Ngày 26-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm Giàu
Lm. Anphong Trần Đức Phương
08:31 26/07/2010
LÀM GIẦU

(Chúa Nhật Xviii, Thường Niên,Năm C)

Chúa Nhật hôm nay nói đến thái độ của chúng ta phải có đổi với của cải và những thực tại chóng qua ở trần gian. Bài Đọc I (Sách Giảng Viên 1: 2;2:21-23): Mọi sự trần gian sẽ qua đi. Mọi người, dù giầu hay nghèo, bình dân hay quyền quý, cũng qua đi và khi chết phải bỏ lại tất cả không mang theo được gì, trừ những điều tốt lành người ta đã làm khi còn sống ở trần gian này. Bài Đọc II (Thơ Côlôsê 3:1-5,9-11): Thánh Phaolô khuyên chúng ta khi còn sống ở trần gian, hãy làm việc lành và xa tránh mọi quyến dũ của thế gian do lòng ham danh, lợi, thú gây ra; hãy luôn hướng tâm trí về cuộc sống đời sau, về quê hương thật nước Trời; hãy “mặc lấy con người mới, con người đã được đổi mới nên giống hình ảnh Đấng đã dựng nên chúng ta.” Bài Phúc Âm (Luca 12:13-21): Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người phú hộ có nhiều của cải và chỉ biết thu tích cho mình để được sống sung sướng thoải mái; nhưng cái chết bất ngờ đến với ông, mọi của cải vật chất ông không mang đi được, thật dại dột. Kết luận Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học và cũng là một câu hỏi “những kẻ chỉ lo tích trữ của cải trần gian mà không biết làm giầu (nhân đức và các việc lành) trước mặt Chúa thì được ích gì!”

Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã ban cho con người có trí thông minh để thống trị mọi loài thụ tạo. Thiên Chúa cũng ban cho con người có óc sáng tạo để con người góp phần vào việc phát triển thế giới này (Sách Khởi Nguyên 1:27-30). Việc “làm giầu” cũng là điều rất tốt. “Làm giầu” để làm phong phú thế giới, để phát triển con người, gia đình và quê hương đất nước. Siêng năng làm việc để phát triển thế giới cũng là bổn phận của mọi người chúng ta. Nhờ bao nổ lực siêng năng làm việc của bao người trải qua các thế hệ mà nhân loại được văn minh như ngày nay.

Tuy nhiên, “làm giầu” mà chỉ lo tích trữ của cải cho mình được thụ hưởng, mà không biết chia sẻ cho người nghèo khó như người phú hộ trong bài Phúc Âm hôm nay thì lại là điều thật dại dột. Vì của cải đời này rồi cũng qua đi, chính cuộc đời của con người cũng “chóng qua như hoa, như cỏ! ” “như bóng ngựa qua cửa sổ!” và cái chết đến với mọi người luôn là một bất ngờ.

Việc “làm giầu” cũng mang một ý nghĩa xấu, khi làm giầu một cách bất công dưới nhiều hình thức khác nhau, như ‘buôn người’, buôn ma túy, buôn bán gian lận, lừa đảo người khác, trốn thuế, gian lận, trộm cắp, v.v…

Vì quá ham mê làm giầu mà nhiều khi chúng ta bỏ cả bổn phận đời sống gia đình, săn sóc con cái; bỏ cả bổn phận thờ phượng Chúa, như đi dâng Thánh Lễ cuối tuần, chẳng hạn.

Các Bài Đọc Sách Thánh hôm nay giúp chúng ta cùng suy nghỉ về việc “xử dụng tiền của” (Luca 12:33-34; 16:9-15), suy nghỉ về cuộc sống của chúng ta ở đời này, để làm sao chúng ta sống cuộc đời này có ý nghĩa, vì luôn biết chung tay xây dựng thế giới nên tốt đẹp hơn. Một cuộc đời có ý nghĩa vì luôn biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, biết phục vụ Chúa qua các người nghèo khó. Khi nhắm mắt lìa đời vào bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể mỉm cười vì đã luôn cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp và Thiên Chúa cũng sẽ mỉm cười với chúng ta và đón nhận chúng ta vào quê hương Nước Chúa, và nói với chúng ta “Con hãy vào dự tiệc Nước Trời, vì xưa Cha đói các con đã cho ăn, Cha khát các con cho uống, Cha trần trụi các con đã cho áo mặc…” (Matthêu 25:31-46).

Xin Chúa, nhớ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, chúc lành cho mọi người chúng ta, giúp chúng ta luôn biết sống khiêm tốn, yêu thương và phục vụ lẫn nhau, nhất là giúp đỡ những người cùng khổ trên thế giới.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng giám mục Fulton Sheen tái xuất hiện trên màn bạc trong một phim tài liệu mới
Phụng Nghi
07:53 26/07/2010
Denver, Colo., (CNA/EWTN News).- Một cuốn phim tài liệu về cuộc đời Tổng giám mục Fulton Sheen đang được trình chiếu trước khi được phát hành toàn nước Mỹ, trong nỗ lực nâng cao tẩm hiểu biết nơi công chúng về cố Tổng giám mục mà tiến trình phong thánh hiện đang được tiến hành.

Cuốn phim tài liệu dài hàng giờ này nhan đề “Archbishop Fulton J. Sheen: Servant of All (Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Người Tôi tá của Mọi Người)”, vừa để thưởng ngoạn vừa đưa ra một sứ điệp mạnh mẽ về cuộc đời rao giảng Tin mừng của vị tổng giám mục thời danh này (1895-1979). Phim gồm cả những lời chứng của hàng chục cá nhân đã từng xúc cảm và ảnh hưởng vì cuộc đời của tổng giám mục. Phim cũng còn có những đoạn trích từ show truyền hình rất phổ biến của ngài, đó là chương trình “Life is Worth Living (Cuộc Đời Đáng Sống).”

Ngay từ thời còn trẻ đã nổi danh vừa là một học giả vừa là con người thánh thiện, Tổng giám mục Sheen, sau khi được thụ phong linh mục năm 1919, đã cam kết cầu nguyện hàng ngày một Giờ Thánh trước Thánh Thể Chúa. Ngài vẫn duy trì việc thực hành đó suốt 60 năm còn lại trong đời, và cho rằng sự thành công trong việc truyền bá Tin Mừng của mình có được là do Giờ Thánh hàng ngày đó.

Ở tuổi 30, Tổng giám mục Sheen đã nổi tiếng là một học giả Công giáo, với những bằng cấp do nhiều trường đại học ở Hoa kỳ và châu Âu cấp. Ngài giảng dạy tại trường Đại học Công giáo Hoa kỳ, và sinh viên túa đến chật ních cả giảng đường, có khi phải ngồi cả trên những lò sưởi, để nghe ngài giảng dạy.

Nổi tiếng là một nhà diễn thuyết giỏi, Tổng giám mục đã đi nhiều nơi trên thế giới để diễn giảng, lôi kéo có khi cả 10 ngàn người đến nghe một con người có nhân cách lôi cuốn và một sứ điệp mạnh mẽ. Một thính giả đã phát biểu: “Bạn có thể được cảm nghiệm như đang thấy một trong các vị Thánh Tông đồ đang nói ngay trước mặt bạn.”

Vào năm 1930, Tổng giám mục Sheen được yêu cầu tham dự vào buổi phát thanh hàng tuần trên radio trong chương trình “The Catholic Hour (Giờ Công giáo).” Và ít lâu sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục Phó của giáo phận New York năm 1951, ngài bắt đầu chương trình truyền hình “Life is Worth Living (Cuộc Đời Đáng Sống).”

Chẳng mấy chốc, mỗi tuần đã có tới 30 triệu người Mỹ mở đài truyền hình để coi Tổng giám mục Sheen. Ngài trình bầy thông điệp của mình bằng tính cách vừa khôn ngoan, duyên dáng vừa dí dỏm, hài hước. Chỉ sau mùa truyền hình thứ nhất, ngài đã được giới điện ảnh tưởng thưởng một giải Emmy, và đây là lần đầu tiên và duy nhất một nhà truyền hình tôn giáo được vinh dự đó.

Tuy thành công lớn lao trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình, vị tổng giám mục này vẫn giữ được tính khiêm tốn và hào phóng. Tiền bạc nhận được do các show này, cũng như của nhiều người hiến tặng, ngài đều gửi cho Hiệp hội Truyền bá Đức tin là hội ngài được đề cử làm giám đốc.

Khi Công đồng Vatican II nhóm họp, Tổng giám mục Sheen đã đến nói về vai trò của Giáo hội trong việc chăm sóc người nghèo khó trên thế giới. Cũng tại cuộc họp này, ngài lôi kéo được sự chú ý của vị hồng y sau này sẽ trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hồng y đã học Anh ngữ khi nghe các buổi phát thanh phát hình của Tổng giám mục Sheen.

Trong những năm sau đó, Tổng giám mục Sheen bắt đầu mất dần đi tính cách phổ thông trong quảng đại quần chúng vì ngài công khai ủng hộ các quyền dân sự và chỉ trích cuộc chiến tranh tại Việt nam. Ngoài ra, một số người còn thấy ngài còn giữ tính cách quá truyền thống sau Công đồng Vatican II.

Năm 1966 ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Rochester và giữ chức vụ này ba năm trước khi về hưu ở tuổi 74. Những năm còn lại trong đời, ngài mạnh mẽ hoạt động để củng cố và đề cao chức linh mục. Sức khoẻ ngài suy giảm dần và đã phải trải qua một cuộc giải phẫu tim.

Tổng giám mục Sheen qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979, thi thể được tìm thấy trước Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của ngài.

Án phong chân phước và tuyên thánh cho Tổng giám mục Sheen được mở năm 2002. Hiện nay ngài được tôn phong lên bậc Tôi tá Chúa, và Giáo hội tiếp tục xem xét cuộc đời và sự nghiệp của ngài, gồm cả 66 cuốn sách ngài đã viết.

Cuốn DVD nhan đề “Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Tôi tá của Mọi Người’ sẽ được phát hành cho công chúng vào mùa lễ Giáng sinh năm nay.
 
Một Hồng Y thách thức các Linh Mục đồng tính tại Roma: Sửa chữa lại mình hoặc ra ngoài
Paul Minh Nhật
20:21 26/07/2010
Trả lời lại các bản tin trên một tạp chí về việc đồng tính luyến ái trải rộng ra trong hàng linh mục, người đại diện của ĐGH tại Roma đã thánh thức các giáo sĩ đồng tính cải thiện cuộc sống của mình hoặc là ra khỏi chức linh mục.

Hồng y Agostino Vallini nói với các giáo sĩ đồng tính một cách tích cực rằng "Họ không bao giờ nên trở thành linh mục," ngài nói thêm "không ai bắt họ ở lại trong hàng ngũ các linh mục"

Đức hồng y đã trả lời lại một bài báo trong tạp chí Panorama rằng nhiều linh mục được báo cáo là khách hàng quen đến các quán của người đống tính đều đặn hoặc là các câu lạc bộ đêm. Bài báo cho rằng đồng tính luyến ái đã trải rộng giữa các linh mục ở Roma.

