Ngày 04-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:41 04/07/2024

11. Cầu nguyện là chìa khóa mở cửa thiên đàng, mà thiên đàng là kho chứa dựng ân sủng, phải dùng chìa khóa cầu nguyện mới có thể mở được cửa.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:44 04/07/2024
99. VĨNH LINH CẮP MŨ

Địch Vĩnh Linh người Thường Châu vốn là một thiếu niên tinh nghịch, hắn ta vừa mới vào học thì đã làm một chuyện xấu. Thầy đốc học rất nghiêm khắc, mỗi ngày khi trời chưa sáng thì bắt học trò phải tập họp vào trong lớp nghe ông ta giảng bài, các học trò cảm thấy đi học rất là khổ.

Một hôm, Địch Vĩnh Linh bị bạn học xúi bậy núp sau bức tường thấp bên đường, đợi khi thầy giáo đến thì bật dậy dùng thủ pháp rất nhanh nhẹn tuột cái mũ của ông ta, và đem đội trên đầu cái tượng ông thổ địa ở trong miếu.

Thầy giáo đi tìm mũ khắp nơi và vất vả lắm mới thấy cái mũ ở trong miếu, và ông ta cho rằng thần thổ địa phạt ông ta nên rất kinh hãi, từ đó không dám đến trường vào sáng sớm nữa.

(Nhã Ngược)

Suy tư 99:

Làm việc gì thì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó, bởi vì chính những công việc ấy sẽ tố cáo chúng ta trước tòa Thiên Chúa, có nghĩa là chính Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về những việc chúng ta đã làm.

Nếu ông thầy giáo biết rằng trời chưa sáng mà bắt học trò đến lớp nghe giảng là một cách cay nghiệt với học trò nhỏ, thì ông ta sẽ không hối hận khi tìm thấy cái mũ ở trên đầu ông thổ địa; nếu người ăn trộm biết rằng mình ăn trộm là không đúng, thì sẽ không còn thời giờ để hối hận vì việc làm sai trái của mình; nếu bố mẹ biết rằng không dạy con nên người là phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, thì nhất định là luôn quan tâm dạy dỗ con cái nên người; nếu các linh mục biết rằng tội của mình sẽ nhân lên nhiều lần nếu mình không làm tròn trách nhiệm, thì các ngài sẽ mau mắn đi giúp kẻ liệt, mau mắn ngồi tòa cáo giải, đi thăm các gia đình nghèo...

Thiên Chúa không trợn mắt trợn mũi để hét la kẻ dữ trong ngày phán xét, nhưng chính những việc làm sai trái của chúng ta ngày hôm nay sẽ tố cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Không còn phải thẹn thùng
Lm. Minh Anh
18:32 04/07/2024
KHÔNG CÒN PHẢI THẸN THÙNG
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi!”.

“Thật nghịch lý, Ngài ăn uống với tội nhân để họ không chết đói vì tội lỗi của mình! Đấng vô tội bị tội nhân - những kẻ tự cho mình là ‘công chính’ - gọi là bất hợp pháp, báng bổ, mê rượu, háu ăn và mạo danh! Đấng Toàn Thánh kết giao với phường tội nhân để họ không còn phải thẹn thùng!” - Anthony Fortosis.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay chứng thực nghịch lý Anthony Fortosis đã nêu, Chúa Giêsu “không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”, một hãnh diện cho các tội nhân! Vì thế, ai nhận mình có tội, nhờ Ngài, sẽ ‘không còn phải thẹn thùng!’.

Điều này có thể gây ngạc nhiên! Đúng, Chúa Giêsu đến vì mọi người, công chính và tội lỗi; nhưng điều chúng ta cần hiểu là, ‘không ai thực sự công chính’. Nói cách khác, tất cả mọi người đều là tội nhân cần Chúa Cứu Thế. Bằng cách nói “Tôi không đến để kêu gọi người công chính”, Ngài nói đến thái độ tự cho mình là ‘công chính’ của các biệt phái, những người nghĩ Ngài ‘chỉ nên kết giao’ với những ai không phạm tội, ‘chỉ nên giao tiếp’ với họ và với bất kỳ ai - mà ‘cách công khai’ - không ai biết họ là tội nhân! Vậy mà, nguyên não trạng và thái độ đề cao bản thân để khinh chê người khác cũng đủ khiến họ trở thành kẻ có tội! Buồn thay, tội của người Pharisêu ‘có tính chất tử tế’ hơn so với tội của những người khác! Tội của họ là tội kiêu ngạo tâm linh - không nhìn thấy tội mình - và Thiên Chúa bất lực để có thể tha thứ cho họ!

Tuyên bố mạnh mẽ trên đây của Chúa Giêsu dẫu là dành cho giới biệt phái, nhưng còn là một lời mời gọi dành cho bạn và tôi, những ai sẵn sàng thừa nhận tội lỗi mình. Một khi có thể hạ mình trước sự tốt lành của Thiên Chúa, nhìn nhận tội lỗi mình trong ánh sáng Ngài, chúng ta cho phép Chúa Giêsu đóng vai Thầy Thuốc Thần Thánh trong cuộc sống. Vì thế, việc nhận ra lòng thương xót của Ngài chữa lành một cách hoàn hảo như thế nào sẽ dẫn chúng ta đến chỗ sẵn sàng chạy ùa đến với lòng lân tuất của Ngài như vậy. Sự mau mắn của Matthêu đã chứng thực điều đó, “Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Qua Amos, Thiên Chúa vạch tội những người giàu có áp bức kẻ nghèo. Ngài kêu gọi họ sám hối, nhận ra lỗi lầm. Và Ngài cảnh báo, nếu không sám hối, rồi đây, họ không chỉ chuốc lấy tang tóc, đói khát cơm bánh nhưng đói một cái gì lớn hơn, “Đói nghe Lời Chúa!” - bài đọc một. Thánh ca Tin Mừng lặp lại sự thật này, “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn phải nhờ Lời Chúa dưỡng nuôi!”.

Anh Chị em,

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi!”. Như vậy, việc kết giao với các tội nhân là niềm vui thực sự của Chúa Giêsu. Không chỉ mời gọi tội nhân, kết thân với tội nhân, nhưng Ngài còn trở nên ‘như một tội nhân’. Hơn thế nữa, Ngài để cho những người ‘không nhận mình là tội nhân’ hành hạ và giết chết. Bằng cách đó, Ngài thấu hiểu tội nhân, chạm đến những vết thương tội lỗi gây cho họ. Vì thế, đừng bao giờ ngã lòng, sợ hãi hay mặc cảm khi thấy mình có tội; trái lại, tin tưởng và hy vọng, vì biết rằng, đó là lúc chúng ta ‘gần Chúa’ nhất; cũng là lúc ‘Chúa gần’ chúng ta nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội, đây là lúc con ‘gần Chúa’ nhất, cũng là lúc ‘Chúa gần’ con nhất! Vì con ‘cần Chúa’, cũng như Chúa đang rất ‘cần con!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Coi Thường - Mk 6:1-6
Lm Vũđình Tường
18:49 04/07/2024
Phán đoán một cá nhân mà dựa vào tuổi tác, nơi chốn và nghề nghiệp cha mẹ họ là một phán đoán thiếu chính xác. Thứ nhất khả năng nhận xét của cá nhân có giới hạn, sai lầm, phiếm diện. Thứ hai phán đoán có thể do nghe người khác nói về họ nhiều hơn là chính mình trực tiếp nói chuyện với cá nhân đó. Thứ ba, phán đoán khó tránh khỏi ảnh hưởng bởi tin đồn. Rất nhiều người dòng tộc bình thường, sinh tại miền quê, sống vùng hẻo lánh; thuở hàn vi sống cảnh nghèo, đơn sơ; lúc thiếu thời bình thường nhưng khi trưởng thành lại trở thành người hữu dụng, có vị thế, danh nhân trong xã hội.

Đức Kitô trở về quê quán, Người giảng dậy trong hội đường. Người ta ngạc nhiên về khôn ngoan và giáo huấn của Ngài. Họ đặt vấn đề Đức Kitô thực sự tài giỏi, khôn ngoan, xuất chúng như thế hay chỉ là lấy bài của người khác rồi về quê giảng dậy loè bịp thiên hạ. Họ không tin Ngài thực sự tài giỏi như lời Ngài giảng dậy. Cách phán đoán, suy nghĩ trên dẫn đến việc họ mù quáng trong nhận xét, sai lầm trong phán đoán và cuối cùng từ chối thán phục và tin vào khả năng thực của Đức Kitô. Dân làng quên là khi Đức Kitô lên mười hai tuổi Ngài đã đối đáp với các luật gia trong Đền Thờ và người ta ngạc nhiên, khâm phục về trí thông minh của Ngài ( Luca 2: 41-50). Dân làng cũng không nhớ Đức Kitô làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana, hoá nước lã thành rượu ngon đến độ quản tiệc phải ngạc nhiên (Gioan 2). Họ cũng không nhớ đến việc Ngài sinh ra có mục đồng, ba vua đến thờ lậy và có tiếng thiên thần ca vang từ trời cao. Những điều tốt lành, cần nhớ người ta lại mau quên; trong khi lại nhớ tin đồn.

Chê bai, bài bác, coi thường Đức Kitô là coi thường chính cá nhân Đức Kitô. Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Như thế là chối bỏ Đấng Tạo Hoá, Đấng tạo dựng nên cá nhân ta và tạo dựng vũ trụ cho ta được sống và hưởng thành quả của vũ trụ Chúa tạo dựng. Thứ hai, coi thường Đức Kitô chính là chối bỏ tài năng, sứ mạng Đức Kitô. Sứ mạng đó là ban ơn cứu độ cho những ai tin tưởng, yêu mến Ngài. Vì chối bỏ ơn cứu độ nên sẽ không nhận được ơn cứu độ, sự sống trường sinh Đức Kitô ban. Thứ ba coi thường điều tốt lành, giáo huấn, điều răn yêu thương Đức Kitô giảng dậy là từ chối thay đổi lối sống cũ để đón nhận lối sống mới tốt lành hơn, trong sáng hơn, yêu thương hơn và dễ thực hiện hơn.

Đức Kitô cho biết Ngài không đến trần gian để tìm vinh danh cho cá nhân Ngài.

'Tôi không cần người đời tôn vinh' Gioan (5: 41).

Đức Kitô đến trần gian do vâng phục Thánh í Chúa Cha; làm Vinh Danh Chúa Cha. Giáo huấn của Ngài là giáo huấn của Chúa Cha. Chính Đức Kitô nói lên điều đó:

'Tôi không tìm cách làm theo í riêng tôi, nhưng theo í Đấng đã sai tôi'. (Gioan 5,30).

Người ta lí luận đại đa số luôn đúng. Rất nhiều trường hợp ta bị cuốn hút bởi í kiến đại đa số. Nên nhớ đám đông thường bị giới lãnh đạo hướng dẫn. Ngày nay truyền thông làm công việc hướng dẫn khán giả qua những thông tin họ đưa đến. Bao lần người ta tranh cãi gắt gao vì dựa vào thông tin trên báo chí hay trên TV. Không mấy ai đặt vấn đề thông tin đó đúng, chính xác đến mức nào. Mà có đặt vấn đề cũng không có khả năng kiểm chứng. Người làm truyền thông đôi khi có phán đoán sai, hoặc nhận nguồn tin không chính xác. Tin đó loan đi; tin vào nguồn tin đó là bị dẫn đi trong đêm tối. Thời Đức Kitô, nhiều phe nhóm ảnh hưởng bởi hào quang quyền lực, lợi nhuận, ra mặt bài bác, chống đối Đức Kitô. Do cố bám víu vào truyền thống, phong tục, tập quán, từ chối thay đổi; họ đưa ra nhận xét sai lầm về Đức Kitô; bài bác giáo huấn Đức Kitô rao giảng. Họ loan truyền nhận xét riêng, phán đoán sai lạc, thiếu chính xác về Đức Kitô. Tin theo họ từ chối Đức Kitô là mất tất cả.

Không thích, không ưa Đức Kitô chẳng nhận được ơn chữa lành phần xác. Quan trọng hơn cả là ơn chữa lành phần tâm linh mà Đức Kitô có sứ mạng trao ban. Phúc Âm ghi lại

'Người đã không làm được phép lạ nào tại đó.... vì họ không tin (Macô 6: 6).

Đây là trường hợp dân làng Đức Kitô, họ nghe Ngài và ngạc nhiên về lời khôn ngoan Ngài giảng dậy nhưng họ không để tâm vào những lời khôn ngoan đó; trái lại họ xì xèo bàn tán với nhau về gia đình Ngài. Bởi từ chối đón nhận Đức Kitô nên Ngài không làm phép lạ chữa lành những người đó. Chữa lành đây chính là chữa lành phần tâm linh vì họ từ chối đón nhận ân sủng Đức Kitô mang lại. Từ chối đón nhận ơn cứu độ nên tiếp tục sống trong đau khổ của tội. Tội làm cho con người ra mù quáng không nhận ra điều sai lầm, tội lỗi.

Người ta không thể sống mà không có niềm tin, bởi niềm tin mang hy vọng. Con người bám víu vào niềm tin để nuôi hy vọng. Có người đặt niềm tin, hy vọng thành công của con cháu; kẻ khác tin vào khoa học. Kẻ khác tôn thờ thần sông, biển, bão tố. Kẻ khác nữa tin vào tiến bộ của i khoa. Kẻ khác nữa tôn thờ chủ thuyết. Kitô hữu tin vào Đức Kitô, giáo huấn Ngài và tin vào tình yêu vô bến bờ Đức Kitô trao ban, cộng thêm sự sống trường sinh được chính Chúa Cha hứa ban cho những ai đặt trọn niềm tin vào Con Thiên Chúa là Đức Kitô, Chúa chúng ta.

TiengChuong.org
 
Ngày 06/07: Thời đại mới thì con người phải mới – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
19:05 04/07/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nghệ phẩm của Marko Rupnik không dễ bị loại bỏ (đã cập nhật)
Vũ Văn An
19:23 04/07/2024
Như đã loan tin (https://vietcatholic.net/News/Home/Article/290553), ngày 21 tháng sáu, năm 2024, tại Hội nghị Truyền thông Công Giáo ở Atlanta, Bộ trưởng Truyền thông của Tòa Thánh, Ruffini, lớn tiếng bênh vực việc Tòa Thánh tiếp tục sử dụng các nghệ phẩm của linh mục Marko Rupnik, người hiện bị tố cáo là lạm dụng tình dục nhiều người lớn tuổi trong hơn 30 năm qua, với câu nói thời danh “tôi nghĩ chúng ta không nên ném đá”, và loại bỏ tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik khỏi không gian công cộng “không phải là một phản ứng của Kitô giáo”. Ông cũng cho rằng chính lãnh đạo Dòng Tên, dù trục xuất Rupnik khỏi Dòng, vẫn duy trì các nghệ phẩm của Rupnik. Vả lại nghệ sĩ huyền thoại người Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio, được biết đến rộng rãi với cái tên đơn giản là Caravaggio, từng giết một người đàn ông trong đời mình, mà nào có ai nghĩ đến việc loại bỏ các nghệ phẩm của ông. Vả lại, theo Ruffini, loại bỏ các nghệ phẩm của Rupnik có làm ai gần gũi hơn với các nạn nhân của ngài không?



Christopher R. Altieri, trên Catholic World Report, ngày 23 tháng Sáu, cực lực phê phán quan điểm của Ruffini, cho rằng “Căn cứ vào bất cứ tiêu chuẩn khách quan nào”, nói như thế quả là một “đại họa” và do đó, người ta “đang kêu gọi Ruffini từ chức”. Lý do, ông đã “bênh vực nghệ thuật hiếp dâm”. Tuy nhiên, Altieri còn cho hay Ruffini chỉ là “phát ngôn viên của một người mà phương thức cai trị được minh họa chính xác bởi các tên như Inzoli, Ricca, Danneels, Barros, Errazuriz, Ezzati và Barbarin, Zanchetta, Vangheluwe, Ricard”. Thành thử đây là “một cuộc khủng hoảng cai trị”. Nó “có tính biểu tượng cho một nền văn hóa lãnh đạo giáo sĩ và phẩm trật thường quá thối rữa và nặng mùi”. Altieri không quên nhắc đến việc mới năm ngoái đây, Đức Phanxicô còn dùng nghệ phẩm của Rupnik trong một Sứ điệp video gửi đại hội Thánh Mẫu tại Aparecida, Ba Tây” Và ngài “chưa bao giờ xin lỗi hay thậm chí giải thích việc ấy”. “Ngài cóc cần”.

Gần đây hơn, ngày 28 tháng Sáu, 2024, theo CNA, Đức Hồng Y O’Malley, “cố vấn tối cao của Đức Giáo Hoàng về việc lạm dụng tình dục bởi giáo sĩ yêu cầu các viên chức Vatican đừng sử dụng nghệ thuật của linh mục cựu Dòng Tên bị tố cáo lạm dụng tình dục các phụ nữ, cho dù một số viên chức Giáo hội tiếp tục sử dụng như thế”. Ngài cho rằng tiếp tục như thế “có thể hàm ý gỡ tội hoặc bênh vực cách tinh tế” những kẻ bị tố cáo lạm dụng. Ngài cho hay: “chúng ta phải tránh gửi đi thông điệp nói rằng Tòa Thánh không lưu ý tới nỗi cùng quẫn tâm lý của rất nhiều người đau khổ”.



