Ngày 04-11-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đông Timor kỷ niệm 30 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
09:26 04/11/2019
Hơn 5 ngàn tín hữu Công Giáo Đông Timor tụ họp ở Dili ngày 30.10 để kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại xứ sở này vào năm 1989.

Tổng thống Francisco Guterres, được quen gọi là Lu-Olo, nói trong bài phát biểu rằng quốc gia rất biết ơn sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập. “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II 30 năm trước là một cách mà ngài muốn lắng nghe trực tiếp tiếng khóc than và cuộc đấu tranh của người dân”, ông Lu-Olo nói. Sự biểu tình của những người trẻ tuổi sau Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành, đã được thúc đẩy bởi chuyến viếng thăm của ngài, bất chấp sự hiện diện chặt chẽ của quân đội Indonesia.

Lu-Olo cho biết rằng để biểu lộ sự trân trọng đối với Đức Giáo Hoàng, chính phủ đã thành lập một tượng đài của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô ll II trên đồi Tasitolu ở Dili như một biểu tượng hy vọng cho người dân Đông Timor. Ông cho biết 17 năm sau khi giành độc lập, người dân Đông Timor, phải tăng cường các giá trị Kitô giáo như đoàn kết và tình huynh đệ để xóa đói giảm nghèo. “Không ai bị quên sót, nhưng cùng khuyến khích nhau như một quốc gia, Đông Timor”, Lu-Olo nói sau Thánh lễ ngày 30 tháng Mười.

Thánh lễ đồng tế do TGM Virgilio do Carmo da Silva của Dili, GM Norberto do Amaral của Maliana, GM Basilio do Nascimento của Baucau và GM Charles Gauci của Darwin. Các đại diện của Giáo hội Indonesia cũng tham dự lễ nghi. GM Do Amaral kêu gọi những Kitô hữu Châu Á tại một quốc gia đa số Công Giáo hãy trung thành với Chúa Kitô như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tỏ ra khi hôn đất Đông Timor lúc ngài đến thăm cách đây 30 năm. “Đó là thời điểm khi thế giới bắt đầu biết cuộc đấu tranh giành độc lập của Đông Timor”, GM Do Amaral nói. “Đức Cha Thánh yêu thương đất nước này rất nhiều, và như người Công Giáo, chúng ta cũng phải nỗ lực hướng tới sự biến đổi, đoàn kết và hòa bình như con cái của Thiên Chúa”, GM nói.

Trong số những người tham gia sự kiện này có hàng trăm trẻ em từ các giáo xứ trong cả nước. Tổng Giám mục Da Silva đánh giá cao sự tham gia của trẻ em, nói rằng Đông Timor với tư cách là một quốc gia đa số Công Giáo phải trở thành hình mẫu cho mọi người và Giáo hội đang trông cậy vào giới trẻ. Ngài nói rằng thông điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng có ý muốn mời những người trẻ mang Tin mừng đến với xã hội. “Bất cứ ai đã được rửa tội, kể cả trẻ em, đều có nghĩa vụ phải tham gia vào sứ mệnh của Chúa Kitô, bắt đầu với những điều đơn giản ở nhà, tôn trọng cha mẹ và không làm điều gì trái với lương tâm chúng ta”, TGM Da Silva nói. “Giáo hội cần bạn, giáo xứ của bạn cũng cần bạn”. Ngài nói Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn người dân Đông Timor, trở thành một ngọn nến nhỏ trong chính gia đình bạn và tránh bạo lực gia đình.”

Cha Mouzinho Pereira Lopes, giám đốc Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng tại Đông Timor, cho biết trẻ em và thanh thiếu niên sẽ là gương mặt của Chúa Kitô trong những năm tới. “Vì vậy, chúng ta phải làm cho họ biết rằng họ là muối và ánh sáng, giống như khi Đức Gioan Phaolô II kêu gọi dân Timor là muối và ánh sáng cho thế giới,” ngài nói.

Source: Ucanews
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời trong năm qua
J.B. Đặng Minh An dịch
15:54 04/11/2019
Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Hai 4 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 13 Hồng Y, và 156 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong số các vị đặc biệt có Đức Hồng Y Roger Etchegaray được coi là một đại ân nhân của Giáo Hội Việt Nam qua đời ngày 4 tháng 9 vừa qua.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của hơn 1,000 tín hữu. Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc hồi tháng Ba năm ngoái 2018.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Các bài đọc chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đến thế giới này để được sống lại; chúng ta không được sinh ra cho cái chết nhưng cho sự phục sinh. Như Thánh Phaolô viết trong bài đọc thứ hai, ngay cả bây giờ “chúng ta đã có quyền công dân trên trời” (Phil 3:20) và, như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, chúng ta sẽ được sống lại vào ngày sau hết (x Ga 6:40). Đó cũng là cùng một ý tưởng về sự sống lại được nêu trong bài đọc thứ nhất đã khiến Ông Giuđa Macabêô làm “một điều tuyệt vời và cao quý” (2 Mac 12:43). Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: ý nghĩ về sự phục sinh ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Làm thế nào để đáp lại lời mời gọi được sống lại?

Trước hết, chúng ta được sự trợ giúp từ Chúa Giêsu, Đấng trong Tin Mừng hôm nay cho biết: “Tất cả những ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37). Lời mời gọi của Chúa là: “Hãy đến với Ta” (x. Mt 11:28). Đến với Chúa Giêsu, Đấng hằng sống, để được miễn nhiễm khỏi cái chết, khỏi nỗi sợ rằng mọi thứ sẽ kết thúc. Hãy đến với Chúa Giêsu: điều này có vẻ như một sự hô hào tâm linh chung chung và thậm chí là tầm thường. Nhưng chúng ta hãy cố gắng làm cho điều đó trở nên cụ thể bằng cách đặt ra một vài câu hỏi. Hôm nay, trong các hồ sơ mà tôi giải quyết trong văn phòng, tôi có đến gần Chúa hơn không? Tôi có làm cho chúng trở nên một cơ hội để thưa chuyện với Ngài không? Trong những người mà tôi đã gặp, tôi có liên hệ đến Chúa Giêsu không? Tôi có mang những người ấy đến với Chúa trong lời cầu nguyện của mình không? Hay tôi đã làm mọi thứ trong khi chỉ nghĩ đến những mối quan tâm của mình, chỉ vui mừng vì những điều tốt đẹp dành cho tôi và phàn nàn về những điều không thành công? Nói một cách dễ hiểu, tôi đã sống một ngày của mình để đến với Chúa, hay tôi chỉ đơn giản là quay cuồng xung quanh mình? Và tôi đang đi đâu? Phải chăng tôi chỉ lo làm mọi cách để tạo ấn tượng tốt, để bảo vệ vai trò, lịch trình và thời gian rảnh của mình? Hay tôi đến với Chúa?

