội chỉ lành mạnh khi mà thể chế hôn nhân và gia đình lành mạnh.

Điều tốt và xấu trong những vấn đề nói trên có thể được quyết định bằng cách sử dụng những lý luận đúng đắn. Trong khi thật sự là giáo huấn của Hội Thánh về những vấn đề này được làm sáng tỏ và củng cố nhờ ánh sáng Tin Mừng, qua dòng lịch sử những người thiện tâm đã hiểu những chân lý này chỉ nhờ lý trí, độc lập với xác tín của đức tin.

Những Phán Đoán liên quan đến Sự Dữ về Luân Lý. Một lương tâm đúng đắn nhận ra rằng có vài chọn lựa luôn liên quan đến việc làm điều ác là những điều không bao giờ được phép làm ngay cả trong việc dùng chúng để đạt được một mục đích tốt. Các chọn lựa này gồm có phá thai, giết chết êm dịu, bác sĩ trợ tử, hủy diệt phôi thai người trong việc nghiên cứu tế bào gốc, sao người, và “hôn nhân” đồng tính. Những hành động như thế được phán quyết là dữ tự bản chất, có nghĩa là chính tự chúng là dữ, bất chấp động lực hay hoàn cảnh nào thúc đẩy chúng ta. Những điều ấy tạo thành một tấn công chống lại sự sống của những người vô tội, cũng như hôn nhân và gia đình. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cảnh cáo rằng “quyền y tế, gia cư, công ăn việc làm, gia đình, và văn hóa là sai lầm và ảo tưởng khi mà quyền sống, là quyền căn bản nhất và chủ yếu nhất cùng là điều kiện cho tất cả những quyền cá nhân khác, không được bảo vệ bằng một quyết tâm tói đa” (Christifideles Laici 38).  

Các thí dụ khác về những chọn lựa luôn liên quan đến hành vi ác là kỳ thị chủng tộc, sản xuất và sử dụng phim ảnh khiêu dâm. Những hành động này vi phạm đến phẩm giá căn bản của con người.

Tình Trạng Tiến Thoái Lưỡng Nan về Lương Tâm của Cử Tri. Theo ánh sáng của những điều nói trên, việc lương tâm phán đoán là chúng ta sẽ phạm tội ác về luân lý nếu chúng ta bỏ phiếu cho một ứng cử viên có lập trường cho phép những hành động tự bản chất là ác trong khi có ứng cử viên khác có thể chấp nhận được về luân lý. Vậy chúng ta phải làm gì khi không có ứng cử viên nào khác để chọn lựa?

Bởi vì chúng ta có nhiệm vụ luân lý phải bầu cử, quyết định không đi bầu không phải là giải pháp có thể chấp nhận được ở tình trạng này. Vì thế, khi không có cách nào để tránh chọn một ứng cử viên ủng hộ những hành động ác tự bản chất, nhất là việc tự ý phá thai, thì chúng ta phải bỏ phiếu cách nào để ít tổn thương nhất đến sự sống và phẩm giá của những người vô tội. Làm như vậy, chúng ta không hành động vô luân nếu chúng ta bỏ phiếu cho một ứng cử viên mà chúng ta không hoàn toàn chấp nhận để đánh bại ứng cử viên có nhiều đe dọa hơn đối với sự sống và phẩm giá của con người.

Bầu Cử là một Hành Động Luân Lý. Bầu cử liên hệ đến nhiệm vụ và quyền lợi. Nhiệm vụ của chúng ta là bầu cử với một lương tâm được đào luyện chu đáo theo những nguyên tắc luân lý. Là các Giám Mục, chúng tôi không nói người Công Giáo phải bỏ phiếu cho một ứng cử viên nào. Ngược lại, chúng tôi chỉ muốn dạy chúng tôi phải đào luyện lương tâm chúng tôi thế nào và suy xét những vấn đề trong ánh sáng của những nguyên tắc luân lý nền tảng này.

+ Joseph F. Naumann - TGM Kansas City in Kansas

+ Ronald M. Gilmore - GM Dodge City

+ Paul S. Coakley - GM Salina

+ Michael O. Jackels - GM Wichita

Ngày 15 tháng 8, năm 2006



 
Tổng kết Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Québec
Linh Tiến Khải
14:22 04/07/2008
QUÉBEC: Trong cuộc họp báo ngày mùng 2-7-2008 Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám Mục Québec, đã tổng kết thành qủa Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế Québec và cho biết mức tham dự đã vượt qúa sự chờ mong của mọi người.

Đã có gần 12.000 người chính thức ghi danh tham dự, trong đó có 55 Tổng Giám Mục, 218 Giám Mục, gần 1300 Linh Mục, 160 Phó Tế, 180 chủng sinh, 1300 nữ tu và 150 tu huynh. Các phái đoàn tham dự thuộc 70 quốc gia trong đó có 22 nước Âu châu, 19 nước Phi châu, 10 nước Á châu và 3 nước Đại dương châu. Đã có 12.500 người tham dự tất cả mọi sinh hoạt của đại hội, 68% đến từ khắp nơi toàn nước Canada, 5000 thuộc tỉnh Québec và 1500 thuộc tổng giáo phận Québec.

Mỗi ngày đã có 20.000 người thăm viếng thành phố triển lãm. Đã có 20.000 người tham dự cuộc kiệu Thánh Thể và trong buổi chầu kết thúc số người tham dự lên tới 60.000.

Các gia đình của tổng giáo phận Québéc đã tiếp rước 5000 khách hành hương và 1000 gia đình đã tham dự Hội Nghị Thánh Thể như là nhân viên thiện nguyện.

Đức Hồng Y Ouellet cho biết Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế đã ghi đậm dấu trong lịch sử Québec.

Trong Đại Hội Thánh Thể được tổ chức lần đầu tiên năm 1881 đã chỉ có 300 tham dự viên, đa số là các vị giám đốc các phong trào Thánh Thể Âu châu. Trong 125 năm sau đó, các Đại Hội Thánh Thể đã thay đổi nhiều, và số người tham dự xê xích giữa 12 tới 15 ngàn. Trong các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế mới đây số tín hữu tham dự có khi đã lên tới hàng trăm ngàn.
 
Tòa Thánh công bố chương trình ĐTC viếng thăm nước Pháp vào tháng Chín
Linh Tiến Khải
14:24 04/07/2008
VATICAN - Sáng thứ sáu 4-7 Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm Pháp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong các ngày từ 12 đến 15 tháng 9 tới đây.

Lúc 9 giờ sáng thứ sáu 12-9-2008 Đức Thánh Cha sẽ rời Roma và tới phi trường Orly Paris sau hơn 2 giờ bay. Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường lúc 12.30 Đức Thánh Cha sẽ đến viếng thăm xã giao tổng thống tại diện Elysée, sau đó gặp các giới chức chính quyền.

Vào ban chiều lúc 17 giờ Đức Thánh Cha sẽ tiếp các đại diện của Do thái giáo tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới văn hóa tại Collège des Bernardins. Lúc 19.15 Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi hát Kinh Chiều với các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và phó tế trong nhà thờ Đức Bà Paris. Lúc 20.30 Đức Thánh Cha sẽ chào giới trẻ từ thềm nhà thờ chính tòa.

Sáng thứ bẩy 13-9-2008, lúc 9.10 Đức Thánh Cha sẽ thăm Học Viện Pháp và lúa 10 giờ ngài sẽ chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại quảng trường Les Invalides. Sau đó Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục vùng l'Ile de France và đoàn tùy tùng tại Tòa Sứ Thần. Vào ban chiếu lúc 15.50 Đức Thánh Cha rời Tòa Sứ Thần để ra sân bay Orly lấy máy bay đi Tarbes và Lộ Đức. Từ đây phi trường Tarbes Đức Thánh Cha sẽ đi trực thăng về vận động trường Antoine Béguère Lộ Đức. Lúc 19.15 Đức Thánh Cha viếng hang đá Đức Mẹ hiện ra. Và lúc 21.30 ngài chủ sự lễ nghi kết thúc cuộc rước kiệu nến tại quảng trường Mân Côi.

Chúa Nhật 14-9-2008 lúc 10 Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ mừng 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại cánh đồng Lộ Đức. Sau đó ngài sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục vùng Midi-Pyrénées, và các Hồng Y và Giám Mục tháp tùng tại Tịch liêu thánh Giuse.

Ban chiều lúc 17.15 Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Pháp trong phòng hội bán nguyệt thánh nữ Bernadette. Tiếp đến lúc 18.30 Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi chầu kết thúc cuộc kiệu Thánh Thể tại cánh đồng Lộ Đức.

Thứ hai 15-9-2008 lúc 8.45 Đức Thánh Cha sẽ viếng nhà nguyện nhà thương Lộ Đức. Sau đó lúc 9.30 ngài chủ sứ thánh lễ cho các bệnh nhân trong Vương cung thánh đường Đức Bà Mân Côi. Lúc 12.10 Đức Thánh Cha sẽ lấy trực thăng ra phi trường Tarbes Lộ Đức Pyrénées. Tại đây sau lễ nghi từ biệt Đức Thánh Cha sẽ lên máy bay để về phi trường Ciampino của Roma.
 
Các Đại hội Giới Trẻ Thế giới đã qua và Đại hội năm nay ở Sydney
Lm. Anphong Trần Đức Phương
16:50 04/07/2008
CÁC ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI… VÀ ĐẠI HỘI NĂM NAY

- Qúa Trình Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
- Các Đại Hội Giới trẻ đã được tổ chức cho đến ngày nay.
- Hướng về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney (Úc Châu).


ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI là cuộc HỘI NGỘ rất quan trọng cho Giới Trẻ trong thế giới đầy biến động ngày nay.

Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã đề cập đến Đại Hội Giới Trẻ trong Bài Giảng của Ngài vào Thánh Lễ buổi sáng ngày 20/4/2005 (ngay ngày hôm sau khi được bầu chọn lên Ngôi Giáo Hoàng) như sau: “Tôi đặc biệt nghĩ đến GIỚI TRẺ, là những người đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt lưu tâm đối thoại với họ. Tôi gửi đến các bạn trẻ lòng âu yếm mến thương... Tôi muốn tiếp tục đối thoại với các bạn, lắng nghe các ước vọng của các bạn, trong niềm hy vọng tôi sẽ giúp được các bạn gặp gỡ Chúa Kitô luôn sống động và trẻ trung...”

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng từ ngày Chúa Nhật Lễ Lá (15-4-1984) Năm Thánh Cứu Độ 1984 tại Rôma. Sau đó, năm 1985 (Năm Liên Hiệp Quốc tuyên bố là “Năm Giới Trẻ”), vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (31/3/1985), tại Công Trường Đại Thánh Đường Thánh Phêrô (Rôma), trước khoảng 300,000 ngàn bạn trẻ có mặt hôm đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố thành lập “Ngày Giới Trẻ Thế Giới”.

Từ ngày đó, đã có những tổ chức Ngày Đại Hội Giới Trẻ theo từng Giáo phận mỗi năm một lần thường vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (mở đầu Tuần Thánh); còn Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thừờng được tổ chức 3 năm một lần tại các địa điểm khác nhau trên thế giới. Mỗi Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận hay Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đều có một Chủ đề (Theme) để các bạn trẻ học hỏi. Vào Ngày Đại Hội, các bạn trẻ sẽ hân hoan gặp gỡ nhau, cầu nguyện, vui chơi, và hội thảo để trao đổi với nhau các kinh nghiệm sống thuộc các nền văn hoá khác nhau, để xây dựng bản thân, đời sống đức tin, và cùng nhau tìm ra những phương thức thực hành Đức Tin và Đức Bác ái giữa thế giới hôm nay. Khi ra về các bạn trẻ sẽ cố gắng để xây dựng một tương lai tốt đẹp và phong phú hơn cho chính mình, cho gia đình, cho tổ quốc và xã hội.

Sau đây là những Đại Hội Giới Trẻ đã được tổ chức ( Tài liệu lấy trong: World Youth Day-Wikipedia, the free encyclopedia. Số người tham dự được tính theo số người trong Thánh Lễ Bế mạc mỗi Đại Hội).

  • Năm 1984 Đại Hội Giới Trẻ đầu tiên đã được tổ chức Tại Rôma( ngày 15/4/1984); số tham dự: 300,000; chủ đề: “Năm Thánh Cứu Độ”. Lần thứ hai cũng tại Rôma (ngày 31/3/1985); số tham dự: 300,000; chủ đề: “Năm Giới Trẻ Thế Giới ” ( do Liên Hiệp Quốc đề xướng để đề cao vai trò của giới trẻ trên thế giới).
  • Năm 1986 (ngày 23/3): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “ Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về Niềm Hy vọng của anh em” (1 Phero 3:15).
  • Năm 1987 (ngày 11-12/ 4): Đại hội Giới trẻ tòan thế giới tại Buenos Aires, thủ đô nước Argentina; số tham dự: 900,000. Chủ đề: “Chúng ta đã nhận biết Tình yêu Chúa nơi chúng ta và chúng ta đã tin vào Tình yêu ấy” (1 Gioan 4:16).
  • Năm 1988 (ngày 27/3): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Ngài bảo các anh làm gì, các anh cứ làm theo như vậy” (Gioan 2:5)
  • Năm 1989 ( ngày 15-20/ 8 ): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Santiago de Campostella, Bồ Đào Nha; số tham dự: 400,000. Chủ đề: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là sự Sống (Gioan 14:16).
  • Năm 1990 (ngày 8/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Thày là cây nho, các con là ngành nho” (Gioan 15:5)
  • Năm 1991 ( ngày 10-15 tháng 8): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Czestochowa, Ba Lan; số tham dự: 1,600,000. Chủ đề: “Chúa Thánh thần làm cho anh em trở nên con cái Chúa”(Rôma 8:15).
  • Năm 1992 (ngày 12/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Các con hãy đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng” (Mátcô 16:15)
  • Năm 1993 ( ngày 10-15/8): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ; số tham dự: 500,000. Chủ đề: “Ta đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào(Gioan 10:10)
  • Năm 1994 (Ngày 27/3): Ở mỗi Gíao Phận. Chủ đề: “Như Chúa Cha đã sai Thày, Thày cũng sai các con.” (Gioan 20:21)
  • Năm 1995 (ngày 10-15 /1): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Manila, Thủ đô Phi Luật Tân; số tham dự: 5,000,000; đây là một cuộc tập họp đông đảo nhất trong lịch sử nhân loại).Chủ đề: “Như Chúa Cha đã sai Thày, Thày cũng sai các con” (Gioan 20:21)
  • Năm 1996: Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Thưa Thày, bỏ Thày chúng con biết theo ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Gioan 6:68)
  • Năm 1997 (ngày 19-24/8): Đại Hội Giới Trẻ thế giới tại Paris, Thủ đô nước Pháp; số tham dự: 1,200,000.Chủ đề: “Thưa Thày, Thày ở đâu? - Hãy đến mà xem”(Gioan 1:38-39)
  • Năm 1998 (Ngày 5/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng con mọi điều”(Gioan 14:26)
  • Năm 1999 (ngày 28/3): Ở mỗi Giáo phận. Chủ đề “Chúa Cha yêu mến chúng con” (Gioan 16:27)
  • Năm Thánh 2000 (ngày 15-20/8): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Rôma; số người tham dự: 2,000,000. Chủ đề: “ Ngôi Lời đã làm nguời và ở giữa chúng ta”(Gioan 1:14)
  • Năm 2001 (ngày 8/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình đi, vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Luca 9:23)
  • Năm 2002 (ngày 23-28/7): Đai Hội Giới Trẻ thế giới tại Toronto, Canada; số tham dự: 800,000. Chủ đề: “Các con là Muối cho đời… Các con là Ánh sáng cho trần gian” (Mattheu 5:13-14)
  • Năm 2003 (Ngày 13/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Đây là Mẹ con” (Gioan 19:27)
  • Năm 2004 (Ngày 4/4): Ở mỗi Giáo phận. Chủ đề: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”
  • (Gioan 12: 21)
  • Năm 2005 (ngày 16-21/8/2005): Đại Hội Giới Trẻ thế giới tại Kohn, Đức quốc; số tham dự: 1,200,000. Đại hội lần này cách 3 năm kể từ Đại Hội Toronto, lại trùng vào năm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II qua đời, và bắt đầu triều đại của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, là người Đức.Chủ đề: “Chúng tôi đến bái lạy Người”(Mattheu 2:2)
  • Năm 2006 (Ngày 9/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Lời Chúa là đèn soi bước chân tôi, và là ánh sáng dẫn lối cho tôi” (Thánh vịnh 119:105)
  • Năm 2007 (Ngày 01/4): Ở cấp Giáo Phận. Chủ đề: “Như Cha đã yêu mến chúng con; chúng con cũng hãy yêu mến nhau” (Gioan 13:34)
  • Năm 2008 (ngày 15-20/7): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Sydney (Australia), dự trù số người tham dự cũng rất đông (Ban tổ chức dự trù trong dịp này sẽ có nhiều khách hành hương đến Úc nhiều nhất từ trước đến nay, hơn cả dịp Thế Vận Hội năm 2000 ). Chủ đề: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con; và chúng con sẽ là những chứng nhân của Thày”(Công Vụ Tông đồ 1:8).

