Ngày 31-07-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ave Maria!
lykhách
00:00 31/07/2009
Đây muôn lời kinh con kính dâng về Mẹ
Từ miền sỏi đá cằn khô Đồng-Hới, Tam-Tòa
Lặng trên môi nghẹn ngào! kinh ủ hương đẫm lệ
Mẹ bao dung hải hà xin hãy lắng tai nghe!

Lời kinh buồn trong nắng chiều rãi vương thánh đường loang lỗ
Chỉ còn mỗi gác chuông trơ trọi,
nơi chim trời trú ngụ những hoàng hôn
Thánh giá chúng con vừa gầy dựng nên thì người đang tâm đạp đổ
Thánh lễ tan nát buồn như buổi tiệc ly hôm chiều,
máu Thiên Chúa hòa với suối lệ chúng con!

Ôi, những cánh chim trời trên cao cũng ngỡ ngàng hốt hoảng
Xào xạc bay! dưới đất chúng con bị đánh đuổi tan bầy
Người ngã xuống níu tay người khóc gào luống cuống
Ơi Mẹ ơi! Mẹ có nhìn xuống và đổ lệ trong mây?

Như chiên bầy tan hoang người níu người bỏ chạy
Chó sói điên cuồng xông xáo cắn tan tác máu say!
Bao súng đạn lên nòng, bao gậy côn sắc cạnh
Lũ đứng chặn đường nhìn, lũ bổ tới tấp chẳng nương tay!

Mẹ ơi Mẹ! đâu trượng côn mục tử
Để dẫn chúng con tới suối nước hiền hòa?
Đất Tam-Tòa cằn khô qua bốn mùa mưa thiếu đổ
Nơi đâu đồng xanh thăm thẳm cỏ mượt xa xa?!

Ave Maria!
Chúng con chẳng còn gì ngoài trông cậy Mẹ từ bi
Hãy giúp chúng con, van lơn xin cùng Thiên Chúa thầm thì
Cho cả sáng miền đất khổ đau này được tràn Thánh ý
Cho Nước Chúa chính nơi đây vinh quang hiển trị
Cho quê hương chúng con có một lối thoát đi!

Ôi Mẹ Maria! linh hồn chúng con khắc khoải
Lời tung hô đẫm lệ máu bao người
Niềm thành tâm khát khao réo trời cao tiếng mỏi
Ghé mắt xuống tháp chuông hoang tàn, trơ trọi đứng Mẹ ơi!

Hãy cho chúng con niềm tin bay cao như chim đàn réo gọi
Những sáng yên lành, những khuya tối bình an
Để hồn chúng con bay lên cư ngụ những cuối chiều vàng
Nơi tháp chuông sau bao tháng ngày lang thang cánh mỏi!

Lạy Mẹ La-Vang,
Đường chim bay chẳng xa xin Mẹ về đến
Mẹ về như từ độ cũ Mẹ về
Ủi an chúng con, lau khô bao dòng suối lệ
Mãi mong chờ trong chuỗi kinh thầm khóc lê thê!

Lạy Chúa Thánh Thần hãy khơi ngọn đèn dầu hiu hắt năm canh
Để niềm mến yêu tràn ngập trong tim muôn tín hữu lòng lành
Hỡi Nguồn An Ủi Dịu Dàng, Người Khách Trọ Hiền Lương Thần Thánh
Hãy nói cùng chúng con rằng máu lệ đổ ra này sẽ cả sáng Thánh Danh!

Ave Maria! Ave Maria!
Ngày mong Mẹ, mặt trời soi nuốt lệ cũ, dòng từng dòng thay lệ mới
Đêm ngước trông sao lần chuỗi, thầm nhắn thầm theo từng ánh sao rơi
Mẹ về không, Mẹ về không Mẹ hỡi
Nước mắt long lanh câu kinh khơi biển lệ đời!
 
Tấm bánh bị nghiền nát
John Lê Vinh
00:11 31/07/2009
Chúa nhật XVIII thường niên B

Không một tôn giáo hay tổ chức nào ngoài Kytô giáo trình bày hình ảnh thủ lãnh của mình như “một con chiên hiền lành bị đưa đi đến chỗ xén lông” (x.Is. 53), một thủ lãnh bị đánh bị giết đến nỗi “không còn hình dạng người ta nữa”. Cũng không hề có một tôn giáo hay tổ chức nào có vị thủ lãnh dám hiến mạng mình làm tấm bánh bẻ ra cho tín đồ mình. Và bởi đó, không có vị thủ lãnh nào lại có thể dám tuyên bố “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” như thủ lãnh Giêsu, và có vị nào đã chết vì yêu thương và phục sinh vinh hiển như Người?

Giêsu, tấm bánh hoá nhiều.

Đối với thủ lãnh Do thái và cả với đế quốc Rôma thời bấy giờ, Giêsu là kẻ phản loạn, bởi vì Người rao giảng một học thuyết hoàn toàn trái ngược với lối sống gian tham, bạo lực và đè nén. Khi các quyền lực trần thế lúc bấy giờ sống trên đầu trên cổ những người dân lầm than, những goá phụ và trẻ em cô thế, thì Giêsu bảo: “Khốn cho các ngươi, những kẻ chất gánh nặng lên vai người khác”.

Người không chỉ nói, mà còn hành động: hoá bánh ra nhiều để nuôi dân. Và điều tuyệt diệu là ở chỗ, Người không chỉ hoá năm chiếc bánh ra nhiều, mà còn tự hoá thân mình thành vô vàn cơm bánh cho con người của muôn thế hệ. Người còn hoá những ân sủng, những đất hứa, và diễn đạt như cha Quang Uy, Người còn hoá những tấm bánh bình an ra nhiều cho dân Người hưởng dùng.

Bước theo Giêsu, trước hết là đón nhận Người như tấm bánh của hồng ân. Và rồi dám theo bước Người để làm cho anh em mình no đủ. Môn đệ Đức Giêsu phải là con người mà ai đến gặp cũng đều cảm thấy no thoả, không chỉ là không còn đói khát, mà trước hết là không còn thấy bị bỏ rơi bên bàn tiệc Người dọn ra.

Giêsu, tấm bánh bị nghiền nát.

Người đời thì thu góp của cải và lo cửa đóng then cài để chính mình bình an và của cải của mình không bị đục khoét. Nhưng Giêsu thì lại để mình bị nghiền nát ra. Người bị nghiền nát vì gánh lấy tội đời. Người bị nghiền nát vì dám lên án cái bất công và cái gian xảo. Người bị nghiền nát vì Người nói thẳng vào những kẻ đàn áp dân Chúa như lời Isaia tiên báo: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy” (Mt.13,14).

Trong khi những kẻ lãnh đạo xã hội chính trị cứ lo thu góp, cứ lo đàn áp dân và ngăn cản dân đến với Thiên Chúa, thì Đức Giêsu “tự huỷ mình đi” (x. Pl. 2,6-8), rong ruổi trên mọi nẻo đường Palestine, đến với những con người cùng cực, lam lũ và đói khát để khơi cho họ ý thức về sứ mệnh làm người và làm con Thiên Chúa.

Là người đi theo Đức Giêsu, mọi thành phần dân Chúa có bổn phận phải coi nỗi đau khổ, mất mát, thua thiệt của anh chị em mình như là của mình, và sẵn sàng bị nghiền nát cho anh chị em mình có cơ may sống đúng nhân vị mà Chúa ban cho.

Giêsu với nhiệm thể nhiều thương tích

Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ và dân chúng hãy tìm của ăn muôn đời không hư mất. Tìm ở đâu? Nơi Chúa Giêsu. Bằng cách nào? Đến với Chúa Giêsu. Theo con đường nào? Con đường mang tên Giêsu, con đường duy nhất không có số nhà, bởi vì khi đi con đường ấy là đã đến nơi, khi tìm gì trên con đường ấy là có thể thấy ngay, khi đói khát trong cuộc lữ hành thì lương thực đã bày dọn sẵn.

Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu, và đây là tín điều cực kỳ quan trọng và thực tế. Và do đó nếu Chúa Giêsu là con đường thì Hội Thánh cũng là con đường dẫn chúng ta hoà vào dòng người tìm sự sống muôn đời nơi Đức Giêsu. Con đường ấy đẹp lắm và thơ mộng lắm.

Nhưng khi bước đi trên con đường Giêsu, với những bảng chỉ đường của Hội Thánh, dân Chúa chấp nhận bị đè nén, bị nghiền nát và bị thế gian lên án. Nhưng có sao đâu. Ngày Đức Giêsu bị nghiền nát hoàn toàn trên đồi Canvê, trời đất tối tăm tưởng như tan biến, nhưng buổi sáng ngày Phục Sinh ánh sáng lại chan hoà đến tận nơi hang cùng ngõ hẻm.

Mẹ ơi, Mẹ đã đồng công cứu độ với Con yêu dấu của Mẹ và Mẹ cảm nghiệm sâu xa nỗi thống khổ khi Con mình bị nghiền nát, đến nỗi Mẹ có thể chết vì nỗi đau ấy. Chúng suy niệm về Người khi thân mình mầu nhiệm của Người nơi giáo phận Vinh đang quằn quại nỗi đau, thậm chí có những vị linh mục của Người đang bị nghiền nát, xin Mẹ hãy đến và phù trợ con cái Mẹ vượt qua đau thương, vì Mẹ đã hứa sẽ nhận lời ai khấn xin cùng Mẹ. Amen.
 
Tin vào chính Người đã ban phát
Jos. Tú Nạc, NMS
00:17 31/07/2009
Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm B (Exodus 16: 2-4, 12-15, 31; Psalm 78; Ephesians 4: 17, 20-24; John 5: 24-35)

Người ta thường lý tưởng hóa quá khứ và quên những tranh đấu đau buồn cùng những quá khứ mà họ đã trải qua. Những việc làm đã qua hoặc những điều kiện cuộc sống trở thành nguồn nuối tiếc quá khứ và khao khát, thèm muốn khi chúng ta đối diện trước những khó khăn và phấn đấu của hiện tại. Trong những năm sau những thay đổi quan trọng của năm 1989, nhiều dáng vẻ nuối tiếc nhìn lại giai đoạn cai trị của chủ nghĩa cộng sản. Những sự việc đều “tốt hơn” một cách phồn thịnh và đã có “luật pháp và trật tự.” Sự kinh hoàng và thiếu tự do đã đi vào quên lãng.

Ngày nay cũng có rất nhiều người ao ước, mong mỏi một hình ảnh huyền ảo và lãng mạn của giáo hội thời tiền Công Đồng Vatican II. Nhưng những ngày xưa thân ái không bao giờ còn là những ngày xưa thân ái.

Dân Do Thái xưa đã quên vết hằn roi da và những nhục nhã mất phẩm giá mà họ đã trải qua trong lúc họ phải làm nô lệ cho người Ai Cập. Phải đối diện trước những điều không hay, không biết và sự thiếu thốn của ăn, thức uống trước mắt, họ trách mắng Moses và muốn trở lại đất nước Ai Cập. Cuối cùng, họ nói, chúng ta đã no đủ. Mọi việc đều an toàn và có thể dự đoán. Chúng ta đã có chỗ. Chim cút và Manna được Thiên Chúa ban phát mang ý nghĩa như một dấu chỉ và bằng chứng mà Thiên Chúa không bỏ rơi họ và rằng Người sẽ chăm sóc họ. Rõ ràng họ cần những điều nhắc nhở kiên định đó giống như hầu hết mọi người.

Tuy nhiên câu chuyện đã bộc lộ, nó trở nên hiển nhiên một cách đáng buồn mà thậm chí những món quà liên tục tiếp nối của sự sống tự nó sẽ không để duy trì niềm tin của họ một cách vững vàng không dao động, Người ta đã vội vàng quên rằng Thiên Chúa là nguồn nuôi dưỡng sự sống và luôn luôn ở cùng chúng ta. Khi người ta gặp những đe dọa hãi hung và mất đi lòng can đảm của mình, niềm tin và sự ký thác tan biến. Sự nuôi nấng nhiệm mầu đã tác động sâu sắc vòa nhiều nguời trong đám đông nhưng tất cả trong những cách sai lầm. Thoạt tiên họ ai nấy đều muốn Chúa Giê-su là vua và bây giờ họ theo Người đến bên kia bờ biễn Galilee và hỏi người dồn dập. Toàn bộ chương này một sự phân chia của trận đấu khẩu giữa Chúa Giê-su và đám đông, và là một cơ hội để Thánh Gio-an tỏ rõ nhiều hơn về bản tính thiêng liêng của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su thừa biết rằng họ bị mê hoặc bởi bản tính vật chất của sự kỳ diệu. Người bắt đầu đối chiếu của ăn tạm thời và mất đi với của ăn vĩnh cửu trong một nỗ lực để nâng cao sự hiểu biết của họ từ vật chất đến mức độ tinh thần. Thực phẩm vĩnh cửu từ quá trình đạo đức này là chất dinh dưỡng đời sống mà chính Người có thể ban phát.

Khi họ hỏi “những việc” gì họ phải làm để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Người trả lời phi thường với quả quyết rằng chỉ có một “việc” duy nhất – “hãy tin vào Người chính Người đã ban phát” – chỉ tin – nhưng niềm tin tưởng trong Tin Mừng của Thánh Gio-an còn hơn đối với rất nhiều người mong đợi. Đó là sự từ bỏ toàn bộ để duy nhất đón nhận Thiên Chúa cùng sự tự nguyện trú ngụ mãi mãi trong Người và thừa nhận tâm hồn và tâm trí của Người như sở hữu của mình.

Nhưng trước khi đám đông sẵn lòng tin Người họ yêu cầu ủy nhiệm thư của Người – những dấu chỉ xác nhận để chứng minh rằng thực sự là người mà Người đã tự nhận. Rồi y như thể Người đã không thực hiện đầy đủ! Họ cũng kiêu hãnh rằng tổ tiên họ là những người lãnh nhận manna trong sa mạc. Chúa Giê-su phản xạ với cường đô như chum tia sáng đơn sắc, quả quyết rằng nguồn thực phẩm từ trời là Thiên Chúa – không phải Moses hoặc bất kỳ người nào khác. Và giờ đây Thiên Chúa phải chuẩn bị ban bánh đích thực cho thế gian – thức ăn thực sự và sự sống vĩnh cửu.

Như trong hầu hết tin mừng của Thánh Gio-an, người ta hiểu những lời này theo nghĩa tường minh và vật chất. Họ không khao khát đón nhận nguồn lương thực này vì họ hiểu nó như một nguồn bất tận của thực phẩm bình thường. Bằng cách sự dụng phép ẩn dụ “bánh của sự sống” để tự Người trong cùng một cách mà người đã cần “nước sự sống” trong chương 7. Chúa Giê-su tự Người thiết lập vì sự hoàn tất đối với niềm mong ước của nhân loại cho hết thảy, sự an bình nội tại và sự sống vĩnh hằng. Chúng ta thực hiện cả hai Chúa Giê-su và bản thân với một nguy cơ khủng khiếp khi chúng ta đối xử với Người chỉ như là phương tiện để lánh xa hỏa ngục và về cõi thiên đàng. Chúa Giê-su làm nhiều hơn “cứu vớt” – Người thay đổi cũng như chu cấp cuộc sống vĩnh cửu, tinh thần và cơ hội đến với Thiên Chúa ngay cả khi chúng ta còn đang sống.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Hoa Trái Tử Đạo
Hai Tê Miệt Vườn
00:19 31/07/2009
Máu đạo tử đạo đổ ra,
Giúp cây Thiên Tuế trổ hoa bốn mùa.
Từ nay sự ác sẽ thua,
Chính nhờ tín hữu thi đua làm lành.
Một lòng cương quyết đấu tranh,
Loại trừ man trá, thực hành lẽ ngay.
Thế là xã hội đổi thay,
Cuộc đời nhân thế đẹp hay mọi đàng.
Quê hương hưởng được bình an,
Lòng người dân Việt đầy tràn thiện chân.
Chẳng ai còn có tranh giành,
Quyền uy thế lực làm phần tư riêng.
Nghĩa tình nối kết gắn liền,
Mọi người nên một ở trên đường đời.
Dắt nhau thẳng tiến về Trời,
Muôn đời vui sống bên người Cha chung.

Ngày 30/07/2009
 
Bánh Bởi Trời
Lm Vũđình Tường
15:41 31/07/2009
Chúa dùng manna nuôi dân trong sa mạc khô cằn biểu lộ lòng Chúa xót thương ngay cả khi con người phản bội, bất trung.

Thực thể diệu kì

Thực thể diệu kì, nơi đâu có Chúa ngự trị, nơi đó có sự sống và sống dồi dào. Sa mạc khô cằn, sỏi nhiều hơn đá. Đá nhiều hơn đất. Đất xấu nhiều hơn đất tốt. Đã ít đất còn khô cằn. Loại cây nào cũng chết yểu. Cỏ dại nào cũng bơ phờ. Lưa thưa vài đám xương rồng, lá thu nhỏ thành gai.

Sa mạc

Sa mạc hình bóng chết chóc rõ nét hơn sự sống. Chết vì nắng khô, chết vì bò cạp, rắn độc. Thần chết rình rập cả ngày lẫn đêm. Chết vì thiếu nước. Chết vì ngày nóng khiến cát chuyển mình. Triệu hạt cát cùng chuyển biến thành bão cát. Sa mạc đêm lạnh se lòng đá, khiến đá rung động, rên siết, vụn tan thành cát.

Thiếu đất và nước sự sống cằn cỗi, èo ọt. Sức người có hạn, sớm muộn gì cũng thành tro bụi. Con người bất lực. Tuy nhiên, với Chúa không có chi khó, chỉ cần có đức tin. Các tông đồ có lần kinh ngạc thốt lên:

‘Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh. Mc. 4,41

Với Chúa mọi sự đều có thể. Các tổ phụ năm xưa có lẽ kinh ngạc hỏi nhau: ông này là ai mà sai khiến được cả sương khuya, gió sớm. Một lời Ngài phán ra sương mai vâng lời chở manna nuôi dân. Một lệnh truyền ban, gió vâng lệnh. Chim cút trên ngàn tự hiến thân cho bữa cơm gia đình. Đời sống sa mạc trở nên phong phú, sung túc. Thiên nhiên vâng lệnh Ngài. Chỉ có con người, lợi dụng tình Chúa yêu thương, cãi lại Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, giầu thứ tha.

Ngày lễ nghỉ

Điểm thứ hai, kiêng việc xác ngày Chúa Nhật là kiện toàn lề luật. Sách Xuất Hành ghi nhận. Chúa ban manna cho dân chúng từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Mọi người lớn nhỏ, tự do gom góp đủ của ăn nguyên ngày. Kẻ tham lam lấy nhiều hơn đã không được hưởng còn đắc tội. Manna vụng trộm, cất dấu ngay chiều tối hôm đó nảy sinh giòi bọ, hôi thối. Của để dành trở thành của nợ. Chúa làm chủ manna, ban cho nó sự tươi mát, tinh khiết, dài ngắn tuỳ ý Chúa. Một mình Chúa định đoạt tuổi thọ của con người, chim trời, cá biển, bông cỏ đồng nội và ngay cả cỏ dại trên ngàn. Tất cả đều vâng phục ý Chúa, ngoại trừ con người.

Ngày Thứ Bảy mọi người được phép giữ đủ manna ăn cho hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật. Ngoài ý Chúa nhiệm mầu ai giải thích nổi điều kì lạ. Cùng loại manna từ trời do sương mai chuyển đến nhưng từ thứ Hai đến Thứ Sáu không để dành được. Trái lại manna thu lượm ngày Thứ Bảy lại để dành cho đến hết ngày Chúa Nhật vẫn tươi mát, thơm ngon. Lí do ngày Chúa Nhật là ngày dành riêng ca tụng thờ phượng Chúa. Truyền thống tốt đẹp, cao quí lâu đời này bị kẻ coi thường luân thường, đạo lí thay đổi.

Ngày lễ nghỉ theo tập tục, truyền thống ngàn xưa dành riêng để tôn vinh Thiên Chúa bị các ‘nhân danh’ lạm dụng, ngầm mưu hại.

- Nhân danh cách mạng kĩ nghệ, công nhân làm bảy ngày trong tuần.

- Nhân danh thể dục, thể thao tổ chức trận đấu vào Chúa Nhật.

- Nhân danh giáo dục thi cử vào Chúa Nhật, đại lễ Giáng Sinh.

- Nhân danh kỉ niệm một biến cố xã hội, ngăn cản giáo dân kiện toàn lề luật nghỉ ngày hưu lễ.

Tất cả các nhân danh này nọ, ít người đủ can đảm, bạo miệng nói thẳng ra, nhưng tự thâm tâm có mục đích bài bác ngày lễ nghỉ, chủ trương phá hoại ngày dành riêng tôn thờ Thiên Chúa. Một hình thức chống phá đạo trá hình. Tất cả các nhân danh của xã hội đều chối bỏ một thực thể hiện hữu: Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống.

Bánh trường sinh

Có xã hội nào ra công, bỏ sức đi tìm thực phẩm mau hư nát mà dân chúng thực sự an cư, lạc nghiệp. Càng cố gắng đi tìm quyền cao, chức trọng. Càng ra sức tranh giành cho mình nhiều của hơn người. Xã hội càng lắm tệ đoan. Tránh khỏi cám dỗ này lại sa vào cạm bẫy khác. Vất vả tìm kiến, mệt mỏi tranh giành bệnh thời đại phát sinh. Điên loạn, trầm cảm gia tăng. Trẻ khủng hoảng cuộc đời; già bị bỏ rơi. Nghèo ham có tiền; giầu thấy tiền vô nghĩa. Sống vô vị, thiếu giá trị, mất tương lai nên số người tự huỷ ngày một nhiều. Hậu quả của

‘Chối bỏ lương thực đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho’ c.27.

Chối Chúa là bước trên con đường một chiều dẫn đến diệt vong. Chê bánh trường sinh sẽ mất sự sống trường sinh. Chê bánh ban sự sống sẽ mất sự sống. Kiêu ngạo, chối bỏ Chúa, tự nhận mình làm chủ sự sống. Bài học tổ phụ Adam - Eva học xưa nay con cháu cho vào dĩ vãng. Chúa là Đấng duy nhất làm chủ sự sống.

Chối cuộc sống đời sau nên tranh sống đời này. Tranh sống nên đè đầu cỡi cổ nhau. Bất công ra đời, công kích, phản đối, gầm gừ cấu xé nhau. Một mình làm không được thì kéo bè, chia phái. Luật tranh sống ra đời bắt đa số phục vụ thiểu số lãnh đạo. Mầm mống tự huỷ nảy sinh. Chối Chúa là đi trên con đường tự hủy. Bỏ Chúa là bỏ sự sống trường sinh. Chỉ có một điều cần để được sống an vui, trường cửu.

Tin vào Đấng Chúa Cha sai đến, là Đức Kitô. c.29

Để sống đời đời hãy đón nhận Bánh Trường Sinh với lòng cảm mến.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:43 31/07/2009
ẨN TRỐN

N2T


Cú mèo, vì để tìm tòi bản chất của sinh mệnh và các định vị trong vũ trụ, bèn quyết định đóng cửa một năm, nó triệu tập hội nghị ký giả và chiêu đãi đặc biết, rồi nói rõ lý do bế quan [của mình], và yêu cầu mọi người không nên quấy rầy tâm trạng của nó.

Không hẹn mà gặp, cò trắng cũng đúng lúc, vì để điều chỉnh quan hệ với Đấng tạo hóa và theo đuổi sự yên lặng cho tâm hồn, nên nghĩ rằng cần phải lui đến một nơi tu viện thật thanh vắng để tĩnh tâm. Trước khi đi, nó kính nhờ mỗi một bạn hữu dù quen hay không quen cầu nguyện cho nó: “Lần này tôi phải nhịn ăn bảy ngày, nhất định các anh phải cầu xin cho tôi”.

Con thỏ không hiểu nói:

- “Kỳ cục, có phải chúng nó ẩn trốn không, làm cái gì mà chúng nó náo loạn cả lên, thiên hạ đều biết thế!”

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Có người khi ăn chay thì la toáng lên: “Tôi đang ăn chay”, có người khi làm được việc gì cho anh chị em thì “khiêm tốn” kể cách vô tư cho người khác nghe.

Ăn chay không phải là ăn ít đi, nhưng là ăn những cái mà ngày thường mình không thích, đó chính là hy sinh.

Có những người đến ngày ăn chay thì không đi làm việc, vì đang ăn chay sợ đói đi làm không nổi; có người thích kể cho người khác nghe chuyện ăn chay của mình, tiên tri Giô-na đã nói: “Hãy xé lòng, đừng xé áo”.

Nhưng có người đâu có lòng nữa mà xé, vì mọi thứ họ có thì họ đều để cả bên ngoài bộ mặt rồi. Như vậy có phải là họ không có tấm lòng không ?

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 18 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:51 31/07/2009
CHỦ NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 24-35.

“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.”


Bạn thân mến,

Trong lịch sử thế giới có những ông vua từng tuyên bố ai theo ông sẽ không chết đói và được giàu sang phú quý, nhưng làm vua được vài năm thì bị hạ bệ, và những kẻ theo ông ta cũng lây lất tù tội; thời nay cũng có những nhà tư bản tuyên bố ai theo họ thì sẽ không thiếu thứ gì, nhưng khi kinh tế toàn cầu suy sụp thì họ sa thải công nhân và nhân viên không nương tay, và những người theo họ thất nghiệp trong đau khổ; gần nhất là bên cạnh nhà bạn và nhà tôi, đều có những người nhà giàu tuyên bố của cải mình ăn ba đời cũng không hết, nhưng “đùng” một cái họ âm thầm bán nhà trốn đi vì vỡ nợ...

Chúa Giê-su tuyên bố ai đến với Ngài thì sẽ không hề phải đói, và ai tin vào Ngài thì sẽ không phải khát bao giờ. Lời tuyên bố này luôn làm cho những kẻ tôn thờ vật chất, ham muốn cuộc sống hưởng thụ chống đối và nhạo cười, bởi vì không ai dại gì tin và đi theo một con người chết trần truồng trên thập giá. Nhưng đói và khát mà Chúa Giê-su nói đây chính là đói chân lý và khát khao yêu thương, bởi vì chân lý và yêu thương là căn bản của hạnh phúc và niềm vui của con người.

1. Đói chân lý.

Ở đâu có quyền lực mà không có đạo đức, thì ở đó có bất công và đàn áp; ở đâu mà tiền bạc làm thẩm phán, thì ở đó có oan ức và chân lý bị dìm chết bởi kim tiền, do đó mà con người ta –qua mọi thời đại- rất đói chân lý và công bằng, bởi vì chỉ có chân lý mới đem lại hạnh phúc công bằng cho mọi người mà thôi.

Vì đói chân lý nên có nhiều nơi trên thế giới con người nổi loạn, và gây nhiều đau thương cho đồng bào dân tộc mình; vì đói chân lý nên con người ta -hể ai có lương tri- liền chạy đến với Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ Thánh để cầu xin cho chân lý mau ngự trị. Chúa Giê-su là chân lý, Ngài đã đến và ngự trị trong tâm hồn những kẻ yêu thích điều ngay thẳng, Ngài đã và đang ở trong những kẻ đi tìm chân lý cách ôn hòa và nhẫn nại...

2. Khao khát yêu thương.

Thế giới đang sống trong những chủ nghĩa: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cọng sản, chủ nghĩa hận thù, chủ nghĩa ích kỷ và chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân.v.v... cho nên thế giới chưa từng có yêu thương và hòa bình, bởi vì con người ta ai cũng đặt ích lợi cá nhân trên yêu thương và tha thứ. Chúa Giê-su đã đến, chính Ngài là tình yêu, là nhân tố của yêu thương khi Ngài tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh mình vào thập giá, và sự yêu thương tha thứ này đã trổ hoa tốt đẹp ngay trên đồi Golgotha: kẻ đâm vào cạnh sườn của Chúa Giê-su đã đấm ngực hối lỗi và nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa.

Trong xã hội ngày nay con người ta đang khát, khát vật chất và tinh thần. Khát vật chất thì người ta còn có thể kham khổ chịu đựng, nhưng khi con người ta khát tinh thần là khát yêu thương, thì con người ta sẽ đối xử với anh chị em đồng loại như với thú dữ; khi con người ta không còn yêu thương thì hận thù sẽ trỗi dậy, và như thế thì con người ta chỉ biết chém giết nhau, hại nhau mà thôi.

Khao khát yêu thương là khao khát tình đồng loại, là khao khát tha thứ cho nhau và phục vụ nhau như Chúa Giê-su đã làm và đã dạy chúng ta –những người Ki-tô hữu- cũng phải làm như thế.

Bạn thân mến,

Đã có nhiều lần bạn thất vọng vì tin vào lời hứa của ông chủ, của cấp trên, bởi vì họ hứa mà không thực hiện; cũng đã có nhiều lần bạn cảm thấy hụt hẩng khi đặt tin tưởng vào những người có quyền thế trong đạo cũng như ngoài đời.

Đến với Chúa Giê-su thì bạn và tôi sẽ luôn an tâm và hạnh phúc vì Ngài là chân lý, là sự thật và là Đấng không hề lừa dối ai; tin vào Chúa Giê-su thì bạn và tôi sẽ được no thỏa tình yêu thương, vì từng giây từng phút trong cuộc đời của chúng ta, Ngài luôn yêu thương quan tâm và hướng dẫn, để chúng ta luôn mãi là chứng nhân của Ngài ở trần gian này.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:54 31/07/2009
N2T


13. Khinh thường bản thân mình là bí quyết của khiêm tốn.

(Thánh Bernard)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 31/07/2009
N2T


185. Cuộc sống không phải vì có tay có chân mà trở thành hoàn mỹ, cũng không phải vì thân thể bị tàn phế, mà cứ nhất định cho rằng không hoàn mỹ.