Những lời của Chúa Giêsu thật đánh động: “Tất cả những ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài”. Những lời ấy như muốn nói rằng bất kỳ Kitô hữu nào không đến với Ngài sẽ bị loại bỏ. Đối với các tín hữu, không có sự mập mờ lưng chừng. Chúng ta không thể vừa thuộc về Chúa Giêsu lại vừa quay cuồng xung quanh chúng ta. Những người thuộc về Chúa Giêsu sống bằng cách liên tục tiến ra từ chính chúng ta và hướng về Người.

Cuộc sống tự nó không ngừng tiến ra: từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi chúng ta chào đời, từ tuổi ấu thơ đến tuổi thiếu niên, từ tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành, v.v., cho đến ngày chúng ta giã từ thế giới này. Hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục là những người đã giã từ cuộc sống này để gặp gỡ Chúa Phục Sinh của chúng ta, chúng ta không thể quên điều quan trọng nhất và khó khăn là “đi ra”, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả những điều khác: đó là ra khỏi chính bản thân của chúng ta. Chỉ khi ra khỏi chính mình, chúng ta mới mở được cánh cửa dẫn đến Chúa. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này: “Lạy Chúa, con muốn đến với Chúa mỗi ngày, trên mọi nẻo đường và cùng với những người bạn đồng hành của con. Xin giúp con ra khỏi bản thân mình để đi về phía Chúa, vì chính Chúa là sự sống”.

Tôi muốn đề xuất một ý nghĩ thứ hai, về sự sống lại, rút ra từ bài đọc thứ nhất về “điều cao quý” mà Ông Giuđa Macabêô đã làm cho những người đã chết. Chúng ta biết ông đã làm điều đó bởi vì “ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức” (2 Mac 12:45). Tinh thần đạo đức, lòng đạo hạnh, được ban thưởng trọng hậu. Lòng đạo đức đối với người khác mở ra cánh cửa vĩnh cửu. Cúi xuống trên những người túng quẫn để phục vụ họ là chúng ta đang bước trên đường lên thiên đàng. Thánh Phaolô nói: “tình yêu không bao giờ kết thúc” (1 Cor 13: 8), như thế chính tình yêu là cầu nối giữa trời và đất. Chúng ta có thể tự hỏi mình có đang tiến lên dọc theo cây cầu này không. Tôi có để mình bị xúc động trước tình huống của người túng cùng không? Tôi có thể khóc với những người đang đau khổ không? Tôi có cầu nguyện cho những người không ai nghĩ đến không? Tôi có giúp cho những ai không có gì để trả lại cho tôi không? Đây không phải là tình cảm bồng bột nhất thời hay việc tham gia vào các hoạt động bác ái nhỏ nhoi; nhưng đó là những vấn đề của đời người, những vấn đề liên quan đến sự phục sinh.

Cuối cùng, tôi muốn đưa ra một ý nghĩ thứ ba về sự phục sinh. Tôi trích từ Sách Linh Thao, trong đó Thánh Y Nhã đề nghị rằng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, chúng ta nên tưởng tượng mình đứng trước mặt Chúa vào ngày chung thẩm. Đó là khoảnh khắc cuối cùng và không thể tránh khỏi, một điều mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt. Mỗi quyết định trong cuộc sống, nhìn từ quan điểm đó, sẽ được định hướng tốt, vì nó gần với sự phục sinh hơn, là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chúng ta. Khi sự ra đi được cân nhắc bởi mục tiêu, sự hoạch định được đánh giá bằng kết quả thu hoạch, thì khi đó cuộc sống được đánh giá tốt nhất bằng cách bắt đầu từ chung cuộc và mục đích của nó. Thánh Y Nhã viết: “Tôi hãy nghĩ đến bản thân mình như đang đứng trước sự hiện diện của Ðấng phán xét tôi vào ngày sau hết, và suy tư về những quyết định mà tôi muốn đưa ra trước vấn đề hiện nay; và giờ đây tôi sẽ chọn đó là quy tắc của cuộc sống, mà tôi sẽ tuân giữ trọn đời” (Linh Thao, 187). Đó có thể là một thực hành hữu ích khi chúng ta nhìn thực tại qua đôi mắt của Chúa chứ không chỉ qua đôi mắt của chính chúng ta; nhìn đến tương lai, và sự phục sinh chứ không chỉ đến hiện tại đang qua đi này; và đưa ra những lựa chọn có hương vị vĩnh cửu, và hương vị của tình yêu.

Tôi có đi ra khỏi chính mình mỗi ngày để đến với Chúa không? Tôi có cảm nhận và thực hàng lòng bác ái đối với những người đang trong tình trạng quẫn bách không? Tôi có đưa ra quyết định quan trọng trong tầm nhìn của Thiên Chúa không? Chúng ta hãy để bản thân mình được thử thách ít nhất bởi một trong ba suy nghĩ này. Chúng ta sẽ trở nên hài hòa hơn với ước muốn mà Chúa Giêsu thể hiện trong Tin Mừng hôm nay: rằng Người không muốn để mất một ai trong tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Ngài (x. Ga 6:39). Giữa rất nhiều tiếng nói trần tục đang khiến chúng ta quên đi ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta hãy trở nên hiệp một lòng một ý với thánh ý Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh và hằng sống. Như thế, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta ngày nay là một rạng đông của sự phục sinh.


Source: Libreria Editrice Vaticana
 
5000 người trả lời câu hỏi ‘‘Chấn Hưng Giáo Hội ‘’của nhật báo Pháp La Croix
Lê Đình Thông
18:28 04/11/2019
5 ngàn người đã cho biết ý kiến vế chủ đề ‘‘Chấn hưng Hội thánh’’ (Réparons l’Église) do nhật báo La Croix và tuần báo Le Pèlerin đưa ra.

Cuộc thăm dò ý kiến rộng rãi này được đưa ra sau một loạt sự việc xảy ra có thể gây ra dao động trong số các tín hữu. Nhiều giáo xứ, nhiều phong trào Công Giáo tiến hành, nhiều cộng đoàn đã tham gia ý kiến.

Ngoài ra, Hội đồng những người đã chịu phép rửa nói tiếng Pháp (Conférence catholique des baptisés francophones) cũng phát động một cuộc điều tra sâu rộng, tiếp nhập hơn 4 ngàn câu trả lời. Các gợi ý được đưa ra tuân theo thánh ý Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu suy nghĩ các phương cách nhằm chống lại mọi hình thức lạm dụng trong sinh hoạt của Giáo hội. Trong phiên họp của Hội đồng Giám mục Pháp vào mùa thu năm nay, có 200 tín hữu tham dụ các phiên họp khoáng đại.

Sau đây là các gợi ý đã được đưa ra :

1) Phương thức chấn hưng Hội thánh.

2) Giáo hội trước các ngả tư đường

3) Làm sao trực diện trước các biến cố

4) Các giải pháp đưa ra.

Tuổi trung bình của các người trả lời là 62,7 tuổi, 52% là phụ nữ, 48% là nam giới. Số bạn trẻ dưới 35 tuổi ít tham gia.

