Ngày 02-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cú đánh bắt kỳ diệu
Lm. Minh Anh
00:44 02/09/2021

CÚ ĐÁNH BẮT KỲ DIỆU
“Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách!”.

Rừng Bắc Âu, Bắc Mỹ và Trung Á, nổi tiếng với một động vật nhỏ bé tuyệt đẹp có tên là “Chồn Ermine”; bộ lông của nó trắng như tuyết. Ermine bảo vệ chiếc áo của mình bất cứ giá nào. Tận dụng bản năng bất thường này, những thợ săn không giăng bẫy; thay vào đó, họ tìm chỗ ở của Ermine, thường là một khe hở trên đá hoặc các hốc cây. Họ bôi bẩn lối vào và hang ổ của chúng. Sau đó, họ thả đàn chó để tìm và săn đuổi. Những con vật sợ hãi chạy về ‘nhà’, nhưng không vào, vì sợ bẩn! Thay vì để lấm lem chiếc áo trắng tinh của mình, Ermine nộp mạng để gìn giữ sự thanh khiết. Với Ermine, sự thanh bạch còn quý hơn cả mạng sống! Từ thế kỷ 15, Leonardo da Vinci đã có một kiệt tác với tên gọi, “The Lady with an Ermine”, “Thiếu Nữ với Chú Chồn Ermine!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nói đến cách đánh bắt độc đáo những con vật dễ thương của những vùng núi phía Bắc, nhưng nói đến những ‘cú đánh bắt kỳ diệu’ của Thiên Chúa trong lịch sử. Từ thư Côlôssê cho đến ‘mẻ cá không thể tin được’ của Tin Mừng, đã có những cú đánh bắt thần kỳ Thiên Chúa thực hiện; những cuộc đánh bắt bất ngờ này thực sự cho thấy, “Chúa đã biểu dương ơn Ngài cứu độ!”, đúng như Thánh Vịnh đáp ca tán dương.

Thư Côlôssê nói đến một Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, khi “Ngài ra tay cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Ngài; trong Đức Kitô, chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Ngài, và được ơn tha tội!”. Đó là ‘cú đánh bắt kỳ diệu’ lớn lao nhất từ tạo thiên lập địa mà Thiên Chúa đã biểu dương vì lòng thương xót của Ngài.

Câu chuyện ‘đánh bắt’ của Tin Mừng hôm nay xoay quanh Chúa Giêsu; đúng hơn xoay quanh Ngài và Phêrô, một con người đã chứng kiến những điều kỳ diệu từ nhân vật ‘bí mật’ mới xuất hiện này. Phêrô đã nhìn thấy bà mẹ vợ ông được Ngài ‘nâng lên để đứng trên đôi chân’ của mình; ông còn thấy những bệnh nhân và nhiều người quỷ ám khác được Ngài chữa khỏi. Để sau đó, Chúa Giêsu bước xuống thuyền ông, xin ông chống ra xa một chút, tìm chỗ nước sâu để bắt cá. Và dẫu sau một đêm quăng chài thất bại, Phêrô vẫn vâng lời; ông đã bắt được rất nhiều cá, nhiều đến nỗi “lưới các ông hầu như bị rách” và cần có một thuyền thứ hai đến giúp!

Đó là ‘cú đánh bắt kỳ diệu’ có một không hai trong đời các ngư phủ miền Galilê, nhưng điều kỳ diệu không phải là ‘cá’, nhưng là ‘những người đánh cá’ vốn đã bị đánh bắt! Phép lạ lớn nhất Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô và các bạn chài vốn đang mệt mỏi, nản lòng… không phải là những gì ‘thuộc vật chất’, nhưng đó là một phép lạ ‘hoàn toàn tinh thần’; Ngài đã giúp họ không trở thành nạn nhân của sự thất vọng và chán nản khi đối mặt với thất bại, nhưng quá tuyệt vời khi họ để cho mình ‘bị đánh bắt’ để trở thành những con người sẽ đi ‘lưới chài’ các linh hồn cho Vương Quốc Ngài, “Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài!”.

Vậy thì điều gì đã dẫn đến cú đánh bắt ngoạn mục mang tính cứu độ này? ‘Cứu độ!’, vì lẽ, rồi đây, chính những con người đầu tiên này sẽ được Chúa Giêsu tung vào thế giới để vung ‘chài cứu độ’. Đó là những con người đã để Ngài bước xuống thuyền mình; những con người ngoan nguỳ, chèo ra chỗ nước sâu, thả lưới. Cũng thế, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta chào đón Ngài vào con thuyền đời mình, giữ Ngài ‘đủ lâu’, đi với Ngài ‘đủ xa’, để ra khơi, đến một vùng biển mới, một vùng biển đầy bất ngờ! Hãy nhiệt tình đón Ngài, đừng để Ngài ‘lên đàng mũi, xuống đàng lái’; hãy nhớ, Ngài giỏi ‘đi trên nước!’. Hãy ‘cột chân’ Ngài bằng những ‘dây yêu mến’ và cũng đừng quên tỏ ra háo hức, tập cho mình thích thú để lắng nghe tập chuyện dài ‘Nghìn lẻ một đêm’ Ngài sẽ kể!

Anh Chị em,

Sẽ không có ‘cú đánh bắt kỳ diệu’ nào nếu chúng ta không để Chúa Giêsu bước xuống thuyền đời mình và mạnh dạn chèo ra xa bờ hơn một chút! Đó là bờ của những tính toán hơn thiệt, bờ của những suy nghĩ thế tục mặc cả với Thiên Chúa. Sẽ là ‘cú đánh bắt kỳ diệu’ tuyệt vời nhất mà cả Chúa Giêsu và mỗi người chúng ta đều là những kẻ chiến thắng: bắt được linh hồn mình! ‘Cú đánh bắt kỳ diệu’ của Chúa Giêsu đã đưa đến một sự nhìn nhận đáng kể nơi con người Phêrô, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi!”. Mỗi người trong chúng ta cũng phải gặp gỡ Chúa Giêsu theo cách này. Ngài cũng sẽ nói với chúng ta, “Đừng sợ!”. Những lời an ủi này tất yếu cũng cần được đáp lại từ phía chúng ta, “Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy ‘cú đánh bắt kỳ diệu’ của Chúa trên cuộc đời con; cho con nghe được lời trấn an, “Đừng sợ!”, để con có thể đứng dậy ra khơi, ra chỗ nước sâu Chúa muốn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 3/9: Cũ và mới. Suy niệm của Linh mục Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
01:28 02/09/2021

PHÚC ÂM: Lc 5, 33-39

“Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”. Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’ “.

Ðó là lời Chúa.
 
Không Phi Lý
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:58 02/09/2021
Không Phi Lý

Tín hữu Kitô vốn quen thuộc câu chuyện Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu ân thưởng cho Simon (Phêrô) một mẻ cá lạ lùng chất năng hai thuyền gần chìm, rồi sau đó Người mời gọi Simôn đi chài lưới người (x.Lc 5,1-11). Bản thân đã từng nghe khuyên dạy rằng hãy vâng nghe Lời Chúa ngay cả trong những điều xem ra là phi lý hay nghịch lý.

Dù cho ngư dân thường đánh cá ban đêm để thu hoạch nhiều hơn qua việc lợi dụng màn đêm rồi thắp đèn, giăng điện để tụ cá lại mà đánh, tuy nhiên việc đánh cá ban ngày vẫn có và còn đó. Chúa Giêsu không truyền dạy Simon làm một điều nghịch thường hay phi lý. Người biểu Simon thực hiện một điều đáng làm và nên làm trong một hoàn cảnh không thuận lợi mà thôi. Chính trong hoàn cảnh không thuận lợi mà chúng ta vẫn nỗ lực thực thi ý Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ phù trợ và bổ sức cho chúng ta. Hoàn cảnh dịch bệnh này có thể nói là những tháng ngày không thuận lợi nhiều mặt, chúng ta có nghe Chúa truyền dạy phải làm những gì cần làm mà dĩ nhiên cần có sự cố gắng, nỗ lực hơn bình thường?

Một chi tiết mà Tin Mừng tường thuật đó là câu trả lời của Simon: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”(Lc 5,5). Đặt giả thiết nếu như đêm qua Simon đã thu được mẻ cá đủ đầy rồi thì ông sẽ trả lời với Chúa Giêsu ra sao? Rất có thể, ông nói: “Thưa Thầy, cá đủ đầy rồi, đi thả lưới ban ngày làm gì cho thêm nhọc công”. Sự việc Simon vâng nghe lời Chúa Giêsu cũng có thể là vì đêm qua đã trắng tay.

Một hiện thực trong kiếp nhân sinh là khi thành công hoặc đủ đầy tiện nghi, của cải, chức quyền thì người ta ít biết lắng nghe (lắng nghe điều hay lẽ phải) hơn là khi gặp nghịch cảnh, khi thất bại hay tay trắng. Dĩ nhiên Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp gửi nghịch cảnh cho con người, nhưng Người lại để cho nó xảy đến cách này cách khác để qua đó thanh luyện con người và nhất là để con người tập biết lắng nghe. Không biết đúng sai ra sao nhưng đã có đó nhận định rằng nhiều vị lãnh đạo xã hội đã biết lắng nghe hơn sau khi đã cách nào đó “thất bại” trong cung cách hành xử của mình trước cơn đại dịch Côvid 19 này. Nếu thế thì thật đáng mừng, vì dù muộn vẫn còn hơn không. Còn các vị lãnh đạo trong Giáo hội thì sao? Biết lắng nghe chính là động thái nền tảng của người sống dưới tác động của Thần Khí. Thiên Chúa không bao giờ truyền dạy làm điều phi lý nhưng Người dạy chúng ta phải thực thi điều chính đáng, phải đạo không chỉ khi thuận lợi mà nhất là lúc đang gặp nghịch cảnh. Vì khi ấy chúng ta mới dễ nhận ra tình yêu và quyền năng của Người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Giải Thoát
Lm. Giuse Trần Việt Hùng.
09:38 02/09/2021
Chúa Nhật 23 Mùa Thường Niên

Giải Thoát

(Is 35, 4- 7a; Gc 2, 1-5; Mc 7, 31-37).

Sứ vụ giảng dạy của tiên tri Isaia tại Giêrusalem vào khoảng năm 742-701 trước Công Nguyên, dưới thời các vua Giuđêa là Uzziah, Jotham, Ahaz và Hezekiah. Isaia đã nói tiên tri về Đấng Thiên Sai sẽ đến và giải thoát con dân khỏi sự cùng khổ. Một niềm hy vọng bừng sáng lên cho những ai biết đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Tiên tri đã loan báo ơn cứu độ sẽ đến như suối nước chảy vào nơi đồng vắng, tràn ngập vào hoang địa khô cằn và lòng người hoan hỉ được chữa khỏi bệnh hoạn tật nguyền. Họ sẽ được nghe loan báo Tin Mừng giải thoát khỏi sầu khổ, tội lỗi và sự ràng buộc của ma quỷ.

Isaia nhìn thấy những khổ đau chất chồng trong đời sống của cộng đồng và cá nhân. Những hoang mang xao xuyến, lo lắng sầu muộn và những khiếm khuyết của cá nhân như mù, què và câm điếc. Thiên Chúa sẽ quan tâm chữa lành cho từng người: Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được (Is 35, 5). Những khuyết tật của con người như những cửa ngõ để lãnh nhận lòng thương xót của Chúa. Chúng ta thường không lo lắng chi, khi đang sống an vui khỏe mạnh. Chỉ lúc đau yếu, bệnh hoạn, khiếm khuyết, chúng ta mới cảm nhận được những ân phước may mắn đã lãnh nhận. Khi đau yếu bệnh hoạn chúng ta mới trân quý sức khỏe. Khi mắt mờ hay mù lòa mới nhận ra hồng ân ánh sáng. Khi tai bị nghễnh ngãng hay câm điếc mới tiếc nuối âm thanh giao tiếp.

Đấng Cứu Thế đến mang lại niềm vui mừng và hy vọng chan hòa cho mọi người đang lữ hành trong đêm tối thế trần. Bài phúc âm hôm nay kể câu truyện Chúa Giêsu chữa người câm điếc bằng cách đặt ngón tay vào tai và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn Ngài cầu nguyện và bảo “hãy mở ra”, tức thì tai anh ta mở ra và lưỡi nói được. Hành động của Chúa Giêsu xem ra thật dễ dàng. Chúa không cần đến thuốc thang và thời gian chữa lành. Với ý muốn, Chúa dùng quyền năng biến đổi và chữa lành ngay lập tức. Đây là phép lạ. Ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã loan báo từ xưa là Người sẽ đến mở miệng người câm và mở tai người điếc. Chúng ta nhận biết rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành qua ý muốn, cử chỉ, hành động của Ngài và nhờ qua chính đức tin của bệnh nhân.

