Ngày 03-08-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh công bố lịch trình Đức Giáo Hoàng tông du Albania
Nguyễn Việt Nam
04:53 03/08/2014
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Albania vào Chúa Nhật 21 tháng Chín. Tòa Thánh đã công bố lịch trình của ngài trong đó dầy đặc các sự kiện.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thăm đất nước này trong vòng 14 giờ. Ngài sẽ rời Rôma lúc 7:30 AM. Sau khi tới thủ đô Tirana, ngài sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc gia tại Phủ Tổng Thống.

Lúc 11:00h, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Mẹ Têrêsa.

Sau Thánh lễ, ngài sẽ dùng bữa trưa với các giám mục Albania, và cũng sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô khác.

Vào buổi chiều, Đức Giáo Hoàng, lúc 5:00, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi kinh chiều tại Nhà thờ Thánh Phaolô tại Tirana. Sau đó, vào lúc 6:30 PM, ngài sẽ gặp gỡ các trẻ em tại Trung Tâm Bethany, nơi chăm sóc trẻ mồ côi và những em trong hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Lúc 8:00, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ trở lại Rome, và dự kiến sẽ đáp xuống phi trường Ciampino lúc 09:30.
 
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích kêu gọi tránh những biểu hiện thái quá khi chúc bình an
Nguyễn Việt Nam
07:00 03/08/2014
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã yêu cầu các giám mục trên thế giới kêu gọi người Công Giáo tránh những biểu hiện "thái quá" trong khi trao đổi bình an trong Thánh Lễ.

Tòa Thánh đã lưu ý về một số thực hành có xu hướng lan rộng, chẳng hạn như những gián đoạn kéo dài vì các linh mục rời khỏi bàn thờ, các tín hữu rời bỏ hàng ghế của họ để đi chúc bình an; sự ra đời của những "bài hát hòa bình", và cả việc công bố những lời chúc mừng hay những lời chia buồn vào những dịp đặc biệt. Những thực hành này là không phù hợp trong phụng vụ Thánh Thể. Những thực hành như thế, theo Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, “tạo ra những ngộ nhận trong cộng đoàn phụng vụ ngay trước khi rước lễ.”

Chỉ thị của Bộ đã được đưa ra trong một bức thư gửi cho các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, ký ngày 08 Tháng 6 bởi Đức Hồng Y Antonio Cañizares Llovera, tổng trưởng của Thánh Bộ và Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, tổng thư ký. Nội dung của bức thư được công khai vào ngày 31 tháng 7 vừa qua.

Chỉ thị của Bộ nói rằng sau một số thảo luận, bắt đầu từ Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể vào năm 2005, việc trao bình an đã được giữ ở vị trí hiện nay trong Thánh Lễ cùng với lời kêu gọi các Giám Mục hướng dẫn các tín hữu hiểu biết đúng đắn về nghi thức này.

Nếu các tín hữu không hiểu và không biểu lộ trong nghi thức này ý nghĩa thực sự của việc trao ban bình an, quan niệm Kitô giáo về hòa bình của họ bị suy yếu đi, và ảnh hưởng xấu đến sự tham gia hiệu quả của họ vào bí tích Thánh Thể.

Sau cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về bí tích Thánh Thể năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã viết trong Tông huấn Sacramentum Caritatis của ngài rằng các Giám Mục đã thảo luận về Cử Chỉ Trao Bình An, và "sự thích đáng của việc phải có sự kiềm chế hơn trong cử chỉ này, tránh sự phóng đại và gây mất tập trung nhất định trong cộng đoàn trước khi rước lễ." Những lưu ý mới từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích là để tiếp nối cuộc thảo luận đó.

Thánh Bộ nhắc nhở các Đức Giám Mục rằng việc trao đổi bình an không phải là một nghi thức bắt buộc và đôi khi có thể không phù hợp; cử chỉ này không nên được thực hiện "một cách máy móc" Tài liệu này đề nghị Hội Đồng Giám Mục các nước 'xem xét những cách khác nhau trong cử chỉ trao bình an để tránh "những cử chỉ chào hỏi nhàm chán hay nặng tính thế tục”
 
6 tháng 8: Ngày Thế Giới cầu nguyện cho các tín hữu Kitô Iraq
Nguyễn Việt Nam
07:52 03/08/2014
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã đưa ra lời mọi các tín hữu Kitô trên toàn thế giới hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho hòa bình tại Iraq vào ngày 06 tháng 8, lễ Chúa Biến Hình.

Từ Baghdad, Đức Hồng Y Louis Sako Rafael, Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê đã lên tiếng ca ngợi sáng kiến này và kêu gọi cả những người thiện chí trên thế giới xin hiệp cùng mọi Kitô hữu trong ngày được dành riêng đặc biệt để cầu nguyện cho các Kitô hữu ở Mosul và khu vực xung quanh, giờ đây đang dưới sự kiểm soát hà khắc của những bọn khủng bố Hồi giáo ISIS.

