Ngày 03-08-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con người tuyệt vời
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
00:37 03/08/2023


Chúa Giê-su là Thiên Chúa cao sang vinh hiển và đầy quyền năng, nhưng Ngài đã tự xoá mình đi, hoá thân làm người, sống kiếp phàm nhân bình dị. Vì thế, người đương thời cho rằng Ngài chỉ là người phàm. Họ gọi Ngài là “Bác thợ con bà Maria” (Mc 6,3), thậm chí còn xem Ngài là người bị quỷ ám, người mất trí (Mc 3,21) …

Thế rồi hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình tới một ngọn núi cao. Ngài biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Ngài. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17,1-5).

Vậy là nhờ việc Chúa Giê-su tỏ mình trên núi, ba môn đệ mới nhận ra Chúa Giê-su là Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha, là Thiên Chúa thật, là Đấng hiến mình cứu độ muôn dân.

Chúng ta cũng có hoàn cảnh tương tự.

Nhìn xem diện mạo bên ngoài thì chúng ta là người tầm thường, kém cỏi và ngay chính ta cũng thấy mình yếu kém.

Thế nhưng, bản chất của chúng ta rất cao đẹp, vì bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy đều trở thành những con người tuyệt vời.

Nhờ đâu mà được như thế?

Thứ nhất, nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được sinh lại lần thứ hai, để được làm con Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Chúa tể trời đất, là Đấng tạo dựng nên vũ trụ bao la vô biên vô tận này. So với Ngài, chúng ta chỉ là cát bụi thấp hèn, chẳng đáng cho Ngài quan tâm… Thế mà Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh tẩy để sinh chúng ta lần thứ hai, cho chúng ta được trở thành con thật sự của Thiên Chúa Cha.

Được làm con thật của Thiên Chúa, Chúa tể trời đất thì thật tuyệt vời.

Thứ hai, Bí tích Thánh tẩy cũng liên kết chúng ta nên một với Chúa Giê-su, như bàn tay được ráp nối vào thân thể và nên một với thân thể; nhờ đó, chúng ta trở thành một chi thể sống trong thân mình Chúa Giê-su. Và sự sống của Chúa Giê-su như dòng máu thiêng liêng lưu chảy trong thân mình chúng ta, mang lại cho ta sự sống của Thiên Chúa.

Từ thân phận thấp hèn mà được trở thành chi thể của Chúa Giê-su và được tiếp nhận sự sống của Thiên Chúa thì quả là một diễm phúc tuyệt vời!

Sống xứng đáng là con của vua trời

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”

Vì là con của Thiên Chúa, chúng ta phải tạo cho mình những phẩm chất cao đẹp xứng đáng với địa vị những hoàng tử hay công chúa của Vua trời.

Hoàng tử hay công chúa của Vua trời không thể sống thấp hèn, thiếu đạo đức, thiếu tư cách, kém văn minh được, vì sống như thế là bất xứng với địa vị của mình, làm nhục cho vua cha, làm ô danh hoàng tộc cao quý của mình.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con sống tốt lành thánh thiện, xứng đáng với địa vị cao quý của mình và luôn làm cho Chúa hài lòng bằng đời sống tốt đẹp của chúng con. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Ngày 04/08: Thành kiến ngăn chặn long Tin – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:12 03/08/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và tất cả chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Đó là lời Chúa
 
Việc cả thể
Lm. Minh Anh
14:11 03/08/2023

VIỆC CẢ THỂ
“Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin!”.

Trong “Miracle on the River Kwai”, “Phép Mầu Trên Sông Kwai”, Gordon viết về các tù binh bị buộc phải xây một con đường sắt trong rừng; họ đã trở nên man rợ. Cho đến ngày kia, một cái xẻng bị mất! Không ai nhận tội, viên sĩ quan Nhật rút súng bắn vào những người tù. Bỗng một người bước lên, anh bị đánh chết; dẫu sau đó, chiếc xẻng được tìm thấy. Từ đó, các tù binh yêu thương nhau như gia đình, hết vô nhân tính. Người chết, một Kitô hữu, đã làm một việc cả thể là cứu sống nhân phẩm và mạng sống của những bạn tù còn lại.
Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu, một người đã làm những ‘việc cả thể’ ở các thành, Tin Mừng hôm nay cho biết, Ngài về quê, nhưng “Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin!”.

Thật thú vị! Đang khi bản Việt ngữ, bản BJ và TOB tiếng Pháp gọi đây là những “phép lạ” thì bản NAB của HĐGM Hoa Kỳ chỉ đơn giản gọi đây là những “việc cả thể”, “mighty deeds!”. Vậy mà theo một số nhà chú giải, cách gọi này, xem ra gần gũi và dễ ao ước hơn!

Với các nhà chú giải này, ‘việc cả thể’ là công việc biến đổi những linh hồn! Bởi lẽ, linh hồn được hoán cải mang một ý nghĩa ‘lâu dài nhất’, ‘thiên đàng nhất’, ‘vĩnh cửu nhất’, cũng là điều Chúa Giêsu tìm kiếm và chờ đợi nhất. Buồn thay! Sau những phép lạ vật lý, việc biến đổi các linh hồn đã không xảy ra. Tin Mừng cho biết, “Vì họ chẳng có lòng tin!”. Rõ ràng, những người đồng hương của Chúa Giêsu vì quá cố chấp, họ đã không cởi mở để tin nhận sự hiện diện của Ngài; Lời Ngài không thấu qua tai, thấm qua tim họ.

Tuy nhiên, việc “Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó” còn có nghĩa là Ngài ‘có’ làm, ít nữa một phép lạ! Chi tiết này hé lộ, chí ít, đã có một linh hồn được biến đổi. Dù chỉ một linh hồn được biến đổi, cả triều thần trên trời cũng mừng vui, Chúa Giêsu mừng vui; bởi lẽ, đó là ‘việc cả thể’ vĩ đại nhất. Khi linh hồn bạn và tôi được biến đổi, chúng ta sẽ nhạy bén trong việc nhận ra những ‘dấu vết thánh’ của Chúa trong cuộc sống; sự ‘hiện diện thánh’ của Ngài trong tha nhân và ‘hoạt động thánh’ của Ngài trong các công việc thường ngày!

Anh Chị em,

“Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó”. “Không làm nhiều”, vì lẽ, Chúa Giêsu quá quen đối với họ; nói rõ ra, họ không chấp nhận việc “Nhập Thể”, một Thiên Chúa trong một con người! Với họ, một vị thần trừu tượng, xa cách… sẽ thoải mái hơn; một vị thần chấp nhận một đức tin xa rời cuộc sống, khỏi các vấn đề… sẽ dễ chịu hơn. Cũng thế, với bạn và tôi, chúng ta muốn một vị thần ‘hiệu ứng đặc biệt’, làm những điều đặc biệt và luôn khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ. Vậy mà, thay vào đó, Thiên Chúa đã nhập thể! Một Thiên Chúa khiêm nhường, dịu dàng, ẩn mình; Ngài đến gần chúng ta, sống cuộc sống bình thường của chúng ta. Và rồi, liệu điều tương tự cũng xảy ra với bạn và tôi như đã xảy ra với những người cùng quê của Chúa Giêsu? Chúng ta liều lĩnh đánh mất cơ hội, để Ngài đi ngang qua và không nhận ra Ngài? Và như thế, Ngài không làm được một ‘việc cả thể’ nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo những gì ồn ào to tát bên ngoài; cho con chỉ yêu thích điều ‘lặng lẽ nhưng mạnh mẽ’ bên trong, linh hồn được ân sủng Chúa biến đổi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Run Sợ Thánh Thiện
Lm Vũđình Tường
22:20 03/08/2023
Đức Kitô hỏi môn đệ thiên hạ đồn thổi Con Người là ai? Các ông thưa, người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác cho là tiên tri Elijah, kẻ khác nữa lại cho là tiên tri Jeremiah hay một vị tiên tri nào đó (Mat 16, 13-14). Tất cả những nhận xét trên cho thấy người ta nói nhiều đến việc lạ lùng Đức Kitô thực hiện mà không nói lên được bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô. Công việc người đó thực hiện không diễn tả được bản tính người đó. Trên núi thánh, lần đầu tiên, Đức Kitô tỏ cho ba môn đệ, Phêrô, Giacôbe và Gioan thấy rõ uy quyền sáng rực rỡ nơi Đức Kitô. Vẻ rực rỡ huy hoàng nơi Đức Kitô gây kinh hoàng đến độ các ông run, cúi gầm mặt xuống đất. Đức Kitô, Người mà các ông từng biết giờ biến hình sáng chói trước mắt các ông. Mặt Ngài sáng tựa mặt trời, áo Ngài sáng hơn tuyết đỉnh đầu núi. Tiếng Ngài vang vọng, ngân dài như tiếng sấm lan xa, rộng trên nền trời xanh thẳm. Bất cứ nơi nào, và bất cứ khi nào Chúa hiện ra với con người cũng có thiên nhiên đến phục vụ. Thiên nhiên đây phải nói đến đỉnh núi, mây trời, ánh sáng và tiếng vang vọng. Về phía nhân loại luôn có ngạc nhiên ngoài trí tưởng, luôn có sợ hãi và rồi sau đó là hồi tưởng mong tìm hiểu í nghĩa sự việc.

Thiên nhiên trở thành dụng cụ phục vụ Thiên Chúa. Núi cao hùng vĩ nói lên vẻ vĩ đại, cao sang của Đấng tạo dựng nên đất trời. Điều này cũng nói lên chiều cao, sâu, mức dài trải rộng. Cao vượt khỏi mây trời; Sâu hơn đáy đại dương; trải xa ngoài tầm mắt và rộng hơn vũ trụ bao la, hùng vĩ.

Mây trời trở thành Ngai của Thiên Chúa. Mây trời luôn thay đổi hình dạng, đến mau, đi nhanh diễn tả cảm nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô trong cầu nguyện. Lúc cảm thấy Chúa gần bên, lúc khác lại thấy Chúa xa vời. Ngài đến, Ngài đi, hoàn toàn do í Ngài. Mây còn đóng vai trò bảo vệ, giảm mức nguy hại của tia sáng cực tím cho con người, và còn làm nhiệm vụ điều hoà khí hậu. Đối với các tông đồ, mây đóng vai trò che chở các ông khỏi bị loà khi nhìn thấy vẻ huy hoàng rực rỡ của Thiên Chúa.

Ánh sáng huy hoàng không phải do phản chiếu của ánh mặt trời mà chính là xuất phát từ chính Đức Kitô. Ánh sáng này còn lan toả trên áo Ngài đang mặc và làm rực sáng toàn cảnh chung quanh. Ánh sáng rực rỡ đến độ thẩm thấu tận tâm linh các tông đồ và làm rực sáng con tim các ông. Huy hoàng, rực rỡ gây cho các ông hoảng sợ, nhưng không hoang mang. Các ông lo sợ nhưng trong lòng rất vui; các ông run rẩy nhưng tâm hồn dạt dào bình an. Sau khi gặp Thiên Chúa, Môisen xuống núi với Mười điều Răn, mặt ông sáng như hừng đông. Khuôn mặt môn đệ Đức Kitô cũng sáng rực, huy hoàng. Vẻ huy hoàng nơi Đức Kitô tỏ lộ trên núi thánh nơi Chúa biến hình. Ngoài Đức Kitô ra, chưa một ai được Chúa cho phép trực tiếp nhìn thấy Dung Nhan Thần Thiêng Thiên Chúa. Môisen chỉ nhìn thấy sau lưng Thiên Chúa và môn đệ trên núi thánh chỉ nhìn dưới tầng mây bao phủ. Có thế mà các ông đã kinh hồn, bạt vía. Điều này cho biết con người không đủ khả năng trực tiếp nhìn Thiên Chúa, mà chỉ những ai Đức Kitô chọn cho nhìn mới có khả năng nhận.

Phêrô đại diện anh em xin làm ba lều trên đỉnh núi. Đức Kitô không đáp lại lời ông yêu cầu nhưng nói với các ông xuống núi. Đề nghị trên có thể rất chân thành, rất thật, nhưng điều đó xảy ra sai cả nơi chốn, lẫn địa điểm. Bài đọc diễn tả rất đơn giản là Phêrô nói mà không biết mình nói gì. Đề nghị làm lều đồng nghĩa với xin Ngài ở lại luôn trên núi thánh. Nếu thế làm sao có thể thi hành chương trình cứu độ nhân loại, hoàn thành tốt đẹp thánh í Chúa Cha, hay ít nhất việc ở lại làm đình trệ việc thực hành thánh í Chúa Cha, điều mà Đức Kitô không bao giờ để xảy ra. Chỉ điểm này cũng đủ nói lên đề nghị kia không đến từ Thiên Chúa mà đến từ con người. Có thể suy rộng ra đây là một hình thức cám dỗ cao hơn cám dỗ trước, khi Đức Kitô tiên báo cuộc khổ nạn. Phêro ngăn cản nói 'xin điều đó đừng xảy ra cho Thầy'. Í tưởng rất tốt, nhưng Đức Kitô đáp; Satan, lui ra đằng sau Thầy. Mat 16,22.

Trên đường xuống núi, Đức Kitô nói với các môn đệ cuộc khổ nạn Ngài sắp lãnh nhận là việc làm cần thiết cho việc cứu vớt các linh hồn.

Tiếng vang vọng cõi trời cao tựa tiếng sấm diễn tả oai phong khắp bầu trời của Thiên Chúa. Điều này cũng cho biết Ngài là Chúa toàn cõi thiên nhiên, Chúa toàn thể vũ trụ và chúng luôn sẵn sàng phục vụ Đấng dựng nên chúng.

Đức Kitô đàm đạo cùng Elijah và Môisen cho biết Ngài là Đấng Trung Gian giữa Cựu và Tân Ước. Điều này cũng cho biết những tiên báo về Ngài sắp được thực hiện, và chỉ riêng mình Ngài có khả năng hoàn thành tốt đẹp í định, ước muốn Chúa Cha. Đó là Giao Ước Thiên Chúa tự hứa với nhân loại. Đức Kitô kiện toàn Giao Ước bằng tự nguyện hy sinh sự sống chính mình, và đổ Máu trên thập giá. Giao Ước mới được kiện toàn bằng giá Máu của Con Thiên Chúa.

Trên núi thánh các tông đồ run sợ là nỗi run sợ thánh thiện. Run sợ thánh thiện có nghĩa là lo sợ mình không yêu mến Thiên Chúa cách sốt sắng, chân thành như lòng hằng mong ước. Điều này cho thấy mức giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của con người. Vì thế con người luôn cần ơn Chữa lành. Đức Kitô chạm đến các ông, chữa lành các ông. Ơn can đảm, bình an trở lại trong tâm trí các ông.

Trên đường xuống núi, Đức Kitô nhắc các ông nên giữ lặng thinh những gì đã xảy ra trên núi thánh cho tới khi Con Người sống lại từ cõi chết. Điều này cho biết các tông đồ hiểu ít nhiều bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô, nhưng phải chờ cho đến khi sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết các ông mới hiểu rõ hơn. Chính điều các ông bàn thảo với nhau nói lên điểm này. Các ông thắc mắc với nhau, 'Sống lại từ cõi chết' nghĩa là sao?

Mầu nhiệm cuộc sống, sự chết và sự sống lại luôn vượt quá mức hiểu biết của khối óc. Mọi cố gắng giải thích về mầu nhiệm này chỉ là phỏng đoán, bởi nó vượt quá khả năng. Chúng không thuộc về loài người, mà thuộc về Thiên Chúa. Nhân loại chỉ biết đón nhận và huởng dùng.

Hãy xin ơn luôn trung thành với giáo huấn của Đức Kitô như lời Chúa Cha phán dậy: Hãy lắng nghe lời Ngài.

TiengChuong.org

Holy Fear

Jesus asked the apostles, what do people say about the Son of Man? They replied: Some say, you are a great prophet; others say you are Elijah, and others again, Jeremiah or one of the prophets. Each of these sayings fails to reveal Jesus' true identity. Up in the mountain, for the first time, Peter, James and John; have experienced Jesus' holy splendour, and that is his true identity. This magnificent splendour overwhelms them. The Jesus, whom they know, now has transfigured. His face is brightening like the sun, his clothes are whitened. His voice is as loud as thunder which captures their spirit. There are several elements which always accompany God, wherever, and whenever God appears. It involves both nature and humans. Nature provides mountains, brightness, cloud, and a voice like thunder. On the human part, there is a surprise, the feeling of awe, and afterwards the wonder of understanding.

Nature becomes the tool to show God's glory. A mountain implies the greatness, the high, the width, and the depth of God. For God, the cloud serves as God's throne. Cloud comes and goes and constantly changes its shapes. It represents the mystery of God, who, we sometimes feel is very close, while other times is hidden. For us, the cloud becomes a shield of protection; it lessens the effect of ultraviolet rays. Cloud also controls the atmosphere's temperature. For the apostles, the cloud protects their eyes from blindness. The brightness comes not from the sun's rays, but rather from Jesus himself. It shines not just on his face but his clothing, into the surrounding areas. This brightness pervades not just the apostles' faces, but even breaks through their minds; and as well as their hearts. Moses' face was shining after encountering the Lord, and so do the apostles. This mysterious brightness is hidden, but revealed up on the mountain for the chosen ones. It is too bright for them to see Jesus directly, but must face down to avoid its greatness. It tells us that, we humans are unable to face God face to face, unless, to a certain degree, God allows that person to know God. Apart from Jesus, no human has ever been given that privilege.

Peter, on behalf of the apostles, proposes to build the three tents. Jesus ignores his request; but tells them to go down. It is ignored because this genuine, noble proposal is made at the wrong time, and the wrong place. It is spoken without knowledge as the text says. Obviously, remaining up in the mountain would mean avoiding the cross, or at least delaying the Father's will which is not what Jesus would do. This reason alone makes us believe that proposal doesn't come from God but from man. On the way down, Jesus reminds the apostles that His Passion is necessary for mankind. The voice sounds like thunder representing the powerful and greatness of God. It also reveals that nature always submits, and serves its Creator. Jesus talks to Elijah and Moses; which indicates that Jesus is the bridge between the Old and the New Testament. It means Jesus alone would perfect God's Covenant to save us with His own life and blood.

The fear of the apostles is a holy fear. A holy fear is the fear of not loving God as much as one would desire. It also reveals that we are very fragile, and weak, and in need of healing. Jesus touches the apostles to heal them, removing fear from their hearts.

On their way down, Jesus told the apostles to tell no one about the mountain experience until the Son of Man had risen from the dead. This reveals that the apostles would not fully understand the true Jesus' identity until after he rose from death. The discussion among them about what 'rising from the dead' could mean reveals, that the mystery of life; death; and resurrection is beyond human reasoning. We humans have no say in these mysteries. They are all God's gifts to us. We take them and enjoy what we receive.

We pray to be faithful to Jesus' voice as the Father told us, 'Listen to Him'.
 
Chúa hiển dung lung linh đẹp đẽ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
23:30 03/08/2023
CHÚA HIỂN DUNG LUNG LINH ĐẸP ĐẼ

Người ta có thể cưỡng lại tôn giáo, nhưng không cưỡng lại vẻ đẹp. Ai cũng thích đẹp. Chúa Giêsu hiển dung đã tỏ lộ vẻ đẹp thần thánh sáng láng rạng ngời của Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ. Thế nên, tin theo Chúa là để làm cho con người và cuộc đời được đẹp đẽ hơn.

1. Đẹp đẽ. Ai cũng thích mình đẹp, thích ngắm người đẹp, cảnh đẹp. Thế nên, thật vui sướng khi Chúa Giêsu cho các môn đệ chiêm ngắm vẻ đẹp thần thánh của Ngài trên núi. Vẻ đẹp thần thánh tỏa ra khiến cho dung nhan Chúa chói lọi như mặt trời, y phục Chúa rạng ngời ánh sáng. Vẻ đẹp từ trong tâm hồn toát ra, đẹp cả xác lẫn hồn, đẹp toàn diện.

2. Làm đẹp. Ngày xưa nghèo người ta chỉ lo làm ruộng, ngày nay giàu có, nhiều người lo làm đẹp sao co làn da tươi trẻ, dáng vóc thon thả, chỉnh sửa nâng cắt mắt mũi môi cằm theo như ý thì thôi. Còn Chúa Giêsu chỉ cho cách làm đẹp độc đáo, đó là sống đẹp lòng Chúa như chính Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con.” Để đẹp lòng Chúa thì cần vâng lời Chúa, để lời Chúa chiếu rọi cuộc đời mỗi người như ánh sáng chiếu vào các ô cửa kính màu làm nổi bật lên vẻ đẹp lung linh rực rỡ. Hơn nữa, địa điểm Chúa hiển dung sáng láng trên ngọn núi cao hàm ý làm đẹp không phải là chuyện chơi, mà cần nhiều nỗ lực cố gắng vươn cao lên một lối sống cao cả, cao đẹp, cao thượng, cao quý.

Tâm hồn đẹp làm cho thân xác đẹp. Thực tế cho thấy, vẫn khuôn mặt đó mà khi người ta sống tử tế, tươi vui thì mặt sáng ngời rạng rỡ, còn khi người ta sống thù hận giận giữ thì mặt xấu ghê gớm. Thế cho nên, cách làm đẹp tốt nhất là hãy sống quảng đại yêu thương để làm lộ ra vẻ đẹp thần thánh mà mỗi người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ, một vẻ đẹp siêu việt chứ không phải siêu mẫu. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại công viên Edoardo VII
J.B. Đặng Minh An dịch
16:20 03/08/2023

Thứ Năm, ngày 03 tháng Tám, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm tại Lisbon. Ban sáng, Đức Thánh Cha đã đến Đại học Công Giáo Bồ Đào Nha để gặp gỡ các sinh viên trẻ, lắng nghe chứng từ của một số sinh viên, rồi làm phép viên đá đầu tiên để xây khu đại học xá mới, tên là “Campus Veritas”.

Sau đó, Đức Thánh Cha đến trụ sở của tổ chức quốc tế “Liên trường, Scholas Occurentes, hiện diện tại 190 quốc gia, lắng nghe chứng từ của ba bạn trẻ thuộc nhiều tôn giáo, ký vào lá cờ nghệ thuật dài ba cây số, và cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo khác dự nghi thức trồng một cây Oliu hòa bình”.

Ban chiều, lúc gần 5 giờ, Đức Thánh Cha đã đến Công viên Edoardo VII, rộng 26 hécta, cũng ở thủ đô Lisbon, tại đây diễn ra nghi thức đón tiếp của Ngày Quốc tế Giới trẻ, với phần chào mừng của Đức Hồng Y Thượng phụ và của các bạn trẻ, rước cờ các nước tham dự vào lễ đài, rồi rước hai biểu tượng của Ngày Quốc tế Giới trẻ và Ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma. Buổi tiếp đón này cũng có phần lắng nghe Lời Chúa sau đó là bài giảng của Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ thân mến, chào buổi tối!

Chào mừng và cảm ơn các bạn đã ở đây. Tôi rất vui được gặp tất cả các bạn, và cũng rất vui khi được nghe tiếng ồn thú vị mà các bạn đang tạo ra! Điều này làm cho tôi chia sẻ niềm vui lây lan của các bạn. Thật tốt khi được cùng nhau ở Lisbon. Tôi đã mời các bạn đến đây cùng với Đức Thượng Phụ Lisbon, là người mà tôi biết ơn vì những lời chào mừng của ngài. Các bạn cũng được mời bởi các Giám mục, linh mục, giáo lý viên và các nhà lãnh đạo giới trẻ của các bạn. Chúng ta hãy cảm ơn tất cả họ vì điều này; và cho họ một tràng pháo tay thật hay! Tuy nhiên, trên hết, chính Chúa Giêsu đã gọi các bạn đến đây: chúng ta hãy cảm ơn Người!

Các bạn thân mến, các bạn không ở đây một cách tình cờ. Chúa đã kêu gọi các bạn, không chỉ trong những ngày này, mà ngay từ đầu những ngày đời của các bạn. Thật vậy, Ngài đã gọi các bạn bằng tên. Được gọi bằng tên: hãy thử tưởng tượng ba từ này được viết bằng chữ lớn. Sau đó, hãy xem xét rằng chúng đã được viết bên trong các bạn, trong trái tim của các bạn, như thể tạo thành tiêu đề cho cuộc đời các bạn, ý nghĩa của con người các bạn: các bạn được gọi bằng tên. Mỗi chúng ta đều được gọi tên. Khi bắt đầu câu chuyện về cuộc đời chúng ta, trước bất kỳ tài năng nào chúng ta có thể có, trước bất kỳ bóng tối hay vết thương nào chúng ta có thể mang trong mình, chúng ta đã được gọi. Được gọi vì chúng ta được yêu mến. Dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta là những đứa con quý giá, và Người kêu gọi chúng ta mỗi ngày để ôm ấp và khuyến khích chúng ta, để biến chúng ta thành một kiệt tác độc đáo và nguyên bản mà chúng ta chỉ có thể bắt đầu thoáng thấy vẻ đẹp.

Tại Đại hội Giới trẻ Thế giới này, chúng ta hãy giúp nhau nhận ra thực tại cơ bản này: ước gì những ngày này là những âm vang sống động của tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa, vì chúng ta quý giá trong mắt Người, bất chấp những gì mà chính mắt chúng ta thỉnh thoảng mới thấy được, vì bị che mờ bởi những tiêu cực và bị chói lòa bởi những nhiều phiền nhiễu. Hãy để đây là những ngày mà tên của các bạn, được các anh chị em thuộc nhiều ngôn ngữ và quốc gia nhắc đến trong tình bạn, vang dội như một tin tức độc đáo trong lịch sử, vì trái tim của Chúa đập một cách độc đáo vì các bạn. Hãy để đây là những ngày mà trong trái tim chúng ta hoàn toàn nhận ra rằng chúng ta được yêu thương như chính con người chúng ta. Trong khi đây là điểm khởi đầu của Ngày Giới trẻ Thế giới, thì trên hết, đó là điểm khởi đầu của cuộc đời chúng ta.

Được gọi bằng tên: đây không chỉ là một cách nói; thực vậy, đó là lời Thiên Chúa (x. Is 43:1, 2Tim 1:9). Các bạn thân mến, nếu Chúa gọi các bạn bằng tên, điều đó có nghĩa là đối với Ngài, các bạn không phải là một con số, mà là một khuôn mặt. Tôi muốn các bạn nhớ rằng nhiều người biết tên các bạn, nhưng họ không gọi các bạn bằng tên. Chắc chắn tên của các bạn đã được biết đến, nó xuất hiện trên các mạng xã hội và được giải quyết bằng các thuật toán liên kết nó với các lượt thích và sở thích, tất cả đều hữu ích cho nghiên cứu thị trường, nhưng nó không bắt đầu tiếp cận các bạn theo sự độc đáo của các bạn. Có bao nhiêu con sói núp sau nụ cười giả dối, nói rằng chúng biết các bạn, dù chúng không yêu mến các bạn. Chúng nhất mực khẳng định rằng chúng tin các bạn và hứa rằng các bạn sẽ trở thành một ai đó, nhưng rồi lại bỏ rơi các bạn khi các bạn không còn quan trọng nữa. Đây là những ảo tưởng của thế giới ảo và chúng ta phải cẩn thận đừng để mình bị lừa dối, vì nhiều thực tế thu hút chúng ta và hứa hẹn hạnh phúc để rồi sau đó được thể hiện đúng như bản chất của chúng: những thứ vô ích, thừa thãi và thay thế khiến chúng ta trống rỗng bên trong. Nhưng Chúa Giêsu không như thế. Ngài tin tưởng các bạn, đối với Người các bạn thực sự quan trọng.

Do đó, chúng ta, Giáo hội của Ngài, là cộng đồng của những người được kêu gọi: không phải là những người giỏi nhất – không, hoàn toàn không phải – nhưng là những người được triệu tập, những người cùng với những người khác đón nhận hồng ân được gọi. Chúng ta là cộng đồng anh chị em của Chúa Giêsu, con trai và con gái của cùng một Cha. Trong những bức thư các bạn gửi cho tôi – chúng rất đẹp, cảm ơn các bạn – các bạn nói: “Con rất sợ khi biết rằng có những người không chấp nhận con và không nghĩ rằng có một nơi dành cho con… Con thậm chí còn tự hỏi liệu có một chỗ cho con không “. Và một lần nữa: “Con cảm thấy rằng trong giáo xứ của con không có chỗ cho những sai lầm”. Các bạn thân mến, tôi muốn nói rõ điều này với các bạn, những người dị ứng với sự không trung thực và những lời sáo rỗng: luôn có chỗ cho mọi người trong Giáo hội và, bất cứ khi nào không có chỗ, thì xin vui lòng, chúng ta phải nhường chỗ, kể cả cho những người gây ra những sai lầm, những người vấp ngã hoặc đang phải vất vả vươn lên. Vì Giáo hội đang, và phải ngày càng trở thành, ngôi nhà nơi vang vọng tiếng gọi của Thiên Chúa gọi đích danh mỗi người chúng ta. Chúa không chỉ một ngón tay, nhưng dang rộng vòng tay: Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều này trên Thập giá. Người không đóng cửa, nhưng mời chúng ta vào; Người không giữ khoảng cách với chúng ta, nhưng chào đón chúng ta. Trong những ngày này, chúng ta hãy truyền đi thông điệp yêu thương của Người để giải thoát tâm hồn chúng ta và để lại một niềm vui không bao giờ phai nhạt. Làm thế nào chúng ta có thể làm điều này? Thưa: Bằng cách gọi người khác bằng tên. Hỏi tên của những người các bạn gặp và sau đó nói tên của những người khác với tình yêu thương, không sợ hãi và nói thêm rằng “Chúa yêu các bạn, Chúa gọi các bạn”. Nhắc nhở nhau rằng các bạn thực sự có giá trị. Cũng đừng ngại nói với nhau: “Anh chị em ơi, thật là tốt khi anh chị em hiện hữu”. Bạn có tin điều này không? Các bạn có đồng ý với tôi không?