Giáo phận Roma đã nêu rõ ra rằng các linh mục hoạt động trong cuộc sống đồng tính về đêm của thành phố không nhất thiết phải là các linh mục của Roma, nên lưu ý rằng có rất nhiều linh mục từ khắp nơi trên thế giới về Roma học tập và làm việc.

Nhưng Hồng y Vallini nói thêm một thông điệp mạnh mẽ hơn rằng, sẽ tuyên bố khai trừ những linh mục người mà "tiếp tục hưởng lợi" của đời sống giáo sĩ trong khi lại tham gia vào các hoạt động đồng tính luyến ái.

Dịch từ: http://www.catholicculture.org/news
 
Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới (UCIP)
Vũ Văn An
20:26 26/07/2010
Như hãng Zenit đã loan tin, các ký giả Công Giáo khắp thế giới đang chuẩn bị lên đường tới Ouagadougou, thuộc Burkina Faso, Phi Châu, dự hội nghị ba năm một lần, kéo dài một tuần lễ, từ ngày 12 tới ngày 19 tháng 9 tới, do Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới tổ chức. Nhân dịp này, chúng ta hãy tìm hiểu một vài khía cạnh của Liên Đoàn.

Lai lịch Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới

Giáo Hội Công Giáo, từ lâu, vốn ý thức được vai trò quan trọng của báo chí trong việc truyền bá sự thật, nên luôn luôn khích lệ các tín hữu dấn thân vào hình thức tông đồ này. Thực vậy, ngay từ đầu thế kỷ 19, nhiều hiệp hội báo chí Công Giáo đã được thành lập và một liên đoàn quốc tế đã được qui tụ. Năm 1905, ra đời Hiệp Hội Quốc Tế Báo Chí Và Xuất Bản Công Giáo. Năm 1917, ra đời Văn Phòng Quốc Tế Các Nhà Báo Công Giáo. Qua năm 1927, người ta thấy xuất hiện Liên Đoàn Báo Chí Công Giáo Thế Giới (UCIP), được Tòa Thánh công nhận cùng năm. Năm 1928, Liên Đoàn này gợi hứng thiết lập ra các tổ chức quốc tế chuyên ngành cho truyền hình, truyền thanh, điện ảnh và các phương tiện thính thị.

Năm 1930, đại hội thế giới UCIP lần đầu tiên được tổ chức tại Bruxelles, Bỉ, với sự tham dự của 230 đại biểu thuộc 33 quốc gia khác nhau. Từ năm 1950 tới năm 1960, thành lập ra các vùng và Ủy Ban Phát Triển. Năm 1969, Ủy Ban Phát Triển trở thành và khai sinh ra Hội Đồng Truyền Thông Công Giáo (CAMECO). Điều đáng lưu ý đối với chúng ta là năm 1979, Liên Hiệp Tin Tức Á Châu (UCANews) đã được thành lập và năm 1987, ra đời Hệ Thống Quốc Tế Các Nhà Báo Trẻ. Một năm sau, Đại Học Hè ra đời và 3 năm sau đó, là Chương Trình Bồi Dưỡng (Refresher Programme).

Mục tiêu: Liên Đoàn đặt cho mình nhiều mục tiêu, trong đó có vấn đề ưu tiên chú trọng tới văn hóa và lối sống, bảo vệ đạo đức và các giá trị, phát triển toàn diện các cá nhân như những nhân vị, phục vụ xã hội, Giáo Hội và nhân loại nói chung, tiếp tục đào luyện chuyên nghiệp trên bình diện thành phố, miền, lục địa và thế giới, công bố quan điểm về các biến cố, chính sách và các hậu quả của chúng trên thế giới, cổ vũ việc phát triển một nền truyền thông tự do và độc lập.

Liên Đoàn muốn hành động trong tinh thần những nhà báo chuyên nghiệp, độc lập, Công Giáo, cổ vũ và bênh vực tự do, đa dạng, sáng tạo, năng động, trẻ trung, chững chạc, lạc quan, nghiêm chỉnh; các dị biệt được tôn trọng và được chấp nhận trong tinh thần tự do thực sự; nói tiếng nói của thời đại, chú ý xem sét các dấu chỉ của thời đại, tôn trọng mọi người cũng như các điều kiện làm việc và sinh sống của họ; hướng về phục vụ, sẵn sàng có đó đối với mọi nhà chuyên nghiệp về truyền thông khắp thế giới; nhìn nhận các cố gắng gương mẫu của các nhà chuyên nghiệp truyền thông, làm căn bản cho việc phát triển toàn diện.

Hoạt động: không ngừng phát triển việc nối kết, tổ chức các đại học hè, các chương trình bồi dưỡng, giải thưởng báo chí và truyền thông quốc tế, hệ thống quốc tế các nhà báo trẻ, các hình thức nội trú, trao đổi tin tức, liên lạc khắp thế giới với các cá nhân và định chế, đại hội thế giới 3 năm một lần, xuất bản sách với các bài diễn văn chủ yếu của đại hội thế giới, các tài liệu để suy tư về các chủ đề liên hệ, cử đại diện và hợp tác với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, tổ chức các liên đoàn cho các nhật báo, tạp chí định kỳ, cho các nhà báo, cho ngành báo chí Giáo Hội, các hãng thông tấn, các giáo sư, các nghiên cứu gia, các nhà xuất bản, các nhiếp ảnh gia báo chí. Hiện nay, Liên Đoàn tổ chức thành vùng: Phi Châu, Âu Châu, Mỹ Châu La Tinh, Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Bắc Mỹ, Trung Đông.

Đại Hội Thế Giới

Như vừa trình bày, hoạt động của Liên Hiệp hết sức đa dạng. Tuy nhiên, nổi nhất vẫn là đại hội thế giới ba năm một lần. Đại hội này giúp các nhà báo vượt qua các biên giới, thoát khỏi các thiên kiến, mở rộng tâm trí, tai mắt và đối thoại với thật nhiều các nhà báo và bằng hữu khắp nơi trên thế giới trong một tinh thần thực sự hoàn vũ. Đại hội qui tụ các nhà báo chuyên nghiệp, các nhà xuất bản và giáo sư truyền thông khắp thế giới để thảo luận cặn kẽ việc làm thế nào để chu toàn tốt nhất nghề nghiệp cao quí của mình, giúp cho các sáng kiến hòa bình có thể được đem ra thi hành và một thế giới công bình và hoà bình hơn được xây dựng.

Hiện nay, UCIP là định chế duy nhất tổ chức đại hội thế giới cho các nhà báo, các nhà xuất bản, các giáo sư ngành truyền thông và các nhà chuyên nghiệp về truyền thông khác trong ngành truyền thông thế tục và tôn giáo. Như thế, đại hội quả là nơi đầu tiên huấn luyện, đánh giá, nối kết và thăng tiến các nhà chuyên nghiệp này dưới ánh sáng các giá trị nhân bản vững chắc.

UCIP có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các biến cố mang lại lợi ích cao. Liên Đoàn từng tổ chức đại hội thế giới lần đầu ngay từ năm 1930, chỉ 3 năm sau khi chính thức được thành lập. Trong số 22 đại hội tính đến năm 2007, phần lớn được tổ chức tại Âu Châu (16 lần), sau đó tới Bắc Mỹ (2 lần: tại Gia Nã Đại và Hoa Kỳ), Mỹ Châu La Tinh (2 lần: tại Ba Tây và Á Căn Đình), Nam Á (1 lần tại Ấn Độ), Đông Nam Á (1 lần tại Thái Lan). Đại hội vào tháng 9 tới là đại hội đầu tiên tổ chức trên đất Châu Phi. Có điều đáng nói về đại hội tổ chức tại Bangkok vào năm 2004 là số người tham dự lên đến 1,071, đại diện cho 106 quốc gia. Đây là con số khá cao trong lịch sử tổ chức đại hội, tại một quốc gia mà số giáo dân Công Giáo hết sức nhỏ nhoi. Trong khi ấy, những quốc gia có đông người Công Giáo hơn như Việt Nam và cả Phi Luật Tân nữa cũng chưa đăng cai tổ chức được một đại hội thuộc loại này, dù các nhà báo Phi Luật Tân từng đoạt giải thưởng của UCIP (Jose Rebelo và Jose Aranas).

UCIP đã dành nhiều năng lực và tài nguyên tổ chức các đại hội nói trên, mà các nhà báo và các nhà chuyên nghiệp truyền thông cốn coi là những dịp đào luyện và học tập có tính hoàn vũ. Các nhà tổ chức địa phương chịu phần lớn các chi phí của đại hội. Các cơ quan, chiến dịch và định chế gây quĩ hỗ trợ bao nhiêu có thể. Điểm mạnh của UCIP là các thành viên trên khắp thế giới hiểu rõ sứ mệnh của các nhà báo và do đó thực hiện biến cố này với tầm nhìn nhằm phát triển ngành truyền thông tại từng địa phương và từng miền. Chính trong tinh thần này, Liên Đoàn cố gắng thực hiện nhiều chương trình hữu ích co các nước như Việt Nam, Cuba, Lebanon, Trung Quốc, Nga, Malawi, Burundi và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhiều chuyên gia truyền thông danh tiếng của quốc gia đăng cai và nhiều quốc gia khác được mời đọc các diễn văn chủ yếu, nhấn mạnh tới khía cạnh kinh nhgiệm và thực hành. Nhưng đại hội chú trọng đến việc thảo luận và trao đổi, kể cả những buổi thảo luận và tranh luận bàn tròn giữa các tham dự viên và các chuyên viên đến từ nhiều miền khác nhau, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau… Tất cả các buổi hội học, thảo luận và tranh luận đều được ghi chép cẩn thận bởi các nhà chuyên môn về truyền thông.

Các chủ đề của đại hội được chọn lựa cẩn thận, giúp các nhà báo và các nhà chuyên nghiệp về truyền thông khác khai triển được lối tiếp cận tích cực khi tường thuật các biến cố trên thế giới, dưới ánh sáng phát triển con người toàn diện. Điều này cần hơn bao giờ hết trong thế giới ngày nay, một thế giới đang bị xâu xé bởi bạo lực và đang rất cần những nhà báo biết tôn trọng các giá trị nhân bản. Với cả ngàn tham dự viên, đại hội chắc chắn đem lại nhiều tác động lớn lao trong khía cạnh này. Đại hội không quên khía cạnh chuyên nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các tham dự viên, giúp họ vừa phục vụ nhân loại một cách tích cực vừa sống còn trong một bối cảnh cạnh tranh cao độ như ngày nay.