Xét cho cùng, Altieri hay Đức Hồng Y O’Malley cũng chỉ là một cá nhân, cùng lắm lên tiếng nhân danh một số người, trong khi Ruffini là Bộ trưởng Bộ truyền thông Tòa Thánh, còn Đức Phanxicô đứng đầu Giáo Hội, với sự trợ giúp của cả một giáo triều làm việc trong tính liên tục suốt 21 thế kỷ qua. Họ hẳn có cái nhìn bao quát hơn rất nhiều. Do đó, thiển nghĩ ta chỉ có thể “kiến nghị”, hơn là chỉ trích phê phán tiêu cực.

Vả lại, nghệ phẩm không phải là chuyện đơn giản. Ngay trong việc lạm dụng kinh nghiệm tâm linh và huyền bí để phạm tội và biện minh trong Giáo Hội, điều mà các nạn nhân của Rupnik ngầm cho hiểu, theo Đức Hồng Y Fernandez, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, các tranh luận về từ vựng cũng có thể làm rối ren việc truy tố” [xem https://cruxnow.com/vatican/2024/05/doctrine-czar-cautious-on-charge-of-false-mysticism-in-cases-such-as-rupnik]. Theo ngài, thuật ngữ “huyền nhiệm giả tạo” chỉ mới có trong thần học, chứ chưa có trong giáo luật hay đúng hơn: “huyền nhiệm giả tạo được coi là một tội ác chống lại đức tin, dù không có tiêu chuẩn luật pháp được định nghĩa rõ ràng”. Do đó, dù Bộ Giáo Lý Đức Tin có nhiệm vụ giải quyết các tội phạm đến đức tin này, nhưng Regulamento của Bộ năm 1995 do Đức Hồng Y Ratzinger ký ban hành không mô tả chi tiết “bản chất chính xác của những tội ác này... khiến tạo nên điều một số chuyên gia luật pháp gọi là tiêu chuẩn “ý kiến cá nhân” [eye of the beholder] làm cho các nhà điều tra do dự không dám phát động vụ kiện sợ lâm vào mớ bòng bong luật lệ”.

Trong quá khứ, một số chuyên gia từng cảnh cáo rằng chính lỗ hổng được tri nhận trong luật lệ Giáo Hội về nền huyền nhiệm giả tạo đã ngăn cản những kẻ lạm dụng khét tiếng như Rupnik, mà vụ kiện phức tạp hiện vẫn còn nằm tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, và nhiều người khác như ngài, khỏi bị truy tố. Không truy tố thì làm sao kết tội, không kết tội, sao lại kết án các nghệ phẩm của họ? Phi lý vừa thôi chứ!

Vả lại, theo Anne Allen của Tạp chí Crux, ngày 3 tháng Bẩy, 2024 (https://cruxnow.com/vatican/2024/07/rupnik-art-dispute-more-nuanced-than-it-seems-historian-says), sử gia nghệ thuật có trụ sở ở Rome, Elizabeth Lev, nhận định rằng “có rất nhiều điều bất thường liên quan tới cuộc tranh luận rộng rãi về việc loại bỏ các nghệ phẩm của Rupnik do các tai tiếng lạm dụng của ngài châm ngòi” Và bà nhấn mạnh rằng: trái với ý kiến công chúng, sự việc không gần như thẳng thừng như vẻ bề ngoài cho thấy.

Gọi việc phân biệt giữa nghệ thuật và “nghệ sĩ” là “chuyện phức tạp”, Lev cho rằng một số nghệ sĩ nổi danh có công trình trưng bầy tại Vatican và xa hơn thế từng có những tiểu sử khốc hại. Bà trưng dẫn Raphael “một người săn đuổi đàn bà khét tiếng”, “Caravaggio nổi tiếng say sưa và có lúc đã giết người”. Nghệ sĩ Pháp nổi tiếng Eugène Henri Paul Gauguin được bà mô tả như một “du khách tìm sex” trong khi Gian Lorenzo Bernini, có các tuyệt tác trang trí bàn thờ chính của Nhà thờ Thánh Phêrô và đang được phục chế cho Năm Thánh Hy Vọng 2025, là một kẻ ngoại tình từng rạch nát mặt các nhân tình...

Lev cho rằng cốt lõi của vấn đề đối với Rupnik là ngài “xem ra không phải giải trình cho các tội ác của ngài”. Bà nói rằng “các tội ác của ngài xem ra không bị công nhận rõ ràng và hiển nhiên bởi Giáo Hội". Trong tình huống ấy, nhiều người cho rằng nghệ phẩm của Rupnik trên các tờ sách lễ in hàng tuần và nhiều chất liệu khác của Vatican “làm trò cười cho toàn bộ trình thuật gần gũi với các nạn nhân”, cho nên, như người Rôma từng nói, thay vì kết án con người, ít nhất người ta có thể kết án di sản của họ”.

Nhưng, theo bà, tình huống không đơn giản như thế và bà đưa ra một số xem xét được bà tin nên là thành phần của cuộc tranh luận hiện nay.

Trước nhất, các dự án của Rupnik không hề được hoàn tất một mình, nhưng với sự trợ giúp của rất nhiều thành viên có ý hướng tốt của Aletti Center. Bà tự hỏi: “Họ có nên bị trừng phạt hay không? Đây là thời giờ và cố gắng của họ tạo nên các công trình họ nghĩ là truyền bá tin mừng – hay ta cho họ là đồng phạm?”

Bà cũng lưu ý rằng ở Rome và các nơi khác, Rupnik vốn được cộng đồng Công Giáo đề cao như một danh nhân, trong đó có nhiều đồng nghiệp của bà, những người rõ ràng trân trọng các công trình của ngài đến độ khoe khoang các tranh ghép họ có được từ ngài. “Bây giờ, những người vốn nghĩ ngài là hồng phúc của Thiên Chúa dành cho nghệ thuật liệu họ có muốn vứt bỏ ngài hay không? Làm sao họ có thể là những nhà bảo trợ mù quáng?.

Bà so sánh việc “triệt tiêu” Rupnik với việc hủy bỏ các tuyệt phẩm của Caravaggio một khi tin tức về vụ giết người và cờ bạc cùng dâm ô của ông ra ánh sáng. Bà cho rằng, nhiều thế kỷ sau, “chúng ta có thể nhìn vào cuộc đấu tranh của ông giữa ánh sáng và bóng tối và học hỏi từ đó. Về Rupnik, bà tự hỏi, “phải chăng chúng ta không thể học được gì từ việc nghĩ rằng tại sao ngài lại nổi tiếng đến thế sau rất nhiều năm tháng?”

Những quan tâm khác liên quan tới phí tổn khổng lồ trong việc lấy xuống các nghệ phẩm của Rupnik và thay thế chúng, mà thay thế bằng gì? Liệu các thay thế ấy có thể tránh được cùng một số phận như các nghệ phẩm của Rupnik hay chăng?

Chính vì thế mà theo Chris Altieri (https://cruxnow.com/church-in-the-usa/2024/07/connecticut-catholic-apostolates-wrestle-with-fate-of-rupnik-artwork) từ Lộ Đức tới Connecticut, chưa nơi nào có quyết định gỡ bỏ các nghệ phẩm của Rupnik. Bản thân Đức Cha Jean-Marc Micas của giáo phận Tarbes và Lourdes rất muốn gỡ bỏ chúng, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều người trong giáo phận. Sợ tiến hành lúc này sẽ gây nên “cuồng nhiệt và bạo động”.

Cả hai Nhà nguyện Chúa Thánh Thần và Nhà nguyện Thánh gia của Đại học Thánh Tâm ở Fairfield, Connecticut đều có các nghệ phẩm của Rupnik và cấp lãnh đạo Đại Học này “đã và đang có những cuộc thảo luận liên tục về các tranh ghép” của Rupnik. Không biết kết quả sẽ ra sao, nhưng họ coi “chúng là các công trình của đức tin”.

Nhà nguyện Thánh Gia của Hội Hiệp Sĩ Columbus tại New Haven cũng có tranh ghép của Rupnik. Ban lãnh đạo của Hội này cũng đang xét duyệt vấn đề, nhưng không tiết lộ chi tiết, nghĩa là vẫn chưa có quyết định gỡ bỏ.

Lev nhắc đến cuộc đấu tranh của con người giữa ánh sáng và bóng tối. Chúng ta tin điều này. Chúng ta bắt buộc phải tin điều này nếu chúng ta trung thực với niềm tin Thiên Chúa luôn hiện diện với cả những kẻ tội lỗi tồi tệ nhất. Ơn thánh luôn có đó cho mọi người. Đức Phanxicô, nếu có công trạng nào, thì công trạng đó hiển nhiên là đã du nhập ý niệm cả người tội lỗi cũng có thể làm điều tốt. Để nhìn ra điều này, chúng ta phải dựa vào điều có thể gọi là “luận lý” trái tim như chủ trương của Blaise Pascal. Chỉ có thứ luận lý này mới nhìn thấy kẻ tội lỗi cũng có những lúc được ơn thánh thúc đẩy để thực hiện được những điều kỳ diệu.

Thiển nghĩ đã đến lúc chấm dứt cuộc chạy tiếp hơi thứ văn hóa triệt tiêu hiện đang thống trị xã hội hiện đại. Tại sao lại phải chạy tiếp hơi cho thứ văn hóa đó, khi cốt lõi của đạo nằm ở chỗ khác hẳn. Điều tối thiểu cần làm lúc này là phân biệt giữa nghệ sĩ và nghệ phẩm. Nghệ sĩ làm sai có thể bị trừng phạt. Nhưng sao lại trừng phạt tác phẩm nghệ thuật của họ khi đó là “các công trình đức tin”?

Nói cho cùng, Tiến sĩ Thiên Thần từng dạy ta phải phân biệt giữa nghệ sĩ và nghệ thuật, khi trong Summa Theologiae I-II, q. 57, A. 3: ngài viết: “Bonum artis consideratur non in ipso artifice, sed magis in ipso artificiato, cum ars sit ratio recta factibilium; factio enim in exteriorem materiam transiens, non est perfectio facientis, sed facti, sicut motus est actus mobilis. Ars autem circa factibilia est. Sed prudentiae bonum attenditur in ipso agente, cujus perfectio est ipsum agere; est enim prudentia recta ratio agibilium, ut dictum est. Et ideo ad artem non requiritur quod artifex bene operetur, sed quod bonum opus faciat. Requireretur autem magis quod ipsum artificiatum bene operaretur, sicut quod cultellus bene incideret, vel serra bene secaret (si proprie horum esset agere, et non magis agi, quia non habent dominium sui actus). Et ideo ars non est necessaria ad bene vivendum ipsi artifici, sed solum ad faciendum artificiatum bonum, et ad conservandum ipsum. Prudentia autem est necessaria homini ad bene vivendum, non solum ad hoc quod fiat bonus.”

Tạm dịch: Cái tốt của nghệ thuật không được nhìn thấy ở bản thân nghệ sĩ, mà đúng hơn ở chính nghệ thuật, vì nghệ thuật là lý do đúng đắn của những việc có thể làm được; vì một sự kiện thoáng qua trong vật chất bên ngoài không phải là sự hoàn hảo của người hành động trên nó, mà là sự hoàn hảo của sự kiện, cũng như chuyển động là một hành vi có thể chuyển động. Nhưng nghệ thuật liên quan đến những gì có thể thể hiện được. Nhưng cái tốt của sự khôn ngoan được tìm tòi ở chính tác nhân, người mà sự hoàn hảo của họ là tự mình hành động; vì sự thận trọng là lý do chính đáng cho hành động, như người ta nói. Và vì vậy nghệ thuật không đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm việc chăm chỉ mà là làm một công việc tốt. Nhưng đúng hơn, chính tài khéo léo phải hoạt động tốt, giống như một con dao cắt tốt, hay một cái cưa cắt tốt (nếu làm những việc này là đúng đắn, và không làm thêm nữa, vì họ không có quyền kiểm soát đối với những các hành động của họ). Và do đó, nghệ thuật không cần thiết để bản thân người nghệ sĩ sống tốt mà chỉ cần làm cho tác phẩm trở nên tốt đẹp và bảo tồn nó. Nhưng sự thận trọng là cần thiết để con người sống tốt chứ không chỉ để trở nên tốt.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4th July
Đinh văn Tiến Hùng
18:42 04/07/2024
** Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4th July**

Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo Hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”

Đó là đoạn mở đầu Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ được thông qua Quốc Hội Lục Địa lần thứ 2 tại Pennsylvania, Philadelphia ngày 4 tháng 7 năm 1776.
Tuyên ngôn công bố trong tình trạng chiến tranh với Vương quốc Liên Hiệp Anh của 13 thuộc địa Miền Đông Hoa Kỳ gồm 3 khu vực :

- Khu New England : Connecticut – Massachusetts- New Hampshire – Rhode Island (4)
- Khu Miền Trung : Delaware – New Jersey – New York - Pennsylvania (4)
- Khu Miền Nam : Georgia – Maryland – Bắc Carolina - Nam Carolina - Virginia (5)

Bản Tuyên Ngôn liệt kê 27 điểm bất bình của 13 thuộc địa chống đối vua George III Anh quốc.

Năm người được Quốc Hội đề cử soạn thảo Tuyên Ngôn gồm : John Adam- Benjamin Franklin – Robert Livington - Roger Sherman – Thomas Jefferson ( trưởng nhóm soạn thảo văn bản ).
Chủ tịch Quốc Hội John Hamcock ký chứng thực cùng các đại diện Tiểu bang.

Ngay hôm sau 1 bản sao được hỏa tốc chuyển đến cho Tổng chỉ huy Quân đội tướng George Washington và ông đã trịnh trọng đọc trước quân đội cùng dân chúng bao quanh cổ võ phấn khởi đồng lòng chiến đấu cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Tại thành phố Boston dân chúng tràn ra đường reo mừng vì được chính thức trở thành công dân quốc gia độc lập, và kéo sập tượng vua George III.
Rhode Island bắn 13 phát súng chào mừng.

Ngày 6/7/1776 tờ báo đầu tiên đăng Tuyên Ngôn Độc lập là Pensylvania Evening Post.
Ngày 8/7/1776 công bố trước dân chúng tại Independence Square, Philadelphia với hồi chuông lịch sử mang tên Province Bell sau đổi thành Liberty Bell.

Ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ đã có từ Thế kỷ 18, nhưng được chính thức công nhận là ngày lễ nghỉ toàn Liên bang từ năm 1938.

Kể từ 4/7/1776 đến nay Hoa Kỳ kỷ niệm 245 năm giành độc lập từ Đế quốc Anh.

Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa kỳ mang nội dung đầy tính nhân bản, đã là nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia noi theo, ngay cả HCM ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình đã giả dối không nói đến CNXH và viết tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựa theo Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ được gọi là Hiệp Chủng Quốc vì gồm nhiều sắc dân từ nhiều nước khác nhau đến đây tìm cuộc sống tự do nhân bản, tránh sự đàn áp bóc lột của những chế độ quân phiệt độc tài và cộng sản tàn ác diệt chủng.

Mừng Lễ Độc Lập không phân biệt chủng tộc màu da, văn hóa cùng chung niềm vui trên quê hương thứ hai họ đã chọn lựa.

Riêng người Việt chúng ta học được tấm gương đoàn kết nhân ái sau cuộc nội chiến Nam- Bắc Mỹ. Mọi người không còn thù hận, đoàn kết xây dựng lại trong tro tàn đổ nát chiến tranh, để có một quốc gia Hòa Kỳ tốt đẹp như ngày nay.

Thật khác xa đảng Cộng sản VN, sau khi chiếm được Miền Nam nhờ sự hỗ trợ của Trung cộng và Liên sô, bọn chúng vẫn nuôi hận thù dùng mọi thủ đoạn tàn khốc giam cầm, đọa đầy, bóc lột dân chúng khiến nhiều người bằng mọi giá bỏ nước ra đi tìm lẽ sống trong cái chết nơi những chân trời tự do. Nhưng vẫn nhìn về cố hương mong cho tập đoàn CSVN sớm tan rã để trở về Đất Hứa như dân tộc Do Thái.

Ngày Lễ Độc Lập hay Quốc Khánh với Quốc Kỳ và Quốc Ca đúng nghi thức hoàn hảo truyền thống của quốc gia độc lập.

-Quốc kỳ :
Hoa Kỳ đất nước Cờ Hoa với lá Quốc kỳ - Cờ Sao sọc ( Stars and Stripes hay Old Glory ) ra đời ngày 14/6/1777 gồm 13 đường kẻ ngang 7 đỏ 6 trắng và 13 ngôi sao (tượng trưng 13 tiểu bang tiên khởi) và từ 4/7/1960 thành 50 ngôi sao như ngày nay.
Trong Cách Mạng Mỹ tướng Washington đã yêu cầu Betsy Ross may lá cờ này.
Các phi hành gia Appolo 5 đã cắm Quốc Kỳ kỷ niệm trên mặt trăng ngày 1/9/1971.

-Quốc ca :
The Star- Spanged banner (Lá cờ lấp lánh sao)- Lời do Francis Scott Key viết năm 1814 lấy cảm hứng khi pháo đài McHenry bị quân Anh ném bom oanh tạc vào đêm 13/9/1814- Phần phổ nhạc do NS John Smith thực hiện- Quốc Hội đề nghị lên TT Herbert Hoover qua Dự luật công nhận bản nhạc là Quốc ca Hoa Kỳ ngày 3/2/1931.

