Ngày 17-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/10: Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi tín hữu cũng là một nhà Truyền Giáo – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:24 17/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’.”


Đó là lời Chúa
 
Kitô Hữu trong trần thế
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
03:52 17/10/2023

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 22,15-21

Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến : Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”.

Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả ! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp : “Của Xê-da”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.



KI-TÔ HỮU TRONG TRẦN THẾ

Daniel O’Connell (1775-1847) là một tín hữu Công Giáo nổi tiếng đồng thời là một nhà ái quốc thời danh nước Ai-len (Ireland). Hiểu rõ nỗi thống khổ và niềm hy vọng của tổ quốc đang bị người Anh đô hộ, ông đã quy tụ và tổ chức đồng bào mình thành một lực lượng hùng hậu, mang tên Liên hiệp Công Giáo (Catholic Association). Tổ chức này đã đấu tranh giành được “Dự luật giải phóng người Công Giáo” năm 1829, nhờ đó nước ông thoát khỏi ảnh hưởng Anh giáo, sống tự do về mặt đạo. Năm 1841, được bầu làm thị trưởng Dublin (lúc ấy thuộc đế quốc Anh nhưng về sau trở thành thủ đô cộng hòa Ai-len), Daniel O’Connell đã dùng đường lối bất bạo động để đấu tranh với chính quyền Luân Đôn và cuối cùng đã làm cho đảo quốc mình được công nhận về mặt chính trị, trở thành cộng hòa độc lập. Ông mất tại Gênes (Ý) ngày 15-5-1847, sau hai ngày đêm cầu nguyện sốt sắng. Đây là những lời trăn trối cuối cùng của ông: “Thân xác tôi thuộc về Ai-len, linh hồn tôi thuộc về Thiên Chúa, trái tim tôi thuộc về Giáo hội”. Ông quả là người đầu tiên ý thức rằng Ki-tô hữu không thể bỏ rơi đời sống công cộng. Trước hết là vì phải xác định và duy trì chỗ đứng mà Giáo hội sẽ chiếm giữ trong đó. Nhưng đặc biệt và sâu xa hơn nữa, là vì đời sống đó cần được nghe sứ điệp của Chúa Cứu Thế, bởi lẽ nó bị rình rập bởi mọi thứ dục vọng mà cám dỗ chức quyền hằng luôn kích thích, dẫn đến những chế độ độc tài đảng trị. Daniel O’ Connell đúng là con người đã thấu hiểu và thực hiện bài Tin Mừng hôm nay.

1. Tiến thối lưỡng nan.

Chúng ta luôn có khuynh hướng tưởng tượng rằng thời đại chúng ta là thời đại đầu tiên khó sống. Không còn thấy “sự nhất trí về luân lý và xã hội” nữa. Các lập trường đối nghịch nhau nhất đều có thể biểu đạt công khai, dưới ánh mặt trời. Người ta chẳng còn biết phải nghĩ ra sao, có thái độ nào trước một số vấn đề lớn. Nếu biết thật sự đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng thời Đức Giê-su cũng đã khó sống. Đức Giê-su đã sống trong một bối cảnh lịch sử thật căng thẳng. Các đoàn quân Rô-ma xâm chiếm Pa-lét-ti-na, và kháng chiến quân Do-thái không ngớt gầm gừ. Khoảng thập niên 30 ấy, vị hoàng đế khuất phục được đế quốc mênh mông của mình chính là Ti-bê-ri-ô, một ông già ngồi cai trị từ đảo Capri thơ mộng. Nhiều người cầm giáo vì cớ lương tâm, như các đảng viên Quá khích (hay Nhiệt thành), chống lại quân đô hộ và cổ võ việc từ chối nộp thuế. Phe Hê-rô-đê, trái lại, dựa vào quyền lực Rô-ma để bảo vệ địa vị của mình. Phái Pha-ri-sêu, cuối cùng, ra sức cứu vãn tự do tôn giáo bằng cách thích nghi ít nhiều với quyền bính chính trị.

Phái đoàn đến gặp Đức Giê-su để giăng bẫy Người, được cố ý bao gồm những kẻ có lập trường chống đối nhau (phe Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê). Dù theo “cánh tả” hay “cánh hữu”, đàng nào Đức Giê-su cũng sẽ bị liên lụy! Trước tiên họ khen Người: “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai cả, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta”. Bốn câu nịnh hót này là miếng mồi lừa lọc che giấu cạm bẫy. Tuy nhiên, cạm bẫy này cũng nói lên thái độ cảm phục của mấy tay khiêu khích đó đối với vị rabbi trẻ : họ công nhận Đức Giê-su như một nhân vật độc lập, đạo đức, vững vàng. Trong thực tế, chúng ta biết Người vẫn hay đi ngược các quan điểm thời thượng : Người đã ngợi khen “đức tin” của một viên bách quản đạo quân Rô-ma (x. Mt 8,11); đã thường xuyên tiếp xúc với hạng thu thuế và lấy một kẻ trong họ làm tông đồ mình (x. Mt 9,9-10); rồi còn đưa vào Nhóm Mười Hai một thành viên đảng Quá khích. Trước khi đi xa hơn, chúng ta hãy để thì giờ chiêm ngưỡng Đức Giê-su, một con người không giống ai cả. Lạy Chúa, xin giúp chúng con noi gương Ngài: luôn luôn chân thật… theo chính lộ của Thiên Chúa… chẳng để mình bị lôi kéo bởi những ảnh hưởng muốn đưa chúng con đi nơi chúng con không muốn… luôn hoàn toàn tự do, không cứng nhắc, không thỏa hiệp, chẳng phân biệt đối xử.

Tiếp đến họ hỏi Người: “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến : Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” Câu hỏi khôn khéo quỷ quyệt: nếu trả lời “được”, Người sẽ mất tất cả niềm quý chuộng của quần chúng vốn đang trông đợi Người làm đấng Mê-si-a đánh đuổi quân xâm lăng… nếu trả lời “không”, Người sẽ bị phe Hê-rô-đê tố cáo như một tay phản động chống Rô-ma nguy hiểm. Y như mọi thời, Giáo hội hôm nay cũng thấy mình phải đương đầu với vấn đề sau đây: vai trò của Giáo hội không thể mang tính chất “chính trị” cách trực tiếp… nhưng Giáo hội cũng không thể đứng trung lập, không thể a tòng, thỏa hiệp hay im lặng trước một nhà cầm quyền áp bức, một chế độ độc tài toàn trị, một chính đảng tiêu diệt tự do, dân chủ, nhân quyền. Dù sao đi nữa, dẫu nói “được” hay “không”, dầu lên tiếng hay im lặng, Giáo hội sẽ luôn thấy mình bị kéo sang phe này hay phe khác.

Nhưng Đức Giê-su trả lời thế nào? Trước hết Người cho thấy mình không dễ bị lường gạt! Và Người bắt đầu bằng cách vạch trần thói giả hình của họ, qua kiểu ngây ngô xin họ cho xem một “đồng tiền”. Chẳng chút ngập ngừng, họ lôi ra một đồng từ trong túi. Như thế, vừa ra vẻ bối rối, tự đặt những câu hỏi về sạch nhơ khi tiếp xúc với quân xâm lược ngoại giáo, họ cũng vừa biết sử dụng tiền bạc vô đạo cho công việc của mình. Chung quy, trả thuế sẽ chẳng làm hoen ố lương tâm họ hơn là sử dụng thường nhật đồng tiền xấu xa ấy.

“Hình và danh hiệu này là của ai đây? - Của Xê-da”. Người Rô-ma dành cho mình việc đúc tiền để nói lên quyền tối thượng của họ. Và đồng tiền mang hình hoàng đế với danh hiệu của ông. Đầu Ti-bê-ri-ô ấy đã từng bị xem như dấu ô nhục của việc thần phục Rô-ma, vì qua đó, hoàng đế tự coi mình là thần! Nên ta hiểu tại sao phái Nhiệt thành cấm đảng viên của họ trả thuế. Làm sao Đức Giê-su, với tiếng tăm là chỉ trung thành với duy mình Thiên Chúa, lại không đứng về “cánh tả” với những kẻ xúi giục khởi nghĩa nhân danh Kinh Thánh được? Đức Giê-su sẽ trả lời thế nào đây?

“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Câu ứng đối của Đức Giê-su đã trở thành châm ngôn tục ngữ! Tuy nhiên người ta thường hiểu sai nó, như thể Đức Giê-su đã đơn giản chủ trương “tách biệt Giáo hội với Nhà nước” bằng cách ban một thứ tự trị hoàn toàn cho quyền lực chính trị… hay, ngược lại, hiểu nó như thể Đức Giê-su đã dạy môn sinh chớ nhúng tay vào việc đời. Thành thử phải cố gắng tìm hiểu tất cả tư tưởng của Người khi áp dụng cho thời đại chúng ta. Để được thế, chúng ta phải lưu ý đến hai vế của câu này, và cho vế thứ hai tất cả giá trị kết luận quyết định.

2. Của vua trả cho vua.

Của Xê-da, trả về Xê-da… Trong viễn tượng của toàn thể Cựu Ước, “mọi quyền bính đều phải xuất từ Thiên Chúa”. Thậm chí chúng ta đã nghe trong bài đọc đầu tiên hôm nay rằng : một ông vua ngoại giáo như Ky-rô đã được Thiên Chúa “xức dầu” để thực hiện công cuộc thần linh “dù chẳng biết Thiên Chúa” (x. Is 45,1.4-6). Áp dụng cũng nguyên tắc này, thánh Phao-lô sẽ yêu cầu các Ki-tô hữu sơ khai tuân phục quyền bính dân sự (x. Rm 13,1-7; Tt 3,1-2). Trong thực tế, không ai có thể coi thường các liên đới xã hội và công dân. Đúng là giải thích sai Tin Mừng khi muốn cắt cuộc sống con người thành nhiều lát tách biệt nhau hẳn, như thể Ki-tô hữu và Giáo hội có thể bất biết chính trị… như thể tôn giáo phải khép kín trong nhà thờ và chớ nên ảnh hưởng trên đường xá, thành phố, luật pháp, thuế má, gia đình, công việc…

Vẫn biết ĐGS đã thường xuyên từ chối đóng vai trò “Mê-si-a xã hội-chính trị” mà thiên hạ muốn gán cho Người: -đó là ý nghĩa sâu xa của kinh nghiệm thiêng liêng Người có được sau các cám dỗ chịu đầu đời công khai (x. Mt 4,8tt); -đó là ý nghĩa việc Người bỏ trốn mà đi cầu nguyện khi thiên hạ muốn tôn vương Người sau phép lạ bánh hóa ra nhiều (x. Ga 6,14tt); -đó là ý nghĩa việc Người quở trách Phê-rô khi ông muốn can ngăn Người làm một Mê-si-a đau khổ (x. Mt 16,21tt); -đó là ý nghĩa rất rõ rệt của lời Người tuyên bố với Phi-la-tô: “Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Tuy nhiên, trong câu Đức Giê-su đáp “Của Xê-da trả Xê-da”, khó mà không thấy đó là lời mời gọi hãy tính đến quyền bính thiết định và hợp pháp, tôn trọng các quyền lợi của quyền bính này. Khi chọn thái độ này, Đức Giê-su đưa vào trong thế giới cổ xưa một lối phân biệt có tính cách mạng: Người “giải thiêng hóa” chính trị bằng cách quả quyết Xê-da là Xê-da … nhưng không phải là Thiên Chúa! Vậy thì Xê-da, vì luôn có Xê-da, hãy tiếp tục hành sử chức năng của mình, với tất cả lòng tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ công lý. Đây là một chức năng phàm trần, chịu đủ thứ bấp bênh, vấp phải sự phức tạp của các thực tại xã hội-chính trị, các chế độ, các hệ thống, các hệ tư tưởng. Nhưng chưa phải đã hết.

3. Của Chúa trả cho Chúa

Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa… Là những con người hiện đại, giờ đây chúng ta biết mọi nền chính trị chủ trương khinh rẻ phần hai nầy của tư tưởng Đức Giê-su sẽ dẫn đến đâu. Các xã hội vô thần, “không Thiên Chúa” cũng là những xã hội vô nhân đạo. Khi Nhà nước tự phong là “thượng đế” (nói theo kiểu hiện đại là “toàn trị”) thì nó đàn áp tiêu diệt con người. Thành thử chính Xê-da cũng phải tuân phục Thiên Chúa và phải trả lại cho Thiên Chúa những cái thuộc về Người. Thật rất ý nghĩa khi Đức Giê-su nhấn mạnh “các bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa”, trong khi thiên hạ không đặt cho Người câu hỏi ấy, nhưng chỉ câu hỏi về trần thế thôi. Vế sau đúng là cao điểm của toàn thể trang Tin Mừng.

“Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Tất cả cuộc sống Đức Giê-su không ngớt la lớn cho chúng ta điều này. Vì là nghệ thuật phục vụ công ích, nên chính trị cũng quan trọng. Nhưng dẫu quan trọng đến đâu, nó không phải là tất cả con người, không phải là phần thiết yếu nhất của con người. “Con người đâu chỉ sống nhờ bánh”… nhờ chỗ ở, nhờ thị trường hay nhờ sản xuất! Được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, con người có định mệnh chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Nếu Xê-da đã có thể khắc hình ảnh mình lên các đồng tiền, thành thử phải “trả” chúng lại cho ông… thì huống chi là con người được ghi dấu hình ảnh Thiên Chúa, nó càng phải “trả mình” toàn diện cho Thiên Chúa hơn nữa! (x. St 1,26). Con người đáng được tuyệt đối tôn trọng vì định mệnh họ có tính chất thần thiêng. Tính cách “làm con người” chỉ hoàn tất trong tính cách “làm con Chúa”.

Như thế Đức Giê-su đã không để mình bị mắc vào cạm bẫy kẻ địch giăng ra. Một lần nữa, Người đã mạc khải cho ta bí mật và sứ mệnh của Người : thiết lập Vương triều Thiên Chúa… và, qua đó, mạc khải chiều kích vĩ đại nhất của con người chúng ta! Nhưng phải chăng tôi trả lại cho Xê-da cái thuộc về Xê-da trong thực tế? Phải chăng tôi cho chiều kích chính trị của đời tôi (và của đạo tôi) là quan trọng, để dấn thân cách nào đó cho công lý, sự thật, tình thương và tự do? Và phải chăng tôi cũng trả cho Thiên Chúa những cái thuộc về Người? Đời tôi phải chăng hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và nỗ lực đem mọi sự về với Thiên Chúa?
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
09:11 17/10/2023

28. Khi con luôn nhiệt tâm cầu nguyện thì tránh được cơn cám dỗ vi phạm đức khiết tịnh, và cầu xin được thánh sủng khắc phục được chúng nó.

(Thánh John Baptist de la Salle)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
09:17 17/10/2023
77. PHÁT TÀI NHỜ NGƯỜI CHẾT

Đời nhà Đường, huyện lệnh Nhiễu Dương thuộc châu Thắng là Đậu Trí Phạm rất tham lam.

Trong huyện có một thôn trưởng nọ vừa chết, thì Đậu Trí Phạm bèn triệu tập các thôn trưởng và các thân bằng quyến thuộc của người chết được hơn hai trăm người lại để quyên tiền, tiếng thì nói là tạc tượng cho người chết nên ra lệnh cho mỗi người phải đóng một quan, được tất cả là hơn hai trăm quan.

Sau khi được tiền, Đậu Trí Phạm lập tức nói:

- “Ông thôn trưởng này hiện nay đang bị trị tội dưới địa ngục, diêm vương bắt ông ta làm tên quỷ mới, chúng ta phải mau cứu ông ta. Bây giờ ta đã tạc xong tượng, nên dùng nó thay thế trước thì có thể làm cho ông ta tránh được khổ nạn”.

Nói xong thì lấy trong tay áo ra một pho tượng dài chừng năm phân.

Mọi người biết là bị lừa kêu khổ luôn miệng.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 77:

Lợi dụng người chết để làm tiền người sống là chuyện có thật, nhất là ở những vùng quê còn lắm nhiều điều dị đoan.

Chết là nhắm mắt tắt hơi, là bất động, là toàn thân lạnh ngắt, đúng là rất đáng sợ với những người yếu bóng vía. Nhưng chết chính là cửa ngõ để con người đi qua thế giới bên kia, thế giới bên kia có thể là thiên đàng và có thể là hỏa ngục, cho nên người chết tức là các linh hồn người Ki-tô hữu rất cần lời cầu nguyện của chúng ta, đây là việc làm chính đáng và tốt lành không phải là dị đoan.

Nhưng nó sẽ là “dị đoan” khi cha sở không dâng lễ cho các linh hồn vì thân nhân họ nghèo xin không đủ số tiền bỗng lễ quy định ! Nó cũng sẽ là dị đoan khi người Ki-tô hữu cứ nghĩ rằng vì mình không có tiền để xin lễ cầu hồn cho ông bà cha mẹ nên không đi lễ…

Tiền xin lễ là để giúp cho giáo hội và cha sở có sinh hoạt phí theo lẽ công bằng mà Giáo Hội đã quy định chứ không phải là giá tiền của một thánh lễ, bởi vì tiền bạc châu báu của cả thế gian này gộp lại cũng không thể mua được một thánh lễ, cho nên đừng làm cho sự thánh thiện trở thành dị đoan và gây gương mù cho người ngoại giáo cũng như người tân tòng…

Tạc tượng để thế cho người chết khỏi bị hình phạt là dị đoan và lừa dối mọi người, nhưng đi dâng thánh lễ cầu nguyện và làm việc hy sinh để cầu nguyện cho các linh hồn là việc làm chính đáng của người Ki-tô hữu vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mút cùng thế giới
Lm. Minh Anh
14:45 17/10/2023

MÚT CÙNG THẾ GIỚI
“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật đáng kinh ngạc, thánh Luca hôm nay Giáo Hội mừng kính tuy chỉ là một tân tòng, đã trở nên một nhà truyền giáo lớn, một sử gia và là tác giả của hơn một phần tư sách Tân Ước. Như một công cụ của Thiên Chúa, Luca mang thông điệp cứu độ của Ngài đến ‘mút cùng thế giới’, đã tác động và thay đổi cuộc sống bao người thuộc mọi giới, mọi thời.

Là một thầy thuốc ngoại giáo, Luca say mê Phaolô; tại Troa, Luca xin trở lại. Trong thư Timôthê hôm nay, Phaolô nhắc đến Luca như một đồ đệ trung tín, “Chỉ một mình Luca ở với cha”. Đồ đệ này đã cống hiến hai công trình nền tảng là Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ, ‘nhật ký’ của Giáo Hội sơ khai. Không thể hiện một sự am tường về niềm tin và phong tục, Luca chỉ chú tâm vào những gì cần thiết cho anh em lương dân: một Thiên Chúa xót thương, chữa lành. Chỉ Luca đề cập con số ‘72’; các Tin Mừng khác chỉ nói ‘nhóm 12’. Dẫu nhiều người trong số này đã đến các lãnh thổ Do Thái, nhưng hẳn một số đã đến những lãnh địa không Do Thái; vì thế, ‘nhóm 72’ này là biểu tượng cho sự chuẩn bị mọi lương dân ở ‘mút cùng thế giới’ đón nhận Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài.

Chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những kiến thức của mầu nhiệm Nhập Thể. Khoản nợ rõ ràng như kinh Magnificat, Benedictus và Nunc dimittis mà Giáo Hội hát mỗi ngày. Với biến cố Truyền Tin, cứ như thể Luca thấp thỏm sau khuê phòng của một Maria trẻ trung xinh đẹp, nơi sứ thần Gabriel báo cho biết, cô sẽ là Mẹ Chúa Cứu Thế; bối cảnh nền tảng của kinh Kính Mừng. Và cũng chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những gì đã xảy ra ở Lễ Ngũ Tuần và các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong buổi thai nghén của Hội Thánh.

Luca được khoa khảo cổ và các học giả thế giới đánh giá cao. Nhà khảo cổ Sir William Ramsay gọi “Luca là một nhà sử học hạng nhất với những tuyên bố thực tế đáng tin cậy... Luca đáng được xếp với những nhà sử học vĩ đại nhất!”; E. M. Blaiklock, “Luca, một sử gia xuất sắc, ngang hàng với các nhà văn vĩ đại của Hy Lạp!”; N. L. Geisler cho biết, “Luca kể tên 32 miền, 54 thành phố và 9 hòn đảo mà không một sai sót!”. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, trong sự nghiệp cầm bút, Luca không viết với tư cách một sử gia mà là một nhà truyền giáo; công bố sứ điệp của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Có truyền thống cho rằng, Luca còn là một hoạ sĩ; một tác phẩm nổi tiếng về Đức Maria được gán cho Luca. Vì thế, Luca được gọi là người bảo trợ các nghệ sĩ và các bác sĩ.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”. Chúng ta là những “môn đệ khác” được sai đến với những người cùng chung đức tin và những người chưa tin. Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa”. Bạn và tôi hãy làm cho người khác nhận biết vinh quang Nước Chúa! Hãy đặc biệt cầu nguyện cho một ai đó, cho một số người nào đó. Đừng ngần ngại trở thành một nhà truyền giáo như Luca với những phương tiện tuyệt vời ‘sẵn trên tay’ ngày nay! Khi làm vậy, chúng ta vẫn có thể tạo ‘một sự khác biệt vĩnh viễn’ trong cuộc sống của một ai đó, một nhóm nào đó, ở một góc trời nào đó. Như vậy, với Luca, bạn và tôi sẽ tiếp tục ra đi loan Tin Mừng cứu độ, lòng thương xót của Thiên Chúa cho đến ‘mút cùng thế giới’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ để con lơi lỏng trong việc chuyển trao Lời Chúa đến ‘mút cùng thế giới’. Lạy quan thầy của các nghệ sĩ, đừng quên truyền cảm hứng cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Loan Báo Tin Mừng
Lm. Thái Nguyên
15:07 17/10/2023
SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CN TRUYỀN GIÁO

https://www.youtube.com/watch?v=U1VLY00KLuY&t=521s

LOAN BÁO TIN MỪNG

Chúa Nhật truyền giáo: Mc 16, 15-20

Suy niệm

Truyền giáo là một từ ngữ đã gây nhiều vấp váp và hiểu lầm trong quá khứ, cũng không phải là từ ngữ dễ nghe đối với thế giới ngày nay, một thế giới đa nguyên, đa tôn giáo. Chúng ta dùng từ “truyền giáo” dịch từ tiếng Latinh là “missio”. Đúng hơn đây là một “sứ mạng” của toàn thể Giáo hội phát xuất từ một mệnh lệnh và là một ước mơ của Đức Kitô Phục Sinh: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…". Không lạ gì mà ngay sau Công Đồng Vatican II năm 1967, Đức Phaolô VI đã quyết định chính thức đổi Bộ Truyền Giáo thành “Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc”. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì từ “truyền giáo” vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức.

Vì thế, truyền giáo mà chúng ta muốn nói đến ở đây là “sứ mạng” hay “làm chứng”, hoặc hình tượng hơn là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… Đó là những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế – công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Đó phải là bản chất của mỗi Kitô hữu, nói lên sứ mạng mà chúng ta đã lãnh nhận từ khi chịu phép Rửa tội, nhất là khi chịu phép Thêm sức. Trong ý nghĩa đó mà thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của Giáo hội. Không truyền giáo, Giáo Hội không còn là Giáo Hội. Giáo xứ mà không truyền giáo thì không còn là giáo xứ. Gia đình hay bản thân chúng ta cũng thế, không truyền giáo là không tin Chúa, bởi vì đức tin không có hành động là đức tin chết. Hành động của đức tin là đức ái, mà đức ái cao cả nhất là ban tặng chính Chúa cho người khác.

Hằng ngày chúng ta vẫn cầu nguyện cho Nước Cha trị đến. Cầu mà không làm là giả dối. Làm mà không nhiệt tình là coi nhẹ Lời Chúa. Tuy nhiên, làm việc truyền giáo không phải là chiêu dụ hay mua chuộc người khác, mà là sự hấp dẫn họ bằng chính đời sống mình, một đời sống chân thật, hiền lành, khiêm tốn và yêu thương phục vụ; một đời sống cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, và là Cha nhân lành của toàn thể nhân loại, nên mọi người đều là anh em với nhau.

Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu. Ngài đi đến với mọi người, nhất là những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Ngài yêu quí họ, sống gần gũi với họ, cứu giúp và nâng đỡ họ, đem lại an vui và sự sống dồi dào cho họ. Ngài sống nghèo nàn, đơn giản, khiêm nhu phục vụ, đón nhận mọi đau khổ do chính sự gian ác của con người, và cuối cùng hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc, nói lên tình yêu cực độ của Thiên Chúa đối với mọi người. Nếu ta thực sự yêu mến Chúa thì hãy làm như Chúa đã làm, sống như Chúa đã sống, nghĩa là dám ra khỏi mình để đến với mọi người.

Người tín hữu Việt Nam hình như đang “nhốt Chúa” trong nhà thờ, trong nhà mình, trong cộng đoàn giáo xứ mình. Hay một số giáo sĩ, tu sĩ cũng vậy, thay vì đi ra đến với mọi người, thì lại thích bám trụ trong cơ sở và vị thế của mình để sống an toàn. Vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô phải nhấn mạnh rằng: “Giáo hội phải như Thiên Chúa: luôn đi ra; và khi Giáo hội không đi ra, Giáo hội bị bệnh. Tại sao trong Giáo hội có nhiều bệnh? Vì Giáo hội không đi ra ngoài. Đúng là khi một người đi ra ngoài sẽ có thể gặp nguy hiểm, tai nạn. Nhưng một Giáo hội gặp tai nạn do ra đi loan báo Tin Mừng thì tốt hơn là một Giáo hội ốm yếu do đóng kín. Thiên Chúa luôn ra đi, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội phải làm như vậy: luôn đi ra ngoài” .(https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tc-luon-ra-di-tim-kiem.)

Riêng ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tập trung vào chủ đề “Lòng bừng cháy, chân tiến bước”, được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đổi mới lòng nhiệt thành truyền giáo dựa trên 3 hình ảnh:

(1)Lòng các ông bừng cháy khi nghe Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh.

(2) Mắt các ông mở ra khi Người bẻ bánh.

(3) Chân các ông rảo bước lên đường, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh.

- Trước hết, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của Kinh Thánh. Theo ngài, việc biết Kinh Thánh rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và ‘thậm chí còn quan trọng hơn việc rao giảng Chúa Kitô và Tin Mừng của Người”.

- Ngài cũng nhắc lại với chúng ta về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể: “Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng”. Vì vậy, để việc truyền giáo có kết quả, chúng ta cần kết hiệp với Chúa Kitô qua kinh nguyện hằng ngày, đặc biệt là bằng việc tôn thờ Thánh Thể.

- Và việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa. Người ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh mà lòng không bừng cháy nhiệt tình để nói cho mọi người về Đấng Phục Sinh.

Đoạn cuối của Sứ Điệp, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Và chúng ta có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta”.

Mỗi Kitô hữu và các cộng đoàn giáo xứ có rất nhiều cách thức khác nhau để sống sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, bằng những việc cụ thể sau đây: Đọc Lời Chúa hằng ngày trong gia đình; Tổ chức giờ chia sẻ Lời Chúa cho các lớp Giáo lý và các Hội đoàn trong giáo xứ; Trung thành tham dự các giờ Chầu Thánh Thể tại giáo xứ; Giúp các em giáo lý có thói quen viếng Chúa Giêsu Thánh Thể; Thăm viếng, an ủi, nâng đỡ những người yếu lòng tin; Gần gũi, thân thiện và chân thành với mọi người, đặc biệt những người không cùng tôn giáo; Tập cho các em giáo lý biết chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Xin cho mỗi kitô hữu luôn cảm nhận niềm vui gặp gỡ Chúa và hân hoan lên đường loan báo niềm vui Tin Mừng ấy đến cho mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Loan Tin Mừng là nhiệm vụ cấp thiết,

là sứ vụ cuộc đời Ki-tô hữu,

để Chúa đến và làm chủ nhân gian,

mang lại ơn cứu độ cho con người.

Có biết bao người đang tìm Chúa,

đang khao khát được gặp Chúa,

đang mong nghe được Lời Chúa,

đang muốn thấy Chúa qua chúng con.

Trước tiên cho con biết nguyện cầu,

để tình yêu Chúa được thấm sâu,

để có nhiều tâm hồn quảng đại,

không ngại dấn thân phụng sự Chúa.

Cho con biết hăm hở và niềm nở,

trong tương quan gặp gỡ với mọi người,

với thái độ chân thành và thương mến,

tạo an vui và liên kết vững bền.

Nhưng đến với mọi người thật không dễ,

vì trong xã hội vô thần và duy vật,

có nhiều điều cách biệt trong tâm tưởng,

với quan niệm và lối sống trái ngược.

Xin cho con cứ nỗ lực dấn thân,

dám đi đến với tất cả mọi người,

cứ nhiệt tâm ân cần với sứ vụ,

đừng nghi ngờ sợ lo hay phòng thủ,

chỉ sợ con không yêu đủ mà thôi.

Con cảm thấy như Chúa đang than thở:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít...”

và con biết Chúa đang kiếm tìm người,

Này con mạo muội chân tình xin thưa:

Con đây lạy Chúa hãy đưa con vào. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kitô giáo giữa người Mỹ gốc Á
Đặng Tự Do
05:14 17/10/2023


Bất chấp sự suy giảm gần đây, Kitô giáo vẫn là tôn giáo phổ biến nhất trong số những người Mỹ gốc Á. Khoảng một phần ba người Mỹ gốc Á trưởng thành hay 34% cho biết tôn giáo hiện tại của họ là Kitô giáo, giảm từ mức 42% khi Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cuộc khảo sát chuyên sâu về người Mỹ gốc Á lần cuối vào năm 2012.

Nhìn vào các phân nhóm lớn nhất trong Kitô giáo, những người theo đạo Tin lành hiện chiếm 16% dân số người Mỹ gốc Á, giảm từ 22% vào năm 2012. Con số này bao gồm 10% người Mỹ gốc Á trưởng thành xác định là người theo đạo Tin lành canh tân, so với 13% vào năm 2012. Tỷ lệ người Công Giáo ổn định hơn: 17% người Mỹ gốc Á trưởng thành theo Công Giáo, gần tương đương với năm 2012 là 19%.

18% người Mỹ gốc Á khác, mặc dù không xác định là Kitô hữu, nhưng nói rằng họ cảm thấy “gần gũi” với Kitô giáo vì những lý do như hoàn cảnh gia đình hoặc văn hóa. Kết hợp nhóm này với tỷ lệ người cho biết họ theo Kitô giáo, có thể nói khoảng một nửa hay 51% người gốc Á ở Hoa Kỳ bày tỏ mối liên hệ với Kitô giáo.

74% người Mỹ gốc Phi Luật Tân và 59% người Hàn Quốc là các Kitô Hữu. Khi kết hợp với những người nói rằng họ cảm thấy gần gũi với Kitô giáo, 90% người Mỹ gốc Phi Luật Tân bày tỏ mối liên hệ nào đó với Kitô giáo; và 81% người Mỹ gốc Hàn có mối liên hệ này.

Trong số 74% người Mỹ gốc Phi Luật Tân theo Kitô Giáo, 57% theo Công Giáo. Tin Lành xem ra được ưa chuộng hơn trong số những người Mỹ gốc Hàn. Trong số 59% người Mỹ gốc Hàn theo Kitô Giáo, chỉ có 25% theo Công Giáo.

36% người Mỹ gốc Việt theo Kitô Giáo, và chủ yếu theo Công Giáo. Cụ thể, 29% người Mỹ gốc Việt theo Công Giáo.

Người Mỹ gốc Ấn nằm trong số những nhóm người gốc Á ít có khả năng xác định mình là người theo Kitô giáo: Chỉ 15% nói rằng Kitô giáo là tôn giáo của họ.

56% người Mỹ gốc Nhật có mối liên hệ nào đó với Kitô giáo, trong đó có 25% nói rằng Kitô giáo là tôn giáo của họ, 10% theo một số tôn giáo khác nhưng cảm thấy gần gũi với Kitô giáo và 22% không theo tôn giáo nào nhưng cảm thấy gần gũi với Kitô giáo.
 
Thượng Hội đồng, ngày 16 tháng 10: việc phong chức phó tế cho phụ nữ, tính ‘tổn thương’ của người LGBTQ trở nên nổi bật hơn
Vũ Văn An
14:16 17/10/2023

Bản tin của Catholic World News ngày 17 tháng 10 năm 2023 cho hay: ngày 16 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 đã bắt đầu ngày mới bằng việc cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì tông huấn của ngài về Thánh Têrêsa thành Lisieux.



Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông cho biết, những người tham gia cũng nhắc lại bằng “một tràng pháo tay dài” ngày kỷ niệm cuộc bầu cử Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1978.

Họp báo

Các tham dự viên Thượng Hội đồng tiếp tục thảo luận về chủ đề thứ ba của Thượng Hội đồng: “Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ trong việc phục vụ Tin Mừng?” (đơn vị thảo luận B2). Ruffini và những người thuyết trình khác tại cuộc họp báo ngày 16 tháng 10 cho biết các chủ đề sau đã được thảo luận:

* ý nghĩa thực sự của tính đồng nghị
* sự phong phú của tính đa dạng
* vai trò của người được rửa tội trong Giáo hội
* hoạt động truyền giáo
* đại kết và đối thoại liên tôn
* “sự phát triển kỹ thuật số; không quên giới trẻ ở các nước nghèo trên thế giới hoàn toàn không được tiếp cận với những kỹ thuật hiện đại nhất”
* “vai trò của phụ nữ dưới góc nhìn của chức phó tế nữ”

Viễn ảnh phong chức phó tế cho phụ nữ trong tương lai cũng là chủ đề của một cuộc phỏng vấn Đức Giám Mục Shane Mackinlay Địa phận Sandhurst (Úc), được các thành viên tham dự Thượng hội đồng bầu làm một trong những thành viên của Ủy ban viết Tường trìnhTổng hợp của Thượng hội đồng. Tường trình tổng hợp được đưa ra khi kết thúc phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng (4-29 tháng 10) sẽ hình thành nghị trình của phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng (tháng 10 năm 2024).

Đức Giám Mục Mackinlay nói với tờ National Catholic Reporter rằng “vấn đề truyền chức phó tế cho phụ nữ rõ ràng là một vấn đề cần được giải quyết một cách phổ quát… Và nếu kết quả là việc truyền chức phó tế được mở rộng cho phụ nữ, tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh điều đó.”

Việc Đức Giám Mục Mackinlay ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ không có gì đáng ngạc nhiên: vào tháng 7 năm 2022, ngài than thở về việc hội đồng toàn thể Úc đã không ủng hộ một nghị quyết ủng hộ chức phó tế cho phụ nữ.

Vào thời điểm đó, Đức Giám Mục Mackinlay, phó chủ tịch hội đồng toàn thể, cho biết: “Đây không phải là cách chúng tôi dự đoán hoặc hy vọng tiến trình sẽ diễn ra. Thật đáng thất vọng và rất nhiều người – cả nam lẫn nữ, linh mục, giáo dân và giám mục – đã rất đau khổ”

Cha Tirimanna

“Tính đồng nghị xảy ra khi bạn làm điều đó,” Cha thần học gia Sri Lanka Vimal Tirimanna, CSSR, nói tại cuộc họp báo, khi ngài ca ngợi “bầu không khí cầu nguyện tuyệt vời, được bổ sung rất nhiều bởi… phương pháp đàm luận tâm linh. Chúng ta thấy tiến trình đồng nghị, hay đúng hơn là lối sống đồng nghị, đã được thực hiện như thế nào”.

Cha Tirimanna tiếp tục: Việc sắp xếp các bàn tại Thượng Hội đồng thể hiện một “Giáo hội đồng tâm, không phải hình kim tự tháp”. “Giáo hội học Lumen Gentium đang được đem ra sống. Cách thức đồng nghị, văn hóa đồng nghị đang được sống ở đây. Thử thách là đưa nó ra ngoài hội trường Thượng Hội đồng.”

Cũng trong đồng văn trên, Cha Tirimanna nói rằng tiến trình thượng hội đồng “không phải là chương trình nghị sự riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô,” mà là “sự tiếp nối của Vatican II”.

Lumen Gentium, mà Cha Tirimanna đề cập đến, là Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II (1964). Việc ngài sử dụng Lumen Gentium để hỗ trợ tầm nhìn của ngài về một “Giáo hội đồng tâm, không phải kim tự tháp” thật đáng ngạc nhiên: toàn bộ một chương của Lumen Gentium (Chương III) được dành cho bản chất phẩm trật của Giáo hội.

Tập chú vào tính tổn thương của ‘những người LGBTQ+’—nhưng việc chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính ‘không phải là trọng tâm’ của Thượng Hội đồng

Tại cuộc họp báo, một nhà báo của Bondings 2.0, blog của Thừa Tác Vụ Những Cách Mới, đã hỏi: “Mặc dù tinh thần đồng nghị mới này được hoan nghênh rất nhiều như một cách thức hiện tại và tương lai để trở thành giáo hội, nhưng điều quan trọng là phải biết liệu đã có bất cứ cuộc thảo luận nào về việc thừa nhận và ứng phó với những tổn thương trong quá khứ, và không chỉ với những người LGBTQ+, trước khi tinh thần đồng nghị này bắt đầu.”

Nữ tu Patricia Murray, IBVM (Ái Nhĩ Lan), thư ký điều hành của Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Tổng quyền và là người được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào Ủy ban viết Tường trình Tổng hợp của Thượng Hội đồng, đã trả lời:

“Cảm ơn bạn vì câu hỏi đó. Tôi nghĩ tại nhiều bàn, nếu không phải tất cả, vấn đề bị tổn thương và tính tổn thương của người ta, từng cá nhân và tập thể, đã được đề cập và lắng nghe... Đã có những cuộc thảo luận về cách trình bầy sự tổn thương đó một cách tượng trưng, theo một nghĩa nào đó. Một số người đã nói rằng xin lỗi là không đủ. Giáo hội đưa ra dấu hiệu và biểu tượng như thế nào cho những tổn thương đã gây ra? Đã có một ý thức sâu sắc về sự đau đớn và đau khổ gây ra”.

Trong câu trả lời của ngài, Cha Tirimanna mô tả chủ đề này là “một vấn đề nhức nhối, trên thực tế, trên toàn thế giới ngày nay”. Ngài nói thêm: “Giáo hội không chỉ gặp vấn đề với LGBTQ, vì có rất nhiều nhóm khác. Chúng ta đừng biến nó thành vấn đề vì có quá nhiều vấn đề.”

Giám cha Zdenek Wasserbauer, Giám Mục Phụ Tá của Praha, người cũng là người hiện diện tại cuộc họp báo, nói rằng ngài “rất vui vì Thượng hội đồng rất cân bằng, và nó cố gắng nói về tất cả những nỗi đau đang tồn tại trong thế giới và Giáo hội ngày nay”.

Ông Ruffini nói thêm: “Nếu có những người bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc đang đau khổ, bị tổn thương theo một cách nào đó, thì điều này tất nhiên khiến chúng ta quan tâm trên con đường đồng nghị”.

Theo Vatican News, trả lời một câu hỏi khác, Ông Ruffini nói rằng việc chúc lành cho các kết hợp đồng tính “không phải là trọng tâm” của Thượng Hội đồng—không giống như “việc đào tạo, các mục vụ được phong chức, ưu tiên cho người nghèo và chủ nghĩa thực dân”.

Theo bản tóm tắt các nhận xét của ông được Vatican News công bố, ông Ruffini cũng nói rằng “giáo huấn Công Giáo là trọng tâm của tất cả những gì đang được thực hiện tại Thượng Hội đồng”.

Đức Giám Mục Wasserbauer nói thêm: “Sẽ không có quyết định nào về việc liệu chúng ta có thể chúc phúc cho các cặp đồng tính hay không. Vấn đề là làm thế nào có thể nói với mọi người, kể cả các thành viên của cộng đồng LGBTQ, rằng họ là một phần của Giáo Hội Công Giáo, rằng Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người.”

Thượng Hội Đồng và Thánh Têrêxa

Đức Giám Mục Wasserbauer cũng nói rằng tông huấn của Đức Thánh Cha về Thánh Têrêxa thành Lisieux là đặc biệt hợp thời, vì ngài đã trải qua bóng tối thiêng liêng và là người đồng bảo trợ cho các sứ mệnh truyền giáo.

Ngài nói: “Tôi nhận ra rằng ở đây tất cả 400 thành viên gặp nhau hàng ngày để tìm kiếm lợi ích cho người khác, sự cứu rỗi của họ. Một số người nói rằng ngay cả ngày nay, Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba vẫn đang trải qua bóng tối. Ở đây, Thượng Hội đồng là ánh sáng soi sáng bóng tối.”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho giáo xứ Công Giáo ở Gaza
Thanh Quảng sdb
16:32 17/10/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho giáo xứ Công Giáo ở Gaza

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho giáo dân và tu sĩ thuộc Giáo xứ Công Giáo Thánh Gia ở Gaza, ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đồng cảm của ngài trước những thương đau của cộng đoàn.

(Tin Vatican - Paolo Ondarza & Devin Watkins)

Nữ tu Nabila Saleh thuộc Dòng Mân côi Giêrusalem đã tóm lược cuộc điện thoại nhận được từ Đức Thánh Cha Phanxicô vào tối thứ Hai.

Sơ đang phục vụ tại Giáo xứ Holy Family, giáo xứ theo nghi lễ Latinh duy nhất ở Gaza.

Trong cuộc phỏng vấn với đài Vatican, Sơ Saleh cho biết Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho linh mục chính xứ, Cha Yusuf, người sau đó đã đưa điện thoại cho sơ “để sơ có thể nói chuyện trực tiếp với Đức Thánh Cha vì cha ấy nói tiếng Ý không sàng sõi lắm.”

Mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với người dân Gaza

Sơ cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô muốn biết có bao nhiêu người đang trú ẩn trong các cơ sở của giáo xứ.

Sơ nói: “Có khoảng 500 người, bao gồm người bệnh, gia đình, trẻ em, người khuyết tật, những người mất nhà cửa và tài sản”. “Thật là một điều may mắn khi được nói chuyện với ĐTC. Ngài khích lệ chúng tôi hãy can đảm và tín thác trong lời cầu nguyện.”

Sơ Saleh đã xin Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi hòa bình và nói với ngài rằng người Công Giáo ở Gaza đang dâng hiến những đau khổ của mình “để cầu xin Chúa chấm dứt chiến tranh, vì hòa bình, vì nhu cầu của Giáo hội và vì Thượng hội đồng đang diễn ra”.

Sơ nói: “Giáo dân chúng con an lòng. “Chúng con biết rằng Đức Thánh Cha đang làm việc vì hòa bình và lợi ích của cộng đồng Kitô giáo ở Gaza.”

Hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian thử thách

Khi được hỏi về tình hình ở Gaza, Sơ Saleh cho biết mọi người đang cố gắng hỗ trợ lẫn nhau trong những khó khăn và tha thiết cầu nguyện cho hòa bình.

“Mỗi ngày chúng tôi có hai Thánh lễ,” sơ cho hay. “Chúng tôi cũng luôn lần hạt Mân Côi với các em và gia đình các em.”

Vào tối Chúa nhật, linh mục chính xứ cử hành Thánh lễ và rửa tội cho một em gia nhập vào Giáo hội Kitô giáo.

Sơ nói: “Người mẹ sợ điều gì nguy hiểm có thể xảy ra nên đã yêu cầu rửa tội cho con bà”. “Đó là khoảnh khắc hồi sinh và tái sinh về mặt tinh thần đối với tất cả chúng tôi.”

Kêu gọi hòa bình và công lý

Sơ Saleh kết thúc cuộc phỏng vấn bằng lời kêu gọi hòa bình và công lý cho Palestine.

“Chúng tôi muốn hòa bình vì chiến tranh chẳng mang lại lợi ích gì cho ai cả. Chúng tôi muốn cuộc chiến tàn khốc này kết thúc”, sơ nói. “Nhiều người đã mất đi người thân, nhà cửa và mọi thứ họ có. Chúng ta cầu xin cho công lý và hòa bình. Người dân Palestine cũng có quyền được sống. Chúng tôi yêu cầu đừng tàn sát dân chúng vì một nhóm cuồng tín. Chúng tôi cũng xin các bạn cầu nguyện cho chúng tôi.”
 
Cuộc xâm lược Gaza sẽ là thảm họa đối với Israel
Vũ Văn An
17:26 17/10/2023

Marc Lynch, ngày 14 tháng 10 năm 2023, trên tờ Foreign Affairs ( https://www.foreignaffairs.com/middle-east/invasion-gaza-would-be-disaster-israel) có bài nhận định về cuộc xâm lược sắp tới của Israel vào Dải Gaza với khuyến cáo: Mỹ phải thuyết phục được đồng minh của mình để lùi bước khỏi bờ vực.



Sáng sớm ngày 13 tháng 10, quân đội Israel đã đưa ra cảnh cáo tới 1.2 triệu người Palestine ở phía bắc Gaza: họ phải sơ tán trong vòng 24 giờ, trước một cuộc xâm lược trên bộ có thể xảy ra. Một cuộc tấn công như vậy của Israel sẽ có mục tiêu được công khai là chấm dứt vai trò của Hamas như một tổ chức để trả thù cho cuộc tấn công bất ngờ gây kích sốc vào ngày 7 tháng 10 vào miền nam Israel, nơi nhóm này đã tàn sát hơn 1,000 công dân Israel và bắt giữ hơn một trăm con tin.

Một chiến dịch trên bộ của Israel dường như không thể tránh khỏi kể từ thời điểm Hamas xâm phạm vành đai an ninh xung quanh Dải Gaza. Washington hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch của Israel, đặc biệt là không thúc giục kiềm chế. Trong một môi trường chính trị quá nóng, những tiếng nói lớn nhất ở Hoa Kỳ là những tiếng nói thúc giục các biện pháp cực đoan chống lại Hamas. Trong một số trường hợp, các nhà bình luận thậm chí còn kêu gọi hành động quân sự chống lại Iran vì cáo buộc nước này tài trợ cho hoạt động của Hamas.

Nhưng đây chính là lúc Washington phải là người có cái đầu lạnh hơn và cứu Israel khỏi chính họ. Cuộc xâm lược Gaza sắp xảy ra sẽ là một thảm họa nhân đạo, đạo đức và chiến lược. Nó sẽ không chỉ gây tổn hại nặng nề đến an ninh lâu dài của Israel và gây ra tổn thất nhân mạng khôn lường cho người Pales-tine mà còn đe dọa các lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Trung Đông, ở Ukraine và trong cuộc cạnh tranh của Washington với Trung Quốc về trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chỉ có chính quyền Biden - sử dụng đòn bẩy độc nhất của Hoa Kỳ và sự ủng hộ chặt chẽ đã được chứng minh của Nhà Trắng đối với an ninh của Israel - giờ đây mới có thể ngăn Israel mắc phải một sai lầm tai hại. Giờ đây, khi đã thể hiện sự đồng cảm với Israel, Washington phải chuyển hướng sang yêu cầu đồng minh của mình tuân thủ đầy đủ luật chiến tranh. Họ phải nhấn mạnh rằng Israel phải tìm cách tiến hành cuộc chiến với Hamas mà không kéo theo việc di dời và giết hại hàng loạt thường dân Palestine vô tội.

Trạng Thái Không Ổn Định

Cuộc tấn công của Hamas đã đảo ngược hàng loạt giả định đã xác định hiện trạng giữa Israel và Gaza trong gần hai thập niên. Năm 2005, Israel đơn phương rút khỏi Dải Gaza nhưng không chấm dứt sự chiếm đóng trên thực tế. Nó giữ toàn quyền kiểm soát biên giới và không phận của Gaza, đồng thời tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ (hợp tác chặt chẽ với Ai Cập) từ bên ngoài vành đai an ninh đối với việc di chuyển của người dân, hàng hóa, điện và tiền của Gaza. Hamas nắm quyền vào năm 2006 sau chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp và củng cố quyền kiểm soát của mình vào năm 2007 sau nỗ lực thất bại do Mỹ hậu thuẫn nhằm thay thế nhóm này bằng Chính quyền Palestine.

Kể từ năm 2007, Israel và Hamas đã duy trì một thỏa thuận không mấy dễ dàng. Israel tiếp tục phong tỏa ngột ngạt đối với Gaza, điều này hạn chế nghiêm trọng nền kinh tế của lãnh thổ và gây thiệt hại lớn về nhân lực, đồng thời tăng lực cho Hamas bằng cách chuyển mọi hoạt động kinh tế sang các đường hầm và chợ đen mà chúng kiểm soát. Trong các đợt xung đột bùng phát theo từng đợt—vào năm 2008, 2014 và một lần nữa vào năm 2021—Israel đã ném bom ồ ạt vào các trung tâm đô thị đông dân cư ở Gaza, phá hủy cơ sở hạ tầng và giết chết hàng nghìn thường dân, đồng thời làm suy giảm khả năng quân sự của Hamas và đặt ra cái giá phải trả cho những hành động khiêu khích. Tất cả những điều này không làm giảm bớt sự kiểm soát quyền lực của Hamas.

Các nhà lãnh đạo Israel đã nghĩ rằng trạng thái cân bằng này có thể kéo dài vô tận. Họ tin rằng Hamas đã học được những bài học về chủ nghĩa phiêu lưu trong quá khứ thông qua các phản ứng quân sự không cân xứng trên quy mô lớn của Israel và Hamas hiện hài lòng với việc duy trì quyền cai trị của mình ở Gaza ngay cả khi điều đó có nghĩa là kiểm soát các hành động khiêu khích của các phe phái chiến binh nhỏ hơn, chẳng hạn như Thánh chiến Hồi giáo của người Palestine. Những khó khăn mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gặp phải trong một cuộc tấn công ngắn trên bộ vào năm 2014 đã làm giảm tham vọng cố gắng nhiều hơn nữa của nước này. Các quan chức Israel bác bỏ những lời phàn nàn lâu năm về tác động nhân đạo của việc phong tỏa. Thay vào đó, nước này bằng lòng đặt Gaza ở phía sau trong khi đẩy nhanh các động thái ngày càng khiêu khích nhằm mở rộng các khu định cư và kiểm soát West Bank.

Các nhà lãnh đạo Israel đã tiến đến chỗ nghĩ rằng hiện trạng này có thể kéo dài vô tận.

Hamas có ý nghĩ khác. Mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược thay đổi của nó là do ảnh hưởng của Iran, nhưng Hamas có lý do riêng để thay đổi hành vi và tấn công Israel. Bước tiến năm 2018 nhằm thách thức lệnh phong tỏa thông qua hoạt động huy động bất bạo động hàng loạt—thường được gọi là “Cuộc tuần hành vĩ đại Hồi hương”—đã kết thúc với cảnh đổ máu lớn khi binh lính Israel nổ súng vào những người biểu tình. Ngược lại, vào năm 2021, các nhà lãnh đạo Hamas tin rằng họ đã đạt được những lợi thế chính trị đáng kể với công chúng Palestine rộng rãi hơn bằng cách bắn tên lửa vào Israel trong các cuộc đụng độ dữ dội ở Jerusalem về việc Israel tịch thu nhà cửa của người Palestine và về hành động khiêu khích của các nhà lãnh đạo Israel tại khu phức hợp nhà thờ Hồi giáo al Aqsa: một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, nơi một số phần tử cực đoan Israel muốn phá bỏ để xây dựng một ngôi đền Do Thái.

Gần đây hơn, sự leo thang đều đặn của việc chiếm đất của Israel và các cuộc tấn công của người định cư được quân đội hậu thuẫn nhằm vào người Palestine ở West Bank đã tạo ra một làn sóng công chúng giận dữ và được huy động, một làn sóng mà Hoa Kỳ - và Chính quyền Palestine được Israel hậu thuẫn - dường như không thể và không muốn nhắc đến. Những động thái công khai rộng rãi của Hoa Kỳ nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và Saudi Arabia cũng có thể giống như một cánh cửa đóng lại cơ hội để Hamas hành động dứt khoát, trước khi các điều kiện khu vực trở nên không thể tránh khỏi chống lại nó. Và có lẽ, cuộc nổi dậy của Israel chống lại cải cách tư pháp của Thủ tướng Benja-min Netanyahu đã khiến Hamas dự đoán trước về một kẻ thù bị chia rẽ và mất tập trung.

Hiện vẫn chưa rõ mức độ mà Iran thúc đẩy thời điểm hoặc bản chất của cuộc tấn công bất ngờ. Chắc chắn, Iran đã tăng cường hỗ trợ cho Hamas trong những năm gần đây và tìm cách phối hợp các hoạt động trên “trục kháng chiến” của lực lượng dân quân Shiite và các thành phần khác phản đối trật tự khu vực do Mỹ và Israel hậu thuẫn. Nhưng sẽ là một sai lầm to lớn nếu bỏ qua bối cảnh chính trị địa phương, rộng lớn hơn am bên trong đó, Hamas đã thực hiện hành động của mình.

Điểm Quyết Định

Israel ban đầu đáp trả cuộc tấn công của Hamas bằng một chiến dịch ném bom thậm chí còn dữ dội hơn bình thường, cùng với điều đó là một cuộc phong tỏa thậm chí còn gay gắt hơn, cắt lương thực, nước và năng lượng. Israel huy động quân dự bị, đưa khoảng 300,000 quân tới biên giới và chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ sắp xảy ra. Và Israel đã kêu gọi dân thường Gaza rời khỏi miền bắc trong vòng 24 giờ. Đây là một yêu cầu không thể thực hiện được. Người dân Gaza không có nơi nào để đi. Đường cao tốc bị phá hủy, cơ sở hạ tầng đổ nát, điện hoặc năng lượng còn lại rất ít, và một số bệnh viện và cơ sở cứu trợ đều nằm trong khu vực mục tiêu phía bắc. Ngay cả khi người dân Gaza muốn rời khỏi dải đất, tuyến đường Rafah sang Ai Cập vẫn bị đánh bom - và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tỏ ra rất ít dấu hiệu cho thấy họ sẽ đề nghị một nơi ẩn náu thân thiện.

Người dân Gaza ý thức được các sự kiện này. Họ không coi lời kêu gọi sơ tán là một cử chỉ nhân đạo. Họ tin rằng mục đích của Israel là thực hiện một nakba hay “thảm họa” khác: buộc người Palestine phải di dời khỏi Israel trong cuộc chiến năm 1948. Họ không tin – và cũng không nên tin – rằng họ sẽ được phép quay trở lại Gaza sau cuộc giao tranh. Đây là lý do tại sao việc chính quyền Biden thúc đẩy một hành lang nhân đạo để cho phép thường dân Gazan chạy trốn khỏi cuộc giao tranh là một ý tưởng tồi tệ nhất. Trong chừng mực mà một hành lang nhân đạo có thể đáp ứng được bất cứ điều gì, nó sẽ đẩy nhanh quá trình giảm dân số ở Gaza và tạo ra một làn sóng tị nạn vĩnh viễn mới. Khá rõ ràng, nó cũng sẽ cung cấp cho những kẻ cực đoan cánh hữu trong chính phủ của ông Netanyahu một lộ trình rõ ràng để thực hiện điều tương tự ở Jerusalem và West Bank.

Phản ứng này của Israel đối với cuộc tấn công của Hamas xuất phát từ sự phẫn nộ của công chúng và do đó đã nhận được sự tán dương chính trị từ các nhà lãnh đạo trong nước và trên thế giới. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy bất cứ chính trị gia nào trong số này đã suy nghĩ nghiêm túc về những tác động tiềm ẩn của một cuộc chiến ở Gaza, ở West Bank hoặc ở khu vực rộng lớn hơn. Cũng không có bất cứ dấu hiệu nào về việc phải vật lộn nghiêm túc với một kết thúc ở Gaza khi cuộc giao tranh bắt đầu. Ít nhất là không có bất cứ dấu hiệu suy nghĩ nào về ý nghĩa đạo đức và pháp lý của hình phạt tập thể đối với thường dân Gaza và sự tàn phá nhân bản không thể tránh khỏi sắp tới.

Bản thân cuộc xâm lược Gaza sẽ kèm theo những bất ổn. Hamas chắc chắn đã đoán trước được phản ứng như vậy của Israel và đã chuẩn bị tốt cho trận đánh nổi dậy lâu dài ở thành thị chống lại lực lượng đang tiến lên của Israel. Nó có thể hy vọng sẽ gây ra thương vong đáng kể cho một quân đội đã không tham gia vào cuộc chiến như vậy trong nhiều năm. (Kinh nghiệm quân sự gần đây của Israel bị giới hạn ở các cuộc hành quân một chiều, chẳng hạn như cuộc tấn công vào tháng 7 năm nay vào trại tị nạn Jenin ở West Bank.) Hamas đã báo hiệu những kế hoạch khủng khiếp nhằm sử dụng con tin của mình như một biện pháp ngăn chặn các hành động của Israel. Israel có thể giành được chiến thắng nhanh chóng, nhưng điều đó dường như khó xảy ra; những động thái có thể đẩy nhanh chiến dịch của đất nước, chẳng hạn như ném bom xuống đất các thành phố và làm suy giảm dân số ở miền bắc, sẽ đi kèm với những tổn thất lớn về danh tiếng. Và chiến tranh càng kéo dài, thế giới sẽ càng bị tấn công bởi những hình ảnh về những người Israel và Palestine thiệt mạng và bị thương, đồng thời càng có nhiều cơ hội cho những sự kiện gây rối bất ngờ.

Người dân Gaza không có nơi nào để đi.

Ngay cả khi Israel thành công trong việc lật đổ Hamas, thì nước này sẽ phải đối mặt với thách thức quản lý vùng lãnh thổ mà họ đã bỏ rơi vào năm 2005 và sau đó bị phong tỏa và ném bom không thương tiếc trong những năm sau đó. Dân số trẻ của Gaza sẽ không chào đón Lực lượng Phòng vệ Do Thái (IDF) với tư cách là những người giải phóng. Sẽ không có hoa và kẹo được cung cấp. Kịch bản tốt nhất của Israel là một cuộc phản nổi dậy kéo dài trong một môi trường đặc biệt thù địch nơi nó có lịch sử thất bại và trong đó, người ta không còn gì để mất.

Trong trường hợp xấu nhất, cuộc xung đột sẽ không chỉ giới hạn ở Gaza. Và thật không may, khả năng mở rộng như vậy là có thể. Một cuộc xâm lược kéo dài vào Gaza sẽ tạo ra áp lực to lớn ở West Bank, điều mà Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas có thể không thể - hoặc có lẽ không muốn - kiềm chế. Trong năm qua, sự xâm lấn không ngừng của Israel vào đất ở West Bank và những hành động khiêu khích bạo lực của những người định cư đã khiến sự tức giận và thất vọng của người Palestine bùng lên. Cuộc xâm lược Gaza có thể đẩy người Palestine ở West Bank đến bờ vực thẳm.

Bất chấp sự tức giận tột độ của Israel đối với Netanyahu vì thất bại chiến lược gần như chưa từng có của chính phủ ông, lãnh đạo phe đối lập Benny Gantz đã giúp giải quyết các vấn đề chính trị lớn của Netanyahu mà không phải trả chịu phí tổn gì bằng cách tham gia nội các chiến tranh đoàn kết dân tộc mà không loại bỏ những kẻ cực đoan cánh hữu Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich. Quyết định này rất có ý nghĩa vì nó cho thấy rằng các hành động khiêu khích ở West Bank và Jerusalem, mà Ben-Gvir và Smo-trich dẫn đầu vào năm ngoái, sẽ tiếp tục trong môi trường bất ổn này. Trên thực tế, nó có thể tăng tốc khi phong trào định cư tìm cách tận dụng thời điểm này để cố gắng sáp nhập một phần hoặc toàn bộ West Bank và di dời cư dân Palestine ở đó. Không gì có thể nguy hiểm hơn.

Xung đột nghiêm trọng ở West Bank – dù dưới hình thức một cuộc intifada mới hay việc chiếm đất của người định cư Israel – cùng với sự tàn phá Gaza, sẽ có những hậu quả to lớn. Nó sẽ phơi bày sự thật nghiệt ngã về thực tại một nhà nước Israel đến mức ngay cả những kẻ cứng rắn cuối cùng cũng không thể phủ nhận nó. Cuộc xung đột có thể gây ra một cuộc di cư cưỡng bức khác của người Palestine, một làn sóng tị nạn mới được đưa đến Jordan và Lebanon vốn đã quá tải đến mức nguy hiểm hoặc bị Ai Cập cưỡng bức kiềm chế trong các vùng đất ở bán đảo Sinai.

Quá bên kia hàng rào

Các nhà lãnh đạo Ả Rập, tự bản chất, là những người thực tiễn, bận tâm đến sự sống còn của chính họ và lợi ích quốc gia của chính họ. Không ai mong đợi họ sẽ hy sinh vì Palestine, một giả định đã thúc đẩy chính sách của Mỹ và Israel dưới thời cả cựu Tổng thống Donald Trump lẫn Tổng thống Joe Biden. Nhưng có những giới hạn đối với khả năng của họ trong việc đương đầu với quần chúng đang được huy động mạnh mẽ, đặc biệt là khi liên quan đến Palestine. Ả Rập Saudi rất có thể bình thường hóa quan hệ với Israel, nỗi ám ảnh kỳ lạ của chính quyền Biden, khi làm như vậy sẽ ít phải trả giá chính trị. Điều đó khó có thể xảy ra khi công chúng Ả Rập bị tấn công dồn dập bởi những hình ảnh khủng khiếp từ Palestine.

Trong những năm qua, các nhà lãnh đạo Ả Rập thường xuyên cho phép các cuộc biểu tình chống Israel như một cách để xả xú bắp, chuyển hướng sự tức giận của người dân sang kẻ thù bên ngoài để tránh bị chỉ trích về thành tích ảm đạm của chính họ. Họ có thể sẽ làm như vậy một lần nữa, khiến những người hoài nghi phải tổ chức các cuộc tuần hành lớn và phản đối giận dữ. Nhưng các cuộc nổi dậy ở Ả Rập năm 2011 đã chứng minh một cách thuyết phục rằng các cuộc biểu tình có thể tăng tốc nhanh chóng và dễ dàng từ một điều gì đó mang tính địa phương thành một làn sóng khu vực có khả năng lật đổ các chế độ chuyên quyền cầm quyền lâu dài. Các nhà lãnh đạo Ả Rập sẽ không cần phải được nhắc nhở rằng việc cho phép công dân xuống đường với số lượng lớn sẽ đe dọa quyền lực của họ. Họ sẽ không muốn bị nhìn thấy đứng về phía Israel.

Trong hoàn cảnh này, sự miễn cưỡng của họ trong việc thân thiện với Israel không chỉ đơn giản là vấn đề sống còn của chế độ. Các chế độ Ả Rập theo đuổi lợi ích của họ trên nhiều sân chơi, trong khu vực và hoàn cầu, cũng như trong nước. Các nhà lãnh đạo đầy tham vọng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình và khẳng định vị trí lãnh đạo thế giới Ả Rập có thể đọc được những cơn gió thịnh hành. Vài năm gần đây đã tiết lộ mức độ mà các cường quốc trong khu vực như Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thách thức Hoa Kỳ trong các vấn đề quan trọng nhất của nước này: phòng ngừa việc Nga xâm lược Ukraine, giữ giá dầu ở mức cao, xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc. Những quyết định này cho thấy rằng Washington không nên coi là đương nhiên lòng trung thành của họ, đặc biệt nếu các quan chức Mỹ được coi là ủng hộ một cách rõ ràng các hành động cực đoan của Israel ở Palestine.

Kể từ khi Mỹ xâm lược Iraq, người ta mới thấy sự rõ ràng như vậy về thất bại sắp xảy ra.

Việc xích xa người Ả Rập không phải là sự thay đổi khu vực duy nhất mà Hoa Kỳ gặp rủi ro nếu tiếp tục đi theo con đường này. Và đó chưa phải là điều đáng sợ nhất: Hezbollah cũng có thể dễ dàng bị lôi kéo vào cuộc chiến. Cho đến nay, tổ chức này đã điều chỉnh cẩn thận phản ứng của mình để tránh bị khiêu khích. Nhưng cuộc xâm lược Gaza có thể là một ranh giới đỏ buộc Hezbollah phải hành động. Sự leo thang ở West Bank và Jerusalem gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Hoa Kỳ và Israel đã tìm cách ngăn chặn Hezbollah tham gia cuộc chiến, nhưng những mối đe dọa như vậy sẽ chỉ đi xa nếu Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiếp tục leo thang. Và nếu Hezbollah bước vào cuộc chiến với kho tên lửa đáng gờm của mình, Israelel sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tranh hai mặt trận đầu tiên sau nửa thế kỷ. Tình huống như vậy sẽ là điều tồi tệ không chỉ đối với Israel. Điều không rõ ràng là Lebanon, vốn đã bị suy sụp sau vụ nổ cảng và khủng hoảng kinh tế năm ngoái, có thể sống sót sau một chiến dịch ném bom trả đũa khác của Israel.

Một số chính trị gia và học giả của Mỹ và Israel dường như hoan nghênh một cuộc chiến rộng lớn hơn. Đặc biệt, họ đã ủng hộ việc tấn công Iran. Mặc dù hầu hết những người ủng hộ việc ném bom Iran đã giữ quan điểm đó trong nhiều năm, nhưng những cáo buộc về vai trò của Iran trong cuộc tấn công của Hamas có thể mở rộng liên minh của những người sẵn lòng bắt đầu xung đột với Tehran.

Nhưng việc mở rộng chiến tranh sang Iran sẽ gây ra những rủi ro to lớn, không chỉ dưới hình thức Iran trả đũa Israel mà còn trong các cuộc tấn công chống lại hoạt động vận chuyển dầu ở vùng Vịnh và khả năng leo thang trên khắp Iraq, Yemen và các mặt trận khác nơi các đồng minh của Iran nắm giữ quyền lực. Do đó, việc thừa nhận những rủi ro đó đã hạn chế ngay cả những người có quan điểm diều hâu nhiệt tình nhất với Iran, như khi Trump chọn chống lại việc trả đũa cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu Abqaiq của Ả Rập Saudi vào năm 2019. Ngay cả ngày nay, hàng loạt thông tin rò rỉ đều đặn từ các quan chức Mỹ và Israel vẫn hạ thấp tầm quan trọng của vai trò Iran cho thấy quan tâm về việc tránh leo thang. Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, động lực của cuộc chiến kéo dài vẫn vô cùng khó lường. Thế giới hiếm khi đến gần thảm họa hơn.

Tội Phạm Là Tội Phạm

Những người thúc giục Israel xâm chiếm Gaza với các mục tiêu tối đa đang đẩy đồng minh của họ vào một thảm họa chiến lược và chính trị. Cái giá phải trả tiềm tàng là cực kỳ cao, dù được tính vào những cái chết của người Israel và người Palestine, khả năng xảy ra một vũng lầy kéo dài hay sự di tản hàng loạt của người Palestine. Nguy cơ xung đột lan rộng cũng lớn đến mức đáng báo động, đặc biệt là ở West Bank và Lebanon nhưng có thể còn rộng hơn rất nhiều. Và những lợi ích tiềm tàng – ngoài việc thỏa mãn nhu cầu trả thù – lại thấp một cách đáng kể. Kể từ khi Mỹ xâm lược Iraq, người ta chưa thấy rõ ràng trước về thất bại sắp xảy ra như thế.

Các vấn đề đạo đức cũng chưa hề rõ ràng đến thế. Không nghi ngờ gì nữa, Hamas đã phạm tội ác chiến tranh nghiêm trọng trong các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào công dân Israel và tổ chức này phải chịu trách nhiệm. Nhưng cũng không còn nghi ngờ gì nữa rằng sự trừng phạt tập thể đối với Gaza, thông qua các cuộc phong tỏa, đánh bom và cưỡng bức di dời dân cư ở đây, thể hiện tội ác chiến tranh nghiêm trọng. Ở đây cũng cần có trách nhiệm giải trình - hay tốt hơn là tôn trọng luật pháp quốc tế.

Mặc dù những quy tắc này có thể không gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Israel nhưng chúng đặt ra một thách thức chiến lược đáng kể đối với Hoa Kỳ về các ưu tiên cao nhất khác của nước này. Thật khó để dung hòa việc Hoa Kỳ thúc đẩy các chuẩn mực quốc tế và luật chiến tranh để bảo vệ Ukraine khỏi cuộc xâm lược tàn bạo của Nga với việc khinh thường các chuẩn mực tương tự ở Gaza. Các quốc gia và người dân ở miền Nam bán cầu bên kia Trung Đông sẽ nhận thấy điều đó.

Chính quyền Biden đã nói rất rõ ràng rằng họ ủng hộ Israel trong phản ứng trước cuộc tấn công của Hamas. Nhưng bây giờ là lúc họ phải sử dụng sức mạnh của mối quan hệ đó để ngăn chặn Israel tạo ra một thảm họa đáng kể. Cách tiếp cận hiện tại của Washing-ton đang khuyến khích Israel phát động một cuộc chiến tranh sai lầm sâu sắc, hứa hẹn bảo vệ khỏi hậu quả của nó bằng cách ngăn cản những nước khác tham gia trận chiến và bằng cách ngăn chặn mọi nỗ lực áp đặt trách nhiệm giải trình thông qua luật pháp quốc tế. Nhưng Hoa Kỳ làm điều này phải trả giá bằng vị thế hoàn cầu và lợi ích khu vực của chính mình. Nếu cuộc xâm lược Gaza của Israel diễn ra theo hướng có khả năng xảy ra nhất, với tất cả sự tàn sát và leo thang, chính quyền Biden sẽ phải hối hận về những lựa chọn của mình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng 20 Năm Hồng Ân Thánh Chức Lm Chánh Xứ Giuse Victor Đinh Toàn.
Magarita Nguyễn Phương Lan
06:37 17/10/2023
Mừng 20 Năm Hồng Ân Thánh Chức Lm Chánh Xứ Giuse Victor Đinh Toàn.

Giáo Xứ La Vang Fresno, California



Xem Hình
 
VietCatholic TV
Mỹ đưa TQLC áp sát Israel. Ukraine thắng lớn ở Avdiivka. Lý do Israel bị bất ngờ. Tấm bản đồ ác độc
VietCatholic Media
03:09 17/10/2023


1. Lực lượng phản ứng nhanh của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tiến đến vùng biển gần Israel

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết lực lượng phản ứng nhanh của Thủy quân lục chiến Mỹ đang tiến tới vùng biển ngoài khơi Israel.

Lực lượng này, bao gồm 2.000 Thủy Quân Lục Chiến và các thủy thủ, sẽ tham gia cùng với ngày càng nhiều tàu chiến và lực lượng của Mỹ tập trung vào Israel khi Mỹ tìm cách gửi thông điệp răn đe tới Iran và ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza lan nhanh thành một cuộc xung đột khu vực.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, bao gồm việc triển khai Không Quân Mẫu Hạm thứ hai tới phía đông Biển Địa Trung Hải và điều các chiến đấu cơ của Không quân đến khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho khoảng 2.000 binh sĩ chuẩn bị triển khai tới Israel để hỗ trợ các nhiệm vụ như hỗ trợ y tế và hậu cần.

Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết, lệnh này không có nghĩa là quân đội chắc chắn sẽ được triển khai hoặc mọi người sẽ đóng vai trò chiến đấu nếu họ đến Israel. Tuy nhiên, theo các quan chức, quyết định của Austin đã rút ngắn thời gian mà các binh sĩ được xác định sẽ phải chuẩn bị triển khai nếu họ được lệnh lên đường.

Mỹ đã có một nhóm tấn công Không Quân Mẫu Hạm ở phía đông biển Địa Trung Hải và một nhóm thứ hai đang trên đường tới. Ryder này không nêu rõ đơn vị Thủy quân lục chiến sẽ đi đâu, nhưng lực lượng này có thể vẫn ở Biển Đỏ ngoài khơi bờ biển phía nam Israel, điều này sẽ đưa lực lượng Mỹ đến gần hai bờ biển của nước này.

Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26 là một phần của Nhóm sẵn sàng đổ bộ Bataan. Trong những ngày gần đây, đơn vị này đã đóng quân gần Kuwait như một phần của cuộc tập trận theo lịch trình ở đó, nhưng đơn vị đã khởi hành sớm “do một số sự kiện mới nổi lên”, Đại úy Angelica White, phát ngôn viên của đơn vị, nói với Marine Corps Times vào tuần trước.

CNN đưa tin hôm thứ Sáu rằng đơn vị này đang chuẩn bị cho một động thái có thể tiến tới Israel.

Đơn vị Thủy quân lục chiến chuyên thực hiện các nhiệm vụ như hoạt động đổ bộ, ứng phó khủng hoảng, hỗ trợ nhân đạo và một số hoạt động đặc biệt. Các quan chức cho biết đơn vị này đang ở trên tàu USS Bataan, một tàu tấn công đổ bộ hiện đang ở Vịnh Ô-man.

USS Bataan và Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến thứ 26 đã hoạt động ở Trung Đông kể từ tháng 8 như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm lược của Iran trên các tuyến đường thủy quan trọng quanh khu vực, bao gồm Vịnh Ô-man và Eo biển Hormuz.

2. Tổng thống Joe Biden lên án vụ đâm người ở Illinois

Hôm Chúa Nhật, Tổng thống Joe Biden đã tố cáo một vụ đâm người ở Illinois, và nói rằng: “Hành động căm thù khủng khiếp này không có chỗ đứng ở Mỹ”.

Ông nói: “Gia đình Hồi giáo Palestine của đứa trẻ đã đến Mỹ để tìm kiếm điều mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm— đó là một nơi ẩn náu để sống, học tập và cầu nguyện trong hòa bình. Tôi cảm thấy muốn bệnh trước hành động của thủ phạm”. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh có các lo ngại rằng Nga sẽ làm mọi cách để biến cuộc xung đột Israel-Hamas thành một cuộc chiến khu vực, nếu không phải là một cuộc thế chiến, nhằm làm phân tán sự chú ý và tài nguyên của phương Tây vào cuộc xâm lược Ukraine của họ.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật: “Tôi rất đau lòng trước vụ giết hại dã man Wadea Al-Fayoume, một đứa trẻ 6 tuổi chết sau khi bị đâm 26 nhát bằng một con dao kiểu quân đội. Thay mặt toàn bộ Bộ Tư pháp, tôi muốn bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và cộng đồng của cậu bé khi họ đau buồn trước sự mất mát cậu ấy.”

Bộ Tư pháp cảnh báo vụ việc có thể “làm tăng thêm nỗi lo sợ của các cộng đồng Hồi giáo, Ả Rập và Palestine ở nước ta về bạo lực do thù hận gây ra”.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh có những lo ngại về một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông và thậm chí toàn thế giới sau khi quân khủng bố Hamas tấn công vào Israel khiến 1400 người chết và khoảng 200 người bị bắt làm con tin; dẫn đến việc Israel đánh trả và phong tỏa dải Gaza. 2600 người Palestine được tường trình đã thiệt mạng.

Chuyện gì đã xảy ra ở Illinois?

Một cậu bé 6 tuổi người Mỹ gốc Palestine đã bị chủ cho thuê nhà đâm chết tại căn nhà ở Illinois. Người chủ nhà này cũng làm mẹ của cậu bé bị thương nặng trong một tội ác được cho là chống lại người Hồi giáo. Cảnh sát cho biết hôm Chúa Nhật, gọi đó là “hành động vô nghĩa và hèn nhát”. bạo lực.”

Các nhà điều tra cho biết bé Wadea Al-Fayoume 6 tuổi đã bị Joseph Czuba, 71 tuổi, đâm 26 nhát tại nhà ở Plainfield hôm thứ Bảy. Em bé chết tại bệnh viện.

Mẹ của em bé, Hanaan Shahin, 32 tuổi, đã bị đâm hơn chục nhát, nhà chức trách cho biết và cho biết thêm rằng bà đang ở bệnh viện và dự kiến sẽ sống sót.

Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Will cho biết trong một thông cáo báo chí: “Các thám tử có thể xác định rằng cả hai nạn nhân trong vụ tấn công tàn bạo này đều là mục tiêu của nghi phạm do họ là người Hồi giáo và cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông liên quan đến Hamas và người Israel”.

Czuba bị Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Will bắt giữ và buộc tội sau khi cảnh sát xác định ông ta đâm đứa trẻ và người mẹ vì họ theo đạo Hồi và vì tình hình đang diễn ra ở Israel.

Trước lễ cầu nguyện trong tang lễ của cậu bé hôm thứ Hai tại đền thờ Hồi giáo ở Bridgeview, Illinois, cha của đứa trẻ, Odey Al-Fayoume, nói bằng tiếng Ả Rập, cho biết ông hy vọng điều gì đó tốt đẹp có thể đến từ vụ giết con trai mình.

“Tôi ở đây vì tôi là cha của cậu bé, không phải vì tôi là một chính trị gia hay một nhân vật tôn giáo hay bất cứ điều gì. Tôi ở đây với tư cách là cha của một đứa trẻ bị tước đoạt quyền lợi”, Al-Fayoume nói.

Ông gọi con trai mình là “vị tử đạo”.

“Tôi hy vọng rằng các gia đình ở Gaza sẽ chấp nhận con tôi theo cùng quan điểm đó,” ông nói. “Vấn đề giữa Hamas và Gaza là vấn đề thế giới, không liên quan đến từng quốc gia riêng lẻ. Tôi chưa đủ lớn để nói những điều này. Và tôi hy vọng rằng con trai tôi có thể là phương tiện để giải quyết vấn đề này.”

Vào cuối đám tang, một chiếc quan tài nhỏ màu trắng, có lúc được phủ cờ Palestine, đã được mang đi.

3. Quan chức Hoa Kỳ nói vẫn chưa biết gì về tình trạng con tin Mỹ

Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết Mỹ tiếp tục tin rằng một số ít người Mỹ đã bị Hamas bắt làm con tin nhưng không có thông tin gì về tình trạng của những người bị bắt giữ.

Singh cho biết những nỗ lực không ngừng của chính quyền nhằm xác định thông tin về những con tin người Mỹ đó vẫn “không thay đổi”, và việc bàn thảo với các đối tác trong khu vực vẫn tiếp tục.

Singh cho biết thêm, Mỹ cũng tiếp tục hoạt động với giả định rằng những con tin này có thể không tập trung lại một nơi.

Kể từ khi cuộc tấn công bất ngờ tàn khốc của Hamas vào Israel bắt đầu vào cuối tuần trước, chính quyền có rất ít thông tin về những người Mỹ bị Hamas bắt làm con tin. Trên thực tế, phải mất vài ngày các quan chức Mỹ mới xác nhận rằng người Mỹ nằm trong số các con tin - một dấu hiệu cho thấy thách thức đặc biệt mà chính quyền phải đối mặt khi nói đến triển vọng tìm kiếm những người Mỹ mất tích.

Israel hôm thứ Hai cho biết họ tin rằng có 199 con tin đang bị giam giữ ở Gaza và họ đã thông báo cho tất cả các gia đình. Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu người Mỹ trong số những người bị bắt.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với các thành viên gia đình của những người Mỹ “mất tích” ở Israel và cam kết rằng ông sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm họ trở về an toàn.

4. Cuộc tấn công vào thành phố Avdiivka đã tạm ngưng với cái giá đắt đỏ là 3000 tử sĩ Nga

Báo chí tại Thủ đô Kyiv đã bày tỏ niềm vui cực độ sau khi tình hình tại thành phố Avdiivka đã lắng dịu. Một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều là chuyện quân Nga gắn những cái đầu heo ở trước xe tăng và xe thiết giáp trước khi xung phong. Nhiều người cho rằng đó là trò mê tín dị đoan, người khác nói đó là trò tâm lý chiến của Valery Gerasimov và Sergei Shoigu. Tuy nhiên, bất kể vì lý do gì, những cái đầu heo đã không giúp gì được cho quân Nga. Thành phố Avdiivka vẫn đứng vững trong khi quân Nga bỏ lại hơn 3000 xác đồng đội khi rút lui.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has Lost '3,000' Personnel During Costly Avdiivka Advance: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga đã mất '3.000' nhân sự trong cuộc tiến công Avdiivka tốn kém.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nỗ lực tấn công của Nga vào thành phố Avdiivka kiên cố ở phía đông Ukraine xem ra là một thất bại đắt giá đối với Mạc Tư Khoa, khi quân đội Ukraine tuyên bố đã giết chết hàng ngàn binh sĩ Nga và phá hủy hàng trăm thiết bị quân sự trong nhiều ngày giao tranh căng thẳng.

Phát ngôn nhân của nhóm lực lượng phía đông Ukraine – được gọi là Nhóm Tavriisk – cho biết hoạt động tấn công của Nga xung quanh thành phố chiến lược Donetsk đã giảm bớt sau nỗ lực bao vây thất bại vào tuần trước.

Đại tá Oleksandr Shtupun nói: “Chúng tôi đã phá hủy rất nhiều trang bị của họ, vì vậy giờ đây đối phương tiếp tục tiến về phía trước bằng bộ binh”. “Những vụ này cũng có thể được gọi là 'các cuộc tấn công bằng máy xay thịt'“.

Shtupun cho biết lực lượng bảo vệ Ukraine đã phá hủy hơn 300 thiết bị quân sự của Nga và giết chết khoảng 3.000 binh sĩ Nga ở khu vực Avdiivka kể từ khi lực lượng Mạc Tư Khoa bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực tấn công mới ở đó vào ngày 9 tháng 10. Kyiv cho biết quân đội của họ đã đẩy lùi hơn 15 cuộc tấn công của Nga trong khu vực trong ngày qua.

Đại tá Dmytro Lysyuk - chỉ huy Lữ đoàn tấn công sơn cước biệt lập số 128 của Ukraine - cho biết ông thấy rất ít hy vọng cho hoạt động của Nga. “Người Nga đáng lẽ phải nhận ra điều này từ lâu “, Lysyuk nói, theo The Guardian. “Họ thậm chí còn không đạt được chút thành công nào về mặt chiến thuật.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, hôm Chúa Nhật cho biết quân đội Mạc Tư Khoa đang tiếp tục các hoạt động “nhằm bao vây Avdiivka”, nhưng lực lượng tấn công “vẫn chưa đạt được thêm thành tựu nào trong bối cảnh nhịp độ hoạt động của Nga trong khu vực có khả năng giảm dần. “

Bản tin của ISW cho biết: “Cả các nhà quan sát quân sự Ukraine và các nguồn tin của Nga đều tuyên bố rằng lực lượng Nga đã không đạt được bước đột phá ngay lập tức như mong muốn và lực lượng Nga phải đối mặt với tổn thất cao ban đầu và tốc độ tiến quân rất chậm so với dự kiến”.

Cuộc tấn công vào Avdiivka diễn ra như một nỗ lực của Nga nhằm lấy lại động lực chiến trường sau bốn tháng phòng thủ trước hoạt động phản công của Kyiv ở phía đông nam đất nước. Mặc dù nỗ lực ban đầu dường như đã thất bại, ISW cho rằng quân đội Nga sẽ tìm cách khai thác những lợi ích tương đối ít ỏi đã giành được xung quanh sườn thành phố.

“Tuy nhiên, các lực lượng Nga có thể sẽ tiếp tục các hoạt động tấn công với nhịp độ giảm dần trong thời gian tới và sẽ vẫn là mối đe dọa đối với các lực lượng Ukraine trong khu vực, mặc dù khó có thể đạt được bước đột phá mang tính quyết định và cũng chẳng thể bao vây Avdiivka vào thời điểm này”

“Bất kỳ sự giảm nhịp độ hoạt động tấn công nào của Nga đều có thể là kết quả của sự điều chỉnh tạm thời về tình hình chiến thuật và các lực lượng Nga có thể tăng cường nỗ lực bao vây Avdiivka trong những ngày tới.”

Tuy nhiên, ISW cho rằng có rất ít hy vọng về thành công sắp xảy ra của Nga. Viện nghiên cứu cho biết: “Các lực lượng của Nga khó có thể tạo ra những đột phá đáng kể hoặc cắt đứt lực lượng Ukraine trong khu định cư trong thời gian tới và những tiến bộ tiềm năng trên quy mô có thể sẽ đòi hỏi một cam kết lâu dài và đáng kể về nhân sự và trang thiết bị”.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang hạ thấp tầm quan trọng của hoạt động này. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm Chúa Nhật, tổng thống cho biết quân đội của ông đang tham gia vào một chiến dịch “phòng thủ tích cực” ở khu vực Avdiivka, cũng như ở khu vực phía đông Kupiansk – nơi lực lượng Nga đã tấn công trong nhiều tháng – và ở tỉnh Zaporizhzhia, nơi Ukraine hiện đang tập trung phản công.

5. Cuộc họp của Blinken với nội các chiến tranh tiếp tục kéo dài quá nửa đêm ở Israel

Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và nội các chiến tranh trong hơn năm giờ. Cuộc họp kéo dài đến quá nửa đêm.

Diễn biến này xảy ra vào thời điểm quan trọng khi Israel đã sẵn sàng cho một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza, cửa khẩu biên giới Rafah dường như vẫn đóng cửa và bị hư hại bởi các cuộc không kích của Israel, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng sâu sắc và hàng trăm con tin vẫn bị Hamas giam giữ. Cuộc gặp của Blinken ở Israel - là vòng thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần - diễn ra trong bối cảnh có các lo ngại rằng Nga sẽ làm mọi cách để biến cuộc xung đột Israel-Hamas thành một cuộc chiến khu vực, nếu không phải là một cuộc thế chiến, nhằm làm phân tán sự chú ý và tài nguyên của phương Tây vào cuộc xâm lược Ukraine của họ.

Phát ngôn nhân Matt Miller cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các chiến tranh của Israel đã trú ẩn trong hầm trú ẩn trong 5 phút khi còi báo động không kích vang lên ở Tel Aviv hôm thứ Hai.

Miller cho biết các quan chức đã chuyển đi và đang tiếp tục thảo luận tại một trung tâm chỉ huy.

Blinken đã trở lại Amman, Jordan, từ Tel Aviv vào tối thứ Hai.

6. Putin nói Nga sẵn sàng giúp chấm dứt xung đột Israel-Hamas bằng biện pháp ngoại giao, Điện Cẩm Linh nói

Đã có các lo ngại rằng Nga sẽ làm mọi cách để biến cuộc xung đột Israel-Hamas thành một cuộc chiến khu vực, nếu không phải là một cuộc thế chiến, nhằm làm phân tán sự chú ý và tài nguyên của phương Tây vào cuộc xâm lược Ukraine của họ.

Trong bối cảnh đó, Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Vladimir Putin đã đề cập đến cuộc xung đột Israel-Hamas đang leo thang trong các cuộc gọi với một số nhà lãnh đạo hôm thứ Hai.

Putin đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo từ Israel, Chính quyền Palestine, Syria, Iran và Ai Cập.

Tổng thống Nga nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Nga sẵn sàng giúp chấm dứt xung đột một cách hòa bình, bằng các biện pháp ngoại giao.

Peskov cho biết: “Sự sẵn sàng cơ bản để tiếp tục thực hiện các công việc có mục đích chấm dứt cuộc đối đầu giữa người Palestine và Israel và đạt được giải pháp hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao đã được xác nhận”.

Trong cuộc trò chuyện với 5 nhà lãnh đạo hôm thứ Hai, ông Putin đổ lỗi cho sự leo thang hiện nay ở Trung Đông là do “sự trì trệ lâu dài” trong việc giải quyết xung đột, Peskov cho biết.

Theo Peskov, Tổng thống Nga nhấn mạnh trong cuộc gọi “mức độ nghiêm trọng của tình hình nhân đạo ở Gaza và sự cần thiết phải dỡ bỏ lệnh phong tỏa khu vực này để cung cấp ngay thuốc men, thực phẩm và các viện trợ quan trọng khác”.

7. Bản đồ rùng rợn tiết lộ kế hoạch độc ác của Hamas nhằm vào các trường học Israel

Một bản đồ rùng rợn đã tiết lộ kế hoạch xấu xa của những kẻ khủng bố Hamas nhằm mục tiêu vào các trường học của Israel và “giết càng nhiều càng tốt”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Do Thái cho biết một bản đồ “tuyệt mật” được tìm thấy trên thi thể của các chiến binh Hamas đã tiết lộ một âm mưu phức tạp và có phối hợp nhằm bắt cóc và sát hại trẻ em trong cơn thịnh nộ khủng khiếp của chúng.

Bản đồ cho thấy Hamas sẽ tấn công hai trường học và một trung tâm thanh niên như thế nào trong cuộc tấn công kinh hoàng của họ vào một khu vực dân cư.

Những kẻ khủng bố Hamas đã gây ra cuộc tàn sát ở Israel khi chúng tràn vào bằng xe máy, tàu lượn trước khi tàn sát hơn 1.400 người tại nhà của họ và tại một lễ hội âm nhạc vào thứ Bảy tuần trước.

Israel đã trả đũa bằng cách ném bom các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza, giết chết khoảng 2.500 người và cảnh báo 1,1 triệu người ở phía bắc Gaza phải di tản về phía nam trong ngày thứ Bẩy.

Giờ đây, những kế hoạch độc ác của Hamas nhằm gây ra nỗi kinh hoàng trên khu vực Kfar Sa'ad của Israel - cách biên giới Gaza hai dặm - đã được tiết lộ.

Âm mưu bị cáo buộc, được dán nhãn là “tuyệt mật” bằng tiếng Ả Rập, được cho là đã được tìm thấy trong số thi thể của những kẻ khủng bố.

Theo tài liệu mà NBC thu được, nó đưa ra hướng dẫn cho hai đơn vị Hamas được huấn luyện bài bản tấn công ngôi làng và tấn công vào những nơi trẻ em tụ tập.

Lệnh của họ là thâm nhập vào hai trường học và một trung tâm thanh thiếu niên và bắt các con tin rồi kéo về Gaza, với một bản đồ tiết lộ chính xác nơi họ sẽ tấn công.

Một trang chỉ đạo “Đơn vị chiến đấu 1” “quản lý trường Da'at mới”, trong khi “đơn vị chiến đấu 2” được lệnh “thu thập con tin”, “khám xét trung tâm thanh thiếu niên Bnei Akiva” và “tìm kiếm người Do Thái ở trường Da'at cũ”.. “

Các chiến binh được lệnh “giết càng nhiều càng tốt” khi họ đã chiếm được khu vực.

Một người lính IDF gần đây nói với NewsNation rằng anh ta đã thấy các kế hoạch nêu rõ: “Săn và giết mọi thứ di chuyển. Động vật nuôi. Trẻ sơ sinh, mọi người.”

Chính quyền Israel vẫn đang xác định số người chết trong vụ tắm máu ở Kfar Sa-ad, nơi sinh sống của 800 người.

Tại khu vực Kfar Aza, Hamas đã giết hại hơn 100 thường dân trong những cảnh tượng kinh hoàng không thể tưởng tượng được.

Các kế hoạch mới được phát hiện là một phần trong kho tài liệu đáng lo ngại cho thấy Hamas đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7 tháng 10 như thế nào.

Bằng chứng cho thấy nhóm chiến binh Palestine trong nhiều năm đã thu thập thông tin tình báo chi tiết về tất cả các thị trấn và làng mạc của Israel gần biên giới Gaza.

Một nguồn tin của IDF nói với NBC: “phòng khám nha khoa, siêu thị, nhà ăn… mức độ cụ thể sẽ khiến bất kỳ ai trong lĩnh vực tình báo phải há hốc mồm”.

Một quan chức giấu tên khác cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy kiểu lập kế hoạch chi tiết như thế này” trong một cuộc tấn công khủng bố.

Hôm thứ Sáu, một kế hoạch hoạt động dài 14 trang đã được phát hiện giữa một đống thi thể của những kẻ khủng bố Hamas bởi nhóm giải cứu Israel có tên Những người phản ứng đầu tiên phía Nam (SFR).

Các tài liệu - có tiêu đề “kế hoạch đột kích” nêu rõ kế hoạch tấn công của họ vào khu vực Mefalsim - bao gồm các hướng dẫn cụ thể về cách khoét lỗ trên hàng rào.

Một trang được SFR coi là “quan trọng nhất” đặt ra các “nhiệm vụ” bao gồm “bắt binh lính làm tù binh, cư dân và bắt con tin để đàm phán”.

Tài liệu cũng nêu rõ lịch trình hoạt động và thành viên nào trong đội sẽ làm những gì, chẳng hạn như “mở lỗ” trên hàng rào hoặc cung cấp “pháo binh”.

SFR cho biết lực lượng cấp cứu cũng tìm thấy những mảnh giấy mà phiến quân Hamas mang trên người “có thông tin tổng quan về xe bọc thép và xe tăng của Israel” cũng như “danh sách thiết bị chi tiết”.

Điều này được hiểu rằng các bài báo cũng lưu ý những điểm yếu của xe Israel.

Tại Kfar Aza, binh lính Israel đã phát hiện ra vùng đất hoang tàn bạo mà phiến quân Hamas đã để lại sau khi tàn sát ít nhất 40 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Các nạn nhân bao gồm con gái 8 tuổi của Thomas Hand, người gốc Ái Nhĩ Lan, cho biết tin con gái ông bị giết là một “điều may mắn” vì bị Hamas bắt làm con tin còn “tệ hơn cả cái chết”.

Các chiến binh man rợ - được mệnh danh là “Đức Quốc xã mới” - đã đến từng nhà ở Kfar Aza, chặt đầu những thanh niên và bắn chết những phụ nữ lớn tuổi trong một vụ tàn sát dã man kéo dài hai ngày gây chấn động thế giới.

Tất cả những gì còn sót lại là cảnh tàn phá - một chiếc xe đẩy em bé bị bỏ rơi bên cạnh một chiếc xe hơi cháy rụi, những xác người rải rác trên đường phố và những túi đựng xác nằm dọc sân bóng rổ ngoài trời.

Phát ngôn nhân của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho biết có tới 3.500 kẻ khủng bố Hamas đã tham gia vào cuộc tấn công bất ngờ.

Tại ít nhất một khu vực, các chiến binh tà ác đã treo cờ IS sau khi giết hại những công dân vô tội.

Binh sĩ Israel phát hiện lá cờ của nhóm khủng bố cùng với các thiết bị khác ở Sufa.

IDF đã tweet: “Hamas mang cờ ISIS để tàn sát trẻ em, phụ nữ và đàn ông Israel.

“Hamas là một tổ chức khủng bố diệt chủng. Hamas còn tệ hơn ISIS.”

Khi cuộc xung đột đẫm máu bước sang ngày thứ bảy, Israel đã sẵn sàng lực lượng ở biên giới cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Gaza, có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Hơn 360.000 quân dự bị đã được triệu tập để tăng cường cho đội quân chính quy gồm 130.000 người đang tập trung ở biên giới trước cuộc tấn công trên bộ dự kiến.

Diễn biến này xảy ra khi quân đội Israel tiết lộ rằng họ đã tiến hành “các cuộc tấn công cục bộ” vào Dải Gaza bị đánh bom để “dọn sạch khu vực có bọn khủng bố và vũ khí”.

Những người lính Sayeret Matkal siêu tinh nhuệ đã dẫn xe tăng và bộ binh vào hang ổ của Hamas hôm qua để truy lùng các đội hỏa tiễn khủng bố và tìm kiếm con tin.

Nhiệm vụ này là nhiệm vụ đầu tiên nhằm thăm dò hệ thống phòng thủ của Hamas trước một cuộc xâm lược toàn diện trên bộ được dự đoán trước.

Trong nhiều ngày liên tục, Israel đã tấn công Gaza bằng các cuộc không kích để trả thù cuộc tấn công của Hamas.

Ít nhất 1.900 người Palestine đã thiệt mạng trong vụ ném bom trả đũa vào dải Gaza đông dân, trong đó có 600 trẻ em.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo Gaza đang rơi vào “hố địa ngục” và trên “bờ vực sụp đổ”.

Hôm thứ Sáu, Israel đã cảnh báo 1,1 triệu người sống ở phía bắc Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa trước một “cuộc tấn công sắp xảy ra”.

Theo Liên Hiệp Quốc, hàng chục nghìn người đã chạy trốn về phía nam sau khi Israel bắt đầu đếm ngược 24 giờ vào hôm thứ Sáu.

Người ta nhìn thấy các gia đình đi xe hơi, xe tải, xe lừa và đi bộ chất đầy chăn mền và tài sản tràn xuống đường.

Hôm nay, IDF đã thông báo với người dân Thành phố Gaza rằng họ sẽ không chịu bất kỳ tổn hại nào nếu di chuyển trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều theo giờ địa phương.

8. Tiết lộ gây bối rối: Thương vong của Israel quá cao khi bị Hamas tấn công vì điện tặc đã xâm nhập được hệ thống phòng thủ

Tính cho đến sáng thứ Hai, 16 Tháng Mười, thiệt hại nhân mạng của Israel được ghi nhận là khoảng 1400 người. Bên cạnh đó là con số hàng ngàn người khác bị thương, và 155 người vẫn còn bị bắt làm con tin. Một tiết lộ đang gây bối rối là hệ thống phòng thủ của Israel đã bị điện tặc xâm nhập và vô hiệu hóa một phần.

Hai ký giả Antoaneta Roussi và Maggie Miller của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “How hackers piled onto the Israeli-Hamas conflict”, nghĩa là “Điện tặc chồng chất thêm cuộc xung đột Israel-Hamas như thế nào?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Các cuộc tấn công mạng ở cấp rất sâu đang trở thành đặc điểm chính của cuộc chiến giữa Israel và Hamas, và các cuộc tấn công mạng như thế có thể gia tăng cường độ.

Các điện tặc có thiện cảm với Hamas đang nỗ lực biến cuộc xung đột Israel-Gaza trở thành mặt trận tiếp theo của chiến tranh mạng.

Các nhóm tin tặc có liên kết với các quốc gia bao gồm Iran và Nga đã phát động một loạt các cuộc tấn công mạng và chiến dịch trực tuyến chống lại Israel trong tuần qua, một số vụ thậm chí có thể đã xảy ra ngay trước cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas.

Trên Telegram, các nhóm điện tặc tuyên bố họ đã xâm nhập được vào các trang web, lưới điện của Israel, ứng dụng cảnh báo hỏa tiễn và hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Iron Dome. Ít nhất một tờ báo của Israel, The Jerusalem Post, thừa nhận tin tặc đã tạm thời gỡ bỏ trang web của họ.

Không rõ các cuộc tấn công mạng đã đi xa và sâu đến mức nào. Nhưng các chiến dịch trực tuyến cho thấy nỗ lực tăng cường các cuộc tấn công kỹ thuật số, có khả năng tìm cách tái tạo lại cách thức Nga đã tấn công Ukraine bằng các cuộc tấn công mạng trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến đó.

Lòng trung thành của các nhóm thực hiện các cuộc tấn công cũng có thể đưa ra manh mối về việc liệu Hamas có thực hiện cuộc tấn công chết người này một mình hay không. Mặc dù không có mối quan hệ trực tiếp giữa các nhóm này và chính phủ nước ngoài, một số vẫn tiến hành các vụ hack nhằm mang lại lợi ích cho các quốc gia cho họ nơi trú ẩn, bao gồm cả Iran - quốc gia từ lâu đã ủng hộ Hamas.

9. Các vụ tấn công hầu như chắc chắn đến từ bên ngoài Gaza

Liz Wu, phát ngôn nhân của nhóm an ninh mạng Check Point Software có trụ sở tại Israel, cho biết công ty đã theo dõi hơn 40 nhóm tiến hành các cuộc tấn công làm choáng ngợp và làm gián đoạn hơn 80 trang web bắt đầu từ ngày xảy ra cuộc tấn công dữ dội của Hamas. Chúng bao gồm các trang web của chính phủ và truyền thông.

Các vụ tấn công hầu như chắc chắn đến từ bên ngoài Gaza do kết nối internet ở Gaza rất thấp ngay cả trước cuộc tấn công khủng bố của Hamas. Việc cắt điện và ném bom từ Israel trong những ngày tiếp theo cũng khiến cho việc tấn công mạng từ bên trong dải Gaza là không thể được.

Một cựu quan chức mạng ở một quốc gia phương Tây thừa nhận rằng việc phối hợp một cuộc tấn công mạng với cuộc xâm nhập của Hamas sẽ khó xảy ra vì các chiến binh đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công của họ bằng các phương thức liên lạc lỗi thời. Người này cho biết, hành động phối hợp với tin tặc trực tuyến có thể khiến Israel bị phát hiện.

“Thật khó để nói tuyên bố nào trong số này là có thật. Đôi khi cơ sở dữ liệu họ công bố được tái chế từ các vụ xâm nhập dữ liệu cũ hơn, nhưng giờ đây họ tuyên bố đó là cơ sở dữ liệu mới. Không tổ chức nào được cho là có liên quan đến các vụ xâm nhập dữ liệu này cảm thấy bị ảnh hưởng.”

10. Nhận định của Dân biểu Jim Himes, Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ

Tuy nhiên, thành viên cao cấp của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ Jim Himes cho biết, những nhóm này có một mức độ chuyên nghiệp không nên coi thường.

“Hamas, Hezbollah và các tin tặc được Iran hậu thuẫn giỏi hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ,” Himes nói khi rời cuộc họp báo mật về cuộc xung đột hôm thứ Tư. “Lĩnh vực mạng cần được theo dõi cẩn thận.”

Mức độ thiệt hại mạng thực tế khá hạn chế ở Israel tương phản với chiến trường internet trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga. Tin tặc đã tấn công hệ thống liên lạc của Kyiv Post và mạng vệ tinh KA-SAT trong vài giờ trước khi xe tăng Nga vượt qua biên giới, gây ra sự gián đoạn liên lạc lớn và các nhóm điện tặc của cả hai bên vẫn tiếp tục tấn công và làm gián đoạn các dịch vụ kể từ đó.

Trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, Hamas đã sử dụng các chiến thuật cụ thể hơn để vượt qua và phá vỡ bộ máy giám sát rộng lớn của Israel: đó là nghiên cứu các điểm có ít camera, san phẳng hàng rào, phóng hỏa tiễn và phá hủy máy bay không người lái trước khi chúng kịp bay lên không trung.

11. Báo cáo của lực lượng phòng vệ Israel

Israel cho biết ít nhất 1400 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas, trong khi các cuộc không kích trả đũa của Israel đã giết chết hơn 2.000 người ở Gaza, theo cơ quan y tế địa phương.

Một số cuộc tấn công mạng trong tuần này đã có những ảnh hưởng rõ ràng: truyền thông Israel đưa tin Bộ giáo dục đã chuyển từ Zoom sang Google để thực hiện các cuộc họp video sau khi những người tự xưng là chiến binh Hamas đã xuất hiện trong các buổi họp trực tiếp. Theo Tổng biên tập Avi Mayer, trang web của tờ Jerusalem Post đã hoạt động và ngoại tuyến nhiều lần trong những ngày sau vụ tấn công, bao gồm cả một số giờ nó ngừng hoạt động hoàn toàn.

Anonymous Sudan, một nhóm thân Nga, cho biết họ đã phát động một cuộc tấn công từ chối dịch vụ – tức là làm choáng ngợp một trang web hoặc ứng dụng có lưu lượng truy cập kỹ thuật số – chống lại ứng dụng Red Alert của Israel, là ứng dụng cung cấp thông tin hỏa tiễn theo thời gian thực cho người dân. Công ty an ninh mạng Group-IB cũng phát hiện ra AnonGhostgroup là ứng dụng giả mạo đang gây ra tắc nghẽn truy cập kỹ thuật số. POLITICO xác nhận báo cáo của Group-IB rằng ứng dụng đã bị xóa khỏi cửa hàng Google Play.

Các cuộc tấn công khác rất khó để chứng minh. Một nhóm điện tặc liên kết với Iran có tên Cyber Av3ngers tuyên bố họ đã tấn công một mạng lưới điện của Israel vào ngày 6 tháng 10 và khiến thành phố Yavne chìm trong bóng tối ngay trước cuộc tấn công của Hamas. Phát ngôn nhân của công ty điện lực và thành phố chưa xác nhận vụ tấn công.

Ngay sau đó, Cyber Av3ngers, Anonymous Sudan và Killnet liên kết với Nga cũng tuyên bố họ đã gỡ bỏ các trang web của tổ chức tư vấn Diễn đàn Chính sách Israel và Bộ tài chính nước này. Không có xác nhận độc lập nào về các cuộc tấn công và đến thứ Sáu, tất cả các trang web đều đã hoạt động.

Alexander Leslie, nhà phân tích tình báo về các mối đe dọa an ninh mạng tại Recorded Future, cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ sự phối hợp nào giữa các cuộc tấn công trên mặt đất và trên không gian mạng”. “Chúng tôi tin rằng phần lớn các cuộc tấn công mạng do các nhóm điện tặc tuyên bố là mang tính cơ hội và được đưa ra để kể công.”

Các chiến binh Hamas thực hiện các cuộc tấn công vào cuối tuần trước ở Israel được hỗ trợ bởi Tehran, quốc gia mà Israel đã chiến đấu trong các cuộc chiến tranh bóng tối trong nhiều năm. Các chuyên gia bảo mật đã liên kết ít nhất một hoạt động thông tin sai lệch chống Israel trên mạng xã hội trong tuần này do Iran thực hiện.

Vòng thù địch trên mạng mới nhất diễn ra sau nhiều năm tấn công trực tuyến. Tin tặc Iran bị đổ lỗi cho nỗ lực không thành công trong việc tăng nồng độ clo trong hệ thống nước của Israel vào năm 2020. Virus Stuxnet được phát hiện vào năm 2010 được cho là một dự án của Mỹ và Israel nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran. Israel cũng được cho là đứng sau vụ tấn công mạng năm 2020 nhằm vào một cảng lớn của Iran.

12. Nhận định của Trung tướng Charles Moore

Trung tướng Charles Moore, người từng là phó giám đốc Bộ Tư lệnh Mạng Hoa Kỳ cho đến năm ngoái, cho biết: “Hiện tại, tôi đánh giá rằng Iran rất vui khi chỉ đạo và hỗ trợ tất cả các hình thức hoạt động, cả trên mạng và trên mặt đất, thông qua lực lượng ủy nhiệm của họ”.

“Tuy nhiên, khi các hoạt động của Israel ở Gaza tiếp tục phát triển, điều đó có thể thay đổi nhanh chóng”, ông nói và cho biết thêm ông mong đợi một “chiến dịch tuyên truyền, ảnh hưởng rất mạnh mẽ của Iran”.

Israel cũng là mục tiêu khó khăn cho các cuộc tấn công mạng. Đây được coi là một trong những quốc gia tiên tiến nhất về an ninh mạng và là trung tâm lớn của ngành giám sát thế giới. Chính quyền Biden cũng đã tăng cường hỗ trợ mạng cho Israel trong tuần này. Hơn nữa, cộng đồng công nghệ Israel đã thành lập “lữ đoàn mạng công dân” của riêng mình trong những ngày kể từ cuộc tấn công của Hamas, The Wall Street Journal đưa tin.

Moore nói: “Câu hỏi làm thế nào mà tình báo Israel và Mỹ không phát hiện ra một hoạt động quy mô lớn như vậy của Hamas là một câu hỏi khiến nhiều người, cả trong và ngoài chính phủ, khá bối rối”. “Điều đó nói lên rằng, lực lượng mạng của Israel là một trong những lực lượng mạnh nhất trên thế giới.”
 
HY TGM Chicago trước biến cố bất nhân ở Illinois. Tỷ lệ phần trăm người Mỹ gốc Việt theo Công Giáo
VietCatholic Media
05:12 17/10/2023


1. Hồng Y Tổng Giám Mục Chicago bày tỏ nỗi buồn trước bạo lực vô nghĩa ở Illinois

Đức Hồng Y Blase J. Cupich đã bày tỏ nỗi buồn của ngài trước một vụ đâm người ở Illinois, trong đó một cậu bé 6 tuổi đã bị đâm 26 nhát dao vì lòng thù hận tôn giáo.

Trong khi lên án vụ tấn công là một hành vi bạo lực vô nghĩa, ngài bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và cộng đồng của cậu bé khi họ đau buồn trước sự mất mát cậu ấy.

Chuyện gì đã xảy ra ở Illinois?

Một cậu bé 6 tuổi người Mỹ gốc Palestine đã bị chủ cho thuê nhà đâm chết tại căn nhà ở Illinois. Người chủ nhà này cũng làm mẹ của cậu bé bị thương nặng trong một tội ác được cho là chống lại người Hồi giáo. Cảnh sát cho biết hôm Chúa Nhật, gọi đó là “hành động vô nghĩa và hèn nhát”. bạo lực.”

Các nhà điều tra cho biết bé Wadea Al-Fayoume 6 tuổi đã bị Joseph Czuba, 71 tuổi, đâm 26 nhát tại nhà ở Plainfield hôm thứ Bảy. Em bé chết tại bệnh viện.

Mẹ của em bé, Hanaan Shahin, 32 tuổi, đã bị đâm hơn chục nhát, nhà chức trách cho biết và cho biết thêm rằng bà đang ở bệnh viện và dự kiến sẽ sống sót.

Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Will cho biết trong một thông cáo báo chí: “Các thám tử có thể xác định rằng cả hai nạn nhân trong vụ tấn công tàn bạo này đều là mục tiêu của nghi phạm do họ là người Hồi giáo và cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông liên quan đến Hamas và người Israel”.

Czuba bị Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Will bắt giữ và buộc tội sau khi cảnh sát xác định ông ta đâm đứa trẻ và người mẹ vì họ theo đạo Hồi và vì tình hình đang diễn ra ở Israel.

Trước lễ cầu nguyện trong tang lễ của cậu bé hôm thứ Hai tại đền thờ Hồi giáo ở Bridgeview, Illinois, cha của đứa trẻ, Odey Al-Fayoume, nói bằng tiếng Ả Rập, cho biết ông hy vọng điều gì đó tốt đẹp có thể đến từ vụ giết con trai mình.

“Tôi ở đây vì tôi là cha của cậu bé, không phải vì tôi là một chính trị gia hay một nhân vật tôn giáo hay bất cứ điều gì. Tôi ở đây với tư cách là cha của một đứa trẻ bị tước đoạt quyền lợi”, Al-Fayoume nói.

Ông gọi con trai mình là “vị tử đạo”.

“Tôi hy vọng rằng các gia đình ở Gaza sẽ chấp nhận con tôi theo cùng quan điểm đó,” ông nói. “Vấn đề giữa Hamas và Gaza là vấn đề thế giới, không liên quan đến từng quốc gia riêng lẻ. Tôi chưa đủ lớn để nói những điều này. Và tôi hy vọng rằng con trai tôi có thể là phương tiện để giải quyết vấn đề này.”

Vào cuối đám tang, một chiếc quan tài nhỏ màu trắng, có lúc được phủ cờ Palestine, đã được mang đi.

2. Các tham dự viên Thượng Hội Đồng cầu nguyện cho hòa bình

Những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ 16 đã cầu nguyện cho hòa bình khi họ tập trung vào buổi sáng. Vào buổi chiều, những người tham gia có cơ hội hành hương đến hang toại đạo.

Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Chanđê, chủ trì giờ cầu nguyện.

Ngài nói: “Sáng nay tôi muốn mời các bạn cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, đặc biệt là ở Thánh Địa, cũng như ở Ukraine, tình trạng bạo lực ở Iraq, Iran và Li Băng”.

Margaret Karram, một người Công Giáo Ả Rập và là chủ tịch Phong trào Focolare, cũng dâng lời cầu nguyện.

“Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho Thánh Địa, cho nhân dân Israel và Palestine đang phải chịu đựng bạo lực chưa từng có, cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, cho những người bị thương, cho những người bị bắt làm con tin, cho những người mất tích và cho gia đình họ,” cô nói. “Trong những giờ phút thống khổ và hoang mang này, chúng con cùng lên tiếng với Đức Thánh Cha và với lời cầu nguyện hợp xướng của những người trên khắp thế giới đang cầu xin hòa bình.”

Trong các triều đại giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Vatican có thông lệ xuất bản các bài phát biểu tại các Thượng hội đồng; thực hành đó đã chấm dứt kể từ triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các quy tắc của Thượng Hội đồng hiện hành buộc những người tham gia phải giữ bí mật ngay cả những can thiệp của chính họ (Điều 24), bảo đảm tính bảo mật tối đa cho những người tham gia nhưng đi kèm với điều đó là sự minh bạch tối thiểu cho các tín hữu.

3. Kitô giáo giữa người Mỹ gốc Á

Bất chấp sự suy giảm gần đây, Kitô giáo vẫn là tôn giáo phổ biến nhất trong số những người Mỹ gốc Á. Khoảng một phần ba người Mỹ gốc Á trưởng thành hay 34% cho biết tôn giáo hiện tại của họ là Kitô giáo, giảm từ mức 42% khi Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cuộc khảo sát chuyên sâu về người Mỹ gốc Á lần cuối vào năm 2012.

Nhìn vào các phân nhóm lớn nhất trong Kitô giáo, những người theo đạo Tin lành hiện chiếm 16% dân số người Mỹ gốc Á, giảm từ 22% vào năm 2012. Con số này bao gồm 10% người Mỹ gốc Á trưởng thành xác định là người theo đạo Tin lành canh tân, so với 13% vào năm 2012. Tỷ lệ người Công Giáo ổn định hơn: 17% người Mỹ gốc Á trưởng thành theo Công Giáo, gần tương đương với năm 2012 là 19%.

18% người Mỹ gốc Á khác, mặc dù không xác định là Kitô hữu, nhưng nói rằng họ cảm thấy “gần gũi” với Kitô giáo vì những lý do như hoàn cảnh gia đình hoặc văn hóa. Kết hợp nhóm này với tỷ lệ người cho biết họ theo Kitô giáo, có thể nói khoảng một nửa hay 51% người gốc Á ở Hoa Kỳ bày tỏ mối liên hệ với Kitô giáo.

74% người Mỹ gốc Phi Luật Tân và 59% người Hàn Quốc là các Kitô Hữu. Khi kết hợp với những người nói rằng họ cảm thấy gần gũi với Kitô giáo, 90% người Mỹ gốc Phi Luật Tân bày tỏ mối liên hệ nào đó với Kitô giáo; và 81% người Mỹ gốc Hàn có mối liên hệ này.

Trong số 74% người Mỹ gốc Phi Luật Tân theo Kitô Giáo, 57% theo Công Giáo. Tin Lành xem ra được ưa chuộng hơn trong số những người Mỹ gốc Hàn. Trong số 59% người Mỹ gốc Hàn theo Kitô Giáo, chỉ có 25% theo Công Giáo.

36% người Mỹ gốc Việt theo Kitô Giáo, và chủ yếu theo Công Giáo. Cụ thể, 29% người Mỹ gốc Việt theo Công Giáo.

Người Mỹ gốc Ấn nằm trong số những nhóm người gốc Á ít có khả năng xác định mình là người theo Kitô giáo: Chỉ 15% nói rằng Kitô giáo là tôn giáo của họ.

56% người Mỹ gốc Nhật có mối liên hệ nào đó với Kitô giáo, trong đó có 25% nói rằng Kitô giáo là tôn giáo của họ, 10% theo một số tôn giáo khác nhưng cảm thấy gần gũi với Kitô giáo và 22% không theo tôn giáo nào nhưng cảm thấy gần gũi với Kitô giáo.
 
Siloviki đã chọn kẻ kế vị Putin. 7 ngày, Ukraine bắn rớt 3 chiếc Su-25. Putin lộ ra tổn thất của Nga
VietCatholic Media
15:37 17/10/2023


1. Các thế lực trong bộ máy chiến tranh của Nga đã thỏa thuận được với nhau về người kế vị Putin

Ký giả Lizzie McAllisterNews của tờ Daily Star có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “Putin's 'inner circle' reportedly chosen his successor in 'continuation of regime'“, nghĩa là “'Vòng trong' của Putin được cho là đã chọn được người kế nhiệm ông để 'tiếp tục chế độ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Bất kể Putin đang có chuyến thăm Bắc Kinh, ông ta được tường trình là đang bị tử thần gõ cửa với một loạt vấn đề sức khỏe đang đe dọa tính mạng ông, và các báo cáo cho thấy “vòng trong” của kẻ hiếu chiến đã chọn ra một nhà lãnh đạo mới.

Các báo cáo về tình trạng sức khỏe yếu kém của nhà độc tài Nga ngày càng dày đặc trong những tháng gần đây với các nguồn tin cho rằng ông đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối hoặc bệnh Parkinson. Một báo cáo thậm chí còn khẳng định bác sĩ của Putin cho rằng cái chết của ông sẽ xảy đến trong thời gian ngắn.

Theo kênh Telegram General SVR, bác sĩ cho biết cái chết của kẻ hiếu chiến “sắp xảy ra trong bối cảnh sức khỏe của anh ta suy giảm nghiêm trọng”, với tình trạng của anh ta được cho là đã chuyển từ xấu thành tồi tệ hơn trong vài tuần qua.

Kênh này thậm chí còn tuyên bố Putin đang sử dụng những người thế thân để che giấu căn bệnh của mình. Giờ đây, General SVR đã báo cáo rằng các đồng minh thân cận nhất của nhà độc tài trong chính phủ đã âm mưu sử dụng những người trông giống ông ta để “tiếp tục chế độ” sau khi ông qua đời, Newsweek đưa tin.

Kênh này cho biết: “Có một sự hiểu biết chung rằng trong một thời gian, người ta có thể sử dụng chiêu trò thế thân của tổng thống sau cái chết hoặc sau khi Vladimir Putin thực sự bị phế truất khỏi quyền lực”. “Hầu hết tất cả các bên quan tâm đều sẵn sàng tập hợp xung quanh một kẻ có thể kiểm soát được; vấn đề duy nhất là ai sẽ kiểm soát các thế thân, và điều này đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau, mà đơn giản là không tồn tại “.

Tuy nhiên, chiêu trò thế thân của Putin xem ra không phải là một kế sách lâu dài. “Vòng trong” của Putin được cho là đã cố gắng đạt được thỏa thuận xung quanh ý tưởng “tiếp tục chế độ Putin sau Putin”. Trong ý hướng đó, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev đang chuẩn bị trở thành lãnh đạo.

Việc Nikolai Patrushev thay thế Vladimir Putin là một tin rất xấu đối với người Ukraine. Nikolai Patrushev được xem là một tên cực đoan và cực kỳ hiếu chiến. Ông ta được tin là một trong những nhân vật chủ chốt đề ra kế hoạch cho cuộc xâm lược Ukraine. Nikolai Patrushev thường xuyên có các cuộc họp với các thống đốc khu vực. Nói cách khác, ông ta đã nắm được toàn bộ nước Nga trong tay. Vì thế, Dmitry Medvedev, người thường xuyên có các tuyên bố nảy lửa với các luận điệu hăm dọa vũ khí hạt nhân thế giới, bị loại ngay từ đầu.

Theo hiến pháp Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin sẽ là người tạm thời nắm quyền nếu Putin qua đời hay mất chức. Kênh General SVR nói thêm rằng trong khi nhà độc tài ưa thích Mishustin làm người kế nhiệm tiềm năng, thì nhà độc tài nổi tiếng tự cao tự đại lại không muốn suy nghĩ về cái chết sắp xảy ra của chính mình và không rõ ràng về những gì ông ta muốn xảy ra sau khi chết.

“Bản thân Putin đã từ chối để lại bất kỳ chỉ dẫn hoặc giao ước nào về những việc cần làm sau ông ấy, và có lẽ quyết định rằng sự hỗn loạn sau ông ấy là di sản tốt nhất.”

Theo kênh này, ông Putin gần đây đã bước sang tuổi 71 nhưng được tường trình quá yếu để tự mở quà. Đã có suy đoán rằng đây có thể là ngày sinh nhật cuối cùng của ông ta vì sức khỏe yếu.

Nhưng căn bệnh của Putin có thể không kết liễu được ông ta nếu những người chỉ trích ông ta ra tay sớm hơn. Sau cuộc xâm lược Ukraine không được lòng dân của ông, các báo cáo cho rằng các âm mưu ám sát đang được thực hiện và có thể hạ bệ nhà lãnh đạo Nga trước khi ông này chết vì nguyên nhân tự nhiên.

2. Putin tiết lộ ít nhất 11.000 lính Nga thiệt mạng trong cuộc phản công bắt đầu từ tháng 6

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Reveals How Many Russian Troops Have Been Killed in Counteroffensive”, nghĩa là “Putin tiết lộ có bao nhiêu binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc phản công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai đã vô tình tiết lộ số lượng binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công được mong đợi từ lâu vào tháng 6.

Putin đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, cho rằng tổn thất của Ukraine trong cuộc phản công cao gấp 8 lần so với tổn thất của Nga.

Cuộc phản công của Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ năm, với các cuộc đụng độ đặc biệt nặng nề diễn ra dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia. Chiến lược gia chính trị Radu Hossu cho biết quân đội Nga đang bị đánh “tan tành” trong trận chiến đang diễn ra tại Avdiivka, nằm cách Bakhmut khoảng 90 km về phía nam.

“Kể từ ngày 4 tháng 6, cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra và tiếp tục cho đến nay mà vẫn chưa có kết quả gì cả, chỉ có những tổn thất lớn đối với Ukraine”, ông Putin nói với China Media Group trong một cuộc phỏng vấn do hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đăng tải.

Putin nói: “Tổn thất đơn giản là rất lớn, số lượng tử sĩ của họ gấp 8 lần chúng tôi”.

Vào ngày 5 tháng 10, Putin nói rằng Ukraine đã mất 90.000 quân trong cuộc phản công. Như thế, nếu cứ tin vào tuyên bố của Putin cho rằng “số lượng tử sĩ của họ gấp 8 lần chúng tôi” thì điều này cho thấy tổn thất của Nga đã vượt quá 11.000 quân nhân.

Số người chết ở cả hai bên tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Ukraine phản công dữ dội nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Theo số liệu do Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine công bố hôm thứ Hai, Mạc Tư Khoa đã mất 860 binh sĩ trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 288.630.

Bản thân Nga hiếm khi công bố số liệu về tổn thất quân đội. Vào tháng 9 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết 5.937 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine kể từ cuối tháng 2 năm 2022.

Cuộc điều tra chung của Ban tiếng Nga đài BBC và hãng tin độc lập Mediazona của Nga được công bố hôm 13/10 cho biết, đến nay họ đã xác định được tên của 34.412 quân nhân Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine. Nó cho biết con số thiệt hại thực tế cao hơn rất nhiều con số nêu trong cuộc điều tra.

Hãng tin độc lập Mozhem Obyasnit của Nga đã phân tích dự thảo ngân sách liên bang của Nga giai đoạn 2024-2026 và tuần trước phát hiện rằng Nga đang phân bổ tài trợ cho gia đình của 102.700 quân nhân thiệt mạng ở Ukraine. Các số liệu này chưa được Newsweek xác minh độc lập.

Ukraine cũng tránh công bố số liệu thương vong cho lực lượng của mình. Tuy nhiên, ước tính của tình báo phương Tây cho thấy chúng cũng rất đáng kể. Vào tháng 4, một đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ ước tính rằng Kyiv đã phải chịu từ 124.500 đến 131.000 người thương vong, trong đó có 15.500 đến 17.500 người chết và 109.000 đến 113.500 người bị thương.

3. Trong một tuần, quân Ukraine bắn rớt 3 máy bay Nga ở miền Nam Ukraine. Quân Nga giúp một tay bắn rớt thêm 2 máy bay khác

Các binh sĩ thuộc nhóm tác chiến-chiến lược Tavria đã tiêu diệt 3 máy bay Su-25 của Nga ở khu vực Donetsk trong một tuần. Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy nhóm quân tác chiến-chiến lược Tavria, cho biết như trên, hôm Thứ Ba 17 Tháng Mười

“Trong 24 giờ qua, quân xâm lược đã tiến hành 2 đợt tấn công bằng hỏa tiễn và 35 đợt không kích, tiến hành 47 đợt giao tranh và thực hiện 906 đợt tấn công bằng pháo binh. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh thuộc nhóm tác chiến-chiến lược Tavria đã hoàn thành 1.321 nhiệm vụ khai hỏa trong ngày”, ông nói

Trong ngày qua, 472 quân xâm lược Nga đã bị tiêu diệt ở khu vực Tavria. Ngoài ra, 36 đơn vị thiết bị quân sự của địch đã bị phá hủy, gồm: 4 xe chiến đấu bọc thép, 8 hệ thống pháo binh, một hệ thống phòng không, 13 máy bay không người lái, sáu phương tiện và một đơn vị thiết bị đặc biệt.

Một kho đạn của quân xâm lược cũng bị phá hủy

Tướng Oleksandr Tarnavskyi, nhấn mạnh rằng hôm thứ Hai, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 1 máy bay Su-25 của Nga. Như thế, trong 1 tuần qua, 3 chiếc máy bay Su-25 của Nga đã bị bắn hạ. Theo các hợp đồng buôn bán máy bay với Trung Quốc, một chiếc Su-25 có giá 15 triệu Mỹ Kim.

Bên cạnh đó, một xe chiến đấu bọc thép BMPT Terminator và một hệ thống súng phun lửa hạng nặng Solntsepyok cũng bị phá hủy ở khu vực Donetsk.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết hôm 6 Tháng Mười, quân Nga ở Mariupol, đã quýnh quáng bắn rớt chiếc chiến đấu cơ đa năng Su-35 của Nga, giá tới 85 triệu Mỹ Kim. Phi công được tường trình đã sống sót sau cuộc tấn công, vì anh ta nhấn nút phóng ra kịp thời trước khi con tầu phát nổ.

Vụ tấn công trước đó xảy ra hôm 28/9 gần thành phố Tokmak bị Nga tạm chiếm ở vùng Zaporizhzhia phía Nam Ukraine.

“Vào ngày 28 tháng 9 năm 2023, lực lượng phòng không Nga rất có thể đã bắn hạ một trong những chiến đấu cơ đa năng Su-35S FLANKER M của họ trên bầu trời Tokmak, cách chiến tuyến hiện tại khoảng 20km”, Bộ Quốc Phòng Anh cho biết trên X, trước đây là Twitter.

Trong vụ ấn công này, viên phi công không được may mắn. Anh ta nổ tung theo con tầu.

Blogger quân sự người Nga Fighterbomber viết một cách cay đắng rằng: “Với tốc độ hoạt động này của lực lượng phòng không dũng cảm của chúng ta, chúng ta sẽ sớm không còn Không Quân”.

4. Đại Tướng Valery Gerasimov gây ra cho Putin đại thảm họa Avdiivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Avdiivka Calamity”, nghĩa là “Thảm họa Avdiivka của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một phân tích mới cho thấy cuộc tấn công của Nga vào thị trấn Avdiivka mang tính biểu tượng của Ukraine sắp hết hơi; sau khi các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa, đánh dấu cú phản pháo lớn đầu tiên của Điện Cẩm Linh trước cuộc phản công khốc liệt của Ukraine, đã gây ra một tổn thất kinh hoàng về nhân sự và khí tài chiến tranh.

Trong bản cập nhật mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ cho biết lực lượng Nga đã cố tiếp tục các hoạt động tấn công “nhằm bao vây Avdiivka” vào hôm Chúa Nhật. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa “vẫn chưa đạt được lợi ích nào trong bối cảnh nhịp độ hoạt động của Nga trong khu vực có thể đang giảm dần”.

ISW cho biết, các lực lượng Nga có thể phải đối mặt với “tổn thất cao ban đầu” và tốc độ tiến quân chậm hơn mong đợi xung quanh Avdiivka. Các báo cáo từ các tài khoản tình báo nguồn mở cho rằng Nga đã chịu tổn thất nặng nề về thiết bị trong cuộc tấn công vào Avdiivka.

Lực lượng Mạc Tư Khoa bắt đầu một cuộc tấn công lớn xung quanh thị trấn phía đông vào ngày 10 tháng 10, được cho là có sự tham gia của ít nhất ba tiểu đoàn Dù và một Trung Đoàn Súng Trường Cơ Giới. Khi cuộc tấn công diễn ra, Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói rằng Avdiivka “đang bị pháo binh và Không Quân Nga tấn công hàng loạt”.

Vào tối thứ Bảy theo giờ địa phương, Zelenskiy xếp Avdiivka lên đầu danh sách các điểm nóng giao tranh, đồng thời nói: “Tôi cảm ơn tất cả những người đang giữ vững vị trí của mình và tiêu diệt quân Nga”.

Avdiivka từ lâu đã cảm nhận được ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa. Vitaliy Barabash, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự của thị trấn, đã ước tính trước đó rằng có khoảng 1.600 cư dân vẫn đang sống trong thị trấn. Avdiivka có dân số trước chiến tranh khoảng 30.000 người.

Thiếu tá Viktor Trehubov, người phục vụ trong quân đội Ukraine, cho biết các lực lượng Nga và được Nga hậu thuẫn đã cố gắng giành quyền kiểm soát Avdiivka khỏi Kyiv trong 9 năm qua. Ông nói với Newsweek hôm thứ Hai: “Cuộc tấn công hiện tại của họ rất khốc liệt nhưng vẫn không thành công, chủ yếu là do hiệu quả chưa từng có của các máy bay không người lái trinh sát và chiến đấu của Ukraine”.

Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết trong tuần từ ngày 9 đến ngày 16 tháng 10, máy bay không người lái của Ukraine đã phá hủy 88 xe thiết giáp, 75 xe tăng, 101 pháo và pháo cùng hai hệ thống phòng không của Nga.

ISW cho biết vào ngày 11/10 rằng Avdiivka là “thành trì nổi tiếng được phòng thủ và phòng thủ vững chắc của Ukraine”, có nghĩa là Nga sẽ gặp khó khăn khi muốn chiếm được nó.

Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga cố gắng giành quyền kiểm soát Avdiivka, khu vực được coi là “điểm nổi bật”, cắt ngang các phòng tuyến của Nga, Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague, cho biết.

Ông nói với Newsweek rằng Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát lãnh thổ này trước đó trong cuộc chiến và điều đó “có ý nghĩa quân sự vững chắc”.

Nếu Nga nắm quyền kiểm soát Avdiivka, đây sẽ là một chiến thắng đáng chú ý đối với quân đội Mạc Tư Khoa vốn đang phải đối mặt với các cuộc tấn công phản công của Ukraine kể từ đầu tháng 6.

Mertens nói: “Nếu Ukraine mất Avdiivka, đó sẽ là một chiến thắng quan trọng của Nga”, phần lớn là vì nó sẽ giúp Donetsk được phòng thủ tốt hơn trước các cuộc tấn công của Ukraine trong tương lai.

Nhưng Nga có thể cũng tấn công vào Avdiivka để đánh lạc hướng lực lượng Ukraine khỏi các điểm khác dọc chiến tuyến, Michael Clarke, giáo sư tại khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College, Luân Đôn, nói với Newsweek vào tuần trước.

Ông nói, Nga dường như đang tấn công “trên khắp mặt trận trong khi họ câu giờ cho đến khi thời tiết thay đổi”.

Mertens nói: “Nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm mà bạn có thể tiến hành một cuộc phản công để rút quân khỏi cuộc tấn công mùa hè vẫn đang diễn ra của Ukraine, thì về mặt lý thuyết đây sẽ là một địa điểm hoàn hảo”.

Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin “có thể đang cố gắng xoa dịu những kỳ vọng về những bước tiến đáng kể của Nga xung quanh Avdiivka”, ISW cho biết hôm Chúa Nhật.

Viện nghiên cứu đánh giá: “Các lực lượng của Nga khó có thể đạt được đột phá đáng kể va cũng chẳng cắt đứt lực lượng Ukraine trong khu định cư trong thời gian tới”.

Ukraine đã chiến đấu để đẩy lùi tiền tuyến của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine trong nhiều tháng, với một số thành công đạt được với chi phí cao và tốc độ chậm. Khi Ukraine bước vào những tháng mùa thu và mùa đông khó khăn hơn, lầy lội hơn, Kyiv tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực bất chấp điều kiện ngày càng tồi tệ.

Nga không đề cập đến Avdiivka trong bản cập nhật hàng ngày hôm Chúa Nhật, nhưng Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ đã phải đối mặt với hơn 15 cuộc tấn công của Nga vào Avdiivka trong ngày qua.

ISW cho biết trong một đánh giá trước đó rằng Ukraine đã thấy trước cuộc tấn công của Nga vào Avdiivka sắp xảy ra, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Kyiv cho biết vào tuần trước, và có những dấu hiệu cho thấy nước này đã chuẩn bị cho cuộc tấn công, chẳng hạn như bằng cách đặt mìn.

5. Hamas công bố video về người phụ nữ Pháp gốc Israel 21 tuổi mà nhóm này tuyên bố đang bắt làm con tin

Hamas đã công bố một đoạn video vào tối thứ Hai về một phụ nữ trẻ người Pháp gốc Israel bị bắt làm con tin ở Dải Gaza.

Trong video, Mia Schem, 21 tuổi, cho biết cô bị thương ở cánh tay và được đưa đến Gaza.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã thông báo cho gia đình Schem về vụ bắt cóc cô vào tuần trước và đang giữ liên lạc với họ vào thời điểm này.

Họ nói thêm rằng họ đang sử dụng “tất cả các phương tiện tình báo và hoạt động để trả lại những người bị bắt cóc” và “Hamas đang cố gắng thể hiện mình là một tổ chức nhân đạo trong khi hoạt động như một tổ chức khủng bố gớm ghiếc chịu trách nhiệm giết hại và bắt cóc trẻ sơ sinh, phụ nữ, trẻ em và người già.”

Đây là video đầu tiên Hamas công bố về bất kỳ con tin nào bị bắt giữ ở Gaza. Chính quyền Israel cho biết họ tin rằng 199 người đang bị giam giữ ở Gaza, trong khi đại diện của Hamas hôm thứ Hai cho biết rằng ít nhất có khoảng 200 đến 250 người bị bắt giữ trên khắp dải đất.

Một đại diện của Lữ đoàn Al-Qassam, chi nhánh chiến binh của Hamas, trước đó cho biết nhóm này “cam kết” bảo vệ con tin và sẽ thả con tin có quốc tịch nước ngoài khi “có cơ hội trên thực địa”.

6. Hamas cho biết họ nắm giữ ít nhất 200-250 con tin và tuyên bố 22 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel

Theo Abu Odaida, phát ngôn nhân của phe chiến binh Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, Hamas đang giam giữ ít nhất 200 đến 250 con tin bị bắt trong vụ tấn công ngày 7 tháng 10.

Abu Obaida cho biết trong một tuyên bố bằng video hôm thứ Hai rằng Lữ đoàn Al-Qassam có khoảng 200 con tin, trong khi số còn lại đang bị các “đội quân chiến đấu” khác ở Gaza bắt giữ.

Ông nói thêm rằng họ không thể xác định chính xác số lượng con tin trong dải đất vì Israel bắn phá liên tục.

Trước đó vào hôm thứ Hai, quân đội Israel cho biết ít nhất 199 người đang bị bắt làm con tin ở Gaza.

Abu Obaida cũng tuyên bố 22 con tin ở Gaza đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel, trong đó có một nghệ sĩ Israel mà ông cho biết đã chết hôm thứ Bảy.

CNN không thể xác minh độc lập những tuyên bố đó.

Ông nói thêm rằng Lữ đoàn Al-Qassam sẽ thả các con tin mang quốc tịch nước ngoài khi “có cơ hội trên thực địa” và cho biết Al-Qassam “cam kết” bảo vệ họ.

Ông cũng cảnh báo rằng bất kỳ công dân nước ngoài nào phục vụ trong quân đội Israel sẽ bị coi là “đối phương trực tiếp”.

Trong khi đó, cựu lãnh đạo Hamas Khaled Meshaal tuyên bố Hamas có “đủ con tin”, bao gồm cả các sĩ quan cao cấp từ sư đoàn Gaza của Lực lượng Phòng vệ Israel, để buộc Israel phải thả hàng ngàn tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel, Meshaal nói với Alaraby TV trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp hôm thứ Hai..

Meshaal nói: “Một trong những mục tiêu của trận chiến này là bắt binh lính và sĩ quan Israel làm con tin để xóa bỏ các nhà tù của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái,” Meshaal cho biết như trên và nói thêm rằng Hamas sẽ đối xử với dân thường và người nước ngoài một cách khác nhau.

Meshaal nói: “Các con tin quân sự có những tính toán riêng dành cho họ, thường dân và người nước ngoài có những tính toán khác. “Lãnh đạo Hamas sẽ giải quyết con tin theo luật pháp quốc tế và nhân đạo.”

CNN không thể xác minh tuyên bố của Meshaal về cách con tin bị đối xử.

7. Ngũ Giác Đài ra lệnh cho quân đội chuẩn bị triển khai tới Israel để hỗ trợ hậu cần và y tế

Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã ra lệnh cho khoảng 2.000 binh sĩ chuẩn bị triển khai tới Israel để hỗ trợ các nhiệm vụ như hỗ trợ y tế và hậu cần.

Các quan chức cho biết, lệnh này không có nghĩa là quân đội chắc chắn sẽ được triển khai hoặc bất kỳ ai đến Israel cũng sẽ đóng vai trò chiến đấu.

Nhưng quyết định của Austin là nhằm rút ngắn thời gian mà các binh sĩ được xác định sẽ phải chuẩn bị triển khai nếu họ được lệnh lên đường.

Lệnh sẵn sàng triển khai tiềm năng được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, bao gồm việc triển khai Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai tới phía đông Biển Địa Trung Hải và gửi các chiến đấu cơ của Không quân đến khu vực.

Austin đã ban hành lệnh này vào tối Chúa Nhật và yêu cầu các quân chủng và chỉ huy chiến đấu báo cáo lại họ có thể cung cấp bao nhiêu quân và từ đâu.

Singh đã nói rõ rằng không có kế hoạch nào cho quân đội Mỹ trực tiếp tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel chống lại Hamas.

Tờ Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên đưa tin về khả năng triển khai quân tới Israel. Khi được hỏi về động thái có thể xảy ra, Singh cho biết hôm thứ Hai: “Tôi không có gì nhiều để cung cấp vào lúc này. Tôi có thể cung cấp cho bạn thêm chi tiết sau, nhưng tại thời điểm này tôi không có điều gì cụ thể hơn để thêm vào.”

Các quan chức cho biết Ngũ Giác Đài đang cố gắng cẩn thận trong cách nói về khả năng triển khai quân đội Mỹ tới Israel vì họ không muốn tạo ấn tượng rằng lực lượng Mỹ có thể trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Các quan chức nhấn mạnh rằng quân nhân Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc chiến giữa Israel và Gaza, cuộc chiến mà các quan chức Israel cảnh báo có thể kéo dài và khó khăn. Tuy nhiên, nó gợi ý loại hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp trong một cuộc xung đột đang diễn ra, bao gồm quản lý hậu cần ở xa tiền tuyến và cung cấp hỗ trợ y tế.

Việc chuẩn bị diễn ra chỉ vài ngày sau khi Austin ra lệnh triển khai Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai tới phía đông Địa Trung Hải, khi Israel tiến hành cuộc chiến chống lại Hamas. Nhóm tấn công Hàng Không Mẫu Hạm đầu tiên, do USS Gerald R. Ford dẫn đầu, đã đến ngoài khơi bờ biển Israel vào tuần trước.

Ngoài ra, Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26, lực lượng phản ứng nhanh có khả năng tiến hành các hoạt động đặc biệt, đang chuẩn bị trong trường hợp được lệnh đến gần Israel hơn để tăng cường lực lượng Mỹ ở đó, nhiều quan chức Mỹ nói với CNN.

Đơn vị này nằm trên tàu tấn công đổ bộ USS Bataan, bao gồm hơn 2.000 Thủy Quân Lục Chiến và thủy thủ và có khả năng hỗ trợ một cuộc di tản quy mô lớn. Trong số các nhiệm vụ thiết yếu của Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến là các hoạt động di tản và hỗ trợ nhân đạo.

8. Biden đang 'cân nhắc' chuyến thăm Israel để thể hiện tình đoàn kết

Hai ký giả Alexander Ward và Jonathan Lemire của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Biden is ‘weighing’ a visit to Israel for show of solidarity”, nghĩa là “Biden đang 'cân nhắc' chuyến thăm Israel để thể hiện tình đoàn kết”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền Biden đang coi chuyến thăm của tổng thống tới Israel như một dấu hiệu ủng hộ đất nước này sau cuộc tấn công tàn bạo của Hamas.

Hai quan chức Mỹ, được giấu tên, tiết lộ chi tiết các cuộc thảo luận nội bộ nhạy cảm, cho biết Tổng thống Joe Biden có thể tới Israel sớm nhất là trong tuần này. Nhưng họ nhấn mạnh rằng chuyến đi có thể không diễn ra sớm hoặc hoàn toàn không xảy ra, tùy thuộc vào tình hình an ninh ở Israel và tình hình chiến tranh đang nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Israel đang chuẩn bị ra lệnh tấn công mặt đất vào Gaza.

Các quan chức cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã mời Biden đến thăm khi hai người nói chuyện hôm thứ Bảy, và một quan chức nói rằng chính quyền đang “cân nhắc” lời đề nghị.

Biden đã nói với các trợ lý rằng ông muốn đi vì sự hiện diện của ông sẽ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ sau khi Hamas giết chết hơn 1.400 người Israel và bắt khoảng 200 con tin, bao gồm cả người Mỹ. Nhưng khả năng xung đột leo thang có thể có nghĩa là bất kỳ chuyến đi nào trong tương lai đều phải diễn ra vào thời điểm đặc biệt bấp bênh trong cuộc chiến đang phát triển.

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết “chúng tôi không có chuyến đi mới nào để thông báo” nhưng chưa bao giờ phủ nhận rằng chuyến đi đang được lên kế hoạch.

Các trợ lý Tòa Bạch Ốc lưu ý rằng Biden đã có những chuyến đi táo bạo trước đây, cụ thể là chuyến thăm Kyiv vào tháng 2, khi cuộc chiến với Nga đang nổ ra. Chuyến thăm đó được nhiều trợ lý coi là một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Biden, 80 tuổi, cũng đã đi du lịch đến những nơi khác trong khu vực – thăm cả Ba Lan và Lithuania – để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các nền dân chủ trên toàn thế giới.

Nhưng trong khi chuyến đi đến thủ đô Ukraine bao gồm một chuyến tàu bí mật kéo dài 10 giờ, thì chuyến đi đến Israel, theo một cách nào đó, thậm chí còn phức tạp hơn.

Hồi tháng 2, Mỹ đã thông báo với Nga là không được can thiệp vào chuyến đi tới Kyiv và Mạc Tư Khoa, có lẽ để ý đến sự trả đũa của Mỹ, đã không cố gắng ngăn cản tổng thống, mặc dù còi báo động không kích đã vang lên khi Biden và Volodymyr Zelenskiyy đi dạo trên đường phố Kyiv. Theo một quan chức, Hamas, một nhóm mà Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, sẽ có nhiều khả năng thực hiện một cuộc tấn công khiêu khích nhằm vào một tổng thống Biden.

Chuyến thăm của các thượng nghị sĩ Mỹ tới Tel Aviv trong tuần này đã nhấn mạnh mối nguy hiểm. Nhóm các nhà lập pháp, bao gồm Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer, đã phải tìm nơi ẩn náu trong một hầm tránh bom khi còi báo động vang lên. Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Israel vào tuần trước; và Ngoại trưởng Mỹ đã phải tránh hỏa tiễn của Hamas trong một boongke.

Cuộc tranh luận về chuyến đi cũng sẽ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden ngày càng lo lắng về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza trong bối cảnh Israel ném bom dữ dội và bao vây khu vực này.

Người ta kỳ vọng rằng Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ trong những ngày tới, và các chuyên gia dự đoán rằng các cuộc chiến tranh đô thị kéo dài nhiều tuần chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết của hàng nghìn thường dân vô tội. Các quan chức ở Gaza cho biết hơn 2.600 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công trả thù của Israel trong tuần qua.

9. Wagner mới? Nhóm lính đánh thuê Nga chiêu mộ cựu chiến binh của Prigozhin

Trong một bản cập nhật công bố hôm thứ Hai, tình báo quốc phòng Anh cho biết, công ty quân sự tư nhân Nga Redut đang tuyển dụng lính đánh thuê, bao gồm cả các cựu chiến binh của Tập đoàn Wagner dưới vỏ bọc “tình nguyện viên”.

Bản ghi nhớ cho biết tình báo quân sự Nga, gọi tắt là GRU, có khả năng tài trợ và giám sát các hoạt động của nhóm, đồng thời nói thêm rằng Redut đã tham gia chiến đấu ở các khu vực Donetsk, Kharkiv, Kyiv và Luhansk của Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2. 2022.

Redut được thành lập vào năm 2008 bởi đầu sỏ có liên hệ với Putin và cựu đặc vụ KGB Gennady Timchenko để bảo vệ đế chế khí đốt của ông ta, theo một cựu sĩ quan quân đội cao cấp của Nga và đặc vụ Wagner trong bằng chứng đệ trình lên ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh vào tháng trước, tờ Daily Điện báo đưa tin.

Theo báo cáo của tình báo Anh, nhóm này “rất có thể” có hơn 7.000 nhân viên, đã nổi lên sau khi nhà lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin gây ra cuộc binh biến chống lại Bộ Quốc phòng Nga vào tháng 6.

Hai tháng sau, một chiếc máy bay riêng chở Prigozhin và các cấp phó của ông bị rơi ở phía tây bắc Mạc Tư Khoa, khiến tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng.

Wagner đã hoạt động tích cực trên chiến trường ở Ukraine và Syria, đồng thời lực lượng lính đánh thuê đáng sợ của họ cũng được sử dụng để củng cố lợi ích của Nga trên khắp Phi Châu. Ngay sau cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, Putin cho biết Điện Cẩm Linh đã tài trợ cho Wagner tới 1 tỷ Mỹ Kim chỉ trong năm qua.

Dưới đây là toàn văn nhận định của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh hôm 16 tháng 10.

Công ty Quân sự Tư nhân Redut được cho là đang tuyển dụng lính đánh thuê dưới vỏ bọc “tình nguyện viên”, bao gồm cả các cựu nhân viên của Wagner.

Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, gọi tắt là GRU, có thể giám sát và tài trợ cho các hoạt động của nhóm, bao gồm cả việc tuyển dụng.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, Redut đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở các tỉnh Donetsk, Kharkiv, Kyiv và Luhansk. Nhóm này rất có thể có hơn 7.000 nhân sự.

Hiện tại, Redut là một trong số các đơn vị quân sự tư nhân và Quân đoàn tình nguyện đang được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng để tăng cường lực lượng chính quy của Nga.

Có khả năng thực tế là việc Bộ Quốc phòng Nga tuyển dụng thông qua các đơn vị “tình nguyện” đã góp phần giúp Nga tránh được các cuộc huy động không được lòng dân.
 
Bàng hoàng: Hỏa hoạn tại dinh thự Castel Gandolfo. Phòng nơi Đức Wojtyla và Ratzinger sống bị hư hại
VietCatholic Media
16:45 17/10/2023


1. Vatican bàng hoàng trước vụ hỏa hoạn tại bảo tàng Castelgandolfo: căn phòng nơi Đức Wojtyla và Ratzinger sống bị hư hại

Trận hỏa hoạn tàn khốc ở tầng chính của Điện Tông tòa Castel Gandolfo, nơi sinh sống cho đến thời giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI và sau đó biến thành bảo tàng vào năm 2016. Cách đây vài ngày, ngọn lửa hoành hành dữ dội đã gây hư hại nặng nề trong số những căn phòng nằm trên tầng hai, ngay nơi mà trước đây các vị giáo hoàng, từ Phaolô Đệ Lục đến Wojtyla, và đến Ratzinger, đã sống và trải qua những kỳ nghỉ dài ngày. Các phòng của giáo hoàng trong cung điện đều chứa đầy những tác phẩm nghệ thuật vô giá và đồ nội thất có giá trị lớn.

Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn vẫn chưa được xác định chính xác ngay cả khi hành động cố ý đã được loại trừ. Phát ngôn nhân Matteo Bruni giải thích, có lẽ tất cả mọi thứ, bắt đầu từ sự việc chập mạch trong hệ thống điều hòa không khí.

Tuy nhiên, không có thêm thông tin chi tiết nào về mức độ thiệt hại tổng thể được cung cấp vào thời điểm này.

“Tôi không thể nói. Chúng tôi cần nói chuyện với Chị Raffaella Petrini”, giám đốc bảo tàng Andrea Tamburelli cho biết qua điện thoại. Theo những gì Il Messaggero hiểu, căn phòng bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn được tìm thấy trong tình trạng tàn khốc, với tất cả trần nhà được bao phủ bởi lớp khói, những bức tranh bị hủy hoại, những chiếc ghế cổ bị nghiền thành bột và tro bụi khắp nơi. Nó thực sự có vẻ giống như một thảm họa trong khi chờ đợi để có được đánh giá tổng thể về các tài sản hiện đang đòi hỏi công việc khôi phục tỉ mỉ.

Khách du lịch đến thăm các căn phòng của Giáo hoàng từ Sân tiếp kiến kể từ năm 2016 sẽ leo lên cầu thang lớn để lên tầng chính của cung điện. Các phòng lịch sử được sắp xếp theo thứ tự nghi lễ của Vatican, theo sơ đồ của Hành lang thứ hai trong Điện Tông tòa. Căn phòng đầu tiên trên thực tế là Hội trường của người Thụy Sĩ, hay của người Đức, một căn phòng từng được dành làm chòi canh. Cho đến khi Đức Giáo Hoàng Piô 12 phục hồi, căn phòng được trang trí bằng một bức phù điêu cao có hình “Sự lắng đọng từ cây thánh giá” và bức tượng Đức Mẹ thế kỷ thứ mười tám của Domenico Corvi.

Tiếp theo là Sảnh Palafrenieri, nơi đặt các Ghế của Đức Giáo Hoàng, chứa đựng những ký ức về sự hiện diện của Đức Piô 9. Sảnh Cappa e Spada lưu giữ các bản sao tranh của Bartolomé Esteban Murillo và Guido Reni. Trong Sala dei Bussolanti tiếp theo có một bản sao tông chiếu của Hiệp ước Fontainebleau năm 1801 và một bức chân dung của Đức Piô Đệ Thất và ngoại trưởng Ercole Consalvi của Jean-Baptiste Wicar. Tiếp theo là Phòng ngai vàng, có từ thời Đức Innocentê. Sau đó là Phòng trưng bày của Đức Bênêđíctô XIV, một phần mở rộng đã được Đức Alexander Đệ Thất xây dựng nhưng được trang trí vào thế kỷ thứ mười tám bằng những bức tranh bằng bột màu của Pier Leone Ghezzi. Từ đó, bạn có thể vào Nhà nguyện Giáo hoàng của Đức Urbanọ Đệ Bát, một trong những căn phòng cổ nhất trong cung điện, được vẽ bởi Simone Lagi và trát vữa bởi anh em nhà Zuccari.

2. Vùng Zaporizhzhia: Quân xâm lược Nga đóng cửa giáo xứ Chính thống Ukraine

Lực lượng xâm lược của Nga tại làng Basan thuộc Vùng Zaporizhzhia “đã phát hiện và ngăn chặn hoạt động của một hiệp hội tôn giáo chưa ghi danh” là Giáo Hội Chính thống Ukraine, lực lượng xâm lược tuyên bố với truyền thông Nga, bao gồm cả các thông tấn xã Tass và RIA Novosti với một sự phấn chấn đáng kinh ngạc. Cha Serhi Moskovets, cha sở của giáo xứ vừa trốn thoát được sang vùng tự do đã cho biết như trên.

Lực lượng xâm lược của Nga đã khám xét cơ sở của ngài và nơi giáo dân gặp nhau để thờ phượng. Lực lượng xâm lược tuyên bố với giới truyền thông Nga: “Các nhân viên điều hành đã phát hiện ra tài liệu chống Nga, bao gồm cả tài liệu nhằm làm mất uy tín của Giáo hội Chính thống Nga”. Quân xâm lược Nga cũng tuyên bố đã phát hiện ra một bộ đồng phục Ukraine từ thời Cha Serhi làm tuyên úy trong quân đội Ukraine.

Lực lượng xâm lược của Nga đã quay một cuộc phỏng vấn video với Cha Serhi, trái với ý muốn của ngài, trong đó ngài thừa nhận rằng ngài đã tổ chức các cuộc họp tôn giáo mà không có sự cho phép của Nga và trái với luật pháp Nga, đồng thời hứa sẽ không làm như vậy trong tương lai. Cha Serhi cũng nói rằng ngài có những cuốn sách được cho là có nội dung chống Nga. Ngài giơ trước máy ảnh một số tập sách nhỏ, bao gồm “Tại sao tôi muốn theo Chính thống giáo nhưng không có Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa” và “Những giáo viên dối trá dưới lớp mặt nạ 'những người bảo vệ Chính thống giáo'“.

Artyom Sharlay, nhà lãnh đạo Ban Tổ chức Tôn giáo của quân xâm lược Nga tại Ban Chính sách Thông tin và Truyền thông Chính trị và Xã hội của Chính quyền Khu vực Zaporizhzhia, nói với Diễn đàn 18 rằng ông không được cung cấp thông tin nào về Cha Serhi và giáo xứ của ngài.

Sharlay nói với Diễn đàn 18 rằng ông không thể nói liệu giáo xứ có gặp nhau để thờ phượng hay không. “Chính thức không có lệnh cấm đối với Giáo hội Chính thống Ukraine. Nhưng có thể trong số các linh mục và giáo dân có những kẻ cực đoan”, ông nói với Diễn đàn 18 từ Melitopol vào ngày 12 tháng 10.

“Giáo hội Chính thống Ukraine thân phương Tây và điều này thật tệ. Nó có mối liên hệ với các cơ quan đặc biệt của Ukraine, điều mà lẽ ra nó không nên có. Các nước phương Tây muốn có càng nhiều thương vong càng tốt ở Ukraine”, ông tuyên bố mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Ông tuyên bố rằng “Các linh mục khác của Giáo hội Chính thống Ukraine đã tự nguyện rời đi.”

3. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho người dân Brazil nhân lễ Đức Mẹ Aparecida

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời cầu nguyện đến người dân Brazil khi họ cử hành lễ Đức Mẹ Aparecida, vị thánh bảo trợ của đất nước này.

Thứ Năm, ngày 12 tháng 10, đánh dấu một ngày lễ đặc biệt ở Brazil, khi Giáo hội cử hành lễ Đức Mẹ Aparecida, vị thánh bảo trợ của đất nước.

Để đánh dấu sự kiện này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tạm dừng Đại hội đồng Thượng Hội đồng đang diễn ra để cầu nguyện cho người dân Brazil.

“Vào ngày lễ Đức Mẹ Aparecida, tôi mang Mẹ trong lòng. Tôi trìu mến nhớ lại thành phố này và Đức Trinh Nữ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trong một thông điệp video được ghi lại tại Hội trường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha nói: “Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta, và xin Mẹ gìn giữ anh chị em và tất cả người dân Brazil”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Tôi cầu nguyện cho anh chị em và gửi đến anh chị em phép lành của tôi”.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi người dân Brazil cầu nguyện cho ngài: “Xin hãy cầu nguyện cho tôi!”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện chuyến hành hương đến đền thờ Aparecida vào tháng 7 năm 2013 trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio de Janeiro.

Sau khi cầu nguyện dưới chân Đức Mẹ, ngài nói: “Tôi rất hân hạnh trước ân sủng được giao phó triều đại giáo hoàng của mình cho Mẹ”.

Theo truyền thống, bức tranh nổi tiếng về Đức Mẹ Aparecida, một Đức Trinh nữ da đen, được ba ngư dân nghèo người Brazil tìm thấy vào ngày 12 tháng 10 năm 1717 gần một con sông cách Sao Paulo khoảng 170 km.

Theo ba người đàn ông, sau khi phát hiện ra bức ảnh, họ đã bắt đầu đánh bắt được số lượng lớn cá một cách bí ẩn.

Kể từ đó, nhiều phép lạ khác được cho là nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ Aparecida.

Ngoài ra, vào năm 1736, vào một đêm yên tĩnh, cộng đồng đã thắp nến xung quanh bức tượng, nhưng các ngọn nến bất ngờ vụt tắt trong khi họ đang cầu nguyện và tự cháy trở lại khi cộng đồng đến gần xem chuyện gì đã xảy ra.

Một cô gái mù ở thành phố Jaboticabal đã cùng mẹ đến thăm Đức Mẹ Aparecida và được phục hồi thị lực ngay khi cô đặt chân lên Thánh địa.

Trong chuyến tông du đầu tiên ra nước ngoài nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đền thờ Đức Mẹ Aparecida.

Nhân dịp đó, ngài đã công bố hành động Thánh hiến, trong đó ngài cầu xin Đức Trinh Nữ “ban những ân huệ vô hạn cho toàn thể Brazil”.

4. Lập trường Tòa Thánh về chiến tranh Israel – Hamas

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin, lên án cuộc tấn công của lực lượng Hamas chống Israel, nhưng khẳng định rằng việc tự vệ chính đáng không cho phép giết hại các thường dân.

Ngoài ra, Đức Hồng Y Parolin cũng cho biết Tòa Thánh sẵn sàng làm bất kỳ sự trung gian cần thiết nào, như vẫn luôn thực hiện cho đến nay.

Trong cuộc gặp gỡ các cơ quan truyền thông Vatican, hôm 13 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định rằng: “Cuộc tấn công khủng bố do Hamas và các lực lượng dân quân khác chống lại hàng ngàn người Israel, đang cử hành ngày Simchat Torah, kết thúc tuần lễ Sukkot, là điều vô nhân đạo. Tòa Thánh mạnh mẽ hoàn toàn lên án hành động đó. Ngoài ra, chúng tôi lo âu vì những người nam nữ, già trẻ đang bị giữ làm con tin ở Gaza. Chúng tôi bày tỏ sự gần gũi với các gia đình bị thương tổn, trong đó phần lớn là người Do thái. Chúng tôi cầu nguyện cho họ, cho những người đang còn bị sốc, cho những người bị thương. Cần phục hồi ý thức của lý trí, từ bỏ đường lối mù quáng oán ghét và phủ nhận bạo lực như một giải pháp. Quyền của người bị tấn công là được tự vệ, nhưng cả việc tự vệ hợp pháp phải tôn trọng các khuôn khổ tương ứng. Tôi không biết cuộc đối thoại giữa Israel và Hamas có thể diễn ra theo mức độ nào, nhưng nếu có và chúng tôi hy vọng sẽ có, thì cần tiến hành ngay không chút do dự. Điều này để tránh thêm tình trạng đổ máu, như đang xảy ra ở Gaza, nơi mà rất nhiều người là những thường dân vô tội, sau các cuộc tấn công của quân đội Israel”.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Hồng Y Parolin cũng nhắc nhở rằng “Hòa bình chỉ có thể được xây dựng trên công lý. Trong tiếng Latinh, chúng ta ưa nói: “Opus justitiae pax”, không thể có hòa bình giữa con người nếu không có công lý. Tôi thấy công lý lớn có thể tại Thánh địa là giải pháp hai quốc gia, để người Palestine và Israel sống cạnh nhau, trong hòa bình và công lý, đáp ứng những khát vọng của phần lớn hai bên. Giải pháp này, đã do cộng đồng quốc tế dự kiến, nhưng gần đây dường như có một số người, từ phe này cũng như phe kia, cho là không còn có thể thực hiện nữa. Đối với những người khác, đó là điều không bao giờ xảy ra. Tòa Thánh tiếp tục xác tín ngược lại và tiếp tục ủng hộ giải pháp này.

Và bây giờ, điều rất đúng là những con tin được trả tự do ngay tức khắc, kể cả những người mà Hamas cầm giữ từ những cuộc xung đột trước đây: theo nghĩa này, tôi mạnh mẽ lập lại lời kêu gọi do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra và nhắc lại trong những ngày này. Điều chính đáng là trong khi tự vệ hợp pháp, Israel không đặt các thường dân Palestine sống tại Gaza trong tình trạng nguy hiểm. Điều đúng đắn, và có thể nói là không thể thiếu được, đó là trong cuộc xung đột này, cũng như trong mọi cuộc xung đột khác, luật về nhân đạo phải được hoàn toàn tôn trọng”.

Mặt khác, sáng ngày 13 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Parolin đã viếng thăm Tòa Đại Sứ Israel cạnh Tòa Thánh để bày tỏ tình liên đới và sự gần gũi tinh thần với Đại sứ Raphael Schutz, vì cuộc tấn công thảm thương hôm thứ Bảy, ngày 07 tháng Mười vừa qua. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ quan tâm về sự tôn trọng các thường dân Israel cũng như Palestine, nhất là dân chúng tại Gaza.