 
Thánh Thể - Của ăn bảo dưỡng trong hành trình dương thế
Lm. Jude Siciliano, OP
16:07 31/07/2009
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN B

Xh 16: 2-4, 12-15; Tv 78; Ep 4: 17, 20-24; Ga 6:24-35

Chúa nhật vừa qua chúng ta đã đọc phần mở đầu của chương 6 trong Phúc Âm thánh Gioan. Kể từ Chúa nhật này cho đến hết tháng 8 các bài phúc âm sẽ trình bày tuần tự chương này; nhờ vậy; chúng ta sẽ hiểu rõ chương 6 nhiều hơn.

Qua đó diễn tả việc Chúa Giêsu làm phép lạ bánh và cá hóa nhiều giúp nuôi dưỡng số đông dân chúng theo Ngài. Sau đó đám dân chúng muốn tôn phong Ngài làm Vua nên Ngài đã lánh đi nơi khác. Nhưng đám dân chúng vẫn kiên trì bám theo Ngài qua tới bờ bên kia biển hồ ở Ca-phác-na-um. Trong phúc âm thánh Gioan hay nhắc đến việc Chúa Giêsu gặp và đối thoại với nhóm Biệt Phái hay với đám đông sau mỗi phép lạ Ngài làm. Đây là cách thánh Gioan muốn diễn đạt thêm về ý nghĩa của những “dấu chỉ” mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho những cộng đoàn Kytô Hữu thời đó hiểu.

Trong những đối thoại này không nhằm để chúng ta biết được những gì đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm. Nhưng để chúng ta tin là Chúa Giêsu đã sống lại và Ngài đang nói với chúng ta ngày hôm nay, cũng như Ngài đã nói với đám quần chúng theo Ngài trước kia. Khi đám dân chúng gặp được Ngài, họ đã hỏi “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Thật là một câu hỏi thông thường phải không? Và chúng ta cũng sẽ hỏi như vậy khi chưa biết gì về Chúa Giêsu. Nhưng trong câu chuyện này có điều đáng để ý là Chúa Giêsu không đối xử với đám người hỏi Ngài một cách bực tức và đuổi họ đi. Trái lại, Ngài đối thoại với họ. Chúng ta học hỏi được gì về cử chỉ đó của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta thực hiện việc đó với Chúa Giêsu bằng cách đối thoại với Ngài và lắng nghe lời Ngài, thì chúng ta sẽ hiểu thêm được Ngài là ai và chúng ta là ai.

Chúng ta lại tụ họp nhau trong ngày Chúa Nhật để mừng bí tích Thánh Thể. Có lẽ chúng ta vừa qua một tuần lễ rất bận bịu công việc, và không có thì giờ để nghĩ đến Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta đến đây với câu hỏi của chúng ta, và chúng ta lắng nghe lời Chúa Giêsu hỏi chúng ta. Như Ngài đã nói với đám đông quần lúc ấy: “Các ông tìm gì vậy?” Có phải hôm nay chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu vì chúng ta biết Ngài sẽ giúp chúng ta ra khỏi cảnh khó khăn của cuộc sống, hay giúp tránh chuyện bất hạnh xảy đến cho chúng ta không?

Chúng ta cầu nguyện khi gặp khó khăn, đó là sự hiển nhiên. Nhưng Chúa Giêsu có thể giúp chúng ta nhiều hơn thế nữa; vì chúng ta khao khát Thiên Chúa nhiều chăng? Hay chúng ta muốn sống đời sống Thiên Chúa, muốn hiểu biết thêm nhiều hơn nữa về Ngài?; Đó là bánh mà Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta. Khi chúng ta rước Chúa Giêsu vào lòng, là chúng ta rước chính đời sống Thiên Chúa vậy. Vì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài “Thầy là đường…”. Với sự khao khát hiểu biết thêm về Thiên Chúa, chúng ta hảy dùng lời của đám quần chúng theo Chúa Giêsu “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”

Tôi có người bạn sửa soạn một chuyến du hành dài 8 giờ bằng xe hơi. Trong lúc ông sắp xếp hành lý vào xe, có vài người trong chúng tôi hỏi “Anh đem đủ lương thực đi đường không?” Ông ta trả lời là đủ, và nếu không đủ thì ông ta sẽ ghé lại quán ăn nơi dừng xe. Nhưng thời Chúa Giêsu không có những chỗ nghỉ chân dọc đường, vì thế nếu không mang theo đủ lương thực là có thể chết đói. Bởi thế phong tục thời bấy giờ là tặng lương thực cho người lên đường đi xa.

Chúng ta tất cả đều là những lữ khách, và chưa biết quảng đường đi là bao xa. Có những đoạn nào nguy hiểm thử thách đức tin chúng ta, chúng ta có thể mệt mỏi, và lạc hướng. Chúng ta có thể có lương thực vật chất, nhưng để giữ vững đức tin theo lời Chúa gọi là một chuyện khác. Nếu chúng ta muốn theo chân Chúa Giêsu chúng ta phải có lương thực mà chỉ có Ngài mới cho chúng ta được, đó chính là thân thể Ngài. Do vậy, mỗi Chúa Nhật chúng ta hợp nhau trong phụng vụ, để lãnh nhận món ăn bởi Lời Chúa và bởi Tiệc Thánh Chúa dành cho chúng ta để làm lương thực cho cuộc hành trình dương thế chăng?

Chúng ta, những người đến dự thánh lễ đều là những người đói khát. Có người đói về món ăn vật chất: như người bị thất nghiệp, hay không làm đủ lương để sống và nuôi gia đình; chúng ta không đủ bảo hiểm sức khỏe để khi đau ốm; chúng ta không đủ tiền để trả tiền học v.v… Trong giáo xứ chúng ta đã làm gì để giúp những trường hợp đó? Có giáo xứ lập kho thực phẩm, nhóm bác sĩ và y tá tình nguyện, lo tìm chỗ trọ cho người vô gia cư, chỗ dạy nghề, hướng dẫn về luật pháp v.v..

Chúa Giêsu trông thấy đám đông người nên Ngài động lòng cho họ của ăn. Chắc chắn rằng Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta giúp những người đói khát về vật chất trong xã hội chúng ta. Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, giúp chúng ta trông thấy những người cần giúp đỡ trong cộng đoàn chúng ta. Bằng đôi mắt của Ngài; sẽ giúp chúng ta thấy được những đói khát của tha nhân trong xã hội, luôn cả những người ở ngoài biên giới đất nước chúng ta. Thí dụ như tổ chức “Bánh cho thế giới”, là tổ chức làm đồng hành với Chúa Giêsu được gọi là “cộng đoàn Kitô Hữu” kêu gọi những người lãnh đạo đất nước quan tâm giải quyết nạn đói trong nước và trên thế giới.

Trong khi Chúa Giêsu nói đến sự đói khát vật chất, Ngài cũng nhắc họ không những chỉ tìm của ăn vật chất mà thôi, vì với của ăn đó, con người vẫn còn đói khát nữa. Ngoài món ăn vật chất ra, chúng ta còn đói khát về phần tâm linh và tình cảm. Những ngày bấy giờ chúng ta hãy nói đến những đói khát chúng ta nhận thấy trong đời sống, và trong gia đình chúng ta. Và chúng ta hãy đưa tay ra xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta của ăn. Ngài thấy chúng ta đói khát, và Ngài không nỡ từ chối lương thực hàng ngày mà chúng ta cần đến.

Thánh Gioan diễn tả Chúa Giêsu là người làm phép lạ, nhưng Ngài cũng là người cho chúng ta bánh “muôn đời”. Chúa Giêsu là “Bánh bởi trời”, Ngài được Thiên Chúa gởi đến để dạy chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa. Dân Israel gọi ông Mô-sê là người đã cho họ ăn bánh bởi trời, nhưng Chúa Giêsu đã chỉnh sửa lại là chính Thiên Chúa chứ không phải ông Mô-sê là Đấng cho họ của ăn trong sa mạc. Chúa Giêsu khuyên những người thời bấy giờ nên nhìn nhận chính Ngài là bánh mà Thiên Chúa gởi đến cho họ. Thiên Chúa không những đã cho của ăn trong sa mạc, nhưng ngay bây giờ Thiên Chúa tự Ngài ban cho họ của ăn. (Phúc âm Thánh Gioan là phúc âm của thì hiện tại).

Đám quần chúng hỏi Chúa Giêsu “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Ngài trả lời “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Tin vào Chúa Giêsu là tin Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta (Ga, 3:16). Chúng ta không đáng được hưởng tình thương yêu đó, Chúa Giêsu là dấu chứng tình thương yêu của Thiên Chúa. Đón nhận Chúa Giêsu và lời Ngài dạy là ăn bánh hằng sống, bánh “ban sự sống cho thế gian”.

Sống đời sống của Chúa Giêsu ở thế gian là điều rất khó. Chúng ta có thể bị chán nản, muốn xuôi tay, hay bị lạc hướng. Đôi khi hình như thế gian của sự chết có vẻ thắng sự sống mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Mỗi ngày tin tức trên trang đầu các nhật báo đủ làm cho chúng ta chán nản. Bài phúc âm hôm nay nhắc chúng ta là cuộc hành trình dương thế không ai sẽ đi một mình. Mà sẽ cùng đi với nhau, với của ăn hằng sống được Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Ý Thiên Chúa - Ý con người
Anmai, CSsR
21:59 31/07/2009
CHÚA NHẬT 18 TN B (Xh 16, 2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6, 24-35)

Ý muốn của một người nào đó rất quan trọng trong cuộc đời nói chung và của con người đó nói riêng. Tuỳ hoàn cảnh, tuỳ chức vụ, ý muốn ấy sẽ chi phối theo hoàn cảnh và chức vụ ấy. Một người làm lớn mà quyết định chuyện gì thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ còn một người nhỏ dù có quyết định to thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng ảnh hưởng là bao. Cái nghịch lý trong cuộc đời này vẫn thường xảy ra và xảy ra “như cơm bữa” đó là con người vẫn thường lấy ý của mình và áp đặt cho đó là ý của Thiên Chúa.

Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay xoay quanh về ý của Thiên Chúa và ý của con người.

Trang sách Xuất hành đã kể lại việc cộng đồng con cái Israel nhớ “củ hành, củ tỏi” ở quê hương để rồi ai oán với cả ân nhân của mình. Thiên Chúa đã quá yêu con người để rồi bằng mọi cách và bằng mọi giá Thiên Chúa muốn cứu nhưng con người thì ngược lại. Nghĩ đi nghĩ lại Thiên Chúa hiền từ và dễ thương thật chứ không phải ở lời của Người nói. Dân chúng Israel kêu ca than thân trách phận và rồi Thiên Chúa đã ban bánh từ trời xuống để nuôi dân. Ý của con người là cứ ở lại với quê cha đất tổ còn ý của Thiên Chúa thì Thiên Chúa muốn cứu con người còn con người thì cứ lầm lũi với những cái lợi trước mắt, với cái gì là sung sướng cho bản thân.

Đó là những gì sách Xuất Hành thuật lại, rồi kế đến là tâm tình của Thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Êphêsô. Không chỉ nói suông mà hôm nay lại còn “có Chúa chứng giám”. Khi Ngài nói “có Chúa chứng giám” thì Ngài có ý muốn nhấn mạnh tâm tình của mình và khẳng định tâm tình ấy. Phải nói là nó rất quan trọng và ý nghĩa với cộng đoàn Êphêsô nên Ngài mới nói như vậy. Ngài nói là anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ. Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Ki-tô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giê-su. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4,20-24).

Hoá ra là Ngài biết dân ngoại từ xưa đã sống theo những tư tưởng phù phiếm, họ nhìn về Thiên Chúa, họ nhìn Chúa Giêsu dưới một lăng kính khác, dưới một chiều kích khác. Nơi Thánh Phaolô, Ngài có kinh nghiệm rõ nét về chuyện này. Ngày xưa, Ngài cũng lần bước trong con người cũ của Ngài là đi tìm vinh danh cho mình và đi bắt bới những người theo Chúa, những ai mang danh là Kitô hữu. Sau một chặng đường dài sống với con người cũ, sống với ý riêng của mình, Thánh Phaolô đã nhận ra rằng Thánh ý Thiên Chúa mới là quan trọng, sống với con người mới theo sự hướng dẫn của Thần Khí mới là điều đáng quan tâm. Ngài khuyên cộng đoàn Êphêsô đừng sống theo cái nhìn như vậy, theo quan niệm như vậy về Thiên Chúa. Quan niệm về Thiên Chúa của con người mới khác con người cũ. Không chỉ thế, Ngài còn nhấn mạnh rằng hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới.

Ý tưởng trang Tin mừng hôm nay đã đẩy chuyện ý Thiên Chúa và ý con người lên một mức cao hơn. Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói thẳng với những người đang có mặt ở đó với Chúa: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." (Ga 6, 29).

Vấn đề là ở chỗ đó, là ở chỗ việc Thiên Chúa muốn cho các ông chứ không phải là chuyện các ông muốn. Thường, tâm trạng của con người thì những gì mang lợi lộc, mang sự dễ dãi đến cho mình thì con người đều quy về ý của Chúa, mỗi lúc cuộc đời gặp đau khổ, khó khăn thì sẵn sàng oán trách Chúa không thương tiếc. Nếu Chúa ban cho cuộc sống đầy đủ thì không ngớt lời tôn dương và chúc tụng nhưng khi cuộc đời gặp một chút gì đó thì bỏ Chúa và không tin Chúa nữa. Điều mà Thiên Chúa muốn quá rõ: đó là tin thật vào Ngài chứ không chỉ tin bằng môi bằng miệng. Chúa Giêsu, vì biết rõ lòng dạ của những người có mặt với Chúa ngày hôm đó nên Ngài đã không ngần ngại cảnh tỉnh họ về ý của Thiên Chúa.

Trở lại với trang Tin mừng tuần trước, dân chúng sau khi được ăn bánh no nê đã tìm cách tôn vinh Chúa Giêsu làm vua. Thế nhưng, Chúa Giêsu biết tỏng tòng tong lòng dạ của họ nên Ngài lánh đi một nơi. Vì những người có mặt ngày hôm ấy cũng như nhiều người khác vẫn sống theo cái ham muốn thể xác của mình là no cơm ấm áo nên tôn vinh Chúa làm vua chứ thật sự lòng của họ không phải như vậy. Thế đấy, ý Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn ý của con người.

Nhắc đến ý Thiên Chúa và ý con người, ta sẽ không khỏi nhịn cười được vì trong chính đời thường của mỗi người chúng ta. Nếu ý nào đó hợp lòng ta, mang lại cho ta thì ta bảo: “ý Chúa” còn nếu ý nào phật lòng ta thì ta lồng lộn lên và thậm chí còn oán trách và bỏ rơi Chúa.

Đôi lúc ngẫm nghĩ thấy thương Chúa thật. Chúa quả là quá hiền từ và dễ thương. Dễ thương đến độ con người dù ca khen, dù oán hờn chửi bới và vu oan cho Chúa thế nào Chúa vẫn lặng lẽ và lặng lẽ. Bi đát nhất đó là những người có chức có quyền và cầm quyền trên người khác. Nhiều và nhiều quyết định mang cảm tính hết sức con người nhưng lại bảo đó là ý Chúa mới chết người.

Một cái ví dụ hết sức nhỏ nhoi và đơn giản. Dưới con mắt của các đấng bậc có trách nhiệm đào tạo và con mắt bình thường của người đời thì những ai ngoan ngoãn, dạ bảo dạ, vâng bảo vâng thì các vị cũng như mọi người đánh giá hết sức là cao về những con người ngoan ngoãn vâng dạ ấy. Mỗi khi nhận xét hay quyết định gì thì không hế ngần ngại “châu phê” là người ấy tốt và người ấy có ơn gọi. Ý Chúa là gười đó có ơn gọi, còn ngược lại, những người không biết “bẩm - dạ” thì cũng sẽ bảo rằng cũng đó là ý Chúa cho kẻ không biết “đi bằng đầu gối” là không có ơn gọi.

Thật ra, chuyện này hết sức tế nhị nhưng phải trả lẽ trước mặt Chúa về những cảm tính hết sức cá nhân mà lại gán cho là “ý Chúa” ! Chúa quá hiền đến độ người ta muốn nói gì thì nói. Người ta nói xuôi Chúa cũng chẳng nói gì và người ta nói ngược ta cũng thấy Chúa chẳng chịu nói gì.

Qua các bài đọc, đặc biệt là Tin mừng hôm nay, chúng ta có dịp dừng chân nhìn lại từng biến cố trong cuộc đời của ta, từng quyết định của ta. Những biến cố xảy đến và những quyết định của ta như thế nào ? Có phải là của Chúa thật sự hay là của ta rồi ta gán cho Chúa.

Hơn một lần Chúa Giêsu đã nói: Lương thực của ta là thi hành ý muốn của Cha ta.

Quả thế, lương thực thật sự, lương thực trường tồn của Chúa chính là ở chỗ thi hành ý của Cha chứ không phải là theo ý của ta.

Một lần nọ, vào bệnh viện thăm người quen, có một người kia không ngần ngại tâm sự rằng chị ta đã bỏ Chúa 10 năm rồi. Hỏi lý do sao bỏ Chúa thì chị nói là vì mãi mê lo làm ăn kiếm tiền. Tôi bèn hỏi chị là dư được bao nhiêu tiền gửi trong ngân hàng và chị nói là không có đồng nào mà hiện nay nằm bệnh viện còn phải đi vay mượn !?

Thì ra là 10 năm bỏ Chúa để loay hoay với đồng tiền nhưng cuối cùng không có dư đồng nào mà thậm chí còn mang nợ !

Hai vợ chồng kia cũng thật thà tự thú là bỏ Chúa 4 mùa Phục Sinh. 4 mùa Phục Sinh qua đi mà gia đình cứ mãi sống trong vất vả và nay người vợ còn mang trong mình tật bệnh nữa !

Thế đấy ! Người ta đã tước đoạt thánh ý của Chúa trên cuộc đời của người ta, người ta đã đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời người ta để người ta làm theo ý của mình. Thế nhưng, thử hỏi trong những năm tháng dài đẩy thánh ý của Chúa ra khỏi đời mình để mình thực thi ý mình thì mình được gì ?

Quá nhiều lần và phải nói là quá nhiều lần trong cuộc đời, con người đã bỏ ý Thiên Chúa ra khỏi đời mình để thực thi ý mình. Rốt cuộc như thế nào thì con người đã rõ.

Hôm nay, một lần nữa, đứng trước lời cảnh tỉnh của Chúa với đám đông dân chúng về ý của Thiên Chúa muốn, chúng ta làm gì, chúng ta sẽ trả lời với Chúa như thế nào ? Chúng ta làm gì, trả lời với Chúa như thế nào đó chính là tuỳ thuộc tự do của mỗi người chúng ta.
 
''Ai đến với Ta sẽ không đói khát bao giờ''
Tuyết Mai
22:02 31/07/2009
Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ". (Ga 6, 24-35).

Quả thật Lời của Chúa Giêsu dậy chúng ta không sai bao giờ, bởi ngay đời thường của chúng ta đây những bậc làm cha làm mẹ, mà con cái dù có con đàn con đống cỡ nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cố gắng mà nai lưng ra lo cho chúng, từng ly từng tý đây, thì hà huống chi Chúa Giêsu Ngài có nề hà chúng ta bất cứ điều chi!? Như ngay ngày hôm nay đây! Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa, con gái lớn của chúng tôi sáng sớm ngày hôm nay nhận được cú phôn thật đặc biệt từ một trung tâm y tế rất gần nhà, gọi đến để hẹn ngày đi phỏng vấn nhận việc cho công việc y tá của cháu. Cháu đã thất nghiệp cũng được 3 tháng nay, gia đình chúng tôi cũng theo kinh tế mà tụt dốc, mà phải tằn tiện, liệu cơm gắp mắm, cố gắng để mà đầu không thiếu mà đuôi cũng không hụt. Dầu vậy hằng ngày chúng tôi vẫn luôn cảm tạ Thiên Chúa ban cho chúng tôi luôn an bình, vui vẻ, gia đình đầm ấm, và phó thác tất cả cho Chúa quan phòng, bởi có phải dù chúng ta có tính có toán đến đâu, tóc trên đầu có bạc trắng, nhưng làm sao được tốt lành cho bằng có Chúa lo liệu, định đoạt, và an bài!??

Thứ hai này cháu mới bắt đầu nhận việc, nhưng chúng tôi trong gia đình đã cảm thấy rất là hạnh phúc là an vui, khi Thiên Chúa trên cao đã nhận lời chúng tôi cầu nguyện, vì có phải Ngài đã biết rất rõ chúng tôi cần chi và Ngài đã ban phát cho chúng tôi những gì cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của chúng tôi!?? Vâng, tất cả những điều mà Chúa Giêsu dậy chúng ta trong Phúc Âm nhất nhất đều là những lẽ phải, là khuôn vàng thước ngọc, chúng ta cần phải tuân theo để được Ngài nuôi chúng ta luôn mãi. Chúa Giêsu dậy chúng ta tuy dù Ngài luôn ban phát cho chúng ta của ăn để nuôi thân xác nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên ươn lười, sống ăn bám như những con đỉa đói, nằm chờ sung rụng, hay quen sống lệ thuộc vào người khác, không tự lo cho mình. Tôi thiết nghĩ Chúa Giêsu không dậy chúng ta như vậy! Chủ đích của Ngài là muốn cho chúng ta sống một cuộc sống trên trần gian tạm bợ này là phải biết thương yêu nhau như Chúa thương yêu chúng ta vậy! Bởi vì Ngài luôn chạnh lòng thương vì biết chúng ta lúc nào bị đói khổ, thiệt thòi, bị áp bức, làm thân nô lệ, thì Ngài sẽ cho chúng ta bánh để nuôi thân, và khi chúng ta được no nê thì chúng ta phải có trách nhiệm lo hay quan tâm cho anh chị em có nhu cầu của chúng ta.

Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu".

Người dậy chúng ta hãy ra công làm việc cho của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời đó là Chính bản thân của Người. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu. Chúa Giêsu quả là một Thiên Chúa độc nhất vô nhị không một Chúa nào khác trên hoàn cầu có thể nói được với chúng ta như vậy! Ngài muốn hiến trọn thân mình mà nuôi con cái trần thế của Ngài chính mình và máu của Ngài thì là một chuyện liêu trai chí dị hết sức, thưa có phải không anh chị em!? Lời nói của Ngài quả không ai có thể hiểu được ý nếu không được Ngài mạc khải cho hiểu. Bởi có phải Lời nói của Ngài sau này các tông đồ mới được Chúa Thánh Linh mạc khải cho để mà hiểu, chứ làm sao dân chúng có thể hiểu được ý của Ngài??? Cho nên sự đi theo và tin tưởng vào Chúa Giêsu là Con Đường Chân Lý là khôn ngoan nhất có thể dẫn chúng ta vào sự sống đời sau mà Ba Ngôi Thiên Chúa luôn mong mỏi chúng ta cùng được đến??

Họ liền thưa Người rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ". Lậy Chúa! Chúng con thật may mắn vì chúng con thời nay được học hỏi, được Chúa mạc khải cho hiểu biết Lời của Chúa một cách đúng đắn và tường tận hơn, để chúng con biết rằng chính Ngài tấm thân và máu của Ngài đã hằng tuần nuôi dưỡng linh hồn quý báu của chúng con. Để chúng con không còn khờ khạo để tìm kiếm những của ăn hư nát nơi trần gian chóng qua chóng tàn này! Mà biết tìm kiếm của ăn trường tồn nơi mà Chúa hằng chờ đợi chúng con vào những ngày cuối tuần trong Nhà Chúa.

Lậy Chúa! Thời buổi khó khăn, gạo châu củi quế, đã làm cho chúng con có cớ nhiều hơn để chúng con tìm kiếm những thứ chóng qua chóng tàn, đã cố tình lánh xa Chúa, vì chúng con đã không biết chạy đến Chúa, để mà xin. Chúng con kiếm cớ là không có thời giờ để chạy đến Chúa mà cầu nguyện, mà biết kiên nhẫn cho những điều mình xin, hay xin đúng với những gì mình cần, mà chỉ xin cho trúng số, hay những của mà con người tầm thường trần gian luôn say mê và đắm chìm, trong sự chết dần của linh hồn, mà chúng con không một mảy may lo sợ.

Lậy Chúa! Xin cho chúng con luôn sống khôn ngoan theo con cái của Chúa chứ không phải theo sự khôn ngoan của con cái của sự dữ. Bởi nếu chúng con được mọi sự thế gian mà mất linh hồn đời đời thì có ích gì, phải không thưa Chúa!?. Xin Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn của chúng con vì trong tâm hồn chúng con là Đền Thờ và Ngai Vàng của Chúa để chúng con được thờ phượng, suy tôn, chúc tụng, và vinh danh, vì chính Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô luôn ngự trị trong chúng con. Amen.
 
Phép lạ cho mọi thời đại
LM Phêrô Hồng Phúc
22:42 31/07/2009
Lịch sử trong Cựu Ước đã chứng minh những việc làm của Thiên Chúa: bốn mươi năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi cả một dân tộc hàng 600.000 người. Một sa mạc hay là một hoang địa, không bánh, không nước, Thiên Chúa đã khiến tảng đá vọt thành nước và manna từ trời rơi xuống giữa hoang địa khô cằn để dân chúng ăn, không phải một ngày, hai ngày, ba ngày mà là bốn mươi năm trong sa mạc. Khi họ thèm ăn thịt, Thiên Chúa khiến gió Đông thổi chim cút từ bên kia biển ào tới và sa xuống đầy các trại, cho đến nỗi họ ăn không thể nào mà nhai thêm được nữa.

Tất cả những gì Thiên Chúa đã làm đều cho chúng ta thấy một sự rộng rãi và một sự dư giả như chính lòng Thiên Chúa bao la vô biên. Ngay hiện tại chúng ta từng chứng kiến, mỗi người một chút hơi thở đó là sự sống, tắt hơi nghĩa là chết. Vậy mà Thiên Chúa cho tất cả chúng ta, cho mọi thời đại trên trái đất này một bầu khí quyển bao la để chúng ta có thể hít thở tự do trong không khí, đem lại sức sống; hay là trái đất chúng ta chỉ cần ½ tỉ năng lượng của mặt trời, đủ để cho chúng ta có sức sống, thêm một phần nữa chúng ta chết cháy, thiếu một phần chúng ta chết cóng. Vậy mà Thiên Chúa cho chúng ta cả 2 tỉ phần năng lượng chứ không phải là ½ tỉ năng lượng như chúng ta cần. Cái gì của Thiên Chúa cũng mênh mông, cũng dư thừa. Nước chúng ta phải sinh hoạt hàng ngày cho hơn 6 tỉ con người ăn uống nước để sống, số lượng ấy thấm vào đâu so với Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Biển đã vậy lại còn Bắc Cực, Nam Cực đóng băng như là nguồn nước dự trữ quanh năm. Làm sao chúng ta có thể hưởng dùng hết được những gì mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách rộng rãi và dư dật như vậy.

Tin Mừng hôm nay kể lại tư cách của Chúa Giêsu khi làm phép lạ, hóa bánh ra nhiều nhắc cho chúng ta một ý nghĩa quan trọng về Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này. Đó là một hình bánh mỏng mảnh, bé nhỏ nhưng lại làm cho cả thế giới những người tin trở nên một trong Đức Kitô. Và càng đông đảo, càng muôn thế hệ được rước Mình và Máu Chúa thì thân mình mầu nhiệm của Chúa lại càng lớn lên và ân sủng lại càng rộng rãi gia tăng. Đó cũng là cách thức của Thiên Chúa trao ban cho con người, không phải là những hiện tượng tự nhiên mà là ân sủng siêu nhiên tràn trào qua Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã làm với tư cách của Thiên Chúa, cho nên Người cầm bánh bẻ ra tạ ơn, đó là cử chỉ, là cung cách của Thiên Chúa, tạ ơn và bẻ ra trao cho các tông đồ. Công việc của các Tông đồ và Hội Thánh là lãnh nhận và trao ban: “Các con đã được cho không, thì các con cũng phải cho không như vậy”(Mt 10,8).

Giáo Hội ngày nay đang tiếp nối Giáo Hội ngày xưa lãnh nhận năm chiếc bánh và hai con cá từ tay Thiên Chúa, và vì động tới bàn tay của Thiên Chúa nên bánh hóa nhiều đến nỗi năm ngàn người đàn ông, chứ nếu tính cả đàn bà và con trẻ thì trên một chục ngàn là chắc. Vậy mà, những tông đồ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa cứ phân phát, phân phát, từng nhóm, từng nhóm “mọi người đều ăn no nê mà số thu lại là mười hai thúng đầy”. Con số mười hai là con số diễn tả về mười hai chi họ Israel, chỉ toàn dân tộc Israel, đó là một con số lớn, chỉ về toàn thể, bởi vậy mười hai thúng bánh chỉ về một số dư không thể tính được. Tất nhiên, cách làm của Thiên Chúa luôn luôn dư dật và phong nhiêu nhưng vì Đức Giêsu là con người, vì vậy Người cần một yếu tố tích cực và thực tế của trần thế. Đó là một số lượng ít ỏi của năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng đó là số lượng thật, đó là sự hiện hữu của thể chất. Để rồi từ đó, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa đã khiến cho thể chất đó trở nên phong nhiêu, dư giả. Như vậy, những gì qua tay của Thiên Chúa, những gì qua tay của Giáo Hội đều đến với chúng ta trong sự phong phú và ân sủng tràn đầy như thế đó. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta đến với Chúa để lãnh nhận hồng ân bao la Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta đến với Giáo Hội như đó là kho tàng quản lý ân sủng của Thiên Chúa phân phát cho chúng ta. Do đó, người nào không biết đến với Chúa để lãnh nhận, người nào không biết qua Giáo Hội để đón nhận kho tàng mà Hội Thánh có trách nhiệm giữ gìn và có trách nhiệm phân phát, người đó sẽ chết gục dọc đường chẳng đến nơi chăng như chính Đức Giêsu đã lo lắng cho dân chúng trong hoang địa hôm nay. Mặc dầu vậy, chúng ta nhận thấy trong đám quần chúng có hai hạng khác nhau:

- Hạng người đầu là những người lắng nghe lời Chúa, miệt mài đi theo Chúa đến nỗi ba ngày trong hoang địa họ không thiết ăn, không thiết uống và chính Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để giúp họ sự sống đời này và đạt tới sự sống đời đời, đó là những người nghèo khó, những người khiêm tốn, những người bé mọn.

- Hạng người thứ hai, là hạng người có đầu óc thực dụng, họ chứng kiến phép lạ không phải do dấu chỉ tình thương, ân sủng tràn đầy của Chúa mà là họ muốn theo dõi một quyền năng hơn người để rồi toan tính bầu Chúa Giêsu làm vua. Với một ông vua có sức mạnh làm phép lạ như vậy thì kẻ thù nào có thể xâm chiếm được và họ không bao giờ sợ đói vì ông vua có thể nuôi sống tất cả ngàn dân.

Với hạng người sau, Đức Giêsu bỏ trốn lên núi một mình; với hạng người đầu thì không xin mà Chúa cũng cho, không lo mà Chúa cũng liệu. Chính vì vậy, trải qua dòng thời gian, những người nào biết đi theo con đường của Chúa, trong lắng nghe, trong khiêm tốn, trong yêu thương, trong phục vụ cũng đều sinh lãi gấp trăm, gấp ngàn ngay ở đời này. Đây là câu chuyện trong tác phẩm “ Những vùng đang phát triển” tác giả Jay Kesler kể lại như sau:

“Đêm nọ ông từ máy bay đang bước xuống một phi trường ở Ấn Độ. Ông thấy nhiều người nằm ngủ dọc theo đường bay, hỏi ra ông mới biết họ là những người vô gia cư. Đi được một lúc, ông nghe sau lưng có tiếng động. Quay lại, ông thấy một chú bé cụt chân đang đi tới với hai cái nạng. Nó chìa tay ra trước mặt. Ông liền cho nó số tiền lẻ còn trong túi rồi đi đến khách sạn. Đi khoảng mười bước, ông lại nghe có rất nhiều tiếng động kỳ lạ khác. Ông quay nhìn lại thì thấy một đám trẻ ăn mày khác đang đánh thằng bé lúc nãy bằng những chiếc nạng của chúng. Chúng bắt thằng bé phải giao số tiền vừa mới xin được cho chúng… Và suốt đêm đó ông không sao ngủ được vì thảm cảnh đó.

Nhưng rồi một ngày nọ có một phụ nữ trung niên đến với đám trẻ nghèo khổ hung dữ đó. Bà dồn hết tiền bạc của bà thuê một căn nhà cũ để dạy dỗ chúng. Và hiện nay bà đã có 80 trường trang bị đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện chăm sóc kẻ hấp hối, 30 viện chăm sóc trẻ bị bỏ rơi và 40.000 tình nguyện viên giúp đỡ bà lo cho người nghèo đói bệnh tật trên khắp thế giới. Người nữ đó không ai khác hơn là mẹ Têrêsa Calcutta”(theo Minh họa Lời Chúa).

Mẹ Têrêsa Calcutta là người đi theo sát dấu chân của Đức Giêsu, bàn tay của mẹ đang cố gắng làm theo bàn tay của Chúa Giêsu năm xưa: bẻ bánh và tạ ơn Thiên Chúa Cha chúc phúc và trao cho các tông đồ và vì thế, tất cả những gì qua tay của mẹ đều trở thành tình thương, đều trở thành một sự ban phát lòng thương xót của Chúa, do đó mới sinh lãi gấp trăm, gấp ngàn như chúng ta vừa theo dõi.

Lạy Chúa,
Xin cho mỗi người chúng con là bước đường đi
theo sát dấu chân của Đức Giêsu,
lắng nghe lời Chúa,
thực hành lời Chúa,
và sống trong tinh thần: phục vụ yêu thương.
Chúng con sẽ được lãnh nhận ân huệ một cách dồi dào và dự dật.
Đến lượt chính chúng con,
sẽ trở thành như bàn tay các tông đồ xưa,
chuyển ân sủng từ Chúa đến ban phát cho những người xung quanh.
Trong thời đại của chúng con hiện nay:
đang co cụm và khép kín,
ích kỷ và ốc đảo.
Xin Chúa mở rộng bàn tay chúng con,
nhưng nhất là mở rộng tấm lòng của chúng con
để phục vụ và yêu thương,
để lãnh nhận và ban phát,
cho những người anh em đang cần đến sự hộ giúp của chúng con,
những người nghèo,
những Đức Kitô bị bỏ rơi
để chúng con tiếp tục đón nhận tình yêu thương của Chúa
một cách sung mãn,
một cách phong nhiêu,
dư giả, tràn đầy và mang đến cho chúng con sức sống đời đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Công bố huy hiệu Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2011
Phụng Nghi
15:29 31/07/2009
MADRID, Spain (Zenit.org).- Biểu tượng Ngày Giới Trẻ Thế giới năm 2011 tại Madrid (Tây ban nha) đã được công bố hôm nay. Huy hiệu mô tả hình ảnh giới trẻ thế giới quy tụ dưới cây Thánh giá, và kết hợp thành triều thiên của Đức Mẹ, là bổn mạng thành phố Madrid.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới dự trù sẽ kéo dài từ 16 đến 21 tháng 8 năm 2011.

Họa sĩ vẽ biểu tượng này là José Gil-Nogués. Ông giải thích rằng hình ảnh trên đó tượng trưng “giới trẻ trên toàn thế giới đoàn kết để tuyên dương niềm tin cùng với Đức giáo hoàng, dưới chân thập giá, và cùng tạo thành triều thiên của Đức Mẹ Almudena, Đấng bảo trợ đô thị Madrid.”

José Gil-Nogués nói thêm: Triều thiên tạo thành chữ M, là chữ đầu của Mary và của Madrid. Còn thánh giá, biểu tượng của Đạo Chúa, ngự trị trên toàn cả biến cố này.

Họa sĩ nói tiếp: Thông điệp của huy hiệu này là: “một giảng huấn giáo lý, một vận hội rao truyền Tin mừng. Con đường mau chóng và chắc chắn để đi tới Chúa Kitô là qua Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại. Trong đức tin của Mẹ Maria, người trẻ tìm được khuôn mẫu và tấm gương để đến với Đức Kitô và thực hiện được mục tiêu chủ yếu của Ngày Giới Trẻ Thế Giới là: đem sứ điệp của hai đấng đến cho thế giới.”

“Huy hiệu có đường nét cứng cỏi và thanh thoát, hệt như giới trẻ của thế kỷ 21. Họ gần gũi nhau, thân thiện, cởi mở. Vui vẻ, vô tư và tích cực.”

“Cách sử dụng bảng mầu ấm áp – đỏ, cam và vàng – truyền đi rõ rệt sự nồng nhiệt và tình thân thiện, là những biểu trưng căn tính của một đô thị như Madrid, một quốc gia như Tây ban nha. Những sắc mầu này cũng còn phản ảnh “Tình Yêu nồng nhiệt siêu phàm của Thiên Chúa Ba ngôi.”

Biểu tượng này được lựa chọn trong một cuộc thi mở cho các họa viên tạo hình chuyên nghiệp.

Hình của huy hiệu được lấy từ website của Tổng giáp phận Madrid http://www.archimadrid.es
 
ĐTC nói té ngã làm ngài thêm khiêm nhường
Peter Nguyễn Minh Trung
21:52 31/07/2009
ITALY (CNA) - Đức Thánh Cha Benedict XVI nói rằng thiên thần hộ thủ của ngài đã không bảo vệ giúp ngài khỏi bị té và gãy xương cổ tay là theo "Thánh Ý Thiên Chúa", hầu biến tai nạn đó thành bài học dạy cho ngài về tính khiêm nhường, và cho ngài thêm thời gian để cầu nguyện trong tĩnh lặng.

Đức Giáo Hoàng nói: "Thật không may, thiên thần hộ thủ của tôi đã không giúp tôi tránh khỏi tai nạn. Điều đó tất nhiên là theo Thánh Ý Thiên Chúa."

"Có lẽ Chúa muốn dạy cho tôi thêm về lòng kiên nhẫn và đức khiêm nhường, cho tôi thêm thời gian để tĩnh lặng cầu nguyện và suy tư."

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI gãy xương cổ tay phải do bị té đang khi trải qua kỳ nghỉ hè tại Les Combes. Ngài đã được các bác sĩ ở một bệnh viện địa phương phẫu thuật vào hôm 17-07, và trải qua kỳ nghỉ hè tiếp tục với cánh tay bó bột.

Đức Giáo Hoàng vẫn tiến hành các cuộc gặp gỡ công chúng như dự tính, còn việc viết lách thì phải gác lại do tai nạn bất ngờ.

Đức Thánh Cha trước đó hy vọng kỳ nghỉ hè có đủ thời gian để ngài viết tiếp phần hai của tập sách "Chúa Giêsu Thành Nazareth". Giờ đây, thay vì viết, ngài dùng một máy ghi âm để thâu lại các ý tưởng.

Đức Benedict XVI rời Les Combes chiều thứ tư qua đến dinh thự mùa hè Castelgandolfo (ở gần Rome) và tiếp tục kỳ nghỉ hè của ngài tại đây
 
Một kẻ chuyển phái tính tấn công linh mục chủ tế trong Thánh Lễ tại Italia
Peter Nguyễn Minh Trung
21:55 31/07/2009
MILAN (CNA) - Cảnh sát Milan hiện đang giam giữ một tên chuyển giới tính người Brazil từ hôm Chúa nhật sau khi tên này cởi hết quần áo ra ngay trước bàn thờ trong buổi cử hành phụng vụ, sau đó hắn tấn công vị linh mục chủ tế.

Vụ việc xảy ra tại Nhà thờ Thánh Babila trong Thánh lễ lúc 08:30 sáng Chúa nhật.

Theo thông tấn xã ANSA, đối tượng đi vào nhà thờ và tiến lên bàn thờ, hắn cởi đồ ra và sau đó chiếm lấy thánh giá nến cao để tấn công vị linh mục. Những người tham dự buổi lễ đã ngăn cản tên điên cuồng này lại, hắn chạy thoát đến bàn dành để rửa tội rồi bắt đầu đập hộp đựng tiền ở khung tưởng niệm ra với ý định lấy hết số tiền này.

Cảnh sát ngay lập tức được gọi đến và bắt giữ tên điên loạn. Sau khi điều tra, cảnh sát cho hay đây là một người chuyển đổi giới tính. Hắn bị cảnh sát cáo buộc những tội danh như trộm cắp, phá hủy tài sản, đập phá biểu tượng tôn giáo...
 
Kình ngư thế giới Michael Phelps hội kiến Đức Giáo Hoàng
Peter Nguyễn Minh Trung
21:56 31/07/2009
CASTELGANDOLFO, ITALY (CNA) - Những người hâm mộ bộ môn bơi lội cách đây không lâu vừa chứng kiến việc Michael Phelps - Kình ngư của thế giới với rất nhiều kỷ lục thế giới và huy chương vàng tại các kỳ Thế Vận Hội - đã để thua Paul Biedermann trong giải thi đấu 400 mét bơi tự do, nhưng liền sau đó lại phá kỷ lục thế giới do chính anh thiết lập ở hạng 200 mét bơi bướm. Vào thứ bảy này, Michael Phelps sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ khi được Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp kiến.

Michael Phelps sẽ có mặt trong số 100 vận động viên bơi lội đến yết kiến Đức Thánh Cha tại Castelgandolfo.

Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chương trình của Đức Thánh Cha sau khi ngài trở về từ Les Combes.

Saverio Petrillo, Giám đốc Dinh thự Giáo Hoàng, xác nhận rằng cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra ở Cung điện Mùa hè Castelgandolfo vào thứ bảy. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật ngay sau đó. Buổi đọc Kinh Truyền Tin sẽ diễn ra sau buổi hòa nhạc.
 
Một Linh mục Công giáo trẻ bị sát hại tại Ấn Độ
Peter Nguyễn Minh Trung
21:57 31/07/2009
ROME (CNA) - Cha James Mukalel, một linh mục Công giáo 39 tuổi thuộc Giáo phận Belthangady, đã bị giết chết hôm thứ tư vừa qua ở thị trấn Mangalore thuộc bang Karnataka. Thi thể của cha Mukalel được tìm thấy bên lề đường, nằm cạnh chiếc xe mô-bi-lét của ngài.

Theo hãng tin UCA News, cha Thomas Kannakal, Chủ tịch Ủy ban Xã hội của Giáo phận cho hay: "Cảnh sát đang điều tra vụ việc vì năm ngoái cũng có một loạt những hành động bạo lực chống lại các Kitô hữu diễn ra ở Giáo phận Belthangady."

Tin từ thông tấn xã SIR cho biết vị linh mục đã bị giết chết một cách thô bạo. Ngài là người gốc ở bang Kerala, bị giết chết chỉ vừa sau khi cử hành xong Lễ an táng cho một tín hữu và thăm rồi dùng bữa với vài gia đình, đang khi trở về nhà vào buổi chiều tối. Thi thể của ngài được tìm thấy vào sáng hôm sau.
 
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha dành cho dân di cư
Bùi Hữu Thư
23:59 31/07/2009
VATICAN CITY, ngày 31 tháng 7, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ cầu nguyện cách đặc biệt trong Tháng Tám cho những người bị di tán và di cư.

Hội Tông Đồ Cầu Nguyện tuyên bố ý chỉ cầu nguyện chung này đã được Đức Thánh Cha lựa chọn: “Xin cho quan điểm của công chúng ý thức nhiều hơn về các vấn đề hàng triệu người bị di tán và di cư đang phải đối phó, và xin cho có thể tìm thấy các giải pháp cụ thể để đối phó với tình trạng bi thảm của họ."

Đức Thánh Cha cũng lựa chọn một ý chỉ tông đồ cho mỗi tháng. Vào Tháng Tám, ngài sẽ cầu nguyện rằng: “Những Kitô hữu bị kỳ thị và bị áp bức tại nhiều quốc gia vì Danh Đức Kitô có nhân quyền, bình đẳng và tự do tôn giáo được chính phủ các nơi này công nhận, để họ có thể sống và tự do tuyên xưng đức tin của họ."
 
Top Stories
Congress Members Demand Change In Policy Toward Vietnam
The Epoch Times
01:10 31/07/2009
Congress Members Demand Change In Policy Toward Vietnam

By Gary Feuerberg

WASHINGTON—Human rights organizations and some in the U.S. Congress are now demanding that Vietnam be placed back on the list of "Country of Particular Concern" (CPC), which would allow the U.S. to impose economic sanctions to pressure the regime to improve its human rights record. Three areas of concern that are being discussed are Vietnam’s record on religious freedom, women and child trafficking, and labor organizing.

Presently, the U.S. State Department does not designate Vietnam as a “Country of Particular Concern” or CPC, although it did from 2004-2006. The new Obama administration provides an opportunity to make a new case for Vietnam’s CPC designation.

To look into recent developments in Vietnam, the Tom Lantos Human Rights Commission held a hearing, July 23, on the status of human rights and religious freedom in Vietnam. The Commission, consisted of a panel of congress members known for their human rights advocacy, including Chris Smith (R-NJ), Ed Royce (R-CA), James McGovern (D-MA), Anh “Joseph” Cao (R-LA), Dana Rohrabacher (R-CA), Loretta Sanchez (D-CA), Zoe Lofgren (D-CA), Frank Wolf (R-VA), and Joe Pitts (R-PA).

The anger was palpable in the hearing room on Capitol Hill as the congress members vented harsh words for Vietnam’s religious and labor policies, and most expressed frustration at the State Department’s apparent unwillingness to get tough on Vietnam. And they were incredulous toward U.S. Ambassador to Vietnam Michael Michalak’s recent statement that there was a “lack of evidence” that Vietnam should be placed back on the CPC list.

“When Vietnam was placed on the CPC list, we saw some positive changes. Unfortunately, when they were prematurely released in 2006, Vietnam ramped up its persecution,” said Representative Ed Royce.

“It is unfortunate a representative of the State Department could not be here with us today. I would appreciate the opportunity to inquire why the administration is not far more engaged on the issue of religious freedom in Vietnam and elsewhere. I hope the State Department will take into account the testimony presented and the discussion that will take place today,” said Representative Chris Smith.

Rep. Smith has three times introduced legislation in the House, most recently, the Vietnam Human Rights Act of 2009 (HR 1969) that would prohibit U.S. non-humanitarian assistance to the government of Vietnam in excess of FY2009 levels unless the president certifies to Congress that the government of Vietnam has made substantial progress respecting: the release of political and religious prisoners, and the right of religious freedom, including the return of church properties.

Religious Freedom Deteriorates Past Two Years

The panel heard from Michael Cromartie, vice-chair, U.S. Commission on International Religious Freedom (USCIRF), an expert on the subject of religious freedom of expression in Vietnam. The USCIRF delegation returned from Vietnam in May, making it their fourth visit to Vietnam since 2003. Cromartie, who had traveled to Vietnam in both 2007 and 2009, said at the hearing that it was his opinion, “Human rights and religious freedom conditions have deteriorated over the past two years [in Vietnam].”

“Targeted in particular are the Unified Buddhist Church of Vietnam (UBCV), independent Hoa Hoa and Cao Dai groups, ethnic minority and unregistered Protestants, Catholics …, and human rights lawyers who defend vulnerable groups,” said Cromartie.

“We saw this week that the government of Vietnam perceives even peaceful prayer vigils as challenges to its authority, requiring violence and arrests. As you know 18 Catholics were detained two days ago in Quang Binh Province,” said Cromartie.

Cromartie said police blocked the delegation’s access to certain dissidents and religious communities, and even staged two truck accidents to prevent the delegation from meeting with Hmong Protestant groups.

“Pastor Nguyen Cong Chinh has been interrogated more than 300 times and been beaten 20 times,” said Rep. Royce. Pastor Nguyen is a leader of the Mennonite churches and related evangelical churches in Vietnam.

Royce continued, “Only days ago, he was forced to flee from his home to escape police abuse.” At that moment, someone held up a large photo of the beaten Pastor Nguyen as Royce said that he had become the “symbol of religious persecution for many in Vietnam.”

The Vietnam regime allowed the USCIRF to meet briefly with well-known religious freedom advocates: Fr. Nguyen Van Ly, a Catholic priest; Nguyen Van Dai; and the Most Venerable Thich Quang Do. While praising the access the delegation was given, Cromartie noted that Fr. Ly is still being held in solitary confinement, and Nguyen Van Dai is still being told to sign a confession of guilt as a condition of his release. Father Ly has been in solitary confinement for at least 18 months, said Cromartie.

Cromartie noted that the superintendent of the prison where Father Ly was held repeatedly referred to the Catholic clergyman as a “political” prisoner. There was conjecture at the hearing that the communist regime labels Father Ly as a “political” prisoner rather than a “religious” prisoner, so that the State Department would not regard his imprisonment quite as serious a violation of human rights as the denial of religious freedom.

Rep. Royce spoke indignantly of the 350 “political” prisoners, who are actually Montagnard Protestants, so that the State Department doesn’t have to put them back on the CPC list. Cromartie confirmed from his recent visit that there were still hundreds of Montagnard Protestants in prison who were arrested after 2001 and 2004 land rights and religious freedom demonstrations.

Supreme Patriarch Thich Quang Do, 80, leader of the outlawed UBCV, has been in prison or under house arrest for 33 years, said Royce. He has refused to incorporate the UBCV with the state-controlled Buddhist church. “We will never submit, we will never become slaves of the Communist Party,” he told a U.S. Consulate official, according to the Vietnam Human Rights Journal.

Police Intimidation of New Converts

Vietnam has made some progress by officially ending the practice of forced renunciations of faith, although it still continues in some rural areas despite the law. But religious freedom abuses in rural areas cannot be entirely blamed on noncompliant provincial officials, explained Cromartie. Vietnam has switched to a new strategy in suppressing freedom of religious practice.

“Forced renunciation [of one’s faith] has been replaced by controlled mechanisms, namely, by torture, beatings, imprisonment and killings,” said Congressman Royce.

“Instead of forcing Christians to renounce their faith, Vietnam authorities force the Montagnards to join approved churches, where they can be watched and controlled, and, if need be, arrested and imprisoned … and the State Department should be here today to explain their actions,” said Rep. Royce.

Seeing that they can’t stop the widespread interest in religious activities, the communist regime has adopted a policy of discrimination targeting religious communities and new converts. Cromartie said that USCIRF has copies of the government’s training manuals for local officials that teach how to “manage and control religious activity” and pressure new converts to Protestantism to give up their newly adopted faith.

“In many parts of Vietnam, police intimidate and warn new religious converts against continued religious activity, threatening them with the loss of government benefits or jobs.” Cromartie said these are not isolated acts but national religious policy and experienced by both Protestants and some Buddhists.

Vietnam Regime Complicit in Labor Trafficking

One of the reasons for the timing of this hearing on Vietnam was the recently released 2009 State Department “Trafficking in Persons Report” that stated: “Vietnam is a source and destination country for men, women and children trafficked for forced labor and commercial sexual exploitation.”

The congressmen and women heard testimony from Dr. Nguyen Dinh Thang, Boat People SOS. Dr. Nguyen said Vietnam is one of the few countries that exports labor and where the regime protects the traffickers. Vietnam does not allow media coverage of labor trafficking cases and “denies NGO access to repatriated victims for assistance.” Vietnam should really be ranked as a Tier 3 country by the State Department—not Tier 2 as it is now—because of the “government’s complicity in labor trafficking,” said Dr. Nguyen.

“In a number of cases, the Vietnamese government has colluded with the traffickers to block victims from seeking justice through the legal system in the destination country,” said Nguyen.

Dr. Nguyen described as an example the Vietnamese workers sent to Jordan in 2008 to work at a Taiwanese-owned garment plant. They were forced to work 16 hours a day and paid a fraction of what they were promised. When they went on strike, the Vietnamese agent assigned to Jordan had the Jordanian police beat them and dragged back to work, and they were confined to the company’s dormitories and denied medical help for injuries sustained.

The Vietnam government’s Ministry of Labor attempted to identify and isolate the strike leaders so they could be sent home, and force the remaining workers back to work, but the Vietnamese representatives in Jordan failed to isolate the strike leaders, said Dr. Nguyen.

The International Organization for Migration and the Jordanian Ministry of Labor came to the Vietnamese workers’ rescue and, finally, the majority of the workers were allowed to return to Vietnam. Many of these workers petitioned the government to investigate the labor export companies, but they were repeatedly thwarted and threatened by the government, said Dr. Nguyen.

Human Rights Watch (HRW)’s 2009 report, “Not Yet a Workers’ Paradise: Vietnam’s Suppression of the Independent Workers’ Movement” was referred to at the hearing, and Sophie Richardson, Asia advocacy director of HRW, gave testimony as well. The 31-page report describes the escalating labor unrest in Vietnam, with 20 percent more strikes in 2008 than 2007, according to official statistics. Most of the 650 strikes (at least) were wildcat strikes, and were not considered legal by the regime. All strikes have to be authorized by the official Confederation of Labor, which is controlled by the Communist Party.

The independent trade union movement that was emerging in 2006-7 was repulsed by the arresting and sentencing of at least eight independent labor activists.

“Other labor activists have been harassed, intimidated, and forced to cease their activities or flee the country … independent labor activists … are seen as a particular threat to the Communist Party because of their ability to attract and organize large numbers of people,” says the HRW 2009 report.

Last Updated

Jul 29, 2009
 
Vietnam: Gewalt gegen Christen in Dong Hoi eskaliert
Kath.net
01:14 31/07/2009
Vietnam: Gewalt gegen Christen in Dong Hoi eskaliert

30. Juli 2009, 09:09

Kommunistische Regierung will Kirche enteignen – Polizei schlägt friedlich demonstrierende Gläubige und Priester brutal zusammen – bislang zehn Verhaftungen

Vinh (kath.net/IGFM) Zu gewalttätigen Attacken von Polizei und Milizen gegen Gläubige und Priester ist es zwischen dem 20. bis 27. Juli 2009 in der nordvietnamesischen Stadt Dong Hoi gekommen. Grund war ein Streit um die Enteignung einer Kircheruine, die nach dem Willen der vietnamesischen Regierung zu einer Kriegsgedenkstätte umfunktioniert werden soll.

Nachdem Gläubige versucht hatten, ein Zelt auf dem Kirchengelände aufzustellen, griffen Polizisten und Milizangehörige sie an, wobei nach Informationen der Internationalen Gesellschaft für Menschenrechte (IGFM) Kirchenbesucher, darunter Frauen, sogar Kinder und Priester, krankenhausreif geschlagen wurden. Gegen sieben Personen wurden inzwischen Strafverfahren wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ eingeleitet.

Die IGFM wirft den Behörden Dialogunfähigkeit vor und erinnert an die brutalen Maßnahmen gegen Christen in der Jahren 2007 und 2008 in Hanoi, die für die Rückgabe konfiszierter Kirchengrundstücke in der katholischen Gemeinde Thai Ha mit Massengebeten eingetreten waren. Die IGFM fordert die vietnamesische Regierung auf, zur Deeskalation zurückzukehren, damit der Kirchenstreit nicht in eine Sackgasse wie in Hanoi führt. Ferner soll Vietnam das Recht auf friedliche Versammlung zum Gebet einhalten.

Streit um die Kirchenruine

Um die Kirchenruine Tam Toa in der Stadt Dong Hoi (Provinz Quang Binh) gibt es seit langem Streit zwischen Regierung und Kirche. Die Regierung will die Kirche im Zentrum der Stadt, die im bis 1975 dauernden Vietnamkrieg bis auf den Kirchenturm zerbombt wurde, zu einer Kriegsgedenkstätte machen. Die Katholiken dagegen möchten auf dem dazugehörenden Kirchengelände weiterhin ihre Messen halten. Außerdem argumentieren sie, sei ihnen kein geeigneter Ersatzplatz in ihrer Nähe angeboten worden.

Als Katholiken am 20. Juli versuchten, ein großes Zelt mit Metallgerüst auf dem Gelände aufzubauen, stürmten plötzlich Hunderte Polizisten und Milizen das Gelände und schlugen mit Schlagstöcken und Eisenstangen auf sie ein. Es gab zahlreiche Verletzte, darunter auch Frauen und Kinder. Das Zelt und das Kruzifix wurden demontiert. 20 Katholiken wurden festgenommen. Gegen sieben, deren Namen am 23. Juli in der Polizeizeitung als Rädelsführer veröffentlicht wurden, wurden Strafverfahren wegen "Störung der öffentlichen Ordnung" eingeleitet.

Massengebet für die Rückgabe

In den darauf folgenden Tagen versammelten sich Hunderttausende Christen in ganz Vietnam und insbesondere in der Diözese Vinh und beteten friedlich für die Rückgabe des Kircheneigentums und die Freilassung ihrer Glaubensbrüder und -schwestern. Die Diözese Vinh wies am 24. Juli alle Vorwürfe der Provinzregierung zurück und forderte sie auf, die Schmähkampagne in den staatlichen Medien gegen die Kirche zu beenden. Die Kirchenruine in Dong Hoi wurde inzwischen zur Pilgerstätte, obwohl die Polizei das Gelände streng bewacht. So kam es auch in den Folgetagen immer wieder zu Übergriffen, nicht nur von Milizen, sondern auch von uniformierten Kräften auf die Gebetsversammlungen.

Am 26. Juli wurden ca. 500 Katholiken, die sich zu einer Fürbitte versammelt hatten, von 3.000 Milizangehörigen angegriffen: Dabei wurden der Kirchenälteste, die Kirchenchorleiterin und ein Student verschleppt und an einem unbekannten Ort festgehalten. Nachdem einen Tag später rund 200 Katholiken aus dem Nachbarort, geleitet von fünf Priestern, der Zutritt zu der Kirchenruine verweigert worden war, versammelten sie sich zum Gebet auf dem Nachbargelände.

Plötzlich schlugen "Sicherheitsleute" auf sie ein. Ein Dutzend Personen wurde dabei verletzt. Priester Nguyen Dinh Phu wurde am Boden liegend gegen den Kopf getreten und dabei so verletzt, dass er ins Krankenhaus gebracht werden musste. Pfarrer Ngo The Binh, der den Priester im Krankenhaus besuchen wollte, wurde von einer Schlägertruppe angegriffen und stürzte schwer verletzt aus dem Fenster im zweiten Stock. Polizisten schauten dabei tatenlos zu.

Fehlende Dialogfähigkeit der vietnamesischen Regierung

Die vietnamesische Regierung wird zunehmend nervös, denn die Ereignisse in Dong Hoi ähneln nach Meinung der IGFM den Auseinandersetzungen in den Jahren 2007 und 2008 in Hanoi, in deren Verlauf die Hanoier Regierung ihre Dialogunfähigkeit zeigte und brutale Gewalt gegen friedliche Gläubige einsetzte. Damals protestierten Tausende Redemptoristen und katholische Christen in einer Dauermahnwache und mit Prozessionen für die Rückgabe von Kirchengelände und Religionsfreiheit. Bei dem späteren Großeinsatz von Polizei und Milizen wurde unangemessene Gewalt gegen die Gläubigen, aber auch gegen westliche Journalisten eingesetzt.

Laut einer 2004 veröffentlichten Studie bekennen sich 81 Prozent der Bevölkerung zu keiner Religion. Seit 1954 regiert im Land die Kommunistische Partei Vietnams. Unter den 85,5 Millionen Vietnamesen gibt es geschätzte sechs Millionen Katholiken. Im Jahr 2007 hat Ministerpräsident Nguyễn Tấn Dũng Papst Benedikt XVI. besucht.

http://www.kath.net/detail.php?id=23543
 
Eskalation der Gewalt gegen Christen in Dong Hoi – Jagd auch auf Frauen und Kinder – Priester zusammengeschlagen (tiếng Đức)
katholisches.
01:16 31/07/2009
Eskalation der Gewalt gegen Christen in Dong Hoi – Jagd auch auf Frauen und Kinder – Priester zusammengeschlagen (tiếng Đức)

Veröffentlicht am 28. Juli 2009

(Vinh/ Frankfurt) Im Streit um die Enteignung einer Kircheruine, die nach dem Willen der vietnamesischen Regierung zu einer Kriegsgedenkstätte umfunktioniert werden soll, ist es zwischen dem 20. bis 27. Juli 2009 in der nordvietnamesischen Stadt Dong Hoi zu gewalttätigen Attacken von Polizei und Milizen gegen Gläubige und Priester gekommen. Nachdem Gläubige versucht hatten, ein Zelt auf dem Kirchengelände aufzustellen, griffen Polizisten und Milizangehörige sie an, in dessen Verlauf nach Informationen der Internationalen Gesellschaft für Menschenrechte (IGFM) Kirchenbesucher, darunter Frauen, sogar Kinder und Priester, krankenhausreif geschlagen wurden. Gegen sieben Personen wurden inzwischen Strafverfahren wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ eingeleitet. Die IGFM wirft den Behörden Dialogunfähigkeit vor und erinnert an die brutalen Maßnahmen gegen Christen in der Jahren 2007 und 2008 in Hanoi, die für die Rückgabe konfiszierter Kirchengrundstücke in der katholischen Gemeinde Thai Ha mit Massengebeten eingetreten waren.

Um die Kirchenruine Tam Toa in der Stadt Dong Hoi (Provinz Quang Binh) gibt es seit langem Streit zwischen Regierung und Kirche. Die Regierung will die Kirche im Zentrum der Stadt, die im bis 1975 dauernden Vietnamkrieg bis auf den Kirchenturm zerbombt wurde, zu einer Kriegsgedenkstätte machen. Die Katholiken dagegen möchten auf dem dazugehörenden Kirchengelände weiterhin ihre Messen halten. Außerdem argumentieren sie, sei ihnen kein geeigneter Ersatzplatz in ihrer Nähe angeboten worden.

Als Katholiken am 20. Juli versuchten, ein großes Zelt mit Metallgerüst auf dem Gelände aufzubauen, stürmten plötzlich Hunderte Polizisten und Milizen das Gelände und schlugen mit Schlagstöcken und Eisenstangen auf sie ein. Es gab zahlreiche Verletzte, darunter auch Frauen und Kinder. Das Zelt und das Kruzifix wurden demontiert. 20 Katholiken wurden festgenommen. Gegen sieben, deren Namen am 23. Juli in der Polizeizeitung als Rädelsführer veröffentlicht wurden, wurden Strafverfahren wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ eingeleitet.

In den darauffolgenden Tagen versammelten sich Hunderttausende Christen in ganz Vietnam und insbesondere in der Diözese Vinh und beteten friedlich für die Rückgabe des Kircheneigentums und die Freilassung ihrer Glaubensbrüder. Die Diözese Vinh wies am 24. Juli alle Vorwürfe der Provinzregierung zurück und forderte sie auf, die Schmähkampagne in den staatlichen Medien gegen die Kirche zu beenden. Die Kirchenruine in Dong Hoi wurde inzwischen zur Pilgerstätte, obwohl die Polizei das Gelände streng bewacht. So kam es auch in den Folgetagen immer wieder zu Übergriffen, nicht nur von Milizen, sondern auch von uniformierten Kräften auf die Gebetsversammlungen.

Am 26. Juli wurden ca. 500 Katholiken, die sich zu einer Fürbitte versammelt hatten, von 3.000 Milizangehörigen angegriffen: Dabei wurden der Kirchenälteste, die Kirchenchorleiterin und ein Student verschleppt und an einem unbekannten Ort festgehalten. Nachdem einen Tag später rund 200 Katholiken aus dem Nachbarort, geleitet von fünf Priestern, der Zutritt zu der Kirchenruine verweigert worden war, versammelten sie sich zum Gebet auf dem Nachbargelände. Plötzlich schlugen „Sicherheitsleute“ auf sie ein. Ein Dutzend Personen wurde dabei verletzt. Priester Nguyen Dinh Phu wurde am Boden liegend gegen den Kopf getreten und dabei so verletzt, daß er ins Krankenhaus gebracht werden mußte. Pfarrer Ngo The Binh, der den Priester im Krankenhaus besuchen wollte, wurde von einer Schlägertruppe angegriffen und stürzte schwer verletzt aus dem Fenster im zweiten Stock. Polizisten schauten dabei tatenlos zu.

Die vietnamesische Regierung wird zunehmend nervös, denn die Ereignisse in Dong Hoi ähneln nach Meinung der IGFM den Auseinandersetzungen in den Jahren 2007 und 2008 in Hanoi, in deren Verlauf die Hanoier Regierung ihre Dialogunfähigkeit zeigte und brutale Gewalt gegen friedliche Gläubige einsetzte. Damals protestierten Tausende Redemptoristen und Gläubige in einer Dauermahnwache und mit Prozessionen für die Rückgabe von Kirchengelände und Religionsfreiheit. Bei dem späteren Großeinsatz von Polizei und Milizen wurde unangemessene Gewalt gegen die Gläubigen, aber auch gegen westliche Journalisten eingesetzt.

http://www.katholisches.info/?p=4479

(PM/JF)
 
Protest von 500.000 Katholiken (tiếng Đức)
http://derstandard.at/fs
01:19 31/07/2009
Protest von 500.000 Katholiken (tiếng Đức)

http://derstandard.at/fs/1246543304550/Protest-von-500000-Katholiken

29. Juli 2009

Katholiken Protestieren gegen Pläne der Regierung für eine Gedenkstätte der US-Kriegsverbrechen

Auseinandersetzungen um Kirche als Gedenkstätte der US-Kriegsverbrechen

Hanoi - Der Streit um die Pfarrkirche Tam Toa in der vietnamesischen Stadt Dong-Hoi hat zu einer massiven Protestaktion gläubiger Katholiken geführt, meldet Kathpress. Am vergangenen Sonntag versammelten sich insgesamt 500.000 Katholiken unter Führung von 170 Priestern und 420 Ordensfrauen an 19 Orten, um gegen das Vorgehen der Behörden zu protestieren. Es handelte sich um die größte kirchliche Kundgebung seit Jahrzehnten, so Kathpress.

Die Regierung will die im Vietnamkrieg durch US-Bomben zerstörte Kirche Tam Toa (es steht nur mehr der Glockenturm und ein Teil der Fassade) zu einer Gedenkstätte der US-Kriegsverbrechen umfunktionieren, die Katholiken möchten das Gotteshaus wiederaufbauen und liturgisch nutzen.

Am 20. Juli war es zu einer Polizeiaktion auf dem Gelände der einstigen Pfarrkirche gekommen, als rund 200 Katholiken ein Kreuz und einen provisorischen Altar errichteten. Die Miliz ging mit äußerster Härte unter Einsatz von Trängengas und Schlagstöcken gegen die Gläubigen vor; zwei Priester wurden krankenhausreif geschlagen. 18 Personen wurden festgenommen, sieben befinden sich noch immer in Haft. In kommunistischen Medien wurde den Katholiken "konterrevolutionäre Tätigkeit, Störung der öffentlichen Ordnung und Widerstand gegen die Staatsgewalt" vorgeworfen. Das bischöfliche Ordinariat der Diözese Vinh forderte das Milizkommando der Provinz Quang-Binh auf, die Festgenommenen sofort freizulassen, das beschlagnahmte Kreuz und die liturgischen Geräte herauszugeben und der Pfarrgemeinde eine Entschädigung zu zahlen.

Die großen friedlichen Kundgebungen am Sonntag waren die Antwort auf die Polizeiaktion; die Teilnehmer forderten insbesondere die Freilassung der immer noch in Haft befindlichen Katholiken und die Einstellung aller Maßnahmen gegen den Wiederaufbau der Kirchenruine von Tam Toa. Zuvor hatte die Diözese Vinh in einem Kommunique festgestellt, dass die Katholiken von Tam Toa nicht gegen die Gesetze verstoßen hätten, als sie auf dem Kirchengrund Zelte, ein Kreuz und einen provisorischen Altar errichteten. Der Kirchengrund und die Ruine des Gotteshauses seien nach wie vor Eigentum der Pfarrgemeinde. Die Behörden sollten aufhören, die Wahrheit zu verdrehen, die Religion zu verleumden und Unfrieden zwischen Katholiken und Nichtkatholiken zu säen.

Die Pfarre Tam Toa wurde 1631 begründet; das im Vietnamkrieg zerstörte Gotteshaus wurde 1887 errichtet. Es galt als eine der schönsten Kirchen Vietnams. (APA)

Derstandard.at
 
Vietnam Friedlicher Protest von 500.000 Katholiken (tiếng Đức)
http://religion.orf.at/projekt03/new
01:20 31/07/2009
Vietnam Friedlicher Protest von 500.000 Katholiken (tiếng Đức)

http://religion.orf.at/projekt03/news/0907/ne090729_vietnam_fr.htm

News 29. 07. 2009

Der Streit um die Pfarrkirche Tam Toa in der vietnamesischen Stadt Dong-Hoi hat zu einer massiven Protestaktion gläubiger Katholiken geführt.

Am vergangenen Sonntagmorgen versammelten sich insgesamt 500.000 Katholiken unter Führung von 170 Priestern und 420 Ordensfrauen an 19 Orten, um gegen das Vorgehen der Behörden zu protestieren. Es handelte sich um die größte kirchliche Kundgebung seit Jahrzehnten, berichtet "Kathpress". Die Regierung will die im Vietnamkrieg durch US-Bomben zerstörte Kirche Tam Toa (es steht nur mehr der Glockenturm und ein Teil der Fassade) zu einer Gedenkstätte "der US-Kriegsverbrechen" umfunktionieren, die Katholiken möchten das Gotteshaus wiederaufbauen und liturgisch nutzen.

Polizeiaktion mit Folgen

Am 20. Juli war es zu einer Polizeiaktion auf dem Gelände der einstigen Pfarrkirche gekommen, als rund 200 Katholiken ein Kreuz und einen provisorischen Altar errichteten. Die Miliz ging mit äußerster Härte unter Einsatz von Trängengas und Schlagstöcken gegen die Gläubigen vor; zwei Priester wurden krankenhausreif geschlagen. 18 Personen wurden festgenommen, sieben befinden sich noch immer in Haft. In kommunistischen Medien wurde den Katholiken "konterrevolutionäre Tätigkeit, Störung der öffentlichen Ordnung und Widerstand gegen die Staatsgewalt" vorgeworfen. Das bischöfliche Ordinariat der Diözese Vinh forderte das Milizkommando der Provinz Quang-Binh auf, die Festgenommenen sofort freizulassen, das beschlagnahmte Kreuz und die liturgischen Geräte herauszugeben und der Pfarrgemeinde eine Entschädigung zu zahlen.

Antwort am Sonntag

Die großen friedlichen Kundgebungen am Sonntag waren die Antwort auf die Polizeiaktion; die Teilnehmer forderten insbesondere die Freilassung der immer noch in Haft befindlichen Katholiken und die Einstellung aller Maßnahmen gegen den Wiederaufbau der Kirchenruine von Tam Toa. Zuvor hatte die Diözese Vinh in einem Kommunique festgestellt, dass die Katholiken von Tam Toa nicht gegen die Gesetze verstoßen hätten, als sie auf dem Kirchengrund Zelte, ein Kreuz und einen provisorischen Altar errichteten. Der Kirchengrund und die Ruine des Gotteshauses seien nach wie vor Eigentum der Pfarrgemeinde. Die Behörden sollten aufhören, die Wahrheit zu verdrehen, die Religion zu verleumden und Unfrieden zwischen Katholiken und Nichtkatholiken zu säen. Die Pfarre Tam Toa wurde 1631 begründet; das im Vietnamkrieg zerstörte Gotteshaus wurde 1887 errichtet. Es galt als eine der schönsten Kirchen Vietnams.

Religion.orf.at
 
Vietnamese Catholics protest clergy beatings, arrests of marchers
Catholic Review
01:33 31/07/2009
By Catholic News Service

WASHINGTON – Thousands of Catholics marched on Vietnamese streets July 26 to protest the beating of two Catholic priests and the detainment of seven Catholics after a violent police raid at a disputed church site.

In a series of coordinated marches throughout the Vinh Diocese, about 500,000 people gathered to demand the release of the seven marchers who were arrested July 20 at the site of Tam Toa, a parish destroyed by U.S. bombers during the Vietnam War, and to call for an end of police attacks on Catholics, according to news reports.

The seven Catholics were taken into custody after trying to erect a cross and other religious symbols at the ruins of the church, reports said.

The government maintains that the Tam Toa church is national property and was dedicated as a war memorial in the late 1990s.

Auxiliary Bishop Dominic M. Luong of the Diocese of Orange, Calif., the sister diocese of the Archdiocese of Hanoi in Vietnam, said the Vietnamese government never introduced such a law.

“They make the laws as they go along and suppress the people,” Bishop Luong, the only Vietnamese-born bishop in the U.S., said in an interview with Catholic News Service July 29. “It’s very unreasonable.”

News reports said the seven were involved in a scuffle with police and local residents before they were taken away.

Two priests were beaten July 26 in the central city of Dong Hoi, about 310 miles south of Hanoi, in the Vinh Diocese. Both were hospitalized in critical condition.

Reports said one priest, Father Paul Nguyen Dinh Phu, was traveling to a march at Tam Toa when he was attacked by police. The second, Father Peter Nguyen The Binh, pastor of a parish near Dong Hoi, was attacked hours later when he tried to visit his fellow cleric in the hospital. Reports said he was surrounded by a crowd, beaten and thrown from a second-floor window at the facility.

Elsewhere, reports said, more than 2,000 Catholics attended a prayer vigil July 27 at the Redemptorist monastery in Ho Chi Minh City to call attention to government persecution of the Catholic Church and its followers.

Bishop Luong said Vietnamese people worldwide have been holding prayer vigils and processions for the victims.

“All the Vietnamese are behind them - not only Catholics, but all the other denominations,” he said. “The only thing we have is to wait and pray and be patient.”

Jul 30, 2009
 
Priest defamed for saying Mass “exceeding quota”
Emily Nguyen
17:02 31/07/2009
Being put under domestic and international pressures, police in Dong Hoi, Vietnam temporarily have released 4 Catholics while state-run media have turned to their new target, the pastor of Tam Toa accusing him of “trampling on the laws of the country” and “inciting the faithful into illegal constructing a house on an Americans’ War Crimes Memorial Site”.

Father Vo Thanh Tam, secretary of the College of Priests of Vinh Diocese confirmed on Thursday night that 4 Catholics have been released temporarily while 3 others are still behind bars. “Criminal charges against them as announced by police on July 28 still stand, however”, the priest warned.

Mr. Nguyen Cong Ly, whose house had been frequently used by the faithful for liturgical services, was also released on Thursday. He immediately fled to Quang Trach 35km away from Dong Hoi for his safety. However, at 10 PM, police from Dong Hoi raided his home in Quang Trach and took him back to his home in the city where he is now under house arrest.

Fr. Le Thanh Hong, pastor of Tam Toa, who has been hunted by gangs acting on the police’s behest, has suffered a new wave of fierce attacks from state run media. The diocese of Vinh has expressed its growing concern for the safety of Fr. Hong as pro-government thugs have roamed the streets yelling anti-Catholic slogans suggesting his death.

The Saigon Liberated Newspaper on Wed. July 30, 2009 accused him of “trampling on the laws of the country” calling for severe punishments.

To prove its accusations against him having merit, the paper quoted the vice chairman of the People’s Committee of Dong Hoi city, Mr. Bui Xuan Ngau, who stated that “the city has not granted license for any Catholic parish in the area”, another way of denying the existence of Tam Toa parish.

The paper reported that “The People’s Committee of Dong Hoi city has done enough favor for the Catholics in the area by allowing worship services at the house of Mr. Tran Cong Ly [the paper misspelled his surname, it should be Nguyen Cong Ly], located at 54 Nguyen Du, Dong Hoi with the condition that no more than 70 people can attend each service.”

However, “For years, Le Thanh Hong has often trampled on the laws of the country by celebrating Mass exceeding quota. He has lured hundreds of people from other places into the area to attend his Sunday Mass,” the paper continued.

“Warnings from local government and reactions from local people for his violation have no effect on him,” the paper accused.

Furthermore, “Apart from saying Mass illegally, and violating the laws blatantly, he has also distorted the truth and put on the Internet distortional statements,” the paper accused him, calling for immediate and severe punishments.

As a matter of fact, the only alleged “crime” he seemed to commit is celebrating Mass exceeding the quota of 70 faithful set by Vietnam government who has repeatedly reiterated its rhetoric about human rights and freedom of worship. There are thousands Catholics in Dong Hoi but the local government has repeatedly denied their existence. That’s why it set the quota of 70 participants for each service.

Local authority of Dong Hoi has not been so shy about making known of their desire to transform Dong Hoi into a "No Catholic zone" just like in Son La and several other towns in the Central Highland of Vietnam when the existence of Catholics have been denied - even thousands of them actually living in the area. Vietnam government has kept bragging about its well established policy on freedom for religion in the world forum, yet on the other hand keeps banning Catholic pastoral cares in numerous areas of the country.

In a Western or democratic society, this type of news would be categorized as "News of the Weird" or become subject to ridicules and comedy but in Vietnam this is a regular scene, happening too often and too boldly in broad daylight. This has once again served as a clear and convincing evidence of government manipulation and interference with religious affairs.
 
Sotto pressione il governo vietnamita. Campagna stampa e violenze contro i preti
Asia-News
17:06 31/07/2009
Liberati 4 fedeli dei 7 che devono essere processati. Un altro è stato messo agli arresti domiciliari. Un prete è ricercato perché celebra messe a cui partecipano “troppi fedeli”, più del numero consentito: 70. Ma i fedeli sono alcune migliaia.

Hanoi (AsiaNews) – Il governo vietnamita ha rilasciato quattro dei sette cattolici che dovrebbero essere processati per “disturbo dell’ordine pubblico”, avendo issato una tenda per la preghiera davanti alle rovine della chiesa di Tam Toa (diocesi di Vinh). Solo tre giorni fa, il 28 luglio, il gen. Tu, del ministero della pubblica sicurezza, aveva annunciato alla stampa che i 7 avrebbero subito un processo. La temporanea liberazione dei 4 è considerata il frutto della pressione a cui le autorità sono sottoposte nel Paese e nella comunità internazionale. Il collegio dei presbiteri di Vinh ha promesso di continuare manifestazioni fino a che tutti i 7 non saranno liberati.

Il loro arresto è avvenuto il 20 luglio, in seguito a un raid della polizia davanti alle rovine della chiesa di Tam Toa, bombardata dagli americani durante la guerra del Vietnam. Il governo vuole mantenerla come memoriale dei crimini di guerra americani e forse costruirvi attorno una stazione turistica. I fedeli invece vogliono indietro la chiesa che è l’unica costruzione dei cattolici nella zona (v. AsiaNews 21/07/09 - Percosse e arresti per sacerdoti e fedeli nella storica chiesa di Tam Toa). Il raid della polizia contro i fedeli radunati sotto la tenda a pregare a Tam Toa ha causato il ferimento di almeno 100 persone.

Intanto il governo sta dirigendo la sua violenza contro i sacerdoti della zona, accusati di “disprezzo delle leggi del Paese” e di “incitamento dei fedeli a edificare costruzioni illegali” su un sito storico.

Nei giorni scorsi un prete è stato picchiato selvaggiamente; un altro è stato scaraventato dal secondo piano di un edificio ed è in coma (nella foto mentre è curato dai dottori).

La persona più colpita dalla campagna stampa è invece il parroco di Tam Toa, p. Le Thanh Hong, alla cui caccia sono sguinzagliati gruppi di teppisti al servizio della polizia. La diocesi di Vinh è preoccupata per la sua sicurezza perché i teppisti fanno ronde quotidiane gridando che vogliono la sua morte. P. Hong è scomparso da diversi giorni.

Un suo parrocchiano, Nguyen Cong Ly, la cui casa viene usata spesso per servizi liturgici, arrestato il 28 luglio scorso, è stato liberato ieri. Ma temendo per la sua sicurezza, egli è subito fuggito da Dong Hoi (dove abita) a Quang Trach. Ieri sera alle 22 la polizia lo ha prelevato da Quang Trach e lo ha riportato a Dong Hoi, mettendolo agli arresti domiciliari.

I giornali (tutti governativi) montano accuse false contro il sacerdote. Fra questi, vi è il Saigon Liberated che accusa p. Le Thanh Hong di esercitare in modo illegale il suo ministero. Il giornale cita il vice-presidente del Comitato del popolo di Dong Hoi, Bui Xuan Ngau, il quale afferma che “la città non ha mai dato alcuna licenza a nessuna parrocchia dell’area”. Nella zona di Dong Hoi vivono almeno 3 mila fedeli.

Il giornale riporta che “il Comitato del popolo di Dong Hoi ha fatto moti favori ai cattolici, permettendo loro di svolgere servcizi liturgici nella casa del sig. Tran Cong Ly [il giornale sbaglia il nome della persona: si tratta di Nguyen Cong Ly, ora agli arresti domiciliari – ndr]… a condizione che non vi siano più di 70 persone per ogni incontro”.

Con tutto ciò, nota il giornale statale, “per anni Le Thanh Hong [il parroco] ha spesso disprezzato la legge del Paese celebrando la messa anche con un numero maggiore. Egli ha attirato centinaia di persone da altre zone per farle partecipare alla messa domenicale”.

“Oltre a dire messa in modo illegale – continua il Saigon Liberated – egli ha anche distorto la verità e diffuso su internet dichiarazioni deviate”. Per questo il giornale chiede che le autorità lo arrestino e lo condannino a una pena severa.

Secondo informazione di AsiaNews, p. Le Thanh Hong non sa usare né computer, né internet.
 
Vietnam government under pressure for press campaign and violence against priests
Asia-News
17:07 31/07/2009
Four faithful out of seven are released. All of them are still waiting to be tried. Another one is under house arrest. A priest is wanted for celebrating Mass with too many faithful; the maximum number allowed is 70, but thousands attended his services.

Hanoi (AsiaNews) – The government of Vietnam has released four of seven Catholics. They are accused of “disturbing public order” when they set up a tent for praying in front of the ruins of the church in Tam Toa (Vinh diocese). Three days ago General Tu, from the Public Security Ministry, told the media that all seven would be tried. The temporary release of the seven is seen as the result of pressure by the international community against Vietnamese authorities.

The College of Priest in Vinh diocese said that it would continue its demonstrations until all seven are freed. The men were arrested on 20 July following a police raid at the site of the ruins of the Tam Toa church, bombed by the Americans during the Vietnam War.

The government wants to keep it as a memorial site of American War crimes, and perhaps build tourist facilities nearby. Local Catholics want the church back because it is the only place of worship they have (see “Beatings and arrests of priests and faithful in the historic church of Tam Toa”, AsiaNews 21 July 2009)

When police raided the tent about a hundred people were hurt whilst they were praying.

Angry at such defiance the government is turning against local priests, accusing them of “trampling on the laws of the country” and “inciting the faithful into the illegal constructing a house” on a historic site.

In recent days one priest was beaten and a second one was thrown from the second floor of a building and is now in coma (pictured under doctors’ care). But the main target is Fr Le Thanh Hong, parish priest in Tam Toa, who has been attacked in the press and hunted by gangs acting on behalf of police.

The diocese of Vinh is concerned for his safety because thugs have been roaming the streets calling for his death. But he is nowhere to be found.

A parishioner, Nguyen Cong Ly, who lent his home for liturgical services, was arrested on Tuesday and released yesterday. Fearing for his safety he fled Dong Hoi (where he lives) for Quang Trach, but was brought back by police last night and placed under house arrest.

Newspapers, which are under government control, have made false accusations against Fr Le Thanh Hong. For instance Saigon Liberated has accused the priest of unlawfully exercising his ministry. It quoted the deputy chairman of the People’s Committee of Dong Hoi City, Mr Bui Xuan Ngau, who said that “the city has not granted license for any Catholic parish in the area”. At least 3,000 Catholics live in the Dong Hoi area.

The paper reported that “the People’s Committee of Dong Hoi city has done enough favours for the Catholics in the area by allowing worship services at the house of Mr Tran Cong Ly (the paper got the surname wrong; it should be Nguyen Cong Ly) [.. . ] on condition that no more than 70 people can attend each service.”

“For years, Le Thanh Hong (the parish priest) has trampled on the laws of the country by celebrating Mass exceeding his quota. He has lured hundreds of people from other places into the area to attend his Sunday Mass,” the state-owned paper said.

“Apart from saying Mass illegally, and violating the laws blatantly, he has also distorted the truth and put on the Internet distorted statements,” Saigon Liberated added. For this reason the paper wants the authorities to arrest him and hand him a lengthy sentence.

According to information obtained by AsiaNews, Fr Le Thanh Hong does not know how to use a computer or the internet.
 
Stop the New Vietnam War: They're Attacking Catholic Priests!
Deacon Keith Fournier - Catholic Online
17:13 31/07/2009
There is a new “Vietnam War” underway. The enemies of life, freedom and true liberation are attacking Catholic priests in Vietnam!

HANOI (Catholic Online) – The news out of Vietnam demonstrates a reality which few acknowledge these days when we mistakenly think we have become so “enlightened”, the existence of evil. It demands immediate global responsive action. There is a new “Vietnam War” underway. The enemies of life, freedom and true liberation are attacking Catholic priests in Vietnam!

The leftover remnant of the discredited and inhuman ideology of Maoism is now turning its ire against what has always been its greatest enemy, the only true humanism, the Christian faith. The fullness of that Christian faith, with the only systematic social development of the implications of that new and true humanism which can inform a new social movement, is the Catholic faith. That is why the denizens of death and the carriers of such a discredited ideology as Marxism have decided to strike against the Catholic Church by striking its shepherds and trying to scatter the sheep. (Zech 13:7)

Old Marxists never die, they just recreate themselves. Claiming, as their founders did, that the new man (or new woman) can somehow be created through a Statist manipulation of the political and economic order, they keep morphing into new expressions and pushing their old lies. In an age which has become what Pope Benedict rightly labeled a “dictatorship of relativism”, rejecting all truth claims, they are finding traction once again.

Yet, in Vietnam, they have not changed all that much in their message or their means. Marxism, and its evil clone, the anti-life, anti-freedom and anti-human ideology of the cultural revolution of the former tyrant, the Chairman Mao Zedong, continue to enforce their agenda through State sponsored violence. Their greatest enemy is still the only champion of true freedom, the Catholic Church and the message which she proclaims of true human liberation in Jesus Christ.

There is a new Vietnam War breaking out. However, the world is paying little or no attention. The storm troopers of the inhuman ideology of Maoism are killing Catholic priests. You see, any Church that proclaims that the only way to a new humanity is through the life, death, resurrection and ascension of Jesus Christ, the New Man, who in his Sacred humanity reveals the new humanity and through his atoning death made it possible for all men and women to receive and live it by overcoming the separation caused by sin, is the still the greatest threat to the lies of the counterfeit ideology of atheistic Marxism and, its evil clone, Maoism.

Just recently, it was announced by the tyrant regime ruling Vietnam that seven Catholics who were wrongfully arrested after the illegal police action against the Catholics of the Church at Tam Toa will be prosecuted in a kangaroo court proceeding. They are being held without bail in a flagrant violation of not only the Natural law but clear and unquestionable mandates found in the international law. Asia news reports below that one of the priests, who was violently attacked while helping the faithful to pray for those wrongfully arrested, has, thank God, survived the brutal attack.

Where is the outrage in the international community? Where is the outrage in the United States of America? We ask our readers throughout the world to turn the tide. Pray for our persecuted brethren in Vietnam. Then, following the clear teaching of our Church, stand in solidarity with them and demand that they be afforded the full human rights that must be theirs in accordance with the Natural Law and the dictates of international law.

Our priests are being attacked! Let’s be honest, it is becoming a frequent reality. Yes, in the words of the great early Church historian Tertullian, “the blood of the martyrs is the seed of the church!” However, we must do everything within our power to stop this evil attack against them, and against the truth which alone can liberate all men and women, the message of the Gospel of Jesus Christ.

Over the last few years we have witnessed the growing hostility toward Christians as it reaches a global danger zone. Catholic Online is deeply concerned over the growing intolerance directed toward faithful Christians and, in particular, Catholics who have not and will not compromise on the heart of the Christian faith and their defense of the dignity of every human person against every kind of attack be it Marxist or Maoist ideology or the secular humanism and culture of death found increasingly in the decline of the West.

“Christianophobia” is a word coined by the Holy See to explain this growing anti-Christian sentiment in our age. It is spreading in the European community, in America and throughout the entire world. It is now showing its violent propensities in Vietnam. As an international news source we report on its effects regularly.

It’s most obvious and dangerous manifestation is found in the direct pogrom against Catholic Christians and their priests in Vietnam. We must do everything we can to bring it to an end. We must stop the new War in Vietnam!

Over the last few years we have witnessed the evil inflicted against Christians in Iraq, the anti-Christian hostility spreading throughout the entire Middle East, the attacks against Christians in Asia and, in particular, the deadly violence in India. We have seen this evil “Christianophobia” spread into countless other places through the less blatant but still insidious anti-Christian ideology fueling so much of the anti-life, anti-family and anti- freedom ideologies of the declining West.

Sadly, we did not rise up the way we could or should when our brethren were attacked in Iraq. Nor did we act when they killed our brethren in India! We have done little to truly expose the dangers faced by Christians in the land where Jesus walked. In short, we Christians have failed in our watch.

We have another chance now. Ironically it comes in the Nation which so many of us, particularly Americans, still remember with regret, no matter which “side” of the failed Vietnam War we stood on, the Nation of Vietnam. That was then and this is now. There is a new Vietnam War being waged. They are attacking Catholic priests and seeking to silence the voice of authentic liberation, the Catholic Church. We must not fail this time.

Rise up and defend our brethren in Vietnam. Stop the New War in Vietnam!
 
VIETNAM: Le pape Benoît XVI a nommé quatre nouveaux évêques au Vietnam
Eglises d'Asie
22:01 31/07/2009
Le 25 juillet dernier, le bureau de presse du Saint-Siège a annoncé la nomination par Benoît XVI de quatre nouveaux évêques pour l’Eglise du Vietnam. Deux d’entre eux étaient prêtres dans le diocèse de Xuân Lôc, les deux autres étaient déjà évêques auxiliaires, l’un dans le diocèse de Bui Chu, au nord, le second dans l’archidiocèse de Hô Chi Minh-Ville.

Le P. Joseph Nguyên Nang, qui était recteur du grand séminaire de Xuân Lôc, est nommé évêque de Phat Diêm, dans la partie nord du Vietnam, un diocèse renommé pour sa cathédrale aux colonnes en bois de fer, construite dans un style traditionnel. Comme le fait remarquer Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, jusque-là administrateur apostolique de Phat Diêm, dans une lettre où il annonce cette nouvelle, cette nomination était ardemment attendue: dans la matinée du 26 juillet, toutes les cloches des églises du diocèse l’ont bruyamment annoncée. Le nouvel évêque est originaire du diocèse où il est nommé. Venu au Sud avec sa famille en 1954, il a été formé à Saigon, puis au séminaire pontifical de Dalat dans les années 1970. Ordonné prêtre en 1990, il est envoyé à Rome où il obtient un doctorat en théologie. A son retour dans son diocèse, il s’occupe de la formation sacerdotale et est nommé recteur du grand séminaire lorsque celui-ci est ouvert en 2006. Il a choisi pour devise épiscopale « Communion et service » et sera consacré évêque le 8 septembre, pour la fête de Notre-Dame du Rosaire.

Le second prêtre de Xuân Lôc promu à l’épiscopat, le P. Thomas Vu Dinh Hiêu n’aura pas de long voyage à accomplir puisqu’il est nommé évêque auxiliaire dans son propre diocèse, un diocèse qui, avant sa récente division, abritait un million de fidèles. Lui aussi est originaire d’un diocèse du Nord, comme la majorité des catholiques de Xuân Lôc, venus sur les lieux avec l’exode de 1954. Il a également poursuivi ses études au séminaire pontifical de Da Lat, jusqu’ à sa fermeture en 1977. Il dut, ensuite, attendre jusqu’en 1999 pour être ordonné prêtre. Après son ordination, il poursuivra jusqu’en 2006 des études de théologie morale à l’Institut catholique de Toulouse. Lors de sa nomination épiscopale, il était secrétaire du diocèse.

Mgr Pierre Nguyên Van Dê, religieux salésien, évêque auxiliaire de Bui Chu et président de la Commission épiscopale pour les communications sociales, devient évêque de Thai Binh, où il succèdera à Mgr François-Xavier Nguyên Van Sang, âgé de 77 ans. Celui-ci, après avoir été évêque auxiliaire de Hanoi, est resté dix-neuf ans évêque de ce diocèse. Il y avait récemment fait élever une vaste et belle cathédrale.

Mgr Joseph Vu Duy Thông avait été nommé, il y a quelques années, évêque auxiliaire de Hô Chi Minh-Ville. Il est aujourd’hui nommé évêque de Phan Thiêt où il prend la succession de Mgr Paul Nguyên Thanh Hoan, âgé de 76 ans. Le nouvel évêque de Phan Thiêt est chargé de la Commission de la culture au sein de la Conférence épiscopale.

(Source: Eglises d'Asie, 31 juillet 2009)
 
Zusammenstöße zwischen Polizei und Katholiken in Vietnam (tiếng Đức)
Katholische-Sonntagszeitung
23:46 31/07/2009
In Vietnam sind bei einem Zusammenstoß mit der Polizei mindestens 14 Katholiken verhaftet worden. Sie gehörten zu einer Gruppe von mehr als 200 Personen, die in der Stadt Dong Hoi eine während des Vietnamkriegs zerstörte Kirche wieder aufbauen wollen, wie asiatische Medien am Donnerstag berichten.

Zu den Auseinandersetzungen mit der Polizei sei es gekommen, nachdem die Katholiken sich geweigert hätten, das auf dem Kirchengrundstück errichtete provisorische Gotteshaus auf Weisung der Behörden wieder abzureißen. Die Gemeindemitglieder hatten am Montag mit dem Bau einer provisorischen Kirche begonnen.

Über den genauen Verlauf der Auseinandersetzungen gibt es widersprüchliche Berichte. Auf der Webseite "Vietcatholic" heißt es, die Gewalt sei von der Polizei ausgegangen. Die Beamten hätten Knüppel und Tränengas eingesetzt. Staatliche vietnamesische Medien werfen dagegen den Katholiken vor, die Polizei mit Steinen beworfen und beschimpft zu haben.

Die Tam-Toa-Kirche in Dong Hoi war während des Krieges von US-amerikanischen Bomben zerstört worden. In den vergangenen Jahren ist es in Hanoi und anderen Teilen Vietnams immer wieder zu Konflikten zwischen Kirche und kommunistischer Regierung um die Rückgabe enteigneter Kirchengrundstücke gekommen. Vietnam ist nach den Philippinen das asiatische Land mit dem zweitgrößten katholischen Bevölkerungsanteil.

(Source: http://www.katholische-sonntagszeitung.de/index.php/sz/nachrichten/zusammenstoesse_zwischen_polizei_und_katholiken_in_vietnam)
 
Wietnam: wielki protest katolików przeciw działaniom komunistycznych władz (tiếng Ba Lan)
Piotrskarga
23:48 31/07/2009
Ponad pół miliona wietnamskich katolików protestowało wczoraj przeciw zakazowi odbudowy kościoła i próbom zagarnięcia przez władze ziemi należącej do Kościoła w miejscowości Tam Toa, na północ od byłej strefy zdemilitaryzowanej, oddzielającej niegdyś południową i północną część kraju.

W pokojowym proteście przeciw utrudnianiu przez policję sprawowania liturgii na miejscu kościoła zniszczonego przez Amerykanów podczas działań wojennych wzięło udział duchowieństwo i wierni diecezji Vinh w północno-zachodniej części kraju. Na budynku kurii biskupiej oraz na kościołach umieszczono plakaty z protestami wobec prześladowania wierzących. Kościół domaga się natychmiastowego uwolnienia siedmiu osób pobitych i aresztowanych przed tygodniem katolików.

Policja oskarżyła działaczy katolickich o przestępstwa kontrrewolucyjne, naruszenie polityki państwa wobec pomników amerykańskich zbrodni wojennych, zaburzenie ładu publicznego i zaatakowanie funkcjonariuszy na służbie. Lokalni aktywiści komunistyczni wezwali do „surowego ukarania” katolików żądających zwrotu własności skonfiskowanej przez rząd.

(Source: 2009-07-27 http://www.piotrskarga.pl/ps,3919,2,0,1,I,informacje.html)
 
Wietnam: władze komunistyczne koncentrują ataki na proboszczuz Tam Toa (tiếng Ba Lan)
Piotrskarga
23:49 31/07/2009
Komunistyczne władze Wietnamu zwolniły czterech z siedmiu katolików, którzy mieli być sądzeni za „naruszenie ładu publicznego”. Natomiast w państwowych mediach brutalnie zaatakowano proboszcza z Tam Toa, ks. Le Thanh Hong.

Zdaniem agencji AsiaNews zwolnienie czterech katolików jest rezultatem protestów zarówno wewnętrznych jak i napływających z zagranicy. Przypomniano, że jeszcze trzy dni temu minister bezpieczeństwa publicznego domagał się szybkiego procesu siedmiu katolików. Rada kapłańska diecezji Vinh obiecuje, że protesty społeczności katolickiej będą trwały, aż do uwolnienia wszystkich osób aresztowanych 20 lipca.

Przypomnijmy, że w pobliżu ruin kościoła Tam Toa doszło wówczas do zatrzymania co najmniej 100 osób. Domagały się one możliwości wybudowania choćby prowizorycznej świątyni na miejscu kościoła zbombardowanego przez Amerykanów podczas wojny wietnamskiej.

Wszystko wskazuje na to, że ostrze kampanii antykościelnej jest obecnie skierowane przeciw kapłanom. Są oni oskarżani o „lekceważenie prawa” oraz „zachęcanie wiernych do wznoszenia nielegalnych budowli na miejscu historycznym”.

Szczególnie znienawidzony przez partyjne media jest proboszcz z Tam Toa, ks. Le Thanh Hong. Poszukują go grupy policyjnych bojówkarzy. Diecezja Vinh niepokoi się o jego bezpieczeństwo. W niektórych gazetach pojawiły się informacje, że duszpasterz pełni swą posługę nielegalnie, gdyż pozwolono mu odprawiać Mszę św. w domu prywatnym dla grupy nie większej niż 70 osób. Tymczasem na niedzielną Eucharystię przybywało znacznie więcej ludzi. Prasa domaga się uwięzienia kapłana i wydania wysokiego wyroku.

(Source: http://www.piotrskarga.pl/ps,3948,2,0,1,I,informacje.html)
 
Wietnam: Dong Hoi ”strefą bez katolików”? (tiếng Ba Lan)
Piotrskarga
23:51 31/07/2009
Wobawie przed prześladowaniami katolicy uciekają z miasta Dong Hoi w środkowym Wietnamie. Policja i prorządowe bojówki biją tam i grożą śmiercią każdej osobie, która odważy się nosić chrześcijańskie symbole religijne – donosi agencja "AsiaNews”. 28 lipca doszło do kolejnych aresztowań wśród członków miejscowej parafii Tam Toa.

Tam Toa jest jedynym kościołem w liczącym ok. 103 tys. mieszkańców i położonym nad Morzem Południowochińskim Dong Hoi. Świątynię zbombardowali w 1968 r. Amerykanie. Mimo starań Kościoła na początku br. wietnamskie władze wydały zakaz jej odbudowy i zabroniły sprawowania Mszy św. w pobliżu ruin. Podjęły również usiłowania, by zagarnąć należący do parafii teren. Według niektórych doniesień, zniszczony kościół miałby stać się „pomnikiem wojennym”, według innych, na jego miejscu powstałaby baza turystyczna.

Przeciwko postępowaniu władz miasta katolicy w Dong Hoi protestowali 20 lipca. Demonstrantów brutalnie rozpędziła policja, co najmniej 20 osób zostało poturbowanych i uwięzionych. W geście sprzeciwu w 19 miastach diecezji Vinh przeszły 26 lipca marsze protestacyjne, wzięło w nich udział ogółem pół miliona wiernych. Mimo pokojowego charakteru tych demonstracji, w Dong Hoi nie ustały jednak prześladowania. Ofiarą brutalności policji padli m.in. dwaj kapłani, z których jeden jest w stanie krytycznym. Przedwczoraj aresztowano katolika, w którego domu często odprawiano nabożeństwa.

Tymczasem wietnamski rząd nie robi nic, by powstrzymać akty przemocy. Państwowe media zniekształcają dodatkowo informacje o zajściach i podsycają nienawiść do chrześcijan. Wzorując się na innych miejscowościach w regionie przedstawiciele władz Dong Hoi oznajmili, że chcą by miasto stało się strefą „bez katolików”. Z miasta uciekło już kilkaset katolickich rodzin.

Wwyrazie solidarności z katolikami z Dong Hoi w diecezji Vinh, Hanoi i Mieście Ho Chi Minha (dawnym Sajgonie) zgromadziły się na marszach i czuwaniach modlitewnych dziesiątki tysięcy ludzi.
 
Vietnam: Landesweiter Protest wegen Kirchenenteignung (tiếng Đức)
Radio Vatikan
23:52 31/07/2009
Der Streit um die Enteignung einer katholischen Kirchenruine im Norden des Landes hat eine Protestaktion im ganzen Land hervorgerufen. Zwei Priester wurden Berichten zufolge krankenhausreif geschlagen, gegen sieben Katholiken wurde Anklage erhoben, insgesamt 20 befinden sich in Haft. Die Regierung will die im Vietnamkrieg zerstörte Kirche zu einer Gedenkstätte umfunktionieren, die Katholiken möchten weiterhin Gottesdienste auf dem Gelände abhalten. - Wie asiatische Medien und Menschenrechtsorganisationen berichten, haben in der Stadt Dong Hoi Polizei und Milizen vergangene Woche Gläubige und Priester auf dem Kirchengelände angegriffen und verletzt.

Bei landesweiten Protestaktionen und Friedensgebeten versammelten sich daraufhin hunderttausende Christen und forderten die Rückgabe des Kircheneigentums und die Freilassung der Inhaftierten. Der Bischof der zuständigen Diözese Vinh klagte indes die lokalen Autoritäten an, die Wahrheit zu verschleiern und gegen das Gesetz zu verstoßen. Die Schmähkampagnen in den staatlichen Medien gegen die Kirche müssten beendet werden, so der Bischof. - Erst am vergangenen Freitag hatte die Regierung in Hanoi ein Treffen zwischen Staatsvertretern und Papst Benedikt XVI. angekündigt. Vietnam und der Heilige Stuhl planen weitere Gespräche zur Wiederaufnahme diplomatischer Beziehungen.

(Source: http://www.oecumene.radiovaticana.org/TED/Articolo.asp?c=305690)
 
Jagd auf Frauen und Kinder. Eskalation der Gewalt gegen Christen in Vietnam
Flensburg-online
23:54 31/07/2009
Vinh – Frankfurt am Main (28. Juli 2009) – Im Streit um die Enteignung einer Kircheruine, die nach dem Willen der vietnamesischen Regierung zu einer Kriegsgedenkstätte umfunktioniert werden soll, ist es zwischen dem 20. bis 27. Juli 2009 in der nordvietnamesischen Stadt Dong Hoi zu gewalttätigen Attacken von Polizei und Milizen gegen Gläubige und Priester gekommen.

Nachdem Gläubige versucht hatten, ein Zelt auf dem Kirchengelände aufzustellen, griffen Polizisten und Milizangehörige sie an, in dessen Verlauf nach Informationen der Internationalen Gesellschaft für Menschenrechte (IGFM) Kirchenbesucher, darunter Frauen, sogar Kinder und Priester, krankenhausreif geschlagen wurden.

Gegen sieben Personen wurden inzwischen Strafverfahren wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ eingeleitet. Die IGFM wirft den Behörden Dialogunfähigkeit auf und erinnert an die brutalen Maßnahmen gegen Christen in der Jahren 2007 und 2008 in Hanoi, die für die Rückgabe konfiszierter Kirchengrundstücke in der katholischen Gemeinde Thai Ha mit Massengebeten eingetreten waren.

Die IGFM fordert die vietnamesische Regierung auf, zur Deeskalation zurückzukehren, damit der Kirchenstreit nicht in eine Sackgasse wie in Hanoi führt. Ferner soll Vietnam das Recht auf friedliche Versammlung zum Gebet einhalten.

Streit um die Kirchenruine

Um die Kirchenruine Tam Toa in der Stadt Dong Hoi (Provinz Quang Binh) gibt es seit langem Streit zwischen Regierung und Kirche. Die Regierung will die Kirche im Zentrum der Stadt, die im bis 1975 dauernden Vietnamkrieg bis auf den Kirchenturm zerbombt wurde, zu einer Kriegsgedenkstätte machen.

Die Katholiken dagegen möchten auf dem dazugehörenden Kirchengelände weiterhin ihre Messen halten. Außerdem argumentieren sie, sei ihnen kein geeigneter Ersatzplatz in ihrer Nähe angeboten worden.

Als Katholiken am 20. Juli versuchten, ein großes Zelt mit Metallgerüst auf dem Gelände aufzubauen, stürmten plötzlich Hunderte Polizisten und Milizen das Gelände und schlugen mit Schlagstöcken und Eisenstangen auf sie ein. Es gab zahlreiche Verletzte, darunter auch Frauen und Kinder. Das Zelt und das Kruzifix wurden demontiert. 20 Katholiken wurden festgenommen. Gegen sieben, deren Namen am 23. Juli in der Polizeizeitung als Rädelsführer veröffentlicht wurden, wurden Strafverfahren wegen “Störung der öffentlichen Ordnung” eingeleitet.

Massengebet für die Rückgabe

In den darauffolgenden Tagen versammelten sich Hunderttausende Christen in ganz Vietnam und insbesondere in der Diözese Vinh und beteten friedlich für die Rückgabe des Kircheneigentums und die Freilassung ihrer Glaubensbrüder und -schwestern. Die Diözese Vinh wies am 24. Juli alle Vorwürfe der Provinzregierung zurück und forderte sie auf, die Schmähkampagne in den staatlichen Medien gegen die Kirche zu beenden.

Die Kirchenruine in Dong Hoi wurde inzwischen zur Pilgerstätte, obwohl die Polizei das Gelände streng bewacht. So kam es auch in den Folgetagen immer wieder zu Übergriffen, nicht nur von Milizen, sondern auch von uniformierten Kräften auf die Gebetsversammlungen.

Am 26. Juli wurden ca. 500 Katholiken, die sich zu einer Fürbitte versammelt hatten, von 3.000 Milizangehörigen angegriffen: Dabei wurden der Kirchenälteste, die Kirchenchorleiterin und ein Student ver-schleppt und an einem unbekannten Ort festgehalten. Nachdem einen Tag später rund 200 Katholiken aus dem Nachbarort, geleitet von fünf Priestern, der Zutritt zu der Kirchenruine verweigert worden war, versammelten sie sich zum Gebet auf dem Nachbargelände. Plötzlich schlugen “Sicherheitsleute” auf sie ein. Ein Dutzend Personen wurde dabei verletzt.

Priester Nguyen Dinh Phu wurde am Boden liegend gegen den Kopf getreten und dabei so verletzt, dass er ins Krankenhaus gebracht werden musste. Pfarrer Ngo The Binh, der den Priester im Krankenhaus besuchen wollte, wurde von einer Schlägertruppe angegriffen und stürzte schwer verletzt aus dem Fenster im zweiten Stock. Polizisten schauten dabei tatenlos zu.

Fehlende Dialogfähigkeit der vietnamesischen Regierung

Die vietnamesische Regierung wird zunehmend nervös, denn die Ereignisse in Dong Hoi ähneln nach Meinung der IGFM den Auseinandersetzungen in den Jahren 2007 und 2008 in Hanoi, in deren Verlauf die Hanoier Regierung ihre Dialogunfähigkeit zeigte und brutale Gewalt gegen friedliche Gläubige einsetzte. Damals protestierten Tausende Redemptoristen und katholische Christen in einer Dauermahnwache und mit Prozessionen für die Rückgabe von Kirchengelände und Religionsfreiheit.

Bei dem späteren Großeinsatz von Polizei und Milizen wurde unangemessene Gewalt gegen die Gläubigen, aber auch gegen westliche Journalisten eingesetzt. (siehe IGFM-Dokumentation: Kampf der katholischen Gemeinde Thai Ha um die Rückgabe konfiszierter Kirchengrundstücke – Der gescheiterte Dialog).

(Source: http://www.flensburg-online.de/blog/2009-07/jagd-auf-frauen-und-kinder-eskalation-der-gewalt-gegen-christen-in-vietnam.html)
 
Christenverfolgung in Vietnam (tiếng Đức)
Pi-News.net
23:57 31/07/2009
Vietnam ist eher als aufstrebendes Reiseland in den Schlagzeilen. Wer schon mal dort war, kann von der Freundlichkeit der Menschen, dem alltäglichen Chaos auf den Strassen und den Schönheiten der Natur und den jahrtausendealten Kulturen in diesem Land berichten. Weniger bekannt ist die Unterdrückung der Kirchen, speziell der Katholiken in Vietnam.

Auf Open Doors fanden wir folgende Zusammenfassung:

Vietnam ist eines der letzten von Kommunisten regierten Ländern der Welt. Obwohl Religionsfreiheit in der Verfassung verankert ist, versucht die Regierung religiöses Leben mit einem System obligatorischer Registrierung unter Kontrolle zu halten. Viele Christen entgehen diesem System, indem sie sich nicht registrieren lassen. Religiöse Würdenträger müssen sich staatlich registrieren lassen und dürfen ihr Amt nur im Rahmen ihrer Gemeinde ausüben. Den Staat oder die Gesellschaft gefährdende religiöse Aktivitäten können -teils willkürlich- verboten werden.

Schlimme Verfolgungen erleben die Christen aus den ethnischen Minderheiten auf dem Land bzw. dem zentralen Bergland (so genannte Montagnards). Von Zeit zu Zeit – besonders vor großen christlichen Feiertagen – führt die vietnamesische Regierung Kampagnen im Hochland durch, durchsucht Häuser, verhört Gemeindemitglieder, stellt Christen unter Hausarrest, schließt Kirchen und brennt die Häuser von Gemeindemitarbeitern nieder. Die Regierung versucht, die ethnischen Minderheiten vom Rest des Volkes abzuschirmen.

Im November 2004 traten in Vietnam neue Vorschriften zur Religionsausübung in Kraft getreten, die leichte Verbesserungen für Christen brachte. Staatlich anerkannte Gemeinden durften Kirchengebäude errichten oder renovieren und Schulungen abhalten. Für römisch-katholische Christen verbesserte sich die Lage stark. Ihnen wurde gestattet, eine neue Diözese einzurichten und Priester zu weihen.

Im Jahr 2006 nahm das US-Außenministerium Vietnam von seiner Liste der „besonders Besorgnis erregenden Staaten“ bezüglich der Religionsfreiheit. Wenngleich sich die Situation für Christen staatlich registrierter Gemeinden in größeren Städten verbessert hat, gibt es für Christen aus den ethnischen Minderheiten kaum Verbesserungen. Willkürliche Verhaftungen, Drangsalierung und Geldstrafen sind weiterhin an der Tagesordnung. Schätzungsweise nur ein Drittel der protestantischen Christen in Vietnam besitzen eine Bibel. Die sozialistische Regierung erlaubt nur solche mit dem Stempel der staatlichen Druckerei, alle anderen sind verboten

Der katholische Informationsdienst kath.net beschreibt Zwischenfälle aus der jüngeren Zeit, im speziellen die Bemühungen der kommunistischen Regierung, eine bisher als Kirche genutzte Kirchruine (siehe Foto) in eine Heldengedenkstätte umzuwandeln.

Um die Kirchenruine Tam Toa in der Stadt Dong Hoi (Provinz Quang Binh) gibt es seit langem Streit zwischen Regierung und Kirche. Die Regierung will die Kirche im Zentrum der Stadt, die im bis 1975 dauernden Vietnamkrieg bis auf den Kirchenturm zerbombt wurde, zu einer Kriegsgedenkstätte machen. Die Katholiken dagegen möchten auf dem dazugehörenden Kirchengelände weiterhin ihre Messen halten. Außerdem argumentieren sie, sei ihnen kein geeigneter Ersatzplatz in ihrer Nähe angeboten worden.

Von staatlicher Seite werden alle Register der Macht gezogen. Priester und Gemeindemitglieder werden verprügelt, verhaftet und verschwinden.

(Source: http://www.pi-news.net/2009/07/christenverfolgung-in-vietnam/)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội giới trẻ huynh đoàn Đaminh tại giáo phận Bắc Ninh
Nguyễn Xuân Trường
00:27 31/07/2009
BẮC NINH - Từ ngày 28 - 30.7.2009, đại hội giới trẻ huynh đoàn Đaminh lần thứ hai đã diễn ra tại giáo xứ Đại Từ, giáo phận Bắc Ninh. Có 646 bạn trẻ từ nhiều giáo xứ về tham dự. Đại hội được tổ chức nhắm mục đích tạo cơ hội đặc biệt cho các bạn trẻ giao lưu gặp gỡ nhau và học hỏi tinh thần dòng Đaminh. Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt và cha phụ trách huynh đoàn giáo dân Đaminh Bắc Ninh Đaminh Nguyễn Văn Kinh đã tới tham dự Đại hội. Cũng nên biết rằng giáo phận Bắc Ninh có khoảng 8,000 hội viên huynh đoàn giáo dân Đaminh.

Xem hình ảnh

Khi gặp gỡ các bạn trẻ, đức cha và cha phụ trách đã rất vui mừng thấy đông đảo các bạn trẻ là con cháu của những ông bà Dòng Ba Đaminh tới tham dự Đại hội, đúng là: Tre già măng mọc; Con khôn hơn cha là nhà có phúc. Đức cha nói các bạn trẻ là niềm hi vọng của gia đình, của giáo xứ cũng như của giáo phận. Ngài đã nhiệt tình đồng hành cùng các bạn trẻ qua những hoạt động của Đại hội như: Lửa trại, thăm các trại, cầu nguyện Taize, văn nghệ, ăn cơm, dâng lễ…

Đức cha đã chủ tế thánh lễ bế mạc. Cùng đồng tế có cha phụ trách, cha xứ Đại từ và một vài cha xứ khác. Hai thày phó tế dòng Đaminh là Phêrô Nguyễn Văn Thủy và Cosma Hoàng Văn Quốc thi hành sứ vụ phục vụ bàn thờ.

Đầu lễ, khi đức cha hỏi các bạn trẻ có vui, có mệt không? Các em đã đồng thanh trả lời chỉ thấy vui chứ không thấy mệt. Đức cha lí giải vì vui quá nên các bạn quên mệt. Và có được niềm vui ấy là do tình thương của Chúa thực hiện qua bao người đã bỏ nhiều công sức, thời giờ, tài chính… để lo tổ chức Đại hội cho các bạn. Thế nên, tâm tình thích hợp nhất trong thánh lễ là tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho những người đã giúp đỡ tổ chức Đại hội.

Trong bài giảng, đức cha dùng nhiều ngôn ngữ đàm thoại, hình tượng và cử chỉ để chia sẻ với cộng đoàn. Đức cha khéo léo so sánh 12 trại của các bạn trẻ Đaminh với 12 chi tộc Do thái xưa. Dân Do thái xưa đã ở trong lều hội ngộ, đã đi theo đám mây dẫn đường để tiến về đất hứa, thì nay các bạn trẻ Đaminh cũng ở trong lều hội ngộ là chính Chúa Giêsu, theo mây dẫn đường là Chúa Thánh Thần để tiến về Quê Trời. Các bạn cùng đi với Chúa Giêsu và dưới sự dẫn dắt của Thần Khí Thiên Chúa thì chắc chắn các bạn sẽ tiến đến Quê Trời. Lúc này, các bạn chỉ có 3 ngày Đại hội, còn trên Quê Trời thì ngày nào cũng là ngày vui Đại hội, một niềm vui sướng vĩnh cửu.

Kết lễ, đức cha yêu cầu các bạn cầu nguyện nhắm tới 3 ý hướng: (1)cầu nguyện cho cha xứ và giáo xứ Đại Từ mau hoàn thành ngôi thánh đường đang xây dựng; (2)cầu nguyện cho các linh mục trên toàn thế giới, đặc biệt là các linh mục trong giáo phận Bắc Ninh trong năm thánh linh mục và (3)cầu nguyện cho những nơi, những người chịu đau khổ vì đạo Chúa, đặc biệt là giáo xứ Tam Tòa, giáo phận Vinh.

Đại hội là quãng thời gian những ngày đặc biệt làm cháy sáng hơn, ấm nóng hơn, mãnh liệt hơn ngọn lửa tin yêu nơi mỗi bạn trẻ Đaminh. Mong sao chủ đề của Đại hội “Giêsu, tôi yêu Người” luôn là lẽ sống cho các bạn trong cuộc đời.
 
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ về thăm giáo phận Thái Bình
Trường Giang
18:46 31/07/2009
THÁI BÌNH - Sáng nay, thứ Năm (30/7/2009), Đức tân giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Đệ tới thăm và làm việc với các linh mục trong ban tư vấn giáo phận Thái Bình, tại phòng khách tòa giám mục.

Xem hình ảnh

Kể từ ngày được Tòa bổ nhiệm làm chủ chăn giáo phận Thái Bình, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài trong cương vị mới. Trước khi họp bàn công việc cụ thể cho những ngày trọng đại sắp tới của giáo phận, cha Đaminh Đặng Văn Cầu - Tổng đại diện giáo phận Thái Bình giới thiệu các cha trong ban tư vấn của giáo phận, kế đến cha bày tỏ lòng biết ơn Đức cha đã dành cho ban tư vấn có buổi gặp gỡ tình cha con một nhà giáo phận thân thiện hôm nay. Kế đến, Đức tân giám mục ngỏ lời, ngài nói, tôi thật bất ngờ khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm chủ chăn giáo phận Thái Bình, tiếp tục công việc của Đức cha Phanxico Xavie, tôi không biết gì hơn là chỉ biết vâng lời và đón nhận. Đồng thời ngài hứa sẽ đem hết tâm sức của mình để phục vụ và chăm lo cho giáo phận. Trong cuộc họp, vấn đề đầu tiên Đức cha nói tới là Đức cha vẫn giữ nguyên vai trò của các cha trong ban tư vấn giáo phận, mong các cha cộng tác cách đắc lực với Đức cha, để làm việc cho giáo phận trong thời gian này. Đức cha đưa ra chương trình cụ thể về mấy ngày lễ gần đây trong giáo phận, để các cha bàn bạc cách chi tiết, tổ chức sao cho chu đáo và tốt đẹp. Các cha đưa ra những kinh nghiệm tổ chức các cuộc lễ trước, những mặt tích cực cũng như hạn chế cần khắc phục. Kết thúc buổi họp, Đức tân giám mục được cha tổng quản lý giáo phận dẫn đi thăm khu vực Tòa giám mục và nhà thờ chính tòa, một ngôi thánh đường nguy nga mới hoàn thành cách đây không lâu.

14h30 cùng ngày, Đức tân giám mục ghé thăm hội dòng nữ Đaminh Thái Bình. Tại đây cả hội dòng hân hoan chào đón Đức cha cách nồng nhiệt đằm thắm. Sơ bề trên đã giới thiệu với vị cha chung tổng quát về hội dòng, về các thành viên và đường hướng hoạt động của hội dòng trong những ngày tới. Được biết, ngày 05/8/2009 hội dòng sẽ tổ chức lễ khấn trọn đời cho 3 nữ tu, và khấn lần đầu cho 10 chị em, tại thánh đường giáo xứ Cát Đàm.

Sau cùng, Đức tân giám mục đi thăm toàn bộ khu vực chủng viện Thánh Tâm. Kết thúc ngày đầu tiên thăm Thái Bình trong vai trò mới, Đức cha trên đường trở về giáo phận Bùi Chu hoàn tất những công việc còn lại, để sớm về với Thái Bình mến yêu.
 
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ về thăm giáo phận Thái Bình
Trường Giang
19:34 31/07/2009
THÁI BÌNH - Sáng nay, thứ Năm (30/7/2009), Đức tân giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Đệ tới thăm và làm việc với các linh mục trong ban tư vấn giáo phận Thái Bình, tại phòng khách tòa giám mục.

Xem hình ảnh

Kể từ ngày được Tòa bổ nhiệm làm chủ chăn giáo phận Thái Bình, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài trong cương vị mới. Trước khi họp bàn công việc cụ thể cho những ngày trọng đại sắp tới của giáo phận, cha Đaminh Đặng Văn Cầu - Tổng đại diện giáo phận Thái Bình giới thiệu các cha trong ban tư vấn của giáo phận, kế đến cha bày tỏ lòng biết ơn Đức cha đã dành cho ban tư vấn có buổi gặp gỡ tình cha con một nhà giáo phận thân thiện hôm nay. Kế đến, Đức tân giám mục ngỏ lời, ngài nói, tôi thật bất ngờ khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm chủ chăn giáo phận Thái Bình, tiếp tục công việc của Đức cha Phanxico Xavie, tôi không biết gì hơn là chỉ biết vâng lời và đón nhận. Đồng thời ngài hứa sẽ đem hết tâm sức của mình để phục vụ và chăm lo cho giáo phận. Trong cuộc họp, vấn đề đầu tiên Đức cha nói tới là Đức cha vẫn giữ nguyên vai trò của các cha trong ban tư vấn giáo phận, mong các cha cộng tác cách đắc lực với Đức cha, để làm việc cho giáo phận trong thời gian này. Đức cha đưa ra chương trình cụ thể về mấy ngày lễ gần đây trong giáo phận, để các cha bàn bạc cách chi tiết, tổ chức sao cho chu đáo và tốt đẹp. Các cha đưa ra những kinh nghiệm tổ chức các cuộc lễ trước, những mặt tích cực cũng như hạn chế cần khắc phục. Kết thúc buổi họp, Đức tân giám mục được cha tổng quản lý giáo phận dẫn đi thăm khu vực Tòa giám mục và nhà thờ chính tòa, một ngôi thánh đường nguy nga mới hoàn thành cách đây không lâu.

14h30 cùng ngày, Đức tân giám mục ghé thăm hội dòng nữ Đaminh Thái Bình. Tại đây cả hội dòng hân hoan chào đón Đức cha cách nồng nhiệt đằm thắm. Sơ bề trên đã giới thiệu với vị cha chung tổng quát về hội dòng, về các thành viên và đường hướng hoạt động của hội dòng trong những ngày tới. Được biết, ngày 05/8/2009 hội dòng sẽ tổ chức lễ khấn trọn đời cho 3 nữ tu, và khấn lần đầu cho 10 chị em, tại thánh đường giáo xứ Cát Đàm.

Sau cùng, Đức tân giám mục đi thăm toàn bộ khu vực chủng viện Thánh Tâm. Kết thúc ngày đầu tiên thăm Thái Bình trong vai trò mới, Đức cha trên đường trở về giáo phận Bùi Chu hoàn tất những công việc còn lại, để sớm về với Thái Bình mến yêu.
 
Những niềm vui mới tại giáo xứ Tân Thái Sơn, Saigòn
Kẽ Gai
22:30 31/07/2009
SAIGÒN - Sáng ngày 30/7/2009, giáo xứ Tân Thái Sơn, hạt Tân Sơn Nhì, Sài Gòn đã vui mừng đón Đức hồng y GB. Phạm Minh Mẫn đến thăm mục vụ, ban phép Thêm Sức; và đặc biệt là cộng đoàn giáo xứ chúc mừng cha quản xứ được bổ nhiệm là cha chánh xứ và còn chào cha phụ tá Giuse Nguyễn Hoàng Thanh đến giúp mục vụ.

Xem hình ảnh

Quang cảnh nhà thờ và cách sắp xếp, tổ chức buổi lễ đã nói lên tại đây có một cộng đoàn dân Chúa đầy nhiệt thành.

Sau lời chào hỏi thân thiện của Đức hồng y với cộng đoàn dân Chúa, cha quản hạt đã đọc văn thư bổ nhiệm linh mục chánh xứ. Đã mười năm qua, cha Phêrô Nguyễn Quốc Túy, thuộc giáo phận Cần Thơ, sau nhiều năm đi cải tạo đã được đến đây giúp mục vụ, được làm quản xứ và nay chính thức trở thành cha chánh xứ. Tuy đã là người thân quen nhưng hôm nay cha tuyên xưng đức tin và có lời hứa trung thành với Giáo hội, người ta vẫn thấy một sự nóng bỏng nhiệt thành từ vị linh mục đã nỗ lực chung sức với cha Giuse Maria Đinh Cao Tùng, để giáo xứ có được ngôi thánh đường khang trang và đặc biệt là các đoàn thể nề nếp, hăng say đến bất ngờ. Bên cạnh niềm vui này, người ta còn có thể hiểu rằng: trên cánh đồng truyền giáo bất tận, giáo hội không có cơ chế cứng ngắc mà thường rộng mở, thênh thang cho bất cứ ai có lòng nhiệt thành.

Dù thường đến thăm các cộng đoàn giáo xứ và ban bí tích Thêm Sức nhưng đề tài Chúa Thánh Thần từ bài giảng của Đức Hồng y vẫn luôn mang làn gió mới, đầy hơi ấm của Thánh Thần qua những ý tưởng được chia sẻ:

- Thiên Chúa hằng biết chúng ta cần nhiều ơn và trong thực tế Chúa luôn gởi Thánh Thần để đổ tràn đầy tình yêu của Người cho chúng ta. Cuộc đời của chúng ta như bình sành dễ vỡ nên Chúa cũng ban ơn liên tục…

- Cơ thể của chúa nhiều có phần khác nhau, mỗi bộ phận đều sinh những lợi ích nhất định. Thí dụ, linh mục thì chăn dắt đoàn chiên Chúa; tu sĩ thì tiếp tục công việc chăm sóc dân Chúa nhất là với những người nghèo khổ bất hạnh; giáo dân thì thể hiện tình yêu chung thủy, bao dung kiên nhẫn trong gia đình, với xã hội, giáo hội. Ngoài ra, mỗi bậc sống còn có những nét riêng, sinh động trong từng con người. Bậc tu trì, hôn nhân hay độc thân mà Chúa Thánh Thần hằng được đổ vào lòng, đổ vào con tim mỗi người để biến đổi hành vi, thái độ, tư tưởng của chúng ta đối với Chúa...

- Chúa ban Thánh Thần, điều quan trọng là chúng ta có nhận hay không? Vậy thì điều kiện để đón nhận là phải khao khát và mở ra; đón nhận với ý thức, ý chí và cầu nguyện; từ đây mới nảy sinh ra một sức sống mới, một sức sống có đủ nguồn nước để vun tưới cho hạt giống Tin Mừng và chứa đựng tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa…

Việc ban bí tích Thêm Sức cũng diễn ra ba phần là xướng danh, tuyên xưng đức tin và xức dầu nhưng cách tổ chức ở đây khá lạ: các em đứng dọc theo lối đi giữa nhà thờ, Đức hồng y di chuyển theo hàng ngang đó mà đến với từng em; rất nghiêm trang, nhanh chóng và nhịp nhàng.

Thánh lễ kết thúc với lời cảm ơn, hoa, tiếng vỗ tay như trong các dịp lễ lạc. Có lẽ vui và thân thiện nhất là phần tiệc mừng có các mục văn nghệ đặc sắc do đoàn thể giáo xứ và một số ca sĩ Công giáo trình diễn. Trên khán đài nhỏ, cha chánh xứ nhận được khánh vàng do chính quyền địa phương phường Tân Quý quận Tân Phú trao tặng. Nhà thơ, MC Lê Đình Bảng trịnh trọng thông báo với mọi người về việc Đức Hồng y nhận được Huân chương và Chứng thư của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình. Nhiều cha và sơ có mặt đã lên khán đài hát chung bài Kinh Hòa Bình do chính tác giả là linh mục Kim Long đánh nhịp. Thật vui!

Giáo xứ Tân Thái Sơn đã dần thay da đổi thịt, không phải vì hoàn tất việc xây được ngôi nhà thờ to đẹp, đáp ứng sinh hoạt tôn giáo của 6.000 giáo dân mà thực sự đã biết sống yêu thương, hiệp nhất trong niềm tin từ khi giáo xứ được thành lập từ năm 1954 đến nay.
 
Giáo Lý viên miền Trung chia sẻ sống Đức Tin trong việc dạy giáo lý
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
22:34 31/07/2009
HUẾ, Việt Nam (31-7-2008)- Hơn 600 Giáo Lý viên trong năm hạt của giáo phận Huế, vừa gặp nhau tại trung tâm mục vụ Huế hôm 30-7 để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ đời sống Đức Tin trong việc cọng tác với các cha xứ dạy giáo lý tại địa phương.

Linh mục Têphanô Nguyễn Văn Đậu, trưởng ban giáo lý miền Trung, đến từ giáo phận Banmêthuột, thuyết trình về “Giá trị, sứ mệnh lớn lao của giáo lý viên”, ngài phân tích về hiện tình sống Đức Tin, Lịch sử truyền giáo, lời dạy Đức thánh cha về dấn thân để xây dựng xã hội công bằng, và niềm vui của người loan báo Tin Mừng.

Theo cha Đậu, các linh mục loan báo Tin Mừng bằng cách dạy giáo lý và các giáo lý viên dạy giáo lý là cách để loan báo Tin Mừng.

Trong hoàn cảnh đất nước có hơn 6 triệu người Công giáo chiếm gần 7% trong tổng số hơn 86 triệu người chưa biết Chúa KiTô, giáo lý viên ngày càng là bộ phận quan trọng của Giáo Hội.

Các giáo lý viên phần lớn là những tình nguyện viên học sinh từ lớp 11 đến những giáo dân trên 50 tuổi. Họ đã hy sinh những tháng hè nóng bức để tham gia các lớp đào tạo giáo lý tại giáo phận về Kinh Thánh, Lịch sử giáo hội, Luân Lý, Phụng vụ, Tâm lý, Trò chơi và các bài hát về giáo lý.

Linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Hoàng Hải, trưởng ban giáo lý giáo phận Huế phát biểu, các giáo lý viên sau khi đào tạo, họ được gửi về lại giáo xứ để cọng tác với cha xứ trong việc loan báo Tin Mừng.

Anh Giuse Phan Lệnh đến từ giáo xứ Cam Lộ, Quảng Trị một giáo xứ vùng sâu vùng xa kể rằng mỗi tuần các giáo lý viên phải hy sinh băng rừng từ 50-70 cây số, đến tận các thôn bản Cà Tu, Vân Kiều và Pa Cô để giúp đỡ giáo dân người dân tộc ít người, anh nói:” chúng tôi phải kiên trì nhiều năm để dạy họ hiểu thế nào là “Một Chúa Ba Ngôi”.

Người Dân tộc miền núi thường thờ các vị thần sông, thần núi, và các vị thần khác. Anh Lệnh cho biết, trước khi gia nhập đạo Công Giáo người Dân tộc khăng khăng:” miễn sao có Chúa là được rồi!”.

Anh Andre Tống Viết Hiếu, giáo xứ Ngọc Hồ, chia sẻ về Ơn gọi của giáo lý viên không phải là nghề nghiệp để làm việc vì được trả lương nhưng do niềm vui và lòng yêu mến Chúa. Trong khi đó, một chị ở giáo hạt Hương Phú phát biểu: “khi dạy về Chúa, người giáo lý viên phải xác tín bằng gương sáng của mình, chị chứng minh rằng Thánh Andre Phú Yên đã xác tín là ngài chết vì yêu Đức KiTô”.

“Giáo lý viên không chỉ là giáo dân nhưng còn là linh mục và giám mục”. Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, tổng giám mục Huế, phát biểu sau nghi thức trao sách Tân Ước và nến sáng lên đường cho giáo dân, ngài nhắn nhủ:” Các giáo lý viên cần gương sáng để giúp củng cố Đức Tin cho các em, và làm chứng nhân cho những người chưa biết Chúa”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Những "bổn cũ lừa đảo bỉ ổi" của csVN
Hà Long
00:57 31/07/2009
Tam Tòa đã trở thành đích bắn của cung tên báo chí thế giới trong vài ngày qua. Hơn nữa quốc hội Mỹ đặc biệt cũng hướng tầm mắt nhìn vào Tam Tòa. Cho dù Toàn thể hệ thống tuyền truyền báo chí, truyền thanh truyền hình của csVN đang mở hết công xuất tha hồ nói hươu nói cuội, vẽ rồng vẽ rắn, thêm một bớt mười cho thật đúng với bản chất xảo quyệt trí trá nguyên thủy của Các Mác, kể cả các bản tin Anh ngữ nhưng cũng chưa đủ để thế giới tự do tin cậy nhag nước VN.

Tờ Tiền Phong trí trá „khoảng hơn 200 giáo dân từ một số địa phương đã tụ tập và dựng nhà trái phép quanh khu vực di tích tháp chuông Tam Tòa (một chứng tích chiến tranh đã có quyết định công nhận)“. Đúng là bản chất của đảng cướp hoặc băng đảng Mafia chỉ cần với vài dòng chữ „một chứng tích chiến tranh đã có quyết định công nhận“ là có thể cướp trắng trợn tài sản của người dân, thử xem chính quyền Hà Nội ngang nhiên đến tòa soạn Tiền Phong với một quyết định như thế và chiếm đoạt tài sản của tòa báo thì họ phản ứng thế nào nhỉ?

Giảo quyệt hơn loài quỷ dữ như thế giới đã định nghĩa cho chủ nghĩa cs, cuối bài báo những tên bồi bút cộng sản lật lọng cộng thêm một chút hèn hạ „theo lề phải“ muốn dạy thêm giáo lý cho người công giáo: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu; không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng vui khi thấy sự ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, và hy vọng tất cả...”. Liền sau đó đám bồi bút đặt câu hỏi theo kiểu bọn cướp ngày: „Những lời răn tốt đẹp ấy của Chúa, cũng như giáo lý của đạo Phật hay Tin lành, đều giúp con người hướng thiện. Khi nhìn lại việc làm của các tín đồ (Tam Tòa) vào sáng 20/7 trên, nhất là hành vi chống đối của một số giáo dân, phải chăng họ đã quên lời răn của Chúa?“

Báo chí csVN từ bỏ lương tâm nghề nghiệp, chỉ vì hèn họ đành đánh mất liêm sỉ của chức năng người cầm bút.

LM Ngo The Binh
Bản mặt lừa đảo của người cộng sản thể hiện rõ ràng hơn ở Tam Tòa khi chúng ta nghe phỏng vấn của Gia Lâm, Đài Á Châu Tự Do với ông Trần Đình Dinh, Chủ Tịch UBND thành phố Đồng Hới, về tình hình Giáo xứ Tam Tòa. Khi được hỏi về hai linh mục Phaolô Nguyễn Đình Phú, giáo hạt Kỳ Anh, và Phêrô Ngô Thế Bính, giáo hạt Đồng Tróc, địa phận Vinh, bị đánh trọng thương tại thành phố Đồng Hới vào thứ hai 27 tháng 7, ông Dinh kể chuyện như trong thần thoại: „Hai người bị đánh đó là chúng tôi chạy ra thì người ta bảo đã đi đâu rồi. Hiện nay một số dân cũng không nhiều lắm - một số thanh niên quá khích đấy, trong khi đó một số giáo dân ở ngoài kia vào, thì ở trước Tam Tòa dùng những lời lăng mạ mà nói, cuối cùng là một số dân người ta không chịu được thì có đánh nhau một chút. Sau đó mươi lăm phút thì thôi, chỉ thế thôi. Hiện nay ở đấy đã diễn ra bình thường rồi, không có gì.“

Được tiếp tục hỏi dồn ông Dinh vẫn vô tư tránh trách nhiệm: „Hiện nay không có ai bị thương ở đây bao giờ đâu. Sau đó người ta chạy đi đâu rồi, không có đâu.“ Rồi ông ta lại tiếp tục trơn tru dối trá về các nạn nhân bị đánh gây thương tích cần điều trị: „Trạm xá chỉ có một người, nhưng mà người đó nghe nói đó không phải là linh mục. Có cái ông gì đấy…“

Hai luận điệu, báo Tiền Phong thêu dệt các chuyện hoang tưởng, còn ông Chủ Tịch UBND thành phố Đồng Hới làm việc với nhà báo Gia Lâm như vẫn đang sống lúc thời Mỹ ném bom tại Đồng Hới, trong một thời kỳ tin tức trong ngoài được csVN bưng bít kín mít trước người dân, như đã làm với dân Đồng Hới năm 1965. Tuyên truyền thời đó của cs quả thật mang rất nhiều hiệu quả cho bước tiến xâm chiếm miền Nam tự do. Nhưng thời nay, cám ơn tốc độ truyền tin Internet cả nước VN và thế giới nhìn rất rõ thông tin hai chiều để nhận ra sự thật của tin tức.

Như thế chẳng lạ gì với những thông tin nhạy bén về Tam Tòa, nhà báo Gary Feuerberg mới tường thuật chi tiết về tình hình tôn giáo, nhân quyền, tự do báo chí tại VN ngày 28-7-2009 trong tờ báo The Epoch Times Staff (http://www.theepochtimes.com/n2/content/view/20250/). Điểm quan trọng cho thấy ông Michael Cromartie, phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế và một số nghị viên Mỹ muốn đưa Việt Nam vào “danh sách quan tâm đặc biệt”, qua đó Hoa Kỳ được phép trừng phạt kinh kế để ép buộc csVN cải tổ về nhân quyền (Human rights organizations and some in the US Congress are now demanding that Vietnam be placed back on the list of "Country of Particular Concern" (CPC), which would allow the US to impose economic sanctions to pressure the regime to improve its human rights record).

Anh Truong Binh
Để nhìn vào vấn đề nóng bỏng đang diễn ra tại VN, Ủy Ban Nhân Quyền quốc tế họp mặt điều tra về tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam vào ngày 23-7-2009, rất cấp bách chỉ ngay sau 2 ngày csVN đàn áp, đánh đập gây thương tích cho giáo dân Tam Tòa. Ủy ban điều tra gồm có 9 Dân Biểu quốc hội Liên Bang: Chris Smith (R-NJ), Ed Royce (R-CA), James McGovern (D-MA), Anh "Joseph" Cao (R - LA), Dana Rohrabacher (R-CA), Loretta Sanchez (D-CA), Zoe Löfgren (D-CA), Frank Wolf (R-VA), und Joe Pitts (R-PA).

Bài báo cho biết một chi tiết thật quan trọng: “Sự giận dữ được cảm nhận trong cuộc bàn thảo tại tòa quốc hội khi các dân biểu đã thốt ra những lời nặng nề tố cáo VN về vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Các dân biểu này bực tức vì chính phủ Mỹ chưa sẵn sàng cứng rắn với VN. Họ nghi ngờ về những lời tuyên bố mới đây của ông Michael Michalak, đại sứ Mỹ tại VN cho rằng chưa đủ bằng chứng để đưa VN vào “danh sách quan tâm đặc biệt”. (The anger was palpable in the hearing room on Capitol Hill as the congress members vented harsh words for Vietnam's religious and labor policies, and most expressed frustration at the State Department's apparent unwillingness to get tough on Vietnam. And they were incredulous toward US Ambassador to Vietnam Michael Michalak's recent statement that there was a “lack of evidence” that Vietnam should be placed back on the CPC list).

Ba đề tài được người dân Hoa Kỳ để ý ở Việt Nam về “tự do tôn giáo”, về “buôn bán phụ nữ và trẻ em” (Three areas of concern that are being discussed are Vietnam's record on religious freedom, women and child trafficking, and labor organizing).

Quan trọng hơn khi đỉnh điểm Tam Tòa bùng nổ, sau đó được quốc hội Hoa Kỳ đặt thành vấn đề quan trọng ngay trong tuần lễ khi nhà nước csVN dùng bạo lực đàn áp và bắt giam giáo dân cầu nguyện an hòa, con số bị bắt là 18 người công giáo trong hai ngày tại tỉnh Quảng Bình được ông Cromartie nhắc đến. (“We saw this week that the government of Vietnam perceives even peaceful prayer vigils as challenges to its authority, requiring violence and arrests. As you know 18 Catholics were detained two days ago in Quang Binh Province,” said Cromartie.)

Nhà nước csVN đang đu dây với bạo lực và tù đày. Cơ quan báo chí lề phải đã bị phản tác dụng cho dù họ đã gia công dịch thuật qua Anh ngữ. Tầng lớp giáo dân Tam Tòa với đôi bàn tay trắng đang viết lên những trang sử hào hùng, những dòng chữ về công lý sự thật.

Những lời tường thuật nơi hiện trường và hình ảnh đàn áp được giáo dân Tam Tòa phổ biến làm thế giới quan tâm, giáo dân đưa tin còn mau chóng, nhạy bén hơn cả 700 tờ báo cộng sản được đặt dưới quyền một ông tổng biên tập độc tài. Thế giới tự do yêu chuộng hòa bình kính trọng sự đấu tranh ôn hòa của Tam Tòa cũng như luôn để ý đến giáo dân Tam Tòa và giáo phận Vinh, điển hình qua nhà báo Gary Feuerberg.

Việc của Tam Tòa cũng là việc của Thái Hà và giờ đây cũng là việc của những người yêu công lý sự thật tại quốc nội và toàn thế giới. Giáo dân Tam Tòa đang tiếp sức cho dân tộc Hoa Kỳ qua các vị đại biểu quốc hội thêm niềm tin chống lại bạo tàn cộng sản. Tam Toà không chỉ là nơi kể tội ác của đế quốc Mỹ trong nhiều năm qua, mà ngay bây giờ tháp chuông Tam Toà đã trở thành “di tích kể tội ác bạo tàn của cộng sản Việt Nam” đối với dân chúng của mình. Những vị dân biểu Hoa Kỳ đang dựa vào Tam Tòa để đấu tranh mạnh mẽ cho công việc này. Thái độ ngu xuẩn của cộng sản tỉnh Quảng Bình bỗng nhiên trở thành niềm hân hoan cho dân tộc Hoa Kỳ trong tiến trình hòa giải những vết thương sâu thẳm trong lòng dân của họ.

Tác giả Lạc Việt, dcctvn.net vừa đưa tin sốt dẻo, vừa tố cáo sự bỉ ổi, đểu giả của những người cộng sản VN tại Quảng Bình ngày 30-7-2009: “Cha Phạm Đình Phùng, Thư ký-Chánh Văn phòng TGM Vinh, cho biết hôm qua có một lãnh đạo cao cấp của tỉnh Quảng Bình cho biết chính quyền sẵn sàng thả tất các các giáo dân với điều kiện Toà Giám Mục làm giấy cam đoan các giáo dân kia không tái phạm. Đại diện Toà Giám Mục đã trả lời rằng: “Thứ nhất các giáo dân kia không phạm tội làm sao có chuyện tái phạm. Thứ hai: Ai dại dột và ai có thể đứng ra cam đoan được rằng kẻ khác không phạm tội”. Trước áp lực ngày càng lớn của dư luận những người yêu công lý và sự thật trong nước và quốc tế, hôm nay theo cha Chánh Văn phòng TGM Vinh cho biết chính quyền tỉnh Quảng Bình đã thả 4 giáo dân.”

Cũng trong bản tin có thể làm cho thế giới ghê tởm và tức giận bọn csVN, như các vị dân biểu Mỹ nêu trên đã làm: “… Chiều tối ngày 29/9 CA cũng đã thả tự do cho ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐMVGX, người đã cho giáo xứ dùng ngôi nhà mình đang ở làm chỗ tập trung cầu nguyện và dâng lễ thường xuyên trong những năm qua. Cha Lê Thanh Hồng, quản xứ Tam Toà, cho biết nhà chức trách địa phương cướp Thánh Giá công khai, nhưng lại trả lén lút! Tối hôm qua 29/7, CA chở ông Lý từ trại giam đến nơi giam giữ Thánh Giá và tượng Chuộc Tội. Bốn nhân viên công an đưa thánh giá và tượng Chúa lên xe đông lạnh, ép ông Lý lên xe đấy rồi chở tất cả về nhà ông Lý. Bốn người kia đưa thánh giá và tượng xuống và ép buộc ông Lý phải nhận.”

Hết ý với những thái độ ngu xuẩn như thế! Còn gì hèn nhát hơn bọn csVN tại Quảng Bình đang làm!

Những “bổn cũ lừa đảo bỉ ổi” của csVN tại Đồng Hới, Quảng Bình đang bị thế giới tự do mau chóng vạch mặt chỉ tên.
 
Một nhận định buồn
Hai Tôm Cần Giờ
01:25 31/07/2009
MỘT NHẬN ĐỊNH BUỒN !

Trả lời phỏng vấn riêng với trang báo điện tử VnExpress.net, giáo sư Tom Cannon - nhà hoạch định kinh tế nổi tiếng thế giới - không ngần ngại nói rằng: "Nhật Bản có Panasonic hay Sony, Hàn Quốc nổi tiếng vì Daewoo và Samsung. Nhưng không có bất kỳ thương hiệu nào tiêu biểu cho Việt Nam". Nghe câu trả lời này, Hai Tôm vốn đang đau đáu chuyện Tam Toà lại càng đau thêm cho nhận định xem ra là quá buồn ấy !

Ông cũng bộc bạch nhiều điều mà nếu ngẫm nghĩ xem ra đau lắm, nào là:

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Để khai thác thế mạnh và xây dựng thương hiệu về lĩnh vực này, cần phát triển nhiều loại thực phẩm mới, có giá trị vượt trội so với thế giới. Nếu như Italy nổi tiếng vì mỳ thì Việt Nam cũng cần đem lại tầm cao hơn cho gạo. Quy trình sản xuất hạt gạo Việt Nam vẫn không thay đổi nhiều so với trước 1975. Trong khi đó tại các nước khác, họ đã trồng lúa bằng phương pháp hiện đại, sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh sản xuất, việc tiếp thị hình ảnh, marketing, giới thiệu thương hiệu đến cộng đồng quốc tế cũng rất cần thiết.

Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ đến Sony hay Panasonic. Hàn Quốc nổi tiếng thế giới vì Daewoo hay Samsung. Nhưng nói đến Việt Nam, người ta không nhớ ra bất cứ thương hiệu nào. Đây là cả một câu chuyện dài và đòi hỏi một thời gian khá lâu mới có thể giải quyết. Xây dựng thương hiệu của riêng mình rất cần thiết. Thay vì cứ đi gia công sản xuất cho các hãng, cần có thương hiệu của riêng mình và sẽ không bị ảnh hưởng khi hãng chuyển nhà máy sang quốc gia khác. ..

Tom Cannon nói đúng ! Nhìn lại mấy chục năm qua, ai ai cũng biết rằng cái “anh Hàn Quốc” trước đây thua Việt Nam, phải đi đánh thuê nhưng nay họ ra sao ai cũng rõ. Hiện giờ, “anh Hàn Quốc”, “anh Nhật Bản” ra sao thì mọi người đã rõ !

(Nhớ lại một công dân Việt Nam được đi đây đi đó ước gì Việt Nam ta cũng được như các “anh Hàn Quốc”, “anh Nhật Bản” thì bị lên án, bị lăng mạ đầy trên các mặt báo. Công dân có lòng yêu nước thật sự ấy “được” loa phóng thanh lu loa ầm ĩ là còn xứng đáng là công dân Việt Nam hay không ???)

Mấy chục năm rồi mà không có thương hiệu là ấn tượng của Việt Nam thật.

Thật là đau lòng và cười ra nước mắt. Thương hiệu thì không có mà “tai hiệu” thì đầy ! “Tai hiệu” là có quá nhiều công trình để lại những “hiệu quả tai tiếng”.

Ở miền Bắc, làm sao người ta có thể quên được đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Điện Biên Phủ. Công trình chưa kịp cắt băng khánh thành thì đã có vết nứt, đã có vấn đề. Hầu như toàn bộ công trình đã hư hỏng nghiêm trọng. Phần kè chân tượng bị lún nứt, có chỗ bị nghiêng ra ngoài, một góc sân hành lễ bị sụp đổ. Các nhà thi công lý giải nguyên nhân sự cố là do làm tạm để phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên.

Tại nhà máy thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), Hội đồng nghiệm thu cho rằng có một số tồn tại về chất lượng như công tác khoan phụt xi măng chống thấm ở nền đập khu vực cửa nhận nước chưa đạt yêu cầu; xuất hiện vết nứt ở bê tông đầm lăn khối C2 đập không tràn.

Một nhà máy thủy điện khác, nhà máy thủy điện Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), tồn tại chủ yếu về chất lượng là việc rò rỉ nước từ đường ống áp lực vào gian máy.

Với nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng nghiệm thu đánh giá, trong quá trình vận hành thử nhà máy, còn một số vấn đề kỹ.

Rồi đến cầu sông Đuống: những vết nứt cầu sông Đuống đã làm cho người dân xanh mặt khi phải buộc đi qua nó mà mối nguy hiểm đang rình rập. Chiều tối ngày 4 tháng 5 vừa qua, nhịp dầm số 4 của cầu Đuống (thuộc địa phận phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) đã xảy ra sự cố lún nứt khiến hàng ngàn lượt người và phương tiện qua lại tại khu vực này lâm vào cảnh ùn tắc kéo dài từ Quốc lộ 5 tới đầu cầu Đuống.

Mới đây thôi, chất lượng hầm Kim Liên như thế nào thì mọi người đã rõ: Lúc 7 giờ sáng ngày 16/6, hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên được thông xe. Đây là công trình hầm cơ giới được coi là hiện đại nhất Hà Nội với đường dẫn dài 100 m, chiều rộng hầm 18,5m, chiều cao 6,25m. Ngoài đường hầm dành cho xe cơ giới còn có hầm dành cho người đi bộ gồm hai nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và Giải Phóng, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, tuy nen kỹ thuật...

Tuy vậy, cơn mưa bất ngờ đã làm hầm bị ngập nước nặng và phải đóng cửa ngay sau khi thông xe 1 giờ !?!?!?

Trở vào Nam thì cũng chẳng kém gì ! Có quá nhiều “tai hiệu” !

Người dân miền Nam, cách riêng dân ở thành phố Cần Thơ mỗi lần đi qua cầu Cần Thơ sẽ không thể nào quên được hình ảnh của hơn 50 con người đã bị dìm xuống nước và nhiều khối bê tông đè lên người trước lúc đi xa. 7 giờ 45 sáng 26 tháng 9 năm 2007, đường dẫn cầu Cần Thơ dài 90 m nặng hàng trăm tấn đã đổ sập, chôn vùi gần 200 công nhân đang thi công. Đã thống kê được hơn 50 người chết và gần 200 người bị thương.

Mới đây thì chất lượng cầu bắt qua sông Chợ Đệm như thế nào thì báo chí đã loan tin. 15 giờ 23 phút chiều 10/3/2009, tại công trình cầu chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đã xảy ra sự cố sập dầm bê tông nhịp số 9, làm 2 công nhân bị thương nặng, trong đó 1 người đã tử vong. Được biết, công trình cầu chợ Đệm được khởi công từ tháng 8 năm 2006, với chiều dài 500m. Nhưng đến thời điểm tháng 3 khi xảy ra sự cỗ cây cầu này vẫn chưa hoàn thành. Trước đó, trong tháng 12/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, bắt quả tang các đơn vị thi công và giám sát thông đồng nhau, không bơm vữa vào ống siêu âm trong các cọc khoan nhồi hạng mục cọc móng của công trình này. Theo tính toán của cơ quan điều tra, bằng phương thức "rút ruột" vật liệu sika thì với thiết kế 300 trụ cầu trong gói thầu của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thực hiện, đã gây thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Ở thành phố mang tên Bác thì làm sao người dân có thể quên được những “công trình nổi tiếng” như là cầu Bình Triệu hư lên hỏng xuống, đường Nguyễn Hữu Cảnh thì với cơn mưa nhỏ hạt thì đường phố bỗng thành sông, hầm Thủ Thiêm chưa kịp dìm xuống thì đã đầy vết nứt !

Trở về với vùng biển mặn Cần Giờ, người dân Cần Giờ sẽ mãi mãi không thể nào quên được “cây cầu hiệu” mang tên Dần Xây ! Có phải để đúng với cái tên của nó hay không mà người ta xây dần dần. Tiến độ thi công cây cầu xây dần dần ấy chậm đi vài năm trong đó bi đát nhất là chuyện hai bên đầu cầu xây phóng qua để gặp nhau giữa sông bị lệch tim hơn mét !

Nói đến cây cầu Dần Xây mà không nói đến con đường Rừng Sác, con đường Duyên Hải quả là một điều thiếu sót ! Chỉ cần phỏng vấn vài người dân Cần Giờ thôi thì họ sẽ cho cái cảm nghiệm ai oán như thế nào ? Không tin thì xin kính mời mọi người cứ đi về Cần Giờ sẽ thấy tận mắt chứ không phải thông tin lừa bịp. Có nhiều đoạn không phải là 2 tầng nữa mà là 3 tầng, đường đi Cần Giờ như thế nào thì chỉ có những ai đi mới có thể cảm thấu được.

Còn đó và còn đó qúa nhiều “tai hiệu” !

Trở lại với lời nhận định của Tom Cannon, Hai này buồn lắm ! Thế nhưng, buồn thì buồn vậy thôi chứ phận vẫn là một kẻ sống ở vùng biển mặn Cần Giờ có làm gì được cho ai ? Cái không làm gì được cho ai thì cũng thấy sợ, cũng thấy buồn nhưng cái buồn, cái sợ là khi nói ra sự thật sẽ đụng, sẽ chạm đến “ai đó” để rồi “ai đó” làm khó làm dễ cho những ngày còn lại của cuộc đời Hai Tôm.

Hai Tôm cũng không phủ nhận được tất cả những cố gắng, những thành quả của tất cả các vị lãnh đạo tài đức của đất nước nhưng nhìn vào thực trạng của cuộc sống thường ngày, nhìn vào những công trình đã, đang và sẽ xây dựng, lòng Hai Tôm cảm thấy nó làm sao ấy.

Thôi thì với thân phận nhỏ bé, Hai Tôm chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, cầu nguyện cho đất nước có những thương hiệu nổi tiếng để sánh vai với các nước bạn hơn.
 
Công lý cho Tam Tòa
Lê Dân Việt
17:16 31/07/2009
Nhìn cha bị đánh thấy mà thương
Giáo dân bị đập khắp nẻo đường
Du đảng… đánh chiên, lòng uất nghẹn
Bởi đảng dùng chúng, đánh hiền lương

Cha, chiên đau thương, lòng ấm ức
Tự hỏi xã hội, sao nhiễu nhương???
Chính quyền vì dân!!! Không nâng đỡ!!!?
Lại mượn du côn!!? Đánh tang thương!!!?

Đứng trước chiên khổ, đầy tai ương
Chỉ biết cầu xin Chúa Trời Cao
Nhìn xuống thương chiên đổ máu đào
Vô thần trấn áp chiên cùng cực

Bắt chiên lao lý, khổ xiết bao
Chiên xứ Tam Tòa, đã kêu gào!!!
Xin toàn Giáo Hội hãy giúp sức…
Cho công lý sống, được nâng cao.
 
Hiệp thông với Tam Tòa
Tuấn Lê
22:06 31/07/2009
Ai về Đồng Hới, Tam Tòa,
Dừng chân tôi gửi chút quà hiệp thông.

Nghe tin giông tố hãi hùng
Ập lên những mảnh đời không tội tình,
Xót xa như chính thân mình
Đau thương chịu những cực hình, hàm oan.
Tam Tòa ơi! Có biết chăng?
Máu rơi bên đó, lệ chan bên này.
Kinh chiều dâng khói hương bay,
Rưng rưng tôi chấp đôi tay nguyện cầu.
Nguyện cầu Thánh Đức cao sâu,
Ủi an những nỗi khổ đau, đọa đày.
Cầu mong máu lệ hôm nay
Sẽ nên sức mạnh đổi thay lòng người.
Con tim độc ác sần chai
Sẽ nên mềm mại tràn đầy yêu thương.
Bàn tay tham thố bất lương,
Sẽ nên rộng lượng đỡ nâng đồng bào.

Tam Tòa ơi! Hãy ngẩng cao,
Xứng danh giòng máu anh hào Đức Tin.
 
Quyền lực trước Sức mạnh của lòng dân
Kẻ Gai
22:14 31/07/2009
Ngày “cầu nguyện lịch sử của giáo phận Vinh” cho giáo dân giáo xứ Tam Tòa bị nhà cầm quyền Quảng Bình bách hại tàn khốc mà công luận cho là cuộc biểu tình chống bất công của giáo phận Vinh, đã làm cho nhiều người liên tưởng đến sự hòa hùng của một phong trào cách mạng trên mảnh đất vốn có truyền thống yêu nước, thương nòi, Nghệ Tĩnh.

Lam lũ, cần cù, hiếu học, không sợ khó, không sợ khổ, bất khuất, kiên cường, yêu cái thiện, ghét cái ác đã là bản chất vốn có của người dân xứ Nghệ. Chính cái“Chất Nghệ”này đã làm cho biết bao kẻ giả dối sợ hãi để mắt canh chừng.

Chuyện xảy ra ở Tam Tòa, tỉnh Quảng Bình đã gây nên một sự căm phẫn sục sôi trong lòng người xứ Nghệ, cả lương lẫn giáo vì người dân xứ Nghệ vốn yêu cái thiện, ghét cái ác. Họ không chịu ngồi yên an phận trước bất công lan tràn khắp nơi, nổi cộm là ở Tam Tòa, Quảng Bình.

Cuộc biểu tình đồng loạt sáng ngày 26-07 trên khắp xứ Nghệ, phản đối bất công, bạo lực hung tàn mà nhà cầm quyền Quảng Bình suy đồi về đạo lý, yếu kém về khả năng lãnh đạo đã gây nên cho trẻ em, phụ nữ, người già, giáo dân giáo xứ Tam Tòa là một bức thông điệp gửi cho mọi người có lương tri trên toàn thế giới thấy “Chất Nghệ” nơi người xứ Nghệ vẫn tươi nguyên.

Bức thông điệp này ngay lập tức được cả thế giới lưu ý và đưa lên công luận. Nhiều báo đài quốc tế đưa tin rầm rộ làm cho quyền lực Cộng Sản phải run sợ trước sức mạnh của lòng dân. Hơn ai hết, nhà cầm quyền Cộng Sản hiểu rất rõ câu châm ngôn “dễ vạn lần không dân cũng khó, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nên càng run sợ hơn.

Sự sợ hãi đó của nhà cầm quyền bộc lộ ở những việc sử dụng bọn côn đồ để đánh đập, đàn áp, bắt bớ nhân dân. Tự biến mình thành trùm Mafia, vì Mafia lâu nay vẫn cứ điều hành công việc như thế. Rúc ở trong bóng tối vì không dám lộ dạng dưới ánh mặt trời. Đẹp mặt thay cho những “đầy tớ của nhân dân”! Và nữa, những cuộc tập trận quân sự, chuẩn bị lực lượng “Công An Nhân Dân”, “Quân Đội Nhân Dân” để đàn áp, sách nhiễu, “ngăn sông cấm chợ’, uy hiếp những người nhân lương thiện không một tấc sắt trong tay. Không sợ sao lại hành động trẻ con thế!?

Tuy nhiên, với những việc đại sự liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc như đất đai, hải đảo, tài nguyên khoáng sản, văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là thể diện của một dân tộc anh hùng thì lại “đi đêm” cho đàn anh Trung Cộng với ngụy biện “chủ trương lớn của Đảng”, bất chấp cả những góp ý tâm huyết của những cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử trong khói lửa chiến tranh, của những trí thức yêu nước thương nòi, có tầm nhìn. Chủ trương gì? Biến đất nước, con người Việt Nam thành nón hàng trao tay hay sao?! “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày” chưa đủ nhục hay sao hỡi những nhà cầm quyền! Có lẽ phải nên nhắc lại câu của ai đó đã nói khi nhìn thấy thực trạng đáng buồn của đất nước: “Hỡi Thăng long ngàn năm văn hiến Tổ quốc bao giờ nhục thế này chăng!”
 
Tam Tòa Quê Tôi
Đinh văn Tiến Hùng
22:49 31/07/2009
Tam Toà bên ấy quê tôi,
Ai về xin gửi ngàn lời nhớ thương,
Muôn trùng cách biệt Quê hương,
Hồn tôi trĩu nặng tha phương mối sầu.

Tam Toà xóm đạo quê xưa,
Người dân nhẫn nhục,nắng mưa nhọc nhằn,
Chiến tranh tàn phá bao lần,
Giáo đường nghiêng đổ,chuông ngân không còn.
Cầy lên sỏi đã cũng mòn,
Nhưng lòng son sắt chứa chan bao tình,
Sớm hôm vang tiếng cầu kinh,
Bình yên thôn xóm,hoà bình Quê hương.
Ước mơ nhỏ bé tâm thường,
Cũng không đi hết đoạn muốn theo.
Tai ương trùm phủ xóm nghèo,
Qủi vương xuất hiện rắc reo hận thù,
Tiếng kêu vang dội quê xưa,
Côn đò đàn áp không chừa một ai,
Trẻ già,tu sĩ,gái trai,
Thân đầy thương tích,máu lai láng trào.
Linh Mục chăn dắt chiên lành,
Soi lang vây hãm sao đành bỏ rơi,
Hiên ngang công lý dẫn đầu,
Mặc cho mặt ngựa đầu trâu hiện hình.
Côn đồ vỗ ngực la inh:
“Phản động làm loạn,còn trình với thưa,
Bọn này ngoan cố khó ưa,
Đánh cho câm miệng,hết thưa với trình!"
Qủi ma một bọn giả hình,
Giấu tay ném đá ‘,người khinh đồ hèn!
Trò xưa diễn mãi đã quen,
Hôm nay để lộ trắng đen cả rồi.
Hay gì cái mặt bôi vôi,
Tô son,trát phấn,đươi ươi phường tuồng.
Chẳng qua cũng giống loài tôm,
Huyênh hoang đội cứt tưởng thơm lên đầu!..

Tam Toà bên ấy quê tôi,
Ai về cho gửi ngàn lời mến thương,
Muôn trùng cách biệt sầu vương,
Dẹp tan giặc Công,Quê Hương mong chờ.
 
Ý kiến độc giả: Những mầm cây độc
Đồng Hới
22:52 31/07/2009
Sau những ngày căng thẳng bắt giữ và đánh đập giáo dân Tam Tòa thể hiện sự bạo lực công khai của chính quyền, trước sự phản ứng quyết liệt của dư luận trong và ngoài nước. Nhà nước Việt Nam bắt đầu có thái độ khác khi ông Trương Tấn Sang trong phiên họp về công tác tôn giáo vừa qua, ông Sang có chỉ thị các cấp dưới quyền giải quyết vấn đề đất đai tôn giáo. Tưởng chừng đây là cách đi mới của nhà nước Việt Nam để làm cơ sở giải quyết những tồn đọng về sở hữu đất đai của tôn giáo trên tinh thần tôn trọng sự thực.

Nhưng nhìn lại với cái tiêu chuẩn gọi là đủ điều kiện theo quy định của nhà nước Việt Nam, thì chỉ thị này của ông Sang vẫn mang nguyên bản chất cố hữu thủ của nhà nước Việt Nam, đó là vừa làm cầu thủ vừa làm trọng tài. Động thái này thực chất là một hành vi nhằm đối phó với dư luận chứ không có mong muốn đi đến gôc rễ sự viêc. Nếu như nhà nước của ông Trương Tấn Sang thật sự có thiện chí thì đã không có những vụ dân oan, vụ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ… đến Tam Tòa ngày nay.

Với hàng trăm thanh niên dùng gậy gộc tấn công từ giáo dân đến linh mục, từ phụ nữ đến người già. Nhà nước Việt Nam đang chơi một trò đu dây cực kỳ nham hiểm nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. Sử dụng người dân do họ tuyển để đánh đập những người dân khác, tuy nhà nước tránh được tiếng là họ dùng các lực lượng vũ trang chính thống nhưng ai cũng biết là lực lượng này do chính nhà nước Việt Nam để ra để trấn áp hành hung người dân khác.

Nó nguy hiểm ở chỗ tạo cho người dân được dùng bạo lực một cách công khai dưới sự chứng kiến của cơ quan nhà nước. Nó chứng minh rằng ở Việt Nam luật pháp không hề tồn tại, mà chỉ có thủ đoạn của những kẻ cầm quyền mới là cơ sở để điều chỉnh quan hệ xã hội.

Không thể không phẫn nộ khi thấy truyền hình Việt Nam trong bản tin thời sự lại đưa hình ảnh những kẻ đánh đập người khác công khai, những kẻ tội phạm thật sự được trơ trẽn đứng trên màn hình để được ca ngợi là đã dũng cảm ngăn chặn này nọ do bức xúc. Liệu những người này có bức xúc thật sự từ trong tâm họ như những người dân đã đốt, lật xe cảnh sát giao thông vì những cảnh sát này đã đâm trọng thương người dân rồi thản nhiên bỏ đi. Những kẻ này có bức xúc khi thấy những ngư dân hiền lành của Việt Nam bị Trung Quốc bắn giết hay biển đảo, chủ quyền bị xâm phạm hay không.?

Quần chúng nhân dân bức xúc này được có mặt trong vụ Tòa Khâm Sứ khi vu vạ Ngài Ngô Quang Kiệt, trong đêm tối bạo lực ở Thái Hà trước cổng đền thánh Gierado nay xuất hiện ở Tam Tòa- Đồng Hới. Tại sao những quần chúng này không thấy có mặt ở những nơi khác tại Việt Nam, ở những nơi mà muôn vàn những điều bất công, ngang trái tồn tại một cách công khai.

Dễ dàng nhận thấy bọn quần chúng nhân dân này chỉ có mặt ở những nơi mà nhà nước Việt Nam cần đến chúng như một con cờ. Những người Việt Nam có lương tri và nhận thức nên phân tích sự khác nhau giữa bọn quần chúng nhân dân bức xúc này với những thanh niên, trí thức đã từng biểu lộ thái độ phản ứng trước hành vi sai trái của bọn bá quyền Bắc Kinh đã xâm phạm tới tính mạng và tài sản của nhân dân Việt Nam. Cho dù chúng có được sự ưu ái, tô vẽ của truyền thông Việt Nam như những kẻ có trách nhiệm với an ninh, trật tự đất nước thì chúng cũng không thể nào che đậy bộ mặt giả dối của chúng khi trả lời câu hỏi. Tại sao chúng chỉ bức xúc trong những vụ đòi đất của người Công Giáo mà không bức xúc trước muôn vàn vấn nạn và hiểm nguy của đất nước Việt Nam.

Từ chỉ thị của ông Trương Tấn Sang đến những tin tức mà truyền thông Việt Nam đưa. Rõ ràng nhà nước Việt Nam đang hợp thức hóa, đang cố gắng biến những việc làm phạm pháp của những kẻ họ sử dụng thành việc làm hợp pháp. Cũng có nghĩa họ đang ủng hộ những việc làm trái với pháp luật và nguy hiểm hơn nữa là trái với đạo lý con người, với truyền thống đoàn kết dân tộc, gieo rắc hận thù trong lòng dân. Nếu những việc làm bất nhân, thất đức này được cổ vũ trong một xã hội mà đạo đức đang bị băng hoại, khác nào nhà nước Việt Nam đang nỗ lực gieo những cái ác trong vùng đất vốn hiếm hoi những điều tử tế như nhân ái, bao dung.

Ngày 30/7/2008
 
Sự kiện Tam Tòa: Phơi bày bản chất phản động - hỗn quân hỗn quan - của bộ máy Nhà nước
Lê Sáng
22:57 31/07/2009
Hỗn quan hỗn quân là tình trạng của một tổ chức nắm giữ quyền lực nhà nước nhưng bộ máy lại có tính chất thổ phỉ, đang ở giai đoạn tàn lụi hấp hối. Bộ máy thống trị cấp nhà nước mà nội bộ không kẻ nào khống chế được kẻ nào, không kẻ nào dám tin kẻ nào... Mặc dù quyền lực được duy trì bằng biện pháp tàn bạo là giết chóc, nhưng cũng chỉ có thể giữ được ổn định trong chốc lát vì những kẻ tay chân có thể phản lại chủ tướng bất cứ lúc nào… Lịch sử dân tộc Việt từng trải qua gia đoạn này như trong Đại Việt Sử Ký từng ghi chép lại sự kiện “Kiêu binh nổi loạn giết quận Huy”…

Đó là trong thời kỳ Phong Kiến xa xưa. Người ta cứ tưởng trong giai đoạn mà xã hội loại người đã văn minh vượt bậc, thì không thể tồn tại bộ máy nhà nước thành viên Liên Hiệp Quốc lại có tính chất thổ phỉ được nữa… Hỗn quan hỗn quân nếu có, là tình trạng của những tổ chức tội phạm ở những vùng lạc hậu xa xôi cách biệt nào đó, chứ không thể có gương mặt quốc gia…

1) Từ lý luận chủ nghĩa cộng sản vô luân, nảy sinh nhiều chuẩn mực quái gở trong xã hội cộng sản - Sở hữu toàn dân là một trong những chuẩn mực quái gở đó:

Quyền được sở hữu tài sản là một trong những quyền căn bản của con người. Nó là động lực thúc đẩy con người lao động không ngừng… Nó chính là nguồn gốc của công bằng xã hội. Đã là sở hữu tài sản, thì tài sản luôn phải gắn với một chủ nào đó. Chủ đó có thể là cá nhân, có thể là tổ chức. Nếu là cá nhân, thì phải là một con người cụ thể, đang tồn tại. Nếu là tổ chức, thì tổ chức đó phải bao gồm những con người cụ thể, vì đây là quyền dân sự, cho nên từng cá nhân trong tổ chức đó phải đồng thuận về sở hữu chung, và bất cứ ai không đồng ý với sở hữu chung cũng có quyền tách phần sở hữu của mình ra… Luật pháp phải bảo hộ. Đó là quyền sở hữu về tài sản của nhân loại văn minh hôm nay.

Lý luận của chủ nghĩa Mác cho rằng đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất… Và trên cơ sở đó, chế độ cộng sản cướp chiếm đất đai của mọi thành phần dân chúng ngay từ lúc có chính quyền sơ khai. Những kẻ thực hành chủ nghĩa Mác trong khi “làm cách mạng vô sản” còn phát hiện ra rằng, đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, mà nó còn là không gian để sinh tồn. Quản lý đất đai đồng nghĩa với việc quản lý không gian sinh tồn của con người, hay nói cách khác đó là quản lý sự sống còn của một con người cụ thể…

Chính vì lẽ đó, chế độ cộng sản cho ra đời khái niệm sở hữu toàn dân. Nghe thì có vẻ như là hình thức sở hữu chung của một tổ chức vậy, nhưng bản chất lại khác hoàn toàn. Quyền sở hữu bao gồm 3 nội dung: Chiếm giữ - Sử dụng - Định đoạt. Trong đó nội dung định đoạt là quan trọng nhất thì sở hữu toàn dân mà cộng sản chế ra tước đi quyền định đoạt. Sở hữu toàn dân về đất đai là người dân chỉ có quyền quản lý (chiếm giữ), và sử dụng. Còn quyền định đoạt thì nhà nước cộng sản nắm giữ. Nhà nước cộng sản thì do người cộng sản truyền tay nhau nắm giữ theo kiểu cha truyền con nối…

Sở hữu toàn dân không thể cụ thể hoá được đến từng cá nhân người dân. Nó chỉ là cái tên gọi, còn thực chất sở hữu toàn dân là sở hữu của nhà nước cộng sản. Nhà nước cộng sản thì người cộng sản cũng hụych tẹo ra rằng nó lên nắm quyền bằng bạo lực cách mạng, nó giữ quyền bằng chuyên chính vô sản. Và nó là lực lượng duy nhất có quyền lãnh đạo toàn bộ xã hội – Không chấp nhận chia sẻ quyền lực với bất cứ ai …

Như thế sở hữu toàn dân thực chất là sở hữu riêng của đảng cộng sản, của đảng viên cộng sản. Trong giai đoạn chiến tranh, và chiến tranh lạnh, có vẻ như việc ngụy biện, bao biện quản lý xã hội kiểu này chưa lộ rõ bộ mặt thật của người cộng sản. Nhưng khi hệ thống cộng sản sụp đổ trên bình diện thế giới, các nước cộng sản sống sót buộc phải hội nhập với thế giới văn minh, thì tiêu chuẩn quái gở này lộ rõ bộ mặt và gây cho cộng sản không biết bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười… Chính cái gọi là sở hữu toàn dân về đất đai đã giúp quan chức cộng sản tham nhũng ăn cắp của công cách dễ dàng, gây bao đau khổ cho người dân… Làm lung lay tận gốc rễ chế độ cộng sản. Cũng chính cái sở hữu toàn dân về đất đai này làm cho chế độ cộng sản trở nên bế tắc trong việc chống tham nhũng. Cứ cho là cộng sản muốn chống tham nhũng để cứu chế độ đi… Thì nó cũng không thể chống được vì cái chuẩn mực này…

Hãy nhìn xem hai quốc gia cộng sản còn sót lại, được những người cộng sản gọi là vẫn “hùng mạnh”: CHND Trung Hoa và CHXHCN Việt Nam, quan chức quản lý đất đai có quyền ký quyết định thù hồi đất, giao đất… Tham nhũng một cách trắng trợn lộ liễu, đến mức bộ máy đảng cộng sản phải mang ra trảm. Giáo dục răn đe cỡ nào cũng không làm cán bộ quan chức cộng sản ngán ngại vì mối lợi quá lớn, cơ chế lại qúa lỏng lẻo… Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là dễ dàng nhất, thu lợi lớn nhất, nhanh nhất.

Người dân trước đây vẫn cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai chỉ là cái tên gọi, họ vẫn có quyền quản lý sử dụng là được rồi… Nay bị cướp đất một cách trắng trợn và rất dễ dàng … Mới bừng tỉnh: Hoá ra họ không có quyền gì cả, họ chỉ là người trông coi tài sản với tiền công rẻ mạt cho cộng sản. Lúc nào muốn, cộng sản sẽ tống cổ họ ra khỏi nhà với bộ quần áo rách và mấy đồng xu lẻ “bồi thường” là xong… Tệ hơn cả thời phong kiến. Và những cuộc đụng độ giữa người dân, đặc biệt là nông dân với chính quyền cộng sản nổ ra ngày một quyết liệt…

Sở hữu toàn dân về đất đai là nền móng kinh tế, chính trị của cộng sản. Nếu thay đổi nghĩa là xoá bỏ chế độ cộng sản, cho nên cộng sản không bao giờ thay đổi cái hình thức sở hữu này. Nhưng nếu cứ duy trì, nó sẽ đẩy cộng sản ngày càng sâu vào thế là kẻ thù của nhân dân cũng như là kẻ thù của cả thế giới văn minh… Không thay đổi thì sớm muộn gì cộng sản cũng chết vì có quá nhiều kẻ thù…

Cho nên có thể nói sở hữu toàn dân về đất đai là tử huyệt của cộng sản, cộng sản biết mà không có cách gì chống đỡ… Nó giống như liên xô cách đây 20 năm, có lượng bom hạt nhân nhiều nhất thế giới, nếu đem ra dùng có thể giết số lượng người gấp 20 lần trên trái đất, mà vẫn phải thúc thủ chịu chết một cách nhục nhã, vì những cơ chế quái gở do chính nhà nước liên bang xô viết đặt ra…

Vậy mà trong sự kiện Tam Toà chính quyền cộng sản lại mồm năm miệng mười đổ cho luật pháp đã qui định đất đai là sở hữu toàn dân không thể thay đổi… Làm như xã hội cộng sản thượng tôn pháp luật lắm… Nên nhớ luật pháp là do con người đặt ra, vì thế con người có thể thay đổi nó… Thứ chuẩn mực xã hội cưỡng bức cưỡng đoạt, đánh lận con đen, loè bịp dân lành hòng biến công thổ thành của riêng người cộng sản đâu dễ qua mắt được những người trí thức công chính trong xã hội văn minh tin học ngày nay ???

2) Bộ mặt nham nhở của chính quyền cộng sản Việt Nam hôm nay:

Không phải từ sự kiện Tam Toà, mà từ khi có nhà nước cộng sản, thế giới đã được mục sở thị nhà nước cộng sản dùng xã hội đen giết chóc dân lành. Nhưng từ khi sự kiện Công Giáo Việt Nam đòi lại tài sản, đòi lại công lý, đòi lại quyền làm người, đặc biệt là sự kiện Tam Toà, với hành vi bỉ ổi của công an xã hội đen việt gian cộng sản đánh gãy tay, rách mặt cả linh mục đang khi họ trong bệnh viện… Thì bản chất của cộng sản việt nam được khẳng định. Không ai, kể cả người quan sát ngoài cuộc còn mơ hồ gì nữa.

Nhân loại hết kiên nhẫn với cộng sản đã đành, những người cộng sản cũng hết kiên nhẫn với nhau. Một biểu tượng của sự kiên nhẫn chịu đựng trong giới chính khách cộng sản là đại tướng Võ Nguyên Giáp, xưa từng nhẫn nhịn làm trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch với lập luận Nhẫn để anh em khỏi chém giết nhau … Nay cũng hết Nhẫn … Năm lần bảy lượt có văn thư tố cáo can gián quan chức bộ chính trị cộng sản đương quyền từ vụ PMU18 đến hội trường Ba Đình, và gần đây nhất là bô-xít Tây Nguyên…

Người thì nói chính quyền Quảng Bình ngoan cố chống lệnh trung ương, vì trung ương thì biết rõ hậu quả ngoại giao, ngoại giao kinh tế đối với những hành động kiểu thổ phỉ như thế, không bao giờ chỉ đạo Quảng Bình làm việc này. Có người lại nói đây là hành động của công an, vì chế độ cộng sản là chế độ công an trị, quan chức chính quyền chẳng dại gì mà ngăn cản công an hành động. Còn khi nào hậu quả sảy ra hẵng hay… Lại có quan điểm cho rằng cộng sản có chính sách phân cấp rất chặt chẽ, khi sự việc ở cấp nào thì cấp đó có toàn quyền xử lý, cấp trên cũng không có quyền can thiệp…

Có thể nói, nhà nước cộng sản, đặc biệt những nhà nước cộng sản còn sót lại sau khi liên xô sụp đổ là thứ nhà nước hỗn quan hỗn quân. Do bị bế tắc về lý luận, các đường hướng chiến lược của nó chỉ mang tính chắp vá. Còn về chiến thuật càng ngày sự tồn tại của nó càng phụ thuộc vào “bạo lực cách mạng – chuyên chính vô sản”, cái chiến thuật man rợ này nhiều khi làm vạ lây cả đảng viên cộng sản, cho nên có số không nhỏ đảng viên cộng sản ngán ngẩm thứ bạo lực này. Trong xã hội tin học ngày nay, thì ngay cả đảng viên cộng sản cũng chẳng dại gì mà tin vào lời nói của quan chức cộng sản. Cấp trên thì nói dối, cấp dưới thì nghe dối, cấp thực hiện thì làm dối… Các cấp khinh bỉ nhau, thậm chí lừa miếng chém giết nhau vì kẻ thì ăn nhiều người thì được ít…

Quan chức cấp thấp nhiều khi vô hiệu hoá được cả chỉ thị của quan chức cấp nguyên thủ, mà cũng chẳng việc gì vì có thể đổ thừa cho cơ chế… Những năm cuối nhiệm kỳ thủ tướng của Phan Văn Khải ông ta phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi kết luận cuối cùng của ông ta về việc cộng nhận một liệt sĩ thời kháng chiến chống pháp ở thị xã Sơn Tây – Hà Tây bị chính quyền cấp phường kiên quyết không thực hiện… Viện lý do có một lão thành cách mạng thời đó phản đối, cho rằng “liệt sĩ” này là một ông buôn lợn bị quân Pháp bắn vì khi gọi lại thì bỏ chạy, lúc đó ông ta chỉ làm công việc của ông ta chứ không phải đang hoạt động cánh mạng… Qui chế dân chủ ở cơ sở cho phép chính quyền cấp cơ sở bất tuân lệnh Thủ Tướng. Mặt khác mấy ông lão thành cách mạng đều đã già cả, lúc trẻ thì đâu được học hành giáo dục nhân bản gì gì… già sắp chết cóc cần cái gì chẳng biết sợ ai…

Tình trạng quan chức cộng sản cấp trên nói không được quan chức cộng sản cấp dưới diễn ra nghiêm trọng đến mức nó phải lên bàn nghị sự của trung ương cộng sản… Nhưng vẫn vô phương… Vì quan chức nào cũng có phe nhóm, phe nhóm nào cũng có lực lượng xã hội đen riêng, và sẵn sàng trả miếng nếu phe nhóm khác ra đòn… Vụ việc tướng công an Nguyễn Văn Thanh chánh thanh tra bộ công an bị lôi ra toà trên băng ca cách đây mấy hôm thêm một minh chứng…

Sự kiện Tam Toà lực lượng xã hội đen tấn công người dân ngay trước mặt công an cộng sản mặc sắc phục cũng không có gì là lạ. Những vụ việc tương tự đã diễn ra nhiều lần, ở nhiều nơi, qua nhiều giai đoạn lịch sử… Ngay cả nguyên thủ quốc gia cộng sản việt nam chưa chắc đã dám can thiệp vào những việc này cho dù biết được hậu quả tai hại của nó... Hãy nghe Nguyễn Minh Triết trả lời thiền sư Nhất Hạnh khi sư ông về Việt Nam dựng đàn giải oan và đề nghị xây tượng đài tưởng niệm nạn nhân di tản trên biển… Nguyễn Minh Triết nói: “Tôi mà làm vậy nó giết tôi ngay” – (Ai muốn kiểm chứng lời nói này xin cứ liên hệ với Thiền Sư Nhất Hạnh vẫn đang sống tại Pháp). Thật là thảm hại. Nguyên thủ một quốc gia mà lại phát ngôn như thế, ông ta làm gì mà sợ bị giết ? Ai giết ông ta – Nó là ai ông ta cũng không dám nói… Nhưng ai trong nước Việt hôm nay cũng hiểu được rằng Nó đây chính là xã hội đen… Là phương tiện giết người ngoài luật đang nằm trong tay thế lực nào đó trong bộ chính trị cộng sản…

Xã hội đen len lỏi cả vào trong bộ máy cao cấp nhất của cộng sản Việt Nam, đến mức Nguyên Thủ Quốc Gia – Chủ Tịch Nước của quốc gia cộng sản khét tiếng tàn bạo mà còn phải sợ ra mặt ra mồm… Quả thật chính quyền cộng sản Việt Nam hôm có bộ mặt nham nhở của lưu manh xã hội đen vô học thức không biết đến luật pháp.

3) Một chính quyền phản động hỗn quan hỗn quân, không ai có thể kiểm soát được rủi ro khi đối thoại với nó:

Phản động là chống lại sự tiến bộ, chống lại sự phát triển theo qui luật của xã hội… Qui luật phát triển của xã hội dân chủ đa nguyên ngày nay đã rất rõ, và không thể đảo ngược. Sự phá sản của học thuyết cộng sản, tội trạng của nhà nước cộng sản ngày nay đã nhẵn tiền. Thành trì cộng sản xưa cũng đã bị chính quan thầy csvn khi xưa đập bỏ… Vậy mà những người cộng sản sống sót nhất quyết không nhìn nhận…

Sau khi tấn công bắt giữ giáo dân Tam Toà, sau khi đánh gây thương tích nặng cho tu sĩ giáo phận Vinh, công an cộng sản làm như muốn xuống thang đối thoại… Giáo dân và tu sĩ giáo phận Vinh hành xử theo luân lý Kito giáo: đem yêu thương vào nơi hận thù …

Nhưng lịch sử dân tộc Việt cũng như giáo sử của các tôn giáo tại Việt Nam từ khi chế độ cộng sản ra đời trên đất Việt đã từng trải qua những trang máu lửa do sự phản phúc của người cộng sản viết ra. Người cộng sản công khai tuyên bố đặt các tôn giáo như là kẻ thù đối nghịch với chủ nghĩa cộng sản phải loại trừ. Mặt khác họ ngọt nhạt “sẵn sàng đối thoại” với các tôn giáo. Sau lưng họ lại mưu tính những việc làm vô cùng ác độc: Vụ tết Mậu Thân 1968 hoà thượng Thích Đôn Hậu bị họ cưỡng bức đưa từ Huế ra Hà Nội để làm bình phong cho những việc giết dân thường… Như thế vẫn chưa hết, đến tận hôm nay người ta mới hiểu được việc làm đó của họ còn để chuẩn bị cho việc lập ra tổ chức Phật Giáo quốc doanh vào năm 1986… Ngày nay, ngay cả các tu sĩ và phật tử cũng phải ngậm ngùi…

Cá nhân người cộng sản nào là kẻ chủ mưu những việc làm này cho đến hôm nay lịch sử vẫn chưa được giải mật. Và có lẽ lịch sử sẽ không có đủ dữ liệu để giải mật bởi bộ máy nhà nước cộng sản là bộ máy hỗn quan hỗn quân không tuân theo qui luật của một nhà nước theo đúng nghĩa của nó… Người cộng sản lại rất khéo léo lợi dụng sự hỗn quan hỗn quân này để né tránh trách nhiệm cá nhân, để chạy tội cho mình… Tội ác trong cải cách ruộng đất của họ theo đúng công lý luật pháp loài người thì kẻ phải chịu trách nhiệm là Hồ Chí Minh - Thế nhưng ông ta đóng tuồng rơi vài giọt nước mắt rồi đổ vấy cho cấp dưới, mang Trường Chinh ra kỷ luật cho qua chuyện. Trường Chinh sau khi bị kỷ luật vì ‘sai lầm” trong cải cách ruộng đất làm chết oan mấy chục nghìn người lại lên làm chủ tịch nước, tổng bí thư bốn năm nhiệm kỳ vinh thân phì gia…

Như thế cộng sản việt nam là những kẻ phản động. Đã phản động, lại còn nắm chính quyền. Đã nắm chính quyền lại dùng cả xã hội đen. Ai dám chắc điều gì sảy ra, điều gì không sảy ra khi người ngay lành đàm phán với nó ??? Chính Lê-nin cũng phải tổng kết: Không ai có thể kết liễu được cộng sản trừ những người cộng sản. Cho nên đừng ai mơ hồ khi đối diện với cộng sản.
 
Không phải thiện chí, đừng mắc bẫy của Cộng Sản
Lê Sáng
22:59 31/07/2009
Ngày 30.07.2009 văn phòng thư ký Toà Giám Mục Giáo Phận Vinh ra thông cáo số 4 về các vấn đề liên quan đến vụ việc công an Quảng Bình dùng lưu manh tấn công đàn áp giáo dân tu sĩ tại giáo xứ Tam Toà. Trong nội thông cáo có đoạn:

“Ngày 30/7/2009 vào lúc 10 giờ, ông Nguyễn Đức Thịnh - Vụ phó vụ Công Giáo và bà Đào Thị Đượm chuyên viên Công Giáo thuộc ban tôn giáo chính phủ Việt Nam đã đến Toà giám mục gặp và trao đổi với linh mục Võ Thanh Tâm – Tổng đại diện Giáo Phận Vinh cùng với linh mục Phạm Đình Phùng – Chánh văn phòng Toà Giám Mục Xã Đoài. Tại cuộc gặp này đại diện ban tôn giáo chính phủ muốn nghe những ý kiến từ giáo phận Vinh …

Sau khi nghe những lời trình bày của linh mục tổng đại diện và linh mục chánh văn phòng đại diện Ban tôn giáo chính phủ hiểu rõ hơn vấn đề và muốn được Toà Giám Mục đưa ra đề xuất.”
- Hết trích

Có vẻ như các linh mục đại diện, linh mục chánh văn phòng của Toà Giám Mục Vinh và nhiều người sẽ cho rằng quan chức cộng sản đã tỏ thái độ thiện chí muốn lắng nghe và thâm tâm muốn giải quyết vụ việc êm xuôi… Nhưng ai từng làm việc trong bộ máy nhà nước của csvn sẽ hiểu rất rõ vấn đề này. Đây là tiểu xảo mà cán bộ quan chức cộng sản thường đem ra sử dụng nhằm thăm dò đối tượng của nó. Trong những trường hợp này, những kẻ “chóp bu” sẽ ngồi nhà, rồi cử tay chân vô thẩm quyền đi tiếp xúc thăm dò. Lãnh đạo “chóp bu” chỉ cho phép tay chân đi nghe, mà cấm không được phát ngôn điều gì về nhận thức, về quan điểm của cơ quan nhà nước … Sau này nếu cần họ sẽ quay ngoắt 180 độ và nói ráo hoảnh về những cuộc tiếp xúc cấp hạng chuyên viên vô thẩm quyền này … Tiểu sảo này người cộng sản áp dụng cả trong thương lượng ngoại giao quốc tế, trong chiến tranh… Lịch sử còn ghi.

1) Theo qui định của luật pháp về hành chính nhà nước csvn thì một ông vụ phó, và một bà chuyên viên, không có tư cách đại diện cho cơ quan ban tôn giáo chính phủ. Ông vụ phó và bà chuyên viên này chỉ đại diện cho chính họ như là một người làm việc, người lao động trong biên chế nhà nước mà thôi. Theo luật pháp của nhà nước csvn thì ban tôn giáo chính phủ cũng không chịu trách nhiệm gì về hành vi của hai người này… Nếu họ làm sai, cơ quan nhà nước sa thải họ là xong. Hậu quả việc làm của họ, theo luật của csvn cơ quan chủ quản được vô trách nhiệm vô nghĩa vụ.

2) Sự việc Tam Toà đương nhiên quan chức cán bộ cộng sản đã tìm hiểu, và thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề nên thay vì hống hách nói trên phương tiện tuyên truyền của họ, họ phải đến tận nơi. Khi đã biết được sự thật, một người bình thường cũng có thể phân tích được tính đúng sai. Nhưng ông vụ phó và bà chuyên viên này lại muốn nghe ý kiến từ giáo phận Vinh (?) Nghe để làm gì? Để giải quyết vấn đề gì ? Khi họ không có tư cách, không có thẩm quyền giải quyết??? Tại sao những người có thẩm quyền lại phải tránh mặt, giấu mặt ??? Họ phải nhờ tay chân đi nghe có xứng là người có thiện chí không??? Có đúng là họ muốn giải quyết sự việc theo lẽ công bằng không???

Chúng ta hãy nhìn lại sự việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tận Toà Tổng Giám Mục Hà Nội gặp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, ông ta “muốn nghe” rồi ra tận hiện trường Toà Khâm Sứ… Nhưng sau đó sự việc diễn biến thế nào mọi người đã được mục sở thị. Đó là ông Dũng có tư cách đại diện cho chính phủ Việt Nam.

3) Toàn bộ cuộc gặp ông vụ phó và bà chuyên viên này không cho biết nhận thức, cũng như thái độ của họ trước sự thực rất rõ ràng… Họ im lặng trước những việc làm của công an, im lặng trước hiện trạng thương tích của giáo dân tu sĩ Công Giáo… Họ chỉ hỏi. Mà lại hỏi Toà Giám Mục Vinh hãy đưa ra đề xuất. Thật là thớ lợ ! Toà Giám Mục Vinh đâu có phải là cơ quan trực thuộc, đâu có phải là cơ quan cấp dưới, đâu có phải là cơ quan tham mưu cho ban tôn giáo chính phủ, cũng đâu phải là thủ phạm gây ra vụ việc này, tại sao phải đưa ra đề xuất ??? Đề xuất nghĩa là gì? Nó thực chất là đi xin xỏ - Và kẻ nhận đề xuất cho hay không tuỳ ý.

Có vẻ như các linh mục Toà Giám Mục Vinh không biết những thủ đoạn của người cộng sản nên đã trả lời, đã đề xuất… Hay là các Cha đang thực hành đức bác ái, đức nhẫn nhịn Kitô Giáo… Nhưng dù sao những người biết rõ về bộ máy nhà nước cộng sản, biết rõ về thủ đoạn của người cộng sản cũng cần lên tiếng để họ - những người cộng sản biết được rằng: Không phải tất cả mọi người đều dễ dàng mắc mưu khôn vặt của cộng sản.
 
Đưa tướng công an Trần Văn Thanh hôn mê ra xét xử, Chánh án Tòa Đà Nẵng lập kỷ lục vi phạm nhân quyền
TS Luật Cù Huy Hà Vũ
23:44 31/07/2009
Không thể nói ở Việt Nam Xã hội chủ nghĩa vấn đề Nhân quyền hay Quyền con người không được Nhà nước coi trọng, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Bằng chứng là Quốc hội Việt Nam – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất – đã hơn một lần trịnh trọng tuyên bố về vấn đề này.

* Điều 71 Hiếp pháp: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh danh dự và nhân phẩm…Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

LM Bính được giải phẩu sau khi bị đánh ở Tam Tòa
* Điều 72 Hiến pháp: …Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.

* Điều 4 Bộ Luật Hình sự – Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân: Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời huỷ bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

* Điều 6 Bộ Luật Hình sự – Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân: …Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

* Điều 7 Bộ Luật Hình sự – Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân (Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật…”.


v.v và v.v.

Thế nhưng, thực tế cho thấy lời nói và hành động, ý chí bảo vệ Nhân quyền của các nhà lập pháp và hành xử của các cơ quan và cá nhân tiến hành tố tụng ở Việt Nam có cả một khoảng cách không nhỏ, thậm chí trái ngược đến mức cái sau triệt tiêu cái trước mà phiên tòa xét xử Thiếu tướng Trần Văn Thanh, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng tại thành phố lớn nhất miền Trung này vào ngày 20/7 vừa qua là một minh chứng điển hình.

Theo báo chí trong nước, 10 ngày trước khi bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” do đã có hành vi xúi giục, kích động người khác “tố cáo sai sự thật” lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bao che tham nhũng, ông Thanh đã làm đơn xin hoãn phiên tòa với xác nhận của Giám đốc Bệnh viện 19-8 của Bộ Công an tại Hà Nội, nơi ông đang điều trị, là sức khỏe của ông không bảo đảm ra tòa (huyết áp 170/100mmHg, yếu và tê bì 1/2 người trái, tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải…).

Thế nhưng ngày 15/7 Chánh án TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã ký Quyết định số 02/QĐ-TA không chấp nhận đơn xin hoãn phiên tòa của ông Thanh và ngày 19/7, ông Thanh được chuyển từ Bệnh viện 19-8 vào Bệnh viện 19-9 cũng của Bộ Công an tại Đà Nẵng. Tại đây, Giám đốc Bênh viện cũng có kết luận tương tự như Giám đốc Bệnh viện 19-8 về thực trạng sức khỏe của ông Thanh và kết luận này cũng không được Chánh án Quận chấp nhận.

Đúng 8 giờ sáng ngày 20/7, bị đưa đến Nhà hát Trưng Vương tạm thời được “chuyển đổi mục đích” thành nơi xét xử với sự tham dự của hàng nghìn người cả trong lẫn ngoài, ông Thanh vẫn trong trạng thái hôn mê, thở ôxy, tay truyền dịch trên băng-ca… Trước thể trạng này của ông Thanh, Hội đồng xét xử do Chánh án Quận làm chủ tọa đã quyết định thành lập Hội đồng giám định y khoa gồm Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm cấp cứu 115, đại diện VKSND và TAND Đà Nẵng để giám định sức khỏe ông Thanh ngay trên băng-ca.

Kết quả giám định cũng cho thấy ông Thanh bị yếu nửa người trái; có ổ máu ở thái dương phải (xuất huyết não); nhịp tim 120 lần mỗi phút; huyết áp 200/100mmHg… nên Hội đồng giám định y khoa đề nghị HĐXX cho ông Thanh về bệnh viện để điều trị tiếp. Đúng 9 giờ, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, chờ thời điểm thích hợp để xét xử.

Như vậy, Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã vi phạm một loạt các quy định pháp luật tố tụng hình sự.

1. Căn cứ Khoản 1 Điều 187 BLHS – Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa (Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ Luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa), bị cáo chỉ có thể bị áp giải ra nơi xét xử nếu không có lý do vắng mặt chính đáng. Vậy lý do sức khỏe không đảm bảo mà ông Thanh đưa ra để xin hoãn phiên tòa (Giám đốc Bệnh viện 19.8 xác nhận ông bị tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải…) là hoàn toàn chính đáng. Nếu Chánh án Nguyễn Văn Quận không chấp nhận lý do của ông Thanh, tức bác bỏ kết luận của Giám đốc Bệnh viện 19.8, thì theo quy định của pháp luật, ngay lập tức phải ra quyết định trưng cầu giám định sức khoẻ của ông Thanh ngay tại Hà Nội vì Chánh án Quận hoàn toàn không có thẩm quyền kết luận về sức khỏe của ông Thanh.

Để cho hết nhẽ, cứ cho là sức khỏe của ông Thanh bình thường trước khi vào Đà Nẵng thì Chánh án Quận cũng phải ra quyết định hoãn phiên tòa khi Bệnh viện 19-9 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng kết luận ông Thanh bị tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải… và trên thực tế ông Thanh đã rơi vào hôn mê. Nếu Chánh án Quận không tin vào kết luận của Bệnh viện này, cho rằng ông Thanh “đóng kịch” thì Chánh án Quận ngay lập tức phải ra quyết định trưng cầu giám định sức khỏe của ông Thanh để việc giám định được thực hiện ngay tại chỗ hoặc tại một cơ sở y tế có thiết bị tốt hơn cũng trong thành phố.

Để nói, việc Chánh án Nguyễn Văn Quận không hề trưng cầu giám định sức khỏe của ông Trần Văn Thanh sau khi ông Thanh có đơn xin hoãn phiên tòa và vẫn buộc ông này phải di chuyển từ Hà Nội ra Đà Nẵng để có mặt tại phiên tòa cũng như sau khi có kết luận của Giám đốc Bệnh viện 19-9 rõ ràng là hành vi cố ý làm trái Điều 187 BLHS đồng thời còn là hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của ông Thanh.

2. Căn cứ Điều 130 BLHS (người có thẩm quyền phải ra quyết định áp giải bị can và người thi hành quyết định áp giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải) thì người bị áp giải phải là người có khả năng tự di chuyển hoặc chí ít phải có khả năng nhận thức được mình sẽ bị cưỡng bức di chuyển. Thực vậy, theo các từ điển tiếng Việt thì “áp giải” là “đi kèm theo để đưa đi một cách cưỡng bức”. Cũng vậy, biên bản chỉ có thể lập được khi người bị áp giải còn có khả năng nghe và hiểu được giải thích quyết định áp giải. Do đó, việc Chánh án Nguyễn Văn Quận buộc nhân viên tư pháp đưa ông Trần Văn Thanh trong trạng thái hôn mê ra nơi xét xử rõ ràng là bất chấp quy định tại Điều 130 BLHS.

Việc Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận vi phạm một loạt quy định pháp luật tố tụng hình sự một cách cố ý như trên đã phân tích, nhất là buộc nhân viên tư pháp đưa ông Trần Văn Thanh trong tình trạng hôn mê, bất động trên băng-ca, thở ôxy, tay truyền dịch… ra nơi xét xử lưu động có sự chứng kiến của đám đông, chỉ có thể là nhằm bêu riếu, hạ nhục ông Thanh. Do đó, Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã phạm “Tội làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 BLHS và “Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật” quy định tại Điều 297 BLHS.

Ngoài ra, Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận còn có khả năng phạm “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104 BLHS trong trường hợp sức khỏe của ông Thanh bị tổn hại nghiêm trọng do bị buộc phải di chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng trong tình trạng sức khỏe nguy kịch (tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải…) hoặc “Tội giết người” quy định tại Điều 93 BLHS trong trường hợp ông Thanh tử vong sau khi hôn mê do bị buộc phải di chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Việc đưa Tướng Công an Trần Văn Thanh trong tình trạng hôn mê ra nơi xét xử là hành vi dã man chưa từng thấy trong lịch sử pháp đình hiện đại! Thực vậy, ngay cả cựu độc tài Chi Lê Pinochet bị buộc tội vi phạm quyền con người do đã có 3197 người đã bị giết chết vì lý do chính trị trong thời gian ông ta cầm quyền, cựu Thủ lĩnh Khmer đỏ Ieng Sary bị buộc tội diệt chủng, cựu Tổng thống Nam Tư Milosevic bị buộc tội diệt chủng và tội ác chiến tranh… cũng được hoãn xét xử nhiều lần vì lý do sức khỏe không bảo đảm để có mặt tại phiên tòa. Nói cách khác, Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã lập “kỷ lục” vi phạm Nhân quyền trong lĩnh vực xét xử. Do đó, cách chức và truy tố Chánh án Nguyễn Văn Quận về “Tội làm nhục người khác” và “Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật” là yêu cầu bức thiết và không thể lẩn tránh đối với các cơ quan có thẩm quyền vì sự tồn tại của chính Quyền Con Người và cùng với nó, Nhà nước Pháp quyền Việt Nam!

(Nguồn: Mạng Bauxite Việt Nam http://bauxitevietnam.info/c/5091.html)
 
Thông Báo
Đêm thắp Nến tại Texas để cầu nguyện và hiệp thông cùng giáo dân Tam Tòa
Ban Tổ Chức
22:38 31/07/2009
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas và Vùng Phụ Cận
3221 Beltline Road Garland, Texas 75044
Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant và Vùng Phụ Cận
2117 Roosevelt Drive Suite F, Dalworthington Gardens, Texas 76013


THÔNG BÁO


Kính gởi:
Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,
Quý hội đoàn, đoàn thể Quốc Gia,
Quý cơ quan truyền thông báo chí và
Quý đồng hương

Bao năm qua, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam luôn chủ trương và áp dụng chính sách đàn áp, triệt tiêu tôn giáo, đặc biệt các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo Hoà Hảo và Cao Đài. Gần đây nhất, nhằm ngăn chận Giáo Dân dựng nhà tạm trên đất nhà thờ Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã và đang tận dụng tất cả các phương tiện đang có như công an, cảnh sát, báo chí và cả bọn côn đồ để ngăn chận, hành hung các Tu Sĩ và Giáo Dân. Đặc biệt vào ngày 27 tháng 7 năm 2009, Linh Mục Phao Lồ Nguyễn Đình Phú, Chánh Xứ Dũ Lộc và Linh Mục Phê Rô Ngô Thế Bính, Chánh Xứ Hà Lời, đại diện Tòa Giám Mục đã bị đánh trọng thương. Hành động dã man này đã tạo một làn sóng phẫn nộ khắp nơi từ trong và ngoài nước.

Nhằm bày tỏ sự ủng hộ Giáo Dân Tam Tòa và Giáo Phận Vinh, hai Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas và Fort Worth, Liên Hội Chiến Sĩ VNCH-DFW, Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị DFW, Hội Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Đoàn Thanh Niên Hồn Việt, Nhóm Liên Hướng, Hội Phụ Nữ Quốc Gia Việt Nam và các đòan thể khác trong vùng DFW sẽ tổ chức:

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện và Hiệp Thông Cùng Giáo Dân Tam Tòa
Tại: Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant
2117 Roosevelt Dr. Suite F, Dalworthington Gardens, TX 76013
Lúc: 7:00PM thứ Bảy, ngày 8 tháng 8 năm 2009

Ban Tổ Chức kính mong quý vị Lãnh Đạo Tinh Thần và đồng hương bỏ chút thời giờ đến tham dự ĐÊM THẮP NẾN để ủng hộ hành động đòi công lý, công bình của Giáo Dân Tam Tòa và Giáo Phận Vinh, đồng thời cầu nguyện cho đất nước Việt Nam sớm thoát gông cùm Cộng Sản.

Thân ái kính chào đoàn kết

Thay mặt Ban Tổ Chức

Thái Hoá Tố
CT/CĐNVQG Dallas
Nguyễn Xuân Hùng
CT /CĐNVQG Hạt Tarrant
 
Cộng Đồng Vinh tại Hà Nọi kêu gọi cầu nguyện hiệp thông cho giáo xứ Tam Tòa, Vinh
Jo. Lưu Ngọc Quỳnh
22:45 31/07/2009
CỘNG ĐỒNG VINH TẠI HÀ NỘI KÊU GỌI
CẦU NGUYỆN CHO GIÁO XỨ TAM TÒA - GIÁO PHẬN VINH


Kính gửi:
- Anh chị em Giáo hữu, mọi thành phần dân Chúa thuộc Giáo phận Vinh trên địa bàn Giáo tỉnh Hà Nội
- Đặc biệt những người sinh sống ở Thủ đô và các vùng phụ cận.

Những thông tin nhận được từ Giáo phận Mẹ tại quê nhà đã làm tất cả con cái Giáo phận khắp mọi miền đất nước cũng như mọi nơi trên thế giới không nén được những căm phẫn trước hành động bạo ngược của nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình với giáo dân, linh mục và tài sản Giáo hội tại nhà thờ Tam Tòa:

- Ngày 20/7/2009 nhiều giáo dân bị nhà cầm quyền cộng sản Quảng Bình đánh đập dã man, bắt giữ, cướp đi nhiều tài sản không theo một nguyên tắc pháp luật nào. Nhiều giáo dân đến tham dự Thánh lễ đã bị bọn côn đồ dưới sự huy động bảo kê, chỉ huy của nhà cầm quyền đánh đập công khai.

- Thậm chí, ngày 27/7/2009, trước sự có mặt bảo kê của cán bộ UBND Tỉnh Quảng Bình, hai chủ chăn đáng kính của Giáo phận là linh mục Phaolô Nguyễn Đình Phú và Phêrô Ngô Thế Bính đã bị đánh trọng thương. Man rợ hơn, hai linh mục này đã bị từ chối cứu chữa tại bệnh viện Đồng Hới.

- Nguy hiểm hơn, nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình đang huy động một cuộc bách hại toàn diện, kỳ thị Công giáo công khai, kích động nhiều thành phần xã hội chống lại, đánh đập, tán sát người Công giáo ngang nhiên trên đường phố dưới sự bảo trợ của chính quyền.

- Hiện nay, một số giáo dân vẫn bị giam cầm, tra tấn đánh đập, bị cướp đi nhiều tài sản và bị sách nhiễu, đe dọa đời sống của họ.

- THÁNH GIÁ thiêng liêng và tượng Chúa đã bị làm ô uế và nhục mạ trong tay những kẻ vô thần, vô đạo.

Trước tình hình Giáo phận Mẹ đang có nhiều khó khăn thử thách, anh chị em tín hữu tại Giáo xứ Tam Tòa đang bị bách hại nặng nề bởi nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình. Đặc biệt, trước hành động nhục mạ THÁNH GIÁ bởi nhà cầm quyền Quảng Bình.

Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội thông báo:

1 -Tổ chức cầu nguyện trọng thể vào 19h30 đến 20h30 thứ 6 hàng tuần tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp, Dòng Chúa cứu thế – Giáo xứ Thái Hà. Bắt đầu từ thứ 6 ngày 7/8/2009, hồi 19h30.
2 - Mục đích cầu nguyện:

- Hiệp nhất với Giáo phận Mẹ đang trong cơn khó khăn. Xin cho mọi thành phần dân Chúa được vững vàng, hiệp nhất trong mọi hành động dưới sự dẫn dắt của Hàng Giáo phẩm và Hàng Linh mục, tu sĩ.
- Xin Thiên Chúa quan phòng, gìn giữ giáo dân và Giáo phận luôn bền đỗ tinh thần làm chứng Đức tin vào Đức Ki tô phục sinh.
- Cầu nguyện cho nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình biết sáng suốt nhìn nhận những giá trị đạo đức, giá trị phẩm giá con người, chấm dút ngay những hành động bách hại tôn giáo, truy tố ngay những kẻ khát máu đã gây tội ác với Linh mục và giáo dân.

3 - Xin mời tất cả mọi thành phần dân Chúa tham dự, thêm lời cầu nguyện cho Giáo phận Vinh, đặc biệt cho anh chị em Giáo xứ Tam Tòa.

Xin quý anh chị em, tất cả những người quan tâm và những người có thiện chí cùng hiệp thông với Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội.

Hà Nội, Ngày 31/7/2009
Đại diện Cộng Đoàn Vinh tại Hà Nội