Ngày 18-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:01 18/08/2017
95. HỨA DO TỪ CHỐI
Vua Nghiêu trị vì thiên hạ thời gian rất lâu nên cảm thấy mình già rồi không kham nổi, bèn cho triệu Hứa Do đến và chuẩn bị đem ngôi hoàng đế nhường lại cho ông ta.
Hứa Do nhìn thấy chỗ ở của vua Nghiêu, trước cửa là bậc đất cao ba thước, trên nóc nhà mái tranh không sửa chữa cho ngay ngắn, rường xà nhà đều làm bằng cây khô và cành cây, nhà khách so với nó còn đẹp và tốt hơn !
Vua Nghiêu tiếp đãi Hứa Do cơm nước càng đơn giản hơn: chén cơm bằng đất, bát canh bằng đất, gạo xấu, thức ăn như cỏ, người làm công và tù nhân ăn cơm so với ông ta còn ngon hơn.
Sau khi ăn cơm xong, vua Nghiêu nói với Hứa Do:
- “Ta hưởng thụ vinh hoa phú quý của thiên hạ quá lâu rồi, bây giờ đã chán, nghe nói nhà ngươi phấm cách cao thượng, gần xa nghe danh, cho nên ta đặc biệt đem ngôi hoàng đế nhường lại cho ngươi, ngươi có hưởng dụng sự đãi ngộ của ta chăng ?”
Hứa Do cười xin miễn và nói:
- “Phú quý” mà như vậy, thì tôi thật không thích chút nào”.
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 95:
Vua Nghiêu là một vua hiền thời cổ đại của Trung Hoa, một vị vua tài đức, cho nên cách sinh hoạt thường ngay cũng rất giản dị, nhà ở thì xấu hơn nhà khách vãng lai, ăn cơm thì dở hơn cơm tù, đúng là một vị vua hiền đức.
Phú quý của vua Nghiêu là chấp nhận và vui vẻ với cuộc sống nghèo, bởi vì khi đã chấp nhận thì tâm hồn cũng rất thảnh thơi, đó là “phú quý” của thánh hiền, vua Nghiêu đã sống Lời Chúa mặc dù ông chưa biết Chúa là ai.
Phú quý của Hứa Do là phải ăn sung mặc sướng, phải nhà cao cửa rộng, phải có tôi trai tớ gái, ông ta chỉ biết phú quý tạm thời.
Đời sống của người Ki-tô hữu là đời sống rất phú quý, bởi vì họ là con của vị vua trên các vua, chúa trên các chúa; bởi vì họ là những người được ghi tên vào sổ các thánh; bởi vì họ luôn được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời là Mình Máu thánh của Đức Chúa Giê-su Ki-tô...
Nhưng có những Ki-tô hữu không thích loại phú quý ấy, họ thích phú quý kiểu trần gian, tức là muốn sống lừa đảo người khác để kiếm lợi, muốn thề gian nói dối để được lòng cấp trên, muốn vu oan giá hoạ cho người khác để thoả mãn tính thù hận của mình...
Phú quý của thế gian chỉ là mây khói thoáng qua, nhưng rất nhiều người tìm kiếm; phú quý của Nước Trời thì là hạnh phúc vĩnh hằng nhưng lại ít người chờ mong.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 20 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:03 18/08/2017
Chúa Nhật XX THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 15, 21-28.
“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.”


Bạn thân mến,
Đức tin của người đàn bà Ca-na-an trong bài Phúc Âm hôm nay quả thật là kiên cường, rất đáng cho chúng ta noi theo. Bà đã “dám” đối chất lại với người mà bà đang cầu cứu, bởi vì bà tin tưởng người đang rao giảng Tin Mừng yêu thương này sẽ nhậm lời cầu xin của bà. Lòng yêu thương con gái của mình cách mãnh liệt đã giúp bà tin tưởng và trở nên gan dạ khi cầu cứu với Đức Chúa Giê-su, bởi vì bà biết rằng, chỉ có Ngài mới chữa cho con gái của bà khỏi bị quỷ ám mà thôi.
Đức tin của bạn và tôi chắc chắn là đã có từ rất lâu rồi, có từ thời ông bà tổ tiên truyền lại, hoặc ít nữa là tự mình đi tìm Thiên Chúa và Ngài đã cho gặp qua một vài hoàn cảnh biến cố của cuộc sống. Nhưng cho đến hôm nay, bạn và tôi có lúc nào dám bày tỏ đức tin của mình vào Thiên Chúa chưa ? Đức tin của bạn và tôi thuộc loại “gộc” khi chúng ta cố gắng chứng minh cho mọi người thấy, bằng cách đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật cách đều đặn, hoặc thuộc làu kinh hôm kinh mai hơn những người có đạo khác. Nhưng cho đến hôm nay, bạn và tôi có chứng minh cho mọi người thấy đức tin của mình thuộc loại “gộc” chưa: một cơn bách hại thoáng qua là từ chối niềm tin và bỏ lễ nhà thờ; một người nào đó làm phật lòng mình thì giận dữ điên cuồng la lối thóa mạ; hay vì một chút danh phận rồi ghen tương với anh em mình và tìm cách “chơi” họ ?
Bạn thân mến,
Đức tin mạnh mẽ không phải là cứ đi lễ nhà thờ đều đặn, nhưng chính trong cơn gian nan khốn khó, chính trong hoàn cảnh khó khăn, mà chúng ta biết tin tưởng và phó thác vào Chúa với lòng yêu mến và vui vẻ, thì đó mới là đức tin mạnh mẻ.
Người đàn bà Ca-na-an đã lên tiếng thưa với Đức Chúa Giê-su: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi...” chỉ có lòng tin mạnh mẽ mới thốt lên được lời ấy, chỉ có lòng tin mới bật ra những lời khiêm nhường như thế. Đức tin của người đàn bà Ca-na-an này đáng làm cho bạn và tôi suy nghĩ lại đức tin của chính mình, đức tin mà chúng ta nhận lãnh cách nhưng không bởi tình yêu của Thiên Chúa: tôi đã làm gì để đức tin của tôi trở nên sống động và mạnh mẻ trong hoàn cảnh cuộc sống hôm nay ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Đức tin mạnh, đức tin yếu. Làm sao để yếu thành mạnh.
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:43 18/08/2017
Có một lời ca mà ta nghe rất quen, của Y-Vân : “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.” Lời ca đó có thể dẫn ta đến một người mẹ mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc tới : bà mẹ người ngoại, người Canaan. Bà bất chấp tất cả, bất chấp nhục nhã để đi van xin cho con gái của bà bị quỉ ám được chữa lành. Chắc bà này đã đi nhìều thầy, chạy nhiều thuốc mà tiền mất tật mang. Cứ xem cách mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay thì rõ. Bởi vì lần đến với ông thầy Giêsu này, bà đã tỏ ra lão luyện trong nghề van xin đến độ Chúa phải khen : “Lòng tin của bà mạnh thật !” Thật đẹp, thật phúc biết bao nếu Đức Giêsu cũng nói câu đó với tôi, “Lòng tin của con mạnh thật !” Nói như thế, tức là có những người “lòng tin của ngươi yếu quá !” Vậy ta sẽ trả lời 2 câu hỏi : (1) Tại sao có người lòng tin mạnh, có người lòng tin yếu ; và câu (2) quan yếu hơn : nếu lòng tin yếu, có cách nào làm cho mạnh không ?

1. Tại sao có người lòng tin mạnh, có người lòng tin yếu.

Ta phải giới hạn để nâng câu hỏi này lên hàng “thiêng liêng.” Đức tin khác lòng tin. Giữa người với người là lòng tin. Giữa người với đấng Tối Cao là đức tin. Tại sao có những người đức tin thật mạnh mà có những người đức tin yếu kém. Hỏi đổi lời : “Tại sao có những người dễ dàng tin vào Chúa vào Mẹ. Còn có những người cảm thấy rất khó khăn để tin Chúa tin Mẹ ?”

Câu hỏi này cũng giống như câu hỏi : Tại sao có những người thật mập mạp khoẻ mạnh lại cũng có những người khẳng khiu ốm yếu ?

Họ khẳng khiu ốm yếu là do cha mẹ họ. Họ thừa hưởng một thân xác eo xèo của mẹ của cha. Cha nào con nấy. Cha gầy gò, con ốm yếu. Nhưng cũng có những người ốm yếu vì chính họ không biết chăm sóc sức khoẻ cho chính mình.

Điều đúng cho sức khoẻ thể lý thế nào thì cũng gần đúng cho sức khoẻ tâm linh, tức đức tin của chúng ta thể ấy. Một số người đức tin yếu kém là do cha mẹ tổ tiên của họ. Cha mẹ có đức tin loại ba cọc ba đồng thì đức tin của con cái làm sao mạnh mẽ được. Đức tin của cha là loại “con quì lạy Chúa Ba Ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ” thì con cái họ sinh ra làm sao có được lòng tin vào Chúa vào Mẹ vững mạnh được. Người ta nhận xét, những Giáo Hội có tổ tiên là những vị tử đạo, thì đức tin của Giáo Hội đó vững mạnh. Giáo Hội Việt Nam thừa hưởng đức tin 117 vị thánh Tử đạo, 2000 người tử đạo khác đã có hồ sơ chờ xin phong thánh và cả trăm ngàn người chưa có hồ sơ. Đại Hàn với 103 vị thánh tử đạo là tổ tiên, và cách đây 3 năm, 16-8-2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Đại Hàn để phong chân phước cho 124 vị tử đạo nữa, khiến con dân Giáo Hội Đại Hàn có một đức tin kiên vững, bậc nhất ở Á Châu này. Đức tin cũng như sức khoẻ phải vun đắp. Thừa hưởng đức tin bất khuất từ cha ông, mà không tài bồi vun đắp thì đức tin cũng lung lay yếu ớt. Đến đây ta qua câu hỏi 2.

2. Nếu đức tin yếu, có cách nào làm cho mạnh không ?

Thưa có, và phải như vậy. Một cơ bắp nếu không hoạt động không tập luyện thì sẽ yếu dần, có thể đi đến co rút lại. Một đức tin không củng cố sẽ lắc lư giữa dòng đời đầy cạm bẫy làm mình xa Chúa. Vậy đức tin năng tập luyện cũng sẽ thành đức tin mạnh. Học hỏi bàn luận suy niệm về Lời Chúa như chúng ta đang làm đây ; tham dự thánh lễ với phần dâng lễ ít phút nữa cách chăm chú sốt sắng hơn ; cầu nguyện mỗi ngày để trở thành thói quen trong đời sống… tất cả đều có thể làm đức tin mạnh hơn. Và còn một cách tập luyện đức tin xem ra hữu hiệu hơn. Đó cũng là cách chúng ta muốn nói hôm nay, Dostoievski trong tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” có bàn tới cách này.

Trong tác phẩm, tác giả đề cập đến một bà lão, sức khoẻ thiêng liêng (đức tin) suy thoái cùng với sức khoẻ thể xác (càng già đức tin càng yếu…). Ngày nọ bà bàn luận vấn đề này với một vị linh mục cũng già tên là Zossima. Bà nói với linh mục về đức tin yếu kém và những ngờ vực của bà mới phát sinh khi … già: “Thiên Chúa có hay không ? Ngài có quan tâm đến tôi ? Có gì sau khi chết không ?”

Linh mục già lắng nghe, cảm thông và nói với bà: Chẳng có cách nào chứng minh rõ ràng những điều bà thắc mắc. Nhưng bà vẫn có thể tin những điều đó cách vững vàng hơn.

-Bằng cách nào ? bà giả hỏi.

-“Bằng yêu thương. Hãy cố gắng yêu người láng giềng của bà thật tình và bà sẽ nhận thấy có Chúa thật. Có một tương lai huy hoàng sau khi chết. Đây là điều chắc chắn, đã được thể nghiệm và đã có kết quả”.

Linh mục già Zossima nói thật chí lí. Càng yêu nhiều thì càng tin mạnh. Tin và yêu đi đôi với nhau như hai đường rầy xe lửa. Tìm được cái này là thấy rõ cái kia. Người phụ nữ Canaan trong bài Tin mừng hôm nay mà Chúa khen đức tin mạnh thật cũng là người yêu thật mạnh. Bà không xin Chúa cho bà mà bà xin cho con bà. Lòng mẹ bao la. Bà đã vượt qua cả 3 cửa ải, 3 bước khó để xin cho bằng được :

- Bước 1 : Bà xin Chúa, Chúa nín thinh !

- Bước 2 : Môn đệ nhắc khéo Chúa để đuổi bà về, Chúa bỏ lửng một câu: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Israel thôi”

- Bước 3 : Khi bà cố nài van nữa để chữa lành cho đứa con bị quỉ ám, thì Chúa cho một cú “ân huệ” (tức phát súng kết liễu kẻ bị án tử hình) : “Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó ăn.” Tưởng rằng cú ân huệ này sẽ hạ gục bà mẹ. Ai ngờ bà vẫn sống : “Đúng thế thưa Ngài, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Đức Giêsu thua. Lòng tin bà mạnh thật. Bà tin mạnh vì bà yêu con bà quá sức. Yêu là việc làm của Tin. Đức tin không việc làm là đức tin (yếu). Tin mà không yêu là tin yếu. Muốn tin mạnh thì cũng hãy yêu nhiều. Chắc chắn như vậy. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:06 18/08/2017

28. Ai không coi trọng việc cầu nguyện, thì buông lỏng không thể bền chí trên con đường tu đức.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Các phẩm chất của một đức tin mạnh
Lm Đan Vinh
08:26 18/08/2017
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 15,21-28

(21) Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đon. (22) thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !”. (23) Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !”. (24) Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”. (25) Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (26) người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. (27) Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. (28) Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU CHỮA CON GÁI NGỪƠI ĐÀN BÀ XỨ CA-NA-AN:

Khi nghe người đàn bà ngoại giáo xứ Ca-na-an kêu xin giúp con gái của bà đang bị quỷ ám, Đức Giê-su im lặng và khi môn đệ cầu bầu cho bà thì Người giải thích lý do là “chỉ được sai đến với chiên lạc nhà It-ra-en mà thôi”. Tuy nhiên các lời bà đối đáp đã chứng tỏ bà có một đức tin mạnh mẽ, nên cuối cùng bà đã được Đức Giê-su khen là có đức tin mạnh và đã ban cho bà được như ý.

3. CHÚ THÍCH:

- C 21-22: + Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đon: Tia va Xi-đon là hai thành phố của dân ngoại. Khi âm thầm lui về miền đất ngoại giáo này (x. Mc 7,24), có lẽ Đức Giê-su muốn tránh sự dòm ngó của nhóm Pha-ri-sêu, cũng như tránh sự nồng nhiệt của quần chúng muốn tôn Người lên làm vua sau phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,15). Ngoài ra, điều này còn tiên báo: Vì dân Do thái đã từ chối ơn cứu độ ưu tiên cho họ, nên dân ngoại sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ ấy. + “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !”: Sở dĩ người đàn bà ngoại giáo biết và tuyên xưng Đức Giê-su bằng danh hiệu Con Vua Đa-vít là do bà đã ra khỏi miền đất dân ngoại và được nghe nhiều người Do Thái truyền đạt đức tin về Đức Giê-su (x. Mc 3,8).

- C 23-24: + Nhưng Người không đáp lại một lời: Khi không đáp lại lời cầu xin của người đàn bà này, Đức Giê-su muốn thử để biết về tình trạng đức tin của bà, và thêm lòng tin cho bà. + Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !: Các môn đệ muốn Đức Giê-su thỏa mãn lời cầu xin để khỏi tiếp tục bị quấy rầy. Còn Đức Giê-su lại muốn chứng tỏ Người ban ơn cho ai là còn tùy vào lòng tin yêu của họ. Ở đây không những Người ban cho con gái bà khỏi bị quỷ ám, mà còn ban cho chính bà đức tin vào Người là điều kiện để bà được hưởng ơn cứu độ. + Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi: Sinh thời, Đức Giê-su chỉ rao giảng cho người Do Thái, là những người được thừa kế các lời hứa cho họ là con cái Thiên Chúa (x Rm 9,5; 15,8). Do đó, khi sai các môn đệ đi giảng đạo, Đức Giê-su cũng chỉ giới hạn trong lãnh thổ dân Ít-ra-en (x. Mt 10,5-6). Nhưng rồi thực tế cho thấy: dân Do Thái đã từ chối ơn ấy, nên cuối cùng họ đã bị mất quyền ưu tiên vào Nước Trời (x. Cv 18,17).

- C 25-26: + “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”: Người đàn bà tỏ ra kiên trì trong lời cầu xin: xin một lần chưa được, bà xin hai, rồi ba lần. Khi cầu xin mà chưa được nhận lời, bà vẫn bền đỗ chứ không nản lòng bỏ cuộc (x Lc 18,1). + “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”: Không nên lấy Nước Trời được hứa ban cho con cái trong nhà là dân It-ra-en, để đem cho người ngoài là dân ngoại, là dân bị người Do thái khinh khi như loài vật. Từ chó con ở đây là để làm dịu bớt sự khinh miệt theo quan điểm của dân Do thái.

- C 27-28: + Chó con: là con vật nuôi trong nhà và được mọi người cưng chiều. + Cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống: Câu nói của người đàn bà cho thấy bà có lòng khiêm tốn. Bà công nhận dân Do thái có quyền ưu tiên hơn dân ngoại trong chương trình cứu độ. Điều này cho thấy đức tin của bà thật vững mạnh. + Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy: Khi thấy người đàn bà có lòng khiêm hạ và phó thác cậy trông là biểu hiệu của một đức tin chân chính, Đức Giê-su đã khen đức tin của bà mạnh mẽ và đã ban cho bà được như ý là cho con gái bà được khỏi bệnh quỷ ám.

4. CÂU HỎI:

1) Người đàn bà ngoại giáo kêu xin Đức Giê-su bằng danh hiệu nào ? Tại sao bà ta biết được danh hiệu ấy ? 2) Tại sao Đức Giê-su làm ngơ như không biết không nghe lời kêu xin khẩn thiết của người đàn bà này ? 3) Các môn đệ yêu cầu Đức Giê-su thuận theo ý người đàn bà nhằm mục đích gì ? 4) Đức Giê-su cho môn đệ biết sứ mệnh của Người là gì ? 5) Tại sao Đức Giê-su khen đức tin của người đàn bà ngoại giáo và cuối cùng đã ban theo ý bà xin ?

HỎI: TẠI SAO CHÚA IM LẶNG TRƯỚC NHỮNG LỜI CẦU XIN CỦA CHÚNG TA ?

ĐÁP: Khi ta cầu xin mà Chúa vẫn im lặng không nhậm lời thường do mấy nguyên nhân chính như sau:

+ Có thể Chúa đang thử thách để xem đức tin của ta mạnh hay yếu ? Trưởng thành hay ấu trĩ ? Ta cần noi gương người đàn bà xứ Ca-na-an ngoại giáo trong Tin Mừng hôm nay: Một là : phải kiên trì và không ngã lòng cậy trông: Xin một lần chưa được, hãy xin thêm nhiều lần nữa. Hai là cầu xin với lòng xác tín chắc chắn Chúa sẽ ban sự tốt lành cho ta, như Đức Giê-su phán: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).

+ Có thể lời cầu xin của ta chỉ mang tính cá nhân. Ta hãy xin cộng đoàn hợp ý cầu nguyện thêm cho ta như lời Đức Giê-su: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho” (Mt 18,19). Ta cũng cần xin các thánh trên trời và các linh hồn trong chốn luyện hình cầu bầu cùng Chúa cho ta, theo tín điều "Các Thánh Cùng Thông Công".

+ Có thể lời cầu xin của ta chưa khiêm tốn đủ: Do ta phô trương lòng đạo đức để tìm tiếng khen nơi người đời (x. Mt 6,5-6). Có thể do ta đòi Chúa phải ban ơn theo ý riêng của ta, thay vì ta phải “xin vâng” theo ý Thiên chúa như lời cầu của Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu: “Ba ơi ! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

+ Có thể lời cầu xin của ta còn thiếu hy sinh: Muốn cho lời cầu xin được chấp nhận, ta phải có lễ vật kèm theo là các việc lành như xưng tội rước lễ, hy sinh hãm mình, lòng tha thứ sẵn sàng làm hòa với tha nhân như lời Đức Giê-su: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

+ Có thể ta xin những điều có hại cho phần rỗi mà ta không biết: Đừng đòi Chúa phải ban theo ý mình, nhưng hãy tin cậy vào lượng từ bi của Chúa, Đấng hằng muốn ban ơn cứu độ cho ta như Đức Giê-su: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những thứ tốt lành. Phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin người” (Mt 7,7-11; Lc 11,13).

+ Có thể do ta cầu nguyện với lòng ích kỷ: Do ta chỉ xin những điều có lợi cho mình mà hại cho người, như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đã cùng mẹ đến xin Đức Giê-su cho được ngồi hai bên tả hữu của Thầy trong Nước Thầy sắp thiết lập (x. Mt 20-21); hoặc có thể ta đã xin Chúa thực hiện những điều sai trái như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an xin Thầy sai lửa trời xuống thiêu hủy làng Sa-ma-ri vì họ dám từ chối đón tiếp Thầy trò vào ở trọ (x. Lc 9,53-54)… nên những lời cầu xin ấy đã không đựơc Chúa chấp nhận (x. Mt 20,23; Lc 9,55).

