Ngày 22-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 30C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:32 22/10/2019
Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 18: 9-14)
KHIÊM TỐN


Dụ ngôn Chúa dậy hôm nay,
Xét mình khiêm tốn, thẳng ngay sống đời.
Hai người cầu nguyện dâng lời,
Một thầy Biệt phái, một thời kiêu căng.
Khoe khoang so sánh mà rằng,
Ăn chay bố thí, siêng năng cúng đàn.
Dâng công hoa lợi thí ban,
Sống đời công chính, cầu van mỗi ngày.
Kìa người thu thuế xưng bày,
Sấp mình đấm ngực, mắt cay lệ nhòa.
Đời con tội lỗi mù lòa,
Lạy Ngài thương xót, giải hòa cho con.
Thật lòng sám hối héo hon,
Thứ tha lỗi phạm, sắt son một lòng.
Chúa thương tha thứ sạch trong,
Ra về đổi mới, trong lòng hân hoan.
Ai người kiêu ngạo bất toàn,
Nâng mình cao ngất, lỗi hoàn như xưa.
Khiêm cung hạ xuống không thừa,
Chúa thương chúc phúc, ơn mưa dạt dào.

Cầu nguyện là tâm tình của người con đến với Cha. Chúng ta cần cầu nguyện luôn và đừng chán nản. Hôm nay Chúa Giêsu dạy ta phải có thái độ khiêm tốn khi cầu nguyện. Chúa nêu ra dụ ngôn của hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái khoe khoang rằng ông không trộm cướp, không tham lam, không lỗi giới luật, ăn chay nhiều ngày trong năm, trả thập phân cho nhà thờ và ông tự hào mình là người công chính. Còn người kia đứng cuối nhà thờ cầu nguyện, ông ta là người tội lỗi, tham lam, trộm cắp, bất công nhưng biết đấm ngực ăn năn: Lạy Chúa xin thương xót tôi là kẻ có tội.

Sau khi cầu nguyện, người có tội được tha, còn người tưởng mình là công chính thì vẫn thế, không được Chúa nhận lời. Đôi khi chúng ta cũng rơi vào thái độ của người tưởng mình thánh thiện trước mặt Chúa. Chúng ta cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì gia đình bằng an, con cái ngoan hiền, học hành giỏi giang, không như con cái người hàng xóm kia đi sớm về khuya và bỏ học nhập vào băng đảng. Người Biệt phái khi cầu nguyện đã so sánh với người tội lỗi, để rồi tưởng mình là người đạo đức. Trước mặt Chúa, chúng ta đều là tội nhân. Người Biệt phái đã không đủ khiêm tốn để nhận biết mình là người có tội, nhưng lại tự hào mình là người công chính trước mặt Chúa.

Chúng ta thường hay so sánh để đoán xét người khác. Đoán xét người khác là phát xuất bởi lòng xấu và thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa. Người đoán xét kẻ khác là người hay kiêu ngạo và thiếu sự khôn ngoan thật. Khi chúng ta đeo kính mầu gì thì chúng ta sẽ nhìn thấy mọi vật theo mầu đó. Cũng như lưỡi đắng thì ăn gì cũng đắng. Lòng chúng ta có thiên kiến xấu về một ai thì mắt, trí lòng và sự phán đoán của chúng ta cũng bị hướng chiều theo thiên kiến đó.

Những người hay xét đoán xấu về người khác, thường biết rất ít về mình. Vì sự không hiểu biết chính bản thân mình, nên dễ gây tại hại cho người khác. Muốn biết chính mình cần phải khiêm tốn nhận lỗi mình và thận trọng trong lời nói việc làm. Ông Biệt phái cầu nguyện chỉ là để tự hào về mình và khinh bỉ kẻ khác. Ông đã tách biệt mình ra khỏi kẻ khác và tự đặt mình lên trên mọi người và tự mãn về mình. Nên ông đã không nhận được ơn Chúa thứ tha.

Truyện kể: Có hai vợ chồng đã nhiều lần nghi ngờ đoán xét nhau. Lần này, đang lúc tranh cãi hăng say, người chồng đề nghị: Này, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Mỗi người lấy tờ giấy viết tất cả lỗi lầm và tật xấu của nhau rồi trao cho nhau. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm tờ giấy, nhìn vợ rồi cúi xuống viết. Người vợ thấy chồng viết cũng hối hả viết và kể lể mọi sự xấu xa của chồng. Người vợ xem ra hả dạ. Sau đó, họ trao bản kết tội của nhau. Khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt vợ bỗng đổi sắc vì xúc động. Bà vội vã đòi lại giấy đã đưa cho chồng và có thái độ làm hòa. Trong tờ giấy người chồng chỉ viết có một câu duy nhất: Anh yêu em.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận thân phận yếu hèn và tội lỗi của chúng con. Chúng con xin Chúa thương xót và tha thứ.

THỨ HAI, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
(Lc 13, 10-17).
NGÀY NGHỈ


Chúa vào giảng dậy hôm nay,
Hội đường Sa-bát, hăng say đông người.
Một bà quỷ ám lâu đời,
Lưng khòm gập xuống, một thời khổ đau.
Đột nhiên Chúa gọi đến mau,
Đặt tay cứu chữa, xúm nhau đến gần.
Bà này khỏi tật xác thân,
Bà liền đứng thẳng, đôi chân vững vàng.
Bất đồng tức giận người làng,
Kìa viên Hội trưởng, làm tàng khó khăn.
Sáu ngày làm việc khuyên răn,
Vào ngày Sa-bát, can ngăn chữa lành.
Giê-su lên tiếng lòng thành,
Ơn lành việc tốt, thực hành phúc thay.
Chúa thương thăm viếng nơi này,
Chữa lành hồn xác, mọi ngày xá chi.

THỨ BA, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
(Lc 13, 18-21).
NƯỚC THIÊN CHÚA


Nước Thiên Chúa giống cái gì?
Giống như hạt cải, bé ti gieo mầm.
Trong vườn vùi xuống âm thầm,
Mọc lên tươi tốt, trổ mầm tốt xanh.
Trở thành cây lớn đâm ngành,
Chim trời nương náu, trên cành líu lo.
Tin mừng phát triển khôn dò,
Khắp cùng thế giới, mở kho phúc lành.
Niềm tin nhân chứng đồng hành,
Nắm men giữa bột, dậy nhanh cả thùng.
Nước Trời dưới thế bao dung,
Gọi mời nhân loại, có cùng một Cha.
Tôn vinh thờ kính ngợi ca,
Ba Ngôi Thiên Chúa, thương ta vô vàn.
Ngôi Hai Con Một trao ban,
Thiên đàng rộng mở, đổ tràn thánh ân.

THỨ TƯ, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
(Lc 13, 22-30).
ƠN CỨU ĐỘ


Rảo qua làng mạc rao truyền,
Thôn quê thành thị, đi xuyên khắp vùng.
Có người hỏi nhỏ lạ lùng,
Phải chăng số ít, đạt cùng cõi thiên.
Vào qua cửa hẹp trước tiên,
Thành tâm cố gắng, trung kiên lữ hành
Chúa khuyên phán bảo điều lành,
Nhiều người mong muốn, nhưng đành bó tay.
Chủ nhà đóng cửa cơ may,
Đứng ngoài mà gõ, chẳng hay người nào.
Xin ngài mở cửa cho vào,
Chủ rằng không biết, ai nào từ đâu?
Các người gian ác khẩn cầu,
Chúng tôi ăn uống, theo hầu Ngài xưa.
Các ngươi gian dối lật lừa,
Hãy lui ra khỏi, đong đưa phận người.

THỨ NĂM, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
(Lc 13, 31-35).
TIÊN TRI


Mấy người Biệt Phái đến thưa:
Xin Thầy đi khỏi, ngăn ngừa hại thân.
Trả lời loan báo khẽ dần,
Đây Ta trừ quỷ, canh tân lòng người.
Thứ ba hoàn tất cuộc đời.
Chữa lành bệnh tật, gọi mời yêu thương.
Ngày mai ngày mốt đi đường,
Sứ ngôn bị giết, ngoài tường thành sao?
Giê-ru-sa-lem đi vào,
Thành vua cao cả, lẽ nào không tha.
Các người giết hại ông cha,
Chối từ, ném đá, đuổi xa các ngài.
Bao lần Ta muốn kêu nài,
Tụ gom ấp ủ, thiên thai mong chờ.
Các ngươi từ chối thờ ơ,
Hoang vu xứ sở, hững hờ khổ đau.

THỨ SÁU, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 1-6).
VIỆC LÀNH


Chúa vào dùng bữa trong nhà,
Nơi người Biệt Phái, tiệc trà dọn ra.
Những người hiện diện dò la,
Một người mắc bệnh, từ xa bước vào.
Xem Người có chữa không nào?
Hôm nay Sa-bát, làm sao trả lời.
Chúa dò Luật Sĩ được mời,
Cả người Biệt phái, sống đời yêu thương.
Nên làm việc tốt nêu gương?
Cứu người cứu vật, bên đường khó nguy.
Các ông thinh lặng tư duy,
Trong ngày Sa-bát, phát huy việc lành.
Con lừa rơi giếng kéo nhanh,
Cứu nguy thoát chết, thực hành ái nhân.
Chúa thương chữa bệnh cho dân,
Mọi ngày đều tốt, thiện chân tấm lòng.

THỨ BẢY, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 1. 7-11).
HẠ MÌNH


Vào nhà thủ lãnh chiều nay,
Các người Biệt Phái, lại hay xét dò.
Dụ ngôn Chúa dậy cân đo,
Ai mời dự tiệc, không lo chỗ ngồi.
Đừng vào chỗ nhất có rồi,
Khách mời tiệc cưới, tinh khôi để dành.
Chủ nhà khó xử thanh danh,
Xin ông nhường chỗ, bước nhanh đi nào.
Bấy giờ xấu hổ biết bao,
Xếp ngồi rốt hết, trở vào hổ ngươi.
Được mời chọn chỗ rốt nơi,
Chủ mời ngươi đến, xin mời ông lên.
Chỗ ngồi danh dự bên trên,
Ai mà hạ xuống, nhắc lên có ngày.
Khiêm nhường phục vụ khen thay,
Tự cao tự đại, có ngày khổ thân.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 22/10/2019

64. Đi vào sự kỳ diệu của thượng trí, mầu nhiệm siêu tính thì đức khiêm tốn là cửa, có khiêm tốn thì cửa tự nhiên mở, nhưng có kiêu ngạo thì cửa đóng lại.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:50 22/10/2019
44. TÁO QUÂN ÁO TRẮNG

Trần Mạnh Hiền vốn không thích khách khứa đến nhà, từ trước đến nay cũng không lưu khách lại dùng cơm trong nhà, các đồng sự bèn làm tặng cho ông ta một câu thơ chế nhạo:

“Hai mươi bốn tháng chạp,

táo quân của thiên hạ đều về trời yết kiến ngọc đế,

tất cả táo quân đều mặc áo đen,

chỉ có táo quân của của một người là áo trắng.

Ngọc đế thấy kỳ quái,

Bèn hỏi: “Tại sao chỉ có ông là áo trắng ?”

Táo quân ấy trả lời:

“Thần là táo quân của nhà Trần Mạnh Hiền.

các vị táo quân khác ngày ngày đều ngạt khói cháy lửa,

tự nhiên là phải đen,

thần ở nhà của Trần Mạnh Hiền,

ông ta từ trước đến nay không mời khách,

thì áo của thần sao đen được chứ ?”


(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 44:

Táo quân thì phải…đen thui, nhưng thời đại ngày nay có những táo quân phải mặc áo trắng vì bếp của chủ nhà họ đều dùng…gas hoặc bếp điện, thì làm gì có khói nghi ngút chứ.

Nhưng quan trọng không phải là táo quân áo trắng hay táo quân áo đen nhưng chính là lòng hiếu khách của chủ nhà, nếu chủ nhà hiếu khách dùng bếp gas thì táo quân áo trắng, mà nếu chủ nhà nghèo hiếu khách dùng củi thì táo quân áo màu đen, chẳng có gì là lạ.

Người có tâm hồn hiếu khách thì có đông bạn bè nên họ cũng dễ dàng thành đạt trong cuộc sống, và quan trọng hơn, chính lòng hiếu khách của họ đã là một bằng chứng về việc truyền bá Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su cho mọi người rồi.

Người Ki-tô hữu không hiếu khách vì những mối lợi riêng tư, nhưng họ hiếu khách vì họ thực hành Lời Đức Chúa Giê-su dạy: yêu người thân cận như chính mình, và bởi vì khi họ tiếp đón khách là họ tiếp đón Đức Chúa Giê-su đang đến trong nhà họ vậy !

Tiếp khách là tiếp Đức Chúa Giê-su, đó là câu châm ngôn sống của các tu sĩ dòng Biển Đức, và của một số người Ki-tô hữu đạo đức vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khiêm hạ - Điều kiện để được ơn tha thứ
Lm Đan Vinh
23:30 22/10/2019
Chúa Nhật 30 Thường Niên C
Hc 35,15b-17.20-22a; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 18,9-14

(9) Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế”. (11) Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các ông biết: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

2. Ý CHÍNH:

Nhằm dạy bài học khiêm nhường, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Trong đó người Pha-ri-sêu đã kiêu ngạo khi cầu nguyện chỉ trích tha nhân và tự đề cao bản thân. Đang khi người thu thuế khiêm tốn xin Chúa tha tội và chỉ biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng Đức Giê-su kết luận: người Pha-ri-sêu kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống, còn người thu thuế khiêm hạ sẽ được Thiên Chúa tôn vinh.

3. CHÚ THÍCH:

- C 9-10: + Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: Đền thờ là nơi người Do thái cầu nguyện. Người ta tụ tập ở Đền thờ vào các ngày Sa-bát, ngày Lễ, ngày Chay... để nghe đọc Thánh kinh, hát Thánh vịnh và cầu nguyện chung. Tuy nhiên mọi người đều có thể vào Đền Thờ cầu nguyện riêng khi mở cửa. +Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu: Đây là nhóm người tự tách mình ra khỏi quần chúng. Họ giữ Luật cặn kẽ chi tiết và thường tự hào cho mình là công chính. Tuy nhiên họ làm mọi điều tốt nhằm tìm tiếng khen hơn là vì lòng mến Chúa thực sự. Vì thế họ cố tình đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được chào hỏi ở nơi công cộng và muốn được dân chúng xưng hô là “Thầy” (Rápbi) (x. Mt 23,5-7). +Còn người kia làm nghề thu thuế: Đây là hạng người bị dân chúng đồng hóa với những kẻ tội lỗi và bị khinh dể xa lánh, vì đã cộng tác với chính quyền Rô-ma. Đồng thời còn tham lam, thường ăn chặn tiền thu thuế của người dân đóng để làm giàu bất chính.
- C 11-12: + Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình...: Pha-ri-sêu có nghĩa là tách biệt. Ở đây người Pha-ri-sêu đã tự tách ra khỏi những người Do thái khác khi đến cầu nguyện tại Đền thờ. + Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia...: Người Pha-ri-sêu này đã cầu nguyện phê phán người khác về các tội cụ thể như tham lam, bất công, ngoại tình hay tội làm đầy tớ cho ngoại bang như người thu thuế đang đứng cuối Đền thờ. + Con ăn chay mỗi tuần hai lần: Luật chỉ buộc người Do thái ăn chay vào lễ Xá Tội tức là ngày 10 tháng 7 hàng năm (x. Lv 16,29). Tuy nhiên, mỗi tuần những người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm hai ngày khác là thứ Hai và thứ Năm, và họ hãnh diện cho mình đạo đức hơn người khác về việc này (x. Lc 5,33). + Con dâng cho Chúa một phần mưới thu nhập của con: Người Do thái công nhận Thiên Chúa đã ban lương thực cho mình, nên họ bày tỏ lòng biết ơn bằng việc dâng lên Chúa những hoa quả đầu mùa. Luật qui định phải nộp thuế “thập phân” (một phần mười), đánh trên các hoa màu như lúa mì, rượu mới, dầu tươi và cả những con vật đầu lòng trong đàn bò và chiên dê (x. Đnl 14,22-23). Ngoài ra họ còn tình nguyện nộp thêm phần thuế về các thứ rau quả khác nữa (x. Lc 11,42). Tóm lại, người Pha-ri-sêu này lên Đền thờ không phải để xin Chúa tha tội mà để kể công về những điều ông ta đã làm được hơn người khác để đòi Chúa phải trả công cho mình.
- C 13-14): + Còn người thu thuế thì đứng đàng xa...: Người thu thuế chỉ biết thú nhận những tội lỗi đã phạm. Ông cảm thấy xấu hổ nên không dám đến gần gian thánh, đứng cúi mình trước bàn thờ không dám đứng thẳng như người Pha-ri-sêu. + Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi: Ông ta chỉ biết đấm ngực ăn năn về các tội lỗi đã phạm và xin Chúa tha thứ tội lỗi như lời Thánh vịnh 50 của vua Đa-vít. Chính nhờ thái độ khiêm tốn ấy mà ông đã được Chúa ban ơn cứu độ. + Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên: Câu này đã có ở Lc 14,11 và được Lu-ca thêm vào đây để kêu gọi người ta khiêm hạ để dựa vào ân sủng của Thiên Chúa hơn tài sức mình. Vì trong lịch sử Ít-ra-en, Đức Chúa thường hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhu (x. Lc 1,25).

4. CÂU HỎI:
1) Phân biệt lối sống của người Pha-ri-sêu (Biệt phái) và người thu thuế thời Đức Giê-su giống và khác nhau thế nào ?
2) Lời người Pha-ri-sêu cầu nguyện trong Tin Mừng hôm nay có đẹp lòng Chúa không ? Tại sao ?
3) Lý do khiến Đức Giê-su tỏ lòng khoan dung nhân hậu với người thu thuế tội lỗi, và nghiêm khắc với người Pha-ri-sêu là gì ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA:

Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TẠI SAO MA QUỶ KHÔNG ĐƯỢC CHÚA THỨ THA ?

Một hôm một tên quỷ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng: “Tôi thấy Chúa đối xử không công bằng chút nào!”. Chúa liền hỏi nó: “Tại sao ngươi lại dám bảo Ta đối xử không công bằng ?” Tên quỷ đáp: “Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội lỗi lớn lao, và chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn hứa ban hạnh phúc thiên đàng đời đời cho chúng. Còn lũ quỷ chúng tôi chỉ phạm tội một lần duy nhất. Thế mà Chúa không tha mà còn phạt chúng tôi phải sa hỏa ngục đến muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đã thiên vị và bất công lắm sao ?” Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói với tên quỷ: “Loài người tuy phạm tội không vâng lời Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng còn sai phạm nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều hồi tâm sám hối và khiêm tốn chạy đến xin Ta tha thứ. Còn lũ quỷ các ngươi, có bao giờ các ngươi chịu hồi tâm sám hối và cầu xin Ta tha tội cho chưa ?” Nghe thấy Chúa đòi phải ăn năn sám hối và cầu xin tha tội, tên quỷ liền thét lên: “Lòai quỷ chúng ta không đời nào chịu hèn hạ ăn năn sám hối và cũng không cần xin ai tha tội cả”. Nói thế rồi quỷ liền cong đuôi chạy mất.

2) PHẢI TRÁNH CÁI TÔI ÍCH KỶ:

Có một câu chuyện cho thấy con người thường ích kỷ, chỉ nghĩ phần lợi cho mình hơn là cho Chúa và tha nhân; Một cậu bé kia mỗi lần đi đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật, cậu đều được mẹ tập thói quen ý thức góp phần vào việc chung, bằng cách trao cho cậu hai đồng đôla bằng kim loại và nói: “Một đồng cho con ăn sáng, còn đồng kia để con bỏ vào giỏ tiền thau nhà thờ trong giờ lễ, để làm của lễ dâng cho Chúa”. Cậu bé nắm chặt hai đồng tiền trong bàn tay và đi bộ đến nhà thờ. Khi băng qua đường, cậu không may bị vấp ngã bên lề đường. Theo bản năng, cậu mở bàn tay ra chống đỡ khi ngã trên đất và hai đồng tiền bị vuột khỏi bàn tay: Một đồng nằm trên lề đường, còn đồng kia rơi xuống hố ga gần bên. Cậu bé liền nhặt đồng tiền lên và nhìn xuống hố ga để tìm đồng tiền thứ hai, nhưng trong hố ga tối thui không thấy gì. Một cuộc chiến nội tâm diễn ra. Cuối cùng cậu bỏ đồng tiền nhặt được vào túi, nhìn lên trời và thưa với Chúa: “Chúa ơi. Con rất tiếc, vì đồng tiền của Chúa hôm nay đã bị rơi xuống hố ga mất rồi!”

3) PHẢI QUỲ XUỐNG CẦU XIN MỚI ĐƯỢC ƠN THA THỨ :

Tại đền thờ thánh Phê-rô ở Rô-ma, có một bức tượng Chúa chịu nạn do Thóc-van-sen (Thorvaldsen) một nhà điêu khắc Đan mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng. Ông ta đứng nhìn bức tượng một lúc rồi lắc đầu nói:
- Tôi nghe đồn bức tượng nầy nổi tiếng là rất đẹp, nhưng sao tôi nhìn mãi mà chẳng thấy có gì đẹp cả.

Bấy giờ một khách hành hương đang quì phía sau ông nói:
- Ông phải quì gối xuống mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp của tượng Chúa.

Ông du khách liền quì gối xuống và đã khám phá ra vẻ đẹp bao dung nhân ái rất lôi cuốn của bức tượng Chúa chịu nạn.

Muốn gặp Chúa và nhận được ơn cứu độ của Chúa, mỗi người chúng ta cũng phải khiêm hạ quỳ gối xuống và mở miệng cầu xin Chúa tha tội như người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

4) KHIÊM HẠ : ĐIỀU KIỆN ĐỂ GÂY THIỆN CẢM VỚI THA NHÂN:

Sách Trang Tử thuật câu chuyện về hai nàng hầu:

Nhà kia ở nước Tống có hai nàng hầu, một đẹp một xấu. Một hôm Dương Chu đến trọ, quan sát và nhận thấy trong nhà ai cũng quí yêu nàng hầu xấu mà khinh thường nàng hầu đẹp. Lấy làm lạ, Dương Chu gọi hỏi cậu bé trong nhà, cậu ta trả lời:
- Nàng hầu đẹp kia tự cho mình là đẹp và khinh chê nàng hầu xấu nên mất đi cái đẹp. Chẳng ai còn nhìn thấy nét đẹp của nàng nữa! Còn nàng hầu xấu tự biết mình là xấu mà khiêm nhu và kính trọng mọi người, nên không ai còn nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu liền gọi môn sinh đến và dặn: Các con nhớ ghi bài học này. Giỏi hay đẹp mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi và đẹp thì đi đâu mà chẳng được người ta yêu mến, tôn trọng.

Trong Tin Mừng hôm nay, nhận thấy "một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác", Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện để dạy bài học khiêm nhường. Đây là nhân đức đứng đầu, không những chinh phục được thiện cảm của người chung quanh, mà còn nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nữa.

3. SUY NIỆM:

Khi nghe Đức Giê-su kết luận người thu thuế tội lỗi ra về được nên công chính, còn người biệt phái nhiều công đức thì không, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta phải ngạc nhiên. Vì người biệt phái xem ra mẫu mực tuân giữ Lề Luật và không sai phạm các tội ác xấu xa. Ông ta còn làm nhiều hơn điều Luật dạy khi tự nguyện ăn chay và bố thí. Vậy tại sao Đức Giê-su lại không chấp nhận lời cầu của ông ta ? Tại sao Chúa lại ưu ái người thu thuế tội lỗi, ngay trong lúc anh ta chưa từ bỏ cái nghề tồi tệ đó, và không nói đến việc đền bù thiệt hại đã gây ra ?

1.Nguyên nhân khiến lời cầu của người biệt phái không được chấp nhận:

-Phải thừa nhận rằng: Người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay là một người tốt, một tín hữu trung thành với Lề Luật. Chỉ tiếc một điều là do kiêu ngạo tự mãn mà bao nhiêu việc tốt anh làm đươc đã không có giá trị trước mặt Chúa. Do anh chỉ nhìn thấy “cái tôi” của mình nên đã không thấy Chúa. Anh coi thành quả đạt được là do tài đức của mình, chứ không do ơn Chúa giúp.

-Lời cầu nguyện của người biệt phái đã không được Chúa chấp nhận là do anh đã “đứng riêng một mình” và cầu nguyện cách khoe khoang. Nội dung lời cầu cho thấy anh đã khinh thường người khác và tự mãn về thành tích của mình qua việc đòi được Thiên Chúa trả công: “Con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc, 8,11).

-Tuy nhiên, người Biệt Phái không ý thức rằng: “Nhân vô thập toàn”: Anh ta cũng có các thói hư như: tự mãn, kiêu căng, khinh thường tha nhân… Nhưng anh lại không ý thức về các tội đó. Anh ta không nhận ra mình cũng là tội nhân như người thu thuế mà anh đang khinh thường. Anh đã không biết rằng sự công chính người ta có được là do ơn Chúa ban như lời thánh Phao-lô dạy: “Tôi được như vậy không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do Luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,9).

- Tóm lại, người Biệt phái đã không biết rằng: Khi chê bai người thu thuế là anh ta đã gián tiếp cho mình là công chính. Nói xấu người thu thuế là anh đã tự đánh giá mình là người tốt. Lên tiếng phê bình chỉ trích người thu thuế là anh đã tự coi mình là quan tòa kết án hơn là tội nhân bị xét xử. Làm như thế là người Biệt phái đã tự làm hại mình, và không đáng được ơn tha thứ như lời Đức Giê-su kết luận: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

2. Nguyên nhân người thu thuế được Chúa xót thương:

-Người thu thuế cảm thấy xấu hổ về tội lỗi của mình, nên chỉ dám đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời. Anh ta vừa đấm ngực vừa thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Anh ta cảm thấy mình bất lực và chỉ biết phó thác cho lòng Chúa thương xót. Chính nhờ tâm tình ấy mà Chúa đã đoái thương nhìn đến anh và ban ơn thánh giúp anh hoán cải trở nên công chính.

-Thái độ khiêm cung và lời cầu nguyện sám hối của người thu thuế cho thấy anh đã sẵn sàng mở cửa lòng ra để đón rước Chúa vào nhà. Chúa đã vào nhà linh hồn anh để ban ơn tha thứ và biến đổi anh nên công chính đẹp lòng Chúa. Nhờ ý thức về tình trạng tội lỗi của mình qua thái độ khiêm tốn cúi đầu đấm ngực ăn năn, mở miệng nài xin Chúa thương, mà người thu thuế đã được biến đổi nên công chính như lời Đức Giê-su: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”.

3. Chúng ta phải làm gì ?

a) Cần tránh lối cầu nguyện của biệt phái: Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng có thái độ tự mãn như người biệt phái xưa đã thưa với Chúa: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Nhiều lần chúng ta đã đổ lỗi cho người khác hơn là khiêm tốn nhận tội của mình như lời kinh cáo mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhiều lần trong tòa xá giải chúng ta đã dài dòng kể tội của người thân trong gia đình hay tội của người hàng xóm đã phạm đến mình, đang khi lẽ ra ta phải khiêm nhường xưng thú tội mình để xin ơn tha thứ.

b) Cần cầu nguyện khiêm hạ như người thu thuế: Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay đã muốn được Chúa ban ơn tha thứ bằng việc lên Đền thờ cầu nguyện. Tuy nhiên, anh cũng ý thức các tội lỗi của mình khó được Chúa thứ tha, vì theo Luật Mô-sê: một người lỗi phép công bình muốn được tha thì trước hết phải thanh toán hết số nợ. Ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ nợ thêm 1/5 nữa. Anh thu thuế này không có khả năng làm như thế. Dù vậy, anh đã không tuyệt vọng, mà đã cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Noi gương tác giả Thánh vịnh 50, anh đã xin Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Vì vậy anh đã được Chúa tha tội và biến đổi nên công chính (x. Lc 18,14).

c) Cần tránh thói kiêu căng tự mãn: Kiêu ngạo là thói xấu đứng đầu và hầu như mọi người chúng ta ít nhiều đều mắc phải. Đây là thói xấu nguy hiểm nhất và là mẹ phát sinh ra các thói hư khác. Người kiêu ngạo tự cho mình là trung tâm điểm thay thế Thiên Chúa. Anh muốn mọi người phải quan tâm phục vụ mình và luôn tạo ra hàng rào tách biệt với tha nhân… Kiêu ngạo phát sinh tự ái cao nên dễ nổi giận khi có ai dám chê trách nói phạm đến mình. Đây cũng là thói xấu khó chừa cải nhất. Tuy nhiên kinh “Cải tội bảy mối” đã cho chúng ta phương thế hữu hiệu diệt trừ được thói hư này như sau: “thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo”. Như vậy muốn loại trừ thói kiêu ngạo thì cần tập nhân đức khiêm nhường. Khiêm nhường trong lòng đương nhiên sẽ biểu lộ ra ngoài bằng lời nói và hành động.

d) Cần tập đức tính khiêm nhường: Ai trong chúng ta cũng đều yêu thích người khiêm tốn, nhưng rất ít người thực hành được nhân đức này. Thực ra khiêm nhường là can đảm nhìn thẳng vào con người thật của mình. Khổng Tử đã nói: “Cái gì biết thì nói biết, cái gì không biết thì nói không biết. Đó mới thật là biết vậy”. Khiêm nhường tự hạ, quên mình phục vụ luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện.

Tất cả những tài năng, nhân đức sẽ gia tăng giá trị lên gấp bội nếu kèm theo đức khiêm nhường. Cũng như những số 0 (số không) dù nhiều tới đâu cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bằng một con số như số 1 chẳng hạn, thì lập tức những số 0 kia sẽ tăng giá trị lên gấp bội. Cần tập khiêm nhường bằng cách tránh nói ra các ưu điểm thành tích của mình và biết rộng rãi nói lời khen ngợi tha nhân. Cần năng nói: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” rồi sau đó phục vụ cách chân thành và vô vụ lợi.

4. THẢO LUẬN:

1) Bạn đã bao giờ khen người dưới khi thấy họ làm được việc tốt chưa?
2) Khi được người khác khen một ưu điểm có thật, bạn nên phản ứng thế nào để thực hành đức khiêm nhường noi gương Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a trong Tin Mừng (x. Lc 1,45-49) ?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA CHA TỪ ÁI. Xin giúp chúng con ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Xin giúp chúng con tránh thói kiêu căng tự mãn của người biệt phái. Xin cho chúng con biết tôn trọng mọi người và không khoe khoang thành tích đã làm được. Xin cho chúng con biết luôn cảm tạ Cha về những ơn lành Cha đã thương ban. Xin cho cuộc sống của chúng con trở thành một bài ca tạ ơn: khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm... Vì chúng con biết rằng mọi sự Cha để xảy đến cho chúng con đều là hồng ân của Cha và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người đồng tính đốt ngôi nhà thờ đẹp nhất Worchester, Massachusetts vì lòng thù hận đức tin
Đặng Tự Do
00:44 22/10/2019
Những hình ảnh của ngôi nhà thờ thật đẹp này suýt nữa đã trở thành tro bụi. Cha Edwin Montana tin rằng ơn quan phòng Chúa đã giúp cho ngôi nhà thờ tránh được thảm họa này.

Một thanh niên 21 tuổi bị buộc tội đột nhập và đốt nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Athol, thuộc giáo phận Worchester, ngay sau nửa đêm thứ Bảy rạng sáng Chúa Nhật 20 tháng 10.

Trevor DeFrancesco, 21 tuổi, đã bị giam giữ tại Trại Cải huấn quận Franklin. Y được tại ngoại hầu tra sau khi đóng số tiền bảo lãnh 20,000 đô la và sẽ bị buộc tội vào sáng thứ Hai, các quan chức cảnh sát quận Worchester, tiểu bang Massachusetts cho biết như trên.

DeFrancesco sẽ bị buộc tội cố ý phóng hỏa, đập phá tài sản của người khác, xâm nhập gia cư vào ban đêm với ý định phạm trọng tội.

Vụ cháy bên trong nhà thờ trên đường School ở Athol đã bắt đầu từ tầng hầm.

Các nhà điều tra xác định vụ cháy bắt đầu tại nhiều điểm xuất phát bên trong tầng hầm nhà thờ và kết luận rằng đám cháy được cố tình gây ra.

Thiệt hại hỏa hoạn được mô tả là vừa phải. Cảnh sát và nhân viên cứu hỏa cho biết thủ phạm đã đập phá trong tầng hầm nhà thờ, một ống nước đã bị bể và có lẽ nước trào ra từ đường ống này đã giúp khống chế đám cháy.

Athol có 11,500 dân, đa số là người da trắng. Đây là một khu vực giàu có thuộc quận Worchester. DeFrancesco là một người đồng tính, khai với cảnh sát động cơ đốt nhà thờ là vì lòng thù hận đức tin Công Giáo.


Source:Crux
 
Đồng Minh bất ngờ tháo chạy, Giám Mục Baghdad: IS quay lại chúng tôi chết mất!
Đặng Tự Do
07:06 22/10/2019
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho AsiaNews, thông tấn xã của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, Đức Cha Basil Yaldo, Giám Mục Phụ Tá Baghdad và là một cộng sự viên đắc lực của Đức Hồng Y Louis Sako Raphael, xác nhận trong cộng đoàn Công Giáo địa phương đang có những lo ngại về một sự “gia tăng mới” các phong trào thánh chiến được kích thích bởi các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria. Ngài nói: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm này và có một nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS đang quay trở lại. Và nếu chẳng may xảy ra như thế thì chúng tôi chết mất”.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS bắt đầu gây chú ý vào đầu năm 2014 khi chúng lần lượt chiếm được nhiều thành phố của Iraq và Syria. Nghiêm trọng nhất là vào đêm mùng 9 rạng sáng mùng 10 tháng Sáu, 2014 khi chúng chiếm được thành phố Mosul là thành phố quan trọng thứ hai của Iraq sau Baghdad. Quân số IS vào thời điểm đó được ước tính là khoảng 30,000 tên và tăng lên dần cho đến khi bị đánh bại vào tháng Bẩy năm 2017.

Với một quân số đông đảo như thế và khả năng đánh cả chiến tranh du kích lẫn chiến tranh quy ước trên một diện rộng từ Iraq đến Syria, bọn khủng bố Hồi Giáo IS phải có một nguồn cung cấp các khí tài chiến tranh rất lớn. Quốc gia duy nhất có động lực và khả năng làm điều đó là Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì thế, theo Đức Giám Mục Phụ Tá Thổ Nhĩ Kỳ là nguồn linh hứng cho các tiểu tổ IS nằm vùng vẫn còn đầy rẫy tại Iraq, đặc biệt là trong vùng phụ cận thành phố Mosul và vùng đồng bằng Ninivê.

Đức Giám Mục Phụ Tá Baghdad khẳng định rằng cuộc chiến do Thổ Nhĩ Kỳ phát động chống lại người Kurd ở miền bắc Syria chắc chắn sẽ gây ra hậu quả ở nước láng giềng Iraq. Ngài nhắc lại một tuyên bố mới đây của Đức Tổng Giám Mục thành Erbil về nguy cơ một làn sóng tị nạn mới trong một lãnh thổ vẫn còn gánh chịu những hậu quả to lớn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ mùa hè 2014.

Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê ở Erbil nói với tờ National Review rằng người Công Giáo đã gần biến mất khỏi Iraq. Ngài nói với một vẻ mặt đầy âu lo rằng: “Nếu một cuộc tấn công khác của quân khủng bố Hồi Giáo IS diễn ra, có lẽ chúng tôi sẽ biến mất khỏi khu vực này.”

Vào đêm mùng 6 tháng Tám năm 2014, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã càn qua vùng đồng bằng Nineveh ở miền bắc Iraq, khiến hơn 120,000 Kitô hữu phải sống lưu vong ở Kurdistan. Năm năm sau, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đánh bại, và các biện pháp ổn định khu vực đã được đề ra.

Theo Đức Tổng Giám Mục Warda, cho đến nay, 40,000 Kitô hữu đã trở về quê hương của họ, tái lập lại chín thị trấn lịch sử của Kitô giáo trong vùng. Một số lớn những người tị nạn đã di cư sang Âu Châu và Hoa Kỳ. Một con số nhỏ hơn vẫn tiếp tục sống trong các trại tị nạn ở Erbil.

Một số người tị nạn đã quay về cố hương trong vùng đồng bằng Nineveh, nhưng rồi họ lại quay trở lại các trại tị nạn ở Erbil sau khi mùa màng của họ bị đốt phá, và gia đình họ nhận được các truyền đơn hăm dọa từ các tiểu tổ ISIS nằm vùng vẫn còn lén lút hoạt động trong khu vực.

Tính chung trong tổng số 40 triệu dân Iraq hiện nay, 69% dân số theo Hồi Giáo Shiite. Chỉ có khoảng 30% theo Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, đó không phải là tình hình tại Mosul. Tuyệt đại dân chúng trong thành phố này theo Hồi Giáo Sunni. Chính vì thế, sau khi giải phóng được Mosul, lực lượng PMF của Hồi Giáo Shiite không bị giải giới nhưng vẫn hoạt động mạnh trong vùng với ý đồ thanh lọc tôn giáo tại Mosul và khu vực chung quanh. Cả các tín hữu Kitô lẫn người Hồi Giáo Sunni đều trong tầm ngắm của họ. Tuy nhiên, các tín hữu Kitô có lẽ là mục tiêu dễ nuốt hơn.

Trước thềm cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào năm 2003, Kitô hữu có khoảng 1.5 triệu người. Ngày nay, chỉ còn lại 1/6 con số này.


Source:Asia News
 
TT Nam Hàn gặp ĐGH: Con là Tổng Thống đồng thời là tín hữu Công Giáo
Nguyễn Long Thao
10:28 22/10/2019
Vatican.- Vào lúc 9:45 ngày 18 tháng 10 năm 2019,Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in đã hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Tòa Thánh Vatican, sau khi ông tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho hòa bình tại đền thờ Thánh Phêrô. Chuyến viếng thăm của Tổng Thống Nam Hàn để kỷ niệm 55 năm giữa Seoul và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao.

Khi gặp Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống Moon Jae-in nói: “ Con đến với Đức Giáo Hoàng trong tư thế là Tổng Thống Hàn Quốc, nhưng đồng thời cũng là một người Công Giáo. Tên thánh của con là Timothy”

Theo văn phòng báo chí Tòa Thánh ĐGH và Tổng Thống Nam Hàn đã thảo luận về những sáng kiến nhằm vượt qua được những căng thẳng hiện còn tồn tại trong bán đảo Triều Tiên.

Sau khi hội kiến với ĐGH, Tổng Thống Nam Hàn sẽ gặp Đức TGM Paul Gallagher, Tổng Trưởng Quan Hệ với các quốc gia và Đức Hồng Y Pietri Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Tưởng cũng nên nhắc lại, khi Tổng Thống Moon Jae-in gặp chủ tịch Kim Jong un ở Bắc Hàn, Chủ Tịch họ Kim đã nhờ Tổng Thống Nam Hàn chuyển lời mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, một Đức Giám Mục ở Nam Hàn nói việc ĐGH viếng thăm Bình Nhưỡng là một sự kiện quan trọng, nhưng trước tiên, Bình Nhưỡng phải ban hành và tôn trọng chính sách tự do tôn giáo.

Nguyễn Long Thao
 
Cuộc họp báo ngày 22 tháng 10 tại Thượng Hội Đồng Amazon
Vũ Văn An
19:07 22/10/2019
Theo Vatican News, trong khi Thượng hội đồng giám mục về vùng Amazon tiếp tục thảo luận về bản thảo tài liệu cuối cùng, bốn tham dự viên Thượng Hội Đồng chia sẻ tầm nhìn và kinh nghiệm của họ trong cuộc họp báo tại Văn phòng báo chí Tòa Thánh vào chiều thứ Ba, 22 tháng 10.



Thứ Ba cũng là ngày cuối cùng cho các cuộc thảo luận trong các nhóm làm việc nhỏ. Thư ký của Ủy ban Thông tin Thượng hội đồng, Cha Giacomo Costa, Dòng Tên, cho biết các tham dự viên vẫn “đang lắng nghe và đóng góp”. Các kết quả sẽ được trao cho những vị chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu cuối cùng và Thượng hội đồng sẽ bỏ phiếu vào thứ Bảy.

Bà Judite da Rocha

Bà Judite da Rocha là người đầu tiên trình bày. Bà là Điều hiệp viên Quốc gia của Phong trào Nạn nhân bị ảnh hưởng bởi các con đập ở Ba Tây. Bà nhấn mạnh các mối đe dọa từ các nhà máy thủy điện gây ra cho ngư dân và người dân sống dọc theo các con sông.

Bà da Rocha đã đưa ra những thí dụ về các gia đình bị mất nhà cửa, các cộng đồng phải di dời, các truyền thống và văn hóa bị phá hủy. Bà nói về hậu quả đối với phụ nữ dưới hình thức bạo lực gia đình và quấy rối tình dục. Bà nói, chúng ta cần khai triển những cách khác để sản xuất năng lượng và điện lực.

Đức Tổng Giám Mục Héctor Miguel Cabrejos Vidarte, O.F.M.

Đức Tổng Giám Mục Héctor Miguel Cabrejos Vidarte, O.F.M., của Trujillo, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru và CELAM, Liên Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh. Ngài nói với các nhà báo, Thượng hội đồng đang thu hút sự chú ý tới cả Thiên nhiên và Nhân loại.

Đức Tổng Giám Mục nói, thiên nhiên là đa dạng sinh học và sinh thái, và không phải ngẫu nhiên mà Thượng hội đồng đã được dâng hiến cho Thánh Phanxicô Assisi, người đã bày tỏ tình yêu của mình đối với thiên nhiên một cách rất hùng hồn. Đức Tổng Giám Mục nói, con người phải quay trở lại để tận hưởng mối liên hệ tôn kính với thiên nhiên: tôn trọng đối với trái đất “dẫn đến sự kết hợp với Thiên Chúa”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Cabrejos Vidarte, chúng ta “cần đào sâu hơn và táo bạo hơn nữa” khi nói đến các chủ đề hiện sinh và tính trung tâm của nhân vị. Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của “các mối tương quan liên văn hóa”, ngài khẳng định rằng các vấn đề ảnh hưởng đến chín quốc gia của Amazon “đã vượt ra ngoài các biên giới quốc gia”.

Đức Giám Mục Karel Martinus Choennie

Đức Giám Mục Karel Martinus Choennie của Paramaribo, thủ đô của Suriname, sau đó đã trình bầy chứng từ của mình. Ngài nói, 92% đất nước của ngài vẫn là rừng xanh, nhưng “nếu việc làm nóng hoàn cầu cứ tiếp tục” thì nó sẽ gây ra thảm họa cho Amazon. Đức Cha Choennie cho biết, “sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, và ngài đưa ra thí dụ về “tỷ lệ bão cao ở vùng biển Caribê”.

Ngài cảnh cáo, “Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản phải thay đổi lối sống”, nếu không thì “chúng ta đang trên đường tự hủy”. Một vị giám mục nói, chúng ta cần một nền kinh tế mới của “tình liên đới”, bởi vì nền kinh tế hiện tại đang “sát hại và bất công với thế hệ tiếp theo”. Ngài tố cáo điều ngài gọi là thiếu sáng tạo và “đình trệ chính trị”, và kết luận bằng cách thúc giục những người có quyền lực tìm ra “các giải pháp thực sự”.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, O.F.M. Cap.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, O.F.M. Cap., là Tổng Giám mục Kinshasa tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngài đang có mặt tại Thượng Hội Đồng về vùng Amazon đại diện cho châu Phi và đặc biệt cho lưu vực Congo. Đức Hồng Y mô tả các điểm tương tự giữa Vùng Amazon và Lưu vực Congo, cho rằng cả hai “đều bị đe dọa bởi việc bóc lột vô trách nhiệm” và người dân ở cả hai khu vực có nguy cơ bị tiêu diệt”.

Các từ khóa trong bài thuyết trình của ngài là “đồng trách nhiệm” và “ trách nhiệm giải trình”. Ngài cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có trách nhiệm nhiều hơn. Đức Hồng Y Besungu nói, trong khi Thượng hội đồng “đang mang lại hy vọng cho nhân loại”, thì với tư cách một Giáo hội, “chúng ta phải dám làm”.

Câu hỏi về việc kết mạng

Các nhà báo có mặt tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã đặt các câu hỏi liên quan đến các hình thức kết mạng khác nhau, cả trong lẫn ngoài Giáo hội.

Đức Hồng Y Besungu đã mô tả các nỗ lực phối hợp cho Lưu vực Congo, và mở rộng chúng ra toàn bộ khu vực rừng Xích đạo, theo nghĩa đen là “vượt ra ngoài các biên giới”.

Đức Tổng Giám Mục Cabrejos Vidarte đã nói về việc mong chờ “những gì xảy ra tiếp theo” và quyết định phải áp dụng ra sao kết luận của Thượng hội đồng này. Ngài bày tỏ mong muốn tạo ra “một mạng lưới sống động và tích cực” dưới hình thức một “cơ quan giáo hội” có thể hợp nhất mọi nước trong Vùng Amazon.

Bà da Rocha đã mô tả các hậu quả của các công ty đa quốc gia đang khai thác các tài nguyên thiên nhiên: các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trầm cảm, thậm chí tự tử. Bà nói, người ta được cho hay “rời cư hay là chết”, và tác động văn hóa xã hội đang gây ra đau đớn và đau khổ.

Câu hỏi về tiếng nói tiên tri

Khi được hỏi làm thế nào Giáo hội có thể nói bằng “tiếng nói tiên tri” nhiều hơn nữa, Đức Cha Choennie cho rằng giáo dục là câu trả lời. Ngài nói rằng “hiện chưa có ý thức về tính cấp bách của vấn đề” và người ta không sẵn lòng hy sinh lối sống của mình.

Đức Giám Mục nói rằng có một “mâu thuẫn” giữa việc muốn cứu rừng, và việc không muốn thay đổi lối sống của chúng ta, kể cả ăn ít thịt đi.

Đức Tổng Giám Mục Cabrejos Vidarte nhấn mạnh sự cần thiết phải tập chú vào việc cam kết “ chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”. Ngài nhắc lại “có một mối tương quan qua lại giữa Amazon và thay đổi khí hậu”, và cho biết điều này sẽ được thảo luận tại COP 25, Hội nghị Thay đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 12 ở Chile.

Câu hỏi về các sáng kiến

Về các đề nghị và sáng kiến, bà Judite da Rocha nhắc nhớ người dân bản địa của Amazon có một “lịch sử sinh tồn và đối kháng” ra sao. Bà nói, các chính phủ, Giáo hội và xã hội phải làm việc với nhau, ghi nhớ “những gì đang làm được và những gì đang hiện hữu”.

Về phương diện này, Đức Hồng Y Besungu đã chia sẻ kinh nghiệm của ngài tại Cộng Hoà Dân chủ Congo. Ngài nói, việc làm của Giáo hội với các tổ chức phi chính phủ và việc cổ vũ các hoạt động hỗ trợ đã dẫn đến sự chấp thuận của một đạo luật tại Hoa Kỳ dưới thời Chính quyền Obama, liên quan đến việc khai thác các mỏ ở Congo. Tuy nhiên, các quyền lợi của các tập đoàn lớn khiến việc áp dụng các quyết định pháp lý trở nên khó khăn.

Đức Hồng Y nói, đó là lý do tại sao chúng ta cần “một phương thức hoàn cầu”, và chứng tỏ cùng chịu trách nhiệm nhiều hơn.
 
Thượng Hội Đồng Amazon: Bản dự thảo cuối của Thượng Hội Đồng được trình bầy
Thanh Quảng sdb
22:02 22/10/2019
Thượng Hội Đồng Amazon: Bản dự thảo cuối của Thượng Hội Đồng được trình bầy

Cuộc họp lần thứ 14 của Thượng Hội Đồng các Giám mục đặc biệt của vùng Amazon đã được nhóm họp vào sáng thứ Hai ngày 21 tháng 10, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô và 184 nghị phụ và các tham dự viên của Thượng hội đồng tại Hội trường. Thượng hội đồng sẽ kết thúc vào Chúa Nhật ngày 27 tháng 10 tới đây.
(Tin Vatican)
Đức Hồng Y Claudio Hummes, Chủ tọa của Thượng Hội Đồng đã trình bày một tập tài liệu dự thảo cuối của Thượng hội đồng Vùng Amazon cho những tham dự viên tại Hội trường vào sáng thứ Hai. Các văn bản đã được đúc kết và tổng hợp từ các bài tường thuật, hội thảo của các tham dự viên trình bày và bàn thảo trong quá trình làm việc, bây giờ được đúc kết và gửi đến các nhóm nhỏ để thảo luận và lấy ý kiến chung.

Chương trình cho những ngày sắp tới
Những sửa đổi sẽ được vị chủ tịch và ban thư ký đúc kết thành một văn kiện cuối cùng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia. Sau đó, văn bản sẽ được Ủy ban điều hợp Thượng Hội Đồng duyệt xét lại; và chiều thứ Sáu 25/10 tài liệu sẽ được công bố trong hội đường trong phiên họp thứ 15 của Thượng hội đồng. Cuối cùng, vào chiều thứ Bảy, trong phiên họp thứ 16, các Nghị phụ và các tham dự viên của Thượng hội đồng sẽ bỏ phiếu văn kiện này.
Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Héctor Cabrejos Vidarte
Phiên họp ngày Thứ Hai bắt đầu như thường lệ với giờ cầu nguyện kinh sáng. Bài chia sẻ do Đức Tổng Giám Mục Héctor Cabrejos Vidarte của Tổng Giáo phận Trujillo, nước Mexico; Ngài cũng là Chủ tịch của CELAM (Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh). Ngài mời gọi những người hiện diện hãy suy tư về thái độ của Thánh Phanxicô qua bài ca muôn tạo vật của Ngài.
Đối với Thánh Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Trujillo cho hay, vẻ đẹp đối với người Kitô chúng ta, không phải là vấn đề thẩm mỹ, mà là tình yêu, tình huynh đệ, và trên hết là ân Chúa. Thánh Phanxicô thành Assisi, đã ấp ủ tất cả các tạo vật với một tình yêu tha thiết và một mối quan tâm chưa từng thấy, Ngài hợp cùng các thụ tạo để ca khen chúc tụng Chúa. Trong ý nghĩa này, Thánh Phanxicô đã trở thành người tiên khởi yêu mến và hòa nhập với thiên nhiên ngay từ thời trung cổ...

Để biết, để nhận ra, và để khôi phục
Đức Tổng Giám Mục Trujillo cho rằng ba động từ - để biết, để nhận ra, để khôi phục lại – là khởi đầu của sự hòa nhập nhịp nhàng cho cuộc hành trình tâm linh của vị thánh nghèo khó thành Assisi; nghĩa là để nhận ra Đấng toàn Thiện tối cao, những ân sủng của Ngài mà ngợi khen Chúa. Đối với Thánh Phanxicô, tội lỗi chỉ là một mặt của thân phận con người mà thôi! còn nhiều lãnh vực khác như là sự tốt lành và lời ngợi ca. Đức Tổng Giám Mục Cabrejos Vidarte giảng giải “vì tội lỗi làm tổn thương mối quan hệ con thảo với Chúa, nên con người không thể ngợi khen Thiên Chúa đầy đủ được như lòng họ mong muốn.

Thiên Chúa, Cha của muôn người muôn vật
Thánh Phanxicô tuyên dương trong bài ca ”Tạo Vật” hãy ngợi khen Chúa. Thật vậy các tạo vật có thể lấp đầy những khoảng trống do con người tạo ra vì tội lỗi để mà ngợi ca Chúa. Đức Tổng Giám Mục giảng tiếp rằng: Thánh Phanxicô khám phá ra Thiên Chúa nơi các tạo vật và sự sáng tạo của Thiên Chúa được phục hồi, vì Ngài không chỉ là Cha của muôn người, mà còn là Cha của muôn vật...
Phiên họp buổi sáng đã kết thúc qua bài phát biểu của một vị khách đặc biệt tập trung vào chủ đề sinh thái toàn diện, đặc biệt đến sự biến đổi khí hậu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Mê Thuột: Thánh lễ Tạ ơn Cung hiến Thánh đường Giáo họ Giuse
Vũ Đình Bình
08:53 22/10/2019
Sáng ngày 22.10.2019, Cộng đoàn Giáo họ Giuse hân hoan vui mừng chào đón Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý vị Ân nhân, Quý vị Tân Khách và đông đảo tín hữu gần xa về dự Lễ Khánh thành, Cung hiến Nhà Thờ - Bàn Thờ.

Giáo họ Giuse là một giáo họ biệt lập thuộc Giáo xứ Thánh Tâm, Giáo hạt Chính Tòa, Giáo phận Ban Mê Thuột. Hiện nay, Giáo họ có 730 gia đình Công Giáo, gồm 3272 tín hữu người Kinh và người Thượng, do Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Sang phụ trách.

Xem Hình

Sau biến cố Tết Mậu thân 1968, 16 gia đình Công Giáo dời đến vùng đất này sinh sống, hình thành cộng đoàn Xóm Mới trực thuộc Nhà thờ Ngã Sáu (Giáo xứ Thánh Tâm). Năm 1972, Cha Augustinô Nguyễn Văn Tra, Quản xứ Thánh Tâm, đã đến dâng Thánh lễ mỗi chiều Chúa Nhật đầu tháng tại nhà ông Phêrô Lê Văn Thời. Ngài hướng dẫn bà con sống đạo và bầu ra Ban đại diện tiên khởi.

Năm 1973, bà con đã chung tay xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ, rộng 8m dài 16m, trên lô đất mà Ông bà Cố Phương dâng cúng.

Ngày 19/3/1974, Cộng đoàn Xóm Mới vinh dự được Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Huy Mai đến thăm mục vụ, khích lệ tinh thần sống đức tin. Từ đó, Giáo họ Giuse được thành lập, trực thuộc Giáo xứ Thánh Tâm.

Tính đến nay, Giáo họ Giuse đã qua 09 nhiệm kỳ của các Ban Đại Diện. Giáo họ hiện có 12 Giáo Khu và 01 Giáo Buôn trực thuộc. Có các hội đoàn, các ban chuyên trách hoạt động thường xuyên, hăng say và tích cực.

Ngày 16.10.2013, Cộng đoàn Giáo họ đã khởi công xây dựng Ngôi nhà thờ mới tại khu đất 118 Y Moan, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Ngày 02.5.2014, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, đã cử hành nghi thức đặt viên đá xây dựng.

Qua 6 năm ròng rã, Ngôi Thánh đường đã hoàn thành nhờ ân ban của Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria và Thánh Giuse quan thầy. Cùng với sự giúp đỡ của các ân nhân xa gần, và sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Sáng nay, ngày 22.10.2019, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, đã về cắt băng khánh thành, chủ sự Thánh lễ Tạ ơn và nghi thức Cung hiến Nhà Thờ - Bàn Thờ. Đồng tế với Đức Giám Mục có Quý Cha Quản hạt, Cha Quản xứ Thánh Tâm, Cha đặc trách Giáo họ, Quý Cha trong Giáo phận.

Cùng về hiệp thông tham dự Thánh lễ, cùng chung tâm tình tạ ơn Chúa, chia vui với cộng đoàn Giáo họ Giuse, có Quý Tu sĩ nam nữ, Quý Chức, Quý vị Tân Khách, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ, Giáo phận và đông đảo tín hữu gần xa.

Vào lúc 9g15, Đoàn rước bắt đầu di chuyển từ Nhà xứ, long trọng tiến về tiền sảnh Nhà Thờ trong tiếng kèn rộn vang, tiếng cồng chiêng râm ran, hòa cùng lời Thánh ca du dương trầm bổng giữa bao la đất trời mang âm hưởng niềm vui của Tin Mừng.

Đến trước tiền đường, Đức Giám Mục chủ sự nghi thức làm phép Nhà thờ, cắt băng khánh thành, và mở cửa mời cộng đoàn tiến vào: “Anh chị em hãy vào cửa Nhà Chúa với lời chúc tụng và vào Nhà Người với những bài thánh thi”.

Khi mọi người đã an vị, ông Chủ tịch HĐGH đọc diễn văn chào mừng Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý vị Tân Khách và trình bày tóm tắt về lịch sử hình thành phát triển của Giáo họ Giuse.

Khởi đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục làm phép nước, rẩy nước thánh như dấu chỉ thống hối và để thanh tẩy các tường nhà thờ rồi tiến đến kéo chuông như lời mời gọi cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ về đoạn Tin Mừng thánh Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem. Sự hiện hữu của ngôi đền thờ Giêrusalem nhắc nhở dân Do-thái thấy rõ chính Chúa là Đấng chăn dắt và bảo vệ dân Người. Bởi thế, tâm tình của người Do-thái họ luôn gắn chặt vào sự thánh thiêng của ngôi đền thờ. Tuy nhiên, dần dần những người có trách nhiệm vô tình biến đền thờ trở thành nơi kinh doanh phục vụ lợi ích nhóm.

Qua đó, Đức Cha Vinh Sơn nhấn mạnh: Sự thánh thiêng của đền thờ không phải là cơ sở vật chất, nhưng chính từ con người tham dự. Tất cả cộng đoàn, từ những người đầu tiên đến những lớp kế thừa, đều là những viên đá sống động làm nên sự thánh thiêng của đền thờ. Trong ngày Cung hiến Thánh đường Giáo họ Giuse hôm nay, bên cạnh ngôi thánh đường bằng gỗ đá này là biết bao công lao hy sinh của từng người tín hữu trong Giáo xứ Thánh Tâm, trong Giáo họ Giuse, trong Giáo phận Ban Mê Thuột với sự đóng góp của bao nhiêu anh chị em bên ngoài Giáo phận nữa. Tất cả những hy sinh đó đều là thiêng thánh mà chúng ta phải trân trọng.

Đức Cha nhắn nhủ: Chúng ta cám ơn Chúa vì ngôi nhà thờ Giáo họ Giuse quá đẹp, là nơi Thánh, là nơi Chúa gặp gỡ dân Người và dân Người gặp gỡ Chúa, là nơi quy tụ thiện chí, lòng yêu mến của mọi thành phần trong cộng đoàn. Chính sự yêu thương nhau, chúng ta cùng nhau góp tay làm nên ngôi đền thờ lớn hơn ngôi nhà thờ gỗ đá này; Đó chính là đền thờ Thân Mình Đức Kitô; Đó chính là Giáo hội của Người.

Sau bài giảng, cộng đoàn hát kinh Tin Kính, kinh Cầu Các Thánh. Cha Antôn Vũ Thanh Lịch -Quản hạt Giáo hạt Chính Tòa- công bố Văn thư Cung hiến Nhà Thờ Giáo họ Giuse, tước hiệu Thánh Giuse Thợ.

Tiếp đến, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ sự các nghi thức: - Đặt linh hài Thánh tử đạo Laurensô Phạm Viết Ngôn. – Đọc lời nguyện cung hiến. – Xức dầu Bàn Thờ. – Xông hương Bàn Thờ và Nhà Thờ. – Phủ khăn và thắp sáng Bàn Thờ.

Thánh lễ nối tiếp qua phần Phụng vụ Thánh Thể.

Cuối lễ, Cha GB. Nguyễn Ngọc Sang – Đặc trách Giáo họ Giuse- thay mặt cộng đoàn cảm tạ Thiên Chúa, tri ân Đức Giám Mục Giáo phận, Cha Tổng Đại Diện, Đức Ông Đa Minh, Cha Quản xứ các thời kỳ, Quý Cha đồng tế, Quý tu sĩ nam nữ, Quý Ân nhân, Quý Khách, và tất cả cộng đoàn.

Sau Thánh lễ, mọi người chung chia niềm vui trong bữa tiệc mừng và những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại khuôn viên Nhà Thờ.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành, xin cho Thánh đường Giáo họ Giuse là nơi Chúa gặp gỡ dân Người và dân Người gặp gỡ Chúa, là nơi quy tụ thiện chí, lòng yêu mến của mọi thành phần trong cộng đoàn. Xin cho mọi người biết yêu thương nhau, để cùng nhau góp tay làm nên ngôi đền thờ lớn hơn; Đó là đền thờ Thân Mình Đức Kitô, là Giáo hội của Người.

Vũ Đình Bình

 
Giáo phận Xuân Lộc : Mùa Xuân của Khánh Nhật Truyền Giáo
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
09:17 22/10/2019
Sáng Chúa Nhật 20/10, cùng hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Cầu,tại Giáo xứ Hà Nội – Giáo Hạt Hố Nai, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận đã cử hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Hoàn Vũ, Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội địa phương nói riêng. Không chỉ cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho việc truyền giáo, nhưng Giáo phận hân hoan vì đón nhận được 600 anh chị em, thiếu nhi dự tòng – đến từ khắp nơi trong Giáo phận- trở thành con cái Chúa và Giáo Hội qua các bí tích khai tâm.

Xem Hình

Trước khi cử hành Thánh Lễ, cộng đoàn tham dự đã cùng hiệp thông trong diễn nguyện với chủ đề “ Gia đình nhân loại và Gia đình Thiên Chúa”. Được soi dẫntừ Tin Mừng Gioan 4, 5 -26, nhấn mạnh đến Nước Hằng Sống là Đức Kitô, cộng đoàn tham dự được mời gọi hãy trở nên những nhà truyền giáo để giới thiệu Đức Kitô, Đấng ban chính Ngài cho nhân loại, để con người được hạnh phúc và cứu rỗi.

Cùng đồng tế Thánh Lễ với Đức Giám Mục Giáo phận, còn có Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Phụ Tá Giáo phận, Cha Giêrônimô Nguyễn Đình Công, Đặc trách Ban Loan báo Tin Mừng Giáo phận, Cha Giuse Phạm Sơn Lâm, Quản hạt Hố Nai – Chánh xứ Hà Nội, cùng quý Cha quản hạt, quý Cha Bề trên Dòng tu, cùng quý Cha trong Giáo phận. Bên cạnh đó, phải kể đến con số rất đông người tham dự, bao gồm 600 anh chị em dự tòng sẽ lãnh nhận các bí tích khai tâm, và hơn 5000 anh chị em giáo dân, là các tu sĩ nam nữ, anh chị em tác viên Tin Mừng và những thành phần khác trong cộng đoàn dân Chúa của Giáo phận. Đặc biệt, là có sự hiện diện của rất đông anh chị em thuộc tôn giáo bạn cũng được mời tham dự trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo này.

Để Thánh Lễ cử hành được dâng lên Thiên Chúa với tất cả mọi ý thức, cũng như tâm tình sốt mến hướng đến việc truyền giáo, ngay trong phần nhập lễ, Đức Cha Giáo phận đã mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn tiền nhân. Vì nhờ đức tin mà Thiên Chúa ban tặng, từng người nhận chân ra rằng, có Thiên Chúa là có tất cả. Biết ơn tiền nhân, bởi chính nhờ các nhà thừa sai, các bậc cha ông…mà hạt giống đức tin được gieo xuống và nảy nở trong tâm hồn mỗi người. Và vì trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, Đức Cha Giáo phận đã mời gọi mọi người hãy nài xin Thiên Chúa “sai thêm nhiều thợ gặt đến trong cánh đồng truyền giáo” hôm nay, cũng như cho chính mỗi người con trong Giáo phận trở thành những nhà truyền giáo đắc lực của Thiên Chúa.Đây cũng là ý suy niệm chính yếu trong bài giảng Thánh Lễ do Đức Cha Giáo phận chia sẻ.

Soi dọi từ bài Tin Mừng trong Thánh Lễ ( Mt 28, 16-20), Đức Cha đã xoáy sâu đến sứ mạng truyền giáo của mọi Kitô hữu, một sứ mạng họ đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội. Nếu cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu đã trao ban sứ mạng ra đi loan Tin Mừng cho các tông đồ ( x. Mt 28,19-20), Đức Cha Giáo Phận nhấn mạnh rằng, thì hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang đang trao ban sứ mạng quan trọng này với từng người trong chúng ta, là những môn đệ của Người. Mở ra với một thế giới mà trong đó, còn biết bao nhiêu người chưa được hạnh phúc vì chưa được biết Thiên Chúa và tình yêu của Ngài dành cho mình, Đức Cha nhấn mạnh “Thiên Chúa muốn cho tất cả những ai Ngài đã dựng nên đều cảm nhận, biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, nhờ đó họ được hạnh phúc”. Vì thế, Đức Cha khẩn nài mọi con cái trong Giáo phận hãy để Lời của Chúa tác động, mời gọi từng người dám ra đi để chia sẻ, để nói cho người khác biết Thiên Chúa là ai, tình yêu của Ngài dành cho con người ra sao và sự ngọt ngào của hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn những người có Chúa, gặp được Chúa mà chính họ là những chứng nhân, chứ không phải ai khác. Nhưng làm thế nào để có thể nói về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, về một Đấng là Thiên Chúa đã xuống trần, sống như một con người, để cứu độ nhân loại chỉ vì yêu thương con người? Đức Cha nhấn mạnh rằng: hãy nói về Chúa, về tình yêu của Ngài dành cho anh chị em mình bằng chính đời sống trước khi họ có thể truyền đạt bằng lời nói. Đức Cha chia sẻ “ Nếu chúng ta muốn thể hiện, muốn nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, cho người đang nghe chúng ta, chỉ có một con đường, một cách thế: đó là hãy sống yêu thương người khác, yêu cả những người tốt lẫn người xấu-, đó là sống tha thứ, sống với lòng thương xót…Bởi chính sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa đã làm nên trong chúng ta một tình yêu không có giới hạn, một tình yêu trải dài, đi vào tận thâm sâu con người”.

Sau bài giảng, nghi thức ban các Bí Tích khai tâm Kitô giáo cho 600 anh chị em dự tòng do Đức Cha Giáo phận chủ sự được diễn ra trong linh thánh, trang trọng và ý nghĩa. Cùng đồng ban các Bí tích cho những người dự tòng có Đức Cha Phụ Tá Gioan và quý Cha. Những nghi thức diễn nghĩa như thấm sâu vào tận trong cõi lòng những anh chị em đang được tháp nhập vào Thân mình của Đức Kitô là Giáo Hội, và hy vọng họ cũng sẽ sẵn sàng ra đi kể về Chúa Giêsu cho người khác, về hạnh phúc, về niềm vui mà họ đang có cho người chưa biết Chúa, như Đức Cha Giáo phận đã mời gọi trước khi kết thúc Thánh Lễ “Xin Anh Chị Em hãy giữ lấy niềm vui, hạnh phúc này, niềm vui vì được tham dự vào đời sống gia đình của Giáo phận, để từ đó, mỗi ngày niềm vui ấy được lớn lên hơn trong gia đình rộng lớn hơn là Giáo Hội Hoàn Vũ. Để rồi, anh chị em cũng sẽ ra đi để thông truyền niềm vui đó đến cho những người khác, để họ cùng được chia sẻ hạnh phúc được biết Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, được biết Thiên Chúa yêu thương họ thế nào.”

Riêng với Đức Cha Phụ Tá Gioan, anh chị em tân tòng cũng được mời gọi hãy tiếp tục đến với bàn tiệc Thánh Thể, là Thánh Lễ, nơi đó, niềm vui của họ sẽ được giữ mãi và lớn lên hằng ngày nhờ được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa và Thánh Thể. “Xin anh chị em hãy tiếp tục sống hồng ân Chúa mỗi ngày, để hồng ân mà anh chị em lãnh nhận bằng chính giá máu của Chúa Kitô sẽ lớn lên mỗi ngày, trở thành ngồn bình an, niềm vui cho đời sống chúng ta và cho những người chúng ta gặp gỡ”.

Quả đúng là hồng ân Thiên Chúa luôn dư tràn, ban cho Giáo phận có những mùa gặt trong ân sủng, làm cho việc truyền giáo của Giáo phận luôn có những mùa xuân, nhờ bởi những tâm hồn nhiệt thành, luôn sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, đưa dẫn anh chị em chưa biết Chúa về với suối nguồn cứu độ thực sự của họ là chính Thiên Chúa tình yêu.

Tham dự Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, cũng như sốt sắng tham dự Thánh Lễ, ắt hẳn mỗi người trong chúng ta đang được thôi thúc để phải ra đi sống chứng nhân và nói về Thiên Chúa tình yêu, Đấng cứu độ duy nhất cho người khác trong bất cứ môi trường nào mà chúng ta hiện diện, bởi truyền giáo không phải là công việc của riêng ai, nhưng là bổn phận của hết thảy mọi người, của tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

Tin, ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Hành trình Emmaus VIII: Ra đi trong hy vọng
Lm. Tam Biên
14:19 22/10/2019
(Tiếp theo bài “Hành trình Emmaus VIII: Đầm ấm tình huynh đệ”)

Nhà thờ Kiếng hay Nhà thờ Pha lê, Crystal Cathedral, tại Garden Grove, Nam California, được coi là một trong những kỳ quan kiến trúc, được khánh thành năm 1980. Nhà thờ gắn liền với hoạt động của nhà giảng thuyết Tin lành danh tiếng Robert H. Schuller. Nhưng từ ngày 17 tháng 7 năm 2019 đã chính thức trở thành nhà thờ chính toà Chúa Kitô, Christ Cathedral, hay nhà thờ mẹ của Giáo phận Orange.

Chiều ngày 16 tháng 10 vừa qua, ngôi thánh đường đã mở rộng cửa chào đón các linh mục người Việt tham dự Hành trình Emmaus VIII cũng như đông đảo tu sĩ và tín hữu trong vùng. Ngôi thánh đường với đá, gỗ, kim loại và thuỷ tinh đã trở nên sống động với Thánh lễ trọng thể, khi những lời ca tiếng nhạc đậm nét Việt Nam ngân vang từ cộng đoàn cũng như từ ca đoàn toàn giọng nam hùng hồn của các linh mục. Thánh lễ do Đức cha Kevin Vann, giám mục giáo phận Orange, chủ toạ, và bên cạnh ngài là Đức cha phụ tá Nguyễn Thái Thành cũng như một số chức sắc khác.



Ngôi thánh đường đẹp lộng lẫy khiến ai nấy trầm trồ khen ngợi. Một hình ảnh đẹp tuyệt vời nữa trong nhà thờ hôm ấy là hình ảnh các thành phần dân Chúa: đông đảo giáo dân và tu sĩ quy tụ lại bên 225 linh mục gần cũng như xa, quen thuộc cũng như chưa quen, để hiệp dâng Thánh lễ. Hôm ấy không còn ai là xa lạ. Tất cả cùng chia sẻ một niềm tin, một niềm hy vọng, và được mời gọi sống lòng mến. Lễ xong, nhiều người như lưu luyến sự hiệp thông quý báu nên chưa muốn về. Họ tụ lại bên ngoài nhà thờ để chào hỏi, trò chuyện với các linh mục, rồi chụp hình kỷ niệm. Đây không chỉ là các linh mục tụ hội với nhau, mà còn là cuộc hội ngộ, hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa.

Sáng hôm ấy, trong phần hội thảo “Niềm vui và Hy vọng,” Đức cha Thành đã chia sẻ kinh nghiệm về nụ cười mang lại niềm vui và thêm sinh khí cho xứ đạo cũ của ngài tại Giáo phận St. Augustine, Florida. Ngài nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy rằng một trong những dấu chỉ của một linh mục tốt là niềm vui. Đây không phải là cái vui hời hợt, nhưng là niềm vui đến từ sự gắn bó với Chúa Giêsu như cành nho gắn liền với thân nho. Niềm vui cũng đến từ sự gắn bó liên đới với anh em linh mục, với tu sĩ, và với giáo dân. Khi bị thử thách lại càng cần có sự đồng hành của bạn hữu, của cộng đoàn, qua đó có thể cảm nhận ơn Chúa nâng đỡ. Hai môn đệ đi làng Emmaus đã đi bên nhau trước khi được Chúa đồng hành.

Cha Nguyễn Khắc Hy, tân giám đốc Chủng viện Assumption, San Antonio, Texas, cũng nhấn mạnh: Đừng chiến đấu một mình khi bị thử thách, và sự chia sẻ nâng đỡ dành cho nhau là rất quan trọng. Các linh mục khác thì nói đến sự cần thiết của lối sống quân bình, biết giữ gìn sức khoẻ, qua đó sẽ dễ cảm nhận niềm vui và có tinh thần minh mẫn (“mens sana in corpore sano”).

Tối hôm ấy, sau Thánh lễ trọng thể tại Nhà thờ Chúa Kitô, các linh mục cùng dự tiệc với đông đảo giáo dân và tu sĩ trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam miền Tây Nam Hoa Kỳ tại một nhà hàng trong vùng. Gần một ngàn người đã chia sẻ của ăn và niềm vui bên nhau. Không khí lại thêm vui nhộn qua những bài hát và các tiết mục văn nghệ sống động.

Sau bữa điểm tâm và kinh sáng hôm 17 tháng 10, ngày cuối của đại hội, các linh mục cùng nhau đóng góp những ý kiến thiết thực cho các đại hội Emmaus trong tương lai, cũng như cho Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các cha lớn tuổi mong mỏi có sự tham gia đông đảo hơn của các linh mục trẻ tại hội ngộ Emmaus và các sinh hoạt Liên đoàn. Đại hội Emmaus kỳ này đã bớt phần diễn thuyết và có nhiều giờ hơn cho việc trao đổi trong các nhóm nhỏ, nhưng một số các linh mục thuộc thế hệ trẻ đã mong mỏi có thêm giờ cho anh em chia sẻ, trò chuyện với nhau ngoài những giờ sinh hoạt chung.

Sau mục chia sẻ là phần bàn giao giữa Ban thường vụ cũ và mới của Liên đoàn. Đức ông Trịnh Minh Trí, chủ tịch Liên đoàn từ năm 2011, đã chính thức bàn giao trách nhiệm cho Cha Nguyễn Thanh Châu, tân chủ tịch, kèm theo con dấu của Liên đoàn, bản nội quy mới được tu chính, và các tài liệu khác. Cộng đoàn linh mục bày tỏ lòng tri ân đối với Đức ông Trí và Ban thường vụ cũ đã hy sinh lo cho việc chung trong tám năm qua. Anh em linh mục cũng cám ơn Đức ông Phạm Quốc Tuấn, Ban tổ chức Emmaus VIII, cùng tất cả những cộng tác viên và ân nhân, đã sắp xếp những ngày hội ngộ thật khéo léo và chu đáo, trong đó có những giờ chia sẻ sống động, những bữa ăn ấm cúng, thuần tuý Việt Nam.

Thánh lễ bế mạc đã diễn ra vào lúc 11 giờ cùng ngày, do Đức cha Thành chủ tế và vị tân Chủ tịch Liên đoàn thuyết giảng. Trong bài giảng, Cha Châu đã khéo léo nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi linh mục và sự hiệp nhất, đồng lòng hợp tác trong việc chung, cũng như niềm hy vọng cần có của người tin vào Chúa Giêsu. Một điểm son nữa của Emmaus VIII là hầu hết các linh mục đã nán lại đến giờ chót để cùng dâng lễ bế mạc. Phải chăng các vị đã cảm nhận được sự quý báu ngọt ngào của tình huynh đệ và muốn “giữ mãi tình huynh đệ” (Thư Do Thái 19:1) theo tinh thần của chủ đề Emmaus năm nay?



Những ngày vui bên nhau rồi cũng có lúc đi đến chung cuộc. Mỗi người chia tay để trở về nhiệm sở, về nhà của mình. Tuy vậy, các vị linh mục ra đi trong niềm vui có Chúa có nhau, và trong niềm hy vọng vì Chúa và cộng đồng dân Chúa vẫn tiếp tục đồng hành với mình, như khi xưa Đấng Phục sinh đã đồng hành với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, làm họ ấm lòng qua lời Ngài, và cho họ mở mắt nhận ra Ngài qua nghi thức bẻ bánh. Họ liền vội vã quay về Giêrusalem để chia sẻ Tin mừng cho các vị tông đồ và các môn đệ.
 
Giới Trẻ Giáo Hạt Phước Lý, Giáo Phận Xuân Lộc mừng Bổn Mạng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
21:23 22/10/2019
“Cùng người trẻ sống chứng nhân Tin Mừng” là chủ đề của ngày gặp gỡ của hơn 500 bạn trẻ trong Giáo hạt Phước Lý tại Giáo xứ Thiết Nham vào chiều Chúa Nhật 20/10/2019 vừa qua. Không chỉ sống trong tâm tình mừng lễ Thánh Bổn Mạng, nhưng các bạn trẻ nơi đây còn hòa nhịp và sống cảm thức thuộc về trong cùng một sứ mạng với Giáo Hội địa phương, với Giáo Hội Hoàn Cầu trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo trong ngày họ gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.

Xem Hình

14g30, chương trình bắt đầu với phần chào đón, giao lưu, sinh hoạt, đố vui có thưởng sinh động đã tạo nền cho phần khai mạc của ngày Đại Hội thêm nhiều sắc khởi, vui tươi.

15g30, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Hoàn, Đặc Trách Giới trẻ Giáo phận, cùng Cha Phêrô Trần Thanh Việt, Đặc trách Giới Trẻ Giáo hạt Phước Lý và cũng là Cha Chánh Xứ Giáo xứ Thiết Nham, đã thánh hóa và khai mạc ngày Đại Hội của Giới trẻ Giáo hạt.

Ngỏ lời với các bạn trẻ đang hiện diện, Cha Đặc trách Giuse mời gọi các bạn trẻ hãy làm cho ngày gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau của họ hôm nay trở thành nơi để chia sẻ đức tin cho nhau. Đó cũng là một dạnh thức của sự đồng hành giữa những người trẻ với nhau, điều mà Giáo Hội Việt Nam đang quan tâm rất nhiều đến người trẻ, hướng về mục vụ cho họ với chương trình ba năm (2020-2022):đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện; đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình; và đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

Chương trình được tiếp nối với nhiều hoạt động- được chuyển tải qua hình thức nghệ thuật âm nhạc, hay bài nói chuyện ngắn về ơn gọi đời dâng hiến -nhằm mục đích khơi lên trong tâm các bạn trẻ những nhiệt huyết của người trẻ Kitô giáo, mong muốn trở nên những môn đệ trẻ trung của Đức Giêsu, dám lội ngược dòng để sống chứng nhân Tin Mừng giữa thế giới hôm nay.

17g00,dấu ấn ngày đại hội của các bạn trẻ hạt Phước Lý được khởi sắc hơn khi có sự hiện diện của Đức Giám Mục Giáo Phận- vị mục tử luôn yêu thương và quan tâm đến người trẻ của giáo phận- đến ở giữa họ. Do đó, bầu khí đã trở nên sôi động hơn, vỡ òa trong tiếng chào, hò reo, tiếng vỗ tay của các bạn trẻ khi chào đón Đức Cha Giuse đến đồng hành cùng với họ trong ngày mừng bổn mạng.

Như người cha luôn dạy bảo con cái mình, liền kề sau đó, Đức Cha Giáo phận đã có những huấn từ yêu thương dành cho các bạn trẻ của Giáo hạt, dù hiện diện hay vì lý do nào đó không thể tham dự.

Hãy trở nên “muối” ướp đời, góp phần thay đổi giáo xứ, giáo hạt, môi trường sống; phải nối nguồn với Giêsu hầu có được sức mạnh tình yêu nơi Chúa cho việc ra đi làm chứng nhân Tin Mừng, là hai ý tưởng chính yếu trong huấn từ của Đức Cha Giáo phận dành cho những người trẻ Phước Lý khi gặp gỡ họ trước Thánh Lễ.

Dí dỏm trong cách mượn lại ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Cha Giuse mở lời với các bạn trẻ“Giới trẻ Phước Lý thân mến, cha có thể nói rằng : Ở đâu có người trẻ Phước Lý, ở đó có niềm vui!” Chờ dứt tiếng vỗ tay tán thưởng đồng ý của các bạn trẻ, Đức Cha giải thích rằng, nếu với những gì đang thay đổi nơi Giáo hạt Phước Lý, “Cha tin rằng, phải có sự đóng góp của người trẻ nơi giáo hạt này.”Không chỉ dừng lại ở sự khen ngợi, nhưng Đức Cha vẫn tiếp tục mời gọi người trẻ cần ý thức, và cố gắng hơn nữa trong việc trở nên những nhân tố tích cực, phải là “muối” để làm thay đổi cục diện nơi giáo hạt này. Đức Cha nhấn mạnh, “Các con hãy là những hạt muối cho cuộc đời hôm nay bằng việc các con đưa tình yêu, lòng nhân ái vào môi trường các con sống, nơi các con làm việc, để nơi đó có được sự thương yêu, sự quan tâm lẫn nhau, có được sự ấm áp, và hạnh phúc.” Tuy nhiên, Đức Cha cật vấn họ: làm sao để có được tình yêu này, một tình yêu có sức mạnh biến đổi cục diện môi trường sống và đem niềm vui đến cho người khác? Đức Cha chỉ dẫn rằng, “Tình yêu này phải khởi đi từ Giêsu, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam chiếu soi cuộc đời…Các con chỉ có được tình yêu này khi các con siêng năng tham dự thánh lễ. Một khi có được tình yêu này, các con mới có thể trao cho bạn bè mình niềm hy vọng, niềm vui khi họ rơi vào thất vọng, buồn phiền, đem an bình đến cho những gia đình đang đau khổ, cầu nguyện cho họ và lôi kéo bạn bè các con đến nhà thờ được.”

Minh họa rõ nét hơn tầm quan trọng của một tình yêu nối nguồn với Giêsu, Đức Cha Giáo phận đã kể lại mẫu gương sống mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để qua đó, ngài mời gọi các bạn trẻ hãy dõi theo gương sống của Thánh Bổn Mạng, hãy tập luyện và cố gắng tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong cuộc đời, nhất là trong mọi biến cố vui buồn, thử thách mà họ phải đối diện.

Kết thúc huấn từ, Đức Cha một lần nữa tha thiết mời gọi các bạn trẻ sống chứng nhân trong chủ đề mục vụ của Giáo phận “Các con hãy là những hạt muối của lòng thương xót, có thể tha thứ cho nhau, có thể kiên nhẫn, hỗ trợ và khích lệ nhau, đặc biệt với những bạn bèbị vấp ngã, đang yếu đuối…nhờ đó, họ có thể đứng lên thay đổi chính mình. Và vì vậy, cả anh chị em lương dân cũng được hưởng nhờ từ những thay đổi này qua những hạt muối chứng nhân Tin Mừng của các con.” Sứ mạng quan trọng này, một lần nữa được Đức Cha nhắc lại với các bạn trẻ trước khi ban phép lành cuối lễ, qua việc ký thác cho những người trẻ của Giáo hạt Phước Lý sứ mạng loan báo Tin Mừng, nói về Chúa Giêsu cho những anh chị em chưa biết Chúa, bằng chính cách sống yêu thương, tha thứ, đầy lòng nhân ái, thương xót với tha nhân mà họ gặp gỡ.

Đỉnh cao của ngày Đại Hội Giới Trẻ Hạt Phước Lý chính là Thánh Lễ do Đức Cha Giuse cử hành với sự hiệp thông trong trang nghiêm, ý nghĩa của các bạn trẻ tham dự và cộng đoàn Giáo xứ Thiết Nham. Như lời mời gọi của Đức Cha Giuse, Thánh Lễ được dâng theo ý lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, tạ ơn Thiên Chúa vì đức tin được nhận lãnh, tri ân các bậc tiền nhân đã gieo mầm và nuôi dưỡng đức tin, cũng như cầu nguyện cho người trẻ của hạt dám sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng. Cùng đồng tế Thánh Lễ với Đức Giám Mục Giáo phận có Cha Giuse Nguyễn Anh Hùng, Quản hạt Giáo hạt Phước Lý, Cha Đặc Trách Phêrô, và quý Cha.

Vì thế, trong bài giảng Thánh Lễ, được suy niệm từ lệnh truyền của Chúa Giêsu trao cho các môn đệ, khi Ngài ký thác cho các ông sứ mạng loan báo Tin Mừng, làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa trong một Gia đình Thần Linh Cha -Con và Thánh Thần (x.Mt 28,19-20), Đức Cha Giuse đã giúp các bạn trẻ đang tham dự Thánh Lễ như nghe được chính Chúa Giêsu đang nói với họ. “Các con, những người trẻ của Giáo hạt Phước Lý, các con hãy là những chứng nhân của Thầy nơi địa bàn hạt Phước Lý này. Các con hãy ra đi rao giảng Tin Mừng tại Phước Lý này, vì nơi đây, vẫn còn rất nhiều người còn chưa biết
Chúa.” Để rồi, Đức Cha mời gọi người trẻ phải tự cật vấn “Các con có nghĩ mình phải ra đi nói cho người khác biết về Chúa không? Các con có can đảm dám xưng mình là người Công Giáo, là môn đệ của Chúa Giêsu hay không?” Và cũng vẫn đặt vào trái tim họ mệnh lệnh của Chúa Giêsu “Ngày hôm nay, Thầy ký thác vào các con, những người trẻ Giáo hạt Phước Lý, sứ mạng ra đi làm chứng cho Thầy trong giáo xứ, giáo hạt và nơi làm việc của các con. Các con phải tỏ lộ ra niềm vui được là môn đệ của Thầy cho những ai các con gặp gỡ.”

Ngày đại hội giới trẻ của Giáo hạt Phước Lý đã kết thúc trong niềm vui, chan hòa tình yêu, như dấu chỉ chúc lành Thiên Chúa trao ban cho những người trẻ đang cố gắng trên hành trình tìm kiếm, gặp gỡ Ngài. Để rồi, trong tương lai, họ sẽ như những ngọn nến sáng, cùng nắm tay nhau tỏa lan niềm vui, sự ấm áp cho môi trường họ đang sống. Bởi chính khi họ đã có Đức Kitô,những người trẻ này sẽ sẵn sàngra đi nói cho người khác biết về Thiên Chúa, về tình yêu của Người dành cho nhân loại, về Đấng Cứu Độ duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà họ đang bước theo làm môn đệ, như chính nến sáng các bạn cầm trên tay, được thắp từ cây nến Phục Sinh, trao lại cho nhau trong nghi thức sai đi mà họ đã tham dự.

Tin, ảnh : Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Quy định về cử hành Lễ trọng riêng cho thánh Bổn mạng. Nói thêm về Nến Phục Sinh
Nguyễn Trọng Đa
09:23 22/10/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong ‘Bảng ghi ngày Phụng vụ’, lễ thánh bổn mạng chính của một địa điểm, thành phố hoặc quốc gia được xem là một lễ trọng. Con cư ngụ trong một ngôi làng với một nhà nguyện, hay Nhà nguyện Cộng đồng Giáo hội cơ bản, với thánh bổn mạng là Thánh Giuse Thợ (ngày 1-5). Giáo xứ địa phương có thánh bổn mạng là Thánh Lorenzo Ruiz (28-9), trong khi thánh bổn mạng của thành phố là thánh San Pedro (thánh Phêrô), Ngài cũng là thánh bổn mạng của giáo xứ đầu tiên trong thành phố từ nhiều thế kỷ trước. Thành phố có giáo xứ đầu tiên với lễ thánh bổn mạng cử hành ngày 22-2, lễ Ngai Tòa thánh Phêrô. Liệu điều này có nghĩa là các ngày được đề cập ở trên đều được coi là lễ trọng riêng không? Ngày 28-9 là lễ thánh bổn mạng giáo xứ, là lễ trọng trong lãnh thổ giáo xứ. Và ngày 1-5 thì sao? Liệu ngày này có được xem là ngày lễ trọng trong ngôi làng, nơi có nhà nguyện vốn cử hành lễ này vì là lễ thánh bổn mạng của khu vực không? Cuối cùng, lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô có là lễ trọng không, vì là lễ bổn mạng của thành phố, ngay cả khi con không thuộc về giáo xứ ấy? Thưa cha, con là khá tò mò, vì điều này cũng sẽ ngụ ý một cách thức riêng để đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ tùy vào bậc lễ phụng vụ nữa. - H. C., San Pedro, Laguna, Philippines.


Đáp: Hội Thánh đã công bố quy định nhiều lần về việc sử dụng các lịch riêng, đặc biệt với các tài liệu ‘Các quy luật tổng quát về năm phụng vụ và lịch chung Rôma’ năm 1969, và Lịch Riêng năm 1970. Một thông báo được ban hành năm 1997 đã làm sáng tỏ một vài tài liệu trước đó. Nhìn rộng ra, các luật này trao ưu tiên cho lịch chung, nhưng cũng tạo ra các phép riêng cho việc sử dụng lịch của giáo phận, miền, quốc gia và dòng tu.

Theo ‘Các quy luật tổng quát về năm phụng vụ và lịch chung Rôma’ năm 1969

“51. Mặc dầu thuận tiện để mỗi giáo phận có lịch riêng và phần riêng về Các Giờ Kinh Phụng Vụ và thánh lễ. Tuy nhiên vẫn không có gì ngăn trở, nếu dùng lịch và phần riêng đã được các người liên hệ cộng tác biên soạn chung cho toàn giáo tỉnh, hoặc một miền quốc gia hay một địa hạt rộng lớn hơn.

“Cũng thế, có thể giữ nguyên tắc trên đây trong các niên lịch của các hội dòng dùng cho nhiều tỉnh thuộc cùng một địa hạt dân sự.

“52. Niên lịch riêng được soạn thảo bằng cách đưa xen vào những lễ riêng: lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ, nghĩa là:

“a) Trong niên lịch giáo phận, đưa xen vào: lễ Bổn Mạng, lễ Cung hiến nhà thờ chính tòa, lễ các Thánh và Chân phúc có liên hệ đặc biệt với giáo phận, ví dụ liên hệ về nguồn gốc vì cư trú lâu ngày hay qua đời tại đó.

“b) Trong niên lịch hội dòng, đưa xen vào: lễ Tước hiệu, lễ Đấng sáng lập, lễ Bổn Mạng, lễ các Thánh và Chân phúc đã là thành phần hay có liên hệ đặc biệt với hội dòng ấy.

“c) Trong niên lịch mỗi nhà thờ, đưa vào: các lễ riêng của giáo phận hay của hội dòng, lễ riêng của chính nhà thờ được kê khai trong bảng ghi các ngày phụng vụ, lễ các Thánh có xác được giữ trong nhà thờ. Thành phần các hội dòng hợp với cộng đoàn Hội Thánh địa phương, để cử hành lễ giáp năm cung hiến nhà thờ chính tòa, và lễ các Thánh Bổn Mạng chính của địa phương và của địa hạt rộng lớn hơn nơi các ngài cư trú”. (Bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Phụng vụ, thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

‘Bảng ghi ngày phụng vụ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên’ nói như sau về các lễ trọng riêng:

“4.Các lễ trọng riêng, tức là :

“a) Lễ trọng thánh bổn mạng chính của địa phương, thành phố hay quốc gia;

“b) Lễ trọng Cung hiến thánh đường, hay ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường đó.

“c) Lễ trọng mừng tước hiệu của nhà thờ.

“d) Lễ trọng của dòng tu hay tu hội mừng tước hiệu, hoặc thánh sáng lập dòng, hay bổn mạng chính của dòng.”

Một thông báo năm 1997 về Lịch riêng, do Thánh Bộ Phụng tự công bố, đã nêu:

"Số 25. Cần phải nhớ rằng việc đưa một số lượng quá nhiều các lễ kỷ niệm vào các niên lịch khác nhau có thể tạo ra bất trắc (các Quy luật Tổng quát, số 53; Lịch Riêng, số 17). Nó sẽ làm quá tải cho niên lịch của một giáo phận hoặc một Dòng tu, cũng như của một quốc gia, của một giáo miền, hoặc của một Tình Dòng, v.v. Biện pháp khắc phục có thể là góp nhóm các thánh và chân phước vào một lễ kỷ niệm chung duy nhất (các Quy luật Tổng quát, số 53a; Lịch Riêng, số 17a); việc áp dụng nguyên tắc phụ đới của các lễ kỷ niệm, đưa vào cấp địa phương, nhấn mạnh đến việc dành cho các địa phương nhỏ mừng kính các thánh và chân phước, khi các vị này không có sự sùng kính phổ biến rộng rãi (các Quy luật Tổng quát, số 53b, 53c; Lịch Riêng, số 17b).”

Tài liệu này thừa nhận rằng luật liên quan đến lịch liên giáo phận trong miền là ít được phát triển hơn, mặc dù một số chỉ dẫn cơ bản được đưa ra trong Lịch Riêng, các số 8, 10 và 11:

"8.Trong chu kỳ một năm, khi họp mừng mầu nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh cũng mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, với lòng yêu mến đặc biệt, và cũng thúc giục các tín hữu sốt sắng kính nhớ các thánh Tử Đạo và các Thánh khác.

“10. Tùy theo tầm quan trọng, các lễ cử hành sẽ được phân biệt với nhau và phân chia thành: lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ.

“11. Lễ trọng là những ngày đặc biệt, được cử hành từ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Có vài lễ trọng có lễ vọng riêng cử hành chiều ngày hôm trước, nếu cử hành thánh lễ ban chiều.

“Có hai lễ trọng đặc biệt là lễ Phục sinh và lễ Giáng sinh. Hai lễ này kéo dài trong tám ngày liên tục. Cả hai tuần Bát nhật đều được tổ chức theo những quy luật riêng.” (Bản dịch, như trên)

Trong ánh sáng của các điều trên, chúng tôi có thể cố gắng trả lời câu hỏi chính xác của người đọc.

Mặc dù ‘Bảng các ngày phụng vụ’ nói rằng lễ thánh bổn mạng của một địa điểm hoặc thành phố là một lễ trọng riêng, có thể cho rằng lễ này đã được đưa vào lịch phụng vụ quốc gia, giáo phận hoặc miền. Trong nhiều trường hợp, điều này đòi hỏi phải có sự chấp thuận trước của Tòa thánh.

Ở nhiều quốc gia, lịch phụng vụ quốc gia hoặc lịch phụng vụ miền đều tính đến các lễ riêng của đất nước, miền và từng giáo phận. Do đó, bạn đọc của chúng tôi nên được hướng dẫn bởi bất kỳ lịch chính thức nào, được công bố bởi giáo quyền địa phương có thẩm quyền.

Chẳng hạn, một số thành phố lớn hiện được chia thành nhiều giáo phận nhỏ. Nếu thành phố có một lễ thánh bổn mạng truyền thống, mỗi giáo phận sẽ đưa lễ này vào trong lịch của mình. Ngoài ra, các Giám mục cũng có thể thành lập như một Hội đồng Giám mục miền, vốn xem lể thánh bổn mạng này như một lễ trọng riêng của miền.

Lễ trọng riêng của thánh bổn mạng một nhà thờ cụ thể được gắn liền với tòa nhà này. Nghĩa là, lễ trọng được tổ chức trong chính nhà thờ chứ không phải trong lãnh thổ giáo xứ. Điều này áp dụng cho cả Thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Các nhà thờ và nhà nguyện trong lãnh thổ giáo xứ sẽ không cử hành lễ thánh bổn mạng giáo xứ như một lễ trọng, mặc dù rõ ràng các tín hữu sẽ được khuyến khích tham dự thánh lễ tại chính giáo xứ.

Trong một số trường hợp, một quy tắc khác được áp dụng cho các nhà thờ chánh tòa, mà ở đó lễ thánh bổn mạng hoặc lễ cung hiến nhà thờ được cử hành như một lễ trọng trong nhà thờ chính tòa, và như một lễ kính hay lễ nhớ trong các nhà thờ khác của giáo phận.

Người ta cũng nói rằng nhà thờ là đã được cung hiến hợp lệ và được Giám mục giao một tước hiệu thánh bổn mạng chính thức. Một nhà nguyện (chapel) hoặc nguyện đường (oratory) đơn giản, vốn không được cung hiến, không mừng lễ trọng riêng của nó, cho dù giáo dân thường cho rằng nó được dâng hiến cho cho thánh này hay thánh nọ.

Sau khi tôi trả lời ngày 1-10-2019 về vị trí của cây nến Phục sinh, một bạn đọc ở Dallas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, đã hỏi: “Những năm gần đây, một cây nến Phục sinh thứ hai đã được chuẩn bị. Cây nến thứ nhất được sử dụng trong đêm vọng Phục Sinh và trong suốt Mùa Phục sinh. Cây nến thứ hai được sử dụng trong các Thánh lễ ngày thường Mùa Phục sinh, gồm một lễ trong nhà thờ, và một lễ trong nhà thi đấu. Trong bài viết gần đây của cha, cha nói rằng chỉ có một cây nến Phục sinh. Vậy liệu sự thực hành của chúng con là hợp lệ không? Cảm ơn cha nhiều."

Tôi xin bạn đọc này xem một bài của tôi trước đó về việc sử dụng cây nến Phục Sinh thứ hai, đăng ngày 2-5-2017. (Zenit.org 22-10-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/patrons-solemnities/
 
Văn Hóa
Kinh Mân Côi : Dấu ấn cuộc đời
Đinh Văn Tiến Hùng
15:58 22/10/2019
Tháng 10 Kính Mẹ Mân Côi
Chuỗi Mân Côi : Chìa khóa mở cửa Thiên đàng


Con dù lớn vẫn là con của Mẹ,
Suốt cuộc đời Mẹ luôn ở bên con,
Dù cho sông cạn núi mòn,
Lòng con yêu Mẹ vẫn còn như xưa.

Ngay từ lúc mới sinh,
Trong đêm vắng một mình,
Ngồi bên con an giấc,
Mẹ nhè nhẹ lời Kinh.

Ngày tháng nằm trong nôi,
Con chưa hiểu được lời,
Tiếng Kinh ru ngày ấy,
Đem dấu ấn vào đời.

Đến khi con lớn lên,
Vọng tiếng chuông êm đềm,
Đôi chân chim nhỏ bé,
Theo mẹ buổi Kinh chiều.

Bước vào tuổi trưởng thành,
Vào đời để mưu sinh,
Con lên đường vội vã,
Trong lời Kinh độc hành.

Khi đến tuổi biết yêu,
Tâm hồn thấy cô liêu,
‘ Kính Mừng ‘ sao lẻ bóng,
‘ Thánh Maria ‘ ấm cúng nhiều.

Con khoác áo chiến chinh,
Giã từ tuổi thư sinh,
Quê Hương trùm lửa khói,
Vang dậy tiếng cầu Kinh.

Đeo ba-lô lên đàng,
Trong gói nhẹ hành trang,
Con mang theo ‘Hộ Mệnh’,
Mân Côi Chuỗi Ngọc Vàng.

Ôi cuôc sống đao binh,
Cận kề với tử sinh,
Con nguyện Kinh cầu khấn,
Cho Đất Nước thanh bình.


Hòa bình nào thấy đâu ?
Những tháng năm đọa đầy,
Trong ngục tù khổ nhục,
Giọt lệ nhỏ Kinh cầu.

Hoàng hôn gác đầu non,
Thân con đã mỏi mòn,
Dâng lời Kinh ước nguyện,
Tổ Quốc và hồn con.

Đêm đêm ngồi lặng bên đèn,
Phù du cuộc sống bon chen với người,
Bao năm trôi nổi một đời,
Câu Kinh xám hối, nghẹn lời ăn năn.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lá Thu Thay Mầu
Đặng Đức Cương
10:07 22/10/2019
LÁ THU THAY MẦU
Ảnh của Đặng Đức Cương

Lá thu rực rỡ thay mầu
Khiến lòng rộn rã ngỡ bầu trời xuân
(bt)