Chương trình chung cho Tuần Lễ Đại Hội Giới Trẻ Thế giới tại Sydney năm 2008:

Ngày Thứ Ba (15/7/2008):
Buổi Sáng: Đón chào quan khách và các bạn trẻ đến dự Đại Hội.
Buổi Chiều: Thánh Lễ Khai Mạc và tiếp theo là các sinh hoạt riêng
của mỗi Đoàn Thể và mỗi Nhóm Bạn Trẻ ở các nơi đến.

Ngày Thứ Tư đến Thứ Sáu 16-18//20087:
Buổi Sáng: Các Khóa Giáo Lý và các cuộc Hội thảo do các Đức Giám Mục và các Linh mục hướng dẫn.
Buổi chiều: Các sinh hoạt vui chơi giải trí, các chương trình Văn nghệ, hòa nhạc, các cuộc thăm viếng.
Buổi tối là các giờ Cầu nguyện, các nghi thức xám hối và ban Bí Tích Hòa giải.
Các Thánh Lễ sẽ ở các địa điểm và các giờ khác nhau.
Riêng tối Thứ Sáu có giờ Ngắm Đàng Thánh Gía Trọng Thể.

Thứ Bẩy 19/7/2008:
Buổi Sáng: Di chuyển đến địa điểm Canh Thức Cầu Nguyện.
Buổi chiều: Canh Thức Cầu Nguyện và nghỉ qua đêm ngoài trời.

Chúa Nhật 20/7/2008:
Buổi Sáng: Thánh Lễ Bế mạc và Phép lành Tòa Thánh; sau đó loan báo thời gian và địa điểm sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế giới lần sau, và tiếp tục các sinh hoạt đến 5:00
giờ chiều.

Thực ra, mỗi Đại Hội Giới trẻ Thế giới khởi đầu ngay từ ngày Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ lần trước, khi Đức Giáo Hoàng trong Lễ Bế Mạc, trao cho các đại diện giới trẻ (của nước sẽ tổ chức Đại hội lần tới) “Thánh Giá Hành Hương” và các bạn trẻ này sẽ rước về quê hương mình và rước đi nhiều nơi trên đất nước của họ (đôi khi cũng rước qua các nước lân cận) trong suốt thời gian trước ngày khai mạc Đại hội.

Lần Bế mạc Năm Thánh Cứu Độ vào ngày 15/4/1984, khi lần đầu tiên trao Thánh giá cho Đai Diện Giới trẻ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nhắn nhủ: “Các Bạn trẻ thân mến, khi bế mạc Năm Thánh này, Cha trao cho các con Dấu chỉ của Năm Thánh: Thánh Giá Chúa Kitô! Các con hãy mang Thánh Giá này đi khắp thế giới như là biểu tượng của Tình yêu của Chúa Kitô cho nhân loại, và các con hãy loan truyền cho mọi người rằng: chỉ nơi Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm thấy ơn Cứu độ và sự Giải thoát!” Rồi trong ngày Bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Tôrôntô (Canada), Ngài cũng nói với các bạn trẻ: “Cha muốn chính thức loan báo Ngày Giới Trẻ Thế Giới kế tiếp sẽ là vào năm 2005 tại Koln, Đức Quốc…Cuộc Hành Trình Thiêng liêng của chúng con đến thành phố Koln bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. Chúa Kitô đợi chúng con tại đó…Vậy giờ đây chúng ta đang trên đường hướng tới thành phố Kohn, nơi sẽ cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào tháng 8, 2005…”, và vào phần cuối bài Nói chuyện này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “ Các Bạn trẻ thân mến, khi chúng con hướng về thành phố Kohn, thì Cha cũng đồng hành với chúng con trong kinh nguyện. Xin Mẹ Maria, người ‘phụ nữ của Thánh Thể’ và là Mẹ khôn ngoan, nâng đỡ chúng con trong cuộc hành trình, soi sáng cho chúng con những quyết định, và dạy chúng con biết yêu mến nhũng gì là Chân, Thiện, Mỹ. Xin Mẹ dẫn đưa tất cả chúng con đến với Con của Mẹ, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn những ước vọng thâm sâu nhất của tâm hồn con người. Cha chúc lành cho chúng con!”

Riêng về Đại Hội Giới Trẻ Tại Sydney, Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cũng đã nhắc đến nhiều lần. Vào ngày Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Koln(21-8- 2005), Đức Thánh Cha đã chúc lành cho Giới trẻ và loan báo Ngày Giới trẻ Thế Giới sắp tới tổ chức tại Sydney vào năm 2008 và đặc biệt hướng về Chúa Thánh Thần với chủ đề: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh thần xuống trên chúng con; và chúng con sẽ là những chứng nhân của Thày” ( Tông Đồ Công Vụ 1:8); rồi Ngài nói thêm: “Giờ đây, khi Chúa Kitô Sống Lại đang hiện diện và nuôi dưỡng Đức Tin và niềm Hy vọng của chúng ta, Cha xin phó thác nơi sự hướng dẫn từ mẫu của Mẹ Maria chí thánh, cuộc vận hành tương lai của Giới trẻ trên toàn thế giới!”

Vào ngày 20-7-2007, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Đai Hội Giới trẻ tại Sydney và nhắc nhở giới trẻ: “Chúng con hãy chuẩn bị sẵn sàng để làm cho thế giới được bừng sáng lên niềm tin nơi Chúa Kitô, đem tình yêu đáp lại hận thù, đề cao giá trị cuộc sống, rao giảng Niềm Hy vọng nơi Chúa Kitô đến mọi nơi trên thế giới!” Trong những dịp khác, như hôm nói chuyện với giới trẻ (ngày 19/4/2008) trong dịp Ngài viếng thăm Hoa kỳ, Ngài cũng mời gọi giới trẻ hãy chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế Giới tại Sydney: “ Cha tạm biệt chúng con và chờ dịp chúng ta sẽ gặp lại nhau tại Sydney vào tháng Bẩy này, trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới!”

Cũng như trong các Đại Hội giới trẻ trước đây, Đại Hội Giới trẻ tại Sydney cũng là dịp để các bạn trẻ Công giáo khắp nơi trên thế giới họp mặt và hiệp nhất thành một trong ‘Niềm Tin nơi Chúa là Cha và mọi người đều là anh em’ trong gia đình, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ… Các Bạn Trẻ sẽ cùng học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm sống và thực hành Đức tin ở khắp nơi trên thế giới trong những hoàn cảnh đặc thù của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Đồng thời cũng để gặp gỡ giới trẻ Công giáo Úc Châu và tìm hiểu về Giáo Hội tại Úc Châu, rồi cùng nhau cầu nguyện, học hỏi để trao đổi kinh nghiệm sống và thực hành Đức Tin, Đức Bác ái để đem lại Niềm Hy Vọng cho thế giới đầy biến loạn ngày nay. Đây cũng là dịp để Giới trẻ thế giới có dịp kính viếng những Thánh đường, những Đền Thánh và thưởng ngoạn những phong cảnh đẹp tuyệt vời của thành phố hải cảng Sydney.

Chương trình tổng quát Đại Hội Giới Trẻ ở Sydney:

- Từ ngày 10 đến 13 tháng 7, 2008 là những ngày các Giáo Phận tại Úc và Tân Tây Lan tập họp các bạn trẻ của mỗi Giáo Phận muốn tham dự Đại hội. Các nhóm bạn trẻ đó sẽ hành hương qua các thành phố tại Úc và Tân Tây Lan để đón nhận sự hân hoan chào mừng của các gia đình Công giáo và các Giáo Hội địa phương;

- Ngày 14 tháng 7, 2008 sẽ tập họp tại Syney để đón chào quan khàch và các bạn trẻ khắp nơi đến Sydney.

- 4g30 chiều ngày thứ Ba 15/7/2008: Thánh Lễ khai mạc Đại Hội do Đức Hồng y George Pell chủ tế cùng với các Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục và Linh mục tham dự Đại Hội đồng tế. Chương trình sinh hoạt trong những ngày kế tiếp cũng giống như chương trình sinh hoạt chung của các Đai Hội Giới Trẻ (như đã trình bày ở trên đây).

- Riêng vào tối Thứ Bẩy rạng ngày Chúa Nhật 20 /7/08, tất cả các Bạn trẻ sẽ tập họp tại Randwich Race Course và Centennelia Parklands để canh thức cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng; rồi nghỉ qua đêm ngoài trời tại đó. Đức Giáo Hoàng sẽ dâng Thánh Lễ Bế mạc vào 10g00 sáng Chúa Nhật; tiếp theo là loan báo thời gian và địa điểm tổ chức Đại Hội kỳ tới, cùng với nghi thức trao Thánh Giá Hành Hương cho phái đoàn giới trẻ của quốc gia sẽ tổ chức Đại Hội lần tới. Các sinh hoạt sẽ tiếp tục cho đến 5g00 chiều.

Vì dự trù số người tham dự sẽ rất đông, nên Ban Tổ chức cho thiết lập nhiều màn ảnh lớn ở những địa điểm khác nhau trong thành phố Sydney, để mọi người tham dự có thể theo dõi các Thánh Lễ và các sinh hoạt lớn của Đại Hội.

Các Bạn Trẻ các nơi đến có thể được xếp đặt để sống trong các Gia đình Công Giáo Úc, trong các trường học. Các Nhóm Bạn Trẻ có thể được xếp đặt để cùng ở chung một địa điểm để tiện liên lạc.

Riêng Cộng Đồng Giáo Việt nam tại Úc cũng đã chuẩn bị từ lâu để tham dự và đóng góp vào các tổ chức của Đại Hội; đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp các Đoàn thể và các Nhóm Bạn trẻ Việt Nam từ trong nước và ở hải ngoại đến dự Đại Hội.

Vậy cùng hướng về Thành Phố Sydney, nơi nhiều bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, đang tiến về, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, ban muôn ơn lành cho Đại Hội. Xin cho Đức Thánh Cha và mọi người trên đường đến Đại Hội này được bình an cũng như ra về được bình an. Xin cho các Bạn trẻ dự Đại Hội lãnh nhận được muôn Ơn Thánh, Niềm Tin, sự thông cảm và bao ơn ích tinh thần để trở về xây dựng Quê hương, đem Phúc Âm Tình Thương của Chúa đến cho mọi người trong môi trường sống hàng ngày, và chung tay xây dựng Hòa bình thế giới.
 
Top Stories
Vatican Radio employees present pope with specially loaded iPod nano
Catholic News Service
13:00 04/07/2008
VATICAN CITY (CNS) -- A group of Vatican Radio employees gave Pope Benedict XVI a brand new iPod nano loaded with special Vatican Radio programming and classical music.

To honor the pope's first visit to the radio's broadcasting headquarters, the radio's technical staff decided the pencil-thin, state-of-the-art audio player would make the perfect gift.

Now that Vatican Radio offers podcasts in eight different languages, the pope has the technological capability to plug in and import the radio's audio files.

Pope Benedict visited the programming and broadcasting hub of "the pope's radio" March 3 to mark the station's 75th anniversary.

Hundreds of radio journalists, sound engineers and support staff lined the radio's hallways to greet the pope and present him with gifts, mostly special in-house productions such as CDs and books on the church, religion and the pope.

"We don't have a huge gift to give to the pope, but we do have small signs of our work" to give him, Jesuit Father Federico Lombardi, Vatican Radio's general director, told Catholic News Service.

Though the white iPod nano is tiny, it still made an impression on the pope. When the head of the radio's technical and computer support department, Mauro Milita, identified himself and handed the pope the boxed iPod, the pope was said to have replied, "Computer technology is the future."

The pope's new 2-gigabyte digital audio player already was loaded with a sampling of the radio's programming in English, Italian and German and musical compositions by Ludwig van Beethoven, Wolfgang Amadeus Mozart, Frederic Chopin, Peter Ilich Tchaikovsky and Igor Stravinsky. The stainless steel back was engraved with the words "To His Holiness, Benedict XVI" in Italian.

Once the pope, who is also a pianist, gets the hang of the device's trademark click wheel, he will be able to listen to a special 20-minute feature produced by the radio's English program that highlights Mozart's life and music to commemorate the 250th anniversary of his birth.

The iPod also contains an English-language radio drama on the life of St. Thomas a Becket and a 10-minute feature on the creation of Vatican Radio, with original sound clips of the inventor of the radio, Guglielmo Marconi, and Vatican Radio's founder, Pope Pius XI.

The pope also can relive the historical papal transition of April 2005. On the player, the radio's German program included a mix of news and interviews done during the death of Pope John Paul II, the conclave and the election of Pope Benedict.

With his new iPod, the pope can access the radio's daily podcasts, as well as download music and audio books from the Internet.

(Source: Carol Glatz /Catholic News Service)
 
Pope weighing changes in Novus Ordo?
Catholic World News
13:02 04/07/2008
Rome, Jul. 4, 2008 (CWNews.com) - Pope Benedict XVI (bio - news) is considering changes in the Mass, according to an Italian publication.

The weekly Panorama reports that the Holy Father has asked the Congregation for Divine Worship to study the possibility of changes that would include using Latin in the Eucharistic Prayer and moving the Sign of Peace to the Offertory.

Note: CWN has not been able to confirm the accuracy of the Panorama report. The New Liturgical Movement web site, which brought the Italian report to the attention of English-speaking readers, cautioned that the Panorama report should be treated "with great caution." The Panorama story itself suggests only that the Pope has asked for a study of the proposals-- not that he is prepared to implement the changes.

According to the Italian weekly, the Pope is weighing the use of Latin for the formula of Consecration at Mass. He may also be leaning toward the use of Latin in other sacraments.

Pope Benedict has often expressed a desire to enrich the post-conciliar liturgy by incorporating some aspects of older liturgical practices. The proposed changes could be seen as part of that process.
 
Schedule for Pope's September visit to Lourdes
Catholic World News
13:02 04/07/2008
Vatican, Jul. 4, 2008 (CWNews.com) - The Vatican has released the full schedule for the trip by Pope Benedict XVI (bio - news) to France in September, to join in the celebrations for the 150th anniversary of the Virgin Mary's appearances at Lourdes.

The Holy Father will leave Rome's Fiumicino airport on Friday morning, September 12, at 9, arriving at Orly airport in Paris at about 11. After a short arrival ceremony he will travel to Elysee Palace, where he will be welcomed formally by President Nicolas Sarkozy.

Friday afternoon the Pope will hold meetings first with Jewish community representatives, then with cultural leaders, before presiding at a Vespers service in Notre Dame cathedral.

On Saturday morning, September 13, the Pope will visit the Institut de France, then celebrate Mass on the Esplanade des Invalides. That afternoon he will leave Paris by plane, arriving at Lourdes in the early evening. There he will visit the church of the Sacred Heart and the home of St. Bernadette Soubirois, then proceed to the Lourdes grotto, where he will speak at the conclusion of a candelight procession to the shrine.

On Sunday, September 14, Pope Benedict will celebrate Mass outside the Lourdes shrine, then lead the Angelus. That afternoon he will meet with the bishops of France, and later address participants in a Eucharistic procession at the shrine.

On Monday morning, September 15, the Pope will visit the hospital at the Lourdes shrine, then celebrate Mass for the sick at the basilica. He will leave just after noon, from the Tarbes-Lourdes airport, arriving back in Rome's Ciampino airport late Monday afternoon.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ truyèn chức Linh mục tại giáo phận Bắc Ninh
Dom. Thành Công
08:17 04/07/2008
BẮC NINH - Sáng ngày 03/07/2008, ngày lễ kính thánh Tôma Tông Đồ, tại nhà thờ chính toà giáo phận Bắc Ninh đã diễn ra thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy phó tế: Giuse Đặng Văn Trọng. Chủ sự do Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cùng hơn 60 linh mục đồng tế từ khắp nơi trong và ngoài giáo phận.