Tối nay các bạn cũng đã đặt câu hỏi cho tôi, rất nhiều câu hỏi. Đặt câu hỏi là đúng, quả thực nó thường tốt hơn là đưa ra câu trả lời, bởi vì bất cứ ai đặt câu hỏi vẫn luôn “bồn chồn” và sự bồn chồn là phương thuốc tốt nhất dành cho thói quen đơn thuần, cho sự bình thường phẳng lặng làm tâm hồn chai lì. Vì vậy, tôi muốn mời các bạn làm một điều xa hơn nữa trong những ngày này: những câu hỏi mà các bạn có trong mình, những câu hỏi quan trọng liên quan đến ước mơ, tình cảm, ước muốn lớn nhất, hy vọng và ý nghĩa của cuộc sống: đừng giữ chúng cho riêng mình mà hãy mang chúng đến với Chúa Giêsu. Hãy gọi Ngài bằng tên, như Ngài làm với các bạn. Hãy đề cập đến các câu hỏi của các bạn với Ngài, giao phó cho Ngài những bí mật của các bạn, những người thân yêu của các bạn, niềm vui và mối quan tâm của các bạn, cũng như những vấn đề của các quốc gia và thế giới của các bạn. Rồi các bạn sẽ khám phá ra một điều mới mẻ và đáng ngạc nhiên: đó là khi các bạn cầu xin Chúa, khi các bạn mở lòng ra với Người mỗi ngày, khi các bạn thực sự cầu nguyện, thì đời sống nội tâm của các bạn sẽ được biến đổi. Điều xảy ra là, trong cuộc đối thoại cầu nguyện, Thiên Chúa làm các bạn mất cảnh giác: các bạn đặt câu hỏi và Người không trả lời đơn giản cho các bạn, vì Người không phải là một công cụ tìm kiếm, mà là một người bạn thực sự. Tuy nhiên, Ngài cũng đưa ra những yêu cầu từ các bạn: các bạn yêu cầu Ngài những gì các bạn cần và các bạn bắt đầu nghe thấy những câu hỏi khác – những câu hỏi của Chúa – trong các bạn. Những điều này chạm đến những dây thần kinh phơi bày của tâm hồn chúng ta, chúng khuyến khích chúng ta làm điều tốt, lôi cuốn chúng ta đến một tình yêu lớn hơn và khiến trái tim chúng ta mở rộng. Bằng cách này, Thiên Chúa đối thoại với chúng ta và làm cho chúng ta lớn lên trong điều thực sự quan trọng: đó là trao ban sự sống.

Đây là điều đã xảy ra trong Tin Mừng mà chúng ta đã nghe: các môn đệ, những người ở với Chúa Giêsu chưa lâu, đang chờ đợi câu trả lời. Và Chúa đã làm gì? Ngài đã khiến họ bất ngờ bằng cách cử họ đi làm nhiệm vụ. Ngài sai họ đi mà không chuẩn bị kỹ càng, không bảo đảm, “không túi, không bị, không giày dép”: Ngài tin tưởng họ đến nỗi sai họ “như chiên con ở giữa bầy sói” (Lc 10:3.4). Và bây giờ, Chúa Giêsu đặt niềm tin tương tự vào các bạn. Các môn đệ đó trở về với niềm vui sau cuộc phiêu lưu trong sứ mệnh của họ. Tương tự như vậy, các bạn thân mến, có một niềm hạnh phúc mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các bạn, cho mỗi người các bạn: nó không đến từ việc tích lũy của cải nhưng đến từ việc liều mạng sống của mình. Chúa cũng nói với mỗi người trong các bạn: “Hãy đi, vì có một thế giới cần những gì các con, và chỉ một mình các con có thể cho được”. Các bạn có thể phản đối: “Nhưng con có thể mang lại gì cho người khác?” Có một điều, một tin tuyệt vời, cũng chính là tin mà Người đã loan báo cho các môn đệ: “Thiên Chúa đã đến gần” (x. Lc 10,9). Đây là viên ngọc quý của cuộc sống. Mọi người cần biết rằng Thiên Chúa đang ở gần, và tất cả những gì Ngài cần là một phản ứng nhỏ từ phía chúng ta để khiến cuộc sống của chúng ta tràn đầy những điều kỳ diệu.

Nhưng như thế các bạn vẫn có thể nói: “Con không thể, con sợ, con không tự tin”. Chà, tất cả chúng ta đều là con người, chúng ta đều có những nỗi sợ hãi của mình; nhưng đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là chúng ta làm gì với nỗi sợ hãi của mình. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta ngay giữa những sợ hãi, khép kín và cô đơn của chúng ta. Ngài không gọi những người cảm thấy có khả năng, nhưng gọi những người Ngài sẽ làm cho có khả năng. Chúa đã làm những điều kỳ diệu với Ápraham, người đã cao tuổi và cảm thấy mình đã đi đến cùng; với Môise, người sợ nói vì ông nói lắp; với Thánh Phêrô, người bốc đồng và thường mắc lỗi; với Phaolô, người đã phạm tội trọng. Không ai trong số các ngài là hoàn hảo, nhưng tất cả các ngài đều hiệp nhất với Chúa. Các ngài đã được “kết nối” với Ngài. Đó là bí mật: được kết nối với Chúa. Trong những bức thư của các bạn, các bạn đã nói: “Con nhận ra một cuộc đấu tranh ngày càng tăng để tập trung tốt vào những điều trên trời”. Đúng là không dễ, nhưng chúng ta ở đây để học cách tập trung, “mạng lưới” và kết nối với tiếng gọi của Chúa.

Trong việc này, chúng ta có một sự trợ giúp to lớn: Đức Maria, Mẹ của chúng ta, nhất là trong những ngày này, Mẹ nắm lấy tay chúng ta và chỉ đường cho chúng ta. Mẹ là người vĩ đại nhất trong lịch sử, không phải vì Mẹ có kiến thức cao hơn hay khả năng đặc biệt, mà bởi vì Mẹ không bao giờ xa rời Chúa. Trái tim của Mẹ không bị xao lãng hay ủ rũ, nhưng mở ra với Chúa, luôn kết nối với Người. Mẹ đã can đảm dấn thân trên con đường của lời Chúa và bằng cách này Mẹ đã mang lại niềm hy vọng và niềm vui cho thế giới. Mẹ dạy chúng ta cách hành trình trong cuộc sống, nhưng chúng ta sẽ nói về điều đó vào tối thứ Bảy. Còn bây giờ, chúng ta hãy nhớ lại khởi điểm: tất cả chúng ta đều được Chúa gọi, được gọi vì chúng ta được yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy làm hai việc: thứ nhất, chúng ta hãy gọi tên nhau và nhắc nhở nhau về vẻ đẹp của việc được yêu thương và trân trọng! Thứ hai, chúng ta hãy đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu, Đấng đang mong đợi chúng ta nói chuyện thường xuyên với Ngài trong những ngày này. Chúng ta hãy kết nối với Ngài và với tình yêu của Ngài, vì bằng cách này, niềm vui của chúng ta sẽ chỉ tăng lên. Tôi cầu chúc tất cả các bạn một Ngày Giới trẻ Thế giới thật hạnh phúc!
 
Diễn từ của Đức Phanxicô với các sinh viên ở Lisbon: không có tương lai trong một thế giới không có Thiên Chúa
Vũ Văn An
18:04 03/08/2023

Khởi đầu ngày thứ hai ở Lisbon, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Universidade Católica Portugesa [Đại Học Công Giáo Bồ Đào Nha] để gặp gỡ các sinh viên. Ở đây, ngài nhắn nhủ các sinh viên: "không có tương lai trong một thế giới không có Thiên Chúa" mời họ làm cho đức tin của họ trở nên đáng tin cậy thông qua các lựa chọn của họ.

Sau đây là nguyên văn diễn từ của ngài với các sinh viên, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, bom dia [Chào anh chị em]!

Xin cảm ơn bà viện trưởng vì những lời tốt đẹp của bà. Cảm ơn bà! Bà nói rằng tất cả chúng ta đều cảm thấy như “những người hành hương”. Đó là những lời lẽ đẹp đẽ, và rất đáng suy gẫm. Trở thành một người hành hương theo nghĩa đen có nghĩa là gác lại những thói quen hàng ngày của chúng ta và quyết định bắt đầu một nẻo đường khác, rời xa vùng an toàn của chúng ta để hướng tới một chân trời ý nghĩa mới. Khái niệm “hành hương” mô tả một cách độc đáo tình trạng con người của chúng ta, giống như những người hành hương, chúng ta thấy mình phải đối diện với những câu hỏi lớn không có câu trả lời đơn giản hoặc ngay lập tức, nhưng thách thức chúng ta tiếp tục cuộc hành trình, vượt lên trên chính mình và vượt ra khỏi đây và bây giờ. Đây là một quá trình quen thuộc với mọi sinh viên đại học, bởi vì đó là cách kiến thức được phát sinh. Đó cũng là cách hành trình tâm linh bắt đầu. Đi hành hương là hướng tới một điểm đến hoặc tìm kiếm một mục tiêu. Tuy nhiên, luôn có nguy cơ đi vào một mê cung, không có mục tiêu trong tầm nhìn và không có lối thoát! Chúng ta đúng khi cảnh giác trước những câu trả lời nhanh chóng và dễ dãi, có thể dẫn chúng ta vào một mê cung; chúng ta hãy cảnh giác với các giải pháp dễ dãi, giải quyết gọn gàng mọi vấn đề mà không để lại chỗ cho những câu hỏi sâu xa hơn. Chúng ta hãy cảnh giác! Thật vậy, sự cảnh giác của chúng ta là một công cụ giúp chúng ta tiến về phía trước thay vì đi lòng vòng. Một trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu sử dụng thí dụ về viên ngọc quý giá, chỉ những người khôn ngoan và tháo vát mới tìm kiếm và tìm thấy, bởi những người sẵn sàng cho đi tất cả và mạo hiểm mọi thứ họ có để có được nó (x. Mt 13: 45-46). Tìm kiếm mạo hiểm: đó là hai hạn từ diễn tả hành trình của những người hành hương. Tìm kiếm và mạo hiểm.

Như Pessoa đã từng lưu ý, một cách buồn bã nhưng đúng đắn: “làm người là không hài lòng” (Mensagem, “O Quinto Império”). Chúng ta không nên sợ cảm thấy phần nào khó chịu khi nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là không đủ. Cảm thấy không thoải mái, theo nghĩa này và ở mức độ phù hợp, là liều thuốc giải độc tốt cho tính tự phụ và tính tự cao tự đại. Thân phận của chúng ta là những người tìm kiếm và hành hương có nghĩa là chúng ta sẽ luôn có phần nào thao thức, vì như Chúa Giêsu nói với chúng ta, chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 17:15-16). Chúng ta luôn hành trình “hướng tới”. Chúng ta được kêu gọi đến một điều gì đó cao cả hơn, và chúng ta sẽ không bao giờ có thể bay bổng trừ phi chúng ta thực hiện chuyến bay đầu tiên. Vì vậy, chúng ta không nên hoảng hốt, nếu chúng ta cảm nhận được một cơn khát bên trong, một khao khát không ngừng nghỉ, không được thỏa mãn về ý nghĩa và một tương lai, com saudades do futuro! [Nhìn về tương lai]. Và ở đây, ngoài những điều saudades do futuro, đừng quên lưu giữ ký ức về tương lai. Chúng ta không nên hôn mê, nhưng hãy sống động! Thật vậy, chúng ta chỉ nên lo lắng khi bị cám dỗ từ bỏ con đường phía trước để đến một nơi nghỉ ngơi mang lại ảo giác thoải mái, hoặc khi chúng ta thấy mình thay thế các khuôn mặt bằng các màn hình, thực bằng ảo hoặc nội dung bất sinh lực với những câu trả lời dễ dãi gây mê chúng ta trước những câu hỏi đau đớn và gây lo ngại. Những câu trả lời như vậy có thể được tìm thấy trong bất cứ sách giáo khoa nào về cách giao tiếp xã hội, về cách cư xử tốt; nhưng các câu trả lời dễ dãi gây mê chúng ta.

Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Tại thời điểm này, chúng ta đang phải đối diện với những thách thức to lớn; chúng ta nghe thấy lời van vỉ đau đớn của rất nhiều người. Thật vậy, chúng ta đang trải qua một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần. Tuy nhiên, chúng ta hãy can đảm để nhìn thế giới của chúng ta không phải trong cơn hấp hối, mà là trong một quá trình sinh nở, không phải ở giai đoạn cuối, mà là ở giai đoạn đầu của một chương mới tuyệt vời của lịch sử. Chúng ta cần can đảm để nghĩ như vậy. Vì vậy, hãy làm việc để tạo ra một “vũ đạo” mới, một vũ đạo tôn trọng “vũ điệu” của cuộc sống bằng cách đặt con người vào trung tâm. Những lời của Viện trưởng của các bạn đã gây ấn tượng với tôi, đặc biệt khi bà nói rằng “trường đại học không hiện hữu để tự bảo vệ mình như một định chế, mà để phản ứng một cách can đảm trước những thách thức của hiện tại và tương lai”. Tự bảo tồn luôn là một cơn cám dỗ, một phản ứng tức thời trước những nỗi sợ hãi làm sai lệch quan điểm của chúng ta về thực tại. Nếu hạt giống tự bảo vệ mình, chúng sẽ phá hủy hoàn toàn khả năng sinh sản của chúng và khiến tất cả chúng ta chết đói. Nếu mùa đông kéo dài, chúng ta không thể ngạc nhiên trước mùa xuân. Vì vậy, các bạn hãy can đảm thay thế những nghi ngờ của các bạn bằng những giấc mơ. Thay thế những nghi ngờ của các bạn bằng những giấc mơ: đừng làm con tin cho nỗi sợ hãi của các bạn, mà hãy bắt tay vào thực hiện mục tiêu của các bạn!

Một trường đại học sẽ chẳng có ích lợi gì nếu nó chỉ đơn giản đào tạo thế hệ tiếp theo để duy trì hệ thống duy ưu tú và bất bình đẳng hoàn cầu hiện nay, trong đó giáo dục đại học là đặc quyền của một số ít người diễm phúc. Trừ khi kiến thức được chấp nhận như một trách nhiệm, nó sẽ mang lại rất ít kết quả. Nếu ai đó được hưởng lợi từ giáo dục đại học – mà ngày nay ở Bồ Đào Nha, cũng như trên thế giới rộng lớn hơn, vẫn là một đặc ân – không cần nỗ lực để cống hiến điều gì đó trở lại, họ chưa cảm nhận hết giá trị của món quà mà họ nhận được. Tôi muốn nhắc lại rằng, trong sách Sáng Thế, câu đầu tiên Thiên Chúa hỏi là: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9) và “Em ngươi ở đâu?” (St 4:9). Chúng ta nên tự hỏi: Tôi đang ở đâu? Tôi đang bị mắc kẹt trong bong bóng của chính mình, hay tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro bỏ lại sự an toàn của mình và trở thành một Kitô hữu trung thành, làm việc để hình thành một thế giới công bằng và tươi đẹp? Hoặc một lần nữa: Anh chị em của tôi ở đâu? Kinh nghiệm phục vụ huynh đệ chẳng hạn như Missão País và nhiều hoạt động khác phát sinh trong các cộng đồng học thuật nên được coi là cần thiết đối với những người theo học đại học. Bằng cấp học thuật không chỉ được coi là giấy phép để theo đuổi hạnh phúc bản thân, mà còn là nhiệm vụ phải làm việc cho một xã hội công bằng và toàn diện hơn, một xã hội thực sự tiến bộ. Tôi được biết rằng một trong những nhà thơ vĩ đại của các bạn, Sophia de Mello Breyner Andresen, đã được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, điều này được dùng như một loại di chúc: “Bạn muốn thấy Bồ Đào Nha đạt được điều gì trong thế kỷ mới này?” Cô ấy trả lời không do dự: “Tôi muốn thấy việc đạt được công bằng xã hội, việc giảm bớt khoảng cách giàu nghèo” (Phỏng vấn Joaci Oliveira, trong Cidade Nova, số 3/2001). Tôi cũng đặt câu hỏi này cho các bạn, các sinh viên thân mến, trong tư cách “những người hành hương tri thức”: Các bạn muốn đạt được điều gì ở Bồ Đào Nha và trên thế giới? Thay đổi gì, biến đổi gì? Và làm thế nào các trường đại học, đặc biệt là trường đại học Công Giáo, có thể đóng góp vào việc này?

Beatriz, Mahoor, Mariana và Tomás, tôi cảm ơn vì những lời chứng của các bạn. Tất cả chúng đều dóng lên một nốt đầy hy vọng, tràn đầy nhiệt huyết và chủ nghĩa hiện thực; các bạn đã không phàn nàn hay chạy trốn vào những chuyến bay của chủ nghĩa duy tâm. Các bạn muốn trở thành nhân vật chính, “nhân vật chính của sự thay đổi”, như Mariana đã nói với chúng ta. Khi lắng nghe các bạn nói, tôi nghĩ đến một câu của nhà văn José de Almada Negreiros mà hẳn các bạn biết: “Tôi đã mơ về một đất nước nơi mọi người đều có thể trở thành giáo viên” (A Invenção do Dia Claro). Ông già này đang nói chuyện với các bạn - vì tôi là một ông già! – cũng ước mơ các bạn sẽ trở thành một thế hệ giáo viên! Giáo viên của nhân loại. Những người thầy giàu lòng nhân ái. Giáo viên về những cơ hội mới cho hành tinh của chúng ta và cư dân của nó. Giáo viên của hy vọng. Và những giáo viên bảo vệ sự sống của hành tinh chúng ta, ngày nay đang bị đe dọa bởi những thiệt hại sinh thái nghiêm trọng.

Như một số bạn đã chỉ ra, chúng ta phải nhận ra nhu cầu thiết yếu và cấp bách để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được nếu không có sự thay đổi thực sự trong tâm hồn và của các phương pháp tiếp cận nhân học làm nền tảng cho đời sống kinh tế và chính trị. Chúng ta không thể hài lòng với các biện pháp “xoa đau” đơn thuần hoặc các thỏa hiệp rụt rè và mơ hồ, vì “các biện pháp nửa vời chỉ làm trì hoãn thảm họa không thể tránh khỏi” (Laudato Si’, 194). Đừng quên điều này! Các biện pháp nửa vời chỉ đơn giản là trì hoãn thảm họa không thể tránh khỏi. Đúng hơn, đó là vấn đề đương đầu trực diện với điều đáng buồn là vẫn tiếp tục bị trì hoãn: cụ thể là nhu cầu xác định lại ý nghĩa của tiến bộ và phát triển. Nhân danh sự tiến bộ, chúng ta thường thụt lùi. Hãy nghiên cứu kỹ điều này: nhân danh tiến bộ, chúng ta thường thụt lùi. Các bạn có thể là thế hệ đảm nhận thách thức lớn này. Các bạn có những công cụ khoa học và kỹ thuật tiên tiến nhất, nhưng làm ơn tránh rơi vào cạm bẫy của những cách tiếp cận thiển cận và phiến diện. Các bạn hãy nhớ rằng chúng ta cần một hệ sinh thái toàn diện, quan tâm đến những đau khổ của hành tinh và của người nghèo. Chúng ta cần liên kết thảm kịch của sa mạc hóa với thảm kịch của người tị nạn, vấn đề gia tăng di cư với vấn đề tỷ lệ sinh giảm, và nhìn nhận khía cạnh vật chất của cuộc sống trong phạm vi rộng lớn hơn của tâm linh. Thay vì các cách tiếp cận phân cực, chúng ta cần một tầm nhìn thống nhất, một tầm nhìn có khả năng bao trùm toàn bộ.

Cảm ơn Tomás vì đã nhắc nhở chúng ta rằng “không thể có một hệ sinh thái toàn diện đích thực nếu không có Thiên Chúa, không thể có tương lai trong một thế giới không có Thiên Chúa”. Đáp lại, tôi muốn nói: hãy làm cho đức tin của các bạn trở nên đáng tin cậy thông qua các quyết định của các bạn. Vì nếu đức tin không làm nảy sinh những lối sống có sức thuyết phục, thì nó sẽ không phải là “men” trên thế giới. Tin chắc như vậy là chưa đủ đối với các Kitô hữu chúng ta; chúng ta cũng phải thuyết phục. Các hành động của chúng ta được mời gọi để phản ảnh vẻ đẹp của Tin Mừng một cách vui tươi và triệt để. Hơn nữa, Kitô giáo không thể sống như một pháo đài được bao quanh bởi những bức tường cao, một thành lũy chống lại thế giới. Đó là lý do tại sao tôi cảm động trước chứng từ của Beatriz. Sơ nói rằng chính “trong lãnh vực văn hóa” mà sơ cảm thấy được mời gọi sống các Mối Phúc Thật. Trong mọi thời đại, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Kitô hữu là phục hồi ý nghĩa của sự nhập thể. Nếu không có sự nhập thể, Kitô giáo trở thành một hệ tư tưởng - và hiện tại có sự cám dỗ đối với “các hệ tư tưởng Kitô giáo”. Trong khi đó, việc nhập thể làm cho chúng ta kinh ngạc trước vẻ đẹp của Chúa Kitô được tỏ lộ qua mỗi anh chị em, mỗi người nam và nữ.

Trong khía cạnh này, điều quan trọng là các bạn đã thêm nhân vật Thánh Clare vào chiếc ghế học thuật mới của các bạn, dành riêng cho “Nền kinh tế của Francesco”. Thật vậy, sự đóng góp của phụ nữ là rất cần thiết. Trong vô thức tập thể, người ta thường nghĩ rằng phụ nữ là những người giỏi thứ hai, chỉ là những người dự bị, không xuất hiện trong đội hình tiên phong? Điều này xảy ra trong vô thức tập thể. Tuy nhiên, sự đóng góp của phụ nữ là không thể thiếu. Trong Kinh thánh, chúng ta thấy kinh tế gia đình được giao phó phần lớn cho phụ nữ như thế nào. Họ là những người chủ gia đình thực sự, sở hữu trí tuệ không chỉ nhắm đến lợi nhuận mà còn tới việc chăm sóc, chung sống và phúc lợi vật chất và tinh thần của tất cả mọi người, kể cả người nghèo và người lạ. Điều gây hào hứng là tiếp cận nghiên cứu kinh tế học từ quan điểm này, vì mục đích khôi phục phẩm giá đúng đắn của nền kinh tế, kẻo nó trở thành con mồi của đầu cơ thị trường không kiểm soát.

Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục, với bảy nguyên tắc bao trùm, bao gồm nhiều vấn đề trong số này, từ việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đến sự tham gia đầy đủ của phụ nữ và nhu cầu về những cách hiểu đổi mới về kinh tế, chính trị, tăng trưởng và tiến bộ. Tôi khuyến khích các bạn nghiên cứu Hiệp ước Hoàn cầu và trở nên nhiệt tình với nội dung của nó. Một trong những điểm nó giải quyết là nhu cầu giáo dục về sự chấp nhận và hòa nhập. Chúng ta không thể giả vờ cho rằng chúng ta chưa nghe những lời của Chúa Giêsu trong Chương 25 của Tin Mừng Mátthêu: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón Ta” (c. 35). Tôi rất xúc động khi lắng nghe lời chứng của Mahoor, khi cô mô tả cảm giác sống “thường xuyên cảm thấy thiếu vắng lò sưởi, nhà cửa và bạn bè..., không nhà cửa, không trường đại học, hay tiền bạc..., mệt mỏi, mòn mỏi và gục ngã vì đau buồn và mất mát”. Cô nói với chúng ta rằng cô đã tìm lại được niềm hy vọng vì cô đã gặp được một ai đó biết tin vào sức mạnh biến đổi của nền văn hóa gặp gỡ. Mỗi khi ai đó đưa ra một cử chỉ hiếu khách, nó sẽ thúc đẩy một sự thay đổi.

Các bạn thân mến, tôi rất vui khi thấy các bạn là một cộng đồng học thuật sống động, cởi mở với thực tại hiện thời, nơi Tin Mừng không chỉ là vật trang trí mà còn là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực cá nhân và tập thể của các bạn. Tôi biết rằng cuộc sống của các bạn rất bận rộn, giữa học tập, bạn bè, phục vụ cộng đồng, trách nhiệm dân sự và chính trị, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, hoạt động nghệ thuật, v.v. Đó là ý nghĩa của việc trở thành một trường đại học Công Giáo: mỗi bộ phận đều liên quan đến tổng thể, trong khi tổng thể được tìm thấy trong mỗi bộ phận của nó. Khi các bạn có được kiến thức và chuyên môn học thuật, các bạn sẽ trưởng thành như một con người, hiểu biết về bản thân và khả năng phân biệt con đường tương lai của các bạn. Nẻo đường: có. Mê cung: không. Vì vậy, các bạn hãy tiếp tục! Một truyền thống thời trung cổ kể rằng khi những người hành hương trên Camino de Santiago [đường hành hương Thánh Giacôbê] gặp nhau, họ chào nhau bằng cách kêu lên “Ultreia” [hãy đi xa hơn] và đáp lại “et Suseia” [và hãy lên cao hơn]. Những cách diễn tả này khuyến khích chúng ta kiên trì tìm kiếm và chấp nhận rủi ro của cuộc hành trình, nói với nhau: “Hãy can đảm lên, hãy tiếp tục đi!” Đó cũng là lời chúc chân thành của tôi dành cho tất cả các bạn. Cảm ơn các bạn!
 
Nguyên văn bài giảng của Đức Phanxicô với hàng Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha
Vũ Văn An
20:05 03/08/2023

Trong ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngài đã tới Mosteiro dos Jerónimos, (Lisbon), để đọc Kinh Chiều với hàng Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha. Trong buổi Kinh Chiều này, ngài đã trình bầy bài giảng sau đây, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh em Giám mục thân mến,
Các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh thân mến,
Các nhân viên mục vụ thân mến,
Anh chị em thân mến, chào anhh chị em buổi tối!


Tôi vui mừng được hiện diện với anh chị em, không chỉ để trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới cùng với rất nhiều người trẻ, mà còn để chia sẻ hành trình giáo hội của chính anh chị em, những thách thức và hy vọng của anh chị em. Tôi cảm ơn Đức Giám Mục José Ornelas Carvalho vì những lời tốt đẹp của ngài. Tối hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em cầu nguyện, để, như Đức Giám Mục đã nói, cùng với những người trẻ tuổi, chúng ta có thể mạnh dạn nắm lấy “giấc mơ về Thiên Chúa và hướng tới sự tham gia vui vẻ, quảng đại và biến đổi, cho Giáo hội và cho nhân loại”. Đây không phải là trò đùa. Nó là một chương trình.

Tôi thấy mình đắm chìm trong vẻ đẹp của đất nước anh chị em, một vùng đất giao thoa giữa quá khứ và tương lai, một nơi có truyền thống cổ xưa và những thay đổi lớn lao, được tô điểm bởi những thung lũng xanh tươi và những bãi biển vàng đối diện với vẻ đẹp vô biên của đại dương vốn tạo biên giới cho Bồ Đào Nha. Điều này khiến tôi nghĩ đến việc các môn đệ được kêu gọi đầu tiên: những người được Chúa Giêsu kêu gọi trên bờ biển Galilê. Tôi muốn dừng lại ở lời kêu gọi đó, một lời nhắc nhở chúng ta về điều chúng ta vừa nghe trong bài đọc ngắn của các Kinh Chiều này: Chúa đã cứu chúng ta và kêu gọi chúng ta, không theo công việc của chúng ta nhưng theo ân sủng của Người (x. 2 Tim 1:9). Đây là trường hợp trong đời sống của những môn đệ đầu tiên khi Chúa Giêsu đi ngang qua “thấy hai chiếc thuyền ở bờ hồ. Những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới” (Lc 5:2). Lúc đó, Chúa Giêsu xuống thuyền của Simong và sau khi giảng dạy đám đông, Người đã thay đổi cuộc sống của những người đánh cá đó bằng cách mời họ ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Chúng ta lập tức ghi nhận sự tương phản: những người đánh cá rời thuyền để giặt lưới, nghĩa là làm sạch và sửa chữa chúng, rồi sau đó, trở về nhà, trong khi Chúa Giêsu lên thuyền và mời gọi họ thả lưới bắt cá. Chúng ta thấy sự khác biệt: các môn đệ ra khỏi thuyền, trong khi Chúa Giêsu lên thuyền; họ muốn cất lưới đi, trong khi Người muốn họ thả lưới xuống biển một lần nữa để đánh bắt.

Để bắt đầu, những người đánh cá đang ra khỏi thuyền để giặt lưới. Chúa Giêsu nhìn thấy điều này và dừng lại. Trước đó ít lâu, Người đã bắt đầu rao giảng trong hội đường Nadarét, nhưng dân làng đã đuổi Người ra khỏi thành và thậm chí còn tìm cách giết Người (x. Lc 4:28-30). Sau đó, Người rời khu vực thánh thiêng và bắt đầu rao giảng lời Chúa cho mọi người, trên những con phố nơi những người đàn ông và đàn bà cùng thời với Người sống và làm việc hàng ngày. Chúa Kitô muốn mang sự gần gũi của Thiên Chúa vào chính những nơi chốn và hoàn cảnh trong đó, con người sống, làm việc và hy vọng, đôi khi giữ mãi các thất bại và thiếu sót trong quá khứ của họ, giống như những người đánh cá đã làm việc suốt đêm mà không bắt được gì. Chúa Giêsu thông cảm nhìn Simong và các bạn đồng hành, những người mệt mỏi và thất vọng, đang giặt lưới theo thói quen, cam chịu sự kiện là họ sẽ trở về nhà tay không.

Có những lúc trong hành trình giáo hội của chúng ta, chúng ta có thể cảm thấy một sự mệt mỏi tương tự, khi chúng ta dường như chỉ nắm được những tấm lưới trống rỗng. Mệt mỏi. Ai đó đã từng nói: “Tôi sợ khi người tốt trở nên mệt mỏi”. Vào những thời điểm khi chúng ta nghĩ chúng ta chỉ giữ được những chiếc lưới trống rỗng. Không có gì lạ khi cảm thấy như vậy ở các quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa, bị vùi dập bởi những thay đổi xã hội và văn hóa và ngày càng được đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục, sự thờ ơ với Thiên Chúa và ngày càng xa rời việc thực hành đức tin. Đây là mối nguy hiểm của một tính thế gian ngày một gia tăng. Nó thường bị gia trọng bởi sự thất vọng hoặc tức giận mà với chúng, một số người nhìn Giáo hội, đôi khi do chứng tá kém cỏi của chúng ta và những vụ tai tiếng làm hoen ố khuôn mặt của Giáo hội và kêu gọi chúng ta tiến hành một cuộc thanh tẩy khiêm tốn, liên tục, bắt đầu bằng tiếng kêu thống thiết của các nạn nhân, những người phải luôn được chấp nhận và lắng nghe. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy nản lòng (và ở đây mỗi chúng ta có thể nghĩ đến những lúc chúng ta cảm thấy nản lòng), chúng ta có thể cảm thấy muốn rời bỏ con thuyền và sa vào lưới cam chịu và bi quan. Thay vào đó, chúng ta hãy tin tưởng rằng Chúa Giêsu tiếp tục nắm tay chúng ta, nâng đỡ nàng dâu yêu dấu của Người. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những cuộc chiến đấu và nước mắt của chúng ta, để cùng nhau đáp ứng những nhu cầu mục vụ và thiêng liêng, với con tim rộng mở và tìm ra những con đường mới để theo Người. Khi chúng ta cảm thấy chán nản, dù cố ý hay không, chúng ta “rút lui”, chúng ta bước lùi khỏi lòng nhiệt thành tông đồ, bắt đầu đánh mất nó và trở thành “những viên chức phòng áo”. Thật buồn biết bao khi một người tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa lại trở thành một “viên chức”, chẳng hơn gì một quản trị viên. Thực đáng buồn.

Ngay sau khi các tông đồ ra khỏi thuyền để giặt lưới, Chúa Giêsu xuống thuyền và gọi họ thả lưới một lần nữa. Vào những lúc chán nản, khi chúng ta muốn “rút lui”, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu lên thuyền một lần nữa, với sự phấn khởi của thuở ban đầu, một sự phấn khích phải được lấy lại, tái sinh và làm cho sống lại. Người đến với chúng ta giữa cảm giác cô đơn và khủng hoảng của chúng ta, để giúp chúng ta bắt đầu lại. Nền linh đạo của những khởi đầu mới. Đừng sợ điều này. Vì cuộc sống là thế: chúng ta thất bại và chúng ta bắt đầu lại, chúng ta mệt mỏi và chúng ta tìm thấy niềm vui mới. Chúng ta đặt tay mình vào bàn tay Chúa Giêsu. Hôm nay cũng vậy, Người đứng ở bến bờ cuộc đời chúng ta, để làm sống lại niềm hy vọng của chúng ta và nói với chúng ta, như Người đã nói với Simong và những người khác: “Hãy ra khơi mà thả lưới đánh cá” (Lc 5: 4). Và khi chúng ta mất hứng thú, chúng ta tìm ra hàng ngàn lý do để không hạ lưới, và đặc biệt là sự cam chịu ủ rũ như con sâu ăn vào linh hồn. Anh chị em thân mến, chắc chắn chúng ta đang sống trong những thời kỳ khó khăn, chúng ta biết điều đó, nhưng Chúa đang hỏi Giáo hội này: “Các con muốn rời thuyền và chìm đắm trong thất vọng, hay các con muốn để Ta bước vào và cho phép những điều mới mẻ trong lời nói của Ta một lần nữa nắm tay lái? Người đang hỏi anh chị em, hỡi các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các giám mục: Anh chị em chỉ muốn gìn giữ quá khứ đã khuất sau lưng anh chị em, hay anh chị em muốn một lần nữa thả lưới một cách nhiệt tình để đánh bắt?” Đó là điều mà Chúa đang yêu cầu chúng ta: làm sống lại lòng nhiệt thành “không ngơi nghỉ” của chúng ta đối với việc loan báo Tin Mừng.

Khi chúng ta trở thành những tạo vật của thói quen và trở nên nhàm chán, và sứ mệnh trở thành một “công việc”, thì đó là lúc chúng ta mở lòng đón nhận tiếng gọi thứ hai của Chúa Giêsu, vì Người không ngừng kêu gọi chúng ta. Người kêu gọi chúng ta lên đường; Người gọi chúng ta làm lại chính chúng ta. Đừng sợ tiếng gọi thứ hai này của Chúa Giêsu. Đó không phải là ảo tưởng: Người cứ gõ cửa nhà chúng ta. Và chúng ta có thể nói rằng chúng ta trải qua một sự bồn chồn “tốt” khi chúng ta để mình bị lôi cuốn bởi tiếng gọi thứ hai này của Chúa Giêsu. Một sự bồn chồn tốt lành, mà sự bao la của đại dương mang đến cho anh chị em, hỡi những người bạn Bồ Đào Nha thân mến: một động lực để lên đường từ bờ biển, không phải để chinh phục thế giới – hay chỉ đơn giản là để câu cá bacalos – mà để làm cho thế giới hân hoan nhẩy mừng trong niềm vui an ủi của Tin Mừng. Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến những lời của một trong những nhà truyền giáo vĩ đại của anh chị em, Cha António Vieira, được gọi là “Paiaçu”, “Người Cha vĩ đại”. Ngài từng nói rằng Thiên Chúa đã cho anh chị em một vùng đất nhỏ để anh chị em sinh ra nhưng bằng cách bắt anh chị em nhìn ra đại dương, Người đã cho anh chị em cả một thế giới để chết cho: “Một vùng đất nhỏ để sinh ra; cả thế giới để chết cho; sinh ra ở Bồ Đào Nha, chết cho cả thế giới” (A. VIEIRA, Bài giảng, tập III, t. VII, Porto, 1959, tr. 69). Một lần nữa hạ lưới và ôm lấy toàn thế giới với niềm hy vọng do Tin Mừng mang lại: đó là điều chúng ta được kêu gọi thực hiện! Đây không phải là lúc để dừng lại, và bỏ cuộc, để kéo con thuyền vào bờ hay nhìn lại. Chúng ta không được chạy trốn khỏi hiện tại vì sợ hãi, hoặc nương tựa vào những hình thức và thực hành của quá khứ. Bây giờ là thời gian ân sủng Thiên Chúa ban để mạnh dạn dong buồm ra biển rao giảng Tin Mừng và truyền giáo.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cũng cần đưa ra một số quyết định. Tôi muốn chỉ ra ba trong số những quyết định đó, được gợi hứng bởi Tin Mừng.

Đầu tiên, ra vùng nước sâu. Với lòng dũng cảm. Đừng do dự! Ra vùng nước sâu. Để hạ lưới một lần nữa, chúng ta phải lên đường và bỏ lại sau lưng những bờ biển thất vọng và sức ì của chúng ta; chúng ta phải bỏ lại đằng sau nỗi tiếc nhớ mờ nhạt, tính yếm thế và sự mỉa mai thường bủa vây chúng ta khi đối diện với các khó khăn. Nỗi tiếc nhớ mờ nhạt, tính yếm thế và mỉa mai. Chúng ta hãy xét lại lương tâm của mình về điểm này. Để lấy lại sự phấn khích, giờ đây trong “phiên bản thứ hai”, trưởng thành hơn và là kết quả của những thất bại và mệt mỏi. Không dễ để có được một hứng thú trưởng thành. Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện nếu chúng ta muốn chuyển từ thái độ bại trận sang đức tin, như ông Simong, người sau khi vất vả suốt đêm trong vô vọng, đã có thể nói: “Con sẽ thả lưới theo lời Thầy” (Lc 5:5). Tuy nhiên, phó thác mỗi ngày cho Chúa và lời của Người, lời nói thôi thì chưa đủ; cầu nguyện nhiều cũng là điều cần thiết.

Ở đây tôi muốn đặt một câu hỏi mà mọi người có thể trả lời trong lòng mình: Tôi cầu nguyện như thế nào? Như một kẻ “blah, blah, blah”, nửa mê nửa tỉnh trước nhà tạm vì không biết thưa chuyện với Chúa như thế nào. Tôi có cầu nguyện không? Làm thế nào để tôi cầu nguyện? Chỉ trong sự tôn thờ, chỉ trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta mới thực sự khám phá lại sở thích và niềm đam mê truyền giảng Tin Mừng của mình. Thật kỳ lạ, chúng ta đã đánh mất lời cầu nguyện tôn thờ; và tất cả mọi người, linh mục, giám mục nam nữ thánh hiến, cần phục hồi khả năng thinh lặng trước mặt Chúa. Mẹ Têrêsa [thành Calcutta], bận rộn với bao nhiêu điều trong cuộc sống, không bao giờ lơ là việc tôn thờ, ngay cả những lúc đức tin của Mẹ bị lung lay và Mẹ tự hỏi không biết tất cả có đúng không. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng trải qua một khoảnh khắc tăm tối tương tự. Khi cầu nguyện, chúng ta vượt qua cơn cám dỗ thi hành “thừa tác vụ hoài nhớ và tiếc nuối”. Một lần, trong một tu viện, có một nữ tu – điều này thực sự đã diễn ra - phàn nàn về đủ mọi điều. Tôi quên tên sơ ấy, nhưng các nữ tu khác gọi sơ ấy là “Sister Lamentation” [sơ ta thán]. Đã bao nhiêu lần chúng ta biến sự bực bội và thất vọng của mình thành những lời phàn nàn! Một khi chúng ta từ bỏ những lời phàn nàn đó, chúng ta tìm thấy sức mạnh để một lần nữa dấn thân vào vùng nước sâu, không ý thức hệ, không có tính thế gian: tính thế gian thiêng liêng chiếm lấy chúng ta và làm nảy sinh chủ nghĩa giáo sĩ trị. Một chủ nghĩa giáo sĩ trị không những của giáo sĩ, vì các giáo dân bị giáo sĩ hóa còn tệ hơn giáo sĩ. Chủ nghĩa giáo sĩ trị đó là sự hủy hoại của chúng ta. Như một bậc thầy tâm linh vĩ đại đã từng nói, tính thế gian thiêng liêng – vốn kích động chủ nghĩa giáo sĩ trị - là một trong những điều xấu xa nhất có thể xảy ra trong Giáo hội. Chúng ta cần vượt qua những khó khăn của mình mà không có ý thức hệ, không có tính thế gian, được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất: Tin Mừng được rao giảng cho mọi người.

Trên con đường này, bản thân anh chị em đã có nhiều thí dụ. Thấy xung quanh chúng ta có rất nhiều người trẻ, tôi muốn đề cập đến một người trẻ đến từ Lisbon, Thánh Gioan Brito, một người trẻ gốc ở nơi này, cách đây hàng thế kỷ, giữa muôn vàn khó khăn, đã giong buồm đến Ấn Độ và bắt đầu nói và ăn mặc giống như dân chúng ở những nơi ngài đến, để nói cho họ biết về Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi thả lưới trong những ngày này và đối thoại với mọi người, đề xuất sứ điệp Tin Mừng, ngay cả khi nó liên hệ đến nguy cơ gặp một số bão tố. Giống như những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới đến đây để đương đầu với những con sóng khổng lồ, chúng ta cũng phải dũng cảm lên đường. Thật vậy, chúng ta không bao giờ phải sợ biển khơi, vì giữa những cơn bão tố và những cơn gió ngược chiều, Chúa Giêsu đến gặp chúng ta và phán: “Hãy yên lòng, chính ta đây; đừng sợ” (Mt 14:27). Chúng ta có kinh nghiệm này bao nhiêu lần? Mỗi người chúng ta có thể tự trả lời câu hỏi đó trong lòng mình. Và nếu chúng ta không có nó, đó là vì một cái gì đó đã thất bại trong cơn bão tố.

Quyết định thứ hai: làm việc với nhau trong việc cung cấp chăm sóc mục vụ. Cùng nhau. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ thả lưới ở chỗ nước sâu, nhưng sau đó, khi nói ở số nhiều, Người nói với những người khác: “Hãy thả lưới xuống” (Lc 5:4). Thánh Phêrô hướng dẫn con tàu, nhưng những người khác đang ở trên tàu và tất cả họ được gọi để hạ lưới. Cùng nhau. Và khi đánh được mẻ cá lớn, họ không nghĩ rằng mình có thể làm một mình, hoặc coi món lợi là sở hữu và tài sản riêng của mình, nhưng, như Tin Mừng cho chúng ta biết, “họ đã ra hiệu cho các bạn ở thuyền khác đến và giúp họ” (Lc 5:7). Bằng cách này, họ chở đầy hai thuyền chứ không phải một. “Một” nói với chúng ta về sự cô độc, chỉ quan tâm đến bản thân, ảo tưởng về sự tự cung tự cấp, trong khi “hai” nói về mối quan hệ. Giáo hội là đồng nghị: Giáo hội là sự hiệp thông, hỗ trợ lẫn nhau và đồng hành. Đó là mục tiêu của Thượng Hội đồng hiện tại, sẽ có phiên họp chung đầu tiên vào tháng 10. Trên con thuyền của Giáo hội, phải có chỗ cho tất cả mọi người: tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi lên thuyền để hạ lưới, tham gia cách cá nhân vào việc rao giảng Tin Mừng. Đừng quên chữ này: với nhau! Bất cứ khi nào nói về việc mở ra những viễn cảnh tông đồ, Tôi đều vô cùng xúc động bởi đoạn Tin Mừng trong đó tiệc cưới của người con trai đã được chuẩn bị sẵn sàng, và mọi người không đến dự. Vậy Chúa, chủ tiệc, nói gì? “Hãy ra các đường lớn và các nẻo đường, đem tất cả mọi người: kẻ bệnh tật, kẻ mạnh khỏe, già trẻ, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Mọi người!" Đừng biến Giáo hội thành một trạm hải quan, lựa chọn ai được vào ai không. Tất cả, với cuộc sống dĩ vãng, tội lỗi của họ, như họ vốn là thế, trước Chúa, như họ vốn là thế, trước cuộc đời. Tất cả mọi người. Chúng ta đừng có các nhà hải quan trong Giáo hội.

Đây là một thách thức lớn, nhất là trong những hoàn cảnh trong đó các linh mục và tu sĩ bị áp lực nặng nề vì số lượng của họ ít hơn và nhu cầu mục vụ ngày càng tăng. Mặc dù vậy, chúng ta có thể xem đây là một cơ hội để thu hút, với lòng nhiệt thành huynh đệ và sự sáng tạo mục vụ lành mạnh, các tín hữu giáo dân. Do đó, mạng lưới của các môn đệ đầu tiên có thể đóng vai trò như một hình ảnh của Giáo hội, vốn là một “mạng lưới các mối quan hệ”, nhân bản, thiêng liêng và mục vụ. Khi thiếu đối thoại, đồng trách nhiệm và tham gia, Giáo hội trở nên già cỗi. Tôi xin diễn đạt như sau: không bao giờ có một Giám mục mà không có các linh mục và dân Chúa của mình; không bao giờ là một linh mục mà không có anh em linh mục của mình; và tất cả chúng ta cùng nhau, với tư cách là Giáo hội – linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân – không bao giờ thiếu người khác, không bao giờ không có thế giới. Chắc chắn là không có tính thế gian, nhưng không phải là không có thế giới. Trong Giáo hội, chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và chúng ta cảm thấy mình được kêu gọi truyền bá bầu khí huynh đệ xây dựng bên ngoài những bức tường của chính chúng ta. Về vấn đề này, Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng chúng ta là những viên đá sống được xây dựng nên ngôi nhà thiêng liêng (x. 1Pr 2:5). Tôi muốn nói thêm rằng anh chị em, tín hữu Bồ Đào Nha, cũng là một “calçada”; anh chị em là những viên đá quý của vỉa hè thân thiện và rực rỡ mà Tin Mừng cần bước đi trên đó: không thể thiếu dù chỉ một viên đá, nếu không sự vắng mặt của nó sẽ được ghi nhận ngay. Đây là Giáo Hội mà, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi xây dựng!

Cuối cùng, quyết định thứ ba: trở thành những người đánh cá nam và nữ. Đừng sợ. Đây không phải là thực hành cải đạo; đó là công bố sứ điệp đầy thách đố của Tin Mừng. Chúa Giêsu dùng hình ảnh đẹp đẽ đó: những người đánh cá nam nữ. Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ sứ mạng ra khơi thế gian. Trong Kinh thánh, biển thường được coi là ám ảnh của những thế lực độc ác và bất lợi mà con người không có khả năng kiểm soát. Vì vậy, trở thành “những người đánh cá nam nữ” và kéo họ ra khỏi nước có nghĩa là giúp họ trở về nơi họ đã ra xa, cứu họ khỏi sự dữ đang đe dọa lấn át họ, hồi sinh họ khỏi mọi hình thức của cái chết. Nhưng làm điều này mà không có chủ trương cải đạo, nhưng với tình yêu. Một trong những dấu hiệu của một số phong trào giáo hội đang gặp khó khăn là việc cải đạo. Khi một phong trào giáo hội hay một giáo phận, một giám mục, một linh mục, một nữ tu hay một giáo dân dấn thân vào việc cải đạo, đó không phải là Kitô giáo. Kitô giáo là mời gọi, chào đón, giúp đỡ, nhưng không cải đạo. Tin Mừng là lời loan báo về sự sống giữa vực thẳm sự chết, về tự do giữa vòng xoáy nô lệ, về ánh sáng trong bóng tối sâu thẳm. Theo lời của Thánh Ambrôsiô, “các phương tiện được sử dụng trong việc đánh cá của các tông đồ giống như những chiếc lưới: vì lưới không giết được con cá mà giữ cho nó được sống; họ lôi nó từ vực sâu ra ánh sáng” (Exp. Luc. IV, 68-79). Có quá nhiều bóng tối trong xã hội ngày nay, cũng như ở Bồ Đào Nha này, ở khắp mọi nơi. Chúng ta dường như đã mất đi cảm giác nhiệt huyết, dũng khí để ước mơ, nghị lực đương đầu với thử thách và niềm tin vào tương lai; và vì vậy chúng ta chèo thuyền giữa những nghi ngờ và bất ổn, đặc biệt là bất ổn về kinh tế, tình bạn xã hội nghèo nàn và thiếu hy vọng. Với tư cách là Giáo hội, chúng ta được giao phó nhiệm vụ ra khơi trong vùng biển này và thả lưới Tin Mừng, không chỉ tay, không buộc tội, nhưng mang đến cho những người nam nữ của thời đại chúng ta một lời đề nghị về sự sống, sự sống của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi mang đến cho họ sự cởi mở của Tin Mừng, mời họ đến dự tiệc, đến với một xã hội đa văn hóa; mang đến sự gần gũi của Chúa Cha cho những hoàn cảnh ngày càng bấp bênh và nghèo đói, đặc biệt là nơi giới trẻ. Mang tình yêu của Chúa Kitô đến bất cứ nơi nào các gia đình mong manh và các mối quan hệ bị tổn thương. Truyền niềm vui của Chúa Thánh Thần vào nơi sự chán nản và thuyết định mệnh ngự trị. Như một trong những tác giả của anh chị em đã viết: “Để đến được cái vô hạn, và tôi tin rằng người ta có thể đến được đó, chúng ta cần một cổng an toàn, chỉ một cổng thôi, để từ đó hướng tới cái Vô hạn” (F. PESSOA, Livro do Desassossego, Lisbon, 1998, 247). Chúng ta hãy mơ về Giáo hội ở Bồ Đào Nha như một “bến cảng an toàn” cho tất cả những ai đang phải đối đầu với những khó khăn, những vụ đắm tàu và những cơn bão tố của cuộc đời!

Anh chị em thân mến: với tất cả anh chị em, giáo dân, tu sĩ, linh mục và giám mục, tôi nói với tất cả mọi người: Đừng sợ, hãy thả lưới. Đừng vội buộc tội – nói với mọi người, “đây là một tội lỗi” hoặc “đây không phải là một tội lỗi”. Hãy để mọi người đến, chúng ta có thể nói chuyện sau, nhưng trước tiên họ nên nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu; sự ăn năn đến sau, sự gần gũi với Chúa Giêsu đến sau. Làm ơn, đừng biến Giáo hội thành một nhà hải quan: ở đó những người công chính, những người có cuộc sống nề nếp, những người kết hôn đàng hoàng, có thể vào, trong khi những người khác vẫn ở bên ngoài. Không. Đó không phải là Giáo hội. Người công chính và tội nhân, tốt và xấu: mọi người, mọi người, mọi người. Và sau đó, cầu xin Chúa giúp chúng ta giải quyết mọi việc. Nhưng moi người.

Tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị em đã lắng nghe tôi, điều này hẳn đã rất nhàm chán! Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em làm, và vì tấm gương của anh chị em, đặc biệt là tấm gương ẩn giấu của anh chị em và sự kiên trì của anh chị em trong việc thức dậy mỗi ngày để bắt đầu lại hoặc tiếp tục những gì anh chị em đã bắt đầu. Cảm ơn vì sự giúp đỡ của anh chị em! Tôi phó thác anh chị em cho Đức Mẹ Fatima, cho sự bảo vệ an toàn của thiên thần Bồ Đào Nha và cho sự bảo vệ của các vị thánh vĩ đại của anh chị em. Ở Lisbon đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Thánh Antôn (người mà người Padua đã đánh cắp của anh chị em), một tông đồ không mệt mỏi, một nhà giảng thuyết đầy cảm hứng và một môn đệ trung thành của Tin Mừng, quan tâm đến những tệ nạn của xã hội và đầy lòng trắc ẩn đối với người nghèo. Xin Thánh Antôn cầu bầu cho anh chị em và mang lại cho anh chị em niềm vui về một “mùa cá kỳ diệu” mới. Sau đó, anh chị em có thể cho tôi biết về nó. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.
 
VietCatholic TV
WYD Lisbon - Hình ảnh ngoạn mục: Bồ Đào Nha tưng bừng đón tiếp Đức Thánh Cha
VietCatholic Media
00:15 03/08/2023
 
Những nét độc đáo của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên tại Bồ Đào Nha sau bao nhiêu sóng gió
VietCatholic Media
05:06 03/08/2023


1. Đức Thánh Cha viếng Đền thờ Đức Bà Cả trước chuyến đi Bồ Đào Nha

Chiều 31 tháng Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Đức Bà Cả, cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma, để phó thác chuyến đi của ngài, từ thứ Tư, mùng 02 đến Chúa nhật, mùng 06 tháng Tám sắp tới, tại Bồ đào nha, nhân dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ Lần thứ 37 tại Lisbon.

Đây là lần thứ 109 Đức Thánh Cha viếng Đền thờ này, kể từ ngày 14 tháng Ba năm 2013, tức là hôm sau ngày được bầu chọn làm Giáo hoàng. Lần chót trước đây là ngày 16 tháng Sáu, khi được rời bệnh viện Gemelli trở về Vatican, sau những ngày chịu phẫu thuật.

Lần này, Đức Thánh Cha đặc biệt phó thác cho Mẹ Thiên Chúa các bạn trẻ nam nữ từ gần 200 quốc gia, đến tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói:

Tôi xin anh chị em đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện trong hành trình của tôi đến Bồ Đào Nha, sẽ bắt đầu vào thứ Tư tới, nhân Ngày Giới trẻ Thế giới. Rất nhiều người trẻ, từ khắp các châu lục, sẽ cảm nghiệm được niềm vui gặp gỡ Thiên Chúa và với anh chị em mình, dưới sự hướng dẫn của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng sau lời truyền tin “đã đứng dậy và vội vã lên đường” (Lc 1:39). Tôi phó thác những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới và tất cả những người trẻ trên thế giới cho Mẹ, là ngôi sao sáng trên con đường Kitô hữu.

2. Ngày Giới trẻ Thế giới đầu tiên diễn ra tại Bồ Đào Nha

Clara Raimundo của hãng tin CNA, ngày 30 tháng 7, 2023, tường trình rằng sau bốn năm chờ đợi — lâu hơn một năm so với dự kiến do đại dịch — và lo ngại rằng các vấn đề sức khỏe của Đức Thánh Cha sẽ buộc phải hoãn lại, Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) 2023 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, cuối cùng sẽ diễn ra sau vài ngày nữa, từ từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 và nó hứa hẹn sẽ độc đáo theo nhiều cách.

Đây là lần đầu tiên Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra tại Bồ Đào Nha, quốc gia cực tây của Âu Châu với những đường biên giới lâu đời nhất trên lục địa. Đây sẽ là lần thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Bồ Đào Nha; vào năm 2017, ngài đã đến Fátima, một trong những địa điểm hành hương Công Giáo được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới, nhân dịp kỷ niệm một trăm năm các cuộc hiện ra ở đó. Ngài sẽ đến thăm một lần nữa trong chuyến đi này.

Là một quốc gia nhỏ với 10 triệu dân, Bồ Đào Nha sẽ chào đón những người hành hương từ mọi quốc gia trên thế giới cho Ngày Giới trẻ Thế giới, ngoại trừ một quốc gia: Maldives. Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng người tham gia đông nhất từ bên ngoài Âu Châu: Hơn 27,000 người Mỹ sẽ vượt Đại Tây Dương cho sự kiện kéo dài 5 ngày này.

Dưới đây là 8 điều mà những người hành hương — và tất cả những người tham gia gần xa — nên biết trước khi cuộc tụ họp bắt đầu.

Đây sẽ là Ngày Giới trẻ Thế giới “có thể chống đỡ được” nhất cho đến nay.

Ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 đã cam kết thúc đẩy tính có thể chống đỡ ngay từ đầu và đang cố gắng thực hiện cam kết này. Nhưng nó cần sự giúp đỡ của tất cả những người tham gia. Vì lý do này, một trong những thách thức đầu tiên đặt ra cho mọi người sẽ là sử dụng máy tính lượng khí thải carbon đầu tiên trong lịch sử của Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được đưa vào ứng dụng Ngày Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023 mà người tham gia phải cài đặt trên điện thoại di động của họ khi đến Bồ Đào Nha.

Máy tính hoạt động trên cơ sở một bảng câu hỏi. Bằng cách ghi lại các hoạt động của họ từ điểm khởi hành cho Ngày Giới trẻ Thế giới cho đến ngày cuối cùng của biến cố, những người hành hương sẽ có thể khám phá lượng khí thải carbon ước tính của họ (tổng lượng khí nhà kính - bao gồm carbon dioxide và metan - do hành động của họ tạo ra) tới lúc kết thúc Ngày Giới trẻ Thế giới, và với sự trợ giúp của một sổ tay liên quan, họ sẽ học cách giảm tác động của chúng.

Một trong những sáng kiến được thực hiện để bù đắp một phần tác hại môi trường của Ngày Giới trẻ Thế giới là việc trồng cây, đang diễn ra trên khắp thế giới với sự hợp tác của Sáng kiến Cây xanh Hoàn cầu. Theo bảng cân đối kế toán mới nhất của tổ chức, gần 17,000 cây đã được trồng.

Một chai nước có thể tái sử dụng cũng sẽ được đưa vào “bộ đồ dành cho người hành hương” để ngăn chặn việc sử dụng plastic và cổ vũ việc tiêu thụ nước có thể chống đỡ được hơn.

3. Âm nhạc, nghệ thuật và văn hóa sẽ được trưng bày khắp Lisbon.

Ngày Giới trẻ Thế giới không chỉ là những biến cố chính với Đức Giáo Hoàng. Trong suốt cả tuần, Lisbon sẽ là sân khấu của Lễ hội Thanh niên, bao gồm hơn 500 biến cố trải rộng trên 100 không gian vào cửa miễn phí.

Âm nhạc sẽ nổi bật nhất tại lễ hội này, với 290 tiết mục dự kiến được trình diễn bởi hơn 100 ban nhạc hoặc nghệ sĩ solo đến từ năm châu lục với nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Efren Rivera, PJ Anderson, Ivan Diaz, Ryan Tremblay, Communion, và JoEmma chỉ là một số ít những cái tên đến từ Hoa Kỳ sẽ có mặt trên các giai đoạn khác nhau của Ngày Giới trẻ Thế giới.

Những người yêu thích điện ảnh sẽ có thể chọn trong số 27 buổi chiếu phim tài liệu về cuộc đời của những người dám theo Chúa Giêsu, phim truyện và các bộ phim khác về những nhân vật có liên quan trong đời sống của Giáo hội. Họ cũng có thể xem những bộ phim yêu thích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một luân phiên đặc biệt do Cinematheque chuẩn bị. Những ai yêu thích sân khấu sẽ có cơ hội xem bảy chương trình khác nhau, bao gồm cả các vở nhạc kịch có sự tham gia của những người hành hương trẻ tuổi.

Những người yêu thích kỹ thuật mới có thể tham gia một chuyến đi đến Martim Moniz, một trong những quảng trường lớn nhất ở Lisbon, sẽ được gọi là Công viên Criston@utas (Christon@uts) trong Ngày Giới trẻ Thế giới, với một mạch kỹ thuật số tương tác sẽ lên đến cao điểm hàng đêm vào lúc 9:30 tối, trong một chương trình video dành riêng cho lịch sử cứu độ và Ngày Giới trẻ Thế giới.

Trong toàn thành phố, cũng sẽ có các buổi biểu diễn khiêu vũ truyền thống, đương thời và đường phố, cùng 17 cuộc triển lãm được trưng bày đồng thời dành riêng cho các chủ đề như sinh thái, hòa bình và Fátima.

4. Giải bóng chuyền bãi biển Ngày Giới trẻ Thế giới đầu tiên sẽ được tổ chức cùng với các cơ hội thể thao khác.

Lần đầu tiên tại Ngày Giới trẻ Thế giới, những người hành hương đã ghi danh sẽ được mời tham gia một giải đấu bóng chuyền bãi biển, diễn ra tại Bãi biển Carcavelos vào ngày 2 tháng 8, ngày thứ hai của Ngày Giới trẻ Thế giới 2023.

Giải đấu này ngoài giải bóng đá thông thường được tổ chức trong những năm trước và cả hai sự kiện sẽ dành cho các đội hỗn hợp. Tuy nhiên, những người chưa ghi danh trước đó sẽ chỉ có thể xem nó trên khán đài.

Cùng với các giải đấu này — và được truyền cảm hứng từ niềm tin của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “thể thao có thể là biểu tượng của sự hiệp nhất cho một xã hội” — WYDSports sẽ bao gồm các cơ hội thể thao khác.

Trong buổi chiều ngày 2 tháng 8 tại Gian hàng 2 của Sân vận động Đại học, những người hành hương sẽ có thể tham gia một số trạm thể thao như bóng đá mù, bóng đá đi bộ và môn korfball (kết hợp giữa bóng rổ và bóng vợt).

“Mục tiêu chính là cung cấp cho khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ kinh nghiệm Kitô giáo và gặp gỡ các nền văn hóa thông qua một ngôn ngữ phổ quát: thể thao,” các nhà tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới cho biết như thế.
 
