Ngày 29-09-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kinh Kính Mừng lời kinh cầu cho hòa bình
Lm. Anton Nguyễn Văn Độ
11:56 29/09/2014
Kinh Kính Mừng lời kinh cầu cho hòa bình

1. Kinh Kính Mừng

"Kính mừng Maria đầy ơn phúc"

Đó là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường xuyên đọc nhất là trong tháng Mười. Nhưng nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần nói, vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận : " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc". Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy được đầy ơn phúc. Đức Maria là người diễm phúc không chỉ Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, mà Mẹ còn cưu mang Thiên Chúa ngay trong lòng mình nữa.

Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo Hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo Hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử".

Phụng vụ mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) lại dìu ta về với "Đức Maria đầy ơn phúc". Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, và Con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thế nên Giáo Hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này : "Kính mừng Maria đầy ơn phúc" để tôn vinh Mẹ Maria. Đức Maria là người hạnh phúc vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria cũng rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ : "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.

2. Ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng

Chính Mẹ đã dạy chân-phước Alanô : "Bất-cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết".

Thánh Bênađô nói : "Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ".

Còn thánh Bônaventura nói : "Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng".

Theo thánh Montfort "Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị Kinh Kính Mừng, là những người có dấu bị trầm luân Hỏa-Ngục. Không có gì có hiệu-lực được lên Nước Thiên Chúa bằng đọc Kinh Mân Côi".

Thánh Anphongsô "Nhờ Kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng".

Kinh Mân côi là kinh chính Ðức Trinh Nữ đã khuyến khích khi hiện ra với Cô Bernardette ở Lộ đức (1858) cũng như trong các lần hiện ra với ba em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Đức-Mẹ đều thúc-dục : "Các con hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày". Và nhất là : "Các con hãy đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình".

3. Lời kinh cầu cho hòa bình

Chúng ta đang sống trong một tình hình quốc tế đầy những căng thẳng, càng ngày càng gia tăng, khiến ngày mùng 07 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô phải mời gọi cả Hội Thánh ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tại Syria và những nơi bạo lực đang hoành hành. Lời cầu của Hội Thánh đã được nhận lời, chiến tranh đe dọa Damacus đang qua đi, nhưng tại Trung Đông, Ai Cập, Triều Tiên và cả Thánh Địa xem ra Hòa Binh vẫn vắng bóng. Năm nay, năm 2014, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới nhiều lần cầu nguyện cho Irắc, không những kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Israel và Palestin mà còn tổ chức cầu nguyện với nguyên thủ quốc gia cả hai nước. Trong tình hình hiện nay, chỉ biết chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin hòa bình cho thế giới và. Việc làm trong tháng này là hãy lần hát Mân Côi, như Giáo Hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại. Chúng ta hướng về Ðức Maria, Nữ vương hòa bình, và khẳng định rằng, nơi nào thiếu hòa bình, nơi nào con người tỏ ra bất lực hay không muốn dẹp đi mầm mống thù ghét và chết chóc, thì việc trợ giúp phải đến từ Trời. Chính Ðức Maria, Nữ vương hòa bình, Ðấng đem chúng ta trở lại với Chúa Cha.

Trước những thế lực mạnh hơn, chúng ta thường cảm thấy bất lực. Khi nghĩ đến sức mạnh của những thế lực trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, chúng ta chỉ biết tin tưởng vào lời cầu nguyện mà thôi, chúng ta tin cậy vào một sức mạnh lớn hơn, là Thiên Chúa. Ðức Maria, như gương mẫu của sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Và với tình mẫu tử, Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, theo dõi chúng ta trên đường đến với Chúa Cha, Ðấng có thể cải hóa và làm cho các tâm hồn con người tùng phục thánh ý của Người.

Vậy kinh Mân Côi càng có lý do hơn nữa để xúc tiến hòa bình, một hoà bình cho tới nay vẫn chưa trở lại. Với lời Mẹ Maria dạy và kinh nghiệm của các thánh về ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy sốt sáng đọc kinh Mân Côi, để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo Hội, cho quê hương và cho toàn thế giới.

Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.

Nữ Vương bình an, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thư Gửi Thượng Hội Đồng: Đừng quá mềm về hôn nhân
Vũ Văn An
20:59 29/09/2014
Càng gần tới ngày khai mạc Thượng Hội Đồng, khóa đặc biệt, về hôn nhân và gia đình, càng có những phát biểu hết sức tha thiết muốn tôn kính truyền thống lâu đời của Giáo Hội trong lãnh vực này. Theo hai Đức HY Pell và Scola, năng lực của cộng đồng Giáo Hội không nên phí phạm vào những vấn đề chỉ liên quan đến một số nhỏ các tín hữu ở những nước dư cơm áo gạo tiền nhưng rất tự ý xa rời Giáo Hội,mà nên chú trọng tới việc đề cao giá trị chân thực của hôn nhân Kitô Giáo mà nét cao cả nhất chính là tính bất khả tiêu. Đức HY Scola nhấn mạnh tới việc đề cao các nhân chứng, các chứng từ trung thành với giáo huấn truyền thống mà theo kinh nghiệm mục vụ của ngài có rất nhiều nơi Dân Thiên Chúa, không nên sa vào cơn cám dỗ chỉ biết nhìn những gì tiêu cực.

Bốn mươi tám nhà trí thức và mục tử của nhiều Giáo Hội Kitô Giáo, chứ không riêng gì Công Giáo, đã đáp lại lời kêu gọi của hai vị Hồng Y trên, cùng ký vào một lá thư gửi Thượng Hội Đồng sắp khai diễn. Trong số các nhà trí thức và mục tử này có Rick Warren, vị mục sư nổi tiếng từng được Tổng Thống Mỹ mời đọc lời cầu nguyện nhân dịp ông khai mở “triều đại Obama”.

Lá thư ngỏ của họ, gửi tới Thượng Hội Đồng qua ngả ngoại giao vào cuối tháng Chín này và được đăng tải trên Liên Mạng, không chuyên biệt bàn tới những vấn đề nóng hổi mà nhiều người cho rằng THĐ sẽ dành nhiều thì giờ và năng lực để bàn thảo, như hôn nhân đồng tính hoặc việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ. Tuy nhiên, thông điệp mặc nhiên của nó thì khá rõ ràng: nay là lúc không nên quá mềm.

Giáo huấn truyền thống của Kitô Giáo về hôn nhân, theo những người ký thự, “đại biểu cho tình yêu chân thực, chứ không phải ‘loại trừ’ hay ‘thiên kiến’ hay bất cứ cáo buộc nào khác mà [xã hội] ngày nay đem ra chống lại hôn nhân”. Lá thư tựa là “Cam Kết Đối Với Hôn Nhân”, có chữ ký của những người, ngoài mục sư Rick Warren ra còn có những nhà trí thức bảo thủ như Robert George và Robert Royal; Giáo Sư Luật tại Harvard Mary Ann Glendon, cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Tòa Thánh và hiện là thành viên của hội đồng cố vấn cho Ngân Hàng Vatican; Marcello Pera, cựu chủ tịch Thượng Viện Ý rất gần gũi với Đức Bênêđíctô XVI, và Rafael Navarro-Valls, một nhà luật học Tây Ban Nha và là em trai của cựu phát ngôn viên Tòa Thánh Joaquin Navarro-Valls.

Lá thư dài 3 trang này được soạn thảo bởi hai nhà khoa bảng Hoa Kỳ, mà một trong hai là Thomas Farr, nguyên giám đốc đầu tiên của Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thời TT Bush. Người kia là Hillary Towers, một nhà tâm lý học phát triển tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và là mẹ của 5 đứa con.

Nguyên văn lá thư

Trọng kính Đức Thánh Cha, qúy Đức Hồng Y, Quí Đức Cha,

Chúng con hân hoan vì Đức Thánh Cha đã thu hút được sự chú ý của thế giới và rất nhiều thiện chí đối với đức tin Kitô Giáo! Giống những người khác, chúng con hết sức xúc động bởi các lời phát biểu của Đức Thánh Cha về tình yêu và lòng thương xót, làm vang dội lại tình yêu và lòng thương xót của Chúa Kitô, đặc biệt đối với những người không ai bênh vực và bị bỏ rơi.

Chính trong ngữ cảnh ấy chúng con hân hoan chào đón quyết định triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt để khảo sát các thách đố đối với hôn nhân và gia đình. Giống mỗi vị trong qúy vị, chúng con tin rằng gia đình, cùng với Giáo Hội, chính là biểu hiện vĩ đại nhất có tính định chế cho tình yêu của Chúa Kitô. Đối với những người muốn yêu thương như Người muốn chúng ta yêu thương, hôn nhân và gia đình là những điều không thể thiếu được, cả như những cỗ xe chuyên chở cứu rỗi lẫn như những thành trì của xã hội loài người.

Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã hết sức làm cho những điểm trên được rõ ràng. Thí dụ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng viết rằng “Hôn nhân thực sự là một phương thế cứu rỗi, không riêng cho các người kết hôn mà còn cho cả xã hội nữa”. Và, trong Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha từng viết rằng “sự đóng góp cần thiết của hôn nhân cho xã hội vượt trên các cảm xúc và nhu cầu thoáng qua của vợ chồng”

Thượng Hội Đồng này là một cơ hội để nói lên các sự thật vượt thời gian về hôn nhân. Tại sao những sự thật này lại quan trọng? Chúng đại diện ra sao cho tình yêu chân thực, chứ không phải ‘loại bỏ’ hay ‘thiên kiến’ hay bất cứ cáo buộc nào khác mà [xã hội] ngày nay đem ra chống lại hôn nhân? Các người đàn ông và đàn bà rất cần được nghe sự thật trước hết về việc tại sao họ nên kết hôn. Và, một khi đã kết hôn, thì tại sao Chúa Kitô và Giáo Hội lại muốn họ tiếp tục trung thành với nhau suốt cuộc sống trên dương thế của họ. [Họ cũng muốn được nghe] rằng, khi cuộc hôn nhân trở nên khó khăn (như đối với phần lớn các cặp vợ chồng), thì Giáo Hội sẽ là một nguồn trợ lực, không chỉ cho các cặp vợ chồng cá thể, mà còn cho chính hôn nhân nữa.

Trọng kính Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã từng viết một cách hết sức mạnh mẽ về sự quan trọng của việc tân phúc âm hóa bên trong Giáo Hội: “một cộng đồng rao giảng Tin Mừng tham dự bằng lời và bằng việc làm vào đời sống hàng ngày của người ta; cộng đồng này bắc cầu nối liền xa cách, sẵn sàng hạ thấp mình xuống nếu cần và ôm ẵm sự sống con người, đụng chạm tới thân xác đau thương của Chúa Kitô nơi người khác”.

Chúng con khiêm hạ xin đề nghị rằng trong ngữ cảnh cuộc sống hôn nhân và gia đình, lời lẽ của qúy vị là lời mời gọi lãnh trách nhiệm bản thân, không phải chỉ đối với người phối ngẫu và con cái chúng con, mà còn đối với cuộc hôn nhân của những người mà Thiên Chúa đặt để bên cạnh chúng con nữa: các thân nhận và bằng hữu của chúng con, những người trong các Giáo Hội và trong các học đường của chúng con.

Giá đánh cược quả rất cao. Theo một phúc trình quốc tế năm 2013 về các khuynh hướng con cái, “sự gia tăng đáng kể về sống chung, ly dị, và có thai ngoài hôn nhân tại Mỹ, Âu Châu và Đại Dương Châu, trong bốn thập niên qua, cho thấy định chế hôn nhân đang bị coi là không thích đáng tại các vùng này của thế giới”. Tại Hiệp Chúng Quốc, tỷ lệ kết hôn được ghi là thấp nhất xưa nay, việc sống chung không cheo cưới đang nhanh chóng trở thành một phương thức chấp nhận được để thay thế cho hôn nhân, và hơn phân nửa các vụ sinh nở của các phụ nữ dưới 30 tuổi diễn ra bên ngoài hôn nhân. Trong số man vàn liên kết tiêu cực, mỗi khuynh hướng này đều được liên kết với tính di động thấp về kinh tế, với nghèo đói, và phúc lợi, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong số các cuộc hôn nhân hiện nay, nhiều cuộc hết sức mỏng dòn và căng thẳng. Từ 40 tới 50 phần trăm các cuộc hôn nhân lần đầu tại Hiệp Chúng Quốc được dự phóng sẽ kết liễu trong ly dị. Tỷ lệ này gia tăng khá rõ nét với mỗi cuộc tái hôn sau đó và các nghiên cứu cho thấy lý do không hẳn là vì tồi trong phẩm chất hôn nhân cho bằng vì yếu trong cam kết.

Các hậu quả của ly dị và sống chung đối với con cái và người trưởng thành thì rất nhiều và đa dạng, từ nghèo đói và thành đạt thấp về giáo dục tới sức khỏe thể lý yếu kém; từ cam kết hôn nhân thấp lúc trưởng thành tới nạn chết yểu. Và dù mọi quốc gia đều có tính độc đáo, song các cuộc nghiên cứu cho thấy tác động của các khuynh hướng này hiện trải khắp mặt địa cầu. Các cuộc nghiên cứu này lấy mẫu tại một số quốc gia: Trung Quốc, Phần Lan, Thụy Điển, Uruguay, Mễ Tây Cơ, Hy Lạp, Châu Phi và các nước vùng Đông Á Thái Bình Dương.

Các thiệt hại do nạn khiêu dâm gây ra cho các xã hội quả là điều đáng kể. Các nghiên cứu về tác động của nạn khiêu dâm đối với các mối liên hệ cho thấy nó là yếu tố đóng góp chính vào việc phá hủy hôn nhân. Bất hạnh thay, việc nghiên cứu lâu dài về hậu quả của khiêu dâm đối với hôn nhân gần như không có.

Các đạo luật gọi là “ly dị không cần có lỗi” ở Hiệp Chúng Quốc và nhiều quốc gia khác đã cấp giấy phép cho một hệ thống trong đó các chánh án và luật sư biến việc tiêu hủy hôn nhân trở thành dễ dàng, đôi khi chống lại cả ý của các cặp vợ chồng muốn kiên vững trong cam kết hôn nhân của họ.

Bất chấp tính ảm đạm của những khuynh hướng này, chúng con vẫn được khích lệ và trở thành cương quyết nhờ lời khuyên của Đức Thánh Cha “Các thách đố có đó để được khắc phục! Chúng ta hãy là những người thực tiễn, nhưng không được đánh mất niềm vui, sự mạnh dạn và cam kết đầy hy vọng của ta”.

Có lẽ cách mới mẻ và mạnh dạn hơn cả để chúng ta phúc âm hóa các cặp vợ chồng (và qua họ, các cuộc hôn nhân trong tương lai của con cái họ) là xây dựng các cộng đồng nhỏ gồm các cặp vợ chồng để họ nâng đỡ nhau một cách vô điều kiện trong ơn gọi sống cuộc sống hôn nhân của họ. Những cộng đồng này sẽ cung cấp các mạng lưới trợ giúp đặt cơ sở trên các dây nối kết đức tin và gia đình, trên cam kết đối với hôn nhân mãn đời, và trên trách nhiệm đối với nhau và cho nhau.

Sau đây, chúng con xin đề nghị một số phương cách thực tế nhằm tạo ra và nâng đỡ các cộng đồng này:

* Ủy nhiệm cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tiến hành một cuộc nghiên cứu đa khoa, theo chiều dọc về vai trò của khiêu dâm và ly dị “không cần có lỗi” trong cuộc khủng hoảng hôn nhân.

* Giáo dục các chủng sinh. Cung cấp cho họ những khóa học bắt buộc bao gồm các chứng cớ của khoa học xã hội về các phúc lợi của hôn nhân, các đe dọa đối với hôn nhân, và các hậu quả của ly dị và sống chung đối với con cái và xã hội.

* Huấn luyện các linh mục để các ngài dùng các bài giảng lễ biểu tỏ giá trị thiêng liêng và xã hội của hôn nhân, các thách đố hiện nay đối với nó, và sự giúp đỡ của giáo xứ đối với các cuộc hôn nhân đang gặp trở ngại. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy: 72% phụ nữ Công Giáo Hoa Kỳ cho biết bài giảng lễ hàng tuần là nguồn đệ nhất đẳng để họ học biết về đức tin.

* Tạo ra các mạng lưới nhỏ nhưng sinh động các cặp vợ chồng vững mạnh để họ trở thành các cố vấn dầy kinh nghiệm ở bình diện giáo xứ, sẵn sàng cung cấp cho các cặp vợ chồng các phương thế để họ duy trì các cuộc hôn nhân lành mạnh, mãn đời của họ.

* Giáo dục giáo dân trong giáo xứ về ảnh hưởng phi thường họ có thể có đối với các cuộc hôn nhân của bằng hữu và của gia đình. Các dữ kiện của khoa học xã hội cho thấy sự hiện diện của một gia đình hay của bằng hữu ly dị gia tăng nguy cơ ly dị của người khác. Ngược lại, các dữ kiện này cũng cho hay: các thành viên gia đình và bằng hữu có thể gia tăng cam kết hôn nhân của những người họ yêu thương qua gương sáng và sự hỗ trợ của họ.

* Khuyến khích và hỗ trợ việc hòa giải của các cặp vợ chồng ly thân hay đã ly dị ở tòa dân sự.

* Thỉnh cầu các giám mục khắp thế giới khởi diễn các lời nguyện thường xuyên trong Thánh Lễ Chúa Nhật cầu cho các cuộc hôn nhân vững mạnh và trung thành.

* Các cố gắng hỗ trợ để bảo tồn những gì là chính trực và công bằng trong các luật lệ hiện nay về hôn nhân, cưỡng lại bất cứ thay đổi nào đối với các luật lệ này nhằm làm suy yếu thêm định chế này, và phục hồi các điều khoản luật nhằm bảo vệ hôn nhân như là một kết hợp phu thê giữa một người đàn ông và một người đàn bà, bước vào với một cởi mở đối với hồng phúc con cái, và được sống cách trung thành và vĩnh viễn như là nền tảng của hôn nhân tự nhiên.

* Ủng hộ tự do tôn giáo tại các tòa lý dị. Nhiều người không biết rằng tự do tôn giáo thường xuyên bị vi phạm bởi các chánh án ly dị; họ không lưu ý hay coi thường các quan điểm của người phối ngẫu muốn tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân, giữ các con lại ở trường tôn giáo, hay ngăn cản người phối ngẫu bỏ rơi họ khỏi đặt con cái vào thế nguy hiểm bị người tình mới của họ lạm dụng. Nên bắt đầu tổ chức các tổ hợp luật sư và nhà làm luật để tranh đấu trong vấn đề này.

Thực hiện một trong các mục tiêu trên theo qui mô quốc tế là một bước tiến lớn đối với hôn nhân và gia đình. Thực hiện được tất cả các mục tiêu này có thể đảo ngược được cuộc khủng hoảng hôn nhân có tính hoàn cầu hiện nay.

Với tài lãnh đạo của qúy vị, chúng ta sẽ trợ giúp để các cuộc hôn nhân thành công và nở rộ bằng cách đặt lên cam kết hôn nhân một giá trị lớn nhất: ở mọi bình diện của xã hội, ở mọi ngõ ngách của thế giới. Chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha, qúy Đức Hồng Y và qúy Đức Cha đã đảm nhiệm trách vụ sinh tử này, xin qúy vị tin chắc ở lời cầu nguyện của chúng con cho sự thành công lớn lao của nó.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Quý cha khóa V ĐCV Vinh Thanh mừng lễ thánh quan thầy và họp mặt truyền thống
BTT Thanh Hóa
09:52 29/09/2014
Quý cha khóa V ĐCV Vinh Thanh mừng lễ thánh quan thầy và họp mặt truyền thống

Trong hai ngày 24-25.9.2014 tại giáo xứ Chính Tòa Thanh Hóa và Tòa Giám Mục, quý cha khóa V Đại Chủng Viện Vinh Thanh đã tổ chức ngày gặp mặt truyền thống và mừng trước lễ Thánh Vinh sơn Phao lô (Vincent de Paul), quan thầy của khóa.

Xem Hình

Khóa V Đại Chủng Viện Vinh Thanh, nhập ĐCV năm 1997, sau 7 năm đào tạo dưới mái trường Đại Chủng Viện Vinh Thanh, ra trường năm 2004. Khóa gồm 27 cha đang phục vụ trong 2 giáo phận Vinh và Thanh hóa trải dài trên 4 tỉnh bắc miền Trung: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.

Theo quy chế của khóa, mỗi năm một lần, cứ vào dịp mừng lễ thánh Vinh sơn Phao lô 27.9, quý cha trong khóa lại quy tụ về một nơi để mừng lễ và gặp gỡ nhau. Luân phiên trong bốn tỉnh. Năm 2013 ở xứ Tràng Lưu – Hà Tĩnh. Năm nay tại giáo xứ Chính Tòa Thanh Hóa. Năm 2015 sẽ ở Quảng Bình.

Cha Phêrô Lê Thanh Hồng, chủ tế thánh lễ của khóa tại nhà thờ Chính tòa cho biết: hàng năm, cứ đến ngày lễ kính thánh quan thầy, quý cha trong khóa lại gặp gỡ nhau để ôn lại, hâm nóng lại tình huynh đệ trong những ngày tháng anh em bên nhau dưới mái trường Đại Chủng Viện. Đây cũng là dịp để anh em chiêm ngắm vị thánh quan thầy của khóa. Cha cũng cho biết thêm: Thánh Vinh sơn Phao lô là một vị thánh nổi tiếng về lòng bác ái. Cuộc đời của ngài dành trọn cho hoạt động bác ái. Giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật là ưu tiên hàng đầu của thánh nhân.

Quý cha khóa V chọn thánh Vinh sơn Phaolô nhằm mục đích xin ngài bầu cử, đồng thời để noi gương thánh nhân sống tinh thần bác ái trong sứ vụ mục tử của mình: phục vụ anh em đặc biệt là người nghèo và người bất hạnh trong xã hội.

Cha Thường vụ giáo xứ Chính tòa Thanh hóa, Giuse Nguyễn Văn Bình, thành viên của khóa V và cũng là “chủ nhà” của lần gặp mặt lần thứ 10 này cho biết: Cứ mỗi lần gặp mặt, ngoài việc quý cha trong lớp gặp gỡ nhau, chia sẻ kỷ niệm, ưu tư mục vụ…quý cha còn đóng ghóp quỹ làm bác ái cho giáo xứ chủ nhà. Nơi thì xây nhà tình nghĩa, chỗ giúp các em học sinh nghèo…

Trong hai ngày gặp gỡ, quý cha đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ Chính Tòa tại nhà thờ Chính tòa Thanh hóa tối 24.9; thánh lễ sáng ngày 25.9, tại nhà nguyện Tòa Giám Mục Thanh Hóa, đồng tế với quý cha khóa V có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh Giám mục giáo phận Thanh hóa, quý cha đang phục vụ tại TGM.

Cha Giuse Nguyễn Văn Hiểu, Chánh Văn Phòng TGM Xã Đoài giáo phận Vinh chia sẻ cảm xúc: đây là lần thứ 10 tổ chức ngày gặp mặt truyền thống nhưng chưa lần nào anh em trong khóa cảm thấy nhiều cảm xúc như lần này.

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã bày tỏ niềm vui được đón tiếp quý cha, với tư cách chủ nhà, vị chủ chăn giáo phận cũng cảm ơn quý cha đã chọn Chính Tòa và TGM Thanh hóa làm điểm quy tụ lần thứ 10 này.

Đức Cha cũng đánh giá cao tinh thần đoàn kết và sự hiện diện của quý cha trong ngày gặp mặt, ngài nói: Sự hiện diện đông đủ của quý cha trong lớp mỗi lần gặp mặt truyền thống là dấu chỉ tích cực nói lên tinh đoàn kết nâng đỡ nhau của anh em linh mục trong cùng một lớp. Kinh nghiệm 10 năm giám mục của tôi cho thấy lớp nào đoàn kết gắn bó với nhau lớp ấy bình yên.

Buổi sáng ngày 25.9 trên đường trở về giáo phận Vinh, quý cha trong khóa đã đến thăm giáo xứ Ba Làng nơi cha Giuse Trịnh Văn Phiên thành viên của khóa V đang làm chính xứ.

Thánh lễ chiều tại nhà thờ Chính Tòa Thanh hóa
 
Ngày cao điểm tuần chầu giáo xứ Tân Lộc, GP Vinh
An Bình
08:54 29/09/2014
Ngày cao điểm tuần chầu giáo xứ Tân Lộc

Cứ vào cuối trung tuần mùa thu và chuẩn bị bước vào tháng Mân Côi kính Mẹ, giáo xứ Tân Lộc như đến hẹn lại về. Kẻ đi xa hương, người còn ở lại, tất cả đều như sống lại trong sự rộn ràng tất bật của một thời khắc, để chuẩn bị cho bản thân, gia đình và xứ sở. Cùng làm nên một giáng đứng cho cả về vật chất lẫn tinh thần trong suốt tuần chầu lượt của xứ nhà.

Xem Hình

Giáo xứ Tân Lộc, nguyên sơ là một làng chài ven biển Cửa Lò được hình thành từ 4 giáo họ mà thành. Từ thủa sơ khai cha ông đã sống một đời sống đức tin chân thành và đơn sơ. Từ ngày xưa họ là những con người của biển, vì thế lúc nào cũng sống với một hoàn cảnh dễ chấp nhận, không có những hoài bão ước mơ to lớn, luôn bằng lòng với một cuộc sống bình dị của một gia đình Công Giáo thôn chài. Và cứ thế trãi qua bao nhiêu năm tháng, họ lớn lên hết thế hệ này đến thế hệ khác, năm này đến năm kia, dần dần thay đổi với thời gian, với những văn minh tiến bộ xã hội tràn về. Cho đến hôm nay, bộ mặt của giáo xứ biết bao nhiêu đổi thay, nhiều dấu tích đã bị xóa sạch không còn để lại dấu vết, kể cả tên hành chính của làng, của xã. Tôi còn nhớ lúc đó là năm 70, giáo họ trị sở Tân Lộc từ trước được hình thành qua 4 khu xóm: Tân Quang, Tân Trung, Tân Đông và Tân Sơn mà thành. Hiện nay thì được chia thành khối và phường, để kịp theo với xu hướng tiến lên của xã hội. Các trẻ em chúng tôi học rất thoải mái với chương trình không phải như trẻ em bây giờ, "chất đống" không còn thời gian để chơi. Bao nhiêu trò chơi dân gian nay không còn trong giới trẻ như chúng tôi thời trước nữa. Những trò: chơi mạng, chơi gù, chơi lò cò, nhảy giây, chơi mèo đuổi chuột, chơi đi ô, rồi rủ nhau đi bắt chuồn, bắt bướm và chiều chiều ra dòng sông trong vắt cuối làng, ngụp mình bơi lặn với đàn tôm, đàn cá lội tung tăng, thỉnh thoảng ngoáy chân xuống cát loay hoay là bắt được những chú nghêu to như nắm tay người lớn, nín thở một hơi dài dưới nước mò quanh các hốc đá là tóm gọn chú cua địa to gần nữa kilô. v.v. Tất cả những hình ảnh đó nay đã biến mất, thay vào đó là cả một khu dân cư đông đúc, chen chúc nhau với một cuộc sống hối hả. Nhà nhà bê tông cốt sắt xi măng, các cây cối dọc làng nhả khí ôxi cho con người hít thở nay bị đốn chặt hết, những con đường cát mịn đi chân trần mát rượi, nay được thay bằng những con đường bê tông hóa đường làng, bức tường rào bê tông thi nhau dựng lên san sát, cứ vào những ngày nóng bức ngạt thở hít toàn hơi bê tông phả ra cảm thấy ngột ngạt quá chừng. Những dòng sông ngày xưa trong veo nhìn thấy được các bầy tôm, bầy cá tung tăng là thế, nay là một dòng sông nước đen đục hôi tanh của đủ thứ mùi do dân cư thải ra, vì vậy mà những năm gần đây hầu như những người ra đi phần đa mắc những căn bệnh nan y.

Trẻ em tiểu học trên vai lúc nào cũng một ba lô. Các trò chơi hiện đại tràn vào như Gem, trẻ em say sưa trong những trận chém giết không hồi kết thúc. Thời gian học thì kín bít không còn cho các em nghỉ ngơi chơi chởi. Hầu như nghề chài lưới không còn tồn tại trên làng chài Tân Lộc như ngày xưa. Nhìn vào đời sống nơi đây quá hối hả và đa ngành nghề, người buôn bán có, người làm công nhân, người làm cửu vạn, người đầu tư cho con cái anh em đi lao động nước ngoài v.v. Nhìn chung đời sống vật chất quả là bấp bênh và con số thất nghiệp vẫn là đa số.

Nhìn lại một vài đường nét trong khung cảnh của một bức tranh thêu tổng thể của giáo xứ Tân Lộc để cám ơn Chúa qua bao đổi thay chóng mặt như trên, thế mà đức tin nơi đây vẫn chung thủy không mấy thay đổi, đành rằng trong thời đại của một xã hội như hiện nay, đời sống gia đình có nhiều đe dọa bởi những trào lưu không lành mạnh tràn ngập khắp nơi, những gia đình trong xã hội nói chung, cách riêng là con cái giáo xứ Tân Lộc cũng phải chịu hứng lấy những phong ba bão táp xô đẩy ập vào, song đại đa số còn giữ được lòng chung thủy với đức tin của mình. “Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình” như một liều thuốc đặc trị mà Giáo Hội đưa ra cho con cái mình trong thời đại hôm nay, để chữa trị kịp thời chứng bệnh trầm kha nơi mỗi gia đình, nhằm đưa gia đình trở về chỗ, đúng vị trí nguyên thủy của nó.

Tuần chầu lượt tại giáo phận Vinh nói chung, cách riêng là giáo xứ Tân Lộc, là một cuộc tổng tẩy những gì bẩn bám qua một năm trong mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, nơi làng xóm, nhìn vào những gì đã mất, để tiếp thêm sức mạnh nơi Thánh Thể Chúa kitô và lấy lại, bồi đắp thêm những tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội.

Cám ơn Chúa ! Như đánh giá qua thánh lễ bế mạc tuần chầu; Quý Linh mục trong và ngoài giáo hạt về hiệp dâng các thánh lễ cầu nguyện và ngồi tòa gần 90, không kể những Linh mục lặp lại, nhờ vậy năm nay số người đến với tòa xá giải đông hơn những năm trước đây. Giáo xứ đã dành hết một tuần để xám hối, ăn năn, dọn mình đền tạ, cả bề trong lần bề ngoài, để xin Thiên Chúa Tình yêu tha thứ, xin Ngài cầm tay dắt về và ẫm lấy bên lòng Chúa xót thương, để mỗi người cùng an tâm trong vòng tay yêu thương quền năng của Ngài, nơi một xã hội luôn liên tiếp nhau những cơn bão nguy hiểm nhằm ập vào hầu cuốn phăng đi tất cả những gì là nhân bản, tốt đẹp nơi từng cá nhân, gia đình và xã hội. Nguyện xin Chúa tình yêu luôn gìn giữ chúng con trong vòng tay cuả Ngài. Amen.

An Bình Cửa Lò.
 
Đức Quốc: Hội Bác Ái Vinh Sơn mừng kính quan thấy và kỷ niệm 10 năm thành lập
Thanh Sơn
12:04 29/09/2014
ĐỨC QUỐC: HỘI BÁC ÁI VICENT DE PAUL MỪNG KÍNH THÁNH QUAN THẦY VÀ 10 NĂM THÀNH LẬP.

Hôm nay trưa Chúa Nhật 28.09.2014 tại thánh đường Heiliger Geis các hội viên hội Bác Ái Vinh Sơn đệ Phaolô đã tề tựu nơi đây, cùng với rất nhiều cảm tình viên đạo đời cũng đã đến để mừng ngày kỷ niệm 10 năm thành lập, đồng thời cũng là ngày kính thánh Bổn Mạng của hội.

Đúng 15g mọi người cùng hiệp nguyện giờ kinh kính "Lòng Chúa Thương Xót"

Liền sau đó mười hội viên đại diện cầm nến cùng đoàn giúp lễ rước hai Lm. tiến lên cung thánh. 10 ngọn nến lưu dấu tình yêu cho 10 năm thành lập hội, được dâng lên trước bàn thờ Chúa, rồi sau đó đặt dưới chân ảnh thánh Vinh Sơn đệ Phaolô Bổn Mạng của hội "Bác Ái Vinh Sơn". 10 ngọn nến cháy sáng lên để chia sẻ đến tất cả mọi nơi, "dù ít ánh sáng vẫn còn tốt hơn hàng vạn bóng tối".

Mười năm Thiên Chúa ban ơn

Mười năm "Bác Ái Vinh Sơn" vui mừng

Mười năm phục vụ không ngừng

Mười năm lập hội chia từng xót xa.

Vâng! đã 10 năm nay kể từ ngày cha cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh khởi xướng thành lập khi ngài còn làm linh hướng cho đến nay đã trọn mười năm.

Mười năm là một cái mốc thời gian để thẩm định mọi công việc.

Thật trùng hợp với bài Tin Mừng mà cha Giuse Lê Thắng công bố hôm nay: PHÚC ÂM: Mt 21, 28-32

"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".

Lm. Fernand Nguyễn Hữu Công đã chia sẻ cho chúng tôi hiểu thêm như sau:

Chúa mời gọi chúng ta vào làm vườn nho của Ngài:

"Người con thứ nhất thì trả lời rằng: 'Con không đi'. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: 'Thưa cha, vâng, con đi'. Nhưng nó lại không đi."

Vườn nho đây là gì? Thưa, là bổn phận và trách nhiệm của từng người chúng ta đó. Vườn nho đây là gia đình. Vườn nho đây là cộng đoàn, là Hội Bác Ái Vinh Sơn, là bổn phận với Giáo Hội và tha nhân đó. Vười nho là ở ngay trước mặt chúng ta đây thôi chứ không có xa xôi gì cả. Chúng ta có nghe lời Chúa và đi làm vườn nho của Ngài hay không là tùy thuộc ở mỗi con người anh chị em chúng ta chọn lựa mà thôi. Trách nhiệm của chúng ta đó. Chúng ta tự đặt mình vào người con thứ nhất hay thứ hai là do chính chúng ta biết. Chúa chỉ xét việc chúng ta làm gì và làm cho ai? Chứ Ngài chẳng cần nghe ta nói thật hay! mà không làm. Chúng ta không nên nói cho êm tai lạy Chúa! con sẽ đi làm nhưng mà cuối cùng lại không làm.

Bởi vậy, "Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì các ông không tin ngài, nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".

Chúng ta thấy đó: Dù ai có tội lỗi mấy đi chăng nữa, nhưng mà biết ăn năn thống hối, thì sẽ được Chúa tha thứ với lòng nhân từ của Người. Đừng cứng lòng tin, đừng thử thách Chúa. Hãy biết nhìn lại những yếu hèn của mình và ra đi làm vườn nho của Người, dù là ít ỏi còn hơn là chỉ nói mà không làm.

Những lời nguyện của giáo dân hôm nay:

-Cấu cho Đức Giáo Hoàng, các hàng giáo phẩm và Giáo Hội hoàn vũ.

Cầu đặc biệt cho những nạn nhân đang bị bách hại, đau khổ vì niềm tin, xin cho những con người cực đoan hồi giáo biết quay đầu trở lại với Thiên Chúa và nhìn ra những sự mù lòa của chính mình.

Cầu đặc biệt cho Giáo Hội và Quê Hương đang triền miên trong đau khổ của tà thuyết cộng sản vô thần, cho những người đang nắm quyền đất nước biết nhìn ra những yếu hèn của mình đang làm hại đất nước mà quay đầu trở lại với Tổ Quốc.

- Cho các gia đình trẻ biết nhìn ra gia trị đích thực của gia đình trong thánh ý Chúa. Cho các bạn trẻ các sinh viên học sinh biết ý thức và yêu mến quê hương và khát khao dân chủ nhân quyền như các bạn trẻ bên Hồng Kông.

- Cho tất cả những hội viên đã qua đời và những linh hồn tiền nhân đã ra đi trước chúng ta.

Cuối thánh lễ ông hội trưởng Vicent Nguyễn Văn Rị đại diện lên chào mừng sự hiện diện của qúy vị quan khách từ nhiều nơi đã đến tham dự thánh lễ mừng 10 năm của Hội. Đặc biệt chào mừng một số qúy khách của tôn giáo bạn, và qúy anh chị em từ Vương Quốc Bỉ đã sang hơn 30 người tham dự. Cám ơn Lm. linh hướng Fernand Nguyễn Hữu Công và Lm. Giuse Lê Thắng đến từ Hòa Lan. Hội hôm nay mừng 10 năm nên đặc biệt kính cám ơn cha với phép lành của Tòa Thánh.

Ông cũng cho biết cha cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh cũng đã gọi điện thoại sang và gửi lời thăm tất cả cũng như chung vui với hội ngày mừng 10 năm.

Sau cùng là mới mọi người sang Hội trường mừng bữa tiệc vui và chia sẻ với Hội Bác Ái Vinh Sơn.

Một bữa cơm rất thân tình của Hội cùng chia sẽ niềm vui với mọi người trong ngày kỷ niệm 10 năm thành lập này.

Bác sĩ trần Văn Tích nguyên là chủ tịch Hội Người Việt tỵ nam cs. CHLB. Đức lên phát biểu: Tuy ông không phải là người Công Giáo nhưng rất trân qúy và ngưỡng mộ những công việc làm của Hội từ trước đến nay. Ông cũng vinh dự được đến đây hôm nay để cùng chia vui trong tinh thần bác ái đó.

Ông ĐỖ Tứ Hòa là người cố vấn trong những vấn đề pháp lý của hội từ đầu cũng chia sẻ niềm vui và những thăng trầm với hội 10 năm nay v. v...

Hôm nay hội cũng chúc mừng đến một em bé Việt Nam 6 tuổi Vicent de Paul Hoàng Vinh Sơn, năm ngoái đi hành hương với cha mẹ sang thánh đô Rôma khi ĐGH. đi qua ngài đã lấy chiếc mũ trắng và đội lên đâu em, hy vọng đây sẽ là một dấu chỉ tốt cho tương lai của em và Giáo Hội Việt Nam... Đồng thời Hôm nay cũng mừng sinh nhật em Nguyễn Duy Khang sinh ngày 27.09. đúng vào ngày thánh Bổn Mạng và cha mẹ em đã lấy tên thánh Vicent de Paul đặt cho em. Bài Happy Birthday được hát vang lên mong rằng em cũng đi theo con đường thánh Bổn Mạng của em sau này.

Sau cùng ban Chấp Hành Hội cũng báo cáo cho mọi người biết trong 10 năm hoạt động hội đã đóng góp cho công tác từ thiện số tiền là 42.900 Euro

Đặc biệt trong ngày mừng kính thánh Bổn Mạng hôm nay số tiền mọi người đóng góp được là 3.020 Euro. Số tiền này hội sẽ chuyển qua Hội Caritas giúp đỡ những người Kitô giáo bên Irak đang bị nhà nước hồi giáo ISIS sát hại. Số còn sống sót đang phải trốn trên những hang núi hay trong sa mạc đó khát. Mà lời Chúa có nói: "Ai cho anh em uống một chén nước lã vì danh Thầy, thì cũng xứng đáng là môn đệ Đức Kitô " Đây cũng chính là mục tiêu của Hội Bác Ái Vinh Sơn mà chúng ta mừng kính 10 năm hôm nay.

Thanh Sơn 29.09.2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sớm Thu
Vũ Đình Huyến, Lm
22:34 29/09/2014
SỚM THU
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Chớm thu hoa lá ngẩn ngơ
Hạ còn vương vấn thu chờ biệt ly
Giao mùa thu đến, hạ đi..
(Trích thơ của Lệ Tím)