Ngày 08-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/08: Nước Trời dành cho những kẻ bé mọn – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:49 08/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 08/08/2022

26. Các thánh yêu người thì không coi phải yêu ai, mà đơn giản là vì ai mà thực hành đức ái.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 08/08/2022
64. BIẾN DẠNG THAY LÒNG

Tiểu thuyết gia viết: con hồ ly luyện thành yêu quái thì có thể biến dạng thành người.

Có một con hồ ly rất tin tưởng cách nói này, nên ngày ngày tu luyện, luyện đến hai ngàn năm mà vẫn không thể biến thành người.

Một hôm nó ngẫu nhiên đi vào thành nhìn thấy một người mặc ngược cái áo da chồn ngắn, thì không khỏi lấy làm ngạc nhiên, bèn đi đến hỏi một người già có đạo đức:

- “Tôi muốn biến thành người, nên đã tu luyện hai ngàn năm rồi mà không thể thành công. Hôm nay tôi thấy một người nửa phần trên đã biến thành dã thú, xin hỏi ông ta tu luyện mấy năm?”

Người già trả lời:

- “Phàm là muốn biến hóa hình thể, đầu tiên cần phải biến hóa tâm của họ. Mặc dù mày đã tu luyện hai ngàn năm, nhưng vẫn chưa biến thành tâm người, cho nên cuối cùng vẫn không thể biến thành hình người. Như người hôm nay mày nhìn thấy đó, chính là người, nhưng nửa thân trên đã biến thành dã thú, tâm của loại người này vốn là đã biến thành dã tâm (tâm của dã thú), cho nên không cần phải tu luyện, lúc nào cũng có thể biến thành dã thú được cả”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 64:

Có những người tướng tá oai phong lẫm liệt đáng mặt anh hùng nhưng tâm thì bủn xỉn keo kiết; có những cô gái mặt đẹp như tiên trên trời giáng thế nhưng tâm thì xấu hơn ma quỷ; có những người đạo mạo hơn cả các nhà tu hành nhưng tâm thì đầy dao găm luôn sẵn sàng giết người.v.v...tất cả những hạng người trên đều biến dạng thay lòng, không muốn mình làm người nhưng muốn mình làm lang sói, cọp beo, họ muốn bị diệt vì tâm cong quẹo không tốt của mình, bởi vì “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”.

Tâm con người vốn là yêu thương, tính con người vốn là thiện, nhưng khi tâm trở thành thù hận, tính biến thành dã thú thì con người không còn là người nữa, người ta gọi đó là thú đội lốt người. Mà cái làm cho tâm con người thành thù hận và tính con người thành dã thú là: tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo và những ham muốn bất chính.

Người Ki-tô hữu không những có cái tâm yêu thương tự nhiên, nhưng còn có cái tâm yêu thương của Đức Đức Chúa Giê-su là: “hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44), đó chính là cái tâm hoàn thiện, mà tất cả những người Ki-tô hữu ở trần gian này đều phải đạt tới. Bởi vì tâm yêu thương là tâm không thù hận, tính vốn thiện là tính nhìn tha nhân như chính mình, đó chính là hạnh phúc và bình an của người Ki-tô hữu và của những ai có tâm hồn thiện ngay...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không linh hồn nào là rẻ
Lm. Minh Anh
20:12 08/08/2022
KHÔNG LINH HỒN NÀO LÀ RẺ
“Đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này!”.

Tôi thân một gia đình có 9 người con. Một trong những đứa làm khổ gia đình nhất, là cậu út; nó vào tù ra khám không biết bao nhiêu bận. Những lần đầu, anh chị em sẵn sàng góp tay để bà mẹ nuôi em, chuộc em về; nhưng nhiều lần, nhiều năm… họ nản. Bà mẹ đã bán hết cái này đến cái kia để chuộc con, và hầu như cuộc sống của bà chỉ có đứa út; suốt ngày bà chỉ nghĩ đến nó. Nhiều lần, hàng xóm nhỏ to vào tai bà, “Nó làm bà khổ quá rồi, mặc xác nó; bà vẫn còn 8 đứa!”. Mỗi lần nghe như thế, bà chỉ nhỏ nhẹ trả lời, “Tôi không thể, ‘không linh hồn nào là rẻ!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi không thể, ‘không linh hồn nào là rẻ!’”. Đứa út kia không chỉ đã làm cho bà mẹ tan nát mà cả gia đình phải liên lụy; ấy thế, người mẹ đó không thể bỏ con, phương chi Cha chúng ta ở trên trời! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu vén lên bức màn thế giới vô hình của các thiên thần để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa yêu thương con người biết bao, dù là các em bé, “Đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này!”.

Người thời nay chuộng chủ nghĩa cá nhân, những con người mạnh mẽ vốn tự nâng mình lên bằng những tập trung và nỗ lực. Điều này hẳn là tốt; nhưng với người Công Giáo, chúng ta cần có một tầm nhìn rộng hơn. Bên cạnh những con chiên lạc, còn có những chiên yếu nhược, thiệt thòi và bệnh tật. Nếu chúng ta có tấm lòng của Chúa Kitô, thì sẽ không ai có thể bị bỏ lại phía sau. Mỗi khi chúng ta vươn tới trong tình yêu cho tha nhân, chúng ta đang làm cho Chúa Kitô hiện diện. Chúng ta được gọi để trở thành sứ giả của Ngài; bởi lẽ, ‘không linh hồn nào là rẻ!’.

Trong bài đọc thứ nhất, Chúa sai Giêrêmia đến với dân như một sứ giả, thuyết phục dân trở về với Ngài, “Đừng phản loạn như nòi phản loạn!”; nói cho dân lời của Chúa, “Hỡi con người, hãy đi đến nhà Israel và nói cho chúng nghe những lời của Ta”. Đó là những lời mà Giêrêmia đã ăn, đã nuốt và nó trở nên ngọt ngào. Thánh Vịnh đáp ca cũng nhắc lại hương vị của lời Chúa, “Lạy Chúa, con cảm thấy lời Ngài đã hứa, ngọt ngào hơn mật ong trong miệng!”.

“Đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này!”. Đây là quan điểm và cũng là lập trường của Thiên Chúa, Đấng xót thương, Đấng không bao giờ thất vọng về bất cứ một ai! Ngài yêu thương từng người theo cách rất riêng; với Ngài, không ai là một con số! Vì thế, Mục Tử Nhân Lành Giêsu không thể ngồi yên để chờ con chiên lạc trở về, nhưng ra đi tìm kiếm, nhẫn nại truy tìm, thậm chí liều mình đến chết để tìm cho bằng được. Một khi tìm được, Ngài vui mừng vác chiên trên vai mà không hề la rầy; ‘không linh hồn nào là rẻ!’. Vậy đừng bán linh hồn và thân xác cho quỷ dữ; đừng vì một chút lợi lộc thấp hèn mà đánh mất phẩm giá con cái Thiên Chúa!

Anh Chị em,

Tình yêu của Thiên Chúa khiến chúng ta tràn trề hy vọng, dù chúng ta đi lạc, dẫu chúng ta bất xứng. Ngài ban cho chúng ta những thiên thần như những người bạn để cầu bầu, bảo vệ; Ngài ban cho mỗi người một thiên thần hộ thủ để trông chừng. Và nhất là Ngài còn ban Con Một Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, đến để hiến mình cứu độ chúng ta; không chỉ một lần nhưng hiến mình mỗi ngày trong Thánh Thể, trong các Bí Tích, để dưỡng nuôi, thứ tha, huấn dụ và đổ tràn ân sủng. Với trái tim yêu thương của người mục tử, Chúa Giêsu không ngừng tìm kiếm những con chiên lạc, đem nó về. Vì đối với Ngài, mỗi linh hồn đều đắt giá, đắt đến nỗi Ngài đã đổ máu ra mà mua lấy. Phải, ‘không linh hồn nào là rẻ’ đối với Ngài. Ước gì, mỗi người chúng ta không là con chiên lạc; nhưng mỗi ngày, trở nên những người đi tìm các chiên lạc giúp Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con biết quý trọng linh hồn và thân xác con; với Chúa, linh hồn con, xác thân con là đắt nhất! Để từ đó, con cũng biết quý trọng linh hồn và thân xác anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đoàn hành hương Ba Lan gặp nạn
Đặng Tự Do
05:32 08/08/2022


Mười hai người đã thiệt mạng sau một chiếc xe buýt chở những người hành hương Ba Lan - bao gồm ba linh mục và sáu nữ tu

12 người đã thiệt mạng sau khi một chiếc xe buýt chở những người hành hương Ba Lan lao khỏi một con đường ở Croatia hôm thứ Bảy 6 tháng 8.

Tất cả 31 hành khách còn sống đều bị thương, một số người đang phải chiến đấu để giành lấy sự sống của họ trong bệnh viện.

Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết các hành khách đều là những người lớn mang quốc tịch Ba Lan.

Chuyến đi do nhóm Công Giáo Anh Em của Thánh Giuse tổ chức, bao gồm ba linh mục và sáu nữ tu. Họ đang đi du lịch đến Medjugorje, một đền thờ Công Giáo ở Bosnia.

Chiếc xe buýt rẽ khỏi đường A4 giữa Jarek Bisaski và Podvorec, về phía đông bắc của Zagreb, và chiếc xe đã lao vào một con mương ven đường.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 05:40 chiều giờ địa phương.

Thủ tướng Croatia Andrej Plenković bày tỏ lời chia buồn với gia đình các nạn nhân, đồng thời cho biết thêm trong một bài đăng trên Twitter rằng các dịch vụ khẩn cấp đang làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ.

Hai bộ trưởng Ba Lan đang trên đường công du Croatia sau khi vụ việc xảy ra.

Mười hai người đã thiệt mạng sau một chiếc xe buýt chở những người hành hương Ba Lan - bao gồm ba linh mục và sáu nữ tu.
Source:SismoInfo
 
Hỗ trợ của Tổng giáo phận Zagreb cho những người hành hương gặp nạn
Đặng Tự Do
05:34 08/08/2022


Hỗ trợ của Tổng giáo phận Zagreb cho gia đình của những người hành hương Ba Lan thiệt mạng trong tai nạn giao thông ở Croatia

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào sáng sớm ngày 6 tháng 8, gần Breznički Hum ở Croatia, gợi lên trong chúng ta sự thương cảm đối với gia đình những người hành hương Ba Lan thiệt mạng và sự quan tâm giúp đỡ các nạn nhân và gia đình của họ, Caritas của Tổng giáo phận Zagreb cho biết như trên.

Một số nạn nhân đã được chăm sóc tại các bệnh viện Zagreb, nơi họ được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết. Theo quyết định của Đức Hồng Y Josip Bozanić, Tổng Giám Mục Zagreb, Caritas của Tổng Giáo Phận Zagreb cung cấp khả năng liên quan đến chỗ ở cho các thành viên gia đình của những người hành hương thiệt mạng.

Nữ tu Jelena Lončar, giám đốc Caritas của Tổng giáo phận Zagreb, cho biết:

“Zagreb Caritas sẵn sàng cung cấp chỗ ở cần thiết trong các cơ sở của mình ở Vukomerc và trong Ngôi nhà Thanh niên dành cho lễ hội Selska cho các thành viên gia đình của những người hành hương đang hồi phục sau chấn thương, cũng như các hỗ trợ cần thiết khác. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả những người bị thương sẽ nhanh chóng bình phục và trở về với gia đình của họ, và chúng tôi cầu nguyện cho sự bình phục của họ”.

Caritas của Tổng giáo phận Zagreb mời mọi người - những người tình nguyện - biết tiếng Ba Lan liên hệ với chúng tôi để liên lạc dễ dàng hơn.


Source:The Guardian
 
ĐTGM Justin Welby: Nhiều người Anh giáo coi ĐGH là cha của Giáo Hội Tây phương
Đặng Tự Do
05:35 08/08/2022


Theo một báo cáo của Katholisch.de, Tổng giám mục Canterbury và là Giáo Chủ Anh giáo, Justin Welby, nói với các nhà báo ở London rằng “Nhiều người trong Giáo hội Anh, dù không công nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng, vẫn coi ngài là cha của Giáo hội Tây phương”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên khi tham dự Hội nghị Lambeth, một cuộc tập hợp của tất cả các giám mục Anh giáo trên thế giới cứ mỗi 10 năm một lần. Ngài cũng tuyên bố rằng “đại kết là một trong những thách thức lớn nhất” và “rất xấu hổ vì chúng ta đã không đạt được nhiều tiến bộ hơn” trên mặt trận này.

Đức Tổng Giám Mục Welby nói rằng cần phải có một khởi đầu mới để kết thúc điều thường được gọi là “mùa đông đại kết”. Về chuyến đi đến Nam Sudan với Đức Thánh Cha Phanxicô, lẽ ra sẽ diễn ra vào tháng Bảy nhưng sau đó đã bị hủy bỏ, ngài nói rằng nó sẽ được tổ chức ngay khi sức khỏe của Đức Giáo Hoàng cho phép.

Hội nghị Lambeth kỳ này đã cho thấy sự rối loạn của Anh Giáo với một số lớn các Giám Mục ở Phi Châu không tham dự và một số Giám Mục khác tham dự nhưng không rước lễ và tuyên bố rằng các vị không hiệp thông với các Giám Mục khác. Nguyên nhân trực tiếp là mưu toan của một số Giám Mục nhằm loại bỏ một tuyên bố trước đó của Anh Giáo được gọi là tuyên bố Lambeth 1.10 được công bố vào năm 1998 ủng hộ giáo lý Công Giáo.

Theo Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2357 “Dựa trên Thánh Kinh vẫn lên án chúng là những hành vi suy đồi nghiêm trọng. Truyền thống luôn luôn tuyên bố ‘những hành vi đồng tính là thác loạn từ bản chất của chúng’. Những hành vi này nghịch với luật tự nhiên. Chúng đóng cửa không cho hành vi tính dục ban tặng sự sống. Chúng không xuất phát từ một sự bổ khuyết cho sinh hoạt tình cảm và tính dục thật sự. Chúng không thể được chấp nhận trong bất cứ trường hợp nào.”

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, của Canterbury và lãnh đạo giáo hội Anh giáo toàn cầu, đã tìm cách xoa dịu các giám mục bảo thủ trên khắp thế giới bằng cách “khẳng định tính hợp lệ” của tuyên bố năm 1998 theo đó quan hệ tình dục đồng tính là tội lỗi.

Ngài nói với hơn 650 giám mục tham dự hội nghị Lambeth được tổ chức một thập kỷ một lần rằng, đối với “phần lớn” những người Anh giáo bảo thủ, việc đặt câu hỏi về giáo huấn trong Kinh thánh là điều “không thể tưởng tượng nổi”.

Đức Cha Welby nói: “Ở nhiều quốc gia, điều đó sẽ khiến Giáo Hội trở thành nạn nhân của sự chế nhạo, khinh thường và thậm chí là tấn công. Đối với nhiều Giáo Hội, thay đổi cách giảng dạy truyền thống thách thức chính sự tồn tại của họ”.

Trong một bức thư gửi cho các giám mục ngay trước khi được mô tả là một “cuộc thảo luận mạnh mẽ” về tình dục, Đức Cha Welby nói rằng nghị quyết năm 1998, được gọi là Lambeth 1.10, là tuyệt đối “không thể nghi ngờ”.

Nhưng ngài cũng chỉ ra rằng ngài sẽ không dùng thẩm quyền của mình để kỷ luật hoặc loại trừ các Giáo Hội - bao gồm cả những Giáo Hội ở Tô Cách Lan, xứ Wales và Hoa Kỳ - là những nơi cử hành phép hôn phối hoặc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính.
Source:Katholisch.de
 
Archie Battersbee qua đời sau khi cha mẹ thua trong trận đấu pháp lý liên quan đến sự hỗ trợ cuộc sống
Đặng Tự Do
17:04 08/08/2022


Archie Battersbee, cậu bé 12 tuổi đã qua đời. Cha mẹ cậu bé đã chiến đấu trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài để duy trì việc điều trị hỗ trợ sự sống cho cậu, nhưng họ đã thất bại trước các quan tòa lòng chai dạ đá.

Phát biểu bên ngoài bệnh viện Hoàng gia London, mẹ cậu là bà Hollie Dance cho biết bà đã “chiến đấu cho đến phút cuối cùng”.

Nói qua dòng nước mắt, bà cho biết: “Trong nỗi buồn, Archie đã qua đời vào lúc 12h15 trưa nay, thứ Bẩy 6 tháng 8. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi là người mẹ tự hào nhất trên thế giới.

“Cháu thật là một cậu bé xinh đẹp. Cháu đã chiến đấu cho đến phút cuối cùng và tôi rất tự hào là mẹ của anh ấy “.

Ella Carter, một người thân của gia đình, cho biết việc nhìn thấy cậu bé chết thật là một cảnh “man rợ”.

“Các chỉ số của anh ấy vẫn hoàn toàn ổn định trong hai giờ cho đến khi họ loại bỏ hoàn toàn hệ thống trợ sinh và cháu hoàn toàn nhợt nhạt và chết dần,” cô nói.

“Nhìn một thành viên trong gia đình hoặc một đứa trẻ chết vì ngạt thở hoàn toàn là một kinh nghiệm vượt quá khả năng chịu đựng tâm lý. Không một gia đình nào phải trải qua những gì chúng tôi đã trải qua - điều đó thật dã man”.

Những người ủng hộ gia đình đã đến bệnh viện với hoa vào sáng thứ Bảy và tạo ra một sự tưởng nhớ đối với Archie trước bệnh viện bằng những ngọn nến hình chữ A.

Shelley Elias, 43 tuổi, một bà mẹ hai con đến từ Stepney, phía đông London, cho biết bà không biết mẹ của Archie, nhưng đã mang theo hoa, một tấm thiệp và một số ngọn nến. Bà nói: “Tôi không biết phải viết gì vì không có từ nào có thể làm mất đi nỗi đau”.

“Tôi chỉ muốn mẹ và gia đình cô ấy biết rằng tôi ở đây vì họ. Con trai tôi 12 tuổi, cùng tuổi với Archie”

Andrea Williams, giám đốc điều hành của Trung tâm Pháp lý Kitô giáo, nơi đã hỗ trợ trường hợp của gia đình, cho biết: “Những suy nghĩ, lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của chúng tôi đang ở bên gia đình Archie vào thời điểm bi thảm này.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình, như chúng tôi đã làm trong suốt thời gian qua, kể từ khi họ đến với chúng tôi khi bắt đầu thủ tục pháp lý 4 tháng trước để duy trì việc hỗ trợ cuộc sống cho Archie”.

“Chúng tôi rất cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của công chúng dành cho Archie và gia đình anh ấy. Đó là một đặc ân khi được sát cánh cùng họ”.

Trong phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson được đưa ra vào ngày 24 tháng 6, Tối Cao Pháp Viện nhận xét rằng ngày nay các tòa án càng ngày càng tỏ ra kiêu ngạo vượt quá thẩm quyền hiến định của mình đến mức tự ban cho mình quyền được đưa ra các bản án tử hình đối với những người vô tội.

“Các phán quyết trong các vụ Roe và Casey đã quá kiêu ngạo với thẩm quyền của mình. Giờ đây, chúng tôi đã loại bỏ những quyết định này và trả lại quyền đó cho người dân và những người đại diện được bầu của họ.”

Andrea Williams nhận định: “Trong quá khứ, chúng ta thấy tòa án có thể tử hình một người có tội, ngày nay, các quan tòa lạm quyền đến mức tử hình cả những người vô tội”
Source:The Guardian
 
ĐTC tiếp TGM Anthony chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa
Đặng Tự Do
17:07 08/08/2022


Trước chuyến đi đến Kazakhstan, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Anthony chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Người đứng đầu mới của Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã có cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bẩy 6 tháng 8.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Vatican của Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, người vừa được bổ nhiệm vào tháng 6.

Tòa thánh không cung cấp thêm chi tiết nào về cuộc họp. Theo một tuyên bố ngắn gọn của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, “cuộc trò chuyện kéo dài” đề cập đến “các vấn đề hiện tại liên quan đến mối quan hệ giữa Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma”.

Người tiền nhiệm của Tổng Giám Mục Antony với tư cách là “ngoại trưởng” của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, là Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, đã bị cách chức vì có quan điểm khác với Thượng Phụ Kirill liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.

Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican lần cuối cùng vào tháng 12 năm 2021.

Cuộc gặp đã làm dấy lên hy vọng về một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Trong những tháng gần đây, Kazakhstan đã được thảo luận là một địa điểm có thể xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, vì cả hai vị đều dự kiến sẽ tham dự một đại hội liên tôn tại đó vào tháng 9.

Thượng Phụ Kirill đã phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội về lập trường của ông đối với cuộc chiến và suýt bị đưa vào danh sách trừng phạt của Liên minh Âu Châu. Chỉ sau khi Hung Gia Lợi, một trong 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu, phản đối, ông ta mới được đưa ra khỏi danh sách. Tuy nhiên, Anh Quốc vẫn nhất mực đưa ông ta vào danh sách trừng phạt, tịch thu tất cả các tài khoản của Thượng Phụ Kirill.

Các phương tiện truyền thông Chính Thống Giáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Hilarion tin rằng cuộc chiến của Putin sẽ thất bại, và ngài đang tìm cách tách mình khỏi Thượng phụ Kirill, để sau này có thể cứu được Chính Thống Giáo Nga khỏi sự sụp đổ. Thượng Phụ Kirill đã cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Một khi cuộc chiến của Putin thất bại, Thượng Phụ Kirill hoàn toàn có khả năng bị chính người Nga truy tố.

Giáo Hội Chính thống Nga là một Giáo Hội Chính thống giáo phương Đông với khoảng 150 triệu thành viên, chiếm hơn một nửa số Kitô hữu Chính thống giáo trên thế giới.
Source:Catholic News Agency
 
Lá lành đùm lá rách: Giáo Hội Công Giáo tuy là thiểu số nhưng đã tiên phong cứu trợ trong trận đại hồng thủy ở Kentucky.
Trần Mạnh Trác
17:28 08/08/2022
Bối cảnh vùng Appalachia-Kentucky:

Những ai nghe bài "Tiếng Sông Hương" cuả Phạm Đình Chương thì không khỏi ngậm ngùi khi nghe câu hò:

"Quê hương em nghèo lắm ai ơi,
mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn.
trời hành cơn lụt mỗi năm,
khiến đau thương thấm tràn,
lấp Thuận An để lan biển khơi,"


Huế và nói chung miền Trung, là thế, nhưng ngay ở bên Hoa Kỳ này, kéo dài trên 80 năm qua, một vùng rừng núi bao la bao gồm 12 tiểu bang miền đông, gọi là "Appalachia", cũng nghèo không kém những gì mà "Tiếng Sông Hương" mô tả.

Cách đây 28 năm, 1994, lúc Gx DMHCG cuả tôi mới được thành lập, có một linh mục VN đang làm chánh xứ Mỹ ở Appalachia-Kentucky đến xin tiền.

"Họ nghèo lắm, bữa cơm chỉ có một món bắp cải là loại rau rẻ nhất..." Ngài mô tả như thế về cái nghèo cuả những giáo dân da Trắng cuả ngài.

-Thế thì họ không được welfare giúp đỡ à?

-Người ở đó thất nghiệp lâu dài, sinh ra nghiện ngập vì tuyệt vọng, dùng welfare bừa bãi, gia đình nghèo thêm, con cái bỏ bê...

Mục đích cuả vị linh mục là xin tiền cho các chương trình giới trẻ...để ít ra còn cứu được một số thế hệ tuổi xanh.

Thực ra Appalachia là một vùng thắng cảnh tuyệt đẹp, với hàng cây nhấp nhô như nhửng hàng cột trên đỉnh núi trùng điệp. Muà Xuân thì muôn hoa đua nở, muà Thu thì lá vàng rực rỡ. Phiá Nam có công viên 'Great Smoky Mountain' ở Tennessee với 14 triệu du khách hằng năm (2021), phiá Bắc có công viên Shenandoah ở Virginia với 1.4 triệu (2017).

Nhưng cuộc sống người dân điạ phương thì 'đau thương thấm tràn'. Từ năm 1940, ngành kỹ nghệ mỏ than ở đây bị xuy xụp và kéo theo kỹ nghệ gỗ. Người ta bỏ đi trong tuyệt vọng, những ai không dứt bỏ được thì bám víu với những gì ít ỏi cuả 'nơi chôn nhau cắt rốn' để mà sống xót (subexistence). Một điển hình là quận Harlan County, từng có dân số 75 ngàn, nay chỉ còn 27 ngàn...

Dân số suy xụp kéo theo số đại biểu ở quốc hội nhỏ đi, do đó sức mạnh chính trị bị suy yếu, không thể cạnh tranh mà giành được những công trình kiến thiết béo bở. Toàn vùng dần dà trở thành "vùng xâu vùng xa (black water)" cuả một nhóm "da trắng lạc hậu" (hillbilly). Họ thường là trò cười trên truyền thông như trong các shows 'The Andy Griffith Show, The Dukes of Hazard, và Hee Haw.'

Trong tuyệt vọng, họ bám víu lấy một tia sáng qua lời hứa cuà ông Donald Trump là sẽ khôi phục kỹ nghệ mỏ than, và đã dồn phiếu cho ông...chỉ để phải thất vọng khi ông Biden thắng. Tới nay ông Biden vẫn chưa tới thăm vụ lũ lụt. (Có tin ông sắp tới thăm)

Theo hàng tít cuả tờ báo Cincinnati Enquirer mô tả về vụ lụt vừa qua thì "ngay trước vụ lụt họ đã chẳng có gì cả".

Lương bổng công nhân ở đây chỉ bằng nửa những nơi khác và số người nghèo thì cao gấp 3 lần vùng láng giềng.

Theo thống kê năm 2020 thì quận Wolfe County có tỷ số nghèo 36%, đứng hàng thứ 18 nghèo nhất nước (trong tổng số 3000 quận cuả HK.)

Cơn đại hồng thủy:

Bắt đầu ngày Chuá Nhật 24 tháng 7 2022 và kéo dài suốt tuần, nhiều vùng cuả Hoa Kỳ đã chứng kiến một cảnh lũ lụt kinh hoàng (flash flood). Những vùng bị ảnh hưởng lan tràn từ 'Missouri và Illinois' cho đến' đông bộ Kentucky, Nam bộ Virginia và West Virginia.'

Có đài khí tượng gọi đây là trận lụt 1000 năm mới có một lần.

Riêng Kentucky, núi thì cao mà thung lũng lại hẹp cho nên cứ có mưa là có lũ.

Vào thứ Hai, 1 tháng 8, số người thiệt mạng vì lũ ở Kentucky lên đến 37 người. Nhân viên cứu hộ vẫn chưa đến được nhiều vùng vì cầu xập và nước chưa rút. ông thống đốc Andy Beshear nói :"Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình nạn nhân và hãy ôm nhau trong một vòng tay lớn giữa các đồng bào Kentucky cuả chúng ta."

"Số người chết sẽ còn cao hơn nữa, mức tối thiểu có thể là hàng trăm người chưa được giải cứu", ông thống đốc nói tại một cuộc họp báo ở Frankfort.

Hàng nghìn người dân Kentucky đã phải di tản. Cơ sở hạ tầng điện nước và lộ trình giao thông huyết mạch bị tàn phá. Cho đến nay một số cơ sở vẫn chưa hồi phục xong, tuy nhiên dịch vụ điện thoại di động đang được tái lập cho một số khu vực, giúp cho người ta liên lạc với người thân bị xa cách.

Giaó hội Công Giáo thiểu số trong cơn đại hạn:

Tuy số dân Công Giáo chỉ là 3% (1%?) tổng số dân vùng Appalachia và tuy các cộng đồng Công Giáo không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng giáo hội điạ phương đã đi tiên phong trong công tác cứu trợ, truy cập tới những nạn nhân không phân biệt tôn giáo nhờ qua việc hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng Cơ đốc giáo khác.

Theo tin CNA ngày 1/8 thì ông Edward Bauer, giám đốc truyền thông của Giáo phận Lexington, cho biết, phương pháp các nhà thờ Công Giáo trong giáo phận hoạt động cứu trợ là hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng Cơ đốc giáo khác, vì chỉ chiếm từ 3% đến 4% dân số, do phần lớn người dân ở miền đông Kentucky không theo Công Giáo, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Ông cho biết các cộng đồng Công Giáo ở vùng nông thôn Kentucky đang nỗ lực cung cấp những gì họ có thể hỗ trợ cho người nghèo và nhất là cung cấp nước sạch đang bị gián đoạn.

Tờ báo St. Louis Review ngày 4/8 mô tả chi tiết hơn:

Bà Lori Helfrich, giám đốc đời sống giáo xứ tại Nhà thờ Mother of Good Counsel ở quận Hazard, Kentucky, hoạt động tình nguyện tại một cửa hàng thực phẩm mà giáo xứ của bà giúp đỡ.

Họ chặt dưa để phân phát cho nạn nhân.

“Northfork Local Foods (cửa hàng thực phẩm gần Gx) có rất nhiều dưa và phân phát nó để mọi người có thực phẩm tươi sống,” Bà Helfrich cho biết trong một cuộc họp chiều ngày 29 tháng 7 do Giáo phận Lexington, Kentucky sắp xếp.

“Rất nhiều người không có nước và điện. Với tư cách là đối tác cộng đồng và nhà thờ, đó là những gì chúng tôi đang làm - cố gắng kết nối mọi người ở những nơi chúng tôi có thể, ”bà nói.

Bà Helfrich nói: “Ngày nay, nỗ lực tập trung là vào những người vẫn còn mất tích. Nhiều trận lụt đến ban đêm khi mọi người đang ngủ. Bạn kết hợp lũ lụt với tỷ lệ nghèo đói cao thì bạn sẽ có một trận đại hồng thủy ”.

Theo bà Helfrich, việc đánh giá sự tàn phá dựa trên mức độ cuả các gia đình Công Giáo thì không phải là một biện pháp tốt vì người Công Giáo chỉ chiếm chưa đến 1% (3%?) dân số ở Đông Kentucky.

Nhưng Giáo Hội Công Giáo làm việc chặt chẽ với các đối tác cộng đồng và trở thành một phần quan trọng của cộng đồng.

“Trong một số trường hợp, giống như ở Campton, Nhà thờ Công Giáo có tủ đựng thức ăn duy nhất và đang nuôi 300 người mỗi tháng,” bà nói. “Ở Hazard, chúng tôi có một tủ đựng thức ăn khẩn cấp. Chúng tôi làm việc với liên minh phát triển nhà ở. Chúng tôi làm việc với các đối tác cộng đồng - đó là cách hoạt động của chúng tôi. Các giáo xứ làm việc với các đối tác để tiếp cận cộng đồng. ”

Bà Meg Campos, giám đốc điều hành của Tổ chức từ thiện Công Giáo ở Lexington, cho biết thêm: “Mọi người ở đây biết rằng họ có thể trông cậy vào Nhà thờ Công Giáo.”

"Có rất nhiều khó khăn" trong khu vực với tỷ lệ thất nghiệp cao và ít cơ hội việc làm, bà Campos nói, "nhưng sức mạnh tinh thần của những người này rất đáng noi theo."

“Tôi từng đến thăm một trận lũ lụt năm ngoái và khi đến nhà một người nào đó thì họ thường nói rằng 'Có nhiều người còn tồi tệ hơn tôi, vì vậy xin đừng giúp tôi nếu còn có những người khác,'" bà nhớ lại.
 
Tài liệu mới của Tòa Thánh hoan nghênh ‘Thời kỳ dự tòng hôn nhân’
Vũ Văn An
19:48 08/08/2022

Theo Peter Jessere Smith của Hãng tin CNA, chỉ thị dài 97 trang của Tòa Thánh được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn nhận đã phác thảo cách thức đào tạo hôn nhân dựa trên thời kỳ dự tòng của Phép rửa, nhưng một số giáo phận và giáo xứ của Hoa Kỳ đã và đang tiến hành phương thức này từ lâu.



Khi Gerardo và Bernice Robledo lần đầu tiên suy xét bí tích hôn phối cách đây gần 10 năm, cặp này đã lựa chọn kết hôn dân sự.

Trong khi các thành viên có thiện chí trong gia đình gây áp lực để họ kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, cặp này trả lời, "Không." Họ đã không thực hành đức tin của họ vào thời điểm đó, và trong thẳm sâu, họ cho rằng lãnh nhận một bí tích trong trường hợp này là không thích đáng.

Gerardo nói với tác giả bản tin này, “Về mặt thiêng liêng, chúng tôi chưa sẵn sàng”.

Nhiều năm sau, trong tư cách thành viên của cộng đồng giáo xứ Athens, Texas, khi nghe bài giảng về lòng thương xót của Chúa, vợ chồng Robledos cảm thấy được truyền cảm hứng muốn lãnh nhận bí tích hôn nhân. Cuối cùng họ đã sẵn sàng để cho ân sủng của bí tích hoạt động trong cuộc sống của họ.

Và họ háo hức muốn được kết hôn một cách bí tích ngay lập tức. Và giáo xứ của họ đã giúp họ bằng cách nói với họ rằng họ sẽ lãnh nhận bí tích trong sáu tháng - sau một thời kỳ chuẩn bị được gọi là “thời kỳ dự tòng hôn nhân” (marriage catechumenate).

Bernice nói: “Nó thực sự giúp chúng tôi. Thiên Chúa muốn chúng tôi làm điều đó vì lý do chính đáng." Hành trình sáu tháng đã giúp họ vượt qua một số nỗi đau chưa được giải quyết trong mối quan hệ của họ, khám phá những điều mới mẻ về nhau và làm sâu sắc hơn tình yêu của họ trước đám cưới tại giáo xứ của họ vào tháng 6 năm 2020.

Chị nói, “Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy như thể, ê, chúng tôi thực sự đã sẵn sàng để làm điều này. Và chúng tôi đã làm điều đó vì lý do đúng đắn."

Vào ngày 15 tháng 6, Tòa Thánh thông báo rằng Đức Giáo Hoàng muốn Giáo Hội Công Giáo định hướng lại một cách căn bản việc đào tạo hôn nhân như một "hành trình kiểu thời kỳ dự tòng hướng tới cuộc sống hôn nhân."

Tài liệu dài 97 trang hiện được xuất bản bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, và nó cung cấp các nguyên tắc tổng quát để các giáo phận thí nghiệm kiểu dự bị hôn nhân này.

Ba phần

Được phác thảo một cách tổng quát, Tòa Thánh hình dung một thời kỳ dự tòng hôn nhân gồm ba phần. Nó đề nghị một “chuẩn bị gần” diễn ra trong một năm, tùy thuộc vào kinh nghiệm đức tin và sự tham gia của cặp đính hôn vào đời sống của Giáo hội, tiếp theo là việc chuẩn bị cận kề trong những tháng trước đám cưới. Việc này có thể bao gồm nghi thức đính hôn, trong số các dấu hiệu khác, dẫn đến việc lãnh nhận bí tích hôn phối. Sau đó, phần thứ ba sẽ là “dẫn nhập vào mầu nhiệm” [mystagogy] hôn nhân, một giai đoạn đào tạo sau đám cưới bao gồm ít nhất hai đến ba năm đồng hành cùng các cặp vợ chồng qua những bước đầu tiên của cuộc sống hôn nhân.

Các mốc thời gian dường như mang nhiều tính hướng dẫn hơn là yêu cầu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong phần giới thiệu của ngài về “Hành trình dự tòng hôn nhân” rằng việc đào tạo hôn nhân cần phải giống như “một chiếc áo phải được ‘thợ may đo’ cho những người sẽ mặc nó.”

Ngài viết tiếp, “Thực thế, đây là những hướng dẫn đòi phải được chuyển đổi, thích ứng và đưa vào thực hành trong các hoàn cảnh xã hội, văn hóa và giáo hội cụ thể nơi mỗi Giáo hội đặc thù hiện hữu”.

Thời kỳ dự tòng hôn nhân đã được thảo luận tại Thượng hội đồng về Gia đình năm 1980 và được đề xuất bởi Thánh Gioan Phaolô II trong tài liệu năm 1981 về vai trò của gia đình Kitô giáo trong thế giới hiện đại, Familiaris Consortio. Tuy nhiên, ý tưởng này không được duy trì, và thay vào đó, Giáo Hội chuyển sang việc dạy giáo lý theo kiểu lớp học tiền Cana.

Nhưng Thượng Hội đồng về Gia đình năm 2015 đã tái đề nghị kiểu thời kỳ dự tòng hôn nhân này, và một số giáo phận và giáo xứ bắt đầu có sáng kiến thí nghiệm nó. Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đề cập trực tiếp đến kiểu dự tòng hôn nhân này trong tông huấn Amoris Laetitia của ngài, nhưng ngài luôn kích thích một chiến dịch bền vững cho kiểu dự tòng hôn nhân này trong Giáo hội.

Kế hoạch của Tòa Thánh dành cho kiểu dự tòng hôn nhân này cũng dự kiến việc sử dụng “nghi thức đính hôn” để biểu thị quyết định kết hôn của cặp đôi và có thể đánh dấu giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi lãnh nhận bí tích.

Drew Hall, một giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Mount Calvary ở Baltimore, nói với tờ Register rằng anh và vợ anh, Natalie, khi đính hôn, đã theo gương bạn bè trong việc sử dụng "nghi thức đính hôn" như một dấu hiệu công khai của tình yêu của họ và cam kết kết hôn với nhau trong Giáo hội.

Anh nói, “Nó thực sự có tính xây dựng vì nó giống như đóng dấu cho việc đính hôn của bạn”. Theo anh, nghi thức đính hôn đã thực sự giúp làm rõ ý định kết hôn của họ với sự chúc phúc của Thiên Chúa và với tư cách là “một phần của cộng đồng Giáo Hội”, và bao gồm việc làm phép chiếc nhẫn đính hôn. Lễ đính hôn của họ vào tháng 7 năm 2021; họ đã kết hôn vào tháng 1 năm 2022.

Anh nói về việc đính hôn “Nó thực sự tuyệt vời. Chúng tôi đã có một buổi chiêu đãi nhỏ ở tầng dưới sau đó, và mọi người liên tục nói với chúng tôi,‘Nghi thức này thật đẹp. Thật là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về nó trước đây’. Vì vậy, đó cũng là một cơ hội truyền giảng Tin Mừng."



Thích ứng với thách thức

Việc hướng Giáo hội về một thời kỳ dự tòng hôn nhân xuất hiện vào thời điểm các cuộc hôn nhân bí tích đã giảm 70% chỉ riêng ở Hoa Kỳ kể từ năm 1969.

Theo dữ kiện từ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về việc làm Tông đồ (CARA) của Đại học Georgetown, số lượng các cuộc hôn nhân bí tích hàng năm đã giảm từ 426,300 (năm 1969) xuống dưới 148,000 (năm 2014), trong khi số người Hoa Kỳ tự nhận mình là người Công Giáo đã tăng lên 21 triệu, từ 54.1 triệu lên 75.4 triệu trong cùng một thời kỳ.

Julia Dezelski, phó giám đốc Văn phòng Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Tuổi trẻ tại Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nói với Register, “Giáo hội, cả hoàn cầu lẫn ở Hoa Kỳ cần một cuộc cải tổ toàn diện vì tình trạng hôn nhân ngày nay”.

Dezelski nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Hoa Kỳ có “dư việc chuẩn bị hôn nhân,” từ các chương trình giảng dạy giáo lý cho đến các khóa tóm tắt hôn nhân. Tuy nhiên, Dezelski cho biết thời kỳ dự bị hôn nhân đang tìm cách giải quyết các yếu tố đang thiếu, đặc biệt là việc đồng hành, vì quá nhiều cuộc hôn nhân Công Giáo đã kết thúc bằng ly hôn, tái hôn hoặc thủ tục tuyên bố vô hiệu.

Trong khi dân số Công Giáo có tỷ lệ ly hôn giảm so với dân số chung, theo nghiên cứu của Pew năm 2015, 25% người Công Giáo ly hôn, với 9% đã tái hôn; trong khi 30% dân số nói chung đã ly hôn, với 13% đã tái hôn.

Dezelski cho biết thời kỳ dự tòng xuất phát từ một thực hành Kitô giáo cổ xưa, trong đó những người trưởng thành trở lại đạo phải tiến đến chỗ biết Chúa Giêsu Kitô trước khi họ được rửa tội thông qua một quá trình đào tạo "rất kỹ lưỡng". Bà cho rằng Đức Giáo Hoàng muốn có điển hình đó cho hôn nhân bí tích.

Bà nói, “Tôi nghĩ chắc chắn chúng ta đang đi đúng hướng, với loại hướng dẫn như thế này từ Tòa Thánh, về cách bắt đầu lại và cải cách việc chuẩn bị hôn nhân của chúng ta.Từ những gì tôi biết về các vị hướng dẫn đời sống hôn nhân và gia đình trên khắp đất nước ở cấp giáo phận, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều sự hỗ trợ.”

Làm cho các cặp kết hôn bén rễ sâu vào Giáo Hội

Hoa Kỳ đã có các giáo phận và giáo xứ đang thí nghiệm diễn trình đào tạo hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng.

Tại Giáo phận Tyler, Texas, nơi Robledos sinh sống, cặp này đã sử dụng diễn trình dự tòng của thừa tác vụ Chứng tá Tình yêu Hôn nhân, bao gồm việc chuẩn bị dựa trên các nhân đức, trong đó các cặp được một cặp vợ chồng Công Giáo ngoan đạo do họ lựa chọn đồng hành. Việc chuẩn bị theo kiểu dự tòng “Chứng tá Tình yêu” và Dẫn nhập Mầu nhiệm Hãy là Ánh sáng [Be Light] được sử dụng tại 400 giáo xứ thuộc các giáo phận và tổng giáo phận trên khắp Hoa Kỳ.

Vợ chồng Robledos tìm được cặp vợ chồng dìu dắt của họ khi tham dự một khóa tĩnh tâm ở giáo xứ và kết nối với họ vì họ đã có con và có thể có liên hệ với những kinh nghiệm của họ. Bernice nói: “Thật tuyệt vời khi gặp được những người dìu dắt của chúng tôi. Kinh nghiệm của họ đã có tác động sâu sắc đến chúng tôi."

Deanna Johnston, giám đốc đời sống gia đình của Viện Giáo lý và Truyền bá Phúc âm Thánh Philip của Giáo phận Tyler, cho hay, việc chuẩn bị hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng nhằm giúp các cặp đính hôn có được “một cuộc hôn nhân Công Giáo tốt đẹp và thánh thiện”. Việc này đòi phải cùng “đi với họ tới ngày cưới và xa hơn nữa”.

Bà cho biết thời kỳ dự tòng hôn phối ở Tyler bao gồm 9 đến 12 tháng đào tạo và sau đó mời các cặp vợ chồng tham gia các biến cố đào tạo nhằm vào 5 năm đầu tiên sau ngày cưới, và thậm chí xa hơn nữa.

Bà nói, “Không thể có chuyện chúng tôi đưa các cặp đôi vào một lớp học. Chúng tôi không thể làm điều đó nữa."

Johnston cho biết mô hình thời kỳ dự tòng hôn nhân giúp Giáo hội “có ý hướng hơn” với thời gian ở với các cặp vợ chồng, và nó hòa nhập họ sâu hơn vào đời sống của Giáo hội. Vợ chồng Robledos tham dự Thánh lễ hàng tuần, nơi Bernice hiện là người đọc sách thánh, và họ tham gia vào các hoạt động của giáo xứ.

Johnston cho biết thời kỳ dự tòng hôn nhân thừa nhận rằng ngay những người Công Giáo được đào tạo tốt cũng cần được đào tạo để lãnh nhận bí tích.

Bà nói, “Ngay cả khi họ đã được đào tạo tốt trong giáo huấn của Giáo hội, họ cũng có thể chưa bao giờ kết hôn trước đây”.

Những người điển hình đã đính hôn và kết hôn dân sự

Sự thúc đẩy của Tòa Thánh đối với mô hình thời kỳ dự tòng hôn phối cũng đang tạo cơ hội cho các giáo phận nhận ra rằng các cặp vợ chồng Công Giáo đang tìm cách kết hôn bí tích có thể đã đính hôn và chưa bao giờ kết hôn, hoặc chỉ kết hôn dân sự.

Johnston cho biết các giới chức giáo phận Tyler ước tính một nửa trong số 310 đám cưới vào năm 2021 liên quan đến các cặp đã kết hôn dân sự nay lãnh nhận bí tích hôn nhân (trong luật Giáo hội còn được gọi là “hữu hiệu hóa” [convalidation]). Johnston cho biết các cặp vợ chồng nói tiếng Tây Ban Nha có nhiều khả năng đã kết hôn dân sự khi họ đến với bí tích. Bà nói thêm, những người Công Giáo nói tiếng Anh có nhiều khả năng chưa kết hôn khi tìm kiếm bí tích hôn nhân, nhưng gần đây, bà lưu ý, số lượng kết hôn dân sự đang gia tăng.

Theo cơ quan nghiên cứu Pew năm 2015, một trong ba người Công Giáo đã kết hôn dân sự thay vì kết hôn trong Nhà thờ.

Bà nói: “Ở nhiều giáo xứ, họ chỉ hữu hiệu hóa hoặc một nửa số đám cưới là hữu hiệu hóa”.

Nhưng Johnston nhấn mạnh rằng những người Công Giáo kết hôn dân sự được cổ vũ hơn những người đã đính hôn để đón nhận bí tích hôn nhân và chuẩn bị về phương diện bí tích cho bí tích này.

Bà nói, “Với những cặp đã đính hôn, tôi có xu hướng thấy thái độ 'Tôi làm việc này vì tôi phải làm' nhiều hơn, mặc dù có những cặp thực sự mong muốn bí tích vì họ hiểu rằng đó là một phần quan trọng để sống cuộc hôn nhân với Chúa Kitô ở trung tâm. Với các cặp kết hôn dân sự, tôi khá nhất quán thấy rằng họ tiếp cận Bí tích Hôn phối vì một cuộc gặp gỡ, hoặc một khoảnh khắc hoán cải. Họ phát biểu bằng cách này hay cách khác rằng họ nhận ra có điều gì đó còn thiếu sót trong cuộc hôn nhân của họ”.

Xây dựng thời kỳ dự tòng

Việc khai triển thời kỳ dự tòng hôn nhân sẽ không phải là một diễn trình một sớm một chiều. Tại Giáo phận Lansing, Michigan, Richard Budd, giám đốc đời sống gia đình của giáo phận, nói với Register rằng giáo phận đã dành 4-5 năm để phát triển thời kỳ dự tòng hôn nhân, thí nghiệm nó ở các giáo xứ trong 18 tháng trước khi chính thức phát động vào năm 2020.

Mô hình thời kỳ dự tòng hôn nhân của giáo phận có bốn giai đoạn được mô phỏng theo mô hình thời kỳ dự tòng phép rửa: “Phúc âm hóa, Dạy giáo lý, Thanh tẩy và Khai sáng, và dẫn nhập mầu nhiệm”. Mô hình này rất linh động đối với cuộc hành trình dự tòng, cho phép các mục tử tùy ý để cặp vợ chồng hoàn thành cuộc hành trình trong sáu tháng, hoặc lâu hơn, nếu cần, để chuẩn bị đầy đủ cho bí tích.

Khi nói đến độ dài của thời kỳ dự tòng hôn nhân, Budd giải thích rằng các cặp vợ chồng được hưởng phương thức vừa tầm cỡ với mình để đào tạo hôn nhân, bao lâu họ biết rằng Giáo hội không lãng phí thời gian của họ. Ông nhấn mạnh rằng hầu hết các cặp không muốn kết hôn ngay lập tức, nhưng dành một đến hai năm để lên kế hoạch cho đám cưới của họ. Một lý do khiến các cặp liên lạc với giáo xứ sau khi chọn địa điểm làm đám cưới là vì họ được thông báo là chỉ nên liên lạc với giáo xứ khoảng sáu tháng trước đám cưới.

Ông nói: “Bây giờ chúng tôi yêu cầu các giáo xứ yêu cầu các cặp vợ chồng liên hệ với họ ngay lập tức”.

Sau đó, các cặp chỉ có thể định ngày sau khi hoàn tất buổi gặp gỡ ngắn gọn tiền hôn nhân, chẳng hạn như FOCCUS hoặc PREPARE / ENRICH, giúp ghi nhận các điểm mạnh, các lĩnh vực cần phát triển hoặc dấu hiệu của mối quan hệ. Sau đó, họ gặp linh mục hoặc phó tế, những vị có thể đề xuất cách tiếp cận vừa tầm cỡ với họ để họ có nền tảng vững chắc cho một cuộc hôn nhân thành công.

Đó có thể tối thiểu là sáu tháng, hoặc chín tháng, hoặc hơn nếu cần. Các cặp dìu dắt mà họ chọn sẽ đồng hành với họ trong suốt diễn trình này, trong khi các giáo xứ có thể sử dụng nhiều tài liệu giáo lý khác nhau để đáp ứng các yêu cầu chuẩn bị của giáo phận.

Budd cho biết phương thức của giáo phận thừa nhận rằng Giáo hội không thể mong đợi ân sủng hôn phối sẽ hoàn thành công việc của nó nơi các cặp vợ chồng trừ khi họ chấp nhận để Chúa Giêsu Kitô bước vào cuộc hôn nhân của họ bằng bí tích này.

Ông nói, “Nếu họ không biết Chúa Kitô là ai, họ sẽ không biết làm thế nào để lớn lên trong ân sủng đó”.

Dẫn nhập mầu nhiện hôn phối

Cha Matthew DeGance, tạm cai quản giáo xứ Công Giáo Thánh Helen ở Bờ biển Vero, Florida, người cũng sử dụng chương trình đào tạo hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng gọi là “Chứng tá Tình yêu” tại giáo xứ của mình, cho biết các cặp vợ chồng dìu dắt mà cặp đính hôn chọn là những cộng tác viên chủ yếu trong việc cung cấp thi giờ, chú tâm và chứng tá cho cặp đôi đang tìm kiếm bí tích hôn nhân mà chính giáo sĩ không thể tự mình cung cấp.

Vị linh mục nói, “Theo những gì tôi thấy, nó đang hoạt động trên diện rộng”, bao gồm cả các chiều kích kinh tế xã hội, sắc tộc và chủng tộc trong các giáo xứ mà ngài đã phục vụ. “Nó đang hoạt động với người nói tiếng Tây Ban Nha; nó đang hoạt động với người nói tiếng Anh, cả với những người mà tôi nghĩ chỉ đến để kiểm tra các hộp và gật đầu của họ. Họ quay lại với tôi và nói, ‘Điều đó thực sự tốt. Nó đã mở nhiều cánh cửa mà con vốn không mong đợi và những đường dây liên lạc mà con không mong đợi theo bất cứ cách nào.’"

Cha DeGance cho biết ngài xây dựng việc đào tạo hậu hôn nhân, hay việc dẫn nhập vào mầu nhiệm hôn nhân, xung quanh các biến cố mà các cặp vợ chồng muốn tham gia, chẳng hạn như khiêu vũ trong bữa ăn tối hoặc đêm uống rượu ăn pho mát. Ngài nói, “thao tác phong phú hóa”, có thể chỉ là “cuộc nói chuyện chứng tá” hoặc bài trình bầy về các giải quyết xung đột, có thể chiếm từ 15 đến 30 phút trong một biến cố kéo dài hai tiếng rưỡi. Thông qua những biến cố này, giáo xứ có thể mời gọi các cặp tiến xa hơn bằng cách kết nối thành một nhóm nhỏ, giống như nhóm đã sử dụng “Khóa học Hôn nhân” của Alpha.

Vị linh mục nói, “Chúng tôi muốn cung cấp cho những cặp này cơ hội gặp gỡ những cặp vợ chồng khác để thấy một cách sống lành mạnh trong cuộc sống gia đình”.

Johnston cho biết Giáo phận Tyler đang áp dụng một phương thức tương tự đối với việc dẫn nhập vào mầu nhiệm hôn nhân, đầu tiên nghĩ đến 5 năm đầu tiên, trong đó các cặp vợ chồng dễ bị thất bại nhất trong hôn nhân, và lâu hơn thế nữa. Có thể có nhiều lựa chọn khác nhau ở cấp giáo xứ, giáo hạt hoặc giáo phận: chẳng hạn như các biến cố “đêm hẹn hò”, trong đó các cặp có thể kết nối với nhau và có sự hỗ trợ của Giáo hội để “đối phó với thực tại cuộc sống của họ”.

Bà nói, “Chúng ta phải kết nối mọi người với nhau. Việc này phải diễn ra thông qua các mối quan hệ và xây dựng lòng tin."

Gerardo và Bernice Robledo nói với tờ Register rằng gần đây họ đã trở về sau một đêm hẹn hò "Nước hóa Rượu" được Viện Thánh Philip tổ chức đã giúp họ hiểu sâu hơn về bí tích và hiệp thông với các cặp đã kết hôn khác.

Bernice nói: “việc đào tạo liên tục đó, học hỏi nhiều hơn và vui chơi cùng lúc, thật tuyệt khi có được điều đó”.

Gerardo nói thêm, “Đặc biệt là trong thế giới chúng ta đang sống ngày nay. Nếu sau này các giáo xứ có nhiều thứ như vậy hơn cho các cặp vợ chồng, thì điều đó sẽ giúp ích rất nhiều”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
41 Nữ tu tuyên khấn lần đầu và trọn đời trong Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
Ban Văn Hóa Dòng MTG Hà Nội
09:28 08/08/2022
41 Nữ tu tuyên khấn lần đầu và trọn đời trong Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

“Hôm nay chúng ta cùng chia sẻ niềm vui với Sơ Bề trên và quý Sơ Hội dòng Mến Thánh Giá Hà Nội nhân dịp có 17 Sơ khấn Lần đầu và 24 Sơ khấn Trọn đời ”. Lời chúc mừng trên đây của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên cũng là niềm vui chung của chị em Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, của quý phụ huynh và cách riêng là các Khấn sinh trong ngày hồng ân trọng đại. 41 bông hoa tươi thắm nay khoe sắc hương với lời đáp trả đầy xác quyết trong Thánh lễ Tuyên Khấn Lần đầu và Trọn đời được diễn ra vào lúc 9h00, thứ Hai ngày 08/8/2022 tại Nhà Thờ Chính tòa Hà Nội.

Xem Hình

Chung chia niềm vui với các Tân Khấn sinh hôm nay còn có sự hiện diện của Đức cha Lôrensô, cha Tổng Đại diện Antôn, quý Cha trong và ngoài Giáo phận, quý Bề trên các Hội dòng, quý Thầy, quý Tu sĩ nam nữ, quý Phụ huynh, thân nhân của các Tân Khấn sinh và quý chị em đến từ các Cộng đoàn trong Hội dòng cùng sự tham dự đông đảo của cộng đoàn dân Chúa.

Niềm vui đong đầy ngày Tận hiến

Niềm hạnh phúc trào tràn của các Tân khấn sinh, cũng như của toàn Hội dòng được đong đầy hơn trong sự chúc phúc của Thiên Chúa, với tiết trời trong xanh, mát dịu. Chị em vui mừng được đón tiếp quý Đức cha, quý Cha trong và ngoài Giáo phận, quý Bề trên các Hội dòng, quý Tu sĩ nam nữ, cách riêng là quý Phụ huynh và thân nhân của các Khấn sinh.

Hân hoan tiến vào Nhà Chúa

Vào lúc 9h00, với nến sáng trên tay, các Khấn sinh hân hoan cùng đoàn rước trong tiếng ca, lời hát của nhạc khúc thánh hiến đầu lễ vui mừng tiến về cung thánh. Niềm vui ngày hồng phúc thêm trọn vẹn và ý nghĩa, khi quý phụ huynh cùng song hành với các Tân Khấn sinh trong đoàn rước như thêm một lần nói lên sự quảng đại dâng hiến trọn vẹn người con yêu dấu của mình cho Thiên Chúa.

Đáp trả với trọn niềm xác tín

Ngay sau phần giảng lễ, nghi thức Khấn dòng chính thức được bắt đầu với phần xướng danh các Khấn sinh.

Trong phần nghi thức chính yếu, với trọng tâm là lời khấn công khai. Trước mặt Đức TGM Giuse và trong tay chị Tổng Phụ Trách Têrêxa, các Khấn sinh đã đáp lại ước vọng muốn tự hiến cho Thiên Chúa cách trọn vẹn, qua lời kết ước với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, sẵn sàng bước theo sát dấu chân Người trên con đường Thánh Giá, tự nguyện tuân giữ 3 lời khuyên Phúc âm, Hiến chương và Nội Quy Hội dòng.

Với chiếc khăn lúp đen được thay thế cho màu khăn trắng trên đầu, 17 Tân Khấn sinh từ nay đã thuộc về Chúa Kitô và chỉ sống cho một mình Ngài. Đây cũng chính là dấu chỉ nói lên sự từ bỏ triệt để, để Thiên Chúa tự do làm chủ cuộc đời và là gia nghiệp mãi mãi. Đồng thời, với việc đón nhận Hiến chương và Nội quy, chị em được mời gọi “Hãy năng suy niệm hằng ngày và đem ra thực hành, nếu các con giữ luật, lề luật sẽ giữ các con và giúp các con đạt tới Đức ái hoàn hảo”.

Từng lời đọc, cử chỉ phụng vụ hòa điệu với lời ca du dương đã dẫn đưa các chị em tuyên khấn bước vào một huyền nhiệm tình yêu sâu xa, với ý thức phận người mong manh, nhưng cũng là một bản giao ước đầy bảo đảm đến từ chính Thiên Chúa Tình Yêu. Nhờ ơn Ngài, chị em can đảm tuyên khấn và phó thác lời giao ước đã tuyên thệ cho sự quan phòng nâng đỡ của Thầy Chí Thánh trước sự chứng kiến của cộng đoàn.

17 khấn sinh tuyên khấn lần đầu và 24 khấn sinh tuyên khấn trọn đời

Đức TGM Giuse chia sẻ Lời Chúa

“Lạy Chúa, này con đây!”

“Chúng con khiêm tốn xin được tuyên khấn trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội“

Trao khăn lúp

Trao Hiến chương và Nội quy

Trong nghi thức tuyên khấn trọn đời, sau khi xướng danh các Khấn sinh, phần thẩm vấn của Đức TGM Giuse và lời đáp trả đầy xác tín về ước muốn tự hiến cho Thiên Chúa cách trọn vẹn. Trong giây phút thánh thiêng, Đức TGM Giuse, quý Cha và toàn thể cộng đoàn cùng chung lời khẩn nguyện cho các Khấn sinh trong kinh Cầu Các Thánh.

Sau lời nguyện thánh hiến các Khấn sinh, Đức TGM Giuse đã làm phép và trao nhẫn giao ước, cùng với đó là trao Thánh Giá cho 24 nữ tu tuyên khấn trọn đời. Nhẫn chính là dấu chỉ giao ước các Khấn sinh đã ký kết với Chúa Kitô để thuộc trọn về Chúa bằng lời khấn trọn đời. Bằng việc đón nhận Thánh Giá, giúp chị em năng suy niệm về tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với con người qua hình ảnh Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các chị.

Với lời kết ước hôm nay, 24 nữ tu tuyên khấn trọn đời đã xác định vị thế mới của chị em trong gia đình Hội dòng. Chị Tổng Phụ Trách đại diện Hội dòng chính thức đón nhận chị em là thành viên chính thức với mọi quyền lợi và nghĩa vụ trong Hội dòng.

Chị Tổng Phụ trách đại diện Hội dòng đón nhận các khấn sinh là thành viên chính thức

Tri ân và được sai đi

Theo truyền thống tốt đẹp của Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, mỗi Khấn sinh tuyên khấn lần đầu hôm nay được chị Tổng Phụ trách chỉ định dâng đời sống tận hiến của mình để cầu nguyện cho một giáo xứ hoặc giáo họ trong Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, thay lời cho toàn thể chị em trong Hội dòng và cách riêng là 41 Khấn sinh, chị Tổng Phụ trách Têrêxa đã có lời tri ân sâu sắc tới Đức TGM Giuse, Đức cha Lôrensô, quý Cha, quý Bề trên, quý nam nữ Tu sĩ, quý phụ huynh và toàn thể cộng đoàn hiện diện.

Ước mong với giao ước thiêng liêng mà các Khấn sinh đã ký kết với Thiên Chúa Tình Yêu, sự yêu thương nâng đỡ của Mẹ Dòng và lời chuyển cầu đắc lực của Đấng Sáng Lập, các chị biết hăng say ra đi thi hành sứ vụ với lòng nhiệt huyết hăng say hầu đem Chúa đến cho muôn người

Ban Văn Hóa

Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
 
Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục tại TGP Huế năm 2022
TGP Huế
09:55 08/08/2022
Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục tại TGP Huế năm 2022

“Ngàn lời ca vang mừng Chúa uy linh. Ngàn lời ca vang một khúc ca thanh bình”.

Đó là tâm tình diễn tả trong ca khúc “Trăm triệu lời ca” của Gm. Nguyễn Văn Hòa – Lm. Tiến Dũng được Ca đoàn Cecilia Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam và ca đoàn Giáo xứ Đá Hàn cất lên qua bài ca nhập lễ trong Thánh Lễ Truyền Chức Linh mục cho 6 Thầy Phó tế thuộc Tổng Giáo phận Huế vào sáng ngày 04/08/2022, tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam, do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế.

Xem Hình

Cùng đồng tế trong Thánh lễ này, còn có Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Nguyên Tổng Giám mục Huế; Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục Giáo phận Bà Rịa; Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện; Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh, Đại diện Giám mục; Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng Viện Huế; quý Cha thuộc triều và dòng trong ngoài Giáo phận. Tham dự Thánh lễ, còn có đông đảo quý Tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, quý thân nhân, ân nhân và anh chị em giáo dân thuộc các giáo xứ có liên hệ với các tiến chức.

Đúng 08g30, đoàn rước bắt đầu tiến vào thánh đường trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng. Các tiến chức bước lên cung thánh với niềm cảm mến tri ân và niềm vui chung của toàn giáo phận. Giai điệu hân hoan của bài ca nhập lễ như mời gọi cộng đoàn cùng tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho quý thầy Phó tế sẽ lãnh nhận Thánh chức Linh mục hôm nay.

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Đức TGM Giuse giới thiệu và chào mừng sự hiện diện của quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ cũng như toàn thể cộng đoàn tham dự trực tiếp hay trực tuyến Thánh lễ này. Tiếp đó, Cha Tổng Đại diện Antôn đại diện cho cộng đoàn dân Chúa chúc mừng kỷ niệm 18 năm ngày Đức TGM Giuse được tấn phong Giám mục.

Sau các bài đọc Lời Chúa, Đức TGM Giuse chủ tế xướng kinh Veni Creator, khẩn xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên các tiến chức và trên cộng đoàn. Tiếp đó, Cha Giuse Hồ Thứ xướng tên các tiến chức, và trong phần thẩm vấn, Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh, Đại diện Giám mục đặc trách đào tạo linh mục và tu sĩ xác nhận rằng: sau khi đã tham khảo ý kiến giáo dân và theo ý những vị hữu trách biểu quyết, thì quý Thầy được coi là xứng đáng để lãnh chức Linh mục. Cộng đoàn tham dự vui mừng biểu lộ sự đồng thuận trong tiếng vỗ tay, cùng nhau cất lời tạ ơn Chúa.

Trong bài huấn dụ, Đức TGM Giuse ước mong các Linh mục, và cách riêng với các tiến chức phải giữ được Chúa trong cuộc đời của mình, và vai trò của người linh mục là đồng hành và kết nối với mọi người, nên hãy luôn biết sống vì đoàn chiên mà Chúa trao phó.

Với ý nghĩa đó, Đức TGM Giuse cũng xin cộng đoàn luôn cầu nguyện cho những người linh mục cảm thấy hạnh phúc khi ở trong đại gia đình Giáo Hội, dù cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng nếu ở trong tim có lửa nhiệt tình đối với dân Chúa, ở trong tim lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì được chia sẻ không gian yêu thương của Giáo Hội thì các Linh mục cũng sẽ mạnh mẽ tiến bước.

Cách đặc biệt hôm nay, Đức TGM Giuse cũng cám ơn tất cả những người đã có mặt trong cuộc đời sứ vụ giám mục của ngài, và xin tiếp tục cầu nguyện cho ngài cũng như các tiến chức, để luôn luôn được ở trong tình yêu của Chúa và của nhau.

Tiếp sau bài huấn dụ là lời hứa vâng phục: các Tiến chức đến quỳ trước Đức TGM Giuse, chắp tay để trong tay Ngài và nói lên niềm tin yêu phó thác đời mình trong vòng tay Mẹ Hội Thánh qua lời hứa vâng phục Đấng bản quyền Giáo phận. Sau đó, các Tiến chức sấp mình phủ phục trước mặt Thiên Chúa, qua Kinh Cầu Các Thánh, cộng đoàn sốt sắng xin Chúa tuôn đỗ muôn ơn lành xuống trên các Thầy, nhờ lời cầu bầu của đông đảo các Thánh trên Thiên quốc.

Tiếp theo là Nghi thức Truyền Chức Linh mục với cử chỉ đặt tay như là dấu chỉ việc tuyển chọn và chuyển thông ơn Chúa Thánh Thần,và lời nguyện thánh hiến làm cho các Tiến chức được tham dự vào sứ mạng mục tử của Chúa Kitô. Đức TGM làm phép chiếc áo lễ được các bà cố mang lên cho các Tân Linh mục. Cử chỉ này diễn tả việc ông bà cố sẵn sàng dâng những người con vô cùng yêu quý của mình cho Thiên Chúa. Chiếc áo lễ đầu đời linh mục này được dệt bằng những hy sinh vất vả qua bao tháng ngày mong mỏi đợi chờ của cha mẹ dành cho con, không chỉ trong ngày lãnh nhận thánh chức hôm nay mà còn trong suốt cuộc đời linh mục của các tiến chức. Các tiến chức được quý Cha nghĩa phụ mặc phẩm phục trong niềm xúc động và lòng cảm mến tri ân. Sau đó, Đức Giám Mục xức dầu Thánh vào lòng bàn tay và trao Chén thánh cho từng tiến chức như dấu chỉ xác định việc chủ sự cử hành Thánh lễ, và trao hôn bình an như dấu hiệu đón nhận tân chức làm cộng sự viên mới của mình.

Sau nghi thức truyền chức, Thánh Lễ diễn ra trong bầu khí thánh thiêng với phần Phụng vụ Thánh Thể. Các Tân chức tiến lên bàn thờ thi hành sứ vụ linh mục lần đầu tiên bên cạnh Đức Giám Mục và toàn thể Linh mục đoàn.

Trước khi Đức TGM Giuse ban phép lành kết lễ, Tân Linh mục Phaolô Hoàng Thanh Hưng, đại diện cho các Tân chức, nói lên niềm tri ân, cảm tạ trước sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của quý Đức Cha, quý Cha, cùng toàn thể mọi người, cám ơn công lao dạy dỗ của quý Cha Giáo, quý Giáo sư đã ân cần truyền đạt những kiến thức cần thiết khi còn ở môi trường Chủng Viện. Quý Tân chức đã dâng lời tri ân đến cha mẹ, anh chị em, thân nhân, bà con, bạn bè thân hữu và quý ân nhân đã âm thầm cầu nguyện, hy sinh và đồng hành trên bước đường ơn gọi của mỗi tân chức. Đồng thời, xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các Tân chức trên đường ơn gọi sang trang mới với nhiều thách đố mới.

Thánh Lễ Truyền chức Linh mục khép lại, nhưng cũng mở ra một hành trình mới cho các Tân chức, hành trình của người mục tử gắn bó, sống chết vì đoàn chiên. Các Tân Linh mục trào dâng niềm vui trong vòng tay yêu thương của ông bà cố, quý thân nhân, ân nhân và toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Chúng ta cùng chúc mừng và cầu nguyện cho các Tân chức được ơn trung thành với thiên chức Linh mục mới đón nhận hôm nay.

Ban Truyền Thông TGP Huế
 
Văn Hóa
Em Và Bài Tình Ca Cảm Tạ
Sơn Ca Linh
08:59 08/08/2022
Mến tặng nữ ca sĩ Cecilia Thảo Ngọc vừa Nhập Đạo hôm 6.8.2022

Sáng nay em nghe đời rất lạ,
Ở đây mà cứ ngỡ xa xăm !
Đâu đó miền linh thiêng khôn tả
Như “tái sinh” từ cõi lặng thầm !

Thì ra bây giờ em chợt hiểu,
Dẫu muộn màng vẫn có hơn không” !
Ngài đã biết em từ muôn thuở,
Khi chưa là “giọt máu trong lòng” !

Ngài cho em gia đình hơi ấm,
Ngài dạy em trên gối mẹ cha,
Vào đời Ngài trao em bè bạn,
Tương lai… Ngài đã chuẩn bị xa !

Rồi em như lữ hành xuôi ngược,
Truân chuyên là kiếp phận xưa nay !
Xuyến xao, nụ cười hay nước mắt…
m thầm Ngài giữ chặt bàn tay !

Chẳng phải em, chính Ngài đã chọn,
Dìu em theo giọng hát cung đàn.
Em đã nếm những “Lời mật ngọt”,
Và em ca thần khúc cao sang !

Tình yêu, vâng tình Ngài dẫn bước,
Đưa em qua lũng tối, đêm mờ,
Hoang mạc, rừng sâu, hay suối nước…,
Và bây giờ… thảm cỏ xanh mơ !

Sáng nay cung thánh ôi huyền nhiệm
Nghe hồn choáng ngợp Nước tái sinh
Nến sáng và xiêm y diễm lệ,
Em hoà theo nhạc khúc thiên đình !

Bây giờ bỗng thấy mình bé dại,
Còn hơn, một đứa trẻ mới sinh.
Hay lửa Thánh Linh về choáng ngợp?
Mà nôn nao nhịp bước đăng trình !

Ơn Ngài, vâng lấy gì đáp trả?
Thôi thì xin chọn khúc tình ca !
Đời con là một bài cảm tạ,
Ca tụng Ngài vạn nẻo vang xa !

Sơn Ca Linh (8.8.2022)




 
VietCatholic TV
Kinh Truyền Tin – ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho đoàn hành hương gặp nạn
VietCatholic Media
03:01 08/08/2022

Chúa Nhật 7 tháng 8, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 19 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.

Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ để trấn an các ngài khỏi nỗi sợ hãi và mời gọi các ngài cảnh giác. Chúa Giêsu đề cập đến hai lời khuyên căn bản đối với môn đệ: thứ nhất là “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi” (Lc 12,32); thứ hai là, “Hãy sẵn sàng” [bản dịch theo nghĩa đen của câu 35 được sử dụng trong bản gốc tiếng Ý]. “Đừng sợ hãi” và “hãy sẵn sàng”. Chúng là hai từ khóa để chinh phục những nỗi sợ hãi đôi khi khiến chúng ta tê liệt, và để vượt qua sự cám dỗ của một cuộc sống thụ động, uể oải. “Đừng sợ hãi” và “Hãy sẵn sàng”. Chúng ta hãy xem xét hai lời mời này.

Đừng sợ. Trước hết, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ. Ngài vừa nói xong với họ về sự chăm sóc yêu thương và quan phòng của Cha, Đấng chăm sóc hoa huệ ngoài đồng và chim trời, và do đó, tất cả những điều đó còn hơn thế nữa đối với con cái của Ngài. Vì vậy, không cần phải lo lắng và băn khoăn vì cuộc sống của chúng ta nằm vững chắc trong tay Chúa. Chúng ta được khích lệ bởi lời mời gọi đừng sợ hãi của Chúa Giêsu. Thật vậy, đôi khi chúng ta cảm thấy bị giam cầm bởi cảm giác thiếu tin tưởng và lo lắng. Đó là nỗi sợ thất bại, không được thừa nhận và yêu thương, nỗi sợ không thể thực hiện được kế hoạch của mình, không bao giờ được hạnh phúc, v.v. Và vì vậy, chúng ta phải vật lộn để tìm ra giải pháp, tìm một không gian để thoát ra khỏi vòng quay, tích lũy hàng hóa và của cải, để có được sự an toàn. Và điều này sẽ đưa chúng ta đến đâu? Nó đưa chúng ta đến với những lo lắng và không ngừng lo lắng. Thay vào đó, Chúa Giêsu trấn an chúng ta: Đừng sợ! Hãy tin cậy nơi Cha, Đấng muốn ban cho anh chị em tất cả những gì anh chị em thực sự cần. Ngài đã ban cho anh chị em Con Ngài, Nước của Ngài, và Ngài sẽ luôn đồng hành với anh chị em với sự quan phòng, chăm sóc anh chị em mỗi ngày. Đừng sợ - đây là điều chắc chắn mà trái tim của anh chị em nên gắn bó! Đừng sợ - một trái tim gắn liền với sự chắc chắn này. Đừng sợ.

Nhưng biết rằng Chúa quan sát chúng ta với tình yêu thương không cho phép chúng ta ngủ gật, và để mình bị khuất phục trước sự lười biếng! Ngược lại, chúng ta phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác. Thật vậy, yêu có nghĩa là quan tâm đến đối phương, nhận thức được nhu cầu của người ấy, sẵn sàng lắng nghe và chào đón, sẵn sàng.

Lời thứ hai. Hãy sẵn sàng. Đây là lời mời thứ hai trong ngày hôm nay. Đây là sự khôn ngoan của Kitô hữu. Chúa Giêsu lặp lại lời mời này nhiều lần. Và hôm nay Ngài làm như vậy qua ba dụ ngôn ngắn, xoay quanh chủ nhân của một ngôi nhà, người đầu tiên, người bất ngờ trở về sau một bữa tiệc cưới; thứ hai, không muốn bị bất ngờ bởi những tên trộm; và thứ ba, trở về sau một cuộc hành trình dài. Thông điệp trong tất cả những dụ ngôn này là cần phải tỉnh thức, không được ngủ quên, nghĩa là không được phân tâm, không được chiều theo sự nhàn rỗi bên trong, vì Chúa đến ngay cả trong những tình huống mà chúng ta không mong đợi về Người. Chăm chú hướng với Chúa, đừng ngủ quên. Chúng ta cần phải cảnh giác.

Và vào cuối cuộc đời của chúng ta, Ngài sẽ gọi chúng ta để hạch toán hàng hóa mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. Do đó, cảnh giác cũng có nghĩa là có trách nhiệm, nghĩa là bảo vệ và quản lý những hàng hóa đó một cách trung thực. Chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ: cuộc sống, niềm tin, gia đình, các mối quan hệ, công việc, mà còn cả những nơi chúng ta sống, thành phố của chúng ta, sự sáng tạo. Chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ. Chúng ta hãy thử tự hỏi: Chúng ta có chăm sóc cơ nghiệp Chúa đã để lại cho chúng ta không? Chúng ta có bảo vệ vẻ đẹp của nó hay chúng ta sử dụng những thứ chỉ cho bản thân và cho sự thuận tiện trước mắt của chúng ta? Chúng ta phải suy nghĩ một chút về điều này - chúng ta có phải là những người bảo vệ sự sáng tạo đã được ban cho chúng ta?

Thưa anh chị em, chúng ta hãy bước đi mà không sợ hãi, với niềm tin chắc rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Và chúng ta hãy tỉnh thức kẻo chúng ta ngủ quên khi Chúa đi ngang qua. Thánh Augustinô từng nói: “Tôi sợ Chúa đi ngang qua và tôi không nhận ra”. Đừng ngủ, và không để ý rằng Chúa đi ngang qua. Nhưng hãy cảnh giác! Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp đỡ chúng ta, những người đã chào đón cuộc viếng thăm của Chúa và sẵn sàng và quảng đại nói: “Tôi đây”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn chào đón một cách hài lòng khi thấy những con tàu đầu tiên chở đầy ngũ cốc rời khỏi các cảng của Ukraine. Bước này chứng tỏ rằng có thể đối thoại và đạt được kết quả cụ thể vì lợi ích của mọi người. Do đó, sự kiện này cũng tự thể hiện như một dấu chỉ của hy vọng, và tôi thành thật hy vọng rằng, theo hướng này, chiến tranh có thể kết thúc và một nền hòa bình công bằng và lâu dài có thể đạt được.

Tôi rất buồn khi biết về vụ tai nạn xe hơi xảy ra vào sáng ngày hôm qua ở Croatia. Một số người hành hương đến Medjugorje đã mất mạng và những người khác bị thương. Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho tất cả họ và cho những người thân của họ.

Hôm nay là ngày cuối cùng của Cuộc Hành hương Giới trẻ Âu Châu đến Santiago de Compostela bị hoãn lại từ Năm Thánh Compostela năm ngoái. Với niềm vui, tôi chân thành chúc phúc cho từng bạn trẻ đã tham gia, và tôi cũng chúc phúc cho tất cả những người đã làm công tác tổ chức và đồng hành cùng sự kiện này. Cầu chúc cho cuộc sống của anh chị em luôn là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình với Chúa Giêsu, một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa và hướng về anh chị em của mình, một cuộc hành trình phục vụ và trong niềm vui!

Và bây giờ tôi gửi lời chào đến anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt là các tín hữu đến từ Malta. Tôi chào đón nhóm từ Crevalcore, những người trẻ từ giáo phận Verona, và những người từ Phòng thí nghiệm “Don Bosco” ở Tollmezzo.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Ukraine trước viễn tượng bị 100.000 quân Bắc Hàn tấn công. Tuyên bố của Mỹ, Estonia, và Thụy Điển
VietCatholic Media
03:08 08/08/2022


1. Thủy Quân Lục Chiến Ukraine tập kích quân Nga phá hủy kho vũ khí ở vùng Donetsk. Giao tranh ở miền Nam Ukraine

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 8 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã bất ngờ tập kích một kho vũ khí của Nga trong ngày Chúa Nhật. Vụ tấn công đã dẫn đến việc loại khỏi vòng chiến khoảng 15 binh sĩ Nga và làm nổ tung một kho vũ khí của đối phương trước khi rút lui.

Thủy Quân Lục Chiến cũng làm rõ vị trí của quân Nga trước khi kêu gọi pháo binh của Hải Quân tấn công vào các cứ điểm này. Những thiệt hại của đối phương đang được làm rõ.

Ở phía nam, các lực lượng phòng thủ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 24 binh sĩ Nga, phá hủy sáu đơn vị thiết bị và một kho đạn dược trong ngày Chúa Nhật.

“Tình hình trên hướng Nam Buh đang dần căng thẳng, nhưng đã được lực lượng phòng thủ khống chế. Quân Nga tập trung lực lượng chủ yếu để ngăn chặn bước tiến của quân ta và tổ chức phòng tuyến. Địch cố gắng tiến hành trinh sát bằng máy bay không người lái, tiếp tục bắn hỏa tiễn từ các cỗ pháo và xe tăng dọc theo toàn giới tuyến.”

Máy bay cường kích và một cặp máy bay trực thăng của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành ba cuộc tấn công vào một cụm vũ khí và trang thiết bị của đối phương và một cứ điểm ở quận Kherson cũng như một cứ điểm khác ở quận Beryslav.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã mất 24 binh sĩ, một xe tăng T-62 và 5 xe nữa. Một kho đạn đã bị phá hủy ở khu vực Charivne thuộc quận Beryslav của vùng Kherson. Tổn thất cuối cùng của quân Nga đang được xác định cụ thể.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 7 tháng 8, các lực lượng Ukraine đã tiêu diệt khoảng 42.200 quân xâm lược Nga. Riêng trong ngày Chúa Nhật 7 tháng 8, khoảng 300 binh lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

2. Viễn tượng Bắc Hàn đưa 100.000 quân sang chiến đấu chống Ukraine.

Như chúng tôi đã đưa tin, một chuyên gia quốc phòng hàng đầu ở Mạc Tư Khoa, Đại Tá Igor Korotchenko, nói với kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya 1 rằng “Bình Nhưỡng sẽ có thể chuyển các đơn vị chiến thuật của mình đến Donbas. Chúng ta không nên ngại ngùng chấp nhận sự chìa tay ra giúp đỡ chúng ta của Kim Chính Ân.”

Anh ta nói thêm rằng “Nếu các tình nguyện viên Triều Tiên với hệ thống pháo binh của họ, giàu kinh nghiệm về chiến tranh phòng không và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt cỡ lớn, được sản xuất tại Triều Tiên, muốn tham gia vào cuộc xung đột, thì chúng ta hãy bật đèn xanh cho động lực tình nguyện của họ. Nếu Triều Tiên bày tỏ mong muốn đáp ứng nghĩa vụ quốc tế chống lại chủ nghĩa phát xít Ukraine, chúng ta nên để họ làm. DPR và LPR có chủ quyền để ký các thỏa thuận liên quan”.

Mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên có từ năm 1948, khi Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Trong chiến tranh Triều Tiên, Quân đội Nhân dân Triều Tiên được sự hỗ trợ của Liên Xô.

Mối quan hệ giữa hai nước vẫn tiếp tục ngay cả sau khi Liên Xô tan rã, với việc Vladimir Putin coi trọng nó hơn khi ông được bầu làm tổng thống vào năm 2000. Kim Chính Ân đã nhận lời mời thăm Nga vào năm 2015, và hai người đã gặp nhau ở Vladivostok - vào năm 2019.

Khi Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Triều Tiên là một trong 5 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược.

Triều Tiên cũng trở thành quốc gia thứ ba công nhận nền độc lập của hai quốc gia ly khai là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine - vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm giữ trong cuộc xâm lược.

Ukraine đã phản ứng bằng cách cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.

Tất cả các yếu tố này gom lại có thể cho thấy tuyên bố của Igor Korotchenko có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho rằng viễn tượng đưa 100.000 quân sang chiến đấu chống Ukraine là chuyện nằm mơ của Mạc Tư Khoa.

Ngay trong cuộc phỏng vấn được phát trên kênh Rossiya 1 của Nga, chính bản thân các ký giả Nga cũng bày tỏ rằng họ không mấy tin vào một chuyện này. Igor Korotchenko khét tiếng tung ra các tin giả, và một chuyện quan trọng như thế lẽ ra phải là một bí mật quốc phòng không thể mang ra bàn cãi trước công chúng. Igor Korotchenko từng là một Đại Tá nhưng đã bị đuổi khỏi quân đội Nga, khó lòng biết được một tin tức hệ trọng như thế.

Trong thực tế, quân đội Triều Tiên của Kim Chính Ân, cũng chẳng giàu kinh nghiệm về chiến tranh như Korotchenko mô tả. Thực chất sau khi nhập ngũ họ dành hầu hết thời gian trong các nông trại, lao động sản xuất phục vụ Đảng Cộng sản Triều Tiên.

Từ lâu, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã coi Nga là một nước Cộng Hòa đại nghị không phải là một quốc gia cộng sản như họ. Và ngay vào lúc này, Nga cũng tuân theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để trừng phạt họ. Hy sinh xương máu đánh nhau với Ukraine vì ý thức hệ “chống phát xít” là chuyện viễn vông, không có trong ý thức của họ.

Theo các đồng nghiệp Ukraine, Igor Yuryevich Korotchenko sinh ngày 15 tháng 2 năm 1960, tại Riga, Latvia, trong một gia đình cha mẹ đều là người Nga. Sau khi Latvia độc lập khỏi Liên Xô, Korotchenko di cư sang Nga, đăng lính và theo học tại Trường Kỹ thuật Hàng không Quân sự Tambov.

Sau khi tốt nghiệp, Korotchenko phục vụ trong xưởng sửa chữa của Không quân Liên Xô, sau đó được bổ nhiệm vào toán bảo mật với nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin liên lạc trong Bộ Tổng tham mưu. Anh ta là Chủ tịch Hội đồng Công vụ thuộc Bộ Quốc phòng Nga từ ngày 8 tháng 2 năm 2012 đến ngày 24 tháng 4 năm 2013. Từ năm 2003 đến năm 2010, anh ta là Tổng biên tập tuần báo Chuyển phát nhanh Quân sự Công nghiệp. Anh ta tự xưng là chuyên gia quân sự và là giám đốc Trung tâm phân tích hoạt động buôn bán vũ khí thế giới và là tổng biên tập tạp chí Quốc phòng. Anh ta khét tiếng với những tuyên bố gây hấn đối với những nước phản đối Nga và những cá nhân chỉ trích Điện Cẩm Linh.

Năm 2014, sau một loạt các rắc rối liên quan đến tài chính, Đại Tá Korotchenko đã bị sa thải khỏi quân đội theo Điều 49 của Luật Liên bang Nga vì bị coi là một quân nhân không còn “đáp ứng được các yêu cầu do luật quy định”.

Sau khi bị loại khỏi quân đội, Korotchenko kiếm sống bằng nghề ký giả, tự xưng là một “chuyên gia chính sách đối ngoại” trên các chương trình truyền hình tuyên truyền của Nga.

Trưởng công tố Ukraine Iryna Venediktova cáo buộc Igor Korotchenko tội kích động chiến tranh và hận thù, xuyên tạc sự thật, từ đó góp phần giết hại dân thường và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Iryna Venediktova lưu ý rằng trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Igor Korotchenko đã từng kêu gọi sát hại Mikheil Saakashvili, cựu tổng thống Gieorgia và các chính trị gia Ukraine.

Korotchenko nhận được đơn đặt hàng của nhà nước trị giá hàng triệu rúp từ các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng cho các hoạt động tuyên truyền của mình.

3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận định: Không ai trên thế giới có thể cảm thấy an toàn khi nhà nước khủng bố khai hỏa tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia

Không ai trên thế giới có thể cảm thấy an toàn khi một nhà nước khủng bố Nga bắn cháy nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu hàng đêm của mình với quốc dân đồng bào. Ông nói: “Hôm nay tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel. Tôi đã thông báo cho anh ta về tình hình trên chiến trường, về mối đe dọa mà Nga tạo ra khi tấn công từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia. Không có quốc gia nào như vậy trên thế giới có thể cảm thấy an toàn khi một nhà nước khủng bố bắn vào nhà máy hạt nhân.”

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng có nguyên tắc trước các cuộc tấn công của Nga vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.

“Lạy Chúa, nếu một điều gì đó không thể sửa chữa xảy ra, không ai có thể cản gió sẽ làm lây lan ô nhiễm phóng xạ. Do đó, cộng đồng quốc tế cần phải đưa ra phản ứng có nguyên tắc đối với các cuộc tấn công của Nga nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia - lớn nhất ở Âu Châu - ngay bây giờ.”

4. Nga pháo kích vào hàng chục thị trấn

Quân đội Ukraine cho biết các cuộc pháo kích của Nga đã được ghi nhận tại hàng chục thị trấn dọc theo chiến tuyến phía đông và phiá nam.

Trong video gởi quốc dân đồng bào hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các lực lượng Nga đã pháo kích vào hàng chục thị trấn tiền tuyến và đang cố gắng tấn công vào 6 khu vực khác nhau trong khu vực Donetsk, tất cả đều không giành được bất kỳ lãnh thổ nào và bị lực lượng Ukraine kìm hãm.

Các phương tiện truyền thông Ukraine cũng ghi nhận rằng trong 72 giờ sau khi bà nữ Trung Tá Olga 'Kursa' Kachura, bị bắn chết, lần đầu tiên người dân Avdiivka không nghe thấy tiếng pháo kích trong đêm. Họ thức dậy khoẻ khoắn, hài lòng thấy mình vẫn còn sống. Có lẽ trong thâm tâm những người lính pháo binh, họ cũng không muốn pháo kích giết oan dân lành nếu không bị người đàn bà ác ôn này thúc ép.

Ông Volodymyr Zelenskiy cho biết, trong tuần qua, lực lượng của họ đã “đạt được những kết quả mạnh mẽ” trong việc phá hủy các nguồn cung cấp hậu cần và căn cứ hậu phương của Nga.

“Mỗi cuộc tấn công vào kho đạn của kẻ thù, vào các sở chỉ huy của chúng và tích lũy thiết bị của Nga đã cứu mạng sống của tất cả chúng ta, mạng sống của quân đội và dân thường Ukraine.”

5. Estonia kêu gọi Nga ngừng khủng bố hạt nhân ở Zaporizhzhia

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu đã kêu gọi Liên bang Nga ngừng pháo kích từ lãnh thổ của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ngoại trưởng Urmas Reinsalu nói: “Nga phải ngay lập tức ngừng khủng bố hạt nhân ở Zaporizhzhia và bàn giao tất cả các cơ sở điện hạt nhân ở Ukraine cho phía Ukraine”.

Tối 6/8, quân xâm lược Nga một lần nữa nã rocket từ địa điểm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và thành phố Enerhodar.

6. Thụy Điển huấn luyện binh sĩ Ukraine ở Anh

Quân đội Thụy Điển sẽ cử tới 120 giảng viên quân sự đến Vương quốc Anh để huấn luyện quân đội Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist đã cho biết như trên.

Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết: “Từ ngày 12 tháng 8 đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, Lực lượng vũ trang Thụy Điển sẽ cử tới 120 giáo viên hướng dẫn tới Vương quốc Anh để tiến hành huấn luyện quân sự cơ bản cho công dân Ukraine, chia thành nhiều khóa huấn luyện.”

Theo Bộ Quốc phòng Thụy Điển, sáng kiến cung cấp huấn luyện quân sự cơ bản cho công dân Ukraine đến Anh - quốc gia đã mời các quốc gia đối tác khác trong Liên Hiệp Âu Châu và Canada đóng góp. “Chính phủ hiện đã quyết định rằng Thụy Điển sẽ đóng góp bằng cách đào tạo binh sĩ Ukraine”.

Tổng cộng, khoảng 10.000 công dân Ukraine dự kiến sẽ tham gia chương trình đào tạo tại Vương quốc Anh. Tối đa 60 giảng viên người Thụy Điển sẽ đồng thời đến Vương quốc Anh - điều này dự kiến sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đến các hoạt động khác của Lực lượng vũ trang Thụy Điển.

Bộ trưởng Peter Hultqvist nói: “Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã diễn ra trong hơn 5 tháng và điều vô cùng quan trọng là phần còn lại của thế giới tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến giành chủ quyền và quyền tự quyết. Điều quan trọng là Thụy Điển là một phần của những nỗ lực này và các giảng viên Thụy Điển sẽ góp phần tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine”.

7. Blinken nói Nga phải đảo ngược việc công nhận Abkhazia, và Nam Ossetia

Nhân kỷ niệm ngày Nga tấn công Gieorgia vào ngày 8 tháng 8 năm 2008, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã ra tuyên bố lên án hành động xâm lược của Nga và nhấn mạnh tình đoàn kết với các dân tộc Gieorgia và Ukraine đang tiếp tục hứng chịu sự chiếm đóng.

Tuyên bố cho biết: “Mười bốn năm trước, ngày này, Nga đã xâm lược quốc gia có chủ quyền là Gieorgia”.

Hoa Kỳ tưởng nhớ những người thiệt mạng và bị thương bởi các lực lượng Nga.

“Năm nay, việc Nga tiếp tục xâm lược Ukraine một cách vô cớ nhấn mạnh sự cần thiết của tình đoàn kết với người dân Georgia và Ukraine. Người dân Gieorgia đều biết quá rõ những hành động gây hấn của Nga, bao gồm thông tin sai lệch, cái gọi là 'biên giới hóa' và dịch chuyển hàng loạt gây ra những khó khăn và tàn phá không thể kể xiết.”

Ông nói thêm rằng Nga phải chịu trách nhiệm về những cam kết mà nước này đã thực hiện theo lệnh ngừng bắn năm 2008 - rút lực lượng của mình đến các vị trí trước xung đột và cho phép tiếp cận không điều kiện để cung cấp hỗ trợ nhân đạo. Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng Nga phải đảo ngược việc công nhận các khu vực Abkhazia và Nam Ossetia của Gieorgia.

Ngoại trưởng Blinken nói: “Đây là điều cần thiết để hàng trăm nghìn người phải di dời trong nước có thể trở về nhà của họ một cách an toàn và đàng hoàng.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đưa ra một tuyên bố liên quan đến lễ kỷ niệm ngày Nga chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Gieorgia. Kyiv nói rằng họ ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gieorgia trong các biên giới được quốc tế công nhận
 
Tin dữ: Đoàn hành hương Mễ Du của Ba Lan gặp nạn 12 người thiệt mạng bao gồm 3 linh mục và 6 nữ tu
VietCatholic Media
05:17 08/08/2022


1. Mười hai người đã thiệt mạng sau một chiếc xe buýt chở những người hành hương Ba Lan - bao gồm ba linh mục và sáu nữ tu

12 người đã thiệt mạng sau khi một chiếc xe buýt chở những người hành hương Ba Lan lao khỏi một con đường ở Croatia hôm thứ Bảy 6 tháng 8.

Tất cả 31 hành khách còn sống đều bị thương, một số người đang phải chiến đấu để giành lấy sự sống của họ trong bệnh viện.

Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết các hành khách đều là những người lớn mang quốc tịch Ba Lan.

Chuyến đi do nhóm Công Giáo Anh Em của Thánh Giuse tổ chức, bao gồm ba linh mục và sáu nữ tu. Họ đang đi du lịch đến Medjugorje, một đền thờ Công Giáo ở Bosnia.

Chiếc xe buýt rẽ khỏi đường A4 giữa Jarek Bisaski và Podvorec, về phía đông bắc của Zagreb, và chiếc xe đã lao vào một con mương ven đường.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 05:40 chiều giờ địa phương.

Thủ tướng Croatia Andrej Plenković bày tỏ lời chia buồn với gia đình các nạn nhân, đồng thời cho biết thêm trong một bài đăng trên Twitter rằng các dịch vụ khẩn cấp đang làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ.

Hai bộ trưởng Ba Lan đang trên đường công du Croatia sau khi vụ việc xảy ra.

Mười hai người đã thiệt mạng sau một chiếc xe buýt chở những người hành hương Ba Lan - bao gồm ba linh mục và sáu nữ tu.
Source:SismoInfo

2. Hỗ trợ của Tổng giáo phận Zagreb cho gia đình của những người hành hương Ba Lan thiệt mạng trong tai nạn giao thông ở Croatia

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào sáng sớm ngày 6 tháng 8, gần Breznički Hum ở Croatia, gợi lên trong chúng ta sự thương cảm đối với gia đình những người hành hương Ba Lan thiệt mạng và sự quan tâm giúp đỡ các nạn nhân và gia đình của họ, Caritas của Tổng giáo phận Zagreb cho biết như trên.

Một số nạn nhân đã được chăm sóc tại các bệnh viện Zagreb, nơi họ được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết. Theo quyết định của Đức Hồng Y Josip Bozanić, Tổng Giám Mục Zagreb, Caritas của Tổng Giáo Phận Zagreb cung cấp khả năng liên quan đến chỗ ở cho các thành viên gia đình của những người hành hương thiệt mạng.

Nữ tu Jelena Lončar, giám đốc Caritas của Tổng giáo phận Zagreb, cho biết:

“Zagreb Caritas sẵn sàng cung cấp chỗ ở cần thiết trong các cơ sở của mình ở Vukomerc và trong Ngôi nhà Thanh niên dành cho lễ hội Selska cho các thành viên gia đình của những người hành hương đang hồi phục sau chấn thương, cũng như các hỗ trợ cần thiết khác. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả những người bị thương sẽ nhanh chóng bình phục và trở về với gia đình của họ, và chúng tôi cầu nguyện cho sự bình phục của họ”.

Caritas của Tổng giáo phận Zagreb mời mọi người - những người tình nguyện - biết tiếng Ba Lan liên hệ với chúng tôi để liên lạc dễ dàng hơn.


Source:The Guardian

3. Đức Tổng Giám Mục Justin Welby: Nhiều người Anh giáo coi Đức Giáo Hoàng là cha của Giáo Hội Tây phương

Theo một báo cáo của Katholisch.de, Tổng giám mục Canterbury và là Giáo Chủ Anh giáo, Justin Welby, nói với các nhà báo ở London rằng “Nhiều người trong Giáo hội Anh, dù không công nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng, vẫn coi ngài là cha của Giáo hội Tây phương”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên khi tham dự Hội nghị Lambeth, một cuộc tập hợp của tất cả các giám mục Anh giáo trên thế giới cứ mỗi 10 năm một lần. Ngài cũng tuyên bố rằng “đại kết là một trong những thách thức lớn nhất” và “rất xấu hổ vì chúng ta đã không đạt được nhiều tiến bộ hơn” trên mặt trận này.

Đức Tổng Giám Mục Welby nói rằng cần phải có một khởi đầu mới để kết thúc điều thường được gọi là “mùa đông đại kết”. Về chuyến đi đến Nam Sudan với Đức Thánh Cha Phanxicô, lẽ ra sẽ diễn ra vào tháng Bảy nhưng sau đó đã bị hủy bỏ, ngài nói rằng nó sẽ được tổ chức ngay khi sức khỏe của Đức Giáo Hoàng cho phép.

Hội nghị Lambeth kỳ này đã cho thấy sự rối loạn của Anh Giáo với một số lớn các Giám Mục ở Phi Châu không tham dự và một số Giám Mục khác tham dự nhưng không rước lễ và tuyên bố rằng các vị không hiệp thông với các Giám Mục khác. Nguyên nhân trực tiếp là mưu toan của một số Giám Mục nhằm loại bỏ một tuyên bố trước đó của Anh Giáo được gọi là tuyên bố Lambeth 1.10 được công bố vào năm 1998 ủng hộ giáo lý Công Giáo.

Theo Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2357 “Dựa trên Thánh Kinh vẫn lên án chúng là những hành vi suy đồi nghiêm trọng. Truyền thống luôn luôn tuyên bố ‘những hành vi đồng tính là thác loạn từ bản chất của chúng’. Những hành vi này nghịch với luật tự nhiên. Chúng đóng cửa không cho hành vi tính dục ban tặng sự sống. Chúng không xuất phát từ một sự bổ khuyết cho sinh hoạt tình cảm và tính dục thật sự. Chúng không thể được chấp nhận trong bất cứ trường hợp nào.”

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, của Canterbury và lãnh đạo giáo hội Anh giáo toàn cầu, đã tìm cách xoa dịu các giám mục bảo thủ trên khắp thế giới bằng cách “khẳng định tính hợp lệ” của tuyên bố năm 1998 theo đó quan hệ tình dục đồng tính là tội lỗi.

Ngài nói với hơn 650 giám mục tham dự hội nghị Lambeth được tổ chức một thập kỷ một lần rằng, đối với “phần lớn” những người Anh giáo bảo thủ, việc đặt câu hỏi về giáo huấn trong Kinh thánh là điều “không thể tưởng tượng nổi”.

Đức Cha Welby nói: “Ở nhiều quốc gia, điều đó sẽ khiến Giáo Hội trở thành nạn nhân của sự chế nhạo, khinh thường và thậm chí là tấn công. Đối với nhiều Giáo Hội, thay đổi cách giảng dạy truyền thống thách thức chính sự tồn tại của họ”.

Trong một bức thư gửi cho các giám mục ngay trước khi được mô tả là một “cuộc thảo luận mạnh mẽ” về tình dục, Đức Cha Welby nói rằng nghị quyết năm 1998, được gọi là Lambeth 1.10, là tuyệt đối “không thể nghi ngờ”.

Nhưng ngài cũng chỉ ra rằng ngài sẽ không dùng thẩm quyền của mình để kỷ luật hoặc loại trừ các Giáo Hội - bao gồm cả những Giáo Hội ở Tô Cách Lan, xứ Wales và Hoa Kỳ - là những nơi cử hành phép hôn phối hoặc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính.
Source:Katholisch.de
 
Putin tái mặt: Trùm Đặc Vụ Nga cho chiến trường Ukraine tử trận. Con chống chữ Z, cha mẹ ngồi tù
VietCatholic Media
17:00 08/08/2022


1. Tư lệnh Đặc Vụ Nga cho chiến trường Ukraine tử trận

Trong cuộc họp báo tại Trung Tâm Báo Chí Kyiv vào chiều thứ Hai 8 tháng 8, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết một chỉ huy cấp cao của Đặc Vụ Nga, gọi tắt là FSB, đã trở thành sĩ quan cấp tá mới nhất của Nga bị giết ở Ukraine, trong bối cảnh có thông tin Vladimir Putin đã sa thải 6 tướng Nga do những thất bại trên chiến trường Ukraine.

FSB, được thành lập vào năm 1995, là kế thừa của cơ quan đặc vụ khét tiếng KGB trong thời kỳ Liên Xô. Các trách nhiệm chính của nó là ở trong nước và bao gồm các hoạt động chống tình báo, an ninh nội bộ và biên giới, chống khủng bố và điều tra một số loại tội phạm nghiêm trọng. Nó có trụ sở chính tại Quảng trường Lubyanka, trung tâm của Mạc Tư Khoa, trong tòa nhà chính của KGB trước đây. Giám đốc của FSB do Tổng thống Nga bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trực tiếp với ông ta.

Năm 2003, trách nhiệm của FSB được mở rộng bằng cách kết hợp Dịch vụ Biên phòng và một bộ phận của Cơ quan Liên bang về Thông tin và Truyền thông Chính phủ. Từ đó, hoạt động của FSB cũng bao gồm các hoạt động tình báo ở các quốc gia từng là thành viên của Liên Xô.

Theo phát ngôn nhân của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, trong một cáo phó của FSB được đưa ra vào ngày thứ Hai 8 tháng 8, cơ quan này nhìn nhận Trung tá Nikolay Aleksandrovich Gorban, 36 tuổi, Tư Lệnh lực lượng đặc biệt Spetsnaz của FSB đã tử trận vào ngày 2 tháng 8. Theo tài liệu của phía Ukraine, trước khi được cử sang hoạt động tại Ukraine, Trung tá Nikolay Gorban là trưởng phòng 4 của cục tác chiến đặc biệt của FSB. Anh ta đã từng chiến đấu trên chiến trường Syria và nhận được hai anh dũng bội tinh, trước khi chuyển ngành sang công an.

Truyền thông Ukraine cho biết Gorban là chỉ huy cấp cao mới nhất của Nga thiệt mạng trên chiến trường - và là sĩ quan cấp cao nhất mà FSB đã mất trong cuộc chiến cho đến nay.

Cáo phó của FSB bày tỏ sự thương tiếc về sự mất mát của ông, và cho biết ông đã tham gia vào việc tiến hành các hoạt động chiến đấu và hoạt động tình báo ở cả Nga và nước ngoài.

'Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, anh ấy đã chứng tỏ mình là một sĩ quan dũng cảm, mưu trí. Anh ấy tự hào về sự phục vụ của mình trong lực lượng FSB Nga.”

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine nhấn mạnh rằng Trung tá Nikolay Gorban là sĩ quan FSB cao cấp nhất bị giết cho đến nay nhưng không phải là sĩ quan duy nhất của FSB bị giết tại Ukraine. Trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược vào Ukraine, Trung tá Cục trưởng Cục A là Oleksiy Volodymyrovych Kryukov đã bị quân Ukraine bắn chết. Vào ngày 17 tháng 6, sĩ quan tác chiến cấp cao của Cục A, Đại úy Ilya Mykolayovych Tsuprik bí danh “Termit” đã thiệt mạng trong một cuộc giao tranh với cơ quan tình báo quân đội Ukraine, gọi tắt là SBU.

2. Ukraine tuyên bố đã đẩy lùi tất cả các cuộc tấn công trên bộ của Nga ở Donetsk

Trong bản báo cáo tối thứ Hai 8 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết, mặc dù đã bắn phá tàn khốc các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, các lực lượng Nga đã không đạt được tiến bộ nào ở Donetsk.

Trong 24 giờ qua, quân Nga đã tiến hành các trận tấn công ở một số khu vực nhưng đã bị tổn thất nặng và rút lui. Người Ukraine vẫn đang bảo vệ các ngôi làng cách biên giới Donetsk-Luhansk vài km và cho biết họ đã đánh trả một cuộc tấn công của Nga gần Verkhnokamyanske.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết các cuộc pháo kích lớn tiếp tục diễn ra ở phía bắc Sloviansk. Mặt trận này gần như yên tĩnh trong hai tháng sau khi người Nga chịu nhiều tổn thất. Tại các khu định cư xung quanh Bakhmut, người Nga cũng đã sử dụng máy bay tấn công. Đối phương tiếp tục tiến hành trinh sát nhưng các nhóm trinh sát của quân Nga đã bị phát hiện và vô hiệu hóa trong các khu vực định cư Bakhmut và Yakovlivka. Quân Nga đã cố gắng mở các cuộc tấn công thăm dò vào phía nam của Bakhmut, nhưng không thành công và rút lui. Các lực lượng Nga cũng đã cố gắng lấn chiếm ở phía tây sân bay của thành phố Donetsk nhưng đã rút lui sau khi chịu nhiều tổn thất”.

Bộ Tổng tham mưu cho biết thêm về phía nam, nhiều khu định cư ở Zaporizhzhia đã bị pháo kích và không kích.

Tại khu vực Dnipropetrovsk, Valentyn Reznichenko, người đứng đầu cơ quan quân sự, cho biết hỏa tiễn của Nga đã bắn vào các quận Nikopol và Kryvyi Rih.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Tổng số thiệt hại chiến đấu của quân Nga từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 8 tháng 8 lên tới gần 42.340 quân nhân, trong đó sơ khởi có 140 người trong ngày qua”, tuyên bố viết.

Đối với các thiết bị quân sự bị phá hủy, con số như sau: 1.811 xe tăng, 4.070 xe chiến đấu bọc thép, 960 hệ thống pháo, 261 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 132 hệ thống phòng không, 223 máy bay chiến đấu, 192 trực thăng, 754 máy bay không người lái cấp chiến thuật và hoạt động, 182 hỏa tiễn hành trình, 15 tàu chiến, 2.993 xe tải và tàu chở dầu, và 86 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

3. Lực lượng Ukraine tấn công cầu Antonivsky và Kakhovsky

Trong bản báo cáo tối thứ Hai 8 tháng 8, cô Nataliya Humeniuk, người đứng đầu trung tâm điều phối báo chí của Bộ chỉ huy hoạt động phía Nam, cho biết hôm Chúa Nhật quân Ukraine đã pháo kích vào hai cây cầu Antonivsky và Kakhovsky, sau khi phát hiện công binh Nga đang cố gắng sửa chữa hai cây cầu này để tiếp viện cho Kherson.

“Chúng tôi đã tấn công theo cùng một cách trong vài ngày qua ở khu vực này và điều đó đã mang lại kết quả. Chúng tôi đã đánh trúng các mục tiêu khá quan trọng, cả cầu Antonivsky và Kakhovsky,” Humeniuk nói.

Cả hai cây cầu này đều là những cây cầu rất tốn kém trong việc xây dựng. Chính vì thế, người Ukraine không muốn phá hủy mà chỉ muốn phá mặt cầu để xe cộ không thể qua lại, đặc biệt là xe tăng và các xe chở hàng. Từ cuối tháng 6 vừa qua, sau khi nhận được các hệ thống HIMARS, quân Ukraine mới dám nghĩ đến chuyện tấn công vào các cây cầu quan trọng này.

Cô Nataliya Humeniuk nói thêm rằng một số kho đạn cũng đã bị phá hủy trong 24 giờ qua.

“Chúng tôi đang xác minh kết quả để xem cú đánh nào là của quân đội và cú đánh nào là của các du kích quân. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng phong trào phản kháng ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cũng rất mạnh mẽ,” Humeniuk nói.

Cô nhấn mạnh rằng việc pháo kích vào các cây cầu này ảnh hưởng lớn đến tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội Nga.

4. Thêm hai tàu chở ngũ cốc dự kiến rời cảng Ukraine trong ngày thứ Hai

Các tàu chở hàng khô Arizona và Sacura chở ngũ cốc xuất khẩu dự kiến sẽ rời các cảng “Chornomorsk” và “Pivdenne” vào hôm thứ Hai 8 tháng 8.

“Hai tàu chở ngũ cốc dự kiến sẽ rời các cảng Ukraine vào ngày 8 tháng 8. Việc đưa Sacura và Arizona qua hành lang ngũ cốc đã được Trung tâm điều phối chung chấp thuận,” Ông Serhiy Bratchuk, Phát ngôn nhân của Cục quản lý quân sự khu vực Odesa, cho biết như trên.

Theo ông, tầu Sacura chở 11.000 tấn đậu nành sẽ đến Ý. Trong khi đó, tầu Arizona sẽ cung cấp 48,4 tấn ngô từ Chornomorsk đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Như đã đưa tin, Trung tâm Điều phối chung ở Istanbul đã cấp giấy phép cho ba tàu chở 58.041 tấn ngô qua hành lang nhân đạo trên biển.

5. Thị trưởng tiền tuyến của Ukraine cho biết hơn 100 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến trong một cuộc tấn công HIMARS

Thị trưởng một thành phố ở Ukraine tuyên bố những nỗ lực của binh sĩ Ukraine đang gây khó khăn cho lực lượng Nga và làm người Nga mất tinh thần trước cuộc phản công tái chiếm Kherson.

Ivan Fedorov, thị trưởng của Melitopol, đã trả lời Telegram vào sáng thứ Hai và cho biết hôm Chúa Nhật 7 tháng 8, hơn 100 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công sử dụng “HIMARS, tức là Hệ thống hỏa tiễn cơ động có độ chính xác cao”.

Thị trưởng Ivan Fedorov nói: “Hôm qua, hỏa tiễn HIMARS có độ chính xác cao đã bắn vào các điểm triển khai tạm thời của lực lượng chiếm đóng tại các khu công nghiệp ở các quận khác nhau của thành phố Melitopol”

Phát biểu với Newsweek, Fedorov nói rằng một trong những căn cứ Nga được nhắm tới là một sân bay quân sự cũ ở rìa thành phố, trong khi căn cứ còn lại là một nhà máy cũ đang được sử dụng làm kho quân sự.

Ông nói thêm rằng các lực lượng Ukraine có thể tìm hiểu về vị trí của các căn cứ này thông qua các du kích trong thành phố. “Theo ước tính sơ bộ, một lượng đáng kể thiết bị quân sự đã bị phá hủy. Hơn 100 binh sĩ Nga, những người đang ở trong doanh trại tạm thời vào đêm hôm đó, đã nhận được vé tham dự buổi hòa nhạc ở Kobzon, và cha mẹ của họ đang chọn mẫu và màu sắc của chiếc xe Lada”.

Cụm từ “vé xem buổi hòa nhạc Kobzon” đã được sử dụng bởi các binh sĩ và quan chức Ukraine để chỉ Iosif Kobzon, một ca sĩ sinh ra ở Ukraine nhưng nổi tiếng ở Nga. Ông được nhiều người mệnh danh là “Sinatra của Liên Xô” và qua đời vào năm 2018. Nhận được vé xem buổi hòa nhạc nghĩa là tử trận. Khi một binh lính tử trận thì người nhà được lãnh tiền tử. Có tiền thì họ chọn mẫu và màu sắc của chiếc xe Lada.

Ông cho biết thêm “Tuần trước, quân chiếm đóng đã phải tái bố trí lại một phần đáng kể lực lượng phòng không từ Melitopol đưa sang Kherson” vì tại Kherson quân Nga bị thiệt mất nhiều kho đạn đến mức mất khả năng phòng không và đành chịu để cho các chiến đấu cơ Ukraine mặc tình oanh tạc.

“Đêm nay cho thấy các đơn vị phòng không hiện có của đối phương không còn khả năng chống lại HIMARS”.

“Sự suy yếu của hệ thống phòng không tạo ra những điều kiện tiên quyết cần thiết cho một cuộc phản công thành công theo hướng Melitopol.”

Ông cũng nói thêm rằng HIMARS đang chứng tỏ sự tích cực như thế nào trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga.

“HIMARS đang giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Kể từ khi HIMARS bắt đầu hoạt động ở Ukraine, ở Melitopol, chúng tôi đã phá hủy nhiều vị trí của Nga,” ông nói với Newsweek.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Bộ Ngoại giao Nga để xin đưa ra những lời bình luận.

6. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mô tả các cuộc pháo kích xung quanh nhà máy hạt nhân Ukraine là “hành động tự sát”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã mô tả vụ nã pháo và hỏa tiễn gần đây xung quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở miền trung Ukraine là “hành động tự sát”.

“Bất kỳ cuộc tấn công nào vào các nhà máy điện hạt nhân đều là hành động tự sát,” Guterres nói với các phóng viên ở Tokyo.

“Tôi hy vọng rằng những cuộc tấn công này sẽ kết thúc,” ông nói, đồng thời kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, phải được cấp quyền truy cập vào nhà máy.

Nhà máy Zaporizhzhia là nhà máy lớn nhất Âu Châu và chiếm một khu vực rộng lớn trên sông Dnipro. Nó đã tiếp tục hoạt động với công suất giảm kể từ khi lực lượng Nga chiếm được nó vào đầu tháng 3, với các kỹ thuật viên Ukraine vẫn làm việc.

Những lo ngại về an ninh của nhà máy ngày càng gia tăng kể từ khi lực lượng Nga chiếm giữ địa điểm này nhưng đã lên đến đỉnh điểm vào tuần trước khi các cuộc pháo kích làm hư hỏng một đường dây điện cao thế và buộc một trong các lò phản ứng của nhà máy phải ngừng hoạt động mặc dù không phát hiện thấy rò rỉ phóng xạ nào.

Cuối tuần qua, công ty năng lượng nhà nước của Ukraine, Energoatom, cho biết một công nhân bị thương do các cuộc pháo kích của Nga từ nhà máy, đồng thời cho biết thêm rằng các cảm biến giám sát bức xạ cũng bị hỏng.

7. Nga đe dọa bỏ tù đối với các bậc cha mẹ có con cái không ủng hộ biểu tượng 'Z' của Putin

Một người cổ vũ hàng đầu cho Vladimir Putin đã yêu cầu các bậc cha mẹ có con cái không ủng hộ chữ 'Z' phải bị bỏ tù.

Và người phụ trách tuyên truyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn khơi lại một âm mưu phản tình báo tàn bạo từ thời Stalin nhằm đè bẹp tất cả những người phản đối cuộc chiến.

Âm mưu phản tình báo SMERSH nghĩa là “cái chết cho những kẻ phản bội” từ thời Stalin - được sử dụng để xóa sổ tất cả những ai chống đối bọn cầm quyền.

Nhiệm vụ của nó là quét sạch “các phần tử chống Liên Xô” và săn lùng những gián điệp có thật hoặc trong tưởng tượng, thanh lý tàn nhẫn những người bị cáo buộc là kẻ phản bội.

Tuyên truyền viên trưởng Vladimir Solovyov nói với khán giả truyền hình nhà nước Nga rằng đã đến lúc phải quay trở lại SMERSH vì Putin cần “một đường lối hoàn toàn cứng rắn và có hệ thống”.

Sau đó, nghị sĩ trung thành với Putin cũng yêu cầu cha mẹ của những đứa trẻ phản đối chiến dịch 'Z' của Putin phải bị bắt và bỏ tù.

Biểu tượng Z là một dấu hiệu quân sự nhưng nhanh chóng trở thành biểu tượng chính của sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Solovyov trả lời: “Chúng ta sẽ phải đạt đến một mức độ độc tài không tồn tại ở bất kỳ đâu trên thế giới.” Solovyov, 58 tuổi, nói rằng Putin cần một ý thức hệ tương đương với chủ nghĩa Stalin để có thể thắng trong cuộc chiến này.

“Những gì tôi đề xuất là một đường lối hoàn toàn cứng rắn và chống lại mọi khác biệt một cách có hệ thống”
 
Người Công Giáo trên thế giới đau buồn: TQ vẽ tranh chống Pelosi thăm Đài Loan, xúc phạm cả Đức Mẹ
VietCatholic Media
17:03 08/08/2022


1. Archie Battersbee qua đời sau khi cha mẹ thua trong trận đấu pháp lý liên quan đến sự hỗ trợ cuộc sống

Archie Battersbee, cậu bé 12 tuổi đã qua đời. Cha mẹ cậu bé đã chiến đấu trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài để duy trì việc điều trị hỗ trợ sự sống cho cậu, nhưng họ đã thất bại trước các quan tòa lòng chai dạ đá.

Phát biểu bên ngoài bệnh viện Hoàng gia London, mẹ cậu là bà Hollie Dance cho biết bà đã “chiến đấu cho đến phút cuối cùng”.

Nói qua dòng nước mắt, bà cho biết: “Trong nỗi buồn, Archie đã qua đời vào lúc 12h15 trưa nay, thứ Bẩy 6 tháng 8. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi là người mẹ tự hào nhất trên thế giới.

“Cháu thật là một cậu bé xinh đẹp. Cháu đã chiến đấu cho đến phút cuối cùng và tôi rất tự hào là mẹ của anh ấy “.

Ella Carter, một người thân của gia đình, cho biết việc nhìn thấy cậu bé chết thật là một cảnh “man rợ”.

“Các chỉ số của anh ấy vẫn hoàn toàn ổn định trong hai giờ cho đến khi họ loại bỏ hoàn toàn hệ thống trợ sinh và cháu hoàn toàn nhợt nhạt và chết dần,” cô nói.

“Nhìn một thành viên trong gia đình hoặc một đứa trẻ chết vì ngạt thở hoàn toàn là một kinh nghiệm vượt quá khả năng chịu đựng tâm lý. Không một gia đình nào phải trải qua những gì chúng tôi đã trải qua - điều đó thật dã man”.

Những người ủng hộ gia đình đã đến bệnh viện với hoa vào sáng thứ Bảy và tạo ra một sự tưởng nhớ đối với Archie trước bệnh viện bằng những ngọn nến hình chữ A.

Shelley Elias, 43 tuổi, một bà mẹ hai con đến từ Stepney, phía đông London, cho biết bà không biết mẹ của Archie, nhưng đã mang theo hoa, một tấm thiệp và một số ngọn nến. Bà nói: “Tôi không biết phải viết gì vì không có từ nào có thể làm mất đi nỗi đau”.

“Tôi chỉ muốn mẹ và gia đình cô ấy biết rằng tôi ở đây vì họ. Con trai tôi 12 tuổi, cùng tuổi với Archie”

Andrea Williams, giám đốc điều hành của Trung tâm Pháp lý Kitô giáo, nơi đã hỗ trợ trường hợp của gia đình, cho biết: “Những suy nghĩ, lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của chúng tôi đang ở bên gia đình Archie vào thời điểm bi thảm này.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình, như chúng tôi đã làm trong suốt thời gian qua, kể từ khi họ đến với chúng tôi khi bắt đầu thủ tục pháp lý 4 tháng trước để duy trì việc hỗ trợ cuộc sống cho Archie”.

“Chúng tôi rất cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của công chúng dành cho Archie và gia đình anh ấy. Đó là một đặc ân khi được sát cánh cùng họ”.

Trong phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson được đưa ra vào ngày 24 tháng 6, Tối Cao Pháp Viện nhận xét rằng ngày nay các tòa án càng ngày càng tỏ ra kiêu ngạo vượt quá thẩm quyền hiến định của mình đến mức tự ban cho mình quyền được đưa ra các bản án tử hình đối với những người vô tội.

“Các phán quyết trong các vụ Roe và Casey đã quá kiêu ngạo với thẩm quyền của mình. Giờ đây, chúng tôi đã loại bỏ những quyết định này và trả lại quyền đó cho người dân và những người đại diện được bầu của họ.”

Andrea Williams nhận định: “Trong quá khứ, chúng ta thấy tòa án có thể tử hình một người có tội, ngày nay, các quan tòa lạm quyền đến mức tử hình cả những người vô tội”
Source:The Guardian

2. Trước chuyến đi đến Kazakhstan, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Anthony chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Người đứng đầu mới của Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã có cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bẩy 6 tháng 8.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Vatican của Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, người vừa được bổ nhiệm vào tháng 6.

Tòa thánh không cung cấp thêm chi tiết nào về cuộc họp. Theo một tuyên bố ngắn gọn của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, “cuộc trò chuyện kéo dài” đề cập đến “các vấn đề hiện tại liên quan đến mối quan hệ giữa Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma”.

Người tiền nhiệm của Tổng Giám Mục Antony với tư cách là “ngoại trưởng” của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, là Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, đã bị cách chức vì có quan điểm khác với Thượng Phụ Kirill liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.

Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican lần cuối cùng vào tháng 12 năm 2021.

Cuộc gặp đã làm dấy lên hy vọng về một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Trong những tháng gần đây, Kazakhstan đã được thảo luận là một địa điểm có thể xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, vì cả hai vị đều dự kiến sẽ tham dự một đại hội liên tôn tại đó vào tháng 9.

Thượng Phụ Kirill đã phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội về lập trường của ông đối với cuộc chiến và suýt bị đưa vào danh sách trừng phạt của Liên minh Âu Châu. Chỉ sau khi Hung Gia Lợi, một trong 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu, phản đối, ông ta mới được đưa ra khỏi danh sách. Tuy nhiên, Anh Quốc vẫn nhất mực đưa ông ta vào danh sách trừng phạt, tịch thu tất cả các tài khoản của Thượng Phụ Kirill.

Các phương tiện truyền thông Chính Thống Giáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Hilarion tin rằng cuộc chiến của Putin sẽ thất bại, và ngài đang tìm cách tách mình khỏi Thượng phụ Kirill, để sau này có thể cứu được Chính Thống Giáo Nga khỏi sự sụp đổ. Thượng Phụ Kirill đã cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Một khi cuộc chiến của Putin thất bại, Thượng Phụ Kirill hoàn toàn có khả năng bị chính người Nga truy tố.

Giáo Hội Chính thống Nga là một Giáo Hội Chính thống giáo phương Đông với khoảng 150 triệu thành viên, chiếm hơn một nửa số Kitô hữu Chính thống giáo trên thế giới.
Source:Catholic News Agency

3. Đại sứ quán Trung Quốc đã tung ra bức tranh hiếm họa chống Công Giáo trong chuyến thăm Đài Loan của Pelosi

Vào ngày chuyến thăm Đài Loan gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi xảy ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng trên Twitter một bức tranh biếm họa chính trị. Bức tranh này đang thu hút sự chỉ trích vì thông điệp chống Công Giáo rõ ràng của nó.

Hình ảnh được tạo ra bởi một nghệ sĩ và nhà tuyên truyền người Trung Quốc tên là “Ngũ Hà Kỳ Lân” (Wuheqilin, 五河麒麟), cho thấy một người phụ nữ gầy gò, đội mũ trùm đầu và giống như phù thủy - đội vương miện với một vòng các ngôi sao, gợi nhớ đến Đức Mẹ Đồng trinh - nhảy vào cửa sổ nhà trẻ, cố gắng giật một đứa trẻ khỏi cái nôi của nó. Một người đàn ông lực lưỡng cầm một cái búa, một ẩn dụ rõ ràng về chủ nghĩa cộng sản, đang đứng nhìn trong tư thế cảnh giác.

Khuôn mặt của người phụ nữ là của Pelosi, mà chú thích của hình ảnh cũng làm rõ bằng hai hashtag bắt đầu bằng #: #Taiwan và #Pelosivisit. Tuy nhiên, dòng tweet cũng bao gồm tiêu đề của bức tranh bằng tiếng Trung Quốc, mang ý nghĩa thứ hai: “Maria, Kẻ trộm em bé.”

Pelosi là một trong những người Công Giáo nổi tiếng nhất trong chính trường Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Tổng thống Joe Biden. Theo báo Washington Post, chuyến thăm cấp cao nhất của bà tới đảo Đài Loan - nơi mà Mỹ không chính thức công nhận là độc lập với Trung Quốc - như tờ Washington Post đưa tin, là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Trên đầu bức ảnh có ghi chú thích bằng tiếng Anh: “Không ai thích chiến tranh, nhưng không người cha nào cho phép ai đó đánh cắp con mình”. Có một bản đồ của Trung Quốc trên tường, cũng như hình ảnh một con ếch trên đầu đứa bé.

Trong một bài phát biểu cho UCA News, nhà thần học và nhân chủng học văn hóa Michel Chambon lưu ý rằng đã có tiền lệ hình ảnh một con ếch được sử dụng ở Trung Quốc như một biểu tượng xấu để chỉ người dân Đài Loan. Ông cũng cho biết phim hoạt hình miêu tả Pelosi là “một phù thủy muốn cướp Đài Loan khỏi quê cha đất tổ.”

Benedict Rogers, một nhà đấu tranh nhân quyền người Anh nghiên cứu về Trung Quốc, gọi hình ảnh này là “thô thiển, vi phạm và xúc phạm sâu sắc đến người Công Giáo và nhiều Kitô hữu theo truyền thống khác trên thế giới”.

Rogers nói: “Đây là một ví dụ cho thấy chế độ côn đồ, đồi trụy, ghê tởm và vô nhân đạo nhất của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời báo hiệu sự sẵn sàng rõ ràng để tấn công Nancy Pelosi vì đức tin Công Giáo của bà ấy,” Rogers nói trong các bình luận bằng văn bản cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA,.

“Điều này báo hiệu điều mà những người theo dõi Trung Quốc chúng tôi đã biết từ lâu - sự thù địch tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tôn giáo. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng của việc đàn áp các Kitô hữu, bao gồm cả Công Giáo, và một cuộc đàn áp nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo nói chung”.

Rogers lưu ý rằng Tòa thánh vẫn là một trong những thực thể duy nhất có “ý nghĩa toàn cầu” duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, trong khi Đài Loan tuyên bố độc lập.

Chambon viết: “Đối với những nhà tuyên truyền Trung Quốc mắc hội chứng bách hại tôn giáo, việc kết hợp chính sách của Hoa Kỳ với Công Giáo toàn cầu là một điều rất thường thấy.”

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Lu Shaye, đã nói về chuyến thăm của Pelosi là một “hành động khiêu khích không cần thiết” và cho biết trong tuần này rằng một khi Trung Quốc đạt được mục tiêu thường tuyên bố là thiết lập quyền kiểm soát đối với Đài Loan, nước này này sẽ cần phải thực hiện một quá trình “cải tạo” dân số trên đảo. Điều này dường như ngụ ý một quá trình tương tự như những gì đang diễn ra hiện nay ở Tân Cương, theo đó hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong những năm gần đây đã bị dồn vào các trại “cải tạo” và bị buộc phải hòa nhập vào văn hóa Trung Quốc.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn trong tuần này, bao gồm việc phóng hỏa tiễn lớn ra vùng biển xung quanh Đài Loan trong khuôn khổ chuyến thăm.

Chambon, người phụ trách chuyên mục của UCA News, lưu ý rằng hình ảnh được tweet “không chỉ gây khó chịu mà còn báo hiệu sự quay trở lại ý thức hệ cộng sản quá khích trong thời kỳ đầu đã từng gây hại cho nhiều người”. Ông giải thích rằng một lớp ý nghĩa khác của hình ảnh có thể gợi nhớ đến một “huyền thoại” được chính phủ tuyên truyền vào những năm 1950 rằng “các trại trẻ mồ côi Công Giáo là nhà máy để trộm và giết trẻ sơ sinh Trung Quốc”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền chính thức theo chủ nghĩa vô thần, và các tín hữu tôn giáo thuộc mọi hệ phái đã phải đối mặt với sự đàn áp ở Trung Quốc trong nhiều năm. Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc bị chia rẽ giữa Giáo Hội Công Giáo “thầm lặng”, bị đàn áp và trung thành với Đức Giáo Hoàng, và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, bị chính phủ thao túng.

Năm 2018, Vatican đã đạt được một thỏa thuận tạm thời chưa được công bố với chính phủ Trung Quốc nhằm mang lại sự thống nhất giữa Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc được nhà nước công nhận và Giáo hội thầm lặng hiệp thông với Rôma. Tuy nhiên, cuộc đàn áp Giáo hội thầm lặng vẫn tiếp tục và theo một số người, ngày càng gia tăng. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng, 90 tuổi, một nhà phê bình lớn tiếng về thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc, sẽ phải ra tòa vào tháng 9 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác.

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng có cái mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “một mối quan hệ không chính thức bền vững”, bao gồm các mối quan hệ thương mại sâu sắc. Trong nhiều năm, Mỹ đã hoạt động theo “chính sách một Trung Quốc” để tránh làm chính phủ Trung Quốc tức giận. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói rằng chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy chính sách của Mỹ về Đài Loan đã không thay đổi.

Rogers, người chỉ trích gay gắt về thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, cho rằng sự thù địch rõ ràng của chính phủ Trung Quốc đối với Công Giáo - được biết đến từ lâu nhưng được hiển thị đầy đủ trong bức tranh biếm họa này - cung cấp “một lý do khác khiến Vatican nên suy nghĩ lại mối quan hệ của nó với Bắc Kinh. “

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài hy vọng thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo sẽ được gia hạn trong giai đoạn hai năm thứ hai vào tháng 10. Tuy nhiên, Rogers nói với CNA:

“Khi thời hạn gia hạn thỏa thuận với Bắc Kinh đến gần, Vatican nên xem xét việc đình chỉ thỏa thuận vì tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, phá bỏ các quyền tự do của Hương Cảng, vụ bắt giữ Đức Hồng Y 90 tuổi của Hương Cảng, sự đàn áp nghiêm trọng đối với các tín hữu Kitô ở Trung Quốc và giờ đây là sự xúc phạm trắng trợn đối với các Kitô Hữu trên toàn thế giới”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một diễn biến sống sượng đến mức trên thế giới này chỉ có Trung Quốc mới làm được, tháng 11, 2020, Ngũ Hà Kỳ Lân, một họa sĩ chuyên vẽ các bức tranh tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn được biết đến với một tên khác là “nghệ sĩ chiến binh sói” đã dùng Photoshop để tung ra một bức ảnh hư cấu rất kinh khủng mô tả một người lính Úc tại Afghanistan đang cầm một con dao đẫm máu cứa vào cổ một đứa bé.

Vài ngày sau đó, cụ thể là hôm 29 tháng 11, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) đã dùng bức ảnh hư cấu này để lên án Úc Đại Lợi và cho biết ông ta “bị sốc trước việc binh lính Úc Đại Lợi sát hại dân thường Afghanistan và các tù nhân”.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, tên “Ngũ Hà Kỳ Lân” xác nhận với tờ Hoàn Cầu Thời Báo (环球时报 - Global Times) rằng đó là một bức ảnh hư cấu.
Source:Catholic News Agency