Ngày 30-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Tin và Lý Trí
Lm. Thái Nguyên
01:10 30/10/2008
ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1, 12)

Nhiều người nghĩ rằng nhân loại càng văn minh hiểu biết, khoa học càng phát triển, thì những huyền thoại và mọi niềm tin cũng chấm dứt, con người sẽ tự động vượt thoát khỏi những lệ thuộc tôn giáo để chỉ tin vào sức mạnh vạn năng của lý trí. Bởi vậy, lý tính khoa học được tôn làm thẩm phán tối cao và là nguồn gốc của mọi chân lý. Nhà khoa học Berthelot đã ngang nhiên xác quyết như sau: “Thế giới này không còn huyền bí nữa… Khái niệm phép lạ và siêu nhiên tan biến như một ảo ảnh vô ích, một thiên kiến lỗi thời”. Thế nhưng nhà bác học Albert Einstein khẳng quyết ngược lại: “Điều đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được chính là khía cạnh huyền bí của cuộc đời. Đó là tình cảm sâu xa ở trong nôi của khoa học và nghệ thuật đích thực” .

Không chỉ những người vô thần, mà còn ngay trong nội bộ Kitô giáo, cũng có những người mang tham vọng muốn “giải huyền” để chỉ còn lại những gì là thuần túy nhân loại. Nhưng khi người ta chối bỏ niềm tin này thì lại tạo nên niềm tin khác, phủ bỏ Thần Thánh nọ thì lại dựng nên thần thánh kia. Thay vì tin vào một Thực tại Siêu việt hay vào Thiên Chúa, thì họ lại tin vào những thực tại trần thế được con người tuyệt đối hóa. Bởi vậy, Thượng đế của nhiều người hôm nay là tiền bạc, danh vọng, khách hàng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay những nhân vật được đánh bóng và thần thánh hóa. Những ai đã từng đặt hết hy vọng vào cuộc sống này thì cuối cùng kết quả thực tế là gì? Những tang thương, vỡ mộng của những hy vọng trong thế kỷ qua chưa làm thức tỉnh những ai chỉ tin vào quyền lực của lý trí sao? Khoa học có thể giải đáp nổi cái huyền bí đen tối nhất của đời người là cái chết sao? Paul Valéry nói lên tâm trạng của con người hôm nay rằng: “Chúng tôi văn minh? Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi phải chết!”. Như vậy, niềm tin vào Thiên Chúa là huyền thoại hay niềm tin vào cuộc sống này là huyền thoại?

1. Huyền thoại hay huyền nhiệm?

Điều quan trọng đối với chúng ta không phải là khai trừ mọi huyền thoại, hay chối bỏ mọi niềm tin để rồi làm cuộc đời trở nên nghèo nàn và trống rỗng. Nếu biết đề cao lý trí, thì hãy dùng lý trí để chọn lựa, gạn lọc những gì có thể làm triển nở và nâng cao tầm nhìn của con người. Lý trí phải sáng suốt phân biệt huyền thoại với huyền nhiệm, thần thoại với niềm tin chân chính. Phải vượt qua huyền thoại để tiến sâu vào huyền nhiệm. Huyền thoại chỉ là sản phẩm của con người, có tác dụng kích thích trí tưởng tượng và làm nên những cảm hứng rất thi vị cho đời, nhưng nó không có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn. Huyền thoại tích cực có thể gợi ra phương hướng sống nhưng không làm nên lý tưởng sống. Nó có thể làm nên những ước mơ, nhưng không thể biến ước mơ thành hiện thực.

Trái lại, huyền nhiệm là tác phẩm của Thiên Chúa, là sinh khí làm nên sự sống mới cho tâm hồn, là chân trời mới bộc lộ cho ta những gì ẩn giấu trong Thiên Chúa mà Ngài muốn mặc khải cho nhân loại. Huyền nhiệm đưa ta vào thế giới của Thiên Chúa, mang lại cho ta tâm tình an vui và hy vọng, dạy ta biết sống yêu thương và hiến dâng. Đành rằng con người không thể sống thiếu cơm bánh, nhưng cũng không thể sống viên mãn chỉ bằng cơm bánh. Đành rằng chúng ta phải sống thực tế, sống hết mình và hết tình để thăng tiến bản thân và góp phần xây dựng cuộc đời này, nhưng cũng phải sống có lý tưởng, có niềm tin và sự trông cậy để được nâng đỡ và ấp ủ trong huyền nhiệm. Trên nền tảng thiêng liêng đó con người mới vững vàng vượt qua gian nan và thách đố của cuộc đời để thành toàn chính mình trong một định hướng siêu việt, đã được ghi khắc trong chính thâm tâm của mỗi người.

Quả thật, “Cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp, vì sự vận động của nó luôn luôn nhắm tới cái thật cao và thật xa. Càng có tuổi thì cái nhu cầu hướng tới cái tận thiện tận mỹ, thậm chí tới cái vô cùng càng mãnh liệt.” (Nhà Văn Nguyễn Khải). Không phải chúng ta muốn khoác cái áo huyền nhiệm vào cuộc sống này, nhưng tự cuộc sống đã là điều thiêng liêng, huyền nhiệm. Bởi vì con người đã được sáng tạo nên như thế. Huyền nhiệm chính là bản chất của đời sống con người: “Linh ư vạn vật” .

2. Ý nghĩa sâu xa của đức tin

Trong tâm trí mỗi người có một khoảng trống dành cho sự vô tín hoặc sự nghi ngờ hiện diện. Có nhiều vấn đề người ta suy nghĩ mà không tin, cũng có những điều người ta tin mà không suy nghĩ. Có nhiều vấn đề con người tin mà không thực hữu, nhưng cũng có những điều thực hữu mà con người chưa tin.

Đức Tin là một điều tối quan trọng mà con người không ý thức hết. Đó là vì sự hiểu biết của con người còn quá ít so với chân lý mênh mông. Nếu phủ nhận đức tin, con người chỉ còn lại phần lý trí hẹp hòi mà thôi. Nhưng khi con người đã có lòng tin mà lại tin một cách thuần lý trí để rồi lòng tin ấy tiếp tục bị đặt vào sự sai lầm nữa thì còn khốn đốn hơn. Chúa biết điều nầy nên Ngài ban cho chúng ta Đức Tin vào Ngài. Chúng ta tin rằng có vô số vấn đề đã được dựng nên, đã hiện hữu từ trước mà con người chưa biết, chưa nghĩ ra và chưa tin. Hay nói một cách khác, có những sự thực hữu mà tâm trí con người chưa hề với tới. Ngoài tâm trí, con người còn vô số thực hữu mà “Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.” (1Cr 13, 12).

Tin không những là tin có Thiên Chúa (credere Deum), mà còn tin nơi giáo huấn của Ngài (credere Deo) và tin vào tình thương của Ngài (credere in Deum). “Tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Đấng bắt con người phải kính mến, nhưng là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương mình vô hạn” . (ĐHV, 113). Thiên Chúa cao cả, siêu việt, không phải vì Ngài “toàn năng”, nhưng vì Ngài “toàn ái”.

Đã gọi là đức tin tất nhiên vượt trên lý trí và trong những trường hợp nào đó ta phải từ bỏ một phần nào đòi hỏi chính đáng của lý trí. Vì tin không thể đồng nghĩa với tôi thấy hay tôi biết. Đã biết, đã thấy thì đâu còn gọi là tin. Chính vì vậy mà thư gởi tín hữu Do Thái mới xác định: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1). Đức Bênêđictô XVI cũng cho biết: “Ngay bây giờ, đức tin đã cho chúng ta điều gì đó của thực tại được mong chờ, và thực tại hiện tại cho chúng ta một “bằng chứng” về những điều chúng ta chưa thấy”. (Spe salvi, 7).

Thật sự, đức tin tạo cho cuộc sống một cơ sở mới, một nền tảng mới mà con người có thể dựa vào. Nền tảng mới này làm cho cơ sở thông thường như lợi nhuận hay tài sản vật chất trở nên tương đối hóa. Và cũng từ đó, một tự do mới được phát sinh, biểu lộ bằng những hành động từ bỏ lớn lao vì tình yêu Đức Kitô, đến độ dám hy sinh chính bản thân mình để đem lại sự nâng đỡ, ánh sáng và niềm vui cho những ai đang sống trong tối tăm, sầu khổ. Đã có biết bao tấm gương như thế của các Kitô hữu trong mọi thời đại, chứng tỏ đức tin đã làm nên đời sống mới của họ, và là “bằng chứng” cho những gì sẽ đến. Lời hứa của Đức Kitô cũng thế, không chỉ là một thực tại được mong đợi, nhưng là một hiện diện thực sự: Ngài mới thực sự là “triết gia” đúng nghĩa và là “mục tử” nhân lành, Đấng chỉ cho chúng ta biết thế nào là sự sống đích thực và nơi đâu có sự sống ấy. Sự sống ấy cũng chính là Đức Kitô, trong Ngài, Thiên Chúa đã biểu lộ chính mình (x. Spe salvi, số 8).

Đối với Kitô giáo, đức tin mang một tính chất lịch sử đặc biệt, vì Lời của Thiên Chúa đã thực sự trở thành Ngôi Lời, sống giữa nhân loại (x. Ga 1, 9-10). Vì thế, tin có nghĩa là tin ở, tin vào Đức Kitô. “Những ai đón nhận và tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga, 1, 12), nghĩa là ngay từ đời này người tín hữu đã được tham dự vào nguồn sống vô biên của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô. (x. Ga 3, 16.36). Do đó mà thánh Phaolô đã xác quyết một cách mạnh mẽ: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1, 12). Đó là một đức tin hoàn toàn sáng suốt và chắc chắn đối với chính mình. Hơn nữa, trong Đức Kitô, những kẻ tin Ngài “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13, 11). Thực sự họ “đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Ngài” (1Cr 1, 5). Đó mới là sự hiểu biết vượt trên mọi hiểu biết, đưa con người đến ơn cứu độ muôn đời.

Tin không phải chỉ là liên kết với chân lý mà còn là một cách thế sống và là một hành trình tiến về chân lý. Tin như thế luôn bao hàm một dấn thân trọn vẹn, một nỗ lực vươn lên không ngừng, để tin làm sao thì sống làm vậy. Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa mới là yếu tố quyết định, là bản chất của đức tin. Đó là công trình của Thiên Chúa nơi đời sống của một con người, là một sự công chính hóa do lòng thương xót Chúa, chứ không phải do con người muốn làm nên dựa vào tài đức hay sự tốt lành của mình.

3. Giá trị của lý trí

Trong Thông điệp “Về niềm hy vọng Kitô giáo” (Spe salvi) số 23, Đức Benêđictô đã nói thật hay về bản chất, giá trị và vai trò của lý trí như sau:

“Quả thật, lý trí là hồng ân cao quí Thiên Chúa ban cho con người, và sự chiến thắng của lý trí trên sự phi lý cũng là một mục tiêu của đức tin Kitô Giáo. Nhưng khi nào thì lý trí thực sự làm chủ? Phải chăng khi lý trí được tách ra khỏi Thiên Chúa? Phải chăng khi nó trở nên mù lòa trước Thiên Chúa? Phải chăng lý trí của quyền lực và của hành động đã là toàn bộ lý trí? Nếu tiến bộ, để thực sự là tiến bộ, phải cần đến sự tăng trưởng luân lý của nhân loại, thì lý trí của quyền lực và hành động còn cần hòa nhập vào việc phân định thiện ác cách khẩn thiết hơn nữa, nhờ lý trí mở ra với những sức mạnh cứu độ của đức tin. Chỉ có như thế lý trí mới trở nên thực sự nhân bản, và có khả năng chỉ đường cho ý chí, và lý trí chỉ làm được điều này khi nó biết vượt lên chính mình. Ngược lại, khi mất quân bình giữa khả năng vật chất và sự thiếu phán đoán của con tim, thì tình trạng đó sẽ trở nên một đe dọa cho con người và toàn thể tạo thành…

Không còn nghi ngờ chút nào rằng Thiên Chúa thực sự bước vào cuộc sống của con người, không chỉ đơn thuần vì chúng ta tưởng nghĩ đến Ngài, nhưng chính Ngài đích thân đến gặp gỡ và ngỏ lời với chúng ta. Chính vì thế mà lý trí cần đến đức tin để hoàn toàn là chính mình: lý trí và đức tin cần đến nhau để hoàn thành bản chất và sứ mạng đích thực của mình”
.

4. Sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin và lý trí

Giữa niềm tin và lý trí, giữa huyền nhiệm và khoa học đành rằng có những khác biệt, là hai lãnh vực khác nhau, nhưng không vì thế mà đối nghịch nhau. Cả hai đều lớn lên với nhau và tồn tại trong nhau nơi đời sống của một con người. Chúng bổ túc và phong phú hóa cho nhau để giúp con người hình thành quan niệm đúng đắn và quân bình về cuộc sống, đồng thời làm triển nở sâu rộng mọi chiều kích nhân-linh.

Trước tiên chúng ta cần xác định rằng: “Không hề có sự xung đột giữa một nhà khoa học thực thụ với một người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng chăm sóc tới từng cá nhân chúng ta” . Đó là lập trường của Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Dự án Giải mã Gen người, là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Trong bài viễn văn công bố bản đồ Gen chứa toàn bộ các ADN, Tổng thống Bill Clinton đã vui mừng tuyên bố: “Ngày hôm nay, chúng ta được hiểu về loại ngôn ngữ mà Chúa đã sử dụng để sáng tạo nên sự sống. Hơn bao giờ hết, chúng ta nghiêng mình trước sự phức tạp, trước vẻ đẹp và sự kỳ diệu của món quà thần thánh nhất, thiêng liêng nhất của Ngài” .

Lạ thay, một chính khách hàng đầu trên thế giới mà lại đề cập đến vẻ huyền nhiệm thiêng liêng trong một công trình khoa học như thế. Nhưng lạ hơn nữa là phản ứng của Tiến sĩ Collins khi phát biểu: “Riêng với tôi, thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc khi biết rằng lần đầu tiên chúng ta đọc được cuốn sách chỉ dẫn về chính bản thân mình, cuốn sách mà trước đó duy chỉ có Chúa mới biết đến” . Collins còn cho biết: “Với tôi, trải nghiệm của việc sắp xếp trình tự Gen người và khám phá ra bí mật đáng lưu tâm nhất trong tất cả này, vừa là một thành tựu đáng kinh ngạc của khoa học, vừa là dịp thể hiện tình yêu với Chúa”. Ông còn xác tín mạnh mẽ: “Tin vào Chúa là một sự lựa chọn hoàn toàn lý trí, và rằng, trong thực tế, các nguyên lý của đức tin lại bổ sung cho các nguyên lý của khoa học” [1].

Vấn đề nêu trên quan trọng đến nỗi có cả một Thông Điệp về Đức Tin và Lý Trí (Fides et ratio), của Đức Gioan Phaolô II. Ngài mở đầu Thông điệp như sau: “Đức tin và Lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ” .

Thánh Augustinô tuyên bố đức tin soi sáng tâm trí và giúp cho lý trí nắm bắt được những chân lý nền tảng về toàn bộ thực tại: “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin” [2]. Nói cách khác, “đức tin luôn đòi hỏi kiếm tìm hiểu biết những gì đã tin” [3]. Chính ân sủng đức tin mở “mắt tâm hồn” (Ep 1, 18). Theo Augustinô, đức tin không ngược lại lý trí, nhưng có trước lý trí và vượt trên lý trí. Đức tin kích hoạt trí tuệ tiếp tục đi sâu vào mầu nhiệm: “Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin” .

Tương tự, thánh Tôma Aquinô cũng chủ trương rằng: “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động” [4]. Tự lý trí bẩm sinh đòi hỏi sự hướng đạo và hỗ trợ của đức tin tôn giáo để đạt được chân lý một cách trọn vẹn. Trong lúc tin, trí tuệ rõ ràng đã đồng ý bằng hành động của ý chí. Tin là “suy tư với sự đồng ý.” Trong tri thức khoa học, trí tuệ cũng đồng ý với những tuyên bố xác định. Nhưng trong đức tin, sự quyết định đồng ý đến từ ý chí. Do đó, đức tin đích thực không bao giờ chỉ là một tri thức suông, vì người ta có thể biết mà không tin. Thật vậy, “Không bao giờ có ai tin theo Đạo chỉ vì lý luận hay chứng cứ, cho dù chúng hợp lý đến đâu chăng nữa” (Gabriel Marcel).

Nhưng rồi không thể tin nếu không cảm nghiệm hay chẳng có một dấu hiệu khả tín nào. Thánh Tôma cho rằng lý trí có thể đạt tới những chân lý cơ bản nào đó về sự hiện hữu và bản tính của Thiên Chúa, nhưng đức tin thì làm cho việc nắm bắt những chân lý này trở nên vừa chắc chắn vừa khả hữu hơn. Hơn nữa thánh Tôma còn nghĩ rằng, để hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa và con đường đi tới sự cứu rỗi sau cùng của loài người thì cần phải có đức tin trong trạng thái mặc khải thiêng liêng. Một đức tin như thế, là quà tặng từ ân sủng của Chúa. Điều đó giải thích vì sao đức tin, cùng với hy vọng và lòng bác ái, được coi là một đức hạnh siêu nhiên hoặc thuộc về thần học.

Như vậy: "Nếu con người với trí thông minh không nhận ra Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo mọi sự, không phải vì họ thiếu phương tiện tìm hiểu, nhưng vì ý muốn tự do và tình trạng u tối do tội lỗi của họ cản đường" (Fides et ratio, 19).

