Ngày 12-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa nhật XV thường niên – năm A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:51 12/07/2017
Hãy Đón Nhận Và Gieo Cách Hào Phóng

Suy niệm Chúa Nhật XV thường niên – năm A

(Mt 13, 1 - 23)

“Dụ Ngôn Người Gieo Giống” của Chúa Giêsu được thánh Matthêu trình bày tuy bình dân, nhưng chứa đựng một sứ điệp rất quan trọng liên quan đến người kể và người nghe. Người gieo giống ở đây không ai khác ngoài Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu, đã được Chúa Cha gieo vào trần gian một cách hào phòng. Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn ai đón nhận, nơi ấy hạt sẽ đâm rễ và mọc lên.

Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa đi gieo hạt giống là chính thân mình vào trần gian, chôn vùi vào lòng đất khi nhập thể làm người, mục nát đi khi chịu chết và chôn trong mồ, mong có ngày bội thu là phục sinh cứu độ hết thảy mọi người. Nên dụ ngôn tự sự này có sức cuốn hút người nghe cách đặc biệt.

Bài đọc I, Lời Chúa được tiên tri Isaia ví “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất” (Is 55,10). Mưa và tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống nảy mầm, lớn lên và kết hạt. Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: “tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn” (Is 55,10). Đó là những hình ảnh đẹp, sống động và rất gần gũi với giới bình dân chúng ta, diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống của ta, là Ánh Sáng đời ta, hạnh phúc cho đời ta hôm nay và mãi mãi.

Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống. Thông điệp thật rõ ràng: Thiên Chúa là người đi gieo giống, Ngài gieo cách hào phóng, nhưng kết quả cụ thể còn tùy thuộc vào thời tiết và cách thức gieo giống cũng như tự do của thửa đất đón nhận hạt giống là chúng ta. Kinh nghiệm thường ngày của nhà nông quả quyết rằng, kết quả tùy thuộc vào thửa đất, nơi gieo hạt. Ví dụ, trong số những sinh viên chung một lớp, học cùng trường, được thầy giáo dạy cũng một môn về tôn giáo, nhưng người này tin còn người kia vô thần. Dù cả lớp đều nghe giáo viên giảng những điều tương tự nhưng hạt giống đã rơi lại rơi vào mảnh đất là những người khác nhau. Chúng ta cũng thế, tất cả vừa cùng nghe sứ điệp Lời Chúa, nhưng ra về mỗi người sống khác nhau.

Thửa đất tốt là tâm hồn chúng ta, do Thiên Chúa dựng nên cách tự nhiên, Ngài đã phú ban nó cho chúng ta, chúng ta tự do đón nhận hay từ chối là quyền của ý chí của chúng ta. Có những người thích tận hưởng cuộc sống thay vì trở nên tốt hơn. Có những kẻ mê đắm sự đời thế gian, “Lời Chúa bị bóp nghẹt không mang lại hoa trái” (Mt 13,22) .

Nhưng trái lại, đối với một số người, vì muốn giữ giá trị của chính mình, họ đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến thế là đơm hoa kết trái là trăm số việc lành, cho dù phải hy sinh. Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12,24). Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta rằng, con đường dẫn đến sự cứu rỗi là con đường vào qua cửa hẹp (Mt 7,14): tất cả đều có giá của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có giá trị nếu chúng ta không cố gắng.

Ai bị ước muốn sự đời hướng dẫn, người ấy sẽ có trái tim giống như một khu rừng nhiệt đới. Ngược lại như cây ăn quả, cây tốt ắt sẽ sinh trái tốt. Vì thế, các thánh đã không có cuộc sống dễ dàng, họ đã trở nên mẫu gương cho nhân loại. Đức Giáo Hoàng Piô XII nói: “Chắc chắn không phải tất cả chúng ta đều được kêu gọi chịu tử vì Đạo. Nhưng tất cả chúng ta được kêu gọi để có nhân đức Kitô giáo. Chúng ta kiên trì hoạt động, đừng chểnh mảng cho đến hết đời. Chính vì thế người ta cũng có thể nói về một tử đạo chậm và kéo dài”.

Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể : chúng ta hãy vui lòng làm như Chúa, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).

Điều căn bản là chúng ta cần chuẩn bị để chính mình là một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, đồng thời phải chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai “ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả” (Mt 13, 23).

Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nơi mình và trân trọng như một tài sản quý giá, người ấy sẽ hạnh phúc nếu nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi : Ngài sẽ chữa lành và làm cho họ được sống, “giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Chúa cách sâu sắc và kiên trì thực hành. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, trở nên “đất tốt”, để hạt gống Lời Chúa có thể sinh nhiều bông hạt, ngõ hầu chúng ta tiếp tục sứ mạng tông đồ đi gieo vãi Lời Cứu Rỗi khắp mọi nơi cho anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:04 12/07/2017
77. KHÔNG LO CHO MÌNH
Thần ở đông hải là Quỳ gặp con ba ba, ba ba đưa cái cổ dài ra cười mạnh một cái, Quỳ hỏi:
- “Tại sao mày lại cười ?”
Ba ba nói:
- “Tôi cười vì ngài dùng một chân nhảy để đi, sợ rằng ngài té ngã trên đất đấy chứ ?”
Quỳ nói:
- “Mày dùng bốn chân mà cũng không chống đỡ được thân mình, suốt ngày chỉ có thể bò mà đi, sao lại cười ta chứ, tại sao mầy không tự lo cho mình hử ?”
(Uc Ly tử)

Suy tư 77:
Có người vì để làm cho thiên hạ cười cho vui, nên thường hay diễn trò bắt chước cái khuyết tật chân đi xẹo nẹo của người khác; có người vì để che những khuyết điểm to lớn của mình, nên thường lên án gắt gao những khuyết điểm nhỏ xíu của anh em trước mặt mọi người; có người “thích” thương hại anh em chị em bằng cách đi “phóng thanh” những lỗi lầm của họ cho người này người khác nghe, với cái cớ là để cho mọi người biết mà giúp họ sửa đổi !!
Đức Chúa Giê-su không dạy chúng ta bắt chước những khuyết tật của người khác để chê cười, Ngài cũng không dạy chúng ta đem những khuyết điểm của anh em rao to lên, nhưng Ngài dạy chúng ta đem những lời thầm thì của Ngài mà rao trên mái nhà (Mt 10, 27) nói cho mọi người nghe, mà lời của Ngài dạy chính là yêu thương và bao dung cho nhau, là thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau.
Người Ki-tô hữu khi nhìn thấy một khuyết tật của người khác thì cầu nguyện cho họ được tìm thấy hạnh phúc trong khuyết tật của mình; người Ki-tô hữu khi nhìn biết những lỗi lầm của anh em chị emthì trong lòng tự nhủ rằng mình còn lỗi lầm hơn họ, để thông cảm và giúp đỡ người anh em và để răn đe mình...
Đó chính là tự mình lo cho mình vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 12/07/2017

10. Trong sách, chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa; trong cầu nguyện, chúng ta tìm được Thiên Chúa.

(Thánh Pi-ô Năm Dấu. [Fr. Padre Pio of the five Wounds of Christ])

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tự sắc về việc hiến dâng mạng sống cho tha nhân vì lòng bác ái
Linh Tiến Khải
10:42 12/07/2017
VATICAN: Hôm qua (11-7) ĐTC Phanxicô đã công bố Tự Sắc “Maiorem hac dilectionem” về việc hiến dâng sự sống của các kitô hữu trong tương quan với việc phong chân phước và phong thánh.

Trong phần mở đầu ĐTC khẳng định rằng các kitô hữu noi gương Chúa Giêsu đã tự hiến mạng sống cho tha nhân và kiên trì cho đến chết trong ý hướng này thật đáng vinh danh. Việc hiến dâng sự sống, được tình bác ái gợi hứng và nâng đỡ, diễn tả một việc noi gương Chúa Kitô đích thật, tràn đầy, và vì thế đáng ca ngợi, mà công đoàn kitô thường dành cho những người tự ý chấp nhận việc tử đạo hay thực thi các nhân đức kitô tới mức anh hùng. Theo ý kiến thuận của Bộ Phong Thánh đã nghiên cứu trong Phiên họp khoáng đại ngày 27 tháng 9 năm 2016, ĐTC thiết định 7 điều lệ, trong đó có một số thay đổi liên quan tới Tông hiến Divinus perfectionis Magister công bố ngày 25 tháng giêng năm 1983.

Sau đây là vài điều lệ:

Thứ nhất, việc dâng hiến sự sống là một loại sự kiện mới của lộ trình phong chân phước và phong thánh, khác với các loại sự kiện về tử đạo và tính cách anh hùng của các nhân đức.

Thứ hai, việc dâng hiến sự sống, để có giá trị và hữu hiệu cho việc phong chân phước một vị Tôi tớ Chúa, phải theo các tiêu chuẩn sau đây:

-dấng hiến sự sống một cách tự do và cố ý, và anh hùng chấp nhận vì bác ái một cái chết chắc chắn và trong thời gian ngắn,
-liên hệ giữa việc hiến dâng sự sống và cái chết quá sớm,
-thực hành ít nhất trong mức độ bình thường các nhân đức kitô trước khi hiến dâng mạng sống và rồi cho tới chết,
-sự hiện hữu hương thơm thánh thiện và các dấu chỉ, ít nhất sau khi chết,
-cần có phép lạ cho viêc phong chân phước, xảy ra sau cái chết của vị Tôi tớ Chúa và do sự bầu cử của ngài.

Thứ ba, việc cử hành điều tra cấp giáo phận hay giáo quận và tài liệu liên hệ được quy định bởi Tông hiến Divinus perfectionis Magister ngày 25 tháng giêng năm 1983 và bởi tài liệu Normae servandae in inquisitionibus ab Episcopis facendis in Causis Sanctorum ngày mùng 7 tháng 2 cùng năm, với các thay đổi liên quan tới việc thu thập tài liệu và điều tra cuộc sống, các nhân đức, việc hiến dâng mạng sống hay tử đạo, hương thơm thánh thiện, các phép lạ, và việc tôn kính cổ xưa vị Tôi tớ Chúa được xin phong thánh.

Việc điều tra các phép lạ phải làm tách biệt với việc điều tra các nhân đức, việc dâng hiến mạng sống hay việc tử đạo. Các Giám Mục giáo phận hay giao quận và những người có quyền trong lãnh vực pháp lý có thể nghiên cứu các vụ được giao phó với các cộng sự viên ngoại tại trong việc chuẩn bị các tài liệu.

Thêm vào đó có việc phân biệt các án mới hay cũ: án mới có thể minh chứng với lời khai của các chứng nhân còn sống, án cũ với các nguồn chứng tá viết vv… (REI 11-7-2017)
 
Các Giáo Hội Cải Cách tiếp nhận thỏa ước giữa Công Giáo và Phái Luthêrô về công chính hóa
Vũ Văn An
18:29 12/07/2017
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã tham dự nghi lễ đại kết ở Thụy Điển hồi tháng Mười năm ngoái, một nghi lễ phát động việc kỷ niệm Phong Trào Cải Cách kéo dài suốt năm 2017, đã gửi một thông điệp nói rằng ngài hy vọng bước mới nhất này sẽ “đánh dấu một giai đoạn mới của tình hiệp thông và hợp tác để phục vụ công lý và hoà bình trong gia đình nhân loại”.

Trong số các nghi lễ năm nay để đánh dấu năm thứ 500 của Phong Trào Cải Cách, một trong các ngành dẫn đầu của Thệ Phản vừa chính thức nói rằng nay họ thỏa thuận với Giáo Hội Công Giáo về vấn đề chính khiến họ ly khai Giáo Hội này cách nay nửa thiên niên kỷ.

Hiệp Thông Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới, hiện đang tổ chức Đại Hội Đồng 7 năm một lần tại Đức, tuần này, đã ký một bản tuyên bố chấp nhận thỏa ước Gông Giá – Luthêrô năm 1999 về việc các Kitô hữu có thể được cứu rỗi ra sao dưới con mắt Thiên Chúa.

Nghi lễ diễn ra tại Wittenberg, nơi năm 1517, Luther công bố 95 Luận Đề phát động Phong Trào Cải Cách và với việc này, hàng thế kỷ tranh luận về việc liệu ơn cứu rỗi đời đời xuất phát từ một mình đức tin mà thôi – là lập trường của Phong Trào Thệ Phản mới – hay cũng đòi việc lành nữa như lập trường của Công Giáo.

Quyết định này của Hiệp Thông Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới, đại diện cho 80 triệu thành viên của các Giáo Hội Congregational (Giáo Đoàn), Presbyerian (Trưởng Lão), Cải Cách, United, Uniting và Waldensian, đánh dấu thêm bước nữa trong việc hòa giải tiệm tiến nhưng thấy rõ về vấn đề này giữa các Kitô hữu trước đây vốn đấu tranh với nhau và tuyên bố nhau là lạc giáo.