Dân báo, Kyiv phóng một quả HIMAR duy nhất, 200 lính Putin ra đi. Nga tấn công cường tập trả đũa
VietCatholic Media
15:38 03/08/2023

1. 200 quân nhân Nga bị loại khỏi vòng chiến trên bãi biển Ukraine bằng một cú HIMARS duy nhất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “HIMARS Strike Kills 200 Russian Troops on Ukraine Beach”, nghĩa là “200 quân nhân Nga bị loại khỏi vòng chiến trên bãi biển Ukraine bằng một cú HIMARS.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Quân đội Ukraine báo cáo rằng một cuộc tấn công của Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, từ lực lượng của họ gần đây đã hạ gục một số lượng lớn binh lính Nga trên một bãi biển ở vùng Kherson bị tạm chiếm.

Các phương tiện truyền thông Ukraine như Euromaidan Press cho biết khoảng 200 lính Nga đã thiệt mạng trong vụ tấn công, nhưng Newsweek không thể xác minh độc lập con số đó.

Cuộc tấn công vào các trại huấn luyện của Nga xảy ra trên đảo Dzharylhach của Kherson ở Hắc Hải. Quân đội Ukraine đã đăng đoạn phim về vụ việc lên mạng, nhưng không cung cấp thời gian xảy ra.

Trung tâm Kháng chiến Quốc gia, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Lực lượng Hoạt động Đặc biệt của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết rằng thông tin được cung cấp bởi các nguồn “ngầm” đã dẫn đến cuộc tấn công.

“Nhờ thông tin được cung cấp bởi lực lượng ngầm trong lãnh thổ tạm thời bị tạm chiếm, hàng trăm kẻ xâm lược và thiết bị của đối phương đã bị tiêu diệt,” Trung tâm Kháng chiến Quốc gia viết, theo bản dịch của Kyiv Post.

Đoạn phim do Ukraine đăng tải được quay bằng máy bay không người lái và cho thấy một đơn vị lớn của quân đội Nga trên bờ biển của hòn đảo. Một vụ nổ lớn sau đó được nhìn thấy trước khi video kết thúc.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC, đã viết trong một đánh giá ngày 23 tháng 7 về cuộc chiến Ukraine rằng quân đội Nga gần đây đã thiết lập các trại trên Dzharylhach để được sử dụng bởi “các đơn vị xuống cấp từ các khu vực khác nhau của mặt trận đến Kherson” để phục hồi và đào tạo.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

HIMARS, mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho các lực lượng của Ukraine, là vũ khí quan trọng của Ukraine trong cuộc chiến chống lại người Nga xâm lược và Kyiv thường xuyên chia sẻ các đoạn video về hoạt động của các hệ thống này.

Trong một video như vậy, được Bộ Quốc phòng Ukraine đăng tải vào ngày 3 tháng 7, có thể thấy các hỏa tiễn từ HIMARS đã phá hủy nhiều bệ phóng hỏa tiễn và pháo của Nga.

Đoạn clip đó có hình ảnh trên không cho thấy HIMARS đã cố tình hạ gục ít nhất ba hệ thống phóng hỏa tiễn BM-21 “Grad” của Nga, một khẩu lựu pháo “Msta-B” và một khẩu pháo 2S7 “Pion”. Newsweek đã có thể xác minh độc lập nội dung của video.

Trong một sự việc hồi tháng 6 đã gây xôn xao dư luận quốc tế, một lượng binh sĩ Nga không xác định đã thiệt mạng do một cuộc tấn công HIMARS của Ukraine trong khi chờ chỉ huy của họ đọc một bài phát biểu động viên. Vụ việc đã dẫn đến sự chỉ trích nặng nề đối với các quan chức Nga bởi các blogger quân sự ủng hộ Cẩm Linh.

2. Cuộc tấn công cường tập bằng máy bay không người lái vào Kyiv

Kyiv đã tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái qua đêm. Sáng sớm thứ Năm là lần thứ tám liên tiếp, Nga tấn công vào Thủ đô Kyiv.

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết

Tám cuộc tấn công liên tiếp bằng máy bay không người lái 'Shahed' vào Kyiv. Và một lần nữa, giống như ngày hôm qua – đó là một cuộc tấn công lớn. Các lực lượng và phương tiện phòng không trên đường tiếp cận Kyiv đã phát hiện và tiêu diệt gần một chục mục tiêu trên không. Theo thông tin tại thời điểm này, không có nạn nhân hoặc thiệt hại nào ở thủ đô báo động không khí mới nhất này ở thủ đô kéo dài đúng 3 giờ. Nó trở thành lần thứ 820 đối với Kyiv kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.”

Ukraine tuyên bố đã bắn hạ tất cả 15 máy bay không người lái được phóng trong đêm

Suspilne, đài truyền hình nhà nước của Ukraine, trích dẫn lực lượng không quân của nước này, báo cáo rằng “Vào ban đêm, lực lượng phòng không đã bắn hạ tất cả 15 máy bay không người lái 'Shahed' mà Liên bang Nga thả xuống Ukraine.”

3. Tình hình chiến sự tại Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 3 tháng Tám, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết khoảng 33 cuộc đụng độ đã diễn ra giữa lực lượng phòng vệ Ukraine và quân xâm lược Nga trong ngày thứ Tư, 2 tháng 8.

Chiến dịch tấn công của Ukraine ở khu vực Melitopol và Berdiansk đang diễn ra. Quân phòng thủ Ukraine cố thủ trên các tuyến đã đạt được và thực hiện các biện pháp tấn công về phía trước.

Trong suốt cả ngày, máy bay Ukraine đã tiến hành 10 cuộc tấn công vào đối phương, trong đó có 9 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung binh lính, vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương và một cuộc tấn công vào hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine bắn trúng 20 khẩu pháo, một trạm radar, hai sở chỉ huy, khu vực tập trung vũ khí và thiết bị quân sự, hệ thống phòng không, khu vực tập trung nhân sự và hai kho đạn của quân đội Nga.

Trong ngày, quân đội Nga đã thực hiện 5 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, 86 cuộc không kích, cũng như 36 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của lực lượng Ukraine và các khu vực đông dân cư.

Thứ trưởng Hanna Maliar nhận định rằng quân Nga đang trong tình trạng mệt mỏi vì đã hơn 6 tháng không được luân chuyển quân. Đối phương chủ yếu bỏ chạy để lại nhiều hệ thống pháo. Tuy nhiên, khó khăn là mìn bẫy rất nhiều và cỏ mọc rất cao sau một thời gian không canh tác. Cỏ cao có thể giúp các binh sĩ Ukraine ẩn nấp, nhưng nó cũng giúp đối phương ẩn nấp và bộ binh rất khó tiến lên.

Trong 24 giờ qua, 620 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 7 xe tăng, 21 xe thiết giáp, 26 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 hệ thống phòng không, 35 máy bay không người lái, và 23 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 3 Tháng Tám, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 247.850 quân nhân lược Nga. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.224 xe tăng, 8.234 xe thiết giáp, 4.892 hệ thống pháo, 704 hệ thống hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 465 hệ thống phòng không 315 chiến đấu cơ, 311 máy bay trực thăng, 4.077 máy bay không người lái, 1.347 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7.372 xe chuyển quân và nhiên liệu; và 721 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết các yếu tố thiên nhiên đang góp phần làm chậm lại cuộc phản công của quân Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Cỏ mọc lại trên khắp các chiến trường ở miền nam Ukraine có thể là một yếu tố góp phần vào tiến trình giao tranh nhìn chung đang diễn ra chậm chạp trong khu vực.

Phần đất canh tác chủ yếu trong khu vực chiến sự hiện đã bị bỏ hoang trong 18 tháng, với sự quay trở lại của cỏ dại và cây bụi đang tăng tốc trong điều kiện mùa hè ấm áp và ẩm ướt.

Lớp vỏ bọc bổ sung này giúp ngụy trang cho các vị trí phòng thủ của Nga và khiến các bãi mìn phòng thủ khó rà phá hơn.

Mặc dù bụi rậm cũng có thể tạo ra vỏ bọc cho các cuộc tấn công lén lút nhỏ của bộ binh, nhưng hiệu quả cuối cùng là khiến cả hai bên khó đạt được tiến bộ hơn.

5. Thống đốc khu vực cho biết dân thường và nhân viên cấp cứu bị thương sau cuộc tấn công vào nhà thờ Kherson

Ba thường dân và bốn nhân viên dịch vụ khẩn cấp đã bị thương trong một cuộc tấn công của Nga vào Kherson, theo đài truyền hình nhà nước Ukraine. Thống đốc khu vực Oleksandr Prokudin cho biết quân đội Nga đã nổ súng vào một nhà thờ ở trung tâm Kherson - ba người đang đi trên một chiếc xe đẩy ngang qua nhà thờ đã bị thương và phải nhập viện.

Trong quá trình dập tắt đám cháy phát sinh do pháo kích vào nhà thờ, một cuộc tấn công thứ hai đã diễn ra: bốn nhân viên cấp cứu đang dập lửa đã bị thương và phải khẩn cấp đưa vào bệnh viện.

Đây là lần thứ hai trong vòng nửa tháng qua, Nga đã cố ý tấn công vào các nhà thờ ở miền Nam Ukraine. Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 23 Tháng Bẩy, Nga đã tấn công vào nhà thờ chính tòa Chúa Hiển Dung ở thành phố Odesa.

6. Nga đã dành nhiều tháng để chuẩn bị phòng thủ và đặt nhiều bãi mìn

Oleksiy Danilov, thư ký hội đồng an ninh Ukraine, nói với đài truyền hình quốc gia Ukraine hôm thứ Tư rằng các lực lượng Nga có nhiều thời gian trong nhiều tháng xâm lược để chuẩn bị phòng thủ và đặt nhiều bãi mìn.

Ông nói với đài truyền hình quốc gia: “Đối phương đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những sự kiện này.”

“Số lượng mìn trên lãnh thổ mà quân đội của chúng tôi đã chiếm lại là vô cùng lớn. Trung bình có ba, bốn, năm quả mìn trên một mét vuông.”

Danilov nhắc lại lời khẳng định của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy rằng những tiến bộ, mặc dù chậm hơn so với kỳ vọng, nhưng không thể vội vàng khi tính mạng con người đang bị đe dọa.

“Không ai có thể đặt thời hạn cho chúng ta, ngoại trừ chính chúng ta… không có lịch trình cố định,” ông nói.

“Tôi chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ phản công. Có những hoạt động quân sự và chúng phức tạp khó khăn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.”

Các lực lượng của Nga đã không tiến công dọc theo tiền tuyến, nhưng cố thủ trong các khu vực do họ kiểm soát, gây khó khăn cho quân đội Ukraine khi di chuyển về phía đông và nam, các quan chức Ukraine cho biết hôm thứ Năm.

Phần lớn hoạt động quân sự của Nga tập trung vào các cuộc không kích làm hư hại cơ sở hạ tầng ngũ cốc ở cảng Izmail, sông Danube của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết lực lượng của họ đã phá hủy một máy bay không người lái của hải quân Ukraine đang cố tấn công một tàu chiến Nga hộ tống một tàu dân sự ở Hắc Hải.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Hanna Maliar, cho biết các lực lượng Nga đã “cố gắng khá kiên trì để ngăn chặn bước tiến của quân Ukraine trong khu vực Bakhmut. Nhưng không thành công.”

Cô cho biết các lực lượng Nga đang tăng cường lực lượng dự trữ và thiết bị ở ba khu vực xa hơn về phía bắc, nơi giao tranh ác liệt cũng đã được báo cáo trong những tuần gần đây.

7. Những câu chuyện trái ngược về hai người lính bị thương được tìm thấy trên chiến trường Ukraine

CNN có bài tường trình nhan đề “Contrasting stories of two injured soldiers found on Ukraine's battlefield”, nghĩa là “Những câu chuyện trái ngược về hai người lính bị thương được tìm thấy trên chiến trường Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái cho thấy người lính Ukraine bị thương, Serhiy, đang chờ giải cứu sau khi bị tách khỏi đơn vị của mình.

Anh ta nhìn lên bầu trời, thấy một chiếc máy bay không người lái, và nghĩ rằng nó có thể ở đó để kết liễu anh ta. Nhưng thay vào đó, nó đã cứu anh ta.

Serhiy đã bị tách khỏi đơn vị Ukraine của mình và nằm với vết thương ở chân trái và một lỗ trên ngực, một trong nhiều thương vong mà Ukraine phải gánh chịu trong cuộc tấn công khó khăn ở phía nam nhằm vào các công sự của Nga. Đoạn phim quay bằng máy bay không người lái cho thấy anh ta phủ phục trên đất, lăn lộn trong đau đớn và nhìn lên khi nghe thấy tiếng kêu của chiếc máy nhỏ bé.

“Tôi đã sẵn sàng chiến đấu để giành lấy mạng sống của mình và tôi đã làm thế - kể cả khi nằm đó dưới ánh mặt trời chói chang,” anh nói với CNN. “Tôi nhận ra rằng mình đã ở quá gần người Nga, và bạn thậm chí bắt đầu nhìn khẩu súng của mình theo một cách khác,” anh ta nói, ám chỉ rằng anh ta sợ bị bắt. CNN đã nói chuyện với Serhiy từ giường bệnh của anh ta và không sử dụng họ của anh ta vì sự an toàn của anh ta.

Nhưng chiếc máy bay không người lái, ban đầu được giao nhiệm vụ giám sát tiền tuyến, đã phát hiện ra anh ta - chỉ là một chấm trắng trên cánh đồng xanh và miệng núi lửa đen kịt. Những người điều khiển nó đã nhanh chóng làm hết sức để cứu anh ta, chiếc máy bay không người lái đã quay về rồi trở lại và nước, thuốc và thậm chí cả ghi chú về cách sử dụng nó. Hình ảnh do CNN thu được cho thấy nó cất cánh và hạ cánh phía trên Serhiy.

Máy bay không người lái - của Nga - luôn là mối đe dọa thường xuyên ở tiền tuyến, và vì vậy, sự xuất hiện của máy bay không người lái Ukraine lúc đầu là nguyên nhân gây hoang mang. Serhiy nói: “Trong suốt thời gian tôi đang bò, một chiếc máy bay không người lái luôn lơ lửng phía trên. “Tôi không nhận ra đó là bạn hay thù, đó như một cuộc xổ số.”

Tuy nhiên, sau khi túi thuốc và chai thuốc rơi xuống, cảnh quay bằng máy bay không người lái cho thấy phản ứng nhẹ nhõm của Serhiy. Anh ta giơ ngón tay cái lên với những người điều khiển chiếc máy bay. Thuốc đã cho anh ta đủ lực để anh ta có thể bò lùi đến nơi an toàn. Ngay cả khi nhìn từ trên cao, cảnh quay vẫn cho thấy sự đau đớn trên khuôn mặt mà anh đã phải vượt qua để làm được điều đó.

“Các quân y đã cứu tôi khi họ tìm thấy tôi, rất ngạc nhiên khi tôi sống sót được hai ngày với một lá phổi bị đâm,” anh nói. Serhiy cho biết trải nghiệm này đã khiến anh đánh giá lại cuộc sống và những ưu tiên của mình, đồng thời anh sẽ trở lại quân đội nếu cần.

Eugene, người điều khiển máy bay không người lái từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia số 15, nói với CNN rằng họ không muốn bỏ lại bất kỳ ai ở tuyến đầu. Anh nói: “Mỗi mạng sống đều quan trọng đối với chúng tôi. “Tôi không thể sống với chính mình nếu bỏ mặc ai đó trên cánh đồng.”

