“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phải, nhiều lúc chúng ta cũng đã quá dễ dàng hài lòng với những khát vọng tầm thường. Thật thú vị, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến khát vọng, một khát vọng nặng mùi đất và một khát vọng ‘ngát hương Trời’. Khát vọng nặng mùi đất, “Dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất”; khát vọng ‘ngát hương Trời’, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”.
Khát vọng là bản tính tự nhiên thường hằng của con người và điều này chẳng có gì xấu. Thế nhưng, bên cạnh những khát vọng đúng đắn, còn có những khát vọng trần tục, lệch lạc. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay đủ cho thấy điều đó. Ngay sau khi Chúa Giêsu, Thầy của họ, nói đến đau khổ và cái chết Ngài sắp trải qua, thì các môn đệ lại tranh cãi xem ai là người lớn nhất. Một điều gì đó quá thế gian, khi ai cũng cho mình là trung tâm; và chỉ muốn thống trị. Đây là điều được thánh Giacôbê nêu đích danh trong bài đọc hai, “Các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em!”; “Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau; anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ”. Đó là những khát vọng nặng mùi đất!
Phần Chúa Giêsu, Ngài chỉ cho các môn đệ một khát vọng mạnh mẽ, đúng đắn, khát vọng mang tính cứu độ của “Người công chính”, tôi tớ của Thiên Chúa, được sách Khôn Ngoan, bài đọc thứ nhất, tiên báo. Đó là sự “Khôn ngoan từ trời xuống” mà thánh Giacôbê cũng đã nói đến; họ là những con người đem lại “Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”. Đó là một khát vọng được Thiên Chúa đỡ nâng như tâm tình mà Thánh Vịnh đáp ca tỉ tê, “Chúa đang nâng đỡ hồn con, Chúa đang ủi an đời con!”. Vậy thì khát vọng Chúa Giêsu chỉ ra là gì? Chúa Giêsu chỉ ra một khát vọng rất khác, khác hoàn toàn với những gì mà con người hoài bão. Khát vọng của Ngài là khát vọng phục vụ, khát vọng cúi xuống, khát vọng quên mình và khát vọng tự huỷ, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”. Đó quả là một khát vọng ‘ngát hương Trời!’.
Như vậy, một khi tâm hồn chúng ta không còn kiêu hãnh, ích kỷ với những kỳ vọng lệch lạc… thì Chúa Thánh Thần sẽ tràn ngập mọi ngóc ngách trong trái tim chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta kiêu hãnh, tự phụ, tham vọng, chỉ muốn thống trị, thì chắc chắn, Chúa Thánh Thần sẽ không còn chỗ trong tâm trí chúng ta. Vậy hãy làm trống chính mình trước khi nó được lấp đầy. Augustinô, con người của khát vọng, chia sẻ, “Tội lỗi xảy đến khi chúng ta để những ước muốn hoàn toàn tự nhiên hoặc những khát vọng thế tục thao túng. Nó không chỉ là tội, nhưng còn là sự bóp méo sai lệch hình ảnh Đấng Tạo Hoá trong chúng ta. Tất cả những hoài bão tốt đẹp và sự an toàn của chúng ta, chỉ được tìm thấy một cách đúng đắn và hoàn toàn trong Thiên Chúa và chỉ nơi Ngài!”.
Anh Chị em,
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”. Đây là nghịch lý của Tin Mừng. Nhưng chính Chúa Giêsu đã sống điều nghịch lý ấy. Con Thiên Chúa đến trần gian để hiến dâng mạng sống mà cứu chuộc muôn người, “Tôi đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ!”, và đỉnh điểm của sự phục vụ là cái chết của Ngài trên thập giá cho nhân loại được ơn cứu độ. Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài con đường tự hạ và phục vụ Ngài đã đi. Thế nên, trong mọi đấng bậc, noi gương Thầy Chí Thánh chúng ta trở nên những con người phục vụ như Ngài; cách riêng trong những ngày hôm nay. Cha mẹ phục vụ con cái, con cái phục vụ cha mẹ; chúng ta phục vụ nhau, phục vụ những ai đang dễ bị tổn thương nhất, những ai đang cần đến lòng thương xót nhất. Và như thế, nên giống Chúa, chúng ta bớt nặng mùi đất, cuộc sống chúng ta trở nên ‘ngát hương Trời’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy sự vĩ đại của chính mình khi con biết cúi xuống làm tôi tớ người khác, những ai Chúa trao cho con; và như thế, đời con mãi mãi ‘ngát hương Trời’”, Amen.
(Tgp. Huế)
PHÚC ÂM: Lc 8, 16-18
“Đặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi”.
Đó là lời Chúa.
Sau khi rao giảng dụ ngôn người gieo giống thì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất” (Lc 8,18). Cách thức nghe mà Chúa Giêsu nhắn bảo các môn đệ đó là phải biết chia sẻ, lan tỏa điều đã nghe, đã lãnh nhận.
Lời Chúa là Chân lý và là Tình yêu. Hiểu và tin nhận hiện thực này thì không ai có thể lãnh nhận rồi lại cất giấu đi. Chúa Giêsu minh họa cách cụ thể: “Không ai thắp đèn, rồi lại lấy hủ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng”(Lc 8,16). Đã là chân lý cần phải được loan truyền. Đã là tình yêu thì cần phải được sẻ chia. Nếu giả như chúng ta chưa tích cực và hăng say sẻ chia và loan truyền thì rất có thể chúng ta chưa thực sự tin nhận điều mình nghe, mình lãnh nhận là tình yêu và là chân lý.
Một hiện thực trong hoàn cảnh dịch bệnh hôm nay đó là khi nghe người này, người kia là F0, F1 hay tin lệnh giãn cách thì người ta cũng có thông tin nhưng vẫn hạn chế, trái lại khi nghe tin hết giãn cách, từ Chỉ Thị 16 xuống 15 thôi, thì hầu như rất nhiều người vui vẻ loan báo cho nhau. Quả là điều hiển nhiên tất yếu. Nghe được sự thật, điều tốt, tin vui thì hăm hở loan báo cho nhau, có thế thôi.
Vậy lời Chúa Giêsu cảnh báo: “Ai không có, thì ngay cái tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”. đáng để chúng ta xem lại lòng tin của mình vào Lời Chúa như thế nào. Phương tiện thông tin hiện nay xem ra khá thuận lợi, cách riêng với mạng xã hội phát triển. Ước gì Kitô hữu chúng ta biết tận dụng nó để vuông tròn bổn phận loan báo Tin vui, Tin Mừng Cứu Độ theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
15. Chúng ta đi đến trước phần mộ và suy nghĩ, trong đó ngoài nắm xương xấu xa hôi thối và dòi bọ ra, thì không còn gì nữa.
(Thánh John Chrysostom)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Giữa năm Càn Long, tư nghiệp (1) Lâm Liêm Chi và chánh học (2) Bành Trung Cử đi chơi ở Thiên Trúc, ăn uống và luận thơ văn.
Khi hai người ngà ngà say thì nói đến chỗ kỳ diệu của thơ Đổ Phủ:
- “Đỗ Thiếu Lăng khả sát ( 可煞 )” (3) .
Có người ngồi kế bên nghe được, bèn nói cho mọi người nghe:
- “Có một chuyện đại sự, Lâm tư nghiệp và Bành chánh học đang âm mưu giết người ( 可殺 )” (4).
Có người hỏi:
- “Người bị giết là ai vậy?”
Người ấy đáp:
- “Chính là Đỗ Thiếu Lăng, không biết là người ở đâu?”
(Tiếu tiếu lục)
Suy tư 63:
Ở đời, có những người cẩn thận trong phát ngôn và có những người bộp chộp trong khi nói, người cẩn thận trước khi nói thì uốn lưỡi bảy lần, nhưng người bộp chộp thì nói trước bảy câu rồi uốn lưỡi sau, cho nên cuộc đời mới xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười...
Ki-tô hữu là người cẩn thận, bởi vì họ biết rằng lời nói của họ sẽ là lời phán xét họ trong ngày Chúa đến, bởi vì họ biết rằng lời nói không suy nghĩ sẽ tổn thương rất lớn đến tinh thần và thể xác của tha nhân...
Nghe cho rõ, nhìn cho chính xác với tâm hồn ngay thẳng, thì người Ki-tô hữu đã làm sáng danh Thiên Chúa trong cuộc sống của mình rồi vậy.
(1) Tên một chức quan, giúp cho quốc tử giám, phụ trách giám vụ.
(2) Tên một chức quan, tương đương giáo sư của phủ học.
(3) + (4) 可煞 và 可殺 đều phiên âm là “ke sha” nghĩa Hán Việt là “khả sát”, nhưng 可煞 có nghĩa là: khiến người ta vừa ý, và 可殺 nghĩa là: có thể giết. Đồng âm khác nghĩa.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
PHÚC ÂM: Mt 9, 9-13
“Hãy theo Ta”. – Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.
Đó là lời Chúa.
“Đèn được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cách nào đó, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta ‘thổi cho nó bùng lên’ đức tin của mình trong thế giới ngày nay, một thế giới xem ra tối đặc. Kitô hữu khác nào vận động viên phải chạy cho hết đường đua của mình mà ngọn đuốc trên tay ‘vẫn còn cháy sáng’.
Thật là lợi thế khi trong bóng tối, mỗi người có một đuốc sáng trên tay. Chúng ta muốn nói với Chúa Giêsu rằng, “Lạy Chúa, con đang ở đây! Con có đuốc sáng, Chúa cứ bảo những người khác đến với con!”. Trong đêm tối, người cầm đuốc soi sáng, để tất cả những ai chung quanh họ đều có thể tự tin bước đi mà không sợ vấp ngã. Họ sẽ không lãng phí thời gian để dò dẫm hay do dự; thay vào đó, cả nhóm người có chung mục đích nhanh chóng đến nơi họ cần, tới chỗ họ muốn. Có người cầm đuốc, tất cả mọi người trong nhóm đều cảm thấy nhẹ nhõm, kể cả bản thân người cầm đuốc. Đây là giá trị đức tin của mỗi người Kitô hữu trong một xã hội thế tục cao độ hôm nay. Vua Kyrô xứ Ba Tư trong sách Esdra hôm nay khác nào người đã nhận ngọn đuốc sáng từ tay Thiên Chúa; chính nhờ ông, dân Chúa đã đồng tâm, góp công góp của, xây dựng một đền thờ ở Giêrusalem, hầu danh Chúa được rạng rỡ vinh quang trong Đền Thánh Ngài.
Chúa Giêsu còn khẳng định, “Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết”. Thật là hấp dẫn! Khi không được người khác khen ngợi và công nhận, chúng ta có thể cảm thấy buồn hoặc bị lãng quên; vậy mà đây là lúc chúng ta cần chiếu thật nhiều ánh sáng để thoát ra khỏi ‘lỗ đen’ đó. Những công việc tốt lành chúng ta làm dường như không được ai công nhận; nhưng Thiên Chúa sẽ đưa chúng ra trong ngày phán xét. Vì thế, ngay lúc này, các việc lành đó càng được giấu kín, chúng ta sẽ càng đạt được nhiều công lao trước mặt Ngài. Mọi bí mật sẽ được hé mở trong ‘Ngày của Ngài’. Nhiệm vụ của chúng ta giờ đây không phải là mở chúng ra, mà là giấu chúng đi; đợi ngày đến đích, nơi có phần thưởng vĩnh cửu. Đó chính là sự khôn ngoan của người cầm đuốc! Miễn sao, kết thúc hành trình, đuốc ‘vẫn còn cháy sáng’.
Chúa Giêsu còn nói, “Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi!”. Ở đây, Ngài đi sâu hơn vào những gì chúng ta đã suy gẫm. “Ai có”, rõ ràng, Ngài ám chỉ những người cầm đuốc đã dẫn dắt thành công nhóm đồng hành với mình; người ấy sẽ được giao phó nhiều hơn, hoặc ít nữa, được những người khác tôn trọng. “Ai không có”, ám chỉ người cầm đuốc không giữ được ngọn lửa của mình; người ấy sẽ bị loại ra, ngọn đuốc trên tay họ cũng bị tước đi. Giữ cho lửa đức tin của mình ‘vẫn còn cháy sáng’, hay vì ngại làm chứng cho tình yêu của Ngài khi để cho đuốc tắt? Đó là phần việc của mỗi người chúng ta!
Anh Chị em,
“Đèn được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng!”. ‘Thổi cho nó bùng lên!’. Chúa muốn chúng ta cháy bùng lên, mãi thắp sáng, luôn hiện hữu và luôn tồn tại. Hơn bao giờ hết, chính lúc này đây, nhân loại và thế giới, cụ thể là các anh chị em thân yêu trên đất Việt của chúng ta; họ cần ánh đuốc đức tin của chúng ta một cách cấp thiết. Tất cả chúng ta đang ở trong một sân vận động đầy mưa sa bão táp, ôn dịch, chiến tranh và nghèo đói; mọi người đang chạy để nuôi dưỡng sự sống hoặc để cầm cự nó lúc này. Vì thế, Chúa Thánh Thần không ngừng thổi bùng lên ánh lửa đức tin trong lòng chúng ta, hầu chúng ta có thể chiếu sáng; đúng hơn, tiếp lửa đức tin cho anh chị em mình. Nhờ đó, mọi người có thể về đích với đuốc ‘vẫn còn cháy sáng’. Bấy giờ, với anh chị em mình, chúng ta cùng reo lên tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, xin cho con trở nên một người cầm đuốc khôn ngoan. Đừng để sự lười biếng và tự phụ làm con xao nhãng việc giữ cho ‘ánh lửa’ đời con luôn cháy sáng. Như thế, ngọn đuốc đời con ‘vẫn còn cháy sáng’ cho đến lúc con về đích, là chính Ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Chúa Nhật 19 tháng 9, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 25 Mùa Quanh Năm, bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta một tình cảnh trớ trêu: Trong khi Chúa loan báo về cuộc thương khó và cái chết của Ngài, các môn đệ lại tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 9, 30-37) thuật lại rằng, trên đường lên Giêrusalem, các môn đệ của Chúa Giêsu đã thảo luận “với nhau, ai là người lớn nhất” (c. 34). Vì vậy, Chúa Giêsu đã hướng những lời gay gắt về phía họ, những lời mà vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (câu 35). Nếu anh chị em muốn đứng đầu, anh chị em cần phải xếp hàng, xếp cuối cùng và phục vụ mọi người. Thông qua cụm từ gây ngỡ ngàng này, Chúa mở đầu cho một sự đảo ngược: Ngài lật ngược các tiêu chí về những gì thực sự quan trọng. Giá trị của một người không còn phụ thuộc vào vai trò của họ, công việc họ làm, số tiền họ có trong ngân hàng. Không, không, không, nó không phụ thuộc vào những điều này. Sự vĩ đại và thành công trong mắt Thiên Chúa được đo lường một cách khác: chúng được đo lường bằng sự phục vụ. Không phải những gì ai đó đang sở hữu, nhưng dựa vào những gì người đó trao ban. Anh chị em có muốn là người lớn nhất không? Hãy phục vụ. Đây là con đường.
Ngày nay, từ “phục vụ” có vẻ hơi lỗi thời, và bị biến dạng vì lạm dụng. Nhưng nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể trong Tin Mừng. Phục vụ không phải là một cách diễn đạt nhã nhặn: phục vụ nghĩa là hành động như Chúa Giêsu, Đấng, khi tóm tắt cuộc đời mình trong một vài từ, đã nói rằng Ngài đến “không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ” (Mc 10,45). Đây là những gì Chúa đã nói. Vì vậy, nếu muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải đi theo con đường mà chính Người đã vạch ra, con đường phục vụ. Sự trung thành của chúng ta với Chúa tùy thuộc vào sự sẵn lòng phục vụ của chúng ta. Và chúng ta biết điều này thường phải trả giá đắt, bởi vì “phục vụ có hương vị giống như một cây thánh giá”. Tuy nhiên, khi sự quan tâm và sẵn sàng của chúng ta đối với người khác ngày càng tăng, chúng ta trở nên tự do hơn trong lòng, và giống như Chúa Giêsu hơn. Càng phục vụ, chúng ta càng ý thức về sự hiện diện của Chúa. Trên hết, khi chúng ta phục vụ những người không thể hồi đáp những người nghèo, đón nhận những khó khăn và nhu cầu của họ với lòng trắc ẩn, dịu dàng: thì đến lượt chúng ta, chúng ta khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa và đón nhận tình yêu đó.
Sau khi nói về tính ưu việt của sự phục vụ, Chúa Giêsu đã minh họa chính xác điều này. Chúng ta đã thấy rằng hành động của Chúa Giêsu mạnh hơn lời Ngài dùng. Và hành động đó là gì? Thưa: Ngài bế một đứa trẻ và đặt cháu bé ở giữa các môn đệ, ở trung tâm, ở vị trí quan trọng nhất (xem câu 36). Trong Tin Mừng, đứa trẻ không tượng trưng cho sự ngây thơ cho bằng sự rốt cùng. Vì giống như trẻ em phụ thuộc vào người lớn, những người rốt cùng phụ thuộc vào người khác. Chúa Giêsu ôm những đứa trẻ đó và nói rằng những ai chào đón một đứa trẻ nhỏ, là chào đón Ngài (xem câu 37). Những người cần được phục vụ trên hết là: những người túng quẫn, những người không thể hồi đáp. Chúng ta hãy phục vụ những người cần nhận nhưng không thể hồi đáp lại. Khi chào đón những người bên lề, những người bị bỏ rơi, chúng ta chào đón Chúa Giêsu vì Ngài ở đó. Và nơi những người bé nhỏ, nơi người nghèo mà chúng ta phục vụ, ở đó chúng ta nhận được vòng tay âu yếm của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, trước thách đố của Tin Mừng, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi, người theo Chúa Giêsu, có quan tâm đến người bị bỏ rơi không? Hay tôi thích tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân, giống như các môn đệ ngày đó? Hay tôi chỉ hiểu cuộc sống ở khía cạnh cạnh tranh để giành giật cho bản thân với giá phải trả của người khác? Hay tôi tin rằng trở thành người đầu tiên có nghĩa là phục vụ? Và, cụ thể là: tôi có dành thời gian cho “một đứa trẻ”, cho một người không có cách nào để hồi đáp cho tôi không? Tôi có lo lắng về một người không thể cho tôi bất cứ thứ gì để đáp lại, hay tôi chỉ cho người thân và anh chị em bạn bè của tôi? Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần tự hỏi mình.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, tôi tớ khiêm nhường của Chúa, giúp chúng ta hiểu rằng phục vụ không phải là xem thường chính mình, nhưng là giúp mình trưởng thành. Và rằng cho thì được nhiều niềm vui hơn là nhận (xem Cv 20:35).
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi gần gũi các nạn nhân của trận lụt xảy ra ở Bang Hidalgo của Mễ Tây Cơ, đặc biệt là những bệnh nhân đã chết trong bệnh viện Tula và gia đình của họ.
Tôi xin cam đoan lời cầu nguyện của mình cho những người bị giam giữ vô cớ ở nước ngoài: thật không may, nhiều trường hợp như thế đã xảy ra, vì những nguyên nhân khác nhau, và đôi khi, phức tạp. Tôi hy vọng rằng, khi công lý được thực thi đầy đủ, những người này có thể trở về quê hương càng sớm càng tốt.
Tôi chào tất cả các anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ các quốc gia khác nhau - người Ba Lan, người Slovakia, những người đến từ Honduras - anh chị em thật tuyệt! - các gia đình, các nhóm, hiệp hội và các tín hữu. Đặc biệt, tôi chào mừng các ứng viên Thêm Sức từ Scandicci và Hiệp hội Sinh viên Allievi do Tôi tớ Chúa, Cha Gianfranco Maria Chiti, một tu sĩ dòng Capuchin, thành lập, nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Ngài.
Suy nghĩ của tôi dành cho những người đang tập trung tại Đền La Salette ở Pháp, nhân kỷ niệm 175 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, và rơi nước mắt với hai đứa trẻ. Những giọt nước mắt của Đức Maria khiến chúng ta liên tưởng đến những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đối với Giêrusalem và nỗi thống khổ của ngài ở Giệtsimani: Những giọt lệ ấy phản ánh sự đau khổ của Chúa Giêsu vì tội lỗi của chúng ta và là lời kêu gọi luôn mang tính thời đại, hãy phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tôi hy vọng tất cả các anh chị em tận hưởng ngày Chúa Nhật của anh chị em và làm ơn, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Các bạn trẻ Immacolata thật tuyệt vời!
Source:Holy See Press Office
Một tòa án ở Phần Lan đã công bố ngày xét xử để xác định xem một cựu bộ trưởng chính phủ có nên bị bỏ tù sau khi viết một câu Kinh thánh hay không.
Tòa án quận Helsinki cho biết rằng vụ kiện liên quan đến Päivi Räsänen, một bác sĩ và là mẹ của 5 đứa trẻ, sẽ được xét xử vào ngày 24 tháng Giêng năm 2022.
Theo ADF International, một nhóm pháp lý Kitô Giáo đang hỗ trợ cô, Räsänen có thể bị kết án hai năm tù giam hoặc phạt tiền cho dòng tweet này, sau khi Tổng công tố Phần Lan đệ đơn cáo buộc cô tội hình sự vào ngày 29 tháng 4.
Nghị sĩ cũng có thể phải đối mặt với án tù bổ sung nếu bị kết án về hai tội danh khác liên quan đến bình luận của bà trong một cuốn sách nhỏ năm 2004 và trên một chương trình truyền hình năm 2018.
Räsänen cho biết: “Tôi chờ đợi phiên tòa với tâm thế bình tĩnh, tin tưởng rằng Phần Lan sẽ tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tôn giáo được tôn trọng trong các quyền cơ bản và các công ước quốc tế”.
“Tôi sẽ không lùi bước trước sự kết tội của mình dựa trên Kinh thánh và tôi sẵn sàng bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tôn giáo tại tất cả các tòa án cần thiết”.
“Tôi không thể chấp nhận rằng việc nói lên niềm tin tôn giáo có thể đồng nghĩa với việc bị bỏ tù. Tôi sẽ bảo vệ quyền tuyên xưng đức tin của mình, để không ai khác bị tước quyền tự do tôn giáo và ngôn luận”.
Tổng Công tố buộc tội Räsänen, người từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan từ năm 2011 đến 2015, có hành vi kích động chống lại một nhóm thiểu số, cho rằng những tuyên bố của cô “có khả năng gây ra sự không khoan dung, khinh thường và thù hận đối với người đồng tính”.
Phần Lan là quốc gia có dân số 5.5 triệu người, giáp với Na Uy, Nga và Thụy Điển. Khoảng 2/3 dân số thuộc Giáo Hội Tin lành Lutheran của Phần Lan. Giáo Hội Chính thống Phần Lan, và Giáo Hội Tin lành Lutheran được coi là hai Giáo Hội quốc gia của đất nước này.
Nghị sĩ 61 tuổi, từng là chủ tịch đảng Dân chủ Kitô Giáo từ năm 2004 đến năm 2015, là một thành viên tích cực của Giáo hội Tin Lành Luther Phần Lan. Nhưng cô đã đặt vấn đề về việc Giáo Hội của cô tài trợ cho một sự kiện tự hào LGBT vào năm 2019.
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, cô đã hỏi trong một bài đăng trên Twitter về cách thức tài trợ như thế có tương thích với Kinh thánh hay không. Cô cũng đăng một bức ảnh chụp đoạn Kinh thánh, Rô-ma 1: 24-27, trên Instagram. Cô ấy cũng đăng dòng chữ và hình ảnh này lên Facebook.
“Mục đích của tôi không phải là để xúc phạm những người thiểu số về tình dục. Lời chỉ trích của tôi nhằm vào hàng lãnh đạo của Giáo Hội”, cô nói với tạp chí First Things năm ngoái.
Cảnh sát bắt đầu điều tra Räsänen vào năm 2019. Cô phải đối mặt với nhiều cuộc phỏng vấn của cảnh sát và phải đợi hơn một năm để có quyết định của Tổng công tố.
Juhana Pohjola, giám mục của Giáo phận Truyền giáo Tin lành Lutheran ở Phần Lan, cũng bị buộc tội vì xuất bản cuốn sách nhỏ năm 2004 của Räsänen có nhan đề “Nam và Nữ do Ngài tạo ra”.
Paul Coleman, giám đốc điều hành của ADF International, cho biết: “ Trong một xã hội tự do, mọi người nên được phép chia sẻ niềm tin của họ mà không sợ bị kiểm duyệt. Quyết định của Tổng công tố Phần Lan đưa ra những cáo buộc này chống lại Tiến sĩ Räsänen tạo ra một thứ văn hóa sợ hãi và kiểm duyệt”.
Source:Catholic News Agency
Thống đốc New York Kathy Hochul hôm thứ Tư nói rằng bà sẽ giúp những phụ nữ Texas đến tiểu bang của bà để phá thai.
Một đạo luật của Texas có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 cấm hầu hết các trường hợp phá thai sau khi phát hiện tim thai, có thể sớm nhất là khi thai được sáu tuần. Nó được thực thi thông qua các vụ kiện dân sự.
Hochul - một người Công Giáo đã trở thành thống đốc vào ngày 24 tháng 8 sau khi Andrew Cuomo từ chức - hôm thứ Năm nói rằng bang của bà ta đang xem xét các lựa chọn để giúp phụ nữ Texas đến New York để phá thai.
“Đối với phụ nữ ở Texas, họ cần biết: chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm đường đến New York và hiện tại chúng tôi đang ráo riết tìm kiếm những nguồn lực mà chúng tôi có thể mang đến để giúp các bạn có phương tiện giao thông an toàn ở đây và cho các bạn biết địa chỉ của những nhà cung cấp sẽ hỗ trợ bạn trong thời điểm bạn cần”, Hochul cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15 tháng 9.
“Các bạn không đơn độc”, Hochul nói với các phụ nữ ở Texas. “Những người chị em của các bạn, những người anh em đã khai sáng, có đầu óc mở mang, ở bang New York sẽ giúp các bạn bằng mọi cách mà chúng tôi có thể”.
Người phát ngôn của văn phòng Hochul đã không có bình luận ngay lập tức vào hôm thứ Năm, liên quan đến câu hỏi liệu công quỹ có được sử dụng để vận chuyển phụ nữ từ Texas đến New York phá thai hay không.
Những bình luận của Hochul được đưa ra ngay sau thông báo của bà ta vào ngày 13 tháng 9 theo đó bà ta sẽ đưa ra một chương trình nghị sự tích cực mới để duy trì việc phá thai ở tiểu bang New York.
Source:Catholic News Agency
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô 16 nhận định rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, và ngài cảm thấy âu lo vì điều này cũng đã xâm nhập vào một số giới Công Giáo.
Trong phần giới thiệu tuyển tập các tác phẩm mới của ngài về Âu Châu, Đức Bênêđíctô 16 nói rằng “với việc hợp pháp hóa 'hôn nhân đồng tính' ở 16 quốc gia Âu Châu, vấn đề hôn nhân và gia đình đã mang một tầm vóc mới mà chúng ta không thể thờ ơ”.
“Chúng ta đang chứng kiến sự méo mó lương tâm rõ ràng đã thâm nhập sâu vào các thành phần của người Công Giáo”, vị giáo hoàng danh dự viết. “Chúng ta không thể đáp lại điều này chỉ bằng một số tranh biện ngắn gọn về luân lý hoặc thậm chí bằng các chú giải Kinh Thánh. Vấn đề đi sâu hơn và do đó phải được giải quyết tận căn”.
Phần giới thiệu, được đăng trên tờ báo Ý Il Foglio vào ngày 16 tháng 9, được viết cho cuốn sách tiếng Ý “Châu Âu thực sự: Bản sắc và sứ mệnh”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho cuốn sách, trong đó tập hợp các bản văn của Đức Bênêđictô XVI được viết cả trước và trong triều đại giáo hoàng của ngài, kéo dài từ năm 2005 đến năm 2013.
Trong lời nói đầu, Đức Phanxicô đã viết rằng “ngoài rất nhiều lời nói và những lời tuyên bố nghe có vẻ cao sang, ngày nay ở Âu Châu, ý tưởng tôn trọng chính sự sống của mỗi con người ngày càng bị mất đi, bắt đầu với sự mất ý thức về sự thiêng liêng của nó, nghĩa là bắt đầu chính xác từ sự bối rối của ý thức rằng chúng ta là tạo vật của Chúa”.
“Trong nhiều năm, Đức Bênêđíctô 16 không ngại tố cáo, với lòng can đảm và sự nhìn thấy trước nhiều biểu hiện của việc từ bỏ ý tưởng sáng tạo một cách triệt để này, cho đến những hậu quả cuối cùng, hiện tại, được mô tả một cách hoàn toàn rõ ràng và thuyết phục trong phần giới thiệu” Đức Thánh Cha Phanxicô viết.
Trong phần giới thiệu của mình, Đức Bênêđíctô 16 nói rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng khái niệm “hôn nhân đồng tính” là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”.
Ngài chỉ ra rằng chúng ta không nghi ngờ gì khi thấy các nền văn hóa khác nhau có những quan niệm pháp lý và đạo đức khác nhau về hôn nhân và gia đình, chẳng hạn như sự khác biệt sâu sắc giữa chế độ đa thê và một vợ một chồng.
Nhưng ngài nhấn mạnh rằng cộng đồng cơ bản chưa bao giờ đặt câu hỏi về thực tế rằng sự tồn tại của con người dưới dạng nam và nữ là để duy trì nòi giống, “cũng như thực tế là sự kết hợp giữa người nam và người nữ cởi mở với việc lưu truyền sự sống xác định thực chất của cái được gọi là hôn nhân”.
“Xác tín cơ bản là loài người tồn tại với tư cách là những người nam và những người nữ; rằng việc truyền sự sống là một nhiệm vụ được giao cho nhân loại; rằng chính sự kết hợp giữa nam và nữ phục vụ nhiệm vụ này; và rằng trong điều này, vượt lên mọi sự khác biệt, về cơ bản, hôn nhân bao gồm việc lưu truyền sự sống, và đó là một xác tín nguyên thủy đã hiển nhiên đối với nhân loại cho đến nay”, Đức Bênêđíctô viết.
Vị giáo hoàng danh dự đã viết rằng sự biến động cơ bản của ý tưởng này đã được đưa ra với việc phát minh ra thuốc tránh thai, và khả năng tách biệt hôn nhân và tình dục.
“Tách biệt này trên thực tế khiến cho tất cả các hình thức của tình dục là tương đương. Không còn một tiêu chí cơ bản nào có thể tồn tại”.
Theo Đức Bênêđíctô, tình trạng mới này đã biến đổi sâu sắc lương tâm của con người - trước hết là dần dần và bây giờ rõ ràng hơn.
Ngài nhận định tiếp rằng từ sự tách biệt giữa tính dục và khả năng sinh sản, đi đến điều ngược lại: “Khả năng sinh sản, một cách tự nhiên, có thể được nghĩ đến ngay cả khi không có tình dục”.
Đức Bênêđíctô 16 lưu ý rằng dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”.
Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”.
Ngài nhấn mạnh rằng logic đó sẽ dẫn dắt đến logic này: nếu chúng ta có thể lập kế hoạch để tạo ra sự sống, thì chúng ta cũng có thể lập kế hoạch để tiêu diệt nó. Ngài lưu ý rằng đang có sự ủng hộ ngày càng tăng đối với việc trợ tử và an tử như “một kết thúc có kế hoạch cho cuộc đời của một người. Đó là một phần không thể thiếu của xu hướng vừa được mô tả”.
Theo Đức Bênêđíctô vấn đề về hôn nhân đồng giới không phải là vấn đề “rộng rãi và cởi mở hơn một chút. Đúng hơn, câu hỏi cơ bản được đặt ra: con người là ai? Và cùng với câu hỏi ấy là câu hỏi liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm được sản xuất”.
“Sự thay thế này nảy sinh: hoặc con người là tạo vật của Đức Chúa Trời, anh ta là hình ảnh của Đức Chúa Trời, anh ta là một món quà từ Đức Chúa Trời, hoặc con người là một sản phẩm mà chính anh ta biết cách tạo ra”, Benedict XVI viết.
Ngài nhận xét rằng phong trào sinh thái đã xác lập rằng có những giới hạn đối với tự nhiên mà chúng ta không thể bỏ qua, và theo cách tương tự, một người sở hữu một bản chất đã được ban cho anh ta “và việc vi phạm hoặc phủ nhận nó sẽ dẫn đến sự tự hủy hoại”.
“Đây cũng là trường hợp với sự sáng tạo của con người có nam có nữ, đang bị bỏ qua trong các giả thuyết về ‘hôn nhân đồng tính’”
Source:Catholic News Agency
Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández của La Plata đã cảnh báo tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernández hôm thứ Năm rằng các ưu tiên của ông, chẳng hạn như phá thai, cần sa, trợ tử và ngôn ngữ phi giới tính, đang chứng tỏ sự thờ ơ của ông ta với “ nỗi thống khổ sâu sắc” của người dân.
“Vì tình yêu của đất nước đầy thương tích này, nhiều người trong chúng tôi hy vọng rằng Tổng thống có thể sửa đổi kịp thời các ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình, để tránh một sự sụp đổ cuối cùng sẽ gây hại cho người dân của chúng tôi nhiều hơn”, Đức Tổng Giám Mục viết như trên trong một bài đăng ngày 16 tháng 9 trên tờ La Nación, một tờ nhật báo của Á Căn Đình.
Đức Tổng Giám Mục Fernández cho biết tổng thống Á Căn Đình đã “say mê vào các vấn đề như phá thai, cần sa, và thậm chí là hành vi trợ tử, trong khi người nghèo và tầng lớp trung lưu vô cùng đau khổ với những thứ khác mà ông không đoái hoài gì đến”.
“Trong những tháng gần đây, đã có một sự thúc đẩy mạnh mẽ việc áp đặt ngôn ngữ 'phi giới tính' mà trong các khu ổ chuột rộng lớn dường như không ai quan tâm đến. Có lẽ ông muốn sao chép chương trình nghị sự của chủ nghĩa xã hội Tây Ban Nha mà quên rằng chúng ta đang ở đây, ở Mỹ Latinh này, và trên hết, đang sống giữa một đại dịch, nơi mà hoàn cảnh đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề khác cấp bách hơn”.
Đức Tổng Giám Mục La Plata chỉ ra rằng: “Cuối năm ngoái, trong khi các nước lân cận đang mua vắc xin thì ở đây Bộ Y tế lại đang trong chiến dịch phá thai rầm rộ. Ít nhất phải nhìn nhận rằng đó không phải là thời điểm thích hợp và cũng không phải là nhu cầu cấp bách nhất”.
Một luật cho phép phá thai theo yêu cầu đến 14 tuần tuổi do chính quyền Fernandez thúc đẩy, đã được thông qua vào tháng 12 năm 2020.
Lạm phát ở Á Căn Đình dự kiến sẽ lên đến 48.2% vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp là 6.8%.
Sau đó, Đức Tổng Giám Mục hỏi “ai sẽ không tha thứ cho Tổng thống vì sai sót trong bữa tiệc nhỏ ở Olivos nếu họ cảm thấy ngài gần gũi hơn với các vấn đề thực sự của họ?”
Bà Fabiola Yáñez, vợ tổng thống đã tổ chức một bữa tiệc vào ngày 14 tháng 7, trong bối cảnh bị cách ly COVID-19.
Bài viết của Đức Tổng Giám Mục được xuất bản một ngày sau khi tất cả các bộ trưởng và quan chức cao cấp đại diện cho Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner trong nội các từ chức, và trong bối cảnh bà và tổng thống Fernández đang đối đầu công khai.
Source:Catholic News Agency
John Allen của Crux (ngày 19 tháng 9, 2021) vừa kể lại chuyện vui lấy từ cuốn phim năm 1977, nay đã trở thành cổ điển, “Annie Hall”, của Woody Allen, trong đó cặp vợ chồng do Allen và Diane Keaton đóng, mỗi người đến gặp riêng nhà tâm lý trị liệu và câu chuyện giữa họ được chiếu trên màn hình chia đôi. Khi nhà trị liệu hỏi họ “thân mật” với nhau thường xuyên ra sao, thì Allen trả lời “ít khi lắm, có lẽ 3 lần một tuần”. Còn Keaton thì cho hay: “hoài hoài à, tôi dám nói 3 lần một tuần”.
Đúng là cảnh ông nói gà bà nói vịt về cùng một sự kiện: "3 lần một tuần!" Trọng điểm ở đây là 2 người thường cùng nhìn một sự việc y như nhau nhưng rút ra các kết luận trái ngược nhau đến 180 độ: “ít khi lắm” và “hoài hoài à”.
Và John Allen cho hay cảnh ấy dường như cũng vừa xẩy ra với việc bổ nhiệm tân giám mục cho Vũ Hán, nơi phát xuất ra đại dịch khiến đến hơn 4 triệu người mất mạng trên thế giới và không biết bao nhiêu triệu người khốn khổ vì mang chứng COVID-19.
Việc trên diễn ra theo “thỏa thuận tạm thời” ký giữa Vatican và Chính phủ Cộng sản Trung Hoa năm 2018 và được triển hạn năm 2020. Giám Mục Francis Cui Qingqi, 57 tuổi, trở thành Giám Mục Trung Hoa thứ sáu được bổ nhiệm dưới các điều khoản của thoả thuận được ký và là vị Giám Mục thứ tư kể từ khi thỏa thuận được triển hạn.
Theo phát ngôn viên Matteo Bruni của Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Cui làm giám mục Giáo phận Hán Khẩu / Vũ Hán vào ngày 23/6 và lễ tấn phong giám mục của ngài diễn ra vào ngày 8/9 tại Vũ Hán.
Tự nó, tin tức có lẽ sẽ thu hút sự quan tâm hoàn cầu vì Vũ Hán là thành phố nơi các trường hợp nhiễm Covid đầu tiên được báo cáo và là nơi một số nhà lý thuyết âm mưu tiếp tục tin rằng virus đã thoát ra từ một phòng nghiên cứu và sự thật của vấn đề đang bị chính phủ Trung Quốc che đậy.
Tuy nhiên, điều đã thu hút nhiều sự chú ý hơn trong thế giới Công Giáo là Đức Cha Qingqi rõ ràng là người của chính phủ. Năm 2016, ngài trở thành phó thư ký của hội đồng giám mục được nhà nước Trung Quốc bảo trợ, bị các nhà phê bình coi như một dụng cụ của nhà nước, và vào năm 2018, ngài trở thành chủ tịch khu vực của Hiệp hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc của tỉnh Hồ Bắc, một cơ quan giám sát và kiểm soát Giáo Hội hữu hiệu thay mặt cho chính phủ.
Kể từ năm 2012, Đức Cha Qingqi đã lãnh đạo một "ủy ban quản lý" gồm 5 thành viên cho Giáo phận Vũ Hán do chính phủ áp đặt, một hình thức lãnh đạo giáo hội không theo quy định của giáo luật, nhưng là một trong những hình thức mà Đức Cha Qingqi rõ ràng sẵn lòng thuận theo để giữ hòa bình.
Các nhà chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc nhận định rằng Đức Cha Qingqi về cơ bản có cùng khuôn mạo với 5 vị giáo phẩm khác được bổ nhiệm theo các điều khoản của thỏa thuận, có nghĩa là các giáo sĩ có tiếng là người thân cận với chính phủ và ít có khả năng gây rắc rối cho chính phủ. Ngay từ đầu, họ đã nghi ngờ thỏa thuận tạm thời không hơn gì một công cụ để chính quyền Cộng sản Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát của họ đối với Giáo Hội và để bịt miệng những người chỉ trích các chính sách của Trung Quốc như Đức Hồng Y Joseph Trần Nhật Quân [Zen] đã nghỉ hưu, và chuỗi giám mục mới này không làm gì khác ngoài việc xác nhận những dè dặt này.
Tuy nhiên, các kiến trúc sư Vatican của thỏa thuận có thể nhìn cùng tình huống này nhưng rút ra một kết luận rất khác. Điều họ muốn nói là lần đầu tiên kể từ khi Cộng sản tiếp quản Trung Quốc vào năm 1949, tất cả các giám mục Công Giáo của đất nước này giờ đây đều được chính phủ chấp nhận và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.
Tháng 10 năm ngoái, khi thời hạn gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc sắp đến, John Allen đã có cuộc đàm đạo với Đức Tổng Giám Mục người Anh Paul Gallagher, Bộ trưởng Liên hệ với các Quốc gia của Vatican và là người đứng đầu ngành ngoại giao của Vatican. Trong cuộc trò chuyện này, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã trình bầy luận lý của thỏa thuận.
“Chúng ta phải nhớ, một điều gì đó phải diễn ra,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói với Allen. “Nếu không, chúng ta sẽ thấy mình - không phải ngay lập tức, mà là mười năm sau - có rất ít giám mục, nếu có, còn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ, thì tương lai là thế đó".
Ngài nói, “Sự kiện chúng ta đã lo liệu được để tất cả các giám mục của Trung Quốc hiệp thông với Đức Thánh Cha lần đầu tiên kể từ thập niên 1950, và các nhà chức trách Trung Quốc cho phép Đức Giáo Hoàng có tiếng nói khiêm tốn trong việc bổ nhiệm các giám mục nhưng tối hậu, là lời nói cuối cùng, vẫn khá đáng chú ý”.
Đức Tổng Giám Mục Gallagher sẵn sàng thừa nhận rằng thỏa thuận không hề là lý tưởng. Trong số nhiều điều khác, ngài cho biết rất khó xem xét lý lịch các ứng viên cho chức giám mục ở Trung Quốc vì Vatican không có đại sứ ở đó, viên chức thường thu thập thông tin trước khi việc bổ nhiệm được thực hiện và các kênh liên lạc khác rất ít và khá xa xôi, nhất là những kênh không do nhà nước kiểm soát.
Tuy nhiên, ngài khẳng định đó là lựa chọn đúng đắn để bảo đảm tương lai lâu dài cho Giáo hội ở Trung Quốc.
Ngài nói, "Ai biết các trở ngại nào đang ở phía trước chúng ta trong vài năm tới?. Chúng ta không biết. Nhưng như mọi sự đang diễn ra ở thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ dần dần có khả năng tiến lên phía trước. "
Nói cách khác, nếu những người ủng hộ và những người chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc có các buổi trị liệu trong tuần này, thì những trao đổi của họ về tân giám mục Vũ Hán có thể diễn ra như sau.
Người chỉ trích: "Anh ta là người của chính phủ, thật là khủng khiếp."
Người ủng hộ: "ngài là người của chính phủ, điều đó tốt hơn là giải pháp thay thế."
ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của lũ lụt ở Mexico cũng như cho những người nạn nhân bị giam giữ một cách bất công ở khắp nơi trên thế giới.
(Tin Vatican - Francesca Merlo)
Hôm Chứa nhật 19/9/2021, trong giời kinh “Truyền Tin” Đức Thánh Cha đã qui hướng các ý chỉ cầu nguyện tới các nạn nhân của trận lũ lụt đã gây tổn thất và tử vong cho 17 người ở Bang Hidalgo Mexico.
Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho những bệnh nhân ở Bệnh viện Tula, và "với những người thân yêu của họ".
Lượng mưa lớn vào ngày 7 tháng 9 đã khiến sông Tula và sông Rosas ở thành phố Tula ở bang Hidalgo bị vỡ đê.
Nước lũ càn quét các đường phố và nhà cửa, bao gồm cả bệnh viện tại Mexico. Mưa lũ làm mất điện trong khu vực bao gồm cả những bệnh viện nơi đang chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19 và làm 17 người bị tử vong.
Cầu nguyện cho những người bị lưu đầy
Đức Thánh Cha sau đó cũng cầu nguyện cho "những người bị giam giữ cách bất công ở mọi nơi". ĐTC cho hay rất nhiều trường hợp, khác nhau và phức tạp, nhưng ĐTC “hy vọng những người này được xét xử và có thể sớm được trở về nhà của họ".
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 16 tháng 9 đã đưa ra một nhận định đáng kinh ngạc. Họ cho rằng Đức Giáo Hoàng Pius thứ 11 là người đầu tiên sử dụng điện thoại di động; và ngài bắt đầu sử dụng vào một thời điểm rất đáng kinh ngạc là năm 1932.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Kỹ sư người Ý Guglielmo Marconi đã lắp đặt một điện thoại vô tuyến sóng ngắn giữa Thành phố Vatican và Castel Gandolfo.
Guglielmo Marconi, kỹ sư người Ý được trao giải Nobel Vật lý năm 1909, được biết đến rộng rãi với việc phát minh ra radio. Nhưng một số bằng chứng cho thấy ông cũng chịu trách nhiệm cho việc tạo ra điện thoại di động - một chức danh hiện do Phòng thí nghiệm Bell tuyên bố. Và mặc dù thiết bị của ông không thể gửi tin nhắn văn bản và không có khả năng tải xuống và cài đặt các ứng dụng để được thưởng thức trên màn hình cảm ứng mượt mà, nhưng nó chắc chắn đủ tốt để Đức Giáo Hoàng Piô 11 thử nó.
Theo Livio Spinelli, một trong những người tổ chức cuộc triển lãm khai mạc tại Santa Marinella, một khu vực ven biển phía bắc Rôma, nơi Marconi đã tiến hành nhiều thí nghiệm của mình, vào năm 2004, có những bằng chứng được tìm thấy trong Kho lưu trữ Marconi tại Chelmsford bên Anh cho thấy nhà phát minh người Ý đã phát triển một thiết bị bao gồm một ăng-ten di động, một máy phát vi sóng và một máy phát vô tuyến khá giống với các bộ phận được sử dụng trong điện thoại di động hiện đại của chúng ta. Trên thực tế, Spinelli giải thích rằng Marconi hiểu thiết bị của mình là nguyên mẫu của “thiết bị điện thoại di động”, sử dụng “vi sóng ngắn và cực ngắn”, như được mô tả trong một bài báo do Richard Owen viết.
Marconi đã thực hiện các thí nghiệm khác nhau với nhiều máy phát khác nhau. Một trong những thử nghiệm đó là lắp đặt một điện thoại vô tuyến sóng ngắn để giữ một đường dây mở giữa Thành phố Vatican và dinh thự mùa hè của Đức Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo, cách nhau khoảng 30 km. Năm đó là năm 1932 - chỉ một năm sau lễ khánh thành Đài phát thanh Vatican, một dự án cũng do Marconi đi tiên phong.
Cả hai sự kiện đều diễn ra, không có gì đáng ngạc nhiên, dưới triều đại giáo hoàng của Đức Piô 11 - một vị giáo hoàng nổi tiếng với nỗ lực hiện đại hóa: ngài thành lập Đài thiên văn Vatican và Học viện Khoa học Giáo hoàng, cải tạo các Thư viện Vatican, và là người đầu tiên sử dụng đài phát thanh cho các mục đích rao giảng Tin Mừng. Marconi và Đức Giáo Hoàng bằng cách nào đó là những người bạn tốt, nhưng chỉ khi nói đến công nghệ. Về mặt chính trị, hai vị này rất mâu thuẫn với nhau. Trong khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhà phát minh ủng hộ các chính sách bài Do Thái của Mussolini, thì Đức Piô 11 là tác giả của ba thông điệp lớn chống lại các hệ thống độc tài của thế kỷ 20.
Source:Aleteia
LTS: Ngày 25 tháng 8 năm 2021, Giáo phận Phát Diệm hân hoan có thêm 10 tân linh mục. Nhân dịp này, xin cùng bạn đọc trao những vần thơ gửi tặng tới tân linh mục
“Tình yêu Chúa thúc bách tôi” (1)
“Đẹp thay trên những núi đồi Xi-on,
Bước chân loan báo bình an
Loan tin cứu độ vinh quang Chúa Trời” (2).
Tình yêu Chúa thúc bách tôi,
Ra khơi thả lưới thu hồi cá to.
Sức riêng mệt mỏi, lắng lo
Đêm trường, tay trắng lần mò luống công!
“Kìa xem lúa chín đầy đồng
Hãy xin thợ đến gặt bông lúa vàng” (3).
Tình yêu thúc bách nồng nàn
Ra đi truyền giáo rộng lan Nước trời.
Ánh lên mắt sáng yêu người,
Bừng lên sống mới rạng ngời con tim.
Thanh cao hy vọng ước tìm,
Tình yêu trong Chúa nhấn chìm thế gian.
Bước chân giúp cảnh nghèo nàn,
Tay nâng Chén thánh và ban phúc lành.
Đây người tôi tớ trung thành,
Đây người tâm phúc, đồng hành yêu thương.
Xức dầu ai cuối đoạn đường,
Dắt dìu bạn trẻ mái trường thân yêu.
Giúp ai lê bước sớm chiều,
Thắp niềm hy vọng cao siêu Nước Trời.
Những ai gục ngã cuộc đời
Tin Mừng cứu độ vang lời trên môi.
“Tình yêu Chúa thúc bách tôi”
Chúc mừng cha mới cuộc đời thánh ân.
Lm. Phêrô Hồng Phúc
1) (2Cr 5,14)
(2) (Is 52,7)
(3) (Mt 9,38)
1. Những điều cần biết về phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vừa có bài “Everything you need to know about the miracle of liquefaction of the blood of Saint Januarius”, nghĩa là “Những điều cần biết về phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Vào ngày 19 tháng 9, Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm lễ Thánh Gennariô, giám mục, tử đạo, và là thánh bảo trợ của thành Naples, tiếng Ý gọi là Napoli. Theo truyền thống, vào ngày này và vào hai dịp khác trong năm, máu của ngài, được đựng trong một ống thủy tinh có hình dạng một chiếc bầu hình tròn, sẽ hóa lỏng. Theo tài liệu được cơ quan truyền thông Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia Đình Kitô, trích dẫn, phép lạ đã xảy ra ít nhất là từ năm 1389, là năm đầu tiên được ghi lại.
Dưới đây là những sự kiện chính:
1. Máu được giữ trong hai ống thủy tinh.
Máu khô của Thánh Gennariô, qua đời vào khoảng năm 305 sau Chúa Giáng Sinh, được bảo quản trong hai ống thủy tinh, một ống lớn hơn ống kia, trong Nhà nguyện của Kho bạc nhà thờ chính tòa Napoli.
2. Việc hóa lỏng này được xem là một phép lạ
Giáo hội tin rằng phép lạ xảy ra để đáp lại lòng sùng kính và lời cầu nguyện của các tín hữu. Khi phép lạ xảy ra, khối máu khô màu đỏ, thường dính vào một bên của ống thủy tinh, biến thành máu hoàn toàn lỏng, bao phủ cả hai mặt kính từ bên này sang bên kia.
3. Theo truyền thống, máu khô hóa lỏng ba lần một năm.
Theo truyền thống, máu của vị thánh hóa lỏng ba lần trong một năm: vào ngày thứ Bảy trước Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, để kỷ niệm việc chuyển hài cốt của ngài đến Napoli; ngày 19 tháng 9 Phụng Vụ kính thánh nhân, và vào ngày 16 tháng 12, nhân dịp kỷ niệm núi lửa Vesuvius ở lân cận vào năm 1631 đã phun phún xuất thạch ra một vùng rộng lớn nhưng thành phố đã được tha khỏi những tác động của các vụ phun trào này.
4. Quá trình hóa lỏng có thể mất nhiều ngày.
Quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, nhưng đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Thông thường, sau một khoảng thời gian có thể từ hai phút đến một giờ, khối máu đông cứng chuyển sang màu đỏ và bắt đầu có bong bóng.
Thông thường, sau khi cử hành thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận Napoli sẽ cầm lọ máu khô lên, trong khi cộng đoàn cùng cầu nguyện. Khi nhận thấy máu đã hóa lỏng, ngài long trọng loan báo cho cộng đoàn, trong khi những người đứng chung quanh ngài, đôi khi có cả thị trưởng thành phố sẽ phất những khăn tay trắng lên trong tiếng hoan hô của dân chúng. Tiếng hò reo, các cử chỉ vui mừng của công chúng trong và ngoài ngôi thánh đường rất ngoạn mục.
Theo tạp chí Công Giáo Ý Gia Đình Kitô, lọ máu được các tín hữu kính viếng trong suốt 8 ngày. Họ có thể hôn kính trong khi một linh mục lật qua lật lại để chứng tỏ rằng máu vẫn còn lỏng. Sau đó, lọ máu được đưa trở lại hầm an toàn và được khóa bên trong Nhà nguyện Kho bạc của nhà thờ chính tòa.
5. Các tín hữu tôn kính thánh tích hàng năm.
Với câu cảm thán: “Điều kỳ diệu đã xảy ra!” Những người đến gần vị linh mục đang cầm thánh tích để hôn thánh tích và hát “Te Deum” để tạ ơn.
6. Không có giải thích khoa học.
Một số cuộc điều tra đã được tiến hành trong quá khứ để tìm ra lời giải thích khoa học cho câu hỏi làm thế nào máu khô đã đặc lại như thế có thể đột ngột hóa lỏng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng nào.
7. Phép lạ hóa lỏng không phải lúc nào cũng xảy ra.
Khi máu không hóa lỏng, người Napoli coi đó là điềm báo của những bất hạnh.
Máu đã không hóa lỏng vào tháng 9 các năm 1939, 1940, 1943, 1973, 1980, cũng như vào tháng 12 năm 2016.
Máu khô cũng không hóa lỏng vào năm người dân Napoli bầu một người cộng sản làm thị trưởng, nhưng tự động hóa lỏng khi Đức Tổng Giám Mục New York, là Đức Hồng Y Terence Cooke, đến thăm đền thờ Thánh Gennariô vào năm 1978.
8. Máu đã hóa lỏng trước sự chứng kiến của một số vị giáo hoàng.
Vào năm 2015, khi Đức Thánh Cha Phanxicô có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh ở Napoli, máu đã hóa lỏng.
Trước đó máu cũng hóa lỏng vào năm 1848 khi Đức Piô IX thăm ngôi thánh đường này.
Source:Catholic News Agency
2. Phép lạ Máu thánh Gennariô ngày 19 tháng 9
Hôm Chúa Nhật 19 tháng Chín, ngay từ ban sáng, nhà thờ chính tòa Napoli, tiếng Anh gọi là Naples, đã có đông đảo các tín hữu và khách hành hương tham dự các thánh lễ và các cử hành khác.
Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia, 58 tuổi, được biết đến như một “linh mục đường phố”, một người rất gần gũi với người nghèo, đã cử hành thánh lễ.
Đây là lần thứ hai, ngài cầm lọ Máu Thánh Gennariô trên tay trong tư cách là Tổng Giám Mục Napoli. Lần đầu tiên ngài cầm lọ Máu Thánh Gennariô trên tay là vào ngày 1 tháng 5 vừa qua. Lần đó, ngài tỏ ra bối rối khi thấy lọ máu vẫn khô đặc, không có bất cứ dấu chỉ hóa lỏng nào, một giọt cũng không có. Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm thứ Tư 16 tháng 12, năm ngoái 2020, Máu Thánh Gennariô đã không hóa lỏng. Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia không bỏ cuộc, ngài yêu cầu cộng đoàn cùng đọc Kinh Cầu Các Thánh với ngài. Thật lạ lùng, trong lúc cộng đoàn vẫn đang tiếp tục Kinh Cầu Các Thánh, Máu Thánh Gennariô đã bất ngờ hóa lỏng. Đến 5 giờ 18 phút Máu Thánh Gennariô đã hóa lỏng hoàn toàn. Cha Vincenzo de Gregorio, phụ trách nhà nguyện Thánh Gennariô ở nhà thờ chính tòa Napoli cho rằng “Những gì xảy ra ngày hôm nay là một lời cảnh tỉnh chúng ta phải hoán cải, phải siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là trong tháng 5, là tháng hoa kính Đức Mẹ.”
Lần này, máu thánh Gennariô đã hóa lỏng ngay khi ngài cầm lọ máu đưa lên. Thị trưởng thành phố Napoli là ông Luigi De Magistris reo mừng nói với các ký giả “Thánh Gennariô vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta”.
Thánh Gennariô là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diôclêtiô vào ngày 19 tháng 9 năm 305.
Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sosius, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.
Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày thứ Bẩy hay Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.
Ngày 16 tháng 12 năm 2016, bửu huyết của Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Naples, đã rục rịch hoạt động trở lại.
Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.
Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.
Ngày 16 tháng 12 năm ngoái, 2020 máu của thánh nhân không hóa lỏng. Vài ngày trước đó, một cây cầu đột nhiên gẫy làm đôi trong đêm. Một chiếc xe chở khách đã lao xuống dòng sông. Hơn ba tuần sau đó, hôm thứ Sáu 8 tháng Giêng, trong bãi đậu xe của bệnh viện Ospedale del Mare, nghĩa là bệnh viện Biển, ở Napoli, một khoảng đất rộng 2,000 mét vuông đã bất ngờ sụp xuống, tạo thành một hố sâu, nuốt chửng cả 3 chiếc xe hơi đang đậu trong bãi đậu xe.
Source:Quotidiano Napoli
3. Bà cụ được yêu mến nhất thế giới vì đức tin Công Giáo vừa qua đời ở tuổi 107
Một bà cụ đã sống qua hai cuộc Thế chiến, sống sót sau đại dịch, và được sinh ra ngay cả trước khi đất nước của bà - Cộng hòa Ái Nhĩ Lan giành được độc lập. Nhưng bà ấy có lẽ được biết đến nhiều nhất vì đức tin Công Giáo của mình.
Câu chuyện của Nancy Stewart và tình yêu của cô ấy đối với Chúa đã lan truyền vào năm ngoái, khi bà cụ 107 tuổi nói chuyện với phóng viên Colm Flynn của EWTN trong một cuộc phỏng vấn đạt 5 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Kể từ đó, bà đã xuất hiện trong các báo cáo truyền thông và đã hiện diện trực tuyến rất nhiều. Nhưng hôm thứ Sáu, gia đình của Nancy tiết lộ rằng bà đã qua đời để gặp Chúa trên thiên đường mà bà vô cùng yêu quý khi còn ở trần gian.
Vào ngày 10 tháng 9, cháu gái của bà, Louise Coghlan, đã thông báo rằng “ Nửa kia của trái tim tôi đã lên thiên đường vào lúc 6 giờ sáng nay”.
“3 năm cuối cùng sống với người bạn thân nhất của tôi vừa từ giã thế giới này thật hạnh phúc”, Louise đã tweet như trên. “Chúng tôi đã cười, chúng tôi yêu thích và chúng tôi đã uống rất nhiều trà! Chúng tôi hy vọng chúng tôi đã làm cho bà mỉm cười! Bà là người bạn tốt nhất của tôi và tôi sẽ không bao giờ quên bà”.
Sinh năm 1913, Nancy được công nhận là một trong những phụ nữ lớn tuổi nhất Ái Nhĩ Lan. Bà trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời mình như một món quà của Thiên Chúa.
“Tôi làm việc, tôi yêu mến, và tôi thích biết những gì đang xảy ra,” bà nói với Colm vào năm 2020. “Tôi được chăm sóc tốt, nhờ ơn Chúa. Đức Trinh Nữ và tất cả các thánh và thiên thần đã chăm sóc tôi từ đầu đến gót chân và từ gót chân đến đầu”.
Bà đã chứng kiến những bi kịch lớn, bao gồm cái chết của chồng mình trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1989, khi họ đang lái xe đi lễ. Nhưng bà vẫn sống hết mình và dành thời gian quyên góp tiền cho trẻ em ở Phi Châu và cho người nghèo. Bà dành cả cuộc đời mình cho việc cầu nguyện.
“Tôi có ba chuỗi hạt Mân Côi ở đây trên cánh tay của tôi, từ ba người khác nhau”, bà nói, và đưa các chuỗi tràng hạt cho Colm. “Tôi lần chuỗi vài lần trong ngày ở đây, nơi tôi đang ngồi trên ghế bành”.
“Tôi cầu nguyện rất nhiều cho những người tôi không biết. Tôi xin Chúa hãy lưu tâm đến họ”.
Đầu năm nay, vào tháng Giêng, Nancy tiết lộ với tờ The Irish Catholic rằng bà đặt ra mục tiêu tham dự các Thánh lễ trực tuyến ở mỗi quận trong số 32 quận của Ái Nhĩ Lan. Bà đã hoàn thành mục tiêu đó, tờ Bưu điện Ái Nhĩ Lan đưa tin vào ngày 13 tháng 9 và vượt qua cả các chỉ tiêu. Bà cũng tham dự thánh lễ hầu như ở các quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Hoa Kỳ.
Trong khi Nancy sống lâu hơn chồng và hai đứa con gái sinh đôi, bà để lại ba con gái, một con trai và 84 cháu nội, và chắt” theo tờ Independent.
Nếu còn sống, bà sẽ bước sang tuổi 108 vào ngày 16 tháng 10.
Source:Catholic News Agency
4. Các Giám Mục cáo buộc Duterte biến Phi Luật Tân thành thung lũng chết
Ba vị tổng giám mục ở miền bắc Phi Luật Tân đã ban hành một tuyên bố mục vụ chung có lời lẽ mạnh mẽ vào ngày 12 tháng 9 lên án tình hình chính trị xã hội của đất nước và gọi Phi Luật Tân là “thung lũng chết” do cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp của Tổng thống Rodrigo Duterte gây ra.
Các Tổng Giám mục Marlo Peralta của tổng giáo phận Nueva Segovia, Socrates Villegas của tổng giáo phận Lingayen-Dagupan và Ricardo Baccay của tổng giáo phận Tuguegarao kêu gọi ăn năn và đền tạ cho tất cả các vụ giết người và tham nhũng trong nước.
Các vị tổng giám mục cho biết trong bức thư: “Chúng ta có thể mô tả tình trạng xã hội hiện tại của quốc gia chúng ta như thế nào đây? Thưa: Nó giống như một thung lũng chết chóc với sự giết hại những người sử dụng ma túy và những kẻ chống đối, những cái chết do bởi một sự cai trị không có tầm nhìn, những cái chết bởi sự tham nhũng vô liêm sỉ dường như phá vỡ mọi kỷ lục giết người! Thảm sát! Những cái chết!”.
Các ngài cho biết hơn 30,000 người Phi Luật Tân nghèo đã thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy bất hợp pháp.
Các ngài cũng chỉ ra một số vụ sát hại các nhà báo và những người chỉ trích chính phủ chưa được giải quyết kể từ khi ông Duterte trở thành tổng thống.
“Các nhà báo đã bị giết, các đối thủ chính trị đã bị sát hại, các thẩm phán của tòa án đã bị ám sát, các linh mục đã bị bắn và các nhà phê bình đã bị bắt nạt và đe dọa. Những kẻ giết người đang huênh hoang và những người ủng hộ mù quáng những kẻ giết người đang cổ vũ cho những kẻ sát nhân”.
Các ngài cũng lên tiếng ủng hộ các nhân viên y tế, những người mà các vị cho rằng đã trở thành nạn nhân của tham nhũng trong chính phủ.
Các ngài đề cập đến một vụ gian lận trị giá 47.4 tỷ peso bị cáo buộc xảy ra bên trong Bộ Y tế, khiến các nhân viên y tế đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 không được nhận các khoản trợ cấp và tiền thưởng như đã hứa.
“Các nhân viên y tế anh hùng mạo hiểm sự an toàn của họ và một số thậm chí đã bỏ mạng với đồ bảo hộ cá nhân của họ. Trong khi các quốc gia khác đã vươn lên khỏi đại dịch, số người chết của chúng ta vẫn tiếp tục tăng lên”.
“Súng đạn giết người. Virus giết người. Lề lối cai trị mà không có định hướng giết người. Tham nhũng giết người. Tin giả giết người. Cái đói cũng giếng người. Khi nào thì những vụ giết chóc sẽ dừng lại? Người nghèo phải trả giá cho sự tham nhũng của những kẻ quyền lực, trong khi quốc gia đang chìm trong nợ nần”.
Các vị tổng giám mục kêu gọi tất cả người Công Giáo Phi Luật Tân đền tạ tội lỗi quốc gia và cá nhân bằng cách lần chuỗi mân côi cầu nguyện và làm tuần cửu nhật kính Lòng Chúa Thương Xót.
Các ngài nói: “Cầu mong sự sám hối của chúng ta dẫn chúng ta đến những công việc nhân từ và bác ái hào phóng và can đảm theo những cách nhỏ bé của riêng chúng ta”.
Các ngài cũng kêu gọi người Công Giáo lên tiếng chống lại các hành vi giết người và “đồi bại”
Người Công Giáo có bổn phận đạo đức phải chống lại và sửa chữa một nền văn hóa giết người và cướp bóc cũng như mô hình che giấu sự thật về nạn tham nhũng kéo dài trong chính phủ.
Source:UCANews
1. Đức Giáo Hoàng Pius thứ 11 là người đầu tiên sử dụng điện thoại di động vào năm 1932
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 16 tháng 9 đã đưa ra một nhận định đáng kinh ngạc. Họ cho rằng Đức Giáo Hoàng Pius thứ 11 là người đầu tiên sử dụng điện thoại di động; và ngài bắt đầu sử dụng vào một thời điểm rất đáng kinh ngạc là năm 1932.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Kỹ sư người Ý Guglielmo Marconi đã lắp đặt một điện thoại vô tuyến sóng ngắn giữa Thành phố Vatican và Castel Gandolfo.
Guglielmo Marconi, kỹ sư người Ý được trao giải Nobel Vật lý năm 1909, được biết đến rộng rãi với việc phát minh ra radio. Nhưng một số bằng chứng cho thấy ông cũng chịu trách nhiệm cho việc tạo ra điện thoại di động - một chức danh hiện do Phòng thí nghiệm Bell tuyên bố. Và mặc dù thiết bị của ông không thể gửi tin nhắn văn bản và không có khả năng tải xuống và cài đặt các ứng dụng để được thưởng thức trên màn hình cảm ứng mượt mà, nhưng nó chắc chắn đủ tốt để Đức Giáo Hoàng Piô 11 thử nó.
Theo Livio Spinelli, một trong những người tổ chức cuộc triển lãm khai mạc tại Santa Marinella, một khu vực ven biển phía bắc Rôma, nơi Marconi đã tiến hành nhiều thí nghiệm của mình, vào năm 2004, có những bằng chứng được tìm thấy trong Kho lưu trữ Marconi tại Chelmsford bên Anh cho thấy nhà phát minh người Ý đã phát triển một thiết bị bao gồm một ăng-ten di động, một máy phát vi sóng và một máy phát vô tuyến khá giống với các bộ phận được sử dụng trong điện thoại di động hiện đại của chúng ta. Trên thực tế, Spinelli giải thích rằng Marconi hiểu thiết bị của mình là nguyên mẫu của “thiết bị điện thoại di động”, sử dụng “vi sóng ngắn và cực ngắn”, như được mô tả trong một bài báo do Richard Owen viết.
Marconi đã thực hiện các thí nghiệm khác nhau với nhiều máy phát khác nhau. Một trong những thử nghiệm đó là lắp đặt một điện thoại vô tuyến sóng ngắn để giữ một đường dây mở giữa Thành phố Vatican và dinh thự mùa hè của Đức Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo, cách nhau khoảng 30 km. Năm đó là năm 1932 - chỉ một năm sau lễ khánh thành Đài phát thanh Vatican, một dự án cũng do Marconi đi tiên phong.
Cả hai sự kiện đều diễn ra, không có gì đáng ngạc nhiên, dưới triều đại giáo hoàng của Đức Piô 11 - một vị giáo hoàng nổi tiếng với nỗ lực hiện đại hóa: ngài thành lập Đài thiên văn Vatican và Học viện Khoa học Giáo hoàng, cải tạo các Thư viện Vatican, và là người đầu tiên sử dụng đài phát thanh cho các mục đích rao giảng Tin Mừng. Marconi và Đức Giáo Hoàng bằng cách nào đó là những người bạn tốt, nhưng chỉ khi nói đến công nghệ. Về mặt chính trị, hai vị này rất mâu thuẫn với nhau. Trong khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhà phát minh ủng hộ các chính sách bài Do Thái của Mussolini, thì Đức Piô 11 là tác giả của ba thông điệp lớn chống lại các hệ thống độc tài của thế kỷ 20.
Source:Aleteia
2. Không tin cũng xảy ra: Bộ trưởng Phần Lan đối mặt với án tù sau khi tweet một câu Kinh thánh
Một tòa án ở Phần Lan đã công bố ngày xét xử để xác định xem một cựu bộ trưởng chính phủ có nên bị bỏ tù sau khi viết một câu Kinh thánh hay không.
Tòa án quận Helsinki cho biết rằng vụ kiện liên quan đến Päivi Räsänen, một bác sĩ và là mẹ của 5 đứa trẻ, sẽ được xét xử vào ngày 24 tháng Giêng năm 2022.
Theo ADF International, một nhóm pháp lý Kitô Giáo đang hỗ trợ cô, Räsänen có thể bị kết án hai năm tù giam hoặc phạt tiền cho dòng tweet này, sau khi Tổng công tố Phần Lan đệ đơn cáo buộc cô tội hình sự vào ngày 29 tháng 4.
Nghị sĩ cũng có thể phải đối mặt với án tù bổ sung nếu bị kết án về hai tội danh khác liên quan đến bình luận của bà trong một cuốn sách nhỏ năm 2004 và trên một chương trình truyền hình năm 2018.
Räsänen cho biết: “Tôi chờ đợi phiên tòa với tâm thế bình tĩnh, tin tưởng rằng Phần Lan sẽ tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tôn giáo được tôn trọng trong các quyền cơ bản và các công ước quốc tế”.
“Tôi sẽ không lùi bước trước sự kết tội của mình dựa trên Kinh thánh và tôi sẵn sàng bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tôn giáo tại tất cả các tòa án cần thiết”.
“Tôi không thể chấp nhận rằng việc nói lên niềm tin tôn giáo có thể đồng nghĩa với việc bị bỏ tù. Tôi sẽ bảo vệ quyền tuyên xưng đức tin của mình, để không ai khác bị tước quyền tự do tôn giáo và ngôn luận”.
Tổng Công tố buộc tội Räsänen, người từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan từ năm 2011 đến 2015, có hành vi kích động chống lại một nhóm thiểu số, cho rằng những tuyên bố của cô “có khả năng gây ra sự không khoan dung, khinh thường và thù hận đối với người đồng tính”.
Phần Lan là quốc gia có dân số 5.5 triệu người, giáp với Na Uy, Nga và Thụy Điển. Khoảng 2/3 dân số thuộc Giáo Hội Tin lành Lutheran của Phần Lan. Giáo Hội Chính thống Phần Lan, và Giáo Hội Tin lành Lutheran được coi là hai Giáo Hội quốc gia của đất nước này.
Nghị sĩ 61 tuổi, từng là chủ tịch đảng Dân chủ Kitô Giáo từ năm 2004 đến năm 2015, là một thành viên tích cực của Giáo hội Tin Lành Luther Phần Lan. Nhưng cô đã đặt vấn đề về việc Giáo Hội của cô tài trợ cho một sự kiện tự hào LGBT vào năm 2019.
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, cô đã hỏi trong một bài đăng trên Twitter về cách thức tài trợ như thế có tương thích với Kinh thánh hay không. Cô cũng đăng một bức ảnh chụp đoạn Kinh thánh, Rô-ma 1: 24-27, trên Instagram. Cô ấy cũng đăng dòng chữ và hình ảnh này lên Facebook.
“Mục đích của tôi không phải là để xúc phạm những người thiểu số về tình dục. Lời chỉ trích của tôi nhằm vào hàng lãnh đạo của Giáo Hội”, cô nói với tạp chí First Things năm ngoái.
Cảnh sát bắt đầu điều tra Räsänen vào năm 2019. Cô phải đối mặt với nhiều cuộc phỏng vấn của cảnh sát và phải đợi hơn một năm để có quyết định của Tổng công tố.
Juhana Pohjola, giám mục của Giáo phận Truyền giáo Tin lành Lutheran ở Phần Lan, cũng bị buộc tội vì xuất bản cuốn sách nhỏ năm 2004 của Räsänen có nhan đề “Nam và Nữ do Ngài tạo ra”.
Paul Coleman, giám đốc điều hành của ADF International, cho biết: “ Trong một xã hội tự do, mọi người nên được phép chia sẻ niềm tin của họ mà không sợ bị kiểm duyệt. Quyết định của Tổng công tố Phần Lan đưa ra những cáo buộc này chống lại Tiến sĩ Räsänen tạo ra một thứ văn hóa sợ hãi và kiểm duyệt”.
Source:Catholic News Agency
3. Thống đốc New York thề sẽ giúp phụ nữ Texas phá thai ở tiểu bang của bà ta
Thống đốc New York Kathy Hochul hôm thứ Tư nói rằng bà sẽ giúp những phụ nữ Texas đến tiểu bang của bà để phá thai.
Một đạo luật của Texas có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 cấm hầu hết các trường hợp phá thai sau khi phát hiện tim thai, có thể sớm nhất là khi thai được sáu tuần. Nó được thực thi thông qua các vụ kiện dân sự.
Hochul - một người Công Giáo đã trở thành thống đốc vào ngày 24 tháng 8 sau khi Andrew Cuomo từ chức - hôm thứ Năm nói rằng bang của bà ta đang xem xét các lựa chọn để giúp phụ nữ Texas đến New York để phá thai.
“Đối với phụ nữ ở Texas, họ cần biết: chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm đường đến New York và hiện tại chúng tôi đang ráo riết tìm kiếm những nguồn lực mà chúng tôi có thể mang đến để giúp các bạn có phương tiện giao thông an toàn ở đây và cho các bạn biết địa chỉ của những nhà cung cấp sẽ hỗ trợ bạn trong thời điểm bạn cần”, Hochul cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15 tháng 9.
“Các bạn không đơn độc”, Hochul nói với các phụ nữ ở Texas. “Những người chị em của các bạn, những người anh em đã khai sáng, có đầu óc mở mang, ở bang New York sẽ giúp các bạn bằng mọi cách mà chúng tôi có thể”.
Người phát ngôn của văn phòng Hochul đã không có bình luận ngay lập tức vào hôm thứ Năm, liên quan đến câu hỏi liệu công quỹ có được sử dụng để vận chuyển phụ nữ từ Texas đến New York phá thai hay không.
Những bình luận của Hochul được đưa ra ngay sau thông báo của bà ta vào ngày 13 tháng 9 theo đó bà ta sẽ đưa ra một chương trình nghị sự tích cực mới để duy trì việc phá thai ở tiểu bang New York.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Bênêđíctô 16: Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là 'sự xuyên tạc bóp méo' con người
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô 16 nhận định rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, và ngài cảm thấy âu lo vì điều này cũng đã xâm nhập vào một số giới Công Giáo.
Trong phần giới thiệu tuyển tập các tác phẩm mới của ngài về Âu Châu, Đức Bênêđíctô 16 nói rằng “với việc hợp pháp hóa 'hôn nhân đồng tính' ở 16 quốc gia Âu Châu, vấn đề hôn nhân và gia đình đã mang một tầm vóc mới mà chúng ta không thể thờ ơ”.
“Chúng ta đang chứng kiến sự méo mó lương tâm rõ ràng đã thâm nhập sâu vào các thành phần của người Công Giáo”, vị giáo hoàng danh dự viết. “Chúng ta không thể đáp lại điều này chỉ bằng một số tranh biện ngắn gọn về luân lý hoặc thậm chí bằng các chú giải Kinh Thánh. Vấn đề đi sâu hơn và do đó phải được giải quyết tận căn”.
Phần giới thiệu, được đăng trên tờ báo Ý Il Foglio vào ngày 16 tháng 9, được viết cho cuốn sách tiếng Ý “Châu Âu thực sự: Bản sắc và sứ mệnh”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho cuốn sách, trong đó tập hợp các bản văn của Đức Bênêđictô XVI được viết cả trước và trong triều đại giáo hoàng của ngài, kéo dài từ năm 2005 đến năm 2013.
Trong lời nói đầu, Đức Phanxicô đã viết rằng “ngoài rất nhiều lời nói và những lời tuyên bố nghe có vẻ cao sang, ngày nay ở Âu Châu, ý tưởng tôn trọng chính sự sống của mỗi con người ngày càng bị mất đi, bắt đầu với sự mất ý thức về sự thiêng liêng của nó, nghĩa là bắt đầu chính xác từ sự bối rối của ý thức rằng chúng ta là tạo vật của Chúa”.
“Trong nhiều năm, Đức Bênêđíctô 16 không ngại tố cáo, với lòng can đảm và sự nhìn thấy trước nhiều biểu hiện của việc từ bỏ ý tưởng sáng tạo một cách triệt để này, cho đến những hậu quả cuối cùng, hiện tại, được mô tả một cách hoàn toàn rõ ràng và thuyết phục trong phần giới thiệu” Đức Thánh Cha Phanxicô viết.
Trong phần giới thiệu của mình, Đức Bênêđíctô 16 nói rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng khái niệm “hôn nhân đồng tính” là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”.
Ngài chỉ ra rằng chúng ta không nghi ngờ gì khi thấy các nền văn hóa khác nhau có những quan niệm pháp lý và đạo đức khác nhau về hôn nhân và gia đình, chẳng hạn như sự khác biệt sâu sắc giữa chế độ đa thê và một vợ một chồng.
Nhưng ngài nhấn mạnh rằng cộng đồng cơ bản chưa bao giờ đặt câu hỏi về thực tế rằng sự tồn tại của con người dưới dạng nam và nữ là để duy trì nòi giống, “cũng như thực tế là sự kết hợp giữa người nam và người nữ cởi mở với việc lưu truyền sự sống xác định thực chất của cái được gọi là hôn nhân”.
“Xác tín cơ bản là loài người tồn tại với tư cách là những người nam và những người nữ; rằng việc truyền sự sống là một nhiệm vụ được giao cho nhân loại; rằng chính sự kết hợp giữa nam và nữ phục vụ nhiệm vụ này; và rằng trong điều này, vượt lên mọi sự khác biệt, về cơ bản, hôn nhân bao gồm việc lưu truyền sự sống, và đó là một xác tín nguyên thủy đã hiển nhiên đối với nhân loại cho đến nay”, Đức Bênêđíctô viết.
Vị giáo hoàng danh dự đã viết rằng sự biến động cơ bản của ý tưởng này đã được đưa ra với việc phát minh ra thuốc tránh thai, và khả năng tách biệt hôn nhân và tình dục.
“Tách biệt này trên thực tế khiến cho tất cả các hình thức của tình dục là tương đương. Không còn một tiêu chí cơ bản nào có thể tồn tại”.
Theo Đức Bênêđíctô, tình trạng mới này đã biến đổi sâu sắc lương tâm của con người - trước hết là dần dần và bây giờ rõ ràng hơn.
Ngài nhận định tiếp rằng từ sự tách biệt giữa tính dục và khả năng sinh sản, đi đến điều ngược lại: “Khả năng sinh sản, một cách tự nhiên, có thể được nghĩ đến ngay cả khi không có tình dục”.
Đức Bênêđíctô 16 lưu ý rằng dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”.
Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”.
Ngài nhấn mạnh rằng logic đó sẽ dẫn dắt đến logic này: nếu chúng ta có thể lập kế hoạch để tạo ra sự sống, thì chúng ta cũng có thể lập kế hoạch để tiêu diệt nó. Ngài lưu ý rằng đang có sự ủng hộ ngày càng tăng đối với việc trợ tử và an tử như “một kết thúc có kế hoạch cho cuộc đời của một người. Đó là một phần không thể thiếu của xu hướng vừa được mô tả”.
Theo Đức Bênêđíctô vấn đề về hôn nhân đồng giới không phải là vấn đề “rộng rãi và cởi mở hơn một chút. Đúng hơn, câu hỏi cơ bản được đặt ra: con người là ai? Và cùng với câu hỏi ấy là câu hỏi liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm được sản xuất”.
“Sự thay thế này nảy sinh: hoặc con người là tạo vật của Đức Chúa Trời, anh ta là hình ảnh của Đức Chúa Trời, anh ta là một món quà từ Đức Chúa Trời, hoặc con người là một sản phẩm mà chính anh ta biết cách tạo ra”, Benedict XVI viết.
Ngài nhận xét rằng phong trào sinh thái đã xác lập rằng có những giới hạn đối với tự nhiên mà chúng ta không thể bỏ qua, và theo cách tương tự, một người sở hữu một bản chất đã được ban cho anh ta “và việc vi phạm hoặc phủ nhận nó sẽ dẫn đến sự tự hủy hoại”.
“Đây cũng là trường hợp với sự sáng tạo của con người có nam có nữ, đang bị bỏ qua trong các giả thuyết về ‘hôn nhân đồng tính’”
Source:Catholic News Agency
1. Cầu nguyện cùng Bậc Đáng Kính HY Nguyễn Văn Thuận cho Việt Nam tại Đền Thờ Đức Bà Cả, Rôma
Hôm 17 tháng 9, giữa những bộn bề sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hung Gia Lợi và Slovakia, truyền thông Tòa Thánh đã cho đăng một bài dài về tiến trình tuyên thánh cho Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận với những lời thập đẹp.
Bài báo của ký giả Francesca Sabatinelli có nhan đề “Il Venerabile Van Thuan, uomo di Dio, esempio di cristianità”, nghĩa là “Bậc Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận, người của Chúa, tấm gương của niềm tin Kitô”.
Hôm nay, vị Hồng Y Việt Nam được tưởng nhớ trong thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Trastevere, một ngày sau ngày kỷ niệm 19 năm ngày mất của ngài. Luisa Melo, người chịu trách nhiệm lo hồ sơ tuyên thánh cho ngài nói “Tôi bị đánh động bởi sự giản dị của ngài và cuộc sống thanh bần của ngài”
Một con người phi thường và giản dị, với kinh nghiệm Kitô tuyệt vời, con người chân thật của Thiên Chúa, đầy bình an và vui vẻ, niềm nở, giàu trực giác nhân bản, có khả năng làm mọi người ngạc nhiên về sự đơn sơ của ngài. Luisa Melo, thuộc Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, người chịu trách nhiệm hồ sơ tuyên thánh cho Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, đã cho biết như trên khi đề cập đến vị Hồng Y, là người mà bà đã gắn bó kể từ khi ngài làm phó chủ tịch của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình vào năm 1994, và sau đó là Chủ tịch Hội Đồng này cho đến ngày ngài qua đời năm 2002. Nói về Đức Hồng Y Thuận, Melo nhấn mạnh đến “sức mạnh của kinh nghiệm Kitô, được củng cố trong lời cầu nguyện”. Cô cũng không quên nhắc đến những ký ức cá nhân vì những điều này rất quý giá, chẳng hạn như vào năm 1994, khi Đức Tổng Giám Mục Thuận bước vào văn phòng lần đầu tiên. “Chắc chắn không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng rằng một tổng giám mục lại có thể đi đến nơi làm việc trên một chiếc xe gắn máy, do một linh mục Việt Nam khác lái!”
Đây là bước đầu tiên, vị Tổng Giám Mục Việt Nam đi vào trái tim của Melo và các đồng nghiệp của cô. Nét đặc trưng của ngài là sự giản dị mà cho đến tận ngày nay, nhiều đồng nghiệp của Melo vẫn sẵn sàng nói rằng họ có đặc ân được chia sẻ những kỷ niệm vui và đẹp với ngài. “Ngài rất khiêm tốn niềm nở đến nỗi ngài ngay lập tức đi vào trái tim của chúng tôi. Ngài dành một phần thời gian của mình cho mỗi người chúng tôi, ai muốn đến nói chuyện với ngài, cũng được ngài đón nhận, ngài luôn muốn chia sẻ và đến được với mọi người, trong văn phòng cũng như bên ngoài”. Hôm nay, trong thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Trastevere, suy nghĩ của mọi người chính xác hướng đến sự giản dị của con người vĩ đại này, là vị đã được long trọng kêu cầu cho tất cả những người bị bệnh Covid, đặc biệt là ở Việt Nam và những người nghèo nhất.
Trên tất cả, một khía cạnh của Đức Hồng Y Thuận nổi bật trong ký ức của Melo là cách sống thanh bần, về mọi mặt trong cuộc sống. “Ngài đã từ bỏ nhiều khoản quyên góp mà người ta đã dành cho ngài để có thể gửi những số tiền ấy cho việc đào tạo các chủng sinh và linh mục. Tất cả những điều này đối với chúng tôi là những nguyên nhân khiến chúng tôi ngưỡng mộ và yêu mến một con người giản dị, khiêm tốn và phi thường như vậy”. Luisa Melo cũng nhắc đến tấm gương của vị Hồng Y can đảm này, “trong sự kết hợp sâu xa với Chúa Kitô và Đức Mẹ”, đã có thể trải qua bảy tháng của căn bệnh dẫn đến cái chết của mình trong thanh thản, để biến đổi nỗi thống khổ tang tóc thành một lý do để vui mừng vì có thể hôm nay tấm gương can đảm ấy là một phần của nguyên nhân tuyên thánh. Đức Hồng Y Thuận là một người được phú cho trí tuệ phương Đông uyên thâm, với một cuộc đời đắm chìm trong những bi kịch của kiếp người, ngài đã phải chịu bạo lực vì đức tin Kitô, được truyền cho ngài bởi một gia đình có một số vị tử đạo: Giữa năm 1698 và 1885, một số vị tổ tiên của ngài đã bị bắt bớ vì đức tin của họ.
Trên hết, mẹ ngài là người đã dạy dỗ ngài có một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, cho đến khi ngài vào chủng viện ở tuổi 13, trở thành linh mục năm 1953, ở tuổi 25. Bị nhà cầm quyền cộng sản ở Sài Gòn bắt giữ năm 1975, ngài đã trải qua nhiều năm trong nhà tù an ninh ở Hà Nội, sau đó chuyển đến trại cải tạo và cuối cùng bị quản thúc tại gia, nơi ngài đã viết những gì được coi là minh chứng tinh thần của mình, cuốn “Đường Hy Vọng” cho những tín hữu Việt Nam trung thành trên đất nước của ngài và ở hải ngoại. Sau 13 năm tù, trong đó có 9 năm kiên giam bị cô lập hoàn toàn và không trải qua bất kỳ thủ tục xét xử nào, ngài được trả tự do với điều kiện phải cư trú tại Tòa tổng giám mục Hà Nội và không thể thi hành chức vụ mục vụ của mình. Sau năm 1991, ngài bắt đầu cuộc sống lưu vong, xa Việt Nam nhưng không xa Giáo hội của mình, nơi ngài tiếp tục gần gũi thông qua sự giúp đỡ trong các hoạt động xã hội và từ thiện, đặc biệt là đối với các bệnh viện phong trên quê hương, và thông qua việc sửa chữa và xây dựng các nhà thờ. Ngài luôn dành sự quan tâm lớn đến các linh mục, các cộng đoàn tu trì, việc đào tạo chủng sinh, giáo lý viên và giáo dân và luôn tiếp tục rao giảng về sự tha thứ và hòa giải.
Melo nhận định rằng Đức Hồng Y Thuận đã trải qua những khó khăn và khốn khổ của các tín hữu, nhiều người trong số họ đã chịu tử đạo vì trung thành với Thiên Chúa và cho đến cuối cùng “cuộc sống trần thế của ngài là sự tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, vì vậy ngài đã để lại cho chúng ta một chứng từ về niềm vui, bởi vì cho đến phút cuối cùng, ngài vẫn là một người vui vẻ”. Hơn nữa, cuộc đời của ngài vẫn còn nhiều điều để nói với các Kitô hữu ngày nay, những người đang sống trong tình trạng là nhóm tôn giáo bị bách hại nhất trên thế giới vì đức tin của họ. “Ngài để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc sống chìm đắm trong đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh và tình yêu dành cho Đức Mẹ. Và rồi ngài truyền cho chúng ta một mẫu gương đáng ngưỡng mộ về tự do, về việc làm chứng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh, và hy vọng, trong đó chúng ta phải kiên trì để là một con người của hy vọng, ngay cả khi đối mặt với rất nhiều bạo lực và bắt bớ, nhờ hoàn toàn tin tưởng vào thánh ý của Thiên Chúa”.
Điều duy nhất còn thiếu là một phép lạ để có thể tuyên chân phước cho vị Hồng Y Việt Nam, được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố là Bậc Đáng Kính vào ngày 4 tháng 5 năm 2017. Melo cho biết “đó là điều tất cả chúng ta đang chờ đợi”. Và trong khi chờ đợi như thế, điều quan trọng là “đem ra thực hành những lời dạy về niềm hy vọng của ngài vào lúc này”. Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cam kết mạnh mẽ truyền bá cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận, linh đạo và các đức tính của ngài, những điều đã được chính Đức Thánh Cha công nhận và đã khiến ngài trở nên Bậc Đáng Kính. Chúng tôi đang tiếp xúc với những người từ năm châu, những người đang cầu nguyện rằng Chúa, qua sự chuyển cầu của chính Đức Hồng Y, sẽ ban cho chúng ta một phép lạ dẫn đến việc tuyên chân phước cho ngài.”
Luisa Melo kết luận: “Mong muốn này chúng tôi giao phó cho Chúa và chúng tôi biết ơn tất cả những người đã cầu nguyện với chúng tôi”.
Source:Vatican News
2. Tổng giám mục Á Căn Đình cảnh báo tổng thống: 'Chỉ còn rất ít thời gian' để tránh thất bại
Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández của La Plata đã cảnh báo tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernández hôm thứ Năm rằng các ưu tiên của ông, chẳng hạn như phá thai, cần sa, trợ tử và ngôn ngữ phi giới tính, đang chứng tỏ sự thờ ơ của ông ta với “ nỗi thống khổ sâu sắc” của người dân.
“Vì tình yêu của đất nước đầy thương tích này, nhiều người trong chúng tôi hy vọng rằng Tổng thống có thể sửa đổi kịp thời các ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình, để tránh một sự sụp đổ cuối cùng sẽ gây hại cho người dân của chúng tôi nhiều hơn”, Đức Tổng Giám Mục viết như trên trong một bài đăng ngày 16 tháng 9 trên tờ La Nación, một tờ nhật báo của Á Căn Đình.
Đức Tổng Giám Mục Fernández cho biết tổng thống Á Căn Đình đã “say mê vào các vấn đề như phá thai, cần sa, và thậm chí là hành vi trợ tử, trong khi người nghèo và tầng lớp trung lưu vô cùng đau khổ với những thứ khác mà ông không đoái hoài gì đến”.
“Trong những tháng gần đây, đã có một sự thúc đẩy mạnh mẽ việc áp đặt ngôn ngữ 'phi giới tính' mà trong các khu ổ chuột rộng lớn dường như không ai quan tâm đến. Có lẽ ông muốn sao chép chương trình nghị sự của chủ nghĩa xã hội Tây Ban Nha mà quên rằng chúng ta đang ở đây, ở Mỹ Latinh này, và trên hết, đang sống giữa một đại dịch, nơi mà hoàn cảnh đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề khác cấp bách hơn”.
Đức Tổng Giám Mục La Plata chỉ ra rằng: “Cuối năm ngoái, trong khi các nước lân cận đang mua vắc xin thì ở đây Bộ Y tế lại đang trong chiến dịch phá thai rầm rộ. Ít nhất phải nhìn nhận rằng đó không phải là thời điểm thích hợp và cũng không phải là nhu cầu cấp bách nhất”.
Một luật cho phép phá thai theo yêu cầu đến 14 tuần tuổi do chính quyền Fernandez thúc đẩy, đã được thông qua vào tháng 12 năm 2020.
Lạm phát ở Á Căn Đình dự kiến sẽ lên đến 48.2% vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp là 6.8%.
Sau đó, Đức Tổng Giám Mục hỏi “ai sẽ không tha thứ cho Tổng thống vì sai sót trong bữa tiệc nhỏ ở Olivos nếu họ cảm thấy ngài gần gũi hơn với các vấn đề thực sự của họ?”
Bà Fabiola Yáñez, vợ tổng thống đã tổ chức một bữa tiệc vào ngày 14 tháng 7, trong bối cảnh bị cách ly COVID-19.
Bài viết của Đức Tổng Giám Mục được xuất bản một ngày sau khi tất cả các bộ trưởng và quan chức cao cấp đại diện cho Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner trong nội các từ chức, và trong bối cảnh bà và tổng thống Fernández đang đối đầu công khai.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Hồng Y Müller phê bình nhiều tổ chức Âu châu
Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, phê bình nhiều tổ chức Âu châu phá hủy các hệ thống giá trị hiện tại.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Phát thanh Maria ở Ba Lan, truyền đi ngày 16 tháng 9 vừa qua, Đức Hồng Y Müller nhận định rằng: “Chúng ta đang ở trong một trò hề bi thảm, trong đó các tổ chức Âu châu, như Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu, Nghị viện Âu châu và Tòa án Âu châu đang phê bình hai nước Ba Lan và Hung Gia Lợi, nhân danh những cái gọi là “Các giá trị Âu châu”. Ví dụ, những giá trị này tạo nên quyền phá thai hoặc quyền được đổi giống. Nếu các “quyền” ấy được Âu châu công nhận là “Các giá trị Âu châu” và những nước bênh vực phẩm giá con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, đang chiến đấu như thế bị phê bình và tấn công, thì có nghĩa là các hệ thống giá trị bị đảo lộn. Các giá trị có nguồn gốc từ phẩm giá con người, chúng tượng trưng cho điều tốt lành, chứ không phải là một sự phá hủy, ích kỷ, sống mà làm thiệt hại cho người khác về sự sống, sức khỏe, an sinh của họ. Chính vì thế những người bênh vực những cái gọi là “giá trị Âu châu” như vừa nói, họ oán ghét các đại diện của Kitô giáo, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Müller nhìn nhận luôn có những tai tiếng, gương xấu trong Giáo hội. Trong số 12 tông đồ của Chúa cũng có Giuda, kẻ phản bội Chúa Giêsu và ngay từ đầu, đã không tin sứ mạng cứu thế của Ngài. Vì thế, trong tương lai cũng sẽ luôn có những linh mục, giám mục hoặc tu sĩ phạm tội, vì sự yếu đuối của con người, nhưng đôi khi họ cũng cố tình và có ý xấu, hoặc vì họ có hướng đi sai lầm. Nếu một tín hữu Công Giáo, từ những vị ở chức vụ cao nhất, từ linh mục cho đến Giáo hoàng, tuân theo giáo huấn luân lý của Giáo hội, thì những điều mà chúng ta phải đau buồn ngày nay, đã không xảy ra. Chúng ta phải nhận rằng thứ ý thức hệ luân lý tháo thứ về luân lý tính dục, cũng đã tràn vào Giáo hội, với những hậu quả thê thảm. Nhưng cần ý thức rằng đó là những người phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm, cả trong lãnh vực luật lệ dân sự cũng như giáo luật. Vì thế, không có lý do để những kẻ chống Giáo hội dùng như sai lỗi cá nhân để cáo buộc toàn thể hàng giáo sĩ hay toàn thể Giáo hội.