Năm 2006, Hội Đồng Methodist (Giám Lý) Thế Giới đã chính thức công nhận thỏa ước Công Giáo – Luthêrô, dưới tên Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa. Hiệp Thông Anh Giáo hy vọng sẽ làm thế vào cuối năm nay.

Hiệp Thông Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới “nay hân hoan chấp nhận lời mời cùng cộng tác” với Tuyên Bố Chung”, họ nói như thế trong văn kiện ký tại buổi cầu nguyện đại kết. “Chúng ta cùng nhau hân hoan vì sự khác biệt có tính lịch sử về học lý công chính hóa không còn chia rẽ chúng ta nữa”.

Tuyên Bố Chung đã hữu hiệu đóng lại cuộc tranh luận hàng nhiều thế kỷ về “đức tin đấu với việc làm” bằng cách kết hợp các quan điểm Luthêrô và Công Giáo về ơn cứu rỗi hơn là đặt họ chống đối lẫn nhau.

Đoạn chủ yếu nói thế này: “Bởi một mình đức tin mà thôi, đức tin vào công trình cứu rỗi của Chúa Kitô chứ không vì bất cứ công trạng nào của chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới cõi lòng chúng ta trong khi trang bị cho chúng ta và kêu gọi chúng ta làm các việc lành”.

Dù có tính lịch sử như thế, việc giải quyết cuộc tranh luận thần học này không ngay lập tức dẫn tới các thay đổi mà người giáo dân bình thường có thể nhận ra, như chia sẻ Hiệp Lễ giữa người Công Giáo và người Thệ Phản, hay thừa nhận hỗ tương các thừa tác viên của nhau.

Philip Tanis, phát ngôn viên của Hiệp Thông Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới nói rằng: “Dù nó đem chúng ta lại gần hơn các người Công Giáo, Luthêrô, Giám Lý và Anh Giáo về vấn đề đặc thù trên, nó không nhất thiết dịch chúng ta ngay lập tức lại gần nhau hơn một cách mà các thành viên trong các Giáo Hội của chúng ta có thể cảm nhận được”.

Một tuyên bố của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Sự Hợp Nhất Kitô Giáo viết rằng buổi lễ ký kết tại Wittenberg “phải được coi như một cột mốc quan trọng nữa trên hành trình dẫn tới sự hợp nhất các Kitô Hữu một cách hữu hình hoàn toàn; chưa đến tận cùng con đường nhưng là một giai đoạn quan trọng của cuộc hành trình”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã tham dự nghi lễ đại kết ở Thụy Điển hồi tháng Mười năm ngoái, một nghi lễ phát động việc kỷ niệm Phong Trào Cải Cách kéo dài suốt năm 2017, đã gửi một thông điệp nói rằng ngài hy vọng bước mới nhất này sẽ “đánh dấu một giai đoạn mới của tình hiệp thông và hợp tác để phục vụ công lý và hoà bình trong gia đình nhân loại”.

Diễn trình hòa giải giữa Tòa Thánh, đại diện cho 1 tỷ 200 triệu người Công Giáo khắp thế giới, và các liên minh quốc tế nhỏ bé hơn gồm các hệ phái Thệ Phản vốn chậm chạp.

Phái Luthêrô và phong trào Cải Cách, một phong trào dựa trên các trước tác của John Calvin, một nhà thần học Pháp, là hai ngành chính của Kitô Giáo Thệ Phản. Luther dạy rằng ơn cứu rỗi đời đời chỉ đạt được nhờ một mình đức tin mà thôi, trong khi Calvin và các nhà tư tưởng Cải Cách khác đặt ơn này vào bối cảnh rộng rãi hơn của Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Giáo Hội Luthêrô có các giám mục trong khi phần lớn các Giáo Hội Cải Cách ít có tính phẩm trật hơn.

Cuộc đối thoại giữa các nhà thần học Thệ Phản và Công Giáo đã dẫn tới một đồng thuận tổng quát trong cuộc tranh luận về “đức tin đối đầu với việc Làm” ngay từ thập niên 1980, nhưng cần nhiều thì giờ hơn nữa, hàng giáo phẩm khác nhau mới đạt tới thỏa ước chính thức.

Setri Nyomi, nguyên tổng thư ký của Hiệp Thông Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới cho hay: Trước khi chấp nhận Tuyên Bố Chung, Hiệp Thông đã dành một số năm xem xét cách Cải Cách tiếp cận vấn đề một cách chuyên biệt.

Ông nói: “Khi nhìn sâu hơn vào cách tiếp cận trên, chúng tôi thấy nó thiếu sự nối kết giữa công chính hóa và công lý, xưa nay vốn là một trong các ưu tiên của chúng tôi, nhưng đường đi và phương thế để đảm nhiệm việc này không có sẵn trong tay… Đôi khi cần nhiều thời gian thảo luận cho thật chín chắn mới mong đạt được một mức hành động nào đó trên bình diện đại kết quốc tế”.

Văn kiện thứ hai được ký kết tại buổi cầu nguyện, gọi là Chứng Tá Wittenberg, có thể đem lại hoa trái sớm hơn, vì chỉ được ký kết giữa Hiệp Thông Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới và Liên Đoàn Luthêrô Thế Giới.

Văn kiện trên viết rằng không điều gì về thần học chia rẽ các Giáo Hội Cải Cách và Luthêrô và cả hai phía nên cố gắng hết sức để cổ vũ hợp nhất, từ các định chế quốc tế của họ xuống tới bình diện địa phương.

Trong số các ý tưởng để hợp tác mật thiết hơn, người ta thấy có việc Hiệp Thông Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới và Liên Đoàn Luthêrô Thế Giới tổ chức các đại công nghị chung hơn là các cuộc hội họp riêng rẽ.

Tại một vài nước ở Âu Châu, trong đó có Đức, nước chủ nhà của Đại Hội Đồng, các Giáo Hội Luthêrô và Cải Cách đã liên kết thành một liên đoàn Thệ Phản quốc gia đơn nhất.

Văn kiện viết “chúng tôi vui mừng vì hiện không còn nhu cầu nào khiến chúng ta chia rẽ nữa. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì gương sáng của các Giáo Hội Luthêrô và Cải Cách này, những Giáo Hội đã tuyên bố tình hiệp thông Giáo Hội và nay cùng làm chứng chung với nhau bằng cách chia sẻ việc thờ phượng, làm chứng, và làm việc cho thế giới”.

Vào khoảng 1,000 giáo sĩ và giáo dân tham dự Đại Hội Đồng, được tổ chức phần lớn tại thành phố Leipzig bên cạnh.
 
Đức Thánh Cha cử ĐHY Gregorio Rosa Chavez làm đặc phái viên hòa bình đến bán đảo Đại Hàn
Chân Phương
21:35 12/07/2017
Đức Thánh Cha cử ĐHY Gregorio Rosa Chavez làm đặc phái viên hòa bình đến bán đảo Đại Hàn (Triều Tiên)

Đang khi cử hành một Thánh Lễ ở quê hương El Salvador, Đức tân Hồng Y Gregorio Rosa Chavez cho biết sứ vụ quan trọng đầu tiên của ngài là đến Đại Hàn (Korea) để họp bàn về vấn đề hòa bình với Bắc Hàn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên).

Trong bài giảng tại Nhà thờ chính tòa San Salvador vào hôm 8 tháng 7, Đức Hồng Y Rosa Chavez nói rằng mặc dù ngài sẽ "tiếp nối sứ vụ là một trong những anh em giám mục phụ tá” của giáo phận, nhưng ngài cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô ủy thác cho một số nhiệm vụ khác.

"Tôi đã nhận được lời mời đầu tiên đến Seoul Nam Hàn (Hàn Quốc) để tham dự một hội nghị họp bàn về phương cách để chúng ta có thể đạt được nền hòa bình cho Bắc Hàn và Nam Hàn", Đức Hồng Y nói.

Căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Đại Hàn (Triều Tiên) sau khi phía Bắc Hàn tiến hành thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa lần đầu tiên thành công vào hôm 4 tháng 7 vừa qua. Với khoảng cách ước tính là 8.000 km, hỏa tiễn này với một đầu đạn nguyên tử có khả năng chạm đến lục địa Hoa Kỳ.

Đáp lại, quân đội Hoa Kỳ và Nam Hàn đã tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm thị uy với Bắc Hàn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, phía Bắc Hàn đã không cho thấy dấu hiệu từ bỏ tham vọng nguyên tử của họ.

Đức Hồng Y Rosa Chavez - người đã từng cộng tác chặt chẽ với Chân phước Oscar Romero trước khi ngài bị ám sát hồi năm 1980 - được ca ngợi vì vai trò của ngài trong các cuộc đàm phán hòa bình ở El Salvador sau 12 năm nội chiến.

Hôm 10 tháng 7, Ông Manuel Roberto Lopez - Đại sứ của El Salvador cạnh Toà Thánh nói rằng vai trò mới này của Đức Hồng Y Rosa Chavez "đặt đúng ngài vào sở trường mà ngài vốn có có kinh nghiệm tuyệt vời".

"Đức Hồng Y Gregorio Rosa Chavez là người đã cộng tác đắc lực trong hiệp định hòa bình ở El Salvador vì ngài là người Salvador duy nhất tham dự vào từng cuộc đàm phán diễn ra từ năm 1984 đến 1989", ông đại sứ nói.


Nhận thấy rằng cuộc xung đột ở bán đảo Đại Hàn "ngày càng phức tạp hơn" và "sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều", ông Lopez cho rằng kinh nghiệm của Đức Hồng Y Rosa Chavez có thể giúp đưa cả hai phía bước vào bàn đàm phán.

"Tôi đã biết ngài từ nhiều năm nay và là một người thực sự giản dị trong cách mà ngài gần gũi với mọi người, ngài là một giám mục phụ tá nhưng luôn sát cánh với mọi người, luôn mang trong mình mùi chiên, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói", ông Lopez nhận xét.

"Đức Thánh Cha đã nhận thấy ở Đức Hồng Y một tầm quan trọng nào đó để giao cho ngài sứ vụ này trong triều đại giáo hoàng của mình. Đó là quan điểm của tôi", ông đại sứ nói. (UCANews)

Chân Phương

 
Đức Thánh Cha Phanxicô thêm một con đường tuyên thánh thứ tư.
Đặng Tự Do
04:13 12/07/2017
Cho đến nay, trong Giáo Hội Công Giáo có 3 con đường để được tuyên thánh: thứ nhất là tử vì đạo, thứ hai là sống một đời sống với các nhân đức anh hùng, thứ ba là có một danh tiếng thánh thiện.

Hôm thứ Ba 11 tháng 7, Tòa thánh công bố Tự Sắc “Maiorem Hac Dilectionem” – nghĩa là “Trao Ban Mạng Sống” – trong đó vạch ra một con đường thứ tư để tuyên thánh cho những người sống một đời sống Công Giáo tốt lành và tự do chấp nhận một cái chết sớm chắc chắn sẽ xảy ra vì lợi ích của người khác.

Đây là sự thay đổi đầu tiên đối với các tiêu chuẩn tuyên thánh trong nhiều thế kỷ qua.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

Ngoại trừ trường hợp tử vì đạo, các trường hợp khác, trong đó bao gồm trường hợp thứ tư này, đòi phải có một phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của vị ấy để được tuyên Chân Phước; và một phép lạ thứ hai để được tuyên thánh.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng khi các tín hữu có lòng sùng mộ đặc biệt đối với những vị thánh thiện chưa được phong thánh, Đức Giáo Hoàng có thể quyết định chuẩn chước “tuyên thánh tương đương” cho các vị này mà không cần theo các tiến trình bình thường. Điều này thường được thực hiện khi các vị thánh sống cách đây quá lâu khiến cho việc hoàn thành tất cả các yêu cầu trong án tuyên thánh rất khó khăn. Việc chuẩn chước như thế là một thực hành đã có hàng trăm năm trong Giáo Hội. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 14 đã chuẩn chước tiến trình tuyên thánh cho 11 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn chước tiến trình này để “tuyên thánh tương đương” cho 5 vị Chân Phước là Angela thành Foligno và Peter Faber (vào năm 2013), José de Anchieta, Marie Nhập Thể, Francis-Xavier thành Montmorency-Laval (vào năm 2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Bổn Mạng Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Lào Cai, Phố Lu và Bảo Yên
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
07:58 12/07/2017
Lễ Bổn Mạng Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Lào Cai, Phố Lu và Bảo Yên

WGPHH - Chúa Nhật, ngày 9.7.2017, tại Cốc Lếu, ba giáo xứ Lào Cai, Phố Lu và Bảo Yên tổ chức giao lưu Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) nhân ngày mừng lễ thánh Maria Goretti – Quan Thầy TNTT giáo xứ Lào Cai. Ngày giao lưu năm nay, Ban tổ chức đã lấy chủ đề “Tình yêu Giêsu” để hướng lòng các em về bí tích Thánh Thể. Tham dự ngày đặc biệt này có khoảng 320 các em thiếu nhi, các thầy cô giáo lý viên, các anh chị huynh trưởng, quý thầy, quý dì. Đồng thời, có sự hiện diện của cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thành, cha đặc trách thiếu nhi Giuse Nguyễn Bình Trọng và quý cha phó.

