Ngày 01-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ các Thánh Nam Nữ
Lm Đan Vinh
00:01 01/11/2019

Kh 7,2-4.9-14 ; 1 Ga 3,1-3 ; Mt 5,1-12 a

1. TIN MỪNG: Mt 5,1-12a:

(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng: (3) "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.(11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

2.SUY NIỆM:

Chỉ có một Giáo Hội duy nhất, nhưng gồm ba tình trạng: Một là những tín hữu đang sống trên trần gian đang đi trên đường về quê trời gọi là Hội Thánh Lữ Hành; Hai là các thánh nam nữ đang được hưởng phúc thiên đàng với Thiên Chúa gọi là Hội Thánh Chiến Thắng; Ba là các linh hồn đã qua đời trong tình thương của Thiên Chúa, nhưng vẫn còn mang vết nhơ tội lỗi hay chưa đền bù xong các món nợ với Chúa và với tha nhân, nên cần tiếp tục được thanh luyện trong chốn luyên hình gọi là Hội Thánh Thanh Luyện (x. GLTYGHCG số 195).

Hằng năm Hội thánh dành thời gian suốt tháng 11 để tưởng nhớ những người đã qua đơi. Ngoài những vị hiển thánh được Hội Thánh tôn kính đặc biệt trong niên lịch phụng vụ, còn rất nhiều tín hữu đã sống một đời sống tốt lành thánh thiện theo gương Đức Giê-su và khi qua đời đã được hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng, được mừng chung trong ngày 01 tháng 11 hằng năm và gọi là lễ kính Các Thánh Nam Nữ.

1)Nên thánh là gì ? :

Nên thánh là một đòi hỏi của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en là con dân của Ngài, như Ngài đã truyền dạy cho họ: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2).

Nên thánh là sự biến đổi nên thiện hảo noi gương Thiên Chúa như Đức Giê-su đã dạy các môn đệ: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Nên thánh chính là biến đổi nên giống Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa, từ cách suy nghĩ nói năng đến hành động, luôn làm theo gương mẫu và lời dạy của Người, như Chúa Cha đã giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).

Nên thánh là để được gia nhập vào Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập là Hội Thánh hôm nay và Thiên đàng mai sau. Nước Trời này chỉ dành cho những ai có đủ điều kiện như Tám Mối Phúc Thật đòi hỏi là: Phải có tinh thần nghèo khó, ăn ở hiền lành, đang bị ưu sầu đau khổ, ước mong được nên công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, luôn ăn ở thuận hòa, sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính…

2) Nên thánh hôm nay là gì? :

Nên thánh hôm nay chính là đi con đường thánh giá của Đức Giê-su. Đây là đường hẹp, leo dốc và ít người muốn đi. Là con đường bỏ đi ý riêng để vâng theo ý Chúa, là loại bỏ các thói hư tội lỗi bằng việc tập luyện các nhân đức, là kiên trì vác thập giá là chu toàn việc bổn phận của mình hằng ngày mà bước theo sau Đức Giê-su. Là chấp nhận cùng chịu đau khổ, cùng chết với Người để được phục sinh với Ngươi như Người đã nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Và “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,22-23).

3) Chiến đấu với ba thù:

Cuộc sống luôn có rất nhiều cám dỗ của ma quỉ, của thế gian và sự yếu đuối của xác thịt mình. Cám dỗ tìm sự dễ dãi theo tính tham lam và dục vọng… Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ chúng ta phạm tội chống lại Thiên Chúa và bị mất ơn cứu độ. Nhưng chúng cũng không thể làm gì được nếu chúng ta biết cậy nhờ ơn Chúa giúp qua lời cầu nguyện như Tông đồ Phê-rô đã kêu cầu Thầy khi sắp bị chìm xuông biển: “Thưa ngài, xin cứu con với” (Mt 14,30). Chúa sẽ đưa tay ra nắm lấy tay chúng ta và cho chúng ta lên thuyền bình an. Với điều kiện chúng ta phải xa lánh dịp tội và năng suy niêm Lời Chúa, cầu xin ơn Thánh Thần trợ giúp. Chính nhờ sức mạnh đức Tin và nhờ quyền năng của Thánh Thần mà chúng ta hy vọng sẽ có thể đứng vững và chiến thắng ma quỷ trong trận chiến cam go này, như lời thánh Phê-rô đã viết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em , như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức Tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9).

4) Chiều rộng của Ơn Cứu Độ

- Ngày lễ hôm nay là lễ tưởng nhớ, vui mừng hiệp thông với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tất cả những người thân đã ra đi trước chúng ta và đã được về trời hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.
- Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là tu sĩ, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người.
- Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta hân hoan chúc tụng Các Thánh là bạn của chúng ta và xin các Ngài cầu thay nguyện giúp, để chúng ta nhận ra mình cũng được Chúa mời gọi nên thánh như các Ngài, và quyết tâm sống thánh giữa đời noi gương các Ngài.
- Chúng ta hãy cầu xin các Thánh giúp chúng ta tập sống thánh thiện trên đường trọn lành như lời Chúa Giê-su : “các con hãy nên Thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh”. Thánh Au-gút-ti-nô đã nói: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không được ?”

5.LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Chúng con xin tạ ơn Cha vì quyền năng và tình thương của Cha đã tác động trên các thánh. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và toàn thể các thánh nam nữ, chúng con xin Cha ban cho chúng con cũng được dồi dào ân sủng như các thánh hôm nay chúng con mừng kính. Hầu mai ngày, chúng con được cùng các ngài xum họp trên trời để tôn vinh và chúc tụng tình thương của Cha đến muôn đời. Amen.
 
Năng tưởng nhớ cầu nguyện cho Tiền Nhân
Lm Đan Vinh
00:11 01/11/2019
Lễ Các Đẳng Linh Hồn
Ga 6,32-40

1. LỜI CHÚA: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NGUỒN GỐC LỄ CẦU HỒN (02/11):

Thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ đan viện Cluny. Đan viện này nằm trong phần đất của đế quốc Germany. Ngài là một người nhân đức, hằng ngày cầu nguyện hi sinh và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

Một hôm, một đan sĩ trong đan viện Cluny đi viếng Đất thánh. Trên đường trở về Đan viện, tàu chở vị đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ chia sẻ: “"Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ trong đan viện của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên thiên đàng và làm cho quỉ dữ thêm đau khổ dưới Hỏa ngục".

Sau khi nghe biết sự việc, cha Odilo đã lập lễ Cầu Hồn vào ngày 2 tháng 11 và cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998. Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo Hoàng Gio-an 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma. Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn. Trong những ngày đó họ đến đất thánh thăm viếng, sửa sang mồ mả của cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn. Họ hát những bài ca cổ truyền để xin cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục. Tại nước Hungary, người ta gọi ngày 2/11 là "Ngày người chết". Ngày đó, người ta tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình mình để cho chúng ăn, cho quần áo, quà bánh và đồ chơi… Tại miền quê nước Balan: nửa đêm lễ các linh hồn, người ta thắp sáng nhà thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu xin được sớm thoát khỏi luyện ngục. Sau đó các linh hồn sẽ về thăm nhà mình, thăm nơi làm việc khi họ còn sống, nên các gia đình có người qua đời đều mở cửa sổ suốt đêm ngày 2/11 để đón các linh hồn.

2) CHỨNG TÍCH VỀ LUYỆN NGỤC:

Có rất nhiều chứng tích về các linh hồn từ luyện ngục về xin cầu nguyện. Ở đây xin kể ra hai chuyện được lưu trữ tại bảo tàng Rôma:

- Chứng tích 1: Mẹ hiện về với con trai:
Bà Leleux, trong đêm 21-6-1789, đã hiện về với người con trai của bà là Joseph Leleux ở Wodecq (Bỉ). Bà hiện về 11 đêm liên tiếp để nhắc nhở con bà phải xin lễ cho bà, đồng thời bảo con bà phải sửa mình lại vì anh ta đang sống bừa bãi, khô khan nguội lạnh. Bà cầm tay con và in dấu cháy cả bàn tay bà vào ống tay áo của con. Kết qủa là anh đã trở lại sống thánh thiện, đã lập một hội đạo đưc dành cho giáo dân, các hội viên trong hội này đã thi đua nên thánh. Anh đã qua đời cách thánh thiện ngày 19-4-1825.

- Chứng tích 2: Mẹ chồng hiện về với con dâu:
Nhạc mẫu của bà Magarita Demmerlé thuộc giáo xứ Ellinghen, giáo phận Metz, qua đời năm 1785, và 30 năm sau, năm 1815 đã hiện về với con dâu. Bà buồn bã nhìn con dâu như có ý xin điều gì. Bà Magarita Demmerlé lên tiếng hỏi thì được bà mẹ chồng cho biết là mình về để xin con (dâu) cầu nguyện cho mình bằng cách đi hành hương lên Đền Đức Mẹ ở Mariental. Người con dâu đã làm y như lời mẹ chồng xin. Sau cuộc hành hương ấy bà mẹ chồng hiện về với con dâu một lần nữa và báo cho biết là mình đã được ra khỏi Luyện ngục mà lên Thiên đàng. Bà Magarita xin một bằng chứng thì bà mẹ chồng liền in cả bàn tay mình lên trang sách Gương Phước đang để mở trên bàn…và từ đó bà không còn hiện về nữa.

3.SUY NIỆM: TƯỞNG NHỚ TIỀN NHÂN:

1) Đức Ki-tô thiết lập Nước Trời: Nước Trời trần gian là Hội Thánh ở trần gian hôm nay và Nước trời trên Thiên đàng mai sau. Điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời Hội Thánh ở trân gian là phải có lòng sám hối tội lỗi và tin vào Chúa Giê-su, phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần như lời Đức Giê-su đã kêu gọi khi ra giảng đạo: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người cũng dạy: “Không ai có thể vào nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Phải thực hành giới răn bác ái bằng cách thực thi Tám mối phúc (x. Mt 5,3-12). Ngoài ra, để có được sự sống vĩnh cửu trên Thiên đàng, đòi người ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24), phải “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa” (x. Mc 8,34), và “cùng chết với Chúa để cùng được sống lại với Người” (Rm 6,8).