Tiếp nối bản Quốc ca mừng Lễ Độc Lập là những nhạc phẩm quen thuộc như :
God Bless America- America The Beautiful- My Country- Star and Stripes Forever- Psalm of Joy.
Lễ Hội tổ chức diễu hành, bắn pháo bông, ca nhạc, thể thao, trò chơi ngoài trời, tụ họp gia đình và thân hữu mở tiệc mừng…

Chúc Mừng Lễ Độc Lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ !!!
God Bless America !!!


*Phụ dẫn về Quốc Kỳ & Quốc Ca Hoa Kỳ và 2 Tổng Thống nổi bật nhất.

+ Quốc Kỳ :
-Quốc kỳ 13 ngôi sao biểu tượng cho 13 Tiểu bang tiên khởi có từ ngày 14/6/1776.
- Quốc kỳ 50 ngôi sao biểu tượng cho 50 Tiểu bang có từ ngày 4/7/1960 cho đến nay.

+ Quốc Ca :
-Bản tiếng Anh : The Star-spangled Banner.

O say can you see, by the daw’s early light
O say what you see proudly we hail’d at the twilight’s last gleaming
Whose broad stripes and bright stars through the perilous fight
O’er the ra mparts me watch’s were so gallantly streaming?
And the rocket’s red glare, the bombs bursting in air
Gave proof through the night that our flag was still there
O say does that star-spangled banner yet wave
O’er the land of the free and the home of the brave.

-Bản dịch sang tiếng Việt : Lá Cờ lấp lánh ánh sao.

Ô này bạn có thấy, bởi ánh nắng sớm bình minh,
Điều gì thất tự hào mà chúng ta chào trong ánh hoàng hôn lấp lánh cuối cùng,
Những sọc rộng và những ngôi sao sáng của ai qua cuộc chiến đầy gian khổ,
Trên các thành lũy nơi chúng ta canh giữ tràn đầy nghĩa khí anh hùng
Và những hỏa tiễn đỏ chói, các quả bom nổ trong không khí,
Đưa bằng chứng xuyên màn đêm rằng Lá cờ của chúng ta vẫn còn đó,
Ồ đó chính là ánh sao lấp lánh của Lá cờ đang bay phất phới
Trên miền đất của tự do và quê hương của lòng dũng cảm.

+ Nhân ngày mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, xin trích dẫn đôi dòng trong 2 bản diễn văn của 2 vị Tổng Thống được đánh giá nổi bật nhất trong 47 Tổng Thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đó là :

-TT Tiên khởi lập quốc : George Washington.

-TT Giải phóng chế độ nô lệ : Abraham Lincoln.

-Diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu ngày 30/4/1789 của TT George Washington :
“….Với ấn tượng những gì mà mình đã có, tuân theo mệnh lệnh của công chúng, để khắc phục những khó khăn hiện tại, tôi nghĩ điều thích hợp nhất trong hành động chính thức đầu tiên của mình là tha thiết khẩn cầu Chúa- Người tạo ra qui luật cho vũ trụ, Người điều khiển hội đồng của mọi quốc gia, Người có thể giúp con người bù đắp những khiếm khuyết của mình, ban phúc lành cho tự do và hạnh phúc của người Mỹ, bằng một chính phủ được thiết lập bởi chính họ vì những mục đích thiết yếu, một chính phủ có thể sử dụng mọi công cụ để đi tới thành công, phân chia nhiệm vụ cho từng chức năng. Tôi cam đoan rằng lòng tôn kính mà các bạn gởi đến Đấng Sáng Tạo, tạo ra những lợi ích chung và riêng không ít hơn lòng tôn kính của tôi, cũng như không ít hơn của bất kỳ đồng bào nào của chúng ta…”

-Diễn văn khánh thành Nghĩa trang quốc gia Gettyburg ngày 19/11/1863 của TT Abraham Lincoln :
“…Tám mươi bảy năm về trước, ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, vốn được thai nghén trong tự do và hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tẩt cả mọi người được Tạo Hóa sinh ra bình đẳng…
…Chúng ta không thể hiến dâng, không thể tôn phong, không thể thánh hóa mảnh đất này. Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay chết, đã làm nó trở nên thiêng liêng, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta để thêm hay bớt điều gì cho nó. Thế giới sẽ bớt chú ý, hay nhớ thật lâu những gì chúng ta đã nói hôm nay, những sẽ không bao giờ quên điều gì những con người ấy đã làm ở đây. Chính chúng ta những người còn sống, mới phải hiến dâng cho những công việc còn dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mơi là người phải hiến dâng mình cho những nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt…”
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần Hai, Tín ngưỡng và Văn hóa: Chương 10, François Mauriac
Vũ Văn An
14:43 04/07/2024

“Pascal của các nhà tiểu thuyết”



Khi tiểu thuyết gia nổi tiếng người Bỉ J. K. Huysmans trở lại đạo Công Giáo vào cuối thế kỷ 19, khi nhìn lại, ông đã chỉ ra một lỗ hổng sâu xa, cả về mặt thẩm mỹ lẫn thần học, trong chủ nghĩa nhân bản văn học thời ông: “Chủ nghĩa tự nhiên khi đó đang ở cao trào; nhưng trường phái đó, vốn có định hướng thực hiện việc phục vụ tốt đẹp không bao giờ được bỏ quên của những nhân vật có thật trong môi trường chính xác xung quanh, đã bị kết án là tiếp tục lặp lại chính nó, đánh dấu thời gian mãi mãi ở cùng một vị trí.” (95) Qua câu nói này, ông muốn nói rằng chủ nghĩa duy tự nhiên có một quan điểm hạn chế và khá phiến diện không những về sự thiện nhân bản, một phán đoán đủ hợp tình hợp lý xét vì sự kiện hiếm hoi sự thiện đích thực trong thế giới, nhưng chủ nghĩa duy tự nhiên cũng có một quan điểm khá hẹp hòi về sự ác nhân bản: “Nó giới hạn ở các lãnh vực Bẩy Tội Trọng, và thậm chí trong bẩy tội này, chỉ một tội, tội chống lại Điều răn thứ sáu, là khá dễ tiếp cận”. Flaubert, anh em Goncourt và Zola là những nhân vật văn học vĩ đại đã thống trị vương quốc này. Nhưng theo sau họ là những người khác - trái ngược với idées reçues [các ý niệm đã nhận được], đáng chú ý là người Công Giáo - những người coi thế giới có những thăng trầm lớn hơn nhiều so với những gì các nhà duy tự nhiên văn học này mơ ước.

Như chúng ta đã thấy, Bernanos đưa ra một thí dụ về những gì có thể phát xuất từ nhân học Công Giáo trong việc tạo ra tiểu thuyết. François Mauriac (1885—1970), người đoạt giải Nobel Văn học năm 1952, trình bày một trường hợp hơi khác. Giống như Bernanos, Mauriac miêu tả một số cuộc đời thực sự khủng khiếp, thường là những nhân vật tỉnh lẻ ở quê hương Bordeaux của ông. Nhưng không giống như Bernanos mạnh mẽ, Mauriac, người được mô tả là trông giống như “một con chó săn buồn chán”, đã viết theo một phong cách cổ điển, khắc khổ nhất quán. Và bất chấp tất cả những điều khủng khiếp trong tiểu thuyết - đặc biệt là cách con người biến người khác thành nạn nhân thông qua thao túng tình cảm, tài chính hoặc tình dục, hoặc thậm chí thông qua sự giả đò "tôn giáo" - giống như Bernanos, Mauriac đã nhìn thấy bên dưới những tệ nạn người lớn này là tình yêu bị cản trở của trẻ em. Ông coi là một vấn đề khi nói những điều sau đây trong bài phát biểu nhận giải Nobel của mình:

Bị ám ảnh bởi cái ác cũng là bị ám ảnh bởi sự thuần khiết và tuổi thơ. Tôi buồn khi các nhà phê bình và độc giả quá vội vàng đã không nhận ra vị trí của đứa trẻ trong truyện của tôi. Một đứa trẻ ước mơ ở trung tâm của tất cả các cuốn sách của tôi; chúng chứa đựng tình yêu của trẻ thơ, những nụ hôn đầu tiên và sự cô đơn đầu tiên, tất cả những điều mà tôi đã ấp ủ trong âm nhạc của Mozart. Những con rắn trong sách của tôi đã được chú ý, nhưng không phải những con chim bồ câu đã làm tổ trong hơn một chương; vì trong những cuốn sách của tôi, tuổi thơ là thiên đường đã mất, và nó dẫn nhập mầu nhiệm cái ác. (96)

Trong thế giới hư cấu của Mauriac, Giáo Hội chủ yếu phục vụ để củng cố một số mặt xấu nhất của giai cấp tư sản tỉnh lẻ. Tại một thời điểm, Mauriac đã lên kế hoạch cho một câu chuyện có tên là La paroisse morte (Giáo xứ chết), chính cái tên mà Bernanos ban đầu muốn đặt cho cuốn tiểu thuyết Monsieur Ouine của mình. Nhưng trong khi Bernanos là người ngoài cuộc tối hậu, từ chối danh dự, chấp nhận nghèo đói và chỉ trích tất cả các bên, thì Mauriac lại là một người trong cuộc xã hội. Ông được bầu vào Hàn Lâm viện Pháp (Académie française) năm 1933 ở tuổi 48 còn khá trẻ và được hưởng những sắp xếp ổn định và khá béo bở với các nhà xuất bản và tạp chí định kỳ có uy tín cao. Mauriac hoạt động trong giới văn học nổi tiếng, trong số bạn bè có Maurice Barrès, Marcel Proust, Jacques Rivière, Paul Valéry, André Gide và nhiều người khác. Có vẻ như một số cuốn sách của Mauriac vẫn bán rất chạy, chủ yếu là vì chúng đã được hệ thống giáo dục Pháp chấp nhận làm sách giáo khoa. Đối với một số người, sự hấp dẫn chính dòng làm giảm tác phẩm của ông. Nhưng Mauriac đã giành được vị trí của mình trong lịch sử văn học. Thật vậy, có thể lập luận rằng ông là tiểu thuyết gia Pháp vĩ đại nhất của thế kỷ XX sau Proust. (97)

Graham Greene từng gọi Mauriac là “Pascal của các tiểu thuyết gia”. Đó là một quan sát sắc sảo ở một số khía cạnh, đặc biệt là vì bản thân Greene cũng cho thấy một số đặc điểm tương tự. Có một yếu tố Jansenist trong Mauriac do cách dưỡng dục ông nhận được, cả ở nhà và ở trường. Mẹ của ông là một người Công Giáo tỉnh lẻ nghiêm khắc, vào thời điểm đó có nghĩa là một người Công Giáo gần như hoàn toàn bận rộn với một chủ nghĩa đạo đức nào đó, đặc biệt là trong các vấn đề tình dục. Bà chi phối cuộc sống của ông vì cha của Mauriac - một người Cộng hòa có tư tưởng tự do - qua đời khi ông mới hai tuổi. Ngôi trường mà ông theo học năm mười hai tuổi, Collège Grand-Lebrun, được điều hành bởi các linh mục dòng Marianite tốt bụng, nhưng, không giống như các cơ sở Công Giáo khác được điều hành bởi các dòng như Dòng Tên và Dòng Đa Minh, nó không khuyến khích phiêu lưu mạo hiểm trí thức hay thậm chí là nghiên cứu nhiều về thần học Công Giáo. Kết quả là, Mauriac vẫn khá mù mờ về các vấn đề thần học cho đến khi trưởng thành, mặc dù ông đã thai nghén niềm đam mê đối với Pascal khi còn là một thiếu niên và luôn giữ ấn bản Brunschvicg cổ điển ở bên tay suốt cả đời.

Đến lúc đó, cấu trúc cảm xúc của ông phần lớn đã được hình thành — và bị ràng buộc bởi một sự nghiêm khắc về đạo đức mà ông vừa tuân theo vừa phản đối. Ronald Knox từng nói đùa rằng nhiều tiểu thuyết hiện đại sử dụng cách chia động từ Latinh amo, amas, amat [tôi yêu, anh yêu, nó yêu]. Chữ tốt lành áp dụng rất tốt vào Mauriac. Khi viết Souffrances du chrétien (Những đau khổ của Kitô hữu) vào năm 1928 cho tờ La Nouvelle Revue française [Tân Tạp chí Pháp], ông đã mở đầu bằng “Kitô giáo không có dự khoản nào cho xác thịt; nó dẹp bỏ nó”. Và ông nói tiếp, Pascal nói rằng chúng ta phải dâng cho Thiên Chúa mọi sự. Tất nhiên là đúng một phần, nhưng nơi một số người, cách sắp đặt mọi điều này có thể hướng tới một quan niệm gần như dị giáo khi cho rằng bản thân cơ thể là điều xấu xa. Và có dấu vết của xu hướng đó ở Mauriac. Sau đó, ông đã viết một cuốn truyện như công khai rút lại ý kiến trên đó là Bonheur du chrétien (Hạnh phúc của Kitô hữu) và cho rằng Pascal đã sai trong tranh chấp của ông với các tu sĩ Dòng Tên. Nhưng có một sự thật kỳ lạ là đam mê tình dục và đam mê tôn giáo luôn mâu thuẫn gay gắt ở Mauriac, và tình yêu con người không bao giờ mở rộng thành một tình yêu lớn hơn dù là trong hôn nhân hay trong kiểu khiêu dâm tôn giáo được ghi lại trong Diễm ca. Sự căng thẳng sắc nét giữa tình yêu nhân bản và thần thánh đã cho thấy cả cách thức và vấn đề trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông.

Mauriac đã viết rất nhiều, mặc dù những tiểu thuyết trước và sau của ông ngày nay ít được quan tâm. (Những câu chuyện trước đó quá tập trung vào tâm lý tuổi mới lớn của chính ông, nhưng những câu chuyện về sau bị lu mờ một cách bất công bởi bốn hoặc năm tựa sách lớn (98) trong quá trình trưởng thành của ông.) Cuốn sách đầu tiên của ông là một tuyển tập thơ đã nhận được sự ủng hộ của Maurice Barrès và toàn bộ mạng lưới các nhân vật văn học. Cuối đời, ông đã viết một số vở kịch thành công vừa phải. Nhưng chính những tiểu thuyết vĩ đại, bắt đầu từ năm 1922 với Le baiser aux lépreux [Hôn hủi], đã khiến ông được chú ý rộng rãi. Hai trong số những cuốn sách mạnh mẽ nhất của ông—Le désert de l'amour [Sa mạc Tình yêu] (1925) và Le noeud de vipères [Khúc cuốn hổ mang](1932)—xuất hiện vào những năm giữa, mỗi hai bên của một bước ngoặt bản thân. Người ta thường nói Mauriac đã trải qua một cuộc “hoán cải” vào năm 1928; tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Ông đã trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần và cảm xúc lúc 40 tuổi—một giai đoạn có cả chuyện ngoại tình với một phụ nữ trẻ—ông cho biết, trong thời gian đó, “Tôi lang thang khắp Paris như một con chó lạc, như một con chó không có vòng cổ.” (99) Tuy nhiên, ông không bao giờ đánh mất niềm tin của mình. (100) Thay vào đó, ông thoát qua giai đoạn hỗn loạn này với quyết tâm sống tốt hơn và cẩn thận hơn về những hiệu quả mà tác phẩm của ông – thường gây kích thích vào thời điểm đó – gây ra cho độc giả.

Phần lớn những gì Mauriac đã đóng góp cho văn học Công Giáo trong thế kỷ 20 có thể được lượm lặt khi xem Le désert de l’amour Le noeud de vipères. Mauriac nói rằng “sa mạc tình yêu” (tức là tình người) rất có thể là tiêu đề cho tất cả các tiểu thuyết của ông. Le noeud de vipères là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông sau khi "hoán cải". Đây có lẽ là cuốn tiểu thuyết “Công Giáo” thành công nhất của ông, một câu chuyện rất mạnh mẽ liên quan đến tội tham lam thường bị bỏ quên, đồng thời là một kiểu hoán cải và cứu chuộc. Những câu chuyện này không những biểu lộ các xung đột nội tâm trong Mauriac và các nhân vật của ông, phản ứng đối với chúng giữa cả người Công Giáo và những người khác cho thấy rất nhiều điều về lý do tại sao Mauriac lại trở thành một hiện diện mạnh mẽ như vậy. Giống như Bernanos, Mauriac trình bày nỗi khốn khổ kiểu Pascal của con người không có Thiên Chúa, vốn đã trở thành trường hợp điển hình trong buổi bình minh giả tạo của chủ nghĩa nhân bản và có thể đúng về mặt thực tế ngay cả với nhiều tín hữu trên danh nghĩa. Đối với ông, có “sự khác biệt căn bản giữa một Kitô hữu tội lỗi chống lại ân sủng và một người không tin đầu hàng bản chất hư hỏng của mình. Người sau nghĩ rằng họ có thể làm hòa với sự hư hỏng, ấn định những giới hạn cho nó, và hòa nhập nó vào điều được thế giới gọi là một cuộc sống bình thường và danh giá.” (101) Tất nhiên, đây là một ảo tưởng nguy hiểm kiểu Rousseau.

Tóm tắt cốt truyện của Le désert de l’amour là điều khá dễ dàng, và cũng khá dễ hiểu lầm, bởi vì nó có vẻ giống như một cuốn truyện bi thảm [melodrama] thông thường. Bác sĩ già Courrèges và con trai ông, Raymond, đều yêu một “người phụ nữ được giữ kín”, Maria Cross. (“Thập giá”—người phụ nữ vừa là nỗi đau khổ trần gian vừa là con đường tiềm năng dẫn đến cứu chuộc—là một hình tượng tái hiện ở Mauriac và nhiều nhà văn Pháp cùng thời.) (102) Chồng bà, một sĩ quan quân đội, bị giết chỉ sau vài năm chung sống. Và bà, bản chất lười biếng và có con nhỏ, lần đầu tiên trở thành thư ký cho Victor Larousselle và sau đó là tình nhân của ông ta. Nhưng danh tính của mỗi người trong số này phức tạp hơn nhiều so với những gì có thể giả định từ mối tình tay ba nhàm cũ. Bác sĩ Courrèges được mọi người coi là một vị thánh đã hy sinh không mệt mỏi cho bệnh nhân và nghiên cứu y học của mình — và thấy mình âm thầm tuyệt vọng vì thiếu tình yêu trong bất cứ mối quan hệ nào của mình. Ông cảm thấy vô cùng say mê Maria nhưng bị ngăn cản không bao giờ nói với nàng về điều đó vì hình ảnh của ông trong cộng đồng. Con trai của ông, Raymond, là một kẻ hoài nghi không bao giờ làm gì nên trò— những tật xấu của anh phần lớn bắt nguồn, giống như những tật xấu của nhiều nhân vật của Mauriac, từ một cái nhìn hư hại về bản thân, vốn bắt đầu ngay từ thời thơ ấu, là không được yêu thương. Maria lầm tưởng anh là đứa con ngây thơ và ngoan đạo của một người cha thánh thiện. Và Maria, mà cuộc đời tan nát vì cái chết của chồng và sau đó là cái chết của đứa con trai nhỏ, giải thích cách suy lý rằng mọi hành động của nàng đều được thực hiện từ những động cơ cao cả nhất. Nàng tự lừa dối bản thân, thậm chí về sự hấp dẫn của nàng đối với Raymond ở tuổi thiếu niên, người mà nàng coi như một người thay thế đứa con và một đối tác tình dục. Trong cả ba, sa mạc tình yêu (của tựa đề) không chỉ có hình dạng kỳ dị mà còn tiếp tục biến đổi cuộc sống của họ mãi mãi về sau, mặc dù họ đã mất liên lạc với nhau trong nhiều năm.

Đáng ngạc nhiên là có rất ít nội dung tôn giáo rõ ràng trong câu chuyện này. Mauriac thường bị người Công Giáo chỉ trích vì sự thiếu sót đó. Chỉ ở những trang cuối cùng, sau cuộc gặp gỡ tình cờ của cả hai cha con với Maria sau mười bảy năm, tác giả mới cho phép mình bình luận theo kiểu Pascal về cách mà đam mê tự hình thành trong cả ba người: “Không thể có hy vọng nào cho cả hai người, cha hay con, trừ phi, trước khi họ chết, Người sẽ mạc khải chính Người, Đấng mà họ không hề biết đến, đã rút tỉa và tập trung từ sâu thẳm trong con người họ cơn thủy triều cay đắng, cháy bỏng này.” (103) Sự say đắm tình dục mà họ, và hầu như mọi tạo vật nhân bản, cảm nhận lúc này hay lúc khác luôn lớn hơn bất cứ đối tượng nhân bản nào có thể thỏa mãn. Vì lý do đó, tình yêu của con người vừa gần như không thể cưỡng lại vừa là một sự dằn vặt. Như Pascal đã nói trong Pensées (471), “Ai đó gắn bó với tôi là điều không đúng.... Tôi lừa dối những người mà nơi họ tôi đã đánh thức ham muốn, vì tôi không phải là mục đích của bất cứ ai”.

Mauriac trích dẫn những lời này trong một tiểu luận xuất sắc về Pascal, (104) trong đó tiểu thuyết gia tỏ lòng kính trọng đối với sự hiểu biết sâu sắc của nhà toán học về bản chất con người. Chẳng hạn, Pascal đã từng viết cho một người quen rằng “giấu giếm cũng vô ích, người ta luôn yêu”. Mauriac nói rằng Pascal sở hữu một cái nhìn sâu sắc về sự thật rằng tình yêu là một bạo chúa, một sự thật, mà một tiểu thuyết gia phải cẩn thận để diễn đạt một cách gián tiếp. Tất nhiên, ở mọi thời đại, niềm đam mê tình dục và tình yêu vốn là đức ái được trộn lẫn với nhau theo cách mà chỉ những bộ óc vĩ đại nhất—và các vị thánh—mới có thể phân biệt được. Và đôi khi, như trường hợp của Dante và nhiều trường hợp ít được biết đến hơn, niềm đam mê dẫn đến đức ái thực sự. Mauriac không giải thích nhiều về thực tại này trong tiểu thuyết. Thay vào đó, ông chỉ miêu tả sự xáo trộn mà tình yêu đủ loại mang đến cho sự hiện hữu của con người—một sự xáo trộn mà quan điểm duy nhân bản hiện đại không thể đo lường đầy đủ. Khác xa với “lãng mạn”, đây là chủ nghĩa hiện thực rõ ràng nhất. Mauriac nhận thấy một sự thật đơn giản rằng sự hiểu biết của Pascal về cả sự vĩ đại và khốn cùng của con người, vốn cuối cùng xoay quanh tình yêu, phản ảnh sự thật: “Ở đây, chúng ta cách xa cơ sở trung dung, sự điều độ và cân bằng mà chủ nghĩa nhân bản khuyến nghị xiết bao. Thành thật mà nói, ai, Molière hay Pascal, là nạn nhân của một huyền thoại? Tính chất ôn hòa có tồn tại không? Và há mọi người đều không là con mồi của những thế lực đáng sợ mà không ai trên thế giới đi theo mà không bị trừng phạt hay sao?” (105)

Trong tiểu thuyết, tất cả các nhân vật ngoại trừ bác sĩ già đều không biết gì về sự thật này về bản thân và những người khác: “[Bác sĩ Courrèges], người đã dính líu đến biết bao bí mật đáng xấu hổ, thường tự nhủ: Chúng ta luôn nghĩ rằng những sự việc được giấu kín trong các mẩu báo không liên quan đến chúng ta, những vụ giết người, tự sát và bê bối là những gì đến với người khác, trong khi, mọi lúc....” (106) Chính vì kinh nghiệm của mình mà bác sĩ hiểu hoàn cảnh của Maria là kết quả của sự yếu đuối chứ không phải sự xấu xa, như nhiều nhà đạo đức trong thị trấn tưởng tượng. Cũng chính những nhà đạo đức đó nghĩ ông là một vị thánh, không nghi ngờ gì về nỗi thống khổ cuồng nhiệt và những cám dỗ mà ông âm thầm chịu đựng. Công việc là sự phân tâm của ông khỏi sự đau khổ đó. Maria bị dày vò bởi sự tẩy chay của xã hội và sự buồn chán khi ở một mình, chính việc không thể giữ im lặng trong căn phòng đã được Pascal xác định là gốc rễ của những rắc rối của chúng ta. (107) Chính ảo tưởng của nàng về Raymond sở hữu “sự trong sáng như thiên thần” – một phần là mong muốn của người mẹ về một người thay thế cho đứa con trai đã chết của chính mình, một phần là sự thôi thúc tình dục vô thức – mà nàng đã bịa đặt về người con trai của bác sĩ trong sự cô đơn của mình, điều đó đã khiến anh ta sau này trở nên lăng nhăng tình dục trong một nỗ lực vô ích để trả thù phụ nữ. Đồng thời, Mauriac nhận xét rằng Raymond, người đã mất niềm tin khi còn học tại trường Công Giáo, dù sao cũng đã thấm nhuần bức tranh biếm họa “thần học” về “những người phụ nữ xấu” khiến anh không thể nhìn ra sự thật về Maria. (108) Khi cha anh nói với anh về nàng, “Con nghĩ bố là kẻ ngốc, nhưng trong hai chúng ta, con mới là người ngây thơ. Nếu con chỉ nghĩ xấu về mọi người, con sẽ không bao giờ hiểu được họ.” (109)

Sau một cú ngã trong đó nàng bị đập đầu, Maria trở thành một loại nữ tiên tri trong những câu nói hơi rời rạc của nàng và nói lên sự thật đầy đủ nhất trong câu chuyện:

“Không, không phải đam mê, mà là một đam mê đơn nhất. Nó diễn ra bên trong chúng ta, và từ một cuộc gặp gỡ tình cờ, từ đôi mắt và đôi môi của một người hoàn toàn xa lạ nào đó, chúng ta xây dựng nên một thứ mà chúng ta nghĩ là tương ứng với nó.... Chúng ta chọn một con đường mở ra cho chúng ta, nhưng nó không bao giờ được thiết kế để dẫn chúng ta đến mong muốn của trái tim mình.... Tuy nhiên, đó là điều duy nhất khiến chúng ta quên đi đối tượng tìm kiếm của mình, quên đi cho đến nay rằng nó thực sự trở thành đối tượng đó. Tự làm mình chết lặng... điều đó nói dễ hơn là làm." Vị bác sĩ nghĩ thật kỳ lạ xiết bao khi cô ấy nói về khoái cảm tình dục chính xác như Pascal đã nói về đức tin.

Và bản thân Maria cũng trở lại với những lời say sưa của mình theo cách xác nhận cái nhìn sâu sắc này, “Một người nào đó mà chúng ta có thể tiếp xúc, một người mà chúng ta có thể chiếm hữu—nhưng không phải bằng xác thịt—người mà chúng ta có thể bị chiếm hữu.” Bất cứ ai quen thuộc với Freud một cách hời hợt đều có thể hiểu tất cả những điều này như xác nhận niềm tin của nhà phân tâm học vào tôn giáo như Eros [tình dục] thăng hoa. Nhưng Mauriac xoay lập luận theo hướng khác một cách thuyết phục: vì đam mê thể xác về bản chất dường như không thể mang lại sự thỏa mãn thực sự mà nó tìm kiếm, nên bản chất con người đầy đủ của những người trong câu chuyện đã dẫn họ đến một thứ dường như vượt quá bất cứ đối tượng đơn thuần nào của con người.

Cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Mauriac sau khi “hoán cải” và có lẽ là giai đoạn tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông, Le noeud de vipères, sử dụng nhiều chủ đề thông thường của ông nhưng đặt một chủ đề lớn khác ngay giữa tất cả những chủ đề khác: Mammon [thần tài]. Ông cũng coi như một vấn đề khi đặt một câu chuyện vềThánh Têrêsa Avila trước bất cứ điều gì khác: “Lạy Chúa, xin Chúa xét cho rằng chúng con không hiểu chính mình và chúng con không biết mình sẽ làm gì, và chúng con đã đi lạc rất xa khỏi điều chúng con mong muốn.” Vì vậy, yếu tố Công Giáo và việc bác bỏ lòng tham được nêu bật ngay từ đầu và thực sự định hình toàn bộ. Câu truyện được khai triển trong một loạt các mục nhật ký của Louis, sáu mươi tám tuổi, một luật sư tư sản giàu có ở Bordeaux. Ông viết: ông vừa bảo đảm với những người thừa kế rằng ông đã để lại cho họ tài sản của mình, nhưng thực tế ông đã bí mật lên kế hoạch tước đoạt tất cả tài sản thừa kế của họ vì mong muốn trả thù: “Đối với tôi, dường như ngay cả những cơn đau đớn khủng khiếp nhất của cái chết cũng không thể làm hỏng niềm vui đó đối với tôi. Vâng, tôi là một người đàn ông có khả năng tính toán như vậy. Làm thế nào tôi bị đưa đến đó - một người đàn ông như tôi, không phải là quái vật?” (110)

Tất nhiên, câu chuyện trả lời câu hỏi này. Louis là con trai duy nhất của một gia đình đã tích lũy được một khối tài sản khá lớn nhờ làm việc chăm chỉ, tiết kiệm và quản lý công việc thông minh. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn về tài chính ở nhà, anh được mẹ chăm sóc chu đáo và yêu thương, người đã gửi anh đến những trường học tốt nhất. Anh trở thành một luật sư nổi tiếng trong nước và quốc tế. Nhưng một trong những điều bất biến trong tác phẩm của Mauriac là tình yêu là động lực chính của cuộc đời mỗi con người. Giống như Raymond Courrèges, Louis nuôi dưỡng sự nghi ngờ về bản thân và một kiểu ghê tởm bản thân vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, và cuộc sống của anh, giống như của Raymond, sẽ trở thành một cuộc tìm kiếm sự trả thù. Mauriac dường như gợi ý rằng trên thực tế, sự ghê tởm bản thân có thể chỉ là một phần không thể tránh khỏi trong sự hiện hữu của mỗi con người. Đến lúc nên duyên vợ chồng, Louis có được bàn tay của Isa, một thiếu nữ xinh đẹp của gia đình Fondaudèges danh giá. Nhưng thành công lãng mạn rõ ràng của anh dẫn đến tất cả những bất hạnh và đau khổ sắp tới.

Mauriac mổ xẻ không thương tiếc sự tính toán lạnh lùng của các gia đình tỉnh lẻ ở Bordeaux khi nói đến hôn nhân và tiền bạc. Thí dụ, gia đình Fondaudèges không vui mừng khi Isa kết hôn, theo một cách nào đó, bằng cách chấp nhận Louis, và ngay cả những thành công sau này của anh cũng không thỏa mãn được sự hợm hĩnh của họ. Nhưng bất kể những yếu tố này có thể gây ra sự bất an nào cho Louis, thì bước ngoặt của cả cuộc đời anh—và của vợ con anh—đến vì tình yêu bị cản trở. Theo thông lệ của Mauriac, ông kết nối cuộc sống của các nhân vật với thiên nhiên. Vùng Les Landes, nơi diễn ra hầu hết các tiểu thuyết của ông, thường có những trận mưa như trút nước bất chợt và những khu rừng thông rộng lớn của nó thường xuyên bị đốt cháy. Nhiều độc giả đã lưu ý rằng những hiện tượng này mang lại cho Mauriac những hình ảnh về cảm xúc con người. Nhưng vào thời điểm tinh tế nhất của cuốn tiểu thuyết này, Mauriac chọn hình ảnh tinh tế hơn. Một ngày nọ, khi Louis và Isa ra ngoài tán tỉnh, Louis xoa một ít lá thì là vào hai tay, và mặc dù suốt đời ông là một người không tin, nhưng mùi đặc biệt này đã khơi dậy một trải nghiệm bất ngờ: “Tôi đột nhiên có một cảm giác mãnh liệt, gần như chắc chắn về mặt vật lý, rằng một thế giới khác tồn tại, một thực tại mà chúng ta không biết gì ngoài cái bóng”. (111) Đây là một khoảnh khắc thông suốt có thể so sánh với khoảnh khắc được Proust liên kết một cách nổi tiếng với việc nhân vật chính đột ngột nhớ lại khi đang ăn một chiếc bánh madeleine trong khi đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu).

Lời mở đầu đó có vẻ hứa hẹn nhiều điều. Nhưng một thời gian ngắn sau khi kết hôn, khi họ nằm trong một căn phòng ngủ đóng cửa chớp với những cành chanh xào xạc đánh vào nhà và tạo cảm giác như có ai đó đang thở ngang qua căn phòng, Isa tiết lộ rằng nàng đã yêu một người đàn ông khác một thời gian ngắn trước khi gặp Louis. Mặc dù nàng tuyên bố rằng điều đó không nghiêm trọng và thậm chí nàng đã cầu nguyện ở Lourdes để có được một người chồng tốt (và ngay lập tức nhận ra Louis là câu trả lời cho những lời cầu nguyện của nàng), anh diễn giải sự mê đắm trước đó của nàng theo cách có hại cho hạnh phúc của họ: “Tất cả chỉ là giả tạo.... Nàng nói dối tôi, tôi không được giải tỏa. Làm sao tôi có thể nghĩ rằng bất cứ cô gái nào cũng sẽ yêu tôi? Tôi là người đàn ông mà không ai có thể yêu được.” (112) Khoảnh khắc đó, khoảnh khắc chơi đùa trên sự nghi ngờ bản thân của Louis thậm chí còn nhiều hơn cả trật tự xã hội hợm hĩnh, làm mất đi sự hợp nhất của họ. Họ sẽ có vài đứa con. Nhưng Louis xây dựng, không hoàn toàn đúng đắn, niềm tin rằng vợ anh, xét cho cùng, không thực sự quan tâm đến anh.

Những tội lỗi thông thường tiếp theo sau đó. Anh có những tình nhân và coi họ như những nô lệ được trả tiền. Nàng quay lưng lại với anh để hướng về các con của nàng. Anh ghét gia đình mình; họ sợ anh. Niềm an ủi của anh là tạo dựng được tên tuổi và kiếm được nhiều tiền, nhưng anh than thở khi thắng một trong những vụ kiện lớn nhất của mình: “Nếu lúc đó tôi có một người vợ yêu thương mình, thì những đỉnh cao nào mà tôi đã không thể vươn tới?” (113) Và không chỉ những đỉnh cao nghề nghiệp. Nó cũng có thể giải thoát anh khỏi tình yêu bị cản trở dưới hình thức tham lam và sau đó là mong muốn trả thù gia đình anh qua việc ngăn chặn tài sản thừa kế của họ. Thay vào đó, anh không chỉ lừa dối vợ nhiều lần mà còn cố tình xúc phạm lòng mộ đạo của vợ mọi lúc, cho thấy rõ rằng qua các nghi thức đơn thuần của tôn giáo, anh nhìn thấu sự kiêu ngạo, tham lam và thiếu bác ái bên dưới những tập tục thông thường. Anh thậm chí còn ném vào mặt gia đình vụ Dreyfus như một bằng chứng cho thấy Giáo hội sẵn sàng chấp nhận sự bất công công khai để bảo vệ vị trí xã hội của mình. Tàn nhẫn hơn nữa, khi cô con gái nhỏ của họ, Marie—được cả hai người đặc biệt yêu thương—qua đời, Isa đổ lỗi cho chồng mình đã quá keo kiệt khi gọi bác sĩ chuyên khoa, và anh ta trách móc nàng vì sự tuyệt vọng của nàng, bất chấp niềm tin tôn giáo của nàng.

