Ngày 13-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Y phục dự tiệc cưới Nước Trời là lòng sám hối và tin vào Tin Mừng
Lm Đan Vinh
02:43 13/10/2017
Chúa Nhật 28 Thường Niên A
Is 25,6-10a ; Pl 4,12-14.19-20 ; Mt 22,1-14

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 22,1-14

(1) Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng:
(2) “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.
(3) Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến.
(4) Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong. Bò tơ và thú béo đã hạ rồi. Mọi sự đã sẵn. Mơi quý vị đến dự tiệc cưới !”
(5) Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Kẻ thì đi thăm trại, người thi đi buôn.
(6) Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
(7) Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy, và thiêu hủy thành phố của chúng.
(8) Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.
(9) Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.
(10) Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
(11) Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát thực khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục tiệc cưới
(12) mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì.
(13) Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng !
(14) Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.

2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI

Đức Giê-su trình bày dụ ngôn tiệc cưới, ám chỉ lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa qua hai giai đoạn chính như sau: Đầu tiên Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi dân riêng Ít-ra-en gia nhập vào Nước Trời do Đấng Thiên Sai thiết lập, nhưng họ đã từ chối tình thương cứu độ của Người. Tiếp đến, Thiên Chúa mời gọi tất cả các dân tộc gia nhập Nước Trời. Tuy nhiên muốn được tham dự vào bàn tiệc Nước Trời đời sau, đòi người ta phải mặc y phục lễ cưới, tức là phải có “lòng ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” do Chúa Giê-su rao giảng. Ai cố tình không mặc y phục lễ cưới sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình: Thiên Chúa khai mở bữa tiệc thời Thiên Sai bằng việc cho Con Một Người xuống thế làm người (x. Mt 24,1-12; Kh 19,9). Tuy dụ ngôn về tiệc cưới của hoàng tử, nhưng lại đề cập nhiều đến thái độ phải có của các khách được mời đến tham dự. + Nhà vua sai đầy tớ: Đầy tớ ám chỉ các ngôn sứ (x. ls 25,6). + Đi thỉnh các quan khách đã được mời trước: Quan khách ám chỉ dân Ít-ra-en được Thiên Chúa ưu tuyển. + Nhưng họ không chịu đến: Các đầu mục đã hướng dẫn dân Ít-ra-en khinh thường lời mời của Thiên Chúa.

- C 4-6: + Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi: Điều này cho thấy lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn trước thái độ bất trung ngỗ nghịch của Ít-ra-en dân riêng của Ngài. + Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Họ không đếm xỉa tới lời mời vì không tin vào các ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến. + Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn: Đi thăm trại hay đi buôn bán là những lý do biện minh cho hành động không đến tham dự bữa tiệc cưới, cho thấy dân ít-ra-en đã coi trọng của cải vật chất và các việc trần gian hơn lời hứa cừu độ của Thiên Chúa. + Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết: Các đầu mục đã xúi dân bắt bớ giết hại các ngôn sứ là những gia nhân do Thiên Chúa sai đến. Điều này cho thấy tội bất trung của họ đã lên đến tột cùng và đáng bị trừng phạt.

- C 7-8: + Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ: Sự dửng dưng, từ chối và còn giết hại các ngôn sứ thời Cựu ước và các Tông đồ thời Tân ước khiến cho Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ. + Sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy: Sự cố chấp chống lại tình thương cứu độ, khiến dân Do Thái không còn xứng đáng được hưởng sự khoan dung nữa và đáng bị trừng phạt. + Và thiêu hủy thành phố của chúng: Việc thiêu hủy thành phố ám chỉ biến cố thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. Điều này cho thấy Tin mừng Mát-thêu được biên sọan vào sau năm 70, khi ấy tác giả đã được chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát của thành Giê-ru-sa-lem. + Những kẻ đã được mời lại không xứng đáng: Ơn cứu độ đã được hứa ban cho dân Ít-ra-en, nhưng họ lại không đáng được hưởng do thái độ dửng dưng và từ chối Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập.

- C 9-10: + Vậy các ngươi đi ra các ngả đường: Nhắc lại lệnh của Đức Giê-su truyền cho các môn đệ trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Ra các ngả đường còn nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ như lời Đức Giê-su: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngòai, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8,11-12). + Gặp ai bất luận xấu tốt cũng tập hợp cả lại: Câu này cho thấy ý của Thiên Chúa là muốn cho tất cả mọi người đều được vào Nước Trời (x. Mt 9,13). + Phòng tiệc cưới đã đầy thực khách: Từ nay Hội thánh gồm đủ mọi dân tộc và mọi thành phần tốt xấu trong xã hội. Ở đây cũng nhắc lại ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) và Chiếc lưới (x. Mt 13,47-50).

- C 11-12: + Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc: Sự quan sát ám chỉ cuộc phán xét cuối cùng của Đức Giê-su, Đấng được Thiên Chúa tôn lên làm “Chúa” (x. Pl 2,6-11) và làm “Vua” xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). Tuy “Hội thánh lữ hành” ở trần gian còn bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu, nhưng “Hội thánh chiến thắng” trên trời lại chỉ gồm những người đã trải qua cuộc phán xét chung. Khi ấy chỉ những người có đức tin, thể hiện qua lối sống khiêm tốn phục vụ mới được tham dự bàn tiệc Nước Trời. + Có một người không mặc y phục lễ cưới: Trong Thánh Kinh không chỗ nào đề cập đến tục lệ chủ nhà sắm quần áo cưới cho quan khách đến dự tiệc mặc trước khi vào phòng tiệc nhưng chỉ cần họ ăn mặc lịch sự là đủ. Y phục lễ cưới ở đây ám chỉ chiếc áo trắng chiến thắng (x. Kh 7,9b), áo chính trực công minh (x. Is 61,10) và công chính (x. Mt 5,16.20), tượng trưng con người mới công chính thánh thiện (x. Ep, 4,24), giống như Hiền thê được trang điểm và được mặc áo sáng chói tinh tuyền đi đón Con Chiên (x. Kh 19,8). Tóm lại, y phục lễ cưới chính là chiếc áo trắng tinh khi chịu phép rửa tội. + Người ấy câm miệng không nói được gì: Người không mặc y phục lễ cưới đã không thể biện minh cho thái độ khinh thường chủ tiệc của mình.

- C 13-14: + Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: Đây là những hình phạt tượng trưng cho hỏa ngục, nơi dành cho những kẻ sống bất chính và thù ghét Thiên Chúa. Nơi đó họ sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tủi hờn. + Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít: Nhiều ít không phải về số lượng, nhưng đúng hơn là sự non kém. Nên câu này có thể được dịch lại như sau: “Kẻ được gọi thì đông hơn, và người được chọn thì ít hơn”. Câu này lẽ ra được đặt ngay sau dụ ngôn Tiệc Cưới. Vì người được gọi thì rất nhiều “chật ních phòng tiệc”, và chỉ có người được mời trước từ chối và “một người không mặc áo cưới bị loại ra mà thôi (x. Lc 13,22-30). Việc người được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít không phải do Thiên Chúa không mời, nhưng tại loài người đã cố tình từ chối lời mời của Thiên Chúa, hay vì không mặc áo cưới công chính tinh tuyền, không sống giới răn yêu thương của Chúa Giê-su (x. Mt 3,8 ; 5,20 ; 7,21 ; 13,48 ; 21,32).

4. HỎI ĐÁP:

- Hỏi 1:
So sánh dụ ngôn Tiệc cưới trong hai Tin mừng Mát-thêu (22,1-14) và Lu-ca (14,16-24), ta thấy Tin mừng Lu-ca không nói đến việc ông vua phát hiện ra có một kẻ không mặc áo cưới và trừng phạt y. Vậy Tin mừng nào thuật lại đúng hơn ?

ĐÁP:
Ngày nay một số nhà chú giải nghĩ rằng: dụ ngôn Tiệc Cưới do Đức Giê-su giảng thực ra đã chấm dứt ngay sau khi vua cho mời những kẻ nghèo khó, tàn tật mù què vào đầy phòng tiệc, để thế chỗ cho những kẻ được mời mà không đến (x. Lc 14,16-24; Mt 22,1-10). Còn phần sau trong Tin mừng Mát-thêu (22,11-14) thực ra là một dụ ngôn khác, là dụ ngôn “Áo Cưới”, nhưng đã được đặt liền sau dụ ngôn “Tiệc Cưới”.

- Hỏi 2:
Ông vua có bất công không khi phạt một người khách không mặc y phục lễ cưới chỉ vì bất ngờ được mời, nên không có thời gian chuẩn bị trước. Hơn nữa, do được mời ở ngã ba đường và bị ép vào phòng tiệc, thì lấy đâu ra áo cưới ?

ĐÁP:
Những ai nhận đây là hai dụ ngôn được ghép lại thành một thì sẽ không có thắc mắc gì về vấn đề áo cưới, vì ai cũng có thời giờ chuẩn bị trước ở nhà. Tuy nhiên ngay cả trường hợp được mời đột xuất thì việc phạt người không mặc áo cưới cũng không bất công. Vì tại sao bao nhiêu người khác cũng được mời bất ngờ như vậy mà vẫn có thể mặc y phục lễ cưới ? Hơn nữa, khi bị hạch hỏi, người không mặc áo cưới này lại làm thinh, không bào chữa gì được cho hành vi của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện dụ ngôn, nên cần quan tâm đến bài học dụ ngôn muốn dạy, hơn là để ý đến các chi tiết khác. Điều dụ ngôn muốn dạy là: Kẻ không mặc áo cưới là kẻ cố tình không chịu sám hối và tin vào tin Mừng, nên không đủ điều kiện vào dự tiệc mà còn bị quăng vào hỏa ngục đời đời.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì (Mt 22,11-12).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HÃY LUÔN HƯỚNG VỀ TRỜI CAO:

Một con gà rừng mẹ đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ trứng của nó có một trứng to của chim đại bàng. Khi đến ngày giờ, các quả trứng đều nở ra thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên các chú gà rừng như anh chị em ruột trong gia đình gà rừng.
Một ngày kia, khi đang bới móc trong đống rác kiếm ăn giun đất chung với đàn gà rừng, đại bàng con chợt thấy một con đại bàng lớn bay lượn trên không với dáng vẻ oai phong đẹp mắt. Cậu liền hỏi gà mẹ rằng:
- Mẹ ơi, sao bọn mình lại không bay lên cao như chim đại bàng trên trời kia hả mẹ ?
- Chúng ta không phải đại bàng nên không thể bay lên được con ạ !
- Thế chúng ta là ai hả mẹ ? Đại bàng con hỏi tiếp.
- Chúng ta chỉ là loài gà rừng mà thôi !
Rồi vài ngày sau đó, khi đang khi bươn chải kiếm ăn trên đống rác, đại bàng con lại thấy chim đại bàng mẹ bay lượn trên cao gọi cậu:
- Hãy bay lên cao với mẹ hỡi con yêu của ta ! Thế giới của con là trời cao biển rộng, chứ đâu phải đống rác nhơ bẩn dưới đó ! Mau bay lên với mẹ đi con.
Đại bàng con cố đập cánh bay lên theo lời mẹ gọi, nhưng bay được vài cái là lập tức bị rơi xuống đất giữa tiếng cười chế nhạo của anh em gà rừng. Bọn chúng bảo đại bàng con rằng:
- Chú chỉ là loài gà rừng, làm sao bay lên cao được hả chú bé ?
Đại bàng con tự nhủ : Nếu ta chỉ là gà rừng thì sao mẹ đại bàng trên cao kia cứ gọi ta là đại bàng con ? Đàng khác, ta thấy bay lên cao cũng đâu phải quá khó ! Có lẽ tại ta chưa tập thành thạo đó thôi. Vậy bây giờ ta thử bay thêm lần nữa xem sao.
Thế là đại bàng con đủ lông đủ cánh đã bay được lên trời và cứ tiếp tục bay lên cao mãi. Cậu bay theo sau đại bàng mẹ tiến về một phương trời mới. Lần đầu tiên trong đời, đại bàng con được nhìn xuống đất từ trên cao. Cậu cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui vẻ hạnh phúc.

2) Y PHỤC NƯỚC TRỜI LÀ CUỘC SỐNG HÂN HOAN, YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ

Để trả lời cho những người muốn biết Nước Trời ở đâu, Đức Giê-su đã dạy: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Như vậy, mỗi gia đình, cộng đoàn hay bất cứ tập thể nào cũng có thể trở thành thiên đàng hay hỏa ngục. Có người đã nằm mơ thấy mình được dự hai bữa tiệc: một tiệc trên thiên đàng và một tiệc trong hỏa ngục và thuật lại sự khác biệt giữa hai nơi như sau:
Cả hai bàn tiệc trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục đều có đầy thức ăn ngon, và mỗi người đều được phát một đôi đũa. Có điều các đôi đũa đều dài quá khổ, đến nỗi tuy người ngồi ăn có thể gắp được đồ ăn trên bàn, nhưng lại không sao đưa được đồ ăn vào miệng của mình. Trong bàn tiệc trên thiên đàng thì mọi người đồng bàn đều có lòng vị tha bác ái, nên biết quan tâm đến người khác và muốn làm vui lòng người khác, nên họ gắp đồ ăn phục vụ cho nhau, nên mọi người đều được ăn no và không khí bàn tiệc rất vui vẻ bình an và hạnh phúc. Ngược lại, tại bàn tiệc trong hỏa ngục thì mọi người đều ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Vì không thể tự gắp đồ ăn cho mình, và do thói ganh tị nên họ cũng không muốn phục vụ người khác, nên mọi người đều bị đói và thù ghét đánh lộn nhau. Kết quả là người thì đau khổ khóc lóc, kẻ lại nghiến răng giận hờn.

3) CHUẨN BỊ TIỆC NƯỚC TRỜI ĐỜI SAU BẰNG VIỆC NĂNG DỰ TIỆC THÁNH ĐỜI NÀY:

Một bé gái bệnh nặng, một hôm biết mình khó qua khỏi, em gọi cha mình lại để nói chuyện. Người cha này rất nguội lạnh, lại hay ăn nhậu và không bao giờ đến nhà thờ. Em hỏi: - “Cha có thương con không?”. Người cha cảm động nói: - “Sao con lại hỏi thế, cha rất yêu con!”. – “Con sắp xa cha rồi, con sắp về với Chúa rồi!”. – “Không! Con sẽ mạnh, cha thương con lắm!”. Người cha ôm con khóc nức nở. – “Con sẽ gặp Chúa, con yêu Chúa, nhưng con cũng yêu cha, con không muốn xa cha, cha có muốn gặp lại con và sống mãi bên con không?” – Người cha nghẹn ngào đáp: - “Có, con yêu!”. – “Vậy cha hãy hứa với con là cha sẽ năng đi lễ nhà thờ nhé! Con muốn được gặp lại cha trên Thiên Đàng”. Người cha trả lời trong nước mắt: - “Cha hứa!”. - “Con vui lắm rồi, con hẹn sẽ gặp lại cha nhé!”. Bé gái nhìn cha mỉm cười và sau đó ít phút, em nhắm mắt ra đi. Sau ngày an táng con gái thân yêu, người cha đã giữ lời hứa để trở thành một con chiên ngoan đạo hằng ngày dự lễ rước lễ. Ông còn tình nguyện tham gia vào ban phục vụ nhà thờ. Cuối cùng ông đã chết trong bình an với niềm hy vọng được hưởng hạnh phúc Nước Trời với người con gái thân yêu.

Muốn được vào dự tiệc Nước Trời, đòi người ta phải “mặc áo cưới” là có lòng sám hối tội lỗi và năng kết hiệp với Chúa Thánh Thể. Rồi biết phục vụ Chúa trong những người nghèo khổ bất hạnh như lời Chúa phán với người lành trong Ngày Phán Xét : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom, Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-36.40).

3. SUY NIỆM:

1) THIÊN CHÚA BAN ƠN CỨU ĐỘ LOÀI NGƯỜI QUA HAI GIAI ĐOẠN:

Giai đoạn một: Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân It-ra-en báo tin về một Đấng Thiên Sai sẽ đến thiết lập một “Triều Đại của Thiên Chúa”, và mời dân này gia nhập. Khi gần đến ngày đã định, Thiên Chúa lại sai Gio-an Tẩy Giả là vị tiền sứ của Đấng Thiên Sai đến nhắc lại lời mời gọi ấy như sau: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Nhưng dân Ít-ra-en vẫn tỏ thái độ thờ ơ và vua Hê-rô-đê đã giết hại Gio-an. Về sau dân này còn hè nhau giết hại chính Người Con do Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su.

Giai đoạn hai: Ttrước sự cứng lòng của dân Ít-ra-en đã từ chối ơn cứu độ, Thiên Chúa đã mời mọi dân tộc khác vào dự tiệc cưới Nước trời, qua lời Đức Giê-su truyền cho các môn đệ sứ vụ truyền giáo như sau: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Rồi nhờ ơn Thánh Thần ban, các Tông đồ đã chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng khắp muôn dân. Nhờ Thánh Thần tác động mà số người gia nhập vào Hội thánh ngày một gia tăng.

2) ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI CỦA THIÊN CHÚA THẾ NÀO ? :

- Hãy luôn hướng lòng trí về những sự trên trời:

Kitô hữu là «Giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa» (1 Pr 2,9). Tuy sống trong thân phận con người trần gian, nhưng phải ý thức mình không thuộc về trần gian. Chúng ta đừng nghĩ mình là loài gà rừng hèn hạ, để chỉ biết cúi đầu bươi chải đống rác hôi thối tìm kiếm thức ăn, chỉ biết bằng lòng với những hạnh phúc tầm thường chóng qua do tiền tài danh vọng sắc dục mang lại. Chúng ta cần phải nhìn lên cao, cố gắng tập vươn tâm hồn lên những gì là cao thượng, phù hợp với Thiên đàng vinh phúc như lời thánh Phao-lô dạy: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

- Phải mặc y phục lễ cưới là một tâm hồn thanh sạch và sống đức Tin, Cậy, Mến:

Chúng ta vốn là dân ngoại, nhưng đã đáp lại lời mời của Đức Giê-su để gia nhập vào Hội thánh (x. Mc 1,15). Nhưng muốn được tham dự bàn tiệc Nước Trời đời sau, chúng ta cần mặc chiếc áo trắng khi chịu phép rửa tội là “Ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (x. Mt 7,21; Lc 11,28). Thánh Phao-lô cũng khuyên đồ đệ Ti-mô-thê : “Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến, phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng, và đức tin không giả hình” (1 Tm 1, 5). Đó chính là y phục lễ cưới phải có để vào Nước Trời.

- Chu toàn sứ mệnh tông đồ là đổi mới trần gian thành Thiên Đàng yêu thương:

Đổi mới bản thân ngày một thanh sạch hơn: "Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông." (Lc 17,21). Do đó, chúng ta hãy năng xin Chúa cho mình ngày một nên giống Đức Giê-su hơn.
Đổi mới môi trường sống là phúc âm hóa gia đình, khu xóm, trường học, nhà máy, công sở… ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn… để trở nên “Trời Mới Đất Mới”.
Cần ăn năn sám hối tội lỗi mỗi ngày, quyết tâm sống khiêm hạ, yêu thương và phục vụ Chúa qua tha nhân, nhất là chia sẻ với những người bệnh tật, nghèo khổ và bị bỏ rơi (x. Lc 17,10; Mt 25,34), và luôn ý thức chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng (x. 1 Cr 9,16).
Hãy luôn thao thức hướng lòng về với Chúa như thánh Au-gút-tinô đã thưa với Chúa: ”Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa. Và tâm hồn con vẫn còn thao thức mãi, cho tới khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng ta hãy tự hỏi: Hiện giờ tấm áo trắng rửa tội của tôi có còn tinh tuyền không ? Hôm nay tôi đã sống giới răn mến Chúa yêu người thế nào ? Giả như đêm nay Chúa gọi tôi về trình diện, tôi có đủ điều kiện để được tham dự bàn tiệc Nước Trời hay không ?

4. THẢO LUẬN:

1) Thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa là tình yêu”. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). Vậy thiên đàng ở đâu ?
2) Bạn sẽ làm gì để biến đổi gia đình hay cộng đoàn của bạn trở nên thiên đàng yêu thương ngay từ ngày hôm nay ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU.
“Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”.
Xin cho con biết luôn quên mình để làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.
Xin cho con biết khiêm hạ, luôn làm việc để tôn vinh Thiên Chúa và để góp phần cứu rỗi các linh hồn.
Ước gì con biết hãm mình và luôn sống trong tình thương của Chúa.
Ước gì con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến cho con và trung thành vác thập giá mình để bước theo Chúa đến cùng.
Xin đừng để điều gì thuộc về trần gian quyến rũ con lạc xa Chúa.
Xin thương xót con và giúp con thêm lòng tin yêu Chúa, hầu sau này con đáng được vào dự bàn tiệc Nước Trời hạnh phúc đời đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Muôn thế hệ sẽ khen Mẹ diễm phúc
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:47 13/10/2017
Ngày 13 tháng 10, tại Fatima, diễn ra đại lễ kỷ niệm đúng 100 Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu tại đây với ba trẻ. Cũng vào ngày này, tại nhiều nhà thờ trên thế giới cũng có những thánh lễ trọng thể quy tụ nhiều tín hữu về tham dự để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ngày thứ Bảy, tháng Mân Côi, sẽ rất phù hợp để chúng ta suy niệm về Đức Maria qua câu nói: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lca 11,27-28).

Có thể nói rằng trong giới loài người không ai cao trọng như Đức Maria và trong các chư thánh, không ai được Giáo Hội sùng kính như Đức Mẹ. “Mẹ được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” và mọi người đàn ông, bởi vì ba lý do thần học sau đây:

1- Đức Maria, Thiên Mẫu

Đây là lý do thứ nhất làm nền tảng cho lòng sùng kính Đức Maria. Mẹ là người đã sinh ra Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Mẹ đã thưa vâng để cộng tác, cưu mang, sinh hạ và nuỗi dưỡng Con Đức Chúa Trời, Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32). Nhờ Mẹ, chúng ta có Chúa Giêsu. Nhờ Mẹ, chúng ta được ơn cứu độ. Nhờ Mẹ, chúng ta được làm con Thiên Chúa. Quả đúng như lời Mẹ tiên báo: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả!” (Lc 1,48-49). Bởi vì, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, với tước hiệu Thiên Mẫu, chúng ta không tôn thờ Đức Maria như một nữ thần hay tôn Đức Maria lên ngang hàng Thiên Chúa. Bởi lẽ, trật tự của đức thờ phượng Kitô giáo đã được thiết lập: bậc cao nhất là tôn thờ (latria): chỉ dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi. Bậc thứ hai là biệt kính (hyperdulia): chỉ dành cho Đức Maria và bậc thứ ba là tôn kính (dulia): dành cho các chư thánh.

2- Đức Maria, Gương Mẫu

Lý do thứ hai mà Giáo Hội sùng kính đặc biệt Đức Maria là bởi lẽ, Giáo Hội tìm thấy nơi Người mẫu gương tuyệt hảo của lý tưởng Kitô giáo. Mẹ được thiên thần Gabriel chào: “Hỡi Đấng đầy ân phúc” (Lc 1,28). Có thể nói lời chào này trở thành tên mới của Mẹ, đó là “Nguyễn Thị Đầy Ơn Phúc.” Mẹ diễm phúc, Mẹ toàn thánh. Đức Maria là Evà mới, hoàn toàn khác với Evà cũ. Bởi Mẹ luôn sống hoàn toàn tín thác, lắng nghe, thực hành thánh ý Thiên Chúa, và sẵn sàng phục vụ tha nhân. Vì thế, từ rất xa xưa, Thánh Truyền đã tìm thấy nơi Mẹ là “điển mẫu tuyệt hảo của người môn đệ Chúa Kitô.” Giáo Hội đã dành cho Mẹ một sự biệt kính (hyperdulia) trong phụng vụ để mời gọi con cái mình không chỉ nhìn ngắm Mẹ, nhưng quan trọng hơn là biết noi gương, bắt chước các nhân đức của Mẹ, trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi luôn biết nhìn lên Mẹ và bắt chước cung cách Mẹ đã sống.

3- Đức Maria, Hiền Mẫu

Với chúng ta, Đức Maria không chỉ là Thiên Mẫu, Gương Mẫu, mà còn là Hiền Mẫu. Mẹ là người mẹ hiền, luôn yêu thương và chăm sóc mỗi người. Quả thế, đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ. Lịch sử Giáo Hội trong 20 thế kỷ đã minh chứng điều đó. Những cuộc hiện ra của Đức Maria tại Lộ Đức, tại Fatima và những nơi khác là bằng chứng hùng hồn về tình mẹ đối với loài người. Mẹ được lên trời cả hồn cả xác, càng gần với tòa Chúa, Mẹ càng gần với con cái loài người đang ở trong thung lủng đầy nước mắt là thế gian này. Mẹ luôn đồng hành, lo lắng và hướng dẫn con cái Mẹ biết hoán cải đời sống bằng việc siêng năng cầu nguyện và lần hạt Mân Côi.

Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn biết chạy đến với Mẹ, để cảm nghiệm tình mẫu tử và nhờ Đức Mẹ chở che và cầu bầu cho chúng ta mỗi ngày.
 
Khuôn khổ
Lm Vũdình Tường
04:54 13/10/2017
Mấu chốt ảnh hưởng đến hiểu biết về đời sống gia đình chính là kinh nghiệm sống trong gia đình và những ảnh hưởng xã hội quanh cuộc sống. Thành phần trẻ trong xã hội Tây Phương đang vận động để có một định nghĩa mở rộng truyền thống gia đình. Một số cho định nghĩa đời sống gia đình truyền thống vừa cổ hủ vừa khắt khe, cần thay đổi. Theo họ yêu nhau là đủ dù hai người đồng phái cũng được miễn là họ yêu nhau. Truyền thống gia đình có từ thời có con người trong đó một người nam kết hôn với một người nữ và chính cuộc sống gia đình này mang lại vô vàn hạnh phúc cho nhân loại. Đại đa số sống hạnh phúc trong gia đình truyền thống, tuy nhiên cũng có nhiều bà vợ bị hất hủi, kẻ khác phải đau khổ vì cha mẹ khắc nghiệt, kẻ khác chồng nghiện ngập và kẻ khác nữa chồng bạo động sống trong đau thương, sợ hãi. Thực tế truyền thống gia đình không phải là nguyên nhân gây nên những đổ vỡ và đau khổ mà chính là thành viên trong gia đình lạm dụng vai trò trong gia đình để làm khổ người khác. Như thế đau khổ trong gia đình gây nên không phải do cơ cấu truyền thống thành lập gia đình mà do các thành viên trong gia đình không làm đúng chức năng của mình. Điều cần thay đổi chính là con người chứ không phải cơ cấu, tổ chức hay truyền thống. Bất cứ thay đổi hình thức nào về gia đình đều không làm giảm đau khổ, bớt bạo động và ít xung khắc. Điều có thể làm cho gia đình trở thành nơi an toàn cho mọi người, tình yêu lan toả và tình thương chan hoà chính là tha đổi cách xử thế với nhau. Thay đổi bằng giáo huấn, giáo dục, học hỏi. Làm cách nào hướng dẫn các thành viên trong gia đình làm đúng chức năng của mình thì gia đình đó ổn thoả, lạm dụng chức năng trong gia đình là gây hoạ cho mọi người. Xã hội chúng ta đang sống đòi có bằng chuyên môn về mọi ngành nghề nhưng không đòi cách học làm cha mẹ. Giới trẻ Tây Phương dời nhà rất sớm, nhiều em không có cơ hội sống trong gia đình bởi họ sống nội trú xa nhà hoặc vừa học vừa làm và nhà trọ là chỗ ngủ qua đêm, không phải là mái ấm gia đình. Kinh nghiệm sống trong gia đình rất nghèo nàn, thời gian gần cha mẹ cũng hiếm. Khi họ trở thành cha mẹ họ thiếu kinh nghiệm sống trong gia đình.

Đau thương ở tuổi thơ trở thành mối sầu âm thầm gặm nhấm tâm trí người đó và điều này ảnh hướng lớn đến quan niệm đời sống gia đình. Một số may mắn cố gắng tránh làm thế nào cho con cái mình sanh ra sau này không bị đau khổ, thiệt thòi như chính mình đã trải qua. Họ tạo cho con cái họ cơ hội sống an vui trong gia đình. Số khác lại rập khuân giống hệt như chính họ đã trải qua và bây giờ đến lượt con cái họ. Chối bỏ truyền thống gia đình để thay vào một khuôn mẫu gia đình mới đang được bàn thảo sôi nổi nơi công chúng. Điều nguy hiểm là hầu như có rất ít tìm hiểu và dữ kiện cần thiết tin tưởng được cho việc chọn lựa khuôn mẫu gia đình mới đang được cổ võ. Khuôn mẫu gia đình mới tốt cho xã hội hay là một đại hoạ là điều ít được bàn tới. Bỏ qua kiến thức này là thiếu sót trọng đại trong việc chọn lựa hỗ trợ hay từ chối cho việc thay đổi.

Lịch sử cận đại cho biết có thời rất nhiều người cổ võ, ủng hộ cho phong trào cộng sản hoá thế giới bởi những lí luận nghe thuận tai, hợp lí. Thực tế cho thấy hình ảnh búa liềm đại diện cho giới công nông trở thành hình ảnh kinh hoàng biến nhiều triệu người thành nạn nhân. Cái búa kia hàng đêm vung lên làm nứt sọ hàng triệu người và cái liềm kia sau bức tường che phủ đã cứa cổ hàng triệu con người khác. Oan khiên, uất hận chỉ vì nghe lời cổ võ ngon ngọt của những miệng lưỡi tuyên truyền ngọt bùi, thuận tai, hợp lí của lời lẽ đanh thép nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược với lời đường mật. Ban bố chính sách xã hội dựa vào í kiến đa số, hợp yêu cầu của công chúng chắc chắn là thuận lợi nhưng rất có thể là thiếu khôn ngoan bởi công chúng thường hùa theo người khác. Như thế không phải là lãnh đạo mà là chiều theo đa số mong ủng hộ và kiếm thêm phiếu. Nguy hiểm hơn nữa nếu í kiến đó được thúc đẩy bởi những người có kinh nghiệm đau thương ở tuổi thơ bởi nó ảnh hưởng đến hiểu biết về đời sống gia đình.

Các bài đọc hôm nay cho thấy con người hưởng an bình, hoan lạc khi đời sống đó sống không chiều theo í mình nhưng sống theo í Chúa. Họ sẽ được hưởng an bình như tiên tri Isaiah 25,6-10 viết: ‘Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: thịt hảo hạng, rượu tinh tuyền. Người xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân, tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần và lau khô dòng lệ trên khuôn mặt con dân’.

Thánh vịnh 22 còn cho biết Thiên Chúa coi sóc dân Ngài với lòng thương yêu bởi: Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trong đồng cỏ xanh tươi Ngài cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường công chính.

Đức Kitô tham dự tiệc cưới truyền thống và Ngài lên tiếng hỗ trợ, bảo vệ gia đình truyền thống. Ngài dùng hình ảnh gia đình truyền thống để nói lên hình ảnh nước trời.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:28 13/10/2017
Chúa Nhật 28 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 1-14.
“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới.”


Bạn thân mến,
Không ai đi dự đám cưới mà không mặc áo đẹp, không ai đi dự đám cưới mà không bày tỏ niềm vui -ít là ngoài mặt- bởi vì như thế là tôn trọng và quý mến chủ nhân và cô dâu chú rể. Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện rất thú vị về đám cưới của một hoàng tử, để hướng dẫn chúng ta đến một tiệc cưới Nước Trời vĩnh hằng hạnh phúc.

So sánh đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc
a. Những điểm giống nhau giữa đám cưới của thế gian và tiệc cưới thiên quốc :
- Có khách mời, mà khách mời đủ mọi thành phần trong xã hội.
- Có những thức ăn và thức uống ngon, hảo hạng.
- Mọi người đều vui vẻ khi tham dự tiệc cưới.
- Mặc áo quần đẹp.

b. Những điểm không giống nhau giữa đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc :
-Chủ mời là Thiên Chúa và khách mời là tất cả mọi người trên thế giới, không hạn chế, không phân biệt giai cấp.
-Thức ăn thức uống chính là Mình Máu thánh của Đức Chúa Giê-su.
-Phải mặc lễ phục đặc biệt dành cho tiệc cưới là bí tích Rửa Tội.

Qua so sánh trên, chúng ta đều cảm nghiệm được rằng, hằng ngày chúng ta đều được tham dự tiệc cưới thiên quốc với tất cả lòng tri ân và yêu mến. Chúng ta đều thấy Thiên Chúa rất mực yêu thương nhân loại và cách riêng yêu mến chúng ta.

Tham dự tiệc cưới thiên quốc là tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua việc yêu mến Thánh Thể và phục vụ tha nhân.

Bạn thân mến,
Khi chúng ta sống vui vẻ hòa thuận với mọi người là chúng ta đem niềm vui của tiệc cưới thiên quốc trao ban cho mọi người; khi chúng ta chân thành nói lời an ủi và chia sẻ với tha nhân những niềm vui nỗi buồn, là chúng ta đem niềm vui tiệc cưới thiên quốc mà chúng ta tham dự khi dâng thánh lễ trao ban cho mọi người...

Ai tham dự tiệc cưới Nước Trời tức là thánh lễ mà không muốn hoặc thờ ơ với sứ mạng rao giảng là người phản bội lại tình yêu đã được ký kết bằng giá máu của Đức Chúa Giê-su trên thánh giá, họ trở thành khách qua đường bàng quan với sứ mệnh được giáo phó cho họ trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu Ki-tô.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH khuyên các giáo hội đang bị bách hại hãy can đảm, sốt sáng cầu nguyện.
Giuse Thẩm Nguyễn
08:16 13/10/2017
(CNS News) ĐGH Phanxicô đã nói với lãnh đạo các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương rằng dù người tín hữu trong thế giới hôm nay có đau khổ đến như thế nào thì Thiên Chúa không bao giờ quên những ai tín thác và phục vụ Ngài.

Phần bài giảng trong Thánh Lễ tạ ơn đặc biệt tại nhà thờ Đức Bà Cả ở Roma vào ngày 12 tháng Mười, đánh dấu mừng 100 năm kỷ niệm ngày thành lập Cộng Đoàn Giáo Hội Đông Phương, với sự hiện diện của các thượng phụ, tổng giám mục, giám mục, linh mục và các thành viên của các giáo hội Đông Phương, ĐGH Phanxicô đã nói rằng lòng can đảm để “ gõ cửa trái tim Chúa” và lòng tin là Chúa sẽ nhận lời là yếu tố cần thiết khi cầu nguyện.

Trong thánh lễ đặc biệt hôm nay, phần công bố Lời Chúa bằng tiếng Ả Rập được dành cho một linh mục Đông Phương và phần hát lễ dành cho ca đoàn Sistine Chapel gồm các chủng sinh Đông Phương đang theo học tại Roma.

ĐGH cũng nhắc lại hoàn cảnh thành lập cộng đoàn lúc ấy đang trong thời kỳ hỗn loạn của cuộc Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất và ngày nay một loại chiến tranh thế giới vẫn tiếp tục với “quá nhiều anh chị em Công Giáo của Giáo Hội Đông Phương bị bách hại dã man và một cộng đồng Do Thái rối loạn hơn bao giờ hết.”

Hiện có 23 Cộng Đoàn Giáo Hội Công Giáo Đông Phương bao gồm Chaldean, Syriac, Coptic, Melkite và Maronite, cũng như Ukrainian, một cộng đoàn Giáo Hội Đông Phương lớn nhất. Sự hiện diện của họ ở miền Đông và Trung Đông đã bị đe đọa trong nhiều thập niên qua với khủng hoảng, áp bức và chiến tranh.

Những hoàn cảnh khó khăn mà họ đang phải đối diện đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều nhất là “tại sao?”

Người giáo dân than van tại sao và chính những người đang đau khổ cũng có những cảm nghiệm tại sao như “Chúng tôi nhìn thấy kẻ ác, những kẻ không ngần ngại chỉ nghĩ đến mình, sẵn sàng chà đạp người khác và dường như mọi thứ tốt lành đều đến với họ, họ có mọi thứ họ muốn và họ chỉ nghĩ đến việc vui thú nơi cuộc đời này.”

Giống như bài đọc thứ nhất của tiên tri Malachi hôm nay, thiên hạ ngạc nhiên sao những kẻ ác lại được sung túc. Nhưng Thiên Chúa bảo họ rằng Ngài đã lắng nghe “chăm chú” và ghi nhớ tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa và phó thác nơi Ngài trong những cơn nguy khốn.

“Thiên Chúa không bao giờ quên con cái của Ngài, Ngài luôn nhớ lời giao ước dành cho người công chính, cho những người đau khổ, những người bị áp bức. Dù họ có hỏi “tại sao” nhưng đừng bao giờ mất niềm tin vào Thiên Chúa.”

“Chính mẹ Maria trên hành trình dương thế, Mẹ đã nhiều lần hỏi “tại sao”. Nhưng Mẹ ghi nhớ mọi sự trong lòng và Thiên Chúa đã làm cho đức tin và hy vọng của Mẹ chiếu sáng.”

Điều cần thiết là hãy có lòng can đảm “gõ cửa trái tim Chúa” và cầu nguyện. “Khi cầu nguyện, chúng ta cần sự can đảm của đức tin, “can đảm để gõ cửa và tin rằng Thiên Chúa đang lắng nghe.”

Phúc Âm viết rằng “Hãy xin thì sẽ được”, Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta những ơn tuyệt vời :Thánh Thần của Ngài.

Trước Thánh Lễ, ĐGH đã đến thăm Học Viện Giáo Hoàng Đông Phương gần đó và chào mừng các thành viên của cộng đoàn Giáo Hội Đông Phương cũng như các thượng phụ, các tổng giám mục, những vị nâng đỡ cộng đoàn.

Hướng về các học sinh tụ tập trong vườn, ĐGH đã chúc lành cho một cây bách và sau đó gặp gỡ khách và các linh mục dòng tên điều hành học viện.

ĐGH đã cho họ một thông điệp bằng văn bản và yêu cầu họ suy nghĩ về phương cách học viện có thể chu toàn đầy đủ trách nhiệm được giao phó, việc mà các nhà độc tài trước đây đã bỏ xót gây nên sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

“Không ai có thể nhắm mắt với hoàn cảnh hiện nay của các giáo hữu bị bách hại và đẩy họ phải rời bỏ quê hương. Bây giờ có nhiều người đã định cư tại các nước Tây Phương nơi các giáo xứ La tinh and các Giáo Phận khác.

ĐGH mời gọi học viện giáo hoàng giúp đỡ các thành viên của Giáo Hội Đông Phương tăng cường đức tin của họ trước những thách đố mà họ phải đối diện, cầu nguyện lắng nghe “Thiên Chúa muốn nói gì trong giây phút này.”

“Có thể là Chúa muốn khuyến khích các linh mục tương lai hòa mình cùng với tín hữu Đông Phương, nơi họ tìm thấy chính mình một tình yêu sâu xa với truyền thống và nghi lễ của họ; đồng thời các giám mục của các giáo phận nghi lễ Latinh thực hiện việc giúp đỡ tinh thần và nhân lực cho những gia đình và cá nhân này.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thánh Cha kỷ niệm 100 năm Bộ các Giáo Hội Đông Phương
LM. Trần Đức Anh OP
10:35 13/10/2017
ROMA. ĐTC mời gọi các tín hữu tiếp tục tín thác vào Chúa, qua kinh nguyện, giữa những khó khăn của cuộc sống.

Ngài đưa ra lời mời gọi này trong bài giảng thánh lễ lúc quá 10 giờ sáng 12-10-2017, tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Giáo Hoàng Học Viện Đông Phương gần đó.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Đức TGM Tổng thư ký và Cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên cùng với cha Viện trưởng của Học Viện Đông phương. Ngoài ra có 24 HY, 6 Thượng Phụ và TGM Trưởng, 12 GM và 60 LM giáo sư.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến sự kiện ĐGH Biển Đức 15 thiết lập 2 cơ quan vừa nói vào năm 1917 giữa lúc thế chiến thứ I đang hoành hành. ”Ngày nay cũng vậy, chúng ta có thể nói đang có một thế chiến khác, thế chiến từng mảnh. Và chúng ta thấy bao nhiêu anh chị em Kitô chúng ta thuộc các Giáo Hội Đông phương đang bị bách hại thê thảm và các tín hữu sống thuộc các Giáo Hội này ở hải ngoại ngày càng lo âu. Từ đó nảy sinh bao nhiêu câu hỏi ”tại sao như vậy” giống như bài đọc thứ I hôm nay trích từ sách ngôn sứ Malakia (3,13-20a). Nhiều người than thách Chúa khi thấy những kẻ ác được thành công, thịnh vượng, mà không bị trừng phạt, từ đó người ta đặt câu hỏi: phụng tự Thiên Chúa có ích gì đâu?”

Cũng sách ngôn sứ Malakia xác quyết: Thiên Chúa không quên con cái Ngài, Ngài nhớ đến những kẻ công chính và những người đau khổ, dù bị áp bức họ vẫn không ngừng tín thác nơi Chúa.

ĐTC nói: Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng có một cách đánh động ký ức của Thiên Chúa, đó là kinh nguyện của chúng ta. Khi cầu nguyện cần có lòng can đảm của đức tin, tín thác rằng Chúa lắng nghe chúng ta, can đảm gõ cửa. Chúa nói với chúng ta rằng ”Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ thì sẽ mở cửa cho” (Lc 11,10).

Và ĐTC kết luận rằng ”chúng ta hãy học cách gõ cửa tâm hồn của Thiên Chúa, hãy học cách làm như thế một cách can đảm. Ước gì kinh nguyện can đảm này cũng soi sáng và nuôi dưỡng việc phục vụ của anh chị em trong Giáo Hội”

Thăm Giáo Hoàng Học Viện Đông Phương

Trước khi dâng thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả, ĐTC đã viếng thăm Giáo Hoàng Học Viện Đông phương từ lúc 9 giờ sáng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập.

Học viện này được ĐGH Biển Đức 15 thành lập năm 1917, cùng năm với Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Năm 1922, Đức Piô 11 ủy thác cho dòng Tên việc điều khiển và giảng dạy tại đây. Cơ sở giáo dục này là một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy cao đẳng, nhắm mục đích phổ biến Kitô giáo Đông phương. Mỗi năm có từ 350 đến 400 sinh viên, thường là các LM và tu sĩ, thuộc hai phân khoa là các khoa học Giáo Hội Đông phương và phân khoa giáo luật đông phương. 15% các sinh viên là tín hữu Chính thống giáo.

Từ khi thành lập đến nay, có 200 giáo sư, trong đó 50% thuộc dòng Tên, đã giảng dạy tại Học viện này, và 6500 người tốt nghiệp. Trong số các cựu sinh viên có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, đứng đầu chính thống giáo.

Đến nơi, ĐTC đã được các vị lãnh đạo của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các Hồng Y và Thượng Phụ, TGM Trưởng chào đón và trao đổi. Sau đó tại khuôn viên Học Viện, ĐTC đã làm phép một cây trắc bá trước sự hiện diện của đông đảo các sinh viên. Sau đó tại Đại thính đường của Học Viện, ĐTC chào thăm các ân nhân và gặp gỡ Cộng đồng các Cha dòng Tên phục vụ tại đây.

Sứ điệp của ĐTC

Trong dịp này, ĐTC đã trao cho ĐHY Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và cũng là Chưởng Ấn Giáo Hoàng Học Viên Đông phương, một sứ điệp, trong đó sau khi nhắc lại quá trình khai sinh và phát triển của Học Viện này trong một thế kỷ qua, ĐTC mời gọi các giáo sư tại đây dành ưu tiên cho việc nghiên cứu khoa học, theo gương các vị tiền nhiệm, đã nổi bật trong việc soạn và ấn hành các tác phẩm với những đóng góp quan trọng về phụng vụ, linh đạo, khảo cổ và giáo luật..

ĐTC cũng mời gọi Học viện Đông Phương giúp toàn thể Cộng đoàn Giáo Hội khả năng lắng nghe cuộc sống và suy tư thần học, để nâng đỡ cuộc sống và hành trình của họ. Học viện có nhiệm vụ giúp các anh chị em chúng ta củng cố đức tin trước những thách đố lớn lao họ phải đương đầu. Học viện được kêu gọi trở thành nơi thuận tiện cho việc huấn luyện những người nam nữ, các chủng sinh, LM và giáo dân, để họ có thể nói lên lý do niềm hy vọng đang linh hoạt và nâng đỡ họ” (1 Pr 3,15), và có khả năng cộng tác vào sứ mạng hòa giải của Chúa Kitô. (Xc 2 Cr 5,18).

Nhắc đến tình trạng nhiều sinh viên tại các Học viện Đông phương ở Roma theo học tại các Đại học và Phân khoa trong đó họ không luôn luôn nhận được một nền huấn luyện hoàn toàn phù hợp với các truyền thống của họ, ĐTC mời gọi Học Viện Đông Phương hãy suy tư xem có thể làm gì để bổ túc những thiếu sót đó.

Sau cùng, ĐTC mời gọi dòng Tên, ngoài sứ vụ đang thi hành tại Đại Học Gregoriana và Học Viện Kinh Thánh, cần làm sao bảo đảm cho Giáo Hoàng Học Viện Đông phương một con số ổn định các nhà đào tạo Dòng Tên để hỗ trợ hoạt động của Học Viện này. Theo sư phạm của thánh Ignatio, và sử dụng sự phân định cộng đoàn phong phú, các phần tử của cộng đoàn, - nhà dòng cũng như Học Viện -, biết tìm ra những hình thức thích hợp nhất để huấn luyện các sinh viên mà các Giáo Hội ủy thác cho dòng chăm sóc, biết nghiên cứu nghiêm túc và đáp dứng các nhu cầu mục vụ của Giáo Hội liên hệ.

Sau cuộc gặp gỡ ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả gần đó để cử hành thánh lễ (Rei 12-10-2017)
 
Đức Thánh Cha mạnh mẽ chống án tử hình
LM. Trần Đức Anh OP
10:37 13/10/2017
VATICAN. ĐTC Phanxicô tái khẳng định lập trường chống án tử hình và kêu gọi nhấn mạnh đến vấn đề này hơn trong sách giáo lý Công Giáo.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến lúc 6 giờ chiều ngày 11-12-2017 dành các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức tại Hội trường Thượng HĐGM ở Vatican, nhân dịp kỷ niệm 25 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. ĐTC nói:

”Cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng án tử hình là một biện pháp vô nhân đạo hạ nhục phẩm giá con người, bất kỳ án này được thi hành thế nào. Tự nó, án tử hình là điều trái ngược với Tin Mừng vì người ta chủ ý loại bỏ một mạng sống con người vốn là điều luôn luôn thánh thiêng trước mắt Đâng Tạo Hóa và, xét cho cùng, chỉ một mình Thiên Chúa xét cho cùng là thẩm phán đích thực và là vị bảo đảm sự sống. Không bao giờ một người, dù là kẻ sát nhân, bị mất phẩm giá của họ” (Thư gửi Chủ tịch Ủy ban quốc tế chống án tử hình, 20-3-2015), vì Thiên Chúa là một người Cha luôn chờ đợi ngừơi con trở về, người con này khi biết mình lầm lỗi, xin tha thứ và bắt đầu một cuộc sống mới. Không thể tước bỏ sự sống của một ai, và cũng không thể trước bỏ khả thể phục hồi luân lý và cuộc sống có thể mưu lợi cho cộng đoàn”.

ĐTC nhìn nhận rằng trong những thế kỷ trước đây, khi người ta còn nghèo các phương thế bảo vệ và sự trưởng thành xã hội chưa tiến triển tích cực, việc sử dụng án tử hình được coi như hậu quả hữu lý của việc áp dụng công lý. ”Rất tiếc là cả Nước Tòa Thánh cũng đã sử dụng phương thế cùng cực và vô nhân đạo này, mà coi nhẹ quyền tối thượng của lòng thương xót trên công lý. Chúng ta nhận các trách nhiệm của quá khứ và chúng ta nhìn nhận rằng những phương thức ấy là do một não trạng vụ luật hơn là hợp với tinh thần Kitô. Sự quan tâm bảo tồn quyền bính và sự giàu có vật chất đã đưa tới thái độ quá đề cao giá trị của luật lệ, ngăn cản người ta đi sâu hơn trong sự hiểu biết về Tin Mừng. Tuy nhiên, ngày nay nếu giữ thái độ trung lập trước những đòi hỏi mới để tái khẳng định phẩm giá con người, thì chúng ta sẽ có lỗi nhiều hơn”.

ĐTC nhận xét rằng ”Ở đây chúng ta không mâu thuẫn với giáo huấn quá khứ, vì việc bảo vệ phẩm giá sự sống con người ngay từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên luôn tìm thấy trong giáo huấn của Giáo Hội một tiếng nói thế giá và trước sau như một” (Rei 11-10-2017)
 
Một linh mục Coptic bị đâm chết trên đường phố Cairo
Đặng Tự Do
16:34 13/10/2017
Giáo Hội Chính thống Coptic Ai Cập rúng động trước việc một linh mục bị giết trong một cuộc tấn công bằng dao ở trên đường phố Cairo. Đây là vụ tấn công chết người mới nhất nhắm vào các thành viên của nhóm thiểu số Kitô hữu ở nước này.

Giáo Hội Chính thống Coptic cho biết cuộc tấn công đã diễn ra vào hôm thứ Năm 12 tháng 10. Vị linh mục bị giết là Cha Samaan Shehata.

Các quan chức an ninh nói rằng kẻ tấn công đã đâm cha Shehata bằng dao và chạy trốn khỏi hiện trường, nhưng sau đó bị bắt.

Đức Cha Angaelos, là giám mục Chính Thống Giáo Coptic, cho biết cha Shehata là một linh mục ở vùng Thượng Ai Cập. Ngài đang thăm viếng gia đình tại Cairo và quyên góp cho những người nghèo trong giáo xứ của mình. Ngài đã để quên điện thoại di động của mình ở nhà thờ và đang trên đường đi bộ đến nhà thờ để lấy lại thì bị đâm chết.

Ngài nói rằng hoàn cảnh cái chết của cha Shehata đã nêu lên nhiều câu hỏi. Chẳng hạn như tại sao xe cứu thương phải mất một giờ mới đến được hiện trường và tại sao cảnh sát lại không làm hàng rào bảo vệ an ninh ở hiện trường để tìm ra các bằng chứng pháp y.

Vị giám mục viết: “Tại sao một linh mục không thể đi bộ một cách an toàn trên đường phố, đặc biệt là một con phố ngoại ô ở Cairo? Tại sao anh lại bị đuổi giết bởi một người trong khi không có ai chạy đến giúp đỡ ngài? Tại sao, khi ngài đang bị đổ máu thì dịch vụ xe cứu thương hơn một giờ mới đến và sau đó không chữa trị ngay cho ngài?”
 
Kitô hữu ngày nay bị bách hại tàn tệ hơn bao giờ trong lịch sử
Đặng Tự Do
17:05 13/10/2017
Ngày nay, Kitô hữu đang phải đối mặt với những cuộc bách hại tàn tệ hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, nhưng Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế phần lớn chọn thái độ bỏ mặc họ.

Báo cáo có tựa đề “Bị bách hại và bị lãng quên?” của văn phòng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ chi nhánh tại Anh nói rằng cuộc bách hại các tín hữu Kitô đã đạt đến một kỷ lục mới trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây vì các nhóm khủng bố Hồi Giáo như ISIS và Boko Haram đã và đang tăng cường các cuộc tấn công.

Báo cáo này cáo buộc cộng đồng quốc tế đã không phản ứng một cách thích đáng với bạo lực: “Các chính phủ ở phương Tây và Liên Hiệp Quốc không cung cấp cho Kitô hữu ở các nước như Iraq và Syria những sự trợ giúp khẩn cấp mà họ cần khi nạn diệt chủng được tiến hành.”

“Nếu các tổ chức Kitô giáo và các tổ chức phi chính phủ khác không can thiệp kịp thời, sự hiện diện của Kitô hữu có thể đã biến mất khỏi Iraq và các khu vực khác của Trung Đông”.

Cũng như tại Iraq và Syria, Kitô hữu đang bị đe doạ ngày càng nghiêm trọng ở một số quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số, cũng như dưới các chế độ độc tài như Triều Tiên và Eritrea.

John Pontifex, chủ biên báo cáo này nói: “Nếu chúng ta nhìn đến con số các tín hữu Kitô là nạn nhân của các tội ác này, rõ ràng là quy mô cuộc bách hại các Kitô hữu ngày nay tệ hại hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử.”

“Những Kitô hữu không chỉ bị bách hại hơn bất kỳ nhóm tín ngưỡng nào khác, nhưng con số các nạn nhân đang ngày càng tăng ở mức chóng mặt với những hình thức khủng bố tồi tệ nhất.”

Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào 13 quốc gia, để đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới.

Ví dụ như ở Trung Quốc, các tín hữu Kitô đã và đang phải chịu những áp lực ngày càng tăng khi bọn cầm quyền cố gắng ép buộc các tôn giáo phải đi theo đường lối phù hợp với chính sách của đảng cộng sản. Hơn 2,000 nhà thờ đã bị phá hủy ở tỉnh ven biển Chiết Giang, và cảnh sát vẫn đang bắt giữ nhiều giáo sĩ.

Kitô hữu cũng chịu đau khổ bởi những bạo lực kinh hoàng do người Hồi giáo gây ra ở Trung Đông. Tại Iraq, hơn một nửa dân số Kitô Giáo của nước này trở thành người tị nạn ngay trong nước, trong khi tại thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo, cho đến năm 2011, đây là nơi có cộng đồng Kitô giáo lớn nhất đất nước. Tuy nhiên, con số các tín hữu Kitô ở đây đã giảm mạnh từ 150,000 xuống còn chỉ còn 35,000 vào mùa xuân năm 2017; nghĩa là giảm hơn 75 phần trăm.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương ở Trung Đông đã nhiều lần nói rằng họ cảm thấy bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế. Một số giám mục đã cáo buộc Liên Hiệp Quốc còn tỏ ra phân biệt đối xử với các Kitô hữu tị nạn, bất chấp cam kết sẽ cung cấp viện trợ “trung lập và không thiên vị”.

Chủ nghĩa cực đoan cũng là một vấn đề ngày càng tăng ở Châu Phi - đặc biệt ở Nigeria, nơi Boko Haram đã làm hơn 1,8 triệu người phải chạy loạn.

Chỉ trong một giáo phận duy nhất là giáo phận Kafanchan – và chỉ trong một năm qua thôi, đã có 988 người bị giết, và 71 ngôi làng đa số Kitô giáo đã bị phá hủy. 2,712 ngôi nhà và 20 nhà thờ bị đốt cháy.

Ông John Pontifex nhận xét cay đắng rằng:

“Bản chất lan rộng của cuộc bách hại – cũng như các bằng chứng cho thấy có sự liên quan mật thiết của bọn cầm quyền các quốc gia này với các chế độ mà phương Tây - chứng minh hùng hồn rằng các chính phủ của chúng ta không hề sử dụng ảnh hưởng của họ để gióng lên một tiếng nói cho các nhóm thiểu số, đặc biệt là Kitô hữu.”

Báo cáo của Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ kết luận rằng:

“Không nên bắt các Kitô hữu phải hy sinh trên bàn thờ cho những chiến lược địa chính trị và các lợi thế kinh tế.”

Source: Catholic Herald - Christians facing worst persecution in history, report says
 
Tổng Thống Trump hủy bỏ bảo hiểm Obamacare và chấm dứt khoản chi trả bao cấp bất hợp pháp.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:37 13/10/2017
Tổng Thống Trump hủy bỏ bảo hiểm Obamacare và chấm dứt khoản chi trả bao cấp bất hợp pháp.

(CNSNews) Vào khuya hôm Thứ Năm, chính quyền của T.T. Trump đã tuyên bố rằng những chi trả bao cấp cho các hãng bảo hiểm sức khỏe– một luật cơ bản của bảo hiểm Obamacare – “phải chấm dứt và có hiệu lực ngay lập tức.”

Bộ Trưởng Tư Pháp là Jeff Sessions đã ban hành chỉ thị pháp lý cho Bộ Y Tế và Nhân Sự và Bộ Tài Chánh rằng “Khoản chi trả bao cấp bị cấm chỉ trừ khi và cho đến khi một luật khác có giá trị ra đời.”

Chỉ thị của ông Sessions có đoạn như sau:

Như quý vị biết, chính quyền trước đây lúc đầu đã tìm kiếm một giải pháp giả định để có ngân quỹ cho khoản chi trả bao cấp – cho rằng một ngân quỹ như thế là cần thiết – nhưng rồi sau đó với điều 1324 đã biến sự giả định đó thành luật. Các Dân Biểu Hoa Kỳ đã khởi kiện, cho rằng Quốc Hội đã không đồng ý với ngân quỹ cho khoản chi trả bao cấp. Tòa án Hoa Kỳ Quận Hạt Columbia đã chấp thuận vụ kiện và phán quyết rằng điều luật 1324 là không có hiệu lực cho ngân quỹ chi trả bao cấp.

Bản ghi nhớ nhận định rằng chính quyền Obama đã kháng cáo quyết định của tòa liên bang, và tòa đã tạm đình chỉ kháng cáo này và chờ quyết định của Quốc Hội, nhưng Quốc Hội thì chưa bao giờ quyết định cả.

Bản ghi nhớ cũng nhắc đến việc Quốc Hội đã cho phép dùng tiền thuế tín dụng để trả cho bảo hiểm Obamacare, nhưng Quốc Hội đã không cho phép dùng tiền để trả “trực tiếp cho quỹ chi trả bao cấp.”

Ông Sessions viết “Đây là quyền của Quốc Hội và tùy thuộc vào việc Quốc Hội cho phép chương trình nào bao cấp hay không.”

Sau khi T.T. Trump ký pháp lệnh chấm dứt trả tiền bao cấp cho các hãng bảo hiểm sức khỏe vào hôm thứ Năm, một giai đoạn mới bắt đầu là các cá nhân trong các nghành công nghiệp tương tự đã liên kết với nhau với mục đích để mua bảo hiểm sức khỏe trên khắp nước.

Phe Dân Chủ đã phản ứng lại quyết định của T.T. Trump và cho rằng T.T. Trumg “cố tình hủy bỏ” bảo hiểm Obamacare và họ cũng không vui gì với chỉ thị ban hành vào đêm thứ Năm.

Nghị sĩ Lãnh đạo Thiểu Số là Chuck Schemer đã giận dữ phun bừa trên Twitter rằng “Thật đáng buồn, thay vì tìm kiếm giảm giá bảo hiểm cho người Hoa Kỳ, thì dường như T.T. Hoa Kỳ (@POTUS. President Of The United State) chỉ nhằm mục đích tăng chi phí bảo hiểm sức khỏe. Đây là một hành động chẳng có ý nghĩa gì, phá hoại những gia đình lao động nghèo và trung lưu trên khắp Hoa Kỳ. Rõ ràng là T.T Hoa Kỳ đang giết chết Luật Bảo Hiểm Cho Người Nghèo (Affordable Care Act), nhưng rồi ông sẽ phải trả giá.”

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ là Paul Ryan (Cộng Hòa) đã ra một tuyên bố ủng hộ việc TT. Trump chấm dứt việc chi trả bao cấp bất hợp pháp này.

Theo Hiến Pháp của chúng ta, quyền quyết định này thuộc về Quốc Hội, chứ không phải Hành Pháp. Để bảo vệ nguyên tắc cơ bản này của Quốc Hội, dưới sự lãnh đạo của Chủ Tịch Quốc Hội trước đây là John Boehner, đã bỏ phiếu vào năm 2014 để tìm kiếm tính hợp pháp của việc tiêu tiền bởi chính quyền Oblama và điều này đã không hề được Quốc Hội chấp thuận.

Quốc Hội đã xem xét lại vào năm ngoái khi tòa án liên bang cho rằng chính quyền Obama đã thực sự tiếm quyền và do đó việc chi trả bao cấp của chính quyền Obama là bất hợp pháp. Hôm nay, chính quyền của T.T. Trump quyết định chấm dứt việc chi trả này và dành quyền quyết định cho Quốc Hội và cũng như phân quyền rõ ràng. Bảo hiểm sức khỏe Obamacare đã tự nó chứng tỏ là vô luật pháp và Quốc Hội sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền T.T. Trump để cung cấp cho người dân Hoa Kỳ một hệ thống bảo hiểm tốt hơn.

Nữ phát ngôn viên của T.T. Trump là Sarah Huckabee Sander cũng ra một tuyên bố rằng “Việc loại bỏ các hãng bảo hiểm qua việc chi trả bất hợp pháp này là một bằng chứng khác nữa chứng tỏ là chính quyền trước đây đã lạm dụng tiền thuế của người dân và luồn lách luật để đề cao một hệ thống luật pháp thối nát.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ bày tỏ sự bất mãn đối với cách thức cử hành thánh lễ tại một trường đại học của Dòng Tên
Đặng Tự Do
17:38 13/10/2017
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Tư 11 tháng 10, tổng giáo phận Puebla cho biết giáo quyền địa phương bất mãn với hình thức “Thánh Lễ Coldplay” được tổ chức tại một trường đại học của Dòng Tên.

Coldplay là tên của một ban nhạc Anh có khuynh hướng hát những bài hát có liên quan đến triết học với những suy tư về ý nghĩa của cuộc sống. Cần phải nói ngay rằng Coldplay không phải là một ban nhạc có khuynh hướng Kitô Giáo, càng không thể nói là một ban nhạc Công Giáo.

Các bài hát của Coldplay có tính cách tôn giáo đại đồng, hay nói thẳng ra là đạo lý nhập nhằng. Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Prensa vào năm 2008, ca sĩ chính Chris Martin, nói về những bài hát của mình như sau: “Tôi luôn cố gắng để giải mã ‘ông ấy’ hay ‘cô ấy’ là ai. Tôi không chắc những gì tôi nghĩ là đúng. Tôi không biết đó là Allah hay Giêsu hay Mohammed hay Zeus, nhưng tôi đoán có lẽ là Zeus.”

Đại học Iberoamericana Puebla đã quảng cáo Thánh lễ, hứa hẹn rằng các tín hữu có thể “lắng nghe và suy tư về các bài hát của ban nhạc Anh” và “thấy những thông điệp của họ được đan quyện” với phụng vụ như thế nào.

Một đoạn video được tải lên Facebook cho thấy một linh mục cử hành Thánh Lễ trong khi bài hát “Mỗi nước mắt rơi xuống như một dòng thác” được chơi như một thứ nhạc nền. Bài hát có những lời như sau: “Tôi bật nhạc lên, tôi bật máy thu lên / Tôi quên lãng thế giới bên ngoài cho đến khi ánh đèn bật sáng / Có lẽ phố phường đang lên đèn, có lẽ những hàng cây đang trôi qua / Tôi cảm thấy trái tim tôi bắt đầu đập trước bài hát mà tôi yêu thích.”

Đây là những lời lẽ ấm ớ, tào lao, hoàn toàn không xứng đáng với Phụng Vụ Công Giáo.

Tổng giáo phận Puebla cũng tuyên bố trên Twitter rằng tổng giáo phận không “tổ chức, và cũng chẳng hề cổ vũ” thánh lễ loại này.

Các Giám Mục nhắc lại rằng Thánh Thể là “Kho báu lớn nhất của Giáo Hội”.

Tổng giáo phận Puebla kêu gọi các linh mục “tránh đừng dùng cái cớ thử nghiệm để làm những thứ như thế trong nhà thờ, làm giảm đi sự thánh thiêng của nơi thờ tự, làm hạ phẩm giá của các nghi thức phụng vụ và lòng đạo đức của các tín hữu.”

Những bài hát trong nhà thờ, tổng giáo phận nói thêm, cần phải “phù hợp với giáo lý Công Giáo; và tốt hơn, nên dựa trên Thánh Kinh và các nguồn phụng vụ.”

Trong lời tựa cuốn “Thần học Phụng vụ” ấn bản tiếng Nga, vừa được nhà xuất bản La Stampa in lại, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã than thở rằng: Thiên Chúa đã trở nên “mờ nhạt” trong Phụng Vụ, dẫn đến những khủng hoảng trong Giáo hội. Ngài nhận xét rằng những hiểu nhầm về bản chất của Phụng Vụ đã dẫn con người đến đến chỗ đặt Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu và đưa “các hoạt động và sự sáng tạo của mình” vào vị trí trung tâm của việc phụng tự.

Source: Catholic Herald - Archdiocese criticises Jesuit university for organising ‘Coldplay Mass’
 
Giám Mục Nigeria than thở Giáo Hội đang mất dần ảnh hưởng tại quốc gia này
Đặng Tự Do
18:39 13/10/2017
Một giám mục Nigeria nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này đang mất dần ảnh hưởng một phần do sự suy giảm đức tin ở phương Tây.

Đức Giám Mục Matthew Kukah của giáo phận Sokoto nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn tại Liverpool rằng sự mất lòng tin Kitô ở phương Tây chắc chắn là một trong số những nguyên nhân gây ra sự sút giảm của Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria.

Hôn nhân đồng tính, tỷ lệ ly dị cao, các mạng khiêu dâm là các dấu chỉ phản chứng đang có những tác động tiêu cực trong việc truyền giáo tại Nigeria.

Đức Cha Kukah cũng cáo buộc các chính trị gia châu Âu và Mỹ và các nhà ngoại giao công khai “ve vãn” Hồi giáo.

Kết quả, ngài nói, là sự gia tăng mạnh mẽ của Hồi giáo và và sự suy tàn của Công Giáo.

Ngài nói: “Đối với tôi, với tư cách là một giám mục Công Giáo, tôi có thể thấy rất rõ rằng ảnh hưởng của chúng ta trong công chúng đang dần dần giảm đi, và chủ yếu là do chúng tôi mất dần khả năng huy động các nguồn tài nguyên cho việc truyền giáo.”
 
Tính khoa học của đạo luật cấm phá các bào thai từ 20 tuần trở lên ở Hoa Kỳ.
Vũ Văn An
18:58 13/10/2017
Các người cổ vũ sự sống vừa đạt được một chiến thắng vào ngày 3 tháng 10, 2017, sau khi Đảng Cộng Hòa thông qua đạo luật ngăn cấm việc phá các bào thai từ 20 tuần trở lên.

Thực vậy, đạo luật "Pain-Capable Unborn Child Protection Act" (Bảo Vệ Trẻ Em Chưa Sinh Biết Đau) được Đảng Công Hòa ủng hộ đã được thông qua tại Hạ Viện với số phiếu 237 thuận và 189 phiếu chống. Dù coi là bất hợp pháp nếu phá các bào thai đã 20 tuần sau khi thụ thai, đạo luật này dự trù 2 trường hợp trừ: để cứu mạng sống người mẹ hoặc nếu việc mang thai là kết quả của hiếp dâm hay loạn luân.

Vấn đề này đã gây ra một cuộc tranh luận đầy xúc động từ cả hai phía. Dân Biểu Cathy McMorris Rodgers, Chủ Tọa Hội Đồng Cộng Hòa ở Hạ Viện, nói rằng “Tôi từng nhận được tin tức khó chấp nhận là con trai tôi bị hội chứng Down. Các bác sĩ bảo tôi con đường trước mắt hết sức dài. Những người khác rất thường hay tự ý quyết định tương lai của hài nhi trước khi chúng được sinh ra. Nay tôi nhìn con trai Cole của mình, và thấy một bé trai 10 tuổi khỏe mạnh đang cố gắng hoàn tất lớp năm”.

Dân Biểu Chris Smith, đơn vị New Jersey, một người mạnh mẽ phò sự sống, cũng ủng hộ biện pháp này. Ông nói: “Cho dù đau đớn không hiện diện, việc sẻ chân tay một em bé là bạo lực chống lại trẻ em và bất nhân. Nhưng quả các thai nhi này có đau đớn thật… Bác Sĩ Robert White, giáo sư giải phẫu thần kinh tại Đại Học Case Western Reserve nói rằng một đứa trẻ chưa sinh ở tuần thai 20 ‘hoàn toàn có khả năng biết đau… không còn hoài nghi chi nữa, [phá thai] là một kinh nghiệm gây đau đớn khủng khiếp…”

Cuối cùng, 3 dân biểu Dân Chủ cũng bỏ phiếu thuận, đó là các Dân Biểu Daniel Lipinski của Illinois, Henry Cuellar của Texas, và Collin Peterson của Minnesota. Trong khi đó, các dân biểu Cộng Hòa Charlie Dent của Pennsylvania và Rodney Frelinghuysen của New Jersey lại đánh lừa phe đa số của Đảng họ và bỏ phiếu chống.

Đạo luật Bảo Vệ Trẻ Em Chưa Sinh Biết Đau được Dân Biểu Trent Franks của Arizona đệ nạp hồi tháng Giêng năm nay và từ đó, được sự ủng hộ tại Hạ Viện.

Biện pháp trên còn phải chờ được Thượng Viện thông qua. Tuy nhiên, Tổng Thống Trump đã lên tiếng ủng hộ. Trước cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện, chính phủ Trump đã ra một tuyên bố: “Chính Phủ Mạnh Mẽ ủng hộ Đạo Luật Bảo Vệ Trẻ Em Chưa Sinh Biết Đau và hoan nghinh Hạ Viện đã tiếp tục các cố gắng của mình trong việc chắc chắn có được các bảo đảm phò sự sống chủ yếu”.

Liên Đoàn Planned Parenthood của Hoa Kỳ lên tiếng chống lại biện pháp này. Họ cho rằng nó đặt các sản phụ trên 20 tuần vào thế nguy hiểm vì “một số dị thường xẩy ra cho thai nhi và nguy cơ trầm trọng đối với sức khỏe sản phụ, tức các trường hợp trong đó người đàn bà và bác sĩ cần đến mọi giải pháp y khoa hiện có”.

Tuy nhiên, đạo luật này dự liệu rằng các các vụ mang thai liên lụy tới các nguy hiểm trầm trọng đối với sản phụ được miễn việc cấm đoán này.

Tính khoa học

Việc ngăn cấm phá các bào thai đã 20 tuần lần này có sự đóng góp đáng kể của khoa học. Thực vậy, đạo luật nói rằng “các thụ quan đau đớn (nociceptors) hiện diện cùng khắp thân thể em bé chưa sinh và thần kinh nối các thụ quan này với đồi não (thalamus) và phiến vỏ não (subcortical plate) khoảng không quá 20 tuần sau khi thụ thai”.

Hơn nữa, biện pháp này cũng nói tới các hậu quả lâu dài gây ra bởi sự đau đớn trong lúc bào thai phát triển: “Việc chịu các kích thích đau đớn này có liên hệ tới các hậu quả tai hại lâu dài đối với việc phát triển hệ thần kinh, như thay đổi độ mẫn cảm đau đớn và có thể gây ra các khuyết tật về xúc cảm, tác phong và học hành sau này trong đời”.

H.R. 36, tên khác của Đạo Luật, cũng bảo vệ các hài nhi sinh ra sau khi thủ tục phá thai không thành công trong việc kết liễu đời các em: “Bất cứ người thực hành chăm sóc y tế nào hiện diện ở lúc đó nên thực thi một cách nhân đạo cùng một mức độ kỹ năng, chăm sóc và cần cù nghề nghiệp để duy trì sự sống và sức khỏe em bé như một người thực hành chăm sóc y tế cần cù và có lương tâm hợp lý thường làm cho một em bé sinh ra vẫn còn sống ở cùng thai kỳ trong diễn trình sinh sản bình thường”.

Các ngoại lệ

Các trường hợp hiếp dâm, loạn luân, và sức khỏe của người mẹ được miễn không bị ngăn cấm.

Trong trường hợp hiếp dâm, đạo luật qui định rằng trong vòng 48 tiếng đồng hồ trước khi phá thai, bà mẹ phải được huấn đạo (counselling) hay điều trị y tế.

Trường hợp sự sống của bà mẹ bị nguy hiểm được qui định như sau:"Căn cứ vào một phán đoán y khoa hợp lý, việc phá thai trở thành cần thiết để cứu mạng sống sản phụ nếu mạng sống này bị đe dọa bởi một xáo trộn thể lý, bệnh tật thể lý, hay thương tích thể lý, kể cả điều kiện thể lý đầy nguy hiểm gây nên bởi hay phát sinh từ chính việc mang thai, nhưng không kể các điều kiện tâm lý hay xúc cảm”.

Trước khi Đạo Luật được Hạ Viện thông qua, Đức Hồng Y Dolan, Chủ Tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vốn đã lên tiếng kêu gọi Quốc Hội ủng hộ chính sách sửa đổi việc phá thai hợp lương tri này. Trong lá thư ngày 29 tháng 9 giửi cho Quốc Hội, ngài viết rằng “Dù chúng tôi muốn, và sẽ tiếp tục tranh đấu cho, việc bảo vệ bằng luật pháp sự sống con người từ lúc bắt đầu hiện hữu của nó, vì nhiều lý do, chúng tôi nghĩ việc đề nghị ngăn cấm phá các bào thai ở thai kỳ 20 tuần sau khi thụ thai là chỗ bắt đầu việc hợp nhất hóa người Hoa Kỳ tự coi mình là ‘phò sự sống’ và ‘phò chọn lựa’”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh tới hai điểm: các đứa trẻ sinh ở thai kỳ 20 tuần ngày càng được tiến bộ y khoa cứu sống; các sản phụ ở thai kỳ 20 tuần chịu nhiều nguy cơ đến tính mạng nhiều hơn khi phá thai.

Truyền thông buộc phải nhận Tổng Tống Trump đúng về phá thai

Như trên đã nói, Tổng Thống Trump ủng hộ đạo luật cấm phá thai sau 20 tuần thai kỳ. Ngày 2 tháng 10, khi ủng hộ như thế, ông nói rằng “Hiệp Chúng Quốc hiện đứng ngoài chính dòng gia đình các quốc gia, trong đó, chỉ có 7 trong số 198 quốc gia cho phép các vụ phá thai nhiệm ý (elective) sau 20 tuần của thai kỳ”.

Các cơ quan truyền thông chính dòng thi nhau tấn công ông về lời tuyên bố đó. Riêng tờ The Washington Post đi kiểm chứng sự kiện, nhất là việc Ông ví Hiệp Chúng Quốc với Trung Hoa trong phương diện này. Nhưng oái oăm thay, họ buộc phải kết luận là Ông đúng.

Ai cũng biết nhân vụ Roe v. Wade, Tối Cao Pháp Viện đã võ đoán phân chia thai kỳ thành 3 tam cá nguyệt, mỗi tam cá nguyệt 13 tuần và họ cho rằng thai nhi phải tới 26 tuần mới mong sống thoát (viability test). Do đó, chỉ sau 26 tuần, các tiểu bang mới được hạn chế phá thai, ngoại trừ khi sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, phán quyết sau đó, tức phán quyết Doe v Bolton, định nghĩa “sức khỏe” một cách rộng nghĩa đến độ trên thực tế, phá thai yêu cầu được hợp pháp hóa suốt 9 tháng của thai kỳ.

Viện Charlotte Lozier, năm 2014, có công bố 1 phúc trình phân tích luật phá thai ở 198 quốc gia và các khu vực độc lập có dân số ít nhất 1 triệu người. Phúc trình này cho thấy trong số các quốc gia hợp pháp hóa phá thai nhiệm ý, chỉ có 7 quốc gia cho phép phá thai vào thai kỳ cuối cùng. Ngoài Hoa Kỳ, có Gia Nã Đại, Trung Hoa, Hòa Lan, Bắc Hàn, Tân Gia Ba và Việt Nam.

Tờ Washington Post so sánh các số thống kê này với các cố thống kê khác và kết luận rằng Tổng Thống Trump nói đúng. Tờ này viết: “con số thống kê của Tổng Thống thoạt đầu xem ra đáng hoài nghi… Nhưng khi đào sâu hơn, các dữ kiện đã hỗ trợ lời tuyên bố này”.

Hoa Kỳ, cùng với Gia Nã Đại, Trung Hoa, Bắc Hàn và Việt Nam không giới hạn phá thai, họ cho phép phá thai tận đến ngày thai nhi ra đời.

Hòa Lan cho phép phá thai sau 24 tuần khi thai nhi mang bệnh. Tân Gia Ba cho phép phá thai sau 24 tuần nếu một ai đó có thẩm quyền xác nhận việc ấy tốt nhất cho “sức khỏe tâm thần” của người mẹ.

Mọi quốc gia đều dự trù các biện pháp cứu sống người mẹ, cho dù các biện pháp này có thể gián tiếp gây tử vong cho thai nhi.

Planned Parenthood thì không khá bao nhiêu trong việc kiểm chứng sự kiện. Họ bảo 61 phần trăm dân Mỹ chống đối luật cấm phá thai sau 20 tuần, trong khi một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho hay 56 phần trăm người Mỹ ủng hộ việc cấm phá thai sau 20 tuần này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phú Bình : Cùng với Mẹ Maria dâng lời tạ ơn Chúa
Martinô Lê Hoàng Vũ
08:37 13/10/2017
“Thực hành sứ điệp của Mẹ Maria tại Fatima,ăn năn sám hối,lần chuỗi Mân côi,tôn sùng trái tim Mẹ, là chúng ta đang xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành một trời mới đất mới”.Đó là những chia sẻ của cha Giuse Vương Sĩ Tuấn,trong thánh lễ mừng kính Đức Maria hiện ra tại Fatima vào trưa nay tại Giáo xứ Phú Bình.

Hôm nay,cùng với toàn thể Hội Thánh mừng biến cố 100 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima nước Bồ Đào Nha (13.10.1917-13.10.2017). Giáo xứ Phú Bình đã sốt sắng tham dự thánh lễ vào lúc 12g trưa.Trước thánh lễ, cộng đoàn đông đảo đã cùng nhau đọc kinh Mân Côi.

Xem Hình

Trong ngày mừng kính lễ Đức Mẹ Fatima đặc biệt này,chủ tế thánh lễ là cha Giuse Vương Sĩ Tuấn nguyên chánh xứ Phú Bình, cha mới đi tu nghiệp nước ngoài trở về.Cùng đồng tế có cha chánh xứ đương nhiệm Gioan B. Trần Văn Trí,cha Giuse Nguyễn Văn Niệm,nguyên chánh xứ Phú Bình đang nghỉ hưu tại Nhà hưu dưỡng Linh mục Chí Hòa,cha Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh phó xứ Bình Thuận, cha Tôma Thọ một người nhà thuộc giáo xứ Phú Bình.

Lời mở đầu thánh lễ,cha Giuse Vương Sĩ Tuấn mời gọi cộng đoàn cùng với Mẹ Maria dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.Vì Ngài đã ban cho mỗi người những ơn cần thiết,nhất là Thiên Chúa đã ban cho cộng đoàn giáo xứ Phú Bình biết bao nhiêu hồng ân trong hành trình 59 năm hình thành và phát triển và cho các linh mục đã phục vụ tại giáo xứ.

Các bài đọc của Phụng vụ lễ kính Đức Mẹ,bài Tin Mừng thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu ở tiệc cưới Cana.(Ga 2, 1-12).

Trong bài giảng,cha Giuse Vương Sĩ Tuấn chia sẻ tâm tình thân thương khi trở về với cộng đoàn giáo xứ Phú Bình,sau khi đi xa một thời gian.Cộng đoàn giáo xứ Phú Bình là cộng đoàn những người tin vào Thiên Chúa,như một gia đình gắn kết yêu thương.

Cha Giuse khai triển theo những lời dạy của Mẹ Maria hiện ra tại Fatima.Đó là lời mời gọi ăn năn sám hối,thay đổi cuộc sống,cầu nguyện siêng năng bằng việc lần chuỗi Mân Côi.Làm sao lời kinh Mân côi trở thành cuộc sống hằng ngày của chúng ta.Lời kinh Mân Côi cũng thôi thúc chúng ta lên đường để đến với người khác,làm biến đổi cuộc đời chúng ta,để chúng ta cùng đi với Mẹ Maria loan báo Tin Mừng.

Mẹ Maria cũng dạy chúng ta việc thờ phượng Thiên Chúa.Đó cũng là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đoàn.Nếu không có Chúa thì chúng ta không thể làm gì được, kể cả việc nhận ra những lỗi lầm và sửa đổi bản thân mình.

Nhất là trong hành trình 25 năm linh mục, cha cảm nghiệm tất cả là hồng ân.Nếu cộng đoàn để cho Lời Chúa hướng dẫn,để cho tình yêu và trái tim Vô Nhiễm của Mẹ chiến thắng,thì lúc đó, trời mới đất mới xuất hiện.Cộng đoàn giáo xứ phải là cộng đoàn của niềm vui,thực hành sứ điệp của Mẹ Maria tại Fatima.Chúng ta lắng nghe lời Mẹ Maria nhắn nhủ như năm xưa Mẹ đã nói với người giúp việc ở tiệc cưới Cana “Người bảo gì các anh hãy làm như vậy”.Đó cũng là nỗ lực mà các linh mục đã phục vụ tại giáo xứ Phú Bình này không ngừng nỗ lực xây dựng mỗi ngày, các ngài làm cho cộng đoàn được gắn kết yêu thương,sống Tin Mừng theo gương của Mẹ Maria.

Trước khi kết thúc thánh lễ,ông Giuse Nguyễn Châu Long, Chủ tịch HĐMVGX Phú Bình đã có những tâm tình chào mừng và chúc mừng quý cha,đặc biệt cha Giuse Vương Sĩ Tuấn đã về thăm giáo xứ trong năm kỷ niệm ngân khánh 25 năm linh mục.Đáp từ,cha Giuse Vương Sĩ Tuấn ngỏ lời cám ơn cộng đoàn giáo xứ Phú Bình, những sự quan tâm,tình yêu thương mọi người đã dành cho cha,những lời cầu nguyện khi cha đi tu nghiệp nước ngoài.Thay mặt cho quý linh mục đã từng phục vụ,quý cha chánh xứ đã coi sóc mục vụ tại Giáo xứ Phú Bình,cha cầu chúc cộng đoàn giáo xứ Phú Bình luôn phát triển không ngừng.Cha cảm nghiệm hôm nay là ngày hồng phúc của cả cộng đoàn giáo xứ, trong bầu khí gia đình ấm áp cộng đoàn giáo xứ mừng lễ Đức Mẹ Fatima.Tâm tình cám ơn tất cả mọi người cũng chính là lời tạ ơn cha hiệp dâng lên Chúa,nhân dịp kỷ niệm thụ phong linh mục của cha và cũng là dịp mừng thượng thọ 80 tuổi của cha Giuse Nguyễn Văn Niệm nguyên chánh xứ.

Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa mừng kính Đức Mẹ Fatima của cộng đoàn giáo xứ Phú Bình kết thúc vào lúc 13 g15 phút.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Hành hương kính Đức Mẹ Sông Xoài kỷ niệm 100 năm mẹ Fatima
Người Giồng Trôm
08:51 13/10/2017
HÀNH HƯƠNG KÍNH MẸ SÔNG XOÀI KỶ NIỆM 100 NĂM MẸ FATIMA

Đức Mẹ Sông Xoài được một số người biết đến qua phép lạ Mẹ phát sáng để cứu những thuyền nhân đang đi trên sông Vàm Cỏ Tây gặp nguy hiểm. Và rồi từ đó, nhiều người đi trên sông Vàm Cỏ Tây đã đến bên Mẹ để xin ơn bình an. Từ đó, Mẹ Maria phát sáng được nhiều người chạy đến kêu cầu Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Bình An.

Nữ Vương Bình An ở Sông Xoài đã ban rất rất nhiều ơn cho những ai đến với Mẹ và rồi tiếng lành đồn xa, con cái từ muôn phương lại về với Mẹ như trẩy hội lên Đền kính Mẹ.

Xem Hình

Trước ngày kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima, nhiều đoàn con cái Mẹ từ Ninh Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Phước và gần nhất là Sài Gòn hay tại chỗ như Long An đã về bên Mẹ.

Nhiều chương trình đạo đức để kính Mẹ Fatima 100 năm như hành hương, diễn nguyện, Chầu Thánh Thể và nhất là Chầu Thánh Thể đã diễn ra từ trưa ngày 12 tháng 10 năm 2017. Chương trình liên tiếp nhau có lúc phải đón nhận những cơn mưa rào áp thấp nhiệt đới.

Đặc biệt, đêm 12, nhiều cơn mưa như trút đổ xuống Sông Xoài. Những cơn mưa như cơn mưa hồng ân hay cơn mưa ân sủng hay có thể nói là Mẹ đã cảm động khi thấy con cái về với Mẹ. Thật ý nghĩa khi cơn mưa lớn đã làm cho không còn cả chỗ ngồi khô ráo. Mọi người không còn nơi nương ẩn nên đã vào đến tận gian Cung Thánh của Nhà Thờ để tránh mưa và tìm một chỗ ngon giấc. Ngôi nhà thờ quá nhỏ để cưu mang một số lượng người quá lớn. Thế nhưng rồi, trong cơn mưa, trong cảnh ướt át đó tình Chúa tình người lại dâng cao.

Đến tận nửa đêm, cơn mưa ào làm cho nhiều người không còn chỗ ngủ nữa. Tất cả lại tựa vai nhau, chia nhau yên vui, ấm áp cuộc đời. Nhìn những đứa trẻ bé thơ nằm yên giấc ngủ quả thật là những hình ảnh biết nói về lòng kính mến Mẹ.

Tờ mờ sáng hôm sau, 1 Thánh Lễ mở đầu ngày mới kỷ niệm 100 năm Fatima được cử hành cách sốt sắng. Trước đó, chiều 12, 16 g 00, một Thánh Lễ khai mạc kỷ niệm 100 năm đã được cử hành sốt sắng. Thánh Lễ này chủ yếu do một nhóm người xuất phát từ Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng cũng như các nhóm lòng thương xót Chúa đến từ nhiều giáo xứ.

7 g 30 g sáng, sau khi mọi người tìm chút gì đó lót dạ thì trở ra ven sông để chuẩn bị rước kiệu Đức Mẹ. Có thể nói đây là cuộc rước kiệu có một không hai vì mọi người đi theo Đức Mẹ trên ghe, trên xà lan, trên võ lãi …

Chênh vênh trên sóng nước kèm theo những cơn sóng mạnh, mọi người vẫn cảm thấy bình an vì có Mẹ ở cùng. Nữ vương ban sự bình an vẫn có đó, vẫn ở đó ở Sông Xoài để che chở, để ủi an với những ai đến kêu cầu Mẹ.

Có thể nói cuộc rước thật ý nghĩa và đã để lại trong lòng người hành hương nhiều suy nghĩ.

Khi kiệu Đức Mẹ đến bên đài, Cha Phêrô Ký Ngọc Tuấn – cha sở họ đạo Sông Xoài đã dâng hương, dâng lời nguyện lên Mẹ. Các em tung hoa thật dễ thương vẫn ở cạnh Mẹ để chúc tụng ngợi khen Mẹ. Kèm theo đó là đội kèn đồng đến từ giáo xứ Từ Đức thổi thật dễ thương. Và đặc biệt là đội lân và rồng đã nghiên mình trước tôn nhan Mẹ bằng những điệu vũ đậm chất dân gian.

Sau khi đoàn kiệu trở về Nhà Thờ, mọi người đã dâng lời ca tiếng hát cũng như những tràng chuỗi Mân Côi lên Mẹ.

9 g 30, Thánh Lễ đồng tế kỷ niệm 100 năm Mẹ Fatima được cử hành. Chủ tế là Cha Phêrô Ký Ngọc Tuấn. Cùng đồng tế với Cha Phêrô có nhiều cha khác nữa đến từ nhiều nơi.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha Phêrô đã long trọng xướng lên những ý Lễ của cộng đoàn xin dâng hôm nay. Và kế đến, Cha long trọng giới thiệu ca đoàn Mai Tâm đến từ Sài Gòn sẽ đảm trách phần phụng ca trong Thánh Lễ hôm nay.

Trong bài chia sẻ thật hùng hồn và hấp dẫn, Cha GioaKim Hà Ngọc Phú đã đưa cộng đoàn hướng lên nhìn ân sủng Mẹ. Với cung giọng và cách trình bày thu hút, Cha đã lôi cuốn cộng đoàn dù bài giảng khá dài. Cha mời gọi mọi người hãy trở về nhà mình mang ân sủng đã nhân được từ Đức Mẹ Sông Xoài.

Cha GioaKim nhấn mạnh : Bê Lem có là chi ? Fatima có là chi ? Sông Xoài có gì lạ mà mọi người cứ đến. Mẹ Sông Xoài vẫn ban ơn bình an cho tất cả những ai đến với Mẹ để cầu xin. Nữ Vương ban sự bình an luôn luôn ở đây để chờ đón và trao ban ơn bình an cho con cái Mẹ.

Trước khi Thánh Lễ kết thúc, Đại Diện họ đạo Sông Xoài ngỏ lời cảm ơn cộng đoàn từ quý Cha đến quý sơ và mọi người. Để lời cám ơn thêm trọn vẹn, Cha Phêrô đã cảm ơn Quý Cha, quý Sơ và mọi người. Cha cũng không quên cảm ơn gia đình anh chị nuôi đã đưa cả gia đình xuống đây để giúp Cha, Cha cảm ơn ca đoàn Mai Tâm, cảm ơn mọi người.

Sau Thánh Lễ, mọi người tự động đến các bàn cơm để sẵn xung quanh nhà thờ để dùng bữa cơm bác ái. Được biết bữa cơm này cũng như nguyên ngày hôm qua là sự hảo tâm từ một gia đình xin giấu tên đến từ Sài Gòn. Gia đình hết sức âm thầm để phụ giúp cho ngày Lễ hôm nay được tốt đẹp cùng với nhiều người khác nữa.

Tạ ơn Chúa và Mẹ vì mọi sự hoàn tất cách hết sức tốt đẹp. Xin Chúa và Mẹ trả công bội hậu cho những ai đã góp nên ngày hành hương kính Mẹ Sông Xoài kỷ niệm 100 năm Fatima hôm nay.

Mẹ Sông Xoài – Mẹ của sự bình an vẫn đang ở đó, vẫn đang có đó ở Sông Xoài để ban cho con cái Mẹ những ơn lành cần thiết như ý nguyện xin và nhất là ơn bình an.

 
Video Phóng Sự Đặc Biệt: Tường trình về Dự án xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang vào ngày thứ Bảy 21/10/2017
VietCatholic Network
19:49 13/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chương trình Truyền Hình đặc biệt hôm nay của chúng tôi tường trình về Dự án xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang tại nhà thờ chánh tòa Chúa Kitô (Nhà Thờ Kiếng cũ) và ngày Lễ đặt viên đá đầu tiên sẽ vào ngày thứ Bảy 21102017 sắp tới.

Giáo Phận Orange ở Nam Cali là nơi có Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam lớn nhất tại tại hải ngọai, Giáo phận này có 62 giáo xứ, trong đó có 15 giáo xứ có thánh lễ Việt Nam và giáo dân gốc Việt lên tới 100,000 giáo dân.”

Nhà thờ chánh tòa Christ Cathedral là một địa điểm nổi tiếng, trước đây gọi là thờ Kiếng, mà giáo phận Công Giáo Orange đã mua lại từ mấy năm qua. Hiện nhà thờ đang được trùng tu cho đúng tiêu chuẩn một thánh đường Công Giáo. Du khách khắp nơi trên thế giới tới Nam California đều muốn đến thăm viếng địa điểm nổi danh này, một khi có Linh Đài Đức Mẹ La Vang ở địa thế quan trọng như vậy, du khách ngoại quốc khi đến thăm nhà thờ chánh tòa, cũng sẽ có dịp chiêm ngưỡng Đức Mẹ La Vang. Họ cũng sẽ có dịp hiểu biết thêm về Đức Mẹ, về nếp sống đạo, truyền thống và văn hóa của người Việt Nam.

Ngày 2110 tuần tới đây sẽ là ngày ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng Linh đài Đức Mẹ La Vang.

Do vậy Cha Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic, đã có cuộc hẹn gặp Đức ông Phạm quốc Tuấn và Lm Nguyễn văn Tuyên, là thành viên Ban Cố Vấn, và cô Elysabeth Nguyễn là General Project manager dự án tượng đài Đức Mẹ la Vang để tìm hiểu về mục tiêu, diễn tiến và việc thực hiện ra sao.

Sau đây xin mời qúi vị xem cuộc phỏng vấn của VietCatholic ngay tại khuân viên sẽ xây Linh đài Đức Mẹ La Vang ở nhà thờ chính tòa Christ Cathdral.
 
Thông Báo
Thông báo về tình trạng LM Giuse Nguyễn Thanh Sơn thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngọai
LM Đaminh Nguyễn Phi Long, CSsR
13:55 13/10/2017
Cha Đaminh Nguyễn Phi Long, CSsR, Bề Trên Phụ Tỉnh, Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại, vừa gửi cho Linh mục Giám Đốc VietCatholic, một thông báo liên quan tới tình trạng của LM Nguyễn Thanh Sơn và xin nhờ đăng trên VietCatholic. Trong thư, Cha Bề trên có đọan viết rằng: "... Chắc không cần nói nhiều và nhắc lại Cha cũng đã biết về tình trạng của cha Sơn... Biết rằng việc này chẳng tốt đẹp gì, nhưng chúng con cần phải thông báo cho mọi người biết để phòng ngừa những gì đáng tiếc cha Sơn có thể làm... Chúng con cám ơn Cha nhiều. Nguyện chúc Cha luôn dồi dào ơn Chúa."



 
Nguyên Nữ Trưởng Huớng Đạo Việt Nam: Marie-Therese Trần Bạch Bích, đã được Chúa gọi về Nhà Cha trên Trời
Tuyên Úy Hướng Đạo Công Giáo
15:16 13/10/2017
PHÂN ƯU:b>
Trong niềm tin Đấng Ki-tô Phục Sinh, chúng tôi Đại diện các Tuyên Úy và Hướng Đạo Sinh Công Giáo Việt Nam
thương tiếc và kính báo tin:

Bà Marie-Therese Trần Bạch Bích
Đã được Chúa gọi về ngày 9 tháng 10 năm 2017 tại tư gia ở Garden Grove, California, USA.
Hưởng thượng thọ 98 tuổi.

Linh cữu sẽ được quàn tại Thánh Đường Đức Mẹ La Vang (Our Lady of La Vang Church):
Địa chỉ: 288 S Harbor Blvd, Santa Ana, CA 92704, Điện thoại: 714-775-6200

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
Thứ Năm ngày 19 tháng 10 năm 2017
- 1:00pm-2:30pm: Lễ phát tang và làm phép xác
- 2:30pm-6:00pm: Thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện
- 6:00pm-7:00pm: Thánh Lễ tiễn đưa
Thứ Sáu ngày 20 tháng 10 năm 2017
- 1:00pm-6:00pm: Thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện
- 6:00pm-7:00pm: Thánh Lễ
Thứ Bẩy ngày 21 tháng 10 năm 2017
- 10:00am: Thánh Lễ An Táng tại Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, Santa Ana, CA
- Sau Thánh Lễ, di quan để hỏa táng tại Gateway Crematory, 1410 Acacia Ave #D, Fullerton, CA 92321

Bà Mai Liệu, khuê danh Marie-Therese Trần Bạch Bích, một nữ trưởng Hướng Đạo kỳ cựu, bà Trần Bạch Bích thuộc lớp lãnh đạo
Hội Nữ Hướng Đạo Việt Nam từ khi thành lập vào năm 1957, từng làm hội trưởng và tổng ủy viên trong thập niên 1960 và 1970.

Bà kết hôn với Trưởng Mai Liệu, từng làm trại trưởng (ủy viên huấn luyện toàn quốc) của hội Hướng Đạo (nam) trong nhiều năm.
Trưởng Trần Bạch Bích thành lập Tráng Đoàn Mê Linh (1960) tại Sài Gòn, một tráng đoàn đầu tiên chỉ gồm nữ giới.
Bà góp phần hướng dẫn và đào tạo nhiều thế hệ huynh trưởng nữ Hướng Đạo qua các trại huấn luyện. Trước đó bà đã làm trưởng ngành Ấu
trong hội Nam Hướng Đạo, bên cạnh trưởng Mai Liệu – một trong những vị thuộc thế hệ đầu tiên trong sinh hoạt Hướng Đạo tại miền Bắc Việt Nam.

Sau năm 1975, ông bà Mai Liệu tiếp tục sinh hoạt trong việc huấn luyện các huynh trưởng Hướng Đạo tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.

Trưởng Bạch Bích (ngồi ) và Trưởng Mai Liệu trong ngày Họp Mặt Xuân Hòa US

Trưởng Mai Liệu, 99 tuổi, đang cư ngụ tại Newport Beach, California.
Ông bà có tám người con, phần lớn đang sống tại Mỹ.
Trưởng Nam: Mai Minh Chí,
Thứ Nữ: Mai Vân Anh,
Thứ Nữ: Mai Tú Anh,
Thứ Nữ: Mai Quỳnh Anh,
Thứ Nữ: Mai Hồng Anh,
Thứ Nữ: Mai Lan Anh,
Thứ Nam: Mai Minh Nghĩa,
Thứ Nam: Mai Minh Dũng,
Liên lạc: Mai Chí 408-250-2315, Mai Lan Anh 714-357-4988

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha nhân từ thương đến linh hồn Marie-Therese và ban phúc trường sinh trên Thiên Quốc
Thành kính phân ưu cùng Trưởng Mai Liệu và các con cháu, cũng như đến gia đình Bách Hợp Việt Nam.

Bắt tay trái

Trưởng Hướng Đạo: LM Trần Công Nghị, LM Nguyễn Tiến Lộc và LM Bùi Hiển Linh
Thay mặt các Linh mục Tuyên Úy và các Trưởng Hướng Đạo và Hướng Đạo Sinh Công Giáo Việt Nam
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sắc Thu
Lê Trị
08:17 13/10/2017
SẮC THU
Ảnh của Lê Trị
Lá vàng mầu áo lụa xưa
Lá phong son đỏ tô vừa môi ai
(bt)
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News