2) Mầu nhiệm các thánh thông công: Chúa Giê-su chỉ thiết lập một Hội Thánh duy nhất trên nền đá tảng đức tin của tông đồ Phê-rô đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Hội thánh do Đức Giê-su thiết lập gồm ba tình trạng: Một là Hội Thánh Lữ Hành trần gian gồm các tín hữu đang sống, đang phải chiến đấu chống lại ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình. Hai là Hội Thánh Vinh Quang trên Thiên đàng gồm các thánh nam nữ đang được hưởng hạnh phúc với Chúa. Ba là Hội Thánh Đau Khổ gồm các linh hồn đang được thanh luyện trong chốn luyện hình, để họ ngày thêm thanh sạch thánh thiện và hy vọng một ngày nào đó sẽ được về Thiên đàng. Còn những ai chối bỏ Thiên Chúa, nghe theo ma quỷ phạm các tội ác mà không chịu hồi tâm sám hối, là đã tự loại mình ra khỏi Hội Thánh và sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời, “chung số phận với tên Ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

3) Bổn phận đối với các linh hồn trong luyện ngục: Đức Giê-su đã mặc khải về sự thanh luyện ở đời sau khi nói: "Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng" (Mt 5,26). Luyện ngục chính là phương cách Chúa dùng để thanh luyện các linh hồn khi chết vẫn còn mang vết nhơ tội lỗi hay chưa đền bù những thiệt hại đã gây ra cho tha nhân khi còn sống ở trần gian. Cầu xin Chúa giúp họ ngày một nên thanh sạch thánh thiện để sớm được Chúa rước về Thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời. Do đó, trong tháng các linh hồn này, mỗi tín hữu chúng ta cần dọn mình lãnh các ơn đại xá tiểu xá (với các điều kiện thường lệ), để chuyển các ơn ấy cầu cho các linh hồn trong chốn luyện hình; Ngoài ra, cần siêng năng lần hạt Mân Côi, xin lễ và làm những việc bác ái để đền tội thay cho các linh hồn là thân nhân, hay các linh hồn mồ côi … để họ sớm được về trời. Khi lên trời chắc họ sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Còn các linh hồn bị sa hỏa ngục do đã trở thành quỷ dữ, thì không còn thuộc về Hội Thánh nữa, nên chúng ta không cần cầu nguyện cho họ.

4) Về việc cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi: Thực ra, Hội thánh từ xưa đến nay không đặt vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và trong thực hành. Hội thánh không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân cầu nguyện, nên trong mọi thánh lễ dù có người xin lễ cầu riêng cho linh hồn thân nhân, thì vẫn có lời cầu chung cho tất cả “các tín hữu đã ly trần trong tình thương của Chúa”, gồm mọi tín hữu và cả các linh hồn chưa nhận biết Chúa. Như vậy: Nói linh hồn mồ côi chỉ là nói theo cách suy nghĩ của loài người chúng ta, nhưng cũng không sai với giáo lý và sự thực hành của Hội Thánh.

Thật vậy, trong phụng vụ thánh lễ hay kinh nhật tụng, Hội thánh vẫn khuyến khích việc cầu nguyện chung cho các linh hồn cũng như riêng từng linh hồn theo ý người xin lễ để cầu cho linh hồn mới qua đời cũng như cầu chung cho các linh hồn. Việc cầu nguyện ấy chắc sẽ mang lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn. Từ đó, có thể suy ra: những linh hồn không có thân nhân xin lễ cầu nguyện sẽ bị thua thiệt, nên đức ái buộc các tín hữu còn sống cũng phải cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi này. Linh hồn mồ côi chính là những linh hồn bị quên lãng, vẫn đang được thanh luyện trong chốn luyện hình, nên rất cần được các tín hữu chúng ta vì đức bác ái hãy tưởng nhớ, xin lễ và làm các việc lành để cầu cho họ nữa.

4.LỜI CẦU:

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn đã qua đời được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.


 
Thánh lễ cầu cho các đẳng linh hồn 02/11/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:32 01/11/2019
Bài Ðọc I: Rm 6, 3-9

"Chúng ta phải sống đời sống mới".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.

Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Hoặc đọc: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Alleluia: Ga 11, 25-26

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

Ðó là lời Chúa.
 
Cảm thông chứ không kỳ thị
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:18 01/11/2019

Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm C

Đối với người Dothái, nhất là các kinh sư, luật sĩ và biệt phái, những ai làm nghề thu thuế là phạm tội. Họ không còn đáng là con cháu tổ phụ Abraham. Họ bị xem là phản bội Giao Ước. Họ đáng bị khinh miệt, bị coi là kẻ ngoại giáo. Họ bị loại khỏi sinh hoạt chung của cộng đoàn.

Trong khi Thiên Chúa, là chính sự thánh thiện, lại luôn yêu thương, đi tìm và tha thứ để ban ơn cứu độ cho con người. “Thiên Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi thụ tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó” (Kn 11, 23-24).

I. Lòng thương xót của Chúa Giêsu.

Lòng thương xót của Thiên Chúa, càng trở nên cụ thể nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ. Người khẳng định về chính mình: Đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32).

Chúa Giêsu nhiều lần phá bỏ ranh giới của sự kỳ thị mà những người tự cho mình công chính dành cho người tội lỗi. Chúa vượt qua thái độ loại trừ khi phân biệt giữa thanh sạch và nhơ uế. Chúa thân tình và đồng bàn với người thu thuế. Chúa chấp nhận để người phụ nữ bị coi là tội lỗi lấy tóc lau chân… Chúa yêu mọi hạn người để gặp gỡ mọi thành phần con người trong xã hội.

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những nội dung “cách mạng” ấy: Chúa chủ động gọi Giakêu, trưởng ty thuế vụ. Chúa còn tự mời mình vào nhà ông:“Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Người còn dùng với ông, bữa mặc cho thiên hạ xầm xì: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi” (Lc 19,7).

Chúa không quan tâm đến quá khứ của con người. Người chỉ để ý đến giây phút hiện tại, đến thiện chí muốn trở nên tốt lành của họ. Người chỉ nhắm cứu độ họ mà thôi.

Chúa đã chiến thắng. Ông Giakêu đã tỏ lòng sám hối: “Thưa Ngài, này đây phần nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

Điều đáng khen đó là, Giakêu tự nguyện buộc mình vào lời cam kết với Chúa. Ông quyết tâm làm một việc đền bù rộng rãi phi thường, vượt xa mức đòi hỏi của luật lệ. Bằng cách ấy, ông chứng tỏ lòng hoán cải thật của mình.

Ngay lập tức, không chỉ ông, mà còn cả nhà ông đều lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Chúa công khai tuyên bố lời tha thứ ấy: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.

II. Thái độ sống của chúng ta.

1. Chúng ta cần loại trừ thái độ kỳ thị xem mình là kẻ đạo đức, và xem thường những anh chị em nguội lạnh là người tội lỗi. Đó là sự kiêu ngạo.

Thói kiêu ngạo ấy có thể gây ra không biết bao nhiêu tai hại: phân chia giai cấp, phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo. Nó vô cùng nguy hiểm vì đẩy chúng ta đến kiểu sống tự cô lập mình.

Ta cần ý thức luôn rằng, kiêu ngạo là tội đứng đầu mọi tội. Bởi thế, thay vì kỳ thị, ta hãy tự mình đấm ngực ăn năn xin Thiên Chúa tha thứ.
Hãy nhớ, ta không bao giờ được phép kết án ai để khỏi bị Thiên Chúa kết án. Nhưng chỉ khiêm nhường sống với Chúa cho trọn đạo làm tôi và với mọi người như anh chị em, như quà tặng mà Chúa ban cho mình.

2. Chúng ta không bao giờ được phép xét đoán ai. Bởi việc phán xét không phải là việc của loài người, nhưng là việc của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán mà thôi.

Ngược lại, chúng ta phải cảm thông với người yếu đuối, đón nhận người mà trước mắt mọi người, họ còn nguội lạnh đối với đức tin. Ta phải xóa bỏ mặc cảm và mặc lấy bao dung để sống với anh chị em mình theo cách thức của lòng thương xót mà Thiên Chúa và Chúa Giêsu thể hiện.
3. Hãy bắt chước ông Giakêu, ta cần ly thoát với của cải vật chất. Nhờ đó ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu trong sự thanh thoát, trong tinh thần nghèo khó, trong ơn bình an mà chính Người ban cho ta.

Từ câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người trưởng ty thu thuế Giakêu nhắc chúng ta nhớ rằng: Tiền bạc không cho ta hạnh phúc thật; Chức quyền không bảo đảm sự sống đời đời. Hãy luôn luôn sống như có Chúa hiện diện. Hãy để ơn Chúa tưới ngập tràn tâm hồn và đời mình. Chỉ có như thế, nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc thật, sự sống thật mới thuộc về ta.


 
Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.1.2019
Lm. Trương Đình Hiền.
08:36 01/11/2019
KINH KÍNH MỪNG VÀ “D N TỘC CỦA TÁM MỐI PHÚC”

Khi nói và nhìn về Hội Thánh – Tức – Giáo Hội của Chúa Kitô, hình ảnh và ý nghĩ đầu tiên của nhiều người đó là “cộng đoàn của những tín hữu tin vào Chúa Kitô và quy tụ trong các “tổ chức Giáo Hội” như Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo và Anh giáo”.

Và với cái nhìn nầy – “các tổ chức” – Giáo Hội cũng chẳng qua là một “tổ chức xã hội”, một “cộng đoàn người” như bao nhiêu tổ chức và cộng đồng khác đã đang và sẽ hiện hữu trong thế giới.

Mà đã là một “tổ chức xã hội”, một “cộng đồng người”, thì trải qua thăng trầm của lịch sử và mang thân phận giới hạn tất yếu của con người, các Giáo Hội Kitô nói chung, hay Giáo Hội Công Giáo nói riêng, không tránh khỏi những “vết nhơ”, những “đồi truỵ”, những “biến chất”, những “suy thoái”... Và người ta đã có hàng lô những chứng cứ rõ ràng và thuyết phục về sự thật đáng buồn đó trong nhiều giai đoạn lịch sử suốt 2000 năm nay và ngay cả chính nơi thời đại hôm nay.

Nếu nhìn Hội Thánh Chúa Kitô chỉ với một “góc nhìn” mang tính trần tục và tự nhiên đó, thì quả thật, như cách ví von đầy ý nghĩa và thuyết phục của cố mục sư Tin Lành Lutheran người Rumani, thì Hội Thánh chỉ là một “nhà thương bốc mùi tanh tưởi của máu mủ”; đơn giản, vì đó là nơi “cưu mang những bệnh nhân” để mang đến sự chữa lành.

Thế nhưng, trong chính ngày đầu tiên của tháng 11, Phụng vụ của Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một “góc nhìn về Hội Thánh” khác, đúng hơn, “một thành phần” không thể thiếu trong 3 thành phần làm nên một “Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền”, thành phần đó, cộng đoàn đông đảo đó được gọi là “Các Thánh Nam Nữ ở trên trời”, hay còn được gọi là “Giáo Hội chiến thắng”, “Hội thánh khải hoàn”, luôn gắn kết mật thiết với “Hội Thánh đau khổ” (các linh hồn nơi luyện ngục) và “Hội Thánh chiến đấu hay lữ hành” (Giáo Hội đang hiện diện trên trần thế).

Theo định nghĩa của chính sách Khải huyền được công bố qua Bài đọc 1 hôm nay thì Hội Thánh đó, cộng đoàn các Thánh Nam nữ đó là “những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”…; họ là “đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiêng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.

Trong khi đó, Thánh Gioan trong thư thứ 1, lại định nghĩa cách đơn giản hơn: Các Thánh chính là những người nhờ tình yêu được gọi là “con Thiên Chúa” và “khi được tỏ ra” thì “sẽ giống như Người”.