Các câu hỏi như sau :

1 - Giáo hội đang trải qua giai đoạn đặc biệt. Bạn đánh giá ra sao ?

2 - Trong những tháng qua, bạn quan tâm đến các biến cố nào nhất ?

3 - Bạn có cảm thấy nghi ngại khi nói mình là người Công Giáo?

4 - Các biến cố này có làm thay đổi cái nhìn của bạn về Giáo hội ? Sự dấn thân và hậu thuẫn của bạn ra sao?

5 - Các biến cố này có làm thay đổi liên hệ của bạn với các linh mục mà bạn quan biết ?

6 - Trong giai đọan thử thách này, bạn tin tưởng vào điều gì ?

7 - Bạn có môi trường nào khác để có thể nói về những điều mà Giáo hội đang trải qua ?

Theo ý bạn, cần hành động ra sao để việc điều hành Giáo hội được diễn tiến ?

8 - Đâu là cấp độ cấp thiết cần hành động giúp cho các cơ cấu được tiến triển và việc điều hành Giáo hội tốt đẹp ?

9 - Bạn có thể đóng góp ra sao vào việc chấn hưng Giáo hội ?

10 - Theo ý bạn, ba lãnh vực ưu tiên là gì ?

11 - Bạn muốn nói gì với cấp thẩm Giáo hội ?

Báo chí thường chỉ nói lên khía cạnh tiêu cực mà thiếu sự khách quan, còn có khuynh hướng chống lại Giáo hội, trong khi lại ngoảnh mặt làm ngơ không nói gì đến các lạm dụng trong các lãnh vực khác.

Lê Đình Thông
 
Quốc hội phải chấm dứt việc đối xử tàn nhẫn với hài cốt những trẻ bị phá thai, các Giám mục Hoa Kỳ nói
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
18:47 04/11/2019
Việc đối xử thiếu tôn trọng đối với hài cốt những trẻ bị phá thai do các bác sĩ phá thai, đòi hỏi hành động liên bang, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ tuyên bố trước khi báo cáo về các bác sĩ phá thai 'hành nghề đáng lo ngại”

“Cho dù bạn ủng hộ hay phản đối việc phá thai được hợp pháp hóa, tôi hy vọng bạn sẽ đồng ý rằng những cơ thể con người này không nên bị vứt bỏ một cách bừa bãi như chất thải y tế hoặc được bảo quản theo ý thích của bác sĩ phá thai, Tổng Giám mục Joseph F. Naumann của Kansas City, bang Kansas nói trong Thư ngày 31 tháng 10 gửi cho các thành viên Quốc hội. TGM Naumann, chủ tịch Ủy ban Giám mục Hoa Kỳ về các Hoạt động vì Sự sống, đã viết thư gửi Quốc hội để ủng hộ Đạo luật về Nhân phẩm Những trẻ bị Phá thai (Dignity for Aborted Children Act).

Luật pháp sẽ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phá thai phải vứt bỏ những hài cốt của những trẻ bị phá thai, như mọi người khác. Không làm như vậy có thể bị phạt tiền và bị giam tù đến năm năm, theo văn phòng của Thượng nghị sĩ Hoa kỳ Mike Braun (Cộng hòa - Indiana), là một người đồng tài trợ cho dự luật. Luật pháp cũng sẽ yêu cầu một hình thức đồng ý cho phép người mẹ lựa chọn hoặc giữ lại quyền sở hữu hài cố đứa con chưa sinh của mình hoặc cho phép nhà cung cấp hỏa táng hoặc can thiệp hài cốt của đứa trẻ chưa sinh. Không làm như vậy có thể dẫn đến hình phạt dân sự.

Bức thư của Tổng Giám mục đã kể lại “một cách ngắn gọn về thực tế đáng lo ngại của các bác sĩ phá thai giữ thai nhi.” Ngài trích dẫn việc phát hiện hơn 2.400 thi thể tại nhà của bác sĩ Ulrich Klopfer ở Illinois, người đã thực hiện phá thai ở Indiana. Naumann dẫn lời Tổng chưởng lý bang Indiana, ông Curtis Hill, nói: "Sự khám phá ghê gớm về những hài cốt thai nhi này tại nhà Illinois của một bác sĩ phá thai đã qua đời làm chấn động lương tâm.”

Klopfer đã thực hiện các sản khoa, dịch vụ phụ khoa và phá thai bằng phẫu thuật và y tế tại các phòng khám ở Fort Wayne, Gary và South Bend, Indiana. Ông được ước tính đã phá thai hơn 30.000 trẻ em trong khoảng thời gian bốn thập kỷ. Giấy phép y tế của ông đã bị bang Indiana đình chỉ vào năm 2015 và vô thời hạn vào năm 2016, sau khi nhiều khiếu nại được đưa ra chống lại ông.

Vài ngày sau khi Klopfer qua đời vào ngày 3 tháng 9, gia đình ông đã báo cho chính quyền quận Will, Illinois về việc phát hiện hài cốt thai nhi ở nơi cư trú của ông tại Illinois.

Phát hiện này đã thúc đẩy đổi mới tập trung vào các phòng khám phá thai và điều trị hài cốt. Giám mục Kevin Rhoades của Fort Wayne-South Bend đề nghị chôn cất hài cốt thai nhi tại một nghĩa trang Công Giáo trong giáo phận của ngài.

Thư của Naumann đã trích dẫn các vấn đề ở các vùng khác của đất nước. Các nhân viên của một chuyên gia phá thai ở Texas, bác sĩ Douglas Karpen đã làm chứng rằng ông thường xuyên vứt bỏ các bộ phận cơ thể trong nhà vệ sinh phòng khám. Chuyên gia phá thai ở Michigan, Michael Roth, “đã giữ các bộ phận cơ thể trong các lọ trong xe của ông”, Tổng Giám mục nói. Các phòng khám khác đã giữ các túi sinh học chứa đầy các bộ phận cơ thể trong tủ quần áo hoặc đã ném chúng vào thùng rác.

Sự ngược đãi như vậy cho thấy sự cần thiết phải có những luật đòi hỏi thay đổi, Tổng Giám mục nói. “Sự lịch sự cơ bản như vậy là phù hợp với cách đối xử của xã hội cho tất cả những người đã chết bao gồm xác chết, hiến tạng và mô, hài cốt vẫn được phục hồi sau những tai nạn đau thương, v.v.” ngài viết: “Như một quốc gia, ít nhất chúng ta có thể cùng đứng lên để đảm bảo tất cả hài cốt của con người được đối xử với phẩm giá cơ bản của con người.”

“Sự đối xử thiếu tôn trọng đối với hài cốt con người khiến mọi người ở mọi phía trong cuộc tranh luận phá thai, “khó chịu, buồn bã và tức giận”, Naumann nói thêm rằng mọi nền văn hóa và truyền thống tôn giáo, kể cả đạo Kitô Công Giáo, đều có phong tục về cách chăm sóc người chết.