Thầy Giuse Đặng Văn Trọng sinh ngày 23 tháng 01 năm 1970 tại thôn Bá Cầu, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Học tại Đại Chủng Viện Hà Nội Khoá VIII: (2000 – 2007) Được phong chức Phó Tế ngày 30/12/2007 tại nhà thờ chính toà giáo phận Bắc Ninh.

Từ sớm tinh sương đã có những cơn mưa nhẹ, làm cho không khí oi bức của mùa hè được dịu mát đi rất nhiều. Cây cối, màu lá như xanh tươi hơn. Những tán lá trong khuôn viên Toà Giám mục như đang lô đùa với làn gió nhẹ. Những ánh nắng vàng tươi roi rói đang nhô lên từ phía trời Đông, như muốn báo hiệu một ngày mới chan chứa hồng ân cho giáo phận Bắc Ninh. Những đoàn người khắp nơi từ từ kéo về. Chỉ trong chốc lát, khắp nơi trong khuôn viên Toà Giám Mục đã nhộn nhịp người qua lại cười cười, nói nói.

Đúng 7h 30, đoàn rước đoàn nghi lễ từ trong Toà Giám mục tiến dần vào lòng nhà thờ chính toà, hoà vang cùng ca đoàn trong tiếng bài ca nhập lễ vừa thiết tha vừa hân hoan, tin tưởng mãnh liệt: "Tình yêu, ôi cao siêu là tình yêu Thiên Chúa, đã đoái thương con từ ngàn đời…" bài Tình Yêu Thiên Chúa của linh mục nhạc sĩ Kim Long.

Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse đã kêu mời cộng đoàn hãy noi gương nhân đức của thánh Tông Đồ Tô Ma xưa. Ngài không phải như người ta vẫn thường nói: một con người cứng lòng, nhưng là một con người luôn gắn bó, theo sát với Chúa trên mọi nẻo đường, một người khao khát Chúa. Đặc biệt, ngài kêu gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện cho ứng viên sắp lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, cho các linh mục cũng học biết và nên giống thánh Tô Ma trong sứ mạng của mình.

Thánh lễ diễn ra theo từng phần: phụng vụ Lời Chúa, Nghi thức phong chức và phụng vụ Thánh Thể. Trong lòng nhà thờ chính toà hôm nay trật ních những người, nhưng bầu khí vẫn thật trang nghiêm sốt sắng.

Lúc 9h 30, thánh lễ kết thúc. Tân linh mục đã bày tỏ tâm tình tri ân lên Thiên Chúa, quí bề trên, Đại Chủng Viện Hà Nội- nơi đào tạo, cùng quí cha giáo, những thân nhân, ân nhân và cộng đoàn đã đến hiệp nguyện với ngài trong thánh lễ.

Cánh đồng truyền giáo của giáo phận Bắc Ninh kể từ hôm nay đã chính thức có thêm một thợ gặt mới, thợ gặt lành nghề, trẻ trung, đầy nhiệt huyết. Biết bao nhiêu linh hồn đang chờ mong ơn lành của Chúa sẽ được tuôn ban qua bàn tay của vị thợ gặt này. Hy vọng và cầu chúc cho tân chức sẽ luôn là người linh mục nhiệt thành, khao khát Chúa như thánh Tô Ma Tông Đồ xưa, để ngài luôn chu toàn sứ mạng của Chúa và Giáo Hội uỷ thác.
 
Dòng Thánh Tâm “tiếp sức mùa thi”
Josephus Nguyễn
12:25 04/07/2008
Huế - Việt Nam - một mùa tuyển sinh lại bắt đầu với bao lo toan vất vả hiện lên trên từng khuôn mặt thí sinh ngay trong những ngày đầu đến Huế. Cùng với sự giúp đỡ của bao người thiện chí và sinh viên tình nguyện, Hội Dòng Thánh Tâm cũng hào hứng “tiếp sức mùa thi” theo cách của riêng mình.

Thức cùng sĩ tử

Mùa thi năm nay Hội Dòng đã dành riêng hai dãy nhà cao tầng thuộc nhà khách và nhà Đệ tử viện với sức chứa trên 500 người để tiếp đón các thí sinh dự thi trong hai đợt từ ngày 30 tháng 6 đến ngày mùng 10 tháng 7. Ngay sau khi gửi thông báo tới các Giáo phận trong cả nước về chương trình mục vụ hè, ban mục vụ mùa thi do Tu sĩ Giuse Trần Sĩ Chung làm trưởng ban đã liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại và những dòng Email của các thí sinh từ Kon Tum, Thanh Hóa, Nam Định, Nha Trang… gửi về xin được ghi danh. Song song với việc hướng dẫn các thí sinh đăng kí danh sách, cộng đoàn Dòng cũng “rục rịch” chuẩn bị về chỗ ở, sinh hoạt, lắp đặt thêm hệ thống điện thắp sáng… Đến ngày 30 tháng 6 mọi thứ đã sẵn sàng.

Để phục vụ thí sinh đến dự thi một cách hiệu quả nhất, Ban mục vụ mùa thi của hội Dòng đã bố trí các tu sĩ thay phiên nhau (mỗi phiên hai thầy) túc trực 24/24 để tiếp đón các thí sinh, đặc biệt là các thí sinh ở xa hoặc lỡ tầu xe… “Chỉ lo có em lỡ xe đến Huế vào ban đêm, đã đất khách quê người lại đêm hôm nữa không biết sẽ ra sao? Nghĩ thế nên dù phải thức trắng đêm chúng tôi cũng thức” - Một thầy trong ban mục vụ mùa thi giải thích. Tính đến hết ngày mùng 4 tháng 7 Hội Dòng đã tiếp đón trên 195 thí sinh và 42 phụ huynh đến Huế dự thi. Được biết đây là lần thứ hai Hội Dòng tổ chức chương trình mục vụ hữu ích này. Cũng trong kì thi Đại học năm 2007 vừa qua Dòng Thánh Tâm đã hỗ trợ được trên 400 thí sinh dự thi tại Huế trong cả 3 đợt.

Tất cả vì thí sinh

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các thí sinh tranh thủ trao dồi thêm kiến thức trong giai đoạn “nước rút”, Hội Dòng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe các thí sinh trước ngày “ứng thí”. Ngoài việc hướng dẫn về đảm bảo an toàn thực phẩm, Hội Dòng cũng chuẩn bị thuốc men cho các thí sinh. Cùng cộng tác trong việc chăm lo sức khỏe cho các sĩ tử có bạn Trần Thị Hường – sinh viên trường ĐH Y Khoa - Huế. Với vốn kiến thức học được từ trường đại học, Hường đã tận tình chăm sóc cho các thí sinh như một bác sĩ chuyên nghiệp. Khi được hỏi, Hường cười: “Em cảm thấy vui khi được góp một phần nhỏ vào việc tiếp sức…cho các bạn thí sinh trước kì thi”. Nằm trên giường bệnh, bạn Hoàng Thị Bé – thí sinh dự thi trường ĐH Kinh Tế - nói với chúng tôi: “May quá các anh ạ! Nếu không ở trong Dòng thì em không biết mần răng cả. Được các thầy quan tâm thế này em thấy mình mang ơn nhiều qúa !”

“ Tất cả vì thí sinh” đó là phương châm của Hội Dòng trong mục vụ hè 2008 này. “Chúng tôi luôn đặt tinh thần trách nhiệm của mình lên trên hết để phục vụ các thí sinh với mong muốn tạo cho thí sinh sự an tâm nhằm giảm bớt phần nào những căng thẳng cho các em trước kì thi”- Tu sĩ Trần Sĩ Chung – trưởng Ban mục vụ nói với chúng tôi. Anh cho biết thêm, có được kết quả hiện tại chính là nhờ sự cộng tác của anh em trong Hội Dòng trong Mục vụ hè này.

Nhằm giúp các thí sinh tự tin hơn khi bước vào kì thi, tối ngày mùng 3 tháng 7, tại Nhà nguyện Đệ tử viện, Cha Simon Trương Quỳnh, Bề trên Tổng quyền của Hội Dòng đã dâng thánh lễ cầu bình an cho các thí sinh. Trong thánh lễ, ngoài việc dâng lên Thánh Tâm Chúa và Mẹ La Vang những lời nguyện cho các thí sinh tự tin bước vào kì thi đầy cam go, Cha cũng nhắn gửi thêm: “Chúng ta đã nỗ lực hết mình nhưng chúng ta cũng phải biết cậy trông vào Chúa. Các bạn đã có Chúa ở trong mình, Chúa chính là người bạn, người thầy giúp các bạn có thêm điểm tựa để vượt qua kì thi sắp tới”.

Cùng con đi thi

Trước một kì thi quan trọng, không chỉ các sĩ tử lo lắng cho việc “vượt vũ môn” mà các bậc phụ huynh cũng “khăn gói” lên đường “tiếp lửa” cho con. Bác Phêrô Lê Xuân Khánh, giáo xứ Kon-Trang, Giáo Phận Kon-Tum đã cùng cậu con trai vượt hàng trăm cây số đường đồi dốc của núi rừng Tây Nguyên đến Huế dự thi. “Thú thật nhà tôi ở vùng sâu, vùng xa chẳng biết đến phố là gì. Lúc chưa ra Huế, thấy lo lắm Nhưng bây giờ thì ổn rồi, được Hội Dòng cưu mang giúp đỡ lại tạo mọi điều kiện cho các thí sinh trọ học thế này, tôi thấy phấn khởi lắm” – Bác Khánh tâm sự. Còn bác Giuse Nguyễn Văn Bàn, Giáo xứ Kiến An, giáo phận Thanh Hóa kể: “Lần đầu vào Huế thấy bỡ ngỡ nhiều quá; lo cho mình một, lo cho con mười, mình có thi đâu chú, ăn ở sao cũng được cả, còn em nó thì … là niềm hy vọng của cả nhà. Tôi chỉ lo điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, em nó sinh bệnh thì tôi về không biết ăn nói thế nào với người ở nhà. May mà được ở trong nhà Dòng, vệ sinh, nề nếp tôi thấy may mắn và mừng quá chú ạ”.

Đưa con đi thi và được sự hỗ trợ từ nhà Dòng, chị Phạm Thị Yến (lương dân) quê Nga Sơn – Thanh Hoá, nói với chúng tôi: “ Nhà Dòng thật tốt quá. Nhận được sự giúp đỡ này đến bây giờ tôi vẫn ngỡ như đang mơ vậy. Hai mẹ con tôi chân ướt chân ráo đến Huế chưa biết làm thế nào thì được người giới thiệu đến đây. Thật là may!”

Không ít phụ huynh đã thức cùng con như một sự động viên, một niềm mong mỏi: Dù sướng khổ thế nào cha mẹ cũng luôn ở bên con, tất cả vì tương lai của con.

Các sĩ tử nói gì?

Đến với Huế trước một kì thi quan trọng sự căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn mặt của thí sinh. Thế nhưng khi trọ học tại Hội Dòng không ít bạn đã tìm lại được cho mình những nụ cười hồn nhiên của tuổi học trò. Bạn Maria Trần Thị Bích quê Giáo xứ Tam Tổng, Giáo phận Thanh Hoá tâm sự: “là con gái lần đầu xa gia đình em thấy lo quá; may mà có sự giúp đỡ của các Thầy. Nhìn các Thầy thật dễ mến dễ gần như người anh, người cha của em vậy. Được các Thầy chăm lo kĩ lưỡng trước một kì thi lớn em thấy thật an tâm! Cùng tâm trạng với Bích, bạn Phạm Thị Oanh (lương dân), thí sinh đăng kí dự thi trường ĐH Sư Phạm, nói: “Em thấy các Thầy ở đây vui tính thiệt đó, hổng giống như em tưởng, các thầy luôn mang lại cho tụi em những nụ cười”.

Rời Dòng Thánh Tâm hiện lên trong tôi là hình ảnh các Tu Sĩ với nụ cười thân thiện trên môi đang tận tâm chăm sóc cho các thí sinh trước kì thi. Cầu chúc cho các thí sinh sẽ “vượt được vũ môn” và chúc cho Hội Dòng có được những thành công trên bước đường phục vụ. Dòng Thánh Tâm sẽ là nơi đến của các sĩ tử và cũng sẽ là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí mỗi thí sinh và phụ huynh khi đến Huế.
 
Các Hội Đồng Mục Vụ về họp tại Tòa Giám Mục Thái Bình và Chầu Thánh Thể
Lm Giuse Phạm Thanh Quang CSsR
12:54 04/07/2008
THÁI BÌNH - Trong vài tuần vừa qua khi đi dâng lễ ở một số nơi, tôi đã nghe ngóng một số ông trong Hội đồng Mục vụ (HĐMV) Giáo xứ nhắc nhau, thông tin cho nhau là thứ năm này (3.7.08) sẽ có thánh lễ cho HĐMV Giáo phận. Hôm nay, đúng 9 giờ, Đức cha P.X. Nguyễn Văn Sang và một số cha giáo sư đã dâng lễ tạ ơn và cầu nguyện cho HĐMV Giáo phận tại nhà nguyện Tòa Giám Mục. Sau thánh lễ, quý ông, quý bà trong HĐMV đã chầu Thánh Thể một giờ.

Trong thánh lễ, Đức cha P.X. Sang đã chia sẻ cho quý vị trong HĐMV nhiều điều thật chí lí. Ngài cho rằng: HĐMV có tầm quan trọng lớn lao. Quan trọng và cần thiết cho đến nỗi ngay đến giáo luật của Giáo Hội cũng có đề cập đến (điều 511-514 nói rõ: HĐMV dưới quyền Đức Giám mục, được Đức Giám mục Giáo phận triệu tập, chỉ định, chủ toạ hoặc bãi nhiệm, được triệu tập một năm ít là một lần; nên cử vào HĐMV những tín hữu trổi vượt về đức tin, hạnh kiểm tốt và khôn ngoan; bộ giáo luật 1983 trang 173-174). Mục đích là để cùng nhau cộng tác, nói lên sự đồng lòng hiệp ý xây dựng Hội Thánh, đặc biệt xây dựng Hội Thánh địa phương.

Tham gia vào HĐMV là một sự hy sinh lớn, nhiều khi phải bỏ công ăn việc làm, thời gian, tiền bạc để lo việc chung. Thế nhưng có nhiều người đã sẵn lòng, quảng đại tích cực tham gia vào HĐMV. Tạ ơn Chúa về điều này.

HĐMV cũng được mời gọi phải luôn sống về mọi mặt: về đức tin, đức cậy, đức mến và đời sống mẫu mực trong tương quan giao tế hàng ngày không chỉ trong gia đình mà còn đối với tất cả mọi người. Nhờ vậy, mỗi người góp phần tích cực vào việc truyền giáo. HĐMV cũng được mời gọi sống hiệp nhất, đoàn kết, yêu thương để cùng cộng tác cách đắc lực với cha xứ và Giám mục hầu làm thăng tiến Giáo xứ. Ngài còn nhấn mạnh, ngoài ra còn phải luôn có tinh thần học hỏi về Kinh Thánh và Giáo lý để làm giàu đời sống thiêng liêng cho bản thân và có điều kiện đem chia sẻ cho người khác.

Kết thúc thánh lễ, một vị trong HĐMV đã đại diện cám ơn Đức cha và quý cha đồng tế. Một vị khác đã dâng Đức cha bó hoa tươi thắm tượng trưng tấm lòng thành của 90 Ban HĐMV Giáo xứ.

Thiết nghĩ, quan tâm, chăm lo cho HĐMV là điều hết sức cần thiết, quan trọng và hết sức cấp bách. HĐMV xây dựng, phục vụ Giáo xứ đã đành, nhưng còn gắn với việc truyền giáo thì quả là điều lý tưởng. Tất cả nhằm xây dựng Hội Thánh địa phương mỗi ngày một vững bền và thăng tiến hơn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam là “con” của ai, bằng chứng đâu?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
10:46 04/07/2008
Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam là “con” của ai, bằng chứng đâu?

Hai chữ “tôn giáo” cùng với “nhân quyền” chắc chắn đang là nỗi ám ảnh đối với các lãnh đạo “chóp bu” Việt Nam mỗi khi họ có việc phải ra nước ngoài nhất là sang Mỹ, vì thường xuyên bị thiên hạ lấy nó ra để làm khó dễ! Nhưng có điều lạ là chính cái chức lãnh đạo bất hợp pháp họ đang “đeo” trên người chẳng do dân bầu lên, cái lẽ ra mới đáng để ông G.Bush hay bà Nancy phải “hỏi han” kỹ hơn vì là cội nguồn của hai vấn đề “rắc rối” trên, lại chẳng thấy ai buồn quan tâm đến?