Đức Thượng Phụ đã đưa ra lời cầu nguyện cho các tín hữu Iraq trong dịp này như sau:

Lạy Chúa, hoàn cảnh của đất nước chúng con đang chao đảo và sự đau khổ của các Kitô hữu là nghiêm trọng và đáng sợ. Vì vậy, chúng con khẩn xin Chúa cứu lấy mạng sống của chúng con, và ban cho chúng con sự kiên nhẫn và can đảm để tiếp tục đưa ra những chứng tá cho những giá trị Kitô giáo với lòng tin tưởng và hy vọng. Lạy Chúa, hòa bình là nền tảng của cuộc sống; Xin ban cho chúng con hòa bình và ổn định để chúng con có thể sống với nhau mà không sợ hãi và lo lắng, trong niềm tôn trọng và hân hoan.
 
Kitô hữu bỏ chạy khỏi Al-Hasakah
Nguyễn Việt Nam
08:07 03/08/2014
Trước sự thờ ơ của thế giới, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS tiếp tục thắng lớn tại Syria. Hôm 31 tháng 7, các tín hữu Kitô đã phải bỏ chạy khỏi Al-Hasakah, một thành phố trước chiến tranh đã có tới 190,000 dân.

Bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS có cả trực thăng và chiến xa tịch thu được của quân đội Iraq đã tràn vào thành phố miền Đông Bắc này hôm thứ Năm 31 tháng 7.

Nhà nước Hồi giáo do ISIS dựng lên đã kiểm soát khoảng 30% lãnh thổ của Syria và 40% lãnh thổ Iraq. Chúng ra lệnh cho các Kitô hữu tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, chuyển sang đạo Hồi, hay đóng thuế tôn giáo hoặc là chết dưới những lưỡi gươm Hồi Giáo.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ trao thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho các thầy dòng Thánh Tâm Huế
Trương Trí
09:11 03/08/2014
LỄ TRAO THỪA TÁC VỤ ĐỌC SÁCH VÀ GIÚP LỄ

CHO CÁC THẦY DÒNG THÁNH TÂM HUẾ

Sáng hôm nay Chúa Nhật 18 thường niên, tại Nhà thờ Dòng Thánh Tâm Huế, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế đã chủ tế Thánh lễ và long trọng chủ sự Nghi thức trao Thừa Tác vụ Đọc sách cho 16 thầy và trao Thừa Tác vụ Giúp lễ cho 2 thầy thuộc Hội Dòng Thánh Tâm Huế.

Xem Hình

Đây là những thầy được Hội Dòng đào tạo một tâm hồn đạo đức thánh thiện và nhân bản, đồng thời đã theo học xong các lớp Thần học I và Thần học II tại Đại Chủng viện Huế, đang trong thời gian chuẩn bị để tiến lên hàng linh mục. Quí thầy sẽ giúp Hội Dòng trong các công việc mục vụ mà Giáo phận trao phó.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục chia sẻ: Để trở thành một linh mục, Giáo Hội cần có một thời gian đào tạo lâu dài qua 9 năm trong môi trường Đại Chủng viện. Tuy Thừa Tác vụ này không phải là chức Thánh, nhưng trao cho các thầy tác vụ công bố Lời Chúa và giúp việc trên bàn thờ. Chúc các thầy sống đời sống tu đức, biết rèn luyện bản thân để xứng đáng là những người được Chúa tuyển chọn.

Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục nhắc lại tình yêu thương vô bờ bến của Chúa Giêsu, nhất là đối với những người nghèo khổ. Ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân, giảng dạy Lời Chúa và ban cho họ bánh hằng sống. Bàn tiệc Thánh Thể cung cấp cho chúng ta của ăn tinh thần, chúng ta hãy sẵn sàng đón nhận lòng thương xót của Chúa, vì “Thịt Ta chính là của ăn, máu Ta thật là của uống”. Con người chúng ta đã nhiều lần xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa giàu lòng thương xót, Ngài đã lập ra Bí tích Hoà giải để tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta.

Con đường theo Chúa Giêsu còn dài, có lúc đầy hoa nhưng cũng có lúc đầy bong tối. Cộng đoàn hân hoan chia vui với các thầy được lãnh nhận Tác vụ Đọc sánh và Giúp lễ, tuy chưa phải là chức Thánh, nhưng từ những tác vụ này sẽ don đường cho các thầy trên đường tiến đến chức Linh mục, là chặng đường giúp các thầy trở nên thánh thiện hơn nữa.

