Ngày 04-08-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chứng tá liên đới của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục thành Lyon với các tín hữu Kitô Iraq
Đặng Tự Do
06:42 04/08/2014
Trong tuần qua, Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, và hai giám mục khác của Pháp, đã thực hiện một chuyến đi bốn ngày tới Iraq để gặp gỡ các tín hữu Kitô nước này. Trong chuyến đi, các vị đã dừng chân tại Karakosh, Alqosh, Kirkuk và Erbil để gặp gỡ các anh chị em tín hữu đã phải bỏ nhà cửa chạy trốn bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS.

Đức Hồng Y Philippe nói với anh chị em:

"Tôi sẽ đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramaic-- ngôn ngữ của Chúa Giêsu, ngôn ngữ của người Kitô hữu Syriô - mỗi ngày cho đến khi anh chị em có thể quay trở lại Mosul."

Từ Baghdad, Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê cho biết:

"Các hiền huynh không thể tưởng tượng tầm quan trọng của chuyến thăm lần này. Chư huynh đã mang lại can đảm cho họ. Họ có thể thấy tỏ tường bằng tai mắt mình rằng có những người đang nghĩ đến họ."

Hôm Chúa Nhật 27 tháng 7, khoảng 5 ngàn người đã tụ tập biểu tình trước tiền đình nhà thờ Đức Bà tại thủ đô Paris và 5 ngàn người khác biểu tình tại Lyon để ủng hộ các tín hữu Kitô Iraq và cáo buộc chính quyền Pháp tỉnh bơ trước hoàn cảnh bị bách hại của họ.
 
Đức Hồng Y Edward Clancy nguyên Tổng Giám Mục Sydney đã qua đời
Đặng Tự Do
06:57 04/08/2014
Đức Hồng Y Edward Clancy, người từng là Tổng Giám Mục Sydney từ năm 1983 đến năm 2001, đã qua đời tại một nhà dưỡng lão vào ngày 03 tháng 8.

Dòng Tiểu Muội của người nghèo tại Randwick đã chăm sóc cho ngài trong tám năm cuối cùng của cuộc đời mình.

Sinh năm 1923, ngài đã được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo Phận Sydney vào năm 1949 và được bổ nhiệm giám mục phụ tá Sydney vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Canberra từ năm 1978 đến năm 1983, trước khi về lại giáo phận quê hương.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tấn phong Hồng Y cho ngài trong công nghị Hồng Y năm 1988. Ngài về hưu năm 2001 và được thay thế bởi Đức Hồng Y George Pell.

Với cái chết của Đức Hồng Y Clancy, hiện nay có 211 Hồng Y, trong đó 118 vị còn trong độ tuổi bầu giáo hoàng.
 
Đức Thánh Cha khuyên các hướng đạo sinh hãy là những diễn viên thay vì là khán giả trong cuộc đời
Bùi Hữu Thư
13:22 04/08/2014
Ngài nói với hàng vạn bạn trẻ Pháp rằng họ phải có tình bạn với Chúa Giêsu

VATICAN, ngày 4 tháng 8,, 2014 (Zenit.org) - Đức Thánh Cha Phanxicô bảo các bạn trẻ người Pháp rằng họ hãy là những diễn viên trong cuộc đời thay vì chỉ là những khán giả

Hôm nay, Đức Thánh Cha gửi điện văn cho các hướng đạo sinh Âu Châu nhân dịp họ tham dự Đại Hội Quốc Tế lần thứ Tư (Euro-Jamboree). Đại hội sẽ tiếp diễn cho tới ngày 10 tháng 8.

Trên 12.000 bạn trẻ trai và gái từ 20 quốc gia Âu Châu sẽ tụ tập tại Saint-Evroult-Notre-Dame-Du-Bois, Miền Normandy, Pháp.

Trong điện văn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng muốn biết Chúa Giêsu, họ phải “bắt đầu “tìm hiểu” Người. Ngài nói họ có thể gặp gỡ Chúa Giêsu trong Lời Chúa và các phép Bí Tích.

Nhắc lại lời ngài tuyên bố tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janeiro, vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình khuyên các bạn trẻ nghe lời ngài: là hãy ra đi, mạnh dạn, không sợ hãi và hãy phục vụ.

Sau đó Đức Thánh Cha mời gọi họ cầu nguyện cho việc hiệp nhất và hòa bình sẽ có thể đến với Âu Châu và thế giới. Ngài tuyên bố: “Các bạn chính là những diễn viên trong thế giới này, không phải chỉ là những khán giả!”

Ngài khuyến khích họ “không nên e sợ các thách đố trong việc bảo vệ các giá trị Kitô giáo,” nhất là bảo vệ cho sự sống và phẩm giá con người.
 
Quá tam ba bận: Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho nhà dòng Camêlô ở Tây Ban Nha!
Trần Mạnh Trác
19:13 04/08/2014


Nếu chúng ta không nhấc điện thoại vả sau đó biết rằng chúng ta đã mất đi một dịp nói chuyện với Đức Thánh Cha thì tâm trạng lúc đó ra sao?

"Khi tôi có dịp nghe lại tin nhắn trong điện thoại, tôi thật sự muốn chết đi được," Bà Mẹ Bề Trên Adriana nói.

Lúc đó là vào ngày cuối cuả năm 2013, 11:45g sáng ngày 31 tháng 12, ĐTC Phanxicô đã reng chuông điện thoại cuả tu viện Camêlô ở Lucena, Tây Ban Nha, và không có ai trả lời.

Các nữ tu ở đây mà người ta thường gọi bằng một cái tên thân mật là những 'bà sơ Camêlô đi chân đất,' (Barefoot Carmelites) lúc đó đang trong giờ kinh nguyện ban Trưa, và không ai trực điện thoại cả.



Đức Giáo Hoàng đã vừa cười khúc khích vừa nhắn một tin mà sau này đài phát thanh Tây Ban Nha đã được phép phát sóng lại như sau:

"Có việc gì quan trọng đến thế mà các Sơ không thể trả lời điện thoại được ư?"

Ngài cho biết chỉ muốn chúc các Sơ một năm mới hạnh phúc và hứa sẽ gọi lại nếu có dịp thuận tiện.

Được biết trong số 5 Sơ cuả tu viện thì có 3 người đến từ Argentina, và Sơ Adriana đã từng quen biết với Đức Thánh Cha 15 năm, từ khi Ngài còn là Hồng Y ở Buenos Aires.

Khi nghe xong tin nhắn, Sơ Adriana và các Sơ khác đã tự an ủi lẫn nhau rằng: "Chúng ta đã hoàn thành xong nhiệm vụ là cầu nguyện. Chỉ tiếc rằng chúng ta không ngờ rằng Đức Giáo Hoàng vẫn còn nhớ đến chúng ta."

Rồi sau đó các Sơ vội vã gọi Đức Giám Mục Emilio Z. Marquez xin địa chỉ liên lạc và thử gọi lại Vatican, nhưng không thành công.

Nhưng 3 giờ sau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi lại và với lần này thì các Bà Sơ đã không bỏ lỡ mất cơ hội.

...





Ngày thứ Bảy mồng 2 tháng 8 vừa qua, Đức Thánh Cha lại gọi cho tu viện một lần nữa, lúc này vào lúc 4:30 chiều.

Ngài yêu cầu các Sơ chuyển lời chúc "tình cảm, sức khỏe và phúc lành" của mình tới toàn thể dân chúng cuả thị xã Lucena.

Trong suốt năm qua, dân cư trong phố đã không ngừng viết thư lên ĐTC và nhờ các Sơ chuyển giùm.

Đức Giáo Hoàng, theo lời Sơ Adriana, mong muốn dân phố sống "thật tốt" ("be good").

Và Sơ Adriana cũng đảm bảo với Đức Giáo Hoàng rằng "mọi người ở Lucena và ở Tây Ban Nha, đang cầu nguyện cho Ngài."

Đức Giáo Hoàng đã phì cười khi biết rằng ở đây người ta không gọi Ngài là Phanxicô mà là "Giáo Hoàng Curro" (Pope Curro). Curro là tiếng lóng thân mật cuả chữ Phanxicô, giống như "Liz" là tiếng lóng cuả chữ Elizabeth vậy.

Vào cuối cuộc gọi, ĐTC yêu cầu các Sơ nói chuyện với linh mục tuyên úy của tu viện Lucena, để nhờ các linh mục khác trong vùng đem thông điệp này là "tình cảm và những lời chúc" đến tất cả mọi người trong phố.

Mọi người đều háo hức hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đến Tây Ban Nha vào năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 500 năm sinh nhật của Thánh Nữ Têrêsa Avila, đấng sáng lập dòng Camêlô.

Nhưng cho tới nay thì Vatican vẫn chưa đề cập đến việc này dù cho vị quốc vương mới, Vua Phillip VI, và Chủ Tịch Hội Đồng các Giám Mục, ĐGM Ricardo Blazquez, đã gửi lời mời.
 