Nên nhớ: Hệ Thống Các Nhà Báo Trẻ Công Giáo cũng tham dự đại hội này và số tham dự viên do tổ chức này cung cấp cũng xấp xỉ bằng con số các tham dự viên khác. Họ chính là thế hệ tương lai, cầm vận mệnh ngành truyền thông Công Giáo trong những ngày tới và do đó, đóng vai trò chủ chốt trong việc lên khuôn thế giới và các xã hội của chúng ta. Người ta cũng nhận thấy con số phụ nữ tham gia đại hội thường cũng chiếm một nửa (khoảng 450 người). Ngày nay vai trò của phụ nữ trong truyền thông càng ngày càng được nhìn nhận, vì người đàn bà chủ yếu là người biết yêu thương và chăm sóc, hai nét mà thế giới bây giờ đang hết sức cần đến.

UCIP quan niệm rằng đã đến lúc người ta phải suy nghĩ như một thế giới, thay vì như những quốc gia, những vùng hay những lục địa. Hàng thế kỷ qua, chúng ta đã làm việc cho quốc gia của mình, cho nhân dân mình rồi. Ngày nay, có thể nào ta nghĩ tới nhân loại như một toàn thể không? Hội nghị thế giới của UCIP cố gắng đáp ứng nỗi mong chờ của con người trong nhiều thế kỷ qua muốn có bình đẳng, lo lắng cho mẹ địa cầu, cho làng hoàn vũ và cho tình yêu đối với nhau. Mỗi một cuộc hội ngộ đều là một biến đổi, mỗi một cuộc gặp gỡ đều là một cơ hội học hỏi nếu các phe liên hệ chịu cùng nhau hiện diện. Và không gì có thể thay thế được cuộc đối thoại mặt đối mặt. Càng gặp nhau, hiểu biết của ta càng tốt hơn, mà càng hiểu biết, ta càng phát triển mau chóng hơn, càng đạt được các mục tiêu hòa bình và phát triển.

Đại hội thế giới năm 2010

Đại Hội Thế Giới năm 2010 của UCIP sẽ là đại hội thế giới đầu tiên tổ chức tại lục địa Châu Phi, trong suốt 82 năm lịch sử của tổ chức này. Nhiều nước Phi Châu ngỏ ý muốn đăng cai tổ chức, nhưng UCIP đã quyết định chọn Burkina Faso vì tại đây sẵn có một đội ngũ địa phương có tính Châu Phi trọn vẹn và chân thực; đội ngũ này vốn được sự yểm trợ của chính phủ quốc gia. Tổ chức ở Châu Phi, UCIP nhằm tìm hiểu lục địa này, các thách đố cũng như các lắng lo hằng ngày của nó một cách tường tận hơn. Không cuộc học hỏi nào hay hơn cuộc học hỏi bằng tận mắt chứng kiến, có mặt tại chỗ; không cuộc hiểu biết nhau nào tốt hơn cuộc hiểu biết nhau bằng cùng chia sẻ một bữa ăn, cùng chia sẻ thì giờ với nhau.

Chủ đề đại hội lần này là “Truyền Thông Phục Vụ Công Lý Và Hoà Bình Trong Một Thế Giới Bất Bình Đẳng Và Nghèo Khổ”. Đại hội sẽ phơi bày các thực tại của thế giới hiện đại như đang kinh qua các khủng hoảng khác nhau về xã hội, tài chánh, môi sinh và văn hóa. Dù hiện nay, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa hẳn qua đi, nhưng đại hội hy vọng sẽ đón tiếp khoảng 1,000 tham dự viên khắp thế giới, lý do: đại hội này được tổ chức tại một nền văn hóa thực sự Châu Phi nhưng lại hội đủ cả kỹ thuật hiện đại cũng như tiện nghi; đây sẽ là cơ hội hiếm có để thấy và để học về Phi Châu từ chính những con người Châu Phi đích thực; đây cũng là dịp hiếm có để đối chất với những quan tâm hàng ngày và hướng về tương lai tại một lục địa nơi mặt trời không bao giờ ngừng chiếu sáng, trái với hình ảnh bất công người ta vẫn có về nó như một “lục địa đen tối”; chủ đề của đại hội có tầm quan trọng và cực kỳ liên quan tới thực tại cụ thể không phải chỉ của riêng Châu Phi mà là của đa phần nhân loại nói chung.

Từ trước đến nay, người ta ít có cơ hội có được cái hiểu về Châu Phi từ chính người Châu Phi. Các công ty truyền thông không phải là Châu Phi dường như là nguồn cung cấp hơn 90% các câu truyện hay chương trình phát tuyến về Châu Phi. Nguồn này bao gồm các phóng viên ngoại quốc, các hãng truyền thông do người ngoại quốc làm chủ, đại diện các công ty đa quốc hay các cơ quan viện trợ, các công ty đại lý du lịch v.v… Thành thử đại hội thế giới lần này sẽ đem lại cho các tham dự viên cơ hội gặp gỡ các nhà chuyên môn và các nhà báo xuất thân từ Châu Phi. Mầu sắc, tinh thần và kỹ năng địa phương vốn là các giá trị và lý tưởng được UCIP khai triển suốt 20 năm nay qua các chương trình đại học hè và các khóa bồi dưỡng. Đại hội thế giới lần này là cơ hội đem các giá trị và lý tưởng này ra thử nghiệm

Hai ngày đầu đại hội sẽ dành cho các nhà chuyên nghiệp truyền thông dưới 35 tuổi, nhằm giúp họ giáp mặt với các thực tại cụ thể của thế giới, cũng như bơm những dòng máu mới vào nghề này, hy vọng đạt được một thay đổi trong khung cảnh truyền thông hiện nay. Các nhà báo kỳ cựu chào đón các đồng nghiệp trẻ, mong họ lãnh nhiệm vụ lớn hơn, biết nói tiếng nói của thời đại với một niềm hứng khởi gương mẫu và một tinh thần tích cực lớn lao. UCIP luôn nhằm tổng hợp kinh nghiệm, tính năng động và kỹ năng của cả thành viên trẻ lẫn thành viên già nhằm giúp họ luôn liên hệ mật thiết với khung cảnh truyền thông thế giới.

Đại học hè và các khóa bồi dưỡng

Đóng góp quan trọng khác của UCIP là các đại học hè và các khóa bồi dưỡng. Từ 1988, nhiều đại học hè đã được UCIP liên tiếp tổ chức, qui tụ các nhà báo, các nhà xuất bản, các giáo sư và các nhà chyên nghiệp truyền thông khác. Hình thức huấn luyện này dành cho các nhà báo năng động từ 40 tuổi trở xuống. Chương trình thường kéo dài từ 2 tới 4 tuần lễ nhằm giới thiệu các lục địa vốn xa lạ đối với các nhà báo về lịch sử, dân số, văn hóa, tôn giáo và xã hội của nó. Nhờ chương trình này, các nhà báo, khi tường thuật các biến cố, biết dõi một ánh sáng mới vào chủ đề và giúp họ khỏi lệ thuộc các hãng tin quốc tế. Các đại học này cũng nhằm bồi đắp tình liên đới giữa các nhà chuyên nghiệp về truyền thông qua việc thiết lập được một mạng lưới liên lạc, đặt căn bản trên lòng tôn trọng lẫn nhau, bất chấp mọi dị biệt, hướng tới một nền báo chí có trách nhiệm.

Với một học trình cô đọng bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, hình thức đại học này đem lại một nền giáo dục đa dạng và thực tiễn hơn là các chương trình đại học bình thường. Tại đại học hè ở Gia Nã Đại và Mỹ, bài giảng của Giáo sư William Thorn đã tinh lọc được trọn bộ chương trình ông từng giảng dạy cho các sinh viên toàn thời gian. Tại đại học hè ở Ấn Độ và Pakistan, bài giảng của Bà Joytsna Chatterji về phụ nữ đã tóm lược cả một giảng khóa mà bà thường phân bổ cho suốt một học kỳ ở Đại Học Tân Đề Li.

Các khóa đại học hè này đặc biệt nhằm các đối tượng tại các quốc gia đang phát triển để trước nhất đánh đổ lối giáo dục tại các nước giầu, một lối giáo dục hủ hóa, bất công và phi nhân hóa. Đại học hè, ngược lại, là một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và ý kiến trên căn bản bình đẳng, trong một bầu không khí trung lập, giúp các tham dự viên thực sự hiểu các thách đố của đồng nghiệp mình. Không cần phải ra ngoại quốc tốn kém, các nhà báo của các quốc gia đang phát triển vẫn có thể khai triển được hạ tầng cơ sở giáo dục của họ.

Như trên vừa nói, các chủ đề của đại học hè rất đa dạng. Về xã hội, tham dự viên học hỏi về văn hóa, phong tục, các cấm kị, các nhóm thiểu số và các nhóm sắc tộc. Về hệ thống chính trị, họ học hỏi về chính phủ, quốc hội và hệ thống bầu cử; chính trị trên căn bản hàng ngày; dân chủ tại các nước và vùng chủ nhà; các khai triển mới đây; tác động và hậu quả của hệ thống chính trị. Về kinh tế, có các chủ đề: tình thế các nước chủ nhà và các nước lân bang; các cố gắng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các thành công và thất bại; các khuynh hướng và cố gắng mới đương đầu với hiện tượng hoàn cầu hóa; khát vọng của nhân dân sống tại thành thị và nông thôn; ý kiến các nhà lãnh đạo địa phương và tôn giáo. Về truyền thông, có các chủ đề: xuất bản, phát tuyến, gặp gỡ các chủ bút và nhà báo, huấn luyện truyền thông, tự do báo chí, kiểm duyệt, tương lai báo chí giữa cảnh phân rẽ giầu nghèo mỗi ngày một tệ hơn. Về trẻ em, các học viên được nghe các chủ đề như tình huống trẻ em; các dự án phát triển, giáo dục và kĩ năng. Về tôn giáo, các đề tài sau đây thường được trình bày: ảnh hưởng của tôn giáo; đức tin lên khuôn cuộc sống người ta ra sao; các tôn giáo tân phúc âm, các liên hệ liên tôn, tranh chấp và đàn áp tôn giáo. Về nhân quyền: các vi phạm trên bình diện quốc gia và địa phương; các cơ quan làm việc trong lãnh vực này; phải làm gì để cải thiện tình huống? Về người tị nạn: nguyên nhân đàng sau việc di dân số đông người rời khỏi quê hương họ; các hậu quả đối với xã hội, chính trị và chính người tị nạn. Về lịch sử: hiểu chính xác hậu cảnh của một quốc gia luôn luôn đem lại ánh sáng để ta hiểu tình hình hiện nay.

Từ năm 1988 tới năm 2009, đã có gần 20 đại học hè được tổ chức khắp thế giới. Năm đầu tiên 1988, đại học hè được tổ chức tại Thụy Sĩ, Ý, Pháp và Liechtenstein. Lần thứ ba, tức năm 1991, đại học hè được tổ chức tại Ấn Độ và Pakistan (Nam Á). Năm 1994, đại học hè được tổ chức tại Kenya, Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi; năm 1996, nó được tổ chức tại Hồng Kông và Macao (có thăm Trung Hoa và Đài Loan); năm 1999, có đại học hè tại Thái Lan và Căm Bốt (có thăm Việt Nam, Nam Dương và Phi Luật Tân)…; năm 2009, là đại học hè tại Venezuela.