+ Có thể ta đã chú trọng xin ơn vật chất thể xác liên quan đến tha nhân: Có lợi cho ta nhưng lại bất lợi cho người khác. Chẳng hạn xin Chúa cho ta buôn bán thuốc đắt hàng, đang khi những bệnh nhân lại xin Chúa ban sớm khỏi bệnh để khỏi tốn tiền mua thuốc. Tốt nhất ta nên xin những ơn tinh thần như kinh Lạy Cha: xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện, xin tha tội nợ, xin chớ để phải sa chước cám dỗ. Về phần xác chỉ xin cho hôm nay lương thực hằng ngày (x. Mt 6,9-14).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Một người đàn bà Ca-na-an kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !”… “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi !” (Mt 15, 22a.25b). Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28a).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TÌNH YÊU VÀ ĐỨC TIN LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI NHAU:

Trong tác phẩm: “Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp” (the Brothers Karamazov) của Đớt-tốp-ki (Dostoevski) có kể câu chuyện về một bà lão kia. Bà cảm thấy đức tin của bà bị suy thoái theo với sự suy yếu sức khoẻ về thể xác. Ngày nọ bà đến gặp một vị linh mục già tên là DỐT-SI-MA (Zossima). bà đã tâm sự về tình trạng đức tin của bà như sau: “Thưa cha, kỳ này con thường hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Không biết Người có quan tâm đến hết mọi loài do Người dựng nên, trong đó có con hay không ? Sau khi chết rồi con sẽ đi đâu ? Ngoài thế giới đời này còn có đời sau không ?…” Vị linh mục già chăm chú nghe bà nói và cuối cùng ông đã trả lời rằng: “thực ra chẳng có cách nào chứng minh cụ thể về những điều mà bà đang hoài nghi kia. Tuy vậy tôi đề nghị bà hãy áp dụng một phương pháp giúp bà luôn vững tin vào những chân lý ấy”. Bà lão ngạc nhiên hỏi: “Thưa cha, bằng cách nào vậy ?” Vị linh mục liền đáp: “Bằng tình yêu. Phải, Bà hãy yêu thương người khác cách thành thật. Càng yêu thương người khác bao nhiêu thì bà lại càng vững tin vào Thiên Chúa bấy nhiêu và sẽ tin vào đời sau hơn. Càng yêu nhiều, thì đức tin của bà càng lớn lên, và các sự ngờ vực kia cũng tự nhiên tan biến hết. Đấy là một phương pháp đã được nhiều người áp dụng và tất cả đều chứng thực là rất hữu hiệu để củng cố đức tin”.

2) TƯƠNG QUAN GIỮA HIỂU BIẾT VÀ ĐỨC TIN:

Một luật sư luôn tự hào về kiến thức uyên bác của mình. Một hôm ông huênh hoang tuyên bố trước mặt đám đông như sau : Chúng ta có trí khôn có thể hiểu biết suy luận, nên chúng ta chỉ nên tin vào những điều mắt thấy và trí khôn hiểu được mà thôi”.

Trong đám đông có một em nhỏ thông thạo về giáo lý giơ tay xin phát biểu:

- Thưa luật sư. Vậy là ông sẽ không tin những điều chưa thấy và chưa hiểu phải không ạ ?

- Đúng thật như vậy.

- Vậy xin ông nói cho cháu biết : ông có thể cử động được các ngón tay của ông không và tại sao ông lại cử động được chúng ?

- Ta có thể cử động được các ngón tay của ta vì ta trông thấy nó, hiểu biết sự vận hành của nó và ta ra lệnh cho các ngón tay ấy cử động theo ý ta. Thế thôi.

- Vậy ông có thể cử động được đôi tai không, dù ông nhìn thấy, hiểu biết sự vận hành của nó và ông cũng ra lệnh cho nó cử động ?

Ông luật sư bí không thể trả lời được câu hỏi ấy liền nói :

- Thằng nhỏ ngu ngốc này lại đòi tranh cãi với ta hay sao ?

Nghe vậy mọi người đều cười lên thích thú.

(Viết theo “Tìm hiểu ít thắc mắc” của Trần công Hoán).

3) VÌ BỐ EM CHÍNH LÀ THUYỀN TRƯỞNG ĐANG CẦM LÁI CON TÀU NÀY :

Ông Byron, một thi sĩ Anh, có viết một câu truyện như sau :

Hôm ấy, một con tầu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển bao la. Phía chân trời xa, một luồng mây đen nổi lên. Bầu trời quang đãng chẳng mấy chốc đã bị mây đen phủ kín, rồi một cơn giống tố ầm ầm kéo tới, sấm chớp nổ vang ầm ầm. Mưa mỗi lúc một lớn, gió rít ngày càng mạnh hơn. Các hành khách trên tàu đều bị hoảng loạn kêu la thất thanh. Duy chỉ có một đứa trẻ 8 tuổi cứ tiếp tục ngồi chơi trên ban công, bình tĩnh nhìn con tầu đang chòng chành nghiêng ngửa giữa muôn sóng to gió lớn như không có việc gì xẩy ra chung quanh.

Thấy lạ ! Một anh thủy thủ đến bên em và hỏi : “Này em bé kia. Em không sợ chết sao ?”

Em bé liền trả lời rằng: “Mà tại sao em lại phải sợ, khi chính ba em là thuyền trưởng cừ khôi nhất đang cầm lái của con tầu này mà !”

Ước chi mỗi tín hữu chúng ta đều có thể trả lời được như em bé nói trên, khi chúng ta gặp phải các cơn thử thách gian nan trong cuộc sống. Chúng ta sẽ luôn an tâm vui sống dù đang gặp nhiều tai ương tật bệnh : “Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí !”… Vì tin rằng chính Thiên Chúa là Cha chúng ta luôn quan phòng gìn giữ chúng ta khỏi mọi nguy hại, che chở chúng ta trong vòng tay yêu thương của Ngài, như Đức Giê-su sđã dạy về tình thương của Chúa Cha: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11).

4) ĐỨC TIN ĐƯỢC TÔI LUYỆN NHỜ THỬ THÁCH GIAN NAN:

Thánh nữ Mo-ni-ca luôn khóc lóc, ăn chay và hãm mình để cầu xin cho đứa con hoang đàng của bà là Au-gút-ti-nô được ơn sám hối. Bà là một người phụ nữ bất hạnh vì có ông chồng khô khan, và đứa con trai ăn chơi trác táng. Đã có lần đức tin của bà bị lung lay và bà muốn thôi không cầu xin nữa. Nhưng bà dã được giám mục Am-brô-si-ô khuyên như sau: "Bà hãy yên tâm, đứa con của bao giọt nước mắt sẽ không thể bị hư mất".

Thực vậy, nhờ niềm tin của người mẹ mà Thiên Chúa đã thay đổi số phận của người con bà: Au-gút-ti-nô về sau đã từ bỏ con đường tội lỗi để sống tốt lành thánh thiện, đã từ bỏ công danh sự nghiệp trần thế để tận hiến cuộc đời phụng sự Thiên Chúa. Đã không còn đi tìm thú vui thể xác bèo bọt để đi tìm kiếm hạnh phúc tồn tại muôn đời là Nước Trời đời sau.

5) Thiên Chúa KHÔNG THIÊN VỊ NHƯNG BAN ƠN CỨU ĐỘ CHO HẾT MỌI NGƯỜI:

Ngày nọ, Chúa Giê-su cải trang đến thăm một hội chợ Tôn giáo. Ngài thấy những người đứng đầu các gian hàng đều tỏ thái độ hung hãn và huênh hoang tuyên truyền về Tôn giáo của mình.

Tại quầy hàng của Do thái giáo, người chủ quầy nói : "Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất quyền năng, công minh và chỉ có dân tộc Do thái mới được Ngài tuyển chọn làm dân riêng. Ngoài dân Do thái ra, không có dân tộc nào khác được Đức Chúa ban ơn cứu độ".

Tại quầy hàng của người Hồi giáo, người bán hàng rêu rao : "Vạn tuế Thánh A-la vĩ đại và đầy quyền năng và vạn tuế Mô-ha-mét. Người ta chỉ được cứu độ nếu vâng lời Tiên tri Mô-ha-mét là vị Tiên tri tối cao và duy nhất của Thánh A-la".

Tại quầy hàng của người Kitô giáo, thì trưng một biểu ngữ : "Thiên Chúa là Tình Yêu và không có ơn cứu độ nào bên ngoài Giáo Hội. Người ta phải nhập vào Giáo Hội mới được cứu độ".

Trên đường ra về, một bạn đồng hành hỏi Đức Giê-su : "Ngài đánh giá thế nào về những điều người ta nói trong Hội chợ Tôn Giáo vừa qua ?" Người trả lời : "Ta không chủ trương tổ chức Hội Chợ Tôn giáo này, và ta cảm thấy vô cùng xấu hổ vì đã lỡ đến thăm viếng nó !!!”

6) THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỨC TIN PHÓ THÁC:

Cách đây ít lâu, báo chí tường thuật lại một sự kiện: Vào một đêm nọ, một đám cháy đã bùng lên từ nhà bếp của một căn nhà. Bấy giờ ông bố bà mẹ đã bế mấy đứa con trong nhà ra sân và buồn bã đứng nhìn ngôi nhà đang cháy rất to, chứng kiến căn nhà là kết quả của bao năm ăn tằn hà tiện giờ đang bốc cháy. Bất chợt bà mẹ phát hiện ra còn thiếu thằng con trai út năm tuổi nằm ngủ ở tầng trên. Đứa bé này nghe tiếng báo cháy và khói bốc vào phòng đã thức giấc và chạy ra khỏi phòng về phía cầu thang xuống nhà. Nhưng khói lửa lại đang từ cầu thang bốc lên khiến em không thể xuống dưới nhà với gia đình, em đành đứng khóc ngoài ban công lầu một. Cha mẹ em hiểu rằng không thể liều mình vào trong nhà đang bốc cháy như một lò lửa rất lớn. Bấy giờ cha mẹ em thấy con đang đứng khóc bên ngoài ban-công. Nhìn thấy con, ông bố đứng dưới sân hét to: “Con mau nhảy xuống đi”. Đứa bé nhìn đâu cũng chỉ thấy khóí lửa mịt mù và đang bị ho vì hít phải khói độc. Em nghe thấy tiếng nói của bố liền đáp: “Bố ơi, con không nhìn thấy bố”. Ông bố lại quát lớn: “Bố đứng dưới này nhìn thấy con rất rõ. Con hãy nhảy xuống đi có bố đỡ”. Khi thấy lửa sắp cháy tới nơi, em bé liền vâng lời nhảy xuống đất và đã nằm an toàn trong vòng tay của bố, vì ông đang đứng chờ đón nó ngay ở phía dưới.

Đứa bé trong câu chuyện trên chính là hình ảnh của các tín hữu chúng ta hôm nay. Trong cơn cùng khốn, chúng ta được nghe tiếng Chúa phán : “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Chắc đã có lần chúng ta thưa : “Chúa ơi, con chẳng nhìn thấy Chúa đâu cả”, và chúng ta tưởng Chúa đã bỏ rơi mình rồi, mà không biết rằng Chúa luôn ở bên chúng ta và sẵn sàng dang tay cứu giúp chúng ta, như Người đã từng nói với các môn đệ : “Cứ yên tâm. Chính Thầy đây. Đừng sợ !” (Mc 6,50).

7) TÔI MUỐN CHO CON TÔI ĐƯỢC SỐNG:

Câu truyện này xẩy ra vào tháng 12 năm 1987. Một cơn động đất đã xẩy ra ở Armenia thuộc Liên xô cũ đã giết chết hàng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Su-zan-na. Hai mẹ con đã may mắn nằm lọt trong một khoảng trống nhỏ khi cơn động đất làm sụp đổ ngôi nhà đang ở. Tất cả lương thực hai mẹ con có lúc này chỉ là một hũ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng đã hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi liền nói : ”Mẹ ơi, con khát quá”. Bà Su-zan-na không biết phải tìm đâu ra nước cho con uống. Rồi tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo : bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay của mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến khi người ta đào bới tới nơi và cứu thoát được hai mẹ con. Khi được hỏi lý do tại sao bà làm điều nguy hiểm như thế, bà mẹ đã trả lời như sau : ”Lúc đó tôi nghĩ chắc mình sắp chết, nhưng tôi lại muốn cho con tôi được sống”.

3. SUY NIỆM:

Một người đàn bà ngoại giáo Ca-na-an có đứa con gái bị quỷ ám đã đi tìm Đức Giê-su để xin Người chữa cho con gái bà được lành bệnh. Nhờ đức tin mạnh mà bà đã được Người ban như ý. Vậy để lời cầu xin của chúng ta xứng đáng được Chúa chấp nhận, chúng ta cần phải tin cậy cầu nguyện như thế nào ?

1) CẦN CẦU NGUYỆN VỚI MỘT ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH: Người đàn bà này đã kêu to lên để xin Đức Giê-su thương cứu con gái bà đang bị quỷ ám. Bà nói: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” Nhưng Đức Giê-su im lặng không đáp lại một lời ! (22-23). Thực ra không phải Người thờ ơ lãnh đạm trước nỗi khổ đau của người khác. Nhưng Người muốn thử thách để xem đức tin của bà ra sao ? Nếu bà không xin nữa thì đức tin nơi bà chỉ là thứ đức tin vụ lợi: “Tin Chúa để được ơn theo ý riêng mình” như người ta thường nói: “Theo đạo lấy gạo mà ăn”; “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ !”… Ngày nay nhiều lần người tín hữu chúng ta cũng cầu xin và cũng gặp phải sự im lặng của Chúa như thế. Khi ấy, có người sẽ biểu lộ sự hồ nghi qua lời than trách: “Thiên Chúa có hiện hữu hay không ? Ngài có nghe thấy lời cầu xin của con không ? Có nhìn thấy những khó khăn của con và ra tay cứu giúp không ?”.

2) CẦN MỘT ĐỨC CẬY VỮNG VÀNG: Người đàn bà Ca-na-an trong Tin Mừng hôm nay đã không ngã lòng trông cậy, dù bị Đức Giê-su im lặng như đang giả điếc làm ngơ. Bà luôn vững tâm và kiên trì nhiều lần kêu xin Người thương cứu giúp: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (23b-25) Cuối cùng bà đã được như ý. Nhiều tín hữu chúng ta khi cầu xin mà không được nhậm lời ngay, đã vội chán nản ngã lòng trông cậy, thôi không cầu nguyện nữa và “hữu sự vái tứ phương”: chạy đến với thầy bói, thầy bùa ngải hay làm những điều mê tín dị đoan khác…

3) CẦN MỘT ĐỨC MẾN KHIÊM TỐN: Nghe Đức Giê-su trả lời: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”, bà ta thưa: “Thưa ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bà vì thương con sẵn sàng chịu đựng những lời nói miệt thị của dân Do Thái, vì họ luôn coi dân ngoại như loài chó hạ cấp. Chính sự khiêm tốn của bà đã khiến bà được Chúa Giê-su yêu mến khen ngợi và ban cho bà được như ý.

Như vậy, tin không phải là đòi Chúa luôn phải ban ơn theo ý riêng mình, nhưng do lòng yêu mến thôi thúc, chúng ta hãy nêu ra ý cầu nguyện cho mình và tha nhân, phó thác để Chúa toàn quyền quyết định ban hay không ban, và ban như thế nào, rồi sẵn sàng xin vâng ý Chúa, vì biết rằng mọi sự xảy ra đều tốt và hữu ích cho phần rỗi đời đời của ta.

4) TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC MẾN VÀ ĐỨC TIN:

- Một điều hiển nhiên mà ta có thể khẳng định, đó là tình yêu thương của người đàn bà ngoại giáo dành cho con thật dạt dào. Vì thương con, chị ta đã kiên trì đi theo kêu xin Đức Giê-su. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua sự tự ái, đồng thời bày tỏ lòng tin khiêm nhu: "Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống" (Mt 15,27).

- Như vậy: tin phát sinh từ con tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sủ Hội Thánh minh chứng rằng nhiều người đã có đức tin do cảm nhận một tình thương, do nhận được một nghĩa cử cao đẹp của một ai đó hơn là vì biết giáo lý. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một tín hữu bị ngả nghiêng, chao đảo hay khô khan nguội lạnh, thường là do đời sống luân lý bị sa sút hơn là do sự thiếu hiểu biết đức tin. Nói như vậy không có nghĩa loại trừ hay giảm nhẹ vai trò quan trọng của lý trí trong việc tìm hiểu giáo lý, gìn giữ và củng cố đức tin của mình.

- Trong thời gian rao giảng tin mừng Nước Trời, Đức Giê-su cũng luôn biểu lộ tình thương của Người qua việc thi ân giáng phúc trước, rồi mới mời gọi người ta tin theo Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no, cũng như chữa lành người mù từ thuở mới sinh... là một minh chứng ( Ga 6,35; 9,35 ). Là những người đã có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin bằng những hành động bác ái yêu thương, như lời thánh Gia-cô-bê dạy: "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,17 ). Việc làm nói đây chính là các việc bác ái yêu thương, khiêm nhường phục vụ những kẻ nghèo hèn bệnh tật và đau khổ.

Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, tuy nhiên phương cách thiết thực và hữu hiệu nhất, là quảng đại chia sẻ tinh thần vật chất cho người nghèo, bệnh tật và bất hạnh… Việc bác ái phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật của chúng ta sẽ có sức thuyết phục rất lớn như lời Chúa dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5 16).

4. THẢO LUẬN: 1) Khi gặp tai ương họan nạn, bạn thường cầu xin với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su hay với Đức Mẹ và các thánh làm phép lạ ? 2) Qua kinh Lạy Cha, bạn thấy lời cầu nguyện do chính Đức Giê-su dạy có những đặc điểm nào ? 3) Từ nay bạn quyết tâm sẽ cầu nguyện ra sao từ khi thức dậy ban sáng đến lúc đi ngủ ban đêm ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA CHA NHÂN ÁI. Con xin cảm tạ Cha vì biết bao hồng ân Cha đã đổ xuống trên con. Rất nhiều ơn Cha ban mà con cứ tưởng là chuyện tự nhiên như: khí trời con thở, cơm bánh con ăn, áo quần con mặc, đồ dùng con sử dụng… Thế mà con lại đau khổ khi không được Cha ban theo điều con xin, hay những khi Cha để con gặp phải những sự rủi ro trái ý. Con đã quên rằng đời con luôn được Cha bao bọc bằng muôn ngàn hồng ân lớn lao cả hồn lẫn xác.

- LẠY CHA. Con xin cảm tạ Cha vì những gì Cha đã không ban, vì con tin chắc rằng Cha biết điều ấy có hại cho phần rỗi đời đời của con, hoặc vì Cha muốn ban nhiều ơn khác có ích cho phần rỗi của con hơn. Xin cho con luôn vững tin vào tình thương quan phòng chở che của Cha giống như “gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”. Nhờ đó khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi đuợc may lành như ý cũng như khi bị những điều trái ý cực lòng... Xin cho con luôn biết cậy trông và phó thác trọn vẹn nơi tình thương quan phòng của Cha.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH
 
Những ân tình đời thường
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:28 18/08/2017
Phải vào đạo Công Giáo mới được được lên thiên đàng sao? Vâng, đúng thế. Một thừa sai cách đây khoảng 300 năm không chỉ xác quyết như trên mà còn nói thêm rằng mọi người không vào đạo Công Giáo đều xuống hỏa ngục. Một bà thuộc hàng vương tộc nước Việt chúng ta, người đặt câu hỏi trên đây đã nhất quyết không vào đạo Công Giáo vì một chức sắc của đạo ấy quả quyết tiên tổ của bà đều xuống hỏa ngục tất tần tật. Và chính bà ta đã thẳng tay đuổi vị thừa sai ra khỏi nhà.

Cần khiêm tốn thú nhận rằng đã một thời Kitô hữu chúng ta tự nhốt mình trong tháp ngà tự kiêu chủ quan: Chỉ có đạo ta mới là đạo thật, chỉ có chúng ta mới nắm trọn chân lý, ngoài đạo ta, anh em lương dân, bà con khác đạo đều là sai lạc sạch sành sanh và không thể được cứu rỗi.

Thử hỏi chân lý ta có được do bởi đâu, phải chăng là nhờ sự truy tìm của trí khôn? Không loại trừ sự góp phần của lý trí, nhưng nguyên lý trí vẫn chưa đủ. Chân lý ta thủ đắc là nhờ lòng tin dựa vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là ân sủng do Chúa ban tặng cách nhưng không. Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng từ bi, nhân ái. Người muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định sự thật này với môn đệ Timôtê (x.Tim 2,3-4). Thiên Chúa, Đấng chẳng nể vì hay tây vị một ai, Đấng rộng tay cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương, chắn chắn Người chẳng hẹp hòi với bất cứ ai. Tiên tri Isaia công bố rằng mọi người sẽ được Chúa dẫn lên Núi thánh, cho họ hân hoan bước vào Nhà cầu nguyện, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân nước (x.Is 56,6-7).