Những người bị khuyết tật rất cần sự giúp đỡ và thông cảm của những người chung quanh. Họ không thể di chuyển nhanh, không nhìn thấy cảnh vật xung quanh, không nghe thấy âm thanh tiếng nói và không thể giãi bày tư tưởng cảm thông. Họ bị đóng kín, bị giới hạn và bị thiệt thòi đủ thứ. Nhiều người khuyết tật và tàn tật đã phải đi xin ăn hay sống tựa dựa vào lòng bác ái của người khác hay các cơ quan từ thiện. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều anh chị em dù bị khiếm khuyết nhưng đã phấn đấu vượt lên trên số mệnh. Nhiều người đã thành công để tự đứng trên chính đôi chân của mình. Trong khi có rất nhiều người lành lạnh, có khả năng, có tiền bạc và có sức khỏe nhưng lại lười biếng và lạm dụng ăn bám vào xã hội.

Chúa Giêsu thương yêu và cảm thông những khiếm khuyết của họ. Bất cứ người tàn tật nào đến van xin, Chúa đều chữa lành. Dân chúng đã nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa đang ở giữa họ: Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (Mc 7, 37). Qua sự chữa lành phần xác, Chúa đưa dẫn họ đến sự chữa lành tâm hồn. Đây là mùa hồng ân, Đấng Cứu Thế xuất hiện rao giảng và làm các phép lạ chỉ trong vòng thời gian rất ngắn. Chúa không xuống thế chỉ để làm phép lạ hóa bánh nuôi dân hay chữa lành các loại bệnh hoạn tật nguyền, nhưng Chúa đến mang tin vui giải thoát. Giải thoát tâm hồn con người khỏi những ràng buộc của sự dữ và tội lỗi. Chúa mở con đường cứu độ qua sự đau khổ, sự tha thứ và yêu thương. Tất cả những khổ đau ở đời là những nấc thang đưa dẫn chúng ta đến gần Chúa hơn.

Thánh Giacôbê khuyên dạy chúng ta đừng thiên vị khi xét xử anh chị em. Chúng ta thường chú ý và đánh giá người khác qua diện mạo bề ngoài. Con mắt phàm trần dễ đưa đến những phán đoán sai lạc. Có những sự việc xảy ra ngay trước mắt nhưng chúng ta cũng chẳng nhận ra. Không phải chúng ta có mắt sáng là có thể nhìn biết mọi sự. Chỉ có con mắt tâm linh mới nhìn thấy thấu tỏ và quán chiếu mọi sự. Kho tàng cao quý của con người nằm ở trong tâm. Chúa Giêsu chữa lành mắt cho người mù, khi được sáng mắt cả thể xác và tâm hồn, anh đã nhận biết Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa mở mắt tâm hồn để chúng con được nhìn, được nghe và được biết rõ hơn. Cho chúng con biết cảm thông những nỗi bất hạnh, những đớn đau và những muộn phiền của những anh chị em chung quanh. Chúng con dâng lời cảm tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một thân xác đầy đủ vẹn toàn. Xin cho chúng con biết dùng tất cả ngũ quan và các khả năng đặc thù để phục vụ Chúa và anh chị em. Chúng con xin phó thác cuộc đời trong tay Chúa, xin Chúa chúc lành và giải thoát chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:39 02/09/2021

22. Nếu ai không có ý nguyện của mình thì theo lòng mong muốn của mình mà làm việc, bởi vì họ không cố chấp ý nguyện của mình.

(Thánh Dorotheus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:43 02/09/2021
46. NGƯỜI BỊ CẮM SỪNG CHỬI NGƯỜI

Ông quan nọ ăn nói lưu loát, ông quận thú nọ thì không coi ai ra gì nên chủ động đấu miệng với ông quan nọ, hai người không ai nhường ai.

Một hôm, ông quan nọ châm chích ông quận thú để làm khổ ông ta một phen, rất khó chịu. Quận thú dương dương đắc ý nói:

- “Tôi thường nghe nói ngài có tài ăn nói dí dỏm, tại sao không nói ít câu để cười cho vui?”

Ông quan nọ giả bộ nói:

- “Không dám”.

Quận thú cứ thúc giục mãi, ông quan nọ bèn nói:

- “Có một người ở quê, một hôm đột nhiên muốn vào kinh thành để du ngoạn, nghe người ta nói mở cổng thành thì có phân biệt “cửa mở rộng” và “cửa mở một nửa”. Vào được thành, thấy cổng nhà của một người khép một nửa, bèn đẩy cửa mà vào, ngồi xuống mở hầu bao nơi eo ra, lớn tiếng kêu “Tiền Thụ tử” ra gặp mặt. Chủ nhà nghe được thì chửi mãi không thôi, lại còn vung nắm đấm ra dạy bảo anh ta, anh ta kinh hãi bỏ chạy, đầu óc nặng nề uể oải mà cũng không biết nguyên do tại sao, bèn hỏi người đi đường: “Người mới chửi đó có phải bị vợ cho cắm sừng không?”

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 46:

Ở đời có hai hạng người “thích” chụp mũ cho người khác, một là người độc tài hay là người sĩ diện, hai hạng người này đều có một điểm giống nhau là kiêu ngạo, bởi vì khi họ làm việc sai trái bị phát hiện và bị xử phạt, thì thường đổ lỗi cho người khác là bị bệnh tâm thần, bị vợ cho mọc sừng nên mới tố cáo họ...

Người Ki-tô hữu có một đức tính ưu việt là không đổ lỗi cho ai cả, không chụp mũ ai cả khi mình bị sai lỗi hoặc vô tội, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã dạy: có thì nói có, không thì nói không, và chính Ngài cũng không đỗ lỗi cho những người vì ghen ghét mà đóng đinh mình vào thập giá, nhưng trái lại Ngài cầu nguyện xin Chúa Cha tha tội cho họ. Đó là tinh thần trổi vượt của người Ki-tô hữu.

Người miền quê ra tỉnh không biết tại sao ông chủ nhà lại đánh và chửi mình–vì ngu ngơ vào nhà người ta- nên cho rằng ông ta bị vợ cho cắm sừng, thì cũng đúng thôi, nhưng những người độc tài và sĩ diện thì biết mình sai, nhưng vẫn cứ đỗ thừa cho người khác là bị vợ cho cắm sừng...

Đó là chuyện mới đáng nói.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Giê-su cho người điếc được nghe
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
19:31 02/09/2021


Thánh Augustinô sinh năm 354 tại Algeria, Bắc Phi, được ơn trở về với Chúa và lãnh bí tích Thánh tẩy năm 33 tuổi; sau nầy ngài được cử làm giám mục và được tuyên phong là tiến sĩ Hội thánh.

Mặc dù thánh Augustinô là người sáng tai, nghe rõ mọi chuyện trong đời; thế nhưng, trong cuốn “Tự thú”, thánh Augustinô thú nhận rằng đôi tai của ngài bị điếc trước những lời khôn ngoan của Chúa trong thời gian dài. Ngài viết: “Con yêu Chúa quá muộn! Nầy Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài… Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con…”

Cho đến gần 33 tuổi, chứng điếc tâm linh của thánh Augustinô mới được khai mở để đón nghe Lời dạy của Chúa và từ đó, cuộc đời của ngài được cải thiện tuyệt vời.

Thứ điếc đáng sợ nhất

Điếc tai không đáng sợ vì người điếc có thể học hỏi, tiếp nhận thông tin bằng mắt qua việc đọc sách báo, xem phim ảnh hoặc qua ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc… và nhờ đó, họ có thể thông biết nhiều điều, nắm bắt nhiều lời dạy hữu ích, quán triệt được những điều khôn ngoan…

Có một thứ điếc đáng sợ và tai hại hơn nhiều, đó là “điếc-điều-khôn-ngoan”, đây là thứ điếc có chọn lọc: điếc trước điều hay lẽ phải và sáng trước những điều xấu xa. Thứ điếc nầy thường xô đẩy người ta vào tội lỗi.

Cụ thể là:

Có nhiều học sinh điếc đặc trước những lời giáo huấn của thầy cô nhưng rất sáng tai trước những quyến rũ của bạn bè hư hỏng.

Có người chồng rất sáng tai trước những lời rủ rê của bạn bè đàng điếm mà điếc đặc trước những lời can gián của vợ con.

Có người điếc lác đối với những Lời ban sự sống của Thiên Chúa mà sáng tai trước những lời đưa đến hư vong do Sa-tan mời gọi…

Thứ điếc nầy vô cùng tai hại vì làm cho con người suy thoái về đạo đức, đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình và dễ sa vào con đường tội lỗi.

Điếc tai là chứng rất khó chữa trị, và chứng “điếc-điều-khôn-ngoan” cũng rất khó chữa lành.

Tất cả những người điếc tai đều khát khao mãnh liệt được chữa lành để có thể giao tiếp với mọi người chung quanh cách thoải mái và họ không ngại tốn kém cho việc chữa trị.

Tiếc thay, có nhiều người mắc chứng “điếc-điều-khôn-ngoan,” vì không nhận ra nguy hại của chứng bệnh đang mang, nên không cần điều trị, không muốn chữa lành và thế là họ phải bị điếc lâu dài và phải gánh chịu những hậu quả của nó.

Tìm đâu ra vị lương y có thể cứu người ta khỏi thứ điếc tai hại nầy?

Chúa Giê-su cho người điếc được nghe

Hôm ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su để xin Ngài cứu chữa… Chúa kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông… Ngài ngước mắt lên trời, kêu một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (Mác-cô 7, 31-35).

Và khi Gioan Tẩy giả sai các môn đệ đến gặp Chúa Giê-su để tìm hiểu sứ mạng của Ngài thì Chúa Giê-su cho biết Ngài là đấng được sai đến để làm cho “người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe…” (Mt 11, 5).

Như thế, Chúa Giê-su là Đấng mở tai cho muôn người khỏi điếc. Hãy đến với Ngài để được chữa lành.

Lạy Chúa Giê-su,

Từ lúc Augustinô được Chúa mở tai để nghe lời Chúa, cuộc đời của ngài được cải thiện tuyệt vời, được làm con Chúa trong gia đình Giáo hội, sau đó trở thành linh mục, giám mục và tiến sĩ Hội thánh.

Xin cho chúng con cũng khao khát được sáng tai trước lời Chúa dạy như thánh Augustinô, nhờ đó, lời Chúa sẽ thấm nhập vào tâm hồn chúng con và giúp chúng con cải thiện cuộc sống như ngài. Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ ơn và Cung hiến Thánh Đường Giáo xứ Thánh Giuse, Tulsa, Oaklahoma
Sr. Teresa
09:13 02/09/2021
Thánh Lễ Tạ ơn và Cung hiến Thánh Đường Giáo xứ Thánh Giuse,

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Bổn mạng giáo xứ, với sự ưu ái của Đức Giám Mục Giáo phận, sự hy sinh nhiệt thành của Cha chánh xứ, lòng quảng đại của quý ân nhân xa gần, cùng với sự hy sinh cộng tác của mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, ngôi thánh đường mới của giáo xứ Thánh Giuse, thuộc Giáo phận Tulsa, sau thời gian xây dựng, nay đã hoàn thành.

Xem Hình

Vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 29 tháng 8 năm 2021, Giáo xứ Thánh Giuse đã hân hoan vui mừng chào đón Đức cha David Konderla, Giám mục Giáo phận Tulsa đến chủ sự thánh lễ Tạ ơn và Cung hiến Thánh đường. Cùng đồng tế với ngài có quí linh mục Dòng-Triều trong và ngoài giáo phận. Đến tham dự Thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, quí ân nhân, thân nhân và quí khách, cùng mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ.

Đúng 10 giờ nghi thức cung hiến Thánh đường bắt đầu trước cửa nhà thờ cũ. Đức Giám Mục David ngỏ lời chào đến toàn thể cộng đoàn phụng vụ. Sau đó đoàn rước bắt đầu tiến về phía trước sân nhà thờ mới.

Đức Cha David cùng với cha chánh xứ và vị đại diện Giáo xứ tiến lên cắt băng khánh thành ngôi Thánh Đường mới, trong tiếng chuông trống vang rền, báo hiệu giây phút trọng đại khởi đầu sứ vụ cho ngôi Nhà Thờ mới.

Sau nghi thức cắt băng, một vị đại diện dâng chìa khóa nhà thờ mới lên Đức Giám Mục, và Đức Giám Mục trao lại chìa khóa cho linh mục chánh xứ. Với chiếc chìa khoá tượng trưng cho trách nhiệm được Đức Giám Mục uỷ thác, Linh mục Chánh xứ mở rộng cửa chính đón đoàn tín hữu bước vào Thánh đường.

Trong niềm vui mừng hân hoan, Đức Giám Mục cùng mọi người tiến bước vào ngôi Thánh Đường để dâng Thánh lễ Tạ ơn Chúa, và Cung hiến ngôi Thánh đường mới này cho Thiên Chúa.

Sau khi đã ổn định, linh mục chánh xứ có đôi lời chào đón Đức cha, quí cha cùng toàn thể mọi người đến tham dự ngày trọng đại của Giáo xứ. Sau đó, Đức cha làm phép Nước và rảy Nước Thánh trên cộng đoàn, tường nhà thờ và bàn thờ.

Trong bài giảng, Đức Giám Mục đã dùng những hình ảnh rất cụ thể trong đời sống hàng ngày như bồn nước rửa tội, cửa sổ kính màu, ghế ngồi, bàn thờ và nhà tạm để so sánh, và diễn tả “sứ vụ” của Nhà thờ là nơi cộng đoàn Kitô hữu tập họp để nghe Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, cử hành Thánh Thể, để thánh hóa cuộc sống người Ki-tô hữu. Sau cùng, Đức Giám Mục kêu gọi mọi người Công Giáo Việt Nam sống đức tin để trở thành những nhân chứng cho Chúa Ki-tô.

Sau phần phụng vụ Lời Chúa, Đức Giám Mục long trọng cử hành nghi thức Cung hiến bàn thờ và nhà thờ. Nghi thức khởi đầu bằng kinh cầu Các Thánh. Tiếp đến, Đức cha long trọng đọc lời nguyện Cung hiến, xin Chúa Thánh Thần thánh hóa nhà thờ và bàn thờ. Sau lời nguyện cung hiến, Đức Giám Mục đã xức dầu thánh và xông hương bàn thờ mới, xức dầu thánh và xông hương các thánh giá trên tường nhà thờ, thắp nến sáng nhà thờ-bàn thờ để xin Thiên Chúa ban muôn ân phúc dư tràn xuống trên tất cả những ai đến tham dự các nghi thức phụng vụ và tôn thờ Thiên Chúa.

Sau đó thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể. Sau phần hiệp lễ, Đức Giám Mục kiệu Mình Thánh Chúa vào Nhà Nguyện.

Trước khi Đức Giám Mục ban phép lành cuối lễ với ơn toàn xá, ông chủ tịch cộng đoàn đại diện Giáo xứ thánh Giuse dâng lời cảm ơn Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân, toàn thể cộng đoàn và những công ty đã tham dự vào việc xây dựng ngôi Thánh đường.

Hiệp thông trong tâm tình Tạ ơn Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gởi lời chúc mừng và ban Phép lành Tòa Thánh đến Giáo xứ Thánh Giuse. Linh mục Bryan Brooks, vị đại diện các linh mục Giáo phận Tulsa đọc điện thư chúc mừng đến từ Vatican.

Thánh lễ kết thúc với phép lành toàn xá. Cộng đoàn hân hoan vui mừng vì hồng ân mà Thiên Chúa đã tuôn đổ tràn đầy trên cộng đoàn giáo xứ Thánh Giuse, cũng như cho những tấm lòng quảng đại của các vị ân nhân xa gần, để cùng hiệp thông xây dựng giáo xứ, Giáo hội ngày càng phát triển trong đức tin và đức mến.

Sau Thánh lễ, mọi người chung niềm vui trong bữa tiệc mừng tại Hội trường Mẹ La Vang.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành, xin cho Thánh đường Giáo xứ thánh Giuse là nơi Chúa gặp gỡ dân Người và dân Người gặp gỡ Chúa, là nơi quy tụ lòng yêu mến của mọi thành phần trong cộng đoàn. Xin cho mọi người biết yêu thương nhau, để cùng nhau xây dựng một giáo xứ vững mạnh trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin Người tuôn đổ muôn ơn lành trên toàn thể giáo xứ và trả công bội hậu cho các ân nhân xa gần, những người đã đóng góp cách này cách khác vào việc xây dựng nhà Chúa.

Sr. Teresa
 
Bài học từ việc Chị Phương Hằng kể chuyện vui nhà đạo.
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
19:48 02/09/2021
BÀI HỌC TỪ VIỆC CHỊ PHƯƠNG HẰNG KỂ CHUYỆN VUI NHÀ ĐẠO

Xưa nay có nhiều người kể chuyện vui nhà đạo khiến người nghe cười ngất ngưởng, tuy nhiên khi bà Phương Hằng kể chuyện về “xưng tội” thì lại khiến nhiều người bất bình, thậm chí còn lên án.

Khi Chị Phương Hằng Kể Chuyện Cười Nhà Đạo

Câu chuyện đại khái được bà Phương Hằng kể như sau:

Có một người vào xưng tội, anh ta xưng rằng: thưa cha hôm qua con có ăn cắp chiếc xe đạp, nên hôm nay con đến xưng tội để được tha thứ. Nghe vậy cha giải tội liền vén màn nhìn anh chàng đến xưng tội và nói: x x (bà Hằng dùng từ tục tĩu) mày dám ăn cắp xe đạp của tao...

Kết thúc câu chuyện bà Hằng còn nói thêm: “Lần sau quý dzị đừng có đi xưng tội nữa nhé.”

Phản Ứng Của Người Nghe

Người ta phản đối, thậm chí lên án bà Hằng, vì nhiều lý do:

Thứ nhất, bà Phương Hằng dám khẳng định chuyện bả kể là có thật, nhưng từ mấy tháng nay ai chẳng biết bả toàn nói chuyện tào lao, đa số là các cuộc đấu đá với những nhân vật nổi tiếng, vì thế không ai dám tin đây là chuyện có thật 100 % như bà nói.

Thứ hai, bà Phương Hằng "đặt" những ngôn từ hết sức tục tĩu vào miệng các linh linh mục khi kể câu chuyện này, trong khi các linh mục không bao dùng những từ thiếu văn hóa như vậy với giáo dân đến xưng tội.

Thứ ba, trong thời gian nước Việt đang sống trong sự lo âu vì đại dịch, trong khi người Công Giáo đang chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động về các tu sĩ, giáo dân và nhiều mạnh thường quân đang xả thân giúp đỡ người khác, nhất là các bệnh nhân, thì bà Phương Hằng lại "gọi tên" người Công Giáo. Vì thế nhiều người cho rằng bà Hằng đang muốn "chế nhạo", hạ thấp thậm chí xúc phạm đến danh dự của người Công Giáo.

Tiếp đó, cho tới khi bà Phương Hằng bị nhiều người lên án, nhất là những người Công Giáo, trong đó có nhiều linh mục và tu sĩ, thì bả đã CÔNG KHAI xin lỗi. Sau khi xin lỗi bà còn kêu gọi rằng “câu chuyện kết thúc ở đây”. Dĩ nhiên người Công Giáo luôn sẵn sàng tha thứ cho sự “hồn nhiên” của bà Hằng, nhưng cá nhân tôi có cảm giác câu chuyện chưa kết thúc dễ dàng như vậy được, vì có quá nhiều điều còn khập khểnh trong nội dung xin lỗi của bà Hằng. Có người đã nhận xét lời xin lỗi của bà không thật tâm...

Bài Học Thực Tế

Thực ra, suy nghĩ lại, tôi nghiệm thấy có nhiều điều rất đáng học khi sự việc này xảy ra:

1. Ngày nay chúng ta rất khó kiểm chứng những thông tin và nội dung được chia sẻ trên không gian mạng, cho nên cần một sự khôn ngoan để chắt lọc những thông tin hữu ích cho mình. Để làm được như vậy chúng ta cần có một lương tâm trong sạch và một nền tảng luân lý đạo đức vững vàng, nhất là cần dựa vào một niềm tin tôn giáo nào đó làm chuẩn mực.

2. Ngôn từ của nhiều “người nổi tiếng” trên mạng thời nay rất gây bão, thậm chí rất tục tĩu. Nhìn chung nhiều người có vẻ “để yên” cho họ làm mưa làm gió, đến một mức độ nào đó người nghe đã “lên tiếng bênh vực cho lẽ phải”. Như vậy, tiêu chuẩn đạo đức vẫn còn đó trong cuộc sống xã hội chúng ta.

3. Việc bà Hằng dùng nhiều thông tin không chính xác về việc xưng tội và dùng ngôn ngữ tục tĩu thì thật chẳng hay chút nào. Ngay cả trong clip xin lỗi của bà, bà nhầm lẫn linh mục Phạm Quang Hồng là một MỤC SƯ. Thật đáng tiếc cho bà, vì người Công Giáo biết rất rõ về linh mục Phạm Quang Hồng, về cách kể chuyện rất có duyên và có tính giáo dục rất cao của ngài. Với tôi, thực ra đây không chỉ là sai sót của bà Hằng mà là sự cẩu thả của ekip làm việc cho bà. Đáng ra họ phải thu thập thông tin thật chính xác để cung cấp cho bà nhằm tránh các phiền toái không đáng có.

4. Đối với cá nhân tôi, khi có những chủ đề phản nghịch đức tin Công Giáo được đưa ra thảo luận trên mạng, tôi thường phải tìm hiểu cặn kẽ về nội dung và chân lý mà mình đang tin.

Đặc biệt, nhân chuyện bà Phương Hằng kể chuyện vui nhà đạo và phản ứng của người nghe, tôi đọc lại được nội dung của Giáo Luật, trong đó Giáo Luật số 983 dạy rằng: “Ấn tín bí tích là điều bất khả xâm phạm, vì thế, TUYỆT ĐỐI CẤM CHA GIẢI TỘI KHÔNG ĐƯỢC TIẾT LỘ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì”.

Trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1467 còn ghi: “Vì sự thánh thiêng và cao cả rất hiển nhiên của thừa tác vụ này và vì sự tôn trọng phải có đối với con người, Hội Thánh tuyên bố rằng mọi tư tế nghe xưng tội, BẮT BUỘC PHẢI GIỮ BÍ MẬT TUYỆT ĐỐI về các tội mà hối nhân đã xưng với họ, nếu lỗi phạm sẽ bị những hình phạt nghiêm khắc nhất.”

Chúng ta có quyền lên án, có trách nhiệm bênh vực đức tin của chúng ta. Hơn thế nữa mọi tín hữu Công Giáo chúng ta cũng biết dùng cơ hội này để tìm hiểu thêm về nội dung và ý nghĩa của Bí Tích Hòa Giải, đồng thời giúp người khác hiểu rõ về ý nghĩa về đức tin của chúng ta.

Nội dung giáo lý đầy đủ về Bí Tích Hòa Giải có thể tìm đọc trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từ số 1422 đến số 1482, hoặc tìm đọc ở đường link dưới đây:

https://augustino.net/giao-ly-cong-giao/

Cuối cùng, với tinh thần yêu thương và hiệp nhất, tôi xin mời mọi người cùng với tôi, tiếp tục cầu nguyện cho cô Phương Hằng nói riêng và cho mỗi người chúng ta nói chung, luôn biết suy tư những điều tốt đẹp, phát ngôn những lời chân thật và làm nhiều việc lành phúc đức, nhằm mang lại lợi ích cho mọi người và cho xã hội.

Kính chúc quý vị luôn tìm được sự bình an trong tâm hồn.
 
Văn Hóa
Romano Guardini: Giáo Hội và Người Công Giáo, Cộng đồng
Vũ Văn An
19:59 02/09/2021
5. Cộng Đồng

Các ý niệm có mùa của chúng, như thực vật có mùa sinh trưởng của chúng, ra hoa và chín mùi của quả. Hạt giống có khả năng lớn lên ngay từ đầu, nhưng không nảy mầm cho đến khi mùa xuân đến. Với các ý niệm cũng thế. Mọi ý niệm đều khả hữu về mặt trừu tượng ở bất cứ thời kỳ nào, nhưng về mặt cụ thể không thể trở thành sự phát triển sống động cả trong đời sống cá nhân lẫn trong đời sống xã hội ở bất cứ thời đại nào không phân biệt. Điều này chỉ khả hữu nếu tư tưởng được coi như một diễn trình máy móc, hoạt động của một lý trí cô lập. Ngược lại, nó là một diễn trình sinh tử của một con người sống động, và do đó chịu ảnh hưởng của các lực lượng và trạng thái của cả cá nhân lẫn cộng đồng mà họ thuộc về. Một ý niệm chỉ trở nên mạnh mẽ và phong phú trong con người khi mùa phải đến của nó đã đến; khi các ý niệm khác của họ được sắp xếp đến mức nó có thể có chỗ đứng giữa chúng; khi linh hồn họ mang lại cho nó một phản ứng quan trọng, và có những căng thẳng tâm lý được nó làm cho thư giãn hoặc tăng cường. Và trong xã hội, một ý niệm chỉ trở nên sinh hoa kết trái, bén rễ và phát triển các khả thể nội tại của nó khi đất được chuẩn bị kỹ càng cho nó.

Như thế, ý nghĩ - hay đúng hơn kinh nghiệm – của xã hội có những giờ phút chỉ định của nó. Chỉ cách đây không lâu, con người cảm thấy mình như một tiểu vũ trụ tự lập. Họ có xu hướng coi các dây nối kết họ với đồng loại của họ - như Nhà nước, gia đình có chung các ý nghĩ - hoặc như các ảo tưởng hoặc như các định chế thuần túy phục vụ các mục đích thực dụng hoặc bảo đảm an toàn cho chính họ. Điều duy nhất họ biết chắc chắn là chính bản thân họ, sự hiện hữu của họ trong và cho chính họ. Về những người khác, và về mối tương giao với những người này, họ chỉ ý thức được như một điều gì đó đáng hoài nghi và tối tăm.