Mở đầu Nghi thức trao Thừa tác vụ Đọc sánh và Giúp lễ, Cha Hirônimô Đỗ Minh Liên Phó Bề trên Tổng quyền Hội Dòng công bố danh sách các thầy được chọn, tiến lên trước vị đại diện Hội Thánh, chủ chăn của Giáo phận. Đức Tổng Giám mục dâng lời nguyện chúc và trao Sách Thánh cho các thầy: “Con hãy nhận lấy Sách Thánh để truyền đạt Lời Chúa cho mọi người”. Đức Tổng Giám mục cũng trao Thừa tác vụ Giúp lễ cho các thầy, Ngài trao bình đựng Mình Thánh Chúa tượng trưng cho việc các thầy được phụ giúp các công việc trên bàn thờ.

Sau Thánh lễ, Cha Antôn Huỳnh Đầy, Bề trên Tổng quyền Hội Dòng Thánh Tâm Huế, thay mặt Hội Dòng nói lời cảm tạ tri ân: “Chúng con cảm tạ Chúa vì những năm gần đây Thánh Tâm Chúa đã lôi cuốn và dẫn đưa nhiều ơn gọi đến cho Hội Dòng. Sau những năm đào tạo và huấn luyện những ơn gọi mà Chúa gởi đến, hôm nay Dòng chúng con tuyển chọn 18 thầy để lãnh nhận Thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ. Đây quả là một hồng ân lớn lao: xin chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa, vì muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúng con xin tỏ lòng biết ơn đối với Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê và Đức Tổng Stêphanô đã yêu thương và tạo điều kiện cho Hội Dòng chúng con trong việc huấn luyện và đào tạo các tu sĩ của Hội Dòng. Chúng con xin ghi ơn và nguyện sống xứng đáng với ơn Chúa đã ban qua hai Đức Tổng.

Cách riêng, chúng con xin cảm ơn Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê hôm nay đã chủ tế Thánh lễ trao Thừa tác vụ cho các thầy, đồng thời ban cho chúng con những lời giáo huấn quí báu để chúng con sống và thực thi sứ vụ”

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục vui vẻ nhận lời chụp hình lưu niệm với các thầy trong niềm hân hoan của gia đình các thầy và cộng đoàn tham dự Thánh lễ.

Trương Trí
 
Khóa huấn luyện Huynh Trưởng thiếu nhi Thánh Thể tại xứ Bảo Nham GP Vinh
Giuse Nguyễn Văn Chính
14:47 03/08/2014
SA MẠC HUẤN LUYỆN "LÊN ĐƯỜNG TIN YÊU 2" - XỨ ĐOÀN TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU - GIÁO XỨ BẢO NHAM

I

Dựa trên khung cảnh Thánh kinh này, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể ý thức rất rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải đào tạo một đội ngũ chuyên biệt để phục vụ cho phong trào, đó là đội ngũ Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể. Đội ngũ này được huấn luyện một cách đặc biệt, được trang bị đầy đủ các kỹ năng để trực tiếp lãnh đạo và hướng dẫn đoàn, cụ thể là lãnh đạo và hướng dẫn các em Thiếu Nhi, giúp các em ngày càng tiến gần Chúa hơn và trở nên giống Chúa hơn. Khóa huấn luyện thường được kết thúc bằng sa mạc huấn luyện.

Xem Hình

Trong khoảng thời gian hơn một năm kể từ ngày đoàn được chính thức thành lập, các em Huynh Trưởng, Dự Trưởng thuộc đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể – xứ đoàn Têrêsa Hài Đồng Giêsu xứ Bảo Nham đã được huấn luyện liên tục tại địa phương về lý thuyết phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, kinh thánh, nhân bản, tìm hiểu về Thánh lễ, các kỹ năng: quản trò, múa hát, vũ điệu, nói trước đám đông, lãnh đạo, làm việc nhóm, ảo thuật…bởi quý thầy Đại Chủng viện giúp xứ, quý thầy thuộc cộng đoàn Lời Chúa dòng Thừa Sai Các Thánh Tông Đồ. Khóa huấn luyện kết thúc, các em được dẫn vào kỳ Sa mạc huấn luyện trong thời gian 3 ngày (từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 07 năm 2014). Năm nay, địa điểm được chọn để tổ chức sa mạc là giáo xứ Hậu Thành thuộc hạt Bảo Nham. Đây là mảnh đất thuộc vùng rừng núi, đường sá đi lại khá khó khăn, là vùng đất hoàn toàn mới lạ đối với các sa mạc sinh. Tuy vậy, những khó khăn đó lại trở nên thú vị để các em được nếm “mùi sa mạc”.10580179_606099482839731_8987719473992834794_nIMG_0081IMG_0085IMG_0098IMG_0101IMG_0139IMG_0184IMG_0236 (14)aIMG_0236 (20)aIMG_0236 (30)aIMG_0238 (77)aIMG_0575IMG_0517IMG_0692IMG_0685