Đức tin là do Chúa ban tặng. Thế nhưng đức tin không phải là một món quà cụ thể được trao ban một lần tức thời, nhưng thường là dần dần qua những điều kiện tự nhiên khách quan lẫn chủ quan. Một trong những điều kiện tự nhiên ấy chính là những mối tình chân chính bình thường của kiếp người: Tình phụ tử, mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Một người mẹ, một phụ nữ xứ Canaan, một lương dân hay ngoại giáo đã bày tỏ niềm tin sắt đá khiến Chúa Giêsu phải khâm phục. Đấng Thiên sai cũng đã từng khâm phục lòng tin của một viên sĩ quan bách quản đến nỗi Người khẳng định rằng chưa thấy có lòng tin nào mạnh mẽ như thế trong Israel (x.Mt 8,10).

Viên sĩ quan bách quản và người mẹ xứ Canaan trên đã sớm chân nhận căn tính Thiên Sai của Chúa Giêsu chăng? Điều này chúng ta không thể trả lời cách chắc chắn. Nhưng một điều thật hiển nhiên ta có thể khẳng định, đó là tấm lòng của người phụ nữ ngoại giáo dành cho đứa con và tấm lòng của viên sĩ quan bách quản dành cho người đầy tớ thật sâu đậm và dạt dào. Vì thương con, chị phụ nữ kiên trì lẽo đẽo theo chân Thầy Giêsu. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua chướng ngại của sự tự ái, đồng thời bày tỏ sự khiêm nhu: “Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống” (Mt 15,27). Vì thương người đầy tớ, viên sĩ quan bách quản không ngại ngần đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái vốn là dân đang bị cai trị, đồng thời lại bày tỏ sự khiêm nhu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8,8).

Theo tiến trình tự nhiên, thì không phải nhờ đã có lòng tin nên ta biết yêu, mà ngược lại nhờ biết yêu thương thì lòng tin của ta dần dà nên vững mạnh. Chúng ta dễ nhận ra hiện thực này qua tương quan đôi lứa. Vì yêu nhau nên đôi bạn trẻ ngày càng tin tưởng nhau hơn là vì đã tin tưởng nhau nên họ yêu nhau. Như thế niềm tin thường khởi đi từ trái tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sử Hội Thánh minh chứng rằng người ta đến với đức tin thường là do cảm nhận một mối tình, một nghĩa cử nào đó hơn là do “bị thua lý”. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một Kitô hữu ngã nghiêng, chao đảo hay khô cằn, thì lý do thường thấy là vì đời sống luân lý sa sút hơn là do thiếu hiểu biết, mặc dù ta không thể loại trừ hay giảm nhẹ vai trò của lý trí trong việc gìn giữ và củng cố đức tin.

Trong thời gian rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu thường bày tỏ tình yêu của Người qua việc thi ân giáng phúc rồi sau đó mời gọi người ta tin vào Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi no đủ gần cả vạn người cũng như nhiều phép lạ khác như chữa lành người mù từ thưở mới sinh… là một minh chứng (x.Ga 6,35; 9,35). Ngay đêm Tiệc Ly, sau khi cử hành “Lễ Tạ Ơn” và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu tha thiết: “Anh em hãy tin vào Thầy…” (Ga 14,1).

Là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được xem là người có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin của mình bằng chính những nghĩa cử bác ái yêu thương. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi khẳng định chân lý này thánh Giacôbê tông đồ trước tiên muốn nói đến hành vi bác ái mà Kitô hữu cần thường xuyên thực thi. Vì trước đó Ngài nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).

Một sứ vụ gắn liền với căn tính của Kitô hữu, đó là rao giảng tin mừng, là chia sẻ niềm tin mình đã lãnh nhận. Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng truyền giáo, tuy nhiên cách thế xem ra thiết thực nhất, để khởi đầu việc gieo hạt giống đức tin đó là rộng tay chia sẻ tấm lòng của mình qua các mối tình nhân loại chính đáng và phải đạo. Dĩ nhiên không phải dùng của cải vật chất như chiêu bài để câu tín hữu như đã có một thời với “chuyện đạo gạo, đạo bộp bắp, bột xép…”, nhưng phải phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật.

Biết yêu thương, dù với những nghĩa cử thường tình của tình nhân loại, thì niềm tin sẽ được củng cố. Được yêu thương thì niềm tin sẽ được gợi mở và dệt xây. Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những ân tình bình thường của ta để tuôn ban ân sủng đức tin. Có đức tin thì sẽ có sự sống đời đời. Xin đừng quên lời cảnh báo của Thầy chí thánh: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến cùng dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac va Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8,11-12).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Úc: hãy bỏ phiếu “không” cho hôn nhân đồng tính
Vũ Văn An
22:13 18/08/2017
Đầu tuần này, chính phủ Úc, do Thủ Tướng Malcolm Turnbull lãnh đạo, đã tuyên bố rằng cả nước sẽ tham dự một cuộc trưng cầu dân ý (plebiscite) không bắt buộc qua bưu điện về hôn nhân đồng tính.

Người dân Úc sẽ được yêu cầu phát biểu ý kiến của mình hạn chót vào tháng Mười Một năm 2017 về việc liệu có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở trong nước hay không. Không giống một cuộc referendum, tuy cũng là trưng cầu dân ý, nhưng thường lá phiếu của người dân sẽ thay đổi luật lệ hay ít nhất không thể bị bác bỏ dễ dàng, một cuộc plebiscite chỉ là để thu lượm ý kiến công chúng chứ không có tính trói buộc về luật pháp.

Hội Đồng Giám Mục Úc

Cuốn sách nhỏ về cuộc trưng cầu ý dân trên của Hội Đồng Giám Mục Úc viết rằng: “Hãy bỏ phiếu KHÔNG, để duy trì hôn nhân như liên hệ độc đáo giữa một người đàn bà và một người đàn ông”.

Đạo luật Hôn Nhân năm 1961 của Úc dự liệu rằng hôn nhân là “cuộc kết hợp của một người đàn ông và một người đàn bà đến nỗi loại bỏ mọi người khác”. Gần đây, các thành viên cấp tiến của quốc hội ở trong nước đã cố gắng đề xuất một tu chính án đối với đạo luật này nhằm bao gồm hôn nhân đồng tính. Ông Turnbull quyết định thăm dò niềm tin của quốc gia qua cuộc trưng cầu ý dân trước khi mang vấn đề ra thảo luận trước quốc hội.

Trong cuốn sách nhỏ, các giám mục Úc nói rằng việc nhấn mạnh hôn nhân là mối liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà “không phải là lời chỉ trích các loại liên hệ khác” và không loại trừ các cặp đồng tính khỏi bước vào các mối liên hệ hợp pháp khác.

Các ngài viết trong cuốn sách nhỏ đề ngày 15 tháng Tám như sau “việc nhìn nhận rằng hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà không phải là lời xác quyết cuồng tín, tín điều tôn giáo hay truyền thống phi lý, nhưng chỉ là lời thừa nhận sinh thái nhân bản”.

Các giám mục tiếp tục tuyên bố rằng “các hậu quả của việc thay đổi hôn nhân là điều rất có thực” và tự hỏi liệu các tín hữu có bị buộc phải can dự vào các nghi lễ trái ngược với các tín ngưỡng của họ không, liệu các tổ chức có được tự do tuyển dụng các nhân viên theo các nguyên tắc của họ không hay họ sẽ bị loại khỏi các cuộc đấu thầu để được các khế ước của chính phủ hoặc các hình thức tài trợ khác với điều kiện họ phải ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Các giám mục viết tiếp “Chúng tôi đã thấy mỗi một thứ tự do trên bị thách thức ở ngoại quốc nơi định nghĩa về hôn nhân đã thay đổi”.

Đức Tổng Giám Mục Adelaide

Trong một quyết định đang gây tranh luận của chính phủ, cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tiến hành qua Văn Phòng Thống Kê Úc; vì điều này có nghĩa sẽ không có các bảo vệ thông thường chống lại việc phân phối các tài liệu có tính kỳ thị hay lừa bịp.

Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson của Adelaide, trong một tuyên bố ngày 16 tháng Tám, nói rằng “Chúng ta tiến hành cuộc đối thoại này với một cảm thức tôn kính và tôn trọng sâu xa đối với mọi người trong nước, và đối với các chọn lựa họ được tự do đưa ra”.

Đức Tổng Giám Mục kêu gọi mọi người Công Giáo trong nước “tham gia cuộc biện phân cộng đồng này” và làm thế “trong tinh thần phong nhã, tôn kính và tôn trọng thanh thản. Trong cuộc đối thoại này, không hề có chỗ cho chỉ trích, chửi rủa hay bôi nhọ người khác hoặc các lựa chọn của họ”.

Ngài nói thêm: “đây là một cơ hội để chúng ta làm chứng cho cam kết sâu xa của chúng ta đối với hôn nhân theo cung cách có thể thuyết phục người khác bằng sự sâu sắc trong đức tin của ta và lòng kính trọng của ta đới với mọi người”.

Bản tuyên bố kết thúc bằng việc nhìn nhận sự thánh thiện của hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà và vai trò nền tảng của nó trong việc dưỡng dục con cái như là thành phần trong kế hoạch thánh thiêng của Thiên Chúa dành cho gia đình nhân loại.

Các cuộc thăm dò

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy thái độ đối với hôn nhân nơi người Úc đang từ từ thay đổi nghiêng nhiều về phía chấp nhận hôn nhân đồng tính, nhất là nơi phụ nữ. Cuộc thăm dò hàng năm của Household, Income and Labour Dynamics in Australia cho thấy 67 phần trăm phụ nữ và 59 phần trăm đàn ông có thiện cảm với việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Một cuộc thăm dò mới đây của Galaxy Research, và do Parents and Friends of Lesbians and Gays ủy nhiệm, cho thấy trong số 1,000 Kitô hữu Úc, 54 phần trăm có cảm tình với hôn nhân đồng tính và 49 phần trăm chống lại các điều khoản bảo vệ phản đối lương tâm đối với việc cung cấp dịch vụ cho các cặp đồng tính.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy các cuộc thăm dò dư luận không hẳn hoàn toàn vô tư trong một cuộc chiến phức tạp như hôn nhân đồng tính. Người ta vẫn tin đa số thầm lặng có đó để phản công thứ thăm dò đầy chất ý thức hệ hiện nay.

Ký giả Andrew Probyn, tuy không tin có thứ đa số thầm lặng trên, nhưng dựa vào thực tế chính trị Úc để tiên đoán có thể phe “CÓ” của cuộc trưng cầu dân ý lần này sẽ thất bại như họ từng thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý trước đây về Nền Cộng Hòa Úc, một cuộc trưng cầu dân ý mà người đứng đầu không ai khác mà là chính ông Malcolm Turnbull, đương kim Thủ Tướng Úc.

Theo Probyn, lòng ông Malcolm Turnbull chắc phải thắt lại khi nghe cựu thủ tướng John Howard sẽ cùng cựu thủ tướng Tony Abbott mở chiến dịch chống lại hôn nhân đồng tính.

Turnbull biết rõ thế nào là đứng mũi chịu sào đối với một chính nghĩa tưởng rằng được nhiều người ủng hộ, chỉ để sau đó thấy nó ra cùn nhụt và bị bẻ gẫy bởi bộ hai Howard-Abbott.

Là chủ tịch Phong Trào Cộng Hòa Úc gần hai thập niên trước, Ông Turnbull đứng đối chọi với Ông Abbott, người lãnh đạo tổ chức Người Úc vì Nền Quân Chủ Lập Hiến với sự khuyến khích của thủ tướng Úc lúc bấy giờ là John Howard.

Giống như hôn nhân đồng tính bây giờ, các cuộc thăm dò lúc ấy cho thấy một nước cộng hòa Úc một là được đa số ủng hộ hai là ít nhất cũng được ủng hộ nhiều hơn bị chống đối.

Nhưng lá phiếu CÓ đã thua trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1999, vì người cộng hòa bị chia rẽ đối với việc mô thức nào được chuộng hơn và vì điều mà giám đốc chiến dịch CÓ, là ông Greg Barns, rầu rĩ coi là các chủ trương quá đơn giản và lừa bịp.

Tuần này, Ông Barns bảo rằng nếu những người cổ vũ hôn nhân đồng tính cũng chia rẽ như người Cộng Hòa năm 1999, thì họ cũng sẽ gặp cùng một số phận.

Ông nói với tờ The Australian Financial Review rằng: “Họ sẽ thua nếu thiếu sự đoàn kết và nếu họ không phản công được điều đã bắt đầu trở thành nỗi sợ thái quá và chiến dịch gây hoang mang bằng những dối trá trắng trợn. Thiếu đoàn kết và không có khả năng phản công các chủ trương lừa bịp mà Abbott đang vung vãi khắp nơi sẽ đánh bại điều ai cũng cho là sẽ thắng”.

Cuộc chiến văn hóa của Abbott về các giá trị

Ông Abbott, theo Probyn, là trái banh chính trị có tính phá hoại đến tử vong nhất trong thế hệ của ông ta. Ông ta đã phát động chiến dịch KHÔNG của ông ta vào hôm thứ Ba.

Chẳng cần cờ xí, diễn đàn hay phông ảnh loè loẹt chi, chỉ một vài hàng phá hoại nói trước cửa ra vào Hạ Nghị Viện với một nhúm ký giả. Ông ta bảo:

“Tôi nói cho qúy bạn hay, nếu qúy bạn không thích hôn nhân đồng tính, hảy bỏ phiếu KHÔNG. Nếu qúy bạn lo ngại cho tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, qúy bạn hãy bỏ phiếu KHÔNG, và nếu qúy bạn không thích cái thứ chuẩn mực (correctness) chính trị, qúy bạn hãy bỏ phiếu KHÔNG vì bỏ phiếu KHÔNG sẽ giúp chặn đứng thứ chuẩn mực chính trị ấy khỏi đường đi của nó”.

Tự do tôn giáo. Tự do ngôn luận. Chuẩn mực chính trị. Ông Abbott đóng khung cuộc đấu tranh chống hôn nhân đồng tính thành một cuộc chiến văn hóa có tính thế hệ về các giá trị.

Ông kêu gọi sự bất đồng chống lại toàn bộ nghị trình của phe cấp tiến và xỉ vả việc phe tả xâm lấn vào truyền thống và định chế.

Cuộc tranh đấu chống hôn nhân đồng tính của ông, trên thực tế, là công việc suốt đời của ông. Và ông gợi ý cho rằng cuộc đấu tranh chống việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính là một thập tự chinh để giành nền dân chủ tự do chứ không để chống lại nó.

Và ông ca ngợi việc chính phủ theo đuổi cuộc trưng cầu dân ý bằng bưu điện; và việc này ngay tức khắc gây lo ngại cho các đồng nghiệp phò hôn nhân đồng tính của ông, vì họ thừa nhận rằng Ông Abbott đã nhìn thấy cơ may tức khắc để tuyên một cuộc chiến thành công.

Ông Abbott đã gọi lá phiếu KHÔNG của năm 1999 là lá phiếu bảo vệ dân chủ chống lại “nền cộng hòa của các chính trị gia” thế nào, thì ông cũng mừng vui coi cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính như một cú đấm vào “lá phiếu của các chính trị gia” như thế.

Shorten chẳng đặng đừng lên tiếng

Probyn cho biết: trong hơn hai ngày, những phát biểu của Ông Abbott không bị bất cứ lãnh tụ chính trị nào thách thức cả.

Thực vậy, gần như cả tuần lễ, không một ai trong giới lãnh đạo chính trị Úc, cả chính phủ lẫn phe đối lập, chịu đứng ra lãnh đạo chiến dịch CÓ cả.

Ông Turnbull thì do dự, vừa không muốn nhận quyền sở hữu đối với một diễn trình rõ ràng có nhiều khuyết điểm vừa không muốn làm phe hữu nổi sùng, một phe từ lâu vốn cảnh cáo chống lại việc thúc đẩy hôn nhân đồng tính.

Ông Thủ Tướng nói mình sẽ bỏ phiếu CÓ nhưng cho biết các cam kết khác trong tư cách thủ tướng không cho phép ông tích cực tham dự chiến dịch; lý do này quả không thuyết phục được ai vì quá yếu.

Thủ Lãnh Đối Lập Bill Shorten, đi dây giữa một diễn trình ông không thích và một kết quả ông rất thích, đợi đến mãi thứ Năm mới lên tiếng.

Ông bảo: “Tôi sẽ bỏ phiếu CÓ. Tôi sẽ vận động cho phiếu CÓ. Chúng tôi nói với giới trẻ Úc đồng tính rằng chúng tôi sẽ bỏ phiếu trong cuộc thăm dò này, chúng tôi sẽ bỏ phiếu trong cuộc thăm dò này vì qúy bạn. Chứ không phải vì chúng tôi tôn trọng diễn trình này, nhưng vì Đảng Lao Động sẽ không để người Úc đồng tính và người trẻ đồng tính phải tự mình đương đầu với cuộc thăm dò này, với việc lượng giá các mối liên hệ của họ”.

Ông ta đổ cho Ông Turnbull phải chịu trách nhiệm bản thân đối với “mọi thứ hôi thối gây đau lòng” do việc đầu phiếu bưu điện này tạo ra, sau khi đã hèn nhát để cuộc tranh luận nổ ra.

Cũng nên biết, cử tri Úc sẽ nhận được phiếu bầu bắt đầu từ ngày 12 tháng Chín, và ngày 7 tháng Mười Một là hạn chót để họ bỏ phiếu thuận hay chống hôn nhân đồng tính. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 15 tháng Mười Một.

Nếu đa số bỏ phiếu thuận (CÓ), thì các dân biểu Liên Minh sẽ được phép bỏ phiếu tự do tại Quốc Hội cho một dự luật hợp pháp hóa hôn hân đồng tính vào cuối năm 2017. Họ không buộc phải bỏ phiếu theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Còn nếu đa số bỏ phiếu chống (KHÔNG), thì chính phủ sẽ không cho phép các dân biểu Liên Minh bỏ phiếu tự do tại Quốc Hội, nghĩa là họ phải tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
 
Một Giám Mục Bất Khuất Trước Bạo Lực
Thảo Nguyen
23:07 18/08/2017
Một Giám Mục Bất Khuất Trước Bạo Lực

ĐTGM Oscar Romero
ĐTGM Oscar Romero che chở và bảo vệ cho người cùng đinh nghẻo khổ
ĐTGM Oscar Romero được người dân El Salvador ngưỡng mộ
Từ Thủ Đô San Salvador, Nước Cộng Hoà El Salvador, Trung Mỹ, trong thánh lễ ngày 23 tháng 3 năm 1980, Đức TGM Oscar Romero, đã gởi một tín điệp khẩn đến Giới Quân Nhân như sau:
“Nhân danh Thiên Chúa, cũng như nhân danh tất cả những người nghèo khổ mà lời than khóc của họ càng ngày càng thống thiết, và vẫn còn đang vang vọng lên tới tận trời cao, tôi khẩn khoản, tôi van nài, và tôi tha thiết yêu cầu các bạn quân nhân hãy chấm dứt ngay mọi cuộc tàn sát!’”
Trước lời gọi hoà bình của TGM Oscar Romero
trên đây, vào chính tối ngày hôm sau, ngày 24 tháng 3 năm 1980, Thiếu Tá Roberto D'Aubuisson, chỉ huy trưởng Biệt Đội Ám Sát, cho người bắn chết TGM ngay trong lúc Ngài đang dâng lễ cầu nguyện cho thân mẫu của một người bạn tại nhà nguyện nhỏ trong Bệnh Viện Divina Providentia. Ngài đã chết vì Đức Tin.

Đức TGM Oscar Romero chịu chết vì đạo ngay trên bàn tiệc thánh, sau những ngày tháng sống cho người nghèo, đã từng can đảm lên tiếng bênh vực người nghèo khổ đang bị ức hiếp, bóc lột, bách hại và bị giết nữa. Ngài không thể yên lặng trước cảnh chính quyền quân phiệt độc tài đàn áp người yếu thế một cách bất nhân. Ngài mạnh dạn lên tiếng thay cho giai cấp nghèo khổ không nói lên được tiếng nói của mình. Ngài là người đem hoà bình đến nơi tranh chấp, và đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Ngài dấn thân sống cả đời với tôn chỉ

Ánh Sáng Tin Mừng, trường sinh thuyết
Sứ Mệnh Tông Truyền, bất tử duyên!

Đúng vậy! TGM Oscar Romero hiến dâng cả cuộc đời mình vào việc giảng dậy và sống theo ánh sáng chân lý trường sinh của Tin Mừng. Đồng thời Ngài cũng luôn gắn bó với nếp sống dấn thân cho người nghèo. “Chọn người nghèo khổ trước hết” là châm ngôn sống của Ngài. Ngài là ai? Ngài đem chân lý đến nơi cần phải đem tới như thế nào? Ngài chịu chết cho dân tộc của Ngài ra sao?

Oscar Romero Xuất Thân Từ Gia Đình Nghèo Khó

TGM Romero tên thật là Oscar Arnulfo Romero Y Galdamez, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1917 ở Ciudad Barrios tại quốc gia El Salvador trong gia đình khá đông anh chị em. Thân phụ ngài là nhân viên làm việc tại Bưu Điện đia phương, chuyên lo chuyển trao điện tín. Đôi khi Oscar cũng phụ cha trao điện tín. Cậu học đến năm 12 tuổi, vì nhà nghèo lại đông anh chi em, nên cậu được thân phụ cho đi học nghề thợ mộc đóng bàn ghế và cánh cửa. Vào thời đó, người có bằng cấp và trí thức mà xuất thân từ giới công nhân hay nông nhân đều khó có thể kiếm được việc làm thích hợp với khả năng chuyên môn của mình. Do đó, việc chuẩn bị cho con trai mình có một nghề sinh sống đều là mong ước khôn ngoan của người làm cha trong gia đình.