Qua hai cách định nghĩa đó, chúng ta có thể nhận ra hai chiều kích cơ bản của sự “thánh thiện Kitô giáo: Thập giá và tình yêu. Không thể là “Thánh” nếu không “giặt áo mình trong máu Con Chiên”; và cũng không thể “Thánh”, nếu không “yêu thương” để nên giống Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, trong kho tàng đời sống đức tin của Giáo Hội, còn có rất nhiều những định nghĩa khác về các Thánh Nam Nữ, về Hội Thánh khải hoàn, có khi mang hình ảnh rất biểu tượng. Chẳng hạn như:

- Nhà giảng thuyết R.A. Knox thì cho rằng: Các Thánh là “những vì sao lấp lánh trên bầu trời”: “Khi nhìn lên bầu trời vào đêm tháng Mười Một và nhìn thấy một khoảng trời đầy sao lấp lánh, bạn hãy nghĩ đến vô số các Thánh trên thiên đàng đang sẵn lòng giúp đỡ bạn” (R.A. Knox, Bài giảng 1.11.1950). Có lẽ, cũng đồng cảm với ý niệm nầy, mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu trong một đêm sao, khi nhìn thấy chòm sao có hình chữ T, đã hân hoan thốt lên: “Kìa tên con đã được viết trên trời”.

- Trong khi đó, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, lại định nghĩa Các Thánh là những “người thợ khiêm tốn nhưng vĩ đại”: “những con người nam nữ qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho Chúa. Sau khi đã sống cuộc đời âm thầm chẳng được ai biết đến, và có thể còn bị những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các Ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các Ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại, đối với công cuộc phát triển Nước Chúa trong lịch sử” (ĐGH G.P. II, Tông Huấn “Kitô hữu giáo dân”, 30.12.1988).

Phải chăng, đó là định nghĩa rất gần, hay đúng hơn, là cách cắt nghĩa đầy hiện sinh chân dung của các Thánh Nam nữ được Chúa Kitô gọi chung là những người được “Phúc”, mà chúng ta vừa nghe trong trích đoạn Tin Mừng “Tám Mối phúc thật”:

- Thánh vì được Nước Trời nhờ sống tinh thần nghèo khó.

- Thánh vì được cơ nghiệp Nước Trời vì sống hiền lành.

- Thánh vì được Thiên Chúa an ủi khi đón nhận khổ đau.

- Thánh vì được Thiên Chúa ban tràn đầy khi khát khao công chính.

- Thánh vì được Thiên Chúa xót thương khi biết thương người.

- Thánh vì được trực diện Thiên Chúa khi mang trái tim trong sạch.

- Thánh vì được làm con cái Thiên Chúa khi sống thuận hoà, hiệp nhất.

- Thánh vì được vào Nước Trời khi chấp nhận thương đau bách hại.

Nhưng, họ có là gì chăng nữa, thì liệu có ích gì cho chúng ta hôm nay? Vâng, đây lại là một chiều kích mà Phụng vụ lễ Các Thánh nam nữ hôm nay nhắm đến. Mầu nhiệm các Thánh cùng hiệp thông – Thông công.

Thật vậy, như Sách Huấn Ca mà chúng ta thường nghe đọc trong các Thánh lễ An Táng: “Đối với mắt người không hiểu, thì các ngài đã chết và việc các ngài ra đi bị coi là bất hạnh, việc các ngài lìa xa chúng ta là rơi vào cảnh diệt vong.”

Còn với chúng ta, những kẻ tin rằng, chết và sống vẫn còn hiệp thông, thông công, như sách Khôn Ngoan đã dạy: “Nhưng thật ra các ngài đang hưởng bình an…Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời.”

Trong khi đó, Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô, trong tông huấn bàn về sự nên thánh của dân Chúa, Gaudete et Exsultate, đã xác quyết về mối tương quan giữa “Thánh nhân” và “phàm nhân”, giữa Các Thánh nam nữ trên trời và chúng ta đang còn ở dưới thế:

“Giờ đây trước nhan Chúa, các thánh vẫn giữ mối ràng buộc yêu thương và hiệp thông với chúng ta. … Mỗi người chúng ta có thế nói: “Được vây quanh bởi các bạn hữu Chúa, dìu dắt và hướng dẫn... tôi không phải mang vác điều mà một mình tôi không thế mang vác nổi. Tất cả các thánh của Thiên Chúa bảo vệ, nâng đỡ và dẫn đưa tôi” (GE Số 4).

Nhưng còn hơn một sự chuyển cầu hay nêu gương thánh thiện, sứ điệp ngày lễ Các Thánh hôm nay còn gọi mời chúng ta dấn thân làm thánh.

Thật vậy, cái con đường “Tám Mối phúc thật” mà các Thánh đã thể hiện như chúng ta vừa đề cập đó lại được đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn Gaudete et Exsultate, phát hiện ngay chính nơi cuộc đời của rất nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta; và ngài không ngần ngại gọi họ chính là “những vị thánh” ở giữa đời thường:

“Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là những người thuộc “tầng lớp giữa của con đường nên thánh” (GE số 7).

Hoá ra, cuộc cử hành lễ các Thánh Nam Nữ hôm nay lại là cuộc “cử hành của chính niềm hy vọng, cùng đích và cuộc chiến đấu mỗi ngày” của mỗi cuộc đời người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Vì đó chính là ơn gọi và căn tính của chúng ta, như trong những lời mở đầu của tông huấn gọi mời nên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta “để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (Ep 1,4) (GE số 2).

Sau hết, ở giữa cộng đoàn đông đảo các Thánh Nam Nữ, chúng ta thấy hiện lên dung nhan của một vị “Nữ vương toàn thể các thánh”, người Mẹ thánh đó là Đức Trinh Nữ Maria, mà Đức Giáo Hoàng đã nêu bật như một điểm quy chiếu của hành trình nên thánh của dân Chúa:

“Mẹ Maria là vị thánh giữa các thánh, có phúc hơn mọi người khác, Mẹ chỉ bảo cho chúng ta nẻo đường thánh thiện và luôn đồng hành với chúng ta. Mẹ không bỏ rơi chúng ta trong tình trạng sa ngã và có những lúc Mẹ dang tay ôm lấy chúng ta mà không phán xét. Trò chuyện với Mẹ chúng ta được an ủi, được giải thoát và được thánh hóa. Mẹ không cần chúng ta nhiều lời, Mẹ không cần chúng ta cố gắng quá nhiều để giải thích cho Mẹ những gì đang xảy ra trong cuộc sống mình. Chúng ta chỉ cần thầm thì lặp đi lặp lại: “Kính mừng Maria...”.

Vâng, để “cầm cành vạn tuế và mặc áo trắng”, để làm thánh, để “làm dân tộc của Tám Mối phúc”, để trở nên những vj thánh giữa đời thường…điều đơn giản trước tiên, là bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày, chúng ta hãy đọc kinh Kính Mừng. Amen.

LM. Trương Đình Hiền
 
Lễ Các Thánh 1-11
Lm Nguyễn Xuân Trường
15:55 01/11/2019


RỰC NÓNG DÒNG MÁU THÁNH

Kinh Thánh nói rõ con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu đã mời gọi: “Các con hãy nên thánh như Cha các con trên trời là Đấng Thánh”.

Thì ra “chất thánh” đã có sẵn trong dòng máu của con người mà nhiều khi ta quên mất. Hãy nhớ rằng: Chúng ta không chỉ là người Việt Nam máu đỏ da vàng, là con rồng cháu tiên, mà sâu xa hơn, chúng ta là những người mang dòng máu thần thánh siêu việt, là con của Thiên Chúa thánh thiêng.

Thế nên, hãy sống đúng căn tính cao cả của con người là thăng tiến dòng máu thánh nơi mình. Được như thế, chúng ta có thể thốt lên lời kinh: “Lạy các thánh già trẻ lớn bé Việt Nam - Cầu cho chúng con.” Amen.



CÁC THÁNH LẤP LÁNH HẠNH PHÚC

Trong đời chúng ta khát khao nhiều thứ, nhưng ít khi khát khao làm thánh! Tại sao vậy? Có lẽ vì ta cho rằng làm thánh khó lắm, phải sống khắc khổ, không được vui hưởng cuộc đời! Ta cứ tưởng vậy mà hóa ra không phải vậy.

Phúc Âm Lễ Các Thánh nói về 8 mối Phúc thật cho thấy: Làm thánh chính là xây dựng hạnh phúc và niềm vui thật. Thế nên, kết thúc bài Phúc Âm Chúa mới thúc giục: “Anh em hãy vui mừng hớn hở”. Vui mừng hớn hở vì ta được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đích thật. 8 mối Phúc thật đều diễn tả tình yêu Chúa và tình yêu con người: Yêu đến độ nghèo khó vì cho đi tất cả; Vì yêu nên hiền lành và thương xót; Vì yêu nên khao khát công chính và hoà bình; Vì yêu quá nên sẵn sàng chấp nhận thương đau vì Chúa, vì người mình yêu.

Quả thật, làm thánh chính là xây dựng và vui hưởng hạnh phúc yêu thương. Cứ yêu thương tha thiết, cứ vui mừng mãnh liệt là nên thánh.

Giữa ngất ngây hạnh phúc trong tình Chúa tình người, chồng ôm lấy vợ và thốt lên: “ôi, bà thánh của anh!” vợ ôm lấy chồng và thốt lên: “ôi, ông thánh của em!” và chúng ta có thể ôm chầm lấy nhau và hớn hở thốt lên: “Ôi, các thánh nam nữ đây rồi!” Alleluia!!!
 
CN 31C : Lùn chưa chắc đã thấp
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:07 01/11/2019
“Nhất lé nhì lùn.” Người Việt ta hay nói vậy. Vì không phải là người Việt, nên không chắc Chúa Giêsu đã biết câu cảnh báo này : Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn. Có lẽ Chúa không biết câu ấy thật nên hôm nay Chúa không những đã ghé, mà còn ở lại ăn cơm, nơi nhà một người rất lùn, tên là Giakêu. Ông lùn nhưng ông không thấp. Lùn chưa chắc đã thấp. Bởi :

1. Giakêu lùn nhưng có một quyết tâm cao.

Quyết tâm cao được thể hiện bằng cách :

-Leo lên cây cao : Để gặp Chúa, người ta phải biết vượt cao hơn cái trần tục của mình. Leo cao, bao giờ cũng đòi phải cố gắng. Ông leo cao để tìm Chúa. Và rồi ông gặp được Chúa thật. Vì vừa ngay lúc ấy, Chúa đến nơi, và Người nhìn lên, bốn mắt gặp nhau, Chúa đọc được cái khát vọng trong lòng ông Giakêu. Chúa thương thiện chí của ông. Chúa cảm động trước cố gắng của ông. Và rồi Chúa gọi ông xuống. Chúa chưa vào nhà ông, nhưng Chúa đã cho ông vào lòng Chúa rồi. Ông vẫn còn ngồi trên cây, nhưng Chúa đã đưa ông vào trong trái tim Chúa rồi. Chưa ai như Chúa, chủ nhà chưa mời mà Chúa đã tự mời mình vào nhà người ta.“Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại trong nhà ông.”

Quyết tâm cao khác của Giakêu, đó là :

-Quyết mở hầu bao : Và khi gặp Chúa rồi, ắt hẳn ông phải có một quyết tâm cực cao, ông mới mở nổi hầu bao cắt đi những đồng tiền liền khúc ruột.

Khi Chúa Giê-su nói với ông rằng hôm nay Ngài sẽ đến nhà ông, và khi ông đã khám phá ra rằng mình đã gặp được một người bạn mới rất tuyệt diệu, lập tức ông có một quyết định. Ông đã quyết định đem nửa phần gia tài mình phân phát cho người nghèo, và nửa phần còn lại ông cũng không giữ riêng cho ông, song ông sẽ dùng để đền bù cho tất cả những gian lận mà ông tự thú đã phạm.

Trong việc đền trả này ông lại còn đi xa hơn điều luật pháp đòi hỏi. Chỉ khi nào trộm (cướp thì đúng hơn) là một hành động bạo lực và dụng tâm gây tàn hại, bấy giờ mới buộc phải đền gấp bốn (x. Xh 22,1). Nếu chỉ là việc trộm cắp thường và nguyên vật không thể hoàn trả, thì phải tính gấp đôi mà đền (x. Xh 22,4.7). Nếu bị can tự thú và tình nguyện hoàn trả thì chỉ phải trả theo giá nguyên vật, cộng thêm một phần năm nữa thôi (x. Ds 5,7). Giakêu nhất định làm nhiều hơn điều luật pháp đòi hỏi. Bằng hành động, ông tỏ ra đã được biến cải.

Giáo sĩ Boreham có kể một chuyện đáng ghi. Trong một buổi họp kia, khi vài ba bà đứng lên làm chứng ơn phước đã được ban, có một bà ngồi câm lặng buồn rầu. Người ta mời bà làm chứng thì bà từ chối. Khi hỏi lý do, bà trả lời : "Trong số những bà vừa đứng lên làm chứng đó có bốn bà nợ tiền tôi mà tôi và gia đình tôi đang đói lắm vì không có tiền mua thức ăn." Lời chứng sẽ hoàn toàn vô giá trị nếu không được bảo đảm bằng hành động thực tế xác nhận cho sự thành thực của lời nói. Chúa Giê-su không đòi sự thay đổi trong lời nói, nhưng Ngài đòi hỏi sự thay đổi trong đời sống.

Giakêu Lùn chưa chắc đã thấp, vì Giakêu có quyết tâm cao

Và Giakêu Lùn chưa chắc đã thấp bởi lẽ Giakêu vẫn cao vì không bị đè nặng.

2. Giakêu lùn nhưng vẫn cao vì không bị đè nặng

Người ta nói tập tạ thì lùn, vì bị tạ đè lên người. Nhưng vẫn có những người không tập tạ, mà vẫn lùn, không sao cao lên được, vì bị đè bởi những gánh nặng : gánh nặng tội lỗi, gánh nặng tài sản.

-gánh nặng tội lỗi, đè bẹp con người làm con người cứ đi trong tầng thấp không sao ngẩng cao lên được.

-gánh nặng tài sản, của cải: tưởng ở lầu cao, ăn cao lương mĩ vị, nhưng mấy khi họ được thanh thản vươn cao, bởi lúc nào cũng ưu tư lo lắng, làm sao giữ được tiền, làm sao cho tiền sinh lợi. Còn Giakêu, của cải không đè bẹp ông làm ông thấp, bởi ông trở thành cao cả, vì ông đã biết sống có tình người.

“Tôi xin lấy nửa gia tài của tôi mà cho người nghèo.”

Rất lạ. Việc đầu tiên lại là nghĩ đến người nghèo ? Phải chăng, dưới ánh sáng của Chúa, ông đã chợt nhận ra rằng : suốt những tháng năm qua, ông đã là kẻ ích kỷ, đóng khung. Ông đã không hề biết đến “tình người”. Sống mà không biết đến người khác, là tự huỷ cái tính đồng loại của mình. Ông chỉ là một kẻ ích kỷ. Kẻ ích kỷ là kẻ cô đơn nhất trong cuộc đời. Bởi không bao giờ, người ích kỷ có một chỗ đứng trong con tim người khác.

Bây giờ ông Giakêu muốn trở lại, hội nhập lại với cộng đồng, ông muốn san sẻ, ông muốn mình thành kẻ hữu ích cho cuộc đời.

“Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Trước đây, hẳn với nghề nghiệp thu thuế của mình, nhiều lúc ông đã là kẻ gian tham, nhưng sao những lúc ấy, ông vẫn thấy cứ tỉnh bơ. Giờ này gặp được Chúa, ông đã thấy những bất công ấy là tội ác. Ông nghiệm ra rằng : Sự gian dối luôn là một gánh nặng, đè trĩu linh hồn con người. Chỉ có sự công bằng, bác ái mới làm hồn con người thanh thản và bình an và bay cao.

Ông trở thành cao cả, bởi tâm hồn ông bây giờ thênh thang, trắng trong, không bận vướng, tựa Nguyễn Công Trứ : “nợ tang bồng trăng trắng vỗ tay reo.” Chiều cao thân xác Giakêu vẫn thấp, nhưng chiều cao linh hồn ông giờ đã ngất cao khi ông chia của cải cho người thấp bé.

Bởi vậy, lùn chưa chắc đã thấp.

Chúng ta nếu không muốn lùn vì bị đè nặng bởi tội lỗi và của cải thì hãy noi gương Giakêu rộng tay phân phát, nhất là cho đồng bào bị bão lụt miền Trung mà chúng ta quyên góp hôm nay. Rộng tay làm phúc cũng được tha thứ tội khiên nữa chứ không phải chơi. Thánh Phêrô viết như vậy trong thư thứ nhất : "Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi" (I Pr 4,8). Thực ra Phêrô trích từ sách Châm Ngôn : "Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm" (Cn 10, 12). Mà không cần sách Châm Ngôn, hay Thư Phêrô, chúng ta được chính Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay : Hôm nay nhà này (Giakêu) được ơn cứu độ. Giakêu dùng của cải làm việc bác ái, vừa trút được gánh nặng tội lỗi vừa không bị của cải đè đầu, nên Giakêu lùn mà vẫn cao. Hãy noi gương Giakêu, là ta không bị đè nặng bởi tội, không bị đè bẹp bởi tiền, ta hiên ngang vươn cao tới Chúa. Lùn chưa chắc đã thấp, nhưng như Giakêu lùn mà vươn cao tới tận trời xanh, nơi có Chúa ngự trị. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy ý của Lm Đaminh Thiêm, và Lm Hàm)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bangladesh rúng động: Đại Giáo sĩ, Hiệu trưởng trường Đại Học Hồi Giáo và 15 người bị tuyên án tử hình
Đặng Tự Do
01:05 01/11/2019
Ủy ban công lý và hòa bình Bangladesh nhận định về cái chết quá thương tâm của một cô gái trẻ

Một tòa án ở miền đông Bangladesh đã kết án tử hình 16 người vì tội giết một nữ sinh viên bằng cách thiêu sống cô. Trong tuyên bố đưa ra hôm 29 tháng 10, Ủy ban công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Bangladesh đã đưa ra nhận định của các Giám Mục nước này về bản án nói trên và tình trạng bạo hành đối với phụ nữ tại quốc gia này.

Nạn nhân bị thảm sát là cô Nusrat Jahan Rafi, 19 tuổi, sinh viên đang theo học chuyên khoa Hồi Giáo tại trường Đại Học Sonagazi Islamia, ở thành phố Feni, miền đông Bangladesh.

Trong bản án đưa ra hôm 24 tháng 10, Thẩm phán Mamunur Rashid, của Toà Hình Sự thành phố Feni cho biết vào ngày 26 tháng 3 năm nay đạo trưởng Hồi Giáo Siraj Ud Doula, là hiệu trưởng trường Đại Học này đã cưỡng hiếp cô Nurat với sự giúp đỡ của một số sinh viên.

Mẹ cô sau đó đã nộp đơn tố cáo tại đồn cảnh sát địa phương và đạo trưởng Siraj đã bị bắt. Điều này đã khiến những người ủng hộ và các sinh viên trung thành với đạo trưởng này quấy rối và đe dọa Nusrat và gia đình, và buộc họ rút lại vụ kiện.

Theo Thẩm phán Mamunur, ngày 6 tháng 4, theo lệnh của đạo trưởng Siraj đưa ra từ trong tù, năm người đã dụ dỗ Nusrat lên sân thượng của trường Đại Học, trói cô ta lại, đổ xăng vào người cô và thiêu sống Nusrat sau khi cô từ chối rút đơn khiếu nại.

Những kẻ sát nhân này muốn tạo hiện trường giả như một vụ tự sát, nhưng Nusrat đã tìm cách chạy xuống một cầu thang trong khi toàn thân chìm trong biển lửa và nói với anh trai cô những gì đã xảy ra trong xe cứu thương. Bị bỏng 80 phần trăm, Nusrat chết bốn ngày sau đó vào ngày 10 tháng Tư.

Một sự phản đối kịch liệt của dân chúng địa phương đã nổ ra bao gồm các cuộc biểu tình lớn chưa từng có tại địa phương và ngay trên các đường phố ở thủ đô Dhaka. Các phương tiện truyền thông xã hội và nhiều nhà lãnh đạo chính trị đã kêu gọi việc bắt giữ nhanh chóng và trừng phạt các thủ phạm. Những phản ứng này đã khiến các cơ quan chức năng nhanh chóng hoạt động.

Trước các bằng chứng không thể chối cãi, Thẩm phán Mamunur tuyên án tử hình đạo trưởng Siraj và 15 người khác bao gồm những sinh viên đã dàn cảnh để vị đạo trưởng này hãm hiếp cô, và những người tổ chức cũng như tham gia vào vụ thiêu sống cô.

Phán quyết đã được tuyên đọc trong một phòng xử án chật kín người tham dự ở thành phố Feni vào ngày 24 tháng Mười. Tất cả các bị cáo, bao gồm cả một đảng viên của đảng cầm quyền tại địa phương và một số sinh viên, đã có mặt tại tòa để nghe phán quyết.

Thẩm phán Mamunur Rashid cũng đã phạt mỗi người 100,000 taka (tức là 1,190 Mỹ kim) và ra lệnh cho thẩm phán quận trao tiền cho gia đình nạn nhân.

Các nhà hoạt động nhân quyền ca ngợi phán quyết này là một bản án mang tính bước ngoặt tại một quốc gia đã chứng kiến các vụ tấn công tình dục và cưỡng hiếp càng ngày gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em trong những năm gần đây.

Cha Liton Gomes, tổng thư ký Ủy ban công lý và hòa bình Bangladesh, nói với ucanews rằng

“Chỉ trong trong sáu tháng đầu năm nay, đã có 2,083 trường hợp bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Tính chung từ năm 2014 đến nay đã có 25,222 trường hợp được báo cáo.”

Ngài nói thêm: “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hầu như không bị trừng phạt vì có một nền văn hóa bao che, nhưng vụ án này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng, buộc chính phủ phải có hành động nhanh chóng”. Ngài hy vọng các trường hợp khác cũng cần phải được xét xử nhanh chóng và công minh như thế.

Bangladesh Mahila Parishad, một nhóm bảo vệ quyền và phẩm giá phụ nữ cho biết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em thường không được báo cáo. Trong nhiều trường hợp, xã hội không đứng về phía các nạn nhân nhưng sẵn sàng quy trách nhiệm cho họ là ăn mặc hớ hênh, không thận trọng, thậm chí chụp mũ họ là quyến rũ các thủ phạm. Trong khi đó, các phim ảnh khiêu dâm đang làm gia tăng tội ác này trong xã hội Bangladesh.


Source:UCAN
 
Một linh mục ở Nam Carolina từ chối trao Mình Thánh Chúa cho ứng viên tổng thống Joe Biden
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:32 01/11/2019
Theo tờ báo Florence Morning News tường thuật vào thứ hai vừa qua (29.10), linh mục Robert Morey, chính xứ nhà thờ thánh Antôn thuộc giáo phận Charleston, Nam Carolina, từ chối trao Mình Thánh Chúa (Rước lễ) cho ứng viên tổng thống Joe Biden vì ông ủng hộ việc hợp pháp phá thai. Linh mục nói trong tuyên bố gửi đến CNA vào ngày 28.10 rằng: Thật buồn, Chúa Nhật vừa qua, tôi phải từ chối trao Mình Thánh Chúa cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden” “Rước lễ nghĩa là chúng ta trở nên một với Chúa, với anh chị em và với Giáo Hội. Những hành động của chúng ta nên phản ánh điều đó. Bất cứ nhân vật nào ủng hộ việc phá thai đều tự đặt mình ra ngoài giáo huấn của Giáo hội”, linh mục nói thêm.

Theo Florence Morning News, Morey là luật sư trong 14 năm trước khi trở thành linh mục, hành nghề luật ở Bắc Carolina và làm việc 7 năm cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

Biden, một cựu thượng nghị sĩ từ Delaware và cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ, đã vận động ở Nam Carolina vào cuối tuần qua, Associated Press đưa tin.

Điều 915 của Bộ Giáo luật tuyên bố rằng “những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, và những khác người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ”

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, đã viết một bản ghi nhớ gửi cho các Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ năm 2004, giải thích việc áp dụng Điều 915 của Bộ Giáo luật về việc rước lễ. Bản ghi nhớ tuyên bố rằng “Thừa tác viên có thể thấy mình trong tình huống phải từ chối trao Mình Thánh Chúa cho ai đó, chẳng hạn như trong các trường hợp của môt vạ tuyệt thông đã tuyên bố, một vạ cấm chế đã tuyên bố, hoặc một sự cố chấp kiên trì trong tội lỗi nghiêm trọng.”

Trường hợp của một chính trị gia Công Giáo người “kiên trì vận động và bỏ phiếu cho phá thai cho phép và luật an tử”, sẽ tạo nên “hợp tác chính thức” với tội nghiêm trọng. Trong những trường hợp như vậy, Mục tử của người ấy nên gặp họ, hướng dẫn họ về giáo huấn của Giáo hội, thông báo cho họ rằng họ không được trình diện để rước lễ cho đến khi họ chấm dứt tình trạng khách quan của tội, và cảnh báo họ rằng họ sẽ bị từ chối Bí tích Thánh Thể”.

“Khi 'các biện pháp phòng ngừa này không có hiệu lực hoặc không thể thực hiện được', và người đó còn kiên trì cố chấp, vẫn tiến lên nhận Bí tích Thánh Thể, 'thừa tác viên Rước lễ phải từ chối phân phát '(x. Hội đồng Giáo hoàng về các Văn bản Lập pháp Tuyên bố về ‘Rước lễ và Những người Công Giáo Ly dị và Tái hôn Dân sự' [2002], số 3-4) “Quyết định này, nói đúng ra, không phải là một cấm chế hay hình phạt. Cũng không phải là thừa tác viên Rước lễ phán xét về tội lỗi chủ quan, mà là phản ứng với sự không xứng đáng công khai của người đó về việc Rước lễ vì một tình huống khách quan của tội”

Cha Robert Morey nói: “Là một linh mục, tôi có trách nhiệm phục vụ những linh hồn được giao phó cho tôi chăm sóc và tôi phải làm như vậy ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất.” Cha kết luận: “Tôi sẽ nhớ đến ông Biden trong những lời cầu nguyện của tôi”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Nên Thánh bằng sự kiên nhẫn, đời sống yêu thương và phục vụ anh em mình
John Paul II
09:05 01/11/2019
“Tôi thích chiêm ngắm nét thánh thiện nơi sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi con với tình yêu bao la, nơi những người nam nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những tu sĩ già yếu không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung của họ tôi nhìn thấy tính thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Rất thường, đó là một sự thánh thiện được gặp thấy nơi những con người ngay bên chúng ta, những người sống giữa chúng ta và phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp bậc trung của sự thánh thiện” (ĐTC Phanxico, Gaudete et Exultate, 7)

“Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện. Bạn được gọi sống đời thánh hiến? Hãy nên thánh bằng việc vui tươi sống trọn lời cam kết của bạn. Bạn kết hôn? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc vợ hay chồng của bạn, như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với hết khả năng và sự liêm chính để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay ông bà trong nhà? Hãy nên thánh bằng việc nhẫn nại dạy bảo con cháu mình biết đi theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở vị trí nắm giữ quyền bính? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và nói không với việc trục lợi riêng tư” (Hiến chế GE.14)
 
Được nhiều ơn lạ, khách hành hương đổ về Lộ Đức nhưng giáo quyền cảnh báo nạn móc túi tăng mạnh
Đặng Tự Do
15:23 01/11/2019
Nạn móc túi tăng nhanh một cách đáng báo động tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức

Giới hữu trách đã lên tiếng cảnh giác các tín hữu hành hương sau một loạt các báo cáo về những hành vi trộm cắp đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng quan ngại tại một đền Thánh nổi tiếng nhất ở Pháp, là Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Các khách hành hương được nhắc nhở thận trọng hơn về tư trang của họ.

Pierre Aurignac, một công tố viên địa phương, nói với thông tấn xã AFP rằng thị trấn này đã có “một thống kê bùng nổ” về nạn vụ móc túi. Cho đến nay, ông cho biết, chỉ mới chín tháng đầu năm đã có 274 vụ móc túi được báo cáo, so với 117 vụ trong năm 2018.

Hầu hết các vụ móc túi xảy ra trên các đường phố gần đền thờ, chung quanh các cửa hàng bán các mặt hàng như tràng hạt, ảnh tượng, và nước Lộ Đức.

Ông Philippe Subercaze, một quan chức phụ trách an ninh thành phố cho biết thêm: “Những kẻ móc túi dân chuyên nghiệp được tổ chức rất chặt chẽ,”.

“Chúng đến từng đợt và luôn thay đổi. Ngay khi một tên bị nhận diện hoặc bị bắt, chúng thay ngay bằng những tên khác. Đó là một trò chơi mèo và chuột,” ông nói với tờ The Telegraph.

Kể từ năm ngoái, chính quyền dân sự Lộ Đức đã lắp đặt khoảng 50 camera quan sát và các quan chức của Giáo hội đã thiết lập thêm nhiều camera giám sát gần đền thờ.

Đền thờ Lộ Đức tập trung quanh một hang đá ở chân núi Pyrenees, là một dãy núi ngăn cách Tây Ban Nha và Pháp. Tại hang đá này, Thánh Bernadette Soubirous, con gái đầu lòng của một người thợ xay bột nghèo, đã được Đức Trinh Nữ Maria hiện ra vào năm 1858.

Từ lần xuất hiện đầu tiên của Đức Mẹ với sơ Bernadette Soubirous, nước từ hang đá Lộ Đức đã là một nguồn chữa lành kỳ diệu, cả cho những người đã đến thăm Lộ Đức lẫn những người đã sử dụng nước này ở những nơi xa xôi. Kể từ thời sơ Bernadette đến nay, hơn 7,000 trường hợp khỏi bệnh cách lạ lùng đã được báo cáo cho Ủy ban Y Khoa Lộ Đức bởi những người hành hương viếng thăm thánh địa này. Con số 7,000 phép lạ này không bao gồm những phép lạ đã xảy ra bên ngoài Lộ Đức.

Từ năm 1883 đến nay, chỉ có 70 trường hợp được công nhận là “phép lạ” theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của Ủy ban Y Khoa Lộ Đức.

Bác sĩ Alessandro di Franciscis, giám đốc Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết:

“Một trường hợp khỏi bệnh được công nhận là phép lạ nếu nó diễn ra tức khắc, bệnh tật được chữa khỏi vĩnh viễn, và không thể giải thích được về mặt khoa học”.

70 trường hợp được Ủy ban Y Khoa Lộ Đức xác nhận đã được kiểm tra bởi một số lượng lớn các bác sĩ và các nhà khoa học, và không một trường hợp nào có thể gây ra tranh cãi.

Giáo sư Sarah Goldingay của Đại Học Exeter, một thành viên trong Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết:

“Điều này không có nghĩa là 7,000 trường hợp khác không phải là các phép lạ. Những trường hợp này chỉ đơn giản là chúng tôi không có các phương tiện điều tra đến nơi đến chốn như các bệnh nhân ở quá xa, hay người ta có thể giải thích ít nhiều một cách khoa học mặc dù sự lành bệnh là tức khắc, và thật sự là ngoại thường”.

Theo số liệu chính thức, hơn 770,000 người đã đến thăm ngôi đền vào năm ngoái, nhưng chính quyền địa phương tin rằng con số này cao hơn nhiều, và lưu ý rằng một số người hành hương không ở lại trong một thời gian dài.

Ông Subercaze cảnh báo mọi người nên thận trọng. Đền thờ Lộ Đức được biết đến với phép lạ và sự hoán cải tâm linh, nên mọi người có thể có một cảm giác an toàn sai lầm.

Nhiều người nghĩ rằng khi họ đến Lộ Đức, không có gì mất an ninh có thể xảy ra và họ lơ là với các túi xách của mình hơn so với ở Paris.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ các đẳng trong Hang Toại Đạo tại Roma
Thanh Quảng sdb
17:59 01/11/2019
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ các đẳng trong Hang Toại Đạo tại Roma

Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn đến thăm Hang toại Đạo Priscilla, tại Rome, vào hôm nay Thứ Bảy, để cử hành thánh lễ tưởng nhớ tới tất cả các tín hữu đã ly trần.
(Bài viết của Devin Watkins – Tin Vatican)

Một số lớn các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu truyền giáo đã được chôn cất trong Hang Toại Đạo Priscilla, được biết đến với cái tên “Regina catacumbarum” – Hoang Toại Đạo Rất Thánh Nữ Vương.
Trong buổi kinh Truyền Tin hôm qua, thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang rất cổ ở Roma vào Thứ Bảy, trong ngày lễ các linh hồn.
Với tâm thức và văn hóa của thời đại chúng ta đang sống là đừng nghĩ tới cái chết, tôi tha thiết kêu mời anh chị em hãy đến thăm và cầu nguyện cho những người quá cố tại nghĩa trang.

Nghĩa trang Priscilla
Hang Toại Đạo Priscilla ban đầu là một hầm mỏ cát nằm dọc theo đường lộ Salaria của dòng họ Acilius Glabrio. Một thành viên của gia đình quý tộc này là Priscilla đã cho phép Giáo hội sơ khai sử dụng khu đất này làm nghĩa trang.
Nhiều tín hữu đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4, nơi đây cũng có ít nhất 7 huyệt mộ của các vị Giáo hoàng như Giáo hoàng Marcellinus (296-304) và Giáo hoàng Marcellus I (308-309).
Hang Toại Đạo này cũng lưu trữ một số kỷ vật mà một số chuyên gia cho là những kỷ vật lâu đời nhất được biết đến với tước hiệu Đức Nữ Trinh Maria, như trong một bức họa đã có từ giữa thế kỷ thứ 2.
 
Sự Thánh Thiện vừa là Quà tặng vừa là một Ơn gọi
Thanh Quảng sdb
18:50 01/11/2019
Sự Thánh Thiện vừa là Quà tặng vừa là một Ơn gọi

Trong buổi Kinh Truyền Tin hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy diễn về lễ các thánh và nhắc nhở chúng ta sự thánh thiện vừa là một món quà vừa là một lời mời gọi.
(Bài viết của Devin Watkins – Tin Vatican)

Lễ trọng kính các thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta được mời gọi nên thánh.
Đó là tư tưởng mà Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc buổi Kinh Truyền Tin với khách hành hương ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 1/1/2019.
ĐTC nói các thánh không phải là những con người xa lạ, không thể tiếp cận. Các ngài là những người đã bước đi cùng một con đường đầy gian truân khó khăn trong cuộc sống mà chúng ta đang tiến bước, với tất cả những thành công và thất bại của nó.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta không thể vượt thắng được bằng sức mạnh của chúng ta mà nhờ vào ân sủng của Chúa. Đó là một ơn nhưng không Chúa ban cho chúng ta, đó chính là một món quà mà cũng là một lời mời gọi.

Món quà nhưng không
Như một món quà được Thiên Chúa ban, sự thánh thiện không thể mua được bằng tiền của công sức mà chỉ được lãnh nhận với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
ĐTC giảng giải: Đây là một xác tín rằng chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, trở thành những cành nhánh được tháp nhập vào thân nho, và vì thế chúng ta có thể và được sống với Ngài như là con cái của Thiên Chúa.

Sự đáp trả của lời mời gọi
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng các Thánh chỉ cho chúng ta thấy sự thánh thiện là lời mời gọi cho tất cả mọi người theo Chúa Kitô.
Đây là con đường nên thánh mà mọi Kitô hữu được mời gọi tiến bước trong niềm tin, tiến tới mục tiêu cuối cùng: hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh hằng.
Sự thánh thiện mời gọi chúng ta đón nhận món quà của Chúa, một cách có trách nhiệm và cam kết thực hiện một quyết tâm hàng ngày để thánh hóa cuộc sống, trách nhiệm trong cảnh sống của chúng ta, với một tình yêu bao la và một lòng vị tha vô biên...
 
Văn Hóa
Lá Thư Canada: Những Phước Lành
Trà Lũ
20:58 01/11/2019

Trời đã vào cuối thu. Mới đó mà rừng phong sau nhà đã bắt đầu thay áo. Không phải áo xanh biến thành áo vàng rồi bay đi ngay đâu. Không, đây là một chu kỳ đẹp vô cùng của thiên nhiên Canada. Khi cây phong cảm thấy cái lạnh hanh hanh thì họ nhà phong liền thì thầm gọi nhau thay áo. Màu vàng len lén một chút ở cuống lá. Màu vàng ngập ngừng cả tuần lễ rồi màu vàng mới lan ra. Rồi màu hồng mới hiện lên. Rất e ấp. Mãi rồi lá cây mới chuyển sang màu đỏ, rồi đỏ tươi, rồi đỏ thắm. Lá phong đổi màu theo độ ánh nắng. Vì tàng cây ngậm nắng ở những góc độ khác nhau nên nhịp chuyển màu cũng khác nhau. Và biến thành một tác phẩm màu đẹp tuyệt vời. Đồi phong biến thành một cuộc triển lãm , khách du lịch khắp nơi đổ đến đây để chiêm ngắm, để chụp hình, để tìm hứng làm thơ làm nhạc. Canada lớn hơn nước Việt Nam 30 lần mà chỉ có 33 triệu dân. Dân chúng chỉ sống ở phía nam sát miền biên giới với Hoa Kỳ, ngoài ra là rừng cây. Các cụ thử tưởng tượng một rừng cây xanh như vậy, mà bây giờ những mầu xanh vàng hồng đỏ chen lẫn nhau thì đẹp biết chừng nào. Dân Canada giỏi vẽ giỏi làm thơ làm nhạc có lẽ nhờ vậy.

Giữa mùa lá phong thay áo đẹp này thì nước Canada vừa xong cuộc tổng tuyển cử. Thủ tướng Justin Trudeau tái đắc cử ngày 21 tháng 10 vừa qua với một chính phủ thiểu số. Tổng số ghế quốc hội là 338, Đảng Tự Do của ông chỉ chiếm đưọc 157 ghế, nên ông còn cần cộng tác với một đảng khác nữa thì mới bền vững, chứ không thì nhiệm kỳ của ông rất mong manh. Hình như ông muốn cộng tác với đảng Tân Dân Chủ NDP có 24 ghế thì phải. Đảng Bảo Thủ đối lập đã chúc mừng ông ngay. Việc này làm tôi thấy dân Canada thật là văn minh tiến bộ, khác với dân Việt mình : đảng tôi mà thất bại thì không bao giờ chúng tôi công nhận kết quả của đảng anh, tôi sẽ tố cáo anh gian lận. Dân mình thường vậy đó. Cầu xin ông thủ tướng trẻ Trudeau mới 47 tuổi này theo kịp bước chân của ông bố ngày xưa. Các cụ nhớ Cụ Pierre Elliot Trudeau chứ, cụ là người đã mang Hiến pháp Canada từ bên Anh về nước, đã làm ông hàng xóm Hoa Kỳ nhiều phen chới với nhưng nể phục. Tên cụ Pierre Elliot Trudeau, viết tắt là PET, đã đưọc đặt cho phi trưòng quốc tế Toronto từ năm 2003.

Tháng 11 cũng là tháng nhớ tới những người đã khuất, lễ các chiến sĩ trận vong. Lễ này làm tôi nhớ tới bài thơ nổi tiếng ‘In Flankers Fields’ của thi sĩ John McCrae. Ông là một y sĩ trong quân đoàn Canada đi giải cứu u Châu ở Flankers vào thời Đệ Nhất Thế Chiến. Trên cánh đồng hoang Flankers này có một loài hoa dại tên là Poppy màu đỏ. Nhiều chiến binh Canada đã nằm xuống trên cánh đồng này. Y sĩ John McCrae xúc động dã làm ra bài thơ mô tả chiến trường đẫm máu và khóc thương đồng đội. Một lời thơ trong bài này đã được ghi trên đồng bạc mệnh giá 10 đô la. Các cụ đã thấy có nước nào in lời thơ trên đồng bạc chưa ? Các chiến binh Canada tử trận đã được chôn cất ở đây giữa cánh đồng đầy hoa poppy, nên bây giờ, hàng năm, các cựu chiến binh Canada vẫn đứng ở các ngã tư cài hoa poppy cho mọi người để ghi nhớ người xưa và việc xưa.

Tháng 11 này còn làm tôi nhớ tới những cái chêt đầy oan khiên. Như cuối tháng 10 vừa qua có xe tải đông lạnh chở 39 xác chết khi tới vùng Essex ở Anh quốc. Họ là những ai đây ? Báo chí quốc tế đang làm ầm lên việc này. LM Cao Gia An ở Quảng Trị nói rằng đây toàn là dân Miền Trung bỏ nước đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn nhưng đã bị lừa vào xe tải đông lạnh khi tới Anh. Trên mạng tôi thấy đăng một bài thơ của một cô gái mang tên Trà My trong số 39 nạn nhân này. Trước khi chết, cô gửi qua email cho mẹ ở nhà rằng con đang bị nghẹt thở. Bà mẹ đã cho phổ biến bài thơ đầy nước mắt này:

Mẹ ơi con khó thở. Con đang chết, mẹ ơi. Tổ quốc ơi, người Việt Đang chết ở xứ người.Tổ quốc ơi, hãy hỏi, Vì sao nhiều đồng bào, Phải mất tiền để chết. Xin hãy hỏi : vì sao ?

Qua hơi tàn của một em gái VN đang hấp hối này ta thấy có bóng dáng những gian dối, mánh mung, tham nhũng của những kẻ đang cầm quyền VN. Quốc hội VN vẫn nín khe...

Cũng trong tháng 10 vừa qua có cái chết của thứ trưởng giáo dục Lê Hải An. Báo chí đưa tin là ông ra hành lang lầu 8 và bị té xuống đất. Chả lẽ văn phòng của một thứ trưởng mà hành lang chật hẹp đến độ ra một cái là té liền sao ? Thật là vô lý. Nghe nóí ông thứ trưởng này đang tố cáo một số viên chức trong bộ giáo dục những tội ác gì đó . Kinh thật. Sống với những người CS, người dân phải sợ từng ngày. Kìa xem ngài Tổng Tịch Nguyễn phú Trọng đang khoẻ mạnh về thăm Kiên Giang có một ngày mà xém chết. Sợ qúa. Có luật nhân quả không các cụ ?

Đây là mấy cái chết gần. Xa hơn, tháng 11 chúng ta nhớ tới cái chết đầy oan khiên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông ODP trong làng tôi khi nghe tới cái chết này thì lửa trong lòng ông bốc lên. Ông bảo Cụ Diệm đã bị chết một cách vô cùng oan khiên vào ngày 2-11-1963. Cái chết này đã kéo theo cái chết của Tổng Thống Kennedy ngay 3 tuần sau đó. Cái chết này đã làm cho giáo hội Phật Giáo VN chia đôi, một nửa là phe Ấn Quang với thày Thích Trí Quang, một nửa là phe của thày Thích Tâm Châu. Sự đổ vỡ này cho tới ngày hôm nay vẫn chưa thể hàn gắn lại được. Sự đổ vỡ này đã khiến giáo hội Phật Giáo mất đi một ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự vĩ đại mà đáng lẽ ra phải có và sẽ oai hùng vô cùng, vì hồi 1963 sức mạnh của giáo hội Phật Giáo mạnh vô cùng, muốn gì cũng được . Báo chí còn ghi : Mọi sự cho việc xây chùa này đã sẵn sàng. Đất ở ngay trên đường Trần Quốc Toản Saigon rộng mênh mông. Tiền bạc dư thừa, tướng Dương Văn Minh và về sau tướng Nguyễn Cao Kỳ đổ vào biết bao nhiêu. Hoạ đồ đã vẽ xong, thật là nguy nga, tráng lệ, và hùng vĩ, xứng đáng là ngôi chùa đặc trưng quốc gia. Thế mà sự chia rẽ đã làm ngôi chùa không hề được khởi công. Dự án đã chết. Mấy nhà sư Bắc Kỳ chờ ngôi chùa này không được nữa mới quay ra xây chùa cho nhóm mình, đó là Chùa Vĩnh Nghiêm của Thày Thích Tâm giác, ở bên cầu Công Lý Saigon.

Kể đến đây rồi Ông ODP kết :Tất cả những sự kiện này có phải là do cái chết tức tưởi và oan khiên của Cụ Diệm không ? Cụ thiêng lắm.

Chị Ba Biên Hòa nghe nói về những sự dữ trên đây thì xin làng bàn sang chuyện khác, xin bỏ những chuyện liên quan tới tháng 11, con số 11 xui qúa. Cụ B.95 tròn xoe mắt hỏi ngay : Con số 11 xui lắm sao ? Chị Ba trả lời ngay : Dạ đúng. Này nha

Khi ta gặp nguy, ta gọi điện thoại 911, ba con số này cộng lại có phải là 11 không?

Biến cố 9/11 ở New Yrok bên Mỹ, 2 toà tháp đôi bị sập và bao nhiêu người chết, cộng ngang 3 con số này có phải là số 11 không?

Hai tòa tháp ấy đứng xa trông có giống con số 11 không?

New York là tiểu bang thứ 11 gia nhập liên bang Hoa Kỳ

Chữ New York City có 11 chữ.

Ngũ Giác Đài tiếng Anh là The Pentagon nơi bị bọn khủng bố tấn công cũng gồm 11 chữ

Máy bay American Airlines đâm vào 1 cao ốc có 92 hành khách, cộng ngang con số 9 với 2 có phải là 11 không? Còn máy bay United Airlaines đâm vào cáo ốc kia chở 65 hành khách, cộng 6 với 5 có phải là số 11 không.

Trên đây là những chuyện số 11 bên Mỹ, còn ở Việt Nam mình thì ông bà ta cũng kiêng con số 11. Chứng cớ : Tháng 11 cuối năm thì ông bà ta gọi là tháng Một, hai tháng cuối năm gọi là Một Chạp, còn tháng 1 đầu năm thì ông bà ta gọi là tháng Giêng,

Cụ B.95 nghe xong liền nói ngay : À há, bây giờ lão mới được nghe về con số 11 này. Nhưng thôi, xin nói những chuyện thời sự khác, vui hơn. Ông ODP liền kể :

Tin thứ nhất là Đức Cha Nguyễn Năng của giáo phận Phát Diệm ngoài Bắc được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục giáo phận Saigon trong Nam. Ngài sẽ là vị Tổng Giám mục thứ 4 của Saigon sau TGM Nguyễn văn Bình, Phạm Minh Mẫn và Bùi Văn Đọc. Khi nghe tin mừng này thì ai cũng vui, nhất là Cụ Chánh tiên chỉ làng. Cụ bảo hình như giáo phận Phát Diệm và giáo phận Saigon có duyên với nhau. Này nha : Đức Cha Nguyễn Bá Tòng gốc Saigon đang làm cha sở xứ Tân Định, thì 1933 được phong giám mục và được cử làm giám mục Phát Diệm. Bây giờ Đức Cha Năng đang làm giám mục Phát Diệm được cử làm Tổng Giám Mục Saigon. Có duyên với nhau quá chứ.

Tin thứ hai là tin về văn hoá. Ngày 8 tháng 11 này, GS Đỗ Khánh Hoan, một dịch giả danh tiếng quốc tế, sẽ ra mắt một bộ sách vĩ đại, ‘ Platon Toàn Tập’ tại trụ sở Hội Các Chuyên Gia VN ở Vaugham miền bắc Toronto . Xưa nay tôi chưa hề nghe có tác phẩm nào dài tới 2 ngàn trang cả. Xin mời các cụ nghe lời ban tổ chức :

... Platon là một nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, người đã khai sinh ra nền triết học Tây phương cách đây 2500 năm tại Hy lạp. Platon dùng thể văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng của mình về mọi lãnh vực của cõi nhân sinh, từ siêu hình học đến nhận thức luận, mỹ học, tình yêu, đạo đức và luật pháp. Platon để lại cho đời 42 đối thoại nhưng học giả đời sau xác định chỉ có 30 đối thoại là do chính ông chấp bút, số còn lại là ngụy tạo.

Toàn bộ 30 đối thoại của Platon đã được dịch ra tiếng Việt, in thành 2000 trang sách, được chia làm 2 tập. Giáo sư Đỗ Khánh Hoan đã dành hơn 10 năm trời để dịch sang Việt ngữ, từ nguyên tác tiếng Hy Lạp và tham khảo thêm từ những văn bản Anh, Pháp và Đức ngữ. Ngoài việc chuyển ngữ tác phẩm, giáo sư Đỗ Khánh Hoan còn chú thích cặn kẽ hầu giúp độc giả Việt bớt bỡ ngỡ khi tiếp xúc với triết học Tây Phương.

Buổi lễ ra mắt sách do ban giám đốc Học Viện Công Dân ở Houston sang Toronto tổ chức. Điều khiển cơ sở thuần túy văn hoá này là 2 vợ chồng ông bà Tiến Sĩ Nông Duy Trường và Tiến Sĩ Nguyễn Anh Lan.

Các cụ có bao giờ thấy một buổi ra mắt sách mà sách dài tơi 2000 trang chưa? Đây là một nét son của văn hoá Việt Nam. Các sách xuất bản và phát hành xưa nay của Học Viện Công Dân luôn luôn về văn hóa, các tác phẩm rất kén chọn, được các độc giả cả hải ngoại cả trong nước rất ái mộ. Các cụ ở xa muốn biết về bộ sách mới này cũng như các tác phẩm của Học Viện Công Dân và GS Đỗ Khánh Hoan, xin liên lạc qua email : icevn@icevn.org

Chị Ba Biên Hoà hỏi tôi : Có phải GS Đỗ Khánh Hoan cũng là dịch

giả cuốn ‘Lời Dâng’ thơ Tagore ngày xưa không ? Tôi biết rõ việc này nên đã trả lời ngay : Đúng vậy, cuối thập niên 1960 ở Saigon xưa, giới trẻ ai mà không có trong túi tập thơ nổi tiếng này. Chính GS Đô Khánh Hoan cho tôi biết tập thơ này đã tái bản 34 lần, tôi xin lập lại 34 lần, và ở VN hiện nay vẫn còn người in lậu. Thơ Tagore và lời dịch có lửa và có thần, các cụ ạ...

Xin tạm ngưng tin sách vở, để mời các cụ dự bữa ăn Lễ Tạ Ơn Canada ở nhà cụ Chánh, theo đúng truyền thống với món gà tây và bánh bí ngô. Gia đình Cụ Chánh được giáo xứ của Cha Paolo đứng ra bảo trợ từ trại tỵ nạn Pulao Bidong vào thập niên 1980. Cụ vẫn nói là mai mốt cụ nằm xuống thì con cháu cụ vẫn phải ghi nhớ lễ này.

Mở đầu bữa ăn là phần cầu nguyện. Cụ Chánh nước mắt rưng rưng đã cầu xin : Lạy Chúa, chúng con đội ơn Chúa đã sai Cha Paolo cứu chúng con từ trại tỵ nạn, đã khiến Cha Paolo coi chúng con như người anh em nghĩa thiết. Chúng con đội ơn Chúa đã cho chúng con một đời ấm no và hạnh phúc trên miền đất Canada thiên đàng này. Chúng con đội ơn Chúa đã cho chúng con bữa ăn đầy hương vị vừa Canada vừa Việt Nam này. Amen. Dân làng cùng lập lại lời Amen, và ngồi xuống bàn. Món đầu tiên do Chị Ba Biên Hòa và anh John nấu. Món gà tây ăn với sauce làm bằng nước trái mận, rồi món bánh bí ngô pumkin pie. Sau đó mới tới món chè bí ngô nấu với đậu xanh của Cụ B.95. Ôi, món bánh bí ngô Canada ăn với chè bí ngô VN, sao mà nó ngon thế này ! Ông ODP vừa cười vừa chỉ vào Anh John và Chị Ba : nó ngon và hợp nhau y như cặp vợ chồng hạnh phúc này. Nghe vậy, Chị Ba e thẹn cúi đầu, má chị đỏ hây hây, trông cô gái Biên Hòa bữa nay đẹp hết sức.

Và tiếng cười đã nổ ra từ đây. Anh John được cả làng yêu cầu mở đầu chuyện cười. Anh vui vẻ kể ngay : Tháng trước tôi kể chuyện bà Nguyễn Thị Hồng bóp dế một anh công an ở Saigon thành công. Sáng hôm nay tình cờ khi rở lại tập báo cũ năm 2001 tôi gặp một chuyện còn khiếp đảm hơn chuyện bóp cụ Hồ của bà Hồng trên đây. Chuyện xảy ra ngày 9.1.2001 ở bên Anh. Rằng có một chị sồn sồn kia tên là Carr ở tỉnh Tyneside, bữa đó đi dự tiệc cưới một người bạn thân. Không hiểu sao giữa bữa tiệc xảy ra vụ cãi nhau. Chú rể đánh cô dâu. Chị Carr thấy cô dâu là bạn rất thân của mình bị tấn công thì liền nổi máu anh hùng, xô chú rể té xuống, rồi xé quần chú rể ra, cắn đứt liền một viên bi. Báo chỉ kể có thế, không cho biết thêm chi tiết rồi chú rể sẽ ra sao...

Làng tôi lại cười ầm lên. Phe các ông thì thốt lên : Liền bà bên Anh dữ quá, liền bà Canada của chúng ta đâu có thế bao giờ. Phe các bà gật đầu đồng ý ngay : Đúng, liền bà Canada toàn những thánh nhân không à. Cụ B.95 hỏi ngay : Xin mấy bà kể tên mấy nữ thánh nhân Canada coi.

Phe các bà không được chuẩn bị việc này nên nín khe. Anh John liền nhảy vào lập công với vợ. Anh bảo chuyện thánh nhân thì anh không nhớ rõ, nhưng chuyện nữ nhân tài thì anh có nhiều. Chẳng hạn chuyện nữ ca sĩ nổi tiếng Céline Dion. Các cụ biết người ca sĩ danh tiếng này chứ. Rằng khi bà mẹ mang bầu lần thứ 13, bà thấy mệt mỏi quá nên định phá thai. Bà đem tâm sự phá thai này hỏi ý một ông cha linh hướng. Vị linh mục này đã hết lời khuyên nhủ bà đừng làm việc giết người . Bà hồi tâm và giữ thai. Rồi bà đẻ ra một đứa con gái. Đứa này chính là ca sĩ Celine Dion nổi danh khắp thế giới hiện nay của Canada. Cả làng vỗ tay vì chuyện hay qúa.

Nghe xong, cụ Chánh chắp tay như cầu nguyện lúc đầu bữa : Con đội ơn Chúa đã cho chúng con những phước lành, một Celine Dion, một Đỗ Khánh Hoan, một Học Viện Công dân.

TRÀ LŨ
 
Lung linh Ảnh Nến gọi mời
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
22:15 01/11/2019

Sau hơn năm tháng thi công với mong ước có nơi khang trang, sạch đẹp cho các linh hồn chờ ngày Phục Sinh. Chiều ngày lễ các Thánh, nghĩa trang giáo xứ tôi nhộn nhịp hẳn lên với Thánh Lễ tạ ơn, làm phép tượng đài Đức Mẹ Sầu bi, bàn thờ và khánh thành nhà hài cốt.

Cụm công trình mới được xây dựng rực sáng trong buổi chiều tà và những phần mộ được sửa sang sạch sẽ, trang hoàng nến hoa và nghi ngút khói hương như dấu chỉ sự hiệp thông giữa kẻ sống – người chết. Thánh Lễ đồng tế trọng thể chiều nay thể hiện sự hiệp thông của Giáo hội lữ hành nơi trần thế và Giáo hội đang thanh luyện nơi luyện ngục cùng Giáo hội vinh thắng trên thiên quốc chuyển thông các công phúc cho nhau trong Mầu Nhiệm Giáo hội cùng thông công.

“Con người có tổ, có tông,
như cây có cội như sông có nguồn”

Người Việt Nam thường lấy chữ hiếu làm trọng, nhà có người qua đời được gọi là “nhà hiếu”. Chữ hiếu cũng đã được cha ông ta nâng lên thành đạo: Đạo Hiếu. Với đạo Công Giáo, Giáo Hội luôn nhắc các tín hữu hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai.” (Cn 6,20), “Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ.” (Lv 19,3), “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ!” (Đnl 27,16) và mạnh mẽ hơn “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó.” (Lv 20,9).

Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm là tháng cuối cùng trong niên lịch Phụng vụ, để cầu nguyện cho các linh hồn đồng thời để nhắc nhở chúng ta nhớ đến những ngày cuối cùng của thế giới và của mọi người chúng ta. Trong tháng này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang, chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn ...

Khi thắp nén nhang, cây nến chắc hẳn lòng ta không khỏi bùi ngùi khi tưởng nhớ những người đã khuất. Đối với người đời, chết là hết, là trở về với cát bụi vì “… hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi …”. Vâng, đời người như một cơn gió thoảng, mây bay "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2) nhưng từ chỗ phù vân ấy, người Công Giáo “nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người” (Gv 3,14).

Qua giáo huấn của Giáo hội chúng ta đã được biết: có thiên đàng để thưởng người lành, có địa ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống kiếp làm người với những tội lỗi như chúng ta: tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân …. Họ là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về nơi mà họ đã được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất.

Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Khi thực hiện mầu nhiệm tín điều các thánh cùng thông công, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho họ, bởi vì họ chưa được về cùng Chúa, nên họ còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

Dòng người đổ về nghĩa trang mỗi lúc một đông hơn và từng tốp quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân hướng về bàn thờ trên lễ đài. Thắp cây nến trên mộ phần người cha và người em đã ra đi trước tôi. Ánh sáng tỏa chiếu từ ngọn nến trước di ảnh cha và em tôi là ánh sáng của cây nến đức tin vào Thiên Chúa - đã được thắp từ cây nến Chúa Giêsu phục sinh - mà ngày xưa họ đã tiếp nhận ngày lãnh nhận Bí Tích rửa tội. Ánh sáng đó còn là lời cầu nguyện, lòng yêu mến biết ơn và tưởng nhớ. Ánh sáng đó còn nói lên lòng tin tưởng: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Sự tin tưởng càng được rõ nét hơn trong bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ ngoài trời tại nghĩa trang Verano của Roma ngày 1/11/2013: “Hôm nay chúng ta nhớ đến những anh chị em chúng ta đã sống trước chúng ta và bây giờ đang ở trên trời, họ ở đó vì họ đã được rửa sạch bằng máu Chúa Kitô. Đó là hy vọng của chúng ta, và niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng. Nếu chúng ta sống cuộc sống của chúng ta cùng với Chúa, Người sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng”.

Thánh lễ đã xong, hoàng hôn đang bàng bạc phủ xuống trên Thánh giá nơi lễ đài trung tâm nghĩa trang. Một số người như không muốn rời xa giây phút hiệp thông linh thiêng đã trở lại tụ tập cùng nhau bên mộ người thân của mình cất lên những lời kinh nguyện cuối trước khi trở về. Những lời kinh kết thúc râm ran: "Giêsu - Maria - Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn" hàm chứa tất cả các đẳng linh hồn trong luyện ngục cũng như hết tất cả các linh hồn trong Giáo Hội lữ hành nơi trần thế; các linh hồn tội lỗi cũng như các linh hồn vô tội, những người hấp hối, những kẻ vô thần ...

Trời nhá nhem tối, mọi người lục tục ra về khi những ngọn nến hình như sáng hơn trên mỗi ngôi mộ. Những ánh nến lung linh như những con mắt dõi theo từng bước chân của những người thân nhắc nhở sự hiệp thông trong lời cầu nguyện và chờ đợi gặp nhau trong ngày Phục Sinh sau hết như lời Chúa Giê-su đã phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26)
 
Đời người chiếc lá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:12 01/11/2019

Những ngày cuối tháng 10, Đất Thánh các Giáo xứ đông người đi tảo mộ. Bên người thân yêu đang an nghĩ, con cháu, thân nhân thành kính đốt nến thắp nhang, hiệp thông cầu nguyện.

Mỗi chiều, tôi ra Đất Thánh của Giáo xứ cùng mọi người dọn dẹp cỏ rác, phát quang bụi rậm, sữa sang lễ đài, chuẩn bị cho ngày lễ các đẳng linh hồn.

Nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng khắp Nghĩa Trang, tôi nghĩ về mùa thu, nghĩ về đời người và chiếc lá.

Nhớ bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư:

Em nghe không mùa thu.
Lá thu rơi xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp trên lá vàng khô.
(Tiếng thu)

Màu vàng của lá, màu úa của cỏ, nắng nhạt gió chiều là hình ảnh đặc trưng của mùa thu. Mùa “chịu tang” của những chiếc lá vàng. Ngồi nhìn lá rơi, mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay”. Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình cách nặng nề nghiêng ngã trên mặt đất. Lại có những chiếc lá ra đi cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha buông mình theo gió. Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành. Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng xuống. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành.

Đời người có khác chi một chiếc lá cuối thu. Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc. Lại có người ra đi về với cội nguồn một cách thanh thản nhẹ nhàng thanh thản. “Lá rụng về cội”. Lá rơi bên gốc cây. Lá chờ đợi một quá trình sinh học để trở thành dinh dưỡng nuôi cây. Lá góp thân xác tàn úa để trả ơn cho cây. Đời lá ngắn ngũi mà đầy ý nghĩa nhân sinh.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Kinh: “Có thời sinh ra, có thời chết đi” (Gv 3,2). Mỗi loài thụ tạo đều có thời hạn của nó. Đời người như chiếc lá mỏng manh, ngắn ngủi. Chỗ dựa trần gian chẳng an toàn vững chắc.Tiền bạc vật chất, bằng cấp, kiến thức, chức quyền đều chóng tàn phai. Sức khoẻ, sắc đẹp hao mòn rồi rệu rã theo tuổi đời năm tháng.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết. Nó chẳng từ ai, chẳng thương tiếc ai. Nó đến bất ngờ làm ta bang hoàng. Phải bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó và gom góp suốt đời để ra đi với hai bàn tay trắng. Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng. Một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, một chuyến đi nghỉ hè đôi ba ngày…tôi đã phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi? Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Vịnh: “Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (Tv 102,15-16). Dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu … ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống. Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng. Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết. Các vua chúa ngày xưa đã cố công đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng chết. Để sống cách trọn vẹn, phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.

Đời người ngắn ngủi như chiếc lá như lời Thánh Vịnh:
Đời con là một kiếp phù du,
Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.
Sống làm người ai không phải chết,
Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty ?
(Tv 88,48-49)

Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Sống và chết là kỳ công và đều bởi Thiên Chúa. Sự sống là mong manh, thế mà Thiên Chúa lại phải đánh đổi bằng máu của các tiên tri, bằng mạng sống của Con yêu dấu là Chúa Giêsu.

Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về cuộc đời lữ thứ. Xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì. Xin đừng chia rẽ và thù ghét làm chi. Cuộc đời này thật ngắn, tiền bạc trên thế gian này nhiều lắm, bàn tay ta có tham mấy cũng chẳng vơ vét hết được. Rồi đến lúc bàn tay xuôi xuống, lạnh cóng, cô đơn, chẳng nắm giữ được gì.

Để có được sự ra đi trong thảnh thơi nhẹ nhàng và đong đầy niềm tin hy vọng ngày mai tươi sáng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”. Ta hãy chọn phương châm “sống với” chứ đừng “sống vì”. Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền. Như ai đó đã từng nói:“Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.
 
Cầu Cho Tổ Tiên
Lê Đình Thông
08:40 01/11/2019
Tháng mười một, cháu con khấn vái
Tổ tiên ta nội ngoại một lòng
‘‘Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn.’’ (Ca dao)

Tháng linh hồn công ơn Tử Đạo
Là tiền nhân thiết tháo sáng soi
Cầu xin các thánh trên trời
Máu đào Tử đạo rạng ngời quê hương.

Cầu xin Chúa đoái thương tiên tổ
Các ngài luôn phù hộ cháu con
Linh hồn ở chốn phước ơn
Trời cao mây nước, cội nguồn gia tiên.

Nhớ thân phụ ưu phiền nuôi nấng
Cho các con yên phận đường đời
Tình cha con rất tuyệt vời
Chúa thương ban phước nước trời hiển vinh.

Và người mẹ nặng tình mẫu tử
Nuôi các con ưu tú nên người
Những ngày chạy loạn ngược xuôi
Tay bồng tay bế nụ cười trên môi.

Và vợ hiền một đời vất vả
Suốt bốn mùa xuân hạ thu đông
Chịu nhiều thử thách trong lòng
Mang thêm chứng bệnh hao mòn tấm thân.

Và em gái tinh thần vững chãi
Tuổi thanh xuân từng trải thân gầy
Dạy học, kiến trúc, vá may
Trong cơn biến loạn trả vay cuộc trần.

Bao bè bạn vùi thân đất khách
Xa quê hương man mác một thời
Chúa thương ban ơn phước quê Trời
Cùng nhau xum họp về nơi an bình.

Lê Đình Thông

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nơi An Nghỉ
Tấn Đạt
21:55 01/11/2019
NƠI AN NGHỈ
Ảnh của Tấn Đạt
Tháng 11 hãy tưởng nhớ và
cầu nguyện cho những linh hồn
đã qua đời.