Xem Hình

Khoảng 07g45, mặc dù trời mưa nhưng khu vực đón tiếp các em đã nhộn nhịp cười nói, các anh chị huynh trưởng ghi danh và hướng dẫn cho các em nơi dành cho giáo xứ của mình. Tiếp theo, các em được chia đội và khởi động cùng nhau bằng những bài cử điệu vui tươi. Bên cạnh đó, các em được hướng dẫn và tập lại tư thế chào cờ, cùng ôn hát “Thiếu Nhi Tân Hành Ca”. Kế đến, với nghi thức chào cờ và câu chuyện dưới cờ của cha xứ Giuse, đã cho mỗi thiếu nhi ý thức vai trò và lý tưởng sống của Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau giờ giải lao, các em tập trung trong nhà thờ để tập hát. Đúng 9g00, Cha xứ Giuse và quý cha đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật XIV; đồng thời, mừng lễ thánh Maria Goretti cho các em thiếu nhi. Vì lý do các giáo xứ ở quá xa nhau (giáo xứ Bảo yên 100 cây số, giáo xứ Phố Lu 40 cây số) và không có người đưa các em tới ngày thường, cha xứ muốn tổ chức cho các em đúng ngày Chúa Nhật để dễ bề sắp xếp. Trong khi giảng lễ, với những câu hỏi và phần quà hấp dẫn, cha xứ Giuse đã giúp các em tìm hiểu và nắm vững hơn về vị thánh Quan Thầy. Với chỉ 12 xuân xanh, cô Maria Goretti đã làm cho cả thế giới ngưỡng mộ về sự can đảm giữ đức trong sạch: “Đừng làm thế anh Alexander! Sa hỏa ngục đấy!”. Cuối cùng, cô đã trả bằng cái chết đau thương.

Tiếp theo, qua sự hướng dẫn của cha Giuse Hậu, các em được chia sẻ về linh đạo Thiếu Nhi Thánh Thể. Khoảng 11g45, các em vui vẻ ăn cơm cùng nhau: “Thật là tốt đẹp lắm thay. Anh em được sống vui vầy bên nhau”.

Chúa Giêsu Thánh Thể là mục đích chính yếu của TNTT. Vì thế, buổi chiều các em tiếp tục chương trình của ngày giao lưu với 20 phút quây quần bên Chúa Giêsu Thánh Thể sốt sắng, trang nghiêm do cha đặc trách thiếu nhi chủ sự. Sau đó, các em bước vào phần đố vui tìm hiểu về phong trào TNTT lúc 13g30. Tiếp đến là khoảng thời gian các em thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn, vui tươi và tình đoàn kết qua các trò chơi thi đua của mỗi đội.

Cuối cùng, cha xứ trao quà cho mỗi giáo xứ và từng em thiếu nhi tham dự; đồng thời, cha còn hứa hẹn cho một ngày đại hội thiếu nhi vui hơn, ý nghĩa hơn vào những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, một em đại diện cho tất cả thiếu nhi trong ba giáo xứ đã gửi tới cha xứ Giuse, quý cha và ban tổ chức những lời cám ơn sâu sắc nhất.

Khoảng 16g00, ngày giao lưu và mừng lễ Quan Thầy khép lại, sớm hơn so với dự định vì thời tiết và chặng đường hàng trăm cây số của các em Giáo xứ Bảo Yên, trong sự tiếc nuối của các em.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn đồng hành với mỗi thiếu nhi để mỗi cuộc gặp gỡ, giao lưu là cơ hội cho các em gần nhau hơn và gần Chúa hơn.
 
Lễ ban bí tích Thêm Sức tại giáo xứ Tây Ninh
Nguyễn Hữu Lộc
08:08 12/07/2017
THÁNH LỄ BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC VÀ RƯỚC LỄ TRỌNG THỂ TẠI GIÁO XỨ TÂY NINH

Vào lúc 9g00 Chúa Nhật ngày 10/7/2017, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục Giáo phận Phú Cường, đã về viếng thăm mục vụ Giáo xứ Tây Ninh và chủ tế Thánh lễ ban bí tích Thêm sức cho 43 em thuộc Giáo xứ Tây Ninh; 17 em thuộc Giáo xứ Bến Trường và 01 em Giáo xứ Suối Đá. Đồng thời, ngài cũng chủ sự nghi thức tuyên hứa Bao đồng cho 17 em thiếu nhi khác.

Xem Hình

Giáo xứ Tây Ninh hôm nay đẹp hẳn lên, bầu khí cũng thật hân hoan. Đúng 8g45, Đức Cha Giuse đã đến nơi, mọi người vui mừng chào đón ngài với tràng pháo tay nồng nhiệt và tiếng kèn đồng chào mừng. Mọi người ai cũng rất vui mừng và hân hoan khi được vị cha chung của giáo phận về ban bí tích Thêm sức và chứng kiến lời tuyên thệ trung thành với Giáo Hội của các em rước lễ trọng thể. Đồng tế với Đức Cha có cha chánh xứ Gioan Võ Hoàn Sinh cùng nhiều cha trong Giáo hạt Tây Ninh.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse chúc mừng tất cả các em lãnh nhận bí tích Thêm sức và rước lễ Bao đồng hôm nay. Đức Cha cũng nói lên ý nghĩa của nghi thức này và mời gọi cộng đoàn hiện diện hiệp ý cầu nguyện để ơn Chúa Thánh Thần xuống dồi dào trên các em, cũng như quý phụ huynh và những người đã hướng dẫn dạy dỗ các em.

Trong phần giảng lễ, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn về mục đích và ý nghĩa của nghi thức ban phép Thêm sức. Ngài mong muốn các em lãnh nhận bí tích Thêm sức hôm nay luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Thánh Thần qua việc tập sống yêu thương, thánh thiện và đạo đức. Hãy trở nên những chứng nhân cho Chúa Kitô bằng đời sống gương mẫu trong gia đình, giáo xứ, giáo phận và xã hội. Hãy là chứng nhân của Tin Mừng: gieo rắc bình an và niềm vui cho mọi người.

Sau khi lập lại lời tuyên xưng đức tin, nghi thức ban bí tích Thêm sức được cử hành thật trang nghiêm và sốt sắng. 61 em và cha mẹ đỡ đầu lần lượt tiến bước lên cung thánh để lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Kể từ đây, các em được hiến thánh cho Thiên Chúa, được lãnh nhận sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để nhờ đó cam đảm ra đi làm chứng và bảo vệ đức tin bằng lời nói cũng như hành động, trở thành chiến sĩ của Đức Kitô. Đây còn là kỷ niệm đẹp mà các em mãi ghi nhớ trong cuộc đời.

Thánh lễ tiếp tục với phần nghi thức tuyên hứa Bao đồng. Tính cách trọng thể của lễ nghi này nằm ở chỗ các em sẽ cầm nến sáng trên tay, đích thân nói lên lời tuyên xưng đức tin mà trước đây, khi các em lãnh nhận bí tích Rửa tội, cha mẹ và người đỡ đầu đã tuyên xưng thay cho các em. Qua lời tuyên hứa “quyết tâm theo Chúa Giêsu đến trọn đời để trở nên người Kitô hữu trọn lành và sốt sắng”. 17 em rước lễ trọng thể xếp hàng ngay ngắn, cùng với cộng đoàn, các em nói lên quyết tâm từ bỏ tội lỗi, ma quỷ và những quyến rũ của chúng; đồng thời, các em tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội của Người. Các em hứa trung thành với Chúa Giêsu, giữ trọn lề luật, thánh hoá ngày Chúa Nhật, giữ mùa Phục Sinh, cầu nguyện sáng tối, vâng lời cha mẹ và yêu thương anh chị em. Đó là một quyết tâm đến trọn đời.

Sau đó, từng em xướng tên của mình và đặt tay lên sách Phúc Âm để cam kết điều này: “Con xin cam kết và thề hứa với Thiên Chúa, con luôn trung thành tin theo Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh của Người, để yêu thương và phục vụ mọi người cho đến trọn đời. Amen”. Sau đó Đức Cha đã trao cho từng em quyển Kinh Thánh, để làm hành trang vào đời, làm chứng nhân cho Chúa và loan báo Tin Mừng của Chúa.

Cuối Thánh lễ, sau lời cám ơn của vị đại diện giáo xứ gửi đến Đức Cha, quý cha, quý dì, một em đại diện đã nói lên tâm tình của mình trong ngày trọng đại hôm nay và nói lên lời cảm ơn sâu sắc tới Đức Cha, quý cha, quý dì, quý thầy và quý thầy cô giáo lý viên. Các em cũng không quên nói lời tri ân bố mẹ, những người đã, đang và sẽ luôn ở bên các em.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha Giuse có đôi lời cám ơn và chào chúc cộng đoàn. Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ. Mọi người ra về trong hân hoan. Các em lòng tràn ngập niềm vui vì đã được rước Chúa vào lòng và nhận được ơn Chúa Thánh Thần, để từ nay các em sẽ là chiến sĩ của Chúa Kitô, làm chứng cho Người giữa lòng thế giới hôm nay.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc
 
Thánh lễ Tạ ơn – Mừng Kim Khánh Thanh Tuyển Viện Hội Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
08:38 12/07/2017
Thánh lễ Tạ ơn – Mừng Kim Khánh Thanh Tuyển Viện Hội Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột

Sáng hôm nay, vào lúc 10 giờ ngày 12.7.2017, tại Nhà nguyện Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã chủ sự Thánh lễ Tạ Ơn, mừng 50 năm ngày thành lập Thanh Tuyển Viện Nữ Vương Hòa Bình. Đồng tế với ngài có Cha Tổng Đại Diện, Đức Ông Đa Minh, Cha Chưởng Ấn, Cha Quản Lý, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha Quản xứ, Phó xứ trong Giáo phận.

Xem Hình

Cùng hiện diện hiệp dâng Thánh lễ với cộng đoàn Thanh Tuyển, có Quý Thầy, Quý tu sĩ nam nữ, Quý Phụ huynh, Quý khách và Hội Cựu tu sinh NVHB.

Trước Thánh lễ, vào lúc 8 giờ 30, buổi diễn nguyện do các em thanh tuyển sinh trình bày rất chuyên nghiệp, giúp mọi người hiểu rõ hơn về lịch sử, nguồn gốc, đặc sủng, linh đạo và sứ vụ của Hội Dòng. Buổi diễn nguyện tuy chỉ kéo dài 60 phút nhưng lưu lại trong lòng khán giả một hình ảnh đẹp, một tình cảm sâu sắc và lòng mến mộ rất ấn tượng, rất tuyệt vời.

Từ một cộng đoàn bé nhỏ được quy tụ theo sáng kiến của Đức Cha Paul Léon Seitz ở Kon Tum, các chị tiến dần về phía Nam và dừng chân tại Ban Mê Thuột. Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai nối tiếp công trình của Đức Cha Paul Léon Seitz và hoàn thiện về linh đạo cũng như cơ cấu tổ chức và phương pháp huấn luyện. Sống theo gương Đức Maria, đem Tin Mừng và hòa bình đến cho mọi người. Cách riêng, sống và phục vụ đồng bào sắc tộc. Qua hành trình 50 năm, Hội Dòng đã phát triển theo hướng của Đấng sáng lập, nhờ đó, các em thanh tuyển được hưởng nền giáo dục tươi đẹp.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Vinh Sơn kêu gọi các em thanh tuyển thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc yêu mến Thánh Thể và yêu mến Lời Chúa. Noi gương Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, luyện tập sống nhân bản, trưởng thành, biết nâng đỡ các chị em, đồng thời học hỏi các chị em những điều hữu ích, biết nhìn người chị em mình như chính Chúa Giêsu đang nhìn mình, biết đón nhận tài năng của các chị em để đời sống cộng đoàn và cá nhân mình được thêm phong phú. (Mời nghe BÀI GIẢNG)

Sau Thánh lễ, Đức Giám Mục, Quý Cha, Quý tu sĩ, Quý khách và Cựu tu sinh cùng tham dự tiệc mừng với cộng đoàn Thanh Tuyển NVHB. Sau tiệc mừng, Hội cựu tu sinh tổ chức gặp gỡ, họp mặt thường niên.

Xin Chúa cho Hội Dòng tiếp tục bước đi theo ánh sáng của Chúa Thánh Thần và sự bầu cử của Mẹ Maria. Cầu nguyện cho những ai đã góp công vào việc nuôi dưỡng và đào luyện Ơn Gọi trong Hội Dòng.
 
Lễ Phong Chức 6 Linh Mục tại Nhà thờ Chính tòa Phan thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:52 12/07/2017
Lễ Phong Chức 6 Linh Mục tại Nhà thờ Chính tòa Phan thiết

Chức linh mục thừa tác là quà tặng và mầu nhiệm. Linh mục là món qùa qúy giá Thiên Chúa trao tặng nhân loại. Trung thành với thiên chức và ơn gọi, Linh mục là món qùa nhân loại dâng tặng lại Thiên Chúa.

Hôm nay ngày 12.7.2017, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ phong chức Linh mục cho 6 Thầy Phó tế (Khóa IV ĐCV Xuân Lộc) tại Nhà thờ Chính toà.

Xem Hình

1. Phêrô Trần Thanh Bình

2. Micae Vũ Quốc Duy

3. Gioankim Phạm Văn Huy

4. Phêrô Trần Ngọc Khoa

5. Luca Nguyễn Thái Sơn

6. Phaolô Nguyễn Anh Tuấn

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ tế; đồng tế với ngài có cha Tổng đại diện, cha Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân lộc, cha Giám đốc Chủng viện thánh Nicôla Phan thiết, quý cha Hạt trưởng và khoảng 140 Linh mục trong và ngoài giáo phận. Các chủng sinh, tu sĩ nam nữ, thân nhân, ân nhân của các tiến chức chung lời tạ ơn và hiệp thông cầu nguyện.

Sau bài Tin Mừng, trong phần Nghi Thức Truyền Chức Thánh, Đức Cha Tôma ban huấn từ.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Hằng năm, vào mùa lễ phong chức hay mùa lễ khấn, mùa lễ vinh quy tạ ơn tân linh mục hay tạ ơn khấn dòng, ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ được mùa sinh hoa kết trái. Niềm vui vỡ òa và lan toả, không những trên nét mặt của các tân linh mục hay của các tân khấn sinh, mà còn trào tràn trên các ông bà cố và gia đình, thân bằng quyến thuộc, cộng đoàn giáo xứ và giáo phận. Những lời chúc mừng, những vòng hoa trao tặng và những bài hát không ngớt lời ca tụng ơn gọi linh mục hay đời sống thánh hiến.

Bài ca “Đuốc sáng tâm linh” diễn tả những nét rất đẹp, thơ mộng và đầy ý nghĩa của đời linh mục: “Linh mục là chính Chúa trong kiếp người, linh mục điểm tiếp nối đất với trời, linh mục là muối ướp trần ai, là tinh hoa của Giáo Hội, ngọn hải đăng thắp trên dương trần".

Linh mục vẫn biết thân phận mình như bọt bèo mà Chúa nâng lên hàng khanh tướng, vẫn biết mình chỉ là những chiếc bình sành dễ vỡ, nhưng được Chúa thương chọn gọi và gìn giữ như bảo vật, như gia tài. Ơn gọi linh mục là một Mầu nhiệm, Mầu nhiệm đức tin như “bí tích Thánh Thể là Mầu nhiệm đức tin” mà trí khôn không biết phải diễn tả làm sao cho thấu đáo. Chỉ có thế hiểu được ơn gọi linh mục là mầu nhiệm tình yêu. Chúa yêu thương tôi đến tận cùng, Ngài chọn gọi tôi vì Ngài yêu thương tôi dù tôi chưa yêu thương Ngài cho đủ, chưa đáp trả tình thương Ngài cho phải đạo, cho cân xứng.

Chức linh mục thừa tác là quà tặng và mầu nhiệm như lời xác quyết của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, nên đời sống và tác vụ của linh mục cũng là quà tặng và mầu nhiệm cho mỗi linh mục và cho cộng đoàn Dân Chúa. Ơn gọi và thiên chức linh mục quả thật là một quà tặng, một ân ban nhưng không do tình yêu của Chúa Giêsu chứ không do tài năng, công trạng hay tư cách của riêng linh mục. Ngài đã chọn gọi chúng ta từ thân phận mọn hèn bụi cát, nâng cao chúng ta lên từ vị trí thấp hèn. Ngài không gọi chúng ta là tôi tớ nhưng là bạn hữu, trao ban cho chúng ta chức linh mục thừa tác để được nên đồng hình dạng với Ngài, để cử hành hy lễ Tạ ơn và loan báo Tin mừng Ơn Cứu Độ. Quà tặng thiên chức linh mục quả thật là một mầu nhiệm, vì chúng ta không biết tại sao mình được chọn gọi và trung thành trong suốt cuộc hành trình ơn gọi này.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một bài giảng lễ phong chức tại Rôma năm 2012, đã giải thích ơn gọi linh mục là một lý tưởng cao cả, một công trình của Chúa Thánh Linh với sự cộng tác của chúng ta. Chúng ta được ví như là đất sét cần được nhào nắn để người thợ nặn là Thiên Chúa nhào nắn đất sét ấy với nước và lửa, với Lời Chúa và Thánh Linh. Linh mục phải là sản phẩm của Lời Chúa và Thánh Linh. Chỉ như thế chúng ta mới trở thành linh mục của Giáo Hội; chỉ như thế chúng ta mới có thế chăn dắt dân Chúa và hướng dẫn họ không phải trên những nẻo đường của chúng ta, nhưng trên con đường của Chúa Kitô, trên Con Đường là chính Chúa Giêsu.

ĐTC nhắc nhớ chúng ta phải cố gắng trở thành mục tử giống như Chúa là Mục Tử nhân lành “nghĩa là suy gẫm Tin Mừng hằng ngày, để thông truyền Tin Mừng bằng cuộc sống và lời giảng; nghĩa là cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa trong bí tích hòa giải, để trở thành những thừa tác viên quảng đại và từ bi; nghĩa là nuôi sống mình trong tin yêu bằng Thánh Thể, để nuôi dân Kitô bằng bằng Thánh Thể; nghĩa là trở thành những con người cầu nguyện, trở thành tiếng nói của Chúa Kitô, chúc tụng Chúa Cha và liên tục chuyển cầu cho anh chị em mình” (Dt 7,25)

Các tiến chức linh mục thân mến,

Được Chúa chọn gọi để lãnh nhận chức linh mục thừa tác hôm nay, các con hãy luôn xác tín đây là quà tặng và mầu nhiệm mà Chúa trao ban cho các con. Hãy cố gắng sống như thế nào để đáp đền ơn sủng Chúa ban. Các con hãy gắn kết đời mình với Lời Chúa, với bí tích Thánh Thể và hy lễ của Chúa Kitô trong việc dâng Thánh lễ hằng ngày. Chính Thánh Lễ đỗ vào tâm hồn linh mục tâm tình yêu thương và hợp nhất, năng lực hy sinh và phục vụ. Các con hãy trở thành những Chúa Kitô khác, nghĩa là nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Linh mục, kết hiệp với Chúa Giêsu là nguồn sống của linh mục, để những ai tiếp cận chúng con sẽ cảm nhận Chúa đang hiện diện giữa họ qua lời rao giảng, cung cách sống và chứng tá và đời sống chúng con.

Các con hãy đồng hành đồng vận và trở nên cộng sự viên với hàng giám mục trong liên kết và vâng phục khi thì hành nhiệm vụ mục tử của Chúa Kitô. Cùng với hàng linh mục, các con trở thành những người chung chia trách nhiệm xây dựng cộng đồng dân Chúa trong sự sống của Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Khi gắn kết với Chúa Giêsu linh mục, các con hãy mặc lấy trọn vẹn Chúa Kitô và mang Chúa Kitô đến cho mọi người để Chúa Kitô ban sự sống của Người cho các tín hữu. Chúa Giêsu Kitô đồng hóa và gắn bó với con người, thì chúng ta cũng đồng hành và đồng cảm với mọi người: đối xử bao dung, chia sẻ lo âu và hy vọng, hy sinh và tận hiến cho họ. Đời sống và tác vụ linh mục chỉ có giá trị và hiệu năng khi linh mục biết sống cho dân Chúa cách trọn vẹn và triệt để trong đức ái mục tử, trong phục vụ yêu thương và trong tình yêu trong sáng vô vị lợi luôn qui hướng về Chúa Kitô và Hội Thánh.

Công đoàn phụng vụ thân mến,

Cùng với các tân chức hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô Linh mục lời cảm tạ tri ân vì Chúa đã thương chọn gọi các anh em chúng ta vào hàng linh mục; đồng thời khấn cầu xin Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô Linh mục luôn ban tràn đầy ơn sủng, tình yêu và Chúa Thánh Thần để anh em chúng ta chu toàn tác vụ trong trọn cuộc sống hành trình linh mục và mục tử này.

Sau phần huấn dụ, các tiến chức phủ phục trước bàn thờ, cộng đoàn cầu nguyện sốt sắng với Kinh Cầu Các Thánh. Tiến chức nằm phủ phục dưới đất với cảm thức sâu xa về “cái bình sành dễ vở” nơi con người của mình.Thân phận con người với những giới hạn của bản thân luôn mỏng dòn, yếu đuối. Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh và lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa mà tiến chức đón nhận thánh chức Linh mục.

Đi vào phần nghi thức chính yếu nhất, Đức Cha Tôma đã đặt tay lên đầu 6 Phó tế, lần lượt từng linh mục đặt tay trên đầu tiến chức. Với lời nguyện phong chức, các Phó tế đã trở thành Linh mục. Thân mẫu các tiến chức dâng áo lễ lên Đức Giám Mục, ngài trao cho mỗi tân chức mặc áo lễ vàng, mỗi tân Linh mục đến trước bàn thờ để được ĐGM xức dầu thánh hiến đôi tay và được trao chén thánh. Từng tân chức đón nhận cử chỉ “trao bình an” thân ái từ Giám mục và cha Tổng đại diện, các cha Giám đốc Chủng viện, các cha Hạt trưởng, các cha nghĩa phụ.

Với tư cách là Linh mục, các tân chức cùng đồng tế Thánh lễ trong phần Phụng vụ Thánh Thể.

Cuối thánh lễ, Cha Tổng đại diện - Giuse Hồ Sĩ Hữu, cám ơn Đức Cha và đón nhận 6 tân chức vào linh mục đoàn: như Đức Cha đã nói: Linh mục quà tặng, là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với Dân Thánh. Bởi vậy, thay mặt cho linh mục đoàn, chúng con cám ơn Đức Cha, và cùng với Đức Cha chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương ban cho Giáo Phận Phan Thiết 6 tân linh mục. Cùng với toàn thể linh mục đoàn, chúng con hân hoan chúc mừng quý tân linh mục và vui mừng đón nhận các tân linh mục vào trong linh mục đoàn của chúng con, nâng tổng số linh mục của giáo phận lên 147 vị. Chúng con tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Cha và xin chúc mừng các tân linh mục.

Đại diện các tân chức cám ơn Đức Cha, quý cha và cộng đoàn. Bó hoa tươi thắm dâng lên Đức Cha với lòng hiếu thảo tri ân.

Mỗi lần dự lễ phong chức là mỗi lần Dân Chúa mong ước giống như Thánh Phêrô qua những lời khuyên rất thực tế, sâu sắc và cảm động của ngài: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó… lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,2-3).

Thánh Gioan tông đồ trong bữa tiệc ly đã để lại hình ảnh rất đẹp: tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu (x.Ga 13,23). Linh mục là người dựa đầu vào Trái Tim Chúa Giêsu. Theo gương Thánh Gioan, nhiều linh mục đã dựa lòng mình vào Trái Tim Chúa Giêsu. Cử chỉ thân mật đó chủ yếu là để đón nhận. Đón nhận ơn sống mật thiết với Chúa, đón nhận ơn bình an của Chúa, đón nhận ơn sống hiện diện trước nhan thánh Chúa.

Linh mục là một hồng ân và là một huyền nhiệm. Là một hồng ân nên cần phải tạ ơn Chúa. Là một huyền nhiệm nên cần phải khám phá và quý trọng. Chúa Giêsu thiết lập chức Linh mục là vì và cho dân Chúa. Chức Linh mục đòi hỏi rất nhiều nơi các Linh mục, trong khi đó bản thân các Linh mục lại rất yếu đuối và giới hạn. Hãy cảm thông và cầu nguyện cho các Linh mục. Hãy cầu nguyện với Đức Mẹ xin cho Giáo Hội có nhiều Linh mục theo gương Chúa Giêsu.

Xin gửi đến bài thơ sáu câu của Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng như là lời khuyên nhủ của ngài dành cho 6 tân linh mục.

Ngày ngày cầu nguyện chăm chuyên.

Tôn thờ Thánh Thể đặt lên hàng đầu.

Thánh Kinh phải được đào sâu.

Mân Côi kính Mẹ khẩn cầu chớ quên.

Trông nom mục vụ ưu tiên.

Tỏa lan đức ái lời khuyên Tin mừng.

Ước mong các tân chức luôn ghi nhớ, hồng ân linh mục là quà tặng và mầu nhiệm mà Chúa trao ban cho mình. Xin Đức Mẹ là Mẹ của các Linh mục luôn gìn giữ và ban ơn cho các tân chức trong ngày trọng đại này và mãi mãi, để các ngài trở nên một Giêsu thứ hai con của Mẹ. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Khóa Ca trưởng cấp II Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.
Maria Thủy Tiên
11:29 12/07/2017
Khóa Ca trưởng cấp II Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.

Cố nhạc sư ca trưởng Hải Linh đã nói : “Chính lúc điều khiển, Ca nhạc trưởng dùng một thứ ngôn ngữ thầm lặng: tất cả những sự hiểu biết trong đầu sẽ biểu lộ ra ngoài nét mặt, là tấm gương phản chiếu linh hồn của bản nhạc, và tự nhiên sẽ chan hoà ra hai cánh tay và toàn thân con người ca trưởng”. Nói cách khác, lúc điều khiển, ca nhạc trưởng diễn đạt tình ý của mình, không bằng lời nói, mà bằng một thứ ngôn ngữ thầm lặng của nét mặt (bao gồm đôi mắt đôi môi), của hai cánh tay (bao gồm cánh sau, cánh trước, bàn tay, ngón tay, đũa nhịp) và toàn thân người ca trưởng (bao gồm tư thế trước, tư thế giữa, tư thế sau của toàn thân)

Xem Hình

Chính nhờ sự diễn đạt thầm lặng nhưng hữu hình đó, mà ca trưởng mới có thể giúp các ca viên cùng diễn tả bản nhạc, đúng hơn là cùng sống bản nhạc với mình.

Với ý nghĩa đó, sau khi thi mãn khóa Ca trưởng cấp I vào dịp hè năm 2016, Ban giảng huấn gồm có Soeur Maria Fiat Hồng Trang, Soeur Elizabeth TrầnThị Mến, Soeur Yến Linh, Soeur Huỳnh Thị Chín, nhạc sĩ Nguyễn Đức Kỳ, Ca trưởng Lê Đình Hùng, Ca trưởng Đào Tuyết Thanh Vân- đây là những nhân vật chính trong nhóm nhạc theo “trường phái Hải Linh”, đã tiếp tục chương trình đào tạo khóa Ca trưởng cấp II cho các Soeur thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội tại Cộng đoàn Sở Kiện từ ngày 10- 15/07/2017, với 1 chương trình dày đặc, buổi sáng từ 7g30 đến 11g30, buổi chiều từ 1g30 đến 5g30, kèm theo thời tiết oi bức, khó chịu của những ngày hè

Đây là khóa lớp học dành riêng cho các Soeur thuộc Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, hiện tại đang có 94 Soeur theo học với mục đích nâng cao kiến thức về phụng vụ và thánh nhạc, kỹ năng đánh nhịp và điều khiển ca đoàn... để phục vụ ngày càng tốt hơn theo đúng đường hướng của Giáo Hội. Tất cả các nữ tu đang vui mừng và sẵn sàng cho khóa học này để đáp sự ưu ái đặc biệt của Soeur Bề Trên, và Ban Giảng Huấn.

Với tinh thần ham học hỏi, các Soeur đang phục vụ ở các giáo xứ xa xôi đã tề tựu về tại cộng đoàn Sở Kiện, làm cho bầu không khí của cộng đoàn vui nhộn hẳn lên nhưng không vì thế mà mất đi vẻ thánh thiêng, yên tĩnh vốn có của tu viện....thay vào đó là bầu khí của tình huynh đệ, của sự hiệp thông, chia sẻ đời sống với sự đơn sơ, hiền hòa trong mọi sinh hoạt từ giờ ăn, giờ kinh nguyện, học hành, làm việc diễn ra một cách trang nghiêm, trật tự.

Trong khóa học này, các học viên nữ tu sẽ nhận được nhiều bài học quý giá về kỹ thuật đánh nhịp, kỹ thuật tập hát, bình ca, tiết tấu bình ca, xướng âm bình ca, ngũ cung Việt Nam, …. giúp các Soeur tự tin và mạnh dạn hơn khi đi mục vụ ở các giáo xứ. Tất cả sẽ được chuyển tải trong tinh thần sẻ chia lửa mến yêu Thiên Chúa, sẻ chia lời ca tụng tạ ơn, sẻ chia niềm vui thanh thoát của những người đã một thời dành trọn ý chí, trái tim, lời ca cho Vinh Danh Thiên Chúa.

Tuy đây là khóa học cấp II, nhưng vì nhiều lý do, và vì nhu cầu mục vụ nên vẫn có đến 30 học viên chưa qua khóa học nào...vì thế Ban giảng huấn phải tích cực dạy thêm ngoài giờ vào các buổi tối trong tuần cho các học viên mới với những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết.

Sau mỗi bài thực tập đánh nhịp, các học viên chia nhau thành 4 nhóm và luyện tập riêng dưới sự hướng dẫn của các phụ giáo.

Những giây phút giải lao thoải mái, và giải nhiệt qua những cây kem Tràng Tiền khiến cho các buổi học bớt đi sự căng thẳng và mệt mỏi hơn.

Chuyển tiếp một bậc học, tay nhịp của các học viên có vẻ điêu luyện, sắc nét hơn. Nhờ những kinh nghiệm, những kiến thức nắm bắt được từ quý thầy cô giúp qua khóa học đã giúp các nữ tu tự tin, mạnh dạn hơn khi về điều khiển ca đoàn tại giáo xứ mình, vừa làm đẹp thêm cho Thánh lễ, vừa nuôi dưỡng đời sống đức tin của các tín hữu. Để khi vào nhà thờ nghe hát, người ta không có cảm giác là vào một phòng trà hay một tụ điểm ca nhạc mà đến một nơi cầu nguyện, để tâm hồn được thanh thoát và tai được nghe những tiếng hát có sức biến đổi tâm hồn.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Ban giảng huấn sức khỏe, đã không quản ngại gian khó để đào tạo, huấn luyện những ca trưởng cho các Dòng Tu và Giáo xứ trong Giáo phận.

Maria Thủy Tiên
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quân đội Nó, Quân độ Ta
Chu Bách Việt
10:49 12/07/2017
Quân đội Nó: Đánh giặc
Quân đội Ta: Đuổi dân
Lấy đất làm kinh tế
Rồi chia nhau ăn dần.

Quân đội Nó: Giữ biển
Quân đội Ta: Giữ tiền
Ngày nào cũng ăn nhậu
Rồi rủ nhau tắm biển.

Quân đội Nó: Tàu bay
Vẫn tập luyện hàng ngày
Quân đội Ta: Chơi golf
Cần gì đến sân bay.

Quân đội Nó: Binh lính
Quân đội Ta: Tài chính
Bất động sản, nông nghiệp
Làm kinh tế là chính.

Quân đội Nó: Xe tăng
Quân đội Ta: Bán xăng
Viễn thông và cơ khí
Mở luôn cả nhà băng.

Quân đội Nó: Cứu thương
Tập trận ngoài chiến trường
Quân đội Ta: Rảnh rỗi
Ngồi chờ ngày lãnh lương.

Quân đội Nó: Luyện sức
Để nâng cao thể lực
Quân đội Ta: Nghỉ ngơi
Ngồi đếm tiền, dưỡng sức.

Quân đội Nó: Hăng say
Thuỷ, Bộ và tàu bay
Quân đội Ta: Ăn nhậu
Và say xỉn mỗi ngày.

Quân đội Nó: Hung hăng
Chiếm biển, đảo, xâm lăng
Quân đội Ta: Kinh tế
Chỉ buôn bán, làm ăn.

Quân đội Nó: Tấn công
Nhào tới để xung phong
Quân đội Ta: Lùi lại
Quay lưng chạy cho xong.

Mấy ông Đại Tướng ơi
Mất nước đến nơi rồi
Quân đội Nó tràn xuống
Mấy ông cũng chết toi.

Chu Bách Việt (dslamvien.com)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Ai cấp Giấy chứng nhận Xưng tội lần đầu?
Nguyễn Trọng Đa
08:34 12/07/2017
Giải đáp phụng vụ: Ai cấp Giấy chứng nhận Xưng tội lần đầu?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong những năm gần đây, tôi đã ban Bí tích Hòa giải cho các trẻ em xưng tội lần đầu ở một số giáo xứ. Có vẻ như bây giờ đã trở thành thông lệ rằng giấy chứng nhận Xưng tội lần đầu được cấp cho các em. Đã nhiều lần tôi thấy một đứa trẻ không xưng bất cứ tội nào, bất chấp sự động viên và gợi ý của tôi về tội nhẹ nào đó, vì vậy tôi không thể ban xá giải cho em, mà chỉ chúc lành cho em. Tuy nhiên, đứa trẻ đó cũng nhận được một giấy chứng nhận Xưng tội lần đầu. Ngoài ra, tôi lo ngại về ấn tín tòa giải tội. Tôi luôn được dạy rằng tôi không bao giờ được phép nói về việc liệu một cá nhân đã xưng tội hay không. Bây giờ tôi đang lo lắng trong lương tâm về các việc trên. Thưa cha, nếu việc tôi quan tâm là chính đáng, có lẽ các nhà giáo dục tôn giáo nên được cảnh báo về điều này. – Linh mục L. W., Chicago, Hoa Kỳ.


Đáp: Có một số vấn đề liên quan ở đây. Giấy chứng nhận Xưng tội lần đầu không được đề cập trong bất kỳ tài liệu chính thức nào, và không được đòi hỏi bởi Giáo luật. Giấy chứng nhận này có thể là hữu ích ở một số nước, nơi mà sự chuẩn bị giáo lý cho việc Xưng tội lần đầu và Rước lễ vỡ lòng diễn ra tại các địa điểm khác nhau, hoặc có một thời gian dài đáng kể giữa việc Xưng tội lần đầu và Rước lễ vỡ lòng.

Thật là không phù hợp cho cha giải tội cấp giấy chứng nhận này, bởi vì một cách có hiệu quả, trong chừng mực vai trò của cha như là cha giải tội có liên quan, hối nhân không được cha biết đến, và cha không được tiết lộ bất cứ điều gì liên quan đến việc xưng tội.

Nếu giấy chứng nhân được ban bởi các người phụ trách việc dạy giáo lý, tất cả những gì họ có thể chứng nhận là đứa trẻ đã bước vào tòa giải tội và có thể đã nhận bí tích Hòa giải. Họ không thể biết những gì đã được thốt ra trong lúc hòa giải, và liệu sự xá giải có được ban hay không.

Đây có lẽ là một giới hạn phải được chấp nhận, do tôn trọng bản chất của Bí Tích Hòa giải, và rằng trong thực tế giấy chứng nhận này không có tư cách pháp nhân.

Có lẽ chúng ta có thể nhận được một chút ánh sáng từ sắc lệnh năm 1910 của Đức Giáo Hoàng Piô X là sắc lệnh "Quam Singulari", vốn vẫn còn là cơ sở cho việc thực hành nghi lễ La tinh hiện thời liên quan đến việc Xưng tội lần đầu và Rước lễ vỡ lòng:

"Sau khi thảo luận cẩn thận về tất cả những điểm trên, Thánh Bộ Kỷ luật Bí tích này, trong một cuộc họp chung được tổ chức vào ngày 15-7-1910, nhằm xóa bỏ các lạm dụng nêu trên và cho phép trẻ em ngay từ các năm tháng êm đềm của các em có thể được hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô, có thể sống đời sống của Ngài, và được bảo vệ khỏi mọi nguy cơ hư hỏng, đã cho rằng cần thiết phải đặt ra các luật sau đây, vốn phải được tuân giữ ở khắp mọi nơi cho việc Rước Lễ lần đầu.

"1. Tuổi khôn, cả cho việc Xưng tội và Rước Lễ lần đầu, là thời điểm khi một đứa trẻ bắt đầu lý luận, tức là khoảng bảy tuổi, hơn kém một chút. Kể từ đó, bắt đầu luật buộc phải chu toàn việc Xưng tội lần đầu và Rước lễ vỡ lòng.

"2. Một sự hiểu biết trọn vẹn và hoàn hảo về giáo lý Kitô giáo là không cần thiết cho việc Xưng tội lần đầu hoặc Rước lễ vỡ lòng. Tuy nhiên, sau đó, đứa trẻ sẽ phải học dần dần toàn bộ sách Giáo lý theo khả năng của mình.

"3. Sự hiểu biết về giáo lý, vốn được yêu cầu ở một đứa trẻ để được chuẩn bị chu đáo cho việc Rước lễ lần đầu, là như thế nào cho nó hiểu theo khả năng của mình các Mầu nhiệm đức tin, vốn là cần thiết như một phương tiện cứu độ (necessitate medii), và rằng nó có thể phân biệt giữa Bánh Thánh và bánh thường, và do đó nó có thể Rước Lễ lần đầu với lòng đạo đức theo tuổi của nó.

"4. Nghĩa vụ của giới răn Xưng tội và Rước lễ, vốn ràng buộc đứa trẻ, đặc biệt ảnh hưởng đến các người phụ trách chăm sóc em, đó là cha mẹ, cha giải tội, các giáo lý viên và cha xứ. Bổn phận của người cha của em, hoặc người thay thế người cha này, và cha giải tội, theo Giáo lý Rôma, là chấp nhận em vào Rước Lễ lần đầu của em.

"5. Cha xứ nên thông báo và tổ chức việc Rước lễ lần đầu chung cho các em mỗi năm một lần, hoặc nhiều hơn, và trong các dịp này, cha xứ không chỉ nhận cho các em Rước lễ lần đầu, mà còn các người khác đã đến gần Bàn Thánh với sự chấp thuận trên đây của cha mẹ hay cha giải tội. Cần có một số ngày dạy giáo lý và chuẩn bị trước cho cả hai lớp trẻ em.

"6. Các người phụ trách trẻ em nên nhiệt tình thúc giục để sau ngày Rước lễ lần đầu, các em này thường đến Bàn Thánh, thậm chí hàng ngày nếu có thể, như Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Hội Thánh mong muốn, và hãy làm điều này với lòng đạo đức theo tuổi của các em. Họ cũng phải nhớ rằng nhiệm vụ rất nặng nề buộc họ phải đưa con tham dự các lớp Giáo lý chung; nếu điều này không được thực hiện, họ phải cho con học giáo lý theo một cách khác nào đó... "

Số 4 trên đây đặt gánh nặng giới thiệu vả chấp nhận đứa trẻ cho việc Xưng tội lần đầu và Rước lễ vỡ lòng chủ yếu cho bậc cha mẹ, như các người phụ trách hướng dẫn chính cho các em trong đức tin, và cha giải tội. Giáo lý Hội Thánh Rôma được trích dẫn trong văn bản nói thêm:

"Vì luật xưng tội là chắc chắn được ban hành và thiết lập bởi chính Chúa chúng ta, chúng ta có nhiệm vụ phải xác định ai, ở tuổi nào, và vào thời kỳ nào trong năm, luật này buộc cho họ. Theo văn kiện của Công đồng Lateran, mở đầu: Omnis utriusque sexus (mọi tín hữu nam và nữ), không ai bị ràng buộc bởi luật xưng tội cho đến khi người ấy biết sử dụng lý trí - một thời điểm không thể xác định được bởi số tuổi nào nhất định. Tuy nhiên, có thể đặt ra như là một nguyên tắc chung, rằng trẻ em có nghĩa vụ phải đi xưng tội ngay khi các em có thể phân biệt sự lành sự dữ, và có khả năng làm sự dữ; vì, khi một người đã đến tuổi nào đó, người ấy bắt đầu tham gia vào công việc cứu độ của mình, người ấy buộc phải xưng tội của mình với một linh mục, vì không có ơn cứu độ nào khác cho người có lương tâm bị đè nặng với tội lỗi".

"Về lứa tuổi mà trẻ em nên được ban các mầu nhiệm, các bậc cha mẹ và cha giải tội có thể xác định tốt nhất. Cha mẹ và cha giải tội cần điều tra và đoan chắc từ chính các em rằng liệu các em đã có một số hiểu biết về Bí tích đáng kính trọng này chưa, và liệu các em có muốn đón nhận nó không".

Cùng một giáo lý thiết yếu này, tôi đã tìm thấy nó trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo:

"1457. Theo luật Hội Thánh, "mọi tín hữu đến tuổi khôn, phải xưng các tội trọng mình nhận thức được, một năm ít là một lần" (x. CÐ, khoản 989; x. DS 1683, 1708). Ai biết mình còn mắc tội trọng mà chưa xưng tội thì không được rước lễ, dù đã ăn năn tội cách trọn (x. CÐ Trentô: DS 1647;1661), ngoại trừ trường hợp có lý do hệ trọng và chưa thể xưng tội được (x. CIC, khoản 916; CCEO, khoản 711). Trẻ em thì phải lãnh nhận bí tích Giao Hòa trước khi rước lễ lần đầu (x. CIC, khoản 914) (Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Về cha giải tội, cần làm rõ một số điều. Giáo Luật năm 1910 có thể giả định rằng cha giải tội chấp nhận đứa trẻ cho Rước lễ lần đầu thường là cha xứ biết gia đình của em. Một lần nữa Giáo Lý Hội Thánh Rôma nói:

"Bây giờ chúng ta nói đến thừa tác viên của Bí tích này. Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải phải là linh mục có thẩm quyền tùy chức hoặc quyền thừa ủy, để công bố đầy đủ các luật của Hội Thánh. Bất cứ ai có chức năng thánh này, phải được đầu tư không chỉ với quyền của chức thánh, mà còn với quyền tài phán. Trong sứ vụ này, chúng ta có một bằng chứng lừng lẫy trong các lời này của Chúa chúng ta, được Thánh Gioan ghi lại: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20, 23)”, các lời này không phải được nói cho tất cả mọi người, mà chỉ cho các Tông Đồ, và các linh mục kế tục các Tông đồ trong chức năng thừa tác.

"Điều này cũng là phù hợp nhất, bởi vì như tất cả ân sủng được ban bởi Bí tích này được truyền đạt từ Chúa Kitô là Đầu đến các thành viên của Ngài, họ là các người duy nhất có quyền thánh hiến Thân xác của Ngài, thì chỉ họ có quyền ban các Bí Tích này cho Nhiệm thể của Ngài, tức các tín hữu, đặc biệt khi các tín hữu này có đủ trình độ và được chuẩn bị bởi Bí Tích Hòa Giải để Rước Thánh Thể.

"Việc chăm sóc cẩn thận, vốn trong các thời kỳ nguyên thủy của Hội Thánh bảo vệ quyền của linh mục bình thường, là dễ dàng được nhìn thấy từ các sắc lệnh cổ xưa của các Giáo Phụ, vốn nói rằng không Giám mục hay linh mục nào, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, dám thực hiện bất kỳ chức năng nào trong giáo xứ của người khác, mà không có thẩm quyền của người ấy đang điều hành ở đó. Luật này có nguồn gốc từ Thánh Tông Đồ, khi ngài ra lệnh cho Titô truyền chức linh mục cho một số người ở các thành phố, để họ ban phát cho các tín hữu Lương thực từ Trời của tín lý và của các Bí tích”.

Đây không còn là một luật lệ nghiêm ngặt, và người ta thường mời một linh mục khác đến giúp trong việc cho các em xưng tội lần đầu. Do đó, cha giải tội không phải là người quyết định chấp nhận cho đứa trẻ Rước lễ vỡ lòng.

Với các điều kiện tương đối dễ dàng để chu toàn, có thể rất hiếm khi một đứa trẻ không nhận được lời xá giài, vì nó không chịu xưng tội. Việc xưng ít nhất một tội nhẹ là cần thiết để bí tích được ban thành sự, và vì thế bạn đọc (một linh mục) của chúng ta là có lý, trong việc không ban xá giải, vì ngài không thể ban một bí tích mà ngài biết là không thành sự.

Trong chừng mực có thể, phụ huynh và các giáo lý viên nên tránh các tình huống như vậy. Cần phải đoan chắc rằng đứa trẻ thực sự có thể phân biệt đúng sai. Việc hỏi nó vài thí dụ về các điều mà nó cho là sai, có thể giúp nó thực hiện một kiểm tra đơn giản về hành vi của chính nó, trước khi đi xưng tội lần đầu. Một thiên thần nhỏ ít nhất cũng xưng thú không vâng lời cha mẹ và thầy cô, và điều này là đủ để được xá giải rồi.

Cũng có thể tật câm miệng trong tòa xưng tội có thể bị kích động bởi các thần kinh hay sự sợ hãi, hơn là thiếu hiểu biết và sự chuẩn bị. Các giáo lý viên nên cố gắng làm dịu bớt điều này, bằng cách trình bày việc xưng tội như là tìm kiếm sự tha thứ từ người mà chúng ta yêu thương, và người ấy cũng yêu thương chúng ta rất nhiều. Chúng ta chỉ có thể xin sự tha thứ nếu tình yêu thương hiện diện.

Các cha giải tội cũng nên làm hết sức, để giúp các em bình tĩnh thoải mái, và giúp các em xưng tội nhiều càng tốt. (Zenit.org 11-7-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Cô đơn
Đinh Văn Tiến Hùng
21:34 12/07/2017
Cô đơn

*”Ta buồn phiền quá đỗi, muốn chết được ! Các ngươi hãy ở lại đây mà thức với Ta !”
( Mt. 26 : 38 )


Cô đơn đâu phải chỉ một mình,
Phố phường nhộn nhịp đón bình minh,
Bước đi xiêu vẹo như say nắng,
Lang thang lầm lũi nghiêng bóng hình.

Trao đi người nhận vẫn làm thinh,
Kẻ nhận với ta chẳng đồng tình,
Vì thế hy vọng không thể đến,
Trông trước nhìn sau chỉ có mình.

Cận kề khoảng trống lại bao la,
Có phải đôi lòng muốn lìa xa,
Đâu tại không gian mà ngăn cách,
Do chính lòng mình chẳng thiết tha.

Đồng sàng dị mộng còn đuổi đeo,
Thời gian vội vã cứ cuốn theo,
Đôi bờ biết đến bao giờ gặp,
Dòng nước cuộn đi những cánh bèo.

Sáng thế Chúa tạo dựng A-đam,
Trăm hoa muông thú khắp địa đàng,
Chàng thấy cô đơn như còn thiếu,
Chúa biết tặng cho một E-và.

Nhân loại ngày nay đang nghĩ gì ?
Trăm phương nghìn kế để làm chi !
Càng sống văn minh, càng trống vắng,
Cô đơn lạc lõng cả đường đi.

Thành công tuyệt đỉnh các ngôi sao,
Tiền tài danh vọng quá dồi dào,
Những thấy lòng mình cô đơn quá,
Giã từ nhân thế quá xôn xao.

Một mình trong vườn vắng Ô-liu,
Đêm buông nhè nhẹ đuổi nắng chiều,
Chúa đang cầu nguyện lời tha thiết,
Vì Ngài cảm thấy rất cô liêu.

Con người phụ bạc Chúa trăm chiều,
Giu-đa phản bội Thày mến yêu,
Môn đồ chạy trốn vì khiếp nhược,
Ôi Chúa cô đơn biết bao nhiêu !

Thế trần cuốn hút những đam mê,
Chạy theo thân xác đã ê chề,
Hai tay buông lỏng khi từ giã,
Níu kéo được chi lúc trở về !

Đời con nhiều lúc quá cô đơn,
Hồn xác bơ vơ đã mỏi mòn,
Chỉ còn có Chúa nơi nương tựa,
Theo Ngài đời sống hạnh phúc hơn.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tắm Nắng Hè
Thérésa Nguyễn
18:02 12/07/2017
TẮM NẮNG HÈ
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Mặc cho trời nóng như thiêu
Nước trong ao mát an nhiên tắm hè.
(tn)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/07/2017: Mosul đã được hoàn toàn giải phóng, Alleluia, Alleluia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:35 12/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Kính thưa quý vị và anh chị em

Mosul đã được hoàn toàn giải phóng, Alleluia, Alleluia

Hôm thứ Hai 10 tháng 7, thủ tướng Iraq là ông Haider al-Abadi đã tuyên bố Mosul hoàn toàn giải phóng. Chuông nhà thờ tại Erbil và Baghdad đổ từng hồi dài.

Ngày 16 tháng 10 năm ngoái 2016, khi hay tin quân Iraq và quân Kurd hiệp đồng tác chiến mở chiến dịch giải phóng Mosul, hàng trăm ngàn tín hữu Kitô Iraq đang tị nạn tại thành phố Erbil đã tràn ra đường hân hoan mừng rỡ.

Cố nhiên trong những ngày này các tín hữu Kitô tị nạn tại Erbil lòng đầy hân hoan. Tuy nhiên, họ vẫn có những mối âu lo.

Rabea, một Kitô hữu lánh nạn Hồi Giáo từ năm 2014, nói với tổ chức International Christian Concern: “Bây giờ, Mosul được giải phóng hoàn toàn nhưng nhà cửa tan nát hết. chúng tôi không rõ liệu chính phủ có khả năng để giúp người dân những chi phí xây dựng lại cộng đồng của chúng tôi hay không? Nhà cửa của chúng tôi bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS trao cho những người khác cư ngụ, liệu họ có trả lại cho chúng tôi một cách hòa bình hay không?”

Cha Albert, một linh mục tại thủ đô Baghdad nói thêm với tổ chức International Christian Concern:

“Vấn đề là sự đánh mất niềm tin tưởng lẫn nhau. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã phá vỡ các cộng đồng và Kitô hữu sẽ khó có thể hòa hợp trong cộng đồng thành phố Mosul một nữa. Nhà cửa tan nát và lòng người cũng tan nát.”

Ahmed Amouri, một sĩ quan trong lực lượng chống khủng bố của Iraq cũng bày tỏ những lo ngại trước những hệ quả lâu dài về ý thức hệ cực đoan Hồi Giáo mà IS đã gieo vào tâm trí những người Hồi Giáo Sunni tại Mosul. Anh nói với International Christian Concern:

“Lực lượng của chúng tôi đang giao tranh với bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại khu vực cổ thành Mosul. Hàng chục gia đình đang chạy về phía chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy một phụ nữ đang bế một đứa trẻ trong vòng tay mình, mang theo 2 túi xách tay, có một thái độ kỳ lạ. Khi đi ngang qua chúng tôi. Cô ta liên tục bấm một cái gì đó trên tay. Đó là cái bộ điều khiển để kích hoạt bom quấn quanh người cô ta”.

Đài truyền hình Al-Mawskeya quay lại toàn bộ vụ nổ bom tự sát này.

“Tôi không thể tin rằng một người phụ nữ sẽ nổ bom tự sát trong khi bế trên tay mình một đứa trẻ thơ vô tội như thế, nhưng ISIS đã có thể gieo vào lòng họ tất cả những điều kì quái và lạ lùng”

“May mắn cho tôi, bom không phát nổ ngay khi cô ta đi ngang qua tôi. Vài phút sau, những quả bom mới phát nổ.”

Amouri nằm trong số sáu binh sĩ bị thương trong vụ nổ này. Anh nói tiếp:

“Tôi bị thương nhẹ và được đưa lên một chiếc humvee. Đột nhiên trong dòng người tị nạn, một phụ nữ khác chạy nhanh về phía chúng tôi la lên ‘Allahu akbar’. Một binh sĩ nhanh trí bắn nhiều phát vào cô ta. Cô ta quỵ xuống nhưng vẫn còn khả năng kích hoạt chất nổ trên người. Cô ta chết trên mặt nở một nụ cuời thật mãn nguyện. 12 người khác trong dòng người tị nạn chết theo cô ta và hàng chục người khác bị thương.”

Cho đến nay, ít nhất đã có 30 phụ nữ Iraq nổ bom tự sát. Họ là những cư dân của thành Mosul đã đi theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bọn chống cự đến giờ phút cuối cùng là những tên thánh chiến Hồi Giáo người nước ngoài. Những tên khủng bố IS là cư dân của Mosul thường cạo râu đi và trà trộn trong dòng người tị nạn thoát ra ngoài an toàn chờ cơ hội tấn công một lần nữa.

2. Đức Thánh Cha gởi thư cho các nhà lãnh đạo G20

Trong một thông điệp gửi các nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự cuộc họp G20 tại Hamburg, bên Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi họ “dành ưu tiên tuyệt đối cho người nghèo, người tị nạn, những người đau khổ, những người bị di dời, những người bị loại trừ, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo hay văn hoá.”

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng được gởi đến thủ tướng Đức Angela Merkel, người chủ trì cuộc họp tuần này - Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích những nỗ lực để “tăng trưởng kinh tế bền vững hơn”. Tuy nhiên, ngài đã thách thức các nước giàu trong khối G20 lưu tâm đến các nước nghèo trên thế giới, là những nước không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán đang diễn ra. Ngài nói:

“Những quốc gia và cá nhân có tiếng nói yếu nhất trên chính trường thế giới lại chính là những người chịu ảnh hưởng nặng nhất từ những ảnh hưởng tai hại của khủng hoảng kinh tế mà họ không phải chịu trách nhiệm hoặc nếu có thì rất ít.”

Để đáp ứng sự tăng trưởng bền vững và công bằng, các nhà lãnh đạo thế giới phải đồng tâm “giải quyết những khác biệt về kinh tế trong hòa bình và phải đồng ý với các quy tắc chung về tài chính và thương mại ngõ hầu có thể tạo ra sự phát triển toàn vẹn cho tất cả.”

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng, thế giới này không có một tương lai sáng sủa trừ phi tất cả các bên cam kết giảm đáng kể những xung đột, và ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang hiện nay, cũng như từ bỏ sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào xung đột.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đưa ra lời kêu gọi đặc biệt là các nước giàu hãy giúp đỡ cho những ai hiện đang sống trong tình trạng khẩn cấp ở Nam Sudan, hồ Chad, Sừng Châu Phi và Yemen. Ngài than phiền rằng 30 triệu người ở những khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ sắp chết đói.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm một con đường tuyên thánh thứ tư.

Cho đến nay, trong Giáo Hội Công Giáo có 3 con đường để được tuyên thánh: thứ nhất là tử vì đạo, thứ hai là sống một đời sống với các nhân từ anh hùng, thứ ba là có một danh tiếng thánh thiện.

Hôm thứ Ba 11 tháng 7, Tòa thánh công bố Tự Sắc “Maiorem Hac Dilectionem” – nghĩa là “Trao Ban Mạng Sống” – trong đó vạch ra một con đường thứ tư để tuyên thánh cho những người sống một đời sống Công Giáo tốt lành và tự do chấp nhận một cái chết sớm chắc chắn sẽ xảy ra vì lợi ích của người khác.

Đây là sự thay đổi đầu tiên đối với các tiêu chuẩn tuyên thánh trong nhiều thế kỷ qua.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

Ngoại trừ trường hợp tử vì đạo, các trường hợp khác, trong đó bao gồm trường hợp thứ tư này, đòi phải có một phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của vị ấy để được tuyên Chân Phước; và một phép lạ thứ hai để được tuyên thánh.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng khi các tín hữu có lòng sùng mộ đặc biệt đối với những vị thánh thiện chưa được phong thánh, Đức Giáo Hoàng có thể quyết định chuẩn chước “tuyên thánh tương đương” cho các vị này mà không cần theo các tiến trình bình thường. Điều này thường được thực hiện khi các vị thánh sống cách đây quá lâu khiến cho việc hoàn thành tất cả các yêu cầu trong án tuyên thánh rất khó khăn. Việc chuẩn chước như thế là một thực hành đã có hàng trăm năm trong Giáo Hội. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 14 đã chuẩn chước tiến trình tuyên thánh cho 11 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn chước tiến trình này để “tuyên thánh tương đương” cho 5 vị Chân Phước là Angela thành Foligno và Peter Faber (vào năm 2013), José de Anchieta, Marie Nhập Thể, Francis-Xavier thành Montmorency-Laval (vào năm 2014).

4. Đức Hồng Y Joachim Meisner, một trong bốn vị nêu lên các điểm hồ nghi về tông huấn Amoris Laetitia, đã qua đời

Đức Hồng Y Meisner, là Tổng Giám Mục Cologne trong 25 năm, và là một trong bốn Hồng Y đã nêu lên 5 điểm hồ nghi (dubia) đối với tông huấn Amoris Laetitia, đã qua đời ở tuổi 83.

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận cho biết ngài qua đời vào sáng thứ Tư trong khi đi nghỉ ở Bad Fussing.

Cùng với ba vị Hồng Y khác Carlo Caffara, Walter Brandmüller và Raymond Leo Burke - Đức Hồng Y Meisner đã yêu cầu Đức Thánh Cha làm sáng tỏ 5 điểm gây tranh cãi xung quanh Amoris Laetitia.

Tháng trước, bốn vị Hồng Y cho biết đã tìm cách hội kiến với Đức Giáo Hoàng nhưng thất bại, và thắc mắc của các ngài một lần nữa đã không nhận được phản hồi.

Trong một tuyên bố hôm thứ tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã nhận được tin về cái chết của Đức Hồng Y Meisner với “nỗi buồn lớn”.

Ngài nói thêm:

“Với niềm tin sâu sắc và tình yêu chân thành dành cho Giáo Hội, Đức Hồng Y Meisner đã tận hiến cho công cuộc loan báo Tin Mừng”.

5. Vài nét về Đức Hồng Y Joachim Meisner

Đức Hồng Y Joachim Meisner, qua đời ở 83 tuổi, đã trải qua một cuộc đời đầy gian truân, với nhiều sự kiện kinh hoàng. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, ngài là một người không mệt mỏi bảo vệ giáo huấn chính thống của Giáo Hội.

Sinh năm 1933 tại thành phố Breslau nằm ở phía đông nước Đức. Quê hương của ngài nay thuộc tỉnh Wroclaw của Ba Lan. Ngài lớn lên trong một gia đình Công Giáo có đức tin mạnh mẽ. Hết thời Quốc Xã, ngài lại sống dưới thời cộng sản Đức. Thụ phong linh mục năm 1962, và được tấn phong giám mục vào năm 1975, ngài sống với cộng đoàn bé nhỏ những người Công Giáo thiểu số ở Đông Đức, nơi theo truyền thống người Công Giáo chịu nhiều áp lực của khối Tin Lành đa số và vào thời điểm đó còn thêm những khó khăn đến từ một chính phủ cộng sản bài tôn giáo.

Năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Berlin. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đây có lẽ là một trong những giáo phận khó khăn nhất về mặt chính trị trên thế giới. Mặc dù hai nửa thành phố sống dưới hai thể chế chính trị khác nhau, đối với Tòa Thánh chỉ có một tổng giáo phận Berlin bao trùm cả hai miền. Năm 1983, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài.

Nhờ quyền tự do đi lại, Đức Tổng Giám Mục Meisner duy trì liên lạc giữa hai nửa của thành phố bị chia cách. Một điểm sáng là ngài đã tổ chức thành công Đại Hội Công Giáo Đông Đức (Katholikentreffen) tại Dresden từ 10 đến 12 tháng 7 năm 1987, quy tụ trên 100,000 người Công Giáo trong tổng dân số chỉ có 800,000 ở Đông Đức.

Nhìn lại, nhiều người cho rằng đây là một dấu hiệu của cuộc cách mạng hòa bình đã lật nhào Bức tường Berlin hai năm sau đó vào năm 1989.

Mùa xuân năm 1989 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Cologne, tổng giáo phận lớn nhất và giàu có nhất ở Đức.

6. Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, nguyên giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong 22 năm, đã qua đời

Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, sinh tại Cartagena, Tây Ban Nha, ngày 16 tháng 11, 1936, đã qua đời ở tuổi 80. Ông giữ chức giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong suốt 22 năm (1984-2006) dưới triều Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào một giai đoạn có những biến chuyển trọng đại của lịch sử nhân loại như sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo và sự lan tràn của chủ nghĩa duy tương đối.

Tiến sĩ Navarro-Valls, là một bác sĩ y khoa, và là nhà báo chuyên nghiệp. Ông là người giáo dân đầu tiên giữ vị trí giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh khi được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào năm 1984.

Tiến sĩ Navarro-Valls, người Tây Ban Nha, là một thành viên của tổ chức Opus Dei. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về gia đình. Thông thạo nhiều ngôn ngữ, ông Navarro-Valls có khả năng cung cấp nhiều màu sắc, và chi tiết đẹp đẽ về các hoạt động của Đức Gioan Phaolô và cuộc sống hàng ngày để lưu cuốn sự chú ý của giới truyền thông trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới. Ông cũng nhiều lần làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về tác động truyền thông trong thế giới đương đại.

Ông cùng đi với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong hầu hết tất cả các chuyến tông du của ngài và trở thành một nhân vật rất nổi tiếng, đặc biệt là sau khi Đức Giáo Hoàng ngã bệnh vào năm 2004. Lúc đó, ông thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo để loan báo với thế giới về tình trạng của Đức Giáo Hoàng.

Năm 1992, ông Navarro-Valls cải tổ sâu rộng Phòng Báo Chí Tòa Thánh và làm một cuộc cách mạng sâu rộng trong việc phân phối các tin tức và tài liệu của Tòa Thánh lên mạng lưới điện toán toàn cầu. Những nỗ lực của ông đã giúp thúc đẩy hình thành mạng lưới các cơ quan thông tấn Công Giáo trên khắp thế giới. Nếu không có những cải cách này, chưa chắc chương trình này của chúng tôi ngày hôm nay có thể đến được với quý vị và anh chị em.

7. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xin các Giám Mục toàn thế giới kiểm soát chất liệu làm bánh và rượu dùng để dâng Thánh Lễ.

Hôm 9 tháng 7, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích phổ biến một thông báo mang chữ ký của Đức Hồng Y Tổng trưởng Robert Sarah và Đức Tổng Giám Mục Thư ký Arthur Roche, yêu cầu các Giám Mục nhắc nhớ trách nhiệm của các linh mục, đặc biệt là các cha sở và giám đốc các đền thánh, trong việc kiểm soát chất liệu làm bánh và rượu cho phù hợp với Giáo Luật. Hiện nay, nhiều loại bánh rượu dùng trong thánh lễ được bán cả trong các siêu thị, hay hàng quán, hoặc trên mạng Internet.