Oscar Romero Trở Nên Linh Mục Của Người Nghèo

Học được nghề nuôi thân tưởng đâu cậu Oscar sẽ an vui với số phận. Thế nhưng khi lên 14 tuổi, cậu Oscar muốn theo học tại chủng viện vì cậu muốn trở thành linh mục. Trong thời gian theo học tại chủng viện, bà mẹ lâm bệnh và qua đời, khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, cậu phải gián đoạn việc học ít tháng để về nhà giúp gia đình vượt qua gian khổ. Cậu đi làm công với tiền công èo ọp dành cho các công nhân vị thành niên. Đến năm 1937, thân phụ qua đời, Cậu Oscar được gới sang Roma để theo học tại Đai Học Công Giáo Gregoriana. Cũng tại Thánh Đô này, thày Oscar tốt nghiệp cử nhân Thần Học, và thụ phong linh mục vào ngày 3 tháng 4 năm 1942.

Sau đó Cha Oscar trở về quê hương El Salvador để bắt đầu dấn thân vào phục vụ cộng đồng Dân Chúa bằng lời nói và việc làm. Cha nổi tiếng với những bài giảng trong các thánh lễ. Các bài giảng bảo vệ quyền con người của Ngài được phát thanh trên Radio công giáo. Cha được trao phó nhiều nhiệm vụ khác nhau. trước hết là quản xứ Anamaros một thời gian ngắn rồi đổi sang giáo xứ San Miguel suốt 20 năm tiếp theo. Kế đến làm Viện trưởng Chủng Viện Liên Địa Phận tại San Salvador. Cha cũng được bổ nhiệm làm Thư Ký Hội Đồng Giám Mục El Salvador. Cha còn kiêm Chủ Nhiệm Tờ Báo Orientacion của Tổng Giáo Phận. Dù đảm nhiệm chức vụ nào đi nữa, Cha Oscar Romero đều luôn tận tâm tận lực. Cha xả thân hoạt động tại các giáo xứ, thăm viếng các tù nhân, tổ chức các lớp giáo lý, cũng như hoà mình làm việc thiện với nhiều nhóm người khác trong công tác giúp đỡ và phân phát thực phẩm cho người nghèo khổ.

TGM Oscar Romero Sống Và Chết Cho Người Nghèo

Càng đảm nhận chức vụ cao, Cha Oscar Romero càng cảm thấy có sứ mệnh phụ vụ cộng đoàn dân Chúa nhiều hơn. Ngày 21 tháng 6 năm 1970, cha Oscar Romero được Toà Thánh Vatican bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận San Salvador. Cho tới năm 1974, Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục một Giáo Phận vùng miền quê là Santiago De Maria, cũng nằm trong tỉnh San Salvador. Tiếp đến là vào ngày 23 tháng 2 năm 1977, Đức Cha Oscar Romero được Toà Thánh Vatican chính thức bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục thứ Tư của tổng giáo phận San Salvador, kế nhiệm TGM Luis Chávez y González đến tuổi nghỉ hưu.

Trước khi trở thành GM và TGM, linh mục Oscar Romero vốn là một linh mục truyền thống bình thường, hay mắc cỡ, và không có hào hứng gì với sinh hoạt chính trị. Điều mà Cha Oscar Romero cảm thấy an tâm thoải mái là cứ vui sống bên trong khuôn viên nhà thờ mà thôi. Thế rồi cuối thập niên 60, sau khi Công Đồng Vatican II bế mạc, các GM Châu Mỹ La Tinh nhóm họp tại Medellin nước Colombia nhằm thảo ra đường hướng sống đạo theo tinh thần Công Đồng Vatican II. Các Giám Mục đã quyết định chọn một đối tượng chung là người nghèo để cùng quan tâm và phục vụ. các Ngài đồng lên tiếng kêu gọi mọi người Công Giáo hãy kề vai sát cánh cùng nhau chống lại một cấu trúc xã hội đang đẩy đưa các dân tộc lâm vào cành nghèo khổ. Đồng thời Hội Nghị yêu cầu mọi người hãy giúp người nghèo qui tụ thành những cộng đoàn Kitô Giáo để giúp nhau thảo luận và tranh đấu cho một nếp sống đầy đủ nhân cách của con người. Đáp ứng lời kêu gọi quan tâm đến người nghèo cùng đường hướng hoạt động của Hội Nghị Medellin, ngay sau đó đã có hàng ngàn người gồm cả linh mục và người công giáo dấn thân tiến về các làng quê xa xôi giúp đỡ và làm việc với dân nghèo.

Theo trào lưu sống đạo của Công Đồng Vatican II, với chủ đề mục vụ của Hội Nghị Giám Mục Châu My La Tinh năm 1968 tại Medellin, linh mục Oscar, rồi GM Oscar Romero, và nhất là TGM Oscar Romero bị lôi cuốn theo sức hút như nam châm tiến đến với người nghèo. Thế là Ngài sống trọn vẹn cho người nghèo.

¬+ Phục Vụ Người Nghèo Trong Hoàn Cảnh Đất Nước Đầy Biến Loạn

Việc Ngài được bổ nhiệm làm TGM được xã hội El Salvador đón nhận với tâm tình khác nhau. Phía chính quyền thì hoan hỉ chào mừng. Phía Giáo Hội, một số linh mục ngả về Chủ Thuyếr Karl Max tỏ ra thất vọng, vì nghĩ rằng Ngài sẽ là TGM bảo thủ. Còn các linh mục cấp tiến thì lo ngại rằng: Ngài sẽ luôn bảo vệ giá trị truyền thống của Giáo Hội, và Ngài sẽ có thái độ tiêu cực đối với nhóm tự cho mình đang dấn thân cho người nghèo theo phong trào thần học giải phóng.

Chính quyền chào mừng bởi vì họ kỳ vọng vào Ngài như một nhân vật sẽ thay đổi bộ măt Giáo Hội El Salvador do vị tiền nhiệm của Ngài trao lại cho Ngài. Vị tiền nhiệm chính là TGM Luis Chávez y González đã từng nổi tiếng là nhân vật hỗ trợ mạnh mẽ cho giới nông nhân và các tổ chức công nhân. Ngài thuyên chuyển các nữ tu đang điều hành các trường học thuộc các vùng ven thành phố đi đến với người nghèo khổ tận các vùng quê xa xôi. Ngài phổ biến và kêu gọi mọi người dân hãy sống tinh thần Công Đồng Vatican II. Ngài còn mở một văn phóng cố vấn luật pháp ngay tại Thủ Dô San Salvador để bênh vực và giúp đỡ người nghèo. Những hoạt động mục vụ này không làm cho giới thống trị hài lòng nên họ dùng báo chí địa phương phê bình miệt thị Vị TGM tiền nhiệm. Họ coi TGM Luis Chávez y González như một cán bộ cộng sản phá rối quyền lực của họ, là chường ngại vật cản trở chính quyền áp đặt chính sách độc tài bạo lực lên dân chúng. Vì thế khi vị này về hưu họ thở phào, và họ càng vui mừng hơn khi nghe tin TGM Oscar Romero lên thay thế. Họ những tưởng rằng mình sẽ dễ dàng uốn nắn TGM Oscar Romero có sẵn quan điểm bảo thủ để Ngài tạo điều kiện dễ dàng cho họ thi hành đường lối cai trị quân phiệt độc đoán theo giai cấp mình.

Trái với kỳ vọng của giới đầu xỏ chính trị đang nắm quyền lực, TGM Oscar Romero không những vẫn theo đường hướng hoạt động đầy nhân bản của vị tiền nhiệm, mà Ngài cỏn khai phóng thêm nhiều phương cách khác đi ngược lại với đương lối độc tài của nhà cầm quyền Chính vì vậy, giới đầu xỏ chính trị, tức là nhóm thống trị đã từng nắm quyền lực từ năm 1931 vẫn kiên quyết bám chặt lấy quyền lực qua những thủ đoạn khác nhau, như giàn cảnh bầu cử gian lận, hay thẳng tay triệt để đàn áp mọi người dối lập cũng như các phong trào manh động vùng lên đứng về phía dân nghèo đòi tự do dân chủ và nhân phẩm của con người. Chẳng hạn tại những đổn diền trồng Cà Phê do các địa chủ đều hành, là nơi các linh mục luôn đứng đàng sau hỗ trợ cho các phong trào nổi dậy.

Nhận thấy mình không thuyết phục được TGM Oscar Romero đứng về phe mình, chính phủ quân phiệt càng ngày càng gia tăng những cuộc truy lùng bắt giam, không nương tay tra tấn và giết bất cứ ai chống đối, dù người ấy là dân thường, là nam nữ tu sỹ hay linh mục đi nữa. Sau khi nhậm chức khoảng chừng một tháng, một trong những người bạn thân nhất của TGM Oscar Romero là Cha Rutilio Grande, một linh mục Dòng Tên, đang coi sóc một giáo xứ vùng quê đã bị chính quyền sát hại thảm khốc. Cha và hai người giáo dân bị phục kích giết chêt ở một vủng quê. Cái chết của Cha Rutilio Grande tạo thêm nguồn linh ứng mạnh mẽ cho TGM Oscar Romero trở thành một chiến sỹ quả cảm cúa Tin Mừng.

TGM Oscar Romero ra lệnh ngưng cử hành Thánh Lễ Chủ Nhật trên toàn quôc, để mọi người tập trung về Nhà Thờ Chính Toà tham dử Thánh Lễ do chính Ngài cử hành. Trong Thánh Lể, Ngài mạnh bạo lên tiếng chính thức qui lỗi cho chính phủ phải chịu trách nhiệm về cái chết của cha Rutilio Grande và yêu cầu Chính Phủ phải làm sáng tỏ công lý. Ngài là TGM San Salvador đầu tiên từ chối không không nhận lởi mời tham dự lễ nhậm chức Tổng Thống của Tướng Carlos Romero. Ngài tuyên bố thẳng thắn rằng sẽ không tiếp xúc với chính quyền các cấp nếu như họ không chịu điều tra và truy tố những kẻ sát nhân.

+ Phục Vụ Người Nghèo Trong Đất Nước Phân Biệt Giai Cấp Bất Công

Vào thời điểm TGM Oscar Romero cai quản Tổng Giáo Phận San Salvador tại nước El Salvador thực tế đã phân biệt rõ rệt thành hai giai cấp xã hội, gồm: giai cấp thống trị, và giai cấp bị trị. Nhóm người Thống Trị chỉ là thiểu số xuất phát từ nhóm địa chủ giầu có vì họ sở hữu nhiều đất đai và tài sản quốc gia. Nhóm này chính là giới chủ nhân trong hầu hết mọi lãnh vục kinh tế. Họ dùng tiền của sẵn có trong tay mình để nắm giữ và thao túng chính quyền. Họ vận dụng mọi quyền lực và vũ khí nhằm bảo vệ giai cấp ưu thế của mình. Họ ngang ngược tự tung tự tác, tự tiện ra tay đàn áp dân chúng gồm những thành phần công và nông dân, mà đa số là người thất học và đói nghèo. Nhóm địa chủ giầu có này cấu kết với chính quyền quân phiệt nắm giữ hầu hết các nguồn tài sản và kinh tế quốc gia.

Đối nghịch với Nhóm đầu xỏ chính trị dộc tài trên đây, chính là giới nông dân và công nhân. Họ là giới bị trị và chiếm đại đa số trong dân chúng. Họ sống suốt đời lam lũ tại các vùng quê hay trong các công xưỡng. Dù là công nhân hay nông dân, cuộc sống của họ rất là túng thiếu nghèo khổ. Họ không có đủ dất đai canh tác làm ra lương thực nuôi sống gia đình. Nơi các công xưởng, họ chịu mọi thiệt thòi về các điều kiện làm việc và nơi ăn ở. Vì thuộc giới bị trị, họ trở nên rất yếu kém trước giới chủ nhân là giới tài phiệt nắm mọi quyền lực trong tay. Giới thống trị coi những người bị trị chẳng qua chỉ là dụng cụ sản xuất làm ra của cải cho giai cấp giầu có và đầy quyền lực mà thôi. Bị dối xử như một dụng cụ sản xuất không hơn không kém, giới bị trị phải sống chẳng khác gì người nô lệ.

Nói tóm lại, tại đất nước El Salvador, Nhóm quân phiệt đầu xỏ chính tri luôn luôn tìm cách nắm giữ quyền lực trong tay, và dùng quyền lực này để khống chế dân chúng, Họ quên rằng dân chúng cũng là những con người, có hồn có xác, có nhân vị và nhân phẩm như chính bản thân họ. Giáo Hội phải dấn thân bệnh vực lớp người kém cơ yếu thế này. Chính Đức TGM Oscar Romero đã lên tiếng vào ngày 11 tháng 3 năm 1979 rằng: “Khi nghe thấy những tiếng than khóc của giới bị áp bức, Giáo Hội không thể không lên tiếng và phải tố giác chính các cấu trúc của xã hội liên hệ đang đẩy đưa con người đến thống khổ triền miên, khiến phải cất lên những tiếng than khóc ấy.”

+ TGM Lên Tiếng Nói Thay Cho Người Nghèo Không Tiếng Nói

Đại đa số người dân El Salvador là thành phần trong giới công nhân và nông dân. Họ là những người bị trị, không có tiếng nói, và cũng không dám lên tiếng nói, bởi vì họ luôn luôn bị theo dõi và dễ bị trù dập và tiêu diệt. Giai Cấp Thống Trị kiểm soát người dân như đàn cừu, đòi buộc tất cả phải ngoan ngoãn phục tùng, làm việc như máy móc để thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Họ cấu kết với nhóm tài phiệt, trở thành lớp người đầu xỏ chính trị, chỉ biết cậy quyền cậy của, rồi tự tung tự tác, ra tay đàn áp giới bị trị là đại đa số dân chúng không có khí giới nào, ngay cả quyên làm người cũng bị tước đoạt.

Lóp người bị trị xét chung là những người nghèo khổ. TGM Oscar Romero đã chọn chính giai cấp nghèo khồ này để lên tiếng bênh vực. Phương châm sống và hành động của Ngài là: “Chọn người nghèo khổ trước hết.” Đây cũng chính là Chủ Đề theo thành quả của Hội Nghị Các Giám Mục Châu My La Tinh họp bàn từ năm 1968 tại Medellin. Khi được hỏi về ý nghĩa cụm từ của Châm Ngôn đó, TGM Oscar Romero trả lời đơn giản như sau:

“Tôi xin trả lời bằng cách đan cử ví dụ như thế này. Một toà nhà đang bốc cháy, và các bạn đang để mắt theo dõi xem có ai bị chết cháy hay chăng. Thế rồi, có ai đó báo cho bạn biết rằng mẹ và em gái của bạn đang ở bên trong tòa nhà đó. Tôi nghĩ thái đô bàng quang của bạn bỗng biến đổi ngay lập tức. Bạn sẽ hốt hoảng và hối hả làm đủ mọi cách để mau cứu thoát mẹ và em gái mình ra khỏi cảnh nguy tử trong căn nhà bốc lửa ấy, cho dù chính bạn cũng có thể bị chết cháy. Đây là ý nghĩa của sự dấn thân. Vậy nếu chúng ta nhìn sự nghèo khổ như thể chúng ta nhìn ngọn lửa đang bừng cháy giết người kia, thì chúng ta đâu còn phải lý luận chọn lựa giầu nghèo gì nữa. Lập tức chúng ta liền lao vào ngọn lửa với ý thức rằng mẹ và em gái mình sắp bị chết cháy. Thực ra chính Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện ở đó, và Ngài đang đói khát và đau khổ.”

TGM Oscar Romero không phải là nhà thần học. Ngài cũng không hề tự coi mình là người theo lập trường Thần Học Giải Phóng là một phong trào Công Giáo cấp tiến nẩy sinh từ ssau Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên Ngài có điều chia sẻ với các nhà Thần Học Giải Phóng về cái nhìn mang ý nghĩa Phúc Âm trong việc bảo vệ người nghèo. Ngài tự hỏi và trả lời: “Giữa lớp người giầu có quyền thế và lớp người nghèo khó khổ sở, người mục tử nên đứng về phía nào? Tôi không ngần ngại trả lời ngay rằng người mục tử nên chọn đứng về phía dân nghèo của mình.” Sự lựa chọn này tuy là một quyết định mang tich cách chính trị, nhưng có nền tàng thần học vững vàng. Chính TGM Oscar Romero đã sống theo nếp sống mình đã chọn.

Chính tình yêu Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong người nghèo khổ đã thúc bách TGM Oscar Romero yêu thương và dấn thân phục vụ các bạn nghèo của Chúa. Ngài gắn bó và sát cánh với Chúa Kitô đang hiện diện trong người nghèo. Ngài xác tín rằng mọi người, giầu sang cũng như nghèo khổ, đều kết thành những chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà chính Chúa Kitô là Đầu. TGM Oscar Romero cảm nghiệm được rằng một chi thể nào đó trong Nhiệm Thể mà lâm cảnh yếu đau hay gặp khốn khổ, thì các chi thể khác cũng sẽ phải đau khổ theo. Chính vì vậy Ngài đã sống hoà nhập với người nghèo, vui buồn với họ, lên tiếtng nói thay cho họ, tranh đấu và bênh vực họ thoát ra khỏi cảnh áp bức nghèo khổ.

Nhiều linh mục đã được Ngài sai đi đến các vùng quyê hẻo lánh để nói với các bạn nghèo của Chúa rằng chính hệ thống kinh tế và chính sách bất công đã dẫn đưa dân tộc vào cảnh khốn khổ nghèo đó, chứ không phải Thiên Chúa muốn như vậy. Vì vậy chúng ta không nên than trách Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa muốn mọi người sống nếp sống an bình nơi trần gian này trước khi lên Thiên Đàng. Giáo Hội đang ở đây để giúp mọi người thay đổi đời sống. Đây chính là một cuộc đổi đời thực sự, và có thể nói chính là cuộc cách mạng xã hội. Người nghèo sẽ có những hỗ trợ cần thiết để thành lập những tổ chức dân sự tương trợ lẫn nhau, giúp nhau bảo vệ mình trước nhóm địa chủ, nhóm đầu xỏ chính trị, nhóm người giầu có nhất, nhưng cũng tàn ác nhất trong một quốc gia đầy bất công nhất thế giới. Đăc biệt là hãy cùng nhau chống lại thế lực quân phiệt chuyên đàn áp giết hại dân chúng.

+ TGM Oscar Romero Gởi Nhiều Sứ Điệp Đến Các Nhà Cầm Quyền

TGM Oscar Romero dùng Đài Phát Thanh Công Giáo để chuyển tải các bài giảng của mình đến Chính Quyền cũng như đến người dân El Salvador (YSAX Radio). Các chương trình phát thanh của Ngài vạch trần ra những cuộc đàn áp của giới thống trị, với những cuộc khủng bố, tra tấn giết người, và rất nhiều người bị bắt đi biệt tích. Tất cả những hành động dã man này đang diễn ra ngay trên quê hương và xảy ra cho các đồng bào thân yêu của Ngài. Dân chúng El Salvador theo dõi thường xuyên các bài giảng của Ngài trên làn sóng Radio với con số đông dảo hơn rất nhiều so với các thính giả của các đài chính phủ. Một cuộc khảo sát cho biết có đến 76% người miền quê, và 37% người thành thị thường xuyên theo dõi tin tức và các bài giảng của Ngài trên các làn sóng Radio. Nếu vì lý do nào đó không thể đi dâng lễ, họ sẽ không quên mở Radio nghe các bài giảng của Ngài. Nhờ vậy mà họ hiểu ra được đời sống của mình đang bị chèn ép ra sao, cũng như nhân quyền của mình bị tước đoạt như thế nào.

Ông Carlos Dada, Chủ nhiệm tờ báo El Faro, là tờ tin tức trên trang mạng đặt trụ sở tại Thủ Đô San Salvador viết về TGM Oscar Romero như sau: “Từ hồi tôi còn nhỏ, vào những năm cuối thập kỷ 70, TGM Oscar Romero đã trở thành gương mặt quen thuộc ỏ rất nhiều nơi: Ngài xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo, trên truyền hình và nhất là trên các làn sóng Radio, và ngay cả trong các câu truyện người dân nói với nhau hàng ngày. Mỗi ngày Chủ Nhật, những người dân Salvador nào không đến dự lễ tại Nhà Thờ Chính Toà được, thì họ sẽ mở ngay Radio để nghe những bài giảng phát sóng đi toàn quốc. Từ bục giảng, TGM Oscar Romero giảng giải cho các nhà chính trị, các binh lính, các tổ chức dân sư và các du kích quân, vân vân. Ngài thúc bách họ hãy từ bỏ bạo lực. Ngài yêu cầu cần phải xây dựng công bằng xã hội. Ngài nhắc cho nhóm ưu tú người Salvador hãy nhớ rằng hoà bình không có thể đạt được trong một xã hội bất công. Ngài lên tiếng công kích về việc họ cứ bám víu lấy một đặc quyền “đáng sỉ nhục” qua đường lối đàn áp người khác. Ngài thường liệt kê ra những báo cáo chi tiết về những người bị giết hay bị bắt đem đi biệt tích....”

Song song với các chương trình trên làn sóng Radio, Ngài còn sử dụng tờ báo Orientacion nhằm liệt kê cụ thể những trường hợp tra tấn, bách hại và mất tích là những hành động đi ngược với nhân phẩm của con người. Cơ quan truyền thông của Ngài là nguồn tin tức loan báo chính xác và đầy đủ về những cuộc đàn áp, bắt cóc rồi bị mang đi biệt tích, bị tù đày ra sao. Ngài vạch trần ra hết và yêu cầu những người mệnh danh là lãnh đạo đất nước phải ngưng ngay việc áp bức người dân, phải tôn trọng nhân quyền của người dân, bảo vệ an ninh an toàn cho người dân, sáng tạo các phương thức phát triển đất nước, cũng như thăng tiến nếp sống của người dân.

Khi hiểu được chế độ quân phiệt Sakvador đang được tài trợ bởi Hoa Kỳ, TGM Oscar Romero đích thân viết thơ yêu cầu Tỏng Thống Jimmy Carter phải ngưng việc viện trợ vũ khí và tiền bạc cho chính phủ quân phiệt El Savador. Ngài lý luận rằng các vũ khí viện trợ chỉ đem lại tổn thường cho dân chúng El Sakvador, bởi vì quyền lực chính trị thì nằm trong tay “quân đội thiếu trách nhiệm, chỉ biết tìm cách tàn sát dân chúng vô tội, nhằm phục vụ lợi ích của Nhóm Đầu Xỏ Chính Trị tại đất nước El Salvador mà thôi.” Ngài còn nói tiếp: “Quả thật là bất chính một khi thế lực ngoại bang chỉ đưa đẩy nhân dân El Salvador đến chỗ tuyệt vọng, mang đến những cuộc tàn sát, nhất là tước đoạt khỏi dân tộc này quyền tự quyết”. Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter không hề phúc đáp. Trái lại người ta chỉ thấy một ngày sau khi TGM Oscar Romero bị ám sát, Quốc Hội Mỹ đã biểu quyết chấp thuận viện trợ thêm cho chính quyền quân phiệt El Salvador. Thế là nội chiến trên đất nước này kéo dài dòng dã thêm 12 năm kế tiếp với tài trợ của đế quốc Hoa Kỳ, gây bao nhiêu cảnh tàn khốc cho một dân tộc khốn khổ.

+ Những Khó Khăn Nội Bộ Cản Trở Sinh Hoạt TGM Oscar Romero

Trong cuộc hành trình bênh vực người nghèo khó, TGM Oscar Romero cũng gặp phải không ít chống đối và cản trở bởi chính những nhân vật trong Giáo Hội, khiến cho vai trò mục tử của Ngài càng trở nên cam go trắc trở.

Trước hết phải nói đến Vị Sứ Thân Toà Thánh Vatican tại El Salvador là Đức GM Emmanuele Gerada người Ý, là nhân vật lúc đầu cố gắng vận động bổ nhịệm Giám Mục Oscar Romero trở thành vị TGM thứ tư của Thủ Đô San Salvador. Rồi sau đó, cũng chính Vị Sứ Thần này tỏ ta bất mãn và báo cáo về Vatican rằng TGM Oscar Romero tạo nên trở ngại cho quan hệ giữa Giáo Hội và Chính Quyền địa phương. Nửa số Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục El Salvador cũng lên tiếng tố cáo TGM Oscar Romero về tội danh phản bội, và quyết tâm loại trừ Ngài, trong số đó có cả Tổng Tuyên Uý Quân Đội.

Có nhiều linh mục và một số Giám Mục chưa thấm nhuần tinh thần Vatican II, cũng như chưa muốn hưởng ứng chủ đề Hội Nghị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh họp tại Medellin đã nêu ra. Các vị này vẫn theo truyền thống, một truyền thống trải qua nhiều thế kỷ, để rồi tiếp tục giảng dậy cho cộng đoàn dân Chúa biết rằng những nỗi niềm thống khổ nơi cõi đời này đều do Thánh Ý Chúa quan phòng, nên hãy cứ an vui với số phận, không nên than thân trách phận gì cả. Một số GM Salvador đã từng làm phép những chiếc Xe Tăng để quân đội chống lại Giáo Hội, đồng thởi có nhiều báo cáo về Roma kèm theo những ngộ nhận tiêu cực đối với TGM Oscar Romero

Cái thánh giá nặng nề nhất mà TGM Oscar Romero phải vác trên vai đó là việc đối phó với nhóm người trong biệt đội ám sát giết người không gớm tay, với nhóm quân phiệt máu lạnh. Riêng nhóm địa chủ giầu có thì luôn chống lưng và tài trợ cho hai nhóm kia trong việc tàn sát và giết hại dân nghèo vô tội. Tất cả các nhóm người này đều tuyên xưng mình là những người Kitô Hữu. Họ chẳng khi nào bỏ lễ Chủ Nhật. Họ cho con cái mình theo học các trường Công Giáo. Họ thường tự hào là mình hàng ngày vẫn cám ơn Thiên Chúa về các của cải họ đang có (Cho dù của cải là do hối lộ, do đàn áp và bóc lột sức lao động của người nghèo, do việc nắm giữ các chức vụ quan trọng như những người thừa tự của quốc gia. Có điều là họ lạm dụng thế nào đi nữa họ luôn vẫn vô can và an toàn tính mạng). Chính những người mang danh nghĩa Kitô Hữu này đã không phản đối việc giết chết hàng ngàn người muốn vùng lên thách thức quan điểm sống của mình. Một điều đáng lưu ý nữa là họ có “những đòn bẩy” bên Roma dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II, và Đức Giáo Hoàng Bênnêđictô XVI.

Trong một lá thơ mục TGM Oscar Romero nêu rõ tội ác của nhóm thiểu số và đầu xỏ chính trị như sau: “Một thứ bạo hành đã được cơ cấu làm thành yếu tố cần thiết ngay trong hệ thống kinh tế và chính trị đến mức độ giới thống trị lầm tưởng rằng phát triển chỉ có thể thành công qua việc nhóm thiệu số biết sử dụng đa số dân chúng làm công cụ sản xuất cho quyền lợi của mình.” Thế nên, Ngài cảnh báo rằng các thứ bạo động sẽ chẳng bao giờ chấm dứt nếu những sai lầm có cấu trúc này vẫn chưa được điều chỉnh.

TGM Oscar Romero Chịu Tử Đạo Ngay Nơi Bàn Thánh

Trước những lập trường bênh vực giới công nông nghèo khổ, TGM Oscar Romero đã từng bị chính quyền đe doạ đến tính mạng nhiều lần. Chính Biệt Đội Sát Nhân gởi cho Ngài những lời cảnh cáo rằng chính Ngài là người “đang đứng đầu sổ các tu sỹ rồi đây sẽ nhận được ba chục viên đạn bắn thẳng vào mặt và vào ngực bất cứ lúc nào.” Như thế, TGM Oscar Romero biết mình sẽ có thể bị giết bất cứ giờ phút nào như bao nhiêu linh mục khác đã tùng bị giết trước đây. Tuy nhiên Ngài không hề nản lòng hay chịu lùi bước.

Trước ngày chết mấy hôm, chính Ngài nói với một phóng viên nhà báo rằng: “Bạn cứ việc nói cho mọi người biết rằng nếu như họ giết được tôi, thì tôi sằn sàng tha thứ và chúc lành cho những người giết hại tôi. Tôi hy vọng họ sẽ nhận ra rằng điều họ làm chỉ là tốn công sức mà thôi. MỘT GIÁM MỤC SẼ CHẾT, THẾ NHƯNG GIÁO HỘI CỦA CHÚA, TỰC LÀ DÂN CHÚNG SẼ CHẲNG BAO GIỜ DIỆT VONG.”

Thế rồi ngày Định Mệnh của ngài đã đến. Hôm ấy chính là chiều tối ngày 24 tháng 3 năm 1980, chiếc xe hơi màu đỏ dừng lại trên đường phố trước cửa nguyện đường Bệnh Viện Divina Providentia. Tay súng bắn thuê bước ra khỏi xe hăm hở chĩa súng hãm thanh bắn xả vào TGM Oscar Romero đang cử hành thánh lễ. Lúc ấy chính là lúc Ngài mới kết thúc bài giảng và vừa trở lại bàn thờ để tiếp tục Thánh Lễ. Giây phút Ngài bước tới giữa bàn thờ, thì cũng chính là nơi và là lúc Ngài chịu chết cho đàn chiên của mình..

Mấy viên đạn xuyên thấu suốt vào tim, khiến Ngài đã trút hơi thở cuối cùng chỉ mấy phút sau khi bị bắn. Giới nông dân và công nhân vô cùng thương tiếc một người Cha Chung đã hy sinh mạng sống mình bảo vệ quyền làm người của con người. Nhóm sát nhân còn tỏ ra hung hăng tàn bạo hơn trong chính tang lễ TGM Oscar Romero cử hành vào ngày 30 tháng 3 năm 1980. Đúng như vậy, phải nói là ngày đẫm máu của đất nước El Salvador. Có khoảng 250,000 người dân El Salvador và nhiều người trên thế giới tụ tập để tiễn biệt TGM Oscar Romero. Họ muốn tiễn biệt một hiện thân của Tiếng Nói thay cho những người không tiếng nói. Trong khi lễ an táng đang cử hành tại Nhà Thờ Chính Toà San Salvalor, thì giới quân nhân lại ra tay tàn sát người dân lành. Lần này cũng do Thiếu Tá Roberto D'Aubuisson, trưởng Biệt Đội Ám Sát, đứng ra trực tiếp chỉ huy. Họ cho nổ bom khói ngay bên ngoài Nhà Thờ Chính Toà nhằm tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Đồng thời các tay súng từ các cao ốc chung quanh nã súng xối xả xuống đám đông đang chạy nhốn nháo tán loạn trong khói mù. Kết quả hôm đó có tới 40 người thiệt mạng, và khoảng 200 người bị thương. Số người chết hay bị thương phần vì do súng bắn, phần vì do giẵm đạp lên nhau trong lúc hàng ngàn người vô trật tự hoảng sợ điên dảo chạy tìm lối thoát thân. Thật là cảnh thương tâm do nhóm người vô lương tâm chủ động.

Kẻ sát nhân trong hai sự kiện dẫm máu này cũng như bao tội phạm khủng bố tàn ác trên đất nước El Salvador thời đó tất cả đều không bị mang ra xử án. Trái lại sau khi TGM Oscar Romero bị ám sát, thì chính đêm hôm đó tại vùng nhà giầu ở thủ đô San Salvador, người ta mở hội ăn mừng với màn đốt pháo bông nhộn nhịp và vang lừng tiếng súng hả hê. Những người nắm cán cân công lý của đất nước này nghĩ thế nào mà làm ngơ trước bao nhiêu tội phạm xẩy đến cho dân tộc như vậy.

TGM Oscar Romero là Thánh Tử Đạo của Thế Kỷ XX

Cuộc đời Đức TGM Oscar Romero, người El Salvador, đã từng sống vì đàn chiên và cũng đã chết vì đàn chiên của mình, và chết ngay tại bàn thờ. Sau khi Ngài từ trần đất nước của Ngài vẫn còn phân rẽ giữa Cánh Tả Cấp Tiến và Cánh Hữu Bảo Thủ để rồi từ đó nẩy sinh cuộc nội chiến kéo dải trong suốt thập niên 80. TGM Oscar Romero là người đồng hoá với giới nghèo khổ, nên Ngài là Nhân Vât có tầm ảnh hưởng lớn rộng. Ngài nhân danh người nghèo để tuyên chiến với sự bất công, tuyên chiến với cả một chế độ quân phiệt tàn ác. Tiến trình phong thánh TGM Oscar Romero đã từng bị gián đoạn.

Lý do gián đoạn vì đã có những nhân tố ảnh hưởng đến Thánh Bộ Đặc Trách Hồ Sơ Phong Thánh. Đức Cha Vincenzo Paglia, Giam Mục giáo phận Terni bên Ý, và cũng là thành viên trong Thánh Bộ Phong Thánh cho biết rằng có ba vị Đại Sứ nước Salvador tại Vatican ra sức vận động chống lại việc phong thánh cho TGM Oscar Romero, với lý loận rằng TGM Oscar Romero chỉ là khuôn mặt chính trị gây chia rẽ cho đất nước, nên việc đưa Ngài lên bàn thờ để tôn kính có thể do Cánh Tả cấp tiến ra tay cổ suý. Trong khi đó, Cánh Hữu thì lập luận Ngài có những lập trường chính trị “nổi bật” trong cuộc nội chiến và chẳng khác gì một giai thoại lịch sử mà thôi. Vì vậy, hồ sơ phong thánh cho Ngài đã được xếp lại với sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II, và Đức Giáo Hoàng Bênnêđictô XVI.

Sau khi ĐHY Mario José Bergoglio đắc cử Giáo Hoàng lấy biệt hiệu là Phanxicô, hồ sơ phong thánh TGM Oscar Romero được mở ra lại. Chính ĐGH Phanxicô đã giải toả các bế tắc, và cho xúc tiến quy trình phong thánh từng bị gián đoạn trong hai triều đại Giáo Hoàng tiền nhiệm. Thế là sau ngày bị ám sát ba mươi lăm năm,, TGM Oscar Romero được phong thánh vào ngày 23 tháng 5 năm 2015. Lễ phong thánh cử hành ngay tại Thủ Đô San Salvador Nước Cộng Hoà El Salvador, là nơi Ngài đã từng sống, từng phục vụ dân tộc và con chiên của mình.

Sau khi TGM Oscar Romero từ trần, nhiều nhân vật thế giới tỏ lòng ngưỡng mộ Ngài. Trong số đó người ta được biết Tổng Thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã đến kính viếng mộ Ngài. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II tuyên dương Ngài là “Tôi Tớ của Thiên Chúa.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng mệnh danh Ngài là “Đấng Tử Đạo” vì những nỗ lực hoạt động của Ngài trong vai trò Giám Mục khi còn sống nơi dương thế.

Thay Lời Kết Luận

TGM Oscar Romero chết đi nhưng gương sống mục tử của ngài vẫn còn đó. Nhiều người ghi khắc sâu vào tâm hồn mình những giá trị tinh thần của Ngài, một tinh thần thấm nhuần đức tin Kitô Giáo đã được Ngài đem vào nếp sống hàng ngày. Đó chính là Lòng yêu mến Giáo Hội Roma; Tìm thấy Thiên Chúa hiện diện nơi tha nhân; Hiến mình trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

TGM Oscar Romero tân tâm tận lực phục vụ người nghèo vì Ngài xác tín rằng Chúa Kitô hịện dịện thực sự nơi người nghèo. Người ta cũng nhận thấy Ngài càng có nhiều và nhận nhiều thì Ngài càng cho đi nhiều. Cái mà Ngài nhận và có để cho đi chính là khả năng phục phụ người nghèo. Khả năng này mỗi ngày mỗi đạt tới mức độ rộng lớn hơn mỗi khi Ngài được nâng lên chức vụ cao hơn. Chính TGM Oscar Romero nghiệm ra rằng mình nhận và có thế lực hơn qua vai trò làm TGM, nên Ngài đã sử dụng chính thế lực mình có nhiều thêm để cho đi nhiều hơn. Ngài sử dựng thế lực mình có để tạo ảnh hưởng lên diễn tiến chính trị của đất nước El Salvador với chủ đích bảo vệ các nạn nhân, và nhất là chống lại nhóm đầu xỏ chính trị luôn sử dụng lực lượng quân phiệt áp đặt lên dân chúng. Cái mà Ngài có nhiều nhất và cũng giá trị lớn lao nhất là chính sự sống của Ngài, và Ngài cũng đã cho đi cả mạng sống của Ngài. Chúa Giêsu giảng dạo ba năm và kết thúc bằng việc tử hình trên thập giá. Theo gương Chúa Giêsu, Thánh Oscar Romero, trong ba năm làm TGM, đã hiến trọn đời mình để phục vụ người nghèo và phục vụ cho đến chết, và chết ngay dưới chân bàn thờ.

Nếp sống mục vụ của Ngài đã biến thành ngọn đuốc sáng ngời chiếu soi vào mọi lương tâm các kitô hữu, các nam nữ tu sỹ, và đặc biệt nhất là các Nhà Lãnh Đạo Tinh Thần cũng như Dân Sự trên thế giới. Dù trong vai trò lãnh đạo thần quyền hay thế quyền, các Vị này được trao phó trong tay khả năng phục vụ hơn những người khác, nên cần phải dấn thân phục vụ nhiều hơn, bởi vì họ có nhiều, nên cũng phải cho đi nhiều. Các vị này tuyệt đối không nên lạm dụng để rồi biến quyền hành và thế lực mình có trở thành dụng cụ áp bức, giết hại dân lành, nhằm thoả mãn một cá nhân hay phe nhóm nào đó. Người có quyền phục vụ cũng không nên bắt chườc người đầy tớ trong Tin Mừng được ông chủ trao cho môt nén bạc rồi thay vì mang đi sinh lời, lại đem chôn giãu. Nhất nữa họ càng không nên sống như người vô cảm, để rồi không lên tiếng, không nghe biết và không nhìn đến đàn chiên của mình đang kêu gào thảm thiết.

Thảo Nguyên
 
Top Stories
Archbishop Oscar Romero Prayer: A Step Along The Way
Thảo Nguyen
19:24 18/08/2017
ARCHBISHOP OSCAR ROMERO PRAYER: A STEP ALONG THE WAY
Thảo Nguyên

Archbishop Oscar Romero
Archbishop Oscar Romero protects poor people
Archbishop Oscar Romero and people in El Salvador
It helps, now and then, to step back and take a long view.

The kingdom is not only beyond our efforts, it is even beyond our vision.

We accomplish in our lifetime only a tiny fraction of the magnificent
enterprise that is God's work. Nothing we do is complete, which is a way of
saying that the Kingdom always lies beyond us.

No statement says all that could be said.

No prayer fully expresses our faith.

No confession brings perfection.

No pastoral visit brings wholeness.

No program accomplishes the Church's mission.

No set of goals and objectives includes everything.

This is what we are about.

We plant the seeds that one day will grow.

We water seeds already planted, knowing that they hold future promise.

We lay foundations that will need further development.

We provide yeast that produces far beyond our capabilities.

We cannot do everything, and there is a sense of liberation in realizing that.

This enables us to do something, and to do it very well.

It may be incomplete, but it is a beginning, a step along the way, an opportunity for the Lord's grace to enter and do the rest.

We may never see the end results, but that is the difference between the master
builder and the worker.

We are workers, not master builders; ministers, not messiahs.

We are prophets of a future not our own.

Bishop Ken Untener of Saginaw

*This prayer was composed by Bishop Ken Untener of Saginaw, drafted for a homily by Card. John Dearden in Nov. 1979 for a celebration of departed priests. As a reflection on the anniversary of the martyrdom of Bishop Romero, Bishop Untener included in a reflection book a passage titled "The mystery of the Romero Prayer." The mystery is that the words of the prayer are attributed to Oscar Romero, but they were never spoken by him.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đăc Sứ Tòa Thánh Tại Việt Nam : Hỡi Caesar Việt Nam hảy trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Thiến Chúa
LM Minh Anh
15:45 18/08/2017
La Vang– Vị đặc sứ của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam kêu gọi chính quyền hãy tôn trọng tự do tôn giáo.

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đưa ra lời kêu gọi trên trong thánh lễ khai mạc Lễ Hội Đức Mẹ La Vang vào ngày 13 tháng 8 tại Quảng Trị. Đồng tế với Ngài trong thánh lễ này có hầu hết các vị Giám Mục VN, và hơn 200 linh mục. Khoảng 100,000 người hành hương trên khắp đất nước, lương cũng như giáo,đã về Quảng Trị tham dự lễ hội.

Trong bài giảng, đề cập đến sự liên hệ giữa chính quyền và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Đức TGM nói như sau: "Trong một số tỉnh, các quan chức dân sự vẫn lo lắng, phàn nàn về người Công Giáo và hành động của họ."

Sau đây là nguyên văn bài giảng:

Anh Chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta rằng, Đức Maria vừa là người mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu vừa là khuôn mẫu thôi thúc chúng ta bước theo Con của ngài.

Tin Mừng tường thuật cảnh Đức Maria và Thánh Giuse tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền Thờ, Ngài ngồi giữa các tiến sĩ, lắng nghe và hỏi họ.

Tin Mừng giúp chúng ta khám phá ra rằng, sứ vụ ưu tiên hàng đầu và trên hết mọi sự của Chúa Giêsu là thi hành ý muốn của Cha Ngài.

Vì thế, hôm nay, là những người hành hương, chúng ta quy tụ về Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang, để tìm sự chỉ bảo của Đức Mẹ, từ đó, hiểu được ý muốn của Thiên Chúa trong đời mình, đặc biệt trong Năm Kỷ Niệm Một Trăm Năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Trong những ngày hành hương này, qua Đức Mẹ, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu mở lòng chúng ta trước quà tặng về sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện, xin Ngài chữa lành chúng ta với tặng phẩm bình an và lòng xót thương của Người, đồng thời, biết chia sẻ niềm vui của mình cho những anh chị em khác.

Một cuộc hành hương về La Vang phải luôn luôn là thời gian của cầu nguyện và dành cho việc cầu nguyện. Suốt hai ngày còn lại, tất cả chúng ta sẽ dành thời giờ cho việc cầu nguyện.

Cầu nguyện là một cái gì rất dễ làm để cho Thiên Chúa hiện diện với chúng ta. Vì thế, hãy xin Mẹ Maria dạy chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện, cách riêng trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, trong các bí tích, trong các lễ nghi phụng vụ chúng ta cử hành, trong những người chúng ta cầu thay nguyện giúp và cả trong những anh chị em đang cùng chúng ta nguyện cầu.

Hành hương về La vang còn là cơ hội cho việc chữa trị tâm hồn. Chúng ta ở lại trước nhan Đức Mẹ La Vang với những lắng lo, yếu nhược và có thể với cả những bệnh tật của mình.

Có thể chúng ta phải lo lắng cho sức khoẻ của mình hoặc sức khoẻ của một ai đó: có thể là gia đình, có thể là bạn bè.

Hãy xin Đức Mẹ La Vang cầu bầu cho chúng ta để mỗi người, rồi cũng sẽ được chúc lành với quà tặng bình an cứu chữa của Thiên Chúa, vốn sẽ chữa trị tâm hồn chúng ta khỏi phải sờn lòng nản chí.

Cuộc hành hương của chúng ta về La Vang còn là thời khắc sống trong niềm vui. Chúng ta khát khao nhận biết, mến yêu và phụng sự Thiên Chúa, vì “tâm hồn chúng con hỷ hoan khi được an nghỉ trong Chúa”.

Chỉ khi dõi bước theo Chúa Giêsu và ở lại trong Ngài, chúng ta mới thật sự hạnh phúc.

Anh Chị em thân mến,

Trình thuật tìm gặp Chúa Giêsu trong đền thờ khiến chúng ta nghĩ đến tình hình ở Việt Nam.

Nhất là trong một số tỉnh Việt Nam, các nhà chức trách dân sự đang quan ngại và trách cứ những người Công Giáo và các sinh hoạt của người Công Giáo.

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho cha mẹ Ngài sẽ làm sáng tỏ vấn đề: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.

Cũng những lời tương tự, chúng ta có thể nói như thánh Phêrô Tông Đồ rằng, “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 29) hoặc chúng ta có thể lặp lại câu nói thời danh của Chúa Giêsu, “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Lc 20, 25).

Vì lý do đó, tôi muốn ngỏ lời với các Caesar Việt Nam, “Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.

Thực vậy, tự do tôn giáo không phải là một cái gì tuỳ tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân.

Nhiều người trên thế giới những ước mong quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công Giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho nước nhà.

Tuy nhiên, sự tùng phục và nhẫn nại cũng là giáo huấn của Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã tùng phục Cha Trên Trời của Ngài và còn vâng phục cả cha mẹ Ngài nữa.

Mỗi khi chúng ta tùng phục thẩm quyền hợp pháp của quốc gia chiếu theo hệ thống dân luật, cũng như mỗi khi vâng phục các mục tử trong Hội Thánh, chúng ta trở nên hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng đã thi hành ý muốn của Chúa Cha.

Hơn nữa, chúng ta có thể nhận ra rằng, thánh Giuse và Mẹ Maria trong đền thờ đã không hiểu những lời của Chúa Giêsu nhưng các ngài đã nhẫn nhịn chấp nhận chúng trong đức tin, và Đức Maria “đã giữ các điều ấy và suy niệm trong lòng”. Về sau, Đức Mẹ sẽ nhận ra sứ vụ của Con mình.

Tương tự như thế, chúng ta hãy để tâm suy nghĩ về những hoàn cảnh và các biến cố. Thinh lặng và nhẫn nhịn là một phần trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi phải chứng kiến bao điều khuất tất, chúng ta cứ ghi nhận chúng và kiên tâm đợi cho đến ngày Thiên Chúa phơi bày ý nghĩa.

Anh Chị em thân mến,

Trong năm nay và hai năm kế tiếp, các Giám Mục Việt Nam mời gọi chúng ta suy tư về đời sống gia đình và cầu nguyện cho sự sống gia đình.

Vì thế, chúng ta hãy học những bài học từ gia đình Thánh Gia. Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục gọi ngôi nhà của Thánh Gia là một trường học, ở đó, chúng ta có thể học biết ba giá trị hệ trọng.

Giá trị thứ nhất là sự thinh lặng, như một điều kiện không thể thiếu cho việc tư duy. Ngôi nhà phải là một nơi, ở đó, có sự riêng tư, an bình và đủ tĩnh lặng cho việc trầm tư, suy niệm và cầu nguyện.

Giá trị thứ hai là đời sống gia đình, như một sự thông hiệp của tình yêu. Gia đình là nơi ưu tiên, trong đó, cha mẹ và con cái học biết yêu thương.

Giá trị thứ ba là làm việc, như là thực hành trọn vẹn giao ước ban đầu mà Thiên Chúa đã thiết lập với con người, rằng, hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và làm chủ thống trị nó (St 1, 28).

Vậy thì, chúng ta hãy đem sự tĩnh lặng, sự hiệp nhất và những nỗ lực vào cuộc sống gia đình mình, để với tư cách là những người Công Giáo, chính chúng ta có thể làm nên một sự khác biệt như những người khôn ngoan, đầy yêu mến và cần mẫn cho Giáo Hội Việt Nam cũng như cho lợi ích của nước nhà.

Anh Chị em thân mến,

Về với Đức Mẹ La Vang, chúng ta, lòng đầy tin yêu và hân hoan. Nơi đây, chúng ta được trở nên mạnh mẽ nhờ tình mẫu tử của Đức Mẹ.

Rất Thánh Trinh Nữ Maria là người mẹ đồng hành với chúng ta trên lộ trình đức tin. Đức Mẹ mang cho chúng ta niềm hy vọng. Chúng ta vui mừng tôn vinh Mẹ tại La Vang này và cùng nhau xây cho Mẹ một Vương Cung Thánh Đường lộng lẫy tại nơi đây.



Lạy Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa dấu yêu, lạy Mẹ La Vang, con xin trao phó Giáo Hội Việt Nam, các Giáo Hội tại Á Châu và Giáo Hội hoàn vũ cho Mẹ.

Mẹ đến với chúng con như chúng con từng cảm nhận điều đó bao lần trong đời mình. Xin Mẹ mang Chúa Giêsu đến cho chúng con, xin Mẹ mang Chúa Giêsu đến cho gia đình chúng con.

Xin Mẹ mang tất cả mọi gia đình Việt Nam đến với Chúa Giêsu. Xin giúp mọi gia đình nhận biết Chúa Giêsu, Con của Mẹ, Đấng đang đến, là Chúa và là người Mục Tử đầy yêu thương. Amen.

(Người dịch: Lm. Minh Anh)
 
Xứ Tân Phú Sàigòn mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời
Phương Nga
08:38 18/08/2017
“Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc,Thiên Chúa ở cùng trinh nữ “(Lc1,28)

Hôm nay Thứ Ba 15-08-2017 Giáo Hội hoàn vũ hân hoan mừng kính Tước hiệu Mẹ Maria hồn xác lên trời là tước hiệu cao quý nhất.Cũng trên tinh thần đó,vào lúc 17g Thứ Ba 15-08-2017 giáo xứ Tân Phú đã mừng kính lễ của Mẹ một cách long trọng,tưng bừng và đầy ý nghĩa cho các sự kiện như:

Xem Hình

Giáo xứ mừng lễ -Giáo họ Mông Triệu và Cha Phó Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn mừng Bổn mạng,Ca đoàn Junior Mông Triệu kỷ niệm 41 năm thành lập.

Để chuẩn bị tâm hồn thật cung kính dâng Mẹ,đã có tuần Tam nhật từ Thứ Bảy 12-08 đến 14-08-2017 tại thánh đường của giáo xứ,cộng đoàn đã tham gia đông đủ và sốt sắng.

Vào lễ chính Thứ Ba 15-08-2017,tuy trời mưa lâm râm,nhưng không cản được bước chân của con cái Mẹ quy tụ ở thánh đường,khi trống hiệu vang lên lúc 16g 30,sân nhà thờ đã chật kín với đủ màu sắc của các Đội hoa,đồng phục các đoàn thể và cộng đoàn và trang phục của cộng đoàn.

CUNG NGHINH MẸ MARIA:

Sau kinh Chúa Thánh Thần,ca đoàn Junior liên tục xướng lên những bài ca ngợi Mẹ:”Kính mừng Nữ Vương,Nữ Vương hòa bình ,Nữ Vương hòa bình ..”Cất tiếng hòa ca kính mừng Maria,cất tiếng hòa ca,kính mừng Maria,kính mừng Maria,kế tiếp là tiếng trống của Đội trống họ MôngTriệu và tiếng kèn của Ban Tây nhạc giáo xứ.cùng hòa tấu lên khúc nhạc tôn vinh Mẹ.

Cộng đoàn xếp hai hàng theo thứ tự:Cờ Ngũ sắc,Thánh giá nến cao,Thiếu nhi Thánh Thể,đội hoa các giáo họ,các đoàn thể,kiệu hoa họ Mông Triệu do quý chị toán Monica phụ trách,kiệu hoa cùng Thánh tượng Mẹ Maria Mông Triệu do quý anh phụ trách,Quý Sơ,Quý Viên chức xứ họ,Lễ sinh cùng Ba Cha Phó,cha chánh xứ Giuse Lê Đình Quế Minh chủ sự thánh lễ cùng cộng đoàn đi vòng quanh thánh đường ...hình ảnh những chiếc dù được che cho Quý Cha và mọi người trong cuộc rước đã nói lên lòng yêu mến sâu xa của con cái loài người dành cho Mẹ..

Khi đoàn rước trở vào thánh đường,tiếng hát của ca đoàn Junior Mông Triệu cất lên”Một điềm lạ xuất hiện trên không trung,một người Nữ đầu đội mặt trời,chân đạp mắt trăng,đầu đội triều thiên 12 ngôi sao’Cha xứ Giuse nói với cộng đoàn:

Mặc dù trời mưa lâm râm,nhưng cộng đoàn đã đông đảo và sốt sắng cung nghinh Mẹ Maria Lên Trời chung quanh thánh đường;đó là một tín điều quan trọng mà Giáo Hội đã công bố,và là niềm hy vọng cho chúng ta sẽ được về trời với Mẹ.

Chúng ta hân hoan mừng kính Mẹ,cách riêng ca đoàn Junior Mông Triệu và giáo họ Mông Triệu.Xin Mẹ ban nhiều ơn lành cho tất cả chúng ta.

Theo bài Tin mừng Thánh Luca(1,39-56)Cha Phó Giuse Kiều Hoàng An diễn giảng:

Hôm nay,chúng ta long trọng mừng lễ Mẹ Maria Lên Trời,là bổn mạng Cha Phó Giuse Maria,giáo họ Mông Triệu và Ca đoàn Junior Mông Triệu,cha mời cộng đoàn vỗ tay chúc mừng.

Lời Chúa chúng ta vừa nghe thoát ra từ môi miệng của 2 người phụ nữ Israel là Đức Maria còn rất trẻ và Bà Elizabet đã trung niên cùng ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.Mẹ Maria đã vượt trên loài người để có những tước hiệu: Đức mẹ là Mẹ Thiên Chúa ,Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội,Đức bà như hòm bia Thiên Chúa vvvnghe qua nhiều như thế,thì đâu là tước hiệu cao quý nhất ?

Xin thưa rằng Mẹ Lên Trời là cao quý nhất;vì nếu Mẹ Maria chỉ là Mẹ Thiên Chúa,Trọn đời Đồng trinh mà không được lên trời thì những tước hiệu kia chẳng còn ý nghĩa gì!và chúng ta chỉ là những người khờ khạo ngây dại nhất trên đời như Thánh Phaolo cũng đã quả quyết rằng” Và nếu Chúa Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi cũng trống rỗng”

Chúng ta phải ngợi khen Chúa vì chính đặc ân Hồn Xác Lên Trời Chúa ban cho Mẹ là để Mẹ mở đường cho chúng ta sau này được lên trời.

Vậy mục đích của chúng ta sống đạo là gì?Xin thưa là để sau này được lên Thiên Đàng với Chúa,nhưng Tin là một hồng ân còn Sống đức Tin lại là một ân sủng.Chúng ta,có người đã nghĩ Mẹ Maria lên trời thì dễ còn chúng ta lại rất khó;nhưng Anh chị em hãy hình dung giữa áo đen và áo trắng,cái nào dễ dơ bẩn hơn? Dĩ nhiên là áo trắng..và Đức Maria là tấm áo trắng đó,để được lên trời như vậy,Mẹ đã phải vượt qua biết bao gian nan thử thách ,đau khổ và hy sinh .. Mừng lễ Mẹ Lên trời hôm nay chúng ta hãy nhớ đến hành trình của chúng ta là đang tiến về Quê trời,chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria hãy thẳng tiến và đừng để Con Ma vật chất lôi kéo chúng ta trở lại.

Chúng ta cầu xin cho Giáo xứ,cho Giáo họ Mông Triệu đoàn kết yêu thương cho Cha Phó Giuse Maria luôn hoàn thành sứ vụ và ca đoàn Junior Mông Triệu luôn biết dùng lời ca tiếng hát để ca ngợi Chúa để mọi người nhìn thấy chúng ta là những chứng tá cho Chúa và chúng ta có thể nói với họ rằng ‘Quê hương chúng ta là Thiên Đàng vĩnh cửu “

Phần dâng lễ do các Quý chức Họ Mông Triệu,Toán Monica(Các Bà mẹ Công Giáo) và đội hoa Giáo họ phụ trách,các cháu bé trong đồng phục xanh và cánh thiên thần trắng đã diễn nguyện cách thành thạo và đẹp mắt bài “Mẹ lên trời 1”

Trước khi ban phép lành Cha chủ sự Giuse chia sẻ thêm :

Tôi rất vui khi nhìn thấy cộng đoàn đông đảo tham dự thánh lễ với những màu sắc đồng phục và trang phục đẹp mắt như thế này.Xin cám ơn quý Cha đã đồng tế thánh lễ trọng thể, cám ơn Quý chức Xứ họ, cách riêng Họ Mông Triệu đã trang trí nhà thờ lộng lẫy và tổ chức lễ quan thày sốt sắng,các đội hoa đã tham gia diễn nguyện và ca đoàn hát rất hay.Thôi chúng ta vỗ tay mừng cho tất cả và cầu xin Mẹ Mông Triệu giúp chúng ta vượt qua những thử thách của trần gian và những yếu đuối bất lực của chúng ta để chúng ta được về trời với Mẹ.

Các Cha cùng ban phép lành ca đoàn hát bài kết lễ “Mẹ Mẹ ơi con dâng lên mẹ gia đình con và giáo xứ con ...”cộng đoàn ra về trong niềm hân hoan tin tưởng vào người Mẹ Thiên Đàng đang chờ đón tất cả ở nơi đó.

Buổi lễ kết thúc lúc 18g30 cùng ngày,Quý Cha đã chụp hình lưu niệm cùng Cha Phó Giuse Maria,Ban điều hành Giáo họ Mông Triệu và Ca đoàn Junior Mông Triệu của giáo xứ

Phương Nga
 
GP. Hưng Hóa: Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long tâm tình với các bạn trẻ
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
08:54 18/08/2017
Nhân dịp các bạn trẻ thuộc ba giáo hạt Đông Nam Phú Thọ, Tây Nam Phú Thọ và Tây Bắc Phú Thọ gặp gỡ giao lưu (24-26.7.2017), tôi xin gửi đến các bạn vài tâm tình trong tư cách là người đồng hành với các bạn trẻ.

Các bạn biết năm nay, 2017, Giáo Hội hướng đến các bạn trẻ sẽ và sắp lập gia đình. Giáo Hội mong các bạn bước vào cuộc sống hôn nhân cách ý thức đầy đủ, đã được chuẩn bị kỹ càng, để sống đời hôn nhân cách kết quả. Muốn thế, xin các bạn trẻ lưu ý một vài điểm nhấn quan trọng sau đây:

1. Phàm điều gì càng chuẩn bị kỹ càng thì càng có nhiều kết quả tốt đẹp. Hôn nhân là cả một quãng đường dài, có khi 50, 60 năm, nên càng phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Ngạn ngữ Nga có nói: “Đừng vội kết hôn khi chưa trải qua một mùa đông với người mình yêu”, nghĩa là đừng chấp nhận kết hôn khi chưa quen biết nhau sau một năm. Một năm mới tạm gọi là đủ để tìm hiểu nhau. Nếu chỉ mới đôi tuần, đôi tháng mà vội gật đầu ưng thuận thì nguy hiểm vì chưa rõ về nhau đâu.

2. Trong thời gian tìm hiểu nhau, điều gì cần phải xem xét? Có phải là người kia có giàu không ? có bao nhiều tiền, vàng ? có phải là người đẹp trai, đẹp gái, duyên dáng, ăn nói ngọt ngào, có mái tóc bồng bềnh, có làn da trắng bóc, có nụ cười nghiêng thành nghiêng nước ? có facebook với nhiều người like ?

Những cái đó là phụ tùy, có cũng được, không có cũng không sao. Nhưng điều cần biết rõ về người yêu là tính tình người ấy thế nào ? có những tính tốt nào ? có những tật xấu nào ? có thể tin tưởng không ? có tốt bụng không ? có giữ lời không ? có thành thật không ? có chung thủy không ? có đứng đắn không ? sức khỏe thế nào ? có mắc bệnh di truyền không ? gia đình người ấy thế nào ? cha mẹ, anh chị em ra sao ? người ấy có tin vào Chúa không, có giữ đạo đàng hoàng không ? hay người ấy có theo một tôn giáo nào khác không ? hay thuộc hạng người vô thần ? (về điểm này, thà người ấy có một niềm tin tôn giáo nào khác thì vẫn hơn là người vô thần. Chớ lấy người vô thần, vì hữu thần và vô thần không đội trời chung ! sẽ không hạnh phúc đâu !). Với người khác tôn giáo cũng phải thận trọng, vì không phải tôn giáo nào cũng như nhau, hai vợ chồng khác tôn giáo khó hòa hợp hoàn toàn.

Cũng cần biết quan điểm của người kia về hôn nhân và gia đình. Người kia có thể không có chung những quan điểm căn bản về hôn nhân như người Công Giáo: lòng thủy chung, một vợ một chồng, không ngoại tình, không ly dị, chấp nhận con cái, không phá thai, biết tôn trọng nhau, chấp nhận sự bình đẳng, không sử dụng bạo lực trong gia đình, không mắng chửi nhau thậm tệ…

3. Trong thời gian tìm hiểu, xin các bạn trẻ tôn trọng lẫn nhau, không tự cho phép mình hưởng trước những quyền lợi của vợ chồng, bên này thì đòi hỏi tính dục, bên kia thì buông thả, hoặc miễn cưỡng chiều theo vì sợ mất người yêu. Hãy tránh những lời đường mật, dụ dỗ nhau. Bên Mỹ, dù là một nước tự do về tính dục nhưng có cả một phong trào gìn giữ nhau về tính dục, đề ra quyết tâm: “No sex before marriage” (Không hưởng thụ tính dục trước khi kết hôn). Ca dao Việt nam có câu rất hay như sau: “Mẫu đơn nở cạnh bàn thờ, đôi ta trong trắng đợi chờ lấy nhau”. Trái cây ăn khi còn xanh sẽ chua chát, ghê răng, khi chín rồi ăn mới ngọt ngào, thơm ngon. Trong thời gian tìm hiểu và yêu nhau, các bạn hãy quyết tâm “Tìm hiểu nhau bằng mắt và bằng tai, chứ đừng bằng miệng và tay”.

Các bạn nữ là người thiệt thòi nhất nếu buông thả cho tính dục trước khi kết hôn, dù ngày nay người ta coi nhẹ sự trinh tiết, trinh trong, trong trắng, khiết tịnh, vốn được người xưa quan niệm “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Các bạn biết người Công Giáo chúng ta có nghĩa vụ sống khiết tịnh đúng bậc mình, dù là vợ chồng, bạn tình chưa kết hôn, hay người độc thân tu trì, người góa vợ góa chồng, người thanh niên thanh nữ, thiếu niên, thiếu nữ … đều phải giữ đức trong sạch xứng bậc mình.

Hãy tránh lâm vào hoàn cảnh bi đát, khó xử vì lỡ có thai, để rồi lôi cả cha mẹ hai bên, cả cha xứ vào tình thế bế tắc. Nếu có thai rồi phá thai để giữ danh dự, gia thế, gia phong thì thật kinh khủng, vì phạm tội ác, nỗi ám ảnh phá thai sẽ đi theo các bạn trong cuộc đời, cắn rứt lương tâm, không cho tâm hồn bạn bình an. Hoặc nếu có thai rồi phải chấp nhận kết hôn dù không yêu thật lòng thì cũng thật khủng khiếp, vì cả đời không hạnh phúc. ĐTC Phanxico khuyên các linh mục đừng chứng hôn cho những người lỡ có thai mà kết hôn, vì có thể họ không có tự do nội tâm để thật lòng muốn kết hôn với nhau.

4. Hãy chuẩn bị hôn nhân thật kỹ càng, từ việc học giáo lý hôn nhân đầy đủ, đừng xin tha, xin chuẩn chước, xin bớt thời gian. Điều này đang xảy ra ngày càng nhiều, khiến các linh mục quản xứ khó xử. Chuẩn bị tâm hồn, tinh thần thật kỹ càng, để lúc kết hôn nói lên lời ưng thuận với đầy đủ ý thức và ý muốn. Cũng cần chuẩn bị kỹ càng về phương diện vật chất hướng về tương lai, để khi kết hôn thì đã ổn định chỗ ăn chỗ ở (nhà cửa), nghề nghiệp, tiền bạc.

5. Nếu người bạn tình là người cùng đạo thì có thể an tâm nếu người đó có lòng đạo đức, có đức tin, giữ đạo đàng hoàng, có phản ứng đức tin… Đừng vội lạc quan và tin tưởng chỉ vì người ấy có đạo, nếu chỉ có đạo bề ngoài thì cũng chẳng hơn gì người không có đạo.

Nếu người bạn tình là người không có đạo hoặc theo một tôn giáo khác thì cần phải thận trọng gấp đôi, gấp ba. Giáo Hội không cấm kết hôn với người khác tôn giáo, nhưng cũng không khuyến khích những hôn nhân loại này. Các bạn thử nghĩ xem: vợ chồng chung nhau mọi sự, chung nhà, chung cửa, chung con cái, chung bàn ăn, chung xe cộ, chung tiền bạc, chung quan điểm, mà tôn giáo lại khác thì không ổn đâu. “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà cùng nhau nhìn về một hướng” (Saint-Exupéry). Cùng chung một niềm tin tôn giáo thì dễ hạnh phúc hơn, thật đấy.

Nếu người bạn tình không có đạo đồng ý theo đạo để kết hôn thì cũng chưa vội mừng, vì đã có rất nhiều trường hợp giả vờ theo đạo để lấy được vợ hay chồng, rồi khi lấy nhau xong thì bỏ đạo, không giữ đạo, lại có khi còn cấm cản vợ (chồng) và con cái giữ đạo, theo đạo. Thật là tráo trở. Người như thế không liêm chính, ngay thẳng, không đáng tin. Nếu biết trước bản chất của người bạn tình như vậy thì nhất định đừng kết hôn. Thà không kết hôn hơn là kết hôn để chuốc lấy đau khổ suốt đời. Các bậc cha mẹ Công Giáo không được bắt ép bên kia phải theo đạo mới cho lấy con mình.

6. Điểm sau cùng rất quan trọng: Hãy xây đắp tình yêu-hôn nhân-gia đình của các bạn trên nền tảng là Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Có Chúa ở đỉnh cao, ở trung tâm, ở nền tảng của đời sống hôn nhân của bạn. Có Chúa thì có hạnh phúc, vắng Chúa thì vắng hạnh phúc.

Chúc các bạn xây đắp tình yêu, hôn nhân, gia đình của các bạn hạnh phúc.

+ Anphong Nguyễn Hữu Long

Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
 
Giáo phận Hưng Hóa tổ chức Đại Hội Giới Trẻ
Gioan Lê Quang Vinh
09:22 18/08/2017
Trong những ngày cuối tháng 7, một số Giáo hạt thuộc Giáo phận Hưng Hóa tổ chức Đại Hội Giới Trẻ trong bầu khí hăng say, đầy lửa yêu mến của các bạn trẻ.

Khi tham dự các Đại Hội Giới Trẻ ở Hưng Hóa, có lẽ nhiều người nhớ lại lời Đức Thánh Cha nhân ngày Quốc tế Giới Trẻ năm nay 2017. Với chủ đề về Đức Maria, Mẹ chúng ta, Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa đang nhìn và kêu gọi các con, và khi làm như thế, Chúa thấy trọn tình yêu mà các con có khả năng cống hiến. Như Thiếu Nữ thành Nazareth, các con cũng có thể cải thiện thế giới, để lại một dấu vết trong lịch sử các con và nhiều người khác. Giáo Hội và xã hội đang cần các con. Với lối tiếp cận, với lòng can đảm, ước mơ và lý tưởng của các con, những bức tường im lìm bất động sụp đổ và mở ra những con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bớt tàn ác và nhân bản hơn”.

Xem Hình

Những ngày Đại Hội Giới Trẻ Hưng Hóa qua đi, nhưng chắc chắn những điều còn đọng lại trong các bạn trẻ hẳn là rất ý nghĩa.

Điều đầu tiên rõ nét nhất chính là, như lời Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa đang nhìn và kêu gọi các bạn trẻ. Vì Thiên Chúa nhìn và kêu gọi với tình yêu, lòng âu yếm và với mệnh lệnh khẩn thiết trong thời đại này, cho nên các bạn trẻ đáp ứng lại trước hết bằng sự nhiệt tình đến với Đại Hội, và hơn nữa, bằng sự vâng nghe các Đấng Chủ chăn, là những vị đại diện của Đức Kitô Mục Tử. Thiên Chúa nhìn và kêu gọi các bạn qua sự hiện diện và những lời giảng dạy đầy lửa yêu thương của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Phụ tá Giáo phận, thay mặt Đức Cha chính. Thiên Chúa nhìn và kêu gọi các bạn qua các Cha quản hạt, quản xứ, mà sự hăng say lăn xả của các ngài không chỉ làm các bạn vui, hào hứng, mà còn thúc đẩy các bạn thực hiện Lời Chúa dành cho mỗi thành viên tham dự đại hội.

Nét thứ hai mà người ta có thể cảm nghiệm được qua những ngày Đại Hội giới trẻ, cũng như Đức Thánh Cha nói, đó là “những bức tường im lìm bất động sụp đổ và mở ra những con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bớt tàn ác và nhân bản hơn”. Sự thụ động trong đời sống đức tin, sự nhắm mắt đưa chân vào tình yêu hôn nhân gia đình bị phá tan đi nhờ những lời giáo huấn nhiệt thành của các đấng bậc cũng như những hoạt động trong các Đại Hội nhằm giúp các bạn bừng lên lòng yêu mến Chúa, thần tượng duy nhất và cao cả nhất trong cuộc đời các bạn.

Trong các Đại Hội Giới Trẻ tại Hưng Hóa năm nay, các bạn được nhắc nhở về Tâm Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi các gia đình Công Giáo và tinh thần của năm chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Đức Cha Anphong nhắc nhở các bạn điều quan trọng là chuẩn bị cho hôn nhân bằng cách suy nghĩ và chọn lựa đúng người. Chọn đúng người không phải là vì tiền bạc, địa vị, nghề nghiệp… Ngài nói những điều đó là những con số không. Lòng đạo đức, kính sợ Chúa là con số một trước các số không ấy, làm cho người mình chọn có giá trị thật.

Đức Cha Anphong nói: “Nhưng điều cần biết rõ về người yêu là tính tình người ấy thế nào? có những tính tốt nào? có những tật xấu nào? có thể tin tưởng không? có tốt bụng không? có giữ lời không? có thành thật không? có chung thủy không? có đứng đắn không? sức khỏe thế nào? có mắc bệnh di truyền không? gia đình người ấy thế nào? cha mẹ, anh chị em ra sao? người ấy có tin vào Chúa không, có giữ đạo đàng hoàng không? hay người ấy có theo một tôn giáo nào khác không? hay thuộc hạng người vô thần?”

Ngài nhấn mạnh: “Về điểm này, thà người ấy có một niềm tin tôn giáo nào khác thì vẫn hơn là người vô thần. Chớ lấy người vô thần, vì hữu thần và vô thần không đội trời chung! sẽ không hạnh phúc đâu!”

Các bạn trẻ rời đại hội, về lại với đời sống hàng ngày, thực thi các giáo huấn của Hội Thánh địa phương, đồng thời nhớ lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Như Thiếu Nữ thành Nazareth, các con cũng có thể cải thiện thế giới, để lại một dấu vết trong lịch sử các con và nhiều người khác. Giáo Hội và xã hội đang cần các con.”

Vâng, bởi vì Giáo Hội và xã hội đang cần các bạn, các bạn cũng noi gương Mẹ chúng ta, làm điều cao đẹp để lại dấu vết trong dòng lịch sử đang tiếp diễn.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Bản phúc trình về Tự Do Tôn Giáo xếp hạng Việt Nam nghèo nàn ngang hàng với Trung Hoa và Miến điện
Trần Mạnh Trác
15:26 18/08/2017
Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam lại một lần nữa bị chỉ trích gay gắt qua bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gửi tới Quốc Hội. Đây củng là phúc trình đầu tiên cuả chính phủ Trump về vấn đề Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.

Việt Nam đứng chung hạng với Trung Quốc và Myanmar và được đánh giá là nghèo nàn (poor).

Ở Trung Quốc, quan chức nhà nước "lạm dụng thể chất, giam giữ, bắt bớ, tra tấn, bắt nhốt, hoặc sách nhiễu các tín đồ cuả các nhón tôn giáo chưa đăng ký."

Tại tỉnh Chiết Giang chính quyền tiếp tục chiến dịch từ năm 2014 nhằm phá hủy các cơ sở và biểu tượng Thiên Chúa giáo. Năm ngoái, 600 cây thánh giá đã bị hạ xuống.

Các nhóm Pháp Luân công cho biết đã có hàng chục thành viên bị giết chết, theo báo cáo cuả Radio Free Asia (RFA).

Ở Myanmar, chính quyền và nhóm đa số Phật giáo vi phạm các quyền tôn giáo của người Hồi giáo và Kitô giáo, trì hoãn giấy phép xây dựng nhà thờ và trong một số trường hợp ngăn chặn việc xây dựng nhà thờ Hồi giáo vì lý do có người Phật giáo hàng xóm phản đối.

"Đã có báo cáo về giết người, lạm dụng tình dục, bắt giữ tùy tiện, đốt cháy cơ sở, tiếp tục giam giữ người Hồi giáo," bản phúc trình viết.

Riêng tại Việt Nam, chính quyền tiếp tục quấy rối các nhóm tôn giáo, mặc dù mức độ nghiêm trọng "khác nhau tùy vùng và tuỳ ở cấp trung ương, ở cấp tỉnh hay địa phương," bản phúc trình báo cáo.

Năm ngoái, nhà chức trách tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo, hành hung và giam giữ các thành viên nhà thờ, hạn chế không cho họ du lịch ra nước ngoài và tịch thu đất cuả nhà thờ cho các dự án phát triển.

Các nhóm tôn giáo không đăng ký với chính phủ đã bị xử lý rất nghiêm, theo bản phúc trình.

Vào tháng Giêng năm 2016, một mục sư (Tin Lành) của người thượng ở tỉnh Gia Lai đã qua đời vì nội thương sau khi bị cảnh sát đánh đập một tháng trước đó. Tháng Hai sau đó, một mục sư Mennonite đang ở tù 11 năm đã bị đánh đập tàn nhẫn vì tội "phá hoại trật tự công cộng".

Vợ cuả vị mục sư nói rằng sỡ dĩ như vậy là vì ông và nhiều tù nhân khác đã báo cáo tìm thấy những "mảnh thủy tinh và dây đồng trong thực phẩm nhà tù của họ."

Nhiều cuộc ruồng bố đã thực hiện trên nhiều nhà thờ Công Giáo, chùa Phật giáo không đăng ký và những nhóm nghiên cứu Kinh Thánh. Những người lãnh đạo Giáo Hội và giáo dân đôi khi bị tấn công công khai bởi những kẻ mặc thường phục nhưng rõ ràng dưới sự giám sát của cảnh sát.

Chính quyền quấy rối các nhóm tôn giáo với mức độ nghiêm trọng "khác nhau tùy vùng này qua vùng khác và tuỳ ở cấp trung ương, cấp tỉnh hay cấp địa phương," bản phúc trình báo cáo.
 
Giáo xứ Hội Nghĩa, Tân Uyên mừng lễ bổn mạng
Giáo xứ Hội Nghiã
21:53 18/08/2017
Giữa những cái oi nồng của thời tiết lúc mưa lúc nắng của trung tuần tháng 8, nhưng cũng không làm thay đổi những nhịp sinh hoạt tươi trẻ của bà con giáo dân giáo xứ Hội Nghĩa, và hôm nay Chúa Nhật 13/8/2017 Giáo xứ Hội Nghĩa đã thay mặt Giáo Phận Chầu Lượt, và đặ biệt hơn Giáo xứ long trọng Mừng Kính Đức Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam, là bổn mạng Nhà thờ Giáo xứ. và cho các em Thiếu Nhi trong giáo xứ được Rước Lễ lần đầu.

Xem hình

Cha Giu se Nguyễn Khắc Hoài, chánh xứ Hội Nghĩa đã khôn ngoan sắp xếp để bà con giáo hữu trong giáo xứ khai mạc phiên Chầu Lượt từ tối thứ bảy đến hết nửa đêm, để hôm sau giáo xứ long trọng Mừng lễ Đức mẹ La Vang, bổn mạng giáo xứ và cho các em Thiếu nhi được Rước Lễ Lần Đầu, thật trọn vẹn đôi đàng. Một số các linh mục trong Giáo hạt Lạc An và các giáo xứ lân cận đã đến chung chia niềm vui lớn này với Giáo xứ qua Thánh Lễ đồng tế, trước đó giáo xứ đã cung nghinh rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ, có sự tham gia của đội dâng hoa Trại Phong Bến Sắn và đông đảo bà con và nam nữ tu sỹ tham dự.

Trong bài giảng cha xứ đã tóm kết nhiều ý nghĩa mà giáo xứ hôm nay mừng lễ, mà điểm nhấn các lần Đức Mẹ hiện ra đây đó, là cải thiện và canh tân đời sống, siêng năng lần chuỗi mân côi, như là một phương thế hữu hiệu của đạo đức bình dân, như khi hiện ra ở Lộ Đức hay như năm nay kỷ niệm 100 năm hiện ra ở Pha ti ma, khi Mẹ nhắn nhủ với 3 trẻ Lu ci a, Phan xi cô và Gia xin ta, hãy canh tân đời sống siêng năng lần chuỗi, và tôn sùng trái tim Mẹ, để cầu nguyện cho thế giới được hòa binh, hay khi Mẹ hiện ra che chở đoàn con cái năm nào tại La Vang, Quảng Trị, Mẹ Maria là người luôn đồng hành và che chở đoàn con cái, chúng ta hãy đến với Mẹ , nhờ Mẹ để đến với Chúa Giê su và xin Mẹ luôn tiếp tục nâng đỡ đời sống đức tin của bà con giáo dân trong giáo xứ, giáo xứ cũng nhận được những lẵng hoa tươi của chính quyền địa phương Huyện Bắc Tân Uyên và Thị xa Tân Uyên.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 34)
Vũ Văn An
04:35 18/08/2017
Giáo Hội Công Giáo đương đầu ra sao với cuộc khủng hoảng về phụ nữ?

Ít có lời phàn nàn nào về Giáo Hội Công Giáo dai dẳng hơn lời tố cáo cho rằng Giáo Hội này có vấn đề về phụ nữ. Hình ảnh có sẵn dễ được trưng dẫn là: Đạo Công Giáo là thành trì cuối cùng của chế độ gia trưởng (patriarchy), đây là “câu lạc bộ nam giới” và việc Giáo Hội này ca ngợi các vai trò truyền thống của phụ nữ như vợ như mẹ, việc nó tôn kính Nữ Trinh Diễm Phúc Maria theo phong cách hiệp sĩ, chỉ là để tạo màn khói đạo đức che lấp việc bác bỏ quyền của phụ nữ được bước vào các đại sảnh quyền lực. Các ấn tượng này do đâu mà có là điều không khó khăn gì; khởi đầu là sự kiện hiển nhiên này: Giáo Hội Công Giáo bác bỏ khả thể phụ nữ có thể làm phó tế, linh mục, hay giám mục.

Về mặt chính thức, lập trường trên được cho là căn cứ trên điển hình trực tiếp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chỉ kêu gọi đàn ông trở thành 12 tông đồ của Người; và trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng, Người đã ủy nhiệm cho các người đàn ông này trách vụ “hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”. Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành một văn kiện tựa là Ordinatio Sacerdotalis (“Về Việc Tấn Phong Vào Chức Linh Mục”) trong đó, ngài tuyên bố rằng “Giáo Hội không có bất cứ thẩm quyền nào để phong chức linh mục cho các phụ nữ”, dựa vào điển hình của Chúa Kitô và của các tông đồ tiên khởi. Đức Gioan Phaolô II viết rằng Chúa Kitô cầu nguyện trước khi chọn Nhóm Mười Hai, và các tông đồ tiên khởi rất thận trọng khi chọn các người kế nhiệm, cho thấy khuôn mẫu toàn nam của chức linh mục không phải là một việc tùy tiện. Vì vị linh mục đại diện cho con người của Chúa Kitô (in persona Christi) và vì Chúa Kitô là người nam, nên linh mục phải là một người nam là điều thích đáng. Cơ quan tín lý nhiều quyền lực của Vatican thực sự đã tuyên bố rằng giáo huấn này là không thể sai lầm.

Tuy nhiên, các người phê bình nhấn mạnh rằng việc loại phụ nữ khỏi chức linh mục không hẳn là vì Chúa Giêsu cho bằng vì xu hướng chống phụ nữ rất mạnh của các xã hội cổ thời và trong luật Rôma, những điều đã được thẩm thấu vào Kitô Giáo tiên khởi. Trong Đế Quốc Rôma, phụ nữ không được giữ các chức vụ công cộng, không được làm chứng trước tòa, hay ký khế ước. Các người phê bình cho rằng quả là một gương mù gương xấu theo nghĩa cổ điển tức dẫn người khác tới chỗ phạm tội, khi Giáo Hội Công Giáo ban cho thứ thiên kiến cổ xưa này chân tay để đi đứng trong thời đại ta.

Những người bênh vực lệnh cấm thì thường nêu thêm điểm thứ hai. Họ cho rằng chức linh mục không hẳn là về quyền hành mà là về phục vụ. Sự kiện phụ nữ không thể trở thành giáo sĩ không có nghĩa Giáo Hội coi họ như công dân bậc nhì. Họ nói rằng đạo Công Giáo sẵn sàng dành quyền lãnh đạo cho phụ nữ trong mọi hình thức không tuyệt đối đòi phải mang cổ cồn Rôma. Thế nhưng, chủ trương này vẫn rất khó nhá đối với một số người, vì các vai trò lãnh đạo hữu hình hơn cả trong Giáo Hội, trong thực tế, quả có đòi chiếc cổ cồn Rôma. Bất cứ ai từng tham dự một thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, hay theo dõi nó trên truyền hình, thì hiểu rõ điều này: Đức Giáo Hoàng ngồi một mình, với các Hồng Y mặc áo đỏ ở hàng đầu, các Tổng Giám Mục và Giám Mục mặc áo tím ở đàng sau các Hồng Y, rồi các giáo sĩ mặc áo đen ở hàng tiếp sau. Đến lúc thấy các phụ nữ, thì rõ ràng bạn đang thấy các khán giả chứ không phải các vị vọng.

Có phải vấn đề của Giáo Hội với phụ nữ chỉ là vấn đề họ được làm linh mục?

Không phải vậy, vấn đề này lớn hơn thế nhiều. Hiện nay, sự náo động về việc phụ nữ làm linh mục, từng lên cao điểm ở các thập niên 1970 và 1980, phần lớn đã lắng dịu, không hẳn vì người ta đã thay đổi tâm ý mà chỉ vì hàng giáo phẩm đã nói rất rõ: việc ấy sẽ không xẩy ra. Thất vọng, một số người cổ vũ việc cho phép phụ nữ làm linh mục đã tổ chức các cuộc phong chức linh mục cho phụ nữ, trong đó có cuộc phong chức năm 2002 với sự tham dự của cựu đệ nhất phu nhân của Tiểu Bang Ohio, Dagmar Celeste. Tuy nhiên, phần lớn các người Công Giáo ủng hộ phụ nữ làm linh mục, không muốn cạn tầu ráo máng với Giáo Hội định chế, nên sẵn sàng chờ một dịp khác.

Thực ra, việc làm linh mục chỉ là một điển hình có tính tượng trưng hơn cả cho nhiều căng thẳng rộng lớn hơn bên trong Đạo Công Giáo đối với vai trò và vị trí của phụ nữ. Các tiêu điểm cho các căng thẳng này bao gồm đạo đức học tính dục (giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai và phá thai, chẳng hạn, có “phản phụ nữ” hay không?), phụng vụ (nhất là việc sử dụng ngôn ngữ bao gồm, như nói “people” thay vì “man” để nói về con người, và tránh việc dùng các từ ngữ giống đực để chỉ về Thiên Chúa), và cả cuộc khủng hoảng tình dục nữa. Nhiều người phê bình cách Đạo Công Giáo che đậy việc lạm dụng tình dục vị thành niên cho rằng nếu các bà mẹ có con được ngồi vào bàn thảo luận để đưa ra các quyết định, thì cách đáp ứng của Giáo Hội hẳn đã ra khác.

Khảo sát khung cảnh văn hóa ở đầu thế kỷ 21, các hạn từ như “duy nữ” và “Công Giáo chính thống”, ít nhất theo nghĩa chính trị đường phố, đã trở thành gần như phản nghĩa. Các vị giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác vốn lên án “chủ nghĩa duy nữ cực đoan” cách thường xuyên đến nỗi nó đã trở thành gần một kiểu nói rập khuôn tiêu chuẩn, trong khi ấy, các thần tượng duy nữ ra sức tấn Công Giáo Hội bất cứ khi nào họ có thể. Như người chủ mục Maureen Dowd của tờ New York Times, chẳng hạn, đã dùng các trang báo của cô để tấn Công Giáo Hội Công Giáo, so sánh Giáo Hội này với Saudi Arabia trong việc dành cho phụ nữ “địa vị đẳng cấp thấp”. Sau đây là một mẩu Dowd dùng để tấn công năm 2012: “Các giám mục và Vatican say mê lưu ý tới việc đặt phụ nữ vào dây cột thanh tịnh. Thế nhưng họ lại để các linh mục không thanh tịnh mặc sức tung hoành hằng bao thập niên qua, không hề quan tâm tới nhiều thế hệ trẻ em bị vi phạm và hãm hiếp và truyền tay giống như rượu rước lễ”. Dù nhiều người Công Giáo thấy thứ ngôn ngữ này có tính xúc phạm, nhưng Dowd nói lên những tâm tư được nhiều người bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội chia sẻ.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội bênh vực thành tích của các ngài đối với phụ nữ ra sao?

Trước nhất, các ngài cho rằng vấn đề của Giáo Hội không phải là việc giải phóng phụ nữ, nghĩa là quyền bình đẳng hoàn toàn trong các lãnh vực xã hội, nghề nghiệp, văn hóa, và chính trị. Thực vậy, giáo huấn xã hội của Công Giáo hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu này. Đúng hơn, các ngài cho rằng điều Giáo Hội chống đối là chủ nghĩa duy nữ có tính ý thức hệ, một chủ nghĩa chủ trương đấu tranh giai cấp giữa đàn ông và đàn bà hay cổ vũ ý niệm cho rằng có một thứ mâu thuẫn nào đó giữa việc làm một người phụ nữ được giải phóng hoàn toàn và việc đóng các vai trò làm vợ và làm mẹ theo nghĩa cổ truyền. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực sự cố gắng đề xuất một thứ “chủ nghĩa duy nữ mới” đặt tiền đề trên ý niệm “bổ túc”, tức ý niệm cho rằng đàn ông và đàn bà bình đẳng với nhau, nhưng được cả Thiên Chúa lẫn sinh học nhân bản sắp xếp để đảm nhiệm các vai trò khác biệt nhau nhưng bổ túc lẫn nhau. Những người bênh vực nó cho rằng lối duy nữ kiểu Công Giáo này quả có “duy nữ” hơn lối duy nữ cũ vì nó bác bỏ ý niệm tranh giành quyền lực giữa các giới tính, một ý niệm được các nhà tân duy nữ coi như một sản phẩm nam giới cổ điển mà những nhà duy nữ thuộc đợt đầu đã hội nhập mà không hề phê phán chi cả.

Thứ hai, ở bình diện hiểu biết thông thường, người Công Giáo hay lý luận rằng coi Giáo Hội như một “câu lạc bộ dành cho phái nam” là nhìn sự việc một cách lệch lạc, vì đã chỉ nhìn vào đời sống bên trong của Giáo Hội mà thôi. Các ngài cho rằng ở những nơi khác, như trong gia đình, khu xóm, trường học, và gần như mọi nơi khác trong đó sự sống khai diễn, thì phụ nữ hiện là, và luôn luôn là những người chuyên chở nền văn hóa Công Giáo đích thực. Chính phụ nữ giáo dục con cái trong đức tin, chính phụ nữ nâng đỡ mạng lưới chăm sóc nhằm lên khuôn đời sống giáo xứ, và chính phụ nữ trở thành phe đa số hơn nam giới nhiều trong phần lớn các sinh hoạt của Giáo Hội. Theo nghĩa này, những người bênh vực Giáo Hội cho rằng không gì vô nghĩa hơn khi cho rằng Đạo Công Giáo cần phải “tạo quyền lực” cho phụ nữ, vì ai cũng biết quyền lực thực sự trong Giáo Hội, nghĩa là quyền lực lưu truyền đức tin cho thế hệ kế tiếp, dưỡng nuôi và nâng đỡ nó suốt một đời người luôn luôn vẫn chủ yếu thuộc về người đàn bà.

Thứ ba, các nhà lãnh đạo Công Giáo nhấn mạnh rằng chỉ lưu tâm duy nhất đến vấn đề phong chức là bỏ lỡ bức tranh lớn lao hơn, tức là: trong mọi loại việc làm, khác hơn việc làm linh mục, Đạo Công Giáo vượt xa mọi định chế xã hội khác trong việc cổ vũ việc lãnh đạo của phụ nữ. Ở bình diện quản trị cấp giáo phận ở Hoa Kỳ, 48.4 phần trăm mọi chức vụ hiện nay do phụ nữ nắm giữ. Ở bình diện cao cấp nhất, phụ nữ chiếm 26.8 phần trăm các chức vụ chấp hành quản trị (executive). Để so sánh, ta hãy xem bài nghiên cứu 500 công ty năm 2005 của tờ Fortune; bài nghiên cứu này thấy phụ nữ chiếm 16.4 phần trăm các chức vụ chỉ huy công ty và chỉ có 6.4 phần trăm phụ nữ ở các chức vụ có số lương cao nhất mà thôi. Cũng thế, một cuộc nghiên cứu năm 2007 của Hội Luật Sư Hoa Kỳ cho biết chỉ có 16 phần trăm thành viên các ủy ban quản trị các công ty luật hàng đầu là phụ nữ, và chỉ có 5 phần trăm các hùn hạp viên giữ vai trò quản trị là phụ nữ. Theo một phúc trình năm 2004 của Bộ Quốc Phòng, phụ nữ nắm giữ 12.7 phần trăm các chức vụ ở cấp thiếu tá hay cao hơn. Những dữ kiện này, theo một số người Công Giáo, dẫn ta tới câu hỏi: Ai mới là người có vấn đề đối với phụ nữ?

Các nữ tu Công Giáo có liên hệ tới các cuộc tranh luận trên không?

Khá có liên hệ. Năm 2008, chẳng hạn, Vatican công bố một cuộc “thăm viếng tông tòa” gần 400 cộng đoàn nữ tu ở Hoa Kỳ bao gồm khoảng 57,000 thành viên. Về mặt chính thức, việc này được coi như một cố gắng nhằm giúp các dòng nữ đương đầu với các thách đố của họ, mà nổi hơn cả là các thành viên mỗi ngày một cao tuổi hơn trong khi khó lôi cuốn được các thành viên mới. Hiển nhiên, sự giảm sút hết sức đáng lưu ý; năm 1965, có gần 180,000 nữ tu tại Hoa Kỳ, nghĩa là số nữ tu giảm gần 70 phần trăm trong nửa thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, nhiều nữ tu coi sự can thiệp của Vatican có tính trừng phạt hơn là xây dựng; họ hồ nghi việc này thực sự nhằm đem các nữ tu “cấp tiến” và “duy nữ” trở lại hàng ngũ.

Những ấn tượng trên đã được củng cố hồi tháng Tư năm 2012, khi Vatican ban hành một bản lượng định tín lý nghiêm khắc về Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu, là nhóm bảo trợ chính gồm các vị lãnh đạo các dòng nữ tại Hoa Kỳ. Bản lượng định dài 8 trang trưng dẫn “nhiều vấn đề tín lý nghiêm trọng” và “sự mơ hồ về tín lý”, trong đó, có việc bị coi là “im lặng” đối với vấn đề phá thai và các quan tâm phò sự sống khác, chính sách “bất đồng tập thể” về các vấn đề như phụ nữ làm linh mục và đồng tính luyến ái, và việc xâm nhập “một số thể tài duy nữ cực đoan”. Vatican yêu cầu cải tổ toàn bộ nhóm này; cho tới lúc cuốn sách này lên khuôn, chưa rõ liệu nhóm này có sẵn sàng tuân thủ lời yêu cầu hay không? Trong cuộc tranh luận này, quyền lợi thiết thân khá to lớn, xét vì các cộng đoàn nữ tu vẫn còn là những dòng bảo trợ chính cho giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội thực hiện nhân danh Giáo Hội Công Giáo.

“Cuộc khủng hoảng” về phụ nữ lớn lao ra sao?

Khó có thể ước lượng tác động của nó một cách chính xác, dù có lẽ có lý khi tin rằng một phần trong số 22 triệu người cựu Công Giáo ở Hoa Kỳ bỏ đạo là vì các tri cảm cho rằng Giáo Hội “bài phụ nữ”. Theo giai thoại, một số bà mẹ Công Giáo cho biết bị khủng hoảng lương tâm trong việc có nên dưỡng dục con gái họ trong đức tin hay không; họ thắc mắc có nên khuyến khích chúng chấp nhận làm mái nhà thiêng liêng một Giáo Hội trong đó phụ nữ không hoàn toàn được giải phóng. Lẽ dĩ nhiên, tri cảm về nan đề phụ nữ cũng làm hại tới thế giá luân lý và đòn bẩy chính trị của Giáo Hội Công Giáo, khiến cho không thể tránh được việc một số lực lượng mạnh mẽ trong xã hội khó lòng có thể hợp tác với Giáo Hội trong bất cứ vấn đề nào.

Cuộc khủng hoảng này còn có chiều kích tài chánh nữa: đó là việc một số cộng đoàn nữ tu có thể cắt đứt liên hệ với hàng giáo phẩm và mang theo họ phần lớn hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục. Một số người Công Giáo tin rằng tất cả các điều này dẫn ta tới nhu cầu phải cải tổ nghiêm túc nhằm hướng tới một sự công bằng lớn lao hơn về phái tính. Tuy nhiên, nhiều người khác coi chúng là điều đáng tiếc nhưng có lẽ là cái giá Giáo Hội phải trả để mua lấy lòng trung thành đối với sự thật. Dù sao, ít có lý do khiến người ta tin rằng các căng thẳng trong Giáo Hội về phụ nữ sắp sửa sẽ biến mất.

Còn tiếp
 
Giải đáp phụng vụ: Linh mục đồng tế phải đọc những gì?
Nguyễn Trọng Đa
10:06 18/08/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây tôi đã suy nghĩ về những gì là cần thiết cho việc đồng tế là hợp lệ về phần linh mục đồng tế. Các chữ đỏ rõ ràng nói rằng các vị đồng tế phải dang tay đọc các lời từ Kinh khẩn cần Thánh Linh (epiclesis) đến kinh hồi niệm sau truyền phép (anamnesis), nhưng liệu sự thiếu sót của một phần trong đoạn này của Kinh nguyện Thánh Thể có gây hại cho việc dâng hy tế của Thánh Lễ về phần của vị đồng tế đó không? Dường như các lời truyền phép là không thể thiếu, nhưng còn các lời chung quanh đó thì sao, thưa cha? - R. H., Fulda, Minnesota, Hoa Kỳ.


Đáp: Để cho Thánh lễ đồng tế là hợp lệ, các lời truyền phép được đọc bằng giọng thấp nhưng có thể nghe được là thật cần thiết.

Không cần thiết cho tính hợp lệ rằng các vị đồng tế đọc hết mọi phần của Kinh nguyện Thánh Thể. Nhưng một cuộc cử hành xứng đáng và hợp pháp đòi hỏi rằng phải đặc biệt chú ý đến các phần cần được tất cả mọi người đọc, vốn có một mức độ buộc nào đó.

Một số phần của Kinh nguyện Thánh Thể là thích hợp cho một vị đồng tế dang tay đọc mà thôi. Tuy nhiên, vị chủ tế có thể quyết định tự mình đọc các phần đó vì một lý do chính đáng.

Các số 216-236 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) đưa ra mô tả chi tiết về các từ ngữ và cử chỉ cho mỗi Kinh nguyện Thánh Thể. Vì lý do khuôn khổ bài biết này, chúng tôi chỉ trích dẫn các số, vốn liên quan đến những phần mà các vị đồng tế đọc chung với nhau mà thôi:

"216. Chỉ một mình vị chủ tế hát hay đọc kinh Tiền Tụng. Còn kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), thì mọi vị đồng tế cùng với giáo dân và ca đoàn hát hay đọc.

“217. Xong kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), các vị đồng tế đọc Kinh Nguyện Thánh Thể theo cách được mô tả sau. Chỉ có chủ tế làm các cử chỉ, ngoại trừ khi ghi cách khác.

“218. Những phần mà các vị đồng tế cùng đọc, và nhất là mọi người buộc phải đọc các lời truyền phép, thì phải đọc nhỏ tiếng, để cho giọng của chủ tế được nghe rõ ràng. Bằng cách ấy, giáo dân mới lãnh hội bản văn dễ dàng hơn.

“Những phần mà mọi vị đồng tế cùng đọc, mà có ghi dấu nhạc trong Sách Lễ, thì nên hát.

"Kinh nguyện Thánh Thể I: Đây là Lễ Quy Rôma

"222. Từ kinh "Lạy Cha, xin thánh hóa" (Quan oblationem) cho đến kinh "Lạy Cha, là Thiên Chúa toàn năng" (Supplices), chỉ một mình chủ tế làm các cử chỉ, tất cả các vị đồng tế cùng đọc chung, theo cách sau đây:

“a. Kinh "Lạy Cha, xin thánh hoá" (Quam oblationem) hai tay giơ về phía lễ phẩm;

"b. Các kinh "Tối hôm trước ngày" (Qui pridie), "Cùng một thể thức ấy" (Simili modo): chắp tay;

“c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ về phía bánh và chén; mắt nhìn bánh thánh và chén khi nâng lên cho xem thấy và sau đó, thì cúi mình sâu;

“d. Các kinh "Vì vậy, lạy Cha" (Unde et memores) và "Xin Cha đoái nhìn" (Supra quae): dang tay;

"e. Kinh "Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng" (Supplices): cúi mình và chắp tay cho đến câu "tại bàn thờ này" (ex hac altaris participatione), rồi đứng thẳng lên và làm dấu khi đọc câu "tất cả chúng con được đầy tràn ơn phúc bởi trời" (omni benedictione gratia repleamur).

“224. Ðến câu "Xin cũng cho chúng con là tôi tớ tội lỗi" (Nobis quoque peccatoribis): mọi vị đồng tế đấm ngực.

"Kinh Nguyện Thánh Thể II

"227. Từ kinh "Vì vậy, lạy Cha" (Haec ergo dona) cho đến kinh "Nguyện xin Cha đoái nhìn" (Et supplices), mọi vị đồng tế cùng đọc chung theo cách sau đây:

"a. "Vì thế, chúng con xin Cha" (Haec ergo dona): hai tay giơ về lễ phẩm;

“b. "Khi bị nộp" (Qui cum passioni) và "Cùng một thể thức ấy" (Simili modo): chắp tay;

“c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ hướng về bánh và chén; mắt nhìn Mình Thánh và Chén Thánh khi nâng lên cho thấy và sau đó thì cúi mình sâu;

“d. "Vì thế, lạy Cha, giờ đây tưởng nhớ" (Memores igitur) và " Chúng con cúi xin Cha" (Et supplices): dang tay.

"Kinh Nguyện Thánh Thể III

"230. Từ "Vì vậy, lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha" (Supplices ergo Te Domine) cho đến "Nguyện xin Cha đoái nhìn" (Respice quaesumus): tất cả các vị đồng tế cùng đọc theo cách thức sau đây:

“a. "Vì vậy, Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha" (Supplices ergo Te Domine): hai tay giơ về phía lễ phẩm;

“b. "Trong đêm bị trao nộp" (Ipse enim in qua nocte tradebatur) và "Cùng một thể thức ấy" (Simili modo): chắp tay;

"c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ hướng về bánh và chén; mắt nhìn bánh thánh và chén khi nâng lên cho thấy và sau đó cúi mình sâu;

“d. "Vì vậy, lạy Cha" (Memores igitur) và "Nguyện xin Cha đoái nhìn" (Respice quaesumus): dang tay.

"Kinh Nguyện Thánh Thể IV

"233. Từ "Vậy, lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần" (Quaesumus, igitur, Domine) cho đến "Lạy Cha, xin nhìn đến hy lễ" (Respice Domine): mọi vị đồng tế đều đọc theo cách thức sau đây:

“a. "Vậy, lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần" (Quaesumus, igitur, Domine): hai tay giơ hướng về lễ phẩm;

"b. "Lạy Cha chí thánh, khi đến giờ" (Ipse enim, cum hora venisset) và "Cùng một thể thức ấy" (Simili modo): chắp tay;

“c. Các lời của Chúa: tay phải, nếu thấy tiện, giơ hướng về bánh và chén; mắt nhìn bánh thánh và chén khi nâng cho thấy và sau đó cúi mình sâu;

“d. "Vì vậy, lạy Cha, giờ đây" (Unde et nos) và "Lạy Cha, xin nhìn đến" (Respice domine): dang tay.

"235. Còn về các Kinh Nguyện Thánh Thể khác, được Toà Thánh chuẩn nhận, thì theo các qui tắc ấn định cho chúng.

“236. Vị chủ tế và các vị đồng tế cùng đọc vinh tụng ca cuối Kinh Nguyện Thánh Thể, nhưng giáo dân không đọc” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Sau khi chúng tôi trả lời như trên, một số linh mục hỏi thêm chi tiết.

Một linh mục từ Pretoria, Nam Phi, hỏi: "Liệu vị đồng tế vẫn cứ ngồi cho kinh nguyện hiến tế, trước khi vị ấy đến bàn thờ cho phần mở đầu của Kinh Tiền Tụng không?”

Trong việc giải thích Quy Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, ta phải nhớ rằng các hình thức khác nhau của Thánh Lễ đã được mô tả chi tiết giảm dần.

Nghĩa là, Thánh lễ của chỉ một linh mục được mô tả khá chi tiết. Ở các nơi khác, Thánh Lễ với một phó tế, Thánh Lễ đồng tế, và Thánh lễ chỉ có mình linh mục, thường chỉ ghi lại các chi tiết khác với chi tiết của hình thức đầu tiên của Thánh Lễ. Sự giả định tổng quát là rằng, những gì không được nói cách đặc biệt trong các buổi cử hành ấy, thì nên tuân theo những gì đã được mô tả trong hình thức của Thánh lễ có cộng đoàn tham dự.

Lấy sự giải thích như thế, chúng tôi có thể thấy hai chi tiết trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma.

Số 146 mô tả tư thế được chọn cho lời nguyện tiến lễ: "Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế đứng hướng về giáo dân, dang tay ra, rồi chắp lại, mời gọi họ cầu nguyện, mà rằng: "Anh chị em hãy cầu nguyện..." (Orate fratres). Giáo dân đứng lên và thưa "Xin Chúa nhận lễ vật..." (Suscipiat Dominus). Sau đó, vị tư tế dang tay đọc lời nguyện tiến lễ; cuối lời nguyện, giáo dân tung hô "A-men".

Số 215 mô tả sự di chuyển của các vị đồng tế tại thời điểm này: "Sau khi chủ tế đọc lời nguyện tiến lễ, các vị đồng tế tiến đến và đứng chung quanh bàn thờ ..."

Vì không có gì được nói cho việc khi nào các vị đồng tế đứng lên, có thể hợp lý để nói rằng các vị đứng lên cùng lúc với các tín hữu, như được nêu ra ở số 146.

Ngoài ra, truyền thống phụng vụ sẽ không bao giờ tha thứ cho bất cứ ai vẫn ngồi, trong khi chủ tế đọc lời cầu nguyện chủ tọa, chẳng hạn lời nguyện tiến lễ.

Một bạn đọc, từ thành phố St. Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, viết: "Tôi vẫn còn chưa có sự chắc chắn về việc đồng tế Thánh Lễ với một số đông các linh mục. Liệu các vị đồng tế phải tiếp rước Bánh Thánh được truyền phép trong Thánh lễ ấy để thực sự cử hành Thánh lễ không? Và liệu các vị đồng tế có tiếp rước Máu Thánh để thực sự cử hành Thánh lễ không?"

Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự trong bài ngày 12-10-2004. Tóm lại, Thánh Lễ là hợp lệ, nhưng không hợp pháp đối với các linh mục tiếp rước Bánh Thánh đã được truyền phép từ Thánh lễ khác trước đó, hoặc không tiếp rước Máu Thánh, trừ các trường hợp đặc biệt như bị bệnh hoặc kiêng rượu, với phép chuẩn đã được ban cho (xem bài ngày 7-6-2005; bài ngày 13 và 27-6-2006). (Zenit.org 27-2 và 13-3-2007)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúa Khắp Mọi Nơi
Nguyễn Trung Tây, Lm (SVD)
22:43 18/08/2017
CHÚA KHẮP MỌI NƠI
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
"Chúa mùa Xuân
hoa nở rực rỡ sắc mầu.
Chúa mầm non
xanh ngắt lung linh trong nắng.
Chúa áng mây lững lờ
che nắng che mưa trưa mùa hạ.
Chúa hiu hiu gió nồng,
thổi nóng tâm hồn rực rỡ tin yêu"
(NTT).
 
Thánh Ca
Thánh ca: Nữ Vương Bình An -- Trình bày: Philip Huy
VietCatholic Network
19:06 18/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây