Ngày 03-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Từ bỏ tất cả
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
01:14 03/09/2019
Chúa Nhật XXIII Thường Niên , năm C
Lc 14,25-33

Từ bỏ luôn đòi hỏi một sự quyết tâm cao, luôn biểu lổ, chứng minh bản lãnh cương quyết, mạnh mẽ khôn lường của con người. Có những cái con người chúng ta phải mạnh dạn, can đảm dứt bỏ như những điều tiêu cực rượu chè, ma túy, sì ke và những tật xấu làm hư hỏng con người. Dứt bỏ những điều xấu để chọn những điều tốt là việc làm tối ư cần thiết cho đời sống của mình. Chọn một việc tốt hơn, bỏ một tật xấu vì lòng yêu mến chúng ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, vui vẻ hơn. Từ bỏ vì yêu sẽ không bao giờ bị mất mát Chúa đã từng nói :” Cho thì có ý nghĩa hơn nhận “. Cuộc sống càng tiến bộ văn minh càng khiến ta phải chọn lựa. Có những người thích hưởng thụ, không dám hy sinh không can đảm để dứt bỏ những cái phù du, tạm bợ, mau qua của cuộc sống này. Càng văn minh, nhiều người lại ít nghĩ đến hạnh phúc vững bền mà Chúa Giêsu thường dạy :”Hãy tìm kiếm Nước Trời hơn là những sự hay hư nát ở đời này “.

Môn đệ của Đức Giêsu là người thuộc về Chúa, chọn Ngài là gia nghiệp, là lẽ sống của mình đến nỗi Chúa đã nói :”Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ,vợ con, anh em,chị em,và cả mạng sống mình nữa,thì không thể làm môn đệ tôi được “ ( Lc 14,26 ).Theo Đức Giêsu đòi hỏi rất gắt gao, bởi vì người theo Chúa phải từ bỏ những gì thân quý nhất của mình như cha mẹ, vợ con, anh chị em, đặt Chúa lên trên hết ngay cả mạng sống của mình nữa. Thực tế, cha mẹ, vợ con, anh chị em là những người thân quý của mình, có thể xem được là nguồn sống, là sức sống của mình.Tuy nhiên, muốn đạt được Chúa, người theo Chúa phải dứt khoát từ bỏ vì tất cả thụ tạo đều tương đối so với vinh quang, sự bền chắc và vĩnh cửu của Nước Thiên Chúa. Cứ học xem bài học mà Đức Kitô để lại cho nhân loại : “ Ngài là Thiên Chúa nhưng đã từ bỏ địa vị đồng hàng với Thiên Chúa. Chấp nhận hóa kiếp làm người để sống cho sống vì con người ngoại trừ tội lỗi “…Từ bỏ là dứt khoát, là can đảm dứt khoát tất cả cho Chúa và đặt Ngài lên trên hết mọi sự. Vác thập giá là học nơi Đức Giêsu: ” Hiền lành và khiêm nhượng “.Học nơi Đức Giêsu coi thập giá là phương thế sinh ơn cứu độ mà chính Chúa đã vác lấy. Mang lấy thập giá nghĩa là mang lấy thân phận được cứu chuộc để sống cuộc sống của Chúa Giêsu.

Trở nên môn đệ của Chúa Giêsu là chấp nhận từ bỏ những chứng hư, tật xấu, những điều tiêu cực cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Trở nên môn đệ của Chúa là mặc lấy Đức Kitô để sống như Ngài. Từ bỏ là một quyết tâm thực hiện mãi mãi, thực hiện không ngừng. Từ bỏ và dứt khoát từ bỏ những tiêu cực, những điều không tốt là một sự chiến đấu không ngừng. Từ bỏ thật sự là một thái độ của tình yêu. Đã yêu con người không sợ hy sinh từ bỏ, gương Chúa Giêsu dạy nhân loại, dạy mỗi người chúng ta điều này :” Yêu là dám hy sinh, dám trút bỏ ngay cả mạng sống “ vì “ Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Vâng, Chúa mời gọi con người đi theo làm môn đệ Chúa nhưng Chúa đòi hỏi gắt gao, xin mọi người suy nghĩ. Chúa muốn con người chấp nhận số phận như Chúa nhưng Ngài lại tôn trọng sự tự do của con người, nên nhắc nhở con người suy nghĩ và sáng suốt chọn lựa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con được vác chính thập giá của Chúa đã vác, nghĩa là vác chính con người của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con đừng hờ hững với những đòi hỏi gắt gao mà Chúa đòi hỏi khi con người muốn trở nên môn đệ Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Từ bỏ là gì ?
2.Những điều kiện để trở nên môn đệ của Chúa ?
3.Thập giá là gì ?
4.Chúa nói vác thập giá có nghĩa gì ?
 
Điều kiện để đi theo làm môn đệ Đức Giêsu
Lm Đan Vinh
10:53 03/09/2019
Chúa Nhật 23 Thường Niên C
Kn 9,13-18 ; Plm 9b-10.12-17 ; Lc 14,25-33

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 14,25-33

(25) Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: (26) “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. (28) Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30) “Anh ta đã khởi công xây mà chẳng có sức làm cho xong việc”. (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống, bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? (32) Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

2. Ý CHÍNH:

Bấy giờ có đông người đi theo Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Nhưng họ lại tưởng Người sắp đi lãnh đạo cuộc cách mạng chống lại đế quốc Rôma giành độc lập theo chủ nghĩa Thiên Sai Do thái. Để đám đông khỏi bị ảo tưởng về sứ vụ cứu thế của mình, Đức Giê-su đã dạy họ ba điều kiện để có thể đi theo làm môn đệ cua Người:
Một là họ phải yêu mến Người trên cả tình cảm gia đình ruột thịt và mạng sống của mình.
Hai là họ phải sẵn sàng từ bỏ ý riêng và vác thập giá mình mà đi theo Người.
Ba là họ phải khôn ngoan suy tính kỹ trước khi quyết định theo Người giống như một người sắp xây tháp cao hay như một ông vua sắp đem quân đi giao chiến với quân thù.

3. CHÚ THÍCH:

- C 25-27: + Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su : Cuộc hành trình của Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9,51) trùng hợp với cuộc hành hương của người Do thái lên dự lễ Vượt Qua tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Vì thế có nhiều người cùng đi với Đức Giê-su làm thành một đám người rất đông. + “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con”...: Tiếng Do thái không có lối văn so sánh. Do đó, khi muốn diễn tả ý hơn kém, người ta thường dùng lối văn song đối như “yêu” đối với “ghét” hay “từ bỏ”. Như vậy “từ bỏ” cha mẹ... chỉ có nghĩa là “yêu ít hơn”. Chính Mát-thêu đã hiểu như thế khi viết: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy”... (Mt 10,37). Do đó khi nghe Đức Giê-su dùng kiểu nói có vẻ cứng rắn như “từ bỏ cha mẹ”, chúng ta sẽ không nghĩ rằng Người loại bỏ giới răn thứ tư là “Thảo kính cha mẹ” (x. Lc 18,20). Ở đây, Người đòi những ai muốn làm môn đệ phải dành mọi sự quý giá nhất cho Người. + “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy": Những ai muốn theo Đức Giê-su thì phải vác thập giá mình mà theo Người. Thập giá hôm nay là những hy sinh và từ bỏ mà người tín hữu phải chấp nhận khi bước theo Chúa.
- C 28-30: + Ai trong anh em muốn xây một cây tháp...: Đây là một ví dụ cho thấy cần suy nghĩ kỹ trước khi làm một việc quan trọng. Chỉ những ai bền chí, có suy trước tính sau và không nản lòng thối chí mới có thể theo làm môn đệ của Người.
- C 31-33: + Hoặc có vua nào...: Cũng như việc quyết định giao chiến của một ông vua cần cân nhắc thận trọng thế nào, thì việc đi theo Đức Giê-su cũng cần phải được suy tính kỹ càng trước khi quyết định như vậy. + Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được: Đây là lần thứ hai Đức Giê-su nhắc đến sự từ bỏ của cải như điều kiện để trở thành môn đệ của Người.

4. CÂU HỎI:

1) Khi đòi những ai muốn làm môn đệ của mình phải dứt bỏ tình cảm gia đình hoặc từ bỏ cả mạng sống của mình, phải chăng Đức Giê-su đã phế bỏ điều răn thứ tư dạy “con cái phải thảo kính cha mẹ” ?
2) Đức Giê-su đòi môn đệ phải vác thập giá mình mà theo Người. Vậy thập giá ám chỉ điều gì ?
3) Đức Giê-su đã nêu ra hai dụ ngôn nào để dạy môn đệ phải cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định theo Người ?
4) Câu nào cho thấy Đức Giê-su đòi môn đệ phải từ bỏ ngay cả những của cải vật chất nữa ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi” (Lc 14,26):

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÒNG HY SINH TẬN TỤY CỦA MỘT BỀ TÔI TRUNG THÀNH:

Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn. Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.
Trùng Nhĩ dù sau đó có làm vua thì cũng chỉ là vua trần gian, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh cả thân mình để trung thành với chủ, thì Chúa Giê-su chính là Vua Thiên Sai, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi sẵn lòng chịu chết để cứu độ chúng ta, lẽ nào chúng ta lại không dám hy sinh từ bỏ mọi sự và cả mạng sống mình để đi theo làm môn đệ của Người ?

2) LÒNG HY SINH PHỤC VỤ ĐẤT NƯỚC CỦA NEN-SƠN MĂNG-ĐE-LA:

NEN-SƠN MĂNG-ĐE-LA (Nelson Mandela), một người thông minh muốn lập nghiệp như mọi người khác. Một thương gia kia, qua lăng kính của luật cung cầu, đã nói với Măng-đe-la: "Tất cả là tiền bạc. Bởi vì giàu sang và tiền bạc đồng nghĩa với hạnh phúc. Anh phải chiến đấu cho tiền bạc và không gì ngoài tiền bạc. Một khi bạn có đủ tiền bạc, bạn sẽ không còn muốn điều gì khác trên đời". Nếu Măng-đe-la làm theo lời khuyên đó, ông có thể đã làm nhiều điều tốt cho bản thân. May mắn thay cho nước Nam Phi, thay vì lo cho bản thân, Măng-đe-la đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ đất nước.
Để làm điều đó, Nen-sơn đã phải hy sinh, ông viết: "Đối với tôi, không phải dễ dàng gì khi phải xa cách vợ con, giã từ những ngày tươi đẹp. Sau một ngày làm việc ở văn phòng, tôi có thể quay về với gia đình trong bữa ăn tối, thay vì bị cảnh sát săn đuổi liên tục, sống xa cách những người thân yêu nhất, phải đối diện liên tục với những bất trắc như có thể bị bắt giữ. Nen-sơn bị bắt và bị 27 năm tù đày vì lòng yêu nước. Ông đã trở thành vị tổng thống vĩ đại của nước Nam Phi.

3) TÔI LÀ THỨ BA:

GHÊN SÊ-Ơ (Gale Sayers), một cầu thủ chơi ở hàng hậu vệ của đội banh CHI-KÊ-GÔ BE-Ơ (Chicago Bears) vào thập niên 1960, được đánh giá là một trong những hậu vệ chạy nhanh nhất trong làng bóng đá chuyên nghiệp Hoa kỳ. Chung quanh cổ của cậu lúc nào cũng đeo lủng lẳng một chiếc mề đay bằng vàng, trên có khắc ba chữ “I am Third” nghĩa là “Tôi là thứ Ba”. Khi được hỏi lý do, anh đã cho biết như sau: “Chúa là thứ Nhất, tha nhân là thứ Hai, và tôi là thứ Ba”. Trong quyển tự thuật đời của mình, Ghên viết: “Tôi cố gắng sống câu nói ghi trên tấm mề đay của tôi. Không hẳn lúc nào tôi cũng sống được như vậy. Nhưng dù sao việc đeo câu ấy cũng giúp tôi khỏi đi trệch đường quá xa” (Theo Mark Link SJ).

4) MƯỜI NĂM LÀM VIỆC VẤT VẢ ĐỂ TRẢ GIÁ CHO ƯỚC MƠ ĐƯỢC ĐỔI ĐỜI:

AN-TOAN-NÉT (Antoinette) là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô cũng chỉ là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng còn thiết làm gì nữa, cũng chẳng muốn đi đâu hết. Một hôm, An-toan-nét nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp : cô rút hết tiền tiết kiệm ra mua được một bộ áo đẹp ; cô đến với Ma-ry một bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương.
Thế là An-toan-nét xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã bị rơi từ lúc nào mà cô cũng không hay. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy. Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàng mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho Ma-ry. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên cô bạn Ma-ry không thắc mắc gì cả. Từ đó trở đi, An-toan-nét phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ. Mãi 10 năm sau, cô mới trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô già đi và không còn vẻ đẹp như ngày xưa nữa.
Một hôm hai cô An-toan-nét và Ma-ry tình cờ gặp nhau :
- Ồ kỳ này sao bạn lại già đi và tiều tụy như thế ? Ma-ry giật mình hỏi.
- Tất cả chỉ tại bạn đó.
- Sao lại tại tôi ?
An-toan-nét kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Ma-ry nói :
- Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi cho bạn mượn là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.
Thế là An-toan-nét đã được Mary trả lại 39.600 quan. Cô đột nhiên trở thành một người giàu có. Nhưng cô đã phải trả giá bằng 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ việc cùng một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua. Nếu An-toan-nét đã biết bằng lòng với số phận và chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cô đã không phải trả giá quá đắt như vậy !

5) SẴN SÀNG HY SINH MỌI SỰ ĐỂ PHỤNG SỰ CHÚA:

Ô-ĐÉT (Odette) là một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Bỉ. Năm 17 tuổi, cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến bắt trở về. Từ lâu, cha mẹ đã có ý gả cô cho lãnh chúa Si-mon ở một lâu đài gần đó.
Vốn biết cô con cái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã chuẩn bị hôn lễ một cách kín đáo. Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vèn màn nhìn qua cửa sồ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đàu. Hỏi đầy tớ, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Họ đưa cô xuống nhà nguyện của lâu đài. Nơi đây, có đông đủ quý khách, và linh mục tuyên úy của lâu đài cũng đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.
Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Ô-ĐÉT có muốn nhận Si-mon là chồng theo luật Giáo Hội không? Cô đã dõng dạc tuyên bố “Con không nhận lãnh chúa Si-mon cũng như bất cứ người nào làm chồng, bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Ki-tô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào, cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Ki-tô là bạn trăm năm duy nhất của đời con”.
Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng cô. Ô-ĐÉT đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Ô-ĐÉT. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm làm biến dạng chiếc mũi xinh đẹp của cô. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không ai còn cấm cản con đi theo Chúa Ki-tô nữa”.
Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được bề trên cho nhập vào tu viện. Ba năm sau khi khấn trọn, nữ tu Ô-ĐÉT được chị em chọn làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

3. SUY NIỆM:

Trong Tin Mừng hôm nay, có hai cụm từ cần phân biệt là "đi theo" và "làm môn đệ": "Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: Ai không dứt bỏ... thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi"... Qua đó cho thấy: rất đông người "đi theo" Chúa nhưng không phải tất cả bọn họ đều là "môn đệ" của Người.

1) Điều kiện để trở thành môn đệ Đức Giê-su? :

a- Một là phải có tinh thần siêu thoát từ bỏ: Mọi thành quả ở trần thế này, đều đòi hỏi nỗ lực, kiên trì cố gắng mới có thể đạt thành mỹ mãn: Chẳng hạn: một lực sĩ muốn chiếm huy chương vàng thế vận hội Ôlympic, phải hy sinh tập luyện ngày đêm trong thời gian dài mới hy vọng chiếm được huy chương danh dự. Một người mẫu muốn có thân hình thon gọn, với ba vòng chuẩn, đòi phải ăn uống kiêng khem và tập thể dục hằng ngày… Chỉ cần lơ là một chút là thân hình sẽ mất đi vẻ thẩm mỹ ngay. Cũng thế, một sinh viên muốn thi đậu và đậu thủ khoa trong trường Đại học, hay muốn trở thành bác sĩ, luật sư… cũng phải trải qua bao năm dùi mài kinh sử. Ngoài ra, những người bệnh cao huyết áp do có nhiều chất Cholesterol trong máu hay bị bệnh thừa cân béo phì… cũng phải theo chế độ ăn kiêng vất vả trong một thời gian dài mới có thể giảm cân và tránh bị đột quỵ. Còn các tín hữu chúng ta: Nếu muốn trở thành những người môn đệ của Chúa Giê-su và hy vọng sau này được về trời hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa, đòi chúng ta phải hy sinh từ bỏ theo lời dạy của Chúa Giê-su: “Ai đến với tôi mà không ghét bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Ghét bỏ trong câu nói của Đức Giê-su nghĩa là gì? : Vì tiếng Do thái không có thể văn so sánh hơn kém, nên người Do thái thường dùng lối văn song đối như: "yêu và ghét bỏ". Ghét bỏ chỉ có nghĩa là yêu ít hơn. Câu này tương đương với câu Chúa nói trong Tin Mừng Mat-thêu như sau: "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy" (Mt 10,37). Qua đó, Đức Giê-su đòi những ai muốn làm môn đệ của Người phải tôn Người lên hàng đầu, trên cả tình yêu dành cho người thân như: cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và trên cả mạng sống mình nữa. khi cần phải chọn một trong hai thì người môn đệ phải ưu tiên chọn Đức Giê-su.

b- Hai là phải vác thập giá mình mà theo Đức Giê-su: Thập giá ở đây được ví như một cây gậy đi đường rất hữu ích cho một vận động viên leo núi: Vì nếu không có cây gậy dò đường và chống đỡ thì họ sẽ dễ dàng bị mệt mỏi, chán nản bỏ cuộc nửa chừng và có thể còn bị tai nạn rơi xuống vực thẳm nữa. Nhờ biết bỏ đi những rào cản, người môn đệ mới dễ dàng vác thập giá mình mà theo Đức Giê-su.
Người tín hữu cần biết chấp nhận thập giá là các thử thách gặp phải như: Bị kẻ gian giật điện thoại, cướp xe cộ… chúng ta sẽ không quá buồn phiền. Hoặc khi có cha mẹ, vợ chồng hay người thân qua đời… Chúng ta cũng không quá đau buồn buông xuôi mọi sự. Khi làm ăn thua lỗ, thi rớt đại học, bị người yêu bỏ rơi… chúng ta cần bình tĩnh đón nhận, vác thập giá đó để nên môn đệ Đức Giê-su.

c- Ba là phải khôn ngoan và kiên trì theo Chúa đến cùng: Khôn ngoan suy tính xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi để theo Đức Giê-su hay không. Giống như một người muốn xây một cây tháp phải khôn ngoan suy nghĩ về khả năng tài chính của mình. Hoặc như một ông vua trước khi xuất chinh phải biết đánh giá tình hình để có quyết định phù hợp. Có thể sau khi đi theo Chúa nhiều người vẫn bị nản lòng bỏ Chúa khi găp hoàn cảnh khó khăn. Khi đó hãy nhìn gương của các tông đồ: ban đầu các ông theo Đức Giê-su là để hy vọng sẽ được chia sẻ quyền lực địa vị trong Nước Trời mà Người sắp thiết lập. Nhưng Đức Giê-su đã dần dần thanh luyện suy nghĩ của các ông. Nhưng phải đợi đến sau khi Chúa phục sinh, nhờ ơn Thánh Thần, các ông mới hiểu rõ điều kiện để đi theo làm môn đệ Chúa; và can đảm từ bỏ mọi sự. John Newton đã nói: "Những khổ sở mà đời ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nhỏ nó ra để mỗi ngày Người chỉ chất lên vai chúng ta một khúc thôi... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Thế nhưng, nhiều người lại không làm như vậy: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay, mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và cả của ngày mai. Nên họ đã không thể vác nổi !".

2) Chúng ta phải làm gì để nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su ? :

a) Mỗi ngày phải tập từ bỏ: Có những điều xấu chúng ta phải từ bỏ như: rượu chè, ma túy, trụy lạc... Tuy nhiên cũng có những điều tốt mà chúng ta vẫn phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn như: Bỏ nghề đang làm để làm nghề mới phù hợp với ơn gọi tu sĩ, chọn ngành học vừa hợp với khả năng lại vừa phù hợp với ơn Chúa kêu gọi... Từ bỏ thường làm ta tiếc nuối và phải có tinh thần hy sinh. Chẳng hạn: Từ bỏ chiếc giường êm ấm để thức dậy đi lễ sáng; Từ bỏ một cuốn phim hay đang xem trên Ti-vi để đọc kinh tối chung gia đình... Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều cơ hội chọn lựa. Bình thường, người ta dễ chọn cái tầm thường hơn điều cao cả; Chọn khoái lạc thấp hèn hơn là hạnh phúc vững bền; Chọn ích kỷ có lợi cho bản thân hơn chọn ích chung tập thể.

b) Phải dứt khoát chọn đi con đường hẹp: Từ bỏ chính là chọn vào Nước Trời ngang qua cửa hẹp cùng với Đức Giê-su. Đây là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ: Sự từ bỏ ở đây không phải chỉ cần làm một lần là đủ, nhưng phải không ngừng từ bỏ. Cần từ bỏ noi gương Đức Giê-su, Đấng đã từ bỏ trời cao để xuống trần gian, trở thành con loài người, tự nguyện sống nghèo khổ, sẵn sàng chịu chết đền tội thay loài người. Nhất là từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa Cha.

c) Phải quyết tâm từ bỏ thói xấu ích kỷ: Người môn đệ Đức Giê-su cần luôn sống vị tha bác ái, quên mình dấn thân phục vụ cộng đoàn, nhất là phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật và bị bỏ rơi… Sống yêu thương là dấu hiệu của người môn đệ đích thực của Đức Giê-su như Người đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

4. THẢO LUẬN:

1) Nếu phải từ bỏ tất cả những gì đang có như tiền bạc, địa vị, đam mê... để thành môn đệ Đức Giê-su, thì theo bạn, từ bỏ điều nào khó nhất ?
2) Khi người yêu thù ghét đạo công giáo, không muốn cử hành lễ hôn phối tại nhà thờ thì bạn sẽ làm gì?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã nhiều lần dạy chúng con rằng: Muốn trở thành môn đệ của Chúa thì chúng con phải từ bỏ ý riêng và vác thập giá là chu toàn việc bổn phận hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa ơi, đây quả thật là một điều cam go và không dễ thực hiện chút nào ! Bởi vì con cảm thấy dường như lúc nào cũng có những thập giá đè nặng trên vai con: bệnh tật, đau khổ, công việc, sự vất vả hy sinh, mất mát và thất bại... Xin giúp con sẵn sàng vác cây thập giá đời con, vì tin rằng chính Chúa cũng đang vác thập giá đi trước con và hằng ban ơn nâng đỡ, giúp con đủ sức vác thập giá đời mình đi theo Chúa đến trọn cuộc đời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 23C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
13:48 03/09/2019
Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 14: 25-33)
TỪ BỎ


Đám đông theo Chúa vào làng,
Nghe lời giảng dậy, ngỡ ngàng tiến thân.
Ai đi theo Chúa hiểu dần,
Bỏ cha bỏ mẹ, thanh bần hiến dâng.
Rời anh bỏ chị đỡ nâng,
Hy sinh mạng sống, xin vâng lời Thầy.
Vác mang thánh giá này đây,
Xứng danh môn đệ, theo Thầy truyền rao.
Người nào xây tháp đài cao,
Không ngồi tính toán, hết bao nhiêu tiền.
Mong sao hoàn tất trước tiên,
Không ai chế diễu, thập niên không thành.
Vua nào giao chiến tranh dành,
Đối phương mạnh mẽ, giao tranh làm gì.
Đem quân tiến đánh làm chi,
Chắc rằng thất bại, phòng khi rút về.
Cầu hòa hóa giải tư bề,
An bình dân nước, đề huề cả hai.
Muốn làm môn đệ thiên sai,
Rời buông của cải, trên vai thập hình.

Những đòi hỏi của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay thật quyết liệt. Chúng ta tự cảm thấy rất khó để có thể làm môn đệ của Chúa. Theo Chúa, chúng ta không thể có thái độ dửng dưng hay ba phải nửa chừng. Mà là một lựa chọn dứt khoát cho đời sống Kitô Hữu. Chúa Giêsu nói với những người theo Chúa: Nếu ai đến với Ta, mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Chúa đòi hỏi khó quá, nên Chúa có ít bạn và ít người muốn đi theo Chúa.

Trong xã hội xưa cũng như nay, người thủ lãnh nào cũng muốn có nhiều người theo mình. Họ thường khôn khéo mở ra nhiều hướng thuận lợi, hứa tương lai tốt đẹp, chia cho chức cao quyền trọng và phần thưởng tương xứng. Đối với Chúa Giêsu, khi mời gọi kẻ đi theo mình, Chúa không hứa ban cho giầu sang, quyền lợi mà là hứa sự từ bỏ và vác thánh giá theo Chúa. Thật là những điều không tưởng và quá khó khăn. Người không có lòng tin, có thể xem đây là một sự điên rồ.

Từ bỏ gia đình, cha me, anh chị em và mạng sống, thế là từ bỏ tất cả rồi. Chúng ta còn lại gì? Chúng ta còn lại thánh giá. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không nghi ngờ về sức mạnh của Thánh giá. Nhờ qua thánh giá, chúng ta biết được chí khí sắt đá của tình yêu dũng cảm nơi các vị tử đạo. Thánh Tôma Aquinas khi hướng nhìn lên thánh giá, đã tâm sự: Chỉ có mình Chúa đã đủ cho con và Tôma đã xác quyết: Tôi đã học hỏi nhiều nơi thánh giá hơn nơi sách vở.

Chúa Giêsu nói tiếp với các môn đệ: Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Nơi Thánh giá, chúng ta sẽ học được bài học yêu thương, tha thứ và khổ đau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta từ bỏ và vác thập giá theo Chúa. Nhìn chung quanh cuộc sống, nơi đâu chúng ta cũng có dấu vết của thánh giá. Đó là những đau khổ dằn vặt trong lương tâm, những sự hiểu lầm, những khích bác, những đau lòng mà không thể hé môi và những ngậm đắng nuốt cay. Thánh giá là những bệnh tật nơi thân xác, những phiền muộn trong tâm hồn, những bất công, bạo lực, chia rẽ và nghi ngờ của bạn bè thân nhân. Đó là những thánh giá chúng ta vác hằng ngày.

Thánh giá có trở thành giá cứu chuộc hay không, còn tùy thuộc chúng ta có biết vác thánh giá theo Chúa hay không. Nếu chúng ta ôm thánh giá với mối hận đời và hao mòn trong đau khổ mà không chia xẻ và không tháp nhập với những đau khổ thập giá của Chúa Kitô, thánh giá của chúng ta trở nên vô ích và nặng nề cho cuộc sống. Thánh giá nhẹ nhàng là khi chúng ta biết chấp nhận. Thánh giá mang vác với lòng yêu thương, nhẫn nhục và tha thứ, thì thánh giá sẽ trở thành nguồn sống an vui. Với sự yêu thương và tha thứ, Chúa Giêsu đã mang vác thánh giá tới đỉnh đồi Canvê và chịu chết trên thánh giá. Thánh giá sẽ dẫn tới vinh quang của sự phục sinh vinh hiển.

THỨ HAI, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 6-11).
KHÔ BẠI


Bàn tay khô bại liệt lào,
Hội đường giảng dậy, Chúa vào bên trong.
Những người Luật Sĩ quanh vòng,
Các thầy Biệt Phái, đồng lòng dõi theo.
Số người bệnh hoạn đói nghèo,
Đến xin Chúa chữa, tin gieo trong lòng.
Vào ngày Sa-bát hằng mong,
Cầu xin ân phước, theo dòng thời gian.
Các thầy cấm cản lời van,
Tỏ lòng thương xót, Chúa ban ơn lành.
Việc làm phúc đức thi hành,
Giúp người cứu chữa, việc lành thực thi.
Rộng lòng Chúa rất từ bi,
Người tay khô bại, ai bì tình thương.
Những ai khó chịu vô phương,
Chúa thương ban phúc, tựa nương bên Ngài.

THỨ BA, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 12-19).
CHỌN GỌI


Suốt đêm cầu nguyện cùng Cha,
Tìm người nhiệt huyết, đi ra rao truyền.
Chọn mười hai vị thành viên,
Trở thành nồng cốt, lo chuyên vào đời.
Truyền rao chân lý ngàn đời,
Si-mon anh cả, gọi mời dấn thân.
Vì yêu Chúa chọn thế nhân,
Những người khiêm nhượng, canh tân cuộc đời.
Có người yếu đuối rụng rơi,
Giu-đa phản bội, đã rời Chúa đi.
Đám đông dân chúng phụ tùy,
Từ xa muôn lối, cùng quy tụ về.
Chữa lành bệnh hoạn bến mê,
Xua trừ ma quỷ, đưa về sống chung.
Tạ ơn Thiên Chúa vô cùng,
Yêu thương cứu chữa, bao dung tấm lòng.

THỨ TƯ, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 20-26).
CHÚC PHÚC


Phúc thay nghèo khó ở đời,
Nước Trời chiếm đoạt, cho người tin yêu.
Phúc ai đói khát thiên triều,
No đầy hoan hỉ, lãnh nhiều ân thiêng.
Phúc người khóc lóc tội khiên,
Vui cười hớn hở, cõi thiên tìm về.
Người đời thù ghét tư bề,
Loại trừ phỉ báng, lời thề tín trung.
Reo mừng đón nhận bao dung
Chúa ban phần thưởng, thiên cung rạng ngời.
Khốn thay giầu có ở đời,
No nê đầy đủ, mọi thời vui say.
Vui tươi sảng khoái chốn này,
Mọi người ca tụng, hằng ngày thỏa thuê.
Công bình phân xử đuề huề,
Sáng danh Thiên Chúa, hưởng quê Nước Trời.

THỨ NĂM, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 27-38).
THƯƠNG XÓT


Thi hành giới luật tình thương,
Làm ơn kẻ ghét, yêu thương kẻ thù.
Nguyện cầu chúc phúc đền bù,
Còn ai vu khống, xin tu, đừng phiền.
Ai mà vả má luân phiên,
Đưa thêm má trái, chịu liền thiệt thân.
Áo ngoài họ lột từng phần,
Áo trong đừng cản, ở trần hy sinh.
Ai đòi lấy của riêng mình,
Xin đừng đòi lại, giữ tình bà con.
Thực hành yêu mến vẹn tròn,
Điều gì con muốn, sắt son cho người.
Chúa thương mưa xuống cho đời,
Người hiền kẻ ác, gọi mời yêu thương.
Đừng nên xét đoán vô thường,
Thứ tha lỗi phạm, mở đường tội nhân.

THỨ SÁU, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 39-42).
MÙ QUÁNG


Kẻ mù dẫn dắt người đui.
Cả hai rơi hố, biết lui đường nào.
Môn đồ kính trọng kẻ cao,
Tín trung hiếu nghĩa, tự hào trò ngoan.
Tông đồ học hỏi lo toan,
Tu thân hoàn hảo, chu toàn bản thân.
Mắt nhìn cái rác cận lân,
Cái đà không thấy, ở gần bên ta.
Để tôi lấy rác này ra,
Cái đà to tướng, trong xa mắt mình.
Giả hình giấu diếm vô tình,
Lỗi mình vấp phạm, chớ khinh tội người.
Xét mình đấm ngực mọi thời,
Ăn năn sám hối, từng lời dối gian.
Chúa thương giáo dục bảo ban,
Thứ tha tội lỗi, bình an tâm hồn.

THỨ BẢY, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 43-49).
HOA TRÁI


Trồng cây mong trái trổ sinh,
Cây nào tươi tốt, hoa xinh trái vàng.
Loại cây trái xấu trong hàng,
Sinh ra đèo đọt, bẽ bàng đừng lo.
Trái thơm chín ngọt thơm tho,
Bỏ công vun tưới, vườn nho xanh rì.
Lòng người nhân đức từ bi,
Sinh hoa kết qủa, thực thi giới điều.
Ngước nhìn thượng giới cao siêu,
Thành tâm tu luyện, thiên triều ước mong.
Thực hành đức ái tinh trong,
Nghe lời Chúa dậy, giữ lòng kiên trung.
Xây nhà trên đá nền khung,
Mưa to gió lớn, vững cùng thời gian.
Lắng nghe lời dạy khôn ngoan,
Hoàn thành sứ mệnh, trao ban trong đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Thánh long trọng nhìn nhận phép lạ ngoạn mục, y khoa không thể giải thích tại đền thánh Đức Mẹ Knock
Đặng Tự Do
22:00 03/09/2019
Hôm Chúa Nhật 1 tháng Chín, Đức Tổng Giám Mục Michael Neary của tổng giáo phận Tuam long trọng tuyên bố trước cộng đoàn các tín hữu đứng chật đền thánh Đức Mẹ thành Knock, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm vào năm ngoái 2018, như sau:

Hiệp với linh mục chính xứ, là Cha Richard Gibbons, tôi gởi lời chào huynh đệ đến Đức Giám Mục Francis Duffy và tất cả những người hành hương từ Giáo phận Ardagh và Clonmacnois, các tín hữu, tu sĩ và linh mục đến đây từ các nơi khác; cũng như các người hành hương đến từ toàn cõi Ái Nhĩ Lan và xa hơn nữa.

Tôi dành một sự chào đón rất đặc biệt cho Marion Carroll, chồng của cô ấy Jimmy và gia đình. Như anh chị em đã biết, ba mươi năm trước nhân dịp hành hương này, Marion đã được chữa lành tại đây tại Đền thờ Đức Mẹ này.

Hôm nay, trước sự chứng kiến của Đức Cha Francis Duffy, Giám Mục Giáo phận Ardagh và Clonmacnois, Marion Carroll và gia đình, Giáo Hội Công Giáo long trọng chính thức thừa nhận rằng đây là một phép lạ không có bất kỳ luận cứ y khoa nào có thể giải thích cho sự chữa lành này và kêu gọi các tín hữu tham gia trong lời cầu nguyện, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa.

Trong những tình huống này, Giáo hội phải luôn luôn thận trọng. Điều này được chứng minh bằng thực tế rằng ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi biến cố này diễn ra, và trong suốt thời gian dài như thế các kiểm tra của Cục Y tế đã chứng minh rằng không có lời giải thích y khoa nào cho việc chữa lành này.

Trong sứ vụ nơi dương thế, Chúa Giêsu thường xuyên đáp lại các lời cầu xin chữa lành được đưa ra trong đức tin. Tại đây, tại Đền thờ tráng lệ ở Knock này - được vinh danh bởi những chuyến viếng thăm của hai vị giáo hoàng - là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và bởi những người khác như Thánh Teresa thành Calcutta, rất nhiều người hành hương đã “trải nghiệm sâu sắc sự gần gũi với Chúa” trong Nhà nguyện Hòa Giải, trong các Bí tích xức dầu bệnh nhân, các thánh lễ và các giờ chầu Thánh Thể. Tất cả những khoảnh khắc đầy ân sủng này, thường giúp hàn gắn các mối quan hệ - mối quan hệ của người hành hương với Thiên Chúa, với người khác và với chính họ. Trong những tình huống này, sự chữa lành diễn ra theo nhiều cách khác nhau; mọi người được kích hoạt và khuyến khích mang thập giá của cuộc sống với hy vọng trong trái tim họ.

Đây là nơi ân sủng của Thiên Chúa, thường được kêu cầu qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, cho phép người hành hương trỗi dậy từ đây, và ra đi thực hiện lệnh truyền của Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt. 22: 37-39)

Lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục được đưa ra giữa tiếng khóc nức nở vì cảm động của bà Marion Carroll, là người đã được Đức Mẹ chữa lành, và tiếng vỗ tay reo mừng của cộng đoàn.

Phép lạ diễn ra cho Marion Carroll rất ngoạn mục vì giống hệt như các phép lạ chính Chúa Giêsu đã thực hiện như được tường thuật trong Kinh Thánh. Người được chữa lành tức khắc khỏi bệnh một cách triệt để đứng dậy và đi lại ngay lập tức như một người bình thường.

Marion Carroll đã được đưa đến đền thờ trên một chiếc cáng vào ngày 1 tháng Chín, năm 1989 vì bệnh đa xơ cứng, các bác sĩ đã bó tay, và chỉ cho bà uống các liều thuốc giảm đau trong khi chờ chết.

Marion Carroll, lúc đó đang ở lứa tuổi 30, đã thưa với Đức Mẹ trong một lời cầu nguyện mà cô nói rằng “không giống ai”. Cô nói với Đức Mẹ rằng:

“Đức Mẹ cũng là một người mẹ và Mẹ biết con cảm thấy thế nào khi phải lìa bỏ chồng và con mình.”

Marion Carroll nói với cộng đoàn rằng:

“Đó không phải là một lời cầu nguyện, cũng chẳng phải là một lời tuyên bố, nhưng đó là một người phụ nữ đang trò chuyện với một người phụ nữ khác.”

“'Ngay lúc đó tôi có cảm giác rất tuyệt vời - một cảm giác thật lạ như có một làn gió thì thầm nói với tôi rằng tôi đã được chữa khỏi. Tôi có một cảm giác thật tuyệt vời như có ai nói với tôi rằng tôi có thể đứng dậy và bước đi.”

Và Marion Carroll trỗi dậy bước đi. Những người khiêng cáng là những người đầu tiên há hốc mồm trước một phép lạ nhãn tiền trước mắt họ.

Người đứng đầu Văn phòng Y tế tại đền thờ Knock, Tiến sĩ Diarmuid Murray, nói với RTÉ News rằng phải mất 30 năm để xác định rằng không thể giải thích về mặt y khoa cho việc chữa lành ngoạn mục này. Đồng thời cần phải có thời gian để có thể khẳng định rằng phép lạ là triệt để, chữa lành hoàn toàn, và bệnh nhân không mắc trở lại bệnh cũ.

“Trong những tình huống như thế này, Giáo hội phải luôn luôn thận trọng. Phép lạ này được chứng thực và được công nhận bởi thực tế là ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi điều này diễn ra, và trong suốt thời gian này các kiểm tra của Cục Y tế chứng minh rằng không có lời giải thích nào về mặt y khoa cho việc chữa lành này.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm đền thánh Đức Mẹ Knock vào năm 2018 khi ngài viếng thăm Ái Nhĩ Lan. Đây là lần thứ hai một vị giáo hoàng đến cầu nguyện nơi 15 người đã được nhìn thấy Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Gioan Tiền Hô vào ngày 21 tháng 8 năm 1879. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đến thăm Knock vào năm 1979.

Đức Cha Francis Duffy, Giám Mục giáo phận Ardagh và Clonmacnois, là giám mục bản quyền của bà Marion Carroll, đã dẫn đầu cuộc hành hương của giáo phận đến đền thờ trong năm nay.

Ngài cho biết như sau:

“Từ lâu tôi đã xác tín không chút nghi ngờ nào là bà Marion đã được chữa lành khỏi căn bệnh hiểm nghèo khi đi hành hương ở nơi linh thiêng này.”

Đức Cha Duffy lưu ý rằng trong giáo phận của ngài có rất nhiều người đến Knock và đã được chữa lành về thể xác, tinh thần và tâm hồn. “Trường hợp của bà Marion là trường hợp được Giáo Hội chính thức công nhận, nhưng chắc chắn còn rất nhiều các phép lạ khác đã xảy ra,” ngài nói.


Source:Crux
 
Giới thiệu đất nước và Giáo Hội Công Giáo Maritius
Thanh Quảng sdb
03:09 03/09/2019
Giới thiệu đất nước và Giáo Hội Công Giáo Maritius

Người Hòa Lan đã mang ánh sáng Phúc âm Kitô giáo đến cho dân chúng Mauritius, nhưng người Hòa Lan lại rút khỏi đảo quốc vào năm 1710. Người Pháp đưa Kitô giáo trở lại khi họ đến hòn đảo này vào năm 1715. Từ năm 1723, một đạo luật theo đó tất cả những người nô lệ đến đảo phải được rửa tội theo Công Giáo, dù Luật này không bị bắt buộc nghiêm ngặt.
Lễ hội của người Maritius

Vào tháng 12 năm 1810, 11,500 binh sĩ Anh trên 70 chuyến thuyền đã khởi hành từ Rodriges phía bắc của Ille Pháp quốc đến để giải thể hòn đảo này khỏi ách thống trị của người Pháp và biến hòn đảo này thành căn cứ quân sự để mở rộng bờ cõi đế quốc về các vùng Ấn Độ dương… Các lực lượng Anh cho phép binh lính Pháp được rút quân trong trật tự và cho phép những người định cư được ở lại. Để trấn an cư dân, Người Anh đã cam kết giữ luật pháp về đất đai, tôn giáo, phong tục, ngôn ngữ và tài sản. Sau khi người Anh chiếm đóng được Mauritius từ tay những người Pháp thì họ đã nỗ lực đem Tin lành vào Mauritius trong những năm 1840 và 1850.

Theo một tài liệu rất cổ xưa thì Kitô giáo là tôn giáo đầu tiên của quốc đảo này và là tôn giáo cho cả người Creole và người da trắng, với hơn 80% là người Mauritius gốc Hoa và người Mauritius gốc Pháp… dù có đôi nét thực hành tôn giáo khác biệt một chút tùy theo truyền thống nguồn gốc bản địa, ví dụ như cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latin hay ngôn ngữ địa phương.
Các thống kê về tín ngưỡng Kitô giáo theo cuộc điều tra dân số tôn giáo vào năm 2011 thì
Ấn Độ giáo chiếm 48%, Công Giáo La Mã 26%, Hồi giáo 17%, những người tin vào Chúa Kitô thuộc các giáo khác 6% như Cơ Đốc Phục Lâm, Anh giáo, Ngũ Tuần, Trưởng Lão, Tin Lành, Nhân Chứng Giê-hô-va, Các Thánh Hữu Phục lâm… và các tôn giáo khác chiếm 3% như Phật giáo và Đa thần
Người Công Giáo La Mã đa số sinh sống tại Port Louis và đảo Coleues. Giáo phái Tin lành Cải cách ở Mauritius bắt nguồn từ năm 1598 do người Hòa Lan; còn Tin lành phái Tư Tế (Presbyterian) ở Mauritius được thừa kế từ người Tô Cách Lan, Pháp và Thụy Sĩ. Công Giáo La Mã do người Pháp mang vào năm 1721.

Giáo Hội Công Giáo ở Maritius là thành viên của Hội đồng Giám mục Ấn Độ Dương. Giáo hội tại Maritius có 47 giáo xứ được cai quản bởi 97 linh mục... Giáo hội Anh giáo ở Mauritius được người Anh đưa vào đảo quốc từ năm 1810, và cũng là một thành viên của Ấn Độ Dương với 16 giáo xứ và 12 linh mục trông coi. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm được thành lập từ năm 1914 và Nhân chứng Jehovah vào năm 1950 và Hội chúng của Thiên Chúa (Assembly of God) vào năm 2000.

Các chính sách của chính phủ
Mauritius giành được độc lập vào năm 1968 và không có môt tôn giáo nào là quốc giáo ở Mauritius được quy định theo hiến pháp. Quốc gia này không có dân bản địa cũng như một bộ lạc hay tôn giáo nào độc tôn! Các tổ chức tôn giáo có mặt tại thời điểm độc lập, cụ thể là Giáo Hội Công Giáo La Mã, Giáo hội Anh, Giáo hội Trưởng lão, Cơ đốc phục lâm, Ấn giáo và Hồi giáo được luật pháp quốc gia quốc hội thông qua. Hiến pháp và các luật đều bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Các nhóm được chính phủ công nhận trước khi độc lập đều nhận được một khoản tiền trợ cấp hàng năm cho việc phục vụ các tín hữu của Giáo hội. Chính phủ cho phép các nhóm truyền giáo ở nước ngoài vào hoạt động nhằm phục vụ lợi ích cho dân chúng và góp phần làm phồn vinh đất nước.
Các nhà truyền giáo được cấp giấy phép cư trú và làm việc để hoạt động, với thời hạn tối đa là ba năm và không cần gia hạn lại... Có nhiều ngày lễ của chính phủ, phù hợp với các tôn giáo cho thấy sự thống nhất của chính phủ và các tôn giáo. Theo Công ước Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2012 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố, thì không có trường hợp lạm dụng tôn giáo. Báo cáo cũng cho hay giữa các tôn giáo thì nhân viên trong chính quyền theo Ấn giáo chiếm đa số trong chính phủ. Chính Ấn giáo cũng đã có một chính sách thích nghi rất hiện đại.
Nhà thờ chính tòa thánh Louis ở Maritius

Giáo Hội Công Giáo
Nhà thờ lớn và lâu đời nhất ở Mauritius là Nhà thờ Thánh Louis ở Port-Louis, được xây dựng bởi người Pháp vào thế kỷ 18, nhà thờ đã bị một cơn bão vào đầu thế kỷ 19 tàn phá. Nhà thờ được xây dựng lại vào năm 1925 và nới rộng ra với hai cây tháp vào năm 1932. Một giếng phun nước được xây dựng vào năm 1786 do Thống đốc Vicomte de Souillac và một bức tranh sơn dầu lớn mô tả sự tạo dựng được thánh kinh diễn tả, được họa sĩ A. Richard vẽ vào năm 1855.
Môt nhà thờ cổ xưa khác là thánh đường thánh Giacôbê (St. James), xây rất kiên cố với những bức tường dầy cả 2 mét tại mũi Poudriere, nơi vẫn được coi là điểm hấng các cơn lốc xoáy! Rồi nhà thờ thánh Anrê (St. Andrew) được xây cất vào năm 1851 và nhà thờ thánh Gioan (St. Johns) xây vào năm 1856 tại Port Louis là những nhà thờ nổi bật được xây dựng bởi Patrick Beaton, vị linh mục đầu tiên của Giáo hội Tôi Cách Lan (Scotland) ở Mauritius.
 
50,000 người tham dự lễ kỷ niệm những vị tử đạo bị tàn sát tại Kandhamal, Ấn Độ năm 2008.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
09:32 03/09/2019
Khoảng 50.000 người đã tham dự lễ kỷ niệm cuộc tàn sát Kitô hữu tại Kandhamal, Ấn Độ ngày 29.8.2008. Đối với một người sống sót, "Các vị tử đạo truyền cảm hứng cho chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô".

Để đánh dấu dịp này, Tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar đã tổ chức các nghi lễ trong bốn hạt để tưởng nhớ những người đã mất mạng vì không từ chối đức tin Kitô giáo. "Thiên Chúa đã tạo dựng con theo hình ảnh mình và giống như ngài. Đây là lý do tại sao mọi hành động bạo lực vô nhân đạo đối với các thành viên tôn giáo thiểu số thực sự đáng buồn và đáng tiếc", Cha Pradosh Chandra Nayak, Tổng Đại diện Tổng giáo phận nói. "Sợ hãi và đe dọa, lo lắng và ưu phiền, đau thương và đau đớn vẫn còn mới", ngài nói thêm.

Vào tháng 8 năm 2008, những người Hindu cực đoan đã tung ra cuộc tàn sát tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ gần đây để chống lại các Kitô hữu. Khi mọi chuyện đã kết thúc, 120 người đã chết, 56.000 người đã bị buộc phải chạy trốn, 12.000 trẻ em phải di dời đã bị đình chỉ học tập, 40 phụ nữ đã bị hãm hiếp (bao gồm nữ tu Meena Barwa, cháu của Đức Tổng Giám Mục John Barwa hiện tại), và 8.000 ngôi nhà đã bị đốt cháy hoặc bị cướp phá trong 415 ngôi làng. Huyện Kandhamal bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Vào ngày 29 tháng 8, khoảng 3.000 Kitô hữu đã tập trung tại giáo xứ Đức Mẹ Bác Ái ở Raikia, một trong những ngôi làng bị những kẻ cực đoan tấn công. Một thánh lễ tưởng niệm đã được tổ chức không chỉ cho các Kitô hữu tử đạo vì đức tin của họ, mà còn cho các nạn nhân của các hành vi bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng, mà Ngày Tưởng niệm Quốc tế đầu tiên được tổ chức vào ngày 22 tháng 8.

"Hôm nay chúng ta nhớ đến các nạn nhân và những người sống sót”, ông Paul Pradhan, một trong những người sống sót sau bạo lực giáo phái ở Kandhamal, “Bằng cách này, chúng ta có thể thể hiện tình liên đới với các vị tử đạo đã can đảm đối mặt với sự bắt bớ và cái chết vì đức tin của họ vào Chúa Kitô. Chúng ta không thể quên các vị tử đạo đã truyền cảm hứng và thúc đẩy chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô, bất chấp sự bắt bớ và đe dọa đến cái chết.”

Bipro Charian Nayak, chủ tịch hiệp hội của những người sống sót, phá vỡ bầu không khí không khoan dung đối với người Kitô giáo thiểu số. "Chúng tôi không thể chấp nhận sự thù hận chống lại Kitô hữu được truyền bá bởi những kẻ cực “đoan ở Ấn Độ, ông nói. Theo quan điểm của ông, “Tất cả các chính phủ có nhiệm vụ truy tố những người có hành vi bạo lực và phải lên án cuộc đàn áp nhân danh đức tin ở Ấn Độ, một quốc gia thế tục.”

Hơn thế nữa, “Tự do tôn giáo là một quyền cơ bản. Mọi người đều có quyền tự do lựa chọn và sống đức tin của mình. Chúng tôi yêu cầu tất cả các chính phủ bảo vệ quyền không thể thay đổi này và các nhóm thiểu số của đất nước. "

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: asianews.it
 
Nhận định đáng sợ của Giáo Sư Tim Stanley. Sau Đức Hồng Y Pell là đến ai?
Đặng Tự Do
18:47 03/09/2019
Tim Stanley là giáo sư lịch sử tại Đại Học Cambridge, bên Anh Quốc. Ông cũng là một ký giả chuyên nghiệp trên tờ Daily Telegarph của Anh. Hôm 29 tháng Tám, ông có bài

“First they came to Pell.. then”, “Trước tiên họ tính sổ Đức Hồng Y Pell ..sau đó là.”

Tại sao nhiều người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell đã từng phạm vào tội lạm dụng trẻ em? Có kẻ nhếch mép cười ruồi “đồng hội đồng thuyền với nhau thôi mà”. Ông ta là một người trong số họ, vì thế họ bảo vệ ông ta.

Không phải thế. Người Công Giáo đã rất nhiều lần phải làm quen với ý tưởng giáo sĩ lạm dụng trẻ em và chúng ta sẵn sàng kết án kẻ có tội vào tù. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Hồng Y George Pell, một lý do trong sự phản đối của người Công Giáo là mối quan tâm truyền thống, phi giáo phái đối với công lý – đó là nếu bạn kết án một con người vì một tội ác khủng khiếp như vậy, bạn phải chắc chắn rằng người ấy có tội.

Những người buộc tội Đức Hồng Y Pell nói rằng sau một trong các Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại nhà thờ chánh tòa của ngài với tư cách tổng giám mục mới của Melbourne, ngài đã tách ra khỏi đám rước kết lễ, vội vã trở lại phòng áo, thấy hai cậu bé ca viên ngài chưa bao giờ gặp mặt trước đây, tấn công tình dục họ một cách lộ liễu trong khi vẫn mặc đầy đủ áo lễ như lúc cử hành Thánh Lễ, trong thời gian đó, cánh cửa phòng áo mở toang, nhà thờ chính tòa vẫn đầy người đi lại quanh quẩn, và các người giúp lễ và các người giữ phòng áo đang đi qua lại từ thánh đường đến các phòng áo lễ.

Trước khi qua đời vào năm 2014, một trong hai cậu bé đã xác nhận với mẹ mình rằng anh ta “chưa từng bị bất cứ ai quấy rối hay sờ mó”. Tất cả điều này đã khiến 10 trong số 12 bồi thẩm viên tại phiên tòa đầu tiên bỏ phiếu trắng án cho vị Hồng Y. Tuy nhiên, tại tòa tái thẩm, bồi thẩm đoàn đã bỏ qua sức nặng to lớn của các bằng chứng ngoại phạm và đã bỏ phiếu vào tháng 12 để kết tội ngài giữa bầu không khí cuồng loạn chống Công Giáo.

Hai thẩm phán tại tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án. Tuy nhiên, một trong những thẩm phán kháng cáo đã bất đồng quan điểm - và ý kiến của ông chứa đựng một số quan sát thú vị về cách thức đưa ra phán quyết.

Như Ông Mark Weinberg, vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, việc kết án Đức Hồng Y chỉ dựa đơn thuần vào các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất, trong đó “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể buộc tội hoàn toàn trên cơ sở không bằng không chứng của một người về một sự kiện đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Nhưng đó thật sự là những gì đã diễn ra tại Australia như xác nhận của Thẩm phán Weinberg:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell phạm tội vì bạn càng hiểu cách một nhà thờ hoạt động, những gì một tổng giám mục làm, thì những lời buộc tội của phía công tố càng kém tin cậy. Trước hết là rượu lễ của nhà thờ được giữ trong một két an toàn; và Hồng Y Pell không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà sự vắng mặt của ngài không ai hay biết; các nhân chứng tuyên thệ trước tòa là điều này không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.

Người Công Giáo có những lý do khác để có những nghi ngờ hợp lý. Lịch sử của chúng ta tràn ngập các giáo sĩ đi tù vì niềm tin của mình; và đối với hầu hết những người Công Giáo quen biết Đức Hồng Y Pell, cảm mến sự thánh thiện của ngài, thì ngài rõ ràng nằm trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Pell, cho đến nay, vẫn là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican. Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác. Ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục đang phát động một cuộc chiến chống tôn giáo qua hàng loạt các chiến dịch mà đáng chú ý nhất là việc buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín Tòa Giải Tội.

Ủy ban Hoàng gia trong giai đoạn 2013-17 về Phản Ứng Của Các Định Chế Đối Với Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em tập trung phần lớn sự chú ý vào việc tạo ra một ấn tượng rằng Giáo Hội gần giống như một tổ chức tội phạm bao che cho nhau để bảo vệ các thành viên khỏi bị truy tố về tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Ngay trước khi Hồng Y Pell bị tuyên án tờ The Independent chạy hàng tít lớn “Giáo Hội Công Giáo hết thời rồi”. Như thế đã rõ là qua vụ kết án Đức Hồng Y, những lực lượng siêu thế tục tại Úc đang muốn triệt hạ Giáo Hội Công Giáo mà Đức Hồng Y Pell và một biểu tượng.

Nhiều người Công Giáo tại Úc đang tự hỏi: Sau Đức Hồng Y Pell là đến ai?


Source:Catholic Herald
 
Phán quyết của chánh án Weinberg về kháng cáo của ĐHY Pell: Tóm tắt các lý lẽ của Công tố và bên bào chữa
Vũ Văn An
20:09 03/09/2019
Tóm tắt các lý lẽ của công tố và bào chữa

584 Từ bản tóm tắt các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa này, người ta có thể thấy rằng, như tôi đã nói nhiều lần, lý lẽ của công tố hoàn toàn dựa trên bằng chứng của người khiếu nại. Bất chấp sự kiện không có sự hỗ trợ độc lập nào cho trình thuật của người khiếu nại, công tố vẫn đã dựa vào sự khả tín và có thể tin cậy của ông này để thuyết phục bồi thẩm đoàn, quá sự nghi ngờ hợp lý, về tội lỗi của đương đơn.

585 Lý lẽ của bên bào chữa, mặt khác, thực tế là phức tạp. Ở một mức độ đáng kể, nó bao gồm sự kết hợp các bằng chứng được đưa ra bởi một số nhân chứng chủ chốt (Portelli và Potter, và ở mức độ thấp hơn, McGlone) cũng như bằng chứng của khoảng 20 nhân chứng khác, tất cả đều được mời bởi công tố theo yêu cầu của bên bào chữa.

586 Portelli và Potter cả hai đều nói rằng họ có một ký ức rõ ràng và chuyên biệt về cả hai ngày duy nhất vào tháng 12 năm 1996, trong đó biến cố đầu tiên có thể xảy ra. Bằng chứng của họ bác bỏ khả thể có thể xảy ra trong bất cứ điều gì dù là xa xôi giống như trình thuật của người khiếu nại. Bằng chứng của McGlone, nói chung, ủng hộ bằng chứng được đưa ra bởi Portelli và Potter, mặc dù nó có phạm vi hạn chế hơn, giới hạn vào một trong hai ngày đó.

587 Ngoài ra, còn có bằng chứng của nhiều nhân chứng đã chứng thực về các vấn đề thực tế, được các nhà bình luận mô tả là ‘thói quen và tập tục’ (Mallinson, Cox, Finnigan, Connor, hai người thuộc gia đình Dearing, Parissi và Bonomy). Bằng chứng của họ, nếu được chấp nhận, có xu hướng mạnh mẽ phủ nhận trình thuật của người khiếu nại, mặc dù không trực tiếp như bằng chứng của Portelli, Potter và McGlone.

588 Tất nhiên, cũng có những bằng chứng khác nghi ngờ lý lẽ của công tố. Có bằng chứng tin đồn về người mẹ của cậu bé kia, vì cậu ta đã phủ nhận việc bị lạm dụng tình dục tại Nhà thờ Chính tòa trong khi là thành viên của ca đoàn. Có một tuyên bố về các sự kiện đã được thống nhất, tuyên bố, mà khi tôi đọc nó, không có cách chi có lợi cho lý lẽ công tố. Cuối cùng, có việc ghi chép cuộc phỏng vấn đương đơn, trong đó ông phủ nhận việc phạm các vi phạm được cáo buộc chống lại ông.

Kỳ tới: Cơ sở 1 - phán quyết của bồi thẩm đoàn không hợp lý hoặc không thể được chống đỡ bằng các bằng chứng
 
Đức Thánh Cha Phanxicô phó thác chuyến Tông du thứ 31 của mình cho Đức Maria
Thanh Quảng sdb
22:36 03/09/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô phó thác chuyến Tông du thứ 31 của mình cho Đức Maria

Vào sáng thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Vương cung thánh đường Đức Bà Cả như thông lệ của ngài trước mỗi chuyến tông du, để phó thác chuyến tông du thứ 31 này cho bàn tay yêu thương chở che của Mẹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trước bàn thờ Đức Mẹ phù trì dân thành Roma, dâng cho Mẹ cuộc hành trình tông du thứ 31 của mình đến Mozambique, Madagascar và Mauritius.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Rome vào sáng thứ Tư 4/9 để tới Maputo, Mozambique vào buổi tối, nơi đây ngài được chào đón chính thức và ngài sẽ dành trọn ngày thứ năm và thứ sáu thăm viếng Maputo.
Vào chiều thứ Sáu, ngài sẽ đáp máy bay đến Antananarivo, Madagascar, và sẽ ở lại đây đến tối Chúa Nhật.
Sáng thứ Hai 9/9/19, Đức Thánh Cha sẽ đến Cảng Vua thánh Louis ở Mauritius để thăm viếng và rồi kết thúc chuyến tông du và trở lại Rome vào thứ ba 10/9/2019.
 
Top Stories
Pope Francis announces the appointment of 13 cardinals, including the Archbishop of Jakarta
Églises d'Asie
10:02 03/09/2019
Bishop Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Archbishop of Jakarta and President of the Indonesian Episcopal Conference, will be appointed cardinal by Pope Francis to the Vatican at a ceremony to be celebrated on 5 October. The archbishop of Jakarta is also bishop of the Military Ordinariate of Indonesia and a member of the Congregation for the Evangelization of Peoples. Born in 1950, ordained a priest in 1976 and bishop in 1997, he was transferred to Jakarta as coadjutor bishop in 2009, then named archbishop on June 29, 2010. The origin of the thirteen new cardinals - ten of whom are under 80 years and join the cardinal electors - expresses the missionary vocation of the Church, said Pope Francis announcing the appointment.

Pope Francis announced thirteen new cardinals, including Bishop Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Archbishop of Jakarta. Bishop Suharyo, who is also president of the Indonesian Episcopal Conference, is the only Asian bishop among the new cardinals. The pope made the announcement after the prayer of the Angelus, the 1 st September at the Vatican. The other twelve new cardinals come from North America, Central America, Africa and Europe. They will be appointed by Pope Francis on October 5th. "Their origins express the missionary vocation of the Church, which continues to proclaim the merciful love of God for all men on earth,"said the Holy Father. The elevation of 69-year-old Bishop Suharyo to the rank of Cardinal makes him the third Indonesian to wear the red cap - the former being Cardinal Julius Darmaatmadja, Jesuit, Archbishop Emeritus of Jakarta, appointed Cardinal in 1994. Bishop Suharyo, having less than 80 years old, joins the ranks of the cardinal electors, who will be able to participate in the conclave in case of election of a new pope. In addition to the presidency of the Bishops' Conference, the Archbishop of Jakarta is also bishop of the Military Ordinariate of Indonesia, and a member of the Congregation for the Evangelization of Peoples.

Born in Bantul, Yogyakarta, on July 9, 1950, he was ordained a priest on January 26, 1976, and became bishop on August 22, 1997. He was transferred to Jakarta as coadjutor bishop in 2009, and he was was appointed Archbishop on June 29, 2010. "I thank God for the confidence and love of Pope Francis towards the Catholic Church in Indonesia, by appointing Bishop Ignatius Suharyo as Cardinal," said Father Vincentius Adi Prasodjo, Secretary of the Archdiocese of Jakarta, in a statement. "He is a passionate pastor, not only for Catholics but also for all the faithful of other religions. He knows how to put at ease all those who communicate with him ",he added. Ahmad Syafii Maarif, former head of Muhammadyah, the second largest Islamic organization in Indonesia, sent congratulations to the archbishop of Jakarta. "This is an extraordinary gift that the pope makes to the Indonesian people," he greets in a video message. Hargo Mandirahardjo, president of the Association of Indonesian Catholic Intellectuals (ISKA), also welcomed the new appointment. "It's a joy for the entire Catholic Church in Indonesia. "

(Ssource: Églises d'Asie - le 03/09/2019, With Ucanews, Jakarta)
 
Malaysian Bishops Celebrate Diversity on Independence Day
Églises d'Asie
10:05 03/09/2019
In a letter addressed to all Malaysians, the nine Catholic bishops of Malaysia wanted to mark the "Hari Merdeka", the national holiday that commemorates, on August 31, the Declaration of Independence (1957) and the formation of Malaysia ( 1963). In their letter, the bishops celebrate Malaysia's ethnic, cultural and religious diversity, reminding Malaysians that religions are meant to enrich a nation and not be used as a dividing force. The population of Malaysia is made up of almost 32 million people, of which over 60% are Muslims and only 4% are Christians. Despite the small minority of Christians, the bishops insist on inviting the faithful to "build bridges" and to act for the unity of the country.

The nine Malaysian bishops have issued a letter celebrating Malaysian diversity, a multi-ethnic, multicultural and multi-religious nation, reminding Malaysian citizens of the profound meaning of Hari Merdeka, the national holiday that commemorates, on August 31, the Declaration of the Independence (1957) and the formation of Malaysia (1963). In their letter, the bishops warn Malaysians against various ills that threaten the country,"Especially those who seek to favor one community over the other, attacking the very fabric of our society". "Religious beliefs are meant to enrich a nation, but unfortunately, they are often used as a dividing force. It is a counter-testimony and a distortion of the truth that is at the heart of all religious faith. It is disturbing to see that people get away with saying things on the edge of incitement to hatred, while those who denounce this situation are persecuted, " the bishops continue.

"Why has our society become so divided? When the authorities and the various communities spend all the time and their energy arguing and calling for hatred and mistrust, what is the example they are showing for the new generation? What kind of society are we giving birth to? " Malaysia's population is made up of almost 32 million people, including more than 60% Muslim. In everyday life, the boundaries between the various ethnic and religious communities are clearly defined, and identity politics play an influential role. Catholics make up only 4% of the population, but bishops emphasize the importance of their civic engagement."As Christians, our faith is not just about praying and doing good deeds. We are called to build bridges, not walls. Whether in politics, in interethnic relations, in the face of economic crises or family or community disputes, we must be peacemakers, to find common ground and foster a respectful dialogue , " the bishops ask.

Building unity in diversity

"The decisions and choices we make every day as Christians must reflect our ongoing commitment to Malaysia, with its uniqueness and diversity. We must all play a role in contributing to the building of our country - and this is reflected in building strong bonds of unity between different denominations and ethnicities, ensuring that justice is the basis of our society, " insisted. they."Let's avoid accusing or slandering Malaysians of other origins or denominations. How many times have we been suspicious or judged against people who do not share our faith? We must take the initiative to create greater unity for the good of our country, by refusing to participate in the destruction of the very structure of our diversity. " In conclusion, the bishops ask:"In the face of those who make false accusations against us, do not react negatively. Through our actions, we can be the ray of light that allows others to see Christ through us. Similarly, we must also learn to trust, to build unity and to walk together with our Malaysian brethren, because we are one people. We are all in the same boat, whatever our origin or our religion, and we are going through the same trials together. Let us take the same course, and continue to plant seeds of unity, to maintain peace, promote reconciliation and the building of our nation. This is how we will give Hari Merdeka a real meaning and what it means to be Malaysian. "

(Source: Églises d'Asie - le 03/09/2019, With Asianews, Kuala Lumpur)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Khi giáo dân đọc kinh Nhật Tụng thì sao?
Nguyễn Trọng Đa
09:28 03/09/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Nếu một giáo dân đọc kinh Nhật Tụng theo hình thức ngoại thường, người ấy có tham gia vào lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh không? Chúng ta có một số luật mâu thuẫn với nhau về điều này. Một mặt, chúng ta có Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công Đồng chung Vatican II nói: “Cũng khuyên cả các giáo dân hãy đọc kinh Nhật Tụng, hoặc cùng với các linh mục hoặc khi tụ họp chung với nhau hoặc riêng một mình” (Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt). Hơn nữa, Giáo luật điều 834 nói: “Việc phụng tự như vậy được thực hiện mỗi khi được cử hành nhân danh Hội Thánh, bởi những người được đề cử cách hợp pháp và bằng những hành động được giáo quyền chấp nhận” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh). Tuy nhiên, Huấn thị Universae Ecclesiae (Hội Thánh Hoàn vũ) số 27, nói: “Về những gì liên quan các qui định kỷ luật về việc cử hành Thánh lễ, người ta sẽ áp dụng kỷ luật Hội Thánh được ấn định trong Bộ Giáo luật năm 1983” và số 28: “Hơn nữa, do tính chất của luật đặc biệt, Tự sắc Summorum Pontificum bãi bỏ, trong lĩnh vực riêng của nó, các biện pháp luật lệ về các nghi thức thánh thiêng có từ năm 1962, và không phù hợp với các chữ đỏ của các sách phụng vụ có hiệu lực từ năm 1962”. Vì vậy, ghi nhớ các điều này, khi con, với tư cách là một giáo dân, đọc một phần kinh Nhật Tụng (nghĩa là một số Giờ Kinh, chứ không phải tất cả các Giờ Kinh) bằng tiếng Latinh và theo chữ đỏ, con tham gia vào lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh không? Con giả sử liệu câu hỏi cuối cùng được đặt ra là liệu một giáo dân đọc kinh Nhật Tụng là không tương thích với chữ đỏ của các sách phụng vụ có hiệu lực từ năm 1962 chăng. - J. Z., Lincoln, Nebraska, Hoa Kỳ.


Đáp: Câu trả lời của tôi cho câu hỏi rất thú vị này, của một bạn đọc thường đọc kinh Nhật Tụng, là nhất trí Có. Một giáo dân đọc kinh Nhật Tụng theo hình thức ngoại thường, là tham gia vào lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh.

Các lý do đằng sau điều này không phải là nhiều về giáo luật, ít chữ đỏ hơn, nhưng là đúng thần học hơn. Tuy nhiên, để chứng minh điều này, Giáo luật điều 834 phải được giải thích cách chính xác. Khi Điều 834 nói: “Việc phụng tự như vậy được thực hiện mỗi khi được cử hành nhân danh Hội Thánh, bởi những người được đề cử cách hợp pháp và bằng những hành động được giáo quyền chấp nhận”, nó phải được nhìn trong ánh sáng của các Điều tiếp theo:

“Ðiều 835: §1. Các Giám Mục là những người phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trước tiên, bởi vì các Ngài là những đại tư tế, những người phân phát chính yếu các mầu nhiệm của Thiên Chúa và những người điều hành, cổ võ và bảo toàn tất cả đời sống phụng vụ trong Hội Thánh đã được ủy thác cho các Ngài.

“§2. Nhiệm vụ ấy cũng được thi hành bởi các linh mục, vì là những người dự phần vào chính chức vụ tư tế của Chúa Kitô, như những thừa tác viên của Ngài; họ được cung hiến để cử hành phụng tự và thánh hóa dân chúng, dưới quyền của Giám Mục.

“§3. Các Phó Tế dự phần vào việc cử hành phụng tự, chiếu theo các quy tắc luật định.

“§4. Trong nhiệm vụ thánh hóa, các tín hữu cũng có phần vụ riêng: theo cách thế riêng của mình, họ tham dự tích cực vào mọi cử hành phụng vụ, nhất là việc cử hành Thánh Thể. Các cha mẹ Công Giáo cũng tham dự vào nhiệm vụ ấy cách đặc biệt khi sống đời vợ chồng với tinh thần Kitô giáo, và lưu tâm đến việc giáo dục Kitô giáo cho con cái.

“Ðiều 836: Việc phụng tự Kitô giáo, trong đó chức tư tế phổ quát của các tín hữu được thực thi, là một công cuộc phát xuất từ Ðức Tin và dựa trên Ðức Tin. Do đó, các thừa tác viên thánh phải để tâm khởi động và làm sáng tỏ Ðức Tin ấy, đặc biệt bằng tác vụ rao giảng, nhờ đó, Ðức Tin được phát sinh và nuôi dưỡng.

“Ðiều 837: §1. Hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động của tư nhân, nhưng là những cử hành của chính Hội Thánh, "Bí Tích của sự Hiệp Nhất", nghĩa là dân thánh được đoàn tụ và điều hành bởi Giám Mục. Do đó, hoạt động phụng vụ thuộc về toàn thể thân thể của Hội Thánh, biểu lộ và thể hiện thân thể ấy. Tuy nhiên, hoạt động phụng vụ cũng liên hệ đến từng chi thể của thân thể bằng cách thế khác nhau, theo những phẩm chức, phận vụ và việc tham dự thực sự khác nhau.

“§2. Xét theo bản tính, hoạt động phụng vụ hàm chứa việc cử hành chung. Do đó, nơi nào có thể, phải cử hành các nghi lễ phụng vụ với sự hiện diện và tham dự tích cực của các tín hữu” (Bản dịch Việt ngữ, nt).

Do đó, và đặc biệt là trong ánh sáng của Điều 836, sự ủy thác để cử hành và hành động đúng phụng vụ đến với từng thành viên tín hữu, qua bí tích Rửa Tội, vốn trao chức tư tế phổ quát cho tín hữu.

Điều này cấu thành một sự thay đổi liên quan đến luật trước đây, vốn bắt nguồn từ một quan điểm thần học khác, được phản ánh trong bộ luật trước, vốn xem khả năng hành động cách phụng vụ là xuất phát từ một sự ủy thác theo giáo luật từ giáo quyền, chứ không phải từ phép Rửa Tội. Do đó, một nữ tu đọc kinh Nhật Tụng đúng theo luật Dòng của mình là được xem như đã có sự ủy thác để hành động một cách phụng vụ, trong khi một giáo dân là không được ủy thác đến vậy, cho dù người ấy dùng Sách Nhật Tụng Latinh.

Khả năng giáo dân có thể tham gia Các Giờ Kinh Phụng Vụ được quyết định một cách hiệu quả bởi Công đồng chung Vatican II, khi trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium, các Giám mục nói:

“100. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải lo cho các Giờ Kinh chính yếu, nhất là giờ Kinh Chiều, được cử hành chung trong nhà thờ, vào những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng. Cũng khuyên cả các giáo dân hãy đọc Kinh Nhật Tụng, hoặc cùng với các linh mục hoặc khi tụ họp chung với nhau hoặc riêng một mình” (Bản dịch Việt ngữ của Phân Thần Học của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt).

Quyết định này là đỉnh điểm của khoảng 60 năm suy tư thần học và huấn quyền về ý nghĩa của chức tư tế vương đế và chức tư tế phổ quát của các tín hữu. Bắt đầu với Thánh Giáo hoàng Piô X năm 1903, qua giáo huấn của Giáo hoàng Piô XI với thông điệp Miserentissimus Redemptor (1928) và tông hiến Divini Cultus (1929), và tiếp tục với Giáo hoàng Piô XII và các thông điệp quan trọng của ngài là Mystici Corporis (1943) và Mediator Dei (1947).

Trong số các nhà thần học đã viết các tác phẩm có ảnh hưởng về đề tài này từ thập niên 1920 đến thời Công Đồng chung Vatican II là Lambert Beauduin, Gustave Thils, Paul Dabin, Emil Mersch, Bernard Capelle, Bernard Botte, Henri de Lubac, Yves Congar và, từ quan điểm Kinh Thánh, Lucien Cerfaux.

Quyết định của Công Đồng Chung Vatican II được chính thức đưa vào ‘Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ’ đã được duyệt, đặc biệt là trong các điều 20-32.

Nó được đề cập rõ thêm trong Bộ Giáo luật về Các Giờ Kinh Phụng Vụ:

“Ðiều 1173: Trong khi chu toàn nhiệm vụ tư tế của Ðức Kitô, Hội Thánh cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó Hội Thánh lắng nghe Thiên Chúa nói với dân Ngài, tưởng nhớ mầu nhiệm ơn cứu chuộc, ca tụng Ngài không ngớt bằng lời kinh và khẩn cầu phần rỗi cho cả thế giới.

“Ðiều 1174: §1. Các giáo sĩ có nghĩa vụ buộc cử hành phụng vụ giờ kinh theo quy tắc của điều 276, §2, số 3. Các phần tử của hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ có nghĩa vụ chiếu theo hiến pháp của họ.

“§2. Tùy theo hoàn cảnh, cả các tín hữu khác cũng được tha thiết mời gọi tham dự phụng vụ giờ kinh, xét vì đó là hoạt động của Hội Thánh.

“Ðiều 1175: Khi cử hành phụng vụ giờ kinh, hãy gắng giữ đúng thời khắc của mỗi giờ” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Bởi vì, như đã thấy trên, trong Huấn thị Universae Ecclesiae (Hội Thánh Hoàn vũ) số 27: “Về những gì liên quan các qui định kỷ luật về việc cử hành Thánh lễ, người ta sẽ áp dụng kỷ luật Hội Thánh được ấn định trong Bộ Giáo luật năm 1983,” bất kỳ chữ đỏ nào trong Kinh Nhật Tụng hình thức ngoại thường, vốn có thể dựa trên ý kiến rằng giáo dân không thể hành động cách phụng vụ, được thay thế bởi sự phát triển tín lý và giáo luật sau đó. Vì thế, giáo dân sử dụng Kinh Nhật Tụng hình thức ngoại thường, là đang cầu nguyện cùng với và trong Hội Thánh hoàn vũ. (Zenit.org 3-9-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/when-laypeople-pray-the-breviarium-romanum/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rượu Ngon
Nguyễn Đức Cung
09:21 03/09/2019
RƯỢU NGON
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Rượu ngon mà thiếu bạn hiền
Không khui không uống không hề tơ vương
(nđc)