5. Hai nguồn nhận thức nơi con người

Tựu chung, chúng ta có hai cách để biết: đức tin và lý trí. Ðức tin là biết qua sự tin tưởng. Lý trí là biết qua suy nghĩ, quan sát, thực nghiệm hay kinh nghiệm cá nhân. Sự hiểu biết nhờ lý trí mà thôi thì quá giới hạn. Cả hai cần phải cùng nhau phát triển. Các khoa học gia phải lệ thuộc vào niềm tin tự nhiên. Họ phải tin tưởng nhau. Mỗi khoa học gia không có thì giờ và tài nguyên để tự mình kiểm chứng tất cả mọi thí nghiệm và đo lường. Họ phải tin vào những bài viết về khoa học. Vậy niềm tin là kiến thức được nuôi dưỡng bằng sự liên hệ cá nhân, và chúng ta cần có niềm tin. Trong khoa học niềm tin này được nuôi dưỡng bằng “cộng đồng khoa học”. Niềm tin này không phải là một “bước mù quáng” nhưng được hỗ trợ bằng lý trí. Những bài viết trên các sách báo khoa học được duyệt xét cẩn thận bởi các khoa học gia khác. Nếu một khoa học gia nào có bằng chứng là thiếu lương thiện, thì niềm tin này bị tan vỡ, và công việc của người đó bị mất tín nhiệm.

Đức tin cũng thúc đẩy chúng ta theo đuổi lý trí: "Chính đức tin sẽ thúc giục lý trí vượt thoát tình trạng cô lập và tù túng để thong dong theo đuổi những gì là chân, thiện, mỹ. Ðức tin đúng là trạng sư đại tài, và là nhà biện hộ giúp cho lý trí thắng cuộc" (Fides et ratio, 56). Không có điều căn bản là niềm tin, chẳng ai muốn bỏ giờ ra nghiên cứu vũ trụ và những điều cơ bản của vật chất. "Cũng chính một Thiên Chúa duy nhất, Ðấng thiết lập và đảm bảo tính khả tri cũng như tính hữu lý vẫn tàng chứa trong các sự vật thuộc trật tự tự nhiên, dựa vào đó mà các nhà khoa học có thể yên tâm truy cứu các nghĩa lý” (Feides et ratio, 34).

Chú thích số 29 của Thông điệp cho biết: "Thánh Kinh và thế giới tự nhiên đều tiến hành cách bình đẳng từ Lời Thiên Chúa, Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần viết, thế giới tự nhiên thừa hành cách trung tín lề luật của Thiên Chúa". Thiên Chúa đó chính là Cha Đức Giêsu Kitô. Và như thánh Phaolô đã xác quyết: “Sự thật ở nơi Đức Giêsu” (x. Ep 4, 21): Ngài là Lời hằng hữu, Lời tạo thành mọi vật, cũng là Lời nhập thể, Đấng mặc khải Chúa Cha trong trọn cả ngôi vị của mình (x. Ga 1, 14. 18), là Đấng mà lý trí con người vẫn tìm kiếm nhưng không biết (x. Cv 17, 23).

"Mặc dầu đức tin, một món quà Thiên Chúa ban, không đặt nền tảng trên lý trí, nhưng chắc chắn không thể không cần đến lý trí. Trái lại cũng phải thấy rõ rằng, lý trí cần phải được đức tin củng cố năng lực cho thì mới có thể khám phá ra những chân trời xa rộng mà tự sức riêng nó không sao đạt thấu được." (Fides et ratio, 67). Lý trí có thể mở trí khôn cụ thể của chúng ta ra để rồi ý chí chúng ta dễ đón nhận ân sủng của đức tin siêu nhiên. Lý trí cũng giúp đức tin không sa vào mê tín dị đoan, và có thể phê phán đức tin của chúng ta: "Thật là hão huyền khi nghĩ rằng đức tin đi đôi với một lý trí yếu ớt, mà lại có thể trở nên thâm hậu hơn; ngược lại là đàng khác, đức tin ấy sẽ tàn rụi dần để chỉ còn là hoang tưởng hoặc mê tín mà thôi” . (Fides et ratio, 48).

Một lạc giáo liên quan đến đức tin là thuyết "Duy Tín", cho rằng đức tin siêu nhiên thì quá trổi vượt trên lý lẽ tự nhiên đến nỗi lý trí không có ích gì cho đức tin. Tiếc thay Thuyết Duy Tín làm cho đức tin trở nên một sự tin tưởng mù quáng. Thánh Phêrô cho thấy lý trí có thể giúp chúng ta giải thích đức tin một cách hay hơn cho những người không có cùng một niềm tin như chúng ta: "Anh em hãy luôn sẵn sàng giải thích cho bất cứ ai hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng của anh em, nhưng hãy làm điều đó với sự khoan dung và kính cẩn" (1 Pr 3:15-16). Cũng thế, đức tin siêu nhiên có thể cung cấp cho lý trí một sức sinh động và mới mẻ (x. Fides et ratio, 48). Ðức tin có thể giải thoát lý trí khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào cảm quan. Như trong khoa học, đức tin có thể thúc đẩy chúng ta theo đuổi các lý lẽ xa hơn nữa để thu lượm được nhiều kiến thức.

Tóm lại: "Giáo hội vẫn luôn thâm tín rằng đức tin và lý trí hỗ trợ lẫn cho nhau; chúng ảnh hưởng lẫn nhau khi trao đổi những phê phán làm cho nhau thêm tinh tuyền, và khuyến khích nhau trong việc theo đuổi tìm kiếm để hiểu biết sâu xa hơn” (Fides et ratio, 100).

6. Tương quan giữa triết học và thần học

Sự quan hệ giữa đức tin và lý trí cũng là sự quan hệ giữa triết học và thần học. Triết học là một khối kiến thức được xắp xếp có thứ tự để giải thích một điều gì. Tương tự như lý trí, nó bắt đầu từ cảm quan. Còn thần học cũng là một khối kiến thức nhằm mục đích giải thích một điều gì, nhưng nó bắt đầu từ Lời Chúa mặc khải. Nó liên quan đến cả đức tin lẫn lý trí. Vì hai môn học đó bắt nguồn từ hai khởi điểm khác nhau, nên chúng cũng khác nhau. Nhưng chúng ta có thể dùng cả hai để hiểu thêm về Thiên Chúa. Dựa vào thế giới tự nhiên dễ hiểu, triết học có thể dùng lý luận để chứng minh rằng có Thiên Chúa như là một Nguyên Lý Tuyệt Ðối. Nhưng triết học không thể biết gì về mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ nhờ mặc khải và thần học mà chúng ta mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi. Cuối Thông điệp Fides et ratio, Đức Gioan Phaolô II đã vạch ra một số dòng tư tưởng triết học hiện đại mà trên căn bản có tính cách sai lạc:

Trước hết là “Thuyết Chiết Trung” : một phương thức vay mượn tư tưởng từ nhiều triết lý khác nhau, cố dung hòa một cách máy móc các quan điểm khác hẳn nhau, mà không quan tâm đến sự thích hợp hay mạch lạc nội tại của chúng. Nó là “một mớ tư tưởng hỗn tạp”.

Thứ nhì, “Thuyết Duy Sử” cho rằng không có chân lý nào vượt thời gian cả. Một điều đúng ở giai đoạn lịch sử này có thể sai ở giai đoạn lịch sử khác. Đó cũng là não trạng duy tương đối, một thứ độc tài về cảm thức luân lý. Cuối cùng sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng chỉ là tương đối: có thể có, có thể không, tùy vào sự đoán định chủ quan của cá nhân hay tập thể trong một bối cảnh hay giai đoạn nào đó thôi.

Thứ ba là thuyết “Duy Khoa Học” , tương tự như thuyết Duy Lý và thuyết Duy Nghiệm. Những chủ trương này coi khoa học, lý trí và thực nghiệm như nền tảng để quyết đoán mọi sự trong cuộc sống. Hai trận thế chiến là kết quả hiển nhiên bởi sự thống trị của lý trí duy khoa học thực nghiệm, là một thứ lý trí không có tiêu chuẩn đạo đức hay tôn giáo, cắt xén phần tâm linh, nên đã làm cuộc sống con người trở nên què quặt, bạc nhược, càng ngày càng hỗn loạn và đau thương, vì cảm thấy chính mình cũng trở thành một công cụ sản xuất. Đó là chưa nói tới vấn đề môi trường, vấn đề ADN, là những mặt tối của khoa học kỹ thuật. Khi bài xích tôn giáo và nói riêng Kitô giáo, người ta đã tôn vinh Khoa học kỹ thuật như một thứ tôn giáo mới, từ đó phát sinh hiện tượng vô thần dưới nhiều hình thức.

Thứ tư là “Thuyết Duy Thực” , rất phổ thông ở Anh Quốc và Hoa Kỳ, chỉ dựa trên kết quả và sự thực dụng. Tất cả những cân nhắc có tính cách lý thuyết đều bị bác bỏ. Bất cứ hành động nào đem lại kết quả mong muốn đều là hành động tốt. Đây là một quan niệm chỉ nhằm vào thế giới này, không muốn biết tới gì khác, vì cho rằng con người chỉ nhận thức và lý giải được thế giới trước mắt, còn tự tính của nó thế nào thì con người không thể vươn tới.

Sau hết tất cả những triết thuyết trên đưa đến “Thuyết Hư Vô” . Ðó là việc chối bỏ nhân phẩm và số phận đời đời của con người. Hư vô là một kết luận hợp lý cuối cùng và chân thật rằng không có Thiên Chúa chúng ta không là gì cả. Ðó là sự tuyệt vọng của thuyết vô thần. Những triết thuyết này có khuynh hướng chối từ sự cần thiết Thiên Chúa và tuyên xưng một sự tự lập giả tạo. Đức Gioan Phaolo II đã khẳng định: “Vì thế giới được tạo dựng không thể tự đủ cho mình, mọi ảo ảnh về tự lập trong đó chối từ sự lệ thuộc cần thiết vào Thiên Chúa của mọi tạo vật - kể cả loài người - đều đưa đến những hoàn cảnh bi đát làm tan vỡ việc tìm kiếm hợp lý sự hòa hợp và ý nghĩa của đời sống con người” (Fides et ratio, 80).

Kết luận

Tóm lại, tin không phải là biết, dù nó cần đến sự hiểu biết trong đức tin. Đức tin không thuộc lãnh vực tri thức khoa học, nhưng tin cũng bao hàm một cách thế nhận thức ở bình diện khác, vì “sự chắc chắn do ánh sáng của Thiên Chúa ban thì lớn lao hơn sự chắc chắn do ánh sáng tự nhiên của lý trí” [5].

Tin là đáp lại một tiếng gọi để vươn xa hơn, cao hơn chính bản thân; là bước đi rộng hơn lãnh vực khả giác, khả tri và khả nghiệm.

Tin là một thái độ của con người toàn diện quyết định vượt xa hơn mọi thực tại hữu hình, mọi lý luận phàm trần, để dấn thân trọn vẹn cho một lẽ sống mới, trong tương quan huyền nhiệm với Đấng Tuyệt Đối.

Lý trí và đức tin đều nằm trong tiến trình vươn lên của đời sống làm người về mọi phương diện, một đời sống rất thực tế nhưng cũng rất huyền nhiệm, bởi vì con người được dựng nên cho chính Chúa. Trong chiều sâu của đời sống nhân-linh, không chỉ có cái biết của lý trí, nhưng còn là cái biết của con tim, cái biết của một tình yêu khao khát tìm về với Đấng Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ. Đó mới là khát vọng thâm sâu của mỗi người, mà mọi hiểu biết trong cuộc sống này cuối cùng phải dừng lại, để nhường bước cho đức tin mở ra một dự phóng siêu vượt. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là tâm tình yêu mến và phó thác.

Với tâm tình phó thác và yêu mến, đức tin cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu những điều mà người khác không hiểu, biết những điều mà người khác không biết, kinh nghiệm những điều mà người khác không hề kinh nghiệm, cảm nếm những điều mà người khác không hề cảm nếm, làm những điều mà người khác không thể làm, sống những điều mà người khác không thể sống. Vì đức tin là huyền nhiệm của ân sủng, là tác động và sự sống của Chúa trong tâm hồn những kẻ tin.

Lạy Chúa, mọi sự bởi Chúa mà ra, mọi loài do Chúa mà có, mọi việc nhờ Chúa mà thành.
Tất cả cuộc sống con đều là ân ban của Chúa. Nhưng rồi nhiều khi con phát triển cuộc sống như thể chỉ dựa vào chính mình.
Con quên rằng chính Chúa không ngừng tiếp tục sáng tạo và làm nên cuộc sống con trong từng giây phút.
Với lý trí, con hay sống đức tin chỉ bằng sự hiểu biết của mình, nhưng đã không hiểu biết như mình phải hiểu biết. Con vẫn tin, nhưng đã không tin như mình phải tin. Hóa ra hiểu biết con vẫn còn non dại và đức tin con vẫn còn non kém.
Con muốn khẳng định về cuộc sống mình như thánh Phaolô: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô”. Đó là sự hiểu biết trong đức tin, với hết lòng yêu mến và phó thác.
Xin Chúa nâng đỡ và gia tăng đức tin cho con, để con có thể thấy Chúa mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người, sống với Chúa trong mọi lúc, đón nhận Chúa trong mọi sự. Để trong Chúa con được no thỏa sự sống muôn đời. Amen.
 
Chân Dung Các Vị Thánh
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
01:24 30/10/2008
Chân Dung Các Vị Thánh

Người ta nói thánh là người làm theo ý Chúa, không theo bọn ác nhân. Thánh là người hoàn toàn thuộc về Chúa từ trí óc tới con người. Họ là những con người luôn sống thanh sạch “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Họ có tâm hồn thanh khiết, nhờ đó mà họ có thể nhìn thấy Thiên Chúa nơi tạo vật, nơi tha nhân và một cách trọn vẹn nơi thiên quốc. Như vậy sự thánh thiện hệ tại ở tâm hồn luôn ở trong Thiên Chúa. Họ thuộc về Chúa. Họ sống cho Chúa. Họ sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Họ đã nên thánh ngay từ cuộc đời dương thế này. Họ biết dệt đời mình trong hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những đam mê lầm lạc, những xa hoa ích kỷ để thể hiện lòng mến Chúa trên hết mọi sự. Họ là những người can trường chiến đấu với phận đời oan trái, cay nghiệt của nghèo đói, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị bóc lột, bị hiểu lầm, bị phản bội, bị bách hại... nhưng vẫn trung thành với đức tin. Dẫu phận đời có oan nghiệt họ vẫn cảm thấy an bình, vì được sống trong ân nghĩa cùng Chúa. Họ đã chiến thắng số phận đầy oan khiên khi tìm được niềm an vui vì chọn Chúa là gia nghiệp trọn đời.

Chân dung của các vị thánh được Chúa Giê-su phác hoạ qua tám nét chính mà ta quen gọi là tám mối phúc thật. Họ sống giữa cuộc đời đầy sóng gió của sự dữ, của những vòng xoáy cuộc đời đầy đam mê truỵ lạc, của những thói đời hưởng thụ nhưng họ vẫn giữ mình luôn thanh khiết không hoen ố tội nhơ, không thoả hiệp sự dữ, không lao vào vòng xoáy của danh lợi thú mà lạc xa tình Chúa. Họ có mặt trong mọi nơi, mọi chốn. Họ thuộc đủ mọi màu da, sắc tộc. Họ thuộc mọi thành phần trong xã hội.

Có thể họ là những người mẹ đang bươn chải “một nắng hai sương”, với quang gánh trên lưng còng cho con cái niềm vui tiếng cười. Bà chấp nhận đánh mất cuộc đời cho gia đình chén cơm, chén gạo mỗi ngày.

Có thể họ là những người cha đang chịu nhiều oan khiên, chồng chất của thói đời bất công, áp bức, bóc lột đang đè nén cuộc đời của họ, nhưng họ không chịu đánh mất nhân cách, nhân phẩm, lương tri con người để đổi lấy chút bổng lộc trần gian mau qua.

Có thể họ là một ai đó đang bị bỏ rơi, đang bị bóc lộc, đang bị chà đạp, nhưng họ không bán rẻ nhân phẩm của mình. Họ sẵn sàng chịu thiệt thòi, chịu thiếu thốn mà lòng thanh sạch hơn là hoen ố tâm hồn để đổi lấy niềm vui giả tạo mau qua.

Có thể họ là những người già neo đơn, những người bệnh đau lâu ốm dài đang vò võ từng ngày chờ đợi tân lang đến đón vào dự tiệc thiên quốc. Họ không nản lòng. Họ không để tim đèn vụt tắt. Họ vẫn cầm đèn cháy sáng chờ đón chủ chở về và mau mắn ra nghinh đón chủ.

Có thể họ là những người trong quá khứ đã lầm đường lạc lối, đã từng buông thả đời mình trong đam mê sắc dục, đã từng sống hại người hại đời, nhưng nay họ đã được ơn trở về. Họ đang sám sối từng ngày. Họ đang dành trọn cuộc đời của mình để đền bù những lầm lỗi của quá khứ bằng những việc lành phúc đức.

Có thể họ là chính bạn và tôi, những con người đang khao khát sống đời trọn lành. Có thể vì sự khao khát nên trọn lành mà chúng ta đang đi ngược dòng với trào lưu tục hoá của thế gian. Chúng ta trở thành kẻ thù nghịch của thế gian. Chúng ta không đồng thuận với mưu đồ đen tối. Chúng ta không thoả hiệp với sự gian dối giả tạo. Chúng ta đang phải chiến đấu từng ngày để nói không với tội và trung thành với tin mừng nước Chúa.

Như vậy, các thánh không ở đâu xa. Ở ngay trong cuộc đời chúng ta. Họ đang sống với chúng ta. Họ đang dâng những hy sinh hằng ngày cho chúng ta và để cứu độ chúng ta. Theo đức tin ky-tô giáo dạy chúng ta: Giáo hội thiên quốc gồm những con người đã vượt qua cuộc đời trong ơn nghĩa với Chúa. Họ đã trung thành phụng sự Chúa trong cuộc đời dương thế. Và hôm nay, họ tiếp tục phụng sự Chúa trên thiên quốc. Còn chúng ta là Giáo hội lữ thứ trần gian. Chúng ta cũng được gọi là giáo hội thánh thiện vì chúng ta đang gột rửa đời mình mỗi ngày nên hoàn thiện hơn. Chúng ta đang nỗ lực trở nên thánh. Chúng ta đang chiến đấu từng ngày nên hoàn thiện hơn.

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính các thánh nam nữ ở trên trời. Các ngài đã đi qua bụi trần này với một tâm hồn thanh khiết. Thế nên, họ đã được nhìn xem Thiên Chúa vì Phúc thay ai có tâm hồn thanh khiết, họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Xin Chúa qua lời bầu cử của các ngài ban cho chúng ta lòng tin mạnh mẽ để chúng ta biết phó thác trọn cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Xin ban cho chúng ta lòng mến sắt son để có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Xin ban cho chúng ta đức cậy kiên vững để chúng ta trông cậy vào ơn Chúa mà hoàn thiện đời mình mỗi ngày nên thánh thiện hơn. Amen
 
Lễ các Linh hồn: "Xin Hãy Nhớ Đến Tôi Cùng”
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
01:27 30/10/2008
Người ta nói rằng:

“Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì! “


Hôm nay chúng ta quây quần nơi đây trong ngày lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Chúng ta đang đứng bên ngôi mộ của những người rất thân thương của chúng ta. Họ đã có một thời gian sống với chúng ta. Họ đã một đời gắn bó với chúng ta. Họ có thể là cha, là mẹ, là anh em bè bạn của chúng ta. Thế nhưng, “một cơn gió thoảng” đã khiến họ xa cách chúng ta ngàn trùng. Nhìn xuống nấm mộ mà lòng nghẹn ngào thốt lên: “Trăm năm còn có gì đâu?”. Hỏi trời, hỏi đất để rồi cũng nghiệm ra rằng: “Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!”.

Phận người thật mong manh. Cuộc đời thật chóng vánh. Cuộc đời thật phù du đến nỗi mà Trần Long Ẩn đã cảm thấy sợ hãi khi mùa xuân đến, mừng tuổi mẹ mà lòng lại nghẹn ngào rưng rưng. Tại sao vậy? Thưa, vì mừng tuổi mẹ cũng đồng nghĩa là xa mẹ thêm chút nữa! Mừng tuổi mẹ mà con lại sợ sắp đến ngày “gió đưa mẹ rụng con rầy mồ côi”. Bài hát này có thể cũng đang diễn tả chính nỗi lòng xao xuyến của chúng ta trong giờ phút này. Chúng ta cũng đang sợ hãi cho những cuộc chia ly phải đến của kiếp sống con người. Bài hát “Mừng tuổi Mẹ” đã diễn tả thật rợn rùng của cõi đời hợp tan như sau:

“… Mỗi mùa xuân sang Mẹ tôi già thêm một tuổi
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.
Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin,
tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ.
Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới
Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ”


Chia ly, âm dương cách biệt. Đó là định luật tất yếu của kiếp người. Hợp tan là lẽ thường tình. Nhưng liệu rằng những con người đang nằm dưới nấm mộ này, hoặc những người sẽ xa cách chúng ta, họ cần gì nơi chúng ta. Họ cần gì nơi những con người đang sống? Chắc chắn họ không cần cơm áo gạo tiền. Họ không cần bổng lộc. Họ không cần của phù du mau qua. Điều họ cần là lòng thương xót của Chúa. Điều họ cần là Chúa sẽ tha thứ cho những thiếu sót trong kiếp người của họ. Bà thánh Monica đã nói với Augustino con bà rằng: “Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng lễ” là đủ rồi.

Thực vậy, theo giáo lý kytô giáo, những người chết là những người hết khả năng để lập công đền tội. Họ đã bị bia đá ngàn năm kết dính thân xác của họ dưới nấm mồ hoang lạnh. Có biết bao công việc dở dang họ chưa làm xong, cái chết đến, khiến họ không còn khả năng để hoàn tất những công việc dang dở. Có biết bao những thiếu sót trong cuộc đời của họ, nay họ muốn thực hiện, nhưng lại không còn khả năng để thể hiện. Họ hoàn toàn bất lực. Họ chỉ còn cậy dựa vào những người còn sống. Hãy thay mặt họ để hoàn thành những ước nguyện của họ, để hoàn tất những công việc dở dang của họ và nhất là để lập công đền bù những thiếu sót trong cuộc đời của họ. Họ rất cần chúng ta những người còn sống hãy nhớ đến họ để đọc kinh dâng lễ, cầu nguyện cho họ. Họ không còn khả năng tự cứu mình nữa. Họ cần chúng ta giải thoát họ khỏi những giam cầm nơi luyện tội vì cuộc sống dương thế của họ còn thiếu bác ái, còn chưa làm tròn bổn phận của cuộc sống hằng ngày.

Niềm tin kytô giáo còn nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ có Thiên Chúa mới có thể lăn tảng đá ra khỏi nấm mồ của chúng ta, chỉ có thiên Chúa mời có thể giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc bởi yếu đuối và tội lỗi. Thế nên, chúng ta dâng lễ cầu nguyện, làm việc bác ái để kết hợp với hiến tế đền tội của Chúa Giêsu trên thập giá, để xin ơn tha thứ cho các linh hồn của những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta phó dâng linh hồn người thân yêu trong lòng từ bi của Chúa để nhờ Chúa giải thoát họ và dẫn đưa họ về thiên đàng, về nơi mà chính Đức Kytô đã từng nói: Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con“.

Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Đó cũng là lời an ủi cho kiếp người chúng ta. Thiên Chúa sẽ tìm muôn ngàn cách để giải thoát chúng ta. Vì chính Ngài đã chết vì loài người và cho loài người chúng ta. Người đã chết để cho chúng ta được sống. Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, đã ra đi để nài xin Chúa Cha tha tội cho chúng ta và ban cho chúng ta mỗi người một chỗ trong nhà của Chúa Cha, trong Lòng Thương Xót của Cha nhân từ. Amen
 
Thiên Chúa, Nguồn cậy trông của chúng ta
Lm Jude Siciliano OP
08:53 30/10/2008
Lễ CÁC ĐẴNG LINH HỒN (A)

Khôn ngoan 3:1-9; Tv: 23; Rôma 5:5-11; Gioan 6:37-40

Anh chị em thân mến,

Cách đây vài năm khi cha mẹ tôi mất, tôi đã nhờ những lời Thánh Kinh trong ngày lễ hôm nay để an ủi tôi được phần nào.

Sách Khôn Ngoan không nói rõ các linh hồn người quá cố hiện giờ đang ở đâu. Nhưng, những lời đó là những lời an ủi gây niềm hy vọng cho chúng ta:"Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa". Đây là những lời giúp tôi hy vọng khi cha mẹ tôi mất. Tôi có nói với bạn bè là tôi không biết cha me tôi đang ở đâu và đang làm gì, tôi chỉ tin là cha me tôi đang ở trong tay Thiên Chúa nhân từ. Những người trong gia đình và bạn bè tôi có thể hình dung được mẹ tôi đang nấu mì trong ngày Chúa nhật với dì tôi, và cha tôi đang chơi bài với người em rể.

Những cảnh tượng đó thật an ủi cho gia đình tôi. Nhưng tôi chỉ nghĩ đến bàn tay nhân từ của Thiên Chúa đã tạo dựng cha mẹ tôi, và đã gìn giữ cha me tôi trong đức tin qua những ngày khó khăn, đau yếu, và bây giờ thì ôm ấp cha mẹ tôi vào lòng Ngài. Cũng như sách Khôn Ngoan nói "Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa".

Sách Khôn Ngoan nói đến những linh hồn đặc biệt: "Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc". Thường, người ta hay xuôi tay chịu những khó khăn đời này. Nhưng sách Khôn Ngoan nhìn vào những khó khăn đó như của lễ dâng trên bàn thờ Chúa. Vì khi chúng ta chịu phép rửa là chúng ta lãnh nhận chức tư tế, hiến dâng những việc làm cùng những khó khăn trong đời sống cho Chúa. Và chúng ta có được hy vọng theo sách Khôn Ngoan dạy "Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn".(Kn 3:9). Bây giờ, chúng ta đang nghe lại những lời mà xưa kia lúc cha mẹ tôi mất tôi đã nghe: "họ đã ở trong tay Thiên Chúa nhân từ". Đó chính là sự trông cậy vững vàng của chúng ta vào Thiên Chúa – Vì ngài biết rõ mọi sự.

Và đây cũng là ý chính lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc hôm nay - Trông Cậy. Sự Trông cậy dựa vào tình yêu Thiên Chúa đã thể hiện qua sự đau khổ của Chúa Giêsu vì chúng ta. Mà chúng ta không xứng đáng được hưởng tình yêu này, vì chúng ta đang là những tội nhân. "Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta"(Rm.5:8). Chúng ta không còn sợ sự chết, như nhiều người trong chúng ta thường sợ, nếu chúng ta tin rằng sau khi chết, chúng ta sẽ ở trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tội lỗi không thể ngăn cản được sự bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta qua Chúa Giêsu, và không thể nào làm chúng ta xa cách Thiên Chúa ở đời này và cả đời sau. Vì Thiên Chúa luôn cho chúng ta có cơ hội để hòa giải với Người "Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người"(Rm.5:10)

Trong đời này và đời sau, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa qua niềm tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi chúng ta do dự trong niềm tin này, ắt chúng ta sẽ phải đương đầu với sự chết và sự đau đớn lâu dài của người thân thương, hoặc khi chúng ta nghĩ đến cái chết của chúng ta thì Chúa Thánh Thần vẫn liên tục đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhằm giúp chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Ngay cả tội lỗi và sự chết, cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Như thế, không phải chỉ đến lúc chết chúng ta mới được ở trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa, mà nhờ Chúa Giêsu chúng ta đã được ở trong vòng tay của Người, và Người sẽ uốn nắn chúng ta trở thành người con luôn trông cậy vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói gọn là:"Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta"(Rm.5:5)

Phúc âm hôm nay cũng tiếp tục ý tưởng này là chúng ta chắc chắn ở trong vòng tay Thiên Chúa nhân từ trong đời này và đời sau. Mỗi lần nghĩ đến sự đối đãi của Thiên Chúa đối với những vấp phạm, thì tôi hình dung lại thời thơ ấu. Với những hình ảnh một Thiên Chúa giận dữ, phán xét chi li, và sẵn sàng phạt người tội lỗi, trừ khi Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa can thiệp và làm Thiên Chúa dừng tay lại. Trước đây, trong đám tang, những hình ảnh ấy của Thiên Chúa được hiện rõ: Linh mục mặc áo đen, các bài hát buồn tẻ, nhất là bài nói về ngày phán xét, một bài hát xưa nói về sự phán xét giận dữ của Thiên Chúa đối với người qua đời. Với lời nhạc buồn đã tăng thêm phần lo sợ. Và chúng ta không biết ai là người xét xử linh hồn chúng ta lúc lâm chung, Đức Chúa Cha hay Chúa Giêsu, Đấng phán xét nhân từ.

Những lúc ấy đáng lẽ chúng ta nên đọc Thánh Kinh nhiều hơn, như đoạn Phúc âm thánh Gioan hôm nay. Thánh Gioan cho chúng ta biết, Thiên Chúa không phải là Đấng có hai tính: Một là quan tòa giận dữ phán xét loài người, và hai là Chúa Kitô tha thứ và thương yêu. Hơn nữa, thánh Gioan lại thêm: Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến gần với chúng ta. Sách Khôn Ngoan an ủi chúng ta rằng người quá cố "đã được an nghỉ trong tay Thiên Chúa". Câu Phúc âm ấy vang dội trong hôm nay. Chúa Giêsu là bằng chứng cụ thể của cánh tay nhân từ đầy ắp yêu thương của Thiên Chúa. Vòng tay đó ôm ấp người công chính trong đời này và cả đến đời sau của chúng ta.

Thánh Gioan viết: Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cữu ngay từ bây giờ, vì qua Chúa Giêsu, chúng ta đã được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, nên sự sống của Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta. Sự kết hợp này bắt đầu ngày hôm nay và không bị đứt đoạn bởi sự chết, vì chính Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ cho chúng ta sống lại "vào ngày sau hết". Vậy chúng ta có vui lòng nhận đời sống mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta bây giờ, và có chấp nhận Thiên Chúa mến yêu trong đời sống chúng ta không?

Chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa chính sự sống của Ngài vào lòng chúng ta. Và mỗi khi chúng ta họp nhau ngày Chúa nhật, chúng ta lại được nhắc nhớ đến hồng ân Thiên Chúa đã ban thêm sức mạnh cho chúng ta. Nhờ nghe Thánh Kinh đã làm cho Thiên Chúa đang hoạt động một cách sáng tạo trong chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta đón nhận là lương thực nuôi dưỡng sự cậy trông của chúng ta vào vòng tay nhân từ của Thiên Chúa bây giờ cho đến đời sau mãi mãi bên chúng ta.

Chúa Giêsu đã cam đoan với chúng ta hôm nay: "…ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài"(Ga.6:37). Chúa Giêsu nói rõ ràng ý định của Ngài là đặt một mối liên hệ dài lâu với chúng ta, vì đó cũng là "Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai". (Ga. 6:39)

Trong lễ hôm nay và những ngày kế tiếp, cộng đoàn người Mễ Tây Cơ mừng ngày tảo mộ của họ là lễ Cầu cho người qua đời. Gia đình đi thăm nghĩa trang nơi những người thân đã được chôn cất, và họ đem những món ăn mà những người quá cố trước kia thích. Nơi phần mộ các thân nhân, mọi người tụ lại cùng ăn uống với nhau cả người lớn và trẻ em, và nói với nhau những câu chuyện về người quá cố. Đó là hành vi biểu lộ tình yêu thương của gia đình đối với người đã qua đời. Họ cũng tin là linh hồn của người quá cố vẫn còn sống với họ.

Chúng ta không cần phải là người Mễ Tây Cơ để mừng sự sống của những người quá cố trong gia đình và bạn hữu của chúng ta. Vì khi chúng ta họp nhau nơi bàn tiệc Thánh là chúng ta cũng mừng như vậy. Chúng ta cùng nghe lời Thánh Kinh, và những chuyện chung trong gia đình. Rồi chúng ta cùng ăn "của ăn" đã nuôi dưỡng người thân thương của chúng ta là bánh và rượu là món ăn đã nâng đỡ họ khi họ còn sống và lúc họ đã qua đời. Món ăn ấy cho chúng ta trông cậy là ngày sau sẽ cùng hưởng với Chúa Phục sinh.

Đây là lúc chúng ta nên đi thăm mộ và kể chuyện những người quá cố cho con cháu nghe. Chúng ta nên nhắc đến đời sống đức tin của các bậc tiền nhân, và nhờ các vị ấy mà đức tin được chuyển đến chúng ta. Về nhà, chúng ta có thể mở tập hình ảnh của gia đình cho con trẻ xem. Đến lúc đọc kinh tối chúng ta nên nhắc đến những người đã khuất.

Lúc này là mùa thu, cảnh vật có vẽ tàn úa với chúng ta. Nhưng chúng ta hy vọng chắc chắn là cảnh vật sẽ trở nên xanh tươi. Chúng ta có sự trông cậy vững vàng vì Chúa Giêsu đã hứa là Ngài cho chúng ta sự sống vĩnh cữu và với Ngài tất cả chúng ta sẽ được sống lại " vào ngày sau hết"

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Lễ cầu cho các linh hồn nhớ đến người quá cố
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
11:24 30/10/2008
LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN NHỚ ĐẾN NGƯỜI QUÁ CỐ
Lc 23, 33.39-43

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Khi đến nơi gọi là "Đồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !" Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Cứ mỗi lần lễ các linh hồn đến, ta lại cảm nhận sự mau qua của thời gian. Chỉ còn 60 ngày nữa là hết một năm. Thêm vào đó, gió bấc thổi, không gian u ám, vài loại cây đã trút lá vàng trên lối đi khiến ta cảm thấy bùi ngùi nghĩ đến những người đã khuất. Có lẽ đó cũng chính là ý định của Giáo Hội khi đặt ngày lễ cầu nguyện cho các linh hồn vào dịp tháng 11. Nhớ đến những người đã khuất là một việc làm quan trọng vì 4 lý do:

1. Nhớ đến người chết để biết ơn. Ta không thể tưởng tượng thế giới ta đang sống hôm nay sẽ thế nào nếu đã không có những người đã khuất. Nếu không có ông bà cha mẹ, cũng không có ta trên đời này. Nếu không có các bậc tiền nhân, không có đất nước này. Nếu không có những người đi trước, không có thành phố như ngày hôm nay. Nếu ông bà cha mẹ ta không truyền lại đức tin, khó có thể tưởng tượng hôm nay ta biết thờ phượng và yêu mến Chúa. Các ngài làm nên đời ta. Các ngài xây dựng đất nước cho ta. Các ngài truyền lại cho ta một di sản cao quí là đức tin vững mạnh vào Chúa. Các ngài là thành phần của đời sống ta. Một thành phần quan trọng. Một thành phần quyết định. Vì thế, tưởng nhớ đến các ngài để biết ơn, cầu nguyện cho các ngài là một việc làm hợp đạo lý, một bổn phận không thể thiếu.

2. Nhớ đến người chết để nhớ đến thân phận mình. Nếu người chết đã là một phần của đời ta thì cái chết lại là một phần gắn liền với thân ta. Con người không ai tránh khỏi cái chết. Càng sống lâu càng gần cái chết hơn. Và ngay trong khi sống, cái chết đã đến. Những tế bào chết hết lớp này đến lớp khác. Tóc rụng hằng ngày. Với thời gian, mắt mờ, răng rụng, gối mỏi, chân run. Tất cả lần lượt từ bỏ ta. Và cuối cùng là hơi thở. Chết là không thể tránh khỏi. Biết bao người tài giỏi đã qua đi. Biết bao binh hùng tướng mạnh đã nằm xuống. Biết bao lãnh chúa quyền uy nghiêng trời lệch đất đã chỉ còn là mớ xương khô. Không ai tránh khỏi cái chết. Hiểu được như thế, ta sẽ tránh được nhiều sai lầm trong cuộc sống. Hiểu được như thế, ta sẽ biết chuẩn bị cái chết cho tốt đẹp.

3. Nhớ đến người chết để biết chết. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại 3 cái chết. Người trộm dữ, người trộm lành và Chúa Giêsu. Ba người chung một hoàn cảnh. Nhìn bề ngoài chẳng khác gì nhau. Nhưng cái chết lại khác xa nhau. Người trộm dữ chết trong tức tưởi. Ong không biết chết vì ông đã không biết sống. Chỉ sống cho mình. Người trộm lành đã chết trong an bình. Ong đã chấp nhận cái chết. Trong những giờ phút cuối đời ông đã nhận ra chân lý nên đã biết sống cho Chúa, phó thác cho Chúa vận mạng của mình. Chúa Giêsu là tấm gương cho ta về việc chấp nhận cái chết. Người chủ động đi đến cái chết. Mạng sống Người chính Người tự ý trao nộp. Người phó thác linh hồn trong tay Đức Chúa Cha. Vì Người không sống cho bản thân, nhưng sống cho Đấng đã sai Người. Không những chấp nhận cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu còn chấp nhận cái chết dần mòn trong cuộc sống. Người tự hiến mình đi khắp đó đây rao giảng Tin Mừng. Người tự hiến đời mình phục vụ tha nhân. Người chấp nhận cái chết dần mòn trong những mệt nhọc, vất vả, đau khổ, nhục nhã. Chấp nhận cái chết trong cuộc sống, Người trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.

4- Nhớ đến người chết để biết sống. Chúa Giêsu, vì dám chết theo thánh ý Đức Chúa Cha, nên đã được Đức Chúa Cha tôn vinh, đem sự sống đến cho chúng ta. Người chết để đi vào cõi hằng sống. Người chết để từ nay luôn ở bên chúng ta, nâng đỡ cuộc đời chúng ta. Người sống mãi. Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Các thánh là những người đã chết cho Chúa và cho anh em. Các ngài cũng sống mãi và tiếp tục nâng đỡ cuộc sống của chúng ta. Khi thánh Đaminh sắp qua đời, anh em trong dòng buồn thảm khóc lóc. Nhưng thánh nhân nói với anh em: “Anh em đừng lo buồn. Về thiên đàng, Cha còn trợ giúp đắc lực hơn cho anh em”. Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giê su cũng hứa: “Về trời, tôi sẽ làm mưa hoa hồng trên mặt đất”. Các Đấng đã dám chết cho Chúa và cho anh em sẽ sống mãi và tiếp tục là một thành phần tích cực của đời sống chúng ta. Đã biết chết, các ngài sẽ sống mãi.

Nhân dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, ta hãy biết noi gương các ngài, biết chết đi hằng ngày trong quên mình yêu mến Chúa và phục vụ anh em, ta sẽ được sống mãi với Chúa.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1. Nhớ đến người chết có cần thiết không ? Tại sao ?
2. Cái chết có giá trị gì trong cuộc sống ?
3. Biết chết thì mới biết sống. Bạn nghĩ thế nào về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.
 
Bài Giáo Lý mới X của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thần Học về Thập Giá của Thánh Phaolô
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
17:44 30/10/2008
Thần Học về Thập Giá của Thánh Phaolô

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung tại Quảng Trưởng Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Thánh Phaolô

****

Anh chị em thân mến,

Trong kinh nghiệm cá nhân của Thánh Phaolô, có một sự kiện không thể nào chối cãi được: lúc ban đầu ngài là một người bắt đạo và đã dùng bạo lực chống lại các Kitô hữu, nhưng từ khi trở lại trên đường đi Đamascô, ngài đã đổi sang phía Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, ngài đã biến Người thành lý do cho đời sống của ngài và động lực cho việc rao giảng của ngài. Cuộc đời của ngài được hiến trọn để cứu các linh hồn (x. 2 Cor 12:15 ), ngài chẳng mấy khi được thanh bình và an toàn khỏi những nguy hiểm cùng những khó khăn. Trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, ngài biết rõ ý nghĩa trọng tâm của Thập Giá: Ngài đã hiểu rằng Chúa Giêsu đã chết và sống lại cho mọi người, và cũng cho ngài. Cả hai yếu tố trên đều quan trọng và phổ quát: Chúa Giêsu thật sự đã chết cho mọi người, và cách chủ quan: Người cũng đã chết cho tôi.

Như thế, trong Thập Giá biểu lộ tình yêu nhưng không và từ bi của Thiên Chúa. Chính Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được tình yêu này trước hết (x. Gal 2:20) và đã từ một người tội lỗi trở thành người có đức tin, từ một tên khủng bố thành một Tông Đồ. Ngày này qua ngày khác, trong đời sống mới của ngài, ngài cảm nghiệm được rằng ơn cứu độ là ‘ân sủng’, và tất cả đều được đổ xuống từ cái chết của Đức Kitô chứ không phải nhờ công trạng của ngài, là điều không thể có được trong bất cứ trường hợp nào. “Tin Mừng về ân sủng” như thế đối với ngài trở thành một cách duy nhất để hiểu Thập Giá, là tiêu chuẩn không những cho cuộc sống mới của ngài, mà còn là câu trả lời cho những người chất vấn ngài. Trước hết là người Do Thái, những người đặt niềm hy vọng trên việc làm và mong rằng những việc làm ấy sẽ cứu độ họ, rồi đến những người Hy Lạp, là những kẻ đem sự khôn ngoan loài người của họ ra mà đối chọi với Thập Giá, cuối cùng có những nhóm lạc giáo, là những người được huấn luyện theo những ý tưởng của họ về Kitô giáo theo khuôn mẫu riêng của họ về đời sống.

Đối với Thánh Phaolô, Thập Giá có vai trò ưu tiên thiết yếu trong lịch sử nhân loại; Thập Giá là điểm chính yếu của nền thần học của ngài, bởi vì nói về Thập Giá có nghĩa là nói về ơn cứu độ như ân sủng mà Thiên Chúa ban cho mọi tạo vật. Đề tài Thập Giá của Đức Kitô trở thành một nguyên lý cần thiết và chính yếu cho việc rao giảng của Thánh Tông Đồ, mà thí dụ điển hình nhất liên quan đến cộng đoàn Côrinthô. Phải đương đầu với một Hội Thánh mà ở đó có những cuộc nổi loạn và gương mù đáng lo ngại, là nơi mà sự hiệp thông bị đe dọa bởi chia rẽ nội bộ và bè phái, có thể làm rạn nứt Nhiệm Thể Đức Kitô, Thánh Phaolô hiện diện với họ không bằng những lời cao siêu hay sự khôn ngoan, nhưng bằng việc rao giảng Đức Kitô, một Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Sức mạnh của ngài không phải là ngôn ngữ có sức thuyết phục, nhưng mâu thuẫn thay, lại là sự yếu đuối và run rẩy của những người chỉ biết dựa vào “quyền năng của Thiên Chúa” (x 1 Cor 2:1-4). Thập Giá, vì tất cả những gì nó tượng trưng, cũng như của sứ điệp thần học mà nó chứa đựng, là chướng ngại và sự điên rồ. Thánh Tông Đồ quả quyết điều ấy bằng một cách mạnh mẽ khó quên, tốt hơn là chúng ta nghe từ chính lời ngài: “Quả thật lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là quyền năng của Thiên Chúa...  Thiên Chúa đã vui lòng dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu những người tin. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, một chướng ngại cho người Do Thái, và một sự điên rồ đối với Dân Ngoại” (1 Cor 1:18-23).

Những cộng đồng Kitô hữu tiên khởi mà Thánh Phaolô nói với, biết rất rõ rằng Chúa Giêsu đã sống lại và vẫn còn đang sống; Thánh Tông Đồ muốn nhắc nhở không những chỉ người Côrinthô hay Galatê, mà tất cả chúng ta, rằng Đấng Phục Sinh luôn luôn là Đấng Đã Chịu Đóng Đinh. “Chướng ngại” và “sự điên rồ” của Thập Giá được tìm thấy chính ở sự kiện là ở đâu xem ra chỉ có thất bại, đau đớn, thua thiệt, thì ở đó thực ra lại là tất cả quyền năng của tình thương vô biên của Thiên Chúa, bởi vì Thập Giá là cách diễn tả tình yêu, và tình yêu là quyền năng thật được tỏ lộ trong sự yếu đuối bề ngoài này. Đối với người Do Thái, Thập Giá là một skandalon, nghĩa là một tảng đá làm cho người ta vấp ngã: Thập Giá dường như cản trở đức tin của những người Israel đạo đức, là những người đã không tìm được điều gì tương tự trong Thánh Kinh. Thánh Phaolô, với nhiều can đảm dường như muốn nói ở đây rằngcó một nguy cơ rất lớn: đối với người Do Thái, Thập Giá trái ngược với chính bản chất của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn tỏ mình ra bằng những dấu hiệu phi thường. Vì thế chấp nhận Thập Giá của Đức Kitô là trải qua một cuộc thay đổi sâu xa trong cách liên hệ với Thiên Chúa.

Nếu đối với người Do Thái, lý do để chối bỏ Thập Giá được tìm thấy trong mặc khải, nghĩa là trong việc trung thành với Thiên Chúa Cha, thì đối với người Hy Lạp, tức là dân ngoại, tiêu chuẩn để chống lại Thập Giá nằm ở lý trí. Thực ra đối với họ Thập Giá là sự chết, là sự điên rồ, theo nguyên ngữ là insipienza, nghĩa là thức ăn không có muối, vì thế theo nghĩa thông thường thì đó không những chỉ là một lầm lỗi, mà còn là một điều sỉ nhục.

Chính Thánh Phaolô đã hơn một lần có cái kinh nghiệm cay đắng về việc lời công bố của Kitô giáo bị chối bỏ, bị phán đoán là “vô vị”, là không thích hợp, là không đáng để người ta đếm xỉa đến trên mức độ luận lý. Đối với những người như người Hy Lạp, là những kẻ đã đi tìm sự hoàn hảo trong tinh thần, trong tư tưởng trong sạch, thì việc Thiên Chúa trở thành phàm nhân, tự mình lặn ngụp trong tất cả các giới hạn của không gian và thời gian là điều không thể chấp nhận được. Cho nên lại càng là điều không thể tưởng tượng được khi tin rằng Thiên Chúa có thể bị [đóng đinh] trên Thập Giá! Và chúng ta thấy tại sao lý luận của người Hy Lạp cũng là lý luận thông thường ở thời đại chúng ta.

Quan niệm về “apátheia”, sự thờ ơ, như là thiếu vắng sự say mê Thiên Chúa: làm sao mà người ta có thể hiểu được một Thiên Chúa làm người và bị đánh bại, là Đấng sau đó lấy lại thân xác mình để như thế sự sống được phục hồi? “Chúng tôi sẽ nghe ông nói về điều này vào lúc khác” (Cv 17:32 ), dân Athen khinh miệt nói với Thánh Phaolô khi nghe ngài nói về việc kẻ chết sống lại. Họ tin rằng người ta đạt đến sự hoàn hảo khi giải thoát mình khỏi thân xác, được coi là một nhà tù: làm sao không coi là lầm lạc khi lấy lại thân xác mình? Trong một nền văn hóa cổ, dường như sứ điệp về Thiên Chúa nhập thể đã không có một chỗ đứng. Toàn thể biến cố của “Chúa Giêsu thành Nadareth” xem ra được đánh dấu bằng sự hoàn toàn lạnh nhạt, và chắc chắn rằng Thập Giá là điểm điển hình nhất của việc này.

Nhưng tại sao Thánh Phaolô lại biến lời này, lời của Thập Giá, làm điểm nền tảng cho việc rao giảng của ngài? Câu trả lời không mấy khó khăn: Thập Giá tiết lộ “quyền năng của Thiên Chúa” (x. 1 Cor 1:24 ), là quyền năng khác với quyền năng của loài người. Thực ra, Thập Giá tiết lộ tình yêu của Thiên Chúa: “vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn mạnh hơn sức mạnh của loài người” (1 Cor 1:25 ).

Vài thế kỷ sau Thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng Thập Giá đã chiến thắng, chứ không phải sự khôn ngoan chống lại Thập Giá. Đấng Chịu Đóng Đinh là sự Khôn Ngoan, bởi vì Người bày tỏ trong chân lý Thiên Chúa là ai, nghĩa là, Người bày tỏ chính quyền năng của tình yêu đến nỗi đi đến tận Thập Giá để cứu độ con người. Thiên Chúa dùng các phương tiện và dụng cụ thoáng nhìn đối với chúng ta chỉ là yếu đuối. Đấng Chịu Đóng Đinh, một đàng biểu lộ sự yếu đuối của con người, đằng khác, biểu lộ quyền năng thật của Thiên Chúa, nghĩa là, sự nhưng không của tình yêu: Chính sự nhưng không của tình yêu này là sự khôn ngoan thật.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này ngay cả trong thân xác của ngài, và ngài làm chứng cho điều ấy trong những chặng đường khác nhau của cuộc hành trình thiêng liêng của ngài, đến nỗi nó trở thành điểm quy chiếu cần thiết cho mọi môn đệ của Chúa Gêsu: “Người bảo tôi rằng, ‘Ơn sủng của Thầy đủ cho con rồi, vì quyền năng của Thầy được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2 Cor 12:9); và ngay cả: “Thiên Chúa đã chọn những gì yếu kém trong thế gian để làm cho những kẻ hùng mạnh phải bẽ bàng” (1 Cor 1:28). Thánh Tông Đồ đồng hóa mình với Đức Kitô đến độ, ngay cả giữa nhiều thử thách, ngài cũng vẫn sống trong Đức Tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng đã yêu ngài và hiến chính mạng sống Người vì tội của ngài và của mọi người (x. Gal 1:4; 2:20). Chi tiết này về tiểu sử của Thánh Tông Đồ là mẫu mực cho tất cả chúng ta.

Thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một tổng hợp thần học tuyệt vời về Thập Giá trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô (5:4-21), ở đó mọi sự được chứa đựng trong hai xác quyết căn bản này: một đàng, Đức Kitô, là Đấng đã bị Thiên Chúa đối xử như tội lỗi vì chúng ta (câu 21), đã chết cho chúng ta (câu 14); đằng khác, Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với Chính Ngài, mà không quy tội cho chúng ta (câu 18-20). Nhờ “thừa tác vụ hòa giải này” tất cả mọi nô lệ đều đã được chuộc lại (x. 1 Cor 6:20 ; 7:23 ).

Ở đây chúng ta thấy tất cả những điều trên thích hợp với đời sống chúng ta thế nào. Chúng ta cũng phải đi vào “thừa tác vụ hoà giải này”, là thừa tác vụ luôn bao hàm việc từ bỏ sự cao vượt của chính mình và chọn sự điên rồ của tình yêu. Thánh Phaolô đã từ bỏ chính sự sống của ngài, hoàn toàn hiến mình cho thừa tác vụ hòa giải, cho Thập Giá là ơn cứu độ của tất cả chúng ta. Và đây là điều chúng ta cũng phải biết làm: Chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh của mình chính trong sự khiêm nhường của tình yêu, và tìm thấy sự khôn ngoan của mình trong sự yếu đuối của việc từ bỏ [mình] để đi vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta phải xây dựng đời sống mình trong sự khôn ngoan thật này: Không sống cho chính mình, nhưng sống trong Đức Tin vào Thiên Chúa này, là Đấng mà tất cả chúng ta có thể nói về Người rằng: “Người đã yêu tôi và hiến mạng sống Người cho tôi”.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 30/10/2008
LÊN BỜ

N2T


- “Khai mở đường giác ngộ thì khó hay dễ ?”

- “Không khó không dễ.”

- “Tại sao ?”

- “Bởi vì nó và khó hay dễ thì không quan hệ gì nhau.”

- “Vậy thì con người nên làm như thế nào, mới có thể đi đến bờ ?”

- “Con người vĩnh viễn sẽ không thể nào đi đến bờ, bởi vì nó là một đoạn đường du lịch “không thời gian”, chỉ cần anh bỏ dở cuộc du lịch, thì anh có thể an tọa trong nhà mình.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Giác ngộ không phải là một bài toán, cho nên không thể khó hay dễ; giác ngộ cũng không phải là một công trình cầu đường hay kiến trúc, nên không thể có phạm trù khó hay dễ. Nhưng giác ngộ chính là vấn đề thuộc tâm linh giữa con người với Thiên Chúa, cho nên chỉ có sự quyết tâm hay thối chí, thành thật hay dối trá mà thôi.

Bến bờ tâm linh không ở đâu xa xôi trên chín tầng trời hay bên Thiên Trúc, nhưng hể ai có lòng thiện tâm từ bỏ điều ác để quay về với sự thiện, thì đã đến bờ tâm linh, chính là tâm hồn của chúng ta.

Có một vài người Ki-tô hữu luôn đọc kinh sáng tối nhưng vẫn cứ không đến được bến bờ bình an, vì họ luôn đặt vấn đề nên thánh khó hay dễ, mà không khiêm tốn đặt mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Bởi vì khai mở con đường giác ngộ, là khai mở tâm hồn đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa, để cho Thần Khí hướng dẫn chúng ta đến bờ bến hạnh phúc đời này và đời sau.

Nhưng tiên vàn không nên suy nghĩ là khó hay dễ giác ngộ, mà là khiêm tốn mở rộng lòng để đón nhận sự khai mở trí lòng từ nơi Thánh Thần của Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 30/10/2008
N2T


31. Người cầu nguyện, không nên dùng những lời đường mật phỉnh phờ với Thiên Chúa, vì như thế không có ích lợi gì cả.

(Thánh Cyprian)
 
Lễ Các Thánh Nam Nữ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:37 30/10/2008
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Tin mừng: Mt 5, 1-12a.

“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của anh em ở trên trời thật lớn lao.”


Bạn thân mến,

Bạn có tin rằng, gia đình bạn hoặc những người trong thân tộc bạn nhất định là sẽ có ít nữa là một người được nên thánh không ? Tôi thì tôi tin chắc rằng chắc chắn là đã có người nên thánh, tức là đang ở trên thiên đàng với Thiên Chúa, bởi vì tất cả những ai tin vào Chúa thì sẽ không phải thất vọng bao giờ.

Mục đích của bạn và tôi sống ở đời này để làm gì, nếu không phải là đi theo Chúa Giê-su, học nơi Ngài cách sống để được hưởng hạnh phúc trên trời mai sau ? Các thánh nam nữ đã làm như thế và giờ đây các ngài đang hưởng hạnh phúc viên mãn trên thiên đàng với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Mẹ Maria.

Bạn và tôi hay bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều hy vọng sẽ được nên thánh như các thánh tông đồ, các thánh tử đạo.v.v... nhưng hy vọng mà không thực hiện điều mong ước thì chuyện nên thánh chẳng bao giờ thành cả, bởi vì Chúa Giê-su đã nói: cần phải khỏe mạnh mới chiếm được Nước Trời. Mà khỏe mạnh để chiếm được Nước Trời là: đức tin mạnh mẻ, yêu thương không giả dối, phục vụ không điều kiện, quyết tâm nên thánh không mệt mỏi.v.v...đó là sự mạnh mẻ cần thiết của đời sống tâm linh của bạn và tôi.

Bạn thân mến,

Lễ các thánh nam nữ là cơ hội lớn để cho bạn và tôi tự kiểm điểm lại cuộc sống của mình có phù hợp với Tám Mối Phúc Thật hay chưa ? Và cũng là dịp mà Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta biết: quê hương thật của bạn và tôi chính là ở trên trời, nơi có Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị, chứ không phải là ở thế gian này.

Xin các thánh nam nữ cầu bàu cùng Chúa cho bạn và tôi, là những người đang trên đường đi về quê trời, biết noi gương các ngài, thực hành Tám Mối Phúc trong cuộc sống, để ngày sau cũng được lên trời như Chúa Giê-su và các ngài vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Bài giảng Lễ Tạ Ơn và Bế Mạc Năm Thánh nhà thờ Trì Chính, Giáo Phận Phát Diệm Chúa Nhật 26/10/08
LM. Hồng Phúc ghi
21:38 30/10/2008
LTS. Ngày 26 / 10 / 2008 Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng đã về chủ sự thánh lễ bế mạc Năm thánh Trì Chính, giáo phận Phát Diệm, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. (Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám quản giáo phận Phát Diệm hiện đang ở Rôma) Mặc dù mưa tầm tã suốt 6 tiếng tại Nam Định và Ninh Bình, Đức cha vẫn về chủ sự thánh lễ và giảng lễ với nhiều tâm tình lắng đọng và cảm xúc.Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức cha Giuse giáo phận Hải Phòng.



LỄ TẠ ƠN VÀ BẾ MẠC NĂM THÁNH Nhà thờ Trì Chính, Giáo phận Phát Diệm Chúa nhật 26-10-2008


Kính thưa Cộng đoàn,

Là những thế hệ hậu sinh, chúng ta vinh dự được đặt chân trên mảnh đất thiêng liêng của Giáo phận Phát Diệm, đó là Giáo xứ Trì Chính. Gọi là linh thiêng, vì Giáo xứ này, từ 100 năm nay, đã và đang là nơi Thiên Chúa thi ân giáng phúc, là nơi Ngài giáo huấn chúng ta trong đức tin.

1-Giáo xứ Trì Chính là nơi có vị thế quan trọng của Giáo phận. Nơi đây đã sinh ra một Giám mục, nhiều Linh mục, Tu sĩ và biết bao người thành đạt trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Những người con của Quê Hương đã và đang không ngừng đem lại niềm tự hào cho miền Đất Mẹ, tại nhiều nơi trong toàn cõi Việt Nam cũng như Hải ngoại. Nơi đây đã có những cơ sở quan trọng của Giáo phận như Trường thử, Dòng kín, xưởng in. Những sinh hoạt này cho thấy Giáo xứ đã trưởng thành từ rất sớm. Những cơ sở và sinh hoạt đó cũng cho thấy sự ưu ái và niềm tin của Bề Trên Giáo phận nơi Giáo xứ này.

2-Giáo xứ của chúng ta còn là nhân chứng trung kiên của đời sống đức tin. Nhìn lại lịch sử 100 năm, chúng ta thấy đó là một hành trình dài, được đan quyện vào nhau giữa những vui mừng và đau khổ, được xen kẽ liền kề những thành công và thất bại, được hòa lẫn với nhau giữa nước mắt và nụ cười. Nhưng trên tất cả và vượt thắng tất cả, đó là sức mạnh đức tin. Hạt giống đức tin được gieo trồng tại Giáo xứ đã không ngừng phát triển và đứng vững trước phong ba bão tố của thời gian. Người tín hữu của vùng đất này đã kiên cường trước những thách đố thời cuộc và mưu mô của con người. Đức tin không mai một trước những thử thách, trái lại càng được tôi luyện để trở nên vững vàng hơn.

3-Giáo xứ của chúng ta còn là nhân chứng của tình thương Thiên Chúa và sự Quan phòng kỳ diệu của Ngài. Nhìn lại những trang sử bi thương nhưng ngời sáng của Giáo xứ, chúng ta thấy lời hứa của Đức Giêsu đã thực hiện: “Này đây, Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. và hôm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn và thử thách, lời của Chúa luôn vang lên nâng đỡ chúng ta: “Đừng sợ, Thày đã thắng thế gian”. Giữa những thăng trầm của thời cuộc, Thiên Chúa luôn chúc phúc và đồng hành với cộng đoàn Giáo xứ.

4-Bằng chứng hữu hình của Thiên Chúa là Cha yêu thương được thể hiện cụ thể qua ngôi thánh đường của Giáo xứ. Ngôi nhà thờ này chính là một người Mẹ. Mặc dù Mẹ đã 118 tuổi mà vẫn còn trẻ trung, vẫn giang rộng vòng tay để đón nhận những người con từ nhiều phương trời khác nhau trở về. Biết bao người đã được sinh ra trong ngôi Thánh đường này, biết bao người đã lớn lên qua các bí tích. Rồi cũng từ ngôi Thánh đường này, 118 năm qua, biết bao người đã lìa xa cộng đoàn trong lời kinh tạm biệt, khi họ nằm xuống trong hy vọng nơi Đấng Phục Sinh. Đã 118 năm nay, tiếng chuông nhà thờ vẫn thôi thúc, vẫn mời gọi con người hướng thượng, vượt lên khỏi vũng lầy của tăm tối tội lỗi để trở nên thanh thoát, vươn lên trời cao.

5-Ngày hôm nay, khi nhìn lại những kỳ công Chúa đã thực hiện, chúng ta được mời gọi cùng viết tiếp lịch sử của Giáo xứ. Cuốn sử của Giáo xứ không khép lại với ngày Bế mạc Năm Thánh, nhưng luôn mở rộng để mỗi người chúng ta có thể cùng nhau viết lên những trang mới, trong vui tươi, thánh thiện và yêu thương. Từ ngôi thánh đường này, chúng ta lên đường để kể cho anh chị em, cùng tôn giáo cũng như không cùng tôn giáo, những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện. Hãy nói với họ về Đức Giêsu và giáo huấn của Người. Nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng hướng về tương lai. Tự hào về một truyền thống tốt đẹp, chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các bậc Tiền nhân. Các ngài đã chấp nhận nhiều thương đau để đức tin của chúng ta được trường tồn. Noi bước những chứng nhân trung kiên của Giáo xứ, chúng ta hãy sống xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu. Hãy sống xứng đáng là những người con của một Giáo xứ luôn kiên trung và nhiệt thành.

Từ 6 tháng nay, tức là thời gian Tòa Thánh cho phép chúng ta được mở Năm Thánh, có biết bao người đã đến nơi đây để được lĩnh ơn Toàn Xá. Ơn của Chúa như mưa được đổ xuống nơi này để tiếp tục sinh hoa kết trái, làm vẻ vang Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Hơn nữa, như được đề cập trong thư thỉnh nguyện gửi Tòa Thánh của Đức Cha Giám quản Giáo phận Phát Diệm, Năm Thánh cũng còn là thời gian tổ chức các khóa học hỏi Giáo lý và Thánh Kinh, các buổi hội thảo, cầu nguyện, tĩnh tâm. Những sinh hoạt đạo đức này đã và đang góp phẩn củng cố và phát triển đức tin vốn đã chắn chắn và kiên trung của cộng đoàn chúng ta. Trong dịp vui mừng hồng phúc này, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài ban. Qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương Mân Côi, của Thánh Phê-rô Bổn Mạng, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cộng đoàn chúng ta trong sự hiệp nhất yêu thương và nhiệt thành tông đồ. Chúng ta cũng tưởng nhớ và cầu nguyện cho các Đấng Bậc đã chăm lo hướng dẫn mục vụ trong Giáo xứ qua mọi giai đoạn khác nhau. Hãy cầu nguyện cho Quý vị ân nhân, thân nhân của Giáo xứ, còn sống cũng như đã qua đời. Xin Chúa thưởng công cho Quý Vị. Xin Ngài chúc lành cho Giáo xứ, hôm nay và mãi mãi. Amen

+ Giuse Vũ Văn Thiên

Giám Mục
 
Mẹ Thiên Chúa
Vũ Văn An
21:44 30/10/2008
Mẹ Thiên Chúa

Mỗi lần đọc Kinh Kính Mừng, ta xưng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời”. Tước hiệu này tức khắc trở thành lời tuyên xưng căn bản nhất về Đức Mẹ trong đức tin Công Giáo của ta, và cũng là lời tuyên xưng thân thiết nhất trong lòng sùng kính Công Giáo.

Thực vậy, nếu Đức Mẹ không phải là Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn không một tước hiệu nào khác của Ngài có ý nghĩa chi hết; và vì Người là Mẹ Thiên Chúa, nên tước hiệu nào ta dành cho Ngài, người cao trọng nhất trong mọi loài thụ tạo, đều không sánh được với tước hiệu Mater Dei này.

Học Lý

Trong Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ, mà các điểm cốt lõi đã có từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội tuyên xưng niềm tin của mình vào Con Thiên Chúa, sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh. Vì là Mẹ Con duy nhất của Thiên Chúa, nên ngài là Mẹ của chính Thiên Chúa, vì Ngôi Hai Thiên Chúa Ba Ngôi chính là Thiên Chúa thật, cùng muôn thuở đời đời với Đức Chúa Cha, và cùng một bản thể với Đức Chúa Cha. Cho nên không lạ gì khi Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ tuyên xưng chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, vì mạc khải trước nhất về Đức Mẹ, tức mạc khải Ngài là Mẹ Đấng Được Xức Dầu, cũng đã khẳng định Mẹ là Mẹ Thiên Chúa rồi.

Tiên tri Isaia tiên báo rằng một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con Trai, và tên của Người sẽ là Emmanuel. Xét theo chiểu tự, chữ này cũng đọc là Immanuel, nghĩa Hy Bá Lai là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Lời giải thích này chính Thánh Mátthêu đã đưa ra, khi ngài mô tả sứ điệp thiên thần nói với Thánh Giuse: đừng sợ nhận Maria làm vợ hợp pháp của mình, sau khi bà thấy mình có thai (Mt 1:23).

Soạn giả Phúc Âm Luca cũng minh nhiên không kém. Khi Đức Mẹ hỏi làm thế nào Ngài có thể trở thành Mẹ Đấng Được Xức Dầu, thì thiên thần cho ngài hay: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà. Và do đó, Đấng Thánh từ bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Điều người học trò của ngài viết đã được chính Thánh Phaolô nhắc lại. Thực vậy, Thánh Phaolô nói với tín hữu Galát rằng: “Thiên Chúa sai Con một mình, sinh bởi một người đàn bà” (Gl 4:4).

Đàng khác, khi Đức Mẹ đi viếng người chị em họ, những lời đầu tiên của bà Êlisabét là những lời thán phục. Con trẻ Gioan hân hoan nhẩy mừng trong bụng mẹ khiến Êlisabét thốt lên: “Làm sao tôi xứng đáng được mẹ Chúa tôi viếng thăm?” (Lc1:42).

Các giáo phụ tiên khởi nhất trí tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Ai có thể sửa cho hay hơn được lời tuyên bố của Thánh Inhaxiô thành Antôkia khi ngài viết thư gửi tín hữu Êphêsô trong lúc đang trên đường chịu tử đạo ở Rôma? Ngài viết: “Thiên Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, được Đức Maria cưu mang trong lòng”. Theo Thánh Inhaxiô, quả thật Chúa Kitô “bởi dòng giống Đavít, nhưng do quyền lực Chúa Thánh Thần” (Gửi Tín Hữu Êphêsô, số 53).

Không lạ gì, đến thế kỷ thứ ba, các giáo phụ Hy Lạp đã nghĩ ra danh hiệu Theotokos (Theos = Thiên Chúa, và tokos = mẹ) để mô tả Mẹ Chúa Giêsu. Và ngay cuối thế kỷ thứ tư, Thánh Grêgôriô Nazianzô đã mạnh dạn tuyên bố rằng “Ai không nhìn nhận Thánh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, người ấy xa lìa Thiên Chúa” (Thư 101, 4).

Tuy nhiên, trong khi ấy, đã xuất hiện nhiều lạc giáo, tất cả đều nghi ngờ thần tính của Chúa Giêsu. Cerinthus và phái Ebionite thuộc các thế kỷ thứ nhất và thứ hai, phái nhất ngôi nhất thể (monarchism) trong các thế kỷ thứ hai và thứ ba, phái Ariô, phái Makêđôniô, và phái Apôlinariô trong thế kỷ thứ bốn, vì các khía cạnh và lý do khác nhau, đã bác bỏ chân lý Chúa Giêsu thành Nadarét là Thiên Chúa thật đã sinh ra làm người.

Các lạc giáo ấy chuẩn bị sân khấu cho lạc giáo Nestôriô, giám mục và là thượng phụ Constantinople. Nestôriô trước đó vốn là một đan sĩ tại đan việc Antiôkia. Ông cũng là một nhà giảng thuyết danh tiếng đến độ hoàng đế phải ra lệnh để ông điền khuyết tòa trống ngôi tại Constantinople.

Sau khi lên làm giám mục không lâu, Nestôriô bất đồng ý kiến ngay với giáo dân của mình vì đã ủng hộ tuyên úy của mình chống lại việc sử dụng danh hiệu Theotokos để chỉ Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Maria. Giáo dân trong giáo phận của ông tỏ ý bất mãn nên chẳng bao lâu chủ trương của ông bị phẫn nộ và chống đối khắp vùng Trung Đông. Các tín hữu giáo dân trong vùng khiếu nại lên các giám mục liên hệ của họ, lúc đó đang được Thánh Xirilô thành Alexandria lãnh đạo. Cuối cùng, cả Nestôriô lẫn các địch thủ khiếu nại lên Rôma. Ngày 7 tháng Mười Hai năm 430, Đức Thánh Giáo Hoàng Xêlestinô lên án giáo huấn của Nestôriô là lạc giáo và truyền cho Thánh Xirilô công bố án quyết truất phế Nestôriô, nếu ông ta không chịu tùng phục. Vốn có cảm tình với Nestôriô, nên không lạ gì hoàng đế đã triệu tập một công đồng chung để giải vạ cho vị thượng vụ này. Nhưng thay vì giải vạ, Công Đồng Êphêsô ngày 22 tháng Sáu năm 431 đã tái xác nhận việc lên án Nestôriô, khiến hoàng đế buộc phải theo quyết định của công đồng.

Định nghĩa của Êphêsô vỏn vẹn chỉ có một câu ở thể phủ định: “Ai không tin Đấng Emmanuel (Chúa Kitô) thực sự là Thiên Chúa, và do đó, Đức Maria Thánh Thiện là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), vì về phương diện thể xác chính Ngài đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, người ấy phải chịu vạ tuyệt thông”.

Công đồng Êphêsô đặt căn bản giáo huấn của mình trên hai tiền đề sau đây của đức tin Công Giáo:

Đức Maria là mẹ thật. Ngài đóng góp mọi sự cần thiết để hình thành ra bản tính nhân loại nơi Chúa Kitô, mà mọi người mẹ khác vốn đóng góp để hình thành ra đứa con do họ hạ sinh. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có ai lại nghĩ Đức Maria là mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa của Chúa Kitô. Là Thiên Chúa, từ thuở đời đời, Chúa Kitô đã đ ược Đức Chúa Cha sinh ra. Không giống các thần minh ngoại giáo, Thiên Chúa chân thực duy nhất không có nữ thần mẹ nào sinh ra Người cả.

Do đó, Đức Mẹ quả là Mẹ Thiên Chúa thật. Tại sao? Vì Đức Mẹ cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa Ba Ngôi; dĩ nhiên không phải theo Bản Tính Thiên Chúa mà là theo bản tính nhân loại, một bản tính mà Con Thiên Chúa tự ý mang lấy ngõ hầu có thể dâng mình trên Thánh Giá để cứu chuộc ta.

Lịch sử Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria

Một trong những sự kiện ít được biết đến về Công đồng Êphêsô là không phải mọi giám mục đều chấp nhận việc định nghĩa của Công đồng này. Không ít các giám mục, nhất là ở Đông Phương, đã về phe với Nestôriô và do đó đã khước từ hợp nhất với Rôma và Giáo Hội Công Giáo.

Thế là hạt giống chia rẽ được gieo vãi nơi các Kitô hữu, mà hoa trái sẽ thấy rõ trong các thế kỷ về sau. Hoa trái đắng đót không hẳn nhỏ chính là việc phát triển của Hồi Giáo vào hai trăm năm sau, khi Mohammad công bố tôn giáo mới vào năm 622 CN.

Không phải là một trùng hợp, nhưng rõ ràng là một trong những nghịch lý bi thảm nhất của lịch sử, vì khi Mohammad xuất hiện trong tư cách một tiên tri, thì hình thức Kitô giáo trổi vượt được ông ta tiếp xúc chính là phái Nestôriô. Cho nên không lạ gì khi cho viết ra Kinh Kôrăng, dù rất kính trọng Miriam, mẹ Đức Isa (Giêsu), Mohammad chỉ nhìn nhận ngài là mẹ một phàm nhân; theo ông, Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa. Mohammad định nghĩa Kitô hữu là người lầm lẫn cho rằng Đức Giêsu không phải chỉ là Ibn Miriam, con trai bà Maria, mà thực ra là Ibn Allah, Con Thiên Chúa.

Với hơn một tỉ người Hồi Giáo trên khắp thế giới ngày nay, người ta hẳn phải đặt nhiều chữ “nếu” cho lịch sử để mà suy đoán chuyện gì sẽ xẩy ra nếu mọi giám mục tại Êphêsô đều nhất loạt duy trì lòng trung thành với gia tài tông truyền của mình, và chấp nhận Đức Maria không phải chỉ là Mẹ Đức Giêsu (như Mohammad), mà còn là Mẹ Đấng Tạo Ra Mình, Đấng đã tiếp nhận bản tính nhân loại từ Đức Maria, nhờ thế mà cứu chuộc được thiên hạ.

Ta gần như có thể nói được rằng Công Đồng Êphêsô là một khúc phân rẽ các môn đệ của Chúa Kitô. Một lần nữa, cũng không phải là trùng hợp, và lần này có ý nghĩa hơn nhiều, trong 1,500 năm qua, những người thừa nhận Đức Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa duy nhất chân thật cũng là những người có lòng tin bền đỗ vào Chúa Giêsu Kitô, bất chấp các giông bão lớn lao do các giáo huấn sai lầm về con người Chúa Kitô đem lại.

Ta cần hiểu rõ điều Giáo Hội dạy khi Giáo Hội tuyên bố rằng Đức Maria Vô Nhiễm chính là Mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội muốn dạy rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì Con của ngài là Thiên Chúa ngay từ giây phút đầu tiên làm người trong lòng Đức Maria. Một lần nữa, vì Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nên bất cứ bóng dáng hoài nghi nào về chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Ngài cũng trở thành một hoài nghi đối với Thần Tính của Con Ngài. Cho nên, trên thực tế, một dấu chỉ tính chính thống Công Giáo chính là mức độ sùng kình ta dành cho Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Maria.

Hệ luận

Ta cần nhấn mạnh một lần nữa rằng để đáng được tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria không cần phải ban cho Con mình bản tính Thiên Chúa, giống như các bà mẹ khác đâu cần phải ban cho con mình cả hồn lẫn xác đâu. Vì linh hồn luôn được Chúa tạo nên nơi mỗi con người. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài là Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà trong Ngôi Vị Thiên Chúa duy nhất, bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa hợp nhất với nhau một cách không thể nào phân cách được.

Nhưng Đức Maria có nhiều căn cứ để coi mình là Mẹ của Con mình hơn bất cứ người mẹ nào khác. Tại sao? Vì theo lẽ tự nhiên, các người mẹ khác phải chia sẻ quyền làm cha mẹ với chồng mình, trong khi Đức Maria hạ sinh Con mình mà không cần tới sự cộng tác của phàm nhân.

Nhìn nhận Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ta sẽ không lấy làm lạ là Giáo Hội đã không còn tìm đâu ra đủ ngữ vựng trong ngôn ngữ loài người để mô tả địa vị cao cả này. Một cô gái nghèo hèn, yếu đuối lại trở nên Mẹ của Thiên Chúa vô biên, toàn năng và vĩnh cửu. Một con gái vô danh của Ađam lại trở thành hình ảnh thụ tạo hoàn hảo nhất của Chúa Cha, Mẹ Chúa Con, và hiền thê của Chúa Thánh Thần, nữ tỳ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ta hãy vắn tắt trích dẫn bốn vị thánh qua các lời tuyên bố bề ngoài xem ra quá trớn nhưng thực chất không quá trớn chút nào về địa vị trên của Đức Mẹ.

Thánh Eusebius nói rằng để hiểu sự cao cả trong địa vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ta phải hiểu được sự cao cả của Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Thomas Aquinas nói rằng địa vị làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cao cả đến nỗi Ngài dự phần vào cõi vô biên, một cái gì đó của chính Thiên Chúa.

Thánh Bernard gọi Ngài là phép lạ của mọi phép lạ, kỳ công của Thiên Chúa toàn năng.

Thánh Bonaventure nói rằng Thiên Chúa có thể tạo ra một thế giới đẹp đẽ hơn, vĩ đại hơn, kỳ diệu hơn là thế giới Người đã dựng nên. Song Người không thể tạo ra một người mẹ cao cả hơn Mẹ Thiên Chúa.

Mừng Kính Trọng Thể Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Sau Công Đồng Vatican II, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lấy ngày 1 tháng Giêng hàng năm làm ngày lễ trọng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ngài trình bầy các lý do của việc thay đổi đáng kể này. Ta biết trong nhiều thế kỷ, ngày 1 tháng Giêng từng là ngày lễ Chúa Giêsu chịu cắt bì, như Phúc Âm Thánh Luca tường thuật. “Và cuối ngày thứ tám, lúc cắt bì, Người được đặt tên là Giêsu, tên thiên thần vốn tặng cho Người trước khi Người được tượng thai trong lòng mẹ” (Lc 2:21). Một lý do khiến ngày 1 tháng Giêng trở thành ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là: theo nguồn gốc, Giáo Hội vốn cử hành Tuần Bát Nhật Giáng Sinh vào ngày này, và chỉ sau đó nó mới biến thành lễ Chúa Giêsu chịu Cắt Bì. Sau đây là lời giải thích của Đức Giáo Hoàng về việc thay đổi tước hiệu ngày lễ mồng 1 tháng Giêng.

Trong việc sửa đổi, sắp xếp lại mùa Giáng Sinh, ta nên đồng tâm hướng về ngày lễ trọng vừa được tái lập mừng kính Mẹ Thiên Chúa. Lễ này được đưa vào ngày đầu hết của tháng Giêng trong lịch phụng vụ của thành Rôma. Mục đích việc cử hành này là để tôn kính vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc và đồng thời ca khen địa vị có một không hai của “Mẹ Thánh… qua Ngài chúng ta nhận được ơn phúc Tác Giả sự sống”. Lễ trọng này cũng cho ta cơ hội tuyệt vời để đổi mới lòng thờ kính cần phải bầy tỏ với Hoàng Tử Hòa Bình vừa mới sinh ra, khi một lần nữa, ta lại được nghe tin mừng hân hoan lớn lao và đầy cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, qua sự bầu cử của Nữ Vương Hoà Bình, để được ơn bình an vô giá. Vì những xem sét ấy và vì sự kiện tuần bát nhật Giáng Sinh trùng với một ngày đầy hy vọng, tức Ngày Đầu Năm, Ta đã chỉ định ngày này làm ngày Hòa Bình Thế Giới (Phaolô VI, Marialis Cultus, tháng 2 năm 1974, số 5).

Thành ra, Ngày Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thực ra là ba lễ Đức Mẹ dồn một:

Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa,

Lễ Đức Mẹ là mẹ ơn thánh Chúa, và

Lễ Đức Mẹ là Nữ Vương Bình An.

Mấy lời giải thích về mỗi vai trò trên sẽ giúp ta hiểu rõ ý nghĩa chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ.

Mẹ Thiên Chúa. Hình thức cầu nguyện cao nhất ta có thể dâng lên Đức Mẹ là lời tôn kính. Qua lời tôn kính này, ta ca ngợi và vinh danh Đức Mẹ, ta tỏ lòng kính trọng và tôn kính đối với Ngài, ta nhìn nhận sự cao cả và tán dương phẩm vị cao qúy của Ngài.

Nhưng không có một tước hiệu nào cao hơn mà ta có thể dùng để tôn kính Đức Maria bằng xưng tụng Ngài là Mẹ Thiên Chúa. Mọi dấu chỉ tôn kính khác đều phụ thuộc vào tước hiệu này, vì mọi hình thức ưu tú khác nơi Đức Maria đều phát xuất từ sự kiện: dù là tạo vật của Thiên Chúa, nhờ các dự tính mầu nhiệm của Chúa, Ngài đã trở nên Mẹ Đấng Hóa Công.

Mẹ Ơn Thánh Chúa. Ta đã quá quen đề cập đến việc Đức Mẹ là Mẹ ơn thánh Chúa đến độ không còn hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của nó nữa. Thực ra điều ấy có nghĩa gì? Nó muốn nói: Trừ Đức Mẹ ra, ta chẳng đáng tiếp nhận Chúa Kitô. Ngài là Tác Giả sự sống thiêng liêng của ta, nói cách khác, là Nguồn mọi ơn thánh mà nếu không có nó, không một ai trong chúng ta có thể hy vọng được lên thiên đàng. Thuật ngữ ấy có nghĩa là: Đức Maria sinh dưỡng Đấng vốn là Tác Giả mọi ơn thánh, không phải chỉ theo nghĩa thể lý qua việc thụ thai và hạ sinh Người, mà còn theo nghĩa thiêng liêng qua việc chăm sóc Người lúc còn sống trên thế gian, và theo nghĩa huyền nhiệm nữa sau khi Người về trời bằng cách chăm sóc Giáo Hội non nớt của Người.

Dù sao, vẫn có hai hình thức sống mà ai trong chúng ta cũng có: sự sống tự nhiên ta tiếp nhận được lúc mẹ ta tượng thai và sinh hạ ra ta, và sự sống siêu nhiên ta tiếp nhận được lúc chịu Phép Rửa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã được Đức Maria hạ sinh nơi trần gian.

Nữ Vương Bình An. Sáng Ngày Giáng Sinh, các thiên thần hát rằng: “Sáng danh Chúa Cả trên trời, và bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2:14). Phần các mục tử, họ kể lại cho Đức Mẹ các điều họ nghe các thiên thần nói, và nhờ thế, Đức Mẹ hiểu rõ Con Trai mình chính là Đấng được tên gọi Giêsu hàm nghĩa, tức Hoàng Tử Hoà Bình.

Tại sao lại là Hoàng Tử Hòa Bình? Vì trong tư cách Cứu Chúa của nhân loại tội lỗi, Người đã lập lại nền hòa bình giữa Thiên Chúa bị xúc phạm và loài người phạm thượng. Vì, ngay về phương diện tự nhiên, con người cũng đã thù nghịch lẫn nhau vì tính vị kỷ của mình, nên nhờ ơn thánh của Chúa Kitô, họ đã vượt trên lòng vị kỷ kia mà sống bình an với nhau.

Nhưng nếu Chúa Kitô là Hoàng Tử, nghĩa là Nguồn Suối của bình an, thì Đức Maria, Mẹ của Người, là Nữ Vương Bình An? Sao lại như thế được? Vì Ngài đã ban cho ta Đấng mà nếu không có Người, ta sẽ không có bình an: (a) giữa Thiên Chúa và con người nhờ ơn tha tội; (b) trong chính con người vì ý chí họ nay đã được kết hợp với ý Chúa; và (c) giữa con người với nhau, vì họ thực hành được đức công bằng và bác ái vô vị lợi.

Đó cũng là điều Giacaria, thân phụ Gioan Tẩy Giả, đã tiên đoán vào ngày con ông sinh ra. Trong Kinh Benedictus, ông nói tiên tri rằng sẽ đến ngày, Con Trai Đức Maria sẽ “dẫn ta bước vào nẻo bình an” (Lc 1:79).

Ngày nay, như 20 thế kỷ lịch sử đã dạy, sẽ không thể có bình an thực sự trên trái đất hay trong lòng người nếu không có niềm tin và niềm trông cậy vào Người Con của Đức Maria. Và cũng như Simeon từng nói với Đức Mẹ, ta cũng hy vọng có ngày được thưa với Chúa trước lúc lìa đời rằng: “Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa ra đi bình an…vì mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài” (Lc 2:29-30).

Theo Cha John A. Hardon, S.J.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH: Đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo là nhiệm vụ của mọi người
Phụng Nghi
14:11 30/10/2008
Vatican (VIS) – Hôm nay tại Tòa thánh Vatican, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã tiếp kiến một phái đoàn của Ủy ban Do thái Quốc tế về Tham vấn Liên tôn giáo. Tòa thánh “trong hơn 30 năm qua đã có những cuộc tiếp xúc thường xuyên và hữu hiệu với Ủy ban này, và Ủy ban đã góp phần làm tăng tiến sự hiểu biết và chấp nhận giữa người Công giáo và Do thái giáo.”

Đức giáo hoàng nói: “Nhân dịp này tôi vui mừng được tái khẳng định lời cam kết của Giáo hội muốn thực thi những nguyên tắc đặt ra trong bức thông điệp lịch sử “Nostra Aetate” của Công đồng Vatican II. Bức thông điệp đó cực lực lên án mọi hình thức bài Do thái, biểu hiệu một dấu mốc đáng kể trong lịch sử lâu dài những cuộc giao lưu Công giáo – Do thái giáo, đồng thời cũng là một lời kêu gọi canh tân tri thức về thần học trong các mối liên hệ giữa Giáo hội và Dân tộc Do thái.”

Đức thánh cha nói tiếp: “Người tín hữu Kitô giáo ngày nay không ngừng ý thức về di sản tinh thần họ đang cùng chia sẻ với dân tộc của Ngũ Thư, dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn bởi lòng nhân từ khôn tả của Người, một di sản kêu gọi tán thưởng, tôn trọng và yêu thương nhau hơn. Cả người Do thái cũng được thách đố phải khám phá ra những điểm chung với tất cả mọi người cùng có niềm tin vào Thiên Chúa, Thiên Chúa của Israel, đấng đầu tiên mặc khải chính mình Người qua Lời đầy quyền uy và ban sự sống.”

Trong thế giới xáo trộn của chúng ta, thường xuyên ghi dấu bằng những nghèo nàn, bạo lực và bóc lột, cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo phải càng ngày càng được coi là nhiệm vụ thánh thiêng ràng buộc tất cả những ai quyết tâm xây dựng một thế giới xứng đáng với con người. Khả năng nhìn nhận và tôn trọng lẫn nhau, nói lên lời chân lý trong tình yêu thương, là điều căn bản để lướt thắng những mối bất hòa, ngăn ngừa những hiểu lầm, và tránh đi những đụng độ không cần thiết… Một cuộc đối thoại chân thành cần có sự cởi mở và ý thức vững chắc về căn tính của cả hai phiá, hầu cho mỗi bên được phong phú thêm lên nhờ khả năng của phía bên kia.”
 
Christian (Magdi) Allam nói với ĐGH: Chủ nghĩa cực đoan và Khủng bố là kết quả chín mùi của Hồi giáo
Phụng Nghi
15:08 30/10/2008
VATICAN CITY (CNS) - Người ký giả gốc Hồi giáo được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI rửa tội hôm lễ Phục sinh năm nay, đã xin Đức thánh cha cho vị phụ tá cao cấp của ngài hiện phụ trách vấn đề đối thoại với người Hồi giáo biết rằng đạo Hồi tự thân không phải là một tôn giáo tốt và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không chỉ là kết quả gây ra do một nhóm thiểu số những người đi lạc đường.

Trong lúc Tòa thánh Vatican đang chuẩn bị tổ chức phiên họp đầu tiên của Diễn đàn Công giáo-Hồi giáo từ ngày 4 đến 6 tháng 11, thì Magdi Allam, người từ lâu phê phán đức tin Hồi giáo của cha mẹ mình, đã phổ biến một bức thư ngỏ gửi Đức giáo hoàng Bênêđictô, trong đó ông chỉ trích đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đòng giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo.

Trong bức thư ngỏ này, được đăng trên website của mình ngày 20 tháng 10, Allam nói rằng ông muốn trình bày với Đức giáo hoàng về mối quan tâm của ông liên quan đến “sự lầm lạc nghiêm trọng về tôn giáo và đạo đức đã xâm nhập và lan tràn ngay trong lòng giáo hội.”

Ông nói với Đức giáo hoàng rằng “vì phúc lợi chung cho giáo hội Công giáo, ích lợi chung cho Thiên Chúa giáo và chính cho cả nền văn minh Tây phương nữa” mà Đức giáo hoàng nên đưa ra một lời tuyên bố với “hình thức rõ ràng và cần thiết” về vấn nạn Hồi giáo có phải là một tôn giáo chân chính hay không.

Cuộc đối thoại của Giáo hội Công giáo với Hồi giáo đặt căn bản trên Bản Tuyên ngôn của Công đồng Vatican II về Liên hệ của Giáo hội với các Tôn giáo không phải là Kitô giáo (Nostra Aetate). Thông điệp này thúc đẩy mối thân tình đối với người Hồi giáo bởi vì “họ thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất”, cố gắng tuân theo thánh ý của Người, công nhận Chúa Giêsu là một vị tiên tri, tôn kính bà Maria là mẹ của Ngài, “coi trọng cuộc sống đạo đức và thờ phượng Chúa đặc biệt qua lời cầu nguyện, bố thí và chay tịnh.”

Hội đồng kêu gọi người Công giáo và Hồi giáo “thành thật cộng tác để hiểu biết nhau” và để phụng sự công lý xã hội, các giá trị đạo đức, hoà bình và tự do.”

Allam nói với Đức giáo hoàng rằng ông đặc biệt nhắm vào lời đức hồng y Tauran trong một cuộc họp báo hồi tháng 8 vừa qua có nói rằng chính Hồi giáo cổ võ hòa bình nhưng “một số” tín đồ đã phản bội đức tin của họ”, dùng đức tin đó làm cớ để bạo hành.

Allam nói với Đức giáo hoàng: “Với tất cả tấm lòng thành thật và được thúc đẩy bởi ý muốn xây dựng, con xin thưa với Đức thánh cha rằng thực tế khách quan hoàn toàn trái ngược với điều đức hồng y Tauran suy tưởng. Chủ nghĩa cực đoan và khủng bố Hồi giáo là kết quả chín mùi” của việc tuân giữ “những lời giảng huấn trong Kinh Koran và tư tưởng cũng như hành động của Mohammed.”

Allam nói rằng lời ông viết ra là do “lòng tôn trọng của một người tin tưởng chân thành” vào Kitô giáo, và trong cương vị một người bênh vực công khai, một nhân chứng và người xây dựng tích cực nền văn minh Thiên Chúa giáo.”

Sau khi được Đức giáo hoàng Bênêđictô rửa tội ngày 22 tháng 3 vừa qua hôm lễ Vọng Phục sinh, và Allam đã dùng cột báo do ông phụ trách và những cuộc phỏng vấn để kết án Hồi giáo, thì người phát ngôn Tòa thánh Vatican là Lm Dòng Tên Federico Lombardi phát biểu rằng khi Giáo hội Công giáo đón nhận một thành viên mới, không có nghĩa là giáo hội chấp nhận ý kiến của người đó về mọi phương diện.

Cha Lombardi nói: Phép thanh tẩy là một sự công nhận rằng người đi vào giáo hội ấy “đã tự do và chân thành chấp nhận đức tin Kitô giáo thể hiện trong các tín điều căn bản” nơi kinh Tin kính.

“Dĩ nhiên, người tín hữu có tự do duy trì những ý kiến riêng tư về nhiều vấn nạn và vấn đề vì chủ nghĩa đa nguyên hợp pháp vẫn hiện hữu nơi người theo Kitô giáo.”
 
Đức Thánh Cha nói đức tin của ĐTC Gioan XXIII là bí quyết của ngài
Bùi Hữu Thư
21:48 30/10/2008

Đức Thánh Cha nói đức tin của ĐTC Gioan XXIII là bí quyết của ngài



VATICAN CITY, ngày 29 tháng 10, 2008
(Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI tuyên bố vào ngày kỷ niệm đệ ngũ thập chu niên ngày bầu vị “Giáo Hoàng Tốt Lành”: “đức tin vào Chúa Kitô và Giáo Hội là bí quyết khiến cho ĐTC Gioan XXIII trở nên một người tuyên dương nền hòa bình thế giới.”

ĐTC người Đức khẳng định điều này trong bài nói chuyện với các khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để đánh dấu ngày kỷ niệm với một Thánh Lễ do Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone cử hành.

Thời giờ cử hành Thánh Lễ vào đúng lúc vào 50 năm trước đây Đức Hồng Y Angelo Roncalli (1881-1963) được bầu vào ghế của đấng kế vị Thánh Phêrô.

Người kế vị của ĐTC Gioan XXIII khi nhắc lại niềm vui lớn lao "gaudium magnum" Giáo Hội đã cảm nghiệm khi thấy ĐTC mới xuất hiện trên ban công của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, đã công nhận là “đây là một hiện tượng mở đầu và một tiên báo cho kinh nghiệm về tình phụ tử mà Chúa ban cho chúng ta chan hòa qua lời nói, hành động và việc phục vụ Giáo Hội của Đức Thánh Cha Tốt Lành.”

Ngài tiếp, "Ân sủng của Chúa chuẩn bị cho một mùa gặt mong manh nhưng đầy hứa hẹn cho Giáo Hội và xã hội, và tìm thấy được trong sự vâng phục Chúa Thánh Thần, là đặc tính của tất cả đời sống của ĐTC Gioan XIII; đây là thửa đất mầu mỡ đã làm nẩy mầm sự hòa điệu, niềm hy vọng, nền hòa bình, cho lợi ích của tất cả nhân loại.”

ĐTC Benedict XVI tiếp, "ĐTC Gioan biểu hiệu cho đức tin vào Chúa Kitô và sự trực thuộc Giáo Hội Mẹ và Thầy dậy dỗ, như đảm bảo cho nhân chứng Kitô giáo có ảnh hưởng tốt trên thế giới. Trong những tranh chấp khó khăn của thời đại này, Đức Thánh Cha Gioan là một người, một chủ chăn cho hòa bình, một người biết mở ra cho Đông Phương và Tây Phương những chân trời mới lạ về tình thân hữu giữa các Kitô hữu và khả năng đối thoại với tất cả mọi người.”

ĐTC người Đức nhắc lại một trong các buổi triều kiến nổi tiếng của ĐTC Gioan XXIII – vào Lễ Giáng Sinh đầu tiên khi ngài làm Giáo Hoàng năm 1958 – khi ngài hỏi mọi người hiện diện về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ của họ, Chính ĐTC Gioan XXII đã trả lời: “Vị Giáo Hoàng này đã hướng tầm mắt nhìn vào mắt của các các bạn, và đặt tim mình bên cạnh trái tim các bạn.”

ĐTC Benedict XVI kết luận, "Tôi cầu xin ĐTC Gioan XXIII cho chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi của ánh mắt cũng như trái tim của ngài để chúng ta nhận thức chúng ta thật sự là gia đình của Thiên Chúa.”

Đấng chăn chiên lành thánh

Trong bài giảng của Thánh Lễ kỷ niệm, Đức Hồng Y Bertone cũng suy niệm về đức tin của ĐTC Gioan XXIII, như đã được biểu lộ trong các văn kiện của ngài.

Ngài trích dẫn một đoạn văn của ĐTC Gioan XXIII, “ Sự bối rối của tôi tạo ra trong tôi cảm tưởng mình thật hèn mọn và cần phó thác trong bàn tay Chúa. Người thật sự đã làm tất cả mọi sự, và đã làm không có tôi tham dự, vì tôi không bao giờ có thể tưởng tượng hay dám có nhiều ước vọng như vậy. Tôi không ước muốn gì, tôi không biết nghĩ gì hơn là được sống và chết cho các linh hồn đã được trao gửi cho tôi chăm sóc."

Đức Hồng Y Bertone cũng nhắc đến sự tận hiến của Đức Thánh Cha Gioan cho việc cầu nguyện, và cũng trích dẫn một đoạn văn của ngài: “Trong những năm cuối đời, tôi muốn là một chủ chăn lành thánh theo mọi ý nghĩa của danh hiệu này. Mỗi ngày của tôi phải luôn luôn diễn tiến trong kinh nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của tôi.”
 
Top Stories
Luci e ombre per la Chiesa cattolica in Vietnam (tiếng Ý)
Radio Vaticana
11:12 30/10/2008
Luci e ombre per la Chiesa cattolica in Vietnam (tiếng Ý)
(Ánh sáng và bóng tối bao phủ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam)

29/10/2008 15.43.46 - Nuovo attacco delle autorità vietnamite nei confronti della Chiesa locale. In un rapporto della mgistratura – si legge su Avvenire – monsignor Joseph Ngo Quang Kiet, arcivescovo di Hanoi, è stato accusato di aver calunniato la nazione. I giudici inoltre hanno incriminato otto cattolici, già arrestati in passato, per “la distruzione di proprietà statale, raduno e preghiere illegali in aree pubbliche, disturbo dell’ordine pubblico”. Il riferimento è alle retate della polizia avvenute a fine agosto nei pressi della parrocchia di Thai Hai dove erano iniziate delle “preghiere di protesta” pacifiche per chiedere l’interruzione dei progetti edilizi su un terreno un tempo appartenente alla parrocchia confiscato poi dallo Stato. Più incoraggianti le notizie sul piano ecclesiale: nella diocesi di Xuan Loc, la più popolosa del Vietnam, è stata inaugurata una nuova sede distaccata del seminario maggiore di San Giuseppe di Ho Chi Minh Ville. Come la sede centrale, il distaccamento è stato autorizzato ad ammettere nuovi candidati su base annua mentre in passato tutte le ammissioni nei seminari in Vietnam erano regolate dal governo che ne fissava la cadenza. Attualmente il complesso, composto da due edifici di tre piani con 190 stanze, ospita 265 studenti. La speranza del rettore, padre Joseph Nguyen Nang, è che la struttura possa venire incontro alle accresciute esigenze pastorali della diocesi, che conta 800mila fedeli distribuiti in 300 parrocchie.
 
Cappato-Pennella: ''The European Parliament asks to stop Vietnam's war against human rights. The EU and Italy must act now''
Coranet
11:15 30/10/2008
Cappato-Pennella: "The European Parliament asks to stop Vietnam's war against human rights. The EU and Italy must act now"

BRUSSELS, 22nd October 2008 - With 479 votes in favour and only 21 against the European parliament adopted the Resolution put forward by the Radical MEPs Marco Cappato and Marco Pannella on the EU-Vietnam relations. In the document approved today, the European parliament asks the European Commission not to sign any agreement before the Vietnamese counterpart complies and respects the following conditions:

- A guarantee to the United Nations of an unfettered access to the entire country, including the central and northern highlands, where the Montagnard people live;

- The release of all of the political prisoners, including 300 Christian Montagnards as well as Khmer Krom Buddhist Monks, Human Rights activists, authors of petitions on land property, cyber-dissidents, trade unions leaders, catholic priests and members of the Hoa Hoa Buddhist church and the Cao Dai religion;

- To quash the house arrest sentence inflicted to Tich Quang Do, Supreme Patriarch of the Unified Buddhist Church of Vietnam, and to the Kmer Krom monk Tim Sakhorn;

- To allow independent religious organisations to freely exercise their activities; to give back the ecclesiastic properties and pagodas which have been confiscated by the Vietnamese government and to restore the juridical status of the Unified Buddhist Church of Vietnam;

- To abrogate the Vietnamese legislation dispositions which persecute any dissent and the exercise of certain religious activities.

Cappato and Pannella stated: “With its vote, the Parliament asks the Commission and the Council to respect its own European legality, which stipulates that all commercial agreements be subordinated to the Human Rights clause. The Nonviolent Radical Party, Transnational and Transparty commits to make sure that this vote will be observed. We will also inform the Italian Government about the seriousness of this situation and about the necessity to act immediately by means of official statements and actions”.

(Source: http://coranet.radicalparty.org/pressreleases/press_release.php?func=detail&par=8570)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội La Vang Las Vegas vào ''Sa Mạc Tình Yêu''
Phan Văn Sỹ
01:28 30/10/2008
ĐẠI-HỘI VÀO SA MẠC VỚI MẸ LA-VANG “SA MẠC TÌNH YÊU"

Tung hô Mẹ Maria,
Tung hô Mẹ đầy ơn phước,
Mẹ là ánh sáng soi chiếu muôn nơi.


LAS VEGAS - Vào lúc 04giiờ chiều ngáy Thứ Sáu 24-10-2008, Đền Thánh Mẹ La-Vang tưng bừng náo nhiệt với tiếng bước chân đi, tiếng ôn ào chào đón, gặp gỡ hòa với tiếng ca phát ra từ các loa phóng thanh trong khuôn viên Đền Thánh nói lên khung cảnh mở đầu cho ngày Đại-Hội. Giáo dân từ mọi nẻo đường tấp nập về đây tham dự Đại Hội Thánh Mẫu La-Vang kỳ V. Người người nối gót nhau bước vào sân Đền-Thánh. Những chiếc xe bus đổ khách hành hương từ Cali, từ Arizona dọc theo ven lộ của Đền Thánh. Họ tất cả từ khắp mọi nẻo đường: Cali, Texas, Arizona, Việt-Nam, Canada, Úc Châu lục địa và mọi tiểu bang trên đất Mỹ tới. Người thì đi xe bus, kẻ thì đáp máy bay, người thì tự lái xe đến… tất cả đều đến với tâm tình yêu mến Mẹ La-Vang và vui thích với những đề tài hấp dẫn trong Đại-Hội được phổ biến trên báo chí, đài phát thanh, internet…

Đúng 05giờ 00, tiếng chiêng trống báo hiệu, Đức cha Mai Thanh Lương, Đức cha Daniel Walsh cùng trên ba chục linh mục tiến đến 14 chặng Đàng Thánh Giá để làm phép các tượng ảnh, sau đó là Thánh Lễ khai mạc Đại-Hội do Đức Cha Daniel Walsh chủ tế và thuyết giảng. Trong bài giảng, ngài đã nói về sự diễn tiến và hình thành Ngôi Đền Thánh mà Ngài như một chứng nhân của sự phát triển mở mang nhanh chóng của Cộng-Đòan Mẹ La-Vang mà Ngài không thể tưởng tượng nổi với một Cộng Đòan bé nhỏ mà chỉ trong một thời gian ngắn đã tiến triển vượt bực. Trong bài giảng Ngài đã nói một câu thật cảm động: ” Tôi cám ơn cha Giuse Nguyễn Đức Trọng đã nhận lời về đây và cám ơn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam LasVegas đã làm cho bộ mặt của Thành Phố LasVegas được tươi mát và đổi mới, thu hút được bao ngàn người đến với Mẹ, điều này làm cho các giáo xứ địa phương phải nhìn vào như một tấm gương sáng để học hỏi.” Bài giảng của Ngài đã làm cho những giáo dân Việt-Nam cảm động trong niềm hãnh diện là mình đã một chút gì đóng góp cho thành phố Sin City này một tia lửa, một tình yêu, một nơi nương tựa sau những giây phút ngụp lặn trong các song bài !.

Nếu dùng viễn kính để đếm thì không kể siết, nhưng phỏng đóan có trên sáu ( 6 ) ngàn con cái Mẹ khắp nơi từ mọi nẻo đường trên thế giới về đây tham dự. Có những người không đi bằng chân được cũng nhờ gia đình đẩy xe lăn để đến với Mẹ, hầu xin Mẹ cứu chữa, như lời Mẹ hứa khi hiện ra ở La-Vang Việt Nam: ” Các con hãy tin tưởng,hãy vui lòng chịu đau khổ. Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ nơi đây, sẽ được tọai nguyện.".

Đại Hội năm nay đặc biệt có hai cha chữa lành là cha Nguyễn trường Luân ở Cali, cha Nguyễn Bình An ở Al Monte, các Ngài đã không quản ngại hy sinh đứng cả buổi để chữa lành cho hàng ngàn giáo dân tham dự. Bao nhiêu người đã nhận được ơn khỏi bệnh qua bàn tay của hai cha được Mẹ La-Vang chuyển cầu và Chúa Thánh Linh cứu chữa.

Con cái Mẹ về đây không những để xin Mẹ chữa lành và xin các ơn cần kíp mà còn để phạt tạ Trái Tim đầy lòng thương xót của Chúa và đền tạ Trái Tim Tân Khổ Mẹ Maria, nên sau các giờ sinh họat chữa lành, mọi người lại đến tụ họp trước Nhan Thánh Chúa để làm những giờ đền tạ do cha Giuse Nguyễn Văn Khấn hướng dẫn.

Ngày Thứ Bảy có thể nói là ngày trọng tâm của Đại Hội. Một chương trình kéo theo đầy những đề tài hấp dẫn và lôi cuốn bao ngàn khách hành hương khắp nơi tham dự. Mở đầu cho ngày Thứ Bảy Đại Hội, cha Đồng Minh Quang, mà ai nghe danh ngài cũng mến chuộng, đã dâng Thánh Lễ cầu cho các bệnh nhân và sức dầu chữa lành bình an cho mọi giáo dân. Những tiết mục cứ nối tiếp mà không một giáo dân nào có thể bỏ qua được như phần giảng thuyết “ Mọi sự sẽ qua đi trừ tình yêu “ do cha Chu Quang Minh, tiến sĩ tâm lý học, sáng lập Chương Trình TTHN/GĐ. Mà hàng bao ngàn các cặp Song Nguyền trên thế giới đều biết đến và ngưỡng mộ ngài.

Đề tài chính của Đại-Hội năm nay “ Sa Mạc Tình Yêu “ được cha Nguyễn Khắc Hy, tiến sĩ Tín Lý hướng dẫn. Thật “ mỗi cha mỗi vẻ mười phân vẹn mười “. Xen giữa những khỏang cách đề tài để có chút thư giãn lại có các ca sĩ nổi danh trình diễn giúp vui như ca sĩ Ngọc Huệ, tam ca Áo Trắng…Chương trình dí dỏm và kéo theo nhiều tiếng cười dòn dã, vui nhộn và làm thức tỉnh nhiều tâm hồn là đề tài “ Tình Yêu Chia Sẻ và Trao Ban” do cha Vũ Thế Tòan, tuyên Úy sinh viên Đại Học hướng dẫn.

Để khép lại chương trình Đại Hội của ngày Thứ Bảy là một chương trình văn nghệ thật đặc sắc và hấp dẫn. Quy tụ nhiều đòan vũ từ các nơi về đây như đòan vũ nổi tiếng Têrêxa Long Beach Cali, đòan vũ VietCatholic từ Los Angeles, đòan vũ Mẹ La-Vang LasVegas … Một họat cảnh cảm động và in dấu đậm trong tâm khảm mọi người là họat cảnh “ Mẹ La-Vang hiện ra với con dân Việt Nam tại La-Vang” cách nay trên 200 năm do cha Giám-Đốc Đền Thánh Mẹ Giuse Nguyễn Đức Trọng biên sọan và dưới sự trình diễn của ca-đòan Mẹ La-Vang. Một họat cảnh nữa cũng không kém phần hấp dẫn do các em trong vũ đòan Têrêxa Long Beach trình diễn là họat cảnh “ Cấm Đạo thời Vua Minh Mạng”.

Cảm động nhất và tham dự đầy đủ nhất là chương trình rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ La-Vang. Nhiều người đã lấy tay lau nhẹ gò má khi hai gìong lệ tuôn rơi khi những tiếng ca phát ra của ca đòan Mẹ La-Vang “ Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không “ Mọi người tay cầm đèn dưới ánh sáng lung linh của nến, hàng bao giọng hát của trên sáu ngàn người vang lên, làm sống dậy, rung động lòng người cả một góc Thành Phố LasVegas. Những gương mặt thành tín, cậy trong và yêu mến Mẹ cứ miệng hát, chân bước theo đòan rước kiệu và bên cạnh kiệu hoa Mẹ, cứ đến mỗi điệp khúc “ Tung Hô Mẹ Maria “ là mọi cánh tay với chiếc đèn lồng được giơ lên và đưa qua đưa lại như để ca ngợi Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Mẹ độ trì và luôn hằng cứu giúp con cái Việt Nam. Đức cha Mai Thanh Lương đã dừng lại 3 nơi tiêu biểu cho Việt-Nam, nước Mỹ và Thế giới để cầu nguyện đặc biệt. Sau phần rước kiệu là Thánh Lễ Đồng Tế Cầu Bình An do Đức Cha Mai Thanh Lương chủ tế.

Để khép lại chương trình Đại Hội của ngày Thứ Bảy là một chương trình văn nghệ thật đặc sắc và hấp dẫn. Quy tụ nhiều đòan vũ từ các nơi về đây như đòan vũ nổi tiếng Têrêxa Long Beach Cali, đòan vũ Việt Catholic từ Sanjose của cha Trần Công Nghị, đòan vũ Mẹ La-Vang LasVegas …Một họat cảnh cảm động và in dấu đậm trong tâm khảm mọi người là họat cảnh “ Mẹ La-Vang hiện ra với con dân Việt Nam tại La-Vang” cách nay trên 200 năm do cha Giám-Đốc Đền Thánh Mẹ Giuse Nguyễn Đức Trọng biên sọan và dưới sự trình diễn của ca-đòan Mẹ La-Vang. Một họat cảnh nữa cũng không kém phần hấp dẫn do các em trong vũ đòan Têrêxa Long Beach trình diễn là họat cảnh “ Cấm Đạo thời Vua Minh Mạng”.

Để giúp giáo dân gột rửa những bụi bám của vấp phạm qua năm tháng miệt mài làm ăn và va chạm gây nên hoặc do những cám giỗ của tiền tài, lạc thú, danh vọng.. trên ba chục linh muc đã hy sinh ngồi tòa để hòa giải cho bao ngàn giáo dân về đây sám hối hầu chờ lãnh nhận ơn Đại xá do Đại Hội La-Vang đem đến qua phép lành của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI.

Ba ngày Đại Hội qua mau với Thánh Lễ bế mạc do Đức Cha Mai Thanh Lương chủ tế và giảng thuyết. Ôi ngậm ngùi siết bao của bài hát kết lễ chia tay với Mẹ qua bài “ Mẹ ở con về Mẹ Maria ơi “ đã làm nhiều ngấn lệ tuôn trào và làm những bước chân khựng lại không muốn bước ra khỏi Đền Thánh. Nửa ở, nửa về lưng chừng, lửng lơ lại kèm theo hàng ngàn bong bóng muôn màu sắc bay lên, bay lên cao và tỏa lan khắp nơi, khắp mọi nẻo đường mây trên trời và cuốn hút trong mây ngàn như lời tạm biệt với Mẹ để hẹn ngày tái ngộ Đại Hội năm tới. Bao ánh mắt cứ dõi theo những chiếc bong bóng đến khi không còn cái bong bóng nào mới chịu bước chân đi. Trên đường đi về nhà bao lời nhắn nhủ, dặn dò gửi lại, nhờ anh, nhờ chị, nhờ ông bà chuyển đạt đến cha Giám-Đốc Đền Thánh là sang năm xin cha tổ chức nữa nhá, ôi Đại hội tuyệt vời qúa, chu đáo qúa và vĩ đại qúa, chúng tôi không thể ngờ được, thôi về nhá, ôi thành công qúa đấy nhé ! Chúc mừng ! Chúc mừng … và bóng xe bus xa dần, xa dần và mất hút.

LasVegas ngày 27-10-2008
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bản nhạc: Lời cầu cho Quê Hương
Phạm Trung
01:22 30/10/2008
 
Công Lý và Sự Thật bị cầm tù
Hiếu Minh
11:21 30/10/2008
CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT KHÔNG THỂ BỊ CẦM TÙ

Vụ việc Thái Hà – Tòa Khâm Sứ lại bắt đầu tái bùng nổ. Nếu như trước đây, chính quyền cố tình “chia để trị” bằng cách đẩy vụ việc ở Tòa Khâm Sứ lên cao điểm qua việc bất ngờ tiến hành làm vườn hoa Hàng Trống, nhằm phân mỏng lực lượng giáo dân ra thành hai nơi Thái Hà và Tòa Khâm Sứ, thì nay vụ việc sắp sửa bùng nổ trở lại chỉ diễn ra ở Thái Hà. Không biết chính quyền sẽ xử lý ra sao khi tất cả sự bức xúc của mọi người sẽ dồn vào “vụ án” bất công này?

Sự hớ hênh hay đúng hơn là sự yếu kém về luật pháp của Tòa án quận Đống Đa đã bắt đầu lộ ra, qua việc trả hồ sơ của Viện Kiểm Sát quận Đống Đa và đề nghị thêm vào tội danh “hủy hoại tài sản”. Ngay trong nội bộ chính quyền đã thấy rõ sự phân rẽ trong cách giải quyết. Cơ quan điều tra và Viện Kiểm Sát xem ra cẩn thận và dè dặt hơn khi “đồng ý” quyết định hủy bỏ tội danh “hủy hoại tài sản” nhằm đơn giản hóa và “hạ nhiệt” vụ án. Trái lại, Tòa án quận Đống Đa lại dám làm điều ngớ ngẩn khi khẳng định “có dấu hiệu bỏ sót tội”, mặc dù đây không phải là thẩm quyền của họ trong lúc này.

Một lần nữa, thế giới thấy rõ sự yếu kém về luật pháp của chính quyền CS Việt Nam qua hành xử của Tòa án quận Đống Đa. Mới đây, Bộ Tư pháp Việt Nam vừa có văn bản phản đối cách làm việc không đúng thẩm quyền của Bộ Y Tế qua việc đưa ra các tiêu chuẩn “quái đản” đối với người lái xe gắn máy. Ông Lê Hồng Sơn, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã khẳng định “quy định của Bộ Y Tế không đúng thẩm quyền” khi cho ra hai quyết định 33/2008/QĐ-BYT và 34/2008/QĐ-BYT (x. Tuổi Trẻ, ngày 26/10/2008, trang 7). Sau động thái này, Bộ Y Tế đã phải “tự kiểm tra, xử lý” (theo đề nghị của Bộ Tư pháp) và đã ngưng thi hành hai quyết định trên.

Vậy, nên chăng giáo dân Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tư pháp kiểm tra giúp các văn bản của ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, qua hai “văn bản cảnh cáo” Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục DCCT Thái Hà, qua việc ông mời các đại diện ngoại giao đến để thanh minh thanh nga; và đề nghị Bộ Tư pháp cũng hãy kiểm tra thẩm quyền của Tòa án quận Đống Đa khi đề nghị đưa thêm tội danh “hủy hoại tài sản” cho 8 “bị oan” tại Thái Hà. Xin thách Bộ Tư pháp dám phanh phui vụ này ra ánh sáng…

Trong một đất nước độc đảng và độc đoán, cơ quan này không dám chỉ ra cái sai của cơ quan kia khi chưa có sự “chỉ đạo”. Mặc dù chắc chắn Bộ Tư pháp thấy rõ hành vi sai trái của ông Thảo và Tòa án quận Đống Đa nhưng để yên thân đành phải im lặng. Tiếng nói của công lý và lương tâm bị bóp nghẹt.

Nếu chính quyền không tìm được giải pháp công bằng cho 8 “bị oan” kia, chính quyền sẽ phải trả giá trước búa rìu dư luận trong cũng như ngoài nước. Cả thế giới đang theo dõi vụ án này. Có thể chính quyền sẽ xử kín, xử lén nhưng điều đó càng làm cho những nghi vấn và bức xúc thêm chồng chất. Hai “công trình công cộng” mới làm xong chưa thỏa lòng dân, giờ lại thêm vụ án bất công này nữa thì hố sâu nghi kỵ càng thêm sâu. Nếu chính quyền hành xử bất công thêm lần nữa, điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền muốn bỏ đi sự tồn tại của 8% dân số người Công giáo Việt Nam, muốn chấp nhận sự “bất hòa” xảy ra giữa lòng dân tộc này, muốn chia rẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chính quyền sẽ mất đi tình bạn giữa họ với nhiều người Công giáo mà họ quen biết. Hố sâu chia rẽ này là không thể nhỏ…

Nếu chính quyền cố tình đưa 8 “bị oan” này ra tòa, sẽ có không biết bao nhiêu buổi thắp nến cầu nguyện diễn ra trên khắp thế giới này. Liệu chính quyền có đủ lực lượng để đi thuyết phục các linh mục và giáo dân “thôi, đừng cầu nguyện làm gì, đó là chuyện ở Hà Nội chứ có phải ở đây đâu. Ở đây, chính quyền và nhà thờ có tương quan rất tốt đẹp cơ mà” , một việc mà từ khi nổ ra vụ Thái Hà – Tòa Khâm Sứ chính quyền đã mất biết bao công sức để ngăn cản, dù hiệu quả chẳng là bao nhiêu. Bởi vì không ai có quyền cấm giáo dân cầu nguyện, mà thuyết phục thì không có đủ lý lẽ. Tôi biết tại Việt nam, tất cả những nơi có thông báo thắp nến cầu nguyện thì y như rằng công an và các ban ngành nhà nước đều vào thuyết phục đừng tổ chức cầu nguyện.

Có thể chính quyền sẽ áp dụng giống như vụ xử hai nhà báo chống tham nhũng vừa qua: ai sợ hãi nhận tội thì cho hưởng án treo, ai cương quyết không nhận tội thì bị tù giam. Thế là chính quyền cũng đã làm xong việc…và vụ này sẽ dần chìm vào quên lãng như vụ hai nhà báo. Nếu nhận định như thế thì chính quyền đã lầm to. Chắc chắn kết quả vụ án này sẽ khác vụ án hai nhà báo. Thành phần cảm thấy “đồng thân đồng phận” với 8 “bị oan” này sẽ là tất cả những người Công giáo trên toàn thế giới và kể cả những người yêu chuộng công lý và hòa bình. Liệu chính quyền có đủ sức đương đầu với những con người này không? Các thế hệ tương lai cũng sẽ đời đời ghi nhớ vụ án bất công này, không bao giờ có thể quên. Đó chính là sức mạnh của công lý và sự thật, hay nói cách khác “công lý và sự thật không thể bị cầm tù”.

Chúng ta hãy chờ xem từng động thái của chính quyền. Sau màn nực cười của Tòa án quận Đống Đa sẽ là màn gì nữa đây…?
 
Văn Hóa
Mối quan hệ giữa Obama và Saul Alinsky
Paul Anh
10:04 30/10/2008
Mối quan hệ giữa Obama và Saul Alinsky

Saul Alinsky - Người Ảnh Hưởng Mạnh Mẽ Nhất của Obama
Washington, D.C. (LifeSiteNews & Kathleen Gilbert).- Trong trang blog tin tức của hãng tin Fox News vào tuần qua, ký giả và cũng là nhà văn của mục tin tức này là James Pinkerton, đã khảo sát trở lại về mối liên hệ giữa Barack Obama và Saul Alinsky - người nổi tiếng dấy động tầng lớp trẻ và sinh viên phản kháng và gây rối theo khuynh hướng của Chủ Nghĩa Marxist Cộng Sản cực đoan.

Bài khảo sát này đã khám phá ra rất nhiều chi tiết, gồm cả một đoạn rất dài được đăng trên tờ "Bưu Điện Washington" (The Washington Post) vào ngày 25 tháng 3/2007, vốn đã được giới truyền thông trần tục theo khuynh hướng phóng khoáng cực tả cố tình dấu nhẹm, để cho nó không thể lọt ra được mãi cho đến ngày bầu cử 4 tháng 11 sắp tới.

Viết trong chuyên mục của mình, ký giả Pinkerton tự hỏi: "Liệu Quỷ Lucifer có đóng một vai trò nào đó trong cuộc bầu cử Tổng Thống lần này không?"

Câu hỏi này trông có vẽ điên rồ, thế nhưng rủi thay, đó lại là sự thật, vì 1 trong 2 ứng cử viên dành chức Tổng Thống đã được giới báo chí công khai lên tiếng ca ngợi, và thậm chí còn "phong thánh" luôn cho ứng cử viên đó, là nhờ đến sức mạnh của Quỷ Lucifer [một vị Thiên Thần đã phản Chúa nên bị Thiên Chúa trừng phạt cho thành Quỷ, và vì trước kia là Thiên Thần, nên Quỷ Lucifer rất mạnh - NV], kẻ cũng được biết đến như là Quỷ Satan, Devil, và Beelzebub.

Theo sự giải thích của ký giả Pinkerton, Obama đã từng là môn đệ của Saul Alinsky - người nổi tiếng gây rối trật tự công cộng bằng cách xúi giục các sinh viên nổi loạn, và cũng là tác giả đã viết ra rất nhiều công trình nói về các phương pháp để thực hiện ra các cuộc cách mạng theo khuynh hướng cực tả.

Trong một cuốn sách nổi tiếng của Ông ta, có nhan đề "Những Quy Luật của Những Người Theo Khuynh Hướng Cấp Tiến" (Rules for Radicals), Alinsky đã viết rằng:

"Ít ra thì chúng ta đừng bao giờ quên việc nhìn nhận đến khuynh hướng cấp tiến đầu tiên hết, vượt trên tất cả mọi huyền thoại, mọi thần thoại và lịch sử, vân vân.. .của chúng ta.. ...khuynh hướng nổi tiếng cấp tiến đầu tiên hết phải được công nhận dành cho người, vốn đã nổi loạn chống lại thành trị và đã thực hiện việc nổi loạn này một cách rất có hiệu quả để ít ra thắng được vương quốc cho riêng mình - đó là Lucifer."

Theo các tài liệu công khai cho thấy Obama đã từng và hiện đang là một người rất ngưỡng mộ cao độ đến triết lý của Saul Alinksy - người đã định nghĩa ra một kiểu tổ chức cộng đồng mà chính Obama đã dành trọn thời gian của tuổi thanh niên để hăng say tham dự vào, và cũng chính Obama, khi nói về những tháng năm tuổi trẻ đó, đã phải thốt lên rằng "Saul Alinsky đã giúp cho tôi có một nền học vấn tốt nhất trong cuộc đời mình."

Và oái oăm thay, cũng chính trong thời gian say mê triết lý của Alinsky - người chuyên về Chủ Nghĩa Cộng Sản Marxist và Quỷ Lucifer, Obama "đã học biết được về ý nghĩa thật sự của đức tin Kitô Giáo của mình."

Theo bài viết được đăng trên tờ "Bưu Điện Washington," sự nghiệp chánh trị của Obama được bắt đầu khi các môn đệ của Alinsky tuyển mộ anh chàng vừa vừa mới tốt nghiệp Đại Học có tên là Barack Obama đến từ vùng Chicago, một người vốn đã từng say mê những kiểu tư tưởng của Alinsky từ rất lâu rồi, để giúp nghiên cứu và triển khai ra các phương pháp của Alinsky để tổ chức ra những khu cộng đồng da đen ở vùng Phía Nam của Chicago.

Khi tờ báo "Cộng Hòa Mới" (The New Republic) phỏng vấn Mike Kruglik, một trong những giáo viên đầu tiên hết của Obama chuyên về việc giảng dạy ra các phương pháp của Alinsky, thì Kruglik cho biết rằng: "Obama chính là học trò giỏi nhất mà Ông đã từng có về triết lý của Alinsky."

Cũng theo tờ "Bưu Điện Washington," thậm chí sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Luật Harvard, Obama "vẫn tiếp tục giảng dạy về triết lý của Alinsky."

Trong chuyên mục của mình, ký giả Pinkerton hỏi: "Thế tại sao McCain không hề nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Alinsky-Lucifer với Obama? Tại sao cặp Mccain-Palin không công khai hóa chuyện này ra cho công luận, vì thừa biết rằng nếu họ nói ra, chắc chắc báo chí sẽ tìm cách phanh phui về chuyện này?"

Suy cho cùng đó chính là những câu hỏi rất hay, nhưng cặp McCain-Palin muốn để cho các cử tri được quyền tự do để khám phá ra mối quan hệ này!

Chỉ có duy nhất cuốn sách của tác giả David Freddoso có nhan đề "Trường Hợp Chống Lại Barack Obama" (The Case Against Barack Obama) là có đề cập đến sự dính liếu của Alinsky-Lucifer trong đường lối chánh trị của Obama, và dĩ nhiên, không hề được giới báo chí trần tục lưu ý đến.

Rõ ràng, với mối quan hệ hết sức phức tạp và đến độ khó hiểu của Obama với vị Mục Sư Jermiah Wright nổi tiếng căm ghét và hận thù người Mỹ da trắng; với Bill Ayers - kẻ khủng bố đất nước Hoa Kỳ; với Luis Louis Farrakhan - người lãnh đạo của Nhóm Quốc Gia Hồi Giáo thề sẽ làm mọi cách để Hồi Giáo Cực Đoan thống lĩnh toàn cầu; và nay với Alinsky-Lucifer, thì rõ ràng nước Mỹ sắp đến hồi bị diệt vong rồi!

Để hiểu thêm nhiều chi tiết, kính mời Quý Vị vào trang Blog của ký giả Pinkerton tại: foxforum.blogs.foxnews.com/2008/10/23/jpinkerton_1023

[Đó là về mặt xã hội, còn về mặt Đức Tin lẫn Đạo Đức và Luân Lý Kitô Giáo, Obama phò Phá Thai, phò Hôn Nhân Đồng Tính, vân vân.. .. Phải chăng chưa đủ để đánh thức Lương Tâm của nhân loại? Phải chăng, vì sự tị hiềm về màu da, mà những Sự Thật trên được phơi bày ra? Chúng ta hãy cùng nhau tự hỏi, để rồi cùng nhau giáo dục và chia sẽ Sự Thật này cho tất cả mọi người trong gia đình, cộng đồng và xứ đạo, để tất cả cùng sáng suốt lựa chọn hòng đừng tạo cơ hội và tiếp tay cho ma quỷ để tiêu diệt mọi tiền đồ và nền tảng đạo đức của Quốc Gia này - NV]
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thiên Di
Nguyễn Ngọc Danh
18:30 30/10/2008

THIÊN DI



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Em như giải lụa Đông Phương

Xinh như chim Bắc trên đường xuôi Nam

Hồn em cửa Ải Nam Quan.

Bút hoa tôi vẽ đôi hàng hạc bay.

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News