Đúng là khúc cuộn rắn lục. Nhưng khi anh viết ra tất cả những điều này cho vợ đọc - một phần trong kế hoạch trả thù của anh - thì một điều gì đó không lường trước được bắt đầu chiếm hữu anh: tình yêu. Có một phẩm chất mầu nhiệm nào đó và - có thể nói là - hơi khó tin đối với phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết, trong đó khúc cuộn của loài rắn này phải được cắt ra để giải phóng những người bị nó trói buộc. Các đứa con cố gắng ngăn cản âm mưu tước quyền thừa kế của Louis. Tình cờ, anh phát hiện ra và vượt qua họ. Nhưng trò chơi dường như không còn đáng để bận tâm nữa, và anh suy nghĩ: “Điều kinh hoàng của tuổi già là nó là tổng số của một cuộc đời - một tổng số mà người ta không thể thay đổi một con số. Tôi đã dành sáu mươi năm để tạo ra ông già chết vì hận thù này. Tôi là tôi. Lẽ ra tôi phải trở thành một ai đó khác. Ôi lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa —giá như Ngài hiện hữu!” (114) Và rồi một điều còn ngạc nhiên hơn nữa xảy ra: Isa chết trước khi nàng có thể đọc nhật ký của Louis. Khi các con viện cớ không gọi điện cho anh kịp thời, anh rút ra một nhận thức quan trọng: “Vào lúc đó, tôi nhận ra rằng lòng căm thù của tôi đã chết—và ước muốn trả thù của tôi cũng chết theo. Có lẽ nó đã chết từ rất lâu rồi. Tôi đã khơi dậy sự oán giận của mình, tôi đã tự thúc đẩy mình”. Anh thậm chí còn cảm thấy mình “khá đột ngột... dứt bỏ” (115) khối tài sản của mình—và cảm thấy nhẹ nhõm: “Rốt cuộc, tôi đã làm gì trong nhiều năm, ngoại trừ việc cố gắng tống khứ khối tài sản đó, trao nó cho một người không thuộc gia đình tôi? Tôi đã luôn luôn nhầm lẫn về đối tượng của những ham muốn của tôi. Chúng ta không biết những gì chúng ta mong muốn. Chúng ta không yêu những gì chúng ta nghĩ là chúng ta yêu.” (116)

Tiếng vang của đoạn mở đầu này lấy của Thánh Têrêsa thành Avila dẫn đến một loại tự do và, ở tuổi sáu mươi tám, một cảm giác được “tái sinh”. Thậm chí, nó còn khiến anh hiểu ra rằng, thực ra vợ anh không hề thờ ơ với anh. Nàng đã đau khổ vì sự tức giận của anh và sự ghẻ lạnh của họ trong nhiều thập niên - hầu như không phải là dấu hiệu của sự thờ ơ. Anh đã tiếp cận những người ở tình trạng tồi tệ nhất của họ và không nhận ra rằng bạn phải thực sự vượt qua vẻ bề ngoài để vươn tới họ - chính là điều mà bác sĩ Courrèges đã khuyên cậu con trai hay hoài nghi của mình. Nhưng để đạt được bước đột phá như vậy, cần phải có sự trợ giúp từ nơi khác: “Ngay cả những người được chọn cũng không tự mình học cách yêu thương mọi người. Để vượt lên trên những điều phi lý, những thiếu sót và trên hết là sự ngu xuẩn của con người, người ta phải sở hữu một bí quyết tình yêu mà thế giới đã lãng quên... Tôi tìm kiếm Đấng một mình Người mới có thể hoàn thành được chiến thắng đó; và chính Người phải là Trái tim của các trái tim, trung tâm rực cháy của mọi tình yêu thương.” (117) Các thánh đã biết điều này—và cũng đã biết sự không hoàn hảo của chính họ—đó là lý do tại sao họ có những ý kiến khiêm tốn như vậy về bản thân. Giờ đây, Louis biết rằng quan điểm thấp kém suốt đời của anh về bản thân là đúng theo một cách nào đó. Anh chỉ không thấy rằng đó là tình trạng chung của con người và hướng ta về sự cần thiết của một biện pháp khắc phục. Và trong sự thừa nhận bản thân này, anh quyết định rằng bây giờ anh phải thâm nhập vào một sự thật tương tự về ít nhất một người khác trước khi chết.

Anh tìm thấy con người đó trong cháu gái của mình, Janine, và cho thấy mức độ hiểu biết sâu sắc mới mà anh đã đạt được trên trang cuối cùng của cuốn nhật ký của mình. Một cơn đau tim đột ngột kết thúc cuộc đời anh giữa chừng. Các con của anh nghi ngờ về lòng vị tha và sự rộng lượng mới phát hiện của anh và cho rằng tất cả là do sự tự lừa dối của tuổi già. Nhưng Janine - bản thân đang vướng vào một rắc rối khác liên quan đến người chồng ương ngạnh - đã nhận ra sự thật. Cuối cùng, người ông của cô đã nhìn thấu được thực tại qua các quy ước: “Ông nội là người mộ đạo duy nhất mà tôi từng gặp.” (118) Ông đã từng rất đáng sợ nhưng “một tia sáng lớn đã chiếu rọi ông trong những ngày cuối đời.” (119) Và gia đình ngoan đạo trước đây đã thực sự tham lam, trong khi ông nội, bất chấp tất cả những điều xấu xa của mình, đã hết lòng vì một tình yêu không thành.

Nói một cách không che đậy, đây là một kết thúc “Công Giáo” đúng qui ước và do đó không thuyết phục. Nhưng nó là một phần sức mạnh của thiên tài văn học Mauriac mà một bản tường thuật các sự kiện không thể truyền đạt những gì ông đã hoàn thành. Sự hoán cải của Louis phải được đánh giá cao dưới ánh sáng của các chi tiết về khúc cuộn rắn lục trong trái tim anh và trong gia đình anh để thấy rằng việc giải thoát vào cuối đời như vậy, dù không thể tin được, nhờ một phép lạ nào đó, vẫn có thể khả hữu. Đó là một rủi ro lớn đối với bất cứ nghệ sĩ hiện đại nào khi cố gắng khắc họa sự thay đổi của trái tim đối với tình yêu vị tha. Việc lột tả những tệ nạn trong xã hội và cá nhân sẽ dễ dàng và ít rủi ro hơn nhiều, đó là điều không thể phủ nhận. Nhiều người thậm chí còn khó thừa nhận những phạm trù cũ về nhân đức và sự thánh thiện, chứ đừng nói đến việc tin vào chúng. Những đứa con hoài nghi của Louis có quan điểm phổ biến hơn. Nhưng mặc dù Mauriac có thể không hoàn toàn thành công trong việc làm cho sự hoán cải trở nên đáng tin cậy ở mọi điểm, nhưng ông đã tiến gần đến mức Khúc Cuộn Rắn Lục phải được xếp vào hàng những tiểu thuyết Công Giáo vĩ đại nhất trong thế kỷ 20 vì nó mô tả cả điều ác lẫn điều thiện.

Mô tả đó quan trọng đối với Mauriac bởi vì, giống như hầu hết mọi người, ông không đáp ứng với thần học và triết học trừu tượng. Ông tuyên bố không có khả năng đối với cả hai, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Ông có khả năng suy luận rất cẩn thận và với con mắt sắc bén của một tiểu thuyết gia đối với những phần của thực tại mà hầu hết mọi người không thể thấy được. Ông có một sức mạnh bản năng để cảm nhận cuộc sống. Thật khó để nói - bản thân ông không phải lúc nào cũng biết - liệu tiểu thuyết của ông có ảnh hưởng truyền giáo hay không, và tất nhiên, toàn bộ câu hỏi liệu tiểu thuyết có nên tham gia vào một công việc như vậy hay không là một câu hỏi gây khó chịu. Mauriac và Maritain đã trao đổi ý kiến về câu hỏi này, Maritain nói rằng ngay cả khi đối phó với cái ác cũng cần phải “làm trong sạch nguồn gốc”, Mauriac không nhất thiết là không đồng ý nhưng nhắc nhở Maritain rằng, cùng với các nhân vật của mình, chính tiểu thuyết gia Kitô giáo cũng liên quan đến chính tội lỗi giống như tất cả những con người khác. Nghịch lý thay, Maritain nghĩ rằng, nói đúng ra, cái nhìn sâu sắc và mở ra những thực tại mới trong văn học, mặc dù quan trọng, vẫn tách biệt với chân lý đức tin. Tuy nhiên, Kinh thánh, Dante và nhiều văn bản Kitô giáo khác cho rằng những gì chúng ta coi là “văn học” có thể đóng một vai trò quan trọng trong đức tin và phải làm như vậy bởi vì hầu hết mọi người “không có khả năng” về triết học, như Thánh Tôma đã nói ở một số chỗ. Như với những Kitô hữu đầu tiên, đức tin phải đến bằng cách nghe—cuộc trò chuyện và câu truyện—chứ không phải bằng suy đoán hợp lý, hoặc ít nhất là không phải ngay từ đầu.

Cách kể chuyện như vậy phải tuân theo các quy tắc của riêng nó và không thể là tầm nhìn tâm linh lý tưởng hóa, trừu tượng mà một số Kitô hữu cho rằng nó phải như vậy. Nếu Mauriac đúng - và một Kitô hữu sẽ tự chuốc lấy thất bại nếu phủ nhận quan điểm của mình - một nền văn học Kitô giáo sẽ phản ảnh cả những mức thấp lớn hơn và những mức cao lớn hơn so với một nền văn học duy nhân bản đơn thuần. André Gide, một người bạn lâu năm của Mauriac, đã tấn công cuốn tiểu thuyết trước đó của Mauriac, Destins (Định mệnh), vì điều mà Gide coi là việc ông sử dụng chất liệu tục tĩu để bán sách. Mauriac đã trả lời một cách thông minh trong cuốn Dieu et Mammon (Thượng đế và Thần Tài), (120) nhưng ông cũng lập luận rằng một tiểu thuyết gia đích thực—thậm chí là một tiểu thuyết gia Công Giáo—không phải lúc nào cũng kiểm soát được chất liệu mong muốn được sinh ra từ anh ta. Mauriac thậm chí phần nào thừa nhận điều mà Gide thường nói, rằng ma quỷ là “cộng tác viên” trong văn chương. Để làm cho sự hấp dẫn của cái ác trở nên dễ hiểu - và một tiểu thuyết gia Kitô giáo phải tính đến sự hiện diện to lớn của cái ác trên thế giới - sức mạnh của nó phải đến với chúng ta trong văn học. Mauriac vật lộn với vấn đề này mà không giải quyết được hoàn toàn. Ông bác bỏ những cáo buộc chính của Gide nhưng sau đó trở nên cẩn thận hơn với công việc của mình. Dĩ nhiên, trên một bình diện khiêm tốn hơn, Mauriac biết rằng tất cả các nhà văn, kể cả ông, đều muốn được đọc. Nếu không, họ sẽ không viết. Và ai cũng phải kiếm sống. Nhưng sự nghi ngờ của Gide rằng việc Thần Tài và Chúa Kitô đóng vai trò then chốt trong công trình của Mauriac là đi ra ngoài mục tiêu. Mauriac không phải là loại tác giả - hay con người - chủ yếu tìm kiếm tiền bạc và danh vọng. Trên thực tế, việc Mauriac sẵn sàng nói những điều không phổ biến trở nên rõ ràng hơn khi tình hình chính trị trở nên nguy hiểm trong những năm 1930 và 1940, và ông đã áp dụng những quan điểm thường không được hoan nghênh, đặc biệt là đối với người Công Giáo.

Trước Thế chiến thứ hai, ông rất thẳng thắn về sự trỗi dậy của Chủ nghĩa phát xít và Chủ nghĩa Quốc xã và đặc biệt ghê tởm trước sự kết hợp giữa Công Giáo và bạo lực của Tướng Franco ở Tây Ban Nha. Cùng với Maritain, ông là một trong số ít người Công Giáo ủng hộ lực lượng Cộng hòa chống lại những người theo chủ nghĩa Quốc gia “Công Giáo”, mặc dù đảng Cộng hòa có quan hệ chặt chẽ với Cộng sản. Trong thời kỳ chiếm đóng của Pháp, báo chí của Mauriac cực kỳ chống Đức quốc xã, đến mức ông đã xuất bản dưới bút danh “Forez” và cuối chiến tranh phải lẩn trốn. Sau chiến tranh, mặc dù đã mạo hiểm mạng sống của mình để lên tiếng, nhưng ông đã chọn chủ trương, phổ biến ở tất cả các bên, rằng điều gọi là “những hợp tác viên” nên được đối xử tử tế, ngoại trừ những trường hợp khét tiếng nhất. Nhiều người trong số những người đòi trả nợ máu nhất, như Jean-Paul Sartre, đã đồng lõa một cách thụ động trong thời gian chiếm đóng. Albert Camus, người có uy tín hơn với phe Kháng chiến, ban đầu phản đối Mauriac, nhưng sau đó, khi ông đã thấy áp lực trở thành như thế nào, đã thừa nhận, “Trong cuộc cãi vã của chúng tôi, ông François Mauriac mới là người đúng.” (121)

Chủ trương của Mauriac đối với vấn đề này, trong nền chính trị phức tạp của Pháp, dường như là thuộc cánh hữu. Trên thực tế, nền chính trị của ông không bao giờ mang tính đảng phái mà hầu như luôn là sự thể hiện các nguyên tắc Kitô giáo mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc Pháp sâu sắc. Mauriac đã không ngần ngại trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở Algérie để đảm nhận những gì có vẻ là lập trường cánh tả trong việc phản đối sự đàn áp bạo lực đối với người Ả Rập. Đối với những người có óc đảng phái nghiêm ngặt, điều này dường như không nhất quán. Nhưng sự nhất quán sâu sắc hơn nằm ở mong muốn thấy một nước Pháp được khôi phục và thống nhất trong các nguyên tắc cơ bản của Kitô giáo và dân chủ, cả hai đều cấm đàn áp. Giọng nói của ông rất có ảnh hưởng. Người ta nói rằng chỉ một bài báo của ông đã ngăn chặn sự tàn bạo của cảnh sát ở Algerie trong hai hoặc ba tháng.(122) Tình bạn của Mauriac với de Gaulle và sự ủng hộ chung đối với các chính sách của vị tướng này (họ bất đồng về những vấn đề cụ thể) phản ảnh quan điểm của tiểu thuyết gia rằng chỉ de Gaulle mới có quyền lực lịch sử, gần như huyền thoại, để mang các thành phần khác nhau của quốc gia lại với nhau, ngay cả khi nó phải nằm dưới một loại chế độ “lãnh sự”. Nhiều người coi đây là một lập trường bảo thủ, nhưng một lần nữa, có thể đúng hơn khi nói rằng sự dao động dường như của Mauriac giữa quan điểm “bảo thủ” và “cấp tiến” cho thấy cam kết sâu sắc hơn của ông đối với tầm nhìn về con người và nước Pháp mà chỉ có thể được thể hiện một phần bởi một trong hai phe phái chính trị cạnh tranh thông thường.

Trong thời kỳ hỗn loạn này, Mauriac ít quan tâm đến văn học hơn. Như ông đã thú nhận trong các ghi chép [Bloc-notes] của mình, “Ở tuổi của tôi, xung đột giữa Kitô giáo và tiểu thuyết gia đã chuyển sang một bình diện khác. Vấn đề không hẳn là sự đắn đo của người theo chủ nghĩa Jansenist từng khiến tôi khó khăn khi mô tả những đam mê cho bằng là một kiểu vỡ mộng với mọi thứ liên quan đến nghệ thuật nói chung và nghệ thuật của tôi nói riêng. Một cảm giác cho rằng nghệ thuật thực sự là một thần tượng, rằng nó có những vị tử đạo và những nhà tiên tri của nó, và đối với nhiều người, nó là sự thay thế cho Thiên Chúa. Và không chỉ riêng nghệ thuật, mà cả ngôn từ - ngôn từ chưa được tạo thành xác thịt.” (123) Xung đột giữa “Kitô hữu và nhà tiểu thuyết” ở đây lặp lại một cuộc tranh cãi khác mà Mauriac bị lôi kéo vào. Năm 1939, chàng trai trẻ Jean-Paul Sartre, trước khi trở nên nổi tiếng, đã tấn công Mauriac ở La Nouvelle Revue française. Sartre buộc tội Mauriac đóng vai Thiên Chúa với các nhân vật của ông trong tiểu thuyết La fin de la nuit [Đêm tàn], điều chỉnh số phận của họ theo một khuôn mẫu Kitô giáo đã định sẵn và đưa ra những tuyên bố tuyệt đối về họ mà không ai cho là mình biết. Sartre kết thúc bài phê bình đôi khi sâu sắc bằng nhận xét khét tiếng, “Thiên Chúa không phải là một nghệ sĩ; và ông Mauriac cũng vậy.” [124]

Cơ sở khiếu nại của Sartre là Mauriac được coi là đã dẫn nhập những phán đoán tuyệt đối về những sự việc xảy ra mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể biết được, đặc biệt là trong vũ trụ “Einstein” duy tương đối. Điều này thực sự đã biến các nhân vật con người của ông thành những thứ được quyết định bởi hoàn cảnh và loại bỏ tự do của họ (một ứng dụng văn học khá cứng ngắc về sự phân biệt sau này của Sartre giữa en soi pour soi [trong mình, vì mình]). Một tiểu thuyết gia Kitô giáo hơn bất cứ ai – nhân chứng là Dostoyevsky, Sartre nói – có vị thế tốt để viết về những hữu thể tự do. La fin de la nuit không phải là tiểu thuyết hay nhất của Mauriac, một phần vì Thérèse Desqueyroux, một nhân vật phức tạp trong một số truyện của Mauriac, xuất hiện. Người phụ nữ này - người trong kiếp đầu tiên đã cố gắng giết chồng mình và sau đó trải qua nhiều thay đổi phức tạp - đã ám ảnh Mauriac, nhưng cuối cùng ông không thể xác định được phải làm gì với nàng. Sự do dự đó khiến ông cứ quẩn quanh bên nàng trong bài viết của mình. Sartre ghi nhận sự dao động về quan điểm này và đưa ra một số nhận xét sâu sắc về những đoạn văn vụng về trong cuốn sách mà Mauriac đã tự xâm nhập một cách sai lầm. Nhưng đổ lỗi hoàn toàn cho “tác giả toàn tri” vì đã thống trị lên các nhân vật của mình có nghĩa là loại bỏ tất cả những nhận xét chung về bản chất thực tế khỏi tiểu thuyết. Dickens và Balzac, vốn là các tiểu thuyết gia như bất cứ ai khác, đưa ra những nhận xét như vậy mà không để lại hậu quả chết người. Và ngay cả những khuôn mẫu Kitô giáo được thiết lập sẵn cũng không gây tử vong cho văn học: trong số các nhà thơ, chúng dường như không cản trở một cách không thích đáng những nhà văn như Dante hay Claudel. Nửa thế kỷ sau, lời phê bình của Sartre dường như chỉ nhằm vào việc xây dựng kém cỏi nhưng lại bị thổi phồng quá mức khi nó cố gắng ra lệnh cho các tiểu thuyết gia những gì họ có thể và không thể làm. Như trong phần lớn tác phẩm của mình, Sartre cũng vạch ra một sự khác biệt quá rõ ràng giữa tự do của con người và những hoàn cảnh thường hạn chế trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là những tạo vật mang xác thân. (125)

Mauriac đã lưu ý đến một số điểm tốt hơn của Sartre trong tác phẩm sau này của ông. Nhưng nhất quán với quan điểm của mình về nền văn học Kitô giáo như có nhiều điểm cao và thấp hơn so với quan điểm thế tục, cách nhìn cơ bản của ông đúng hơn quan điểm của Sartre. Mauriac gợi ý mạnh mẽ rằng phần lớn điều ác chúng ta làm là do di truyền và có thể không hoàn toàn đòi hỏi trách nhiệm bản thân. (Cha Donissan trong Sous le soleil de Satan của Bernanos cũng đưa ra nhận xét tương tự khi ông được ban cho năng khiếu đọc linh hồn.) Trong các cuốn sách của Mauriac, cái ác đó lan tràn, thậm chí có tính vũ trụ, bên cạnh việc đôi khi được truyền đi bởi các phương tiện hàng ngày hơn là gia đình và cộng đồng. Robert Speaight đã nhận xét về điểm đặc biệt này: “Nếu lời phê bình của Sartre có cơ sở vững chắc, thì Mauriac đã không phải là Kitô hữu đầu tiên vướng mắc vào vấn đề tiền định và ý chí tự do, cũng không phải là người đầu tiên thấy nó không thể giải quyết được.” (126) Liên kết chủ yếu đến tình dục và tiền bạc ở tỉnh lẻ nước Pháp, Mauriac là một thế giới văn chương phần nào hơi hẹp. Nhưng những tỉnh đó tiết lộ nhiều điều phổ quát trong hiện hữu của con người. Và những phổ quát đó hiện diện rõ ràng ở các tỉnh hơn là chúng có thể xuất hiện trong các bối cảnh phức tạp hơn. Hơn nữa, trong việc trình bày tiết kiệm có tính cổ điển và hiểu biết sâu sắc về con người của ông, Mauriac có rất ít người ngang hàng. Trong số những người Công Giáo cùng thời với ông, có lẽ chỉ có Graham Greene là ngang hàng.

Về mặt Công Giáo, Mauriac có lợi thế hơn Greene ở chỗ ông vẫn kiên định theo Công Giáo. Pascal là người đã giúp ông đứng thẳng vượt qua những thử thách và sự nổi loạn hoàn toàn bản thân mà ông đã trải qua khi còn sống ở Pháp. Ông thú nhận rằng Giáo hội định chế không chỉ khiến ông lạnh nhạt mà còn gây ra những nghi ngờ vì một số lý do. Đầu tiên, ngay từ khi còn trẻ, ông đã bị thành phần tư sản ở các tỉnh đẩy lùi. Những người ở đó trên danh nghĩa là Công Giáo, dường như hết lòng duy trì đức tin và đạo đức, nhưng lại bí mật sử dụng những điều đó như một vỏ bọc cho sự ích kỷ mà ít quan tâm đến công lý và người nghèo, như xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết. Các giáo xứ địa phương dường như không làm gì để khắc phục tình trạng này. Hơn nữa, khi Giáo hội lên án các phong trào như Le Sillon của Marc Sagnier, phong trào mà Mauriac đã tham gia khi còn trẻ, dường như nó đã tạo ra một rào cản giữa đức tin Công Giáo và xã hội hiện đại. Đức Lêô XIII, như chúng ta đã thấy trước đó, đã khuyến khích phong trào Tập hợp thành nền Cộng hòa; Người Công Giáo phải tham gia vào cuộc sống hiện đại đồng thời mang đến những quan điểm khác biệt. Nhưng đối với Mauriac, thông điệp Pascendi năm 1907 của Đức Piô X dường như đã cắt đứt các thử nghiệm khác đang tìm cách đối thoại với thế giới hiện đại và khiến ông phải trải qua rất nhiều khó khăn. Và, tất nhiên, có sự hoài nghi chung của giới trí thức đối với niềm tin truyền thống.

Pascal đã giúp đỡ tất cả những điều này, như Mauriac đã giải thích trong cuốn sách khôn ngoan và muộn màng What I Believe [Tôi tin chi?] của ông.(127) Ở đó, ông cho thấy một sự tự tin điềm tĩnh có được sau hàng chục năm đấu tranh, đấu tranh không chỉ chống lại những cám dỗ thông thường mà còn với những yếu tố không hợp thời trong Giáo hội. Chẳng hạn, Mauriac nói rằng sau vụ Pascendi, “Hôm nay tôi làm chứng rằng chính Đấng Kitô của Pascal đã nói với tôi, trong những giờ phút đó, ‘Hãy ở lại với Ta.’” (128) Ở đây có thể thấy rõ Mauriac là người sẽ chào đón Công đồng Vatican II, trong đó “Phê-rô không còn là ông già bị những người hầu của mình cô lập và thậm chí cầm tù nữa. Tôi thấy ngài được bao quanh bởi tất cả các con trai của mình, và thậm chí bởi những người đã yêu cầu chia phần thừa kế của họ và những người đã rút lui khỏi ngài.” (129) Mauriac cảm thấy “sự oán giận mơ hồ” (130) dưới mọi giáo hoàng ngoại trừ Đức Piô XI. Nhưng tuyên bố này không nên được hiểu theo cách lỗi thời như là ủng hộ các phong trào xuất hiện sau Công đồng. Năm 1968, khi Đức Phaolô VI ban hành Humanae Vitae, thông điệp nhắc lại việc Giáo hội lên án việc tránh thai, chẳng hạn, sáu trăm linh mục Pháp đã ký một lá thư phản đối. Mauriac đã ký một lá thư trung thành với giáo hoàng. (131) Cuốn Paysan de la Garonne của Jacques Maritain xuất hiện vài năm sau đó và chỉ trích những lạm dụng của Công đồng đã dẫn đến sự từ bỏ toàn bộ các nguyên tắc Công Giáo. Mauriac đã đọc nó và đồng ý rằng quá trình tự do hóa mong muốn trước đó đã đi sai hướng hoàn toàn. Hy vọng của ông về việc mở cửa mục vụ được khai mạc tại Công đồng cho thấy sự dịu dàng và âu yếm mà Mauriac đã đồng nhất với trái tim Pascal của đạo Công Giáo – bất chấp việc ông được thừa nhận là một nhà luận chiến sau Thế chiến II khi phần lớn công việc của ông bao gồm báo chí được nhiều người theo dõi và rất có ảnh hưởng.(132)

Lập trường Pascal của ông gần với cuốn Love Alone Is Credible [Chỉ có tình yêu là đáng tin cậy] của von Balthasar, xuất hiện vào năm 1963, ba năm sau cuốn What I Believe của Mauriac. Chính con người của Pascal, trong mắt Mauriac, đã bác bỏ nhiều phản đối của chủ nghĩa duy vật hiện đại: “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì Blaise Pascal phát xuất từ đâu? Liệu vật chất ì ạch mù quáng có thể sinh ra tư duy, ngôn ngữ và trái tim không thể thỏa mãn đó được không?” (133) Đối với những người tranh luận rằng Pascal không phải là một nhà tư tưởng bình thường, ông nói:

Ông không giống các triết gia và, theo Paul Valéry, ông đối lập với một triết gia. Ông là một con người tin rằng sự thật hiện hữu và là một Ai đó. Ông tuyên bố rằng Ông biết sự thật và cố gắng thuyết phục người khác, và đã làm như vậy không phải bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu đòi hỏi một cuộc khai tâm mà bằng một ngôn ngữ bình thường mà một người bình thường có thể hiểu được, ngôn ngữ chính xác nhất và thuần khiết nhất được nói ở Pháp, ngôn ngữ không bao giờ không nhìn thấy tạo vật được hình thành bởi thiên nhiên và phong tục mà ông muốn thuyết phục. "Ông nhìn thấy một cách vượt trội những gì mọi người có thể nhìn thấy!" Valéry nói một cách khinh bỉ. Đúng! Nhưng nếu đây là dấu hiệu của thiên tài thì sao? (134)

Tiểu thuyết gia Mauriac biết rằng có nhiều sự tự lừa dối và nhiều mơ tưởng giữa những Kitô hữu đang tìm kiếm sự an ủi—bao gồm cả chính ông—nhưng dường như ông tin chắc rằng mình có thể tin cậy nơi Đấng Kitô là “Đấng duy nhất đã ban cho tôi sự dịu dàng mà tất cả những người khác đã từ chối tôi, một sự dịu dàng mạnh mẽ và không giả dối, và chỉ có một Thiên Chúa mới có quyền lực kết hợp với sức mạnh vô hạn.” (135)

Đây là một cách mạnh mẽ để trình bầy lý lẽ. Nhưng, như Mauriac biết, tất nhiên là có thể phản đối thông thường rằng đó là mơ tưởng đã in sâu trong chúng ta trong thời thơ ấu. Nhưng đối với ông, lối suy nghĩ nghịch lý này dường như lại là chìa khóa dẫn đến sự chân thực. Và những loại nghịch lý này thực sự dường như đã hỗ trợ công việc của ông với tư cách là một tiểu thuyết gia; chẳng hạn, ông nói, “Ánh sáng mà tôi đã nhận được, mà tôi đã đồng ý, khiến tôi chú ý, trong suốt cuộc đời tôi, đến [sự] mâu thuẫn trong bản thân tôi và trong tất cả mọi người.” (136) Tuy nhiên, ông sẽ không cho phép một Kitô hữu có thể tiếp tục hài lòng với “những mầu nhiệm” về việc chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, chúng ta sẽ đi đâu. (137) Những người theo chủ nghĩa thế tục phủ nhận bất cứ ý nghĩa nào đối với những câu hỏi này là những người đã cấm tìm kiếm sự thật. Phải thừa nhận là chúng ta không biết câu trả lời, nhưng Thiên Chúa biết và dần dần tỏ cho chúng ta, đôi khi sau nhiều năm cố tình mù quáng và tổn thương. Tình yêu bị tổn thương kéo dài hơn ba mươi năm của Louis trong Khúc Cuộn Rắn Lục hầu như không phải là trường hợp duy nhất và thậm chí có thể giống quy luật hơn ở một số khía cạnh ngay cả đối với những người tự xưng là Kitô hữu. Tuy nhiên, ánh sáng đó vẫn hiện hữu, và Mauriac tuyên bố rằng, theo cách nhỏ bé của mình, ông đã nhìn thấy ánh sáng từ ngọn lửa đang cháy mà Pascal nói đến trong tác phẩm “Tưởng niệm” huyền nhiệm nổi tiếng của mình, ngay cả khi còn là một đứa trẻ. Có vẻ như sự thật đơn giản khi nói rằng, bất kể bước ngoặt nào diễn ra trong cuộc đời văn chương của ông, thì ánh sáng đó là thứ mà ông mang đến trong các tiểu thuyết của mình - cũng như tiểu thuyết của người đồng hương Bernanos - như một cứu cánh cho tất cả những đứa trẻ có tình yêu bị cản trở.

Kỳ sau: Các ghi chú
 
VietCatholic TV
Lính Nga bắn như mưa, tuyệt vọng nhìn USV lao vào chiến hạm. Lời thỉnh cầu Donald Trump của Zelensky
VietCatholic Media
16:50 04/07/2024


1. Thuyền điều khiển từ xa trên biển của Ukraine tấn công căn cứ Hạm đội Hắc Hải của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's Sea Drones Attack Russian Black Sea Fleet Base”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo địa phương, trong hai ngày liên tiếp, thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine đã tấn công một cảng ở thành phố Novorossiysk ở Krasnodor Krai, nơi có căn cứ hải quân của Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Mùa thu năm ngoái, Nga đã di dời nhiều tàu chiến của mình khỏi Crimea bị sáp nhập đến căn cứ Novorossiysk ở khu vực Krasnodar của Nga do các cuộc tấn công của Ukraine đang diễn ra nhằm vào các tàu của họ, khi Kyiv tìm cách đảo ngược việc Nga sáp nhập bán đảo Hắc Hải năm 2014.

Veniamin Kondratev, Thống đốc khu vực Krasnodar của Nga, thông báo về một “cuộc tấn công bằng thuyền điều khiển từ xa” vào đầu giờ sáng Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy, trong khi các kênh Telegram địa phương cho biết người dân cho biết họ đã nghe thấy nhiều tiếng nổ trong ngày thứ hai của các cuộc tấn công liên tiếp.

Thống đốc cảnh báo dân chúng: “Đừng đi ra ngoài, đặc biệt là đến bờ kè ven biển”.

Ukraine đã tăng cường tấn công Hải quân Nga bằng máy bay điều khiển từ xa hàng hải Magura V5 trong những tháng gần đây. Vào tháng 5, Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là HUR, cho biết họ đã gây thiệt hại trị giá 500 triệu Mỹ Kim cho các tàu hải quân Nga trong suốt cuộc chiến.

Phát ngôn nhân HUR Andriy Yusov cho biết thuyền điều khiển từ xa Magura V5 là “vũ khí chính và tốt nhất mà Ukraine hiện có” để nhắm vào Hạm đội Hắc Hải.

Kênh Telegram địa phương Crimea Wind đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy các đám cháy bùng phát ở cảng Novorossiysk và chất vấn về phiên bản sự kiện của Mạc Tư Khoa sau khi phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho rằng các thuyền điều khiển từ xa của Ukraine đã bị đánh chặn.

“Có thứ gì đó đang bốc cháy suốt từ bến số 7 đến bến số 12 và tại một doanh nghiệp nằm gần cảng”, kênh này cho biết. “Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng lại báo cáo về việc phá hủy hai thuyền điều khiển từ xa trên biển. Nhưng vì lý do nào đó, đám cháy lại xảy ra ngay trên đất liền.”

Hình ảnh vệ tinh từ tháng 10 năm ngoái cho thấy hạm đội Nga đang chạy trốn từ Sevastopol ở Crimea đến Novorossiysk. Các tàu cũng đang hướng tới cảng hải quân Nga ở Feodosia xa hơn về phía đông trên Bán đảo Crimea đã sáp nhập.

Những hình ảnh vệ tinh gần đây hơn từ tháng 4, được chia sẻ bởi nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở MT Anderson của OSINT, dường như cho thấy Hạm đội Hắc Hải phần lớn đã từ bỏ các căn cứ hải quân lớn ở Crimea.

Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết vào tháng 3 rằng “mục tiêu cuối cùng của Kyiv là hoàn toàn không có tàu quân sự của cái gọi là Liên bang Nga ở khu vực Azov và Hắc Hải”.

2. Tổng thống Zelenskiy nói với cựu Tổng thống Trump: Nếu ông có kế hoạch chấm dứt chiến tranh, hãy cho chúng tôi biết ngay

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelenskyy to Trump: If you have a plan to end the war, tell us now”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết nếu Donald Trump biết cách chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, ông ấy không nên đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 để tiết lộ chi tiết.

“Tôi sẽ giải quyết cuộc chiến giữa Putin và Zelenskiy với tư cách là tổng thống đắc cử trước khi tôi nhậm chức tổng thống vào ngày 20 tháng Giêng,” cựu Tổng thống Trump nói trong cuộc đối đầu trên truyền hình tuần trước với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Trong khi ứng cử viên của Đảng Cộng hòa chưa công khai tiết lộ kế hoạch của mình đối với Ukraine, ông đã nhiều lần nói rằng chấm dứt chiến tranh sẽ là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông nếu trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

“Nếu Ông Trump biết cách kết thúc cuộc chiến này, ông ấy nên nói với chúng tôi ngay hôm nay,” Zelenskiy nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. “Bởi vì nếu có những rủi ro đối với nền độc lập của Ukraine, nếu có những rủi ro khiến chúng tôi mất tư cách nhà nước, chúng tôi muốn chuẩn bị cho điều này.”

Zelenskiy cho biết ông muốn biết liệu sau ngày 5 tháng 11 - khi người Mỹ đi bầu cử - Ukraine có tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ hay phải tự lo liệu.

Tổng thống Ukraine nói: “Họ không thể lên kế hoạch cho cuộc sống của tôi và cuộc sống của người dân chúng tôi, con cái chúng tôi”. “Thông điệp của tôi là nếu họ có kế hoạch, nó có thể không được công khai vì cuộc bầu cử nhưng tôi nghĩ chúng tôi phải biết trước để chuẩn bị.”

Trong cuộc tranh luận tuần trước với Tổng thống Biden, ông Trump nói rằng ông không coi tối hậu thư của Putin về việc Ukraine giao 4 khu vực của mình cho Nga để chấm dứt chiến tranh là có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, ông nói rằng ông đang cân nhắc một thỏa thuận, theo đó NATO cam kết không mở rộng thêm về phía đông - đặc biệt là sang Ukraine và Georgia - và đàm phán với Tổng thống Nga về việc Mạc Tư Khoa có thể giữ được bao nhiêu lãnh thổ Ukraine, các quan chức và cố vấn liên lạc của cựu Tổng thống Trump nói với POLITICO..

3. Erdogan đề nghị hòa giải đàm phán hòa bình, Điện Cẩm Linh thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này

Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Kazakhstan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề xuất với Putin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp làm trung gian chấm dứt chiến tranh.

SCO là một tổ chức liên chính phủ được Trung Quốc và Nga thành lập năm 2001 tại Thượng Hải. Nó tập trung vào các vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng Á-Âu. Kỳ họp SCO lần thứ 24 đang diễn ra trong 2 ngày mùng 3 và 4 Tháng Bẩy.

Phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov, bác bỏ ý kiến này, nói rằng Erdogan không thể đóng vai trò trung gian. Peskov cho biết như trên mà không đưa ra lý do cụ thể.

Putin đã tới Kazakhstan vào ngày 3 Tháng Bẩy để thảo luận về an ninh và quốc phòng trong khu vực. Ông cũng dự kiến tổ chức một loạt cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, Erdogan đã đặt mục tiêu duy trì mối quan hệ tích cực với cả Nga và Ukraine, trước đó đã đạt được thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc an toàn từ các cảng Hắc Hải của Ukraine kéo dài trong một năm.

Erdogan trước đây đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa. Những vòng đàm phán hòa bình cuối cùng không thành công vào năm 2022 đã diễn ra tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ.

4. Quân đội Ukraine tuyên bố rút quân khỏi khu vực phía đông Chasiv Yar

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân đội Ukraine đã quyết định rút khỏi khu vực Kanal của thị trấn Chasiv Yar đang bị bao vây ở tỉnh Donetsk.

Ông cho biết quyết định này được đưa ra vì các vị trí phòng thủ trong khu vực lân cận đã bị phá hủy và các chỉ huy đồng ý rút lui về các vị trí được bảo vệ tốt hơn.

Sau khi chiếm được Avdiivka vào tháng 2, các lực lượng Nga đã chuyển trọng tâm sang Chasiv Yar, một thị trấn trên cao có khả năng mở ra cho Nga con đường tiến sâu hơn vào tỉnh Donetsk.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết vào cuối tháng 6 rằng quân đội Nga đã bị đẩy lùi khỏi khu vực lân cận Kanal nhưng quân xâm lược vẫn chưa từ bỏ ý định đột phá vào khu vực Chasiv Yar.

Các lực lượng Nga đã tăng cường tấn công ở tỉnh Donetsk, tập trung một trong những nỗ lực chính vào thị trấn Chasiv Yar.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết hôm 2 Tháng Bẩy rằng giao tranh đặc biệt căng thẳng trong những tuần gần đây xung quanh thị trấn Toretsk, nằm cách Chasiv Yar khoảng 25 km về phía nam.

5. Chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế khi bỏ tù nhà báo Mỹ Gershkovich

Những người ủng hộ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tin rằng Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế khi bỏ tù phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal và nên thả anh ta “ngay lập tức”.

Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, bao gồm các chuyên gia độc lập do cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc triệu tập, đã nhấn mạnh “sự thiếu căn cứ thực tế hoặc pháp lý đáng chú ý” đối với các cáo buộc gián điệp chống lại Gershkovich.

Gershkovich bị bắt tại Yekaterinburg vào cuối tháng 3 năm 2023 khi đang thực hiện một câu chuyện về phương pháp tuyển dụng của nhóm lính đánh thuê Wagner, cũng như quan điểm của công dân Nga về cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Nhà báo này đã bị giam giữ trước khi xét xử ở Nga hơn một năm vì tội gián điệp. Phiên tòa xét xử anh ta đã bắt đầu ở Yekaterinburg vào ngày 26 tháng Sáu.

Nếu bị kết án, Gershkovich phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm, một kết quả có thể xảy ra vì các tòa án Nga có tỷ lệ kết án lên tới hơn 99%.

Nhóm năm thành viên của Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng quốc tịch Hoa Kỳ của Gershkovich là một yếu tố khiến anh bị giam giữ, khiến vụ việc chống lại anh là “phân biệt đối xử”.

Matthew Gillett, chủ tịch nhóm làm việc, cho biết ý kiến của họ dựa trên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, được thông qua năm 1966 và được 174 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press: “Hiệp ước là điều mà Nga đã tự do ký kết và chấp nhận các nghĩa vụ theo đó, và do đó, theo luật pháp quốc tế, nước này có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản của giao ước”.

Nhóm Liên Hiệp Quốc kết luận rằng vì việc giam giữ Gershkovich là tùy tiện và như thế không nên có phiên tòa nào diễn ra. Mặc dù nhóm không thể buộc Nga phải phản hồi nhưng nhóm này có nhiệm vụ điều tra các trường hợp các quốc gia vi phạm các cam kết quốc tế của họ.

6. Các đồng minh tin rằng Trung Quốc bị cáo buộc phát triển máy bay điều khiển từ xa tấn công để hỗ trợ Nga, Bloomberg đưa tin

Các công ty Trung Quốc được cho là đang phát triển máy bay điều khiển từ xa tấn công tương tự như máy bay điều khiển từ xa loại Shahed do Iran sản xuất để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống Ukraine, Bloomberg đưa tin hôm 2 Tháng Bẩy, dẫn lời các quan chức Âu Châu quen thuộc với vấn đề này.

Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc và Nga đã đàm phán vào năm 2023 để phát triển một máy bay điều khiển từ xa tấn công tương tự như máy bay điều khiển từ xa Shahed được sản xuất hàng loạt, nhiều quan chức Âu Châu giấu tên nói với hãng tin này.

Các quan chức giấu tên cho biết máy bay điều khiển từ xa của Trung Quốc vẫn chưa được sử dụng ở Ukraine.

Mặc dù Trung Quốc chính thức duy trì lập trường trung lập về cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine và phủ nhận việc cung cấp viện trợ sát thương, Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tăng cường mối quan hệ, được nhấn mạnh bởi chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tới chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5 vừa qua.

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã cáo buộc Trung Quốc liên tục hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga ở Ukraine bằng cách cung cấp máy công cụ, công nghệ vũ khí, hình ảnh vệ tinh, chất bán dẫn và các công nghệ lưỡng dụng khác.

Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith nói: “Tại NATO, chúng tôi bảo đảm rằng chúng tôi có thể vạch trần sự thật rằng Trung Quốc không còn là một bên chơi trung lập và cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ đứng sau Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ này”.

Trong một tuyên bố hôm Thứ Tư, 03 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, phủ nhận việc Trung Quốc đang cung cấp viện trợ gây chết người cho Nga, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây “ngừng ngay lập tức việc thúc đẩy cuộc chiến và kích động đối đầu”.

Các đồng minh NATO đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc không cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Mạc Tư Khoa để giúp chấm dứt chiến tranh.

Iran đã sản xuất máy bay điều khiển từ xa loại Shahed cho Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Máy bay điều khiển từ xa, thường mang theo chất nổ, sản xuất hàng loạt không tốn kém nhưng lại gây ra tổn thất đáng kể cho đối phương.

7. Tucker Carlson tuyên bố sắp thực hiện cuộc phỏng vấn với Zelenskiy

Hôm Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy, nhà bình luận chính trị cực hữu Hoa Kỳ Tucker Carlson cho biết “có vẻ như chúng tôi đã được bảo đảm sẽ có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy” và nói thêm rằng “chúng tôi hy vọng cuộc phỏng vấn này sẽ sớm diễn ra”.

Văn phòng Tổng thống Ukraine đã không trả lời yêu cầu bình luận của Kyiv Independent về cuộc phỏng vấn được tuyên bố và chưa công khai xác nhận điều đó tính đến thời điểm xuất bản bài viết này.

Thông báo này được đưa ra sau cuộc phỏng vấn gây tranh cãi giữa Carlson với Putin vào tháng 2. Carlson đã bị chỉ trích rộng rãi trong cuộc phỏng vấn, phần lớn là do đường lối tôn trọng của ông đối với Putin, những câu hỏi nhẹ nhàng và từ chối buộc nhà độc tài Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược Ukraine.

Carlson nói rằng ông đã “cố gắng trong hai năm” để phỏng vấn Zelenskiy “và với cường độ đặc biệt mạnh mẽ hơn sau khi phỏng vấn Putin.” Ông không cho biết điều ông nói đã khiến Zelenskiy cuối cùng đồng ý.

Carlson nói: “Mục đích là mang đến cho người Mỹ những thông tin rất cần thiết về cuộc xung đột đang định hình lại hoàn toàn vị thế của đất nước họ trên thế giới”.

Carlson là người quyết liệt phản đối Ukraine và sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kyiv.

Từng là người dẫn chương trình của Fox News, Carlson từ lâu đã bị chỉ trích vì đưa ra những bình luận gây tranh cãi trên mạng xã hội, được đặc trưng bởi một số người là người theo chủ nghĩa bản địa, phân biệt chủng tộc và đưa ra những luận điểm phản ánh tuyên truyền của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 với Donald Trump Jr., con trai của cựu Tổng thống Donald Trump, Carlson tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng “họ đang bán đất Ukraine cho các nhà đầu tư nước ngoài, và họ sẽ làm tràn ngập Ukraine với những người nhập cư từ thế giới thứ ba, và Ukraine sẽ không tồn tại trong 50 năm nữa.” Carlson không nói rõ từ “họ” mà ông ta dùng là muốn ám chỉ ai.

8. Mỹ công bố gói viện trợ quốc phòng mới cho Ukraine trị giá 150 triệu Mỹ Kim

Hôm Thứ Tư, 03 Tháng Bẩy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 150 triệu Mỹ Kim để cung cấp cho Ukraine các năng lực bao gồm cả hệ thống phòng không đánh chặn.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết gói hàng này cũng bao gồm đạn dược cho các hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, đạn pháo và các vũ khí quan trọng khác được lấy từ kho dự trữ của Mỹ.

Ông cho biết, viện trợ quân sự do Mỹ cung cấp trong “vài tháng qua rất quan trọng trong việc giúp người Ukraine bảo vệ lãnh thổ của họ trước những bước tiến của Nga”.

Gói viện trợ mới đến từ Cơ quan rút vốn của Tổng thống, một cơ chế cho phép tổng thống giao vũ khí cho các đồng minh từ kho dự trữ hiện tại của Mỹ.

Theo Bộ Quốc phòng, gói viện trợ này còn bao gồm hỏa tiễn dành cho hệ thống phòng không HAWK, đạn pháo 155ly và 105ly, đạn súng cối 81ly, xe chiến thuật và hệ thống Javelin.

Ngoài ra, Mỹ sẽ sử dụng khoảng 2,2 tỷ Mỹ Kim trong quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine để mua các hỏa tiễn đánh chặn cho hệ thống phòng không Patriot và NASAMS.

Tướng Kirby cho biết: “Như đã thông báo trước đó, Chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch đẩy nhanh việc chuyển giao những loại vũ khí này bằng cách sắp xếp lại các đợt giao hàng quân sự cho nước ngoài để dành ưu tiên cho Ukraine”.

“Kết quả là Ukraine sẽ được cung cấp các máy bay đánh chặn mà nước này rất cần để bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng trước các cuộc tấn công trên không của Nga.”

9. Đại Sứ của Tổng thống Biden tại Hung Gia Lợi chỉ trích Orbán vì ủng hộ cựu Tổng thống Trump

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Biden’s envoy to Hungary lashes Orbán for backing Trump”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Hôm Thứ Ba, 02 Tháng Bẩy, Đại sứ Mỹ tại Budapest đã chỉ trích Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán vì đứng về phía Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi Ngày Độc lập ở Budapest, Đại sứ David Pressman cho biết Orbán “tiếp tục nhắc nhở chúng tôi hàng ngày về việc ông ấy muốn ai thắng trong cuộc bầu cử đó, ông ấy sẽ bầu cho ai nếu ông ấy là người Mỹ, nhưng ông ấy không phải là người Mỹ”.

“Chúng tôi không có một đồng minh nào hay một đối tác nào khác - không một ai - công khai và không mệt mỏi, vận động cho một ứng cử viên cụ thể trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, dường như bị thuyết phục rằng, điều đó mới giúp ích cho Hung Gia Lợi, hoặc ít nhất là giúp đỡ cá nhân ông ta”

Orbán là nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đầu tiên ủng hộ cựu Tổng thống Trump khi ông tranh cử vào năm 2016 và từ đó trở thành một trong những người cổ vũ nhiệt tình nhất cho đảng Cộng hòa. Ông kêu gọi Trump vào năm 2023 hãy “tiếp tục chiến đấu” trong bối cảnh những rắc rối pháp lý của ông và nói với người dẫn chương trình truyền hình Mỹ gây tranh cãi Tucker Carlson rằng cựu Tổng thống Trump là “người có thể cứu thế giới phương Tây”.

Đến lượt mình, Tổng thống Trump đã tiếp đón Orbán tại Tòa Bạch Ốc vào năm 2019 và đáp lại sự ưu ái bằng cách ủng hộ nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi khi ông tái tranh cử vào năm 2022, thậm chí còn gọi ông là một “nhà lãnh đạo xuất sắc” vào năm ngoái.

Nhưng liên minh “quan trọng và lâu dài” giữa Hung Gia Lợi và Mỹ phải dựa trên mối quan hệ giữa người dân hai nước chứ không phải “tần suất ủng hộ chính trị của thủ tướng trên mạng xã hội hay số tiền người nộp thuế Hung Gia Lợi chi cho các thông điệp chính trị ủng hộ các ứng cử viên đắc cử các chức vụ tại Hoa Kỳ,” Pressman nói thêm vào thứ Ba.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bổ nhiệm Pressman làm Đại Sứ tại Hung Gia Lợi vào năm 2022. Là một cựu luật sư nhân quyền, Pressman đã tránh xa các chuẩn mực ngoại giao và là người chỉ trích gay gắt Orbán và chính phủ của ông, đả kích thủ tướng là một nhà lãnh đạo “ôm ấp” Putin, chống NATO và thúc đẩy “thông điệp chống Mỹ vô căn cứ.”

10. Ukraine nhận 2,2 tỷ Mỹ Kim từ IMF

Hôm Thứ Tư, 03 Tháng Bẩy, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Ukraine đã nhận được khoản hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ Mỹ Kim từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gọi tắt là IMF, và hoàn thành một cách thành công việc sửa đổi chương trình lần thứ tư.

Thủ tướng Shmyhal cho biết: “Những quỹ này sẽ giúp tài trợ cho các khoản chi ngân sách quan trọng, phúc lợi xã hội và tiền lương của bác sĩ và giáo viên”.

Khoản tiền này được giải ngân theo chương trình Quỹ mở rộng, gọi tắt là EFF, đã được IMF phê duyệt vào cuối tháng 6. Khoản tài trợ này được đưa ra sau khi Ukraine hoàn thành bản sửa đổi EFF lần thứ tư, diễn ra kể từ ngày 31 tháng 5.

Quỹ EFF nhằm mục đích giúp Ukraine ổn định trong bối cảnh chiến tranh, hỗ trợ quá trình phục hồi sau chiến tranh của đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi Ukraine tiến lên trên con đường trở thành một thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Không tính đợt gần đây nhất, EFF trước đó đã cung cấp cho Ukraine 7,6 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ ngân sách kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Tổng số tiền EFF cho giai đoạn 2023-2027 là 15,6 tỷ Mỹ Kim, một phần của gói hỗ trợ quốc tế lớn hơn dành cho Ukraine.

Viện trợ nước ngoài rất quan trọng đối với Ukraine trước áp lực kinh tế do cuộc xâm lược toàn diện của Nga gây ra. Quốc gia bị bao vây này đã nhận được 42,5 tỷ Mỹ Kim tài trợ từ bên ngoài vào năm ngoái, cho phép nước này hoạt động trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra.

11. Putin tìm ra kẽ hở để tiếp tục bán khí đốt của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Finds Loophole to Keep Selling Russian Gas”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo các báo cáo, doanh thu từ khí đốt qua đường ống của Nga có thể sụt giảm do cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin nhưng Mạc Tư Khoa đang tìm cách khác để bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG.

Bloomberg đưa tin, trích dẫn cơ sở dữ liệu vận chuyển toàn cầu Equasis, cho biết Nga đang nhân rộng chiến lược sử dụng cái gọi là “hạm đội bóng tối” để lách các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ, dựa vào các tàu để vận chuyển LNG.

Diễn biến này xảy ra khi một nghị sĩ Ukraine kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với LNG của Nga, cũng như dầu, kim loại và khí đốt qua đường ống, đồng thời nói rằng các biện pháp trừng phạt mà khối đã công bố chống lại hoạt động xuất khẩu tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Putin chưa đi đủ xa.

Trong vòng trừng phạt thứ 14 chống lại Mạc Tư Khoa, Liên Hiệp Âu Châu lần đầu tiên nhắm vào lĩnh vực LNG của Nga vào ngày 24 Tháng Sáu, cấm các cảng được sử dụng để trung chuyển nhiên liệu sang các thị trường thứ ba bên ngoài khối.

Oleksiy Goncharenko, thành viên phái đoàn Ukraine tại Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Âu Châu, gọi tắt là PACE, nói với Newsweek rằng các biện pháp trừng phạt của Âu Châu “trông giống như phô mai Thụy Sĩ, có rất nhiều lỗ hổng trong đó”.

Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu ngăn chặn lệnh cấm nhập khẩu LNG, vốn đã gia tăng kể từ khi bắt đầu chiến tranh và Âu Châu vẫn mua khí đốt của Nga. Trong khi đó, lượng hàng trung chuyển qua các cảng của Liên Hiệp Âu Châu tới Á Châu chỉ bằng 10% tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga, Reuters đưa tin.

Goncharenko cho biết: “Chúng tôi thấy rằng LNG của Nga hiện đang quay trở lại Âu Châu với số lượng lớn”. “Tôi lo ngại về điều này vì đó là điều mang lại cho Nga khả năng tiếp tục cuộc chiến chống lại đất nước tôi và toàn bộ thế giới văn minh.”

Hạm đội bóng tối là câu trả lời của Nga trước mức trần giá 60 Mỹ Kim một thùng do nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, áp đặt đối với dầu vận chuyển bằng đường biển. Nó lách các lệnh trừng phạt thông qua các tàu có quyền sở hữu được tổ chức lại để che giấu mối liên hệ của họ với Mạc Tư Khoa. Các tàu chở dầu có xu hướng cũ hơn và khiến các nhà lãnh đạo Âu Châu lo ngại rằng chúng gây ra rủi ro cho môi trường.

Hiện có vẻ như Mạc Tư Khoa đang sử dụng chiến lược tương tự để vận chuyển LNG bằng đường biển. Báo cáo ngày 27 tháng 6 cho biết trong ba tháng qua, một công ty ở Dubai đã mua ít nhất 8 tàu, 4 trong số đó được cho là đã được Nga cho phép đi qua vùng biển Bắc Cực của Nga vào mùa hè này.

Goncharenko nói: “Điều đó rất có thể xảy ra vì họ có công nghệ. Nó hoạt động được với dầu, tại sao họ lại không làm điều này với khí đốt?”

Không giống như đội tàu vận chuyển dầu, việc vận chuyển LNG đòi hỏi nhiều bí quyết kỹ thuật hơn, là điều mà Bloomberg cho biết khiến chúng dễ bị theo dõi hơn vì chúng chỉ chiếm 10% trong số 7.500 tàu chở dầu trên thế giới.

Bloomberg cho biết ba trong số các tàu liệt kê các công ty bảo hiểm của họ là “không xác định”, trích dẫn cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, đó là một chiến thuật phổ biến đối với các tàu chở dầu thô của Nga để vượt qua giới hạn giá của G7, mặc dù hãng tin này lưu ý rằng họ chưa kết nối các tàu này một cách trực tiếp với các thực thể lớn của Nga.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Âu Châu đối với khí đốt của Nga được đưa ra khi nước này thúc đẩy thị phần lớn hơn trên thị trường LNG toàn cầu để bù đắp cho dòng chảy đường ống sang Âu Châu đang giảm dần.

Trong chiến tranh, gã khổng lồ khí đốt Gazprom đã hạn chế dòng khí đốt tới Âu Châu để gây áp lực cho các đồng minh của Kyiv nhưng lục địa này đã tìm được nguồn khí đốt tự nhiên thay thế.

Đang tìm kiếm thị trường mới cho nguồn tài nguyên này trong bối cảnh thỏa thuận với Trung Quốc thông qua đường ống Siberia 2 bị đình trệ, Gazprom đã cắt giảm sản lượng xuống mức thấp nhất lịch sử của công ty, ghi nhận tổn thất hàng năm đầu tiên trong một phần tư thế kỷ vào tháng Năm.

Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu công bố vào tháng trước cấm các khoản đầu tư và dịch vụ mới để hoàn thành các dự án LNG đang được xây dựng ở Nga, đặc biệt nhắm vào các dự án LNG 2 Bắc Cực và Murmansk LNG của Novatek.

Tuy nhiên, Âu Châu vẫn gặp khó khăn trong việc thoát khỏi khí đốt của Nga. Tờ Financial Times đưa tin vào tháng 5, lượng khí đốt nhập khẩu của Âu Châu từ Nga từ cả đường ống và nguồn cung cấp LNG đã vượt qua Mỹ lần đầu tiên sau gần hai năm.

Goncharenko nói rằng Brussels phải cứng rắn hơn trong việc giải quyết vấn đề nhập khẩu khí đốt cũng như dầu và luyện kim của Nga. Ông nói: “Tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, bao gồm cả các biện pháp quân sự từ phương Tây, luôn chưa đầy đủ ở một mức độ nào đó”. “Họ làm tổn thương nước Nga nhưng họ không kết thúc được chuyện đó”.
 
Tin dữ về tình trạng bi thảm của Giáo Hội tại Đức, hậu quả của trào lưu cấp tiến
VietCatholic Media
16:58 04/07/2024


1. Tân Giám mục Giám hạt tòng nhân cựu Anh giáo ở Anh sẽ truyền chức cho bốn linh mục

Ngày 20 tháng Bảy tới đây, Đức tân Giám mục David Wallar, Bề trên Giám hạt tòng nhân Đức Bà Walsingham, bên Anh Quốc, sẽ truyền chức linh mục cho bốn tiến chức, từ Anh giáo trở lại Công Giáo, trong đó có một cựu Giám mục Anh giáo có gia đình.

Đức Cha David Wallar mới được Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, người Á Căn Đình, truyền chức giám mục, vào ngày 22 tháng Sáu vừa qua.

Đây là lần đầu tiên vị Bản quyền của Giám hạt này được bổ nhiệm làm giám mục. Trước đây, vị Bản quyền là Đức ông Keith Newton, người có gia đình, đã cai quản Giám hạt, sau khi được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI thành lập năm 2011 để đón nhận các tín hữu cựu Anh giáo gia nhập Công Giáo, và họ vẫn được giữ truyền thống phụng vụ của Anh giáo. Trong thời gian qua, đã có một số cựu giám mục Anh giáo gia nhập Công Giáo nhưng họ chỉ được chịu chức linh mục trong Công Giáo, theo Tông hiến của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.

Vị cựu giám mục Anh giáo sắp thụ phong linh mục là Richard Pain, năm nay 68 tuổi (1956), thụ phong mục sư năm 1986, làm chánh sở một giáo xứ tại Monmouth, có gia đình và ba người con, rồi làm giám mục giáo phận này từ năm 2013 đến 2019, sau đó xin về hưu vì lý do sức khỏe. Năm ngoái, Đức Giám Mục Richard Pain là vị giám mục Anh giáo đầu tiên thuộc miền Wales xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo, thuộc Giám hạt Đức Bà Walsingham.

Trong những năm qua, đã có bốn giám mục cựu Anh giáo xin trở lại Công Giáo, được thụ phong linh mục, nhưng không thể chịu chức giám mục.

2. Phái đoàn Hội đồng Giám mục Đức tiếp tục đối thoại với Tòa Thánh

Tòa Thánh yêu cầu thay đổi dự thảo về Hội đồng Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức, và đừng để Hội đồng này, gồm đại diện giám mục và giáo dân, chiếm vị trí ở trên hoặc đồng hàng với Hội đồng Giám mục trong việc cai quản Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Ngoài ra, các quyết định của Hội đồng này phải được Tòa Thánh duyệt xét và phê chuẩn (Recognitio).

Trên đây là quyết định đáng để ý nhất, trong cuộc đối thoại vòng ba, hôm thứ Sáu, ngày 28 tháng Sáu vừa qua, tại Vatican, giữa phái đoàn của Hội đồng Giám mục Đức và các vị Hồng Y lãnh đạo tại Tòa Thánh. Cuộc đối thoại này diễn ra sau hai lần gặp gỡ trước đây, vào ngày 26 tháng Bảy năm ngoái và ngày 22 tháng Ba năm nay, về vấn đề Tiến trình Công nghị của Giáo Hội Công Giáo Đức, trong đó có những nghị quyết trái ngược với đạo lý và giáo luật đã được thông qua.

Các cuộc gặp gỡ đối thoại lần này đã được thỏa thuận, sau cuộc hành hương viếng mộ hai thánh tông đồ và gặp Tòa Thánh, theo quy định của giáo luật hồi tháng Mười Một năm 2022.

Phái đoàn Hội đồng Giám mục Đức do Đức Cha Chủ tịch Georg Bätzing làm trưởng đoàn và gồm có các giám mục: Phó Chủ tịch, Chủ tịch các Ủy ban Giám mục Đức về Phụng vụ, Ơn thiên triệu, Mục vụ, Giáo hội hoàn vũ và Giáo lý đức tin, cùng với bà Tổng thư ký Hội đồng Giám mục.

Về phía Tòa Thánh, có Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bốn Hồng Y Bộ trưởng Giáo lý đức tin, Bộ Giám mục, Hiệp nhất Kitô, Phụng vụ, và Đức Tổng Giám Mục Bộ trưởng Bộ giáo luật.

Phía các giám mục Đức

Sau cuộc trao đổi ngày 26 tháng Bảy năm ngoái, mặc dù có thư cảnh giác của Tòa Thánh, vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức vẫn tiến hành việc thực thi nghị quyết của Tiến trình Công nghị, cụ thể là dự định bỏ phiếu trong Đại hội mùa xuân, từ ngày 19 đến ngày 22 tháng Hai vừa rồi, tại thành phố Augsburg, nam Đức, về quy chế Ủy ban Tiến trình Công nghị. Ủy ban này gồm hai mươi bảy đại biểu của Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, gọi tắt là ZDK, và trên nguyên tắc gồm hai mươi bảy giám mục của hai mươi bảy giáo phận tại Đức, cùng với hai mươi người, do Tiến trình Công nghị bầu lên. Ủy ban có nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội đồng Công nghị, một cơ quan có tính cách trường kỳ, gồm cả giám mục và giáo dân cùng cai quản và điều hành Giáo Hội Công Giáo tại Đức, bắt đầu từ năm 2026 tới đây. Đây là điều trái ngược với cơ cấu bí tích và cả đạo lý của Giáo hội.

Phản ứng của Tòa Thánh

Theo ủy nhiệm và sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh đã viết thư khẩn cấp, vào ngày 16 Hai vừa qua, yêu cầu các giám mục Đức ngưng việc bỏ phiếu quy chế và đừng đặt Tòa Thánh trước tình trạng “sự đã rồi”. Việc làm như thế cũng làm thương tổn con đường đối thoại mà hai bên đã thỏa thuận.

Trong cuộc họp ngày 22 tháng Ba sau đó, các giám mục Đức và Tòa Thánh đã đồng ý với nhau thiết lập một cơ quan tư vấn cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức để phối hợp chặt chẽ hơn việc đối thoại trong tương lai. Sẽ có những cuộc trao đổi thường xuyên hơn giữa các đại diện của Hội đồng Giám mục Đức và Tòa Thánh, về hoạt động tiếp theo của Tiến trình Công nghị và Ủy ban Tiến trình Công nghị. Các giám mục Đức hứa rằng hoạt động này nhắm phát triển những hình thức cụ thể về tính đồng hành trong Giáo hội tại Đức, sao cho phù hợp với Giáo hội học của Công đồng chung Vatican II, những đòi hỏi của Giáo luật và kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Các giám mục Đức sẽ đệ trình “những hình thức đồng hành” này cho Tòa Thánh để phê chuẩn.

Với lập trường trên đây, trong thực tế các giám mục Đức cam kết không kiến tạo những cơ cấu lãnh đạo mới cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức, trái với Tòa Thánh.

Trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức, truyền đi ngày 27 tháng Sáu vừa qua, cho rằng cuộc gặp gỡ lần này của các giám mục Đức với Tòa Thánh diễn ra dưới sức ép cần cải tổ Giáo hội: trước khi bắt đầu Tiến trình Công nghị ở Đức, mỗi năm có khoảng hai trăm ngàn tín hữu Công Giáo Đức rời bỏ Giáo hội, nhưng năm 2022, con số này lên tới hai trăm hai mươi ngàn người và năm 2023 vừa qua, con số này là gần bốn trăm lẻ ba ngàn người.

Thông cáo chung sau cuộc họp

Thông cáo chung công bố chiều ngày 28 tháng Sáu vừa qua, sau một ngày họp cho biết, hai bên đã bàn về các vấn đề giáo luật liên quan đến Hội đồng Tiến trình Công nghị.

Tòa Thánh đã yêu cầu thay đổi một số khía cạnh của Hội đồng Công nghị: bắt đầu từ danh xưng của Hội đồng này (Synodal Rat), xét vì cơ quan này không ở trên hoặc ngang hàng với Hội đồng Giám mục. Ngoài ra, Tòa Thánh yêu cầu Ủy ban Tiến trình Công nghị (comitato sinodale, Synodale Ausschus) hãy làm việc với các cơ quan thẩm quyền của Tòa Thánh và dự thảo mà Ủy ban này đưa ra, phải được Tòa Thánh duyệt xét và phê chuẩn.

Sau cùng, hai bên đã quyết định sẽ tái nhóm sau Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười năm nay.

3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức báo động vì đã có khoảng 403.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội

Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, báo động vì trong năm qua, 2023, khoảng 403.000 tín hữu Công Giáo đã làm đơn xin rời bỏ Giáo hội và ngài kêu gọi cấp thiết tiến hành công cuộc cải tổ.

Hôm 27 tháng Sáu vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức công bố thống kê cho biết con số trên đây, tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm ngoái. Con số này thấp hơn năm trước đó. Năm 2022, có gần 523.000 người Công Giáo rời bỏ Giáo hội, một con số kỷ lục trong lịch sử Giáo hội tại nước này. Nếu tính cả con số những tín hữu qua đời, và gia nhập Giáo hội, thì trong năm qua, Giáo Hội Công Giáo Đức suy giảm gần 592.000 tín hữu, và tổng số tín hữu Công Giáo tại nước này là 20 triệu 345.000 tín hữu. Nếu tính từ năm 2019, là năm bắt đầu Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức, thì đã có một triệu 800.000 tín hữu xin ra khỏi Giáo hội.

Giáo Hội Công Giáo Đức trong năm ngoái, có 11.702 linh mục, tức là giảm 285 linh mục so với năm 2022 trước đó. Trong năm ngoái, có 38 tân linh mục, gồm 34 linh mục triều và 4 linh mục dòng. Tỷ lệ giáo dân tham dự các buổi lễ ở nhà thờ có phần gia tăng so với năm trước đó, tức là 6,2%, so với 5,7%.

Về phía Tin lành: năm ngoái có 380.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội, và số người qua đời là 340.000 người. Tỷ lệ Tin lành xin ra khỏi Giáo hội năm ngoái tăng gần 2% so với năm 2022. Như vậy, tính đến cuối năm ngoái, tại Đức, có 18 triệu 600.000 tín hữu thuộc 20 Giáo hội tiểu bang.

Đứng trước những con số của Giáo Hội Công Giáo, Đức Cha Georg Bätzing báo động và nói rằng: “Những dữ kiện đó cho thấy Giáo hội lâm vào trong một cuộc khủng hoảng sâu rộng. Tuy nhiên, cam chịu, co cụm hoặc lo lắng không phải là câu trả lời cho tình trạng đó. Dù trở nên nhỏ bé hơn, Giáo hội vẫn có sứ mạng loan báo Tin mừng, loan báo Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo và giải thoát. Giáo hội cần cấp thiết cải tổ để phục hồi sự tin tưởng của các tín hữu nơi khả năng thay đổi của Giáo hội. Nguyên các cuộc cải tổ mà thôi, vẫn không đủ đề loại bỏ tình trạng khủng hoảng của Giáo hội, nhưng những cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn, nếu Giáo hội không cải tổ. Vì thế, cần cấp thiết thay đổi. Các nghiên cứu cho thấy rằng dân ở Đức trước sau vẫn đặt nhiều mong đợi nơi Giáo hội, trong lãnh vực xã hội hoặc giáo dục. Chúng ta phải để ý đến những mong đợi và để ý đến các lãnh vực, khi chúng ta tự hỏi đâu là những ưu tiên chúng ta cần thực hiện, một khi các tài nguyên trở nên ít ỏi hơn”.

Đức Cha Bätzing cổ võ nghiên cứu những lãnh vực tương lai, đưa Giáo hội đến gần hơn cuộc sống cụ thể của con người và các gia đình.