Các chương trình bồi dưỡng phổ thông hơn. Các chương trình này bắt đầu vào năm 1991 và được tổ chức tại nhiều lục địa khác nhau. Càng ngày, chương trình này càng được yêu cầu nhiều hơn. Tính độc đáo và bản chất phi thường của chúng đã luôn luôn lôi kéo nhiều nhà báo hơn dự đoán. Mục tiêu hàng đầu là để đối phó với nguy cơ đe dọa tự do báo chí ngày càng trầm trọng, cả tự do tôn giáo nữa. Các vi phạm của chúng xẩy ra hàng ngày. Hai thứ tự do này gặp nguy cơ phần lớn do sự phân rẽ giầu nghèo ngày một gia tăng. Sự phân rẽ này mỗi ngày tạo ra tranh chấp và chiến tranh, phá hoại mọi cố gắng hòa bình và phát triển. Chương trình bồi dưỡng cung cấp một phân tích toàn bộ về tình huống này, giúp gìn giữ tự do nhằm ổn định và phát triển.

Dĩ nhiên, mục tiêu cụ thể của chương trình là giúp cải tiến phẩm chất việc tường trình của các nhà báo. Trong một thế giới đầy bất bình đẳng và bất khoan dung hiện nay, các nhà báo luôn ý thức nhu cầu phải khai triển đạo đức học và một hệ thống phân phối tín liệu đặt căn bản trên các giá trị liên đới, chia sẻ, bình đẳng và phẩm giá của mọi cá nhân. Các chủ đề vì thế nhấn mạnh tới tự do thông tri, đạo đức học trong báo chí, các tranh chấp trong lãnh vực truyền thông, các hệ thống chính trị.

Giữa các nhà báo, chương trình nhằm củng cố tình liên đới và bằng hữu, hướng tới các sáng kiến hợp tác và phát triển hỗ tương, trao đổi và học hỏi, khuyến khích và yểm trợ, giúp họ khám phá ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống nghề nghiệp và bản thân.

Kéo dài một tuần lễ, các khóa này thường thảo luận các vấn đề nóng bỏng trong vùng và là cơ hội đối thoại giữa các nhà chuyên nghiệp truyền thông và các nhà lãnh đạo quốc gia cũng như tôn giáo tại đây.

Trái với các đại học hè, phần lớn các khóa bồi dưỡng này được tổ chức ngay tại các quốc gia đang mở mang. Các khóa trong ba năm đầu (1991, 1992 và 1993) đều được tổ chức tại Phi Châu. Ngoại trừ bốn khóa hoạ hiếm trong các năm 2003 (Québec, Gia Nã Đại), 2004 (Budapest, Hung Gia Lợi), 2006 (Moscow, Nga) và 2008 (Rôma, Ý), các khóa còn lại đều diễn ra tại các nước đệ tam như Croatia, Senegal, Argentina, Colombia, Peru, Cuba, Mali, Lebanon, Mexco, Brazil, Sri Lanka, Zimbabwe, Ấn Độ, Burkina Faso, Cộng Hòa Dominican, Congo, Bangladesh, Ghana, Pakistan, Paraguay, Tanzania... Ethiopia. Một lần nữa, không thấy một khóa nào được tổ chức tại Việt Nam, mặc dù nhiều nước ít người Công Giáo như Nepal cũng đã tổ chức được một khóa vào năm 2007 với chủ đề: Các Tôn Giáo, Các Công Ước Và Các Nhóm Thiểu Số, và 159 tham dự viên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Các em thiếu nhi Rước lễ lần đầu tại giáo xứ Phú Hòa Saigòn
Bảo Hoàn
06:27 26/07/2010
SAIGÒN - Lúc 7giờ30 Chúa nhật ngày 25-7-2010 tại giáo xứ Phú Hòa, hạt Phú Thọ, 20 em thiếu nhi trong đồng phục Thiếu nhi Thánh Thể và khăn quàng xanh cùng với Cha Xứ Anton Mai Đức Huy, long trọng tiến vào nhà thờ với đông đảo phụ huynh và cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân các em được rước Thánh Thể Chúa lần đầu.

Xem hình ảnh

Trong bài chia sẻ Tin mừng của Thánh Luca, Cha xứ nhấn mạnh: hãy năng cầu nguyện với Chúa và cầu nguyện như Chúa dạy. Chúa sẽ ban tặng những gì tốt nhất cho những lời cầu xin chân thành của chúng ta.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha xứ dặn dò, nhắc nhở các em vừa lãnh nhận Mình Thánh Chúa lần đầu và phụ huynh, hãy luôn tham dự thánh lễ, siêng năng xưng tội, rước Mình Thánh Chúa một cách sốt sắng.

Kết thúc Thánh lễ các em chụp hình lưu niệm với Cha xứ.
 
Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo xứ Tân Khai GP Phú Cường
Nguyễn Quang Ngọc
08:26 26/07/2010
Bình Phước - Sáng thứ bảy 24 tháng 07 năm 2010, tại Giáo xứ Tân Khai, Giáo hạt Bình Long, Giáo phận Phú Cường, thuộc xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, vui mừng chào đón Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, vị Cha chung của Giáo phận, đến viếng thăm và chủ sự Thánh lễ tạ ơn, và nghi thức làm phép đặt viên đá góc, cho việc gởi công xây dựng Thánh Đường mới dâng kính Đức Mẹ La Vang, bổn mạng của Giáo xứ. Dưới ánh nắng chói chang, giữa hàng rào danh dự của các em người Stiêng trong Giáo xứ, ban kèn đồng vang lên bản nhạc hoàng tráng, dẫn đầu đoàn rước là hương lửa, Thánh giá nến cao, quý Cha đồng tế, Đức Giám mục, Giúp lễ.

Hình ảnh lễ đặt viên đá đầu tiên

09h30 Đức Cha đã cử hành thánh lễ tạ ơn khởi công xây dựng Thánh Đường tiên khởi. Cùng đồng tế với Đức Cha có sự hiện diện Cha Chánh xứ Phêrô Phan Như Ngân, quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ, quý ân nhân và quý khách trong và ngoài Giáo phận.

Sau bài giảng, Đức Cha Phêrô đã làm phép diện tích khu đất sẽ xây dựng Thánh Đường, và làm phép viên đá đầu tiên, tượng trưng cho Chúa Kitô, viên đá góc sống động, để xây nên tòa nhà của Thiên Chúa.

Sau nghi thức làm phép đặt viên đá đầu tiên, thánh lễ vẫn tiếp tục trong bầu khí trang ngiêm và sốt sắng.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11h30, Đức Cha, quý Cha cùng chụp hình lưu niệm. Và sau đó, Đức Cha, quý Cha, quý khách đã dùng bữa tiệc thân mật với cộng đoàn Giáo xứ Tân Khai.

Nguyện xin Thiên Chúa, Mẹ La Vang trả công cho quý ân nhân đã góp công của, xây dựng nên một Giáo xứ truyền giáo mới.

Theo Cha Chánh xứ Giáo xứ Tân Khai cho biết: Tân Khai là miền đất mới, của hơn 600 giáo dân, từ mọi miền đất nước, đi kinh tế mới sau 1975, và của 6 Sóc người Stiêng. Họ từng ước mơ có một ngôi nhà nguyện nhỏ, nhưng không thành, vì hoàn cảnh xã hội không cho phép.

Đến nay, nhờ hồng ân Thiên Chúa, chính quyền sở tại cho phép Cha đến đây, để thành lập một Giáo xứ mới. Từ khu rừng tràm, do một giáo dân và một tân tòng bị mù dâng cúng, sau hai tháng dâng lễ ngoài trời, Cha đã cho dựng ngôi Nhà Thờ tạm làm bằng cây, chặt tại chỗ, và lợp lá dừa. Khi Nhà Thờ tạm thành hình, nhiều giáo dân lâu nay không đi lễ, đã đi trở lại và có hơn 300 người thiểu số Stiêng, đang tìm đến Nhà Thờ để học đạo.

Với sứ mạng vừa tái truyền giáo cho những tín hữu, đã hơn 30 năm không đến Nhà Thờ (có đến một nửa Giáo xứ đang ở trong tình trạng rối), vừa truyền giáo cho 6 sóc người dân tộc Stiêng, vừa xây dựng cơ sở vật chất của một Giáo xứ mới, từ con số không. Hiện tại, Giáo xứ rất cần một ngôi Nhà Thờ để phục vụ cho các linh hồn, các dự tòng sắc tộc Stiêng và những di dân trong khu vực.
 
Hành Hương Thánh Địa 2010 Của Đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris
Bùi Trọng Khang
15:08 26/07/2010
Hành Hương Thánh Địa 2010 Của Đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris

Theo đoàn Hành Hương Thánh Địa từ ngày 8 đến15 tháng Năm, gồm 49 người của Giáo Xứ Việt Nam Paris, do Cha Giuse Trần Anh Dũng và Thày Phó tế Phạm Bá Nha hướng dẩn, xin tuần tự kể lại trên trang báo này, với lời cảm tạ hổng ân Thiên Chúa đã cho chúng con diễm phúc bước theo chân Chúa khi xưa trên những vùng Ngài đã đi qua: vinh quang thì ít, tuổi nhục đau thương thì nhiều chỉ vì để cứu chuộc loài người chúng ta.

Ước muốn những ngày hành hương đem lại lợi ích tối đa, cha Trưởng đoàn đã không ngần ngại soạn thảo «Tập chỉ dẩn Hành Hương Thánh Địa 2010», mặc dù đã có hướng dẩn viên theo đoàn từ ngày đầu đến cuối. Xin mạn phép Cha cho trích dẫn nhiều đoạn tóm tắt dưới đây cho những người đã đi cũng như chưa có dịp hành hương hiểu thêm về Đất Thánh.

Trời tháng Năm sao lạnh:

Paris còn mù sương

Đoàn chúng con lên đường

Về nhà Cha yêu thương.


(Minh Thanh (08.05.2010)

Phải, Paris còn mù sương, từ 4 giờ sáng chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại phi trường CDG, để đợi đáp chuyến bay ghé Zurich trước khi đến Tel Aviv vào sau trưa.

Trên xe car từ phi trường đi Nazareth, đọc tập chỉ dẩn 112 trang lần nữa. Phần đầu trình bày về Miền Đất Hứa, về gia phả của người Do Thái và cuộc chiến đấu trở về mảnh đất hứa đầy cam go, đẩm máu, kéo dài trên 5000 năm, vẫn tiếp diển hằng ngày cho đến nay.