Vậy phải nên hiểu ý nghĩa của những cuộc trao đổi cấp cao lẫn cấp thấp nhằm cải thiện tình hình nhân quyền, tôn giáo Việt Nam giữa Washington và Hà Nội hiện nay ra sao? Không nhắc đến tính hợp pháp của họ vì phép tế nhị của nghi thức ngoại giao hay vì mặc nhiên thừa nhận “cộng sản nó vốn là thế” chấp nhận bang giao là đồng nghĩa thừa nhận kiểu “đảng cử dân bầu” của họ cũng có chút giá trị dân chủ? Nếu quả đúng như vậy thì các chính trị gia Mỹ có cần nghiên cứu đặt cho nó một cái tên nào đó đại loại như “tam quyền chúm chụm” (tập trung vào đảng) chẳng hạn, còn không thì gây khó dễ nhau để làm gì?

Dẫu sao cũng phải “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, ngẫm nghĩ tới lui thấy đúng là đời này có chuyện “quả báo” thật chứ chẳng chơi!

Giá như sau ngày 30/4/1975, chính quyền Hà Nội hiểu được rằng “phải chinh phục trọn nhân tâm dân chúng miền Nam nốt mới thật sự là thống nhất nước nhà”, phải có một VNCH bại trận thì mới có vinh quang của người chiến thắng. Một chính quyền với nửa trên triệu quân mà họ còn thắng, nay nếu được thêm điểm son bằng cử chỉ hào hiệp cư xử tử tế với dân chúng miền Nam, thì ai có muốn chống lại họ chỉ nội chuyện danh chính ngôn thuận thôi cũng đã là khó rồi nói chi đến sức mạnh quân sự. Vậy còn gì để sợ? Làm được vậy hẳn ngày nay đã một Việt Nam hoàn toàn khác với hiện tại nhiều lắm và thế giới xưa nay cũng chẳng có cuộc chiến kết thúc có hậu hơn chiến tranh Việt Nam.

Nhưng không hiểu do họ ăn ở cái kiểu gì mà bây giờ trời xui đất khiến lại phải đi “lạy lục” kẻ chiến bại năm xưa quay lại với mình? Nếu chẳng vì “miếng cơm manh áo” thật lòng mà nói chắc chắn chẳng có “ông bà” lãnh đạo Việt Nam nào muốn gánh vác cái vinh dự được làm khách mời của nước Mỹ, bởi ở đó bao nhiêu là điều phiền toái đang chực chờ.

Hàng ngàn lá cờ Vàng cùng với loa, khẩu hiệu, hình Cha Lý bị bịt miệng, phải gặp lại hàng triệu nạn nhân từng phải trốn chạy nay lại phải hết lời năn nỉ họ “gác lại chuyện quá khứ”. Chưa hết lại còn cánh các nhà báo Washington Post, New York Times với mấy câu hỏi hóc búa nhân quyền đang chờ dịp để nghe họ… nói dối!

Nói gì thì nói cũng đều là con người cả, lại đường đường là lãnh đạo một quốc gia mà phải rơi vào tình cảnh như các ông Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết hay ông Nguyễn Tấn Dũng mới mấy hôm rồi, mặc dù được chính quyền Washington đón tiếp khá đàng hoàng nhưng trong lòng họ chắc cũng “ngổn ngang trăm bề”, không thể nào cảm thấy thoải mái một cách tự nhiên như khi đến Bắc Kinh hay oai vệ như đến Bình Nhưỡng chẳng hạn. Thậm chí có người còn thấy rụt rè tủi tủi mà chẳng biết tỏ bày cùng cũng nên? Cứ xem lại đoạn video cảnh ông cựu Thủ tướng Phan Văn Khải “trả bài” ông George Bush với mảnh tài liệu bé xíu, lúc đóng lúc mở trên tay tại Tòa Bạch Ốc cách nay 3 năm ra sao hẳn mọi người sẽ rõ!

Vấn đề tôn giáo mặc dù còn lắm “gai góc” vì ngoài đòi hỏi tín ngưỡng cần phải được tôn trọng, việc phải trả lại các tài sản đã chiếm giữ trái phép trước đây như vụ Tòa Khâm Sứ, Giáo hoàng Học viện và còn nhiều nơi khác cũng đang còn là sự chú ý của công luận, tuy nhiên Việt Nam vẫn được “ghi nhận những nỗ lực đáng chú ý“ điều này không biết có khiến ông Dũng “cảm động” và hứa hẹn sẽ sớm giải quyết chúng nay mai?

Nhưng “nói” ở Washington và “làm” ở Hà Nội là hai việc khác hẳn, đến hiệp định Paris long trọng là vậy mà cũng còn bị họ xé toang thì ăn nhằm gì cái bản tuyên bố chung. Vì vậy khi về lại “ao ta” tiền hô hậu ủng cảm giác của “ngài thủ tướng” chắc chắn sẽ khác lúc ở White House nhiều lắm! Sẽ lại tiếp tục bị ám ảnh sợ đủ thứ, sợ âm mưu “diễn biến hòa bình” sợ bị tôn giáo tranh giành quyền lực, sợ dân chúng qua chiếc “kính lúp” tôn giáo phát hiện ra những điều họ hằng tin bấy lâu là đồ “bất nhân giả nghĩa” v.v… và thế là chuyện đâu sẽ lại đâu vào đấy, đặc biệt hai tôn giáo lớn nhất Phật Giáo (chính xác là Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất) và Công giáo còn bị họ “canh chừng” cẩn mật.

Những chuyến thăm viếng như vậy hẳn đã được dàn xếp suy tính lâu rồi và để gây thiện cảm hơn với thế giới bên ngoài đồng thời họ còn có thể tiếp tục trò “đu dây” lắc lư lâu được ngày nào hay ngày nấy, mấy năm qua nhờ học được ở kinh tế tư bản chiêu quảng cáo có thể giúp làm tăng giá trị sản phẩm, họ đã cho “sơn phết” lại chính sách tôn giáo từ lúc đang đàm phán gia nhập WTO, đồng thời cũng không quên việc đa dạng hóa “sản phẩm” với lần đầu tiên đã cho trình làng “sách trắng về tôn giáo” vào đầu năm 2007.

Nhưng khi xem nội dung những “sản phẩm” mới ấy thì… hỡi ôi! vẫn là chỉ là “rượu cũ“ nguyên xi. Quyền tự do thờ tự, cúng tế cái nào cái nấy luôn thòng theo câu đại loại “tự do trong khuôn khổ luật pháp cho phép” mà luật pháp nước CH-XHCN-VN ra sao ai đã từng có việc phải đụng đến mớ giấy tờ ấy hẳn đã quá rõ, chúng trông rối rắm còn hơn đám lục bình trôi lềnh bềnh trên mặt sông Sàigòn.

Pháp lệnh Tôn giáo chính là “đứa con” của đảng CSVN

Ở các nước, việc ban hành luật được tiến hành theo trình tự từ dưới lên trên như khi xây nhà cần phải làm cái móng trước (thậm chí còn phải làm cho chắc). Dân biểu là những người đại diện hợp pháp thay mặt dân để lo việc này, bất kể nghị sĩ ấy thuộc đảng phải nào muốn đạo luật do họ bảo trợ có giá trị thi hành phải được đa số quốc hội thông qua ở cả lưỡng viện.

Nhưng ở Việt Nam, với câu “cán bộ nhà nước là đầy tớ của nhân dân” đảng khiêm tốn tự hạ mình xuống dưới cả dân, tưởng đó chỉ là cách họ giáo huấn cán bộ nhưng hóa ra không phải vậy. Có để ý về cách làm ra luật ở các nước tiến bộ như trên mới thấy câu chữ của họ cũng được sắp xếp tính toán đâu đó cẩn thận. Bởi vẫn là trình tự làm luật từ dưới lên ấy, nhưng bây giờ “đầy tớ” lại thế vào chỗ của dân, vừa đá bóng lại vừa kiêm luôn chuyện thổi còi, chẳng trách sao lãnh đạo Việt Nam mình cứ đi đến đâu là được thiên hạ nơi ấy quan tâm thăm hỏi xem đối phương đã “sống chết” ra sao?

Mặc dù vẫn biết mọi thứ ở Việt Nam đều do đảng chỉ đạo nhưng có chịu khó bỏ chút thời gian tìm đọc tài liệu về tôn giáo trên tờ “Tạp chí Cộng sản” và “Tạp chí Tôn giáo” mới thấy việc này nó trắng trợn ra sao? Qui trình làm ra cái gọi là chính sách tôn giáo ngắn gọn chỉ gồm 3 bước: Quan điểm của Đảng về tôn giáo (tất nhiên là bị chi phối bởi chủ nghĩa vô thần) -> Quốc hội luật hóa các quan điểm của đảng -> Chính quyền ban hành và thực hiện (với sự hỗ trợ của công an, tòa án.).

Một qui trình xem ra chẳng khác gì dây chuyền làm ra sản phẩm trong một nhà máy vì trật tự thời gian trước sau của chúng:

  • Bước 1: Nghị quyết 25/NQ- TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá IX về Công tác tôn giáo
  • Bước 2: Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 18/6/2004
  • Bước 3: Nghị định của Chính phủ số 22/2005/NĐ-CP, ngày 1/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo
Ngay từ lúc “chào đời” cái Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo trên cho đến nay đã làm hao tốn không ít giấy mực trên cá phương tiện thông tin đại chúng lớn bé đủ cả nhưng “chửi” thì nhiều chứng minh xem nó xuất xứ từ đâu ra thì chưa thấy.

Và bằng chứng đây:

Tình tiết của việc này ra sao đồng thời để biết thêm Quốc hội Nước CHXHCN-VN bị đảng “cột chân bó tay” tới cỡ nào, xin đọc những hàng chữ bên dưới của bà Ths. Nguyễn Bạch Tuyết cán bộ Vụ Hợp tác Quốc tế, Ban Tôn giáo Chính phủ: “Thực hiện Nghị quyết 25/NQ- TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về Công tác tôn giáo, đặc biệt là những quan điểm, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết vấn đề tôn giáo ở nước ta trong thời kì mới, chỉ trong một thời gian ngắn, Nhà nước Việt Nam đã dần từng bước hoàn thiện văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật và ngày càng khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.” (trích ‘Tạp chí Tôn Giáo’ số 3 (39)/2006)

Tiếp theo tại Hội nghị Khoa học Quốc tế “Bước đầu trao đổi Tôn giáo và Pháp quyền ở Đông Nam Á” tổ chức tại Hà Nội ngày 8 – 9/9/2006, chính ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Khắc Huy cũng không chút ngần ngại tái xác nhận với đại diện chính phủ các nước và tổ chức quốc tế “Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, thể chế hoá những quan điểm của Đảng trong Nghị quyết về công tác tôn giáo (tức Nghị quyết 25/NQ- TW), ngày 18/6/2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2004…” (trích ‘Tạp chí Tôn giáo’ Số 1(43)/2007)

Cũng xin được nhắc lại, trước khi có nghị quyết 25/NQ-TW, ngày 16/10/1990 Bộ Chính trị khoá VI đảng CSVN cũng đã từng ban hành nghị quyết số 24-NQ/TW mang tên “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” liên quan đến “vấn đề đổi mới nhận thức về tôn giáo ở nước ta” sau khi khối Đông Âu sụp đổ. Việc Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II đã góp phần giúp giải phóng Ba Lan quê hương Ngài khỏi ách cai trị của chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn đã khiến nhà cầm quyền HN cảm thấy lo ngại và cần phải cảnh giác hơn đối với giới công giáo.

Nhưng phải đến gần đây trên tờ “Tạp chí Thông tin Công tác Tư tưởng – Lý luận” của Đảng CSVN số ra ngày 8-2006, mọi người mới được nghe một vị khác là GS.Ts Đỗ Quang Hưng cũng trong Ban TGCP đánh giá về NQ-24 này như sau: “Nghị quyết này có hai luận điểm mang “tính đột phá” đó là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới”.

Chúng ta đều biết dưới chế độ cộng sản, mọi phát biểu có liên quan đến đường lối chính dù là anh gác cổng cơ quan cho đến thủ trưởng hoặc kẻ xưng mình là “tiến sĩ” hay “Ths” như hai ông bà trên, đều không phải suy nghĩ riêng của họ mà là “copy” nguyên văn từ các văn kiện của đảng.

Như vậy, đoạn “tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới” mà họ cho là có “tính đột phá” tức họ đã mạnh dạn thay đổi cách nhìn về tôn giáo kể từ năm 1990 cần phải hiểu ra sao? Phải chăng đó là sự thừa nhận suốt 45 năm qua (1945-1990) thời chưa “đột phá”, miệng đảng luôn bảo đồng hành cùng dân tộc nhưng trong thâm tâm họ tôn giáo chỉ là “đồ bỏ đi” chẳng có chút giá trị gì về văn hoá lẫn đạo đức, những hàng chữ trên là chứng cớ và như vậy đây còn là lời giải đáp vô tình nhưng rất “chân thành” của Đảng CSVN trước việc nhà thờ, chùa chiền bị cướp đoạt, phá hoại khắp nơi vô tội vạ, các tu sĩ bị bách hại trước nay.

Tuy nhiên sự lắt léo trong ngôn từ của họ là ở chỗ, thay vì nhận ra mình sai lầm rồi im lặng để từ từ sửa sai, đảng lại tự khen mình “đột phá”. Nói kiểu như họ thì chẳng khác gì một lũ bạn chơi chung nhau, bỗng một hôm “thằng mọi” khố rách áo ôm trong đám kiếm đâu ra bộ đồ “vía” bận vào rồi cao giọng với chúng bạn “nhờ tao hết mặc áo cũ nên bọn nhà giàu chúng mày đi chung với tao mới xứng, coi bộ được à nghen!” thì hỏi xem trên cõi đời này có ai nghe lọt lỗ tai?

Thiệt đúng là những “cái lưỡi không xương” cong cỡ nào mấy anh “trí thức XHCN” cũng nắn ngay lại được hết.

Phải ví von đến tận cùng đơn giản của phép cư xử như thế mới thấy hết trình độ lý luận chính trị Mác-Lê của họ “cao” cỡ nào? Bởi đạo nghĩa thì làm gì có chuyện thay đổi. Nhà thờ, Chùa chiền vẫn mở rộng cửa dạy con người ta “ăn ngay ở hiền, làm lành tránh ác” từ bao đời nay. Chính đảng CSVN mới là những kẻ đang bị dao động về mặt ý thức hệ của họ trước nguy cơ “giãy chết” của chủ nghĩa cộng sản chứ chẳng phải tôn giáo hay tư bản nào hết.

Có bao nhiêu loại văn bản về tôn giáo đang lưu hành?

Chắc chỉ có Trời mới biết hết nổi? Trên đây mới chỉ là ba văn kiện quan trọng hàng đầu đang làm “điên đảo” các tôn giáo trong nuớc. Tuy nhiên, nếu phải làm một cuộc thống kê đầy đủ những loại “giấy má” dính dáng đến tôn giáo trong khoảng 13 năm (1990-2003) trở lại đây, thì chỉ riêng đảng đã có đến 13 văn kiện các loại. Gồm 2 nghị quyết (24 & 25 nêu trên là 2 văn bản quan trọng nhất), 2 chỉ thị, 9 thông báo. Trong đó, Ban Bí thư ban hành 1 chỉ thị, 7 thông báo; Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết, 1 chỉ thị và 2 thông báo; Ban Chấp hành TW ban hành 1 nghị quyết.

Với “dây chuyền sản xuất” trên, mỗi lần đảng chỉ đạo, quốc hội chính phủ lại phải “chạy vắt giò lên cổ” ban hành một loạt văn bản đủ loại để đáp ứng, chỉ tính từ sau thời “đột phá” đến nay các chuyên gia pháp luật cũng không tài nào nhớ chính xác hiện có bao nhiêu văn bản liên quan đến tôn giáo đang được lưu hành, nói gì đến nội dung của chúng? (giống như trong lĩnh vực đất đai nhà cửa “sổ đỏ” hết kiếm chác được họ lại lập ra “sổ hồng” rồi năm ngoái định chuyển sang màu khác thì gặp phản đối quá nên đành tạm gác lại)

Ngoài ra còn phải kể đến số lượng văn bản do các bộ, đảng bộ, UBND tỉnh thành v.v... ban hành tại mỗi địa phương cùng một loạt các Sắc lệnh 234/SL của Chính phủ ngày 14/6/1955 về vấn đề tôn giáo, Nghị quyết 297/NQ của Chính phủ ngày 11/11/1977, Nghị định số 69/HĐBT, ngày 21/3/1991 về các hoạt động tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng ban hành trước đó mà không ai rõ tính hiệu lực của nó còn hay đã hết?

Cũng chính vì sự phức tạp và rối rắm ấy, tờ Tạp Chí Cộng Sản số 17 (137) năm 2007 cho biết để phổ biến chính sách tôn giáo “theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong những năm vừa qua, cả nước đã tổ chức 4.517 lớp, với 221.953 lượt người tham dự để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị”.

Quả là những con số biết nói về mực độ quan tâm của đảng dành cho tôn giáo và có lẽ chẳng quốc gia nào quan tâm hơn nhà nước Việt Nam. Nhưng lẽ thường thì cái gì được quan tâm cái ấy phải ngày một tốt hơn mới phải, học sinh ngày nào cũng tập trung học một môn ắt môn ấy phải chóng giỏi,.thì Việt Nam lại là ngoại lệ, lĩnh vực nào mà nhà nước có “nhã ý” dòm ngó đến là cứ y như rằng nơi ấy sắp có “giông bão” xảy ra. Vụ bắt hai nhà báo vừa qua cũng vậy, bảo chống tham những sắp đến hồi quyết liệt là để chuẩn bị thả “sếp” tham nhũng Nguyễn Việt Tiến!

Cũng “áo mão cân đai” đầy đủ như thiên hạ vì cớ gì mà đến nay Việt Nam vẫn nằm trong danh sách “top ten” những quốc gia có vấn đề đáng lo ngại về tự do tôn giáo?

Trước hết cần hiểu hai chữ “tôn giáo” được nhà nước Việt Nam định nghĩa ra sao? Theo “Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư” (do Hội đồng Biên soạn Tự điển Quốc gia thực hiện và vừa hoàn thành năm 2005 quyển thứ 4 cuối cùng) danh từ “tôn giáo” không hiểu sao chắc do cảm thấy “khó ăn khó nói” khó diễn tả với họ nên vỏn vẹn chỉ có khoảng chục dòng không quá 200 từ. Đã ít nhưng nhiệm vụ tuyên truyền họ vẫn không thể sao nhãng “...Sự xuất hiện của Tông giáo gắn liền với trình độ phát triển thấp của sản xuất xã hội, con người bất lực trước những sức mạnh tự phát của thế giới tự nhiên cũng như của những tai hoạ xã hội và không giải thích được bản chất của chúng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp bóc lột luôn luôn lợi dụng Tôn giáo như một vũ khí tinh thần.”

Người nước ngoài nào đang bập bẹ học tiếng Việt xem xong mấy hàng định nghĩa trên chắc hồn vía họ thất lạc tận chín tầng mây vì không hiểu nổi dân tộc Việt Nam nghĩ gì về tôn giáo? Còn với người Việt, những ai có dịp tra khảo không chỉ về đề tài tôn giáo mà tất cả các lĩnh vực, mới thấy uổng cho công sức của những 1.200 nhà khoa học, coi như gần hết các “đỉnh cao trí tuệ” của nước CHXHCN-VN được huy động để tham gia biên soạn công trình “để đời” này ròng rã gần chục năm trời, tiêu xài hết vài chục tỷ ngân sách mà lại chẳng được mọi người xem là bộ mặt văn hoá của đát nước. (ngay sau hoàn thành đã bị tố giác tham ô, tài liệu tháo khoán và bị thanh tra đến nay vẫn chưa xong).

Vẫn biết việc tham khảo như vậy cũng chẳng khám phá ra điều gì mới về tư duy của người cộng sản đối với tôn giáo nhưng là việc làm cần thiết vì nó là bằng chứng. Chỉ với những tài liệu ít bị ai để ý đến mới chính là chỗ phơi bày một cách trung thực quan điểm, suy nghĩ của họ về tôn giáo một cách công khai. Những lời nói thẳng nói thật ấy không thể tìm thấy trong bất kỳ văn bản pháp lý nào khác. 1200 nhà khoa học hay hơn nữa cũng chỉ là công cụ nói thay tiếng nói của nhà cầm quyền. Những từ ngữ thuộc loại “nhạy cảm” họ chẳng bao giờ có quyền tự ý thay đổi định nghĩa theo quan điểm được nhiều quốc gia chấp nhận. Chính vì tư duy vẫn chưa thay đổi, còn xem tôn giáo chỉ là dạng tổ chức xã hội có tham vọng chính trị, kinh tế bị tư bản “luôn luôn lợi dụng TG như một vũ khí tinh thần” là nguyên nhân của sự lo sợ dẫn đến chính sách “gọng lềm” hiện nay.

Sau khi tham khảo các tài liệu bằng giấy trắng mực đen trích từ “Tạp chí Cộng sản” và “Tạp chí Tôn giáo” nêu trên được viết bở các vị trong Ban Tôn giáo Chính phủ, là bằng chứng của việc thừa nhận Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2004 thực chất là làm theo chỉ thị của đảng. Thế nhưng khi khi ban hành pháp lệnh này, ngay trong phần mở đầu quốc hội lại không dám đả động gì đến những chỉ thị ấy mà chỉ nêu ra hai căn cứ để làm ra pháp lệnh này nghe rất đàng hoàng tử tế đó là:

- Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

- Căn cứ vào Nghị quyết số 21/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004;

Pháp lệnh này quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

...............

Đúng như những gì ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ban TGCP Nguyễn Khắc Huy viết pháp lệnh này là để “thể chế hoá những quan điểm của Đảng trong Nghị quyết về công tác tôn giáo ngày 18/6/2004” (xin lưu ý gọi là “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” hoàn toàn khác với “Pháp lệnh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo”)

Vậy là đã quá rõ, “đỉnh cao pháp quyền” ấy không phải do quốc hội làm ra theo trình tự dân chủ từ dưới lên mà là do đảng ban hành. Bản chất đảng là vô thần đã không tin vào Chúa, Phật nào hết nhưng hễ thấy người khác sống đạo thì lại buộc họ phải thờ cúng theo ý mình, thế gian xưa nay chắc chỉ có mỗi phe cộng sản?

Bao giờ tôn giáo mới hết bị “o ép”?

Dưới các chính quyền cộng sản vai trò của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là tuyệt đối, đặc biệt đối với những vấn đề gắn liền đến sự sống còn của cả hệ thống, điều này chẳng có gì mới mẻ. Nhưng vấn đề là không may là tôn giáo đã bị biệt liệt vào danh sách xem như những thành phần nguy hiểm đối với họ như đã đề cập trong bài “Vì sao cộng sản sợ tôn giáo?”.

Do vậy những văn bản trên chưa hẳn đã là đường lối chủ trương thật của họ về tôn giáo, mà đằng sau ấy còn vô số chỉ thị và chính sách ngầm khác chỉ được phổ biến trong nội bộ đảng và phải cỡ bí thư, phó bi thư các tỉnh thành, các bộ sở an ninh mới có thể biết. Căn cứ để chúng ta tin có lưu hành những chỉ thị “MẬT” ấy chính là những tài liệu của các đảng cộng sản LX và các nước Đông Âu đã và còn đang được “khui” mấy năm qua và lý do thứ hai gần hơn là cho dù có áp dụng nghiêm khắc mớ chính sách tôn giáo “khó thở” trên, đạo công giáo cũng không đến nỗi bị xâm phạm, cưỡng chiếm công khai cưỡng, bắt bớ vu oan tu sĩ một cách trắng trợn như vậy. Bởi không có bất kỳ điều khoản nào trước nay cho phép họ làm như vậy, mà nó chỉ có thể được thi hành bằng những cái “gật đầu nháy mắt” giữa họ với nhau.

Ngày xưa không thiếu gì vua chúa bách hại đạo nhưng xem chừng họ có tinh thần “dám làm dám chịu” hơn các chính thể độc tài thời nay nhiều, chẳng cần gì phải “chơi chữ” hoặc “lấy màn thưa che mắt thánh” đã cấm là cấm công khai, cấm “đứt đuôi con nòng nọc”!

Tất nhiên việc ác nào rồi cũng sẽ bị lịch sử phán xét, nhưng khi phải đứng trước những sự rối rắm khó nghĩ, có lẽ ai cũng muốn chẳng thà trắng đen đâu đó rõ ràng vậy mà cảm thấy dễ chịu, còn hơn gặp phải cái thứ “dở dở ương ương” luật không ra luật mà chỉ là mớ giấy lộn nhằm che mắt thiên hạ, “miệng nói một đằng tay làm một nẻo” mới khó xử và đáng sợ làm sao?

Taliban và họ đều cùng không ưa tôn giáo, nhưng cộng sản lại tỏ ra là bậc thầy về “sự khôn ác” nên chẳng bao giờ họ làm chuyện dại dột như Taliban, vác đại bác mà nã vào bức tượng Phật khổng lồ tại Afganistan để bây giờ phải trốn chui trốn nhủi trong rừng. Nếu thấy cần phải hạ bệ bức tượng này cộng sản có cả một lực lượng quân sư, những ông bà tiến sĩ thạc sĩ vẽ bày mưu ma chước quỉ để giải quyết gọn gàng hơn nhiều.

Đó chính là điều khiến những ai muốn nói chuyện đàng hoàng tử tế với họ dường đều cảm thấy “đau đầu” và bế tắc. Cũng giống như những đứa con nhà đàng hoàng tử tế trên lỡ có phải thằng bạn “đầu gấu” trơ trẽn, chơi chung với nó kiểu gì chúng cũng bị thua thiệt. Muốn hết chỉ còn cách mỗi đứa hy sinh bỏ tiền túi ra mua tặng thêm cho nó vài bộ áo quần mới cho nó giống mình cũng nên?

Có lẽ đó là sự lựa chọn của Hoa Kỳ hiện nay như được đề cập trong một bài viết rất đáng chú ý trên BBC gần đây “Vì không thể sử dụng vũ lực để thay đổi Việt Nam nên Hoa Kỳ cần phải dùng các quy luật toàn cầu về kinh tế cũng như dùng chất xám của thế hệ trẻ để tạo biến chuyển. Chính trong quan điểm này nên Hoa Kỳ muốn có những cơ sở kinh tế của cộng sản Việt Nam tại Hoa Kỳ để có thể dễ dàng kiểm soát. Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã mở cửa cho sinh viên và dễ dãi cho công nhân Việt Nam qua Hoa Kỳ làm việc ngõ hầu sau này những người này là lực lượng thay đổi đất nước. Đây là chính sách của Hoa Kỳ nên đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ cầm quyền cũng sẽ không thay đổi và Thượng nghị sĩ Barrack Obama hay John McCain, ai làm Tổng Thống, chính sách này vẫn y nguyên như vậy”.

Mặc dù còn nhiều sợ hãi cùng những lo toan miếng cơm manh áo khiến dân chúng thờ ơ về vai trò lãnh đạo của đảng CSVN. Nhưng quá nhiều lời than vãn thường thấy trên các báo về thực trạng xã hội hiện nay, sự cần thiết đổi thay chính thể đang là niềm mong mỏi của đại đa số dân chúng. Những người hiểu biết hơn thường hay hỏi thăm nhau về tình hình, dự đoán năm này tháng nọ, tuổi thọ “ông tổ” cộng sản Liên Xô không quá 75 thì “đệ tử” họ cũng khó mà có thể sống lâu hơn con số này.

Tuy nhiên quan sát thực tế những thay đổi ở Việt Nam hơn chục năm qua thì mức độ “dễ thở” của dân chúng lại chịu ảnh hưởng bởi yếu tố kinh tế nhiều hơn thời gian. Bất kể lúc nào, nếu chính quyền họ cảm thấy trong người “khỏe mạnh” chính lúc ấy tự do nhân quyền trong nước bị họ “bóp” cho nhừ tử, như những gì đã diễn ra ngay sau khi gia nhập WTO đầu năm 2007. Ngược lại mỗi khi họ “đau yếu” phải chạy vạy cầu viện Mỹ và bị TQ gây áp lực họ lại ra vẻ hiền lành tử tế với dân, thả người bị giam cầm này buông người tù tội nọ ra.

Số phận tù nhân của tôn giáo cũng vậy, nói ra nghe chẳng hay chút nào nhưng với một chính thể tham quyền cố vị, cộng thêm bộ máy quan liêu đã mất hết lý tưởng, tiền làm ra ít mà tiêu xài lại nhiều, các tổng công ty của họ chiếm giữ 2/3 vốn liếng quốc gia nhưng chỉ làm ra 20% giá trị sản lượng, chắc rồi cũng phải lấy tiền ra mà “cân đo đong đếm”. Họ cần bao nhiêu dollars, để ĐƯỢC số tiền ấy họ sẽ chịu MẤT gì và ai sẽ cung ứng khoản tiền này, tự do tôn giáo quan trọng hàng thứ bao nhiêu khi thương lượng v.v... ?

Tỷ lệ lạm phát hiện tăng ở mức chóng mặt 26,8%. Thị trường chứng khoán giảm gần một nửa và thâm hụt thương mại 6 tháng dằu năm đã là 14,78 tỷ đôla là những dấu hiệu cho thấy tình thế đã chuyển sang giai đoạn đổi thay tăng tốc, liệu có giống như những gì đã diễn ra tại Nga năm 1991, đồng tiền mất giá rất nhanh từ 5 rúp xuống trên 200 rúp mới đổi được 1 USD gây hoảng loạn trong dân chúng, chẳng phải chờ lâu cuối năm ấy đảng cộng sản LX phải tuyên bố giải tán. Số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm 2008 tăng đột biến dẫn đầu thế giới bất kể giá vàng thế giới đang tăng cao có thể là dấu chỉ các tư bản đỏ kếch xù trong nước đang chuyển đổi tài sản của họ trước nguy cơ sụp đổ đang đến gần.

Nói chuyện đạo nghĩa mà lại dính dáng đến tiền nong khiến người viết liên tưởng đến việc Juda đã từng bán Chúa Giêsu lấy 30 đồng vàng khi xưa. Mậu dịch Việt Mỹ mấy năm qua đã “bò” chậm chạp, từ một vài tỷ mỗi năm nay đã leo đến số 12, không biết khi nó trùng hợp với số 30 của Juda hay bao nhiêu nữa mới đủ để những kẻ đang “cột” Chúa, Phật bằng mớ dây loằng ngoằng, lắt léo “pháp lệnh tôn giáo” kia chịu thả các Ngài ra?

Tham khảo:

1. Pháp Lệnh của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Số 21/2004/PL-UBTVQH11

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/04viet/viet030.htm

2. Tiến trình Luật pháp Tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay (Số 1(43)/2007)

http://www.vae.org.vn/news_detail.asp?id=4291

3. VỀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY Số 17 (137) năm 2007 http://www.tapchicongsan.org.vn/print_preview.asp?Object=5&news_ID=13951425

4. Đối ngoại tôn giáo của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. (Số 3(39)/2006)

http://www.vae.org.vn/News_print.asp?id=3540

5. Vấn đề tôn giáo trong văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng

http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=77&subtopic=183&leader_topic=332&id=BT1580637060
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Việt Nam trong dòng chảy lịch sử nhìn dưới góc nhìn của luân lý
Nguyễn Đức Long
10:35 04/07/2008
Việt Nam trong dòng chảy lịch sử nhìn dưới góc nhìn của luân lý.

Con người là một tạo vật thượng đẳng vượt lên trên mọi loài khác trong tự nhiên. Cái làm cho con người khác các sinh vật khác đó là bản ngã của con người. Con người nhận ra bản ngã của mình là nhờ có tự do, tình yêu, và lí trí. Vì con người là những nhân vật của lịch sử nên lịch sử của loài người là lịch sử của sự tìm kiếm và phát triển bản ngã, một hành trình dài, nhiều khi “Lạc Đường” [1] để đi tìm “tôi là ai”.

Khát vọng kiếm tìm bản ngã của chính mình in đậm nét trong lịch sử loài người, thể hiện qua việc hình thành rất sớm các tôn giáo.

Trong Phật giáo, con đường tìm kiếm bản ngã được giới thiệu là con đường diệt dục, thực hành lối sống từ bi hỷ xả, nhờ đó mới làm lộ ra được “chân Phật” đã có sẵn trong bản ngã mỗi người, thoát khỏi vòng luân hồi và trở thành một vị Phật.[2]

Trong Ki-tô giáo, khát vọng tìm kiếm bản ngã của con người thể hiện ngay từ đầu của Kinh Thánh khi A-dam và E-va ăn trái cấm vì ước muốn trở lên giống Thiên Chúa, “biết được sự lành và sự dữ” [3]. Tâm linh Ki-tô giáo cũng mở ra một con đường để tìm thấy bản ngã đó là lối sống bác ái để nên hoàn hảo như “Thiên Chúa là tình yêu” [4].

Trong các tôn giáo đó, con người gửi gắm ước mơ về tự do, về một thế giới vĩnh hằng của tình yêu trong đó con người không còn bị giới hạn vào thế giới vật chất hữu hạn.

Không chỉ phản ánh qua tôn giáo, khát vọng tìm kiếm bản ngã của con người thực sự còn là nhân tố định hình lịch sử của loài người. Những trào lưu lịch sử hiện đại là những bằng chứng gần gũi và sống động về vai trò định hình thế giới của khát vọng tìm kiếm “tôi là ai” của nhân loại.

Trước tiên phải kể đến trào lưu cộng sản: Học thuyết cộng sản của Carl Max ra đời trong thời kì gọi là Kỉ Nguyên Ánh Sáng [5]. Gọi là Kỉ Nguyên Ánh Sáng vì thời kì này đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc trong tri thức và triết học với phương pháp tư duy chủ đạo dựa trên lí tính. Đóng góp của thời kì này cho hành trình tìm kiếm bản ngã đó là đã khơi dậy một cách mạnh mẽ quyền tự do cá nhân, quyền bình đẳng giữa người với người. Carl Max là một trong những người nắm được xu hướng này của xã hội, nhưng tiếc thay, thay vì kết tinh những mặt tích cực của thời kì này, Carl Max đã kết tủa những mặt tiêu cực của thời kì này, đó là ông đã tối giản hóa bản ngã của con người tới mức: “con người là công cụ sản xuất”[6] – một quan niệm hoàn toàn vật chất hóa con người. Để triển khai học thuyết của mình, Carl Max đã áp dụng suất sắc phương pháp biện chứng khoa học, một phương pháp đang được sùng bái như là một chuẩn mực tư duy của kỷ nguyên ánh sáng, kết quả là học thuyết của ông đã tác động tới một số đông người. Bản ngã của con người không đơn giản chỉ là một dạng vật chất dù hữu thể hay trừu tượng, và tự do, tình yêu, lí trí cũng không thể chỉ dùng phương pháp phân tích mổ xẻ khoa học là hiểu được. Phong trào cộng sản đánh dấu một giai đoạn lạc đường trong hành trình tìm kiếm bản ngã của con người. Chính vì không thỏa mãn được câu hỏi “tôi là ai” nên hình thái xã hội cộng sản vô thần là một trong những hình thái xã hội tồn tại ngắn nhất trong lịch sử loài người.

Bên cạnh phong trào cộng sản, một phong trào nữa ra đời muộn hơn đó là phong trào Phát-xít. Chủ nghĩa phát-xít thực ra là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hiếu chiến, rõ ràng cũng đã không đáp ứng được khát vọng thâm sâu về tự do, tình yêu và lí trí của bản ngã con người nên cũng nhanh chóng bị lên án và sụp đổ một cách chóng vánh.

Nhưng cũng sau kỉ nguyên ánh sáng này một loạt nước đã phát triển vượt bậc nhờ biết tạo ra và cung cấp môi trường tự do như một mảnh đất cần thiết cho bản ngã con người phát triển. Tất cả các nước này đều là những nước có mô hình xã hội đa nguyên đa đảng, với các quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do lập đảng, tự do tôn giáo… những quyền này như môi trường thiết yếu để con người tìm ra chính mình, thỏa mãn khát vọng tự do, tình yêu và phát triển lí trí.

Rõ ràng khát vọng tìm kiếm bản ngã của chính mình là động lực vận hành lịch sử và định hình xã hội. Khát vọng đi tìm “tôi là ai” là động lực giúp con người cải tạo thiên nhiên theo hướng có lợi và biến đổi xã hội trở nên tự do hơn, bình đẳng hơn, và tình người hơn. Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã viết: “những chân lý mà chúng ta đều biết là: tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều được Tạo Hóa sinh ra với các quyền bất khả xâm phạm, trong những quyền đó có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[7]

Xã hội hiện đại với cuộc cách mạng điện toán xem ra ngày một thỏa mãn con người. Phải chăng với thành tựu vượt bậc của khoa học, cũng như kinh tế trong thời đại tin học này có thể trả lời thỏa mãn câu hỏi “tôi là ai” của con người. Phải chăng hành trình tìm kiếm “tôi là ai” đã gần chạm đích?

Có rất nhiều người tưởng rằng đã tìm ra bản ngã của mình trong cuộc cách mạng số hóa đó. Bằng chứng là hàng loạt các chủ nghĩa mới ra đời với đông đảo người theo như chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa mua sắm, chủ nghĩa tăng trưởng kinh tế…Nhiều người trẻ ngày nay khẳng định đẳng cấp của mình qua điện thoại di động, qua máy tính sách tay, qua tên tuổi của những vũ trường mình đến, hay loại thuốc lắc mà mình “cắn”. Lối sống của những người trẻ này đã bị số hóa, và xa hơn nữa cả bản ngã của họ cũng bị số hóa khi họ khoe “đẳng cấp” tình yêu của mình bằng danh sách và sự nổi tiếng các cô gái, các chàng trai mà họ đang yêu.

Nhiều nước Tây phương đã trải nghiệm những thất bại khi tìm kiếm bản ngã của con người trên con đường này, chính vì thế mà các thập niên vừa qua đã chứng kiến sự lớn mạnh của nhiều phong trào: phong trào chống lại các hoạt động kinh tế hủy diệt môi trường, phong trào cổ động lối sống giản dị tiết kiệm, chống phá thai, chống trợ tử. Đáng chú ý hơn nữa đó là sự trỗi dậy của các tôn giáo.

Thật thế, trong thời đại thần tốc, chớp nhoáng của kĩ thuật tin học điện toán toàn cầu, con người thời đại bước vào một thế giới bất phân minh giữa quá khứ, hiện tại hay tương lai. Bởi đó những nhận định hướng quen thuộc và khả thể tiên đoán biến mất dần trong hầu hết mọi lãnh vực của cuộc sống. Kinh qua kinh nghiệm trên, con người mới phát giác ra nhu cầu tìm lại một thực tại quen thuộc, vì nếu không có nó, con người không thể đương đầu được với những thay đổi dồn dập thường xuyên. Những hình thức nguyên ủy cảm nhận vũ trụ và bản ngã một cách toàn diện trong đó phải kể đến các truyền thống tôn giáo. Chúng trở thành những đồn trú cần thiết chống lại hình thái thế giới được giải thích theo cách mổ xẻ phân tích của khoa học kĩ thuật. [8]

Xã hội VN mới bắt đầu tiến vào con đường cao tốc của thời đại kĩ thuật số này được 22 năm (tính từ 1986) nhưng trong xã hội Việt Nam đã không thiếu bất cứ một thứ chủ nghĩa tiêu cực nào của thế giới hiện đại. Chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa hưởng thụ đã thâm nhập vào mọi ngõ ngách của xã hội Việt Nam, kéo theo sự xuống cấp luân lý một cách trầm trọng. Bộ máy nhà nước thì bị tê liệt bởi nạn tham nhũng và quan liêu. Các hệ thống phúc lợi xã hội đã thô sơ lại ngày càng uể oải khi tình người của đội ngũ nhân viên công chức ngày càng bị sơ hóa vì đồng tiền. Ở rất nhiều bệnh viện, muốn được chữa trị kịp thời và chu đáo bệnh nhân phải lo tiền lót tay cho bác sĩ, y tá. Lối sống thực dụng vội vã và đặt nặng tiêu chí vật chất của giới trẻ càng ngày càng phá hủy nhân bản và căn tính của người Việt. Tính riêng bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, ngày cao điểm tiếp nhận hơn một nghìn ca nạo hút thai.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự xuống cấp về luân lý một cách nhanh chóng đó của Việt Nam? Đơn giản là vì bản ngã con người bị phá hủy.

Từ khi học thuyết cộng sản du nhập vào Việt Nam bản ngã của con người đã bị tàn phá một cách khốc liệt. Mảnh đất tự do để bản ngã lớn lên cũng bị đưa vào hợp tác xã, riêng còn không có có gì chung.[9] Mảnh đất tình yêu lại ngập tràn bạo lực, vì bạo lực cách mạng là phương pháp để cướp chính quyền và là công cụ để thể chế cộng sản điều hành đất nước.[10] Với giáo dục, mảnh đất cho lí trí lớn lên lại bị làm cằn cỗi hóa với học thuyết Max-xit là học thuyết duy nhất được dạy trong nhà trường, một dấu chấm hết cho sự lớn lên của lí trí.

Đói khát vể tự do, tình yêu và lí trí, bản ngã của con người Việt Nam trở nên suy dinh dưỡng, thiếu sức đề kháng. Những bản ngã yếu ớt này đứng trước những tiêu cực của kinh tế thị trường liền bị “liệt kháng”,[11] không cưỡng lại nổi sức hút của đồng tiền.

Những năm sắp tới, mục tiêu chính của chính phủ Việt Nam chắc chắn vẫn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thể chế chính trị Việt Nam cũng vẫn là thể chế cộng sản. Và bản ngã của con người Việt Nam vẫn tiếp tục phai tàn. Kết quả tất yếu của hành trình này là một sự đổ vỡ không gượng lại được của xã hội Việt Nam, khi mà luân lí bị ruồng bỏ và thay vào đó là sự ngự trị của đồng tiền. Một cơn bão nhỏ có thể phá hủy chút xíu một vùng đất sống, nhưng một cơn bão hung hãn có thể làm cho một vùng đất trù phú trở thành vùng đất chết, nhất là cơn bão vật chất tàn phá luân lý trong thời đại thần tốc chớp nhoáng. Việt Nam sẽ không bị tàn phá bởi chiến tranh như nỗi lo sợ của các chính khách Việt Nam, nhưng chính “chính sách đóng cửa giáo dục” của nhà cầm quyền lại là vũ khí hủy diệt nổ ngay chính giữa lòng xã hội Việt Nam, nhất là trong thời đại thần tốc vũ bão này. Một thứ chất độc da cam làm cho bản ngã của các thế hệ Việt Nam kế tiếp trở thành những quái thai.

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quên mất một điều rằng, sở dĩ xã hội các nước pháp triển phương tây vẫn đứng vững trong thời đại thần tốc chớp nhoáng ngày nay là bởi vì xét cho cùng văn hóa Ki-tô giáo từ hơn một nghìn năm trước đã cắm rễ trong lòng của những xã hội này, và tại những miền đất này tự do, tình yêu, và lí trí vẫn không ngừng hoàn thiện và cung cấp cho sự lớn lên của bản ngã con người. Cụ thể là tại những nước này phong trào chống phá thai bảo vệ sự sống, phong trào chống an tử phát triển mạnh mẽ trong khi đó tại Việt Nam, phá thai dường như đã trở thành một luật của tự nhiên vì con người chỉ là “công cụ sản xuất”. Đúng là nền văn hóa Việt Nam chứa đựng rất nhiều những giá trị tinh thần và tâm linh rất quý báu nhưng chỉ trong vòng hơn nửa thế kỉ các giá trị đúc kết từ ngàn năm đã bị rửa trôi bạc màu bởi dòng chảy của chủ nghĩa duy vật.

Có thể con người ngày nay hiểu biết nhiều hơn nhưng chưa chắc đã “thông thái” hơn con người của hai ngàn năm trước. Vẫn còn âm vang trong dư luận vụ hai doanh nhân Việt Nam xem phim tình dục qua máy tính sách tay trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airline khiến cho một phụ nữ Pháp kế bên phải bật khóc.[12] Và cũng trên một chuyến bay của Vietnam Airline ngoại trưởng Bỉ đã bị buộc phải nhường ghế cho một quan chức bộ chính trị.[13] Phải chăng đó là lòng hiếu khách của người Việt Nam xã hội chủ nghĩa?

Nhận thức về bản ngã của nhân loại nói chung đã tiến rất xa, dẫu là sau nhiều lần lạc đường. Nhân loại sẽ vẫn luôn còn phải đi tìm câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi “tôi là ai”. Trong khi đó nhận thức về bản ngã của một bộ phận người Việt Nam thành thực mà nói vẫn còn đang luẩn quẩn trong vùng mờ tối. Nhưng trong từng người Việt Nam cũng như trong từng nhân vị trên khắp địa cầu này, khát vọng bất diệt về tự do, tình yêu và lí trí vẫn dào dạt sức sống, vượt qua sợ hãi và thắp sáng hành trình đi tìm “tôi là ai”, cũng như sẽ định hình lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại. Bởi vì từ hơn hai ngàn năm trước Giê-su đã nói “con người sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi lời Thiên Chúa phán ra”[14], trải qua suốt hơn hai ngàn năm với những biến động đầy sóng gió của lịch sử, cho đến ngày nay câu nói này còn nguyên giá trị.

Chú dẫn:

1 Đào Hiếu, “Lạc Đường”, http://www.talachu.org/truyen.php?bai=213

2 các tư tưởng cơ bản của triết học Phật Giáo, http://my.opera.com/sanyasins/blog/cac-tu-tuong-co-ban-cua-triet-hoc-phat-giao

3 Sách sáng thế, Kinh thánh Công Giáo

4 Kinh Thánh Tân Ước, Gioan chương 4 câu 7

5 wikipedia

6 Triết học Mac-Lenin, giáo trình dùng cho các trường đại học, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam

7 Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: http://www.ushistory.org/declaration/document/index.htm

8 Hans Joachim Hohn, Xã hội biến đổi thần học chuyển mình: http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=1572

9 Xuân sách, “Chân Dung Nhà Văn”, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3866&rb=08

10 George Orwell, “Trại Súc Vật”, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=542&rb=08

11 Người dân Việt Nam không “liệt kháng”: http://ykien0711.blogvis.com/2008/04/26/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-dan-vi%E1%BB%87t-nam-khong-li%E1%BB%87t-khang/

12 Hai doanh nhân xem phim sex trên Việt Nam Airline: http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2007/7/44692.laodong

13 Hạ cấp bộ trưởng Bỉ: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/06/080620_belgiuministervietplane.shtml

14 Kinh thánh Tân Ước, Matthew chương 4, câu 5
 
Văn Hóa
Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sơ lược lịch sử Giáo Hội Úc (1)
Vũ Văn An
02:21 04/07/2008
Sơ lược lịch sử Giáo Hội Công Giáo Úc

I. Giáo Hội Công Giáo Úc hôm qua

Phần lớn lịch sử Giáo hội Công giáo tại Úc liên quan đến vấn đề làm người Úc nghĩa là gì và đâu là quyền lợi của người Công giáo trong xứ sở này. Chủ đề này sẽ xuất hiện nhiều lần khi ta học một phần của lịch sử ấy.

1. Tôn giáo tại Úc trước thời người Da Trắng định cư

Nghi Lễ Xông Khói của Thổ Dân
Khi Đội Thuyền Đầu Tiên tới lục địa Úc năm 1788, có khoảng 750,000 thổ dân tại đây, sống trong gần 700 nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có hệ thống tôn giáo riêng với các truyện tích và nghi lễ đặc thù và rất gắn bó với mảnh đất họ sống.

Ngày nay ai cũng biết việc định cư của người Da Trắng tại lục địa Úc này đã đem lại tàn phá và chết chóc cho người thổ dân và các nền văn hóa của họ. Người định cư da trắng không hiểu đất đai quan trọng như thế nào đối với người thổ dân và người thổ dân cảm thấy khốn đốn ra sao khi bị trục xuất khỏi nơi đó. Khi những người chiếm đất và các nhà chăn nuôi xâm nhập khắp lục địa, lấy đất để canh tác, họ quả đã vi phạm đến những mảnh đất truyền thống của những con người từng sinh sống tại đó từ lâu. Đôi khi Thổ Dân cố gắng bảo vệ cuộc sống và đất đai của mình, thì liền bị giết, có khi bị thảm sát có tổ chức nữa.

Từ thập niên 1860, Thổ Dân bị cách ly trong những khu vực dành riêng do chính quyền ấn định. Các viên chức quản trị các khu dành riêng này thường làm ngơ hay không biết gì tới các biên giới cũng như cấm kị văn hóa liên quan tới việc xâm nhập mảnh đất của người khác, nên đã gây thêm nhiều trục trặc cho Thổ Dân. Họ phải sống nơi các vùng dành riêng này trong nghèo đói, không được giáo dục và phải tùy thuộc hoàn toàn vào chính quyền trong những nhu cầu căn bản nhất của cuộc sống. Tuy thế, tại một số khu truyền gáo của Kitô giáo, Thổ Dân được hưởng những điều kiện tốt hơn về đời sống, việc làm và giáo dục.

Qua thế kỷ 20, Thổ Dân dần dần nhận được những quyền lợi vốn đương nhiên đối với những người Úc khác. Nhưng mãi đến năm 1967, họ mới được quyền bỏ phiếu. Ngày nay, họ có quyền nạp đơn nơi tòa án đòi lại quyền sở hữu các mảnh đất của tổ tiên. Hiện nay, luật pháp Úc nhìn nhận rằng bất cứ nhóm Thổ Dân nào chứng minh được một liên hệ thiêng liêng liên tục với một khu vực đất đai nào đó, thì họ có quyền đòi lại quyền sở hữu đối với khu vực đất đai ấy.

2. Những người Công Giáo đầu tiên tại Úc

Những người Công giáo đầu tiên tại Úc cũng là những tội đồ. Khoảng 40,000 tội đồ người Ái Nhĩ Lan tới Úc giữa các năm 1788 và 1868. Trong khi phần lớn các tội đồ này bị đưa tới đây vì các tội trộm cướp và bạo hành, thì không ít người bị đưa tới đây vì tội “gây rối và phản loạn”, có nghĩa là bị kết án chống lại chế độ cai trị của người Anh tại Ái Nhĩ Lan. Những người gây rối chính trị này thường là những người có nhiệt tâm đối với nền độc lập của Ái Nhĩ Lan, nên bị đưa tới đây vì đã thúc đẩy đồng bào của mình chống lại người Anh. Họ không phải là thường phạm, nhưng thường là những người có tư cách và nguyên tắc, chỉ phạm mỗi “tội” là chống lại sự cai trị của Anh.

Đạo Công giáo mà các tội đồ Ái Nhĩ Lan đem tới Úc là một đạo Công giáo của người nghèo tại Ái Nhĩ Lan. Những người Công giáo này cay đắng trước việc họ bị đàn áp tại chính quê hương mình. Đôi khi các linh mục cũng tham gia và thúc giục những con người lý tưởng nổi loạn này. Bởi thế, ở Úc, trong khi các tội đồ người Anh và Tô Cách Lan theo Thệ Phản thì người Ái Nhĩ Lan theo Công giáo.

Tuy thế, tất cả các nhân vật nắm quyền tức Thống Đốc, các lãnh tụ quân sự, các viên chức và cả các giáo sĩ nữa đều theo Thệ Phản.

Giáo hội Anh Quốc là Giáo Hội chính thức của thuộc địa, và vị giáo sĩ đầu tiên bước vào sinh hoạt của thuộc địa, Mục sư Samuel Marsden, chính là một giáo sĩ của Giáo Hội Anh Quốc. Mục tiêu của các nhà cầm quyền tại thuộc địa là duy trì luật lệ, trật tự xã hội và phong tục của người Anh. Trong bầu không khí ấy, người Ái Nhĩ Lan bị khinh ghét.

Năm 1798, tại Ái Nhĩ Lan, có cuộc nổi loạn rất bạo động, và điều ấy gây cho nhà cầm quyền nghi ngờ nhiều đối với mọi người Công giáo. Tại Úc, ngay từ đầu vốn đã có những chua cay, ngờ vực và chống báng giữa các nhà cầm quyền thuộc địa và người Công giáo. Đức tin Công giáo, cũng như ảnh hưởng của Giáo Hoàng và các linh mục Công giáo bị coi là mối đe doạ đối với nền văn minh “cao hơn” mà các nhà cai trị Anh đang đại diện.

Năm 1804, William Johnston, một người Ái Nhĩ Lan bị đầy tới đây vì đã tham gia cuộc nổi loạn năm 1798 tại Ái Nhĩ Lan, triệu tập 300 người tại một địa điểm bên ngoài Sydney. Ông lãnh đạo họ nổi loạn chống lại Chính Quyền tại Castle Hill thuộc New South Wales. Cuộc nổi loạn này bị dẹp rất nhanh và rất vũ bão, nhưng nó chồng chất thêm ngờ vực, thù hận và sợ sệt nơi nhà cầm quyền đối với người Ái Nhĩ Lan. Người ta qui trách cuộc nổi loạn này cho giáo huấn Công giáo và cho sự kiện này là người Ái Nhĩ Lan được phép tụ tập để dự Thánh Lễ. Số là một linh mục tội đồ tên là Dixon trước đó được phép dâng Thánh Lễ dưới một ít hạn chế. Vì cuộc nổi loạn trên, việc cử hành thánh lễ ấy đã bị bãi bỏ.

Cha Therry
Nỗi sợ và kỳ thị đối với người Công giáo càng được các giáo sĩ của Giáo Hội Anh Quốc và các giáo sĩ Thệ Phản khác đổ thêm dầu. Chúng được mọi người có thẩm quyền và ảnh hưởng tại thuộc địa hỗ trợ. Đó là cơ sở làm nền cho các diễn biến sau này xẩy ra. Chúng kéo dài đến tận những thập niên 1800, và như sẽ thấy trong phần kế tiếp của bài này, qua cả thế kỷ 20 nữa.

Phải đợi đến năm 1820, các linh mục Công giáo đầu tiên, hai cha Therry và Conolly, mới tới được thuộc địa. Biến cố này đánh dấu buổi khởi đầu của việc thờ phượng và nền giáo dục Công giáo thường xuyên tại Úc. Cho đến năm 1872, chính quyền thuộc địa đã cấp tiền cho bất cứ giáo hội nào muốn mở trường dạy học, vì lúc ấy hệ thống giáo dục của nhà nước chưa được phát triển bao nhiêu. Các cha Therry và Conolly vất vả lắm mới khởi sự được hệ thống giáo dục Công giáo nhỏ nhoi của mình. Bắt đầu, các giáo dân không được huấn luyện phải đứng lớp. Nền giáo dục Công giáo đã được khởi sự như thế.

3. Nền tảng ban đầu của các trường Công Giáo

Các giai đoạn của Đạo Công giáo tại Úc trong bài này bắt đầu năm 1872. Đến lúc đó, Giáo hội Công giáo đã được thiết lập vững chãi tại Úc. Khoảng thập niên 1830, các nhà thờ Công giáo đầu tiên đã được xây dựng và đến năm 1861, đã có các Giám mục Công giáo cho Sydney, Hobart, Adelaide, Perth, Melbourne và Brisbane. Cho đến năm 1872, các trường Công giáo cũng như các trường của các giáo hội khác được chính quyền tài trợ giống như các trường công lập.

Á Thánh Mary MacKillop
Các Dòng Nữ Tu Bác Ái và Nữ Tu Nhân Lành đã có mặt tại Úc, làm việc giữa người nghèo. Dòng Nữ Tu Samaritanô Nhân Hậu đã được Tổng Giám mục Polding thiết lập năm 1857. Mẹ Maria MacKillop và Cha Julian Tennison Wood đã lập Dòng Nữ Tu Thánh Giuse năm 1866 và đã mở nhiều trường cho trẻ em nghèo ở thôn quê thuộc vùng Nam Úc, và sau đó tại khắp các thuộc địa khác. Đồng thời, các tư thục Công giáo độc lập cũng được thành lập khắp nơi, do các tu sĩ nam nữ phụ trách, như trường của dòng Sư Huynh Kitô giáo người Ái Nhĩ Lan mở năm 1868. Các nền móng này đã được xây dựng trước khi có các Đạo Luật Giáo Dục trong thập niên 1800, là các đạo luật thay đổi phương thức tài trợ. Nhiều dòng tu đến trước năm 1872, nhiều dòng khác đến sau thời điểm này.

4. Miễn phí, bắt buộc và thế tục

Năm 1872, tại Victoria, và không bao lâu sau tại các thuộc địa khác ở Úc, các chính phủ tiểu bang ban hành các Đạo Luật Giáo Dục. Bản chất các đạo luật ấy là: nền giáo dục cho mọi trẻ em phải là một nền giáo dục miễn phí, bắt buộc và thế tục.

Cho đến lúc các đạo luật này được thông qua, Giáo hội Công giáo cùng với các giáo hội Kitô giáo khác vốn đã điều hành hệ thống giáo dục tiểu học của riêng mình, được chính phủ nâng đỡ về phương diện tài chánh. Trong xã hội Úc lúc ấy, có nhiều thành phần không thích tình trạng này, do đó tỏ ra cay chua, ngờ vực người Công giáo và các trường học của họ. Giáo Hội Anh Quốc (hay Anh Giáo) muốn trở thành Giáo Hội chính thức tại Úc, và các căng thẳng khác phát sinh giữa các hệ phái Thệ Phản với nhau. Người Công giáo, mà phần đông là Ái Nhĩ Lan, bị coi như những tên ngoại nhập, hầu như có tính bộ tộc chỉ biết trung thành với nhau và với Giáo hội của mình mà thôi. Nhiều người trong số họ là con cháu những tên tội đồi bị đầy tới đây vì chống lại sự cai trị của người Anh tại Ái Nhĩ Lan. Họ bị nhiều viên chức chính phủ lẫn các Giáo hội Thệ Phản coi như những tên cấp tiến nguy hiểm Một trong những phe phái dẫn đến việc đưa ra các Đạo Luật Giáo Dục từng nghi ngờ người Công giáo và các trường học của họ trong cộng đồng Úc.

5. Các đạo luật giáo dục

Trong các năm dẫn đến các Đạo Luật Giáo Dục, có một cuộc tranh luận dữ dội trong cộng đồng Úc về chỗ đứng của tôn giáo trong lãnh vực giáo dục. Nên để các Giáo hội hay chính phủ có trách nhiệm giáo dục trẻ em? Đâu là chỗ đứng, nếu có, của tôn giáo trong giáo dục? Cuối cùng, các Đạo Luật Giáo Dục nói rằng từ nay mọi trường học đều thế tục hết. Điều này có nghĩa là chúng không được liên hệ với bất cứ Giáo hội nào, và tôn giáo sẽ không trở thành một thành phần của học trình. Mọi trường phải miễn phí và mọi trẻ em buộc phải đi học. Các Đạo luật này đánh dấu việc ra đời của hệ thống giáo dục tiểu bang tại Úc và đã dẫn tới nhiều hệ thống giáo dục khác nhau hiện có tại Úc ngày nay. Tuy nhiên, nó tạo ra một cú đánh trầm trọng cho Giáo hội Công giáo, là một Giáo hội dựa nhiều vào tài trợ của chính phủ trong việc điều hành các trường của mình. Phản ứng của Giáo hội Công giáo trước cú đánh này đã phát sinh ra hệ thống giáo dục Công giáo như ta thấy ngày nay tại Úc.

6. Xây dựng các trường Công Giáo

Bất chấp các Đạo Luật Giáo Dục, các cộng đoàn Công giáo tại Úc cương quyết duy trì các trường Công giáo của mình. Để xây các trường này và giữ cho chúng tiếp tục mở cửa, giáo dân, nhiều người rất nghèo, đã gom góp tiền bạc từ nguồn dự trữ riêng của họ. Phần các Giám mục thì đem tới Úc nhiều dòng tu nam nữ, vốn là những dòng quen sống khó nghèo và sẵn sàng dạy những lớp đông học trò trong những ngôi nhà ọp ẹp thiếu thốn mọi bề. Người Công giáo rất rõ ràng về mục tiêu các trường học của họ. Mục đích là dạy con em họ về đức tin chân chính, mà phần lớn họ đồng hóa với đức tin Ái Nhĩ Lan, và giúp con em họ có thể đem đức tin ấy vào mọi giai tầng xã hội Úc.

“Đối tượng chính của chúng ta sẽ luôn là dạy cho các học sinh trên hết biết trân trọng ơn cứu rỗi đời đời của chúng, và duy trì ơn cứu rỗi này bằng cách trung thành và bền bỉ tuân giữ niềm tin của Cha Ông” (Sư Huynh O’Hagan, Dòng Sư Huynh Kitô Giáo, trong buổi Khai Mạc Trường Sư Huynh Kitô Giáo tại Balmain, NSW, năm 1887).

Niểm hãnh diện là người Công giáo và cảm thức cho rằng người Công giáo phải đấu tranh cho sự sống còn của mình chống lại thế gian đã được phát biểu cách tuyệt mỹ trong ca khúc thường được các trường Công giáo ở Úc hát đến tận thế kỷ 20.

Niềm tin Cha Ông

Vẫn đang sống còn

Bất chấp nhà tù, lửa gươm.

Trái tim ta cao hứng hân hoan

Khi nghe những lời vinh quang ấy quá.

Niềm tin Cha Ông, niềm tin thánh hóa!

Ta thề trung thực cùng ngươi đến chết

Ta thề cùng ngươi đến chết thực trung.

(Faith of our Fathers

Living still,

In spite of dungeon, fire and sword.

O how our hearts beat high with joy

Whene’er we hear that glorious word.

Faith of our Fathers, holy faith!

We will be true to thee till death.

We will be true to thee till death).

Một khúc được người Công giáo Ái Nhĩ Lan ở Úc thêm vào trong thời gian này cho thấy cha ông nói tới trong bài ca chính là các thánh của Ái Nhĩ Lan và các sức mạnh của sự ác chính là chính phủ và các hệ phái khác từng muốn buộc họ phải đứng ngoài sinh hoạt Úc.

Niềm tin Cha Ông, mưu ma sức mạnh

Kết liên làm ngươi cay đắng.

Nhưng các thánh Ái-lan sẽ chiến đấu

Và duy trì ánh sáng ngươi rạng ngời.

(Faith of our Fathers, guile and force,

To do thee bitter wrong unite.

But Erin’s saints shall fight for us

And keep undimmed thy blessed light).

Campion, E. (1982). “Rockchoppers: Growing up Catholic in Australia” Victoria:

Penguin Books tr. 51-55

Sau này, các ý niệm tương tự cũng được nói lên trong một bài hát được các học sinh các trường Công giáo sử dụng:

Em là em nhỏ Công giáo

Em yêu đức tin của em

Em sẽ trung thực với thánh Giáo hội

Và bền vững cho đến chết

Em lánh những trường tìm cách

Chài mời thiếu niên Công giáo tội nghiệp

Không có không biết trường nào

Mà chỉ biết trường dạy điều chân thật I am a little Catholic

(I love my holy faith

I will be true to holy Church

And steadfast unto death.

I shun the schools of those who seek

To snare poor Catholic youth

No Church I own, no school I know,

But those that teach the truth)

7. Giáo dục tôn giáo và nền linh đạo Ái Nhĩ Lan

Giáo dục tôn giáo trong các trường Công giáo từ thời này cho đến tận thập niên 1950 dựa trên một cuốn sách nhỏ, được soạn lại năm 1937, và sau này gọi là ‘Sách Giáo Lý Nhỏ Mầu Xanh’. Sách này soạn dưới hình thức hỏi thưa mà các học sinh phải học thuộc lòng. Bài học tôn giáo trong ngày gồm việc học sinh phải đọc to các câu trả lời trong sách, nói đến mọi vấn đề tín lý, luân lý và luật Giáo hội. Linh mục hay Giám mục thường xuyên tới khảo hạch các em xem có biết các câu trả lời của sách giáo lý hay không.

Nhà sử học Công giáo, Edmund Campion, khi viết về những ngày đầu tiên của các trường Công giáo tại Úc, đã miêu tả nền linh đạo độc đáo đầy tính Ái Nhĩ Lan mà các học sinh phải hấp thụ cùng với các câu trả lời Giáo lý của mình như sau:

“Các trường học là những căn nhà ọp ẹp, không sơn phết, chưa bao giờ có đủ tiền. Nhân viên các trường này là những người đàn ông đàn bà làm việc quá sức, được chuẩn bị quá ít. Nhưng bù đắp cho cái thiếu vắng hào nhóang ấy (dù đôi lúc vẫn có đó), là lòng hy sinh quên mình và tình yêu thương học trò vô sánh của họ. Học trò, phần lớn con cái nhà lao động, thuộc các gia đình đông người mà sau này ta thường gọi là gia đình mở rộng. Ở trường, các em hấp thụ một nền văn hóa mà phần lớn sẽ không bao giờ để mất. Kinh cầu, tuần chín ngày, ăn năn tội cách trọn, mục đích của sửa mình, bái gối, giúp lễ - sẽ là những ngôn từ văn hóa đặc trưng xuất hiện dễ dàng trong đàm thoại của các em suốt quãng đời còn lại, bất kể là nhếch nhác hay ngoan đạo” (Campion, E. [1982], Rochchoppers: Growing up Catholic in Australia. Victoria, Penguin Books, tr.68).