Điều đó do một khiếm khuyết tâm lý. Họ thiếu nhận thức từ bản năng về thực tại bên ngoài, và đặc biệt là về những tâm trí khác. Họ không ý thức được cuộc sống bên trong của những người này như một dữ kiện cho kinh nghiệm của riêng họ, ít nhất không như một điều đang ảnh hưởng tích cực đến họ. Thái độ này có thể được phát biểu trong nhiều cách hoàn toàn khác nhau, từ thờ ơ lạnh lùng đến bạo lực tàn nhẫn. Đúng là lòng ước muốn đối với người khác quả có được cảm nhận, lòng khao khát muốn được bảo đảm rằng một đồng loại đang thực sự hiện hữu ở đó, lòng khao khát được thấu hiểu và thành đồng bạn. Nhưng nó luôn bị cắt ngắn bởi ý nghĩ tuyệt vọng này, "Điều đó bất khả. Tôi đang bị giam cầm trong sự cô lập của mình". Một tâm tư căn bản của chủ nghĩa cá nhân đã cắt đứt con người khỏi các bạn bè của họ.

Nếu con người muốn thoát khỏi sự tuyệt vọng hoặc sự nhẫn nhục đầy chán nản, họ không còn gì khác ngoài việc tạo ra một nhân đức do sự cần thiết khốc liệt của họ, và đây quả là một nhân đức rất nghiêm khắc và cay đắng. Họ hẳn biến đổi lòng khao khát của họ thành kiêu hãnh, và lòng mong muốn của họ thành bác bỏ; họ hẳn ráng tự thuyết phục bản thân rằng "cuộc sống chung làm cho con người trở thành tầm thường" và sự cô lập kiêu hãnh mới là thái độ cao quý duy nhất.



Nhưng khi con người mở mắt ra, họ sẽ thấy tất cả những điều trên là sai lầm biết bao! Con mắt được mở ra, không phải bằng lập luận - lập luận rất yếu trong những vấn đề có tính sinh tử - mà là bởi một sự biến đổi tâm lý. Con người được hoàn toàn thay đổi. Những sức mạnh mới đã hoạt động trong linh hồn họ, và họ đã vượt thoát chủ nghĩa cá nhân. Khả thể cộng đồng đã trở nên hiển nhiên đối với quan điểm mới của họ. Nó cũng không phát sinh từ sự tiếp hợp có chủ ý của các cá nhân tự lập. Đây là quan niệm sai lầm đang làm nghèo đi đời sống xã hội của chúng ta và chia rẽ các quốc gia. Không xã hội nào là một điều hiển nhiên không cần chứng minh. Nó cũng đệ nhất đẳng và cần thiết như cá tính. Và ngày nay, chúng ta tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể chịu đựng quá lâu sự cô lập tự áp đặt cho chính mình.

Sự khốn khổ hiện nay của châu Âu há không phải là cơn co giật cuối cùng và khủng khiếp nhất của căn bệnh cũ này sao? Khi đến thời điểm thích đáng, người ta chắc chắn sẽ tri nhận rằng quốc gia nào cũng phụ thuộc vào những quốc gia khác, cá nhân nào cũng phụ thuộc vào đồng loại của mình. Các học thuyết triết lý chủ trương cô lập sẽ không thành công trong việc giữ cho con người tách rời nhau. Họ sở hữu một hiện hữu đầy bóng tối bao lâu linh hồn họ xa lạ với nhau. Nhưng ngay khi cảm thức xã hội về cộng đồng bừng dậy, tất cả những lý thuyết như vậy sẽ bị quét sạch. Đối với các quốc gia, mùa xuân này cũng sẽ đến. Đôi mắt của họ sẽ được mở ra; và họ sẽ thấy rằng họ thuộc về nhau. Vào ngày đó, tất cả các học thuyết chủ trương vị kỷ quốc gia, tất cả các hệ thống kinh tế và chính trị dựa trên sự ngờ vực và cô lập lẫn nhau, sẽ tan biến trong mây khói.

Vâng, trải nghiệm này của cộng đồng con người đã đến với nhiều người, và những người còn lại ít nhất đã chịu ảnh hưởng của nó. Con đường dẫn đến linh hồn của người khác đã rộng mở. Các học thuyết của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa duy ngã có quan hệ gì đối với chúng ta? Rốt cuộc, con đường dẫn đến linh hồn của một người khác có xa xôi hơn con đường dẫn đến linh hồn tôi không? Bùa mê đang tan biến. Cuộc sống chung không làm con người ra tầm thường. Điều đó chỉ đúng với kiểu cộng đồng sai lầm. Một xã hội tốt là cội nguồn của hạnh phúc và sức mạnh. Nó thử nghiệm tính mềm dẻo và sức phản kháng của nhân cách chúng ta. Theo nghĩa cao nhất, nó là một nhiệm vụ, và là một công trình cao cả.

* * * * *

Ý chí muốn có cộng đồng đã trở nên mạnh mẽ đến mức đang thu hút con người gần như hết sức mạnh mẽ vào đồng loại của họ, tuy từ ngữ này, giống như mọi thứ có giá trị khác, đã trở thành một khẩu hiệu rẻ tiền. Chúng ta đã nhận thức được các khả thể độc hại của một hình thức sùng bái cộng đồng quá mức. Nó có khả năng hủy hoại nhân cách. Chúng ta bắt đầu hiểu yếu tố chân lý trong chủ nghĩa cá nhân cũ và nhận ra rằng xã hội cũng có các vấn đề của nó.

Vấn đề liệu chúng ta có thể tiếp cận với linh hồn của người khác hay không không phải là vấn đề duy nhất. Nó đã được trả lời một lần và mãi mãi khi bản chất về nền tảng vốn có tính xã hội của con người lần đầu tiên được trải nghiệm. Nhưng câu trả lời đã đặt ra một câu hỏi xa hơn: đâu là mối liên hệ giữa cá nhân tự do và xã hội? Loại xã hội nào có giá trị, loại xã hội nào ngược lại? Loại xã hội nào làm ta cao quý, loại xã hội nào làm ta giảm giá trị? Khi nhìn nhận nhân cách độc lập và cộng đồng chân thực với người khác là hai cực của cuộc sống con người, chúng ta tự hỏi, cực này nên được cấu thành như thế nào, nếu cực kia cùng hiện hữu với nó? Làm thế nào cực này được làm cho hoàn hảo bởi cực kia?

Tôi yêu cầu các bạn kiên nhẫn trong khi tôi trình bầy cho các bạn vài điều về cuộc họp cuối cùng của Hiệp hội Quickborn [1] tại Burg Rothenfels. Vào dịp đó, các đòi hỏi của cộng đồng đã được nhấn mạnh. Người ta nói với chúng ta rằng, cá nhân bị ràng buộc với các đồng loại của mình bằng một lòng trung thành tự nhiên, và cam kết với họ với tất cả những gì họ là và tất cả những gì họ có. Họ phải coi mình như một thành viên của cùng một cộng đồng với các tầng lớp và bộ phận khác của đồng bào mình, cống hiến cho họ tất cả và nhận lại từ họ tất cả.

Như thể do một kế hoạch có phối hợp, ở một số thời điểm khác nhau, giữa những cuộc thảo luận này bỗng xuất ý niệm nhân cách, và càng lúc càng trở nên mạnh mẽ. Cộng đồng phải được cấu thành ra sao để phẩm giá và sự tự do bên trong của nhân cách cá thể vẫn có thể khả hữu trong đó. Vì nhân cách tự do là giả thiết của mọi cộng đồng đích thực. Những người nắm vững những gì đang xảy ra đã rất kinh ngạc. Trước đây, chưa bao giờ tôi cảm nghiệm sâu sắc như thế sức mạnh của sự sống tự duy trì một cách tự nhiên, khi nó không bị kìm hãm bởi vũ lực.

Vấn đề tối cao thực sự là - làm thế nào để một xã hội có thể cường tráng và đâm rễ sâu, trong đó bản thân các thành viên của nó phó thác cho nhau, và cùng một lúc, nhân cách kế thừa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và tự do?

Tôi phải nhắc lại một lần nữa, nó nằm ngoài phạm vi năng lực tự nhiên của con người. Một trong hai điều phải xảy ra. Hoặc quyền lực của cộng đồng sẽ phá vỡ mọi giới hạn, cuốn trôi nhân cách tự do của cá nhân, và tước bỏ phẩm giá tinh thần của họ, hoặc nếu không thì nhân cách cá nhân sẽ tự khẳng định mình một cách chiến thắng, và trong diễn trình này, cắt đứt mối liên kết hữu cơ của nó với cộng đồng. Tội lỗi nguyên tổ đã phá vỡ cơ cấu căn bản của đời sống con người một cách hết sức sâu xa.

Nhưng Giáo hội đứng trước chúng ta như Sức mạnh vĩ đại duy nhất có thể làm cho một cộng đồng hoàn hảo thành khả hữu khi các thành viên là những nhân cách chân chính.

* * * * *

Trước hết và trên hết, Giáo hội tạo ra một cộng đồng đích thực. Giáo hội thực hiện một cộng đồng chân lý, sở hữu chung những thực tại siêu nhiên tối cao mà đức tin làm cho chúng ta ý thức được. Chúng là các nền tảng của sự sống siêu nhiên, cho mọi người như nhau - Thiên Chúa, Chúa Kitô, ân sủng và công trình của Chúa Thánh Thần.



Điều trên có ý nghĩa gì đối với cộng đồng? Tất cả các thành viên của nó đứng trên cùng một nền tảng. Cùng các lực lượng như nhau đang hoạt động trong mọi người như nhau. Cùng các mục đích như nhau được mọi người nhìn nhận. Các phán đoán của họ dựa trên cùng các tiêu chuẩn định giá như nhau. Họ nhận ra cùng những lý tưởng về sự hoàn thiện luân lý của con người, và các thiên hướng căn bản của họ y hệt nhau. Bất chấp tất cả những khác biệt của họ, mối liên kết giữa những người coi trọng đức tin Công Giáo của họ hẳn phải khăng khít xiết bao. Nhận thức người ta có thể có về người khác hẳn phải sâu xa đến chừng nào! Vì họ biết các động cơ cuối cùng đã đưa đến các quyết định luân lý của họ và các niềm tin hướng dẫn tác phong sống của họ.

Người ta có thể có kiến thức trên về người khác vì các cuộc sống của cả hai đều bắt nguồn từ cùng những thực tại tối hậu. Người ta có thể giúp đỡ người khác, vì họ không cần tìm lý do mới có thể tin tưởng nơi người này. Cơ sở sâu sắc nhất của sự tin tưởng lẫn nhau là điều hiển nhiên đối với cả hai. Sự an ủi thực sự trở nên khả hữu, vì cơ sở của nó đã được cả hai bên thừa nhận. Có một sự nghiêm túc chung về mục đích, một việc thánh hiến chung, và một việc thờ phượng chung, vì cùng những sự kiện và mầu nhiệm cao siêu được mọi người tôn vinh như nhau. Có một nỗ lực chung và một cuộc đấu tranh chung, vì các mục tiêu cuối cùng của mọi người đều y như nhau. Có một niềm vui chung - niềm vui trong các lễ hội của Giáo hội - vì nguyên nhân của niềm vui không cần phải tìm kiếm xa xôi và sau một cuộc tìm kiếm lo lắng. Niềm vui ở khắp mọi nơi, và do đó có thể là một nhân tố và mối liên kết của cộng đồng.

Cũng có một cộng đồng hy sinh, một cộng đồng yêu thương lẫn nhau, một cộng đồng của mệnh lệnh và sự vâng lời. Không ai có thể thực sự chịu vâng lời từ nội tâm nếu người đó không nhận thức được mối ràng buộc tối hậu giữa mình và cấp trên của mình. Nhưng khi họ nhận thức được điều đó, sự tín thác sẽ đi vào sự vâng lời của họ, niềm tin tưởng sẽ đi vào mệnh lệnh. Hơn nữa, không thể có một cộng đồng yêu thương nếu không có dây ràng buộc, trên đó sự tự phó thác lẫn nhau đặt cơ sở. Vì vậy, cộng đồng sự thật trở thành một cộng đồng của tình yêu, của đức vâng lời và của mệnh lệnh. Tuy nhiên, đây là những sức mạnh cấu thành xã hội, cũng là những nẻo đường trên đó một cây cầu được xây dựng giữa con người và con người, bằng tính trổi vượt, sự phục tùng và sự hợp tác bình đẳng.

Và tất cả điều này được thực hiện, không phải một cách rụt rè và thiếu tin tưởng, mà do đã ý thức được sự phụ thuộc lẫn nhau, sự tin tưởng lẫn nhau và tinh thần trách nhiệm. Nhưng điều này chỉ khả hữu khi cộng đồng chân lý căn bản phải hiện hữu trước, làm nền tảng cho mọi biểu hiện khác của cộng đồng.

* * * * *

Có một cộng đồng sự sống, và nó sâu xa vô cùng. Cùng một dòng ân sủng chảy qua tất cả mọi người như nhau, cùng một quyền năng hoạt động của Thiên Chúa. Cùng một Đức Kitô đích thực hiện diện trong tất cả mọi người, lý tưởng và gương mẫu chính yếu của sự hoàn thiện, động cơ thúc đẩy chúng ta theo đuổi sự hoàn thiện và sức mạnh sáng tạo khiến sự hoàn thiện trở nên khả hữu.

Bí tích cộng đoàn, Rước lễ, là điều không thể hiểu được. Trong đó, con người là một với Thiên Chúa; Thiên Chúa đích thân liên kết với họ, và được ban cho họ như của chính họ. Nhưng không chỉ một người được kết hợp với Đấng Thiên Chúa duy nhất này, nhưng là tất cả đồng loại của họ. Và mỗi người tiếp nhận Thiên Chúa vào hữu thể bản vị của mình; tuy nhiên, mỗi người tiếp nhận Người thay mặt cho những người khác, cũng như cho vợ hoặc chồng, con cái, cha mẹ, họ hàng và bạn bè - cho tất cả những người mà họ được gắn bó bằng ràng buộc yêu thương.

Có một cộng đồng của tinh thần và đời sống tâm linh – Nhiệm thể Chúa Kitô. Nhờ Bí tích Rửa tội, cá nhân được sinh ra trong đó, sinh vào sự sống mới, siêu nhiên chung cho tất cả những ai sống nhờ Bí tích này. Nhưng họ chỉ mới là một thành viên của cơ thể này. Phép Thêm sức làm cho họ trở thành một thành viên trưởng thành, và cho họ các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong đó. Nó mang lại cho họ ủy nhiệm và năng lực để theo đuổi ơn gọi của họ cũng như làm việc cho Nước Thiên Chúa, với và cho những người khác. Rước lễ làm sâu sắc việc họ đồng hợp [community] với Thiên Chúa, với những người khác trong Thiên Chúa. Bởi tội lỗi, điều này bị phá vỡ hoặc suy giảm; trong Bí tích Thống hối, con người thừa nhận lỗi của mình trước vị đại diện của cộng đồng Giáo hội được Thiên Chúa chỉ định, đền bù tội lỗi và được tiếp nhận trở lại. Phép Xức dầu Sau hết ban cho họ sức mạnh để trung thành với sự đồng hợp này trong bệnh tật và cái chết. Hôn nhân đan kết vào nhau các cội nguồn của cộng đồng tự nhiên của cá nhân và giống nòi với các cội nguồn của cộng đồng siêu nhiên. Cuối cùng, trong phép Truyền Chức Thánh, người nam đã được rửa tội và thêm sức sẽ nhận được quyền hoạt động như người đại diện, chỉ huy và dẫn dắt của Thiên Chúa. Do đó, các bí tích là những hình thức và diễn trình, trong đó cuộc sống của cộng đồng siêu nhiên bắt đầu, tiến triển, phục hồi cơ sở đã đánh mất, và được sinh sôi nẩy nở liên tục.

Thánh lễ xuyên suốt là một hành vi cộng đồng. Sự thật này đã bị lãng quên khá phổ biến. Nó thường bị biến thành lòng sùng kính tư riêng của cá nhân. Nhưng bằng chứng của những thế kỷ Kitô giáo đầu tiên đã chứng minh tính chất cộng đồng của nó một cách đầy đủ. Giám mục chủ sự, và các linh mục của ngài đồng tế với ngài, như ngày nay các linh mục mới được phong chức đồng tế trong dịp họ được thụ phong. Dân chúng mang lễ vật của họ đến bàn thờ, và giữa những lễ vật này, bánh và rượu được chọn để làm vật tế lễ dâng thay cho mọi người. Và bản thân những lễ vật này được nhìn nhận như biểu tượng của cộng đồng. Vì bánh gồm nhiều hạt lúa mì, và rượu được ép từ vô số trái nho, nên Nhiệm thể Chúa Kitô bao gồm nhiều cá nhân. Dân chúng đích thân mang lễ vật của họ lên bàn thờ, hầu cho mọi người được thu hút vào sự hiệp nhất huyền nhiệm sẽ thành hiện thực khi chất của bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô. Tất cả được tham dự bữa tiệc thần linh, sau khi họ đã xua đuổi khỏi trái tim họ bằng nụ hôn hòa bình mọi thứ thù nghịch đối với cuộc sống cộng đồng. Khi Bánh thánh được bẻ ra, từng phần được đem tới các tù nhân và người bệnh. Một giám mục sẽ gửi nhiều phần sang cho một giám mục khác, như một dấu hiệu cho thấy tất cả đều hợp nhất trong một cộng đồng vượt quá các giới hạn của không gian. Và sau mỗi lần cử hành, một chút Bánh thánh được bảo quản cho đến lần sau và được nhúng vào Chén thánh, để chứng tỏ rằng sự hiệp nhất này vượt quá thời gian. Muốn khám phá nguồn gốc của tâm tư này, chúng ta phải đọc bài diễn văn của Chúa chúng ta sau Bữa Tiệc Ly (Ga 13-17), và các Thư của Thánh Phaolô và Thánh Gioan. Những nguồn này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một cách hết sức mạnh mẽ sự kiện này là chính Chúa Kitô đã thiết lập Hy tế và Bí tích của Người như những hành vi cộng đồng, những biểu thức của việc đồng hợp giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người ở trong Thiên Chúa, tất cả "trong Chúa Kitô" Đấng "đã làm chúng ta trở thành những người dự phần vào bản tính Thiên Chúa". Đó là niềm tin và thực hành của các Tông đồ, và của Giáo hội sau họ. Hãy đọc những gì các Giáo phụ Tông đồ [Apostolic Fathers] đã viết về chủ đề này, chẳng hạn các thư của Thánh Inhaxiô, và trên hết là đọc chính phụng vụ. Và mặc dù ngày nay, đặc tính cộng đồng này của phụng vụ không được trình bầy rõ ràng trong các chi tiết của nó, Lễ Tế Thánh Thiêng, hay quả thực là phụng vụ như một toàn thể, chỉ có thể hiểu được bởi những người được thấm nhuần sâu sắc tinh thần cộng đồng và ý muốn tham gia vào cuộc sống cộng đồng.

Còn tiếp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Dâng Lời Kinh
Bro. Lê Đức
11:36 02/09/2021
DÂNG LỜI KINH
Ảnh của Bro. Lê Đức (SVD)

Ngồi ở nơi đây, dâng lời kinh,
Trần gian đau khổ, giờ đắm chìm.
Nguyện cầu nhân thế thoát cơn dịch,
Âm kinh vang vọng tới thiên đình.
(NTT Lm.)
 
VietCatholic TV
Bi thảm: Cha sở Việt Nam tại Mỹ thân mẫu vừa qua đời vì vi rút Tầu, lại bị cướp, nhà tạm cũng bị mất
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:42 02/09/2021

1. Cha sở Việt Nam tại Mỹ thân mẫu vừa qua đời vì vi rút Tầu, lại bị cướp, nhà tạm cũng bị mất

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết một giáo xứ người Mỹ gốc Phi ở Denver vừa bị cướp nhà tạm, có cả Mình Thánh Chúa trong đó.

CNA mô tả vụ này là một vụ cướp hơn là một vụ trộm xét vì tính chất táo tợn của nó, cũng như những thiệt hại trong vụ việc.

Đây là một ngôi thánh đường lâu đời của người Mỹ gốc Phi ở Denver. Nhà thờ đã bị cướp một số đồ vật có giá trị vào đêm thứ Hai 30 tháng 8, trong đó, đáng chú ý nhất là nhà tạm và một số bánh thánh đã được thánh hiến.

Bọn cướp đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo Curé d'Ars và cướp sạch tất cả các áo lễ được sử dụng cho các thánh lễ từ tủ áo. Chúng đã xông vào bằng cách đá bể cánh cửa gỗ. Chúng cũng lấy một máy tính xách tay dùng để phát trực tiếp Thánh lễ và một bảng âm thanh dùng để kết nối với micrô của nhà thờ.

Cha Joseph Cao, linh mục Việt Nam, cha sở của nhà thờ, cho biết ngài vẫn chưa biết những ai đã thực hiện vụ cướp, diễn ra vào khoảng đêm thứ Hai 30, rạng sáng thứ Ba 31 tháng 8. Cha Cao nói, đây là vụ đột nhập đầu tiên vào nhà thờ.

Những kẻ tấn công cũng loại bỏ bốn camera an ninh khắp nơi trong cung thánh, để bảo đảm rằng chúng không bị quay video. Chúng cũng cắt tất cả các đường ống bằng đồng nối từ lò sưởi của tòa nhà ở tầng dưới, và các ống đồng tại một cầu thang bên ngoài tòa nhà, và làm nước ngập tầng hầm của nhà thờ.

Khoảng 8:40 sáng ngày 31 tháng 8, Cha Cao phát hiện cửa ngoài của nhà thờ đã bị cạy tung. Ngài tìm thấy một chiếc ghế lật ngửa và một số bánh thánh chưa được thánh hiến trên mặt đất khi ngài bước vào gian cung thánh. Sau đó ngài nhận ra rằng nhà tạm đã biến mất, và phát hiện ra tình trạng lũ lụt trong tầng hầm.

“Trái tim tôi chùng xuống. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Chúng tôi cầu nguyện cho sự trở lại an toàn của Thánh Thể.”

Bảo hiểm có thể sẽ thanh toán cho hầu hết các món đồ bị đánh cắp, nhưng tất nhiên, Mình Thánh Chúa Kitô là vô giá.

“Như bạn có thể tưởng tượng, điều này rất tàn khốc đối với toàn bộ cộng đồng,” Phó tế Clarence McDavid nói với CNA.

“Chúng tôi có những người đã ở đây có lẽ từ giữa những năm 60. Tôi đã là một phó tế ở đây được 34 năm”.

Giáo xứ Curé d'Ars có từ năm 1952, và tên của ngôi thánh đường là nhằm tôn vinh Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục quản xứ đã chăm sóc các linh hồn ở Ars, bên Pháp, vào thế kỷ 19.

Cho đến những năm 1970, chủ yếu nhờ vào sự thay đổi nhân khẩu học trong khu vực, giáo xứ Curé d'Ars đã phục vụ khoảng 200 gia đình chủ yếu là người da đen.

Cung thánh đã được làm phép và trang trí lại như một không gian linh thiêng vào ngày 31 tháng 8.

Cha Cao đã cử hành thánh lễ đền tạ để chuộc tội cho những kẻ đã đánh cắp nhà tạm. Ngài và Phó tế McDavid đã đi khắp nhà thờ, làm phép và rảy nước Thánh lên những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ cướp.

“Những đồ vật có thể được thay thế, nhưng Thánh Thể là một món quà quý giá vô cùng, và đó là điều không thể được thay thế,” Cha Cao nói trong bài giảng.

“Cái ác dường như chiến thắng; nhưng chúng ta biết cuối cùng Chúa sẽ thắng, chúng ta thực sự tin như vậy. Bởi vì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ rất nhiều”, Cha Cao nói.

Cuối thánh lễ, một số giáo dân đã xin vị linh mục và vị phó tế chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Tòa nhà hiện tại của nhà thờ được cung hiến vào năm 1978 dưới thời Cha sở Robert Kinkel. Giáo xứ sau đó đã chào đón Charlie Bright với tư cách là phó tế người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong tổng giáo phận Denver.

Cha Cao hiện vẫn còn đang phải để tang mẹ là bà cố Maria Đỗ Thị Đượm qua đời ngày 10 tháng 11 năm ngoái 2020 vì coronavirus. Thánh lễ an táng cho bà cố đã được cử hành tại nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Denver hôm 21 tháng 11, 2020.
Source:Catholic News Agency
2. Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Thư Thánh Phaolô Gửi Tín hữu Galát, ‘Những người Galát ngu ngốc’

Ngày 01 tháng 9 năm 2021, tiếp tục loạt bài giáo lý trong buổi yết kiến chung vào thứ Tư hàng tuần, về Thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Galát, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về việc Thánh Phaolô mô tả người Galát là ngu ngốc.

Điều đáng lưu ý là trong bài giáo lý tuần này, không những Đức Phanxicô không rút lại bất cứ điều gì ngài dạy trong bài giáo lý ngày 11 tháng 8 về việc Luật Môsê không đem lại sự sống ơn thánh, trái lại, ngài gián tiếp trả lời giáo sĩ Arousi của Tòa Giáo trưởng Israel rằng lời ngài dạy không phải của con người mà là của Thiên Chúa, vì quả chỉ có Thiên Chúa mới làm chúng ta nên công chính, không phải việc giữ luật, tuy việc này cần thiết.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Chúng ta sẽ tiếp tục giải thích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Đây, lời giải thích này, không phải là điều gì mới mẻ, nó là giải thích của tôi: điều chúng ta đang nghiên cứu là điều Thánh Phaolô nói trong một cuộc xung đột rất nghiêm trọng với người Galát. Và nó cũng là Lời Chúa, vì nó đã đi vào Kinh thánh. Chúng không phải là điều mà ai đó đã tạo ra: không. Nó là một điều gì đó đã xảy ra thời đó và có thể tự lặp lại. Đây chỉ là một bài giáo lý về Lời Chúa được phát biểu trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát; không có gì khác. Điều này phải luôn được ghi nhớ. Và trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy Thánh Tông đồ Phaolô cho các Kitô hữu đầu tiên của Galát thấy nguy hiểm như thế nào khi rời khỏi con đường mà họ đã bắt đầu đi bằng cách nghinh đón in Mừng. Thật vậy, nguy cơ là nhượng bộ chủ nghĩa duy hình thức, một trong những cám dỗ dẫn đến giả hình, điều mà chúng ta đã nói ở lần trước. Từ bỏ chủ nghĩa duy hình thức, và phủ nhận phẩm giá mới mà họ đã nhận được: phẩm giá của những người được Chúa Kitô cứu chuộc. Đoạn văn chúng ta vừa nghe là đoạn mở đầu phần thứ hai của Lá thư. Cho đến nay, Thánh Phaolô đã nói về cuộc đời và ơn gọi của ngài: về việc ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi đời ngài ra sao, đặt nó hoàn toàn vào việc phục vụ công cuộc truyền bá Tin Mừng. Tại thời điểm này, ngài trực tiếp thách thức người Galát: ngài đặt trước mặt họ những lựa chọn mà họ đã chọn và tình trạng hiện tại của họ, vốn có thể vô hiệu hóa kinh nghiệm ân sủng mà họ đã sống.

Và những từ ngữ mà Thánh Tông đồ dùng để nói với người Galát chắc chắn không nhã nhặn: chúng ta đã nghe rồi. Trong các Thư khác, ta có thể dễ dàng tìm thấy các cụm từ như “Anh em” hoặc “các bạn thân mến”; ở đây không, bởi vì ngài đang tức giận. Ngài nói chung “Những người Galát” và ít nhất 2 lần gọi họ là “ngu ngốc”, đây không phải là một thuật ngữ lịch sự. Ngu xuẩn, vô tri, có thể có nhiều ý nghĩa… Ngài làm vậy không phải vì họ không thông minh, nhưng vì, hầu như không biết ra điều đó, họ có nguy cơ đánh mất đức tin nơi Chúa Kitô mà họ đã nhiệt thành đón nhận. Họ ngu xuẩn vì họ không ý thức được rằng điều nguy hiểm là đánh mất kho tàng quý giá, vẻ đẹp, sự mới mẻ của Chúa Kitô. Sự ngạc nhiên và nỗi buồn của Thánh Tông đồ rất rõ ràng. Một cách cay đắng, ngài kích thích các Kitô hữu đó nhớ lại lời công bố đầu tiên của ngài, với lời này, ngài cho họ khả thể đạt được một sự tự do mới mẻ, cho đến nay vẫn chưa được ai hy vọng.

Thánh Tông đồ đặt câu hỏi cho tín hữu Galát, với ý định lay chuyển lương tâm của họ: đây là lý do tại sao nó mạnh mẽ như thế. Đó là những câu hỏi khoa trương, bởi vì người Galát biết rất rõ rằng việc họ đến với đức tin vào Chúa Kitô là hoa trái của ân sủng nhận được qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đưa họ trở lại điểm xuất phát của ơn gọi Kitô hữu. Lời họ đã nghe từ thánh Phaolô tập chú vào tình yêu Thiên Chúa, được bày tỏ trọn vẹn qua sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không thể nào tìm được cách diễn đạt thuyết phục hơn về điều mà có lẽ ngài đã lặp lại với họ nhiều lần trong lời rao giảng của ngài: “Không còn phải là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi. Và cuộc sống hiện tôi đang sống trong xác thịt tôi là sống bởi đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi và hiến chính Người vì tôi ”(Gl 2: 20). Thánh Phaolô không muốn biết ai ngoài Chúa Kitô bị đóng đinh (xem 1 Cr 2: 2). Người Galát phải nhìn vào biến cố này, không để mình bị phân tâm bởi những lời công bố khác. Nói tóm lại - ý định của Thánh Phaolô là buộc các Kitô hữu nhận ra điều đang bị đe dọa, để họ không để mình bị mê hoặc bởi giọng nói của nữ nhân ngư muốn dẫn họ đến một tôn giáo chỉ dựa trên việc tuân thủ các giới luật một cách lo lắng. Bởi vì những người truyền giảng mới đến Galát đã thuyết phục họ rằng họ nên quay trở lại và quay trở lại với những giới luật mà họ đã tuân giữ và hoàn thiện trước việc Chúa Kitô đến, một việc vốn là tính nhưng không của ơn cứu rỗi.

Ngoài ra, người Galát hiểu rất rõ những gì Thánh Tông đồ đang đề cập đến. Chắc chắn họ đã có kinh nghiệm về tác động của Chúa Thánh Thần trong các cộng đồng của họ: cũng như trong các Giáo hội khác, lòng bác ái và các đặc sủng khác nhau cũng đã được biểu lộ ở giữa họ. Khi bị thử thách, họ phải trả lời rằng những gì họ đã trải qua là kết quả của sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần. Do đó, lúc khởi đầu của việc họ đến với đức tin là sáng kiến của Thiên Chúa, không phải của loài người. Chúa Thánh Thần đã là tác nhân kinh nghiệm của họ; nay đặt Người vào hậu cảnh để dành ưu thế cho việc làm của chính họ - tức là, việc thực hiện các giới răn của Lề luật - sẽ là một điều ngu xuẩn. Sự thánh thiện phát xuất từ Chúa Thánh Thần và từ tính nhưng không của ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu: điều này làm chúng ta ra công chính.

Bằng cách này, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta suy tư: chúng ta phải sống đức tin của mình như thế nào? Liệu tình yêu của Chúa Kitô, bị đóng đinh và sống lại, có còn là trung tâm của cuộc sống hàng ngày của chúng ta như nguồn mạch của sự cứu rỗi, hay chúng ta bằng lòng với một vài nghi thức tôn giáo để cứu lương tâm của chúng ta? Chúng ta phải sống đức tin của chúng ta ra sao? Chúng ta có gắn bó với kho tàng quý giá, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô, hay chúng ta thích điều gì đó thu hút chúng ta nhất thời nhưng sau đó lại khiến chúng ta trống rỗng bên trong hơn? Điều phù du thường gõ cửa trong những ngày sống của chúng ta, nhưng nó là một ảo ảnh đáng buồn, khiến chúng ta nhượng bộ sự hời hợt và ngăn cản chúng ta nhận ra điều gì mới thực sự đáng sống. Thưa anh chị em, chúng ta hãy giữ vững xác tín rằng, ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ muốn quay đi, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban tặng các ơn phúc của Người. Trong suốt lịch sử, ngay cả ngày nay, sự việc xảy ra giống như những gì đã xảy ra với người Galát. Cả ngày nay nữa, người ta đến và kêu gọi chúng ta, họ nói rằng, "Không, sự thánh thiện nằm ở các giới luật này, trong những điều này, bạn phải làm điều này điều nọ", và đề nghị một lòng đạo không linh hoạt, sự không linh hoạt khiến chúng ta mất tự do trong Thánh Thần mà ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Anh chị em hãy coi chừng sự cứng ngắc mà họ đề nghị với anh chị em: hãy cẩn thận. Bởi vì đằng sau mỗi sự thiếu linh hoạt đều có điều gì đó xấu xa, đó không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa. Và vì lý do này, Lá Thư này sẽ giúp chúng ta không nghe theo những đề nghị cực đoan đó khiến chúng ta đi lui trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, và sẽ giúp chúng ta tiến tới trong ơn gọi vượt qua của Chúa Giêsu. Đây là điều mà Thánh Tông đồ nhắc lại với người Galát khi ngài nhắc họ nhớ rằng Chúa Cha “ban Chúa Thánh Thần cho anh em và làm các phép lạ nơi anh em” (3: 5). Ngài nói ở thì hiện tại, chứ ngài không nói “Chúa Cha đã ban Chúa Thánh Thần cho anh em”, chương 3, câu 5, không: ngài nói – Chúa Cha “ban cho”; ngài không nói, "đã làm", nhưng ngài nói "làm". Bởi vì, bất chấp mọi khó khăn mà chúng ta có thể gây ra cho hành động của Người, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta mà đúng hơn ở với chúng ta bằng một tình yêu đầy thương xót của Người. Người giống như người cha ấy, ngày nào cũng lên sân thượng để xem con trai mình có trở về hay không: tình yêu thương của Chúa Cha không bao giờ làm cho chúng ta mệt mỏi. Chúng ta hãy cầu xin sự khôn ngoan để luôn ý thức được thực tại này, và quay lưng lại với những người cực đoan, chuyên đề nghị cho chúng ta một cuộc sống khổ hạnh giả tạo, xa rời sự phục sinh của Chúa Kitô. Chủ nghĩa khổ hạnh là cần thiết, nhưng chủ nghĩa khổ hạnh khôn ngoan, chứ không giả tạo.
 
ĐTC tâm sự: Sau khi tôi qua đời, xin nhớ đến tôi như một người tội lỗi cố gắng làm điều thiện
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:17 02/09/2021

Cuộc trò chuyện giữa Đức Thánh Cha và Herrera đã được phát sóng trong chương trình “Herrera en COPE”, bắt đầu lúc 8 giờ sáng thứ Tư 1 tháng 9 theo giờ địa phương Madrid, tức là 1 giờ trưa giờ Việt Nam.

Thông tín viên Inés San Martín thường trú tại Rôma của tờ Crux, là ký giả chuyên về Vatican. Cô là người Á Căn Đình, tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ nên cô đã có thể tóm lược lại và dịch sang tiếng Anh trong một thời gian ngắn.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên phạm vi rất rộng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về việc rút quân khỏi Afghanistan, sức khỏe và tin đồn ngài sắp thoái vị, vụ xét xử tham nhũng của Vatican chống lại một số người bao gồm một trong những cố vấn thân cận nhất của ngài và quyết định hạn chế sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan

Đề cập đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan, Đức Thánh Cha cho biết: “Tôi rất xúc động trước một điều mà Thủ tướng Angela Merkel, một trong những nhân vật vĩ đại của nền chính trị thế giới, đã nói ở Mạc Tư Khoa. Tôi hy vọng từ ngữ là chính xác, cô ấy nói: ‘Cần phải chấm dứt chính sách vô trách nhiệm trong đó người ta can thiệp chủ quan từ bên ngoài và cố xây dựng nền dân chủ ở các nước khác trong khi bỏ qua truyền thống của các dân tộc.’

Câu nói này thực ra là từ Tổng thống Nga Putin, đã được nhiều tờ báo tại Rôma cho rằng là của bà Thủ tướng Angela Merkel.

“Tôi tin rằng với tư cách là một mục tử, tôi phải kêu gọi các tín hữu Kitô cầu nguyện đặc biệt vào lúc này. Đúng là chúng ta đang sống trong một thế giới chiến tranh, hãy nghĩ đến Yemen chẳng hạn. Nhưng đây là một vấn đề rất đặc biệt, nó có một ý nghĩa khác. Và tôi sẽ cố gắng cầu xin điều mà Giáo hội luôn đòi hỏi trong những thời kỳ khó khăn và khủng hoảng: Đó là cầu nguyện nhiều hơn và ăn chay nhiều hơn”.

Vụ Hồng Y Angelo Becciu

Đề cập đến phiên tòa đang diễn ra chống lại Hồng Y Angelo Becciu và các nhân viên và chuyên gia tư vấn khác của Vatican, Đức Phanxicô nói rằng “ít nhất ngay từ cái nhìn đầu tiên, người ta đã thấy có vẻ như có tham nhũng.” Ngài thừa nhận rằng tham nhũng là “một căn bệnh tái phát thường xuyên.” Tuy nhiên, ngài cũng nói rằng ngài tin rằng “đã có những tiến bộ trong việc củng cố công lý trong quốc gia thành Vatican,” với hệ thống tư pháp ngày càng trở nên độc lập hơn.

Đức Phanxicô cho biết, phiên tòa đang diễn ra đã bắt đầu từ “hai lời phàn nàn từ những người làm việc tại Vatican và những người nhận thấy sự bất thường trong hoạt động của những người bị truy tố. Họ đã khiếu nại và yêu cầu tôi phải làm một điều gì đó”. Ngài gửi những người tố cáo đến các công tố viên, kèm theo cả chữ ký của ngài bên cạnh chữ ký của họ trong đơn khiếu nại, “ để nói rằng: Đây là cách phải làm, tôi không sợ sự minh bạch hay sự thật. Đôi khi nó đau, và rất đau, nhưng sự thật mới là thứ giúp chúng ta tự do”.

Khi được hỏi cụ thể về Hồng Y Becciu, Đức Giáo Hoàng nói rằng vị Hồng Y “bị xét xử theo luật của Vatican”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Tôi hết lòng hy vọng rằng anh ấy vô tội. Dẫu sao, anh ta là một cộng tác viên của tôi và đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Anh ta là một người mà tôi rất quý trọng, có nghĩa là tôi muốn anh ấy trở nên tốt đẹp. Đây chỉ đơn giản là giả định về sự vô tội. Nhưng ngoài sự giả định vô tội, tôi muốn anh ấy trở nên thật tốt. Nhưng Công lý mới là người quyết định”.

Khả thể thoái vị

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn dài 90 phút với đài phát thanh Tây Ban Nha COPE, thuộc sở hữu của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha.

Nhà báo Carlos Herrera, một trong những ký giả có uy tín nhất ở Tây Ban Nha, thừa nhận rằng cuộc phỏng vấn đã được dàn xếp bởi Eva Fernandez, phóng viên đài Vatican.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã nêu đích danh cô Eva Fernandez. Ngài nói là “nhờ Eva” ngài đã phát hiện ra rằng những tin đồn về việc thoái vị của ngài đã tạo nên những vấn đề nghiêm trọng ở quê hương Á Căn Đình của ngài.

“Cô ấy đã cho tôi biết điều đó với một biểu hiện rất dễ thương của người Á Căn Đình, và tôi nói với cô ấy rằng tôi không có ý kiến gì vì tôi chỉ đọc duy nhất một tờ báo ở đây vào buổi sáng, tờ báo của Rôma”. Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Tôi không xem tivi. Và tôi nhận được báo cáo về một số tin tức trong ngày, nhưng tôi phát hiện ra sau đó, vài ngày sau đó, có điều gì đó về việc tôi thoái vị. Bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng bị ốm thì thế nào cũng có những cơn gió nhẹ hoặc những cơn cuồng phong về Cơ Mật Viện.”

Cách diễn đạt của người Á Căn Đình mà Đức Giáo Hoàng ám chỉ là quilombo. Ngài không trực tiếp dùng từ quilombo trong cuộc phỏng vấn. Từ này có một hàm ý mạnh mẽ trong tiếng Tây Ban Nha, mặc dù nó hầu như chỉ được sử dụng ở Á Căn Đình: Đó là tiếng lóng của Buenos Aires có nghĩa là tai tiếng, xáo động hoặc xung đột; nhưng ban đầu nó được sử dụng như một từ đồng nghĩa với nhà chứa gái mãi dâm.

Về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ

Khi thảo luận về vụ bê bối lạm dụng giáo sĩ đối với trẻ vị thành niên, Đức Phanxicô bắt đầu bằng cách bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston, ca ngợi lòng dũng cảm và công việc mà ngài đã làm trong lĩnh vực này ngay từ đầu.

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng Đức Hồng Y O'Malley bắt đầu “nói về điều này với lòng can đảm, gọi nó là một cái gai bên cạnh” Giáo hội. Ngài cũng ca ngợi “phát minh” của Đức Hồng Y trong việc hình thành Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, được thành lập rất sớm trong triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô. Theo Đức Thánh Cha, ủy ban này bao gồm “những người giỏi nhất từ một số quốc gia”.

Ngài cũng nói về bài phát biểu gây tranh cãi năm 2019 của mình vào cuối hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Rôma về nạn lạm dụng giáo sĩ, trong đó ngài đổ lỗi cho ma quỷ gây ra cuộc khủng hoảng và trích dẫn các số liệu thống kê cho thấy vấn đề này đang lan rộng như thế nào trong xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với radio COPE “Có người nói: ‘Cuối cùng thì Đức Giáo Hoàng nói rằng đó là vấn đề của mọi người, ngài đổ lỗi cho ma quỷ và rửa tay’. Tôi đã đổ lỗi cho ma quỷ, vâng. Ma quỷ là đứa kích động nên điều này. Nhưng tôi đã đổ lỗi cho nó khi tôi nói về nội dung khiêu dâm đặc biệt là ấu dâm. Tôi đã nói rằng lạm dụng một cậu bé để quay phim mô tả một hành động khiêu dâm là một hành động xấu xa. Nó không thể được giải thích nếu không có sự hiện diện của ma quỷ”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Tôi nghĩ rằng mọi thứ đang được thực hiện tốt. Trên thực tế, đã có những tiến bộ và ngày càng tiến bộ hơn. Tuy nhiên, đó là một vấn đề toàn cầu và nghiêm trọng. Đôi khi tôi tự hỏi làm thế nào mà một số chính phủ cho phép sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em. Đừng nói rằng họ không biết nhé. Ngày nay, với các dịch vụ tình báo, mọi thứ họ đều được biết. Chính phủ biết ai ở quốc gia mình sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em. Đối với tôi đây là một trong những điều quái đản nhất mà tôi đã từng thấy”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã được hỏi ý kiến về việc Tây Ban Nha hợp pháp hóa an tử vào đầu năm nay, và ngài trả lời rằng “Chúng ta hãy tự đánh giá. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa vứt bỏ. Cái gì vô ích thì bỏ đi. Người già là thứ dùng một lần: Họ là một điều phiền toái. Không phải tất cả ai cũng nghĩ như thế, nhưng trong vô thức chung của văn hóa vứt bỏ, những người già, cũng như những người bị bệnh nan y; những đứa trẻ không mong muốn cũng vậy, và họ bị trả lại tình trạng trước khi chào đời”.

Nhưng văn hóa vứt bỏ này không chỉ là vấn đề của phương Tây. Đức Thánh Cha lưu ý rằng điều tương tự cũng xảy ra ở “các vùng ngoại vi Á châu rộng lớn”, chẳng hạn như tình hình của người Rohingyas, một nhóm dân tộc Hồi giáo lâu nay bị đàn áp ở Miến Điện và bị từ chối ở Bangladesh, đến mức ngày nay, họ là “dân du mục” và “bị bỏ rơi. Họ không phù hợp, họ không được chào đón.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng Âu Châu đang trải qua một mùa đông nhân khẩu học vì “kim tự tháp đã bị đảo ngược”, với nhiều trường hợp phá thai hơn và lợi nhuận được đặt làm trung tâm.

Về vấn đề phá thai, Đức Thánh Cha nói: “Đó là một mạng người. Một sự sống. Một số người nói, ‘Thai nhi không phải là một con người.’ Không, đó là một con người! Vì vậy, đứng trước một con người tôi tự đặt ra cho mình hai câu hỏi: Loại bỏ một con người để giải quyết một vấn đề, liệu có công bằng không khi loại bỏ một con người để giải quyết một vấn đề? Câu hỏi thứ hai: Có công bằng không khi thuê một kẻ giết người theo hợp đồng để giải quyết một vấn đề? Và với hai câu hỏi này, thì những trường hợp loại bỏ những người bao gồm cả thai nhi lẫn người già vì họ là gánh nặng cho xã hội thì người ta nghĩ sao?”

Đức Giáo Hoàng cũng chia sẻ một câu chuyện từng được kể trong gia đình của ngài, trong đó một người cha đã cố gắng giấu cha mình với khách bằng cách dọn bàn cho ông một bàn trong bếp vì ông thường chảy nước dãi khi ăn. Một ngày nọ, khi ông ta trở về nhà, ông ta thấy cậu con trai nhỏ của mình đang nghịch gỗ, dùng búa đóng đinh để “làm cái bàn” dùng cho chính người đàn ông ấy khi ông lớn tuổi.

“Nói cách khác, những ai gieo mầm loại bỏ, sẽ thu hoạch được đúng cái mình gieo sau đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Vấn đề Thánh lễ Latinh Truyền thống

Khi được hỏi về Tự Sắc Traditionis Custodes, được ban hành vào tháng 7, giới hạn việc cử hành Thánh lễ Tridentinô, thường được gọi là Thánh lễ Latinh truyền thống hoặc Thánh lễ cổ, Đức Phanxicô nói rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về việc công bố Summorum Pontificum, cho phép cử hành Thánh lễ với Sách Lễ của Đức Gioan 23 cho những người đã có một “nỗi nhớ nào đó”, là một trong những “hành động mục vụ đẹp đẽ và nhân bản” bởi người tiền nhiệm của ngài là “một người có tinh thần nhân bản nhạy bén.”

Đức Thánh Cha nói rằng năm ngoái việc áp dụng Tự Sắc của Đức Bênêđíctô đã được nghiên cứu, thông qua cuộc tham vấn kéo dài một năm với tất cả các giám mục trên khắp thế giới, và hiển nhiên rằng những gì từng là một cử chỉ mục vụ đã “được chuyển hóa thành ý thức hệ”.

“Chúng tôi phải có phản ứng và phải đưa ra các chuẩn mực rõ ràng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Các tiêu chuẩn rõ ràng đặt ra giới hạn cho những người chưa từng trải qua trải nghiệm đó. Bởi vì nó dường như là thời trang ở một số nơi. Nếu bạn đọc kỹ bức thư và đọc kỹ Tự Sắc, bạn sẽ thấy rằng đó chỉ đơn giản là một sự sắp xếp lại mang tính xây dựng, với sự chăm sóc mục vụ và tránh sự thái quá không đáng có”.

Di cư, khí hậu và văn bia của ngài

Trong cuộc phỏng vấn, Herrera và Đức Giáo Hoàng thường nhảy từ điểm này sang điểm khác, và cuộc trao đổi của hai người gần giống như một trận đấu bóng bàn.

Một vài điểm nổi bật của việc trao đổi qua lại này:

Về việc ma quỷ “chạy quanh Vatican”, Đức Phanxicô nói rằng “ma quỷ chạy khắp nơi, nhưng tôi sợ nhất là những con quỷ lịch sự. “

Về vấn đề biến đổi khí hậu, ngài nói rằng vào năm 2007, khi ngài tham gia hội nghị các giám mục Mỹ Latinh ở Aparecida, Brazil, ngài không hiểu tại sao các giám mục Brazil lại nói về việc bảo tồn thiên nhiên trong mối quan hệ với việc truyền giáo. “Tôi là một người được hoán cải về điều này,” ngài nói và nhấn mạnh rằng “về nguyên tắc tôi sẽ tham gia cuộc họp ở Glasgow năm 2021 về biến đổi khí hậu và bài phát biểu của tôi đã được viết”.

Đối với người di cư, “có bốn thái độ: Chào mừng, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập. Và đối với điều cuối cùng: nếu bạn chào đón họ và để họ ở nhà không biết làm gì và không hòa nhập họ, họ sẽ là một mối nguy hiểm, bởi vì họ cảm thấy như những người xa lạ”.

Về thể thao, Đức Thánh Cha cho biết bây giờ ngài chỉ mới bắt đầu “hiểu một chút” về túc cầu Ý, và thừa nhận rằng ngài đã không xem bất kỳ trận đấu nào của Copa America, mà Á Căn Đình đã giành được chiến thắng vào đầu năm nay và tránh trả lời một câu hỏi đặt ra cho ngài về Lionel Messi, là người đã rời đội tuyển Tây Ban Nha lâu đời của mình trong năm nay để chơi ở Pháp. Thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “ để trở thành một cầu thủ túc cầu giỏi, bạn phải có hai điều: Biết cách làm việc trong một tập thể và không đánh mất tinh thần nghiệp dư. Khi thể thao mất đi tinh thần nghiệp dư đó, nó bắt đầu trở nên quá thương mại hóa”.

Về cách mình muốn được ghi nhớ, Đức Thánh Cha Phanxicô ngắn gọn và đi vào trọng tâm, nói: “Về việc tôi là ai: Thưa: Một tội nhân cố gắng làm điều tốt”.
Source:Crux
 
Tin Vui: Giáo Hội vừa có thêm ba Bậc Đáng Kính cuộc sống quá đẹp. Dấu lạ từ bệnh viện dã chiến số 12
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:54 02/09/2021


1. Giáo Hội có thêm ba bậc đáng kính

Hôm 30 tháng 8 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh. Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho Bộ Tuyên Thánh ban hành các sắc lệnh sau:

- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Placido Cortese, tên khai sinh ra là Nicolò, linh mục khấn trọn của Dòng Anh Em Hèn Mọn; sinh ngày 7 tháng 3 năm 1907 tại Cherso, ngày nay là Croatia, và mất tại Trieste, Italia vào tháng 11 năm 1944.

- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Maria Cristina Cella Mocellin, Giáo dân và là bà mẹ gia đình; sinh ngày 18 tháng 8 năm 1969 tại Cinisello Balsamo, Italia và mất tại Bassano del Grappa vào ngày 22 tháng 10 năm 1995.

- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Enrica Beltrame Quattrocchi, giáo dân; sinh ngày 6 tháng 4 năm 1914 tại Rôma và mất ngày 16 tháng 6 năm 2012.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

Như thế, trước khi có các sắc lệnh này, 3 vị được nêu trên là các Tôi tớ Chúa. Sau 5 sắc lệnh này các vị được chính thức gọi là Bậc Đáng Kính.

Bà mẹ trẻ của ba người con trên con đường tuyên thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép ban hành các Sắc lệnh liên quan đến các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Enrica Beltrame Quattrocchi, con gái của một cặp vợ chồng được phong chân phước vào năm 2001; Placido Cortese, một tu sĩ dòng Phanxicô đã chết dưới sự tra tấn của Gestapo; và một bà mẹ trẻ người Ý, Maria Cristina Cella Mocellin, người đã trì hoãn các đợt hóa trị để cứu đứa con chưa chào đời của mình.

Ba nhân vật có cuộc đời được đặc trưng bởi sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, tin cậy vào lòng thương xót của Ngài và hy vọng vào sự tha thứ của Ngài. Đây là những đặc điểm nổi bật của các Bậc Đáng kính mới của Giáo Hội Công Giáo.

Câu chuyện của Maria Cristina Cella Mocellin gợi nhớ lại câu chuyện của Thánh Gianna Beretta Molla, và gần đây là Chiara Corbella Petrillo.

Maria Cristina Cella Mocellin sinh ngày 18 tháng 8 năm 1969 tại Cinisello Balsamo, thuộc tỉnh Milan. Cô lớn lên trong giáo xứ, và trong những năm trung học của cô bắt đầu cuộc hành trình phân định ơn gọi của mình trong cộng đồng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu của Don Bosco. Khi cô gặp Carlo năm 16 tuổi, cô đã thay đổi quan điểm và cảm thấy mình được mời gọi kết hôn. Hai năm sau đó, cô phát hiện một dạng ung thư gọi là sarcoma ở chân trái, các phương pháp điều trị và các liệu pháp không ngăn cản cô kết thúc trung học và kết hôn với Carlo vào năm 1991. Hai vợ chồng này đã có hai con, nhưng ngay sau khi Maria Cristina phát hiện mình có thai đứa con thứ ba, chứng ung thư xuất hiện trở lại.

Cô đã chọn tiếp tục mang thai, trì hoãn hóa trị để không gây nguy hiểm đến tính mạng của con mình. Trong một bức thư, cô nói với Riccardo, đứa con thứ ba của cô, về những khoảnh khắc đó:

“Với tất cả sức mạnh của mẹ, mẹ chống lại việc từ bỏ con, mạnh đến nỗi các bác sĩ đã hiểu tất cả mọi thứ và không điều trị thêm. Riccardo, con là một món quà cho cha mẹ. Buổi tối hôm đó, trên xe hơi trên đường trở về từ bệnh viện, con đã nhúc nhích lần đầu tiên. Dường như con đang nói, “Cảm ơn Mẹ vì đã yêu thương con!” Và làm thế nào chúng ta có thể không yêu con? Con thật đáng quý, khi nhìn con và thấy con thật xinh đẹp, hoạt bát, thân thiện, mẹ nghĩ trên đời không có nỗi khổ nào là không đáng phải gánh chịu vì một đứa trẻ”.

Maria Cristina đã chết vì bệnh ung thư ở tuổi 26, tín thác vào tình yêu của Chúa Cha, trung thành với Ngài trong các kế hoạch của Ngài.

Một gia đình được Chúa yêu thương

Chín năm sau khi bà qua đời tại Rôma vào năm 2012, ở tuổi 98, Giáo hội công nhận các nhân đức anh hùng của Enrica Beltrame Quattrocchi, con gái út của Chân phước Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini. Họ là một gia đình sống theo con đường thánh thiện. Đức Gioan Phaolô II đã nói như trên khi tuyên chân phước cho các bậc sinh thành của Enrica vào năm 2001, minh chứng rằng gia đình thánh thiện là “điều có thể xảy ra, là điều tốt đẹp, điều là kết quả phi thường và là nền tảng cho lợi ích của gia đình, Giáo hội và xã hội”.

Enrica đã có ý định đi theo bước chân của các anh chị em của mình, Cha Tarcisio, Sơ Cecilia, và Cha Paolino, những người theo đuổi ơn gọi tu trì trong gia đình; nhưng số phận của cô lại khác, thiên chức của cô là phụ giúp cha mẹ già. Cô đã tham gia vào công việc tình nguyện với các Nữ Tử Bác Ái của Thánh Vincent de Paul, những người mà cô đã cùng họ đi đến những khu vực khó khăn nhất của Rôma; trong phong trào Công Giáo Tiến Hành cùng với mẹ mình; và cô đã cống hiến hết mình cho công việc giảng dạy. Từ năm 1976, Enrica là Giám đốc của Bộ Di sản Văn hóa và Môi trường.

Cuộc đời của Enrica được đánh dấu bởi nhiều bệnh tật và khó khăn về kinh tế, nhưng trên hết là nhờ sự cầu nguyện và tham gia Thánh lễ hàng ngày. Tình yêu của Chúa là lý do để cô sống.

Linh mục đầy lòng bác ái

Đặc điểm đáng chú ý nhất của tu sĩ dòng Phanxicô Placido Cortese là khả năng trao ban chính mình hoàn toàn. Ngài kiên nhẫn, đơn giản, luôn luôn sẵn sàng để đặt mình vào những tình huống khó khăn như những gì đặc trưng cho những năm cuối cùng của cuộc đời ngài.

Sinh ngày 07 Tháng Ba 1907 tại Cres, hiện nay là một thành phố của Croatia, ngài trở thành một linh mục vào năm 1930, phục vụ trong nhà thờ Thánh Antôn thành Padua, và một vài năm sau đó trở thành biên tập viên của tạp chí Il Messaggero di Sant'Antonio, nghĩa là Người đưa tin của Thánh Antôn.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thay mặt Sứ thần Tòa thánh tại Ý, Đức Tổng Giám Mục Francesco Borgongini Duca sau này là Hồng Y, đã yêu cầu Cha Placido hỗ trợ các thực tập sinh người Croatia và Slovenia trong các trại tập trung Ý, đặc biệt là ở Chiesanuova, gần Padua. Sau hiệp định đình chiến năm 1943, ngài đã làm việc không mệt mỏi để tạo điều kiện cho các cựu tù nhân Đồng minh trốn thoát, cũng như những người bị Đức quốc xã đàn áp, bao gồm cả người Do Thái. Người Đức hiểu thiện chí của ngài là hoạt động chính trị và dẫn đến cái chết của ông.

Nhà thờ Thánh Antôn là một khu vực của Tòa Thánh, nghĩa là nằm ngoài quyền tài phán của lực lượng chiếm đóng. Vì thế, vào ngày 8 tháng 10 năm 1944, Đức Quốc Xã đã phải lập mưu dụ ngài ra khỏi nhà thờ Thánh Antôn để có thể bắt ngài. Ngài được đưa đến doanh trại SS ở Trieste, nơi ngài chết sau những đòn tra tấn tàn bạo của Đức Quốc Xã.
Source:Vatican News

2. Thư từ bệnh viện dã chiến số 12

Vì hoàn cảnh của Sài Gòn trong cơn đại dịch rất căng thẳng, quý cha trong Ban Tu Sĩ giáo phận, cha Giám tỉnh và cha Giám đốc học viện mời gọi các anh em trẻ chúng con đang trong giai đoạn học viện lên đường tham gia dấn thân nơi tuyến đầu. Tiêu chuẩn đầu tiên để lên đường là cần có tinh thần dấn thân và phục vụ. Thêm nữa, tiêu chuẩn bên sở Y Tế thành phố đặt ra là cần có sức khoẻ tốt, không bệnh nền, dưới 40 tuổi.

Thời gian thiện nguyện được ban đặc trách tu sĩ mời gọi là 2 tháng, nhưng cũng có thể đăng ký 1 tháng. Tuỳ hoàn cảnh, nguyện vọng của tu sĩ và sự đồng ý của bề trên.

Suốt thời gian dịch bệnh bùng phát trên quê hương Việt Nam, rồi đến thành phố SG, con đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Trong ngày lễ thánh Lu-y Gondaga, vị thánh rất trẻ tuổi là tu sĩ dòng Tên đã chết vì dấn thân hết mình để chăm sóc cho các bệnh nhân trong cơn dịch bệnh thời đó. Hình ảnh ấy vừa đánh động lại vừa khích lệ tinh thần con hơn, đến nỗi con xin Chúa cho mình được ơn ấy như thánh Lu-y. Con thấy là mình cần làm gì đó để giúp đỡ, để góp phần mình vào trong việc thiện nguyện để giúp đỡ các anh chị em bệnh nhân, những người đang gặp đau khổ, đang lo lắng vì phải chiến đấu với dịch bệnh hiểm nghèo. Cơ hội thuận tiện Chúa đã gửi đến qua Đức Tổng, qua uỷ ban đặc trách tu sĩ và qua quý bề trên dòng, cho nên con quyết định đăng ký lên đường.

Ban đầu, con cảm thấy có chút lo lắng vì bản thân không có chuyên môn, không biết rằng mình sẽ giúp được gì và lo có khi nào mình nhiễm bệnh không. Lỡ ra không giúp được ai mà con trở thành gánh nặng cho người khác thì sao? Nhưng vào công việc rồi con thấy vui vẻ và dấn thân hết mình cho công việc ở đây, dù là công việc nhỏ bé, tầm thường. Con còn được phân vào một công việc rất đặc biệt là trưởng nhóm lo hậu sự cho các bệnh nhân qua đời vì Covid tại bệnh viện. Nghe qua cũng ớn, nhưng con nghĩ đây là công việc rất ý nghĩa.

Về các sinh hoạt tôn giáo, với hoàn cảnh ở bệnh viện dã chiến như thế này thì các sinh hoạt tôn giáo như đọc kinh phụng vụ, cầu nguyện, lần chuỗi, tham dự lễ online… thì đều ở hình thức tư riêng. Anh chị em tu sĩ không có điều kiện để cử hành chung với nhau. Nhưng quan trọng là chúng con vẫn cố gắng giữ các giờ kinh nguyện, và cầu nguyện thường xuyên.

Nơi đây, con thấy rằng cầu nguyện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì các hình thức sinh hoạt tôn giáo khác đều hạn chế thì cầu nguyện là hình thức hay nhất. Thứ đến, cầu nguyện giúp cho con thấy bình an hơn, bớt thấy tù túng, căng thẳng, mệt mỏi vì công việc, vì hoàn cảnh sống… Điều rất thuận lợi cho việc cầu nguyện ở đây là có nhiều ý chỉ, nhiều tâm tình, nhiều cảm xúc để thưa chuyện với Chúa, với Đức Mẹ. Trong cầu nguyện, mình ôm lấy tất cả những đớn đau, lo lắng của anh chị em bệnh nhân, của những người đau khổ đói nghèo đang kêu gào và cả những người thân yêu, những người quen biết đang mắc dịch bệnh, hay đã qua đời vì dịch bệnh.

Sau những ngày thiện nguyện ở đây, giúp con nhận ra và xác tín hơn rằng Chúa mới là tất cả, Chúa mới là vĩnh cửu, còn con người chúng ta mong manh và nhanh tàn héo như thế nào. Cho nên, mình đừng bao giờ tự hào tự đắc nhưng khiêm tốn cúi đầu trước Chúa và luôn thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, tất cả là nhờ ơn Chúa, Chúa biết rõ con chẳng có gì và chẳng là gì nếu Chúa không ban cho. Con xin tạ ơn và chúc tụng Chúa.” Đó là lời nguyện con thường hay thân thưa với Chúa.

Công việc phục vụ còn giúp con gia tăng lòng yêu mến và rèn luyện sự kiên nhẫn. Có những lúc làm việc quá mệt nhọc, đồ bảo hộ thì nóng bức khó thở, rác rến thì hôi thối mà người ta vứt lung tung bừa bãi, dọn rất mệt… nhưng rồi con lại nhớ đến lời của thánh Phao-lô: “Hãy làm mọi việc một cách tận tâm như thể làm cho chính Chúa.” Và nhờ đó cảm thấy bớt chán nản hơn và cố gắng hơn.

Công việc phục vụ đem lại cho con niềm vui khi được góp chút sức nhỏ bé để giúp đỡ người khác, nhất là trong giai đoạn đại dịch gây đau khổ cho nhiều người, nhiều gia đình như thế này. Con nhớ lại 3 ý tưởng chính trong tông huấn Sacramentum Caritatis của Đức Giáo Hoàng. Biển Đức XVI: 1. Bí tích Thánh Thể là bí tích phải tin. 2. Bí tích Thánh Thể là bí tích phải cử hành. 3. Bí tích Thánh Thể là bí tích cần phải sống. Rõ ràng, người Công Giáo chúng ta được mời gọi tuyên xưng Chúa Giê-su ngự thật trong phép Thánh Thể, chúng ta được mời gọi cử hành mầu nhiệm Chúa Giê-su trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta trong các thánh lễ và năng chiêm ngắm, cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, và chúng ta được mời gọi cùng với Chúa Giêsu trở nên bánh bẻ ra nuôi dưỡng người khác. Và công việc phục vụ các bệnh nhân ở các bệnh viện này là cách làm cụ thể hoá việc sống mầu nhiệm Thánh Thể như Đức Giáo Hoàng. đã mời gọi.
 
Thánh Ca
Con Có Một Tổ Quốc
Khanh Lai
17:02 02/09/2021