Lịch sử Israël là một lịch sử tôn giáo, thuật lại những liên lạc giữa Thiên Chúa và dân Israël «dân riêng của Thiên Chúa». Họ được Ngài dẩn dắt thế nào và đền đáp lại ra sao?...

Qua muôn thế hệ, chỉ có Kinh Thánh gồm Cựu và Tân Ước là sách soi sáng hướng dẫn duy nhất để cuộc hành hương đạt được lý tưởng mong ước.

Đất nước Israël có diện tích 25 ngàn cây số vuông, có cả núi, thung lũng, sa mạc, cao nguyên lẫn đồng bằng. Riêng miền duyên hải trải dài 180 cây số. Nhưng đặc biệt hơn cả là Biển Chết (Kinh Thánh gọi là Biển Đông, Biển Araba, Biển Muối) dài 76 cây số, rộng 18 cây số, mặt nước ở sâu 392 mét và chổ sâu nhất 793 mét dưới mặt biển, nước có tỷ lệ muối và khoáng chất gấp 6 lần nước biển thường, nên không có sinh vật nào sống sót. Đặc biệt mỹ phẫm chế biến từ bùn nơi đây đem lại cho Do Thái vài tỷ mỹ kim/năm.

Khí hậu ôn hòa và lạnh. Đất đai sỏi đá khô cằn. Kỹ nghệ dựa nhiều vào ánh sáng mặt trời.

Căn bản kinh tế là canh nông: lúa mì, lúa mạch, oliu, trái vã, nho với vài trái cây khác; chăn nuôi dê, bò, cừu, lừa.

Cây Oliu có rất nhiều khiến được thánh Phaolô dùng hình ảnh để chỉ mối quan hệ chặt chẻ giữa các tín hữu Kitô và Do Thái ( Rm.11,17-24).

Dân số vỏn vẹn có 7 triệu người. Jérusalem có 1 triệu. Trung tâm ngoại giao hành chánh Tel Aviv chỉ có 500 ngàn người. Còn Nagiarét ngày nay là thủ phủ, thành phố thương mại hiện đại nhất miền Bắc Do Thái với 70 ngàn dân cư, phần đông là công dân người Ả Rạp của Do Thái,trong đó 31% Kitô hữu và 38,7 % theo Hồi giáo; đời sống khó khăn, dân tình bỏ đi lập nghiệp nơi khác, nhà cửa xây dựng bỏ dở ngỗn ngang.

Một Quốc Gia phức tạp về chính trị, quân sự cũng như tôn giáo và chủng tộc. Việc quản lý Đền Thờ cũng như di tích lịch sử được chia giữa nhiều tôn giáo khác nhau. Có nhiều thời kỳ, nhất là thời đụng độ với Thập Tự Quân, có nhà thờ Hồi Giáo bị phá đi và xây nhà thờ Công Giáo lên hoặc ngược lại.

Điểm nổi bậc nữa là đặc quyền quản trị Thánh địa của dòng Phan Sinh được thiết lập từ 1342 theo Giáo Luật và cho đến nay hơn 300 tu sĩ của Dòng thuộc hơn 30 quốc tịch khác nhau hiện diện phục vụ 74 Vương Cung Thánh Đường và Đền Thánh, 29 Giáo Xứ và nhiều Trung Tâm Mục Vụ, Văn Hóa.

Dọc đường đến Nagiarét, Đoàn Hành Hương đã viếng Thánh Đường Đức Mẹ Sao Biển trên núi Carmel. Thánh đường thật đẹp. Giữa những năm 1206-1214, Bocard, vị khởi xướng đặt đời sống tu trực thuộc thẩm quyền Địa Phận Giêrusalem, bước khởi đầu dẫn đến việc thành lập Dòng Cát Minh. Đến năm 1254, Vua Thánh Louis mời 6 đan sĩ Cát Minh từ đây về thành lập tu viện Cát Minh trên đất Pháp.

Về đến Nagiarét, buổi tối Đoàn được Sơ Têrêsa Quy, Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu, người gốc Phát Diệm đã ở đây từ hơn 30 năm hướng dẫn tham dự kiệu Nến Đức Mẹ và chúng tôi được hân hạnh đọc chung 10 kinh Kính Mừng tiếng Việt Nam tại Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin; để rồi sáng hôm sau chúng tôi được trở lại tham dự thánh lễ chủ nhật thứ 6 Phục sinh, cũng tại nơi đây, mà theo truyền thuyết được xây dựng trên ngôi nhà Đức Mẹ đã sinh sống năm xưa. Được biết VCTD này lớn nhất vùng Trung Đông, có khả năng chứa được 7000 tín hữu hành hương. Khu vực từng dưới, bàn thờ trang nghiêm, trước phiên đá, nơi Đức Mẹ quỳ để thưa lời «Xin Vâng».

Khu vực từng trên bao gồm kiến trúc vòm vĩ đại cao 55 mét mang hình bóng dáng bông huệ, Với những bức hoành khảm đá màu (mosaïques) huy hoàng rực rở, mỹ thuật trình bày hình Đức Maria của các cộng đoàn hành hương thế giới hiến tặng: trong đó có tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân do Đoàn hành hương Việt Nam do L.m Trần công Nghị và Bs Nguyễn văn Hưởng hướng dẫn dâng tặng năm 1988.

Đoàn còn đến viếng «Nhà thờ Xưởng Mộc Thánh Cả Giuse». Trong nhà thờ có nhiều tranh kính màu diễn tả lễ cưới của Thánh Giuse và Mẹ Maria; cảnh Thánh Giuse định bỏ trốn và thiên thần hiện đến « Đừng Sợ », cành cảm động nhất là Thánh Giuse đang hấp hối bên cạnh Chúa Giêsu và Đức Mẹ ».Bởi đó, tín hữu cầu Thánh Giuse cho được chết lành.

...nào là Nhà thờ Kính Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrien được xây trên con suối, vốn cung cấp nước cho chiếc giếng cách đó chừng 140 thước, thường được gọi là «Giếng Đức Mẹ»; Sau đó đến Hội đường Synagogue, rồi leo lên núi Tabor, nơi Chúa biến hình cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Nói là leo, nhưng mấy ai leo bộ vượt qua được 4300 bậc theo con đường ngoằn ngoèo được xây từ thế kỹ thứ IV lên tới đỉnh núi; nên khách hành hương xử dụng phương tiện Taxi theo con đường mới cũng khá vòng vèo.

Điềm thích thú bất ngờ khi Đoàn đến thị trấn có phần náo nhiệt, cách đông bắc Nagiarét chừng 7 cây số, tên gọi Kafr Kanna bán đầy rượu truyền thống...À thì ra đây là nơi Chúa Giêsu tham dự tiệc cưới và làm phép lạ đầu tiên biến 6 chum nước đầy thành rượu thơm ngon. Gần phân nữa Đoàn hành hương là những đôi cặp vợ chồng cùng đi, đã được Cha Giuse Dũng trưởng đoàn sắp xếp cho ngồi những hàng ghế đầu trong nhà thờ, để mắt nhìn mắt, tay trong tay và âm thầm không còn e lệ, để lập lời hứa Giao ước hôn nhân của thưở ban đầu; có cặp đã 53 năm, cặp khác 35 năm...25 năm...10 năm...

Đặc biệt sáng ngày hôm sau Cha Trưởng Đoàn còn tặng cho mười cặp vợ chồng trên, một tấm bằng chứng nhận đã lập lại «Lời Hứa Hôn Nhân tại Cana » có ghi rõ ngày cưới năm xưa với chữ ký và con dấu chứng của Cha Quản Đốc Dòng Phan Sinh.

Ngày 10-05, Đoàn chúng tôi đến tham dự Thánh lễ tại sườn đồi nơi Chúa Giêsu công bố «Hiến Chương Nước Trời» được in bằng tiếng Latin trên tám tấm kính màu, đặt vào tám góc nhà thờ. Cũng tại nơi đây, ĐTC Phaolô VI cũng như Gioan Phaolô II đã dâng thánh lễ trước nhiều ngàn tín hữu hành hương; cho nên Sơ Quy đã tặng cho chúng tôi mỗi người một «pink» hình Thánh Giá để đeo nơi túi áo. Không chắc, nhưng nghe nói, nếu đeo Thánh Giá được coi là khách hành hương về Thánh ĐỊa, nếu không chỉ là diện du lịch.

Xuống sườn đồi Đoàn đi ngang qua bờ tây bắc Biển Hồ Galilê, chúng tôi đi thuyền ra giữa giòng sông, nơi có khối nước ngọt khổng lồ dài 22 cây số và rộng 12 cây số; sau đó viếng thăm thánh điểm «Caphanaum của Chúa Giêsu» nơi khởi đầu và cũng là địa bàn công khai rao giảng Tin Mừng Cứu độ; nơi này cũng còn là quê hương của thánh Phêrô được Chúa Giêsu đặt làm Giáo Hoàng tiên khởi. Như dự định, buỏi ăn trưa tại nhà hàng mỗi người được thưởng thức đặc sản cá Rô của thánh Phêrô để nhắc mẻ lưới cá của thánh Phêrô. Ra khỏi nhà hàng hôm đó khí trời thật nóng lên đến 42°C.

Viếng Tabgha, nơi Chúa làm phép lạ cho năm cái bánh và hai con cá. Xong ghé giòng sông Giordan Yardenit, có nghĩa « chảy xuôi dòng thời gian » giòng sông chỉ có nước chảy vào mà không có chảy ra; bắt nguồn từ Syria, dài 300 cây số, uốn khúc, nhiều chổ cạn, chảy qua Biển Hồ Galiléa và đổ vào Biển Chết. Cựu ước nói nhiều đến giòng sông này, khởi nguồn từ mối quan hệ giữa Abraham và ông Lót. (St. 13,8-12). Rồi đến chuyện Giosuê đưa các chi tộc của Tổ phụ Giacob vượt sông cách kỳ diệu.

Theo Tân ưóc, Giordan là nơi Gioan Tiền Hô làm phép rửa, thống hối, xưng thú tội lỗi và để được tha tội (Mc 1.4-5).

Giordan còn là nơi gặp gỡ giữa Chúa Giêsu, ngôn sứ của Tân Ước và Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Cuộc Gặp gỡ Lich Sử này đã được Thiên Chúa xuất hiện và chứng nhận(Mc1.5-11).

Sáng ngày thứ Ba, 11-05-2010, giã từ Nagiarét, quê hưong Đức Mẹ Đoàn lên đường tiến vể Giêrusalem, dọc đường ghé Biền Chết. Tu viện Qumran và thành phố Giêricô. Viếng thăm làng Bêtania và Thánh lễ tại nhà thờ Bétania.

Thăm viếng Qumran ngày nay trên vùng đồi trọc, toàn màu đá đỏ, nơi các ẩn sỉ sống đồng thời với Chúa Giêsu. Qumran trở nên nổi tiếng mới từ mùa xuân 1947, khi hai nhà du mục khám phá được 7 quyển sách đầu tiên hầu như còn nguyên vẹn như sách Isaia, sách Habacuc, sách Luật...Khám phá này gây chấn động trong toàn giới Thánh Kinh học và Cận Đông. Dần dần sau, còn những công trình khai quật được 15.000 mẫu giấy của 200 sách cuộn, trong đó có 122 sách cuộn thuộc về Cựu Ước.

Từ Qumran, khách hành hương nhìn thấy màu xanh nhạt của Biển Chết.

Đến Biển Chết chúng tôi được dửng chân gần 3 giờ đổng hồ, ai muốn có thể xuống tắm để thử độ muối mặn chát chưa bao giờ được nếm; và được bôi thứ bùn thật đặc biệt làm da dẻ mịn màng tươi trẻ. Bà hướng dẫn viên còn nói thêm « mỗi lần tắm như vậy sống thêm được 10 năm». Nơi đây, cũng có bán các mỹ phẫm chế biến từ bùn, nguổn lợi tức đáng kể cho kinh tế Do Thái. Nhiều người trong chúng tôi đã xuống tắm; quả thật thứ bùn đặc biệt rất mịn như có dầu và không nham nhám như loại bùn chúng ta tắm ở vùng Nha Trang, Việt Nam.

Đến thành Giêricô, tại ngã ba đường, xem cây Sung mới trồng lại được từ 700 năm theo sự tích ông Dakêu (Lc 19.1-10) và chuyện người Samaritanô nhân hậu xảy ra trên đường từ Giêrusalem xuống thành Giêricô (Lc10.30-37).

Sau đó Đoàn lên thăm tu viện Cám Dỗ của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, bằng hệ thống xe cáp treo (telepherique Jerico Cable car). Tương truyền chính là nơi Chúa Giêsu bị cám dỗ sau khi ăn chay 40 đêm ngày (Lc 4.1-13).

Khởi hành sáng nay từ Giêrusalem đi Bêlem chỉ có 8 cây số về phía nam; nhưng phải băng qua trạm kiểm soát lượt đi lẫn lượt về của chính quyền Palestine. Bức tường ngăn cách biên giới được xây dựng vào ban đêm, dài 100 cây số, cao 12 mét. Trong chuyến Viếng thăm hành hương cũng vào những ngày này năm ngoái (8-15/5/2009), Đức Thánh Cha Bênêdictô đã tỏ vẽ đau buồn về bức tường ngăn cách này.

Thị Trấn Bêlem ngày nay có 50 ngàn dân cư, sống nhờ ngành du lịch thuộc Palestine; kitô hữu chỉ còn khoảng 23% (thống kê 1998).

Nhìn chung cùng một khí hậu và sỏi đá nhưng cuộc sống 2 miền khan khác nhau, kinh tế Palestine thiếu phát triển, đời sống cơ cực, không có những vườn cây trù phú, nhà cao tầng và kỹ nghệ như phía bên Do Thái. Nhưng theo giòng lịch sử:

• Bêlem là nơi an nghĩ của Rachel, vợ của tổ phụ Giacốp (St 35.16). Nơi Bà Rút, bà cố của Vua David, gặp gỡ và kết hôn với ông Boaz. Bêlem là nơi sinh trưởng của Vua David và chính tại đây ông được ngôn sứ Samuel xức dầu tôn vương (Sam.16.13-15).

• Bêlem là làng nhỏ nhất trong các chi tộc Giuda, nơi Đấng Cứu Thế Giáng Sinh

(Mt.2. 1-12)

VCTĐ Giáng Sinh có nhiều Nhà Nguyện nhỏ hiện được phân chia giữa ba khu vực: Chính Thống Giáo Hy Lạp, Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Arménien, tuy nhiên Hy Lạp kiểm soát Hang Giáng Sinh.

Hang Bêlem, những cấp bậc dẫn xuống một căn hầm, ước chừng một chiều 12 mét và 3 mét, nằm dưới cung Nhà Nguyện của VCTĐ Giáng Sinh. Muốn vào bên trong, khách hành hương phải cúi thật sâu, cao 1 mét và rộng 0,8 mét. Nền được lát bằng đá cẩm thạch. Một ngôi sao bằng bạc với dòng chữ: « Tại nơi đây, Chúa Giêsu Kitô đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra ( Lc.2.1-20). Cha Trưởng Đoàn đã dâng Thánh lễ tại VCTĐ này, cũng như đã tặng cho mỗi người chúng tôi, một tượng nắn Chúa Hài Đồng nhỏ xíu, với nụ cười tươi tắn, muôn thuở đặt trong các bao thư đủ màu, do các sơ dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu ở Bêlem làm tại chổ.

Con muốn tìm ngôn từ đẹp nhất

Dâng lên Cha, để cảm tạ tình Cha

Đưa đoàn con từ mọi phương xa

Về nhà Cha, viếng thăm hang đá

Nơi ngày xưa Ngôi Hai cao cả

Đã sinh ra với thân phận mọn hèn

Xin cho con lòng khiêm cung kính mến

Yêu Chúa, yêu người như lòng Chúa yêu con

Bên hang đá hơn hai ngàn năm trước

Đoàn con quỳ hôn kính chốn Giáng Sinh

Kính mừng Mẹ Maria đầy ơn phước

Đoái nhậm lời nguyện ước của đoàn con.


(Minh Thanh (Bên Hang Đá Bêlem,12.05)

Tiếp đến, chúng tôi đi viếng thánh đường do Thập Tự Quâ n tái thiết từ thế kỹ thứ XII, có căn phòng Tiệc ly rất nhỏ, tường loan lỗ, nền đá cũ kỹ, ước chừng 40 mét vuông. Nơi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đê; lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh (Ga.13.1-15) (Lc.2.14-20).

Từ Giêrusalem đi về Ain Karem, vùng ngoại ô lân cận chừng 10 cây số, một màu xanh tươi mát dịu, nơi Đức Maria viếng thăm người chị họ, Thánh nữ Elizabeth và là nơi Thánh Gioan Tiền Hô sinh ra (Lc1.39-58).

Chúng tôi xuống xe car và đi bộ lên chừng hơn 130 bực thang lớn nhỏ mới đến được nhà thờ. Có tất cả 63 bảng men khắc ghi bản Kinh Ngợi Khen Magnificat gắn theo bờ tường với nhiều ngôn ngữ khác nhau của khách hành hương, chúng tôi đọc được một bảng bằng Việt Ngữ, của Linh Mục Giuse Mai Đức Vinh và Đoàn Hành Hương Giáo Xứ Việt Nam dâng tặng từ năm 1996. Trong bài chia sẽ, Thày Phó Tế Phạm Bá Nha mời gọi mọi người cầu xin Đức Mẹ cho được một tâm hồn biết thương yêu thăm viếng và cầu xin Thiên Chúa cho được mở miệng ra như ông Dacaria để luôn chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

Từ Thánh Đường Thăm viếng, chúng tôi đi bộ sang Thánh Đường Gioan Tiền Hô, trước khi bước lên các bậc thang của nhà thờ, chúng tồi lại nhìn thấy cà thảy 32 tấm bảng men ghi khắc Bài Ca «Chúc Tụng, Bénédictus» với nhiều ngôn ngữ của khách hành hương; trong có một bàng của Đoàn Hành Hương GXVNParis 1996 dâng tặng và theo « Tập Hướng Dẫn Hành Hương 2010, là do công lao vận động nhiệt tình tại chổ của Sơ Têrêsa Quy, Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu».

Sáng ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima 13.05.2010, Đoàn chúng tôi được tham dự Thánh lễ bên Vườn Giếtsêmani. Vườn hình tứ giác, mỗi chiều khoảng 60 mét, có 7 cây Ôliu tuỏi trung bình lên đến 900 năm, có cây chu vi lên đến 8 mét. Bên cạnh nhà thờ có tảng đá Chúa đã quỳ ngã mình xuống hai tay đưa ra trước cầu nguyện.

Nhớ lại ngày xưa trong vườn vắng

Lòng Cha xao xuyến biết bao nhiêu

« Cha ơi cất cho con chén đắng

Nhưng xin cứ làm theo ý Cha »

Chén đắng ngày xưa Cha đã uống

Dành phần ngon ngọt lại cho con

Dù phận hèn con không xứng đáng

Nhưng tình Cha như dòng suối chảy tuôn

Giếtsêmani, chiều nay con đã đến

Phủ phục bên tảng đá năm xưa

Nơi thấm đượm mồ hôi và máu

Của Cha hiền, mà lòng thấy quặn đau.


(Minh Thanh (Vườn Giếtsêmani,13.05)

Từ Hang Giếtsêmani, Đoàn chúng tôi vào viếng « Thánh Đường Đức Mẹ Qua Đời » trong cùng khuôn viên. Theo Truyền thống Giáo Hội Đông Phương, vườn Giếtsêmani là nơi Đức Mẹ qua đời trước khi Đức Mẹ được triệu về trời cã hồn lẫn xác tại núi Sion.

Ngay từ thời các giáo phụ, cuối thế kỹ thứ IV, các Giáo Hội bên Đông cũng như bên Tây đã dành ngày 15 tháng 8 để cử hành ngày tạ thế của Đức Maria: tuy nhiên ý nghĩa của nó được giải thích khác nhau.

Hôm nay, Đoàn Hành Hương Giáo Xứ Việt Nam Paris lên đường tiến vè Thánh ĐỊa Giêrusalem. Động từ « lên » mang nhiều ý nghĩ, vì vùng Giudea, nơi có kinh thành Giêrusalem tọa lạc trên thế đất cao đến 1020 mét so với mặt biển, đỉnh điểm diển ra việc thờ phượng của cả dân tộc Do Thái.

Thánh kinh nhắc đến «Giêrusalem» 632 lần, riêng Tân Uớc nhắc đến 145 lần. Theo từ nguyên « Giêrusalem » có nghĩa là hòa bình,hòa hợp; nhưng thực tế là hiện thân của mâu thuẩn, tranh chấp, chia rẽ dọc dài trong suốt lịch sữ hiện hữu, bị hủy diệt 2 lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, bị chiếm đóng, tái chiếm 44 lần.

Ngày nay, Thành đô GIêrusalem được chia thành 2 phần rõ rệt. Ngoại thành bao gồm các công trình xây cất hiện đại, những trụ sở cơ quan do Chính phủ Israel kiểm soát. Cổ Thành, bên trong những bức tường đá cổ xưa, với những thánh tích tối quan trọng của ba tôn giáo lớn: Kitô Giáo, Do Thái Giáo, và Hồi Giáo. Nhưng thành phố Giêrusalem nguyên thưở vẫn là miếng mồi tranh chấp giữa hai thẩm quyền Israël và Palestine.

• Người Do Thái Giáo cho Giêrusalem là nơi Vua David lập thành đô.