Sa mạc diễn ra trong 3 ngày với lịch hoạt động dày đặc, các sa mạc sinh đã có cơ hội để trải nghiệm nhiều điều mới lạ, được học hỏi thêm nhiều kỹ năng, và cũng chính vì thế mà sau 3 ngày huấn luyện các sa mạc sinh giường như bị vắt kiệt sức. Tuy mệt lả, nhưng trên khuôn mặt của các sa mạc sinh vẫn luôn xuất hiện nụ cười thể hiện sự mãn nguyện về một sa mạc thành công và đầy ý nghĩa. Những nụ cười đó nơi các sa mạc sinh đã khiến cho những người làm công tác huấn luyện như chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vui sướng. Chúng tôi tin và hi vọng rằng sau kì sa mạc này, mặc dù thể lực của các sa mạc sinh có thể bị hao mòn vì hoạt động quá nhiều, nhưng kiến thức và kỹ năng của các em lại càng mạnh mẽ thêm để làm hành trang phục vụ phong trào.

Nhìn lại khóa huấn luyện, đặc biệt là qua những ngày sa mạc, với trách nhiệm của một người huấn luyện, tôi hình dung rằng: cũng như dân Is-ra-en ngày xưa – theo lời Thiên Chúa phán với ông Mô-sê – họ là một dân cứng đầu cứng cổ: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ (Xuất hành 32,9)”. Khi chưa tham gia vào phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, khi chưa được huấn luyện theo tinh thần của phong trào, trước khi vào những ngày sa mạc thì các em – có thể nói được là rất cứng đầu, cứng cổ, bất tuân lời các thầy cô giáo lý viên và những người có trách nhiệm, thường la cà với các tệ nạn xã hội…thế nhưng sau khóa huấn luyện, đặc biệt là sau những ngày sa mạc huấn luyện kết thúc, tôi nhận thấy các em có sự thay đổi nhanh nhẹn: biết vâng lời, biết cộng tác làm việc tập thể (vì trong thời gian huấn luyện, các em được chia thành các đội), biết nhẹ nhàng và yêu mến các em Thiếu nhi, siêng năng tham dự thánh lễ và chầu Thánh Thể chung với đoàn vào các buổi trưa… Điều này thật đúng với khung cảnh của dân Is-ra-en ngày xưa, sau những năm trường huấn luyện trong sa mạc, Thiên Chúa đã dẫn họ tới chân núi Si-nai, tại đây, Ngài đã lập giao ước với dân dựa trên 10 điều luật, dân đồng thanh đáp lại: “mọi điều Gia-vê phán, chúng tôi xin thi hành” (Xuất hành 19,8). Sa mạc huấn luyện cũng được bảo đảm dựa trên 11 điều của nội quy sa mạc:

Điều 1: Giữ đúng giờ giấc quy định, mang bảng tên và cẩm nang sa mạc trong suốt thời gian sa mạc diễn ra.

Điều 2: Không được tụ tập đánh bài dưới bất kỳ hình thức nào. Không sử dụng rượu, bia, các chất gây nghiện, thuốc lá hoặc bất kì các chất kích thích nào.

Điều 3: Không được mang điện thoại, tư trang và tiền bạc vào sa mạc. Nếu bắt gặp sử dụng điện thoại, mang tư trang và tiền bạc trong sa mạc sẽ bị đuổi khỏi sa mạc.

Điều 4: Không được thành lập bất kì một nhóm riêng nào ngoài những nhóm đã được BTC quy định.

Điều 5: Không được tự ý rời khỏi sa mạc để làm việc riêng vì bất cứ lý do gì khi chưa có phép của trưởng điều hành hoặc ban kỷ luật.

Điều 6: Tham gia đầy đủ các buổi học, sinh hoạt chung và riêng của nhóm. Trừ những trường hợp đặc biệt, sa mạc sinh phải trình bày trước với ban kỷ luật về lý do chính đáng mình không tham gia.

Điều 7: Thuộc bài hát chủ đề và một số bài hát trong cẩm nang để phục vụ cho sa mạc. Thực hiện đúng yêu cầu của luật chơi, tham gia cách tích cực và năng động.

Điều 8: Thể hiện tinh thần đồng đội, tương trợ, cộng tác, giúp nhau cầu tiến và biết tạo sức sống cho nhau. Mỗi người phải có ý thức trách nhiệm với tập thể, tất cả vì lợi ích chung.

Điều 9: Giữ gìn vệ sinh chung và bảo tồn thiên nhiên. Khi kết thúc sa mạc, sa mạc sinh trả lại nguyên vẹn không gian ban đầu cho giáo xứ.

Điều 10: Đối với các thành viên trong Ban Tổ Chức, khi thi hành nhiệm vụ cần bảo đảm sự công bằng – dân chủ – khách quan. Ban Tổ Chức phải là người làm gương cho sa mạc sinh, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật nặng hơn sa mạc sinh.

Điều 11: Trong quá trình tham dự sa mạc, khi có vấn đề phát sinh hoặc nếu sa mạc sinh có bức xúc về bất kỳ vấn đề gì, xin liên hệ ngay với BTC để được giải đáp kịp thời. Quyết định của BTC là quyết định cuối cùng.

Và toàn thể sa mạc sinh cũng đồng thanh hô lớn “chúng em xin thi hành”.

Sa mạc kết thúc, mặc dù bản nội quy chưa được các em triệt để chấp hành, kết quả chưa hoàn toàn mỹ mãn, nhưng tất cả mọi thành phần cộng tác trong sa mạc từ ban điều hành, ban ẩm thực, ban kỷ luật, ban phụng vụ, ban kỹ thuật, ban sinh hoạt, ban y tế…và tất cả sa mạc sinh đã thể hiện tình hiệp nhất, đã hết sức cố gắng để chu toàn phần việc của mình. Những gì chưa làm được chúng ta hãy xem như đó là “lời hẹn” để làm động lực và để quyết tâm cho kỳ sa mạc năm tới được thành công hơn.

Vào sa mạc đối với mỗi người Huynh Trưởng thiếu nhi Thánh Thể không chỉ có 3 ngày nhưng là cả quãng thời gian phục vụ cho phong trào. Vì tính chất của công việc đòi hỏi mỗi Huynh Trưởng phải hy sinh, phải dẹp bỏ chính mình, phải biến đổi để huấn luyện các em thiếu nhi, để làm gương cho các em và để giúp các em cũng biến đổi theo như ý Chúa muốn.

Vào sa mạc thật cần thiết vì để huấn luyện các em trở thành một Huynh Trưởng thực sự theo khuôn mẫu lý tưởng là Chúa Kitô – Huynh Trưởng Tối cao.

Giuse Nguyễn Văn Chính,MSA
 
Trại hè Thiếu Nhi Thánh Thể xứ Nhượng Nghiã Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
16:46 03/08/2014
Trại Hè 2014 đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ Đoàn Thánh Linh, Giáo xứ Nhượng Nghĩa

Giáo phận Đà Nẵng, trong 2 ngày: 2 và 3 /8 / 2014, Xứ đoàn Thánh Linh –Giáo xứ Nhượng Nghĩa đã tổ chức trại hè cho các em Thiếu nhi của Xứ đoàn. Với Chủ đề: “ Thiếu nhi, niềm vui của gia đình “. Với nổ lực của Ban Giáo lý, Cha Quản xứ và các anh chị Giáo Lý viên đã giúp các em chăm ngoan học Giáo lý, học nhân bản, rèn luyện nhân cách và thể chất….xứng đáng là con yêu của Chúa, con ngoan của gia đình, trò giỏi ngoan hiền của thầy cô…và như vậy sẽ là niềm vui của gia đình, đặc biệt trong Năm Thánh hóa Gia Đình.

Xem Hình

Dịp trại hè năm nay là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời các em, khi vừa hoàn thành dựng lều trại xong của các đội, trong lúc chờ Ban tổ chức đi chấm điểm, một trận cuồng phong và mưa dông làm đổ rạp nhiều lều trại, có pa nô và băng rôn mất chữ, mất dấu, sau cơn mưa các em lại phải làm lại từ đầu.

Tối thứ bảy ngày 2 / 8 / 2014, chương trình lửa trại và diễn văn nghệ của các em thật là vui. Có một tiết mục nhạc kịch thật đặc biệt đã đạt giải nhất của Đội 5, nội dung diễn tả về sự lôi kéo của các đam mê ( cờ bạc, nhục dục, bia rượu, ma túy…) và sự bao bọc chở che của Thiên Chúa. Với lòng quyết tâm trở về với Chúa sau khi sa ngã, mỗi người chúng ta sẽ được Chúa che chở yêu thương.

Trại hè là hoạt động thường niên, sau 1 năm học Giáo lý, các em được nghĩ hè 1 tháng, và trong tháng đó, các em được học kỷ năng sinh hoạt đoàn TNTT, tinh thần làm việc chung và hội trại.

Trong dịp hội trại, các em chơi các trò chơi nhỏ và lớn ( nấu ăn, gánh nước bằng lon bia, đi tìm mật thư … ), tạo niềm vui cho các em và mọi người trong Giáo xứ và Ban Giáo Lý đã tổng kết năm học Giáo lý và phát Giấy Khen cho các em đạt thành tích học tập tốt trong suốt năm học 2013 – 2014.

Xứ đoàn có hơn 200 em được chia thành 9 lớp học Giáo lý, từ lớp Vườn Hồng đến lớp Dự Trưởng, mỗi lớp có 3 em được nhận Giấy Khen ( nhất nhì ba )

Ngoài việc học trong năm, các em còn đảm nhận dâng hoa vào thứ bảy đầu tiên trong Tháng Hoa ( tháng 5 ), vào các dịp lễ quan trọng của Giáo xứ. Phụ trách Phụng vụ bài đọc trong lễ chiều thứ năm hằng tuần trong năm.

Trong Mùa Vọng, các em còn tham gia chương trình: Áo Ấm Tặng Bạn. Ban Giáo Lý đã giáo dục các em tinh thần hy sinh, chia sẻ với người xung quạnh…. Và hỗ trợ nâng đỡ các bạn đang gặp khó khăn về vật chất.

Được biết, trong Mùa Giáng Sinh 2013 vừa qua, một số Trưởng, Đại diện cho đoàn, đến Giáo xứ Đông Vinh ( thiếu nhi các Giáo xứ vùng khó khăn) Hạt Hòa Vang để giao lưu sinh hoạt, tặng quà Giáng sinh, và một số áo quần.

Trong năm học này, Xứ đoàn có 20 Trưởng vừa đảm nhận vai trò Giáo lý viên. Mới đào tạo huấn luyện thêm được 4 Dự Trưởng.

Toma Trương Văn Ân
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuyện Tiên Lãng
Ly Khách
08:07 03/08/2014
Chuyện Tiên-Lãng!

Cho tớ mượn điếu cày
Bắn vài bi thuốc lào Tiên-Lãng
Chiêm ngụm trà tươi, tớ kể cho nghe chuyện:
Đời của một gã thuần chất phác nông dân bỗng vướng vào vòng lao tù oan khiên khốn nạn
Ở một thiên đường mù có tên dông dài là: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!

Tiên-Lãng thời nay chẳng còn nổi tiếng vì lá thuốc lào thượng hảo hạng
Như Hải-Phòng sẽ chẳng mấy ai biết đến thành phố rợp màu hoa phượng đỏ lãng mạn
Nhưng ở thôn Cống-Rộc hẻo lánh thuộc vùng biển này
Tiên-Lãng đã thể hiện rõ cách lũ cầm quyền côn đồ đối xử với dân oan!
Và toà án Hải Phòng cũng tiêu biểu kiểu công lý mù đui dưới thời Cộng-sản

Tên gã là Đoàn Văn Vươn
Một cái tên chất phác nông dân, nghe vừa quen, vừa lạ, vừa dễ thương
Họ “Đoàn” hơi hiếm, lót chữ “Văn” bình thường, chỉ cái tên “Vươn” hơi khác thường
Chắc ý bố hắn khi đặt tên muốn con “Vươn” lên (có ai ngờ vì “vươn” kiểu này đã đẩy gã vào kiếp tù tội tai ương!)
Than ôi!

Như bao gã thanh niên độ tuổi nghĩa vụ, hắn vào quân đội
Giải ngũ xong, hắn cố phấn đấu có bằng kỹ sư Đại học Nông Nghiệp nhét túi
Nếu chịu đi làm cán bộ, quan quyền, quan tham… chắc hắn cũng có dăm ba cơ hội
Nhưng không - sau giải ngũ - sẵn máu nông dân yêu đất yêu nước đến…dở hơi…
hắn khởi nghiệp bằng vốn ky cóp, vay mượn… tính chuyện…lấp biển che giời!

Với kiến thức của kẻ tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, hắn muốn thử ý trời
Về quê, đổ đá quai đê chặn sóng, đóng dầm lấn biển để nuôi trồng thủy sản
Biển Tiên-Lãng xưa nay mùa bão lũ về vẫn luôn tàn phá dữ dội
Mấy bận biển san bằng kè đá đổ hôm trước, lúc bình minh ló dạng chỉ còn bầy sóng nham nhở vỗ cười!

Nhưng đất mới gầy dựng dần thành hình,
Đất đẫm đầy nước mắt mồ hôi!
Đứa con gái đầu lòng 8 tuổi, rơi xuống cống chết chìm một bữa theo bố mẹ ra bờ đê chơi,
Đất thêm giá đắt cả mạng người!

Cũng tại…cái tên “Vươn” hắn cứ vươn xuống, vươn lên, vươn lui, vươn tới…
Hơn 10 năm trời Vươn quần quật, loay hoay… chí hắn đã cảm động lòng Trời!

Trên bờ đê mới - giờ ngàn cây sú, vẹt, thẳng vươn xanh đón gió biển lộng phơi phới
Mùa biển động về có đê cao ngăn lũ, có rừng cây vươn chận bão phía biển khơi
Vùng đất mới bây giờ ngát xanh cây trái, có đầm nuôi cá tôm bắt đầu sinh lợi…
Nhưng trớ trêu…Than ôi!
Chính vì đất giờ sinh lợi đã động lòng lũ tham quan tìm cách cướp của hại người!

Bọn quan huyện giờ bỗng dưng đòi thu hồi lại đất mới
Mà ngày xưa còn là biển dữ cứ mỗi mùa bão lũ là nhão đất lở trời
Cả một huyện bao năm vô hình chung nhờ một kẻ vẫy vùng (dở hơi) lấp biển
Bây giờ đây bọn cầm quyền cấu kết với quan tòa để cướp mảnh đất đẫm đầy máu, nước mắt và mồ hôi!

Việc gì tới, rồi phải tới…
Giám đốc công an Hải Phòng, đại tá Đỗ Hữu Ca phối hợp chỉ huy hơn trăm tên công an, quân đội
Trang bị hùng hậu chó nghiệp vụ, chó xanh, chó vàng, dùi cui cùng sống ống…
Chia mấy nhánh thủy bộ trong…“trận đánh đẹp” để đời, chặt chẽ tấn công
Như con thú bị dồn vào chân tường, nạn nhân oan khiên chống trả trong vô vọng
Bằng súng hoa cải, bằng mìn tự tạo, cố đánh thức lương tâm một chế độ cướp của hại người!

Nhưng đám nông dân làm sao sánh bằng lũ cướp chính quy công an, quân đội
Chúng chiếm… “thành” xong liền…giải phóng sạch sẽ nhà cửa ruộng vườn
Nhà đốt không cháy hết thì đập, ruộng vườn chúng gặt gọn rồi chặt san cây cối
Ngay dưới đầm, hồ chúng cũng thả lưới vơ vét, tôm cá trốn cũng hết đường!

Mới hôm nào vườn còn ngát xanh, nhà còn tiếng trẻ vui đùa, đêm thầm thì tiếng cá tôm búng nhảy
Sau khi chúng rút đi chỉ còn cảnh hoang tàn khói lạnh, chung quanh một nền nhà ngút khói thê lương!



Cho tớ mượn điếu cày
Bắn thêm bi thuốc lào Tiên-Lãng…
Tớ sẽ cố thở theo khói lời phẫn uất nguyền rủa bọn cầm quyền…khốn nạn
Rồi ráng nuốt theo ngụm lệ-pha-trà, để kể nốt kết cục bi thảm tình cảnh của một dân oan!

Bầy báo đài xưa nay dù vẫn là cái loa của đảng
Đến mức này cũng phải vài kẻ phản phé xách mé chửi ngang
Đến gã thủ tướng cũng tuyên bố ăn theo: “Phải khởi tố, xét xử nghiêm minh cho hợp lòng dân, ý đảng…”
(Rồi cũng chính hắn chỉ năm sau phong cho lão Ca lên hàm tướng công an!)

Lãnh án oan - 5 năm tù - gã họ Đoàn giờ vẫn nằm trong khám
Gia đình tác tan, vợ con hắn dựng chòi bám trên nền đất hằn dấu tích khổ kham
Anh em hắn cũng tội tù, cũng may hắn vẫn còn ít bạn bè ở Tiên-Lãng
Giúp mấy cô phụ gượng sống nuôi chồng tù, nuôi con khốn khổ dưới sự trù dập của bầy tham quan
trên nước Cộng-hòa-xã-hội-chủ-nghĩa Việt-Nam!
vẫn luôn sống và học tập theo tư tưởng Bác
dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” của một đám điên Đảng
than ôi! khốn nạn!

lykhách
 
Chính Phủ Úc cấm nói tới các nhà lãnh đạo tối cao tham nhũng ở Việt Nam
Vũ Văn An
18:22 03/08/2014
Ngày 29 tháng 7 vừa qua, WikiLeaks tiết lộ một lệnh cấm hiếm có trong lịch sử luật pháp của nước này liên quan tới một vụ tham nhũng cả hàng triệu dollars có liên hệ tới những nhà lãnh đạo cũ mới được nêu đích danh của Mã Lai, Nam Dương và Việt Nam, cũng như các thân nhân của những người này. Lệnh cấm “tuyệt siêu” này nêu các lý do “an ninh quốc gia” để ngăn cấm bất cứ ai cũng không được tường trình vụ việc, ngõ hầu “tránh gây thiệt hại cho các mối liên hệ quốc tế của Úc”. Cái lệnh quái gở của tòa án Úc này được ban hành tiếp theo việc kết án bí mật 7 viên chức cao cấp của một chi nhánh Ngân Hàng Trung Ương, tức Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (RBA) của Úc vào ngày 19 tháng 6 vừa qua. Vụ này liên quan tới các lời tố cáo các nhân viên của RBA hối lộ hàng triệu dollars để có được các khế ước in tiền giấy cho các chính phủ Mã Lai, Nam Dương, Việt Nam.

Nguyên văn lệnh cấm của Tòa như sau:

1. Tùy thuộc lệnh tiếp theo, không được tiết lộ, hoặc bằng ấn phẩm hoặc bằng phương tiện khác, bất cứ thông tin nào (dưới hình thức điện tử hay giấy tờ) dẫn khởi từ hay được chuẩn bị cho mục đích của những phiên toà này (bao gồm các ngôn từ của chính lệnh này, và các lời khai có tuyên thệ của Gillian Elizabeth Bird được xác nhận vào hôm 12 tháng 6, 2014) nhằm tiết lộ, ngụ hàm, gợi ý hay tố cáo rằng bất cứ người nào được lệnh này nói tới

* đã nhận hay mưu toan nhận hối lộ hay những khoản trả bất chính;
* đã bằng lòng hay tự ý làm ngơ cho bất cứ người nào nhận hay mưu toan nhận hối lộ hay những khoản trả bất chính; hoặc
* là người được nhắm hay được đề nghị nhận hối lộ hay những khoản trả bất chính.

2. Tùy thuộc lệnh tiếp theo, lệnh này áp dụng vào những người sau đây:
……………………………………….
……………………………………….
(các nhà lãnh đạo tối cao cũ mới của Mã Lai và của Nam Dương: tổng cộng 13 người)

Trương Tấn Sang, Chủ Tịch đương nhiệm của Việt Nam (từ 2011)
Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng đương nhiệm của Việt Nam (từ 2006);
Lê Đức Thụy, Cựu Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia (2007 - 2011) và là cựu Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (1999 - 2007); và
Nông Đức Mạnh, Cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam (2001 - 2011).

Trong công bố của họ, WikiLeaks gọi lệnh này là một loại kiểm duyệt phủ bặt (blanket consorship) mọi tường trình liên quan tới vụ việc, kể cả việc không được đăng tải chính cái lệnh này cũng như những lời khai có tuyên thệ của người đại diện mới được bổ nhiệm của Úc tại Liên Hiệp Quốc là Gillian Bird.

Tưởng nên biết lệnh cấm phủ bặt kiểu này, trong quá khứ, chỉ diễn ra một lần năm 1995 liên quan tới nghiệp vụ tình báo hỗn hợp Mỹ Úc chống lại Tòa Đại Sứ Trung Cộng ở Canberra.

Người chịu trách nhiệm của WikiLeaks, Julian Assange (hiện đang ẩn trốn), phát biểu như sau về lệnh cấm lần này: “Với lệnh này, một lệnh cấm tệ hại nhất trong ký ức sống động, chính phủ Úc không những nhét giẻ vào miệng báo chí Úc, mà còn bịt mắt cả công chúng Úc nữa. Đây không phải chỉ là vấn đề chính phủ Úc không để cho công chúng được tra cứu vụ tham nhũng quốc tế mà họ có quyền. Ngoại Trưởng Julie Bishop phải giải thích lý do tại sao bà ta dám đe dọa bỏ tù mọi người Úc trong mưu toan che đậy một tai tiếng tham nhũng đáng xấu hổ liên quan tới chính phủ Úc… Ý niệm ‘an ninh quốc gia’ không có nghĩa như một câu bao trùm dùng để che đậy các lời tố cáo tham nhũng nghiêm trọng liên hệ tới các viên chức chính phủ, ở Úc cũng như ở những nơi khác. Quyền lợi công cộng đòi phải để báo chí được quyền tường trình về vụ này, một vụ có liên quan tới các chi nhánh của Ngân Hàng Trung Ướng Úc. Ai môi giới cho các dịch vụ của ta, và chúng ta môi giới họ ra sao như một quốc gia? Các vụ điều tra tham nhũng và các lệnh cấm bí mật vì các lý do ‘an ninh quốc gia’ ít khi đồng sàng cho được. Quả là điều nghịch lý khi Tony Abbott (đương nhiệm thủ tướng Úc) đem ‘các giá trị Á Châu’ tồi tệ nhất vào nước Úc”.

Hy vọng các giới Việt Nam chống Cộng ở Úc lên tiếng về vụ việc này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đức Mẹ TàPao
Nguyễn Hùng
22:24 03/08/2014
ĐỨC MẸ TÀPAO
Ảnh của Nguyễn Hùng
Bóng Mẹ phủ lên núi rừng Tà-Pao
Chở che mọi sinh linh
chốn rừng sâu núi thẳm.
(Pleiksor nth)