Quân đội Ukraine phát hiện ra chỉ huy người Nga: Có lẽ chỉ cách đó vài dặm, trong cùng một cuộc phản công ở phía nam, một số phận khác đã mở ra cho một chỉ huy người Nga và đơn vị của anh ta. Đoạn phim do Lực lượng Vệ binh Quốc gia số 15 của Ukraine cung cấp cho thấy cuộc tấn công dữ dội mà lực lượng của họ đã tiến hành nhằm vào một vị trí ở đâu đó ở phía nam Orikhiv. Cuộc tấn công buộc đơn vị Nga phải rút lui nhưng không có chỉ huy của họ, anh ta đã bị thương do trúng đạn pháo.

Vài giờ sau, quân đội Ukraine tiến vào chiến hào mà quân Nga đã bỏ lại và tìm thấy chỉ huy, còn sống nhưng bị thương ở cơ thể và mặt. CNN không nêu tên đơn vị hoặc chỉ huy của Nga vì sự an toàn của họ.

Technik, từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia số 15, đã tham gia vào cuộc tấn công và mô tả việc tìm kiếm chỉ huy. “Chúng tôi đã nói đừng cố làm bất cứ điều gì nếu không bạn sẽ chết. Và anh ta yêu cầu chúng tôi bắn anh ta.”

Technik cho biết các đơn vị được lệnh cứu các tù nhân Nga để họ có thể đổi lấy những người Ukraine bị bắt. “Anh ta là đối phương, và tôi không có mong muốn đặc biệt nào để cứu anh ta. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Và họ có người của chúng ta và chúng ta có thể trao đổi tù nhân.”

Câu chuyện của Nga về số phận của người chỉ huy: Tuy nhiên, những câu chuyện về số phận của người chỉ huy lại kể một câu chuyện khác ở Nga. Ở đó, theo báo cáo của phương tiện truyền thông CNN đã thấy, anh ta được tuyên bố là đã chết và được truy tặng huân chương. Không rõ liệu quân đội Nga có biết viên chỉ huy này còn sống và Ukraine đã thông báo rằng anh ta là một tù nhân.

Kros, chỉ huy đơn vị Vệ binh Quốc gia số 15 thực hiện vụ tấn công, cho biết: “Là một con người, tôi bị sốc khi họ bỏ mặc anh ta. Nhưng là một người lính, tôi biết đối phương của mình và tôi biết đó không phải là một thông lệ hiếm gặp đối với họ.”

8. Máy bay không người lái Ukraine tấn công Nga có ba mục tiêu chính

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Drone Strikes on Russia Have Three Key Objectives”, nghĩa là “Máy bay không người lái Ukraine tấn công Nga có ba mục tiêu chính.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở trung tâm thủ đô của Nga cho thấy Ukraine đang gây tổn thất tâm lý đối với Nga, nhưng cũng theo đuổi các mục tiêu quân sự khôn ngoan khi xung đột kéo dài.

Hôm thứ Ba, Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Kyiv về đợt tấn công thứ hai bằng máy bay không người lái ở thủ đô trong vòng ba ngày, coi đây là một “cuộc tấn công khủng bố”.

Trong cuộc tấn công, một máy bay không người lái đã làm hư hại một tòa nhà cao tầng ở khu tài chính của Thành phố Mạc Tư Khoa, tòa nhà cũng bị tấn công trong cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái vào hôm Chúa Nhật. Tòa nhà là trụ sở của một số bộ của chính phủ Nga.

Xung quanh việc nhận trách nhiệm về vụ tấn công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật nói rằng “dần dần, chiến tranh đang quay trở lại lãnh thổ của Nga”. Trong các bình luận sau đó từ cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, một phát ngôn viên cho biết người dân Mạc Tư Khoa nên “hiểu” rằng các máy bay không người lái tấn công lãnh thổ Nga “là hậu quả trực tiếp của cuộc chiến tội phạm đẫm máu khủng khiếp mà chính phủ của họ đã gây ra”.

Các chuyên gia nói với Newsweek rằng các cuộc tấn công là một thông điệp mang tính biểu tượng rõ ràng, nhưng chúng cũng có thể tiết lộ các mục tiêu chiến lược trong một cuộc xung đột chưa thấy hồi kết; và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có khả năng tiếp tục tấn công cả các mục tiêu cụ thể của Nga lẫn các tiêu đề trên báo chí.

Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân và công nghệ tại viện nghiên cứu Royal United Services Institute có trụ sở tại Luân Đôn, nói với Newsweek: “Sẽ có một tác động tâm lý có chủ ý đối với giới lãnh đạo Nga và có khả năng là quảng đại dân Nga”.

Chuyên gia vũ khí và công nghệ David Hambling lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kiên quyết viện dẫn những hành động của Điện Cẩm Linh ở Ukraine như một “chiến dịch quân sự đặc biệt” thay vì thừa nhận rằng Nga là một quốc gia đang có chiến tranh.

Ông nói với Newsweek rằng các cuộc tấn công vào thủ đô của Nga sẽ khiến người dân Mạc Tư Khoa ngày càng cảm thấy họ đang có chiến tranh, nghĩa là họ sẽ “yêu cầu được biết tại sao họ không được bảo vệ”.

Samuel Bendett, một nhà phân tích nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết thêm: Truyền thông nhà nước Nga cũng đưa tin rằng những cư dân làm việc trong khu tài chính hiện đang ở nhà thay vì mạo hiểm đến khu vực này.

Ý định đằng sau việc đánh tháp hai lần vẫn chưa rõ ràng. Các mục tiêu phi dân cư như khu phức hợp Thành phố Mạc Tư Khoa khác với mô hình tấn công vào các cơ sở quân sự hoặc căn cứ của Ukraine, gợi ý cho một số chuyên gia rằng hệ thống phòng thủ và gây nhiễu của Nga đã ngăn máy bay không người lái tấn công các mục tiêu này.

Tuy nhiên, những cú va chạm liên tiếp vào tháp IQ, tên gọi của tòa nhà, là một “tuyên bố tâm lý rất thông minh”, chuyên gia về máy bay không người lái ở Anh Steve Wright gợi ý.

Nó cho thấy “khả năng thích ứng và tháo vát của Ukraine đang tăng lên theo cách mà người Nga không thể hy vọng sánh kịp, đồng thời gây ra nguy cơ thương vong dân sự ở mức tối thiểu,” ông nói với Newsweek.

“Không ai mong đợi người Nga bị ném bom sẽ khuất phục bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Mạc Tư Khoa, nhưng thông điệp rõ ràng gửi tới người dân rằng chiến tranh sẽ không kết thúc, và một cách thông minh để khiến mọi người biết và không hài lòng với nó,” Wright nói.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái không chỉ tạo ra một cú đấm tâm lý mà còn thể hiện với Nga—và thế giới—về việc Ukraine đang sản xuất công nghệ máy bay không người lái mới, hiệu quả nhanh như thế nào.

“Các cuộc tấn công ở Mạc Tư Khoa là một chiến công ngoạn mục,” Wright nói thêm. “Nó đã chỉ ra rằng những kẻ tấn công đã có thể xây dựng, thử nghiệm và triển khai các cỗ máy này theo từng đợt hàng chục chiếc, đây là một kỳ tích khác của công tác hậu cần và tổ chức.”

Các chuyên gia đã lập luận trong suốt cuộc chiến rằng, khi công nghệ này phát triển, máy bay không người lái tấn công theo bầy sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với hệ thống phòng không áp đảo. Nhưng các cuộc tấn công bầy đàn thực sự vẫn chưa được nhìn thấy giữa các lực lượng ở Ukraine.

Bendett cho biết, mặc dù những máy bay không người lái này không mang theo đầu đạn lớn, nhưng đã có một số “thiệt hại nghiêm trọng” ở khu vực Thành phố Mạc Tư Khoa. Nhưng “ngay cả một lượng nhỏ chất nổ cũng có thể có tác động lớn khi được đặt đúng chỗ,” Hambling nói.

Ông nói thêm: “Biết rằng một máy bay không người lái có thể tấn công bất kỳ tòa nhà nào với hàng trăm pound thuốc nổ sẽ buộc Nga phải thực hiện các biện pháp sâu rộng để bảo vệ các cơ sở quân sự và chính phủ”.

Các chuyên gia đã gợi ý rằng cho dù chỉ một trong những máy bay không người lái này chọc thủng được hệ thống phòng không của Nga thì điều đó cũng đã là một thành tựu khá lớn đối với những người dàn dựng các cuộc tấn công.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem khả năng chống chịu của những máy bay không người lái này, hiện được gọi là máy bay không người lái “Beaver”, trước hệ thống tác chiến điện tử và gây nhiễu của Nga. Tuy nhiên, những cuộc tấn công này cho thấy Ukraine đang trong giai đoạn đầu phát triển các loại vũ khí này và sẽ nhanh chóng cải tiến công nghệ sau những cuộc tấn công này.

“Ukraine mới chỉ bắt đầu sản xuất một số lượng đáng kể máy bay không người lái tấn công tầm xa và chắc chắn là đã học được nhiều điều từ những cuộc tấn công đầu tiên này,” Hambling nói.

Sau đó, Ukraine có thể tìm cách tấn công vào các nguồn cung cấp điện và mạng viễn thông của Nga, ông nói thêm: “Một cuộc tấn công có tổ chức và phối hợp tốt hơn vào Mạc Tư Khoa trên quy mô lớn hơn có thể đạt được nhiều kết quả quan trọng hơn”.

Các câu hỏi vẫn là liệu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một số mục tiêu nhất định hay liệu chúng có đi chệch khỏi điểm đến ban đầu do hệ thống phòng thủ của Nga hay không.

Hambling nói, tấn công cùng một tòa nhà hai lần cho thấy “việc tấn công khá chính xác,” và với tư cách là một cơ sở của cơ quan chính phủ cấp bộ, nó có thể có một số giá trị như một mục tiêu cụ thể.

Nếu Nga rút một số hệ thống phòng không khỏi Ukraine để bảo vệ thủ đô thì điều này “tất nhiên sẽ là một thành công lớn” đối với Kyiv, Hambling nói.

Tuy nhiên, nỗ lực chiến tranh của Nga được nuôi dưỡng bởi các căn cứ, cơ sở quân sự và các mục tiêu quân sự đáng giá trên khắp đất nước, Bendett nói. “Tại sao những địa điểm này không được tấn công với cường độ tương tự như Mạc Tư Khoa?” anh ta nói thêm.

Ukraine đã nhiều lần sử dụng hỏa tiễn do phương Tây cung cấp để nhắm vào các căn cứ đạn dược hoặc kho vũ khí của Nga. Nhưng máy bay không người lái “kamikaze”, mặc dù không hoàn thành chính xác chức năng tương tự, nhưng chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều và vẫn có thể giáng một đòn mạnh vào mục tiêu.

“Toàn bộ cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Mạc Tư Khoa cho đến nay có lẽ ít tốn kém hơn một hỏa tiễn siêu thanh Zircon của Nga, nhưng đã gây tiếng vang khắp thế giới,” Hambling nói.

9. Ukraine đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Ả Rập Saudi

Nhà lãnh đạo văn phòng Tổng thống Ukraine, Andrii Yermak, cho biết nhóm của ông đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới ở Ả Rập Saudi.

“Chúng tôi tiếp tục chuẩn bị cuộc họp thứ hai ở cấp cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn chính trị cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia ở Ả Rập Saudi,” ông cho biết. “Nó sẽ được dành cho các nguyên tắc chính của hòa bình dựa trên Công thức Hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi liên lạc thường xuyên với các đối tác của mình.”

Yermak cho biết mục tiêu của Kyiv là mở rộng hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Copenhagen vào tháng 6, tăng số lượng người tham gia bao gồm các quốc gia từ Á Châu, Phi Châu, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi ở Ả Rập Saudi là phát triển một tầm nhìn thống nhất về Công thức và tìm ra khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu trong tương lai. “Chúng ta cần khôi phục trật tự thế giới, luật pháp quốc tế và thiết lập một nền hòa bình công bằng dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều khoản của Ukraine.”

Kế hoạch hòa bình: Zelenskiy đã trình bày công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine cho các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào năm ngoái.

Các bước này bao gồm lộ trình dẫn đến an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, một tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh của Nga và một hiệp ước hòa bình cuối cùng với Mạc Tư Khoa. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 sử dụng tất cả quyền lực của mình để “làm cho Nga từ bỏ các mối đe dọa hạt nhân” và thực hiện trần giá đối với năng lượng nhập khẩu từ Mạc Tư Khoa.

10. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất ở Odesa là một cuộc tấn công vào “an ninh lương thực toàn cầu,” Zelenskiy nói

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất của Nga vào cơ sở hạ tầng cảng Odesa là một cuộc tấn công vào “an ninh lương thực toàn cầu” và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.

“Những kẻ khủng bố Nga một lần nữa tấn công các cảng, ngũ cốc và an ninh lương thực toàn cầu,” Zelenskiy cho biết như trên hôm thứ Tư.

“Thế giới phải phản ứng.”

Zelenskiy nói thêm rằng “Nga có thể và phải bị ngăn chặn” trước các cuộc tấn công cố tình phá hủy các cơ sở hạ tầng tồn trữ và chuyên chở ngũ cốc của Ukraine ở Odesa.

Zelenskiy cũng khen ngợi các đơn vị phòng không của Ukraine về một đêm “anh hùng” khác, sau khi lực lượng không quân Ukraine bắn hạ 23 máy bay không người lái Shahed-136/131 của Iran nhằm vào Odesa.

“Lại một đêm chiến tranh, thêm một đêm phòng không anh hùng của chúng ta. Chúng tôi đang tự bảo vệ mình ở mức tối đa trong khả năng của mình,” ông nói.

Một số bối cảnh: Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải vào ngày 17 tháng 7, Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào nguồn cung cấp ngũ cốc ở các thành phố quan trọng của Ukraine, bao gồm cả thành phố cảng Odesa. Tháng trước, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward cho biết ít nhất 60.000 tấn ngũ cốc, đủ để nuôi sống 270.000 người trong một năm, đã bị xóa sổ bởi cuộc tấn công dữ dội của Nga.

11. Không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 23 máy bay không người lái của Nga nhắm vào Odesa

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết các đơn vị phòng không đã bắn hạ 23 máy bay không người lái tấn công của Nga trong đêm nhưng thừa nhận rằng một số đã vượt qua được và tấn công cơ sở hạ tầng cảng ở khu vực Odesa.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Năm mùng 3 tháng Tám, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết:

“Các lực lượng Nga đã tấn công bằng máy bay không người lái Shahed-136/131 của Iran trên bầu trời Odesa được phóng từ ba hướng, Kursk và Primorsko-Akhtarsk của Nga và Chauda ở khu vực Crimea bị Nga tạm chiếm”.

“Các lực lượng và phương tiện của Không quân phối hợp với lực lượng phòng không của các thành phần khác của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy 23 máy bay không người lái tấn công”.

“Hầu hết các 'Shahed' đã bị tiêu diệt ở các vùng Kyiv và Odesa. Thật không may, một số máy bay không người lái do đối phương phóng đã tấn công cơ sở hạ tầng cảng ở khu vực Odesa,” nó nói thêm.

Theo nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự ở Odesa, hỏa hoạn bùng phát sau khi các cơ sở cảng bị tấn công, bao gồm cả cơ sở hạ tầng ngũ cốc.