• Người Hồi Giáo cho Jérusalem là địa diểm Giáo Chủ Mohamét đến hành hương.

• Người Kitô Giáo gọi Jérusalem là nơi xảy ra các biến cố quan trọng như Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Năm 70 sau Chúa Giêsu, quân La mã đã tấn công vào thành Giêrusalem tàn sát không thương tiếc, nổi lữa đốt thành và đền thờ, đến nổi không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào như lời Đấng Cứu Thế đã tiên báo. Hiện nay chỉ còn « Bức tường phía Tây » còn sót lại, được gọi là « Bức Tường Than Khóc ». Người Do Thái đến than khóc, kêu gào nuối tiếc hình ảnh quá khứ của đền thờ và mong Đấng Messia mau đến.

Muốn đến sát chụp hình và than khóc, mỗi người đàn ông và các em bé trai đều được phát một mũ màu trắng của người Do Thái, đội trên đầu trước khi qua cổng. Còn bên quý bà đi riêng, nhưng không phải đội nón này.

Trải qua bao tuế nguyệt

Tường cũ vẫn còn đây

Cổ thành nay đâu thấy

Bên tường lời than khóc

Theo gió mây về đâu

Thiên tòa cao có thấu


( Minh Thanh (Bức Tường Than Khóc,13.05)

Chương trình ngày cuối cùng của cuộc hành hương còn nhiều nơi phải thăm viếng như Núi Oliu,Thánh Đường Chúa Giêsu Thăng Thiên. Thánh Đường Kinh Lạy Cha. Vườn Cây Dầu. Thánh Đường Thánh Anna và nhiều Thánh Đường khác dọc theo lộ trình Thập Giá tiến vào Đền Thờ nhưng Cha Trưởng Đoàn đã trù liệu mướn khách sạn gần nơi Mộ Thánh,chỉ cần10 phút đi bộ là đến nơi, nên rất tiện; và cũng dể đi xe viếng các thánh đường.

Buổi sáng chúng tôi viếng tảng đá Chúa Giêsu ngồi dạy các môn đệ cầu nguyện với kinh « Lạy Cha » vẫn còn trong thánh đường do các đan sỉ Cát Minh người Pháp chăm sóc. Hiện còn trưng bày 114 phiến đá ghi lại kinh Lạy Cha bằng các ngôn ngữ khác nhau; bảng tiếng Việt do Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi tặng vào năm 1959 hay 1963 (?) (Mt 6. 7-13)

Tiếp đến viếng Thánh đường Chúa Giêsu Thăng Thiên, nơi còn lưu lại một tảng đá chừng 1 mét vuông in dấu bàn chân Chúa Giêsu khi lên trời, do Thập Tự Quân kiến tạo; ngày nay thuộc người Hồi Giáo.

Từ Nhà Thờ Chúa khóc Thương Giêrusalem, con đường phủ mát bằng nhiều vườn cây xanh tươi, phía tay trái là thung lũng Giosaphat, nghĩa địa vĩ đại từ những ngày xa xưa khiến người Do Thái và người Hồi Giáo đều tin rằng: ây là địa điểm sẽ diễn ra cuộc Phán Xét Chung vào ngày tận thế.

Ra khỏi Nhà Thờ Thánh Anna, nơi Đức Mẹ được sinh ra, Đoàn Hành Hương Giáo Xứ Việt Nam Paris bước vô Đường Đau Khổ, Đường Khổ Nạn, Đường Thánh Giá của Chúa Giêsu. Trải qua bao năm lịch sử lâu dài, đế đầu thế kỹ XIX, Chặng Đường Thánh Giá mới được phân chia cố định như hiện nay, gồm 9 chặng bên ngoài và 5 chặng bên trong Nhà Thờ Mộ Chúa. Mỗi chặng bên ngoài thường có 1, 2, hoặc 3 nhà thờ của các giáo phái được xây cất ngay trên lộ trình đá cứng ghồ ghề khó đi, 2 bên đường đều là những tiệm buôn tượng ảnh và quà kỹ niệm san sát nhau. Mỗi chặng được ghi bằng 4 ngôn ngũ: Latinh, Anh, Do Thái và Á Rạp.

Ngang qua Nhà Nguyện Chính Thống Giáo, chặng thứ X tưởng niệm Chúa Giêsu được lột áo ra (Mt.27,27-38).

Chặng thứ XI, đặt tại phần đồi Golgotha thuộc Giáo Hội Công Giáo, nơi dựng Thánh Giá Chúa Giêsu.

Cũng trên đồi Golgotha hay Canvario, chặng thứ XII tưởng niệm Chúa Giêsu tắt thỏ trên Thánh Giá thuộc sở hữu Chính Thống Hy Lạp. Qua lớp kính, khách hành hương nhìn thấy một tảng đá nằm dưới hai bàn thờ và một chiếc lỗ giúp khách hành hương chạm tảng đá ghi dấu nơi dựng Thánh Giá Chúa.

Chỉ nơi thi hài Đức Chúa Giêsu được tháo xuống khỏi Thánh Giá được xức dầu thơm là Chặng thứ XIII nằm giữa hai bàn thờ Hy Lạp và Latinh...Bên cạnh Mồ Thánh có «một phiến đá» hình chữ nhật đủ cho một ngưòi lớn nằm, có từ năm 1808, nơi đâ chuẩn bị tẩm liệm.

Quyền sở hữu thánh này thay đổi theo nhiều thế kỹ. Nhưng hiện nay, thuộc bốn giáo phái chính; Arméniên, Ai Cập, Hy Lạp và Latinh. Điểm thánh thiêng với mọi tín hữu Kitô giáo (Mc.15.42-47).

Phía sau Nhà thờ Mộ Chúa là Nhà Nguyện Thánh Madalêna, nơi Chúa hiện ra với Thánh Nữ sau khi sống lại (Ga.20,1-10).

Trong Nhà Thờ Mộ Thánh có nhiều nhà thờ và nhà nguyện khác, đặc biệt có Nhà Thờ Thánh Hêlêna, vị nữ thánh đã tìm ra Thánh Giá thật của Chúa. Hiện được cất giữ ỏ Đền Latran, Roma. Sau khi để hai thập giá trên mình một người bệnh gần chết không thấy công hiệu gì. Để thập giá thứ ba, người bệnh được khỏi tức thì, nên ai nấy đều nhận đó là Thánh giá thật của Chúa Giêsu. Nhà Nguyện ấy là để kỹ niệm việc đó và nơi đó.

Con lần theo đường cũ

Bước chân Cha đã qua

Nặng vai mang thập tự

Thân gầy yếu xác xơ

Con đường này năm xưa

Hẳn gập ghềnh sỏi đá

Bao nhiêu người đi qua

Ai người hiểu lòng Cha ?

Năm xưa Golgotha

Trên đồi cao lộng gió

Cha đã chịu khổ hình

Một mình gánh tội khiên

Cha ơi, đau đớn lắm

Những mủi đinh đóng vào

Thân Cha nhuộm máu đào

Mẹ nát cả trái tim

Nhìn Cha trên thập giá

Âm thầm giọt lệ rơi

Khóc thân phận tôi đòi

Mà được Chúa đoái thương


(Minh Thanh (Con Đường Thập Tự,14.05)

Để kết thúc xin mượn lời của Đức Bênêdictô XVI, ngày 20-5-2009 đã ôn lại chuyến công du cùng thời điểm từ 8 đến 15/5/2009, Ngài xem «Đây là cuộc Hành Hương ngoại thường về những nguồn cội của Đất Thánh và đồng thời cũng là chuyến công du đến nơi Giáo Hội đang sống».

Chúng ta hiệp nguyện cầu cho các dân tộc, tại Trung Đông, kể cả các tôn giáo, có thể sống với nhau trong an bình hòa hợp, tôn trọng và tin tưởng lẩn nhau, từ bỏ mọi hình thức bạo lực và gây hấn, đề kiến tạo một nền Hòa Bình Trường Cửu nơi Linh Địa Thánh này.

Sau cùng, cầu xin Chúa cho chúng tôi khi trở về với đời thường mang theo những đìều mắt thấy tai nghe tại chổ để củng cố Đức Tin, Cậy và Mến hầu sống hữu ích hơn.

Như một giấc mơ hoa

Con về thăm nhà Cha

Nhờ hồng ân cao cả

Đời thường con trở lại

Xin dạy con theo Ngài

Biết yêu là lẽ sống

Và biết sống vì yêu.


(Minh Thanh)
 
Văn Hóa
Tổng giám mục Fulton Sheen tái xuất hiện trên màn bạc trong một phim tài liệu mới
Phụng Nghi
06:59 26/07/2010
Denver, Colo., (CNA/EWTN News).- Một cuốn phim tài liệu về cuộc đời Tổng giám mục Fulton Sheen đang được trình chiếu trước khi được phát hành toàn nước Mỹ, trong nỗ lực nâng cao tẩm hiểu biết nơi công chúng về cố Tổng giám mục mà tiến trình phong thánh hiện đang được tiến hành.

Cuốn phim tài liệu dài hàng giờ này nhan đề “Archbishop Fulton J. Sheen: Servant of All (Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Tôi tá của Mọi Người)”, vừa để thưởng ngoạn vừa đưa ra một sứ điệp mạnh mẽ về cuộc đời rao giảng Tin mừng của vị tổng giám mục thời danh này (1895-1979). Phim gồm cả những lời chứng của hàng chục cá nhân đã từng xúc cảm và ảnh hưởng vì cuộc đời của tổng giám mục. Phim cũng còn có những đoạn trích từ show truyền hình rất phổ biến của ngài, đó là chương trình “Life is Worth Living (Cuộc Đời Đáng Sống).”

Ngay từ thời còn trẻ đã nổi danh vừa là một học giả vừa là con người thánh thiện, Tổng giám mục Sheen, sau khi được thụ phong linh mục năm 1919, đã cam kết cầu nguyện hàng ngày một Giờ Thánh trước Thánh Thể Chúa. Ngài vẫn duy trì việc thực hành đó suốt 60 năm còn lại trong đời, và cho rằng sự thành công trong việc truyền bá Tin Mừng của mình có được là do Giờ Thánh hàng ngày đó.

Ở tuổi 30, Tổng giám mục Sheen đã nổi tiếng là một học giả Công giáo, với những bằng cấp do nhiều trường đại học ở Hoa kỳ và châu Âu cấp. Ngài giảng dạy tại trường Đại học Công giáo Hoa kỳ, và sinh viên túa đến chật ních cả giảng đường, có khi phải ngồi cả trên những lò sưởi, để nghe ngài giảng dạy.

Nổi tiếng là một nhà diễn thuyết giỏi, Tổng giám mục đã đi nhiều nơi trên thế giới để diễn giảng, lôi kéo có khi cả 10 ngàn người đến nghe một con người có nhân cách lôi cuốn và một sứ điệp mạnh mẽ. Một thính giả đã phát biểu: “Bạn có thể được cảm nghiệm như đang thấy một trong các vị Thánh Tông đồ đang nói ngay trước mặt bạn.”

Vào năm 1930, Tổng giám mục Sheen được yêu cầu tham dự vào buổi phát thanh hàng tuần trên radio trong chương trình “The Catholic Hour (Giờ Công giáo).” Và ít lâu sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục Phó của giáo phận New York năm 1951, ngài bắt đầu chương trình truyền hình “Life is Worth Living (Cuộc Đời Đáng Sống).”

Chẳng mấy chốc, mỗi tuần đã có tới 30 triệu người Mỹ mở đài truyền hình để coi Tổng giám mục Sheen. Ngài trình bầy thông điệp của mình bằng tính cách vừa khôn ngoan, duyên dáng vừa dí dỏm, hài hước. Chỉ sau mùa truyền hình thứ nhất, ngài đã được giới điện ảnh tưởng thưởng một giải Emmy, và đây là lần đầu tiên và duy nhất một nhà truyền hình tôn giáo được vinh dự đó.

Tuy thành công lớn lao trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình, vị tổng giám mục này vẫn giữ được tính khiêm tốn và hào phóng. Tiền bạc nhận được do các show này, cũng như của nhiều người hiến tặng, ngài đều gửi cho Hiệp hội Truyền bá Đức tin là hội ngài được đề cử làm giám đốc.

Khi Công đồng Vatican II nhóm họp, Tổng giám mục Sheen đã đến nói về vai trò của Giáo hội trong việc chăm sóc người nghèo khó trên thế giới. Cũng tại cuộc họp này, ngài lôi kéo được sự chú ý của vị hồng y sau này sẽ trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hồng y đã học Anh ngữ khi nghe các buổi phát thanh phát hình của Tổng giám mục Sheen.

Trong những năm sau đó, Tổng giám mục Sheen bắt đầu mất dần đi tính cách phổ thông trong quảng đại quần chúng vì ngài công khai ủng hộ các quyền dân sự và chỉ trích cuộc chiến tranh tại Việt nam. Ngoài ra, một số người còn thấy ngài còn giữ tính cách quá truyền thống sau Công đồng Vatican II.

Năm 1966 ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Rochester và giữ chức vụ này ba năm trước khi về hưu ở tuổi 74. Những năm còn lại trong đời, ngài mạnh mẽ hoạt động để củng cố và đề cao chức linh mục. Sức khoẻ ngài suy giảm dần và đã phải trải qua một cuộc giải phẫu tim.

Tổng giám mục Sheen qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979, thi thể được tìm thấy trước Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của ngài.

Án phong chân phước và tuyên thánh cho Tổng giám mục Sheen được mở năm 2002. Hiện nay ngài được tôn phong lên bậc Tôi tá Chúa, và Giáo hội tiếp tục xem xét cuộc đời và sự nghiệp của ngài, gồm cả 66 cuốn sách ngài đã viết.

Cuốn DVD nhan đề “Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Tôi tá của Mọi Người’ sẽ được phát hành cho công chúng vào mùa lễ Giáng sinh năm nay.
 
Tổng giám mục Fulton Sheen tái xuất hiện trên màn bạc trong một phim tài liệu mới
Phụng Nghi
07:33 26/07/2010
Denver, Colo., (CNA/EWTN News).- Một cuốn phim tài liệu về cuộc đời Tổng giám mục Fulton Sheen đang được trình chiếu trước khi được phát hành toàn nước Mỹ, trong nỗ lực nâng cao tẩm hiểu biết nơi công chúng về cố Tổng giám mục mà tiến trình phong thánh hiện đang được tiến hành.

Cuốn phim tài liệu dài hàng giờ này nhan đề “Archbishop Fulton J. Sheen: Servant of All (Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Người Tôi tá của Mọi Người)”, vừa để thưởng ngoạn vừa đưa ra một sứ điệp mạnh mẽ về cuộc đời rao giảng Tin mừng của vị tổng giám mục thời danh này (1895-1979). Phim gồm cả những lời chứng của hàng chục cá nhân đã từng xúc cảm và ảnh hưởng vì cuộc đời của tổng giám mục. Phim cũng còn có những đoạn trích từ show truyền hình rất phổ biến của ngài, đó là chương trình “Life is Worth Living (Cuộc Đời Đáng Sống).”

Ngay từ thời còn trẻ đã nổi danh vừa là một học giả vừa là con người thánh thiện, Tổng giám mục Sheen, sau khi được thụ phong linh mục năm 1919, đã cam kết cầu nguyện hàng ngày một Giờ Thánh trước Thánh Thể Chúa. Ngài vẫn duy trì việc thực hành đó suốt 60 năm còn lại trong đời, và cho rằng sự thành công trong việc truyền bá Tin Mừng của mình có được là do Giờ Thánh hàng ngày đó.

Ở tuổi 30, Tổng giám mục Sheen đã nổi tiếng là một học giả Công giáo, với những bằng cấp do nhiều trường đại học ở Hoa kỳ và châu Âu cấp. Ngài giảng dạy tại trường Đại học Công giáo Hoa kỳ, và sinh viên túa đến chật ních cả giảng đường, có khi phải ngồi cả trên những lò sưởi, để nghe ngài giảng dạy.

Nổi tiếng là một nhà diễn thuyết giỏi, Tổng giám mục đã đi nhiều nơi trên thế giới để diễn giảng, lôi kéo có khi cả 10 ngàn người đến nghe một con người có nhân cách lôi cuốn và một sứ điệp mạnh mẽ. Một thính giả đã phát biểu: “Bạn có thể được cảm nghiệm như đang thấy một trong các vị Thánh Tông đồ đang nói ngay trước mặt bạn.”

Vào năm 1930, Tổng giám mục Sheen được yêu cầu tham dự vào buổi phát thanh hàng tuần trên radio trong chương trình “The Catholic Hour (Giờ Công giáo).” Và ít lâu sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục Phó của giáo phận New York năm 1951, ngài bắt đầu chương trình truyền hình “Life is Worth Living (Cuộc Đời Đáng Sống).”

Chẳng mấy chốc, mỗi tuần đã có tới 30 triệu người Mỹ mở đài truyền hình để coi Tổng giám mục Sheen. Ngài trình bầy thông điệp của mình bằng tính cách vừa khôn ngoan, duyên dáng vừa dí dỏm, hài hước. Chỉ sau mùa truyền hình thứ nhất, ngài đã được giới điện ảnh tưởng thưởng một giải Emmy, và đây là lần đầu tiên và duy nhất một nhà truyền hình tôn giáo được vinh dự đó.

Tuy thành công lớn lao trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình, vị tổng giám mục này vẫn giữ được tính khiêm tốn và hào phóng. Tiền bạc nhận được do các show này, cũng như của nhiều người hiến tặng, ngài đều gửi cho Hiệp hội Truyền bá Đức tin là hội ngài được đề cử làm giám đốc.

Khi Công đồng Vatican II nhóm họp, Tổng giám mục Sheen đã đến nói về vai trò của Giáo hội trong việc chăm sóc người nghèo khó trên thế giới. Cũng tại cuộc họp này, ngài lôi kéo được sự chú ý của vị hồng y sau này sẽ trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hồng y đã học Anh ngữ khi nghe các buổi phát thanh phát hình của Tổng giám mục Sheen.

Trong những năm sau đó, Tổng giám mục Sheen bắt đầu mất dần đi tính cách phổ thông trong quảng đại quần chúng vì ngài công khai ủng hộ các quyền dân sự và chỉ trích cuộc chiến tranh tại Việt nam. Ngoài ra, một số người còn thấy ngài còn giữ tính cách quá truyền thống sau Công đồng Vatican II.

Năm 1966 ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Rochester và giữ chức vụ này ba năm trước khi về hưu ở tuổi 74. Những năm còn lại trong đời, ngài mạnh mẽ hoạt động để củng cố và đề cao chức linh mục. Sức khoẻ ngài suy giảm dần và đã phải trải qua một cuộc giải phẫu tim.

Tổng giám mục Sheen qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979, thi thể được tìm thấy trước Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của ngài.

Án phong chân phước và tuyên thánh cho Tổng giám mục Sheen được mở năm 2002. Hiện nay ngài được tôn phong lên bậc Tôi tá Chúa, và Giáo hội tiếp tục xem xét cuộc đời và sự nghiệp của ngài, gồm cả 66 cuốn sách ngài đã viết.

Cuốn DVD nhan đề “Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Tôi tá của Mọi Người’ sẽ được phát hành cho công chúng vào mùa lễ Giáng sinh năm nay.
 
Đừng lo thu tích của cải cho mình
Ngô xuân Tịnh
16:05 26/07/2010
Lc 12, 13-21

Đám đông bỗng có một người

Đến gần bên Chúa tìm lời thân thưa:

Anh tôi mãi cứ lần lừa

Gia tài anh ấy chẳng chừa cho tôi

Xin Ngài bảo chia cho rồi !

-Anh kia ! Ai bảo tôi người đứng ra

Gia tài thầy kiện phân chia

Người bèn khuyên họ nên lìa tránh xa

Tham lam của cải phù hoa

Không vì của cải mà ra an toàn

Mạng người bảo đảm yên hàn !

Rồi người minh họa với dân thế nầy

Dụ ngôn Người chọn sau đây:

Có người phú hộ gia tài mãn sung

Ruộng nương hoa lợi quá chừng

Ông bèn nghĩ bụng phải dùng sao đây

Bao nhiêu kho lẫm tràn đầy

Đâu còn chỗ để của nầy chất vô

Sau bao suy nghĩ dày vò

Ong bèn quyết định phá kho cũ nầy

Lớn hơn kho mới cho xây

Bao nhiêu của cải chất đầy vào kho

Cõi lòng phấn khởi vô bờ

Nhủ rằng hồn hỡi chẳng lo sợ gì

Nhiều năm của cải ê hề

Vui chơi ăn uống thỏa thuê cuộc đời

Thế nhưng Thiên Chúa ra lời:

Ngốc ơi ! nội đêm nay thôi

Mạng ngươi bị lấy của thời cho aỉ

Cho mình tích lũy của hoài

Những con người ấy là người u mê

Trần gian của cải ích chi

Xuôi tay rồi có đem đi đồng nào ?

Sao không chịu để tâm vào

Nước Trời mua lấy làm giàu mai sau

Khi Thiên Chúa gọi bước vào

Nước Trời vinh hiển dạt dào phúc vinh

Thế gian của cải phù vân

Hãy lo chia sẻ để phần mai sau

Gia tài không mất chút nào
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sông Và Núi
Lê Trị
22:11 26/07/2010

SÔNG VÀ NÚI



Ảnh của Lê Trị

Em là sông, còn ta là núi

Núi với sông nhiều lúc tưởng gần

Sông xuống thấp xuôi về gió bụi

Lối mòn xưa chảy mãi ngàn năm.

(Trích thơ của Mạc Đình Phương)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền