Ngày 08-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 08/10/2019

53. Khi người ta nhận được sự tán thưởng mà không sinh ra kiêu ngạo thì lập tức đạt tới sự yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, mức độ hoàn mỹ không hề sợ hãi.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:21 08/10/2019
33. ĐƯỢC VIỆC BỊ ĐÁNH

Đời nhà Đường có một thích sứ tên là Mục Ninh, ăn trên ngồi trước, tác oai tác quái, lại còn có mấy đứa con làm quan thay nhau cung phụng ông ta, nếu có chút xíu không vừa lòng thì lập tức trách mắng con cái.

Một lần nọ, có đứa con nấu mỡ gấu và thịt nai ninh nhừ thành thức nhắm để tỏ lòng hiếu thảo với bố, Mục Ninh cảm thấy mùi vị thơm ngon bèn ăn rất là ngon lành.

Mấy đứa con khác cho rằng ông bố nhất định sẽ khen ngợi lắm lắm nên trong lòng rất là hâm mộ, nhưng ai mà biết được, Mục Ninh sau khi ăn no thì đánh thằng con trai một chập rồi chửi:

- “Hừ, Thức ăn ngon như thế tại sao đợi đến hôm nay mới đem ra cho ta ăn hử ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 33:

Đa số các gia trưởng đều có một khuyết điểm khó sửa, đó là thường xuyên xưng tội đánh đập và chửi bới con cái. Đành rằng Thiên Chúa luôn tha tội khi chúng ta khi chúng tân ước có lòng sám hối ăn năn thật, nhưng bên cạnh đó cũng phải cố gắng sửa chữa những khuyết điểm của mình.

Đánh đập và chửi mắng con cái không phải là phương pháp tốt nhất để giáo dục, nhưng đó là chuyện bất đắc dĩ mới làm, mà bất đắc dĩ thì đương nhiên không phải là chuyện thường xuyên, cho nên cũng rất dễ sửa chữa, đừng để trở thành thói quen thường xuyên thì ảnh hưởng rất xấu trên con cái và cuộc sống của cá nhân mình. Biết mình thường nóng tính đánh đập và chửi bới con cái thì nên sửa đổi để khi xưng tội khỏi áy náy vì cứ lập lui lập tới một cái tội ấy…

Có những cha mẹ vì yêu thương mà đôi lúc nóng giận đánh con cái một bạt tai, nhưng không phải lúc nào cũng dùng roi hay bạt tai để dạy con, hoặc con cái lầm lỗi thì cứ chửi mắng chúng là đồ ngu, đồ mất dạy, đồ đĩ thúi… thì chẳng khác gì chửi vào mặt mình vậy.

Thiên Chúa là tình yêu, mỗi ngày chúng ta đều có lỗi phạm đến Ngài nhưng Ngài vẫn cứ lấy tình cha con mà đối xử với chúng ta, tại sao chúng ta lại không đối xử nhân lành hiền từ với con cái mình chứ ?

Bớt chửi mắng con cái nhưng tăng thêm lời nói yêu thương, bớt đánh đập con cái nhưng gia tăng chăm sóc con cái trong cuộc sống gia đình…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 28C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:02 08/10/2019
Chúa Nhật 28 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 17: 11-19)
BIẾT ƠN


Mười người phong hủi đứng xa,
Cầu xin thương xót, thứ tha tội đời.
Khổ đau gặm nhấm một thời,
Thương thay số phận, ơn trời khấn xin.
Chúa truyền trình diện báo tin,
Nơi đền tư tế, niềm tin tỏ bày.
Đi đường khỏi bệnh thấy ngay,
Một người ngoại giáo, giang tay khấu đầu.
Trở về cảm tạ tình sâu,
Ơn trên đã cứu, con tâu thưa Ngài.
Tạ ơn Thiên Chúa sớm mai,
Đã thương giải thoát, thiên sai phụng thờ.
Chín người lành sạch không ngờ,
Vui mừng hoan hỉ, hững hờ ơn ban.
Quên ơn phụ nghĩa thiên an,
Quay đi chẳng nhớ, vạn ngàn hồng ân.
Xót thương Chúa chữa toàn thân,
Phong cùi sạch sẽ, tinh thần trắng tinh.
Tôn vinh Thiên Chúa hết mình,
Tri ân nhắc nhớ, thật tình mến yêu.

Lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi. Đây là lời van xin của những người phong cùi. Chúa thương xót và đã chữa lành cho họ. Cả mười người phong cùi đều được khỏi bệnh, nhưng có một chi tiết rất hay là chỉ có một người ngoại giáo trở lại chúc tụng và tạ ơn Chúa. Chúa hỏi: Còn chín người kia đâu? Chúng ta thấy nhột nhạt, hình như Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta. Còn chín người kia đâu không thấy trở lại tạ ơn Thiên Chúa.

Đời chúng ta là một chuỗi những nhận ơn, nhưng mấy người biết tạ ơn Thiên Chúa. Trong phúc âm kể rằng mười người được chữa lành có một người trở lại cám ơn Chúa. Có cả ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa vác thánh giá lên núi sọ, chỉ có một người ngoại vác đỡ thánh giá Chúa. Cả một dân tộc chịu ơn, nhưng khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chỉ có một người ăn trộm dám công khai lên tiếng bênh đỡ Chúa. Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Làm ơn có thể không cần được trả ơn, nhưng khi đã nhận ơn, chúng ta phải biết cám ơn. Cũng như cho đi có thể không mong đáp đền, nhưng đã nhận ơn, chúng ta có bổn phận phải đền ơn đáp nghĩa.

Đời của chúng ta là một liên đới chập chùng của sự chịu ơn. Muôn vàn hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận từng giây phút trong đời, từ ơn sự sống đến ơn được làm người và được ơn làm con cái Chúa. Trong đời, chúng ta chẳng cho đi bao nhiêu, nhưng đã nhận quá nhiều. Nếu thử một ngày chúng ta ngưng nhận được các mối giây liên lạc, sự giúp đỡ tương trợ, sự yêu thương nâng đỡ và các nhu cầu cung cấp cho cuộc sống thì chúng ta sẽ lập tức trở thành bơ vơ , lạc lõng, nghèo nàn và khốn đốn.

Truyện kể: Có một Rabbi và học trò đi dạo, đang đi đường, gặp một người ăn xin. Anh cho người đó một chút tiền, rồi tiếp tục đi, trong lòng rất sung sướng. Sau một lát, anh cảm thấy bực bội trong người. Khi chợt nhớ lại hồi nãy, người ăn xin không cám ơn anh. Anh đem truyện kể cho thầy Rabbi nghe. Rabbi chăm chú nghe, rồi Rabbi hỏi anh: Khi anh cho tiền người ăn xin, anh cảm thấy sao? Anh thưa: Con thấy rất vui. Rabbi nói: Thế là phần thưởng của con rồi đó. Anh trả lời: Nhưng dù sao họ cũng phải cám ơn con chứ. Rabbi: Thế sao con không cám ơn Chúa. Anh nói: Tại sao con phải cám ơn Chúa. Rabbi tiếp: Vì Chúa cho con cơ hội thể hiện tình thương của Ngài với người khốn khó.

Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc suốt cả đời, vì không có giây phút nào chúng ta không nhận lãnh hồng ân Chúa. Càng biết tạ ơn, chúng ta càng trở nên người hơn.

THỨ HAI, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 29-32).
ĐIỀM LẠ


Dân chúng tụ tập bên Thầy,
Mong tìm điềm lạ, sa lầy yếu tin.
Giống dòng gian ác van xin,
Giô-na bụng cá, hãy nhìn gẫm suy.
Ni-ni-vê đó cứu nguy,
Ăn năn sám hối, tư duy trở về.
Dân này cứng cổ bội thề,
Không ban dấu lạ, bến mê cuộc đời.
Chối từ lời giảng Con Trời,
Tà tâm kiêu hãnh, sống đời ác gian.
Con Người điềm lạ trao ban,
Chứng nhân cao cả, thiên nhan rạng ngời.
Chúa Con xuống thế làm người,
Cứu nhân độ thế, vào đời truyền rao.
Mong rằng dân chúng khát khao,
Đổi đời cải quá, tuôn trào hông ân.

THỨ BA, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 37-41).
RỬA TAY


Một người mời Chúa tới nhà,
Ông là Biệt Phái, vị tha trong đời.
Chung vui dự tiệc khách mời,
Ngạc nhiên thấy Chúa, không rời bàn ăn.
Rửa tay nghi thức tự căn,
Phàn nàn lỗi luật, can ngăn thói đời.
Chúa cần giải thích đôi lời,
Bề ngoài chén dĩa, mọi nơi gọn gàng.
Nội tâm sâu thẳm không màng,
Tham lam gian ác, xếp hàng tội nhân.
Hỡi người ngu dại thế trần,
Hóa công sáng tạo, điều cần nội tâm.
Rộng lòng bố thí âm thầm,
Xác hồn trong sạch, tránh lầm bến mê.
Bề ngoài hào nhoáng khen chê,
Lương tâm ngay chính, hướng về thiêng cung.

THỨ TƯ, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 42-46).
GÁNH NẶNG


Khốn thay Biệt Phái rao truyền,
Thập phân nộp thuế, thề nguyền tín trung.
Bạc hà rau qủa hưởng dùng,
No đầy hoan hỉ, tôn sùng ngoại lai.
Công bình chính trực nhạt phai,
Thiếu lòng yêu mến, thần tài tựa nương.
Thích ngồi ghế nhất hội đường,
Mong người chào hỏi, noi gương chính mình.
Bề ngoài mồ mả tô hình,
Người ta cất bước, vô tình dẫm lên.
Một ngài Tiến Sĩ đứng bên,
Thưa Thầy, xỉ nhục cả tên nhóm này.
Khốn cho tiến sĩ luật bày,
Chất lên gánh nặng, đổ đầy lên vai.
Người dân khốn khổ kêu nài,
Các ông thong thả, quản cai luật đời.

THỨ NĂM, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 47-54).
KHỐN THAY


Nặng lời Chúa trách người trần,
Khốn thay xây cất mộ phần ông cha.
Các người giết chết hằng hà,
Tiên tri tổ phụ, lòng tà dậy khơi.
Tán thành làm chứng mọi thời,
Cha ông sát hại, bao đời trước đây,
Các ngươi đắp mả dựng xây,
Mồ cao mả đẹp, công thầy ơn cha.
Khôn ngoan Thiên Chúa tỏ ra,
Tiên tri sai đến, chẳng tha người nào.
Giết đi bách hại xiết bao,
Giống dòng nợ máu, tự cao trong đời.
Các người Tiến Sĩ xa rời,
Giữ riêng chìa khóa, vào nơi Nước Trời.
Các người không đáp lời mời,
Lại còn ngăn cản, những người muốn vô.

THỨ SÁU, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 1-7).
Ý TỨ


Bắt đầu dậy dỗ môn đồ,
Các con ý tứ, men hồ người ta.
Thứ men Biệt Phái kiêu sa,
Giả hình khoe mẽ, tránh xa thói này.
Không gì che đậy chẳng hay,
Mà không tiết lộ, tỏ bày công khai.
Không gì dấu kín chê bai,
Giãi bầy ánh sáng, ngày mai tỏ tường.
Điều nơi tăm tối không lường,
Nói ra sáng sủa, mọi phương vạch trần.
Rỉ tai buồng kín tha nhân,
Mái nhà rao giảng, toàn dân rõ ràng.
Các con đừng sợ cái bang,
Thủ tiêu thân xác, đầu hàng hồn thiêng.
Linh hồn cao cả thiêng liêng,
Phục tùng kính sợ, chỉ riêng Chúa Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 8-12).
NHÂN CHỨNG


Phán cùng môn đệ lời này,
Xưng Thầy trước mặt, ra ngay người đời.
Đi làm nhân chứng cho Người,
Con Người xưng nhận, đón mời phúc vinh.
Thiên thần đón tiếp cung đình,
Trước ngai Thiên Chúa, an bình rạng danh.
Còn ai chối bỏ Thánh Danh,
Tội này tha thứ, thực hành ăn năn.
Con Người dong duổi nhọc nhằn,
Hy sinh cứu độ, xả lăn thế trần.
Nói năng phạm thượng Thánh Thần.
Tội này nghiêm trọng, nợ nần không tha.
Người ta bắt bớ mọi nhà,
Hội đường quan xét, thực thà đừng lo.
Thánh Thần Chúa dậy đắn đo,
Lời ăn tiếng nói là do ơn trời.
 
Lòng biết ơn
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:43 08/10/2019
Chúa Nhật 28 Thường Niên C

Đọc Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn về thái độ vô ơn của chín người được ơn. Trong số mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn. Mười người được ơn, chỉ có một người biết ơn. Tỷ lệ một phần mười. Một tỷ lệ quá thấp. Như vậy, kẻ vô ơn thì thật nhiều, còn người biết ơn có lẽ thật ít. Người biết ơn ấy lại là người ngoại đạo!

Chúa Giêsu hỏi người ngoại giáo: "Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao ? còn chín người kia đâu ? không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này ?”. Chúa Giêsu buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.

Trong cuốn sách "Nói với chính mình", Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Ở đời, người vô ơn, bạc nghĩa và phản phúc được ví von như kẻ “Ăn cháo đái bát” hay nói cách chua chát “Cứu vật, vật trả ân. Cứu nhân, nhân trả oán”. Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn thêm chật hẹp. Đúng như John Hery Jowett đã viết: "Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng".

Báo “Kiến Thức Ngày Nay” kể câu chuyện. Có hai người cùng đi gặp Thượng đế để xin vào thiên đàng. Thấy họ đói lả, Thượng đế cho mỗi người một suất cơm. Một người nhận suất cơm, cảm động lắm, cứ cám ơn rối rít. Còn người kia nhận phần ăn mà không hề động lòng, cứ làm như Thượng đế có bổn phận phải cho anh ta. Sau đó, Thượng đế chỉ cho người nói “cám ơn” lên thiên đàng. Còn người kia bị từ chối. Kẻ bị từ chối đứng ngoài cổng tỏ vẻ bực tức: Chẳng lẽ chỉ vì tôi quên nói hai chữ “cám ơn” sao?

Thượng đế trả lời: Không phải ngươi quên đâu, mà chỉ vì ngươi không có lòng biết ơn, nên chẳng nói ra được hai chữ cám ơn. Kẻ không biết cám ơn, thì chẳng biết yêu thương người khác, và cũng chẳng được người khác yêu thương.

Anh ta vẫn một mực cãi lại: Chỉ vì hai chữ “cám ơn” mà số phận chênh lệch đến thế ư?

Thượng đế lại đáp :Biết làm sao được. Bởi vì đường lên thiên đàng được trải bằng lòng biết ơn và cửa vào thiên đàng chỉ có chìa khóa cám ơn mới mở được mà thôi. Còn xuống địa ngục thì khỏi cần.

Nhân gian cần cám ơn. Thiên đàng cũng cần cám ơn. Khi nghèo túng cần cám ơn. Giàu có rồi cũng cần cám ơn. Trong cảnh khó khăn cần cám ơn. Và ngay cả Thượng đế cũng cần cám ơn. Mất nước, đất đai sẽ biến thành sa mạc. Trần gian nếu không có tâm tình và hai tiếng “cám ơn” sẽ trở nên khô cằn sỏi đá, còn đáng sợ hơn cả sa mạc cát nóng nữa.

- Lời cám ơn, hoa tươi đẹp điểm tô cuộc sống.

Ngạn ngữ Pháp nói: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Lời cám ơn là bông hoa tươi đẹp tô điểm cho cuộc đời. Ngạn ngữ Anh nói: “Cho người có lòng biết ơn là cho vay”. Mỗi cử chỉ yêu thương được ghi dấu bằng lời cám ơn càng làm phong phú tình người.

Người biết nói tiếng cám ơn được đánh giá là người văn hoá, văn minh.Văn hóa cám ơn được thể hiện trong xã hội văn minh. Mọi người luôn nói cám ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe. Hai tiếng cám ơn làm tăng thêm giá trị của người nói.

Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn nữa: "Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn. Bài đọc 1 kể chuyện, sau khi được tiên tri Êlisê chữa khỏi bệnh cùi, tướng Naaman người xứ Syria đã trở lại để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Từ đó, ông nhận được niềm tin vào Ngài.

Sống trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng "cám ơn", "xin lỗi" luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.

- Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần.

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất... Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được.

Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật... nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ sẻ chia, giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi.Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn.
Thật là dễ nếu cảm ơn những điều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy, mặc dầu bị thử thách giam cầm tù tội, nhưng thánh nhân vẫn ca tụng Thiên Chúa và trung kiên với Ngài.

Suốt cuộc đời, mỗi con người đều mang ơn nhiều vô kể. Bắt đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn lên từng ngày. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự bé bỏng yếu đuối và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, công dưỡng dục của cha, nhờ bao người giáo dục hướng dẫn. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau. Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.

- Tạ ơn Thiên Chúa

Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và ơn gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình, không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng. Mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa. Thánh Phaolô khẳng định rằng: "Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,10), và Thánh nhân nhắc nhở rằng:"Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh" (1Cr 4,7) và ngài mời gọi: "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh" (1Tx 5,18). Bản thân ngài luôn nêu gương: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Giêsu Kitô" (1Cr 1,4). Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã tạ ơn bằng cuộc viếng thăm bà Êlizabeth, rồi Mẹ cất cao bài ca Magnificat để cảm tạ Chúa Cha đã đoái thương nhìn tới phận hèn tớ nữ: "Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu" (Lc 1,49).

Mỗi sáng khi vừa thứa dậy, tâm tình đầu tiên là tôi Cám Ơn Chúa, dâng một ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.

Tạ ơn để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống, lời Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma: "Thật ra, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời".

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn mọi người để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa.Amen.




 
Mười người phong cùi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
11:48 08/10/2019
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, năm C
Lc 17, 11 – 19

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu chúng ta được đưa đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác. Có những câu chuyện làm ta thú vị. có những dụ ngôn làm ta dở mếu dở khóc. Có những thí dụ làm ta nực cười.Có những dụ ngôn gây ấn tượng sâu xa trong cuộc đời con người. Có những chuyện làm ta suy nghĩ nát óc. Vâng, Chúa Giêsu khi đi rao giảng, loan báo Nước Trời, Ngài đã dùng những hình ảnh, những sự việc, những câu chuyện thực trong xã hội Do Thái thời Ngài sống để nói lên Đạo lý, giới răn, luật lệ mà Chúa Giêsu dạy dỗ nhân loại, con người, chúng ta hiểu, nhận ra Thiên Chúa là ai ? Nước Trời ở đâu ? Dụ ngôn mười người phong cùi được Chúa chữa lành nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn Ngài mà người ấy lại là người ngoại giáo khiến chúng ta vô cùng suy nghĩ…

Tin Mừng của thánh Luca 17,11-19 thuật lại cho chúng ta về việc mười người bị mắc bệnh phong được Chúa chữa lành. Cái trớ trêu của dụ ngôn này là trong mười người phong cùi đã có chín người có đạo, có nghĩa là tin Chúa, còn một người bị xếp vào lại vô đạo, đứng ngoài và chưa biết Chúa. Tất cả những người này đều nghe danh Đức Kitô, đều một cách nào đó tin rằng chỉ mình Đức Kitô mới có thể chữa lanh cho họ được. Bệnh phong là bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm lây lan. Họ bị tách ra khỏi xã hội loài người, họ không được đến gần người nào. Từ xa họ đã phải la to lên họ là cùi hủi, hãy tránh xa họ. Họ tủi nhục sống không được như con vật. Họ bị xã hội ruồng bỏ, gia đình ruồng rẫy và mọi người xa tránh. Họ sống nhưng giống như đã chết. Do đó, gặp được Đức Giêsu là niềm mong ước sâu xa của những người bị bệnh phong cùi này. Nghe tin Đức Giêsu sẽ đi ngang qua đó, họ đứng xa xa trông chờ Ngài đi qua để họ van nài Ngài ban ơn huệ chữa lành cho họ. Đứng xa vì họ sợ làm lây nhiễm, làm ô uế kẻ khác.Luật không cho phép họ được tới gần ai. Luật không cho phép họ được tiếp cận với ai. Cho nên,từ rất xa họ đã lớn tiếng kêu la :” Lạy Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi “. Chúa đã làm cho cả mười người phong được lành sạch.Ngài trả lại sự sống cho họ, đưa họ trở lại đời sống bình thường và cho họ nhập vào xã hội con người…Chúa truyền cho họ phải đi trình diện với các tư tế vì mình đã được lành sạch, để các tư tế xác nhận và cho họ nhập vào, sinh hoạt với tập thể, với xã hội mà lâu nay họ đã bị đẩy xa.

Sau khi được chữa lành và đã trình diện với các tư tế thì chỉ có một người ngoại đạo trở lại tạ ơn Chúa Giêsu. Cái nghịch thường, trớ trêu nằm ở chỗ :” Chín người được lành sạch có đạo lại không biết ơn Chúa mà chỉ có một người ngoại đạo đã trở lại để cám tạ ơn Chúa vì tình thương bao la của Ngài “. Vô ơn thường xẩy ra nơi con người. Sự dí dỏm, ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi Chúa hỏi người ngoại giáo :” Không phải cả mười người đều được lành sạch sao, mà chỉ có một mình anh trở lại cám ơn Ta ? “. Xem ra con người dễ vô ơn bội nghĩa. Biết ơn ai một chút cũng phải trả ơn, cũng phải cám ơn . Con người thường ích kỷ muốn người khác biết ơn mình, nhưng mình không cần biết ơn ai. Đáng lẽ con người phải “Uống nước nhớ nguồn “,nhưng thường con người hay “ Vắt chanh bỏ vỏ hay ăn cháo đá bát vv và vv…”. Trường hợp của chín người phong cùi trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng thế . Khi chưa được Chúa chữa lành, họ chỉ ước mong gặp Chúa để xin Chúa thi ân cho họ, nhưng khi được lành bệnh, sạch sẽ rồi, họ lại “ Ăn mật trả gừng “. Họ thật vô ơn đối với Đấng thi ân giáng phúc cho họ,yêu thương, chữa lành bệnh nan y cho họ. Thật thế, người ta dễ vô ơn đối với người khác khi ai cũng hàm ơn nhau.

Vâng, lời của Chúa hôm nay dạy chúng ta bài học thật rõ ràng :

1.Chúng ta luôn phải biết ơn Chúa và cảm tạ tri ân Chúa.

2.Biết ơn Chúa và tạ ơn Chúa, đó là điều ai cũng phải làm vì Chúa chính là Đấng dựng nên ta, ban cho ta sự sống và Ngài tiếp tục dưỡng nuôi ta, đồng thời chúng ta phải biết ơn nhau vì chúng ta người cách này hay cách khác đều hàm ơn nhau.

Biết ơn và cám ơn nói lên lòng nghĩa thiết của con người vì thiếu những điều này con người sẽ sống ích kỷ và chai đá, như thế sẽ không đi đúng đường lối của Chúa bởi Chúa luôn sống hiếu thảo, luôn biết tạ ơn và biết ơn Chúa Cha. Chúa Giêsu là mẫu gương của sự biết ơn và tạ ơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương bắt chước Chúa, luôn biết nói lời biết ơn và cám ơn anh chị em của chúng con. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao những người phong không được tiếp xúc với xã hội, với người khác ?
2.Biết ơn là gì và vô ơn là gì ?
3.Tại sao chỉ có một người phong cùi ngoại giáo được Chúa chữa lành lại biết quay trở lại để cảm tạ Chúa ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hồng Y Hà Lan thở dài: Muốn sớm chia gia tài, con giữ chặt mẹ để bác sĩ chích cho chết.
Đặng Tự Do
03:10 08/10/2019
Đức Hồng Y Wim Eijk người Hà Lan đã đưa ra phản ứng chính thức trước phán quyết của tòa án trong một vụ trợ tử đang gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hà Lan.

Cảnh sát Hà Lan đã truy tố một nữ bác sĩ ra trước tòa về tội giết người. Công tố viện tin rằng nữ bác sĩ này đã trợ tử cho bệnh nhân của mình bất kể bệnh nhân khăng khăng không muốn chết.

Bệnh nhân bị chích cho chết là một người đàn bà 74 tuổi, bị chứng mất trí nhớ. Gia đình bà, cụ thể là người chồng và người con gái lớn nhất, đã yêu cầu chích cho bà một liều thuốc độc để bà từ giã cõi đời.

Vào ngày xảy ra vụ án, bà bác sĩ này đã cho bệnh nhân uống một liều thuốc an thần bằng cách lén bỏ vào ly cà phê. Bệnh nhân tuy thiếp đi nhưng có lẽ linh cảm được điều bất thường nên cố gắng không ngủ. Bác sĩ lại thêm một liều thuốc an thần nữa qua đường tiêm.

Khi bà bác sĩ này chuẩn bị tiêm thuốc độc kết thúc cuộc sống của bà cụ thì bà cụ bừng tỉnh giẫy giụa và hét lên là bà chưa muốn chết. Người chồng và người con gái lớn nhất đã ghì chặt bà xuống giường để bác sĩ tiêm mũi thuốc định mệnh.

Một số y tá chứng kiến toàn bộ vụ việc đã nói lại với những người con khác của bà. Họ đã báo cảnh sát. Do đó, vụ việc đã được đưa ra tòa.

Tuy nhiên, tại phiên tòa ở The Hague, chánh án Mariette Renckens đã truyền tha bổng cho bà bác sĩ. Bà chánh án nói:

“Chúng tôi tin rằng tình trạng mất trí nhớ sâu sắc của bệnh nhân khiến cho không cần phải xác minh bà có muốn được trợ tử hay không.”

Phán quyết của chánh án Mariette Renckens đã gây ra những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hà Lan. Nhiều người tin rằng người nhà, với sự hợp tác của bác sĩ, đã cố ý giết người đàn bà này cho rảnh nợ.

Trong Hội Đồng Giám Mục Hà Lan, Đức Hồng Y được coi là điểm tham chiếu cho các vấn đề liên quan đến đạo đức y khoa.

Nói chuyện với tờ Katholiek Nieuwsblad, Đức Hồng Y bày tỏ sự bàng hoàng của ngài trước vụ này nhưng ngài muốn phác họa bức tranh lớn hơn về những phát triển xung quanh cái chết êm dịu ở Hà Lan.

Ngài cho biết: “Kể từ năm 1990, năm mà nghiên cứu đầu tiên về đề tài này được thực hiện, đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng các trường hợp an tử và trợ tử. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng giảm dần từ tổng số 6,585 trường hợp trong năm 2017 đã xuống còn 6,126 trường hợp vào năm 2018, tức là giảm khoảng 7%.”

Đức Hồng Y tin rằng các bác sĩ ngày càng tỏ ra lúng túng không biết phải làm gì, và do đó, họ miễn cưỡng không muốn dính líu đến các ca trợ tử. Nhịp sống trong xã hội ngày càng nhanh hơn, con người càng ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn hơn. Nhiều người muốn lôi kéo các bác sĩ vào các ca trợ tử không phải để tránh cho người nhà khỏi đau đớn, hay là “chết trong phẩm giá” như họ thường nói; nhưng thực tế là muốn sớm được chia gia tài, hay là muốn tống khứ cho nhanh một mối nợ trong một nền văn hóa vứt bỏ như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói.

Theo Đức Hồng Y, “sự hài hòa trong xã hội chỉ có thể bảo đảm với những điều kiện nhất định. Một trong những điều kiện này là giá trị nội tại của cuộc sống con người phải được tôn trọng và điều đó phải được áp đặt bởi luật pháp.”

Một ngày trước cuộc phỏng vấn của Đức Hồng Y với tờ Katholiek Nieuwsblad, Sanne van der Harg, phát ngôn viên của Công Tố Viện nói Tối Cao Pháp Viện của Hà Lan đã chấp nhận đơn kháng cáo của họ và vụ này sẽ được đưa ra xét xử lại trong thời gian tới.

Đức Hồng Y bày tỏ hy vọng rằng các diễn biến này có thể khiến các bác sĩ trở nên miễn cưỡng hơn nữa khi được yêu cầu trợ tử.


Source:Catholic News Agency
 
Xin hãy trả lại thánh tích thánh Antôn Padua
Trầm Hương Thơ
09:07 08/10/2019
Xương của Thánh Anthony ở nhà thờ Hagen đã bị kẻ trộm ăn cắp.

Đêm hôm thứ sáu ngày 04.10. 2019 Kẻ trộm đã cạy cửa nhà thờ và đánh cắp nhiều đồ đạc trong số đó một hộp đựng Thánh Tích của Thánh Antôn Padua. Cha xở giáo xứ kêu gọi những kẻ trộm hãy mau trao trả lại hộp đựng thánh tích thánh Antôn Pađua lại cho giáo xứ để tôn kính.

Thư kêu gọi này của cha đã được sở cảnh sát địa phương cho biết hôm thứ Hai. Theo đó nhóm trộm đã dùng xà beng, hay đồ vật cứng nhọn cạy một cửa phụ bên cạnh lối vào của nhà thờ ở quận Kabel thuộc một phần của thành phố Hagen tiểu bang Nordrhein-Westfalen Đức Quốc.

Họ đã đánh cắp một hộp mạ vàng có chứa Thánh Tích của vị thánh Antôn Pađua.

Cảnh sát cho biết: các nhân chứng đã nhìn thấy một chiếc xe BMW màu đen dừng tại nhà thờ vào khoảng 23 giờ đêm. Bốn trong số năm người bước xuống xe đi ra ngoài vào hướng nhà thờ, và sau một thời gian ngắn đã quay trở lại. Chúng tôi nhìn thấy họ đã xách theo nhiều đồ vật. Những gì trong nhà thờ và phòng thánh đã bị lấy đi cũng chưa thống kê được chính xác. Nhưng điều chắc chắn là chiếc hòm nhỏ đựng Thánh Tích của Thánh Antôn Pađua trong hòm kính đã bị cạy ra và bây giờ đã bị thiếu mất.

Cha xứ Christoph Schneider cho biết hôm thứ hai rằng: giá trị vật chất của chiếc hộp không cao lắm. Cha sở tiền nhiệm của Giáo xứ này đã thỉnh về từ nhiều năm trước với giá 3.000 tiền Đức Mã.

Thực ra thì Thánh tích của Thánh Antôn Pađua chắc không có giá trị để buôn bán, chỉ có chiếc hòm nhỏ đựng bên ngoài thì còn có ít giá trị. Vì thế chúng tôi mong rằng những ai đã lấy đi xin trao trả lại " Ít nhất là vui lòng mang trả lại thánh tích".

Theo (KNA)
 
Bài ca nhập lễ quái đản, tín hữu bỏ ra khỏi nhà thờ, bị công an bắt
Đặng Tự Do
17:27 08/10/2019
Thông tấn xã Công Giáo Asia News của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cho biết nhiều tín hữu Công Giáo tại Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc đã bị công an Trung Quốc điều tra sau khi họ bỏ ra ngoài nhà thờ trong thánh lễ ngày Chúa Nhật 22 tháng 9, tức là Chúa Nhật thứ 25 mùa Quanh Năm.

Hiệp hội Công Giáo yêu nước đã ra lệnh cho tất cả các giáo phận phải tổ chức linh đình các nghi lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi cộng sản chiếm được Hoa Lục vào năm 1949.

Tất cả các nhà thờ thuộc giáo hội chính thức được yêu cầu hát quốc ca, chào cờ, và cầu nguyện cho quê hương. Tất cả các hoạt động này phải được ghi lại và gửi đến trụ sở của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước địa phương. Ngày lễ chính thức diễn ra vào ngày 1 tháng 10. Tuy nhiên, ngay từ Chúa Nhật tuần rồi các nhà thờ đã phải thi hành các chỉ thị của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước.

Trong thánh lễ Chúa Nhật 22 tháng 9, nhiều nhà thờ thay vì hát ca nhập lễ, đã hát các bài ca cộng sản sắt máu vượt quá khả năng chịu đựng tâm lý của anh chị em giáo dân. Họ bỏ ra ngoài nhà thờ. Tuy nhiên, các nhà thờ hiện nay đều bị gắn camera để kiểm soát không cho các trẻ em đến nhà thờ này. Những ai bỏ ra đã bị công an gọi lên thẩm vấn.

Tại các nhà thờ Tin Lành tình trạng xem ra còn bi thảm hơn. Quý vị và anh chị em có thể trong đoạn video này, các tín hữu Tin Lành ăn mặc như các cán binh cộng sản, nhảy múa trong các điệu vũ và các bài hát sắt máu của cộng sản. Tất cả những sự kiện này thường có sự tham gia của các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, là tổ chức của đảng cộng sản nhằm giám sát các hoạt động tôn giáo thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em vừa thấy xảy ra trong các nhà thờ Tin Lành Tam Tự là giáo hội Tin Lành thân cộng sản nhất tại Trung Quốc.

Trúc Ly xin được giải thích thêm như sau: Từ tháng 7, 1950, các mục sư quốc doanh Trung Quốc thảo ra một hiến chương Kitô Giáo với sự cố vấn của thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai nhằm cổ vũ cho 3 chính sách là Tự Trị, Tự Cường và Tự Truyền, nghĩa là tự truyền giáo, truyền chức... Năm 1954, 138 nhà lãnh đạo Tin Lành thành lập ra giáo hội Tin Lành Tam Tự tại Trung Quốc. Các nhà thờ của giáo hội quốc doanh này gọi là nhà thờ Tam Tự.

Đây là giáo hội dễ bảo nhất. Cho nên, các chính sách đối với Kitô Giáo thường được áp dụng thử trong các nhà thờ Tam Tự trước khi triển khai đại trà sang các giáo hội Kitô khác.

Trong một diễn biến mới nhất, Bitter Winter, một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, cho biết các nhà thờ Tin Lành Tam Tự của Trung Quốc đã được lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của Đại Đế Tập Cận Bình.

Phúc trình của Bitter Winter cho biết, ban đầu, các nhà thờ được yêu cầu gỡ bỏ Điều răn thứ nhất, “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi…Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Xh 20:3) Lý do là vì “Bác Tập” không đồng ý với câu đó.

Báo cáo cho biết những người từ chối loại bỏ một vài Điều Răn hoặc tất cả Mười Điều Răn đã bị cầm tù. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và các tín hữu tiếp tục bị quấy rối ngay cả trong các nhà thờ đã tuân thủ yêu cầu này.

Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nói với cộng đoàn tại một nhà thờ Tam Tự ở thành phố Lạc Dương hồi cuối tháng 6 vừa qua rằng “Đảng phải được tuân thủ về mọi khía cạnh. Bạn phải làm bất cứ điều gì mà Đảng bảo bạn làm. Nếu bạn chống lại, nhà thờ của bạn sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.”

Nhà thờ Tin Lành tại thành phố Lạc Dương đã phải gỡ bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời sau những áp lực liên tục từ bọn cầm quyền Trung Quốc.

Các nhà thờ Tam Tự chưa gỡ bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời đã bị đóng cửa, cùng chung số phận với một số nhà thờ tại gia bị bọn cầm quyền coi là bất hợp pháp. Các tín hữu ở các nhà thờ chống đối chính sách này bị đe dọa thường xuyên, bị cho nghỉ việc, và ngay cả con cái họ cũng bị cấm đến trường.


Source:Asia News
 
Phiên họp toàn thể thứ hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon
Vũ Văn An
17:53 08/10/2019
Vatican News cung cấp bản tóm lược Phiên họp toàn thể thứ hai vào chiều thứ Hai, 7 tháng 10, của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon:

Chiều thứ Hai, ngày 7 tháng 10, công việc thực sự của Thượng hội đồng đặc biệt cho khu vực Toàn-Amazon bắt đầu dưới sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Phiên họp thứ hai kết thúc cuộc bầu cử các thành viên của Ủy ban soạn thảo tài liệu cuối cùng cũng như Ủy ban Thông tin. Tổng cộng có 176 nghị phụ trong Hội trường Thượng Hội Đồng.



Tổng cộng, bốn thành viên được bầu vào Ủy ban soạn thảo tài liệu cuối cùng. Tài liệu này là thành quả suy tư và việc làm của Thượng hội đồng. Việc bầu các thành viên theo đa số tuyệt đối đạt được sau một số đầu phiếu. Các nghị phụ Thượng hội đồng sau đây đã được bầu vào Ủy ban này.

+ Mario Antonio Da Silva, Giám mục Roraima ở Ba Tây
+ Héctor Miguel Cabrejos Vidarte, O.F.M., Tổng Giám mục Trujillo và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru
+ Nelson Jair Ramìrez, Giám mục San Jose del Guaviare tại Colombia
+ Sergio Alfredo Gualberti Calandrina, Tổng giám mục Santa Cruz de la Sierra ở Bôlivia.

Ba thành viên khác đã được Đức Thánh Cha chọn.

Vị đầu tiên được đề cử là Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, Tổng Giám mục Mexico City, mặc dù Đức Hồng Y đã từ chối đề cử của mình để ủng hộ việc đề cử một nghị phụ thuộc một trong các Hội đồng Giám mục liên quan trực tiếp đến khu vực Amazon. Do đó, các giám mục sau đây đã được đề cử để làm việc với Ủy ban.

Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Tường Trình Viên và Chủ tịch Thượng hội đồng
Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục

Mario Grech, Phó Tổng thư ký của Thượng hội đồng giám mục
Đức Hồng Y Michael Czerny, Phó Tổng Thư ký của Bộ Cổ Vũ Phát triển Toàn diện Con người
David Martinez, Giám mục Giám quản của Aguirre Guinea

Ba thành viên khác của Ủy ban do Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm sẽ được chính thức hóa trong vài ngày tới.

Bầu thành viên cho Ủy ban Thông tin

Thượng hội đồng cũng bầu theo phương pháp đa số tương đối, những vị tham gia sau đây.

+ Erwin Kräutler, C.PP.S. Giám mục hưu trí Xingu ở Ba Tây.
+ Rafael Cob Garcìa, Giám mục Giám quản của Puyo ở Ecuador
+ ÁngeL Divassón Cilveti, S.D.B., Giám mục giám quản của Puerto Ayacucho ở Venezuela
+ Cha Antonio Spadaro, S.J., Giám đốc của La Civiltà Cattolica

Những danh tính trên thêm vào các quan chức sau đây của Văn phòng Báo chí của Tòa thánh.

Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông
Cha Giacomo Costa, S.J.
Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí của Tòa thánh
Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông
Nữ tu Maria Ines Lopes dos Santos, Thẩm lượng viên của Ủy ban Giám mục cho vùng Amazon của Hội đồng Giám mục Ba Tây
Mauricio López Oropeza, Thư ký điều hành của Mạng lưới Giáo hội Toàn-Amazon

Greta Thunberg và chủ nghĩa đấu tranh tuổi trẻ

Tiếp nối với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tuổi trẻ năm ngoái, người ta tìm thấy trong Tài Liệu Làm Việc những suy nghĩ khác nhau về vai trò của Tuổi trẻ trong xã hội. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực sinh thái toàn diện, nơi nhiều người trẻ được linh hứng từ gương sáng của Greta Thunberg và do đó đã tham gia vào các cuộc đình công khác nhau chống lại việc biến đổi khí hậu. ‘Giải pháp cho tuổi trẻ’ là một chủ đề chủ chốt theo đó người ta được mời gọi đối thoại bằng cách sử dụng thuật ngữ của họ liên quan đến việc bảo vệ Sáng thế. Cùng với cuộc đối thoại này, là sự cần thiết phải coi trọng các đóng góp xã hội của người trẻ, có khả năng truyền cảm hứng để Giáo hội trở thành tiếng nói tiên tri trong lĩnh vực sinh thái toàn diện. Người ta vốn nói rằng trái tim người trẻ mong muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, vì giới trẻ ngày nay vốn đại diện cho Học thuyết xã hội 'đang chuyển động'. Hơn bất cứ điều gì khác, giới trẻ ngày nay muốn làm chúng ta biết rằng cần phải thiết lập một mối tương quan mới với Sáng thế , không phải là một mối tương quan bóc lột, mà là một mối tương quan ý thức được những đau khổ của hành tinh. Chủ đề môi trường cũng có một đặc tính đại kết và liên tôn. Đây được coi là một thách thức tích cực đối với Giáo hội, cùng với lời khuyên phải bước vào cuộc đối thoại với giới trẻ, đồng hành cùng họ trên con đường biện phân chân thực để mong muốn bảo vệ hành tinh của họ không đơn giản trở thành một khẩu hiệu của Phong trào Xanh, nhưng thực sự trở thành một vấn đề sống hay chết đối với nhân loại và hành tinh.

Bảo vệ nguồn nước

Một số nghị phụ mời gọi các tham dự viên chú ý tới nhu cầu bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm hóa chất, đặc biệt nạn ô nhiễm phát xuất từ một số công ty đa quốc gia. Vấn đề này cũng đụng đến sự sinh tồn của một số sắc dân bản địa và nhu cầu bảo tồn nền văn hóa của họ theo những con đường truyền giảng tin mừng mới mẻ. Các hoạt động khổng lồ của kỹ nghệ khai thác mỏ được ghi nhận trong nhiều can thiệp tại Hội trường Thượng Hội Đồng, đặc biệt, một số hành vi lạm dụng của một số nhóm gây hậu quả có hại cho người dân bản địa sống ở Amazon. Vì điều này, nhiều giám mục đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ mọi thứ quyền, bất kể là nhân quyền hoặc quyền môi trường. Lý do của điều này là để có được một hệ sinh thái tòan diện thực sự, người ta phải tìm lại sự cân bằng giữa loài người và thiên nhiên.

Nhiên liệu hóa thạch và vấn đề về thay đổi khí hậu

Tầm nhìn của Hội trường Thượng Hội Đồng sau đó chuyển sang vấn đề thay đổi khí hậu và hậu quả của nó đối với môi trường. Khí hậu là một thiện ích hoàn cầu, một lợi ích chung cần được bảo vệ và bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Một trong những gợi ý được đưa ra là ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trước hết, ở các nước đã kỹ nghệ hóa nhiều hơn vì họ chịu trách nhiệm lớn hơn về vấn đề này. Trong Hội trường Thượng Hội Đồng, các suy tư được chia sẻ về cách để vượt qua các hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân, vốn là đặc điểm của phần lớn các phái bộ truyền giáo của các thế kỷ trước, nhường bước cho các cách bảo tồn bản sắc văn hóa Amazon. Trên thực tế, mỗi nền văn hóa đều có những đóng góp đặc thù cho tính Công Giáo của Giáo hội, do đó cung cấp một tính bổ sung nào đó vào bản sắc của Giáo hội. Trích dẫn Thánh Gioan Phaolô II, một số nghị phụ Thượng hội đồng nhắc nhở các tham dự viên rằng chính Chúa Kitô là người sinh động hóa trung tâm của mọi nền văn hóa. Do đó, người ta có thể coi Giáo hội như một hệ sinh thái phức hợp với “một đa dạng sinh học tâm linh tuyệt vời”, được phát biểu trong các cộng đồng khác nhau, các biểu thức văn hóa từng tạo nên đời sống thánh hiến và các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội. Nhiều tham chiếu đã nhắc đến Thánh Phaolô như là vị Tông đồ đầu tiên của Hội nhập Văn hóa, người đã tự biến mình thành “Hy Lạp cho người Hy Lạp” [xem 1 Cr 9: 19-23].

Các Nghi lễ bản địa

Chủ đề Các Nghi lễ bản địa là một chủ đề khác được một số nghị phụ của Thượng hội đồng đề cập. Một trong các nghị phụ của Thượng hội đồng đề nghị rằng Giáo hội có thể xem xét một cách chính đáng rằng các khía cạnh nào của nền văn hóa bản địa không liên kết với mê tín có thể được hòa hợp với tinh thần phụng vụ. Từ đó, gợi ý đã được đưa ra, cho rằng nên bắt đầu ở vùng Amazon một diễn trình chia sẻ các kinh nghiệm của những cộng đồng bản địa đã cử hành các nghi thức phụng vụ phản ảnh sự hội nhập văn hóa, thí dụ, Bí tích Rửa tội, Hôn phối và Truyền chức linh mục. Theo cách đó, đề xuất đã được đưa ra nhằm thiết lập, để thử nghiệm, một Nghi lễ của người Amazon. Điều này sẽ phù hợp với việc biện phân thần học thực sự, cả về phụng vụ lẫn về mục vụ, để tạo ra Nghi lễ Amazon Công Giáo biết sống và tôn vinh đức tin vào Chúa Kitô. Làm căn bản cho các suy tư này trong Hội trường Thượng hội đồng, là điểm cho rằng một hệ sinh thái môi trường hiện hữu ở đó thế nào, thì một hệ sinh thái giáo hội cũng hiện hữu ở đó như vậy.

Vấn đề các ‘Viri Probati’

Một số can thiệp cũng đề cập đến vấn đề của điều vốn được gọi là viri probati. Tài Liệu Làm Việc đề xuất ý niệm viri probati như một cách để đảm bảo việc cử hành thường xuyên các bí tích trong các khu vực thiếu linh mục cách nào đó. Dù một can thiệp nhấn mạnh đến việc điều này không được dẫn đến việc sửa đổi đáng kể về bản chất của chức linh mục và mối tương quan của nó với luật độc thân như đã được dự kiến trong Nghi lễ Latinh của Giáo hội. Cùng với những can thiệp này là gợi ý muốn phát triển một ơn gọi mục vụ giữa các người trẻ bản địa để cổ vũ việc truyền giảng tin mừng ở những vùng xa xôi nhất của Amazon. Điều này được thực hiện để không tạo ra một loại ‘người Công Giáo hạng nhất’, những người dễ dàng tiếp nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, trái ngược với điều gọi là ‘ người Công Giáo hạng nhì’, những người phải chờ đợi lâu mới được tiếp nhận Bí tích Thánh Thể. Ở một số nơi của Amazon, nhiều người phải chờ đợi hơn hai năm mới được nhận lãnh các Bí tích.
 
Phiên họp toàn thể thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon
Vũ Văn An
21:49 08/10/2019
Vatican News đã cung cấp bản tóm tắt Phiên họp Toàn thể thứ ba ngày 8 tháng 10, của Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, như sau:

Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Thượng hội đồng giám mục đã diễn ra vào sáng thứ ba ngày 8 tháng 10, trước sự chứng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tiếp tục với các can thiệp phát sinh từ Tài Liệu Làm Việc. Tổng cộng, có 183 nghị phụ có mặt trong Hội trường Thượng Hội Đồng.



Sáng nay tại Hội trường Thượng hội đồng trong Phiên họp toàn thể thứ 3 của Thượng hội đồng đặc biệt cho Vùng Amazon, các chủ đề sau đây đã được các tham dự viên của Thượng hội đồng thảo luận; việc bảo vệ nhân quyền, bi kịch của việc kết tội các nhà lãnh đạo, cũng như việc khảo sát các cộng đồng và các phong trào xã hội khác nhau.

Số lượng tử đạo ở vùng Amazon thực sự đáng sợ. Trong khoảng thời gian 2003-2017, số người bản địa chết vì bảo vệ đất đai của họ lên tới tổng số đáng kinh ngạc là 1119 người. Thêm vào thảm kịch này là sự kiện các nhà lãnh đạo xã hội thường là nạn nhân của những người hành động với quyền miễn tố cùng với việc các chính phủ thiếu quyền lực đầy đủ để đảm bảo an toàn cho người dân của họ. Qua lăng kính này, đã có lời nhắc lại rằng Giáo hội phải bảo vệ những người phải xa lìa đất đai của họ hoặc thiếu phương tiện để bảo vệ. Có ý kiến cho rằng khi các biện pháp bảo vệ này chưa có, thì có thể ở cấp giáo phận, một số nỗ lực nào đó thuộc hành động liên đới và công bằng xã hội thường trực có thể giúp cải thiện tình hình. Việc làm của Giáo Hội, như đã lặp đi lặp lại nhiều lần, là lên tiếng chống lại các dự án phá hủy môi trường.

Đồng thời, các nghị phụ đã nói rõ tầm quan trọng của việc cổ vũ một môi trường chính trị có tính tham gia nhiều hơn, cũng như một nền kinh tế xa rời khỏi nền "văn hóa vứt bỏ". Tất cả các điều này nhằm mục đích cổ vũ việc trải nghiệm một nền kinh tế thay thế, chẳng hạn như nền kinh tế của những hợp tác xã nhỏ trực tiếp xử lý các sản phẩm của rừng mà không phải trải qua một diễn trình sản xuất lớn.

Cuộc đấu tranh chống các mô hình khai khoáng trấn lột

Tại Hội trường Thượng Hội Đồng, các vấn đề sau đây đã được thảo luận; việc ô nhiễm sông ngòi nơi, chất thải của các mỏ đang hoạt động thường được đổ vào, vấn đề phá rừng, mối đe dọa mỗi ngày một hiện hữu nhiều hơn ở Amazon, việc bán gỗ ồ ạt, trồng ca cao, các luật lệ làm suy yếu môi trường và không bảo vệ được sự phong phú và vẻ đẹp tự nhiên của lãnh thổ.

Về điểm này, Giáo hội được kêu gọi tố cáo sự thối nát của các mô hình khai khoáng trấn lột, cũng như những mô hình bất hợp pháp và bạo lực trong thiên nhiên. Do đó, Giáo hội được mời gọi cổ vũ các qui phạm quốc tế nhằm bảo vệ các quyền của con người, xã hội và môi trường. Do đó, tiếng kêu đau đớn từ trái đất vốn bị cướp bóc cũng như tiếng khóc của những người đau khổ giống như thế hiện đang sống trong cùng một lãnh thổ. Việc bảo vệ các dân tộc bản địa được tưởng niệm và chứng kiến bởi sự tử đạo của nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của họ vì các chính nghĩa của người bản địa và để bảo vệ những người bị khai thác và đàn áp bởi mối đe dọa của những điều được hoa mỹ gọi là “các dự án phát triển”.

Amazon, vùng đất di cư

Thượng hội đồng cũng suy tư về chủ đề di dân, bất kể là của người bản địa di chuyển đến các khu vực đô thị hoặc những người băng qua Amazon để đến các quốc gia khác. Từ hiện tượng này phát sinh một vấn đề mục vụ quan trọng, chuyên biệt đối với Giáo hội. Khu vực Amazon như một khu vực của các luồng di cư, trên thực tế, đang lâm vào tình trạng khẩn cấp thực sự, như đã lưu ý tại Hội trường Thượng Hội Đồng. Do đó, chúng ta đang đương đầu với một lời kêu gọi truyền giáo mới theo nghĩa liên giáo hội, trong đó một sự hợp tác lớn được kêu gọi giữa các giáo hội địa phương và các khu vực khác có liên hệ với khu vực này.

Tuy nhiên, cần phải ghi nhớ rằng bi kịch di dân này cũng đụng tới giới trẻ của Amazon, họ buộc phải rời bỏ quê hương, nơi ngày càng bị thách thức bởi các vấn đề thất nghiệp, bạo lực chống lại con người, buôn bán ma túy, mại dâm và các hình thức bóc lột khác. Do đó, Giáo hội cần phải công nhận, coi trọng, nâng đỡ và tăng cường sự tham gia của giới trẻ Amazon vào các không gian giáo hội, xã hội và chính trị, bởi vì giới trẻ là “lợi nhuận của hy vọng”.

Tính cấp thiết của việc đào tạo

Sau đó, Thượng hội đồng suy tư về tầm quan trọng của hiệp thông trong Giáo hội bao gồm phần lớn giáo dân, để họ có thể được hỗ trợ trong việc đóng góp vào việc làm của Giáo hội. Sự phức tạp của cuộc sống hiện đại trong thực tế, đòi hỏi một số năng lực và kỹ năng nào đó vốn không phải lúc nào cũng thuộc chuyên môn hay lãnh vực của các linh mục. Vì đây là trường hợp, trước rất nhiều thách thức hiện nay (chủ nghĩa thế tục, thờ ơ tôn giáo, sự phát triển nhanh chóng của các giáo hội ngũ tuần), Giáo hội phải học cách tham khảo và nghe tiếng nói của giáo dân.

Do đó, ở trung tâm câu chuyện này, việc tôn trọng giá trị của hàng ngũ giáo dân khiến ta quay qua vấn đề thiếu hụt linh mục và vấn đề khó khăn làm cách nào đem bí tích Thánh Thể đến với giáo dân. Do đó, điều cần thiết là phải di chuyển khỏi “nền mục vụ thăm viếng” để bước sang “nền mục vụ hiện diện”, nhìn nhận các đặc sủng mới tìm thấy trong các phong trào giáo dân, vốn có một tiềm năng nào đó một khi được nhìn nhận và suy tư.

Từ việc suy tư này, vị thế của luật độc thân như một hồng phúc tuyệt vời của Chúa Thánh Thần đã được lặp lại. Đồng thời, một số nghị phụ Thượng hội đồng đã nêu vấn đề phong chức cho những người đàn ông đã có vợ, tức các viri probati, trân quí điều hiện nay rất có thể là tính hợp lệ của trải nghiệm này. Ngược lại, một trong các nghị phụ Thượng hội đồng chủ trương rằng đề xuất này sẽ giản lược vị linh mục thành như một viên chức cử hành Thánh lễ, chứ không phải, thay vào đó, như một mục tử thực sự của cộng đồng, một bậc thầy của đời sống Kitô hữu, và là sự hiện diện cụ thể của việc Chúa Kitô gần gũi với dân của Người.

Các nẻo đường thừa tác mới

Xuất phát từ những nhu cầu khác nhau đang đối đầu với các mục tử và công việc truyền giảng tin mừng ở Amazon, điều quan trọng không những phải đặt giá trị mới lên sự đóng góp của đời sống thánh hiến, mà cả việc mạnh mẽ cổ vũ các ơn gọi bản địa. Việc cổ vũ các ơn gọi bản địa này được lồng trong đề xuất chọn một số người nào đó để được ủy quyền làm thừa tác viên có thể cử hành Bí tích Thánh Thể, hoặc, phong chức cho các phó tế vĩnh viễn, những người, theo cách phù hợp với nhiệm vụ, và được các mục tử đi kèm, có thể ban hành các bí tích.

Một điểm suy tư khác là việc đào tạo các thừa tác viên thụ phong được dự kiến trên ba cấp độ. Thứ nhất, đào tạo chi tiết ở cấp giáo xứ, với việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thứ hai, đào tạo thâm hậu và toàn thời gian, nhằm vào các nhà linh hoạt cộng đồng. Thứ ba, đào tạo thần học hệ thống cho các ứng viên chịu các chức thánh, cũng như cho những người đàn ông và đàn bà muốn dấn thân vào thừa tác vụ giáo dân. Như được nhấn mạnh tại Hội trường Thượng hội đồng, điều quan trọng là việc đào tạo các chủng sinh phải được suy nghĩ lại để khai triển một việc đào tạo gần gũi hơn với thực tại cuộc sống của những người sẽ phục vụ trong cộng đồng. Trong số những đề xuất khác nhau này cũng có lời kêu gọi khảo sát khả thể phong chức cho phụ nữ vào hàng phó tế để nhìn nhận ơn gọi của họ trong giáo hội.
 
Thượng Hội Đồng Vùng Amazon ngày thứ 2: Giáo hội nhìn nhận những thiếu sót trước việc bảo vệ sinh thái
Thanh Quảng sdb
22:48 08/10/2019
Thượng Hội Đồng Vùng Amazon ngày thứ 2: Giáo hội nhìn nhận những thiếu xót trược việc "bảo vệ sinh thái"

Phiên họp buổi chiều với sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 182 thành viên của Thượng Hội Đồng đã xoáy sâu vào các vi phạm có hệ thống trên quyền lợi của các sắc dân bản xứ vùng Amazon; gây thương tổn cho sự sinh tồn của toàn bộ khu vực trước những hủy hoại về môi trường…
Cùng với các nỗ lực quốc tế, Giáo hội nhìn nhận những thiếu xót trách nhiệm của Giáo hội, trước thẩm quyền đạo đức và tinh thần phải bảo vệ sự sống và tố giác những cơ cấu gây nguy cơ hủy hoại môi sinh. Chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ là những lãnh vực Giáo hội luôn đối đầu nhưng vẫn không quên dóng lên tiếng nói bảo vệ nét sinh thái, trách nhiệm và tiên quyết bảo vệ phẩm giá con người.

Đối với cộng đồng quốc tế: Giáo hội luôn phản đối những vi phạm nhân quyền
Các nghị phụ của Thượng Hội Đồng kêu gọi cộng đồng quốc tế, chúng ta thường thờ ơ trước việc đổ máu của thường dân vô tội, trước những dự án nghiêm trọng gây ảnh hưởng cho toàn bộ môi trường của khu vực Amazon.
Từ cái quan điểm đồng quan này - nghĩa là cùng đồng hành với dân bản địa, những người đã không ngừng bảo vệ thiên nhiên, cùng với các vị truyền giáo đứng lên trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Với chủ đề này, các đại biểu bày tỏ tình liên đới nhấn mạnh tới một điều tối cần là phải hình thành một lực lượng qua các cuộc đối thoại hầu dấy lên một phong trào bảo tồn có hiệu quả... Thượng Hội Đồng mời gọi các tổ chức của Giáo hội hỗ trợ các phong trào cơ bản của các địa phương, khiêm tốn lắng nghe và hỗ trợ ý kiến tâm tư của những người dân tại vùng Amazon, hầu hiểu biết sâu xa hơn về văn hóa, các biểu tượng nghi lễ và truyền thống của họ.

Ý thức sâu rộng hơn về "những thiếu xót bảo vệ sinh thái"
Thượng Hội Đồng đã đề ra nhiều dự án khác nhau nhấn mạnh tới việc phát triển toàn diện xã hội lẫn khoa học và truyền thống, vì tương lai của toàn vùng Amazon, một dự án sống động chứ không phải là một mớ kiến thức văn bản để vào viện bảo tàng!
Một ước muốn được thể hiện với một nhãn quan sinh thái Kitô giáo, cho mọi người thấy sự hủy hoại môi trường là một tội chống lại Thiên Chúa, chống lại con người và có lỗi với các thế hệ tương lai. Điều này dấy lên trong chúng ta cần có một dự án và một tài liệu thần học bao gồm những thiếu xót với hệ sinh thái của người Kitô hữu.

Nhu cầu cần những phó tế vĩnh viễn cho bản địa
Hầu hết các thành viên từ các các nhà truyền giáo, tu sĩ lẫn giáo dân đều phản ánh một cách mạnh mẽ nhu cầu cần thiết phải có các phó tế vĩnh viễn cho mỗi bản địa trong vùng. Cũng có những lời kêu gọi nhìn nhận và ý thức thêm nữa về vai trò của nữ giới trong đời sống của Giáo hội.

Những suy tư về ơn gọi linh mục
Một tiêu đề nóng của Thượng Hội đồng là vai trò ơn gọi linh mục trong việc rao giảng Tin Mừng. Một số nghị phụ lưu ý rằng số lượng thiếu linh mục không phải là vấn nạn đối với vùng Amazon này mà thôi, mà là một nan đề cho cả thế giới. Điều này đã dẫn đến việc cổ súy và suy tư đắn đo về ơn gọi linh mục ngày nay: sự thánh thiện, những thực tại trở ngại cho việc truyền giáo; các mục tử không có mùi “chiên” của Chúa Kitô, nên các con chiên đã lìa xa họ...

Giới trẻ và hương thơm thánh thiện
Ngược lại, có một diện mạo chói ngời của các nhà truyền giáo hy sinh trong vùng Amazon như các đầy tớ tử đạo của Chúa: Linh mục Rudolf Lunkenbein, S.D.B., và người giáo dân tên là Simão Cristino Koge Kudugodu, cả hai bị chết tử đạo ở Mato Grosso.
Các nghị phụ nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, trước tiên và quan yếu nhất là sự thánh thiện. Sự thánh thiện có một hấp lực to lớn đối với những người trẻ , những người mong mỏi có được một cơ cấu mục vụ mới, năng động và qui mô hơn... Ngoài ra cần có những lời kêu gọi mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về một cuộc sống tốt đẹp và thánh thiện của các linh mục, chứ không chỉ mũi dùi vào một số vụ bê bối nhưng lại chiếm hầu hết và nhan nhản trên các phương tiện truyền thông tin tức. Tương tự như thế, nhiều bạn trẻ Công Giáo đã nêu lên những mẫu gương tích cực của họ, trước những tệ nạn bạo lực, ma túy, mại dâm, thất nghiệp đang nhậm chìm và vùi dập người trẻ xuống vực thẳm...
Phiên họp buổi chiều của Thượng Hội đồng cũng tập trung vào những vấn đề nhập cư trong vùng Amazon với nhiều nhiều khía cạnh, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong Giáo hội trên các phương diện tiếp nhận, chào đón, bảo vệ, quảng bá và giúp hội nhập...

Phút mặc niệm Đức cố Hồng Y Serafim Fernandes de Araújo
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thượng hội đồng hôm thứ tư vừa qua, Ngài mở đầu với lời cầu nguyện kêu gọi toàn thể Thượng Hội đồng nhớ tới Đức Hồng Y Serafim Fernandes de Araújo, người qua đời hôm thứ ba hôm qua ngày 8/10 tại Belo Horizonte, Brazil, nơi ngài phục vụ với tư cách là Tổng giám mục từ năm 1986-2004.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Rước lễ bằng cách chấm Bánh. Nói thêm về vị trí Nhà tạm.
Nguyễn Trọng Đa
08:25 08/10/2019
Giải đáp phụng vụ: Rước lễ bằng cách chấm Bánh. Nói thêm về vị trí Nhà tạm.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Câu hỏi của con liên quan đến phương thức cho các nam nữ tu sĩ Rước lễ dưới hai hình. Linh mục cầm Mình Thánh, đưa cho một tu sĩ nam hoặc nữ, và nói: “Mình Máu Thánh Chúa Kitô”, tu sĩ này cầm Mình Thánh trong tay, nhúng vào Máu Thánh rồi Rước lễ. Hoặc linh mục cầm Mình Thánh, nhúng vào Máu Thánh, đưa lên lưỡi tu sĩ, và nói: “Mình Máu Thánh Chúa Kitô”. Thưa cha, cách nào là đúng? - S. K., Vijayawada, Andhra Pradesh, Ấn Độ
.

Đáp: Về cơ bản, hình thức thứ hai là chính xác mặc dù với một số biến thể có thể được.

Hình thức đầu tiên là về cơ bản bị cấm, vì nó sẽ tạo thành một phương thức tự Rước lễ. Trong Thánh lễ, mọi người, ngoại trừ các vị đồng tế, phải luôn luôn Rước lễ qua một thừa tác viên. Trong trường hợp Rước lễ ngoài Thánh lễ do không có linh mục, các thừa tác viên sẽ cho tín hữu Rước lễ sau khi mình đã tự Rước lễ.

Đối với hình thức đầu tiên được trình bày bởi bạn đọc nảy, Thánh Bộ Phượng Tự đã chính thức trả lời cho một câu hỏi vào năm 2002. Xin mời đọc:

“Trong việc cho Rước lễ dưới hai hình, liệu tín hữu Chúa Kitô được phép lên Rước lễ, bằng cách cầm Mình Thánh đã được trao vào tay, và nhúng một phần vào Chén thánh do một linh mục hoặc phó tế cầm, rồi đưa vào miệng mình không?

“Đáp: Không được.

“Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ ba, khẳng định cách rõ ràng: ‘Sau đó vị tư tế cầm Đĩa thánh hay Bình thánh, tiến đến chỗ những người rước lễ thông thường đi lên theo hàng. Không cho phép chính tín hữu tự mình cầm lấy Bánh thánh và Chén thánh, càng không được chuyền cho nhau. Các tín hữu rước lễ quỳ hay đứng tùy theo quy định của Hội Ðồng Giám Mục. Nếu đứng, họ nên tỏ một cử chỉ tôn kính, theo như luật định, trước khi nhận Mình Máu Thánh’ (số 160); và được thêm vào đó một điều liên quan đến trường hợp này: 'Nếu rước Chén thánh bằng cách chấm, người rước cầm đĩa dưới miệng, tiến đến vị tư tế cầm Chén thánh và bên cạnh ngài có thừa tác viên cầm Bình Mình Thánh. Vị tư tế lấy Bánh thánh, nhúng một phần vào Chén, rồi đưa cho vừa nói: "Mình và Máu Chúa Kitô", người rước nhận lấy bằng miệng, rồi lui gót’ (số 287) (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

“Hơn nữa, việc thực hành mà theo đó tín hữu nhận trên tay Mình Thánh đã được nhúng vào Máu Thánh Châu Báu Chúa Kitô bị xem là sự lạm dụng. (Notitiae 38 (2002) 490)”.

Tôi nghĩ rằng điều đó là đủ rõ ràng, nhưng chủ đề đã được nhắc lại một lần nữa trong Huấn thị năm 2004 Redemptionis sacramentum (Bí tích Cứu Độ), với các chi tiết rõ hơn như sau:

“103. Quy tắc Sách Lễ Rôma chấp nhận nguyên tắc theo đó, khi cho rước lễ dưới hai hình, “có thể rước Máu Chúa Kitô hoặc bằng cách uống trực tiếp với chén thánh, hoặc bằng cách chấm Mình Thánh vào Máu Thánh, hoặc dùng ống hút hay một cái muỗng”. Khi cho giáo dân rước lễ, các Giám Mục có thể loại trừ cách cho rước lễ với ống hút hoặc cái muỗng, trong những không có thói quen, nhưng duy trì luôn cách cho rước lễ bằng cách chấm. Tuy nhiên, trong trường hợp sau này, phải dùng những bánh lễ không được quá mỏng, cũng không quá nhỏ, và người rước lễ phải nhận Thánh Thể do vị linh mục trao trực tiếp vào miệng.

“104. Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào Chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô. Cũng thế, Bánh thánh dành để rước lễ bằng cách chấm, phải được làm bằng một chất thành sự và được truyền phép; vậy, tuyệt đối cấm dùng bánh không có truyền phép hoặc làm với một chất khác (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Bởi vì hình thức thứ nhất được mô tả bởi bạn đọc của chúng tôi không được chấp nhận, chúng ta chỉ còn lại hình thức thứ hai. Tuy nhiên, ngoại trừ trong các nhà nguyện rất nhỏ, việc linh mục cho Rước lễ dưới cả hai hình là không thực tế, vì ngài không thể cầm Chén thánh và Bình thánh cùng một lúc. Điều này có nghĩa là ngài thường phải để Bình thánh trên bàn thờ, và cầm Chén thánh trong tay, mặc dù ở một số nơi có Bình thánh đặc biệt, vốn kết hợp một Chén thánh nhỏ trong đó, và được thiết kế đặc biệt cho việc chấm Mình Thánh.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nghi thức Rước lễ dưới hai hình ngụ ý sự hiện diện của hai thừa tác viên, linh mục và một thừa tác viên cầm Chén thánh. Nếu có một phó tế và chỉ có một điểm cho Rước lễ, thầy thường sẽ đảm nhận chức thừa tác viên cầm Chén thánh.

Trong trường hợp bạn đọc trên nói về một cộng đoàn tu sĩ và chỉ có một linh mục, có thể xin phép Giám mục để một hoặc hai tu sĩ của cộng đoàn này có thể được chỉ định làm thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, để họ có thể đảm nhận chức thừa tác viên cầm Chén thánh.

Nếu sự cho phép này được ban cấp, thì việc Rước lễ dưới hai hình có thể được thực hiện bằng việc chấm Bánh, với lời của linh mục: “Mình Máu Thánh Chúa Kitô”, hoặc bằng cách uống trực tiếp từ Chén thánh, sau khi linh mục trao Bánh và thừa tác viên ngoại thường trao Chén thánh, mỗi vị đưa Bánh Thánh và Máu Thánh riêng.

Sau khi tôi trả lời ngày 24-9-2019 về vị trí nhà tạm trong một giáo phận Canada, một bạn đọc đã chỉ ra một nguồn mà tôi chưa biết. Bạn ấy viết: “Bởi vì người đưa ra câu hỏi dường như ở Canada, có thể là hữu ích khi tham khảo tài liệu “Our Place of Worship” (Nơi thờ phượng của chúng ta) được công bố bởi Hội Đồng Giám Mục Canada.

Đây là một cuốn sách nhỏ với 87 trang được xuất bản năm 1999.

Theo như tôi đã có thể xác định, mặc dù được ban hành dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Giám Mục Canada, nó dường như là tác phẩm của hai tác giả đủ tư cách, và không rõ liệu nó đã được thảo luận hoặc bỏ phiếu bởi toàn bộ Hội Đồng Giám Mục không, hay được phê chuẩn bởi một trong các Ủy ban của Hội Đồng Giám Mục này. Bởi vì lĩnh vực này là chủ yếu thuộc thẩm quyền của Tòa thánh và Giám Mục địa phương, chứ không phải là Hội Đồng Giám Mục, tập sách có thể chứa các đề xuất có giá trị nhưng không ràng buộc về mặt pháp lý.

Điều tương tự cũng có thể được nói cho Bản hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ “Built of Living Stones, Được dựng xây từ các viên đá sống động”, mặc dù tài liệu này là mới hơn một chút (năm 2003), và là kết quả của nhiều năm tranh luận giữa các Giám mục. Bản thân các Giám mục ưa thích công thức ‘hướng dẫn’, do tính chất của chủ đề, và bởi vì một tài liệu có tính ràng buộc về mặt pháp lý có thể đòi hỏi một quy trình phê duyệt của Tòa Thánh nữa. (Zenit.org 8-10-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/communion-by-intinction/
 
Văn Hóa
Đường Luật Mân Côi
Sơn Ca Linh
08:22 08/10/2019
Đường Luật Mân Côi

“Phố thánh vườn thiêng” rạng đỉnh đồi (1),
Trinh nguyên e ấp đoá “Môi Khôi” (2),
Rạng ngời sắc thắm soi muôn cõi,
Bát ngát hương thiêng toả khắp nơi.
“Bốn Sự nhiệm mầu” (3) ơn Cứu độ,
“Mười Kinh thánh đức” (4) phúc Tin Vui.
Hoa hồng muôn cánh dung nhan Mẹ,
Ngập lối linh ân mãi tận trời !

Sơn Ca Linh (Tháng Mân Côi 2019)

Ghi chú :

(1) “Phố thánh vườn thiêng” : Hình ảnh Giáo Hội, Giêrusalem mới, theo gợi ý từ câu Thánh vịnh 122,3 : “Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn.”
(2) “Môi Khôi” : Tên gọi hoa hồng. Chuỗi Môi Khôi (Rosary) là chuỗi kết bằng những lời kinh như những cánh hoa hồng.
(3) “Bốn sự Nhiệm mầu” : sự “Vui”, sự “Sáng”, sự “Thương”, sự “Mừng”.
(4) “Mười kinh Thánh đức” : Kinh Kính Mừng, với phần đầu “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ” lấy lại những lời trong Tin Mừng Luca với hai sự kiện “Truyền Tin” và “Thăm viếng” (Lc 1, 28.42)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Vàng
Lê Trị
21:28 08/10/2019
THU VÀNG
Ảnh của Lê Trị

Thiên nhiên chuyển đổi nhịp nhàng
Xuân hoa, Hạ nắng , Thu vàng , tuyết Đông
(nđc)
 
VietCatholic TV
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong phiên thứ nhất của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.
Giáo Hội Năm Châu
17:37 08/10/2019
John Allen, chủ biên của tờ Crux, ký giả kỳ cựu về Vatican, có bài tường thuật sau: Pope opens synod urging bishops ‘not to kick the Holy Spirit out of the hall’ - Đức Giáo Hoàng khai mạc Thượng Hội Đồng thúc giục các Giám Mục đừng ‘đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi phòng họp’.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


ROME - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh có nhiều căng thẳng cao độ về Amazon vào hôm thứ Hai, mở tung mọi thứ khi chỉ trích những ý thức hệ không tôn trọng các nền văn hóa địa phương và bản địa và kêu gọi các Giám Mục cũng như các tham dự viên khác đừng đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi hội trường trong khóa họp kéo dài từ 6 đến 27 tháng 10.

“Ý thức hệ là một vũ khí nguy hiểm,” Đức Giáo Hoàng nói, khi khai mạc phiên đầu tiên của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

“Nó giản lược chúng ta và khiến chúng ta phóng đại định kiến của mình thành một nhận thức trí tuệ [về một nền văn hóa], trong khi không hề ngưỡng mộ hoặc tự mình xem xét [nền văn hóa ấy]”, ngài nói. Những “khẩu hiệu như vậy chỉ nhằm gây chia rẽ, hủy diệt và phá hoại”, và nhấn mạnh rằng những hậu quả độc hại của các ý thức hệ có thể được nhìn thấy “nơi sự tận diệt khối đa số những thổ dân Amazon”.

Nó cũng tạo ra sự thiếu tôn trọng đối với những gì gắn bó với quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Ngài lưu ý rằng mới hôm qua, ngài đã nghe một lời phàn nàn nửa đùa nửa thật từ ai đó về cái mũ lông mà một trong những người bản địa đã đội bên trong Vatican.

“Có gì khác nhau giữa cái mũ đó và những chiếc mũ biretta mà một số Hồng Y của chúng ta đang đội?”. Câu hỏi của Đức Thánh Cha gây ra nhiều tiếng cười lớn trong hội trường.

Đức Phanxicô đã bài bác cái mà ngài gọi là khuynh hướng coi một số nền văn hóa là những nền văn minh hạng hai, mà theo ngài, nó “khiến chúng ta tách biệt khỏi thực tế của một dân tộc và làm chúng ta xa cách với họ, thực chất là thiếu tôn trọng họ.”

Đức Thánh Cha cũng đã dành một chút thời gian để đưa ra quan điểm của ngài đối với một Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài nói rằng đó không phải là chuyện “ai có quyền lực hơn để áp đặt các kế hoạch và ý tưởng của riêng họ” lên những người khác.

“Thượng Hội Đồng là cùng đi với nhau, trong khi dõi theo hơi thở của Chúa Thánh Thần,” Đức Phanxicô nói. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của Thượng Hội Đồng, vì vậy, chúng ta đừng đuổi Ngài ra khỏi phòng họp”.

Theo tinh thần đó, Đức Phanxicô dường như đã muốn yêu cầu khoảng 185 Giám Mục và hơn 100 tham dự viên khác phải thận trọng khi nói chuyện với các phóng viên trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

“Nó có thể gây tổn hại nếu tôi rời khỏi hội trường này và nói bất cứ điều gì tôi nghĩ mà không suy tư về điều đó,” ngài nói. “Chúng ta đã từng thấy điều này ở các Thượng Hội Đồng Giám Mục khác”. Đức Thánh Cha yêu cầu những tham dự viên vận dụng “sự khôn ngoan thận trọng” và một “sự tiếp cận nhẹ nhàng”. Ngài nói rằng trong quá khứ, đôi khi người ta có một ấn tượng về một Thượng Hội Đồng bên trong hội trường và một Thượng Hội Đồng khác bên ngoài hội trường này.

Lời khuyên cuối cùng của ngài dành cho các tham dự viên là đừng đánh mất đi cảm thức hài hước, chính Đức Thánh Cha đã thể hiện phẩm chất đó vào sáng thứ Hai. Tại một thời điểm, ngài lưu ý rằng theo quy định cứ sau bốn bài phát biểu trong hội nghị, sẽ có bốn phút tạm dừng để im lặng; và nói rằng một số người đã cảnh báo ngài rằng việc nghỉ giữa chừng như vậy nguy hiểm lắm vì mọi người có thể sẽ đi ngủ.

“Tại Thượng Hội Đồng dành cho giới trẻ, chúng ta thấy điều ngược lại mới là đúng.” Ngài giải thích một cách bông đùa rằng “Họ đã ngủ trong các bài phát biểu, ít nhất là trong một số bài phát biểu và giật mình thức dậy vì sự im lặng.”

Đức Phanxicô đã nói bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ được nhiều người dùng nhất trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

Buổi sáng ngày thứ Hai 7 tháng 10 đã bắt đầu với một đoàn rước trong đó Đức Giáo Hoàng và khoảng 300 tham dự viên đã rời khỏi Đền Thờ Thánh Phêrô sau một buổi cầu nguyện. Các vị đã tiến ra quảng trường Thánh Phêrô, lúc đó đã được phong tỏa trong dịp này, và từ từ tiến đến hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục của Vatican. Những người bản địa hát những bài thánh ca bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Tây Ban Nha, mang theo những tặng vật tượng trưng và một bức ảnh Đức Maria được vẽ theo phong cách của người bản địa. Bức ảnh được đặt trong một chiếc xuồng nhỏ, trong đó còn có một chiếc lưới đánh cá nhiều màu sắc và hình ảnh các vị tử đạo trong vùng Amazon, và Thánh Oscar Romero của El Salvador, cũng như các bích chương kêu gọi một “hệ sinh thái tích hợp”.

Những vị tử đạo được nhắc đến bao gồm Cha Rodolfo Lunkenbein, một nhà truyền giáo người Đức ở Brazil bị bắn chết khi đang thi hành sứ vụ truyền giáo của dòng Salêsiêng năm 1976, và Galdin Pataxo, một nhà hoạt động bản địa bị sát hại ở thủ đô Brazil năm 1997.

Các Giám Mục và những tham dự viên khác cũng được tặng một chiếc túi nhỏ màu trắng có logo của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, được làm hoàn toàn bằng sợi tự nhiên như một dấu chỉ “xanh” tiêu biểu cho hội nghị thượng đỉnh này. Nhìn rộng hơn, Vatican có kế hoạch trồng lại một dải trong khu rừng nhiệt đới Amazon đủ để bù đắp toàn bộ lượng carbon gây ra từ hội nghị này.

Sau bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Loriano Baldisseri, tổng thư ký Hội đồng Giám mục, đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về cuộc họp, trong khi Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, là Tổng Tường Trình Viên, thảo luận về các chủ đề và các kỳ vọng chính của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.


Source:Crux
 
ĐHY Claudio Hummes đặt ngay vấn đề phong chức linh mục cho người đã kết hôn trong ngày đầu tiên
Giáo Hội Năm Châu
17:44 08/10/2019
John Allen, chủ biên của tờ Crux, ký giả kỳ cựu về Vatican, có bài tường thuật về phát biểu có tính cách chỉ đạo của Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm trong tư cách Tổng Tường Trình Viên, hay chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng 10.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


Chair of pope’s Amazon summit puts married priests, women squarely on the table

John Allen

Chủ tịch thượng đỉnh về Amazon của Đức Giáo Hoàng đặt thẳng thắn lên bàn thảo luận vấn đề phong chức linh mục cho người có gia đình, và vấn đề phụ nữ


Rôma- Không lãng phí thời gian, Chủ tịch Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi động mọi thứ vào sáng thứ Hai bằng cách đặt thẳng thắn trên bàn họp các vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất, đó là vấn đề phong chức linh mục cho người đã kết hôn và vai trò của phụ nữ.

“Một vấn đề khác là việc thiếu linh mục để phục vụ các cộng đồng địa phương trong khu vực, với hậu quả là sự thiếu vắng Bí Tích Thánh Thể, ít nhất là vào ngày Chúa Nhật, cũng như các bí tích khác,” Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm trong tư cách Tổng Tường Trình Viên, hay chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng 10.

“Điều này có nghĩa việc chăm sóc mục vụ chỉ được hình thành từ các viếng thăm lẻ tẻ thay cho việc chăm sóc mục vụ đầy đủ hàng ngày,” Đức Hồng Y Hummes nói.

Trong khi người Mỹ và người châu Âu thường phàn nàn về sự thiếu hụt linh mục, số liệu thống kê của Giáo Hội cho thấy có một linh mục cho mỗi 1,300 người Công Giáo được rửa tội ở cả hai khu vực này. Trong khi đó, ở Mỹ châu Latinh, tỷ lệ đó là 1 linh mục cho 7,800 người Công Giáo, và ở một số vùng của Amazon, nó có thể tăng vọt lên 1 linh mục cho 15,000 hay cao hơn nữa.

Đức Hồng Y Hummes nhận xét rằng: “Việc tham dự Thánh Lễ, ít là vào ngày Chúa Nhật, là điều cần thiết cho sự phát triển đầy đủ và tiến bộ của các cộng đồng Kitô giáo, và là một trải nghiệm thực sự về Lời Chúa trong đời sống người dân. Vì thế, cần thiết là phải xác định hướng đi mới cho tương lai.”

Đức Hồng Y Hummes sau đó đã đề cập cụ thể về những gì “con đường mới” này có thể là. Ngài nói:

“Trong các giai đoạn tư vấn, các cộng đồng địa phương, các nhà truyền giáo và những người dân bản địa, những người phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết mà hầu hết các cộng đồng Công Giáo ở Amazon gặp phải, đã yêu cầu rằng một con đường cần phải được mở ra cho việc truyền chức cho những người đàn ông trong vùng đã lập gia đình đang sống trong cộng đồng của họ, mặc dù xác nhận lớn tầm quan trọng của đặc sủng cuộc sống độc thân trong Giáo Hội.”

Kế đó, Đức Hồng Y Hummes cho rằng suy tư về vấn đề này không nên dừng lại ở những người đàn ông đã có gia đình.

“Đối diện với thực tế là một số lượng lớn phụ nữ ngày nay đang dẫn dắt các cộng đồng ở Amazon, có một yêu cầu rằng sứ vụ này phải được công nhận và nên có một nỗ lực để củng cố sứ vụ ấy với một thừa tác vụ thích hợp cho những phụ nữ sống trong các cộng đồng này”, ngài cho biết như trên nhưng không nói cụ thể “thừa tác vụ thích hợp” này có thể là gì.

Việc nhắc đến những người phụ nữ đã nhận được những tràng pháo tay trong hội trường.

Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ. Ủy ban đã trình bày một báo cáo trong đó không đạt được sự đồng thuận rõ ràng, và vào tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi không sợ nghiên cứu, nhưng đến thời điểm này chưa có tiến triển.”

Trước thềm Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, vấn đề về phong chức linh mục cho những người đã kết hôn – thường được gọi là viri probati - là một trong những điểm gây tranh cãi nhất. Các nhà phê bình coi những đề xuất như thế là một con ngựa thành Troia có thể dẫn đến việc xóa bỏ tình trạng luật độc thân linh mục ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong khi những người ủng hộ có xu hướng xem điều này như một phản ứng thực tế đối với các nhu cầu mục vụ trong khu vực.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, Đức Phanxicô cho biết ngài cởi mở với ý tưởng về việc phong chức viri probati để phục vụ các cộng đồng nông thôn bị cô lập, và cũng đã đề cập đến khả năng nhân rộng điều này ra không chỉ ở Amazon mà còn trên các đảo trong khu vực Thái Bình Dương.

Nhận được những tràng pháo tay từ hội trường, Đức Hồng Y Hummes bắt đầu bằng cách tuyên bố rằng ngài sẽ nói tiếng Bồ Đào Nha, ngôn ngữ của Brazil. Nhìn chung, ngài thúc giục những tham dự viên Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon đừng bị sa lầy bởi “chủ nghĩa truyền thống.”

“Chủ nghĩa truyền thống, trong đó vẫn giữ liên kết với quá khứ, là một chuyện, nhưng truyền thống đích thực, nghĩa là lịch sử sống động của Giáo Hội, là một chuyện khác.” Theo Đức Hồng Y, mỗi thế hệ trong Giáo Hội “làm phong phú thêm truyền thống này vào các thời điểm hiện tại với kinh nghiệm riêng của họ và sự hiểu biết về đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.”

“Thiên Chúa luôn luôn mang lại sự mới mẻ, và đòi hỏi sự tín thác hoàn toàn của chúng ta” ngài nói, trích dẫn một bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Hồng Y Hummes cũng kêu gọi Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon công bố một sự bảo vệ mạnh mẽ đối với khoảng 400 cộng đồng địa phương và thổ dân trong vùng Amazon.

Đức Hồng Y nói rằng: “Điều cần thiết là quyền của những người bản địa được là các nhân tố chủ yếu trong lịch sử của mình phải được trao trả lại cho họ và phải được bảo đảm cho họ như các chủ thể chứ không phải như đối tượng của tinh thần hoặc các nạn nhân của chủ nghĩa thực dân từ bất kỳ ai”.

Để phù hợp với đặc tính “xanh” của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Hummes thúc giục một lập trường sinh thái mạnh mẽ. Theo Đức Hồng Y, “Giáo Hội của chúng ta là một Giáo Hội nhận thức được rằng sứ vụ tôn giáo của mình, nếu muốn phù hợp với đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, chắc chắn phải bao gồm ‘việc chăm sóc ngôi nhà chung’. Mối liên kết này cũng chứng minh rằng tiếng kêu của đất và cuả những người nghèo trong khu vực này là một và giống nhau.”

Đức Hồng Y Hummes nhận định rằng:

“Thượng Hội Đồng này được tổ chức trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng khí hậu và sinh thái nghiêm trọng và cấp bách, bao trùm toàn bộ hành tinh của chúng ta. Hành tinh này đang trải qua sự tàn phá phi mã, cướp phá và làm suy thoái tài nguyên trái đất. Tất cả được nuôi dưỡng bởi một mô hình kỹ thuật toàn cầu hóa, cướp bóc và tàn phá.”

“Trái đất không còn có thể chịu đựng hơn nữa”.

Vị Hồng Y người Brazil này là người đã ngồi bên cạnh Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Á Căn Đình trong cơ mật viện bầu Giáo Hoàng vào năm 2013, và đã gợi ý vị Tân Giáo Hoàng nên chọn lấy danh xưng “Phanxicô”. Ngài đã liệt kê một số mối đe dọa cụ thể mà vùng Amazon ngày nay đang phải đối mặt mà ngài đề nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục cân nhắc thảo luận.

1. Việc hình sự hóa và ám sát các nhà lãnh đạo và những người bảo vệ đất đai trong vùng.

2. Chiếm đoạt và tư nhân hóa các tài nguyên tự nhiên chẳng hạn các nguồn nước.

3. Các nhượng bộ trong việc khai thác gỗ hợp pháp và việc khai thác gỗ bất hợp pháp.

4. Săn mồi và câu cá, chủ yếu ở các con sông.

5. Các nhượng bộ đối với các dự án lớn, như các dự án liên quan đến thủy điện và rừng, phá rừng để lấy đất độc canh, xây dựng đường bộ và đường sắt, hoặc các dự án khai thác mỏ và dầu khí.

6. Ô nhiễm gây ra bởi toàn bộ ngành công nghiệp khai thác đang gây ra các vấn đề và các loại bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

7. Buôn bán ma túy.

8. Hệ quả là các vấn đề xã hội liên quan đến các mối đe dọa này như nghiện rượu, bạo lực đối với phụ nữ, mại dâm, buôn bán người, mất căn cội văn hóa và bản sắc, và gây ra tình trạng nghèo đói.

Trong ánh sáng của tất cả những vấn đề này, Đức Hồng Y Hummes khởi động vài “vấn đề cốt lõi” sau đây cho Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

1. Một Giáo hội hướng ngoại và những con đường mới ở Amazon.

2. Khuôn mặt Amazon của Giáo hội: Hòa nhập và đa văn hóa trong bối cảnh truyền giáo và giáo hội học.

3. Các thừa tác vụ cho Giáo hội ở Amazon: chức linh mục, phó tế, các thừa tác vụ khác và vai trò của phụ nữ.

4. Công việc được thực hiện bởi Giáo Hội trong việc chăm sóc “ngôi nhà chung của chúng ta”; lắng nghe trái đất và người nghèo; hệ sinh thái tích hợp môi trường, kinh tế, xã hội và văn hóa.

5. Giáo hội Amazon trong thực tế đô thị.

6. Các vấn đề liên quan đến nguồn nước.

Trước Đức Hồng Y Hummes, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, người Ý, thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã đưa ra một cái nhìn tổng quan dài về lịch sử và các thủ tục trong Thượng Hội Đồng. Đức Hồng Y Baldisseri nói mục đích cuối cùng của hội nghị này là tập trung vào “ngôi vườn giàu có và tài nguyên thiên nhiên bao la này, quê hương của các dân tộc bản địa với một lịch sử và khuôn mặt không thể nhầm lẫn, và một lãnh thổ đang bị đe dọa bởi tham vọng con người chứ không phải là đang được quan tâm chăm sóc”.

Theo lời trình bày của Đức Hồng Y Baldisseri, hội nghị sẽ xen kẽ giữa các phiên họp chung trong đó các Thượng Hội Đồng nói chuyện trước toàn bộ Thượng Hội Đồng; và các nhóm làm việc nhỏ hơn được tổ chức theo ngôn ngữ trong đó các tham dự viên có thể thảo luận tự do hơn. Cuộc họp đầu tiên của các nhóm nhỏ này được dự trù diễn ra vào ngày thứ Tư.

Trong một cử chỉ được xem ngủ gà ngủ gục đối với thế kỷ 21, Đức Hồng Y Baldisseri cũng nói với những các tham dự viên rằng họ được tự do trả lời phỏng vấn và thảo luận về Thượng Hội Đồng này một cách công khai trong thời gian rảnh rỗi, nhưng ngài yêu cầu họ dừng dùng các phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ ấn tượng trong các buổi làm việc thực tế.


Source:Crux