Đức Phanxicô: ngoại giao bằng cầu nguyện và đối thoại
Vũ Văn An
23:09 04/08/2014
Công hàm không chữ ký (nota verbale) của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi cho tất cả các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh cho thấy ý nghĩa sáng kiến cổ vũ hòa bình của Đức Phanxicô. Chính qua thuyết phục, đối thoại và cầu nguyện mà Đức Phanxicô hy vọng có thể ảnh hưởng tới các tranh chấp vũ trang hiện nay, đem chúng tới kết thúc. Trong khi ấy, cảnh giới quốc tế luôn mỗi ngày một đáng lo ngại hơn.

Trong số các khai triển gần đây ta thấy có việc người cực đoan Hồi Giáo chiếm giữ Benghazi nhằm thiết lập một nước Hồi giáo sĩ trị (caliphate). Tại Iraq, nhà cửa của các Kitô hữu tại Mosul bị ghi chữ “N” (tắt cho Nazarene). Hầu như mọi Kitô hữu đã bị cưỡng bức phải trốn chạy vì bị đe dọa giết chết. Tình hình hiện nay hết sức nóng bỏng tại Trung Đông nói chung và tại Israel/Palestine nói riêng, và buổi cầu nguyện cho hòa bình do Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập tại Vatican nay dường như chỉ còn là một ký ức mờ nhạt. Mọi người đều đồng ý rằng các nhóm thiểu số Kitô Giáo là các nhóm bị bách hại nhiều nhất trên thế giới hiện nay.

Với viễn ảnh đáng lo ngại ấy, liệu nền ngoại giao bằng cầu nguyện và đối thoại có đủ không? Đức GH Phanxicô dựa vào sức thu hút của bản thân ngài. Ngài là một trong các ứng viên của Giải Nobel Hòa Bình, và ngài thực sự có cơ hội đoạt được giải này. So với Đức Gioan Phaolô II, người cũng từng là ứng viên của giải, Đức GH Phanxicô lôi cuốn được một đồng thuận rộng lớn hơn nơi các giới thế tục. Đức Gioan Phaolô II rất nổi tiếng và được nhiều người mến mộ, nhưng ngài khiến các chính phủ run tay run chân mỗi lần ngài nói tới nhân quyền. Đức Phanxicô sử dụng một phương thức có tính hòa giải hơn và chắc chắn được thế giới thế tục thích hơn.

Đàng sau phương thức hòa giải trên, là nhu cầu cần một dấn thân ngoại giao mạnh mẽ. Các sứ thần Tòa Thánh hiện đang làm việc một cách không biết mệt. Các ngài đều là các giám mục, và vai trò kép của các ngài trong tư cách vừa là chủ chăn vừa là nhà ngoại giao giúp các ngài có được nhiều tầm nhìn thông suốt mà các nhà ngoại giao khác không có được. Các ngài biết các linh mục ngay tại các lãnh thổ của họ, nhờ thế các ngài nắm vững tình thế các Giáo Hội địa phương. Nhưng các ngài còn có được các thông tin đầu tay, đến từ các linh mục, các nhà truyền giáo và các tín hữu, và thông tin loại này được chia sẻ với Phủ Quốc Vụ Khanh, nơi tóm tắt các chi tiết này trong các phúc trình của mình.

Phương cách sử dụng các mẩu thông tin này là điều chủ yếu. Hiện nay, chính sách ngoại giao của Vatican xem ra là chính sách “chờ và xem”. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh, nhằm trước nhất vào việc thiết lập đối thoại và hợp tác bán chính thức với các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh, như thấy rõ trong buổi ngài gặp họ lần đầu trong tư cách đứng đầu ngành ngoại giao của Tòa Thánh. “Chúng ta vốn đã biết nhau rồi (ngài từng phục vụ lâu năm tại phân bộ thứ hai của Phủ Quốc Vụ Khanh), nên chúng ta hãy giúp nhau một tay”. Đó là sứ điệp chính yếu của Đức HY Parolin. Xem ra sứ điệp ấy muốn cho thấy hoạt động ngoại giao của ngài đặt căn bản trên tính bán chính thức như thế.

Công hàm không chữ ký là một trong các sáng kiến khác gần đây nhất. Đức TGM Dominique Mamberti, “Bộ Trưởng Ngoại Giao” của Vatican, trong một chương trình phát tuyến của Đài Phát Thanh Vatican, có cho hay công hàm này bao gồm mọi lời kêu gọi hòa bình của Đức GH Phanxicô. Một sáng kiến tương tự cũng đã được đưa ra vào hôm trước Ngày Cầu Nguyện Và Ăn Chay Cho Syria, được Đức Phanxicô triệu tập ngày 7 tháng 9, năm 2013. Trong buổi gặp gỡ tất cả các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh, Đức TGM Mamberti nhắc tới mọi lời kêu gọi hòa bình của Đức Giáo Hoàng và xin “đối thoại và hòa giải”.

Đức GH Phanxicô vẫn còn đang kêu gọi cùng một thứ đối thoại và hòa giải đó. Trong khi ấy, nhiều hoạt động lớn tại chỗ của nhiều cơ quan bác ái Kitô Giáo và các định chế Vatican vẫn tiếp diễn.

Tình huống người tị nạn tại Iraq quả là hãi hùng, và để trợ giúp họ, Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương đã gửi ngay 50,000 dollars cho những nhu cầu tức khắc; Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum gửi 400,000 dollars cho cùng một mục đích và đang đóng một vai trò lớn lao tại chỗ; còn tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Có Nhu Cầu đã gửi 100,000 euro, vẫn đang quyên góp tiền bạc cho các Kitô hữu bị bách hại, và kêu gọi một ngày cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 6 tháng 8, Lễ Hiển Dung.

Cam kết của Tòa Thánh còn có thể được định lượng nhiều hơn nữa. Ngày 27 tháng 5 năm 2013, Đức TGM Silvano Maria Tomasi, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh cạnh LHQ tại Genève, đã giải thích rõ “các dịch vụ hiện nay đối với gia đình nhân loại do Giáo Hội Công Giáo thực thi mà không cần phân biệt tôn giáo hay sắc tộc”.

Đây là một số dữ kiện: trong lãnh vực giáo dục, hiện có 70,544 trường mẫu giáo Công Giáo trông nom 6,478,627 học sinh; 92,847 trường tiểu học với 31,151,170 học sinh; và 43,591 trường trung học với 17,793,559 học sinh. Giáo Hội cũng giáo dục 2,304,171 học sinh trung học và 3,338,455 sinh viên đại học. Các cơ quan bác ái và các trung tâm chăm sóc y tế trên khắp thế giới của Giáo Hội, không kể các bệnh viện và bệnh xá, còn bao gồm 18,179 phòng phát thuốc, 547 nhà săn sóc người phong cùi, 17,223 nhà cho người cao niên, hay người mang bệnh kinh niên hoặc khuyết tật, 9,882 viện mồ côi, 11,379 trung tâm săn sóc trẻ sơ sinh, 15,327 văn phòng huấn đạo hôn nhân, 34,331 trung tâm phục hồi xã hội, và 9,391 định chế bác ái thuộc các loại khác. Ngoài ra, Đức TGM Tomasi cho hay, “nên thêm các dịch vụ trợ giúp thực hiện tại các trại tị nạn và đối với những người rời cư trong nước, cũng như sự giúp đỡ có tính liên đới đối với những người bị bứng gốc”.

Đó là hệ thống các mũi nhọn của Tòa Thánh trên thế giới. Các mũi nhọn này cần được trợ giúp hơn nữa, ngoài các lời kêu gọi hòa bình. Chúng cần một nền ngoại giao hữu hình và rõ ràng, đủ thẩm quyền để tác động lên các cuộc thương thảo.

Cam kết hoà bình của các vị giáo hoàng là một sự kiện đã được chứng minh đầy đủ. Đức Piô IX đã tích cực vận động cho một nền văn hóa hòa bình, một nền văn hóa từng đẩy mạnh cuộc đối thoại đại kết. Đức Lêô XIII, vị kế nhiệm Đức Piô IX, đã mang nền văn hóa hòa bình tới hội nghị giải trừ binh bị tại The Hague năm 1889. Trong chính hội nghị này, một số trong 26 nước tham dự đã thừa nhận vai trò của Đức Giáo Hoàng như là người trung gian trong các tranh chấp nhờ “tư cách người cha chung” của ngài. Đức Bênêđíctô XV đưa ra kế hoạch hòa bình của ngài trong Thời Thế Chiến I, trong khi, cho tới nay, các lời kêu gọi hòa bình của Đức Piô XII, thời Thế Chiến II, đã thành sự kiện lịch sử: sứ điệp truyền thanh của ngài vốn được Đức Cha Mario Toso, tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình, mô tả như là “một tiểu thông điệp xã hội”.

Ngay như lời kêu gọi hòa bình của Đức Gioan Phaolô II nay cũng đã trở thành một phần của lịch sử, cũng như ngày ăn chay và cầu nguyện công bố hôm Thứ Tư Lễ Tro năm 2003 mong tránh được Chiến Tranh Vùng Vịnh. Dịp này, các cố gắng của Đức Gioan Phaolô II không thành công, không như các cố gắng của Đức Gioan XXIII trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn tại Cuba: kỹ năng ngoại giao của “Vị Giáo Hoàng Nhân Hậu”, âm vang lời nói của ngài, đã tránh được cuộc chiến tranh thế giới có thể đã diễn ra.

Sau kinh nghiệm trên, Đức Gioan XXIII đã ban hành thông điệp “Pacem in Terris” (bình an dưới thế), được coi như sách hướng dẫn thực sự cho các cam kết ngoại giao của Tòa Thánh. Được soạn thảo quanh 4 trụ cột và dựa vào luật tự nhiên cũng như tính phụ đới (subsidiarity), thông điệp này nẩy sinh ra một phương pháp dẫn tới thần học khởi đi từ các dấu chỉ của thời đại. Phương pháp này đã được Công Đồng Vatican II áp dụng để ban hành các văn kiện của mình.

Song song với việc làm tại chỗ, giữ vững lập trường là điều quan trọng hơn cả trên diễn đàn thế giới. Cho tới nay, Tòa Thánh đã gây được tác động. Đến nỗi năm 1986, trong các văn kiện của Liên Hiệp Quốc về phát triển, người ta đã nhắc tới “việc phát triển nhân bản toàn diện”, một chủ đề chính trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội, một giáo huấn vốn bắt nguồn từ Tin Mừng và hướng về ích chung.

Giáo Hội đem sự thật tới cho thế giới, nhưng bằng cách luôn đối thoại với thế giới. Nhờ dựa vào nguyên tắc này, Tòa Thánh đã gây được tác động ngoại giao đáng kể. Đức Hồng Y Paul Poupard, trong tư cách đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng, đã vượt qua Bức Màn Sắt để nói chuyện về văn hóa, nhờ thế đã phá vỡ khối cộng sản qua các cuộc thảo luận về tư tưởng. Cũng trong thập niên 1980 này, Đức Hồng Y Roger Etchegaray bay tới Cuba, lúc đó rất khép kín, để khởi diễn một cuộc đối thoại với Fidel Castro. Nhờ thế, cuộc tông du đầu tiên, đầy tính lịch sử, của một vị giáo hoàng tới “la isla” (đảo) vào năm 1998 đã diễn ra (Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm Cuba). Bộ giáng sinh mà Fidel Castro tặng Đức HY Etchegaray vẫn còn được trưng bày tại phòng ăn của ngài. Về phần mình, lãnh tụ tối cao (lídermáximo) vẫn giữ trên giá sách của mình các cuốn sách Đức Bênêđíctô XVI gửi tặng ông sau khi hai người dùng càphê với nhau trong chuyến tông du tới Cuba năm 2012 (chính Castro yêu cầu có những cuốn sách nói về Thiên Chúa).

Nền ngoại giao của Tòa Thánh có sức mạnh tối hậu nhờ các lý tưởng của nó. Mục tiêu của nó là ích chung. Đối tượng của nó là con người nhân bản. Tòa Thánh không đánh việc đói ăn, Tòa Thánh bênh vực người đói ăn.

Ta nên lưu ý tới nguyên tắc trên, vì nó là lý do tại sao hệ thống tại chỗ trên đây cần được bổ túc bằng một hành động ngoại giao mạnh mẽ.

Hành động ngoại giao nói trên làm sao có thể được hỗ trợ bởi một Phủ Quốc Vụ Khanh xem ra đang bị cho ra rìa mỗi ngày một hơn bên trong Giáo Triều? Đức Hồng Y Parolin đã được bổ nhiệm làm thành viên của Hội Đồng Hồng Y có nhiệm vụ cố vấn Đức Phanxicô về việc cải tổ Giáo Triều, dù chưa có văn kiện nào làm cho việc bổ nhiệm này thành chính thức. Nhưng thẩm quyền của Phủ Quốc Vụ Khanh đôi khi bị lu mờ vì các quyết định của Đức Giáo Hoàng. Trong khi ấy, những ngôi sao đang lên, đầy kinh bang tế thế và không hề nhút nhát, đang thấy khuôn dung mình mỗi ngày mỗi được nâng cao, như khuôn dung của Đức HY George Pell, Chủ Tịch Văn Phòng Kinh Tế, chẳng hạn.

Trong khi ấy, cung cách cung cấp tài trợ rất có thể bị thay đổi. Trước đây, mọi sự đều được thực hiện qua Viện Các Công Trình Tôn Giáo (IOR, thực tế là ngân hàng Vatican), một cơ quan bảo đảm quyền tự chủ của Tòa Thánh và việc chuyển giao tiền bạc cách an toàn. Điều gì sẽ xẩy ra khi cuộc cải tổ IOR hoàn tất và nó trở thành một cơ quan tư vấn không hơn không kém? Làm thế nào các nhà truyền giáo nhận được tài trợ khi làm việc tại các nước có hệ thống ngân hàng yếu kém?

Đó không thể là những vấn đề phụ thuộc đối với Đức Phanxicô, dù ngài đang tập chú vào nhiều chuyện khác và đang biến việc cầu nguyện thành khí cụ ngoại giao. Nhưng lời cầu nguyện cũng có sức mạnh thuyết phục. Và sức mạnh này chỉ có thể phát sinh từ một đức tin được lý trí soi sáng. Giáo Hội có thể cung hiến sự thật trên diễn đàn công cộng. Dựa vào sự thật này, Tòa Thánh hành động trong các cuộc thương thảo về hòa bình, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nhân quyền, thậm chí nêu lên các cuộc thảo luận giữa các chính phủ. Khi các nguyên tắc đã rõ ràng, thì việc thảo luận chắc chắn sẽ xẩy ra. Và thảo luận luôn là căn bản của hòa bình.
 
Tinh Thần và Ảnh Hưởng Của Mẹ Mary MacKillop, Vị Thánh Đầu Tiên Của Úc Châu; Lễ Mừng Ngày 8/8 Hàng Năm
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sinh viên Công Giáo Bùi Chu mừng lễ truyền thống lần thứ X
BTT SVCG Bùi Chu
08:20 04/08/2014
SINH VIÊN Công Giáo BÙI CHU MỪNG LỄ TRUYỀN THỐNG LẦN THỨ X

Lễ truyền thống của Sinh viên Công Giáo Giáo Phận Bùi Chu 2014 với chủ đề: “Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”(Ga 20,21) đã diễn ra hết sức đặc biệt vì mang nhiều ý nghĩa: Mừng lễ Bổn mạng Thánh Inhaxio Loyola, Kỷ niệm 10 năm Lễ truyền thống SVCG Bùi Chu, Tri ân Quý Đấng bậc – Thân nhân – Ân nhân…Lễ truyền thống được diễn ra trong 2 ngày 01-02/08/2014 tại Đền Thánh Thánh Gia Kiên Lao.

Xem Hình

Lễ truyền thống đã diễn ra trong bầu khí vui tươi của những ngày đầu tháng 08, thời điểm đẹp, rực rỡ, chói chang của đất trời. Tháng 08 mở ra một năm học mới của mái trường Cao Đẳng, Đại Học. Lễ truyền thống này cũng mở ra cho các bạn sinh viên những khám phá mới mẻ từ những chiều kích niềm tin tưởng chừng đã cũ!

Tin tưởng rằng, qua Lễ truyền thống này, sinh viên Giáo phận Bùi Chu đã biết “phải làm gì để được sự sống đời đời” và mau mắn ra đi theo mời mời gọi của Đức Giêsu: “Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Đón tiếp, ghi danh và khởi động

Ngay từ đầu giờ chiều ngày 01/08, các bạnsinh viên đến từ khắp các giáo xứ trong Giáo Phận Bùi Chu đã nô nức tiến bước về Đền Thánh Thánh Gia Kiên Lao để tham dự Lễ Truyền Thống SVCG Bùi Chu lần thứ X. Năm nay, SVCG Bùi Chu kỷ niệm 10 năm thành lập và phát triển với muôn phúc lành của Chúa, và niềm vui với những thành quả của bao cố gắng từ các Đấng bậc, quý vị ân nhân tới mỗi người sinh viên chúng con hôm nay.

Cùng nhìn lại quá khứ để dâng lời Cảm Tạ Ngợi khen Thiên Chúa, nhìn lại những bước đi của tình thương Thiên Chúa qua Giáo Phận Mẹ Bùi Chu, qua Cộng đoàn sinh viên nhỏ bé này; dù không thiếu khó khăn thử thách, nhưng luôn tràn đầy tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Quy tụ về đây để cùng dâng lời cám ơn các Đấng bậc, các vị ân nhân đã đồng hành, nâng đỡ, an ủi, cổ vũ tinh thần và vật chất cho anh chị em sinh viên trong Giáo Phận tới ngày hôm nay.

Cùng nhìn hiện tại để cố gắng dấn thân gìn giữ và phát huy truyền thống kiên trung và hào hùng của Giáo phận Mẹ Bùi Chu mà lịch sử 166 năm qua đã minh chứng nơi sự chọn lựa của các Đấng bậc, tiên tổ, ông bà cha mẹ chúng ta. Dấn thân để tiếp tục sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu. Dấn thân với những cố gắng để cảm nhận hồng ân Đức tin nơi chính mỗi người sinh viên Công Giáo chúng ta. Dấn thân để tiếp tục bằng Ơn Đức Tin mà Thiên Chúa ban để chính mỗi người sinh viên Công Giáo chúng ta tiếp tục sứ mạng đem Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho anh chị em đang hiện diện nơi chúng ta đang học tập, sống và làm việc.

Cùng hướng tới tương lai để Hy vọng: chúng ta cùng cất lời ngợi khen tình thương Chúa đến muôn đời, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban cho qua Giáo Phận Mẹ Bùi Chu, qua Cộng đoàn sinh viên nhỏ bé này; tuy nhiên lời Tạ Ơn - tâm tình của chúng ta - là Niềm Hy vọng mới để sống như tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Truyền Giáo năm 2013: “khích lệ mọi người trở thành những người mang Tin Mừng Chúa Kitô để đáp lại lệnh truyền của Đức Kitô, “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19) đem lại sự phong phú cho Giáo Hội địa phương tại nơi đây”.

Chương trình Big game – nơi sinh viên kết nối tinh thần đoàn kết

Ngày thứ nhất của Lễ truyền thốngđược bắt đầu bằng các trò chơi đòi hỏi tinh thần đồng đội cao. Những trò chơi vận động, trò chơi dân gian đầy sáng tạo, vui tươi được các bạn sinh viên nhiệt tình hưởng ứng. Qua mỗi trò chơi là mỗi câu chuyện thú vị, những tiếng cười rộn rã vang lên, gắn kết các bạn sinh viên trong tình anh em một nhà. Bên cạnh việc đem lại cho các bạn tiếng cười xua tan đi cái mệt nhọc của cuộc sống thì Ban sinh hoạt cũng mong muốn đem lại những khoảng lặng trong tâm hồn mỗi bạn và trọng tâm nhất là thánh lễ mừng Bổn mạng Thánh Inhaxio Loyola.

Thánh Lễ khai mạc

Tâm điểm của buổi chiều ngày thứ nhất Đại hội là Thánh lễ khai mạc lúc 17h30 do Cha chính Giuse Nguyễn Đức Giang chủ tế. Trong thánh lễ, Cha chính đã chia sẻ cho mỗi anh em sinh viên chúng con cách sống của Thánh bổn mạng Inhaxio Loyola, đồng thời Cha cũng không quên nhắc đến vai trò của mẹ Maria trong cuộc đời thánh nhân cũng như mối tương quan của Mẹ đối với mỗi sinh viên chúng con. Cha dặn dò nhắn nhủ chúng con bằng những lời tâm tình của người Cha đáng kính dành cho những đứa con thơ dại đang phải đối đầu với cơn bách hại của cám dỗ tội lỗi nơi phồn hoa phố thị mà chúng đang sinh sống.

Nghi thức thượng cờ và đêm văn nghệ mang đầy sắc màu, ý nghĩa

19h00, các bạn sinh viên quy tụ theo 6 giáo hạt và cùng diễu hành tiến bước qua Lễ đài của Đại hội chuẩn bị cho nghi thức thượng cờ Đại hội.Tiền lệ chưa từng có của sinh viên giáo phận Bùi Chu trong các kỳ Đại hội Lễ Truyền Thống, nghi thức thượng cờ có sự góp mặt của các anh cựu trưởng của sinh viên giáo phận Bùi Chu. Đồng thời, Cha Giuse Hoàng Ngọc Khoát đặc trách sinh viên hạt Bùi Chu hân hoan chào mừng quý Cha, quý khách và các bạn sinh viên về với Giáo xứ Đền Thánh Kiên Laotham dự Lễ Truyền Thống lần thứ X này. Cha đã cất vang bài hát chúc mừng Sinh nhật 10 năm Lễ Truyền Thống sinh viên giáo phận. Thật là niềm vui lớn lao mà các Cha cũng như các anh em sinh viên dành cho chúng con trong ngày Đại lễ này.

Chương trình hoan ca văn nghệ chào mừng Lễ Truyền Thống sinh viên Giáo phận Bùi Chu được diễn ra trong không gian rộng lớn của Đền Thánh Kiên Lao. Bài hát chủ đề “Như Cha sai Thầy” được vang lên cùng với những điệu nhảy sôi động bài hát dẫn dắt mọi người đi theo ơn gọi của Thiên Chúa và nên hiệp nhất với mọi người nên một trong Chúa.

Với 17 tiết mục đến từ các bạn sinh viên sinh hoạt trong các nhóm của sinh viên giáo phận Bùi Chu tại Hà Nội và Nam Định và các tỉnh phía Bắc, bên cạnh đó còn có các tiết mục của các bạn sinh viên của các giáo xứ trong các giáo hạt. Tất cả đều muốn đem những lời ca tiếng hát và những tâm tình của sinh viên để dâng lên Thiên Chúa như lời cảm tạ trong suốt thời gian diễn ra Lễ Truyền Thống sinh viên giáo phận Bùi Chu lần này.

Đốt lửa trại: Khoảnh khắc sôi động và cuồng nhiệt

Tiếp nối văn nghệ là chương trình lửa trại. Khoảnh khắc cả ngàn trái tim xiết lại gần nhau nơi đống lửa hữu hình như biểu tượng của ngọn lửa Đức tin bùng cháy, lan tỏa, xua tan bóng tối và đem lại ánh sáng cho niềm tin và hy vọng của con người. Những tiếng cười giòn giã, những cái nắm tay thật chặt khiến mọi người càng hiệp thông với nhau, đến gần hơn để biểu lộ tinh thần “Yêu thương và phục vụ”.

Cầu nguyện Taize: tĩnh tâm và phó thác

23h00, buổi cầu nguyện Taize được diễn ra trong không khí thinh lặng, thiêng liêng và sâu lắng. Trong ánh nến lung linh và sự thinh lặng, các bạn sinh viên được dẫn dắt để suy nghĩ về đời sống Đức tin, đời sống thường nhật của mình. Từ đó khơi dậy niềm cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa nơi mỗi người, là động lực giúp con người vững bước trong cuộc sống.

Chính trong giây phút thinh lặng cầu nguyện này các bạn đã cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ trên mỗi người, cơ hội với những khoảng lặng để nhìn lại đời sống cá nhân trong cuộc sống tầm thường, ích kỷ. “Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này. Chạm lòng con, để con không xa Ngài… Chạm lòng con để con say mê Ngài”. Lời hát vang lên như chạm sâu vào con tim yếu đuối của mỗi bạn sinh viên, như bản lề mở toang cánh cửa tâm hồn để đón nghe Lời Chúa. Tin Mừng Thánh Matthêu tường thuật Chúa Giê-su đi trên biển hồ và cứu Phê-rô trong cơn giông bão trên biển là những suy niệm hết sức chân thực mà các bạn sinh viên gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” như sức mạnh, động lực thúc đẩy các bạn vượt qua mọi lo sợ và bất biến trong cuộc đời.

“Con nguyện là muối men cho đời, là cánh tay nối dài của Chúa, không lo sợ gian nan thử thách, nhưng sẽ tìm đến những anh em nghèo khó, bất hạnh. Xin cho chúng con biết nắm lấy tay nhau lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát….”.

Ngày đầu tiên của Lễ Truyền Thống kết thúc thật nhẹ nhàng, sâu sắc.

Khởi động ngày thứ hai của Đại hội

Sáng ngày 02.08, đúng 7h00 bắt đầu khởi động chương trình cho ngày thứ hai của Đại hội. Các bạn sinh viên hẳn sẽ ghi nhớ những lời chia sẻ cởi mở, gần gũi của Cha Giuse – Giáo sư Đại Chủng Viện Bùi Chu, qua bài thuyết trình và chia sẻ lúc 7h30. Bài thuyết trình xoay quanh những vấn đề nổi cộm của xã hội ngày nay cũng là những cám dỗ đang giăng ra để thử thách mỗi anh em sinh viên Công Giáo nói riêng và cả Giáo Hội toàn cầu nói chung. Cha mời gọi các bạn sinh viên một lần nữa thẩm định bản thân về niềm tin của mình, đồng thời chân thành thốt lên với Chúa: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17) và nỗ lực thi hành lời Người dạy. Cha cũng gửi lời chúc mừng Lễ truyền thống tới tát cả các bạn sinh viên trong Giáo Phận, chúc các bạn luôn hăng say suy ngẫm, học hỏi Lời Chúa và sống chứng ta Đức Tin vui tươi và vững vàng mỗi ngày nhằm chống trả những cám dỗ tội lỗi đang rình rập từng ngày từng giờ.

Thi Giáo lý – Kinh Thánh: Rung Chuông Vàng 2014

Thi giáo lý chính là nơi thể hiện sự hiểu biết của mỗi người trẻ về Giáo lý và Kinh thánh cũng như lịch sử Giáo Phận Bùi Chu và Lễ truyền thống. Các câu hỏi năm nay không quá khó, không mang tính thách đố nhưng phù hợp với khả năng và rất thú vị, hấp dẫn với các bạn sinh viên. Các thí sinh bị loại dần qua từng câu hỏi và đến câu hỏi số 10 vẫn còn 10 bạn thí sinh trên sàn thi đấu. Sự cạnh tranh và mức độ khó của các câu hỏi đang được tăng dần, khi đến câu hỏi số 18 chỉ còn 2 thí sinh trên sàn thi đấu đến từ hạt Kiên Chính – Tứ Trùng và Nhóm Phùng Khoang. Cuối cùng Giải Nhất được trao cho bạn Maria Hoàng Thị Huyền đến từ hạt Kiên Chính – Tứ Trùng sau khi đã xuất sắc vượt qua 18 câu hỏi. Giải Nhì được trao cho bạn Vinh Sơn Nguyễn Văn Tuynh đến từ Nhóm Phùng Khoang – Hà Nội.

Thánh Lễ chính tiệc sốt sắng, trang nghiêm.

Tâm điểm 2 ngày Lễ Truyền Thống là Thánh Lễ chính tiệc do Đức Cha Toma – Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu chủ sự cùng quý Cha trong Giáo phận.

Các bạn sinh viên hẳn sẽ ghi nhớ những chỉ bảo ân cần, những lời dạy thiết thực, những trăn trở dành cho người trẻ của Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ chăn Giáo phận. Qua bài giảng, ngài thuật lại một số dấu mộc quan trọng trong cuộc đời Thánh Inhaxio Loyola – Đấng sáng lập Dòng Tên và cũng là Bổn mạng SVCG Bùi Chu. Gương mẫu sống Đức tin của Thánh Inhaxiô cùng những luân lý và những tài liệu về Linh thao mà Thánh nhân truyền lại là kim chỉ nam giúp cho các bạn sinh viên ngày nay sống Đức tin một cách mãnh liệt và sốt sắng hơn. Đức Cha Tôma chia sẻ rằng Ngài tuy không đồng hành trực tiếp với các bạn sinh viên được nhưng Ngài vẫn luôn luôn đồng hành cách gián tiếp với các bạn trong lời cầu nguyện và theo dõi cách sát sao hơn qua Cổng thông tin điện tử svbuichu.com. Qua đây Ngài khuyến khích các bạn sinh viên hãy luôn giữ lòng hăng say, nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần phục vụ đó để rao truyền Đức Tin đến với mọi người, mà trước nhất là trong môi trường Sinh viên, nơi một xã hội đầy những gian dối và phức tạp trong các môi trường mà các bạn sinh viên đang tiếp xúc.

Trước khi Thánh lễ kết thúc trong tâm tình vui mừng và tạ ơn, anh Trưởng Cộng đoàn SVCG Bùi Chu thay mặt cho toàn thể anh chị em sinh viên trong Giáo phận dâng lên Đức Cha Tôma, Đức Cha Cố Giuse lời cảm tạ và tri ân sâu sắc đến tình cảm mà Đức Cha đã dành cho anh chị em sinh viên chúng con. Đức Cha là gốc vững chắc cho thân nho là Giáo Phận Bùi Chu phát triển và cành là Cộng Đoàn SVCG Bùi Chu luôn xanh tốt. Đức Cha là sức sống của Cộng Đoàn chúng con vì Đức Cha đã xây dựng Cộng Đoàn nên một gia đình trên thuận dưới hòa, một lòng một ý. Chúng con xin tri ân Đức Cha đã cho chúng con được hạnh phúc nếm cảm tình phụ tử đằm thắm dưới mái nhà Giáo Phận.

Chúng con cũng xin chân thành cảm ơn và tri ân tới Quý Cha đặc trách, quý tu sĩ nam nữ, quý vị ân nhân đã luôn cầu nguyện, hướng dẫn, giúp đỡ và đồng hành với anh em sinh viên chúng con cách này hay cách khác.

Chúng con cũng xin hết lòng cám ơn Cha chánh xứ Đền Thánh Kiên Lao, quý Cha phó, quý Ban Hành Giáo, các Ban ngành trong giáo xứ đã thương yêu, tạo mọi điều kiện giúp đỡ chúng con tổ chức ngày lễ được tốt đẹp.

Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành hồn xác xuống trên Đức Cha, quý Cha, quý vị ân nhân luôn mãi, xin cho các Ngài luôn được mạnh khỏe và tràn đầy ơn Chúa hầu các Ngài nhiều thật nhiều ơn Thánh Thần ban hầu các Ngài có thể hướng dẫn, giúp đỡ Cộng đoàn SVCG Bùi Chu chúng con nhiều hơn nữa. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, Thánh cả Giuse và Thánh Inhaxiô dâng lên Thiên Chúa cho chúng con. Chúng con xin hết lòng cảm tạ và tri ân.

Sau lời cảm ơn đầy tâm tình và yêu mến, Đức Cha Thomas chủ sự nghi thức sai đi và trao cờ Truyền thống cho Giáo hạt Lạc Đạo là nơi sẽ tổ chức Lễ Truyền Thống lần thứ XI. Nghi thức diễn ra thật nghiêm trang, long trọng và sốt sắng. Sau khi nhận cờ truyền thống từ Đức Cha Tôma, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Tuyên – đặc trách sinh viên Giáo hạt Lạc Đạo thay mặt cho Cha quản hạt, cùng toàn thể cộng đoàn trong Giáo hạt chào mừng Đức Cha, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ, quý cộng đoàn, đặc biệt là toàn thể các bạn sinh viên trong Giáo phận về với Giáo hạt Lạc Đạo để tham dự Thánh lễ truyền thống Sinh viên Công Giáo Bùi Chu lần thứ XI năm 2015 tại Giáo xứ Lạc Đạo – Giáo hạt Lạc Đạo.

"Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp, bao là sướng vui"

Tham dự Lễ truyền thống 2014, không chỉ được vui cùng nhau, ăn uống cùng nhau, thao thức cùng nhau… mà các bạn sinh viên còn được cùng tắm mát trong suối nguồn ân sủng tình yêu Chúa. Trong tình yêu vô tận ấy, mọi khoảng cách dường như được xóa nhòa, mọi ưu tư dường như tan biến, mọi khổ đau dường như không còn hiện hữu… Những người trẻ đến từ khắp nơi trong Giáo phận Bùi Chu rộng lớn, tưởng chừng xa lạ, bỗng trở nên thân quen, gần gũi… Sợi chỉ vàng Đức tin, sự nhiệt huyết của người trẻ đã đan kết mọi người nên một trong một chén và một bánh!

Những bữa ăn được chuẩn bị chu đáo, những cái nắm tay siết chặt, những khoảnh khắc gần gũi bên vị Cha chung Giáo phận… sẽ là kỷ niệm khó quên của các sinh viên. Giáo xứ Đền Thánh Thánh Gia Kiên Lao, giáo xứ đông dân nhất Giáo Phận, miền đất công nghiệp mới trẻ trung và năng động, trở thành điểm hẹn của những cảm xúc trẻ trung, những gặp gỡ thân tình trìu mến! Giáo dân Kiên Lao, đã gửi đến các bạn sinh viên Giáo phận và khách hành hương xa gần một thông điệp đơn sơ, ngắn gọn nhưng chân thành về lòng quảng đại, sự hy sinh, phục vụ và tình yêu dành cho Chúa, dành cho Giáo Hội, ngang qua những công việc mà họ được mời gọi dấn thân!

Nói đến yêu thương không thể không nói đến tha thứ. Xin Qúy Cha, Quý khách và anh chị em sinh viên hãy tha thứ cho những lầm lỗi thiếu sót của chúng con. Xin mọi người cũng hãy vì chúng con mà tha thứ cho nhau. Xin mọi người hãy giữ gìn tình yêu thương hợp nhất. Đó là kho tàng quý giá nhất của Cộng Đoàn SVCG Bùi Chu chúng ta. Trong tình yêu thương hợp nhất sẵn có, chúng tôi tin chắc anh chị em sẽ nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động của Cộng Đoàn sắp tới và đóng góp để Cộng Đoàn ngày càng phát triển.

Lễ truyền thống lần thứ X đã kết thúc tốt đẹp trong niềm hân hoan, gắn kết của các bạn sinh viên, cũng như những cảm nhận tốt đẹp của quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sỹ, quý thân nhân – ân nhân dành tặng Cộng Đoàn. Cộng Đoàn đã ngày một trưởng thành hơn, vững mạnh hơn và hình ảnh của Cộng Đoàn ngày càng chiếm được nhiều tình cảm tại những nơi đã đi qua và những con người đã gặp gỡ. Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh Inhaxio Loyola Bổn Mạng, tuôn đổ hồng ân trên chúng con để hình ảnh đầy nhiệt huyết và tinh thần hy sinh, phục vụ của SVCG Bùi Chu vẫn sẽ phát huy và phát huy nhiều hơn nữa trong những hành trình sắp tới.

Trong niềm tin yêu, hiệp thông cùng trưởng thành

BAN TRUYỀN THÔNG

CỘNG ĐOÀN SINH VIÊN Công Giáo BÙI CHU
 
Tổng giáo phận Miami thành lập Giáo xứ Truyền Giáo Đức Mẹ La Vang
LM Giuse Nguyễn Kim Long
09:01 04/08/2014
Tổng giáo phận Miami thành lập Giáo xứ Truyền Giáo Đức Mẹ La Vang

Florida, một tiểu bang nằm ở miền Đông Nam Hoa Kỳ, được mệnh danh là "Tiểu bang của ánh mặt trời" (Sunshine), với khi hậu ấm áp quanh năm, có những bãi biển đẹp và những vườn trái cây miền nhiệt đới. Du khách đến thăm Florida, họ tìm đến khu vui chơi nổi tiếng thế giới Disney World, nô đùa với sóng biển, ăn đủ loại trái cây và thư giãn trên những con tàu khổng lồ đưa họ đến các danh lam thắng cảnh của vùng Caberian.

Xem Hình

Tuy nhiên, đối với những người con của Chúa, Florida cũng là nơi có những nhà thờ Việt Nam của người Việt Nam. Chẳng hạn, Nhà thờ Thánh Philiphê Minh ở Orlando, Nhà thờ ở Tampa.... Nhưng một tin vui đã đến với những người giáo dân thuộc Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang, tổng giáo phận Miami. Đức Tổng Giám mục Wenski đã chính thức công nhận và cho phép Cộng đoàn trở thành Giáo xứ Truyền giáo Đức Mẹ La Vang trong Tổng giáo phận qua văn thơ đề ngày 15-07-2014 và đặt cha Giuse Nguyễn Kim Long làm Cha Quản xứ với quyền hành như cha xứ. Tên và địa chỉ của Giáo xứ như sau: Giáo Xứ Truyền Giáo Đức Mẹ La Vang (Our Lady of La Vang Vietnamese Mission) - 123 NW 6th Avenue, Hallandale Beach, Fl 33009

Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng Giáo phận Miami gồm đủ thành phần giáo dân của ba miền Trung, Nam và Bắc. Trở lui lại quá khứ, Cộng đoàn này được thành lập từ tháng 5 năm 1983 do Đức Cha cố San Pedro, Giám mục Giáo phận Galverston, TX. Ngài đã từng làm việc ở Việt Nam 13 năm, dạy học tại Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt. Khi còn làm giáo sư tại Đại Chủng viện Thánh Vincent de Paul tại Boynton Beach, FL, cha đã quy tụ các gia đình Việt Nam rải rác từ Boca Raton tới Homestead tại một tư gia và dâng lễ Chúa Nhật cho họ. Cộng đoàn nhỏ bé này lớn dần và đã quy tụ về nhà thờ Our Lady of Perpetual Help ở Opa-Locka dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Trần Công Vang, Dòng Chúa Cứu Thế. Năm 1990 Cha Vang rời Cộng đoàn để đi giúp người tị nạn tại Hồng Kông. Cha Isidore Nguyễn Bá Kỳ từ địa phận Pensacola-Tallahassee về phụ trách Cộng đoàn. Cộng đoàn mỗi ngày gia tăng về dân số cũng như về các mặt sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Cách đây hơn 4 năm, Cộng đoàn đã được cha xứ cũ là Đức ông Williams Dever đón nhận vào Giáo xứ St. Helen, tại địa chỉ: 3033 NW 33rd Ave., Fort Lauderdale, Fl 33311. Cha Isidore Kỳ, sau hơn 20 năm hướng dẫn Cộng đoàn đã xin Đức Tổng Giám mục cho nghỉ hưu.

Ngày 15-11-2011, cha Giuse Nguyễn Kim Long từ California, được Đức Tổng Giám mục Wenski bổ nhiệm về hướng dẫn Cộng đoàn thay thế cha Kỳ. Trong hơn 2 năm cùng đồng hành với anh chị em giáo dân ở đây, cha tiếp tục làm sống lại ước nguyện của mọi người khát khao có được giáo xứ riêng, với ngôi nhà thờ riêng cho các sinh hoạt đặc thù của người Việt Nam. Sau khi viết thư trình bày ước vọng của Cộng đoàn Việt Nam với Đức Tổng GM, cha và một số đại diện đã có cuộc gặp đầu tiên với vị chủ chăn Địa phận vào 03-11-2013, khởi đầu cho tiền trình hoạch định, tìm kiếm và mua nhà thờ. Thời gian trôi qua, có lúc giấc mơ tưởng chừng như đã đến gần, nhưng có khi lại sắp tan thành mây khói. Và rồi cuối cùng, giấc mơ cũng đã trở thành hiện thực khi Đức Tổng GM gợi ý một nhà thờ Công Giáo đã bị đóng cửa nay muốn bán lại cho Cộng đoàn Việt Nam với giá cả tương đối. Phải nói là Cộng đoàn Việt Nam đã trúng sổ xố vì giá trị của khu đất nhà thờ gần 4 mẫu tây, chỉ cách biển chưa đầy 2 dặm, gồm nhà thờ, nhà xứ, hội quán và bãi đậu xe khá rộng có giá trị cao hơn số tiền được đề nghị.

Sau khi nhận chủ quyền khu nhà thờ, cha Quản nhiệm và các anh chị em tình nguyện đã dành thời gian hơn 2 tuần qua cho công việc sữa chữa, tân trang lại, chuẩn bị cho ngày có Thánh Lễ đầu tiên vào Chúa Nhật 31-08, Khai giảng Năm Giáo Lý vào Chúa Nhật 7-09 với 3 Thánh Lễ: 9:30am (Lễ Thiếu Nhi) - 11:30am (Lễ Cộng đoàn) - 7:00pm (Lễ Giới trẻ); và nhất là cho Ngày Đại Lễ Thánh Hiến Nhà thờ dự kiến vào đầu tháng 12.

Xin quí vị gần xa, và nhất là anh chị em giáo dân của Giáo xứ Truyền Giáo Đức Mẹ La Vang tiếp tục dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, Mẹ La Vang, Thánh cả Giuse và cầu nguyện cho việc tu sửa Nhà Chúa sớm hoàn thành.

Quí vị có thể vào trang web.miamiarch.org dể xem tên chính thức của Nhà thờ Đức Mẹ La Vang.

LM Giuse Nguyễn Kim Long
 
Đức Cố Hồng Y Edward Clancy: Vị ân nhân của CĐCGVN Sydney qua đời
CĐCGVN TGP Sydney
09:23 04/08/2014
Đức Cố Hồng Y Edward Clancy: Vị ân nhân của CĐCGVN Sydney qua đời

Đức Hồng Y Edward Clancy Cựu Tổng Giám Mục Giáo Phận Sydney đã qua đời tại viện hưu trí Little Sister of the Poor in Randwick East Sydney. Hưởng thọ 90 tuổi. Ngài là vị Tổng Giám Mục thứ 7 của Tổng Giáo Phận Sydney từ năm 1983 - 2001. Đức Hồng Y Edward Clancy sinh tại Lithgow tiểu bang NSW.

Ngài đi tu từ năm 16 tuổi và Ngài được thụ phong Linh Mục năm 1949, theo học ở Úc và bên Roma.

Năm 1987 Đức Thánh Giáo Hòang Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ngài về chăm sóc mục vụ tại TGP Goulburn và Thủ đô Canberra.

Sự ra đi của Đức Hồng Y Edward Clancy là một sự thương tiếc đối với Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney. Vì Ngài chính là người đã thành lập Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney.

Ngài là ân nhân của CĐCGVN cũng như Quý Cha Việt Nam. Chính Ngài đã ký Constitution Quy Chế Cộng Đồng và thành lập CĐCGVN TGP Sydney. Ngài đã thánh hiến tượng đài Đức Mẹ Fatima tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tháng 5.1995. Ngài Khánh thành và thánh hiến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly ngày 19.3.2000. Trong thời của Ngài. Tòa Thánh Vatican ban ơn Toàn Xá 7 năm đầu tiên 2001-2008 cho những ai tham dự hành hương trên Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly.

Chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn Đức Cố ĐHY nhân hậu và yêu thương CĐCGVN Sydney và cầu nguyện cho Ngài. Xin Chúa cho ĐHY Edward Clancy sớm hưởng tôn nhan Chúa và cầu bầu cho CĐCGVN chúng con"

CĐCGVN TGP Sydney
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiền mẫu, từ mẫu.
Lm. Huỳnh Trụ
08:07 04/08/2014
Hiền mẫu, từ mẫu.

“Từ mẫu thủ trung tuyến, Du tử thân thượng y”
(Du tử ngâm)

Có người hỏi tôi “hiền mẫu” có đồng nghĩa với “từ mẫu” hay không, và để diễn tả tình mẹ thương con, nên nói “tình hiền mẫu” hay “tình mẫu tử”?

Thắc mắc này bao gồm hai câu hỏi, chúng tôi xin lần lượt trình bày như sau:

1. “Hiền mẫu” có đồng nghĩa với “từ mẫu” hay không?

1.1 Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu nghĩa của các mục từ hiền, từ và mẫu:

1.1.1. Hiền. Có bốn chữ: 賢, 贒 (贤), 痃. Trong trường hợp này là chữ賢, nghĩa là: (dt.) (1) Người có đức hạnh tài năng cao, trung hiếu vẹn toàn: Thánh hiền; hiền lương (đàn ông đức độ); hiền huệ (đàn bà đức độ); nhậm nhân duy hiền (dùng người theo đức); kiến hiền tư tề (Thấy người có tài đức thì muốn theo gương[1]). (2) (Họ) Hiền. (tt.) (3) Lành, hoà thuận, không ưa đánh đập gây gổ (trái với dữ): Đứa trẻ hiền; tánh hiền. (4) Tốt, ăn ở phải đạo: Mẹ hiền; dâu hiền rể thảo. (5) Tốt, có đức hạnh tài năng cao, trung hiếu vẹn toàn: Hiền nhân quân tử; hiền sĩ. (6) Tốt, không có độc, không gây nguy hại cho con người, có nhiều chất bổ béo: Trái hiền; đất hiền. (7) Tiếng gọi cách tôn kính để tỏ lòng mến: Hiền huynh; hiền đệ; hiền tẩu. (đt.) (8) Tôn sùng: Hiền hiền dịch sắc[2] (Đổi lòng yêu sắc đẹp mà thân yêu người hiền). (9) Hơn: Bỉ hiền ư ngô viễn hỹ (Họ hiền hơn ta nhiều lắm vậy). (10) Nhọc nhằn. (đại từ) (11) Tiếng kính xưng (ngôi thứ hai): Ông, ngài, cũng như công 公, quân 君.

“Hiền” nói chung là có nghĩa tốt, nhưng “hiền quá” thường có nghĩa ngược lại, chỉ sự khiếm khuyết tài đức cần thiết, dùng để nhận định hay phê phán cách nhẹ nhàng, lịch sự, vì tôn trọng người bị phê phán, thay vì nói một cách sổ sàng là “nhút nhát” “ngu quá”, “dỡ tệ” hay “cù lần”. Ví dụ: “Bà ấy hiền quá nên bị ông chồng đánh đập mãi” (Ngụ ý nói: Bà ấy thiếu can đảm, nhu nhược!); “Ông ấy làm ăn mà hiền quá nên bị bạn bè lừa gạt” (Ông ấy thiếu sáng suốt, ngu!); “Thầy ấy hiền quá nên các học sinh ngày càng vô kỷ luật” (Thầy ấy thiếu trách nhiệm, cù lần!).

1.1.2. Từ: Có 12 chữ: 詞 (词), 徐, 祠, 慈, 辭 (辞), 辤, 磁, 瓷, 甆, 糍, 茲, 兹. Trường hợp từ mẫu là chữ慈, nghĩa là: (dt.) (1) Hiền lành, thương yêu rất mực: Hiền từ; nhân từ; từ bi; phụ mẫu uy nghiêm nhi hữu từ (Cha mẹ nghiêm nghị nhưng có lòng thương). (2) Mẹ, tiếng tôn xưng mẹ: Gia từ (mẹ tôi). (3) Vui mừng của chúng sinh (Phật giáo): Đại từ. (4) (Họ) Từ. (đt.) (5) Yêu thương, người trên yêu kẻ dưới cũng gọi là từ: Từ ái (có lòng thương yêu); từ ấu (thương trẻ nhỏ). (6) Hiếu thảo: Từ hiếu. (7) Chu cấp cứu giúp cho kẻ túng thiếu khốn cùng gọi là từ thiện sự nghiệp.

1.1.3. Mẫu. Có 9 chữ này: 母, 畝, 畆, 畞, 畮, 亩, 牡, 拇, 鉧, trường hợp hiền mẫu là chữ母, nghĩa là: (dt.) (1) Mẹ: Mẫu thân. (2) Người đàn bà bằng vai với mẹ trong thân thuộc: Cô mẫu (cô); cữu mẫu (mợ); thẩm mẫu (thím); bá mẫu (bác gái). (3) Tiếng tôn xưng các bà trưởng bối hay bậc nữ thánh: Lão mẫu; thánh mẫu; mẫu nghi; mẫu hệ. (4) Phàm vật gì làm cốt để sinh ra các cái đều gọi là mẫu hay mẹ (chỉ căn nguyên): Mẫu tài (tiền vốn); thất bại thị thành công chi mẫu (thất bại là mẹ thành công). (5) Lỗ ốc vít, bộ phận có khía đường xoắn ốc để vặn đinh ốc: Loa ti mẫu (đai ốc). (6) (Họ) Mẫu. (tt.) (7) Mẹ, cái, gốc: Mẫu thuyền (tàu mẹ); mẫu hiệu (trường mẹ); cơ mẫu (máy cái); mẫu giáo; mẫu âm; mẫu số. (8) Mái, cái, chỉ giống cái: Mẫu kê (gà mái); mẫu ngưu (bò cái); mẫu trệ (lợn sề).

1.2 Nghĩa của hiền mẫu và từ mẫu.

1.2.1. Hiền mẫu: Đơn giản có nghĩa là “mẹ hiền”, chữ hiền ở đây vừa có thể hiểu theo nghĩa (7) của mục từ mẫu, tức là “tiếng gọi cách tôn kính để tỏ lòng mến” vừa có thể hiểu theo nghĩa (4) của mục từ mẫu, tức là bà mẹ “tốt, ăn ở phải đạo”. Xa hơn nữa, có thể hiểu theo nghĩa (5) của mục từ mẫu, tức là người mẹ “tốt, có đức hạnh tài năng cao, trung hiếu vẹn toàn”, như trong trường hợp người Công Giáo dùng tôn xưng Đức Mẹ Maria.

1.2.2. Từ mẫu: Nhiều người lầm tưởng “từ mẫu” đương nhiên là người mẹ hiền, mẹ nhân từ. Nhưng thời xưa “từ mẫu” có nghĩa khác, hoàn toàn không có liên hệ gì với hiền lành hay nhân từ gì cả.

Luật nhà Thanh của Trung Quốc cũng như Thọ Mai gia lễ[3] của người Việt đã phân biệt “tam phụ, bát mẫu” để quy định tang phục, tang chế cho người con hoặc người được coi là con. Trong đó “bát mẫu” (tám bà mẹ) là: (1) Đích mẫu (嫡母): Vợ cả (vợ chính thất) của cha (nếu mình không phải là con của người ấy, thì gọi người ấy là “đích mẫu” (Hán Việt) hay “mẹ già” (Nôm). (2) Nhũ mẫu (乳母): Mẹ cho bú, bà vú nuôi mình từ bé. (3) Dưỡng mẫu (養母): Mẹ nuôi. (4) Thứ mẫu (庶母): Vợ lẽ của cha (ngay cả khi mẹ ruột còn sống hoặc còn ở với cha). Theo tục xưa, mẹ đẻ ra mình, nếu là vợ lẽ của cha, không được gọi là “mẹ”, mà gọi là “đẻ”. (5) Kế mẫu (繼母): Mẹ kế, do cha cưới về sau khi vợ cả đã qua đời hoặc không còn ở với cha. Ngày nay người ta vẫn nói kế mẫu thay vì thứ mẫu. (6) Từ mẫu (慈母): Vợ lẽ của cha, có công thay người mẹ quá cố, nhận nuôi mình từ bé như con ruột theo ý cha; (đây không phải là “mẹ hiền”). (7) Giá mẫu (嫁母): Mẹ ruột, nhưng đã lấy chồng khác sau khi cha mất. (8) Xuất mẫu (出母): Mẹ ruột, nhưng đã ly hôn với cha (mẹ bỏ nhà đi hoặc bị đuổi ra khỏi nhà).

Theo sách Nghi lễ[4]: “Truyện viết: Từ mẫu giả hà dã? Truyện viết: Thiếp chi vô tử giả, thiếp tử chi vô mẫu giả, phụ mệnh thiếp viết: Nhữ dĩ vi tử; mệnh tử viết: Nhữ dĩ vi mẫu: Truyện kể: Từ mẫu là người thế nào? Truyện kể: Người vợ lẽ không có con, con của (một) người vợ lẽ (khác) không (còn) mẹ, người chồng dặn người vợ lẽ (rằng): Nàng hãy nhận đứa bé này làm con; lại dặn đứa con (rằng): Con hãy nhận (người đó) làm mẹ”.

Vậy “từ mẫu” không phải là bà mẹ ruột mà là mẹ nuôi, và điều kiện bắt buộc phải có để được gọi là “từ mẫu” (mẹ nuôi) ở đây là: (1) Phải là vợ lẽ; (2) Người vợ lẽ này không có con hoặc không có khả năng sinh con, ít nhất cũng là không sinh được con trai; (3) Quan trọng hơn nữa là người chồng còn phải có một người vợ lẽ khác mà người vợ lẽ này khi qua đời có để lại một đứa con trai. Khi đã đủ những điều kiện đó rồi, lại còn cần (4) người chồng giao trách nhiệm nuôi con cho người vợ lẽ kia và (5) bảo đứa con nhận người đó làm mẹ.

Như vậy “từ mẫu” có nghĩa là mẹ nuôi. Trải qua thời gian lâu đời, bên Trung Hoa, thuật từ “từ mẫu” đã mất đi ý nghĩa ban đầu, hiện giờ người Hoa hiểu là người mẹ “hiền lành, rất mực thương yêu con cái”, đó là nghĩa phổ biến hiện nay trong cách hiểu cũng như trong các từ điển của người Việt và Trung Quốc.

Bên người Hoa khi nói mẹ hiền thường dùng chữ từ mẫu, ít khi dùng hiền mẫu, điều này khác với người Việt. Người Việt thường dùng chữ hiền mẫu hay mẹ hiền, ít khi nói từ mẫu, càng không ai nói “mẹ từ”, khi người ta nói “lương y như từ mẫu” rõ ràng là chịu ảnh hưởng của người Hoa rồi.

2. Để diễn tả tình mẹ thương con, nên nói “tình hiền mẫu” hay “tình mẫu tử”?

2.1 Tình hiền mẫu.

“Tình” là danh từ chính; “hiền” là tĩnh từ, “mẫu” là danh từ. “Hiền” dùng để diễn tả “mẫu”, nghĩa là người mẹ hiền lành. Tình hiền mẫu là lòng thương của mẹ hiền.

Tình hiền mẫu chỉ nói về lòng mẹ, tình thương của mẹ, dành cho con cái, mà không màng đến tình cảm con cái đối với mẹ. Đây là thuật từ ngợi khen người mẹ.

Một trong những bài thơ mà tôi ưa thích là bài “Du tử ngâm”[5]: “Từ mẫu thủ trung tuyến, Du tử thân thượng y. Lâm hành mật mật phùng, Ý khủng trì trì quy. Thuỳ ngôn thốn thảo tâm, Báo đắc tam xuân huy[6]: Sợi chỉ trong tay mẹ hiền, nay đang ở trên áo người đi xa. Lúc sắp lên đường, mẹ khâu kỹ càng, có ý sợ con chậm trễ trở về. Ai dám nói rằng tấm lòng của con chỉ như tấc cỏ lại có thể báo đáp được ánh nắng ấm áp của ba tháng mùa xuân?” Đây chính là ý nghĩa của tình hiền mẫu. Người mẹ chín tháng cưu mang, chịu đựng biết bao khó nhọc, nhưng vẫn phải giữ gìn sức khoẻ chỉ vì con. Tình thương mẹ dành cho con không có giới hạn. Điều ước mong của mẹ là con được trưởng thành cách mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc. Dù bị con chê ghét, mẹ vẫn hết lòng che chở con. Người mẹ như ngọn nến thiêu đốt chính mình để soi đường cho con đi. Vậy người mẹ muốn con mình gặp điều tốt nhất, đó chính là tình hiền mẫu.

2.2 Tình mẫu tử. “Tình” là danh từ chính; “mẫu” và “tử” là hai danh từ bình đẳng nhau. Mẫu là mẹ, tử là con, mẫu tử là mẹ và con.

Tình mẫu tử nghĩa là tình thương giữa mẹ và con. Đây là một tình cảm hỗ tương, tình cảm giữa hai bên, có qua có lại. Mẹ thương yêu con và con hiếu thảo với mẹ. Nên không có nghĩa chỉ nói về mẹ, không phải là thuật từ chỉ ngợi khen mẹ.

Kết luận.

Cả hai từ hiền mẫu và từ mẫu đều chỉ về người mẹ tốt lành đáng tôn kính và quý trọng. Nhưng từ hiền mẫu có tính thụ động, nói lên tài năng và đức hạnh của mẹ; còn từ mẫu có tính tích cực hơn, diễn tả lòng nhân từ, yêu thương của mẹ dành cho con cái.

Tình hiền mẫu và tình mẫu tử có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tình hiền mẫu là lòng mẹ yêu thương con. Khi dâng lời kinh với Đức Mẹ Maria, muốn ngợi khen Đức Mẹ, thì phải dùng từ tình hiền mẫu. Còn khi nói về tình càm giữa mẹ và con thì dùng từ tình mẫu tử. Tương tự, khi diễn tả lòng cha thương con thì dùng tình hiền phụ, muốn nói đến tình cảm giữa cha và con thì dùng tình phụ tử.


[1] Nhà thờ Tư Tề lấy từ thành ngữ này.

[2] Luận ngữ論語

[3] Thọ Mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân (1690-1760) có dựa theo Chu Công gia lễ tức gia lễ thời xưa của Trung Quốc và có trích dẫn một phần của Hồ Thượng thư gia lễ của Hồ Sỹ Dương (1621-1681).

[4] Viết ở thời nhà Tần (221-207 TCN).

[5] Của thi sĩ Mạnh Giao (751-814) nhà thơ ưu tú trong số nhà thơ thời Trung Đường

[6] Bản dịch của Trần Minh Tú: “Mẹ hiền sợi chỉ trong tay, Đi xa hãy mặc áo này mẹ khâu. Đường kim mãi miết âu sầu, Sợ con chậm trễ kịp đâu ngày về. Tấc lòng ngọn cỏ bờ đê, Báo sao ân nghĩa nắng về ba xuân”.
 
Thông Báo
Thông Báo về Tĩnh Tâm Giáo L‎ý Viên Việt Nam tại Hoa Kỳ 2014
Phaolô Phạm Xuân Khôi
13:51 04/08/2014
Vì năm nay không có Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc nên Ủy Ban Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tổ chức một khóa Tĩnh Tâm Giáo Lý Viên với chủ đề: “Kết Thân Với Chúa Kitô Trong Đời Sống Gia Đình”. Khóa tĩnh tâm này nhằm giúp GLV sống kết thân với Chúa Kitô trong vai trò và sứ mệnh của mỗi người được Chúa trao phó.

Theo sự yêu cầu của nhiều GLV trong những khóa tĩnh tâm trước, ngoài những đề tài tu đức chúng ta sẽ có những workshop tu nghiệp hầu giúp GLV trong việc trau dồi kiến thức và truyền đạt Tin Mừng tới các em.

Xin quý GLV cố gắng thu xếp thời giờ về tham dự khóa tĩnh tâm để chuẩn bị tinh thần cho niên học 2014-2015 cũng như để Chúa bồi dưỡng tâm linh và kết thân với Chúa mật thiết hơn trong đời sống gia đình và phục vụ. Vì số chỗ có giới hạn xin quý GLV mau mắn ghi danh.

Chủ Đề: Kết Thân Với Chúa Kitô Trong Đời Sống Gia Đình

Thời Gian: Thứ Sáu (8/22/14) 6:00pm đến Chúa Nhật (8/24/14) 1:00pm
Lệ phí: $120.00/người (gồm ăn uống và nghỉ qua đêm tại nhà tĩnh tâm)
Địa diểm: Nhà Tĩnh Tâm Lê Thị Thành
20303 Kermier Road
Waller, TX 77484

Thành phần hướng dẫn: Lm. Giuse Nguyễn Việt Hưng, ICM, Lm. Domique Nguyễn Hùng, SJ, và các thành viên khác Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Ghi danh online:
http://www.nhatinhtamlethithanh.org/ghidanhttglv.html

Muốn biết thêm chi tiết xin vào:
http://www.giaoly.org/vn/tinhtamglv2014/

hoặc liên lạc với Anh Nguyễn Nhật nhatngoan@yahoo.com (832) 381-8103

Lm Giuse Nguyễn Việt Hưng kính mời.
Chủ tịch UBGLTQ
 
Thông báo về Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia năm 2015
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
15:26 04/08/2014
Ngày 4 tháng 8 năm 2014

Kính gửi: - Quý Đức Cha, quý Đức Ông và quý Cha

- Quý Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Cộng Đồng Dân Chúa tại Hoa Kỳ

Đính kèm dưới đây là Video Clip và Flyer về Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia năm 2015. Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn, cùng với Ban Tổ Chức ĐHGĐTG thực hiện.

https://www.youtube.com/watch?v=p9I6NN3xavk

Theo Đức Ông Giuse, trong tháng 9 này, sẽ có 9 website ghi danh tham gia Đại Hội và có link phần tiếng Việt. Số người ghi danh không giới hạn, càng đông càng tốt! Những tài liệu sẽ được dịch sang tiếng Việt.

Những tham dự viên từ Việt Nam, Liên Đoàn sẽ ưu tiên thu xếp về những gia đình VN để tiện việc di chuyển và ăn uống. Riêng các Đức Cha và Các Cha từ VN, sẽ tiếp đón về các Nhà Xứ tại Philadelphia.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến với Đại Hội Gia Đình Thế Giới. Xin cầu nguyện và cỗ võ cho Đại Hội Gia Đình được tổ chức tốt đẹp.

Kính chào trong Chúa Kitô,

Lm Peter Võ Sơn

Tổng Thư Ký

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hương Giang/ Trường Tiền
Tấn Đạt
21:31 04/08/2014
HƯƠNG GIANG/TRƯỜNG TIỀN
Ảnh của Tấn Đạt
Anh muốn đưa em về thăm quê
Nơi nắng lóa những vành nón trắng
Dòng Hương Giang suy tư trầm lặng
Cầu Tràng Tiền mấy nhịp hò ơ.
(Trích thơ của Phan Chí Thắng)