Ngày 11-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Ngày 12/09: Sự tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa - Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:07 11/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.

Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

Đó là lời Chúa
 
Xin Phép To Gan
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:47 11/09/2022
Xin Phép To Gan

Ông Môsê khẩn xin Chúa nhớ lại nghĩa tình với các tổ phụ mà tha thứ tội lỗi cho dân vì đã “thờ bò vàng”. Thấy tình liên đới của Môsê, Thiên Chúa tha thứ cho dân “phản bội”. Thế nhưng sau khi Chúa tha thứ thì Môsê đã biểu ông Aaron tán nhuyễn con bò vàng ra và bắt dân uống “để cho chừa”. Đọc chuyện ông Môsê bỗng nhớ lại chuyện “thật như bịa” về linh mục Gioan, một bạn thân chịu chức cùng ngày mà nay sắp giỗ mãn tang. Cách đây 27 năm khi ngài còn làm cha phó giáo xứ Xã Đoài, sau thánh lễ Chúa Nhật đặc biệt dành thiếu nhi, ngài đi ra sân nhà thờ bống thấy hai em nhỏ uýnh lộn nhau, bùn đỏ lấm lem. Ngài chạy đến:

-Sao lại đánh nhau? Chúa dạy chúng ta phải yêu thương nhau, yêu thương cả kẻ thù mà. Cả hai vừa khóc hu hu, cậu bé lớn trạc 9 tuổi chỉ vào cậu nhóc bé khoảng 7 tuổi:

-Nó không phải là kẻ thù. Nó là em con. Mẹ dặn nó không chịu nghe, cứ trốn lễ. Con đánh cho nó chừa.

Ông cha phó trố mắt!

Xin phép Chúa Giêsu cho con to gan kể lại phần cuối câu chuyện “dụ ngôn người con hoang đàng” đã được sửa lại là “dụ ngôn người cha nhân hậu” như sau:

“Khi về đến nhà, người con cả nghe tiếng đàn hát vội gọi một anh đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì thì biết em cậu đã về và được bố đón tiếp nồng hậu, dù nó đã ăn chơi phung phá tài sản sạch sành sanh đến mức chỉ còn thân tàn ma dại. Anh bước vào nhà. Bố nói với anh:

-Chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

-Dạ, bố đợi con chút. Anh đến bên thằng em xáng ngay một cái bạt tai “nổ đôm đốm”: Mày làm khổ bố chưa đủ sao, còn muốn bố chết sớm nữa hả? Mau đi tắm rửa sạch sẽ rồi lên ăn. Mai theo tao ra đồng mà chuộc lại lỗi lầm.

Ba bố con vào bàn ăn tiệc. Nói tiệc nhưng thực ra chỉ có nồi cơm độn khoai ba bốn phần nhiều gấp cơm và dĩa rau to đùng hơn mọi khi, vì cả làng đang lâm cảnh đói. Đang ăn, ông bố bỗng tròn xoe mắt:

-Thằng cả, sao hôm nay con cứ ăn khoai miết thế. Con thích khoai hả?

-Dạ, nếu con ăn cơm thì còn cơm đâu cho thằng em con ăn hả bố. Nó thiếu ăn lâu rồi.

Chính khi thực sự là anh chị em với nhau thì chúng ta mới biết cách sống tình liên đới như thế nào.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:31 11/09/2022

57. Nếu ai không cảm thấy sự ngọt ngào của tình yêu mà vẫn có thể nhiệt tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, thì đó là một tình yêu lớn.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---
--------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 11/09/2022
95. GIÒI BỌ HỮU DỤNG

Một con trâu đang cày trong ruộng, thấy rùa và ba ba xếp hàng đi qua, bèn thở dài nói:

- “Những thứ như tụi mày chẳng có gì cống hiến cho người đời cả, vậy mà cũng sống ở trên dương thế, thật là vô lý”.

Rùa và ba ba nổi giận mắng:

- “Tại sao nói chúng tôi không cống hiến gì cho người đời hả? Ông nên biết yếm rùa và mai ba ba đều là thuốc bổ âm rất tốt, nói trắng ra là nếu chúng tôi chết thì cũng có chỗ dùng, không như ông chết rồi thì hết dùng”.

Trâu nói:

- “Ngưu sưu (nước đái trâu), hoàng ngưu (dịch mật trâu) cũng là thuốc, sao lại nói ta chết thì hết dùng?”

Giòi bọ trong hố phân bên cạnh nghe được như thế bèn nói:

- “Nếu nói có thể trở thành thuốc thì mới là hữu dụng, vậy thì như chúng tôi đây bón cho ngũ cốc hoa màu tươi tốt, cũng là hữu dụng vậy”.

Con trâu thở dài nói:

- “Hóa ra giòi bọ cũng hữu dụng cho người đời, có thể thấy rằng lớp người hèn kém bất tài trên thế gian này, ngay cả thứ ăn phân cũng không bằng”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 95:

Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, cho nên mọi loài đều có ích cho nhau cả, do đó mà không một ai có quyền chê bai người khác là vô tích sự cho đời.

Người hữu dụng là người làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình với lòng khiêm tốn, nhưng những ai không làm đúng bổn phận của mình thì sẽ trở thành vô dụng và có khi gây họa cho tha nhân:

- Làm mục tử mà không làm tròn bổn phận của mình là nêu gương sáng cho giáo dân và cho tha nhân, thì chắc chắn sẽ gây gương mù gương xấu và làm hại linh hồn giáo hữu và gây cớ vấp phạm cho người khác.

- Làm người Ki-tô hữu mà không làm tròn bổn phận của mình là kính Chúa yêu người, thì trở thành dụng cụ đắc lực cho sa tan đánh phá Giáo Hội.

- Làm quan mà không làm tròn bổn phận của mình, tham ô, cửa quyền, gian ác thì là hại dân hại nước.

Giòi bọ cũng hữu dụng vì chúng nó làm đúng chức năng của mình, huống chi là chúng ta là người Ki-tô hữu, bởi vì Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, và giao cho mọi loài trong vũ trụ mỗi loài một bổn phận phải làm. Mà trách nhiệm và bổn phận của chúng ta chính là: làm chứng và giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho mọi người, bởi vì “Bổn phận là giấy vào Nước Trời.“ Như Đức Chúa Giê-su đã nói: “Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào Nước Trời”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thương xót là một quà tặng
Lm. Minh Anh
22:15 11/09/2022

THƯƠNG XÓT LÀ MỘT QUÀ TẶNG
“Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.

Jean-Pierre de Caussade, linh mục Dòng Tên người Pháp, nói, “Để thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi hối tiếc về quá khứ hay sợ hãi về tương lai, hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Chúa bằng việc trung thành với ân sủng. Vì lẽ, ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực điều cha Jean-Pierre nói, “‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”. Sự thật này thể hiện qua thái độ khiêm nhường tuyệt vời của viên sĩ quan ngoại giáo, khi ông sai người đến xin Chúa Giêsu chữa cho đầy tớ mình, “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi; nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành!”.

Một sự thật sâu sắc Tin Mừng hôm nay tiết lộ là ‘khiêm nhường, đức tin và lòng thương xót’ gắn liền nhau. Viên sĩ quan dường như đã nhận thức được sự vĩ đại của Chúa Giêsu mà ông đã nghe biết; từ đó, ông cảm thấy mình bất xứng tột cùng. Tuyên bố của ông là một hành vi đức tin cao cả; và kết quả là lòng thương xót được gửi đến cho ông và người đầy tớ của ông.

Rất thường xuyên khi cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện như thể chúng ta có quyền hưởng mọi ân điển của Thiên Chúa. Đây là một sai lầm sâu sắc! Hãy học gương tự hạ của viên sĩ quan bằng cách hiểu rằng, chúng ta không có quyền trước bất cứ điều gì đến từ Ngài. Thừa nhận khiêm hạ này là nền tảng cần thiết để đón nhận lòng thương xót dồi dào của Ngài; vì ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền! Nhưng tin tốt lành là trái tim Thiên Chúa luôn bùng cháy với ước muốn tuôn đổ quà tặng thương xót đó. Việc thừa nhận lòng thương xót của Thiên Chúa như một món quà tuyệt đối mà chúng ta không có quyền đòi hỏi, mở ra sức mạnh của nó trong cuộc sống chúng ta. Hiểu được lẽ thật này là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và làm vui lòng Ngài cách tuyệt đối và dồi dào nhất.

Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nhắc đến Bí Tích Thánh Thể, một hồng ân thương xót nhưng không của Thiên Chúa. Vì thế, một khi đến với Thánh Thể, tín hữu Côrintô phải nên tốt hơn, chứ không để nên tệ hơn. Thánh Thể biểu hiện rõ nét rằng, ‘thương xót là một quà tặng’. Vì thế, “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”. Thánh Lễ không là đặc quyền của ai, nhưng cho mọi người.

Anh Chị em,

“Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!”. Hôm nay, bạn và tôi cùng suy gẫm về những lời đầy cảm hứng của viên sĩ quan ngoại giáo giàu có này, lời mà chúng ta đọc mỗi lần trước khi rước Chúa, “Nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh!”. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần, hãy để những lời này ứa trào từ trái tim chật hẹp của mình; hãy để chúng trở thành nền tảng của mối quan hệ giữa bạn với Chúa Thánh Thể. Với sự khiêm nhường này, bạn và tôi sẽ được ban phúc dồi dào cùng với niềm vui chứa chan. Không ai trong chúng ta dám nói, lòng tôi xứng đáng trở nên cung điện cho Vua muôn vua, Chúa các chúa; cũng không ai dám nghĩ tâm hồn mình trong ngần như tâm hồn một trẻ thơ! Chúng ta là những tội nhân khốn cùng, đáng chết ngàn lần, nhưng được xót thương. Và như vậy, rõ ràng, ‘thương xót là một quà tặng’ hoàn toàn miễn phí. Vấn đề còn lại, mỗi người sống sao cho xứng đáng với quà tặng xót thương đó!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con; xin giúp con bớt bất xứng mỗi ngày trước khi rước Vua các vua, Chúa các chúa, Chúa Cả Thiên Đàng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11/9
J.B. Đặng Minh An dịch
06:39 11/09/2022
Chúa Nhật 11 tháng 9, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 24 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Rồi Đức Giêsu nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.

Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta ba dụ ngôn về lòng thương xót (x. Lc 15:4-32); Những dụ ngôn này được gọi như thế vì thể hiện tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này nhằm đáp lại những lời càu nhàu của những người Pharisêu và các kinh sư, họ nói: “Người này tiếp đón những người tội lỗi và dùng bữa với chúng” (c.2). Họ bị tai tiếng vì Chúa Giêsu ở giữa những người tội lỗi. Nếu đối với họ điều này gây tai tiếng về mặt tôn giáo, thì Chúa Giêsu, bằng cách tiếp đón những người tội lỗi và dùng bữa với họ, đã bày tỏ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa chính là như thế: Thiên Chúa không loại trừ ai, Người muốn mọi người tham gia trong bữa tiệc của Người, vì Người yêu mọi người như con của Người: mọi người, không ai bị loại trừ, tất cả mọi người. Sau đó, ba dụ ngôn tóm tắt trọng tâm của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha và đến tìm kiếm chúng ta bất cứ khi nào chúng ta lạc lối.

Thật vậy, nhân vật chính của các câu chuyện ngụ ngôn, đại diện cho Thiên Chúa, là một mục tử đi tìm con chiên bị mất, một người phụ nữ tìm thấy đồng xu bị mất, và cha của đứa con hoang đàng. Chúng ta hãy xem xét một khía cạnh mà cả ba nhân vật chính này đều có điểm chung. Về cơ bản, cả ba đều có điểm chung, mà chúng ta có thể định nghĩa như thế này: bồn chồn vì thiếu thứ gì đó - cho dù là đang nhớ một con chiên, đang nhớ một đồng xu, đang nhớ một đứa con trai - cảm giác khó chịu khi thiếu một thứ gì đó, cả ba nhân vật chính của những câu chuyện ngụ ngôn này không thoải mái vì họ đang thiếu một cái gì đó. Rốt cuộc, cả ba người, nếu họ biết tính toán, có thể yên tâm: người chăn cừu đang bỏ lỡ một con cừu, nhưng anh ta vẫn còn tới chín mươi chín con khác - “lạc mất một con thì đã sao”; người phụ nữ thiếu một đồng xu, nhưng có chín đồng khác; và ngay cả người cha vẫn có một đứa con trai khác, ngoan ngoãn, cống hiến hết mình - tại sao lại nghĩ về người đã ra đi sống một cuộc đời phóng đãng? Tuy nhiên, có một sự lo lắng trong lòng họ - trong lòng người chăn chiên, người phụ nữ và người cha - về những gì còn thiếu: con chiên, đồng tiền, đứa con trai đã ra đi. Một người yêu thương quan tâm đến người mất tích, mong mỏi người vắng mặt, tìm kiếm người đã mất, chờ đợi người đã đi lạc. Vì Ngài muốn không ai bị lạc mất.

Thưa anh chị em, Thiên Chúa là như thế này: Ngài không “yên tâm” nếu chúng ta đi lạc khỏi Ngài, Ngài đau buồn, Ngài run rẩy trong bản thể sâu thẳm nhất của mình; và Ngài bắt đầu tìm kiếm chúng ta, cho đến khi Ngài đưa chúng ta trở lại trong vòng tay của Ngài. Chúa không tính toán thiệt hại và rủi ro; Ngài có trái tim của một người cha và một người mẹ, và đau khổ vì thiếu những đứa con thân yêu của mình. “Nhưng tại sao Ngài lại đau khổ nếu đứa con trai này là một tên vô lại, nếu anh ta đã ra đi?” Ngài đau khổ, Ngài rất khổ đau. Chúa đau khổ vì khoảng cách của chúng ta với Ngài và khi chúng ta lạc lối, Ngài chờ đợi sự trở lại của chúng ta. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đợi chúng ta, dù chúng ta có thể bị lạc mất trong bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Như một Thánh Vịnh đã nói, Ngài sẽ “không chợp mắt ngủ yên cho đàng”, Ngài luôn dõi theo chúng ta (xem 121: 4-5).

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: chúng ta có noi gương Chúa trong điều này, tức là chúng ta có lo lắng về những gì còn thiếu không? Chúng ta có hoài niệm về những người đang mất tích, những người đã trôi dạt khỏi đời sống Kitô hữu không? Chúng ta mang trong mình sự bồn chồn nội tâm này, hay chúng ta đang thanh thản và không bị xáo trộn giữa chính mình? Nói cách khác, chúng ta có thực sự nhớ những người đang mất tích trong cộng đồng của chúng ta, hay chúng ta giả vờ và không để điều đó chạm đến trái tim của chúng ta? Tôi có thực sự nhớ những người đang thiếu trong cuộc sống của tôi không? Hay là chúng ta thoải mái với nhau, bình tĩnh và hạnh phúc trong nhóm của mình - “Tôi tham gia một nhóm tông đồ rất tốt…” - mà không có lòng trắc ẩn với những người ở xa? Đó không phải là một câu hỏi liên quan đơn thuần đến việc “cởi mở với người khác”, đó là Tin Mừng! Người chăn chiên của câu chuyện ngụ ngôn không nói, “Tôi có chín mươi chín con chiên khác, tại sao tôi phải lãng phí thời gian để đi tìm con chiên đi lạc?” Thay vào đó, anh ấy đã đi tìm. Sau đó, chúng ta hãy suy ngẫm về các mối quan hệ của chúng ta: tôi có cầu nguyện cho những người không tin, những người đã trôi dạt, những người cay đắng không? Chúng ta có thu hút những người xa cách qua phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, từ bi và dịu dàng không? Chúa Cha yêu cầu chúng ta phải quan tâm đến những đứa con mà Ngài nhớ nhất. Chúng ta hãy nghĩ về một người nào đó mà chúng ta biết, người gần gũi với chúng ta và có lẽ chưa bao giờ nghe ai nói rằng: “Bạn biết đấy, bạn quan trọng đối với Thiên Chúa”. “Nhưng tôi đang ở trong một tình huống bất thường, tôi đã làm điều tồi tệ này, điều kia…”. “Bạn là người quan trọng đối với Thiên Chúa”, hãy nói với anh ấy. “Bạn không tìm kiếm Người, nhưng Người đang tìm kiếm bạn”.

Chúng ta - những người nam nữ có trái tim bồn chồn - hãy bối rối trước những câu hỏi này, và cầu nguyện với Đức Mẹ, người mẹ không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm và chăm sóc chúng ta, là những con cái của Mẹ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Ngày mốt, tôi sẽ lên đường thực hiện chuyến hành trình ba ngày ở Kazakhstan, nơi tôi sẽ tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Đây sẽ là cơ hội để gặp gỡ nhiều đại diện tôn giáo và tham gia đối thoại với tư cách là anh em, là những người được truyền cảm hứng từ khát vọng hòa bình chung, hòa bình mà thế giới chúng ta đang khao khát. Tôi muốn gửi lời chào thân ái tới những người tham gia, cũng như các cơ quan chức năng, các cộng đồng Kitô giáo và toàn thể người dân của đất nước rộng lớn đó. Tôi cảm ơn vì sự chuẩn bị và công việc đã được thực hiện trong chuyến thăm của tôi. Tôi xin tất cả anh chị em đồng hành với lời cầu nguyện cho tôi trong chuyến hành hương đối thoại và hòa bình này.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho người dân Ukraine, để Chúa có thể ban cho họ niềm an ủi và hy vọng. Trong những ngày này, Đức Hồng Y Krajewski, tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái, đang ở Ukraine để thăm các cộng đồng khác nhau và làm chứng cụ thể về sự gần gũi của Giáo hoàng và Giáo hội.

Trong giờ phút cầu nguyện này, đối với tôi, thật thân thương khi nhớ đến Sơ Maria de Coppi, nhà truyền giáo dòng Comboni, bị giết ở Chipene, Mozambique, nơi sơ đã phục vụ với tình yêu thương trong gần sáu mươi năm. Cầu mong chứng tá của sơ ấy mang lại sức mạnh và lòng can đảm cho các Kitô hữu và tất cả người dân Mozambique.

Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt tới những người dân Ethiopia thân yêu, những người hôm nay đón Tết cổ truyền của họ: Tôi xin cam đoan với anh chị em về lời cầu nguyện của tôi và cầu chúc mọi gia đình cũng như toàn dân tộc món quà hòa bình và hòa giải.

Và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho các học sinh, những người sẽ trở lại trường học vào ngày mai hoặc ngày kia.

Và bây giờ tôi xin chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến các binh sĩ đến từ Colombia, nhóm đến từ Costa Rica và đại diện phụ nữ Á Căn Đình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tôi chào những người trẻ tuyên xưng đức tin từ Cantù, các tín hữu từ Musile di Piave, Ponte a Tressa và Vimercate, và các thành viên của Phong trào Bất bạo động và những người trẻ của phong trào Immacolata.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

 
ĐGH chia sẻ sự ngưỡng mộ rằng Ba Lan đã không xây dựng các trại tị nạn cho người Ukraine nhưng đón họ về nhà mình
Đặng Tự Do
17:25 11/09/2022


Tân đại sứ Ba Lan tại Tòa thánh chia sẻ các mục tiêu cá nhân và báo cáo về cuộc gặp của ông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Adam Mariusz Kwiatkowski, tân đại sứ Ba Lan tại Tòa thánh, đã trình ủy nhiệm thư của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 5 tháng 9 năm 2022, văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên trong thông báo cùng ngày. Theo báo chí Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn tới người dân Ba Lan vì sự chào đón của những người tị nạn Ukraine.

Tân đại sứ của Ba Lan nói rằng một trong những sứ mệnh của ông là trình bày cho Tòa Thánh thấy hậu quả của việc Nga gây hấn ở Ukraine.

Sinh năm 1972 tại Warsaw, Adam Mariusz Kwiatkowski bắt đầu đảm nhiệm cương vị đại sứ đầu tiên và kế nhiệm Janusz Kotanski ở Rome. Ông bố ba con này tốt nghiệp ngành quản trị và quản lý tại Đại học Warsaw (2005) và từ năm 2019, là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Quản trị của cùng trường đại học. Ông từng là Chánh Văn Phòng của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan từ năm 2015 đến năm 2017, sau đó ông giữ chức vụ Quốc vụ khanh. Gần đây, ông là cố vấn về các chính sách xã hội cho Tổng thống Cộng hòa, nơi ông phụ trách các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Ba Lan, trong số những vấn đề khác.

Được truyền thông Pap phỏng vấn vào ngày 23 tháng 7, người đàn ông được bổ nhiệm làm đại sứ Ba Lan tại Tòa thánh vào ngày 11 tháng 4, giải thích rằng ông muốn “hỗ trợ các nỗ lực buộc Nga phải chấm dứt các hoạt động gây hấn và diệt chủng” ở Ukraine.

Ông nói: “Sau hơn 5 tháng hành động quân sự, chúng ta có thể thấy rõ rằng cuộc tấn công phi lý này của Liên bang Nga nhằm vào Ukraine có những tác động tiêu cực trên quy mô toàn cầu, ví dụ như những vấn đề liên quan đến an ninh lương thực.

Nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Tòa Thánh và Ba Lan, cả về mặt ngoại giao và tôn giáo, ông tâm sự rằng ông cảm thấy được hướng dẫn bởi người đồng hương Ba Lan, Thánh Gioan Phaolô II, trong sứ mệnh của mình.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, hơn năm triệu người Ukraine đã vào lãnh thổ Ba Lan để tạm lánh chiến tranh.

Trong nhiều dịp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảm ơn sự chào đón của người dân Ba Lan. “Anh chị em là người đầu tiên ủng hộ Ukraine bằng cách mở cửa biên giới, trái tim và cánh cửa nhà mình cho những người Ukraine chạy trốn khỏi chiến tranh,” ngài nói trong một buổi tiếp kiến chung vài ngày sau cuộc xâm lược của Nga.

Sau cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng, tân đại sứ nói rằng Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với thái độ của người Ba Lan.

“Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn to lớn đến toàn thể Ba Lan, tất cả các công dân của chúng tôi. Ngài nói rằng ngài đã theo dõi với sự ngưỡng mộ cách người Ba Lan mở lòng trước tình cảnh khó khăn của các nước láng giềng của chúng tôi, những người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa và chạy trốn khỏi Ukraine”, Adam Mariusz Kwiatkowski nói với hãng truyền thông Ba Lan Stacja7.

Vị Đại Sứ nói thêm: “Đức Thánh Cha nói ngài có ấn tượng sâu sắc rằng rất nhiều người Ukraine đang ở Ba Lan, đã tìm thấy nơi ẩn náu ở đây và thực tế là không có trại tị nạn nào ở Ba Lan.”
Source:Aleteia
 
Giám mục người Đức: Truyền giáo cho xã hội thế tục đòi hỏi phải chia sẻ tính hợp lý của đức tin
Đặng Tự Do
17:26 11/09/2022


Giám đốc Viện Bênêđíctô XVI ở Regensburg, Đức, nói rằng cần phải “bảo vệ Đức tin một cách lành mạnh” nếu người Công Giáo muốn truyền bá Phúc âm một cách đáng tin cậy trong các xã hội đương đại.

Đức Cha Rudolf Voderholzer ở Regensburg nói với CNA Deutsch như trên trong một cuộc phỏng vấn.

“Truyền giáo cần phải đi đôi với một hình thức hộ giáo 'lành mạnh', được diễn ra trong một bầu không khí nhân từ và khẳng định.”

Những người hộ giáo “nên chứng minh tính hợp lý của đức tin và niềm hy vọng mà Đức tin có thể đưa ra khi đối mặt với những phê phán quan yếu,” Đức Cha Voderholzer, một giáo sư thần học tín lý, nói.

“Các câu hỏi trung tâm đang được đặt ra là: Nói về Chúa có ý nghĩa không? Thiên Chúa có thể đã bày tỏ chính mình trong Chúa Giêsu Kitô không? Sự tiết lộ này có thể nhận biết được không, và nó có giải thoát cho tôi không? Ân sủng là gì? Làm thế nào để ân sủng và tự do đồng hành cùng nhau? Niềm tin vào sự sáng tạo và tư duy khoa học của thế giới có tương thích với nhau không?”

Đức Cha Voderholzer nhấn mạnh rằng những câu hỏi này được chia sẻ bởi hầu hết các Kitô hữu và cũng được thể hiện “trong cam kết bảo vệ sự sống, chẳng hạn như trong các cuộc tuần hành phò sinh.”

Ngài cho biết có một tập hợp cụ thể về các vụ tai tiếng mà người Công Giáo thường gặp phải: “Các cuộc Thập tự chinh, các phiên tòa xét xử phù thủy, vụ án Galileo, chủ nghĩa thực dân, đồng lõa trong các hệ thống toàn trị, sự xói mòn giáo huấn Chúa Giêsu, và gần đây đặc biệt là lạm dụng tình dục”.

Đức Cha cảnh báo rằng hộ giáo không có nghĩa là “phủ nhận một cách dứt khoát những mặt tối của Giáo hội, hay chủ nghĩa giáo điều với bất cứ giá nào”.

“Điều quan trọng là chúng ta cần có sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, cần có sự phân định và sự hiểu biết rằng 'sự thánh thiện của Giáo hội' không có nghĩa là sự vô tội về mặt đạo đức của tất cả các thành viên, nhưng sự thánh thiện của Giáo hội là ân sủng Chúa ban cho chúng ta để thông báo sự hiện diện của Ngài, ơn cứu rỗi của Ngài, một cách chính xác trong những bình sành dễ vỡ”.

Khi được hỏi về những hình mẫu cho “hình thức hộ giáo lành mạnh”, vị giám mục người Đức cho biết ngài nghĩ đến Irênê thành Lyon, Thánh Thomas Aquinas, Blaise Pascal, John Henry Newman, Henri de Lubac, và cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16.

Ngài nói: “Tất cả các vị đều biết rằng sự mặc khải của Thiên Chúa, được truyền lại cho chúng ta trong Kinh thánh và đức tin của Giáo hội, là hiển nhiên”.

Đức Cha Voderholzer là giám đốc sáng lập của Viện Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, được thành lập vào năm 2008 để biên soạn và cung cấp cả các tác phẩm đã xuất bản và các tác phẩm chưa được xuất bản của nhà thần học, giám mục và giáo hoàng danh dự. Theo trang web của viện, bộ sách 16 tập gồm các tác phẩm đã sưu tập của Đức Bênêđíctô cũng được Ignatius Press dự kiến xuất bản bằng tiếng Anh.
Source:Catholic News Agency
 
Các xảo thuật của Con đường Đồng nghị Đức trong việc thông qua các nghị quyết gây tranh cãi
Vũ Văn An
19:49 11/09/2022

Theo tin của The Pillar, đề xuất thay đổi tín lý về tình dục của Con đường Đồng nghị Đức đã bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu của các giám mục Đức tại phiên họp quyết định được tổ chức tại Frankfurt từ ngày 8 tới ngày 10 tháng 9 vừa qua.



Bản văn được đem ra biểu quyết lập luận rằng “không thể nào tái định hướng việc chăm sóc mục vụ nếu không tái định nghĩa việc nhấn mạnh của giáo huấn Giáo Hội về tình dục một cách đáng kể” và “khẩn thiết cần vượt qua một số hạn chế trong các vấn đề tình dục, bởi các lý do khoa học cũng như thần học”.

Mặc dù bản văn được đa số áp đảo của đại hội đồng Con đường Đồng nghị thông qua, nhưng nó đã không đạt được tỷ số 2/3 cần thiết của lá phiếu Giám Mục trong phiên họp toàn thể tại Frankfurt.

Theo The Pillar, sau cuộc đầu phiếu trên, các thành viên giáo dân đã phản đối, la ó. Và các cuộc phản đối la ó này kéo dài cả hai tiếng đồng hồ. Điều đáng lưu ý là một số giám mục cũng tham gia những cuộc phản đối, la ó này, trong đó, có cả Hồng Y Reinhard Marx và Giám Mục Georg Bätzing, cựu và đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Những phản đối la ó này nhắm vào các Giám Mục bỏ phiếu chống đề xuất bằng thể thức bỏ phiếu kín. Họ cho rằng các vị không chịu lắng nghe dân, và quyết định của các vị sẽ chỉ gây hại cho người Công Giáo Đức và gây chia rẽ trong Giáo Hội. Một số nói rằng đáng lẽ các vị nên nói thẳng thừng quan điểm của mình trong các cuộc bàn thảo công khai trước đây. Vì thế nhiều người đề nghị các cuộc bỏ phiếu sau sẽ tiến hành công khai với tên tuổi các Giám Mục ghi trên lá phiếu.

Theo tường trình chính thức của Con đường Đồng nghị Đức, Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, nói rằng ngài rất “thất vọng với cuộc đầu phiếu này” và theo ngài, “thực hành đồng nghị đã không đi xa đủ”. Hồng Y Marx cũng cho hay “rất thất vọng. Các Giám Mục nên giữ vững lập trường của mình và nên biện minh chúng”.

Irme Stetter-Karp, đồng chủ tịch Con đường Đồng nghị và lãnh tụ của Ủy Ban Trung ương Người Công Giáo Đức nói rằng bà tin các Giám Mục không phát biểu các quan điểm thực sự của các ngài trong cuộc bàn luận. Bà nói “Có một điểm trong đó tôi đặc biệt thất vọng: đó là có những Giám Mục trong đại hội này không sẵn sàng nói lên quan điểm của mình”. Bà còn cho hay “Tại sao chúng ta lại đầu tư quá nhiều năng lực và thời gian như vậy? Vì Giáo Hội của chúng ta. Và đó là lý do tại sao tôi ở lại đây. Cho dù tôi tự hỏi mình liệu đây có phải là việc đầu tư thì giờ đúng đắn hay không”.

Hãng tin CNA thì cho rằng, sau khi các Giám Mục Đức không thông qua đề xuất đòi thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về tình dục, các nhà tổ chức Con đường Đồng nghị thề sẽ đem vấn đề này tới Vatican.

Thực vậy Giám Mục Bätzing nói rằng bản văn không được thông qua, dù gì, vẫn là sản phẩm của Con đường Đồng nghị, “do đó, chúng tôi sẽ mang nó tới bình diện Giáo Hội hoàn vũ khi chúng tôi tới Rôma vào tháng Mười Một nhân chuyến viếng thăm ad limina apostolorum (viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô).

Cũng theo CNA, một số Giám Mục không lên tiếng trước đây vì sợ áp lực của đại hội lúc đó. Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, không chấp nhận lời giải thích như thế và gọi các ngài là "nhõng nhẽo".

Gió đổi chiều: nghị quyết về việc phong chức phụ nữ được thông qua

Tình hình thay đổi vào ngày hôm sau khi thể thức bầu phiếu kiến bị bãi bỏ và thay vào đó lá phiếu có tên tuổi được du nhập. Kết quả, đại đa số 2/3 các giám mục đã nghiêng về phía thông qua các đề nghị cải cách theo chiều hướng ngược lại với truyền thống.

Thực vậy, theo Luke Coppen của The Pillar, hôm thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022, đa số các Giám Mục đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về phụ nữ trong các thừa tác vụ, nghị quyết này thách thức “việc loại phụ nữ khỏi thừa tác vụ bí tích”. Tựa đề bản văn dài 31 trang được đem ra biểu quyết có tựa đề là “Phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ trong Giáo Hội”.

Bản văn trên không chính thức kêu gọi truyền chức để phụ nữ trở thành phó tế hay linh mục, nhưng khẳng định rằng “hàng thế hệ nay, nhiều phụ nữ từng biết rằng họ được Thiên Chúa kêu gọi làm nữ phó tế hay nữ linh mục”. Nó đề nghị, “trong tương lai, phái tính không nên còn là điều quyết định việc phân phối các thừa tác vụ, nhưng là ơn gọi, là khả năng, và kỹ năng để phục vụ việc công bố Tin Mừng trong thời đại ta”.

Tài liệu nói thêm “Không phải việc tham gia của phụ nữ vào mọi thừa tác vụ và chức vụ của Giáo Hội cần được biện minh, mà là việc loại phụ nữ ra khỏi thừa tác vụ bí tích”.

Trong tổng số 205 phiếu bầu, 182 phiếu ủng hộ và 16 phiếu chống, với 7 phiếu trắng.

Để được thông qua, các văn bản phải đạt được đa số hai phần ba các giám mục Đức. Những người tham dự đã đứng và vỗ tay khi được thông báo rằng các giám mục cũng đã bỏ phiếu - 45 ủng hộ, 10 chống và 5 trắng - để thông qua văn kiện, giờ đây trở thành một nghị quyết chính thức của Con đường Đồng nghị.

Như trên đã nói, phiên họp toàn thể đã không thông qua vào hôm thứ Năm một bản văn bản kêu gọi Giáo Hội thay đổi cách tiếp cận đối với đạo đức tình dục, sau khi nghị quyết không nhận được đủ sự ủng hộ từ các giám mục. Sau khi các số liệu biểu quyết được công bố, đã có một cuộc phản đối và một số người tham gia đã rời khỏi cuộc họp.

Sáng thứ Sáu, bản văn về thừa tác vụ phụ nữ đã được đem ra biểu quyết, sau khi các thủ tục đã được thay đổi để người phát biểu có hai phút trình bầy quan điểm của mình, thay vì một. Các phiếu bầu không còn được thực hiện ẩn danh nữa mà là bằng tên - điều mà một số nhà bình luận cho rằng nhằm tăng áp lực lên phe thiểu số.

Các giám mục phản đối bản văn về việc phong chức cho phụ nữ,cho rằng nó không phù hợp với tông thư Ordinatio sacerdotalis, năm 1994 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là tông thư tuyên bố “rằng Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội chấp nhận một cách dứt khoát.”

Cổng thông tin điện tử chính thức của các giám mục Đức tường trình rằng chủ tịch hội đồng giám mục, Giám mục Georg Bätzing, đã tổ chức một cuộc họp với các giám mục và sau đó họ đề nghị một sửa đổi bằng cách đặt phần bản văn nói đến Ordinatio sacerdotalis “ở đầu, giống như một lời mở đầu dẫn vào bản văn". Đề nghị này đã được chấp nhận.

Cổng thông tin điện tử cho biết, “Sau đó, nó được thông qua với đa số rõ ràng - có lẽ cũng bởi vì cuộc bỏ phiếu lần này không ẩn danh mà là bằng tên,”

Sau đó, những người tham gia đã bỏ phiếu về một bản văn bản có tên “Đánh giá lại đồng tính trong Huấn quyền” kêu gọi sửa đổi Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Bản văn đã được thông qua với 170 phiếu thuận và 14 phiếu chống, với 9 phiếu trắng. Các giám mục đã bỏ phiếu bởi 40 người ủng hộ và 8 người chống lại, với 8 phiếu trắng.

Bản văn nói rằng “Các đoạn 2357-2359 cũng như 2396 (đồng tính luyến ái và khiết tịnh), trong số những đoạn khác, của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nên được sửa đổi như một phần của việc đánh giá lại về đồng tính luyến ái.”

Nó nói thêm rằng “Giáo hội nên thú nhận rằng Giáo Hội đã khiến mọi người đau khổ và vi phạm phẩm giá của họ ở nhiều nơi qua giáo huấn và thực hành của Giáo Hội liên quan đến đồng tính luyến ái.”

Nó quả quyết, “Đồng tính luyến ái không phải là một căn bệnh. Vì vậy, điều gọi là 'liệu pháp hoán cải' phải bị bác bỏ".

Hội đồng Đồng nghị thường trực giám sát Giáo Hội và các giáo phận tại Đức đã được thông qua

Trong khi ấy, theo A.C. Wimmer của hãng tin CNA, ngày 10 tháng 9, Trong một động thái nhằm đạt được điều bị các nhà phê bình so sánh với các hội đồng cộng sản ở Liên Xô, những người tham gia “Con đường Đồng nghị” của Đức vào thứ Bảy đã bỏ phiếu thành lập một “Hội đồng Đồng nghị” sẽ thường trực giám sát Giáo hội ở Đức.

Tại cuộc họp ở Frankfurt vào ngày 10 tháng 9, đề xuất gây tranh cãi đã giành được gần 93% tổng số phiếu bầu. CNA Deutsch, cơ quan Đối tác tiếng Đức của CNA, cho biết chỉ có năm giám mục bác bỏ bản văn này.

Tên của các giám mục là một vấn đề được ghi lại trong hồ sơ công cộng vì cuộc bỏ phiếu không phải bằng bỏ phiếu kín - một sự thay đổi thủ tục sau khi các giám mục ngăn chặn một bản văn ủng hộ LGBT trước đó.

Giống như những sự kiện khác phát sinh từ biến cố gây tranh cãi của Đức, còn được gọi là “Con đường Đồng nghị”, đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội.

Vào tháng Sáu, Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học được coi là thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô, nói rằng căn cứ vào lịch sử và thần học của Giáo hội, không thể có “Hội đồng Đồng nghị”.

“Các Thượng hội đồng không thể trở thành thường trực về mặt thể chế. Truyền thống của Giáo hội không hề biết đến một hình thức cai quản giáo hội theo lối đồng nghị. Một hội đồng tối cao đồng nghị, như hiện nay đã được dự kiến, không có cơ sở trong toàn bộ lịch sử của hiến pháp. Nó sẽ không phải là một sự đổi mới, mà là một sự canh tân chưa ai nghe biết."

Vị Chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo này, người từng là giám mục của Giáo phận Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến 1999, cho biết diễn trình của Đức khiến người ta so sánh nó với các cơ cấu cộng sản ở Liên Xô. Ngài gọi Hội đồng Đồng nghị là Xô Viết Tối cao.

Đức Hồng Y Kasper nói tiếp: “Xô viết là một từ tiếng Nga cổ có nghĩa chính xác là điều mà chúng ta gọi là Rat, một hội đồng trong tiếng Đức. Một Xô Viết Tối cao như vậy trong Giáo hội rõ ràng sẽ không phải là một ý kiến hay. Một hệ thống hội đồng như vậy không phải là một ý tưởng của Kitô giáo, mà là một ý tưởng đến từ một tinh thần hoàn toàn khác hoặc phi tinh thần ”.

Nhà thần học và giáo chủ người Đức cũng cho rằng điều này “sẽ bóp nghẹt tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng vốn muốn thổi đâu và thổi khi nào Người muốn, và sẽ phá hủy cơ cấu mà Chúa Kitô muốn cho Giáo hội của Người.”

Vào tháng Sáu, một giáo sư thần học từ Đại học Vienna đã đưa ra những lo ngại khác.

Nhà tín điều học Jan-Heiner Tück cảnh cáo rằng một “Hội đồng Đồng nghị” của Đức sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo “từ những người được truyền chức thánh sang các cơ quan, một sự chuyển đổi quyền lực cho thấy sự gần gũi rõ ràng với các hoạt động đồng nghị trong Giáo hội Thệ phản ở Đức.”

Một “Hội đồng Đồng nghị” có tính kiểm soát sẽ hoạt động như thế nào?

Theo tài liệu Frankfurt, một Hội đồng Đồng nghị trước tiên sẽ yêu cầu một "ủy ban đồng nghị" được thành lập; ủy ban này, sau đó, sẽ nghị bàn về các chi tiết của hội đồng mới.

Ủy ban này sẽ bao gồm 27 giám mục giáo phận, 27 thành viên do Ủy Ban trung ương Người Công Giáo Đức bầu ra và 10 thành viên do hai bên cùng bầu chọn.

Ủy ban sẽ do chủ tịch hội đồng giám mục và “(các) chủ tịch của Ủy Ban trung ương Người Công Giáo Đức chủ trì”.

Đề xuất này nêu rõ, Hội đồng Đồng nghị thường trực sẽ hoạt động “như một cơ quan tham vấn và ra quyết định về những phát triển thiết yếu trong Giáo hội và xã hội”.

Quan trọng hơn, nó sẽ “đưa ra những quyết định căn bản có ý nghĩa siêu giáo phận về việc lập kế hoạch mục vụ, những câu hỏi về tương lai và các vấn đề ngân sách của Giáo hội không được quyết định ở cấp giáo phận.”

Để làm cho hội đồng hoạt động, "nó sẽ được hỗ trợ bởi một ban thư ký thường trực, có đủ nhân viên và tài chính."

Bác bỏ yêu cầu bỏ phiếu kín

Trước cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể, năm người tham gia hôm thứ Bảy đã yêu cầu bỏ phiếu kín theo quy chế.

Qui chế nêu rõ, “Về nguyên tắc, các cuộc bỏ phiếu sẽ được thực hiện trước công chúng. Các trường hợp ngoại lệ đối với điều này là các quyết định về nhân sự và các cuộc biểu quyết có thể được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín theo yêu cầu của ít nhất năm thành viên của phiên họp đồng nghị toàn thể.”

Nói cách khác, một cuộc bỏ phiếu được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín ngay sau khi năm thành viên đưa ra yêu cầu tương ứng.

Tuy nhiên, những người điều hành đại hội, với sự ủng hộ từ đoàn chủ tịch dưới quyền Giám mục Georg Bätzing và chủ tịch Ủy Ban trung ương Người Công Giáo Đức Irme Stetter-Karp, đã yêu cầu mọi thành viên của “Con đường Đồng nghị” bỏ phiếu về đề nghị này, dẫn đến việc bác bỏ nó.

Một đề nghị kiểm tra việc giải thích pháp lý, mà một số người tham gia cho là có vấn đề, cũng bị đa số phiên họp toàn thể bác bỏ.

Ít nhất có hai người tham gia rời bỏ phiên họp toàn thể

Phản đối việc xử lý các đề xuất trên của ban tổ chức, ít nhất hai người tham gia đã tuyên bố ý định rời khỏi cuộc họp.

Nhà thần học nổi tiếng và từng đoạt giải Ratzinger Marianne Schlosser, người dạy thần học về tâm linh ở Vienna, nói với EWTN tại biến cố này rằng bà nhận thấy "nói về cảm xúc thì quả là buồn và nói về khách quan thì quả là đáng giận" về cách các đề xuất đã được xử lý.

Bà biện minh cho quyết định ký và đệ đạt yêu cầu bỏ phiếu kín bằng cách nói rằng trọng điểm là “cho phép những người không đứng chung hàng với chính dòng hoặc đa số được tự do bỏ phiếu cho một bản văn hoặc một dự luật.”

Bản thân Schlosser đã đưa ra lập trường công khai chống lại bản văn. Tuy nhiên, các nhà tổ chức trước đó đã bác bỏ các lo ngại về áp lực đối với các giám mục bác bỏ một tài liệu ủng hộ LGBT, với việc chủ tịch Stetter-Karp gọi các giám mục thiểu số này là “nhõng nhẽo”.

Sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy, Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, một nhà triết học nổi tiếng, cũng tuyên bố bà sẽ rời phiên họp sớm vì cách xử lý của Con đường Đồng nghị.

Dorothea Schmidt, một trong số ít những người tham gia thường xuyên vào việc chỉ trích các bản văn đang thảo luận, đã ủng hộ quyết định của hai phụ nữ trong một cuộc phỏng vấn với EWTN. Bà cáo buộc sự lãnh đạo của “Con đường Đồng nghị” không chấp nhận các ý kiến thiểu số và “chỉ đơn giản theo đuổi đường lối riêng của họ” trong việc theo đuổi các mục tiêu đã được “ấn định ngay từ đầu”.

“Tôi thấy toàn bộ tình huống này thật không thể chịu đựng nổi,” nữ giáo dân Công Giáo nói với EWTN.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội khai giảng năm học mới 2022 – 2023
BTT ĐCV Thánh Giuse Hà Nội
08:24 11/09/2022
Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội khai giảng năm học mới 2022 – 2023

“Tôi biết tôi tin vào ai” (1Tm 1,12) là chủ đề được chọn cho năm học mới 2022 – 2023 của Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Thánh lễ khai giảng năm học mới đã được long trọng cử hành vào sáng thứ Bảy ngày 10/9/2022 tại phân khoa Thần học.

Đúng 8h00, quý Cha và quý Thầy phân khoa Thần học đã chuẩn bị chu đáo mọi việc để chào đón quý Bề trên các giáo phận, quý Cha giáo, quý Thầy thuộc phân khoa Triết học và Tu đức, quý ân nhân cùng quý khách về dự lễ khai giảng.

9h15, Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội đã gặp gỡ, chia sẻ với các chủng sinh về chủ đề của năm học mới. “Tôi biết tôi tin vào ai” (1Tm 1,12) là khẩu hiệu được Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse chọn cho Đại Chủng viện trong năm học này. Khẩu hiệu ấy gợi lên hình ảnh thánh Tông đồ Phaolô dù đang chịu trăm ngàn đau khổ, giữa cảnh tù đày nhưng không hề xấu hổ, không hề sợ hãi. Thánh nhân xác tín vào Đấng mình đã tin, đã đi theo bởi đã chọn lựa một cách dứt khoát.

Từ khẩu hiệu ấy, mỗi Chủng sinh cần nhận thấy mục đích sống trong Chủng viện là học về Chúa, biết Chúa là ai, biết Đấng mình tin. Trước một thế giới mà lối sống vô thần thực hành đang phổ biến, đức tin chỉ còn là lý thuyết, đời sống không còn đi đôi với đức tin nữa, người Chủng sinh được mời gọi nhìn nhận Chủng viện như một gia đình, nơi gặp gỡ Chúa, để biết Chúa là ai. Từ đó biết chia sẻ, giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Kết thúc bài chia sẻ, Đức TGM Giuse nhắn nhủ mỗi Chủng sinh hãy xác tín điều ấy để yên tâm tu học. Dù khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của từng người, cùng với sự giúp đỡ của quý cha giáo, cá nhân mỗi người sẽ gặp gỡ được Chúa Giêsu, yêu mến Người, nhờ đó mà toàn tâm toàn ý bước theo Người.

Thánh lễ khai giảng năm học mới do Đức TGM Giuse chủ sự đã được cử hành ngay sau đó. Đồng tế với ngài có quý Bề trên các giáo phận, quý Cha giáo, quý thầy Chủng sinh và quý khách.

Cách đặc biệt, trong Thánh lễ, quý cha mới được bổ nhiệm vào công cuộc đào tạo tại Đại Chủng viện đã tuyên xưng đức tin trước sự chứng kiến của Đức TGM Giuse, bề trên toàn quyền của Đại Chủng viện. Qua lời thế hứa đó, cầu chúc quý Cha sẽ đốt lên ngọn lửa yêu mến Đức Giêsu cho các Chủng sinh để Đại Chủng viện thực sự là lò lửa Chúa Thánh Thần.

Sau Thánh lễ, Đức TGM Giuse, quý Bề trên các giáo phận, quý Cha, quý khách cùng chụp chung bức hình lưu niệm và dự bữa cơm thân mật với gia đình Đại Chủng viện.

BTT ĐCV Thánh Giuse Hà Nội
 
Các Thánh Lễ Mừng Sinh Nhật Đức Mẹ Tại Melbourne.
Trần Văn Minh
15:33 11/09/2022
Melbourne, Vào Ngày Thứ Bảy 10/9/2022. Tại Melbourne, có hai thánh lễ đặc biệt mừng sinh nhật Đức Mẹ trong ngày.

Hình của Hội Đồng Comitium Legio Mariae mừng sinh nhật Đức Mẹ

Hình lễ sinh nhật Đức Mẹ tại Trung tâm Ta’ Pinu

Một thánh lễ lúc 11 giờ tại Trung Tâm Thánh Mẫu (All Nations Marian Centre) Ta’ Pinu Vùng Bacchus Marsh. Trung tâm nằm trên một ngọn đồi, cách Trung tâm Thành Phố Melbourne chừng 50 cây số về hướng Tây trên đường đi đến Tiểu Bang Nam Úc (South Australia.) Tại đây có chừng 14 ngôi đền Đức Mẹ của 14 sắc tộc tại Melbourne, Đại diện Cộng đồng Việt Nam cũng có một ngôi đền để dâng kính và tạ ơn Đức Mẹ La Vang.

Thánh lễ do Linh mục Anthony Nguyễn Ngọc Dũng Chánh Xứ Giáo Xứ Cliffton Hill, Melbourne cử hành, Ca Đoàn Am ma nu en, thuộc cộng đoàn Bernadette’s phụ trách xuất sắc phần thánh ca giúp buổi lễ thêm phần long trọng. Số giáo dân trong khắp tiểu bang về dự với ba xe Bus nhỏ và gần trăm xe nhà.

Đây là buổi lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ lần thứ nhất sau hai năm nghỉ để tránh mùa dịch Covid Wu-Han. Trước mùa dịch, mỗi năm Ban Cổ động Nhà Nguyện Đức Mẹ La Vang đều có hai kỳ lên viếng nhà nguyện, một là lên dâng lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ, và một vào mùa thương khó để đi đàng Thánh Giá.

-Thánh lễ vào buổi chiều long trọng và có số giáo dân đông hơn, vào lúc 6 giờ Ngày Thứ Bảy 10/9/22. Của Hội Đồng Comitium Legio Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đã tổ chức lễ mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, vị Nữ Tướng của Legio Mariae thật trọng thể, quy tụ toàn thể hội viên hoạt động cũng như tán trợ, từ các Curiae và các đơn vị trực thuộc hội đồng về Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm để dâng lễ tạ ơn mừng sinh nhật Đức Mẹ.

Trước khi, dâng lễ, toàn thể hội viên đã cùng nhau đọc kinh khai mạc và lần chuỗi thật sốt mến dưới bàn thờ Đức Mẹ, và Vexilium, bàn thờ tuy nhỏ bé, nhưng trang trọng đúng với sự khiêm nhường của vị Nữ tướng Legio Mariae. Đúng 6 giờ Cha Linh Giám của Hội Đồng Comitium tiến lên bàn thờ dâng lễ. Ca đoàn Tin Yêu của Legio Mariae đã phụ trách thánh ca, các đại diện của các Curiae cũng được phân công để phụng vụ Thánh lễ đặc biệt này.

Sau Thánh lễ, anh Trưởng Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thống đã lên thay mặt toàn thể hội viên có những lời tâm tình dâng lên Mẹ, và cảm ơn cha linh giám. Hội đồng cũng trao quà của Mẹ bằng những lời kinh thánh tặng lại cho đoàn quân binh của Mẹ.

Đây cũng là lần đầu sau hai năm bị giãn cách, bị giới nghiêm, bị cách ly để tránh dịch Covid hoành hành. Được gặp lại nhau, đoàn con của Mẹ rất sung sướng tổ chức tiệc mừng sinh nhật Đức Mẹ. Buổi tiệc đã được tổ chức tại hội trường trung tâm với sự tham gia trình diễn nhiệt thành của các đơn vị với các thể loại đơn ca, hợp ca, vũ tập thể rất sinh động. Và không thể thiếu phần cắt bánh sinh nhật với pháo sáng đẹp mắt.

Buổi lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ được kết thúc với kinh Catena và kinh Bế mạc rất sốt sắng của mọi người, sau đó, Hội Đồng Comitium đã nhận phép lành của Cha Linh Giám Phạm Minh Ước SJ. Rồi chung tay dọn dẹp trước khi lưu luyến chia tay nhau trở về các đơn vị hoạt động theo linh đạo của Legio Mariae.
 
Ngày Truyền Thống Cộng Đoàn Thánh Tôma Thiện 11/9/22
Trần Văn Minh gửi
18:50 11/09/2022
Ngày Truyền Thống Cộng Đoàn 11/9/22 - Album 1
HÌNH ẢNH: NGÀY TRUYỀN THỐNG CỘNG ĐOÀN - ALBUM 1, 10.00AM | 11/9/2022

Kính gửi đến quý ông bà anh chị em một số hình ảnh Ngày Truyền Thống, mừng kính Thánh Tử Đạo Tôma Trần Văn Thiện - bổn mạng Cộng Đoàn vào 10.00am Chúa Nhật 11/9/22.

Tạ ơn Thiên Chúa, Thánh Mẫu La Vang và Thánh Mẫu La Vang đã ban cho Cộng đoàn ngày lễ truyền thống diễn ra tốt đẹp, nhiều niềm vui và ân sủng.

Hình ảnh: Vũ Khoa - BTT
 
VietCatholic TV
Ukraine xóa sổ Lữ Đoàn Dù thiện chiến của Nga ở Kharkiv. Nga tung trực thăng lùng bắt đào binh.
VietCatholic Media
03:12 11/09/2022


1. Lực lượng Ukraine xóa sổ lữ đoàn Dù, tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ do Nga nắm giữ ở khu vực Kharkiv

Các lực lượng Ukraine đã tiếp tục tiến sâu vào các khu vực do Nga chiếm đóng trong khu vực Kharkiv ở phía đông bắc của đất nước, theo nhiều video trên mạng xã hội cũng như các tài khoản từ cả quân đội Ukraine và các kênh truyền thông xã hội thân Nga.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết “Trung đoàn súng trường cơ giới số 202 của Nga, nằm trong vùng Kharkiv, đã rút khỏi vị trí của họ và di chuyển đến khu rừng gần nhất. Đơn vị bị bỏ lại mà không có chỉ huy và thông tin liên lạc”

Các lực lượng Ukraine đã tiến hơn 50 km (khoảng 31 dặm) về phía đông vào lãnh thổ do Nga nắm giữ trên một mặt trận mở rộng, đe dọa cắt đứt các lực lượng Nga ở phía nam xung quanh Izium.

Cục tình báo tuyên bố rằng các binh sĩ Nga đã “gọi điện cho người thân với yêu cầu liên hệ với chỉ huy và tìm ra nơi họ nên đi tiếp theo. Một số người trong số họ yêu cầu vợ liên hệ với đường dây nóng của Bộ Quốc phòng Nga và Hội Hồng Thập Tự với yêu cầu đưa họ ra khỏi lãnh thổ Ukraine”

Tổng cục cho biết người Nga đã dùng đến súng phun lửa trong nỗ lực ngăn chặn sự tiến công của Ukraine nhưng “bị tổn thất nghiêm trọng, phải rời bỏ vị trí và rút lui thành từng nhóm nhỏ.”

“Do thiếu hậu cần, họ đang rút lui một cách hoảng loạn.”

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cũng tuyên bố rằng “Lữ đoàn Dù 237 của Liên bang Nga đã ngừng tồn tại do tất cả các quân nhân đều chết hoặc bị thương và bị bắt làm tù binh”.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, cho đến đầu tháng 9, số binh sĩ Nga tử trận thông thường từ 100 đến 200 người. Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, ít nhất 650 binh sĩ Nga đã tử trận trong một ngày.

Một kênh Telegram thân Nga có tên là Cộng hòa Nhân dân Kharkiv cho biết rằng một lực lượng “thực sự lớn” dự trữ của Nga đã được triển khai và “có thể đẩy lùi một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine tại Horokhovatka và ngăn chặn việc cắt ngang trục Izium và cầu Borova.”

Kênh này thừa nhận có giao tranh dữ dội trong khu vực và cho rằng các lực lượng Ukraine đang tiến về phía nam tới Izium. Nó cho biết dân thường đã được di tản ởả Izium, nơi vốn là trung tâm chính cho cuộc tấn công của Nga về phía nam vào khu vực Donetsk kể từ tháng 4. Việc di tản dân thường khỏi Kupyansk, một điểm quan trọng đối với việc tiếp tế của Nga, cũng đang tiếp tục.

Kênh này cũng thừa nhận rằng một sở chỉ huy của Nga đã bị trúng đạn và một cây cầu bị vô hiệu hóa gần Kupyansk.

Nó kết luận rằng “kịch bản lạc quan nhất cho Bộ tư lệnh Lực lượng vũ trang Nga là tạo ra một vòng vây” các lực lượng Ukraine nhưng nói thêm rằng chiến thuật Ukraine sử dụng các nhóm nhỏ, có thể điều khiển được đã có hiệu quả, và nói thêm rằng nếu họ “xoay sở để đạt được một chỗ đứng vững chắc, việc tái chiếm các lãnh thổ đã bị tái chiếm sẽ khó khăn hơn nhiều”.

Thông qua vị trí địa lý và các tuyên bố của quân đội Ukraine, các nhà phân tích độc lập và các blogger quân sự Nga, ước tính các lực lượng Ukraine đã chiếm được hơn 1000 km vuông lãnh thổ trong khu vực Kharkiv trong tuần này.

2. Sau khi đi thăm khu vực giải phóng, quan chức quân đội Ukraine cho biết Người Nga đã để lại “nhiều chiến lợi phẩm” ở khu vực Kharkiv

Ông Oleh Syniehubov, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kharkiv, cho biết ông đã đi thăm các khu vực mới được giải phóng gần đây ở Kharkiv – và nhận thấy “Người Nga đã để lại cơ sở hạ tầng và nhà cửa hỏng hóc, nhiều chiến lợi phẩm và các đống rác”.

Syniehubov đã đăng những bức ảnh về chuyến viếng thăm của mình trên kênh Telegram.

“Mọi người, không ngoa khi gặp những người lính của chúng tôi đã rơi nước mắt.... Cư dân, tất nhiên, cần được giúp đỡ. Hầu hết các ngôi làng không có điện hoặc khí đốt. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ khôi phục điện, nước và mang đến các phẩm vật cứu trợ nhân đạo.”

“Nhưng điều đầu tiên là làm sạch và rà phá bom mìn,” Syniehubov nói. “Đối với những người đã rời đi, chúng tôi không khuyên bạn nên quay trở lại cho đến khi có lệnh liên quan của quân đội.”

Ông cũng đưa ra lời cảnh báo cho những người đã cộng tác với quân xâm lược.

“Không kẻ phản bội nào trốn tránh được trách nhiệm. Hôm nay, người đứng đầu một trong những ngôi làng của cộng đồng bị chiếm đóng, người đã cộng tác với kẻ thù, đã bị bắt giữ.”

“Điều quan trọng nhất: nhờ Lực lượng vũ trang của chúng tôi, đã có cờ Ukraine ở khắp mọi nơi!” Syniehubov nói.

3. Ukraine cho biết Nga triển khai máy bay trực thăng để bắt những đào binh của họ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Deploys Helicopters to Capture Their Own Fleeing Deserters: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga triển khai máy bay trực thăng để bắt những đào binh của họ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo Ukraine, Nga đã triển khai máy bay trực thăng và vũ khí tại khu vực Kherson bị Ukraine chiếm đóng trong nỗ lực truy quét những binh sĩ đã bỏ trốn khỏi vị trí của họ.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đã viết trong một bản cập nhật trên Facebook vào chiều thứ Sáu rằng “những tổn thất đáng kể và sự không sẵn sàng chiến đấu” đã góp phần làm suy giảm “sĩ khí và tình trạng tâm lý” của quân xâm lược Nga. Số lượng những người đào ngũ cũng đang tăng lên.

“Trong lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của vùng Kherson, trong khu vực định cư Babenkivka Thứ hai, kẻ thù đã phải triển khai trực thăng và vũ khí để tìm kiếm những kẻ đào ngũ và đưa họ trở lại vị trí chiến đấu. Ngoài ra, qua ngã Kalanchak, theo hướng Crimea tạm thời bị chiếm đóng, hàng dài các binh sĩ Nga không vũ trang đang bỏ chạy đã được ghi nhận.” Kalanchak cũng nằm trong vùng Kherson, nơi hiện đang diễn ra cuộc phản công của Ukraine.

Newsweek đã không thể xác minh báo cáo và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xác nhận và bình luận.

Báo cáo của Ukraine, nếu được xác nhận, cung cấp cái nhìn mới về tình trạng của những người lính chiến đấu cho Nga trong cuộc chiến đang cận kề kỷ niệm bảy tháng. Đã có một số dấu hiệu cho thấy tinh thần của những người lính này đang bị ảnh hưởng, bao gồm cả một bản cập nhật tình báo hôm Chúa Nhật của Anh cho biết quân đội Nga đang gặp “các vấn đề về tinh thần và kỷ luật” ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh viết rằng các vấn đề như mệt mỏi khi chiến đấu, thương vong cao và vấn đề thanh toán lương bổng là một trong những bất bình chính của binh sĩ.

Ước tính của Ukraine về số người chết của Nga ở Ukraine đã vượt 50.000 vào đầu tuần này, mặc dù Mạc Tư Khoa lần cuối đưa ra ước tính của riêng mình vào ngày 25/3, khi một người đứng đầu quân đội Nga nói với hãng thông tấn nhà nước Tass rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương.

Cuối tháng trước, một “quan chức quân sự cấp cao” chưa được tiết lộ danh tính phát biểu tại cuộc họp báo của Ngũ Giác Đài đã mô tả tinh thần của quân đội Nga là “khốn khổ”.

Cơ quan tình báo quân đội Ukraine hôm thứ Năm báo cáo rằng một nhóm binh sĩ Nga ở khu vực Moldova do Nga hậu thuẫn đang trải qua “tình trạng đào ngũ hàng loạt” trong một đợt tuyển quân theo dạng hợp đồng lao động tại khu vực này.

Cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine đã viết trong báo cáo rằng người dân Transnistria từ chối ký hợp đồng với quân đội Nga bất chấp những lời hứa về “thanh toán tiền mặt cao, các gói xã hội và có khả năng có nhà ở”. Ban giám đốc cũng nói rằng các trường hợp đào ngũ đã gia tăng trong số những “nhóm hoạt động của quân đội Nga ở Transnistria.”

“Và do số lượng lực lượng quân có hạn, người Nga không thể thu hút các nguồn lực cần thiết để tìm kiếm và bắt lại những người đã đào ngũ”.

Newsweek cũng không thể xác minh báo cáo này một cách độc lập.

4. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng cuộc phản công của Ukraine đang làm xói mòn sự tự tin trong Bộ tư lệnh Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Counteroffensive Eroding Confidence in Russian Command: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng cuộc phản công của Ukraine đang làm xói mòn sự tự tin trong Bộ tư lệnh Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cuộc phản công của Ukraine ở phía đông và phía nam đất nước và sự im lặng của Điện Cẩm Linh đang làm xói mòn lòng tin vào bộ chỉ huy Nga.

Trong báo cáo hàng ngày của mình, nhóm nghiên cứu cho biết những thành công của Ukraine trên trục Thành phố Kharkiv và Izyum đang phá vỡ không gian thông tin của Nga và làm xói mòn sự tự tin trong Bộ tư lệnh Nga “ở một mức độ chưa từng thấy kể từ lần vượt sông thất bại của Nga vào giữa tháng 5”.

Một ví dụ mà họ đưa ra là các quan chức Ukraine thông báo hôm thứ Năm rằng các lực lượng đã tiến sâu 50 km hay 31 dặm vào các vị trí phòng thủ của Nga ở phía bắc Izyum ở vùng Kharkiv - nhưng phía Nga không đưa ra bất kỳ bình luận nào về tiến độ của quân Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết quân đội Ukraine đã tái chiếm hàng chục khu định cư và giành lại hơn 1.000 km vuông lãnh thổ ở miền đông và miền nam trong tuần qua. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết các lực lượng Ukraine ở vùng Kharkiv ở phía đông Ukraine trong cuộc phản công của họ chỉ còn cách trung tâm hậu cần chính của Nga ở Kupyansk chưa đến 20km kể từ ngày 8 tháng 9.

Điện Cẩm Linh chưa bình luận về tuyên bố chiếm lại lãnh thổ của Ukraine, nhưng các quan chức địa phương ở Kharkiv thông báo rằng Nga đã gửi hàng loạt quân tiếp viện tới khu vực.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết sự im lặng của Mạc Tư Khoa trong bối cảnh Ukraine đang lên tiếng thành công đã thu hút sự chỉ trích từ các quân nhân Nga trên mạng và giảm lòng tin vào bộ chỉ huy quân sự của Nga theo cách tương tự như những gì đã thấy khi Nga không vượt qua được sông Sievierodonetsk vào giữa tháng 5 ở khu vực phía đông của Luhansk. Các quan chức Ukraine và Anh vào thời điểm đó cho biết, các lực lượng Nga đã bị tổn thất nặng nề trong cuộc tấn công của Ukraine vào một cây cầu phao bắc qua sông ở phía đông.

Các lực lượng Ukraine, tiếp tục nhắm vào các điểm chỉ huy và kiểm soát cũng như các kho đạn của Nga ở vùng Kherson, có khả năng sẽ chiếm được Kupyansk trong 72 giờ tới, làm suy giảm nghiêm trọng, nhưng không cắt đứt hoàn toàn đường dây liên lạc mặt đất của Nga tới Izyum

ISW cũng lưu ý rằng quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công mặt đất “hạn chế” qua trục phía đông.

Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Nga Interfax đưa tin rằng Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh quân đội của họ được gửi đến khu vực Kharkiv, nơi các lực lượng Ukraine tuyên bố đã tái chiếm lãnh thổ trong những ngày gần đây.

Hôm thứ Sáu, ít nhất 10 người bị thương sau khi Kharkiv bị trúng hỏa tiễn của Nga. Cuộc tấn công vào thành phố thứ hai của Ukraine là để trả thù cho cuộc phản công của Kyiv trong khu vực, theo Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak. Trong một cuộc phản công gần đây, Ukraine cho biết họ đã chiếm lại hơn 20 khu định cư.

“Đối với mọi thành công của lực lượng vũ trang Ukraine, đối với mọi chiến thắng, người Nga... trả lời bằng các cuộc tấn công vào những người vô tội,” Yermak nói trong một bài đăng trên Telegram. “Nga là một quốc gia khủng bố... Nga sẽ phải trả lời cho điều này, và Nga gần như chắc chắn sẽ không thể trốn ở bất cứ đâu.”

Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

5. Tổng thống Zelenskiy cho biết Ukraine đã nắm quyền kiểm soát hơn 30 khu định cư ở khu vực Kharkiv

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng các hành động tấn công của lực lượng vũ trang nước này tiếp tục “thành công” theo nhiều hướng.

“Tính đến thời điểm hiện tại, Lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng và kiểm soát hơn 30 khu định cư ở khu vực Kharkiv”. Tổng thống Zelenskiy cho biết như trên trong thông điệp video hàng ngày của mình gởi quốc dân đồng bào.

“Các biện pháp kiểm tra và bảo đảm an ninh lãnh thổ ở một số thị trấn trong khu vực đang được tiến hành; chúng tôi đang dần nắm quyền kiểm soát các khu định cư mới. Chúng ta đang trả lại lá cờ Ukraine và sự bảo vệ cho tất cả người dân của chúng ta ở khắp mọi nơi, “ông nói.

Zelenskiy cũng kêu gọi “một số blogger, đừng làm phức tạp nhiệm vụ cho quân đội của chúng tôi với sự vội vàng của các bạn. Vui lòng không báo cáo các chi tiết cụ thể của hoạt động quốc phòng sớm hơn các đại diện chính thức của quốc gia chúng ta”.

Zelenskiy đã khen ngợi Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 14 vì đã đóng góp vào cuộc tấn công Kharkiv, cũng như Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 503 “vì lòng dũng cảm của họ ở vùng Donetsk”.

6. Ngũ Giác Đài: Cuộc phản công của Ukraine ở Kherson đã mang lại “những dấu hiệu đáng khích lệ”

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào ngày 1 tháng 9 tại khu vực Kherson đã cho thấy Ukraine đã “sáng tạo” trong việc tích hợp các khả năng quân sự do Mỹ và các nước khác cung cấp vào các hoạt động của họ.

“Chúng tôi đang theo dõi diễn biến cuộc phản công khá chặt chẽ như các bạn có thể tưởng tượng.... Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ, và chắc chắn trong mấy ngày qua, “Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Chính sách Sasha Baker cho biết như trên hôm thứ Sáu tại một cuộc họp báo với các phóng viên. Tuy nhiên, ông nói “người Nga là một đối thủ đáng gờm, và tôi nghĩ còn một cuộc chiến dài phía trước.”

Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ gọi chiến dịch Ukraine là một cuộc phản công, một thuật ngữ mà các quan chức của Bộ, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Liên quân, Tướng Mark Milley, tránh né trước đây.
 
ĐGH không đến Kyiv và Mạc Tư Khoa lúc này. Đức John Paul I dự định trở về Venice trước khi được bầu
VietCatholic Media
06:07 11/09/2022


1. Đức Giáo Hoàng không đến Kyiv và Mạc Tư Khoa lúc này, nhưng bảo đảm rằng ngài đang “đối thoại với họ” cả Zelenskiy và Putin

Bác sĩ đã khuyên Đức Thánh Cha hạn chế đi lại. Vì thế, hiện nay, không thể thực hiện việc đến Kyiv hay Mạc Tư Khoa, như ngài đã khẳng định nhiều lần rằng ngài rất muốn đi. Tuy nhiên, ngài bảo đảm rằng ngài đang làm mọi cách để chấm dứt xung đột ở Ukraine, thường xuyên liên lạc với các Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Vladimir Putin.

“Chuyến thăm có thể diễn ra hay không. Tôi vẫn không biết. Tôi đang nói chuyện với họ. Chẳng hạn, ngày mai, tôi có một cuộc điện đàm với Tổng thống Zelenskiy. Hãy xem sao”, Đức Thánh Cha cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN Bồ Đào Nha.

Thừa nhận rằng con đường đối thoại liên quan đến cuộc chiến này là rất “khó khăn”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm:

“Bây giờ tôi không thể đi vì sau chuyến đi đến Canada, sự hồi phục đầu gối của tôi có một chút vấn đề và bác sĩ đã cấm tôi đừng đi lại nhiều. Nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, qua điện thoại… Và tôi làm những gì có thể. Và tôi yêu cầu mọi người làm những gì họ có thể. Trong số tất cả, một cái gì đó có thể được thực hiện. Tôi đồng hành với nỗi đau của tôi và với những lời cầu nguyện của tôi và tất cả những gì tôi có thể. Nhưng tình hình thực sự rất bi thảm”.

2. Đức Gioan Phaolô I dự kiến sẽ trở lại Venice trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng

Một lá thư được viết vào đêm trước của mật nghị bầu ngài làm Giáo Hoàng cho thấy Đức Hồng Y Albino Luciani dự kiến sẽ trở lại Venice với tư cách là Thượng Phụ của thành phố này.

“May mắn thay, tôi hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm,” Đức Hồng Y Luciani viết từ Rôma ngày 24 tháng 8 năm 1978, cho Đức Cha Giuseppe Carraro, người vừa nghỉ hưu sau thồi gian làm Giám mục của Verona.

“Tôi sẽ đến gặp Đức Cha, sớm nhất có thể” Đức Hồng Y Luciani, người được bầu làm giáo hoàng vào ngày 26 tháng 8, nói thêm.

Đức Hồng Y Luciani lấy tông hiệu là Đức Gioan Phaolô I. Ngài đã được phong chân phước vào ngày 4 tháng 9.

Trong bức thư gửi cho Đức Cha Carraro, cai quản một giáo phận trong giáo tỉnh của ngài, Đức Hồng Y Luciani đã viết về “những suy diễn và đồn đoán của báo chí” về kết quả của mật nghị, nhưng nói thêm rằng ngài sẽ giữ bí mật cần thiết liên quan đến mật nghị.

Ngài đề cập đến “cam kết nghiêm túc của mình hơn bao giờ hết là cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội” và cầu nguyện “cho người mà các Hồng Y sẽ bầu chọn để kế vị cố Đức Phaolô Đệ Lục,” lưu ý rằng vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ “có một nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn” Đức Giáo Hoàng Montini.

Bức thư được Đức Cha Carraro trao cho Cha Guido Todeschini, người sáng lập Telepace, một mạng lưới truyền thanh Công Giáo có trụ sở tại Tỉnh Verona. Todeschini đã trình bày tài liệu này trong một chương trình vào ngày 2 tháng 9.

Cha Todeschini dự định sẽ trao bức thư ấy cho quỹ John Paul I của Vatican.

Đức Giáo Hoàng John Paul I đã trị vì trong 33 ngày, từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9 năm 1978.

Ngài sinh ra ở tỉnh Belluno của Ý vào năm 1912, và được thụ phong linh mục của Giáo phận Belluno e Feltre vào năm 1935, ở tuổi 22.

Năm 1958, ngài được phong làm giám mục, và được bổ nhiệm làm Giám mục Vittorio Veneto. Ngài được bổ nhiệm làm Thượng phụ Venice năm 1969, và được tấn phong Hồng Y năm 1973.


Source:Catholic News Agency

3. Cuộc gặp gỡ giữa các Đức Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo về tình hình tại Ukraine

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos của Athens và Toàn Hy Lạp, và Đức Tổng Giám Mục Epifaniy của Kyiv và Toàn Ukraine đã đến đảo Thassos ở Hy Lạp, theo lời mời của Thủ hiến Stefanos của Philippi, Neapolis và Thassos, để tham gia vào cử hành kính các vị thánh ở Thassos.

Sau lễ đón chính thức tại cảng của đảo, một Phụng Vụ Thánh long trọng đã được tổ chức tại nhà thờ lịch sử Đức Mẹ An Nghỉ, nơi Đức Tổng Giám Mục Stefanos đã phát biểu và chào đón các quan khách và bày tỏ niềm vui chân thành vì sự hiện diện của các ngài trên đảo.

Ngài đặc biệt đề cập đến việc Kitô giáo hóa người Nga vào cuối thế kỷ thứ 9 sau Chúa Giêsu, khi Giáo chủ Photios cử các nhà truyền giáo đầu tiên đến Kyiv để rao giảng Phúc âm và rửa tội cho những Kitô hữu đầu tiên ở đó.

Sau đó, Thượng phụ Đại kết nói về sự hiệp nhất và thông công trong Giáo hội, đồng thời đề cập đến sự đóng góp của các thánh đối với đời sống của Giáo hội Chính thống và các tín hữu, và lưu ý rằng trong bốn mươi năm qua, nhiều vị thánh đã được tuyên dương.

Đức Thượng Phụ Đại Kết cũng đề cập đến sự đóng góp của Thánh Phaolô trong việc truyền bá Phúc Âm trên thế giới bắt đầu từ thành phố Philípphê.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Kyiv, nói bằng tiếng Hy Lạp, bày tỏ sự vui mừng khi được đến Hy Lạp và biết ơn Đức Tổng Giám Mục Stefanos vì lời mời của ngài.

“Lời mời chính thức của ngài đến với chúng tôi vào đầu tháng Ba, trong những ngày khó khăn, khi bạo chúa Nga đang đưa quân đến tàn phá đất nước chúng tôi và chiếm Kyiv. Những ngày tôi đọc lời mời của Đức Cha, chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mình khỏi bom của Nga. Tôi đang đọc lời mời của Đức Cha và không biết điều gì có thể xảy ra với chúng tôi vào giây phút tiếp theo, vào ngày hôm sau”.

Ngoài ra, phát biểu trước Đức Tổng Giám Mục Athens, ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài và các thành viên của Tòa Thượng Phụ Đại Kết “vì tình yêu và sự ủng hộ đối với Giáo hội Độc Lập của Ukraine”.

Ngài còn nói thêm rằng “Giáo hội Hy Lạp như một người anh trai mang gánh nặng và đề nghị giúp đỡ một người em trai”. Đồng thời, ngài cũng ngỏ lời cảm ơn Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô vì đã ngỏ lời mời ngài đến chung vui trên đảo Thassos, cũng như sự giúp đỡ và ủng hộ liên tục, không gián đoạn mà ngài dành cho Giáo hội Ukraine sau khi ngài cấp Tomos cho Giáo Hội Ukraine thống nhất.
Source:Orthodox Times
 
Quân Putin sụp đổ, tháo chạy khi Ukraine đưa HIMARS áp sát Lysychansk. Ukraine tăng tốc ở Kherson
VietCatholic Media
16:37 11/09/2022


1. Cuộc rút chạy của người Nga. Quân đội của Putin giương cao cờ trắng và bỏ rơi thành phố trọng điểm khi đối mặt với sự tấn công dữ dội của Ukraine khi Nga thừa nhận lực lượng của họ phải 'tập hợp lại'

Các phóng viên của tờ The Sun, có mặt tại Ukraine là Tariq Tahir, Isaac Crowson, và Katie Davis có bài tường trình nhan đề “RUSSIAN RETREAT Putin’s troops raise white flag & ABANDON key city in face of Ukrainian onslaught as Russia admits forces ‘regrouping’”, nghĩa là “Cuộc rút chạy của người Nga. Quân đội của Putin giương cao cờ trắng và bỏ rơi thành phố trọng điểm khi đối mặt với sự tấn công dữ dội của Ukraine khi Nga thừa nhận lực lượng của họ phải 'tập hợp lại'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Các binh sĩ Nga đã giương cờ trắng khi chạy trốn cuộc tiến công chớp nhoáng của Ukraine nhằm giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn.

Cuộc tấn công đã phá hủy phòng tuyến của Nga và cho phép binh sĩ Ukraine chiếm lại 30 thị trấn ở một phần quan trọng của đất nước họ khi quân đội của Putin bỏ rơi một thành phố quan trọng khác.

Biến cố này cho phép các anh hùng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiến xa về phía nam cách Kharkiv đến hơn 30 dặm.

Vitaly Ganchev, người đứng đầu chính quyền do Nga hậu thuẫn ở khu vực Kharkiv, thừa nhận rằng những vùng rộng lớn trên chiến tuyến của họ đã bị sụp đổ ở đó.

Những tiến bộ đã khiến giám đốc CIA William Burns coi cuộc xâm lược của Putin “đã là một thất bại”.

Trong nỗi nhục nhã lớn đối với Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận quân đội của họ đã buộc phải rút khỏi thành phố trọng điểm Izium khi đối mặt với cuộc tấn công dữ dội.

Thành phố này là một pháo đài lớn của Nga ở khu vực đông bắc Ukraine mà cho đến sáng hôm thứ Bẩy Nga vẫn còn giữ được nhưng đã thất thủ vào cuối ngày của nó có thể đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến.

Sự thất thủ nhanh chóng của Izium ở tỉnh Kharkiv là thất bại nặng nề nhất của Mạc Tư Khoa kể từ khi quân đội của họ bị buộc phải rút lui khỏi thủ đô Kyiv vào tháng 3, và có thể chứng minh một bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài 6 tháng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov cho biết các lực lượng Ukraine đã tiến vào Izium.

Ông nói: “Việc giải phóng tất cả các lãnh thổ của chúng tôi là rất quan trọng và chúng tôi sẽ giải phóng tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời.”

Tối nay, Nga chính thức thừa nhận quân đội của họ đã “tập hợp lại” từ các khu vực Balakliya và Izium và sẽ được gửi đến để tăng cường các hoạt động ở những nơi khác trong khu vực ly khai Donetsk lân cận của Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết động thái này được thực hiện “nhằm đạt được các mục tiêu đã nêu của chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm giải phóng Donbas”, một trong những khu vực miền đông Ukraine mà Nga đã tuyên bố chủ quyền.

Tuyên bố rút quân để tập trung vào Donetsk tương tự như lời biện minh mà Nga đưa ra khi rút lực lượng khỏi khu vực Kyiv hồi đầu năm khi họ không chiếm được thủ đô.

“Tối hôm qua, người Nga đã cắm một lá cờ trắng gần nhà ga”, một sĩ quan Ukraine tham gia giải phóng Izium nói với New York Times.

Tổng thống Zelenskiy hôm thứ Bảy cho biết hiện đã giải phóng được 2.000 km2 khỏi Nga kể từ cuộc phản công mới được phát động hồi đầu tháng.

Khi quân Ukraine tiến vào, một sĩ quan cấp cao của Nga bị đánh bầm tím và đầy máu đã được nhìn thấy sau khi bị bắt.

Trong khi đó, một đoạn phim cho thấy khoảnh khắc kinh hoàng của quân đội Nga khi nhảy khỏi một chiếc xe tăng đang chạy quá tốc độ trước khi nó đâm vào một cái cây trong một cuộc rút lui nhục nhã ở Ukraine.

Cảnh quay từ máy bay không người lái cho thấy nhiều binh sĩ Điện Cẩm Linh lao ra khỏi chiếc xe tăng mất kiểm soát ở Kharkiv khi Ukraine tiếp tục cuộc tiến công 30 dặm vào các khu vực do Nga chiếm đóng.

Thông báo của Nga được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Ukraine chiếm được thành phố Kupiansk ở xa hơn về phía bắc, trung tâm đường sắt duy nhất cung cấp toàn bộ hậu cần cho tiền tuyến của Nga ở miền đông bắc Ukraine.

Các quan chức Ukraine đăng ảnh quân đội của họ giương cao lá cờ xanh và vàng của đất nước trước tòa thị chính ở Kupiansk vào lúc rạng sáng.

Các lực lượng Ukraine đã tái chiếm hàng chục thị trấn và làng mạc do Nga nắm giữ trong nhiều tháng, kể từ khi tấn công vào chiến tuyến hồi đầu tuần.

Điều đó khiến hàng nghìn quân Nga đột ngột bị cắt nguồn cung cấp trên toàn bộ mặt trận, nơi đã chứng kiến một số trận chiến khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Rob Lee, một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cho biết: “Vẫn còn rất nhiều điều mà chúng tôi chưa biết về cuộc tấn công, nhưng rõ ràng là việc này đã được các lực lượng Ukraine lên kế hoạch và thực hiện tốt”.

“Nó trông giống như một hoạt động vũ khí kết hợp rất hiệu quả với xe tăng, bộ binh cơ giới, lực lượng Tác chiến đặc biệt, hệ thống phòng không, pháo binh và các hệ thống khác.”

Mark Hertling, một tướng bốn sao đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy lực lượng bộ binh của Mỹ ở Âu Châu, cho biết Ukraine “đang thực hiện một cuộc điều động xuất sắc”.

Ông nói thêm: “Nhưng người Nga đang giúp họ - bằng cách làm rất ít để chống lại.”

Các lực lượng Nga đã chiến đấu vất vả để chiếm được Izium ngay từ đầu cuộc chiến.

Nó được sử dụng làm căn cứ hậu cần cho một trong những chiến dịch chính của họ - là một cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng từ phía bắc vào vùng Donbas liền kề.

Thất bại của Nga có thể là một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến kéo dài 6 tháng, với việc hàng nghìn binh sĩ Nga phải bỏ kho đạn và thiết bị khi họ chạy trốn.

Nó mang lại sự kết thúc nhanh chóng và đột ngột cho thời kỳ trong đó cuộc chiến đã diễn ra như một cuộc mài dũa không ngừng trên một mặt trận tĩnh, tạo lợi thế cho Mạc Tư Khoa về hỏa lực thô sơ. Lợi thế này của Mạc Tư Khoa đã chấm dứt.

Chánh văn phòng Andriy Yermak của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tweet một biểu tượng cảm xúc về quả nho. Từ “Izium” có nghĩa là “nho khô” trong tiếng Ukraine và tiếng Nga.

2. Ukraine tuyên bố họ đã gây thêm tổn thất cho các lực lượng Nga ở phía nam

Trong bản báo cáo hôm Chúa Nhật 11 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các lực lượng Nga ở khu vực Kherson, miền nam Ukraine cũng như ở khu vực Kharkiv.

Trong một bản cập nhật hoạt động, Bộ Tổng tham mưu cho biết “việc giải phóng các khu định cư đã bị quân xâm lược của Nga tạm thời chiếm giữ ở khu vực Kharkiv và ở hướng Nam Buh vẫn tiếp tục. Vì sự an toàn của các binh sĩ phục vụ của chúng tôi, thông tin chính thức sẽ được cung cấp sau”.

Nam Buh bao gồm phần lớn mặt trận phía nam ở Mykolaiv và Kherson.

Bộ Tổng tham mưu tuyên bố “Bộ chỉ huy các lực lượng chiếm đóng của Nga ở khu vực Kherson đang cố gắng củng cố thành phố Kherson bằng cách triển khai lực lượng dự bị. Các đơn vị mới của quân xâm lược đã được phát hiện trong trung tâm khu vực”.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết người Nga đang cố gắng khôi phục giao thông qua một trong một số những cây cầu bị hư hỏng trên sông Dnipro, nhưng cây cầu vẫn nằm trong tầm kiểm soát hỏa lực của pháo binh Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu cho biết Sư đoàn Dù số 106 của Nga đã mất gần 60 binh sĩ trước các hành động của Ukraine trong 24 giờ qua. Các chỉ huy Nga đang cố gắng chỉnh đốn Quân đoàn 1 bằng cách chuyển quân từ các đơn vị khác.

Riêng Bộ chỉ huy tác chiến Ukraine ở phía nam cho biết các lực lượng Nga đang tiếp tục nỗ lực “tăng dự trữ đạn dược và dự trữ nhân lực, đồng thời đang tìm kiếm các cách thay thế để chuyển giao vũ khí và thiết bị”. Cuối cùng, bộ chỉ huy cho biết một đơn vị mới của lực lượng Chechnya, với số lượng khoảng 1.300 quân, đã đến khu vực này.

3. Các lực lượng Ukraine đang tiến về thành phố Lysychansk ở vùng Luhansk

Các lực lượng Ukraine đã mở ra một mặt trận mới chống lại hệ thống phòng thủ của Nga ở biên giới các khu vực Donetsk và Luhansk.

Igor Girkin, người Nga, nguyên là tổng chỉ huy các lực lượng ly khai thân Nga ở Ukraine, cho biết quân đội Ukraine đã kéo trọng pháo và HIMARS áp sát Lysychansk và pháo kích dữ dội vào thành phố, gây ra một cảnh hỗn loạn bên trong.

Người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực của Luhansk, Serhiy Hayday, đã đăng một thông báo chỉ ra rằng thành phố Lysychansk là mục tiêu của cuộc tấn công mới.

Thành phố đã bị mất vào tay lực lượng Nga và lực lượng dân quân đồng minh của họ sau nhiều tuần giao tranh ác liệt vào tháng Sáu.

Hayday cho biết: “Lysychansk, một thành phố tuyệt vời của Ukraine. Sẽ có rất nhiều công việc tái thiết”

Hayday sau đó nói với các hãng truyền thông Ukraine Suspilne và Kênh 5 rằng các đơn vị Ukraine đã đến ngoại ô thành phố Lysychansk.

Lysychansk là thành phố cuối cùng bị người Nga đánh chiếm, nhưng sau đó họ không tiến thêm được vào vùng Donetsk lân cận.

Cuộc tiến công được báo cáo của Ukraine về phía Lysychansk diễn ra khi lực lượng bộ binh Ukraine hoàn thành cuộc càn quét qua phần lớn lãnh thổ do Nga nắm giữ ở khu vực Kharkiv, tước đi của Nga một mặt trận quan trọng trong cuộc tấn công vào khu vực Donetsk.

Trong một dấu hiệu khác về những tiến bộ của Ukraine, người đứng đầu cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Denis Pushilin, thừa nhận rằng tình hình ở miền bắc Donetsk đã trở nên “rất là khó khăn”.

Pushilin cho biết trên kênh Telegram của mình rằng tại thị trấn Lyman, không xa thành phố Sloviansk do Ukraine quản lý, rằng “tình hình khá khó khăn, giống như ở một số khu định cư ở miền Bắc nước Cộng hòa”.

“Tuy nhiên, tôi liên hệ với chính quyền địa phương, với các dịch vụ khẩn cấp và với các đơn vị của chúng tôi. Có nhiều thông tin hơn nhưng tôi không thể tiết lộ nó vào lúc này, vì nó có thể gây hại cho các đơn vị của chúng tôi,” ông nói.

Hayday nói rằng người dân địa phương ở thành phố Lysychansk đã báo cáo về việc các quan chức Nga vội vã rời thành phố.

Nói với CNN qua điện thoại, Hayday nói rằng theo cư dân, “quân xâm lược Nga, bao gồm cả cộng tác viên và quân đội, đang chạy trốn một cách vội vàng.”

“Người dân địa phương có video và hình ảnh chứng minh điều đó,” Hayday nói. Ông cho biết không thể chia sẻ bằng chứng trực quan vì lý do bảo mật.

Hayday cũng gợi ý rằng có một cuộc di cư của các quan chức và cộng tác viên thân Nga ở Luhansk về phía Nga. “Những người từ Svatove, Starobilsk, Novopskov đang cố gắng bỏ chạy, không phải đến Luhansk, mà đến biên giới với Nga tại Milove.”

Các không ảnh từ vệ tinh cho thấy dòng phương tiện hình thành theo hướng này.

Hayday cũng nói với CNN rằng người Nga đã thất bại trong việc xây dựng tuyến phòng thủ ở Luhansk. “Svatove, Starobilsk - đây là một vùng quê nông thôn rộng mở, vì vậy không có nơi nào để trốn.”

Ông tuyên bố các lực lượng Nga đã bỏ chạy khỏi thị trấn Svatove. Nếu đúng, nó sẽ rất quan trọng vì Svatove là một liên kết quan trọng trong các đường cung cấp của Nga tới các bộ phận của vùng Luhansk bị chiếm đóng.

Hayday cũng xác nhận với CNN rằng “quân du kích” Ukraine đã giương cao lá cờ Ukraine ở thị trấn Kreminna, phía bắc Lysychansk.

4. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng ở Kharkiv đã được yêu cầu chuyển hướng đến Donetsk và “tập hợp lại”

Trong phản ứng đầu tiên trước những thành tựu mà lực lượng Ukraine đạt được trong vài ngày qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết “quyết định được đưa ra nhằm tập hợp quân đội Nga tại các khu vực Balakleya và Izyum và chuyển hướng nỗ lực của họ theo hướng Donetsk”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết trong một loạt các tuyên bố hôm thứ Bảy: “Chiến dịch giải phóng Donbas bao gồm một số hoạt động nghi binh và tung hỏa mù nhằm che dấu các hoạt động quân sự thực tế”, đồng thời tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã “tiêu diệt hơn 2.000 chiến binh Ukraine và nước ngoài, bao gồm cả hơn 100 xe bọc thép và pháo binh trong ba ngày qua.”

Trung tướng Igor Konashenkov nói thêm “Lực lượng của Liên bang Nga đã được giảm bớt và được tái triển khai tới Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk trong ba ngày qua,” và đã “nổ súng dồn dập vào kẻ thù để ngăn chặn tổn thất.”

Konashenkov không thừa nhận bất kỳ sự rút lui nào khỏi Kharkiv, thay vào đó cho rằng tất cả đều nằm một kế hoạch tái triển khai.

Trước đó vào thứ Bảy, cuộc họp báo của Bộ đã hiển thị bản đồ kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine cho thấy Kupiansk và Izium vẫn nằm trong tay Nga. Thật ra, Nga không còn giữ được thành phố nào. Những luận điệu của Konashenkov hoàn toàn là dối trá.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết các đồng minh “ngạc nhiên” trước thành công của các lực lượng Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói rằng các đồng minh của Ukraine “ngạc nhiên” trước những thành công gần đây của quân đội nước này.

Phát biểu kết thúc cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Ramstein, bên Đức, ông Reznikov nói rằng “các đối tác của Ukraine vô cùng ngạc nhiên trước sự năng động của các hoạt động của quân đội chúng tôi: ở phía nam dưới sự chỉ huy của Trung Tướng Andriy Kovalchuk và ở phía đông dưới sự chỉ huy của Đại Tướng Oleksandr Syrskyi”.

Phát biểu của ông được đưa ra khi các lực lượng Ukraine đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc chiếm lại lãnh thổ do lực lượng Nga nắm giữ kể từ mùa xuân ở khu vực phía đông Kharkiv.

Reznikov nói rằng tại tất cả các cuộc gặp với các đồng minh của Ukraine, “có một số từ chính xác định trọng tâm của cuộc thảo luận. Trong cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi vào tháng Tư, những từ đó là 'thời gian' và 'quá trình chuyển đổi.' “

“Chúng tôi đã đi một chặng đường dài kể từ đó,” ông nói. “Ngày càng nhiều người Nga bắt đầu tin rằng mọi thứ xung quanh họ đang đi sai hướng.”

Ông Reznikov cho biết, nhờ sự hỗ trợ của đồng minh, Ukraine đã nhận được hàng trăm hỏa tiễn pháo binh. “Những người lính Ukraine đang mang đến nỗi kinh hoàng cho kẻ thù bằng những đòn tấn công chính xác và không thể nghi ngờ của M142 Himars, M270 MLRS và MARS II. Hỏa tiễn HARM đã rời vô hiệu hóa hệ thống radar của quân xâm lược.”

Ông nói: “Việc gia tăng quy mô viện trợ cũng như các hành động thành công của lực lượng phòng vệ Ukraine đã ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga trong gần 200 ngày, đã ảnh hưởng đáng kể đến các ưu tiên.”

Ông cho biết các từ khóa bây giờ là “duy trì”, “lâu dài” và “đào tạo”, đồng thời nói thêm rằng “Mạc Tư Khoa vẫn còn rất nhiều nguồn lực. Chiến thắng sẽ không đến ngay lập tức. Nhưng nó chắc chắn sẽ đến”.

Reznikov nói rằng “nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ Ukraine đã được nâng lên một mức cao hơn.” Chương trình đào tạo do Vương quốc Anh khởi xướng đã tiếp nhận hàng nghìn binh sĩ Ukraine. “30.000 binh sĩ sẽ được huấn luyện trong chương trình này. Họ sẽ trở về Ukraine hoàn toàn sẵn sàng cho trận chiến”

Ông nói: “Chiến tranh kết thúc với chiến thắng của chúng ta càng sớm, thì những khó khăn kinh tế và xã hội do Điện Cẩm Linh gây ra sẽ càng nhanh chóng được khắc phục trên khắp Âu Châu,” ông nói.
 
Bức tượng Đức Mẹ gây hiệu ứng bất ngờ cho người qua đường. Đức Giáo Hoàng ngưỡng mộ người Ba Lan
VietCatholic Media
17:23 11/09/2022


1. Bức tượng Đức Mẹ đồng trinh gây hiệu ứng bất ngờ cho người qua đường

Từ tháng 5, một bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi đã trông chừng những người lái xe ở Saint-Paterne, Tây Bắc nước Pháp.

Trái ngược với những gì người ta có thể nghĩ, đó không phải là một trong nhiều đền thờ nằm dọc các con đường của Pháp, cũng không phải là bản sao của bức tượng nổi tiếng của Đức Mẹ Con đường đã được đặt hơn 30 năm trên xa lộ ở Vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur. Nó chỉ đơn giản là một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria với mục đích bảo vệ ngôi nhà của chủ nhân của nó, là ông Vincent Sagot, cũng như những người lái xe và cư dân của ngôi làng nhỏ này.

“Sau khi chuyển đến Saint-Paterne vào tháng Giêng năm 2022, tôi muốn trang trí ngôi nhà của mình. Khoảng sân cạnh lối vào đường lái xe của tôi trống trơn, và một đồng nghiệp đã kể cho tôi nghe về một bức tượng thiên thần mà cô ấy đã đặt bên ngoài nhà của mình. Tôi nghĩ mình cũng có thể làm được như vậy,” người đàn ông 50 tuổi giải thích.

Sagot đang duyệt qua các trang bán đồ trang trí ngoài trời để tìm kiếm thiên thần nổi tiếng thì bất ngờ một trang khác tình cờ mở ra. “Tôi đã xem qua bức tượng này và biết rằng mình phải mua cho bằng được. Nó như thể chính Đức Trinh Nữ Maria đang yêu cầu tôi đặt bức tượng Mẹ ở lối vào nhà của tôi,” anh nói.

Mặc dù sự hiện diện của bức tượng, ban đầu, chỉ là vấn đề trang trí, sau đó là bảo vệ đất đai và ngôi nhà của mình, Vincent không nghi ngờ rằng bức tượng sẽ ảnh hưởng đến những chiếc xe chạy qua.

“Tôi đang sống trên một con đường có nhiều khúc cua và nguy hiểm. Xe chạy với tốc độ cao. Do tượng Đức Mẹ được đặt bên lề đường nên xe cộ chậm hơn một chút. Những người lái xe hiếu kỳ giảm tốc độ trước nhà tôi,” Sagot nói.

Được thắp sáng bởi những ngọn đèn điện vào buổi tối và ban đêm, Mẹ của Chúa cũng thu hút những người đi bộ đường dài. “Một số dừng lại trước bức tượng để cầu nguyện,” anh nói. “Tôi hoan nghênh điều này. Tôi muốn mọi người trò chuyện với Đức Trinh Nữ nếu họ muốn”.
Source:Aleteia

2. Đức Giáo Hoàng chia sẻ sự ngưỡng mộ rằng Ba Lan đã không xây dựng các trại tị nạn cho người Ukraine nhưng đón họ về nhà mình

Tân đại sứ Ba Lan tại Tòa thánh chia sẻ các mục tiêu cá nhân và báo cáo về cuộc gặp của ông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Adam Mariusz Kwiatkowski, tân đại sứ Ba Lan tại Tòa thánh, đã trình ủy nhiệm thư của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 5 tháng 9 năm 2022, văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên trong thông báo cùng ngày. Theo báo chí Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn tới người dân Ba Lan vì sự chào đón của những người tị nạn Ukraine.

Tân đại sứ của Ba Lan nói rằng một trong những sứ mệnh của ông là trình bày cho Tòa Thánh thấy hậu quả của việc Nga gây hấn ở Ukraine.

Sinh năm 1972 tại Warsaw, Adam Mariusz Kwiatkowski bắt đầu đảm nhiệm cương vị đại sứ đầu tiên và kế nhiệm Janusz Kotanski ở Rome. Ông bố ba con này tốt nghiệp ngành quản trị và quản lý tại Đại học Warsaw (2005) và từ năm 2019, là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Quản trị của cùng trường đại học. Ông từng là Chánh Văn Phòng của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan từ năm 2015 đến năm 2017, sau đó ông giữ chức vụ Quốc vụ khanh. Gần đây, ông là cố vấn về các chính sách xã hội cho Tổng thống Cộng hòa, nơi ông phụ trách các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Ba Lan, trong số những vấn đề khác.

Được truyền thông Pap phỏng vấn vào ngày 23 tháng 7, người đàn ông được bổ nhiệm làm đại sứ Ba Lan tại Tòa thánh vào ngày 11 tháng 4, giải thích rằng ông muốn “hỗ trợ các nỗ lực buộc Nga phải chấm dứt các hoạt động gây hấn và diệt chủng” ở Ukraine.

Ông nói: “Sau hơn 5 tháng hành động quân sự, chúng ta có thể thấy rõ rằng cuộc tấn công phi lý này của Liên bang Nga nhằm vào Ukraine có những tác động tiêu cực trên quy mô toàn cầu, ví dụ như những vấn đề liên quan đến an ninh lương thực.

Nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Tòa Thánh và Ba Lan, cả về mặt ngoại giao và tôn giáo, ông tâm sự rằng ông cảm thấy được hướng dẫn bởi người đồng hương Ba Lan, Thánh Gioan Phaolô II, trong sứ mệnh của mình.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, hơn năm triệu người Ukraine đã vào lãnh thổ Ba Lan để tạm lánh chiến tranh.

Trong nhiều dịp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảm ơn sự chào đón của người dân Ba Lan. “Anh chị em là người đầu tiên ủng hộ Ukraine bằng cách mở cửa biên giới, trái tim và cánh cửa nhà mình cho những người Ukraine chạy trốn khỏi chiến tranh,” ngài nói trong một buổi tiếp kiến chung vài ngày sau cuộc xâm lược của Nga.

Sau cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng, tân đại sứ nói rằng Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với thái độ của người Ba Lan.

“Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn to lớn đến toàn thể Ba Lan, tất cả các công dân của chúng tôi. Ngài nói rằng ngài đã theo dõi với sự ngưỡng mộ cách người Ba Lan mở lòng trước tình cảnh khó khăn của các nước láng giềng của chúng tôi, những người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa và chạy trốn khỏi Ukraine”, Adam Mariusz Kwiatkowski nói với hãng truyền thông Ba Lan Stacja7.

Vị Đại Sứ nói thêm: “Đức Thánh Cha nói ngài có ấn tượng sâu sắc rằng rất nhiều người Ukraine đang ở Ba Lan, đã tìm thấy nơi ẩn náu ở đây và thực tế là không có trại tị nạn nào ở Ba Lan.”
Source:Aleteia

3. Giám mục người Đức: Truyền giáo cho xã hội thế tục đòi hỏi phải chia sẻ 'tính hợp lý của đức tin'

Giám đốc Viện Bênêđíctô XVI ở Regensburg, Đức, nói rằng cần phải “bảo vệ Đức tin một cách lành mạnh” nếu người Công Giáo muốn truyền bá Phúc âm một cách đáng tin cậy trong các xã hội đương đại.

Đức Cha Rudolf Voderholzer ở Regensburg nói với CNA Deutsch như trên trong một cuộc phỏng vấn.

“Truyền giáo cần phải đi đôi với một hình thức hộ giáo 'lành mạnh', được diễn ra trong một bầu không khí nhân từ và khẳng định.”

Những người hộ giáo “nên chứng minh tính hợp lý của đức tin và niềm hy vọng mà Đức tin có thể đưa ra khi đối mặt với những phê phán quan yếu,” Đức Cha Voderholzer, một giáo sư thần học tín lý, nói.

“Các câu hỏi trung tâm đang được đặt ra là: Nói về Chúa có ý nghĩa không? Thiên Chúa có thể đã bày tỏ chính mình trong Chúa Giêsu Kitô không? Sự tiết lộ này có thể nhận biết được không, và nó có giải thoát cho tôi không? Ân sủng là gì? Làm thế nào để ân sủng và tự do đồng hành cùng nhau? Niềm tin vào sự sáng tạo và tư duy khoa học của thế giới có tương thích với nhau không?”

Đức Cha Voderholzer nhấn mạnh rằng những câu hỏi này được chia sẻ bởi hầu hết các Kitô hữu và cũng được thể hiện “trong cam kết bảo vệ sự sống, chẳng hạn như trong các cuộc tuần hành phò sinh.”

Ngài cho biết có một tập hợp cụ thể về các vụ tai tiếng mà người Công Giáo thường gặp phải: “Các cuộc Thập tự chinh, các phiên tòa xét xử phù thủy, vụ án Galileo, chủ nghĩa thực dân, đồng lõa trong các hệ thống toàn trị, sự xói mòn giáo huấn Chúa Giêsu, và gần đây đặc biệt là lạm dụng tình dục”.

Đức Cha cảnh báo rằng hộ giáo không có nghĩa là “phủ nhận một cách dứt khoát những mặt tối của Giáo hội, hay chủ nghĩa giáo điều với bất cứ giá nào”.

“Điều quan trọng là chúng ta cần có sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, cần có sự phân định và sự hiểu biết rằng 'sự thánh thiện của Giáo hội' không có nghĩa là sự vô tội về mặt đạo đức của tất cả các thành viên, nhưng sự thánh thiện của Giáo hội là ân sủng Chúa ban cho chúng ta để thông báo sự hiện diện của Ngài, ơn cứu rỗi của Ngài, một cách chính xác trong những bình sành dễ vỡ”.

Khi được hỏi về những hình mẫu cho “hình thức hộ giáo lành mạnh”, vị giám mục người Đức cho biết ngài nghĩ đến Irênê thành Lyon, Thánh Thomas Aquinas, Blaise Pascal, John Henry Newman, Henri de Lubac, và cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16.

Ngài nói: “Tất cả các vị đều biết rằng sự mặc khải của Thiên Chúa, được truyền lại cho chúng ta trong Kinh thánh và đức tin của Giáo hội, là hiển nhiên”.

Đức Cha Voderholzer là giám đốc sáng lập của Viện Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, được thành lập vào năm 2008 để biên soạn và cung cấp cả các tác phẩm đã xuất bản và các tác phẩm chưa được xuất bản của nhà thần học, giám mục và giáo hoàng danh dự. Theo trang web của viện, bộ sách 16 tập gồm các tác phẩm đã sưu tập của Đức Bênêđíctô cũng được Ignatius Press dự kiến xuất bản bằng tiếng Anh.
Source:Catholic News Agency
 
Phim kinh hoàng: Quân Nga bỏ chạy, đang ngồi trên xe tăng phóng hết ga, sợ hỏa tiễn, lao xuống đất
VietCatholic Media
23:27 11/09/2022


1. Quân Nga nhảy khỏi xe tăng trước khi nó đâm vào một cái cây trong cuộc rút lui nhục nhã ở Ukraine

Ký giả Ethan Singh của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “FLEEING LIKE RATS Watch ‘panicking’ Russians fall off tank before it crashes into a tree during humiliating retreat in Ukraine”, nghĩa là “Chạy như chuột. Hãy xem lính Nga nhảy khỏi xe tăng trước khi nó đâm vào một cái cây” mô tả những người lính Nga quyết định bỏ xe tăng chạy bộ để tránh bị giết vì hỏa tiễn của quân Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Đây là khoảnh khắc kinh hoàng khi quân Nga nhảy khỏi một chiếc xe tăng đang chạy rất nhanh trước khi nó đâm vào một cái cây trong một cuộc rút lui nhục nhã ở Ukraine.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái cho thấy nhiều binh sĩ Điện Cẩm Linh nhảy khỏi chiếc xe tăng đang phóng nhanh ra khỏi khu vực Kharkiv khi Ukraine tiếp tục cuộc tiến công sâu đến hơn 30 dặm vào các khu vực bị Nga chiếm đóng.

Một khoảnh khắc sau khi quân của Vladimir Putin nhảy khỏi chiếc xe tăng đang bỏ trốn, người ta đã thấy lạng qua lạng lại ngoằn nghèo trên đường.

Và chiếc xe tăng cuối cùng cũng dừng lại bằng cách đâm vào một cái cây làm văng xuống đất những người lính còn lại trên chiếc xe tăng.

Các lực lượng vũ trang Ukraine - những người phát hành đoạn phim - dường như chế nhạo người Nga về lời thề của họ: “Chúng tôi không bỏ rơi người dân của mình”.

Biến cố này xảy ra sau khi các báo cáo rằng lực lượng của Putin đã bị tổn thất nghiêm trọng ở Kharkiv – là điều có khả năng xoay chuyển cục diện cuộc chiến hiện nay.

Các binh sĩ Nga được tường trình đã giương cờ trắng khi họ chạy trốn cuộc tiến công chớp nhoáng của Ukraine nhằm giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn.

Các cuộc tấn công đã phá hủy các phòng tuyến của Điện Cẩm Linh và cho phép binh sĩ Ukraine chiếm lại 30 thị trấn ở một phần quan trọng của đất nước họ.

Nó cho phép các anh hùng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiến xa cách Kharkiv 30 dặm về phía nam.

Tổng thống Ukraine cho biết trong một bài phát biểu trong video: “Quân đội, các đơn vị tình báo và các cơ quan an ninh của chúng ta đang tiến hành các cuộc giao tranh tích cực trong một số khu vực hoạt động. Họ đang làm rất thành công.”

“Chúng ta đang dần nắm quyền kiểm soát các khu định cư mới. Chúng tôi đang trả lại lá cờ Ukraine và sự bảo vệ cho công dân của chúng ta ở khắp mọi nơi”.

Trong nỗi nhục nhã lớn đối với Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận quân đội của họ đã buộc phải rút khỏi thành phố trọng điểm Izium khi đối mặt với cuộc tấn công dữ dội.

Tối thứ Bẩy, Nga cho biết quân đội đã “tập hợp lại” từ các khu vực Balakliya và Izium và sẽ được gửi đến để tăng cường các hoạt động ở những nơi khác.

Thành phố này là một pháo đài lớn của Nga ở khu vực đông bắc Ukraine và sự thất thủ của nó có thể đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến.

Đã có các báo cáo của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận rằng quân đội của họ đã tái chiếm Izium.

Quân đội Ukraine cũng đã chiếm được thành phố Kupiansk xa hơn về phía bắc, là trung tâm đường sắt duy nhất cung cấp cho toàn bộ chiến tuyến của Nga qua phía đông bắc đất nước.

Sáng thứ Bẩy, các quan chức Ukraine đăng ảnh quân đội của họ giương cao lá cờ xanh và vàng của đất nước trước tòa thị chính ở Kupiansk vào lúc rạng sáng.

Quân đội của tổng thống Zelenskiy đã chiếm lại hàng chục thị trấn và làng mạc do Nga nắm giữ trong nhiều tháng, kể từ khi mở cuộc phản công hồi đầu tuần.

2. Giới thiệu thành phố Lysychansk của Ukraine

Lysychansk là một thành phố ở khu vực Sievierodonetsk thuộc miền Luhansk của Ukraine. Nó nằm ở hữu ngạn của sông Donets về phía Bắc, cách thủ phủ Luhansk khoảng 115 km. Thành phố này đối diện với Sievierodonetsk bên kia sông. Dân số của Lysychansk vào khoảng 95.031 người theo ước tính năm 2021.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Lysychansk đã bị quân đội Nga pháo kích dữ dội. Các cuộc tấn công dữ dội nhất xảy ra vào cuối tháng 3 năm 2022, đã phá hủy hàng chục tòa nhà và gây ra thương vong cho dân thường. Vào ngày 9 tháng 5 năm 2022, quân đội Nga đã cố gắng vượt sông Seversky Donets bằng một cầu phao gần Bilohorivka. Các lực lượng Ukraine đã đoán trước được điều này, theo dõi việc xây dựng cầu, sau đó pháo kích dữ dội vào cây cầu và các phương tiện của Nga đang băng qua, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng của Nga. Nga đã thực hiện một số nỗ lực như vậy, và đa số đã bị quân đội Ukraine vô hiệu hóa. Ít nhất hai Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga đã bị chết chìm dưới dòng nước khi cố gắng vượt qua con sông bằng cầu phao. Có các nguồn tin cho rằng có thể lên đến cả Trung đoàn Nga tử trận trên con sông này.

Sau khi Nga chiếm được Sievierodenetsk, Lysychansk trở thành thành phố lớn cuối cùng trong vùng Luhansk vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Vào ngày 26 tháng 6, thông tấn xã TASS báo cáo rằng các lực lượng Nga đã tiến vào thành phố từ năm hướng. Vào ngày 27 tháng 6, CNN đưa tin rằng thường dân ở Lysychansk đã được yêu cầu rời đi ngay lập tức, khi lực lượng Nga giành được vị trí trong thành phố.

Vào ngày 2 tháng 7 năm 2022, các báo cáo về việc quân đội Ukraine rút khỏi thành phố và các lực lượng Nga chiếm được thành phố này đã được hỗ trợ bởi nhiều video từ Trung đoàn cơ giới đặc biệt 141 của Kadirov tuyên bố chiến thắng trước Hội đồng thành phố Lysychansk.

Bộ tổng tham mưu quân đội cho biết: “Sau khi giao tranh ác liệt để giành Lysychansk, các lực lượng phòng thủ của Ukraine đã buộc phải rút khỏi các vị trí và phòng tuyến của họ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết lực lượng của ông đã chiếm được Lysychansk và kiểm soát hoàn toàn khu vực Luhansk. Tuyên bố của Sergei Shoigu không đúng sự thật vì chính Vladimir Putin đã phải ra thời hạn chót là 15 tháng 9 cho quân Nga phải chiếm cho được toàn vùng Luhansk.

Vào ngày 10 tháng 9, Serhiy Haidai nói với Suspilne rằng quân đội Ukraine đã tiến vào ngoại ô Lyschansk. Hayday nói rằng người dân địa phương ở thành phố Lysychansk đã báo cáo về việc các quan chức Nga vội vã rời thành phố.

Nói với CNN qua điện thoại, Hayday nói rằng theo cư dân, “quân xâm lược Nga, bao gồm cả cộng tác viên và quân đội, đang chạy trốn một cách vội vàng.”

“Người dân địa phương có video và hình ảnh chứng minh điều đó”

Hayday cũng gợi ý rằng có một cuộc di cư của các quan chức và cộng tác viên thân Nga ở Luhansk về phía Nga. “Những người từ Svatove, Starobilsk, Novopskov đang cố gắng bỏ chạy, không phải đến Luhansk, mà đến biên giới với Nga tại Milove.”

Các không ảnh từ vệ tinh cho thấy dòng phương tiện hình thành theo hướng này.