Bánh phải là bánh không men, làm bằng lúa mì tinh tuyền, còn mới để không có nguy cơ bị hư hại. Bánh làm bằng các loại ngũ cốc khác với lúa mì, hay trộn lẫn với chất liệu khác lúa mì, không được coi là lúa mì thì không có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể. Việc dùng bánh trộn lẫn với các chất liệu khác như trái cây, đường và mật là một lạm dụng nghiêm trọng.

Rượu dùng dâng Thánh Lễ phải là rượu tự nhiên làm bằng trái nho, tinh tuyền không bị pha chế hay trộn lẫn với các chất khác. Cần giữ gìn nó trong tình trạng hoàn hảo để rượu không trở thành giấm. Tuyệt đối không được dùng rượu không có sự tinh tuyền và không rõ xuất xứ.

8. Cháu bé Charlie Gard trong cơn bão ý thức hệ phò sự chết

Bất chấp lời cầu xin của Đức Thánh Cha Phanxicô, và của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cũng như các nỗ lực ngoại giao trên thế giới nhằm tiếp tục các cuộc điều trị thử nghiệm cho bé Charlie Gard, chính quyền Anh vẫn tiếp tục khăng khăng cho rằng đứa trẻ không thể chuyển từ Bệnh viện Greater Ormond Street sang bất cứ bất viện nào trên thế giới, dù là ở Rome hay Washington DC. Các bác sĩ tại Bệnh viện Greater Ormond Street dự định cắt đứt tất cả hệ thống hỗ trợ sự sống cho đứa bé để Charlie Gard được “chết êm dịu”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị cấp một hộ chiếu Vatican cho Charlie Gard, để đưa đứa bé sang Rôma điều trị tại Bệnh viện Bambino Gesu. Nhưng tại London, các quan chức cho biết họ cần phải chấm dứt sự đau đớn của đứa bé.

Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra một lời đề nghị như thế. Theo sau lời đề nghị của tổng thống Hoa Kỳ, có tới hai bệnh viện ở New York đã đề nghị điều trị miễn phí cho Charlie nếu không có những trở ngại pháp lý nào. Một toán bác sĩ Mỹ sẵn sàng sang London để thảo luận cách vận chuyển an toàn đứa trẻ đến một bệnh viện ở Mỹ. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó đều bị các quan chức Anh kiên quyết từ chối.

Mẹ của Charlie, là bà Connie Yates, đã phủ nhận các thông tin của báo chí Anh cho rằng đứa trẻ hiện đang đau đớn. Cô nói với một chương trình truyền hình của Anh: “Tôi bảo đảm với mọi người rằng, trong tư cách một người mẹ, tôi sẽ không ngồi ở đó và nhìn con trai tôi đau đớn khổ sở.”

Vấn đề, theo ý kiến của nhiều người, là nếu bệnh viện của Ý hay của Hoa Kỳ chữa khỏi cho bé Charlie thì đó sẽ là một sự sỉ nhục cho giới Y Khoa ở Anh và cho mọi người thấy ngày nay các bác sĩ, dựa vào luật trợ tử, muốn giết chết các bệnh nhân hơn là cứu sống họ.

Bà Connie Yates nói với Sky News:

“Tổng thống Trump đã có một sự hiểu biết rất rõ về toàn bộ vụ này. Cả Đức Giáo Hoàng và ông Trump đều là những người có miềm tin vào truyền thống gia đình. Họ tin vào trường hợp của chúng tôi và hiểu tại sao chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền để tiếp tục chiến đấu mặc dù rất khó khăn để cứu Charlie.”

Bé Charlie bị một dạng bệnh mitochondrial rất hiếm dẫn đến sự suy giảm cơ bắp và tổn thương não. Đứa bé đã là trung tâm của một cuộc chiến pháp lý kéo dài liên quan đến việc cha mẹ cậu muốn đưa cậu sang Mỹ để điều trị thử nghiệm trong khi các bác sĩ tại Bệnh viện Greater Ormond Street khăng khăng không thể nào chữa được.

9. Các Giám Mục Venezuela kêu gọi Maduro nên dẹp trò hề Quốc Hội Lập Hiến

Các Giám Mục Venezuela đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nicolás Maduro tôn trọng sự độc lập của các nhà lập pháp và hủy bỏ cuộc bầu cử vào ngày 30 tháng 7 để thành lập “Quốc Hội Lập Hiến” nhằm soạn thảo một hiến pháp mới.

Vào năm 2015, các nhà lập pháp thuộc phe đối lập đã giành được đa số 109 trên 55 trong Quốc hội. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999 đảng xã hội do Hugo Chávez thành lập đã trở thành nhóm thiểu số trong Quốc Hội.

Tháng 3 năm 2017, Toà án Tối cao do Maduro khống chế đã tuyên bố giải tán Quốc hội. Tuy nhiên, chính Toà án Tối cao lại đảo ngược quyết định của mình sau đó trước một làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng.

Tháng 5, Maduro kêu gọi thành lập một hiến pháp mới và công bố cuộc bầu cử ngày 30 tháng 7 để bầu ra Quốc Hội Lập Hiến. Phe đối lập đã quyết định tẩy chay cuộc bầu cử này.

Các Giám Mục Venezuela nói Tòa Thánh đã nhiều lần kêu gọi một cuộc bầu cử nhưng là bầu lại tổng thống chứ không phải bầu ra trò hề Quốc Hội Lập Hiến.

10. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle khuyên các linh mục đừng nói ‘Good Morning’ ở đầu thánh lễ

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila khuyên các linh mục của ngài đừng nói “Good Morning” vào đầu các Thánh lễ nữa.

Ngài quan sát rằng nhiều linh mục quá nhấn mạnh vào câu chào này. Các ngài nói “Good Morning” và mong cộng đoàn đáp lại “Good Morning, Father”. Thậm chí có vị còn lặp lại “Good Morning” khi thấy cộng đoàn đáp lại “Good Morning, Father” nhỏ quá.

Theo Đức Hồng Y, các linh mục bắt đầu Thánh lễ bằng “Good Morning” dường như không nắm bắt được sự sâu sắc của lời chào “Dominus vobiscum” - “Chúa ở cùng anh chị em”

“Với tất cả sự tôn trọng, thưa các anh em linh mục của tôi, tôi không hiểu tại sao anh em phải nói ‘Good Morning’ và những lời chúc tương tự khi Sự Hiện Diện Thật Sự của Thiên Chúa trong Thánh Thể là một phúc lành quá đủ cho mọi người rồi”.

Đức Hồng Y khuyên các linh mục: “Anh em hãy nói ‘Chúa ở cùng anh chị em’ là đủ.”

Đức Hồng Y đã nói như trên trong Thánh lễ Corpus Christi tại nhà thờ Santa Cruz ở Manila. Những lời bình luận này của Đức Hồng Y Tagle đã được đăng lại trong một bài báo trên trang web của Hội đồng Giám mục Công Giáo Philippines hôm thứ Tư 5 tháng Bẩy.

11. Chung quanh việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục Milan

Hôm thứ Sáu 7 tháng 7, Tòa Thánh công bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Angelo Scola, và bổ nhiệm Đức Cha Mario Delpini, 66 tuổi, Giám Mục Phụ Tá lên kế vị.

Đức Hồng Y Scola, là ứng cử viên Giáo Hoàng sáng giá trong Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng vào tháng Ba năm 2013, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị. Vào thời điểm đó, hầu hết các cơ quan truyền thông của Ý đều cho rằng Đức Hồng Y Scola sẽ được bầu làm Giáo Hoàng.

Quyết định này của Đức Thánh Cha, diễn ra chỉ vài ngày sau quyết định bãi nhiệm Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, đã gây nên nhiều đồn đoán tại Ý. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Scola cho biết ngài đã nộp đơn từ chức vào tháng Mười Một năm ngoái, khi đạt đến độ tuổi 75. Ngài nói rằng ngài không muốn tiếp tục làm Tổng Giám mục một tổng giáo phận lớn nhất nước Ý – và cũng là một trong những tổng giáo phận lớn nhất thế giới với hơn 5 triệu người Công Giáo.

Gần đây, khi Đức Thánh Cha Phanxicô thăm viếng tổng giáo phận Milan vào ngày 25 tháng Ba, chính Đức Hồng Y đã yêu cầu Đức Thánh Cha đẩy nhanh tiến trình đề cử người kế nhiệm mình và yêu cầu Đức Thánh Cha công bố quyết định trước mùa hè.

Đức Tân Tổng Giám Mục Mario Delpini là một người sống cả đời tại tổng giáo phận Milan. Trong 40 năm qua, Tòa Thánh mới bổ nhiệm một vị mà toàn bộ các hoạt động mục vụ chỉ thu gọn trong tổng giáo phận Milan. Ngài là người sống rất giản dị, đi làm bằng xe đạp và sống chung với các linh mục cao tuổi.

Việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục tại Milan được nhiều người theo dõi vì chỉ trong thế kỷ vừa qua đã xảy ra hai lần là vị Tổng Giám Mục Milan được bầu làm Giáo hoàng: Đó là Đức Giáo Hoàng Piô XI và Phaolô VI.

12. Dưới các áp lực quốc tế chính quyền Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngưng kế hoạch ăn cướp 50 tài sản của Chính Thống Giáo Syria

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ngưng kế hoạch chiếm hơn 50 tài sản của Chính Thống Giáo Syria ở tỉnh Mardin.

Hôm 28 tháng Sáu, các quan chức ở tỉnh này đã tuyên bố rằng quyền sở hữu hợp pháp của các tài sản - bao gồm các nhà thờ, tu viện và nghĩa trang - đã mất hiệu lực. Các cơ sở này từ nay nằm dưới sự kiểm soát của bộ tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hôm 5 tháng 7, dưới các áp lực quốc tế, các quan chức này cho hay, nếu Giáo Hội Chính Thống Giáo Syria có thể trưng ra các bằng chứng hợp lệ về quyền sở hữu, thì tài sản sẽ không bị tịch thu.

Một trong những tài sản có thể bị cướp là tu viện Mor Gabriel, có giá trị lịch sử đáng kể. Tu viện này đã có từ cách đây 1600 năm là một trong những tu viện lâu đời nhất thế giới.

Tổ chức Open Doors cho biết khi giá nhà đất tăng vọt trên thế giới, bọn quan chức tại ít nhất là 50 quốc gia đã và đang cướp bóc hàng ngàn tài sản của các Giáo Hội Kitô trên thế giới.

13. Các nghị định phong Chân Phước ngày 7 tháng Bẩy

Hôm thứ Sáu 7 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha đã nghe Bộ Tuyên Thánh trình bày về các án tuyên Chân Phước và tuyên lên hàng Tôi Tớ Chúa cho 8 ứng viên.

Sau buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Angelo Amato đã công bố 8 nghị định sau với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô:

- Nghị định nhìn nhận một phép lạ do sự chuyển cầu của Tôi Tớ Chúa là Anna Chrzanowska, một phụ nữ giáo dân người Ba Lan, sinh năm 1902 và qua đời năm 1973.

- Nghị định nhìn nhận sự tử đạo của Đức Giám Mục Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, qua đời tại Colombia vào năm 1989;

- Nghị định nhìn nhận sự tử đạo của Peter Ramirez Ramos, một linh mục Colombia đã mất năm 1948

- Các nghị định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của:

Đức Cha Ismael Perdomo (1872-1950), một vị tổng giám mục Colombia;

Luigi Kosiba (1855-1939), một giáo dân người Ba Lan;

Paola của Jesus Gil Cano (1849-1913), một nữ tu Tây Ban Nha;

Mary Elizabeth Mazza (1886-1950), một nữ tu người Ý

Maria của Tình yêu Thiên Chúa (1892-1973), nhủ danh là Maria Gargani, một nữ tu người Ý.

14. Đức Thánh Cha nói tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi

“Tất cả chúng ta đều có bằng đại học về tội lỗi”, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 7 tháng Bẩy tại nhà nguyện Santa Marta dành cho các nhân viên bảo trì tại Vatican.

Trong một bài suy niệm về lời Chúa mời gọi Thánh Mátthêu đi theo Ngài, Đức Thánh Cha nói rằng những người Pharisêu đã nhanh chóng nhìn thấy tội lỗi nơi những người khác, nhưng chậm nhận ra những khuyết điểm có khi còn trầm trọng hơn của chính mình.

Đức Thánh Cha nói rằng ngài xúc động trước những lời của Chúa Giêsu “Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là các tội nhân”.

Đức Thánh Cha khuyến khích cộng đoàn đặt niềm tin nơi Chúa Kitô: “Khi anh chị em yếu đuối và sa ngã, hãy tin là Chúa sẽ giúp anh chị em đứng vững; Ngài sẽ chữa lành anh chị em.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ đến câu chuyện của Thánh Jerome, là người đã nói với Chúa Giêsu rằng ngài đã dâng hết cho Chúa tất cả công việc của ngài về Kinh Thánh. Chúa Giêsu đáp lại rằng Ngài muốn thánh nhân hãy dâng cả những tội lỗi của mình để Chúa thánh hóa ông.