“Đối với người Công Giáo, Giáo hội từ lâu đã dạy rằng 'cơ thể con người chia sẻ phẩm giá của “hình ảnh Thiên Chúa', rằng cơ thể chúng ta là một lời nhắc nhở về sự phục sinh của Chúa Giêsu và về sự phục sinh đó, mà chúng ta cũng sẽ trải qua sau khi chết, và chôn cất người chết được dạy là một trong bảy công việc thương xót về thân xác,” ngài giải thích. “Các niềm tin và hệ thống tín ngưỡng khác cũng cổ võ việc đối xử trang nghiêm đối với người quá cố và tôn trọng việc xử lý hài cốt của họ, ngài nói, cũng trích dẫn các quy định y tế và hướng dẫn đạo đức cho y học và khoa học cho thấy nhu cầu xã hội cần loại bỏ cơ thể con người một cách tôn trọng.

Đạo luật về Nhân phẩm Trẻ em bị Phá thai đã được giới thiệu tại Thượng viện Hoa Kỳ bởi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Mike Braun (Cộng hòa - Indiana). Nó được đồng tài trợ bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang Indiana của ông, là ông Todd Young và một số thượng nghị sĩ khác.

Dự luật được ủng hộ do bà Susan B. Anthony List, Diễn hành cho Sự sống,

Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, Quyền sống và Phụ nữ Quan tâm đến nước Mỹ.

Source: Catholic News Agency
 
Niềm vui và Hy vọng lớn lao cho đất nước Thái đang chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thanh Quảng sdb
19:24 04/11/2019
Niềm vui và Hy vọng lớn lao cho đất nước Thái đang chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô sửa soạn thực hiện chuyến tông du lần thứ 4 tới Á châu vào cuối tháng này. Hành trình tông du thứ 32 sắp tới của ngài sẽ diễn ra vào các ngày 20 đến 26 tháng 11, tới Thái Lan và Nhật Bản. Linh mục người Ý Rafaelle Sandonà, một nhà truyền giáo ở Thái Lan, cho hay ý nghĩa của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với đất nước này.
(Tác giả Luca Collodi – Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ viếng thăm Thái từ ngày 20 đến 23 tháng 11, sau đó, ngài bay đi Nhật Bản từ 23 đến 26 tháng 11, trước khi trở về Rome.

Giáo Hội Thái Lan
Đây sẽ là chuyến viếng thăm thứ hai của Đức Giáo Hoàng đến Thái Lan trong 35 năm, sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984. Khẩu hiệu của chuyến Tông du sắp tới là "Môn đệ của Chúa, Người môn đệ truyền giáo", để cử hành 350 năm thành lập Giáo phận Tông tòa Thái, đưiợc bắt đầu từ năm 1669, mở ra trang sử Giáo hội của đất nước này.
Người Công Giáo tại Thái có một thiểu số rất nhỏ chỉ có 0,5% trong một dân số là 68 triệu người Thái mà hơn 90% dân chúng theo đạo Phật. Hồi giáo chiếm hơn 4% và những người tin vào Chúa Kitô có khoảng 1%. Trong 350 năm qua, Giáo hội đã phát triển thành 11 giáo phận với khoảng 390.000 người Công Giáo.
Giáo phận Chiang Mai
Giáo phận Chiang Mai, ở miền bắc Thái Lan, được thành lập vào tháng 11 năm 1959 do một số linh mục của tổ chức “Fidei donum” từ Ý đến rao giảng Tin mừng tại Chae Hom và Lamphun trong nhiều năm qua.
Tổ chức Fidei donum (món quà đức tin), được chào đời vào năm 1957 do Đức Thánh Cha Piô XII thành lập, Ngài mời gọi các giám mục không chỉ nâng đỡ nhau qua tâm tình cầu nguyện mà còn qua các phương tiện khác thiết thực hơn như là gửi các linh mục của Giáo phận mình tới truyền giáo tại các nước khác.

Tại thí điểm truyền giáo Chae Hom, nơi thu mua và tiêu thụ các sản phẩm thủ công địa phương, hầu giúp cho các bộ lạc và đồng bào thiểu số rải rác trong các vùng núi đồi có nước sạch để uống, cung cấp thuốc men y tế và các phương tiện giáo dục.

Dấn thân cho niềm tin và sự hiệp nhất của Giáo hội
Cha Raffaele Sandonà, một linh mục của tổ chức Fidei donum, ngài xuút thân từ Giáo phận Padua nước Ý, đã làm việc ở Thái Lan được 10 năm nay cho Đài phát thanh Vatican hay chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ kiện cường niềm tin cho người Công Giáo tại quốc gia này và thúc đẩy sự đối thoại liên tôn với thế giới Phật giáo.
Cha Sandona cho hay sau 35 năm chuyến viếng thăm của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội Thái đang trông chờ rất nhiều kỳ vọng và phấn kích lớn lao từ chuyến tông du này của Đức Thánh Cha Phanxicô, nó nối kết Giáo hội địa phương nên một với Giáo hội hoàn vũ. Đây là lý do tại sao chuyến tông du này quan trọng đối với cộng đồng Giáo Hội Công Giáo nhỏ bé của đất nước này.
Cha Sandona cũng nêu lên rằng chưa có một mối quan hệ chính thức nào giữa Kitô giáo và quốc gia mà Phật giáo là quốc giáo này và phần đa dân số là Phật giáo. Tuy nhiên, các mối giao hảo với các Phật tử trong cuộc sống hàng ngày thì rất bình thản và hài hòa giữa cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé trong một đất nước mà Phật giáo là quốc giáo này! Cha cũng cho hay đôi bên có những hợp tác xây dựng qua nhiều dự án chung.

Mong ước của Đức Thánh Cha Phanxicô là hòa bình và yêu thương
Cha Sandonà cho hay chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô này có một tầm mức rất quan trọng vì ngoài các cuộc họp đại kết; Đức Thánh Cha Phanxicô còn đề ra một số dự án rất đặc trưng của triều đại Giáo hoàng của Ngài. Ở tại một đất nước mà ít người nói về Đức Thánh Cha, về Giáo Hội Công Giáo Vatican… Nhưng giờ đây họ bàn luận và quan tâm nhiều tới Giáo Hội Công Giáo và chuyến tông du của Đức Thánh Cha như là một sứ giả khiêm hạ của hòa bình.
Do đó, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một bước tiến tốt cho việc đối thoại giữa các tôn giáo hầu tạo cho Giáo hội Thái Lan một sức mạnh làm chứng tá cho việc xây dựng hòa bình và yêu thương.
Về lãnh vự này cha Sondonà còn cho hay bài hát chủ đề trong cuộc tông du này nói lên tình yêu như là một nhịp cầu nối kết mọi người lại với nhau…
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân Lộc: Đức Giám Mục Giáo Phận dâng Thánh Lễ mừng kính Thánh Martin tại Đền Thánh Martin, Hố Nai – Biên Hòa
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
10:05 04/11/2019
Vào lúc 19g30, ngày Lễ Kính Martin 3/11, sau phần diễn nguyện, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo Phận đã dâng Thánh Lễ kết thúc ngày Đại Lễ mừng kính Thánh Nhân tại Đền Thánh Martin, Hố Nai – Biên Hòa.“Cầu nguyện cho người trẻ” là ý nguyện được dâng trong Thánh Lễ cuối cùng của ngày Đại Lễ Kính Thánh Martin, sau 5 Thánh Lễ đã được cử hành trong ngày Đại Lễ này.

Cùng đồng tế với Đức Giám Mục Giáo phận trong Thánh Lễ có sự hiện diện của Cha Phaolô Nguyễn Trọng Xuân- Quản Hạt Giáo Hạt Hòa Thanh, Cha Giuse Hà Đăng Định- Chánh xứ Giáo xứ Thánh Tâm, Cha Px Bùi Quang Thảnh- Bề Trên Tu viện Martin, và quý cha Dòng Đa Minh. Cùng hiệp thông với Thánh Lễ Đức Cha cử hành có các tu sĩ nam nữ, và nhất là hàng chục ngàn anh chị em tín hữu, mà trong đó, rất nhiều anh chị em thuộc tôn giáo bạn cũng đến tham dự.

Xem Hình

Dù số lượng người rất đông nhưng sự trang nghiêm không giảm sút, trái lại như càng tăng thêm cùng vớiniềm hân hoan, sự sốt mến, tựa như hơi nóng sức mạnh tình yêu tỏa lan trong tâm hồn mỗi người khi họ cùng nhau dâng lên Thiên Chúa vì lòng yêu mến Thánh Martin, vị Thánh củalòng bác ái và sự khiêm nhường. Vì thế, ngay trong lời mời gọi phần nhập lễ, Đức Giám Mục Giáo phận đã khẩn nài cộng đoàn cùng hiệp thông với nhau trong ý nguyện khẩn xin của mỗi cá nhân, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa và tin tưởng Ngài đang lắng nghe lời khấn van tha thiết của từng người qua lời bầu cử của Thánh Martin.

“Tại sao trong ngày Đại Lễ Kính Thánh Martin, dù đó là một vị Thánh đã sống cách chúng ta hàng trăm năm, ở xa chúng ta, nhưng cho đến ngày hôm nay, chúng ta và biết bao người vẫn bị cuốn hút để đến với Thánh Martin, ngay tại nơi này? Điều gì nơi Thánh Martin đã cuốn hút, đã lôi kéo chúng ta?” Soi dẫn dưới ánh sáng Lời Chúa từ các bài đọc phụng vụ, Đức Giám Mục Giáo phận đã suy tư về ba điểm nổi bật trong tình yêu của Thánh Martino –một tình yêu đã lôi cuốn, đã hấp dẫn biết bao người đến với ngài, vượt không gian và thời gian. Đó là một tình yêu được bắt nguồn, ăn rễ sâu trong đời sống cầu nguyện. Chính những giờ cầu nguyện với Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của Thánh Martin có sức mạnh, lan tỏa đến người khác và cả với thú vật. Đó là một tình yêu luôn đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, nên Thánh nhân có thể đón nhận sự khinh bỉ của người khác bằng sự tin tưởng vào Thiên Chúa, bằng sự khiêm nhường với tha nhân và không thù hận người khác khi bị người khác coi thường về nhân thân của ngài – đứa con ngoại hôn, bị cha lạnh nhạt bỏ rơi. Và đó là một tình yêu tinh tuyền, thoát vượt lên trên những gì thuộc thế gian. Chính tình yêu tinh tuyền này đã làm cho Thánh Martin có thể yêu hết mọi người, bao gồm cả những người đau khổ, hoặc ai đó gây đau khổ cho mình, để có thể đi vào tận bên trong tâm hồn của con người, vượt qua không gian và thời gian.

Không chỉ dừng lại ở cái nhìn chiêm ngắm những vẻ đẹp tình yêu nơi Thánh Martin, Đức Giám Mục Giáo phận còn thêm rằng “Thánh Martin đang mời gọi chúng ta hãy có một tình yêu tinh tuyền như Người, một tình yêu vượt qua mọi nơi, mọi thời đại. Bởi đó là một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, một tình yêu mang tính thần linh, cùng với sức mạnh thần linh. Và như vậy, chúng ta sẽ làm cho Giáo phận Xuân Lộc, cho Giáo Hội Việt Nam và cho cả đất nước Việt Nam này được hạnh phúc.” Kết thúc bài giảng, Đức Cha mời gọi mọi người “Xin anh chị em hãy là những Martin mới trong thời đại xã hội hôm nay.”

Đặc biệt với người trẻ - trong huấn từ trước khi kết thúc Thánh Lễ- Đức Giám Mục Giáo phận đã nhắc lại chủ đề mục của Giáo phận “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”, cũng như hành trình làm cho Giáo Phận trở thành thánh địa của lòng thương xót. Đức Cha tha thiết mời gọi những người trẻ “Các con hãy xin Chúa mở đôi tai, đôi mắt của tâm hồn các con, để các con có thể nhìn thấy, nghe được, cảm được, hiểu được nỗi đau khổ của người khác, của gia đình khác. Nếu được như vậy, sẽ chẳng còn một ai, hay một gia đình nào cảm thấy mình bị cô đơn ngay trong khó khăn, đau khổ mà họ đang phải đối diện.” Đức Giám Mục cũng lưu ý, chỉ ra cho mọi người, nhất là giới trẻ, những đối tượng cần được cộng đoàn quan tâm và giúp đỡ. Họ là những anh chị em di dân, những người, gia đình lương dân đang sống, làm việc, buôn bán xung quanh mình. Những anh chị em này cần nhận ra được lòng thương xót củaThiên Chúa qua chính cách sống và yêu thương của người giáo dân trong Giáo phận Xuân Lộc.

Quả là một Thánh Lễ linh thánh và rất ý nghĩa về nhiều phương diện. Không chỉ là Thánh Lễ với muôn vàn ơn phúc của Thiên Chúa ban xuống cho mọi người, nhưng còn là Thánh Lễ của niềm vui, hân hoan lời tụng ca, tôn vinh Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội và mọi người một vị Thánh gần gũi với người nghèo, bệnh nhân và những ai đang đau khổ. Để rồi ai nấy đều cảm thấy mình được tăng thêm niềm tin tưởng vào Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Martin.Và với Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam nói chung và Tu viện Martin, Hố Nai, Biên Hòa nói riêng, đó là một ngày Đại Lễ Kính Thánh Martino với thật nhiều hồng ân của Thiên Chúa.

Trong ngày Đại Lễ mừng kính Thánh Martin hôm 3/11/2019, đã có 6 Thánh Lễ được cử hành. Lễ nhất vào lúc 5g00do Cha Px Bùi Quang Thảnh, Bề Trên Tu Viện Martin cử hành, với ý nguyện “Cầu cho Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và Tu viện Martin”. Tiếp sau đó, Thánh Lễ thứ hai được cử hành vào lúc 7g30 do Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn chủ sự với ý nguyện “Cầu bình an cho các gia đình”.Thánh Lễ lúc 10g00 “Cầu nguyện cho Giáo phận và khách hành hương” do Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, nguyên Giám Mục Giáo phận Đà Lạt chủ tế. 14g30, một Thánh Lễ nữa được cử hành với hàng ngàn người tham dự, cho dẫu cái nắng nóng của đầu giờ chiều vẫn không làm giảm đi sự sốt sắng, đạo đức của người tín hữu tham dự. Đây là Thánh Lễ thứ tư do Cha Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, Phụ tá Giám Tỉnh của Tỉnh Dòng Đa Minh chủ tế với ý nguyện cầu cho“Các bệnh nhân và những người nghèo khổ”. Thánh Lễ thứ năm lúc 16g30 do Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám Mục Giáo phận Long Xuyên chủ tế cầu nguyện cho “ Linh mục, tu sĩ và việc truyền giáo”. Và Thánh Lễ thứ sáu lúc 19g30 do Đức Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc cử hành với ý nguyện “Cầu nguyện cho người trẻ”.

Đã từ lâu, cứ đến ngày 3/11 -Đại Lễ Kính Thánh Martino hằng năm, Đền Thánh Martin tại Tu viện Martin, Hố Nai, Biên Hòa này luôn là nơi đón tiếp hằng trăm ngàn khách hành hương đến kính viếng Vị Thánh da đen, để cầu khấn, xin ơn và tham dự các Thánh Lễ. Không chỉ là những tín hữu Công Giáo, nhưng còn có biết bao nhiêu khách hành hương đến nơi đây là những anh chị em thuộc tôn giáo bạn từ khắp nơi cũng tuốn đến. Vì thế, con số khách hành hương đến đây trong ngày 3/11/2019 này đã ước tính được khoảng 100.000 người.Do đó, trước khi ban phép lành cuối lễ, trong vai trò chủ chăn Giáo phận, nơi có Tu viện Martin – Dòng Đa Minh đang hoạt động phục vụ,Đức Giám Mục Giáo phận đã ngỏ lời cám ơn sự phục vụ của quý cha, quý thầy nơi Đền Thánh này, để nhờ đó, biết bao người được lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa.

Tạ ơn Chúa vì biết bao hồng ân của Ngài tuôn đổ xuống trên mọi tâm hồn khao khát tìm kiếm Chúa. Cầu xin Thánh Martino nguyện cầu thay giúp cho chúng con.

Tin, ảnh : Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm 2019 tại Seattle.
Nguyễn An Quý
18:43 04/11/2019
Tuwila. Hôm nay Chúa Nhật đầu tháng 11, một buổi sáng thật đẹp trời với ánh nắng dịu dàng, ngoài trời không mấy lạnh, dọc theo những con đường dẫn vào nhà thờ với những hàng cây rũ bóng lá vàng, báo hiệu mùa thu đến. Tháng 11 cũng là tháng Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ đến các linh hồn lại gợi nhớ cho nhiều người Việt Nam hồi tưởng lại biến cố đầy đau thương tại miền Nam Việt Nam của cái gọi là cuộc đảo chánh năm 1963. Hồi tưởng lại biến cố đầy đau thương này, hàng năm giáo xứ CTTĐVN thường cử hành lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của Nguời, cũng là dịp cầu nguyện cho Quân, Dân, Cán, Chính VNCH trong nghi thức tưởng niệm và thánh lễ cầu nguyện vào lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật ngày 03 tháng 11 năm 2019.

Xem Hình

Đúng 11 giờ 30, vị đại diện ban tổ chức mở đầu: Trân trọng kính chào quý quan khách và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, hôm nay giáo xứ CTTĐVN long trọng cử hảnh lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của Người . Chương trình gồm phần nghi thức tưởng niệm và thánh lễ cầu nguyện cho cố Tổng Thống và bào đệ của Tổng Thống cùng các chiến sĩ VNCH đã hy sinh để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Mở đầu chương trình, trân trọng kính mời anh Nguyễn Quân lên đọc bài diễn từ tưởng niệm. Anh Nguyễn Quân tiến đên vị trí đọc diễn từ:

Kính thưa qúy vị quan khách, và toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Hôm nay Giáo xứ CTTĐVN thuộc Tổng Giáo Phận Seattle cử hành lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của Người, và cùng cầu nguyện cho các quân, dân, cán, chính VNCH đã hy sinh cho lý tưởng tự do và nhất là cầu nguyyện cho quê hương Việt Nam sớm được hưỏng một nền công lý và hoà bình đích thực.

Kính thưa quý vị, hàng năm cứ đến tháng 11, tháng giáo hội hướng đến việc cầu nguyện cho Các Đẳng linh hồn, người Việt Quốc Gia khắp nơi trên thế giới lại tưởng nhớ đến cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa đã bị thảm sát trong biến cố 1963 cùng với bào đệ của Người. Cử hành lễ Tưởng Niệm là để cầu nguyện cho các ngài cũng như cầu nguyện cho các chiến sĩ VNCH.

Kính thưa qúy vị, Cố Tổng Thống Ngô Đinh Diệm lúc thiếu thời, được theo học dưới sự dạy dỗ của một vị cha tinh thần nổi tiếng về kiến thức uyên bác, cũng như đức độ và lòng yêu nước: Đó là Quận Công Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thư dưới triều vua Duy Tân. Ngài là vị đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Thời đó người dân Huế vì lòng cảm phục nên đã có phương ngôn: “Đày vua không Khả. Đào mả không Bài ”. Ngô Đình Khả là thân phụ của cố Tổng Thống Diệm. Ngoài việc hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn của thân phụ và nghĩa phụ, cụ Diệm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Thực vậy, tinh thần Nho Giáo đã hun đúc cụ Diệm thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực thì nền giáo dục Thiên Chúa Giáo đã đào tạo cụ thành một con người giàu lòng bác ái, vị tha và công chính. Do ảnh hưởng của nền giáo dục đó nên khi nhận lãnh trách nhiệm điều hành đất nước, ngài là một vị Tổng Thống yêu nước, ngài đã kiên cường tranh đấu để bảo vệ nền tự do , độc lập của dân tộc , người luôn đặt quyền lợi tổ quốc trên hết, nhưng rồi vận nước đến, Người đã bị sát hại một cách bi thương trong biến cố của cái goi là cuộc đảo chánh năm 1963 cùng với bào đệ của Người.

Kính thưa quý vị , 56 năm trôi qua, một khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, theo dòng thời gian, nhiều tài liệu lịch sử đã xác minh về sự thật bi thương của cuộc đảo chánh này vì tự nó đã không mang lại lợi ích gì cho Miền Nam VN, mà còn gây nên hệ lụy đưa miền Nam đến thảm họa của biến cố 30 tháng 4 năm 1975, lịch sử cũng đã làm sáng ngời về đức hạnh và lòng yêu nước của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hôm nay, nhân ngày tửơng niệm cố Tồng Thống Ngô Đinh Diệm và bào đệ của Người, chúng ta cùng cầu nguyện cho các ngài cùng các Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh cho đại nghĩa, cho các đồng bào ruột thịt đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự do, và tất cả các anh hùng vị quốc vong thân qua các thời đại . Nhất là xin Chúa đoái thương ban cho quê hương Việt Nam sớm thoát khỏi nạn cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình. Tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng là dịp để các thế hệ trẻ nhận biết lòng yêu nước của vị Tổng Thống đầu tiên tại Miền Nam Việt Nam.

Bài diễn từ diẽn từ khá cảm động qua giọng đọc truyền cảm của anh Nguyễn Quân đã khiến nhiều người xúc động. Sau bài diễn từ, tiếng kèn của khúc nhạc truy điệu được trổi lên đã đưa cộng đoàn hiện diện đi vào giây phút thiêng liêng trong tâm tình cầu nguyện với nổi bùi ngùi khi hồi tưởng đến cái chết thê thảm của cố Tổng Thống. Phút truy điệu vừa dứt, MC nói: Xin ba hồi chiêng trống. Ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng thêm sự long trọng của buổi tưởng niệm đầy thiêng liêng theo truyền thống hồn Việt.

Ba hồi chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ. Nghi đoàn cùng với linh mục đoàn đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn. Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế Thánh Lễ cùng đồng tế có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân. Bài ca nhập lễ vừa dứt , vị MC nói: trân trọng kính mời quý cha tiến đến vị trí dâng hương. Hương được trao cho quý cha, từ ca đoàn với giọng đọc lời dẫn niệm hương khá cảm động: Hương trầm trên tay Quý cha, là niềm tri ân dạt dào, là lời cảm tạ bao hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng con được sống trong một đất nước tự do. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng con cầu xin Chúa ban cho quê hương Việt nam sớm chấm dứt nạn cộng sản vô thần. Xin cho toàn dân Việt được ơn can đảm để cùng nhau bảo vệ đất nước trước nạn xâm lăng của Tàu cộng.

Sau lời dẫn quý cha đã cung kính dâng hương trước di ảnh của cố Tổng Thổng cùng với tiếng hát từ ca đoàn vang lên trầm bổng theo cung điệu khấn bái: "Hương trầm tỏa bay lên trước Thiên Nhan " với 3 tiêng chiêng trống vọng điểm theo tiếng hát.

Tiếp đến là đại diện các Hội Đoàn dâng hương với lời dẫn : "Nén hương mà đại diện các đoàn thể dâng lên, để niệm nhớ và tri ân cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Bào Đệ của người, niệm nhớ các anh hùng vị quốc vong thân, các chiến sĩ VNCH và đồng minh đã chết để bảo vệ miền Nam Việt Nam, niệm nhớ những vị đã chết trong các trại tù cộng sản, và tất cả đồng bào ruột thịt đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự do, xin cho tất cả được an nghỉ nơi nước Chúa."

Buổi niệm hương đã diễn ra trong nghi lễ khá trang trọng khi từng toán dâng hương với lời ca: "Hương trầm tỏa bay lên trước Thiên Nhan" cùng với tiếng chiêng trống điểm hồi đã làm tăng thêm phẩn long trọng của buổi tưởng niệm đầy cảm động.

Kết thúc phần niệm hương, vị MC nói: phần dâng hương kết thúc trân trọng kính cám ơn quý cha và quý vị, giờ thánh lễ bắt đầu.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: "Hôm nay cùng với Giáo Hội mừng Chúa Nhật 31 thường niên, đặc biệt giáo xứ cùng hướng về việc tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm để cùng cầu nguyện cho linh hồn GioanBaotixia Ngô Đình Diệm và bào đệ cùa ngài là Giacôbê Ngô Đình Nhu, cũng như cầu nguyện cho các chiến sĩ VNCH và cầu nguyện cho quê hương Việt Nam, trong thánh lễ có quý cha cùng đồng tế, và có sự hiện diện của quý vị quan khách đại diện các Hội Đoàn và toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ hiện diện, cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau "( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu ).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật 31 Thường Niên. Tin mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ Giakêu qua việc Chúa báo cho Giakêu biết : Giakêu, hôm nay ta lưu lại tại nhà ngươi với câu chuyện như sau: "Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ: trong bài giảng, ngài nhấn mạnh về lòng tin của Giakêu là người thu thuế đã mong được gặp Chúa và Chúa đã đoái nhìn anh trong sự yêu thương qua lòng thành của Giakêu, ngài đã đến nhà của Giakêu với lời tuyên bố: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất". Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết tìm gặp Chúa một cách chân thật như Giakêu để được Chúa đoái thương" khi đề cập đến cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ngài nói : cố Tổng Thống Ngô Đinh Diệm cũng sống một cuộc sống với một niềm tin sắt son vào Chúa, hàng ngày ngài thường xuyên cầu nguyện và luôn sống tín thác vào Chúa. Cố Tổng Thống đã thực sự là một vị Tổng Thống yêu nước . Hôm nay chúng ta cử hành lễ tưỏng niệm để tưởng nhớ đến vị Tổng Thống của nền Đệ Nhất Cộng Hoà, một vị Tổng Thống yêu nước và cùng cầu nguyện cho bào đệ của Tổng Thống cũng như tất cả các chiến sĩ VNCH và cùng cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm được tự do dân chủ..."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Lễ với đoàn Dâng Lễ Vật khá trang trọng .

Thánh lễ đưọc kết thúc lúc 12 giờ 45 phút. Mọi người chia tay ra vể trong tâm tình cầu nguyện. Nhiều vị đã đến chụp hình lưu niệm trước bàn thờ cố Tổng Thống.

Nguyễn An Quý
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời trong năm qua
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:27 04/11/2019
Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Hai 4 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 13 Hồng Y, và 156 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong số các vị đặc biệt có Đức Hồng Y Roger Etchegaray được coi là một đại ân nhân của Giáo Hội Việt Nam qua đời ngày 4 tháng 9 vừa qua.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của hơn 1,000 tín hữu. Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc hồi tháng Ba năm ngoái 2018.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Các bài đọc chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đến thế giới này để được sống lại; chúng ta không được sinh ra cho cái chết nhưng cho sự phục sinh. Như Thánh Phaolô viết trong bài đọc thứ hai, ngay cả bây giờ “chúng ta đã có quyền công dân trên trời” (Phil 3:20) và, như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, chúng ta sẽ được sống lại vào ngày sau hết (x Ga 6:40). Đó cũng là cùng một ý tưởng về sự sống lại được nêu trong bài đọc thứ nhất đã khiến Ông Giuđa Macabêô làm “một điều tuyệt vời và cao quý” (2 Mac 12:43). Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: ý nghĩ về sự phục sinh ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Làm thế nào để đáp lại lời mời gọi được sống lại?

Trước hết, chúng ta được sự trợ giúp từ Chúa Giêsu, Đấng trong Tin Mừng hôm nay cho biết: “Tất cả những ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37). Lời mời gọi của Chúa là: “Hãy đến với Ta” (x. Mt 11:28). Đến với Chúa Giêsu, Đấng hằng sống, để được miễn nhiễm khỏi cái chết, khỏi nỗi sợ rằng mọi thứ sẽ kết thúc. Hãy đến với Chúa Giêsu: điều này có vẻ như một sự hô hào tâm linh chung chung và thậm chí là tầm thường. Nhưng chúng ta hãy cố gắng làm cho điều đó trở nên cụ thể bằng cách đặt ra một vài câu hỏi. Hôm nay, trong các hồ sơ mà tôi giải quyết trong văn phòng, tôi có đến gần Chúa hơn không? Tôi có làm cho chúng trở nên một cơ hội để thưa chuyện với Ngài không? Trong những người mà tôi đã gặp, tôi có liên hệ đến Chúa Giêsu không? Tôi có mang những người ấy đến với Chúa trong lời cầu nguyện của mình không? Hay tôi đã làm mọi thứ trong khi chỉ nghĩ đến những mối quan tâm của mình, chỉ vui mừng vì những điều tốt đẹp dành cho tôi và phàn nàn về những điều không thành công? Nói một cách dễ hiểu, tôi đã sống một ngày của mình để đến với Chúa, hay tôi chỉ đơn giản là quay cuồng xung quanh mình? Và tôi đang đi đâu? Phải chăng tôi chỉ lo làm mọi cách để tạo ấn tượng tốt, để bảo vệ vai trò, lịch trình và thời gian rảnh của mình? Hay tôi đến với Chúa?

Những lời của Chúa Giêsu thật đánh động: “Tất cả những ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài”. Những lời ấy như muốn nói rằng bất kỳ Kitô hữu nào không đến với Ngài sẽ bị loại bỏ. Đối với các tín hữu, không có sự mập mờ lưng chừng. Chúng ta không thể vừa thuộc về Chúa Giêsu lại vừa quay cuồng xung quanh chúng ta. Những người thuộc về Chúa Giêsu sống bằng cách liên tục tiến ra từ chính chúng ta và hướng về Người.

Cuộc sống tự nó không ngừng tiến ra: từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi chúng ta chào đời, từ tuổi ấu thơ đến tuổi thiếu niên, từ tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành, v.v., cho đến ngày chúng ta giã từ thế giới này. Hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục là những người đã giã từ cuộc sống này để gặp gỡ Chúa Phục Sinh của chúng ta, chúng ta không thể quên điều quan trọng nhất và khó khăn là “đi ra”, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả những điều khác: đó là ra khỏi chính bản thân của chúng ta. Chỉ khi ra khỏi chính mình, chúng ta mới mở được cánh cửa dẫn đến Chúa. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này: “Lạy Chúa, con muốn đến với Chúa mỗi ngày, trên mọi nẻo đường và cùng với những người bạn đồng hành của con. Xin giúp con ra khỏi bản thân mình để đi về phía Chúa, vì chính Chúa là sự sống”.

Tôi muốn đề xuất một ý nghĩ thứ hai, về sự sống lại, rút ra từ bài đọc thứ nhất về “điều cao quý” mà Ông Giuđa Macabêô đã làm cho những người đã chết. Chúng ta biết ông đã làm điều đó bởi vì “ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức” (2 Mac 12:45). Tinh thần đạo đức, lòng đạo hạnh, được ban thưởng trọng hậu. Lòng đạo đức đối với người khác mở ra cánh cửa vĩnh cửu. Cúi xuống trên những người túng quẫn để phục vụ họ là chúng ta đang bước trên đường lên thiên đàng. Thánh Phaolô nói: “tình yêu không bao giờ kết thúc” (1 Cor 13: 8), như thế chính tình yêu là cầu nối giữa trời và đất. Chúng ta có thể tự hỏi mình có đang tiến lên dọc theo cây cầu này không. Tôi có để mình bị xúc động trước tình huống của người túng cùng không? Tôi có thể khóc với những người đang đau khổ không? Tôi có cầu nguyện cho những người không ai nghĩ đến không? Tôi có giúp cho những ai không có gì để trả lại cho tôi không? Đây không phải là tình cảm bồng bột nhất thời hay việc tham gia vào các hoạt động bác ái nhỏ nhoi; nhưng đó là những vấn đề của đời người, những vấn đề liên quan đến sự phục sinh.

Cuối cùng, tôi muốn đưa ra một ý nghĩ thứ ba về sự phục sinh. Tôi trích từ Sách Linh Thao, trong đó Thánh Y Nhã đề nghị rằng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, chúng ta nên tưởng tượng mình đứng trước mặt Chúa vào ngày chung thẩm. Đó là khoảnh khắc cuối cùng và không thể tránh khỏi, một điều mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt. Mỗi quyết định trong cuộc sống, nhìn từ quan điểm đó, sẽ được định hướng tốt, vì nó gần với sự phục sinh hơn, là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chúng ta. Khi sự ra đi được cân nhắc bởi mục tiêu, sự hoạch định được đánh giá bằng kết quả thu hoạch, thì khi đó cuộc sống được đánh giá tốt nhất bằng cách bắt đầu từ chung cuộc và mục đích của nó. Thánh Y Nhã viết: “Tôi hãy nghĩ đến bản thân mình như đang đứng trước sự hiện diện của Ðấng phán xét tôi vào ngày sau hết, và suy tư về những quyết định mà tôi muốn đưa ra trước vấn đề hiện nay; và giờ đây tôi sẽ chọn đó là quy tắc của cuộc sống, mà tôi sẽ tuân giữ trọn đời” (Linh Thao, 187). Đó có thể là một thực hành hữu ích khi chúng ta nhìn thực tại qua đôi mắt của Chúa chứ không chỉ qua đôi mắt của chính chúng ta; nhìn đến tương lai, và sự phục sinh chứ không chỉ đến hiện tại đang qua đi này; và đưa ra những lựa chọn có hương vị vĩnh cửu, và hương vị của tình yêu.

Tôi có đi ra khỏi chính mình mỗi ngày để đến với Chúa không? Tôi có cảm nhận và thực hàng lòng bác ái đối với những người đang trong tình trạng quẫn bách không? Tôi có đưa ra quyết định quan trọng trong tầm nhìn của Thiên Chúa không? Chúng ta hãy để bản thân mình được thử thách ít nhất bởi một trong ba suy nghĩ này. Chúng ta sẽ trở nên hài hòa hơn với ước muốn mà Chúa Giêsu thể hiện trong Tin Mừng hôm nay: rằng Người không muốn để mất một ai trong tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Ngài (x. Ga 6:39). Giữa rất nhiều tiếng nói trần tục đang khiến chúng ta quên đi ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta hãy trở nên hiệp một lòng một ý với thánh ý Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh và hằng sống. Như thế, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta ngày nay là một rạng đông của sự phục sinh.


Source: Libreria Editrice Vaticana