Người Công giáo của Úc thấy rằng các trường học, mà họ từng làm việc vất vả và hy sinh rất nhiều cho, có hai mục đích. Mục đích thứ nhất là giáo huấn trong đức tin Công giáo và mục đích thứ hai là bảo đảm cung cấp cho các trẻ em Công giáo một nền giáo dục giúp các em có thể có chỗ đứng gây ảnh hưởng trong xã hội Úc.

Người Công giáo chiếm khoảng một phần tư dân số Úc, và qua các trường học cũng như sinh hoạt giáo xứ tích cực của họ, họ đã gây được áp lực trên chính phủ và các giáo hội Thệ Phản chủ yếu. Họ nhất định không chấp nhận địa vị công dân hạng nhì và điều này gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trong xã hội nói chung.

8. Đức Tổng Giám mục Vaughan

Đức TGM Vaughan
Tổng Giám mục Roger Vaughan xưa nay được mệnh danh là kiến trúc sư của nền giáo dục Công giáo tại Úc. Từ Anh đến Úc năm 1873, ngài làm Giám mục phó cho Tổng Giám mục Polding và khi TGM Polding qua đời, ngài nối nghiệp làm tổng Giám mục Sydney. Trẻ trung, nhiều nghị lực và có tầm nhìn xa, ngài bắt tay xây dựng nền giáo dục Công giáo và biến Đạo Công giáo thành một lực lượng hữu hình tại Úc. Nhà sử học Patrick O’Farrell miêu tả Tổng Giám mục Vaughan như sau:

Như vậy là ở đây ta thấy một giáo sĩ với nhiều khả năng phi thường, ý chí mạnh, tự hào và có tham vọng trong sinh hoạt của một tôn giáo trí thức, một bậc thầy hùng biện của nghệ thuật giảng thuyết. Ông không được người ta muốn có tại Úc lúc đó. (O’Farrell,P. (1968). The Catholic Church in Australia: A Short History, 1878-1967. Sydney: Thomas Nelson Aus. Ltd, tr.123)

Vaughan tin chắc rằng cộng đồng Công giáo ở Úc phải theo đuổi hai con đường rõ ràng nếu Đạo Công giáo muốn có chỗ đứng trong lòng quốc gia. Con đường thứ nhất là xây dựng những nơi thờ phượng thật đẹp và thật nổi và con đường thứ hai phải xuyên qua giáo dục Công giáo. Ngài quyên tiền để hoàn tất nhà thờ chánh tòa St Mary tại Sydney và trong vòng mười năm từ khi làm tổng Giám mục, ngài đã gia tăng gấp đôi con số các nhà nguyện và nhà thờ Công giáo khắp New South Wales. Ngài biến trường Công giáo thành biểu tượng của Đạo Công giáo tại Úc, đem nhiều dòng tu nam nữ tới Úc để dạy trong các trường ấy và thúc giục giáo dân Công giáo đóng góp cho các nhà thờ và các trường học, là hai thứ sẽ thiết dựng Đạo Công giáo như một lực lượng trong đời sống Úc. Trong khi trở lại Anh để tuyển thêm nhiều thầy giáo cho các trường, ngài qua đời ở đó năm 1883, mới vừa tròn 49 tuổi!

9. Đức Hồng y Moran

Tổng Giám mục kế tiếp của Sydney là Đức Hồng y Moran. (Ngài được Đức Giáo hoàng Leo XIII phong Hồng y chưa đầy một năm sau khi làm tổng Giám mục Sydney). Là Giám mục gốc Ái Nhĩ Lan đầu tiên của Sydney, nên ngài được người Công giáo Ái Nhĩ Lan chào đón hân hoan. Cộng đồng người Ái Nhĩ Lan ở Úc vẫn muốn đánh tan ảnh hưởng của người Anh, ngay cả trong sinh hoạt Giáo hội, và lấy sinh hoạt tôn giáo cũng như quốc gia Ái Nhĩ Lan làm mẫu mực cho Úc. Họ hy vọng rằng vị tổng Giám mục Ái Nhĩ Lan này sẽ giúp họ làm được điều đó. Tuy nhiên, Moran lại tin rằng con đường trước mặt không phải là tạo nên một Ái Nhĩ Lan tại Úc. Ngài chủ trương hội nhập xã hội, mong muốn người Công giáo Úc thích ứng vào một cộng đồng đa dạng đánh dấu bằng chấp nhận và kính trọng nhau. Ngài khuyến khích người Công giáo gia nhập các sinh hoạt chính trị, và trong thời ngài làm tổng Giám mục, người Công giáo trở nên rất tích cực về phương diện chính trị nhất là trong nội bộ Đảng Lao Động, một đảng phát sinh từ phong trào lao động năm 1891.

Đức HY Moran
Moran tin chắc rằng người Công giáo phải tích cực trong lãnh vực xã hội và chính trị để thay đổi chúng. Ngài cho rằng người Công giáo không những chỉ cần những nhà thờ đẹp, mà, cũng như tại Âu Châu, họ còn cần những ngôi nhà thích đáng cho các Giám mục của mình và các chủng viện để đào tạo linh mục nữa. Ngài cho xây dinh tổng Giám mục tại Manly, và một trú sở khác cạnh Nhà thờ Chính tòa St Mary. Ngài cũng xây Học viện St Patrick tại Manly làm chủng viện toàn quốc để đào tạo các linh mục. Vào lúc đó, tất cả các linh mục tại Úc đều là người Ái Nhĩ Lan, nhưng Moran cương quyết huấn luyện linh mục người Úc. Đến thời ngài làm tổng Giám mục, quả thật có những người Công giáo tại Úc chưa bao giờ biết Ái Nhĩ Lan và tự nhận mình là Úc chứ không phải Ái Nhĩ Lan.

Cùng với các Giám mục Úc khác, ngài thành công trong việc vận động các thẩm quyền giáo dục tiểu bang chịu thanh tra các trường Công giáo, nhờ thế bảo đảm rằng các trường này cung cấp cho các học sinh Công giáo một nền học vấn không thua gì hệ thống giáo dục tiểu bang. Ngài hy vọng rằng điều ấy có nghĩa tài trợ của tiểu bang sẽ trở lại với các trường Công giáo. Tuy nhiên, phải bẩy mươi năm sau, việc ấy mới xẩy ra.

Dưới sự lãnh đạo của Moran và nhiều Giám mục Úc khác, hệ thống giáo dục Công giáo phát triển cả về phẩm lẫn số lượng. Cái nhìn của Moran hướng tới một Giáo Hội Úc duy nhất, chứ không nhằm tạo ra một tổ hợp các Giáo hội thuộc địa, và ngài cố gắng làm việc cho sự hiệp nhất ấy. Ngài triệu tập khá nhiều công đồng các Giám mục Úc và đi khắp Úc và New Zealand để gặp gỡ giáo dân Công giáo và đem lại sự hiệp nhất cho Giáo hội.

10. Hồng y Moran và Liên Bang

Năm 1895, hội nghị các Thủ hiến Tiểu bang thỏa thuận rằng sẽ có những cuộc bầu cử vào Hội Nghị Liên Bang (Federal Convention). Nhiệm vụ của hội nghị này là quyết định phương cách thành lập một chính phủ liên bang cho Úc. Trong một cuộc họp tại Bathurst để đề cử ứng viên, Hồng y Moran ủng hộ mạnh mẽ cho một Liên Bang Úc (Australian Federation). Mặc dù cuối cùng ngài không được bầu vào Hội Nghị Liên Bang, nhưng việc ngài can dự vào nền chính trị của Úc đã gây nên xôn xao trong dư luận. Một số người Công giáo nghĩ rằng việc ấy chỉ tổ gây thêm cuồng tín về phía người Công giáo và một số người Thệ Phản thì tin rằng đây là khởi đầu việc người Công giáo thôn tính nước Úc! Quả là một dịp khiến người ta nhớ đến chủ nghĩa bè phái vẫn nằm bên dưới bộ mặt sinh hoạt tại Úc. Nó đánh dấu sự can dự sâu sắc của người Công giáo Úc vào các đảng phái chính trị.
 
Câu kinh tình yêu
Sa Mạc Hồng
10:15 04/07/2008
Câu kinh tình yêu.

Câu kinh tình yêu con hát mỗi ngày
Là những lát cuốc bên luống cày
Giọt mồ hôi chảy dài
Hoà vui với bàn tay
Nhịp nhàng trong câu hát!

Câu kinh tình yêu
Con hát với lời nguyện cầu
Niềm vui trộn lẫn với nỗi đau
Trên sàng lọc nhiệm mầu
Đau buồn và thất vọng rơi xuống
Còn lại hạnh phúc tươi cười
Nắm tay cuộc đời
Vẫy gọi lòng hy sinh cùng ca hát!

Câu kinh tình yêu
Con hát trong một buổi chiều
Khi nghe lời chửi rủa
Của một người say rượu ngả nghiêng
Thua ván bài cháy túi
Và tiếng cười man dại của một người điên
Buồn đời đổi trắng thay đen!

Câu kinh tình yêu
Con cất lên trong tiếng nức nở nghẹn ngào
Của một người tù oan ức
Thấp cổ bé miệng chẳng biết nói sao
Và một người mẹ trẻ
Tay bồng tay dắt con thơ
Trên đường phố, bước thẩn thờ
Giữa nắng trưa hè
Tìm xin cho con miếng bánh!

Câu kinh tình yêu Chúa để đời
Vang mãi trong lòng người
Ai đón tiếp một người nghèo khó
Cho họ một chén nước lã thôi
Là cho chính Cha Ta ở trên trời
!”(Mt11:40-42)

Câu kinh tình yêu Chúa dạy con
Thật vuông tròn
Xin tha nợ cho chúng con
Cũng như chúng con sẽ quên
Những người mắc nợ chúng con
!” (Mt6:12)

Câu kinh tình yêu tuyệt diệu
Giữa cuộc đời, thông cảm cho nhau
Giữa cuộc đời, chia sẻ cho nhau
Giữa cuộc đời, tha thứ cho nhau!
 
Danh sách các từ chuyên môn dùng trong Truyền Thông Mới (New Media)
Anthony Lê
12:03 04/07/2008
Danh sách các từ chuyên môn dùng trong Truyền Thông Mới (New Media)

Trước những tiến bộ vượt bậc trong lãnh vực truyền thông đa phương tiện (multimedia), và gần đây nhất chính là việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô qua các phương tiện Truyền Thông mới, người viết xin được phép giới thiệu cùng Quý Vị độc giả VietCatholic vài thuật ngữ chuyên môn dùng trong lãnh vực này, để chúng ta nắm được ý tưởng chính một khi những thuật ngữ này được dùng đến hay nêu ra.



MP3 - (MPEG-1 Audio Layer-3) - Đây là tiến trình nén được sử dụng để chuyển tải các tập tin về âm thanh qua mạng Internet và chứa trong các máy chơi cầm tay và các mạng/máy chủ chứa âm thanh số / (The compression process used to transfer audio files via the Internet and store in portable players and digital audio servers).



MP4 - (MPEG-4 Part 14 hay ISO/IEC 14496-14:2003) - Đây chính là một dạng chứa truyền thông đa phương tiện. Nó thường được dùng để chứa các dòng truyền âm thanh số và các dòng chuyền hình ảnh số, và các dạng dữ liệu khác như: các phụ đề và các hình ảnh bất động / (A multimedia container format standard and it is most commonly used to store digital audio and digital video streams, plus other data such as subtitles and still images).

MP3 chỉ là dạng nén của âm thanh còn MP4 có thể chứa đựng được cả âm thanh, thu hình ảnh (video) và cả văn bản (text).



iPod - là một máy chơi nhạc dưới dạng MP3 do công ty Apple sản xuất ra / (An MP3-format music player produced by Apple).

RSS Feeds - (Really Simple Syndication) - là một dạng quen thuộc của những định dạng Web cung cấp được dùng để xuất bản ra những nội dung luôn được cập nhật hóa như các mục có trong trang Blogs, các hàng đầu đề lớn của các tin tức, và các Podcasts có trong một dạng định thức chuẩn / (A family of Wed feed formats used to publish frequently updated content such as blog entries, news headlines and podcasts in a standardized format).

News aggregator - là phần mềm nhằm cho phép rất nhiều nội dung tin tức cùng một lúc (như dạng RSS Feeds chẳng hạn) được tổng hợp lại và hiển thị ra cùng với nhau / (A software that allows syndicated news content [such as RSS Feeds] to be brought together and displayed).



Podcast - tức là dạng truyền phát trực tuyến của một buổi phát âm thanh hay nội dung / (The online delivery of an audio broadcast or content).





Vodcast - tức là dạng truyền phát trực tuyến về nội dung bằng hình ảnh-theo-yêu cầu / (The online delivery of video-on-demand [VOD] content).



Blog (viết tắt cho 2 chữ Web Log) - tức là một nhật ký hay một sổ nhật ký trực tuyến vốn thường hay được cập nhật / (An online diary or journal that is frequently updated).

IM - (Instant Messaging) - một kiểu mạng lưới giao tiếp xã hội bằng cách nối kết nhiều người lại với nhau thông qua môt mạng lưới trực truyến / (A phenomenon or a social networking defined by linking people to one another via an online network).

Viral Video - đoạn nội dung hình ảnh nhằm thu hút sự chú ý rộng rãi của quần chúng bằng cách chia sẽ qua mạng Internet, hay thông thường nhất là qua các thư tín điện tử hay qua việc nhắn tin tức thời. Đây không phải là một dạng virús của máy điện toán, vốn được mã hóa một cách hiểm ác để có thể lây lan vào máy điện toán và tiêu hủy các dữ liệu / (Video clip content that gains widespread popularity through Internet sharing, often through emails or instant messaging. Not to be confused with a computer virus, which is malicious code that can infect your computer and destroy data).

YouTube - một trang Web phổ biến để chia sẽ hình ảnh nhằm cho phép những người dùng tải lên, xem và chia sẽ các đoạn hình ảnh miễn phí / (A popular free video sharing website that allows users to upload, view and share video clips).

VOD - (Video-on-Demand) - là hệ thống cho phép người sử dụng máy điện toán chọn và xem nội dung về hình ảnh theo yêu cầu (A system that allows users to select and watch video content on demand).

AVOD - (Audio Video-on-Demand) - là hệ thống cho phép người sử dụng máy điện toán chọn và xem hoặc lắng nghe nội dung về hình ảnh / âm thanh theo yêu cầu (A system that allows users to select and watch/listen video/audio content on demand).

Blackberry - chính là một thiết bị cầm tay không dây hay vô tuyến được giới thiệu vào năm 1997. Nó được dùng để gởi email, gọi điện thoại, nhắn tin tức, gởi fax qua mạng Internet, duyệt qua các trang Web và các dịch vụ thông tin vô tuyến khác. Nó được chủ yếu biết đến vì khả năng có thể gởi và nhận email tại bất cứ lúc nào mà nó tìm thấy được mạng vô tuyến của các công ty cung cấp các dịch vụ điện thoại / (A wireless handheld device introduced in 1997. It supports push e-mail, mobile telephone, text messaging, internet faxing, web browsing and other wireless information services. It is primarily known for its ability to send and receive e-mail wherever it can access a wireless network of certain cellular phone carriers).

PDA - (Personal Digitial Assistant) - là một kiểu máy điện toán cầm tay nhỏ. Nó có thể duyệt qua các trang Web, gọi điện thoại, chơi nhạc, và có các phần mềm thông dụng như: lịch, danh sách địa chỉ, những điều cần làm, vân vân... / (A handheld computer, also known as small or palmtop computers. Newer PDAs also have both color screens and audio capabilities, enabling them to be used as mobile phones [smartphones], web browsers, or portable media players, and other applications such as: address book, calendar, to-do lists, etc.)

E-Mail - (Electronic Mail) - chính là cách thức chứa và chuyển đi của việc ghi chép, gởi đi, nhận vào và lưu giữ các bức thông điệp qua các hệ thống giao tiếp điện tử / (A store-and-forward method of writing, sending, receiving and saving messages over electronic communication systems).

Website - (Web Site) - là một tập hợp các trang Web, các hình ảnh, các đoạn video hay các dụng cụ số khác được chứa tại một hay nhiều mạng web server chủ, vốn thường truy cập được qua mạng Internet / (A collection of Web pages, images, videos or other digital assets that is hosted on one or more web servers, usually accessible via the Internet).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nữ Thần Tự Do - The Land Of The Free
Nguyễn Đức Cung
00:28 04/07/2008

NỮ THẦN TỰ DO – The Land Of The Free!



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Tự Do chẳng phải của cho

Mồ hôi, nước mắt Tự Do mới thành.

In the truest sense, freedom cannot be bestowed, it must be achieved.

(Frankin D Roosevelt - nđc phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền